🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thạch Trụ Huyết
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Mục lục
Mở Đầu
Phần I
Phần II
Phần III
Phần IV
Phần V
Phần VI
Phần VII
Phần VIII
Phần IX
Phần X
Phần XI
Phần XII
Phần XIII
Phần XIV
Phần XV
Phần XVI
Phần XVII
Phần XVIII
Kết
https://thuviensach.vn
THẠCH TRỤ HUYẾT
Nguyễn Trần Bé
www.dtv-ebook.com
Mở Đầu
Đã nhiều đêm già làng Nỏ Pó trăn trở không sao ngủ được. Ông già lắm rồi, sướng khổ đã có đủ. Nhưng ông chưa thể thanh thản an hưởng tuổi già vì còn có một chuyện vướng bận trong lòng. Thâm tâm ông nghĩ, việc này mà không lo xong thì không thể nào yên tâm nhắm mắt. Nghĩ đến đấy già làng Nỏ Pó vùng dậy, với cây gậy song đã nhẵn bóng, in đậm dấu tay, lật đật chống sang nhà Seo Lử. Ông đi xiêu vẹo, chuệnh choạng, chốc chốc lại phải đưa tay ôm ngực để nén cơn ho.
- Hầy dà, cái chân không muốn bước nữa rồi! - Nỏ Pó buông cây gậy ngồi phệt xuống vệ đường đầy đá xám để nghỉ lấy lại sức. Ông đưa mắt nhìn về phía cái cột đá gớm ghê đã từng là nỗi ám ảnh của biết bao gia đình ở cái thung lũng đá Sủng Pả này. Cứ nghĩ đến những chuyện bà con trong bản kể về cái cột đá làm hại dân lành một cách nửa hư, nửa thực ông lại thở dài. Như có một sức mạnh vô hình, già làng Nỏ Pó cầm gậy đứng lên, bước xăm xăm về phía ngôi nhà tộc trưởng Seo Lử.
Seo Lử nhìn thấy già làng từ xa, vội chạy xuống đón. Đưa đôi tay rắn chắc đỡ vị già làng đáng kính, Seo Lử bảo:
- Sao già không cho người nhà gọi tôi đến mà phải tự đi cho khổ?
- Chuyện này chưa xong thì không thể để lộ ra ngoài được! - Già làng Nỏ Pó nói trong tiếng thở dốc.
Seo Lử dìu ông già chậm chạp bước vào nhà, mời ngồi lên chiếc phản gỗ đen bóng. Seo Lử vào buồng trong bê ra một bình rượu ngâm cao xương dê núi và rễ cây thuốc, rót ra hai chiếc chén làm bằng ống tre.
https://thuviensach.vn
- Mời già chén rượu quí! - Seo Lử thân mật đưa chén rượu tre cho Nỏ Pó.
- Hầy dà! Rượu ngon đấy, mới ngửi đã thấy thơm, thấy say rồi!
- Rượu này ngâm cao xương dê núi, cùng mấy chục loại rễ cây thuốc quý và các hương liệu ở núi đá Sủng Pả đấy già ạ. Người già uống vào khoẻ ra nhiều lắm.
Sau vài tuần rượu, đến khi đã lâng lâng, Nỏ Pó nói với Seo Lử:
- Seo Lử à, cái cột đá vẫn ác quá! Chủ nhân của nó chẳng còn nữa mà sao nó vẫn cứ làm hại dân lành? Già nghe dân bản kể, người chửa đi qua cái cột đá ấy bị sảy thai; trai gái yêu nhau đi qua cột đá sẽ sinh ra ghét nhau rồi bỏ nhau; người làm nương đi qua cột đá thì cây ngô, cây đậu không sai quả, mẩy hạt; trâu, bò, dê, ngựa đi qua cột đá sẽ sinh bệnh mà chết!...
- Già có tin vào những chuyện đó không? - Seo Lử hỏi.
- Ta thấy thật khó tin. Nhưng dân bản lại bảo những chuyện đó là có thật. Và họ muốn đập bỏ cái cột đá khủng khiếp ấy.
- Vậy ý già làng thế nào?
- Theo ta, để dân bản không phải lo nghĩ nhiều thì tộc trưởng cứ cho người đập bỏ cái cột đá ấy đi. Già như ta mà nhìn thấy nó còn sợ, huống chi là dân bản!
Ngẫm ngợi hồi lâu, Seo Lử nói:
- Tôi cho rằng những chuyện đồn đại ấy là do nỗi ám ảnh từ cái cột đá sinh ra. Chừng nào cái cột đá ấy còn đứng đó thì những nỗi khiếp đảm sẽ còn ám ảnh trong tâm trí mọi người. Có lẽ cần phải kéo đổ nó xuống. Chỉ kéo đổ thôi, chứ không đập đi đâu. Cái cột đá ấy không có tội, bởi nó chỉ là
https://thuviensach.vn
cái thứ để những kẻ mặt người dạ thú thỏa mãn cơn tàn sát cuồng điên của chúng. Vì thế phải giữ cái cột đá ấy lại để chúng ta và con cháu đời sau luôn nhớ đến tội ác của bạo chúa Sùng Chứ Đa. Nhớ đến nó để mà sống tốt hơn, thương yêu nhau hơn. Phải thế không già?
- Tộc trưởng nói phải lắm! Thế là già này yên tâm nhắm mắt được rồi! - Nỏ Pó cười một cách khó nhọc, đôi mắt mờ đục của ông rớm nước.
** *
Được tin tộc trưởng Seo Lử hạ lệnh kéo đổ cái cột đá, cả bản Sủng Pả ồn ào, náo nhiệt và vui sướng chẳng khác nào cái hôm nghe tin tên bạo chúa Sùng Chứ Đa bị đội quân của Seo Lử đánh đổ cách đây mấy năm.
Theo lệnh của Seo Lử, ngay từ sáng sớm trai tráng trong bản đã hăm hở vác đòn xeo, dây da trâu ra nơi có cái cột đá đang chôn chân ở gần khu vực Miệng Hổ. Cái cột đá này mấy năm trước từng là nỗi kinh hoàng của bà con nơi đây. Đã có biết bao người vô tội bị hành hình treo cột đá, chết trong đau đớn tột cùng do bàn tay tàn ác của tên bạo chúa Sùng Chứ Đa gây ra. Có người gọi cái cột đá này là “Thạch trụ huyết” - nghĩa là “Cột đá máu”. Chẳng phải máu của đá mà là máu của con người tuôn chảy trên miền đá lạnh bởi sự tàn bạo của chính bàn tay con người!
Trước khi thực hiện việc kéo đổ cột đá, tộc trưởng Seo Lử mời già làng Nỏ Pó thắp hương cầu nguyện cho những linh hồn đã chết trên cái cột đá lạnh lẽo. Nỏ Pó vừa chắp tay lạy vừa nói những câu gì không rõ. Gương mặt ông hiện lên nét đau đớn khôn cùng. Nước mắt ông đầm đìa trên gò má nhăn nheo. Dân bản đứng thành vòng tròn quanh cột đá, mỗi người cầm một nén hương thơm vái lậy bốn phương tám hướng. Nhiều người không cầm nổi lòng mình, nấc lên tức tưởi.
Mây đen phủ kín bầu trời. Tiếng quạ kêu thảng thốt từ những dãy núi xa xa vọng về làm mọi người rợn gáy. Có ai đó hét lên: “Cha ơi, cha!...”.
https://thuviensach.vn
Như một phản ứng dây chuyền, hàng loạt tiếng kêu não lòng, xé ruột: Mẹ ơi!... Con ơi!... Anh ơi!... u vọng, ai oán khắp miền đá xám.
Tộc trưởng Seo Lử khoát tay ra lệnh, lập tức cánh trai tráng xông vào buộc dây da trâu lên đầu cột, dùng đòn xeo đào bẩy phía dưới. Khi cột đá lỏng chân, dân bản cùng ào vào kéo dây da trâu. Cái cột đá từng nhiều lần thấm đẫm máu của những người vô tội không thể trụ nổi trước sức mạnh của sự đồng lòng, từ từ ngã xuống. Nó nằm sóng soài trên nền đá xám lạnh lẽo. Già làng Nỏ Pó cho người đốt một đống lửa to gần đó. Mọi người vây quanh đống lửa cùng nhau uống rượu, cùng nhau nhảy múa quanh cái cột đá vô tri vô giác.
Bầu trời bất chợt sáng ra. Ánh nắng chiếu qua đám mây đen, rọi xuống thung lũng Sủng Pả thành những vệt sáng lấp lánh. Gió ngàn reo phần phật, thổi bạt tiếng quạ kêu. Xung quanh đống lửa, gương mặt mọi người hồng lên những nét tươi vui. Già làng Nỏ Pó nắm tay tộc trưởng Seo Lử đi chúc rượu bà con dân bản. Ông như khoẻ hẳn ra sau khi cái cột đá bị kéo đổ xuống.
** *
Dân làng về hết rồi mà bà Mùa vẫn ngồi thẫn thờ nhìn cột đá. Bên cạnh bà là hai cặp vợ chồng trẻ cùng hai đứa nhỏ đang ở tuổi bắt đầu biết chạy, đẹp như những thiên thần. Đứa gái là con của vợ chồng Mí Vư - Thào Mỷ; đứa trai là con của A Pẩu và Seo Mẩy. Hai đứa trẻ chẳng hề biết sợ, chúng trèo cả lên cột đá chơi trò cưỡi ngựa. Cha mẹ chúng ngồi gần đấy, lặng lẽ ngắm nhìn mấy bà cháu. Chắc họ đoán biết được trong lòng bà Mùa đang nghĩ gì nên không ai nỡ giục bà về. Họ kiên nhẫn chờ đợi. Bất chợt bà Mùa đứng dậy, cất giọng nhẹ như một làn gió thoảng:
- Ta về thôi các con, các cháu.
https://thuviensach.vn
THẠCH TRỤ HUYẾT
Nguyễn Trần Bé
www.dtv-ebook.com
Phần I
Thung lũng Sủng Pả. Chiều đông năm Canh Dần.
Bầu trời xám xịt một mầu chì. Mây đen cuồn cuộn từ phương Bắc kéo về. Gió thổi hun hút. Ngôi nhà chình tường, lợp cỏ gianh của Sùng Chư Pấu chìm nghỉm trong sương trắng mịt mùng. Cái lạnh giá tràn tới làm tê tái những tảng đá tai mèo nhọn hoắt, xếp chồng chồng lớp lớp trên các triền núi bao quanh bản người Mông nghèo khó. Khi những trận gió hàn thổi bạt sương trắng về phương Nam cũng là lúc bóng tối bất ngờ ập xuống.
Hút tới điếu thuốc phiện thứ ba mà Sùng Chư Pấu vẫn chưa say. Vừa đưa tay xoa cái ngực lép kẹp, Chư Pấu vừa lẩm bẩm:
- Hầy dà… Mình lo cái gì chứ? Vợ sắp đẻ con à? Mặc kệ nó. Nó chửa thì nó đẻ, giống như quả chín thì rụng thôi. Lo làm gì. Người chửa nào mà chẳng đẻ.
Giàng Thị Mùa, vợ của Sùng Chư Pấu, bụng to vượt mặt, nhăn nhó lần lên chỗ chồng nằm. Chống hai tay vào hông cho đỡ mỏi, Mùa nói với Chư Pấu:
- Mình hút thế thôi! Dậy đi gọi bà đỡ về đây. Tôi sắp đẻ con cho mình rồi. Cái bụng tôi đau quá. Con mình nó đạp mạnh lắm!
Chư Pấu bắt đầu ngấm thuốc, lừ mắt nhìn vợ, xua tay:
- Tối rồi đẻ sao được. Đợi mai hãy đẻ có được không?
https://thuviensach.vn
Mùa kêu lên:
- Ối a, đẻ mà chờ được à? Kìa, tôi đau quá rồi! Đi gọi bà đỡ mau lên! Chư Pấu khật khừ chống tay ngồi dậy, thở dài:
- Hầy dà, đi đâu được bây giờ chứ. Mày cứ đẻ đi tao lôi con ra cho! - Không được đâu. Mình đi đi! Ái ôi, đau quá!
Chư Pấu lại nằm xuống, quay mặt vào bàn đèn, cầm tẩu thuốc phiện rít tiếp mấy hơi nữa. Trong làn khói mờ ảo, gương mặt Chư Pấu hiện rõ vẻ bất an, đờ đẫn.
Bầu trời tối đen. Gió bấc thổi ù ù.
Đứa con trong bụng đang xoay trở, quẫy đạp tìm lối ra khiến Mùa đau đớn quằn quại. Sự ngột ngạt trong căn nhà chật hẹp làm cho Mùa không thở được. Mùa ôm bụng lần ra phía cửa. Ngoài trời bỗng loé lên những tia chớp chói loà, tiếp đó là một tiếng sấm lớn. Mùa giật mình ngã ra bậc cửa. Chưa kịp kêu vì đau thì Mùa đã nghe thấy tiếng đứa con khóc oe oé dưới chân. Mùa vội lột váy quấn lấy đứa con vừa vọt ra khi có tiếng sấm rồi vội vã gọi chồng:
- Chư Pấu à, tôi đẻ con rồi! Nó khắc ra. Giúp tôi với, mau lên!
Nghe tiếng vợ gọi cuống cuồng, nhưng mãi một lúc lâu sau Chư Pấu mới khập khễnh bước ra cửa. Qua ánh chớp loé, nhìn thấy máu tươi chảy lênh láng từ cặp đùi xuống bắp chân vợ, Chư Pấu vội kêu lên:
- Ôi a!… Mày sắp chết rồi à? Máu gì mà nhiều thế! Con tao đâu rồi?
Chư Pấu hết chạy ra lại chạy vào vì chẳng biết làm cách nào để giúp được vợ. Việc đầu tiên cần phải làm lúc này là đốt lửa lên để có ánh sáng thì Chư Pấu lại không nghĩ ra. Chạy lật khật quanh hai mẹ con Mùa một lúc
https://thuviensach.vn
vẫn chẳng biết phải làm gì, Chư Pấu bèn ngồi phịch xuống bậu cửa, duỗi cổ lên thở.
- Mình thắp lửa lên đi. Mau lên!
Nghe tiếng giục của vợ, Chư Pấu vội nhỏm dậy, chạy đến chỗ bàn đèn hút thuốc phiện cầm chiếc đĩa đèn mỡ lợn đang leo lét cháy ra chỗ Mùa ngồi. Đôi tay Chư Pấu loắng quắng làm rơi chiếc đĩa, ngọn đèn tắt phụt, tối om. Chư Pấu ngồi thụp xuống khoắng tìm chiếc đèn. Mùa hoảng loạn hét lên:
- Thôi mình đừng tìm đèn nữa! Đốt lửa lên đi! Con nó sắp chết rét rồi đấy! Lấy củi nòm mà nhóm lửa cho nhanh!
Lụi cụi mãi Chư Pấu mới lôi được những cây ngô khô còn cả lá dựng quanh bếp lửa (mà Mùa gọi là củi nòm), chụm vào đống tro than đang ủ giữa bếp, ra sức thổi. Ngọn lửa bùng lên, tỏa ánh sáng và hơi ấm khắp căn nhà tối tăm, chật chội, lạnh lẽo.
Đang trong lúc Chư Pấu không biết tiếp tục làm việc gì để giúp vợ thì bên ngoài có ánh đuốc. Dính cùng mấy người đàn bà Mông trong bản đang đến. Lúc chiều, khi thấy Mùa vác cái bụng to ộ ệ đi cắt cỏ ngựa, thỉnh thoảng lại xoa bụng nhăn nhó, Dính đoán là Mùa sắp đẻ nên tối nay đã rủ mấy chị cùng bản đến xem thế nào.
Chư Pấu mừng quá, gọi vợ:
- Mùa à, có người đến giúp rồi đấy!
Khi Dính cùng mấy chị trong bản bước vào nhà, Chư Pấu bỗng thấy mình như thừa ra. Đứng tần ngần một lúc chẳng thấy ai nói gì với mình, Chư Pấu liền lủi vào chỗ bàn đèn nhồi một điếu thuốc phiện mới. Rít hơi thuốc thật dài, thật sâu, Chư Pấu khoái chí nằm lăn ra đất, ngất ngây trong làn khói thuốc đê mê, quên cả việc mình vừa trở thành bố trẻ con!
https://thuviensach.vn
Dính và các chị trong bản giúp mẹ con Mùa một cách lặng lẽ. Cần điều gì họ chỉ liếc mắt cho nhau là hiểu ý. Phụ nữ Mông đến tuổi sinh đẻ ở Sủng Pả thường được các bà già căn dặn một điều, khi chăm sóc bà đẻ chớ nên nói nhiều, vì bà mụ của bọn trẻ sơ sinh vốn không thích những kẻ lắm lời.
Tuy cùng tuổi với Mùa, nhưng lấy chồng sớm nên Dính đã đẻ được hai đứa con. Tháng trước Dính mới đẻ thằng con thứ hai, đặt tên là Seo Lử. Vừa cắt rốn cho thằng bé, Dính vừa nói với Mùa:
- Thằng này cùng tuổi với Seo Lử, sau này ta cho hai đứa kết bạn tốt với nhau. Khi Mùa hoặc tôi đi vắng cho hai đứa bú chung một mẹ là được.
Mùa mỉm cười nhìn Dính, khẽ gật đầu. Đôi mắt Mùa sáng lên lấp lánh.
Sau khi cắt rốn, mút bọt dãi, lau rửa sạch sẽ cho đứa trẻ, quấn kín người nó trong tấm áo tà pủ còn mới của Chư Pấu, Dính và mấy chị em trong bản dặn dò Mùa cách chăm sóc con, rồi ra về. Trước khi bước khỏi chiếc cổng gỗ, Dínhdặn thêm:
- Cần gì Mùa cứ bảo Chư Pấu đến gọi tôi nhá!
Mùa gật đầu, ôm con nhìn theo Dính và mấy chị em cùng bản, đôi mắt rưng rưng. Mùa thấy ấm lòng trước tình nghĩa giữa người với người ở nơi mù sương, xám đá này. Mùa nhẹ nhàng hôn lên gương mặt thật đẹp và sáng của đứa con yêu. Đôi mắt Mùa ứa ra những dòng nước mắt hạnh phúc - hạnh phúc được làm mẹ - cái hạnh phúc thật bình dị mà lớn lao của đời người phụ nữ. Từ trong sâu thẳm cõi lòng, Mùa thầm nghĩ, mình sẽ làm tất cả vì con. Trong lòng Mùa luôn tin tưởng một điều, sau này lớn lên nhất định con mình sẽ trở thành một chàng trai đẹp nhất, tốt nhất của bản. Niềm tin ánh lên, rạng ngời trên gương mặt vừa đẹp vừa dịu hiền của Mùa. Thằng
https://thuviensach.vn
bé cựa mình đòi ăn. Mùa thôi nghĩ miên man, nhẹ nhàng ấp miệng đứa bé vào bầu sữa mọng căng của mình.
Nhìn kỹ đứa con, Mùa thấy nó thật lạ. Vừa đẻ ra mà tóc nó tốt trùm đến gáy, mắt sáng rỡ, hàm răng dưới đã mọc hai chiếc khá dài, hàm trên có mấy cái đang nhú. Mùa bỗng đâm lo. Nỗi lo của Mùa ngày càng lớn thêm khi thằng bé có những biểu hiện khác thường: đêm nào nó cũng khóc ra rả, nhưng sáng ra thì lại cười khanh khách. Mùa bơ phờ mệt mỏi, nhưng vẫn không nản chí. Nhiều hôm Mùa thức thâu đêm chăm con, dỗ nó ngủ, cho nó bú, trong khi Chư Pấu chỉ biết hút thuốc phiện nằm bẹp ở góc nhà. Sốt ruột khi nghe tiếng thằng bé khóc, Chư Pấu gắt lên vài tiếng rồi lại nhón tay vê thuốc phiện nhét vào tẩu, tiếp tục mê man trong làn khói ma! Mùa giục Chư Pấu đi gọi Dính đến để hỏi xem thế nào, nhưng Chư Pấu vẫn cứ nằm bẹp tai bên cái bàn đèn!
Những lúc như vậy, Chư Pấu hiện nguyên hình là một kẻ ất ơ, ngờ nghệch. Cái tên Chư Pấu, thoạt nghe cứ như thể tiếng gọi chệch của hai chữ “chi pấu”(1), nghe vào lúc này càng thấy rõ hơn cái sự ất ơ ấy. Mọi người trong bản từng bảo, cha mẹ Chư Pấu thật khéo đặt tên cho con, vì cái tên ấy rất giống với con người của Chư Pấu. Ngoài cái vẻ ngờ nghệch, ngốc nghếch hiện rõ trên gương mặt, thân hình Chư Pấu lúc nào cũng gầy nhẳng như bộ xương, chân tay lẻo khẻo, mặt quắt queo, răng to và hô. Cha Chư Pấu đã phải thuê thợ kim hoàn bọc vàng vào mấy chiếc răng cửa to như những cái bàn cuốc, vừa để giữ của, vừa để che bớt cái hô và độ to quá cỡ của những chiếc răng ấy. Mặc dù được “trang điểm” bằng vàng nhưng hàm răng trên của Chư Pấu vẫn là nỗi khiếp đảm của những ai khi lần đầu nhìn thấy Chư Pấu cười! Có lẽ vì vậy mà chẳng có cô gái nào để mắt tới Chư Pấu. Chư Pấu lấy được Mùa là nhờ gán nợ. Mẹ của Mùa gả con gái cho Chư Pấu là để trừ vào số nợ vay của bố mẹ Chư Pấu.
Trước khi lấy vợ, Chư Pấu chẳng biết làm gì ngoài việc uống rượu, hút thuốc phiện, đi chợ phiên ăn thắng cố. Hồi trước Chư Pấu đã từng đi chăn
https://thuviensach.vn
bò, nhưng thỉnh thoảng lại dắt nhầm bò nhà người khác về chuồng nhà mình, gây ra bao nhiêu sự phiền toái, đến nỗi cha Chư Pấu không cho đi chăn nữa! Từ ngày lấy được Mùa về làm vợ, Chư Pấu hình như đỡ ngờ nghệch hơn một chút. Dân bản khen Mùa khéo dạy chồng. Cha mẹ Chư Pấu rất mừng vì có được đứa dâu tốt, họ tin rằng Mùa sẽ là chỗ dựa suốt đời cho thằng con trai ất ơ, ngờ nghệch đến tội nghiệp của mình.
** *
Những năm về trước, gia đình Mùa gặp cảnh túng quẫn kiệt quệ sau một đợt dịch bệnh, phải đem tất cả của cải, bò ngựa ra chợ bán lấy tiền chữa bệnh, cúng ma. Tiền hết mà người vẫn chết. Cả nhà Mùa có sáu người thì chết mất hai, là cha Mùa và đứa em trai ngay dưới Mùa một đốt. Ngày ấy cha Mùa đi chợ, gặp người ta bán thịt bò rẻ hơn mọi bận, nghĩ thương vợ con đã lâu không được ăn thịt, ông mua về cả một đùi bò. Ông không biết con bò đó đã bị ốm vì bệnh nhiệt thán, thứ bệnh mà người già gọi là “than hủi”, ăn vào chết lây sang cả người!
Mùa nhớ như in những ngày đau thương ấy. Hôm đó cha từ chợ phiên trở về, vẻ mặt ông vui như người thợ săn vừa hạ được con mồi lớn. Trên vai cha là một đùi bò to, thịt đỏ tươi. Cha nói với mẹ:
- Hôm nay thịt bò rẻ lắm, giá chỉ bằng một nửa ở phiên chợ trước. Tôi mua cả một đùi về cho các con ăn thỏa thích, đỡ thèm. Lâu rồi chúng nó chưa được ăn thịt!
