🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thay Câu Hỏi Đổi Cuộc Đời - Paul Angone
Ebooks
Nhóm Zalo
Mở đầu
Bất tỉnh giữa trời
T
ôi nằm đó, bất tỉnh, sấp mặt vào đám cỏ dại dưới chân đồi, trên người vẫn là bộ đồng phục bóng chày. Có vẻ tôi vừa lăn từ đỉnh đồi cao hơn bốn thước xuống nơi này.
Thật là một nơi độc nhất vô nhị để tỉnh dậy vào một buổi trưa thứ Bảy.
Mình đang ở đâu? Ai đó đã đập gậy bóng chày vào đầu mình hay sao?
Những câu hỏi này cứ quanh quẩn trong cái đầu còn mơ màng của tôi, cảm giác giống như một bệnh nhân vừa mới tỉnh lại sau ca mổ vậy.
Sao mình lại ở đây?
Rõ ràng là mười lăm phút trước tôi còn đang ngồi cùng với huấn luyện viên và đội bóng chày của tôi. Vì chưa đến lượt ra sân nên tôi ngồi ở hàng ghế đầu và xem đội bóng của mình bị đội đối thủ đè bẹp trong trận đấu hàng tuần như mọi khi.
Gọi chúng tôi là một đội bóng dở tệ thì vẫn còn lịch sự lắm.
Vì mỗi thứ Bảy chúng tôi thường chơi hai trận, và vì đội kia sẽ liên tục ghi hết bàn này tới bàn khác với tất cả sự hào hứng, nên đó luôn là một ngày dài ảo não. Thứ Bảy nào cũng vậy, trong khi tất cả
bạn bè đều ra biển (vì chắc chắn là họ không muốn xem trận bóng để rồi chứng kiến sự thảm hại của đội nhà) thì chúng tôi ngồi đó hàng giờ, chăm chú dõi theo nỗi buồn của mình suốt nhiều giờ liền.
Vậy nên nếu ngồi ở băng ghế dự bị như tôi đang ngồi cùng đồng đội vào buổi trưa thứ Bảy đó, bạn sẽ cảm thấy việc mình là người đi tìm quả bóng bị đánh hỏng giống như một món quà bất ngờ hay một sự giải thoát vậy.
Sân bóng chày của chúng tôi nằm phía trên nơi mà chúng tôi gọi là hẻm núi, một rãnh đất sâu có bạch đàn và các loại cây rậm mọc dại của vùng California mọc đầy, cùng với một dòng suối nhỏ chảy ngang qua. Việc tìm một quả bóng giữa rừng cây như thế này khiến tôi có cảm giác mình như một nhà thám hiểm đang cố gắng định vị thành phố châu báu trong truyền thuyết - một chuyến phiêu lưu vĩ đại mà rất có thể tôi sẽ trở về tay không. Nhưng so với việc tiếp tục ngồi xem đội bóng của mình thất bại thảm hại khi đối phương ghi bàn thắng thứ hai mươi, bạn sẽ hăng hái đi tìm quả bóng đó với sự cần mẫn chẳng kém gì Cortés1!
(1) Hernán Cortés de Monroy y Pizarro (1485-1547), Đệ nhất Hầu tước Valle de Oaxaca, người đã chỉ huy đoàn thám hiểm đầu tiên của Tây Ban Nha đến châu Mỹ, mở đầu cuộc chinh phạt nhằm thuộc địa hóa châu lục này.
Vào ngày thứ Bảy định mệnh ấy, khi thấy quả bóng bị đánh hỏng bay vút qua hàng rào phía sau sân và lao thẳng vào hẻm núi, tôi lập tức bật dậy, cả tâm trí và cơ thể đều sẵn sàng thoát ra khỏi “cái lồng sân bóng”. Thêm vào đó, cơ may tốt nhất để tìm được quả bóng là nhanh tay lẹ chân bắt kịp để nhìn thấy nơi nó rơi xuống. Tôi đang
chạy vội dọc theo lối đi dưới những hàng ghế gỗ trên bờ dốc cạnh hẻm núi, thì rầm, mọi thứ trở nên tối sầm.
Thế là tôi nằm đó, dưới chân hẻm núi, hoàn toàn mơ hồ sau khi bất tỉnh nhân sự như một con cá xui xẻo bị mái chèo quật trúng.
Khi đầu óc bắt đầu tỉnh táo trở lại, tôi đứng dậy, siết chặt nắm tay để sẵn sàng đối phó với kẻ đã tấn công mình. Nhưng lúc tôi loạng choạng đứng lên như đứa trẻ mới tập đi thì xung quanh lại chẳng có ai. Tôi có thể nghe âm thanh của trận bóng chày vẫn đang diễn ra phía trên ngọn đồi, nhưng trong tầm mắt thì vẫn không nhìn bất kỳ người nào. Thế là trong bộ đồng phục dính đầy lá cây và cỏ dại, tôi bắt đầu từ từ leo trở lên đồi.
Với tâm trạng bối rối và hoang mang, trong đầu tôi chỉ có một câu hỏi: Chuyện gì đã xảy ra?
CÂU CHUYỆN THỜI THANH XUÂN
Những năm tháng khi ta hai mươi và ba mươi tuổi có thể giống nhau một cách kỳ lạ đúng không? Ít ra đối với tôi là như vậy. Đó là những tháng năm ta thấy bối rối, hoang mang và thường tự hỏi: Làm thế nào mình lại thành ra như vầy?
Trước khi bước vào độ tuổi đôi mươi, bạn có bao nhiêu là kế hoạch và ước mơ to lớn mà bạn tin mình sẽ hoàn thành. Đó là những kế hoạch bạn đã ấp ủ cả đời. Bạn nuôi dưỡng, trân trọng chúng và thiết tha muốn biến chúng thành hiện thực.
Sau đó bạn tốt nghiệp đại học, bạn vào đời, và những kế hoạch đó ngày càng trở nên xa lạ đối với bạn. Cho đến một ngày bạn quên bẵng chúng.
Trong quá trình trưởng thành, chúng ta dành phần lớn đời mình để leo lên hết nấc thang này đến nấc thang khác. Tiểu học. Trung học. Cố gắng thi vào trường đại học tốt nhất. Chọn ngành học phù hợp nhất. Đạt điểm số cao nhất. Tìm chỗ thực tập thuận lợi nhất. Không ngừng phấn đấu vươn lên. Nhanh hơn! Cao hơn! Đừng nhìn lại! Đừng thắc mắc! Hãy cứ tiếp tục leo lên những nấc thang! Bởi vì thành công luôn ở đâu đó trên kia. Khi leo đến nấc thang cao nhất, mở tung cánh cửa kia, bạn sẽ thấy được công việc mơ ước, ngôi nhà lý tưởng, người bạn đời trong mơ - nói chung là một cuộc đời tuyệt vời, thành công và viên mãn, nơi mà mọi nỗ lực “trèo thang” của bạn được tưởng thưởng xứng đáng.
Khi lên đến nấc thang cao nhất sau khi tốt nghiệp đại học và mở tung cánh cửa đó ra, tôi hình dung mình sẽ bước vào một nơi như Tập đoàn Google. Đó sẽ là nơi tuyệt đến mức tôi không hề có cảm giác như đang đi làm, nơi tôi chỉ ngồi nhấm nháp cà phê, chơi banh bàn, giải quyết những vấn đề có ý nghĩa quan trọng và cười cả ngày không vì điều gì cụ thể mà chỉ bởi tôi quá phấn khởi khi được làm việc ở đó.
Thực tế là tôi đã leo hết các bậc thang đó, đạt được thứ hạng tốt, hoàn thành xuất sắc các đợt thực tập. Thế nhưng khi tôi thật sự mở tung cánh cửa ấy và bước vào bên trong, thứ chờ đợi tôi trông không giống Tập đoàn Google mà có vẻ như một tầng hầm trong bộ phim kinh dị của Stephen King2 phiên bản truyền hình.
(2) Stephen King (1947-) là nhà văn người Mỹ nổi tiếng trong thế kỷ 20 về thể loại kinh dị hoặc giả tưởng.
Khi đặt những bước chân đầu tiên vào “tương lai của mình” và nghe tiếng cửa sập ngay sau lưng - thứ âm thanh không thể lẫn vào đâu được - tôi bắt đầu khám phá những hành lang u ám, cáu bẩn và gần như tối đen với những chiếc trường kỷ nghiêng ngả, vài chiếc Honda đã hỏng và vô số vỏ mì gói. Tất cả những gì tôi có là bộ hồ sơ xin việc, thứ mà tôi đã tận tay gửi đến người quản lý cấp trung hói đầu đang ngồi ở bàn làm việc dưới ánh sáng của chiếc bóng đèn duy nhất, chỉ để nhìn thấy cảnh ông ấy xem lướt qua và cười to như thể tôi vừa kể một câu chuyện đùa lố bịch.
Tôi cảm thấy bối rối, lo sợ và đơn độc - ước mơ về một tương lai mà ở đó tôi vừa tạo ra sự khác biệt vừa kiếm được rất nhiều tiền đã nhanh chóng chuyển thành mong muốn có thể sống qua ngày. Trong những dãy hành lang tăm tối này, thỉnh thoảng tôi vô tình gặp được những thanh niên khác, những người rõ ràng là cũng bối rối như tôi và cũng đang lẩm bẩm “Đây vốn dĩ không phải là nơi tôi muốn đến”.
LẠI TIẾP TỤC LEO LÊN
Sao mình lại ở đây? Câu hỏi đó cứ liên tục hiện lên khi tôi nhặt lá cỏ ra khỏi chiếc áo len và leo trở lên hẻm dốc sau khi bị ngã bất tỉnh. Mình đã ngất đi bao lâu? Tôi cảm thấy đầu óc mình trống trơn.
Được rồi, lúc đó mình đang đi tìm quả bóng bị đánh hỏng. Tôi chỉ nhớ được có vậy.
Vì thế tôi đi về phía bên kia khán đài, nơi đội đối thủ và khán giả của họ đang ngồi, và tôi bắt đầu tìm kiếm quả bóng lần nữa. Khi tôi đang loạng choạng như kẻ say rượu, cố chen vào đám đông cổ động viên của đội đối thủ và dán mắt tìm kiếm dưới đất thì ai đó đã
không nhịn được nên cất tiếng hỏi tôi: “Này chàng trai, cậu đang làm gì thế? Không khỏe chỗ nào à?”.
“À, ừm… Cháu đang tìm một quả bóng bị đánh hỏng rơi đâu đó quanh đây”, tôi trả lời, cố gắng ra vẻ tự tin rằng tôi biết mình đang làm gì.
Cổ động viên ấy nghiêng đầu nhìn tôi chăm chăm, như thể ông đang cố nhìn ra hình ảnh thật trong một tấm ảnh ảo nào đó.
“Quả bóng duy nhất rơi gần chỗ này đã được tôi tìm thấy và ném trở vào rồi. Nhưng cũng mười lăm phút trước rồi.”
“Ồ, thế ạ. Vậy thì tốt rồi”, tôi nói và quay về khu khán đài của đội mình, cảm thấy hoang mang hơn bao giờ hết.
“Này Paul, nãy giờ cậu đi đâu vậy?”, Cody - một trong những cậu bạn thân của tôi trong đội, ngồi xuống cạnh tôi, cố gắng nhỏ giọng nhất có thể để không làm huấn luyện viên trưởng của chúng tôi nổi giận (thật ra ông ấy không quá quan tâm đến mấy câu chuyện phiếm trong hậu đài đâu, khi mà chúng tôi đang bị dẫn trước hai mươi điểm như vậy). “Cậu ra ngoài ăn bánh mì à? Sao không mua cho mình một cái?”, Cody hỏi, hẳn là cậu ấy nghĩ tôi đã có quãng thời gian nghỉ giải lao sung sướng ở quầy ăn uống mà không rủ cậu ấy.
“Mình nghĩ mình vừa bị bất tỉnh”, tôi khẽ trả lời, mắt vẫn nhìn chằm chằm về trước.
“Hả! Cái gì?”, Cody buột miệng thốt lên, khiến các đồng đội nhìn về phía chúng tôi với ánh mắt ngụ ý hãy tém tém lại nếu không muốn bị phạt chạy sau trận đấu. “Sao cơ?”, Cody hạ giọng. “Bất tỉnh? Là sao hả?”
“Mình cũng không biết nữa. Nhưng mình đã tỉnh dậy khi đang nằm sấp mặt dưới chân hẻm dốc.”
“Thiệt luôn hả!”, Cody lại cao giọng thảng thốt và lần này thì chúng tôi nhận được cái nhìn lạnh lùng khó chịu đằng sau cặp kính mát của huấn luyện viên. “Nhưng cậu đã biến mất gần hai mươi phút rồi đó”, Cody kìm nén sự tò mò để nhỏ tiếng nhất có thể.
“Ừ, mình cũng nghe nói vậy. Mình không biết đã xảy ra chuyện gì nữa.”
Sau khi trận đấu kết thúc, chuyện tôi bị ngất từ từ được lan truyền. Đối với tôi thì cả câu chuyện này vẫn còn là một bí ẩn. Bí ẩn này đã khiến một vài đồng đội của tôi quay lại sân, nơi chúng tôi không hề muốn đến sau khi đã thua với tỉ số 27-2, để tìm hiểu cho ra sự tình.
Vậy thì chuyện gì đã xảy ra? Chúng tôi bắt đầu truy ngược lại từng bước chân của tôi và đặt ra những câu hỏi xác đáng nhất để tìm ra câu trả lời.
SỨC MẠNH VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHỮNG CÂU HỎI HAY
Để tìm được những câu trả lời hay, trước hết chúng ta phải biết đặt những câu hỏi hay. Tôi tin rằng khi chúng ta trong độ tuổi đôi mươi, không có điều gì có tác động mạnh mẽ và quan trọng hơn những câu hỏi mà chúng ta đặt ra cho mình. Tất nhiên tôi tin vào quan điểm này rồi - tôi còn viết hẳn một quyển sách về nó kia mà!
Cậu bạn Brent từng kể cho tôi nghe cuộc trò chuyện của cậu ấy với một quý ông cực kỳ thông minh, một chuyên gia trong lĩnh vực trí
tuệ nhân tạo và bot tự động3. Brent đã hỏi người đàn ông này rằng với sự phát triển của tự động hóa và các công nghệ tinh vi hơn thì ông cho rằng các cô con gái của ông cần phải giỏi điều gì để có thể thành công khi trưởng thành. Người đàn ông trả lời không chút chần chừ: “Khả năng đặt những câu hỏi thật sự hay”.
(3) Bot tự động (hay robot mạng) là các chương trình tự động chạy các tác vụ tự động hóa trên mạng (chẳng hạn như chương trình tự động tìm kiếm, phân tích và sắp xếp thông tin từ các máy chủ với tốc độ cao bằng cách tuân theo các quy tắc cho phép “bò loang tự động” tại mỗi máy chủ).
