🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thế Giới Ngầm Của Ripley - Patricia Highsmith
Ebooks
Nhóm Zalo
Gửi tới hai vị hàng xóm Ba Lan, Agnès và Georges Barylski, những người bạn ở nước Pháp của tôi, 77*
Tôi nghĩ mình sẵn sàng hy sinh vì những gì tôi không tin hơn là vì những gì tôi đặt trọn niềm tin… Thỉnh thoảng tôi lại nghĩ cuộc đời nghệ sĩ là một hành trình tự sát dài đằng đẵng và dễ chịu, tôi cũng không hề thấy hối tiếc vì điều đó.
Oscar Wilde trong các bức thư cá nhân của mình.
CHƯƠNG 1
K
hi điện thoại reo, Tom đang ở ngoài vườn. Anh để cho bà Annette, quản gia của anh nghe máy, còn mình tiếp tục cạo lớp rêu ẩm ướt bám chặt lấy hai bên bậc thềm đá. Tháng Mười năm đó khá ẩm ướt.
“Thưa anh Tome!” Giọng the thé của bà Annette réo lên. “Luân Đôn gọi!”
“Đến đây,” Tom trả lời. Anh quẳng cái bay xuống và đi lên thềm. Điện thoại dưới tầng ở trong phòng khách. Tom không thể ngồi xuống chiếc sô-pha vàng bọc xa-tanh vì anh đang mặc đồ Levi’s. “Xin chào, Tom. Jeff Constant đây. Anh đã…” rè…
“Anh nói to hơn một chút được không? Đường truyền kém quá.” “Thế này đã rõ hơn chưa? Tôi vẫn nghe rõ tiếng anh nói mà.” Mấy người ở Luân Đôn lúc nào cũng vậy. “Chỉ đỡ hơn chút thôi.” “Anh đã nhận được thư của tôi chưa?”
“Chưa,” Tom nói.
“Ôi. Chúng ta gặp rắc rối rồi. Tôi muốn cảnh báo cho anh. Có một…”
Rè rè, tắc bụp, một tiếng tích buồn tẻ, và họ đã mất kết nối.
“Chết tiệt,” Tom làu bàu. Cảnh báo cho anh? Có gì không ổn ở phòng triển lãm chắc? Với công ty trách nhiệm hữu hạn Derwatt? Cảnh báo cho anh? Tom có liên đới sâu đâu nhỉ. Đúng là anh đã vẽ ra ý tưởng về công ty đó, và anh cũng thu được một khoản thu nhập nhỏ từ nó, nhưng… Tom liếc điện thoại, đợi nó reo bất kỳ lúc nào. Hay anh nên gọi cho Jeff nhỉ? Thôi, anh nào có biết anh ta đang ở phòng triển lãm hay ở studio đâu. Jeff Constant là một nhiếp ảnh gia.
Tom tiến lại gần ô cửa sổ kiểu Pháp mở ra vườn sau. Anh nghĩ chắc mình sẽ tiếp tục cạo rêu thêm một chút nữa. Tom làm vườn thường xuyên, và anh thích dành một tiếng mỗi ngày cho việc đó, cắt cỏ bằng máy cắt cỏ đẩy tay, cào và đốt cành cây khô, nhổ cỏ dại. Đó là hoạt động rèn luyện sức khoẻ, và anh còn có thể mơ màng giữa ban ngày ban mặt. Anh chỉ vừa mới sờ tay đến cái bay thì điện thoại lại reo lên ầm ĩ.
Bà Annette đang tiến vào phòng khách, tay cầm một cái phất trần. Bà ta lùn tịt và rắn chắc, tầm sáu mươi tuổi, cũng khá hăng hái. Bà ta chẳng biết một từ tiếng Anh nào và có vẻ cũng chẳng đủ sức học dù chỉ là câu chào buổi sáng, một việc khiến Tom hết sức hài lòng.
“Tôi sẽ nghe máy,” anh nói và nhấc điện thoại lên.
“Xin chào.” Giọng Jeff vang lên. “Xem này, Tom, không biết anh có tới đây được không nhỉ. Tới Luân Đôn ấy, tôi…”
“Anh làm sao?” Đường truyền vẫn kém, nhưng không quá chập chờn như lúc trước.
“Tôi vừa nói… Tôi đã giải thích cặn kẽ trong thư rồi. Tôi không thể nói được ở đây. Nhưng chuyện này quan trọng lắm đấy, Tom.” “Có ai phạm sai lầm gì à?… Bernard à?”
“Xét theo một khía cạnh nào đó thì đúng là vậy. Có một người từ New York đến đây, chắc mai sẽ tới.”
“Ai thế?”
“Tôi đã giải thích trong thư rồi đấy. Anh biết là buổi triển lãm của Derwatt sẽ khai mạc vào thứ Ba đúng không. Tôi sẽ giữ ông ta lại cho tới hôm đó. Ed và tôi đơn giản là không rảnh.” Giọng Jeff nghe có vẻ khá bất an. “Anh có thời gian không, Tom?”
“À… có.” Nhưng Tom không muốn tới Luân Đôn.
“Cố giấu Heloise nhé. Việc anh đến Luân Đôn ấy.”
“Heloise đang ở Hy Lạp rồi.”
“Ôi, thế thì tốt quá.” Biểu hiện nhẹ nhõm đầu tiên xuất hiện trong giọng nói của Jeff.
Bức thư của Jeff đến vào khoảng năm giờ chiều hôm đó, gửi hỏa tốc.
104 Charles Place
N.W.8
Tom thân mến,
Buổi triển lãm Derwatt mới sẽ được khai mạc vào thứ Ba, ngày 15, buổi triển lãm đầu tiên của anh ta trong hai năm trở lại đây. Bernard có mười chín bức tranh sơn dầu mới và chúng tôi cũng mượn lại được vài bức tranh khác. Giờ là đến tin xấu đây.
Có một người Mỹ tên là Thomas Murchison, không phải là người môi giới mà là một nhà sưu tập - đã về hưu với cả gia tài. Ông ta đã mua một bức tranh Derwatt từ chỗ chúng ta cách đây ba năm. Ông ta so sánh nó với một bức Derwatt ra đời sớm hơn mà ông ta thấy ở nước Mỹ và giờ quả quyết bức tranh của mình là đồ giả. Tất nhiên là như vậy, không sai, vì đó là tranh Bernard vẽ mà. Ông ta đã gửi thư tới Buckmaster Gallery (tới tôi) nói rằng ông ta nghĩ bức tranh mà mình có không phải là tranh thật, vì kỹ thuật và màu sắc thuộc về phong cách vẽ của Derwatt cách đây khoảng năm, sáu năm.
Tôi có linh cảm là ông Murchison định làm lớn chuyện này lên. Vậy chúng ta phải làm sao? Anh luôn có những ý tưởng xuất sắc, Tom.
Anh có thể tới bàn bạc với chúng tôi không? Mọi chi phí sẽ do Buckmaster Gallery chi trả? Chúng tôi cần một liều tự tin hơn bất kỳ thứ gì. Tôi không nghĩ Bernard đã phạm sai lầm với các bức tranh mới. Nhưng anh ta đang rối như tơ vò và chúng tôi không muốn anh ta có mặt, kể cả ở buổi khai mạc, đặc biệt là ở buổi lễ khai mạc.
Xin hãy đến ngay lập tức nếu anh có thể!
Trân trọng,
Jeff
Tái bút: Bức thư của ông Murchison khá nhã nhặn, nhưng xem chừng ông ta là loại người sẽ khăng khăng đòi gặp Derwatt ở Mexico để xác nhận, vân vân?
Vấn đề cuối cùng đúng là đáng quan tâm, Tom nghĩ thầm, vì Derwatt không hề tồn tại. Câu chuyện (do Tom bịa ra), mà Buckmaster Gallery và nhóm bạn nhỏ trung thành của Derwatt lan truyền, là Derwatt đã tới sống tại một ngôi làng nhỏ ở Mexico, và anh ta không chịu gặp ai hết, cũng không có điện thoại, cấm phòng triển lãm cho bất kỳ ai biết địa chỉ của mình. À, nếu ông Murchison tới Mexico thì ông ta sẽ có một cuộc tìm kiếm vất vả đủ để khiến cho bất kỳ người nào bận rộn cả đời.
Tom có thể đoán được là ông Murchison - hẳn ông ta sẽ mang theo bức tranh Derwatt sang đây - định sẽ trao đổi với các bên môi giới nghệ thuật khác và cả báo chí nữa. Điều đó có thể dấy lên sự hoài nghi, và Derwatt sẽ tan thành tro bụi. Liệu băng đảng đó có lôi anh vào mớ bòng bong này không? (Tom luôn nghĩ nhóm người trong phòng triển lãm, bạn cũ của Derwatt, là “băng đảng”, dù anh ghét cụm từ đó mỗi lần nó xuất hiện trong đầu). Và Bernard có thể sẽ nhắc đến Tom Ripley, Tom nghĩ thầm, không phải vì thù hằn ác ý mà chỉ vì cái thói thành thật - gần giống Chúa Jesus - điên khùng của mình.
Tom đã giữ gìn tên tuổi và danh tiếng của mình trong sạch, trong sạch tuyệt đối, cân nhắc đến hết thảy những gì anh đã gây ra. Hẳn sẽ bẽ bàng lắm nếu báo chí Pháp đăng tin Thomas Ripley của xứ Villeperce-sur-Seine, chồng Heloise Plisson, con gái Jacques Plisson, triệu phú sở hữu công ty dược phẩm Plisson, đã vẽ ra câu chuyện lừa lọc ăn tiền về công ty trách nhiệm hữu hạn Derwatt, và nhiều năm nay đã được trích phần trăm lợi nhuận từ đó, dù chỉ có mười phần trăm ít ỏi. Anh sẽ trở nên đáng khinh lắm cho mà xem.
Thậm chí cả Heloise, người mà Tom đánh giá là đạo đức gần như không tồn tại, cũng sẽ có phản ứng gì đó, và chắc chắn cha cô sẽ gây áp lực với cô (bằng cách chặn tiền trợ cấp) để bắt ly dị.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Derwatt giờ đã rất lớn mạnh, sự sụp đổ của nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Đi đời đầu tiên là dòng vật liệu nghệ thuật sinh lời mang tên “Derwatt” mà ở đó cả băng đảng, lẫn Tom, đều nhận được tiền hoa hồng. Rồi đến Học viện Nghệ thuật Derwatt ở Perugia, chủ yếu dành cho các quý bà lớn tuổi dễ thương và các cô gái Mỹ trong các kỳ nghỉ, nhưng vẫn là một nguồn thu nhập. Trường nghệ thuật không thu được nhiều tiền từ việc dạy vẽ và bán dụng cụ “Derwatt” mà bằng việc đóng vai đại lý cho thuê, tìm nhà và các căn hộ đã được trang hoàng đầy đủ, với giá cả đắt đỏ nhất có thể, cho các du khách sinh viên lắm tiền nhiều của, và nhận phần trăm từ đó. Trường học được điều hành bởi một đôi đồng tính người Anh, hai người họ không liên quan gì đến chuyện mạo danh Derwatt cả.
Tom vẫn chưa thể quyết định được việc mình có tới Luân Đôn hay không. Anh có thể nói gì với họ đây? Và Tom cũng không hiểu vấn đề là gì nữa: một họa sĩ không thể quay lại phong cách vẽ trước đây của mình, dù chỉ với một bức tranh chắc?
“Tối nay ngài thích dùng đùi cừu hay thịt nguội?” Bà Annette hỏi Tom.
“Đùi cừu, chắc là vậy. Cảm ơn bà. Răng của bà thế nào rồi?” Sáng nay, bà Annette đã tới chỗ bác sĩ nha khoa trong làng, người mà bà ta đặt niềm tin lớn lao, để khám một cái răng đã khiến bà ta thức chong chong cả đêm.
“Không còn đau nữa rồi. Ông ấy tử tế lắm, bác sĩ Grenier ấy! Ông ấy nói cái răng bị áp-xe nhưng ông ấy đã mở răng ra và tủy sẽ rụng ra thôi.”
Tom gật đầu nhưng tự hỏi làm sao tủy răng có thể rụng ra được, có lẽ là do trọng lực. Có lần các bác sĩ đã phải khoan rất sâu mới lấy được tủy răng của anh ra, mà đấy còn là răng trên.
“Anh có tin tốt lành từ Luân Đôn sao?”
“Không… chỉ là một người bạn gọi hỏi thăm thôi.”
“Có tin gì từ cô Heloise không?”
“Hôm nay thì không.”
“Ôi, hãy nghĩ đến ánh nắng! Hy Lạp!” Bà Annette đang lau chùi mặt rương bằng gỗ sồi vốn đã sáng loáng cạnh lò sưởi. “Nhìn mà xem! Villeperce chẳng có tí mặt trời nào. Mùa đông đã đến.”
“Đúng thế.” Gần đây hôm nào bà Annette cũng nói như vậy. Tom không nghĩ sẽ gặp lại Heloise cho tới gần Giáng sinh. Mặt khác, cô có thể đột ngột xuất hiện trong nhà - do có chút xích mích nhỏ nhưng vẫn có thể làm lành được với đám bạn, hoặc chỉ đơn giản là đã đổi ý, không còn muốn ở lỳ trên thuyền suốt quãng thời gian dài như vậy. Heloise có tính cách bốc đồng.
Tom bật một đĩa nhạc của Beatles lên đê nâng tinh thần, rồi đi lòng vòng trong căn phòng khách rộng rãi, tay đút túi quần. Anh yêu căn nhà này. Đó là một căn nhà đá màu xám vuông vức hai tầng với bốn tháp canh trên bốn phòng tròn trong các góc trên gác, khiến căn nhà trông như một tòa lâu đài nhỏ. Vườn rộng mênh mông và kể cả theo chuẩn Mỹ thì nơi này vẫn đáng giá một gia tài. Ba năm trước
cha của Heloise đã tặng căn nhà này cho họ làm quà cưới. Trong khoảng thời gian trước khi kết hôn, Tom cần thêm tiền, do khoản tiền từ nhà Greenleaf không đủ cho anh tận hưởng đẳng cấp cuộc sống mà anh đã dần say mê, nên Tom mới quan tâm đến phần ăn chia của mình trong vụ Derwatt. Giờ thì anh thấy hối hận về điều đó. Anh đã chấp nhận mười phần trăm, khi mười phần trăm còn rất ít ỏi. Thậm chí đến anh cũng chẳng lường được là thương vụ Derwatt sẽ sinh lời như thế này.
Buổi tối hôm ấy của Tom cũng giống như phần lớn các tối khác, một mình và lặng lẽ, nhưng suy nghĩ của anh thì rất mông lung. Anh bật nhạc êm dịu trong khi ăn và anh đọc Servan-Schreiber bằng tiếng Pháp. Có hai từ Tom không biết. Tối nay anh sẽ tra nghĩa của chúng trong cuốn từ điển của Harrap cạnh giường mình. Anh rất giỏi giữ từ mới trong trí nhớ để tìm kiếm.
Sau bữa tối, anh mặc áo mưa vào, dù trời không mưa, và đi tới một quán cà phê-bar nhỏ cách đó một phần tư dặm. Anh từng tới đây vài tối để uống cà phê, đứng ở quầy bar. Lúc nào cũng vậy, chủ quán, Georges, lại hỏi thăm về Heloise, và bày tỏ sự tiếc nuối vì Tom phải ở một mình suốt quãng thời gian dài như vậy. Tối nay Tom đáp lời một cách vui vẻ:
“À, tôi không chắc là cô ấy sẽ ở lại trên con thuyền đó thêm hai tháng nữa đâu. Cô ấy sẽ chán cho mà xem.”
“Thật xa hoa,” George mơ màng lầm bầm. Ông ta là một người đàn ông bụng phệ với khuôn mặt tròn trịa.
Tom chẳng tin thái độ hài hước vui vẻ nhẹ nhàng và thường trực của ông ta là thật. Vợ ông ta, Marie, là một phụ nữ tóc nâu cao lớn,
giàu năng lượng, luôn tô son môi đỏ tươi, gai góc một cách thẳng thắn, nhưng bù lại bà ta có một tiếng cười hoang dã vui tươi. Đây là quán bar của dân lao động, và Tom không có gì phản đối điều đó hết, nhưng nó cũng chẳng phải chỗ yêu thích của anh. Chỉ là tình cờ nó lại ở gần nhất. Ít nhất thì Georges và Marie chưa một lần nhắc đến tên Dickie Greenleaf. Vài người ở Paris, người quen của anh hoặc Heloise, có thói quen đó, cũng như chủ của khách sạn St. Pierre, nhà trọ duy nhất ở Villeperce. Ông chủ khách sạn từng hỏi, “Phải chăng anh là Ripley người bạn của một anh Granelafe người Mỹ?”. Tom đã xác nhận đúng là như vậy. Nhưng đó là câu chuyện từ cách đây ba năm, và kiểu câu hỏi như vậy - nếu nó không bao giờ đi xa hơn - không khiến Tom lo lắng, nhưng anh thích tránh chủ đề đó. Báo chí nói rằng anh đã nhận được một khoản tiền khá lớn, vài tờ còn viết là một khoản thu nhập cố định, sự thật thì đúng là như vậy, theo di chúc của Dickie, ít nhất thì chưa có một tờ báo nào từng ám chỉ rằng chính Tom đã viết bản di chúc đó, mà đó cũng là sự thật. Người Pháp luôn nhớ kỹ các tiểu tiết về tài chính.
Sau khi uống cà phê, Tom đi bộ về nhà, nói “Bonsoir”* với vài dân làng trên đường, thi thoảng lại bị trượt chân trên đám lá mục nát dồn ứ ở rìa đường. Ở đây không có vỉa hè để mà nhắc đến. Anh đã mua một chiếc đèn pin vì đèn đường quá chập chờn.
