🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thành Cát Tư Hãn Và Sự Hình Thành Thế Giới Hiện Đại Ebooks Nhóm Zalo epub©vctvegroup 26-9-2018 LỜI TỰA CỦA TÁC GIẢ (cho ấn bản tại Việt Nam) THÀNH CÁT TƯ HÃN là nhà chinh phạt vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Không nhà chinh phạt phương Tây nào chinh phục được dù chỉ một nửa số dân hay đất đai của Thành Cát Tư Hãn. Sau khi đế quốc của ông ra đời vào năm 1206, nó tiếp tục mở rộng suốt gần một thế kỷ, và cuối cùng kéo từ Thái Bình Dương tới Địa Trung Hải, và từ Bắc Băng Dương tới Biển Ả-rập. Đế quốc Mông Cổ là đế quốc duy nhất trong lịch sử bao gồm cả Trung Quốc và Nga, cũng như nhiều đất nước nhỏ hơn từ Triều Tiên tới Iran, Afghanistan, Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Với một đội quân chỉ vỏn vẹn mười vạn lính, quân Mông Cổ đánh bại các đế quốc hàng triệu lính. Dường như không đất nước nào có thể chống lại đội quân Mông Cổ hùng mạnh. Chỉ có một thất bại lớn duy nhất trong các cuộc chinh phục của Mông Cổ: Việt Nam. Đi ngựa bằng đường bộ từ Trung Quốc, rồi bằng tàu băng qua đại dương, quân Mông Cổ đã nhiều lần cố gắng xâm chiếm các vương quốc thuộc Việt Nam ngày nay, và dù họ thắng vài trận đánh, họ không bao giờ có thể sáp nhập Việt Nam vào đế quốc của mình. Mông Cổ cũng thất bại khi xâm lược Nhật Bản và Java bằng đường biển, nhưng Việt Nam là nơi duy nhất họ thất bại cả trên đất liền và biển khơi. Hầu hết các quốc gia tan rã và thất thủ khi Mông Cổ xâm lược, nhưng Việt Nam đoàn kết lại và lần đầu xuất hiện trên trường thế giới. Dù tôi chỉ là một người nước ngoài với rất ít hiểu biết về lịch sử Việt Nam, tôi thấy rằng có vẻ thời Nguyên Mông là một trong những giai đoạn quan trọng nhất lịch sử Việt Nam. Các cuộc chiến chống quân Nguyên đã gắn kết những nhóm người rất khác nhau ở các vương quốc khác nhau lại để bắt đầu tạo nên đất nước Việt Nam hiện đại. Triều Nguyên Mông là khởi điểm cho thời kỳ hiện đại của Việt Nam, và nâng vị thế nước này lên cao hơn nhiều so với các vương quốc nhỏ hơn trước đó. Tôi cũng thấy một ảnh hưởng quan trọng thứ hai của thời kỳ này tới lịch sử Việt Nam. Nhà Nguyên tồn tại tới năm 1368, và trong phần lớn thời gian này họ cai trị Trung Hoa và Triều Tiên ở Đông Á, cũng như Iran và Iraq ở Tây Á, nhưng để kết nối hai phần này của đế quốc bằng đường biển, họ cần quan hệ hòa hữu với Việt Nam. Do vậy, Việt Nam trở thành một phần quan trọng của hệ thống kinh tế thế giới mới ra đời này. Tàu nhà Nguyên cần dừng ở cảng Việt Nam để lấy đồ tiếp tế, và nhà Nguyên cần phải hợp tác với Việt Nam. Việt Nam trở thành một phần không thể thiếu trên Con đường Tơ lụa trên biển liên kết Đông Á và Indonesia với Ấn Độ, Tây Á, bán đảo Ả-rập và châu Phi. Triều đại Nguyên Mông là khi Việt Nam tự chứng tỏ các bạn là một đất nước hùng mạnh về chính trị, quân sự và kinh tế. Tôi cũng có một lý do nữa để viết lời tựa đặc biệt này cho ấn bản tiếng Việt của cuốn sách này. Lý do này rất cá nhân. Khi tôi còn trẻ, cha tôi đã tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Ông đã tham gia Thế chiến II chống quân Phát xít, và dù chỉ là một người lính bình thường với học thức thấp, ông vẫn rất tự hào vì đã phục vụ đất nước mình với tư cách người lính. Ông đã lớn tuổi hơn khi tới Việt Nam, và chỉ là một đầu bếp. Khi cha tôi trở về từ Việt Nam, tôi đã đủ tuổi nhập ngũ, nhưng cha không cho tôi đi. Ông nói rằng cuộc chiến này là sai trái. Ông đã tham gia vào cuộc chiến, các con trai ông không nên đi. Chúng ta không nên tham chiến. Cha tôi trở về từ Việt Nam và bị nhiễm chất độc màu da cam do quân đội Hoa Kỳ đã rải bom hóa học xuống đây. Ông chết một cách chậm chạp, khó khăn và đầy đau đớn. Một cách từ từ, tôi cùng sáu anh chị em nhìn cha chết bởi cuộc chiến kinh khủng này. Vào thời gian đó, tôi nhìn thấy những tổn hại mà cuộc chiến này gây ra cho cha và gia đình tôi. Dù chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau vẫn còn lại. Nhưng chúng tôi chỉ là một gia đình nhỏ. Tôi biết ở Việt Nam, hàng triệu người phải chịu những nỗi đau còn tồi tệ hơn, và nỗi đau của họ vẫn còn tiếp tục rất lâu sau khi những trái bom ngừng rơi và lính Mỹ đã trở về nhà. Từ chương sách buồn này trong cuộc đời cha tôi, tôi học được cách tôn trọng người Việt Nam, cả vì nỗi đau và lòng dũng cảm của họ. Tôi mong rằng nước Mỹ sẽ không bao giờ dùng những vũ khí này chống lại bất kỳ ai khác, và tôi hi vọng rằng sau giai đoạn đau buồn này trong lịch sử hai nước, chúng ta có thể mãi trở thành bạn. Không bên nào nên quên lãng cuộc chiến, nhưng chúng ta không nên để hồi ức này cản trở việc cả hai trở thành đồng minh trong tương lai. Người dân và quân đội Việt Nam đã cho thấy lòng dũng cảm phi thường khi chống lại quân Mông Cổ tấn công bằng đường bộ và đường biển vào thế kỷ mười ba. Người dân và quân đội Việt Nam đã cho thấy lòng dũng cảm phi thường khi chống lại quân đội Mỹ tấn công bằng đường biển và đường không vào thế kỷ hai mươi. Người dân Việt Nam đã đấu tranh quật cường để giành được độc lập và tự do trong quá khứ. Họ xứng đáng có được vị trí độc tôn trong lịch sử thế giới và trong hệ thống hiện đại toàn cầu. Tôi hy vọng Việt Nam giờ đây sẽ mãi mãi mạnh mẽ, độc lập và tự do mà không cần phải tham gia cuộc chiến nào nữa. Mong Việt Nam sẽ mãi tồn tại trong thịnh vượng và hòa bình! Vị vua cao quý này mang tên Thành Cát Tư Hãn, Trong thời ngài danh tiếng lẫy lừng Tới mức không nơi đâu ở bất cứ vùng nào Lại có vị chúa tể xuất chúng về mọi mặt như vậy. GEOFFREY CHAUCER, “Truyện của địa chủ,” Những câu chuyện xứ Canterbury (khoảng năm 1395) MỞ ĐẦU NHÀ CHINH PHỤC MẤT TÍCH Thành Cát Tư Hãn là người hành động WASHINGTON POST, 1989 NĂM 1937, linh hồn Thành Cát Tư Hãn đã biến mất khỏi tu viện Phật giáo ở miền trung Mông Cổ, bên dòng Nguyệt Giang dưới chân dãy núi Shankh ảm đạm, nơi nó được các Lạt Ma trung thành bảo vệ và thờ phụng suốt nhiều thế kỷ. Suốt thập niên 1930, khoảng ba vạn người Mông Cổ đã chết trong một chuỗi các chiến dịch đàn áp văn hóa và tôn giáo bản địa của Liên Xô. Binh lính tàn phá tu viện, lần lượt từng nơi một, bắn sư sãi, cưỡng bức nữ tu, đập vỡ vật thờ, cướp bóc thư viện, đốt kinh sách, và san bằng các đền thờ. Nghe nói có người đã bí mật giải cứu hiện thân của linh hồn Thành Cát Tư Hãn khỏi Tu viện Shankh và đưa đi cất giữ ở thủ đô Ulaanbaatar, rồi biến mất hẳn ở đó. Qua hàng trăm năm, trên những thảo nguyên mênh mang sôi động vùng Trung Á, một chiến binh kiêm người chăn gia súc mang theo mình một Dải cờ thiêng, gọi là sulde, được làm từ lông các con ngựa giống tốt nhất của mình và buộc vào cán một cây giáo, ngay dưới phần lưỡi giáo. Mỗi khi dựng trại, chiến binh sẽ cắm dải cờ này ngoài cửa lều để tuyên bố danh tính và làm vật bảo hộ vĩnh viễn. Dải cờ thiêng luôn được cắm ngoài trời, dưới Thanh thiên Vĩnh hằng mà người Mông Cổ tôn thờ. Khi những sợi lông bay trong ngọn gió thảo nguyên không ngừng nghỉ, chúng thu năng lượng của gió, của bầu trời, của mặt trời, và dải cờ truyền năng lượng này từ thiên nhiên tới người chiến binh. Ngọn gió lùa qua sợi lông ngựa thôi thúc những ước mơ của người chiến binh và cổ vũ anh ta theo đuổi định mệnh của mình. Sợi lông ngựa phất phơ trong gió ra hiệu cho anh ta luôn luôn tiến lên phía trước, đẩy anh ta khỏi chốn cũ để tìm đến những nơi mới, đến những đồng cỏ tốt hơn, tìm kiếm những cơ hội và thử thách mới, để tự tay kiến tạo nên số phận cho đời mình trong thế giới này. Mối liên kết giữa một người với Dải cờ thiêng của anh ta chặt chẽ đến mức người ta nói rằng khi người ấy chết đi, linh hồn chiến binh vĩnh viễn nằm lại trong búi lông ngựa đó. Khi người chiến binh còn sống, dải cờ lông ngựa mang theo số phận của anh ta; sau khi chết, nó hóa thân thành linh hồn của anh ta. Thể xác nhanh chóng bị bỏ lại với tự nhiên, nhưng linh hồn còn sống mãi trong búi lông ngựa để tiếp tục truyền cảm hứng cho những thế hệ tương lai. Thành Cát Tư Hãn có một dải cờ từ lông ngựa trắng để dùng trong thời bình, và một từ lông ngựa đen để dẫn lối trong chiến trận. Dải cờ trắng đã sớm biến mất khỏi lịch sử, song dải cờ đen vẫn tồn tại để lưu giữ linh hồn ông. Nhiều thế kỷ sau khi ông mất, người dân Mông Cổ vẫn thờ phụng dải cờ nơi linh hồn ông yên nghỉ. Vào thế kỷ mười sáu, một hậu duệ của ông, Lạt Ma Zanabazar, đã xây dựng tu viện với mục tiêu đặc biệt là treo và bảo vệ dải cờ này. Dù mưa dông hay bão tuyết, ngoại xâm hay nội chiến, hơn một ngàn vị sư theo Hoàng Mạo phái của Phật giáo Tây Tạng đã canh giữ dải cờ này với niềm vinh dự lớn lao, nhưng ngay cả họ cũng chẳng phải đối thủ của nền chính trị toàn trị thế kỷ hai mươi. Các nhà sư đã bị sát hại, và Dải cờ thiêng của Thành Cát Tư Hãn biến mất. Định mệnh không trao số phận cho Thành Cát Tư Hãn; tự tay ông đã viết nên số phận mình. Khó lòng nghĩ đến chuyện ông có đủ ngựa để tết được một Dải cờ thiêng, chứ đừng nói là còn theo dải cờ đó đi khắp thế giới. Cậu bé mà sau này trở thành Thành Cát Tư Hãn lớn lên trong một thế giới đầy rẫy bạo lực giữa các bộ lạc, bao gồm giết chóc, bắt cóc và nô lệ. Là con trai một gia đình bị ruồng bỏ tới chết giữa thảo nguyên, cả tuổi thơ ông có lẽ chỉ gặp vài trăm người, và không được giáo dục đàng hoàng. Từ bối cảnh khắc nghiệt này, ông học được – chi tiết đến kinh hoàng – mọi cung bậc cảm xúc của con người: ham muốn, tham vọng và sự tàn bạo. Khi còn là một đứa trẻ, ông đã giết người anh cùng mẹ khác cha của mình, bị bộ lạc thù địch bắt làm nố lệ, và rồi trốn thoát được. Sống trong hoàn cảnh khủng khiếp như vậy, cậu bé đã thể hiện bản năng sinh tồn và tự bảo toàn mạng sống, song không bộc lộ nhiều hứa hẹn về những thành tựu mà sau này ông đạt được. Lúc còn bé, ông sợ chó và rất dễ khóc. Em trai ông khỏe hơn, bắn cung và đấu vật cũng hơn ông; người anh cùng mẹ khác cha thường sai bảo và trêu chọc ông. Thế nhưng, từ xuất thân hèn kém như vậy – thường xuyên phải chịu đói, chịu nhục, bị bắt cóc và làm nô lệ – ông bắt đầu chặng đường dài vươn tới quyền lực. Trước khi tới tuổi dậy thì, ông đã có được hai mối quan hệ quan trọng nhất đời mình. Ông thề kết nghĩa và trung thành vĩnh viễn với một cậu bé hơn ông ít tuổi, người trở thành bạn thân nhất của ông thời niên thiếu, và kẻ thù lớn nhất khi cả hai trưởng thành; và ông tìm thấy cô gái mà ông yêu thương suốt đời, người ông chọn làm mẹ của mọi hoàng đế sau này. Tuổi trẻ của Thành Cát Tư Hãn chứa đựng cả tình bạn và sự thù địch – sự giằng xé này kéo dài xuyên suốt cả cuộc đời, và trở thành nét quyết định tính cách của ông. Những câu hỏi đẩy dằn vặt về tình yêu và tình phụ tử sinh ra từ dưới một tấm chăn đắp chung hay trong ánh lửa chập chờn của bếp sưởi gia đình, đã được phóng chiếu lên sấn khấu rộng lớn của lịch sử thế giới. Mục tiêu, ước nguyện, và nỗi sợ của cá nhân ông bao trùm cả địa cầu. Từ năm này qua năm khác, ông dần đánh bại hết những người quyền lực hơn mình, cho tới khi chinh phục được mọi bộ lạc trên thảo nguyên Mông Cổ. Ở tuổi năm mươi, khi phần lớn những nhà chinh phục vĩ đại đã bỏ những năm tháng chinh chiến lại đằng sau, Dải cờ thiêng của Thành Cát Tư Hãn lại vẫy gọi ông rời khỏi quê hương xa xôi để đối đầu với đội quân của các dân tộc văn minh, những kẻ đã sách nhiễu và nô dịch các bộ lạc du mục suốt nhiều thế kỷ. Trong những năm còn lại của cuộc đời, ông đi theo Dải cờ thiêng ấy tới những thắng lợi liên tiếp, vượt qua sa mạc Gobi* và sông Hoàng Hà, tới các vương quốc ở Trung Hoa, qua miền đất Trung Á của người Turk và Ba Tư, và vượt các dãy núi của Afghanistan tới sông Ấn. Trong các cuộc chinh phạt nối tiếp nhau, quân Mông Cổ biến chiến tranh thành một sự kiện xuyên lục địa với giao tranh diễn ra trên nhiều mặt trận trải dài nhiều ngàn dặm. Kỹ thuật chiến đấu sáng tạo của Thành Cát Tư Hãn biến các hiệp sĩ giáp sắt nặng nề của châu Âu trung cổ thành thứ lỗi thời, và thay thế họ bằng kỵ binh có kỷ luật di chuyển thành từng nhóm phối hợp. Thay vì lệ thuộc vào những công sự phòng thủ, ông tận dụng tài tình tốc độ và sự bất ngờ trên chiến trường, cũng như hoàn thiện công thành chiến đến mức chấm dứt luôn thời đại của các thành phố có tường bao. Thành Cát Tư Hãn không chỉ dạy quân của ông chinh chiến ở những khoảng cách không tưởng, mà còn hướng dẫn họ duy trì chiến dịch của mình qua nhiều năm, nhiều thập niên, và cuối cùng, qua hơn ba thế hệ chiến đấu không ngừng nghỉ. Trong vòng hai mươi lăm năm, quân đội Mông Cổ đã chiếm được nhiều đất và người hơn người La Mã trong suốt bốn trăm năm. Thành Cát Tư Hãn, cùng với các con và cháu của mình, đã hạ gục những nền văn minh đông dân nhất của thế kỷ mười ba. Dù tính theo số lượng người bại trận, tổng số quốc gia bị thôn tính, hay tổng diện tích đất bị chiếm đóng, Thành Cát Tư Hãn đều đã chinh phục nhiều hơn gấp bội so với bất kỳ người nào khác trong lịch sử. Vó ngựa quân Mông Cổ đã làm toé nước mọi sông hồ từ Thái Bình Dương tới Địa Trung Hải. Khi cực thịnh, đế quốc này bao trùm một khu vực trải khắp 11 tới 12 triệu dặm vuông liên tiếp, bằng diện tích châu Phi và lớn hơn nhiều Bắc Mỹ – bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Trung Mỹ và vùng đảo Caribe hợp lại. Nó trải từ lãnh nguyên Siberia tuyết phủ tới đồng bằng nhiệt đới Ấn Độ, từ cánh đồng lúa gạo Việt Nam tới cánh đồng lúa mì Hungary, từ bán đảo Triều Tiên tới bán đảo Balkan. Phần lớn con người ngày nay sống ở các nước từng bị quân Mông Cổ xâm chiếm; trên bản đồ hiện đại, cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn bao gồm ba mươi quốc gia với hơn ba tỉ dân. Khía cạnh bất ngờ nhất của thành tựu này là toàn bộ bộ lạc Mông Cổ dưới trướng ông chỉ vỏn vẹn khoảng một triệu người, ít hơn số nhân công của nhiều công ty ngày nay. Từ một triệu người này, ông tuyển ra không tới mười vạn lính – dễ dàng chứa được trong các sân vận động lớn của thời hiện đại. Nói theo kiểu Mỹ, thành tựu của Thành Cát Tư Hãn có thể hiểu theo cách là nước Mỹ, thay vì được sáng lập bởi một nhóm