Brent thường nói rằng đặt được câu hỏi hay tức là đã giải quyết được một nửa vấn đề. Cậu ấy nói đúng. Khi chúng ta giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, không gì quan trọng hơn những câu hỏi mà chúng ta đặt ra cho vấn đề đó.
Theo định nghĩa dễ hiểu của Tiến sĩ Meg Jay, độ tuổi hai mươi là “mười năm định hình” của cuộc đời mỗi người. Đó là khi chúng ta thiết lập hướng đi cho tương lai của mình. Ấy vậy mà trong những năm tháng đó của cuộc đời, tôi luôn cảm thấy con tàu đời mình cứ chạy lòng vòng và va vào tất thảy các tảng băng trên biển.
Tôi nghĩ đến một thời điểm nào đó, tất cả chúng ta đều hiểu rằng cuộc sống “trưởng thành” không hề dễ dàng như những gì được thể hiện trong các tập sách quảng cáo. Sau khi tốt nghiệp đại học và suốt mười năm sau đó, chúng ta có cảm giác như thể mình đang trải qua cuộc khủng hoảng một-phần-tư-cuộc-đời ngay khi vừa trải qua một cuộc khủng hoảng một-phần-tư-cuộc-đời trước đó. Và chúng ta
vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ cuộc khủng hoảng đó thật sự là gì, chỉ biết rằng chúng ta không thể tránh được nó.
Tuy vậy, có một chân lý giúp chúng ta thành công vượt qua chặng đường này. Một sự thật đơn giản mà tôi phải mất cả thập niên để hiểu và thấm thía:
Khi chúng ta ở độ tuổi đôi mươi, điều quan trọng không phải là cố lèo lái con tàu đời mình theo một kế hoạch nào đó, mà là chúng ta phải thích ứng, thay đổi và phát triển khi mọi thứ không diễn ra đúng như dự tính.
Khi ta còn trẻ, thành công chính là tìm được mục tiêu của đời mình.
Quyển sách tuổi hai mươi của bạn là những trang giấy đầy những vết tẩy xóa và chỉnh sửa. Nó vốn dĩ là như vậy. Thất bại chỉ xuất hiện khi bạn dừng bút, khi bạn quyết định không viết tiếp trang sau mà để cho nó trống trơn trong khi trọng tâm của câu chuyện đời bạn sắp sửa được hé lộ.
Hãy đặt những câu hỏi hay. Đó là câu trả lời duy nhất tôi tìm được. Đó là cách duy nhất để vạch ra chiến lược lèo lái con tàu của mình đi đúng hướng trước khi bạn dong buồm ra khơi. Sau đó, các câu hỏi hay sẽ tiếp tục dẫn đường cho bạn trong suốt hành trình, khi bạn liên tục chỉnh hướng, bẻ lái và nhận định lại tình hình trong lúc con tàu ngày càng tiến sâu vào vùng biển rộng mở.
Nếu không bắt đầu bằng những câu hỏi hay và liên tục tự hỏi mình những câu hỏi đó mỗi khi thôi thúc thích ứng và thay đổi trỗi dậy, làm sao bạn có thể đưa ra những câu trả lời đáng giá? Nếu
hành trình của bạn bắt đầu với những nền tảng sai lầm và những câu trả lời không hoàn chỉnh thì cuối cùng bạn cũng sẽ dong buồm lệch hướng và mắc kẹt trên một đảo hoang nào đó như nhân vật của Tom Hanks trong bộ phim Cast Away (Một mình trên hoang đảo), chỉ có thể la hét với quả bóng chuyền - người bạn duy nhất của bạn khi đó. Điều này không mấy tốt đẹp.
Và tôi cũng muốn nói rằng quá trình này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nó đòi hỏi sự can đảm, tính trung thực và tinh thần vượt khó. Một số câu hỏi được đặt ra và không có câu trả lời trong suốt nhiều năm. Điều đó không có nghĩa là có gì sai, mà chỉ là chưa đến thời điểm bạn tìm được câu trả lời đó mà thôi. Một số câu hỏi bị bỏ dở sẽ khiến bạn chỉ muốn mặc quần đùi gặm chân gà trong công ty suốt một tháng trời và phó mặc con tàu đời mình cho định mệnh. Đó sẽ là quãng thời gian mất phương hướng trong đời.
Mặt khác, nếu không tự đặt ra những câu hỏi này, chúng ta có thể rơi vào cái bẫy của một cuộc sống tự mãn, nơi chúng ta trở nên bằng lòng với cảm giác khổ sở, vì chúng ta không muốn đối mặt với bất kỳ câu hỏi “khó” nào.
Khi chúng ta bắt đầu tin vào tiếng nói của người chỉ trích hay kẻ hoài nghi, những người luôn cố gắng thuyết phục chúng ta rằng không nên quá kỳ vọng vào một công việc hay cuộc sống có ý nghĩa, thì đó chính là điều đáng sợ nhất. Đó chính là con đường khiến chúng ta chết dần chết mòn. Đừng lo lắng khi bạn vẫn không thể buông bỏ kỳ vọng về một cuộc sống có ý nghĩa. Tôi nghĩ chúng ta nên sống với mục tiêu là tìm được một cuộc sống có mục đích. Bạn nghĩ sao?
CHỮA LÀNH CHỨNG RỐI LOẠN ÁM ẢNH SO SÁNH
Như tôi đã định nghĩa và thảo luận trong quyển 101 Secrets For Your Twenties (tạm dịch: 101 Bí mật của tuổi hai mươi), thế hệ chúng ta đang phải đối mặt với một loại rối loạn ám ảnh khác - Chứng rối loạn ám ảnh so sánh (Obsessive Comparison Disorder). Và kể từ lần đầu tiên tôi đưa ra khái niệm này, mọi người không ngừng hỏi tôi cách tốt nhất để chữa trị Chứng rối loạn ám ảnh so sánh là gì.
Thật ra thì bạn đang có trong tay một phương thuốc chữa trị tuyệt vời đấy. Khi bạn tìm hiểu những câu hỏi trong quyển sách này và cố gắng tìm ra những câu trả lời hay nhất, bạn sẽ ngừng lo lắng về những việc người khác làm, vì bạn sẽ phải tập trung vào những gì bạn cần làm. Chứng rối loạn ám ảnh so sánh khiến chúng ta liên tục chạy theo cuộc sống mà những người khác đang xây dựng, còn quyển sách này sẽ giúp bạn xây dựng cuộc sống trong mơ của riêng mình.
Tôi tin rằng mỗi người chúng ta đều có một công thức “Nước xốt độc quyền” - một sự pha trộn của nhiều nguyên liệu khác nhau (như sức mạnh, tài năng, niềm đam mê, kinh nghiệm, v.v.) để cho ra một sản phẩm độc nhất vô nhị, mang đến cho thế giới một “món ăn” mà nó rất cần.
Bằng cách đặt ra cho bản thân những câu hỏi trong quyển sách này, bạn đang đặt chân lên hành trình khám phá công thức “Nước xốt độc quyền” của mình. Giống như một đầu bếp bậc thầy khám phá và thử nghiệm cho đến khi tìm ra hương vị tuyệt vời, thứ đang
chờ đợi để được khám phá, bạn cũng sẽ tìm thấy mục tiêu của đời mình, thứ đang chờ được tìm thấy.
CÁCH ĐỌC QUYỂN SÁCH NÀY
Trong mười năm qua, tôi đã viết sách, học hỏi, nghiên cứu và dành cả đời mình để hỗ trợ các bạn trẻ tìm ra những câu trả lời có thể giúp họ thật sự sống một cuộc đời thành công và có ý nghĩa. Hành trình nỗ lực tìm kiếm những câu trả lời đúng luôn đưa tôi về với việc đặt những câu hỏi đúng.
Đề nghị của tôi là bạn hãy đọc qua quyển sách này một lần mà không dừng lại quá nhiều để trả lời từng câu hỏi. Bạn chỉ cần cảm nhận quyển sách, những câu hỏi, câu chuyện và ý tưởng trong đó, trước khi nghiền ngẫm sâu hơn và cố gắng trả lời các câu hỏi một cách trọn vẹn. Bạn có thể dừng lại để ghi chú một vài chỗ, nhưng hãy tiếp tục đọc. Đừng lẩn quẩn ở một câu hỏi nào, để có thể tiếp tục đọc hết quyển sách.
Sau đó, bạn hãy đọc lại từ đầu và bắt đầu tìm cho ra các câu trả lời, đặc biệt là cho những câu hỏi liên quan đến “Nước xốt độc quyền”. Nếu bạn bắt đầu suy ngẫm từng câu hỏi và thấy chúng khó trả lời hơn bạn nghĩ thì thật tuyệt vời! Điều đó rất bình thường. Nó có nghĩa là bạn đang thực hiện việc này một cách nghiêm túc và chú tâm.
Một vài câu hỏi buộc bạn phải ghi rõ câu trả lời ra giấy. Với một số câu hỏi khác thì bạn chỉ cần suy nghĩ trong đầu là được. Có câu hỏi khiến bạn chỉ mất hai phút để trả lời, nhưng cũng có những câu hỏi có thể khiến bạn mất đến hai tuần.
Tôi đã kiểm nghiệm thực tế những câu hỏi này trong các buổi hội thảo trực tiếp với các bạn trẻ và với hàng trăm người khác thông qua khóa học trực tuyến Tìm kiếm công thức Món nước xốt độc quyền. Tôi đã viết những bài báo được nhiều người chia sẻ trên mạng về chủ đề này. Tôi đã chỉnh sửa, hoàn thiện và xây dựng danh sách các câu hỏi mà tôi tin sẽ giúp các bạn giải tỏa vướng mắc để tiến tới một cuộc sống tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.
Hoàn cảnh và câu chuyện tương lai của bạn sẽ thay đổi theo mức độ sẵn sàng của bạn trong việc tự đặt ra cho mình những câu hỏi này và lăn lê bò toài để tìm cho ra câu trả lời, nếu cần. Qua nhiều năm, tôi đã nghiệm ra rằng đôi khi người mà tôi khó đối diện một cách thành thật nhất chính là bản thân mình.
Tuy nhiên, đây không phải là một thử nghiệm, cũng không phải là việc chỉ làm một lần rồi thôi. Đây là một quá trình bạn cần thực hiện suốt cả đời. Hy vọng quyển sách này sẽ là cẩm nang cho cả phần đời còn lại của bạn. Hy vọng nó sẽ mang lại những nội dung mà từ nay bạn sẽ có thể xem đi xem lại, điều chỉnh, thay đổi và bổ sung trong suốt các chặng đường đời, ngay cả khi bạn đã bước qua độ tuổi hai mươi.
Hãy gọi vài người bạn và cùng nhau trải nghiệm các câu hỏi này. Sức mạnh tập thể sẽ mang lại sự sáng tỏ.
VẬY RỐT CUỘC TÔI ĐÃ NGẤT ĐI NHƯ THẾ NÀO?
Khi các đồng đội cùng tôi lần theo con đường tôi đã đi qua và đặt ra những câu hỏi hướng vào đúng trọng tâm, chúng tôi bắt đầu tìm thấy câu trả lời. Chúng tôi đi dọc theo lối đi bên dưới khán đài và
thấy rằng khoảng cách ở đây đủ cao để tôi không thể bị đụng đầu vào xà ngang phía trên.
Thế nhưng ở đó lại có một mô đất nhỏ nhô lên, và nếu tôi giẫm lên đúng mô đất đó thì đỉnh đầu tôi va đúng vào xà ngang. Khi đó tôi vừa chạy vừa mải nhìn xuống đất và nhìn sang bên trái để tìm quả bóng, nên hẳn là tôi đã đặt chân lên mô đất, mà hoàn toàn không nhìn thấy thanh gỗ lớn bất động kia và cứ thế đâm sầm vào nó.
Đồng đội và tôi đã “mổ xẻ” ký ức rối rắm của tôi để lý giải điều bí ẩn bằng cách đặt ra những câu hỏi hợp lý. Đương nhiên đây không phải là chuyện gì đáng tự hào khi tôi để cho cả trường đại học (và giờ là tất cả những ai đang đọc quyển sách này) biết rằng tôi đã tự ngã và khiến mình ngất. Nhưng ít nhất tôi đã biết được câu trả lời cho câu chuyện bí ẩn của mình. Tôi cũng có một câu chuyện hay ho, dù hơi xấu hổ, để kể lại suốt phần đời còn lại. Và tôi sẽ không bao giờ tái phạm nữa! Đáng tự hào mà đúng không?
Khi bạn không chắc điều gì đã xảy ra; khi bạn cố gắng tìm ra ý nghĩa từ những điều dường như vô nghĩa; khi bạn cố gắng xóa tan màn sương mù mịt để tìm ra phương hướng; khi bạn đang cố lý giải điều đã xảy ra để có thể hiểu điều nên xảy ra; thì giải pháp chỉ có một - đó là tự đặt ra cho mình, và cho cả những người khác, những câu hỏi hay.
Vì vậy, dù bạn đang ở đâu - trên nấc thang cao nhất, sẵn sàng mở tung cánh cửa dẫn tới cuộc đời mà mình mơ ước; hay bị rơi xuống nơi thâm sơn cùng cốc nào đó như tôi đã từng, vừa hoang mang gỡ từng lá cỏ bám vào tóc vừa thắc mắc tại sao mình lại ở
đây - hãy luôn tự đặt ra cho mình những câu hỏi hay và có chiến lược.
Hẳn nhiên là việc leo trở lên và tìm kiếm câu trả lời có thể hơi khó khăn và nhiều thử thách một chút, nhưng tôi thà chấp nhận khó khăn để đặt đúng câu hỏi vào lúc này còn hơn phải lẩn quẩn với một câu hỏi lớn khi đã bạc đầu: Sẽ như thế nào nếu ngày xưa mình nỗ lực nhiều hơn?
1
Chia tay bản thân như thế nào là tốt nhất?
B
ạn đã từng trải qua lần chia tay tồi tệ nào chưa?
Tôi thì đã kinh qua rồi.
Tôi từng lái xe tổng cộng mười tám giờ đồng hồ trong cơn mưa như trút nước để gặp mặt cha mẹ bạn gái theo yêu cầu của cô ấy. Cuộc gặp gỡ và chào hỏi diễn ra tốt đẹp, và tôi cảm thấy đây có thể chính là “người bạn đời” của mình.
Sau đó, vẫn trong cơn mưa gió bão bùng, tôi lái xe về nhà. Lúc này hai bên đường cao tốc dẫn về nhà tôi đều bị cấm lưu thông vì một bên thì đang gặp phải trận lở bùn, bên còn lại thì có một chiếc xe bán tải bị lật nằm ngang. Thế nên tôi được hướng dẫn lái xe vào một cánh đồng cùng với hàng trăm chiếc xe khác để chờ đến khi đường cao tốc được mở lại. Tôi gọi điện báo cho bạn gái biết tình hình, và câu đầu tiên của cô ấy là: “Paul, chúng ta cần nói chuyện”.
Đó không phải là “Paul, chúng ta cần nói chuyện” theo kiểu anh thật tuyệt vời và chúng ta sẽ hạnh phúc bên nhau trong “ngôi nhà và những đứa trẻ”.