Anh thoáng thấy hình ảnh những gia đình quây quần trong bếp, xem ti-vi, ngồi quanh những chiếc bàn trải những tấm khăn dính đầy mỡ. Vài con chó bị xích sủa inh ỏi trong các khoảng sân nhỏ. Rồi anh mở cánh cổng sắt - cao ba mét - của nhà mình ra, và giày của anh nghiến lạo xạo trên sỏi. Đèn phòng bà Annette vẫn sáng, Tom
nhìn thấy ánh sáng tỏa ra. Bà ta cũng có bộ ti-vi riêng. Tom thường hay vẽ vào buổi tối, chỉ để tiêu khiển cho bản thân. Anh biết mình vẽ xấu, xấu hơn cả Dickie. Nhưng tối nay anh không có tâm trạng vẽ vời. Thay vào đó, anh viết thư cho một người bạn ở Hamburg, Reeves Minot, một người Mỹ, hỏi xem anh ta nghĩ khi nào thì cần đến anh? Reeves định cấy một tấm vi phim - hoặc thứ gì đó - lên hành lý của một vị Bá tước Bertolozzi người Ý. Sau đó Bá tước sẽ đến thăm Tom khoảng một, hai ngày ở Villeperce, và Tom sẽ lấy vật đó ra khỏi một chỗ trên va-li hoặc bất kỳ chỗ nào mà Reeves báo cho anh, và gửi cho một người mà Tom hoàn toàn không quen biết ở Paris. Tom thường xuyên cung cấp dịch vụ bảo đảm như thế này, thỉnh thoảng cho cả bọn trộm trang sức. Để Tom tự lấy đồ đạc từ các vị khách của mình sẽ dễ dàng hơn so với việc để một người khác cố gắng làm điều tương tự trong một phòng khách sạn ở Paris, khi người bê đồ không có mặt. Tom quen sơ sơ với Bá tước Bertolozzi từ một chuyến du lịch gần đây ở Milan, khi Reeves, người sống ở Hamburg, cũng ghé qua Milan. Tom đã tán gẫu về tranh với ngài Bá tước. Thường thì Tom cũng khá dễ dàng thuyết phục mọi người dành chút thời gian rỗi rãi đến Villeperece ở với anh một, hai ngày và ngắm tranh của anh - ngoài Derwatt ra thì anh còn có một bức Soutine, họa sĩ mà Tom đặc biệt yêu thích, một bức Van Gogh, hai bức Magritte, và các bức vẽ của Cocteau và Picasso, cũng như rất nhiều tranh vẽ của các họa sĩ ít tên tuổi hơn mà anh thấy cũng đẹp tương đương hoặc thậm chí là đẹp hơn. Villeperce gần Paris và các vị khách của anh cũng thích thú tận hưởng chút phong vị đồng quê trước khi lên thành thị. Trên thực tế thì Tom thường dùng ô-tô của anh đến đón họ ở sân bay Orly, Villeperce nằm cách khoảng
bốn mươi dặm về phía nam của Orly. Tom chỉ thất bại đúng một lần, khi một vị khách người Mỹ đã thấy không khỏe ngay khi còn ở trong nhà Tom do một món gì đó mà anh ta hẳn đã ăn trước khi đến đây và Tom không thể sờ tới va-li của anh ta vì vị khách đó liên tục nằm ỳ trên giường và mắt mở thao láo. Vật đó - một tấm vi phim nào đó - đã được tay chân của Reeves vất vả lấy lại ở Paris. Tom không hiểu giá trị của mấy món đó, như anh không phải lúc nào cũng hiểu rõ các tiểu thuyết gián điệp mà mình đọc, và Reeves chỉ là một hàng rào bảo vệ ngoài rìa và được nhận hoa hồng mà thôi. Tom luôn lái xe tới một thị trấn khác để gửi các món hàng đó đi và luôn gửi chúng với tên người hoàn trả và địa chỉ hoàn trả giả mạo.
Đêm hôm ấy, Tom không thể ngủ được, nên anh đã ra khỏi giường, mặc chiếc áo choàng ngủ len màu tím - mới toanh và dày dặn, đầy họa tiết rằn ri và tua rua, một món quà sinh nhật từ Heloise - và đi xuống bếp. Anh đã nghĩ đến việc uống một chai bia Super Valstar, nhưng lại quyết định pha ít trà. Anh hầu như không bao giờ uống trà nên theo nghĩa nào đó thì thứ đồ uống này khá phù hợp cho đêm nay, vì anh cảm thấy đây là một đêm lạ lùng. Anh rón rén đi trong bếp để không đánh thức bà Annette. Trà Tom pha có màu đỏ sậm. Anh đã bỏ quá nhiều trà vào ấm. Anh mang khay vào trong phòng khách, rót một tách, đi đi lại lại trong phòng, giữ im lặng không một tiếng động với đôi dép nỉ đi trong nhà. Sao không đóng vai Derwatt nhỉ, anh nghĩ thầm. Chúa ơi, đúng vậy! Đó chính là giải pháp, giải pháp hoàn hảo, và cũng là giải pháp duy nhất.
Derwatt tầm tuổi anh, khoảng cách khá nhỏ - Tom ba mươi mốt còn Derwatt sẽ tầm ba mươi lăm. Đôi mắt màu xanh dương xám,
Tom nhớ Cynthia (bạn gái của Bernard) hoặc chính Bernard đã nói vậy trong một trong những bài ca ngợi về Derwatt Bóng Bẩy. Derwatt có một bộ râu ngắn, điều đó sẽ cực kỳ hữu ích đối với Tom.
Jeff Constant chắc chắn sẽ thấy hài lòng với ý tưởng này. Một cuộc phỏng vấn trên báo. Tom phải nghiên cứu kỹ lưỡng về những câu hỏi mà anh có thể phải trả lời cũng như câu chuyện anh phải kể. Derwatt có cao như anh không? Chà, đám nhà báo có ai biết điều đó cơ chứ? Tóc Derwatt sậm màu hơn, Tom nghĩ. Nhưng điều đó có thể chỉnh trang được. Tom uống thêm trà. Anh lại tiếp tục đi lòng vòng trong phòng. Anh nên xuất hiện một cách bất ngờ, bất ngờ kể cả đối với Jeff và Ed - và Bernard, tất nhiên rồi. Không thì họ sẽ để lộ với đám nhà báo.
Tom thử hình dung đến cảnh đối mặt với ông Thomas Murchison. Bình tĩnh, tự chủ, đó là điều cốt lõi. Nếu chính Derwatt nói rằng bức tranh này là của anh ta, do chính tay anh ta vẽ, thì ông Murchison là ai mà phản đối?
Đang trên đà hưng phấn, Tom tiến về phía điện thoại. Thường thì vào giờ này các tổng đài viên đã ngủ say - hơn hai giờ sáng - và phải mất mười phút mới có người nghe máy. Tom kiên nhẫn ngồi ở mép sô-pha vàng. Anh đang nghĩ là Jeff hoặc ai đó sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng đồ trang điểm xịn. Tom ước mình có thể trông cậy vào một cô gái, Cynthia chẳng hạn, để cô ta xử lý việc đó, nhưng Cynthia và Bernard đã chia tay cách đây khoảng hai hay ba năm gì đó. Cynthia biết rõ hành vi giả mạo Derwatt của Bernard và không chịu chấp nhận điều đó, không thèm nhận một xu lợi nhuận, theo Tom nhớ.
“‘Allo, j’ecoute,”* nữ tổng đài viên nói bằng giọng bực bội như thể Tom đã lôi cô ta ra khỏi giường để giúp đỡ anh vậy. Tom báo số điện thoại studio của Jeff mà anh lưu trong một quyển sổ địa chỉ đặt cạnh điện thoại. Tom khá may khi điện thoại thông sau năm phút. Anh mang tách trà đục ngầu thứ ba của mình lại gần điện thoại hơn.
“Chào, Jeff. Tom đây. Mọi chuyện thế nào rồi?”
“Chẳng tốt hơn chút nào. Ed cũng đang ở đây. Chúng tôi vừa nghĩ xem có nên gọi điện cho anh không. Anh có tới đây được không?”
“Có, và tôi có một ý tưởng rất hay ho đây. Sao không để tôi đóng vai người bạn mất tích của chúng ta trong vài tiếng đồng hồ nhỉ?” Jeff mất đúng một giây để hiểu. “Ôi, Tom, quá tuyệt vời! Anh đến đây vào thứ Ba được không?”
“Chắc chắn là được.”
“Thế anh có thể tới vào thứ Hai, ngày kia không?”
“Tôi không nghĩ là kịp. Nhưng thứ Ba thì có thể. Nghe này, Jeff, chuyện trang điểm… phải xịn vào đấy nhé.”
“Đừng lo gì cả! Đợi một chút!” Anh ta rời máy để nói với Ed rồi quay lại. “Ed bảo rằng anh ta có nguồn cung rồi.”
“Đừng thông báo gì với công chúng hết,” Tom nói tiếp bằng giọng bình tĩnh, vì Jeff nghe như thể đang nhảy cẫng lên vì sung sướng vậy, “Thêm một chuyện nữa, nếu nó không có tác dụng, nếu tôi thất bại… thì chúng ta phải nói đó chỉ là một trò đùa mà một người bạn của các anh nghĩ ra - chính là tôi. Việc đó chẳng liên quan gì tới…
anh biết đấy”. Ý Tom nói đến việc xác nhận bức tranh giả mạo của ông Murchison, nhưng Jeff hiểu ngay lập tức.
“Ed có lời muốn nói này.”
“Chào, Tom,” giọng nói trầm hơn của Ed vang lên. “Chúng tôi rất vui vì anh sẽ tới đây. Ý tưởng đó thật sự phi thường. Với cả anh biết không, Bernard có quần áo và đồ đạc của Derwatt đấy.”
“Tôi sẽ để hai vị xử lý chuyện đó.” Đột nhiên Tom cảm thấy hoảng hốt. “Quần áo là thứ ít phải lo nhất. Quan trọng là khuôn mặt. Hành động nhanh nhẹn vào, được chứ?”
“Yên tâm đi. Chúa phù hộ cho anh.”
Họ dập máy. Rồi Tom ngồi sụp xuống ghế sô-pha và thả lỏng, gần như nằm ườn người ra. Không, anh sẽ không đến Luân Đôn quá sớm làm gì. Hãy lên sân khấu vào phút chót, mạnh mẽ và hăng hái. Quá nhiều chỉ dẫn và tập dượt biết đâu lại dở.
Tom cầm cốc trà nguội ngắt đứng dậy. Nếu anh mà đóng giả thành công thì chắc sẽ thú vị và buồn cười lắm, anh nghĩ thầm khi nhìn vào một bức tranh của Derwatt treo trên lò sưởi. Nó là một bức vẽ hồng nhạt của một người đàn ông ngồi trên một chiếc ghế, ông ta chỉ là vài nét phác họa thô sơ, trông như thể người ta đang nhìn vào bức tranh qua cặp mắt kính lệch lạc của người khác. Có người nói rằng tranh Derwatt làm họ nhức mắt. Nhưng từ khoảng cách ba mét, ba mét rưỡi thì không sao. Đây không phải là một bức tranh Derwatt xịn mà là tranh giả thời kỳ đầu của Bernard Tufts. Đối diện bên kia phòng treo một bức tranh Derwatt xịn, “Đôi Ghế Đỏ”. Hai cô bé ngồi cạnh nhau, vẻ mặt hãi hùng, như trong ngày đầu tiên đi học, hoặc đang nghe một câu chuyện kinh khủng nào đó ở nhà thờ. Bức tranh
“Đôi Ghế Đỏ” chỉ khoảng tám đến chín năm tuổi. Sau lưng hai cô bé, bất kể chúng đang ngồi ở đâu đi nữa, tất cả đang bốc cháy rừng rực. Những ngọn lửa vàng và đỏ nhảy múa, những ngọn lửa điểm đốm trắng khiến cho chúng không ngay lập tức thu hút sự chú ý của người xem. Nhưng khi họ đã nhìn đến nó thì hiệu quả cảm xúc mới thật chấn động. Tom yêu thích cả hai bức tranh này. Nhưng giờ thì anh gần như đã quên phải nhớ, khi nhìn chúng, một là tranh giả còn một là tranh thật.
Tom nhớ lại thời kỳ đầu vô định của thứ giờ là công ty Derwatt. Anh đã gặp Jeffrey Constant và Bernard Tufts ở Luân Đôn ngay sau khi Derwatt chết đuối - xem chừng là tự tử - ở Hy Lạp. Chính Tom cũng mới từ Hy Lạp về, không lâu sau cái chết của Dickie Greenleaf. Thi thể của Derwatt chưa bao giờ được phát hiện, nhưng vài ngư dân của làng chài nói rằng một sáng nọ họ thấy anh ta đi bơi nhưng không thấy anh ta quay về. Bạn bè của Derwatt - Tom đã gặp Cynthia Gradnor trong chính chuyến đi ấy - đã hoảng loạn trầm trọng, bị chấn động theo một cách mà Tom chưa bao giờ chứng kiến sau sự ra đi của một người, kể cả đó là người thân trong gia đình đi nữa. Jeff, Ed, Cynthia, Bernard đều đờ đẫn. Họ đã mơ màng, nhiệt thành kể về Derwatt không chỉ như một người nghệ sĩ mà còn như một người bạn, và như một con người thực thụ. Anh ta đã sống một cuộc đời giản đơn, ở Islington, có những lúc phải ăn uống kham khổ, nhưng lúc nào cũng hào phóng với những người khác. Trẻ em trong khu anh ta sống luôn ngưỡng mộ anh ta, ngồi làm mẫu cho anh ta mà không mong được trả công, nhưng lúc nào Derwatt cũng thò tay vào trong túi tìm những đồng xu có thể là cuối cùng của mình
để đưa chúng. Nhưng ngay trước khi đi Hy Lạp, Derwatt đã gặp phải một nỗi thất vọng lớn lao. Anh ta đã vẽ một bức tranh tường trong một dự án của chính phủ cho một bưu điện địa phương ở bắc Anh Quốc. Bức phác họa đã được duyệt nhưng bức vẽ hoàn thiện lại bị từ chối: có người khỏa thân trong tranh, hoặc quá khỏa thân, và Derwatt đã từ chối thay đổi. (“Tất nhiên anh ấy chẳng làm gì sai cả!” Nhóm bạn trung thành của Derwatt đã cam đoan với Tom như vậy.) Nhưng điều này khiến Derwatt mất đi một nghìn bảng mà anh ta cần có. Có vẻ như đây là giọt nước làm tràn ly - mà nỗi khủng hoảng ấy bạn bè Derwatt đều không nhận ra, và vì thế mà họ tự trách mình. Trong bức tranh còn có một người phụ nữ nữa, Tom mang máng nhớ là vậy, một nguyên nhân khác đem đến nỗi thất vọng cho Derwatt, nhưng có vẻ là người phụ nữ ấy đối với anh ta không quan trọng bằng nỗi thất vọng trong công việc. Tất cả bạn bè của Derwatt đều là dân chuyên nghiệp, chủ yếu hành nghề tự do, và khá bận rộn, và trong những ngày cuối đời khi Derwatt nhờ cậy họ - không phải vay tiền mà chỉ muốn có người bầu bạn vài tối - họ lại bảo không có thời gian gặp anh ta. Những người đó không hề hay biết rằng Derwatt đã bán hết đồ đạc anh ta có trong studio và tự đi tới Hy Lạp, nơi anh ta viết một bức thư dài tuyệt vọng cho Bernard. (Tom chưa từng nhìn thấy bức thư ấy.) Sau đó là tin tức anh ta biến mất hoặc đã chết.
Việc đầu tiên mà bạn bè của Derwatt làm, trong đó có cả Cynthia, là thu thập toàn bộ tranh vẽ của anh ta và cố gắng bán chúng đi. Họ muốn giữ tên tuổi anh ta sống mãi, muốn cả thế giới biết và trân trọng những gì anh ta đã làm. Derwatt không có họ
hàng, và như Tom nhớ, anh ta là trẻ mồ côi, thậm chí còn chẳng biết cha mẹ mình là ai. Huyền thoại về cái chết bi thảm của anh ta đã giúp ích, thay vì cản trở việc bán tranh, thường thì các phòng tranh không có hứng thú với các bức họa của một họa sĩ trẻ vô danh đã chết, nhưng Edmund Banbury, một nhà báo tự do, đã dùng quan hệ cá nhân cũng như tài năng viết lách của mình để viết về Derwatt trên báo, in hẳn trong phụ trương màu, lẫn các tạp chí nghệ thuật, còn Jeffrey Constant đã chụp ảnh tranh của Derwatt làm minh họa. Chưa đây vài tháng sau cái chết của Derwatt, họ đã tìm được một phòng tranh, Buckmaster Gallery và nhiều phòng trách khác ở phố Bond, sẵn sàng nhận các tác phẩm của anh ta, chẳng bao lâu sau các bức tranh sơn dầu của Derwatt được bán với giá từ sáu đến tám trăm bảng.
Sau đó là một chuyện không thể tránh khỏi. Tất cả các bức tranh đều được bán hết, hoặc gần hết, đây là quãng thời gian Tom đang sống ở Luân Đôn (anh đã ở đây hai năm trong một căn hộ ở S.W.1, gần quảng trường Eaton) và vô tình chạm mặt Jeff, Ed, và Bernard một tối nọ ở quán rượu Salisbury. Một lần nữa họ lại rầu rĩ vì các bức tranh của Derwatt sắp được bán sạch, và chính Tom là người đã nói, “Các anh đang buôn bán rất phát đạt, thật đáng tiếc nếu kết thúc như vậy. Bernard không thể tạo ra vài bức vẽ theo phong cách của Derwatt à?”. Tom chỉ định nói đùa thôi, hoặc nửa đùa nửa thật. Anh cũng chẳng thân quen gì với bộ ba này, chỉ biết rằng Bernard là họa sĩ. Nhưng Jeff, một kiểu người thực dụng hệt như Ed Banbury (và hoàn toàn không giống Bernard) đã quay sang Bernard và bảo, “Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện đó. Anh nghĩ sao?”. Tom quên mất
câu trả lời chi tiết của Bernard, nhưng anh nhớ là anh ta đã cúi gằm đầu xuống như xấu hổ hoặc hãi hùng trước ý tưởng giả mạo thần tượng của mình, Derwatt. Mấy tháng sau, Tom gặp Ed Banbury trên một con phố ở Luân Đôn và Ed hào hứng kể rằng Bernard đã thành công vẽ ra hai bức “Derwatt” tuyệt phẩm và họ còn bán được một bức ở Buckmaster như tranh thật.
Rồi một thời gian sau nữa, ngay sau khi Tom kết hôn với Heloise, không còn sống ở Luân Đôn, Tom, Heloise, và Jeff đã cùng dự một bữa tiệc, một kiểu tiệc cocktail đông đúc mà người ta chẳng bao giờ gặp mặt hay thậm chí là nhìn thấy chủ tiệc đâu, và Jeff đã ra hiệu cho Tom đi vào một góc.