thương nhân có học và chủ đồn điền giàu có, thì lại là do một tên nô lệ không biết chữ, chỉ nhờ nhân cách, sức lôi cuốn, và quyết tâm, đã giải phóng Hoa Kỳ khỏi sự cai trị của ngoại bang, đoàn kết dân chúng, tạo ra bảng chữ cái, viết hiến pháp, đề ra tự do tôn giáo toàn diện, sáng tạo ra hệ thống chiến tranh kiểu mới, đưa quân đội hành quân từ Canada tới Brazil, và mở đường thông thương trong một khu vực thương mại tự do xuyên suốt nhiều châu lục. Trên mọi cấp độ và từ mọi phương diện, quy mô và phạm vi của những thành tựu của Thành Cát Tư Hãn thách thức các giới hạn của trí tưởng tượng và mọi phương pháp lý giải hàn lâm. Khi kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn tràn qua thế kỷ mười ba, ông đã vẽ lại ranh giới của thế giới. Công trình của ông không phải bằng đá, mà là bằng các quốc gia. Không bằng lòng với một số lượng lớn các tiểu vương quốc, ông hợp nhất nhiều nước nhỏ thành các nước lớn hơn. Ở Đông Âu, quân Mông Cổ thống nhất một tá các tiểu vương quốc Slav và thành phố thành một nước Nga rộng lớn. Ở Đông Á, qua ba thế hệ, họ tạo ra Trung Hoa bằng cách đan lại với nhau những tàn tích của nhà Tống ở phía nam với vùng đất của người Nữ Chân* ở Mãn Châu, Tây Tạng ở phía tây, Tây Hạ*tiếp giáp sa mạc Gobi, và đất của người Duy Ngô Nhĩ* ở phía đông Turkistan*. Khi người Mông Cổ mở rộng khu vực cai trị, họ tạo ra những quốc gia như Triều Tiên và Ấn Độ. Những nước này vẫn tồn tại tới ngày nay, với đường biên giới gần như không thay đổi từ khi được người Mông Cổ tạo ra. Đế chế của Thành Cát Tư Hãn liên kết và hợp nhất các nền văn minh quanh ông thành một trật tự thế giới mới. Khi ông chào đời năm 1162, Cựu Thế giới là một chuỗi các nền văn minh địa phương hoàn toàn không biết gì về các nền văn minh khác ngoài những nước láng giềng gần gũi nhất. Không ai ở Trung Hoa biết tới châu Âu, cũng như không ai ở châu Âu từng nghe tới Trung Hoa, và theo như hiểu biết thời bấy giờ, chưa có ai từng đi lại giữa hai nơi đó cả. Tới khi qua đời năm 1227, ông đã kết nối hai nơi này bằng những mối liên lạc ngoại giao và thương mại bền vững tới bây giờ. Bằng cách đập vỡ hệ thống phong kiến coi trọng quyền lợi quý tộc và xuất thân, ông đã xây dựng một hệ thống mới và độc đáo dựa trên năng lực cá nhân, lòng trung thành và thành tích. Ông tập hợp những thị trấn buôn bán rời rạc và trì trệ dọc theo Con đường Tơ lụa và sắp xếp chúng thành khu vực thương mại tự do lớn nhất lịch sử. Ông cắt giảm thuế cho tất cả mọi người, và bỏ hẳn sưu thuế với bác sĩ, thầy dạy học, thầy tu và các cơ sở giáo dục. Ông thực hiện điều tra dân số đều đặn, và tạo ra hệ thống thư tín quốc tế đầu tiên. Đế chế của ông không tích trữ của cải và kho báu; trái lại, ông phân phát rộng rãi của cải thu được trong chiến đấu để chúng có thể quay lại thông thương. Ông thiết lập một bộ luật quốc tế và tuyên bố luật Thanh thiên Vĩnh hằng tối cao với mọi người dân. Vào thời điểm hầu hết vua chúa đều đặt mình lên trên pháp luật, Thành Cát Tư Hãn cương quyết rằng trước pháp luật vua chúa cũng chịu trách nhiệm bình đẳng như người chăn gia súc hèn kém nhất. Ông công nhận tự do tôn giáo trong lãnh địa của mình, cho dù ông đòi hỏi lòng trung thành tuyệt đối từ mọi thần dân đã hàng phục, bất kể họ theo tôn giáo nào. Ông tin vào pháp quyền và bãi bỏ việc tra tấn, nhưng ông thực hiện các chiến dịch lớn để tìm và giết những kẻ lục lâm thảo khấu và thích khách. Ông không chấp nhận giữ con tin và, thay vào đó, thiết lập tập tục hoàn toàn mới là miễn trừ ngoại giao với mọi sứ thần và sứ giả, bao gồm cả những người đến từ các quốc gia thù địch đang chiến tranh với ông. Thành Cát Tư Hãn để lại cho đế chế của ông một nền tảng vững chãi tới mức nó tiếp tục lớn mạnh trong vòng 150 năm sau đó. Sau đó, trong hàng trăm năm sau khi đế quốc ấy sụp đổ, hậu duệ của ông tiếp tục cai trị nhiều đế quốc nhỏ và quốc gia lớn, từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, tới Trung Hoa và Ba Tư. Họ có nhiều tước hiệu khác nhau, như hãn, hoàng đế, sultan, vua, shah, emir và Đạt Lai Lạt Ma*. Di sản đế chế này còn được hậu duệ của ông cai trị suốt bảy thế kỷ. Nhiều người Mogul đứng đầu Ấn Độ tới năm 1857, khi người Anh phế bỏ Hoàng đế Bahadur Shah II và chặt đầu hai con trai và cháu trai ngài. Hậu duệ tại vị cuối cùng của Thành Cát Tư Hãn, Alim Khan, emir của Bukhara, tiếp tục cầm quyền ở Uzbekistan tới khi bị làn sóng Cách mạng Nga dâng cao lật đổ năm 1920. Trong lịch sử, hầu hết các nhà chinh phục đều phải chịu cái chết sớm và bi thảm. Ở tuổi ba mươi ba, Alexander Đại Đế qua đời một cách bí hiểm ở Babylon, trong khi những kẻ phục tùng ông sát hại cả gia đình ông và chia chác đất đai. Julius Caesar bị những người cùng dòng dõi quý tộc với ông và đồng minh cũ đâm tới chết trong phòng của Viện Nguyên lão La Mã. Sau khi phải nhìn thấy mọi chiến tích chinh phục của mình bị hủy hoại và đảo ngược, Napoleon, cô độc và cay đắng, một mình đối diện với cái chết khi bị biệt giam ở một trong những hòn đảo xa xôi cách trở nhất hành tinh. Thế nhưng, Thành Cát Tư Hãn, khi đó đã gần bảy mươi tuổi, đã mất trên chiếc giường cắm trại của mình, giữa vòng vây đầy yêu thương của gia đình, thân tín, và quân lính trung thành sẵn sàng mạo hiểm tính mạng theo lệnh của ông. Mùa hè năm 1227, trong chiến dịch chống lại Tây Hạ ở thượng lưu sông Hoàng Hà, Thành Cát Tư Hãn đã qua đời – hay, theo cách nói của người Mông Cổ, những người cấm kị việc nhắc tới chết chóc hay bệnh tật, ông đã “lên thiên đường.” Nhiều năm sau cái chết của ông, lý do ông mất vẫn không được tiết lộ, dẫn đến nhiều lời đồn đoán mà sau này trở thành truyền thuyết, để rồi theo dòng chảy thời gian biến thành sự thật lịch sử. Plano di Carpini, sứ giả cháu Âu đầu tiên tới Mông Cổ, ghi lại rằng Thành Cát Tư Hãn chết vì bị sét đánh. Marco Polo, nhà thám hiểm đã có nhiều chuyến đi khắp Đế chế Mông Cổ dưới thời Hốt Tất Liệt – cháu của Thành Cát Tư Hãn, kể lại rằng ông qua đời sau khi bị tên đâm trúng đầu gối. Một số người cho rằng kẻ thù không rõ danh tính đã đầu độc ông. Có nguồn lại khẳng định ông đã chết vì phép thuật của vua Tây Hạ khi đang giao chiến. Một câu chuyện được những kẻ chỉ trích ông lan truyền nói rằng khi bị ông bắt giữ, hoàng hậu Tây Hạ đã đưa một vật lạ vào vùng kín nhằm kéo đứt bộ phận sinh dục của Thành Cát Tư Hãn khi quan hệ với bà, và ông đã chết trong đau đởn cùng cực. Trái ngược với những câu chuyện về cái chết của ông, việc Thành Cát Tư Hãn chết trong căn lều ger của người du mục, về cơ bản là tương tự như nơi ông ra đời, cho thấy thành công của ông trong việc bảo tồn lối sống truyền thống của dân tộc mình; song, bất ngờ là bằng cách bảo tồn lối sống của mình, ông đã thay đổi xã hội loài người. Quân lính của Thành Cát Tư Hãn hộ tống thi thể vị hãn của họ về quê hương Mông Cổ để bí mật chôn cất. Sau khi chết, ông được những người theo hầu an táng vô danh trên mảnh đất quê hương, không lăng tẩm, đền đài, kim tự tháp, hay thậm chí là cả một tấm bia nhỏ đánh dấu nơi ông nằm lại. Theo tín ngưỡng Mông Cổ, thân thể người chết nên được để trong yên bình, không cần lăng mộ, vì linh hồn họ không còn đó nữa mà sẽ sống tiếp trong Dải cờ thiêng. Khi được mai táng, Thành Cát Tư Hãn thẩm lặng biến mất vào cõi thinh không mênh mang của miền đất Mông Cổ quê hương. Không ai biết nơi an nghỉ cuối cùng của ông ở đâu, song bởi không có nguồn tư liệu xác thực nhiều người đã tự tay viết nên lịch sử và thêm thắt nhiều chi tiết kịch tính. Một câu chuyện thường được nhắc lại là trong chuyến hành trình dài bốn mươi ngày, quân lính trong đoàn đưa tang ông đã giết toàn bộ người và thú vật mà họ gặp trên đường, và sau đám tang bí mật, tám trăm kỵ binh đã cưỡi ngựa giẫm lên khu vực chôn cất nhiều lần để che giấu nơi đặt mộ. Sau đó, theo lời kể đầy sáng tạo này, những kỵ binh này đã lại bị giết bởi một toán lính khác nhằm đảm bảo họ không thể chỉ điểm nơi này; và rồi những người lính này lại bị một nhóm chiến binh khác giết. Sau khi ông được chôn cất bí mật ở quê nhà, quân lính cho phong toả cả khu vực rộng vài trăm dặm vuông này. Không ai có thể vào trừ người nhà Thành Cát Tư Hãn và một nhóm chiến bính tinh nhuệ đóng quân ở đó nhằm hạ sát mọi kẻ xâm nhập. Trong gần tám trăm năm, khu vực này – gọi là Ikh Khorig, vùng Đại Cấm địa nằm sâu trong lòng châu Á – luôn đóng cửa im lìm. Mọi bí mật về đế chế của Thành Cát Tư Hãn dường như đã bị khoá lại trong quê hương thần bí của ông. Rất lâu sau khi Đế chế Mông Cổ sụp đổ, và khi một phần nước Mông Cổ đã bị ngoại bang xâm chiếm, người Mông Cổ vẫn ngăn cản bất kỳ ai đặt chân vào vùng đất linh thiêng của tổ tiên họ. Dù người Mông Cổ cuối cùng đã cải sang đạo Phật, những người nối ngôi Thành Cát Tư Hãn vẫn không cho phép các nhà sư xây điện thờ, tu viện, hay đài tưởng niệm để đánh dấu mộ của ông. Vào thế kỷ hai mươi, để đảm bảo nơi sinh và mất của Thành Cát Tư Hãn không trở thành địa điểm tập kết của các nhà dân tộc học, những người đứng đầu Liên Xô đã canh gác nơi đây rất cẩn mật. Thay vì Đại Cấm địa hay bất kỳ tên gọi lịch sử nào có thể gợi nhắc tới Thành Cát Tư Hãn, Liên Xô đặt cho nơi đây cái tên hành chính Khu vực Hạn chế Cao. Về mặt hành chính, họ tách biệt nơi này với các tỉnh lân cận và đặt nó dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền trung ương – vốn chịu sự điều khiển nghiêm ngặt của Moskva. Hơn nữa, Khu vực Hạn chế Cao rộng một triệu hecta này còn được bao quanh bởi một Khu vực Hạn chế cũng lớn tương tự. Để ngăn chặn việc đi lại, chính quyền không xây dựng đường sá và cầu cống ở đây. Giữa Khu vực Hạn chế và thủ đô Ulaanbaatar, Liên Xô duy trì một căn cứ không quân MiG cực kỳ kiên cố, và khả nâng cao là cả một nhà kho chứa vũ khí hạt nhân. Một căn cứ xe tăng Liên Xô lớn chặn lối vào khu vực cấm, và quân đội Nga sử dụng nơi này để luyện tập sử dụng pháo và diễn tập xe tăng. Người Mông Cổ không tạo ra đột phá về kỹ thuật, không sáng lập ra tôn giáo mới, viết rất ít sách và kịch, và không để lại cho thế giới giống cây trồng hay phương pháp nông nghiệp nào mới. Thợ thủ công của họ không biết dệt vải, đúc kim loại, làm gốm, hay thậm chí nướng bánh mì. Họ không làm ra đồ gốm hay sứ, không vẽ tranh, và không xây công trình kiến trúc nào. Ấy vậy mà, nhờ liên tiếp chinh phục các nền văn hóa, quân đội của họ đã thu thập và truyền lại những kỹ năng này từ nền văn minh này tới nền văn minh khác. Công trình cố định duy nhất mà Thành Cát Tư Hãn xây dựng là những cây cầu. Dù ông cự tuyệt việc xây lâu đài, thành trì, thành phố, hay tường thành, vì phải di chuyển khắp nơi, có lẽ ông đã xây nhiều cầu hơn bất kỳ người lãnh đạo nào khác trong lịch sử. Ông bắc cầu qua hàng trăm sông suối để giúp quân đội và hàng hóa lưu thông dễ hơn. Người Mông Cổ chủ đích mở cửa thế giới để đến với một ngành buôn bán mới, không chỉ về hàng hóa, mà còn về tư tưởng và kiến thức. Người Mông Cổ đưa thợ mỏ người German tới Trung Hoa, và bác sĩ Trung Hoa tới Ba Tư. Những lần thuyên chuyển có khi có ý nghĩa to lớn, cũng có lúc không đáng kể. Họ truyền bá việc dùng thảm tới mọi nơi họ đặt chân tới, mang chanh và cà rốt từ Ba Tư tới Trung Hoa trồng, đem mì sợi, bài Tây và trà từ Trung Hoa tới phương Tây. Họ đưa một người thợ rèn từ Paris tới thảo nguyên Mông Cổ khô cằn để xây đài phun nước, tuyển một quý tộc Anh quốc làm phiên dịch trong quân đội, và mang tục lấy dấu vân tay của người Hoa tới Ba Tư. Họ cấp tiền xây dựng nhà thờ Ki- tô giáo ở Trung Hoa, đền và tháp Phật giáo ở Ba Tư, và trường kinh Koran Hồi giáo ở Nga. Quân Mông Cổ càn quét khắp thế giới với tư cách là những kẻ chinh phạt, nhưng cũng là những người chuyên chở văn hóa độc nhất vô nhị của nền văn minh. Những người Mông Cổ kế thừa đế chế của Thành Cát Tư Hãn đã cương quyết nỗ lực luân chuyển vật phẩm và hàng hóa, cũng như kết hợp chúng để tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới và các phát minh chưa từng có. Khi những thợ lành nghề từ Trung Hoa, Ba Tư và châu Âu kết hợp thuốc súng của Trung Hoa với súng phun lửa của người Hồi giáo và áp dụng kỹ thuật đúc chuông của châu Âu, họ đã chế tạo được súng thần công, một trật tự tiến bộ khoa học kỹ thuật hoàn toàn mới. Từ súng lục tới tên lửa, một phần lớn của kho vũ khí hiện đại đều bắt nguồn từ đây. Dù mỗi vật dụng đều ít nhiều quan trọng, chúng chỉ có ảnh hưởng lớn nhờ cách người Mông Cổ chọn lựa và kết hợp các kỹ thuật để làm ra các sản phẩm lai ghép lạ thường. Người Mông Cổ luôn bền bỉ thể hiện tấm lòng nhiệt huyết với chủ nghĩa quốc tế qua những nỗ lực chính trị, kinh tế và tri thức của họ. Họ không chỉ đơn giản có tham vọng thống trị thế giới, mà còn muốn thiết lập một trật tự toàn cầu dựa trên tự do thông thương, một bộ luật quốc tế đơn nhất, và một bảng chữ cái phổ quát có thể dùng để viết mọi ngôn ngữ. Hốt Tất Liệt, cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, cho lưu hành một đơn vị tiền giấy để dùng khắp mọi nơi, và dự định mở trường tiểu học để phổ cập giáo dục phổ thông cho trẻ em để mọi người dân đều biết chữ. Người Mông Cổ hoàn thiện và kết hợp các loại lịch để làm ra lịch vạn niên chính xác hơn các loại lịch trước đó, và tài trợ để làm ra những tấm bản đồ bao quát nhất thời ấy. Người Mông Cổ khuyến khích lái buôn đi đường đất liền tới đế quốc của họ, và gửi nhà thám hiểm vượt đất liền và biển khơi tới những nơi xa xôi như châu Phi để mở rộng phạm vi thương mại và ngoại giao. Ở gần như mọi quốc gia mà người Mông Cổ đặt chân tới, sự tàn phá ban đầu cùng cơn sốc bị một bộ lạc xa lạ và man rợ chinh phục nhanh chóng nhường đường cho tăng trưởng chưa từng thấy trong trao đổi văn hóa, mở rộng thông thương, và tiến bộ trong văn minh. Ở châu Âu, quân Mông Cổ tàn sát tầng lớp hiệp sĩ quý tộc của châu lục này, nhưng, thất vọng vì sự nghèo đói của khu vực so với các nước Trung Hoa và Hồi giáo, đã rời đi mà không buồn chiếm đóng thành phố, cướp bóc đất nước, hay sáp nhập chúng vào đế chế đang ngày càng lớn