Hoàn toàn không phải là kiểu đó. Thực tế là cô ấy đã nói lời chia tay khi tôi đang ngồi trên xe, giữa cánh đồng, trong cơn mưa xối xả, sau khi đã lái xe mười tám tiếng để đến gặp cha mẹ cô ấy. Tôi cảm thấy như mình đang sống trong một tập phim Dawson’s Creek4 vậy.
(4) Dawson’s Creek (Ngã rẽ cuộc đời) là bộ phim truyền hình nhiều tập của Mỹ, được xem là phim kinh điển dành cho teen.
Ngày đầu tiên sau khi chia tay có chút không thực, đúng không?
Bạn thức dậy vào sáng hôm sau và không biết phải làm gì. Vậy nên lúc chín giờ sáng, bạn thấy mình đang bẻ vụn miếng bánh Oreo để trộn vào lọ bơ đậu phộng và ăn bằng cái muỗng nhựa khi đang xem bộ phim Gilmore Girls5 dài lê thê trên ti-vi. Ba ngày liên tiếp đều trôi qua như thế. Mấy người bạn cùng phòng nài nỉ bạn hãy làm gì đó, gì cũng được - đương nhiên là vì sức khỏe của chính bạn, nhưng cũng vì “cái mùi chia tay” không thể nhầm lẫn từ bạn đang bắt đầu lan ra khắp căn nhà.
(5) Gilmore Girls: tên một bộ phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ kể về những câu chuyện thú vị, hài hước hàng ngày giữa mẹ và những cô con gái tinh nghịch.
Kết thúc một mối quan hệ yêu đương là việc cực kỳ khó khăn, vì người đó đã trở thành một trong những dấu ấn riêng của bạn, hiện diện trong rất nhiều kế hoạch và tương lai của bạn. Khi họ ra đi, bạn sẽ cảm thấy một khoảng trống rất lớn trong cuộc sống của mình.
Hầu hết các giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc sống đều khá giống với một cuộc chia tay tồi tệ, bạn có thấy vậy không?
Điểm khác nhau là thay vì chia tay một ai đó thì bạn chia tay với một giai đoạn của cuộc đời mình và với phiên bản của bạn trong quãng thời gian đó. Bạn không chỉ để lại đằng sau một nơi chốn, mà còn để lại một phiên bản của chính mình.
Nói cách khác, trong các giai đoạn chuyển tiếp của cuộc đời, bạn đang chia tay với bản thân mình.
Và cũng giống như thời điểm mà mối quan hệ bạn từng đặt rất nhiều kỳ vọng đi đến một kết thúc bi kịch, bạn cảm thấy bối rối và loạng choạng khi phải bỏ lại con người cũ của mình.
Chắc chắn bạn sẽ mang theo những dấu ấn nào đó từ con người cũ, nhưng thời điểm bạn rời bỏ phiên bản cũ của mình chính là thời điểm bạn bắt đầu hành trình vĩ đại để tìm đáp án cho câu hỏi bạn thật sự là ai.
SỰ CHUYỂN TIẾP NÀO CŨNG GIAN NAN
Chúng ta vẫn thường nói về những giai đoạn chuyển tiếp của cuộc đời như đó là chuyện đơn giản, thật nhẹ nhàng và thoải mái.
Tôi vừa trải qua một giai đoạn chuyển tiếp nho nhỏ.
Không có gì to tát cả, đúng không?
Không phải đâu.
Giai đoạn chuyển tiếp có thể lao đến như một cú đấm khi bạn đang mải nhìn sang hướng khác.
Bạn có biết chúng ta biết đến khái niệm chuyển tiếp lần đầu tiên vào lúc nào không? Khi ta cất tiếng khóc chào đời!
Mặc dù thật may là tôi không nhớ được khoảnh khắc chào đời của mình, nhưng tôi đã có những trải nghiệm rất chân thực và riêng tư với sự chào đời của ba đứa con, và đó là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng chúng ta có thể vừa khóc, vừa nôn nao và ngất đi - cùng một
lúc. Và đó chỉ mới là những cảm nhận của tôi trong vai trò một người chồng không thật sự phải thực hiện bất kỳ công đoạn thực tế nào của quá trình sinh con.
Người ta thậm chí còn gọi giai đoạn cuối của quá trình sinh nở là giai đoạn “chuyển tiếp”, và tôi nghĩ vợ tôi sẽ nói với bạn rằng chẳng có gì là nhẹ nhàng hay thoải mái trong những giây phút đó!
Những lần chuyển tiếp quan trọng trong đời đều không đơn giản, và chúng ta phải liên tục trải qua những thời khắc khó khăn đó, đặc biệt là trong những tháng năm tuổi trẻ. Cho dù diễn ra một cách rõ ràng - như tốt nghiệp đại học, kết hôn, bắt đầu một công việc mới hoặc đột ngột bị sa thải - hay kín đáo và từ từ như cách mặt trời di chuyển từ đông sang tây và chậm rãi thay đổi cảnh quan xung quanh bạn, mỗi lần chuyển tiếp đều là một thử thách. Đó thường là những quãng thời gian khó khăn nhất, đồng thời cũng quan trọng nhất, mà bạn phải vượt qua trong đời.
Luôn có một điều gì đó đặc biệt một cách kỳ lạ xảy ra với chúng ta khi chúng ta bị tước đi những điểm tựa quen thuộc của mình.
Quá trình chuyển tiếp không hề dễ chịu. Nó cũng không hề bình thường. Trong quá trình đó, cảm giác hoàn toàn bất thường chính là một kiểu bình thường mới.
SAI LẦM LỚN NHẤT CHÚNG TA THƯỜNG MẮC PHẢI TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN TIẾP
Tuy nhiên, đây chính là sai lầm lớn nhất mà tôi nghĩ chúng ta thường mắc phải khi đi qua các giai đoạn chuyển tiếp: chúng ta cố gắng vượt qua chặng đường đó nhanh nhất có thể để sang đến bờ
bên kia. Chúng ta cố gắng tìm kiếm và bám víu vào một kiểu bình thường mới nào đó. Nhưng đôi khi chính trong nỗi khao khát tìm kiếm sự ổn định đó, chúng ta vội vàng dừng bước khi chưa đến đích thay vì để cho quá trình chuyển tiếp đưa chúng ta đến nơi cần đến.
Những năm mới vào đời có thể cho bạn cảm giác như đó là một thời kỳ chuyển tiếp kéo dài mãi mãi. Bạn không biết mình đang đi đâu, nhưng bạn biết mình không thể ở mãi nơi này.
Vì vậy, nếu ngay lúc này bạn cảm thấy cuộc đời mình đang trong một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng thì điều đó hoàn toàn bình thường. Hãy cứ bình tĩnh, tiếp tục vững vàng và đi qua giai đoạn này một cách có chủ đích. Có lẽ giai đoạn chuyển tiếp là chặng đường chúng ta không nên chạy thật nhanh để vượt qua, mà nên chậm rãi nghiền ngẫm những gì diễn ra ở đó. Cho nên đừng chỉ vượt qua giai đoạn chuyển tiếp mà hãy làm cho nó trở thành một quãng thời gian đầy ý nghĩa.
Giai đoạn chuyển tiếp không đơn giản là cây cầu đưa bạn đến với chặng đường đời quan trọng kế tiếp, mà bản thân nó chính là giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời bạn.
Điều gì dẫn dắt bạn vượt qua giai đoạn chuyển tiếp? Là nỗi sợ? Hay là niềm tin?
Niềm tin lên tiếng, Lần chuyển tiếp này đang đưa tôi đến một nơi tốt hơn nhiều. Hãy tiếp tục vững bước.
Nỗi sợ thì nói, Hãy đưa tôi trở lại chốn cũ. Dù đó là nơi rất tồi tệ, nhưng ít nhất tôi cũng biết rõ về nó.
Giai đoạn chuyển tiếp đang dẫn bạn đến đâu? Nó nói với bạn điều gì về tương lai mà bạn đang muốn chuyển tiếp tới? Hãy dành chút thời gian suy ngẫm về điều này.
Quả thật sự chuyển tiếp có thể mang lại cảm giác như một cuộc chia tay tồi tệ. Nhưng chẳng phải chia tay sẽ tốt hơn là mắc kẹt trong một mối quan hệ không có tương lai hay sao?
2
Tôi có đang cố tỏ ra là mình không gặp khó khăn hay không?
C
húng ta đều đang nỗ lực chiến đấu với những khó khăn thử thách trong đời. Đồng thời tất cả chúng ta đều đang cố gắng tỏ ra là mình không hề gặp khó khăn.
Những bức tường chúng ta dựng lên để bảo vệ hình ảnh của bản thân chỉ càng ngăn cách mọi người đến gần chúng ta. Chúng ta cố giữ cho niềm kiêu hãnh bị tổn thương của mình không vỡ vụn, trong khi nó đã gục ngã trên sàn nhà.
Tôi đã từng nói điều này trước đây, và giờ đây tôi sẽ lặp lại lần nữa bởi tôi biết tôi cần lời nhắc nhở này:
Chúng ta không kết nối với nhau thông qua sự hoàn hảo giả tạo. Chúng ta kết nối với nhau thông qua những thử thách mà ai cũng gặp phải.
Sự chân thực bắt đầu từ nơi bạn.
Hãy đủ dũng cảm để là người tiên phong.
3
Tôi đang có kiểu “Tình bạn phản lực” giúp tôi bay lên, hay “Tình bạn quả tạ” không ngừng níu chân tôi?
C
uộc đời bạn sẽ giống với cuộc đời của những người bạn mà bạn gần gũi nhất. Điều này khiến bạn cảm thấy hào hứng hay lo đến vã mồ hôi?
Những người bạn của bạn đang vững vàng bước lên những nấc thang trong đời hay vẫn đang mải mê với những thú vui vô bổ trong tầng hầm?
Sau những cuộc gặp gỡ với bạn bè, bạn cảm thấy lo lắng bất an hay đầy hứng khởi? Họ giống những quả tạ đeo quanh cổ chân khiến bạn không thể cất bước hay như động cơ phản lực nâng bạn bay cao?
Tình bạn không bao giờ là hoàn hảo. Đôi khi chúng ta phải giúp nâng đỡ bạn bè vượt qua thời kỳ khó khăn, cũng như họ sẽ có lúc dang tay hỗ trợ chúng ta. Tình bạn thời thanh xuân có lúc khó tránh khỏi những lúng túng và đối mặt với nhiều chướng ngại vật. Như tôi đã viết trong quyển 101 Bí mật của tuổi hai mươi, “Kết bạn và giữ gìn tình bạn trong độ tuổi hai mươi còn khó hơn cả việc tập luyện để có cơ bụng sáu múi”. Chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong các mối quan hệ của mình, tiếp tục nuôi dưỡng một số tình bạn qua
những giai đoạn khó khăn và quyết định từ bỏ những tình bạn liên tục khiến ta thất vọng ê chề.
Đó là những người mà tôi gọi là “Quả tạ”, những người bạn liên tục gây ảnh hưởng xấu hoặc tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Họ không thật lòng muốn thấy bạn thay đổi, trưởng thành và thành công, bởi họ muốn bạn luôn kẹt lại phía sau với họ. Nếu một “người bạn” liên tục gây ra nhiều tổn hại cho bạn hơn cả kẻ thù thì tôi không chắc đó là tình bạn mà bạn muốn gắn bó cả đời.
Vậy bạn đang có nhiều “Tình bạn quả tạ” hay “Tình bạn phản lực” hơn, hay là một tổ hợp của hai kiểu tình bạn này? Hãy cùng tìm hiểu.
Hãy liệt kê năm người mà bạn thường xuyên tương tác nhất. Bên cạnh tên của họ, bạn hãy ghi ra số điểm đánh giá theo thang điểm từ 1 đến 10, trong đó 1 là “Tình bạn quả tạ” khiến bạn trì trệ và 10 là “Tình bạn phản lực” giúp bạn bay cao. Sau đó hãy cộng tất cả các điểm số lại để xem nhóm bạn của bạn phù hợp với kết quả nào bên dưới.
1. ________________________________
2. ________________________________
3. ________________________________
4. ________________________________
5. ________________________________
KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ TÌNH BẠN
40-50: Bạn bè của bạn rất cầu tiến và họ đang kéo bạn theo cùng. Hãy gìn giữ những tình bạn này.
30-39: Bạn thật may mắn có vài viên ngọc quý, nhưng trong “kho tình bạn” của bạn cũng có một ít hạt sạn đấy.
20-29: Đã đến lúc bạn cần nghiêm túc nhìn nhận lại những “tình bạn” này. Một người bạn xấu còn tệ hơn một kẻ thù tốt đấy.
10-19: Khi có những người bạn như thế này thì ai còn cần kẻ thù nữa chứ?
1-9: Bạn có cân nhắc chuyển đến sống ở vùng ngoại ô không? Động vật và cây cối khá là thân thiện đấy.
4
Tôi có sẵn lòng lái một chiếc xe đời cũ trong suốt những năm tuổi trẻ để theo đuổi một giấc mơ lớn không?
N
ếu quyết tâm theo đuổi một ước mơ lớn, bạn sẽ phải trả một cái giá tương xứng. Vậy bạn sẽ hy sinh thứ gì để theo đuổi mục tiêu của đời mình?
Đối với tôi thì đó là chiếc Honda Civic Hatchback.
Khi tôi mười bảy tuổi, cha tôi đang là mục sư của nhà thờ. Có vài điều bất lợi khi bạn là con của một mục sư - bạn luôn phải ngồi ở hàng ghế đầu; mỗi tiếng ho hay một phút ngủ gật của bạn đều bị mọi người để ý; đó là chưa kể đến sự xấu hổ khi bạn đến muộn mười phút và phải đi một quãng dài giữa giáo đường để đến được chỗ ngồi của mình, trong khi những người khác thở phào nhẹ nhõm vì ít nhất họ cũng đi lễ đúng giờ chứ không như người nhà của mục sư.
Rồi thì mọi sai lầm bạn mắc phải ở trường trung học đều được “soi” và trở thành tâm điểm trong những cuộc tán gẫu mà ai cũng hào hứng tham gia trước và sau giờ lễ. Bạn cảm thấy như đang tham gia một chương trình thực tế nào đó mà không được danh tiếng hay tiền cát-xê!
Nhưng bên cạnh đó, việc là con của mục sư chắc chắn cũng có vài chỗ lợi (chủ yếu là nhờ mọi người đều biết gia đình bạn không
có tiền và họ muốn “lấy điểm cộng” với Chúa bằng cách giúp đỡ gia đình bạn. Cầu Chúa ban phước lành cho họ!). Một gia đình giáo dân đã tặng tôi một chiếc Honda Civic Hatchback đời 1993. Khi đó tôi đang chạy chiếc Bonneville đời 1977 - chiếc xe ngốn gần bốn lít xăng mỗi mười một cây số và kim đo xăng thì không hoạt động - nên chiếc Honda này là cả một sự “lên đời” đáng kể. Và hầu như trong suốt cuộc đời mình, tôi luôn bị trêu chọc vì lái mãi chiếc Honda cũ rích này.
