🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thế Giới Bị Quỷ Ám
Ebooks
Nhóm Zalo
Mục lục
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
LỜI NÓI ĐẦU
Chương 1. ĐIỀU QUÝ GIÁ NHẤT
Chương 2. KHOA HỌC VÀ HY VỌNG
Chương 3. HÌNH NGƯỜI TRÊN MẶC TRĂNG VÀ GƯƠNG MẶT TRÊN SAO HỎA
Chương 4. NGƯỜI NGOÀI HÀNH TINH
Chương 5. BỊP BỢM VÀ BÍ MẬT
Chương 6. ẢO GIÁC
Chương 7. THẾ GIỚI QUỶ ÁM
Chương 8. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA NHỮNG ẢO ẢNH THẬT VÀ GIẢ
Chương 9. LIỆU PHÁP
Chương 10. CON RỒNG TRONG NHÀ ĐỂ XE
Chương 11. THÀNH PHỐ ĐAU KHỔ
Chương 12. NGHỆ THUẬT NHẬN DIỆN NHỮNG ĐIỀU VÔ LÝ Chương 13. ÁM ẢNH VỚI THỰC TIỄN
Chương 14. PHẢN KHOA HỌC
Chương 15. GIẤC NGỦ CỦA NEWTON
Chương 16. KHI CÁC NHÀ KHOA HỌC BIẾT TỘI
Chương 17. CUỘC HÔN NHÂN CỦA THÁI ĐỘ HOÀI NGHI VÀ NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU
Chương 18. GIÓ GÂY BỤI
Chương 19. LÀM GÌ CÓ CÂU HỎI NGỚ NGẨN
Chương 20. NHÀ CHÁY
LỜI NÓI ĐẦU
NHỮNG NGƯỜI THẦY CỦA TÔI
Đó là một ngày thu gió thổi mạnh vào năm 1939. Trên những đường phố bên ngoài khu chung cư, những chiếc lá rơi cuộn xoáy thành những lốc xoáy nhỏ, với cuộc sống riêng của chúng. Thật may khi được ở trong nhà, ấm áp và an toàn, với mẹ tôi đang chuẩn bị bữa tối ở phòng bên. Trong căn hộ của chúng tôi, không còn đứa trẻ nào lớn hơn một chút chọc ghẹo ta chẳng vì lý do gì cả. Chỉ mới một tuần trước, tôi đã đánh nhau một trận – sau chừng ấy năm tháng, tôi không còn nhớ đã đánh nhau với ai nữa; có thể là Snoony Agata ở tầng ba – và sau một cú đấm bạt rất mạnh, tôi thấy nắm đấm của mình đã xuyên qua ô cửa sổ lắp kính tấm của hiệu thuốc Schechter.
Bác Schechter rất ân cần: “Không sao, bác mua bảo hiểm rồi,” ông nói khi bôi một ít thuốc khử trùng đau không tả được lên cổ tay tôi. Mẹ tôi đưa tôi tới bác sĩ có phòng mạch ở tầng trệt trong dãy nhà của chúng tôi. Bằng một cái nhíp, ông rút ra một mảnh thủy tinh. Rồi ông khâu hai mũi bằng kim và chỉ.
“Hai mũi khâu!” tối hôm đó, bố tôi nhắc lại. Ông biết rõ về các mũi khâu bởi vì ông là một thợ cắt trong lĩnh vực may mặc; công việc của ông là dùng một lưỡi cưa điện rất đáng sợ để cắt ra các miếng ghép – lưng áo, hoặc ống tay áo choàng và com lê của phụ nữ - từ cả chồng vải nghễu nghện. Sau đó, các miếng ghép này được chuyển tới hàng dãy vô tận những bà ngồi bên máy khâu. Ông rất hài lòng rằng tôi đã đủ giận dữ để át cả cái tính nhút nhát bẩm sinh.
Có nhiều lúc, đánh trả lại là rất tốt. Tôi không định làm bất kỳ điều
gì liên quan đến bạo lực. Nó tự xảy ra thôi. Một lần, Snoony đẩy tôi và một lúc sau nắm đấm của tôi đã xuyên qua cửa sổ hiệu Schechter. Tôi làm cổ tay mình bị thương, tạo ra một khoản chi thuốc men bất ngờ, làm vỡ một ô cửa kính, và không ai nổi giận với tôi cả. Còn với Snoony, cậu ấy còn thân thiện hơn bao giờ hết.
Tôi cứ băn khoăn chuyện rút ra bài học gì. Nhưng ngồi trong căn hộ ấm áp, nhìn xuống Vịnh Lower New York qua cửa sổ phòng khách và nghĩ về việc đó thú vị hơn rất nhiều so với việc thử một tai nạn mới nào đó ở trên phố dưới kia.
Như thường lệ, mẹ tôi thay quần áo và trang điểm lại để chuẩn bị đón bố tôi về nhà. Mặt trời gần như đã lặn và chúng tôi cùng nhìn ra phía vùng nước sóng vỗ dập dìu.
“Có người đang đánh nhau ngoài kia, giết hại lẫn nhau,” mẹ tôi nói, tay chỉ mơ hồ ra xa Đại Tây Dương. Tôi chăm chú nhìn theo.
“Con biết,” tôi đáp. “Con có thể nhìn thấy họ.”
“Không, con không thể thấy,” bà trả lời, gần như gay gắt, trước khi quay vào bếp. “Họ ở quá xa.”
Làm sao mẹ biết được liệu mình có nhìn thấy họ hay không cơ chứ? Tôi tự hỏi. Nheo nheo mắt, tôi nghĩ mình đã nhận ra cái dải đất mỏng manh ở phía chân trời, nơi nó những bóng người nhỏ xíu đang xô đẩy và vung kiếm đâm chém y như trong những cuốn truyện tranh của tôi. Nhưng có lẽ mẹ nói đúng. Có lẽ đó chỉ là trong tưởng tượng của tôi, hơi giống như những con quái vật lúc nửa đêm vẫn thỉnh thoảng làm tôi choàng tỉnh lúc đang ngủ say, quần áo ướt đẫm mồ hôi, và tim đập thình thịch.
Làm cách nào bạn nói được rằng ai đó chỉ đang tưởng tượng? Tôi đăm đăm nhìn ra vùng nước xám xịt cho tới khi bóng tôi bao phủ và tôi được gọi đi rửa tay để ăn tối. Trước sự thích thú của tôi, bố tôi bế thốc tôi lên cánh tay ông. Tôi có thể cảm nhận được cái lạnh của thế giới bên ngoài vẫn còn trong bộ râu của ông.
--
Một ngày Chủ nhật cùng năm đó, bố tôi kiên trì giải thích cho tôi về số 0 như là một con số quan trọng trong môn số học, về những cái tên nghe rất kỳ quái của những con số lớn, và về sự thật là không có số lớn nhất. (“Con luôn luôn có thể thêm một số nữa,” ông nói). Đột nhiên, tôi có cái ham muốn rất trẻ con được viết lần lượt cả dãy toàn bộ các số nguyên từ 1 đến 1000. Chúng tôi chẳng có thếp giấy nào cả, nhưng bố tôi chìa ra một tập bìa các tông màu xám mà ông dành dụm được khi đem những chiếc áo sơ mi đi giặt. Tôi háo hức bắt tay vào việc, nhưng rất ngạc nhiên rằng sao nó lại chậm chạp đến vậy. Khi tôi mới viết được chưa quá vài trăm số, mẹ tôi bảo rằng đã đến lúc tôi phải đi tắm. Tôi cảm thấy chán nản. Tôi phải viết đến một nghìn chứ. Cả đời luôn trong vai trò hòa giải, bố tôi can thiệp ngay: Nếu tôi vui vẻ đi tắm, ông sẽ tiếp tục viết cho tôi. Tôi vô cùng phấn khởi. Đến lúc tôi quay ra, ông đang viết gần đến 900, và tôi có thể viết đến 1000 chỉ quá giờ đi ngủ bình thường một chút. Tầm vóc của những con số lớn chưa bao giờ thôi ám ảnh tôi.
Cũng vào năm 1939, bố mẹ tôi đưa tôi tới Hội chợ Thế giới New York. Ở đó, tôi được nghe về viễn cảnh một tương lai hoàn hào có thể đạt được nhờ khoa học và công nghệ cao. Người ta chôn giấu một khoang thời gian, trong đó chứa nhiều đồ vật của thời đại chúng tôi để gửi lại cho các thế hệ tương lai – những người có thể không biết gì nhiều về con người năm 1939. “Thế giới Ngày mai” sẽ trù phú,
sạch sẽ, hợp lý và, như tôi nghĩ, không hề có dấu vết của người nghèo.
“Nhìn âm thanh,” một sản phẩm trưng bày đưa ra lời tuyên bố khiến ai cũng phải bối rối. Và đúng như vậy, khi âm thoa được một chiếc búa nhỏ gõ vào, một sóng điện từ hình sin rất đẹp chạy ngang màn hình máy hiện sóng. “Nghe ánh sáng,” một áp phích khác khẳng định. Và quả thật, khi dùng đèn pin chiếu vào tế bào quang điện, tôi có thể nghe được tiếng gì đó như tiếng tĩnh điện trên cái máy thu thanh hiệu Motorola của chúng tôi khi kim dò sóng nằm giữa các điểm có sóng. Rõ ràng thế giới có những điều kỳ diệu mà tôi chưa bao giờ đoán ra. Làm thế nào một âm thanh lại có thể trở thành một hình ảnh và ánh sáng trở thành tiếng động?
Bố mẹ tôi không phải những nhà khoa học. Họ gần như chẳng biết gì về khoa học. Nhưng khi cho tôi làm quen với cách hoài nghi cùng những điều kỳ diệu, họ dạy tôi hai cách tư duy vốn không dễ cùng tồn tại nhưng lại là trung tâm của phương pháp khoa học. Họ không lấy gì làm sung túc. Nhưng khi tôi tuyên bố rằng tôi muốn trở thành một nhà thiên văn, tôi đã nhận được sự ủng hộ hết mức – thậm chí nếu họ (và cả tôi) chỉ có hiểu biết hết sức sơ đẳng về thế nào là một nhà thiên văn. Họ chưa bao giờ đề xuất rằng, nếu cân nhắc tất cả mọi điều thì có lẽ tốt hơn cả là tôi nên trở thành một bác sĩ hoặc luật sư.
Ước gì tôi có thể nói với các bạn về những người thầy khoa học đã truyền cảm hứng cho tôi từ thời còn học phổ thông. Nhưng khi tôi nghĩ lại thời kỳ đó, lại chẳng hề có ai cả. Trong tôi chỉ còn trí nhớ “thuộc lòng” về Bảng Tuần hoàn các Nguyên tố, về đòn bẩy và mặt phẳng nghiêng, về quang hợp ở cây xanh, và về sự khác nhau giữa anthracite với than đá có bitumen. Nhưng không hề có cảm nhận gì
về những điều kỳ diệu, không có mảy may gì về triển vọng tiến hóa, và chẳng có gì về những ý tưởng sai lầm mà tất cả mọi người từng tin tưởng. Trong các buổi thí nghiệm ở trường phổ thông, chúng tôi thường phải tìm cho được một câu trả lời. Chúng tôi sẽ bị mất điểm nếu không làm nổi. Không hề có sự khuyến khích theo đuổi những điều chúng tôi quan tâm hoặc những linh cảm hay những khái niệm
chưa đúng. Ở bìa sau của sách giáo khoa, luôn có tài liệu mà bạn có thể nói rằng thú vị. Năm học luôn kết thúc trước khi chúng tôi tiếp thu được tài liệu đó. Bạn có thể tìm được những cuốn sách tuyệt vời về thiên văn học trong thư viện, nhưng không hề có trong lớp học. Phép chia dài được dạy như một loạt quy tắc rút ra từ một cuốn sách dạy nấu ăn vậy, chẳng hề có giải thích làm thế nào cái biểu thức gồm những phép chia ngắn, phép nhân và phép trừ này lại có thể đem lại cho bạn kết quả đúng. Ở trường phổ thông, phép tính căn bậc hai được dạy đầy vẻ cung kính, cứ như thể đó là một phương pháp từng được truyền lại từ núi thiêng Sinai vậy. Nhiệm vụ của chúng tôi là chỉ việc nhớ những gì chúng tôi được yêu cầu. Tìm câu trả lời đúng, và đừng bao giờ bận tậm rằng bạn không hiểu những gì bạn đang làm. Tôi từng học một giáo viên đại số năm thứ hai rất giỏi mà tôi đã học được rất nhiều về toán học; nhưng ông ấy cũng là một tay ưa bắt nạt rất khoái trò làm cho các cô gái trẻ phải bật khóc. Mối quan tâm của tôi đối với khoa học vẫn nguyên vẹn trong suốt những năm học phổ thông đó nhờ việc đọc sách và tạp chí về sự thật cũng như hư cấu khoa học.
Đại học chính là nơi thực hiện những giấc mơ của tôi: Tôi tìm thấy những vị thầy không chỉ hiểu khoa học mà thực tế còn có thể giải thích nó. Tôi may mắn được theo học một trong những cơ sở học thuật danh tiếng thời đó, Đại học Chicago. Tôi là sinh viên vật lý tại một khoa có nhà vật lý vĩ đại Enrico Fermi1; tôi phát hiện ra cái hay đích thực của môn toán học từ Subrahmanyan Chandrasekhar2; tôi
có cơ hội được trò chuyện về hóa học với Giáo sư Harold Urey3; các mùa hè, tôi được thực hành sinh học với H. J. Muller4 tại Đại học Indiana; và tôi học về thiên văn học hành tinh từ nhà nghiên cứu toàn thời gian duy nhất thời đó là G. P. Kuiper5.
--
1. Enrico Fermi (29 tháng 9 năm 1901 – 28 tháng 11 năm 1954) là một nhà vật lý Mỹ sinh tại Italia, được tặng giải thưởng Nobel Vật lý năm 1938 cho công trình về phóng xạ cảm biến. Ông nổi tiếng với những đóng góp cho việc phát triển lý thuyết lượng tử, vật lý hạt và hạt nhân, cùng môn cơ khí thống kê. Thời kỳ Thế chiến II, ông làm việc tại Đại học Chicago và những nghiên cứu của ông tại đây đã dẫn tới việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên trên thế giới mang tên Chi cago Pile -1 trên một sân quần vợt bên dưới phần mái che phía tây của sân vật động Alonzo Stagg Field trong khuôn viên trường. Phản ứng dây chuyền hạt nhân tự lực đầu tiên được tiến hành tại CP-1 ngày 2 tháng 12 năm 1942. – ND
2. Subrahmanyan Chandrasekhar (19 tháng 10 năm 1910 – 21 tháng 8 năm 1995) là nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Ấn Độ, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1983 cùng với William A. Fowler với những phát hiện quan trọng dẫn tới lý thuyết về các giai đoạn phát triển muộn của các sao đỏ siêu khổng lồ. Chandrasekhar từng làm việc tại Đại học Chicago từ năm 1937 cho tới khi qua đời năm 1995 ở tuổi 84. - ND
3. Harold Clayton Urey (29 tháng 4 năm 1893 – 5 tháng 1 năm 1981) là nhà vật lý hóa học người Mỹ với công trình tiên phong về chất đồng vị đem lại cho ông giải Nobel Hóa học năm 1934. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bom nguyên tử và đặc
biệt có nhiều đóng góp cho các lý thuyết về sự phát triển dạng sống hữu cơ từ vật chất vô cơ. - ND
4. Hermann Joseph Muller (tức H. J. Muller) (21 tháng 12 năm 1890 – 5 tháng 4 năm 1967) là nhà di truyền học, nhà giáo dục người Mỹ đoạt giải Nobel, nổi tiếng với công trình về hiệu ứng vật lý và gien của phóng xạ (đột biến gien X-quang). Muller thường xuyên cảnh báo về những hiểm họa lâu dài của bụi phóng xạ do thử nghiệm hạt nhân
và chiến tranh hạt nhân, giúp nâng cao nhận thức của công chúng trong lĩnh vực này. Ông cũng là người đầu tiên mô tả những gì sau này được đặt thuật ngữ là "tính phức tạp tối giản", được sử dụng trong luận điểm của những người theo chủ thuyết sáng tạo, đối lập với lý thuyết tiến hóa. - ND
5. Gerard Peter Kuiper (7 tháng 12 năm 1905 – 24 tháng 12 năm 1973 tại Mexico City) là nhà thiên văn học người Mỹ gốc Hà Lan, được lấy tên đặt cho vành đai Kuiper. Kuiper phát hiện hai vệ tinh tự nhiên của các hành tinh trong hệ mặt trời là vệ tinh Miranda của Sao Thiên vương và vệ tinh Nereid của Sao Hải vương. Ông cũng phát hiện ra khí CO2 trong bầu khí quyển của Sao Hỏa và sự tồn tại của bầu khí quyển có khí methane phía trên vệ tinh Titan của Sao Thổ vào năm 1944. Kuiper cũng là người đi tiên phong quan sát bằng tia hồng ngoại sử dụng máy bay Convair 990 vào những năm 1960. Ông hỗ trợ xác định địa điểm hạ cánh trên Mặt trăng cho chương trình Apollo và cũng phát hiện ra một số sao nhị nguyên, như KUI 79. Kuiper chủ yếu làm việc tại Đại học Chicago, trước khi chuyển tới Tucson, Arizona năm 1960 để thành lập và là giám đốc Phòng Thí nghiệm Mặt trăng và Hành tinh tại Đại học Arizona. – ND
--
Chính từ Kuiper mà tôi lần đầu tiên có được cảm nhận về những gì được gọi là cách tính mặt sau phong bì: Một cách giải thích khả dĩ cho vấn đề gì đó chợt đến với bạn, bạn chỉ việc lấy ra một cái phong bì cũ, huy động kiến thức vật lý cơ bản của mình, viết vội vài phương
trình xấp xỉ lên phong bì, thay thế bằng các giá trị số, và xem xem liệu câu trả lời của bạn có đến được đâu đó gần giải thích cho vấn đề của bạn không. Nếu không, bạn lại tìm một lời giải khác. Nó khắc phục những điều vô lý dễ dàng chẳng khác gì dao cắt bơ.
Tại Đại học Chicago, tôi cũng có may mắn được học qua chương trình giáo dục đại cương do Robert M. Hutchins hoạch định, trong đó khoa học được xem như một phần không thể thiếu trong “tấm thảm” lộng lẫy của tri thức nhân loại. Sẽ là không tưởng tượng nổi nếu một nhà vật lý lại không biết đến Plato, Aristotle, Bach, Shakespeare, Gibbon, Malinowski, và Freud – cùng nhiều người khác. Trong một buổi khoa học nhập môn, quan điểm của Ptolemy rằng Mặt trời quay quanh Trái đất được trình bày thuyết phục đến mức một số sinh viên đã cân nhắc lại niềm tin của họ đối với Copernicus. Địa vị của các giáo viên trong giáo trình Hutchins gần như không phải làm gì với nghiên cứu của họ cả; ngược lại – không như tiêu chuẩn đại học Mỹ ngày nay – các giáo viên được đánh giá theo khả năng dạy, năng lực truyền đạt thông tin và truyền cảm hứng cho thế hệ sau của họ.
Trong bầu không khí hừng hực này, tôi có thể lấp đầy một số trong rất nhiều lỗ hổng kiến thức của mình. Nhiều vấn đề vốn cực kỳ bí hiểm, và không chỉ trong lĩnh vực khoa học, trở nên sáng tỏ hơn. Tôi cũng tận mắt chứng kiến niềm vui sướng của những người có đặc ân được khám phá chút ít về sự vận hành của Vũ trụ.
Tôi luôn biết ơn những người thầy của tôi vào thập niên 1950, và cố gắng bảo đảm rằng từng người trong số họ đều biết lòng biết ơn
của tôi. Nhưng khi nhìn lại, dường như tôi thấy rõ rằng mình học được những điều quan trọng nhất không phải từ các giáo viên ở trường, cũng không phải từ các giáo sư đại học, mà là từ bố mẹ tôi, những người chẳng biết gì về khoa học, kể từ cái năm 1939 xa xăm đó.
Chương 1. ĐIỀU QUÝ GIÁ NHẤT Toàn bộ nền khoa học của chúng ta, đem đọ với thực tiễn, còn rất sơ đẳng và như trò trẻ con – và đó lại là điều quý giá nhất mà chúng ta có.
Albert Einstein
(1879-1955)
Khi tôi bước xuống máy bay, anh ta đang đợi tôi, tay cầm một tấm bìa có ghi nguệch ngoạc tên tôi trên đó. Tôi đang trên đường tới dự một hội nghị các nhà khoa học và các phát thanh viên truyền hình, những người rất nhiệt tình với khả năng dường như vô vọng là cải thiện sự hiện diện của khoa học trên truyền hình thương mại. Các nhà tổ chức đã chu đáo cử một lái xe đi đón tôi.
Tôi xin phép hỏi một câu được không? – Anh ta hỏi khi chúng tôi đợi lấy hành lý của tôi.
Dĩ nhiên tôi sẵn lòng.
Rất dễ gây nhầm lẫn khi có tên trùng với vị khoa học gia đó phải không ạ?
