🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tất Cả Các Dòng Sông Đều Chảy Ebooks Nhóm Zalo TẤT CẢ CÁC DÒNG SÔNG ĐỀU CHẢY Tác giả: Nancy Cato Nhà xuất bản Văn học 2010 Khổ 13.5 x 20.5. Số trang: 508 Dịch từ bản tiếng Anh: ALL THE RIVERS RUN của Nancy Cato – 1986 Thực hiện ebook: hoi_ls (www.e-thuvien.com) MỞ ĐẦU TẬP MỘT MỘT DÒNG SÔNG CHƯA BỊ CHẾ NGỰ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 TẬP HAI THỜI GIAN ÊM ĐỀM TRÔI 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 TẬP BA CON SÔNG VẪN LƯỚT XUÔI DÒNG 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 TẬP BỐN VỀ BỜ BẾN CUỐI CÙNG 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 Tất cả các dòng sông đều chảy về biển, nhưng biển lại không đầy. Các dòng sông lại quay về đổ vào cội nguồn nơi phát sinh chúng. (Trích Cựu ước) MỞ ĐẦU Một dòng nước nhỏ vừa phát sinh trên cao, trong vùng núi Alp[1]ở Úc, di chuyển dưới tuyết mà không ai trông thấy hoặc có thể thoáng thấy xuyên qua một cái hố che bóng xanh lơ giữa những chiếc cầu tuyết đang tan chảy. Càng lúc càng rộng và càng sâu hơn, dòng nước cuồn cuộn quanh những tầng đá mòn, ngầu bọt xuyên qua những ghềnh và nhảy chồm lên những thác nước, rồi cuối cùng chảy lên các cánh đồng như một dòng sông rộng và nguy nga. Giờ đây chính nó được các nhánh sông từ phía nam, phía đông và phía bắc đổ vào. Người ta bảo rằng những mẫu chất khoáng và hữu cơ trên thế giới có thể được tìm thấy trong các dòng nước sông Murray[2]vàng, đất sét, than đá, đá vôi, người chết, cá chết, cây đổ, thuyền mục; tất cả hoặc bị tan hoặc bị vỡ ra rồi bị cuốn trôi trong dòng sông trầm lặng đó. Nó giống như cuộc sống bị tan trong thời gian: lúc nào cũng trôi qua ấy thế mà không ngừng tái sinh lại, lúc nào cũng thay đổi, ấy thế mà lúc nào cũng như cũ. Càng chảy xa nó càng trở nên phức tạp hơn, dòng sông trở thành già cỗi và lờ đờ vào lúc nó đến gần biển cả. Dòng sông quanh co xuyên qua các biển hồ rộng hầu như không chảy và những con kênh đẩy cát về phía sóng lớn vỗ bờ của vịnh Goolwa, những đợt sóng cuồn cuộn dài hàng dặm của Đại dương phía Nam. Thị trấn nhỏ Goolwa mọc lên trên khúc quanh cuối cùng của con sông lớn, chậm và mệt mỏi này. Những toà nhà cũ kỹ, làm bằng đá vôi ở địa phương, đã phai màu giống như màu của những ngọn đồi tháp rợp nắng phía sau. Trước mặt, dòng sông trải dài trên cầu tàu gấp khúc và hoang vắng. Một số chiếc thuyền chèo cũ kỹ bị cột lại như những nhà thuyền[3], hoặc nằm phơi trên bùn. Các bạn có thể đến thăm thị trấn Goolwa hàng chục lần mà không biết rằng gần đấy là biển, cũng không biết rằng cửa sông Murray mất hút trong những đồi cát hỗn độn. Rồi vào một ngày có gió nam, hoặc vào một đêm tĩnh mịch giữa mùa hè, các bạn sẽ nghe thấy một tiếng sấm nhỏ. Đó là tiếng nói của biển cả. Con sông có thể trầm lặng và trong vắt, phản chiếu sao thập tự sáng chói trong dòng nước tối om, nhưng lúc nào tiếng gầm của sóng cồn vỗ bờ kia cũng nhấn mạnh sự êm đềm, bàng bạc vẻ tĩnh mịch với âm thanh không bao giờ tắt của nó. Giờ đây tất cả biến thành một, dòng nước nhỏ dưới lớp tuyết, ngọn thác, con suối trong núi và dòng nước tuôn chảy, và trong âm thanh lúc cuối cùng nó tan chảy, con sông tựa hồ như bảo rằng: “Không có cái chết đâu, lúc kết thúc cũng là lúc khởi đầu”. TẬP MỘT MỘT DÒNG SÔNG CHƯA BỊ CHẾ NGỰ 1 Làn khói trắng mỏng dật bờ dốc cao, để rồi bị tan hẳn trong mảng xanh nhạt và xanh lơ đẹp đẽ, Delie nghĩ, như khói hương. Khoảng xanh lơ bao la kia ắt hắn là bầu trời. Có cái gì đang đau - phía dưới mũi và cuống họng cô - và cô nhớ tới kẻ nào đó - hay là chính cô! - đang ho đang nôn oẹ. Ngực cô đau nhức. Cô quay đầu lại và trong tầm mắt cô là một người đàn ông, một người đàn ông khổng lồ cao vút tới trời. Anh ta có ria mép, nhưng anh ta trông không giống Thượng đế nhiều lắm. Gương mặt tròn trịa, đỏ au, hào hiệp của anh ta bị khuất mất một nửa bỏi bộ ria sậm màu như lôm đốm xám ấy. Ngực anh ta cũng đầy lông nữa, trên cái quần lao động xanh bằng vải thô bạc màu xắn cao lên tới đầu gối. Gương mặt đỏ cúi xuống cô và mỉm cười, phô hàm răng sún với những chiếc răng đóng bợn. - Đỡ hơn chứ cô em? Cô cố mỉm cười lại: - Vâng, cám ơn ông. Trong khi cô nghe tiếng nói của chính cô, ký ức về những gì đã xảy ra quét lên người cô như một cơn sóng giá buốt, như cơn sóng đã quét cô ra biển. Trời chưa rạng sáng, cô đã thức giấc rất sớm, bởi vì đó là đêm cuối cùng, họ còn ở trên tàu. Hôm sau họ sẽ tới Melborrne và đến Úc lần đầu tiên. Cô khao khát được trông thấy đất nước mà cha cô đã nói đến rất nhiều, nơi dì cô đã tới sinh sống mấy năm trước. Trước đấy một hôm, cô đã trông thấy bờ biển trải dài tới phía tây bắc, thấp, xanh lơ và bí ẩn. Lúc chiều tối cô đã ngửi thấy hơi thở nhè nhẹ, ấm áp, có mùi vị của ngọn gió hiu hiu trên đất liền. Cha cô bảo rằng đó là hương cây thoảng trong gió, hương cây khuynh diệp. Sáng ấy cô đã dậy sớm và lặng lẽ, thay quần áo, lên boong tàu một mình và cảm thấy lần cuối cùng con tàu lướt dưới đôi chân của cô trên những ngọn sóng vỗ bờ chạy dài thăm thẳm ở phía nam, như một con ngựa to lớn dũng cảm đang chạy nước kiệu trên những cánh đồng của biển cả. Trời còn tối lắm, nên cô chỉ có thể trông thấy nước trắng xóa xì xì dọc theo mạn tàu, và một ít vì sao đang bị mờ đi nhanh chóng bởi một áng mây trôi chậm chạp và vô tình. Những cánh buồm căng rộng cong cong trên đầu cô, gió rít the thé trong đám cột buồm. Qua ánh sáng rực rỡ, ma quái của ngọn đèn của cái la bàn, cô có thể trông thấy được người lái tàu, và phía sau ông ta là viên sĩ quan đang phiên gác. Không ai khác trên boong tàu ngoài người đàn ông đang đứng canh xa xa ở mũi tàu. Mặt biển xạm màu rọi những đường trắng xóa trong khi những ngọn sóng dâng cao, tràn ra. Bỗng có tiếng la điên cuồng của người đứng canh. - Sóng thần! Sóng thần ở phía trước. Ngay cả khi người sĩ quan gào lên ra lệnh và người lái tàu quay bánh xe thật mạnh lên trên, con tàu va mạnh ầm ầm, vỡ tan từng mảnh. Cột tàu nghiêng ngả như cây cối trong gió lốc, dây néo bay vun vút. Một cơn sóng thật to ngầu bọt trắng xoá dựng đứng ở phía nam, đổ chụp lên con tàu đang kinh hãi. Và cô, Delie Gordon, người hành khách duy nhất trên boong tàu, liền bị chôn vùi trong dòng nước giá buốt và bị quét ra ngoài mạn tàu. 2 Chiếc xe lửa giật nảy, xì xì nhả hơi nước rồi dừng lại ở một nhà ga tăm tối. Chiếc xe lửa này chạy rất chậm. Nó đã nhồi lên nhồi xuống, đong đưa cả nửa ngày trời và một phần trong đêm để tới địa điểm này. Giờ đây nó đứng yên, thở hổn hển một cách mãn nguyện vì đã hoàn thành công việc, tuyến đường đến đây là hết. Bác bảo vệ sân ga mở cửa đánh sầm. Một cách chính xác tựa hồ như người hành khách bé nhỏ còn ở lại kia là cả một toa đầy người, bác hét to: - Xin nhanh nhanh cho! Xin nhanh nhanh cho! Xin sang xe tại đây rồi sẽ đi tiếp lên núi bằng xe ngựa. Delie nhặt nhanh những đồ lề rải rác của mình, đội lên đầu chiếc mũ rơm có những dây rua băng đen mà người cố vấn pháp luật hào hiệp, một người hoàn toàn xa lạ với cô, đã cố nài để mua cho cô ở Melbourne. - Được rồi, cô bé. Nếu muốn thì khi nào xong xuôi tất cả công việc về bất động sản của cha cô, cô sẽ trả lại tôi. Và ông còn mua thêm cho cô một đôi găng và một đôi giày nữa. Ai cũng rất tốt, hết sức tốt. Giờ đây cô có một cái túi đầy vật dụng mà bà Brownlow đã ném cho cô, cả đến chiếc rốp rộng thùng thình và chiếc áo khoác ngoài của cô. Bà ta là người đã chăm nom cho cô trên cả tuyến đường đi tới Goulburn trước khi sang xe lửa. Bà Brownlow rất có thiện cảm với cô nhưng hơi độc đoán. Cuối cùng, cô rất vui khi được ở một mình. Giờ đây, cô cảm thấy sợ sệt. Tất cả đều đen tối và xa lạ, cô hy vọng người dượng sẽ chờ cô tại nhà ga. Người bảo vệ sân ga nhìn khuôn mặt bé nhỏ trắng trẻo của người hành khách cuối cùng, bỏ dáng điệu trịnh trọng và trở nên thân mật như người cha, bác bảo: - Cháu bé, cháu đưa lại vé xe. Cháu trao cái túi xách kia đây! Đủ cả rồi hở cháu? Cháu nhìn dưới băng ngồi xem? Được rồi. Cô theo ông ta bước ra ngoài, trời gió lạnh giá. Hai ngọn đèn vuông vức soi sáng lờ mờ nhà ga nhỏ. Một người cao lớn, với bộ ria rũ xuống và bộ râu cằm đen thui bước về phía cô. Ông ta khoác một chiếc áo dài gần chấm gót chân và đội một cái nón nỉ rộng vành. Ông hỏi: - Phải cô là Philadelphia Gordon không? Người bảo vệ sân ga hỏi lại: - Ông là dượng cô đấy à? Tôi có nghe ông Charles Jamieson ở Kiandra báo như thế. - Đúng thế. Đây, xin cảm ơn ông. Ông bí mật giúi vào tay bác bảo vệ sân ga một vật gì đó. - Mạnh giỏi, cháu? Người cao lớn cúi xuống hôn má cô, đôi ria mép của ông ta làm cô nhồn nhột. Cô bẽn lẽn mỉm cười với ông. Ông chỉ là dượng cô, nhưng là người bà con đầu tiên mà cô gặp, hầu như là người bà con duy nhất ở đất nước mới mẻ xa lạ này. Ông nhìn xuống cô, hơi ngạc nhiên. - Cháu là Philadelphia đấy à! Thế mà dượng tưởng rằng dượng sẽ gặp một cô bé. Và ông ta đưa tay ra dấu khoảng ngang tầm đầu gối của mình. - Thưa dượng, cháu mới gần mười ba tuổi thôi! Cháu lớn hơn tuổi. Má cháu bảo… - Cô lảo đảo, trong khi những giọt nước mắt đau buồn mà cô đã cố nén lại ươn ướt trong mắt cô - … M… má cháu thường bảo rằng cháu lớn nhanh quá. Ông để túi xách xuống, nắm bàn tay cô kéo qua cánh tay mình, bàn tay kia vỗ vỗ. - Dượng hy vọng dì cháu sẽ là một người mẹ mới của cháu, cháu ạ. Dượng… dì dượng rất mong được gặp cháu, dì dượng sẽ phải nuôi cho cháu béo ra. Dì cháu nấu ăn giỏi lắm. Cô vui mừng vì ông không nói gì về vụ đắm tàu, một đề tài mà mỗi lần nhắc đến cô lại thấy đau buồn. Trên đường đi đến khách sạn, cô vừa kể cho ông nghe về chuyến đi bằng xe lửa từ miền duyên hải phía nam đến Melbourne và về người bạn của cô: người thủy thủ đã cứu cô, người hành khách duy nhất còn sống sót, nhưng cô không đề cập tới những ngày ghê sợ, họ cùng sống trên bãi biển, cũng không đề cập tối những hình thù đen tối chồm chồm lờ đờ trong sóng nước, mà cô vẫn trông thấy trong những giấc mơ. Lúc hai dượng cháu ra khỏi chỗ núp ở nhà ga, gió thổi chụp lên người họ. Gió lạnh, khô, mỏng manh thổi xuyên qua chiếc áo khoác cô mượn dùng tạm. Dượng cô bảo: - Dượng cháu mình ngủ một chút, sáu giờ sáng mai xe đi Ademinaby mới khởi hành. * Trời hãy còn tối, dượng đã gọi cô, cô luống cuống thay y phục nhờ ánh nến. Bữa ăn sáng gồm có trà, bánh mì nướng nóng phết một miếng bơ lớn, mặn, chưa chảy. Cô vẫn còn chưa tỉnh ngủ khi hai dượng cháu bước ra chiếc xe ngựa có thắp đèn. Những đốm sao còn hiện trên bầu trời vẩn mây. Những hình thù to lớn dường như dâng lên khắp cả chân trời. Trời không có gió, không khí lạnh cắt da cắt thịt. Chiếc xe vọt tới. Không khí mát lạnh làm cô tỉnh ngủ, cô bỗng cảm thấy niềm hứng khởi dâng lên trong người. Cô rất muốn ra đi, đi bất cứ nơi đâu, trong ánh bình minh huyền diệu. Cảm thấy cần tỏ ra biết xã giao, cô cất tiếng: - Dượng Charles, dượng kể cho cháu nghe về mỏ vàng của dượng đi. - Hả… hả…? Ông nghi ngờ nhìn ba người hành khách đàn ông khác, râu quai nón bờm xờm, trên người khoác những lớp y phục không ra hình thù gì cả. Rồi ông nói to: - Không phải mỏ đâu, cháu. Dượng chỉ tìm kiếm trong một mạch mở trước kia ở Kiandra thôi. Tất cả những thứ tốt đều đã bị mang đi mấy năm trước rồi. Bây giờ thỉnh thoảng chỉ được chút chút, không bõ thời gian dượng hao tốn vào đấy đâu. Rồi ông quay sang cô, mắt ông nhấp nháy, chậm và lâu. Không biết phải hiểu như thế nào, cô bảo: - Thưa dượng, còn về núi non thì sao? Phải ở đó có những ngọn núi khổng lồ tuyết phủ quanh năm như ở Thuỵ Sĩ không? - Cháu có đi Thuỵ Sĩ rồi à? - Thưa không. Nhưng ba cháu có đi, lúc lên tới đỉnh núi Jungfrau cao tối 4.160 thước, ba cháu có gửi cho cháu một bưu thiếp. Ba cháu thường đưa cả nhà đi leo núi ở phía bắc nước Anh. Ba có hứa là sẽ đưa cả nhà… Cô ngập ngừng, nước mắt ràn rụa. Giờ đây, đâu còn “cả nhà” nữa, chỉ còn có mỗi mình cô. Ông vỗ vỗ bàn tay cô. - Ngày nào đó, dượng sẽ đưa cháu đi leo núi, nhưng từ Kiandra tới đây đường tốt lắm, chỉ có đồi ở độ cao một nghìn sáu trăm thước. Nhưng sáng nay cháu