🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thế giới của Sophie
Ebooks
Nhóm Zalo
MỤC LỤC:
VƯỜN ĐỊA ĐÀNG
… một lúc nào đó, cái gì đó hẳn đã sinh ra từ hư vô…
CÁI MŨ CAO VÀNH
…phẩm chất duy nhất cần thiết để trở thành triết gia tốt là khả năng ngạc nhiên…
HUYỀN THOẠI
…một thế quân bình mong manh giữa các lực lượng thiện và ác… CÁC NHÀ TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN
...chẳng có gì nảy sinh từ hư vô...
DEMOCRITUS
…món đồ chơi tuyệt vời nhất thế giới…
SỐ MỆNH
… thầy bói cố tiên đoán một điều khó mà đoán được…
SOCRATES
… người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết… ATHENS
...những toà nhà lớn đã mọc lên từ đống phế tích...
PLATO
...mong mỏi trở về với vương quốc của linh hồn...
NGÔI NHÀ GỖ CỦA ÔNG THIẾU TÁ
... cô gái trong gương nháy cả hai mắt …
ARISTOTLE
... một con người tỉ mỉ muốn làm sáng tỏ các khái niệm của chúng ta… THỜI KỲ HY LẠP HÓA
… một tia sang từ đống lửa…
NHỮNG TẤM BƯU ẢNH
…Bố đang cố kiểm duyệt bản thân thật chặt chẽ…
HAI NỀN VĂN HÓA
…cách duy nhất để tránh trôi nổi trong chân không…
THỜI TRUNG CỔ
…chỉ đi một đoạn đường không có nghĩa là đi sai đường… THỜI PHỤC HƯNG
…hỡi dòng dõi thần thánh trong vỏ bọc trần tục…
THỜI BAROQUE
… những chất liệu làm nên giấc mơ…
DESCARTES
...ông muốn dọn sạch gạch vụn...
SPINOZA
…Chúa Trời không phải là một nghệ sĩ múa rối…
LOCKE
… trần trụi và trống trơn như một tấm bảng đen trước khi thầy giáo đến…
HUME
… thế thì ném nó vào lửa…
BERKELEY
… như một hành tinh loạng quạng quay cuồng quanh một mặt trời rực cháy…
BJERKELY
…một cái gương thần mà cụ bà đã mua của một người đàn bà Di-gan THỜI KỲ KHAI SÁNG
…từ cách làm kim khâu cho đến cách đúc đại bác…
KANT
…bầu trời đầy sao trên đầu tôi và qui tắc đạo đức ở trong tôi… CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN
…con đường bí hiểm dẫn vào trong…
HEGEL
... Cái tồn tại là cái hợp lý...
KIERKEGAARD
... châu Âu đang trên đường phá sản...
MARX
…một bóng ma đang ám ảnh châu Âu…
DARWIN
... một con tàu chở gen căng buồm đi suốt cuộc đời...
FREUD
…xung năng vị kỷ đáng ghét đã từng nổi lên trong cô…
THỜI ĐẠI CỦA CHÚNG TA
…con người bị kết án phải tự do
BỮA TIỆC TRONG VƯỜN
... một con quạ trắng...
ĐỐI ÂM
... nhiều giai điệu cùng âm vang...
VỤ NỔ LỚN
…chúng ta cũng là bụi của những ngôi sao…
VƯỜN ĐỊA ĐÀNG
… một lúc nào đó, cái gì đó hẳn đã sinh ra từ hư vô…
Sophie Amundsen từ trường về. Cô đi cùng đường với Joanna. Họ trò chuyện về người máy. Theo Joanna, bộ óc của con người giống như một cái máy tính cao cấp. Sophie không rõ có đồng ý được không. Chắc chắn một con người phải hơn là một cái máy chứ?
Khi đến siêu thị, mỗi người rẽ về phía nhà của mình. Sophie sống ở cuối một khu nhà ngoại ô, đường đến trường xa gấp đôi Joanna. Nhà cô như ở tận cùng của thế giới, vì sau khu vườn đã là cửa rừng.
Cô rẽ vào đường Cỏ Ba Lá. Cuối đường có một chỗ ngoặt gấp - “khúc ngoặt của Thuyền trưởng”. Hầu như chẳng có ai đến đây trừ thứ bảy và chủ nhật.
Bấy giờ là đầu tháng Năm. Trong các khu vườn, hoa thuỷ tiên mọc xen với cây ăn quả. Những cây phong đã được phủ một màu lá xanh dịu. Thật kỳ diệu khi mọi vật bừng nở vào thời kỳ này trong năm! Cái gì đã làm cho cỏ cây xanh tốt ùa ra từ lòng đất chết, ngay khi trời vừa ấm lên và tuyết tan hết?
Khi Sophie mở cánh cửa vườn, cô ngó vào hộp thư. Ở đó thường có cả đống quảng cáo và một vài phong bì khổ lớn gửi cho mẹ cô. Thỉnh thoảng cũng có một vài lá thư từ ngân hàng gửi cho bố cô, nhưng phải nói ngay rằng, ông không như các ông bố bình thường khác. Bố Sophie là thuyền trưởng của một tàu chở dầu lớn và ông vắng nhà gần như quanh năm. Khi có được vài tuần ở nhà, ông sẽ đi lại loẹt xoẹt quanh nhà và làm mọi thứ trở nên xinh đẹp và ấm cúng. Nhưng khi ở ngoài biển, ông lại có vẻ rất xa cách
Chỉ có mỗi một bức thư trong hộp thư, và nó được gửi cho Sophie. Chiếc phong bì trắng ghi “Sophie Amundsen, số 3 đường Cò Ba Lá”. Chỉ có vậy, không có tên người gửi, cũng chẳng có cả tem.
Sophie vội vàng khép cổng và mở phong bì. Bên trong chỉ có một mảnh giấy nhỏ với dòng chữ: Bạn là ai?
Không có gì khác, chỉ có ba chữ viết tay với một dấu chấm hỏi to tướng. Cô nhìn lại chiếc phong bì. Rõ ràng bức thư được gửi cho cô. Ai đã thả nó vào hộp thư?
Sophie chạy nhanh vào ngôi nhà màu đỏ. Như thường lệ, chú mèo Sherekan đã kịp chui ra khỏi bụi cây, nhảy lên bậc thềm và lách vào nhà
trước khi cô đóng cửa.
Mỗi lần bực bội, mẹ Sophie thường gọi ngôi nhà họ đang ở là một cái chuồng thú. Sophie khá hạnh phúc về bộ sưu tập động vật của mình. Đầu tiên, cô có ba con cá vàng Lưng Vàng, Mũ Đỏ, và Cờ Đen. Tiếp theo là hai con vẹt Smitt và Smule, rùa Govinda, và cuối cùng là con mèo vàng Sherekan. Chúng đều được tặng cho cô để bù đắp cho chuyện mẹ cô luôn đi làm về muộn còn bố cô thì luôn vắng nhà, lái tàu khắp thế giới.
Sophie liệng cặp xuống sàn và cho mèo ăn. Sau đó, cô ngồi xuống chiếc ghế nhà bếp với lá thư bí ẩn trên tay.
Bạn là ai?
Làm sao biết được? Tất nhiên, cô là Sophie Amundsen, nhưng đấy là ai? Cô chưa nghĩ ra.
Nếu thực ra cô được đặt một cái tên khác, Anne Knutsen chẳng hạn, liệu cô có thành người khác không?
Cô chợt nhớ ban đầu bố cô đã định đặt tên cô là Lillemor. Sophie thử tưởng tượng mình bắt tay và tự giới thiệu là Lillemor Amundsen, nhưng không ổn chút nào. Cứ như người khác đang tự giới thiệu vậy.
Cô rời ghế và đi vào phòng tắm, mang theo lá thư kỳ lạ. Cô đứng trước gương và nhìn vào mắt mình.
“Tôi là Sophie Amundsen”, cô nói.
Cô gái trong gương chẳng phản ứng gì, chỉ làm giống hệt Sophie. Sophie cố cử động thật nhanh để thắng bóng mình trong gương, cô gái kia cũng nhanh chẳng kém.
“Bạn là ai?” Sophie hỏi.
Lần này, cô cũng không nhận được phản hồi, nhưng cô chợt nghĩ không biết người đã đặt câu hỏi là cô hay cái bóng trong gương.
Sophie ấn ngón trỏ lên cái mũi trong gương và nói :
“Bạn là tôi”.
Không được trả lời, cô đảo ngược câu nói :
“Tôi là bạn”.
Sophie thường không hài lòng với vẻ ngoài của mình. Cô thường được khen có đôi mắt đẹp hình hạnh nhân. Nhưng có lẽ mọi người chỉ nói thế thôi, vì mũi cô quá nhỏ và miệng thì hơi rộng quá. Còn tai thì quá gần với mắt. Tệ nhất là mái tóc thẳng không tài gì uốn cong được. Đôi khi, bố cô vuốt tóc cô và gọi cô là “cô gái tóc vải lanh” - tên một bản nhạc của Claude Debussy. Không có một loại mousse hay keo xịt tóc nào có tác dụng dù là nhỏ nhất với tóc Sophie. Có lúc, Sophie thấy mình xấu xí đến mức cô tự hỏi không biết mình có bị khuyết tật gì khi sinh ra hay không. Mẹ cô thường kể về chuyện sinh ra cô khó khăn như thế nào. Nhưng điều đó có thực sự là cái quyết định bề ngoài không?
Thật kỳ quặc khi cô không biết mình là ai! Chẳng phải bất công hay sao
khi cô không được tham gia quyết định về bề ngoài của mình? Vẻ bề ngoài đã được trút lên đầu cô. Cô có thể chọn bạn cho mình, nhưng chắc chắn cô không chọn chính mình. Cô thậm chí không chọn việc trở thành một con người.
Con người là gì?
Sophie lại ngước mắt nhìn cô gái trong gương.
“Có lẽ mình nên lên nhà và làm bài tập môn sinh học”, cô nói như cảm thấy có lỗi. Ra đến sảnh, cô nghĩ : Không, mình ra vườn thì hơn. “Miu miu !”
Sophie xua con mèo ra bậc thềm rồi đóng cửa lại.
Đứng trên con đường rải sỏi với bức thư bí ẩn trên tay, một cảm giác kỳ lạ xâm chiếm Sophie. Cô cảm thấy mình giống như con búp bê bất ngờ được truyền sự sống bởi một chiếc đũa thần.
Thật phi thường khi có mặt trong thế giới lúc này, lang thang trong một cuộc phiêu lưu tuyệt vời.
Sherekan nhẹ nhàng nhảy qua con đường rải sỏi và lẩn vào bụi phúc bồn tử rậm rạp. Một con mèo sống động đầy sinh lực từ bộ ria trắng đến cái đuôi xoắn ở cuối thân hình mềm mại. Nó cũng đang ở trong vườn, nhưng lại không có ý thức về điều đó như Sophie. Suy nghĩ về chuyện được sống, Sophie nhận ra mình sẽ không sống mãi. Bây giờ, mình đang ở trên đời, nhưng một ngày nào đó, mình sẽ không còn nữa.
Có cuộc sống sau cái chết hay không? Đó cũng là một câu hỏi mà con mèo không ý thức được.
Bà của Sophie mới mất cách đâu không lâu. Sáu tháng nay, ngày nào Sophie cũng cảm thấy thiếu bà. Thật không công bằng khi cuộc sống phải kết thúc !
Sophie đứng suy nghĩ trên con đường rải sỏi. Cô cố nghĩ thật nhiều về chuyện mình đang sống để quên rằng cô sẽ không sống mãi. Nhưng vô ích. Ngay khi tập trung nghĩ về sự sống, ý nghĩ về cái chết cũng nảy ra trong tâm trí cô. Điều ngược lại cũng vậy : chỉ khi có được một cảm xúc sâu sắc về một ngày nào đó mình sẽ chết, cô mới có thể thấy rằng thật tuyệt vời khi được sống. Nó như hai mặt của một đồng xu mà cô không ngừng lật đi lật lại. Mặt này to hơn, rõ hơn bao nhiêu, mặt kia cũng to rõ hơn bấy nhiêu
Cô nghĩ, người ta không thể cảm nhận mình đang sống mà không đồng thời nghĩ rồi mình sẽ phải chết. Cũng giống như người ta không thể nghĩ mình phải chết mà không nghĩ việc được sống kỳ diệu đến thế nào.
Sophie nhớ khi bác sĩ bảo bà ốm nặng, bà đã nói “Đến bây giờ tôi mới nhận ra cuộc sống đẹp đến thế nào”.
Thật buồn khi hầu hết mọi người phải bị ốm trước khi họ hiểu quà tặng của cuộc sống. Hoặc họ phải tìm thấy một lá thư bí ẩn trong hộp thư ! Có lẽ cô nên quay lại xem có lá thư nào mới đến hay không. Sophie vội vã
ra cổng và ngó vào trong hộp thư màu lục. Cô giật mình khi lại thấy một phong thư màu trắng giống hệt cái đầu tiên. Chiếc phong bì này cũng có tên cô trên đó và cũng đựng một mảnh giấy nhỏ cùng kích thước. Trên đó có dòng chữ :
Thế giới từ đâu ra?
Mình không biết, Sophie nghĩ thầm. Chắc chắn là chẳng ai thực sự biết điều đó. Tuy nhiên, Sophie nghĩ, đó cũng là một câu hỏi hay. Lần đầu tiên trong đời, cô cảm thấy người ta không thể sống trong thế giới mà không một lần hỏi xem nó từ đâu ra.
Những lá thư bí ẩn làm Sophie chóng mặt. Cô quyết định vào ngồi trong hốc.
Cái hốc là nơi trú ẩn bí mật của Sophie. Cô đến đây khi rất bực bội, đau khổ hoặc hạnh phúc. Hôm nay, cô chỉ cảm thấy bối rối.
Ngôi nhà đỏ được bao quanh bởi một khu vườn rộng với rất nhiều luống hoa, cây bụi, cây ăn quả đủ loại, một thảm cỏ rộng với một cái tàu lượn và một cái chòi nhỏ mà ông nội đã xây cho bà khi bà mất người con đầu mới vài tuần tuổi tên là Maria. Trên mộ cô có khắc dòng chữ “Maria bé nhỏ đến với chúng ta, chào, rồi ra đi”.
Dưới góc vườn, đằng sau bụi phúc bồn tử là một bụi cây dày, nơi chẳng có hoa hay dâu mọc được. Thực ra, đó là bờ giậu cũ đã từng là ranh giới với khu rừng. Nhưng hai mươi năm nay không ai tỉa, nó đã mọc thành một bụi rậm chằng chịt không đi qua được. Bà nội kể, thời chiến tranh, khi gà được nuôi thả trong vườn, hàng giậu này đã ngăn cáo vào bắt gà.
Với tất cả mọi người trừ Sophie, bờ giậu cũ vô dụng như những cái chuồng thỏ ở bên kia vườn. Nhưng đó chỉ là vì họ chưa tìm ra điều bí mật của Sophie.
Sophie không còn nhớ từ khi nào cô đã biết về cái lỗ nhỏ trong bờ giậu. Khi chui qua, cô đến một khoảng rộng giữa các bụi cây. Nó như một ngôi nhà nhỏ. Cô biết không ai có thể tìm thấy cô ở đó.
Nắm chặt hai lá thư trong tay, cô băng qua vườn, bò len lỏi trong bờ giậu. Cái hốc gần đủ cao để cô có thể đứng thẳng, nhưng hôm nay, cô ngồi trên một đám rễ cây. Từ đây, cô có thể nhìn qua các lỗ nhỏ giữa đám cành lá. Tuy không có lỗ nào to hơn đồng xu, cô vẫn có thể quan sát toàn bộ khu vườn. Hồi nhỏ, cô đã từng thích ngồi xem bố mẹ tìm mình giữa các đám cây.
Sophie vẫn luôn nghĩ rằng khu vườn tự nó là cả một thế giới. Mỗi khi nghe về vườn Địa đàng trong Kinh thánh, cô lại nhớ đến những lúc mình ngồi trong hốc ngắm nghía thiên đường bé nhỏ của mình.
Thế giới từ đâu ra?
Cô chẳng có chút ý tưởng nào dù chỉ mơ hồ. Cô biết rằng Trái Đất chỉ là một hành tinh nhỏ trong vũ trụ. Nhưng vũ trụ từ đâu ra?
Có thể vũ trụ vẫn luôn luôn tồn tại, khi đó cô sẽ không phải nghĩ xem nó từ
đâu ra. Nhưng liệu có thể có cái gì luôn luôn tồn tại không? Có cái gì đó sâu trong cô phản đối ý tưởng này. Tất cả những gì đang tồn tại chắc chắn phải có một sự bắt đầu chứ? Vậy, một lúc nào đó, vũ trụ đã được tạo ra từ một cái gì đó khác.
Nhưng nếu vũ trụ bắt nguồn từ một cái gì đó khác, cái đó cũng phải được sinh ra từ một cái gì đó. Sophie cảm thấy mình chỉ đang trì hoãn vấn đề. Tại thời điểm nào đó, cái gì hẳn đã nảy sinh từ hư vô. Nhưng điều đó có thể hay không? Phải chăng điều đó cũng không tưởng như quan niệm rằng thế giới luôn tồn tại?
Ở trường, cô được dạy rằng Chúa Trời tạo ra thế giới. Sophie cố tự bằng lòng với ý nghĩ rằng đây có lẽ là lời giải tốt nhất cho toàn bộ vấn đề. Nhưng rồi cô nghĩ lại. Cô có thể chấp nhận rằng Chúa đã tạo ra vũ trụ, thế còn Chúa thì sao? Ngài đã tự tạo ra chính mình từ hư vô chăng? Một lần nữa, lại có cái gì đó sâu trong cô phản đối. Kể cả nếu Chúa đã có thể tạo ra mọi thứ, Ngài không thể tạo ra bản thân trước khi có “chính mình”. Nhưng cô đã loại bỏ khả năng đó ! Mọi thứ tồn tại đều phải có một sự khởi đầu.
Khỉ thật !
Cô lại mở hai phong bì.
Bạn là ai?
Thế giới từ đâu ra?
Thật là những câu hỏi khó chịu ! Và những lá thư này từ đâu đến? Điều đó cũng bí hiểm không kém.
Ai đã bỗng dưng kéo Sophie ra khỏi cuộc sống bình lặng để đặt cô đối diện với những điều bí ẩn lớn lao của vũ trụ?
Lần thứ ba, Sophie đến chỗ hộp thư. Người đưa thư vừa đến phát thư. Sophie lấy ra một chồng quảng cáo, báo và thư cho mẹ. Có cả một tấm bưu ảnh với hình một bãi biển nhiệt đới. Cô lật tấm bưu ảnh. Trên đó có một con tem Na Uy và dấu bưu điện. Tiểu đoàn Liên hợp quốc. Của bố gửi chăng? Nhưng chẳng phải bố đang ở một nơi hoàn toàn khác sao? Đây cũng không phải chữ của bố.
Sophie cảm thấy tim đập nhanh hơn một chút khi đọc thấy địa chỉ người nhận : “Hilde Moller Knag, nhờ Sophie Amundsen số 3, đường Cỏ Ba Lá… chuyển giùm”. Phần còn lại của địa chỉ thì chính xác. Tấm bưu ảnh ghi :
“Hilde thân yêu. Chúc mừng sinh nhật lần thứ 15 ! Bố biết con sẽ hiểu. Bố muốn tặng con một món quà mà nó sẽ giúp con khôn lớn. Bố xin lỗi đã gửi bưu ảnh cho Sophie. Nhưng đó là cách tiện nhất. Bố yêu con”.
Sophie chạy về nhà và vào bếp. Cô cảm thấy thật bối rối. Cái cô “Hilde” này là ai, mà sinh nhật lần thứ 15 của cô ấy lại trước ngày sinh của cô đúng một tháng?
Sophie lục cuốn danh bạ điện thoại. Có rất nhiều người có tên Moller hoặc Knag, nhưng chẳng có ai tên là Moller Knag cả.
Cô xem lại cái bưu ảnh bí ẩn. Nó trông có vẻ rất thật với một con tem và dấu bưu điện.
Tại sao một ông bố lại gửi thiệp mừng sinh nhật con gái đến địa chỉ của Sophie trong khi rõ ràng cô ấy không ở đây. Bố kiểu gì mà lại đi lừa chính con gái mình bằng cách cố tình gửi thiệp mừng sinh nhật đi lạc đường? Làm sao mà đó lại là “cách tiện nhất” được? Và nhất là làm thế nào để lần ra được Hilde?
Vậy là Sophie lại có thêm một vấn đề phải quan tâm. Cô cố gắng sắp xếp lại suy nghĩ của mình.
Buổi chiều nay, trong vòng có hai tiếng đồng hồ, cô đã gặp ba bài toán. Thứ nhất, ai đã bỏ hai phong bì trắng vào trong hộp thư. Thứ hai là các câu hỏi hóc búa trong các lá thư. Vấn đề thứ ba : Hilde Moller Knag là ai, tại sao thiệp mừng sinh nhật của cô ấy lại được gửi cho Sophie. Cô dám chắc ba vấn đề này có quan hệ với nhau. Nhất định là có, bởi cho tới hôm nay, cô vẫn sống một cuộc sống hoàn toàn bình lặng.
CÁI MŨ CAO VÀNH
…phẩm chất duy nhất cần thiết để trở thành triết gia tốt là khả năng ngạc nhiên…
Sophie tin chắc người viết thư nặc danh sẽ lại liên lạc với cô. Cô quyết định chưa nên kể cho ai biết. Ở trường, cô không thể tập trung vào những gì thầy cô giáo giảng. Dường như họ chỉ nói về những điều không quan trọng. Tại sao thầy cô không nói về con người là gì, hoặc nói về bản chất và nguồn gốc của thế giới?
Cô bắt đầu cảm thấy ở trường và mọi nơi khác, mọi người chỉ quan tâm đến những vấn đề nhỏ mọn. Trong khi có những vấn đề quan trọng cần được giải quyết.
Đã ai có câu trả lời cho các câu hỏi đó chưa? Suy nghĩ về chúng quan trọng hơn là ngồi học thuộc các động từ bất quy tắc.
Khi chuông reo báo hết giờ, cô ra khỏi trường nhanh đến mức Joanna phải chạy theo mới kịp.
“Cậu có muốn chơi bài tối nay không?” Joanna hỏi.
Sophie nhún vai.
“Tớ hết hứng chơi bài rồi.”
Joanna lộ vẻ ngạc nhiên.
“Thế à? Vậy thì đánh cầu lông nhé!”
Sophie nhìn xuống vỉa hè, rồi ngước lên cô bạn.
“Tớ không nghĩ là tớ thích đánh cầu.”
“Cậu không đùa đấy chứ?”
Sophie nhận thấy một chút hờn dỗi trong giọng nói của cô bạn. “Cậu không muốn kể xem tự dưng lại có chuyện gì nghiêm trọng vậy à?” Sophie chỉ lắc đầu. “Chuyện đó… chuyện đó bí mật”
“Êu! Chắc là đang cảm ai rồi!”
Hai cô bé yên lặng hồi lâu. Đến sân bóng, Joanna nói “Tớ sẽ đi ngang qua sân vận động.”
Ngang qua sân vận động? Đó là đường ngắn nhất của Joanna, nhưng cô chỉ đi đường này nếu phải vội về nhà để kịp đón khách hay kịp cuộc hẹn chữa răng.
Sophie hối hận vì đã làm bạn dỗi. Nhưng cô có thể nói gì khác được? Nói rằng cô bỗng dưng bị thu hút bởi chuyện mình là ai và thế giới từ đâu ra, đến nỗi không có thời gian chơi cầu lông ư? Joanna liệu có hiểu không? Tại sao việc quan tâm đến câu hỏi sống còn nhất và cũng tự nhiên nhất
trong các câu hỏi lại rắc rối đến vậy?
Cô cảm thấy thật hồi hộp khi mở hộp thư. Đầu tiên, cô chỉ tìm thấy một bức thư từ ngân hàng và một vài phong bì to màu nâu gửi cho mẹ. Khỉ thật! Sophie mong nhận được một lá thư nữa của người không quen biết.
Khi đóng cổng, cô nhận ra tên mình trên một trong những chiếc phong bì khổ lớn. Mặt sau phong bì ghi: “Giáo trình Triết học. Cần giữ gìn cẩn thận.” Sophie chạy ngược con đường rải sỏi, quăng cặp lên bậc thềm. Cô nhét các lá thư khác dưới đệm chùi chân rồi chạy vòng ra khu vườn sau nhà đến ẩn mình trong cái hốc. Đấy là nơi duy nhất để mở cái phong bì to. Sherekan tới, nó nhảy theo cô, nhưng chẳng sao. Sophie biết con mèo sẽ không làm lộ bí mật.
Trong phong bì có ba trang giấy đánh máy được kẹp lại. Sophie bắt đầu đọc:
Triết học là gì?
Sophie thân mến,
Mỗi người đều có sở thích riêng. Người sưu tầm tiền cổ hoặc tem nước ngoài, người đan lát, người thích chơi thể thao.
Nhiều người thích đọc sách báo. Nhưng thị hiếu về sách báo lại khác nhau rất nhiều. Một số chỉ thích đọc báo và truyện tranh, một số thích tiểu thuyết, trong khi những người khác lại thích sách về thiên văn học, động vật hoang dã, hay các khám phá khoa học.
Nếu tôi lỡ thích ngựa hoặc đá quý, tôi không thể trông đợi mọi người khác đều chia sẻ nhiệt huyết của tôi. Nếu tôi xem tất cả các chương trình thể thao trên truyền hình với một niềm say mê lớn, tôi phải chấp nhận thực tế rằng có những người thấy thể thao thật buồn tẻ.
Chẳng lẽ không có cái gì mà tất cả mọi người đều quan tâm, không có cái gì có liên quan đến tất cả mọi người, bất kể họ là ai và sống ở đâu? Có đấy, Sophie thân mến ạ. Có những câu hỏi mà ai cũng quan tâm. Đó chính là các câu hỏi làm chủ đề cho khoá học này.
