🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 12
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Tên sách : TẬP SAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA 12 Tác giả : NHIỀU TÁC GIẢ
Nhà xuất bản : BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA Năm xuất bản : 1955
---------------------
Nguồn sách : Thích Đức Châu
Đánh máy : Linh_tt, hhongxuan, thienlinh252, kimduyen Kiểm tra chính tả : Trần Kim Trọng,
Mạc Anh Lan, Vũ Thị Diễm Tuyết, Đỗ Thúy Nhi Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 07/03/2018
https://thuviensach.vn
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE 4U.ORG
Cảm ơn CÁC TÁC GIẢ và BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
https://thuviensach.vn
MỤC LỤC
MỘT TRANG SỬ MỚI TRONG CUỘC CÁCH MẠNG DÂN TỘC, DÂN CHỦ, NHÂN DÂN
MỘT VÀI NÉT ĐẶC BIỆT VỀ ĐẢNG CỘNG-SẢN ĐÔNG-DƯƠNG I. VẤN ĐỀ ĐẢNG SỬ
II. ĐẢNG CỘNG-SẢN ĐÔNG-DƯƠNG ĐÃ THÀNH LẬP TRONG NHỮNG ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ NÀO ?
III. MỘT VÀI NÉT ĐẶC BIỆT
1. Độc quyền lãnh đạo cách mạng từ năm 1980 tới giờ
2. Đường lối chính sách của đảng từ ngày thành lập tới giờ, về căn bản đều đúng
3. Không có những phân phái đối lập ở trong đảng
4. Đảng của giai cấp cũng là đại biểu của dân tộc
IV. KẾT LUẬN
MỘT BỨC THƯ CỦA VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC LIÊN-XÔ GỬI BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA VIỆT-NAM
NGHIÊN CỨU VÀ ĐÁNH GIÁ VỐN CŨ TRONG VĂN HỌC DÂN TỘC TRUYỆN TRÊ CÓC
TÓM TẮT TRUYỆN
XÃ HỘI TRUYỆN TRÊ CÓC LÀ XÃ HỘI NÀO ?
GIÁ TRỊ TRUYỆN TRÊ CÓC
NHỮNG TIÊU CHUẨN ĐỂ NHẬN ĐỊNH SỰ THÀNH HÌNH DÂN TỘC
I. NHỮNG YẾU TỐ CẤU THÀNH DÂN TỘC
1. Thế nào là cộng đồng ngôn ngữ ?
2. Thế nào là cộng đồng lãnh thổ ?
https://thuviensach.vn
3. Thế nào là cộng đồng sinh hoạt kinh tế ?
4. Thế nào là cộng đồng tâm lý ?
II. NHỮNG ĐIỀU KIỆN XÃ HỘI QUYẾT ĐỊNH SỰ THÀNH HÌNH DÂN TỘC
III. QUÁ TRÌNH THÀNH HÌNH DÂN TỘC
IV. ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN CỦA CÁC DÂN TỘC
NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC CỦA VĂN HỌC
IV. VĂN HỌC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC VÀ NHÂN DÂN V. HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG
VI. CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC XÃ HỘI
TÌM HIỂU VỐN CŨ TRONG VĂN HỌC DÂN TỘC GIỚI THIỆU TRUYỆN « PHAN TRẦN »
LƯỢC THUẬT TRUYỆN « PHAN TRẦN »
HOÀN CẢNH XÃ HỘI TRONG TRUYỆN « PHAN TRẦN » LỄ GIÁO PHONG KIẾN TRONG « PHAN TRẦN »
TRUYỆN « PHAN TRẦN » RA ĐỜI VÀO THỜI NÀO TRONG LỊCH SỬ NƯỚC TA ?
GIÁ TRỊ TRUYỆN « PHAN TRẦN »
KẾT LUẬN
LÝ LUẬN CHỦ QUAN DUY TÂM VÀ LÝ LUẬN ĐỊA LÝ HỌC
Ý KIẾN BẠN ĐỌC : CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO TRONG THƠ HỒ XUÂN-HƯƠNG
https://thuviensach.vn
TẬP SAN NGHIÊN CỨU
VĂN SỬ ĐỊA
Bài lai cảo, xin gửi cho : ông Trần Huy-Liệu THÁNG 12-1955
https://thuviensach.vn
MỘT TRANG SỬ MỚI TRONG CUỘC CÁCH MẠNG DÂN TỘC, DÂN CHỦ, NHÂN DÂN
CÁCH đây mười năm, ngày 6-1-1946, nhân dân Việt-nam từ Mục Nam-quan đến mũi Cà-mâu, đã làm xong cuộc tổng tuyển-cử theo lối phổ thông đầu phiếu và bí mật để bầu đại biểu vào quốc hội và do quốc hội thảo ra hiến pháp, lập ra chính phủ. Đây là một cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa và cũng là một cuộc tổng tuyển cử đầu tiên từ ngày lập quốc.
Cuộc khởi nghĩa tháng Tám đã giành chính quyền từ trong tay phát xít Nhật, đã thủ tiêu chế độ quân chủ của phong kiến từ hàng nghìn năm. Cuộc tổng tuyển cử tháng giêng mới đem lại cho mỗi người quyền ứng cử và quyền tuyển cử để nhân dân trực tiếp tham gia chính quyền.
Chúng tôi muốn nêu ra mấy đặc điểm của nó.
Đặc điểm thứ nhất là cuộc tổng tuyển cử đã thoát thai từ một cuộc cách mạng mới thành công. Cách mạng đã đem lại quyền độc lập cho đất nước, quyền dân chủ chân chính cho nhân dân. Cuộc tổng tuyển cử đây là kết quả của một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ từ non một trăm năm của nhân dân Việt-nam. Vì vậy, nó chẳng những đầy tính chất dân chủ, mà còn đầy tính chất cách mạng.
Đặc điểm thứ hai là : cuộc tổng tuyển cử đã cử hành trong một hoàn cảnh vô cùng phức tạp : thực dân Pháp, do quân Anh giúp sức, đương gây lại chiến tranh ở miền Nam ; bọn phản động trong nước dựa vào quân đội Tưởng Giới Thạch đương quấy rối ở miền Bắc. Nhưng nhân dân Việt-nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ-tịch, Đảng và Chính phủ, đã vượt mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện cuộc tổng tuyển cử một cách đường hoàng. Tại miền Nam, nhân dân bỏ phiếu giữa làn khói đạn. Tại miền Bắc, nhân dân bỏ
https://thuviensach.vn
phiếu bất chấp mọi thủ đoạn phá hoại của bè lũ phản động. Vì vậy, những lá phiếu của mỗi người công dân bỏ trong ngày 6-1-1946 là một biểu hiện ý chí của dân tộc, nhất định bảo vệ đất nước và xây dựng nền móng của chính quyền dân chủ nhân dân.
Đặc điểm thứ ba là : cuộc tổng tuyển cử đã tỏ rõ một tính chất cấp tiến và dân chủ triệt để. Trong khi nhiều nước tư bản khác, dưới chính thể dân chủ tư sản hàng trăm năm vẫn chưa đem lại cho mọi người dân quyền phổ thông đầu phiếu, phụ nữ chưa được tham chính ; trong khi nhân dân nước bạn ta là Trung-quốc, sau cuộc cách mạng tư sản dân chủ (Tân-hợi 1911) đã hơn 30 năm, vẫn bị bọn Tưởng Giới-Thạch kìm hãm trong cái lồng « huấn chính », không cho bước sang hiến chính để hưởng quyền tự do dân chủ, thì nhân dân Việt-nam, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ-tịch, Đảng và Chính phủ, đã từ một người nô-lệ bị mất nước, mất tự do nhảy vọt lên làm người chủ nhân ông đất nước, cầm lá phiếu để định đoạt vận mệnh quốc-gia.
Ngày 6-1-1946 đã mở một trang sử mới trong cuộc cách mạng dân-tộc dân-chủ nhân dân.
Ngày 6-1-1946 đã đặt nền tảng cho chính quyền dân-chủ nhân dân của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa.
Quốc-hội do cuộc tổng tuyển cử bầu ra, gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong nước là một cơ quan tối cao của nhân dân và cũng là một hình thức dân chủ rộng rãi nhất, một khối đoàn kết to lớn nhất.
Quốc-hội do cuộc tổng tuyển cử bầu ra đã sống qua những ngày quyết liệt nhất, gian khổ nhất, vinh quang nhất của dân tộc, đã giúp Chính phủ vừa điều khiển cuộc kháng chiến anh dũng, vừa củng cố chính quyền dân chủ nhân dân và kết quả đã đem lại thắng lợi, lập lại hòa bình ngày nay.
