🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tay Không Gây Dựng Cơ Đồ
Ebooks
Nhóm Zalo
TAY KHÔNG GÂY DỰNG CƠ ĐỒ
Tác giả: Vikrom Kromadit
Ebook thực hiện dành cho những bạn chưa có điều kiện mua sách.
Nếu bạn có khả năng hãy mua sách gốc để ủng hộ tác giả, người dịch và Nhà Xuất Bản
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
Về Tác giả
Ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Tập đoàn Amata, là một doanh nhân thành đạt nổi tiếng, đã được tạp chí Forbes của Mỹ xếp hạng trong danh sách 40 tỷ phú giàu nhất của Thái Lan (2006-2008). TTO sẽ trích đăng tự truyện của ông trong những ngày tới.
Ông là tác giả của loạt sách tự truyện “Hãy làm người tốt” được giới trẻ Thái Lan ưa thích với một triệu cuốn đã được bán, và còn là một diễn giả có uy tín, thường xuyên xuất hiện trên các đài phát thanh và truyền hình Thái Lan với các chuyên đề về kinh tế và xã hội như “Tầm nhìn CEO” và “ Vòng quanh thế giới cùng Vikrom”, được dư luận Thái Lan đánh giá cao.
Ông đã góp 50 triệu đô la tiền cá nhân để thành lập Quỹ từ thiện “Amata Foundation”, và tuyên bố sẽ hiến toàn bộ tài sản riêng của mình cho quỹ này sau khi ông nghỉ hưu.
Cuốn sách “Tay không xây dựng cơ đồ” là cuốn mới nhất trong loạt sách tự truyện của Vikrom, nói về quá trình gây dựng cơ nghiệp của ông trong 30 năm qua, từ khi còn là sinh viên mới ra trường với bàn tay trắng, có lúc trong túi chỉ còn 25 xu, không đủ tiền vé đi xe buýt, nhưng với hoài bão và quyết tâm làm giàu ông đã lao vào kinh doanh từ rất sớm và bền bỉ phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn trở ngại để cuối cùng trở thành ông chủ của một tập đoàn hàng đầu của Thái Lan như ngày nay , với tài sản riêng hàng trăm triệu đôla.
Bằng những câu chuyện sinh động “người thật việc thật” đã trải qua, Vikrom đã mô tả chân thực cuộc đời đầy sóng gió của mình, cả mặt tốt lẫn không tốt, những sai lầm mắc phải và những bài học kinh nghiệm dể không ngừng hoàn thiện bản thân.
Ông nêu lên bí quyết thành công của mình, đó là sống có ước mơ “vì ngày
mai tốt đẹp hơn hôm nay” và điều quan trọng là phải kiên trì,quyết tâm vượt qua mọi thách thức, dù phải “cưỡng lại số phận” và luôn giữ vững niềm tin “chừng nào còn hơi thở thì còn hy vọng và không dừng bước, vì phía trước vẫn còn cơ hội”.
Ước mơ và quyết tâm làm giàu, trở thành “ông chủ” bằng chính đôi tay và khối óc của mình đã ăn sâu bám rễ “thấm vào ADN” như lời ông nói, từ khi ông còn nhỏ tuổi, do phải bươn chải giúp gia đình kiếm sống, như đi bán lạc rang khi còn học lớp 3, và sau đó “lội suối băng rừng” giúp cha khai hoang trồng trọt . Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học ở tuổi 22 , ông đã không đi làm thuê để có thu nhập ổn định như đa số bạn cùng lứa, mà chọn con đường mạo hiểm là thành lập công ty riêng để kinh doanh xuất khẩu các hàng nông sản và thủ công mỹ nghệ, bằng số vốn ít ỏi vay của mẹ và chị họ.
Chương 1: Ông chủ 25 xu
Tôi không biết các doanh nhân thành đạt trên thế giới đã bắt đầu sự nghiệp của họ như thế nào, cần phải học ở trường nào ra, có những kinh nghiệm gì và phải là người được xã hội công nhận đến đâu, và điều quan trọng họ cần có bao nhiêu vốn liếng, riêng đối với tôi, dường như mọi thứ đều bắt đầu từ con số không.
Tôi vốn là một cậu bé quê mùa, thuở nhỏ không được học hành đến nơi đến chốn và lớn lên tại thủ đô Bangkok. Tôi chưa từng trải qua trường lớp đào tạo nào về kinh doanh, cũng chẳng có kinh nghiệm làm việc trong một tổ chức thương mại chính thức nào, ngoại trừ những gì học được từ công việc của một tiểu thương nhỏ theo kiểu truyền thống tại tỉnh Kanchanaburi, mà nhờ đó tôi biết được cách thức mua đi bán lại kiếm ít đồng lãi còm cõi.
Tôi chẳng có đồng vốn nào để đầu tư. Thậm chí, có ngày trong túi quần tôi chỉ còn vỏn vẹn 25 xu, nhưng trong túi áo sơ mi của tôi là cả một xấp danh thiếp của các chủ hãng xuất nhập khẩu!
Thực ra, tôi cũng chẳng có gì khác với nhiều nam nữ thanh niên lúc bấy giờ, những người có ước mơ, hoài bão và muốn xây dựng cho mình một tương lai tốt đẹp, với nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao và có một địa vị xã hội nhất định. Và, để đạt được mục tiêu đó, điều trước tiên là bạn phải học hành đến nơi đến chốn. Thú thật, trước khi tốt nghiệp cử nhân tại trường Đại học Đài Bắc, tôi không hề có ý định trở lại Thái Lan, thậm chí tôi còn có ý muốn định cư ở nước ngoài vì thấy có nhiều cơ hội làm ăn tốt hơn.
Ngoài ra, vào thời đó môi trường sống ở nước ngoài cũng tốt hơn ở Thái Lan rất nhiều, đặc biệt là không có chuyện lạm dụng quyền lực và tham nhũng như trong xã hội Thái. Hai tệ nạn này chẳng khác gì những con đỉa đói chuyên hút máu thịt của nhân dân và làm cho đất nước suy kiệt. Chúng là
nguyên nhân làm cho tôi cảm thấy khó chịu mỗi khi quay trở lại Bangkok.
Tuổi trẻ thường hăng hái và không muốn ràng buộc với bất cứ điều gì, nên tôi đã nghĩ rằng mình sống ở đâu cũng được, miễn là ở đó mình cảm thấy hạnh phúc, dễ chịu. Tuy nhiên như đã nói, nấc thang đầu tiên đưa tôi đến với thế giới rộng lớn là việc học hành, càng học cao, như có bằng thạc sĩ tại các trường danh tiếng trên thế giới chẳng hạn, chắc chắn sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để bước vào đời.
Ngoài ra, học tập trong môi trường có nhiều người học giỏi sẽ kích thích bản thân phải tự điều chỉnh, có nhiều quyết tâm hơn để thi đua với bạn bè xung quanh. Do không phải là người học giỏi bẩm sinh, nên dù đã gửi đơn xin học bổng tại các trường danh tiếng như Berkeley, Yale, MIT hay Stanford, chẳng nơi nào nhận tôi cả, có lẽ vì kết quả học tập của tôi chưa đáp ứng yêu cầu của họ.
Do mê ngành hàng không và ước mơ trở thành phi công từ thời niên thiếu, và vì muốn tránh cạnh tranh quyết liệt trong ngành cơ khí vì có quá nhiều thí sinh tham gia nên tôi dự định sẽ học tiếp ngành kỹ thuật hàng không tại Đại học Toronto, Canada. Lúc đó chưa có nhiều người quan tâm học ngành này. Nhưng khi nhận được thư của trường trả lời đồng ý tiếp nhận với điều kiện tôi phải tự túc chứ không có học bổng, tôi đã nhụt chí.
Năm 1976, học phí mỗi năm vào khoảng 20.000 đôla Canada, tức khoảng 400.000 bạt Thái, trong khi toàn bộ gia tài tôi chỉ có 40.000 đôla Đài Loan, tức chỉ vào khoảng 20.000 bạt mà thôi. Vì không đủ tiền để học tiếp nên tôi đành gác lại việc học nhưng vẫn tâm niệm sẽ cố gắng tìm việc làm và tiết kiệm cho đến khi có đủ tiền học tiếp.
Trải qua nhiều sóng gió của giai đoạn chập chững ban đầu, có lúc tưởng như không thể vượt qua, ông đã đưa Công ty V&K, do một mình ông làm chủ và kiêm nhân viên, với vốn đang ký vài ngàn đô la, trở thành công ty
xuất khẩu cá hộp hàng đầu của Thái Lan, vơi doanh thu hàng chục triệu đô la, trong vòng 10 năm.
Năm 1988, nhìn thấy triển vọng Thái Lan sắp trở thành một địa điểm thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, bằng số vốn tích lũy được gấp 100 lần số vốn ban đầu , ông tìm thêm đối tác cùng nhau thành lập Công ty Bang Pakong để xây dựng và kinh doanh khu công nghiệp nhằm tận dụng làn sóng đầu tư nước ngoài , và sau đó công ty này không ngừng mở rông và phát triển trở thành Tập đoàn Amata, sở hữu nhiều khu công nghiệp rộng lớn tại Thái Lan và Việt Nam,với doanh thu hàng trăm triệu đô la .
Đây không phải là cuốn sách cốt để khoe khoang thành tích cá nhân, mà thực sự là “cuốn cẩm nang” phong phú và sinh động về những triết lý, các bài học và kinh nghiệm thực tế trong kinh doanh, đặc biệt là kinh nghiệm làm thế nào để xây dựng thành công một doanh nghiệp nhỏ từ tay không trở thành một tập đoàn lớn bền vững, bao gồm những vấn đề cốt lõi như: tầm nhìn chiến lược tận dụng thời cơ, chiến thuật trong kinh doanh, cách huy động vốn, công tác tiếp thị, thâm nhập thị trường thế giới, thủ thuật đàm phán thương lượng, chọn lựa đối tác, nghệ thuật bán hàng, quản lý tài chính và quản trị doanh nghiệp có hiệu quả, tuyển chọn nhân viên và quan hệ công chúng..
Cuốn sách không chỉ nói về kinh nghiệm làm giàu, mà trước hết là sách học làm người, và đạo đức trong kinh doanh.Với các triết lý đậm màu sắc phương Đông như “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, “tri túc bất nhục”…tác giả khẳng định giàu sang thì ai cũng muốn, nhưng phải “làm giàu bằng sự trung thực và lẽ phải , không được gian trá , làm hại người khác mà có”. Đặc biệt là đừng tham lam quá, phải biết đâu là điểm dừng.
Trên tất cả là xác định mục đích sống để làm gì. Khi ước mơ làm giàu đã trở thành hiện thực, thì ông không sống xa hoa hưởng lạc trên đống tiền kiếm được, mà trỏ lại cuộc sống bình dị, thanh bình và yên tĩnh trong khung
cảnh thiên nhiên của núi rừng, và dành phần lớn tài sản riêng để làm từ thiện, vì ông quan niêm “Tiền trong túi mà không cần dùng đến, thì không phải tiền của mình” nếu cứ giữ lại thì sẽ rất lãng phí, mà nên trao lại cho xã hội để dành cho những người cần hơn.
Hiện nay, trên thị trường sách nước ta đã có khá nhiều sách nói về cách làm giàu, học làm người, nhưng phần lớn là sách dịch của Mỹ và Phương Tây, sách của các nước Đông Nam Á láng giềng , như Thái Lan, hầu như chưa có, vậy thiết nghĩ đây là cuốn sách tham khảo bổ ích cho các độc giả Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, và góp phần làm phong phú thêm kho tàng sách của nước ta.
Tuy nhiên việc kinh doanh tại đất khách quê người không phải là điều đơn giản, nhất là khi bạn không quen biết ai, không có chỗ dựa tài chính và các vấn đề khác.
Phần lớn những người tôi quen biết tại Đài Loan đều là bạn học cũ. Đối với bạn hàng, vì chưa quen thân nên tôi không dám đặt vấn đề nhờ họ giúp đỡ. Cái tính không muốn làm phiền ai của tôi có thể là do từ nhỏ tôi làm việc trong nhà theo lệnh của bố.
Khi bố ra lệnh tôi chỉ có một việc là làm cho xong mà không được hỏi ý kiến hay nhờ bố giúp đỡ. Điều đó cũng có cái hay là tôi được dạy cách tự mình giải quyết vấn đề, không bỏ dở công việc, bám việc cho đến khi làm xong mới thôi.
Do không tìm được người đỡ đầu tại Đài Loan, và cũng do có lời ngỏ ý từ một người bạn của bố tôi mời về giúp thành lập nhà máy sản xuất bột giấy tại tỉnh Kanchanaburi nên tôi đã không do dự sắp xếp ngay hành lý trở về Thái Lan với suy nghĩ lúc đó là sẽ cố gắng làm việc trong vòng hai, ba năm để dành dụm đủ tiền để sang Canada học tiếp mà không mảy may chuẩn bị trước tâm thế sẽ gặp phải thất bại sau đó.
Tại Bangkok, lúc đó tôi chỉ có một người thân là bác Hiêng, chị gái của bố tôi, là người tôi quý trọng như mẹ đẻ của mình. Tôi chơi với các anh chị con của bác Hiêng từ nhỏ nên không gặp khó khăn gì trong việc chung sống một nhà như một thành viên trong gia đình.
Nhà bác Hiêng nằm tại dãy phố bốn tầng tại Klong san, Thonburi bên kia sông đối diện với nội thành Bangkok. Tôi được gia đình bác cho ở một mình cả tầng ba, có căn phòng riêng mà tôi xem là một tổ ấm nho nhỏ, gọn gàng sạch sẽ trong một ngôi nhà đầy tình thương yêu và hạnh phúc. Một kỷ niệm đẹp suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên.
Sau đó, tôi còn xin phép dùng căn nhà của bác Hiêng làm trụ sở Công ty V&K Enterprise, Ltd. – tên viết tắt của tôi,Vikrom và cô bạn gái Kelly, người Đài Loan. Vốn đăng ký của công ty chỉ là 250.000 bạt, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 25% nhờ số tiền tôi vay của mẹ tôi và chị Tu, con gái của bác tôi, làm nghề bán rau quả tại chợ.
Tôi gửi tiền tại chi nhánh ngân hàng Bank of American tại phố Suravông với lãi suất 3%. Hôm đến mở tài khoản, cô nhân viên ngân hàng niềm nở đón tiếp tôi lại còn nói đùa rằng một ngày nào đó cô sẽ đến công ty xin làm một chân nhân viên làm lòng tôi xốn xang và thầm nghĩ số làm ông chủ của mình sắp tỏa sáng đến nơi.
Để xứng danh ông chủ, tôi cần có danh thiếp. Thế là tôi đặt in thiếp với chức vụ Giám đốc Công ty V&K, với lô-gô hình bông lúa và chiếc xẻng quyện vào nhau, biểu trưng cho ngành kinh doanh xuất nhập khẩu hàng nông sản và khoáng sản. Lý do tôi chọn ngành này trước hết là vì ít nhiều tôi có quen biết với công việc này khi còn là sinh viên, thứ hai là vì tôi không có
nhiều vốn liếng để đầu tư vào ngành khác.Việc làm đại lý xuất nhập khẩu rất thích hợp với hoàn cảnh của tôi lúc đó.
Mỗi buổi sáng trước khi rời khỏi nhà bác Hiêng, tôi phải “nạp” đầy đủ
năng lượng để làm việc đến giữa trưa bằng cách ăn thật no. Món ăn sáng ưa thích nhất của tôi là cơm đĩa, vừa rẻ vừa no lâu hơn ăn hủ tiếu mì.
Tôi dùng phần lớn thời gian trong ngày để tìm kiếm khách hàng bằng cách liên hệ xin tài liệu từ các đại sứ quán, phòng thương mại và các cửa hàng với phương tiện đi lại chủ yếu là đôi chân. Đôi giày tôi đi mòn đế phải đi sửa nhiều lần, đến nỗi người thợ sửa giày lắc đầu ngao ngán vì không thể sửa thêm nữa.
Còn chiếc quần tây tôi mặc từ thời sinh viên vẫn còn dùng được mặc dù trông không bảnh bao cho lắm. Mỗi tối khi trở về nhà tôi lao vào bàn ăn ngấu nghiến bất kể thứ gì bác Hiêng dọn sẵn vì đói bụng. Sau đó, tôi giúp bác trai viết thư và ra bưu điện để đánh điện tín gởi cho các khách hàng của bác tôi, gần như tối nào cũng vậy.
Ba, bốn tháng trôi qua mà công việc kinh doanh của tôi chưa có dấu hiệu tiến triển, trong khi số tiền dành dụm trong thời gian tôi ở Đài Loan cứ vơi dần. Đến tháng thứ tư, trong túi tôi chỉ còn lại 10 bạt, tôi không dám mở miệng hỏi vay bác gái vì bác đã cưu mang cho ăn ở đã là quá tốt rồi. Hôm đó tôi lang thang ở khu vòng xoay Odian suốt cả ngày mà quên khuấy đi rằng trong túi chỉ còn có 10 bạt.
Sau khi trả tiền cơm trưa, tôi còn đúng 25 xu, vừa đủ tiền đi phà qua sông Chaopraya để về nhà. Nhưng đoạn đường từ vòng xoay Odian đến bến phà Sipraya lại khá xa. Lúc đầu tôi tính sử dụng bạn đồng hành là cặp giò để cuốc bộ, nhưng nghĩ lại thấy quãng đường khá xa, cộng với cảm giác mệt nhọc sau cả ngày đi thang lang trên đường phố nên tôi quyết định đi “lậu vé” xe buýt.
Nếu người bán vé đứng cửa trước, tôi sẽ nhảy lên xe qua cửa sau và lẩn nhanh vào giữa khoang. Nếu người bán vé nhằm đến tôi, tôi sẽ nhảy xuống đường rồi chờ đi xe khác. Thật ra tôi không chủ ý đi lậu vé, nhưng làm sao
bây giờ khi mà trong túi chỉ còn 25 xu, số tiền chỉ vừa đủ để đi phà qua sông. Sau khi mua vé phà, tôi không còn một xu dính túi, nhưng lòng tràn đầy quyết tâm kiếm tiền bằng được để có thể đi học tiếp.
Chương 2: Theo đuổi ước mơ đến cùng
Từ nhỏ, tôi đã là người hay mơ mộng và luôn cảm thấy hạnh phúc với những ước mơ của mình. Tôi nghĩ nuôi ước mơ chẳng nhọc nhằn hay tốn kém gì, mà nó giúp tôi có trí tưởng tượng và nảy sinh ra những ý tưởng mới.
Tôi tin rằng ước mơ chính là nguồn dinh dưỡng cho sự tiến bộ của loài người.
Thời sinh viên, có ngày tôi ngồi mơ mộng một mình tại một nhà sàn bên cạnh hồ nước trước ký túc xá. Tôi mơ đến một ngày thành đạt, trở nên giàu có, vinh hoa phú quý giống như các lớp đàn anh trong trường đã thành đạt trong sự nghiệp làm công chức hay làm kinh doanh.
Tất nhiên việc được học tại một trường đại học danh tiếng ở nước ngoài làm tôi không tránh khỏi cảm giác tự cao, nhìn cái gì cũng cho là chuyện nhỏ. Tôi tự nhủ nếu các lớp đàn anh đều thành đạt mà không có khó khăn gì thì tại sao tôi lại không làm được như thế.
Tôi ngồi đăm chiêu cho đến khi anh Hu Chang Chư, người bạn học cùng phòng đến vỗ vào vai tôi và nói rằng đừng có mơ mộng nhiều quá mà nên tập trung học cho xong đã. Thật ra tôi chưa bao giờ chểnh mảng trong việc học mặc dù tôi vừa học vừa làm. Tôi chỉ dành thời gian cho việc buôn bán hay tham quan các hội chợ vào những ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hoặc những kỳ nghỉ hè mà thôi.
Khi kết quả học tập của tôi dưới 80% so với năm đầu, tôi tự bào chữa rằng đó là do các môn học khó hơn và một số giáo viên giảng không hay nên tôi mất hứng thú, dù sự thật là vì tôi dành thời gian và sự quan tâm cho việc kinh doanh nhiều hơn.
Có thể do có ước mơ và thiên hướng làm ông chủ bẩm sinh nên tôi không bao giờ có ý nghĩ sẽ trở thành người làm công ăn lương. Từ nhỏ đến lớn tôi luôn suy nghĩ phải xây dựng cơ nghiệp cho bản thân bằng đôi bàn tay và cái đầu của mình, giống như các ông chủ thời xưa, mà không mảy may nghĩ xem bản thân thích hợp nhất với công việc gì và nên bắt đầu từ đâu.
Có nhiều điều tôi nghĩ rằng mình biết nhưng thực ra tôi chẳng biết gì. Tôi cứ như kẻ mò mẫm trong đêm tối. Nhưng tôi tin vào câu châm ngôn của phương Tây: “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường.” (Where there is a will, there is a way).
Tuy nhiên, con đường thành công luôn đầy chông gai. Đôi khi bạn cần phải thay đổi hướng đi, cách nghĩ, phương pháp làm việc, kể cả việc xem xét lại mục tiêu đích thực để khỏi bị lạc đường hay sa chân vào vũng bùn. Nói theo lý thuyết quân sự là bạn cần “thay đổi chiến thuật, nhưng không thay đổi chiến lược”.