Cái gì là quan trọng nhất trong cuộc đời? Nếu ta hỏi một người sắp chết đói, câu trả lời là thức ăn. Nếu ta hỏi một người sắp chết rét, câu trả lời là sự ấm áp. Nếu cùng câu hỏi ấy được đặt ra cho một người đang cảm thấy cô quạnh và đơn độc, câu trả lời có thể sẽ là sự bầu bạn.
Nhưng khi các nhu cầu cơ bản đã được thoả mãn, liệu sẽ có cái gì đó mà ai cũng cần không? Các triết gia cho là có. Họ tin rằng, con người không thể chỉ sống bằng bánh mì. Tất nhiên, ai cũng cần thức ăn. Ai cũng cần tình yêu và sự quan tâm. Nhưng ngoài ra, vẫn còn một thứ mà ai cũng cần, đó là tìm hiểu xem chúng ta là ai và tại sao chúng ta lại ở đây.
Mối quan tâm đến chuyện tại sao chúng ta tồn tại không phải là một sở thích “thông thường” như thú sưu tập tem. Những người đặt ra các câu hỏi đó đã tham gia một cuộc tranh luận kéo dài từ khi con người bắt đầu sống
trên hành tinh này. Nguồn gốc của vũ trụ, Trái Đất và sự sống là câu hỏi lớn hơn và quan trọng hơn việc biết được ai là người giành được nhiều huy chương vàng nhất tại các kỳ Olympic gần đây.
Cách tốt nhất để tiếp cận triết học đó là hỏi một vài câu hỏi triết học: Thế giới đã được tạo ra như thế nào? Có một ý chí hay ý nghĩa nào ẩn sau những gì đang xảy ra hay không? Có hay không cuộc sống sau khi chết? Làm sao để ta có thể trả lời những câu hỏi này? Và điều quan trọng nhất, ta nên sống như thế nào? Con người thời nào cũng đặt ra các câu hỏi đó. Ta không biết một nền văn hoá nào lại không quan tâm đến chuyện con người là gì và thế giới từ đâu ra.
Thực ra không có nhiều câu hỏi triết học. Ta mới chỉ hỏi một số câu trong các câu hỏi quan trọng nhất. Nhưng lịch sử đã cho ta nhiều câu trả lời khác nhau cho mỗi câu hỏi. Cho nên, hỏi còn dễ hơn là trả lời.
Ngày nay, mỗi cá nhân cũng đều phải tìm câu trả lời của chính mình cho chính những câu hỏi đó. Em không thể tra từ điển bách khoa xem Chúa Trời có tồn tại hay không, hoặc có cuộc sống sau cái chết hay không. Tự điển bách khoa cũng không thể bảo ta nên sống như thế nào. Tuy nhiên, đọc về những gì người khác đã tin có thể giúp ta định hình cách nhìn của bản thân về cuộc sống.
Công cuộc tìm kiếm sự thật của các nhà triết học cũng giống như truyện trinh thám. Có người nghỉ Andersen là tên giết người, người khác lại cho rằng thủ phạm phải là Nielsen hoặc Jensen. Đôi khi, cảnh sát phá được một vụ án. Nhưng khả năng họ không bao giờ phá được vụ án đó cũng tương đương, mặc dù có một lời giải đáp ở đâu đó. Vậy, ngay cả khi câu hỏi khó trả lời, vẫn có một - và chỉ một - câu trả lời đúng. Hoặc có một dạng tồn tại sau cái chết, hoặc không.
Khoa học ngày nay đã giải thích được rất nhiều bí ẩn cổ xưa. Chuyện phần tối của Mặt Trăng trông như thế nào đã từng được phủ một tấm màn huyền bí. Đó không phải là cái có thể được giải quyết bằng tranh luận, nó đã được dành cho trí tưởng tượng của mỗi người. Nhưng ngày nay, chúng ta đã biết chính xác nửa tối của Mặt Trăng trông như thế nào, không ai còn có thể “tin” rằng có người Mặt Trăng, hoặc rằng Mặt Trăng được làm bằng pho mát xanh.
Một triết gia Hy Lạp sống cách đây hơn hai nghìn năm đã tin rằng triết học bắt nguồn từ khả năng ngạc nhiên của con người. Con người đã cảm thấy ngạc nhiên về sự sống của mình đến mức đã tự đưa ra các câu hỏi triết học đó.
Nó giống như xem một trò ảo thuật. Chúng ta không hiểu trò ảo thuật được thực hiện như thế nào, và ta hỏi: nhà ảo thuật làm thế nào để biến một đôi khăn lụa trắng thành một con thỏ sống?
Nhiều người nhìn thế giới với sự hoài nghi y như khi thấy nhà ảo thuật bất
ngờ lôi ra một con thỏ từ trong một cái mũ mà trước đó người ta đã thấy nó trống rỗng.
Về chuyện con thỏ, ta biết nhà ảo thuật đã lừa chúng ta. Nhưng ta muốn biết ông ta đã làm như thế nào. Đối với thế giới thì khác. Ta biết rằng thế giới không phải một trò nhanh tay nhanh mắt, vì ta đang sống trong đó, ta là một phần của nó. Thực ra, ta là con thỏ trắng được kéo ra khỏi chiếc mũ. Điều khác biệt duy nhất giữa ta và con thỏ đó là con thỏ không ý thức được chuyện nó đang tham gia trò ảo thuật. Còn ta, ta cảm thấy mình là một phần của cái gì đó huyền bí, và ta muốn hiểu điều huyền bí đó.
T.B.: Về chuyện con thỏ, có lẽ nên so sánh nó với vũ trụ thì hơn. Ta ở đây chỉ là những con bọ cực nhỏ ở sâu trong đám lông thỏ. Còn các nhà triết học luôn cố leo lên đỉnh những sợi lông mảnh để nhìn thẳng vào mắt nhà ảo thuật.
Em vẫn nghe tôi đấy chứ, Sophie? Còn nữa…
Sophie hoàn toàn kiệt sức. Vẫn nghe? Cô hầu như quên thở trong khi đọc. Ai đã đem lá thư này đến? Không thể là người đã gửi thiệp sinh nhật cho Hilde Moller Knag, bởi trên tấm thiệp có cả tem và dấu bưu điện. Còn chiếc phong bì nâu đã được trực tiếp mang đến hộp thư, giống như hai chiếc phong bì trắng.
Sophie nhìn đồng hồ, mới ba giờ kém mười lăm. Hơn hai tiếng nữa mẹ mới về.
Sophie bỏ vào vườn và chạy tới hộp thư. Biết đâu có một lá thư nữa. Cô tìm thấy một chiếc phong bì nâu nữa với tên mình trên đó. Lần này, cô nhìn quanh nhưng không thấy ai. Sophie chạy tới bìa rừng và nhìn xuống con đường mòn.
Chẳng có ai. Bỗng cô nghe như có tiếng một cành cây gãy ở sâu trong rừng. Nhưng cô không dám chắc, và dù sao thì cũng chẳng nên đuổi theo một người cố tình trốn làm gì.
Sophie về nhà, lên phòng mình và lấy ra một chiếc hộp đựng bánh to bằng thiếc đựng đầy những viên đá đẹp mắt. Cô trút hết đá ra sân và đặt hai chiếc phong bì lớn vào trong hộp. Rồi cô lại vội vã ra vườn, hai tay ôm chặt chiếc hộp thiếc. Trước khi đi, cô cho Sherekan một chút thức ăn.
“Miu miu, miu miu!”
Quay lại hốc, cô mở chiếc phong bì nâu thứ hai, lôi ra những trang giấy đánh máy mới. Cô bắt đầu đọc.
Một sinh vật kì lạ
Chúng ta lại gặp nhau! Như em thấy, giáo trình triết học nhỏ này sẽ đến dần từng ít một. Sau đây là một số lưu ý nhập môn khác:
Tôi đã nói rằng phẩm chất duy nhất cần thiết để trở thành một triết gia tốt là khả năng ngạc nhiên, phải không? Nếu chưa, tôi sẽ nói bây giờ đây: PHẨM CHẤT DUY NHẤT MÀ TA CẦN ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NHÀ
TRIẾT HỌC TỐT LÀ KHẢ NĂNG NGẠC NHIÊN.
Trẻ con có khả năng này. Điều đó chẳng có gì lạ. Sau vài tháng trong bụng mẹ, chúng rơi tuột vào một thực tại hoàn toàn mới mẻ. Nhưng khi lớn lên, tài ngạc nhiên dường như mất dần. Tại sao vậy? Em có biết không?
Nếu một đứa trẻ sơ sinh có thể nói, có lẽ nó sẽ nói gì đó rằng nó đã đến một thế giới thật phi thường. Ta có thể thấy nó nhìn quanh và tò mò cố với lấy mọi thứ mà nó nhìn thấy.
Khi dần dần học nói, đứa trẻ ngẩng lên và bi bô “Bâu-uâu” mỗi khi nó nhìn thấy một con chó. Nó nhấp nhổm trong xe đẩy và vẫy tay: “Bâu-uâu! Bâu uâu!”. Chúng ta, những người lớn tuổi hơn và từng trải hơn, có thể cảm thấy hơi mệt mỏi vì sự nhiệt tình của đứa trẻ. Ta nói một cách dửng dưng: “Được rồi, được rồi, đó là một con Bâu-uâu, con ngồi yên nào!” Chúng ta không cảm thấy ngạc nhiên sung sướng. Ta đã nhìn thấy con chó nhiều lần rồi.
Sự kiện sung sướng này có thể lặp lại hàng trăm lần trước khi đứa trẻ học được cách đi ngang qua một con chó, một con voi, hay một con hà mã mà không cuống cuồng lên. Nhưng rất lâu trước khi đứa trẻ có thể nói sõi, và rất lâu trước khi nó biết suy nghĩ một cách triết học, thế giới đã trở thành một thói quen.
Thật đáng tiếc, nếu em muốn biết tôi đang nghĩ gì!
Sophie thân mến, mối quan tâm của tôi là em sẽ không lớn lên thành một trong những người cho thế giới là điều hiển nhiên. Vậy để cho chắc chắn, ta sẽ làm một số thử nghiệm nhỏ trong suy nghĩ trước khi ta bắt đầu khoá học.
Hãy tưởng tượng một hôm em đi dạo trong rừng. Bất chợt em nhìn thấy một con tàu vũ trụ trên con đường trước mặt. Một người Sao Hoả nhỏ xíu trèo ra khỏi chiếc tàu và đứng nhìn em chăm chăm…
Em sẽ nghĩ gì? Chẳng sao, điều đó không quan trọng. Nhưng có bao giờ em nghĩ rằng chính em cũng là một người Sao Hoả không? Hiển nhiên, khó có chuyện em sẽ gặp người hành tinh khác. Chúng ta thậm chí không biết có cuộc sống trên hành tinh khác hay không. Nhưng một ngày nào đó, em có thể gặp chính mình. Trong một cuộc đi dạo trong rừng như vậy, em có thể bất ngờ dừng lại và nhìn thấy bản thân mình trong một ánh sáng hoàn toàn mới.
Em sẽ nghĩ: mình là một sinh vật lạ thường, một sinh vật bí ẩn. Em cảm thấy như mình vừa tỉnh dậy từ một giấc ngủ bị phù phép. Mình là ai? Em tự hỏi. Em biết mình đang lang thang trên một hành tinh trong vũ trụ. Nhưng vũ trụ là cái gì?
Nếu em tìm hiểu bản thân theo kiểu này, em sẽ thấy một cái gì đó bí ẩn không kém người Sao Hoả mà ta vừa nói đến. Em sẽ không chỉ thấy một sinh vật từ vũ trụ, em sẽ cảm nhận từ trong tâm thức rằng mình chính là một sinh vật lạ thường.
Em có theo kịp không, Sophie? Ta hãy làm một thử nghiệm tưởng tượng
khác.
Một buổi sáng. Bố, Mẹ và bé Thomas mới hai hoặc ba tuổi đang ăn sáng trong bếp. Một lát sau, Mẹ đứng dậy và đi về phía bồn rửa bát, còn Bố bay lên lơ lửng trên trần nhà trong khi Thomas ngồi nhìn chăm chú. Theo em, Thomas sẽ nói gì? Có lẽ, bé sẽ chỉ Bố và nói “Bố đang bay!” Chắc chắn Thomas sẽ ngạc nhiên, nhưng hàng ngày đã có rất nhiều điều lạ lẫm đối với bé. Bố đã làm bao nhiêu việc kỳ lạ nên chuyến bay trong bữa ăn sáng cũng không có gì đặc biệt lắm. Hàng ngày Bố cạo râu bằng một cái máy trông rất ngộ. Thỉnh thoảng, Bố lại leo lên mái nhà xoay ăng-ten, hoặc không thì chui đầu vào gầm ô tô rồi chui ra với bộ mặt đen xì.
Bây giờ đến lượt Mẹ. Mẹ nghe thấy Thomas nói và quay ngoắt lại. Theo em, ba sẽ phản ứng như thế nào trước cảnh Bố bồng bềnh trôi lững lờ phía trên bàn bếp?
Bà buông hũ mứt và thét lên vì hoảng sợ. Thậm chí Mẹ có thể cần được chăm sóc sức khoẻ một khi Bố đã quay xuống ngồi yên vị trên ghế. (Đáng ra đến giờ Bố đã phải học được cách cư xử tại bàn ăn rồi mới phải!) Theo em, tại sao Thomas và mẹ của bé lại phản ứng khác nhau đến vậy?
Tất cả là do thói quen. (Hãy nhớ nhé!) Mẹ đã biết rằng con người không thể bay. Thomas thì chưa. Bé vẫn chưa biết chắc những gì ta có thể và không thể làm được trên Trái Đất này.
Nhưng còn chính Trái Đất thì sao, Sophie? Em có cho rằng nó có thể làm được những gì nó đang làm không? Trái Đất cũng đang trôi trong vũ trụ. Đáng buồn là trọng lực không phải cái duy nhất trở thành thói quen khi ta lớn lên. Chẳng bao lâu, chính thế giới cũng thành điều hiển nhiên. Có vẻ như khi lớn lên, ta mất dần khả năng ngạc nhiên về thế giới. Khi đó, ta đánh mất một cái gì đó rất trung tâm - cái mà các nhà triết học cố gắng khôi phục. Ở đâu đó trong chúng ta, cái gì đó bảo ta rằng cuộc sống là một bí ẩn lớn lao. Đó chính là điều ta đã từng trải qua, từ rất lâu trước khi ta học cách suy nghĩ này.
Nói một cách chính xác hơn: tuy các vấn đề triết học có liên quan đến tất cả chúng ta, không phải ai trong chúng ta cũng trở thành triết gia. Do nhiều lý do mà hầu hết mọi người đều quá bận bịu với những chuyện thường ngày đến nỗi không còn tâm trí để thấy ngạc nhiên vê thế giới. (Họ chui sâu bên trong bộ lông thỏ, cảm thấy sự ấm cúng dưới đó thật dễ chịu và yên vị tại đó cho đến hết cuộc đời.)
Đối với trẻ con, thế giới và mọi thứ trong đó đều mới mẻ và đáng ngạc nhiên. Còn người lớn thì khác. Hầu hết người lớn thừa nhận thế giới như một chuyện hiển nhiên.
Đó chính là chỗ mà các triết gia là một ngoại lệ đáng trân trọng. Một triết gia không bao giờ thật sự quen với thế giới. Đối với họ, thế giới lúc nào cũng có vẻ hơi không hợp lý, khó hiểu, thậm chí kỳ bí. Do vậy, các triết gia và trẻ
nhỏ có cùng một khả năng quan trọng. Ta có thể nói rằng nhà triết học suốt đời nhạy cảm như một đứa trẻ.
Sophie, bây giờ em hãy chọn lựa. Có phải em là một đứa trẻ chưa trở nên không còn hứng thú với thế giới? Hay em là một triết gia, người thề sẽ không bao giờ trở nên như vậy?
Nếu em chỉ lắc đầu, không nhận thấy mình là một đứa trẻ hay một triết gia, thì em đã quá quen với thế giới đến nỗi nó chẳng còn làm em ngạc nhiên nữa. Hãy cẩn thận! Em đang đứng trên băng mỏng. Đó chính là lý do em đang tiếp nhận khoá triết học này. Em là người mà tôi sẽ không cho phép ra nhập nhóm những người dửng dưng thờ ơ. Tôi muốn em có một cái đầu luôn tò mò.
Khoá học này miễn phí, nên em sẽ không được tiền bồi hoàn nếu bỏ dở. Nếu muốn, em có thể bỏ ngang bất cứ lúc nào. Trong trường hợp đó, em cần để lại một lời nhắn vào hộp thư cho tôi. Một con ếch thì tuyệt. Hoặc ít nhất một cái gì đó màu xanh để khỏi làm bác đưa thư phát hoảng.
Tóm lại, một chú thỏ được lôi ra từ một cái mũ cao vành. Vì đây là một con thỏ khổng lồ nên trò ảo thuật kéo dài nhiều tỷ năm. Mọi sinh vật đều được sinh ra ở đầu những sợi lông mịn của con thỏ, nơi có thể ngạc nhiên về sự không thể tin được của trò ảo thuật. Nhưng khi lớn lên, chúng chui sâu dần vào bộ lông thỏ. Và chúng ở lại đó. Chúng cảm thấy thoải mái đến mức không bao giờ dám bò lên sợi lông mảnh lần nữa. Chỉ có các triết gia bắt đầu chuyến du hành nguy hiểm về phía tận cùng của ngôn ngữ và sự tồn tại. Một số bị rơi, những người khác cố gắng bám trụ và hét gọi những người đang yên ổn trong sự mềm mại ấm cúng, no say với rượu và thức ăn ngon.
“Hỡi các quý bà và quý ông”, họ hét, “chúng ta đang trôi trong không gian!” Nhưng những người ở dưới chẳng ai buồn quan tâm. “Thật là một lũ lắm chuyện!” họ nói, rồi lại tiếp tục tán chuyện: Bà làm ơn chuyển cho tôi đĩa bơ. Hôm nay chứng khoán của ta đã tăng bao nhiêu? Cà chua giá cả thế nào? Bà đã nghe tin công nương Di lại mới có bầu chưa?
Cuối buổi chiều, khi mẹ cô đi làm về, Sophie vẫn chưa hết sốc. Cô cẩn thận giấu chiếc hộp thiếc đựng các lá thư của triết gia bí hiểm trong hốc. Sophie cố gắng bắt tay vào làm bài tập nhưng tâm trí cô không thể thoát khỏi những điều vừa đọc.
Cô chưa bao giờ nghĩ nhiều đến vậy! Cô không còn là một đứa trẻ, nhưng cô cũng chưa phải là người lớn. Sophie nhận ra rằng mình đã bắt đầu bò xuống, về phía bộ lông ấm áp của con thỏ đã được lôi ra từ chiếc mũ cao vành của vũ trụ. Nhà triết học đã giữ cô lại. Ông ấy - hay bà ấy? - đã tóm gáy cô và kéo lên, đưa cô trở lại nơi cô đã đùa chơi khi còn bé. Và ở đó, nơi tận cùng của những sợi lông mịn, cô lại một lần nữa nhìn thế giới như mới lần đầu.
Nhà triết học đã cứu cô. Không nghi ngờ gì nữa. Người viết thư lạ mặt đã cứu cô khỏi sự tầm thường của cuộc sống hàng ngày.
Khi mẹ về nhà lúc năm giờ chiều, Sophie kéo bà vào phòng khách và ấn bà vào chiếc ghế bành.
“Mẹ, mẹ có thấy là cuộc sống thật lạ kỳ không?” cô bắt đầu. Mẹ cô sửng sốt đến nỗi bà không thể nói gì. Thường ngày, khi bà về đến nhà thì Sophie đang học bài.
“Có lẽ là có,…thỉnh thoảng,” bà nói.
“Thỉnh thoảng ư?” ”Vâng, nhưng…mẹ có thấy thật đáng ngạc nhiên là thế giới đang tồn tại không?”
“Thôi nào, Sophie. Con sao vậy?”
“Sao ạ? Chắc mẹ cho rằng thế giới này rất bình thường?”
“Không phải thế à? Dù sao thì cũng không ít thì nhiều.”
Sophie nhận ra rằng nhà triết học đã nói đúng. Người lớn coi thế giới là chuyện hiển nhiên. Họ đã để mình bị ru vào giấc ngủ say của sự tồn tại nhàm chán của mình, thế là xong.
“Mẹ đã quá quen với thế giới đến nỗi chẳng có gì làm mẹ ngạc nhiên nữa.” “Con đang nói về chuyện gì vậy?”
“Ý con là mẹ đã quá quen với tất cả mọi thứ. Nói cách khác, mẹ chẳng thấy cái gì hết.”
“Con không được nói với mẹ bằng cái giọng đó!”
“Thôi được, con sẽ nói lại theo kiểu khác. Mẹ đã tự tạo một chỗ ấm cúng ở dưới sâu trong bộ lông của con thỏ trắng - con thỏ đang được lôi ra từ trong chiếc mũ cao vành của vũ trụ. Một phút nữa mẹ sẽ đặt khoai tây lên bếp. Tiếp theo mẹ sẽ đọc báo. Sau nửa tiếng nằm nghĩ, mẹ sẽ xem chương trình tin tức trên TV!”
Mẹ cô lộ vẻ lo lắng. Quả thật, bà vào bếp đặt nồi khoai tây. Một lúc sau, bà quay lại phòng khách, và lần này bà là người ấn Sophie ngồi xuống ghế bành.
“Mẹ phải nói với con điều này”, bà bắt đầu. Sophie có thể nhận rõ sự nghiêm túc trong giọng nói của mẹ.
“Con chưa dính vào ma tuý đấy chứ, con gái?”
Sophie suýt thì bật cười, nhưng cô hiểu tại sao mẹ lại hỏi câu đó vào lúc này:
“Mẹ điên à?” Cô nói. “Chuyện này càng chứng tỏ mẹ chẳng hiểu gì.” Chiều hôm đó, họ không nói gì thêm về thỏ hay ma tuý nữa.
HUYỀN THOẠI
…một thế quân bình mong manh giữa các lực lượng thiện và ác…
Sáng hôm sau, không có một bức thư nào cho Sophie. Cả một ngày lê thê chán ngắt ở trường. Cô cố tỏ ra thân mật với Joanna. Trên đường về, họ bàn chuyện đi cắm trại ngay khi rừng đủ khô ráo.
Thời gian gần như vô tận cho đến khi Sophie đến được chỗ cái hộp thư. Đầu tiên, cô mở một bức thư gửi từ Mexico. Đó là thư của bố cô. Ông viết về nỗi nhớ nhà và về lần đầu tiên ông đánh cờ thắng sĩ quan chỉ huy. Ngoài ra, ông đã đọc gần xong đống sách ông đã mang theo sau kỳ nghỉ đông.
Và tiếp theo, nó kia rồi - một chiếc phong bì màu nâu với tên cô trên đó! Cất cặp và các lá thư khác vào nhà, Sophie chạy đến chỗ cái hốc. Cô lấy ra những tờ giấy mới đánh máy và bắt đầu đọc:
Bức tranh huyền thoại về thế giới
Chào Sophie! Ta có rất nhiều việc phải làm, vậy hãy bắt đầu ngay không chậm trễ.
Triết học là một lối tư duy hoàn toàn mới, nó được phát triển ở Hy Lạp vào khoảng 600 năm trước Công Nguyên. Cho đến thời điểm đó, nhiều người đã tìm ra lời giải đáp cho tất cả các câu hỏi của mình trong các tôn giáo khác nhau. Những lời giải thích mang màu sắc tôn giáo này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới dạng các huyền thoại. Một huyền thoại là một câu chuyện về các thần thánh, nó được đặt ra để giải thích các hiện tượng trong cuộc sống.
Qua nhiều thiên niên kỷ, trải khắp thế giới là sự nở rộ của những cách giải thích mang tính huyền thoại cho các câu hỏi triết học. Các nhà triết học Hy Lạp đã cố gắng chứng minh rằng các cách giải thích đó không đáng tin cậy.
Để hiểu được lối tư duy của các triết gia tiên khởi, ta phải hiểu một bức tranh huyền thoại về thế giới nghĩa là như thế nào. Ta có thể lấy ngay một vài huyền thoại Na Uy làm ví dụ. (Không cần chở củi về rừng.)
Có lẽ em đã nghe kể về thần Thor và cái búa của ngài. Trước khi Ki Tô giáo đến Na Uy, người ta tin rằng thần Thor thường bay ngang qua bầu trời trên một cỗ xe hai dê kéo. Khi ngài vung búa, nó sẽ tạo ra sấm sét. Từ “sấm” trong tiếng Na Uy - “Thor dØn” - có nghĩa là tiếng gầm của Thor. Trong tiếng Thuỵ Điển, từ “sấm” là “åska”, xưa là “ås-aka”, có nghĩa “chuyến đi của thần thánh” qua thiên đàng.
Khi có sấm chớp thì cũng có mưa - sự sống còn đối với nông dân Viking.
Do đó, Thor còn được thờ làm thần của sự phì nhiêu.
Do đó, cách giải thích thần thoại về hiện tượng mưa là khi thần Thor vung búa. Và khi mưa xuống, ngô nảy mầm và đua nhau vươn lên trên các cánh đồng.
Người ta đã không hiểu vì sao cây cối mọc và cho mùa màng. Nhưng rõ ràng, điều đó có liên quan tới mưa. Và khi tất cả đều tin rằng mưa là do thần Thor, ngài trở thành một trong những vị thần quan trọng nhất của Na Uy.
Vai trò quan trọng của thần Thor còn có một lý do liên quan đến trật tự của cả thế giới.