Kẻ thù của chúng ta hiện nay là đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai của chúng đương âm mưu chia cắt nước ta, phá hoại nền dân chủ của ta, phá hoại công trình vĩ đại mà nhân dân ta đã xây dựng từ ngày tổng tuyển-cử
https://thuviensach.vn
đầu tiên của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa. Chúng bày đặt ra những trò tuyển cử giả dối, quốc-hội phi pháp, hiến pháp phi pháp ở miền Nam. Nhưng nhân dân ta đã được rèn luyện trong cuộc đấu-tranh dành độc lập, thống nhất và dân chủ, đã tự tay mình dựng ra quốc-hội duy nhất từ Bắc đến Nam, thảo ra hiến pháp, lập ra chính phủ, quyết đập tan những mưu mô phi pháp, phản nước dối dân.
Rồi đây, để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, làm cho tổ quốc được độc lập, thống nhất, dân chủ, giầu mạnh, chúng ta còn phải phấn đấu nhiều, cũng như trong việc phát triển dân chủ, chúng ta còn phải xây dựng nhiều. Nhưng ngày lịch sử 6-1-1946 vẫn là ngày mở một kỷ nguyên mới, cắm mốc đầu tiên trên con đường dân chủ nhân dân, tiến tới xã hội chủ nghĩa.
BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA
https://thuviensach.vn
MỘT VÀI NÉT ĐẶC BIỆT VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG-DƯƠNG
của TRẦN HUY-LIỆU
https://thuviensach.vn
I. VẤN ĐỀ ĐẢNG SỬ
NĂM nay, kỷ niệm ngày thành lập đảng Cộng-sản Đông-dương năm thứ 26, chúng tôi nhớ đến đại hội Đảng năm 1950 đã thông qua một đề nghị của một đại biểu về việc biên soạn quyển lịch sử Đảng. Đến nay đã 5 năm rồi, nhưng nghị quyết ấy vẫn chưa được thực hiện, hay nói đúng hơn, vẫn chưa bắt đầu thi hành.
Thực ra, nói đến lịch sử đảng Cộng-sản Đông-dương là nói đến cả một giai đoạn lịch sử cách-mạng cận đại và hiện đại Việt-nam. Hiện nay, đảng Lao-động Việt-nam là đảng thừa kế đảng Cộng-sản Đông-dương. Muốn hoàn thành một công tác vĩ đại này cần phải có một tập đoàn chuyên trách dưới quyền điều khiển của bộ chính-trị của Đảng và đòi hỏi một thời gian khá lâu. Nhân dịp này, chúng tôi, những cán bộ công tác Văn Sử Địa của đảng, xin kính cẩn đề nghị T.Ư. lưu ý về việc này để nghị quyết của đại hội chóng được thực hiện, để các đồng chí trong đảng và nhân dân được nghiên cứu, học tập lịch sử quang vinh của đảng.
Nhân kỷ niệm ngày thành lập đảng, tôi muốn nêu ra một vài nét đặc biệt về đảng theo nhận xét của tôi. Đây chưa phải là một bài nghiên cứu toàn bộ lịch sử đảng, mà chỉ là mấy nét đặc biệt của nó. Chúng tôi vừa viết vừa phấn khởi thấy mình được đấu tranh dưới lá cờ của đảng và nhắc đến những trang lịch sử đấu tranh vĩ đại của đảng giữa lúc công nhân và toàn thể nhân dân đang sôi sục chuẩn bị kỷ niệm ngày thống nhất đảng và ngày tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt-nam dân-chủ cộng-hòa.
https://thuviensach.vn
II. ĐẢNG CỘNG-SẢN ĐÔNG-DƯƠNG ĐÃ THÀNH LẬP TRONG NHỮNG ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ NÀO ?
Như chúng ta đã biết, đảng Cộng-sản là đội tiền phong, là bộ phận có tổ chức, là hình thức cao nhất về tổ chức giai cấp của giai cấp công nhân. Như vậy, đảng Cộng-sản chỉ có thể thành lập ở một xứ mà giai cấp công nhân đã thành hình. Nhưng cũng không phải giai cấp công nhân thành hình là có ngay đảng Cộng-sản. Còn phải tới khi mà ý thức giai cấp của công nhân đã lên cao, trong cuộc đấu tranh lẻ tẻ của từng cá nhân, từng tập đoàn đã đòi hỏi phải có một bộ tham mưu chung để lãnh đạo đấu tranh thì vấn đề lập đảng mới đề ra. Nước Việt-nam ta, nói chung là cả xứ Đông-dương, từ khi bị thực dân Pháp xâm chiếm, đã trở nên một xứ thuộc địa bán phong kiến, bán tư bản. Cuộc phát sinh và phát triển của giai cấp công nhân đi song song với sự phát triển của cuộc khai thác của thực dân Pháp. Từ năm 1888, thực dân Pháp bắt đầu bỏ vốn kinh doanh vào các ngành kỹ nghệ mỏ, giao thông vận tải, tơ sợi, nấu rượu, làm diêm, thuốc lá v.v… thì công nhân Việt-nam cũng do đó, dần dần nẩy nở. Những nông dân phá sản, dân nghèo thành thị rải rác ở các nơi đã dần dần tập trung tại các hầm mỏ, đồn điền và xí nghiệp.
Nhưng đến lúc nào thì công nhân Việt-nam mới có thể thành hình một giai cấp ? Năm 1913, công nhân khai mỏ, chủ yếu là mỏ than và kể cả thiếc, sắt, phốt phát v.v… vẫn không quá 12.000 người. Năm 1910, công nhân trong ba nhà máy sợi tại Hà-nội, Nam-định và Hải-phòng vẫn không đầy 2.000 người. Các nhà máy gạo tập trung ở Sàigòn – Chợ-lớn mới có 3.000 công nhân. Bốn nhà máy rượu lớn của tư bản Pháp ở Hà-nội, Nam-định, Hải-dương và Chợ-lớn cũng mới có 1.200 công nhân. Nhiều nhất là ngành giao thông công chính, trong công việc xây dựng đường xe lửa Hà-nội – Vân-nam, Sài-gòn – Mỹ-tho, Bắc-giang – Lạng-sơn, Hà-nội – Vinh, Huế – Đà-nẵng, Huế – Quảng-trị, Nha-trang – Sài-gòn, trước đại chiến thứ nhất,
https://thuviensach.vn
dùng tới 30 vạn công nhân làm thường xuyên. Tuy vậy, những công nhân kể trên hầu hết là phu bắt ở các địa phương, trả theo công nhật, nghĩa là không phải công nhân chuyên nghiệp. Còn công nhân nông nghiệp tại các vườn cao su, thì từ năm 1905 đến 1914, việc trồng cao su đã bắt đầu phát triển, nhưng bọn chủ đồn điền vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhân công. Nói tóm lại, trong cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp (từ sau thời kỳ bình định bằng quân sự đến khi nổ ra đại chiến thứ nhất), công nhân Việt-nam đương phát triển, đương tập trung, nhưng vẫn chưa đủ thành hình một giai cấp.
Đại chiến thứ nhất bùng nổ, cuộc khai thác của thực dân Pháp phải ngừng lại, các nhà công thương Việt-nam được dịp phát triển. Công ty tầu thủy của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái-Bưởi có tới hàng nghìn công nhân. Nhiều xí nghiệp khác của các nhà tư sản Việt-nam cũng dùng tới hàng trăm công nhân. Nhiều ngành thủ công và tiểu công nghệ cũng phát triển. Những điều kiện ấy đã đẩy cho giai cấp công nhân Việt-nam thành hình.
Sau cuộc đại chiến thứ nhất, nhất là từ năm 1921 đến 1929, thực dân Pháp trở lại khai thác lần thứ hai càng làm cho giai cấp công nhân Việt-nam hùng hậu, tiến mau tới độ trưởng thành. Bản thống kê từ năm 1918 đến năm 1930, lấy năm 1930 làm mức, thì số công nhân tại các xí nghiệp kỹ nghệ và thương mại lên tới 86.624 người ; công nhân nông nghiệp 81.188 người, công nhân khai mỏ 53.240 người. Cộng 221.052 người. Ấy là chưa kể số thợ thủ công, tiểu công nghệ như làm chiếu, làm bị, cói, dệt cửi, làm đồ gốm, đăng ten, thêu, chạm, khảm v.v… ở rải rác mọi nơi có tới hơn một triệu người. Mặc dầu đế quốc Pháp, cũng như các đế quốc khác, không chủ trương lập kỹ nghệ nặng ở thuộc địa, cũng như chúng hết sức phản đối việc kỹ-nghệ hóa xứ Đông-dương ; nhưng con số công nhân kể trên (cả công nhân xí nghiệp và thợ thủ công) đã nói lên số lượng không nhỏ của giai-cấp công nhân. Nhất là một phần lớn trong số công nhân này lại có điều kiện tập trung tại các nơi trung tâm kinh tế. Con số công nhân tại các hầm mỏ,
https://thuviensach.vn
đồn điền cao su và một số xí nghiệp lớn tại các thành phố kỹ nghệ như Sài gòn, Chợ-lớn, Hải-phòng, Nam-định v.v… càng nói lên một cao độ tập trung của giai cấp công nhân.