mạnh. Sau cùng, châu Âu chịu thương vong ít nhất, song lại có được mọi lợi thế từ các đầu mối liên lạc là các thương nhân như gia đình Polo ở Vénice, và các sứ giả trao đổi giữa các vị hãn Mông Cổ và giáo hoàng cũng như vua của châu Âu. Những kỹ thuật, kiến thức và của cải mới này đã bắt đầu thời kỳ Phục hưng, giúp châu Âu tìm lại một phần nền văn hóa xưa kia, nhưng quan trọng hơn, thời kỳ này đã tiếp nhận các kỹ thuật in ấn, vũ khí, la bàn và bàn tính từ phương Đông. Như nhà khoa học người Anh Roger Bacon ở thế kỷ mười ba đã nhận xét, người Mông Cổ thành công không chỉ nhờ chiến thuật ưu việt, mà “họ đã thành công bằng phương pháp khoa học.” Dù người Mông Cổ “hiếu chiến,” họ đã tiến xa đến vậy vì “họ đã dành thời gian cho các phương châm triết học.” Gần như mọi khía cạnh của đời sống Âu châu – công nghệ, chiến tranh, phục trang, buôn bán, ẩm thực, nghệ thuật, vân học và âm nhạc – đều thay đổi dưới thời Phục hưng vì chịu ảnh hưởng của Mông Cổ. Bên cạnh những hình thức giao chiến mới, máy móc mới, và món ăn mới, ngay cả những yếu tố tầm thường nhất của đời sống hằng ngày cũng thay đổi vì người châu Âu đổi sang dùng vải Mông Cổ, mặc quần và áo khoác thay vì áo chẽn và áo choàng, dùng cây vĩ để chơi nhạc cụ thay vì gảy ngón tay, và vẽ tranh theo phong cách mới. Người châu Âu còn học câu cảm thán hurray của người Mông Cổ để khuyến khích lòng can đảm và cổ vũ lẫn nhau. Với nhiều thành tựu như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Geoffrey Chaucer*, nhà thơ Anh ngữ đầu tiên, đã dành câu chuyện dài nhất trong cuốn Những câu chuyện xứ Canterbury cho nhà chinh phục người Á Thành Cát Tư Hãn. Ông viết về Thành Cát Tư Hãn và các chiến công của ông với lòng ngưỡng mộ không che giấu. Thế nhưng trên thực tế, chúng ta lại bất ngờ khi biết rằng người Mông Cổ, những người bị phần còn lại của thế giới ngày nay xem như bọn man rợ khát máu chính hiệu, lại được các học giả thời Phục hưng nhận xét như vậy. Chân dung người Mông Cổ được Chaucer hay Bacon vẽ nên khác xa những hình ảnh ta biết từ những cuốn sách hay bộ phim sau này khắc họa Thành Cát Tư Hãn và đội quân của ông như đám người tàn bạo thèm khát vàng bạc châu báu, phụ nữ và máu. Dù sau này có rất nhiều hình ảnh và tranh vẽ Thành Cát Tư Hãn, khi còn sống ông không có một bức chân dung nào. Không như các nhà chinh phạt khác, Thành Cát Tư Hãn không bao giờ cho phép ai vẽ chân dung, đúc tượng, hay khắc tên hay hình ảnh ông lên đồng xu, và những gì người đương thời miêu tả về ông thường gây tò mò nhiều hơn là dựa trên thực tế. Xin trích lời một ca khúc Mông Cổ hiện đại về Thành Cát Tư Hãn, “chúng con tưởng tượng hình ảnh người nhưng tâm trí chúng con trống rỗng.” Vì không có chân dung hay ghi chép nào của người Mông Cổ về Thành Cát Tư Hãn, thế giới được tự do tưởng tượng về ông như ý muốn. Không ai dám vẽ hình ông cho tới nửa thế kỷ sau khi ông mất, và sau đó mỗi nền văn hóa lại có một hình ảnh riêng về ông. Trong con mắt người Trung Hoa, đó là một ông bác già với chòm râu thưa và đôi mắt trống rỗng, tựa như một nhà hiền triết lơ đãng hơn là người chiến binh Mông Cổ dũng mãnh. Với một nhà tiểu họa Ba Tư, ông giống một vị sultan người Turk đang ngự toạ trên ngai vàng. Người châu Âu miêu tả ông như một tên man rợ với gương mặt hung dữ và đôi mắt ác độc trừng trừng, xấu xa tới từng chi tiết. Sự bí hiểm của người Mông Cổ để lại một nhiệm vụ rất khó khăn cho các nhà sử học tương lai muốn viết về Thành Cát Tư Hãn và đế quốc của ông. Có rất ít thông tin để các nhà viết tiểu sử và sử gia có thể dựa vào và tường thuật. Họ biết trình tự thời gian của các thành phố bị chinh phục và quân đội bị đánh bại, nhưng lại rất ít thông tin xác thực về nguồn gốc, con người, động cơ, hay đời sống riêng tư của ông. Qua nhiều thế kỷ, có nhiều lời đồn vô căn cứ rằng ngay sau khi ông qua đời, thông tin về những khía cạnh trên trong cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn đã được một người thân cận với ông viết trong một tài liệu bí mật. Các học giả người Hoa và Ba Tư nhắc tới sự tồn tại của tài liệu bí ẩn này, và nhiều học giả tuyên bố đã nhìn thấy tài liệu này vào thời cực thịnh của Đế chế Mông Cổ. Gần một thế kỷ sau cái chết của Thành Cát Tư Hãn, sử gia Ba Tư Rashid al Din miêu tả tài liệu này là một “sử ký chân thực” viết bằng “tục ngữ và ký tự Mông Cổ.” Nhưng ông cảnh báo rằng nó được canh giữ trong ngân khố, “cất kín và che giấu khỏi con mắt người ngoài.” Ông nhấn mạnh rằng “không ai có khả năng hiểu và xâm nhập” tài liệu Mông Cổ này “có được cơ hội.” Sau khi Đế chế Mông Cổ sụp đổ, phần lớn các dấu vết về tài liệu bí mật này dường như đã biến mất, và theo thời gian, nhiều học giả xuất sắc nhất tin rằng tài liệu này chưa bao giờ tồn tại, mà chỉ là một trong nhiều huyền thoại khác về Thành Cát Tư Hãn. Tương tự như cách các họa sĩ giàu trí tưởng tượng của các nước khác nhau vẽ ông khác nhau, các học giả cũng vậy. Từ Triều Tiên tới Armenia, họ sáng tác ra đủ các huyền thoại và chuyện hoang đường về cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn. Vì không có thông tin xác thực, họ bộc lộ sự sợ hãi và nỗi ám ảnh của mình qua những câu chuyện này. Qua năm tháng, các học giả đánh giá những tội ác và sự hung hãn của những người như Alexander, Caesar, Charlemagne hay Napoleon cùng với những thành tựu hay nhiệm vụ đặc biệt của họ với lịch sử. Tuy nhiên, với Thành Cát Tư Hãn và người Mông Cổ, các thành tựu của họ rơi vào quên lãng, trong khi những gì được cho là tội lỗi và sự bạo tàn của họ thì lại bị phóng đại lên. Thành Cát Tư Hãn trở thành khuôn mẫu của một kẻ tàn bạo, tên mọi rợ khát máu, kẻ chinh phạt nhẫn tâm lấy việc hủy diệt làm thú vui. Thành Cát Tư Hãn và đội quân Mông Cổ của ông trở thành những bức tranh biếm họa một chiều, biểu tượng của mọi thứ nằm ngoài biên giới của sự văn minh. Tới thời kỳ Khai sáng, vào cuối thế kỷ mười tám, hình ảnh đáng sợ này xuất hiện trong Con côi Trung Hoa, vở kịch của Voltaire viết về cuộc xâm lược Trung Hoa của Thành Cát Tư Hãn: Người ta gọi ông là vua của các vị vua, Thành Cát Tư Hãn hung hãng, người tàn phá những cánh đồng châu Á phì nhiêu.” Trái ngược với lời Chaucer ca ngợi về ông, Voltaire miêu tả Thành Cát Tư Hãn là “kẻ độc tài hủy diệt… kẻ tự đắc… cưỡi lên cổ các nhà vua,” nhưng “không hơn gì một tên lính Scythia hoang dại sinh ra trong vũ khí và rèn luyện để đổi lấy máu” (Màn I, cảnh I). Voltaire khắc họa Thành Cát Tư Hãn là kẻ khinh bỉ những giá trị ưu tú của thế giới văn minh xung quanh ông, vì vậy nên đã hãm hiếp phụ nữ văn minh và hủy diệt những gì ông không hiểu để thỏa mãn lòng khát khao man rợ tầm thường. Có nhiều tên gọi bộ lạc của Thành Cát Tư Hãn – Tartar, Tatar, Mughal, Mogul, Moal, Mongol – nhưng tên gọi nào cũng đi kèm một lời nguyền đáng kinh sợ. Khi những nhà khoa học thế kỷ mười chín muốn chỉ ra sự thấp kém của người châu Á và thổ dân châu Mỹ, họ phân loại những người này là Mongoloid. Khi các bác sĩ muốn giải thích vì sao những người mẹ thuộc chủng tộc da trắng ưu việt lại có thể sinh ra con bị đần độn, các đặc tính trên khuôn mặt đứa trẻ cho thấy “rõ ràng” tổ tiên đứa trẻ đã có người bị quân Mông Cổ hãm hiếp. Những đứa trẻ bệnh tật này hoàn toàn không phải người da trắng; chúng thuộc chủng tộc Mongoloid. Khi các nhà tư bản khoe khoang tài sản và thể hiện các giá trị phi dân chủ hay phi quân bình, họ bị gọi là các mogul, nghĩa là người Mông Cổ trong tiếng Ba Tư. Rốt cuộc, người Mông Cổ trở thành tấm bình phong cho những thất bại và khiếm khuyết của các quốc gia khác. Nga không thể bắt kịp công nghệ của phương Tây hay sức mạnh quân sự của Nhật Bản là do “cái ách Mông Cổ” mà Thành Cát Tư Hãn đã ép họ phải đeo. Ba Tư tụt hậu so với các nước láng giềng bởi quân Mông Cổ đã phá hủy hệ thống tưới tiêu của họ. Trung Hoa chậm tiến hơn Nhật Bản và châu Âu vì các bạo chúa người Mãn và Mông Cổ đã bóc lột và đàn áp họ. Ấn Độ không thể chống lại thực dân Anh do đế quốc Mogul đã quá tham lam. Vào thế kỷ hai mươi, các chính trị gia Ả-rập còn quả quyết với những người theo mình rằng người Hồi giáo đúng ra đã có thể sáng chế ra bom nguyên tử trước người Mỹ, nếu như quân Mông Cổ không đốt trụi những thư viện tráng lệ và san phẳng thành phố của họ. Khi phiến quân Taliban bị bom và tên lửa của Mỹ lật đổ ở Afghanistan năm 2002, họ đã đặt lính Mỹ xâm lược ngang hàng với quân Mông Cổ, và do vậy, để trả thù, đã tàn sát hàng ngàn người Hazara, những hậu duệ của người Mông Cổ đã sống ở Afghanistan suốt tám thế kỷ. Tương tự, vào năm sau đó, trong một trong những bài diễn thuyết cuối cùng tới người Iraq, nhà độc tài Saddam Hussein cũng đã buộc tội người Mông Cổ khi Hoa Kỳ xâm lược Iraq và lật đổ ông ta. Giữa những luận điệu chính trị, giả khoa học, và trí tưởng tượng của giới học thuật, sự thật về Thành Cát Tư Hãn dường như đã bị chôn vùi, không còn dấu tích gì với đời sau. Quê hương ông, nơi ông giành được quyền lực, tới thế kỷ hai mươi vẫn bị phong toả với thế giới bên ngoài, tương tự như điều mà những người chiến binh đã làm trong hàng trăm năm trước đó. Những tài liệu gốc của người Mông Cổ, được gọi là Bí sử người Mông Cổ, không chỉ là bí mật mà cũng đã biến mất, rơi vào quên lãng một cách bí ẩn hơn cả lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn. Vào thế kỷ hai mươi, đã xảy ra hai bước tiến dẫn đến cơ hội không ai ngờ tới để vén màn một số bí ẩn và sửa chữa một phần ghi chép về Thành Cát Tư Hãn. Bước tiến đầu tiên là việc giải mã các văn tự có chứa phần lịch sử đã mất quý giá về Thành Cát Tư Hãn. Bất chấp những định kiến và nhận định sai lầm về người Mông Cổ, vài học giả qua hàng trăm năm đã ghi lại những lần tiếp cận với văn tự Mông Cổ trong truyền thuyết về cuộc đời Thành Cát Tư Hãn này. Cũng giống như động vật quý hiếm hay các loài chim quý được cho là đã tuyệt chủng, những lời đồn đoán này gây nghi ngờ nhiều hơn là có tính học thuật. Cuối cùng, vào thế kỷ mười chín, một bản sao chép văn tự này bằng tiếng Trung đã được tìm thấy ở Bắc Kinh. Các học giả có thể dễ dàng đọc các ký tự, nhưng từ ngữ lại vô nghĩa vì chúng đã được ghi lại bằng một ngôn ngữ sử dụng ký tự tiếng Trung để biểu thị âm thanh của tiếng Mông Cổ thế kỷ mười ba. Các học giả chỉ có thể đọc phần tóm tắt ngắn bằng tiếng Trung đi kèm mỗi chương, trong đó chứa đựng những gợi ý rất hấp dẫn về nội dung của chúng; nhưng ngoài phần đó ra, văn tự này không thể giải nghĩa được. Vì những bí ẩn bao quanh, văn tự này được các học giả gọi là Bí sử người Mông Cổ, cái tên còn tồn tại cho tới ngày nay. Trong phần lớn thế kỷ hai mươi, việc giải mã Bí sử ở Mông Cổ có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Chính quyền ngăn cuốn sách rơi vào tay dân thường và học giả vì lo ngại họ có thể bị ảnh hưởng sai trái từ quan điểm cổ hủ, phi khoa học của văn tự này. Song một phong trào học thuật ngầm đã dấy lên xung quanh Bí sử. Trong những trại du mục trên thảo nguyên, câu chuyện lịch sử mới phát hiện được truyền tai từ người này sang người khác, trại này sang trại khác. Cuối cùng họ cũng có được một lịch sử được kể từ quan điểm người Mông Cổ. Người Mông Cổ không chỉ là những kẻ man rợ phá hoại những nền văn minh ưu việt quanh mình. Với họ, những gì Bí sử tiết lộ dường như đến từ chính Thành Cát Tư Hãn, người đã trở lại với thần dân của mình để mang tới hi vọng và cảm hứng. Sau hơn bảy thế kỷ im lặng, cuối cùng, họ cũng đã có thể nghe thấy lời ngài. Dù bị chính quyền kiểm soát, người Mông Cổ đã thể hiện quyết tâm không để mất những lời này nữa. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi sự giải phóng của đời sống chính trị sau cái chết của Stalin năm 1953 và việc Mông Cổ gia nhập Liên Hợp Quốc năm 1961 đã khiến người Mông Cổ dũng cảm hơn, và cảm thấy được tự do tìm lại lịch sử của mình. Năm 1962, nước này đã chuẩn bị một bộ tem để kỷ niệm tám trăm năm ngày sinh của Thành Cát Tư Hãn. Tomor ochir, thành viên có vị trí cao thứ hai trong chính phủ, cho dựng một tượng đài xi măng để đánh dấu nơi sinh của Thành Cát Tư Hãn ven sông Onon, đồng thời tài trợ cho một cuộc hội thảo giữa các học giả để đánh giá các mặt tốt và xấu của Đế chế Mông Cổ trong lịch sử. Cả bộ tem và đường vẽ đơn giản trên tượng đài thể hiện hình ảnh sulde đã mất của Thành Cát Tư Hãn, Dải cờ thiêng làm từ lông ngựa đã dẫn ông đi chinh phạt và là nơi linh hồn ông nằm lại. Thế nhưng, sau gần tám thế kỷ, ý nghĩa tình cảm của sulde với người Mông Cổ và một số nhóm người họ đã chinh phục vẫn sâu sắc tới mức người Nga coi hình ảnh của nó trên con tem là sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc và nguy cơ bạo động. Lo sợ rằng nước vệ tinh của mình sẽ theo đuổi con đường giành độc lập, hay tệ hơn là đứng về phía người hàng xóm còn lại của họ – Trung Hoa, cựu đồng minh nay đã trở thành kẻ thù – Liên Xô đã đáp trả bằng một cơn phẫn nộ phi lý. Tại Mông Cổ, chính quyền đàn áp bộ tem và các học giả. Vì mắc tội phản nghịch là đã thể hiện cái các quan chức của Đảng gọi là “xu hướng lý tưởng hóa vai trò của Thành Cát Tư Hãn,” Tomor-ochir đã bị cách chức, giam cầm trong nước, và cuối cùng bị chém chết bằng rìu. Sau khi thanh lọc nội bộ, chính quyền tập trung vào tác phẩm của các học giả Mông Cổ, những người bị gọi là “thành phần chống đảng,” “gián điệp Trung Hoa,” “kẻ phá hoại,” hay “côn trùng gây hại.” Trong chiến dịch chống chủ nghĩa dân tộc sau đó, chính quyền đã bỏ tù nhà khảo cổ học Perlee trong điều kiện rất khắc nghiệt chỉ vì ông từng là thầy giáo của Tomor-ochir và đã bí mật nghiên cứu lịch sử Đế chế Mông Cổ. Các giáo viên, nhà sử học, họa sĩ, nhà thơ và ca sĩ đều gặp nguy hiểm nếu họ có bất kỳ liên hệ gì với lịch sử của thời Thành Cát Tư Hãn. Vài người trong số họ đã bị chính quyền bí mật xử tử. Những học giả khác mất công việc, và cùng với gia đình bị trục xuất khỏi nhà giữa khí hậu Mông Cổ khắc nghiệt. Họ cũng không được chăm sóc y tế, và nhiều người bị buộc phải cuốc bộ tới địa điểm