Người Viking cho rằng, thế giới, nơi con người sinh sống giống như một hòn đảo luôn bị đe doạ từ bên ngoài. Họ gọi phần thế giới này là Midgard, có nghĩa là vương quốc ở giữa. Bên trong Midgrad là Asgard - nơi ở của các thần thánh. Bên ngoài Midgrad là vương quốc Utgard, miền đất của những tên khổng lồ xảo trá, chúng dùng mọi thủ đoạn hòng phá huỷ thế giới. Những tên ác quỷ này thường được gọi là “các lực lượng hỗn mang”. Không chỉ trong thần thoại Na Uy mà trong hầu hết các nền văn hoá khác, người ta đều thấy một thế quân bình mong manh giữa các lực lượng thiện và ác.
Một trong những phương cách mà bọn khổng lồ có thể sử dụng để tiêu diệt Midgard đó là bắt cóc Freyja, nữ thần của sự phì nhiêu. Nếu bọn chúng thành công, sẽ không còn thứ gì mọc trên đồng và phụ nữ sẽ không thể sinh con. Vậy nên, giữ chúng trong tầm kiểm soát là nhiệm vụ có vai trò sống còn.
Thor là nhân vật trung tâm của cuộc chiến đấu với bọn khổng lồ. Lưỡi búa của ngài không chỉ để làm mưa; đó còn là một vũ khí quan trọng để chống lại các thế lực hỗn mang nguy hiểm. Nó cho ngài sức mạnh gần như vô hạn. Chẳng hạn, ngài có thể ném nó vào kẻ thù để giết chúng. Và ngài không bao giờ phải lo mất búa vì nó luôn luôn quay lại, y như một cái boomerang.
Đó là một lời giải thích mang tính thần thoại về chuyện sự cân bằng thiên nhiên đã được gìn giữ như thế nào và tại sao lại có cuộc đấu tranh không ngừng giữa thiện và ác. Và đây chính là kiểu giải thích mà các nhà triết học bác bỏ.
Nhưng đó không chỉ là lời giải thích đơn thuần.
Con người không thể ngồi khoanh tay đợi các vị thần can thiệp khi thiên tai như hạn hán, dịch bệnh hoành hành. Họ phải tự hành động trong cuộc đấu tranh chống cái ác. Họ làm việc đó bằng cách tổ chức các nghi lễ tôn giáo đa dạng.
Nghi lễ tôn giáo nổi bật nhất ở Bắc Âu thời cổ là lễ dâng cúng. Dâng cúng cho một vị thần làm tăng sức mạnh của vị thần đó. Chẳng hạn, con người đã phài dâng cúng các thần để mang lại cho họ sức mạnh chiến thắng các lực
lượng hỗn mang. Hình thức dâng cúng cho thần có thể là hiến sinh một con vật. Đồ cúng thần Thor thường là một con dê. Với thần Odin, có khi phải dùng con người làm vật hiến sinh.
Huyền thoại nổi tiếng nhất ở các nước vùng Bắc Âu bắt nguồn từ bài thơ cổ kiểu Iceland “Bài thơ về Thrym”. Huyền thoại kể về thần Thor. Một lần khi ngủ dậy, thần phát hiện ra mình đã mất búa, thần bực tức đến nỗi hai bàn tay run bần bật, và bộ râu cũng rung lên. Thần cùng người giúp việc Loki đi gặp Freyja hỏi mượn đôi cánh để bay đến xứ Jotunheim, xứ sở của bọn khổng lồ, để tìm hiểu xem có phải chúng đã lấy trộm chiếc búa.
Tại Jotunheim, Loki gặp Thrym, vua của bọn khổng lồ. Hắn khoe đã giấu cây búa sâu bảy dặm dưới lòng đất. Hắn còn nói thêm rằng Thor sẽ không lấy lại được cây búa chừng nào hắn chưa cưới được Freyja làm vợ.
Em có tưởng tượng được không, Sophie? Bỗng nhiên, các thần thiện thấy mình ở giữa một vụ bắt cóc con tin. Bọn khổng lồ đã đoạt được vũ khí phòng thủ sống còn của các thần. Đây là một tình thế hoàn toàn không thể chấp nhận được. Một khi bọn khổng lồ còn giữ chiếc búa của Thor, chúng còn kiểm soát toàn bộ thế giới của thần và người. Để đổi lấy cây búa, chúng đòi Freyja. Nhưng điều này cũng không thể chấp nhận được. Nếu các thần phải bỏ nữ thần của mùa màng và sự phì nhiêu - người bảo vệ sự sống - thì cỏ sẽ biến mất trên các cánh đồng và tất cả các thần và con người sẽ chết. Tình thế bế tắc.
Câu chuyện tiếp tục với việc Loki quay về Asgard bảo Freyja mặc trang phục cô dâu vì nàng sẽ phải cưới vua khổng lồ. Freyja giận dữ nói rằng nếu nàng bằng lòng lấy một tên khổng lồ, mọi người sẽ nghĩ rằng nàng mắc bệnh cuồng dâm.
Khi đó, thần Heimdall nghĩ ra một cách. Thần gợi ý Thor cải trang thành cô dâu. Với mái tóc quấn lên và hai hòn đá độn dưới ngực áo, trông thần sẽ giống một phụ nữ. Có thể đoán là Thor không thích thú ý tưởng này lắm, nhưng thần hiểu đây là cách duy nhất để đoạt lại cây búa.
Vậy là Thor để mọi người trang điểm cho mình thành cô dâu và Loki thành nàng hầu.
Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Thor và Loki là “đội đặc nhiệm chống khủng bố” của các vị thần. Cải trang thành phụ nữ, nhiệm vụ của họ là thâm nhập pháo đài của bọn khổng lồ để đoạt lại cây búa của thần Thor.
Khi các vị thần đến Jotunheim, bọn khổng lồ bắt đầu chuẩn bị một bữa tiệc cưới lớn. Nhưng trong bữa tiệc, cô dâu Thor chén hết cả một con bò và tám con cá hồi. Thần còn uống hết ba thùng bia. Thrym rất đỗi kinh ngạc. “Đội đặc nhiệm” suýt bị lộ mặt. Nhưng Loki đã đẩy lùi mối nguy hiểm bằng cách giải thích rằng cô dâu đã mong được đến Jotunheim đến nỗi nàng đã không ăn uống gì trong suốt một tuần liền.
Khi Thrym vén tấm voan cưới để hôn cô dâu, hắn giật mình nhìn thấy đôi
mắt rực lửa của Thor. Một lần nữa, Loki cứu vãn tình hình bằng cách giải thích rằng cô dâu đã thức suốt một tuần do quá hồi hộp vì đám cưới. Yên tâm , Thrym ra lệnh đem cây búa đến đặt trong phòng cô dâu khi cử hành hôn lễ.
Thần Thor cười phá lên khi nhận được cây búa. Trước hết, thần giết Thrym, sau đó thần quét sạch bọn khổng lồ và họ hàng của chúng. Thế là vụ con tin ghê gớm đã kết thúc tốt đẹp. Thor - Ngươi Dơi, hay điệp viên 007 của các vị thần - lại một lần nữa chiến thắng cái ác.
Kể chuyện thần thoại thế là đủ. Nhưng ý nghĩa thực sự đằng sau đó là gì? Huyền thoại được xây dựng không chỉ để giải trí. Huyền thoại còn cố gắng giải thích điều gì đó. Đây là một lời giải thích có thể chấp nhận được.
Khi hạn hán xảy ra, con người tìm cách giải thích tại sao trời không mưa. Có phải là do bọn khổng lồ đánh cắp cây búa của thần Thor? Có lẽ huyền thoại là một cố gắng giải thích sự thay đổi của các mùa trong năm: mùa đông, thiên nhiên chết vì cây búa của thần Thor đang ở Jotunheim. Nhưng đến mùa xuân, thần giành lại được cây búa. Vậy huyền thoại cố gắng đưa ra sự giải thích cho một điều gì đó mà con ngừơi chưa thể hiểu. Nhưng huyền thoại không chỉ là một lời giải thích. Người ta còn tổ chức các nghi lễ tôn giáo liên quan đến các huyền thoại. Ta có thể hình dung khi gặp hạn hán hoặc mất mùa, người ta sẽ diễn lại một vở kịch về các sự kiện trong huyền thoại. Có thể một anh trai làng sẽ mặc trang phục cô dâu - với hai hòn đá độn ngực - để chiếm lại cây búa từ tay bọn khổng lồ. Làm như vậy, người ta cho rằng mình đã làm được gì đó giúp đem mưa đến cho mùa màng trên đồng.
Ở nhiều nơi khác trên thế giới, có rất nhiều ví dụ về cách con người kịch hóa huyền thoại về các mùa để thúc giục các quá trình của tự nhiên. Chúng ta chỉ mới nhìn qua thế giới huyền thoại Bắc Âu cổ. Có vô số huyền thoại về các thần Thor và Odin, Freyr và Freyja, Hoder và Balder cùng nhiều vị thần khác. Các khái niệm thần thoại kiểu này đã phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới cho đến khi các nhà triết học bắt đầu can thiệp. Một bức tranh thần thoại về thế giới cũng đã tồn tại ở Hy Lạp khi lý luận triết học đầu tiên đang được phát triển. Suốt nhiều thế kỷ, các câu chuyện về các vị thần Hy Lạp đã được truyền từ đời này sang đời khác. Ở Hy Lạp, các vị thần được gọi là Zeus và Apollon, Hera và Athene, Dionysos và Asclepios, Heracles và Hephaestos. Đấy mới chỉ là kể qua một vài vị thần.
Khoảng năm 700 trước Công nguyên, phần lớn thần thoại Hy Lạp được Homer và Hesiod chép lại. Việc này đã tạo ra một tình thế mới. Khi các huyền thoại tồn tại dưới dạng văn viết, thì người ta có thể thảo luận về chúng.
Các triết gia đầu tiên của Hy Lạp đã chỉ trích các truyền thuyết của Homer vì các thần quá giống người thường, họ cũng ích kỷ và mưu mô không kém.
Lần đầu tiên, huyền thoại được xem là không phải là gì khác ngoài các khái niệm của chính con người.
Triết gia Xenophanes, người sống vào khoảng năm 570 trước Công nguyên, là một đại diện của quan điểm này. Ông nói, con người đã tạo nên các thần theo hình ảnh của chính mình. Họ tin rằng các thần đã được sinh ra, họ có cơ thể, quần áo, ngôn ngữ như chúng ta vậy. Người Ethiopia tin rằng các vị thần da đen và mũi tẹt, dân xứ Thrace lại tưởng tượng các vị thần mắt xanh tóc vàng. Nếu bò, ngựa, và sư tử biết vẽ, hẳn chúng cũng sẽ vẽ thần thánh trông giống bò, ngựa, và sư tử!
Thời đó, Hy Lạp thành lập nhiều thành bang ở cả Hy Lạp và các nước thuộc địa của Hy Lạp tại miền nam Italia và vùng Tiểu Á, nơi mọi công việc chân tay đều dành cho nô lệ, còn các công dân được tự do dành trọn thời gian cho chính trị và văn hóa.
Trong các môi trường thành thị này, người ta bắt đầu suy nghĩ theo một cách hoàn toàn mới. Với danh nghĩa cá nhân, mỗi công dân đều có quyền đặt câu hỏi về việc xã hội nên được tổ chức như thế nào. Do đó, mọi cá nhân đều có quyền đặt ra các câu hỏi triết học mà không viện dẫn tới các huyền thoại cổ.
Ta gọi đây là sự phát triển từ kiểu tư duy huyền bí thành lối tư duy dựa vào kinh nghiệm và lý luận. Mục đích của các nhà triết học Hy Lạp tiên khởi là tìm ra lời giải thích tự nhiên, thay vì siêu nhiên, cho các quá trình của thiên nhiên.
Sophie ra khỏi cái hốc và đi lang thang trong khu vườn rộng. Cô cố gắng quên những gì đã học ở trường, đặc biệt trong các giờ khoa học. Nếu cô lớn lên trong khu vườn này mà không biết tí gì về thiên nhiên, cô sẽ cảm nhận như thế nào về mùa xuân?
Liệu cô có cố tìm ra một cách nào đó để giải thích tại sao thỉnh thoảng trời bất chợt mưa? Liệu cô có nghĩ ra một câu chuyện tưởng tượng nào đó để giải thích chuyện tuyết trốn đi đâu và tại sao mặt trời mọc mỗi buổi sáng? Có, chắc chắn là có. Cô bắt đầu bịa ra một câu chuyện:
Mùa đông giữ mặt đất trong bàn tay băng giá vì tên Muriat xấu xa đã nhốt nàng công chúa Sikita xinh đẹp trong ngục tối lạnh lẽo. Một buổi sáng, chàng hoàng tử Bravato dũng cảm đến cứu công chúa. Sikita hạnh phúc đến nỗi nàng nhảy múa trên đồng cỏ, hát một bài ca mà nàng đã sáng tác trong ngục tối. Mặt đất và cây cỏ cảm động đến nỗi tuyết biến thành những giọt nước mắt. Rồi mặt trời lên và làm khô nước mắt. Chim chóc bắt chước bài hát của Sikita. Và khi nàng công chúa xinh đẹp xõa suối tóc vàng, một vài lọn tóc rơi xuống đất và biến thành những bông hoa ly trên đồng...
Sophie rất thích câu chuyện đẹp của mình. Nếu cô chưa biết các cách giải thích khác về sự chuyển đổi của các mùa, chắc hẳn cuối cùng cô sẽ tin vào câu chuyện của chính mình.
Cô hiểu rằng con người đã luôn cảm thấy một nhu cầu giải thích các quá trình của thiên nhiên. Có lẽ họ không thể sống mà không có những lời giải thích đó. Vì vậy, họ đã tạo ra các huyền thoại vào cái thời mà chưa có cái gọi là khoa học.
CÁC NHÀ TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN
...chẳng có gì nảy sinh từ hư vô...
Chiều hôm đó, khi mẹ đi làm về, Sophie đang ngồi trong cái tàu lượn, mải mê suy nghĩ về mối liên hệ giữa khóa triết học và Hilde MØller Knag, người sẽ không nhận được thiệp mừng sinh nhật của bố mình.
Mẹ cô gọi từ phía cuối vườn, “Sophie! Có một bức thư cho con này!” Cô giật mình. Cô đã lấy hết thư trong hộp thư, vậy đây phải là lá thư của nhà triết học. Cô phải nói với mẹ thế nào bây giờ?
“Không dán tem. Có khi là thư tình đấy!”
Sophie cầm lấy bức thư.
“Con không định bóc thư à?”
Cô phải tìm cách chối.
“Mẹ đã bao giờ thấy ai bóc thư tình trong khi bà mẹ đang nhòm từ đằng sau chưa?”
Cứ để mẹ cô nghĩ đây là một bức thư tình. Dù sao cũng còn đỡ xấu hổ hơn là nếu mẹ phát hiện cô đang học từ xa với một người hoàn toàn xa lạ, một nhà triết học đang chơi trò trốn tìm với cô.
Đó là một chiếc phong bì nhỏ màu trắng. Khi lên đến phòng mình, Sophie đọc thấy ba câu hỏi mới:
Có chất cơ bản nào mà mọi vật đều có cấu tạo từ đó?
Nước có thể biến thành rượu được không?
Làm thế nào mà đất và nước tạo ra được một con ếch sống? Sophie thấy những câu hỏi này thật ngớ ngẩn. Tuy nhiên, chúng vẫn ám ảnh cô suốt buổi tối. Ngày hôm sau, cô vẫn nghĩ về chúng khi ở trường, cô xem xét từng câu hỏi một.
Có thể có một “chất cơ bản” nào mà từ đó sinh ra mọi thứ hay không? Nếu có một chất nào đó như vậy, làm thế nào mà nó bỗng dưng biến thành một bông hoa hay một con voi được?
Ý kiến phản đối tương tự với câu hỏi nước có biến thành rượu được không. Sophie nhớ trong Kinh Thánh có đoạn Jesus biến nước thành rượu vang, nhưng cô không bao giờ hiểu nó theo nghĩa đen. Và nếu Jesus quả thực đã biến nước thành rượu, thì đó là một phép mầu nên nó là việc mà bình thường không thể thực hiện được. Sophie biết rằng không chỉ trong rượu mà trong tất cả các sinh vật đang sinh trưởng cũng có rất nhiều nước. Ngay cả khi trong quả dưa chuột có đến 95% là nước thì trong đó hẳn vẫn phải có cái gì đó khác nữa, vì dưa chuột là dưa chuột chứ không phải là nước.
Bây giờ đến câu hỏi về ếch. Sao ông thầy triết học của cô thích nói đến ếch nhỉ!
Sophie có thể công nhận rằng trong một con ếch có chứa đất và nước, trong trường hợp đó, đất phải gồm có nhiều loại chất khác nhau. Nếu đất chứa rất nhiều chất, rõ ràng là đất và nước đi với nhau có thể tạo ra một con ếch. Nghĩa là nếu đất và nước đi qua trứng ếch và nòng nọc. Vì một con ếch không thể mọc ra từ một cái mầm bắp cải được, cho dù ta có tưới nước kiểu gì đi nữa.
Tan học về, có một chiếc phong bì dày nằm đợi cô trong hộp thư. Như mấy hôm trước, Sophie trốn vào trong hốc.
Nghiên cứu của các triết gia
Chúng ta lại gặp nhau! Ta sẽ đi thẳng vào bài mà không cần vòng vo với thỏ trắng và những thứ tương tự.
Tôi sẽ phác họa những nét chính của tư duy con người về triết học, từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến hiện nay. Nhưng mọi thứ cần phải có thứ tự. Do một số triết gia đã sống trong những thời đại khác - và có lẽ trong các nền văn hóa khác hẳn chúng ta - ta nên thử xem xét nghiên cứu của từng triết gia. Tôi muốn nói rằng ta phải cố nắm bắt chính xác mối quan tâm nghiên cứu của từng nhà triết học. Triết gia này có thể muốn tìm hiểu nguồn gốc của cây cỏ động vật. Người khác lại muốn biết có Chúa Trời hay không hoặc con người có một linh hồn bất tử hay không.
Một khi đã xác định được một nhà triết học cụ thể nào đó nghiên cứu những gì, ta sẽ dễ dàng lần theo dòng suy nghĩ của ông ta hơn. Bởi không có triết gia nào lại quan tâm đến toàn bộ triết học.
Tôi dùng từ ông ta để chỉ nhà triết học, vì đây còn là câu chuyện của đàn ông. Thời trước, phụ nữ không được nhìn nhận với tư cách là con người suy tưởng, điều này rất đáng tiếc vì nó đã gây ra sự mất mát của rất nhiều kinh nghiệm quan trọng. Chỉ đến thế kỷ này, phụ nữ mới thực sự ghi dấu ấn của mình vào lịch sử triết học.
Tôi không định cho em bài tập về nhà, không có các bài toán khó hay cái gì tương tự, cách chia động từ tiếng Anh cũng nằm ngoài quan tâm của tôi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, tôi sẽ giao cho em một bài luyện nhỏ. Nếu em chấp nhận các điều kiện này, ta sẽ bắt đầu.
Các nhà triết học tự nhiên
Các triết gia Hy Lạp đầu tiên đôi khi được gọi là các nhà triết học tự nhiên vì họ chủ yếu quan tâm đến thế giới tự nhiên và các quá trình của nó. Ta đã tự hỏi mọi thứ từ đâu sinh ra. Hiện nay, nhiều người hình dung rằng tại một thời điểm nào đó, cái gì đó hẳn đã sinh ra từ hư vô. Đối với những người Hy Lạp cổ đại, tư tưởng đó không phổ biến đến vậy. Vì lý do này hay lý do khác, họ cho rằng “cái gì đó” đã luôn luôn tồn tại.
Do vậy, vấn đề ‘tại sao mọi thứ có thể sinh ra từ hư vô’ không phải là một câu hỏi quan trọng. Mặt khác, người Hy Lạp cảm thấy cách mà cá sống được sinh ra từ nước, và những thân cây to cùng muôn hoa rực rỡ sinh ra từ lòng
đất rồi chết đi thật đáng kinh ngạc. Chưa kể đến chuyện bằng cách nào mà một đứa trẻ được sinh ra từ bụng mẹ!
Các triết gia thấy được bằng chính mắt mình thiên nhiên ở trong một trạng thái liên tục biến đổi. Nhưng những biến đổi đó xảy ra bằng cách nào? Chẳng hạn, làm thế nào mà cái gì đó biến đổi từ một chất thành một sinh vật sống?
Các nhà triết học tiên khởi có chung niềm tin rằng phải có một chất cơ bản nào đó là gốc cho mọi biến đổi. Khó có thể nói họ đi đến tư tưởng đó như thế nào. Chúng ta chỉ biết rằng khái niệm đó đã phát triển dần dần đến mức có thể phát biểu rằng phải có một chất cơ bản là nguyên nhâu sâu xa của mọi biến đổi trong thiên nhiên. Phải có “cái gì đó” mà mọi thứ đều sinh ra từ đó và quay trở về đó.
Đối với ta, phần thú vị nhất thực ra không phải những lời giải đáp mà các triết gia tiên khởi đã tìm ra, mà là ở chỗ họ đã đặt ra các câu hỏi nào và kỳ vọng tìm ra những lời giải đáp thuộc kỉểu gì. Ta quan tâm đến cách tư duy của họ hơn là cụ thể họ đã nghĩ những gì.
Ta biết rằng, họ đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến những biến đổi mà họ có thể quan sát được trong thế giới vật lý. Họ tìm kiếm những quy luật của thiên nhiên bên dưới các biến đổi đó. Họ muốn hiểu cái gì đang xảy ra xung quanh mà không phải quay về các huyền thoại cổ xưa. Và quan trọng nhất, họ muốn tìm hiểu các quá trình thực tế bằng cách nghiên cứu chính thiên nhiên. Điều này khác xa với việc giải thích sấm chớp hoặc mùa đông, mùa xuân bằng cách kể những câu chuyện về các vị thần.
Vậy là triết học đã dần dần tự giải phóng mình khỏi tôn giáo. Ta có thể nói rằng, các nhà triết học tự nhiên đã đi những bước đầu tiên theo hướng lý luận khoa học, và từ đó đã trở thành những người tiên phong cho cái mà sau này đã trở thành khoa học.
Chỉ còn lại ít dấu vết về những điều các nhà triết học tự nhiên đã nói và viết. Thông tin ít ỏi được truyền lại là nhờ Aristotle, người sống sau đó hai thế kỷ. Ông chỉ nhắc đến các kết luận mà các triết gia đã đạt được. Do đó, ta không biết họ đã đi theo con đường nào để tới kết luận đó. Nhưng những gì biết được giúp ta thiết lập rằng nghiên cứu của các nhà triết học Hy Lạp đầu tiên xoay quanh một chất cấu tạo cơ bản và các biến đổi trong thiên nhiên.
Ba nhà triết học thành Miletus
Nhà triết học đầu tiên mà ta biết là Thales, người Miletus, một thuộc địa của Hy Lạp ở vùng Tiểu Á. Ông đã đến nhiều nước, trong đó có Ai Cập. Người ta kể rằng, ở đó, ông đã tính chiều cao của một kim tự tháp bằng cách đo bóng của nó tại thời điểm mà chiều dài bóng của ông bằng đúng chiều cao của ông. Người ta cũng kể rằng ông đã dự đoán chính xác nhật thực năm 585 trước Công nguyên.
Thales cho rằng nước là nguồn gốc của mọi thứ. Ta không biết chính xác ý
ông là gì, có thể ông đã tin rằng mọi sự sống bắt nguồn từ nước và sẽ quay lại với nước khi nó phân hủy.
Trong thời gian ở Ai Cập, hẳn ông đã quan sát mùa màng bắt đầu mọc lên ngay khi lũ sông Nile rút dần ra khỏi các vùng đất châu thổ sông Nile. Có lẽ ông cũng nhận thấy rằng ếch nhái và giun xuất hiện ở bất cứ nơi nào vừa có mưa.
Có thể Thales đã nghĩ về cách nước biến thành băng, thành hơi, rồi quay trở lại thành nước.
Người ta cho rằng Thales đã nói “mọi vật đều tràn ngập các thánh thần”. Ta chỉ có thể đoán ý ông. Có lẽ, khi nhìn đất đen là nguồn gốc của mọi vật, từ hoa quả mùa màng đến côn trùng và gián, ông đã tưởng tượng rằng trái đất tràn ngập những “mầm sống” li ti vô hình. Nhưng có một điều chắc chắn: không phải ông đang nói về các vị thần của Homer.
Nhà triết học thứ hai mà ta biết là Anaximander, người sống ở Miletus cùng thời với Thales. Ông ta cho rằng thế giới của chúng ta chỉ là một trong vô số các thế giới sinh ra rồi tan đi trong một cái mà ông gọi là “vô biên”. Thật khó có thể hiểu rõ ý của ông về “vô biên”, nhưng có lẽ ông ta không nói đến một chất đã được biết đến theo cách mà Thales hình dung. Có thể ông cho rằng cái chất nguồn gốc của mọi vật phải là một cái gì đó khác với tất cả mọi thứ được sinh ra từ nó. Do mọi vật tạo đều là hữu hạn, nên cái đến trước và đến sau phải là “vô biên”. Rõ ràng, cái thứ cơ bản này không thể là một thứ bình thường như nước được.
Nhà triết học thứ ba từ Miletus là Anaximenes, người sống từ năm 570 đến năm 526 t.CN. Ông cho rằng nguồn gốc của mọi thứ phải là “khí” hoặc “hơi”. Anaximenes chắc hẳn phải quen thuộc với thuyết về nước của Thales. Nhưng nước từ đâu ra? Anaximenes nghĩ rằng nước là khí được cô đặc lại. Ta thấy rằng khi trời mưa, nước được chắt ra từ không khí. Khi nước được tiếp tục nén, nó trở thành đất. Có thể ông đã thấy đất và đá xuất hiện từ băng đang tan. Ông còn nghĩ rằng lửa chính là không khí loãng. Theo Anaximenes, do vậy, không khí là nguồn gốc của đất, nước, và lửa.
Không xa xôi gì khi liên tưởng từ nước tới hoa trái của đất. Có lẽ Anaximenes nghĩ rằng đất, không khí và lửa là mọi điều cần thiết để tạo ra sự sống, nhưng nguồn gốc của mọi thứ chính là không khí hay là hơi. Vậy, cũng như Thales, ông cho rằng phải có một chất nào đó là nguồn gốc của mọi sự biến đổi trong thiên nhiên.