Số lượng và cao độ tập trung của giai cấp công nhân như vậy, còn ý thức đấu tranh của giai cấp công nhân ra sao ? Một điều mà chúng ta phải chú ý là, từ khoảng năm 1922 trở đi, tại các vùng hầm mỏ và đồn điền cao su đã luôn luôn xảy ra những vụ đánh giết bọn cai, kỳ, cập rằng là tay sai tham ác của lũ chủ đã trực tiếp bóc lột và sát hại công nhân. Những cuộc « khủng bố cá nhân » này cố nhiên không phải là hình thức đấu tranh cách mạng. Nó diễn ra một cách lẻ tẻ của từng cá nhân và thường đưa đến kết quả tai hại. Tuy vậy, nó cũng biểu lộ lòng căm thù đến cực độ của những người bị bóc lột, bị áp bức và đã tự động vùng dậy chống lại những áp bức và bóc lột ấy. Trong tình trạng tự phát, giai cấp công nhân đã cảm thấy phải có một đội tiền phong, một bộ tham mưu của giai cấp gồm những người hăng hái hơn hết, giác ngộ hơn hết, hy sinh hơn hết để lãnh đạo giai cấp và nhân dân trên trường đấu tranh chống kẻ thù của giai cấp, của dân tộc. Thật thế, …những khó khăn trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, những điều kiện phiền phức trong cuộc đấu tranh ấy, những chiến lược và sách thuật, đến những lực lượng hậu bị và những thuật vận động, tiến công và thoái thủ. Ai có thể nhận rõ các điều kiện ấy ? Ai có thể định phương hướng đúng mực cho hàng triệu người vô sản ? Không một đạo quân nào ra trận mà lại không cần đến một bộ tham mưu đầy kinh nghiệm nếu nó không muốn thất bại. Rõ ràng là giai cấp vô sản không thể không cần đến một bộ tham mưu như thế nếu nó không muốn đem mình làm mồi cho những kẻ tử thù. Nhưng tìm đâu ra một bộ tham mưu như thế ? Chỉ có đảng cách mạng của giai cấp vô sản mới có thể là bộ tham mưu ấy. Không có một đảng cách mạng thì giai cấp công nhân là một đạo quân không có bộ tham mưu. 1
Trong khi những điều kiện chủ quan ở trong nước đương đòi hỏi có một chính đảng của giai cấp công nhân, thì, ngoài quốc tế, cách mạng thế
https://thuviensach.vn
giới đã nằm trong phạm trù của cách mạng vô sản. Cuộc Cách mạng tháng Mười đã mở một thời kỳ mới, thời kỳ những cuộc cách mạng thuộc địa trong những nước nhược tiểu liên minh với giai cấp vô sản, dưới quyền chỉ đạo của giai cấp vô sản 2. Khẩu hiệu của quốc-tế cộng-sản thành lập năm 1919 là « Giai cấp vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại ! » Vì giai cấp vô sản tại các nước tư bản muốn được giải phóng không những phải đánh đổ giai cấp tư bản ở trong nước, mà còn phải đánh đổ chủ nghĩa đế quốc ở các thuộc địa và bán thuộc địa, nơi dự trữ lực lượng của chủ nghĩa đế quốc. Chỉ khi nào chủ nghĩa đế quốc đã bị đánh tan ở các thuộc địa và bán thuộc địa thì cách mạng vô sản mới được thắng lợi hoàn toàn. Như vậy cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận của cách mạng thế giới và thực chất của nó vẫn là cách mạng giai cấp. Nói riêng về cách mạng Việt-nam, sau cuộc đại chiến lần thứ nhất, ảnh hưởng của tư trào quốc tế, dội vào những tầng lớp người mới xuất hiện ở trong nước, nên từ quan niệm đến hành động, nó không giống với những cuộc khởi nghĩa chống Pháp nửa cuối thế kỷ 19, cũng không giống như những phong trào đầu thế kỷ thứ 20. Từ năm 1925 trở đi, các chính đảng kế tiếp thành lập, mặc dầu đường lối đấu tranh và thành phần đảng viên của nó chưa rõ rệt ; cách mạng Việt-nam đã hướng về Liên-xô, thành trì cách mạng thế giới, đã trực tiếp chịu ảnh hưởng của phong trào đại cách mạng tại Trung-quốc (1925-27) do Đảng Cộng-sản Trung-quốc lãnh đạo.
Những điều kiện chủ quan và khách quan kể trên đã quyết định những bước đột biến của cách mạng Việt-nam. Việc phân liệt tại đại hội đại biểu của đảng Việt-nam Thanh-niên cách mạng tại Hương-cảng ngày 1-5-1929 không phải là một sự ngẫu nhiên, mà là một sự thế tất nhiên trên bước ngoặt của lịch sử. Chủ trương lập đảng Cộng-sản của các đại biểu miền Bắc hồi đó cũng không phải là do ý chí của một vài cá nhân, mà là một quyết tâm của một số đông công nhân có tổ chức, trước ngày đó đã quy tụ thành những tiểu tổ Cộng sản tại các xí nghiệp rồi. Thật thế, trong khi giai cấp
https://thuviensach.vn
công nhân đã đến mực độ trưởng thành, đã qua những cuộc tự phát tự động, và dưới quyền chỉ huy của đảng Thanh-niên cách-mạng đồng-chí hội, một số cuộc đình công, bãi công, biểu tình đã nổ ra. Thế tất nhiên trên bước đường tiến triển của nó, họ đòi phải có một bộ tham mưu chính thức của giai cấp để lãnh đạo đấu tranh theo đường lối chân chính của vô sản, họ đòi phải có một danh nghĩa đường hoàng, rõ rệt là chính đảng của vô sản. Hai đảng tiền bối của đảng Cộng-sản Đông-dương là Thanh-Niên và Tân-Việt đã đến lúc hết sứ mạng lịch-sử của nó, cũng như con ngài trút lốt thành con tằm để cách mạng Việt-nam tiến lên một giai đoạn mới khác.
https://thuviensach.vn
III. MỘT VÀI NÉT ĐẶC BIỆT
Trong phạm vi bài này, tôi không làm cái việc thuật lại lịch sử của đảng, mà chỉ nêu ra một vài nét đặc biệt. Tôi muốn nói đảng Cộng-sản Đông-dương có những nét đặc biệt mà nhiều đảng Cộng-sản ở các nước khác chưa từng có.
1. Độc quyền lãnh đạo cách mạng từ năm 1980 tới giờ
Trên kia đã nói, đảng Cộng-sản Đông-dương ra đời trong những điều kiện lịch sử nào. Nhưng cái điểm đặc biệt của nó không phải ở chỗ đảng của giai cấp vô sản chính thức thành lập, mà ở chỗ từ khi có đảng thì quyền lãnh đạo cách mạng trên toàn cõi Đông-dương thuộc độc quyền của giai cấp vô sản, không san sẻ cho một chính đảng của giai cấp nào khác. Không nói đâu xa, nói ngay những nước bạn quen thuộc ở Á-châu của chúng ta như Trung-quốc, Ấn-độ, Nam-dương, Miến-điện v.v… Đảng Cộng-sản Trung quốc thành lập từ năm 1921, đã lãnh đạo cách mạng qua những cuộc đại cách mạng 1925-27, cuộc cách mạng ruộng đất, cuộc chiến tranh kháng Nhật và sau hết là cuộc cách mạng giải phóng đánh đổ chính quyền Tưởng Giới-Thạch và chỗ dựa của nó là đế-quốc-Mỹ. Tuy vậy, trong những năm đầu, đảng còn phải san sẻ quyền lãnh đạo với một bộ phận của giai cấp tư sản và trong một thời gian lâu, chính quyền công nông vẫn song song tồn tại với chính quyền của Quốc-dân đảng, đại biểu cho phong kiến và tư bản quan liêu phản động vào hạng nhất. Và, cũng chỉ tới năm 1949, cuộc cách mạng giải phóng mới thành công, đem toàn bộ chính quyền về cho nhân dân do giai cấp vô sản lãnh đạo. Đảng Cộng-sản Nam-dương cũng thành lập từ năm 1921, qua cao trào cách mạng 1928 chống đế quốc Hà-lan và những cuộc vận động chống phát xít Nhật, chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ hiện nay, đảng có thế lực trong quần chúng lao động, nhưng chưa nắm quyền ưu thắng đối với đảng quốc-gia của giai cấp tư sản và những đảng phái phản động khác. Trên các nước Ấn-độ, Miến-điện, Nhật bản v.v…
https://thuviensach.vn
cũng thế. Bên cạnh đảng Cộng-sản là những đảng của giai cấp tư sản đương nắm chính quyền, đảng Cộng-sản nêu cao ngọn cờ cách mạng, vừa chống đế quốc chủ nghĩa xâm lược về chính trị, về kinh tế, vừa giành bá quyền về cho giai cấp công nhân. Theo lệ thường, trên đường phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa, tại các nước tư bản, đảng Cộng-sản là đảng đối lập với các chính đảng của giai cấp tư bản già nua, phản động. Nhưng tại các xứ thuộc địa và bán thuộc địa, trong mặt trận chống đế quốc chủ nghĩa, đảng Cộng sản chưa phải đã nắm độc quyền lãnh đạo một cách gọn ghẽ cũng như chính quyền thường rơi vào tay giai cấp tư sản trước khi vô sản nắm chính quyền. Trái lại, ở Việt-nam ta, dưới quyền thống trị của thực dân Pháp, trong khi giai cấp tư sản ốm yếu vừa thành hình thì giai cấp công nhân đã trưởng thành mau chóng. Những cuộc vận động có tính chất tư sản vừa phát hiện thì một tư trào cách mạng vô sản đã tràn lan, nẩy mầm vào những đầu óc tiến bộ nhất ở trong nước. Những chính đảng có xu hướng xã hội chủ nghĩa đã ra đời sớm hơn và có thế lực hơn đảng của giai cấp tư sản. Thế rồi, cuộc khởi nghĩa Yên-bái thất bại còn kéo theo cả sự đổ vỡ của Việt-nam Quốc dân đảng, đảng đã sản sinh ra nó.