sẽ trông thấy núi Kosciusko[4]. Cô siết tay ông, tỏ lòng biết ơn. Ông cúi xuống nhìn cô chăm chú. - Đêm qua, dượng không có dịp nhìn cháu kỹ lắm. Mắt xanh lơ hở, tóc đen! Dượng vẫn luôn luôn muốn có đứa con gái giống như cháu. - Thật ra tóc cháu không đen lắm đâu, chỉ hơi sậm thôi, dượng không có con gái à? - Không, dì dượng chỉ có một đứa con trai, nó gần mười lăm tuổi. Dượng… dì dượng lúc nào cũng muốn có con gái, nhưng lại không sinh được. Dì của cháu sức khỏe yếu, ắt mẹ cháu có nói cho cháu biết. Lúc nghe gia đình cháu đến thăm dì dượng, dượng rất mừng, Philadelphia ạ. - Cháu… cháu thường được gọi là Delie. Gọi đủ tên cháu thì dài lắm. - À, này Delie. Tên cháu được đặt theo một thành phố của Mỹ à? Còn thằng con trai của dượng thì tên là Adam, đặt theo kinh thánh. - Thưa dượng, đúng thế ạ. Trước khi nghĩ tới Úc lúc nào cháu cũng tính sang nước Mỹ. So với tuổi thì anh Adam có cao lớn không dượng? Anh có sáng trí không? Còn cháu thì dở số học lắm. - Có, nó to con lắm. Thường thì thấy cô ghi nhận xét trong học bạ nó khá hơn, nhưng có ghi thêm là nếu nó cố gắng thì nó còn khá hơn nữa. Nó lại hay mơ mộng, hay quên, và lúc nào nó cũng chúi mũi vào sách vở. - Ba má cháu cũng nói với cháu như thế. Đôi mắt xanh của cô liếc quanh người dượng, vui vẻ dưới đôi mày ngài. Đôi mắt cô to, xanh thẳm, quá to so với khuôn mặt xanh mét, gầy ốm, thanh tú, nhạy cảm. * Bác bưu tá Danny ra khỏi quầy rượu, mặt đỏ gay tươi tắn vì rượu rum, bác bảo: - Hình như chuyến này là chuyến xe suốt cuối cùng trong mùa, ông Charles nhỉ. Tuyết rơi nhiều thêm. Bác Danny ném túi thư vào thùng xe, leo lên cầm cương. Bác thét to: - Xe thư chạy liền! Xin mời tất cả bà con lên xe! Bác ra roi, chiếc xe chạy lên đồi. Vào lúc xế chiều, họ tới Kiandra, vòng ngoài của một thị trấn nhỏ cũ với vẻ tiêu điều, buồn bã của những ngôi nhà không mái và những ống khói không có khói. Bác Danny đưa túi xách, ông Charles cầm lấy, rồi đỡ Delie xuống, lúc ấy lạnh cóng cả chân tay. Ông dẫn cô đến một ngôi nhà gỗ nhỏ, Delie nghĩ: đó là túp lều thì đúng hơn - sau dãy cọc rào. Ông đẩy cửa trước mở ra, thảy bao thư và túi xách của Delie vào trong, rồi gọi: - Bà ơi! Tôi với cháu về tới rồi! Một lúc sau, một người đàn bà trung niên, vừa người, mặc váy sậm màu bước nhanh ra hành lang chia đôi tòa nhà. Ông Charles hơi cáu: - Bà không nghe tiếng xe ngựa về tới à? - Nghe chứ sao không? Nhưng không lẽ để khét thức ăn hay sao? Bộ con bé đói lắm rồi hả? Ông ta hôn vội vào má bà ta khá lạnh nhạt rồi trịnh trọng nói: - Cháu Philadelphia Gordon của bà đây. - Philadelphia! Sao Charlotte lại chọn một cái tên nước ngoài như thế không rõ… - Thưa, không phải má cháu mà là ba cháu chọn đấy. - … Cháu thân yêu. Mừng cháu đến Kiandra này… Một nơi lạnh lẽo, khốn khổ, nát rượu. - Bà cúi người hôn lên má Delie. Chót mũi của bà lạnh lẽo, nhọn hoắt. Delie liền nghĩ: “Mình không thích dì, dì phô cả hàm răng lẫn lợi lúc mỉm cười, cái mũi thấy ghê, chót mũi thì lạnh và ướt”. Người dì nhìn đứa cháu với đôi mắt đen, nhỏ và sắc. Có phải thật đây là người chị của bà mẹ xinh đẹp đáng yêu của cô không? Delie cố tìm nét giống nhưng vô ích, cô thấy cần phải cất tiếng phá tan cảnh im lặng. - Cháu xin cảm tạ dì có lòng tốt nhận cháu về đây. Cháu sẽ c… cố… Rồi cô khóc oà, điều mà chính cô cũng ngạc nhiên. - Kìa, kìa, cháu, cháu mệt quá rồi. Cháu vào bên trong gần lò sưởi đi. * Sau bữa ăn chiều, Delie vào căn phòng nhỏ ăn thông với nhà bếp, đặt số đồ đạc ít ỏi của cô vào một cái thùng nhỏ ở đấy. Một cái giường hẹp trải vải giường sạch tinh và tấm chăn xếp nếp hình tổ ong trắng. Trong góc phòng có cái tủ com-mốt bên trên là một tấm gương nhỏ lốm đốm vì bị khí ẩm. Cô nhìn tấm gương, đôi mắt mỏ to, chăm chú. Chỉ trong một thòi gian ngắn mà cô thay đổi nhiều quá. Cô gái trong gương với đôi mắt mỏ to, tối sầm, là chính cô - Philadelphia Gordon - tại một nơi nào đó ở vùng núi cao trên một đất nước xa lạ? Giọng của người dì, nhanh nhảu và vui vẻ khác với giọng the thé thường ngày, lại gọi cô. Bà bước vội vào với một viên gạch nóng bọc nỉ mỏng để làm ấm chiếc giường, bà nói: - Chắc chắn là con đã quen với những thứ đàng hoàng hơn thứ này. Má con có chồng giàu hơn dì. Dì phải làm việc ở bưu điện mới có tiền cho thằng bé đi học, chứ nếu dượng con mà lo liệu chuyện đó - Lúc nào ông ấy cũng lang thang đi tìm vàng mà có gì đâu - cả nhà này chắc chết đói hết. Nói xong bà lại khịt khịt mũi… Delie cảm thấy dễ chịu khi giọng nói the thé của bà không còn nữa. Người dì lại nói khẽ: - Tội nghiệp Lottie[5]! Tội nghiệp cho cháu, mồ côi lúc chỉ mới mười hai tuổi đầu! Thôi! Cháu ạ, ba má cháu đã ngủ trong vòng tay của Chúa, chúng ta phải nhớ điều đó, không được buồn. Delie hơi rúm người tránh cánh tay xương xẩu quàng quanh vai cô. Mẹ cô đã ngủ trong biển cả xanh lục lạnh lẽo, cha cô và tất cả anh chị em cô đã bị vùi trong một con sóng thần đơn độc. Sao cô lại không buồn cho được. Và tất cả hành khách, thuyền trưởng Johannsen, người chủ tàu bạn cô, đều đã chết đuối. Cô không trả lòi. Dịch ra xa người dì, cô với tay lên giường lấy chiếc mũ rơm có những dây băng đen đặt lên chiếc tủ com-mốt. - Cháu à, tiếc là chiếc rốp của cháu màu nâu… nhưng tất nhiên là cháu không biết rằng cháu cần phải mặc rốp đen. Ờ, tạm thòi cháu có thể mang trên tay dây băng đen bằng nhiễu. Vì tất nhiên là cháu không thể đi ra ngoài mà không để tang. - Thưa dì, dì bảo chúng ta không được buồn mà? Người dì nhìn cô với đôi mắt sắc lẹm: - Cháu thích hỏi vặn lắm hả? Đối với người rất thân, thì phải luôn luôn để tang. Chắc cháu biết rồi. Giờ đây, dì muôn hỏi cháu một chuyện. Bà ta ngừng tiếng, nhìn Delie dò xét. - Ơ… chỉ có hai người, cháu và người… người thủy thủ sống sót khi tàu đắm. Theo thư của các ngân hàng cha cháu gửi tiền thì cháu và ông ta lang thang trên bò biển suốt hai ngày… Vậy… cháu và ông ta ngủ ở đâu? - Ngủ trong một cái động. Cái động đó ở lưng chừng đường trên triền vách đá đứng… - Ngủ trong cùng một cái động à? - Thưa, phải vậy thôi. Chỉ có một cái động. - Delie có vẻ khó chịu. Cô không muốn người dì hỏi tiếp. - Hừ. - Người dì đưa chổi quét quét trên chiếc tủ com-mốt sạch bóng như để quét bụi nhà. Không nhìn Delie, bà cẩn thận xem xét nóc tủ và nói: - Người đàn ông đó có… cháu cứ nói thật với dì, đừng sợ - ông ta… Ông ta… có làm gì cháu không? - Làm gì à? - Delie nhắc lại, không hiểu. Rồi thấy bà lúng túng, cô thoáng hiểu. Cha cô là một bác sĩ có những tư tưởng tiên tiến trong việc giáo dục con gái, và cô cũng đã hiểu ít nhiều về sinh lý học. - Thưa dì, bác Tom hết sức tử tế… Bác rất tốt với cháu, đàng hoàng lắm. Trông bác thì khiếp lắm, râu rậm và đen thui, hàm răng mất hết mấy cái, người thì xâm mình, v.v… Nhưng bác hiền như chiên con. Nếu không nhờ bác, chắc cháu cũng chết rồi. Môi cô lại run run, cô cắn chặt môi. Bà Hester nhanh nhảu: - Vậy dì hết lo rồi. Dì có thể bảo rằng cháu may mắn lắm mới gặp ông ta như thế. Một số người đàn ông thì… - bà tiếp, mặt sa sầm - Thôi, dì để cháu ngủ. - Xin cảm ơn dì, chúc dì ngủ ngon. Bà bước ra ngoài, Delie ngồi trên giường, cảm thấy hết sức cô đơn và xa lạ. Giá mà ông anh họ Adam của cô có ở nhà. Giá mà chỉ một anh em trai hoặc một chị em gái của cô, chỉ một thôi, sống sót để cùng sống cuộc sống mới xa lạ này… Cô sẽ cố tỏ ra thật ngoan và làm cho người dì thích mình. Và qua ông dượng, cô biết rằng cô đã có được một đồng minh. 3 Xoảng. - Philadelphia! Cô vừa làm bể cái gì nữa đó! - Thưa dì, chỉ là… chỉ là cái bát cũ màu vàng để khuấy bột thôi ạ! Từ căn phòng đối diện phía trên, bà Hester tất cả chạy xuống, đôi mắt đen của bà nhìn vội qua, giận dữ. - Cô ạ, tuần này cô đập bể cái thứ ba rồi đấy. Hết cái tách và cái đĩa tách trắng tốt, bây giờ lại đến cái tô quý của tôi. Thật là! - Cái thứ hai thôi, thưa dì. Đâu phải là cái thứ ba. - Tách nè, rồi đĩa tách nè, rồi bát khuấy bột nè. Tách và đĩa tách là hai cái. - Mắt bà nhìn người cháu chằm chằm, không nhất trí - Cái bát đó tôi sắm từ lúc mới lấy dượng cô đấy. - Cháu xin lỗi dì. Tay cháu ướt nên cái bát tuột khỏi tay cháu. - Thứ gì cũng “tuột khỏi tay” cô cả. Chưa bao giờ tôi thấy ai vụng về như cô. Sau này, tốt hơn cô đừng có rửa bát đĩa gì nữa, cô phụ tôi chuyện bếp núc còn hơn. Delie rất mừng. Cô không thích rửa bát đĩa, mà nấu nướng thì thích thú hơn. Dì cô nấu ăn giỏi lắm, chỉ với thịt đông và ít rau cải cũng nấu được những món ăn ngon. Một buổi tối, người dượng mang về cho cô mấy viên phấn xinh xinh, màu vàng, đỏ và cam. Những viên phấn này khá mềm, dùng để vẽ được, sau khi dọn xong bàn ăn, cô xin người dì một tờ giấy màu nâu rồi khởi sự vẽ, cô định vẽ cảnh một buổi hoàng hôn rực rỡ. Cô vẽ hết sức miệt mài. Dì dượng cô ngồi bên lò sưởi, căn phòng lặng lẽ nhưng vẫn ấm do hơi nóng từ lò sưởi tỏa ra. Tờ giấy không đủ lớn, cô lật ngược vẽ ở mặt bên. Thỉnh thoảng những viên phấn vẽ lố khỏi tờ giấy và gạch lên bàn. Trong một lúc, cô hết sức sung sướng. Sáng hôm sau, bà Hester tái mét khi trông thấy tình trạng khủng khiếp của cái bàn, mà màu trắng như tuyết vốn là niềm tự hào về nhà bếp của bà. Delie cúi đầu cạo cạo bôi bôi những vết màu, cô không hiểu được tại sao bà la lối om sòm như thế, nhưng cô cũng tức, dường như lúc nào cô cũng làm chuyện phiền hà dì cô. * Giữa học kỳ, Adam gửi thư về. Bức thư như sau: “Mẹ thân yêu của con, Con vẫn mạnh khỏe, việc học hành cũng như thường. Có một vài cơn mưa đá, và sáng sáng thì rất lạnh, nhưng không có tuyết. Ở nhà mình tuyết xuống nhiều chưa mẹ. Con có thể trông thấy những ngọn đồi trắng xóa và bóng mây quanh nhà mình, ba thì lấy sáp chà mấy tấm ván trượt tuyết. À này, má đừng để cho cô em họ mới đến của con dùng mấy tấm ván trượt tuyết của con nhé, chắc chắn cô ta sẽ làm hư thôi…”. - Nó viết thư hay quá. - bà Hester nói ngọt ngào, không nhận thấy Delie cau mày khi bà đọc to đoạn để cập không hay lắm đối với cô em họ mới tới. Delie quyết định đi học lại, khi cô được hưởng của thừa kế, cô sẽ được độc lập, dù lúc ấy cô chưa tới tuổi thành niên. Chưa chi mà cô đã xây lâu đài trên cát. Cô hình dung mình biến thành một ngôi sao ở Sydney, làm lóa mắt mọi người vì những thành quả của mình; cô chưa quyết định mình sẽ là diễn viên múa hay một kịch sĩ bi kịch, nhưng cô mất rất nhiều thì giờ sửa bộ và xoay tròn trước tấm gương. Cô thấy mình thật rõ trong những cảnh chói lọi đó ngay cả khi cô ì ạch trong tuyết để đổ xô thức ăn thừa. Một hôm, bà Hester bảo chồng đi kiếm thêm củi. Định lần lữa sang lúc khác nhưng thấy bà vợ cằn nhằn. Ông Charles đáp: - Thôi được, để chiều tôi đi. Cháu Delie sẽ đi với tôi… (Ông đã hẹn dẫn Delie lên núi để tìm gỗ làm cho cô một cặp ván trượt tuyết). Bà nói ngay: - Delie ở nhà phụ bữa ăn với tôi. Bà đã chú ý thấy ông Charles nhìn con bé khá thích thú - tất nhiên hiện thời Delie chỉ là một đứa bé, nhưng cô sẽ rất đẹp nếu người đầy đặn ra, với nước da tai tái thanh thanh và đôi mắt sâu xanh lơ tương phản với mái tóc sậm màu. Lại còn đôi môi đầy đặn có vẻ đam mê, và đôi mày ngang đậm cứng cỏi, khiến bà khó chịu. * Sau mùa đông, Adam sẽ đáp chuyến tàu suốt đầu tiên về. Delie phụ bà Hester dọn căn phòng của cậu trai, cửa phòng này đối diện với phòng khách từ hành lang trung tâm. Phía sau, cửa nhà bếp thông với căn phòng nhỏ của Delie và phòng tắm. Delie đã mơ thấy cô đối xử một cách kiêu kỳ và khinh miệt người anh họ, trong lúc cậu ta lóa mắt vì sự thông minh và xinh đẹp của cô. Cô đã hình dung rằng cậu là một bản in của bà Hester, trông hết sức tầm thường, mái tóc đen cứng còng, nước da hung hung đỏ, dáng người không dễ thương, giọng nói không hay. Trước khi Adam về tới, bà Hester đã thuyết cho cô nghe rằng “bây giờ cô đã là một cô gái lớn rồi…”. - Và nhớ đấy, khi Adam về tới nhà thì khi đi tắm cháu không được thay đồ bên lò sưởi nữa. - Thưa dì vâng ạ. - Không bao lâu nữa, cháu sẽ thành thiếu nữ, cháu hãy bỏ váy thòng xuống, cuốn tóc lên và cháu hãy nhớ là thiếu nữ thì phải cho đàng hoàng và khiêm tốn. Hôm nọ dì đã thấy cháu trèo lên