Không có cái gì sinh ra từ hư vô
Cả ba nhà triết học thành Miletus đều tin vào sự tồn tại của một chất cơ bản duy nhất là nguồn gốc của mọi vật. Nhưng làm thế nào mà một chất bỗng dưng biến thành một cái gì đó khác? Ta có thể gọi đây là vấn đến về sự biến đổi.
Vào khoảng năm 500 trước Công nguyên, có một nhóm các triết gia ở một
thuộc địa Hy Lạp ở Elea, miền nam Italia, quan tâm đến câu hỏi này. Người quan trọng nhất trong các nhà triết học trên là Parmenides (540-480 t.Cn). Parmenides cho rằng mọi thứ đang tồn tại đã luôn luôn tồn tại. Tư tưởng này không xa lạ đối với người Hy Lạp. Họ gần như cho rằng tất nhiên là mọi thứ tồn tại trong thế giới đều là vĩnh cửu. Không có cái gì sinh ra từ hư vô, Parmenides nghĩ. Và chẳng có cái gì đang tồn tại có thể biến thành hư vô.
Nhưng Parmenides còn đi xa hơn nữa. Ông cho rằng không hề có sự thay đổi thực sự. Không có gì có thể trở thành cái gì khác chính nó. Tất nhiên, Parmenides cũng nhận thấy thế giới ở trong trạng thái biến đổi không ngừng. Ông nhận thức bằng các giác quan rằng sự vật thay đổi. Nhưng ông không thể đồng nhất nó với những gì lý tính của ông mách bảo. Khi phải lựa chọn giữa việc dựa vào giác quan hay dựa vào lý tính, ông đã chọn lý tính.
Chắc em biết câu: “Bao giờ thấy thì tôi sẽ tin”. Nhưng Parmenides không tin cả vào những gì ông nhìn thấy. Ông tin rằng các giác quan cho ta bức tranh sai lạc về thế giới, một bức tranh không khớp với lý tính của ta. Là một nhà triết học, ông đặt cho mình nhiệm vụ chỉ ra mọi dạng của ảo ảnh nhận thức.
Niềm tin không thể lay chuyển vào lý tính của con người được gọi là chủ nghĩa duy lý. Một người theo chủ nghĩa duy lý là người cho rằng lý tính của con người là cội nguồn của mọi tri thức về thế giới.
Mọi thứ đều trôi
Cùng thời với Parmenides là Heraclitus (540-480 t.Cn) người vùng Ephesus, Tiểu Á. Ông cho rằng thực sự biến đổi liên tục mới là đặc tính cơ bản của tự nhiên. Ta có thể nói rằng, so với Parmehides, Heraclitus là người tin tưởng hơn vào những gì bản thân có thể tri giác được.
“Mọi thứ đều trôi”, Heraclitus nói. Mọi vật đều ở trong trạng thái biến đổi không ngừng, không có gì bất biến. Như vậy, chúng ta “không thể bước hai lần xuống cùng một dòng sông”. Khi ta bước xuống dòng sông lần thứ hai, cả ta và dòng sông đều không còn như trước.
Heraclitus chỉ ra rằng các mặt đối lập là đặc điểm của thế giới. Nếu chúng ta không bao giờ bị ốm, ta sẽ không thể biết được khỏe mạnh là như thế nào. Nếu ta không bao giờ bị đói, ta sẽ không cảm thấy niềm vui khi no bụng. Nếu chưa bao giờ có chiến tranh, ta sẽ không biết trân trọng hòa bình. Và nếu không có mùa đông, ta sẽ không bao giờ thấy mùa xuân.
Heraclitus tin rằng cái tốt và cái xấu đều có vị trí tất yếu trong trật tự của mọi vật. Nếu không có sự luân phiên của những mặt đối lập, thế giới sẽ không thể tồn tại.
“Thượng Đế là ngày và đêm, mùa đông và mùa xuân, chiến tranh và hòa
bình, đói và no,” ông nói. Ông dùng từ “Thượng Đế”[1], nhưng rõ ràng ông không nói về các vị thần trong các huyền thoại. Đối với Heraclitus, Thượng Đế - hay Chúa Trời - là cái gì đó ôm trọn cả thế giới. Quả thật, có thể nhìn thấy Thượng Đế rõ nhất trong sự biến đổi liên tục và những sự đối lập của thiên nhiên.
Thay cho từ “Thượng Đế”, Heraclitus thường dùng một từ Hy Lạp là “logos” với nghĩa lý tính. Tuy con người chúng ta không phải lúc nào cũng suy nghĩ giống nhau hoặc có cùng mức độ lý luận, Heraclitus tin rằng có một thứ “lý tính phổ quát” dẫn dắt mọi thứ xảy ra trong thiên nhiên.
Cái “lý tính phổ quát” hay “quy luật phổ quát” này chung cho tất cả chúng ta, là một cái gì đó dẫn dắt mọi người. Tuy nhiên, hầu hết mọi người vẫn sống bằng lý tính của cá nhân mình, Heraclitus nghĩ. Nói chung, ông không xem trọng người khác. Ông nói: “quan niệm của đa số chẳng qua như đồ chơi của trẻ con”.
Vậy, ở giữa trạng thái vận động không ngừng và những sự đối lập của thiên nhiên, Heraclitus nhìn thấy một Thực Thể là nguồn gốc của mọi vật, mà ông gọi là Thượng Đế hay logos.
Bốn nguyên tố cơ bản
Xét một mặt nào đó, Parmenides và Heraclitus có quan điểm đối lập hoàn toàn với nhau. Lý tính của Parmenides khẳng định rằng không có gì biến đổi. Các tri giác giác quan của Heraclitus khẳng định một cách không kém phần chắc chắn rằng tự nhiên ở trong một trạng thái vận động không ngừng. Cái nào đúng? Ta nên để cho lý tính chỉ huy hoàn toàn hay nên tin tưởng vào các giác quan?
Cả Parmenides và Heraclitus, mỗi người khẳng định hai điều: Parmenides nói rằng:
- Không có gì có thể biến đổi, và do đó
- Các tri giác giác quan của ta không đáng tin cậy.
Trái lại, Heraclitus cho rằng:
- Mọi vật đều vận động không ngừng.
- Các tri giác giác quan là đáng tin cậy.
Các nhà triết học chỉ có thể bất đồng đến thế là cùng! Nhưng ai đúng? Empedocles (490-430 t.Cn), người đảo Sicile, đã giải quyết sự bế tắc. Theo ông, mỗi nhà triết học có một khẳng định đúng và sai ở khẳng định còn lại.
Empedocles thấy rằng nguồn gốc của bất đồng căn bản là ở chỗ cả hai đều giả thiết sự tồn tại của một chất duy nhất. Nếu điều đó là đúng, khoảng cách giữa những gì lý tính mách bảo và những gì “ta có thể thấy bằng chính mắt mình” là không thể kéo gần lại được.
Rõ ràng, nước không thể biến thành một con cá hay một con bướm. Thực
tế, nước không thể biến đổi. Nước tinh khiết vẫn sẽ mãi là nước tinh khiết. Vậy Parmenides có lý khi khẳng định rằng “không có gì biến đổi”. Nhưng Empedocles cũng đồng ý với Heraclitus rằng ta phải tin vào các bằng chứng của giác quan. Ta phải tin những gì ta nhìn thấy, và những gì ta thấy chính là thiên nhiên biến đổi.
Empedocles kết luận rằng cái phải loại bỏ chính là ý niệm về một chất cơ bản. Riêng mình không khí hoặc nước không thể biến thành một bụi hồng hay một con bướm. Nguồn gốc của thiên nhiên không thể chỉ là một “nguyên tố” duy nhất.
Empedocles tin rằng thiên nhiên bao gồm bốn nguyên tố mà ông gọi là cái “gốc”. Bốn gốc này là đất, không khí, lửa và nước.
Mọi quá trình thiên nhiên là kết quá của sự kết hợp và phân rã của bốn nguyên tố đó. Mọi vật đều là một hỗn hợp của đất, không khí, lửa và nước với các tỷ lệ khác nhau. Khi một bông hoa hay một con vật chết, ông nói, bốn nguyên tố tách ra. Ta có thể chứng kiến sự thay đổi này bằng mắt thường. Nhưng đất và không khí, lửa và nước tồn tại mãi mãi, không bị ảnh hưởng bởi tất cả các hợp chất mà chúng là thành phần. Về cơ bản, không có gì thay đổi. Mọi hiện tượng xảy ra chỉ là sự kết hợp và phân chia để rồi lại kết hợp của các nguyên tố.
Ta có thể so sánh với việc vẽ tranh. Nếu một họa sĩ chỉ có một màu, màu đỏ chẳng hạn, anh ta sẽ không thể vẽ cây xanh. Nhưng nếu có các màu vàng, đỏ, xanh và đen, anh ta có thể vẽ hàng trăm màu sắc khác nhau vì anh ta có thể trộn chúng theo các tỷ lệ khác nhau.
Một minh họa tương tự bằng việc làm bếp: nếu tôi chỉ có bột mì, tôi phải là phù thủy thì mới làm được bánh. Còn nếu có trứng, sữa, bột và đường, tôi có thể nướng đủ loại bánh.
Không phải hoàn toàn tình cờ mà Empedocles chọn đất, không khí, lửa và nước làm các “gốc” của thiên nhiên. Các triết gia trước ông đã cố gắng chứng tỏ rằng chất nguyên thủy phải là không khí, lửa, hoặc nước. Thales và Anaximenes đã chỉ ra rằng nước và không khí là hai nguyên tố cốt yếu trong thế giới vật chất. Người Hy Lạp tin rằng lửa cũng quan trọng. Ví dụ, họ quan sát thấy tầm quan trọng của mặt trời với mọi sinh vật sống, và họ biết rằng người và động vật đều có thân nhiệt.
Có thể Empedocles đã quan sát một mẩu gổ đang cháy. Có cái gì đó phân rã. Ta nghe thấy nó nổ lách tách và réo xèo xèo. Đó là “nước”. Cái gì đó bay lên thành khói. Đó là “khí”. “Lửa” là cái ta nhìn thấy. Cái gì đó còn lại khi lửa tắt. Đó là tro, hay “đất”.
Sau giải thích của Empedocles về các biến đổi của thiên nhiên bằng sự kết hợp và phân chia của bốn cái “gốc”, vẫn còn cái gì đó cần làm rõ. Cái gì đã kết hợp các nguyên tố này để làm xuất hiện sự sống mới? Và cái gì đã làm cho “hỗn hợp”, chẳng hạn của một bông hoa, phân rã trở lại?
Empedocles tin rằng trong thiên nhiên có sự tác động của hai lực khác nhau mà ông gọi là tình yêu và xung khắc. Tình yêu kết hợp chúng với nhau và xung khắc chia rẽ chúng.
Ông phân biệt giữa “chất” và “lực”. Điều nay rất đáng chú ý. Ngay cả hiện nay, các nhà khoa học cũng phân biệt giữa các nguyên tố và các lực thiên nhiên. Khoa học hiện đại khẳng định rằng mọi quá trình tự nhiên đều có thể giải thích bằng sự tương tác giữa các nguyên tố và các lực thiên nhiên khác nhau.
Empedocles tin rằng mắt chứa đất, không khí, nước, và lửa như mọi vật khác trong thiên nhiên. Do đó, “đất” trong mắt tôi sẽ cảm nhận những thứ thuộc về đất ở xung quanh tôi, “khí” cảm nhận những gì thuộc về khí, “lửa” cảm nhận lửa, và “nước” cảm nhận nước. Nếu mắt tôi thiếu một trong bốn nguyên tố, tôi sẽ không nhìn thấy đầy đủ thế giới.
Chút gì của mọi vật trong mỗi vật
Anaxagoras (500-428 t.Cn) là một triết gia khác, ông không thể đồng ý rằng một chất cơ bản nào đó, chẳng hạn nước, có thể biến đổi thành mọi vật mà ta thấy trong thế giới tự nhiên. Ông cũng không công nhận rằng đất, không khí, nước, và lửa có thể biến thành xương và máu.
Anaxagoras cho rằng thiên nhiên được xây dựng từ vô số các hạt nhỏ xíu mắt thường không nhìn thấy. Hơn nữa, mọi thứ đều có thể chia thành các phần nhỏ hơn, nhưng ngay cả trong những phần nhỏ nhất cũng có những mảnh của tất cả các vật khác. Ông cho rằng, nếu da và xương không phải do vật khác biến đổi thành, thì phải có da và xương trong sữa ta uống và trong thực phẩm ta ăn.
Có lẽ một số ví dụ hiện đại có thể minh họa dòng tư duy của Anaxagoras. Công nghệ laser hiện đại có thể tạo ra ảnh ba chiều. Nếu một ảnh ba chiều chụp một chiếc ô tô được chia nhỏ, ta sẽ nhìn thấy một bức tranh đầy đủ của cả chiếc xe ngay cả khi ta chỉ có phần ảnh cái cản đầu xe. Đó là bởi vì toàn bộ chủ thể hiện diện trong từng phần nhỏ xíu.
Theo một nghĩa nào đó, cơ thể chúng ta cũng được xây dựng theo cùng một kiểu. Nếu tôi bong một chút tế bào da từ ngón tay, nhân tế bào đó không chỉ chứa đặc điểm về da của tôi mà nó còn cho biết màu mắt, màu tóc và kiểu ngón tay của tôi, vân vân. Mỗi tế bào của con người đều mang thông tin về cấu tạo của tất cả các tế bào khác. Vậy, có một chút gì đó của tất cả trong từng tế bào đơn lẻ. Cái toàn thể hiện hữu trong từng phần nhỏ xíu.
Anaxagoras gọi các hạt nhỏ xíu chứa một phần của mọi vật là các hạt mầm.
Nhớ lại rằng Empedocles đã cho rằng “tình yêu” là cái đã kết nối các nguyên tố lại với nhau trong các cơ thể đầy đủ. Anaxagoras còn hình dung “trật tự” là một dạng sức mạnh tạo ra động vật và con người, hoa cỏ và cây cối. Ông gọi sức mạnh này là năng lực tâm thức hay trí tuệ (nous).
Anaxagoras còn rất đáng chú ý vì ông là nhà triết học đầu tiên ở Athens mà ta biết. Ông xuất thân từ vùng Tiểu Á nhưng chuyển đến sống tại Athens khi ông khoảng bốn mươi tuổi. Sau đó, ông bị kết tội vô thần và bị buộc rời khỏi thành phố. Một trong những lý do đó là ông đã tuyên bố Mặt Trời không phải một vị thần mà chỉ là một hòn đá nóng đỏ lớn hơn toàn bộ bán đảo Peloponnese[2].
Anaxagoras rất quan tâm đến thiên văn học. Ông tin rằng mọi thiên thể đều có cấu tạo giống Trái Đất. Ông đi đến kết luận này sau khi nghiên cứu một mảnh thiên thạch. Điều này cho ông ý tưởng rằng có thể có con người sống trên các hành tinh khác. Ông cũng chỉ ra rằng Mặt Trăng không tự phát sáng, ông khẳng định rằng ánh sáng của nó bắt nguồn từ Trái Đất. Ông cũng đã nghĩ ra một cách giải thích về hiện tượng nhật thực.
TB. Cảm ơn em đã chú ý theo dõi, Sophie à. Có thể em sẽ phải đọc chương này vài lần trước khi hiểu hết. Nhưng hiểu hết luôn đòi hỏi cố gắng. Có lẽ em sẽ không khâm phục một người bạn giỏi tất cả mọi thứ nhưng lại chẳng cần phải cố gắng gì.
Đáp án tốt nhất cho câu hỏi về chất cơ bản và những biến đổi trong thiên nhiên phải đợi đến ngày mai, khi em gặp Democritus. Tôi dừng ở đây! Sophie ngồi trong hốc, nhìn ra vườn qua một cái lỗ nhỏ xíu trong bụi rậm. Cô phải sắp xếp lại các suy nghĩ sau tất cả những gì vừa đọc. Rõ như ban ngày rằng nước thông thường không bao giờ có thể biến thành cái gì ngoài băng hay hơi nước. Nước lại càng không thể biến thành dưa hấu cho dù nhiều ngôn ngữ gọi dưa hấu là “dưa nước” (watermelon), vì dưa hấu không chỉ gồm có nước. Nhưng cô biết chắc điều đó chỉ vì đó là những gì cô đã được học. Liệu cô có thể hoàn toàn chắc chắn rằng băng chỉ gồm toàn nước hay không nếu không phải cô đã được dạy như vậy? Ít nhất, chắc hẳn cô sẽ phải nghiên cứu rất kỹ nước đông thành nước đá và lại tan ra như thế nào.
Một lần nữa, Sophie cố suy nghĩ theo cách của riêng mình, tránh nghĩ về những gì cô đã học từ người khác.
Parmenides đã từ chối công nhận ý niệm về sự biến đổi ở bất kỳ dạng nào. Càng nghĩ, cô càng thấy rằng ông ta có lý theo một nghĩa nào đó. Trí tuệ của ông đã không thể chấp nhận rằng “cái gì đó” có thể bỗng nhiên biến thành một “cái gì đó hoàn toàn khác”. Phải dũng cảm lắm mới có thể đứng lên và nói ra điều đó. Bởi nó tương đương với việc phủ nhận mọi sự thay đổi trong thiên nhiên mà ai cũng có thể tự nhìn thấy. Chắc hẳn ông đã bị rất nhiều người cười nhạo.
Và Empedocles hẳn đã rất thông minh khi ông chứng minh rằng thế giới phải bao gồm nhiều hơn một chất. Điều đó làm cho các biến đổi của thiên nhiên là có thể mà không có cái gì phải thực sự thay đổi.
Nhà triết học cổ Hy Lạp đã nghĩ ra điều đó chỉ bằng lý luận. Tất nhiên, ông đã nghiên cứu thiên nhiên. Nhưng ông không có các dụng cụ để phân tích hoá học như các nhà khoa học hiện đại.
Sophie không rõ cô có thực sự tin rằng nguồn gốc thực sự của mọi vật có phải là đất, không khí, nước và lửa hay không. Nhưng dù sao thì điều đó có quan trọng gì? Về nguyên tắc, Empedocles đã đúng. Cách duy nhất để chấp nhận những biến đổi mà ta nhìn thấy bằng mắt mình mà không để mất lý luận của bản thân, đó là chấp nhận sự tồn tại của nhiều hơn một chất cơ bản.
Sophie thấy môn triết học thú vị gấp đôi, vì nó có thể theo dõi các tư tưởng bằng tư duy của chính mình mà không phải nhớ mọi điều cô đã học ở trường. Cô kết luận triết học không phải cái mà ta có thể học, mà là ta có thể học cách tư duy theo kiểu triết học.
DEMOCRITUS
…món đồ chơi tuyệt vời nhất thế giới…
Sophie xếp tất cả các trang giấy đánh máy của nhà triết học lạ mặt vào trong chiếc hộp thiếc rồi đóng nắp lại. Cô bò ra khỏi hốc và đứng nhìn quanh khu vườn. Cô nghĩ về việc xảy ra ngày hôm qua. Hôm nay, khi ăn sáng, mẹ cô lại trêu chọc về “lá thư tình”. Cô rảo bước về phía hộp thư để tránh xảy ra thêm một chuyện tương tự. Nhận được thư tình trong hai ngày liền sẽ xấu hổ gấp đôi.
Có một phong bì nhỏ màu trắng nữa! Sophie bắt đầu nhận ra kiểu đưa thư: mỗi buổi chiều cô sẽ nhận được một phong bì to màu nâu. Khi cô đọc nó, nhà triết học sẽ lén đến hộp thư với một chiếc phong bì nhỏ màu trắng.
Vậy, bây giờ cô có thể tìm ra ông ta là ai, nếu như đó là một người đàn ông! Từ phòng mình, cô có thể quan sát tốt hộp thư. Nếu đứng cạnh cửa sổ, cô có thể nhìn thấy nhà triết học bí ẩn. Những chiếc phong bì trắng không thể từ không khí mà ra được!
Sophie quyết định những ngày tiếp theo sẽ quan sát cẩn thận. Ngày mai là thứ Sáu và cô sẽ có cả kỳ nghỉ cuối tuần.
Cô lên phòng và mở phong bì. Hôm nay chỉ có một câu hỏi, nhưng nó còn kỳ cục hơn cả ba câu trước:
Tại sao Lego là đồ chơi tuyệt vời nhất thế giới?
Ban đầu, Sophie không chắc là cô cũng nghĩ như vậy. Cô đã bỏ chơi những khối nhựa nhỏ xíu ấy từ bao năm nay rồi. Hơn nữa, cô chịu không thể hiểu được Lego thì có liên quan gì tới triết học.
Nhưng cô là một học sinh chăm chỉ. Lục tung ngăn tủ trên cùng, cô tìm thấy một túi đựng đầy các khối Lego với đủ hình dạng kích thước. Lần đầu tiên sau nhiều năm, cô bắt đầu lắp ráp. Một số ý tưởng về các khối nhựa bắt đầu xuất hiện.
Chúng rất dễ lắp, cô nghĩ. Tuy các khối khác nhau, nhưng tất cả đều khớp nhau. Chúng không bao giờ vỡ. Cô không thể nhớ được mình đã nhìn thấy một khối Lego vỡ bao giờ hay chưa. Tất cả các khối đều trông rực rỡ và mới nguyên như ngày đầu tiên được mua về, từ nhiều năm trước. Điều thú vị nhất là cô có thể lắp được mọi thứ từ Lego. Và sau đó cô có thể tháo chúng ra để lắp một thứ khác.
Còn có thể đòi hỏi gì hơn ở một đồ chơi? Sophie kết luận rằng Lego quả thực có thể được gọi là đồ chơi hay nhất thế giới. Nhưng nó liên quan như thế nào đến triết học thì cô chịu.
Cô đã lắp gần xong một ngôi nhà búp bê to. Cô ghét phải thừa nhận rằng
đã lâu cô không chơi vui đến vậy.
Tại sao mọi người không chơi nữa khi họ thành người lớn nhỉ? Khi mẹ đi làm về và nhìn thấy Sophie đang chơi, bà thốt lên, “Hay thật! Mẹ rất vui vì con vẫn là một cô bé con!”
“Con có chơi đâu!”, Sophie tức tối, “Con đang làm một thí nghiệm triết học rất phức tạp đấy!”
Mẹ cô thở dài. Có lẽ bà đang nghĩ về con thỏ trắng và chiếc mũ cao vành. Hôm sau, khi Sophie từ trường về, có thêm vài trang giấy cho cô trong một chiếc phong bì to màu nâu. Cô mang lên phòng. Cô rất nóng lòng muốn đọc, nhưng cô còn phải để mắt đến cái hộp thư nữa.
Thuyết nguyên tử
Lại tôi đây, Sophie. Hôm nay em sẽ nghe về người cuối cùng trong các nhà triết học lơn của trường phái triết học tự nhiên. Tên ông là Democritus (460- 370 t.Cn), ông đến từ thành phố nhỏ Abdera trên bờ bắc biển Aegea[3].
Nếu em đã có thể trả lời câu hỏi về Lego mà không gặp khó khăn gì, em sẽ dễ dàng hiểu đề tài nghiên cứu của các nhà triết học này.
Democritus đồng ý với các vị tiền nhân rằng các biến đổi trong thiên nhiên không phải là do có cái gì đó thực sự “thay đổi”. Do vậy, ông giả thiết rằng mọi thứ đều được cấu tạo từ các khối nhỏ vô hình, mỗi khối đều vĩnh cửa và bất biến. Democritus gọi những đơn vị nhỏ nhất này là các nguyên tử.
Trong tiếng Hy Lạp, nguyên tử (“atom”) có nghĩa là “không phân chia được”. Đối với Democritus, điều rất quan trọng cần khẳng định đó là các thành phần cấu thành nên mọi vật không thể phân chia một cách vô hạn thành các phần nhỏ hơn. Nếu không, chúng đã không thể được dùng làm các khối cơ bản. Nếu các nguyên tử có thể bị chia mãi thành các phần nhỏ hơn, thiên nhiên sẽ bắt đầu phân rã như súp cứ loãng dần ra vậy.
Hơn nữa, các khối cơ bản của thiên nhiên phải là vĩnh cửu, vì không có cái gì sinh ra từ hư vô. Ở đây, ông đã nhất trí với Parmenides và những người xứ Elea. Thêm vào đó, ông còn tin rằng các nguyên tử rắn và vững chắc. Nhưng không thể tất cả chúng đều giống nhau. Nếu mọi nguyên tử đều giống nhau, sẽ lại không có lời giải thích thoả đáng tại sao chúng có thể kết hợp để tạo nên mọi thứ từ hoa anh túc và cây ô-liu đến da dê và tóc người.
Democritus tin rằng thiên nhiên bao gồm vô số nguyên tử thuộc nhiều dạng. Một số tròn và nhẵn, số còn lại thì hình dạng méo mó và gồ ghề. Chính vì rất khác nhau nên chúng có thể kết hợp thành đủ loại cơ thể khác nhau. Nhưng dù có đa dạng đến đâu về số lượng và hình dạng, các nguyên tử đều vĩnh cửu, bất biến, và không phân chia được.
Khi một cơ thể bị chết và phân huỷ, chẳng hạn một cái cây hay một con vật, các nguyên tử tản ra và có thể được sử dụng lại cho các cơ thể mới. Các nguyên tử chuyển động hỗn độn trong không gian, nhưng vì có “móc” và
“ngạnh” nên chúng có thể nối với nhau để tạo nên mọi vật mà chúng ta nhìn thấy ở xung quanh.