Giai cấp tư sản với một khí bẩm « tiên thiên bất túc » 3kèm theo cả « hậu thiên bất túc » 4vừa cố vùng dậy một trận quyết liệt thì đã bị ngã liền, không dậy được nữa.
Trái lại, sau khi tiếng súng Yên bái vừa dứt thì một cao trào đấu tranh của quần chúng thợ thuyền và nhân dân dâng lên, giai cấp vô sản từ chỗ vươn lên nắm bá quyền cách mạng đã giành hẳn độc quyền lãnh đạo cách mạng về mình. Chẳng những giai cấp tư sản mất quyền lãnh đạo cách mạng, mà cả những đảng viên các đảng tiền bối của đảng Cộng-sản Đông dương sau đó cũng phải lột xác tiểu tư sản, đứng trên lập trường vô sản để tham gia cách mạng. Việc độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản ngay từ khi mới thành lập ở một xứ thuộc địa như nước ta phải kể là một điểm đặc biệt.
https://thuviensach.vn
2. Đường lối chính sách của đảng từ ngày thành lập tới giờ, về căn bản đều đúng
Từ ngày thành lập đảng qua các thời kỳ như cao trào cách mạng (1930- 31), thoái trào cách mạng (nửa 1931-35), phong trào mặt trận bình dân, thời kỳ chống phát xít Nhật Pháp từ sau đại chiến thứ hai đến cách mạng tháng Tám ; thời kỳ kháng chiến và từ ngày lập lại hòa bình tới nay ; đường lối chính sách của đảng, về căn bản, đều đúng, thích nghi với mọi hoàn cảnh, làm cho cách mạng ngày càng tiến lên. Nói một cách khác, đường lối chính sách chung của đảng, về căn bản, chưa lúc nào bị hãm vào tả khuynh hay hữu khuynh để đi đến thất bại hoàn toàn.
Trong thời kỳ cao trào cách mạng từ khi thống nhất đảng đến nửa năm 1931, chính sách của đảng dựa trên bản luận cương cách mạng tư sản dân quyền. Mục tiêu của cách mạng nhằm vào để đánh đổ là đế quốc chủ nghĩa là các đảng phái cách mạng trong Đông-dương phản-đế đồng-minh, dưới quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân. Trong cuộc đấu tranh, đảng đã phối hợp những khẩu hiệu căn bản trong bản luận cương với những khẩu hiệu thiết thực hàng ngày của quần chúng tại các địa phương. Do đó, đã tập hợp được những lực lượng cách mạng, đẩy cách mạng tới một cao trào.
Trong thời kỳ thoái trào (nửa 1930-35), thực dân Pháp khủng bố dữ dội, hệ thống đảng bị đứt đoạn. Đảng đã vận dụng chiến thuật thoái thủ, bám vào dân chúng để duy trì cơ sở. Do đó, đảng đã giữ vững được địa bàn tại mấy tỉnh dọc biên giới Bắc-bộ (Cao-bằng, Lạng-sơn) và dọc sông Cửu long (Savannakhét, Thakhét). Đảng còn lợi dụng mọi khả năng hợp pháp như báo chí, hội đồng dân cử v.v. để lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai, do đó đã bắt đầu nhóm lại phong trào qua việc xuất bản báo « Tranh đấu » và số lao động tranh cử trong hội đồng thành phố Sài-gòn.
Trong thời kỳ mặt trận bình dân (1936-39) theo chính sách của quốc tế Cộng-sản họp phiên thứ bảy, giai cấp vô sản phải liên minh với những
https://thuviensach.vn
chính đảng của giai cấp tiểu tư sản và một bộ phận tiến bộ trong giai cấp tiểu tư sản để chống phát xít, chống chiến tranh đương ló mọc ở chân trời. Tại Đông-dương, mũi dùi cách mạng phải tập trung vào bọn phản động thuộc địa Pháp. Dó đó, chính sách của đảng đề ra là lập mặt trận dân chủ Đông-dương, chống phát xít, chống chiến tranh, chống phản động thuộc địa, tay sai của 200 gia đình bên Pháp, đòi thực hiện tự do dân chủ. Một điểm đáng chú ý là : trong khi ấy, đảng đã thấy rõ dã tâm của phát xít Nhật, tiên liệu bước đường xâm lược của phát xít Nhật, nêu ra khẩu hiệu phòng thủ Đông-dương, ủng hộ cuộc kháng Nhật của nhân dân Trung-quốc, chống bọn thống trị Pháp lăm le hàng Nhật bằng việc đóng cửa biên giới và cho Nhật mượn đường đánh Hoa-nam. Sau cùng, đảng đã mở rộng mặt trận dân chủ thành mặt trận thống nhất để phá tan âm mưu của thực dân Pháp và phong kiến định trở lại hiệp định 1884, mượn tay bọn quan lại Nam-triều đàn áp phong trào nhân dân đương dâng lên.
Trong thời kỳ đại chiến thứ hai chống phát xít Nhật-Pháp (1939-1945), lúc mới đầu, đảng đã nêu ra khẩu hiệu chống chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, lập mặt trận dân tộc thống nhất, lãnh đạo quần chúng chống khủng bố và đấu tranh giữ những quyền lợi vừa dành được trong thời kỳ vừa qua. Sau khi phát xít Nhật kéo quân vào Đông-dương, nhân dân Đông-Dương sống dưới ách Pháp-Nhật, đảng đã tập hợp nhân dân trong mặt trận dân tộc thống nhất là Việt-nam Độc-lập đồng-minh (V.M.) đánh Pháp đuổi Nhật, ủng hộ Liên-xô, tham gia chiến tranh chống phát-xít của mặt trận dân-chủ quốc tế. Tiên liệu rằng Nhật sẽ hất cẳng Pháp và cuối cùng Nhật sẽ thất bại, đảng chủ trương lập mặt trận dân-chủ Đông-dương chống phát-xít Nhật, phát triển chiến tranh du kích, thành lập Việt-nam giải phóng quân, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, thành lập chính quyền cách mạng ở khu Giải-phóng. Sau hết, đảng đã tập hợp được mọi lực lượng, nắm kịp thời cơ duy nhất để đoạt chính quyền từ trong tay phát xít Nhật, hoàn thành cách mạng tháng Tám.
https://thuviensach.vn
Thực dân Pháp được Mỹ Anh giúp sức, trở lại xâm lược Đông-dương, Đảng chủ trương toàn dân đoàn kết, kháng chiến lâu dài. Trước ngày nổ ra chiến tranh, đảng đã mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất trong hội Liên hiệp Quốc-dân Việt-nam (Liên-việt) và sau đó Việt-Minh – Liên-Việt thống nhất làm cho mặt trận thêm củng cố. Trong những ngày kháng chiến, phong trào thi đua ái quốc được đẩy mạnh, chế độ dân chủ nhân dân được phát triển và giữa lúc cuộc chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt, đảng đã phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, làm cho dân cày có ruộng và làm chủ nông thôn, đưa cuộc kháng chiến anh dũng và gian khổ đến thắng lợi vẻ vang.