Mẹ nhìn cha bằng đôi mắt rơm rớm nước, nói giọng nghẹn cứng: - Bố nó mua nhiều quá! Bữa sau lấy gì ăn? Miệng ăn núi lở, bố nó à! Cha nhìn mẹ bằng ánh mắt xót thương, nói một câu an ủi:
- Thôi mẹ nó đừng tiếc nữa! Hôm nay tôi trót mua nhiều rồi thì làm sao đây? Cũng chỉ vì tôi thấy họ bán rẻ quá mà. Lần sau tôi không hoang
https://thuviensach.vn
phí nữa đâu!
Nói xong, cha vác đùi bò xuống bếp, thui da, xả thịt. Đứa em trai giáp với Mùa xúm vào làm giúp cha. Nhìn gương mặt háo hức vì sắp được ăn một bữa thịt thỏa thích của nó, Mùa bỗng ứa nước mắt! Mùa thấy thương các em mình đã bao ngày thèm miếng ăn ngon! Mùa tự nhủ, lúc nữa mình ăn in ít thôi, để nhường cho các em.
Mùa giã hạt thảo quả, hạt dổi và gừng già làm gia vị để cha nấu thắng cố. Vừa làm Mùa vừa ngoái đầu ra phía cổng đá ngóng xem mấy đứa em đi chăn bò, chăn ngựa thuê cho những nhà giàu đã về chưa. Mùa muốn bữa nay có đủ mặt cả nhà, mọi người cùng quây quần bên bếp lửa ăn một bữa thắng cố thật thỏa thích, cho bõ cơn thèm thịt!
Cha chia số thịt và xương thành hai phần. Phần thịt và da non thái miếng, ướp gia vị nấu thắng cố ăn trước; phần xương và da già chặt khúc để hầm canh ăn dần.
Mẹ rửa chiếc chảo to đặt giữa bếp để cha nấu thắng cố. Vừa làm cha vừa nói với mẹ và những đứa con đang vây quanh bếp lửa bằng cái giọng tiếc rẻ:
- Nồi thắng cố này mà có thêm chút lòng và tiết bò thì mới thật là ngon. Tiếc là hôm nay những thứ ấy người ta mua hết mất rồi!
Cả nhà Mùa ngồi quây quần quanh bếp lửa chờ thắng cố chín. Gương mặt người nào cũng tỏ ra háo hức, vui mừng, nhất là các em của Mùa. Nhìn cảnh ấy Mùa cảm thấy nao nao trong lòng. Nó bỗng ước ngày nào cũng được nhìn thấy cảnh này, ngày nào nhà nó cũng có nhiều thịt để ăn. Chảo thắng cố bắt đầu sôi liu riu. Mùi thịt chín thơm ngon đầy quyến rũ lan tỏa khắp gian nhà khiến hai cánh mũi của Mùa cứ phập phồng, phập phồng.
Chảo thắng cố hôm nay thật ngon. Cả nhà Mùa hì hụi ăn như chưa bao giờ được ăn một bữa thắng cố với mèn mén ngon và thỏa thuê đến vậy. Chỉ
https://thuviensach.vn
một lúc sau chảo thắng cố đã vơi đi một nửa. Chính lúc đó bất chợt đôi mắt Mùa mờ đi. Qua làn khói trắng bốc lên từ lòng chảo, Mùa nhìn thấy gương mặt cha và đứa em trai có nét gì đó rất lạ. Những gương mặt trắng bệch, lúc ẩn lúc hiện. Trong lòng Mùa chợt thấy bất an, lo lắng.
Và cái sự bất an, lo lắng ấy của Mùa biến thành hiện thực sau đó mấy ngày. Cha và em trai Mùa bị mắc bệnh “than hủi”. Mấy người cùng bản cũng mắc bệnh này. Họ đều là những người mua và ăn thịt con bò mà cha Mùa đã mua. Cũng may là chỉ những người trực tiếp thái thịt mới mắc bệnh nặng, còn những người ăn thịt chín thì bị nhẹ hơn. Cha và đứa em trai Mùa là những người thái thịt nên bệnh nặng nhất. Hai người sốt nóng như hòn than, môi khô rộp như cửa bếp lò, lúc mê man miệng cứ kêu ú ớ những câu kinh hãi giống như lời của ma quỷ!
Mẹ đi đón thầy mo về cúng con ma. Thầy mo cúng ma ba ngày, sai những người giúp việc giết thịt ba con lợn, mổ hàng chục con gà, đồ mấy mẹt xôi, mua mấy vò rượu để làm lễ giải hạn, đuổi tà ma... nhưng cha vẫn không qua khỏi. Lúc chết mắt cha mở trừng trừng. Đứa em trai của Mùa cũng mắc bệnh rất nặng, nhưng nó là đứa trẻ mới lớn nên sức chịu đựng tốt hơn cha. Vậy mà nó cũng chỉ sống được thêm có ba ngày nữa. Trong ba ngày ấy thầy mo đã kịp sai người giết thịt thêm ba con lợn, mổ thêm hàng chục con gà, đồ thêm mấy mẹt xôi, mua mấy vò rượu nữa để tiếp tục cúng ma giải hạn, nhưng con ma vẫn kéo nó đi theo cha! May cho mẹ và mấy chị em Mùa ăn thịt khi đã nấu chín nên bệnh nhẹ hơn, nhưng ai cũng ốm mất cả tuần trăng mới gượng dậy được. Trong lúc túng quẫn cùng cực ấy, mẹ và mấy chị em Mùa phải trông cậy vào sự giúp đỡ của bà con dân bản. Ông Sùng Chư Sảng, cha của Sùng Chư Pấu, là người giúp đỡ nhiều nhất. Ông ấy giúp nhà Mùa năm con lợn và hai con bò. Lợn thì giết thịt để thầy mo cúng ma; bò bán đi lấy tiền mua thuốc chữa bệnh cho mấy mẹ con. Thuốc gửi mua tận bên Vân Nam, hết khá nhiều tiền, nhưng nhờ thuốc tốt nên mẹ và mấy chị em Mùa thoát được chết. Mùa nghĩ thương cha và đứa em trai chưa kịp uống thuốc thì đã về Trời!
https://thuviensach.vn
Đến ngày hẹn trả nợ, mẹ và mấy chị em Mùa không thể nào lo kịp. Lợn chưa lớn, bò không có tiền mua nên đành cúi đầu xin khất nợ. Cũng may ông Chư Sảng là người tốt, không o ép hay bắt vạ. Nhưng cái tục của người Mông ở Sủng Pả từ bao đời nay là thế, đã vay mượn thì phải trả. Trả không được thì phải đi làm không công cho chủ nợ trừ dần. Bằng không thì phải gả con gái cho con trai nhà chủ nợ. Thế là Mùa thành vật gán nợ. Thực ra, do cái số của Mùa hẩm hiu gặp phải Chư Pấu ất ơ, chứ nếu Chư Pấu là thằng trai khoẻ mạnh, khôn ngoan thì đâu đến nỗi. Mùa không thể nào quên được cái bộ dạng của Chư Pấu trong lần đầu tiên hai người gặp nhau. Khi Mùa theo mẹ đến nhà ông Chư Sảng khất nợ, Chư Pấu chẳng biết ở đâu tấp tểnh chạy về, lắc lư trước hai mẹ con Mùa, cười nhăn nhở. Miệng Chư Pấu lấp loá mấy chiếc răng bọc vàng, trông thật khiếp. Chư Pấu chỉ vào Mùa, nói những câu chẳng giống như lời của kẻ ất ơ, ngờ nghệch:
"Mày đẹp đấy! Lấy tao nhá! Nhà tao nhiều ngô, nhiều lợn, nhiều bò lắm. Tao cũng biết làm chồng mà!”
Mùa sợ hãi túm lấy váy mẹ, mắt lấm lét nhìn sang phía Chư Pấu thế thủ. Và Mùa gần như phát sốt khi nghe tiếng ông Sùng Chư Sảng nói với mẹ mình:
“Phải đấy! Cho con Mùa lấy thằng Chư Pấu là nhà chị hết nợ thôi. Con Mùa khỏe thế này sẽ giúp được thằng Chư Pấu nhiều đấy. Thế là hai nhà chúng ta đồng ý rồi nhá!”
Mặc dù không thấy mẹ hứa hẹn hay gật đầu, nhưng nhìn vào mắt mẹ, Mùa hiểu mẹ đã buộc phải đồng ý rồi. Cổ mẹ duỗi lên, cố sức nuốt nước mắt vào trong bụng. Mẹ nhìn Mùa bằng cặp mắt rất lạ, hiện lên vẻ thương xót tận cùng mặc dù đã cố tình giấu kín.
** *
https://thuviensach.vn
Lễ hội Gầu tào ở Sủng Pả năm ấy diễn ra trên bãi nương rộng, tròn như một cái mâm, được bao bọc bởi những dải núi đá vôi. Trông xa, khu vực lễ hội có hình dáng giống như cái cối đá xay ngô của người Mông. “Ngõng” của cái cối xay khổng lồ ấy chính là cây nêu, được dựng bằng một cây tre mai to nhất, cao nhất, đẹp nhất, chọn trong búi tre tốt nhất ở thung lũng Sủng Pả. Đó là nơi làm lễ chính của người đứng ra tổ chức lễ hội Gầu tào. Xung quanh cây nêu là nơi tổ chức các trò chơi dân gian, được truyền nối từ đời nọ sang đời kia.
Những năm trước, mỗi khi đến lễ hội Mùa rất thích ngắm cây nêu, thích xem thầy mo cúng lễ, thích cùng mọi người hào hứng tham gia các trò chơi dân gian. Nhưng năm nay thì khác. Mùa không còn được tự do cùng bạn bè chơi đùa thỏa thích như trước, vì Mùa đi đến đâu cũng có Chư Pấu lẵng nhẵng bám theo. Nhiều lúc Mùa cảm thấy đôi chân mình như bị ai đó buộc dây kéo lại. Các trai bản thấy Mùa xinh đẹp tìm cách đến gần để ngỏ lời nhưng không thể nói chuyện được vì bị Chư Pấu làm vướng chân.
Cái háo hức ban đầu trong tâm trí cứ giảm dần khi đôi chân Mùa bước sâu vào lễ hội. Mọi năm, đôi bắp chân quấn xà cạp trắng của Mùa cứ thoăn thoắt dưới làn váy lanh thổ cẩm xếp lớp, đung đưa theo nhịp bước, đẹp đến mê hồn. Nhưng hôm nay đôi bắp chân ấy cứ như có bàn tay vô hình đang níu giữ, khiến Mùa thấy vướng víu, trễ nải. Nhìn cảnh Chư Pấu ngờ nghệch, ngửa cổ cười cười, đi bên cạnh Mùa đẹp rực rỡ như bông hoa mẫu đơn rừng, ai cũng thấy tiếc cho một bông hoa đẹp. Nhiều người nhận thấy bông hoa ấy đang héo úa từ bên trong. Bao đôi mắt tiếc rẻ nhìn theo Mùa cùng những tiếng thở dài của các chàng trai Mông đang đi tìm gái đẹp để kết bạn cứ đuổi theo phía sau lưng khiến Mùa càng thêm chán chường. Tất cả những trò chơi vui trong lễ hội bỗng trở nên nhạt nhẽo, vô nghĩa trước mắt Mùa. Lách đám đông, Mùa tìm cách chui ra khỏi “chiếc cối đá khổng lồ” đang quay những vòng quay náo nhiệt. Khi Mùa càng cố sức bước qua cái vòng quay ấy lại càng thấy nó quay mạnh hơn, nhanh hơn. Mùa đâu biết, đó chính là những vòng quay cuộc đời của những người phụ nữ Mông
https://thuviensach.vn
như Mùa. Một khi ai đó đã bị vòng quay ấy cuốn vào thì dù có cố sức thoát ra cũng khó lòng mà thoát được! Mùa lảo đảo như sắp ngã...
Cuối cuộc chơi xuân, nhà ông Sùng Chư Sảng bố trí cho Chư Pấu và các bạn của nó đi “kéo” Mùa về. Đối với con gái Mông đến tuổi lấy chồng, việc được một chàng trai ưng ý “kéo” về làm vợ vào dịp xuân sang, tết đến là cả một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của đời người phụ nữ. Nhưng Mùa không cảm nhận được điều đó. Mùa biết rõ rằng cái việc “kéo vợ” của Chư Pấu đối với mình chỉ là kết quả sự dàn xếp của những người lớn. Mùa đi “làm dâu nhà người” trước sự luyến tiếc của không biết bao nhiêu trai bản xa gần. Họ tiếc cho một bông hoa đẹp đã cắm nhầm chỗ. Mùa âm thầm làm “vật gán nợ” cho nhà Chư Sảng, quên đi hạnh phúc của mình để gánh nợ cho cả nhà, phó mặc cuộc đời mình cho số phận đẩy đưa. Mẹ Mùa thương con đứt từng khúc ruột nhưng chẳng thể làm khác được, đành ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong bụng, rồi tự an ủi rằng, dẫu sao nó cũng được nương tựa ở một gia đình khá giả. Song điều mong mỏi giản đơn ấy của bà cũng không thành hiện thực, bởi chẳng bao lâu sau ngày Mùa về làm dâu, thì tai họa bất ngờ ập xuống nhà Chư Sảng.
Chuyến đi buôn thuốc phiện đường dài lần ấy ông Chư Sảng và người con trai cả của ông đã bị một băng cướp núi sát hại. Hôm ấy là một ngày kinh hoàng nhất trong đời Mùa. Bọn cướp đem xác ông Chư Sảng và người con trai cả đặt trước cổng đá nhà ông trong một đêm giông gió, sấm chớp. Đêm ấy Chư Pấu say thuốc phiện nằm bẹp dí dưới đất, Mùa xay ngô mãi gần sáng mới đi nằm. Nhưng Mùa không tài nào ngủ được vì tiếng chim lợn cứ kêu eng éc sau nhà. Tiếng kêu làm cho Mùa nổi da gà, dựng tóc gáy. Linh cảm có điều chẳng lành xảy ra, Mùa lần đến cửa buồng mẹ chồng, khẽ gọi. Bà mẹ chồng của Mùa cũng không ngủ được từ khi nghe thấy tiếng chim lợn. Bà ngồi như hoá đá, mắt nhìn về bếp lửa leo lắt. Con chó già từ ngoài cửa chạy vào, miệng rên ư ử như muốn nói điều gì. Đoạn nó cắn áo bà Chư Sảng kéo đi.
https://thuviensach.vn
Bà Chư Sảng ngã vật xuống đất khi nhìn thấy xác chồng và con trai bị chém nát mặt. Mùa chỉ kịp hét lên một tiếng rồi lịm đi. Khi tỉnh dậy, Mùa thấy trong nhà mình đầy người. Dân bản đến giúp làm ma tươi, chôn cất người chết. Chư Pấu vẫn nằm bẹp dưới đất trong cơn say thuốc phiện, thỉnh thoảng cái miệng đầy bọt dãi của Chư Pấu lại phát ra những câu ú ớ như thằng câm học nói.
Nhà Sùng Chư Sảng suy kiệt từ đó!
https://thuviensach.vn
THẠCH TRỤ HUYẾT
Nguyễn Trần Bé
www.dtv-ebook.com
Phần II
Thấy mọi người kháo chuyện về đứa con khác thường của Chư Pấu, tộc trưởng Nỏ Pó thấy rất khó tin, bèn sang tận nơi để xem thực hư thế nào. Khi nhận thấy đúng là thằng bé này có những điều khác lạ so với những đứa trẻ trong bản, Nỏ Pó lắc đầu:
- Hầy dà!… Thầy mo bảo mùa đông mà có sấm chớp là tam giới có động đấy. Mọi chuyện sẽ không hay đâu. Thằng bé này đẻ ra trong lúc có sấm chớp lại càng không hay. Trẻ con vừa đẻ mà đã có răng là họa đấy. Phải bỏ nó lên rừng thôi!
Chư Pấu nghe Nỏ Pó nói thế cứ gật đầu cười cười. Cái cười hiện rõ sự ngờ nghệch của một kẻ ất ơ. Mùa quắc mắt nhìn tộc trưởng Nỏ Pó, rồi hoảng hốt ôm chặt thằng bé như sợ bị ai cướp đi. Mùa nhìn sang phía chồng, bảo:
- Mình mang thuốc phiện sang nhà Nỏ Pó mà hút. Con tôi để tôi nuôi!
Nghe đến thuốc phiện, mắt Chư Pấu sáng lên. Chẳng cần đợi vợ giục, Chư Pấu khật khưỡng vào chỗ bàn đèn lấy cục thuốc phiện, kéo tộc trưởng Nỏ Pó tấp tểnh bước thấp bước cao ra khỏi cửa!
Tìm cách đuổi khéo được chồng và tộc trưởng Nỏ Pó đi, Mùa yên tâm ngồi cho con bú. Thằng bé đang bú bỗng cắn mẹ một cái thật đau bằng những chiếc răng sắc nhọn, rồi đạp chân, ưỡn bụng kêu ằng ặc như thể bị đứt lưỡi. Mùa hoảng hồn bế con chạy ra cửa. Thằng bé bất ngờ cười khanh khách. Mùa sợ quá vội ôm con đến nhà thầy mo.
https://thuviensach.vn
Thầy mo lột hết tã lót thằng bé, xem xét rất kỹ khắp người nó. Lát sau thầy nói:
- Thằng này tuổi Dần, đẻ vào giờ Tuất, khó nuôi. Nếu nuôi được lớn lên nó sẽ chẳng giống ai. Không nuôi được thì ba ngày nữa nó sẽ chết. Nếu không muốn nó chết thì phải làm lễ cúng tế thần linh để giải hạn!
Nghe thầy mo nói vậy Mùa sợ lắm. Ôm con về nhà, Mùa vội gọi chồng dậy bàn việc làm lễ cúng giải hạn cho con. Nhưng Chư Pấu mải hút thuốc phiện vẫn nằm bẹp tai không nói gì. Khi Mùa giục đến lần thứ ba Chư Pấu mới nhỏm dậy nhìn chằm chằm vào mặt thằng con trai, nói lại lời tộc trưởng Nỏ Pó:
- Hầy dà!… Thầy mo bảo mùa đông mà có sấm chớp là tam giới có động đấy. Mọi chuyện sẽ không hay đâu. Thằng bé này đẻ ra trong lúc có sấm chớp lại càng không hay. Trẻ con vừa đẻ mà đã có răng là họa đấy. Phải bỏ nó lên rừng thôi!
Mùa thấy lạ. Thường ngày Chư Pấu là người rất hay quên, nếu muốn nói điều gì thì phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần Chư Pấu mới nhớ. Vậy mà sao hôm nay Chư Pấu lại nhớ hết được câu nói của Nỏ Pó khi ông ấy chỉ nói có một lần? Hay đấy chính là lời của quỷ thần nói qua miệng Chư Pấu? Mùa bỗng thấy lo. Một nỗi lo vô hình nhưng rất dữ dội đang xâm chiếm lòng Mùa.
Chán chồng quá, lại lo sợ nhỡ biết đâu Chư Pấu nghe theo lời tộc trưởng Nỏ Pó mang con bỏ vào rừng thì khổ, Mùa quyết định đem con về nhà mẹ đẻ. Đêm ấy Mùa đặt đứa con vào quẩy tấu, xếp đồ đạc lên lưng ngựa, lặng lẽ ra đi.
Mùa dắt ngựa bước đi trên con đường gập ghềnh đầy đá nhọn. Thằng bé cứ lúc khóc, lúc cười. Tiếng nó lẫn trong tiếng gió đêm hun hút, tạo nên
https://thuviensach.vn
một thứ âm thanh rờn rợn, khiến Mùa sợ hãi. Đang ngập ngừng không biết nên đi tiếp hay quay trở lại, thì Mùa gặp Dính.
- Mùa dắt ngựa đi đâu vào giờ này? - Dính ngạc nhiên hỏi. - Tôi về nhà mẹ đẻ. Tôi chán Chư Pấu quá rồi!
Nghe Mùa nói chán chồng bỏ về nhà mẹ đẻ, Dính khuyên:
- Chư Pấu nó dại nhưng vẫn là chồng mình, đừng bỏ nó mà khổ cả hai!
Nghe Dính nói thế, Mùa nghĩ nhiều lắm. Mặc dù không có tình yêu, nhưng từ ngày về làm vợ Sùng Chư Pấu đến nay Mùa thấy chồng mình cũng tốt, biết thương vợ. Tuy không được khôn như chồng người ta, nhưng bù lại Chư Pấu thuộc dạng người dễ sai bảo. Hầu như việc gì vợ bảo làm là Chư Pấu làm ngay. Nết tốt của Chư Pấu là không bao giờ đánh vợ, nếu say rượu thì chỉ ngủ. Là con nhà khá giả nhưng Chư Pấu không cậy của. Số bạc bố mẹ để lại, Chư Pấu đưa hết cho vợ cất giữ, tự ý chi tiêu, lúc nào cần mua thuốc phiện hoặc đi chợ ăn thắng cố thì Chư Pấu lại chìa tay xin vợ. Nghĩ như vậy tự nhiên Mùa thấy thương Chư Pấu quá, liền nói với Dính:
- Tôi phải dắt ngựa đem con về với Chư Pấu thôi. Dính đi cùng tôi nhá!
Thằng bé trong quẩy tấu bất ngờ cười khanh khách. Nó đạp mạnh đến nỗi chiếc quẩy tấu rung lên bần bật.
Mùa cùng Dính dắt ngựa trở về. Đi được một đoạn bỗng thấy có ánh đuốc phía trước. Hoá ra là Chư Pấu. Thấy vợ đem con bỏ nhà đi, Chư Pấu như người phát điên, phát cuồng. Hết ngửa mặt kêu trời, Chư Pấu lại ngửa cổ nốc rượu đựng trong vỏ quả bầu khô. Thật lạ, mọi khi chỉ uống nửa bầu rượu là Chư Pấu đã say nghiêng ngả, nhưng hôm nay uống cạn đến giọt cuối cùng vẫn tỉnh như sáo. Chư Pấu đưa tay đấm ngực bùm bụp. Rồi khóc.
https://thuviensach.vn
Cào cấu tóc tai mà khóc. Khóc chán vẫn không thấy vợ con về Chư Pấu liền đốt đuốc đi tìm. Gặp vợ con và Dính giữa đường, Chư Pấu sung sướng cười như bị ma làm. Cười chán, Chư Pấu vòng ra sau lưng vợ, móc tay vào trong miệng quẩy tấu lôi lấy thằng con. Chư Pấu giơ cao thằng bé trên đầu, vục mặt vào cái chim tí xíu của nó hôn hít cuống cuồng. Mùa nhìn cảnh Chư Pấu đùa con mà thấy lòng mình rưng rưng. Đôi mắt Mùa long lanh nước. Mùa khóc trong sự sung sướng của người mẹ trẻ. Dính đến bên Mùa, nói nhỏ:
- Chư Pấu chưa phải là người bỏ đi đâu. Nó tốt đấy, yêu con thế kia cơ mà!
Thằng bé lại cười khanh khách.