Bây giờ em đã hiểu những gì tôi muốn nói về các khối Lego. Chúng cũng có các tính chất gần giống với những gì Democritus gán cho các nguyên tử. Đó cũng là lý do mà chơi lắp ghép bằng các khối Lego thật thú vị. Đầu tiên, chúng không thể phân chia được. Tiếp theo, chúng có đủ hình dạng, kích thước. Chúng rắn chắc và không thấm nước. Chúng còn có móc và ngạnh nên có thể ghép nối thành mọi hình thù mà ta có thể tưởng tượng ra. Các kết nối này lại có thể bị phá vỡ để tạo ra những hình mới từ các khối cũ.
Lego được ưa chuộng rộng rãi vì chúng có thể được dùng đi dùng lại. Hôm nay, một khối Lego là một phần của một chiếc xe tải. Hôm sau, nó có thể là một mảnh của một toà lâu đài. Ta cũng có thể nói rằng các khối Lego là “vĩnh cửu”. Trẻ em hôm nay có thể chơi với chính những khối Lego mà cha mẹ chúng đã chơi hồi nhỏ.
Ta cũng có thể nhận ra mọi hình từ đất sét. Nhưng không thể dùng đi dùng lại đất sét vì nó có thể bị vỡ thành những mẩu nhỏ. Những mẩu nhỏ li ti không bao giờ có thể được gắn lại để tạo nên những thứ khác được nữa.
Ngày nay, chúng ta có thể khẳng định rằng thuyết nguyên tử của Democritus khá gần với sự thực. Thiên nhiên quả thực được xây dựng từ các “nguyên tử” khác nhau, chúng kết hợp rồi lại phân rã. Một nguyên tử hydro ở chóp mũi của tôi xưa kia có lẽ đã từng là một phần của một cái vòi voi. Một nguyên tử carbon trong cơ tim của tôi có thể đã từng thuộc về đuôi của một con khủng long!
Tuy nhiên, các nhà khoa học đương đại đã phát hiện rằng các nguyên tử có thể phân chia thành các “hạt cơ bản” nhỏ hơn. Ta gọi các hạt cơ bản này là các proton, neutron và electron. Những hạt này có lẽ sẽ còn được chia thành các hạt nhỏ hơn nữa. Nhưng các nhà vật lý đồng ý rằng phải có một giới hạn ở đâu đó. Phải có một “phần tối thiểu” mà thế giới được tạo nên từ đó.
Democritus không có những thiết bị điện tử hiện đại. Cái duy nhất ông có là tâm thức của mình. Nhưng lý tính của ông không cho ông nhiều chọn lựa. Một khi đã chấp nhận rằng không có gì có thể biến đổi, không có gì sinh ra từ hư vô, và rằng không có gì mất đi, vậy thì thiên nhiên phải bao gồm những khối vô cùng nhỏ bé mà chúng có thể kết hợp rồi lại phân chia.
Democritus không tin có một “lực” hay “linh hồn” nào có thể can thiệp vào các quá trình của thiên nhiên. Ông cho rằng cái duy nhất tồn tại là các nguyên tử và sự trống rỗng. Do ông chỉ tin vào những gì thuộc về vật chất, ta gọi ông là một nhà duy vật.
Theo Democritus, không có một “thiết kế” có ý thức nào trong vận động của các nguyên tử. Trong tự nhiên, mọi vật đều xảy ra một cách khá là máy móc. Điều đó không có nghĩa là mọi sự đều xảy ra một cách ngẫu nhiên, vì mọi sự đều tuân theo các quy luật tất yếu về sự cần thiết. Mọi sự xảy ra đều
có một nguyên nhân tự nhiên, một nguyên nhân cố hữu trong chính sự vật đó. Democritus đã từng nói rằng ông thà tìm ra một nguyên nhân mới của tự nhiên còn hơn là làm vua xứ Ba Tư.
Democritus cho rằng thuyết nguyên tử còn giải thích các tri giác giác quan của ta. Khi ta cảm nhận điều gì đó, đó là do vận động của các nguyên tử trong không gian. Khi ta nhìn thấy Mặt Trăng là khi các “nguyên tử Mặt Trăng” thâm nhập mắt ta.
Nhưng còn “linh hồn” thì sao? Có chắc là nó cấu thành từ các nguyên tử, từ những thứ vật chất? Chắc chứ! Democritus tin rằng linh hồn bao gồm các “nguyên tử linh hồn” tròn và nhẵn. Khi một người chết, các nguyên tử linh hồn bay đi mọi hướng và sau đó có thể trở thành một phần của một linh hồn mới.
Điều đó có nghĩa rằng con người không có linh hồn bất tử, một niềm tin của nhiều người đương đại. Cũng như Democritus, họ cho rằng “linh hồn” được nối với bộ não, và rằng chúng ta không thể giữ lại một dạng ý thức nào một khi bộ não phân rã.
Thuyết nguyên tử của Democritus đã tạm thời đánh dấu sự kết thúc của triết học tự nhiên Hy Lạp. Ông đồng ý với Heraclitus rằng mọi vật trong tự nhiên đều “trôi”, do các hình dạng đến rồi đi. Nhưng đằng sau đó, có một số thứ vĩnh cửu, bất biến mà không trôi. Democritus gọi chúng là các nguyên tử.
Trong khi đọc, Sophie nhìn qua cửa sổ mấy lần để xem người viết thư bí ẩn đã đến hộp thư chưa. Giờ thì cô ngồi nhìn đăm đăm ra đường, suy nghĩ về những điều mình vừa đọc.
Cô thấy các tư tưởng của Democritus thật đơn giản nhưng cũng thật tài tình. Ông đã tìm ra lời giải thực sự cho vấn đề “chất cơ bản” và “sự biến đổi”. Vấn đề này phức tạp đến nỗi nhiều thế hệ triết gia đã phải tốn bao công sức vì nó. Và cuối cùng, Democritus đã tự mình giải thích được bằng phán đoán thông thường.
Sophie không nén được nụ cười. Thiên nhiên chắc phải được xây dựng từ những phần nhỏ bé không bao giờ thay đổi. Trong khi đó, rõ ràng Heraclitus cũng có lý khi cho rằng mọi dạng thức trong thiên nhiên đều biến đổi. Bởi vì con người ai cũng phải chết, các con vật cũng chết, ngay cả một dãy núi cũng bị xói mòn dần. Điều quan trọng là ở chỗ dãy núi đó cấu thành từ những phần nhỏ bé không phân chia được và không bao giờ bị phá huỷ.
Tuy nhiên, Democritus cũng đã đưa ra một số câu hỏi mới. Thí dụ, ông ta cho rằng mọi sự đều xảy ra một cách máy móc. Không như Empedocles và Anaxarogas, ông không chấp nhận giả thuyết về sự tồn tại của một sức mạnh tinh thần nào trong cuộc sống. Democritus còn tin rằng con người không có linh hồn bất tử.
Cô có chắc chắn về điều đó không?
Cô không biết. Nhưng dù sao thì cô cũng vừa mới bắt đầu khoá triết học.
SỐ MỆNH
… thầy bói cố tiên đoán một điều khó mà đoán được…
Sophie đã canh chừng cái hộp thư trong khi đọc về Democritus. Nhưng để cẩn thận, cô vẫn quyết định đi xuống cổng vườn.
Khi mở cửa trước, cô trông thấy một chiếc phong bì nhỏ trên bậc cửa. Và tất nhiên là nó gửi cho Sophie Amundsen.
Vậy là ông ta đã chơi xỏ cô! Đúng vào ngày cô canh chừng cẩn thận hộp thư thì con người bí ẩn lại lẻn vào nhà từ hướng khác và để lá thư lên thềm trước khi quay trở lại rừng. Khỉ thật!
Làm thế nào mà ông ta biết được hôm nay Sophie sẽ canh chừng hộp thư? Ông ta đã nhìn thấy Sophie bên cửa sổ chăng? Dù sao thì cô cũng mừng vì đã nhận được thư trước khi mẹ về.
Sophie quay về phòng và bóc lá thư. Chiếc phong bì trắng hơi bí ẩn ở quanh mép, và có hai cái lỗ nhỏ trên đó. Tại sao vậy? Mấy hôm nay trời không mưa mà!
Mẩu thư ghi:
Em có tin vào Số mệnh không?
Có phải bệnh tật là sự trừng phạt của các vị thần?
Những sức mạnh nào chi phối dòng chảy lịch sử?
Cô có tin vào số mệnh không ư? Cô không rõ. Nhưng cô biết nhiều người tin. Có một cô bạn cùng lớp hay đọc tử vi trong các tạp chí. Nếu họ tin vào chiêm tinh, có lẽ họ tin cả số mệnh nữa, vì các nhà chiêm tinh học khẳng định rằng vị trí của các ngôi sao ảnh hưởng đến cuộc sống của con người trên trái đất.
Nếu bạn tin rằng bạn gặp một con mèo đen đi ngang qua là vận rủi thì bạn đã tin vào số mệnh, không phải thế sao? Càng nghĩ, cô càng thấy nhiều ví dụ về chuyện tin vào số mệnh. Chẳng hạn, tại sao người gõ lên gỗ[4]? Tại sao thứ Sáu ngày 13 lại là ngày xui xẻo. Sophie nghe nói có nhiều khách sạn không có phòng số 13. Đó hẳn là vì có nhiều người mê tín.
“Mê tín”. Thật là một từ kỳ quặc. Nếu bạn theo Ki Tô giáo hay đạo Hồi, đó gọi là đức tin. Nhưng khi bạn tin vào chiêm tinh học hay thứ Sáu ngày 13, đó lại là mê tín! Ai có quyền gọi đức tin của kẻ khác là sự mê tín? Dù sao thì Sophie cũng biết chắc một điều. Democritus không tin vào số
mệnh. Ông là một nhà duy vật. Ông chỉ tin vào các nguyên tử và không gian trống rỗng.
Sophie cố suy nghĩ về các câu hỏi khác trong bức thư.
“Có phải bệnh tật là sự trừng phạt của các vị thần?” Ngày nay liệu ai còn tin vào chuyện đó? Nhưng cô nhận ra rằng nhiều người cho là cầu nguyện sẽ giúp chóng lành bệnh. Vậy chắc hẳn họ tin rằng Chúa Trời có quyền lực nào đó đối với sức khỏe của con người.
Câu hỏi cuối cùng khó hơn. Sophie chưa bao giờ để ý đến chuyện cái gì chi phối lịch sử. Chắc đó phải là con người chứ nhỉ! Nếu là Chúa Trời hay Số mệnh, thì con người chẳng có chút ý chí tự do nào.
Suy nghĩ về ý chí tự do làm Sophie nghĩ đến một chuyện khác. Tại sao cô lại phải chịu để nhà triết học bí ẩn chơi trò mèo vờn chuột với mình? Tại sao cô không thể viết một bức thư cho chính ông ta? Ông ta hay bà ta chắc sẽ đặt một phong bì lớn nữa vào hộp thư trong đêm nay hoặc sáng mai. Cô sẽ đảm bảo rằng sẽ có một bức thư cho người này.
Sophie bắt tay vào việc ngay. Thật khó khi viết thư cho một người cô chưa bao giờ gặp. Cô thậm chí còn không biết đó là nam hay nữ, già hay trẻ. Hoặc cũng có thể nhà triết học bí ẩn lại là một người quen.
Cô viết:
Nhà triết học kính mến,
Chúng tôi rất trân trọng những bài giảng triết học từ xa của ông. Nhưng chúng tôi cảm thấy hơi bất tiện khi không được biết ông là ai. Do vậy, chúng tôi mong ông sử dụng tên đầy đủ của mình. Bù lại chúng tôi sẽ rất lấy làm vinh hạnh nếu ông tới chơi và uống cà phê, tốt nhất là khi mẹ tôi có nhà. Mẹ tôi đi làm từ 7h30 sáng đến 5h chiều hằng ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Những ngày đó, tôi cũng đi học, nhưng tôi luôn về nhà lúc 2h15, trừ thứ Năm. Tôi pha cà phê rất ngon.
Xin chân thành cảm ơn. Học trò tận tụy của ông, Sophie Amundsen (14 tuổi)
Ở cuối trang giấy, cô viết: Mong được trả lời. Sophie cảm thấy bức thư hơi quá trịnh trọng. Nhưng khó có thể biết nên dùng từ gì với một người giấu mặt. Cô bỏ lá thư vào trong một chiếc phong bì màu hồng và ghi “Kính gửi: Nhà triết học”.
Bây giờ vấn đề là ở chỗ phải đặt nó ở đâu để mẹ cô không phát hiện ra. Cô sẽ phải đợi mẹ đi làm về rồi mới đặt nó vào trong hộp thư. Và cô cũng sẽ phải nhớ kiểm tra hộp thư sáng sớm hôm sau trước khi người ta đem báo đến. Nếu tối và đêm nay không có thêm lá thư nào cho cô, cô sẽ phải lấy lại chiếc phong bì màu hồng.
Tại sao mọi chuyện lại phải rắc rối vậy nhỉ?
Tối hôm đó, mặc dù là thứ Sáu, Sophie lên phòng sớm. Mẹ cô cố dụ dỗ cô
bằng bánh pizza và một bộ phim giật gân trên TV, nhưng Sophie nói cô đã mệt và muốn lên giường đọc sách. Trong khi mẹ xem TV, cô lẻn ra ngoài hộp thư với lá thư màu hồng.
Rõ ràng là mẹ cô đã lo lắng. Kể từ vụ con thỏ trắng và chiếc mũ cao vành, bà bắt đầu nói với Sophie bằng mọt giọng không bình thường. Sophie rất không thích để mẹ lo lắng, nhưng cô vẫn phải lên phòng để canh chừng hộp thư.
Khoảng mười một giờ, khi mẹ cô lên phòng, Sophie đang ngồi bên cửa sổ nhìn đăm đăm xuống đường.
“Con không phải đang ngóng cái hộp thư đấy chứ!”
“Con được nhìn bất cứ cái gì con thích chứ!”
“Mẹ thật sự nghĩ là con đang yêu, Sophie à. Nhưng nếu cậu ấy định mang đến cho con một bức thư thì chắc chắn là cậu ta không đến vào lúc nửa đêm đâu.”
Khỉ thật! Sophie chúa ghét các kiểu nói chuyện mùi mẫn về tình yêu. Nhưng cô phải để cho mẹ tiếp tục tin rằng điều đó là sự thực. “Có phải cậu ta là người đã nói với con về thỏ và mũ cao vành không?” mẹ cô hỏi.
Sophie gật đầu.
“Cậu ta… cậu ta không dùng ma túy đấy chứ?”
Giờ thì Sophie cảm thấy thực sự thương mẹ. Cô không thể tiếp tục để mẹ lo lắng kiểu này, cho dù mẹ thật buồn cười khi nghi ngờ một người là nghiện hút chỉ vì anh ta có một tư tưởng hơi kỳ quặc. Người lớn tuổi đôi khi thật ngốc.
Cô nói, “Mẹ à, con hứa với mẹ chỉ một lần này thôi. Con sẽ không bao giờ làm chuyện gì kiểu đó… và cậu ấy cũng vậy. Nhưng cậu ấy rất thích triết học.”
“Cậu ta lớn tuổi hơn con?”
Sophie lắc đầu.
“Bằng tuổi?”
Sophie gật đầu.
“Mẹ đoán là cậu ấy rất đáng yêu. Còn bây giờ, mẹ nghĩ là con nên đi ngủ thôi.”
Nhưng hàng tiếng đồng hồ sau, Sophie vẫn không rời cửa sổ. Cuối cùng thì cô buồn ngủ díp mắt. Lúc đó là một giờ.
Cô vừa định đi ngủ thì thấy một bóng đen xuất hiện từ trong rừng. Mặc dù bên ngoài trời gần như đã tối, cô vẫn nhận ra một dáng người. Đó là một người đàn ông, Sophie có cảm tưởng là ông ta đã khá lớn tuổi. Ông ta chắc chắn là không cùng tuổi với cô! Ông đội một chiếc mũ nồi. Cô có thể thề rằng ông ta đã nhìn về phía căn nhà. Nhưng đènn phòng Sophie không bật. Người đàn ông đi thẳng đến hộp thư và thả một chiếc
phong bì lớn vào trong. Khi thả, ông nhìn thấy lá thư của Sophie, ông thò tay lấy lá thư. Một phút sau, người đàn ông đã rảo bước trên đường về phía cánh rừng. Ông vội vã đi xuống con đường rừng rồi mất hút.
Sophie cảm thấy tim mình đạp mạnh. Cảm giác đầu tiên là muốn mặc nguyên bộ áo ngủ mà đuổi theo, nhưng cô không dám đuổi theo một người lạ vào lúc nửa đêm. Nhưng cô phải ra ngoài để lấy lá thư.
Một phút sau, cô rón rén xuống thang, khẽ mở cửa rồi chạy ra hộp thư. Một loáng sau, cô đã về đến phòng mình với lá thư trong tay. Cô ngồi trên giường nín thở. Vài phút trôi qua mà không có động tĩnh gì trong nhà, cô mở lá thư và bắt đầu đọc.
Cô biết rằng đây không phải thư trả lời cho bức thư của cô. Lá thư đó không thể đến sớm hơn ngày mai được.
Số mệnh
Chúc buổi sáng tốt lành, Sophie thân mến! tôi phải nhắc rằng em không bao giờ được theo dõi tôi. Một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp nhau, nhưng tôi sẽ là người quyết định khi nào và ở đâu. Vậy nhé! Em sẽ không làm trái lời tôi chứ?
Quay lại câu chuyện về các triết gia. Ta đã thấy cách họ cố tìm kiếm một cách giải thích tự nhiên cho các biến đổi trong thiên nhiên. Trước đó, những điều này đã được giải thích bằng các huyền thoại.
Những điều mê tín cổ xưa trong các lĩnh vực khác cũng phải bị loại bỏ. ta có thể thấy ảnh hưởng của chúng trong các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe, cũng như các sự kiện chính trị. Trong cả hai lĩnh vực này, những người Hy Lạp đã là những đệ tử của thuyết định mệnh.
Thuyết định mệnh cho rằng mọi sự xảy ra đều là tiền định. Chúng ta thấy niềm tin này ở khắp thế giới, không chỉ trong lịch sử mà cả trong thời đại của chúng ta. Ở các nước vùng Bắc Âu có một niềm tin sâu sắc vào “lagnadan” hay số mệnh thường có mặt trong các truyền thuyết cổ của người Iceland.
Tại Hy Lạp cổ đại cũng như các vùng khác trên thế giới, ta thấy một niềm tin rằng con người có thể biết được số mệnh của mình qua một dạng sấm truyền nào đó. Nói cách khác, số mệnh của một con người hay một đất nước có thể được tiên đoán theo nhiều cách.
Còn có nhiều người tin rằng họ có thể đoán tương lai của ta bằng bói bài, đọc chỉ tay, hoặc đoán tương lai qua các vì sao.
Ở Na Uy có một kiểu bói đặc biệt là bói cà phê. Khi uống cạn cốc cà phê, dưới đáy cốc sẽ còn lại một chút cặn. Nó sẽ tạo ra một hình ảnh hay ít nhất là một hoa văn nào đó, ta cứ tha hồ tưởng tượng. Nếu cặn có hình giống một chiếc ô tô, nghĩa là người vừa uống cốc đó sắp lái xe đường dài.
Như vậy, “thầy bói” cố gắng tiên đoán một điều khá là khó đoán trước được. Đây là đặc điểm của mọi kiểu tiên đoán. Cũng chính vì những điều họ
“nhìn thấy” thật mơ hồ nên ta khó có thể bác bỏ được các tuyên bố của thầy bói.
Khi ngắm những vì sao, ta thấy một vùng hỗn độn các đốm sáng nhấp nháy. Tuy nhiên, thời nào cũng có những người tin rằng các vì sao có thể cho ta biết về cuộc sống của chúng ta trên Trái Đất. Ngay cả hiện nay, vẫn có những thủ lĩnh chính trị hỏi ý kiến của các nhà chiêm tinh trước khi đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào.
Sấm truyền đền Delphi
Người Hy Lạp cổ tin rằng họ có thể những lời sấm truyền nổi tiếng ở đền Delphi về số mệnh của mình. Apollo, vị thần của sấm truyền, phan qua người nữ đồng Pythia ngồi trên một cái ghế bắc qua một khe nứt của mặt đất. Hơi thôi miên bốc lên từ khe nứt đưa Pythia vào trạng thái nhập đồng. Nhờ đó, bà trở thành phát ngôn viên của Apollo.
Khi tới đền, người ta dâng các câu hỏi cho các tu sĩ trong đền, họ sẽ chuyển cho Pythia. Những câu trả lời của bà khó hiểu và đa nghĩa đến mức các tu sĩ sẽ phải giải nghĩa chúng. Bằng cách nào đó, mọi người được hưởng sự thông thái của Apollo, họ tin tưởng rằng thần biết mọi điều, ngay cả về tương lai.
Có nhiều vị đứng đầu các thành bang không dám tham gia chiến tranh hoặc chưa thỉnh được sấm truyền đền Delphi. Vì vậy, các tu sĩ của Apollo hoạt động gần như các nhà ngoại giao hoặc các cố vấn. Họ là các chuyên gia với kiến thức sâu sắc về dân chúng và các quốc gia.
Bên trên lối vào đền Delphi có khắc hàng chữ: Hãy biết chính mình! Nó nhắc nhở khách đến đền rằng con người phải luôn nhớ rằng mình không bất tử, và rằng không có ai thoát được định mệnh của mình.
Người Hy Lạp đã có nhiều câu chuyện về những người cố vượt ra nhưng rồi vẫn không qua khỏi vòng cương tỏa của số mệnh. Theo thời gian, nhiều vở bi kịch đã được viết về những con người có số phận bi thảm này. Trong đó, nổi tiếng nhất là bi kịch về Vua Oedipus.
Lịch sử và y học
Nhưng số mệnh không chỉ chi phối cuộc đời của các cá nhân. Người Hy Lạp đã cho rằng ngay cả lịch sử của thế giới cũng bị chi phối bởi số mệnh, và xu thế của chiến tranh có thể bị xoay chuyển bởi sự can thiệp của các vị thần. Ngày nay, vẫn có nhiều người tin rằng Chúa Trời hay một sức mạnh bí hiểm nào đó đang định hướng dòng chảy của lịch sử.
Vào thời kỳ mà các triết gia Hy Lạp đang tìm kiếm lời giải thích tự nhiên cho các quá trình biến đổi của thiên nhiên, các nhà sử học đầu tiên bắt đầu tìm kiếm cách giải thích tự nhiên cho dòng chảy của lịch sử. Khi một quốc gia thua trận, sự báo thù của các vị thần không còn là lời giải thích chấp nhận được đối với họ. Hai nhà sử học nổi tiếng nhất của Hy Lạp là Herodotus (484 - 424 t.Cn) và Thucydides (460 - 400 t.Cn).
Người Hy Lạp cổ còn tin rằng bệnh tật cũng là do sự can thiệp của các vị thần. Các thần có thể làm cho họ khỏe mạnh trở lại nếu họ cúng lễ một cách thích hợp.
Niềm tin này không chỉ có ở Hy Lạp. Trước khi y học hiện đại phát triển, quan điểm của quảng đại quần chúng là bệnh tật là do các nguyên nhân siêu nhiên. Từ “influenza” (bệnh cúm) thực ra có nghĩa là ảnh hưởng xấu từ các vì sao.
Ngay cả hiện nay, có nhiều người tin rằng một số bệnh tật, chẳng hạn AIDS, là sự trừng phạt của Chúa Trời. Nhiều người còn tin rằng người ốm có thể được cứu chữa nhờ các sức mạnh siêu nhiên.
Cùng thời với những xu hướng mới của triết học Hy Lạp, ngành y học Hy Lạp đã xuất hiện, nó cố gắng tìm kiếm những lời giải thích tự nhiên cho bệnh tật và sức khỏe. Người ta nói rằng nhà sáng lập ra nền y học Hy Lạp là Hippocrates, người được sinh ra trên đảo Cos vào khoảng năm 460 trước Công nguyên.
Theo truyền thống y học Hippocrates, cách phòng bệnh tốt nhất là sự điều độ và lối sống lành mạnh. Sức khỏe là tình trạng bình thường. Bệnh tật xảy ra là dấu hiệu rằng Tự nhiên đã đi chệch đường do sự mất cân bằng về thể xác hoặc tinh thần. Sự điều độ, hài hòa là con đường dẫn tới sức khỏe cho mỗi người, và “một tinh thần lành mạnh trong một thể xác lành mạnh”.
Ngày nay, người ta nói nhiều về “y đức”. Theo đó, bác sĩ phải tôn trọng một số quy tắc đạo đức. Thí dụ, một bác sĩ không nên kê thuốc ngủ cho người khỏe mạnh. Người bác sĩ còn phải giữ bí mật nghề nghiệp, nghĩa là ông ta không được phép tiết lộ bất cứ điều gì bệnh nhân đã kể về căn bệnh của mình. Các quan điểm này có từ thời Hippocrates. Ông đã đòi hỏi học trò tuyên thệ những điều sau đây:
Tôi sẽ sử dụng cách điều trị mà theo năng lực và sự phán đoán của tôi là có lợi cho bệnh nhân và tránh mọi điều có hại. Tôi sẽ không đưa thuốc độc cho ai, kể cả khi được yêu cầu, và không gợi ý điều tương tự. Cũng như vậy, tôi sẽ không giúp phụ nữ phá thai. Mỗi khi đến một căn nhà, tôi sẽ đến vì lợi ích của người ốm và sẽ tránh mọi hành vi gây hại hoặc bất lương, tránh mọi cám dỗ của đàn ông, đàn bà, dù đó là người tự do hay nô lệ. Khi hành nghề, tất cả những gì tôi nghe thấy hoặc nhìn thấy mà không nên nói rộng, tôi sẽ giữ bí mật. Nếu giữ lời thề, tôi có thể sẽ được
yên hưởng cuộc sống và nghề nghiệp, và luôn được mọi người kính trọng. Bằng không, tôi sẽ phải chịu những điều ngược lại.
Sáng thứ Bảy, Sophie giật mình tỉnh dậy. Đó là một giấc mơ hay cô quả thực đã nhìn thấy nhà triết học? Cô luồn tay xuống dưới giường. Đây rồi - lá thư đêm qua. Đó không chỉ là một giấc mơ.