Tôi phải mất một lúc mới hiểu. Anh ta đang giễu cợt tôi chăng? Cuối cùng, tôi cũng hiểu ra ngọn ngành.
Tôi chính là vị khoa học gia đó đây – tôi đáp.
Anh ta im bặt và sau đó mỉm cười.
Tôi xin lỗi. Vậy là vấn đề do tôi rồi. Tôi cứ nghĩ ngài cũng như vậy.
Anh ta chìa tay ra.
Tôi tên là William F. Buckley. (Chậc, chính xác thì anh ta không phải là William F. Buckley, nhưng đúng là anh ta có tên gọi giống hệt một phóng viên phỏng vấn trên truyền hình rất nổi tiếng, cho nên rõ ràng anh ta cũng rất có khiếu bông đùa).
Khi chúng tôi yên vị trên xe để bắt đầu một chuyến đi dài, trong khi mấy cái cần gạt nước cứ đều đều gạt qua gạt lại, anh ta nói với tôi rằng anh ta rất vui vì tôi chính là “vị khoa học gia đó” – anh ta cũng có rất nhiều câu hỏi về khoa học. Liệu tôi có vui lòng trả lời?
Dĩ nhiên tôi rất sẵn lòng.
Và cứ thế chúng tôi trò chuyện với nhau. Nhưng hóa ra lại không phải là nói về khoa học. Anh ta muốn nói về những sinh vật ngoài vũ trụ đã được hóa đông vẫn đang nằm trong một căn cứ không quân gần San Antonio, về “lên đồng” (một cách nghe những gì đang diễn ra trong tư duy người chết – những hóa ra chẳng được bao nhiêu), về các tinh thể, về những lời tiên tri của Nostradamus2, về tử vi, về tấm vải liệm Turin… Anh ta nói đến từng chủ đề kỳ lạ này với thái độ cực kỳ nhiệt thành. Mỗi lần tôi đều phải làm anh ta thất vọng:
Bằng chứng không có giá trị - tôi cứ liên tục đáp vậy. – Có cách giải thích đơn giản hơn nhiều.
Phải nói là anh ta đọc rất nhiều. Anh ta biết đủ mọi sắc thái suy đoán về “các lục địa bị chìm” là Atlantis và Lemuria. Anh ta biết rành rẽ những gì mà các cuộc thám hiểm dưới nước được cho là đang bắt
đầu tìm ra những cây cột bị gãy và những tòa tháp đổ của một nền văn minh rực rỡ một thời mà nay những phế tích chỉ còn được các loài cá phát sáng ở vùng biển sâu và những con thủy quái khổng lồ
viếng thăm. Ngoại trừ… trong khi đại dương còn giữ kín rất nhiều bí mật, tôi biết rằng không hề có dấu vết đại dương học hay địa vật lý gì ủng hộ cho giả thuyết về Atlantis và Lemuria. Với kiến thức khoa học hiện tại thì chúng chưa bao giờ tồn tại cả. Giờ thì tôi nói với anh ta như vậy, có hơi do dự một chút.
Khi chúng tôi lái xe trong mưa, tôi có thể thấy anh ta càng lúc càng cau có. Tôi đang thảo luận không chỉ một học thuyết sai sót nào đó mà còn cả một khía cạnh quan trọng trong đời sống nội tâm của anh ta.
Và trong khoa học thực tế có rất nhiều điều thú vị không kém, và huyền bí hơn, một thách thức tri thức lớn hơn – cũng như gần với chân lý hơn nhiều. Liệu anh ta có biết về các khối hình thành phân tử sự sống đang tồn tại trong màn khí loãng lạnh ngắt giữa các vì sao không? Anh ta đã nghe nói đến những dấu chân của tổ tiên chúng ta tìm thấy trong tro than núi lửa có độ tuổi 4 triệu năm chưa? Rồi quá trình nhô cao của dãy Himalayas khi Ấn Độ va vào Châu Á nữa? Hay là cách thức các loại virus, được hình thành giống như các ống tiêm dưới da, phóng DNA của chúng qua các lớp phòng thủ của cơ thể vật chủ và phá hỏng bộ máy sinh sản của tế bào; hoặc việc tìm kiếm các nền văn minh ngoài vũ trụ bằng sóng vô tuyến ; hay nền văn minh cổ đại Ebla1 mới được phát hiện gần đây vẫn được dùng trong quảng cáo bia Ebla? Không, anh ta chưa hề nghe nói đến. Anh ta cũng không hề biết, cho dù là mơ hồ, về đặc tính không xác định lượng tử, và anh ta nhận ra DNA chỉ như ba chữ cái viết hoa ghép thường xuyên được nhắc tới mà thôi.
--
1. Ebla (nay là Tell Mardikh, tỉnh Idlib, Syria) là một đô thị cổ cách thành phố Aleppo khoảng 55 km về tây nam. Đây là một đô thị-thành bang quan trọng trong hai thời kỳ, lần đầu vào cuối thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên và lần hai vào giữa năm 1800 và 1650 trước Công nguyên. Địa danh này nổi tiếng với các thẻ bài Ebla, một tàng thư gồm khoảng 20.000 tấm thẻ có ký tự hình nêm, niên đại khoảng năm 2250 trước CN, viết bằng văn tự Sumeria để ghi lại ngôn ngữ của người Eblait — một ngôn ngữ chưa được biết đến. Địa điểm này được xác nhận vào năm 1968, khi các nhà khảo cổ học Italia thuộc Đại học Rome La Sapienza tìm được một bức tượng nữ thần Ishtar có mang tên Ibbit-Lim, một vị vua của Ebla trong quá trình khai quật Tell Mardikh. Các thẻ bài được tìm thấy tại một cung điện có niên đại khoảng năm 2500–2000 trước CN trong thập kỷ tiếp theo. – ND
--
Quý ông “Buckley” – ăn nói hoạt bát, thông minh, tò mò – rõ ràng chưa hề nghe nói về khoa học hiện đại. Anh ta có ham mê bẩm sinh đối với những điều kỳ diệu của Vũ trụ. Anh ta muốn biết về khoa học. Chỉ có điều toàn bộ kiến thức khoa học đã được sàng lọc trước khi đến được với anh ta. Các mô típ văn hóa của chúng ta, hệ thống giáo dục của chúng ta, bộ máy truyền thông của chúng ta đã đánh trượt người đàn ông này. Những gì xã hội được phép tiết lộ chủ yếu lại rất giả dối và gây nhầm lẫn. Người ta chưa bao giờ dạy anh ta biết cách phân biệt giữa khoa học thực sự với sự bắt chước rẻ tiền. Anh ta chẳng biết gì về cách hoạt động của khoa học.
Có hàng trăm cuốn sách nói về Atlantis – cái lục địa bí ẩn được nói là đã từng tồn tại khoảng 10.000 năm trước ở Đại Tây Dương.
(Hay ở đâu đó. Một cuốn sách gần đây đặt lục địa này ở Nam Cực). Câu chuyện quay trở lại thời Plato, người nói rằng nó truyền đến ông như là những đồn đoán có từ thời xa xưa. Các cuốn sách gần đâu mô tả nghe rất có căn cứ về trình độ công nghệ, đạo đức và đời sống tâm linh rất cao của người Atlantis, và cả thảm kịch về một lục địa có người ở bị chìm sâu dưới những ngọn sóng. Có một Atlantis “Thời đại Mới”, “nền văn minh huyền thoại của các ngành khoa học tiên tiến,” chủ yếu tập trung vào “khoa học” về các tinh thể. Trong bộ sách gồm ba tập có nhan đề Khai sáng pha lê (Crystal Enlightenment) của Katrina Raphaell – bộ sách chịu trách nhiệm chính cho cơn sốt pha lê ở Mỹ - các tinh thể của người Atlantis đọc được tư duy, truyền tải được ý nghĩ, là nơi chứa đựng lịch sử cổ đại và là mô hình cũng như nguồn gốc cho các kim tự tháp của Ai Cập. Không hề có gì gần giống như là bằng chứng được đưa ra để củng cố cho những khẳng định này. (Cơn sốt pha lê có thể lại trỗi dậy sau khi có phát hiện gần đây của ngành địa chấn học cho biết lõi trong của Trái Đất có thể chỉ là một tinh thể khổng lồ, gần như hoàn hảo, duy nhất – của sắt).
Một vài cuốn sách – chẳng hạn cuốn Những truyền thuyết của Trái Đất (Legends of the Earth) của Dorothy Vitaliano – diễn giải những truyền thuyết Atlantis nguyên gốc như là một hòn đảo nhỏ ở Địa Trung Hải đã bị hủy hoại bởi một đợt núi lửa phun trào, hoặc là một thành phố cổ đại bị chìm xuống Vịnh Corinth sau một trận động đất. Đây, như tất cả chúng ta biết, có thể là nguồn gốc của truyền thuyết này, nhưng nó là tiếng vọng xa xăm từ quá trình hủy diệt của một lục địa nơi từng xuất hiện một nền văn minh huyền bí và cực kỳ tiến bộ về kỹ thuật.
Cái mà chúng ta hầu như không bao giờ tìm thấy – trong các thư viện công cộng hoặc các tạp chí bày bán tại quầy hay các chương trình truyền hình phát sóng giờ vàng – là bằng chứng từ đáy biển và
ngành kiến tạo địa tầng học, và từ quá trình lập bản đồ đáy đại dương vốn cho thấy rành rành rằng có thể không hề có lục địa nào nằm giữa Châu Âu và Châu Mỹ vào bất kỳ giai đoạn nào trong tiến trình thời gian.
Những bài viết không xác thực chuyên đánh lừa những người cả tin lúc nào cũng đầy rẫy. Những nghiên cứu mang tính hoài nghi khó tìm hơn nhiều. Những ý kiến nghi ngờ vốn bán không chạy. Một người tò mò và thông minh chỉ dựa vào văn hóa đại chúng để được biết thông tin về những chuyện như Atlantis thì chắc chắn cả trăm hoặc thậm chí nghìn lần chỉ gặp được một câu chuyện bịa được mặc nhiên công nhận chứ không phải một đánh giá tỉnh táo và cân bằng.
Có lẽ Quý ông “Buckley” cũng biết nghi ngờ về những gì anh ta tiếp nhận từ văn hóa đại chúng. Nhưng ngoài chuyện đó, khó mà thấy được anh ta sai lầm đến đâu. Đơn giản là anh ta chấp nhận những gì mà các nguồn thông tin sẵn có khắp nơi vẫn cho rằng đúng. Với sự cả tin của mình, anh ta “lạc lối” và bị lừa một cách có hệ thống.
Khoa học khơi dậy cảm nhận ngày càng tăng về những điều kỳ diệu. Nhưng khoa học giả hiệu cũng làm được như vậy. Những đợt phổ cập khoa học thưa thớt và nghèo nàn bỏ qua các vùng sinh thái mà khoa học giả hiệu lấp đầy ngay lập tức. Nếu hiểu rộng rãi rằng những tuyên bố đối với tri thức đòi hỏi phải có bằng chứng phù hợp trước khi được chấp nhận thì đã chẳng có chỗ dành cho khoa học giả hiệu. Nhưng một dạng Luật Gresham1 vẫn thịnh hành trong văn hóa đại chúng mà nhờ đó, khoa học giả hiệu thắng thế khoa học thật sự.
--
1. Luật Gresham được đặt theo tên Sir Thomas Gresham (1519–
1579), nhà tài chính người Anh dưới triều đại Tudor. Đây là một nguyên tắc kinh tế, khẳng định rằng khi một chính phủ quá coi trọng giá trị một loại tiền tệ và xem nhẹ một loại khác thì loại tiền bị xem nhẹ sẽ biến mất khỏi quá trình lưu thông, trong khi loại tiền được coi trọng sẽ tràn ngập. Nguyên tắc này được diễn đạt nôm na là “Tiền xấu đấu tiền mạnh”. Quy luật này áp dụng khi có hai loại tiền hàng hóa cùng lưu thông và đòi hỏi được cùng chấp nhận là có giá trị mặt (giá trị in trên mặt đồng tiền) như nhau để dùng cho các giao dịch kinh tế. Đồng tiền được coi trọng có xu hướng lấn át đồng tiền bị xem nhẹ và đây là kết quả của việc kiểm soát giá. - ND
--
Trên khắp thế giới, có rất nhiều người thông minh, thậm chí có tài rất say mê khoa học. Nhưng niềm đam mê đó lại không được đền đáp. Nhiều khảo sát cho thấy khoảng 95% người Mỹ “mù khoa học.” Con số tương tự cũng từng được ghi nhận với những người Mỹ da đen, hầu hết là những nô lệ mù chữ trước thời Nội chiến – khi mà những hình phạt hà khắc được áp dụng cho bất kỳ ai dạy nô lệ biết đọc. Dĩ nhiên, hơi có phần khiên cưỡng trong việc xác định tỉ lệ thất học, cho dù điều này áp dụng với ngôn ngữ hay với khoa học. Nhưng bất kỳ điều gì như là tỉ lệ thất học ở mức 95% là cực kỳ nghiêm trọng.
Thế hệ nào cũng lo lắng rằng các tiêu chuẩn giáo dục đang giảm sút. Một trong những tiểu luận xa xưa nhất trong lịch sử loài người, có từ thời người Sumer cách đây khoảng 4.000 năm, than rằng giới trẻ ngu dốt hơn rất nhiều so với thế hệ trước đó. Hai nghìn bốn trăm năm trước, Plato đã đưa ra định nghĩa mù khoa học trong Cuốn VII bộ Pháp luật:
Ai không biết đếm một, hai, ba, hoặc phân biệt được các số chẵn
lẻ, hoặc không biết đếm tí nào, hoặc ước tính ngày và đêm, và ai hoàn toàn không biết đến sự xoay vòng của Mặt trời và Mặt trăng, cũng như các ngôi sao khác… Tất cả những con người tự do, theo tôi quan niệm, cần học thật nhiều nhánh tri thức này giống như mọi đứa trẻ ở Ai Cập vẫn được dạy dỗ khi học bảng chữ cái. Ở đất nước đó, các trò chơi số học đã được nghĩ ra để dụng cho trẻ con, và chúng học rất hào hứng và thích thú… Tôi… đến cuối đời hết sức kinh ngạc nghe nói đến sự dốt nát của chúng ta ở những vấn đề này; với tôi chúng ta hình như giống lợn hơn là con người, và tôi rất xấu hổ, không chỉ với trước chính mình mà trước tất cả người Hy Lạp.
Tôi không biết tình trạng thiếu hiểu biết về khoa học và toán học góp phần vào sự suy tàn của người Athens cổ đại đến mức độ nào nhưng tôi biết rằng các hậu quả của tình trạng mù khoa học trong thời địa chúng ta còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với bất kỳ thời kỳ nào trước kia. Sẽ rất nguy hiểm và liều mạng nếu một công dân bình thường vẫn hoàn toàn không biết đến tình trạng ấm lên toàn cầu, lấy ví dụ như vậy, hay các hiện tượng thủng tầng ozone, ô nhiễm không khí, các chất thải phóng xạ và độc hại, mưa a-xít, xói mòn lớp đất mặt, nạn phá rừng nhiệt đới, và sự gia tăng dân số theo cấp số mũ. Việc làm và lương lậu tùy thuộc vào khoa học và công nghệ. Nếu đất nước chúng ta không thể sản xuất, với chất lượng cao và giá thành thấp, những hàng hóa mà người dân muốn mua, thì các ngành công nghiệp sẽ tiếp tục để tuột sự phồn thịnh sang những khu vực khác của thế giới. Hãy suy nghĩ về những phân nhánh xã hội của năng lượng phân hạch và tổng hợp hạt nhân, các siêu máy tính, các “xa lộ” dữ liệu, nạo phá thai, nguyên tố radon, việc giảm mạnh vũ khí chiến lược, nạn nghiện hút, hiện tượng chính phủ “nghe lén” cuộc sống của các công dân, truyền hình độ phân giải cao, an toàn hàng không và sân bay, cấy ghép mô bào thai, chi phí y tế, các chất phụ gia thực phẩm, các loại thuốc điều trị tậm thần, trầm cảm hoặc tâm thần phân
liệt, các quyền của động vật, hiện tượng siêu dẫn, các loại thuốc ngừa thai, các khuynh hướng phản xã hội được cho là di truyền, các trạm không gian, việc du hành tới Sao Hỏa, việc tìm kiếm thuốc chữa trị bệnh AIDS và ung thư.
Chúng ta có thể ảnh hưởng đến chính sách quốc gia – hoặc thậm chí đưa ra những quyết định thông minh trong đời mình – như thế nào nếu chúng ta không nắm bắt được những vấn đề bên dưới? Như tôi viết, Quốc hội sắp giải tán Văn phòng Thẩm định Công nghệ - tổ chức duy nhất chuyên trách tư vấn về khoa học và công nghệ cho Hạ viện và Thượng viện. Trong nhiều năm, cơ quan này đã chứng tỏ được năng lực của mình. TRong số 535 nghị sĩ Hoa Kỳ, thật hiếm hoi là trong thế kỷ 20 lại có tới 1% có kiến thức đáng kể về khoa học. Vị Tổng thống cuối cùng am tường về khoa học là Thomas Jefferson.
--
Mặc dù cũng có thể tính thêm cả Theodore Roosevelt, Herbert Hoover và Jimmy Carter. Nước Anh có một nhân vật tương tự là Thủ tướng Margaret Thatcher. Những nghiên cứu của bà về hóa học, một phần dưới sự chỉ dẫn của nhà khoa học đoạt giải Nobel Dorothy Hodgkins, là chìa khóa cho sự ủng hộ mạnh mẽ và rất thành công của Anh quốc đối với việc cấm sử dụng trên quy mô toàn đối với CFC hủy hoại tầng ozone. – TG
--
Vậy người Mỹ quyết định những vấn đề này như thế nào? Họ hướng dẫn những người đại diện cho mình như thế nào? Thực tế ai đưa ra những quyết định này, và trên cơ sở nào?
---
Hippocrates là cha đẻ của ngành y học. Ông vẫn được ghi nhớ 2.500 năm sau với Lời thề Hippocrates (một hình thức cải biến nào đó của lời thề này vẫn được các sinh viên y khoa tuyên thệ trong lễ tốt nghiệp). Nhưng ông chủ yếu được tôn vinh vì những nỗ lực đưa y
học ra khỏi màn đêm mê tín dị đoan để bước vào ánh sáng khoa học. Trong một thông điệp, Hippocrates viết: “Con người nghĩ chứng động kinh là điều siêu phàm, đơn giản vì họ không hiểu nó. Nhưng nếu họ gọi mọi thứ họ không hiểu là những điều siêu phàm thì sẽ chẳng bao
giờ hết những điều siêu phàm.” Thay vì thừa nhận rằng ở nhiều khu vực, chúng ta vẫn rất mông muội, chúng ta lại có xu hướng nói đến những điều kiểu như Vũ trụ đầy rẫy những gì không mô tả được. Một vị Thần Lỗ hổng chịu trách nhiệm cho những gì chúng ta không hiểu. Khi kiến thức về y khoa được cải thiện kể từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, ngày càng có nhiều điều chúng ta hiểu và ngày càng ít việc phải quy cho sự can thiệp của thần thánh – hoặc liên quan đến các nguyên nhân hoặc liên quan đến cách điều trị bệnh. Tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giảm, tuổi thọ tăng lên, và y học cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng tỉ người trên khắp hành tinh này.
Trong chẩn đoán bệnh tật, Hippocrates giới thiệu các yếu tố của phương pháp khoa học. Ông ủng hộ quan sát cẩn thận và tỉ mỉ: “Không được bỏ sót gì cả. Không bỏ qua điều gì. Kết hợp những quan sát mâu thuẫn nhau. Bỏ ra đủ thời gian.” Trước khi phát minh ra nhiệt kế, ông đã vẽ được biểu đồ nhiệt độ của nhiều loại bệnh. Ông đề xuất rằng, từ các triệu chứng có được, các thầy thuốc có thể nói rõ tiến trình trước kia và trong tương lai của từng loại bệnh. Ông nhấn mạnh đến tính trung thực. Ông sẵn sàng thừa nhận những hạn chế trong kiến thức của thầy thuốc. Ông không hề xấu hổ khi cho thế hệ sau biết rằng hơn một nửa số bệnh nhân của ông đã bị chết vì những chứng bệnh mà ông điều trị. Dĩ nhiên những lựa chọn của ông rất hạn chế; thuốc men ở thời ông chủ yếu là thuốc nhuận tràng, gây
nôn, và an thần. Phẫu thuật có được thực hiện, và cả phương pháp đốt nữa. Nhiều tiến bộ đáng kể đã đạt được vào thời cổ đại cho tới khi đế chế La Mã sụp đổ.