lưu đày nằm ở nhiều nơi giữa vùng đất Mông Cổ rộng lớn. Dải cờ thiêng của Thành Cát Tư Hãn đã biến mất hoàn toàn sau thời kỳ này, và có lẽ đã bị chính quyền Liên Xô tiêu hủy để trừng phạt người Mông Cổ. Nhưng dù bị đàn áp tàn bạo, hay có khi chính nhờ vậy, nhiều học giả Mông Cổ đã mạo hiểm tính mạng để tự bắt đầu nghiên cứu Bí sử, nhằm tìm kiếm một cách hiểu đúng đắn về quá khứ bị bôi nhọ và xuyên tạc của họ. Bên ngoài Mông Cổ, học giả từ nhiều nước, đặc biệt là Nga, Đức, Pháp, và Hungary, đã nỗ lực giải mã văn tự này và dịch nó sang ngôn ngữ hiện đại. Vì không thể tiếp cận các nguồn tài liệu của Mông Cổ, họ đã làm việc trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Trong những năm 1970, từng chương một đã xuất hiện bằng tiếng Mông Cổ và tiếng Anh dưới sự giám sát và phân tích cẩn thận của Igor de Rachewiltz, một học giả người Australia tâm huyết với tiếng Mông Cổ cổ. Đồng thời, học giả người Mỹ Francis Woodman Cleaves cũng đã độc lập chuẩn bị một bản dịch tỉ mỉ, riêng biệt được Harvard University Press xuất bản năm 1982. Song để hiểu được văn tự, chỉ giải mã và dịch thôi thì chưa đủ. Ngay cả trong bản dịch, văn tự vẫn rất khó hiểu vì chúng rõ ràng đã được viết cho một nhóm kín trong hoàng gia Mông Cổ, những người được cho là có vốn hiểu biết sâu sắc không chỉ về văn hóa của người Mông Cổ thế kỷ mười ba mà còn cả về địa lý vùng đất của mình. Khi không có phân tích thực địa chi tiết về nơi các sự kiện diễn ra, việc tiếp cận bối cảnh lịch sử và ý nghĩa tiểu sử của văn tự gần như là bất khả. Bước tiến lớn thứ hai bất ngờ xảy ra vào năm 1990 khi Liên Xô tan rã, kết thúc thời kỳ chiếm đóng Mông Cổ. Liên Xô rút quân, máy bay và xe tăng đều rời đi. Thế giới Mông Cổ ở Nội Á cuối cùng cũng đã mở cửa với người ngoài. Dần dần một số người đã dám đặt chân vào khu vực cấm địa. Các thợ săn Mông Cổ lẻn vào để săn bắt trong các thung lũng nhiều thú săn, những người phiêu lưu mạo hiểm đi bộ vào. Trong những năm 1990, nhiều nhóm người nước ngoài được trang bị công nghệ đã tới để tìm kiếm lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn và gia đình ông; dù đã có nhiều khám phá thú vị, họ vẫn không thể đạt được mục tiêu cuối cùng của mình. Ban đầu, tôi thực hiện nghiên cứu với mục đích tìm hiểu vai trò của người dân bộ lạc trong lịch sử giao thương thế giới và Con đường Tơ lụa kết nối Trung Hoa, Trung Đông, và châu Ẩu. Tôi tới thăm các địa điểm khảo cổ, thư viện, và gặp mặt với các học giả dọc theo con đường từ Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh qua Trung Á tới Cung điện Topkapi ở Istanbul. Từ năm 1990 với chuyến đi đầu tiên tới Buryatia, quận Mông Cổ ở Siberia, tôi lần theo dấu vết của người Mông Cổ qua Nga, Trung Hoa, Mông Cổ, Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan, và Turkmenistan. Tôi dành một mùa hè để đi theo con đường di cư cổ đại mà các bộ lạc người Turk đã đi, xuất phát từ quê hương Mông Cổ để lan rộng ra tới tận Bosnia ở Địa Trung Hải. Sau đó tôi khoanh vùng đế quốc cổ bằng con đường biển ước tính của Marco Polo từ Nam Trung Hoa tới Việt Nam, qua Eo biển Malacca tới Ấn Độ, các nước Ả-rập của vùng Vịnh Ba Tư, và cuối cùng tới Venice. Chuyến đi dài đã cung cấp rất nhiều thông tin nhưng không nhiều hiểu biết như tôi đã hi vọng. Dù vậy, tôi đã nghĩ rằng nghiên cứu của tôi đã gần kết thúc khi tôi tới Mông Cổ năm 1998, tin rằng đây sẽ là chuyến đi cuối cùng ngắn ngủi để hoàn chỉnh dự án với một số thông tin cơ bản về thời trẻ của Thành Cát Tư Hãn. Cuối cùng nó kéo dài tới năm năm với nghiên cứu sâu rộng hơn cả tôi tưởng tượng. Tôi nhận ra người Mông Cổ rất sung sướng khi được tự do sau hàng trăm năm bị nước ngoài điều khiển, và phần nhiều niềm vui đó được dành để tôn vinh ông tổ của họ, Thành Cát Tư Hãn. Dù tên tuổi ông đã bị thương mại hóa nhanh chóng trên chai rượu vodka, thanh sôcôla và xì gà, và nhiều bài hát đã ra đời để tưởng nhớ ông, ông vẫn đang mất tích với vai trò là một nhân vật lịch sử. Không chỉ có linh hồn ông biến mất khỏi tu viện, mà gương mặt thật sự của ông cũng mất tích trong lịch sử của họ cũng như trong lịch sử của chúng ta. Ông là ai? Một cách hoàn toàn tình cờ, tôi tới Mông Cổ đúng lúc những câu hỏi này đột nhiên có thể giải đáp được. Lần đầu tiên trong gần tám thế kỷ, vùng cấm địa thời thơ ấu và nơi chôn cất ông được mở cửa cùng lúc với văn tự Bí sử bị mã hóa cuối cùng cũng được giải mã. Chỉ một học giả thì không thể làm được nhiệm vụ này, nhưng khi hợp tác với một nhóm với lai lịch khác nhau, chúng tôi đã có thể bắt đầu tìm ra câu trả lời. Là một nhà nhân học văn hóa, tôi phối hợp chặt chẽ với nhà khảo cổ học Kh. Lkhagvasuren, người có thể tiếp cận với nhiều thông tin được thu thập bởi Tiến sĩ Kh. Perlee, thầy giáo và cố vấn của ông, và nhà khảo cổ học nổi bật nhất Mông Cổ trong thế kỷ hai mươi. Dần dà, qua Lkhagvasuren, tôi gặp các nhà nghiên cứu khác, những người đã dành nhiều năm làm việc trong bí mật và gần như luôn một mình với những nghiên cứu họ không bao giờ có thể viết ra hay xuất bản. Giáo sư O. Purev, Đảng viên Đảng Cộng sản, đã dùng vị trí nghiên cứu lịch sử Đảng chính thức của mình để nghiên cứu tục thầy cúng của người Mông Cổ và dùng hiểu biết này làm chỉ dẫn để diễn giải các ý nghĩa ẩn sau Bí sử. Đại tá Kh. Shagdar của quân đội Mông Cổ tận dụng vị trí của ông ở Moskva để so sánh miêu tả về các chiến thuật và chiến thắng của Thành Cát Tư Hãn trong Bí sử với trong kho lưu trữ quân sự Nga. Nhà chính trị học người Mông Cổ, D. Bold-Erdene, đã phân tích các kỹ thuật chính trị Thành Cát Tư Hãn sử dụng để giành lấy và đạt được quyền lực. Những nghiên cứu sâu rộng và chi tiết nhất đã được thực hành bởi nhà địa lý học O. Sukhbaatar, người đã đi cả triệu kilomet xuyên Mông Cổ để tìm kiếm lịch sử của Thành Cát Tư Hãn. Nhóm chúng tôi bắt đầu làm việc với nhau. Chúng tôi so sánh những tài liệu cơ bản và thứ cấp quan trọng nhất từ hơn một chục ngôn ngữ với các câu chuyện trong Bí sử. Chúng tôi khom người trên những tấm bản đồ và tranh luận về ý nghĩa chính xác của các tài liệu khác nhau và các phân tích từ rất xưa. Không nằm ngoài dự đoán, chúng tôi tìm thấy những điểm chênh lệch lớn và nhiều mâu thuẫn khó có thể dung hòa. Tôi nhanh chóng nhận thấy Sukhbaatar là người hiểu mọi thứ theo nghĩa đen, một nhà kinh nghiệm luận cực đoan tin rằng mọi câu chữ trong Bí sử đều đúng, và ông tìm cách chứng minh điều đó bằng các chứng cứ khoa học. Nhưng Purev lại tin rằng trong lịch sử không có gì nên được hiểu bằng nghĩa gốc. Theo ông, Thành Cát Tư Hãn là thầy pháp vĩ đại nhất trong lịch sử, và văn tự là bản ghi lại những bí ẩn được kể lại, theo cách biểu tượng, con đường mà ông vươn tới vị trí đó. Nếu được mở khoá, nó sẽ một lần nữa cho biết cách thức một thầy pháp thống trị và điều khiển thế giới. Ngay từ đầu khi bắt đầu cùng làm việc, chúng tôi đã hiểu rõ rằng mình không thể sàng lọc các ý tưởng và cách giải nghĩa mâu thuẫn mà không tìm kiếm những nơi các sự kiện này đã diễn ra. Bài kiểm tra cuối cùng về độ chính xác của mỗi văn bản khi chúng được trải ra trên nền đất của nơi những sự kiện này được cho là đã xảy ra. Sách có thể nói dối, nhưng nơi chốn thì không bao giờ. Một cái nhìn tổng quát nhanh chóng và mất nhiều công sức qua các địa điểm chính trả lời một số câu hỏi nhưng lại gợi ra nhiều thắc mắc khác. Chúng tôi nhận ra rằng không những chúng tôi phải tới đúng nơi, mà để hiểu được các sự kiện ở đó, chúng tôi còn phải ở đó vào đúng điều kiện thời tiết. Chúng tôi quay lại một nơi nhiều lần vào những mùa khác nhau trong năm. Những địa điểm này nằm rải rác khắp hàng ngàn dặm vuông, nhưng khu vực quan trọng với nghiên cứu của chúng tôi nằm ở vùng đất bí ẩn không thể tới được đã đóng cửa từ sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời. Vì cuộc đời du mục của Thành Cát Tư Hãn, nghiên cứu của chúng tôi trở thành một dự án rong ruổi, một dạng khảo cổ sự di chuyển thay vì các địa điểm. Các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy vùng đất Mông Cổ không có đường đi, nhưng lại có hàng ngàn đường mòn đan xen nhau khắp thảo nguyên dường như về mọi hướng, xuyên qua sa mạc Gobi, qua các ngọn núi; song chúng đều dừng lại ở rìa Ikh Khorig, vùng cấm địa. Đường vào quê hương Thành Cát Tư Hãn đòi hỏi phải đi qua vùng đệm từng do Liên Xô chiếm đóng và củng cố để ngăn không ai bước vào. Khi chạy khỏi Mông Cổ, quân Liên Xô để lại một khung cảnh phi thực đầy các hố pháo với xác kim loại của xe tăng, xe tải hỏng, máy bay bị tháo tung, vỏ pháo đã qua sử dụng, và bom xịt nằm rải rác. Những làn hơi lạ lan toả trong không khí, và các đợt sương mù dị thường tới rồi đi. Các công trình điêu khắc bằng kim loại méo mó cao vài tầng lầu – tàn tích kỳ lạ của những cấu trúc không rõ mục đích. Các toà nhà đổ nát, từng là nơi chứa thiết bị điện tử bí mật, giờ nằm trơ trọi giữa các đụn cát thấm đẫm dầu, không chút sức sống. Thiết bị từ các chương trình vũ khí cũ nằm bỏ không dọc thảo nguyên sứt sẹo. Hàng loạt ao nước đen bí hiểm chứa các hóa chất không xác định lấp lánh kỳ quái dưới ánh mặt trời chói chang. Những mảnh vụn đen đúa không rõ nguồn gốc trôi nổi trong chất lỏng ứ đọng này, và xương động vật, xác khô, các mẩu lông và nhúm lông vũ đọng lại ở mép vũng. Ở bên kia nghĩa địa kinh hoàng của thế kỷ hai mươi này – trong sự tương phản sắc nét nhất có thể tưởng tượng được – là quê hương nguyên sơ, đóng kín của Thành Cát Tư Hãn: hàng trăm dặm rừng nguyên sinh, núi, thung lũng sông, và thảo nguyên. Bước vào Khu vực Hạn chế Cao không chỉ là một bước lùi về quá khứ, mà còn là cơ hội để khám phá thế giới của Thành Cát Tư Hãn gần đúng như những gì ông để lại. Khu vực này đã sống sót như một hòn đảo mất tích bị bao quanh, nhưng lại được bảo vệ, bởi những hậu quả kinh hoàng nhất của công nghệ thế kỷ hai mươi. Bị cản trở bởi cây đổ, bụi rậm, và những tảng đá lớn, phần lớn nơi này không thể thâm nhập được, và lính gác chỉ thỉnh thoảng tuần tra những phần còn lại trong suốt tám thế kỷ vừa rồi. Khu vực cấm địa này là một tượng đài sống dành cho Thành Cát Tư Hãn; chúng tôi vừa đi qua nơi này vừa tưởng như bất kỳ lúc nào ông cũng có thể phi ngựa bên sông hay qua dãy núi để đóng trại ở những nơi ông yêu quý, bắn tên vào một con linh dương đang bỏ chạy, đào một hố câu cá trên lớp băng che phủ sông Onon, hay quỳ xuống và cầu nguyện ở Burkhan Khaldun, ngọn núi thần che chở ông từ lúc còn sống tới cả khi đã qua đời. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi tiếp cận Ikh Khorig như các thám tử tiếp cận hiện trường một vụ án mới. Sử dụng Bí sử người Mông Cổ làm hướng dẫn chính, chúng tôi di chuyển qua vùng đồng bằng và khảo sát khung cảnh nguyên sinh từ nhiều đồi và gò đất nhỏ. Trên thảo nguyên rộng quang đãng xa những dấu mốc rõ ràng như núi, sông hay hồ, chúng tôi phụ thuộc nhiều vào những người chăn gia súc đã thuần thục việc định hướng qua đồng cỏ như thủy thủ vượt đại dương. Một nhóm liên tục thay đổi gồm các học sinh, học giả, người chăn gia súc và kỵ sĩ Mông Cổ cùng đi với chúng tôi, và họ tập trung tranh luận về việc trả lời những câu hỏi mà tôi đang nghiên cứu. Những nhận định và câu trả lời của họ luôn tốt hơn của tôi, và họ hỏi những điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Họ biết cách nghĩ của người chăn gia súc, và dù đang ở đất lạ, họ dễ dàng xác định tổ tiên họ đã đóng trại ở đâu, hay đã đi theo hướng nào. Họ nhanh chóng nhận ra những nơi có quá nhiều muỗi vào mùa hè hay quá thoáng gió cho mùa đông để dựng trại. Quan trọng hơn, họ sẵn sàng thử nghiệm các ý tưởng, ví dụ như phi ngựa từ điểm này sang điểm khác để tính thời gian, hay so sánh tiếng vang của vó ngựa trên đất và sỏi của nơi này so với nơi khác. Họ biết độ dày cần thiết của băng để có thể cưỡi ngựa qua sông, khi nào nên đi bộ qua, và khi nào nên phá băng và lội qua làn nước lạnh. Một số tên địa danh ở Mông Cổ mang tính chất miêu tả, cho phép chúng tôi diễn giải chúng theo tiếng Mông Cổ và dễ dàng áp dụng vào quang cảnh xung quanh mình. Văn tự kể rằng đầu tiên Thành Cát Tư Hãn trở thành trưởng bộ lạc ở Hồ Khokh cạnh Núi Khara Jirugen, nghĩa là Hồ Xanh cạnh Núi Hình Tim Đen. Danh tính nơi này đã được lưu giữ suốt nhiều thế kỷ và có thể dễ dàng tìm thấy bởi bất cứ ai. Một số tên gọi khác liên quan tới nơi ông sinh ra, như Đồi Vú hay Hồ Lá Lách thì khó khăn hơn, vì không ai chắc chắn những cái tên trên miêu tả đặc điểm hình dáng của nơi này hay một sự kiện đã diễn ra ở đây, cũng như bởi hình dạng của hồ và sông có thể đã thay đổi sau tám thế kỷ ở vùng đất khô cằn và bị gió xói mòn này. Dần dà, chúng tôi ráp nối câu chuyện lại hết mức có thể với những bằng chứng có trong tay. Bằng cách tìm lại những nơi chốn từ thời thơ ấu của Thành Cát Tư Hãn và lần theo đường đi của các sự kiện khắp vùng đất, chúng tôi đã có thể trực tiếp sửa lại một số quan niệm sai lầm về cuộc đời ông. Ví dụ, dù chúng tôi có tranh cãi về danh tính chính xác của mô đất dọc sông Onon nơi ông chào đời, rõ ràng con sông với cây cối rậm rạp và nhiều đầm lầy khác xa vùng thảo nguyên bao la, nơi cư trú của phần lớn dân du mục và cũng là nơi hầu hết các sử gia cho rằng Thành Cát Tư Hãn đã lớn lên. Sự khác biệt này nhấn mạnh sự khác nhau giữa ông và những người du mục khác, và làm sáng tỏ vì sao Bí sử nhắc tới săn bắn nhiều hơn là chăn gia súc trong thời thơ ấu của Thành Cát Tư Hãn. Cảnh quan nơi đây liên kết những năm đầu đời của Thành Cát Tư Hãn chặt chẽ hơn với văn hóa Siberia, nơi Bí sử coi là nguồn gốc của người Mông Cổ, chứ không phải với các bộ lạc người Turk ở vùng đồng bằng. Từ đó, thông tin này ảnh hưởng lớn tới cách chúng ta hiểu các phương pháp thực địa của Thành Cát Tư Hãn, và vì sao ông coi những người dân đối địch như động vật để chăn, còn những người lính đối địch là thú để săn bắn. Nhóm của chúng tôi đi thực địa suốt năm năm, ở rất nhiều điều kiện và tình huống khác nhau. Nhiệt độ chênh lệch tới hơn 80°C – từ hơn 38°C