Từ hôm ấy Chư Pấu trở thành người khác hẳn. Ngoài việc chủ động bảo vợ đi đón thầy mo về làm lễ giải hạn cho con, Chư Pấu còn thức suốt đêm để cùng vợ chăm sóc con mỗi khi nó quấy khóc. Sự yêu con của Chư Pấu thể hiện rõ nhất trong buổi lễ cúng giải hạn. Chính hôm ấy Mùa và bà con dân bản mới nhận thấy hết tình yêu thương mà Chư Pấu dành cho đứa con trai của mình. Để xua đuổi tà ma, thầy mo ngậm dầu trong miệng, vừa nhảy múa vừa thổi phù phù vào que lửa đang cầm trên tay. Đúng lúc ngọn lửa bùng lên, Chư Pấu chẳng biết từ đâu nhảy bổ vào dùng tấm lưng gầy che chắn ngọn lửa cho con, miệng quát thầy mo: “Ông làm như thế cháy con tôi thì sao?” Thầy mo phát bực đuổi Chư Pấu ra ngoài. Được một lúc Chư Pấu lại ngó cổ vào xem. Thấy trên người thằng bé có mấy giọt máu tươi, Chư Pấu hét lên rồi lao vào túm lấy thầy mo, quát tướng: “Tại sao ông làm cho con tôi chảy máu?”. Chư Pấu đâu biết đấy là những giọt máu của con gà trống giò, thầy mo cắt tiết vẩy lên người thằng bé để làm phép trừ tà.
Sự yêu thương, chiều chuộng, giúp đỡ vợ con của Chư Pấu còn được thể hiện bằng những công việc thường ngày, những việc mà trước đây chẳng mấy khi Chư Pấu làm. Ngày nào Chư Pấu cũng miệt mài đi cắt cỏ
https://thuviensach.vn
bò, lấy củi, cõng nước giúp vợ. Đêm về còn cặm cụi xay ngô để vợ đồ mèn mén. Có hôm Chư Pấu thái cỏ bò, xay ngô đến gần sáng mới đi ngủ. Nhìn Chư Pấu gầy ngẳng, gò vai duỗi cổ kéo cái giằng xay để quay chiếc cối đá to như vành thúng, miệng thở phì phò, Mùa thấy xót đau từng khúc ruột vì thương chồng. Mùa địu con bước đến gần Chư Pấu, nói những lời yêu thương:
- Để tôi xay xúm với mình cho đỡ nặng!
- Tôi khắc xay được mà. Mình cứ cho con ngủ đi. Lúc nữa xay xong, tôi bế con cho mình đồ mèn mén.
Nghe Chư Pấu nói những lời ấy, Mùa sung sướng, cảm động vô cùng. Ngồi ôm con bên bếp lửa, Mùa nhìn chồng bằng cặp mắt lóng lánh nước và nghĩ thầm: Những người chồng khôn chắc cũng chỉ làm, chỉ nói được như thế thôi. Chư Pấu của mình không còn là người khờ dạinữa rồi!
Mùa đặt con lên chiếc phản, đắp cho nó chiếc áo tà pủ của Chư Pấu rồi bước ra bên ngoài. Mùa ngửa mặt trông lên bầu trời đêm lấp lánh muôn vàn những vì tinh tú, chắp tay trước ngực, miệng lẩm bẩm: “Ông Trời ơi! Chư Pấu chồng con hết dại rồi! Con xin đa tạ Ông Trời!”
Chư Pấu bàn với Mùa đặt tên con trai là Sùng Chứ Đa. Mùa chẳng biết cái tên ấy có nghĩa là gì, nhưng vì đó là cái tên do Chư Pấu nghĩ ra, lại nghe thấy cũng hay hay nên đồng ý ngay. Thật lạ, khi Mùa nhìn vào chỗ thằng bé đang nằm, gọi tên Chứ Đa, nó liền đón nhận luôn bằng một tràng cười khanh khách.
Hàng ngày Chư Pấu vẫn hút thuốc phiện, nhưng không hút nhiều, nhờ vậy không bị say bí tỉ như trước. Rượu thì Chư Pấu chỉ uống có chừng mực và uống trong bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Người già trong bản bảo chính thằng con của Chư Pấu đã đổi tính, đổi nết cho cha nó. Ai cũng tin rằng,
https://thuviensach.vn
khi lớn lên nhất định thằng Chứ Đa sẽ khôn hơn cha, sẽ làm được nhiều điều kỳ lạ, khác người…
Chẳng biết người già nói có đúng không, nhưng vợ chồng Chư Pấu mừng lắm, nhất là Mùa. Bị khổ nhiều vì phải lấy người chồng dại, Mùa luôn mong ước thằng Chứ Đa lớn lên sẽ khôn ngoan, khoẻ mạnh, khôi ngô.
Từ ngày có thằng Chứ Đa, vợ chồng Chư Pấu vất vả, bận rộn thêm nhiều, nhưng cuộc sống cũng có lắm niềm vui hơn. Đêm đêm, khi Chứ Đa ngủ say, Mùa đổ ngô hạt vào cối đá xay thành bột để đồ mèn mén. Khi chưa có Chứ Đa, việc xay ngô chỉ có một mình Mùa làm. Chiếc cối đá quá to khiến Mùa phải oằn mình mới quay được những vòng nặng nhọc, trong khi đó Chư Pấu cứ vùi mình giữa đống chăn sui, thò đầu ra rít thuốc phiện từ chiếc tẩu đen sì, cáu bẩn, rồi lịm đi trong làn khói ngất ngây. Bây giờ thì Mùa không phải xay ngô một mình nữa vì đã có Chư Pấu giúp sức. Chư Pấu mải xay ngô quên cả hút thuốc phiện. Chư Pấu vừa kéo giằng xay cùng vợ, vừa nhìn thằng con bụ bẫm đẹp như thiên thần đang nằm ngủ yên lành trên chiếc phản gỗ đen bóng, dưới ánh lửa bập bùng, ấm áp, bất chấp tiếng cối đá xay ngô ù ù bên tai. Ánh mắt Chư Pấu nhìn đứa con bằng cái nhìn thánh thiện của một người cha hiền lành. Mùa liếc mắt nhìn chồng, nhìn con, lòng dạt dào niềm vui, niềm hạnh phúc đơn sơ của một người mẹ trẻ. Mùa làm lụng thâu đêm đến sáng mà không thấy mệt, đôi má lúc nào cũng đỏ rực, nóng như bếp lò.
Những buổi làm nương Mùa thường thả Chứ Đa ngồi vào chiếc quẩy tấu, cho Chư Pấu đeo sau lưng đi trước, còn mình thì đeo quẩy tấu nặng đến oãi vai theo sau. Trong chiếc quẩy tấu của Mùa đựng bao nhiêu là thứ, từ đồ ăn thức uống cho đến hạt giống, lưỡi quà, lưỡi cuốc, dao rựa… Nhìn thằng con trai có gương mặt sáng đẹp như trăng ngày rằm, đầu đội chiếc mũ nồi ngũ sắc, ngồi trong quẩy tấu ngoái cổ cười với mẹ, Mùa quên hết mọi mệt nhọc. Đôi chân tròn lẳn, trắng muốt của Mùa thoăn thoắt bước như múa dưới lớp váy thổ cẩm đong đưa. Chả mấy chốc đôi chân ấy đã đưa
https://thuviensach.vn
Mùa lên tới cái nương cao vút trên lưng chừng núi đá. Chứ Đa vẫn ngồi trong quẩy tấu, được cha treo lên cành cây to rợp bóng mát. Mùa hái cho nó một bông hoa mẫu đơn rừng thơm ngát, đỏ lựng. Chứ Đa nhìn bông hoa cười khanh khách. Những con bướm rừng đủ sắc màu từ đâu bay đến, lượn quanh bông hoa mẫu đơn trên tay Chứ Đa. Chẳng mấy chốc lũ bướm đã tụ tập thành đàn, rập rờn quây kín chiếc quẩy tấu của Chứ Đa. Chứ Đa thích thú cười đùa với lũ bướm. Tiếng cười của nó vang khắp cả triền đá xám. Tiếng cười con trẻ khiến cho cái tay chọc lỗ của Chư Pấu nhanh hơn, bàn tay bỏ hạt của Mùa thoăn thoắt như múa…
Hai vợ chồng Chư Pấu chăm chỉ làm ăn được nhiều ngô, nhiều bò, nhiều lợn, nhiều gà. Chứ Đa được ăn no, ăn ngon nên lớn rất nhanh, cao hơn các bạn cùng lứa hẳn một cái đầu. Nó là đứa rất nhanh nhẹn, bạo dạn và sáng dạ. Hiềm một nỗi nó lại mắc chứng hay hung cùn. Ai trêu chọc hoặc làm trái ý là Chứ Đa đỏ mặt, tía tai liền. Nó sẵn sàng sừng sộ với bất cứ người nào làm nó tức giận. Những khi tức giận, giữa trán Chứ Đa thường nổi lên một nốt có mầu bạc trắng như bôi vôi, to bằng đầu ngón tay cái người lớn. Khi nào nó hết tức giận, mặt hết đỏ, cái nốt mầu trắng ấy mới lặn.
** *
Chứ Đa càng lớn càng khoẻ mạnh, giỏi giang. Nhìn vóc dáng nó cao ráo, đi đứng nhanh nhẹn, nước da trắng như trứng bóc ai cũng phải trầm trồ. So với bạn bè cùng lứa, Chứ Đa hơn hẳn mọi mặt. Vợ chồng Mùa nhìn ngắm con mà sướng cái bụng. Họ luôn hi vọng lớn lên nó sẽ thành một chàng trai tuấn tú. Đối với lũ trẻ con ở thung lũng Sủng Pả, Sùng Chứ Đa giống như một thủ lĩnh, bởi làm bất cứ điều gì nó cũng giỏi hơn các bạn. Nó luôn là đứa cầm đầu trong các trò chơi trẻ nhỏ. Ngoài biệt tài chỉ huy, Chứ Đa luôn yêu thương, quan tâm, giúp đỡ bạn bè. Vì thế lũ trẻ con ở bản rất quí trọng, tin tưởng nó.
https://thuviensach.vn
Nhưng Sùng Chứ Đa chỉ thực sự được các bạn nể phục, trở thành "đầu lĩnh" của nhóm khi cả bọn rủ nhau thi thố một trò chơi rất nguy hiểm lúc đi chăn bò. Hôm ấy, sau khi thả bò và rủ nhau tìm bắt tắc kè ở các khe đá, Chứ Đa cùng bọn thằng Seo Lử, Mí Vư và cái Thào Mỷ kéo nhau đến khu vực Miệng Hổ. Đó là một vực đá hết sức hiểm trở, đáy vực lởm chởm đá nhọn. Nhìn từ xa nơi đây trông giống như cái miệng cọp khổng lồ đang nhe hàm răng nhọn hoắt dọa nạt mọi người. Phía trước Miệng Hổ là một bãi đá rộng, khá bằng phẳng. Chứ Đa nhìn Miệng Hổ, hỏi các bạn:
- Chúng mày có đứa nào dám nhảy qua không?
Mí Vư nhìn xuống đáy Miệng Hổ, lắc đầu:
- Nhảy qua làm sao được. Rơi xuống thì chết nát xương!
Seo Lử ngó xuống theo, miệng ấp úng:
- Chịu thôi. Nhìn đã sợ rồi, nhảy qua làm sao được!
Thào Mỷ không dám đến gần miệng vực. Người nó cứ run lên như bị rét.
Chứ Đa nhìn lại Miệng Hổ một lần nữa rồi quả quyết:
- Tao nhảy qua được!
Thào Mỷ vội túm tay Chứ Đa, can:
- Không nhảy qua được đâu, nguy hiểm lắm!
Chứ Đa nhìn Thào Mỷ, nở một nụ cười. Nó nhẹ nhàng gỡ tay Thào Mỷ, bất ngờ bật “vèo” một cái qua miệng vực đá. Nó nhảy nhẹ nhàng như một chú sóc.
https://thuviensach.vn
Những đứa bạn của Chứ Đa ngó xuống phía dưới đáy vực, nhìn sang vách đá bên kia lắc đầu sợ hãi. Chẳng đứa nào dám nhảy qua vì sợ nhỡ trượt chân rơi xuống vực đá nhọn thì chỉ có tan xác!
Chứ Đa cười khanh khách, rồi lại nhẹ nhàng nhảy qua Miệng Hổ. Nó cứ nhảy qua nhảy lại như biểu diễn. Đứng ở bờ đá bên kia, Chứ Đa nói to:
- Nếu không đứa nào nhảy qua được thì từ nay trở đi chúng mày phải gọi tao là đầu lĩnh. Phải nghe lời tao sai khiến!
Bọn bạn của Chứ Đa chẳng hiểu "đầu lĩnh" là gì, nhưng đều đồng ý ngay lập tức vì chúng thấy Chứ Đa giỏi quá!
Từ sau bận nhảy qua Miệng Hổ, Sùng Chứ Đa thành người khác hẳn. Làm việc gì nó cũng sai bảo các bạn, cứ như một đầu lĩnh thực sự. Việc lùa bò lên nương rồi gọi bò trở về Chứ Đa đều giao cho thằng Seo Lử và Mí Vư. Hai đứa cứ tăm tắp làm theo lệnh của “đầu lĩnh”, chẳng bao giờ dám trái lời. Bắt được tắc kè chúng phải nộp lại cho Chứ Đa một nửa, cho Thào Mỷ một phần theo lệnh của "đầu lĩnh". Bù lại, nếu Mí Vư, Seo Lử bị bọn trẻ con bản khác bắt nạt hoặc trêu chọc, Chứ Đa sẽ là người ra tay bênh vực.
Riêng cái Thào Mỷ được Chứ Đa chiều chuộng hơn. Hàng ngày đi chăn bò Chứ Đa chỉ ngồi một chỗ để nói chuyện với Thào Mỷ hoặc cùng Thào Mỷ đi nhổ cây củ đá về nhâm nhi cho đỡ khát nước. Nó nhổ khóm củ đá lên, nhặt những củ to tròn, mọng nước, lau vào áo tà pủ sạch đến trong veo đưa cho Mỷ. Chứ Đa nhìn Thào Mỷ ăn củ đá bằng ánh mắt khác lạ - ánh mắt nửa người lớn, nửa trẻ con. Bắt gặp cái nhìn của Chứ Đa, đôi má Thào Mỷ hồng lên e thẹn.
Tiếng tăm của “đầu lĩnh” Sùng Chứ Đa lan dần ra các bản xung quanh. Nhiều trẻ con ở nhóm khác phần vì tò mò, phần vì nể sợ đã tìm đến Chứ Đa làm quen. Sau mỗi lần gặp Sùng Chứ Đa, đứa nào cũng nhận thấy
https://thuviensach.vn
nó xứng đáng là “đầu lĩnh” thật. Một đầu lĩnh trẻ con, nhưng đúng là “đầu lĩnh”! Con người Chứ Đa luôn toát ra một vẻ gì đó rất khác thường. Thời gian trôi đi, lũ trẻ ở Sủng Pả đến tuổi vỡ tiếng, phổng phao, trông đã ra dáng những chàng trai, cô gái. Chứ Đa là đứa khỏe mạnh, khôi ngô nhất. Nó cao lớn hơn hẳn các bạn cùng lứa. Nhìn nó giống hệt như chàng hoàng tử trong truyện cổ tích. Đôi má Thào Mỷ đã bắt đầu hồng lên như trái đào chín, gương mặt đẹp chẳng khác nào một nàng công chúa. Nó học bà nội cách se lanh dệt vải, cách khâu áo váy từ mấy năm trước. Bây giờ nó đã làm thành thạo những việc ấy như một thiếu nữ Mông thực thụ.
https://thuviensach.vn
THẠCH TRỤ HUYẾT
Nguyễn Trần Bé
www.dtv-ebook.com
Phần III
Nghe tin ở Sủng Pả có đầu lĩnh, Pủ Sá thấy lạ lắm. Là kẻ chuyên đi buôn bán thuốc phiện, da lông thú khắp mọi vùng mà Pủ Sá chưa hề biết đầu lĩnh là gì. Chuyến này về Sủng Pả, lão quyết tìm gặp bằng được kẻ đầu lĩnh kia để thỏa chí tò mò. Lão cũng muốn tìm hiểu xem cái người được gọi là “đầu lĩnh” có gì đặc biệt so với người thường và quan trọng là liệu kẻ ấy có gây khó dễ gì cho lão khi buôn bán thuốc phiện, da lông thú ở cái thung lũng Sủng Pả này không. Trong thâm tâm lão nghĩ, nếu đầu lĩnh có thực lực lão sẽ hợp tác làm ăn; còn nếu đó chỉ là hư danh thì lão sẽ trấn áp ngay từ đầu.
Lão Pủ Sá có dáng người thấp đậm, đầu hói, để râu quai nón. Nhìn lão thấy toát lên những nét vừa bí ẩn vừa hoang dã. Đôi mắt lão ti hí nhưng rất giảo hoạt, núp dưới cặp lông mày rậm như sâu róm, phía cuối có những chiếc lông dài vểnh lên như sừng trâu. Lão có một chiếc sẹo hình lưỡi rìu khá to trên mảng đầu bên phải. Lão mặc áo da bò không tay, chẳng bao giờ cài khuy, để lộ ra mảng bụng vừa đen, vừa chai lỳ, chắc như da trâu. Người yếu bóng vía lần đầu tiên nhìn thấy lão chắc hẳn sẽ lạnh buốt sống lưng.
Mặc dù đi buôn bán thuốc phiện nhưng Pủ Sá không nghiện ngập đến mức còm nhom như những người nghiện hút ở Sủng Pả. Lão rất khoẻ, ngực nở, bụng thót, bắp chân bắp tay cuồn cuộn, rắn như đá. Lần nào đến Sủng Pả lão cũng trú ngụ ở hang Thẳm Vài, một cái hang đá chỉ nghe tên ai cũng thấy sợ. Buôn bán ở thung lũng Sủng Pả đã lâu nhưng lão không thân thiết với bất cứ ai. Các mối quan hệ của lão chỉ là bán mua đơn thuần. Cái hang lão ở khá rộng, có nhiều ngóc ngách, có mạch nước nhỏ chảy suốt ngày đêm. Lão biến cái hang đá lạnh lẽo, mà người dân trong bản thường đồn
https://thuviensach.vn
“có ma quỷ hiện hình” mỗi khi trái gió giở giời, thành ngôi nhà bất khả xâm phạm của lão. Từ ngày Pủ Sá chọn hang đá này làm nơi ẩn cư, dân bản Sủng Pả ít người dám đến gần. Lão thường đi suốt ngày, tối mới về hang luyện võ, nấu nướng, ăn uống, rồi ngủ. Một số người ở bản Sủng Pả từng nhìn thấy lão luyện võ Tàu vào những đêm trăng mờ phía ngoài cửa hang. Lão đi quyền cứ như mãnh hổ. Chân tay lão cứng như sắt nhưng rất hoạt. Khi lão múa võ, tiếng quật gió từ tay chân lão kêu vù vù. Lão nhào lộn trên bãi đá nhọn nhẹ như không. Thỉnh thoảng lão cao hứng chộp lấy những tảng đá to bằng nửa con bò ném xuống vực sâu. Tiếng đá lăn kinh thiên động địa, gây náo loạn cả một vùng. Mỗi lần về Sủng Pả tìm mua da lông thú, mua thuốc phiện, Pủ Sá thường đem theo hai con ngựa. Một con lão cưỡi, một con chuyên thồ hàng. Lão chỉ đi một mình, bên hông luôn luôn mang theo thanh kiếm dài.
Gặp “đầu lĩnh” Sùng Chứ Đa, Pủ Sá hơi bất ngờ vì đó chỉ là một thằng trai mới lớn. Nhưng nhìn kỹ lão thấy ở Chứ Đa có những nét khác thường nên rất chú ý đến thằng trai này. Một lần lão rủ Chứ Đa đi theo lão về Dú Già - một bản nổi tiếng có nhiều loại da thú tốt - để xem lão trổ tài mua bán. Sau chuyến đi ấy, Pủ Sá quyết định chọn Chứ Đa làm hầu cận cho mình. Hắn nghĩ xa rằng, muốn ngày càng giàu có, ngày một thêm thế lực thì phải có những kẻ hầu cận giỏi giang, mà Chứ Đa là một kẻ như vậy.
Một hôm Pủ Sá hỏi Chứ Đa:
- Mày có thích học võ không?
Chứ Đa không biết võ là gì, bèn hỏi lại:
- Võ là gì mới được chứ?
- Là luyện cho người mình khoẻ mạnh, chân tay cứng cáp, nhanh nhẹn để đánh nhau được với nhiều người. Muốn không bị ai bắt nạt thì cần phải học võ. Muốn hơn người và sai khiến được người khác thì phải giỏi võ.
https://thuviensach.vn
Nghe Pủ Sá nói thế, Chứ Đa thích lắm. Nó gật đầu, hào hứng nói: - Thế thì Chứ Đa thích đấy! Nhưng học võ ở đâu? Ai dạy?
- Tao sẽ dạy mày. Nhưng tao phải nói trước điều này, học võ sẽ rất đau đớn và mệt xác. Muốn học được thì phải biết chịu đau, phải cố sức, không được nản chí!
Ngẫm nghĩ một lát, Chứ Đa bảo:
- Những thứ ấy tôi làm được!
Từ hôm ấy, cứ lúc nào rỗi là Pủ Sá lại tranh thủ dạy võ cho Chứ Đa. Pủ Sá nhận thấy Chứ Đa đúng là một kẻ hơn người. Nó tiếp thu rất nhanh những thế võ, những đường quyền khó. Nó chịu đòn, tránh đòn rất tốt. Pủ Sá nghĩ, nếu dạy dỗ tốt, nhất định Chứ Đa sẽ trở thành một hầu cận giỏi sau này.
Nhiều hôm tập võ xong, Chứ Đa thấy người mình như vỡ ra, chân tay mỏi rã rời. Nhưng nó không nản. Sự trai trẻ giúp nó mau chóng lấy lại sức lực. Nhìn Chứ Đa đi những đường quyền, phóng những “cước” vừa mạnh, vừa chính xác, Pủ Sá ưng ý lắm. Lão liên mồm khen “hảo lớ, hảo lớ”. Lão thưởng cho Chứ Đa mấy điếu thuốc phiện loại “thượng hảo hạng” để hút lấy sức. Lão bảo hút loại thuốc này thì người khoẻ ra chứ không ốm yếu như thứ thuốc phiện mà người ở bản Sủng Pả thường hút.
Hàng ngày, ngoài việc dạy võ, Pủ Sá còn cho Chứ Đa đi theo mình đến các vùng lân cận xung quanh Sủng Pả tìm mua thuốc phiện và da lông thú để gom lại đem sang bên kia biên giới bán cho người Tàu. Trong những chuyến đi ấy Pủ Sá dành khá nhiều thời gian chỉ bảo cho Chứ Đa cách thức buôn bán hai thứ hàng quí đó. Chứ Đa chỉ nghe một lần là nhớ và làm được luôn.
https://thuviensach.vn
Quen với Pủ Sá được vài tuần thì Chứ Đa dẫn lão về nhà giới thiệu với bố mẹ. Nhìn căn nhà tồi tàn, ngồi nói chuyện với bố mẹ Chứ Đa, Pủ Sá cứ lắc đầu quầy quậy. Lão không thể giải thích được tại sao một nhà nghèo thế này, một người bố ất ơ như vậy, một người mẹ bình thường như bao người mẹ khác mà lại đẻ ra được một thằng con có khả năng đặc biệt như thế? Lão nghĩ, có thể Chứ Đa là con của Trời hoặc của Thần Rừng, Thần Núi. Nghĩ đến đó, đôi mắt Pủ Sá sáng lên tinh quái. Sau khi mời Sùng Chư Pấu mấy điếu thuốc phiện “thượng hảo hạng”, tặng Mùa mấy đồng bạc trắng, Pủ Sá nói:
- Cha mẹ Chứ Đa à. Thằng Chứ Đa là người Trời đấy. Nó không phải là con của người thường đâu. Trời gửi nó xuống cho hai người thôi. Nếu không cho nó đi theo tôi là Trời bắt nó về sớm đấy. Hai người muốn cho thằng Chứ Đa sống lâu thì phải chịu xa nó một thời gian.