Trong khi y học phát triển mạnh trong thế giới Hồi giáo thì những gì diễn ra tiếp sau đó ở Châu Âu lại thực sự là một thời kỳ đen tối. Nhiều kiến thức về giải phẫu và phẫu thuật bị thất truyền. Người ta lại dựa vào cách điều trị bằng cầu nguyện và phép màu. Các thầy thuốc thế tục không còn nữa. Cầu kinh, thánh dược, tử vi, và bùa chú được sử dụng rộng rãi. Việc mổ tử thi bị cấm ngặt hoặc bị coi là phạm pháp, cho nên những người thực hành y khoa bị ngăn trở trong việc lĩnh hội kiến thức trực tiếp về cơ thể con người. Nghiên cứu y học lâm vào thế bế tắc.
Đây là tình trạng mà sử gia Edward Gibbon mô tả cho toàn bộ Đế chế phía Đông, với thủ đô là Constantinople:
Trong tiến trình suốt 10 thế kỷ, không một phát minh nào được thực hiện để nâng cao phẩm giá hoặc tăng cường hạnh phúc của con người. Không một ý tưởng nào được bổ sung cho các hệ thống tự biện của cổ nhân, và các môn đồ kế thừa lại trở thành những người thày giáo điều của thế hệ mù quáng tiếp theo.
Thậm chí lúc thuận lợi nhất thì nên y học tiền hiện đại cũng không cứu chữa được nhiều người. Nữ hoàng Anne là vị vua dòng họ Stuart cuối cùng ở Anh. Trong 17 năm cuối cùng của thế kỷ 17, bà mang thai 18 lần. Nhưng chỉ có năm người con sinh ra sống sót được. Chỉ có một người trong số họ sống trọn thời thơ ấu nhưng người này cũng chết trước tuổi trưởng thành và trước lễ đăng quang của mình vào năm 1702. Dường như không có bằng chứng về tình trạng rối loạn gien nào đó. Nhưng bà đã nhận được sự chăm sóc y tế
tốt nhất có thể mua được bằng tiền.
Những loại bệnh từng cướp đi sinh mạng của vô số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nay đã được kiểm soát và điều trị nhờ khoa học – thông qua việc phát hiện ra thế giới vi khuẩn, thông qua hiểu biết rằng các thầy thuốc và các bà đỡ phải rửa sạch tay và khử trùng dụng cụ, thông qua dinh dưỡng, sức khỏe cộng đồng và các biện pháp vệ sinh, các chất kháng sinh, thuốc, vắc xin, việc phát hiện ra cấu trúc phân tử của DNA, sinh học phân tử, và hiện nay là liệu pháp gien. Ít ra trong thế giới phát triển, các bậc cha mẹ ngày nay có cơ hội nhìn thấy con cái mình sống tới lúc trưởng thành cao hơn rất nhiều so với người kế vị ngai vàng của một trong những quốc gia hùng mạnh nhất trên Trái đất ở cuối thế kỷ 17. Bệnh đậu mùa từng lan tràn khắp thế giới. Diện tích hành tinh của chúng ta bị các loại muỗi mang bệnh sốt rét hoành hành đã thu hẹp rất nhiều. Qua mỗi năm, số năm một đứa trẻ bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu có thể sống được đã tăng đáng kể. Khoa học cho phép Trái đất nuôi sống số người nhiều thêm khoảng 100 lần và trong những điều kiện bớt nghiệt ngã hơn so với vài nghìn năm trước.
Chúng ta có thể cầu nguyện cho bệnh nhân bị tả, hoặc chúng ta có thể cấp cho người đó 500 mg tetracycline cứ sau 12 giờ một lần. (Vẫn có một tôn giáo, Khoa học Thiên Chúa giáo, không công nhận lý thuyết mầm bệnh; nếu cầu nguyện không thành công, các tín đồ thà nhìn con cái họ chết chứ không cho chúng uống kháng sinh). Chúng ta có thể thử liệu pháp trò chuyện phân tậm học gần như vô hiệu đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt hoặc có thể cho người đó dùng 300 đến 500 mg clozapine mỗi ngày. Các biện pháp điều trị khoa học hiệu quả gấp hàng trăm hoặc hàng nghìn lần so với các giải pháp trên. (Và thậm chí khi các giải pháp này có vẻ có tác dụng thì chúng ta thực tế cũng không biết rằng chúng có vai trò gì không: Hiện tượng
thuyên giảm tự phát, kể cả với bệnh dịch tả và tâm thần phân liệt, có thể xảy ra mà không cần cầu nguyện hay phân tâm học). Từ bỏ khoa học có nghĩa là từ bỏ rất nhiều thứ chứ không chỉ là điều hòa nhiệt độ, máy nghe CD, máy xấy tóc, và những chiếc xe hơi chạy nhanh.
Ở thời kỳ săn bắt-hái lượm tiền nông nghiệp, tuổi thọ con người chỉ khoảng 20-30 năm. Đó cũng là tuổi thọ ở Tây Âu vào thời kỳ cuối La Mã và Trung Cổ. Tuổi thọ này không tăng nổi tới 40 tuổi cho tới tận năm 1870. Con số này tăng lên 50 vào năm 1915, 60 vào 1930, 70 vào năm 1955, và hiện đang tiến gần đến 80 (cao hơn một chút ở phụ nữa và thấp hơn ở nam giới). Phần còn lại của thế giới cũng đang đi theo lộ trình của Châu Âu trong lĩnh vực tuổi thọ. Đâu là nguyên nhân của quá trình chuyển tiếp nhân bản tuyệt vời chưa có tiền lệ này? Lý thuyết mầm bệnh, các biện pháp sức khỏe cộng đồng, thuốc men và công nghệ y khoa. Tuổi thọ có lẽ là số đo tốt nhất đối với chất lượng cuộc sống. (Nếu bạn bị chết, còn làm được gì nữa để mà sung sướng). Đây chính là một “lễ vật” quý giá từ khoa học dành cho con người – không kém gì món quà cuộc đời.
Nhưng vi sinh vật có khả năng biến đổi. Những loại bệnh mới lan nhanh như cháy rừng. Có một cuộc chiến không ngừng nghỉ giữa các giải pháp của vi khuẩn với biện pháp đối phó của con người. Chúng ta theo kịp cuộc cạnh tranh này không chỉ bằng việc sáng chế ra những loại thuốc và cách điều trị mới mà còn bằng cách thâm nhập sâu hơn vào tri thức về bản chất của sự sống – một nghiên cứu rất cơ bản.
Nếu thế giới muốn thoát khỏi những hậu quả kinh khủng nhất do tăng trưởng dân số toàn cầu và con số 10-12 tỉ người trên hành tinh này vào cuối thế kỷ 21 thì chúng ta phải phát minh ra những biện pháp trồng lương thực hiệu quả hơn nhưng vẫn an toàn – đi kèm với
giống cây trồng, thủy lợi, phân bón, thuốc trừ sâu, các hệ thống vận tải và bảo quản. Việc này cũng cần đến giải pháp tránh thai phổ biến và chấp nhận được, những bước đi quan trọng nhằm đem lại bình đẳng chính trị cho phụ nữ, và những cải thiện về mức sống cho những người nghèo nhất. Làm sao có thể thực hiện được tất cả những việc này nếu thiếu khoa học và công nghệ?
Tôi biết rằng khoa học và công nghệ không chỉ là những kho tàng quà tặng dành cho thế giới. Các nhà khoa học không chỉ nghĩ ra vũ khí hạt nhân; họ còn thuyết phục giới lãnh đạo chính trị rằng đất nước của họ phải có loại vũ khí đó đầu tiên. Sau đó họ sản xuất ra hơn 60.000 loại vũ khí đó. Thời Chiến tranh Lạnh, các nhà khoa học tại Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác sẵn sàng để cho công dân của mình phơi nhiễm phóng xạ - trong hầu hết các trường hợp, người dân không hề biết – để chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân. Các nhà vật lý ở Tuskegee, bang Alabama đã khiến cho một nhóm cựu chiến binh lầm tưởng rằng họ đang được điều trị bệnh giang mai, trong khi không hề có việc đó. Những hành động tàn ác khủng khiếp của các bác sĩ chế độ Quốc xã cũng khét tiếp. Công nghệ của chúng ta sản sinh ra thuốc giảm đau thalidomide gây dị tật thai nhi, CFC, chất độc màu da cam, chất khí tấn công hệ thần kinh, ô nhiễm không khí và nguồn nước, tình trạng tuyệt chủng của nhiều giống loài, và những ngành công nghiệp mạnh đến mức có thể hủy hoại khí hậu của Trái đất. Gần một nửa số nhà khoa học trên Trái đất làm việc bán thời gian cho giới quân sự. Trong khi chỉ một số ít nhà khoa học vẫn bị coi là những kẻ ngoại đạo, dũng cảm lên tiếng chỉ trích những việc làm tai hại của xã hội và đưa ra những cảnh báo sớm về các thảm họa công nghệ tiềm tàng thì nhiều người lại được xem là những kẻ cơ hội dễ dãi, hoặc là nguồn gốc của lợi nhuận doanh nghiệp và vũ khí hủy diệt hàng loạt – không bao giờ buồn để tâm đến những hậu quả lâu dài. Những hiểm họa công nghệ mà
khoa học tạo ra, thách thức ngấm ngầm của nó đối với tri thức đã được thừa nhận, và khó khăn thấy rõ của nó, đều là những lý do khiến một số người không tin tưởng và né tránh khoa học. Có lý do khiến người ta lo lắng về khoa học và công nghệ. Và vì thế hình ảnh một nhà khoa học điên vẫn ám ảnh thế giới chúng ta – giống như những gã điên cổ cồn trong chương trình truyền hình dành cho trẻ em sáng thứ Bảy và vô vàn những thỏa thuận hắc ám trong văn hóa phổ thông, từ Tiến sĩ Faustus1 tới Tiến sĩ Frankenstein, Tiến sĩ Strangelove và Công viên kỷ Jurass.
--
1. Faustus (nguyên văn tiếng Đức là Faust) là nhân vật chính trong một truyền thuyết cổ của Đức, một học giả rất thành công nhưng cũng rất bất mãn với cuộc sống của mình nên đã có một thỏa ước với quỷ sứ, đánh đổi linh hồn mình để lấy tri thức vô hạn và những lạc thú trần tục. Câu chuyện về Faust là cơ sở cho nhiều tác phẩm văn học, hội họa, điện ảnh và âm nhạc. Tên gọi Faust thường được dùng để chỉ một thỏa thuận trong đó một nhân vật đầy tham vọng hy sinh đạo đức để đạt được quyền lực và thành công. – ND
--
Nhưng chúng ta không thể đơn giản kết luận rằng khoa học trao quá nhiều quyền lực vào tay những nhà kỹ nghệ kém đức hay những chính trị gia sa đọa đam mê quyền lực và vì vậy quyết định loại bỏ nó. Những tiến bộ về y khoa và nông nghiệp đã cứu được nhiều mạng sống hơn là số người bị giết hại vì tất cả các cuộc chiến trong lịch sử. Những tiến bộ về giao thông, liên lạc, và giải trí đã biến cải và thống nhất thế giới này. Theo nhiều cuộc thăm dò dư luận, khoa núi được xếp hạng nằm trong số những công việc đáng tin cậy và được
kính nể nhất, bất chấp còn nhiều e ngại. Thanh gươm của khoa học luôn có hai lưỡi. Sức mạnh đáng sợ của nó đặt lên vai tất cả chúng ta, kể cả các chính trị gia, nhưng dĩ nhiên đặc biệt là các nhà khoa học, một trách nhiệm mới – chú ý hơn nữa đến những hậu quả lâu dài của công nghệ, một tầm nhìn toàn cầu và xuyên thế hệ, một động lực để tránh sa đà vào chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa sô vanh. Những sai lầm đang trở nên quá đắt giá.
--
Bên bàn ăn tối gần đây, tôi đã hỏi các thực khách có mặt – tuổi đời từ 30 tới 60 – xem bao nhiêu người trong số họ còn sống được đến hôm nay nếu không có thuốc kháng sinh, máy điều hòa nhịp tim, và toàn bộ những “vũ khí” còn lại của y học hiện đại. Chỉ một cách tay giơ lên. Và không phải của tôi. – TG
--
Liệu chúng ta có bận tâm xem cái gì là sự thật không? Nó có thành vấn đề không?
… ở đâu hạnh phúc là ngu dốt
Thì khôn ngoan là chuyện điên rồ
Thi sĩ Thomas Gray đã viết như vậy. Nhưng có đúng thế chăng? Edmund Way Teale trong cuốn sách viết năm 1950 nhan đề Chu trình các mùa (Circle of the Seasons) hiểu rõ song đề này hơn:
Về mặt đạo đức, việc không quan tâm xem liệu một điều gì đó có đúng hay không, chừng nào điều đó vẫn làm cho bạn cảm thấy ổn, thì cũng tệ hại như không quan tậm xem bạn có tiền bằng cách nào chừng nào bạn vẫn có nó.
Thật nản khi phát hiện ra tình trạng tham nhũng và bất lực của chính phủ, lấy ví dụ như vậy; nhưng không biết chuyện đó liệu có tốt hơn không? Sự ngu dốt phục vụ cho quyền lợi của ai đây? Nếu con người chúng ta cam chịu những xu hướng truyền đời là thù ghét những người xa lạ thì phải chăng sự tự biết mình không phải là thứ thuốc giải duy nhất? Nếu chúng ta luôn tin rằng các vì sao mọc và lặn vì chúng ta, rằng chúng ta có lý khi cho rằng có một Vũ trụ, thì liệu khoa học có “chơi khăm” chúng ta bằng việc làm giảm bớt tính cao ngạo của chúng ta không?
Trong cuốn Phả hệ đạo đức (The Genealogy of Morals), Friedrich Nietzsche, như nhiều người trước và sau ông, công khai chỉ trích “tiến bộ không ngừng trong việc tự xem thường của con người” có được nhờ cách mạng khoa học. Nietzsche tiếc nuối vì con người đánh mất “niềm tin vào phẩm giá, vị thế độc tôn, tính bất khả thay thế của mình trong tiến trình tồn vong.” Với tôi, nắm bắt được Vũ trụ đúng với thực tiễn của nó sẽ tốt hơn nhiều so với việc cứ bám lấy ảo tưởng đem lại tâm trạng thỏa mãn và vững dạ. Thái độ nào sẽ có lợi hơn cho sự tồn tại lâu dài của chúng ta? Điều gì cho chúng ta thêm xung lực tin vào tương lai của mình? Và nếu sự tự tin chất phác của chúng ta xói mòn đôi chút trong tiến trình này thì liệu đó có phải là một tổn thất không? Phải chăng không có lý do gì để hoan nghênh điều đó với tư cách một trải nghiệm chín chắn và tạo nên cá tính?
Việc phát hiện ra rằng Vũ trụ khoảng 8-15 tỉ chứ không phải chỉ 6-12 nghìn năm tuổi giúp cải thiện nhận thức của chúng ta về sự kỳ vĩ và tầm vóc của nó; việc ấp ủ ý niệm cho rằng chúng ta là một sự sắp xếp cực kỳ phức tạp của các nguyên tử, chứ không phải chỉ là
một hơi thở của thần thánh, giúp củng cố sự tôn trọng của chúng ta dành cho các nguyên tử; việc phát hiện ra rằng hành tinh của chúng
ta là một trong hàng tỉ thế giới khác trong dải Thiên hà và rằng Thiên hà của chúng ta là một trong hàng tỉ thiên hà khác, đã mở rộng đáng kể phạm vi của những gì có thể; việc tìm ra rằng tổ tiên của chúng ta cũng là tổ tiên của loài vượn đã gắn kết chúng ta với phần còn lại của
sự sống và làm cho những suy ngẫm quan trọng – đôi khi đáng thương - về bản chất con người là hoàn toàn có thể.
--
“Không một nhân vật tôn giáo duy lý nào tin điều này. Thật lỗi thời,” một trong những tài liệu tham khảo của cuốn sách này đã viết như vậy. Nhưng nhiều “nhà sáng tạo luận khoa học” không chỉ tin mà còn có những nỗ lực ngày càng mạnh và thành công nhằm giảng dạy điều này ở trường học, viện bảo tàng, vườn thú và sách giáo khoa. Tại sao? Bởi vì việc cho thêm “các vị cha”, tuổi của các giáo trưởng và những người khác trong Kinh thánh, tạo ra một nhân vật như vậy, và Kinh thánh thì “không thể sai lầm.” – TG
--
Rõ ràng, không có đường ngược lại. Dù thích hay không thì chúng ta cũng vẫn phải gắn với khoa học. Tốt hơn cả, chúng ta nên tận dụng nó. Cuối cùng, khi chúng ta dung hòa được với nó và công
nhận đầy đủ sức mạnh cùng vẻ đẹp của nó thì chúng ta sẽ thấy, cả ở khía cạnh tinh thần lẫn thực tiễn, rằng chúng ta đã thực hiện được một cuộc ‘mặc cả’ rất có lợi cho mình.
Nhưng mê tín và giả khoa học cũng liên tục can thiệp, làm rối trí tất cả những “quý ông Buckley” trong chúng ta, đưa ra những câu trả lời dễ dãi, bỡn cợt quá trình khảo sát kỹ lưỡng, nhiều lúc còn nhấn những cái nút sợ sệt trong chúng ta và làm giảm giá trị của thực
nghiệm, biến chúng ta thành những kẻ cả tin một cách dễ dãi cũng như là nạn nhân của chính sự cả tin ấy. Đúng, thế giới sẽ là một nơi thú vị hơn nếu có những chiếc UFO ẩn nấp tại những vùng nước sâu ngoài khơi Bermuda và nuốt chửng tàu thủy cùng máy bay, hoặc nếu người chết có thể kiểm soát bàn tay của chúng ta và viết cho chúng ta các thông điệp. Thế giới sẽ rất kỳ thú nếu những người vị thành niên có thể khiến cho tai nghe điện thoại bay vọt ra khỏi giá đỡ chỉ bằng cách nghĩ đến chúng, hoặc nếu những giấc mơ của chúng ta có thể tiên đoán chính xác tương lai thay vì được giải thích một cách tình cờ và bằng kiến thức của chúng ta về thế giới.
Đây đều là những ví dụ về giả khoa học. Chúng dường như sử dụng các phương pháp và phát hiện của khoa học, trong khi thực tế bản chất của chúng là giả trá – thường bởi vì chúng dựa trên bằng chứng không đầy đủ hoặc vì chúng bỏ qua những đầu mối chỉ tới một con đường khác. Chúng kích thích tâm lý cả tin. Với sự hợp tác thiếu hiểu biết (và thường là đồng lõa) của báo chí, các nhà xuất bản, phát thanh, truyền hình, các hãng phim, và những thứ như thế, những ý tưởng như vậy rất sẵn có. Những gì khó có được hơn rất nhiều, như tôi nhớ được qua cuộc gặp gỡ với quý ông “Buckley”, là những phát hiện khoa học mang tính thách thức hơn và thậm chí gây kinh ngạc hơn.
Giả khoa học dễ nghĩ ra hơn so với khoa học, bởi vì việc đương đầu với thực tiễn – nơi chúng ta không thể kiểm soát được kết quả của so sánh – dễ né tránh hơn. Các tiêu chuẩn của lập luận, những gì được cho là bằng chứng, linh hoạt hơn nhiều. Một phần vì chính những lý do này nên việc trình bày giả khoa học cho công chúng dễ hơn rất nhiều so với khoa học. Nhưng điều đó chưa đủ để lý giải tại sao giả khoa học lại phổ biến đến vậy.
Đương nhiên, con người luôn thử nhiều hệ thống tín điều khác nhau để xem liệu chúng có giúp ích gì không. Và nếu chúng ta đang ở hoàn cảnh tuyệt vọng, chúng ta sẵn sàng từ bỏ những gì có thể được xem là gánh nặng của thái độ hoài nghi. Giả khoa học nói với những nhu cầu tình cảm mạnh mẽ rằng khoa học thường để lại những điều dang dở. Nó nuôi dưỡng những tưởng tượng về các sức mạnh cá nhân mà chúng ta không có và chúng ta thèm muốn (như những sức mạnh được gắn cho các siêu anh hùng trong truyện tranh ngày nay, và trước đó là cho các vị thần). Ở một số hình thức biểu hiện, giả khoa học đem lại thỏa mãn cho những người đói khát về tâm linh, cứu chữa một số bệnh, hứa hẹn rằng cái chết không phải là kết thúc. Nó cam đoan với chúng ta về tầm quan trọng và vị thế trung tâm vũ trụ của chúng ta. Nó tuyên bố rằng chúng ta luôn gắn bó với Vũ trụ.Đôi khi đây là một kiểu thỏa hiệp giữa tôn giáo cũ và khoa học mới, nhưng đều bị cả hai phía ngờ vực.