Khi bắt tay vào làm kinh doanh một thời gian, tôi mới thấy có nhiều mặt tối hơn là mặt sáng, nếu không phải nói rằng mọi thứ đều tối om. Các môn lý thuyết mà tôi đã dày công học ở trường và cho rằng mình nắm chắc hóa ra chẳng dùng được, và cái thực tế cần thì chúng tôi chẳng bao giờ được học. Mọi thứ đều do tôi tự nghĩ ra, không có công thức hay mô hình nào. Điều quan trọng nữa là “không có đủ vốn dự trữ”.
Riêng số tiền không nhiều vay của mẹ và chị họ chỉ đủ cho chi tiêu vặt hàng ngày. Tôi không có người thân nào khác làm chỗ dựa. Tính tôi không muốn làm phiền ai, kể cả bác Hiêng, tôi cũng không dám mở miệng hỏi vay tiền. Anh Tháy, con trai bác Hiêng, cứ thúc tôi học tiếp ở Đài Loan nhưng mỗi khi tôi hỏi ý kiến anh về suy nghĩ của mình, anh ấy chỉ làm tôi nhụt chí bằng cách bàn lui: “Làm thế không được đâu, chẳng có cách nào đâu, khó lắm!”.
Mặc dù vậy, anh Tháy vẫn cho tôi vay 8.000 bạt để trả tiền thuê nhà tại Hẻm 20 đường Sukhumvit. Còn nếu tôi hỏi mượn những người cùng quê thì sẽ nhận được câu trả lời đại loại như: “Nếu khôn hồn thì trở về quê gặp bố mày, xin vài chục mẫu đất làm ruộng thế là sống khỏe rồi, đi tìm rắc rối mang vào mình làm gì!” Nhưng tôi hiểu rõ bố tôi và biết mình sẽ đương đầu với cái gì nếu dám vác mặt về xin bố, đặc biệt khi tôi là người luôn làm cho bố nổi giận.
Tôi không ngờ khi “tập trận” thì dường như mọi thứ đều dễ dàng nhưng đến khi “ra trận” không hiểu sao mọi thứ lại khó khăn đến thế, chẳng có điều gì diễn ra như mường tượng của tôi cả. May là tôi có tính gan lì, chịu khó nên thường cố chiến đấu đến cùng, chẳng khác những người bị dồn vào chân tường. Mỗi khi gặp phải khó khăn trở ngại lớn, tôi không bao giờ đầu hàng, khi thấy vấn đề quá sức chưa thể vượt qua, tôi tạm thời rời trận địa trở về nhà nghỉ ngơi và tìm phương cách, đến hôm sau tôi tiếp tục chiến đấu, và cứ như thế.
Thế rồi cũng đến ngày những hạt mưa rơi xuống cánh đồng khô hạn, khi tôi nhận được một đơn đặt hàng từ Nhật Bản mà đối với tôi nó giống như một “tin nhắn” từ trên trời ban xuống. Đây là đơn đặt mua hàng mây của cửa hàng “Nai Mươn” nằm đối diện nhà lao Klong Prêm mà tôi đã từng gửi mẫu hàng đi khắp nơi.
Mặc dù đơn đặt hàng không nhiều và giá trị không cao, chẳng thấm gì so với hàng trăm thư chào hàng tôi đã gửi đi, nhưng nó đã giúp tôi nhìn thấy tia sáng ở cuối đường hầm, dù tia sáng đó vẫn còn leo lét.
Nhưng niềm vui của tôi không kéo dài lâu. Khi đi gặp những người nông dân làm nghề đan mây tre lúc nông nhàn, tôi thấy sản phẩm do họ làm ra rất khó bảo đảm chất lượng, và cả kích thước lẫn hình dáng, theo đúng yêu cầu của người đặt hàng.
Hơn nữa, việc giao hàng cũng không bảo đảm cả về số lượng và thời gian theo yêu cầu của khách hàng. Vì vậy cuối cùng tôi mất cả chì lẫn chài, vừa mất hàng vừa mất tiền, mất cả thời gian và khách hàng đầu tiên của mình một cách đáng tiếc.
Mặt hàng thủ công mỹ nghệ thứ hai mà tôi gặp rắc rối là vòng đeo tay làm bằng sừng trâu. Việc bảo đảm kích thước vòng đeo tay theo mẫu là rất khó khăn do sừng trâu có kích thước không đồng đều nhau. Hơn nữa khi đi buôn mặt hàng này, tôi phải đi đi lại lại đến cơ sở sản xuất rất nhiều lần và phải kiên trì thương lượng giá cả theo yêu cầu của người đặt hàng, đến nỗi có lần ông chủ sản xuất nổi ghen vì cho rằng tôi có ý tằng tịu với vợ ông ta.
Thái độ của ông ta làm tôi rất bực mình, vì tôi không bao giờ có ý muốn dan díu với những người phụ nữ có chồng và tôi luôn luôn tách bạch chuyện tình cảm với kinh doanh. Tuy nhiên sau khi ông ta bớt giận, tôi đã làm rõ đầu đuôi câu chuyện và giải tỏa mọi mối nghi ngờ của ông ta.
Từ sự việc này, tôi đã tự xem xét lại mình xem có những thái độ và hành vi giao tiếp nào cần phải điều chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh để tránh rắc rối, hiểu nhầm có thể xảy ra.
Dù hai mặt hàng đầu tiên gặp thất bại nhưng tôi không chùn bước, tiếp tục đi tìm kiếm mặt hàng mới. Tôi tìm chỗ ở mới kết hợp dùng làm văn phòng công ty vì nhà bác Hiêng không tiện lợi để làm việc với khách hàng, hơn nữa việc dùng điện thoại nhà riêng của bác cho công việc kinh doanh cũng rất bất tiện, lại gây tốn kém cho bác ấy. Có lần, tôi đang liên hệ để bán bột khoai mì cho công ty Mitsui của Nhật thì ông Somsak, nhân viên của Mitsui gọi điện đến để kiểm tra. Đây là một thủ tục thông thường trong chuyện làm ăn của người Nhật. Nhưng người nhận điện thoại lại là bác Hiêng. Vì bác không biết gì về việc kinh doanh của tôi nên đã tỏ ra hốt hoảng tưởng rằng tôi đi gây chuyện với ai nên đã lúng túng không biết xử trí ra sao. Thật tội nghiệp cho bác Hiêng. Bác ấy chỉ là một bà nội trợ hiền lành không hề biết kinh
doanh là gì.
Để có được một chỗ thích hợp, tôi phải mất gần một tháng lùng sục khắp nơi. Cuối cùng tôi thuê căn nhà của ông bà Pipatkul, ở số 200, Hẻm 20 đường Sukhumvit, với giá thuê nhà mỗi tháng 5.000 bạt, trả trước hai tháng. Số tiền này, như mọi khi, tôi vay của mẹ tôi.
Khi ra riêng, ngoài tiền thuê nhà tôi phải chi nhiều khoản khác như tiền điện, nước, điện thoại, ăn uống và nhiều khoản chi tiêu khác. Khác với khi còn ở miễn phí nhà bác Hiêng , bây giờ mọi thứ tôi đều phải bỏ tiền túi ra nên tôi rất tiết kiệm. Tôi tìm mọi cách để có thể đủ sống và làm việc.
Mặc dù mặt tiền tôi treo biển công ty xuất nhập khẩu trông rất hoành tráng, nhưng ở sau nhà tôi là người nội trợ cho chính mình, mỗi ngày chỉ nấu một lần cho cả ba bữa ăn. Buổi sáng và buổi trưa tôi thường ăn cơm, buổi tối tôi cho cơm nguội vào nồi nấu thành cháo, cho thêm ít thịt heo, cà tím và rau thơm theo công thức học được từ bà nội khi tôi còn ở quê. Tuy vậy, mọi bữa tôi đều ăn hết nhẵn, không bỏ sót một hột cơm hay miếng thịt, miếng rau nào.
Còn về công việc kinh doanh của công ty, tôi vừa làm giám đốc, vừa làm nhân viên hành chính kiêm tiếp thị, bán hàng, giao hàng, chạy giấy tờ và cả tạp vụ. Nhưng việc tôi lo nhất lúc đó là nhận điện thoại, vì nhỡ có khách hàng gọi điện đến trong khi tôi ra khỏi nhà hoặc đang bận tay không kịp nhấc máy thì điều đó có nghĩa là tôi sẽ đánh mất khách hàng.
Do đó khi ở nhà tôi luôn canh chừng tiếng chuông điện thoại, bất kể đang làm gì, ngay cả đêm khuya tôi cũng kéo dây điện thoại vào tận đầu giường để cố gắng giữ liên lạc 24/24, quyết không để nhỡ bất kỳ cú điện thoại nào. Tôi cho rằng điện thoại là cánh cửa dẫn đến những cơ hội mà tôi sẽ không để nó tuột khỏi tay mình.
Hồi còn ở nhà bác Hiêng, tôi đi rất nhiều nơi để tìm cách xuất khẩu các mặt hàng nông sản, vốn rất phong phú ở Thái Lan. Cách làm của tôi là đi xe đò đến các tỉnh, từ Kanchanaburi nơi tôi sinh ra đến Suphanburi, Lampang và cuối cùng là Chiêngmai để lấy mẫu các loại trái cây và rau quả.
Tôi cũng liên hệ với cơ quan xúc tiến thương mại và phòng thương mại. Qua đó tôi có dịp làm quen với ông Thapana Bunnak, người đã cho tôi nhiều thông tin về những khách hàng nước ngoài có khả năng mua hàng của tôi. Tôi cũng để lại tài liệu cho phòng thương mại trong đó nêu rõ những mặt hàng tôi có thể xuất khẩu.
Sau một thời gian đi tìm hiểu các nơi sản xuất hàng nông sản, tôi đi đến quyết định chọn bột sắn làm mặt hàng xuất khẩu. Đây là hàng nông sản được nông dân các tỉnh Chonburi và Rayong sản xuất rất nhiều, gia đình nào cũng trồng và dùng khoảnh sân trước nhà làm sân phơi.
Đến tìm hiểu tại các nhà máy làm bột sắn, tôi biết bột sắn và tapioca là một trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Thái Lan, khối lượng xuất khẩu hàng năm rất lớn. Sau khi tìm hiểu kỹ mặt hàng này, tôi nhanh chóng rời Chonburi trở về Bangkok để tìm khách hàng nước ngoài muốn nhập bột sắn của Thái Lan, mục tiêu của tôi là Nhật Bản, nuớc nhập khẩu bột sắn lớn nhất của Thái Lan.
Như tôi đã nói về thông lệ làm ăn của người Nhật là thường họ tiến hành điều tra xem xét lý lịch của đối tác rất kỹ lưỡng. Kết quả là những công ty mới ra đời, chưa có uy tín thương mại và chưa có thành tích xuất khẩu như công ty của tôi sẽ chẳng có cơ hội nào để nhận được đơn đặt hàng từ các công ty Nhật. Và vì vậy, ước mơ xuất khẩu của tôi vẫn chỉ là ước mơ.
Lúc đó tôi cảm thấy như đang lái một chiếc xe với bình xăng gần cạn, chắc chắn không thể chạy được xa, hơn nữa lượng “xăng” dự trữ mà tôi nghĩ sẽ vay tiếp của mẹ cũng không còn bao nhiêu nữa. Nhìn lên phía trước, tôi
cảm thấy ái ngại, băn khoăn không biết vì sao con đường trước mặt mình có nhiều chông gai, ổ gà, ổ voi đến thế! Dường như chẳng có cơ hội hay con đường kinh doanh nào dành cho tôi cả!
Thực ra, vấn đề có thể chỉ là do mới vào nghề, kém hiểu biết cùng sự thiếu kinh nghiệm kinh doanh khiến tôi không biết nên bắt đầu từ đâu, làm gì trước và làm gì sau. Tệ hơn nữa là tôi không biết mình đang ở đâu và nên làm gì. Tôi cảm thấy như mình đang bị cuốn ra biển lớn mà chẳng biết phải xoay trở thế nào, trong khi thời gian cứ vùn vụt trôi qua.
Điều tệ hại nhất là cảm giác chân tay bị trói chặt và chính cái cảm giác này đẩy tôi chìm dần trong một đống các vấn đề và gánh nặng chi phí tại ngôi nhà mới thuê, chẳng khác gì lái chiếc xe vào ngõ cụt trong đêm mù mịt, không biết sẽ thoát ra như thế nào và phải mất bao nhiêu thời gian.
Chương 3: Cưỡng lại số phận
Việc tiếp cận khách hàng là các công ty lớn của Nhật không dễ như đi bán lạc rang thuở nào của tôi. Lúc này tôi đã bắt đầu hiểu ra rằng văn hóa và tập quán làm ăn của người Nhật rất có quy củ, thứ tự trước sau rất phức tạp và rắc rối.
Nhưng điều đó không làm cho tôi chùn bước hay mất tinh thần, cùng lắm thì tạm rút lui để lấy sức, củng cố lực lượng và chờ đến ngày lớn mạnh hơn hoặc có cơ hội sẽ quay lại cũng không muộn. Bởi vì lúc này tôi chẳng có gì trong tay để thuyết phục bất cứ một công ty Nhật nào chấp nhận.
Đồng thời tôi cũng có ý nghĩ khác. Tôi thử liên hệ với các công ty của Đài Loan và Hồng Kông, vì hình như các công ty này dễ dàng hơn trong việc chấp nhận các đối tác là công ty nhỏ, mới thành lập như công ty của tôi mà không phải điều tra tìm hiểu nghiêm ngặt như các công ty Nhật. Hơn nữa, tôi cũng có kinh nghiệm với các công ty này trong thời gian học tại Đài Loan, vì dù sao thì người Hoa với nhau vẫn dễ nói chuyện hơn bằng một ngôn ngữ chung, nhất là với một doanh nhân nhỏ bé như tôi.
Quyết định như thế, tôi bắt đầu tìm hiểu tài liệu của Cục Hải quan và các hãng tàu biển về quan hệ thương mại giữa Thái Lan và Đài Loan, Hồng Kông để tìm kiếm cơ hội. Do lúc đó có rất ít các công ty Đài Loan buôn bán bột sắn nên tôi chỉ có danh sách một vài công ty. Không chần chừ, tôi viết thư bằng tiếng Hoa giới thiệu công ty của tôi và gửi bưu điện hỏa tốc đến các công ty tại Đài Loan và Hồng Kông.
Sau khi chờ đợi vài tuần lễ mà không hề nhận được hồi âm nào, tôi nghĩ nên dùng cách khác là nói chuyện trực tiếp bằng điện thoại quốc tế, dù lúc đó tôi không có nhiều tiền, nhưng so với chi phí thuê nhà và các khoản chi phí khác thì vẫn chấp nhận được.
Thời đó gọi điện thoại quốc tế phải đến tổng đài điện thoại trung tâm chứ không thuận tiện và nhanh chóng như ngày nay. Chờ đến khi nhân viên bưu điện nối được đường dây liên lạc cũng rất vất vả, có lần phải mất hàng tiếng đồng hồ, thậm chí cả ngày vì phải chờ cho đến khi đường dây thông suốt, kể cả khó khăn về ngôn ngữ do nhân viên không nói được tiếng Hoa. Mỗi lần gọi điện thoại quốc tế quả là một thử thách đầy cam go.
Cú điện thoại quốc tế hôm đó là giữa tôi với ông chủ của công ty Đài Loan tên là Chau Uy Pin. Khi ông Chau biết tôi từng là du học sinh Thái tại Đài Loan thì cuộc nói chuyện trở nên thân mật. Tôi nhân cơ hội đó giới thiệu bột sắn và hỏi ông Chau có muốn mua không.
Câu trả lời của ông Chau làm cho tôi phấn chấn vì ông nói rằng ông cũng đang kinh doanh mặt hàng này, và cũng đang nhập bột sắn của Thái Lan và ông sắp sang Thái Lan. Từng đó thôi cũng đủ làm cho tim tôi muốn ngừng đập. Tay nắm chặt ống nghe, tôi hét to: “Xin cám ơn ông!” nhiều lần với giọng run run, không rõ ông Chau có nhận ra sự vui mừng của tôi không, nhưng điều chúng tôi chốt lại hôm đó là cả hai sẽ gặp nhau tại Bangkok.
Tôi trở về nhà mang theo giấc mơ đẹp, ăn ngủ không yên suốt mấy ngày liền mong chờ điện thoại của ông Chau. Tôi không dám đi xa nhà, cùng lắm chỉ đứng ngoài sân hay trong bếp vì sợ rằng sẽ không nghe thấy tiếng chuông điện thoại reo, dù tôi đã vặn âm lượng lớn hết cỡ.
Sự lo âu, mong đợi về cú điện thoại xâm chiếm lòng tôi. Cả lúc ngủ tôi cũng mơ thấy mình đang ngồi cạnh chiếc điện thoại, đến nỗi tôi sợ rằng mình sẽ phát khùng với phi vụ làm ăn đầu tiên trong đời này mất! Nhiều ngày trôi qua vẫn chưa thấy ông Chau gọi điện đến, tôi bắt đầu lo lắng, hay là ông ấy đã đổi ý. Hôm đó do hồi hộp quá nên tôi quên hỏi ông sẽ đến Bangkok vào ngày nào. Tôi định gọi lại hỏi cho rõ, nhưng sợ ông ấy nghĩ rằng tôi quá sốt sắng nên lại thôi. Tôi kiên nhẫn chờ đợi.
Thế rồi vào một buổi tối, tôi mừng quýnh lên khi nghe tiếng chuông điện thoại reo và sau đó nghe tiếng “A-lô” của ông Chau trong ống nghe. Tôi cảm thấy như chưa bao giờ nghe thấy tiếng nói nào ngọt ngào và đầy ý nghĩa như thế. Sau khi biết ông ấy đang nghỉ tại Khách sạn Mirama, trung tâm Bangkok, tôi như muốn nhảy xổ đến chỗ ông ấy ngay lập tức, dù ông nói rằng chiều mai ông sẽ gặp tôi và ông còn lưu lại Bangkok ba, bốn ngày nữa.
Khỏi cần nói tôi hồi hộp đến mức nào, tôi vội vàng chuẩn bị các mẫu bột sắn trong các túi có ghi rõ nhà máy sản xuất để tránh nhầm lẫn, và chuẩn bị kỹ các tài liệu mới nhất đã được các nhà máy cung cấp.
Đêm đó tôi mất ngủ vì phấn khích. Tôi suy nghĩ miên man và không sao chợp mắt được. Đến gần sáng, tôi mới ngủ được một lúc nhưng tỉnh giấc ngay sau đó, lòng thấy khoan khoái và tràn đầy hy vọng.
Tôi kiểm tra lần nữa các khâu chuẩn bị của mình, giống như người lính chuẩn bị vũ khí trước khi ra trận. Không những thế, thay vì đi xe buýt như mọi khi, hôm đó tôi quyết định đi xe túc–túc (loại xe taxi ba bánh chạy bằng ga) để tránh không bị nhỡ hẹn và đến khách sạn Mirama trước giờ hẹn nửa tiếng.
Không sao cả, trong chuyện làm ăn, đến sớm so với giờ hẹn vẫn tốt hơn đến muộn, vì nó chứng tỏ tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và sự tôn trọng khách hàng. Tôi ngồi chờ cho đến đúng giờ hẹn mới gọi điện báo ông Chau là tôi đã có mặt.
Ông Chau mời tôi lên phòng riêng. Khi đẩy cửa bước vào, tôi gặp một người Hoa dáng lực lưỡng, cao độ 1 mét 68 và đeo kính râm, khuôn mặt chữ điền, thái độ vui vẻ hòa nhã. Ông Chau đưa tay ra trước, tôi đưa tay ra bắt và hơi cúi đầu chào vì thấy mình ít tuổi hơn. Sau đó tôi tự giới thiệu về mình một lần nữa và hỏi lại công việc kinh doanh của ông tại Bangkok. Tiếp theo tôi kể về thời gian tôi học tại Đài Loan và các mối quan hệ… Không khí
cuộc nói chuyện rất thân mật, một phần vì ngôn ngữ chúng tôi dùng chung là tiếng Hoa.
Ông Chau hỏi tôi về việc ăn ở, học hành, chuyện sinh hoạt, chơi thể thao đua xe đạp của tôi và nhiều chuyện khác tại Đài Loan. Tôi cảm thấy ông Chau là người cởi mở, dễ gần gũi và không phải là người khó tính, mưu mẹo. Ông cũng được đào luyện theo kiểu Nhật Bản, giống như hầu hết người Đài Loan có tuổi khác. Một lý do nữa làm tôi gây được thiện cảm với ông là tôi có bằng tốt nghiệp đại học quốc gia của Đài Loan vì người Đài Loan xem trọng việc học hành, những người tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng thường được xã hội nể trọng.
Sau khi chuyện trò thăm hỏi, tôi tranh thủ trình bày với ông Chau về các loại bột sắn của mình. Tôi nói rõ đây là loại bột sắn được trồng tại Chonburi, là nơi đất đai màu mỡ hơn vùng Đông Bắc Thái Lan, được chế biến tại nhà máy Chaiyavat, là nhà máy chế biến bột sắn hàng đầu tại Thái Lan, bột sắn có màu sáng trong, không có màu đỏ, và dẻo hơn các loại khác.