cây thông, con gái không được tinh nghịch như thế. - Nhưng ba cháu thường cho cháu trèo lên núi đá… - Không nhưng nhị gì cả. Ở đây khác hẳn. Và còn điều nữa, cháu sẽ tới giai đoạn có thay đổi trong đời cháu, thay đổi trong… ơ.. cơ thể cháu. Tiếng cuối cùng được thốt với một sự cố gắng và sau đó là một tiếng khịt khịt. Delie kinh tởm khi thấy người dì lúng túng, cô cảm thấy toàn thân nóng bừng. - Điều thay đổi này… cháu không có gì phải hoảng sợ, tới tuổi cháu, cô gái nào cũng phải trải qua. - Thưa dì, phải dì định bảo cháu về kinh nguyệt không ạ? - Cô nói to và rõ, để cho người dì an tâm. Bà Hester giật mình trông thấy. - Phải đấy, Philadelphia ạ! Đó không phải là điều… Cô ung dung tiếp: - Ồ, nhưng cháu biết hết về chuyện đó rồi. Ba cháu thường cho cháu mượn sách y học xem. Cháu có tìm hiểu về sinh lý học với ba cháu. Cháu biết về cơ thể học của phụ nữ, về tử cung, xương chậu, buồng trứng, mọi thứ này, ở nhà cháu có một con chó cái đẻ hoài, ba cháu đã mổ buồng trứng của nó và để cho cháu xem, và… - Philadelphia! Cô không bao giờ được kể cho tôi nghe những chuyện đó nữa! - Nhưng, thưa dì, tại sao vậy? Ba cháu nói rằng con gái mà biết sớm những gì sẽ xảy đến cho mình thì càng tốt. Ba cháu còn nói là nếu trời mà chơi khăm thì sẽ làm cho phụ nữ đẻ trứng như gà vịt chim chó vậy à… - Đủ rồi, tiểu thư! Tôi không muôn nghe những ý kiến báng bổ trời đất của ba cô, và tôi rất ngạc nhiên là má cô lại cho phép cô bàn bạc về những chuyện đó. Con gái mới mười hai tuổi đầu! Đời tôi chưa bao giờ…! Bà thôi nói, tựa hồ như không đủ lời lẽ diễn đạt, đôi má bà đỏ gay. Delie bặm môi phản kháng. Cô đã nghĩ rằng cha cô là người thông minh nhất trên đời, và mẹ cô cũng nghĩ thế, dù bà giả vờ phật ý vì những lời lẽ thẳng thừng của chồng. Cuối cùng, đôi ván trượt tuyết đã làm xong. Delie quét sàn nhà bếp, xắt hành, gọt khoai, củ cải, chùi mặt bàn rồi đi lên đồi Newchum với dượng để tập trượt ván. 4 Cả gia đình ngồi quanh cái bàn trong phòng khách. Ánh sáng trắng dịu của cái đèn dầu hỏa treo trên cao chiếu xuống chén đĩa bằng bạc và thủy tinh sáng loáng, xuống khăn trải bàn trắng như tuyết. Vui quá nên Delie ăn rất ít; cô không thể rời mắt khỏi Adam đang ngồi bên kia bàn, mái tóc sáng chiếu ngời dưới ánh đèn. Cô vẫn băn khoăn là tại sao Adam không giống cha cũng không giống mẹ. Cậu cao lớn rắn rỏi, nước da sạm màu sáng, trên đôi má nổi đường máu đỏ, đôi mắt nâu vàng, tóc nâu nhạt, thẳng và dày, lòa xóa xuống vầng trán rộng. Ánh mắt cậu sáng, vẻ khỏe mạnh, và cái miệng trẻ con của cậu trông tựa hồ như dễ dỗi mà cũng dễ cười to. Giờ đây, cậu cười ha hả, trông cậu hết sức quyến rũ. Cậu nói to: - Ăn nữa đi em! Em ăn thêm một cái bánh bao nữa đi! Em phải béo hơn một tí, phải không má? Delie mơ màng chìa cái đĩa tới, Adam khiến cô sợ hãi với cái nhìn dịu dàng, không chú ý, và với cái vẻ cậu hiểu cuộc sống trong gia đình xoay quanh cậu - như trong hai tuần lễ tới. Chiều, cô đi với cậu ra chái nhà để ôm củi. Cả hai vào nhà bếp, giậm chân cho tuyết rơi xuống, Adam khom người nhóm lửa. - Má anh có nói chiếc tàu em đi bị đắm. Cậu đập mạnh củi vào lò sưởi, Delie nhận thấy hai tai cậu đỏ ửng. Cô biết rằng cậu muốn nói lên ý thiện cảm về sự mất mát của gia đình cô. Tim cô đập nhanh, cô lại có cảm giác kinh hãi hệt như mỗi lần cô cảm thấy có người muốn xen vào nỗi đau buồn riêng tư của cô. Cô cố trả lòi: - Phải, em là… người sống sót duy nhất cùng với một bác thủy thủ. Nhưng em không muốn nói về chuyện đó… Xin anh hiểu cho. - Anh biết, cô bé ạ! Giọng nói của cậu êm dịu đến nỗi cô không tin rằng đó là đứa con trai hư, kiêu ngạo mà cô đã quan sát lúc ngồi bên kia bàn ăn. Cô cảm thấy mến cậu trong khi cậu ôm số củi còn lại mang vào phòng khách. Lúc ấy vào đầu mùa xuân, những cơn gió ấm và ánh nắng sáng sủa, tuyết từ từ tan chảy. Bà Hester cũng bớt gắt gỏng, bớt khó khăn, bớt đòi hỏi, bà cho phép Delie đi trượt tuyết với dượng Charles và Adam. Mười ngày sau Adam trở lại Sydney, ngôi nhà dường như ảm đạm hơn, lặng lẽ hơn. Delie và người dì ngồi bên ánh đèn, cả hai cảm thấy cô đơn nhưng ít đối kháng với nhau hơn. Ông Charles đi suốt ngày, cố tìm những cục vàng lúc nào cũng ẩn trong mảnh đất bồi kế cận. Đít quần ông vàng ệch đất sét, giày ông của ông cũng đóng đất sét dày cui. Đôi khi, ông để Delie cầm cái lọ đựng bụi vàng mà ông lóng được sau nhiều tháng làm việc, hoặc một cục vàng nhỏ xíu. Trước khi mớ tuyết cuối cùng tan hết, ông dẫn Delie lên những sườn đồi và chỉ những khe nhỏ bắt đầu chảy dưới những cầu tuyết trống rỗng. Ông nói: - Trên các ngọn núi, có hàng trăm khe như thế này tất cả đều chảy xuống để đổ vào những sông suối to hơn như dòng Ovens và dòng Tumut, khối tuyết này nơi dượng cháu mình đang đứng sẽ chảy mãi tới dòng Murrumbidgee để đổ vào sông Murray. - Sông Murray à? - Cô nhớ mang máng những bài học địa lý về đế quốc Anh - Sông lớn nhất nước Úc phải không dượng? - Phải. Sông to lắm, tàu hơi nước chạy được, ngay từ cửa sông ngược lên New South Wales. Dượng đã đi một lần rồi, từ đồi Swan đến Morgan, và đặc biệt lắm… cả dì cháu cũng thấy đủ ấm và có nắng nữa. Hai dượng cháu liếc nhìn nhau, thở dài và nhìn ra những sườn đồi, mặt trời chiều đang biến tuyết thành màu vàng, với những đám mây tuyệt đẹp… Vẫn còn nhiều ánh sáng ban ngày, nhưng Hester lại bệnh và bẳn tính nên họ không dám ở lại đâu hơn. Họ lặng lẽ quay về nhà. 5 Sau khi Delie được tuyên bố là người thừa kế tài sản nhỏ bé của cha cô, bà Hester đối xử tử tế hơn đối với đứa cháu gái. Biết đâu Delie lại chẳng giúp gia đình bà đi khỏi nơi đáng sợ này và mua cho họ nhà cửa, đất đai ở một miền văn minh nào đó? Bà Hester chưa bao giờ nguôi ngoai cái cảm giác đau đớn bị bứt khỏi vùng nông thôn trù phú nước Anh nơi gia đình bà đã sống khi bà gặp ông Charles lần đầu. Tính giang hồ thích rày đây, mai đó đã đưa ông tới nước Anh lúc còn thanh niên, đem ông trở lại Úc tìm sự nghiệp, và cuối cùng đã trôi dạt họ đến nơi xa xôi hẻo lánh này. Cha bà là một nông trang viên khá giả. Charlotte, mẹ của Delie khá xinh đẹp, lúc nào cũng thích cắm hoa và khâu vá (và làm những việc này với khả năng của người nghệ sĩ) hơn là những nghề thực dụng như nghề làm sữa và chuyện bếp núc. Của hồi môn của bà Hester từ lâu đã bị tiêu dần trong những lần di chuyển từ nơi này đến nơi khác, và trong việc vực ông chồng ra khỏi những việc làm ăn liều lĩnh. Bà đã từ bỏ hẳn hy vọng trông thấy người thanh niên cao lớn với bộ râu đẹp, gây ấn tượng, từng theo đuổi bà và chiếm được trái tim bà, thành công trong đời. Tất cả hy vọng và tham vọng của bà giờ đây tập trung vào đứa con trai. Có lẽ rốt cuộc thời vận của họ sẽ thay đổi. Ông Charles đã tìm ra hai cục vàng nhỏ bị dòng nước suối đãi khỏi lòng đất, và họ đã dự định tới lúc nghỉ hè sẽ đi Melbourne để Delie mua sắm y phục và đến ngân hàng cha cô đã gửi tiền để tới đây lập nghiệp. * Gần cuối tháng mười một, Melbourne đầy nắng và khá ấm. Họ đến trọ ở một khách sạn lớn gần một công viên, Adam sẽ từ Sydney tối đây liền sau khi hết học kỳ. Tòa án đã chỉ định ông Charles làm giám hộ của Delie và quản lý số tiền của cô cho tới khi cô hai mươi mốt tuổi. Khoảng thời gian đó món tiền khoảng tám nghìn bảng Anh được để trong ngân hàng, lãi suất cũng đủ cho những nhu cầu của cô hiện nay. Trong khi hai dì cháu vào các cửa hàng mua sắm thì ông Charles nghĩ cách đầu tư. Ông nghe giới thiệu về Echuca, một thị trấn ven biển trù phú, bãi biển dài chín mươi dặm, những cồn cát trắng, mỗi năm buôn bán tới hai triệu bảng. Thế là ông lên đường, không hỏi ý kiến vợ. Tuần sau, ông gửi thư báo là đã mua xong đất đai nhà cửa ở đấy. Liền khi Adam tới Melbourne, bà Hester, Delie và cậu đáp xe lửa đi Echuca. 6 Tới Echuca, họ trọ ở khách sạn Palace: trong khi bà Hester nằm nghỉ, thì hai anh em đi xem cảnh vật. Thị trấn này rộn rịp, ồn ào, phố nào cũng có trồng bạch đàn và có các tháp nhà thờ hình nón, và hầu như ở góc đường nào cũng có khách sạn. Họ đi dọc theo các bờ sông và về phía cầu sắt to đến New South Wales. Delie, nhảy múa qua các bụi cây thấp, hình dáng trắng bé nhỏ của cô tung tăng dưới những thân cây khổng lồ, trong khi ánh nắng và bóng mát lốm đốm trên chiếc rốp trắng nhẹ và mái tóc sậm màu của cô. Cô nhìn dòng nước lướt đi, nghĩ đến những con sông nhỏ dưới lớp tuyết chảy trong vùng núi tại chỗ cô đã ra đi. Ngày hè chói chang nóng bức này, nước ở đây có lạnh không? Cô muốn cởi tất ra để lội ở mép sông, nhưng Adam vẫn rảo bước không dừng lại. Delie nhắm mắt, hít thở mùi ngan ngát của bụi bạch đàn sum suê, hăng hăng và âm ấm. Ngoài kia, một bầy chim duyên dáng đang nối nhau bơi lội - Chúng màu đen cổ dài và mỏ màu đỏ sáng. - Có phải chúng là thiên nga không? - Delie kêu lên, cô nghĩ xứ này thật là kỳ lạ, tháng sáu mà có tuyết, cây cối thì không bao giờ trụi lá vào mùa đông hoặc xanh lục vào mùa hè, nhưng lúc nào cũng xám xanh hoặc nâu vàng, đôi khi màu hoa cà, còn thân cây thì xanh hơn lá. Cả hai trở về, bị bà Hester càu nhàu suốt năm phút. Từ khu đất mới mua, ông Charles đến thị trấn rất muộn nên nhỡ chuyến xe lửa bèn vội vã đến khách sạn gặp vợ. Sáng hôm sau, họ lên đường về nhà mới trên cơ sở mọi thứ đều được chuyển cho chủ mới, cho tới những con dao xếp, nĩa và bàn là. cả những người đầy tớ cũng ở lại - một người làm công việc lặt vặt biết mổ heo, chải lông cừu, làm vườn, chăn nuôi gà vịt, một người chăn nuôi súc vật, và hai người phụ nữ da đen lo việc bếp núc cùng gia đình họ. Trước mặt họ, ngay sát khúc quanh của dòng sông và khá cao lên trên mực nước cũ, là trại ấp với những căn nhà làm bằng gỗ cứng, mái lợp ván, tòa nhà chính đối diện với con sông. Hiên có bóng mát mọc đầy nhài trắng, lấm tấm nụ hoa và ngát hương. Một làn khói bay lên bầu không khí tĩnh mịch từ một ống khói của một ngôi nhà bên ngoài ở phía sau. Bà Hester ngồi thẳng lên, nhìn đăm đăm, quên hết cả đau đớn, khuôn mặt của bà trông dịu dàng như lúc bà mừng đón Adam trở về nhà. Khi họ đến cửa sau, một chiếc rốp màu thoáng qua sau bể nước và có tiếng cười khúc khích nhưng không có ai đi tới. Bà Hester đòi đi xem nhà bếp trước tiên. Nhà bếp cất riêng ra ở phía sau, rộng và thoáng, sàn nhà bằng đá rải cát. Delie chọn phòng mình bên trái ngôi nhà, bờ sông ở xeo xéo, bên ngoài cửa sổ có khung kính là một cây bạch đàn nhựa đang nở hoa. Bà Hester ở phòng ngủ phía trước. Có ai nắm chặt cánh tay cô, âm ấm. - Đi xem vườn đi, em Delie. - Adam nói. Trong đôi mắt cậu biểu lộ mối thiện cảm lặng lẽ. Bà Hester trở lại nhà bếp, tập hợp mấy người làm đang cười rúc rích phía sau bể nước, bảo họ là bà muốn giữ gìn nhà bếp như thế nào. Mặc dù họ có đôi mắt đen hiền dịu và hàm răng thật trắng, bà Hester cũng cho rằng họ vừa xấu xí vừa thiếu đạo đức, trong những chiếc rốp vải cũn cỡn để thòi cặp chân trong khi họ lúng túng kéo lê những ngón chân trên sàn nhà đầy cát. Cô bé nhất, Minna, không lớn tuổi hơn Delie bao nhiêu. Bên ngoài, Delie và Adam đi xem tất cả ngôi nhà phụ, rồi chạy vòng ra vườn hoa phía trước. Delie và Adam nhìn xuống dòng sông, bờ sông có nhiều chồn nước. Con sông cong cong về phía trái lại khuất ở một khúc quanh nữa bên phải, lượn lờ chảy không một làn sóng gợn và rất trong đến nỗi thấy tận đáy sâu. Bà Hester đã cho chở đến ngôi nhà mới nhiều thứ, những chiếc thìa xúp bạc vốn là của bà ngoại Delie giờ đây đã mòn và mỏng lét, mép thìa sắc một cách nguy hiểm, chum nước đỏ, một cái chụp đèn sơn bằng thủy tinh - cũng như nhiều món không có giá trị khác, như ảnh cũ, bưu thiếp, thư từ và cái răng đầu tiên của Adam. Khi phụ dọn đồ xuống, Delie đánh vỡ cái chụp đèn nên bà Hester mắng cô vụng về và bảo cô đi ngủ. Cô quét sơ căn phòng của mình, rồi cầm nến đi xem nhà dưới trước khi thay quần áo. Delie bước qua ngôi nhà nhỏ có bìm bìm bao phủ, và đẩy cánh cửa gỗ. Qua ánh nến, cô trông thấy có mạng nhện trong một góc. Hàng trăm con muỗi bay vo vo. Cô bước ra ngoài, tắt nến, chờ cho mắt mình quen với bóng tối. Đêm lặng lẽ, ấm dịu. Bầu trời lấp lánh ánh sao nên không