--
Mặc dù tôi thấy khó nhìn ra một mối liên hệ vũ trụ sâu sắc hơn so với những phát hiện kỳ lạ của vật lý học thiên thể hạt nhân hiện đại: Ngoại trừ hydrogen, tất cả các nguyên tử cấu thành lên chúng ta – sắt trong máu chúng ta, calcium trong xương, carbon trong não – đều được sản xuất ở những ngôi sao đỏ khổng lồ cách xa hàng nghìn năm ánh sáng và từ hàng tỉ năm trước. Tôi rất thích nói rằng chúng ta là ‘tinh tú thể’ (starstuff). – TG
--
Cốt lõi của giả khoa học (và một số tôn giáo) là ý tưởng cho rằng việc ước ao rất có tác dụng. Thật hài lòng khi hoàn thành được những khao khát trong lòng chỉ bằng cách ước ao, như trong văn hóa dân gian và các câu truyện của trẻ em. Ý niệm này mới hấp dẫn làm
sao, đặc biệt khi so với nỗ lực và may mắn cần có để đạt được những hy vọng của chúng ta. Con cá thần trong câu chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng hay vị thần đèn sẽ ban cho chúng ta ba điều ước – bất kỳ điều gì chúng ta muốn ngoại trừ việc có thêm điều ước. Có ai lại không phân vân xem nên xin những gì chứ - nhất là để bảo đảm an toàn trong trường hợp tình cờ bắt gặp và ngẫu nhiên xoa xoa một cây đèn dầu bằng đồng cũ kỹ?
Tôi nhớ trong các truyện tranh và sách truyện trẻ em có một vị pháp sư có bộ ria dài và chiếc mũ chóp nhọn, trên tay vung vẩy một cây gậy chống bằng gỗ mun. Tên ông ấy là Zatara. Ông ấy có thể làm cho mọi việc xảy ra, bất kỳ việc gì. Làm thế nào ông ấy làm được như vậy? Rất dễ. Ông ấy đọc ngược các mệnh lệnh của mình. Cho nên nếu ông ấy muốn có một triệu đô la, ông ấy chỉ việc nói “al ôđ uệirt tộm at ohc.” Chỉ cần vậy là có ngay. Việc này có phần giống như cầu nguyện, nhưng bảo đảm kết quả hơn.
Năm lên tám tuổi, tôi đã mất rất nhiều thời gian thử nghiệm việc ra lệnh cho một hòn đá bay lên một cách vô vọng: “nêl yab, áđ.” Chẳng bao giờ có tác dụng. Tôi đổ tại do mình phát âm chưa đúng.
---
Có thể nói rằng giả khoa học được viện dẫn ở mức độ không kém gì chân khoa học bị hiểu nhầm – ngoại trừ ngôn ngữ diễn giải ở đây. Nếu bạn chưa bao giờ nghe nói đến khoa học (đến mức không biết nói gì về cách vận hành của nó) thì bạn khó có thể nhận ra rằng
mình đang sa đà vào giả khoa học. Đơn giản là bạn nghĩ theo một trong những cách thức mà con người vẫn luôn nghĩ. Các tôn giáo thường là nơi nuôi dưỡng giả khoa học được nhà nước bảo vệ, mặc dù không rõ tại sao tôn giáo lại phải đóng vai trò đó. Từ xa xưa đến
giờ nó vẫn chỉ là một sản phẩm nhân tạo. Tại một số quốc gia, gần như tất cả mọi người đều tin vào chiêm tinh và tiền nhận thức, kể cả các lãnh đạo chính phủ. Nhưng điều này không hẳn ngấm vào họ từ tôn giáo; nó được đúc rút từ nền văn hóa đang phát triển trong đó mọi người đều cảm thấy thoải mái với những cách thức này, và những chi tiết chứng thực hiện diện ở khắp mọi nơi.
Hầu hết các sự kiện tôi sẽ nói đến trong cuốn sách này ở Mỹ - bởi vĩ đây là những trường hợp tôi biết rõ nhất, không phải vì giả khoa học và chủ nghĩa thần bí ở Hoa Kỳ dễ thấy hơn so với nơi khác. Nhưng Uri Geller, thầy đồng có khả năng giao tiếp với người ngoài hành tinh và bẻ cong thìa, thì từ Israel đến. Khi căng thẳng gia tăng giữa những tín đồ theo chủ nghĩa thế tục người Algeria và những người theo chính thống giáo Hồi giáo, thì ngày càng có nhiều người kín đáo xin ý kiến của 10.000 thầy bói và nhà tiên tri ở đất nước này (khoảng một nửa trong số họ có giấy phép hành nghề do chính phủ cấp). Các quan chức cao cấp ở Pháp, kể cả một cựu Tổng thống, từng dành hàng triệu đô la đầu tư vào một kế hoạch (vụ bê bối Elf Aquitaine) để tìm kiếm trữ lượng dầu mỏ mới từ không khí. Tại Đức, có tâm lý lo ngại về “các tia Trái đất” có khả năng gây ung thư mà khoa học không thể phát hiện ra; chỉ có những chuyên gia dò tìm mạch nước tay vung vẫy những cây gậy dò mới có thể cảm nhận được chúng. “Phẫu thuật tâm linh” rất thịnh hành ở Philippines. Ma quỷ gần như là nỗi ám ảnh cấp quốc gia ở Anh. Kể từ Thế chiến II, tại Nhật Bản xuất hiện một số lượng hùng hậu các tôn giáo mới theo xu hướng siêu nhiên. Ước tính có đến 100.000 thầy bói hành nghề ở Nhật Bản; khách hàng chủ yếu là những phụ nữ trẻ. Aum Shinrikyo, một giáo phái được tin là dính líu đến vụ xả khí sarin độc vào hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo vào tháng Ba năm 1995, có đặc trưng là thuật thăng thiên, chữa bệnh bằng đức tin và ESP trong các giáo lý chính của mình. Các tín đồ uống nước “ao thần” – lấy từ nước tắm
của Asahara, giáo chủ của họ. Tại Thái Lan, bệnh tật được điều trị bằng những viên thuốc chế xuất từ thánh Kinh nghiền thành bột. “Các thầy phù thủy” ngày nay bị thiêu sống tại Nam Phi. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Australia tại Haiti từng cứu thoát một phụ nữ bị trói vào cây; bà ấy bị kết tội bay lượn từ nóc nhà này sang nóc nhà khác, và hút máu trẻ em. Chiêm tinh rất thịnh hành ở Ấn Độ, còn thuật địa lý thì phổ biến khắp Trung Quốc.
Có lẽ giả khoa học quy mô toàn cầu thành công nhất gần đây – theo nhiều tiêu chí thì đã trở thành một tôn giáo – là lý thuyết Ấn Độ giáo về nhập thiền tụng chú (transcendental meditation – TM). Những bài thuyết pháp gây buồn ngủ của người sáng lập kiêm thủ lĩnh tinh thần Maharishi Mahesh Yogi có thể xem trên truyền hình. Với mái tóc bạc điểm những sợi đen, ngồi trong tư thế kiết già, xung quanh là những vòng hoa và các lễ vật có kết hoa, trông ông thật có phong cách. Một hôm trong lúc xem lướt qua các kênh truyền hình, chúng tôi tình cờ bắt gặp gương mặt này. “Bố biết ông đó là ai không ạ?” cậu con trai bốn tuổi của chúng tôi hỏi. “Chúa đấy.” Tổ chức TM toàn cầu có giá trị ước tính 3 tỉ đô la. Chỉ cần đóng một khoản phí, họ hứa hẹn có thể dẫn bạn đi xuyên tường, làm cho bạn trở thành vô hình, giúp bạn bay được, bằng cách ngồi thiền. Theo lời họ nói, bằng cách suy nghĩ đồng điệu với họ, sẽ giúp giảm tỉ lệ tội phạm ở Washington D.C. và làm cho Liên Xô sụp đổ cũng như tạo nên những điều kỳ diệu thế tục khác. Chưa hề có mảy may bằng chứng thực sự nào được đưa ra cho bất kỳ tuyên bố nào như vậy. TM bán những phương thuốc dân gian, điều hành các công ty kinh doanh, các phòng mạch và các trường đại học “nghiên cứu”, và từng tham gia bất thành vào chính trường. Với vị thủ lĩnh uy tín và kỳ dị như thế, với hứa hẹn vì cộng đồng như thế, và với việc đưa ra những sức mạnh thần diệu để đổi lấy tiền và niềm tin cuồng nhiệt như thế, rất nhiều dạng giả khoa học được tiếp thị và xuất khẩu.
Mỗi trường hợp từ bỏ các hình thức kiểm soát dân sự và giáo dục khoa học thì giả khoa học lại bùng phát thêm một chút. Leon Trotsky đã mô tả hiện tượng này tại Đức ngay trước khi Hitler lên nắm quyền (nhưng cũng nằm trong một mô tả có thể áp dụng tương đương với Liên Xô năm 1933):
Không chỉ trong những gia đình nông dân mà cả trong những tòa nhà chọc trời ở đô thị, vẫn tồn tại thế kỷ 13 song song với thế kỷ 20. Hàng trăm triệu người sử dụng điện nhưng vẫn tin vào những sức mạnh huyền diệu của các dấu hiệu và phù chú… Nhiều minh tinh màn bạc tới gặp các ông đồng bà cốt. Phi công điều khiển những cỗ máy kỳ diệu do tài năng của con người tạo ra vẫn phải đeo bùa hộ mạng trong áo lót. Sự mông muội, ngu dốt và tàn ác mà họ sở hữu mới dồi dào làm sao!
Nước Nga là một trường hợp có thể lấy làm gương. Dưới thời Sa hoàng, người ta khuyến khích mê tín, nhưng lối tư duy khoa học và hoài nghi – trừ một số rất ít các nhà khoa học dễ bảo – bị loại bỏ không thương tiếc. Dưới thời cộng sản chủ nghĩa, cả tôn giáo và giả khoa học đều bị ngăn cấm một cách có hệ thống – ngoại trừ sự mê tín đối với tôn giáo mang tính hệ tư tưởng của nhà nước. Nó được quảng bá như là khoa học, nhưng thực ra chỉ là thứ tôn giáo huyền bí tự dung túng nhất. Lối tư duy phê phán – trừ các nhà khoa học trong những căn phòng kiến thức kín mín – bị nhìn nhận là nguy hiểm nên không được dạy ở trường, và bị trừng phạt nếu bộc lộ ra. Kết quả là, thời hậu cộng sản, nhiều người Nga nhìn khoa học với thái độ nghi ngờ. Khi mọi thứ được tiết lộ, cũng như sự thật về thái độ thù hằn sắc tộc ác nghiệt, thì những gì từ lâu vẫn chìm dưới bề mặt đều phơi lộ hết. Khu vực này giờ tràn ngập UFO, yêu tinh, các thầy lang chữa bệnh bằng đức tin, những phương thuốc lang băm, các loại nước thánh, và cả sự mê tín từ thời xa xưa. Tuổi thọ giảm sút mạnh, tỉ lệ tử
vong trẻ sơ sinh gia tăng, bệnh dịch lan tràn, các tiêu chuẩn y tế dưới mức tối thiểu, và thái độ coi thường y tế dự phòng, tất cả cùng góp phần nâng cao cái ngưỡng mà ở đó, chủ nghĩa hoài nghi được kích thích trong một cộng đồng dân cư ngày càng tuyệt vọng. Như tôi đã viết, đại biểu Duma được cử tri biết đến nhiều nhất, một người mạnh mẽ ủng hộ cho nhân vật chủ nghĩa dân tộc cực đoan Vladimir Zhirinovsky, là Anatoly Kashipirovsky – một thầy lang chữa bệnh bằng đức tin từng tiến hành chữa bệnh từ xa với đủ thứ bệnh tật, từ thoát vị đến AIDS, bằng cách nhìn đăm đăm vào bạn từ máy thu hình.
Một tình huống có phần khá tương tự cũng đang hiện hữu ở Trung Quốc. Sau khi Mao Trạch Đông qua đời và nền kinh tế thị trường dần xuất hiện, các UFO, lên đồng và những ví dụ giả khoa học Phương Tây khác cũng xuất hiện, đi kèm với những tập trung Trung Hoa cổ xưa như thờ cúng tổ tiên, tử vi và bói toán – đặc biệt là hình thức bói cỏ thi và đoán việc qua bát quái của Kinh Dịch. Báo chí của chính phủ ca thán rằng “tình trạng mê tín đối với hệ tư tưởng phong kiến đang sống lại ở vùng nông thôn của chúng ta.” Đây từng (và vẫn) là một mối họa ở nông thôn, chứ không phải ở đô thị.
Những người có “sức mạnh đặc biệt” giành được sự tin phục rất lớn. Họ nói rằng họ có thể phát ra Khí hay “trường năng lượng của Vũ trụ” từ chính cơ thể mình để làm thay đổi cấu trúc phân tử của một hóa chất ở cách xa 2000 km, để giao tiếp với người ngoài hành tinh, để chữa bách bệnh. Một số bệnh nhân đã chết vì chính sự chăm sóc của một trong những “bậc thầy Khí công”, người đã bị bắt và kết án năm 1993. Vương Hồng Thành, một nhà hóa học nghiệp dư, tuyên bố rằng có thể tổng hợp được một thứ chất lỏng mà chỉ cần một lượng nhỏ cho vào nước, sẽ biến nước thành dầu hỏa hoặc thứ gì đó tương tự. Đã có lúc ông ta được quân đội và cảnh sát mật tài
trợ, nhưng khi người ta hiểu phát minh của ông ta chỉ là trò bịp thì ông ta bị bắt và bỏ tù. Đương nhiên, người ta đồn thổi rằng kiếp nạn của ông ta không phải là do lừa gạt mà là vì ông ta không chịu tiết lộ “công thức bí truyền” của mình cho chính phủ. (Những câu chuyện tương tự cũng lưu truyền ở Mỹ trong nhiều thập kỷ, thường vai trò của chính phủ được thay thế bằng một công ty xe hơi hoặc dầu khí lớn nào đó). Tê giác Châu Á đang bị dồn đến nguy cơ tuyệt chủng chỉ vì sừng của chúng được nói rằng, khi đem tán nhỏ, có thể ngăn được chứng liệt dương; thị trường của mặt hàng này phổ biến khắp khu vực Đông Á.
Chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc rất lo ngại về những phát triển kiểu này. Ngày 5 tháng Mười hai năm 1994, họ đã cùng ban hành một thông cáo chung trong đó có đoạn:
Giáo dục công về khoa học đang giảm sút trong những năm gần đây. Đồng thời, các hoạt động mê tin và mù quáng gia tăng, các vụ việc phản khoa học và giả khoa học diễn ra liên tục. Do đó, cần phải sớm áp dụng các biện pháp hữu hiệu để tăng cường giáo dục khoa học. Trình độ giáo dục khoa học và công nghệ là một chỉ dấu quan trọng cho thành quả khoa học quốc gia. Đây là một vấn đề có tầm quan trọng chung trong phát triển kinh tế, tiến bộ khoa học và tiến bộ xã hội. Chúng ta phải hết sức chú trọng triển khai giáo dục như một phần trong chiến lược hiện đại hóa tổ quốc xã hội chủ nghĩa cũng như làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh. Ngu dốt và đói nghèo không bao giờ là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Giả khoa học ở Mỹ là một phần của một xu hướng mang tính toàn cầu. Nguyên nhân, hiểm họa, cách chẩn đoán và điều trị của nó chắc chắn rất giống nhau ở mọi nơi. Ở đây, các nhà tâm linh học không ngừng quảng bá ‘sản phẩm’ của họ trên các chương trình
truyền hình thương mại và được nhiều nhân vật trong giới giải trí hết sức tán thành. Họ có hẳn kênh riêng mang tên Psychic Friends Network (Mạng bằng hữu tâm linh); mỗi năm, có một triệu người đăng ký và sử dụng những hướng dẫn như vậy trong cuộc sống thường nhật của mình. Với giới lãnh đạo cao cấp của nhiều tập đoàn lớn, với các chuyên gia phân tích tài chính, với các luật sư và chủ ngân hàng, có hẳn một loại chiêm tinh gia / nhà tiên tri / chuyên gia tâm linh sẵn sàng tư vấn bất kỳ vấn đề gì. “Nếu mọi người biết có bao nhiêu người, đặc biệt những người giàu có và quyền thế, đến gặp các chuyên gia tâm linh, thì hàm dưới của họ sẽ rớt ngay xuống sàn nhà,” một chuyên gia tâm linh từ Cleveland, bang Ohio, đã nói như vậy. Ở Trung Hoa và La Mã cổ đại, chiêm tinh là lĩnh vực riêng của các hoàng đế; bất kỳ hành vi sử dụng riêng môn nghệ thuật đầy quyền năng này đều bị coi là phạm tội chết. Xuất thân từ văn hóa Nam California nổi tiếng cả tin, Nancy và Ronald Reagan đều dựa vào một chiêm tinh gia để xử lý các vấn đề công cũng như tư – nhưng điều này cử tri không hề biết. Một phần quá trình ra quyết định có ảnh hưởng đến tương lai nền văn minh của chúng ta lại nằm trong tay những kẻ bất tài lừa bịp. Thực tế này tương đối âm thầm ở Mỹ; địa bàn của nó rộng khắp thế giới kia.
---
Có lẽ một số khía cạnh giả khoa học dường như khá vui và có lẽ chúng ta cũng khá tự tin rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ cả tin đến mức để bị một học thuyết kiểu như vậy làm cho mê muội, chúng ta biết nó vẫn đang diễn ra quanh ta. Phái Thiền định tụng chú và Aum Shinrikyo dường như thu hút được một số lượng đông đảo những người có kiến thức, một số người còn có cả bằng cấp rất cao về vật lý hoặc kỹ thuật. Đây không phải là những học thuyết dành cho những kẻ đần độn. Rõ ràng, vẫn còn điều gì đó đang diễn ra.
Việc không ai bận tâm xem tôn giáo là gì và nó bắt đầu như thế nào có thể giúp lãng quên tôn giáo. Trong khi những rào cản lớn dường như trải dài giữa một luận điểm một trọng tâm mang tính cục bộ về giả khoa học với cái gì đó như là một tôn giáo cấp độ thế giới, thì sự phân chia lại rất mong manh. Thế giới đem tới cho chúng ta nhiều vấn đề đến mức gần như không tính xuể. Rất nhiều giải pháp được đưa ra, một số với thế giới quan rất hạn hẹp, một số lại có sức lôi cuốn kỳ lạ. Theo chọn lọc tự nhiên kiểu Darwin đối với các học thuyết, một số phát triển mạnh ở một thời điểm nào đó, trong khi hầu hết biến mất một cách nhanh chóng. Nhưng một số ít – đôi khi lại là những học thuyết vớ vẩn và ít hấp dẫn nhất, như lịch sử đã cho thấy – có thể có sức mạnh làm thay đổi sâu sắc lịch sử thế giới.
Sự tiếp nối giữa khoa học hắc ám, giả khoa học và mê tín (kỷ nguyên mới hay cũ), cho đến tôn giáo thần bí, dựa vào khải huyền, thực ra rất mơ hồ. Tôi cố gắng không sử dụng từ “sùng bái” trong cuốn sách này theo nghĩa thông thường của nó về một tôn giáo mà nhiều người không thích, mà cố gắng tìm ra điều cốt lõi của tri thức – người ta có thật sự biết những gì họ cho rằng mình biết không? Hóa ra tất cả mọi người đều thạo chuyên môn tương ứng.
Trong một số đoạn của cuốn sách này, tôi sẽ phê phán tình trạng quá nhiều lý thuyết, bởi vì ở cấp độ tột cùng, sẽ rất khó phân biệt được giả khoa học với tôn giáo giáo điều cứng nhắc. Tuy nhiên, tôi muốn thừa nhận tính đa dạng kỳ lạ và tính phức tạp của tư duy và tập quán tôn giáo trải qua cả thiên niên kỷ; sự phát triển của tôn giáo tự do và hệ thống tín hữu giáo hội Cơ đốc giáo trong thế kỷ qua; và thực tế rằng – như trong Cải cách Tin lành, sự vươn lên của Do Thái giáo cải cách, Vatican II, và cái gọi là trào lưu phê phán Kinh thánh – tôn giáo đã đấu tranh với tình trạng dư thừa của chính mình (với mức độ thành công khác nhau). Nhưng song song với nhiều nhà khoa học
có thái độ do dự trong việc tranh luận hoặc thậm chí là công khai thảo luận về giả khoa học, nhiều người đề xướng các tôn giáo chủ lưu cũng tỏ ra lưỡng lự khi phải đối mặt với những người bảo thủ cực đoan và những người theo trào lưu chính thống. Nếu xu hướng này tiếp tục thì cuối cùng lĩnh vực này sẽ thuộc về họ; họ có thể mặc nhiên thắng cuộc.
Một thủ lĩnh tôn giáo viết cho tôi nói về khát khao của ông ấy đối với “sự trọn vẹn có nguyên tắc” trong tôn giáo:
Chúng ta trở nên quá đa cảm… Một bên là thái độ mộ đạo và tâm lý học rẻ tiền, còn bên kia là thái độ ngạo mạn và không khoan dung một cách giáo điều đã làm méo mó đời sống tôn giáo đích thực đến mức khó chấp nhận. Nhiều khi tôi gần như thấy tuyệt vọng, nhưng sau đó tôi sống kiên định và luôn hy vọng… Tôn giáo chân chính, vốn quen thuộc hơn là những lời chỉ trích đi kèm những xuyên tạc và vô lý được gán cho tôn giáo, có sự quan tâm tích cực đến việc khuyến khích thái độ hoài nghi lành mạnh phục vụ cho những mục đích của chính mình… Hoàn toàn có khả năng để tôn giáo và khoa học hình thành lên một quan hệ đối tác hiệu quả chống lại giả khoa học. Thật lạ là tôi nghĩ sớm muộn tôn giáo cũng sẽ tham gia vào việc chống lại giả khoa học.