Tôi nhắc đến chuyện này vì tôi vẫn lái chiếc Honda đến tận ngày nay. Và hãy để tôi bật mí một điều nữa, đó là từ khi tôi tốt nghiệp trung học đến nay (chỉ mới vài năm thôi!), chiếc Honda của tôi đã chạy được gần 390 ngàn cây số!
Tôi không phản đối việc sắm một chiếc xe sang hoặc căn nhà đẹp vào một lúc nào đó. Tôi chỉ cảm thấy thoải mái khi hy sinh chuyện nhà cửa và xe cộ, vì cuộc đời tôi có những-điều-không-thể thương-lượng khác cần được ưu tiên hơn.
Ngoài ra thì chiếc Honda Civic có gầm thấp và hơi rung lắc khi chạy tốc độ trên 100 km/giờ, tạo cảm giác như bạn đang phóng “nhanh và nguy hiểm”, một điều mà bọn trẻ nhà tôi rất thích thú. Không chỉ vậy, chiếc xe được thiết kế không có tay lái trợ lực, không hệ thống điều hòa và cũng không có gương chiếu hậu bên phải. Cảm ơn người Nhật Bản vì tính hiệu quả! Gọi nó là xe hơi thì hơi đánh giá cao nó rồi. À, âm lượng của radio trong xe có thể tự động thay đổi bất kỳ lúc nào, một bất ngờ thú vị. Từ âm thanh nhỏ nhẹ như bản nhạc piano cổ điển biến thành âm thanh chói tai như trong mấy bản nhạc rock chỉ mất khoảng hai, ba giây. Đây là “tính năng” duy nhất mà chiếc xe này có thể thực hiện một cách nhanh chóng.
Một điều đáng nói nữa là sự cũ kỹ và “cổ điển” của chiếc xe khiến tôi trở thành một ông bố hippie siêu ngầu trong mắt bọn trẻ, dù chúng thậm chí không biết hippie là gì6. Thế nên tôi sẽ lái chiếc xe này thêm một thời gian nữa.
(6) Hippie (hay hippy hay hipster) dùng để chỉ những thanh niên hơi lập dị, hơi “nổi loạn”. Hippie còn là tên một trào lưu văn hóa bắt nguồn từ Mỹ, sau đó lan ra khắp thế giới. Họ phản đối chiến tranh, đề cao hòa bình, sự khoan dung và bác ái. “Make love, not war” là khẩu hiệu nổi tiếng bắt nguồn từ văn hóa hippie.
Vậy trong sự nghiệp, các mối quan hệ và cuộc sống, “chiếc Honda Civic Hatchback” của bạn là gì? Đó là thứ đáp ứng nhu cầu cơ bản của bạn, nhưng không hẳn là thứ bạn sẽ kiêu hãnh giao cho anh phục vụ bãi xe cao cấp.
Bạn sẵn sàng hy sinh điều gì và theo đuổi đến cùng điều gì? Bạn sẵn sàng di chuyển đến bất cứ nơi nào, nhưng sẽ không chọn một công việc mà phải làm trên bốn mươi giờ mỗi tuần? Bạn sẽ ưu tiên công việc linh hoạt hay ổn định?
Bạn cần sự tự do sáng tạo? Hay bạn thích phát huy tinh thần lãnh đạo? Bạn muốn làm công việc tạo ra tác động tích cực cho xã hội? Hay bạn ưu tiên một công việc mang lại lợi ích tài chính rõ ràng?
Việc xác định những điều bạn sẽ không từ bỏ và những gì bạn có thể hy sinh sẽ cho bạn biết nhiều điều về mục tiêu mà bạn nên theo đuổi.
Hãy liệt kê ba thứ mà bạn sẵn sàng hy sinh để theo đuổi những điều lớn lao hơn trong đời mình.
1.________________________________
2.________________________________
3.________________________________
5
Có phải những ngày đen tối đang ở phía trước?
Đ
ây là câu hỏi từ bài diễn văn tốt nghiệp không-phải-dạng thường của một diễn giả không-phải-dạng-thường.
Trước tiên, đó là bài diễn văn chỉ dài bốn phút! Bản thân điều này đã rất kỳ diệu rồi.
Kế tiếp, và quan trọng nhất, diễn giả đọc bài diễn văn này không chỉ cho khóa sinh viên sắp tốt nghiệp của Trường Harrow7 mà cho cả nước Anh, và trong thời gian bốn phút đó, ông đã đọc nó với sự hùng hồn và truyền tải chân lý hết sức thuyết phục hơn bất kỳ bài diễn văn nào khác trong lịch sử.
(7) Harrow là trường trung học nội trú công lập danh tiếng của Vương quốc Anh, chỉ dành cho nam sinh, được thành lập vào năm 1572. Những cựu học sinh nổi tiếng của trường là Thủ tướng Anh Winston Churchill, nhà thơ Lord Byron, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru...
Vị diễn giả ấy là ai? Đó là Winston Churchill. Ông đọc bài diễn văn này vào năm nào? Năm 1941, khi nước Anh đứng trước nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn trong tay quân Đức Quốc xã8.
(8) Winston Churchill (1874–1965) là Thủ tướng nước Anh trong thời Thế chiến thứ hai. Ông từng là một người lính, nhà báo, tác gia,
họa sĩ và chính trị gia. Churchill được xem là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anh quốc và lịch sử thế giới. Trong giờ phút tuyệt vọng nhất của nước Anh khi quân đội Đức Quốc xã vừa đánh tan liên quân Đồng minh một cách chớp nhoáng, Churchill, bằng tài hùng biện của mình, đã đứng lên kêu gọi người dân Anh quyết không nhượng bộ. Ông là người có công liên kết dân tộc Anh thành một khối thống nhất, nhờ đó góp phần cùng với quân Đồng minh kết thúc Thế chiến thứ hai.
Trước hiện thực đen tối ấy, Churchill phát biểu:
“Chúng ta đừng nói về những ngày đen tối, thay vào đó, hãy nói về những ngày can trường. Đây không phải là những ngày đen tối; đây là những ngày vĩ đại - những ngày vĩ đại nhất mà đất nước chúng ta từng trải qua; và tất cả chúng ta phải cảm ơn Thượng đế vì đã cho phép mỗi người chúng ta đóng góp một phần, trong khả năng hay quyền hạn của mình, để làm cho những ngày này trở nên đáng nhớ trong lịch sử dân tộc mình”.
Churchill biết rõ như thế nào là những ngày đen tối - qua cuộc chiến cả đời ông với căn bệnh trầm cảm mà ông gọi là “con chó đen”, qua sự thất bại chính trị đã khiến ông phải sống lưu vong gần mười năm trước chiến tranh, cũng như qua những tháng năm cùng nước Anh đối mặt với Hitler và nguy cơ diệt vong.
Winston Churchill hiểu rõ sự đen tối có thể trở nên đen tối đến mức nào.
Có lẽ chính vì vậy mà ông lên tiếng kêu gọi để thay đổi cách nhìn của công chúng, để họ đừng nhìn nhận tương lai trước mắt như
những ngày đen tối, mà như một cơ hội lớn để những con người vĩ đại tạo ra những bước nhảy dài hướng tới một sự nghiệp cao cả.
Churchill đã nói về mục đích chung của toàn dân tộc thay vì nhấn mạnh vào nỗi đau chiến tranh.
Và điều tuyệt vời hơn cả những lời phát biểu của Churchill chính là cách ông nhắc đến nỗi cô đơn, sự mờ mịt, hoảng loạn và tuyệt vọng. Vào năm 1941, nước Pháp vừa rơi vào tay quân đội Đức Quốc xã, nước Anh có vẻ sẽ chịu chung số phận đó sau vài tháng nữa, và Hoa Kỳ thậm chí còn chưa tham chiến.
Churchill không phát biểu những lời này theo kiểu ôn lại một chiến thắng vẻ vang. Ông nói theo tinh thần sắp phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, tuy vậy ông vẫn nhìn thấy trước một kết cục hoàn toàn khác với thực tại đáng lo ngại đang diễn ra. Ông đáp lại nỗi lo diệt vong bằng niềm hy vọng và một mục đích để hướng tới. Sau đó, ông toàn tâm toàn ý nỗ lực tạo dựng hiện thực đó.
Khi nghĩ về những giai đoạn khó khăn của thời tuổi trẻ, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều khó khăn. Và nếu tiếp tục nghĩ về những khó khăn của giai đoạn sau đó, chúng ta cũng thấy khó khăn đầy rẫy. Vì vậy, hãy ghi khắc trong tim lời kêu gọi của Churchill dành cho một thế hệ đã trải qua những ngày gian nan nhất nhưng cũng hào hùng nhất:
“Đừng bao giờ đầu hàng. Đừng bao giờ đầu hàng. Đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ đầu hàng - trong mọi việc, dù lớn hay nhỏ - trừ khi vì danh dự và lẽ phải. Đừng bao giờ thỏa hiệp trước thế lực. Đừng bao giờ bị khuất phục trước sự đàn áp của kẻ địch.”
6
Tình yêu của tôi bắt nguồn từ nỗi bất an hay từ sự mạnh mẽ?
Đ
iểm khác biệt là gì?
Tình yêu bắt nguồn từ nỗi bất an thì đòi hỏi, còn tình yêu đến từ sự mạnh mẽ thì cho đi.
Tình yêu bắt nguồn từ nỗi bất an khiến bạn không muốn nhìn thấy người khác thành công hơn mình. Tình yêu đến từ sự mạnh mẽ thì thôi thúc bạn lắng nghe thành công của người khác và là người đầu tiên chúc mừng họ.
Người yêu thương bằng nỗi bất an sẽ hỏi: “Anh có thể làm gì cho tôi?”. Trong khi người yêu thương bằng sự mạnh mẽ sẽ nói: “Tôi có thể làm gì cho anh?”.
Bạn nên đặt câu hỏi này cho các mối quan hệ bạn bè, yêu đương, hôn nhân, v.v.
Nếu “tình yêu” của bạn đến từ nỗi bất an, nó sẽ ích kỷ và chỉ biết đòi hỏi. Đây có thể là hình thức thao túng người khác tồi tệ nhất.
Còn khi ai đó yêu thương bằng sự mạnh mẽ, họ biết mình là ai và họ có một chiếc bình tình yêu đầy tràn để trao cho bạn mà không đòi hỏi bạn dù chỉ một ly nước.
Tôi tin lúc này bạn có thể nghĩ về những người mà bạn đã gặp trong đời và xác định ai là người yêu thương bằng sự mạnh mẽ và tình yêu của ai bắt nguồn từ nỗi bất an.
Có quá nhiều người yêu thương trong bất an, và đó không phải là tình yêu thương đích thực.
7
Tôi có nhìn thấy những gì diễn ra đằng sau những tấm ảnh mọi người đăng trên Instagram hay Facebook không?
L
úc đó là năm giờ rưỡi sáng và vợ chồng tôi đang lái xe băng qua sa mạc Arizona dưới những tia sáng đầu tiên trong ngày. Chúng tôi cố gắng đi được càng xa càng tốt trước khi ba đứa trẻ tỉnh giấc ở băng ghế sau. Những tia sáng màu hồng pha vàng chiếu xuyên qua bầu trời, bắt đầu thắp sáng những vách đá đỏ và những đỉnh núi dọc theo đường cao tốc, trong khi vầng trăng tròn phát ra quầng sáng trắng nổi bật trước khi nói lời tạm biệt. Đó là một trong những khoảnh khắc ấn tượng mà bạn biết không có chiếc máy ảnh nào có thể nắm bắt trọn vẹn.
Khi tôi đang mải mê với bầu trời hừng đông nơi sa mạc thì vợ tôi, Naomi, cảm thán một câu khiến tôi giật mình như thể vừa có hòn đá bắn vào cửa kính xe.
“Anh biết không, cách chúng ta nhìn nhận thành công của người khác cũng giống với khi chúng ta nhìn mặt trăng - chúng ta chỉ thấy được phía đang tỏa sáng mà không thể thấy được vùng tối phía sau.”
Suy nghĩ của cô ấy thật sự khiến tôi tỉnh cả người, mặc dù khi đó tôi đang trong hành trình lái xe hai mươi tiếng cùng ba đứa trẻ, chỉ
mới ngủ được vài giờ ít ỏi và uống vội một cốc cà phê ở trạm xăng.
Tôi ngẫm nghĩ những lời của vợ mình. Ngay cả trong giai đoạn tỏa sáng rực rỡ nhất của mình, mỗi người đều có mặt tối - như vùng tối của mặt trăng. Cho dù trông có vẻ thành công đến mức nào đi nữa, ai cũng đều có “mặt trái”, nơi không rạng rỡ hoặc hiển hiện trước mắt người khác.
Trưởng thành là một quá trình nhiều thử thách. Như tôi đã viết trong quyển sách All Groan Up (tạm dịch: Tuổi trưởng thành): “Khi bạn bước vào tuổi trưởng thành, mỗi giai đoạn lại mang đến cho bạn những điều mà bạn phải kín đáo tra Google để tìm hiểu xem phải xử lý thế nào”. Mỗi bức ảnh đăng trên Instagram9 hay Facebook10 luôn có một câu chuyện mà người ta không thể hiện rõ qua bức ảnh đó.
(9) Instagram là một mạng xã hội chuyên về chia sẻ hình ảnh. (10) Facebook là một dịch vụ mạng xã hội trực tuyến miễn phí.
Ví dụ như bức ảnh chụp gia đình tôi đứng trước Hồ Treo trên đỉnh núi ở Colorado. Đó là một bức ảnh tuyệt đẹp - gia đình tôi đứng sát bên nhau trước một thác nước hùng vĩ đổ vào một hồ nước trong xanh ở độ cao hơn hai ngàn mét trên đỉnh núi. Đó cũng là một chuyến leo núi khó quên.
Thế nhưng lý do chúng tôi túm tụm vào nhau như thế là vì tuyết rơi không ngừng trong suốt chuyến đi! Điều khiến chuyến đi trở nên khó quên là ở mỗi chặng khác nhau, tôi đều tự hỏi liệu chúng tôi có thể quay về an toàn không. Tôi bắt đầu tưởng tượng hai chúng tôi được lên bản tin lúc mười giờ, nội dung là một đôi vợ chồng đã thiếu
suy nghĩ khi mang theo con nhỏ đi bộ lên núi, trong khi ở ngay chân núi người ta đã cắm một biển báo to đùng với đại ý: “Này, những kẻ ngốc! Cung đường này rất khó đi. Đừng mang theo trẻ nhỏ hoặc chó. Chúng tôi sẽ không mang trực thăng đến để giải cứu đâu!”.