Dù đây là lần đầu tiên tôi giới thiệu sản phẩm với khách hàng đầu tiên của mình, nhưng nét mặt ông Chau cho thấy ông rất hài lòng với chất lượng mặt hàng do tôi trình bày vì ông đã làm trong lĩnh vực này khá lâu. Tôi không rõ ông có mệt mỏi khi nghe tôi nói thao thao bất tuyệt hay không, nhưng tôi thấy ông rất tập trung lắng nghe mà không có chút biểu hiện phân tán tư tưởng nào. Sau đó tôi mời ông đi ăn cơm trưa. Đó quả là một việc làm gan dạ vì trong túi tôi lúc đó chỉ có hơn 1.000 bạt.
Tôi tự nhủ đến đâu thì đến, hôm nay phải liều một phen, đằng nào đây cũng là sự đánh dấu mở đầu giai đoạn trở thành doanh nhân đích thực của tôi, tôi không thể cứ tằn tiện keo kiệt mãi được.
Tôi hỏi ông Chau muốn ăn cơm gì. Ông nói thích ăn cơm tàu nhưng bình thường thôi, không cần đến hiệu ăn sang trọng đâu. Có thể vì mới quen và
hơn nữa tuổi tôi chỉ vào hạng con cháu của ông nên ông giữ ý. Nếu ông biết được trong túi tôi chỉ có chừng đó tiền, không chừng ông còn chủ động mời cơm tôi nữa chứ. Cuối cùng, tôi mời ông ăn tối tại một nhà hàng ở khu phố tàu.
Cuộc chuyện trò thân tình trong bữa ăn làm tan biến sự căng thẳng lúc đầu của tôi. Bí quyết là nhờ có bia Sing (bia nhãn hiệu “Sư tử” nổi tiếng của Thái Lan) ướp lạnh, vừa rẻ vừa mát dịu cộng với bốn món ăn mà chúng tôi cùng gọi nên không khí trở nên thân mật hơn rất nhiều so với cuộc làm việc trước đó.
Có thể ông Chau thấy tôi còn rất trẻ, lúc đó tôi mới 24 - 25 tuổi, và cùng là người Hoa với nhau, trông mặt mũi cũng hiền lành, dáng dấp quê mùa cộng với thái độ khiêm nhường hết mực của tôi nên ông có cảm tình và muốn giúp đỡ tôi. Tôi không bao giờ quên câu nói của ông tối hôm đó: “Thế này nhé, tôi sẽ thử mua của cậu đợt đầu 50 tấn hàng, nếu mọi chuyện tốt đẹp tôi sẽ mua tiếp.”
Lần thứ hai tôi cảm thấy vui sướng, tim đập mạnh như muốn nhảy khỏi lồng ngực, sau lần thứ nhất khi nhận được cú điện thoại của ông Chau tối hôm trước. Tôi bắt tay ông Chau cảm ơn rối rít, nhìn ông với đôi mắt thể hiện lòng biết ơn sâu sắc vì ông đã tin tưởng nhận làm bạn hàng mua bột sắn của tôi với khối lượng lớn, bạn hàng đầu tiên trong cuộc đời kinh doanh của tôi.
Tôi tự nhủ, phen này mình thoát chết rồi, trời đã phù hộ cho mình có được một hợp đồng làm ăn thực sự, sau khi đã đầu tư mở văn phòng mất vài chục ngàn bạt. Quả là việc này đã thực sự cứu sống tôi, một cảm giác vui sướng dễ chịu tràn ngập toàn thân tôi.
Tôi bắt đầu nhìn thấy ánh hồng trên bầu trời buổi bình minh với một tương lai tươi sáng. Bữa ăn tối hôm đó quả là đáng giá, dù tôi tốn đến 900
bạt, nhưng nó rất có ý nghĩa và mang một hương vị đậm đà mà tôi chưa từng có trong đời, một niềm hạnh phúc khó diễn tả bằng lời.
Suốt quãng đường đi xe buýt trở về nhà, tôi chọn chỗ ngồi bên cửa sổ để làn gió mát ban đêm thổi vào mặt và bay bổng với những suy tư cùng mơ ước tự do, lòng vui mừng khôn tả. Không vui sao được khi những hạt giống tôi gieo trồng bấy lâu nay bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Suốt hai năm qua tôi đã bỏ biết bao công sức, tiền bạc vào công việc kinh doanh mà chưa thu về được đồng nào, trong khi các khoản chi ngày càng chồng chất, số tiền vay cộng lãi đã lên đến hơn 100.000 bạt.
Tôi mường tượng rồi đây mình sẽ có tiền để dần dần hoàn trả lại mẹ và chị Tu, con gái bác tôi. Tôi thầm nghĩ đến công ơn và tấm lòng thương yêu của mẹ đã dành cho tôi. Bà đã tần tảo sớm hôm, làm việc quần quật tối ngày để có tiền cho tôi vay, nhưng bà chưa bao giờ hỏi tôi dùng tiền làm gì và bao giờ trả lại.
Khi tôi đưa cho mẹ số tiền hơn 10 ngàn bạt, là khoản lãi có được từ phi vụ bán hàng đầu tiên, mẹ tôi vui mừng không nói nên lời. Tôi nhân thể còn nói bốc đồng với mẹ và chị Tu rằng tôi đang gặp thời vận của mình, do đó không lâu nữa tôi sẽ hoàn trả hết số nợ còn lại lẫn lãi, mọi người không phải lo gì!
Kỳ thực lúc đó tôi cũng không tự tin lắm, rằng mình sẽ đi tiếp được bao xa, không biết sau đây sẽ còn ai mua hàng của mình nữa không. Tôi cũng không biết đi tìm khách hàng mới ở đâu, mọi thứ hình như trở lại trống vắng như trước đây. Chẳng có gì giống với cảnh tượng mơ mộng của tôi. Dù rằng mơ mộng không tốn kém gì, nhưng trên thực tế thì không có thứ gì mà không cần đến vốn liếng và công sức cả! Thế mà lúc đó, tôi chẳng có gì trong tay.
Trong hai, ba năm đầu tôi bắt tay vào công việc kinh doanh, mặc dù gặp phải hết cơn bão này đến cơn bão khác, nhưng tôi không hề dao động hay
thay đổi mục tiêu. Tôi vẫn luôn nhắm đến các công ty ngoại quốc vì nhận thấy tiềm lực tài chính mạnh của họ, cũng như các cơ hội làm ăn với họ trong tương lai.
Tôi tin rằng nguyên nhân làm cho Nhật Bản và Đài Loan phát triển kinh tế thành công, trở thành những nước giàu có trên thế giới, dù hai nước này hầu như không có tài nguyên gì, là vì họ có khả năng làm ra các sản phẩm xuất khẩu mà nhiều nước cần đến và thu được nhiều ngoại tệ. Vì vậy, tôi quyết tâm làm kinh doanh theo kiểu người Nhật và Đài Loan, lấy việc xuất khẩu ra thị trường thế giới làm nền tảng. Muốn thế phải biết thị trường cần cái gì, và coi sự thành công đó là mô hình phát triển kinh tế và công nghiệp của Thái Lan trong tương lai.
Ngoài ra tôi đi tìm cơ hội làm ăn bằng cách tăng cường tiếp xúc gặp gỡ các doanh nhân, tham gia các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức ngành nghề... càng nhiều càng tốt để tìm kiếm các cơ hội thương mại mà không cần bận tâm người khác có thể nhìn tôi bằng ánh mắt xem thường vì tôi vốn là kẻ quê mùa, lông bông.
Tuy nhiên, tôi là người có lòng trung thực, không dối trá lừa gạt ai bao giờ nên tôi có niềm tự hào và quyết tâm của riêng mình. Tôi có thể hòa mình ở mọi nơi vì tôi không gây hại hay sỉ nhục ai. Ngoài ra, điều lớn hơn nữa là tính tự lập, “luôn luôn là chính mình”. Tôi không hề run sợ khi phải nói chuyện với bất cứ ai, dù họ là lãnh đạo cấp cao đến đâu, vì tôi luôn xem mình là một người trẻ tuổi cầu tiến, năng động và khao khát được thành đạt một cách xứng đáng bằng chính tài năng của mình.
Ở cộng đồng, tôi chưa bao giờ mất tự tin khi làm quen hay nói chuyện với người lạ, vì tôi tâm niệm rằng đó là con đường có thể dẫn tôi đến thành công. Cho nên, dù nghèo khó, tôi vẫn không bao giờ cảm thấy hổ thẹn khi phải nói chuyện với bất kỳ người nào.
Chương 4: Bình minh
Chim không có cánh không thể bay cao, người không có bạn không thể tiến xa. Tôi luôn coi trọng xây dựng mối quan hệ rộng với mọi người.
Đặc biệt, trong kinh doanh bạn càng cần phải có nhiều bạn bè, những người quen biết và những người cùng hội cùng thuyền để nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, tôi chỉ kết bạn với những người tốt, trung thực và công bằng.
Người đầu tiên giúp tôi nhận ra giá trị của việc có mối quan hệ rộng là ông Shau, Giám đốc Công ty RaCha- Churot. Lần đầu tôi biết ông Shau là khi tôi đến liên hệ với ông để bán dây mạ thép và máy tiện, lúc đó tôi đang là sinh viên năm thứ ba của trường Đại học Đài Loan, và tôi giữ quan hệ với ông từ đó. Ông Shau là người cùng lứa tuổi với bố tôi, vui tính và thường truyền cho tôi kinh nghiệm làm ăn của ông. Tôi thực sự cầu thị, chịu khó lắng nghe để tích lũy kinh nghiệm sống cho mình.
Một buổi chiều vào năm 1978, ông Shau mời tôi đến ăn cơm tại nhà riêng của ông ở Soi 31 Sukhumvit. Thế là tôi có dịp làm quen với anh George Lin, con trai ông chủ Công ty Racha- Churot tại Đài Loan. Anh George Lin hơn tôi 6 tuổi. Lúc đó anh mới thành lập Công ty Lin Bros để xuất hàng châu Á sang thị trường Mỹ và đang tìm kiếm các mặt hàng thực phẩm đóng hộp và một số hàng khác của Thái Lan.
Qua câu chuyện, George cho biết anh đang quan tâm tìm hiểu sản phẩm cá ngừ đóng hộp. Lập tức tôi nghĩ đến cơ hội hợp tác với anh, mặc dù lúc đó tôi chưa hề biết mô tê gì về loại cá này, thậm chí còn nhầm nó với loại cá thu mà tôi thường ăn hàng ngày. Đây là điểm xuất phát của việc mở ra cơ hội kinh doanh thực sự mà sau đó đã dẫn đến những thành công trong lĩnh vực kinh doanh khác và làm cho tôi có thể hãnh diện với mọi người trong tương
lai.
Sau buổi tối hôm đó, tôi bắt đầu sục sạo tìm kiếm tài liệu về cá ngừ và phát hiện ra rằng ở Vịnh Thái Lan, có loại cá ngừ có thể chế biến làm cá hộp nhưng chưa có ai xuất khẩu sang Mỹ cả. Tôi tranh thủ liên hệ với Công ty Kiet-pha, một công ty mới chuyển sang sản xuất cá mồi đóng hộp.
Ông Kieti Chaisathavornvong là một người Hoa, nói tiếng Thái còn chưa sõi, nhưng ông là một doanh nhân có tấm lòng rộng lượng, thương người, luôn giúp đỡ những người trẻ tuổi mới vào nghề như tôi. Sau khi tôi nói ý định xuất hàng sang Mỹ, ông ủng hộ ngay.
Sau đó, tôi bắt đầu hợp tác với anh George để xuất hàng sang thị trường Mỹ, nơi tôi chưa hề bước chân đến. Đồng thời tôi cũng bắt đầu học lại và nâng cao trình độ tiếng Anh vốn rất yếu của mình, nhất là viết lách để có thể trao đổi thư tín thương mại với anh George. Lúc đầu, tôi gặp khó khăn vì tôi chỉ hiểu được 70% nội dung trao đổi.
Sau một thời gian tôi tiến bộ và tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng nói khá chật vật vì tôi thường nghĩ bằng tiếng Thái trước rồi mới dịch trong đầu sang tiếng Anh. Nhưng tôi không ngại việc tự rèn luyện, không ngừng cải thiện khả năng giao dịch bằng tiếng Anh của mình. Một kết quả trông thấy là tôi đã tự liên hệ và xin được giấy phép nhập khẩu FCE của Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ trong thời gian ba tháng, có thể nói đây là giấy phép đầu tiên cấp cho một nhà máy sản xuất cá ngừ đóng hộp của Thái Lan.
Sau đó lô hàng cá ngừ đầu tiên gồm 48 thùng chứa trong một con-ten-nơ do nhà máy Kiet-pha sản xuất đã được xuất sang Mỹ theo đơn đặt hàng của công ty Lin Bros. Đó là vào đầu năm 1979, thời kỳ mở đầu việc xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Thái Lan sang Mỹ. Nhờ có anh George giúp đỡ mọi mặt trong việc tiếp cận thị trường Mỹ nên tôi không phải mò mẫm từ số không.
Điều đó chứng tỏ tôi đã đi đúng đường và hy vọng sẽ còn có cơ hội mở rộng kinh doanh sang thị trường Mỹ trong tương lai.
Tôi tiến hành song song việc xuất khẩu hai mặt hàng bột sắn và cá ngừ hộp cùng một lúc nên dần dần thấy dễ thở hơn sau một thời gian dài hụt hơi choáng váng như sắp té khỏi lưng ngựa. Tuy nhiên tôi vẫn không yên tâm.
Sau khi xuất được lô hàng 50 tấn bột sắn đầu tiên, tôi lại đi tìm nguồn ở Đài Loan xem còn khách hàng nào có nhu cầu nữa hay không. Trong khi tìm hiểu với công ty hàng hải Thái Lan, tôi biết rằng số lượng bột sắn Thái Lan xuất sang Đài Loan vẫn còn rất khiêm tốn, và chỉ mới bắt đầu gần đây.
Tôi tìm thấy tên ông Lin Nan Sun, chủ nhà máy BaeSe tại Đài Nam, là khách hàng nhập bột sắn của Thái Lan. Tôi gọi điện thoại cho ông Lin ngay lập tức. Ông Lin là người Đài Loan chính gốc nên nói tiếng Hoa phổ thông không được sõi, vì thế chúng tôi không hiểu nhau được nhiều qua điện thoại.
Tuy nhiên, tôi đánh liều mua vé máy bay sang Đài Loan để gặp trực tiếp ông ấy. Điều đó cũng hợp lẽ, vì theo truyền thống buôn bán của người Hoa, việc gặp mặt trực tiếp thay vì chỉ liên lạc qua điện thoại hay thư tín làm cho việc thiết lập quan hệ và mua bán trở nên dễ dàng hơn.
Nhà ông Lin nằm ngay mặt tiền một con phố. Phía sau nhà ông dùng làm văn phòng và nhà xưởng. Ông không ngờ tôi lại đột ngột đứng trước nhà ông gõ cửa. Là một doanh nhân hiền lành gốc nông dân nên ông rất cảm động khi tôi cất công bay từ Thái Lan sang và đã đón tiếp tôi rất niềm nở. Ông bà Lin còn mời tôi ở lại dùng cơm với gia đình. Cuộc gặp diễn ra suôn sẻ, báo hiệu cho một mối quan hệ mới tốt đẹp.
Trong khi ăn, tôi tranh thủ giới thiệu về bản thân và trình bày kỹ về sản phẩm bột sắn của mình. Kết quả là ông Lin đặt mua 100 tấn bột sắn. Đây là một tấm vé nữa để đi vào cuộc kinh doanh lớn của đời tôi, cả về số lượng lẫn
giá trị. Có thể coi đó là một bước ngoặt dẫn tôi đến thành công sau này.
Tôi và ông Lin giữ quan hệ chặt chẽ với nhau. Tôi nhận được đơn đặt hàng của ông đều đặn, có chuyến 50 tấn, có chuyến 200 tấn. Qua đó lòng tin lẫn nhau ngày càng được củng cố vì tôi thường xuyên xuống nhà máy sản xuất để kiểm tra chất lượng, bảo đảm đúng yêu cầu của nhà máy sản xuất bên Đài Loan. Có lần tôi nhận được đơn đặt hàng 300 tấn, là một khối lượng khá lớn đến nỗi nhà máy do dự, hỏi lại có chắc là có đơn đặt hàng với số lượng lớn như vậy không.
Một buổi sáng, ông Chuan, chủ nhà máy bột sắn Khou-Xang-ya, đến gặp tôi tại nhà ở Soi 20 đường Sukhumvit và hỏi rằng bao giờ tôi nhận được L/C (Letter of Credit - Thư tín dụng), vì ông cần nắm chắc trước khi bắt tay vào sản xuất, nhưng tôi ngại rằng nếu chờ L/C thì có thể giao hàng không kịp theo thời hạn của khách hàng.
Ông Chuan yêu cầu tôi đặt cọc trước 500.000 bạt. Khi nghe số tiền này, tôi giật bắn lên. Chưa kịp trấn tĩnh, ông đã hỏi dồn tiếp nhà tôi đang ở có phải của tôi hay không. Khi nghe trả lời đây là nhà tôi thuê, ông lại hỏi tiếp về thân thế gia đình tôi. Tôi thấy khó chịu trước câu hỏi này.
Nhìn từ phía đối diện của chiếc bàn, tôi nhận thấy nét lo âu trên gương mặt ông Chuan. Vì sau khi đóng bột vào bao tải mang nhãn hiệu V&K, nếu sau đó tôi lại không mua nữa mà phải đem bán cho người khác, ông phải thay bao tải làm tăng chi phí sản xuất. Nhưng nếu tôi không trả lời, chắc ông sẽ không dám liều sống chết với tôi và tôi không thể nào chuyển hàng cho khách hàng ở Đài Loan đúng hạn.
Sau khi tôi nói về thân thế gia đình của mình, ông Chuan thuyết phục tôi dẫn ông đến gặp bố tôi tại tỉnh Kanchanaburi, mặc dù tôi tìm cách thoái thác vì thấy hậu quả tiêu cực nếu tôi quay lại gặp cha mình. Nhưng cuối cùng tôi đành phải nhận lời ông Chuan sau khi ông gợi ý rằng nếu tôi dẫn ông đến
gặp bố tôi để ông yên tâm tiếp tục làm ăn với tôi, ông sẽ không đòi tôi đưa tiền đặt cọc nữa.
Tôi buộc lòng dẫn ông Chuan đi gặp bố. Tôi và ông Chuan đi bằng chiếc xe Mercedes cũ kỹ của ông do tôi lái. Đến nơi, ông hơi bất ngờ thấy ngôi nhà khang trang nằm bên đường cái quan, sân nhà lát gách hoa của Ý, mà thời đó ít nhà có được, nhất là ở vùng quê tỉnh lẻ. Bất ngờ hơn nữa là thái độ đón tiếp rất lạnh nhạt của bố tôi. Bố tôi nói ngay với ông Chuan trước mặt tôi: “Con cái khi đã lớn khôn rồi tốt nhất là sống tự lập, tự lo liệu lấy,không nên làm phiền cha mẹ!”
Tôi cảm thấy ê mặt, đứng ngồi không yên, tự nhủ mọi chuyện đi đến thất bại như suy đoán ban đầu, vì từ câu nói đến giọng điệu của bố tôi đều cho thấy ông không hề có chút thông cảm hay nhiệt tình giúp đỡ tôi.
Tôi muốn bỏ đi ngay lúc đó, nhưng ông Chuan vẫn tỏ ra vui vẻ, kiên trì. Ông lấy bao thuốc lá ra mời bố tôi và châm lửa hút, thả khói phì phèo. Ông nói chuyện với bố tôi như không có chuyện gì xảy ra. Ông dùng những lời lẽ ngọt ngào của một nhà kinh doanh lõi đời để ca tụng và thuyết phục bố tôi.
Chẳng mấy chốc, nét mặt cau có, bất cần của bố tôi bắt đầu dịu xuống. Ông tỏ ra quan tâm hơn đến ông khách mới đến và lắng nghe ông Chuan nói: “Ông thật có phúc khi có cậu con trai chịu khó làm ăn, vừa có học thức vừa giỏi kinh doanh, ông không ủng hộ con mình thì ủng hộ ai?”
Câu nói này làm bố tôi xiêu lòng, có thể vì thấy ông Chuan có lý. Lẽ ra bố tôi phải tự hào về tôi mới phải.
Cuối cùng bố tôi bị ông Chuan thuyết phục đồng ý tạm ứng tiền đặt cọc 500.000 bạt cho tôi. Nghĩ lại chuyện này, tôi thấy ông Chuan quả là một doanh nhân khó lường, vì lúc đầu ông nói rằng nếu tôi chịu dẫn ông đến cho biết cơ ngơi nhà bố tôi, ông sẽ không bắt tôi đặt tiền cọc nữa. Số tiền này
cộng với lãi, tôi đã hoàn trả bố tôi sau khi bán được lô hàng sau đó một tháng. Đây là khoản tiền vay đầu tiên và cuối cùng mà tôi vay của bố trong việc kinh doanh của mình.
Một hệ quả tích cực của việc bán được lô hàng bột sắn lớn lần đó là tôi có dịp mở tín dụng với Chi nhánh Siam Square của Ngân hàng Bangkok. Tôi đã mở L/C ba, bốn lần với ngân hàng này để bán bột sắn. Khi tôi đến gặp bà Atcharya, Giám đốc chi nhánh, bà đã đồng ý cho cấp cho tôi khoản tín dụng 1,5 triệu bạt sau khi cho người đến công ty tôi để kiểm tra tình hình hoạt động. Khi đó tôi đã tuyển thêm hai nhân viên làm việc tại công ty.