Jeff nói, “Lát nữa chúng ta có thể gặp ở đâu đó không? Đây là địa chỉ của tôi,” đưa một tấm danh thiếp cho Tom. “Anh có thể tới vào khoảng mười một giờ tối nay không?”
Vậy nên Tom đã một mình tới nhà Jeff, một việc thật đơn giản, vì Heloise - ở thời điểm ấy cô không biết nhiều tiếng Anh - đã uống đủ rượu sau bữa tiệc cocktail và muốn trở về khách sạn của họ. Heloise mê mẩn Luân Đôn - áo len Anh và phố Carnaby*, những cửa hàng bán thùng rác in hình quốc kỳ Anh, các tấm biển hiệu in những dòng chữ như là “Cáu điên”, những từ mà Tom thường phải giải nghĩa cho cô, nhưng cô nói là đầu mình đau như búa bổ sau khi cố gắng nói tiếng Anh suốt một tiếng đồng hồ.
“Rắc rối của chúng tôi là,” tối hôm ấy Jeff nói chuyện với anh, “chúng tôi không thể tiếp tục giả vờ lại tìm được một bức tranh Derwatt ở đâu đó mãi được. Bernard thì vẫn vẽ ổn nhưng… Anh có nghĩ là chúng tôi nên mạo hiểm tìm ra cả một kho tranh Derwatt ở
đâu đó không, như Ai-len, nơi anh ấy đã đến vẽ một thời gian, rồi bán tống chúng đi và dừng tay? Bernard cũng rất lưỡng lự về việc vẽ tiếp. Anh ta cảm thấy như đang phản bội Derwatt vậy… theo một cách nào đó”.
Tom cân nhắc một lúc rồi nói, “Thế nếu Derwatt vẫn đang sống ở đâu đó thì sao? Một chỗ ẩn dật nào đó, gửi tranh tới Luân Đôn? Đó là, nếu Bernard vẫn có thể tiếp tục”.
“Ừm. À… được lắm. Hy Lạp, có thể là thế. Một ý tưởng siêu phàm, Tom! Nó có thể kéo dài mãi mãi!”
“Thế Mexico thì sao? Tôi nghĩ nó an toàn hơn Hy Lạp đấy. Cứ nói Derwatt đang sống trong một ngôi làng nhỏ nào đó. Anh ta không chịu nói tên ngôi làng cho bất kỳ ai, có thể chỉ trừ anh, Ed, và Cynthia…”
“Cynthia thì thôi. Cô ấy… Chậc, Bernard không còn gặp gỡ cô ấy nhiều nữa. Hệ quả là chúng tôi cũng vậy. Tốt nhất là đừng để cô ấy biết quá nhiều về chuyện này.”
Tối hôm ấy Jeff đã gọi cho Ed để kể cho anh ta nghe về ý tưởng này, Tom nhớ là vậy.
“Đó chỉ là một ý tưởng thôi,” anh đã nói vậy. “Tôi cũng không chắc liệu nó có hiệu quả không.”
Nhưng nó có hiệu quả. Các bức tranh của Derwatt bắt đầu đổ về từ Mexico, như họ nói, và câu chuyện “tái sinh” kịch tính của anh ta được khai thác theo hướng có lợi bởi Ed Banbury và Jeff Constant trong nhiều bài báo trên các tạp chí, đăng kèm với ảnh Derwatt cùng các bức vẽ mới nhất của anh ta (của Bernard), tuy vậy không hề có
một bức ảnh nào của Derwatt ở Mexico vì anh ta chặn mọi nhà báo hay thợ ảnh. Các bức tranh được gửi đến từ Vera Cruz và thậm chí cả Jeff lẫn Ed đều không biết tên ngôi làng anh ta sống. Derwatt chắc phải gặp bất ổn nặng nề về tinh thần nên mới sống ẩn dật như vậy. Các bức tranh của anh ta đều có vẻ bệnh tật và tuyệt vọng, theo lời vài nhà phê bình. Nhưng giờ chúng nằm trong số các bức tranh được định giá cao nhất trong số các nghệ sĩ còn sống ở nước Anh, ở toàn châu Âu, hay thậm chí là cả châu Mỹ. Ed Banbury đã viết thư cho Tom ở Pháp, đề nghị chia cho anh mười phần trăm lợi nhuận, nhóm bạn nhỏ trung thành (giờ chỉ có ba người, Bernard, Jeff, và Ed) là những người được hưởng lợi duy nhất từ tiền bán tranh của Derwatt. Tom đồng ý, chủ yếu vì anh cân nhắc thấy sự đồng thuận của mình như một lời bảo đảm giữ yên lặng về công việc sao chép. Nhưng Bernard Tufts lại vẽ tranh như điên vậy.
Jeff và Ed đã mua Buckmaster Gallery. Tom không chắc liệu Bernard có sở hữu cổ phần ở đó không. Có vài bức tranh Derwatt nằm trong bộ sưu tập trọn đời của phòng triển lãm, và tất nhiên, ở đây cũng trưng bày tranh của các nghệ sĩ khác nữa. Công việc này chủ yếu là của Jeff chứ không phải của Ed, và Jeff đã thuê một trợ lý, kiểu nhân viên quản lý cho phòng triển lãm. Nhưng động thái này, động thái mua Buckmaster Gallery, chỉ xảy ra sau khi Jeff và Ed được một nhà sản xuất dụng cụ vẽ tranh có tên là George Janopolos hoặc gì đó tương tự tiếp cận, ông ta muốn cho ra đời một dòng sản phẩm dán nhãn “Derwatt”, bao gồm tất cả mọi thứ từ tẩy cho tới bộ màu sơn dầu, và ông ta đề nghị trả cho Derwatt một khoản tiền bản quyền một phần trăm. Ed và Jeff quyết định thay mặt
anh ta chấp nhận (hẳn là dưới sự đồng ý của Derwatt). Sau đó một công ty đã được thành lập mang tên công ty trách nhiệm hữu hạn Derwatt.
Tất cả những chuyện này được Tom hồi tưởng lại lúc bốn giờ sáng, anh thấy hơi rùng mình dù đang mặc một chiếc áo choàng ngủ lộng lẫy. Bà Annette luôn tằn tiện vặn nhỏ lò sưởi trung tâm xuống vào buổi đêm. Anh ôm cốc trà ngọt lừ nguội ngắt giữa hai tay và thất thần nhìn vào một bức ảnh của Heloise - mái tóc vàng dài xõa xuống hai bên mặt thon thả, đối với Tom thì giờ nó chỉ là một thiết kế dễ chịu và vô nghĩa chứ không còn là một khuôn mặt có ý nghĩa nữa - và anh nghĩ đến cảnh Bernard bí mật thực hiện việc giả mạo các bức tranh của Derwatt trong một căn phòng kín đáo, thậm chí được khóa chặt trong căn hộ studio của anh ta. Chỗ ở của Bernard khá nhếch nhác, lúc nào cũng vậy. Tom chưa từng nhìn thấy chốn bất khả xâm phạm nơi anh ta vẽ ra các kiệt tác của mình, các bức tranh Derwatt mang lại cả nghìn bảng. Nếu một người vẽ nhiều tranh giả mạo hơn chính tranh của mình thì không phải sự giả mạo sẽ trở nên tự nhiên hơn, thật hơn, chân thực với chính người đó hơn cả tranh của họ sao? Rồi đến một ngày họ không cần nỗ lực nữa mà việc đó trở thành bản năng thứ hai của họ?
Cuối cùng Tom cuộn người trên chiếc sô-pha vàng, dép tuột khỏi chân, hai bàn chân thu lại dưới áo choàng, ngủ thiếp đi. Anh không ngủ được bao lâu trước khi bà Annette đến đánh thức anh dậy với một tiếng thét chói tai, hoặc một tiếng thở dốc hãi hùng, đầy ngạc nhiên.
“Hẳn tôi đã ngủ thiếp đi trong khi đọc sách,” Tom nói, mỉm cười, ngồi dậy.
Bà Annette vội vã đi pha cà phê cho anh.
CHƯƠNG 2
T
om đặt vé máy bay tới Luân Đôn vào trưa thứ Ba. Như vậy thì anh sẽ chỉ có vài tiếng đồng hồ để trang điểm và diễn tập ngắn gọn. Không đủ thời gian để thấy lo lắng. Tom lái xe tới Melun để rút chút tiền mặt - franc Pháp - ở ngân hàng.
Lúc này là mười một giờ bốn mươi và ngân hàng đóng cửa lúc mười hai giờ. Tom đứng thứ ba trong hàng người xếp trước cửa sổ nhận tiền, nhưng không may là một người phụ nữ đang chuyển tiền lương hoặc gì đó ở cửa này, đã kéo vài túi đựng tiền xu trong khi hai chân vẫn áp chặt vào mấy cái túi còn lại nằm trên sàn. Sau lưới sắt, một nhân viên có ngón cái dấp nước đang đếm các chồng tiền giấy nhanh hết mức có thể và ghi chú lại tổng số tiền trên hai tờ giấy khác nhau. Tom tự hỏi chuyện này sẽ kéo dài bao lâu, đồng hồ thì vẫn nhích dần tới mười hai giờ. Tom thích thú quan sát khi hàng người tan tác. Giờ có ba người đàn ông và hai người phụ nữ ép chặt gần lưới sắt, mắt đờ đẫn nhìn chằm chằm vào đống tiền, như những con rắn hăm hở, như thể đó là khoản thừa kế do một người họ hàng đã làm lụng vất vả cả đời tích góp để lại cho họ. Tom bỏ cuộc và rời khỏi ngân hàng. Anh nghĩ mình vẫn sẽ xoay xở được khi không có tiền, và thực tế thì anh chỉ nghĩ sẽ đưa hoặc bán nó cho những người bạn Anh sắp đến Pháp mà thôi.
Vào sáng thứ Ba, khi Tom đang đóng gói hành lý, bà Annette gõ cửa phòng ngủ của anh. “Tôi đến Munich đây,” Tom vui vẻ nói. “Có một buổi hòa nhạc ở đó.”
“A, Munich! Bavaria! Anh phải mang theo quần áo ấm đấy nhé.” Bà Annette đã quen với những chuyến đi ngẫu hứng của anh. “Đi bao lâu thế, anh Tome?”
“Hai ngày, có thể là ba. Đừng lo về thư tín. Tôi có thể sẽ gọi điện về hỏi xem có bức thư nào không.”
Đúng lúc ấy Tom nghĩ đến một thứ có thể sẽ hữu dụng, một chiếc nhẫn Mexico mà anh có - anh nghĩ vậy - trong hộp đựng đồ trang sức của mình. Nó đây rồi, giữa đống khuy rời và khuy cài áo, một chiếc nhẫn bạc nặng trịch được thiết kế như hai con rắn cuộn tròn. Tom không thích nó và cũng đã quên làm sao mình lại có nó, nhưng ít nhất thì nó là đồ Mexico. Tom thổi đi, lau nhẫn vào một bên ống quần và đút nó vào túi.
Thư nhận lúc mười rưỡi sáng gồm ba thứ: một hóa đơn điện thoại phồng lên trong phong bì vì nó gồm nhiều hóa đơn nhỏ cho mỗi cuộc điện thoại ngoài vùng Villeperce, một bức thư từ Heloise, và một bức thư gửi bằng đường hàng không từ Mỹ mà chữ viết tay trên thư Tom không nhận ra. Anh lật phong bì lại và ngạc nhiên khi nhìn thấy cái tên Christopher Greenleaf ở đằng sau với địa chỉ chuyển hoàn ở San Francisco. Christopher là ai nhỉ? Anh mở thư của Heloise ra đầu tiên.
11 tháng Mười 19…
Chéri,*
Giờ em đang cực kỳ hạnh phúc và bình yên. Đồ ăn siêu ngon. Bọn em bắt cá gần thuyền. Zeppo gửi tình yêu tới anh. (Zeppo là vị chủ nhà Hy Lạp da ngăm đen của cô và Tom có thể chỉ cho anh ta biết phải làm gì với tình yêu của mình).
Em đã học cách đi xe đạp khéo léo hơn rồi. Chúng em rất hay đi dạo vào trong đất liền vì nó khô ráo. Zeppo chụp ảnh đấy. Belle Ombre thế nào rồi anh? Em nhớ anh lắm. Anh có vui không? Nhiều mời mọc chứ? (Từ đó có nghĩa là khách khứa hay lời mời vậy?) Anh có vẽ không? Em chẳng nhận được tin gì từ Papa hết.
Hôn bà A. Em ôm anh.
Đoạn còn lại bằng tiếng Pháp. Cô muốn anh gửi một bộ đồ tắm màu đỏ mà anh sẽ tìm được trong một cái tủ com-mốt trong phòng tắm của cô. Anh nên gửi bằng đường hàng không. Chiếc du thuyền có một bể bơi nước nóng. Tom ngay lập tức đi lên gác - bà Annette vẫn đang dọn dẹp trong phòng anh - và chuyển giao nhiệm vụ này cho bà ta, đưa thêm tờ một trăm franc, vì anh nghĩ bà ta có thể sẽ thấy hốt hoảng trước giá tiền gửi đồ bằng đường hàng không và nảy ra ý định gửi nó bằng đường bưu điện.
Rồi anh xuống nhà và vội vàng mở bức thư của Greenleaf ra, vì mấy phút nữa là anh phải khởi hành đến Orly rồi.
12 tháng Mười, 19…
Anh Ripley thân mến,
Tôi là em họ của Dickie và tuần tới tôi sẽ tới châu Âu, chắc sẽ đến Luân Đôn đầu tiên, dù tôi không thể quyết định xem hay là nên tới Paris trước. Dẫu sao đi nữa, tôi nghĩ chúng ta mà gặp được nhau thì sẽ thật tuyệt. Chú Herbert đã cho tôi địa chỉ của anh và ông nói anh không ở xa Paris. Chưa có số điện thoại của anh nhưng tôi có thể tự tìm được.
Giới thiệu cho anh biết đôi điều về bản thân tôi, tôi hai mươi tuổi và học ở Đại học Stanford. Tôi đã tham gia quân ngũ một năm, trong khoảng thời gian đó tạm dừng việc học. Tôi sẽ quay lại Stanford học ngành kỹ sư nhưng trong thời đoạn này tôi sẽ nghỉ ngơi một năm để tới châu Âu thả lỏng. Ngày nay rất nhiều người trẻ đều làm như vậy. Áp lực muôn nơi đúng là một thứ đáng sợ. Ý tôi là ở Mỹ, nhưng biết đâu anh đã ở châu Âu lâu đến mức không rõ ý tôi là gì nữa rồi.
Chú tôi đã kể cho tôi nghe rất nhiều điều về anh. Ông nói anh là bạn thân của Dickie. Tôi gặp Dickie khi tôi mới 11 còn anh ấy 21 tuổi. Tôi chỉ nhớ một anh chàng tóc vàng cao ráo. Anh ấy đã tới thăm gia đình tôi ở California.
Hãy báo cho tôi nếu anh vẫn ở Villeperce vào cuối tháng Mười, đầu tháng Mười một nhé. Trong lúc đó tôi sẽ ngồi đây hy vọng được gặp anh.
Trân trọng
Chris Greenleaf
Anh sẽ lịch sự từ chối người này, Tom nghĩ. Không cần thiết phải tiếp xúc gần gũi hơn với gia đình Greenleaf. Họa hoằn lắm ông Herbert Greenleaf mới viết thư cho anh và Tom luôn hồi âm với những lời lẽ tử tế, lịch sự.
“Bà Annette, nhớ giữ lửa cháy trong lò nhé,” Tom nói khi khởi hành.
“Anh vừa nói gì cơ?”
Anh cố gắng chuyển ngữ sang tiếng Pháp.
“Tạm biệt nhé anh Tome! Chúc anh thượng lộ bình an!” Bà Annette vẫy tay chào anh ở cửa trước.
Tom lái chiếc Alfa Romeo đỏ, một trong hai chiếc ô-tô trong gara. Đến sân bay Orly, anh đưa xe vào gara trong nhà, báo nó sẽ nằm đó khoảng hai đến ba ngày. Anh mua một chai whiskey trong nhà ga để mang cho băng đảng. Anh đã có một chai Pernod to đùng trong va-li rồi (vì anh chỉ được phép mang một chai rượu vào Luân Đôn), vì Tom phát hiện ra rằng nếu anh đi qua lối đi xanh lục và cầm cái chai trong tầm mắt thì các thanh tra viên sẽ không bao giờ yêu cầu anh mở va-li ra. Trên máy bay anh đã mua thuốc lá Gauloises không có đầu lọc, loại này lúc nào cũng được ưa chuộng ở Luân Đôn.
Ở Anh trời mưa lất phất. Xe buýt lăn bánh dọc lề trái đường, đi qua những căn biệt thự mang những cái tên luôn khiến Tom thấy thú vị, dù hiện giờ anh hầu như không đọc nổi tên chúng trong cảnh trời xám xịt. Ở MỘT LÁT. Thật không tin nổi. MILFORD KHÔNG ĐI LANG THANG. Chúng được viết trên những tấm biển nhỏ. GÓC LÒ SƯỞI. NGỒI LẠI ĐÂY. Chúa lòng lành. Rồi sau đó là đến dãy nhà
Victoria nằm sát sạt nhau đã được chuyển đổi thành các khách sạn nhỏ mang những cái tên hào nhoáng dưới ánh đèn nê-ông nhấp nháy giữa những cây cột kiểu Hy Lạp: BINH CHỦNG MANCHESTER, VUA ALFRED, NHÀ CHESHIRE. Tom biết thừa là sau những hành lang hẹp đầy vẻ đáng kính và thượng lưu đó, vài tên sát nhân tài ba nhất thời đại đang tạm lánh nạn một, hai đêm, trông cũng ra điều đáng kính. Nước Anh đúng là nước Anh, Chúa phù hộ cho nó!
Điều tiếp theo thu hút sự chú ý của Tom là một tấm poster dán trên cột đèn bên trái đường. Dòng chữ DERWATT được bôi đậm nằm chéo xuống - đó là chữ ký của Derwatt - và bức tranh được sao chép lại bằng màu dưới ánh đèn lờ mờ trông có vẻ là tím sậm hoặc đen thẫm và có phần giống như nắp đàn piano được dựng lên. Không nghi ngờ gì, lại là một tác phẩm giả mạo mới của Bernard Tufts. Cách đó vài mét lại có một tấm poster như thế nữa. Thật kỳ lạ khi thấy mình được “điểm danh” khắp Luân Đôn nhưng lại đặt chân đến đây một cách lặng lẽ như thế này, Tom nghĩ khi bước xuống khỏi chiếc xe buýt ở trạm West Kensington mà không một ai để ý.