Giả khoa học khác với khoa học sai lạc. Khoa học không thiếu những sai lầm, và sẽ lần lượt loại bỏ chúng. Những kết luận sai lầm vẫn thường được đưa ra, nhưng chúng được đưa ra một cách thăm dò. Các giả thuyết được trình bày sao cho chúng có thể bị chứng minh là sai. Những giả thuyết kế tiếp nhau phải đương đầu với quá trình thực nghiệm và quan sát. Khoa học dò dẫm và nhích dần đến tri thức tiến bộ. Dĩ nhiên, những cảm xúc dễ chịu thường bị tác động khi một giả thuyết khoa học bị bác bỏ, nhưng những phản chứng như
vậy được xem là cốt lõi cho khoa học.
Giả khoa học thì ngược lại. Các giả thuyết thường được trình bày một cách chính xác để chúng không bị đả phá trước bất kỳ thử nghiệm nào đưa ra phản chứng, cho nên thậm chí về nguyên tắc, chúng cũng không thể bị làm mất hiệu lực. Khi các giả thuyết giả khoa học không địch lại được các nhà khoa học thì những âm mưu đàn áp lại được vạch ra.
Khả năng vận động ở những người khỏe mạnh gần như là hoàn hảo. Chúng ta hiếm khi vấp và ngã, ngoại trừ ở độ tuổi còn nhỏ hoặc đã già. Chúng ta có thể học được những nhiệm vụ như đi xe đạp, trượt ván, nhảy dây hoặc lái xe hơi, và nhớ được kỹ năng đó trong suốt quãng đời còn lại. Thậm chí nếu chúng ta qua hẳn mười năm không làm việc đó thì nó vẫn trở lại với chúng ta một cách dễ dàng. Tuy nhiên, tính chính xác và khả năng duy trì những kỹ năng vận động của chúng ta có thể khiến chúng ta tự tin một cách sai lầm vào những năng lực khác của mình. Nhận thức của chúng ta có thể rất sai. Có lúc chúng ta nhìn thấy những điều không hiện hữu. Chúng ta là mồi ngon của những ảo ảnh thị giác. Thỉnh thoảng, chúng ta lại bị ảo giác. Chúng ta có xu hướng làm sai. Một cuốn sách minh chứng có tển Làm thế nào ta biết được những gì không có: Khả năng sai lầm của lý trí con người trong cuộc sống hằng ngày (How We Know What Isn’t So: The Fallibility of Human Reason in Everyday Life) của Thomas Gilovich cho thấy con người sai sót rất có hệ thống như thế nào trong việc hiểu các con số, loại trừ những bằng chứng khó cịu, và dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác. Chúng ta giỏi trong một số việc nào đó nhưng không phải tất cả mọi việc. Trí khôn nằm ở chỗ ta hiểu được những hạn chế của mình. “Vì loài người là một thứ nhẹ dạ,” William Shakespeare đã dạy như vậy. Đó chính là chỗ thái độ hoài nghi nghiệt ngã của khoa học bước vào.
Có lẽ, nét khác biệt rõ nhất giữa khoa học và giả khoa học là ở chỗ khoa học có sự đánh giá về những điểm chưa hoàn hảo và dễ sai sót của con người sắc sảo hơn hẳn giả khoa học (hay là sự khải huyền “không sai lầm”). Nếu chúng ta dứt khoát từ chối thừa nhận chúng ta rất dễ sai sót thì chính khi đó, chúng ta có thể tin chắc rằng cái sai sót đó – thậm chí là sai sót nghiêm trọng hay những sai lầm sâu sắc – sẽ bám theo ta mãi mãi. Nhưng nếu chúng ta có khả năng dũng cảm tự đánh giá một chút, bất kỳ suy nghĩ phiền muộn nào mà chúng có thể tạo ra, thì cơ hội của chúng ta sẽ cải thiện rất nhiều.
Nếu chúng ta chỉ dạy những phát hiện và các sản phẩm của khoa học – không thành vấn đề những thứ đó hữu ích và thậm chí truyền cảm hứng đến đâu – mà không truyền tải phương pháp phê bình của khoa học, thì làm sao một người trung bình có thể phân biệt được khoa học với giả khoa học? Khi đó, cả hai đều được trình bày như một sự khẳng định không được chứng minh. Ở Nga và Trung Quốc, việc này rất dễ xảy ra. Khoa học của thế quyền là những gì chính quyền dạy. Điểm phân biệt giữa khoa học và giả khoa học được tạo sẵn cho bạn. Không cần có những điều rối rắm phức tạp đến mụ mị cả đầu óc. Nhưng khi những thay đổi chính trị sâu sắc xảy ra và việc kiểm soát chặt suy nghĩ tự do được nới lỏng thì rất nhiều tuyên bố tự tin hoặc đầy uy tín – đặc biệt là những người nói với chúng ta những gì chúng ta muốn nghe – lại thu hút được đông đảo công chúng. Tuy nhiên, không chắc rằng tất cả mọi ý niệm đều có thể tin được.
Một thách thức tối thượng cho những người phổ cập khoa học là làm sáng tỏ lịch sử khúc khuỷu trên thực tiễn của những phát hiện vĩ đại cũng như những hiểu lầm và thái độ khước từ một cách ương ngạnh của những người làm khoa học đối với tiến trình thay đổi. Nhiều, có lẽ là hầu hết, giáo trình khoa học dành cho các nhà khoa học tài năng chớm nở đề cập rất dè dặt ở đây. Trình bày một cách
hấp dẫn vốn tri thức đúc kết từ hàng thế kỷ kiên trì “tra vấn” Thiên nhiên dễ dàng hơn rất nhiều so với việc trình bày tỉ mỉ một cỗ máy chưng cất phức tạp. Phương pháp khoa học, có thể rất kém hấp dẫn và khô khan, quan trọng hơn rất nhiều so với những phát kiến khoa học.
Chương 2. KHOA HỌC VÀ HY VỌNG Hai người gặp một lổ thủng trên trời.
Một người bảo người kia kiệu mình lên…
Nhưng trên thiên đường đẹp đến mức
Anh chàng nhìn lén qua hàng rào
Quên bẵng mọi thứ, quên bẵng người bạn đường
Người anh ta đã hứa sẽ giúp kiệu lên
Và thế là chạy tọt vào trong
Thiên đường tráng lệ.
Từ một bài tụng ca Iglulik Inuit, đầu thế kỷ 20, do
INUGPASUGJUK kể lại cho KNUD RASMUSSEN, nhà thám hiểm tới đảo Greenland.
Cái thời biết hy vọng, tôi mới chỉ là một đứa trẻ. Tôi muốn là một nhà khoa học ngay từ những ngày đầu đến trường. Cái thời khắc kết tinh ấy đến khi lần đầu tôi hiểu được rằng các ngôi sao là những mặt trời khổng lồ, khi lần đầu tiên tôi hiểu ra chúng phải cách xa chừng nào mới có thể xuất hiện chỉ như những đốm sáng trên bầu trời. Tôi không biết chắc thậm chí khi đó mình có biết ý nghĩa của từ “khoa học” hay không nhưng tôi muốn bằng cách nào đó đắm mình trong sự vĩ đại của nó. Tôi bị cuốn hút bởi sự lộng lẫy của Vũ trụ, sững sờ trước viễn cảnh hiểu rõ được sự vận động của mọi vật, tham gia giải đáp những bí ẩn sâu xa, khám phá những thế giới mới – có lẽ theo
đúng nghĩa đen. Tôi thật may mắn đã phần nào hoàn thành được ước mơ đó. Với tôi, sự lãng mạn của khoa học vẫn hấp dẫn và mới mẻ như ngày hôm đó, cách đây hơn nửa thế kỷ, khi tôi được thấy những điều kỳ diệu ở Hội chợ Thế giới 1939.
Phổ cập khoa học – tức là cố gắng làm cho các phương pháp và phát hiện khoa học dễ tiếp cận với những người không làm khoa học – diễn ra tự nhiên và ngay lập tức. Với tôi, không giải thích được khoa học dường như là một việc rất bất công. Khi bạn yêu, bạn muốn nói với cả thế giới. Cuốn sách này là một tuyên ngôn cá nhân, phản ánh mối tình suốt đời của tôi với khoa học.
Nhưng còn một lý do khác: Khoa học không chỉ là một khối kiến thức; nó còn là cách tư duy. Tôi có một dự đoán về một nước Mỹ vào thời con hoặc cháu tôi – khi mà Hoa Kỳ là một nền kinh tế dịch vụ và thông tin; khi gần như tất cả các ngành chế tạo chính đều chuyển sang các nước khác; khi mà những sức mạnh công nghệ đáng sợ nằm trong tay một số rất ít người, và không một ai đại diện cho quyền lợi công chúng có thể nắm bắt được vấn đề; khi mà người dân mất khả năng xác định những chương trình nghị sự của riêng mình hoặc chất vấn những người trong bộ máy công quyền một cách am tường; khi mà, bằng cách nắm lấy những tinh thể và lo lắng trông chờ vào số tử vi của mình, mọi khả năng phê phán của chúng ta mai một, chúng ta không còn nhận biết được giữa những gì là tốt và những gì đúng, chúng ta dần quay trở lại với mê tín dị đoan và sự mông muội lúc nào không hay.
Sự suy thoái của nước Mỹ thấy rõ nhất qua tình trạng sa sút rất từ từ trong nội dung chính thức của giới truyền thông vốn có ảnh hưởng ghê gớm, những mẩu âm thanh dài 30 giây (giờ giảm xuống chỉ còn chưa đầy 10 giây), việc lập trình mẫu thức chung thấp nhất,
những bài trình bày nhẹ dạ về giả khoa học và mê tín, nhưng đặc biệt là một dạng tôn vinh sự ngu dốt. Như tôi đã viết, băng video số 1 được thuê ở Mỹ là bộ phim Dumb and Dumber (Hai chàng ngốc). Phim hoạt hình nhiều tập “Beavis and Butthead” vẫn rất phổ biến (và có ảnh hưởng) đối với khán giả truyền hình trẻ. Bài học đơn giản là học hành – không chỉ khoa học, mà bất cứ thứ gì – là có thể tránh được, thậm chí chẳng có gì đáng hoan nghênh cả.
Chúng ta đã dàn xếp được một nền văn minh toàn cầu trong đó những yếu tố quan trọng nhất – giao thông, thông tin liên lạc, và tất cả các ngành khác; nông nghiệp, y tế, giáo dục, giải trí, bảo vệ môi trường; và thậm chí thiết chế bầu cử dân chủ - đều phụ thuộc rất nhiều vào khoa học và công nghệ. Chúng ta cũng đã sắp xếp được mọi việc để gần như không ai hiểu được khoa học và công nghệ. Đây là một “toa thuốc” cho thảm họa. Chúng ta có thể tránh được nó một lúc, nhưng sớm hay muộn cái sự kết hợp nguy hiểm giữa ngu dốt và quyền lực sẽ nổ tung ngay mặt chúng ta.
Một ngọn nến trong màn đêm (A Candle in the Dark) là nhan đề một cuốn sách rất dũng cảm dựa trên Kinh thánh, của Thomas Ady và được xuất bản tại London năm 1656, công kích những cuộc săn lùng phù thủy đang diễn ra thời đó như là một âm mưu đen tối nhằm
“lừa dối người dân.” Bất kỳ bệnh tật hay dông bão gì, bất cứ thứ gì bất thường, đều bị gán cho thuật phù thủy. Nếu phù thủy tồn tại, Ady lập luận – “những điều thế này cần ra sao nữa, hay vẫn xảy ra như dự định?” Phần lớn thời gian trong lịch sử của chúng ta, chúng ta sợ hãi thế giới bên ngoài, với những hiểm nguy khó lường của nó, đến mức chúng ta vui vẻ bấu víu lấy bất cứ điều gì hứa hẹn làm dịu hoặc lý giải được tâm trạng khiếp sợ đó. Khoa học là một cố gắng rất thành công để hiểu về thế giới, để nắm bắt mọi việc, để làm chủ chính chúng ta, để đi theo một lộ trình an toàn. Vi sinh học và khí
tượng học giờ đây lý giải những gì mà chỉ vài thế kỷ trước còn được xem là nguyên nhân đủ để thiêu sống nhiều phụ nữ.
Ady cũng cảnh báo mối hiểm họa rằng “các dân tộc [sẽ] tàn lụi vì thiếu kiến thức.” Cảnh khốn cùng có thể tránh được của con người thường không phải sinh ra do sự ngu dại mà bởi sự thiếu hiểu biết, đặc biệt là sự thiếu hiểu biết của chúng ta về chính mình. Tôi lo ngại rằng, đặc biệt khi Thiên niên kỷ mới đang ngấp nghé, giả khoa học và mê tín dị đoan dường như dần dần thu hút người ta hơn, những bài ca mê hoặc hấp dẫn và âm vang hơn. Trước kia, chúng ta đã nghe nói điều này ở đâu nhỉ? Bất kỳ khi nào những thiên kiến chủng tộc hay dân tộc của chúng ta được khơi gợi, vào những thời kỳ khan hiếm, trước những thách thức đối với lòng tự trọng hoặc khí phách của dân tộc, khi chúng ta trăn trở về mục đích và cái vị trí đã bị thu nhỏ trong vũ trụ của chúng ta, hoặc khi sự cuồng tín được xây dựng quanh chúng ta – thì khi đó, những thói quen tư duy đã quen thuộc từ thời xa xưa sẽ nắm quyền kiểm soát.
Ngọn lửa nến chập chờn. Quầng ánh sáng nhỏ nhoi của nó run rẩy. Bóng tối vây quanh. Lũ quỷ sứ bắt đầu chờn vờn.
---
Có rất nhiều điều khoa học không hiểu được, nhiều bí ẩn vẫn cần giải đáp. Trong một Vũ trụ cách xa hàng chục tỉ năm ánh sáng và có tuổi thọ khoảng 10 hoặc 15 tỉ năm, đây có thể là tình huống vĩnh viễn. Chúng ta vẫn liên tục gặp phải những điều ngạc nhiên. Nhưng một số cây viết tôn giáo và Kỷ nguyên mới khẳng định rằng các nhà khoa học tin rằng “những gì họ tìm ra đều có sẵn.” Các nhà khoa học có thể bác bỏ những điều soi rọi huyền bí mà không hề có bằng chứng ngoại trừ tuyên bố của ai đó, nhưng họ cũng khó tin tưởng rằng kiến
thức của họ về Tự nhiên là hoàn chỉnh.
Khoa học còn lâu mới là một công cụ tri thức hoàn hảo. Nó chỉ là thứ tốt nhất mà chúng ta có. Ở khía cạnh này, cũng như trong nhiều khía cạnh khác, nó giống như nền dân chủ. Khoa học tự nó không thể biện hộ cho phương hướng hành động của con người, nhưng chắc chắn nó có thể làm sáng tỏ những kết quả khả dĩ của những phương hướng hành động khác nhau.
Lối tư duy khoa học vừa mang tính tưởng tượng vừa có tính kỷ luật. Đây là trọng tâm cho thành công của nó. Khoa học yêu cầu chúng ta phải tính đến các sự thật, thậm chí khi những sự thật này không phù hợp với những định kiến có sẵn của chúng ta. Nó khuyên chúng ta nên có sẵn trong đầu những giả thuyết khác nhau và xem giả thuyết nào phù hợp với sự thật nhất. Nó đòi hỏi chúng ta có sự công bằng tinh tế giữa thái độ cởi mở với những ý tưởng mới, cho dù là kỳ dị, với việc nhìn nhận mọi thứ - những ý tưởng mới và tri thức đã xác định - bằng thái độ hoài nghi nghiêm khắc nhất. Cách suy nghĩ này cũng là một công cụ quan trọng cho một nền dân chủ trong một kỷ nguyên thay đổi.
Một trong những lý do khoa học thành công là vì khoa học có bộ máy sửa sai thường trực ngay trung tâm của nó. Một số người có thể coi đây là một đặc điểm bình thường, nhưng với tôi, mỗi lần chúng ta tự phê bình, mỗi lần chúng ta kiểm chứng những ý tưởng của mình so với thế giới bên ngoài, chính là chúng ta đang làm khoa học. Khi chúng ta tự dung túng và không biết phê bình, khi chúng ta từ chối hy vọng và sự thật, chúng ta đang thiên về giả khoa học và mê tín dị đoan.
Mỗi lần một bài viết khoa học trình bày được một chút dữ liệu, nó
thường đi kèm với một mức sai sót – một yếu tố đơn giản nhưng kiên định gợi nhắc rằng không có kiến thức nào là hoàn chỉnh hay hoàn hảo. Nó là một bước xác định xem chúng ta tin tưởng vào những gì chúng ta nghĩa là mình biết đến mức nào. Nếu mức sai sót nhỏ thì độ chính xác của kiến thức kinh nghiệm của chúng ta cao; nếu mức sai sót lớn thì kiến thức của chúng ta càng không chắc chắn. Trừ trong toán học thuần túy, còn lại không có gì là chắc chắn cả (mặc dù rất nhiều thứ chắc chắn là không đúng).
Hơn nữa, các nhà khoa học thường rất thận trọng mô tả tình trạng thật những nỗ lực của chúng ta nhằm hiểu về thế giới – từ những phỏng đoán và giả thuyết, vốn rất không chắc chắn, đến những quy luật của Tự nhiên vẫn liên tục được khẳng định một cách có hệ thống thông qua nhiều hình thức chất vấn xem thế giới vận hành như thế nào. Nhưng ngay cả các quy luật của Tự nhiên cũng không chắc chắn tuyệt đối. Có thể có những trường hợp mới chưa bao giờ được kiểm chứng trước đó – bên trong những lỗ đen chẳng hạn, hay ngay trong các electron, hoặc gần đạt tới tốc độ ánh sáng – trong đó ngay cả những quy luật Tự nhiên vẫn được ca ngợi cũng thất bại và vần đính chính cho dù chúng có thể có giá trị trong những trường hợp bình thường.
Con người có thể rất muốn đạt được sự chắc chắn tuyệt đối; họ có thể khao khát điều đó; họ có thể vờ như đã đạt được điều đó, giống như tín độ của một số tôn giáo nhất định. Nhưng lịch sử khoa học – kể cả khẳng định thành công nhất đối với vốn kiến thức mà loài người tiếp cận được – dạy rằng điều chúng ta có thể hy vọng nhất là liên tục cải thiện hiểu biết của mình, học hỏi từ những sai lầm của mình, một cách tiếp cận tiệm cận đến Vũ trụ, nhưng với điều kiện là sự chắc chắn tuyệt đối sẽ luôn vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta.
Chúng ta sẽ luôn bị sa vào sai lầm. Điều mà mỗi thế hệ có thể hy vọng nhất là giảm bớt mức sai sót một chút, và bổ sung thêm vào kho dữ liệu mà mức sai sót có thể áp dụng. Mức sai sót là một sự tự đánh giá hữu hình, rộng khắp về mức độ đáng tin cậy của vốn kiến thức của chúng ta. Bạn có thể thường thấy sai sót trong các cuộc trưng cầu dân ý (“mức độ không chắc chắn là +/-3”) Hãy tưởng tượng ra một xã hội trong đó mọi phát ngôn ghi trong Hồ sơ Quốc hội, mọi chương trình truyền hình thương mại, mọi bài thuyết giáo đều có sai sót hoặc gì đó tương đương đi kèm.
Một trong những lời răn rất lớn của khoa học là “Không tin vào những lý lẽ của giới có thẩm quyền.” (Các nhà khoa học, vốn đều là những người có địa vị, nếu xét trong hệ thống thứ bậc hiện hành, dĩ nhiên không phải lúc nào cũng theo đúng lời răn này). Có quá nhiều những lý lẽ như vậy sai hoàn toàn. Những người có thẩm quyền cũng phải chứng minh lý lẽ của mình như tất cả mọi người khác. Tính độc lập này của khoa học, thái độ không sẵn sàng chấp nhận tri thức thông thường của khoa học, khiến cho khoa học nguy hiểm đối với những học thuyết ít có tính tự phê bình, hoặc những học thuyết tự phụ.
Vì khoa học mang chúng ta đến với hiểu biết về cách vận hành của thế giới, chứ không phải là cách chúng ta mong ước nó vận hành, nên những phát kiến có thể không phải trong trường hợp nào cũng có thể lĩnh hội được ngay lập tức hoặc làm ta vừa ý. Có thể phải dụng công một chút để tái cơ cấu những nếp nghĩ của chúng ta. Một phần khoa học rất đơn giản. Khi khoa học trở nên phức tạp thì đó thường là vì thế giới vốn phức tạp – hoặc vì chúng ta phức tạp. Khi chúng ta né tránh nó chỉ vì dường như nó quá khó (hoặc vì chúng ta được dạy dỗ quá sơ sài), chúng ta đã từ bỏ mất khả năng kiểm soát tương lại của mình. Chúng ta đã bị tước bỏ quyền của mình. Sự
tự tin của chúng ta bị xói mòn.