Tôi nói chuyện với Suwan, người đại diện chi nhánh ngân hàng đến kiểm tra, về công việc xuất hàng nông sản của tôi sang Đài Loan và Hồng Kông và mối quan hệ của tôi với khách hàng tại Đài Loan kể từ thời tôi học đại học. Qua cuộc nói chuyện hôm đó, tôi nhận ra rằng Ngân hàng Bangkok đang có chủ trương thúc đẩy xuất khẩu nhằm thu hút ngoại tệ về Thái Lan, đặc biệt là đồng đô la Mỹ.
Theo đó, nhà xuất khẩu có thể vay tín dụng dựa vào L/C để bảo lãnh với lãi suất 7% theo quy định của Ngân hàng Trung ương Thái Lan mà không cần có người bảo lãnh hay tài sản nào khác làm vật thế chấp. Khi đó tôi chẳng có tài sản gì để thế chấp nếu ngân hàng yêu cầu.
Thông tin do anh Suwan cung cấp làm tôi mừng rỡ, vì nhìn thấy cơ hội mở rộng kinh doanh trong tương lai. Từ nay tôi có thể kinh doanh linh hoạt hơn bằng cách vay tiền ngân hàng mà không cần chạy vạy vay tiền của từng cá nhân nữa. Nhờ đó, cơ hội mở rộng làm ăn cũng sẽ đến.
Vay vốn ngân hàng chắc chắn tốt hơn vay tiền ngoài hệ thống tín dụng, vì họ hoạt động theo luật định, có chuẩn mực rõ ràng và bạn không phải áy náy với tâm trạng mang ơn của con nợ khi vay tiền của cá nhân. Chiều hôm đó tôi ngồi chơi trước sân nhà với chú nai con yêu thích của mình với tâm trạng
phấn khích, tưởng tượng ra những cơ hội làm ăn lớn sắp đến, dù khi đó ngân hàng vẫn chưa phê duyệt khoản tín dụng của tôi. Biết làm thế nào được khi mà cái chất mơ mộng đã ăn sâu vào ADN của tôi mất rồi.
Tôi bắt tay ngay vào việc trang trí lại ngôi nhà vừa là văn phòng vừa là nhà ở của mình để đón nhận công việc kinh doanh sắp mở rộng. Tôi biến nhà bếp ở tầng dưới, rộng gần 10 mét vuông, thành phòng làm việc riêng và mua thêm bàn ghế cho bốn nhân viên , rồi bàn tiếp tân và ghế ngồi để tiếp cùng lúc ba người khách. Tôi cũng trang bị máy đánh chữ điện tử hiệu Olympia cho nhân viên để họ đánh văn bản cho đẹp hơn, riêng tôi vẫn dùng máy đánh chữ xách tay cũ mang theo người.
Trong khi chờ đợi Ngân hàng Bangkok phê duyệt tín dụng, tôi lập kế hoạch hợp tác đầu tư với nhà máy bột sắn Chayawat tại tỉnh Chonburi, có công suất gần 2.000 tấn. Tôi rất hợp tính với anh Chuchat, tức Prachan, chủ nhà máy. Anh Prachan rất quan tâm đến kế hoạch của tôi vì hai bên cùng có lợi.
Anh còn mời người anh rể tên là Tong, cũng có một nhà máy chế biến bột sắn tại tỉnh Rayong cùng tham gia. Ba người chúng tôi đồng ý chung vốn thành lập công ty xuất khẩu bột sắn với tên là Siam Tapioca để khi tôi có khách hàng, chúng tôi sẽ lấy sản phẩm từ hai nhà máy này mà không phải vướng chuyện tiền nong như khi mua từ các nhà máy khác trước đây.
Nhưng sau khi hoạt động một thời gian tôi nhận thấy việc để anh Tong tham gia góp vốn tỏ ra không ổn, có thể dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi về sau. Điều này có thể là dobản năng kinh doanh hình thành từ nhỏ mách bảo tôi rằng nên rút lui làm kinh doanh độc lập hơn là liên doanh với đối tác mà mình chưa đủ tin cậy và không dám chắc về thiện chí và sự sòng phẳng của họ. Bài học trong việc chọn đối tác làm ăn là không nên vội vàng hay bỏ qua một số cá tính của đối tác.
Tôi vẫn nhớ rõ cảm giác hôm Ngân hàng Bangkok cấp cho tôi khoản tín dụng 1,5 triệu bạt, với điều kiện mỗi lần vay phải có L/C làm bảo lãnh, khoản vay không vượt quá 70% L/C và phải chịu lãi suất 7%. Khỏi phải nói tôi vui mừng đến mức nào. Từ nay tôi đã có nguồn vốn riêng, tôi được tiếp thêm tinh thần và nguồn lực để tiến về phía trước mà không còn phải băn khoăn lo lắng như trước. Tôi bắt đầu mơ tưởng đến việc đi học trở lại, là điều tôi vẫn hằng ấp ủ bấy lâu nay. Lúc đó tôi vẫn còn trẻ, mới chỉ 26 tuổi đời, vẫn chưa quá muộn để học tiếp.
Tối hôm đó tôi đưa Kelly, cô bạn gái người Đài Loan vừa từ Đài Loan sang thăm tôi, và Viboon, em trai tôi đến hiệu ăn Sifa, đối diện Soi 20 Sukhumvit. Đây là bữa ăn ngon nhất đối với tôi, cùng với những cốc bia mát dịu trong sự hân hoan mừng sự thành công của thương vụ đầu tiên trong cuộc đời tôi, sau một quá trình khởi nghiệp gian nan từ con số không.
Tôi thầm cám ơn cái chất kiên trì phấn đấu trong con người tôi, một tố chất quan trọng dẫn đến thành công hôm nay. Nhờ kiên trì mà tôi đã không chùn bước dù có gặp khó khăn gian khổ đến đâu. Tôi tin rằng rồi có ngày mây đen sẽ trôi qua và trời lại sáng. May mắn chỉ dành cho những ai có đủ kiên trì chờ đợi.
Điều quan trọng là suốt trong thời gian qua, dù có gặp khó khăn trở ngại đến đâu, tôi vẫn luôn tin tưởng vào sự chính trực, đạo đức và đạo lý. Tôi không bao giờ gian lận, ức hiếp hay làm điều xấu với ai. Tôi luôn tin rằng bất cứ ai có suy nghĩ đúng, làm điều tốt và quyết tâm cao, cuối cùng sẽ gặt hái được kết quả tốt, chỉ có điều là kết quả đó đến nhanh hay chậm mà thôi.
Đối với tôi, định nghĩa về “sự thành đạt” không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc có nhiều tiền, không nhất thiết cứ phải giàu có như các tỷ phú. Tôi chỉ cần không bị túng thiếu như thời gian vừa qua, có đủ thu nhập để duy trì hoạt động của công ty, có đủ tiền để đi học tiếp và có chút ít dự trữ phòng khi ốm đau hay gặp tai nạn. Như thế là đủ đối với tôi.
Thật tình tôi không phải là người tham lam, mà là người có lý trí. Ngoài ra, tôi là đứa biết sống tiết kiệm từ nhỏ. Tôi xem việc xây dựng một cuộc sống ốn định và vững chắc là niềm hạnh phúc trong đời. Điều đó tôi học được từ mẹ tôi, một người không bao giờ chi tiêu hoang phí. Nhờ tiết kiệm mà bà đủ sức nuôi nấng cả gia đình tôi. Đó là nền tảng mà tôi duy trì từ nhỏ cho đến tận bây giờ. Nó giúp tôi luôn có một cuộc sống ổn định, vững vàng.
Và đó là giai đoạn học hỏi và phấn đấu trong ba năm đầu tiên sau khi tôi rời trường đại học.
Chương 5: Buồm căng theo gió
Việc Ngân hàng Bangkok cho tôi vay vốn giúp giảm gánh nặng về lãi suất và giúp hoạt động kinh doanh của tôi linh hoạt hơn, vì tôi có thể dùng số vốn vay này để đặt mua hàng hay dùng để trang trải các khoản chi trong hoạt động của công ty mà không còn giật gấu vá vai như trước đây.
Đúng như câu ngạn ngữ Trung Quốc: “Buồm căng theo gió”. Mặt khác, nhờ có năng khiếu của một “salesman” (người bán hàng) nên công việc kinh doanh của tôi phát triển rất nhanh chóng.
Tôi có một vài tài lẻ, đó là mỗi khi tôi bắt đầu làm quen với khách hàng mới nào, tôi thường bắt đầu bằng những câu chuyện thân mật, giản dị, không mang tính chèo kéo, thúc ép như kiểu các nhà buôn thường làm. Sau khi xây dựng được mối quan hệ hữu nghị, thân tình, tôi mới dần dần chuyển sang nói chuyện về kinh doanh một cách nhẹ nhàng. Đây là cách tôi tự rèn luyện và đã trở thành thói quen.
Tôi thường không đề cập đến vấn đề “lỗ lãi” một cách lộ liễu hay lúc nào cũng tính toán hơn thiệt bằng con số cụ thể, vì chỉ riêng chuyện có thêm một người bạn mới đã là phần lãi của cuộc đời rồi. Do đó, phút đầu gặp gỡ nên dành cho việc “kết bạn”, vì con người khi đã trở nên thân mật với nhau thì dù vấn đề gặp phải có khó khăn đến đâu cũng sẽ trở nên dễ giải quyết hơn, và họ sẽ cùng nhau tháo gỡ trên tinh thần tương trợ lẫn nhau, cùng nhau đạt mục tiêu đề ra trong kinh doanh.
Càng kiếm được nhiều tiền, tôi càng quý từng đồng xu do mình làm ra. Từ nhỏ tôi đã tiết kiệm được một một vạn bạt, nhưng tôi không tiêu pha phung phí. Do đó bây giờ khi phải quản lý số tiền lớn do vay được, tôi không thấy có khó khăn gì trong việc luôn nhắc nhở mình luôn phải biết quý đồng tiền, và tôi không bao giờ vung tay quá trán để phải trở thành con nợ một cách vô
lý.
Một hôm, tôi nhận được giấy mời tham dự lễ khánh thành tòa nhà trụ sở chính của Ngân hàng Bangkok với tư cách một khách hàng. Tôi cảm thấy rất vui mừng và vinh dự được mời tham dự. Tôi chọn một trong hai bộ com-lê tôi có từ thời sinh viên ở Đài Loan mặc đi dự lễ một cách long trọng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến dự lễ tại một ngân hàng có tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á.
Khi đến nơi, tôi tranh thủ thời gian đi xem các phòng họp, phòng làm việc của ngân hàng với cảm giác sửng sốt trước quy mô to lớn, lộng lẫy và hiện đại của tòa nhà. Mỗi phòng đều được sắp xếp rất quy củ, ngăn nắp, lịch sự trông rất đáng kính nể, tương xứng với danh tiếng của một ngân hàng lớn.
Khi bước vào đại sảnh nơi tổ chức nghi lễ, tôi nhìn thấy những nhân vật nổi tiếng của giới ngân hàng và giới kinh doanh Thái Lan như các ông Bunchu Rojanasathien, ông Chin Sophonpanich và ông Chatri Sophonpanich cùng nhiều vị khách trong và ngoài nước khác, trong dó có một số người tôi chỉ biết qua báo chí và TV chứ chưa từng tận mắt nhìn thấy bao giờ. Lần đầu tiên trong đời được tham dự một buổi lễ long trọng tầm cỡ quốc gia như vậy, tôi rất hồi hộp và phấn chấn.
Tôi rất sửng sốt trước những thành công vĩ đại và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo Ngân hàng Bangkok, và đặc biệt thán phục tài năng của ông Chin Sophonpanich. Khi ông di cư từ Trung Quốc đến đất Thái Lan, ông chỉ có hai bàn tay trắng và một cái đầu, cùng với manh chiếu và chiếc gối nhỏ, còn tất cả những thứ khác ông phó mặc cho tương lai.
Ông là người đã thành lập Ngân hàng Bangkok khi còn rất trẻ và không ngừng phát triển, mở rộng các hoạt động của nó để trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á. Hãnh diện thay những người trong gia đình ông! Tôi lưu giữ lại trong lòng tất cả những cảm xúc và những điều
mới mẻ khác trong buổi lễ tối hôm đó mà tôi chưa từng gặp trong đời.
Tôi thầm nghĩ rằng, phần lớn những người tôi nhìn thấy vào buổi tối hôm đó đều là những người thành đạt, được giới kinh doanh và cả xã hội nể trọng. Có thể nói rằng họ là tinh hoa của xã hội Thái Lan, bất kể họ thuộc lĩnh vực nào, kinh doanh hay làm chính trị, công chức nhà nước.
Những vị khách đến tham dự vừa đi đi lại lại vừa nói chuyện với nhau, phần lớn họ là người đã có tuổi, nắm các vị trí lãnh đạo trong các công ty, các hãng và các tổ chức khác. Còn những khuôn mặt còn trẻ như tôi thì rất ít. Mọi người tay bắt mặt mừng, nói chuyện rôm rả với nhau trong bầu không khí vui vẻ thân mật như trong một gia đình, chỉ có một mình tôi đứng lạc lõng như một kẻ ngoại đạo, chẳng quen biết ai cả.
Mặc dù vậy, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để mình quan sát xem người ta tham dự các nghi lễ lớn như thế nào, họ thể hiện vai trò, thái độ và cử chỉ, nói năng giao tiếp ra sao, từ đó tôi học hỏi nghệ thuật giao tiếp hiệu quả nhằm giúp bản thân bước qua chiếc cầu ngăn cách dẫn tới các mối quan hệ kinh doanh trong tương lai.
Do vậy, tôi đã nhân cơ hội tham dự buổi lễ tranh thủ làm quen với nhiều người, trong đó có một vài doanh nhân tầm cỡ quốc gia, mặc dù lúc mới đến tôi chẳng quen ai cả. Tôi không cảm thấy e thẹn, ngại ngừng trong giao tiếp, ngược lại tôi luôn chủ động, tươi cuời chào hỏi mọi người mà tôi gặp tại buổi lễ.
Tôi làm được như vậy, có lẽ cũng nhờ một phần vào nét mặt luôn tươi cười của mình (đến nỗi có người gọi tôi với biệt danh là “di lặc”), một thói quen mà tôi giữ cho đến tận bây giờ, vì tôi nghĩ nở nụ cười thì chẳng mất gì, ngược lại nó chỉ có lợi là đem đến cho chúng ta sự đáp lễ bằng nụ cười và sự thân thiện của người khác mà thôi. Tôi chờ cho đến khi kết thúc buổi lễ mới ra về, lòng tràn đầy sự hưng phấn vì có dịp làm quen với nhiều người mà
mình chưa bao giờ gặp, thật là đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Tôi nghĩ rằng những người Châu Âu thường xây dựng quan hệ thông qua việc giao tiếp, tìm hiểu những người mới gặp tại các buổi lễ, giao lưu, tiệc tùng… Họ thường chủ động tự giới thiệu bản thân trước, tươi cười chào hỏi khách một cách tự nhiên, sau đó họ nói chuyện với khách như đã từng quen biết nhau từ lâu.
Còn việc cuộc nói chuyện kéo dài đến đâu hay nó có dẫn đến tình bạn hay mối quan hệ thân mật hơn hay không còn tùy thuộc vào tính cách của mỗi người. Có vài lần tôi kết thân được với một vài người thông qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu như vậy. Tóm lại, việc quen biết nhiều người chẳng mất mát gì, vấn đề là ở chỗ chúng ta có biết cách chọn lọc những người đáng để làm quen hay không.
Chương 6: Chiếc xe hơi đúng nghĩa đầu tiên
Sau 5 năm, công việc kinh doanh của V&K ngày một tốt hơn, số nhân viên không ngừng tăng lên, dù công ty vẫn đóng tại ngôi nhà thuê vừa dùng làm trụ sở vừa là nơi trú ngụ của tôi. Lúc đầu chỉ có cô Piu, vừa trực điện thoại, vừa đánh máy kiêm kế toán, kể cả giúp nấu ăn.
Sau đó có thêm cô Ngampis, tốt nghiệp trường ngoại thương Assumption, vào phụ trách công việc hành chánh và thanh toán L/C. Tuy nhiên công việc chính về giao dịch mua bán như soạn thư từ, chuyển telex vẫn do Kelly làm. Nhờ có Kelly giúp sức nên tôi có nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu thị trường, trọng tâm của hoạt động thương mại, vì chỉ có bán được hàng thì công việc kinh doanh mới đi lên được.
Đôi khi giữa đêm khuya có telex từ châu Âu hay Mỹ gửi đến, nghe thấy tín hiệu tôi lập tức xuống nhà dưới đọc tin và trả lời ngay mà không chờ đến sáng hôm sau, như vậy công việc được giải quyết nhanh gọn hơn. Có lần khách hàng nước ngoài thắc mắc hỏi có phải tôi thức suốt đêm để làm việc hay không.
Thực ra lý do chỉ đơn giản là ngôi nhà tôi làm văn phòng công ty cũng là chỗ ở của tôi, việc kết hợp này có ưu điểm là công việc lúc nào cũng có thể giải quyết một cách linh hoạt, giống như cách sinh hoạt và làm việc theo truyền thống của các chủ hiệu buôn người Hoa. Ngoài sự tiện lợi ra, tôi cảm thấy rất gần gũi với tiếng kêu của chiếc máy telex, thậm chí tôi còn ưa thích nữa là đằng khác. Mỗi lần nghe tiếng máy reo lên là tôi mừng rỡ, vì đó là âm thanh báo hiệu một cơ hội kinh doanh mới, mặc dù đôi khi nó kêu rất to trong đêm khuya đánh bật tôi ra khỏi những giấc mơ đẹp.
Thời gian đó tôi và Kelly kết hôn với nhau. Chúng tôi như một đôi uyên ương cùng xây dựng tổ ấm ngay từ buổi đầu. Nhờ Kelly lo việc văn thư giấy tờ, tôi có thời gian lo việc khác, đặc biệt là khâu chăm sóc khách hàng nước ngoài. Tôi thường dẫn họ đi thăm quan các nhà máy đã chuẩn bị kế hoạch từ trước tùy theo mặt hàng mà họ quan tâm. Có thể nói tôi vừa làm giám đốc công ty vừa đóng vai nhân viên bán hàng cùng một lúc.
Sau khi mở rộng kinh doanh, chỉ trong một thời gian ngắn, tầng dưới ngôi nhà tôi thuê làm văn phòng đã chật kín nhân viên. Lúc đó, Viboon, em trai tôi, cũng dọn đến ở với tôi. Tôi tranh thủ những ngày nghỉ tự tay sắp xếp, trang hoàng văn phòng. Tôi sắm đủ các dụng cụ đồ nghề thợ điện, cơ khí, mộc như khoan tay, cưa, giũa… để sẵn trong nhà để lúc nào có thời gian rỗi là tôi làm. Những hoạt động phụ này rất có lợi, vừa cắt giảm chi tiêu, vừa là dịp vận động chân tay thư giãn đầu óc.
Tôi cũng rất thích làm vườn, trồng và chăm sóc cây cảnh, kể cả đào ao nuôi cá cảnh, xây non bộ, làm thác nước nho nhỏ… tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình ngay khoảng sân phía trước phòng làm việc. Thói quen đó bây giờ tôi vẫn giữ. Tôi tự đi mua sắm, sưu tầm các loại nội thất, trang trí và tự trang hoàng ngôi nhà của mình bởi tôi rất thích sáng tạo ra các sản phẩm của riêng mình.
Việc đầu tư mua chiếc xe hơi đầu tiên trong đời để phục vụ cho công việc làm ăn của tôi cũng giống như thế. Tôi suy đi tính lại nhiều lần trước khi đi đến quyết định sắm xe. Ba mươi năm trước đây, một chiếc xe Mercedez có giá khoảng 870.000 bạt, rất đắt và đó là một khoản đầu tư lớn nhất trong đời tôi cho đến lúc đó, ngay cả tiền thuê nhà của tôi mỗi tháng cũng chỉ có 5.000 bạt.
Do đó, việc mua trả góp chiếc xe này trong vòng 5 năm cũng không phải là chuyện nhỏ. Tôi tính toán sơ bộ: nếu bán chiếc xe Nhật cũ đang dùng, hiệu Galand Sigma, tôi có thể thu về gần 100.000 bạt và tôi cần phải bỏ thêm
vào đó 400.000 bạt nữa cho kỳ trả góp đầu tiên nhằm giảm gánh nặng cho các đợt trả góp về sau. Đây là chiếc xe Mercedes 200 thuộc thế hệ đầu tiên lắp ráp tại Thái Lan, trông nó đồ sộ và sang trọng hơn nhiều so với chiếc xe cũ của tôi.
Sau khi vắt óc nghĩ kỹ, tôi quyết định bán chiếc xe Galand Sigma và mua chiếc Mercedez 200 mới, chiếc xe hơi đúng nghĩa đầu tiên trong đời tôi mua bằng tiền do chính mình làm ra. Tôi tự nhủ rằng việc đầu tư này là cần thiết để tạo ra “vị thế” khi đi giao tiếp với khách hàng, tạo niềm tin ở họ vào khả năng tài chính của tôi.