Có một thời điểm, tôi vừa bế đứa con tám tháng tuổi đang sốt cao vừa cõng đứa bốn tuổi đang khóc không kiểm soát được trên lưng tôi. Thật ra thì đứa trẻ nào cũng khóc không kiểm soát. Rồi điều tất yếu xảy ra: tuyết bắt đầu rơi dày đặc trên đường chúng tôi đi bộ trở xuống, con đường mòn phủ đầy những tảng đá trơn ướt. Tôi trượt chân một lần và suýt mang theo hai đứa trẻ ngã lăn quay xuống những tảng đá bên dưới.
Bằng cách nào đó chúng tôi đã quay về an toàn, nhưng bây giờ mỗi lần nghe tôi nhắc đến chuyện leo núi là mấy đứa nhỏ lại bắt đầu nhăn nhó và giả vờ không khỏe. Và đương nhiên bạn không thể nào biết được đầu đuôi câu chuyện này khi chỉ nhìn vào bức ảnh tôi đã đăng trên Instagram.
Mọi bức ảnh chụp, mọi cuộc đời, mọi câu chuyện đều luôn có hai mặt, cũng giống như hai mặt của mặt trăng vậy. Mặt trời không thể cùng lúc chiếu sáng tất cả các vùng của mặt trăng, cũng như không mấy ai có thể thật sự nói rằng mọi phương diện trong cuộc sống trưởng thành của họ đều rất tốt đẹp và diễn ra đúng như dự định. Và theo kinh nghiệm thương đau của tôi, những người nói như vậy một cách dõng dạc và tự hào nhất thường là những người có “vùng tối của mặt trăng” tối tăm nhất.
Trong khi vợ tôi tiếp tục chiêm nghiệm “Thuyết đường trường so sánh hai mặt của mặt trăng” của cô ấy, tôi lại nảy ra một ý nghĩ khác
về mặt trăng.
Bất kể bạn thấy mặt trăng trông như thế nào trên bầu trời - một mảnh sáng mờ nhạt hoặc hoàn toàn bị che khuất sau những đám mây, hay tròn đầy và sáng lung linh - thì mặt trăng vẫn luôn có kích thước như vậy, không hề thay đổi.
Một số người có vẻ luôn tỏa ra hào quang rạng rỡ, trong khi chúng ta có lúc không biết ánh sáng của mình đã lạc mất ở đâu. Thế nhưng chúng ta đều là con người. Chúng ta có cùng “kích cỡ”.
Không ai có tầm quan trọng và giá trị ít hay nhiều hơn ai.
Ngay cả khi bạn cảm thấy ánh hào quang của người nào đó có vẻ chói lòa đến nhức mắt, thì họ cũng có kích thước như bao người khác mà thôi. Chỉ là bạn không thể nhìn thấy điều đó từ góc độ của mình.
8
Làm thế nào để đi lạc một cách có mục đích (mà không bị mắc kẹt trong hẻm núi với tình trạng không có gì che thân và phải ăn sâu bọ qua ngày trong lúc đang ước giá mà mình cứ ở yên trong nhà)?
T
ôi cảm thấy bị lạc lối.
Tôi rất thường nghe câu này. Với tất cả những nỗi mơ hồ trong hành trình trưởng thành, ai có thể trách chúng ta khi chúng ta cảm thấy mất phương hướng?
Khi ai đó nói với tôi rằng họ cảm thấy bị lạc lối, tôi thường đáp lại: “Thật tuyệt. Tôi rất mừng là bạn cảm thấy bị lạc lối!”.
Và không, tôi không phải là kẻ sẽ xát muối vào vết thương lạc lối của họ với chiếc xe thể thao đắt đỏ và mức lương 100 ngàn đô-la đáng ngưỡng mộ. Đương nhiên tôi cũng không có hai thứ đó. Trừ khi đến lúc bạn đọc quyển sách này, chiếc Honda Civic đời 93 đã trở thành một siêu phẩm. Và nếu chuyện đó xảy ra thì tôi sẽ cười vào mặt những người đã chê bai chiếc xe của tôi!
Thật ra, đi lạc là một trải nghiệm quan trọng. Tôi biết rõ điều đó. Bạn không thể khám phá ra điều gì nếu không cho phép bản thân đi lạc.
MỌI NHÀ THÁM HIỂM ĐỀU PHẢI HỌC CÁCH ĐI LẠC Tôi nghĩ thế hệ nào cũng muốn tìm mục đích sống của đời mình.
Chúng ta muốn làm điều gì đó có ý nghĩa. Thế nhưng trong tiềm thức chúng ta lại kỳ vọng con đường đến với mục đích của đời mình sẽ thẳng tắp. Chúng ta muốn đi con đường đầy ánh sáng với hình ảnh thác nước kỳ vĩ rõ ràng ở phía xa. Ít nhất thì tôi hồi mới hai mươi tuổi đã nghĩ như vậy.
Nhưng nếu chúng ta không đối mặt được với sự mơ hồ của cuộc đời thì chúng ta sẽ không thể làm nên những điều vĩ đại.
Chúng ta phải đi lạc nếu muốn khám phá ra điều gì đó mới mẻ và tuyệt vời.
Đúng là điều này khiến chúng ta cảm thấy như đang trải qua một cơn khủng hoảng của tuổi trưởng thành. Nhưng có lẽ chính cảm giác lạc lối này là một phần hữu ích và quan trọng của quá trình chuyển tiếp.
Khám phá và đi lạc thật ra khá giống nhau. Điều khác biệt lớn nhất là những nhà thám hiểm đi lạc có mục đích. Họ biết đại khái mình đang đi đâu. Họ có các chỉ dẫn để hỗ trợ họ trên hành trình khám phá này. Họ không hề thám hiểm một mình. Tuy nhiên, đích đến chính xác là gì và làm thế nào để đến được nơi đó hoàn toàn là những điều bí ẩn đối với họ.
Những nhà thám hiểm không đi theo bản đồ; họ vừa đi vừa vẽ ra bản đồ.
MỘT KHÁI NIỆM LẠC LỐI MỚI
Đối với nhiều người chúng ta, bình tĩnh đi lạc là một khái niệm vô cùng mới mẻ. Điều này rất đúng với tôi ở độ tuổi hai mươi.
Bởi vì chúng ta được dạy một cách rõ ràng, cô đọng về con đường đi đến thành công. Chúng ta được cung cấp đề cương bài giảng khi mới vào lớp học. Chúng ta có giáo viên hướng dẫn phác thảo sẵn kế hoạch bốn năm đại học để có thể tốt nghiệp loại giỏi.
Tuy nhiên, cuộc sống của người trưởng thành lại đầy những xáo trộn, có đủ loại ngã rẽ, rất nhiều ô “bắt đầu lại” và câu hỏi “Khi đó mình đã nghĩ gì mà làm vậy?”.
Con đường đến với mục đích của đời bạn hiếm khi thẳng tắp.
Cách duy nhất để bạn tìm thấy một hướng đi rõ ràng là trước tiên hãy cho phép bản thân đi lạc. Trong câu hỏi kế tiếp, chúng ta sẽ cùng phân tích một vài lợi ích mà điều này có thể mang lại.
Khi bạn còn trẻ, điều quan trọng không phải là mọi thứ đều diễn ra theo đúng dự tính của bạn, mà là cách bạn thích nghi, thay đổi và phát triển khi mọi thứ đều trật kế hoạch.
9
Lạc lối thì có lợi ích gì?
C
ó thể nơi bạn bị lạc chính là nơi bạn sẽ được tìm thấy. Dưới đây là sáu lợi ích lớn mà chúng ta thường có được khi lạc lối:
1. Khả năng sáng tạo của bạn được kiểm nghiệm.
Khi phải nỗ lực tìm lối đi mới, bạn buộc phải trở nên sáng tạo. Năng khiếu của bạn được bộc lộ khi bạn buộc phải dùng đến nó.
2. Cảm giác nguy hiểm tích cực giúp đánh thức các giác quan của bạn.
Khi bạn lạc đường, các giác quan của bạn hoạt động mạnh mẽ hơn. Tai của bạn thính hơn. Mắt của bạn quan sát được nhiều thứ hơn. Khứu giác, vị giác và xúc giác của bạn cũng hoạt động ở mức chưa từng thấy so với khi bạn đi trên con đường quen thuộc.
Bạn tiếp nhận nhiều thông tin hơn, vì bạn buộc phải làm vậy.
3. Bạn có khả năng trải nghiệm nhiều điều bất ngờ mà cuộc sống mang lại hơn.
Đơn giản là vì nếu mọi thứ đều bày ra một cách rõ ràng trước mắt bạn thì đâu còn gì bất ngờ nữa.
4. Bạn không nhận được những câu trả lời đúng, thay vào đó, bạn có những câu hỏi đúng.
“Trưởng thành” thành công không phải là luôn tìm được các câu trả lời đúng, mà là đặt đúng câu hỏi. Và khi bạn lạc lối ở tuổi đôi mươi, các câu trả lời bạn tìm được vẫn chưa hoàn thiện.
Lúc bạn bị mất phương hướng chính là lúc bạn sẵn sàng đặt ra những câu hỏi đúng, vì tính mạng của bạn phụ thuộc vào điều đó.
5. Mỗi khi khám phá một lãnh địa mới, bạn tìm thấy những phần mới của bản thân.
Cá tính hiếm khi được phát triển nếu bạn chỉ thích ngồi ở nơi nghỉ dưỡng sang trọng.
Cá tính của bạn được xây dựng khi mọi thứ xung quanh bạn dường như đang sụp đổ.
Sự khiêm nhường. Tinh thần kiên định. Niềm tin. Cảm hứng. Những thứ này không thể được định hình và tinh chỉnh nếu năm tháng tuổi trẻ của bạn hoàn toàn không có thử thách gì.
Khi không biết mình đang đi đâu, bạn sẽ hiểu hơn về khởi điểm của mình. Những màn sương trong cuộc sống sẽ soi đường để giúp bạn làm rõ cá tính của mình.
6. Bạn tìm thấy mục đích khi đang nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.
Bạn hiếm khi tìm ra được mục đích sống của mình một cách dễ dàng.
Trên thực tế, chúng ta sẽ không tìm thấy mục tiêu của đời mình nếu không đấu tranh và nỗ lực. Chúng ta sẽ tìm thấy nó khi đang bận rộn đương đầu với thử thách.
Bạn đang cảm thấy mất phương hướng trong đời? Xin chúc mừng! Hành trình khám phá của bạn đã chính thức bắt đầu.
Hãy tiến lên một bước, thêm một bước nữa. Bạn không thể nhìn thấy điều gì đang chờ bạn ở khúc quanh phía trước, cho đến khi bạn đến được nơi đó. Khi bạn cảm thấy chùn chân và muốn quay lui, hãy nhớ rằng phần thú vị nhất của hành trình là khi mọi thứ không diễn ra theo dự định.
10
Tôi có nên đăng điều này lên mạng xã hội không?
A
i cũng từng gặp cảnh này. Đó là khi bạn vừa soạn xong một bài chỉ trích gay gắt, một câu bình luận mỉa mai hoặc vừa tải lên một bức ảnh có thể gây nhiều tranh cãi, và giờ đây con trỏ chuột của bạn đang lơ lửng phía trên nút “Đăng”. Có điều gì đó đang ngăn bạn nhấp chuột vào cái nút đó.
Mình có thật sự nên đăng cái này lên không?
Nếu bạn đang tự hỏi mình câu này thì hẳn là bạn đã biết câu trả lời. Hãy làm theo điều mà trực giác đang mách bảo - mau nhấc ngón tay ra khỏi cò súng đi.
Bạn đang tạo dựng thương hiệu cá nhân trên thế giới mạng với mỗi điều bạn chia sẻ trên đó.
Một khi “viên đạn” được bắn đi, bạn sẽ không thể rút nó lại được.
Những cuộc phỏng vấn xin việc đã đủ gắt gao rồi, nhà tuyển dụng không cần bạn làm cho chúng thêm thử thách bằng các bức ảnh “quẩy hết mình trong quán bar” mà bạn đăng trên trang cá nhân vào mùa xuân vừa rồi đâu (Đúng vậy, những bức ảnh đó đang nằm trong thư mục “tài liệu ứng tuyển” của bạn trong máy của nhà tuyển dụng đấy).
Khi nhà tuyển dụng vừa nhìn những bức ảnh đó vừa hỏi bạn thích làm gì vào thời gian rảnh, và bạn bắt đầu kể với họ rằng bạn thích đi nhà thờ và đem thức ăn cho những chú mèo hoang, thì tôi không chắc câu chuyện của bạn đủ sức thuyết phục đâu.
11
Làm thế nào bạn biết mình đã sẵn sàng để kết hôn hay chưa?
K
hi đang trò chuyện với chuyên gia tư vấn lâu năm của mình, tôi hỏi anh ấy một câu mà tôi đã trăn trở nhiều năm:
“Làm thế nào chúng ta biết mình đã sẵn sàng để kết hôn?” Và đây là câu trả lời của anh ấy:
“Chúng ta không thể nào biết được mình đã sẵn sàng để kết hôn hay chưa, cho đến khi chúng ta bước chân qua ngưỡng cửa hôn nhân.”
Quả là một câu trả lời không mấy hữu ích.
Nhưng chắc chắn là anh ấy đúng, ở một khía cạnh nào đó.
Mọi điều bạn nghĩ là mình đã biết về hôn nhân bỗng chốc bay vèo qua cửa sổ ngay khi bạn thật sự kết hôn.
Và bây giờ, khi đã kết hôn, tôi tin rằng có một vài dấu hiệu cho thấy bạn sẵn sàng bước vào con đường hôn nhân, ít nhất là ở mức độ nào đó.
Vậy nếu bạn đang hẹn hò, đang lo sợ toát mồ hôi khi chỉ mới nghĩ đến chuyện kết hôn, hoặc đã kết hôn trong nhiều năm và tích lũy được vài kinh nghiệm, hãy cùng xem qua năm dấu hiệu cho thấy bạn đã sẵn sàng bước vào lễ đường hôn nhân.
5 DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN ĐÃ SẴN SÀNG KẾT HÔN
1. Ngay khi bài hát bạn yêu thích được phát trên radio thì ai đó bỗng đổi kênh, nhưng bạn không hề nổi điên vì điều đó!
Chuyện này xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, với tần suất khoảng mỗi tuần một lần trong đời sống hôn nhân. Nếu bạn có thể hít thở sâu và đôi khi chấp nhận buông bỏ bài hát, kế hoạch, ý tưởng của mình, có thể bạn đã sẵn sàng cho hôn nhân rồi đấy.
Nếu bạn luôn đấu tranh để được nghe “bài hát yêu thích” của mình trong hôn nhân, bạn sẽ phải tranh đấu dài dài.
2. Điều duy nhất bạn biết chắc chính là có rất nhiều điều bạn không biết. Và bạn có thể bình thản đối mặt với sự thật này.
Hôn nhân có một cách thú vị để thử thách những điều mà bạn tin là mình biết rõ. Nếu bạn luôn cần phải khẳng định mình đúng, vậy thì trong hôn nhân, bạn sẽ sai hoàn toàn cho dù bạn có đúng đến mức nào đi nữa (có thể đây chỉ là trải nghiệm mà tôi có vì sự ngu ngốc và cố chấp của mình).