hoàn toàn tối hẳn. Dải ngân hà chạy dài sáng nhạt. Cởi giày và tất, cô đặt bên cạnh chân nến ở bậc thềm phía sau, và quay lại bước xuống sông. Đất vẫn toát hơi nóng của ban ngày, cô cảm thấy đất như sống động dưới đôi chân trần của cô. Cây nhài trắng với những đóa hoa chập chờn như những ánh sao mờ nhạt, tỏa hương ngào ngạt trong không khí. Lúc bờ sông trải rộng trước mặt cô, dường như cô có thể thấy rõ hơn ánh sáng từ mặt sông hắt lên. Cô thận trọng leo xuống nước. Nước mượt mà và mát quanh mắt cá chân cô, cát thì chắc và không có cỏ dại. Nước gợn lăn tăn, một ánh sao run run phản chiếu và vỡ ra như những mảnh kim cương. Những cây bạch đàn bên bờ sông đối diện làm thành một bức tường đen, không phân biệt được với bờ sông rắn chắc. Dòng sông chảy giữa hai bàn chân cô và màu đen đó với những vì sao như những đá quý trên bờ ngực láng mướt của phụ nữ. Quả quyết, không dứt, từ cội nguồn xa xôi, dòng sông chảy về biến cả xa lạ. Lần đầu tiên, cô cảm thấy sự tuôn chảy vô tận của nó thật là hết sức kỳ diệu. Dòng sông vẫn rất lặng lẽ. Thế rồi có một âm thanh không nghe rõ được, từ trên không và từ bầu trời sâu thẳm vọng xuống. Cô cố mở mắt nhìn lên trên và cảm thấy hơn là trông thấy, cảm giác hơn là nghe thấy, những ánh sao mờ nhạt và tiếng những đôi cánh lớn vỗ nhanh… Những con thiên nga đen! Những con thiên nga đen, chúng đang bay đến một vũng nước ẩn khuất, bí mật nào đó. Khi tiếng kỳ lạ từ những ánh sao rơi xuống đó tắt đi, cô vẫn còn đứng sững như một thân cây bên bờ sông. Cô nghĩ, ngày nào còn sống ngày đó mình còn nhớ đêm nay. Cho đến già mình vẫn còn nhớ đêm nay. 7 Cuối năm, trời nóng dữ dội. Ngôi nhà trở nên quá nóng đến nỗi Hester bắt khiêng bàn ra ăn trưa dưới một giàn nho. Giờ đây, Delie hợp ý hơn với dì, cô không cảm thấy công việc bếp núc là khó chịu nữa. Cô cao phổng lên và trong người cô xảy ra sự biến đổi như dì cô đã từng bảo… Một hôm, sau bữa ăn trưa, Adam và Delie tha thẩn xuống sông, cả hai nằm trên đám bạc hà rừng xanh lục. Những tiếng cười khúc khích và tiếng nói chuyện liến láu khuấy động sự yên tĩnh của họ. Rửa bát đĩa xong chị em Lucy và Minna xuống sông nô đùa… Những cánh tay đen sạm lấp lóa trong nắng, trong khi Minna bơi sang bờ cát đối diện và bước ra khỏi nước, chiếc rốp vàng bỏ lại sau. Delie ngồi lên nhìn chằm chằm, cảm thấy các ngón tay ngứa ngáy, cô ước ao có bút chì để ghi hình dáng tuyệt vời ấy lên giấy; bước đi duyên dáng tự nhiên, lưng thẳng, bộ ngực săn chắc và hai bên hông thanh mảnh, cao cao, tất cả rạng lên sức sống. Delie rất muốn học bơi và cảm thấy không cần phải xin phép dì; thật là ngốc nghếch biết bao nếu là con gái mà không biết bơi, không trèo cây, không cưỡi ngựa, hoặc không làm một cái gì thích thú! Giờ đây Adam được mười lăm tuổi, cao thẳng, cường tráng, khá đẹp trai. Và lúc nào cậu cũng thắng Delie, hoặc chạy, hoặc nhảy, chơi bắn đá cuội. Gần đây, cậu có thói quen đi dạo một mình bên dòng sông vào ban tối, khi mà ráng trời nhuộm mặt sông trầm lặng bằng những sắc đỏ sáng rực giữa màu lơ và màu xanh lục nhạt. Cô không bao giờ biết cậu đang nghĩ gì trong khi cậu đứng trầm mặc bên bờ sông. Cô biết tôn trọng những tình cảm lặng lẽ và cô đơn của cậu. Những lần cậu đứng dưới giàn hoa nhài thơm ngát ở hàng hiên, nhìn đăm đăm vào đêm tối, mẹ cậu thường ra bảo cậu vào, cậu liền giận dữ bảo bà hãy để mặc cậu. Adam không bao giờ chỉ trích bà mẹ, nhưng cái nhìn của cậu, cái siết vào khuỷu tay cô, cách cậu chạm bàn chân lên bàn chân cô dưới bàn, cho Delie biết khi nào cậu không đồng ý với những phán đoán hẹp hòi của bà. Nhân dịp dượng Charles ra thị trấn, Delie đề nghị ông đăng quảng cáo tìm người đến giúp cô trong việc học hành mà cô đã xao lãng từ lâu, có thể cô và Adam sẽ cùng có một cô giáo dạy kèm cũng được. Bà Hester lên tiếng phản đối. Ông Charles mềm mỏng nói: - Bà không thể cản cháu, vì chính cháu tự chi lấy. Tôi cũng vui vì Adam sẽ được học thêm. Lúc nào nó cũng dán mũi vào sách vở. Đôi môi của Adam cong lên. Rất ít khi người cha dễ tính của cậu chỉ trích cậu, còn đối với mẹ cậu thì lúc nào cậu cũng tuyệt vời. - Cảm ơn ba, nhưng trong cuộc sống không phải chỉ có tắm lợn, tắm cừu. Nếu con không thể học đại học, du lịch hoặc làm tất cả những gì con thích, tại sao con lại không đọc sách báo chứ? Ba thì tự do đi đó đi đây, đội mũ rộng trông hệt nhà nông, nhưng ba bỏ phế công việc cho bác Lige giúp việc. Nếu cô giáo giỏi thì con không ngại học. Nhưng có thể cô ta không dạy con tất cả những thứ con không học ở nhà trường. Cha cậu vụt đổi sắc và bảo: - Ăn nói hỗn láo như vậy, sau này sẽ hư đây. Và con cần hiếu rằng thật ra con chỉ biết rất ít về cuộc sống hoặc bất cứ thứ gì khác. Này, ba hỏi con, con muốn tự lập như thế nào. Bôi vì ba không muốn để con ở không. Adam đáp khẽ: -Conmuốnthànhnhàvăn. 8 Đã có tin từ Melbourne về mẩu “tìm người” đăng trong tờ “Tin tức dòng sông”. Một cô giáo tên Barrett gửi thư cho biết là không bao lâu nữa cô sẽ tới Echuca để trực tiếp gặp họ. Liền đó cô Barrett là đề tài bàn bạc trong nhà. Ông Charles hy vọng rằng cô trẻ đẹp, Delie nghĩ rằng cô ta cao, gầy gò. Nước sông xuống thấp, hai ông bà liền giao nhà cho bác Lige trông nom và cả gia đình ra thị trấn gặp cô Barrett. Cô Dorothy Barrett đã đến Echuca, ngụ tại khách sạn Palace. Cô có học vị tiến sĩ. Cô sắp xếp gặp bà Jamieson tại phòng khách của khách sạn vào mười một giờ trưa. Trước giờ hẹn năm phút, bà Hester ngồi chờ cô với tất cả thành kiến của mình. Bà đã bảo Adam và Delie đi xem các cửa hàng với ông Charles. Bà muốn rằng trong trường hợp cô giáo trẻ đẹp thì sẽ giải quyết công việc với mỗi mình bà mà thôi… Có tiếng chân như tiếng chân đàn ông bước ngoài cửa rồi có tiếng nói thầm: - Xin lỗi vì đã để bà chờ đợi. Liền đó, một thiếu phụ cao ráo bước vào phòng. Cô ta chìa ra một bàn tay to, hồng hồng, ngón tay cắt giũa rất đẹp. Bà Hester nheo mắt, chụp bàn tay. - Cô… ơ… cô là Barrett à? - Thưa vâng - Người thiếu phụ đáp… không trẻ lắm, bà Hester đoán chắc cô ba mươi tuổi - rồi nắm mạnh một chiếc ghế kéo về phía mình và ngồi xuống. Cô đặt đôi giày gót bằng trên nền nhà một cách chắc chắn. Chiếc áo trắng của cô, cổ cao và tay áo chặt, thì không chê vào đâu được, cũng như chiếc váy vải sọc xanh dài, chiếc mũ rơm chụp lên mái tóc quăn nâu nhạt. Nhưng kiểu bắt tay như thế thì không phải là kiểu của phụ nữ. - Thưa bà là bà Jamieson? Tôi đã nhận được thư bà trả lời đơn xin việc của tôi, theo thư, thì bà có một cô gái mười ba tuổi và một cậu trai mười lăm tuổi. Đối với cô giáo dạy tư gia, tuổi cậu như thế là khá lớn. Ồ… tôi có mang theo các giấy tờ giới thiệu và chứng nhận. Trước nay, tôi dạy trong một trường tư dành cho nữ sinh ở Melbourne, bà sẽ xem đủ giấy tờ… Nhưng gặp con gái riết rồi cũng chán. Cô cười rất duyên dáng, một nếp nhăn hiện lên quanh đôi mắt xám trong sáng. Bà Hester mỉm cười đáp lễ rồi nói khá xẵng: - Tôi không có kinh nghiệm nhiều với các cô gái. Cháu gái tôi là Philadelphia sống với tôi chưa đầy một năm, và tôi chỉ có một đứa con trai tên Adam. - Giọng bà dịu hơn -Adam là một thằng bé thông minh, nó đi học ở Sydney, gần đây mới nghỉ. Theo tôi thì nó khỏi cần đến trường học thêm chữ nghĩa gì, nhưng tôi muốn cô dạy nó thành người đàng hoàng, và bồi dưỡng tài năng của nó về viết lách vì nó muốn sống với nghề viết văn. Nó thì muốn tiếp tục lên đại học, ba nó lại không đồng ý. Cô Barrett bàn bạc với bà Hester về các môn Adam cần học, rồi tiếp: - Bây giờ, về cô gái, tôi nghĩ chúng ta có thể để cô chọn những môn nào thuộc năng khiếu thiên phú của cô, dù tất nhiên cả hai học cùng môn với nhau thì đơn giản hơn. - Cháu nó rất muốn học họa. Cháu không thích toán. Bà Hester ngồi không biết phải làm gì trong khi giọng nói trầm tĩnh, sâu lắng vẫn tiếp tục. Bà cảm thấy tựa hồ bà bị ngã xuống thác nước. Và đang để cho dòng nước cuốn đi. Không nghi ngờ gì nữa, cô Barrett là người có khả năng, từ đôi bàn tay to cho tới cái miệng rộng kiên quyết và cái mũi hỉnh của cô. Thế là buổi nói chuyện kết thúc, cô Barrett chuẩn bị từ giã để về Melbourne lấy đồ đạc và sách vở… 9 Cuối tháng ba, ông Charles đánh xe ra thị trấn rước cô Barrett về. Delie ngồi trong phòng học, đôi mắt ngơ ngác, tai lắng nghe tiếng nói sâu lắng, trầm tĩnh của cô Barrett. Cô rất thích cô giáo. Thế giới của cô có một trung tâm mới. Cô rất ham học, cô làm cả những bài làm có trình độ cao hơn dành cho Adam. Cô học tiếng La tinh, học đàn piano, học cả bơi lội. Cô Barrett bơi giỏi, và không bao lâu đã thuyết phục được bà Hester để cho Delie học bơi. Một thời gian sau, cô đã bơi được sang bên kia sông, ngày đầu tiên thì cô Barrett bơi kèm. Rồi khi nước sông dâng lên cao, vào các buổi sáng lạnh hơn, cô Barrett dạy Adam và Delie bơi thuyền. Một buổi sáng, họ nghe thấy tiếng một con tàu bèn chạy ra xem. Con tàu có dắt theo hai chiếc xà lan, một chiếc mắc cạn trên cát. Thấy vậy cô giáo bàn với cả hai đem xuồng ra xem có thể giúp được gì không. Thuyền trưởng nhờ họ mang dây chão quấn quanh một thân cây trên bờ làm trụ, con tàu chạy tối để kéo xà lan xuống nước, nhưng cuối cùng sợi dây tuột ra. Đang ở trên xuồng, Delie và cô Barrett chuồi người nằm sát xuồng. Trong khi đó, lưng Adam quay về phía nguy hiểm, nên không cử động được nhanh. Sợi dây chão căng thẳng vào mũi xuồng, quất trúng vai Adam hất cậu ra khỏi chiếc xuồng. Adam bị dòng nước cuốn đi, cậu ngóc lên nhưng chạm phải chiếc xuồng. Lần thứ hai ngóc lên cậu lại gặp phải tình huống tương tự, cuối cùng, khi cậu xuất hiện, cô Barrett kéo cậu lên xuồng, Adam đã ngất đi, suýt chết đuôi. Họ mang cậu lên bờ, Adam nôn thốc nôn tháo. Delie ngồi nhìn mái đầu ướt của Adam đặt lên vai cô, đôi mắt nhắm nghiền và y phục ướt sũng nước của cậu hết sức xúc động. Cô Barrett mím môi, lẩm bẩm: - Làm thế nào tôi có thể kể cho mẹ cậu biết đây? Đáng lẽ tôi phải thấy trước sự nguy hiểm này… Nhưng lúc họ lên bờ, Adam đã lại sức, cậu đi về nhà được, và dù bà Hester ậm ừ như một con gà mái bị khuấy rối, bà cũng không biết thảm kịch đã xảy ra như thế nào. 10 Những ngọn cỏ hè xanh nhợt, trắng bệch vì hơi nóng, chói sáng dưới ánh trảng như những cánh đồng tuyết. Chúng dần dần trở nên xám và già, như một bộ lông thú bờm xờm. Những cơn mưa đầu thu rơi xuống, và dưới màn xám cỏ non mềm mại lại xuất hiện. Đó là thời gian cừu đẻ con, ông Charles phải ra những bãi cỏ nuôi cừu đến nửa đêm vì có chồn và quạ gần đó. Dù cẩn thận như thế, cũng mất hết mấy con cừu, cho nên phải mang mấy con cừu con vào nhà bếp, đặt bên cạnh lò sưởi ấm áp. Delie phụ đưa chai sữa cho cừu con bú, và sau đó dạy chúng thọc mồm vào xô mà uống. Rồi mùa đông đến với sương giá lạnh cắt da cắt thịt, đến nỗi sáng sáng nhà bếp rộng ấm áp chật người là nơi vui vẻ nhất. Lửa đỏ nhảy múa trong lò sưởi, nắp ấm nhảy tưng bừng vui vẻ. Delie thêm vào phòng trưng bày tranh của mình bức hình phác họa Minna (cô muốn bảo cô ta ngồi mẫu khỏa thân) và một bức phác họa khác vẽ cụ láng giềng Sarah, nhưng phần lớn là các tranh vẽ cô Barrett, cô đã lén phác họa cô giáo nhiều lần, cái thì trông nghiêng, cái thì nhìn trước mặt, cái thì nhìn phía sau, với một vài sợi tóc quăn từ búi tóc xổ ra. Cô Barrett nhận thấy rằng công việc giảng dạy của cô ngày càng tệ hơn, và cô rùng mình, đỏ mặt khi nói tới chuyện đó. Vì Delie cũng bắt đầu mơ mộng và thiếu tập trung như Adam, chỉ có những bài học về hội họa và vẽ là khiến cô chú ý mà thôi. 11 Adam đứng lên khỏi bàn ăn sáng, buồn bã nhìn những tấm màn vải lông xanh lục, mấy ngón tay không yên cứ vặn vẹo một cục tua vàng. Những đám mây xám từ hướng nam bay lên trời, trên các bụi cây trong vườn, các cây tiêu, các cây chanh có màu xanh sậm, báo hiệu sẽ có mưa. Cô Barrett đến phía sau cậu, nhẹ nhàng kéo cục tua bị xoắn. Cô chạm vào cậu, cậu đỏ bừng mặt, rút vội tay nói với Delie: - Trước giờ học, mình xuống sông đi, em Del... - Cậu vặn cái nơ đen ở phía sau mái tóc dài của cô - Anh phải giăng lưỡi sẵn để bắt cá thu. Delie nhìn người dì xin phép, bà Hester gật đầu, cô