Trên thực tế, tất cả những tài sản mà tôi sở hữu chỉ là những vật dụng nhỏ bé trong văn phòng công ty mà thôi, nên việc sở hữu một chiếc xe sang trọng là “vật trang sức” quan trọng để đánh bóng hình ảnh công ty. Mặt khác, sau 5 năm hoạt động, công việc kinh doanh đã không ngừng phát triển, có triển vọng rất sáng sủa, tôi phải thường xuyên đi lại giữa Bangkok và Kanchanaburi để trông nom nhà máy thức ăn gia súc đang trong giai đoạn hình thành, công việc xuất khẩu bột sắn cũng đang phát triển tốt, còn mặt hàng cá hộp thì số hợp đồng mua hàng ngày càng tăng. Tóm lại, tôi thấy công việc kinh doanh của mình đang diễn ra thuận lợi nên cần tậu ngay chiếc xe đắt tiền, nhưng cần thiết này.
Kỳ thực, trước đó tôi chưa bao giờ đầu tư vào thứ gì có giá trị hơn 50.000 bạt, vì nhiều lý do như: không có tiền, cần phải tiết kiệm nên không dám tiêu pha xa xỉ. Quyết định mua xe này chủ yếu xuất phát từ lý do kinh doanh, ngoài ra cũng là phần thưởng đầu tiên dành cho bản thân, tạo cảm giác vui sướng và tự hào về thành công bước đầu của mình.
Việc trở thành chủ sở hữu chiếc xe Mercedez sang trọng, màu xanh nước biển và rất đắt tiền vào thời đó đem lại cho tôi cảm giác rất hưng phấn. Tôi vui như tết, vì đây là một tài sản lớn do mồ hôi nước mắt của mình làm ra.
Ngày đầu tiên nhận xe, tôi không biết làm gì khác ngoài việc ngồi ngắm nghía, vuốt ve nó và đọc cuốn cẩm nang hướng dẫn sử dụng trong niềm thích thú tột độ. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ sở hữu một vật nào đắt tiền như thế.
Thời đó, ai có may mắn được ngồi vào chiếc xe Mercedez là một diễm phúc lớn. Trước kia, mỗi khi nhìn thấy một người nào đó ngồi trong xe Mercedez, tôi cảm thấy điều đó thật xa vời đối với mình. Nay, đến lượt tôi làm chủ chiếc xe này, cảm giác hạnh phúc tràn ngập làm tôi không thể rời khỏi nó. Tôi ngồi một mình trong xe với cảm giác yêu đời, nhìn đâu cũng thấy đẹp, tựa như tôi đang sống trong một thế giới thu hẹp bằng ngôi nhà có bốn bánh xe thật lộng lẫy, thật đáng tự hào làm sao!
Tôi ngồi trong chiếc xe rất lâu, đến nỗi người nhà tưởng rằng tôi định cư ngụ luôn trong xe. Sau khi hiểu rõ cách sử dụng, tôi kéo Kelly cùng ngồi vào xe để tôi lái thử ra đường. Sau đó tôi lái xe về quê nhà Kanchanaburi để khoe với mẹ và anh em họ hàng. Ai nấy đều sửng sốt khi trông thấy chiếc xe, trầm trồ khen tôi nay đã trở thành triệu phú thật rồi.
Họ không ngờ việc này xảy ra, vì họ chỉ thấy tôi về quê để vay tiền mẹ, mỗi lần 2.000 - 5.000 bạt và trông có vẻ khó ăn nên làm ra. Thế mà đột nhiên lần này tôi trở về nhà với chiếc xe Mercedez bóng loáng, không những thế, mọi khoản tiền tôi vay của mẹ, tôi đều trả hết.
Hôm đó mẹ và các em tôi đều ngồi thử chiếc xe mới mua của tôi, nó vẫn còn nguyên mùi của một chiếc xe “mới bóc tem”. Mọi người vẫn chưa hết thắc mắc không hiểu tôi làm thế nào mà sắm được chiếc xe đắt tiền đến vậy. Có người nghĩ rằng hoặc tôi trúng số độc đắc, hoặc tôi làm ăn phi pháp gì chăng?
Riêng bố tôi, khi nhìn thấy tôi lái chiếc xe mới đến khoe, ông chẳng nói chẳng rằng, nhưng tôi đoán trong thâm tâm ông cũng không khỏi thắc mắc vì
sao tôi có thể làm được như vậy, vì lâu nay ông không tin vào chuyện “hậu sinh khả úy”, nhất là đối với tôi.
Nhân đây, tôi muốn nói thêm một chút về vấn đề chi tiêu.
Biết chi tiêu một cách hợp lý sẽ giúp chúng ta trở thành người tự do, không bị lệ thuộc vào người khác. Tôi không phải là người chi tiêu hoang phí, thậm chí còn là người hà tiện là đằng khác. Tôi không thích mua hàng hiệu ở các cửa hàng sang trọng vì nó đắt tiền, ngược lại, tôi thường đi tìm mua đồ bình dân ở các chợ trời Sanam Luông hay Chatuchak. Đối với những thứ thiết yếu cho cuộc sống, đặc biệt là đồ ăn thức uống, thì tôi xem trọng vấn đề chất lượng và các vitamin cần thiết cho cơ thể để bảo đảm sức khỏe tốt.
Tôi luôn yêu cầu người nấu bếp phải mua thực phẩm tươi ngon, không nhất thiết phải là thứ đắt tiền, nhưng phải có lợi cho sức khỏe và hợp khẩu vị. Đối với các đồ dùng khác trong nhà như TV, tủ lạnh, máy điều hòa… tôi thường cân nhắc kỹ sự phù hợp giữa giá cả với tính năng sử dụng và độ bền của chúng.
Riêng đối với chiếc xe Mercedez, như đã nói, việc bỏ ra một số tiền lớn để mua chiếc xe này nhìn bề ngoài có vẻ là phung phí, nhưng đối với tôi đây là trường hợp đặc biệt, vì nó là thứ cần thiết để tạo vị thế và đánh bóng hình ảnh công ty, trong khi ngoài nó ra tôi không có tài sản nào khác có giá trị để thể hiện được điều đó. Hơn nữa, xét về mặt công dụng, nó còn là phương tiện đưa cả gia đình thỉnh thoảng về thăm quê nhà, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho cả gia đình.
Thị hiếu tiêu dùng cá nhân cũng phản ánh tính cách của mỗi con người. Bản thân tôi không thích chạy theo mốt, hay hàng hiệu, hàng nhập khẩu đắt tiền mà chú trọng đến công dụng và chất lượng của sản phẩm hơn, đặc biệt về vấn đề ăn mặc. Từ khi ra trường cho đến 10- 20 năm gần đây, tôi chỉ dùng
hàng mua ở các chợ trời là chính, trừ đồng hồ đeo tay.
Từ lâu tôi đã ngắm nhìn trên quảng cáo loại đồng hồ mà tôi ước ao có một ngày sẽ mua một chiếc. Khi có lợi nhuận từ việc bán lô hàng lớn bột sắn, tôi quyết định tự thưởng cho mình một chiếc đồng hồ Thụy sĩ hiệu Cartier, với giá gần 2.000 USD. Ngoài ra tôi cũng mua một chiếc đồng hồ Rolex tặng Kelly.
Năm tôi 30 tuổi, một tạp chí thời trang đến phỏng vấn tôi về đề tài “Phong cách Vikrom”. Bản thân tôi không khỏi ngạc nhiên vì phần lớn trang phục và đồ dùng của tôi đều mua ở chợ trời Chatuchak cả, hoàn toàn không phải mua từ các cửa hàng thời trang hay từ các catalogue thời thượng nào. Liệu đó có thể tạm gọi là thị hiếu của Vikrom chăng? Tức là chọn mua đồ không đắt tiền, nhưng hợp với sở thích cá nhân, và nhất là phải thể hiện được tính độc đáo của mỗi người.
Có lần tôi đến thăm nhà một người Đức tại Soi Prasarnmit và rất ấn tượng về cách trang trí ngôi nhà theo truyền thống Thái Lan của ông ấy. Nó nói lên thị hiếu của chủ nhà, được phản ánh qua cách trang trí ngôi nhà, nội thất, sân vườn, cách lựa chọn và sử dụng đồ dùng trong nhà tuy đơn giản, nhưng hài hòa và đẹp mắt, thể hiện tính cách giản dị, ngăn nắp, hiệu quả cao; và điều quan trọng là những thứ đó không phải là hàng đắt tiền. Chính đó là nguồn cảm hứng cho tôi suy nghĩ tìm ra cách sửa sang, trang trí lại ngôi nhà của mình cho đẹp hơn, độc đáo hơn theo phong cách truyền thống của Thái Lan.
Tôi cho rằng cách sinh hoạt và lối sống của mỗi người cơ bản phụ thuộc vào sở thích và hoàn cảnh của họ. Cách trang trí đồ vật quanh mình sao cho đẹp mắt, hài hòa và tiện lợi phản ánh tính cách của người chủ nhà, không nhất thiết cứ phải là người giàu mới có thị hiếu tốt.
Tôi thấy rất nhiều ngôi nhà của những người giàu có ở Bangkok mà phần lớn thuê người khác thiết kế theo kiểu Châu Âu hay Phương Tây với giá rất
đắt mà không thể hiện được chút nào tính cách của chủ nhà, gây phản cảm cho người đối diện.
Trong khi đó tôi cũng nhìn thấy một số ngôi nhà có kết cấu và trang trí đơn giản, nhưng bao quanh bởi khung cảnh thiên nhiên trông rất nên thơ, đầu tư không nhiều nhưng lại thể hiện được tính cách của người chủ. Đó là những kiểu nhà đáng để học hỏi và có thể vận dụng vào chính ngôi nhà của chúng ta.
Nói tóm lại, “thị hiếu” hay “phong cách” Vikrom đơn giản là thế.
Chương 7: Bài học kinh nghiệm Paul Krampe
Mặc dù tin vào các câu châm ngôn “Ở hiền gặp lành” và “Ác giả ác báo” và luôn cố gắng làm điều tốt, nhưng trong suốt cuộc đời mình, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi ra đời làm kinh doanh sau này, nhiều phen tôi bị người ta phản bội, tráo trở, kể cả bị ăn chặn trắng trợn ngay trước mũi mình.
Tuy nhiên, tôi xem tất cả những điều này là thử thách và nhắc nhở mình đừng làm những điều tương tự với người khác vì tôi hiểu rõ nỗi đau đớn mà nạn nhân phải gánh chịu. Tôi tin rằng những kẻ gây ác trước sau cũng không tìm thấy sự bình yên thanh thản đích thực lâu dài.
Hàng ngày chúng ta có thể nhìn thấy không ít người trong xã hội làm điều ác mà không bị trừng phạt, bất kể họ là nhà chính trị, nhà kinh doanh hay các quan chức tham nhũng, ăn cắp của công và ức hiếp dân chúng. Hiện thời họ có thể giàu có, địa vị xã hội cao, nhưng cuối cùng thì sự thật cũng sẽ lộ ra và đến ngày đó họ sẽ bị báo oán bởi những tội lỗi mà họ gây ra cho người khác. Bạn thử đọc câu chuyện tôi kể dưới đây.
Bước vào năm thứ năm hoạt động kinh doanh của Công ty V&K, mọi việc diễn ra trôi chảy theo cơ chế thị trường và kết quả kinh doanh của công ty ngày một khá hơn, một phần cũng vì tôi là người biết “nắm bắt cơ hội”, bất kể nó từ đâu đến. Vì thế tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi ý kiến với rất nhiều người. Bất kể hiệp hội, câu lạc bộ nghề nghiệp nào tôi thấy có ích là tôi tham gia. Những cơ hội làm ăn qua đó cũng tăng lên.
Đồng thời, việc tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều người, xuất thân từ những thành phần khác nhau, với nhận thức và trình độ học vấn khác nhau,
môi trường sống và giáo dục khác nhau nên điều không tránh khỏi là tôi sẽ gặp cả những người tốt lẫn người không tốt. Đó là điều thường tình trong cuộc sống.
Vấn đề là làm thế nào để phân tích, cân nhắc xem ai là người chúng ta nên quan hệ, ai là người nên tránh. Câu tục ngữ Thái Lan: “Chơi với tiểu nhân, tiểu nhân dẫn đến cái xấu; Chơi với quân tử, quân tử dẫn đến cái tốt” vẫn luôn luôn đúng, bất kể trong thời đại nào, kể cả thời đại kỹ thuật số ngày nay.
Khi cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh cá hộp ngày càng tăng, tôi phải tìm kiếm thêm từ 3-5 nhà cung cấp mới - nhà máy chế biến - để xem sản phẩm của họ phù hợp với loại khách hàng nào. Các nhà máy chế biến - không giới hạn trong phạm vi cá ngừ đóng hộp - đều rất nhiệt tình hợp tác, vì họ cũng muốn tăng doanh số và lợi nhuận, vốn là mục đích chung của mọi ngành kinh doanh. (Không ai muốn dẫm chân tại chỗ, hay ngày càng đi xuống, ai cũng muốn thành công ngày càng lớn hơn).
Tôi cố gắng khảo sát nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất của các nhà máy chế biến mà tôi quen biết, xem họ có thể làm những mặt hàng khác mà tôi thấy có cơ hội thâm nhập thị trường hay không. Lúc này tôi đã mở rộng sang các loại trái cây đóng hộp, như dứa chẳng hạn.
Điều đáng mừng là Thái Lan có nền sản xuất nông nghiệp khá, lại là nước xuất khẩu gạo và thực phẩm đứng hàng thứ 6-7 của thế giới từ trước đến nay. Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Thái Lan ngày càng phát triển và hiện đại với lực lượng lao động Thái Lan có tay nghề cao.
Sau khi tôi hợp tác với anh George Lin xuất khẩu cá ngừ đóng hộp và trái cây đóng hộp sang thị trường Mỹ, tôi thấy thị trường Mỹ là thị trường có tiềm năng lớn, nhiều cơ hội kinh doanh cả về khối lượng và giá cả. Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan và Bộ Thương mại Thái Lan lúc đó, số liệu
xuất khẩu thực phẩm đóng hộp sang thị trường Mỹ trước năm 1978 là con số không.
Nhưng trong giới kinh doanh cá ngừ đóng hộp, chúng tôi biết rất rõ cá ngừ đóng hộp là một trong những món ăn hàng ngày của dân Mỹ, tính trung bình một người Mỹ tiêu thụ 6 hộp/ một năm. Nếu nhân với dân số gần 300 triệu người, thì chắc chắn Mỹ là nước nhập khẩu cá ngừ đóng hộp lớn nhất thế giới.
Để thực hiện chiếc lược có hiệu quả, tôi vạch ra kế hoạch sẽ đến Mỹ gõ cửa từng khách hàng một. Thông thường việc trao đổi thư từ qua lại với mỗi khách hàng mất rất nhiều thời gian, từ 1-2 tháng (thời đó chưa có internet và máy fax). Nhờ có khách hàng tại chỗ là anh George Lin, ở San Francisco, tôi có thể mở rộng mạng lưới đến các khách hàng khác tại Mỹ.
Do vậy, tôi làm thủ tục xin visa vào Mỹ. Tôi rất hồi hợp với chuyến đi Mỹ đầu tiên này, vì từ lâu tôi mong ước được sang Mỹ để học tiếp, một đất nước mà tôi và các bạn học cùng lớp vẫn nghĩ rằng mặt trăng ở đó to và sáng hơn các nơi khác trên thế giới. Nhưng cuối cùng giấc mơ du học Mỹ đó đành phải gác lại vì không có trường đại học danh tiếng nào ở Mỹ trả lời đơn xin học bổng của tôi.
Tôi còn nhớ chuyến đi đó là vào tháng 7 năm 1979, thời tiết rất đẹp, suốt hành trình bay, tôi cảm thấy trong lòng rất phấn khích, dù đây là thời gian bay dài nhất mà tôi từng trải qua. Anh George Lin đến đón tôi tại sân bay San Franciso và dẫn tôi đến một khách sạn nhỏ tại khu vực có nhiều người Nhật sinh sống.
Do quen tính tằn tiện nên tôi không dám đến các hiệu ăn sang trọng mà chỉ mua thức ăn nhanh Mc Donald mang về phòng ăn qua bữa.
Do chưa quen sự chênh lệch múi giờ (buổi tối ở Mỹ là ban ngày ở Thái
Lan), nên cứ đến nửa đêm bụng tôi lại đói cồn cào, tôi lại phải thức dậy ăn bữa khuya mà tôi đã chuẩn bị sẵn, đúng thời gian bữa cơm trưa tại Thái Lan.
Anh George Lin rất tử tế và tốt bụng, đã dẫn tôi đến ăn cơm tối tại một cửa hàng Nhật với các món hải sản rất ngon, có cả bia tươi. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn món ăn Nhật. Anh George giới thiệu với tôi tình hình chung và đặc điểm của thị trường Mỹ.
Ngày hôm sau, tôi đến văn phòng của anh và làm quen với những người thân trong dòng họ Lin của anh. Họ là những người Đài Loan định cư tại Mỹ, thuộc những gia đình khá giả. Do tôi nói thạo tiếng Hoa và thông hiểu văn hóa Trung Quốc nhờ có thời gian dài học tại Đài Loan nên cuộc gặp diễn ra rất vui vẻ và thân mật.
Tôi có dịp gặp một khách hàng mới là ông Terry Fitzgerald, Công ty Inter Ocean, có trụ sở tại trung tâm San Franciso. Ông là người Mỹ, trên 40 tuổi, ăn nói mạch lạc, tư duy phóng khoáng, giỏi kinh doanh. Chúng tôi nói chuyện rất hợp ý nhau và cùng quan tâm tìm cơ hội kinh doanh xuất nhập khẩu giữa hai bên, một lĩnh vực mà cả hai đều quen thuộc.
Terry đã hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm đóng hộp nhiều năm nên có nhiều kinh nghiệm và cũng có nhiều khách hàng, đúng là những thứ tôi đang cần. Nếu có khách hàng ở Mỹ, tôi sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường sang cả khu vực Bắc Mỹ và Canada. Vì vậy, chúng tôi thỏa thuận ông Terry sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm thị trường tại Mỹ, còn tôi sẽ chịu trách nhiệm nguồn hàng và xuất khẩu từ Thái Lan, bắt đầu với những đơn hàng nhỏ để thử nghiệm. Sau này, việc hợp tác kinh doanh giữa tôi và Terry phát triển nhanh hơn dự kiến, đến mức tôi trở thành một trong các nhà xuất khẩu thực phẩm đóng hộp hàng đầu của Thái Lan.
Sau khi kết thúc công việc tại San Francisco, tôi đến thành phố San Diego để gặp ông Bill Peres, Giám đốc nhà máy Van Kemp Seafood, thuộc Tập
đoàn Rallstone Purina, doanh nghiệp lớn thứ ba nước Mỹ trong lĩnh vực hải sản đóng hộp.
Trong cuộc gặp lần đó tôi đưa ra các mẫu hàng cá ngừ và cá mòi đóng hộp và giới thiệu với ông Bill về ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đóng hộp tại Thái Lan. Lúc đó dân Mỹ cũng như giới kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn chưa hề biết Thái Lan đã sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng này.
Theo thống kê lúc bấy giờ, khối lượng cá ngừ đóng hộp của Thái Lan xuất sang Mỹ chỉ chiếm 0,2 - 0,3% mặt hàng này tại thị trường Mỹ. Nhà xuất khẩu chính là Công ty Sarfco, một nhà đầu tư Úc, và công ty Kietfa của người Thái. Ông Bill tỏ ý rất quan tâm muốn trực tiếp sang Thái Lan để tìm hiểu và nhận lời mời của tôi sẽ sớm sang thăm các nhà máy chế biến.
Nghe thế, tôi như mở cờ trong bụng, mường tượng ra các cơ hội nhận được những hợp đồng lớn và có triển vọng trở thành đối tác của công ty tầm cỡ này.
Như vậy cuộc gặp với ông Bill đã kết thúc tốt đẹp, dù tôi chưa đạt được gì trong tay, ngoại trừ lời hứa sẽ sang thăm Thái Lan. Tôi cũng cảm thấy rất phấn khởi, tự nhủ rằng mình đang đi đúng hướng, nhất định sẽ đi đến thành công, trở thành một nhà xuất khẩu cá ngừ đóng hộp lớn vào thị trường Mỹ.
Việc lập kế hoạch kỹ càng cho chuyến đi tìm hiểu thị trường Mỹ là rất quan trọng, vì đây là thị trường khổng lồ, một đất nước rất rộng lớn và giàu có. Nếu không biết trước địa điểm cần đến mà phải đi mày mò thì sẽ mất rất nhiều thời gian đi lại và rất tốn kém vì giá thuê khách sạn ở Mỹ rất đắt. Mỗi khi phải vào khách sạn, tôi có cảm giác bất an khi thử tính tiền thuê phòng ở Mỹ mỗi đêm bằng bao nhiêu đồng bạt Thái.
Dù công việc kinh doanh bắt đầu cất cánh nhưng tôi vẫn phải hết sức tiết kiệm. Sang Mỹ, tôi chỉ mang theo người hơn 2.000 USD, nếu chẳng may
tiêu hết tiền giữa chừng thì tình hình sẽ rất gay go vì tôi không thể vay mượn ai.