Nếu bạn “linh hoạt” như một khúc gỗ, cuộc sống hôn nhân sẽ đánh bạn sấp mặt bằng chính khúc gỗ đó.
3. Bạn có thể dọn toilet sạch sẽ.
Và lau nhà, mua thực phẩm, thanh toán hóa đơn điện nước. Tức là về cơ bản thì bạn đang “trưởng thành” và có thể xử lý cuộc sống của người trưởng thành.
4. Bạn đã sẵn sàng cho cuộc phiêu lưu điên rồ nhất của đời mình, một hành trình có thể đẩy bạn xuống đáy vực sâu nhất
hoặc đưa bạn lên những đỉnh núi cao nhất.
Hãy hình dung khoảnh khắc tồi tệ nhất của cuộc đời bạn.
Bây giờ hãy tưởng tượng giây phút huy hoàng nhất bạn có thể trải qua.
Tiếp theo, hãy hình dung có ai đó đang đứng ngay bên cạnh bạn, nắm lấy tay bạn, chứng kiến bạn trải qua cả hai khoảnh khắc đó.
Khi kết hôn, bạn không ghé thăm người bạn đời của mình vào thời điểm tồi tệ nhất của cuộc đời họ, mà bạn sẽ cùng họ trải qua những thời điểm đó.
Nếu điều này không khiến bạn hoảng sợ thì bạn đã sẵn sàng bước vào cuộc hôn nhân thần thánh rồi, hãy khăn gói lên đường thôi.
Nhưng vẻ đẹp của điều này là bạn học được nhiều hơn về cách yêu một người và hiểu tình yêu là gì - không phải học qua những khoảnh khắc tốt đẹp được bạn chia sẻ trên mạng xã hội, mà là qua những giờ phút khó khăn mà bạn không muốn người khác nhìn thấy.
Thành thật mà nói, có người cùng chia sẻ cuộc sống với mình, cả lúc vui lẫn lúc buồn, chính là một trong những điều mà tôi yêu thích nhất trong đời sống hôn nhân. Nó giúp tôi dễ dàng vượt qua nỗi buồn hơn và khiến niềm vui trở nên ngọt ngào hơn.
5. Bạn đã chán cuộc sống lông bông.
Nếu bạn vẫn còn đang mải mê theo đuổi lối sống phóng túng thì hôn nhân có thể không nằm trong kế hoạch năm năm của bạn.
Nếu bạn đã phát chán với cảnh yêu đương lung tung để rồi chỉ nhận lại nỗi đau và sự hối tiếc, và bạn thà kỹ tính hơn một chút để có một mối quan hệ nghiêm túc, thì con đường đến với hôn nhân của bạn sẽ không còn xa nữa.
12
Hôm nay tôi có thể hỗ trợ ai?
Một trong những cách tốt nhất để xem xét vấn đề của bản thân chính là mở rộng tầm nhìn ra xung quanh, tạm thoát ra khỏi góc nhìn hạn hẹp của chính mình. Và một trong những cách tốt nhất để tạm thoát ra những vấn đề của mình chính là giúp người khác giải quyết vấn đề của họ.
Vì vậy hãy tự hỏi: “Hôm nay mình có thể hỗ trợ cho ai?”. Luôn có ai đó ngoài kia đang phát ra tín hiệu “Cần giúp đỡ”.
13
Tôi đã nói cho ai biết mình đang đi đâu chưa?
B
ạn đã xem bộ phim 127 giờ sinh tử11 chưa? Đó là một bộ phim nhiều cảm xúc, mang lại những giây phút hồi hộp và chứa đựng thông điệp cảnh báo sâu sắc mà mỗi chúng ta đều nên ghi nhớ.
(11) Bộ phim 127 Hours của đạo diễn Danny Boyle tái hiện một câu chuyện có thật về nghị lực sống phi thường của vận động viên leo núi người Mỹ Aron Ralston trong 127 giờ mắc kẹt tại một vách núi ở Utah (Mỹ). Phim cũng đã được chiếu ở Việt Nam vào tháng 3/2011 (tựa tiếng Việt: 127 giờ sinh tử).
Nếu bạn chưa xem, thì đây là bộ phim do diễn viên James Franco thủ vai chính. James đã khắc họa xuất sắc câu chuyện có thật của vận động viên leo núi Aron Ralston và trải nghiệm đau đớn của anh khi bị rơi xuống một hẻm núi ở vùng Utah hẻo lánh và bị một tảng đá đè lên cánh tay khiến anh không tài nào thoát ra được.
Ralston bị mắc kẹt. Lúc anh ý thức được tình huống khủng khiếp mà mình đang phải đối mặt cũng là lúc anh nhận ra một sự thật phũ phàng: Anh không hề cho bất kỳ ai biết anh đi đâu.
Không ai biết phải tìm anh ở đâu. Không ai sẽ đến cứu anh. Anh hoàn toàn đơn độc vì anh đã sống như thể mình không bao giờ cần đến sự giúp đỡ của bất kỳ ai.
Chúng ta không nhất thiết phải là vận động viên leo núi như Aron Ralston thì mới cần nghe lời cảnh báo này. Luôn có nguy hiểm tiềm ẩn khi chúng ta làm điều gì đó một mình. Chúng ta cần cho ai đó biết nơi mình sẽ đến và nơi mình đã đi qua. Và cách khắc phục nguy cơ tiềm ẩn này rất đơn giản, nhưng cũng cực kỳ khó thực hiện: thừa nhận những điểm yếu của bản thân.
TÔI VÀ QUÁ TRÌNH THỪA NHẬN ĐIỂM YẾU CỦA MÌNH
Đã hơn năm năm kể từ ngày tôi từ bỏ công việc “ổn định” của mình để theo đuổi sự nghiệp viết lách, diễn thuyết, đào tạo và cố vấn toàn thời gian.
Bạn có muốn nghe lời thú nhận của tôi không?
Có những tháng tôi hoàn toàn không biết phải làm gì tiếp theo hoặc sẽ kiếm tiền từ đâu. Chứng rối loạn ám ảnh so sánh chiếm cứ tâm trí tôi mỗi khi tôi nhìn vào cuộc sống của bạn bè và hoang mang tự hỏi có phải tôi đã tự hủy hoại đời mình hay không. Nỗi sợ bắt đầu lan khắp cơ thể tôi.
Tôi suy nghĩ rất nhiều, tìm cách làm rõ mọi thứ trong khi cố gắng thoát khỏi cảm giác “Có phải mọi thứ hỏng bét rồi không?”. Nỗi sợ siết chặn lấy tôi như con trăn siết mồi. Lý trí tôi nói thế này, cảm xúc lại nói thế khác, còn đôi chân thì muốn bỏ chạy nhanh nhất có thể.
Tại sao tôi lại kể với bạn tất cả những điều này?
Nếu tôi cứ nói mãi về việc ai cũng cần thành thật với bản thân và thừa nhận điểm yếu của mình, trong khi bản thân tôi lại trốn đằng sau những lời khuyên và những câu chuyện thú vị về hành trình của
mình, thì tiếng nói của tôi chẳng khác gì vô số âm thanh hỗn tạp khác mà bạn có thể đã nghe đến mòn tai.
Tất cả chúng ta đều cần có ai đó mà chúng ta có thể nói cho họ biết về hành trình của mình. Tôi đã nói nhiều về sự cần thiết của việc bị lạc lối và khám phá, nhưng chúng ta cũng không nên đi hành trình này một mình.
Chúng ta cần rất nhiều can đảm để nói về những khía cạnh mà chúng ta có ít can đảm đối mặt nhất. Chúng ta cần đủ can đảm để mở những cánh cửa và cho phép người khác biết những điều chân thực bên trong. Tất cả chúng ta đều cần dũng cảm thừa nhận điểm yếu của mình.
Có một sự thật khác mà tôi cần cho bạn biết: Tôi sẽ không thể vượt qua tất cả những điều này nếu không thật sự tin tưởng và biết rằng Thượng đế luôn bên tôi, cùng tôi đối mặt với những nghi ngờ, với mọi điều không hoàn hảo, những nỗi bất an và sợ hãi. Nếu không có nguồn sức mạnh tinh thần này thì tôi vẫn là một đống hỗn loạn không thể tháo gỡ.
Tôi không thể tự tháo gỡ cuộc đời mình một mình, hay ít nhất là tôi không muốn thử làm điều đó.
Thế nên tôi chia sẻ những điều này, để bạn có thể thấy được tôi một cách chân thực nhất, và hy vọng điều này sẽ khích lệ bạn làm điều tương tự với bản thân - cho dù bạn đang cảm thấy tuyệt vọng, thất bại, mất cảm hứng giữa cơn khủng hoảng của cuộc đời, hay chỉ đang không thể quay lại với những cảm xúc bình thường.
Cuộc sống của “người trưởng thành” có nhiều thử thách, và chúng ta không thể một mình vượt qua chúng. Hãy vẫn tiếp tục khám phá, nhưng cũng hãy tìm cho mình những người bạn đồng hành.
Chúng ta không né tránh cảm giác bất an bằng cách giả vờ như nó không tồn tại. Nỗi bất an sẽ mang lại những câu trả lời nếu chúng ta sẵn lòng chấp nhận bị tổn thương để đối diện với nó và đặt ra những câu hỏi thẳng thắn.
Tôi không có đáp án cho mọi câu hỏi, nhưng tôi biết tôi không cần phải tìm đáp án cho mọi câu hỏi.
Hãy cứ khám phá. Hãy cứ đi lạc.
Quan trọng là hãy cho ai đó biết bạn đang ở đâu và bạn đang đi đâu, để nếu chẳng may bạn bị một tảng đá chèn lên cánh tay thì ai đó sẽ biết đến đâu để cứu bạn.
14
Làm thế nào để lựa chọn khi không biết nên chọn điều gì?
H
ơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta dễ choáng ngợp vì có quá nhiều lựa chọn, nhiều phương án và nhiều khả năng. Một lệnh tìm kiếm trên Google có thể mang lại cho bạn ba triệu kết quả và con số đó ngày càng tăng lên.
Mỗi quyết định của bạn đồng nghĩa với việc bạn không lựa chọn hàng triệu tùy chọn khác.
Dù đó là lựa chọn nơi để sống, người để yêu, nghề nghiệp để theo đuổi, trạm Spotify để nghe12, quán Pad Thai13 đúng điệu để ăn hay bộ phim để xem, thì mỗi lựa chọn đều mang lại cảm giác bất an như con thú săn mồi đang chực chờ để làm tổn thương chúng ta bằng móng vuốt sắc nhọn của nó.
(12) Trạm Spotify (Spotify station) là một ứng dụng của Spotify cung cấp khả năng phát nhạc hay các nội dung âm thanh giống như radio. Người nghe tùy ý thêm vào các station theo thể loại nội dung phù hợp với nhu cầu hay sở thích cá nhân, tương tự như “playlist” trong các phần mềm nghe nhạc khác.
(13) Món pad Thai hay mì xào Thái là món ăn đặc sản nổi tiếng của Thái Lan, gồm sợi mì gạo tươi với nước xốt cùng vài thành phần hải sản khác.
Bạn làm thế nào để đối mặt với những lựa chọn này trong những năm tuổi trẻ? Và tốt hơn nữa, làm sao để tìm ra cách đưa ra những lựa chọn đúng đắn mà không phải phát điên?
Đầu tiên, khi bạn không biết phải lựa chọn điều gì, hãy quyết định rằng bạn sẽ lựa chọn điều-gì-đó. Nghe thì đơn giản, nhưng chúng ta tê liệt khi đứng trước nhiều phương án lựa chọn đến mức không lựa chọn được gì cả.
Hãy nhớ rằng không lựa chọn cũng là một lựa chọn, và có lẽ đó là sự lựa chọn ít có tính xây dựng nhất bạn từng đưa ra. Bởi vì bạn không học được điều gì khi đứng yên tại chỗ. Giống như dòng sông - khi nước ngừng chảy, dòng sông sẽ trở thành một vũng tù đọng, nơi rác rưởi, sình lầy và mầm bệnh sinh sôi.
Chúng ta cần liên tục chảy xuôi dòng, ngay cả khi không biết chính xác những gì đang chờ ta nơi khúc quanh.
Như Teddy Roosevelt đã nói rất chí lý rằng:
“Hãy hành động. Hãy làm điều gì đó; hãy tích cực lên; đừng lãng phí thời gian của bạn; hãy sáng tạo, tạo ra ảnh hưởng, tạo ra vị thế cho riêng mình dù bạn đang ở đâu và hãy trở thành ai đó; hãy hành động.”
Hãy lựa chọn rằng bạn sẽ đưa ra một lựa chọn. Hãy tìm ra lựa chọn mà bạn cảm thấy “chắc chắn 77%” và cho nó cơ hội được thử nghiệm. Bạn sẽ không biết kết quả ra sao cho đến khi bắt tay vào thực hiện.
Nếu bạn đang vất vả đi tìm đam mê và mục đích của đời mình, hãy chọn cái gì đó. Hãy trả lời vài câu hỏi trong quyển sách này, đưa ra một lựa chọn tốt nhất có thể, và sau đó, hãy bắt tay vào hành động.
Nếu lựa chọn đó không phù hợp thì cũng chẳng sao. Có thể bạn sẽ không cảm thấy vui vẻ lắm, nhưng mỗi lần bạn xác định được điều mình không thích làm, bạn sẽ tiến một bước đến gần hơn với việc khám phá ra điều mình thật sự muốn làm.
Đây là một kiểu trò chơi sàng lọc để thành người lớn. Mỗi lần bạn gạch bỏ một thứ ra khỏi danh sách là mỗi lần bạn tiến gần hơn đến việc tìm ra “người chiến thắng”.
Hành trình leo lên từng nấc thang của năm tháng thanh xuân có thể giống như một chú chó mập ì ạch leo lên một ngọn núi. Hành trình đó rất phiền phức, mệt mỏi và đôi khi bạn có cảm giác như mọi ánh mắt đều đổ dồn vào những bước chân vụng về của mình.
Nhưng hãy cứ bước từng bước, từng bước nhỏ nối tiếp nhau không ngừng, bạn sẽ đến được nơi có tầm nhìn khiến bạn quên mất hành trình vất vả đã qua. Bạn sẽ khiến mọi người ngỡ ngàng. Tôi cam đoan đấy.
Hãy hành động. Đừng chần chừ.Bị nhấn chìm giữa những lựa chọn là cách chết dở nhất.Bạn có thể làm những điều lớn lao hoặc những điều nhỏ bé - gì cũng được, miễn là bạn làm một-cái-gì-đó.
15
Nỗi sợ ngăn tôi làm điều gì? Như vậy có đáng không?
T
ôi còn nhớ có lần tôi đang cùng con gái chơi trò bò qua cái lều có hình dạng đường hầm thì có tin báo email. Đó là email khiến tôi đọc xong liền đứng bật dậy vì vui sướng tột cùng, quên là mình đang ở trong lều. Cái lều bị bung ra và vắt vẻo trên người tôi, còn cô con gái bé nhỏ thì nhìn tôi ngơ ngác.