Barrett vào phòng tìm vài quyển sách, khi còn lại một mình với ông Charles, bà Hester nhìn chồng đầy hàm ý. Bà dịu dàng nói: - Ông có nghĩ là thằng Adam nghiêm túc không? Ông Charles có vẻ bối rối: - Nghiêm túc à? Bà muốn nói gì thế? Tôi muốn thằng bé quan tâm tới công việc trang trại, để tôi có thể để lại sản nghiệp cho nó sau này. Nó không chịu phụ tôi làm cỏ khô, bảo rằng lúa mì làm nó bị sốt, bây giờ ngay lúc mình cần có phụ coi đàn cừu thì nó cũng không làm, viện lý do là mùi cừu làm nó khó chịu! - Nó phải học hành… - Ừ, bà cứ bào chữa cho nó! Bà sẽ làm hỏng nó? Ngày nào đó bà sẽ ân hận. Nó biết lúc nào bà cũng bênh nó chằm chằm và nó cứ nguầy nguậy không chịu vâng lời tôi. Kiểu đó tới chừng hai mươi tuổi nó sẽ lông bông không ra tích sự gì hết cho bà coi. - Ông nói làm tôi nhức đầu thêm. Tôi định nói chuyện này, ông nghe giùm chút… Theo ông thì nó và con Philadelphia có xứng đôi không? Chuyện này tự nhiên thôi vì hai đứa cùng trưởng thành chung với nhau. Với số tiền của con bé, nó sẽ mua nhà mua đất, sẽ thành một nông trang viên quý phái, nếu muốn thì nó cứ ở Melbourne, còn ở đây thì thuê người làm quản lý. Tất nhiên là sau khi ông và tôi nhắm mắt. Con bé có mười hai nghìn bảng, số tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm lúc nó được hai mươi mốt tuổi. Ông Charles nhìn bà ta chăm chăm, ông chưa bao giờ có ý nghĩ đó. - Nhưng… nhưng hiện chúng còn con nít mà. Và tôi không biết… anh em họ mà cưới nhau thì người ta có đàm tiếu gì không. Tôi nghĩ con bé như là em gái của nó. Nhưng bà Hester chỉ mỉm cười, nghĩ rằng bà ta khôn ngoan hơn ông nhiều. * Mùa xuân đến với một mớ bụi vàng trên những đám cây dày đặc trên bờ sông ở xa, và với mùi thơm thanh thoát, mượt mà của các nụ keo. Nước sông lên cao, nước tràn ra các khe đã ngập tràn. Đêm đêm ếch nhái cùng kêu lên vui vẻ. Dù trời rất lạnh, cô Barrett vẫn không thể bị khuất phục, sáng sáng cô đều bước qua mớ tuyết vừa thở hổn hển vừa cố đẩy sương muối đóng băng ở mép sông, nhào xuống bơi. Cô bảo rằng mỗi khi cô ra khỏi nhà thì cô cảm thấy rất khỏe, thoải mái, cái lạnh làm cô nhẹ bỗng, nhẹ đầu, thân cô hồng hồng mà nhẹ lâng lâng. Nước lên tới miệng sông. Các con tàu lại xuôi ngược có thể chở đủ thứ hàng. Bà Hester mua đủ thứ: hồ Silver Star, bột mì Nurse, quế, một bộ đánh trứng mới và một khúc vải để làm rèm. Số tiền mua khá lớn, ông Charles lên tiếng rầy rà: - Nếu bà tiêu xài hoang phí, cuối cùng thế nào tôi cũng phải trở lại tìm vàng. Hai người cãi vã, mối bất hòa tiềm tàng từ lâu lại nổ ra. Trong căn phòng có sẵn một cái giường, ông Charles cho mang các đồ đạc khác vào, biến nó thành phòng ngủ, trong khi bà Hester chiếm một mình căn phòng lớn phía trước. Mỗi lần có thư từ mới, ông Charles lại càng buồn bã hơn. Ông thường ngồi đó; trước mặt là những số báo trong tuần của tờ báo ở Echuca - tờ “Tin tức dòng sông”. Lần nào chồm qua vai ông nhìn, Delie cũng thấy ông nghiên cứu một đề tài tựa là KHỦNG HOẢNG KINH TẾ. Một hôm cô đọc những dòng sau: “Không đầy một tháng, sáu ngân hàng lớn mà người ta cho rằng đủ khách hàng đổ xô đến rút tiền đông bao nhiêu cũng vững như bàn thạch, đã tạm ngưng việc. Tuy nhiên, vẫn không có sự sợ hãi thông thường, nào cả. Chính phủ đã phải dùng đến biện pháp mạnh là đóng cửa tất cả các ngân hàng trong năm ngày để cho các người quản lý có thời gian để thở”. Cô hỏi: - Thưa dượng, như vậy có nghĩa là nếu khi cần thì dượng cũng không thể rút tiền khỏi ngân hàng phải không? - Đúng thế, cháu ạ. Nếu họ không làm thế, thì chẳng mấy chốc sẽ không còn tiền trong ngân hàng nữa. 12 Một tối nọ, sau khi những người da đen ở trong nhà đi săn bà Hester quyết định làm một bữa ăn thịnh soạn. Bắt đầu bữa ăn là món xà lách tôm lạnh. Adam nói: - Không, con không ăn tôm. - Còn cháu Delie thì sao? - Cháu cũng không ăn. Cháu ngán tôm lắm. Ông Charles nhìn nhanh cả hai, nói mau: - Tôi cũng không ăn. Bà có món gì khác không? Bà Hester liền nổi cáu. Tuy nhiên, bà bấm chuông bảo đem một món khác. Bella mang ra một con chim lớn, nâu vàng và lộng lẫy, xếp đầy cái đĩa gỗ đẹp nhất, ông Charles ngây người nhìn, Delie nhìn chỗ ức cong cong, miệng cô khô khốc. - Thưa dì, cháu không ăn đâu. Cháu chỉ ăn rau thôi. - Sao lại không ăn? - Người dì rít lên, cứng rắn - Thịt rô ti ngon mà không ăn. Ông, ông đưa cho nó một miếng ở ức và cánh. - Không! - Delie trả lời mạnh mẽ. Gương mặt cô đỏ bừng. - Cháu không ăn thiên nga đen. Adam nãy giờ nhìn cô ngạc nhiên, giờ đây nhìn đăm đăm món thịt rô ti. - Ngon lắm… Chính dì nấu đấy, vừa chín tới thôi. Adam lại ngồi phịch xuống ghế: - Con cũng không ăn. Bà Hester buông chiếc thìa, hai hàm răng sít lại. - Tối nay mấy đứa nhỏ này sao kỳ cục vậy? Ông à, ông à, đế cho chúng làm bộ làm tịch như vậy sao? - Delie, Adam, nếu các con không thích thì đó là chuyện khác, nhưng các con thử dùng một miếng nhỏ xem sao. Nào, giờ hay cánh? - Cháu không ăn thứ gì cả. - Con cũng không. Bà Hester giận dữ hét to: - Vậy thì cả hai đứa ra khỏi bàn ngay! Chúng bay cứ đi ngủ đi, không ăn uống gì cả. Đi ngay… Cả hai đi về phòng mình, không nói lời nào. Delie đang nằm trên giường xem một cuốn niên lịch thì có tiếng gõ cửa nhẹ bên ngoài, cô Barrett lách vào phòng. Cô quay lại khép cửa, chiếc váy len của cô quét trên tấm vải sơn lót sàn bóng lưỡng. Cô ngồi xuống mép giường, lấy trong chiếc túi rộng một miếng bánh mì bơ và một cái bánh ngọt. - Này, em phải ăn chút gì vào bụng mới dễ ngủ. Trong khi Delie ăn nhỏ nhẻ, rất lấy làm sung sướng vì có thần tượng của cô ngồi trên giường thì cô Barrett hỏi: - Nào, em nói cho cô biết tại sao em không chịu ăn thịt rô ti? Delie nhìn xuống, mặt đỏ bừng, nhưng không trả lời. - Có lẽ cô hiểu. Vì thiên nga vốn đẹp, thiên nga bay được và dường như ăn thiên nga là phạm thánh, đại loại thế phải không em? Delie bướng bỉnh nhìn chiếc váy của Barrett, cô nhai bánh ngọt nhưng cảm thấy vô vị, không đời nào cô nói cảm giác của cô đối với thiên nga. - Ồ, cô hiểu. Nhưng khi em lớn như cô em sẽ ít lý tưởng hơn… - Cô đứng lên. - Thôi, cô cũng phải mang cho Adam món gì ăn chứ. Cậu ta làm thế để ủng hộ em hay là tự ý cậu ta? Delie lúng túng: - Cả hai lý do. - Thôi, chúc em ngủ ngon. Cô đưa những ngón tay dài, mát mẻ của mình sờ nhẹ lên mặt Delie. Delie rúc vào giường. Cô vừa buồn ngủ thì cánh cửa lại mở, một tiếng nói khẽ vang lên: - Cháu ngủ chưa? Cô ngồi lên: - Thưa dì, chưa ạ. Người dì bước nhanh qua phòng, trên tay cầm một cái tách và đĩa. - Này! Dì mang cho cháu ca cao nóng và mấy cái bánh quy bơ. Dì có mang cho Adam rồi, và dì cũng mang cho cháu nữa. Delie hớp từng ngụm ca cao nóng, ngọt ngào. Ngon thật, cô cảm thấy như chưa bao giờ ăn ngon thế. - Cảm ơn dì, dì tốt với cháu quá. - Cô nói, lần đầu tiên cô cảm thấy ân hận. - Cháu thấy cháu không ăn, anh Adam cũng không ăn theo, cháu thấy cháu có lỗi. Đáng lẽ dì không mang thức ăn cho cháu mới phải. - Dì mang thức ăn cho nó thì phải mang cho cháu mới công bằng chứ. Bà Hester lấy lại tách và đĩa, một cái hôn nhẹ lướt lên trán Delie. Ngạc nhiên, cô nằm xuống, trong người thấy ấm áp nhưng không phải chỉ ấm vì cốc ca cao nóng. Bấy giờ, đã cuối xuân, đang mùa nước dâng. Delie và Adam thường ra hiên nhìn. Trước hết là cây cối sáng lên gần khúc quanh thấp, những cái đèn khí đá quay tròn trông như một cái quạt đầy ánh sáng cho tới cây cối cũng có vẻ sáng chói. Thế rồi, cửa sổ trong các phòng chói sáng lên, những tia lửa bay khỏi ống khói, con tàu ngược dòng, vẽ một màu đen phía sau, để lại một cảm giác vui thích nôn nao trong hai tấm lòng trẻ trung. Càng cuối xuân, đêm càng dịu hơn. Delie càng cảm thấy xao động. Những con dế gáy re re trong cát, cây pittosporum trổ hoa làm không khí tràn ngập mùi hương như cam. Một con chim ác là thao thức cất tiếng kêu du dương, một con chim chìa vôi lặp lại cái nốt nhạc trong ngôi vườn ngập ánh trăng, khiến cô không ngủ được. Tiếng hót của nó như một thác nước bằng thủy tinh vỡ ra, réo rắt, trong trẻo. Vào một đêm trăng tròn, khi cô nằm lắng nghe tiếng dế gáy nỉ non trầm lặng, đều đều thì tất cả hoang tưởng của cô cũng mất vẻ viễn mơ. Dường như những con dế này đang nói điều gì đấy… một điều gì đấy, không kể thời gian và rất quan trọng, điều mà lúc nào cô cũng sắp hiểu. Cuối cùng, cô tung chăn bước lại cửa sổ. Bên trên là phong cảnh thần kỳ của ánh trăng và bóng đêm. Cô có thể trông thấy cái thân bóng mượt của cây bạch đàn đã trổ hoa, lá cũng lấp lánh như kim loại láng bóng. Cô liền trèo qua cửa sổ. Hai bàn chân cô trần trụi, đất cát có cảm giác mát mẻ và mơn man mềm mại. Cô hoàn toàn ấm áp trong chiếc áo ngủ dài tay. Cô đánh bạo bước xuống phía nhà khuất trong tối, đi qua mái hiên trước lốm đốm hoa nhài trắng, và bước vào một vùng ánh sáng rực rỡ trong trẻo. Gần nửa đêm mặt trăng hầu như lơ lửng trên đầu, bầu trời không một áng mây. Qua những thân cây cô có thể trông thấy dòng sông tràn ngập đến bờ với cuộc sống thần kỳ của chính nó. Chầm chậm, không kể thời gian. Lũ dế gáy ra rả, cô cảm thấy cuộc sống tràn ngập trong người cô đang tìm những lối thoát mới. 13 Gần đây, dì Hester đã đi đó đi đây với vẻ của một người tuẫn đạo, miệng bà ngậm lại thành một đường thẳng. Trước đây, bà chẳng bao giờ hạ mình vui đùa với mấy cô gái làm công, khác với ông Charles, nhưng giờ đây bà còn không nói với họ nữa. Một hôm ông Charles nhận được thư và gọi Delie vào phòng khách. Những tờ báo trải trước mặt ông, ông vuốt ria mép, vẻ lo lắng. Ông không nói được gì nhiều: có một cái gì đó về sự suy sụp sau khi phát đạt của giá cả tăng vọt ở lục địa… thị trường ế ẩm… nỗi kinh hoàng. Người ta đổ xô đến các ngân hàng để rút tiền, và các ngân hàng ở Melbourne đã đóng cửa. Ông Charles chỉ một cái tít: CHI NHÁNH NGÂN HÀNG ECHUCA NGƯNG PHÁT TIỀN. Delie kêu lên: - Nhưng cháu cứ ngỡ rằng bỏ tiền vào ngân hàng là an toàn! - Ai cũng ngỡ như thế… Mình phải đi Echuca xem sự thể thế nào, có tệ hại lắm không. Vả lại, họ cũng phải đi Echuca tìm người mới thay thế cho Minna đang mang thai. Ông Charles đánh xe đưa họ đi vòng theo con đường dài, qua các đồi cát… Ông và bà Hester không nói gì với nhau. Delie vẫn chưa nhận thức được thảm họa đối với tài sản của cô, cô ngồi trên chiếc xe độc mã với Adam, đi vào cửa hông một ngân hàng tìm ông giám đốc, khi ông bước ra, mặt ông trở nên trang nghiêm. Ông vỗ vỗ bàn tay của Delie. - Cháu à, điều tệ hại nhất đã xảy ra. Tiền bạc của cháu đi đứt cả rồi, hoặc gần như thế. Cô ngồi nhìn chằm chằm ánh nắng chiếu trên cặp mông bóng lưỡng của con ngựa thiến nâu, đám ruồi nhỏ đen đang bu trên một đống phân vàng ngoài đường. Những năm sau đó, cô có thể nhớ lại đống phân vàng, bầu trời xanh, phối cảnh của phố Hare với những dãy cửa hiệu, và tiếng nói của người dượng: “Tiền bạc của cháu đi đứt cả rồi”. Lúc ấy, dường như tất cả điều đó là không có thực. Cô đã được nghe nói rằng cô có tiền trong ngân hàng, giờ đây cô lại được nghe nói là không có tiền gì cả - hoặc đúng hơn, là có không hơn năm mươi bảng. Cô bắt đầu nhận ra rằng rồi đây sẽ khác đi. Khi bà Hester nghe thấy chuyện này, những lời đầu tiên của bà là: - Tất nhiên là không có gì khác đâu cháu. Delie im lặng, ngạc nhiên. - Cháu là con của một người chị của dì, và dì dượng muốn cưu mang cháu. Nhưng dì không biết tính sao về cô giáo. Ông Charles lên tiếng: - Đúng vậy, nhưng việc ấy có thể thong thả đã. - Không thong thả gì cả, ngay bây giờ mình cũng có thể bàn công chuyện được, tôi không biết làm thế nào mình có thể trả tiền cho cô Barrett. Còn phần ông thì cũng phải mất thêm tiền. Tôi đã thuê được cô Annie, một cô gái rất tốt; chuyện Annie không có bàn cãi lôi thôi gì nữa cả, chiều nay, cô ta sẽ đến. Phải tính chuyện lương hướng, ăn ở của cô ta. Ông Charles quay sang đứa cháu: - Thực ra dượng rất may mắn vì đã bỏ tất cả vốn liếng vào tài sản của mình và mua con cừu đực đó. Và dượng chưa bán mớ lông cừu. Dượng rất ân hận, cháu Delie ạ, dượng đã không bảo cháu bỏ vốn vào nông trại ấy, coi vậy lại khá hơn nhiều… Giờ đây Delie mới nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của việc tiền bạc tiêu tan. Bà Hester sẽ càu nhàu cho tới khi cô Barrett ra đi, và cô Barrett mà đi rồi thì những bài học về họa của cô cũng không còn, cô sẽ không thể đi Echuca hoặc Melbourne để theo học trường nghệ thuật như cô từng mơ ước. Nghe chuyện, cô Barrett liền đề nghị là khỏi phải trả lương trong lúc cô còn ở lại, bởi vì cô thích cô học trò của cô và thích cuộc sống trên sông nước. Cô nói rằng Delie có tài và sau này sẽ học một ông thầy khác, nhưng hiện nay cô sẽ dạy Delie môn họa và vẽ. Cô nói rằng cô sẽ đăng quảng cáo, tìm một chỗ làm khác, cho tối sau lễ Giáng sinh - và có thể phải chờ đến năm sáu tháng để có một chỗ làm thích hợp. Cô trở lại Melbourne để nghỉ lễ Giáng sinh. Delie và Adam bơi lội, mỗi người một nơi, họ chèo thuyền trên sông, câu cá và ngắm dòng sông êm đềm trôi đi vô tận vào mùa hè. Để khỏi nghe giọng của bà Hester (dường như lúc nào cũng cáu gắt với cô), Delie trèo lên ngọn cây bách vàng hực ở ngoài vườn trước. Nằm tựa vào những cành thơm mùa xuân, trong khi ánh nắng chiếu vào tay chân mình, cô cảm thấy yên tĩnh. Trong khi cô ngồi cùng Adam trông ra khúc quanh ngoài xa của dòng sông, nghe tiếng bà Hester ngoài hiên gọi vang, cô bảo: - Từ khi em hết tiền, dường như má anh không thích em nữa. Adam cảm thấy khó chịu: - Anh chắc là không có gì thay đổi. Em chỉ tưởng tượng thôi. - Nhưng lúc nào dì cũng muốn em làm công chuyện dù chuyện đó chị Annie làm rất tốt. Dường như dì không muốn em ở gần anh. - Chỉ nhảm, anh không tin đâu. Nhưng đó là sự thực. Lúc nào ông Charles và Adam định đi Echuca, thì dì cô cũng bảo cô ở nhà, hoặc để may màn, hoặc xuống hầm mang mấy cái vại lên để bà làm mứt. Hoặc những lúc hai cha con phải đi chăn cừu, Delie rất muốn cưỡi ngựa ra đồng, ăn uống ngoài trời với họ thì người dì lại bảo cô ở nhà phụ làm mứt. 14 Một lần nữa thu lại đến, các bãi cỏ lấm tấm màu trắng của những chú cừu non và những tai nấm. Năm trước Adam không chịu đóng cừu nên năm nay cậu không được đến đó. Lớn con và vạm vỡ, cậu trông lớn hơn tuổi. Cậu chưa tới mười bảy tuổi, nhưng cậu đã có vẻ đàn ông và tự tin. Giờ đây cậu cao hơn cô Barrett một chút, và cậu thường bàn bạc với cô về cuộc đời và thi phú. Lúc nào rỗi rảnh cậu lại giam mình trong phòng đọc sách. Một hôm, sau giờ học, Delie nhìn vào phòng tìm Adam. Cô thấy nhiều tờ giấy vương vãi trên giường, còn cậu cầm trên tay một quản bút bị gặm nhấm nhiều. Cậu bèn gom các tờ giấy và nói giọng gắt gỏng với cô. Cô bước đi nhưng băn khoăn, không rõ tại sao người bạn vui vẻ của cô vào mùa hè đầu tiên giờ đây lại trở thành kẻ xa lạ hết sức tư lự như thế. Rồi sau bữa ăn trưa, khi cả nhà gặp nhau quanh lò sưởi trong phòng khách, thì lại xảy ra sự tranh cãi giữa ông Charles và Adam… Nhưng khi Adam định cãi thêm, thì từ bên kia phòng cô Barrett nhìn cậu, cậu dịu đi. Lát sau, Adam lại tìm cách đến bên cô Barrett hỏi này nọ, vượt quá sự thân mật thường tình khiến Delie cảm thấy tưng tức… Và bà Hester lại kiếm cớ nhờ con trai tìm cho một lá bài cơ hoặc rô, bất cứ lúc nào Adam có chuyện bàn bạc với cô Barrett bà đều thấy cần phải gọi cậu phụ giúp việc gì đó. Cô Barrett nhận được thư nhưng chưa tìm được chỗ làm mới, nên cô tiếp tục ở lại hướng dẫn cho Adam và Delie một thời gian nữa. Nhưng có điều hơi lạ là Adam lại có thái độ rất kỳ cục trước cô giáo khiến Delie rất ngạc nhiên. Thật ra, Adam là một cậu trai quá lớn đối với một cô giáo và quá đẹp trai nữa. Trong những năm dạy ở một trường nữ, cô đã quên là gần gũi một người nam đẹp trai thì rắc rối đến đâu. * Delie đi tha thẩn dọc theo bò sông, ném vỏ cây xuống nước, cẩn thận không nhìn Adam trong khi cậu đang ngắm nhìn dòng sông chảy xuôi dòng. Bỗng Adam ngước lên trông thấy Delie, liền gọi cô đến. Cô vui sướng chạy theo cậu. Cô không đưa bàn tay cho cậu nắm như đã làm một cách tự nhiên sáu tháng trước đây. Cả hai đi sóng đôi bên nhau lên khúc quanh đầy cát rồi xuống mé bên kia chỗ bụi sồi trên quãng đường phẳng. Một cơn gió hiu hiu nhẹ thổi qua dòng sông. Tiếng gió vi vu buồn bã qua những chiếc lá dài rũ xuống. Adam dừng lại hái một trái sồi. Cậu đứng nhìn, suy nghĩ miên man. - Ồ, mình đang đi dạo mà, mình đi tiếp chứ! Adam “đi tới” nhìn cô tò mò: - Tại sao em không thích ở lại chỗ kia chứ? - Vì những cây sồi. - “Cây sồi” à? Anh thích “Phi lao” hơn. Nhưng sồi thì sao chứ? Trông như những cô gái da đen có những mái tóc dài rũ xuống. - Bởi vì… bỏi vì nghe như tiếng biển cả. - Ồ, tất nhiên rồi. Xin lỗi em. Cô nghĩ rằng nói chuyện với Adam thì thật là diễm phúc. Không bao giờ cần phải giải thích chi tiết. Cậu chưa bao giờ đi trên một chiếc tàu buồm, nhưng cậu đoán rằng tiếng gió thở dài, xào xạc trong những thân cây lá mỏng giống như tiếng gió thổi qua các dây thừng và dây buồm, và ở xa nghe như tiếng sóng biển vỗ vào phía dưới đỉnh vách đá dựng, nơi cả gia đình cô đang yên giấc nghìn thu. Lần đầu tiên khi cô qua nơi có tiếng cây vi vu đó, cô đã rùng mình nức nở, khi cô nhắm mắt, ảo ảnh thật là trọn vẹn. Đêm hôm ấy, cô đã mơ thấy bờ biển dài trắng mà thuyền trưởng Johnson đã miêu tả, nơi dòng sông Murray gặp biển cả. Cô đi bộ dưới một tuyến đồi cát, hết đợt sóng này đến đợt sóng khác trải dài trước mặt cô và phía sau cô là những giọt nước giá buốt. Còn trên bờ biển này cô hết sức cô đơn: không một con hải âu cất tiếng, không một con chim cử động, không gì cả ngoài tiếng gầm thét của bọt sóng biển đập vào bờ. Và khi cô nhận thấy sự cô đơn của mình tại nơi không có con người này, thì ý thức về cái đẹp và sự kinh hãi khiến cô thức giấc. Sau đó, cả hai đến khúc quanh kế ít gió hơn, Adam bỗng thò tay vào túi áo trước ngực lấy ra một tờ giấy. - Em Del, em hãy xem cái này. Cô cầm tờ giấy, thấy những hàng chữ đều đặn, những câu thơ, Adam quay lưng lại, một bàn chân sủi sủi cát… Cô góp vài ý kiến. Nhưng rồi cậu bỗng giật tờ giấy lại, Delie mới biết là cậu không muốn cô phê bình, mà chỉ muốn được đưa thơ mình cho người khác xem để lòng mình có phần nào thanh thản. Cô hỏi: - Anh còn làm thêm tờ nào nữa không? Cậu đưa cho cô một tờ khác. Cô đọc xong, kêu to: - Hay quá, anh Adam. Tại sao anh không đưa cho cô Barrett xem, như tờ này… - Làm sao anh đưa được, cô bé ngốc nghếch! Anh viết cho cô ta đấy - tất cả những câu thơ này đấy. Cô vỗ tay vui vẻ: - Ồ, anh Adam! Anh muốn nói là anh yêu cô ta à? - Phải. - Cậu chìa hàm ra nhìn xuống dòng sông - Trời, anh yêu cô ta biết bao. Delie ngồi xuống cát để cho tin ấy thấm vào người mình. Adam yêu cô Barrett! Thật là hết sức lãng mạn. Cậu làm thơ cho cô ta, cậu héo hon vì cô ta, và chỉ có Delie biết bí mật của cậu. Cô liếc sang bên nhìn gương mặt kiên quyết của cậu, đôi má trong sáng đầy đặn của cậu. Không, cậu hoàn toàn không có vẻ như thể đang héo hon. Tài nấu ăn của dì Hester và sức ăn ngon của tuổi trẻ hoàn toàn tương phản với hậu quả của mối tình không được đáp lại của cậu. - Anh Adam, em vui sướng vì anh đã kể cho em nghe. Thích thú lắm. Adam buồn bã đáp: - Thích thú à? Địa ngục thì có. - Cô ta đẹp quá, phải không? - Phải, đẹp quá. Cả hai thở dài nặng nề và nhìn đăm đăm qua bên kia sông. Adam đứng vững, hai bàn chân dang rộng ra, đầu hơi nhô tới trước. Delie ngồi tựa lên cánh tay bé nhỏ gầy gò của mình. Họ không ý thức gì về bức tranh mà họ đã tạo ra, bức tranh của tuổi trẻ trên bờ sông đang chảy. Mặt trời chiếu sáng trên những mái tóc bóng mượt của họ, mái tóc hầu như đen của cô, mái tóc nâu vàng nhạt của cậu. Rồi mặt trời khuất sau một đám mây dày. Cả hai nhìn lên, rùng mình. - Có ai đó đang đi trên ngôi mộ của tôi. - Adam mỉm cười nói, nhắc lại từng lời mẹ cậu thường nói mỗi khi bà rùng mình. Nhưng Delie nhìn cậu một cách nghiêm trang. Từ khi bị đắm tàu, lúc nào cô cũng nghĩ đến quyền lực vô tư của tử thần đối với những người trẻ trung, khỏe mạnh cũng như đối với người già cả tàn tật. Họ đi trở về nhà với một tình thân mật mới, chung một đối tượng phụng thờ, như những tín hữu sùng đạo của một tôn giáo mới… * Có thư của cô Barrett đề nghị cô làm gia sư trong một trại chăn nuôi trâu bò ở một miền tây bắc xa xôi của Úc. Một miền mà từ lâu cô rất muốn tới. Cô báo với bà Hester rằng cô sẽ chờ một tháng nữa, để nghỉ lễ suốt cả tháng chín, trước khi từ biệt. Sau đó trời sẽ rất nóng, không thể đi miền Bắc nổi. Nghe nói thế, Adam đứng lên vội vã rời khỏi phòng. Thế là hết… Một khi cô Barrett đã ra đi, thì cuộc đời không thể chịu đựng được. Công việc chăn cừu xén lông cừu làm cậu nôn oẹ. Cậu muốn ra đi trước khi thời gian xén lông cừu bắt đầu. Cậu đi tha thẩn một mình bên dòng sông, lắng nghe những tiếng ếch nhái kêu vui vẻ trong đêm, ồm ồm trong cổ họng chúng, điệu trầm của những con nhái lớn, giọng cao của những con nhái nhỏ, và tiếng nước hòa theo của dòng sông đang chảy. Trong hai ngày nữa, cô Barrett sẽ ra đi. “Dorothy!” Cậu thét lên dữ tợn, nghèn nghẹn gọi tên cô giữa những vì sao. Lần đầu tiên những ánh lửa lạnh lẽo chấp chới đó không lãnh đạm, mà lại đập cùng nhịp với nhịp đập điên cuồng của con tim cậu. Dưới những ánh sao, nửa say vì tình yêu, Anh gọi cái tên đẹp đẽ của nàng Và với âm thanh đó bầu trời vang dội Và những ánh sao cũng bừng lên ngọn lửa… Lúc cậu chỉ có một mình, bao nhiêu lời lẽ đến với cậu quá dễ dàng, ấy thế mà, khi cậu cố tỏ cho cô mối tình của cậu, thì cậu sẽ trở thành một đứa học trò líu lưỡi, ấp a ấp úng. Dorothy, Dorothy! Làm thế nào cậu có thể để cô ra đi mà không tỏ thật nỗi lòng. Nhưng cô biết. Hẳn cô đã trông thấy gương mặt cậu đỏ bừng khi những ngón tay họ tình cờ chạm vào nhau trên một quyển vở bài tập. Như con thiêu thân lao vào ánh đèn, cậu vơ vẩn về phía cửa sổ phòng cô đang sáng đèn, chứng tỏ cô đang đọc sách hoặc đang thu xếp hành trang. Thu xếp hành trang để ra đi, đi khỏi đời cậu mãi mãi. Cậu rên một tiếng não ruột, dựa vào tường. Những bức rèm lay động. Một tiếng nói nhỏ nhẹ vang ra: - Ai đấy? Cậu Adam à? Phải cậu Adam không? - Vâng, tôi đây. - Giờ này sao cậu chưa đi ngủ đi? Tôi đang thu xếp hành trang. - Làm thế nào tôi ngủ được, khi mai này cô ra đi? Cô tựa vào khung cửa, nhìn ra ngoài, gương mặt cô ngang với mặt cậu, trong mái tóc quăn dài xõa xuống bờ vai, trong ánh sáng hắt ra từ chiếc đèn dầu hỏa phía sau, không trông thấy được những nếp nhăn mờ quanh mắt cô, trông cô như một thiếu nữ. Cô nhìn cậu đăm đăm không trả lời, giật mình bởi những lời lẽ của cậu về mối quan hệ giữa học trò và cô giáo, vì vẻ yêu mù quáng trên gương mặt trẻ trung của cậu. Trước khi cô đã trông thấy điều đó, nhưng không bao giờ lại lộ liễu như thế. Cậu nói: - Trông cô như Juliet. “Nàng Juliet này, và cửa sổ của nàng là mặt trời”. Cô cười nhẹ, cố tìm lại quyền lực của mình, thứ quyền lực đã mất trong những giây phút cô nhìn đăm đăm vào mắt cậu. - Tôi đâu còn trẻ trung gì để đóng vai đó nữa. Cậu đặt đôi môi mình lên bàn tay vẫn để trên khung cửa, và rồi lật bàn tay lên áp vào gương mặt nóng bỏng của cậu. Cậu lúng búng: - Cô biết là tôi cảm cô như thế nào. (A, những lời lẽ phong phú ví von trong tập bản thảo của cậu đâu mất rồi?). Tôi không chịu nổi việc cô ra đi. Mọi điều tôi viết là dành cho cô. Tôi sẽ không bao giờ viết một dòng nào khác nữa. - Có những bài thơ à? - Cho cô. Chỉ riêng cho cô. - Cậu bé thật là ngốc nghếch. Cậu biết tôi bao nhiêu tuổi không? - Tôi không cần. Cô đẹp. Với mái tóc như thế này, sáng trong ánh đèn… - Cậu chờ một chút. Tôi có một cuốn sách cho cậu. Chính tôi chép lại nhưng tôi muốn dành cho cậu. Cô quay vào lục lọi trong đống sách trên sàn bên cạnh một chiếc hộp mở nắp. - A, đây rồi. Cậu… Cô dừng lại, thở hổn hển nhè nhẹ, bàn tay bất giác cài chiếc khuy áo ngủ trên ngực lại. Đặt đôi tay lên khung cửa, Adam nhẹ nhàng nhảy qua cửa sổ. Cậu ngồi giữa hai bức rèm, đôi mắt sáng nhìn cô, đăm đăm, nóng bỏng. - Đây… đây, sách đây. Bây giờ cậu đi đi. Cô tiến tới, đưa quyển sách như đưa một miếng ăn cho một con chó to nguy hiểm. Adam lấy quyển sách, bỏ vào túi không nhìn và nắm lấy đôi bàn tay cô. Cậu thì thầm: - Dorothy! Tôi chưa bao giờ gọi cô như thế, phải không? - Cậu Adam! Kỳ cục quá. Cô đứng đờ ra trong khi đôi tay cậu quàng vòng quanh người cô, nhưng cậu bỗng cảm thấy cô thở dài. Cậu sờ soạng suốt dáng hình cao cao thanh mảnh của cô qua làn áo ngủ bằng lụa mỏng manh, mặt cô, cổ cô, làn da thơm ngát mát rượi của cô. Cậu nói qua mái tóc cô: - Giúp tôi đi… dạy tôi đi. - Adam, tôi không thể dạy cậu viết. Chỉ có thể thực hành rồi cậu mới quen. - Cô nói như bình thường, nhưng giọng cô run ran. - Tôi không muốn nói thế. Tôi muốn nói chuyện khác cơ. Cô cười lớn, mơ hồ: - Cậu bé thân yêu của tôi…! Bàn tay cô mơn man mái tóc cậu, nhè nhẹ, đều đều. Cậu vừa vòng tay ôm nâng người cô, vừa loạng choạng tiến về chiếc giường, thổi tắt ngọn đèn khi đi qua. Tất cả ánh sao dường như lọt vào căn phòng. * Đêm ấy Adam đi bộ mấy dặm dài theo bờ sông, cậu đăm đăm nhìn vào các tinh thể quen thuộc, chưa tin hẳn câu chuyện đã xảy ra. Cậu say sưa trong thành tựu và tự hào của mình? Cậu, Adam Jamieson đã chứng tỏ mình là đàn ông. Và Dorothy, cô ta đáng yêu biết mấy, dịu dàng biết mấy! Ấy thế mà cậu đã nhìn cô dưới một góc độ hơi khác, không còn là một nữ thần trên bục nữa. Cô đã là của cậu. Nữ thần đã bước xuống vào vòng tay của cậu. Và trong thâm tâm mình, cậu mường tượng là đáng lẽ cô không nên làm thế, hoặc ít ra là không nên làm thế một cách quá dễ dàng. Đó là một kinh nghiệm thần kỳ nhưng, thật ra nó không hoàn toàn là những điều cậu trông đợi từ sách vở. Mênh mang chóng tàn… Không… Không… Cậu không được nghĩ như vậy. Trước hết phải là một cảm giác bình yên thần diệu đã. Dorothy… đôi mắt sáng có những đốm vàng nhỏ, như ánh nắng trong một ngày đông, với trí tuệ của người đàn ông, và thân hình mềm mại không tưởng tượng được. Không bao lâu nữa cô sẽ ra đi và cậu sẽ không bao giờ gặp lại cô nữa. 15 Ông Charles đánh xe đưa cô Barrett đến Echuca, Adam và Philadelphia cùng đi tiễn. Cảnh hoạt động ở cầu tàu Echuca thật nhộn nhịp. Adam mang túi xách của cô Barrett vào bến tàu trong khi ông Charles dẫn ngựa vào chuồng để thoa bóp cho nó lại sức. Cô giáo rảo bước đến phòng vé, Adam và Delie lặng lẽ đi hai bên. Hai người cảm thấy khổ sở. Cô Barrett lên xe lửa tìm chỗ ngồi, vui vẻ nói chuyện qua cửa sổ, nhưng nhận được rất ít lòi đáp lại. - Đi chuyến này tôi vui lắm, - cô vừa nói vừa nhìn quanh các hàng ghế bọc da chưa có người ngồi, và nhìn những thắng cảnh của Victoria qua cửa sổ, kế đó, cô nhìn quanh với vẻ hối tiếc hai khuôn mặt buồn bã bên ngoài cửa sổ. - Delie, vui lên đi em, mình sẽ gặp lại nhau, có thể là khi em nổi tiếng, với những bức tranh được xếp trong viện hàn lâm hoàng gia. Tôi tin tưởng vào cô cậu, cậu Adam đừng bao giờ thôi viết nhé và đừng bao giờ thỏa mãn với những tác phẩm chưa viết hết sức. - Mời bà con lên xe… Xin mời lên xe…! - Tạm biệt cô cậu, tạm biệt! Đừng quên viết thư nhé. Những cánh cửa đóng sầm lại. Chiếc xe lửa chầm chậm chạy dài theo sân ga, ông Charles chạy vội đến, chỉ kịp vẫy tay. “Cô đi rồi” Adam và Delie nghĩ, có cảm giác vẫn được nắm chặt những ngón tay ấm áp, sống động của cô Barrett. Delie không thốt một lòi nào, đôi mắt chớp lia chớp lịa nhìn thắng tới trước, cô nén tiếng nấc. Gương mặt Adam trắng bệch. Ông Charles thân mến choàng cánh tay qua vai Delie. - Nào, cô bé ạ, bây giờ mình ăn trưa ở đâu đây! Theo dượng thì mình đi đến hiệu ăn Stacy chén một bữa ra trò. Cuối cùng là kem sôcôla nhé. Này Adam, ý con ra sao? Adam nói, xa xôi: - Con ăn gì cũng được. Hàm của cậu bạnh ra, ngang bướng, khốn khổ. Tại sao cha cậu vẫn tưởng cậu là đứa học trò nhỏ nhỉ? Kem sôcôla! Trong lúc quả tim đàn ông của cậu đang vỡ tan… Delie cảm thấy đau đớn và không đói chút nào, nhưng vẫn ân cần: - Dượng à, như thế thì hay lắm đấy. Adam đi theo hai người, nhưng cậu ăn ít và không nói gì, vì đang lắng nghe một giọng nói nào đó bên trong cậu. Ông Charles định đi xem mấy con cừu giống mêrinô nên bèn đứng lên, để một đồng tiền của crown[6]lên bàn. - Này các con muốn gì thêm nữa thì cứ mua. Hẹn gặp lại các con ở cầu tàu lúc hai giờ rưỡi. Ông lấy cái nón nỉ rộng dài trên giá, bước ra. Adam chộp lấy đồng tiền. - Này, cô bé, anh cần món tiền này. Hôm khác anh sẽ đền lại. Anh phải gặp anh bạn… cùng trường. Anh vừa trông thấy anh ấy bước vào một khách sạn lúc mình tới đây. Anh không thể đưa em cùng đi với anh. Em có muốn ra công viên không? Chỉ một lúc thôi, chắc không sao đâu, phải không? Giọng nói của cậu cấp bách, đôi mắt rực sáng, sôi nổi. - Vâng, có lẽ thế. Nhưng anh đừng đi lâu quá nhé. - Hai giờ mười lăm anh sẽ đến gặp em. Rồi mình sẽ cùng nhau đi trở lại cầu tàu, để ông già cứ ngỡ là mình vẫn cùng đi với nhau. Em thích sôcôla hay thứ khác? - Không thích gì cả. Cô nhìn cậu, đôi mắt lo lắng. Cậu có bao giờ lừa cô như vậy đâu. Nhưng cậu đã đẩy cô ra khỏi hiệu ăn bước vào ánh nắng mùa đông sáng sủa, rồi chia tay với cô ở đài kỷ niệm James Mackintosh. Cô bước đi giữa những hàng cây theo một con đường mòn cho tới ngã ba sông Campaspe và sông Murray, cô ngồi xuống ngắm nhìn các dòng nước lặng lẽ gặp nhau. Tiếng rầm rầm của các nhà máy xẻ gỗ xa xa và tiếng nước chảy như ru cô thiếp đi một lúc. Khi cô tỉnh giấc, mặt trời đã xuống sau một thân cây to, những bóng cây trải dài qua dòng sông. Cô vội vã chạy lên con đường mòn, bỗng cô trông thấy bóng dáng một người đàn ông thập thò quanh một thân cây. Cô gọi to: - Anh Adam! À, anh ấy đang chơi trò trốn tìm với cô. Cô chạy vòng qua thân cây. Rồi dừng lại hẳn. Cô hoảng hốt, bất động trong một lúc. Rồi cô lại chạy, chạy tìm con đường mòn. Cô quay lại nhìn một lần nữa. Một người đàn ông cởi trần tựa sát vào thân cây đang vẫy cô, cười ngô nghê. Ôi, anh Adam đâu rồi nhỉ? Cô không dám nhìn quanh nữa, tưởng tượng mình đang nghe tiếng những bước chân chạy thình thịch. Chỉ khi cô qua cổng vòm và trở lại những đường phố cô mới quay lại. Không còn ai theo cô nữa. Nhưng rõ là một ngày chết tiệt. Gã ấy… thật là đê tiện, đáng ghét… Cô đi về phía cầu tàu, cô sợ quay đầu nhìn lại rồi chạy, cô chạm phải ông Charles. - Delie, sao cháu chạy không kịp thở và có vẻ kinh hãi vậy. Chuyện gì vậy? Adam đâu rồi? Dượng chờ nãy giờ… Ông thở ra mùi rượu rum nhè nhẹ. - Ồ, ồ, xin lỗi, con lại trễ! Ông Charles xô Delie qua một bên, quay lại nhìn đứa con trai, hơi ngạc nhiên vì giọng nói là lạ của nó. Mặt Adam đỏ gay, mái tóc dày màu nâu nhạt rối bời. - Adam, nãy giờ con ở đâu? - Con phải gặp một anh bạn… bạn học ngày trước. Chúng con ngồi ở quán rượu. - Con muốn nói là con để em con một mình? - Không… thưa không!… Thưa không phải vậy. Công viên đẹp lắm, Del muốn đến xem, và con đưa em đến đấy. - Adam, con uống rượu đấy à? Một tiếng còi tàu rúc dài dường như nhấn mạnh thêm câu hỏi. - Vâng, con uống rượu. Con phải xã giao. Con gặp anh bạn… anh bạn cùng trường cũ. - Chuyện đó ba nghe nói nhiều rồi. Tiền đâu con uống rượu. Chắc con xài tiêu hết tiền của ba để lại cho hai đứa rồi. Ba sẽ không cho con đồng nào nữa đâu. - Ba đã bảo là các con muốn mua gì cũng được. Thì con muốn mua rượu. - Cậu ta bạnh hàm, nhìn chòng chọc có vẻ hung hăng. - Con đừng có to tiếng. Bây giờ, lên xe đi. về nhà ba sẽ nói chuyện thêm với con. Nếu trước khi trời sụp tối mà mình tới khu rừng ngập nước là may mắn lắm đấy. Khi họ lên xe, Adam, thầm thì bên tai Delie: - Em Del, anh xin lỗi vì đã không đến gặp em. Nhưng Delie cong người lại khi ngửi hơi thở sặc mùi rượu của cậu, cô ghê tởm nhìn ông anh Adam mới này với gương mặt đỏ au và đôi mắt như vấy máu. Anh ấy đã bỏ cô một mình, cái gã đàn ông gớm ghiếc kia có thể nhảy xổ tới cô trong lúc cô ngủ say. Niềm thán phục của cô đối với anh Adam lớn tuổi hơn cô bắt đầu chao đảo. Trên đường về nhà, không ai nói với ai lời nào. Ông Charles không tỏ ý gì về chuyện uống rượu của con trai cho tới khi về nhà bàn bạc với bà Hester. Bởi vì, tất nhiên bà phải được biết chuyện đó. Bà xem đứa con là thần tượng của bà, bà đã làm hỏng nó, cưng chiều nó từ lúc bé thơ, cho nên đã dẫn tới tình trạng tệ hại này. Xe chạy đến một vùng thấp, nước lên tới đùm xe. Khu rừng mờ tối, biết là đã trên đường về, con Barney vội sải chân. Rồi nó bỗng đứng sững lại. Phía trước là một khe nước. Ông Charles vung roi quất, con ngựa bướng bỉnh lùi lại. Bánh xe xoay tròn, chiếc xe đảo vòng, có nguy cơ bị lật. Adam để nguyên giày nhảy xuống đỡ đầu con ngựa. Cậu giục nó tiến tới, và không bao lâu xe vượt qua khe nước, Adam nhảy lên xe, quần cậu và đôi giày của cậu chảy nước ròng ròng. Không ai nói gì cho đến khi xe tới con đường cát về nhà, phía trên đám nước lũ. Ông Charles thở dài nhẹ nhõm, Adam thì lạnh, Delie thì bị chuột rút và mệt. Cụ Lige cầm đèn bão bước ra đón, con chó của cụ ta sủa mừng họ. Cụ Lige vui vẻ nói: - Bà chủ tưởng là ông với cô cậu bị chết đuối cả rồi. Bọn này cũng định đi tìm. Nhưng tôi nói với bà chủ là chú ngựa Barney biết đường về hơn bất cứ người đàn ông nào. Bà Hester đang chờ ở cửa sau, gương mặt nhợt nhạt. - An toàn cả. Xin tạ ơn Trời! Adam, con có sao không? - Không sao cả, má à. - Adam nói, vòng tay qua người bà - Chỉ bị ướt thôi. Bà sờ quần áo cậu rồi hét: - Adam, con ướt sũng! Con ngã xuống sông à? Tôi biết mà, tôi biết là không an toàn mà, nhưng ông có chịu nghe tôi đâu. Nhằm ngày thứ sáu mà đi chứ! - Bà đẩy cậu vào trong để thay quần áo. Mệt đừ và lạnh buốt, Delie chầm chậm theo sau, bà Hester hâm thức ăn, rồi cả nhà dùng bữa. Liền sau đó, bà định đi ngủ. Adam cũng nói: - Con cũng muốn đi ngủ nữa. Con hơi lạnh. - Con chưa được đi ngủ! Má con và ba muốn nói chuyện với con trước. Delie lặng lẽ rút lui. Cô biết sắp có chuyện cãi vã, nhưng cô không muốn dây vào. Đôi mắt bà Hester hấp háy. - Chuyện khùng khịu gì nữa vậy ông! Con nó phải đi ngủ thôi, và phải để gạch nóng dưới chân nó. Chị Annie nhè nhẹ bước vào dọn đĩa. Charles ra hiệu cho Adam: - Mình sang phòng kia. Chắc trong đó có lò sưởi. - Thấy bà Hester quay lưng lại phía ông, giận dữ dọn đồ đạc vào cái tủ chén, ông bảo: - Nào, đi bà. Lát sau, Delie bước xuống giường, đi chân trần ra hành lang. Bắt gặp chị Annie ngoài cửa phòng khách, cô bảo chị ta đi ngủ… Rồi cô gõ gõ, chờ một lúc và bước vào trong, cảnh tượng đúng là cảnh tượng của một tấn bi kịch gia đình: bà Hester đang nằm trên ghế trường kỷ, một chiếc mùi soa ướt rượt trên mũi, ông Charles quay lưng vào lò sưởi, đôi bàn tay nắm lại để phía sau lưng, mặt nghiêm khắc, và Adam đứng sau một chiếc ghế dựa, giận dữ, vẻ bất cần. Delie thấy cần phải nói điều gì đó để bênh vực Adam. Cô muốn bảo: “Anh ấy yêu cô giáo. Cô giáo ra đi anh ấy không chịu đựng nổi, anh buồn, anh uống rượu để lãng quên”. Nhưng việc Adam yêu người gia sư sẽ bị xem là một trọng tội khác, nên thay vì thế cô lại nói: - Thưa dượng, anh Adam định mua sôcôla cho cháu, nhưng cháu không muốn ăn, rồi cháu cảm thấy khó chịu trong người, và ngủ quên bên công viên Campaspe. Cháu bảo anh cứ để cháu ở đấy. - Delie, cháu không cần phải bao che cho nó! Điều đó không thể bênh vực tội uống rượu của nó - một thằng con trai chỉ mới mười bảy tuổi đầu - nó làm dượng cháu mình về muộn, dì cháu sợ muốn chết! Bà Hester khịt khịt mũi thương hại lấy mình. Adam liếc nhìn cô em họ vẻ biết ơn, Delie mở cửa bước nhẹ ra ngoài. Cô cài then cửa sau và vào giường lắng tai nghe tiếng từ phòng phía trước… Ông Charles quát tháo, có tiếng cửa bật tung ra. Cô nhảy khỏi giường mở hé cửa phòng mình. Tiếng Adam giận dữ: - Thế là xong! Con không thể sống ở nhà này được nữa, lúc nào ba cũng xem con như đứa học trò nhỏ. Để rồi ba xem! Từ khe cửa cô trông thấy mái tóc bù xù của cậu, gương mặt cậu trắng bệch vì giận dữ, cậu kéo cửa phòng ngủ đối diện rồi đóng sầm lại. 16 Một tuần lễ trôi qua. Một hôm Delie đang ngủ bỗng có những tiếng gõ cửa nhẹ đánh thức cô dậy. Một ngọn nến chập chờn quanh cánh cửa, theo sau là Adam y phục chỉnh tề, cô ngồi dậy, nháy nháy mắt. - Anh Adam! Nửa đêm nửa hôm thế này, anh thức chi vậy? - Suỵt! Gần sáng rồi. Anh chuồn đây, khẽ chứ. - Anh làm gì chứ? - Anh trốn đi. Bây giờ. Ngay đêm