Từ trạm, anh gọi điện tới studio của Jeff Constant. Ed Banbury nghe máy.
“Nhảy lên tắc-xi và tới thẳng đây đi!” Ed nói, giọng sung sướng một cách điên rồ.
Studio của Jeff nằm ở St John’s Wood. Tầng hai - tầng một đối với người Anh - ở bên tay trái. Nó là một tòa nhà xinh xắn gọn gàng, không phô trương mà cũng chẳng tồi tàn.
Ed bật tung cửa ra. “Chúa ơi, Tom, thật tuyệt khi được gặp anh!”
Họ bắt tay nhau một cách mạnh mẽ. Ed cao hơn Tom với mái tóc vàng thẳng và rũ xuống, loà xoà trước tai anh ta, nên anh ta phải liên tục hất nó sang một bên. Anh ta tầm ba lăm tuổi.
“Còn Jeff đâu rồi?” Tom lôi bao thuốc Gauloises và chai whiskey ra khỏi cái túi lưới đỏ, tiếp đến là chai Pernod lậu giấu trong va-li. “Quà thăm nhà.”
“Tuyệt quá đi mất! Jeff đang ở phòng triển lãm. Nghe này, Tom, anh sẽ làm việc đó chứ?… Vì tôi đã có đủ đồ ở đây rồi và không có nhiều thời gian đâu.”
“Tôi sẽ thử xem sao,” anh nói.
“Bernard sắp đến. Anh ấy sẽ giúp chúng ta. Chỉ dẫn chiến thuật.” Ed hăm hở nhìn đồng hồ đeo tay của mình.
Tom đã cởi áo khoác ngoài và áo vest ra. “Derwatt không thể đến muộn hơn một chút à? Khai mạc vào lúc năm giờ phải không?” “À, tất nhiên. Cũng không cần phải tới đó trước sáu giờ làm gì, nhưng tôi muốn thử trang điểm, Jeff bảo phải nhắc anh là anh không lùn hơn Derwatt là bao… nhưng ai mà thèm nhớ mấy con số đấy cơ chứ? Giả như tôi đã từng viết về chúng ở bất kỳ đâu chăng nữa? Với cả Derwatt có đôi mắt màu xám ánh xanh dương. Nhưng mắt của anh cũng được.” Ed cười. “Muốn uống trà không?” “Không cảm ơn.” Tom đang nhìn bộ âu phục màu xanh dương sậm trên tràng kỷ của Jeff. Trông nó quá rộng và cũng không được là lượt. Một đôi giày đen khủng khiếp nằm cạnh tràng kỷ trên sàn nhà. “Sao anh không uống một chút rượu nhỉ?” Tom gợi ý cho Ed vì
trông anh ta bồn chồn như mèo vậy. Như thường lệ, thái độ lo lắng của người khác lại khiến Tom cảm thấy bình thản.
Chuông cửa reo.
Ed để Bernard Tufts vào.
Tom chìa một bàn tay ra. “Bernard, anh khỏe không?” “Khỏe, cảm ơn anh,” Bernard nói, giọng nghe thật khổ sở. Anh ta gày nhẳng, da ngăm ngăm, mái tóc đen thẳng và đôi mắt đen dịu dàng.
Tom nghĩ tốt nhất là bây giờ đừng nên cố nói chuyện với Bernard làm gì, chỉ cần làm việc thật hiệu quả là được.
Ed lấy một chậu nước trong căn phòng tắm nhỏ xíu nhưng hiện đại của Jeff và Tom gội qua đầu để làm tóc anh trông sậm màu hơn. Mãi sau khi nhận được sự giục giã quả quyết rồi nài nỉ của Ed, Bernard mới góp ý vài câu.
“Anh ấy đi hơi khom người,” anh ta nói. “Giọng anh ấy… Anh ấy hơi rụt rè ở chỗ đông người. Giọng kiểu đều đều, tôi nghĩ thế. Như thế này, tôi sẽ cố mô phỏng cho anh nghe,” Bernard nói bằng giọng đều đều. “Thỉnh thoảng anh ấy sẽ phá lên cười.”
“Không phải chúng ta đều thế sao!” Tom nói, bản thân anh cũng cười một cách lo lắng. Giờ Tom đang ngồi trên một chiếc ghế lưng thẳng, được Ed chải đầu. Bên phải Tom là một cái khay trông như đựng rác quét nhà của tiệm cắt tóc, nhưng Ed rũ nó và hóa ra đó là một bộ râu được dính vào một tấm gạc màu da trông như thật. “Chúa lòng lành, tôi mong là đèn lờ mờ thôi,” Tom lầm bầm.
“Chúng tôi sẽ lo liệu chuyện đó,” Ed nói.
Trong khi Ed xử lý bộ râu, Tom tháo hai chiếc nhẫn của anh ra, một là nhẫn cưới, một là nhẫn của Dickie Greenleaf, và đút chúng vào túi. Anh nhờ Bernard đưa mình chiếc nhẫn từ túi quần bên trái và anh ta giúp anh. Các ngón tay mảnh dẻ của Bernard lạnh băng và run cầm cập. Tom muốn hỏi thăm anh ta về Cynthia rồi nhớ ra Bernard không còn gặp cô ta nữa. Anh nhớ họ còn định cưới nhau rồi. Ed đang dùng kéo tỉa tóc của Tom, tạo một chỏm ở trước trán.
“Với cả Derwatt…” Bernard dừng lại vì giọng anh ta có phần nghẹn ngào.
“Ôi, ngậm mồm lại đi, Bernard!” Ed nói, cười như điên. Bernard cũng cười theo. “Xin lỗi. Thật sự, tôi vô cùng xin lỗi.” Anh ta có vẻ ăn năn, như thể thật lòng thấy vậy.
Bộ râu được dùng keo dán vào.
Ed nói, “Tôi muốn anh đi dạo quanh đây một vòng, Tom. Để làm quen. Đến phòng triển lãm… Anh không cần phải ra trước đám đông, chúng tôi đã quyết định sẽ không làm thế. Có một cánh cửa phía sau và Jeff sẽ đưa chúng ta vào bằng đường đó. Chúng tôi sẽ mời vài nhà báo vào văn phòng, và chỉ bật một cây đèn đứng ở đầu phòng bên kia thôi. Chúng tôi đã bỏ một cái đèn nhỏ và bóng đèn trên trần để nó không sáng được, anh hiểu chứ”.
Bộ râu dán keo thật lạnh lẽo trên mặt Tom. Trong tấm gương trong phòng vệ sinh của Jeff, trông anh hơi giống D.H. Lawrence*, anh nghĩ thầm. Xung quanh miệng anh đầy tóc. Đó là một cảm giác mà Tom không thích. Dưới gương, trên một cái giá nhỏ, là ba bức ảnh của Derwatt - Derwatt mặc áo sơ-mi thoải mái, ngồi trên một cái
ghế đọc sách, Derwatt đứng cùng một người đàn ông mà Tom không biết, nhìn về phía máy ảnh. Trong tất cả các bức ảnh, Derwatt đều đeo kính.
“Kính,” Ed nói, như thể đọc được suy nghĩ của Tom.
Anh nhận lấy chiếc kính gọng tròn mà anh ta đưa rồi đeo nó vào. Thế này trông ổn hơn rồi đấy. Tom mỉm cười, một cách nhẹ nhàng để không làm hỏng bộ râu đang dần khô. Cặp kính là thủy tinh không độ, rõ ràng là thế. Tom khom người đi vào trong studio, và nói bằng giọng mà anh hy vọng là giống Derwatt, “Giờ hãy kể cho tôi nghe về gã Murchison này nào…”
“Trầm hơn!” Bernard nói, bàn tay gày gò của anh ta vung lên loạn xạ.
“Gã Murchison này,” Tom lặp lại.
Bernard nói, “Ông M… Murchison, theo lời Jeff, nghĩ rằng… Derwatt đã quay lại với kỹ thuật vẽ tranh cũ. Bức tranh ‘Đồng Hồ’, anh hiểu không. Tôi không rõ ý ông ta là gì, nói thật với anh là vậy.” Bernard vội vã lắc đầu, rút một chiếc khăn tay ra từ đâu đó và xì mũi. “Tôi đã ngắm một trong các bức ảnh Jeff chụp tấm ‘Đồng Hồ’. Ba năm rồi tôi chưa nhìn thấy nó, anh biết đấy. Không phải tranh thật.” Bernard nói nhỏ như sợ tường đang nghe trộm.
“Ông Murchison này có phải chuyên gia không?” Tom hỏi, nghĩ, chuyên gia là gì nhỉ?
“Không, ông ta chỉ là một doanh nhân người Mỹ thôi,” Ed nói. “Ông ta sưu tầm tranh. Ông ta dai như đỉa đói vậy.”
Còn hơn như vậy, Tom nghĩ, không thì họ đã chẳng lo lắng thế này. “Tôi có nên chuẩn bị một cái gì cụ thể không?”
“Không,” Ed nói. “Có đúng không, Bernard?”
Bernard thở dốc rồi gượng cười, và trong khoảnh khắc, trông anh ta hệt như mấy năm trước đây, trẻ trung hơn, ngây thơ. Tom nhận ra Bernard gày hơn so với lần cuối cùng anh nhìn thấy anh ta, ba hay bốn năm trước gì đó.
“Ước gì tôi biết,” Bernard nói. “Anh chỉ phải… kiên trì bảo vệ bức tranh đó, bức tranh ‘Đồng Hồ’, là tranh của Derwatt.” “Cứ tin tôi,” Tom nói. Anh đang đi lòng vòng, tập dáng đi khọm người, khoác lên một nhịp điệu chậm chạp mà anh hy vọng là đúng. “Nhưng,” Bernard tiếp tục, “nếu ông Murchison muốn tiếp tục bám theo những gì mà ông ta vẫn lải nhải, bất kể đó là gì đi nữa - mà anh đang giữ bức tranh ‘Người Ngồi Trong Ghế’ đấy, Tom…” Bức tranh giả. “Ông ta sẽ không bao giờ được nhìn thấy bức tranh đó,” Tom nói. “Bản thân tôi rất thích nó.”
“Bức ‘Bồn Tắm’,” Bernard nói thêm. “Nó cũng có mặt trong buổi triển lãm.”
“Anh lo lắng về bức tranh đó à?” Tom hỏi.
“Nó cũng được vẽ bằng kỹ thuật tương tự,” Bernard nói. “Có thể thế.”
“Vậy anh biết kỹ thuật mà ông Murchison đang nói đến là kỹ thuật gì phải không? Nếu lo lắng thì sao anh không bỏ bức ‘Bồn Tắm’ ra khỏi buổi triển lãm đi?”
Ed nói, “Nó đã được thông báo trong chương trình. Chúng tôi sợ rằng nếu bỏ nó đi thì ông Murchison lại muốn xem nó, muốn biết ai mua nó, đủ thứ đại loại như vậy”.
Cuộc đối thoại chẳng đi đến đâu vì Tom không thể moi được thông tin rõ ràng về thứ kỹ thuật mà họ, hoặc ông Murchison, nói đến trong các bức tranh đó.
“Anh sẽ không bao giờ chạm mặt ông Murchison đâu, nên đừng có lo lắng nữa,” Ed nói với Bernard.
“Anh đã gặp ông ta chưa?” Tom hỏi Ed.
“Chưa, chỉ mới có Jeff gặp thôi. Sáng nay.”
“Ông ta thế nào?”
“Jeff nói khoảng tầm năm mươi tuổi, tạng người to béo đúng kiểu Mỹ. Cũng khá lịch sự nhưng cứng đầu. Không phải cái quần đó có thắt lưng sao?”
Tom thắt chặt thắt lưng trên quần. Anh khịt mũi ngửi ống tay áo vest. Có mùi băng phiến thoang thoảng, hẳn sẽ không dễ nhận ra dưới mùi khói thuốc lá. Dẫu sao đi nữa, Derwatt có thể đã mặc đồ Mexico suốt mấy năm vừa rồi còn đồ châu Âu của anh ta thì được cất đi. Tom nhìn mình trong tấm gương dài, dưới một bóng đèn sáng rực rỡ của Jeff mà Ed mới bật lên và đột ngột gập người xuống cười nắc nẻ. Anh quay lại và nói, “Xin lỗi, tôi chỉ vừa nghĩ là cân nhắc đến khoản thu nhập đáng kinh ngạc của Derwatt thì chắc chắn là anh ta quá quý mến mấy bộ đồ cũ của mình!”.
“Không sao cả, anh ấy là người lánh đời mà,” Ed nói.
Điện thoại reo. Ed nghe máy, và Tom nghe thấy anh ta đang trấn an ai đó, không nghi ngờ gì là Jeff, rằng Tom đã đến và sẵn sàng lâm trận.
Tom chưa cảm thấy sẵn sàng lắm. Mồ hôi anh túa ra vì lo lắng. Anh nói với Bernard, cố ra giọng vui vẻ, “Cynthia thế nào rồi? Anh có gặp lại cô ấy nữa không?”.
“Tôi không còn gặp cô ấy nữa. Ít nhất thì cũng không thường xuyên lắm.” Bernard liếc nhìn Tom rồi lại nhìn xuống sàn. “Cô ấy sẽ nói gì khi phát hiện ra Derwatt đã quay về Luân Đôn vài ngày?” Tom hỏi.
“Tôi không nghĩ là cô ấy sẽ nói bất kỳ điều gì cả,” Bernard trì độn đáp lại. “Cô ấy sẽ không… phá hoại, tôi chắc chắn thế.” Ed chấm dứt cuộc trò chuyện qua điện thoại. “Cynthia sẽ không nói gì đâu, Tom. Cô ấy là như thế đấy. Anh vẫn nhớ cô ấy chứ, Tom?”
“Có. Loáng thoáng,” Tom nói.
“Nếu đến giờ này mà cô ấy còn chưa nói gì cả thì cô ấy cũng sẽ không nói gì đâu,” Ed nói. Cái cách anh ta nói nghe như kiểu “Cô ta không phải kiểu người dở dở ương ương hay ba hoa chích chòe đâu”.
“Cô ấy khá tuyệt vời,” Bernard mơ màng nói, chẳng với ai cả. Đột nhiên anh ta đứng bật dậy và lao vào phòng tắm, có thể vì anh ta cần đi vệ sinh nhưng nhiều khả năng là để nôn.
“Đừng lo về Cynthia, Tom,” Ed nhẹ nhàng nói. “Chúng tôi sống với cô ấy, anh biết đấy. Ý tôi là, ở Luân Đôn này. Cô ấy đã giữ im
lặng ba năm rồi. À thì, từ khi cô ấy chia tay với Bernard. Hoặc là anh ta chia tay với cô ấy.”
“Cô ấy hạnh phúc chứ? Tìm được ai khác chưa?”
“À, cô ấy có bạn trai rồi, tôi nghĩ thế.”
Bernard vừa quay lại.
Tom uống một ly scotch. Bernard uống một ly Pemod và Ed thì không uống gì cả. Theo lời anh ta nói thì anh ta không dám vì vừa uống thuốc giảm đau. Đến năm giờ, Tom đã được tổng hợp hoặc nhồi lại vài thứ: thị trấn ở Hy Lạp nơi Derwatt đã được chính thức nhìn thấy cách đây khoảng sáu năm. Tom, phòng trường hợp bị hỏi, phải nói anh đã rời Hy Lạp dưới một cái tên khác trong một tàu chở dầu từ Hy Lạp đến Vera Cruz, trong vai người tra dầu và họa sĩ trên tàu.
Họ mượn áo khoác ngoài của Bernard, trông còn cũ hơn cả áo của Tom hoặc bất kỳ cái áo nào Jeff có trong tủ quần áo của anh ta. Rồi Tom và Ed khởi hành, để Bernard lại trong studio của Jeff, nơi lát nữa bọn họ sẽ gặp lại nhau.
“Chúa ơi, anh ta rầu rĩ quá,” Tom nói khi đang đi trên vỉa hè. Anh đang khom cả người xuống để đi bộ. “Anh ta có thể tiếp tục như thế này bao lâu nữa?”
“Đừng đánh giá dựa vào ngày hôm nay. Anh ấy sẽ tiếp tục được thôi. Cứ lúc nào có triển lãm là anh ấy lại thành ra thế này.” Bernard là con ngựa thồ già nua, Tom đoán vậy. Ed và Jeff thì mê mải với tiền bạc, thức ăn ngon, đời sống cao. Bernard thì chỉ mải sản xuất ra những bức tranh biến những chuyện đó thành hiện thực.
Tom vội vã lùi lại tránh một chiếc tắc-xi, không ngờ nó sẽ lao tới dọc lề đường bên trái.
Ed mỉm cười. “Tuyệt lắm. Cứ tiếp tục phát huy nhé.” Họ đến chỗ chờ tắc-xi và ngồi vào một chiếc xe.
“Mà này… người quản lý hay người giám sát ở phòng triển lãm,” Tom nói. “Tên anh ta là gì nhỉ?”
“Leonard Hayward,” Ed nói. “Anh ta tầm hai sáu tuổi. Quái đản cực kỳ, nên thuộc về một cửa tiệm thời trang trên đường King, nhưng anh ta ổn lắm. Jeff và tôi đã cho anh ta vào hội. Buộc phải thế. Thật ra thì như thế an toàn hơn, vì anh ta không thể gửi thư tống tiền nếu ký vào bản thỏa thuận cùng chúng tôi quản lý nơi này, và anh ta đã ký. Chúng tôi trả anh ta khá hậu hĩnh và anh ta cũng thấy hứng thú. Anh ta còn mang lại vài người mua hàng giàu có nữa.” Ed nhìn Tom và mỉm cười. “Đừng quên chút ngữ điệu của dân lao động nhé. Theo tôi nhớ thì anh có thể giả vờ khá tốt.”
CHƯƠNG 3
E
d Banbury ấn chuông của một cánh cửa màu đỏ sậm nằm chìm trong tường tòa nhà. Tom nghe có tiếng vặn khóa, rồi cửa mở và Jeff đứng đó, cười toe toét với họ.
“Tom! Thật siêu thực!” Jeff thì thào.
Họ đi qua một hành lang ngắn, vào trong một văn phòng ấm cúng với bàn làm việc và máy đánh chữ, sách, các bức tường màu kem, thảm lót kín phòng. Các bức tranh sơn dầu và các khung tranh nằm dựa vào tường.