Mùa nhận thấy Pủ Sá là kẻ không đáng tin và nhìn lão bằng đôi mắt chẳng lấy gì làm thiện cảm. Nhưng những lời lão vừa nói lại làm cho Mùa thấy lo và có vẻ tin lão. Mùa nghĩ thầm, nhỡ biết đâu lão ấy nói đúng thì sao? Mùa bỗng liên tưởng cái sự khác thường của thằng Chứ Đa so với những đứa bé khác kể từ lúc nó được đẻ ra đến nay. Rồi Mùa nhớ đến lời tộc trưởng Nỏ Pó, lời thầy mo nói không hay về Chứ Đa từ hơn chục năm trước, khi nó còn là một đứa bé con. Những lời nói đó đã khiến cho Mùa thấy bất an cả trong giấc ngủ, trong từng bữa ăn, bây giờ lại nghe Pủ Sá nói Chứ Đa là người Trời thì thực sự Mùa thấy hoảng sợ. Mùa nhìn sang Chư Pấu xem ý chồng thế nào, nhưng Chư Pấu đang ngập chìm đê mê trong làn khói thuốc phiện nên chẳng chú tâm đến xung quanh. Mùa lại nhìn sang Chứ Đa, thấy mặt nó tươi tỉnh khác ngày thường. Mùa khẽ nén tiếng thở dài.
Lão Pủ Sá nói vậy là có ý cả. Lão muốn có trong tay một kẻ hầu cận giỏi võ, giỏi nghề, có khả năng hơn người để dễ bề sử dụng cho kế hoạch của lão sau này. Lão đi nhiều nơi nhưng chưa bao giờ gặp được một kẻ trẻ
https://thuviensach.vn
tuổi mà nhiều triển vọng như Sùng Chứ Đa. Lão muốn mang Chứ Đa về Mã Lỳ - nơi lão đóng bản doanh - để đào luyện thành một tên hầu cận tốt. Kinh nghiệm cho lão thấy, muốn làm nên việc lớn thì phải biết tìm chọn người từ khi còn trẻ về nuôi dạy để làm tay chân tin cẩn sau này. Trong thời gian ấy phải tách chúng ra xa khỏi vòng tay bố mẹ, để chúng toàn tâm toàn ý nghe theo lời chỉ bảo của lão.
Thấy Mùa lưỡng lự chưa nói gì, Pủ Sá bồi tiếp:
- Thằng Chứ Đa mà đi theo tôi về Mã Lỳ ở phía Bắc thì sẽ nên người giỏi đấy. Sau này nó trở về sẽ mang vinh hoa, phú quí về cho bố mẹ. Hai người cứ chọn đi, cho nó đi hay ở thì tuỳ. Nhưng nó đi thì tốt hơn. Nó ở nhà chỉ sợ Trời bắt về sớm thì mất hẳn nó!
Nói xong mấy câu có ý hăm doạ, Pủ Sá bỏ đi. Trước khi bước khỏi bậc cửa lão còn ngoái đầu nói thêm:
- Nếu cho nó đi thì bảo Chứ Đa nói với tôi. Tôi sẽ quay lại đón! ** *
Bầu trời như rộng mở hơn trước mắt Chứ Đa kể từ khi nó gặp lão Pủ Sá đầu hói. Nó bỗng dưng thấy thung lũng Sủng Pả quê mình hết sức nhỏ bé, đơn điệu, cũ kỹ. Mọi ngày, mở mắt ra nó chỉ nhìn thấy xung quanh toàn một màu đá xám. Đá tầng tầng, lớp lớp giăng quanh thung lũng như chiếc váy khổng lồ của người đàn bà Mông. Nhìn lên toàn là mây đen, sương trắng dày đặc, che hết cả ánh mặt trời. Nhìn xuống chỉ thấy ngô đậu, bí dưa và cây thuốc phiện. Nhìn mọi người trong bản thấy ai cũng lam lũ, khổ sở quanh năm... Chỉ có một thứ duy nhất Chứ Đa thấy đẹp, đó là hoa cây thuốc phiện. Loài hoa này còn có cái tên rất đẹp khác là anh túc. Mỗi mùa hoa anh túc nở, cả thung lũng Sủng Pả rộng lớn chìm đắm trong bạt ngàn sắc hoa tím biếc, xen lẫn màu hồng tươi, màu xanh ngăn ngắt đẹp đến mê hồn. Những cánh hoa to như bàn tay trẻ con, mỏng mềm như lụa, ngậm
https://thuviensach.vn
muôn vàn hạt sương sớm li ti, trong veo như những hạt ngọc, đẹp chẳng khác gì vườn hoa cổ tích của các nàng Tiên. Nhưng Chứ Đa không thể nào hiểu nổi, tại sao loài cây hoa đẹp tuyệt ấy lại kết thành những quả có thứ nhựa khi tươi thì trắng như sữa, đến lúc khô lại đen như cứt gà sáp, dẻo quẹo. Cái thứ nhựa đen ấy khi đốt lên có mùi thơm đặc biệt và sự dẫn dụ kỳ lạ. Khói của nó đã làm cho bao nhiêu trai tráng khoẻ mạnh khi hút vào bị nghiện ngập đến mê man, mụ mị, trở nên thân tàn ma dại? Chứ Đa nghĩ, chính cha mình cũng là một người bị cái khói ma của thứ nhựa đen ấy làm cho tiều tuỵ như vậy. Bỗng dưng nó thấy những bông anh túc kia chẳng còn gì là đẹp nữa.
Chứ Đa muốn bứt phá khỏi sự cũ kỹ, chật hẹp, khốn khổ ấy. Nó muốn đi khỏi Sủng Pả một thời gian để xem bên ngoài thung lũng này còn điều gì khác nữa. Nó muốn cùng lão Pủ Sá đi buôn thuốc phiện, buôn da lông thú để biết nhiều nơi. Có lần Chứ Đa nghe Pủ Sá bảo, muốn buôn bán giỏi thì phải biết chữ Nho, biết võ và biết nhiều thứ khác, mà việc ấy thì chẳng dễ làm, nhất là học chữ. Nhưng nó không ngại, bởi nó nghĩ, chữ thì chưa biết thế nào, riêng học võ cũng chẳng khó lắm. Tuy vất vả thật nhưng cố luyện tập sẽ biết thôi. Việc khác thì người ta làm được chắc mình cũng làm được... Nghĩ vậy nhưng Chứ Đa vẫn rất lo, biết đâu cha mẹ không đồng ý cho đi theo Pủ Sá thì sao?
Khi cả nhà ăn xong bữa tối, Chứ Đa lựa lời nói với cha mẹ:
- Cha mẹ à, tôi muốn được đi với lão Pủ Sá về Mã Lỳ ở phía Bắc để học nghề buôn, học chữ Nho. Như vậy có được không?
Nghe Chứ Đa hỏi, hai vợ chồng Chư Pấu im lặng nhìn nhau. Họ im lặng vì trong thâm tâm không muốn cho con đi xa. Mặc dù lão Pủ Sá bảo đưa Chứ Đa đi là để giúp nó phương trưởng, đem vinh hoa, phú quý về cho cha mẹ, nhưng vợ chồng Chư Pấu không cần những thứ đó. Cái họ cần là cả nhà sum vầy, vợ chồng con cái luôn ở bên nhau, sướng khổ có nhau. Lão Pủ Sá là người như thế nào cả hai vợ chồng đều chưa biết rõ. Nhìn vẻ mặt
https://thuviensach.vn
đầy bí ẩn của lão thấy thật khó tin. Mã Lỳ là vùng đất xa lạ biết hay, dở thế nào? Thằng Chứ Đa vẫn còn là trẻ con, tuy có lớn nhưng chưa có khôn, đi xa thiếu sự chăm sóc của cha mẹ thì sẽ ra sao?... Bao nhiêu câu hỏi cứ quay cuồng trong đầu óc Mùa và Chư Pấu. Cuối cùng, Chư Pấu bảo:
- Xa lắm không đi được đâu. Ở nhà làm nương thôi!
Chứ Đa quả quyết:
- Đi được chứ. Chỉ cần một ngựa, một thanh kiếm, mấy đồng bạc trắng là đi được mà. Không đi thử thì làm sao mà biết!
Mùa lo lắng hỏi:
- Nhưng ăn ở đâu, ngủ ở đâu, học làm sao?
- Khắc đi, khắc biết! - Chứ Đa nói như đã nghĩ kỹ lắm rồi.
Nhìn vẻ mặt kiên quyết của con trai, cả Chư Pấu và Mùa đều thấy ái ngại. Nuôi nó bằng ấy năm trời họ hiểu rất rõ tính nết con mình. Nó đã nói là làm, ngăn cũng chẳng được. Từ ngày có Chứ Đa, không hiểu sao Mùa không đẻ thêm được đứa con nào nữa. Bây giờ nó đi xa nếu chẳng may bị làm sao thì cả nhà chết mất. Nghĩ vậy Mùa định khuyên con đừng đi, nhưng chợt nhớ đến câu lão Pủ Sá doạ: “Nếu không cho nó đi theo tôi là Trời bắt nó về sớm đấy” và nhìn thấy gương mặt Chứ Đa bắt đầu đỏ tía, trên trán nó đang hiện dần nốt bạc trắng như bôi vôi, thì cả Mùa và Chư Pấu không dám cản nữa!
Chứ Đa băn khoăn nhìn cha mẹ. Thực lòng nó cũng không muốn xa nhà, xa Thào Mỷ và các bạn chăn bò. Nhưng cái ý thích đi xa để biết thêm những điều chưa biết, muốn học hỏi bao điều mới lạ, cộng với lời rủ rê đường mật của lão Pủ Sá đã khiến nó có thêm quyết tâm. Chứ Đa nói với cha mẹ:
https://thuviensach.vn
- Bây giờ tôi đi tìm lão Pủ Sá để nói lại việc này.
** *
Chư Pấu và Mùa không sao ngủ được. Nửa đêm nay Chứ Đa và lão Pủ Sá sẽ đi rồi. Cứ nghĩ đến cảnh phải xa con là Mùa lại thậm thụi khóc. Mùa có cảm tưởng lần này ra đi thằng Chứ Đa sẽ mãi mãi không về. Chư Pấu vùng dậy lao về phía bàn đèn. Đã khá lâu rồi Chư Pấu không hút thuốc phiện tại nhà, vì sợ Chứ Đa bắt chước hút theo thì khổ. Những lúc thèm quá Chư Pấu thường đem thuốc phiện sang nhà Nỏ Pó để hút. Nhưng hôm nay buồn quá nên Chư Pấu lại hút và hút khá nhiều. Giống như hôm Mùa đẻ Chứ Đa, hôm nay Chư Pấu hút liên tục mấy điếu liền mà vẫn chưa say.
Thấy cha mẹ không ngủ, Chứ Đa bảo:
- Cha mẹ cứ ngủ đi, lo làm gì. Nửa đêm về sáng tôi đi, chưa biết bao giờ về. Nhưng khi tôi về thì nhà ta sẽ hết khổ! Tôi nói thật đấy.
Mùa nghe con nói, nước mắt cứ chảy tong tong. Mùa nghĩ thương Chứ Đa chưa thực lớn khôn, lại đi đến chỗ xa lạ chẳng biết sẽ thế nào. Một hồi lâu sau, như chợt nghĩ ra điều gì, Mùa bỗng vùng dậy, bước nhanh xuống bếp, cặm cụi đồ một chõ xôi to, dỡ ra mẹt để nguội, cho vào ống bương giã chặt, nút lá chuối làm đồ ăn đi đường cho Chứ Đa và lão Pủ Sá.
Chư Pấu hỏi vợ:
- Không có gì ăn với xôi à?
Mùa thở dài:
- Vội thế này thì có gì chứ! Hay là làm thịt một con gà?
Chư Pấu chợt nhớ ra, liền nói với vợ:
- Ở giàn bếp nhà mình vẫn còn một ống thịt bò khô.
https://thuviensach.vn
Mùa reo lên:
- A, đúng rồi. Mình lấy xuống đi!
Chư Pấu với tay lên giàn bếp lấy ống bương đựng thịt bò khô, lau sạch bồ hóng, buộc cùng với những ống xôi nếp mà Mùa đã chuẩn bị. Chư Pấu lên nhà lấy cái túi dết bằng vải lanh nhuộm chàm từ thời ông nội để lại, bên trong có mấy đồng bạc trắng, đưa cho Chứ Đa:
- Mày lấy cái này đựng quần áo cho gọn. Bạc trắng bỏ vào túi, giắt vào người kẻo mất! Phải nhớ ăn no để có sức mà cưỡi ngựa!
Nói đến chuyện cưỡi ngựa, Chư Pấu thấy Chứ Đa thật giỏi. Lứa tuổi như nó đã có mấy đứa biết cưỡi ngựa đâu. Ngay như Chư Pấu, đến bây giờ vẫn chưa biết cưỡi ngựa. Thế mà thằng Chứ Đa làm được việc ấy. Nó chỉ nhờ Pủ Sá bảo cho có một lần là làm được ngay. Mấy hôm trước nhìn Chứ Đa ngồi chễm chệ trên lưng con ngựa nâu, Chư Pấu thấy sướng cái bụng.
Dặn con xong, Chư Pấu ra phía sau nhà lấy chiếc yên ngựa xuống kiểm tra lại. Nghĩ ngợi một lúc, Chư Pấu đưa ngón tay lên miệng cắn cho chảy máu rồi bôi quệt lên khắp yên ngựa để cầu may, cầu phúc cho con trước lúc nó đi xa. Xong việc, Chư Pấu cầm tẩu thuốc phiện định hút vài điếu, nhưng nghĩ sao lại thôi. Ngần ngừ một lúc, Chư Pấu đi xuống bếp ngồi ôm gối nhìn đống lửa đang cháy âm ỉ, nghĩ ngợi mông lung. Đôi mắt Chư Pấu chợt mờ đi như có màn sương che phủ. Sống lưng Chư Pấu bỗng lạnh toát như có ai đang dùng lưỡi dao sắc nhọn khứa vào da thịt. Chư Pấu thấy trong lòng đầy những thổn thức, bất an.
Mùa ngồi bên con dặn dò đủ thứ, thỉnh thoảng lại nấc lên như người bị nghẹn.
Chứ Đa ngồi im lìm, đôi mắt mở to nhìn cha, nhìn mẹ và nhìn vào đống lửa. Chẳng biết nó đang nghĩ gì? Ngọn lửa từ bếp ánh lên trong đôi mắt nó đỏ rực.
https://thuviensach.vn
Lão Pủ Sá lặng lẽ đến. Sau tiếng huýt gió, lão vẫy tay ra hiệu cho Chứ Đa lên ngựa. Thấy Mùa đưa cho Chứ Đa nhiều thứ lủng củng, lão tỏ ra không hài lòng, nhưng không nói gì.
Chư Pấu đứng nhìn theo con trai như hoá đá. Mùa ngã vật xuống dưới chân chồng, miệng ú ớ không cất nổi lời. Đôi tay Mùa chấp chới hướng về phía Chứ Đa cùng lão Pủ Sá đang xa dần, xa dần…
Mặt trời lấp le trên đỉnh núi Pù Sa. Mây đen dầy đặc làm cho ánh nắng buổi sớm chiếu xuống thung lũng Sủng Pả chỉ còn là thứ ánh sáng yếu ớt, vàng vọt. Tiếng gà gáy sáng râm ran khắp vùng. Chư Pấu thấy tiếng gà hôm nay không vang vọng, hào sảng như mọi ngày, ngược lại cứ âm âm, u u như từ một cõi xa xăm vọng về, nghe thật não nùng, xa lạ.
Tiếng chuông bò nhà ai thả sớm đang leng keng trên dốc đá. Chư Pấu nhìn đàn bò nhẩn nha gặm cỏ mà thèm. Chư Pấu bỗng ước mình được như những con bò kia, chẳng phải lo lắng buồn phiền điều gì. Cứ nghĩ đến việc thằng Chứ Đa bỏ nhà đi theo lão đầu hói không biết là lành hay dữ, chẳng biết bao giờ về là Chư Pấu lại loạn trí như người hoá dại, gào thét ầm ĩ. Gào thét chán, Chư Pấu vào nhà lôi thuốc phiện ra hút. Hút liên tục mấy điếu liền. Mùa đến bên chồng, nói như người mê ngủ:
- Cho tôi một điếu. Tôi hút cho say để quên thằng Chứ Đa đi! Chư Pấu tròn mắt nhìn vợ, rồi lè nhè nói:
- Đàn bà không hút thuốc phiện được đâu. Cái này chỉ dành cho đàn ông thôi!
- Mặc kệ. Mình cứ cho tôi hút một điếu đi!
Mùi khói thuốc phiện tỏa ra ngào ngạt khiến Chư Pấu ngất ngây, nằm lịm đi trong cơn mê khói thuốc. Mùa nằm cạnh chồng, nghếch mũi hít hít cái mùi thuốc đầy ma lực, rồi thiếp đi. Họ chìm vào một giấc ngủ mộng mị.
https://thuviensach.vn
Trong cơn mê ngủ thỉnh thoảng họ lại hét lên hoảng loạn, bất chợt ngồi dậy, rồi lại nằm xuống mơ mòng.
** *
Đi với Pủ Sá rồi Chứ Đa mới thấy sợ. Tuy là một chàng trai trẻ thông minh, can đảm, có phần ngỗ ngược, đã từng học võ Tàu và dám làm những việc ghê gớm, nhưng Chứ Đa thật sự thấy nản lòng khi theo lão Pủ Sá vượt đường xa, đá nhọn để đến Mã Lỳ, mảnh đất nó chưa hình dung được sẽ như thế nào. Tiếng móng ngựa gõ vào đá mà nó nghe cứ tưởng tiếng đập của quả tim mình nơi lồng ngực. Hình bóng cha mẹ bỗng hiện lên trước mắt Chứ Đa. Nỗi thương cha, thương mẹ trào lên trong lòng nó. Bóng Thào Mỷ cứ chập chờn phía xa xa. Chứ Đa cảm thấy ân hận vì đi xa mà không chia tay với Thào Mỷ và Seo Lử, Mí Vư - những người bạn thân nhất của nó. Cũng chỉ tại cái lão Pủ Sá gớm ghiếc kia bắt phải như vậy. Lão bảo, chuyến đi này ngoài cha mẹ ra không được cho ai biết. Lời của lão giống như lời thầy mo, đầy quyền lực và bí ẩn không thể cưỡng lại được.
Lão Pủ Sá cưỡi ngựa rất giỏi. Nhiều lúc ngựa leo dốc ngược trông như thể lão ngã đến nơi, vậy mà lão vẫn nhởn nhơ bám lấy bờm ngựa, ngoái đầu lại gọi Chứ Đa:
- Hầy dà, cố lên đi, bám chắc bờm ngựa vào! Mày sợ hay sao mà không nói năng gì cả? Hay là mày không muốn đi nữa?
Thỉnh thoảng hứng chí lên Pủ Sá lại hát mấy câu nghe như tiếng ngựa gõ móng. Lão hát rằng: “Đời trai sơn cước chẳng sợ gian nan. Không gì sướng bằng có vợ đẹp. Không gì thích bằng hút thuốc phiện và ôm gái tơ. Khoái nhất là được đâm chém...” Nghe lão hát những câu chẳng đâu vào đâu (chắc là do lão tự nghĩ ra), Chứ Đa chợt thấy sợ. Nó có cảm giác lão đầu hói này là con quỉ đội lốt người. Tự nhiên Chứ Đa thấy việc mình đi theo lão là dại dột và đầy mạo hiểm. Nhưng đã đi được mấy ngày đường rồi, quay lại đâu có dễ. Vả lại đã chắc gì con quỉ kia đồng ý. Chứ Đa bỗng
https://thuviensach.vn
thấy ân hận vì không nghe lời cha mẹ. Nó cảm thấy mệt mỏi rã rời. Nó gọi lão đầu hói:
- Pủ Sá à, nghỉ một tí đi!
Pủ Sá nghe tiếng Chứ Đa gọi liền ghìm cương ngựa. Lão ngoái lại nhìn Chứ Đa, rồi ngửa cổ cười sằng sặc. Cười chán, lão quát:
- Sắp đến chỗ có bọn cướp rồi, đi nhanh lên kẻo tốithì nguy!
Nói xong lão quất ngựa phóng đi. Chứ Đa đành thúc ngựa theo. Nó thật sự sợ hãi khi nghĩ đến bọn cướp ở biên giới. Mặc dù đã được học mấy bài võ Tàu từ Pủ Sá nhưng nó vẫn rất sợ gặp bọn cướp. Cái ác và sự dã man của bọn cướp vùng sơn cước Chứ Đa đã từng được nghe người già ở bản Sủng Pả kể nhiều lần. Lần nào nghe cũng thấy rùng mình! Chuyện ông nội và bác cả của Chứ Đa bị bọn cướp núi chém nát mặt từ ngày mẹ Mùa mới về làm dâu, làm cho Chứ Đa bị ám ảnh từ bao năm qua, bỗng như hiển hiện ngay trước mắt. Một cái gì đó lạnh toát chạy dọc sống lưng Chứ Đa, khiến nó nổi da gà.
Đầu óc Chứ Đa cứ lởn vởn nghĩ về bọn cướp. Ngồi trên lưng ngựa mà đôi mắt nó luôn lơ láo nhìn về phía các lùm cây hai bên lối ngựa đi để canh chừng. Bất ngờ con ngựa của nó trượt chân lảo đảo. Chứ Đa bị mất đà, tuột khỏi lưng ngựa rơi xuống phía vực sâu. Trong khi rơi nó chỉ kịp rú lên tuyệt vọng:
- Ôi a!... Cha mẹ ơi, chết rồi!...
** *
Trong lúc Chứ Đa gặp nạn thì ở nhà Mùa và Chư Pấu đang cãi nhau. Từ lúc Chứ Đa đi, Chư Pấu lại trở thành người ất ơ, không còn nhanh nhẹn, chịu khó như trước nữa. Thuốc phiện cũng hút nhiều hơn. Ngoài thuốc
https://thuviensach.vn
phiện, Chư Pấu còn uống rượu say suốt ngày. Trong cơn say, Chư Pấu túm lấy váy vợ lôi xềnh xệch vào nhà, vừa khóc vừa quát:
- Mày là mẹ sao lại để thằng Chứ Đa đi? Tao nhớ nó quá rồi, mày đi tìm nó về cho tao ngay! Trời ơi, tao chết mất thôi!
- Mình tưởng tôi không nhớ nó à? Tôi còn khổ hơn mình nhiều. Mình là cha không giữ nổi nó, sao lại đổ lỗi cho tôi? - Mùa cự lại chồng.
Chư Pấu rứt tóc kêu:
- Hầy dà, tao chết mất thôi! Chứ Đa ơi, con ở đâu không về với cha? Phải đi tìm, đi tìm nó về thôi!
Mùa khóc to hơn. Vừa khóc Mùa vừa nói với chồng:
- Thôi mình đừng kêu nữa! Con nó đi xa biết nơi nào mà tìm? Càng khóc càng khổ thôi! Chứ Đa nghe thấy tiếng khóc nó càng khổ mà.
Chư Pấu lao ra khỏi cửa, chạy như ma đuổi. Mùa chạy theo chồng, vấp chân vào mỏm đá, ngã sóng soài. Máu tứa ra đẫm cả bàn chân.