Chắc chắn cô đã nhìn thấy nhà triết học! Còn nữa, chính mắt cô đã thấy ông lấy lá thư cô viết!
Cô bò xuống sàn, kéo tất cả các tờ giấy đánh máy từ trong gầm giường ra. Nhưng cái gì kia? Sát chân tường có cái gì đó màu đỏ. Một chiếc khăn chăng?
Sophie chui vào gầm giường và lôi ra một chiếc khăn lụa đỏ. Nó không phải là của cô, chắc chắn như vậy!
Cô xem xét chiếc khăn kĩ càng hơn và há hốc mồm khi nhìn thấy tên HILDE được viết bằng mực dọc theo đường may.
Hilde! Nhưng Hilde là ai mới được cơ chứ! Tại sao hai người cứ đụng độ nhau suốt vậy?
SOCRATES
… người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết…
Sophie mặc một chiếc váy mùa hè rồi vội vã xuống bếp. Mẹ cô đang đứng cạnh bàn bếp. Sophie quyết định không đã động gì đến chiếc khăn lụa. “Mẹ đã mang báo vào chưa ạ?” Cô hỏi.
Mẹ cô quay lại.
“Con lấy cho mẹ nhé!”
Sophie chạy ào ra cửa, chạy đến chỗ hộp thư.
Chỉ toàn báo. Có lẽ còn quá sớm để nhận được thư trả lời. Trên trang nhất, cô đọc thấy tin về quân đội Na Uy trong lực lượng của Liên hợp quốc ở Lebanon.
Lực lượng của Liên hợp quốc… có phải đó là dấu bưu điện trên tấm bưu thiếp của bố Hilde? Nhưng tem lại là tem Na Uy. Có lẽ quân đội Na Uy đã đem theo cả bưu điện của mình.
“Bây giờ con lại quan tâm đến báo chí cơ đấy!” mẹ cô nói một cách tỉnh bơ khi cô quay vào bếp.
May mà trong bữa sáng và suốt ngày hôm đó, mẹ cô không nói gì thêm về chuyện thư từ nữa. Khi mẹ đi chợ, Sophie chui vào hốc, mang theo lá thư về Số mệnh. Cô ngạc nhiên nhìn thấy một chiếc phong bì nhỏ màu trắng bên cạnh cái hộp thiếc đựng các lá thư khác của nhà triết học. Sophie dám chắc mình không đặt nó ở đó.
Chiếc phong bì cũng bị ẩm quanh mép. Và nó có mấy lỗ nhỏ như cái cô nhận được hôm trước.
Nhà triết học đã đến đây chăng? Ông ta biết về chỗ trốn bí mật của cô sao? Tại sao chiếc phong bì bị ẩm?
Tất cả những câu hỏi đó làm cô chóng mặt. Cô bóc thư và đọc. Sophie thân mến, tôi đã rất thích thú khi đọc lá thư của em. Rất tiếc là tôi phải làm em thất vọng vì tôi không thể nhận lời mời. một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp mặt, nhưng có lẽ sẽ còn lâu trước khi tôi có thể thân hành đến Khúc ngoặt của Thuyền trưởng.
Tôi phải nói thêm rằng từ nay tôi sẽ không thể trực tiếp mang thư đến. Về lâu dài sẽ rất rủi ro. Những lá thư sau sẽ được liên lạc viên bé nhỏ của tôi đem đến. Ngoài ra, chúng sẽ được mang thẳng đến nơi bí mật trong vườn.
Em có thể tiếp tục liên hệ với tôi khi cần. Khi đó, em đặt một chiếc phong bì hồng tại đó với một chiếc bánh quy hay một mẩu đường bên trong. Nếu liên lạc viên bé nhỏ tìm thấy, lá thư sẽ được mang thẳng đến cho tôi. TB. Thật không hay khi từ chối lời mời uống cà phê của một cô gái trẻ.
Nhưng đôi khi cần phải làm như vậy.
TTB. Nếu em tình cờ tìm thấy một cái khăn lụa đỏ ở đâu đó, nhờ em giữ gìn cẩn thận. Đôi khi đồ đạc cá nhân bị lẫn lộn, đặc biệt trong trường học và những nơi tương tự. Và đây là một trường triết học.
Thân mến, Alberto Knox.
Sophie đã sống gần trọn 15 năm và đã nhận được khá nhiều thư, ít ra là vào kỳ Giáng sinh hay trong dịp sinh nhật. Nhưng đây là lá thư kỳ cục nhất mà cô từng nhận được.
Nó không có tem bưu điện, không được đặt vào hộp thư mà được đem thẳng đến nơi tối mật của Sophie trong bờ giậu cũ. Chuyện nó bị ẩm giữa thời tiết mùa xuân khô ráo cũng bí ẩn chẳng kém.
Điều kỳ lạ nhất tất nhiên là chiếc khăn lụa. Chắc hẳn nhà triết học còn có một học trò khác. Học trò đó đã đánh mất một chiếc khăn lụa đỏ. Đúng. Nhưng làm thế nào mà cô ta lại để mất nó dưới gầm giường của Sophie? Còn Alberto Knox… tên gì nghe kỳ cục!
Có một điều đã được khẳng định: mối liên hệ giữa nhà triết học và Hilde Møller Knag. Nhưng còn chuyện chính bố của Hilde mà lại nhầm lẫn địa chỉ hai người thì hoàn toàn không thể hiểu được.
Sophie ngồi suy nghĩ hồi lâu về chuyện Hilder có thể liên quan đến cô như thế nào. Cuối cùng, cô bỏ cuộc. Nhà triết học đã viết rằng một ngày nào đó cô sẽ gặp ông. Có thể cô cũng sẽ gặp cả Hilde.
Cô lật lá thư và thấy mặt sau cũng có chữ:
Có sự thẹn thùng tự nhiên hay không?
Người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết.
Sự thấu hiểu đến từ bên trong.
Người hiểu lẽ phải sẽ hành động đúng.
Sophie hiểu những câu ngắn trong chiếc phong bì trắng có dụng ý để cô chuẩn bị cho chiếc phong bì to sẽ đến sau đó. Cô bỗng này ra một ý tưởng. Nếu “liên lạc viên” đến cái hốc để giao bức thư màu nâu, Sophie chỉ cần ngồi đợi anh ta. Hay đó là con gái? Cô nhất định sẽ giữ lấy người đó cho đến khi cậu ta chịu kể cho cô nghe về nhà triết học! Lá thư viết: “liên lạc viên nhỏ bé”. Đó là một đứa bé chăng?
“Có sự thẹn thùng tự nhiên không?”
Sophie hiểu “thẹn thùng” có nghĩa là sự xấu hổ, chẳng hạn vì bị người khác nhìn thấy trong tình trạng không quần áo. Nhưng xấu hổ về chuyện đó có phải là cảm giác tự nhiên không? Nếu cái gì đó là tự nhiên thì nó phải giống nhau đối với tất cả mọi người, Sophie nghĩ. Ở nhiều vùng trên thế giới, khỏa thân là một điều hoàn toàn tự nhiên. Do vậy, chắc hẳn xã hội là cái quyết định ta có thể làm gì và không thể làm gì. Khi bà còn trẻ, chắn chắn người ta không thể để ngực trần tắm nắng. Nhưng ngày nay, đo số mọi người cho rằng như thế là “tự nhiên”, tuy điều đó vẫn bị cấm ngặt ở nhiều
nước. đây có phải là triết học không nhỉ? Sophie tự hỏi.
Câu tiếp theo là: “Người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết”.
Uyên bác hơn ai? Nếu nhà triết học muốn nói rằng người hiểu rằng mình không biết tất cả mọi thứ trên đời uyên bác hơn người nào chỉ biết chút ít nhưng lại tưởng rằng mình biết rất nhiều - à thì chẳng khó gì mà không đồng ý. Trước kia, Sophie chưa bao giờ suy nghĩ đến điều này. Nhưng càng nghĩ, cô càng thấy rõ ràng rằng biết rằng mình không biết cũng chỉ là một loại kiến thức. điều ngu ngốc nhất mà cô từng biết đó là khi người ta làm như thể mình biết tất cả về những điều mà họ hoàn toàn chẳng biết tí gì.
Câu tiếp theo nói rằng sự thấu hiểu đến từ bên trong. Nhưng chẳng phải mọi kiến thức đều đi vào đầu ta từ bên ngoài sao? Mặt khác, Sophie có thể nhớ những khi mẹ cô hoặc các thầy cô giáo ở trường cố gắng dạy cô điều gì đó mà cô không thấm được. Và mỗi khi cô thực sự học được điều gì khi chính cô đã tham gia vào nó theo một nghĩa nào đó. Thậm chí, thỉnh thoảng cô bất chợt hiểu ra một điều mà trước đó cô hoàn toàn mờ tịt. có thể đó là cái mà người ta gọi là “sự thấu hiểu” từ bên trong.
Từ đầu đến giờ đều ổn cả. Sophie cho rằng cô đã hoàn thành khá tốt ba câu hỏi đầu tiên. Nhưng câu còn lại thì kỳ cục đến mức cô không nhịn được cười: “người hiểu lẽ phải sẽ hành động đúng.”
Có phải như thế có nghĩa rằng khi một tên cướp vào cướp nhà băng thì đó là do hiểu biết của hắn chỉ được đến thế? Sophie không cho là vậy. Ngược lại, cô nghĩ rằng cả trẻ con lẫn người lớn đều làm những việc ngu ngốc mà sau đó họ có thể sẽ hối hận chính là vì họ đã làm dù biết như vậy là không đúng.
Trong khi ngồi suy nghĩ, cô nghe thấy tiếng sột soạt trong bụi cây khô ở phía bờ giậu gần rừng. Đó là người đưa tin chăng? Tim cô bắt đầu đập rộn lên. Nghe như có một con thú đang đến gần, nó đang thở hổn hển.
Lát sau, một con chó to nòi Labrador sục vào hốc. nó thả chiếc phong bì to màu nâu đang ngậm trong mõm xuống chân Sophie. Tất cả xảy ra nhanh đến nỗi Sophie không kịp phản ứng. Một giây sau, cô ngồi với chiếc phong bì trên tay, còn con Labrador màu vàng đã phong về phía khu rừng.
Khi tất cả đã qua, cô òa khóc.
Cô ngồi như vậy một lúc lâu, mất hết khái niệm về thời gian. Rồi cô chợt ngẩng lên.
Vậy ra đó là liên lạc viên quý hóa của ông ta! Sophie thở phào nhẹ nhõm. Tất nhiên, vì vậy mà phong bì bị ẩm quanh mép và có những cái lỗ nhỏ. Tại sao cô lại không nghĩ ra nhỉ? Bây giờ, thật dễ hiểu về chuyện bỏ một chiếc bánh quy hay một mẩu đường vào phong bì khi cô muốn gửi thư cho nhà triết học.
Không phải lúc nào cô cũng có thể thông minh được như cô muốn, nhưng
ai mà đoán được liên lạc viên lại là một chú chó cơ chứ! Nói một cách nhẹ nhàng thì chuyện này hơi khác thường. Cô từ bỏ ý định ép liên lạc viên tiết lộ thông tin về chỗ ở của Alberto.
Sophie bóc chiếc phong bì to và bắt đầu đọc.
Triết học thành Athens
Sophie thân mến! Khi đọc bức thư này, có lẽ em đã gặp Hermes. Nếu chưa, tôi xin nói thêm rằng đó là một chú chó. Đừng lo, nó rất hiền và hơn nữa còn thông minh hơn khá nhiều người. Trong bất cứ trường hợp nào, nó không bao giờ ra vẻ khôn ngoan hơn là nó vốn có.
Có lẽ em cũng thấy rằng tên của nó không phải không có ý nghĩa. Trong thần thoại Hy Lạp, Hermes là người đưa tin của các vị thần. Đây còn là vị thần của những người đi biển, nhưng ta không quan tâm đến chuyện đó, ít nhất là bây giờ. Điều quan trọng hơn là tên của Hermes được dùng trong từ "hermetic", nghĩa là bị che giấu hay không tới được. Không phải là không thích hợp với cách Hermes giữ cho chúng ta giấu mặt đối với nhau.
Vậy là liên lạc viên đã được giới thiệu. Tất nhiên, chú ta hiểu khi nghe gọi tên và tóm lại là rất ngoan.
Nào, ta quay lại với triết học. Chúng ta đã hoàn thành phần đầu của khóa học. Ý tôi muốn nói đến các nhà triết học tự nhiên và sự đoạn tuyệt có tính chất quyết định của họ đối với bức tranh thần thoại về thế giới. Bây giờ ta sẽ gặp ba nhà triết học cổ điển vĩ đại: Socrates, Plato và Aristotle. Các triết gia này, mỗi người đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền văn minh châu Âu theo cách của mình.
Các nhà triết học tự nhiên còn được gọi là các triết gia tiền Socrates, vì họ sống trước thời của Socrates. Mặc dù Democritus chết sau Socrates vài năm, nhưng tất cả các tư tưởng của ông vẫn thuộc về triết học tự nhiên tiền Socrates. Socrates đại diện cho một thời kỳ mới về cả địa lý lẫn thời gian. Ông là người đầu tiên trong các nhà triết học vĩ đại sinh ra ở Athens, cả ông và hai người kế tục đều sống và làm việc ở đây. Em có lẽ còn nhớ là Anaxagonas cũng sống ở Athens một thời gian nhưng đã bị đuổi đi vì ông cho rằng Mặt Trời là một khối đá nóng đỏ. (Socrates cũng phải chịu số phận không hơn gì).
Từ thời của Socrates, Athens là trung tâm của văn hóa Hy Lạp. Cần lưu ý
sự thay đổi về đặc điểm của chính các nghiên cứu triết học khi nó tiến triển từ triết học tự nhiên đến Socrates. Nhưng trước khi gặp Socrates, ta hãy nghe một chút về các Học giả - những người ngự trị trên sân khấu Athens thời Socrates.
Kéo màn, Sophie! Lịch sử của các tư tưởng cũng giống như một vở kịch nhiều màn.
Con người ở vị trí Trung tâm
Sau những năm 450 trước Công nguyên, Athens trở thành trung tâm văn hóa của thế giới Hy Lạp. Từ thời kỳ này, triết học đi theo một hướng mới. Các nhà triết học tự nhiên đã quan tâm chủ yếu đến bản chất của thế giới vật chất. Điều đó đem lại cho họ một vị trí trung tâm trong lịch sử của khoa học. Ở Athens, các mối quan tâm lúc bấy giờ tập trung vào cá nhân và vị thế của cá nhân trong xã hội. Dần dần, một nền dân chủ đã ra đời với các hội đồng nhân dân và tòa án.
Để nền dân chủ có hiệu lực, dân chúng phải có đủ học thức để tham gia quá trình dân chủ. Ta đã thấy trong thời đại của chúng ta, một nền dân chủ non trẻ cần đến sự khai sáng cho quảng đại quần chúng như thế nào . Đối với những người Athens , điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải thành thạo nghệ thuật diễn thuyết : nghĩa là nói sao cho thật thuyết phục.
Một làn sóng giáo sư và triết gia từ các thuộc địa của Hy Lạp đổ về Athens. Họ tự xưng là Học giả[5](Sophist). Từ “sophist” thời đó có nghĩa một người học vấn và uyên bác. Ở Athens, các Học giả kiếm sống bằng nghề dạy học cho dân chúng.
Các Học giả có chung một đặc điểm với các nhà triết học tự nhiên: họ cũng chỉ trích các huyền thoại truyền thống. Nhưng đồng thời, các Học giả bác bỏ những gì mà họ coi là các suy đoán triết học vô ích. Quan điểm của họ là: mặc dù các câu hỏi triết học có thể có lời giải đáp, nhưng con người không thề hiểu được sự thực về các câu đố của thiên nhiên và vũ trụ. Trong triết học, quan điểm kiểu này được coi là thuộc Chủ nghĩa hoài nghi.
Nhưng ngay cả khi ta không thể giải đáp mọi câu đố của thiên nhiên, ta biết rằng con người vẫn phải học cách sống với nhau. Các Học giả chọn con đường quan tâm đến con người và vị trí của con người trong xã hội.
“Con người là thước đo của vạn vật”, Học giả Protagoras (485-410 t.Cn) đã nói. Qua đó, ông ta muốn nói rằng các câu hỏi về đúng sai, xấu tốt đều
phải được xét trong mối liên quan với nhu cầu của một con người. Khi được hỏi ông có tin vào các vị thần Hy Lạp không, ông chỉ đáp “Đó là một câu hỏi phức tạp, mà đời người thì ngắn ngủi”. Một người mà không thể dám chắc về sự tồn tại hay không tồn tại của thần linh hay Chúa Trời được gọi là một người theo thuyết bất khả tri.
Các Học giả đã chu du nhiều nơi, nhìn thấy nhiều kiểu chính quyền khác nhau. Cả các tập quán và luật lệ địa phương ở các thành bang khác nhau cũng có thể rất khác nhau. Điều đó dẫn các Học giả đến với câu hỏi: cái gì là tự nhiên và cái gì do xã hội tạo ra. Khi đó, họ đã mở đường cho các cuộc tranh luận về xã hội trong thành Athens.
Thí dụ, họ có thể chỉ ra rằng cụm từ “sự thẹn thùng tự nhiên” không phải lúc nào cũng biện minh được, vì nếu thẹn thùng là “tự nhiên” thì nó phải do bẩm sinh. Nhưng Sophie à, nó là bẩm sinh hay do xã hội tạo ra? Đối với người đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, câu trả lời hẳn đơn giản: Sự thẹn thùng khi khoả thân không phải tự nhiên hay bẩm sinh. Thẹn thùng hay không chính là một vấn đề về tập quán xã hội.
Như em có thể hình dung, các Học giả lang thang đã tạo ra sự tranh luận gay gắt ở Athens, khi họ chỉ rõ rằng không có tiêu chuẩn tuyệt đối về sự đúng sai.
Trong khi đó, Socrates cố gắng chứng tỏ rằng, thực ra, có một số tiêu chuẩn là tuyệt đối và áp dụng cho tất cả mọi người.
Socrates là ai?
Có lẽ Socrates (470 - 399 t.Cn) là nhân vật kỳ bí nhất trong toàn bộ lịch sử triết học. Ông không bao giờ viết dù chỉ một dòng. Nhưng ông lại là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng lớn nhất đối với tư tưởng của Châu Âu, một phần không nhỏ là do cái chết bi thảm của ông.
Ông sinh ra ở Athens, ông sống phần lớn cuộc đời mình trên các quảng trường thành phố và các khu chợ, nói chuyện với những người ông gặp . “Cây cối ở nông thôn chẳng thể dạy tôi điều gì”, ông đã nói vậy. Ông cũng có thể đứng hàng giờ đắm chìm trong suy tư.
Ngay cả lúc sinh thời ông đã được xem là người kỳ bí, và chẳng bao lâu sau khi chết, ông được coi là người đặt nền móng cho nhiều trường phái triết học khác nhau. Chính sự bí ẩn và mơ hồ của ông làm cho các trường phái rất khác nhau có thể nhận ông làm người sáng lập của mình.
Ta biết chắc chắn rằng ông có bề ngoài cực kỳ xấu xí. Ông có cái bụng phệ, đôi mắt lồi và chiếc mũi hếch. Nhưng người ta nói rằng ông cực kỳ đáng mến. Người ta còn nói về ông rằng “Bạn có thể tìm ông trong hiện tại, trong quá khứ, nhưng sẽ không bao giờ tìm được ai bằng ông.” Tuy vậy, ông đã bị kết án tử hình vì các hoạt động triết học của mình.
Chúng ta biết về cuộc đời của Socrates chủ yếu qua Plato, một học trò của ông, người đã trở thành một trong những nhà triết học vĩ đại nhất của mọi
thời đại. Plato đã viết nhiều Hội thoại, hay là các tác phẩm kịch hoá các cuộc tranh luận triết học mà trong đó Socrates là nhân vật chính và là người phát ngôn của Plato.
Do Plato đã truyền thụ triết học của ông qua lời của Socrates, ta không thể dám chắc những lời ông nói trong các Hội thoại có phải thực sự do chính ông đã nói ra hay không. Do vậy, khó có thể phân biệt giữa các học thuyết của Socrates và triết học của Plato. Chính rắc rối này cũng xảy ra đối với nhiều nhân vật lịch sử khác, những người không để lại bút tích. Jesus là một ví dụ điển hình.
Ta không thể dám chắc rằng Jesus “trong lịch sử” quả thực đã nói những lời mà Mathew và Luke đã gán cho ông. Tương tự, những gì mà Socrates “trong lịch sử” quả thực đã nói luôn luôn bị che phủ trong màn bí mật.
Những chuyện Socrates là ai thật ra không quan trọng lắm. Điều chủ yếu là chân dung Socrates mà Plato dựng nên đã khơi nguồn cho các nhà tư tưởng phương Tây trong suốt gần 2.500 năm.
Nghệ thuật đối thoại
Bí quyết trong nghệ thuật đối thoại của Socrates là ở chỗ ông không bao giờ tỏ ra có ý hướng dẫn mọi người. Ngược lại, ông tạo ra ấn tượng về một người muốn học hỏi những người ông bắt chuyện. Như vậy, thay vì thuyết giảng như một ông giáo sư truyền thống, ông thảo luận.
Hiển nhiên, nếu ông chỉ giới hạn trong việc nghe người khác nói, thì ông đã không thể trở thành một nhà triết học nổi tiếng, và cũng đã chẳng bị kết án tử hình. Thực ra, ông chỉ đưa ra các câu hỏi, nhất là để bắt đầu cuộc đối thoại, như thể ông là người không biết gì. Trong quá trình đối thoại, ông sẽ để người kia nhận ra những điểm yếu trong luận cứ của họ, và khi bị dồn vào chân tường, cuối cùng họ sẽ phải nhận ra cái gì đúng, cái gì sai.
Mẹ Socrates là một người đỡ đẻ. Ông từng nói nghệ thuật của ông cũng giống như nghệ thuật của một bà đỡ. Chính bà không sinh ra đứa trẻ, nhưng bà giúp đỡ để nó được sinh ra. Tương tự, Socrates coi nhiệm vụ của mình là giúp đỡ mọi người “sinh hạ” sự thấu hiểu đúng đắn, do sự thấu hiểu một cách thực sự phải đến từ bên trong. Nó không thể được cấy bởi một người nào khác, và chỉ có sự hiểu biết đến từ bên trong mới có thể dẫn tới sự thấu hiểu thực sự.
Tôi sẽ diễn đạt lại một cách chính xác hơn: Khả năng sinh nở là một đặc điểm tự nhiên. Cũng như vậy, ai cũng có thể nắm được chân lý triết học nếu họ sử dụng lý tính bẩm sinh. Dùng lý tính bẩm sinh có nghĩa là lần tìm vào sâu trong bản thân và sử dụng những gì nằm ở đó.
Đóng vai kẻ không biết gì, Socrates đã buộc tất cả những người ông gặp phải sử dụng nhận thức thông thường. Ông biết cách giả vờ dốt nát. Ta gọi đó là “sự châm biếm của Socrates”. Nó giúp ông liên tục làm điểm yếu trong tư duy của mọi người bộc lộ ra. Ông cũng không ngại làm điều đó giữa
quảng trường thành phố. Nếu gặp Socrates, rất có thể ta sẽ bị công khai biến thành một tên ngốc.
Do vậy, không phải chuyện lạ khi thời gian trôi qua, người ta ngày càng cảm thấy khó chịu về ông, đặc biệt là những người có vai vế trong cộng đồng. Tục truyền rằng ông đã nói, “Athens giống như một con ngựa lừa biếng, còn tôi là một con ruồi trâu đang cố chích cho nó tỉnh ra”.
(Người ta thường làm gì với những con ruồi trâu, hả Sophie?) Giọng nói thần thánh
Socrates chọc tức những người xung quanh không phải để hành hạ họ. Ông bị thúc ép bởi cái gì đó bên trong. Ông luôn nói rằng ông có một giọng nói thần thánh bên trong. Thí dụ, Socrates đã phản đối bất kỳ sự liên quan nào đến việc kết án tử hình người khác. Hơn nữa, ông còn từ chối tiết lộ thông tin về các địch thủ chính trị của mình. Cuối cùng, ông đã phải trả giá cho điều đó bằng cuộc sống của mình.
Năm 399 trước Công nguyên, ông bị buộc tội “đưa ra các thần linh mới và làm tha hóa thanh niên”, cùng với tội không tin vào các vị thần chính thống. Với gần như đa số, một bồi thẩm đoàn gồm 500 người đã kết luận ông có tội.
Lẽ ra, ông đã có thể xin ân xá, hoặc ít nhất cũng có thể đồng ý rời bỏ Athens để giữ tính mạng. Nhưng nếu làm vậy, ông đã không phải là Socrates. Ông coi lương tâm và chân lý có giá trị hơn cuộc sống. Ông đã cố thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng những gì ông đã làm chỉ nhằm phục vụ lợi ích cao nhất của thành bang. Tuy nhiên, ông vẫn bị kết án phải uống thuốc độc dược. Ít lâu sau, ông đã uống thuốc độc trước mặt bạn bè và chết.
Tại sao vậy, Sophie? Tại sao Socrates lại phải chết? Người ta đã đặt ra câu hỏi đó suốt 2.400 năm nay. Tuy nhiên, ông không phải là người duy nhất trong lịch sử đã nhìn nhận rõ mọi việc để đi đến một kết cục cay đắng, và chấp nhận chết cho niềm tin của mình.
Tôi đã nhắc đến Jesus, và thực ra có một số đặc điểm tương đồng giữa hai người.