“Tôi không biết làm cách nào để tán dương trông anh giống đến mức nào - Derwatt!” Jeff vô mạnh vai Tom. “Tôi hy vọng động tác này không làm râu của anh rụng xuống.”
“Đến bão cũng phải chịu thua,” Ed xen vào.
Jeff Constant đã tăng cân, mặt thì hồng hào hoặc có thể là vì anh ta sử dụng đèn nhuộm da. Ống tay áo sơ mi của anh ta được trang trí bằng khuy măng-sét vàng hình vuông, bộ âu phục đen sọc xanh dương trông mới toanh. Tom để ý thấy có một chỏm tóc giả - như cách họ gọi thời nay - che đi phần hói trên đỉnh đầu của Jeff, mà anh biết rõ là chỗ đó bây giờ trọc lốc rồi. Qua cánh cửa đóng chặt dẫn tới phòng tranh, rất nhiều giọng nói hứng khởi vọng vào, trong đó có một tiếng phụ nữ cười cao chót vót như cá heo nhảy lên khỏi mặt
biển dữ dội, Tom nghĩ thầm, dù lúc này anh chẳng có tâm trạng làm thơ.
“Sáu giờ,” Jeff thông báo, lật ống tay áo lên để nhìn đồng hồ. “Giờ tôi sẽ nhỏ nhẹ báo cho vài nhà báo biết rằng Derwatt đang ở đây. Trên toàn nước Anh này, sẽ không có một..
“Ha ha! Không có một cái gì?” Ed cắt lời.
“… không có một vụ huyên náo nào đâu,” Jeff nói một cách kiên định. “Tôi sẽ bảo đảm điều đó.”
“Anh cứ ngồi lại đây. Hoặc đúng, tùy ý,” Ed nói, ra dấu vào chiếc bàn nằm trong góc và một cái ghế sau bàn.
“Thằng cha Murchison cũng có mặt ở đây chứ?” Tom hỏi bằng giọng của Derwatt.
Nụ cười bất diệt của Jeff rạng rỡ hơn nhưng có phần không thoải mái. “À, có đấy. Anh phải gặp ông ta tất nhiên rồi. Nhưng sau khi gặp báo giới nhé.” Jeff háo hức nóng lòng muốn ra ngoài, dù trông anh ta có vẻ muốn nói thêm điều gì đó. Chìa khóa vặn trong ổ.
“Có nước ở đâu đó không?” Tom hỏi.
Ed chỉ cho anh một phòng vệ sinh nhỏ bị giấu sau một giá sách chòi ra ngoài. Tom vội vàng uống một ngụm nước và khi anh vừa bước ra, hai người đàn ông trong đám nhà báo đang cùng Jeff bước vào, mặt họ ngơ ngác vì ngạc nhiên và tò mò. Một người tầm năm mươi có lẻ, người còn lại ở độ tuổi hai mươi, nhưng biểu cảm thì khá tương đồng.
“Xin cho phép tôi giới thiệu ông Gardiner của tờ Telegraph” Jeff nói. “Derwatt. Và anh…”
“Perkins,” chàng trai trẻ nói. “Tờ Sunday…”
Một tiếng gõ cửa vang lên trước khi họ kịp chào hỏi lẫn nhau. Tom khom người đi về phía bàn, cứ như bị thấp khớp. Cây đèn duy nhất trong phòng nằm gần cánh cửa dẫn tới phòng tranh, cách anh đến tận ba mét. Nhưng Tom đã để ý thấy Perkins mang theo một chiếc máy ảnh có đèn flash.
Có thêm bốn người đàn ông và một người phụ nữ được mời vào. Trong hoàn cảnh này, Tom sợ cặp mắt của phụ nữ hơn bất kỳ thứ gì khác. Cô ta được giới thiệu với anh là cô Eleanor Gì Đó của tờ Manchester Gì Đó.
Rồi các câu hỏi bắt đầu tới tấp bay đến, mặc dù Jeff gợi ý các nhà báo nên lần lượt đặt câu hỏi thôi. Đây là một lời đề nghị vô dụng vì bọn họ đều quá hăm hở muốn thắc mắc của mình được giải đáp.
“Anh có định sống mãi mãi ở Mexico không, anh Derwatt?” “Anh Derwatt, chúng tôi cực kỳ bất ngờ khi thấy anh ở đây. Điều gì đã khiến anh quyết định tới Luân Đôn?”
“Đừng có gọi tôi là anh Derwatt,” Tom gắt gỏng nói. “Derwatt không là đủ rồi.”
“Anh có thích bộ tranh sơn dầu mới nhất mà mình vẽ không? Anh có nghĩ chúng là các tác phẩm xuất sắc nhất của mình không?” “Derwatt, anh sống một mình ở Mexico à?” Eleanor Gì Đó hỏi. “Đúng thế.”
“Anh có thể nói cho chúng tôi biết tên ngôi làng anh đang ở không?”
Có thêm ba người đàn ông bước vào và Tom thấy Jeff đang khuyên một người trong số họ đứng chờ bên ngoài.
“Có một thứ mà tôi sẽ không bao giờ nói cho các vị đó là tên ngôi làng tôi sống,” Tom chậm rãi nói. “Như vậy không công bằng đối với các cư dân khác.”
“Derwatt, này…”
“Derwatt, có vài nhà phê bình đã nói…”
Có người đang dùng nắm tay nện cửa.
Jeff nện trả và hét, “Hiện giờ không ai được vào nữa!”. “Có vài nhà phê bình đã nói…”
Giờ thì cửa vang lên tiếng răng rắc và Jeff lấy vai chặn lại. Cánh cửa sẽ không đầu hàng, Tom thấy vậy, và hướng đôi mắt bình tĩnh sang người vừa đặt câu hỏi.
“… đã nói rằng tác phẩm của anh tương đồng với một giai đoạn của Picasso liên quan tới thời kỳ lập thể của ông ta, khi ông ta bắt đầu bóc tách các khuôn mặt và hình khối.”
“Tôi không có giai đoạn vẽ tranh nào hết,” Tom nói. “Picasso mới có các giai đoạn. Đó là lý do người ta không thể định vị Picasso - đấy là nếu có người muốn làm vậy. Không thể nói ra câu ‘Tôi thích Picasso’, vì làm gì có giai đoạn nào xuất hiện trong đầu ta. Picasso đùa giỡn với hội họa. Không sao hết. Nhưng khi làm vậy thì ông ta cũng đã phá hủy bản chất thiên tài của mình - một thiên tài và một cá tính dung hòa. Cá tính của Picasso là gì?”
Các nhà báo cần mẫn ghi chép.
“Bức tranh nào anh yêu thích trong buổi triển lãm hôm nay? Anh nghĩ mình thích bức nào hơn hết thảy?”
“Tôi không có… Không, tôi không thể nói là mình có một bức họa đặc biệt yêu thích trong buổi triển lãm này. Cảm ơn anh.” Derwatt có hút thuốc không nhỉ? Kệ đi. Tom với lấy bao thuốc Craven A của Jeff và châm một điếu bằng bật lửa để bàn trước khi hai nhà báo có thể lao tới châm lửa giúp anh. Tom lùi lại để bảo vệ bộ râu của mình trước ngọn lửa. “Bức tranh ưa thích nhất của tôi có lẽ là các bức tranh cũ - ‘Đôi Ghế Đỏ,’ ‘Người Phụ Nữ Đang Rơi,’ có thể là thế. Đã bán được, ơn trời.” Chẳng biết từ đâu mà Tom nhớ ra tiêu đề bức tranh cuối cùng. Nó có tồn tại.
“Nó ở đâu? Tôi không biết bức tranh đó, nhưng có nghe đến tên nó,” có người nói.
E dè, như một người có thói lánh đời, Tom vẫn dán chặt mắt vào bàn thấm bọc da trên bàn Jeff. “Tôi quên mất rồi. ‘Người Phụ Nữ Đang Rơi’. Tôi nghĩ hình như được bán cho một người Mỹ.”
Các nhà báo lại dồn dập xông lên. “Anh có hài lòng với doanh số bán hàng của mình không, Derwatt?”
(Ai lại không thấy hài lòng chứ?)
“Mexico có truyền cảm hứng cho anh không? Tôi để ý thấy không có bức tranh sơn dầu nào trong buổi triển lãm này lấy bối cảnh Mexico hết.”
(Một chuớng ngại vật nhỏ, nhưng Tom vẫn vượt qua được. Lúc nào anh chẳng vẽ từ trí tưởng tượng.)
“Ít nhất thì anh có thể miêu tả căn nhà nơi anh sống ở Mexico chứ, Derwatt?” Eleanor hỏi.
(Việc này thì Tom làm được. Một căn nhà một tầng có bốn phòng. Trước cửa có một cây chuối. Có một cô gái đến dọn dẹp vào mười giờ sáng hàng ngày, và mua sắm ít đồ hộ anh hàng trưa, mang về bánh tortilla mới nướng nóng hôi hổi, sẽ được anh ăn cùng đậu đỏ - frijoles - thành bữa trưa. Đúng là thịt hơi khan hiếm nhưng cũng có ít thịt dê. Tên cô gái à? Juana.)
“Trong làng họ có gọi anh là Derwatt không?”
“Hồi trước thì có và họ cũng có cách phát âm cực kỳ khác, tôi nói cho các anh biết. Giờ thì họ gọi Filipo. Không cần một cái tên nào khác ngoài Don Filipo.”
“Họ hoàn toàn không biết anh chính là Derwatt à?”
Tom lại cười nhẹ. “Tôi không nghĩ họ bận tâm nhiều đến tờ The Times hay Arts Review hay mấy tờ báo đại loại như thế đâu.” “Anh có nhớ Luân Đôn không? Đối với anh nó trông như thế nào?”
“Có phải chỉ vì một ý thích bất chợt khiến anh quay lại lúc này không?” Perkins trẻ tuổi hỏi.
“Đúng thế. Chỉ là một ý thích bất chợt.” Tom nở nụ cười mệt mỏi, thản nhiên của một người đàn ông đã ngắm nhìn sông núi Mexico, trong cô đơn, suốt nhiều năm dài.
“Anh có bao giờ cải trang để tới châu Âu không? Chúng tôi biết anh thích sự riêng tư…”
“Derwatt, tôi sẽ cực kỳ biết ơn nếu được anh bỏ ra mười phút ngày mai. Tôi có thể hỏi nơi anh đang ở…”
“Xin lỗi nhé, tôi vẫn chưa quyết định được là mình sẽ ở đâu,” Tom nói.
Jeff nhẹ nhàng giục các nhà báo ra về và máy ảnh bắt đầu chớp lên. Tom cúi mặt xuống rồi ngẩng mặt lên cho một, hai bức ảnh theo yêu cầu. Jeff đưa một người phục vụ mặc áo vest trắng cầm theo một khay đồ uống vào. Cái khay trong nháy mắt trống không.
Tom nhấc một bàn tay lên ra hiệu bẽn lẽn, hòa nhã chào tạm biệt. “Cảm ơn tất cả các vị.”
“Không phỏng vấn nữa,” Jeff nói ở cửa.
“Nhưng tôi…”
“À, ông Murchison. Mời ông vào,” Jeff nói. Anh ta quay sang giới thiệu cho Tom. “Derwatt, đây là ông Murchison. Từ Mỹ.” Ông Murchison to con với khuôn mặt dễ chịu. “Anh thế nào, anh Derwatt?” Ông ta tươi cười hỏi thăm. “Thật là một bất ngờ tuyệt vời khi được gặp anh ở đất Luân Đôn này!”
Họ bắt tay.
“Chào ông,” Tom nói.
“Còn vị này là Edmund Banbury,” Jeff nói, “thưa ông Murchison.” Ed và ông Murchison chào hỏi nhau.
“Tôi có một bức tranh của anh - bức ‘Đồng Hồ’. Trên thực tế, tôi đã mang nó theo đây.” Giờ ông ta đang tươi cười rạng rỡ, nhìn Tom
đầy vẻ nhiệt thành và kính trọng, và Tom hy vọng vì mải ngạc nhiên khi được tận mắt nhìn thấy anh mà mắt ông ta bị lóa. “À, ra thế,” Tom nói.
Jeff một lần nữa lặng lẽ khóa cửa lại. “Ông không ngồi xuống sao, ông Murchison?”
“Được, cảm ơn anh.” Murchison ngồi xuống một chiếc ghế lưng thẳng.
Jeff bắt đầu lặng lẽ thu dọn những chiếc cốc không từ rìa các giá sách và bàn làm việc.
“Đi thẳng vào trọng tâm nhé, anh Derwatt, tôi… tôi có hứng thú với một số thay đổi nhất định về mặt kỹ thuật mà anh thể hiện ra trong bức tranh ‘Đồng Hồ’. Hiển nhiên là anh biết bức tranh tôi muốn nói đến chứ?” Ông ta hỏi.
Đó là một câu hỏi thông thường hay có tính công kích nhỉ, Tom phân vân. “Tất nhiên,” anh nói.
“Anh có thể miêu tả nó không?”
Tom vẫn đang đứng thẳng. Một cơn ớn lạnh lan đi khắp cơ thể anh. Tom mỉm cười. “Tôi chẳng bao giờ có thể miêu tả các bức tranh của mình. Tôi cũng sẽ chẳng lấy làm ngạc nhiên nếu trong đó không có cái đồng hồ nào. Ông Murchison, ông có biết là không phải lúc nào tôi cũng tự đặt tên cho các tác phẩm của mình không? Sao người ta có thể nghĩ ra cái tên ‘Trưa Chủ Nhật’ từ một bức tranh sơn dầu thì tôi cũng chịu.” (Tom đã liếc qua chương trình triển lãm hai mươi tám bức họa Derwatts đang được trưng bày, một tờ chương
trình mà Jeff hoặc ai đó đã thấu đáo mở ra và đặt lên bàn thấm trên bàn làm việc.) “Có phải đó là công lao của anh không, Jeff?” Anh ta bật cười. “Không, tôi nghĩ là của Ed. Ông có muốn uống gì không, ông Murchison? Tôi sẽ lấy đồ uống cho ông từ quầy bar.” “Không, cảm ơn anh, tôi không cần.” Rồi ông ta chuyển hướng sang Tom. “Đó là một chiếc đồng hồ màu đen xanh dương được cầm bởi… Anh có nhớ không?” Ông ta mỉm cười như thể chỉ đang hỏi một câu đố ngây thơ.
“Tôi nghĩ là một bé gái… quay mặt về phía người xem, đúng không nhỉ?”
“Hừm. Không sai,” ông Murchison nói. “Nhưng mà anh cũng đâu có vẽ bé trai bao giờ?”
Tom cười khẽ, nhẹ nhõm vì mình đã đoán đúng. “Tôi đoán là mình thích các bé gái hơn.”
Ông Murchison châm một điếu Chesterfield. Ông ta có đôi mắt màu nâu, mái tóc xoăn màu nâu sáng, và một quai hàm mạnh mẽ chỉ là có quá nhiều da, như cả cơ thể của ông ta. “Tôi muốn cho anh xem bức tranh của tôi. Tôi có lý do. Xin chờ trong giây lát. Tôi đã để nó ở chỗ áo khoác.”
Jeff để ông ta ra ngoài rồi lại khóa cửa lại.
Jeff và Tom nhìn nhau. Ed đang đứng dựa vào một bức tường sách, im lìm. Tom thì thào nói:
“Này mấy anh, nếu cái bức tranh chết tiệt đấy đã nằm trong phòng thay đồ suốt chừng đó thời gian, một người trong số các anh không thể nhón nó ra và đốt đi được à?”
“Ha ha!” Ed cười, lo lắng.
Nụ cười làm cả khuôn mặt đầy đặn của Jeff co rúm lại, dù anh ta vẫn duy trì tư thế, như thể ông Murchison vẫn còn ở trong phòng. “Thôi, nghe ông ta trình bày nốt nào,” Tom nói bằng giọng Derwatt chậm rãi và tự tin. Anh cố gắng giũ ống tay áo, nhưng chúng không nhúc nhích.
Ông Murchison quay lại, mang theo một bức tranh được bọc giấy nâu kẹp dưới nách. Đó là một bức tranh Derwatt cỡ trung bình, rơi vào khoảng 60 x 90 cm. “Tôi đã trả mười nghìn đô la cho bức tranh này,” ông ta nói, mỉm cười. “Có thể anh nghĩ tôi thật bất cẩn khi vứt nó trong phòng để áo khoác, nhưng tôi có xu hướng tin người.” Ông ta đang dùng dao nhíp tháo giấy bọc bức tranh ra. “Anh có biết bức tranh này không?” Ông ta hỏi Tom.
Tom mỉm cười với bức tranh. “Tất nhiên rồi.”
“Anh vẫn nhớ đã vẽ nó à?”
“Đó là tranh của tôi,” Tom nói.
“Chính màu tím trong bức tranh này thu hút tôi. Màu tím. Đây là màu tím cô-ban - chắc anh có thể phân biệt rõ hơn tôi.” Ông Murchison thoáng mỉm cười có phần hối lỗi. “Bức tranh ít nhất ba năm tuổi, vì tôi đã mua nó cách đây ba năm. Nhưng nếu tôi không nhầm thì anh đã bỏ màu violet xanh thẫm để chuyển sang màu đỏ cadmium và xanh thẫm từ cách đây năm, sáu năm gì đó rồi. Tôi cũng không thể chỉ rõ ngày tháng năm được.”
Tom im lặng. Trong bức tranh mà ông Murchison mua, chiếc đồng hồ có màu đen và tím. Đường cọ và màu sắc tương tự với
“Người Ngồi Trong Ghế” (do Bernard vẽ) ở nhà anh. Tom không hiểu rõ ông Murchison chỉ trích cái gì về mặt sắc tím. Một cô bé mặc chiếc váy màu hồng pha màu xanh táo đang giữ chiếc đồng hồ, hay đúng hơn là đặt tay lên trên nó, vì cái đồng hồ rất to và đang đứng trên bàn. “Nói thật với ông nhé, tôi đã quên mất rồi,” Tom nói. “Có thể tôi đã dùng màu tím cô-ban ở đấy đấy.”
“Còn cả bức tranh mang tên ‘Bồn Tắm’ ngoài kia nữa,” ông Murchison nói, hất đầu về phía phòng triển lãm. “Nhưng trong các bức tranh khác lại không có. Tôi thấy hiếu kỳ. Một họa sĩ thường không quay lại sử dụng một màu sắc mà anh ta đã vứt bỏ. Sự kết hợp của màu đỏ cadmium và xanh thẫm thú vị hơn nhiều - theo ý kiến của tôi. Đó là sự lựa chọn sau này của anh đấy.”