Sau khi hòa bình được lập lại, đảng lại tập hợp lực lượng dân tộc trong mặt trận tổ quốc để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập, dân chủ bằng phương pháp hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh trở lại Đông-dương. Để thu được những thắng lợi đó, đảng chủ trương củng cố miền Bắc cho vững mạnh về mọi phương diện và đẩy mạnh cuộc đấu tranh ở miền Nam.
Điểm lại những chính sách của Đảng qua các thời kỳ, được soi sáng bằng lý luận mác-xít áp dụng vào mỗi hoàn cảnh cụ thể Việt-nam, chúng ta thấy ngoài những khuyết điểm nhỏ trong việc thi hành, đảng đã chỉ đạo chiến lược và chiến thuật thật đúng và thật sát. Nhìn vào lịch sử nhiều đảng khác, nếu chúng ta còn thấy đường lối chính trị của nó đôi khi có những chỗ nghiêng về tả hay nghiêng về hữu, đưa lại những kết quả đáng tiếc, thì, với phương châm tiến bước của đảng, chúng ta có thể ví nó như chiếc xe lửa đi trên đường « ray » chưa hề bị trật bánh. Chúng ta phải ghi ở đây điểm đặc biệt này.
3. Không có những phân phái đối lập ở trong đảng
Như chúng ta đã biết, đảng là một khối thống nhất ý chí, không thể để cho có bè phái phân liệt ở trong. Trong Nghị quyết về sự thống nhất của
https://thuviensach.vn
đảng Cộng-sản Liên-xô, Lê-nin đã đòi « hủy bỏ hoàn toàn mọi chủ trương bè phái » và « giải tán ngay hết thảy các nhóm đã thành lập trên lập trường này hay lập trường khác ». Vì, một khi cuộc đấu tranh tư tưởng đã làm xong, việc phê bình đã chấm dứt và nghị quyết đã thông qua thì sự thống nhất ý chí và thống nhất hành động của toàn thể đảng viên là điều kiện thiết yếu, không có nó thì người ta không thể quan niệm được một đảng thống nhất… 5 Điểm lại đảng ta từ ngày thành lập tới giờ, có thể nói rằng chưa hề xảy ra những cuộc phân phái hoặc công khai, hoặc bí mật ở trong đảng. Một vài trường hợp diễn ra như nhóm « Tiền phong » ở Hậu giang và « Giải phóng » ở Tiền-giang sau cuộc Nhật đảo chính Pháp năm 1945 ở Nam-bộ ; sự chia rẽ giữa mấy nhóm trong đảng bộ Trung-bộ trước ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám v.v… Những trường hợp kể trên thực ra, chỉ có thể xảy ra vào lúc hệ thống của đảng chưa được thống nhất từ nam chí bắc, sự liên lạc giữa Trung-Ương và các địa phương chưa được thông suốt. Nên, một khi hệ thống của đảng đã được củng cố dưới sự lãnh đạo của T.Ư. rồi thì những chủ trương sai khác cũng như tình trạng phân liệt kia được giải quyết ngay. Nhìn vào lịch sử nhiều đảng khác vì nạn phân phái trầm trọng làm cho nội bộ chia rẽ, chúng ta càng nhận thấy đây là một điểm đặc biệt của đảng Cộng-sản Đông-dương trước kia và đảng Lao-động Việt-nam hiện nay.
4. Đảng của giai cấp cũng là đại biểu của dân tộc
Cũng như chúng ta đã biết, trong một dân tộc có nhiều giai cấp và mỗi giai cấp lại có những quyền lợi và nguyện vọng riêng, do đó có những chính đảng đại biểu cho từng giai cấp hay một tập đoàn nào của giai cấp. Đảng Cộng-sản Đông-dương ngày trước và đảng Lao-động Việt-nam ngày nay là chính đảng của giai cấp công nhân, điều đó đã đành. Nhưng điểm đặc biệt là về thực tế, đảng không những đại biểu quyền lợi cho giai cấp công nhân, mà còn đại biểu cho toàn dân tộc Việt nam. Thật thế, từ năm 1930, đảng đã nắm độc quyền lãnh đạo chẳng những giai cấp công nhân, mà cả nhân dân Việt-nam trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Khẩu hiệu
https://thuviensach.vn
đấu tranh do đảng đề ra cũng không phải chỉ nhằm riêng quyền lợi của giai cấp công nhân, mà là quyền lợi chung của dân tộc với mọi tầng lớp, mọi giai cấp. Mặt trận dân tộc thống nhất do đảng khởi xướng lập dựng trên nền tảng công nông liên minh, nhưng bao gồm cả mọi tầng lớp nhân dân và nhân sĩ tiến bộ. Trong cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ, đánh đổ đế quốc và phong kiến, dưới sự lãnh đạo của đảng, quyền lợi của giai cấp công nhân đã nhất trí với quyền lợi tối cao của dân tộc. Chẳng những thế, trong cuộc đấu tranh cho quyền lợi chung của dân tộc, những người Cộng sản đã tỏ ra hăng hái hơn hết, hy sinh hơn hết, xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp và cũng là đội tiền phong của dân tộc. Qua những cuộc đấu tranh dưới thời Pháp thuộc đến cuộc tràng kỳ kháng chiến và cuộc đấu tranh chính trị hiện nay, những người Cộng sản ngày càng tỏ ra là những đứa con ưu tú nhất của tổ quốc, đương phất ngọn cờ đấu tranh giành độc lập và thống nhất cho tổ quốc. Ấy chính là vì thế mà đảng được mọi tầng lớp trong nhân dân nhận là đảng của họ. Ấy chính vì thế mà chẳng những đảng viên, cả những người ngoài đảng cũng công nhận đảng là đảng của họ. Chữ « đảng » hiện nay, theo quan niệm của các tầng lớp nhân dân, nó được viết bằng chữ « hoa » (Đảng), nó không cần gọi tên, nó là cái gì quí báu nhất của dân tộc. Do đó, trong quốc hội, trong mặt trận và trong bộ máy chính quyền dưới quyền lãnh đạo của đảng, người ta không thấy một dấu vết nào của đối lập, của đảng tranh trong khi quyền dân chủ ngày càng phát triển. Đó càng là một điểm đặc biệt mà chúng ta phải ghi ở đây.
https://thuviensach.vn
IV. KẾT LUẬN
Sau khi trình bày những điểm đặc biệt của chính đảng của giai cấp công nhân, đảng Cộng-sản Đông dương ngày trước và đảng Lao-động Việt nam hiện nay, chúng ta thử giải nghĩa tại sao đảng lại có được những nét đặc biệt ấy ?
Cố nhiên là đảng có một đường lối chính trị đúng từ trước tới sau nên đã giữ được độc quyền lãnh đạo cách mạng, đã làm cho đảng thành một khối thống nhất, đã tránh được nạn phân phái hay tả khuynh hữu khuynh, đã được toàn thể nhân dân hăng hái vui vẻ đứng dưới lá cờ lãnh đạo của đảng, coi đảng là đảng của mình. Nhưng vì những điều kiện gì mà đảng ta trở nên như thế ?
Chính vì đảng đã được thành lập trên cơ sở vững chắc của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân Việt-nam tuy không « già đời » như giai cấp công nhân tại các nước tư bản tiền tiến, nhưng đã được sống rèn luyện trong cuộc đấu tranh gian khổ với bọn đế quốc, phong kiến, tư sản mại bảng hàng chục năm, dưới một chế độ khốc liệt nhất ; đã hòa vào với đại khối nông dân vì chẳng những xuất thân là nông dân, mà gốc rễ vẫn ở nông dân. Tại những trường hợp khác, người công nhân thuần túy mang nhiều tính chất xã hội chủ nghĩa vì đã được sống tập đoàn trong xóm chợ, trong nhà máy, trong công tác liên đới quan hệ với tập thể và không còn căn bản tư hữu ở nông thôn, gột sạch những dấu vết lạc hậu của nông dân ; nhưng ở đây, người công nhân Việt-nam, một số đông còn là bán nông bán công, đời sống mật thiết với thôn quê nên khối công nông liên minh được xây dựng một cách tự nhiên cũng như trong cuộc đấu tranh, quyền lợi của công nhân với nông dân cùng các tầng lớp nhân dân khác dính liền với nhau. Bọn thực dân gắn bó quyền lợi với bọn phong kiến, hình thức bóc lột của chúng là hòa hợp cả tư bản lẫn phong kiến nên công, nông càng rất dễ thông cảm với nhau, xiết chặt trong một hàng ngũ. Những ngày đầu tiên sau khi đảng của
https://thuviensach.vn
giai cấp công nhân vừa thành lập, cuộc đấu tranh của công nhân đã phối hợp với nông dân. Xô-viết Nghệ-Tĩnh đã tỏ rõ sự kết hợp chặt chẽ ấy. Cho đến khi mặt trận Việt-Minh ra đời, tiến tới cao trào tiền khởi nghĩa, yếu tố thành công chính là do công nhân đã liên minh với nông dân, động viên được quảng đại nông dân dưới sự lãnh đạo của công nhân. Có được một đội tiền phong cứng rắn như thế, có được một bạn đồng minh đông đảo như thế, lại có được cả một Mặt trận dân-tộc thống nhất rộng rãi như thế, đảng của giai-cấp công nhân tất nhiên phải nắm được độc quyền lãnh đạo, phải được coi là một đảng của giai cấp và của cả dân tộc.