Đó là email hồi đáp cho một email mà tôi suýt chút nữa đã không gửi đi. Tôi đã phải tự thuyết phục mình suốt mấy tuần để có can đảm gửi email đó đi. Nhưng giờ thì tôi đang được đọc email hồi đáp từ người có ảnh hưởng vô cùng to lớn đó đối với cuộc đời tôi, tác giả của những quyển sách mà tôi đã nghiền ngẫm, người mà tôi chưa từng được gặp mặt. Đó là Seth Godin, cũng chính là người đứng tên bảo chứng cho quyển sách đầu tay của tôi, 101 Bí mật của tuổi hai mươi. Tôi lập tức phấn khích báo tin cho vợ mình trong bếp, tay giơ cao chiếc điện thoại như thể đó là chiến lợi phẩm, trong khi những mảnh vải của chiếc lều vẫn lủng lẳng trên lưng.
Nếu chưa biết Seth Godin là ai, bạn cần tìm hiểu về ông ấy. Ông đã thổi vào những quyển sách tuyệt vời của mình sự thông thái, trí tuệ và nguồn cảm hứng dồi dào. Ông cũng là bậc thầy trong lĩnh vực kinh doanh, marketing, khai thác tầm ảnh hưởng, giáo dục và lãnh đạo.
Vì vậy, nhiều năm sau, khi đang viết quyển sách mà bạn đang cầm trên tay, tôi đã nghĩ đến việc gửi email cho Seth một lần nữa để hỏi xem có câu hỏi nào mà ông cho rằng tất cả những người ở độ tuổi hai mươi đều nên tự đặt ra cho bản thân hay không
Một lần nữa, tôi sợ hãi khi nghĩ đến việc gửi email đó đi. Tôi lại đấu tranh với chính mình về chuyện đó trong nhiều tuần. Và một lần nữa, tôi lại để nỗi sợ lấn át với suy nghĩ “Tôi không muốn làm mất thời gian của Seth…”.
Nhưng sau đó, tôi quyết định không tự cản trở mình nữa. Cuối cùng tôi cũng gửi email đó đi, thở phào nhẹ nhõm rồi lại tự trách mình đã làm phiền ông ấy với một câu hỏi như vậy.
Một lần nữa, ông ấy trả lời, với câu hỏi mà ông dành cho tất cả những người trẻ tuổi:
“Nỗi sợ đang ngăn cản bạn làm điều gì? Như vậy có đáng không?”
Như thể Seth đã nhìn thấu nỗi sợ của tôi qua những câu chữ trong email đó vậy.
Nỗi sợ đã cản đường tôi nhiều lần. Nhưng Seth nói đúng. Không đáng phải như vậy.
Nỗi sợ khiến bạn không dám làm điều gì? Nó có ích không? Có đáng để cảm giác bất an xâm chiếm tâm trí bạn không? Có đáng không khi để cho nỗi sợ ngăn cản bạn tiếp thu kiến thức mới? Có đáng phải sống một cuộc đời chỉ toàn là “giá như”? Có đáng để sống một cuộc đời trì trệ, tuy thoải mái nhưng lại đầy bứt rứt không?
Thật không đáng khi bạn để nỗi sợ cản trở mình chấp nhận những rủi ro cần thiết. Dù trong tình huống nào cũng vậy. Trải nghiệm và biết chuyện gì sẽ xảy ra thì tuyệt hơn nhiều so với việc cứ mãi băn khoăn với đủ loại “giá mà”.
Hãy ngừng cản trở bản thân.
16
Cuộc đời tôi sẽ thế nào nếu tôi hài lòng với việc là chính mình?
B
ạn đã bao giờ cưỡi ngựa chưa?
Ngay khi bạn nhảy lên lưng ngựa, kích thích tố adrenaline sẽ dâng lên trong huyết quản, và bạn kỳ vọng mình sẽ có một cuộc phiêu lưu khó quên trong đời. Nhưng thay vì vậy, bạn lại chỉ ngồi vắt vẻo trên lưng một chú ngựa già, để nó chậm rãi đi hàng giờ vòng quanh mấy gốc cây.
Khi tôi còn là người giữ ngựa tại một trang trại ở Dãy núi Rocky14, tôi đã có hàng ngàn lần “cưỡi” ngựa theo kiểu như thế. Cá nhân tôi không hề muốn có bất kỳ điều gì “phiêu lưu mạo hiểm” diễn ra trong những chuyến cưỡi ngựa như thế này, vì điều đó có nghĩa là lại thêm một cô bé tuổi teen bị quấn tóc vào cành cây (mấy chú ngựa thích chơi trò này lắm), hoặc có một con thỏ hoảng sợ nhảy ra từ bụi cây và khiến chú ngựa giật mình bỏ chạy như thể bị dí súng vào mông.
(14) Dãy núi Rocky (hay Rockies, hay còn gọi là Rặng Thạch Sơn) là dãy núi khá rộng ở miền Tây Bắc Mỹ. Dãy núi Rocky chạy dài hơn 4.800 km từ cực bắc British Columbia (Canada) đến New Mexico (Hoa Kỳ). Ngày nay, một phần lớn vùng núi Rocky thuộc khu vực bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia, thu hút khách du lịch
muốn đi bộ đường dài, leo núi, câu cá, trượt tuyết, và các hoạt động dã ngoại khác.
Tôi đã nhiều lần cố gắng giải thích với bầy ngựa rằng chúng lớn hơn chú thỏ con đáng yêu kia một chút nên chẳng có việc gì phải sợ cả, nhưng hẳn là những đôi tai ngựa kia bị điếc đặc.
Tuy nhiên, có lúc những người giữ ngựa chúng tôi tạm biệt các du khách để mang một vài chú ngựa ra huấn luyện riêng. Đó là những chú ngựa thuộc dạng “chưa sẵn sàng cho khách cưỡi”, và một trong những nhiệm vụ của chúng tôi là thuần hóa những chú ngựa lâu lâu lại nổi cơn háu đá này.
Trong những lần như vậy, chúng tôi đưa mắt ra hiệu cho nhau, thúc gót giày vào mình ngựa và thế là cuộc phiêu lưu bắt đầu! Chúng tôi phi như bay dưới những tán cây, chơi những trò ngớ ngẩn như đuổi bắt trên lưng ngựa. Đây không phải là trò mà tôi sẽ khuyến khích bạn chơi, cũng không phải là trò mà bây giờ tôi còn hứng thú để chơi, nhưng chắc chắn là hồi đó tôi thấy nó vui kinh khủng!
Trong một lần nọ, khi tôi chơi trò này cùng hai người bạn là Scott và John, chúng tôi đã cưỡi ngựa chạy nước rút lên một sườn dốc. Khi đó tôi đang cưỡi Hondo, chú ngựa cưng nhất của tôi ở trang trại. Nó là giống ngựa Quarter lông nâu bướng bỉnh và có đôi chân nhanh như gió.
Khi cho ngựa dừng lại một chút để nghỉ xả hơi, chúng tôi đưa mắt nhìn xuống bên kia sườn dốc, Scott nói: “Tôi nghĩ chúng ta nên chậm lại và để ngựa bình tĩnh lại đã. Có vẻ hơi nguy hiểm rồi đấy”.
Hiển nhiên là những lời khôn ngoan ấy của Scott đã kích thích tôi và John. Hai người chúng tôi liếc nhìn nhau và phi ngựa như bay xuống sườn dốc. Lẽ ra chúng tôi nên làm theo lời Scott.
Khi John và tôi đang song phi như thế, con ngựa của cậu ấy chợt quyết định rằng nó sẽ không chịu đựng con ngựa của tôi nữa, thế là nó húc đầu vào hông con ngựa của tôi. Con Hondo lập tức phóng lên với một tốc độ tôi chưa từng thấy trước đó, trong khi con ngựa của John thì phóng theo hướng khác. Sau đó tôi mới biết John bị đập vai vào thân cây, ngã khỏi lưng ngựa và “đáp” xuống một bụi cây. (Nhìn chung thì cậu ấy vẫn ổn!) Nhưng ngay lúc ấy thì tôi không biết những chuyện này, vì Hondo đang phi hết tốc lực xuống thung lũng, trong khi tôi cố hết sức để ghìm nó lại.
Cây cối hai bên đường vút qua như những hình ảnh mờ ảo. Tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra khoảng bốn mươi lăm mét trước mặt mình là một khe núi lớn.
Trong ký ức của tôi, “khe núi lớn” đó chẳng kém gì hẻm núi lớn Grand Canyon. Còn trong thực tế, có lẽ nó chỉ là một cái khe hẹp và khô cằn, nhưng khi Hondo lao về phía đó và có vẻ không hề có ý định dừng lại, tôi biết rằng chúng tôi chỉ có thể phóng qua hoặc sẽ rơi xuống cái khe đó. Hondo không hề chần chừ khi nó phóng qua khe núi, còn tôi thì hét lên như một chiến binh (trên thực tế, tiếng hét của tôi có thể chỉ nghe như tiếng hét của một cô bé sáu tuổi khi thấy một con nhện bò trên cánh tay).
Hondo và tôi đáp xuống bên kia “hẻm núi Grand Canyon” và cả hai chúng tôi vẫn trụ vững (tôi tin là ngay cả Evel Knievel15 cũng sẽ tự hào về điều này). Nhưng khi hoàn hồn trở lại, tôi lại thấy một
chướng ngại vật mới - một hàng cây! Một lần nữa, tôi lại cố hết sức để kiềm con Hondo lại, hy vọng nó không thật sự muốn tự sát vào ngày hôm nay, vì có vẻ như nó vẫn chưa có ý định dừng lại.
(15) Evel Knievel (1938-2007): tay đua xe máy mạo hiểm người Mỹ, được mệnh danh là “tay lái thách thức tử thần” vào cuối thập niên 1960. Những pha bay trên xe máy, bao gồm lần thử bay qua Hẻm núi Sông Rắn (Snake River Canyon), là một trong những sự kiện được xem nhiều nhất của chương trình truyền hình Wide World of Sports.
Còn cách hàng cây bốn mươi mét… mười lăm mét… Nó vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại… Tôi ra sức kéo dây cương… mười mét… và Hondo bắt đầu giảm tốc độ. Tôi chúi người về phía trước, nhận ra mình đang bám trên cổ con ngựa hơn là trên lưng nó, nhưng chúng tôi đã dừng lại. Và vẫn còn sống!
Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực, và tôi nghe thấy tim Hondo cũng vậy. Tôi ngồi yên ổn trên yên ngựa và phản ứng đầu tiên của tôi là cảm ơn Thượng đế.
Một là vì tôi vẫn còn sống!
Hai là vì tôi đã được trải nghiệm cảm giác hưng phấn tột độ khi ngồi trên lưng ngựa. Tôi được trải nghiệm một chuyến cưỡi ngựa đích thực, khi mà Hondo hẳn đã quên mất có tôi đang ngồi trên lưng nó. Tôi được trải nghiệm bản năng thật sự của một chú ngựa, những gì nó được sinh ra để làm. Và cảm giác phấn khích đó vẫn ngập tràn trong tôi khi tôi nhắm mắt lại thì thầm lời tạ ơn.
Tôi kể câu chuyện này vì tôi nghĩ nó là một hình ảnh điển hình trong cuộc sống. Chúng ta có thể bị mắc kẹt ở đâu đó trên hành trình, vào lúc này hoặc lúc khác, phải lẽo đẽo đi sau ai đó và chỉ mong sao vượt qua chặng đường này một cách nhanh nhất có thể để về nhà, ngồi xuống bàn ăn và tạm quên đi rằng mọi chuyện sẽ lại tiếp diễn vào hôm sau.
Nhưng cũng có những lúc chúng ta bước ra khỏi lối mòn và bắt đầu sống theo cách chúng ta được sinh ra để sống, khi mà tất cả những thứ kìm hãm chúng ta, dù có thực hay trong tưởng tượng, đều sẽ trở nên mờ nhạt, và chúng ta chạy hết tốc lực, sống trọn vẹn và không còn quan tâm ai đang cố ghìm chúng ta lại.
Không ai có thể sống thay bạn hoặc trở thành con người bạn. Hãy làm chủ điều đó. Hãy phát huy nó đến tận cùng. Và hãy xem những thành quả mà nó mang lại suốt nhiều năm sau. Hãy không ngừng thay đổi bằng cách trở thành con người đích thực của bạn, con người mà bạn được sinh ra để trở thành.
Đây không phải là cuộc tìm kiếm mà trong đó bạn chúi mũi vào một tấm bản đồ không đúng với thực tế cho lắm và tin chắc rằng nếu bỏ lỡ một ngã rẽ thì bạn sẽ không bao giờ tìm được kho báu mang tên “Mục đích sống”. Trái lại, hành trình đi tìm tiếng gọi của đam mê đòi hỏi bạn phải hiểu rõ năng lực của mình, làm chủ câu chuyện đời mình, đi ra khỏi lối mòn và chạy như thể đó là điều duy nhất mình có thể làm.
Tôi thường nghĩ về Hondo và bài học vô giá mà nó đã dạy tôi ngày hôm đó. Và tôi vẫn thấy biết ơn vì nó đã không hất tôi xuống giữa đường để tôi học được bài học ấy!
Chúng ta không gắn kết với nhau bằng sự hoàn hảo giả tạo. Chúng ta gắn kết khi cùng nhau chia sẻ những khó khăn. Hãy đủ can đảm để là người tiên phong.
17
“Lý do then chốt” của tôi là gì? T
ại sao bạn làm những việc mà bạn đang làm?
Hiểu rõ và xác định đúng “lý do then chốt” đằng sau những điều bạn đang theo đuổi chính là yếu tố quyết định giúp bạn đạt được những điều đó.
Lý do là thứ giúp bạn kết nối với người khác - dù là trong buổi phỏng vấn việc làm, bài viết trên trang cá nhân, trong một quyển sách, video, hoạt động phi lợi nhuận hay một dự án kinh doanh.
Như Simon Sinek16 đã viết trong quyển sách Start With Why (tạm dịch: Bắt đầu với câu hỏi tại sao), “Người ta không bị thuyết phục bởi điều bạn làm; họ bị thuyết phục bởi lý do bạn làm điều đó”.
(16) Simon Sinek là diễn giả truyền cảm hứng người Mỹ và cũng là tác giả của hai cuốn sách Start With Why và Leaders Eat Last.
Tuy nhiên, chúng ta rất thường quên mất “lý do” của mình. Chúng ta mất dấu nó, hoặc ngay từ đầu chúng ta đã không hề biết đến sự tồn tại của nó.
Khi không hiểu rõ “lý do” của mình, bạn sẽ mất phương hướng. Giống như khi bạn đứng giữa nhà bếp và vắt óc nghĩ xem lý do ban đầu khiến bạn đến đó là gì.
Nếu muốn làm điều gì đó có ý nghĩa, bạn phải biết lý do tại sao điều đó có ý nghĩa với bạn.