Chư Pấu bỏ nhà đi tìm con. Đi một ngày, hai ngày và nhiều ngày. Chư Pấu cứ theo hướng Bắc mà đi. Đi mãi. Đôi chân mỏi nhừ không muốn bước nữa, nhưng vẫn cố lết đi. Rồi Chư Pấu chợt thấy đói. Đói cồn cào. Khi không còn sức để bước nữa Chư Pấu mới nhớ ra là đã mấy ngày nay mình không có cái gì cho vào bụng. Cơn đói thuốc phiện cũng bất chợt ùa về khiến Chư Pấu lả đi, ngã dụi. Thật may Chư Pấu lại ngã vào đúng cái nương anh túc mới tàn. Mắt Chư Pấu sáng lên khi nhìn thấy những quả anh túc to như ngón chân cái, xung quanh còn bám khá nhiều vệt nhựa đen. Chư Pấu vội vặt mấy quả ấn vào mồm nhai ngấu nghiến. Lát sau Chư Pấu lịm đi. Khi tỉnh dậy Chư Pấu thấy người khoẻ khoắn hơn, liền vặt thêm mấy quả anh túc nhiều nhựa đen, giắt vào cạp quần xoắn lá tọa, nhằm hướng Bắc bước tiếp. Nhưng chỉ đi được vài quăng dao thì lại ngã khuỵu,
https://thuviensach.vn
bụng sôi lên òng ọc vì đói. Chư Pấu đưa mắt nhìn quanh hai bên đường, ngóng xem có thứ quả rừng nào gần đấy có thể ăn được, nhưng chẳng thấy có một thứ gì. Chư Pấu loạng choạng bước tiếp. Đôi chân rệu rã loắng quắng đưa Chư Pấu đến một nương ngô cũ. Chư Pấu đưa mắt khắp nơi tìm xem có bắp ngô nào còn sót lại. Tìm mãi cũng thấy một bắp ngô còi, to bằng nắm tay trẻ con, chỉ có vài chục hạt. Chư Pấu vội đưa lên miệng gặm. Đối với Chư Pấu, những hạt ngô lúc này chẳng khác gì những hạt ngọc. Nó đã giúp Chư Pấu bớt đi cơn đói khủng khiếp đang hành xác. Chưa bao giờ Chư Pấu thấy những hạt ngô ngon đến như vậy! Chư Pấu tìm tiếp nhưng chỉ được thêm vài bắp còi cọc. Chư Pấu bẻ chúng nhét vào cạp quần để dành, phòng khi quá đói. Cơn đói tạm yên thì cơn khát ở đâu bất chợt kéo đến. Chư Pấu cảm thấy họng mình như có lửa đốt. May cho Chư Pấu, ngay lối đi mọc đầy những cụm rớn đá. Chư Pấu nhổ lên, vặt những củ rớn mọng nước vã vào miệng, nhai ngấu nghiến.
Vài bắp ngô còi, mươi quả anh túc cuối mùa, mấy cụm rớn đá không giúp được Chư Pấu thoát cảnh đói cơm, đói thuốc, đói nước. Chính trong lúc tuyệt vọng ấy Chư Pấu gặp được cái quán ven đường. Người ta làm cái quán này bằng bốn cây cọc gỗ đóng xuống đất, đặt trên đỉnh cọc mấy tầu lá cọ để che mưa nắng. Giữa chừng các cọc được làm một chiếc sàn đặt những thứ cần bán. Trên sàn có một đĩa xôi, mấy chục quả đào, mấy chiếc bánh ngô, vài củ khoai lang luộc, một vỏ bầu khô đựng rượu, xung quanh là những chiếc cốc bằng ống nứa cắt ngắn, phía trong là một ống bương đựng nước uống. Cạnh đó là chiếc ống tre có hai đầu mặt, được khoét một lỗ nhỏ để bỏ bạc vụn. Mắt Chư Pấu sáng lên khi nhìn thấy những thức ăn, thức uống có thể giúp mình thoát khỏi cơn đói khát khủng khiếp đang hành hạ, được bày sẵn trên sàn quán. Đã có lần Chư Pấu được cha dẫn đi chơi xa, hai cha con từng bắt gặp một cái quán như thế này. Cha bảo đây là quán tự giác, không có người bán hàng. Ai muốn mua gì thì cứ tự lấy những thứ mình cần, rồi bỏ bạc vụn vào ống tre. Người mua cứ liệu chừng số hàng mình mua để bỏ bạc vào ống. Chư Pấu hỏi cha: “Nếu mình lấy hàng mà không bỏ bạc vụn vào ống tre thì có sao không?” Cha bảo: “Người tốt
https://thuviensach.vn
không ai làm thế. Người có cái quán này không biết, nhưng có trời biết, đất biết”.
Đang cơn đói, Chư Pấu véo luôn nắm xôi nhai ngâu ngấu. Đột nhiên Chư Pấu phát ho. Cơn ho dồn dập như người hít phải khói độc. Đến lúc cơn ho bớt đi Chư Pấu mới nhận ra là tại mình. Đĩa xôi này là để lau lông quả đào chứ không phải để ăn. Ai mua đào, trước khi ăn thì lau quả đào vào đĩa xôi. Xôi dẻo sẽ làm sạch lông nhặm trên vỏ quả đào. Chư Pấu chén phải cái thứ xôi đầy lông nhặm ấy nên phát ho. Chư Pấu bỏ xôi, bóc bánh ngô ăn. Ăn xong mấy chiếc bánh ngô, Chư Pấu với tay lấy bầu rượu, uống liền mấy cốc. Xong xuôi, Chư Pấu móc bạc vụn bỏ ống. Sờ khắp người chẳng thấy túi bạc đâu Chư Pấu mới nhớ ra là lúc đi mình không mang theo thứ gì. Chẳng biết làm cách nào, Chư Pấu đành bỏ đi. Nhưng chợt nhớ tới lời cha nói ngày trước: “Người tốt không ai làm thế. Người có cái quán này không biết, nhưng có trời biết, đất biết”, Chư Pấu bỗng đứng khựng lại nghĩ cách. Rồi chợt nhớ ra mấy chiếc răng bọc vàng, Chư Pấu vội nhe hàm răng, đưa tay cậy lớp vàng bọc một chiếc răng cửa hình lưỡi cuốc của mình, bỏ vào ống tiền. Chư Pấu yên tâm bước đi mặc dù trong bụng vẫn thấy tiêng tiếc chiếc răng vàng, của để dành trong miệng từ bao năm nay của mình.
Chư Pấu tiếp tục bước về phía Bắc. Đường xa, đá nhọn, gai góc không làm Chư Pấu nản lòng. Nỗi mong ước tìm thấy Chứ Đa đã tạo nên sức lực cho Chư Pấu. Nhưng cái đói, cái khát vẫn đánh quỵ người cha yêu con ấy. Suốt mấy ngày liền Chư Pấu không gặp được cái quán tự giác nào nữa, cũng chẳng có nương ngô, nương anh túc cũ, ngoại trừ những cụm rớn đá là còn khá sẵn trên đường. Sức vóc vốn còm nhom của Chư Pấu không chịu nổi trước cái đói khát nên cứ lịm dần, lịm dần. Chư Pấu kiệt sức nằm thoi thóp ở rìa đường. Trong cơn mê sảng Chư Pấu thấy có người đến cào cấu vào mặt, vào cổ mình. Chư Pấu đưa cánh tay lẻo khẻo gạt cái vật gì sắc nhọn đang khía vào cổ, miệng phều phào:
- Để yên cho tao nằm. Tao đói mệt lắm rồi! Tránh ra đi!
https://thuviensach.vn
Khi Chư Pấu bị con hổ đói ngoạm hai hàm răng sắc nhọn vào cổ mới giật mình mở mắt. Nhận ra hổ dữ, Chư Pấu gào lên thất thanh:
- Ôi a, chết rồi... Chứ Đa ơi!... Mùa ơi!...
Đêm ấy ở nhà Mùa không thể nào ngủ được. Nỗi lo cho chồng, cho con chiếm hết tâm trí của người đàn bà khốn khổ. Đã mấy lần Mùa toan đi tìm Chư Pấu nhưng cái móng chân vấp đá bị tróc mấy hôm trước chưa khỏi khiến Mùa không thể nào đi được. Vừa chợp mắt Mùa đã gặp ác mộng. Một con hổ dữ từ đâu nhảy xổ ra quắp lấy cổ Mùa. Nó đưa đôi hàm răng sắc nhọn ngoặm lấy yết hầu khiến Mùa không thở được. Mùa cố vùng vẫy để thoát ra. Đến khi bàn chân đạp phải chiếc vung nồi kêu loảng xoảng thì Mùa mới giật mình tỉnh giấc. Từ đó Mùa không thể nào ngủ lại được. Mùa ngồi dậy khui to đống lửa, ôm đầu gối chờ trời sáng, trong lòng chồng chất những âu lo.
** *
Thật may cho Chứ Đa, nó rơi ngay xuống bụi si đá. Tuy mình mẩy, mặt mũi rớm máu, đau nhừ tử nhưng không đến nỗi phải bỏ xác dưới vực sâu. Sau pha hú hồn, Chứ Đa chắp tay lạy trời đất đã cứu giúp nó khỏi cái chết đau thương.
Pủ Sá dừng ngựa nhìn xuống nơi Chứ Đa đang quì lạy, cười hềnh hệch, rồi hỏi:
- Chưa chết à? May đấy. Bò lên đi!
Lão lại thúc ngựa chạy tiếp.
Con ngựa nâu của Chứ Đa vẫn đứng chờ chủ. Nó hí lên ằng ặc, khua móng gọi Chứ Đa. Chứ Đa ứa nước mắt bám đá leo lên. Nó thấy hận Pủ Sá đã không giúp gì mình. Nhưng chính trong lúc khốn quẫn ấy trong đầu Chứ Đa lại loé lên một ý nghĩ dữ dội, rằng mình phải vượt qua tất cả bằng chính
https://thuviensach.vn
sức lực và sự khôn ngoan của mình để sống, để không phụ thuộc vào những kẻ như Pủ Sá.
Thấy Chứ Đa lên tới đường mòn, con ngựa nâu của nó quỳ xuống đón chủ lên lưng. Chứ Đa vỗ vỗ vào tai ngựa nói điều gì đấy, rồi thúc ngựa đuổi theo Pủ Sá. Đuổi mãi chẳng thấy lão đầu hói đâu, Chứ Đa nổi cơn bực mình. Nó gầm lên, thúc ngựa chạy tiếp. Bỗng có tiếng hét rất to phía sau, tiếp đó là một bóng người lao đến vung kiếm loang loáng. Chứ Đa vội nhảy khỏi lưng ngựa, bám vào tảng đá lớn thủ thế. Nó nghĩ rằng mình đã gặp bọn cướp. Chứ Đa chưa kịp định thần thì Pủ Sá hiện ra. Lão xoa bụng cười hềnh hệch, vỗ vai Chứ Đa khen:
- Hảo lớ, hảo lớ!
Lão giơ trước mặt Chứ Đa một con chồn bị chém gần đứt cổ, rồi bảo:
- Buộc ngựa xuống dưới kia. Nướng thịt chồn ăn đã! Con chồn này tao vừa chém được. Tại nó mải ăn quá nên mới chết. Thật khốn nạn cho những kẻ chết vì ăn!
Pủ Sá sai Chứ Đa đốt lửa lấy than nướng thịt. Lão tự tay lột da con chồn, đặt lên cái chạc ba của cành cây tươi mà Chứ Đa vừa gác trên chốc đống than hồng rực. Mùi thịt nướng bốc lên ngào ngạt khiến Chứ Đa thèm ứa cả nước miếng.
** *
Nửa tuần trăng không thấy Chư Pấu về, Mùa lo lắng ra vào không yên. Chõ mèn mén đồ đã ba ngày mà vẫn gần như còn nguyên. Mỗi bữa Mùa chỉ ăn được vài thìa gỗ vì thấy miệng đắng ngắt. Hôm nay cái móng chân vấp đá đỡ đau, Mùa quyết định đi tìm chồng vì thấy ruột gan mình nóng như lửa đốt. Linh tính mách bảo có điều chẳng lành đã xảy ra với Chư Pấu. Nhưng biết tìm ở đâu bây giờ? Mùa cảm thấy lo sợ vì mất phương hướng. Nhưng tình chồng vợ khiến Mùa không thể ngồi ở nhà chờ chồng lâu hơn
https://thuviensach.vn
được nữa. Mùa lủi thủi, lặng lẽ chuẩn bị cho chuyến đi chẳng dám nhờ ai, hỏi ai. Khoác quẩy tấu lên lưng, Mùa cứ nhằm hướng Bắc mà đi. Đường xa, đá nhọn không làm Mùa nản chí, chùn chân, cứ bước đi trong niềm hi vọng gặp được chồng, gặp được con - những người yêu thương nhất. Từ ngày Chứ Đa đi theo lão Pủ Sá thì Chư Pấu lại sinh hư, nhưng Mùa không hề kêu ca hoặc ghét bỏ chồng. Mùa nghĩ, dù chồng dại nhưng có chồng vẫn hơn. Quanh năm vất vả việc nhà, việc nương rẫy Mùa quen rồi. Thậm chí Mùa thấy mình thật hạnh phúc khi có chồng con bên cạnh, nhất là thằng Chứ Đa vừa khoẻ mạnh vừa thông minh, lanh lợi. Nhìn nó ăn mỗi bữa hết mấy bát to mèn mén mà sướng cái bụng. Mùa nghĩ, hạnh phúc của người đàn bà Mông thực ra chẳng có cái gì khác ngoài việc làm nương và chăm sóc chồng con. Đó cũng chính là sự an ủi lớn nhất đối với Mùa. Nghĩ được như vậy Mùa cảm thấy như có thêm sức lực để quên đi sự mệt nhọc mỗi ngày. Mùa cặm cụi làm quần quật từ sáng sớm đến nửa đêm để lo cái ăn, cái mặc cho hai vợ chồng, lo tiền mua thuốc phiện cho Chư Pấu. Và trong sâu thẳm cõi lòng, Mùa còn lẳng lặng tích cóp, dành dụm một ít bạc trắng để sau này thằng Chứ Đa đi học chữ nho, học nghề buôn về sẽ cho nó để lấy vốn làm ăn, có tiền cưới vợ. Vậy mà bây giờ cả hai cha con Chứ Đa đều đã bỏ Mùa mà đi!
Mùa vấp ngã. Vết thương cũ ở móng chân toác ra, rỉ máu. Mệt và đau quá Mùa muốn nằm vật xuống nương đá ngủ một giấc dài. Nhưng nghĩ lo cho Chư Pấu không biết giờ này ở đâu, sống chết ra sao, Mùa lại gắng sức gượng dậy đi tiếp. Phía trước là con đường đầy chông gai, đá nhọn, vô vàn sự bất trắc. Loáng qua mắt Mùa là bóng vằn đen khủng khiếp của hổ dữ. Tim Mùa như muốn vỡ tung. Mùa ôm lấy ngực khuỵu xuống. Trong cơn sợ hãi Mùa chỉ còn biết dựa lưng vào vách đá nhắm mắt lại phó mặc cho số phận. Đá xám đã che chở cho Mùa. Mùa thiếp đi một giấc dài. Trong cơn mơ Mùa thấy Chứ Đa cưỡi ngựa trắng về đón mẹ. Nó cao lớn, khôi ngô, đầy dũng mãnh, tươi cười thúc ngựa về phía Mùa. Tiếng vó ngựa của nó mỗi lúc một gần, nghe rất rền vang, mạnh mẽ.
https://thuviensach.vn
Mùa tỉnh giấc. Chẳng có con ngựa trắng nào cả. Trước mắt Mùa là một cuộc đuổi nhau của bầy bò rừng. Những con bò đực hung hãn đang đánh nhau dữ dội để tranh giành bò cái đến kỳ động dục. Mùa gượng dậy bám mô đá đứng lên, lê bước về phía không có bầy bò rừng để đề phòng bất trắc. Đói khát, mệt nhọc khiến Mùa liêu xiêu, đến nỗi không đeo nổi cả cái quẩy tấu rỗng không. Mùa gỡ quẩy tấu khỏi lưng, nằm vật ra bãi cỏ, thở dốc và bỗng thấy khát khô cổ, Mùa với tay nhổ cụm rớn đá, nhặt những củ to mọng nước vã vào miệng. Ăn được vài khóm, Mùa thấy người tỉnh táo hơn, lại gượng dậy, nhẫn nại đi tiếp. Hình như có người đang đi phía trước. Có cả tiếng nói nữa. Mùa cố bước thật nhanh, hi vọng gặp được bạn đồng hành. Nhưng Mùa càng bước nhanh thì hình bóng và bước chân của những người đi trước lại càng mất hút. Mùa dừng lại thở lấy hơi, thì lạ thay, những người phía trước cũng dừng lại đợi. Trông dáng họ rất quen, như thể cái lưng của Chứ Đa và đôi chân khật khưỡng của Chư Pấu. Mùa khấp khởi cất tiếng gọi:
- Chứ Đa ơi! Chư Pấu à? Có phải cha con Chư Pấu đấy không?
Không có tiếng trả lời. Chỉ có tiếng thình thịch phát ra từ chính quả tim trong lồng ngực. Mắt Mùa hoa lên muôn vàn tia sáng xen lẫn những khoảng tối, xoay tròn tít tắp khiến Mùa ngả nghiêng, phải cố vịn vào vách đá cho khỏi ngã. Mùa cảm thấy mình không còn đủ sức lực để đi tiếp. Đôi tay Mùa bải hoải, rã rời, không thể bám chắc được vào vách đá, ngã thụp ngay dưới chân mình. Đúng lúc ấy Mùa nghe thấy bên tai mình có tiếng ai đó nói như một sự thúc giục: “Mùa ơi! Hãy cố lên đi! Nếu nằm xuống bây giờ thì ngươi sẽ không bao giờ đứng dậy được nữa! Ngươi còn phải đi tìm con, tìm chồng cơ mà!”. Mùa cố bám đá đứng dậy và thấy đôi tay, đôi chân mình bắt đầu vững hơn, khoẻ khoắn hơn.
Gió bỗng thổi ù ù. Mây đen ở đâu kéo đến phủ kín bầu trời. Tiếng cành cây rơi, tiếng đá lăn nghe rợn người. Những con chim rừng bay nháo nhác tìm chỗ trú ẩn. Trên những cây to từng đàn sóc đang chuyền cành vội
https://thuviensach.vn
vã tìm nơi tránh gió. Mùa cảm thấy lẻ loi, cô độc và yếu đuối trước trận cuồng phong bất chợt của thiên nhiên. Mùa vội chạy về phía trước mặt, vừa chạy vừa ngửa cổ lên trời gọi Chư Pấu, gọi Chứ Đa, cứ như thể hai cha con họ đang ở ngay trên đầu mình. Có cái gì cớp nhớp dưới chân. Mùa nhìn xuống và giật mình rú lên. Trước mắt Mùa là đầu lâu Chư Pấu cùng những khúc xương chân tay, những dẻ xương sườn đã thâm đen lẫn trong lần áo tà pủ rách tướp. Đôi mắt Chư Pấu trợn trừng, lưỡi thè ra lặt lẽo từ trong cái miệng đầy bọt dãi! Mùa gục xuống bên phần thi thể còn sót lại của chồng. Chiếc khăn vuông thổ cẩm dệt bằng sợi lanh bung ra, phủ lên đầu lâu Chư Pấu. Mùa vừa bò quanh vừa hét lên hoảng loạn. Tiếng hét của Mùa chìm lẫn trong tiếng sấm, tiếng gào thét của trận cuồng phong!...
Trời bắt đầu mưa. Mưa sầm sập như thác đổ. Đá lở lăn lông lốc theo những dòng nước trắng xoá. Đất đá cuốn theo dòng nước kết tụ thành đống phủ lên phần thi thể còn lại của Chư Pấu, giống như một ngôi mộ mới đắp.
Mùa tỉnh lại, bỗng thấy khoẻ khắn lạ thường. Ngơ ngác trước ngôi mộ Chư Pấu do thiên nhiên vùi đắp, đôi mắt Mùa nhìn nháo nhác xung quanh như thể đang tìm những người đã đắp mộ cho chồng mình. Tịnh không một bóng người. Cả một vùng không gian rộng lớn chỉ có đá và đá. Nhìn hết tầm mắt chẳng thấy một ngôi nhà nào. Mùa ngỡ như mình đã lạc vào một cõi hư vô. Bất ngờ Mùa ôm lấy ngôi mộ Chư Pấu kêu khóc vật vã, rồi lại lịm đi...
https://thuviensach.vn
THẠCH TRỤ HUYẾT
Nguyễn Trần Bé
www.dtv-ebook.com
Phần IV
Từ ngày Chứ Đa bỏ đi biệt tích, ngày nào Thào Mỷ cũng sang nhà Chư Pấu để tìm. Có hôm nó đi một mình, hôm thì rủ Seo Lử và Mí Vư đến. Lần nào bọn chúng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu đầy bí ẩn của cha mẹ Chứ Đa. Cả bọn không hiểu đã xảy ra chuyện gì với Chứ Đa nên lo lắm. Thào Mỷ là đứa lo lắng nhất. Nó rủ Seo Lử, Mí Vư đi dò hỏi mọi người trong bản. Ai cũng lắc đầu không biết. Chúng bèn rủ nhau lên cái hang chứa nước ở trên núi Tả Chô để tìm. Đấy là nơi mà trước kia Chứ Đa cùng các bạn đã tìm ra nguồn nước quí cho dân bản. Từ đó thỉnh thoảng Chứ Đa cùng bọn Seo Lử, Mí Vư và Thào Mỷ lại lên cái hang này thăm thú. Cảnh trong hang thật đẹp và đầy bí ẩn. Đối với bọn trẻ con như Chứ Đa, sự kỳ ảo của thiên nhiên luôn hấp dẫn chúng.
Đi khắp các ngóc ngách trong hang đá mà Thào Mỷ và bọn Mí Vư chẳng tìm thấy Chứ Đa. Nhìn cột đá giữa lòng hang, Thào Mỷ bỗng nhớ lại như in cái lần nó cùng Chứ Đa và các bạn tìm thấy chiếc hang chứa nước này.
…Năm nào cũng thế, cứ đến mùa khô là thung lũng Sủng Pả thiếu nước. Khắp cả bản chỉ còn vài vũng nước nhỏ. Đến khi những vũng nước này cạn thì dân bản phải đi xa hàng nửa ngày đường leo núi mới có chỗ lấy nước, mà nước cũng chẳng còn nhiều, phải chắt từng giọt vào vỏ bầu khô, bỏ quẩy tấu cõng về. Trước tình cảnh ấy, Chứ Đa rủ các bạn lên đầu nguồn Tả Chô tìm nước. Nhìn những hang động đá vôi vừa kỳ vĩ, vừa bí ẩn, Chứ Đa nói với các bạn:
- Nhất định trong những hang động này sẽ có cái chứa nước.
https://thuviensach.vn
Mí Vư bảo:
- Nếu hang có nước thì người già đã biết. Tìm làm gì cho mất công!
Thào Mỷ và Seo Lử gật đầu có ý tán đồng ý kiến của Mí Vư. Nhưng Chứ Đa vẫn nói tự tin:
- Tao hỏi người già rồi, chưa ai lên hang núi Tả Chô đâu. Dân bản đồn rằng ở đó có Thần Núi trú ngụ. Họ cho rằng ai tự tiện vào đó làm động chạm đến Thần Núi sẽ bị Thần Núi hại chết. Tao đoán là trong hang này có nước.
Thào Mỷ nghe thế sợ tái mặt, liền bảo:
- Người già còn sợ, chúng mình vào đó có sao không?
Mí Vư nói chêm vào:
- Đúng đấy. Người già còn sợ cơ mà!