Chính vì đảng xuất hiện trong lúc phong trào công nhân trên thế giới và phong trào giải phóng dân tộc đương dâng cao dưới sự lãnh đạo của bộ tham mưu chung là quốc tế Cộng-sản. Cách mạng Việt-nam trở nên là một bộ phận của cách mạng thế giới. Những đường lối đấu tranh, kinh nghiệm quý báu, cách mạng Việt-nam đã được học tập từ cách mạng tháng Mười, của các đảng bạn tiền tiến ở Liên-xô và Trung-quốc. Trước khi đảng Cộng sản Đông-dương thành lập, đảng Việt-nam Thanh-niên đã nằm trong phạm vi vận động chung của các nước đông nam châu Á thuộc quyền điều khiển của Đông-phương bộ. Sau khi thành lập mới được một năm, đảng Cộng-sản Đông-dương đã được quốc tế Cộng-sản công nhận là một chi bộ dự bị và đến năm 1935 là một chi bộ chính thức. Chính sách của đảng từ trước đến sau về căn bản đều đúng vì đã áp dụng đúng với hoàn cảnh cụ thể ở Việt nam và cũng vì rút kinh nghiệm được ở bài học quốc tế. Ấy là chưa kể những ngày gần đây, sau khi biên giới khai thông, nước Việt-nam ta được hòa mình chung với khối các nước dân chủ trên thế giới, thì, dưới sự lãnh đạo của đảng Lao-động Việt-nam, nhân dân Việt-nam chỉ còn tiến theo con đường đã vạch ra của nhân dân Trung-quốc và Liên-xô, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng-sản Trung-quốc và Liên-xô. Có được một bộ tham mưu quốc tế, có được những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu như thế, đảng
https://thuviensach.vn
của giai cấp công nhân Việt-nam đã tránh được những đường lối sai trệch, luôn luôn tiến bước trên con đường chính.
Sau hết, và đây là một điểm quan trọng, chính vì đảng của giai cấp công nhân Việt-nam ngay từ lúc đầu đã có một vị lãnh tụ với một uy tín bao trùm và một đạo đức sâu rộng là Hồ Chủ-tịch. Chính người đã sáng lập ra đảng Thanh-niên cách mạng, đã thống nhất các tổ chức Cộng-sản, đã xây dựng nền tảng cho mặt trận dân-tộc thống nhất, đã chỉ đạo chiến lược và chiến thuật qua các thời kỳ. Có Người, uy tín của Trung-ương đảng càng được đề cao và quyền lực của đảng càng được tập trung. Vào Người, sự tin tưởng của mọi tầng lớp nhân dân được chung đúc lại. Người là biểu hiện của sự thống nhất ý chí toàn đảng, không thể phân phái. Người là biểu hiện của khối đoàn kết toàn dân, không thể chia rẽ. Do đó, Người chẳng những là lãnh tụ của đảng, của giai cấp công nhân mà còn là lãnh tụ của dân tộc. Người chẳng những là lãnh tụ của nhân dân Việt-nam mà còn là một trong những lãnh tụ quốc tế. Theo duy vật lịch sử, Người là sản phẩm của những điều kiện lịch sử Việt-nam, những ý chí và thiên tài của Người đã chi phối cho cách mạng Việt-nam trên con đường thắng lợi. Giai cấp công nhân Việt-nam cũng như nhân dân Việt-nam rất may mắn, sung sướng có một lãnh tụ là Người trong giai đoạn lịch sử hiện tại.
*
Kết luận bài này, chúng tôi cố gắng nêu ra một vài nét đặc biệt về đảng Cộng sản Đông-dương ngày trước và kẻ thừa kế nó là đảng Lao-động Việt nam ngày nay. Nếu chúng ta nghiên cứu được rõ những điều kiện lịch sử đã phát sinh ra nó và hoàn cảnh lịch sử trong quá trình tồn tại của nó thì những nét đặc biệt kể trên cũng là những nét đặc biệt của thời đại và của Việt-nam. Trở về trước, chúng ta thấy đảng đã có một lịch sử quang vinh với những nét đặc biệt ; trở về sau, chúng ta càng tin đảng sẽ làm tròn nhiệm vụ trong cuộc lãnh đạo nhân dân củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ toàn quốc để tiến lên xã hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh
https://thuviensach.vn
chính trị hiện nay, mặc dầu sẽ còn nhiều gian khổ, phức tạp, nhưng dưới lá cờ lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và của đảng, chúng ta nhất định thắng !
Tháng 12-1955
TRẦN HUY-LIỆU
https://thuviensach.vn
MỘT BỨC THƯ CỦA VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC LIÊN-XÔ GỬI BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA VIỆT-NAM
THEO lời mời của Viện Hàn lâm sử học Liên-xô, Trung-ương Đảng Lao-động Việ Nam đã cử đồng chí Minh-Tranh, ủy viên trong Ban nghiên cứu Văn Sử Địa Việt-nam, sang Liên-xô từ tháng 10 vừa rồi, để dự hội nghị thảo luận về cuộc Cách mạng Nga nam 1905. Đồng chí Minh-Tranh mới trở về nước. Nhân dịp này, Viện Hàn lâm khoa học Liên-xô có gửi cho Ban nghiên cứu Văn Sử Địa những tặng phẩm và một bức thư tỏ tình huynh đệ rất nồng nhiệt giữa cac nhà nghiên cứu khoa học Lien-xô và Việt nam và cũng là giữa hai dân tộc chúng ta. Chúng tôi đăng nguyên văn bức thư ấy sau đây và xin thành thật cảm ơn các vị đàn anh trong khoa học giới.
*
KÍNH GỬI ÔNG TRƯỞNG BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA TRỰC THUỘC BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Trần Huy-Liệu thân mến,
Viện Hàn Lâm khoa học Liên-xô rất lấy làm sung sướng được thấy sự có mặt của vị đại diện các nhà bác học của nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa là đồng chí Minh-Tranh trong phiên họp của Viện vào dịp kỷ niệm lần thứ 50 cuộc Cách mạng Nga đầu tiên vào năm 1905-1907.
Viện Hàn lâm khoa học Liên-xô coi những ngày đồng chí Minh-Tranh ở Liên-xô và việc đồng chí đến thăm các hội nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm khoa học là bắt đầu một cuộc cộng tác huynh đệ có tính chất sáng tạo giữa các nhà bác học Liên-xô và các nhà bác học của nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa.
https://thuviensach.vn
Nhân dịp này, Viện Hàn lâm khoa học Liên-xô gửi tặng Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, trực thuộc Trung ương Đảng Lao động Việt-nam, một máy ra-đi-ô « Minsk-55 » va một máy ảnh « Zorkii 2 ».
Với sự kính mến thành thật.
Tổng thư ký khoa học của chủ tịch đoàn
Viện Hàn lâm khoa học Liên-xô
Hội viên Viện Hàn lâm khoa học Liên-xô
TOPTCHIEV
https://thuviensach.vn
NGHIÊN CỨU VÀ ĐÁNH GIÁ VỐN CŨ TRONG VĂN HỌC DÂN TỘC TRUYỆN TRÊ CÓC
của VĂN-TÂN
NGHIÊN cứu các tác phẩm văn học xưa và nay là một công tác cần thiết cho việc tìm hiểu vốn văn học của dân tộc và việc xây dựng văn học sử Việt-nam. Nhằm mục đích ấy, trước kia chúng tôi đã đăng những bài nghiên cứu về Truyện Kiều, Thơ Hồ Xuân-Hương, Phạm Công Cúc Hoa, Nhị độ mai. Trong « Tập san Văn Sử Địa » kỳ này chúng tôi đăng hai bài nghiên cứu về Truyện Trê cóc và Truyện Phan Trần. Sau đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng những bài nghiên cứu về những tác phẩm khác mà hiện nay chúng ta chưa biết tác giả nó là ai và nó nằm vào thời đại nào.
Làm xong công tác này, chúng tôi sẽ có những tài liệu tương đối chính xác để thực hiện việc xây dựng văn học sử Việt-nam.
L. T. S.
https://thuviensach.vn
TÓM TẮT TRUYỆN
Vợ chồng Cóc vốn ở những nơi lâu đài, cung điện, và thường hay dạo chơi những nơi hồ ao. Đến ngày đẻ, vợ Cóc xuống ao đẻ ra một đàn nòng nọc rồi về nghỉ ở một nơi buồng kín.