Tom chẳng mảy may lo lắng. Có phải anh nên thấy lo lắng hơn ? Anh khẽ nhún vai.
Jeff đã đi vào căn phòng vệ sinh nhỏ và đang lọ mọ với gạt tàn và cốc.
“Anh đã vẽ bức tranh ‘Đồng Hồ’ cách đây bao lâu?” Ông Murchison hỏi.
“Tôi e là không thể cho ông biết điều đó được,” Tom nói với thái độ thẳng thừng. Anh đã nắm được luận điểm của ông Murchison, ít nhất là về mặt thời gian, và anh cũng nói thêm, “Có thể là bốn đến năm năm trước. Đó là một bức tranh cũ rồi”.
“Khi bán cho tôi nó không hề cũ. Cả bức ‘Bồn Tắm’ nữa. Nó được đề ngày vẽ là trong năm ngoái, và trong bức tranh đó cũng có màu tím cô-ban.”
Màu cô-ban dùng làm bóng tối không hề nổi bật trong bức “Đồng Hồ”. Ông Murchison hẳn có cặp mắt cú vọ. Tom nghĩ bức “Đôi Ghế Đỏ” - bức tranh cũ hơn và là tác phẩm gốc của Derwatt - cũng có màu sắc ấy, và anh tự hỏi nó có ngày tháng cụ thể bên trên không? Nếu anh có thể nói bức “Đôi Ghế Đỏ” chỉ mới ba năm tuổi, bằng cách nào đó chứng minh được điều đó thì ông Murchison cút đi được rồi. Lát nữa phải đối chiếu lại với Jeff và Ed mới được, Tom nghĩ thầm.
“Anh nhớ rõ là mình đã vẽ bức ‘Đồng Hồ’ chứ?” Ông Murchison hỏi.
“Tôi biết đó là tranh của tôi,” Tom nói. “Tôi chắc đã ở Hy Lạp hoặc thậm chí là Ireland khi vẽ nó, vì tôi không nhớ ngày tháng chính xác, và ngày tháng ở phòng triển lãm không phải lúc nào cũng là thời điểm tôi vẽ tranh.”
“Tôi không nghĩ bức tranh ‘Đồng Hồ’ là tác phẩm của anh,” ông Murchison nói với vẻ tin tưởng thiện lành của người Mỹ. “Chúa nhân từ, vì sao lại không?” vẻ thiện lành của Tom giống y chang ông Murchison.
“Tôi có linh cảm rủi ro như thế, tôi biết. Nhưng tôi đã từng xem vài tác phẩm thời kỳ đầu của anh trong một bảo tàng ở Philadelphia. Nếu tôi được phép nói, anh Derwatt, anh…”
“Cứ gọi Derwatt là được. Tôi thích thế hơn.”
“Derwatt. Anh sáng tác rất nhiều, tôi nghĩ cũng có khả năng anh quên mất… hay nên nói là không nhớ một bức tranh. Giả dụ bức
‘Đồng Hồ’ đúng là phong cách của anh và chủ đề cũng mang nét đặc trưng của anh…”
Jeff, cũng như Ed, đang chăm chú lắng nghe, và khi ông ta tạm dừng, Jeff nói, “Nhưng sau rốt thì, tất cả những bức tranh này đều đến từ Mexico cùng với vài bức tranh khác của Derwatt. Anh ấy luôn gửi hai đến ba bức tranh cùng một lúc”.
“Đúng thế. Bức ‘Đồng Hồ’ có ghi ngày ở mặt sau. Nó ba năm tuổi, được viết bằng cùng màu mực đen mà Derwatt ký tên,” ông Murchison nói, lật ngược bức tranh lại để tất cả có thể nhìn thấy nó. “Tôi đã cho người giám định chữ ký và ngày tháng ở Mỹ. Tôi đã điều tra kỹ lưỡng đến mức đấy đấy,” ông Murchison nói, mỉm cười.
“Tôi không hiểu vấn đề là gì nữa,” Tom nói. “Nếu ngày tháng được ghi là ba năm trước bằng chính chữ viết tay của tôi thì tức là tôi đã vẽ nó ở Mexico chứ sao.”
Ông Murchison nhìn Jeff. “Anh Constant, anh nói đã nhận được bức ‘Đồng Hồ’ cùng với hai bức khác, chắc vậy, trong cùng một kiện hàng?”
“Đúng thế. Giờ theo tôi nhớ… Tôi nghĩ hai bức còn lại vẫn còn ở đây do những người chủ ở Luân Đôn cho mượn… Bức ‘Kho Thóc Màu Cam’ và… Anh có nhớ bức còn lại không, Ed?” “Tôi chắc là bức ‘Bóng Chim Ma’. Có đúng không?”
Từ cái gật đầu của Jeff, Tom có thể thấy đó là sự thật, không thì Jeff rất giỏi giả vờ.
“Chính là nó,” Jeff nói.
“Chúng không được sử dụng cùng một kỹ thuật với bức vẽ này. Trong chúng cũng có màu tím nhưng được tạo bởi các màu sắc trộn lẫn. Hai bức tranh mà hai vị đang nói đến là tranh thật - các bức tranh thật ở giai đoạn sau, trăm phần trăm.”
Ông Murchison có phần nhầm lẫn rồi, chúng cũng đều là tranh giả cả thôi. Tom gãi râu, nhưng hết sức nhẹ nhàng. Anh giữ vẻ lặng lẽ, nhưng có phần thích thú.
Ông Murchison nhìn từ Jeff sang Tom. “Các anh có thể nghĩ tôi rất tự phụ, nhưng nếu anh thứ lỗi cho tôi, Derwatt, thì tôi nghĩ anh đã bị giả mạo. Tôi sẽ nhận lấy rủi ro trong vụ này, dám cá cả tính mạng là bức ‘Đồng Hồ’ không phải do anh vẽ.”
“Nhưng ông Murchison,” Jeff nói, “đó chỉ đơn giản là vấn đề…” “Cho tôi xem hóa đơn của một số bức tranh nhất định trong một năm nào đó à? Các bức tranh được nhận từ Mexico mà thậm chí còn không được đặt tên? Thế nếu Derwatt không đặt tên cho chúng thì sao?”
“Buckmaster Gallery là nhà bán tranh duy nhất được phép bán các tác phẩm của Derwatt. Ông đã mua bức tranh đó từ chỗ chúng tôi.”
“Tôi ý thức rõ về điều đó,” ông Murchison nói. “Và tôi không buộc tội các anh hay Derwatt. Tôi chỉ đang nói rằng tôi không nghĩ đây là một bức tranh của Derwatt. Tôi cũng không thể giải thích rõ cho các anh biết chuyện gì đã xảy ra được.” Ông Murchison lần lượt nhìn bọn họ, có phần xấu hổ vì sự bộc phát của mình, nhưng vẫn giữ niềm tin vững chắc vào bản thân. “Giả thuyết của tôi là một họa sĩ sẽ
không bao giờ quay lại sử dụng một màu sắc hoặc một bộ màu sắc kết hợp mà anh ta đã từng sử dụng một khi anh ta đã chuyển sang một màu sắc khác cũng tinh tế và quan trọng như màu tím oải hương trong các bức tranh của Derwatt. Anh có đồng ý như vậy không, Derwatt?”
Tom thở dài và dùng ngón trỏ chạm vào râu của mình. “Tôi cũng không biết. Có vẻ tôi không phải là một nhà lý thuyết giống như ông.”
Tất cả im lặng.
“Thôi, ông Murchison, thế ông muốn chúng tôi làm gì với bức tranh ‘Đồng Hồ’ đây? Hoàn tiền cho ông nhé?” Jeff hỏi. “Chúng tôi rất sẵn lòng làm vậy, bởi vì… Derwatt vừa xác nhận lại rồi, và nói thẳng ra là giờ nó đáng giá hơn mười nghìn đô la đấy.”
Tom hy vọng ông Murchison sẽ đồng ý, nhưng ông ta không phải kiểu người như thế.
Ông Murchison từ tốn cân nhắc, đút hai tay vào túi quần và nhìn Jeff. “Cảm ơn anh, nhưng tôi có hứng thú với giả thuyết của tôi - ý kiến của tôi, hơn là tiền bạc. Và vì tôi vẫn còn ở Luân Đôn, nơi có những chuyên gia giám định tranh tài ba như ở bất kỳ đâu trên thế giới, có khi còn là những người giỏi nhất, tôi có ý định để một chuyên gia xem bức tranh ‘Đồng Hồ’ và so sánh nó với… vài bức tranh Derwatt không có gì phải nghi ngờ khác.”
“Được thôi,” Tom hòa nhã nói.
“Cảm ơn rất nhiều vì đã chịu gặp tôi, Derwatt. Rất hân hạnh được gặp anh.” Ông Murchison chìa bàn tay ra.
Tom bắt tay ông ta một cách mạnh mẽ. “Rất hân hạnh, ông Murchison.”
Ed giúp ông ta bọc tranh của mình lại và đưa thêm dây vì dây của ông Murchison không còn buộc được nữa.
“Tôi có thể liên hệ với anh qua phòng tranh này không?” Ông Murchison nói với Tom. “Mai chẳng hạn?”
“Được chứ,” Tom nói. “Họ sẽ biết tôi ở đâu.”
Khi ông Murchison rời khỏi phòng, cả Jeff và Ed đều thở phào nhẹ nhõm.
“Này… chuyện nghiêm trọng đến mức nào?” Tom hỏi. Jeff hiểu biết về tranh hơn. Anh ta khó khăn lên tiếng. “Nếu ông ta lôi một chuyên gia vào cuộc thì chuyện nghiêm trọng đấy, tôi nghĩ thế. Và ông ta sẽ làm những gì vừa nói. Ông ta có lý về màu tím. Người ta có thể xem nó là một manh mối dẫn đến những chuyện tệ hại hơn.”
Tom nói, “Sao chúng ta không thể quay lại studio của anh nhỉ, Jeff? Anh có thể lại đưa tôi lẻn ra qua cửa sau… như cô bé Lọ Lem vậy?”.
“Được thôi, nhưng tôi muốn nói chuyện với Leonard đã.” Jeff cười toét miệng. “Tôi sẽ kéo anh ta vào gặp anh.” Anh ta ra ngoài. Tiếng xì xào từ phòng triển lãm giờ đã lắng xuống. Tom nhìn Ed, mặt anh ta có phần nhợt nhạt. Tôi thì có thể biến mất, nhưng mấy người thì không, anh nghĩ. Tom vươn thẳng vai và giơ ngón tay thành hình chữ V. “Hất cao cằm lên, Banbury. Chúng ta sẽ giải quyết êm thấm chuyện này.”
“Hoặc họ sẽ giải quyết chúng ta,” Ed đáp lại, với một cử chỉ khiếm nhã hơn nhiều.
Jeff quay lại cùng Leonard, một người đàn ông trẻ tuổi nhỏ người, gọn gàng, mặc một bộ âu phục kiểu Edward với quá nhiều khuy và cổ áo bằng nhung. Leonard phá ra cười khi nhìn thấy Derwatt, và Jeff bảo anh ta im lặng.
“Phi thường, quá phi thường!” Leonard nói, nhìn Tom từ đầu tới chân với một vẻ ngưỡng mộ chân thành. “Tôi đã xem vô số bức ảnh, anh biết đấy! Tôi chưa từng nhìn thấy cái gì tuyệt vời đến mức này từ khi tôi đóng Toulouse-Lautrec với bàn chân bị trói lại sau lưng! Đó là chuyện của năm ngoái.” Leonard chăm chú nhìn Tom. “Anh là ai thế?”
“Điều đó,” Jeff nói, “anh sẽ không được phép biết. Chỉ cần nói rằng…”
“Chỉ cần nói rằng,” Ed nói, “Derwatt vừa có một buổi phỏng vấn tuyệt vời trước báo chí”.
“Và ngày mai không còn Derwatt nữa. Anh ta sẽ quay lại Mexico,” Jeff thì thầm. “Giờ thì quay lại với công việc của anh đi, Leonard.”
“Ciao”* Tom nói, giơ một tay lên.
“Vô cùng tôn kính,” Leonard nói, cúi người xuống. Anh ta lùi ra cửa và nói thêm, “Đám đông đã ra về gần hết rồi. Rượu cũng sắp hết”. Anh ta lách ra ngoài.
Tom thì không thấy vui vẻ cho lắm. Anh chỉ muốn thoát khỏi bộ đồ cải trang này. Tình huống này là một rắc rối chưa được giải
quyết.
Quay lại studio của Jeff, họ phát hiện ra là Bernard Tufts đã bỏ đi. Ed và Jeff có vẻ ngạc nhiên. Và Tom thì thấy có phần bất an, vì Bernard hẳn biết được chuyện gì đang diễn ra.
“Các anh có thể liên hệ với Bernard, tất nhiên rồi nhỉ,” Tom nói. “Tất nhiên,” Ed nói. Anh ta đang tự pha trà cho mình trong bếp của Jeff. “Bernard lúc nào cũng thích ru rú ở nhà. Anh ta có điện thoại.”
Tom chợt nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa, đến cả điện thoại cũng không còn an toàn để sử dụng.
“Ông Murchison chắc sẽ muốn gặp lại anh đấy,” Jeff nói. “Cùng vị chuyên gia. Vậy nên anh phải lặn đi. Mai anh sẽ phải về Mexico - một cách chính thức. Có thể là phải về ngay tối nay.” Jeff đang nhấp Pernod. Anh ta trông tự tin hơn, chắc vì buổi phỏng vấn với đám nhà báo và thậm chí cả buổi nói chuyện với ông Murchison đều đã diễn ra một cách tương đối ổn thỏa, Tom nghĩ thầm.
“Mexico cái của khỉ,” Ed nói, mang theo cốc trà vào. “Derwatt sẽ ở đâu đó trong nước Anh này với bạn bè anh ta, và đến cả chúng ta cũng không biết được là ở đâu. Cứ để qua vài ngày đã. Rồi anh ta mới về Mexico. Bằng phương tiện nào à? Ai mà biết được cơ chứ?”
Tom cởi chiếc áo vest thùng thình ra. “Bức ‘Đôi Ghế Đỏ’ có ghi ngày không?”
“Có,” Jeff nói. “Nó sáu năm tuổi.”
“Tôi cho là chỉ vài bức được ghi lại ngày tháng thôi, phải không?” Tom hỏi. “Tôi đang nghĩ hay là cập nhật lại bức đó - để giải quyết
cho xong vụ màu tím này đi.”
Ed và Jeff liếc nhìn nhau rồi Ed nói vội, “Không, nó được in trong quá nhiều catalogue tranh”.
“Có một cách giải quyết nữa, bảo Bernard vẽ thêm vài bức tranh sơn dầu - hai đi - có cùng cái màu tím cô-ban đó. Kiểu chứng minh rằng anh ta dùng cả hai loại màu tím.” Nhưng Tom cảm thấy cách này không khả thi ngay khi nói ra, và anh biết vì sao. Tom cảm thấy chính Bernard là người mà họ không thể dựa dẫm vào nữa. Anh không nhìn Jeff và Ed. Họ vẫn còn mơ hồ. Anh cố gắng đứng thẳng dậy, cảm thấy tự tin trong bộ dạng giả mạo Derwatt. “Tôi đã bao giờ kể cho hai anh về tuần trăng mật của mình chưa?” Tom hỏi bằng giọng đều đều của Derwatt.
“Không, hãy kể cho chúng tôi nghe về tuần trăng mật của anh đi!” Jeff nói, sẵn sàng phá ra cười và chưa gì miệng đã toe toét rồi. Tom lại đi khom người theo kiểu Derwatt. “Thứ… thứ ức chế nhất… là không khí. Ở Tây Ban Nha. Chúng tôi đã thuê phòng khách sạn, hai người biết đấy, và tôi ở đó với Heloise, dưới gác, ở sân trong, có một con vẹt hát Carmen - dở ẹc. Và mỗi lần chúng tôi… à thì, nó lại hát: ‘Ah-ha-ha-ha-ha-ha-ha- haaaaa! Ah-ha-ha-ha ha-ha-ha-ha-ha-ha-ha-haaaaa!’. Mọi người đều ngó ra ngoài cửa sổ, hét ầm lên bằng tiếng Tây Ban Nha là ‘Ngậm cái mỏ dơ bẩn của mày lại! Ai lại dậy… cái thứ không đáng nói tên kia hát Carmen không biết? Giết nó đi! Nấu canh đi!’. Không thể làm tình trong khi cười được. Các anh đã thử bao giờ chưa? Đấy… người ta bảo tiếng cười phân biệt con người với động vật. Và… thứ còn lại thì chắc
chắn là giống nhau rồi. Ed, anh có thể giúp tôi thoát khỏi bộ cánh này không?”
Ed đang cười ngặt nghẽo và Jeff lăn người trên ghế sô-pha nhẹ nhõm - mà Tom biết chỉ là tạm thời - sau trạng thái căng thẳng lúc nãy.
“Vào phòng tắm đi.” Ed bật nước nóng trong bồn rửa mặt lên. Tom thay sang quần áo của mình. Nếu bằng cách nào đó anh có thể dụ ông Murchison tới nhà anh, trước khi ông ta nói chuyện với vị chuyên gia mà ông ta nhắc đến, biết đâu - Tom cũng chưa biết mình định làm gì - tình huống này có thể được giải quyết. “Ông Murchison ở đâu ở Luân Đôn?”
“Một khách sạn nào đó,” Jeff nói. “Ông ta không nói là nơi nào.” “Anh có thể gọi tới vài khách sạn xem xem có thể tìm được ông ta không?”
Trước khi Jeff kịp sờ tới điện thoại thì nó đã reo. Tom nghe thấy Jeff báo với ai đó là Derwatt đã lên một chuyến tàu về phía bắc và Jeff cũng không biết anh ta định đi đâu. ‘Anh ta là một kẻ đơn độc,” Jeff nói. “Một nhà báo khác,” Jeff nói khi dập máy, “cố gắng có một cuộc phỏng vấn cá nhân”. Anh ta mở danh bạ ra. “Tôi sẽ thử gọi tới Dorchester trước. Ông ta trông giống kiểu thích ở Dorchester.”
“Hoặc Westbury,” Ed nói.