Chứ Đa trấn an các bạn:
- Tao chẳng tin Thần Núi làm hại những người đi tìm nước cho dân bản đâu. Mới lại đã có ai nhìn thấy Thần Núi bao giờ chưa?
Seo Lử từ đầu đến giờ im lặng, bỗng nói nhưngười lớn:
- Chứ Đa à, hang này lạ, lại tối nữa biết thế nào mà vào. Tao thấy nguy hiểm lắm! Hay là ta quay về nhà lấy đèn ló lên để soi đường rồi hãy vào?
Thấy các bạn có vẻ nản lòng, Chứ Đa nói quả quyết:
- Bọn mày cứ ở ngoài chờ tao. Tao vào trước, khi nào tìm thấy nước sẽ gọi.
https://thuviensach.vn
Nói đoạn, Chứ Đa lách mình chui vào một ngách hang nhỏ, tối om. Bỗng có tiếng phần phật nổi lên loạn xạ trong hang. Chứ Đa hơi chột dạ vì tưởng Thần Núi nổi giận, nhưng chỉ trong khoảnh khắc nó trấn tĩnh lại ngay. Hoá ra đó chỉ là lũ dơi trong hang thấy động bay ra. Chứ Đa nhoẻn cười. Nó ngửa cổ tìm lối vào sâu trong lòng hang, rồi bám đá, bám dây, lách mình luồn hết ngách này đến ngách khác. Một luồng khí lạnh phả vào người làm Chứ Đa sởn da gà. Nó lưỡng lự định quay ra nhưng bản tính tò mò, ưa mạo hiểm cứ lôi nó đi tiếp. Chứ Đa muốn tìm hiểu xem luồng hơi lạnh kia từ đâu tới. Nó hít thở thật sâu để tự trấn an mình, rồi mạnh bước về phía có luồng hơi lạnh. Bỗng trước mắt nó hiện lên một vầng trăng mờ đục. Chứ Đa dụi mắt nhìn lại cho rõ. Đúng là một vầng trăng vừa tròn vừa to. Nó ngửa cổ nhìn lên, thấy trên nóc hang có một lỗ thủng tròn như cái mẹt. Lỗ thủng ấy đem ánh sáng trên trời rọi xuống đáy hang sâu. Một hòn đất nhỏ, hình như là vỏ con ốc núi, từ chân Chứ Đa rơi xuống. Vầng trăng bỗng tan ra, lượn sóng. Nước! Hoá ra là nước. Chứ Đa hét ầm lên:“Có nước rồi chúng mày ơi! Bà con dân bản ơi, có nước rô...ồ...i!”
Quá sung sướng, Chứ Đa nhảy đại xuống vũng nước. Không phải vũng nhỏ mà là cả một hang chứa nước vừa rộng vừa sâu. Nếu không túm được cột đá giữa hang thì có khi Chứ Đa đã chết đuối rồi. Lúc ôm được cây cột đá mọc lên từ giữa vũng nước, Chứ Đa mới hoàn hồn và thấy mình liều lĩnh quá. Ngửa cổ nhìn lên lỗ thủng ở nóc hang, Chứ Đa cười như bị ma làm. Tiếng cười của nó vang khắp lòng hang, vọng vào các ngóc ngách thành một chuỗi cười dài không dứt.
Chứ Đa bắt đầu thấy lạnh. Nó bám cột đá leo lên rồi nhảy vào bờ đá, tìm lối ra. Thỉnh thoảng nó ngoái cổ lại nhìn “vầng trăng” dưới đáy hang, nhìn lỗ thủng trên trời để thêm một lần nữa tin vào sự hiển hiện của nguồn nước quí. Nó còn nhìn kỹ để định hướng lối vào và tính đếm đến việc dẫn nước ra.
https://thuviensach.vn
Nhìn thấy Chứ Đa ướt như chuột lột, Thào Mỷ và các bạn vừa sợ vừa mừng. Chúng chạy đến đón Chứ Đa như đón một người từ cõi chết trở về.
Chứ Đa dang tay, ngửa mặt lên trời gào to:
- Dân bản ơi! Có nước rồi. Tìm thấy nước rồi!
Mí Vư, Seo Lử sung sướng ôm lấy Chứ Đa. Thào Mỷ quên mình là con gái cũng nhảy vào ôm lấy bọn con trai. Giật mình nhận ra điều ấy, Thào Mỷ vội buông tay ra, cúi mặt ngượng ngùng. Seo Lử nói thủng thẳng như người lớn:
- Về báo tin vui cho dân bản thôi!
Chứ Đa và các bạn đến báo tin cho tộc trưởng Nỏ Pó biết chúng đã tìm thấy nguồn nước trên hang núi Tả Chô. Tộc trưởng có vẻ không tin lắm, vì ông nghĩ, từ trước tới nay người lớn tìm mãi còn chẳng thấy, nói gì đến mấy đứa trẻ con. Nhưng trước lời lẽ quả quyết của Chứ Đa, ông thấy có điều gì đó rất lạ, liền cắt cử một số trai tráng khoẻ mạnh, giỏi leo núi theo chân bọn Chứ Đa lên tận nơi xem xét. Cái Thào Mỷ là con gái cũng đòi đi theo. Khi nhóm người trẻ tuổi từ hang nước trên núi Tả Chô trở về, tộc trưởng Nỏ Pó hỏi họ rất kỹ về cái hang chứa nước. Một người trong nhóm bảo:
- Lời thằng Chứ Đa nói đúng đấy. Hang nhiều nước lắm. Lấy nước xuống cũng không khó lắm đâu, chỉ cần đục một cái lỗ từ vách đá bên ngoài vào tầm nửa sải tay là tới nước thôi!
Nghĩ ngợi một lát, tộc trưởng Nỏ Pó nói:
- Lấy nước ở hang núi Tả Chô về Sủng Pả thì mọi người trong bản sẽ có nhiều nước để dùng, nhưng ta chỉ sợ Thần Núi, Thần Nước phạt thôi!
Chứ Đa hỏi chen ngang:
https://thuviensach.vn
- Sao Thần Núi, Thần Nước lại phạt chứ?
Câu hỏi khó khiến tộc trưởng Nỏ Pó nghĩ mãi mà chưa biết cách trả lời. Ông nhìn lên trời, nhìn lên phía núi Tả Chô có hang nước, nhìn khắp lượt cánh trẻ, rồi hạ một câu chắc như đinh đóng cột:
- Ta phải làm lễ cúng thần linh để xin phép Thần Núi, Thần Nước. Khi các thần linh đồng ý thì mới được dẫn nước từ hang núi Tả Chô về bản.
Chứ Đa thắc mắc:
- Nhưng làm thế nào để biết được các thần linh có đồng ý hay không? Tộc trưởng Nỏ Pó nói:
- Ta được xem thầy mo cúng thần linh nhiều rồi. Khi làm lễ cúng để xin phép thần linh điều gì, thầy mo sẽ khấn vái, sau đó thả ra một con dê. Con dê bước về hướng nào là ý các thần linh nghiêng về hướng ấy. Hôm làm lễ cúng xin nước, nếu con dê bước về hướng núi Tả Chô có hang nước thì tức là các thần linh đồng ý. Nếu nó bước theo hướng khác thì nhất quyết là không được. Muốn có cuộc sống yên ổn thì chúng ta phải làm theo ý nguyện của các thần linh!
Nghe Nỏ Pó nói thế, gương mặt Chứ Đa tươi tỉnh hẳn. Nó ghé tai Thào Mỷ bảo:
- Thế thì chắc chắn Thần Núi, Thần Nước sẽ đồng ý thôi! - Chứ Đa cười cười, nháy mắt về phía Thào Mỷ vẻ bí hiểm.
Đúng như lời Chứ Đa nói với Thào Mỷ mấy hôm trước, hôm thầy mo làm lễ cúng để xin phép các thần linh được lấy nước về cho dân bản, con dê đen được thầy mo cởi sợi dây buộc sừng khỏi chiếc cọc để thả ra ngoài, nó đã đi thẳng về hướng núi Tả Chô - nơi có hang nước quý. Vậy là các thần linh đã đồng ý. Mắt tộc trưởng Nỏ Pó sáng lên. Niềm vui khiến gương mặt
https://thuviensach.vn
vốn đăm chiêu của ông rạng ngời. Ông vui là phải, vì với cương vị một tộc trưởng, được dân bản tin tưởng giao cho việc cai quản địa phận, được coi là người thay trời hành đạo, chăm lo cuộc sống cho dân lành, ông luôn nghĩ mình sẽ phải làm những việc có ích cho mọi người. Từ ngày giữ chức tộc trưởng ông đã làm được nhiều việc, nhưng riêng cái việc lo đủ nước cho dân bản thì ông chưa có cách nào làm được. Nay việc khó đó đã có lối gỡ, bởi thế ông vui cái đầu, ông sướng cái bụng.
Hôm ấy dân bản Sủng Pả vui như Tết, vì từ nay sẽ có nhiều nước để dùng, không còn phải đi lấy nước xa như trước nữa. Chứ Đa nháy mắt về phía Thào Mỷ, ý muốn bảo: “Thào Mỷ thấy chưa? Chứ Đa đoán có sai đâu!”.
Trong lúc con dê đen bị đem đi mổ thịt làm lễ tế thần, Thào Mỷ lôi Chứ Đa ra một góc để hỏi chuyện về “đường đi của con dê”. Nó phải gặng hỏi mãi, thậm chí sắp khóc Chứ Đa mới nói cho biết cái bí quyết của mình:
- Việc ấy dễ thôi mà. Chứ Đa rắc muối để dẫn đường cho con dê đen đi đúng ý của Chứ Đa! Trước khi thầy mo làm lễ, Chứ Đa lén rắc muối về hướng núi Tả Chô. Khi thầy mo thả ra, con dê ngửi thấy mùi muối đã đi về hướng ấy. Thế thôi!
- Nhưng sao Chứ Đa biết dê thích muối? - Thào Mỷ hỏi.
- Để ý thì biết ngay thôi. Nhà nào nuôi dê cũng thỉnh thoảng cho chúng liếm láp tí muối để tránh bệnh tật và mau lớn.
Thào Mỷ gật gù khen:
- Chứ Đa giỏi thật đấy. Đánh lừa được cả thầy mo!
- Thào Mỷ đừng nói cho ai biết nhá. Thầy mo mà nghe được là không hay đâu!
https://thuviensach.vn
Được thần linh đồng ý, tộc trưởng Nỏ Pó yên tâm cắt cử các trai tráng đem dụng cụ lên hang núi Tả Chô đục đá dẫn nước về bản. Họ lấy cây bương làm đường ống dẫn nước dài cả “nửa buổi đi bộ” về Sủng Pả. Từ đó Sủng Pả chẳng bao giờ thiếu nước vào mùa Đông…
Không tìm thấy Chứ Đa, Thào Mỷ và các bạn buồn lắm. Chúng cảm thấy thực sự mất đi chỗ dựa. Hàng ngày vẫn đi chăn bò nhưng chúng chỉ ngồi trên các mỏm đá nhìn về một miền xa xăm nào đó và chẳng thiết chơi trò gì. Mọi lần Chứ Đa thường khới ra các trò chơi như đánh sảng, trốn tìm, bắn nỏ... khiến bọn chúng rất thích. Mí Vư nhớ mãi việc nó được Chứ Đa đẽo cho một con quay to như vốc tay, quay tít mù mãi mà không “chết”. Thào Mỷ luôn giữ bên mình quả pao do Chứ Đa làm tặng từ Tết sớm năm ngoái. Seo Lử chẳng bao giờ quên tài bắn nỏ của bạn mình. Nó còn nhớ, hôm làm xong chiếc nỏ, hai đứa rủ nhau ra nương tập bắn. Chứ Đa hái một chiếc lá cài vào thân cây chuối rừng, ngắm bắn. Nó bắn lần nào cũng trúng, mặc dù chiếc lá chỉ bé bằng nửa bàn tay trẻ con, trong khi Seo Lử bắn hết cả ống tên mà thỉnh thoảng mới có phát trúng đích. Thào Mỷ thì vừa thích vừa sợ trò chơi trốn tìm trong hang đá. Dù hang mới hay hang cũ, chỉ một loáng là Chứ Đa đã thuộc hết các ngóc ngách trong khi Thào Mỷ và các bạn khác còn chưa biết lối nào mà lần. Những cuộc đánh sảng (chơi cù) của bọn trẻ ở Sủng Pả do Chứ Đa tổ chức vui không để đâu hết. Cả người già, phụ nữ trong bản cũng bỏ việc nương rẫy, việc nhà cửa kéo đến xem. Gọi là trò chơi của trẻ con nhưng cả người lớn cũng tham gia rất đông. Mỗi cuộc như vậy thường kéo dài cả ngày, thậm chí hết ngày này đến ngày khác. Thường thường mỗi cuộc cù như vậy phần thắng luôn thuộc về Chứ Đa. Cù của nó vừa “tít”, vừa “sống lâu”. Những cú “bổ” của Chứ Đa thường rất chính xác và mạnh mẽ, khiến cù của các bạn chơi bị vỡ đôi hoặc bật khỏi sới. Hàng năm, cứ trước mùa đánh sảng, Chứ Đa lại bỏ công đẽo rất nhiều con quay cho các bạn trong bản. Một số thanh niên cũng nhờ nó đẽo cho những chiếc cù vừa to vừa “khoẻ” để đi thi thố với thanh niên bản khác. Có người nhờ thắng cuộc cù mà lấy được gái đẹp ở bản khác đem về làm vợ. Riêng trò nhảy qua vực Miệng Hổ thì đến bây giờ ở Sủng Pả và các bản lân
https://thuviensach.vn
cận cũng chưa ai làm được như Chứ Đa. Hồi nó còn ở nhà, có người lớn không tin bảo nó nhảy cho xem, Chứ Đa chẳng ngần ngại bay người qua luôn, khiến những người chứng kiến phục sát đất.
Ngoài những cái tài kể trên, Chứ Đa còn là một trong những người giỏi khoan nòng súng kíp và thổi xì đồng. Cách đây mấy năm nó đã xin người già cho theo vào rừng xem các tay thợ khoan nòng súng bằng sức gió. Cái kiểu khoan này chỉ những người Mông kỳ cựu, giỏi rèn đúc nhất cả vùng mới có thể làm được. Đây là một bí quyết của người Mông, lẽ ra không được cho người lạ và trẻ con đến xem, nhưng chẳng biết Chứ Đa nói thế nào mà người thợ già lại đồng ý cho nó đi cùng. Quả là người thợ già có con mắt tinh đời. Chứ Đa còn rất trẻ mà đã học được bí quyết khoan nòng súng, thậm chí nó khoan giỏi không kém gì những người lớn tuổi giỏi nhất. Nó học thổi xì đồng nhanh đến mức thầy dạy vừa giảng xong nó đã làm được ngay. Phường săn của bản thấy Chứ Đa giỏi quá đã cho nó nhập vào tốp “lõng mồi” (tức là nấp ở những chỗ thích hợp để chờ con mồi xuất hiện là bắn hạ). Nó trở thành đứa trẻ con đầu tiên của bản được nhập vào phường săn. Ngay buổi đầu tiên ra mắt, Chứ Đa đã dùng nỏ bắn hạ được mấy con chồn và cáo - một việc được coi là “kỳ tích” trong mỗi phường săn...
Chứ Đa bây giờ ở đâu? Câu hỏi ấy cứ bám theo Thào Mỷ và các bạn không thể dứt ra được. Từ ngày Chứ Đa mất tích, Thào Mỷ thường xuyên lui tới nhà Chứ Đa để ngóng tin bạn và giúp đỡ bác Mùa vài thứ việc vặt. Vừa làm nó vừa lựa lời dò hỏi bác Mùa tin tức về Chứ Đa, nhưng vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu khó hiểu. Trong thâm tâm Thào Mỷ đoán chắc rằng cha mẹ Chứ Đa biết nó đi đâu, nhưng không muốn nói ra. Thào Mỷ cũng chẳng hỏi nữa, vì nó nghĩ chắc việc này có điều gì khó nói nên cha mẹ Chứ Đa mới giữ bí mật như vậy. Gần đây Thào Mỷ thấy bác Chư Pấu cũng không có ở nhà, chẳng biết là bác ấy đi đâu nữa. Mấy lần nó định hỏi bác Mùa xem bác trai đi đâu, nhưng nghĩ sao nó lại thôi.
https://thuviensach.vn
Thào Mỷ là một đứa gái có nhiều nỗi khổ. Nó mồ côi cha mẹ từ khi còn bé tí. Nó được nghe người lớn kể rằng, trong một lần đi làm nương, cha mẹ nó bị đá núi lở bất ngờ, đè chết. Người ta đưa xác cha mẹ nó về chôn cất nhưng không cho nó biết. Khi Thào Mỷ hỏi mọi người “Cha mẹ đâu?” thì chỉ nhận được những cái lắc đầu bí hiểm. Thào Mỷ nhớ lại, hồi nó được bà ngoại đón về nuôi, nó cứ thắc mắc tại sao bà ngoại lại ở có một mình, trong khi những nhà khác có đủ ông bà, cậu mợ, chú dì? Một lần nó hỏi:
“Bà ơi! Cha mẹ cháu đi đâu? Ông cháu đâu? Sao cháu không có cậu, có dì?”
Nó chỉ thấy bà buồn bã lắc đầu. Nó gặng hỏi thì bà gắt lên: “Cháu còn bé, hỏi chuyện người lớn làm gì!”
Thào Mỷ sợ không dám hỏi nữa. Nhưng trong đầu nó lúc nào cũng cứ thắc mắc về chuyện tại sao nó không có cha mẹ, không có ông ngoại và các cậu, các dì.
Mãi gần đây, khi bà ngoại đã mất, Thào Mỷ mới được nghe người già trong bản kể lại: Cha mẹ nó bị đá lở đè chết từ lúc nó mới biết đi. Ông ngoại nó bỏ nhà đi theo người đàn bà khác từ khi mẹ nó mới biết bò. Từ đó bà ở một mình cho đến khi đón nó về nuôi. Từ chuyện của bà ngoại, Thào Mỷ nghĩ, nhất định chuyện Chứ Đa vắng nhà cũng có lý do gì đó khó nói, vì nó nhận thấy cái lắc đầu của cha mẹ Chứ Đa giống hệt như cái lắc đầu của bà ngoại nó ngày trước.
** *
Thấy Thào Mỷ thường xuyên qua lại nhà Chứ Đa, Mí Vư không vui. Hồi Chứ Đa còn ở nhà, nét mặt Mí Vư cứ lầm lỳ, thậm chí là hậm hực, mỗi khi nhìn thấy Thào Mỷ đi với Chứ Đa hoặc nghe Thào Mỷ nhắc đến Chứ Đa. Nhiều lần cả bọn cùng nhau đi chơi, đi chăn bò, Mí Vư thường tìm cách kéo Thào Mỷ ra chỗ riêng nói chuyện nhưng Thào Mỷ không đi.
https://thuviensach.vn
Ngược lại, Thào Mỷ cứ xán lăn đến chỗ Chứ Đa. Đôi má bầu bĩnh, lúc nào cũng đỏ hồng như vừa từ bếp lửa bước ra, lại điểm thêm cái lúm đồng tiền rất sâu, cùng đôi mắt to tròn, sáng lóng lánh của Thào Mỷ đã làm cho Mí Vư mê mẩn. Cái dáng người tròn lẳn của một thiếu nữ đang ở tuổi dậy thì giấu trong bộ váy áo thêu hoa văn rất đẹp của Thào Mỷ khiến cho bao gã trai bản nao lòng. Đã không ít lần Mí Vư đứng như trời trồng nhìn đăm đắm vào bộ ngực tròn căng của Thào Mỷ. Lúc leo núi nó luôn đi sau ngay sát Thào Mỷ để được ngắm đôi kheo chân trắng mọng của người con gái cùng bản. Dáng hình Thào Mỷ toát lên một vẻ đẹp thuần khiết, dịu dàng giống như một bông hoa rừng. Rồi sẽ đến ngày bông hoa rừng ấy bừng nở, rực rỡ và ngát hương. Mí Vư cứ lo rằng đến lúc đó Thào Mỷ sẽ thuộc về người khác, mà phần nhiều là sẽ thuộc về Chứ Đa!
Mí Vư lo là phải, bởi nó thua kém Chứ Đa về mọi mặt. Tuy là một chàng trai khỏe mạnh nhưng Mí Vư không có khả năng gì đặc biệt, lại lầm lỳ ít nói, gương mặt lúc nào cũng khắc khổ. Nét nổi bật nhất của Mí Vư là thường quan tâm giúp đỡ mọi người. Đức tính này nó học được từ người cha ngay khi nó còn nhỏ. Theo lời cha Mí Vư kể, hồi trước nhà nó bị cháy không còn cái gì, phải vào hang đá ở, sống bằng củ quả, rau măng kiếm được ở nương, ở rừng. Bà con trong bản xúm vào giúp cha mẹ nó dựng một ngôi nhà chình tường, góp mỗi nhà một sinh ngô để sống qua ngày, đợi đến khi thu hoạch vụ ngô mới. Để trả nghĩa tấm lòng bà con đối với nhà mình, cha mẹ Mí Vư luôn sống tốt với mọi người. Nhà ai trong bản có công to việc lớn, cha Mí Vư luôn có mặt trước tiên để giúp sức. Vào mùa làm nương, cha thường bảo anh em Mí Vư đi khắp bản xem nhà ai neo người thì đến giúp chọc lỗ bỏ hạt.
Từ ngày Thào Mỷ biết làm nương, Mí Vư thường hay đến giúp Thào Mỷ lảu cỏ, chọc lỗ. Nó giúp theo thói quen vốn có, giúp vì thấy nhà Thào Mỷ chỉ có hai bà cháu, thiếu người làm. Khi lớn hơn một chút, đến tuổi thích nhìn con gái đẹp, nó còn lấy cớ đến giúp để được gần người con gái mà nó thích. Mỗi khi được làm nương cùng Thào Mỷ, Mí Vư thấy lòng
https://thuviensach.vn
mình xốn xang, làm việc không biết mệt. Nhìn Mí Vư chọc lỗ cho Thào Mỷ bỏ hạt, dân bản bảo trông hai đứa giống như một đôi vợ chồng. Nghe thế Mí Vư thích lắm, gương mặt nó tươi tỉnh hẳn lên.
Vậy mà chẳng hiểu sao Thào Mỷ không thích nói chuyện với nó, chỉ thích ngồi gần Chứ Đa, khiến Mí Vư buồn lòng. Bây giờ Chứ Đa bỏ đi đâu không rõ, Thào Mỷ vẫn hay đến nhà nó là làm sao? Lòng tốt trong con người Mí Vư mách bảo nó rằng, vì Thào Mỷ thương bác Mùa chỉ còn một mình nên thường xuyên đến đó để an ủi. Nghĩ vậy, đôi mắt Mí Vư sáng lên niềm hi vọng.
** *
Hôm nay Thào Mỷ sang nhà Chứ Đa sớm hơn mọi ngày vì đêm qua nó mơ thấy Chứ Đa về. Nó háo hức gọi từ ngoài cổng:
- Chứ Đa ơi! Chứ Đa! Bác Mùa ơi! Bác Mùa!