Trê ở dưới ao thấy đàn nòng nọc giống mình liền chiếm lấy nuôi. Ngày đầy cữ, Cóc xuống ao thăm con, thì bị Trê mắng :
Cóc kia ! đâu đó tối tăm
Dạ gian phi đạo tắc dâm chẳng lành
... ... ...
Cóc kia cả quyết gan liều
Bọn ngươi coi đã mỹ miều lắm thay !
Một ngay lạ giống chúng bay
Nghề bôi vôi vẫn nồng thay chẳng chừa !
Một tội mất mười tội ngờ
Biết đâu mà khéo tri hô hỏi dồn
Thôi đừng đua dại tranh khôn
Trở về ngồi tối gậm giường cho xong !
Tức thì Cóc trừng mắt mắng lại :
Rằng khôn ngươi cũng ở ao tù.
Ta đây dẫu có hèn ngu
Nhà ta cũng có cơ đồ đỉnh đang.
Ra vào gác tía nhà vàng
Cõi bờ mặc sức nghênh ngang chơi bời
Nghiến răng chuyển bốn phương trời
Ai ai là chẳng rụng rời sợ kinh
Tuồng gì giống cá hôi tanh,
May chăng được một môi canh xá gì !
https://thuviensach.vn
Cóc về nhà bàn với chồng rồi phát đơn đi kiện Trê. Viên tri phủ Hải giang sai lính lệ gọi lý dịch bắt Trê lên phủ hầu kiện. Được dịp, lính lệ xách nhiễu và dọa Trê :
Trê kia là đứa gian manh
Chúng ngươi họp đảng đồng tình nhất môn.
Đây mà cứ phép việc quan
Thời bay thịt nát xương tan chẳng lành.
Song bên lý có bên tình
Liệu sao các việc thỏa tình người ta.
Kẻo khi quan lại còn xa
Đây mà nổi giận lôi ra kéo vào.
Trê đành bỏ tiền ra đút lót lính lệ, và sắm lễ vật lên phủ. Trê bị giam ở phủ. Vợ chồng Trê bàn tính với nhau rồi tìm kiếm tôm he, cá mực biếu Lý Ngạnh, một tên cường hào gian ác, để nhờ Lý Ngạnh lo liệu hộ. Lý Ngạnh bảo Trê kiếm lễ tốt đưa cho y rồi y vào tư thất viên tri phủ để xin tha cho Trê. Viên quan phủ đem Trê và Cóc ra xử lại. Cóc bị bắt giam. Vợ Cóc đi tìm thầy, thi kiếm được Nhái bén là :
…tay thầy kiện trứ danh.
Nhái bén khuyên Cóc cứ yên tâm chờ ngày đàn nòng nọc đứt đuôi, chúng sẽ trở về với mình, và không cần phải kiện cáo gì cả. Được ít lâu, quả nhiên đàn cóc con nhảy lên bờ trở về với mẹ. Cóc sắm lễ vật rồi đem đàn con lên phủ kiện lại Trê. Viên tri phủ bắt Trê đánh cho mấy trận rồi đầy ra ngoài ba ngàn dặm. Vợ chồng con cái Cóc đắc thắng ra về.
Bước ra khỏi chốn công đường
Thông Chiên giật lễ, Đề Tôm cướp tiền,
Ôm đầu vỗ vế ngả nghiêng
Kẻ đòi bầu rượu, người xin bao chè.
https://thuviensach.vn
XÃ HỘI TRUYỆN TRÊ CÓC LÀ XÃ HỘI NÀO ?
Truyện Trê Cóc là một truyện ngụ ngôn. Theo Bùi Huy-Bích thì truyện do một gia khách nhà Trần Liễu viết ra để ám chỉ việc Trần Thái-Tông cướp chị dâu có mang sẵn tức vợ Trần Liễu là Thuận-Thiên công chúa làm vợ. Bùi Huy-Bích đã căn cứ vào bốn chữ « đoạt nhân thủ tử » (cướp vợ bắt lấy con) được nhắc đi nhắc lại mấy lần trong Trê Cóc rồi dựng ra giả thuyết ấy. Hiện nay nhiều người vẫn tin rằng ý kiến của Bùi Huy-Bích là gần sự thực nhất.
Trê Cóc có thực là một truyện viết ra để nói về việc Trần Thái-Tông cướp vợ Trần-Liễu như Bùi Huy-Bích đã nhận định không ?
Theo tôi, đó là câu hỏi cho đến nay vẫn chưa được trả lời rõ rệt.
Muốn biết Trê Cóc thực sự có phải là một tác phẩm của đời Trần sơ hay không, muốn biết Trê Cóc viết ra có phải vì việc Trần Thái-Tông cướp vợ Trần-Liễu hay không, không thể bằng vào bốn chữ được, và cũng không thể bằng vào bất cứ ý kiến có sẵn nào.
Văn học là sản phẩm của thời đai, mang nặng dấu vết của thời đại. Trong những dấu vết ấy, dấu vết đáng tin cậy nhất là dấu vết về tình hình xã hội, chế độ xã hội đã được phản ánh trong tác phẩm.
Vậy tình hình xã hội trong Trê Cóc có phải là tình hình xã hội Việt nam đời Trần sơ không ?
Nếu Trê Cóc quả thực là một tác phẩm do một gia khác nhà Trần-Liễu viết ra để ám chỉ việc Trần Thái-Tông cướp Thuận-Thiên công chúa của Trần-Liễu, thì ít nhất nó cũng phải phản ánh một phần nào tình hình cuộc xung đột giữa hai tập đoàn phong kiến quý tộc : tập đoàn phong kiến do Trần Thái-Tông làm chủ và tập đoàn phong kiến do Trần-Liễu cầm đầu. Cuộc xung đột này có lúc đã diễn ra dưới hình thái võ trang : Trần-Liễu nổi loạn chống lại Trần Thái-Tông, Thái-Tông phái quân đi đánh, Trần-Liễu
https://thuviensach.vn
thua trận, phải nhảy vào thuyền Thái-Tông mà xin hàng. Thái-Tông tha tội cho Trần-Liễu và cắt đất An-sinh (thuộc huyện Đông-triều, tỉnh Hải-dương) phong cho Trần-Liễu. Tuy vậy, Trần-Liễu vẫn ôm hận trong lòng, cho nên đã có lần Trần-Liễu bảo con là Trần Quốc-Tuấn rằng : « Mai sau, nếu con không vì ta mà lấy thiên hạ, thì ta nằm dưới đất không sao nhắm mắt được ».
Cuộc xung đột tuy chỉ diễn ra trong hoàng tộc, nhưng cũng là một sự kiện lịch sử quan trọng của buổi Trần sơ. Vậy mà trong Trê Cóc, ta không thấy mảy may bóng dáng nào của cuộc xung đột ấy cả. Sự xung đột mô tả trong Trê Cóc chỉ là sự xung đột ở nông thôn ; những nhân vât xung đột nhau không phải là những vương hầu công khanh tướng, mà chỉ là những dân thường hiền lành là Trê và Cóc. Xung quanh hai nhân vật chính là Trê và Cóc, ta cũng không thấy một nhân vật nào có bề thế của kẻ đại gia quý tộc, mà chỉ thấy những kẻ mà trước đây không lâu ta vẫn thường thấy ở nông thôn là Lý Ngạnh, Nhái bén v.v... hay những kẻ quen thuộc ở nha môn thời trước như lính lệ, Thông Chiên, Đề Tôm v.v.
Xã hội trong Trê Cóc không có mảy may dấu hiệu nào tỏ ra là xã hội của lớp đại quý tộc đời Trần, mà là xã hội ở nông thôn như ta vẫn thường thấy trước Cách mạng tháng Tám và trước cải cách ruộng đất ; trong cái xã hội ấy ta thấy nông dân bị cường hào súi giục, chia rẽ, rồi kiện cáo lẫn nhau để nuôi béo bọn nha lại và bọn cường hào.
Sau khi Cóc đệ đơn lên phủ kiện Trê, ta thấy bọn nha lại hiện ra, công việc đầu tiên của chúng là làm tiền :
Phủ quan nghe tỏ lòng đơn
Truyền đòi nha lại các phiên vô hầu.
Xem đơn danh Cóc gật đầu
Đoạt nhân thủ tử nhẽ đâu làm vầy
Thực hư tình ý chưa hay,
https://thuviensach.vn
Cứ trong đơn khuất cũng ngầy lắm thôi.
Truyền cho thảo trát vô đòi
Mấy danh chứng tá giải hồi nghiêm tra.
Các thày vâng lệnh trở ra
Đòi tiền thông lệ bản nha tức thì.
Trước sự dọa nạt và hạch xách của lính lệ, Trê vội vàng kêu van :
Dân đen có biết chi điều gian ngoan.
Vì ai nên phải tiếng oan,
Dám xin mấy cậu liệu đường giúp cho.