Phải cẩn thận nhấp rất nhiều nước mới tháo được bộ râu ra. Sau đó là gội đầu để làm sạch màu tóc nhuộm trên đầu anh. Cuối cùng Tom cũng nghe Jeff vui vẻ nói, “Không, cảm ơn anh, lát nữa tôi sẽ gọi lại”.
Rồi anh ta nói, “Khách sạn Mandeville. Nó nằm ở gần đường Wigmore”.
Tom mặc chiếc áo hồng mua ở Venice của anh vào. Rồi anh đi tới chỗ điện thoại và đặt một phòng ở khách sạn Mandeville dưới tên Thomas Ripley. Anh thông báo mình sẽ đến vào tầm tám giờ hơn.
“Anh định làm gì đấy?” Ed hỏi.
Tom khẽ cười, “Tôi cũng chưa rõ,” anh nói, đó là sự thật.
CHƯƠNG 4
K
hách sạn Mandeville khá sang trọng nhưng không đời nào có thể sánh bằng khách sạn Dorchester. Tom đến nơi lúc tám giờ mười lăm phút tối và đăng ký, ghi địa chỉ ở Villeperce-sur-Seine. Anh đã thoáng nghĩ đến việc đọc tên giả và địa chỉ là ở một vùng nông thôn nước Anh nào đó vì anh có thể sẽ lâm vào rắc rối đáng kể với ông Murchison và phải nhanh chóng biệt tích, nhưng cũng có khả năng anh sẽ mời ông ta tới Pháp, trong trường hợp đó thì Tom có thể cần đến tên thật của mình. Anh nhờ người khuân vác hành lý mang va-li của mình lên phòng rồi anh ngó nghiêng trong quầy bar, hy vọng ông Murchison có mặt ở đó. Không thấy ông ta, nhưng Tom vẫn quyết định uống một chai bia nhẹ và chờ đợi giây lát.
Sau mười phút uống bia chờ đợi và đọc Evening Standard, anh vẫn chẳng thấy bóng dáng ông Murchison đâu. Khu vực này có vô số nhà hàng, Tom biết, nhưng làm sao anh có thể tiến lại gần bàn của ông Murchison và tìm cách làm quen chỉ nhờ việc nói rằng hôm nay đã gặp ông ta ở buổi triển lãm Derwatt được. Hay là anh có thể nhỉ - nói rằng anh cũng đã thấy ông Murchison đi vào phòng trong để gặp Derwatt? Được. Tom đang định ra ngoài khám phá các nhà hàng địa phương thì thấy ông Murchison bước vào quầy bar, ra dấu cho ai đó đi theo.
Và trước sự ngạc nhiên, thậm chí là kinh hãi của Tom, anh thấy rằng người còn lại chính là Bernard Tufts. Tom vội vã chuồn ra cửa ở đầu phòng bên kia, dẫn ra vỉa hè. Bernard không nhìn thấy anh, Tom khá chắc. Anh nhìn một vòng tìm bốt điện thoại, hoặc tìm một khách sạn khác để gọi điện nhưng không thấy gì hết, nên anh lại quay vào Mandeville bằng cửa chính và nhận chìa khóa phòng, số 411.
Vào phòng, Tom gọi ngay đến studio của Jeff. Ba, bốn, rồi năm hồi chuông đổ và trong sự nhẹ nhõm của anh, Jeff nghe máy. “Xin chào, Tom! Tôi vừa đi xuống cầu thang với Ed thì nghe thấy tiếng điện thoại. Có chuyện gì thế?”
“Anh có tình cờ biết Bernard hiện đang ở đâu không?” “À, hôm nay chúng tôi sẽ để anh ta ở một mình. Anh ta đang buồn bực.”
“Anh ta đang uống rượu với ông Murchison ở trong quầy bar của khách sạn Mandeville.”
“Gì cơ?”
“Tôi đang gọi từ phòng khách sạn của tôi. Giờ thì bất kể anh định làm gì, Jeff… Anh có còn nghe không đấy?”
“Có, có đây.”
“Đừng có nói với Bernard là tôi đã nhìn thấy anh ta. Cũng đừng nói là tôi đang ở Mandeville. Và đừng có rối loạn vì bất kỳ chuyện gì hết. Đấy là nếu đến giờ Bernard còn chưa khai tuốt ra, tôi cũng không rõ nữa.”
“Chúa tôi ơi,” Jeff rên rỉ. “Không, không đâu. Bernard sẽ không kể hết ra đâu. Tôi không nghĩ vậy.”
“Tối muộn hôm nay anh có ở nhà không?”
“Có, trước… Ôi, tôi sẽ về nhà trước nửa đêm.”
“Tôi sẽ cố gắng gọi cho anh. Nhưng đừng lo nếu tôi không gọi. Đừng cố gọi cho tôi làm gì vì… biết đâu tôi lại có khách trong phòng.” Tom vừa nói vừa bật cười.
Jeff cũng cười, nhưng có vẻ yếu ớt, “Được rồi, Tom”. Anh dập máy.
Anh nhất định phải gặp ông Murchison tối nay. Liệu ông ta và Bernard có ăn tối không? Chờ hết bữa thì chán chết. Tom treo một bộ âu phục và cất vài chiếc áo sơ-mi vào trong ngăn kéo. Anh lại vẩy nước lên mặt và nhìn vào gương để bảo đảm mọi dấu keo đều đã biến mất.
Vì bồn chồn, anh rời khỏi phòng, áo khoác vắt trên cánh tay. Anh sẽ đi dạo, có thể là đến Soho, và tìm một chỗ ăn tối. Lúc bước vào sảnh, anh nhìn qua cánh cửa kính của quán bar Mandeville.
Anh gặp may. Ông Murchison ngồi một mình, đang ký hóa đơn và cửa dẫn ra đường của quán bar vừa đóng lại, có thể chính là để tiễn biệt Bernard. Tuy vậy, Tom vẫn liếc một vòng trong sảnh, phòng trường hợp anh ta chỉ đi vào phòng vệ sinh và có thể sẽ quay lại. Anh không nhìn thấy Bernard và anh đợi tới khi ông Murchison đã đứng hẳn lên chuẩn bị rời đi rồi mới vào quầy bar. Tom trông thật rầu rĩ và trầm tư, và trên thực tế thì anh cũng cảm thấy đúng như
vậy. Anh nhìn ông Murchison hai lần, mắt ông ta chạm mắt anh một lần, giả bộ như thể anh nhớ đã gặp ông ta ở đâu đó. Rồi Tom tiếp cận ông ta. “Xin lỗi. Tôi nghĩ hôm nay đã gặp ông ở buổi triển lãm Derwatt.” Tom sử dụng giọng Mỹ, vùng trung tây với chữ r trong Derwatt được nhấn mạnh.
“À, đúng là tôi đã ở đó,” ông Murchison nói.
“Tôi đã nghĩ trông ông giống người Mỹ mà. Tôi cũng là người Mỹ đấy. Ông thích Derwatt chứ?” Tom đang cố gắng tỏ ra trong sáng và thẳng thắn hết mức có thể mà không có vẻ quá ngờ nghệch. “Có chứ, chắc chắn rồi.”
“Tôi sở hữu hai bức tranh sơn dầu của anh ta,” Tom tự hào nói. “Tôi tính mua thêm một trong các bức tranh trong buổi triển lãm hôm nay - nếu vẫn còn. Tôi vẫn chưa quyết định xong. Bức ‘Bồn Tắm’.”
“Vậy à? Tôi cũng sở hữu một bức đấy,” ông Murchison đáp lại bằng vẻ bộc trực tương đương.
“Thật sao? Nó tên là gì?”
“Sao anh không ngồi xuống nhỉ?” Ông Murchison đang đứng nhưng ra hiệu về phía chiếc ghế đối diện với mình. “Anh có muốn uống gì không?”
“Cảm ơn, thế nào cũng được.”
Ông Murchison ngồi xuống. “Bức tranh của tôi có tên là ‘Đồng Hồ’. Thật vui khi gặp được một người cũng sở hữu một bức tranh Derwatt… à, tận hai bức!”
Một phục vụ đi tới.
“Tôi uống scotch. Còn anh?” Ông ta hỏi Tom.
“Gin và tonic,” Tom nói. Anh thêm, “Tôi đang ở tại khách sạn Mandeville này nên hãy tính tiền đồ uống cho tôi”.
“Chúng ta sẽ tranh luận về điều đó sau. Kể cho tôi nghe về hai bức tranh anh có đi.”
“Bức ‘Đôi Ghế Đỏ’,” Tom nói, “và…”
“Thật à? Một viên đá quý! Bức ‘Đôi Ghế Đỏ’ ý. Anh có sống ở Luân Đôn không?”
“Không, ở Pháp.”
“Ôi,” đầy vẻ thất vọng. “Bức còn lại là gì?”
“Bức ‘Người Ngồi Trong Ghế’.”
“Tôi không biết bức tranh đó,” ông Murchison nói.
Trong vài phút, họ thảo luận về tính cách kỳ lạ của Derwatt, và Tom kể anh đã thấy ông Murchison đi vào phòng trong của phòng triển lãm nơi anh nghe nói Derwatt đang có mặt.
“Chỉ nhà báo được phép vào trong, nhưng tôi đã phá cửa,” ông Murchison bảo với Tom. “Anh thấy đấy, tôi có một lý do khá đặc biệt để ở đây đúng lúc này, và khi tôi nghe nói Derwatt cũng có mặt ở đây vào buổi chiều hôm nay ở phòng triển lãm, tôi không thể để tuột mất cơ hội.”
“Vậy à? Lý do của ông là gì thế?” Tom hỏi.
Ông Murchison giải thích rằng Derwatt có thể đang bị giả mạo tranh và Tom lắng nghe với sự chú tâm cao độ. Vấn đề là hiện Derwatt đang sử dụng hỗn hợp màu xanh thẫm và đỏ cadmium, suốt năm năm qua (từ trước khi anh ta chết, Tom nhận ra, vậy nên Derwatt mới là người bắt đầu sử dụng nó chứ không phải Bernard)
nhưng trong bức “Đồng Hồ” và “Bồn Tắm”, anh ta lại quay lại màu tím cô-ban đơn giản từ thời kỳ trước đó. Ông Murchison cũng lấy vẽ tranh làm sở thích, ông ta kể với Tom như vậy.
“Tôi không phải chuyên gia, tin tôi đi, nhưng tôi đọc hầu như mọi quyển sách về các họa sĩ và hội họa có trên đời. Chẳng cần đến một chuyên gia hay kính hiển vi mới nhận ra sự khác biệt giữa một màu đơn sắc và màu pha, nhưng ý tôi muốn nói ở đây là, anh sẽ chẳng bao giờ tìm được một họa sĩ nào quay lại sử dụng một màu sắc mà anh ta đã cố tình hoặc vô thức vứt bỏ. Tôi nói là vô thức vì khi một họa sĩ chọn một màu sắc mới hoặc các màu sắc mới thì chủ yếu đó là một quyết định vô thức. Dù không phải Derwatt sử dụng màu oải hương trong mọi bức tranh, không phải thế. Nhưng kết luận của tôi là bức tranh ‘Đồng Hồ’ của tôi và có thể là cả vài bức tranh khác nữa, trong đó có cả bức ‘Bồn Tắm’ mà tiện thể anh có hứng thú ấy, không phải tranh của Derwatt.”
“Thú vị thật. Cực kỳ thú vị. Vì tình cờ thay bức ‘Nguời Ngồi Trong Ghế’ của tôi có vẻ khớp với những gì ông vừa nói. Tôi nghĩ vậy. Và bức đó khoảng bốn năm tuổi. Tôi mong sao ông có thể xem nó. Thế ông định xử lý bức ‘Đồng Hồ’ của mình như thế nào?”
Ông Murchison châm một điếu Chesterfield của mình lên. “Tôi vẫn chưa kể xong câu chuyện của mình đâu. Tôi vừa uống rượu với một người Anh tên là Bernard Tufts, cũng là một họa sĩ, và có vẻ anh ta cũng có chung nghi ngờ như tôi về Derwatt.”
Tom cau có. “Thật sao? Nếu có kẻ đang giả mạo Derwatt thật thì chuyện này khá nghiêm trọng đấy. Anh ta đã nói gì?”
“Tôi có cảm giác anh ta biết nhiều hơn những gì anh ta kể. Tôi không nghĩ anh ta có can dự trong vụ này. Anh ta không phải kiểu lừa đảo và trông cũng không có vẻ có nhiều tiền. Nhưng hình như anh ta rất hiểu về thế giới nghệ thuật Luân Đôn. Anh ta chỉ đơn giản cảnh cáo tôi, ‘Đừng mua thêm bức Derwatt nào nữa, ông Murchison’. Nào, anh nghĩ sao về chuyện đó?”
“Hừm. Nhưng anh ta có chứng cứ gì không?”
“Như tôi nói, tôi không rõ. Tôi không moi được gì từ anh ta cả. Nhưng anh ta mất công tìm kiếm tôi ở đây và anh ta còn nói đã gọi cho tám khách sạn ở Luân Đôn mới tìm được tôi. Tôi đã hỏi làm sao anh ta biết tên tôi và anh ta trả lời là, ‘À thì có tin đồn’. Rất kỳ lạ, vì mấy nguời ở Buckmaster Gallery là những nguời duy nhất tôi nói chuyện cùng. Anh không nghĩ vậy sao? Ngày mai tôi sẽ có hẹn với một người ở Tate Gallery, nhưng đến cả anh ta cũng chưa hề biết tôi hẹn để nói chuyện liên quan tới một bức tranh Derwatt.” Ông Murchison uống thêm một chút scotch và nói, “Khi các bức tranh bắt đầu được chuyển về từ Mexico… Anh có biết ngày mai tôi định làm gì ngoài việc cho anh Riemer ở Tate Gallery xem bức ‘Đồng Hồ’ không, tôi sẽ hỏi xem tôi hoặc anh ta có quyền xem hóa đơn hoặc sổ sách của những người ở Buckmaster Gallery về việc các bức tranh của Derwatt được gửi về từ Mexico hay không. Tôi không mấy hứng thú với tên tranh, và Derwatt cũng đã bảo tôi là không phải lúc nào anh ta cũng tự đặt tên cho chúng, mà tôi quan tâm đến số lượng tranh. Chắc chắn là chúng được hải quan hoặc chỗ nào đó đưa vào, và nếu có những bức tranh không được ghi chép lại thì cũng có lý do cả. Hẳn sẽ đáng kinh ngạc lắm nếu chính bản thân
Derwatt cũng đang bị bịt mắt và vài bức tranh Derwatt - à, chẳng hạn như mấy bức được nói là bốn đến năm năm tuổi đi - đã được vẽ ra ngay chính tại Luân Đôn này?”.
Phải, Tom nghĩ. Đáng kinh ngạc thật. “Nhưng ông vừa kể là đã nói chuyện với Derwatt. Ông có nói chuyện về bức tranh của mình với anh ta không?”
“Tôi còn cho anh ta xem tranh! Anh ta nói đó là tranh của mình nhưng lại không chắc chắn trăm phần trăm, theo ý kiến của tôi. Anh ta không nói ‘Chúa ơi, đó là tranh của tôi chứ gì nữa!’. Anh ta nhìn bức tranh mấy phút rồi mới nói, ‘Tất nhiên, đó là tranh của tôi’. Có thể là tôi đang quá cả gan, nhưng tôi đã bảo với Derwatt là tôi nghĩ có khả năng anh ta quên mất một, hai bức tranh sơn dầu của mình, một bức vô danh mà anh ta đã vẽ cách đây vài năm.”
Tom cau mày như thể anh không đồng ý với điều đó, đúng là thế thật. Kể cả một họa sĩ có không đặt tên cho bức tranh của mình đi nữa thì anh ta cũng phải nhớ bức tranh đó, Tom nghĩ, thậm chí có khi còn nhớ cả một bức phác thảo ấy chứ. Nhưng anh vẫn để ông Murchison tiếp tục nói.
“Còn nữa, tôi không thích mấy người ở Buckmaster Gallery lắm. Jeffrey Constant. Và nhà báo Edmund Banbury, người rõ ràng là bạn thân của Constant. Tôi nhận thấy họ là bạn thân của Derwatt. Ở Long Island nơi tôi sống có bán tờ The Listenter, Arts Review và cả tờ Sundays Times. Tôi cũng thường thấy các bài báo của Banbury, rất hay kèm quảng cáo cho tranh Derwatt, đấy là nếu bài báo đó không dành riêng để tán tụng một bức tranh Derwatt. Và anh biết tôi chợt nghĩ gì không?”
“Gì vậy?” Tom hỏi.
“Rằng… chỉ là biết đâu chính Constant và Banbury là người dàn xếp vài bức tranh giả mạo để bán nhiều tranh Derwatt hơn số tranh Derwatt có thể sản xuất ra. Tôi không dám nói là Derwatt cũng nhúng tay vào chuyện đó. Nhung không phải sẽ buồn cười lắm sao nếu Derwatt đãng trí đến mức anh ta thậm chí không thể nhớ được mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh?” Ông Murchison cười lớn.
Buồn cười thật, Tom cho là vậy, nhưng chẳng có gì đáng cười hết. Không buồn cười bằng sự thật đâu, ông Murchison. Tom mỉm cười. “Vậy là ngày mai ông sẽ cho chuyên gia xem bức tranh của mình à?”
“Lên gác xem nó luôn bây giờ đi!”
Tom cố gắng giành trả tiền nhưng ông Murchison khăng khăng đòi ký hóa đơn.
Anh cùng ông ta đi vào thang máy. Ông Murchison cất bức tranh trong một góc tủ đồ, vẫn được bọc lại hệt như Ed đã bọc nó chiều hôm ấy. Tom nhìn nó đầy hứng thú.
“Nó là một bức tranh đẹp,” Tom nói.
“À, không ai có thể phủ nhận điều đó!”
“Ông biết đấy…” Tom đặt bức tranh lên bàn làm việc và giờ đang nhìn nó từ xa với tất cả các ngọn đèn đã được bật sáng. “Nó có nét tương tự với bức ‘Người Ngồi Trong Ghế’ của tôi đấy. Sao ông không ghé chỗ tôi và xem bức tranh của tôi nhỉ? Tôi ở rất gần Paris. Nếu ông nghĩ bức tranh của tôi cũng bị giả mạo thì tôi sẽ để ông mang nó theo về Luân Đôn để giám định.”