ở những dải đất không bóng râm tới âm 46°C, chưa kể hơi lạnh từ những cơn gió dữ dội, trên thảo nguyên Khorkhonag tháng Một năm 2001. Chúng tôi trải qua các rủi ro và cơ hội thường thấy khi đi lại ở các khu vực kiểu này. Xe của chúng tôi bị mắc kẹt trong tuyết vào mùa đông, bùn vào mùa xuân, và cát vào mùa hè; có cái còn bị lũ chớp cuốn trôi. Có những lúc trại của chúng tôi bị gió và tuyết hay những cơn nhậu say phá hỏng. Chúng tôi tận hưởng sự hào phóng tuyệt vời của nguồn sữa và thịt không ngừng trong những mùa hè cuối cùng của thế kỷ hai mươi. Nhưng vào những năm đầu tiên của thế kỷ hiện nay, chúng tôi cũng đã trải qua những năm tồi tệ nhất của nạn đói của động vật, gọi là zud, khi ngựa và bò Tây Tạng lăn ra chết theo đúng nghĩa đen quanh chúng tôi, và động vật đủ mọi kích thước chết đông cứng giữa đêm tối. Nhưng trong công việc, chúng tôi chưa từng trải qua một giây phút nghi ngờ hay hiểm nguy nào. So với những khó khăn trong đời sống thường nhật của những người chăn gia súc và thợ săn định cư ở các khu vực này, những gì chúng tôi gặp phải chỉ là chuyện rất nhỏ. Một vấn đề ngoài dự tính mà ban đầu tưởng chừng như là phiền phức thì cuối cùng lại luôn dạy tôi một bài học mới về vùng đất hay con người nơi đây. Từ việc đi trên lưng ngựa gần năm mươi dặm một ngày, tôi học được rằng mười lăm feet lụa buộc chặt quanh hông giúp giữ nội tạng tại chỗ và chống buồn nôn. Tôi cũng học được tầm quan trọng của việc mang sữa chua khô theo mình trong những chuyến đi dài như vậy khi không có thời gian dừng lại và nấu ăn, cũng như tính thực tiễn của áo choàng dày kiểu Mông Cổ, gọi là deel, khi cưỡi trên yên ngựa làm từ gỗ. Một lần gặp sói gần ngọn núi linh thiêng Burkhan Khaidun là điềm tốt trong mắt những bạn đồng hành của chúng tôi chứ không phải mối nguy, và vô số lần đi lạc hay hỏng xe dạy những bài học mới về phương hướng, tìm đường, và kiên nhẫn chờ đợi tới khi có người đi qua. Hết lần này tới lần khác, tôi học được rằng người Mông Cổ thấu hiểu sâu sắc thế giới của họ như thế nào, và tôi có thể tin tưởng tuyệt đối vào nhận định sáng suốt, sức khỏe, và lòng nhiệt tình giúp đỡ của họ. Cuốn sách này giới thiệu những điểm nổi bật trong các phát hiện của chúng tôi mà không kể lại thêm những tiểu tiết về thời tiết, thức ăn, ký sinh trùng, và bệnh tật đã gặp phải, hay về cá tính của những nhà nghiên cứu và người dân chúng tôi gặp trên đường. Trọng tâm vẫn là nhiệm vụ công việc của chúng tôi: để hiểu được Thành Cát Tư Hãn và ảnh hưởng của ông tới lịch sử thế giới. Phần đầu của cuốn sách kể lại câu chuyện Thành Cát Tư Hãn vươn tới quyền lực trên thảo nguyên và những thế lực đã định hình cuộc đời và tính cách của ông từ khi sinh ra vào năm 1162 tới khi thống nhất tất cả các bộ lạc và thành lập nhà nước Mông Cổ năm 1206. Phần thứ hai đi theo bước tiến của người Mông cổ vào sân khấu lịch sử qua cuộc Thế chiến Mông Cổ kéo dài năm thập niên (1211-1261), cho tới khi các cháu trai của Thành Cát Tư Hãn rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn. Phần thứ ba nghiên cứu thế kỷ hòa bình và sự Thức tỉnh Toàn cầu đã tạo nền móng cho các thể chế chính trị, thương mại, và quân sự trong xã hội hiện đại của chúng ta. PHẦN I NỖI KINH HOÀNG NGỰ TRỊ THẢO NGUYÊN: 1162-1206 Quốc gia! Quốc gia là gì? Người Tatar! và Hung! và Trung Hoa! Như côn trùng chúng bò thành bầy. Nhà sử học cố gắng làm chúng đáng nhớ trong vô vọng. Vì sự thèm khát của một người nên mới có nhiều người như vậy. Chính các cá nhân đã làm đầy thế giới này. HENRY DAVID THOREAU, nhật ký ngày 1 tháng Năm, 1851 1 CỤC MÁU ĐÔNG Đôi mắt ông rực lửa và gương mặt ngời sáng. BÍ SỬ NGƯỜI MÔNG CỔ NGƯỜI MÔNG CỔ đã chinh phục hàng ngàn thành phố, nhưng lịch sử chỉ nhắc tên những nơi Thành Cát Tư Hãn đã hạ cố đặt chân tới. Thường thì khi đã nắm chắc chiến thắng trong tay, ông cùng quần thần sẽ rút tới một đồn trại xa xôi và dễ chịu hơn, trong lúc quân lính hoàn thành nốt nhiệm vụ của mình. Vào một ngày tháng Ba năm Canh Thìn 1220, kẻ chinh phạt người Mông Cổ này đã phá vỡ thói quen kỳ lạ ấy khi dẫn kỵ binh vào trung tâm thành phố mới bị chiếm Bukhara, một trong những thành phố quan trọng nhất của sultan xứ Khwarizm, nay thuộc Uzbekistan. Dù không phải là kinh thành hay thành phố thương mại lớn, nhưng Bukhara vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của thế giới Hồi giáo, được tôn vinh là Bukhara Danh giá, trung tâm của lòng mộ đạo, và được mệnh danh là “vật trang hoàng và niềm hân hoan của mọi tín đồ Hồi giáo.” Hiểu rõ ý nghĩa tuyên truyền của việc chinh phạt và tiến vào thành phố, Thành Cát Tư Hãn đắc thắng cưỡi ngựa qua cổng thành, qua các căn nhà gỗ và quầy hàng, tới những toà nhà được xây bằng các phiến đá lớn xếp chồng lên nhau ở trung tâm thành phố. Ông đặt chân vào Bukhara sau thắng lợi của cuộc đột kích có lẽ là táo bạo nhất trong lịch sử quân sự. Một cánh quân của ông đã đi tuyến đường thẳng từ Mông Cổ tới để tấn công trực diện các thành phố vùng biên giới của sultan; trong khi đó, ông bí mật đưa một đạo quân khác vượt qua một chặng đường dài hơn và chưa từng thấy trong chiến trận – hai ngàn dặm toàn sa mạc, núi, và đồng hoang – thâm nhập sâu vào phía sau chiến tuyến địch, nơi ít ai ngờ tới nhất. Ngay cả các thương nhân lữ hành cũng tránh xa Kyzyl Kum*, sa mạc Cát Đỏ huyền thoại, và chọn cách đi đường vòng xa hơn hàng trăm dặm. Tất nhiên, đây chính là lý do Thành Cát Tư Hãn quyết định tấn công từ hướng đó. Nhờ kết bạn với dân du mục địa phương, ông đã có thể dẫn quân băng qua hoang mạc toàn đá và cát bằng con đường trước đó không ai biết tới. Thành phố Bukhara mà ông nhắm tới nằm ở trung tâm một ốc đảo xanh tươi vắt qua một nhánh của sông Amu Darya. Đây chủ yếu là nơi sinh sống của người Tajik và Ba Tư, nhưng lại chịu sự cai trị của bộ lạc Turk thuộc đế quốc Khwarizm mới thành lập – một trong nhiều đế quốc tồn tại ngắn ngủi của thời kỳ này. Vị sultan của Khwarizm đã mắc phải sai lầm chết người là gây thù chuốc oán với Thành Cát Tư Hãn: ông ta đã cướp bóc một đoàn thương nhân lữ hành Mông Cổ, và làm biến dạng khuôn mặt của các sứ thẩn Mông Cổ tới để thương thảo buôn bán hòa bình. Tuy đã gần sáu mươi tuổi, nhưng khi nghe tin người của mình bị tấn công, Thành Cát Tư Hãn đã lập tức triệu tập đội quân có kỷ luật và dày dạn kinh nghiệm trận mạc của mình lên lưng ngựa một lần nữa và lên đường chinh chiến. Trái ngược với hầu hết những đội quân lớn trong lịch sử, quân Mông Cổ hành quân mà không có quân Tương. Họ chờ tới những tháng lạnh nhất để vượt sa mạc, nhờ vậy người và ngựa cần ít nước hơn. Mùa này cũng có sương giúp kích thích nhiều loại cỏ mọc – vừa làm thức ăn cho ngựa, vừa thu hút thú săn làm thức ăn cho lính. Thay vì mang theo những cỗ máy công thành di chuyển chậm chạp và các trang thiết bị nặng nề, quân Mông Cổ đưa theo một nhóm thợ để đi được nhanh hơn và có thể chế tạo mọi thứ cần thiết ngay tại chỗ từ các nguyên vật liệu sẵn có. Sau khi quân Mông Cổ vượt qua sa mạc mênh mông, họ đã chặt những cái cây đầu tiên được tìm thấy để làm thang, vũ khí công thành và các dụng cụ khác dùng cho cuộc tấn công. Khi lính tiền trạm phát hiện ra khu dân cư nhỏ đầu tiên sau khi rời sa mạc, đội quân lập tức chuyển từ di chuyển nhanh sang hành quân chậm rãi, nặng nề, như thể họ là thương nhân tới để buôn bán chứ không phải là chiến binh thần tốc trên đường tiến công. Phải tới khi đạo quân này bình thản đi tới tận cổng thị trấn thì cư dân ở đó mới nhận ra họ là ai và lên tiếng báo động. Sau khi bất ngờ xuất hiện từ sa mạc, Thành Cát Tư Hãn không vội vàng tấn công Bukhara ngay. Ông biết rằng quân tiếp viện không thể để các thành phố biên giới bị quân đội của ông tấn công; do vậy ông có thời gian tận dụng sự bất ngờ để chơi trò thao túng một cách tàn nhẫn nỗi sợ hãi và niềm hi vọng trong dân chúng. Mục tiêu của các chiến thuật kiểu này rất đơn giản và luôn giống nhau: doạ quân địch phải đầu hàng trước khi giao tranh thật sự bắt đầu. Bằng cách trước hết chiếm các thị trấn nhỏ lân cận, quân đội Thành Cát Tư Hãn đã buộc nhiều người dân địa phương phải bỏ chạy tới Bukhara lánh nạn, khiến thành phố vừa đông đúc vừa khiếp sợ hơn. Nhờ tấn công sâu phía sau chiến tuyến địch, quân Mông Cổ lập tức gieo rắc sự tàn phá và nỗi kinh hoàng lên toàn vương quốc. Như cách mô tả của nhà chép sử người Ba Tư là Ata-Malik Juvaini, khi người dân thấy miền quê xung quanh họ “tràn ngập kỵ binh, và không khí đen như màn đêm vì bụi từ vó ngựa, nỗi sợ hãi và hoảng loạn đã bao trùm lên họ, sự khiếp sợ và kinh hoàng đã thắng thế.” Để chuẩn bị cho cuộc tấn công mang tính tâm lý vào một thành phố, Thành Cát Tư Hãn bắt đầu bằng hai ví dụ về những gì đang chờ đón người dân. Ông đưa ra các điều khoản đầu hàng rộng rãi cho những người dân ở ngoại thành, những ai chấp thuận và theo người Mông Cổ sẽ được khoan hồng. Theo lời nhà chép sử Ba Tư, “những ai chấp nhận và phục tùng chúng sẽ thoát khỏi nỗi kinh hoàng và sự sỉ nhục mà sự bạo tàn của chúng đem lại.” Ai từ chối sẽ bị đối xử đặc biệt hà khắc, vì quân Mông Cổ để tù binh đi trước họ làm bia đỡ đạn cho cuộc tấn công kế tiếp. Chiến thuật này đã kinh động quân Turk trấn giữ Bukhara. Chỉ để lại khoảng năm trăm người để bảo vệ thành lũy Bukhara, phần còn lại của hai vạn quân lính đã bỏ chạy vì tin rằng vẫn còn thời gian trước khi phần lớn quân Mông Cổ tới nơi. Bằng việc bỏ pháo đài và chạy trốn rải rác, họ đã rơi vào bẫy của Thành Cát Tư Hãn; và quân Mông Cổ, vốn đã đóng quân sẵn để đợi quân lính tẩu thoát, đánh hạ họ một cách gần như là thong thả. Dân chúng Bukhara đầu hàng và mở cổng thành, nhưng một toán quán nhỏ vẫn cố chấp ở lại trong thành lũy, với hi vọng những bức tường lớn sẽ giúp họ cố thủ trước mọi cuộc vây hãm. Để đánh giá cục diện kỹ lưỡng hơn, Thành Cát Tư Hãn đưa ra quyết định chưa từng có là đặt chân vào thành phố. Một trong những việc đầu tiên ông làm khi tới trung tâm của Bukhara, hay khi chấp nhận bất kỳ ai đầu hàng, là gọi người dân mang cỏ khô cho ngựa của mình. Cho lính và ngựa Mông Cổ ăn được xem là dấu hiệu phục tùng của kẻ quy hàng; hơn nữa, khi nhận thức ăn và cỏ khô, Thành Cát Tư Hãn cho thấy ông bằng lòng coi người dân là chư hầu nằm dưới sự bảo vệ của nước Mông Cổ, và họ phải nghe lệnh của ông. Chúng ta có một tài liệu miêu tả Thành Cát Tư Hãn trong khoảng thời gian ông chinh phục Trung Á, khi đã chừng sáu mươi tuổi. Nhà chép sử Ba Tư là Minhaj al-Siraj Juzjani, người có cái nhìn về người Mông Cổ ít thiện cảm hơn nhiều so với nhà chép sử Juvaini, đã mô tả ông là “người đàn ông cao ráo, tráng kiện, cơ thể khỏe khoắn, tóc thưa thớt và đã chuyển bạc, với cặp mắt mèo đầy năng lượng, sự tinh anh, thiên tư, và thông hiểu, đáng kinh ngạc, một kẻ giết người tàn bạo, công bằng, quyết đoán, kẻ đánh bại quân thù, can đảm, dã man, và độc ác.” Do khả năng lạ thường là hủy hoại các thành phố và đánh bại kẻ địch đông hơn quân của ông nhiều lần, nhà chép sử này còn tuyên bố Thành Cát Tư Hãn “tinh thông ma thuật và thuật lừa dối, và là bạn của nhiều loài quỷ dữ.” Các nhân chứng nói rằng khi tới trung tâm Bukhara, Thành Cát Tư Hãn đi tới toà thánh đường Hồi giáo lớn và hỏi rằng, vì đây là toà nhà lớn nhất thành phố, liệu nó có phải là nơi ở của sultan. Khi được cho biết đây là nhà của Chúa trời, không phải của sultan, ông không nói gì cả. Với người Mông Cổ, Chúa trời duy nhất là Thanh thiên Vĩnh hằng trải dài khắp đường chân trời theo cả bốn phương. Chúa trời đứng đầu cả Trái đất; ngài không thể bị nhốt trong một căn nhà đá như tù nhân hay thú vật trong lồng; và từ ngữ của ngài cũng không thể bị nắm bắt và giới hạn bên trong một cuốn sách như người dân thành phố nói. Chính Thành Cát Tư Hãn cũng thường cảm thấy sự hiện diện và nghe thấy tiếng của Chúa trời nói chuyện trực tiếp với ông giữa vùng núi mênh mông của quê hương, và nhờ nghe theo lời ngài, ông đã chinh phục được những thành phố vĩ đại và các quốc gia rộng lớn. Thành Cát Tư Hãn xuống ngựa để bước vào toà thánh đường lớn. Được biết đây là lần duy nhất trong cả cuộc đời ông đặt chân vào một thánh đường Hồi giáo. Khi vào, ông ra lệnh cho các học giả và thầy tu cho ngựa ăn, giải thoát họ khỏi các hiểm nguy sau nay và đặt họ dưới sự bảo hộ của ông, tương tự như những người hành đạo khác ông chinh phục được. Sau đó, ông triệu tập 280 người giàu nhất thành phố tới thánh đường. Dù chưa có nhiều trải nghiệm sau các bức tường thành phố, ông vẫn hiểu rõ cách hoạt động của cảm xúc và tâm lý con người. Trước đám đông trong thánh đường, ông bước vài bước lên các bậc giảng đàn, rồi quay lại nhìn tầng lớp thượng lưu của Bukhara. Qua người thông dịch, ông khiển trách họ nghiêm khắc vì những tội lỗi và hành vi sai trái của sultan và của họ. Những thất bại này không phải do người dân, mà “chính những người quyền lực trong các ngươi mới là kẻ phạm tội. Nếu các ngươi không phạm những tội này, Chúa trời đã không dùng ta để trừng phạt các ngươi.” Sau đó ông giao mỗi một người giàu có cho một lính Mông Cổ, để đi cùng họ tới thu thập tài sản. Ông bảo những tù nhân giàu có của mình đừng mất công chỉ ra của cải trên mặt đất làm gì; người Mông Cổ có thể tự tìm ra chúng. Ông chỉ muốn họ dẫn đường tới những kho báu được chôn giấu mà thôi. Sau khi bắt đầu vơ vét toàn thành phố một cách có hệ thống, Thành Cát Tư Hãn chuyển sang tấn công quân lính người Turk vẫn cố chấp khoá mình trong thành lũy của Bukhara. Tuy không quen thuộc với lính Mông Cổ, người dân ở các ốc đảo thành thị ở Trung Á như Bukhara hay Samarkand đã gặp nhiều đội quân man di đến và đi qua nhiều thế kỷ. Các nhóm quân bộ lạc trước đây, dù gan dạ hay kỷ luật đến đâu, cũng chưa bao giờ là mối đe doạ nghiêm trọng vì chừng nào quân đội thành thị còn có thức ăn và nước uống, thì họ có thể cầm cự vô thời hạn phía sau những bức tường lớn của pháo đài. Về gần như mọi mặt, đúng ra quân Mông Cổ không thể bì được với quân đội tinh nhuệ của Bukhara. Tuy nhìn chung cung của quân