nay… - Nhưng… nhưng… bằng cách nào? Anh đi đâu? - Anh sẽ lấy chiếc thuyền nhà chèo đi. Anh cho đậu phía dưới cầu tàu Echuca. Sáng mai, em có thể báo cho ba anh biết chỗ đó. - Anh có định đi xe lửa tới Melbourne không? - Không, anh chỉ tới Echuca. Anh xin việc ở đấy. - Anh Adam, anh xin việc rồi à? Ồ, em cũng muốn đi nữa. Em sẽ nhớ anh lắm. Anh định làm gì? - Làm phóng viên cho tờ “Tin tức dòng sông”. Hôm nọ, anh gặp ông tổng biên tập, nên mới lâu như thế. Anh uống hết hai cốc rượu để có can đảm, và sau đó uống thêm một cốc, nữa để ăn mừng. Nhưng lúc đó ông chủ bút không thấy mùi rượu. Hình như ông ta cũng chống uống rượu dữ lắm. Tên ông ta là Angus Mc Phee. - Nhưng tại sao anh không cho dì dượng hay? - Nếu cho hay thì ông bà ấy sẽ không cho anh đi. Má anh thì chỉ muốn anh ru rú ở nhà, còn ba anh thì muốn anh lo mấy chuyện linh tinh ở nông trại. Nhưng khi ông bà thấy anh thực sự có chỗ làm đàng hoàng, khi anh lãnh được tháng lương đầu tiên mang về, ông bà sẽ bớt ầm ĩ. - Nhưng rồi anh ở đâu? - Anh ở trọ tại đấy. Nhưng sau khi trả tiền trọ rồi, chắc cũng không còn bao nhiêu. - Chắc dì sẽ giận lắm. - Anh biết, nhưng thỉnh thoảng cuối tuần anh sẽ về nhà… Em có nghe không? Có tiếng tàu chạy. Nếu gọi được thì anh đi Echuca ngay. Nào, em giúp anh mang đồ đạc với. Vội vã khoác chiếc áo choàng và mang đôi giày chưa kịp xỏ dây, Delie theo cậu ra ngoài. Cậu xách theo một cái va li, và một cây đèn bão để ra hiệu cho con tàu biết. Cậu thảy một bó sách vào tay cô. Cả hai tất tả chạy ra bò sông nhưng đã quá muộn, con tàu đã chạy quá. Adam phải lấy thuyền con ra đi. Mặc áo và đội mũ nỉ, Adam ném cái va li xuống thuyền đón mấy cuốn sách rồi trao cho Delie cây đèn bão. - Anh nên mang đèn. - Không cần. Không sao đâu. Tạm biệt, em Del. Cậu siết khuỷu tay cô từ biệt. Lập tức dòng nước cuốn chiếc thuyền con đi, cậu chỉ cần đưa mái chèo bơi theo. Delie nhìn lại ngôi nhà tối đen tĩnh lặng. Đêm không trăng, một đám mây vừa tan, để lộ một mảng trời cao. Cô chỉ có thể phân biệt chiếc thuyền con trong vầng sáng nhợt nhạt trên con sóng lướt nhanh theo dòng nước chảy xuôi. Sáng hôm sau, thấy thư của Adam, bà Hester như điên dại. Bà bảo chồng phải đánh xe đến Echuca đưa con về. Nhưng ông Charles cứng rắn không ngờ. Theo ông, thời buổi khó khăn, Adam đi tìm việc làm là điều tốt cho cậu. Rốt cuộc, bà Hester đành chịu, nhưng bảo chồng hôm sau cùng đi với Delie ra xem chỗ ăn ở của Adam, vì bản thân bà yếu không đi được. Đến Echuca, hai dượng cháu đi tối tòa soạn tờ “Tin tức dòng sông”. Họ được gặp ông tổng biên tập tờ báo, tên là Mc Phee. Sau vài câu xã giao, ông này gọi vào trong thật to: - Adam, cậu có trong ấy không? Một thân hình xuất hiện ở cổng vào, trên người khoác một chiếc tạp dề bằng da bẩn thỉu. Adam bước vào vẻ bất cần, trán vấy một vết mực đen, mái tóc đen rơi lòa xòa xuống mắt khiến cậu trông như một thanh niên có vẻ bơ vơ buồn cười. - Cậu Adam, sao cậu không nói với tôi là cha cậu không bằng lòng cho cậu làm việc này? - Tôi không hỏi ý kiến ba tôi xem ông bằng lòng không, bởi vì tôi không muốn gặp nguy cơ bị từ chối. Điều này có nghĩa là tôi chống lại lệnh cương quyết của ông ta. - Vừa nói, Adam vừa nhìn ông Charles. Người cha bảo: - Tại sao con không nói cho cha biết chứ? Cha rất vui mừng khi con tìm được nghề nghiệp thích hợp với con, vì rõ ràng là cha không thể nào buộc con thành nhà nông được. Nhưng… con nói là con làm phóng viên mà. - Ông chỉ chiếc tạp dề bẩn thỉu của chàng trai học nghề. Adam đỏ bừng mặt: - Vâng, con nói thế! Nhưng con cũng đang học xếp chữ… - Ấy, cậu ta đang học tất cả mọi ngành trong nghề. Làm báo thì cần phải biết cỡ chữ và việc ấn loát. Cậu ta làm phóng viên đấy, và chắc chắn sẽ là một phóng viên giỏi. Sau đó, Adam xin phép ông tổng biên tập dẫn cha và cô em họ vào thăm chỗ in ấn. Ông Charles nhìn cái máy in đầy mực, các bộ chữ cùng cỡ và các bát chữ kim loại. Delie khịt khịt mũi sung sướng. Adam nói: - Giờ đây, con xin lỗi ba vì đã trốn khỏi nhà nhưng ở lại thế nào cũng có chuyện lục đục, con không chịu được tính tình má con, chắc ba đã biết. Ông Charles không nói gì. Ông đã biết rõ tính tình của vợ. Trong khi Adam tiễn họ ra ngoài, thì vợ ông tổng biên tập bước vào. Bà ta nhỏ người, dễ mến, mặt tròn, đội mũ theo thời trang, giọng nói nhỏ nhẹ. Được biết lý do viếng thăm của hai người khách, bà bảo: - Thưa ông Jamieson, xin ông báo với bà nhà đừng lo ngại, tôi luôn luôn trông chừng những cậu con trai mới đến tòa soạn chúng tôi như người mẹ trông coi lũ con vậy. 17 Hai dượng cháu về nhà, Delie kể cho người dì nghe hoàn cảnh sinh sống khá tốt của Adam, nên bà Hester không lo lắng nữa. Sau đó ít lâu, Adam về nhà, lấy tiền lương mua quà cho bà, bà trở nên hoàn toàn vui vẻ. Từ Katherine ở miền Bắc, cô Barrett cũng có viết thư về, cho biết cô vui sướng trong cảnh sống mới của mình. “… Ở đây, tôi rất sung sướng và thực sự vui vẻ khi làm bạn với người mẹ của mấy đứa bé, dù bà ta cảm thấy nóng bức và không được mạnh lắm…”. Adam chỉ bày tỏ một sự quan tâm theo xã giao đối với bức thư, dường như cậu đã vượt qua mối tình bất hạnh của mình. Nhưng Delie lại sa vào những ảo ảnh: cô mơ thấy chính mình bên dòng sông sâu cạnh những cây cọ lớn, dưới một bầu trời lúc nào cũng xanh lơ, với những chú két sà xuống đầu cô và những cánh bướm xanh dập rờn giữa những đoá hoa. Người mẹ yếu ớt đó sẽ chết và cô Barrett sẽ lấy cha của mấy đứa bé và sẽ mời cô đến giúp cô ta nuôi nấng chồng, và cô sẽ vẽ những bức tranh lộng lẫy về những cảnh sáng chói vùng nhiệt đới. Delie miệt mài vẽ lại tất cả các sản phẩm nghệ thuật mà cô có thể tìm được. Mỗi ngày, cô thả bộ bên dòng sông, ném que, ném vỏ cây xuống sông, ngắm chúng cuộn trôi trên dòng nước lũ lăn tăn gợn sóng và chảy rì rầm. Dòng nước không lúc nào yên chảy xuyên qua ý thức của cô và làm bối cảnh cho những giấc mơ của cô. Mùa hè lại đến, trời nắng ấm, bà Hester cảm thấy mình bình phục khá nhiều, bà quyết định đến thị trấn Echuca đế tận mắt trông thấy Adam được chăm sóc, dù mái tóc sáng, nước da sáng sủa của cậu chắc chắn là dấu hiệu của sức khỏe. Tính chất đàn ông và tính độc lập của cậu tăng thêm, cậu đã qua tuổi trưởng thành và trông lớn hẳn, không phải mười bảy tuổi mà tới hai mươi hai tuổi. Nhưng Delie trông vẫn như một cô bé, với mái tóc sậm dài, với bộ ngực chưa nẩy nở trọn vẹn, với đôi chân mang tất đen dài thò ra như hai cái que, vẫn còn cái vẻ tự do của trẻ con. Một chiếc tàu con chạy qua đấy, Delie xin phép dì đáp tàu đến Echuca, người dì đồng ý. Bà cũng cho Annie đi theo, vừa để trông coi Delie vừa kết hợp về thăm nhà. Họ xuống tàu, Delie hết sức vui vẻ. Cô chạy khắp con tàu, từ mũi ra lái. Sau, cô cảm thấy mệt, cô leo lên mái nơi người hoa tiêu trưởng đang lo công việc. Tại đây cô nằm ngửa dưới ánh nắng, trong khi động cơ con tàu lặng lẽ phì phò tuốt phía dưới và những thân cây hai bên bò sông lướt nhanh trong một giấc mơ di động. Tàu cặp bến Echuca. Họ băng qua tấm ván xuống cầu tàu ồn ào và nhộn nhịp, Adam đang nhìn một kiện len lơ lửng trên cao để được chuyển đến một xe tải nên không thấy họ. Delie nhảy xổ lại cậu và nhéo khuỷu tay cậu, đầu cô đội mũ rơm rộng vành, đôi mắt của cô long lanh vui vẻ. Cậu cười toe toét: - Ồ, em xin được má anh cho đi, em giỏi thật. - Ồ, anh Adam đẹp quá. Chắc có ngày em sẽ đi suốt cho tới cửa sông. Em sẽ mua một chiếc tàu chạy bằng hơi nước có bánh xe, em sẽ… - Ngu ơi là ngu, đàn bà con gái không thể sắm tàu. Cô cau có: - Tại sao lại không chứ? Annie vẫn còn say sóng, càu nhàu rồi về nhà thăm cha, trong khi Adam hộ vệ Delie đi khắp thị trấn. Bà Hester cũng đã đến nơi và bảo cậu đến đón họ vì bà bận đi xem xét chỗ ăn ở của cậu. Cả hai rời khỏi cầu tàu, Delie cảm thấy mặt trời rọi qua chiếc áo muxơlin mỏng của cô, nắng hực đôi vai. Cô nhìn sang bên, thấy cậu đội một chiếc mũ rơm mới có dải băng, và cái cổ áo năm phân lèn chặt dưới cái cằm rắn chắc của cậu. Trời, cậu trưởng thành biết bao, cả quyết biết bao! Đôi môi cậu, vẫn đầy đặn như môi trẻ con, để lộ một nụ cười hơi tự mãn. - Bà Mc Phee mời em và má anh trưa này đến dùng trà ở trên tàu, em và má anh dùng bữa chưa? - Chưa, chị Annie đâu có chịu nhúc nhích gì, còn em không thích xuống dưới một mình với mấy người đàn ông. Ước gì em là con trai nhỉ. Em muốn thành người làm việc dưới tàu. - Phụ dọn thức ăn trên tàu chứ gì? Nghề đó coi bộ hợp với em hơn. Em có thể phụ anh nuôi ở nhà bếp con tàu. Cô vui vẻ đá mắt cá của cậu. Ồ, cô yêu Adam, lúc nào cô cũng nhớ cậu. Cô nhìn xuống đôi bàn tay dài nâu nâu của cậu, và chú ý những sợi lông nhỏ vàng hoe trên mu cườm tay cậu lấp lánh trong nắng. Những sợi lông vàng hoe mạnh mẽ đó dựng lên trong nắng. Chúng làm cô cảm động một cách kỳ lạ. Lần đầu tiên trong đời cô nhận thức một cách mạnh mẽ dáng vẻ đàn ông của cậu, nét đặc trưng huyền diệu của cậu. Cô nhìn cái cổ tròn và cái vành tai hồng hồng của cậu cạnh bên cô. Tất cả đều mới mẻ và xa lạ, kích thích cô làm cô bối rối. Không bao giờ cô có thể nhìn cậu với vẻ vô tư như trước kia nữa. 18 Mùa hè năm ấy, những đám lửa do bụi cây đốt lên ở phía nam dòng sông dường như làm cho cái nóng tăng thêm. Delie bắt đầu ham thích cái nóng đã phá hoại sức lực của cô năm trước. Cái nóng đó hừng hực, sạch và sáng, lọc sạch không khí làm nó đầy mùi hương của bạch đàn và bạc hà rừng, được chắt lọc trong chiếc cốc xanh lơ của bầu trời. Năm nay, Delie đã mười lăm tuổi, cô không phải là người mới đến nữa, cô không còn là trẻ con nữa. Dù rất gầy, nhưng cô sẽ là một cô gái đẹp với cái cổ dài, đôi vai trẻ trung, bộ ngực bắt đầu nảy nở, nước da thanh tao, đôi mắt cô to, xanh sậm, sâu thẳm, đôi môi mọng đỏ tràn đầy sinh lực. Cô bắt đầu có ý thức về vẻ ngoài của mình, cô gội mái tóc sậm của mình cho tới khi nó lóng lánh màu đồng thau, lấy sữa bơ rửa mặt vì sợ nước lã làm hại da mặt. Cô muốn bới tóc cao và buông lai rốp xuống, nhưng bà Hester không muốn thế. Adam về nhà báo tin là đầu mùa đông ở Echuca sẽ có mở vũ hội, để một số thiếu nữ địa phương ra mắt lần đầu tiên. Cậu mang thư của bà Mc Phee, vợ ông tổng biên tập, nói rằng sẽ giới thiệu Delie ở buổi vũ hội. Lúc đầu, bà Hester không cho Delie đi dự, nhưng cả gia đình nói mãi, nên cuối cùng bà đồng ý. Nhưng về cách trang phục, bà nhất quyết không cho Delie mặc rốp ngắn và bắt cô không được bới tóc cao lúc khiêu vũ. - Thưa dì, cháu xin dì. Ông Charles lại can thiệp: - Nhân dịp này cứ để cháu trang điểm. Cháu sẽ trông như tiểu thư cho mà xem. - Charles cuốn mái tóc dày, hầu như thẳng của Delie lên trên đỉnh đầu cô. Cô mỉm cười, đỏ mặt, trông xinh đến nỗi bà Hester bỗng nói: - Để dì xem kiểu nào đẹp nhất Philadelphia, đi tìm thước dây lại đây cho dì. Khi Delie ra khỏi phòng không thể nghe được, bà quay lại chồng, nói khẽ giận dữ: - Ông sao ngốc quá! Ông chẳng thấy xa chút nào cả. Nếu mình để cho nó trưởng thành sớm quá, trước khi thằng Adam chú ý tới đứa khác, thì không hy vọng gì cho con trai mình cả. Người chồng chưa kịp trả lời thì Delie đem thước dây vào. * - Ồ! Đẹp quá, đẹp quá! - Delie kêu lên, đứng say mê trước tấm gương trong phòng ngủ của bà Mc Phee. Cô đã suýt kêu lên “Mình đẹp quá”, vì cô rất vui thích khi trông thấy hình ảnh của mình phản chiếu qua tấm gương. Từ nhiều năm rồi, cô chưa thấy chiều cao của mình, trừ một vài lần trước tấm gương ở cái tủ của bà Hester, cô không thích vào phòng bà ta, vì lúc nào nơi đây cũng đóng kín cửa, có mùi mốc kỳ lạ của giấy báo cũ, nước hoa và mùi cái tủ com-mốt. Cô xoay người, uốn éo, tấm mạng trắng dập dờn quanh cô. Con người xinh xinh ấy chính là cô, Philadelphia Gordon: tóc sậm, mắt mở to, eo nhỏ, đôi vai trắng trẻo nổi bật xuyên qua chiếc khăn choàng trong suốt, váy phùng như một đám mây bồng bềnh. Lớp trên cùng gắn nơ xanh, và một cành lưu ly thảo bằng nhung buộc vào giữa chiếc khăn choàng. - Cô mặc thế trông đẹp quá, cô Delphia! Vừa quá. - Bà Mc Phee kéo nhẹ chiếc váy. - Tay cô hơi gầy và hai bàn tay cô hơi sậm, nhưng mang găng tay dài thì khuất thôi.