Chẳng thấy tiếng ai thưa. Cánh cổng gỗ vẫn buộc chặt bởi sợi mây già. Thào Mỷ nghến chân ngó vào phía trong thấy hết sức yên ắng. Bếp lửa lạnh tanh. Nó thắc mắc: Sao giờ này bác Mùa vẫn chưa dậy? Mọi khi bác ấy dậy sớm lắm cơ mà? Hay là bác ấy ốm? Có thể lắm, mấy hôm trước mình thấy bác ấy có vẻ rất mỏi mệt, ăn mỗi bữa không hết bát mèn mén. Cái chân bác ấy bị tróc móng phát sốt, đi lại phải chống que. Mình phải vào nhà xem bác ấy thế nào. Nghĩ thế, quên mình là con gái, Thào Mỷ cởi dây buộc cổng bước vào nhà. Nó mở cửa ngó cổ vào trong. Một luồng khí lạnh bất chợt ùa ra khiến Thào Mỷ sởn da gà. Nó mạnh bạo bước vào bên trong, đến chỗ mọi khi bác Mùa thường ngủ. Chẳng thấy ai. Chăn chiếu lạnh lẽo. Chứng tỏ đêm qua bác ấy không ngủ ở nhà. Thế thì bác ấy đi đâu? Chẳng lẽ bác ấy đi tìm cha con Chứ Đa? Biết ở đâu mà tìm chứ? Hay là bác ấy buồn chán quá đã…? Tự suy đoán bằng những câu hỏi trong đầu, Thào Mỷ bỗng thấy lạnh toát sống lưng khi nghĩ đến chuyện mẹ Chứ Đa vì buồn chán quá mà ăn lá ngón! Nó vội chạy đến nhà tộc trưởng Nỏ Pó báo tin:
https://thuviensach.vn
- Tộc trưởng ơi! Tộc trưởng!
Nghe tiếng gọi giật giọng của Thào Mỷ, Nỏ Pó đoán là có điều gì đó bất thường, vội ra mở cổng, tất tưởi hỏi:
- Thào Mỷ à, có chuyện gì thế?
- Có chuyện thật đấy. Cả nhà bác Mùa bỏ đi đâu hết rồi! Chứ Đa đi trước, rồi đến bác Chư Pấu và bây giờ là bác Mùa. Thào Mỷ lo lắm, có khi cả nhà bác Mùa chết hết rồi cũng nên! Tộc trưởng gọi người đi tìm xem!
Tộc trưởng Nỏ Pó gật đầu, nói với Thào Mỷ, rồi nói với chính mình:
- Được rồi. Thào Mỷ cứ về đi! Mà mẹ Chứ Đa đi đâu mới được chứ? Cả cha con Chư Pấu nữa, chúng bỏ đi đâu không biết? Hầy dà…
Tộc trưởng Nỏ Pó vội đi báo tin cho dân bản Sủng Pả. Cả bản bỏ hẳn việc làm nương để đi tìm vợ chồng Mùa. Họ cứ nghe theo lời kể và những suy đoán của Thào Mỷ mà đi, nhưng chẳng hiểu sao đôi chân mọi người cứ tự nhiên đi về hướng Bắc như thể có ai xui khiến. Seo Lử, Mí Vư, Thào Mỷ là những đứa tích cực nhất. Trước khi đi, Seo Lử dắt con chó khoang thân thiết của mình sang nhà Chứ Đa để nó ngửi hơi quần áo, đồ vật của những người mất tích. Seo Lử bảo, con chó khoang này rất thính mũi và có biệt tài đánh hơi người. Chỉ cần cho nó ngửi quần áo, đồ vật của ai một lần thì dù người đó có ở xa cả một quả đồi hay đứng giữa đám đông nó cũng nhận ra được.
Seo Lử sử dụng con chó bằng cách huých nó chạy trước để đánh hơi. Con khoang luôn chạy trước, rất xa mọi người. Nó sục sạo hết chỗ nọ, chỗ kia để tìm mùi hơi của những người nhà Chứ Đa. Nó mải mê đến mức mấy lần Seo Lử đưa tay lên miệng huýt gió để gọi mà nó cũng không quay trở lại. Trên đường đi, theo lời chỉ bảo của tộc trưởng Nỏ Pó, mọi người tìm khắp các nương ngô, nương anh túc cũ và những nơi mà vợ chồng Mùa có
https://thuviensach.vn
thể tới. Cánh trai trẻ sục sạo khắp các hang đá, các hẻm vực mà vẫn chẳng tìm thấy dấu tích gì!
Đúng lúc mọi người cảm thấy nản lòng và hết hi vọng vì chẳng biết tìm cha mẹ Chứ Đa ở đâu thì con chó khoang của Seo Lử sủa nhanh nhách phía trước mặt. Tiếng sủa của nó như báo cho mọi người biết có chuyện chẳng lành. Và đúng là có chuyện chẳng lành đã xảy ra. Trước mắt mọi người là một ụ đất giống như ngôi mộ mới đắp. Con chó khoang của Seo Lử đang bới hai chân trước vào chiếc áo tà pủ rách nát, thẫm máu, bị vùi dưới lớp đất đỏ. Khi con chó khoang cắn cái áo lôi ra, nó kéo theo luôn cả mấy khúc xương còn dính thịt nham nhở. Tộc trưởng Nỏ Pó bảo các trai tráng bới đất ra xem. Tất cả bàng hoàng khi thấy chiếc đầu lâu cùng những dẻ xương sườn thâm đen. Mọi người xem xét kỹ và nhận ra đó là đầu lâu của Chư Pấu nhờ vào những chiếc răng bọc vàng. Cạnh đấy là chiếc khăn vuông thổ cẩm. Thào Mỷ nhận ra đó là khăn của mẹ Chứ Đa vì nó đã nhiều lần nhìn thấy bác Mùa đội chiếc khăn này. Tộc trưởng Nỏ Pó bất ngờ ôm mặt khóc khồng khộc. Tiếng khóc của ông lan truyền sang mọi người thành những âm thanh như tiếng lá rụng trong đêm mưa phùn gió bấc.
Chẳng ai bảo ai, mọi người xúm vào đắp lại ngôi mộ cho vợ chồng Chư Pấu. Xong việc, họ lặng lẽ trở về bản trong nỗi xót thương chẳng thể nói bằng lời…
https://thuviensach.vn
THẠCH TRỤ HUYẾT
Nguyễn Trần Bé
www.dtv-ebook.com
Phần V
Sau một tuần ngày đi đêm ngủ, Pủ Sá và Chứ Đa mới về tới Mã Lỳ. Đến nơi, Chứ Đa thấy mọi mệt nhọc gần như tan biến hết, bởi nơi đây có biết bao nhiêu điều mới lạ. Nhà cửa rất ít, nhưng cái nào cũng xây cất rất to và chắc chắn. Mọi người cứ lầm lũi làm việc như những cái bóng. Chứ Đa có cảm giác đây không phải là nơi định cư của dân làng mà là một nơi khu trú đặc biệt của một nhóm người chuyên làm việc gì đó không bình thường. Nhưng nó là cái gì thì Chứ Đa chưa thể đoán biết, chưa hình dung ra được.
Buộc ngựa xong, Pủ Sá dẫn Chứ Đa ra trước một đám người lạ hoắc. Lão chỉ tay vào Chứ Đa, giới thiệu:
- Thằng này là Chứ Đa, một đầu lĩnh ở Sủng Pả. Tuy nó còn trẻ nhưng không phải đứa vừa đâu. Nó sẽ giúp chúng ta được nhiều việc đấy.
Một thằng đầu trọc, chạc tuổi Chứ Đa, nhìn Chứ Đa chằm chằm. Nó chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ tiến đến chỗ Chứ Đa đứng, bất ngờ tung một cú đấm cực mạnh vào thẳng mặt Chứ Đa. Chứ Đa né người tránh đòn làm cho tên đầu trọc mất đà nhao về phía trước. Nhân cơ hội ấy Chứ Đa thúc cùi chỏ vào lưng tên đầu trọc làm hắn ngã sóng soài. Tên đầu trọc vùng dậy phi thân vào bụng Chứ Đa. Cái đầu trọc của nó chưa kịp chạm vào người Chứ Đa thì đã bị Pủ Sá tóm gọn. Pủ Sá nâng tên đầu trọc lên quá đầu dọa ném xuống khiến nó phải van xin cuống quýt. Khi thả tên đầu trọc xuống đất, Pủ Sá bảo:
- Từ nay chúng mày là bạn. Bảo nhau mà sống!
Pủ Sá chỉ vào tên đầu trọc, nói với Chứ Đa:
https://thuviensach.vn
- Đây là thằng A Pẩu, bằng tuổi mày. Nó sẽ đi cùng mày trong thời gian ở Mã Lỳ. Có gì không biết thì hỏi nó.
Chỉ sang Chứ Đa, Pủ Sá nói với A Pẩu:
- Thằng này sang đây học chữ nho, học nghề buôn. Nó là đệ tử của tao. Mày phải giúp nó hàng ngày. Lúc nào cần thì tìm tao!
Nói xong Pủ Sá bỏ đi.
A Pẩu nhìn Chứ Đa chòng chọc một lúc rồi cũng bỏ đi.
Chứ Đa cảm thấy bơ vơ. Nó toan chạy theo A Pẩu, nhưng chợt nhớ đến cuộc “đón tiếp” chẳng hay ho gì mà A Pẩu dành cho mình lúc nãy, Chứ Đa lại thôi. Nó lững thững đi loanh quanh thăm thú nơi ở mới. Thấy một đường hầm tối om phía trước mặt Chứ Đa tò mò bước vào. Có mùi gì như khói thuốc phiện lan tỏa khắp đường hầm. Chứ Đa đang nghếch mũi hít hít cái mùi thuốc quen quen mà nó đã có lần được hút, bỗng nó bị một tấm khăn đen trùm kín đầu. Chưa kịp biết chuyện gì xảy ra, Chứ Đa đã bị quật ngã, bị khoá tay lôi đi.
Được bỏ khăn trùm đầu, Chứ Đa thấy mình đang ở trong một hang đá rất rộng. Ở các ngách hang có nhiều người lạ mặt đang đun nấu thứ gì đó. Nó ngửi thấy mùi thuốc phiện “thượng hảo hạng” mà nó đã từng được Pủ Sá cho hút hôm học võ ở hang Thẳm Vài. Chứ Đa nhìn thấy Pủ Sá đang quát tháo mọi người xung quanh. Đoạn Pủ Sá bước đến trước mặt Chứ Đa, mắt lão long lên:
- Ai cho mày vào đây?
- Tôi khắc vào thôi. Thấy lạ thì vào xem tí mà.
- Thằng A Pẩu đâu?
https://thuviensach.vn
- Nó đi rồi.
- Đi đâu?
- Tôi không biết. Lúc đi nó không nói gì cả.
- Hầy dà, không được rồi!
Pủ Sá sầm sầm bỏ đi. Một lúc sau lão túm cổ A Pẩu lôi về. Pủ Sá bắt A Pẩu quì gối xuống đống đá nhọn, rồi quát:
- Sao mày để thằng Chứ Đa đi một mình?
- Tôi ghét nó! - Thằng A Pẩu nói ấm ức.
Pủ Sá cười sằng sặc. Tiếng cười của lão bỗng tắt đột ngột. Lão nghiến răng kèn kẹt, tay chỉ vào mặt A Pẩu, quát lớn:
- Mày đánh nó không được thì tức à? Hỏng rồi. Quì ở đây đến tối, nghe chưa?
Thấy A Pẩu bị phạt, Chứ Đa lấm lét nhìn Pủ Sá. Lát sau nó đánh bạo đến bên lão Pủ Sá, nói ngập ngừng:
- Pủ Sá à, tại tôi tự bỏ đi thôi. Tôi đáng tội, hãy phạt tôi chứ đừng A Pẩu! Nó không có lỗi gì đâu! Thật đấy!
Pủ Sá quát:
- Mày ra kia ngồi. Ra!
Chứ Đa lùi lại. Lát sau nó lại bước đến gần Pủ Sá, ấp úng nói: - Pủ Sá à, phạt Chứ Đa thế nào cũng được, nhưng đừng phạt A Pẩu!
https://thuviensach.vn
Hình như Pủ Sá đã bớt giận. Lão nhìn Chứ Đa, rồi hất đầu bảo đám người hầu:
- Thôi, tha cho A Pẩu. Đưa hai thằng này ra ngoài hang!
Trên đường về nhà A Pẩu, Chứ Đa hỏi:
- A Pẩu à, trong hang nấu gì đấy?
- Không biết đâu. - A Pẩu đã thay đổi thái độ với Chứ Đa, nhưng vẫn dè dặt.
- Tao nghĩ là mày biết chứ!
Ngập ngừng một lúc, A Pẩu ghé miệng vào tai Chứ Đa, nói nhỏ:
- Chưng cất thuốc phiện đấy. Thuốc phiện mua về phải chưng cất thành loại “thượng hảo hạng” mới bán được nhiều tiền.
Ánh mắt Chứ Đa sáng lên. Nó bắt đầu mường tượng ra điều gì đó từ cái nghề chế biến thuốc phiện của lão Pủ Sá. Chứ Đa bỗng nhớ lại cái lần lão Pủ Sá cho nó hút loại thuốc “thượng hảo hạng” này. Quả là thơm ngon hơn nhiều cái thứ thuốc phiện mà người ở bản Sủng Pả của nó thường hút.
- Chưng cất có khó không? - Chứ Đa hỏi A Pẩu.
- Tao chẳng biết đâu. Bí mật mà.
- Thế những người trong hang có biết không?
- Mỗi người làm một việc, không biết hết đâu. Chỉ có lão Pủ Sá là biết cách làm từ đầu đến cuối thôi. Lúc nãy mày vào hang không xin phép là mắc tội lớn đấy. May mà lão Pủ Sá biết mày, chứ nếu người lạ mà vào đấy là lão giết chết.
https://thuviensach.vn
Chứ Đa hỏi thêm, vẻ thăm dò:
- Thế Pủ Sá mua da lông thú về có bán được nhiều tiền không?
- Tao không biết chắc. Nhưng lão ấy mua da lông thú chỉ là để đánh lừa bọn cướp thôi, vì lãi lời chẳng được bao nhiêu. Nghề chính của Pủ Sá là buôn bán, chế biến thuốc phiện. Cái đó mới lãi to.
- Tao hiểu rồi!
Chứ Đa không hỏi gì thêm nữa. Trong đầu nó loé lên một kế hoạch ăn cắp bí mật nghề chế biến thuốc phiện thô thành loại “thượng hảo hạng” của lão Pủ Sá. Chưa biết là sẽ đánh cắp bí quyết ấy bằng cách nào, nhưng dứt khoát là phải tìm cách đánh cắp cho bằng được. - Chứ Đa nghĩ.
Thấy Chứ Đa im lặng, A Pẩu hỏi:
- Mày nghĩ gì thế?
- Chẳng nghĩ gì.
- Sao mày không hỏi nữa?
- Tao mệt, tao sợ.
- Sợ gì?
- Sợ Pủ Sá.
Kể từ lúc được Chứ Đa liều mạng xin Pủ Sá tha tội khỏi bị phạt quì gối trần trên đá nhọn, A Pẩu thay đổi hẳn thái độ đối với Chứ Đa. Nó bắt đầu thấy mến thằng bạn vừa ở xa đến mà đã có những việc làm táo bạo và nghĩa hiệp. A Pẩu nói với bạn:
https://thuviensach.vn
- Pủ Sá thì ai cũng phải sợ. Nhưng Pủ Sá cũng có lúc tốt chứ không phải lúc nào cũng ác đâu. Lão ta rất thích gái đẹp.
Nghe A Pẩu kể thế, Chứ Đa chợt phì cười khi nhớ lại câu hát của Pủ Sá “không gì sướng bằng có vợ đẹp” mà lão hát nghêu ngao khi đi đường. A Pẩu hỏi:
- Mày cười gì thế?
- Tao cười vì người như Pủ Sá mà cũng thích gái đẹp.
- Gái đẹp thì ai mà chẳng thích. - A Pẩu nói như người lớn.
A Pẩu dẫn Chứ Đa về nhà gặp cha nó là A Pa. A Pa tóc bạc trắng như cước, búi tó củ tỏi sau gáy. Thực ra A Pa chưa già lắm, nhưng không hiểu sao tóc sớm bạc trắng. Có điều lạ là, tuy tóc và lông mày bạc hết, nhưng bộ râu của A Pa lại đen như mực Tầu. Theo lời A Pẩu kể thì cha nó là người chuyên dạy chữ nho cho những người cần học chữ. Cả lão Pủ Sá cũng là học trò của A Pa. Ngoài dạy chữ, A Pa còn dạy võ cho nhiều người, có cả những người từ rất xa tới. Nghe đâu Pủ Sá cũng là đồ đệ của A Pa một thời. Nói đúng hơn, A Pa từng là ân nhân của Pủ Sá.
A Pa nhìn Chứ Đa từ đầu đến chân, rồi bảo:
- Học chữ là phải nghiêm. Học giỏi được thưởng, học dốt bị phạt đòn. Chứ Đa đáp tỉnh khô:
- Thưa A Pa, con biết rồi ạ.
- Khá lắm! - A Pa khen, rồi gọi A Pẩu:
- A Pẩu à, đưa nó xuống bếp ngủ với mày!
https://thuviensach.vn
Đêm ấy A Pẩu kể cho Chứ Đa nghe rất nhiều chuyện. Nó bảo cha nó dạy chữ cho nhiều người mà không dạy nổi con. A Pẩu bảo chữ nho khó học, nó càng học càng dốt, bị cha đánh đòn liên tục. Đánh mãi nó cũng chẳng khá hơn, cha chán quá không dạy nữa. A Pẩu còn bảo, cha chỉ dạy võ cho những người mà cha thấy nên dạy. Riêng nó, A Pa nhất định không dạy, nó phải học lỏm bằng cách nhìn trộm những lúc cha dạy cho người khác. Chứ Đa bắt đầu hình dung ra tính cách của ông thầy mình. Trong đầu nó sắp xếp một kế hoạch ứng xử cho phải phép. Nó hỏi A Pẩu:
- A Pa có lấy tiền công dạy học không?
- Cha không lấy tiền, nhưng phải làm việc cho cha.
- Việc gì?
- Cắt cỏ ngựa.
- Thế thì được.
- Nhưng không ít đâu. Nhà tao nhiều ngựa đấy.
- Mấy con?
- Bẩy con to, hai con nhỏ.
- Có ai cắt cùng không?
- Tao.
- Thế lúc tao chưa đến thì một mình mày cắt à?
- Không. Cha thuê người khác cùng cắt với tao.
Chứ Đa yên tâm với công việc này, vì hồi còn ở Sủng Pả nó đã cắt cỏ ngựa, cỏ bò quen rồi. Điều làm nó vui là có thằng A Pẩu. Từ khi xa cha mẹ,
https://thuviensach.vn
xa Thào Mỷ và các bạn ở Sủng Pả, đây là lần đầu tiên Chứ Đa thấy vui vẻ. Nỗi nhớ cha mẹ, nhớ Thào Mỷ và các bạn cũng dần vơi đi ít nhiều.
Mặc dù nhà A Pa có chín con ngựa, nhưng Chứ Đa và A Pẩu chỉ phải cắt cỏ cho năm con. Bốn con kia A Pa cho Pủ Sá và những người buôn bán đường dài thuê đi thồ hàng. Nhờ vậy buổi cắt cỏ ngựa đầu tiên của Chứ Đa cũng không quá vất vả.
A Pa đến chỗ Chứ Đa và A Pẩu đang thái cỏ ngựa. Hai đứa mải làm không biết, khi nghe tiếng A Pa nói chúng mới giật mình quay lại.
A Pa bảo Chứ Đa:
- Chứ Đa dắt ngựa về đây chăn cả thể. Ai cần thì cho thuê để có thêm tiền.
Nghe lời A Pa, Chứ Đa dắt con ngựa nâu của mình đến tầu ngựa nhà A Pẩu. Khi con ngựa nâu mới bước đến cửa tầu đã bị lũ ngựa nhà A Pẩu phản ứng quyết liệt, nó sợ quá hí lên, gõ móng đòi chạy đi. Chứ Đa chưa biết làm thế nào thì A Pẩu bảo:
- Để tao nói với lũ ngựa!
Chẳng biết thằng A Pẩu nói những gì mà lũ ngựa nhà nó hiền hẳn. Khi A Pẩu dắt con ngựa nâu của Chứ Đa vào tầu, lũ ngựa nhà A Pẩu không dọa nạt nữa, trái lại chúng còn tỏ ra thân thiện với bạn mới.
Nhìn đàn ngựa hiền lành bên nhau, Chứ Đa lạ lắm. Nó thực sự phục tài khiển mã của thằng bạn mới.
- Mày nói gì mà chúng lại nghe? - Chứ Đa hỏi A Pẩu.
- Tao bảo lũ ngựa: Đây là bạn mới phải chơi với nhau. Giống như lão Pủ Sá dặn tao hôm mới gặp mày.
https://thuviensach.vn
Chứ Đa chợt nhớ ra cái điều thắc mắc từ mấy hôm trước, liền hỏi A Pẩu:
- Hôm ấy sao mày lại đánh tao? Cái hôm đầu tiên chúng mình gặp nhau ấy!
- À, tao muốn thử võ thôi mà.
- Tao hiểu rồi!
A Pẩu hỏi Chứ Đa:
- Mày học võ khi nào mà đánh hay thế?
- Tao học lão Pủ Sá từ hồi lão sang Sủng Pả.
- Vậy là Pủ Sá tin mày đấy. Nếu không tin lão chẳng dạy võ đâu. Mày đừng bao giờ làm mất lòng tin của lão mà mất mạng! - A Pẩu nói như người lớn.
Lời cảnh báo của A Pẩu làm Chứ Đa vừa sợ vừa tò mò muốn tìm hiểu về lão Pủ Sá. Nó hỏi A Pẩu:
- Pủ Sá có giầu không?
- Tao không biết. Nhưng chắc là có nhiều bạc trắng.
- Lão có vợ không?
- Có nhiều, nhưng bây giờ thì không. Bọn vợ không ở được với lão nên bỏ đi hết. Nhưng chỉ một thời gian sau là lão lại kiếm được vợ mới thôi.
- Nếu bị Pủ Sá ghét thì sao? - Chứ Đa hỏi tiếp.
- Thì mất mạng!
https://thuviensach.vn
- Thế nếu được lão yêu?
- Thì lão chẳng tiếc cái gì. Nhưng khó lắm!
Chứ Đa lờ mờ hình dung ra tính cách Pủ Sá. Trong đầu nó mường tượng ra một kế hoạch đối phó, mà theo nó là sẽ tranh thủ được Pủ Sá, ít ra là không bị lão ghét.
** *
Chứ Đa nhận thấy A Pa không có vợ, A Pẩu không có mẹ, nó đã định hỏi A Pẩu mấy lần nhưng không biết nên bắt đầu như thế nào. Hôm nay đi cắt cỏ ngựa với A Pẩu, Chứ Đa dè dặt hỏi:
- A Pẩu này, mẹ mày đâu?
A Pẩu dừng tay cắt cỏ. Mặt nó hiện lên nỗi buồn xa xăm. Nó ngửa cổ nhìn trời như thể tìm kiếm điều gì, lúc lâu mới nói:
- Mẹ tao chết rồi! Một hôm vào rừng lấy cây thuốc mẹ bị hổ vồ. Tối không thấy mẹ về cha đốt đuốc vào rừng tìm suốt đêm. Bắt gặp hổ dữ đang vùi giấu phần xác mẹ còn lại trong đống lá khô, cha rút dao nhọn đâm chết hổ, vác về nhà lấy thịt nó cúng ma cho mẹ.
Đôi dòng nước mắt trong veo chảy tràn trên đôi má A Pẩu.
Nhìn A Pẩu khóc, Chứ Đa thấy lòng mình xót đau như chính mẹ mình bị hổ ăn thịt. Nó lặng lẽ ôm A Pẩu thật chặt trong vòng tay của mình. Đợi A Pẩu bớt khóc Chứ Đa nghẹn giọng hỏi:
- Chuyện ấy xảy ra lâu chưa?