Nhưng khi chúng ta vượt qua rào cản đó, khi những phát hiện và phương pháp của khoa học đến được với chúng ta, khi chúng ta hiểu và đưa kiến thức này vào sử dụng, nhiều người cảm thấy cực kỳ hài lòng. Điều này hoàn toàn đúng với tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là trẻ em – vốn được sinh ra với niềm đam mê dành cho kiến thức, với nhận thức rằng chúng phải sống trong một tương lai do khoa học định hình, nhưng cũng thường bị thuyết phục khi bước vào tuổi vị thành niên rằng khoa học không phải để dành cho chúng. Tôi biết rất rõ, cả từ việc người ta giải thích về khoa học cho tôi và từ những cố gắng của chính tôi nhằm giải thích khoa học cho người khác, rằng thật sung sướng khi chúng ta nắm bắt được khoa học, khi những thuật ngữ khó hiểu đột nhiên hé mở ý nghĩa, khi chúng ta nắm bắt được bản chất của cả mớ chuyện rắc rối, khi mà những điều kỳ diệu phi thường được tiết lộ.
Trong cuộc hội ngộ của nó với Tự nhiên, khoa học luôn luôn gợi lên cảm giác sùng kính và e sợ. Hành động tìm hiểu là một hình thức tôn vinh sự kết hợp, hợp nhất, thậm chí trên quy mô khiêm tốn nhất, với sự vĩ đại của Vũ trụ. Và quá trình hình thành dần kiến thức trên quy mô toàn thế giới theo thời gian biến khoa học thành một thứ gì đó giống như trí tuệ siêu việt xuyên quốc gia, xuyên thế hệ.
Từ “tinh thần” (spirit) xuất phát từ một từ La tinh có nghĩa “hít thở.” Thứ chúng ta hít thở là không khí, một thứ vật chất rõ ràng, tuy loãng. Mặc dù bị dùng theo hướng trái ngược nhưng không nhất thiết có hàm nghĩa trong tính từ “tinh thần” mà chúng ta vẫn nói về bất cứ thứ gì khác không phải vật chất (kể cả thứ vật chất cấu thành nên não bộ), hay bất kỳ thứ gì bên ngoài lãnh địa khoa học. Thi thoảng, tôi cảm thấy thoải mái sử dụng từ này. Khoa học không chỉ tương
hợp với yếu tố tinh thần; nó còn là nguồn gốc sâu thẳm của yếu tố tinh thần. Khi chúng ta nhận ra không gian của mình trong vũ trụ mênh mông tính bằng năm ánh sáng và trong tiến trình thời gian, khi chúng ta nắm bắt được những điều phức tạp, vẻ đẹp, và sự tinh tế của cuộc sống, thì cái cảm giác tăng lên đó, cái cảm xúc hân hoan và mặc cảm được kết hợp lại đó, chắc chắn mang tính tinh thần. Và những tình cảm của chúng ta trong lĩnh vực nghệ thuật hay âm nhạc hoặc văn học cũng vậy, hoặc đối với những hành động dũng cảm quên mình mẫu mực như của Mohanmas Gandhi hoặc Martin Luther King. Khái niệm cho rằng khoa học và tinh thần có gì đó mang tính loại trừ lẫn nhau hoàn toàn không đúng với cả hai khía cạnh này.
---
Khoa học có thể rất khó hiểu. Nó có thể thách thức những tín điều quen thuộc. Khi các sản phẩm của khoa học được sử dụng bởi các chính trị gia hoặc các nhà công nghiệp, nó có thể dẫn tới những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và những đe dọa ghê gớm cho môi trường. Nhưng có một điều bạn phải nói về khoa học: Nó cung cấp nhiều sản phẩm.
Không phải tất cả mọi nhánh khoa học đều có thể dự đoán tương lai – ngành cổ sinh vật học không làm được việc đó – nhưng nhiều ngành khác có thể làm được và với độ chính xác đến kinh ngạc. Nếu bạn muốn biết khi nào sẽ đến đợt Nhật thực tiếp theo, bạn có thể thử hỏi các thuật sĩ hoặc thầy pháp, nhưng tốt hơn cả bạn nên hỏi các nhà khoa học. Họ sẽ nói cho bạn biết cần đứng ở đâu trên Trái đất này, khi nào thì phải có mặt tại đó, và liệu đó sẽ là nhật thực một phần hay toàn phần, hay chỉ là nhật thực hình khuyên. Họ có thể dự đoán được nhật thực, rất đúng giờ, trước cả một thiên niên kỷ. Bạn có thể đến gặp pháp sư để giải một lời nguyền gây ra chứng thiếu
máu ác tính, hoặc bạn có thể uống vitamin B12. Nếu bạn muốn cứu con cái mình khỏi bệnh bại liệt, bạn có thể cầu nguyện hoặc có thể tiêm chủng. Nếu bạn quan tâm đến giới tính của đưa con chưa ra đời, bạn có thể hỏi ý kiến các thầy bói chuyên sử dụng dây rọi tất cả những gì bạn muốn (trái-phải, con trai; trước-sau, con gái – hoặc có thể là một cách khác), nhưng họ sẽ chỉ nói đúng trung bình với tỉ lệ 50-50. Nếu bạn muốn thật sự chính xác (ở đây là chính xác 99%) thì hãy thử bằng phương pháp chọc ối và siêu âm. Hãy thử với khoa học.
Thử nghĩ xem có bao nhiêu tôn giáo cố gắng tạo giá trị cho mình bằng phương pháp tiên tri. Hãy nghĩ xem có bao nhiêu người dựa vào những lời tiên tri này, cho dù mơ hồ, cho dù không thực hiện được, để củng cố hoặc hỗ trợ cho những niềm tin của họ. Nhưng đã từng có một tôn giáo với khả năng tiên tri chính xác và mức độ đáng tin cậy của khoa học hay chưa? Trên hành tinh này không có một tôn giáo nào không them muốn có được khả năng tiên đoán những sự kiện tương lai – một cách chính xác, và liên tục được chứng minh trước những thái độ hoài nghi. Chưa có một thiết chế nào của con người tiến gần được đến chỗ đó.
Liệu đây có phải những gì đang được tôn thờ trên bàn thờ khoa học? Liệu đây có phải những gì thay thế tín điều này bằng tín điều khác, tùy tiện như nhau. Theo quan điểm của tôi, không hề như vậy. Thành công nhận thấy trực tiếp của khoa học là lý do tôi ủng hộ việc sử dụng khoa học. Nếu có gì đó khác hiệu quả hơn thì tôi sẽ ủng hộ cái đó. Phải chăng khoa học cách ly chính nó với sự phê bình triết học? Phải chăng nó định nghĩa chính mình như là giữ thế độc quyền về “chân lý”? Xin hãy thử nghĩ lại vấn đề nhật thực ở trong tương lai một nghìn năm nữa. Hãy so sánh thật nhiều học thuyết mà bạn có thể nghĩ ra, hãy lưu ý đến những dự đoán về tương lai của các học
thuyết này, cái nào mơ hồ, cái nào chính xác, và học thuyết nào – tất cả đều bị ảnh hưởng bởi khả năng phạm sai lầm của con người – có các cơ chế sửa sai hình thành sẵn. Cần lưu tâm đến thực tế rằng không có học thuyết nào là hoàn hảo. Sau đó, chỉ việc chọn ra học thuyết có tác dụng nhất (không phải là cảm nhận) sau khi đã so sánh rất công bằng. Nếu các học thuyết khác nhau tỏ ra ưu việt trong những lĩnh vực độc lập và khá tách biệt thì dĩ nhiên chúng ta hoàn toàn tự do lựa chọn một vài học thuyết – nhưng không làm vậy nếu chúng đối lập nhau. Khác hẳn với kiểu sùng bái thần tượng, đây là một biện pháp giúp chúng ta phân biệt những hình tượng giả từ cái chân thật.
Một lần nữa, lý do khoa học phát huy hiệu quả một phần là vì cái cơ chế sửa sai đã hình thành đó. Trong khoa học, không có câu hỏi cấm kỵ nào, không có vấn đề gì là quá nhạy cảm hay tinh tế đến mức không thể khảo sát, không có chân lý bất khả xâm phạm. Thái độ cởi mở trước những ý tưởng mới, kết hợp với việc nghiên cứu tỉ mỉ tất cả các ý tưởng một cách hoài nghi và nghiêm ngặt nhất, giúp đãi cát lấy vàng. Việc bạn thông minh, oai vệ hay đáng yêu đến đâu cũng không có gì khác cả. Bạn phải chứng mình trường hợp của mình trước sự phê phán rất kiên quyết của giới chuyên gia. Tính đa dạng và việc tranh luận được đánh giá cao. Các ý kiến được khuyến khích tranh đấu – mạnh mẽ và theo chiều sâu.
Quy trình khoa học nghe có thể hỗn độn và rối ren. Ở mặt nào đó, đúng như vậy. Nếu bạn kiểm chứng khoa học ở phương diện thường nhật của nó, dĩ nhiên bạn thấy rằng các nhà khoa học trải qua tất cả tình cảm, tính cách và cá tính của con người. Nhưng có một khía cạnh thực sự ấn tượng với người ngoài, và đó là găng tay sắt của việc phê bình, được coi là chấp nhận được hay thậm chí đáng ao ước. Các nhà khoa học tập việc nhận được từ những người
thầy của họ sự khuyến khích nồng nhiệt và đầy cảm hứng. Nhưng một sinh viên yếu trong buổi khảo thí miệng bậc tiến sĩ phải nhận những câu hỏi dồn dập từ những giáo sư nắm giữ tương lại của ứng viên trong tay. Lẽ đương nhiên, sinh viên rất lo lắng; có ai lại không như vậy chứ? Đúng, họ đã chuẩn bị điều này suốt nhiều năm. Nhưng họ hiểu rằng ở thời điểm sống còn này, họ phải đủ khả năng trả lời những câu hỏi tìm hiểu mà các chuyên gia nêu lên. Cho nên, khi chuẩn bị bảo vệ những đề tài này, họ phải thực hành một thói quen tư duy rất hữu ích: Họ phải tiên liệu các câu hỏi; họ phải hỏi: Trong luận văn của mình có điểm yếu ở chỗ nào khiến ai đó khác có thể tìm ra không? Tôi sẽ xác định điều này trước khi họ làm việc đó.
Bạn ngồi dự những hội nghị khoa học với nhiều tranh cãi. Bạn tham gia các hội thảo chuyên đề ở trường đại học trong đó diễn giả khó lòng nói được 30 giây mà vẫn không hề tối tăm mặt mũi vì những câu hỏi và bình luận từ phía cử tọa. Bạn kiểm chứng các hội thảo trong đó một báo cáo viết được gửi tới một tạp chí khoa học, để có thể xuất bản, nhưng sau đó được ban biên tập gửi tới hội đồng thẩm định khuyết danh có nhiệm vụ là đặt câu hỏi: Tác giả đã làm việc rất ngu ngốc chăng? Ở đây có gì đủ thú vị để xuất bản không nhỉ? Những khiếm khuyết của bài viết này là gì? Có ai khác đã tìm ra những kết quả chính chưa? Luận điểm có phù hợp không, hoặc bài viết này có cần đệ trình lại sau khi tác giả đã chứng minh những gì chỉ được nghiên cứu ở đây không? Và mọi việc đều khuyết danh: Tác giả không hề biết những người phê bình là ai. Đây là chuyện thường ngày trong cộng đồng khoa học.
Tại sao chúng ta lại phải chấp nhận nó? Chúng ta thích bị phê bình chăng? Không, không nhà khoa học nào thích chuyện này cả. Tất cả các nhà khoa học đều cảm thấy một tình cảm yêu mến riêng đối với các ý tưởng và phát hiện của mình. Tuy vậy, bạn không đáp
lại các ý kiến phê bình bằng những câu thế này: Đợi một phút; đây thật sự là một ý tưởng hay; tôi rất quan tâm đến nó; nó có hại gì cho các vị đâu; xin để cho nó được yên. Thay vào đó, quy luật khắc nghiệm nhưng công bằng là nếu các ý tưởng không có ý nghĩa thì bạn phải từ bỏ chúng. Đừng phí các nơ ron thần kinh vào những gì không có tác dụng. Hãy dành những nơ ron thần kinh ấy cho những ý tưởng mới giúp giải thích dữ liệu tốt hơn. Nhà vật lý người Anh Michael Faraday từng nói về sức mê hoặc mạnh mẽ
Trong việc tìm kiếm những bằng chứng và biểu hiện có lợi cho những ước muốn của chúng ta, và coi thường những gì đối lập với chúng… Chúng ta đón nhận một cách thân thiện những gì đồng ý với [chúng ta], chúng ta phản ứng lại những gì đối lập với mình; nhưng ngược lại theo lẽ thường, vẫn cần có cái trái ngược.
Phê bình hợp lý rất có lợi cho bạn.
Một số người coi khoa học là kiêu ngạo – đặc biệt khi nó có mục đích phủ nhận những tín điều đã có tồn tại lâu hoặc khi nó đưa ra những khái niệm lạ lùng dường như trái lập với lẽ thường. Như một trận động đất, nó thách thức niềm tin nền tảng của chúng ta, thách thức những tín điều quen thuộc của chúng ta, làm chấn động cả những học thuyết mà chúng ta đã nuôi dưỡng để làm chỗ dựa. Tuy nhiên, tôi tin rằng khoa học rất khiêm nhường. Các nhà khoa học không tìm cách áp đặt nhu cầu và mong muốn của họ lên Tự nhiên, mà thay vào đó tìm hiểu Tự nhiên một cách khiêm nhường và đón nhận một cách nghiêm túc những gì họ tìm ra. Chúng ta nhận thức được rằng các nhà khoa học đáng kính cũng sai. Chúng ta hiểu sự không hoàn hảo của con người. Chúng ta nhấn mạnh đến việc xác minh độc lập và - ở chừng mực có thể - định lượng đối với những nguyên lý tín điều được đề xuất. Chúng ta không ngừng khơi gợi,
nghi ngờ, tìm kiếm những điều mâu thuẫn hoặc những sai sót nho nhỏ không tránh khỏi, đưa ra những lời giải thích thay thế, khuyến khích dị giáo. Chúng ta dành những phần thưởng cao quý nhất cho những ai bác bỏ được một cách thuyết phục những tín điều đã được xác lập.
Đây là một trong rất nhiều ví dụ: các định luật chuyển động và định luật vạn vật hấp dẫn gắn liền với tên tuổi Isaac Newton rất được coi trọng trong số các thành tựu của loài người. Ba trăm năm sau, chúng ta sử dụng động năng Newton để dự đoán thiên thực. Nhiều năm sau khi rời bệ phóng, ở cách xa Trái đất hàng tỉ dặm (với những hiệu chỉnh nhỏ duy nhất từ Einstein), con tàu vũ trụ tới được một điểm đã xác định trước trong quỹ đạo của thế giới đích. Độ chính xác thật kinh ngạc. Rõ ràng, Newton đã biết những gì ông thực hiện.
Nhưng các nhà khoa không chấp nhận cứ mặc nhiên như vậy. Họ vẫn không ngừng tìm kiếm những vết rạn trên bộ giáp Newton. Ở tốc độ cao và trọng lực lớn, vật lý Newton sụp đổ. Đây là một trong những phát hiện vĩ đại của Thuyết Tương đối Tổng quát của Albert Einstein, và là một trong những lý do trí tuệ của ông được tôn vinh đến vậy. Môn vật lý Newton có ý nghĩa trong một loạt điều kiện, kể cả đời sống thường nhật. Nhưng trong những tình huống đặc biệt nhất định đối với con người – rốt cuộc, chúng ta không có thói quen đi lại gần bằng tốc độ ánh sáng – nó không đưa ra được câu trả lời đúng; nó không thích hợp với những quan sát của Tự nhiên. Thuyết Tương đối Tổng quát không có gì khác biệt với vật lý Newton về mặt giá trị, nhưng lại đưa ra những dự đoán rất khác – những dự đoán rất tương thích với quan sát – trong những cơ chế khác (tốc độ cao, trọng lực mạnh). Vật lý Newton hóa ra chỉ ở mức gần đạt tới chân lý, hữu ích trong các trường hợp chúng ta đã quen, nhưng lại vô hiệu với các trường hợp khác. Nó là một thành tựu rực rỡ và đáng tôn vinh của tư
duy con người, nhưng nó có nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, theo hiểu biết của chúng ta về khả năng dễ sai sót của con người, lưu ý tới ý kiến cho rằng chúng ta có thể tiếp cận chân lý một cách tiệm cân nhưng sẽ chẳng bao giờ đạt được nó, các nhà khoa học ngày nay đang khảo sát những cơ chế trong đó Thuyết Tương đối Tổng quát có thể sai. Chẳng hạn, Thuyết Tương đối Tổng quát dự đóa một hiện tượng gọi là các sóng hấp dẫn vốn chưa bao giờ được nhận biết một cách trực tiếp. Nhưng nếu chúng khôn tồn tại thì Thuyết Tương đối Tổng quát có gì đó sai cơ bản. Các ẩn tinh là những ngôi sao neutron quay rất nhanh có tốc độ chớp sáng hiện đo được tới 15 đơn vị thập phân. Hai ẩn tinh rất đậm đặc trong quỹ đạo của nhau được dự đoán phát ra lượng sóng hấp dẫn rất lớn – mà sẽ có lúc làm thay đổi chút ít quỹ đạo và chu kỳ quay của hai ngôi sao này. Joseph Taylor và Russell Hulse từ Đại học Princeton đã sử dụng phương pháp này để kiểm chứng những dự đoán của Thuyết Tương đối Tổng quát theo một cách hoàn toàn mới. Với tất cả những gì họ biết, kết quả sẽ không tương thích với Thuyết Tương đối Tổng quát và có thể đánh đổ một trong những trụ cột chính của vật lý hiện đại. Chúng không chỉ sẵn sàng thách thức Thuyết Tương đối Tổng quát mà người ta còn rất khuyến khích chúng làm được điều đó. Những quan sát đối với các ẩn tinh nhị nguyên đem lại sự xác thực một cách chính xác những dự đoán của Thuyết Tương đối Tổng quát, và vì thành công này, Taylor và Hulse cùng nhận được giải Nobel Vật lý vào năm 1993. Bằng nhiều cách khác nhau, có nhiều nhà vật lý khác đang kiểm chứng Thuyết Tương đối Tổng quát – chẳng hạn bằng cách trực tiếp dò tìm các sóng hấp dẫn khó phát hiện. Họ hy vọng áp dụng triệt để lý thuyết này đến ngưỡng cao nhất và phát hiện xem liệu có tồn tại một cơ chế của Tự nhiên trong đó bước tiến vĩ đại của Einstein về tri thức bắt đầu sai sót không.
Những nỗ lực này sẽ tiếp tục chừng nào vẫn còn các nhà khoa học. Thuyết Tương đối Tổng quát chắc chắn là một cách mô tả chưa đầy đủ về Tự nhiên ở cấp độ lượng tử, nhưng thậm chí nếu không phải như vậy, thậm chí nếu Thuyết Tương đối Tổng quát đúng ở mọi nơi và có giá trị mãi mãi thì còn cách nào thuyết phục chúng ta về giá trị của nó hơn là một nỗ lực chung nhằm phát hiện những nhược điểm và hạn chế của nó chứ?
Đây là một trong những lý do các tôn giáo có tổ chức không khiến cho tôi thấy tin tưởng. Những thủ lĩnh nào của các tín điều chính dám thừa nhận rằng tín điều của họ có thể không hoàn chỉnh hoặc sai lầm và dám thiết lập các thiết chế để tìm ra những khiếm khuyết mang
tính chủ thuyết có thể có? Ngoài quá trình kiểm nghiệm trong cuộc sống thường nhật, liệu có ai đang kiểm nghiệm một cách có hệ thống những tình huống trong đó những lời dạy tôn giáo truyền thống có thể không còn áp dụng được nữa không? (Chắc chắn có thể thừa nhận rằng các học thuyết vào đạo đức từng vận hành rất ổn thỏa trong thời trung cổ hay trong chế độ gia trưởng hoặc giáo lý có thể không còn giá trị trong một thế giới rất khác mà chúng ta đang sống hiện nay?) Có bài thuyết giáo nào công tâm kiểm chứng giả thuyết về Chúa không? Những người hoài nghi tôn giáo nhận được phần thưởng gì từ các tôn giáo đã định hình – hay, cũng với lý do đó, những người hoài nghi kinh tế và xã hội nhận được phần thưởng gì từ xã hội nơi họ sống?