Trên đường trở về Thái Lan, tôi ngồi trên máy bay nhưng đầu óc không ngừng suy nghĩ. Tôi tưởng tượng ra các đơn đặt hàng lớn trong tương lai và vạch ra kế hoạch chuẩn bị đón tiếp ông Bill thật chu đáo, để ông thấy tôi là một tay “chuyên nghiệp”, mặc dù mặt mũi hãy còn non nớt. Tôi sơ bộ chia các nhà máy chế biến nơi sẽ bố trí cho ông Bill đến thăm thành ba loại: Loại A (tốt nhất); Loại B (Khá); và Loại C (bình thường).
Khi về đến nhà, tôi lao ngay vào việc trao đổi thư từ bằng telex với các khách hàng ở Mỹ suốt đêm ngày. Ai liên hệ đến là tôi trả lời ngay, bất kể giờ nào, vì nhà tôi ở và văn phòng vẫn là một.
Sau khi chờ đợi đến ba tháng, tôi mới nhận được telex của ông Bill Perez thông báo ông sắp sang Thai Lan. Khi nhận được telex này, tôi rất hồ hởi, phấn chấn chẳng khác lần nhận được điện thoại của ông Chau đặt mua 50 tấn bột sắn, lô hàng lớn đầu tiên trong đời tôi.
Tôi nghĩ rằng hạt giống mà mình gieo ngày nào giờ đây bắt đầu ra hoa kết trái, vì nghĩ rằng nếu ký được hợp đồng với Van Kemp Seafood, thì giá trị của nó sẽ lớn gấp nhiều lần công việc kinh doanh hiện tại của tôi.
Tôi lập tức liên hệ lên lịch làm việc trước với các nhà máy Loại A. Mọi người rất nhiệt tình hưởng ứng và chuẩn bị đón tiếp vì chưa bao giờ có khách hàng lớn như vậy đến thăm Thái Lan.
Tôi đến sân bay Don Muong đón ông Bill Perez bằng chiếc Mercedes màu xanh nước biển của mình, có tài xế riêng. Tôi để ý thấy nét mặt ông Bill thể hiện sự hài lòng. Có lẽ ông nghĩ rằng tôi thuộc loại khá giả và là một tay kinh doanh chuyên nghiệp, nên mọi thứ sẽ đâu vào đấy kể từ lúc rời khỏi sân bay Don Muong.
Tôi lên kế hoạch đưa ông Bill đi thăm một số nhà máy chế biến cá hộp trong vòng 3-4 ngày, tùy theo thời gian cho phép của ông, bắt đầu từ nhà máy Thai Union. Khi đó, nhà máy này đang tăng thêm dây chuyền sản xuất cá hộp. Khi đến nơi, ông Seng Nirutanond, chủ nhà máy, dẫn chúng tôi đi tham quan. Đây là một nhà máy nhỏ và thời gian đó họ chỉ sản xuất cá ngừ với số lượng hạn chế, nhưng sự nhiệt tình đón tiếp chu đáo của chủ nhà máy, cộng với triển vọng phát triển hợp tác trong tương lai làm cho ông Bill rất hài lòng.
Sau đó tôi đưa ông Bill đến thăm nhà máy B&M của một người Đài Loan mới sang Thái Lan đầu tư không lâu. Nhà máy thứ ba là Unicord, là một nhà máy lớn mới xây dựng xong, do ông Damri làm chủ. Cuối cùng là nhà máy Kiêng Huat tại tỉnh Hat yai, có ông Vorasak và bà Charoensri đón tiếp. Chuyến viếng thăm các nhà máy này giúp ông Bill hiểu được tình hình sản xuất và thị trường cá hộp tại Thái Lan một cách đáng kể.
Dù là nước mới bước chân vào ngành sản xuất cá ngừ đóng hộp xuất khẩu nhưng Thái Lan có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng sản xuất với quy mô lớn nhờ nhân công giá rẻ nhưng tay nghề khá, bảo đảm chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh được trên thị trường thế giới.
Tôi tiễn ông Bill trở về Mỹ với lòng hân hoan trước lời hứa của ông rằng ông rất quan tâm đến các cơ sở sản xuất cá hộp tại Thái Lan vì sản phẩm đạt chất lượng tốt, giá rẻ và các nhà máy rất nhiệt tình muốn hợp tác, nên tương lai ngành cá ngừ đóng hộp của Thái Lan sẽ rất có triển vọng. Sau khi trở về Mỹ xem xét lại tình hình ông sẽ báo cho tôi biết kế hoạch hợp tác tiếp theo.
Nhân đây tôi nói thêm về tình hình khai thác và chế biến cá ngừ của Thái Lan lúc đó. Lúc đầu, Thái Lan dùng loại cá ngừ đánh bắt ngay trong Vịnh Thái Lan làm nguyên liệu chính để đóng hộp xuất khẩu, nhưng sau một vài năm sản lượng đánh bắt không đủ đáp ứng nhu cầu tăng rất nhanh của thế giới.
Do vậy, tôi bắt đầu nhập cá ngư tươi từ Indonesia với số lượng 300 tấn làm nguyên liệu cho nhà máy Thai Union. Kể từ năm 1982 trở đi, cá ngừ tươi từ các nơi trên thế giới được nhập khẩu ồ ạt vào Thái Lan để làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến cá ngừ. Chỉ trong vòng 10 năm, Thái Lan đã trở thành nước sản xuất cá ngừ hộp lớn nhất thế giới.
Trong khi chờ đợi ông Bill trả lời, tôi tranh thủ viết thư hỏi thăm sức khỏe ông như một người bạn, vì trong thời gian ông ở thăm Thái Lan, tôi và ông đã thiết lập được mối quan hệ khá thân tình với nhau.
Đến tháng thứ tư, tôi nhận được tin ông Bill thông báo ông sắp sangThái Lan cùng với ông chủ tên là Paul Krampe cùng một nhóm chuyên viên phân tích, nhưng lần này chỉ đến thăm hai nhà máy Thai Union và Unicord mà thôi. Khi nhận được tin này, tôi như đánh hơi thấy một gã khổng lồ trong lĩnh vực cá hộp đang bắt đầu thâm nhập vào Thái Lan như dự đoán ban đầu của tôi khi đến khảo sát thị trường Mỹ.
Vào lúc đó, tỷ trọng xuất khẩu cá ngừ hộp từ Thái Lan sang Mỹ đã tăng lên, nhưng vẫn chưa đầy 0,3% so với khối lượng nhập khẩu của mặt hàng này tại Mỹ. Cho nên, tôi chỉ nhìn thấy cơ hội rất lớn mà không hề ngờ tới điều xảy ra sau đó làm tôi phải vỡ mộng.
Tôi vội vàng liên hệ với ông Seng, chủ nhà máy Thai Union và ông Damri, chủ nhà máy Unicord để chuẩn bị đón tiếp đoàn. Cả hai nhà máy đều nhiệt tình hợp tác với tôi như lần trước.
Tôi bố trí hai xe, chiếc Mercedes của tôi dành đưa đón ông Paul và ông Bill, tôi ngồi phía trước cùng lái xe; và một chiếc khác tôi thuê dành cho những người còn lại. Chúng tôi đưa khách đi tham quan hai nhà máy rất kỹ lưỡng, mỗi nơi mất vài ngày để khách tìm hiểu kỹ càng các công đoạn sản xuất.
Có thể nói họ đi vào mọi ngóc ngách dùng các biểu đồ điều tra theo tiêu chuẩn quốc tế mà tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Có thể nói đây là bước đầu tiên của việc học hỏi để đưa Thái Lan sau đó trở thành nước sản xuất cá ngừ hộp hàng đầu trên thế giới.
Thậm chí cả nhà vệ sinh của công nhân họ cũng đến kiểm tra. Nhìn cách họ làm việc, tôi phải thừa nhận họ là những “tay chuyên nghiệp” đích thực trong ngành. Tôi còn phải học hỏi rất nhiều từ họ. Trong khi đó Thai Union mới bắt đầu sản xuất cá ngừ hộp không lâu, với công suất vào khoảng 5 tấn/ngày.
Hôm sau, tôi đưa đoàn đi thăm nhà máy Unicord, khi đó mới bắt đầu sản xuất chế biến hải sản, riêng cá ngừ mới ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng dây chuyền đã lắp đặt sẵn. Ông chủ nhà máy rất hồ hởi, sẵn sàng nhận hợp đồng sản xuất.
Sau khi kết thúc chuyến tham quan các nhà máy, tôi đưa họ về Bangkok ăn tối và hai bên trao đổi ý kiến đánh giá điểm yếu, điểm mạnh của từng nhà máy, và để đạt được chất lượng theo yêu cầu của Van Kemp Seafood, thì các nhà máy cần phải có sự hỗ trợ về kỹ thuật và tư vấn nhằm cải thiện chất lượng, ít ra là trong giai đoạn đầu.
Tối hôm đó tôi trở về nhà ngủ sớm vì mệt rã rời, nhưng trong lòng tràn ngập niềm vui và hy vọng. Phen này tôi sẽ thành công trong việc chinh phục thị trường Mỹ. Tôi không hề mường tượng được một kết cục không như mong đợi.
Sáng hôm sau tôi đến để tiễn đoàn khách trở về Mỹ tại sân bay Don Muong. Buổi sáng hôm đó trời đẹp, trong xanh, lòng tôi thì hớn hở hân hoan nên linh tính dường như cũng ngủ quên nên không thể mách bảo tôi tin dữ sắp ập đến. Thế rồi thình lình như sét đánh ngang tai, ông Bill gọi tôi ra để nói chuyện riêng cùng với ông Paul.
Tôi chẳng muốn nhớ lại lời mào đầu câu chuyện của ông Bill, nhưng tôi nhớ rất rõ nét mặt căng thẳng của ông ấy khi nói với tôi rằng Van Kemp Seafood muốn nhập hàng từ Thái Lan với khối lượng lớn, hàng trăm hàng ngàn con-ten-nơ một năm, nhưng giá thành phải thấp, do đó công ty không muốn mua qua trung gian… mà sẽ mua trực tiếp của nhà sản xuất.
Nghe họ nói thế, tôi choáng váng như một võ sĩ quyền anh vừa lãnh cú đấm đo ván. Tôi hoang mang, lúng túng như gà mắc tóc không hiểu chuyện gì xảy ra. Sau những ngày gặp gỡ, hợp tác làm việc với nhau rất vui vẻ thân tình và đầy hứa hẹn, đùng một cái tôi nhận một kết cục như thế này đây. Tôi băn khoăn suy nghĩ, phải chăng các doanh nhân quốc tế hành xử như vậy, chẳng lẽ họ nhẫn tâm đến thế, đặc biệt khi họ là những công ty có tầm cỡ thế giới.
Chính tôi là người đã cất công sang Mỹ để tìm đến họ và sau đó dẫn dắt họ sang Thái Lan để tham quan tìm hiểu tình hình thực tế ngay từ khi họ còn chưa biết gì về Thái Lan. Họ cư xử như vậy là bất công đối với tôi. Đã thế, Paul còn mở miệng nói rằng: “Dù việc hợp tác bất thành, nhưng chúng ta vẫn là bạn của nhau.”
Ông ta còn giải thích rõ rằng ông ta chỉ muốn làm bạn với tôi thôi, còn làm ăn thì ông ta sẽ đặt hàng trực tiếp với nhà máy Thai Union, vì trong kinh doanh đòi hỏi phải kiểm soát giá thành xuống mức thấp nhất. Điều này thì tôi hiểu rõ, nhưng cách làm ăn thiếu trung thực kiểu này chính là ăn quịt một cách trắng trợn đối tác của mình, chẳng khác hành vi của bọn cướp của, hại người vô lương tâm.
Tôi nhìn vào mặt Bill cố gắng giải thích, nhưng mọi chuyện không xoay chuyển. Bill tỏ ra khó xử, nhưng không làm được gì, vì anh ta chỉ là cấp dưới của Paul. Tôi nghĩ Bill hiểu rõ suy nghĩ của tôi, vì anh ta là người cùng với tôi hợp tác trong chuyện này ngay từ ngày đầu tiên khi tôi đi San Diego để gặp anh ta. Đúng là qua cầu rút ván
Tôi không hiểu nổi vì sao một công ty lớn như thế lại đối xử tệ bạc với một công ty thương mại nhỏ bé như công ty của tôi, chẳng lẽ họ thiếu đạo đức kinh doanh đến thế? Theo thông lệ trên thương trường, các công ty thương mại làm môi giới thường được hưởng hoa hồng 2-3% môi giới. Nhưng tôi đã sẵn sàng giảm xuống mức 1% vì thấy khối lượng hàng lớn, hoặc thậm chí nếu rút xuống 0,5 % tôi cũng đồng ý.
Tôi nói với hai người rằng tôi sẵn sàng giảm mức hoa hồng và bảo đảm cho công việc kinh doanh của họ thành công về lâu dài, nhưng họ từ chối thẳng thừng. Lúc đó tôi tức giận đến mức nghĩ rằng nếu có súng trong tay, tôi sẽ bắn gục lão Paul ngay lập tức vì hắn là kẻ vô liêm sỉ.
Tôi trở về nhà trong tình trạng suy sụp hoàn toàn, một phần vì nhiều ngày qua tôi làm việc vất vả để đón tiếp họ, nhưng cái chính là do bị cú sốc bất ngờ trong cuộc nói chuyện buổi sáng tại sân bay. Tôi vẫn còn trong tình trạng choáng váng, bần thần thêm mấy ngày sau đó. Tôi cố gắng suy nghĩ theo hướng tích cực nhưng vẫn không có kết quả.
Trong tâm trạng băn khoăn thắc mắc khôn nguôi, tôi chợt hiểu ra rằng: trên đời này đầy rẫy những kẻ kinh doanh bất nhẫn, chỉ chạy theo lợi nhuận cao nhất mà không thèm đếm xỉa đến sự công bằng hay chính trực… Họ thật bất công đối với những công ty nhỏ bé, mới ra đời như công ty của tôi. Chính tôi là người đã khởi xướng, dẫn dắt họ sang Thái Lan làm ăn, mà nhờ đó sau 5 năm Thái Lan trở thành cơ sở sản xuất cá ngừ đóng hộp lớn nhất của Tập đoàn Van Kemp Seafood.
Điều trước tiên tôi suy nghĩ là làm sao vạch ra kế hoạch tiếp tục chiến đấu từ đây… và điều thứ hai là cách xử lý với Paul, kẻ đã làm tôi mất thăng bằng trong cuộc sống… Mối hận này chắc chắn tôi sẽ ôm trong lòng nhiều năm tới… Tuy vậy, tôi không bao giờ quên bài học cay đắng này và không ngừng theo dõi tin tức hoạt động của Paul.
Sau này tôi được biết kết cục Paul gặp chuyện chẳng lành. Sau đó vài năm, ông ta bị đuổi khỏi Tập đoàn Van Kemp Seafood… Bạn thấy đấy, đúng là “ác giả ác báo” diễn ra ngay ở kiếp đời này chứ chẳng phải chờ đến kiếp sau. Ai gieo gió ắt sẽ gặt bão, ai gây oán sẽ bị báo oán , chỉ có điều nó đến sớm hay muộn mà thôi.
Sau đó ông Seng, từ Thai Union, báo cho tôi biết rằng ông đã nhận được đơn đặt hàng của công ty Chicken of the Sea, và ông trả tiền hoa hồng cho tôi 200.000 bạt do công sức và chi phí tôi đã bỏ ra tìm kiếm khách hàng cho ông, dù nó không thấm gì so với lợi nhuận mà ông thu được do công suất đã tăng từ 5 tấn/ngày lên 50 tấn và sau đó lên 700-800 tấn/ngày, nhưng dù sao nó cũng cho thấy ông là người có lòng tốt.
Có thể nói đây là điểm xuất phát để Thái Lan trở thành một trong những nước sản xuất cá ngừ đóng hộp hàng đầu trên thế giới, chỉ sau Mỹ, vì sau đó không lâu nhiều tập đoàn cá ngừ khổng lồ trên thế giới đã lũ lượt kéo vào Thái Lan, biến Thái Lan thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của thế giới.
Sau khi Thai Union làm ăn với Van Kemp Seafood được trên 10 năm, kể từ ngày tôi cùng hợp tác tham gia, công ty này không ngừng phát triển và trở thành một nhà sản xuất cá ngừ hộp hàng đầu thế giới. Khi Van Kemp Seafood đặt mua sản phẩm của Thai Union, họ đã giúp Thai Union nâng cấp trang thiết bị, cử chuyên gia sang giúp cải tiến quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm… nên chẳng mấy chốc Thai Union đã sản xuất được sản phẩm đạt chất lượng quốc tế. Cuối cùng,Thai Union đã mua lại toàn bộ thương hiệu của Van KempSeafood, nghĩa là chuyển đổi quốc tịch từ công ty của Mỹ thành công ty của Thái Lan.
Về phần cá nhân tôi, dù bị cướp mất khoản hoa hồng lớn trong thương vụ đó, tính ra phải hàng tỷ bạt trong nhiều năm sau đó, nhưng khi nghĩ đến sự thành công to lớn của ngành công nghiệp cá ngừ đóng hộp Thái Lan, từ con
số không đã trở thành trung tâm sản xuất cá ngừ và xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ, chiếm tới 80% lượng cá ngừ đóng hộp nhập khẩu vào Mỹ, thì tôi không còn thấy tức tối và oán hận nữa.
Ngược lại, tôi cảm thấy tự hào vì dù sao mình cũng có phần đóng góp vào sự thành công này của đất nước. Dù tôi không nhận được tiền hoa hồng xứng đáng, nhưng nhiều người Thái Lan khác đã được hưởng lợi từ chuyến đi San Diego năm ấy của tôi.
Chương 8: Trời quang mây tạnh
Ngẫm nghĩ, tôi thấy câu thành ngữ “Hết cơn bĩ cực, đến hồi thái lai” là rất đúng, dù tôi mới hoàn hồn sau cú hạ đo ván của Paul Krampe. Tôi luôn phải tự nhắc nhở làm gì cũng phải thận trọng, suy đi tính lại cho kỹ trước khi hành động để tránh lặp lại sai lầm, hay ít ra cũng giảm bớt sai sót.
Tôi thuộc dạng “bị đòn đau thì nhớ dai”, đặc biệt khi đó tôi vẫn còn rất khó khăn, mỗi đồng xu kiếm được đối với tôi đều rất quý giá.
Thực ra, sau khi ông Paul trở về Mỹ, tôi vẫn tiếp tục theo dõi việc Van Kemp Seafood hợp tác giúp đỡ công ty Thai Union nâng cao năng lực sản xuất. Tôi biết rằng, nhờ sự giúp đỡ của Van Kemp Seafood mà năng lực sản xuất của Thai Union được nâng lên đáng kể.
Các quan chức của Van Kemp Seafood cũng liên tục sang Thái Lan làm việc. Tôi luôn theo dõi tin tức để biết khi nào Paul sẽ trở lại Thái Lan để cho hắn ta một bài học vì đã làm nhục tôi.
Thế rồi cơ hội đó cũng đến. Khi Thai Union tăng công suất lên 300 tấn/ngày, Paul buộc phải sang Thái Lan để giám sát tình hình sản xuất. Tôi cử ba tên côn đồ đến phục kích Paul trước cửa khách sạn nhưng dường như linh tính mách bảo nên ông ta không bao giờ bước chân khỏi khách sạn một mình mà luôn có người đi kèm. Không phải chỉ một lần, mà lần nào trở lại Thái Lan, ông ta cũng làm như vậy. Cuối cùng, tôi từ bỏ ý định dạy cho ông ta “một bài học nhớ đời”.
Thời gian trôi qua, nỗi căm phẫn cũng nguôi dần, hơn nữa nhờ thấm nhuần lời dạy của Đức Phật, rằng: “Thù hằn chỉ có thể chấm dứt bằng sự khoan dung” nên tôi không còn theo đuổi ý định trả thù nữa. Nếu không, chưa biết chừng tương lai đầy hứa hẹn của tôi có thể bị tắt ngấm giữa chừng
bởi hành động thiếu suy nghĩ đó. Bây giờ, ngồi nghĩ lại chuyện cũ, tôi vẫn cảm thấy hú vía về sự nông nổi và ngông cuồng của mình. Kể ra, cả ông Paul và tôi đều gặp may vì tai họa đã không xảy ra.
Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể hướng cuộc sống của mình theo con đường chúng ta mong muốn bằng cách sống tốt trong hiện tại và không từ bỏ mục tiêu. Khả năng hướng về tương lai nhiều hay ít chính là thước đo sức đề kháng trong con người chúng ta trước những thách thức của cuộc đời. Hướng về tương lai tức là hướng về niềm tin, cơ hội và hy vọng ở tương lai. Nghĩ vậy, tôi lại quyết tâm đi tìm các khách hàng mới, không phân biệt lớn hay nhỏ, miễn là có đơn đặt hàng để nuôi sống công ty. Khách hàng có yêu cầu gì tôi cũng cố gắng tìm cách đáp ứng dù khó khăn đến đâu.
Đặc biệt sau khi tôi hợp tác với anh Terry Fitzgerald làm người môi giới tìm kiếm khách hàng cho tôi tại Mỹ, công việc của tôi được mở rộng nhiều hơn, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực cá hộp, mà còn mở rộng sang các sản phẩm khác, tuy cá hộp vẫn là mặt hàng chủ lực của tôi.
Terry là một thanh niên rất hăng hái, chăm chỉ, làm việc có quy củ nên đã giúp tôi được rất nhiều, đặc biệt anh là người trung thực, chín chắn nên chúng tôi làm việc với nhau rất ăn ý. Terry ngày càng tìm được nhiều khách hàng. Cứ mỗi buối sáng, tôi đều đặn nhận được telex của anh thông báo về tình hình khách hàng. Có thể nói anh là một đối tác quan trọng đã giúp tôi đạt được thành công lớn trong kinh doanh sau này.