Cả hai đều là những tính cách bí ẩn đối với những người cùng thời. Không ai để lại ghi chép về các học thuyết của mình, do vậy chúng ta buộc phải dựa vào những hình ảnh do các học trò của họ vẽ nên. Nhưng chúng ta biết rằng cả hai đều là bậc thầy về nghệ thuật đối thoại. Họ có phong cách nói đặc trưng bởi tính thuyết phục mà có thể làm cho người ta say mê hay tức giận. Một điều khá quan trọng là cả hai đều tin rằng họ đang nói với danh nghĩa của một đấng vĩ đại hơn họ. Họ thách thức quyền lực của cộng đồng bằng cách chỉ trích mọi hình thức của bất công hay tha hóa. Và cuối cùng, họ phải trả giá cho các hoạt động đó bằng mạng sống của mình.
Hai vụ xử Jesus và Socrates cũng có những điểm tương tự. Cả hai đều đã có thể tự cứu mình bằng cách xin ân xá. Nhưng họ đều cảm thấy sứ mệnh của mình sẽ thất bại, trừ khi họ vững niềm tin đến cùng. Và
khi dũng cảm đón nhận cái chết, họ đã tập hợp được vô số môn đệ, ngay cả sau khi họ đã chết.
Tôi không cố ý nói rằng Jesus và Socrates giống nhau. Tôi chỉ muốn em chú ý đến chi tiết rằng cả hai đều có một thông điệp gắn liền với lòng dũng cảm của họ.
Một con bài Joke[6]ở Athens
Chúng ta chưa kết thúc về Socrates đâu, Sophie! Ta đã nói về phương pháp của ông. Nhưng còn đề tài nghiên cứu triết học của ông là gì? Socrates sống cùng thời với các Học giả. Cũng như họ, ông quan tâm đến con người và vị trí của con người trong xã hội hơn là các sức mạnh của thiên nhiêm. Như một triết gia La Mã tên là Cicero vài trăm năm sau đã nói về ông, Socrates “kéo triết học từ trên trời xuống, đặt vào các thành phố và đưa đến từng nhà, buộc triết học nghiên cứu cuộc sống, luân lý, thiện và ác.” Nhưng Socrates khác các Học giả ở một điểm nổi bật: ông không tự coi mình là một “học giả”, nghĩa là một người học vấn và uyên bác. Khác với các Học giả, ông không dạy học vì tiền. Không, Socrates coi mình là một nhà triết học theo đúng nghĩa của từ đó. Một nhà triết học, một “philo sopher”, là một “người yêu sự thông thái”.
Em có hiểu không, Sophie? Điều rất quan trọng đối với phần còn lại của khóa học là em phải hiểu được đầy đủ sự khác biệt giữa một nhà thông thái và một nhà triết học. Các Học giả nhận tiền cho việc giảng giải những điều nhỏ nhặt, họ đã đền rồi đi mà không để lại dấu vết trong lịch sử. Tôi đang nói đến tất cả các ông thầy và những vị biết tuốt bảo thủ - những người thỏa mãn với chút kiến thức họ có , hay những người khoe khoang về những chủ đề mà họ chẳng có một khái niệm gì dù là nhỏ nhất. Em còn nhỏ nhưng chắc đã gặp một vài vị Học giả này rồi. Sophie à, một nhà triết học thực thụ hoàn toàn ngược hẳn. Nhà triết học hiểu rằng thực ra mình biết rất ít. Đó là lý do mà ông ta luôn cố gắng đạt được sự thấu hiểu thực sự. Socrates là một trong số những người hiếm hoi đó. Ông hiểu rằng ông không biết gì về cuộc sống và thế giới. Tiếp đến là phần quan trọng: ông cảm thấy khổ sở vì mình chỉ hiểu biết ít như vậy.
Vì vậy, nhà triết học là người nhận ra rằng có rất nhiều điều mình chưa hiểu, và cảm thấy khổ sở vì chuyện đó. Theo một nghĩa nào đó, ông ta khôn ngoan hơn tất cả những kẻ khôn ngoan kiến thức về những chủ đề mà họ chẳng hiểu gì. Tôi đã nói “Người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết”. Còn chính Socrates đã nói “Điều duy nhất mà tôi biết, đó là tôi chẳng biết gì cả”.
Hãy nhớ kỹ câu nói đó, vì đó là lời thú nhận rất hiếm thấy, ngay cả trong các nhà triết học. Hơn nữa, việc công khai tuyên bố đó nguy hiểm đến nỗi có thể phải trả giá bằng tính mạng. Những người có tinh thần phản kháng mạnh
nhất là những người đặt câu hỏi. Việc trả lời còn xa mới đáng sợ bằng. Còn một câu hỏi có thể gây bùng nổ mạnh hơn một nghìn câu trả lời. Em còn nhớ câu chuyện về bộ quần áo mới của hoàng đế không? Hoàng đế thực ra trần như nhộng nhưng không một thần dân nào dám nói vậy. Bỗng nhiên, một đứa trẻ bật ra “Nhưng Hoàng để chẳng mặc gì cả!” Đấy là một đứa bé dũng cảm, Sophie à. Cũng như Socrates, người đã dám cho mọi người thấy con người hiểu biết ít đến thế nào. Ta đã từng nói vế mối tương đồng giữa trẻ em và các nhà triết học.
Nói một cách chính xác hơn: Loài người đối mặt với nhiều câu hỏi khó mà chúng ta không có được câu trả lời thỏa đáng. Vậy có hai khả năng: hoặc ta tự lừa mình và phần còn lại của thế giới bằng cách vờ như ta đã biết tất cả những gì cần biết, hoặc ta có thể mãi mãi nhắm mắt làm ngơ trước những vấn đề trung tâm này và bỏ mặc mọi tiến độ. Con người được chia thành hai loại theo cách đó. Mọi người nói chung thuộc hai kiểu: hoặc khăng khăng cho rằng mình biết tất cả hoặc hoàn toàn dửng dưng. (Cả hai loại đều đang bò quanh quẩn dưới sâu trong bộ lông thỏ!)
Cũng giống như khi chia bộ bài tú-lơ-khơ thành hai xấp, một xấp đen, một xấp đỏ. Một lúc nào đó, con joke xuất hiện, nó không phải cơ hay rô, cũng chẳng phải pích hay tép. Socrates đã là con joke này ở thành Athens. Ông không biết chắc cũng chẳng dửng dưng. Tất cả những gì ông biết là ông không biết gì cả, và nó làm cho ông khổ sở. Do vậy ông trở thành một triết gia - người không bỏ cuộc mà luôn luôn tìm kiếm chân lý đích thực.
Người ta kể rằng có một người Athens đã hỏi lời sấm Đền Delphi xem ai là người thông thái nhất ở Athens. Lời sấm trả lời rằng, trong tất cả chúng sinh, Socrates là người thông thái nhất. Khi Socrates nghe được điều này, ông rất kinh ngạc, nếu diễn đạt một cách nhẹ nhàng. (Ông hẳn đã phá lên cười!) Ông đến gặp người được coi là thông thái tuyệt đỉnh của thành phố. Nhưng hóa ra người này không thể trả lời các câu hỏi của Socrates một cách thỏa đáng, Socrates nhận ra rằng lời sấm truyền có lý.
Socrates cảm thấy cần phải thiết lập một nền tảng vững chắc cho tri thức của loài người. Ông tin rằng nền tảng này nằm trong lý tính của con người. Với niềm tin vững chắc vào lý tính con người, ông là người theo chủ nghĩa duy lý.
Sự thấu hiểu đúng đắn dẫn đến hành động đúng đắn
Như tôi đã nói, Socrates tin rằng ông được dẫn tới bởi một giọng nói thần thành từ bên trong. Và cái “lương tâm” đó bảo ông cái gì là đúng. Ông nói “người biết lẽ phải sẽ hành động đúng”.
Qua đó, ông muốn nói rằng sự thấu hiểu đúng đắn dẫn đến hành động đúng đắn. Và chỉ có người hành động đúng đắn mới là “người đạo đức”. Những khi ta làm điều gì sai, đó là vì ta không biết cách nào tốt hơn. Đó là lý do tại sao việc không ngừng học tập lại quan trọng đến vậy. Socrates muốn tìm
định nghĩa rõ ràng và đúng đắn một cách phổ quát cho cái đúng và cái sai . Khác với các Học giả, Socrates cho rằng khả năng phân biệt đúng sai nằm trong lý tính của con người chứ không phải trong xã hội .
Có lẽ em thấy phần này hơi khó hiểu. Để tôi diễn đạt lại: Socrates cho rằng không ai có thể hạnh phúc nếu họ làm điều mà họ tin là không nên làm. Và người nào biết cách đạt được hạnh phúc cũng sẽ làm theo cách đó. Như vậy, người biết cái gì là đúng sẽ hành động đúng. Bởi ai lại muốn tự làm khổ mình làm gì?
Em nghĩ thế nào, Sophie? Em có thể sống hạnh phúc nếu em liên tục làm những việc mà sâu trong lòng mình em biết là sai không? Có nhiều người dối trá, lừa bịp, đơm đặt về người khác. Họ có nhận thấy những việc đó là không đúng đắn hay không? Em có cho rằng những người này hạnh phúc không?
Socrates thì không.
Đọc xong bức thư, Sophie nhanh chóng cất nó vào trong chiếc hộp thiếc rồi bò ra vườn. Cô muốn vào nhà trước khi mẹ đi chợ về để tránh mọi câu hỏi về việc cô đã ở đâu. Vả lại, cô cũng đã hứa sẽ rửa bát.
Nước vừa chảy đầy bồn rửa bát thì mẹ bước vào, xiêu vẹo với hai túi đồ to đùng. Có lẽ vì thế mà mẹ nói “Dạo này con cứ mải suy nghĩ tận đâu, Sophie à”.
Sophie không hiểu sao mình lại buột miệng “Socrates cũng vậy”. “Socrates?” Mẹ tròn mắt nhìn cô.
“Thật buồn là vì vậy mà ông ta đã phải chết.” Sophie trầm ngâm nói tiếp. “Trời đất! Sophie! Mẹ không biết phải làm gì với con bây giờ!” “Socrates cũng vậy. Ông chỉ biết rằng ông chẳng biết gì. Tuy vậy, ông là người thông minh nhất thành Athens.”
Mẹ cô sững sờ không nói được nên lời.
Cuối cùng bà nói, “Con đã học điều đó ở trường à?”
Sophie lắc đầu quầy quậy.
“Bọn con chẳng học được gì ở đó cả. Thầy cô và các nhà triết học khác nhau ở chỗ các thầy cô cho rằng họ biết rất nhiều điều mà họ muốn nhồi vào đầu học sinh. Các nhà triết học thì cố gắng cùng học trò suy nghĩ tìm lời giải đáp.”
“Lại chuyện con thỏ trắng! Con hiểu không? Mẹ phải biết bạn trai của con thực sự là ai? Nếu không, mẹ bắt đầu có cảm giác là thần kinh cậu ta không bình thường.”
Sophie quay lại, tay vẫn cầm mút rửa bát.
“Không phải tinh thần ông ta không ổn định! Ông ấy chỉ muốn quấy rầy người khác để lắc cho họ bung ra khỏi lối suy nghĩ cứng nhắc của mình.” “Đủ rồi! Mẹ thấy như thế là có vẻ hơi quá chớn đấy!”
Sophie quay lưng lại bồn rửa.
“Ông ta không quá chớn mà cũng chẳng chừng mực”, Sophie cãi, “Ông ta chỉ muốn tìm chân lý. Đó là sự khác nhau giữa một quân joke thực sự và các quân khác trong bộ bài”.
“Con vừa nói joke?”
Sophie gật đầu. “Mẹ đã bao giờ nghĩ về chuyện trong một bộ bài có rất nhiều cơ, rô, pích, tép, nhưng lại chỉ có một joke không?”
“Con cãi mẹ thế hả, Sophie!”
“Chính mẹ hỏi con trước chứ!”
Mẹ cô đã cất xong các món đồ vừa mua. Giờ bà lấy tờ báo rồi đi vào phòng khách. Sophie có cảm giác mẹ đã sập cửa mạnh hơn bình thường. Rửa bát xong, cô lên phòng. Cô lấy chiếc khăn lụa đỏ mà cô đã cất trên nóc tủ cạnh bộ Lego xuống và xem xét nó một cách chăm chú. Hilde...
ATHENS
...những toà nhà lớn đã mọc lên từ đống phế tích...
Buổi tối hôm đó, mẹ Sophie đi thăm một người bạn. Ngay sau khi mẹ ra khỏi nhà, Sophie chạy ra vườn tới cái hốc. Cô tìm thấy một cái gói dày bên cạnh cái hộp bánh bằng thiếc. Sophie xé giấy bọc. Đó là một cái băng video.
Cô chạy vào nhà. Băng video! Nhà triết học làm thế nào biết được nhà cô có một cái đầu video? Trong băng có gì vậy?
Sophie nhét băng vào máy. Một thành phố trải rộng trên màn hình ti vi. Khi máy quay cận thành Acropolis, Sophie nhận ra đây chắc chắn là Athens. Cô thường thấy hình ảnh của khu phế tích cổ ở đó.
Đây là những cảnh quay đời thường. Khách du lịch mùa hè với máy ảnh video lủng lẳng đang xúm đông xúm đỏ quanh khu phế tích. Một người trong đám đông hình như đang cầm một tấm biển. Lại thấy ông ta kia rồi! Chẳng phải tấm biển đó ghi chữ “Hilde” đấy sao?
Một hai phút sau, máy quay cận cảnh một người đàn ông tuổi cỡ trung niên. Ông ta khá thấp, bộ râu đen tỉa gọn gàng, đầu đội một chiếc mũ nồi xanh. Ông nhìn vào máy quay và nói “Chào mừng em đến với Athens, Sophie! Chắc em cũng đoán được, tôi là Alberto Knox. Nếu không, tôi sẽ nhắc lại rằng con thỏ to vẫn đang được kéo ra từ trong chiếc mũ cao vành của vũ trụ.”
“Chúng ta đang đứng ở Acropolis. Từ đó có nghĩa là “thành trì”, hay chính xác hơn là “thành phố trên đồi”. Con người đã sống ở đây từ thời Đồ đá. Đó là vì địa hình đặc biệt của vùng này. Nền đất cao dễ phòng thủ chống xâm lăng. Từ Acropolis, ta có thể nhìn toàn cảnh một trong những hải cảng tuyệt nhất Địa Trung Hải. Do Athens cổ xưa được bắt đầu xây dựng trên vùng đất bằng dưới thấp, Acropolis đã được dùng làm pháo đài phòng thủ và nơi thờ cúng... Trong suốt nửa đầu thế kỷ V trước Công Nguyên, ở đây đã xảy ra cuộc chiến tranh dữ dội chống lại người Ba Tư. Năm 480, Xerxes, vua Ba Tư, chiếm được Athens và đốt toàn bộ các toà nhà bằng gỗ của Acropolis. Một năm sau, quân Ba Tư thua trận, đó là sự khởi đầu của thời hoàng kim của Athens. Acropolis được xây dựng lại, đẹp đẽ và uy nghi hơn, và được dành riêng cho việc thờ cúng.”
“Đó là thời kỳ mà Socrates đi dọc các dãy phố và quảng trường, nói chuyện với người Athens. Do đó, có thể ông đã chứng kiến sự tái sinh cảu Acropolis và theo dõi quá trình xây dựng những toà nhà oai nghiêm mà ta thấy ở quanh đây. Thật là một nơi tuyệt vời! Phía sau tôi, em có thể thấy ngôi đền lớn nhất, đền Parthenon, có nghĩa là “Nơi của Trinh Nữ”. Đền được
xây dựng để tôn vinh Athena, nữ thần bảo hộ của Athens. Cả công trình đồ sộ bằng đá hoa cương không có lấy một nét thẳng; cả bốn bên đều được làm hơi cong để công trình trông đỡ nặng nề. Mặc dù có kích thước khổng lồ, ngôi đền vẫn tạo một ấn tượng nhẹ nhàng. Nói cách khác, nó thể hiện một ảo giác quang học. Những cái cột hơi nghiêng vào trong, chúng có thể tạo một kim tự tháp cao 1.500 mét nếu chúng được tiếp tục kéo dài để gặp nhau bên trên mái đền. Trong đền chỉ có duy nhất bức tượng Athena cao 12 mét. Bức tượng làm bằng cẩm thạch trắng mà thời đó đã được tô vẽ bằng những màu sắc sống động, cẩm thạch đã được chở về từ một ngọn núi cách đây 16 km.”
Sophie đờ cả người. Có thật là nhà triết học đang nói với cô không. Cô mới chỉ một lần nhìn thấy dáng người ông trong đêm tối. Có phải đó chính là người đang đứng tại Acropolis ở Athens?
Ông bắt đầu bước dọc chiều dài ngôi đền với máy quay theo sau. Ông dừng bước tại mép thềm và chỉ quang cảnh chung quanh. Máy quay hướng về một nhà hát cổ nằm ngay dưới chân Acropolis.
“Đó, em có thể thấy nhà hát Dionysos”. Người đàn ông đội mũ nồi nói tiếp. “Có lẽ nó chính là nhà hát cổ nhất Châu Âu. Vào thời của Socrates, đó là nơi mà những bi kịch tuyệt vời của Aeschylus, Sophocles, và Euripides đã được trình diễn. Tôi đã từng nhắc đến vua Oedipus bạc mệnh. Vở bi kịch của Sophocles về ông đã được trình diễn lần đầu tại đó. Nhưng họ còn diễn cả hài kịch nữa. Tác giả hài kịch nổi tiếng nhất thời đó là Aristophanes, người đã viết một vở hài kịch đầy hằn học mà trong đó Socrates bị coi là thằng hề của Athens. Ngay kia, em có thể nhìn thấy bức tường đá mà các nghệ sĩ đã dùng làm phông diễn. Nó được gọi là skene, nguồn gốc của từ “scene” trong tiếng Anh với nghĩa phông cảnh trong sân khấu. Tiện thể, từ ‘theatre’ (nhà hát) có xuất xứ từ một từ Hy lạp cổ với nghĩa là nhìn thấy. Nhưng đã đến lúc ta phải quay lại với các nhà triết học, Sophie à. Ta sẽ đi quanh đền Parthenon và xuống cổng chính....”
Người đàn ông bé nhỏ đi vòng quanh ngôi đền vĩ đại rồi đi qua một số ngôi đền nhỏ hơn ở phía bên phải. Sau đó, ông bắt đầu bước xuống vài bậc thang giữa những cây cột cao. Khi xuống đến chân Acropolis, ông leo lên một ngọn đồi nhỏ rồi chỉ về phía Athens: “Ta đang đứng trên đồi Areapagos. Nơi đây trước kia là tòa án tối cao của người Athens chuyên xử các vụ án giết người.
Nhiều trăm năm sau, thánh Paul đã đứng tại đây để giảng cho người Athens nghe về Jesus và đạo Ki Tô. Sau này, ta sẽ quay lại với những gì ông nói. Bên trái, em có thể nhìn thấy di tích quảng trường cổ thành Athens. Ngoại trừ ngôi đền lớn thờ thần thợ rèn Hephaetos, tất cả chỉ còn lại một vài khối đá hoa cương. Nào, ta đi xuống...”
Thoáng sau, ông xuất hiện ở giữa các phế tích cổ. Vươn cao trên nền trời - ở phần trên của màn hình ti vi - là ngôi đền thờ nữ thần Athena nằm trên đồi
Acropolis. Ông thầy triết học của cô ngồi xuống một khối đá hoa cương. Ông nhìn vào máy quay và nói: “Ta đang ngồi trên khu chợ cổ thành Athens. Một cảnh tượng đáng buồn. Em có nghĩ như vậy không? Tôi muốn nói về hiện tại ấy. Ngày xưa, nó đã từng được bao quanh bởi những ngôi đền tráng lệ, tòa án, công sở, cửa hàng cửa hiệu, một phòng hòa nhạc, và cả một cung thể thao lớn. Tất cả đều tập trung quanh quảng trường - một không gian rộng ngoài trời... Cả nền văn hóa châu Âu đã khởi nguồn từ khu đất bé nhỏ này.”
“Trong các ngôn ngữ chính ở châu Âu, các từ ngữ như chính trị và dân chủ, kinh tế và lịch sử, sinh học và vật lý, đạo lý và triết học, lý thuyết và phương pháp, tư tưởng và hệ thống đều bắt nguồn từ một cộng đồng dân cư nhỏ xíu mà cuộc sống hàng ngày chỉ tập trung quanh quảng trường này. Đây là nơi mà Socrates đã dành rất nhiều thời gian để trò chuyện với những người ông gặp. Có thể ông đã níu áo một người nô lệ đang đội một bình dầu ô liu để hỏi con người khốn khổ một câu hỏi triết học, bởi ông cho rằng nô lệ cũng có nhận thức thông thường như một người danh giá. Có thể ông đã tranh luận sôi nổi với một công dân Athens hoặc thì thầm trò chuyện với Plato, người học trò trẻ tuổi của mình. Cảm giác thật lạ thường khi nghĩ về chuyện đó.Chúng ta vẫn nói đến triết học Socrates hay triết học Plato, nhưng Socrates và Plato với nghĩa những con người thực sự thì lại là vấn đề hoàn toàn khác.”
Sophie cũng cảm thấy điều đó thật khác thường. Nhưng cô còn thấy lạ thường chẳng kém khi nhà triết học bỗng dưng nói với cô trong một băng video do một chú chó bí hiểm đem đến chỗ trốn bí mật của chính cô.
Nhà triết học đứng dậy và khẽ nói: “Tôi đã định sẽ chỉ dừng ở đây thôi. Tôi đã muốn để em nhìn thấy Acropolis và phế tích của quảng trường cổ Athens. Nhưng tôi không rõ em có hiểu được xưa kia nơi đây đã huy hoàng đến thế nào hay không... vì vậy tôi muốn đi xa hơn một chút. Đây là một khóa học không bình thường... nhưng tôi chắc rằng phần còn lại sẽ là bí mật của chúng ta. Thôi được, dù sao thì nhìn thoáng qua một chút cũng đủ rồi...”
Ông ngừng lời, nhưng vẫn đứng yên chỗ đó một lúc lâu, mắt không rời máy quay. Trong lúc đó, một vài toà nhà lớn bắt đầu mọc lên từ đống đổ nát. Như có phép thuật, những tòa nhà cổ lại một lần nữa đứng đó. Trên nền trời, Sophie vẫn có thể thấy Acropolis, nhưng bây giờ cả nó và các tòa nhà dưới quảng trường đều trông mới nguyên. Chúng được phủ bằng vàng và sơn nhiều màu sặc sỡ. Dân chúng với trang phục vui mắt đang đi quanh quảng trường. Một số đeo kiếm, một số khác đầu đội bình, một người tay kẹp một cuốn sách viết trên giấy cói.
Sophie nhận ra ông thầy triết học. Ông vẫn đội mũ nồi xanh nhưng mặc áo thụng vàng cùng kiểu với những người xung quanh. Ông tiến về phía Sophie, nhìn vào máy quay và nói: “Khá hơn rồi! Chúng ta đang ở thành Athens cổ xưa, Sophie à. Tôi đã muốn em đến tận nơi, em thấy đấy! Ta đang ở năm
402 trước Công nguyên, chỉ ba năm trước khi Socrates qua đời. Hy vọng em đánh giá cao chuyến thăm đặc biệt này, bởi thuê được một cái máy quay ở đây không phải là chuyện dễ...”.
Sophie cảm thấy chóng mặt. Làm thế nào mà bỗng dưng người đàn ông kỳ dị này lại có thể đến được Athens của 2.400 năm trước? Làm sao mà cô lại được xem một đoạn phim video quay một thời kỳ xa xôi đến vậy? Thời vậy làm gì có video... hay đây là một bộ phim truyện chăng!
Nhưng những tòa nhà hoa cương trông rất thật. Nếu những toà nhà này và cả Acropolis đã được xây lại chỉ để quay một cuốn phim thì quả là quá tốn kém. Dù thế nào thì đó cũng là một cái giá khủng khiếp phải trả chỉ để dạy Sophie về Athens.
Người đàn ông đội mũ nồi quay lại nhìn cô.
“Em có nhìn thấy hai người đàn ông dưới chân hàng cột đằng kia không?” Sophie nhận thấy một người đàn ông đứng tuổi mặc chiếc áo nhàu nát, bộ râu dài rối bù, cái mũi hếch, cặp mắt sắc lẻm, và đôi má phinh phính. Bên cạnh là một thanh niên trẻ tuổi đẹp trai.
“Đấy là Socrates và Plato - học trò của ông. Em sẽ đích thân gặp họ.” Nhà triết học đến chỗ hai người đàn ông, bỏ mũ, và nói điều gì đó Sophie không hiểu. Đó chắc là tiếng Hy Lạp. Sau đó, ông nhìn vào máy quay và nói: “Tôi đã nói với họ rằng em là một cô bé Na Uy, người rất muốn được gặp họ. Và bây giờ, Plato sẽ cho em một câu hỏi để suy nghĩ. Nhưng chúng ta phải thật nhanh trước khi bị lính gác phát hiện.”
Sophie cảm thấy mạch đập dồn dập trên thái dương khi người thanh niên tới nhìn vào máy quay.
“Chào mừng em đến với Athens, Sophie!” Anh ta nói bằng một giọng dịu dàng hơi lơ lớ. “Tôi là Plato. Tôi sẽ giao cho em bốn nhiệm vụ. Đầu tiên, em phải nghĩ xem người nướng bánh làm thế nào để nướng được 50 chiếc bánh quy giống hệt nhau. Rồi em tự hỏi xem tại sao tất cả các con ngựa đều giống nhau. Tiếp theo, em phải xác định xem em có cho rằng con người có linh hồn bất tử hay không. Cuối cùng, em phải nói xem đàn ông và đàn bà có óc xét đoán như nhau hay không. Chúc em may mắn!”
Hình ảnh trên màn hình tivi phụt tắt. Sophie tua đi tua lại nhưng đó là tất cả những gì có trong băng.
Sophie cố gắng suy xét lại mọi chuyện một cách có trật tự. Nhưng vừa nghĩ đến ý tưởng này, thì ý nghĩ khác lại tràn đến.