Chúng ta cần phải thường xuyên trở về nguồn động lực nội tại của mình, thứ sâu sắc hơn mọi nguồn lực, mọi chi tiết và mọi thứ của cải vật chất.
Lý do then chốt của bạn thuờng vượt ra khỏi giới hạn của bản thân bạn.
Đến nay tôi đã hiểu điều này một cách trọn vẹn hơn, nhất là khi đã có vợ và ba đứa con. Họ cũng là một trong những lý do của tôi.
BẠN PHẢI BIẾT VÀ LÀM CHỦ LÝ DO CỦA MÌNH
Nếu lý do của bạn là động lực cho mọi việc bạn làm, thì những thăng trầm của cuộc sống sẽ không bao giờ ngăn được bước tiến của bạn. Đỉnh vinh quang hay vực sâu thất bại đều không thể khiến bạn từ bỏ.
Những lý do then chốt sẽ phá tan những nghi ngờ hay nỗi sợ hãi đang kiềm chân bạn.
Lý do của bạn sẽ cho bạn sức mạnh để tiến lên.
Lý do của bạn là gì?
Những câu hỏi tiếp theo sẽ giúp bạn khám phá và xác định “lý do then chốt” của mình.
18
Tình tiết mấu chốt trong câu chuyện của tôi là gì?
K
hi lần đầu tiên đọc một quyển sách, bạn không đọc đại một trang nào đó ở giữa và kỳ vọng mình sẽ hiểu được toàn bộ câu chuyện.
Điều này cũng đúng với cuộc sống của bạn. Bạn đang sống với câu chuyện của riêng mình. Và nếu không hiểu được đầu đuôi câu chuyện của chính mình - nơi nó bắt đầu và nó đang đi đến đâu - thì làm sao bạn có thể sống thật trọn vẹn ở những trang tiếp theo?
Điều quan trọng là bạn cần hiểu, xác định và trình bày một cách rõ ràng thứ mà tôi gọi là tình tiết mấu chốt trong câu chuyện đời bạn.
Tình tiết mấu chốt là những thời điểm quan trọng trong đời bạn, khi sự kiện đặc biệt nào đó diễn ra - cả tốt lẫn xấu, thành công lẫn thất bại. Khi hiểu được các tình tiết mấu chốt trong câu chuyện cho đến thời điểm hiện tại, bạn sẽ có thông tin về hướng phát triển của câu chuyện vì bạn biết những gì đã diễn ra.
Quá khứ có thể cản trở bạn đi đến tương lai hoặc có thể giúp bạn thấy được tương lai. Hãy vén bức màn lên và bắt đầu theo dõi để hiểu hơn về câu chuyện kỳ diệu của bạn!
Những tình tiết mấu chốt trong câu chuyện của bạn là gì? Hãy liệt kê chúng trong những phần tiếp theo.
19
Những chiến công vĩ đại nhất của tôi là gì?
H
ãy liệt kê từ ba đến năm chiến công vĩ đại nhất của bạn (sự công nhận, phần thưởng, thành công hoặc thành tựu). Đây có thể là những thành công lớn và được công nhận, hoặc là những thành tựu mà chỉ có mình bạn biết. Bất cứ điều gì khiến bạn thật sự tự hào và xem đó là những chiến công hiển hách của mình, hãy liệt kê chúng ra.
1.________________________________
2.________________________________
3.________________________________
4.________________________________
5.________________________________
20
Người khác nhìn thấy tôi sống hết mình nhất vào lúc nào?
Đ
ôi khi chúng ta không cho chính mình sự tưởng thưởng mà chúng ta xứng đáng được nhận, vì chúng ta cho rằng một vài chiến tích vẻ vang nào đó của mình là không đáng kể. Chúng thật sự đáng kể cả đấy, và đôi khi chỉ có người không đứng lọt thỏm giữa khu rừng mới có thể chỉ cho bạn thấy những cái cây.
Hãy chọn ra hai, ba người gần gũi nhất với bạn và hỏi xem họ nhìn thấy bạn sống hết mình nhất và thành công nhất vào lúc nào. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên với câu trả lời của họ đấy. Hãy ghi lại những điều họ nói.
21
Những bi kịch lớn nhất mà tôi từng vượt qua là gì?
G
ọi những điều này là bi kịch thì nghe có vẻ… bi kịch quá, nhưng cơ bản là bạn hãy liệt kê một vài thất bại, tai nạn, thử thách, hoàn cảnh tồi tệ, hay những giai đoạn khó khăn nhất mà bạn đã phải chiến đấu hay vượt qua trong đời.
1.________________________________
2.________________________________
3.________________________________
4.________________________________
5.________________________________
22
Khi nhìn lại những thành tựu lớn nhất của mình, tôi tâm đắc nhất điều gì? Tôi đã đáp ứng được nhu cầu nào?
T
ất cả chúng ta đều nhìn nhận thành công theo những cách khác nhau. Chiến thắng vĩ đại của tôi có thể chỉ như một trải nghiệm bình thường đối với bạn. Chính xác thì bạn đã làm được điều gì khiến bạn cảm thấy thật sự có ý nghĩa? Bạn có đóng vai trò dẫn dắt, phục vụ, sáng tạo, mang lại niềm vui… hay không?
Bạn đã đáp ứng nhu cầu nào với mỗi thành công đạt được?
Bạn đã giải quyết được một vấn đề hoặc đảm nhiệm một vai trò nào đó. Bạn đã đáp ứng một cách hiệu quả một nhu cầu, và điều đó khiến bạn vô cùng mãn nguyện.
Những nhu cầu này không nhất thiết phải lớn lao như “xóa bỏ nạn đói trên toàn thế giới” hay hoàn toàn mang ý nghĩa phụng sự.
Ví dụ, một thành công của tôi ở trường đại học là làm người dẫn chương trình (MC) cùng với vị giáo sư tôi vô cùng yêu mến, Tiến sĩ Greg Spencer, cho sự kiện Spring Sing (tạm dịch: Giọng ca mùa xuân) lớn nhất toàn trường. Hằng năm, nam nữ sinh viên của các ký túc xá sẽ sáng tạo những tiết mục ca nhạc và thi đấu với nhau để giành ngôi vị quán quân. Vì vậy người dẫn chương trình là người công bố bí mật được mong chờ nhất trong sự kiện, đó thật sự là một
vinh dự lớn. Suốt nhiều tháng, Tiến sĩ Spencer và tôi đã cùng nhau soạn ra các tiểu phẩm, những đoạn video hài hước, các bài hát, mẩu chuyện cười, v.v. để chèn vào giữa các tiết mục biểu diễn của sinh viên, vì nhiệm vụ của chúng tôi là giữ cho đêm diễn được liền mạch và khiến khán giả bị thu hút suốt nhiều giờ liền. Sự kiện này diễn ra tại trung tâm tổ chức sự kiện lớn nhất thành phố, với sự tham gia của rất đông phụ huynh và người địa phương.
Chắc chắn tôi đã trải qua những khoảnh khắc “hoảng loạn vì bất an” trước sự kiện, và tôi nhớ mình đã phấn khích thế nào khi chúng tôi chờ để bước lên sân khấu trước hàng ngàn khán giả. Kết quả là sau hai tiếng rưỡi, tôi rời sân khấu với cảm giác sự kiện đã thành công tốt đẹp, và chúng tôi cũng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực sau đó.
Chúng tôi đã đáp ứng được nhu cầu nào khi làm MC cho một sự kiện lớn? Trước tiên, chúng tôi đáp ứng được nhu cầu giải trí, thu hút được đông đảo khán giả theo dõi chương trình và giữ cho sự kiện diễn ra suôn sẻ suốt nhiều giờ. Bây giờ tôi có thể thấy qua sự thành công đó những kỹ năng mà tôi đang sử dụng trong vai trò diễn giả và tác giả, nhằm tiếp tục đáp ứng nhu cầu giải trí và truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả nhất. Chúng tôi đã không “giải cứu thế giới” vào đêm hôm ấy - khi Tiến sĩ Spencer và tôi hóa trang thành Sonny và Cher17 và hát bài I Got You Babe - nhưng đối với tôi, việc đáp ứng nhu cầu này, đón nhận thử thách và đạt được kết quả tốt đẹp là điều vô cùng quan trọng và tuyệt vời. (Nếu bạn thắc mắc, tôi đã hóa trang thành Cher).
(17) Sonny và Cher Bono là một đôi vợ chồng song ca nhạc pop, diễn viên và nghệ sĩ giải trí người Mỹ vào thập niên 1960 và 1970.
Cặp đôi nổi tiếng với hai bài hát ăn khách Baby Don’t Go và I Got You Babe. Cả hai được lưu tên trên Đại lộ Danh vọng Hollywood vào năm 1998, ngay sau khi Sonny qua đời trong một tai nạn trượt tuyết.
Làm thế nào để kết hợp những thành công mình từng đạt được trong quá khứ vào hiện tại và tương lai của bạn? Đó chính là vấn đề. Đừng gạt bỏ những việc bạn thích làm và những thành tích bạn đạt được trong quá khứ chỉ vì những thất bại, những dự định bất thành và những kỳ vọng bị sụp đổ mà bạn gặp phải trong thuở hai mươi u ám của mình. Thay vào đó, hãy vận dụng những thành công trong quá khứ vào hiện tại và tương lai của bạn.
Hãy liệt kê những việc bạn đã làm và các nhu cầu mà bạn đã đáp ứng qua những thành công đáng tự hào nhất của mình. Đó có phải là những nhu cầu mà bạn muốn tiếp tục đáp ứng trong tương lai không?
1.________________________________
2.________________________________
3.________________________________
23
Vấn đề hay nỗi đau nào giúp tôi nhận ra mục đích của mình?
Đ
ây là một câu hỏi khích lệ tinh thần thật à?
Nghe cứ như câu hỏi đến từ một chuyên gia tâm lý trị liệu nào đó, người có năng lực kỳ lạ là khiến bạn cảm thấy phiền muộn về đời mình hơn cả trước khi bước vào văn phòng tư vấn của ông ấy. Thật không may là tôi có thể đang nói ra điều này dựa vào kinh nghiệm cá nhân. Lợi ích duy nhất của việc đến gặp chuyên gia tâm lý trị liệu là ông ấy khiến cho mọi khoảnh khắc bên ngoài phòng trị liệu trở nên tuyệt như ở công viên giải trí Disneyland vậy. Thật ra cũng không hẳn là vậy. Khi bạn đang chiến đấu với nỗi muộn phiền thì mỗi ngày đều cho bạn cảm giác như thể mình đến công viên Disneyland, mua vé xong xuôi rồi lại phát hiện ra tất cả các trò chơi đều hỏng, trừ trò “Thế giới thật nhỏ bé”18.
(18)“It’s A Small World” (“Thế giới thật nhỏ bé”) là tên của trò chơi tham quan bằng thuyền rất phổ biến trong các công viên giải trí ở Mỹ như Disneyland hay Fantasyland mà trẻ nhỏ hay người lớn ưa thích. Ca khúc It’s A Small World được phát đi phát lại trong trò chơi đó.
“Suy cho cùng thì thế giới thật nhỏ bé…”
“Làm ơn, đừng hát thêm nữa.”
“Suy cho cùng thì thế giới thật nhỏ bé…”
“Đừng hát thế giới nhỏ thêm nữa!”
“Suy cho cùng thì thế giới thật nhỏ bé…”
“Cho tôi xuống khỏi thuyền ngay! Tôi sẽ tự bơi vào bờ! Tôi không quan tâm nước hồ này có được thay kể từ khi ngài Walt Disney chơi trò này hay không!”
Nhưng hãy nghe tôi nói và chúng ta sẽ biết tại sao nỗi đau và các vấn đề của bạn có thể giúp mọi thứ tốt hơn lên. Thật đấy.
Bởi vì có một chân lý mà tôi nghĩ chúng ta chưa thật sự đánh giá đúng tầm quan trọng của nó trong cuộc sống. Đó là chúng ta thường tìm thấy mục đích và lý tưởng của mình khi đang trải qua nỗi đau sâu sắc nhất. Lý tưởng và mục đích của bạn có thể ẩn trong những bi kịch mà bạn đã liệt kê ở trên.
Tôi tin rằng Thượng đế luôn góp nhặt những mảnh vỡ trong câu chuyện của chúng ta và dùng chúng để sáng tạo ra điều gì đó thật tuyệt vời. Trong mọi thiên anh hùng ca, nhân vật chính luôn trải qua giai đoạn “mất hết mọi thứ” trước khi có một cuộc trỗi dậy ngoạn mục.
Những người có thể thay đổi thế giới thường tạo ra tác động sâu sắc nhất sau khi trải qua nỗi đau lớn nhất trong đời mình.
Trong câu chuyện của tôi, tôi đã cảm thấy mắc kẹt trong một căn phòng nhỏ hẹp suốt nhiều năm. Tôi cảm thấy bất lực, cay đắng và suy sụp. Tất cả những ước mơ lớn từng sáng rực rỡ trong tim tôi đã bắt đầu lụi tàn như những tia pháo hoa giữa đêm hè.
Tôi muốn theo đuổi mục đích và lý tưởng của mình, nhưng tôi cũng bắt đầu tự hỏi có phải điều đó là vô nghĩa hay không, có phải tất cả những câu chuyện “tìm kiếm lý tưởng và mục đích sống” chỉ là chiếc bánh vẽ dành cho những kẻ ngây thơ không.
Thế là tôi bắt đầu viết.
Căn phòng trọ xập xệ với cánh cửa gài bốn ổ khóa là nơi tôi viết trang bản thảo đầu tiên của mình, trong lúc dán mắt vào cánh cửa và tự hỏi: “Tại sao ba ổ khóa vẫn chưa đủ?”.
Từ đêm đó trở đi, tôi viết ở mọi nơi tôi đến.
Và trong phần lớn năm đầu tiên viết lách đó, tôi thậm chí còn không biết mình đang viết cái gì.
Thế là tôi viết về những khó khăn đó. Tôi viết về những câu hỏi chưa có câu trả lời. Tôi viết về nỗi chán chường, về những vấn đề tôi đang đối mặt nhưng chưa tìm được lối ra.
Đó là khi mọi thứ bắt đầu. Tôi bắt đầu tìm thấy mục đích của mình ở nơi ít ngờ tới nhất, chứ không phải trong 2,5 buổi trị liệu với vị bác sĩ tâm lý được mệnh danh là chuyên gia trị trầm cảm nhưng lại “giỏi gây trầm cảm” kia.
Tôi bắt đầu tìm thấy mục đích của mình trong những vấn đề khó khăn nhất.
Khi tôi nhìn thẳng vào những nghi vấn lớn nhất đời mình và nỗi thất vọng mình đang cảm thấy khi cố gắng tìm ra mục đích, lý tưởng và chỗ đứng của mình trong những năm tháng tuổi trẻ, và không thể tìm ra bất kỳ câu trả lời hợp lý nào, thì một mong muốn cháy bỏng