“Hừm,” ông Murchison nói, ngẫm nghĩ. “Nghe được đấy nhỉ.” “Nếu ông bị lừa thì tôi cũng vậy, tôi nghĩ thế.” Đề nghị trả tiền vé máy bay cho ông Murchison là một hành động sỉ nhục ông ta, Tom nghĩ vậy, nên anh không đề cập đến. “Tôi có một căn nhà khá lớn và hiện giờ tôi đang sống một mình, ngoài bà quản gia.” “Được rồi, tôi sẽ đi,” ông Murchison nói, vẫn chưa chịu ngồi xuống.
“Tôi định đi vào chiều mai đấy.”
“Được, vậy tôi sẽ hoãn cuộc hẹn với Tate Gallery lại.” “Tôi cũng có nhiều bức tranh khác nữa. Dù tôi không phải nhà sưu tập đâu.” Tom ngồi xuống chiếc ghế rộng nhất. “Tôi mong ông có thể xem qua chúng. Một bức Soutine. Hai bức Magritte.” “Thật à?” Mắt ông Murchison bắt đầu trông có vẻ hơi mơ màng. “Anh sống cách Paris bao xa?”
Mười phút sau, Tom đã về phòng anh ở tầng dưới. Ông Murchison đã đề nghị họ ăn tối cùng nhau nhưng Tom nghĩ tốt nhất là nói mình có hẹn lúc mười giờ tối ở Belgravia nên anh không dư thời gian. Ông Murchison đã tin tưởng để Tom đặt vé máy bay cho hai người tới Paris vào chiều mai, vé khứ hồi cho ông Murchison. Tom nhấc điện thoại lên và đặt hai ghế trên một chuyến bay cất cánh vào hai giờ chiều ngày mai, thứ Tư, tới Orly. Tom cũng có vé quay về của mình. Anh để lại tin nhắn dưới quầy tiếp tân cho ông Murchison về thông tin chuyến bay. Sau đó Tom gọi một chiếc sandwich và nửa chai Médoc. Rồi anh ngủ một giấc tới mười một
giờ và gọi điện cho Reeves Minot ở Hamburg. Cuộc điện thoại này mất gần nửa tiếng đồng hồ.
Reeves không có mặt, một người đàn ông đặc giọng Đức nói. Tom quyết định cứ liều thử xem vì anh đã chán ngấy Reeves rồi, và hỏi, “Tom Ripley đây. Reeves có tin nhắn nào cho tôi không?”. “Có. Tin nhắn vào thứ Tư. Ngày mai Bá tước sẽ đến Milan. Ngày mai anh có thể tới Milan không?”
“Không, ngày mai tôi không thể tới Milan được. Es tut mir leid.”* Tom chưa muốn báo cho gã này biết, bất kể gã là ai đi nữa, chuyện Bá tước đã nhận được lời mời tới thăm anh lần tới ông ta đến Pháp rồi. Reeves không thể kỳ vọng anh lúc nào cũng bỏ hết tất cả mọi chuyện trong tay được - Tom đã làm vậy hai lần - bay tới Hamburg hoặc Rome (dù đúng là anh cũng rất thích đi du lịch một chút), giả vờ vô tình có mặt ở mấy thành phố đó, và mời “vật chủ”, như Tom vẫn luôn nghĩ về những người mang đồ, tới nhà của mình ở Villeperce.
“Tôi nghĩ cũng chẳng có gì quá phức tạp hết,” Tom nói. “Anh có thể cho tôi biết địa chỉ của Bá tước ở Milan không?”
“Grand Hotel,” giọng cộc cằn đáp.
“Anh có thể báo với Reeves là tôi sẽ gọi lại, chắc là ngày mai. Tôi có thể liên lạc với anh ta ở đâu?”
“Sáng mai tại Grand Hotel ở Milan. Anh ấy sẽ đi tàu tới Milan tối nay. Anh ấy không thích máy bay, anh biết đấy.”
Tom không biết. Kỳ lạ, một người đàn ông như Reeves mà lại không thích máy bay. “Tôi sẽ gọi cho anh ta. Và giờ tôi không ở
Munich. Tôi đang ở Paris.”
“Paris à?” nói vẻ ngạc nhiên. “Tôi biết Reeves đã cố gọi cho anh ở Munich, khách sạn Vierjahreszeiten.”
Không may cho anh ta. Tom lịch sự gác máy.
Kim đồng hồ đeo tay của Tom di chuyển về phía mười hai giờ đêm. Anh ngẫm nghĩ xem lát nữa nên nói gì với Jeff Constant. Và phải làm gì với Bernard nữa. Một bài diễn văn trấn an tinh thần nảy đến trong đầu Tom, vẫn còn thời gian để gặp anh ta trước khi anh đi vào chiều mai, nhưng Tom chỉ sợ Bernard sẽ thấy buồn bực và bi quan hơn nếu có người thể hiện nỗ lực trấn an anh ta. Nếu Bernard nói với ông Murchison là, “Đừng mua thêm bức Derwatt nào nữa” thì xem chừng là anh ta sẽ không vẽ thêm một bức Derwatt nào nữa và điều đó, tất nhiên, sẽ khiến tình hình kinh doanh trở nên xấu đi. Một viễn cảnh thậm chí còn tồi tệ hơn nữa là Bernard có khi đang chực muốn thú tội với cảnh sát hoặc vài nguời mua tranh Derwatt giả.
Thật sự thì trạng thái tinh thần của anh ta như thế nào và anh ta dự tính làm gì nhỉ?
Tom quyết định là mình không nên nói gì với Bernard cả. Bernard biết rõ là anh, Tom, đã đề xuất anh ta vẽ tranh giả. Tom đi tắm và bắt đầu hát:
^hBabbo non vuole
Mamma nemmeno
Come far emo
Afar air amor…$h
Các bức tường của Mandeville mang lại cảm giác - có thể chỉ là ảo giác - cách âm tốt. Tom đã lâu không hát bài này. Anh hài lòng vì nó bất chợt xuất hiện trong đầu mình, vì đó là một bài ca vui vẻ, và Tom xem đó là điềm lành.
Anh mặc đồ ngủ và gọi tới studio của Jeff.
Jeff nghe máy ngay lập tức. “Xin chào. Thế nào rồi?” “Tối nay tôi đã nói chuyện với ông M và chúng tôi khá hợp cạ. Ngày mai ông ta sẽ cùng tôi tới Pháp. Chuyện đó sẽ giúp trì hoãn vụ này lại, anh biết đấy.”
“Và… ý anh là anh sẽ cố gắng thuyết phục ông ta hoặc làm gì đó.”
“Đúng thế. Có vẻ là vậy.”
“Muốn tôi tới khách sạn của anh không, Tom? Chắc anh đã quá mệt để ghé lại đây. Hay anh vẫn tới đây được?”
“Tôi không đủ sức, nhưng cũng không cần thiết. Vả lại anh có thể chạm trán ông M nếu anh tới đây, và chúng ta thì không muốn điều đó.”
“Đúng là không.”
“Anh có tin tức gì của Bernard không?” Tom hỏi.
“Không.”
“Hãy nói với anh ta là…” Tom cố gắng tìm từ thích hợp. “Nói với anh ta là anh - chứ không phải tôi nhé - vô tình biết được ông M sẽ đợi thêm vài ngày trước khi đưa ra quyết định sẽ làm gì với bức tranh của mình. Tôi rất lo lắng không muốn Bernard phá hỏng vụ này. Anh cố gắng lo liệu việc đó nhé?”
“Sao anh không nói chuyện với Bernard nhỉ?”
“Vì như thế không ổn,” Tom nói có phần gắt gỏng. Vài người thật chẳng biết cái quái gì về tâm lý học hết!
“Tom, hôm nay anh thật tuyệt vời,” Jeff nói. “Cảm ơn anh nhiều.” Tom mỉm cười, hài lòng với giọng nói thắm thiết của Jeff. “Lo phần Bernard nhé. Tôi sẽ gọi điện lại cho anh trước khi cất cánh.” “Tôi định sẽ ở trong studio cả sáng mai.”
Họ chúc nhau ngủ ngon.
Nếu anh kể cho Jeff về ý định đòi hóa đơn hoặc sổ sách ghi chép về việc các bức tranh được gửi tới từ Mexico của ông Murchison thì Jeff sẽ lo lắng nhặng xị lên, Tom nghĩ thầm. Sáng mai anh sẽ phải cảnh báo cho Jeff về vụ đó, gọi cho anh ta từ một bốt điện thoại trên vỉa hè hoặc từ một bưu điện nào đó. Tom quan ngại về những người trực điện thoại ở khách sạn. Tất nhiên, anh hy vọng có thể can ngăn ông Murchison cố chấp với giả thuyết của ông ta, nhưng nếu anh không thể thì tốt nhất là Buckmaster Gallery nên bịa ra vài sổ sách trông thật một chút.
CHƯƠNG 5
B
uổi sáng hôm sau, khi đang ăn sáng tại giường - một đặc quyền cho những người trả thêm vài đồng shilling ở Anh - Tom gọi điện cho bà Annette. Chỉ mới tám giờ nhưng Tom biết bà ta hẳn đã dậy được gần một tiếng đồng hồ rồi, vừa ca hát vừa hoàn thành mấy việc vặt như bật lò sưởi (một cái công tắc nhỏ trong bếp), pha hỗn hợp tinh tế của mình (trà), vì uống cà phê vào buổi sáng khiến tim bà ta đập nhanh và chỉnh lại vị trí các chậu cây trên các bệ cửa sổ khác nhau để chúng có thể đón được nhiều ánh nắng nhất. Và bà ta sẽ thấy sung sướng vô ngần nếu nhận được điện thoại thăm hỏi của anh từ Londres*.
“Alo!… Alo… alo!” Tổng đài viên cáu kinh.
“Alo?” Kỳ quặc.
“Alo!”
Ba tổng đài viên người Pháp cùng nhấc máy, cộng thêm người phụ nữ trực điện thoại ở đầu khách sạn Mandeville nữa. Cuối cùng cũng đến lượt bà Annette nghe máy. “Sáng nay ở đây trời đẹp lắm. Có nắng!” Bà ta nói.
Tom mỉm cười. Anh đang rất cần nghe một giọng nói tươi vui. “Bà Annette… Đúng, tôi cực kỳ khỏe, cảm ơn bà. Răng bà thế nào
rồi?… Tốt quá! Tôi gọi điện để báo là chiều nay tôi sẽ về nhà vào tầm bốn giờ cùng với một quý ông người Mỹ.”
“À!” Bà Annette nói, hài lòng.
“Khách ở nhà chúng ta đêm nay, có thể là hai đêm nữa, ai biết được? Bà có thể chuẩn bị phòng khách chu đáo không? Có thêm chút hoa hoét? Và bữa tối thì chắc làm món tournedos* kèm với nước sốt béarnaise* ngon tuyệt vời của bà được không?”
Bà Annette nghe có vẻ sướng điên lên vì Tom sẽ có khách và bà ta lại có một công việc rõ ràng để làm.
Sau đó Tom gọi cho ông Murchison và họ đồng ý hẹn gặp nhau ở sảnh khách sạn vào tầm trưa và cùng đi tắc-xi tới Heathrow. Tom ra ngoài, định đi dạo tới quảng truờng Berkeley, ở gần đó có một cửa hàng bán đồ lót nam nơi anh luôn mua một bộ pyjama lụa như một nghi lễ nhỏ hầu hết mỗi lần anh tới Luân Đôn. Đây cũng có thể là cơ hội cuối cùng trong chuyến đi này của anh để đi tàu điện ngầm. Hệ thống tàu điện ngầm là một phần đời sống Luân Đôn, và Tom cũng là người ngưỡng mộ các tác phẩm graffiti dưới lòng đất. Mặt trời đang cố gắng xuyên thủng lớp sương mù ẩm ướt trong vô vọng, dù trời không đổ mưa hẳn. Tom đi vào ga đường Bond cùng với vài vị khách lạc lõng cuối cùng, chắc vậy, trong giờ cao điểm buổi sáng. Điều khiến Tom ngưỡng mộ về những người vẽ graffiti ở Luân Đôn đó là khả năng vẽ vời từ các thang cuốn đang di chuyển của họ. Các tấm poster quần lót nhan nhản khắp nơi cạnh thang cuốn, chẳng có gì ngoài các cô gái mặc áo nịt ngực và quần lót, được trang trí thêm bởi hình giải phẫu học của những người đàn ông và phụ nữ khác, thỉnh thoảng còn kèm thêm cả câu dài: TÔI
SUNG SƯỚNG LÀM NGƯỜI LƯỠNG TÍNH! Họ làm thế nào vậy nhỉ? Đi ngược hướng với chiều chạy của thang cuốn trong khi viết ư? Câu DA MÀU CÚT ĐI! được viết khắp nơi, thỉnh thoảng lại có biến thể DA MÀU CÚT NGAY! Dưới ga tàu, Tom nhìn thấy một tấm poster quảng cáo Romeo và Juliet của Zeffirelli, Romeo thì cởi trần nằm ngửa còn Juliet bò trên người anh ta với một lời đề nghị đáng ngạc nhiên thốt ra khỏi miệng. Câu trả lời của Romeo trong bong bóng hộp thoại là “Được rồi, sao không?”.
Tom mua được bộ pyjama lúc mười rưỡi. Anh chọn một bộ màu vàng. Anh đã định mua màu tím vì đến giờ vẫn chưa có bộ nào màu này, nhưng dạo gần đây anh đã có đủ màu tím trong đời rồi. Tom đi tắc-xi tới phố Carnaby. Anh mua cho mình một chiếc quần vải xa tanh ống nhỏ. Quà cho Heloise là một chiếc quần ống loe kiểu hippy bằng vải len đen, eo cỡ hai sáu. Phòng thử đồ nơi Tom thử quần nhỏ đến mức anh không thể bước ra xa gương để xem chiều dài đã được chưa, nhưng bà Annette thích điều chỉnh những thứ nho nhỏ như thế giúp anh và Heloise. Bên cạnh đó, có hai người Ý liên tục nói “Bellissimo!”* cứ cách giây lại kéo rèm ra, chờ được vào trong thử đồ. Khi Tom đang trả tiền, hai người Hy Lạp bước vào và bắt đầu ầm ỹ thảo luận giá cả bằng đồng drachma*. Cửa hàng chỉ rộng 2 x 4 m và không ngạc nhiên khi nó chỉ có đúng một người bán hàng, vì làm gì có chỗ cho hai người.
Cầm theo những món đồ đã mua trong một chiếc túi giấy to kêu sột soạt, Tom tiến lại gần một bốt điện thoại trên vỉa hè và gọi cho Jeff Constant.
“Tôi đã nói chuyện với Bernard,” Jeff nói, “và anh ta sợ ông Murchison chết khiếp. Tôi đã hỏi anh ta nói gì với ông Murchison vì chính Bernard kể cho tôi là anh ta đã nói chuyện với ông Murchison, anh hiểu chứ. Bernard nói là anh ta đã bảo ông ta đừng mua thêm tranh nữa. Như thế là tệ lắm rồi đấy nhỉ?”.
“Phải,” Tom nói. “Còn gì nữa?”
“À thì… tôi đã cố gắng dỗ Bernard là anh ta đã nói tất cả những gì có thể và nên nói. Rất khó giải thích cho anh vì anh không hiểu Bernard, nhưng anh ta cứ canh cánh trong lòng cảm giác tội lỗi về khả năng thiên tài của Derwatt, đại loại thế. Tôi đã cố gắng thuyết phục Bernard là anh ta đã bớt cảm giác cắn rứt lương tâm khi nói vậy với lão Murchison rồi thì sao không để kệ mọi chuyện đi?”
“Sau đó Bernard trả lời như thế nào?”
“Anh ta rầu rĩ đến mức khó mà hiểu anh ta nói gì. Tranh trong buổi triển lãm đã được bán sạch bách, chỉ còn sót lại đúng một bức. Tưởng tượng mà xem! Thế mà Bernard lại thấy tội lỗi về chuyện đó!” Jeff bật cười. “Bức ‘Bồn Tắm’. Đó là một trong những bức mà lão Murchison nhắm đến.”
“Nếu hiện giờ anh ta không muốn vẽ thêm tranh nữa thì đừng ép buộc anh ta.”
“Đó cũng chính là thái độ của tôi đấy. Anh nói quá đúng, Tom. Nhưng tôi nghĩ chỉ sau một đêm là anh ta lại hăng hái trở lại thôi. Tiếp tục vẽ tranh. Chỉ vì căng thẳng do buổi triển lãm cũng như thấy anh đóng vai Derwatt mà ra vậy. Anh ta tôn sùng Derwatt hơn phần lớn mọi người tôn sùng Chúa Jesus.”
Tom không cần ai nói cũng biết điều đó. “Thêm một chuyện vụn vặt này nữa, Jeff. Ông Murchison có khi lại muốn xem sổ sách của phòng triển lãm liên quan đến tranh của Derwatt. Từ Mexico. Anh có lưu giữ sổ sách gì không?”
“Từ… từ Mexico thì không.”
“Anh có thể bịa ra cái gì đấy không? Phòng trường hợp tôi không thể thuyết phục ông ta cho qua vụ này?”
“Tôi sẽ cố gắng, Tom.” Giọng Jeff có vẻ run run.
Tom nóng nảy. “Giả mạo đi. Làm nó trông cũ vào. Không nói đến ông M thì việc có vài quyển sổ sách báo cáo không phải cũng là ý hay để chứng minh…” Tom khựng lại. Có vài người không biết cách điều hành doanh nghiệp, kể cả là một doanh nghiệp thành công như công ty trách nhiệm hữu hạn Derwatt.
“Được rồi, Tom.”
Tom đi vòng tới Burlington Arcade, nơi anh ghé qua một tiệm trang sức và mua một cái kẹp bằng vàng - hình một con khỉ nhỏ đang khom người - cho Heloise, được anh trả bằng séc du lịch Mỹ. Sinh nhật Heloise vào tháng tới. Rồi anh đi bộ về phía khách sạn của mình, qua phố Oxford, nó vẫn đông đúc như thường lệ với những người mua hàng, phụ nữ xách các túi căng phồng và cầm hộp quà, trẻ con đi thành hàng. Một người đàn ông đeo hai biển hiệu quảng cáo trên người cho một studio chụp ảnh hộ chiếu, dịch vụ nhanh và rẻ. Ông già ấy mặc một chiếc áo khoác cũ mèm, mũ xẹp xuống, và ngậm một điếu thuốc lá chưa châm bẩn thỉu. Ông ta nên tự lấy hộ chiếu để lên thuyền tới đảo Hy Lạp đi, Tom nghĩ, nhưng