Mông Cổ rất tốt, nhưng mỗi người lính có trách nhiệm tự làm hoặc tìm cung của riêng mình, và chất lượng tay nghề thì không đồng đều. Tương tự, quân lính Mông Cổ được hợp thành từ tất cả đàn ông trong bộ lạc, những người được đào tạo nhờ lớn lên từ công việc chăn gia súc gian khổ; và tuy dạn dày sương gió, có kỷ luật cao, và hết mình với nhiệm vụ, nhưng họ thiếu sự tuyển chọn và quá trình đào tạo chuyên nghiệp của quân phòng thủ Bukhara. Yếu tố thuận lợi nhất với quân lính cố thủ phía sau bức tường lớn của pháo đài là từ trước tới nay, chưa từng có đội quân bộ lạc nào thuần thục các kỹ thuật phức tạp của chiến tranh vây hãm, song Thành Cát Tư Hãn đã khiến họ phải kinh ngạc. Cuộc tiến công được thiết kế để phô trương sức mạnh phi thường, với khán giả không phải là những người dân Bukhara đã thần phục, mà là đạo quân vẫn còn ở phương xa và dân chúng Samarkand, thành phố kế tiếp trong cuộc hành quân của ông. Quân xâm lược Mông Cổ tích lũy những dụng cụ công thành họ mới đóng – các loại máy lăng và máy bắn không chỉ ném ra đá và lửa như những quân đội vây hãm khác đã làm suốt hàng thế kỷ, mà còn cả vạc chất lỏng sôi, thiết bị nổ, và vật liệu cháy. Họ điều khiển các cung tên vĩ đại trên bánh xe, và những toán quân lớn đẩy vào các ngọn tháp di động có thang rút để họ có thể bắn quân thủ thành từ trên đó. Song song với việc tấn công trên không, các thợ mỏ tiến hành đào đất để bào mòn tường thành. Trong cuộc biểu dương lực lượng đáng gờm cả trên không, đường bộ, và dưới lòng đất này, Thành Cát Tư Hãn gia tăng sức ép tâm lý bằng cách ép các tù nhân, nhiều người trong đó là chiến hữu đã bị bắt của những người vẫn còn trong cố đô, phải chạy lên trước tới khi thân xác họ lấp đầy chiến hào, trở thành thành lũy sống để những tù nhân khác đẩy các cỗ máy chiến tranh qua. Người Mông Cổ biết bố trí và sử dụng vũ khí từ các nền văn hóa khác nhau mà họ đã tiếp xúc, và nhờ những kiến thức tích lũy được này, họ tạo ra một kho vũ khí toàn cầu có thể thích ứng với mọi tình huống. Với các vũ khí cháy nổ, họ thử nghiệm các loại binh khí sơ khai mà sau này sẽ trở thành súng cối và đại bác. Theo miêu tả của Juvaini, chúng ta thấy sự bối rối của các nhân chứng khi kể lại chính xác những gì đã diễn ra xung quanh họ. Ông mô tả cuộc tấn công của quân Mông Cổ “giống như một cái lò cháy đỏ do mấy chiếc gậy cứng ném từ ngoài vào trong các khe hở, các tia lửa từ lòng của lò bắn ra không trung.” Quân đội của Thành Cát Tư Hãn kết hợp sự mãnh liệt và tốc độ của chiến binh thảo nguyên với trình độ kỹ thuật tinh vi cao cấp nhất của nền văn minh Trung Hoa. Thành Cát Tư Hãn vừa sử dụng đội kỵ binh thần tốc và tinh nhuệ của ông để đối đầu với bộ binh trên đất liên của quân địch, vừa vô hiệu hóa sức mạnh bảo vệ của tường thành với công nghệ đánh bom mới sử dụng hỏa lực và những cỗ máy phá hủy chưa từng thấy để xuyên qua thành và khủng bố lính phòng thủ. Khi lửa và sự chết chóc dội xuống những người còn trong cố đô, các chiến binh của sultan – theo lời của Juvaini – nhanh chóng “chìm trong biển hủy diệt.” Thành Cát Tư Hãn biết rằng chiến tranh không phải là một cuộc thi thể thao hay một trận đấu đơn thuần giữa các đối thủ; nó là sự ràng buộc hoàn toàn của một nhóm người chống lại một nhóm người khác. Vinh quang không dành cho những người tuân thủ luật lệ; nó tới với ai làm ra luật lệ và buộc kẻ địch phải tuân theo. Thắng lợi không thể dở dang. Nó phải hoàn chỉnh, tuyệt đối, và không thể chối cãi – không thì nó chẳng là gì cả. Trong chiến trận, điều này có nghĩa là các yếu tố khủng bố và bất ngờ có thể được sử dụng tùy ý. Trong thời bình, nó có nghĩa là một số các điều lệ cơ bản nhưng vững chắc phải luôn được tuân thủ để tạo lòng trung thành trong dân chúng. Phản kháng sẽ dẫn đến cái chết, tận trung sẽ được an toàn. Cuộc tấn công Bukhara của ông được tính là thành công, không chỉ vì người dân của thành phố đó đầu hàng, mà bởi khi tin tức về chiến dịch của người Mông Cổ tới kinh thành Sumarkand, quân đội ở đó cũng đã hàng phục. Sultan tháo chạy khỏi vương quốc của mình, và lực lượng Mông Cổ tiến bước. Bản thân Thành Cát Tư Hãn dẫn nhóm quân chính vượt núi Afghanistan tới sông Ấn, trong lúc một phân đội khác vòng qua biển Caspi, vượt dãy Kavkaz tới vùng đồng bằng Nga. Trong đúng bảy trăm năm, từ ngày ấy của năm 1220 tới năm 1920, khi quân Xô-viết tiến vào, hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn đã cai trị thành phố Bukhara với tư cách là các hãn và emir, một trong những triều đại gia tộc kéo dài nhất trong lịch sử. Năng lực điều khiển con người và kỹ thuật của Thành Cát Tư Hãn là đại diện cho kiến thức thực tiễn của hơn bốn thập kỷ chinh chiến gần như liên tục. Trong cuộc đời ông không có một khoảnh khắc cốt yếu nào mà ông đột nhiên có được tài năng chiến trận thiên phú, khả năng thu phục lòng trung thành của những người theo mình, hay kĩ năng tổ chức trên quy mô toàn cầu chưa từng có. Những điều này không bắt nguồn từ sự giác ngộ thần thánh hay trường lớp chính thống nào, mà từ một vòng quay bền bỉ của sự tiếp thu thực tiễn, thử nghiệm thích nghi, và liên tục cải thiện nhờ trí óc kỷ luật và ý chí tập trung độc đáo của ông. Sự nghiệp chiến đấu của ông bắt đầu rất lâu trước khi phần lớn binh sĩ của ông ở Bukhara được sinh ra, và trong mọi trận chiến ông đều học được thêm điều gì đó mới. Sau mỗi tranh chấp, ông có thêm nhiều người theo hầu và các kỹ thuật chiến đấu khác. Trong mỗi cuộc giao tranh, ông kết hợp các ý tưởng mới thành một tổ hợp liên tục thay đổi các thủ thuật, chiến thuật, và vũ khí quân sự. Ông không bao giờ đánh một trận chiến hai lần. Câu chuyện về cậu bé được định để trở thành nhà chinh phạt vĩ đại nhất thế giới bắt đầu sáu thập niên trước khi người Mông Cổ chiếm được Bukhara, ở một trong những nơi hẻo lánh nhất lục địa Á-Âu mênh mông, gần biên giới giữa Mông Cổ và Siberia ngày nay. Theo truyền thuyết, người Mông Cổ bắt nguồn từ khu rừng trên núi nơi Sói Xanh-Xám kết đôi với Hươu Cái Đỏ Xinh Đẹp bên bờ một cái hồ lớn. Vì người Mông Cổ đóng cửa nơi này tuyệt đối với người ngoài khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, chúng ta không có miêu tả mang tính lịch sử nào về nơi này. Những con sông và ngọn núi ở đây gần như vô danh trong văn học sử, và ngay cả các bản đồ hiện đại cũng đưa ra các tên gọi mâu thuẫn với đặc điểm của chúng, với vô vàn cách đánh vần khác nhau. Lãnh thổ của các bộ lạc Mông Cổ chỉ chiếm một phần nhỏ ở phía bắc đất nước Mông Cổ ngày nay. Phần lớn quốc gia này hiện nay trải dọc theo một cao nguyên cao ở Bắc-Trung Á, vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của các ngọn gió ẩm từ Thái Bình Dương mang nước tới vùng đồng bằng ven biển màu mỡ của các nền văn minh nông nghiệp châu Á. Ngược lại, các ngọn gió thổi tới cao nguyên Mông Cổ chủ yếu tới từ vùng Bắc Cực phía tây bắc. Những ngọn gió này để lại hơi ẩm ít ỏi mà chúng mang theo tại các ngọn núi phía bắc, để vùng phía nam của đất nước này khô cằn, một khu vực địa hình gọi là govi, hay Gobi với người nước ngoài. Giữa sa mạc Gobi khắc nghiệt và vùng núi có lượng mưa tương đối ở phía bắc là các vạt thảo nguyên bao la xanh mướt vào mùa hè nếu có mưa. Đây là nơi những người chăn gia súc di chuyển dọc theo vào mùa hè để tìm cỏ. Dù chỉ cao ba ngàn mét trên mực nước biển, dãy núi Khentii ở Mông Cổ bao gồm một số ngọn núi cổ nhất thế giới. Khác với dãy núi trẻ Himalaya gập ghềnh, nơi phải có đồ nghề leo núi mới lên được, dãy núi cổ Khentii sau hàng triệu năm bào mòn đã bằng phẳng tới mức người và ngựa vào mùa hè có thể lên hầu hết các đỉnh núi mà không gặp quá nhiều khó khăn. Các đầm lầy nằm rải rác bên dãy núi; vào mùa đông dài, chúng đông lại thành một khối đặc. Những vết lõm sâu hơn ở sườn núi tích trữ tuyết và nước; khi đông tới chúng đông lại giống như băng hà, nhưng vào mùa hè ngắn ngủi, chúng trở thành những chiếc hồ màu xanh cô-ban tuyệt đẹp. Vào mùa xuân, băng và tuyết tan tràn vào hồ và chảy xuống núi, tạo thành chuỗi các con sông nhỏ đổ vào thảo nguyên. Vào những mùa hè đẹp nhất, chúng lấp lánh với những ngọn cỏ xanh như ngọc bích, nhưng những lúc tồi tệ nhất có thể có màu nâu cháy suốt nhiều năm liền. Những con sông chảy ra từ dãy núi Khentii nhỏ và đóng băng phần lớn thời gian trong năm – kể cả tháng Năm, khi lớp băng thường đủ dày để chịu một nhóm ngựa có người cưỡi, và thỉnh thoảng là cả một chiếc jeep chở người. Các thảo nguyên rộng và dài trải dọc theo những con sông nhỏ này đóng vai trò như đường cao tốc cho người Mông Cổ tới nhiều nơi trên lục địa Á-Âu. Các nhánh từ đồng cỏ này vươn về phía tây tới tận Hungary và Bulgaria ở Đông Âu. Về phía đông, chúng chạm tới Mãn Châu và đáng lẽ đã tới tận Thái Bình Dương nếu không bị một dãy núi mỏng bên bờ biển chặn và chia cắt với bán đảo Triều Tiên, ở phía tây sa mạc Gobi, đồng cỏ từ từ trở lại và hợp vào với trái tim của châu Á, kết nối với những đồng bằng nông nghiệp rộng lớn của sông Hoàng Hà. Dù địa hình dốc thoải, thời tiết có thể rất dữ dội và đột ngột biến chuyển. Đây là vùng đất của các thái cực rõ ràng, nơi con người và súc vật của họ luôn phải đối mặt với các thử thách của thời tiết. Người Mông Cổ nói rằng ta có thể trải qua cả bốn mùa trong một ngày trên dãy Khentii. Ngay cả vào tháng Năm, một con ngựa có thể chìm sâu trong tuyết tới mức khó có thể ngóc đầu lên được. Trên mảnh đất này, vùng đất bên dòng Onon, cậu bé được định sẵn để trở thành Thành Cát Tư Hãn đã chào đời. Đối lập với vẻ đẹp tự nhiên của nơi này, phần lịch sử liên quan đến con người của nó vốn đã là các cuộc giao tranh và gian khổ từ rất lâu trước khi ông sinh ra vào mùa xuân 1162 – năm Ngọ theo âm lịch. Trên một ngọn đồi trọc nhỏ hẻo lánh nhìn xuống sông Onon xa xôi, cô gái trẻ bị bắt cóc Ha Nguyệt Luân vật lộn để sinh ra ông, đứa con đầu lòng của cô. Bị bao vây bởi những người cô không quen biết, Ha Nguyệt Luân lâm bồn rất xa gia đình đã nuôi nấng cô và thế giới mà cô biết. Nơi này không phải nhà cô, và người đàn ông tuyên bố cô là vợ mình không phải là người cô đã cưới. Chỉ một thời gian ngắn trước đó, số phận cô đã rất khác; cô đã là vợ của một chiến binh trẻ tuổi khác, Chiledu của tộc Miệt Nhi Khất. Anh đã tới vùng thảo nguyên phía đông để tìm và tán tỉnh cô từ tộc Oát Lặc Hốt Nột, bộ tộc nổi tiếng vì những người phụ nữ xinh dẹp. Theo truyền thống vùng thảo nguyên, anh phải tặng sính lễ và làm công cho cha mẹ cô nhiều năm, trước khi đưa cô về làm dâu bộ lạc của mình. Khi dã kết hôn, hai người một mình bắt đầu chuyến đi kéo dài nhiều tuần về quê anh. Theo Bí sử, cô ngồi trên chiếc xe kéo đen nhỏ do bò hoặc bò Tây Tạng kéo, và người chồng đầy tự hào của cô đi bên cạnh chiếc xe kéo trên con ngựa nâu xám của anh. Ha Nguyệt Luân có lẽ chỉ mới mười sáu tuổi. Họ dễ dàng đi qua thảo nguyên, theo dòng chảy của sông Onon, và rồi chuẩn bị tới rặng núi chia cắt họ với vùng đất của người Miệt Nhi Khất. Chỉ vài ngày đi khó khăn nữa thôi trước khi họ xuống tới vùng cỏ màu mỡ của tộc Miệt Nhi Khất. Cô dâu trẻ ngồi trước chiếc xe kéo đen nhỏ, không biết tới nhóm kỵ binh sắp ập lên cô, một cuộc tấn công bạo lực không chỉ vĩnh viễn thay đổi cuộc đời cô, mà còn thay đổi cả tiến trình lịch sử. Từ một điểm không ai thấy trên đỉnh vách đá gần đó, một người đơn độc cưỡi ngựa đi săn với con chim cắt của hắn nhìn xuống Ha Nguyệt Luân và Chiledu. Ha Nguyệt Luân và cái xe kéo hứa hẹn là con mồi ngon hơn những gì anh ta có thể bắt được với con chim của mình. Tránh khỏi tầm mắt của cặp đôi mới cưới, tên thợ săn quay về trại tìm hai anh trai của hắn. Vì quá nghèo, không đủ tiền cho sính lễ cần thiết để kết hôn với một người vợ như Ha Nguyệt Luân, và có lẽ không muốn phải làm công lấy vợ theo truyền thống cho cha mẹ cô, tên thợ săn chọn cách phổ biến thứ nhì trên thảo nguyên để lấy vợ: bắt cóc. Ba anh em lên đường săn đuổi những con mồi đang chẳng hay biết gì. Khi chúng ập xuống cặp đôi, Chiledu lập tức cưỡi ngựa ra xa để đánh lạc hướng sự chú ý của chúng khỏi chiếc xe kéo, và đúng như dự đoán, chúng đuổi theo anh. Anh nỗ lực trong vô vọng để cắt đuôi chúng bằng cách đi vòng quanh chân núi để quay về với cô dâu của mình, nhưng ngay cả khi đó Ha Nguyệt Luân đã biết rằng chồng cô không lừa được những kẻ tấn công trên đất của chúng, và rằng chúng sẽ sớm trở lại. Dù chỉ là một thiếu nữ, cô quyết định rằng để chồng cô có một cơ hội sống, cô phải ở lại và đầu hàng bọn bắt cóc. Nếu cô bỏ chạy với Chiledu trên một con ngựa, họ sẽ bị bắt và anh sẽ bị giết. Nhưng nếu anh bỏ trốn một mình, chúng sẽ chỉ bắt cô. Cuốn Bí sử kể lại rằng để thuyết phục chồng mình hợp tác với kế hoạch của cô, cô nói với anh rằng, “Nếu anh sống, sẽ có các cô gái dành cho anh ở mọi nơi và trên mọi chiếc xe kéo. Anh có thể lấy một người phụ nữ khác làm vợ, và anh có thể gọi cô ấy là Ha Nguyệt Luân thay cho em.” Rồi Ha Nguyệt Luân nhanh chóng cởi tấm áo khoác của mình ra và ra lệnh cho người chồng mới của cô “nhanh chóng chạy đi.” Cô ném chiếc áo khoác vào mặt anh như một cử chỉ ly biệt và nói, “Cầm theo cái này để anh có thể có mùi hương của em theo mình.” Mùi hương có một vị trí sâu sắc và quan trọng trong văn hóa thảo nguyên. Nếu người dân các nền văn hóa khác ôm hoặc hôn nhau khi gặp mặt hoặc rời đi, dân du mục thảo nguyên ngửi mùi của nhau – một cử chỉ tương tự như hôn lên má. Ngửi mùi mang theo những ý nghĩa tinh thần sâu nặng ở các mức độ khác nhau, từ gia đình giữa cha mẹ với con cái tới cái hít gợi tình giữa những cặp tình nhân. Hơi thở và mùi cơ thể của riêng mỗi người được xem là một phần linh hồn họ. Khi ném chiếc áo khoác của mình cho chồng, Ha Nguyệt Luân đã đưa cho anh một tín vật quan trọng gợi nhớ về tình yêu của cô. Sau ngày đó, cuộc đời trước mắt Ha Nguyệt Luân sẽ rất dài và đầy biến động, nhưng đúng là định mệnh không cho phép cô gặp lại mối tình đầu của mình. Trên đường chạy trốn những kẻ bắt cóc vợ mình, Chiledu giữ chặt tấm áo khoác của cô trên