Khoa học, như Ann Druyan nhận xét, mãi mãi thì thầm bên tai chúng ta rằng “Hãy nhớ, bạn còn rất rất mới mẻ ở lĩnh vực này. Bạn có thể sai lầm. Bạn đã từng sai rồi đấy thôi.” Bất chấp tất cả những bàn luận về tính khiêm nhường, xin hãy chỉ cho tôi thấy gì đó có thể so sánh trong tôn giáo. Người ta nói Kinh thánh lấy cảm hứng từ thần thánh – một cách nói rất nhiều ý nghĩa. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu
nó chỉ đơn thuần được tạo ra bởi chính người trần mắt thịt rất dễ phạm sai lầm? Nhiều phép màu được nhìn nhận, nhưng điều gì xảy ra nếu thực ra đó chỉ là sự pha trộn giữa trò bịp bợm, những trạng thái ý thức không quen thuộc, tình trạng hiểu sai về các hiện tượng tự nhiên, và bệnh tâm thần? Đối với tôi, dường như không một tôn giáo và niềm tin hiện tại nào xem xét đầy đủ sự vĩ đại, tráng lệ, tinh vi và phức tạp của cái Vũ trụ mà khoa học đã khám phá. Trong tâm thức tôi, thực tế rằng Kinh thánh dự báo được quá ít những phát hiện của khoa học hiện đại càng làm thăng thêm nghi ngờ về cảm hứng thần thánh của Kinh thánh.
Nhưng dĩ nhiên có thể tôi sai.
---
Hãy đọc hai đoạn trích dưới đây – không phải để hiểu thứ khoa học được mô tả, mà là có được cảm nhận về cách tư duy của tác giả. Ông ấy đối mặt với những dị thường, những nghịch lý rõ ràng trong vật lý; những gì ông ấy gọi là “mất cân xứng.” Chúng ta có thể học được gì từ những điều này?
Người ta biết rằng điện động lực học của Maxwell – như vẫn thường được hiểu ở thời điểm hiện tại – khi áp dụng cho các bộ phận chuyển động, dẫn tới những mất cân xứng có vẻ như không phải là đặc điểm vốn có trong các hiện tượng ấy. Lấy ví dụ về hoạt động điện động thuận nghịch của một nam châm và một thiết bị dẫn điện. Hiện tượng có thể quan sát được ở đây chỉ lệ thuộc vào chuyển động tương đối của thiết bị dẫn điện và nam châm, trong khi quan điểm thông thường nêu ra điểm khác biệt rõ rệt giữa hai trường hợp trong đó một trong hai bộ phận ở tình trạng chuyển động. Nếu như nam châm chuyển động và thiết bị dẫn điện đứng yên thì xung quanh nam
châm xuất hiện một trường điện tích với một năng lượng rõ rệt nhất định, sản sinh ra một dòng điện tại những vị trí nơi bố trí các bộ phận của thiết bị dẫn điện. Nhưng nếu nam châm tĩnh và thiết bị dẫn điện chuyển động, không có trường điện nào xuất hiện xung quanh nam châm cả. Tuy nhiên, trong thiết bị dẫn điện, chúng ta lại thấy một lực điện động nhưng không có năng lượng tương thích nào trong đó. Lực này làm tăng – cứ cho rằng có sự cân bằng chuyển động tương đối ở cả hai trường hợp – các dòng điện với cùng đường dẫn và cường độ như các dòng điện do các lực điện tạo ra trong trường hợp thứ nhất.
Những ví dụ kiểu này, cùng với những nỗ lực không thành công nhằm phát hiện ra bất cứ chuyển động nào của trái đất có liên quan đến “ê te”, đều cho thấy rằng những hiện tượng điện động cũng như cơ học không hề có những thuộc tính tương ứng với ý tưởng về sự nghỉ tuyệt đối. Thay vào đó, như đã thấy đối với nhóm số lượng nhỏ đầu tiên, chúng gợi ý rằng những quy luật tương tự về điện động và quang học sẽ có giá trị với tất cả các khung tham chiếu mà các phương trình cơ học có thể áp dụng được.
Tác giả đang cố gắng nói với chúng ta điều gì ở đây? Tôi sẽ thử giải thích thông tin nền tảng ở phần sau của cuốn sách này. Còn giờ đây, có lẽ chúng ta cùng thừa nhận rằng ngôn ngữ là thừa thãi, mang tính kỹ thuật, thận trọng, rõ ràng và không hề phức tạp hơn cần phải vậy một tí nào. Từ cách diễn đạt (hoặc từ cái tiêu đề hết sức giản dị “Về điện động của các vật chuyển động”), bạn sẽ không thể đoán ngay được rằng bài viết này miêu tả sự ứng dụng quan trọng của lý thuyết Tương đối Hẹp trong thế giới, cửa ngõ đi tới tuyên bố mang tính chiến thắng của mối tương quan giữa khối lượng và năng lượng, sự giảm bớt của tính tự cao tự đại cho rằng thế giới nhỏ bé của chúng ta chiếm lĩnh một “khung tham chiếu ưu tiên” nào đó trong Vũ trụ, và bằng nhiều cách khác nhau, một sự kiện mang tính thời đại
trong lịch sử loài người. Những lời mở đầu trong bài viết năm 1905 của Albert Eistein mang đặc điểm của một báo cáo khoa học. Nó không mang tính tự phục vụ, rất thận trọng và khá dè dặt. Hãy thử so sánh sắc thái kiềm chế của nó với những sản phẩm của quảng cáo hiện đại, những bài diễn văn chính trị, những tuyên bố mang tính lý thuyết rất đao to búa lớn – hay lời quảng bá trên bìa cuốn sách này cũng vậy.
Xin hãy lưu ý cách mở đầu bài viết của Eistein bằng việc cố gắng làm cho các kết quả thí nghiệm có ý nghĩa. Bất kỳ ở đâu có thể, các nhà khoa học đều thí nghiệm. Những thí nghiệm nào gợi mở cho họ thường tùy thuộc vào lý thuyết nào hiện chiếm ưu thế. Các nhà khoa học gắng sức kiểm chứng những lý thuyết đó đến tận điểm tới hạn của chúng. Họ không tin những gì hiển nhiên về mặt trực giác. Quan điểm cho rằng Trái đất phẳng từng hiển nhiên như một chân lý. Người ta từng hiển nhiên cho rằng những con đỉa hút máu chữa được hầu hết các loại bệnh. Người ta từng hiển nhiên cho rằng một số người phải làm nô lệ là điều đương nhiên và do thiên mệnh. Người ta từng hiển nhiên cho rằng có một nơi ở trung tâm Vũ trụ, và rằng Trái đất tọa lạc ở cái vị trí cao quý ấy. Người ta từng hiển nhiên cho rằng có trạng thái nghỉ ở mức độ tuyệt đối. Chân lý có thể khiến người ta hoang mang hoặc mang tính phản trực giác. Nó có thể phủ nhận những niềm tin đã bám rễ rất sâu. Thí nghiệm là cách chúng ta luận giải nó.
Trong một bữa tối nhiều thập kỷ về trước, người ta mời nhà vật lý Robert W. Wood đáp lễ ly rượu mừng “Vì vật lý và siêu vật lý”. Cụm từ “siêu vật lý” thời đó có nghĩa là một môn gì đó giống như triết học, hoặc là những chân lý bạn có thể công nhận chỉ bằng cách nghĩ về chúng. Chúng cũng có thể bao hàm cả giả khoa học. Wood đã đáp lại như thế này:
Có một nhà vật lý nảy ra một ý tưởng. Ông càng suy ngẫm về nó, dường như nó càng có ý nghĩa. Ông tham khảo tài liệu khoa học. Ông càng đọc thì ý tưởng càng trở nên có triển vọng. Do đó chuẩn bị sẵn sàng, ông tới phòng thí nghiệm và nghĩ ra một thí nghiệm để kiểm chứng nó. Thí nghiệm thật khó nhọc. Nhiều khả năng được kiểm tra. Độ chính xác của các thông số được tăng dần trong khi mức sai sót giảm đi. Ông hoàn toàn thoải mái thí nghiệm mà không cần bận tâm đến hậu quả. Ông chỉ toàn tâm toàn ý vào vấn đề: thí nghiệm nói lên điều gì. Kết thúc công việc này, qua quá trình thí nghiệm cẩn thận, ý tưởng tìm thấy lại chẳng có giá trị gì. Cho nên nhà vật lý vứt bỏ nó, để cho đầu óc mình khỏi vướng bận với vấn đề sai sót, và tiếp tục với việc khác.
--
Đúng như nhà vật lý tiên phong Benjamin Franklin từng đề cập “Trong khi tiến hành những thí nghiệm này, chúng ta đã xây nên bao nhiêu hệ thống, mà chúng ta nhanh chóng thấy chính mình có nghĩa vụ phải phá bỏ?” Ít nhất, ông nghĩ, thí nghiệm đáp ứng được việc “giúp làm cho gã Con Người tự phụ phải khiêm nhường lại.” – TG
--
Sự khác nhau giữa vật lý và siêu vật lý, Wood kết luận khi ông nâng cao ly rượu của mình, không phải là ở chỗ những người thực hành một trong hai lĩnh vực này thông minh hơn những người thực hành lĩnh vực kia. Sự khác biệt là các nhà siêu vật lý không hề có phòng thí nghiệm.
---
Với tôi, có bốn lý do chính cho một nỗ lực chung nhằm truyền tải khoa học – trên sóng phát thanh, truyền hình, phim ảnh, báo chí, sách vở, các chương trình máy tính, những công viên giải trí, và các lớp học – tới mọi công dân. Trong mọi hình thức sử dụng khoa học, vẫn chưa phải là đủ - trên thực tế còn khá nguy hiểm – để tạo ra chỉ một chức thầy tu nhỏ nhoi, thạo việc và được tưởng thưởng xứng đáng cho những người có chuyên môn. Thay vào đó, một số hiểu biết căn bản về những phát hiện và phương pháp của khoa học phải rất sẵn ở quy mô rộng nhất.
· Mặc dù có rất nhiều cơ hội bị sử dụng sai, khoa học có thể chính là con đường vàng thoát khỏi nghèo nàn và lạc lậu cho những quốc gia đang nổi lên. Nó làm cho các nền kinh tế quốc gia và nền văn minh toàn cầu vận hành trơn tru. Nhiều quốc gia hiểu điều này. Đó là lý do vì sao nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học về khoa học và kỹ sư tại các trường đại học Mỹ - vẫn là nơi tốt nhất trên thế giới – là đến từ các quốc gia khác. Hệ luận, cái mà nhiều khi Hoa Kỳ lại không nắm bắt được, là từ bỏ khoa học chính là con đường quay trở lại đói nghèo và lạc hậu.
· Khoa học cảnh báo chúng ta về những hiểm họa do chính những công nghệ làm thay đổi thế giới của chúng ta mang lại, đặc biệt là đối với môi trường toàn cầu mà cuộc sống của chúng ta lệ thuộc vào. Khoa học cung cấp một hệ thống cảnh báo sớm rất cần thiết.
· Khoa học dạy cho chúng ta về những vấn đề sâu xa nhất của nguồn gốc, bản chất, và số phận – của các giống loài chúng ta có, của cuộc sống, Vũ trụ. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta có thể đạt được hiểu biết thật sự về một số vấn đề này. Mọi nền văn hóa trên Trái đất đều đã tìm cách giải quyết những vấn đề như vậy
và rất coi trọng tầm quan trọng của chúng. Tất cả chúng ta đều cảm thấy mình thật ngố khi tiếp cận những vấn đề lớn này. Về lâu dài, món quà lớn nhất của khoa học có thể nằm việc dạy cho chúng ta, bằng những cách thức mà không một nỗ lực nào khác của con người có thể làm được, điều gì đó về bối cảnh vũ trụ của chúng ta, về vấn đề chúng ta ở đâu, ở thời điểm nào và là ai.
· Những giá trị của khoa học và những giá trị của dân chủ rất phù hợp với nhau, trong nhiều trường hợp còn không thể phân biệt được. Khoa học và dân chủ bắt đầu - ở những hình thức biểu hiện văn minh của chúng – cùng lúc và cùng một nơi, tại Hy Lạp vào thế kỷ thứ 7 và 6 trước Công nguyên. Khoa học trao quyền lực cho bất kỳ ai bỏ công học về nó (mặc dù quá nhiều người đã bị ngăn chặn làm việc này
một cách rất hệ thống). Khoa học phát triển, trên thực tế đòi hỏi, mạnh nhờ việc tự do trao đổi các ý tưởng; những giá trị của nó đối chọi với sự bí mật. Khoa học không hề bám chặt lấy một ưu thế đặc biệt hay một vị thế ưu tiên nào. Cả khoa học và dân chủ đều khuyến khích những ý tưởng phi truyền thống và tranh luận mạnh mẽ. Cả hai đều đòi hỏi lẽ phải, luận điểm chặt chẽ, những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về băng chứng và sự trung thực. Khoa học là một cách để “bóc mẽ” những người chỉ vờ như hiểu biết. Nó là bức tường thành chống lại thuyết thần bí, chống lại mê tín dị đoan, chống lại tôn giáo bị lợi dụng ở những nơi không cần đến tôn giáo. Nếu chúng ta trung thành với những giá trị của khoa học, nó có thể cho ta biết khi nào mình bị lừa dối. Nó giúp hiệu chỉnh lại những sai sót của chúng ta. Ngôn ngữ, quy tắc, và phương pháp của khoa học càng phổ biến thì chúng ta càng có cơ hội tốt để giữ gìn những gì Thomas Jefferson và các cộng sự đã nghĩ đến. Nhưng dân chủ cũng có thể bị biến thái thông qua những sản phẩm của khoa học sâu sắc hơn bất kỳ nhân vật mị dân thời tiền công nghiệp nào từng mơ ước.
Việc tìm kiếm “cọng rơm” chân lý trôi nổi trên đại dương nhầm lẫn và lòe bịp đòi hỏi sự cảnh giác, sự tận tụy, và lòng dũng cảm. Nhưng nếu chúng ta không tập những thói quen tư duy cứng rắn này, chúng ta không thể hy vọng giải quyết được những vấn đề thật sự nghiêm túc mà chúng ta gặp phải – và chúng ta có nguy cơ trở thành một dân tộc, một thế giới toàn những kẻ khờ khạo, làm mồi cho những kẻ lừa gạt.
---
Một người ngoài hành tinh mới đặt chân đến Trái đất – xem xét rất kỹ những gì chúng ta trình bày cho con cháu mình trên truyền hình, đài phát thanh, phim ảnh, báo chí, truyện tranh, và nhiều loại sách vở - có thể dễ dàng kết luận rằng chúng ta chỉ mải mê dạy chúng giết người, cưỡng hiếp, tàn bạo, mê tín, nhẹ dạ, và hưởng thụ. Chúng ta vẫn luôn làm như vậy, và thông qua việc liên tục lặp lại, nhiều con cháu chúng ta cuối cùng tiêm nhiễm điều đó. Chúng ta có thể tạo nên mô hình xã hội gì nếu, thay vào đó, chúng ta dạy cho thế hệ sau về khoa học và hy vọng?
Chương 3. HÌNH NGƯỜI TRÊN MẶC TRĂNG VÀ GƯƠNG MẶT TRÊN SAO HỎA
Nguyệt dũng đại giang lưu …
Phiêu phiêu hà sở tự
Thiên địa nhất sa âu
“Lữ dạ thư hoài”, Đỗ Phủ
(Trung Quốc, Đường triều, 765)
Sông dài cuồn cuộn bóng trăng thâu.
…
Thân thế chơi vơi tuồng ngoại vật,
Bãi sa trời rộng giống chim âu.
“Nỗi niềm đêm đất khách”, dịch thơ: Chi Điền
Mỗi lĩnh vực khoa học có phần bù đắp của riêng nó cho giải khoa học. Các nhà địa vật lý có Trái đất phẳng, Trái đất rỗng, Trái đất với các trục chao đảo dữ dội khiến cho các lục địa trồi lên và chìm xuống nhanh chóng, cộng thêm những lời tiên tri về động đất. Các nhà thực vật học có những loại cây với đời sống tình cảm có thể theo dõi được bằng máy phát hiện nói dối, các nhà nhân loại học thì có người vượn vẫn còn sống sót, các nhà động vật học có khủng long còn tồn tại, và
các nhà sinh học tiến hóa thì tranh cãi với những người giải thích Kinh thánh theo nghĩa đen. Các nhà khảo cổ có những phi hành gia thời cổ đại, chữ rune, và những bức tượng giả. Các nhà vật lý có những cỗ máy chuyển động không ngừng, vô số những chứng nhân phủ nhận tính tương đối nghiệp dư, và có lẽ cả hiện tượng nấu chảy nguội. Các nhà hóa học vẫn còn thuật giả kim. Giới tâm lý học theo đuổi phân tâm học rất nhiều và hầu như tất cả đều nghiên cứu cận tâm lý học. Các chuyên gia kinh tế có những dự báo kinh tế tầm xa. Cho đến nay, giới khí tượng học cũng có những dự đoán thời tiết tầm xa, như trong Niên giám Nông dân (Farmer’s Almanac) dựa theo vết đen trên Mặt trời (mặc dù dự báo khí hậu lâu dài lại là vấn đề khác). Ngành thiên văn có môn tử vi, với tư cách là môn giả khoa học nổi trội nhất của mình. Các lĩnh vực giả khoa học nhiều khi giao cắt, càng khiến mọi người dễ lầm lẫn – như trong các cuộc tìm kiếm những kho báo đã bị chôn vùi từ lục địa Atlantis bằng hình thức ngoại cảm, hoặc những dự đoán kinh tế dựa vào tử vi.
Nhưng vì tôi chủ yếu nghiên cứu các hàng tinh, và vì tôi quan tâm đến khả năng có sự sống ngoài Trái đất, cho nên những lĩnh vực giả khoa học thường dính dáng đến tôi nhất chủ yếu liên quan đến các thế giới khác và những gì chúng ta thường gọi là “người ngoài hành tinh.” Trong các chương kế tiếp, tôi muốn đưa ra hai học thuyết giả khoa học gần đây, có phần liên quan với nhau. Chúng đều cùng chung khả năng rằng những điều không hoàn hảo liên quan đến nhận thức và tri giác của con người đóng một vai trò trong việc đánh lừa chúng ta về những vấn đề quan trọng. Học thuyết thứ nhất cho rằng trên lớp cát ở Sao Hỏa có một gương mặt bằng đá khổng lồ từ xa xưa đang đăm đăm vô cảm nhìn lên bầu trời. Học thuyết thứ hai thì khẳng định rằng những sinh vật ngoài hành tinh từ những thế giới xa xôi thỉnh thoảng lại tới thăm Trái đất.
Thậm chí tóm lược một cách cẩu thả thì chẳng lẽ suy ngẫm về những luận điểm này lại không có hề gợi chút ly kỳ nào ư? Sẽ sao nếu những ý tưởng khoa học viễn tưởng rất cổ xưa ấy – chắc chắn là thấm đẫm tâm lý sợ sệt và khát khao của loài người – thực tế lại đúng như vậy? Lợi ích của ai có thể chịu thiệt thòi đây? Chìm đắm trong mớ tư liệu như vậy thì ngay đến kẻ hoài nghi đần độn nhất cũng bị lay động. Liệu chúng ta có dám chắc một cách tuyệt đối rằng chúng ta có thể gạt bỏ những luận điểm như vậy không? Và nếu những debunker dày dạn có thể cảm nhận được sức hấp dẫn thì những người không được rèn luyện về kỹ năng nghi ngờ khoa học, như Ngài “Buckley”, sẽ cảm thấy gì?
---
Trong hầu hết lịch sử - trước khi có tàu vũ trụ, trước cả kính viễn vọng, khi chúng ta vẫn còn chìm đắm trong tư duy phép thuật – thì Mặt trăng là một bí ẩn. Gần như không ai nghĩ đến nó với tư cách một thế giới.
Thực tế chúng ta nhìn thấy gì khi ngước nhìn lên Mặt trăng bằng mắt thường? Chúng ta nhận thấy hình dạng những vệt sáng và tối không theo quy tắc nào cả - không phải là biểu hiện gần gũi của bất kỳ sự vật quen thuộc nào. Nhưng, gần như không cưỡng lại được, mắt ta kết nối các hình thù, nhấn mạnh một số hình, bỏ qua những hình khác. Chúng ta tìm kiếm một hình mẫu, và chúng ta tìm ra. Trong thế giới huyền thoại và văn hóa dân gian, nhiều hình ảnh được nhìn ra: một người phụ nữ đang dệt vải, vườn cây nguyệt quế, một con voi đang nhảy khỏi vách đá, một cô gái với cái gùi trên lưng, một con thỏ, những khúc ruột của Mặt trăng bị xổ ra ngay trên bề mặt sau khi bị một con chim không biết bay nổi điên moi ruột, một phụ nữ đang đập vải, một con báo bốn mắt. Người của nền văn hóa này thấy
khó hiểu được những điều kỳ quái kiểu như vây mà người của nền văn hóa khác nhìn ra.
Hình ảnh phổ biến nhất là gương Mặt người trên Mặt trăng. Dĩ nhiên, nó không thật sự trông đúng như một người. Các đặc điểm của nó không cân xứng, méo mó, ủ rũ. Bên trên mắt trái có một miếng bít tết bò hay gì đó. Còn cái miệng đó thể hiện cảm xúc gì chứ? Một chữ “O” đầy ngạc nhiên chăng? Hay một nét buồn, thậm chí là than khóc chăng? Rầu rĩ công nhận những cực nhọc của cuộc sống trên Trái đất chăng? Chắc chắn là gương mặt quá tròn. Tai thì không có. Tôi đoán đỉnh đầu anh ta trọc lóc. Tuy nhiên, lần nào nhìn nó, tôi cũng nhìn ra một gương mặt người.