Ngay từ đầu, cô đã thấy rằng ông thầy triết học là người lập dị. Nhưng ông đã đi quá xa khi bắt đầu sử dụng những phương pháp giảng dạy chối bỏ tất cả các quy luật tự nhiên, Sophie thầm nghĩ.
Có thật là cô đã nhìn thấy Socrates và Plato trên tivi không? Tất nhiên là không rồi, điều đó là không thể xảy ra. Nhưng đó chắc chắn không phải là phim hoạt hình.
Sophie rút chiếc băng video ra khỏi máy rồi chạy lên phòng mình. Cô đặt nó lên ngăn tủ trên cùng, cạnh những khối Lego. Rồi cô lăn ra giường, mệt rã rời, cô ngủ thiếp đi.
Vài giờ sau, mẹ cô vào phòng. Bà lay nhẹ Sophie và nói:
“Con sao thế, Sophie?”
“Ưm..hứ..?”
“Con đã mặc nguyên váy dài đi ngủ!”
Sophie hấp háy mắt ngái ngủ.
“Con vừa đến Athens,” cô lúng búng. Đó là tất cả những gì cô có thể nói khi cô trở mình ngủ tiếp.
PLATO
...mong mỏi trở về với vương quốc của linh hồn...
Sáng sớm hôm sau, Sophie giật mình thức giấc. Cô liếc nhìn đồng hồ. Mới hơn năm giờ nhưng cô đã tỉnh ngủ và ngồi dậy. Tại sao mình lại đang mặc váy? Cô bắt đầu nhớ lại mọi việc.
Cô trèo lên ghế đẩu và nhìn lên ngăn tủ trên cùng. Đúng, kia rồi, nằm sâu bên trong là chiếc băng video. Không phải là một giấc mơ, ít ra thì không phải tất cả đều là mơ.
Nhưng cô không thể đã nhìn thấy Plato và Socrates được... ôi, thế nào cũng được! Cô không đủ sức nghĩ tiếp về chuyện đó nữa. Có lẽ mẹ cô đã nói đúng, chắc dạo này cô hơi hâm hấp thật.
Dù sao thì cô cũng không thể đi ngủ lại được. Có lẽ cô nên xuống vườn xem chú chó đã mang đến lá thư mới nào chưa. Sophie rón rén xuống thang, xỏ một đôi giày thể thao và ra ngoài.
Trong vườn, mọi vật trong trẻo và yên tĩnh tuyệt vời. Chim chóc chíu chít, rối rít khiến Sophie không nhịn được cười. Sương mai lấp lánh trong lá cỏ như những giọt pha lê. Một lần nữa, Sophie lặng người trước vẻ kỳ diệu của thế giới.
Bên trong hàng rậu rất ẩm ướt. Sophie không thấy thư mới của nhà triết học. Nhưng dù sao cô cũng lau một cái rễ cây to và ngồi xuống. Cô nhớ ra rằng Plato-trong-phim đã cho cô một số câu hỏi. Câu đầu tiên về chuyện người thợ bánh làm cách nào để nướng 50 chiếc bánh quy giống hệt nhau.
Sophie phải suy nghĩ rất cẩn thận vì việc này chắc chắn không dễ dàng gì. Thỉnh thoảng mẹ cô nướng một mẻ bánh, chúng không bao giờ giống hệt nhau. Nhưng bà đâu phải là một chuyên gia làm bánh; có lúc bếp trông giống như vừa bị trúng bom vậy. Ngay cả những chiếc bánh quy mua ở hiệu về cũng chẳng bao giờ giống nhau hoàn toàn. Người thợ bánh đã nặn từng chiếc bánh một.
Sophie nở nụ cười hài lòng. Cô còn nhớ một lần cùng bố đi chợ trong khi mẹ đang bận rộn nướng bánh Giáng sinh. Khi về nhà, cô thấy một lô bánh quy gừng hình người trải trên bàn bếp.Mặc dù không phải tất cả đều hoàn hảo, nhưng theo một cách nhìn nào đó thì chúng giống hệt nhau. Tại sao vậy? Hiển nhiên là vì mẹ đã dùng cùng một cái khuôn cho tất cả những chiếc bánh đó.
Sophie cảm thấy thật hài lòng với chính mình vì đã nhớ lại chuyện đó, cô tuyên bố mình đã hoàn thành câu hỏi thứ nhất. Nếu người thợ bánh làm 50
chiếc bánh giống hệt nhau, hẳn người đó đã dùng cùng một cái khuôn cho cả 50 chiếc bánh. Xong!
Tiếp theo, Plato-trong-phim đã hỏi cô tại sao tất cả các con ngựa đều giống hệt nhau. Nhưng chúng đâu có giống hệt! Ngược lại, Sophie cho rằng không có hai con ngựa nào giống y như nhau, cũng như không có hai người nào giống hệt nhau.
Cô vừa định bỏ cuộc khi chợt nhớ lại những điều mình vừa nghĩ về những chiếc bánh quy. Chúng không hề giống nhau hoàn toàn. Có những chiếc dày hơn những chiếc khác. Một vài chiếc bị sứt mẻ. Nhưng theo một nghĩa nào đó, ai cũng có thể bảo rằng chúng “giống hệt nhau”.
Có lẽ câu hỏi thực sự của Plato là tại sao một con ngựa luôn là một con ngựa mà không phải là nửa giống ngựa nửa giống lợn chẳng hạn. Bởi vì tuy con thì có màu nâu như gấu, con thì trắng như cừu, nhưng tất cả các con ngựa đều có cái gì đó giống nhau. Chẳng hạn Sophie chưa từng nhìn thấy một con ngựa có sáu hay tám chân.
Nhưng chắc chắn Plato không thể tin rằng các con ngựa giống nhau là vì chúng đuợc tạo ra từ cùng một cái khuôn!
Tiếp theo, Plato cho cô một câu hỏi thật khó. Con người có linh hồn bất tử hay không? Sophie cảm thấy mình chưa đủ học vấn để trả lời câu hỏi này. Cô chỉ biết rằng các xác chết được chôn hoặc hoả thiêu, vì thế chẳng còn tương lai nào cho chúng. Nếu con người có một linh hồn bất tử, người ta sẽ phải tin rằng con người bao gồm hai phần riêng biệt: một thể xác hao mòn dần qua năm tháng, và một linh hồn hoạt động ít nhiều độc lập với những gì xảy ra với thể xác. Có lần, bà đã nói rằng bà cảm thấy chỉ có cơ thể là già nua, còn bên trong, bà vẫn luôn là một cô gái trẻ.
Ý nghĩ về “cô gái trẻ” dẫn Sophie đến câu hỏi cuối cùng: có phải đàn ông đàn bà đều có óc xét đoán như nhau hay không? Sophie không rõ lắm. Điều đó còn tuỳ thuộc quan niệm của Plato về óc xét đoán.
Cô chợt nhớ một điều nhà triết học đã nói về Socrates. Socrates đã chỉ ra rằng mọi người đều có thể hiểu các chân lý triết học nếu họ sử dụng nhận thức thông thường. Ông cũng nói rằng nô lệ cũng có nhận thức thông thường như một người quý phái. Sophie đoán chắc ông cũng cho rằng phụ nữ cũng có nhận thức thông thường như nam giới.
Sophie đang ngồi suy nghĩ thì bỗng có tiếng loạt xoạt trong bụi rậm và tiếng thở phì phò như một cái đầu máy hơi nước. Một giây sau, con Labrador màu vàng trườn vào hốc, mõm ngậm một chiếc phong bì to. “Hermes!”, Sophie kêu lên, “Thả xuống! Thả xuống!“
Con chó thả chiếc phong bì vào lòng Sophie, cô vươn tay xoa đầu nó. “Ngoan lắm! Hermes“. Cô nói.
Con chó nằm xuống để cô vuốt ve. Một vài phút sau nó nhổm dậy, quay lại lối cũ và chui ra khỏi bụi rậm. Sophie cầm chiếc phong bì và chui ra theo.
Cô bò qua hàng dậu dầy và chẳng mấy chốc đã ra khỏi khu vườn. Hermes đã bắt đầu chạy về phía bìa rừng, Sophie theo sau cách khoảng vài bước. Con chó quay lại gầm gừ hai lần, nhưng Sophie không nao núng. Lần này cô quyết tâm tìm bằng được nhà triết học, kể cả nếu phải chạy đến tận Athens.
Con chó tăng tốc và bất chợt rẽ ngoặt xuống một con đường hẹp, Sophie đuổi theo. Vài phút sau, con chó dừng lại, quay về phía cô và sủa như một con chó giữ nhà. Sophie vẫn không bỏ cuộc mà tận dụng cơ hội này để rút ngắn khoảng cách.
Con chó quay đi và phóng như bay dọc con đường. Sophie nhận ra rằng cô sẽ không thể đuổi kịp. Cô dừng lại, đứng lặng một lúc lâu như hàng thế kỷ, lắng nghe tiếng chân chạy xa dần, xa dần. Cuối cùng chỉ còn yên lặng. Cô ngồi xuống một gốc cây cụt ở rìa một khoảng trống trong rừng. chiếc phong bì vẫn còn trên tay. Cô bóc ra và bắt đầu đọc.
Hàn lâm viện của Plato
Cảm ơn em đã đi Athens cùng tôi, Sophie. Vậy là ít nhất tôi cũng đã tự giới thiệu. Và tôi cũng đã giới thiệu Plato với em, nên chúng ta có thể bắt đầu vào bài ngay.
Khi Socrates uống độc dược thì Plato (428-347 t.Cn) hai mươi chín tuổi. Ông đã theo học Socrates một thời gian dài và đã theo dõi sát sao vụ án của ông. Việc Athens có thể kết án tử hình công dân ưu tú nhất của mình đã không chỉ in một dấu ấn sâu đậm trong Plato mà còn định hình cho toàn bộ nỗ lực nghiên cứu triết học của ông.
Đối với Plato, cái chết của Socrates là một ví dụ sâu sắc về mâu thuẫn có thể tồn tại giữa xã hội thực tế và xã hội lý tưởng. Việc đầu tiên của Plato với tư cách là một triết gia là cho công bố Tự biện của Socrates, một bản tường trình về những lời tự biện hộ của Socrates trước bồi thẩm đoàn.
Chắc hẳn em còn nhớ, Socrates dã không viết lại điều gì, dù nhiều triết gia tiền Socrates đã viết. Vấn đề là ở chỗ hầu như không còn lại bút tích nào của họ. Nhưng trong trường hợp của Plato, người ta tin rằng tất cả những tác phẩm chính của ông đều được bảo tồn. (Ngoài Tự biện của Socrates, ông còn để lại nhiều thư và khoảng 25 Đối thoại triết học). Ngày nay, ta còn giữ lại những tác phẩm này, phần không nhỏ là do Plato đã thành lập một trường dạy triết học của riêng mình tại một khu rừng nhỏ không xa Athens. Ông lấy tên của Academus, một anh hùng trong thần thoại Hy Lạp, để đặt cho trường. Do vậy trường có tên là Academy. (Kể từ đó, nhiều nghìn “academy” được thành lập ở khắp nơi trên thế giới. Trong nhiều ngôn ngữ, từ này được dùng với nghĩa viện hàn lâm, viện nghiên cứu…)
Các môn đuợc dạy ở Hàn lâm viện của Plato là triết học, toán học và thể thao - mặc dù “dạy” khó có thể coi là từ đúng. Đối thoại trực tiếp được coi là quan trọng bậc nhất tại Hàn lâm viện của Plato. Do vậy, không phải hoàn
toàn tình cờ mà các tác phẩm của Plato thường có dạng những cuộc hội thoại.
Chân, thiện, mỹ vĩnh hằng
Khi mở đầu khóa học, tôi đã nói: nên hỏi xem một nhà triết học nghiên cứu về vấn đề gì. Và giờ tôi hỏi: Plato quan tâm đến những vấn đề gì? Nói một cách khái lược, ta có thể nói rằng Plato quan tâm đến mối quan hệ giữa những cái vĩnh cửu bất biến với những cái thay đổi. (Cũng như các nhà triết học tiền Socrates). Ta đã thấy các Học giả và Socrates đã chuyển sự chú ý của mình từ các câu hỏi về triết học tự nhiên tới các vấn đề liên quan đến con người và xã hội. Tuy nhiên, theo một nghĩa nào đó, ngay cả Socrates và các Học giả cũng chú trọng đến mối quan hệ giữa cái vĩnh hằng bất biến và cái biến đổi. Họ quan tâm đến vấn đề đó khi nó liên hệ với nguyên tắc đạo đức con người và các lý tưởng hay đức hạnh xã hội. Nói một cách rất ngắn gọn, các Học giả cho rằng nhận thức về đúng sai là tùy theo từng thành bang, và tùy từng thế hệ. Vậy, đúng và sai là cái gì đó biến đổi. Điều này hoàn toàn không chấp nhận được đối với Socrates. Ông tin vào sự tồn tại của những quy tắc vĩnh cửu và tuyệt đối về đúng và sai. Bằng cách sử dụng nhận thức thông thường, tất cả chúng ta đều có thể đi đến các quy phạm bất biến này, do lý tính của con người là vĩnh cửu và bất biến.
Em có theo kịp không, Sophie? Tiếp đến là Plato. Ông quan tâm đến cả hai: cái vĩnh cửu và bất biến trong thiên nhiên và cái vĩnh cửu bất biến khi nói đến đạo đức xã hội. Đối với Plato, hai vấn đề này giống nhau và là một. Ông cố gắng nắm bắt một ”thực tại“ vĩnh cửu và bất biến.
Thật ra mà nói, đó chính là cái mà chúng ta cần ở các nhà triết học. Ta không cần họ tuyển chọn hoa hậu, cũng chẳng cần họ mặc cả cà chua. (Đây là lý do tại sao họ thường không được ưa chuộng!) Các triết gia sẽ cố gắng lờ đi các sự kiện thời sự nổi bật, thay vào đó, cố kéo sự quan tâm của mọi người vào cái “chân“ vĩnh cửu, cái “thiện“ vĩnh cửu và cái “mỹ“ vĩnh cửu.
Vậy, ta có thể bắt đầu điểm qua về nghiên cứu triết học của Plato. Nhưng ta hãy đi từng điểm một. Ta đang cố tìm hiểu một trí tuệ phi thường, một trí tuệ mà sau đó đã ảnh hưởng sâu sắc lên toàn bộ nền triết học châu Âu sau này.
Thế giới ý niệm
Cả Empedocles và Democritus đã cho rằng tuy trong thiên nhiên mọi vật đều biến đổi nhưng dù sao vẫn có “cái gì đó“ không bao giờ biến đổi. (“bốn cái gốc“ hay “nguyên tử“.) Plato cũng đồng ý với tuyên bố đó, nhưng theo một hướng hoàn toàn khác.
Plato tin rằng mọi vật hữu hình trong tự nhiên đều “biến đổi“. Do vậy, không có “chất“ nào không tan rã. Tất cả mọi thứ thuộc về “thế giới vật chất“ đều được tạo từ loại vật liệu mà thời gian có thể ăn mòn, nhưng mọi thứ đều được tạo ra theo một cái “khuôn“ hay “dạng thức“ không chịu ảnh
hưởng của thời gian, nó vĩnh cửu và bất biến.
Em có thấy như thế không? Ồ, không.
Tại sao tất cả các con ngựa đều giống hệt nhau, Sophie? Có thể em không cho rằng chúng giống nhau. Nhưng có những đặc điểm mà mọi con ngựa đều có, những đặc điểm đó giúp ta nhận ra chúng là ngựa. Một con ngựa cụ thể “biến đổi“ một cách tự nhiên. Nó có thể già đi, què quặt, và sẽ đến lúc nó chết. Nhưng “hình thức“ của con ngựa thì vĩnh cửu và bất biến.
Do vậy, theo Plato, cái vĩnh cửu và bất biến đó không phải là một “chất cơ bản“ có tính vật chất, như quan niệm của Empedocles và Democritus. Khái niệm của Plato là về những khuôn mẫu vĩnh hằng và bất biến, mà về bản chất, chúng là những thứ trừu tượng thuộc về tinh thần và mọi vật đều được tạo ra theo đó.
Các nhà triết học tiền Socrates đã đưa ra lời giải thích tương đối tốt về các biến đổi trong tự nhiên mà không phải giả định bất cứ cái gì thực sự “thay đổi“. Họ cho rằng, ở giữa chu kỳ của thiên nhiên, có một số thành phần nhỏ nhất vĩnh cửu và bất biến đã không tan rã. Vậy cũng được, Sophie à. Nhưng họ đã không có cách giải thích có lý tại sao các “nguyên tố nhỏ nhất“ đã từng là thành phần của một con ngựa có thể bốn năm thế kỷ sau bỗng dưng tụ lại với nhau để tạo thành một con ngựa hoàn toàn mới. Hoặc một con voi hay cá sấu cũng tương tự. Trọng tâm của Plato là ở chỗ các nguyên tử của Democritus không bao giờ hợp thành một con “voi cá sấu“ hay một con “cá sấu voi“. Đó là điều đã định hướng cho suy nghĩ của ông.
Nếu em đã hiểu tôi đang định dẫn dắt đến điều gì, em có thể bỏ qua đoạn sau. Nhưng tôi sẽ nói rõ hơn phòng khi em chưa nắm được. Em có một hộp Lego và em lắp một con ngựa bằng Lego. Sau đó em tháo ra và cất các khối Lego vào hộp. Em không thể hy vọng tạo ra một con ngựa mới chỉ bằng cách xóc xóc cái hộp. Làm sao các khối Lego có thể tự tìm nhau và một lần nữa trở thành một con ngựa được? Không, Sophie, chính em phải tự lắp lại con ngựa. Và em có thể làm được điều đó là vì trong tâm thức em có hình ảnh về con ngựa. Con ngựa Lego được tạo ra từ một mô hình không thay đổi.
Em đã xoay xở như thế nào với 50 chiếc bánh quy? Giả sử em từ trên trời rơi xuống, chưa bao giờ nhìn thấy một người thợ bánh bao giờ. Em rơi vào một hiệu bánh đầy hấp dẫn, ở đó em nhìn thấy 50 chiếc bánh quy gừng hình người xếp trên giá.Tôi hình dung em sẽ tự hỏi làm thế nào mà chúng lại giống nhau đến vậy. Cũng có thể, một chiếc bánh thiếu một tay, chiếc khác bị mẻ đầu, chiếc thì có cái bụng gồ lên trông rất ngộ. Nhưng sau khi suy xét cẩn thận, em sẽ thấy tất cả các chiếc bánh quy gừng đều có chung một cái gì đó. Cho dù không có chiếc nào hoàn hảo, em vẫn ngờ rằng chúng có chung nguồn gốc. Em sẽ nhận ra rằng tất cả các chiếc bánh đều được định hình từ cùng một cái khuôn. Tiếp theo là gì, Sophie? Em sẽ nảy ra một ý muốn
không cưỡng lại được: muốn nhìn thấy cái khuôn đó. Bởi vì rõ ràng cái khuôn phải tuyệt đối hoàn hảo - và đẹp hơn theo một nghĩa nào đó - khi so với những bản sao thô thiển kia.
Nếu em đã tự mình giải được câu hỏi này, em đã đến với lời giải triết học trên chính con đường mà Plato đã đi qua.
Như hầu hết các triết gia, Plato “từ trên trời rơi xuống“ (ông đứng trên đỉnh của một chiếc lông thỏ mà). Ông sửng sốt khi thấy các hiện tượng tự nhiên thật giống nhau, và ông kết luận rằng chắc chắn đó là do có một số hữu hạn các hình thức ở “đằng sau“ mọi vật mà ta nhìn thấy xung quanh. Plato gọi các hình thức này là các ý niệm. Đằng sau tất cả ngựa, lợn hay con người là “con ngựa ý niệm“, “con lợn ý niệm“ và “con người ý niệm“. (Cũng bằng cách này, hiệu bánh ta vừa nói đến có thể có bánh quy gừng hình người, bánh quy gừng hình ngựa, và bánh quy gừng hình lợn. Bởi vì mọi hiệu bánh tử tế đều có nhiều hơn một khuôn bánh. Nhưng mỗi khuôn là đủ cho một loại bánh quy gừng).
Plato đi đến kết luận rằng phải có một thực tại đằng sau “thế giới vật chất“. Ông gọi thực tại này là thế giới ý niệm, nó bao gồm các “khuôn mẫu“ vĩnh cửu và bất biến nằm sau các hiện tượng đa dạng mà ta gặp trong thiên nhiên. Quan điểm đáng chú ý này được gọi là thế giới ý niệm của Plato.
Tri thức đích thực
Tôi đoán chắc là em vẫn theo kịp tôi, Sophie thân mến. Nhưng có lẽ em đang tự hỏi không biết Plato có đùa không. Có thật là ông tin rằng các hình thức như vậy thực sự tồn tại trong một thực tại hoàn toàn khác hay không?
Có lẽ không phải suốt đời lúc nào ông cũng nghĩ như vậy. Nhưng chắc chắn đó là những gì ông muốn người đọc hiểu từ một số đoạn hội thoại của mình. Ta hãy thử đi theo dòng suy nghĩ của ông.
Như ta đã thấy, nhà triết học cố gắng nắm bắt được cái gì đó vĩnh cửu và bất biến. Thật vô ích nếu viết một luận thuyết triết học về sự tồn tại của một cái bong bóng xà phòng cụ thể nào đó. Một phần là do người ta khó có thời gian nghiên cứu cái bong bóng kỹ càng trước lúc nó vỡ tan ra. Phần khác, có lẽ khó mà tìm được thị trường cho một luận thuyết triết học về một vật mà hầu như chẳng ai nhìn thấy, cái chỉ tồn tại có 5 giây.
Plato tin rằng một vật mà ta nhìn thấy trong thiên nhiên, những thứ hữu hình, có thể được coi như bong bóng xà phòng, bởi chẳng có gì tồn tại trong thế giới tri giác là trường cửu. Tất nhiên, ta biết rằng tất cả người hay vật, không sớm thì muộn, đều chết và phân hủy. Ngay cả một khối đá hoa cương cũng biến đổi và mòn dần. (Acropolis đã đổ nát thành phế tích đấy thôi, Sophie! Điều đó thật tệ nhưng không thể tránh khỏi). Plato muốn nói rằng ta không bao giờ có thể có được tri thức đích thực về bất cứ cái gì luôn trong trạng thái thay đổi. Ta chỉ có thể có các quan điểm về những vật thuộc thế giới tri giác, những vật hữu hình. Ta chỉ có thể có tri thức đích thực về
những gì có thể hiểu bằng lý tính của ta.
Thôi được, Sophie, tôi sẽ giải thích rõ hơn: một chiếc bánh quy gừng hình người sau khi nướng xong có thể bị méo mó đến mức khó có thể đoán được đáng ra nó phải có hình dạng như thế nào. Nhưng nếu đã thấy hàng tá bánh hình người ít nhiều thành công, thì tôi có thể biết khá chắc về hình dạng của cái khuôn. Tôi có thể đoán, tuy chưa bao giờ nhìn thấy. Có thể, được tận mắt nhìn thấy cái khuôn thực chưa chắc đã là một lợi thế, vì ta không thể lúc nào cũng tin tưởng vào các bằng chứng của giác quan. Thị lực của mọi người không giống nhau. Tuy nhiên, ta có thể dựa vào những gì lý tính mách bảo, vì nó giống nhau đối với tất cả mọi người.
Nếu em ngồi trong một lớp học có 30 học sinh khác, và thầy giáo hỏi trong các màu của cầu vồng, màu nào đẹp nhất, thầy có lẽ sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau. Nhưng nếu ông hỏi 8 lần 3 bằng bao nhiêu, cả lớp có thể sẽ trả lời giống nhau - hy vọng là như vậy. Bởi vì đó là khi lý tính lên tiếng, và theo một nghĩa nào đó, lý tính là cái đối lập trực tiếp của cái “cho là“ hay “cảm thấy“ . Ta có thể nói rằng lý tính là vĩnh cửu và phổ quát chính là vì nó chỉ diễn đạt những trạng thái vĩnh cửu và phổ quát.
Plato thấy toán học rất cuốn hút, vì các trạng thái toán học không bao giờ thay đổi. Do vậy chúng là các trạng thái mà ta có thể có tri thức đích thực về nó. Nhưng ở đây ta cần thêm một ví dụ.
Hãy tưởng tượng là em tìm thấy một quả thông tròn trong rừng. Có thể em nói em “nghĩ“ rằng trông nó cực tròn, trong khi Joanna khẳng định rằng nó hơi bẹt về một bên. (Rồi cả hai bắt đầu cãi nhau về chuyện đó!). Nhưng em không thể có được tri thức đích thực về bất cứ thứ gì em có thể tri giác bằng mắt. Mặt khác, em có thể khẳng định một cách tuyệt đối chắc chắn rằng tổng các góc trong một hình tròn là 360 độ. Trong trường hợp này, em đang nói về một hình tròn lý tưởng có thể không tồn tại trong thế giới thực nhưng em có thể hình dung được rất rõ ràng. (Em đang nói đến cái khuôn bánh chứ không phải là một cái bánh cụ thể nào).
Tóm lại, ta chỉ có thể có tri giác không chính xác về những vật ta cảm nhận bằng các giác quan. Nhưng ta có thể có tri thức đích thực bằng những gì ta hiểu bằng lý tính. Cho đến ngày tận thế thì tổng các góc trong một tam giác vuông vẫn sẽ mãi là 180 độ. Tương tự, con ngựa “ý niệm“ vẫn sẽ đi bằng bốn chân ngay cả khi tất cả ngựa trong thế giới tri giác đều bị què một cẳng.
Một linh hồn bất tử
Như tôi đã giải thích, Plato tin rằng thực tại được chia thành hai vùng. Một vùng là thế giới tri giác mà ta chỉ có thể nhận được tri thức gần đúng và không đầy đủ về nó bằng cách sử dụng năm giác quan (cũng gần đúng và không đầy đủ). Trong thế giới tri giác này, “mọi thứ đều biến đổi“ và không có gì bền vững. Không có gì trong thế giới tri giác trường tồn, chỉ có những cái đến rồi đi.