- Ba năm rồi! Không nghĩ thì thôi, cứ nghĩ đến chuyện ấy là tao lại thấy nhớ mẹ, thương mẹ quá! Chẳng biết ở trên trời mẹ có hiểu được điều ấy không? Mà tại sao hổ lại vồ mẹ tao chứ? Mẹ là người tốt nhất trần đời.
https://thuviensach.vn
Mẹ vào rừng hái cây thuốc về để chữa bệnh cho người ốm chứ có làm điều gì ác đâu mà hổ dữ lại ăn thịt mẹ? Tất cả mọi người ở Mã Lỳ bị ốm đau bệnh tật đều đến nhờ mẹ lấy thuốc. Mẹ chỉ giúp thôi chứ không lấy tiền. Có người trả ơn mẹ cả một con bò đấy. Nhưng mẹ chẳng lấy của ai thứ gì. Hôm mẹ bị hổ vồ ai cũng khóc thương, cũng tiếc mẹ. Mọi người đắp ngôi mộ mẹ to nhất, đẹp nhất Mã Lỳ. Nhiều người bảo, Mã Lỳ mất mẹ chẳng khác nào mất đi một nữ thần y.
- Mẹ mất ba năm rồi mà A Pa không lấy vợ mới à?
- Không! Cha tao yêu mẹ quá nên không lấy người khác. Sau khi mẹ tao mất, cha cứ im lìm như một tảng đá hàng tháng trời. Có lúc cha ngồi như hoá đá không ăn không uống mấy ngày liền. Sợ cha chết theo mẹ, tao phải bảo: “Cha mà chết thì A Pẩu ở với ai? Ai sẽ nuôi A Pẩu?” Đến lúc ấy cha như chợt tỉnh ra mới chịu ăn uống!
- Chắc mẹ mày đẹp lắm nhỉ.
- Ừ! Mẹ tao đẹp nhất Mã Lỳ. Cha tao bảo chưa có một phụ nữ nào đẹp như mẹ. Cha kể, hồi trẻ mỗi lần mẹ xuống chợ thường có rất nhiều trai tráng tìm cách vây quanh. Đã có không ít cuộc đánh nhau giữa những người đàn ông để tranh giành bông hoa đẹp là mẹ. Cha tao giỏi hơn những người khác nên “kéo” được mẹ về.
A Pẩu nhẩn nha kể cho Chứ Đa nghe về cuộc đời của cha mẹ mình. Nó bảo, cha kể lại rằng, ngày trước cha là một gã giang hồ, đã từng tung hoành ngang dọc khắp nơi. Cha giỏi võ, giỏi chữ nhưng ngang tàng. Sau khi từ bỏ giới giang hồ cha mới lấy vợ, lúc ấy tuổi cha đã gần bốn mươi. Cha bảo ông ngoại tao làm nghề bốc thuốc Nam cứu người nhưng bị kẻ xấu ghen ăn tức ở tìm cách làm hại. Chính vì được chứng kiến tận mắt bọn người xấu làm hại gia đình nhà mẹ mà cha bỏ kiếp sống giang hồ. Sau khi cưới mẹ về cha thành người khác hẳn. Cha mở lớp dạy chữ nho, dạy võ cho những ai cần học, không phải vì tiền mà vì muốn mọi người biết chữ Thánh
https://thuviensach.vn
hiền để mà hướng thiện, tránh xa điều ác; dạy võ cho những người yếu thế để họ tự bảo vệ lấy bản thân mình trước sự chèn ép những kẻ cậy quyền, cậy thế. Người già bảo, có lẽ Ông Trời trừng phạt những việc làm xấu xa của cha trước kia nên để hổ vồ mất mẹ! Tao nghĩ, nếu có việc đó thật thì Ông Trời cũng chẳng ra sao. Ở trên cao mà ông ấy không biết ai là kẻ xấu, ai là người tốt thì còn gì là Ông Trời nữa. Hay mắt ông ấy bị mây đen che lấp mất rồi? Trước đây cha là giang hồ thật, nhưng bây giờ cha đã nhận thấy cái sai, bỏ kiếp sống giang hồ để trở thành người tốt rồi cơ mà. Tại sao thế chứ? Hả? Tại sao?
A Pẩu bước về phía Chứ Đa, nhìn xoáy vào mắt nó, hỏi những câu nghẹn cứng cứ như thể Chứ Đa là hiện thân của Ông Trời đang đứng trước mặt mình. Gương mặt hiền của A Pẩu đẫm nước. Nó mím chặt môi, duỗi cổ nuốt nước mắt vào trong bụng.
Nghe A Pẩu kể chuyện về cha mẹ, Chứ Đa bỗng thấy chạnh lòng. Nó chợt nhớ đến mẹ mình ở nhà. Nhớ đến cồn cào, nhớ đến phát khóc. Mẹ nó cũng đẹp lắm. Nó nghe người già kể lại, mẹ đẹp đến nỗi, khi mẹ lấy cha đã có trai bản ăn lá ngón tự tử vì tiếc mẹ! Nó không thể quên được những ngày ở Sủng Pả, được mẹ cho đi chơi chợ. Những phiên chợ đối với nó chẳng khác gì những ngày hội. Người nào cũng mặc những bộ áo váy đẹp, đem xuống chợ đủ mọi loại hàng, từ ngô đậu, lợn gà đến mèo chó, rau quả… nhưng nhiều nhất vẫn là rượu ngô. Có người dắt theo cả bò, ngựa để bán. Chứ Đa nhận thấy những cuộc mua bán ở các phiên chợ thường diễn ra rất nhanh. Bán hàng xong người ta đem tiền đi mua sắm những thứ cần thiết, rồi rủ nhau uống rượu, ăn thắng cố đến say nghiêng ngả. Các cô gái Mông đến tuổi thích nhìn con trai, đem theo gương lược làm dáng trước khi vào chợ. Cánh trai bản đem theo cả khèn, sáo xuống chợ thi thố với nhau. Họ say sưa múa khèn, thổi sáo để lôi kéo các cô gái đẹp. Chứ Đa đứng nhìn múa khèn, đôi chân nhấp nhảy không yên. Miệng nó nhẩm theo những điệu khèn đầy mê hoặc. Đến chợ Chứ Đa thấy cái gì cũng thích, nhưng nó thích nhất là những miếng đường phên vàng rộm, ngọt lừ được bày bán ngay
https://thuviensach.vn
phía cổng chợ. Phiên chợ nào mẹ cũng mua cho nó những cục đường thơm ngọt ấy. Trong khi Chứ Đa mải mê gặm những miếng đường, mẹ đi mua sắm, thì cha nó rủ bạn bè uống rượu với thắng cố. Phiên chợ nào cha cũng say rượu nằm lăn ra đất. Không riêng gì cha, nhiều người đàn ông khác tầm tuổi như cha cũng say như vậy. Mẹ và những người đàn bà như mẹ phải nhờ người khoẻ vác cha đặt vắt ngang lưng ngựa, dắt về. Chứ Đa giận cha lắm. Nó nghĩ, mẹ vất vả quanh năm với bếp núc, ruộng nương, đến khi đi chợ vẫn còn bị cha say rượu làm khổ thêm. Nhưng mẹ bảo, mẹ không buồn về điều đó, vì cha có nhiều bạn uống rượu nên mới say. Người đàn ông Mông nào có nhiều bạn thì mới là người tốt. Nghe mẹ nói vậy Chứ Đa không giận cha say rượu làm khổ mẹ nữa, vì nó thấy cha có rất nhiều bạn. Có hôm ngựa thồ hàng nhiều không cõng nổi cha, mẹ phải để cha nằm ở vệ đường, ngồi che ô đợi cha tỉnh rượu cùng về. Những lúc như vậy Chứ Đa tha hồ gặm những miếng đường phên, quên hết mọi chuyện…
Thấy Chứ Đa ngẩn mặt nghĩ ngợi, A Pẩu hỏi:
- Mày nhớ cha mẹ à?
- Ừ! Đi xa thế này tao mới thấy thương mẹ. Hồi còn ở nhà tao đã nhiều lần làm khổ mẹ mà không biết. Bây giờ nghĩ lại tao mới thấy, bao nhiêu cái khổ của nhà tao đều đổ lên đầu, lên lưng mẹ hết. Nhưng tao hơn mày là vẫn còn mẹ. Mất mẹ như mày thì khổ nhiều lắm đấy!
A Pẩu nhìn Chứ Đa bằng ánh mắt thiện cảm, tin cậy. Lát sau nó nói: - Mày đừng bao giờ nói với cha tao về mẹ nhá!
- Sao vậy?
- Cha sẽ buồn đấy! Vì cha vẫn chưa quên được mẹ mà!
Nghĩ về cha A Pẩu, Chứ Đa lại nhớ đến cha mình. Nó biết cha mình không phải là người khôn ngoan nhưng nó vẫn thương cha lắm. Tình
https://thuviensach.vn
thương ấy nó được mẹ truyền cho. Nghĩ đến cha mẹ, Chứ Đa tự hứa với lòng mình sẽ cố học giỏi chữ nho, học giỏi nghề buôn, nhất là phải tìm cách học cho được bí quyết chế biến thuốc phiện của Pủ Sá để về giúp cha mẹ làm giàu. Ngoài ra nó còn nghĩ sẽ rủ thằngA Pẩu xin A Pa cho hai đứa học võ để có thêm sức mạnh và ý chí.
Chứ Đa hình dung ra một viễn cảnh tốt đẹp đang chờ đón nó ở phía trước. Đêm ấy nó ngủ một giấc dài và thoải mái nhất kể từ ngày đến Mã Lỳ. Trong giấc ngủ nó mơ thấy mình thành một chàng trai khoẻ mạnh, tuấn tú, giỏi võ, cưỡi ngựa trắng về Sủng Pả. Cha mẹ nó mặt mày rạng rỡ ra tận cổng đón con. Cả nhà vui vẻ, sung sướng về sự trưởng thành của nó. Trong số những người thân của nó có cả Thào Mỷ, lúc này đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, rực rỡ như đoá hoa rừng. Chứ Đa đổ ra giữa nhà một túi bạc trắng do nó kiếm được. Nó biếu mẹ cha một phần, một phần dành để làm nhà to, một phần làm vốn đi buôn, phần còn lại nó sắm lễ, mua đồ cưới Thào Mỷ về làm vợ. Nghĩ đến đó Chứ Đa nở nụ cười mãn nguyện. Nó cười bật thành tiếng.
Thấy Chứ Đa đang ngủ bật cười, A Pẩu hỏi:
- Chứ Đa à, mày cười gì thế?
Chứ Đa tỉnh giấc, dụi mắt nói:
- Tao mơ được về nhà. Mơ thấy được cưới Thào Mỷ.
- Thào Mỷ nào?
- Bạn gái tao ở bản Sủng Pả.
- Đẹp không?
- Đẹp lắm! Tao chưa gặp đứa con gái nào đẹp như Thào Mỷ.
https://thuviensach.vn
Chứ Đa bỗng thấy mặt nóng phừng phừng khi nói về Thào Mỷ. Mắt nó sáng lên đầy kiêu hãnh, hướng cái nhìn về phía Sủng Pả. Nơi ấy có Thào Mỷ đang đầy đặn, rực rỡ lên từng ngày. Đã từ lâu nó để ý đến cô bạn gái xinh đẹp ở cùng bản. Mỗi lần đi cắt cỏ ngựa, đi chăn bò mà có Thào Mỷ là Chứ Đa rất vui, ngược lại hôm nào vắng Thào Mỷ là nó buồn ra mặt. Nhiều lúc ngồi cạnh Thào Mỷ, được nghe hơi thở thơm tho từ chiếc miệng chúm chím, được nhìn cặp má bầu bĩnh, lúc nào cũng đỏ hồng như vừa từ trong bếp lửa bước ra, Chứ Đa cứ thấy lâng lâng. Cái lâng lâng khó tả của một chàng trai mới lớn đang mon men đến cửa tình yêu. Chứ Đa bỗng thấy nhớ Thào Mỷ da diết. Hình ảnh người bạn gái cùng bản luôn ám ảnh Chứ Đa từ khi nó đặt chân đến Mã Lỳ. Hình ảnh ấy ngày càng sâu đậm hơn trong tâm trí nó.
- Dậy đi Chứ Đa! - A Pẩu gọi.
- Trời còn tối, dậy gì sớm?
- Đi cắt cỏ ngựa. Hôm nay ngựa về thêm hai con, phải cắt nhiều cỏ hơn. Cỏ ở gần hết rồi, phải đi xa mới có.
Điều ấy thì Chứ Đa đã biết, nhưng nó vẫn muốn nằm thêm chút nữa để có thể lại mơ thấy Thào Mỷ, hoặc được gặp Thào Mỷ trong sự tưởng tượng của chính mình.
Sáng hôm ấy A Pẩu và Chứ Đa vừa cắt cỏ, vừa nói chuyện rất nhiều về bản Sủng Pả, về các bạn của Chứ Đa, nhất là về Thào Mỷ.
A Pẩu ngập ngừng hỏi:
- Ngoài Thào Mỷ ra, còn đứa con gái nào không?
Chứ Đa nhìn A Pẩu, cười cười:
- Còn nhiều. Nếu mày thích thì hôm nào về Sủng Pả với tao.
https://thuviensach.vn
- Những đứa con gái khác có đẹp không?
- Đẹp, nhưng không bằng Thào Mỷ của tao.
- Thào Mỷ của mày? Làm sao mày biết được Thào Mỷ thích mày? Nhỡ lúc mày ở đây có đứa con trai nào khác kéo nó về làm vợ rồi thì sao?
- Thào Mỷ chỉ thích tao thôi. Tao là đầu lĩnh mà! - Miệng nói vậy nhưng trong bụng Chứ Đa vẫn rất lo. Biết đâu A Pẩu nói đúng thì sao? Mình ở xa chẳng biết thế nào thật. Tuy lo lắng, nhưng trong thâm tâm Chứ Đa vẫn tin rằng Thào Mỷ chỉ thích mỗi mình nó. Chỉ yêu nó thôi.
A Pa dạy chữ nho cho Chứ Đa vào buổi chiều mỗi ngày. Ông cho cả thằng A Pẩu cùng học theo Chứ Đa. A Pa rất vui khi thấy Chứ Đa học giỏi, thằng A Pẩu cũng đỡ dốt hơn. A Pa thấy rất lạ, bởi chưa đầy một năm mà Chứ Đa đã đọc thông viết thạo được hầu hết số chữ do ông dạy. A Pẩu cũng biết đọc, biết viết nhiều hơn. Nhìn tướng mạo Chứ Đa, ông đoán sau này nó sẽ làm nên việc lớn.
Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng A Pa cũng đồng ý dạy võ cho cả Chứ Đa và A Pẩu. Trước khi dạy võ cho hai đứa, A Pa hỏi:
- Chứ Đa học võ làm gì?
- Con học để bảo vệ thân mình và giúp đỡ người khác. Nếu gặp bọn cướp hay kẻ xấu chèn ép dân lành con sẽ ra tay cứu họ, giống như ngày trước A Pa đã cứu Pủ Sá. Con học võ cho cái tay, cái chân cứng cáp để làm được những việc khó.
- Sao Chứ Đa biết trước đây ta đã cứu Pủ Sá? Mà nó là một kẻ ngang ngược chứ đâu phải dân lành?
- Chuyện đó A Pẩu kể cho con nghe. Pủ Sá không phải dân lành, nhưng khi bị bọn cướp chém ngã rồi thì A Pa phải cứu thôi.
https://thuviensach.vn
- Chứ Đa nói đúng. Đã là một võ sĩ đạo thì phải biết cứu giúp những kẻ gặp nạn, bất kể đó là ai. - A Pa khen Chứ Đa.
Cứ sau giờ học chữ, A Pa lại dẫn hai đứa ra bãi đất rộng sau nhà luyện võ. Có bạn cùng tuổi học với nhau, A Pẩu và Chứ Đa tiến bộ rất nhanh. Lúc đi cắt cỏ ngựa hai đứa thường dành ra một khoảng thời gian đấu tay đôi để rèn luyện nên các đường quyền ngày càng thành thục, chính xác và mạnh mẽ. Đang tuổi vỡ tiếng, được ăn uống tốt, rèn luyện đúng bài bản, cả A Pẩu và Chứ Đa lớn nhanh như thổi. Đứa nào cũng phổng phao, rắn rỏi, bắp tay, bắp chân bắt đầu săn chắc.
Thỉnh thoảng Pủ Sá lại đến nhà A Pa thăm Chứ Đa, bàn với A Pa điều gì đó, để lại một túi bạc trắng, rồi đi. Lão bảo số bạc ấy để trả công thầy dạy dỗ thằng Chứ Đa. A Pa chẳng cầm, nhưng lão Pủ Sá cứ để lại. Những lúc như vậy Chứ Đa thấy Pủ Sá cũng không phải là người xấu. Chỉ có điều nó thấy đôi mắt của Pủ Sá luôn gian giảo, con người lão ta đầy bí ẩn, quyền uy. Nói chung Chứ Đa vẫn rất sợ Pủ Sá. Tuy sợ nhưng nó vẫn quyết chí tìm bằng được bí quyết chế biến thuốc phiện từ loại thô thành loại “thượng hảo hạng” của Pủ Sá để sau này về Sủng Pả sẽ làm theo, bán được nhiều tiền.
** *
Biết tin Pủ Sá sang Ai La - một vùng đất xa lạ, giầu có - để mở rộng phạm vi làm ăn, nhất là khai thác nguồn lợi từ buôn bán thuốc phiện, Chứ Đa liền tìm cách vào cái hang nơi mọi khi Pủ Sá cùng bọn người hầu vẫn chế biến thuốc phiện “thượng hảo hạng”. Nó lục lọi khắp các ngõ ngách chẳng thấy gì. Những chỗ mọi ngày đun nấu nay chỉ còn là đống tro tàn lạnh ngắt. Không nản chí, nó quyết tìm bằng được chỗ cất giấu đồ nghề của Pủ Sá để xem xét. Thấy một phiến đá phẳng phía bên trái có vẻ như không liền với vách hang, Chứ Đa đẩy mạnh. Phiến đá chuyển động và từ từ hé mở. Thì ra đó là một cánh cửa đá bí mật. Chứ Đa hồi hộp lẻn vào bên trong. Mắt nó hoa lên khi thấy một đống đồ nghề gồm nồi đồng, chảo gang, gáo sắt, bát sứ, bình lọ... Chứ Đa biết đấy là những thứ dùng để nấu thuốc
https://thuviensach.vn
phiện. Nó xem xét kỹ từng thứ, cố nhập tâm để nhớ. Chứ Đa tiếp tục tìm kiếm tiếp xung quanh. Lại một phiến đá phẳng nằm đè lên mô đá cao, Chứ Đa thấy khác thường liền cậy lên xem. Người nó bỗng toát mồ hôi khi thấy trong hốc đá có một cuốn sách viết bằng chữ nho. Vốn chữ mà Chứ Đa học được từ A Pa đã giúp nó đọc hết nội dung cuốn sách. Đó là cách thức bí truyền nghề nấu thuốc phiện thô thành thuốc “thượng hảo hạng”. Thoạt đầu Chứ Đa định đem về chép, nhưng nó sợ lộ bèn cắm cúi đọc. Cuốn sách khá dầy, nhưng nhờ trời phú cho một trí nhớ đặc biệt nên Chứ Đa đọc đến đâu hiểu đến đó và nhớ được cơ bản cách thức chế biến bí truyền kia. Nó đọc lại một lần nữa rồi gấp cuốn sách bỏ vào chỗ cũ, đậy hòn đá lên. Chứ Đa xem lại thật kỹ các đồ nghề một lần nữa mới yên tâm ra khỏi hang. Vừa bước ra cửa hang, nó bỗng lạnh toát sống lưng khi nhìn thấy một người đàn ông ôm bọc gì đó trong túi vải gai, lặng lẽ chui vào. Không còn đường thoát, Chứ Đa chủ động tấn công. Nhờ những bài võ học được của Pủ Sá và A Pa, chỉ sau vài “cước” nó đã hạ gục người đàn ông kia. Chứ Đa giở túi vải gai ra, người nó chợt nóng lên hầm hập khi thấy đó là một túi thuốc phiện dễ đến vài chục cân. Nhìn thấy túi thuốc phiện, lòng tham của Chứ Đa nổi lên. Nó nghĩ, nếu có được số thuốc phiện này mang về Sủng Pả chế thành thuốc "thượng hảo hạng" thì chả mấy chốc mà giầu. Cái ước muốn làm giầu nhanh chóng thôi thúc Chứ Đa, cộng với ý nghĩ sợ bị lộ đã xui khiến nó tính đến chuyện cướp lấy số thuốc phiện này. Nó liều nghĩ đến một việc làm đen tối là giết chết người đàn ông (mà nó đoán là hầu cận của Pủ Sá) đang nằm bất tỉnh dưới chân nó. Sau một thoáng ngần ngừ, mắt Chứ Đa quắc lên dữ tợn, môi nó bặm lại như nín thở. Nó vác người đàn ông ra ngoài hẻm vực, ném xuống đáy hang sâu!
Xong việc, Chứ Đa nằm vật ra bãi cỏ thở hổn hển. Người nó như lên cơn sốt. Nó thấy ân hận, thấy tâm can mình bị giày vò vì đã làm một điều ác là giết người. Nhưng “thằng ác” trong con người Chứ Đa lại an ủi nó rằng, muốn làm nên nghiệp lớn thì có lúc phải thế. Nó đứng dậy ôm bọc thuốc phiện tìm chỗ kín giấu đi, rồi trở về nhà A Pa. Chứ Đa đi thất thểu như kẻ mất hồn.
https://thuviensach.vn
- Mày đi đâu về đấy Chứ Đa?
Tiếng thằng A Pẩu từ phía tầu ngựa làm Chứ Đa giật mình. Sau phút hốt hoảng, nó cố trấn tĩnh nói với A Pẩu:
- Tao nhớ cha, nhớ mẹ đi chơi loăng quăng.
Nhìn Chứ Đa thất thần như người ốm, A Pẩu gọi A Pa:
- Cha à, hình như Chứ Đa bị ốm đấy!
- Con chẳng sao đâu, chỉ mệt tí thôi! - Chứ Đa nói với A Pa, đôi mắt nó ngấn nước. Nó nhìn A Pa lòng đầy lo lắng vì sợ lộ ra cái chuyện tày trời mà nó vừa làm trong hang đá lúc trước. May mà A Pa không nhận ra điều khác thường của nó.
A Pẩu bảo:
- Hay là cha cứ xem bệnh, bắt mạch cho nó đi!
Thực ra cha A Pẩu không giỏi bốc thuốc Nam như mẹ, nhưng cha lại có biệt tài bắt mạch và dùng khí công chữa bệnh. Hồi mẹ A Pẩu còn sống, những người bị ốm thường đến cho cha xem bệnh, bắt mạch. Sau khi cha nói bệnh của họ, mẹ dựa vào đấy đi nhặt thuốc Nam. Lúc bắt mạch cha chỉ dùng ba ngón tay của mình đặt vào mạch máu ở cổ tay người bệnh một lúc là biết họ bị bệnh gì. A Pẩu nghĩ cha mình thật là giỏi.
A Pa bảo Chứ Đa ngồi cho ông bắt mạch. Lát sau ông chậm rãi nói với A Pẩu:
- Chứ Đa không bị bệnh gì đâu, chỉ bất ổn tâm thần chút thôi. Chắc nó đi xa đã lâu, nhớ cha mẹ quá nên sinh ra thế. Con ngựa xa tầu còn biết nhớ bạn cơ mà!
Quay về phía Chứ Đa, A Pa bảo:
https://thuviensach.vn