Một hôm, Terry báo tôi một tin vui rằng Carnation, một nhà nhập khẩu lớn thức ăn cho mèo nhãn hiệu Friskie Buffet, muốn để tôi làm thử hàng mẫu thức ăn cho mèo bằng phế liệu cá ngừ. Những thứ này thường được dùng làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến bột cá và được bán với giá rất rẻ. Nếu bây giờ tôi mua dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho mèo, tôi có thể giúp họ tăng thu nhập cho nhà máy.
Tôi bàn ngay với nhà máy tìm cách làm hàng mẫu thức ăn cho mèo theo quy trình chỉ dẫn của Carnation. Không những thế, tôi còn liên hệ với công ty Betaco sản xuất bột vitamin mà Carnation gửi làm mẫu, đem trộn vào thức ăn cho mèo trước khi đóng hộp. Sau khi thử hàng mẫu và kiểm tra chất lượng hộp không bị méo mó hay biến dạng tại phòng thí nghiệm của nhà máy, tôi gửi hàng mẫu sang Mỹ. Khoảng ba tuần sau, Terry báo tin cho tôi rằng ông Duck Figgo, Giám đốc thu mua của Carnation quan tâm đến mẫu hàng tới mức tỏ ý muốn sang Thái Lan càng sớm càng tốt để tham quan nhà máy.
Nghe Terry nói vậy, tôi lại bắt đầu mơ tưởng đến hình ảnh những đoàn xe tải hàng chục chiếc nối đuôi nhau chở các thùng hàng thức ăn đóng hộp cho mèo ra cảng để xuất khẩu sang Mỹ và quên khuấy đi câu chuyện buồn bị Paul lật lọng trước đây. Một lần nữa tôi lại bắt đầu lập kế hoạch đón tiếp một đoàn doanh nhân lớn từ Mỹ sang. Lần này, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn vì tôi đã có kinh nghiệm. Hơn nữa, tôi quyết tâm không để lặp lại sai lầm cũ.
Đến ngày hẹn, Terry, lần này làm nhiệm vụ người dẫn đường cả đi lẫn về, đưa ông Duck Fiffo cùng một nhóm chuyên viên của Carnation sang Bangkok. Tôi lại đưa xe Mercedes ra đón họ tại sân bay Don Muong và dẫn họ đi thăm các nhà máy. Cũng như đoàn trước, họ kiểm tra nhà máy rất kỹ, đến tất cả các ngõ ngách, kể cả nhà vệ sinh cho công nhân.
Theo chương trình, tôi sẽ đưa Terry cùng đoàn khách Carnation đến thăm ba hoặc bốn nhà máy chế biến cá hộp, kể cả nhà máy Betaco sản xuất vitamin. Ông Duck và đoàn rất hài lòng với các nhà máy của Thái Lan, cả về trang thiết bị lẫn quy trình sản xuất. Họ tỏ ra là những nhà kinh doanh chuyên nghiệp, có thiện chí và rất đường hoàng.
Chỉ trong thời gian ngắn, tôi đã có cảm tình với họ và tự nhủ rằng mình đã gặp những nhà kinh doanh đích thực, có đạo đức. Sau ba, bốn ngày đi thăm các nhà máy, chúng tôi có cuộc họp với nhau và hai bên đều rất hài lòng về
kết quả chuyến đi. Ngồi trong xe trên đường trở về Bangkok, chúng tôi nói chuyện với nhau rất rôm rả, kể cả trao đổi những chuyện tiếu lâm. Kết thúc chuyến đi, tôi ra sân bay tiễn họ về nước, lòng đầy hân hoan. Một lần nữa, tôi lại nuôi hy vọng sắp nhận được những đơn đặt hàng lớn từ Mỹ.
Sau đó không lâu, tôi nhận được telex của Terry nói rằng triển vọng nhận được đơn đặt hàng rất sáng sủa, vì khách hàng rất hài lòng với kết quả chuyến đi. Nghe thế, tôi kiên trì chờ đợi trong tràn trề hy vọng, rằng lần này mình đã đi đúng hướng rồi!
Tôi thích làm tiếp thị theo hướng tấn công, nên muốn có kế hoạch xúc tiến cho công việc diễn ra nhanh hơn. Vì vậy, tôi bàn với Terry là tôi sẽ sang Mỹ gặp trực tiếp công ty Carnation tại Los Angeles để nắm cơ cấu tổ chức, quy trình sản xuất của họ và nhân thể thăm một số khách hàng khác để mở rộng thị trường.
Terry tán thành ý kiến của tôi. Chúng tôi hẹn gặp nhau tại Los Angeles để đi thăm cơ sở thí nghiệm nuôi mèo và thí nghiệm thức ăn cho mèo của Carnation, tìm hiểu xem các loại mèo nuôi ở Mỹ thích loại thức ăn nào và đến thăm phòng thí nghiệm phân tích chất lượng thức ăn cho mèo. Tôi có cuộc gặp với ông Duck cùng các nhà quản lý của ông, giờ đây đã trở thành thân quen sau chuyến đi thăm Thái Lan.
Ông còn trực tiếp dẫn tôi đi thăm các cơ sở của nhà máy. Tôi rất có ấn tượng về sự quý trọng đối với vật nuôi của người Mỹ cũng như người châu Âu. Họ đã thiết lập hệ thống nghiên cứu và thí nghiệm về loài mèo rất toàn diện để đem lại niềm vui cho người nuôi mèo, khiến họ sẵn sàng dốc hầu bao ra mua thức ăn cho mèo. Tôi có ấn tượng đó là vì quá quen thuộc với cách nuôi chó, mèo thường thấy ở Thái Lan, nơi phần lớn chúng được thả rong, không người trông coi, chứ chưa nói đến việc phải có thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin.
Chuyến tham quan Carnation lần đó giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về cách tổ chức và hoạt động của một tập đoàn lớn. Cần lưu ý rằng, đó là năm 1979, thế mà tổng doanh số hàng năm của Carnation đã lên đến 5 tỷ USD, một con số khổng lồ!
Ngoài việc đến thăm Carnation, tôi còn dành ra vài ngày đi tìm thêm vài khách hàng nữa tại Los Angeles, như Quaker Oats, Kitty Cat và 3-4 khách hàng nữa. Đây là những khách hàng có tiềm lực rất lớn, có nhiều cơ hội hợp tác làm ăn. Điều tôi ngạc nhiên là họ biết rất ít về Thái Lan, thậm chí có người còn tưởng nhầm Thái Lan là Đài Loan.
Điều đó không có gì lạ, vì vào thời kỳ đó Đài Loan đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến ra khắp thế giới. Điều đáng chú ý là Đài Loan nhỏ hơn Thái Lan đến 10 lần, dân số chỉ bằng 1/3 dân số Thái Lan nhưng họ lại được thế giới biết đến nhiều hơn Thái Lan. Do vậy, có thể nói trong chuyến đi Mỹ lần này, tôi đã đóng vai trò đại sứ thương mại cá nhân tham gia vào việc xúc tiến thương mại và truyền bá hình ảnh đất nước, con người Thái Lan ra thế giới.
Vào thời kỳ đó, năng lực tài chính của công ty V&K không ngừng được cải thiện, một phần do mở rộng phạm vi kinh doanh, mặt khác do công việc quản trị điều hành công ty của tôi ngày một chuyên nghiệp hơn. Tôi khỏi phải lo giật gấu vá vai như thời kỳ đầu. Tuy nhiên, khâu quan trọng nhất vẫn là công tác tiếp thị mở rộng thị trường cần đẩy mạnh hơn nữa để bảo đảm cho công ty tiếp tục phát triển ổn định.
Khi trở về nước, tôi nhận được tin mừng từ Terry cho biết Carnation muốn đặt mua lô hàng đầu tiên thức ăn cho mèo với số lượng nhỏ để thử nghiệm gồm 10 con-ten-nơ, mỗi con-ten-nơ chứa 1.600 thùng. Nếu kết quả tốt, họ sẽ tiếp tục đặt mua với khối lượng lớn và yêu cầu tôi chuẩn bị tốt nhất. Nghe vậy, tôi giật mình tự hỏi hay là tôi đang mơ, vì họ mới đặt mua thử nghiệm mà số lượng đã lớn như vậy, nếu họ đặt mua thực sự thì khối lượng sẽ còn
lớn đến đâu? Phải chăng cơ hội ngàn năm có một của tôi đã đến?
Tôi tức tốc liên hệ với các nhà máy trong mạng lưới của mình, đã được đoàn đến kiểm tra khảo sát kỹ lưỡng lần trước, và bàn bạc kỹ với họ làm thế nào để đợt giao hàng lần đầu tiên này trơn tru không mắc một sai sót nào. Có như vậy chúng tôi mới hy vọng trở thành đối tác của một tập đoàn tầm cỡ thế giới.
Khi hàng hóa đã sẵn sàng và được chuyển đến các địa điểm nằm ở khắp nước Mỹ theo yêu cầu của Carnation, mà tại đó họ đều có các cơ sở để kiểm tra cả về mặt thị trường lẫn phòng thí nghiệm. Sau khi hàng được chuyển đến, Carnation tiến hành kiểm tra rất nghiêm ngặt. Sau hai tháng, họ thông báo kết quả rất tốt.
Như vậy lô hàng đầu tiên đã được các phòng thí nghiệm và kiểm tra thị trường ở Mỹ thừa nhận đạt tiêu chuẩn, tất cả các khâu đều diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch mà không nhờ đến vận may hay phải đi chùa cúng dường, cầu nguyện gì.
Khỏi phải nói tôi và Terry vui mừng phấn khởi đến mức nào. Sau khi nhận được cú điện thoại của Terry thông báo tin mừng, đêm nào tôi cũng ngủ ngon và có những giấc mơ đẹp. Tôi tự nhủ phen này chắc chắn mình thành công rồi. Tôi càng tin tưởng vào ý chí, quyết tâm và tinh thần làm việc không mệt mỏi của mình, vào phương pháp làm việc có trình tự, biết học hỏi không ngừng và nhất là không để những ý nghĩ tiêu cực chi phối mình.
Không lâu sau đó, đơn đặt hàng thí điểm đợt hai của Carnation cho toàn nước Mỹ cũng đã đến, gồm 100 con-ten-nơ... kèm theo L/C mà tôi còn nhớ có chữ ký của ông Dick Figgo nằm trên đó. Lòng tôi tràn đầy vui sướng… và trong đầu tôi bắt đầu nghĩ đến những đơn đặt hàng tiếp theo với số lượng còn lớn hơn nữa.
Sau khi đã có đơn đặt hàng lớn, tôi quyết định thành lập phòng thí nghiệm và tuyển nhân viên của riêng mình để tự mình kiểm tra mẫu hàng và kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Bước đầu bằng việc cấp giấy tiếp nhận hàng, đồng thời tôi thuê công ty SGS, gồm Tiến sĩ Santi và cô Wanna, là các chuyên gia trong ngành, giúp kiểm tra phân tích chất lượng thêm một lần nữa. Nhờ có hai chuyên gia này giúp đỡ, công việc được tiến hành rất trôi chảy. Tôi cũng đem những kinh nghiệm và hiểu biết học được từ chuyến khảo sát tại Mỹ vận dụng vào công việc để nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhờ đó, sau khi lô hàng đúng 100 con-ten-nơ sẵn sàng được chuyển giao, tôi báo ngay cho Terry chuẩn bị đến gõ cửa thăm hỏi các khách hàng ngay sau khi hàng chuyển đến các thành phố, nhằm tự mình kiểm tra để biết được hàng hóa của mình có sai sót ở khâu nào hay không vì toàn bộ sản phẩm, kể cả vỏ hộp, thùng đóng gói và nhãn mác đều làm tại Thái Lan. Terry tán thành ý kiến của tôi, và bảo rằng anh sẽ tiến hành kiểm tra ngay sau khi hàng đến. Sau mỗi lần đến các thành phố kiểm tra,Terry đều báo tin mừng rằng tất cả hàng hóa đều đạt tiêu chuẩn tốt, không có vấn đề gì.
Thế rồi một ngày nọ, Terry báo tin rằng lần này Carnation quyết định đặt mua hàng chính thức để phân phối qua các đại lý của họ trên toàn nước Mỹ. Mới nghe tôi đã mừng đến choáng váng. Tôi vẫn còn chưa hình dung nổi “trên toàn nước Mỹ” là rộng cỡ nào, vì nước Mỹ rất bao la.
Dần dần tôi mới nhận ra số lượng hàng đó lớn đến mức nào, do sau đó hai ngày, Terry báo tin ông Dick Figgo cho hay, công ty đã quyết định chính thức đặt mua hàng thức ăn cho mèo đầu tiên của tôi, loại đóng hộp cỡ 200 gam, với số lượng tổng cộng 2.000 con-ten-nơ một năm, tức 32 triệu thùng, hay 153 triệu hộp!
Trời đất! Nghe Terry nói xong mà tôi vẫn chưa tin là mình nghe đúng con
số 2.000 con-ten-nơ! Thú thực là khi đó tôi đã hỏi lại Terry một lần nữa. “Đúng rồi!”, Terry khẳng định với tôi. Nhưng tôi vẫn chưa thật tin nên đã yêu cầu anh ấy gửi telex cho tôi để xác nhận bằng văn bản điều anh vừa nói trên điện thoại.
Tôi vẫn nghĩ mình đang mơ trong khi ngồi chờ Terry gửi telex tới... Chỉ đến khi tờ telex xuất hiện khẳng định đơn đặt hàng 2.000 con-ten-nơ với L/C trị giá 30 triệu USD và vài hôm nữa L/C sẽ được chuyển tới tay tôi. Vậy ra đây đúng là sự thật chứ không còn là một giấc mơ nữa, tôi đã thành công sau những nỗ lực nhiều năm của mình. Những việc còn lại như chuyển giao hàng, kiểm tra chất lượng hàng hóa, cấp giấy chứng nhận sẽ tiến hành như các lần trước. Nghĩa là có giấy chứng nhận tiếp nhận hàng của V&K và SGS là người kiểm tra cuối cùng.
Như vậy sau thời gian 5-6 năm loạng choạng, giờ đây tôi đã có thể đứng vững bằng đôi chân của mình. Mà không những đứng vững, tôi còn có thể chạy xa hơn nữa… Một lần nữa ước vọng làm giàu lại bùng lên trong người tôi trước những cơ hội làm ăn lớn đang hiện ra trước mặt.
Đêm đó tôi không thể ngủ được vì thần kinh phấn khích bởi cái tin L/C trị giá 30 triệu USD mới nhận được. Đầu óc tôi hoạt động mạnh và tính toán kế hoạch sử dụng số tiền thu được qua thương vụ mới này như thế nào. Tôi có nên thanh toán hết số tiền mua xe trả góp còn nợ để khỏi phải trả tiền lãi, hay gửi tiết kiệm để có tiền dự trữ không phải đi vay ai nữa…
Mấy ngày sau tôi nhận điện thoại của chị Valapha từ Ngân hàng Bangkok, thông báo ngân hàng đã nhận được L/C trị giá 30 triệu USD và nói rằng không rõ đối tác của tôi mua hàng gì với số tiền lớn như thế.
Sau khi tôi giải thích rõ câu chuyện làm ăn thì từ đó Ngân hàng Bangkok đã cho tôi vay với số tiền ngày càng lớn. Tôi không phải lo lắng về vốn liếng như trước nữa. Không những thế, nhiều ngân hàng khác cũng liên hệ với tôi
và muốn mua lại L/C của tôi. Điều này giúp tôi nhận ra một thực tế là uy tín trong kinh doanh phải kèm theo cái gì.
Cách theo dõi và quản lý L/C của tôi lúc đó như sau: khi có khách hàng nước ngoài chuyển L/C trực tiếp cho tôi, tôi sẽ mở thêm một L/C nữa trong nước, bằng cách lấy L/C gốc làm cơ sở bảo lãnh số tiền L/C tôi mở thêm trong nước, tức bằng giá trị hàng hóa mà tôi sẽ phải trả cho các nhà máy, do vậy tôi có thể kiểm soát số lượng và chất lượng hàng hóa, vì tôi là người quyết định sẽ mua hàng của nhà máy nào, thời gian và cách giao hàng ra sao cho linh hoạt, tiện lợi theo yêu cầu của Carnation.
Sau đó tôi lại nhận được tin mừng khác từ Terry thông báo Quaker Oats, một nhà cung cấp thức ăn cho mèo khác, cũng muốn đặt mua hàng của tôi. Đây cũng là một khách hàng có tiềm năng, dù khối lượng mua hàng không lớn như Carnation.
Tôi và Terry bàn nhau cả hai sẽ cùng đi Canada để gặp khách hàng mới, đích hướng tới là các thành phố như Petersburg và Ontario, nơi tôi từng mong ước đến đó để học tiếp sau đại học. Tôi và Terry hẹn gặp nhau tại San Francisco, từ đó chúng tôi bay sang Canada.
Tại Ontario, tôi gặp bà Kenedy, Giám đốc cung ứng của Quaker Oats. Bà dẫn tôi đi thăm quan cơ sở, giới thiệu về tổ chức và hoạt động của công ty, phương thức nhập khẩu và giao hàng cho các đại lý của công ty. Từ đó tôi hiểu rõ công việc của tôi ở Thái Lan phải tổ chức ra sao để tạo thuận lợi nhất cho họ, giảm tối đa giá thành và có dịch vụ chăm sóc khách hàng sau khi hàng đã được chuyển tới.
Công việc kinh doanh bắt đầu tiến triển nhanh. Đôi khi khách hàng mới cũng liên hệ trực tiếp với tôi, đôi khi thông qua các đối tác của tôi là Terry hoặc George Lin.
Tuy nhiên có một điều mà tôi luôn giữ trước sau như một, đó là tôi không bao giờ làm điều gì qua mặt đối tác hay người môi giới, những người đã cùng nhau góp sức với tôi để công việc kinh doanh đi đến thắng lợi. Một phần đó là vì đạo đức kinh doanh mà mỗi doanh nhân chân chính phải có trách nhiệm với các đối tác của mình, nhưng điều quan trọng hơn là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà tôi luôn tâm niệm.
Tôi cho rằng sống có tình nghĩa, biết đền đáp công ơn những người đã giúp đỡ mình là một đức tính không thể thiếu, đặc biệt đối với doanh nhân. Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ ức hiếp hay phản trắc bất cứ ai, dù việc làm đó có mang lại lợi ích to lớn đến đâu.
Tôi có phải là một “con người chân chính” đích thực hay không, thời gian sẽ mang lại câu trả lời chính xác nhất. Nhưng cho đến hôm nay, dù làm bất cứ việc gì tôi cũng dựa vào lẽ phải, sự công bằng và lòng rộng lượng. Chính nhờ đó mà tôi luôn được mọi người hợp tác giúp đỡ nhiệt tình. Điều gì tôi đã hứa, tôi cố gắng thực hiện bằng được, bất kể họ là ai và ở đâu, là khách hàng hay người thân, bạn bè hay nhân viên…
Mặc dù đôi lúc tôi có thể quên việc này việc khác, nhưng tôi lập tức thực hiện ngay sau khi được nhắc nhở. Tôi cho rằng lời nói chính là “ông chủ” của mình, vì vậy chúng ta cần suy nghĩ kỹ trước khi nói. Lời nói là sản phẩm được chắt lọc từ suy nghĩ mà ra. Do vậy, “nghĩ kỹ, nói đúng và làm đúng” sẽ giúp chúng ta giảm bớt nhiều rắc rối trong cuộc sống và xây dựng niềm tin nơi người khác cũng như uy tín của mỗi người chúng ta.
Khi công việc kinh doanh được đẩy mạnh đến mức cao, nhiệm vụ chủ yếu của tôi là gặp gỡ khách hàng, các chủ nhà máy và tổ chức hoạt động tiếp thị. Lúc này kết quả kinh doanh cũng sinh sôi nảy nở, thành công nằm trong tầm tay, vấn đề còn lại là củng cố nền tảng tổ chức và quản lý nội bộ công ty cho thật vững chắc.
Tôi luôn tự nhủ hãy xem tất cả những chuyện bất trắc, thua thiệt đã qua là những phép thử nghị lực và lòng quyết tâm của mình. Cái gì đã qua thì hãy cho qua để bắt đầu cái mới, không nên quanh quẩn, bám riết cái cũ đã không thể làm gì được nữa ngoài việc ngáng trở mình.
Dù bị mất cơ hội làm ăn với Van Kemp Seafood, nhưng sau đó tôi lại được những cơ hội làm ăn khác có giá trị rất lớn, giúp tôi xây dựng nên một nền tảng tài chính vững chắc, làm chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần để tôi tiếp tục tiến lên phía trước một cách tự tin hơn.