mặt và quay lại nhìn cô nhiều tới mức các bím tóc đen dài của anh quất qua lại như roi giữa ngực và vai anh. Khi nhìn thấy chồng mình phi ngựa qua đèo và vĩnh viễn trượt khỏi tầm mắt cô, Ha Nguyệt Luân trút ra hết mọi cảm xúc trong lòng. Theo Bí sử tiếng gào của cô lớn tới mức “cô làm sông Onon dậy sóng” và “rung chuyển cánh rừng và thung lũng.” Kẻ bắt cô và người được định để trở thành chồng mới của cô là Dã Tốc Cai, thuộc một tộc nhỏ và tầm thường mà sau này được gọi là người Mông Cổ, nhưng tại thời điểm này hắn chỉ là thành viên của bộ tộc Bột Nhi Chỉ Cân, phải phục tùng những người họ hàng Thái Xích Ô hùng mạnh hơn. Với Ha Nguyệt Luân, điều đáng lo hơn cả địa vị của kẻ bắt cô là việc anh ta đã có một người vợ hay vợ lẽ tên Tốc Xích Cát Lặc, và có một con trai với cô ấy. Ha Nguyệt Luân sẽ phải đấu tranh để giành vị trí trong gia đình. Nếu cô may mắn, hai người phụ nữ có lẽ đã sống trong hai ger riêng biệt, loại nhà lều có mái vòm làm bằng vải dạ buộc quanh khung lưới, nhưng ngay cả nếu không sống cùng ger, hằng ngày họ cũng phải sống gần nhau. Ha Nguyệt Luân lớn lên ở vùng thảo nguyên rộng rãi, nơi từ bất kỳ hướng nào cũng có thể nhìn thấy đất đai mênh mông, và là nơi hàng đàn đông đúc ngựa, bò sữa, cừu, và dê ăn cỏ và được vỗ béo vào mùa hè. Cô đã quen với chế độ ăn nhiều thịt và sữa rất ngậy và phong phú do cuộc sống trên thảo nguyên mang lại. Ngược lại, bộ lạc nhỏ của người chồng mới của cố bám trụ ở rìa phía bắc của thế giới chăn gia súc, nơi các thảo nguyên tiếp giáp với các ngọn núi rậm rạp cây cối, thiếu đồng cỏ để nuôi các đàn gia súc lớn. Giờ cô phải ăn loại thức ăn khó ăn hơn của thợ săn: sóc macmôt, chuột, chim, cá, và thỉnh thoảng có thêm dê hay linh dương. Giữa các bộ lạc thảo nguyên, lịch sử người Mông Cổ không hề lâu đời và huy hoàng. Họ bị coi là những kẻ bới rác, tranh giành các con mồi nhỏ với loài sói, và khi có cơ hội thì trộm thú vật và phụ nữ từ những người chăn gia súc trên thảo nguyên. Với họ, Ha Nguyệt Luân chỉ được xếp hơn tài sản cướp được một chút. Theo câu chuyện hay được thuật lại, đứa con đầu lòng của Ha Nguyệt Luân được cho là đã vật lộn để tới với thế giới này khi trong bàn tay phải đang nắm chặt một vật gì đó bí ẩn và mang điềm gở. Một cách nhẹ nhàng, nhưng đầy lo lắng, người mẹ trẻ cậy dần từng ngón tay của cậu bé ra, và tìm thấy một cục máu đông đen lớn bằng một đốt ngón tay. Từ đâu đó trong dạ con ấm áp của mẹ mình, cậu bé này đã nắm lấy cục máu và đem nó từ thế giới đó tới đây. Một cô gái trẻ người non dạ, không biết chữ, và cô đơn cùng cực đã nghĩ gì về dấu hiệu lạ lùng này trong bàn tay con trai mình? Hơn tám thế kỷ sau, ta vẫn đang vất vả tìm câu trả lời cho đúng những thắc mắc cô có về con trai mình. Cục máu đông đó đại diện cho một lời tiên tri hay lời nguyền? Nó dự báo điểm tốt hay xấu? Cô nên cảm thấy tự hào hay lo lắng? Hi vọng hay sợ hãi? Vào thế kỷ mười hai, đúng như đặc trưng của dân du canh du cư, hàng chục bộ tộc và bộ lạc trên thảo nguyên sống thành các nhóm không cố định. Trong số các bộ lạc trên thảo nguyên, những người họ hàng gần gũi nhất với người Mông Cổ là người Tatar và Khiết Đan ở phía đông, xa hơn nữa là người Mãn Châu, và các tộc người Turk ở Trung Á về phía tây. Ba nhóm dân tộc này có chung di sản văn hóa và ngôn ngữ với một vài bộ lạc ở Siberia, nơi có lẽ là nguồn gốc của tất cả các bộ lạc này. Cư ngụ ở giữa người Tatar và các bộ lạc người Turk, người Mông Cổ thường bị người ngoài nhầm lẫn với các bộ lạc này và đôi khi được gọi là người Turk Xanh hay người Tatar Đen. Thuộc nhóm ngôn ngữ Altay, được gọi theo tên dãy núi Altay ở tây Mông Cổ, ngôn ngữ của họ có chút tương đồng với tiếng Nhật và Hàn Quốc, nhưng khác hẳn tiếng Trung và các thứ tiếng có thanh điệu khác ở châu Á. Dù các bộ lạc người Turk và người Tatar đã hợp nhất thành nhiều liên minh bộ lạc, người Mông Cổ lại chia tách thành nhiều tộc nhỏ do tộc trưởng, hay hãn, đứng đầu, và đại khái dựa trên quan hệ huyết thống. Bản thân người Mông Cổ tự nhận mình khác biệt với các nhóm người Turk và Tatar. Cả ngày đó và bây giờ, họ luôn tuyên bố mình là con cháu trực hệ của người Hung, những người đã lập ra đế quốc đầu tiên trên vùng thảo nguyên cao vào thế kỷ thứ ba. Hun trong tiếng Mông Cổ nghĩa là con người, và họ gọi tổ tiên người Hung của mình là Hun-nu, người của mặt trời. Vào hai thế kỷ thứ tư và thứ năm, người Hung phân tán từ vùng thảo nguyên Mông Cổ để chinh phục các quốc gia từ Ấn Độ tới La Mã, nhưng các bộ tộc đã không thể giữ liên lạc với nhau và đã nhanh chóng bị đồng hóa với các nền văn hóa họ chinh phục được. Một thời gian ngắn sau khi bắt cóc Ha Nguyệt Luân, Dã Tốc Cai mở chiến dịch chống lại người Tatar và giết một chiến binh tên Thiết Mộc Chân Ngột Cách. Trở về ngay sau khi con trai chào đời, ông đặt tên cậu bé là Thiết Mộc Chân. Vì cả cuộc đời người sống trên thảo nguyên chỉ gắn với một cái tên, việc chọn tên rất giàu ý nghĩa biểu tượng ở nhiều mức độ khác nhau; cái tên truyền cho đứa trẻ tính cách, số phận, và định mệnh của nó. Việc đặt tên là Thiết Mộc Chân có thể là để nhấn mạnh mối quan hệ đối địch vẫn tồn tại giữa người Mông Cổ và người Tatar, nhưng đã có nhiều tranh cãi, cả hoang đường và hàn lâm, xung quanh ý nghĩa chính xác của cái tên Thiết Mộc Chân, cũng như điều mà cha ông muốn truyền cho ông. Gợi ý rõ ràng nhất cho ý nghĩa mà cha ông dự định đến từ tập quán đặt tên các đứa trẻ dựa theo một từ gốc chung của người Mông Cổ. Trong bốn người con ra đời sau Thiết Mộc Chân, con trai nhỏ nhất của Ha Nguyệt Luân tên là Thiết Mộc Cách, người con út và cũng là con gái duy nhất được đặt tên là Thiết Mộc Luân. Cả ba cái tên đều có vẻ có chung gốc là động từ thiết mộc (temul), trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là vội vàng, được truyền cảm hứng, có suy nghĩ sáng tạo, và thậm chí là có ý tưởng hoang đường. Một sinh viên Mông Cổ giải thích cho tôi rằng ví dụ tiêu biểu nhất cho từ này là “ánh mắt con ngựa khi nó phi tới nơi mà nó muốn, không màng tới ý muốn của người cưỡi.” Dù vùng đất Mông Cổ là một thế giới biệt lập, các bộ lạc sống ở đây không hoàn toàn nằm ngoài dòng chảy của các sự kiện trên thế giới. Suốt nhiều thế kỷ trước khi Thành Cát Tư Hãn ra đời, các nền văn minh Trung Hoa, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, và Ki-tô giáo đã len lỏi vào quê hương người Mông Cổ; song phần lớn văn hóa của họ không thể thích nghi được với môi trường khắc nghiệt của vùng thảo nguyên trên cao. Các bộ lạc du canh du cư có mối quan hệ xa nhưng phức tạp về mặt giao thương, tôn giáo, và quân sự với các thể chế quốc gia thay đổi liên tục của Trung Hoa và Trung Á. Sống ở miền bắc xa xôi, nhìn chung người Mông Cổ nằm ngoài các tuyến đường giao thương mà sau này được gọi là Con đường Tơ lụa nằm ở phía nam sa mạc Gobi, và kết nối một cách bền bỉ, dù rải rác, Trung Hoa với thế giới Hồi giáo. Tuy vậy, số hàng hóa len lỏi tới phương bắc vẫn đủ để người Mông Cổ biết tới các kho báu ở phía nam. Với dân du mục, buôn bán với láng giềng cũng như giao chiến với họ là hai phần có quan hệ mật thiết trong nhịp điệu của đời sống hằng năm, cũng quen thuộc và đoán trước được như việc chăm sóc động vật non vào mùa xuân, tìm đồng cỏ vào mùa hè, hay sấy khô thịt và các chế phẩm từ sữa vào mùa thu. Mùa đông dài và lạnh lẽo là mùa săn bắn. Đàn ông rời gia đình thành các đoàn nhỏ, lang thang trên núi và đi xuyên rừng nhằm bắt thỏ, sói, chồn zibelin, nai sừng xám, sơn dương, cừu argali, lợn rừng, gấu, cáo, và rái cá. Thỉnh thoảng cả cộng đồng cùng tham gia săn bắn, cùng bao quanh một khu vực lớn nhất có thể và dụ con mồi tới một điểm giết trung tâm. Các con vật không chỉ cung cấp thịt, da, và lông, mà còn cả sừng, ngà, răng, và xương để dân du mục chế tác thành các loại công cụ, vũ khí, và đồ trang trí, và nội tạng phơi khô dùng làm thuốc. Rừng cũng cung cấp các vật phẩm khác để buôn bán và phục vụ đời sống hằng ngày, bao gồm săn các loài chim được mang khỏi tổ từ khi mới sinh. Dân du mục bán lâm sản từ nhà này sang nhà khác, ger này sang ger khác về hướng nam, trong khi các sản phẩm chế tạo như kim loại và vải dệt từ từ tiến về hướng bắc từ các trung tâm thông thương phía nam sa mạc Gobi. Người Mông Cổ sống sót ở rìa cực bắc của thế giới này, ngay tại nơi thảo nguyên và rừng Siberia phía bắc giao nhau. Họ sống nhờ săn bắn trong rừng cũng nhiều như chăn gia súc trên thảo nguyên, và là điển hình cho các đặc trưng cực đoan nhất của cả hai nhóm này. Họ bấu víu vào phần đuôi mỏng manh đã sờn của các sợi chỉ giao thương kết nối vùng lãnh nguyên và thảo nguyên phương bắc với những cánh đồng nông nghiệp và công xưởng phía nam. Hàng hóa tới phía bắc ít ỏi tới nỗi người ta nói rằng với người Mông Cổ, ai sở hữu một cặp bàn đạp yên ngựa bằng sắt được xem là vị chúa tể tối thượng. Có những năm việc săn bắn không tốt, và vào mùa đông người dân đói sớm, mà lại không có nguồn lâm sản để trao đổi. Vào những năm đó, người Mông Cổ vẫn tổ chức các đội săn bắn. Song thay vì đi về phía bắc để vào rừng săn thú vật, họ đi khắp thảo nguyên để săn người. Nếu người Mông Cổ không có gì để buôn bán, họ cướp bóc những người chăn gia súc họ tìm thấy trên thảo nguyên hay trong các thung lũng hẻo lánh. Những kẻ tấn công áp dụng chiến thuật tiếp cận nạn nhân tương tự như với thú vật, và từ dấu hiệu tấn công đầu tiên, các nạn nhân thường bỏ chạy, để lại phần lớn gia súc, đồ đạc trong nhà, và bất kỳ thứ gì khác kẻ tấn công muốn. Vì mục tiêu tấn công là để giành được vật phẩm, những kẻ tấn công thường chỉ cướp các ger và thu thập gia súc, chứ không đuổi theo những người đang chạy trốn. Vì bọn cướp muốn của cải, thương vong trong các tranh chấp kiểu này thường không cao. Phụ nữ trẻ bị bắt cóc làm vợ, còn các bé trai thì trở thành nô lệ. Phụ nữ lớn tuổi hơn và trẻ nhỏ thường được bỏ qua, và đàn ông ở độ tuổi đánh nhau thường bỏ trốn trước tiên trên những con ngựa nhanh và khỏe nhất, vì họ có khả năng bị giết cao nhất và nguồn sống trong tương lai của cả nhóm phụ thuộc vào họ. Nếu những người đàn ông bỏ trốn kịp kêu gọi đồng minh, họ sẽ cùng đuổi theo những kẻ tấn công để cố lần theo dấu chúng và đòi lại tài sản. Nếu không thể, những thành viên bộ lạc thua cuộc thu thập hết mức có thể các con vật không bị bắt, và tổ chức lại cuộc sống trong lúc lên kế hoạch phản công ở một thời điểm thuận lợi hơn. Với người Mông Cổ, việc đánh nhau giống như một hệ thống cướp bóc luân hồi hơn là chiến tranh thật sự hay thậm chí thù hằn truyền kiếp. Trả thù thường được dùng để làm cớ tấn công, nhưng nó hiếm khi là động cơ thật sự. Thắng lợi trong chiến đấu mang tới danh tiếng cho người chiến thắng dựa trên số của cải anh ta mang về và chia sẻ cho gia đình và bạn bè; việc giao chiến không xoay quanh hào quang trừu tượng về danh dự trên chiến trường. Những chiến binh chiến thắng thể hiện niềm tự hào với những kẻ địch họ giết và ghi nhớ chúng, nhưng họ không phô trương bằng cách thu thập đầu hay da đầu, hay những cách đánh dấu hoặc biểu tượng khác để đại diện cho số người chết trận. Chỉ của cải mới quan trọng, chứ không phải việc giết chóc. Săn bắn, giao thương, chăn gia súc, và đánh nhau tạo thành một mạng lưới liền mạch các hoạt động sống còn của các bộ lạc Mông Cổ sơ khai. Từ lúc có thể cưỡi ngựa, tất cả nam giới đều bắt đầu học các kỹ năng cần cho các hoạt động này, và không một gia đình nào có thể chỉ sống dựa vào một hoạt động. Việc cướp bóc đi theo một quy luật địa lý bắt đầu từ phía bắc. Các bộ lạc phía nam có khoảng cách gần nhất đến các thành phố buôn bán trên Con đường Tơ lụa luôn có nhiều hàng hóa hơn các bộ lạc xa xôi phía bắc. Đàn ông phía nam có các vũ khí tốt nhất, và để đánh bại họ, đàn ông phía bắc phải di chuyển nhanh hơn, suy nghĩ sáng suốt hơn, và chiến đấu khỏe hơn. Từ từ nhưng bền bỉ, quy luật buôn bán và cướp bóc luân phiên này cung cấp một dòng chảy hàng dệt may và kim loại về phương bắc, nơi thời tiết luôn xấu hơn, cỏ thưa thớt hơn, và đàn ông cộc cằn và bạo lực hơn. Có rất ít thông tin còn sót lại về những năm tháng đầu đời của Thiết Mộc Chân, và chúng không cho thấy rằng ông được cha quý trọng. Một lần cha ông-vô tình bỏ ông lại khi họ chuyển tới một trại khác. Tộc Thái Xích Ô tìm thấy ông, và thủ lĩnh của họ, Thoát Lý, vị Hãn Béo, đưa ông vào nhà mình và nuôi ông một thời gian. Sau này, khi Thiết Mộc Chân trở nên hùng mạnh, Thoát Lý khoe rằng ông đã đào tạo Thiết Mộc Chân với sự chú ý cẩn thận và kỷ luật thương yêu như một con ngựa non, bảo vật quý giá nhất của một người chăn gia súc. Không rõ chi tiết và trình tự các sự kiện như thế nào, nhưng sau cùng cậu bé và gia đình đã đoàn tụ, hoặc là vì vị Hãn Béo trả đứa trẻ cho họ hoặc vì gia đình gia nhập trại của ông. Chương tiếp theo ta biết trong cuộc đời Thiết Mộc Chân xảy ra khi cha ông đưa ông đi tìm vợ khi mới chín tuổi theo cách tính của người Mông Cổ, hay tám tuổi theo phương Tây. Dã Tốc Cai và Thiết Mộc Chân đi một mình nhằm tìm kiếm gia đình Ha Nguyệt Luân ở phía đông, bởi có thể Ha Nguyệt Luân muốn con trai mình cưới một người phụ nữ cùng bộ lạc, hay ít nhất là biết gia đình nhà ngoại. Tuy nhiên, hơn cả ý muốn của Ha Nguyệt Luân, dường như Dã Tốc Cai muốn thoát khỏi cậu bé. Có lẽ người cha đã nhận thấy cuộc tranh đấu sắp nổ ra giữa Thiết Mộc Chân với Biệt Khắc Thiếp Nhi, đứa con trai lớn hơn một chút với người vợ Tốc Xích Cát Lặc. Anh ta đưa Thiết Mộc Chân đi từ khi còn nhỏ, có lẽ là để tránh những rắc rối có thể xảy đến cho gia đình nhỏ nếu cuộc ganh đua bùng nổ toàn diện. Chỉ có một con ngựa dư để tặng cho cha mẹ của con dâu tương lai, Dã Tốc Cai cần tìm một gia đình đồng ý để Thiết Mộc Chân lao động trong nhiều năm, và đổi lại họ sẽ gả con gái mình cho cậu bé. Với Thiết Mộc Chân, chuyến đi này có lẽ là lần đầu tiên cậu đi xa khỏi quê hương bên sông Onon của mình. Ở đất lạ rất dễ lạc, và người lữ hành phải đối mặt cùng lúc với ba mối đe doạ: thú hoang, thời