Nền văn hóa dân gian thế giới mô tả Mặt trăng như một thứ gì đó tẻ ngắt. Ở thế hệ trước khi có các tàu vũ trụ Apollo, trẻ em được kể rằng Mặt trăng làm bằng pho mát màu xanh lục (tức là đã ôi) và vì một lý do nào đó, người ta nghĩ điều này không hề kỳ lạ mà rất vui nhộn. Trong sách của trẻ em và truyện tranh, hình người trên Mặt trăng thường được vẽ giản dị là một gương mặt đặt trong một vòng tròn, không quá khác so với “gương mặt vui cười” với hai chấm và một vòng cung lộn ngược. Gương mặt ấy hiền từ nhìn xuống cảnh vui đùa ban đêm của muôn loài và trẻ em.
Hãy xem lại hai dạng địa hình chúng ta biết khi chúng ta khám phá Mặt trăng bằng mắt thường: phần trán, hai gò má và cằm sáng hơn; còn mắt và miệng thì tối hơn. Qua kính thiên văn, những điểm sáng được thể hiện là những cao nguyên cổ với nhiều miệng núi lửa, có niên đại như chúng ta biết hiện nay (từ phương pháp xác định niên đại bằng phóng xạ đội với các mẫu vật mà các phi hành gia Apollo mang về) cách đây gần 4,5 tỉ năm. Những điểm tối có vẻ là những dòng dung nham basalt mới hơn gọi là “nguyệt hải”1 mặc dù
chúng ta biết rõ Mặt trăng rất khô. Các nguyện hải xuất hiện trong vài trăm triệu năm đầu tiên trong lịch sử Mặt trăng, một phần do tác động tốc độ cao của các tiểu hành tinh khổng lồ và các sao chổi. Con mắt bên phải là Vũ Hải, miếng thịt bò trùm lên mắt trái là kết hợp của Trừng Hải và Tĩnh Hải (nơi tàu Apollo 11 hạ cánh), và cái miệng mở lệch tâm là Thấp Hải.2 (Mắt người bình thường không thể nhìn thấy bất kỳ miệng núi lửa nào nếu không có thiết bị hỗ trợ).
--
1. Nguyên văn tiếng Anh là “mare”, xuất phát từ tiếng Latin mang nghĩa “đại dương.” – ND
2. Tên các vùng biển trên Mặt trăng ở đây được dịch qua thuật ngữ tiếng Hán. Nguyên văn trong tiếng Anh lần lượt là Mare Imbrium (Biển Mưa), Mare Serenitatis (Biển Lặng), Mare Tranquilitatis (Biển Yên tĩnh), và Mare Humorum (Biển Ẩm thấp). – ND
--
Hình người trên Mặt trăng thực tế là một hồ sơ về những thảm họa cổ xưa – hầu hết đều xảy ra trước khi có con người, trước các loài động vật có vú, trước các loài động vật có xương sống, trước các sinh vật đa bào, và thậm chí có lẽ trước cả khi sự sống hình thành trên Trái đất. Việc dung một gương mặt người để mô tả sự dữ dội của vũ trụ quả là một ý tưởng hài hước.
---
Con người, cũng như các loài linh trưởng khác, thường sống thành bầy đàn. Chúng ta thích ở cùng với nhau. Chúng ta là động vật có vú, và việc cha mẹ chăm sóc con cái là rất cần thiết để bảo đảm
duy trì nòi giống. Cha mẹ mỉm cười với con cái, con cái cười lại, và mối liên hệ được hình thành hoặc củng cố. Đứa trẻ sơ sinh có khả năng nhìn được thì nó sẽ nhận ra các gương mặt, và chúng ta biết rằng kỹ năng này được não bộ chúng ta kiểm soát. Những đứa trẻ
mà cách đây một triệu năm không biết nhận diện một gương mặt sẽ ít mỉm cười đáp lại hơn, ít chiếm được tình cảm của cha mẹ hơn, và ít phát triển được hơn. Còn ngày nay, gần như mọi trẻ sơ sinh đều nhanh chóng nhận ra được một gương mặt người, và đáp lại bằng một nụ cười ngây thơ.
Như một tác dụng phụ vô ý, cơ chế nhận dạng trong não bộ chúng ta hình dung ra một gương mặt từ cả mớ chi tiết hiệu quả đến mức đôi khi chúng ta nhìn ra những gương mặt ở những chỗ chẳng
hề có. Chúng ta kết hợp những mảng sáng tối rời rạc và cố gắng nhìn ra một gương mặt một cách vô thức. Hình người trên Mặt trăng là một kết quả như vậy. Bộ phim Blowup của Michelangelo Antonioni là một ví dụ nữa. Còn rất nhiều ví dụ khác.
Nhiều khi, đó chỉ là một cấu trúc địa lý, chẳng hạn dãy Sơn Lão (Old Man of the Mountains) ở Franconia Notch, New Hampshire. Chúng ta nhận ra rằng đây chỉ là sản phẩm của quá trình bào mòn và sụp đổ một bề mặt đá chứ chẳng phải một tổ chức siêu nhiên hay một nền văn minh cổ chưa được phát hiện nào đó. Nhưng dù sao, nó cũng không còn giống một gương mặt nữa1. Có Đầu Quỷ (Devil’s Head) ở North Carolina, Đá Nhân sư (Sphinx Rock) ở Wastwater, xứ Anh, Lão Bà (Old Woman) ở Pháp, Đá Vartan ở Armenia. Có lúc đó là một người phụ nữ nằm ngửa, như Núi Ixtaccihuatl ở Mexico. Có lúc lại là các bộ phận cơ thể, như núi Grand Tetons (Núm Vú) ở Wyoming – tiếp cận từ phía Tây, cặp đỉnh núi được các nhà thám hiểm người Pháp đặt tên. (Trên thực tế có ba đỉnh núi). Đôi khi lại là những hình dạng thay đổi do lẫn trong mây. Ở Tây Ban Nha thời cuối
Trung cổ và Phục hưng, những hình ảnh Đức mẹ Đồng trinh Mary được “khẳng định” bởi những người dân nhìn thấy các vị thánh hiện ra trong các khối mây. (Trong lúc giong buồm rời khỏi Suva, Fiji, tôi từng nhìn thấy đầu của một con quái vật thật sự kinh khủng, miệng há hoác, hình thành trong một đám mây giông).
--
1. Đầu tháng 5/2003 khối đá này đã sụp đổ. - ND
--
Thỉnh thoảng, một loại rau hoặc một dạng vân gỗ hay một tấm da bò cũng giống gương mặt người. Đã từng có quả cà tím nổi tiếng vì quá giống Richard M. Nixon. Chúng ta suy ra điều gì từ thực tế này? Sự can thiệp của thánh thần hoặc người ngoài hành tinh chăng? Hay Đảng Cộng hòa can thiệp vào bộ gien của cà tím? Không hề. Chúng ta thừa nhận rằng có rất nhiều quả cà tím trên thế giới và rằng sớm hay muộn chúng ta cũng tình cờ phát hiện ra một quả giống với gương mặt người, thậm chí một gương mặt rất cụ thể.
Khi gương mặt là của một nhân vật tôn giáo – chẳng hạn một cái bánh ngô giống với gương mặt Jesus – các tín đồ có xu hướng nghĩ ngay đến bàn tay can thiệp của Chúa. Trong một thời đại hoài nghi hơn bao giờ hết, họ rất cần được làm yên long. Nhưng dường như không chắc rằng một phép màu đang được tiến hành với một phương tiện tầm thường như vậy. Hãy thử nghĩ xem có bao nhiêu chiếc bánh ngô đã được làm ra kể từ khi thế giới bắt đầu, sẽ rất lạ nếu như chỉ có một vài chiếc không hề có những đặc điểm tương tự dù là mơ hồ.
--
Những trường hợp này rất khác với thánh tích được gọi là Tấm vải niệm Turin, di vật cho thấy một hình ảnh quá giống với hình người đến mức không thể là một kết cấu tự nhiên bị hiểu sai được. Phương pháp xác định niên đại carbon-14 cho thấy rằng di vật này không phải là tấm vải niệm của Jesus mà là một trò bịp mang tính sùng đạo có từ thế kỷ 14 – thời kỳ khi mà việc sản xuất ra những thánh tích tôn giáo mang tính lừa dối là một ngành thủ công gia đình rất phát đạt và lợi nhuận cao. – TG
--
Những thuộc tính thần kỳ đã được gán cho nhân sâm và rễ cây phong gia,1 một phần vì chúng hơi giống với hình dạng con người. Một số mầm hạt dẻ cũng thể hiện gương mặt cười. Một số loại san hô trông như bàn tay. Mộc nhĩ trên thực tế trông giống vành tai, và hình thù gì đó khá giống những con mắt khổng lồ có thể nhìn thấy trên cánh của một số loài bướm nhất định. Một số trường hợp này có thể không đơn thuần là trùng hợp; các loài động và thực vật gợi lên một gương mặt có thể không hẳn đã bị tiêu hóa bởi những sinh vật có gương mặt – hoặc những sinh vật sợ những kẻ săn mồi có gương mặt. Một “cái que biết đi” là một giống côn trùng đặc biệt giả trang thành một cái que. Lẽ tự nhiên, nó có xu hướng sống trên và quanh cây cối. Việc bắt chước giống hệt thế giới thực vật của nó giúp nó thoát khỏi các loài chim và những sinh vật săn mồi khác, và đây gần như chắc chắn là lý do hình dạng của nó dần dần hình thành theo thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin. Những hình thức vượt ranh giới giữa các vương quốc sự sống như vậy khá đáng ngại. Một đứa trẻ nhìn thấy một con bọ que có thể dễ dàng tưởng tượng ra cả một đám que, cành và cây cối hành quân vì một mục đích đáng ngại nào đó.
--
1. Nguyên văn tiếng Anh: mandrake. Mandrake là tên gọi chung cho các thành viên của giống thực vật Mandragora, đặc biệt là loài Mandragora officinarum, thuộc họ cà dược (Solanaceae). Vì phong gia có rễ giống hình người nên từ lâu chúng đã sử dụng trong các nghi thức ma thuật. Theo truyền thuyết, khi rễ cây bị đào lên, nó sẽ hét rất to và giết chết tất cả những ai nghe thấy. Một số tác giả thời xưa từng ghi chép lại cách đào rễ cây này: Phải đào xung quanh cây cho tới khi phần dưới rễ lộ ra, sau đó buộc một con chó vào cây và người đào phải tránh đi. Con chó đi theo chủ sẽ kéo rễ cây lên và chết thay cho chủ. Trong tập Harry Potter và Căn phòng bí mật, rễ cây phong gia được Giáo sư Sprout trồng để chữa cho một số nhân vật bị hóa đá khi nhìn không trực diện vào mắt của Tử xà Basilisk. – ND
--
Nhiều ví dụ kiểu này được mô tả và minh họa trong một cuốn sách năm 1979 có tên Sự giống nhau tự nhiên (Natural Likeness) của John Michell, một người Anh nhiệt thành ủng hộ thuật huyền bí. Ông
xem xét rất nghiêm túc những tuyên bố của Richard Shaver, người, như mô tả bên dưới – đóng vai trò trong khởi nguồn của cơn sốt UFO tại Mỹ. Shaver cắt các tảng đá có tại nông trại Wisconsin của mình và phát hiện cả một lịch sử toàn diện của thế giới, được viết bằng một thứ ngôn ngữ hình tượng mà chỉ có ông mới có thể đọc được. Michell cũng chấp nhận giá trị bề ngoài những tuyên bố của kịch gia kiêm lý thuyết gia theo trường phái siêu thực Antonin Artaud, người mà một phần chịu ảnh hưởng của chất gây ảo giác, đã nhìn ra những hình ảnh khiêu dâm, một người đàn ông đang bị tra tấn, những con vật dữ tợn, và nhiều thứ khác, từ những hoa văn phía ngoài các tảng đá. “Toàn bộ cảnh quan thể hiện rằng,” Michell nói, “nó là sự sáng tạo của một tư duy duy nhất.” Nhưng một câu hỏi then chốt đặt ra: Tư
duy đó nằm bên trong hay bên ngoài cái đầu của Artaud? Artaud kết luận, và Michell tán đồng, rằng những hoa văn rành rành trên đá được tạo ra bởi một nền văn minh cổ, chứ không phải bởi trạng thái ý thức bị tác động ảo giác phần nào của Artaud. Khi Artaud từ Mexico trở lại Châu Âu, ông được chẩn đoán mắc chứng điên. Michell đã công khai chỉ trích “cách nhìn duy vật” soi xét những hình ảnh của Artaud với thái độ hoài nghi.
Michell cho chúng tôi xem một bức ảnh Mặt trời được chụp bằng ánh sáng X quang, trông hơi giống một gương mặt và báo với chúng tôi rằng “những tín đồ của Gurdjieff1 nhìn thấy gương mặt của Thầy mình” trong hào quang mặt trời. Có vô số những gương mặt trên cây cối, núi non, và đá tảng trên khắp thế giới đã được suy luận là sản phẩm của trí tuệ cổ đại. Có lẽ một số đúng là như vậy: Một trò đùa rất thực tiễn, hoặc một biểu tượng tôn giáo hấp dẫn, để tạo ra những câu chuyện để trông những khu vực ấy giống như một gương mặt khổng lồ khi nhìn từ xa.
--
1. George Ivanovich Gurdjieff (1877? –1949) là một thầy giáo tinh thần rất có ảnh hưởng từ đầu đến giữa thế kỷ 20. Ông dạy rằng đa số con người sống cả đời trong trạng thái “mộng du” thôi miên, và rằng có thể tiến đến một cấp độ ý thức cao hơn và đạt được toàn bộ tiềm năng con người. Gurdjieff phát triển một phương pháp để làm được điều này, gọi là "Công trình" theo những nguyên tắc và chỉ dẫn của ông. Phương pháp của Gurdjieff nhằm đánh thức ý thức của ai đó rất khác với các phương pháp của các thầy tu hay thuật sĩ yoga, cho nên phương pháp của ông cũng được gọi là “Con đường thứ tư”. Có lúc ông mô tả phương pháp của mình là “Thiên Chúa giáo bí truyền.” Ông khẳng định rằng những lời dạy mà ông đưa tới phương
Tây từ những trải nghiệm và chuyến du hành của mình cho thấy chân lý tìm thấy trong các tôn giáo cổ có liên quan đến sự tự nhận thức trong đời sống thường nhật của con người và vị trí của loài người trong vũ trụ. – ND
--
Quan điểm cho rằng hầu hết những hình dạng này là những cấu trúc tự nhiên do các quá trình hình thành đá và tính đối xứng hai chiều của cây cối và động vật, cộng thêm một chút chọn lọc tự nhiên – tất cả được xử lý thông qua “máy lọc” rất thiên kiến do nhận thức của chúng ta – Michell mô tả là “chủ nghĩa duy vật” và một “ảo tưởng thế kỷ 19.” “Chịu tác động của những tín điều duy lý, thế giới quan của chúng ta u tối và hạn chế hơn tự nhiên.” Theo quy trình mà ông xem xét thì những mục đích của Tự nhiên không được tiết lộ.
Qua những hình ảnh mà ông đưa ra, Michell kết luận rằng
Sự bí ẩn của chúng vẫn chưa được giải đáp, một nguồn bất tận về những điều kỳ diệu, thích thú và nghiên cứu. Tất cả những gì chúng ta biết chắc là thiên nhiên tạo ra chúng và đồng thời cho chúng ta bộ máy để nhận thức chúng cùng với tư duy để hiểu rõ sức quyến rũ không cùng của chúng. Vì lợi ích và niềm vui to lớn nhất, chúng cần được xem như do thiên nhiên ban tặng, bằng con mắt trong trẻo, được làm sáng tỏ bằng những lý thuyết và định kiến, với tầm nhìn đa dạng, có sẵn trong tất cả chúng ta, giúp làm giàu và tôn cao cuộc sống loài người, chứ không phải bằng tầm nhìn đơn lẻ bị nhồi nhét của những kẻ ngu muội và ngoan cố.
---
Có lẽ, tuyên bố giả mạo nổi tiếng nhất về một hình ảnh kỳ lạ là
tuyên bố liên quan đến những con kênh trên Sao Hỏa. Lần đầu tiên được nhìn thấy vào năm 1877, chúng được xác nhận bởi liên tiếp các nhà thiên văn học chuyên nghiệp tận tụy quan sát qua những kính thiên văn lớn trên khắp thế giới. Người ta đã nhận thấy có một mạng lưới những đường thẳng đơn và kép, đan chéo trên bề mặt Sao Hỏa và với độ đều đặn hình học kỳ lạ như vậy thì chúng chỉ có thể có nguồn gốc rất thông minh. Những kết luận mang tính gợi ý đã được rút ra nói về một hành tinh khô khan, nơi có một nền văn minh kỹ thuật lâu đời và thông thái hơn toàn tâm toàn ý vào việc bảo vệ các nguồn nước. Hàng trăm con kênh đã được lập bản đồ và đặt tên. Nhưng, thật kỳ lạ, chúng lại không hề xuất hiện trên các bức ảnh. Điều này gợi ra rằng mắt người có thể ghi lại độ trong suốt khí quyển hoàn hảo hiện ra trong những khoảnh khắc ngắn ngủi, trong khi các tấm ảnh không biết phân biệt lại ít ‘chớp’ được những cảnh sang rõ mà chủ yếu là những lúc mờ mờ. Một số nhà thiên văn nhìn thấy những con kênh. Nhiều người khác thì không. Có lẽ một số nhà quan sát có kỹ năng nhìn thấy các con kênh tốt hơn. Hoặc có lẽ toàn bộ việc này chỉ là một dạng ảo giác nhận thức nào đó.
Ý tưởng cho rằng Sao Hỏa là nơi chứa sự sống, cũng như sự thịnh hành của “người Hỏa tinh” trong văn chương giả tưởng, khởi phát từ những con kênh này. Chính tôi cũng từng mê mệt dòng văn học này, và khi tôi là một chuyên gia thí nghiệm trên tàu du hành Mariner 9 tới Sao Hỏa – tàu vũ trụ đầu tiên bay vòng quanh quỹ đạo của hành tinh đỏ - lẽ tự nhiên tôi rất háo hức muốn thấy tình hình thực tiễn như thế nào. Với các tàu Mariner 9 và Viking, chúng ta có thể vẽ được bản đồ hành tinh này từ cực này tới tận cực kia, tìm ra những đặc điểm nhỏ hơn hàng trăm lần so với những đặc điểm rõ nét nhất có thể nhìn được từ Trái Đất. Tôi không lấy gì làm ngạc nhiên khi chẳng thấy một dấu vết nào của các con kênh cả. Cũng có một vài đặc điểm tuyến mà chúng ta đã nhận diện được qua kính viễn
vọng – chẳng hạn, một thung lũng đứt gãy dài 5000 km rất dễ nhận ra. Nhưng hàng trăm kênh mương “kinh điển” vận chuyển nước từ các chỏm cực qua những hoang mạc khô cằn tới những thành phố vùng xích đạo khô nẻ thì không hề tồn tại. Chúng đều chỉ là ảo ảnh,
một hình thức sai chức năng kết hợp giữa tay-mắt-não của con người ở ngưỡng phân giải khi chúng ta nhìn qua một bầu khí quyển hỗn loạn và không ổn định.
Ngay cả các nhà khoa học chuyên nghiệp – kể cả những nhà thiên văn nổi tiếng đã có những phát hiện được xác nhận và được ca ngợi – cũng kế tiếp nhau phạm những sai lầm nghiêm trọng, thậm chí
rất sâu sắc trong vấn đề nhận diện các hình ảnh. Đặc biệt, nếu những gì chúng ta nghĩ rằng mình đang nhìn thấy dường như có những hàm ý sâu đậm thì khi đó chúng ta không thể thực hiện tự phê bình và tự kiềm chế một cách thích đáng được. Giai thoại kênh mương Sao Hỏa chính là một câu chuyện mang tính cảnh báo rất quan trọng.
Với các con kênh, những tàu vũ trụ đã cung cấp phương tiện để đính chính lại những hiểu lầm của chúng ta. Nhưng đúng là từ quá trình thám hiểm bằng tàu vũ trụ này, cũng xuất hiện một số tuyên bố đầy ám ảnh về những hình ảnh bất ngờ. Trong những năm đầu thập niên 1960, tôi nhấn mạnh rằng chúng ta quá chú ý đến khả năng tìm ra những di vật của các nền văn minh cổ - hoặc là những thứ thuộc về một thế giới nhất định, hoặc là những thứ do các vị khách từ nơi khác đến kiến tạo nên. Tôi không ngỡ rằng việc này sẽ dễ dàng hay có thể thực hiện được, và chắc chắn tôi không cho rằng có bất kỳ điều đáng để xem xét trừ phi có bằng chứng chắc chắn.
Bắt đầu từ báo cáo đầy tính khơi gợi của John Glenn về “những con đom đóm” bay quanh khoang không gian của mình, mỗi lần một