Tôi luôn quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để rèn luyện thân thể giữ thể trạng tốt để đủ sức đương đầu với mọi công việc căng thẳng. Dù công việc bận đến đâu, tôi cũng phân bổ thời gian thích hợp để nghỉ ngơi dưỡng sức, giữ thăng bằng trong cuộc sống. Nếu đau ốm luôn thì dù có “tiền muôn bạc vạn” cũng khó mà “mua” được sức khỏe. Vì vậy, tôi luôn coi trọng khâu “phòng bệnh” bằng cách thường xuyên chạy bộ hoặc đi xe đạp trong hẻm khoảng 2 km mỗi buổi sáng, đôi khi còn có con chó nuôi chạy cùng…
Chương 9: Phần thưởng dành cho người dám ước mơ
Sau một thời gian kinh doanh, tôi bắt đầu có chút tài sản nhờ nhận được liên tục các đơn đặt hàng và không ngừng mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Có tháng khách hàng đặt mua đến 500 tấn bột sắn, không kể hơn 100 con ten-nơ thức ăn đóng hộp cho mèo, cùng các đơn đặt hàng khác gộp lại khoảng 200 con-ten-nơ mỗi tháng. Lúc này, chúng tôi đã có nhà máy sản xuất thức ăn gia súc xuất khẩu, với công suất 300 tấn/ tháng.
Có thể nói công việc kinh doanh xuất khẩu thực phẩm đóng hộp đã bắt đầu đi vào nề nếp, còn việc sản xuất thức ăn cho gia súc cũng có triển vọng rất sáng sủa trong tương lai gần. Do vậy, tôi đã vạch ra kế hoạch tập trung vào kinh doanh xuất khẩu và thận trọng hơn trong đầu tư sản xuất, không mở rộng đầu tư ồ ạt để tránh bị thiếu vốn, vì dù sao vốn liếng của công ty vẫn còn hạn chế. Việc tuyển thêm nhân viên cũng thực hiện từng bước phù hợp với mức tăng trưởng doanh số xuất khẩu của công ty.
Sau khi thay dây chuyền sản xuất CPM cũ kỹ, vốn là nguyên nhân làm cho sản phẩm thức ăn gia súc của V&K không xuất được sang Nhật, bằng máy ép thỏi Johndeer của Mỹ thì tình hình được cải thiện, dù phải mất thời gian lẫn chi phí trong hơn một năm.
Mặc dù công việc kinh doanh tiến triển tốt, tôi vẫn không ngừng tìm kiếm thêm các thị trường mới để mở rộng kinh doanh, tăng doanh thu và giữ vững sự phát triển ổn định của công ty.
Tôi thu mua nguyên liệu cá ngừ tươi từ nhiều nguồn đánh bắt khác nhau trên thế giới từ đội tàu đánh cá của Pháp, Tây Ban Nha, Đài Loan, Nhật Bản,
Nga. Do nắm được cả hai bên, người bán và người mua, nên công việc kinh doanh của tôi diễn ra rất thuận lợi.
Thời gian đó, tôi bắt đầu thâm nhập vào các cộng đồng kinh doanh để tìm kiếm đồng minh. Năm 1982, tôi có dịp tham gia đoàn thương nhân tháp tùng Ngoại trưởng Thái Lan Siddhi Savetsila, trong Chính phủ của Prem Tinsulanond, đi thăm nước Nga. Trong chuyến đi này, tôi đã thương lượng và mua được cá ngừ của đội tàu đánh cá của Nga. Đội này có nhiệm vụ “dò la tin tức” nhiều hơn là đánh bắt cá, do đó chất lượng cá của họ không cao, nhưng giá lại rẻ. Vì vậy tôi vẫn mua để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đang thiếu trong nước.
Tôi không chỉ tìm mua nguyên liệu cá cho các nhà máy chế biến mà còn tìm mua các phụ kiện và gia vị khác, như mua vỏ hộp nhôm easy open hay còn gọi là loại hộp “dễ mở”- một phát minh mới của thời đó, từ Na Uy; hay mua xốt cà chua đặc từ Đài Loan làm phụ gia cho cá mòi, không kể việc vận chuyển nước khoáng từ Kanchanaburi về Bangkok để chế biến cá ngừ xuất khẩu sang Mỹ. Có thể nói, công việc kinh doanh của tôi như một quy trình khép kín.
Nhờ đó doanh thu của V&K không ngừng tăng lên, lợi nhuận cũng tăng theo. Trong giai đoạn từ sau năm 1983, mỗi năm tôi thu mua 40.000 - 50.000 tấn cá ngừ tươi, trong đó 20.000 - 30.000 tấn dành cho khách hàng chính là nhà máy Thai Union, nhà sản xuất cá ngừ hộp cho Van Kemp Seafood. Như vậy, dù không được bán thành phẩm cá ngừ hộp cho Van Kemp Seafoood, tôi cũng gián tiếp kiếm lời qua việc cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến của họ.
Trong thời gian đó, mỗi tháng có từ 2 - 4 tàu, mỗi chiếc có trọng tải 2.000 - 3.000 tấn, chở cá ngừ tươi đến Bangkok. Đôi khi cũng có tàu Hàn Quốc trọng tải đến 8.000 tấn cập cảng…. Cá ngừ tươi nhập khẩu được giữ ở kho đông lạnh với nhiệt độ -25 0 C, còn nước khoáng từ tỉnh Kanchanaburi tôi
dùng xe tải10 bánh chở về và bán tại các nhà máy chế biến cá với giá 10.000 bạt một xe 15 tấn. Đây là một nhánh kinh doanh nhỏ tôi giao cho các em tôi đảm trách, do Vitoon đứng đầu.
Về công việc quản lý và điều hành công ty, tôi bắt đầu tìm kiếm liên minh nhằm tăng cường sức mạnh và chia sẻ rủi ro. Tôi đã liên hệ với Công ty Puresbury hay còn gọi là Green Giant, nhà sản xuất rau quả trái cây hàng đầu thế giới, thông qua Công ty KuaChee tại Đài Bắc, sau khi tôi biết tin Puresbury quan tâm đến loại nấm champion và một số rau quả của Thái Lan và muốn tìm cơ sở sản xuất rau quả quy mô lớn ở phía Bắc Thái Lan.
Tôi liên hệ xin gặp Đại tướng Cảnh sát Pao Sarasin, Giám đốc Cục Phòng chống Ma túy Thái Lan (NCB), lúc đó NCB đang có chính sách khuyến khích người dân trồng rau quả thay cho cây thuốc phiện tại các tỉnh vùng cao ở miền Bắc Thái Lan.
Thái Lan khi ấy được các tổ chức quốc tế tài trợ, giúp đỡ trong việc chống tệ nạn buôn lậu ma túy qua biên giới, cũng như trợ giúp kỹ thuật để trồng các loại cây khác thay thế thuốc phiện. Do vậy, việc tôi tìm kiếm các cơ hội để người dân địa phương chuyển sang canh tác các loại cây khác cũng là góp sức giúp xóa cây thuốc phiện ở Thái Lan.
Sau khi tôi trình bày mục đích của mình, Đại tướng Pao mời Thiếu tướng Chavalit Yodmani, lúc đó là Phó Giám đốc NCB cùng tham dự. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp và nói chuyện thân mật với Thiếu tướng Chavalit, người sau này trở thành một cổ đông của công ty tôi cho đến ngày nay.
Trong cuộc gặp hôm đó, Thiếu tướng Chavalit cho tôi biết tình hình và diện tích trồng trọt ở miền núi, cũng như khuyến khích tôi tham gia vào dự án phát triển các loại cây thay thế thuốc phiện. Tôi có ấn tượng sâu sắc đối với Thiếu tướng Chavalit về phong cách, thái độ ân cần và cử chỉ thân thiện của ông, dù lần đầu tiên gặp gỡ và tôi ít tuổi hơn ông nhiều.
Thiếu tướng Chavalit là một người có đạo đức, cởi mở và rộng lượng, xuất thân từ một gia đình khá giả, có học thức, quan hệ xã hội rộng. Từ sự yêu mến và kính trọng, tôi có ý muốn sau này mời ông tham gia làm một cổ đông trong công ty để giúp khâu quan hệ với các cơ quan nhà nước, vì trong giới kinh doanh ai cũng biết một thực tế là việc liên hệ với các cơ quan nhà nước rất phiền toái, mất nhiều thời gian, cứ như phải uống liều “thuốc đắng” nhưng không “giã tật”.
Sau khi xây dựng mối quan hệ với Thiếu tướng Chavalit được hai năm, tôi chính thức mời ông làm một cổ đông của công ty, giai đoạn đầu ông nắm giữ 20% vốn điều lệ và góp vốn bằng tiền mặt 2 triệu bạt. Thiếu tướng Chavalit đồng ý tham gia, dù có vẻ như ông phải huy động gần hết vốn liếng của mình.
Nhờ có mối quan hệ rộng, bản thân lại là người vui tính, biết lắng nghe ý kiến người khác nên Thiếu tướng Chavalit đã giúp cho công ty rất nhiều, nhất là trong quan hệ với các cơ quan nhà nước và quan hệ công chúng. Quan hệ giữa tôi và ông ngày càng thân tình, gắn bó. Chúng tôi đã hợp tác kinh doanh với nhau trong suốt 30 năm qua và hiện nay vẫn còn tiếp tục.
Trong các năm 1983-1986 doanh thu của công ty tôi đạt mức 1,3 - 1,5 tỷ bạt, là một trong các công ty xuất nhập khẩu cá hộp có doanh thu cao nhất của Thái Lan lúc đó, từ việc xuất khẩu 2.000 con-ten-nơ cá hộp và nhập khẩu cá ngừ tươi từ 40.000 - 50.000 tấn một năm, cùng một số mặt hàng khác. Ngoài cá ngừ là mặt hàng chính, tôi vẫn duy trì xuất khẩu bột sắn với số lượng vừa phải. Lợi nhuận ròng hàng năm của công ty đạt mức 4-7 triệu bạt. Do biết cách chi tiêu và tiết kiệm nên đến năm 1988 tôi đã tích lũy được hơn 30 triệu bạt, nhờ đó có thể mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khác.
Tôi luôn tin tưởng làm việc theo lẽ phải, có tình có lý và công bằng sẽ dẫn đến thành công. Trong kinh doanh ai cũng muốn thu được nhiều lợi nhuận, nhưng lợi nhuận đó phải do làm ăn chính đáng, chứ không phải do lừa đảo
hay gian lận mà có. Tôi vốn không phải là kẻ dối trá, lật lọng. Tôi coi trọng danh dự, biết hổ thẹn trước việc làm xấu hoặc không đàng hoàng và luôn tâm niệm rằng lợi nhuận mình kiếm được phải minh bạch, không phải do gian lận hay ức hiếp kẻ yếu hơn mà có.
Tôi tin vào câu châm ngôn “Kẻ gian ăn không được lâu, người ngay ăn mãi không hết”, vì việc lợi dụng người khác dù có làm ai đó giàu lên, nhưng bản thân họ sẽ không bao giờ cảm thấy tự hào và thanh thản. Khi gặp khó khăn bất trắc, không nên mất thời giờ đi tìm nơi cúng lễ cầu xin các đấng thiêng liêng cứu giúp, mà nên xem lại cách làm việc của mình, xem chúng ta đã dùng hết trí tuệ, sức lực và thời gian một cách đúng đắn, khoa học và có đạo đức hay chưa? Có phù hợp với xu thế phát triển của thị trường thế giới và năng lực về mọi mặt của chúng ta hay không?
Mỗi khi gặp phải trở ngại, chúng ta nên dùng trí tuệ để vượt qua mà không nên đổ lỗi cho số mệnh hay sự may rủi vì điều đó chẳng làm cho tình hình khá hơn chút nào. Chúng ta phải hành động bằng lý trí, kiên trì phấn đấu, không đầu hàng trước khó khăn trở ngại. Có thể tôi đã gặp may khi chọn đúng ngành kinh doanh phù hợp với thị trường thế giới và trong nước, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi chỉ làm được chăng hay chớ.
Ngược lại, tôi đã thực sự lao vào công việc và bắt tay hợp tác với những người chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong nghề, qua đó không ngừng nâng cao hiểu biết và tay nghề của mình. Dù vậy, không phải mọi chuyện đều dễ dàng, tôi cũng từng gặp nhiều khó khăn và vô vàn trở ngại. Đó là điều rất bình thường trong cuộc sống… Cũng giống như mặt trăng, không phải đêm nào cũng sáng.
Việc xây dựng công ty trở thành Tập đoàn Amata (Amata trong tiếng Thái có nghĩa là “vĩnh cửu”) không hề dễ dàng, nhưng cũng không phải là quá khó.
Chương 10: Mùa bão tố
Con người ta trước khi biết đứng, biết đi, biết chạy đều phải trải qua giai đoạn “biết lẫy, biết bò” rồi mới “lò dò biết đi”. Chẳng ai sinh ra là đã biết chạy ngay. Điều đó cũng đúng với doanh nghiệp, nó cũng phải trải qua giai đoạn dò dẫm chập chững ban đầu trước khi đứng vững và phát triển.
Điều quan trọng là bạn phải có quyết tâm và lòng kiên trì, không bỏ cuộc dễ dàng trước khó khăn; nếu không, bạn cứ phải luôn luôn quay trở lại vạch xuất phát và như vậy cơ hội thành công sẽ ít đi, hoặc chỉ đến một cách muộn màng.
Từ tay không tôi đã xây dựng nên một công ty xuất nhập khẩu thực phẩm đóng hộp hàng đầu Thái Lan chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm. Nhưng điều đó không có nghĩa là con đường kinh doanh của tôi chỉ trải bằng hoa hồng mà không có chông gai.
Ngược lại, tôi luôn gặp phải khó khăn trở ngại với nhiều hình thức khác nhau cứ như muốn thử thách bản lĩnh và ý chí của tôi. Song, tôi không bao giờ chùn bước trước khó khăn mà chỉ tập trung suy nghĩ tìm cách để vượt qua. Có những vấn đề giải quyết nhanh, nhưng cũng có những vấn đề tôi phải mất rất nhiều thời gian và nát óc suy nghĩ mới tìm được lối ra….
Dám đương đầu với khó khăn giúp tôi có một vốn sống khá phong phú cùng với những trải nghiệm đầy hương vị và màu sắc trong nhiều lĩnh vực và các mối quan hệ như gia đình, học tập, bạn bè, công việc, xã hội… Nhiều lúc tôi có cảm tưởng như mình đang đi trên một con đường quanh co khúc khuỷu, nhiều ổ gà và hố sâu, thậm chí vực thẳm chắn ngang trước mặt...
Những lúc như thế tôi cũng thấy nản lòng, không muốn nghĩ hay bước tiếp dù chỉ một bước. Nhưng nhờ cái tính bướng bỉnh không bỏ cuộc giữa
chừng và một ý thức trách nhiệm cao đối với gia đình, tôi mới vượt qua khó khăn và có được thành công như ngày hôm nay.
Trong thời gian 7-8 năm đầu công việc kinh doanh xuất nhập khẩu tiến triển rất tốt, tôi làm việc hăng hái suốt ngày đêm không biết mệt mỏi, nhìn vào đâu cũng chỉ thấy toàn màu hồng. Tôi ngây ngất với bức tranh thắng lợi tưởng tượng ra từ bối cảnh xung quanh và những cải thiện về vật chất mới có được trong đời.
Khi đó tôi bắt đầu nghĩ đến việc tiếp tục học để lấy bằng thạc sĩ tại Canada nhằm nâng cao học vấn để bảo đảm một tương lai vững chắc hơn. Nếu có thể kết hợp vừa học vừa làm tiếp thị tại Canada thì càng tốt, và sau khi học xong tôi càng có điều kiện củng cố phát triển công ty ngày càng lớn mạnh.
Tôi dự định sẽ học tiếp ngành cơ khí chế tạo và kết hợp làm tiếp thị sản phẩm cá hộp. Lúc đó tôi đã có Thiếu tướng Chavalit cùng hợp tác nên có thể rảnh tay trong công việc quản lý công ty. Tuy vậy, tôi vẫn không ngừng tìm kiếm thêm đồng minh để củng cố sức mạnh của công ty, vì hiểu rõ tương lai bấp bênh của công việc làm trung gian thương mại.
Đây là ngành kinh doanh có nhiều rủi ro, vì nhà sản xuất và người mua hàng sẵn sàng gạt bỏ người môi giới bất cứ lúc nào khi họ có thể buôn bán trực tiếp với nhau, như trường hợp Van Kemp Seafood đã từng làm với tôi, vì ai cũng muốn hạ giá thành xuống mức thấp nhất và tăng lợi nhuận đến mức cao nhất.
Tôi luôn nhắc nhở mình nhìn đời với con mắt thực tế. “Phi thương bất phú”, lợi nhuận vẫn luôn luôn là nhân tố quan trọng chi phối mọi việc. Dù cố gắng làm tốt bao nhiêu, nhưng nếu không giúp nhà sản xuất và người mua hàng kiếm được lợi nhuận, chắc chắn họ sẽ gạt vai trò trung gian của tôi tức khắc. Do đó, dù làm bất cứ công việc gì thì “lợi ích” cũng phải là yếu tố then
chốt. .
Có lần tôi đặt mua bột sắn của ông Fu Choi, chủ nhà máy bột sắn tại tỉnh Kanchanaburi, là cơ sở sản xuất đã có quan hệ buôn bán với tôi nhiều lần trong việc xuất hàng sang Đài Loan, với khối lượng 300 tấn. Giá trung bình lúc đó vào khoảng 400 bạt/hạp (một hạp = 60kg). Hai bên làm hợp đồng mua bán theo đúng quy định. Sau đó không lâu thì bột sắn lên giá 500 bạt/hạp. Ông Fu Choi không giao hàng cho tôi như đã thỏa thuận.
Tôi gọi điện thoại nhiều lần nhưng ông ta không trả lời, cũng không chịu gặp mặt nói chuyện. Tôi đến tìm Fu Choi tại nhà và nhà máy đều được trả lời là ông ta đi vắng. Dù nản lòng, nhưng tôi vẫn phải cố tìm cách để thực hiện đơn đặt hàng đã nhận. Do đó tôi đã liên hệ với ông Suthep, chủ nhà máy bột sắn Asia, nằm cách nhà máy của ông Fu Choi 4-5 km, để mua hàng dù phải trả với giá 600 bạt/hạp.
Tôi đã từng mua hàng của ông Suthep hai ba lần nên nghĩ rằng có thể tin nhau được, nhưng đến khi nhân viên của tôi đến kiểm tra trọng lượng hàng trước khi chất lên tàu mới phát hiện các bao tải đáng lẽ phải có trọng lượng 50,3 kg thì thực tế chỉ cân nặng có 44-45 kg một bao. Lúc đó hàng đã được chất lên tàu đủ trọng tải nên không thể bổ sung thêm trọng lượng bị thiếu. Tôi rất sửng sốt trước sự gian lận của người bạn hàng và choáng váng trước tình cảnh họa vô đơn chí này.
Thực ra ông Suthep cũng là người cùng quê Kanchanaburi, tôi không ngờ ông ta lại cho tôi một vố đau như vậy. Chẳng khác nào “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, tôi vừa bị lỗ vốn do nhà cung cấp thất hứa vừa phải đi tìm nhà cung cấp mới với giá mua cao hơn để giao hàng đúng hạn, nhưng lại gặp phải kẻ buôn gian bán lận.
Sau vụ này tôi không làm ăn với hai nhà máy đó nữa. Về sau, nhà máy tại Kanchanaburi bị thua lỗ phải đóng cửa, còn nhà máy Asia thì dẫm chân tại
chỗ không phát triển lên được, có thể đó là hậu quả của lối làm ăn chụp giật, thiếu chữ tín nên không thể tiến xa. Sau này tôi nghe tin nhà máy đó được bán cho chủ khác.
Điều quan trọng là bạn phải có quyết tâm và lòng kiên trì, không bỏ cuộc dễ dàng trước khó khăn; nếu không, bạn cứ phải luôn luôn quay trở lại vạch xuất phát và như vậy cơ hội thành công sẽ ít đi, hoặc chỉ đến một cách muộn màng.
Không lâu sau, ông Montri Silverman, bạn hàng lâu năm của tôi tại San Diego, Mỹ thông báo một tin không vui, rằng toàn bộ lô hàng cá ngừ hộp, gồm 2 con-ten-nơ trị giá 134.000 USD, mà tôi chuyển giao cho khách hàng Safer Hargas tại Halifax, Canada đã bị Cục Hải sản nước này bắt trả về vì có mùi không bình thường. Các nhân viên Canada không quen với mùi cá ngừ của Thái Lan chăng?
Tôi còn nhớ lô hàng đó tôi đặt mua của nhà máy cá hộp Yuco tại Paknam, nên vội liên hệ với nhà máy này để báo tin. Nhưng không hiểu vì họ sợ phải đền bù thiệt hại, hay do nhà máy đang bị khốn đốn không có tiền đền bù, nên họ đóng cửa luôn.
Nghe tin tôi giật mình, không biết phải bắt đền ai, lại còn phải tìm nguồn tài chính để đền bù thiệt hại cho khách hàng, cộng với cước phí chuyên chở hàng bị trả về, tiền lưu kho và nhiều chi phí khác nữa, tổng cộng lại thành một khoản chi phí khá lớn. Sự cố này làm cho tôi tối tăm mặt mũi như đang đi giữa cơn bão.
Khi hàng được chở về nước, tôi vội tìm biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách cho thêm dầu thực vật để khử mùi và thay vỏ hộp mới tại nhà máy Unicord, sau đó xuất sang Israel và các nước Trung Đông nhờ sự giúp đỡ của hai người bạn người Đài Loan là Rony Lee và Pang. Nhưng do phải mất thêm chi phí đóng hộp mới và vận chuyển nên việc bán lô hàng này vẫn bị lỗ