tiết khắc nghiệt, và nguy hiểm hơn hết – con người. Sau cùng, cha ông không buồn đưa ông tới tận nơi ở của gia đình Ha Nguyệt Luân. Trên dường, họ ở cùng với một gia đình có con gái tên Bột Nhi Thiếp, lớn hơn Thiết Mộc Chân một chút. Hai đứa trẻ có vẻ quý nhau, và hai ông bố đồng ý cho chúng hứa hôn. Trong thời gian học việc, hay làm công làm rể, Thiết Mộc Chân được trông đợi sẽ sống và làm việc dưới sự bảo vệ của gia đình vợ. Cặp đôi đính ước sẽ ngày càng thân thiết. Vì con gái thường lớn hơn con trai vài tuổi, như trong trường hợp của Bột Nhi Thiếp và Thiết Mộc Chân, cô bé sẽ bắt đầu hướng dẫn cậu gần gũi về tình dục vào thời điểm và với tốc độ phù hợp với cả hai người. Trên con đường dài về nhà một mình sau khi để Thiết Mộc Chân lại, Dã Tốc Cai tình cờ đi qua một trại nơi người Tatar đang mở yến tiệc ăn mừng. Cuốn Bí sử giải thích rằng anh ta muốn dự tiệc, nhưng lại biết rằng mình không thể để lộ danh tính là người tám năm trước trong chiến đấu đã giết Thiết Mộc Chân Ngột Cách, người cùng tộc với họ. Dù đã cố gắng che giấu, ai đó được cho là đã nhận ra và bí mật đầu độc Dã Tốc Cai. Chất độc phát tác, song Dã Tốc Cai vẫn rời đi, trở về trại của gia đình và tại đó lập tức cho người đi tìm và đưa Thiết Mộc Chân quay lại. Cậu bé phải để Bột Nhi Thiếp lại và tức tốc chạy về bên người cha đang hấp hối. Tới lúc cậu quay về trại của gia đình thì cha cậu đã qua đời. Dã Tốc Cai để lại hai người vợ và bảy người con chưa tới mười tuổi. Vào thời điểm đó, cả gia đình vẫn sống ven sông Onon với tộc Thái Xích Ô. Suốt ba thế hệ, tộc Thái Xích Ô đã chi phối tộc Bột Nhĩ Chỉ Cân của Dã Tốc Cai. Không có Dã Tốc Cai để giúp họ đánh nhau và săn bắn, người Thái Xích Ô quyết định rằng họ không cần hai người vợ goá và bảy đứa con nhỏ của anh ta. Với môi trường sông Onon khắc nghiệt, bộ tộc không thể nuôi ăn thêm chín người nữa. Theo truyền thống của thảo nguyên, đáng ra một trong các anh em của Dã Tốc Cai, những người đã giúp bắt cóc Ha Nguyệt Luân, phải lấy bà làm vợ. Theo hệ thống kết hôn của người Mông Cổ, thậm chí một trong những con trai của Dã Tốc Cai với người vợ Tốc Xích Cát Lặc cũng có thể làm chồng Ha Nguyệt Luân, nếu chúng đủ lớn để nuôi sống gia đình. Phụ nữ Mông Cổ thường cưới đàn ông nhỏ hơn nhiều tuổi trong gia đình người chồng đã mất, bởi nó cho người đàn ông trẻ cơ hội để có một người vợ có kinh nghiệm mà không cần phải trả gia đình người vợ sính lễ cầu kỳ hay lao động làm rể trong nhiều năm. Tuy vẫn còn trẻ, có lẽ chỉ chừng hai mươi lăm tuổi, nhưng Ha Nguyệt Luân đã có quá nhiều con để một người đàn ông có thể nuôi. Và vì là một người vợ bị bắt cóc ở xa quê hương, ai muốn lấy cô sẽ không có được tài sản thừa kế hay quan hệ gia đình thuận lợi. Goá chồng và không có ai khác muốn lấy, Ha Nguyệt Luân giờ đây không còn thuộc gia đình này nữa, và do vậy không ai có trách nhiệm phải giúp đỡ cô. Ha Nguyệt Luân nhận được lời nhắn rằng mình không còn là người của tộc nữa theo cách người Mông Cổ luôn dùng làm biểu tượng cho các mối quan hệ – qua thức ăn. Vào mùa xuân, khi hai người phụ nữ già – vợ goá của một vị hãn đã mất – lập bàn cỗ hằng năm để tưởng nhớ tổ tiên của gia đình, họ đã không báo cho Ha Nguyệt Luân, qua đó không chỉ cắt nguồn thức ăn mà cả vai trò thành viên trong gia đình. Cô và gia đình do đó phải tự kiếm ăn và bảo vệ bản thân. Khi cả tộc chuẩn bị di chuyển xuống hạ lưu sông Onon tới vùng đất mùa hè, họ dự định bỏ Ha Nguyệt Luân và con cái của cô lại. Theo Bí sử, khi bộ tộc rời đi và bỏ rơi hai người phụ nữ cùng bảy đứa trẻ, chỉ có một ông già từ một gia đình cấp thấp trong tộc to tiếng phản đối việc họ làm. Điều xảy ra sau đó có lẽ đã để lại ấn tượng sâu sắc với Thiết Mộc Chân: một trong những người Thái Xích Ô đang rời đi hét trả rằng ông lão không có quyền phê phán họ, rồi quay ngược lại và dùng giáo đâm chết ông. Khi nhìn thấy cảnh này, cậu bé Thiết Mộc Chân, khi đó chưa đầy mười tuổi, được cho là đã chạy tới để cố giúp người đàn ông đang hấp hối; bất lực, cậu chỉ có thể khóc vì uất ức và tức giận. Ha Nguyệt Luân đã tỏ ra rất sáng suốt lúc bị bắt cóc một thập niên trước; và giờ, khi sóng gió lại ập tới, tinh thần quyết đoán và sự mạnh mẽ của cô vẫn bộc lộ rõ. Cô nỗ lực một cách khiêu khích và dữ dội lần cuối để khiến tộc Thái Xích Ô thấy nhục nhã mà giữ gia đình bà lại. Khi cả tộc rời trại, cô lấy Dải cờ thiêng của người chồng đã mất ra, lên ngựa, và đuổi theo họ. Giơ Dải cờ thiêng cao quá đầu và mạnh mẽ vẫy nó giữa không trung, cô phi ngựa quanh những kẻ đang bỏ đi. Việc Ha Nguyệt Luân vẫy dải cờ của người chồng quá cố không chỉ là đang vẫy biểu tượng của anh ta, mà còn là giương chính linh hồn anh ta ra trước mắt những người cùng tộc đang bỏ rơi họ. Chúng đúng là đã thấy nhục nhã trước sự hiện diện của linh hồn anh ta và lo sợ sẽ bị các thế lực siêu nhiên trả thù, nên đã tạm thời quay về trại. Sau đó, đợi khi đêm đến, chúng lẻn đi từng người một và mang theo hết súc vật, gần như buộc hai người vợ goá và bảy đứa con phải chết trong mùa đông. Nhưng gia đình họ đã không chết. Bằng nỗ lực phi thường, Ha Nguyệt Luân đã cứu sống họ – không sót một ai. Như Bí sử kể lại, cô đã che tóc lại, gài váy lên, và chạy dọc sông bất kể ngày đêm để nuôi năm đứa con thiếu ăn của mình. Cô tìm thấy hoa quả nhỏ, và dùng nhánh cây bách xù để đào rễ cây cỏ mọc ven sông. Để giúp cả nhà kiếm ăn, Thiết Mộc Chân chế ra tên gỗ với mũi tên làm bằng xương được mài sắc để săn chuột trên thảo nguyên, và uốn cong mũi kim khâu của mẹ làm lưỡi câu cá. Khi các cậu bé trưởng thành hơn, chúng săn được con mồi lớn hơn. Theo lời nhà kể chuyện người Ba Tư Juvaini, người đã tới Mông Cổ năm mươi năm sau và là một trong những người đầu tiên viết về cuộc đời Thiết Mộc Chân, gia đình ông mặc trang phục “làm từ da chó và chuột, và thức ăn của họ là thịt của những con này và những thứ đã chết khác.” Dù có thật sự chính xác hay không, lời miêu tả cũng đã cho thấy một cuộc vật lộn cô độc và tuyệt vọng của những con người bị xã hội bỏ rơi đang trên bờ vực chết đói, sống nửa giống các tộc khác quanh họ nửa như động vật. Trên miền đất nơi đời sống luôn khắc nghiệt, họ đã rơi xuống đáy của cuộc sống thảo nguyên. Làm thế nào mà một đứa trẻ ngoài lề xã hội từ địa vị thấp kém như vậy có thể trở thành vị Khắc hãn của Mông Cổ? Lật qua câu chuyện về những năm tháng thành niên của Thiết Mộc Chân trong Bí sử, ta tìm thấy những gợi ý cốt yếu về vai trò quan trọng của những sự kiện đầu đời đau thương này với việc hình thành tính cách, và sau này là với con đường tiến tới quyền lực. Những bi kịch gia đình dường như đã khắc sâu trong con người ông quyết tâm chống lại cấu trúc tầng lớp nghiêm ngặt của vùng thảo nguyên, tự làm nên số phận của mình, và dựa vào đồng minh thân tín, thay vì gia đình hay bộ lạc, làm nền tảng hỗ trợ chính. Mối quan hệ thiết yếu đầu tiên ông có là với một cậu bé lớn hơn tên Trát Mộc Hợp. Gia đình cậu nhiều lần cắm trại gần trại của nhà Thiết Mộc Chân bên bờ sông Onon, và cậu có họ hàng xa với tộc của cha của Thiết Mộc Chân vì là người của tộc Trát Đạt Lan. Theo quan niệm của văn hóa Mông Cổ, huyết thống đứng trên mọi nguyên tắc xã hội khác. Những ai nằm ngoài mạng lưới họ hàng thì mặc định là kẻ thù, và họ hàng càng gần thì ràng buộc càng mạnh mẽ. Thiết Mộc Chân và Trát Mộc Hợp chỉ là họ hàng xa, nhưng chúng muốn được gần gũi hơn, được trở thành huynh đệ. Khi còn nhỏ, Thiết Mộc Chân và Trát Mộc Hợp đã thề kết nghĩa huynh đệ trọn đời, trở thành anh em ruột theo truyền thống Mông Cổ. Câu chuyện về tình bạn định mệnh này, và những biến cố then chốt trong những năm đầu cuộc đời ông, đã hé lộ nhiều chi tiết quan trọng về khả năng phi thường của Thiết Mộc Chân để vượt lên nghịch cảnh, tập hợp những nguồn lực ông cần để cuối cùng dẹp yên cảnh chiến loạn giữa các bộ lạc, điều thống trị vùng thảo nguyên này. Tình bạn giữa Thiết Mộc Chân và Trát Mộc Hợp hình thành khi chúng cùng săn bắn, câu cá, và chơi các trò chơi trẻ con được dạy để cải thiện kỹ năng thường ngày. Trẻ em Mông Cổ, cả trai và gái, lớn lên trên lưng ngựa. Từ khi còn rất nhỏ, chúng đã học cưỡi ngựa với cha mẹ hoặc anh chị cho tới vài năm sau, khi chúng tự bám vững được và cưỡi một minh. Thông thường, trẻ con bốn tuổi đã thành thạo cưỡi ngựa không yên cương, và sau cùng là làm thế nào để đứng trên lưng ngựa. Khi đứng trên lưng ngựa, chúng thường đấu thương để xem ai có thể đánh ngã người còn lại. Lúc chân đủ dài để với tới bàn đạp, chúng cũng được dạy để bắn tên và quăng thòng lọng từ trên ngựa. Lấy mục tiêu là các bao da treo trên đầu gậy cho gió thổi, lũ trẻ tập bắn từ các khoảng cách và tốc độ phi ngựa khác nhau. Các trò chơi này đem tới những kỹ năng vô giá cho thuật cưỡi ngựa sau này. Một trong các trò chơi khác là chơi đốt xương, một loại xúc xắc làm từ xương mắt cá của con cừu. Mỗi cậu bé mang theo mình một bộ bốn đốt xương như vậy, và dùng chúng để tiên đoán tương lai, giải quyết tranh chấp, hay đơn giản là chơi cho vui. Không chỉ vậy, Trát Mộc Hợp và Thiết Mộc Chân còn chơi một trò mạo hiểm hơn trên sông băng, na ná trò bi đá trên băng. Dù cuốn Bí sử không nhắc tới việc sử dụng ván trượt, một vị khách châu Âu một thế kỷ sau viết rằng thợ săn trong vùng thường buộc xương vào bàn chân để đua ngang qua hồ và sông băng, để thi đấu cũng như đuổi theo thú vật. Những kỹ năng này đem lại lợi thế rất lớn cho người Mông Cổ bởi, khác với hầu hết mọi đội quân khác, quân Mông Cổ dễ dàng cưỡi ngựa và thậm chí là giao chiến trên sông hồ đóng bàng. Các dòng sông băng bảo vệ người châu Âu khỏi quân xâm lược, như sông Volga và Danube, trở thành đường cao tốc với người Mông Cổ, cho phép họ cưỡi ngựa thẳng tới tường thành vào mùa người châu Âu không sẵn sàng chiến đấu nhất. Phần lớn tuổi trẻ của mình, Thiết Mộc Chân miệt mài làm việc để giúp gia đình sống sót. Những trò chơi Thiết Mộc Chân và Trát Mộc Hợp chơi trên sông Onon là thú vui duy nhất được biết đến và nhắc tới trong các nguồn tư liệu về cuộc sống của cậu bé, người sau này sẽ trở thành nhà chinh phục vĩ đại. Lần đầu Thiết Mộc Chân và Trát Mộc Hợp thề trung thành với nhau là khi Thiết Mộc Chân khoảng mười một tuổi. Hai cậu bé trao đổi đồ chơi làm biểu tượng cho lời thề. Trát Mộc Hợp tặng Thiết Mộc Chân một đốt xương hoẵng đực, còn Thiết Mộc Chân cho Trát Mộc Hợp vật khảm có kèm miếng đồng thau nhỏ, một kho báu quý giá chắc hắn tới từ một nơi rất xa. Một năm sau đó, họ đưa cho nhau đầu mũi tên, món quà của người trưởng thành. Trát Mộc Hợp lấy hai mảnh sừng ngựa non và khoan một lỗ giữa chúng, làm thành đầu tên huýt gió cho Thiết Mộc Chân; đổi lại, Thiết Mộc Chân tặng Trát Mộc Hợp một đầu tên tao nhã làm từ cây trắc bá. Như các thợ săn đã làm suốt nhiều thế hệ, Thiết Mộc Chân từ lâu đã học được cách dùng mũi tên huýt gió để bí mật truyền tin qua các âm thanh mà người ngoài thường bỏ qua, hay đơn giản là không thể giải mã được. Trong lễ tuyên thệ lần hai, các cậu bé thường nuốt một ít máu của nhau nhằm trao đổi một phần linh hồn mình. Trong trường hợp của Trát Mộc Hợp và Thiết Mộc Chân, cuốn Bí sử trích lời Trát Mộc Hợp rằng hai người họ đã nói với nhau những lời không thể nào quên và cùng ăn một loại thức ăn không tên “không tiêu hóa được.” Với lời thề này, hai cậu bé trở thành các anda, mối liên kết được xem là mạnh hơn cả anh em ruột, vì các anda đã tự chọn sự ràng buộc cho mình. Trát Mộc Hợp là anda duy nhất Thiết Mộc Chân có trong đời mình. Mùa đông kế tiếp, tộc của Trát Mộc Hợp không trở lại, và hai cậu bé bị chia cắt trong những năm sau đó. Song mối liên kết thuở thiếu thời này sau này sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cũng như vật cản lớn trên con đường Thiết Mộc Chân vươn tới quyền lực. Trái ngược với tình bạn thân thiết với Trát Mộc Hợp, Thiết Mộc Chân ở nhà phải chịu đựng người anh cùng cha khác mẹ Biệt Khắc Thiếp Nhi, người thỉnh thoảng lại dùng quyền lực ức hiếp cậu, và sự thù dịch giữa hai anh em ngày càng nghiêm trọng khi họ dần trưởng thành. Hệ thống thứ bậc chặt chẽ đóng vai trò quyết định trong đời sống gia đình người Mông Cổ, cả ngày xưa và bây giờ. Ngày ngày phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy từ cả thú săn và thời tiết, người Mông Cổ thiết lập một hệ thống yêu cầu trẻ em phải tuyệt đối nghe lời cha mẹ. Khi người cha vắng mặt, dù trong vài giờ hay cả vài tháng, con trai trưởng sẽ tiếp nhận vai trò đó. Anh cả có quyền điều khiển mọi hoạt động, giao cho họ bất kỳ nhiệm vụ nào, lấy và cho cái gì cậu muốn. Cậu có quyền kiểm soát họ tuyệt đối. Biệt Khắc Thiếp Nhi lớn hơn Thiết Mộc Chân một chút, và sau khi cha họ bị giết, cậu dần dần thể hiện quyền lực dành riêng cho người đàn ông lớn tuổi nhất. Trong một câu chuyện chỉ được kể trong Bí sử, nỗi phẫn nộ của Thiết Mộc Chân bùng nổ vì một sự việc nhìn thoáng qua có vẻ khá vụn vặt. Dường như Biệt Khắc Thiếp Nhi đã lấy đi con sơn ca mà Thiết Mộc Chân bắn hạ. Biệt Khắc Thiếp Nhi có lẽ đã lấy nó chỉ để tái khẳng định vị trí đứng đầu gia đình của mình; nếu vậy, đáng ra cậu không nên dùng quyền lực của mình để ra oai với Thiết Mộc Chân. Không lâu sau đó, Thiết Mộc Chân và em ruột kế Cáp Tát Nhi ngồi câu cá cùng với hai anh em cùng cha khác mẹ Biệt Khắc Thiếp Nhi và Biệt Lặc Cổ Đài trên sông Onon. Thiết Mộc Chân câu được một con cá nhỏ, nhưng bị hai anh em kia cướp mất. Tức giận và thất vọng, Thiết Mộc Chân và Cáp Tát Nhi chạy tới mách với Ha Nguyệt Luân. Tuy nhiên, thay vì bênh con mình, bà lại đứng về phía Biệt Khắc Thiếp Nhi, nói rằng bọn trẻ nên lo lắng về kẻ địch, những người Thái Xích Ô đã bỏ rơi họ, chứ không phải đánh nhau với anh mình. Việc Ha Nguyệt Luân đứng về phía Biệt Khắc Thiếp Nhi báo trước một tương lai mà Thiết Mộc Chân không thể chấp nhận. Là con trai trưởng, Biệt Khắc Thiếp Nhi không những có thể điều khiển mọi hành vi của em cậu, mà còn có nhiều đặc quyền, bao gồm việc được ân ái với những người vợ của người cha đã mất, trừ mẹ ruột