Chữ rằng « Nhất nhật lại tù »
Hết bao nhiêu cũng xin lo dám nề.
Còn như danh Chép, danh Mè
Cũng trong lân lý một bề với tôi.
Sửa sang lễ vật lên hầu.
Tuy đã ăn lễ, những quan vẫn cứ truyền đem Trê giam đó hậu tra, rồi :
Lệ binh vâng lệnh tức thì
Đem Trê vào trại liền mi chẳng chầy.
Canh giờ nghiêm cấm khổ thay
Mười người nhắm một đều lay lấy tiền
Quan cứ lệnh, lính cứ truyền
Đã ngày buộc cổ lại đêm chân cùm
Giam tra, thịt nát xương tan,
Đánh cho mấy chục, trận đòn roi đôi
Trê lại phải bỏ tiền ra nhờ Lý Ngạnh chạy chọt. Lý Ngạnh nói lót trước với quan. Khi quan đem vụ án ra xét lại, thì Trê kêu :
Gọi là lễ mọn kính dâng,
Dám xin soi xét phận dân ngu hèn.
https://thuviensach.vn
Thế rồi Trê được tha, và Cóc bị bắt. Cóc biết Trê đã đấm mõm cho nha lại nhiều, nên trước phủ đường Cóc tố cáo :
…Lại giấu cho Trên nhiều điều,
Chẳng qua hối lệ đã nhiều
Vậy nên mới dám mè nheo những lời.
Đọc qua những câu trên, ta thấy hiện ra cả một tình trạng xã hội mà mới hôm qua đây (thời Pháp thuộc, Nhật thuộc), ta vẫn còn thấy ở nông thôn, ở các phủ, các huyện. Đó là cai tình trạng tquan tham lại nhũng, cường hào hoành hành ức hiếp nông dân, đục khoét nông dân, chúng tìm mưu bày kê gieo vạ cho nông dân để có cơ bóc lột nông dân.
Tình trạng ấy phải là tình trạng của một xã hội mà chế độ quan liêu đã phát triển đến cực độ, đã phiền phức, cồng kềnh và thối nát.
Chế độ quan liêu như vậy không thể là chế độ quan liêu buổi Trần sơ.
Nhà Trần vừa được dựng ra đã phải đương đầu với ba cuộc tấn công của một quân đội hùng mạnh nhất thế giới đương thời là quân đội phong kiến Mông-cổ. Nếu xã hội đời Trần sơ thối nát như xã hội trong Trê Cóc, thì giai cấp phong kiến thời ấy không sao đoàn kết được nhân dân để đấu tranh thắng lợi chống ngoại xâm.
Trong Trê Cóc có nói Trê và Cóc kiện nhau trước một viên tri phủ. Nhưng tri phủ là một chức quan ở đời nhà Lý, còn đời nhà Trần thì tri phủ gọi là thông phán, tri châu là tào vận sứ kia. Trong Trê Cóc có tên Lý Ngạnh là một tay thầy cò nổi tiếng. Lý đây cố nhiên không phải họ Lý, mà là lý trưởng nói ngắn đi. Dưới đời Trần, chức dịch đứng đầu hương là quản giáp, đứng đầu xã là xã quan, chứ không phải là lý trưởng.
Đó cũng là một lẽ nữa để cho ta tin rằng Trê Cóc không phải là một tác phẩm của buổi Trần sơ.
https://thuviensach.vn
Sau cùng tưởng cũng nên thêm rằng chế độ bóc lột thịnh hành nhất dưới thời Trần là chế độ nông nô và chế độ nô tỳ. Phần lớn nông dân trong thời này là nông nô hay nô tỳ. Nông nô và nô tỳ sản xuất ở trong các đai điền trang của nhà nước phong kiến, của đại quý tôc hay của tự viện. Những nông dân khác tuy không phải là nông nô hay nô tỳ, nhưng vì phải lĩnh canh ruộng đất của địa chủ, nên đời sống của họ cũng lệ thuộc vào địa chủ, và số phận họ cũng không khác nông nô hay nô tỳ mấy tý.
Ở châu Âu, dưới thời Trung-cổ, nông dân thường chịu sự chi phối trực tiếp của pháp luật chúa đất và của quý tộc. Những xung đột giữa nông dân với nông dân, hay giữa nông dân với người giai cấp khác thường do chúa đất hay quý tộc địa phương xử đoán.
Trong các đại điền trang đời Trần, không rõ nông dân trực tiếp có bị pháp luật của đại quý tộc chi phối hay không ? Nhưng ta ngờ rằng số phận của họ không hơn gì số phận nông nô dưới thời trung cổ ở châu Âu.
Vì vậy những xung đột giữa nông dân, theo lý, không nhất thiết phải mang ra cho bọn quan liêu xét xử, mà thường do chúa đất tự xét xử lấy.
Nếu xã hội trong Trê-Cóc không phải xã hội Trần sơ, thì là xã hội nào của Việt-nam ?
Trước khi trả lời dứt khoát câu hỏi này, ta cũng nên nói qua rằng tình trạng xã hội trong Trê Cóc không phải là một tình trạng xã hội nào của Việt nam từ đời Lê Thái-tông và Lê Nhân-tông trở về trước. Chế độ quan liêu đến đời Lê Thái-tông và Lê Nhân-tông tuy có thay đổi ít nhiều, nhưng về căn bản vẫn sơ sài. Đến đời, Lê Thánh-tông chế độ quan liêu mới được tổ chức chu đáo thành một hệ thống cai trị phiền phức và chặt chẽ. Và cũng đến đời Lê Thánh-tông, các lộ mới đổi ra làm phủ, các trấn làm châu.
Xã hội trong Trê Cóc cũng không phải là xã hội dưới triều Lê Thánh tông. Xã hội Việt-nam dưới thời Lê Thánh-tông là một xã hội thịnh trị nhất
https://thuviensach.vn
của chế độ phong kiến Việt-nam, nó chưa thể có những thối nát như trong Trê Cóc được.
Xã hội trong Trê Cóc cũng không thể là xã hội Việt-nam hồi giữa thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 được. Vì thời này là thời Bùi Huy-Bích (1744- 1818). Nếu Trê Cóc là một tác phẩm ra đời vào khoảng này, thì không đời nào Bùi Huy-Bích lại cho nó một gia khách nhà Trần-Liễu viết ra.
Dựa vào những tài liệu trên, ta có thể đoán rằng Trê Cóc là một văn phẩm chỉ có thể ra đời vào khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 16 đến thế kỷ 17 tức khoảng thời gian từ Lê Uy-Mục (1505) đến Lê Dụ-tông. Nhưng có lẽ Trê Cóc ra đời vào quãng thời gian từ Lê Uy-Mục đến Lê Chiêu-Tông (1516) thì có lý hơn. Khoảng thời gian này, chế độ phong kiến nhà Lê đã đi đến chỗ thối nát lắm rồi ; chế độ quan liêu, nhất là chế độ tư pháp đã phiền phức, cồng kềnh.
Pháp luật nhà Lê trải qua sự chế định của đời Lê Thái-tổ, Lê Thái-tông, Lê Nhân-tông, đến đời Lê Thánh-tông thì hoàn thành (luật Hồng-đức). Để thi hành pháp luật của Nhà nước phong kiến, các vua Lê, nhất là Lê Thánh tông và Lê Hiến-tông lập ra một bộ máy quan liêu khá phiền phức và chặt chẽ. Đến đời Lê Uy-Mục, thì bộ máy quan liêu thành ra cồng kềnh và thối nát. Thời này, Lê Uy-Mục ngày đêm ở cung đình chỉ uống rượu say mềm và giết người hầu cận. Quyền chính nhà vua vì thế lọt vào tay bọn ngoại thích, bà con của thái hậu Nguyễn thị và hoàng hậu Trần thị cấu kết với bọn hoạn quan. Bọn ấy công nhiên hoành hành, không coi ai vào đâu cả. Chân tay của chúng ra mặt cướp bóc của nhân dân. Chính những thối nát này là mầm mống của việc Mạc Đăng-Dung cướp ngôi về sau.
Trong Trê Cóc, những từ ngữ về tư pháp quen dùng ở nha môn như minh tra, cửa vấn, bản nha, phát sai, dẫn thôi, quan pháp như lôi, hỏa quang kiến diện, khấu bẩm, nguyên đơn, phát giác, thân oan v.v. được dùng một cách khá rộng rãi. Việc này tỏ ra rằng xã hội trong Trê Cóc là một xã
https://thuviensach.vn
hội mà việc thi hành pháp luật, việc tố tụng đã phiền phức, lôi thôi. Tình hình này phù hợp với tình hình xã hội Việt-nam thời Lê Uy-Mục là thời kỳ mà pháp luật phong kiến, sau khi luật Hồng Đức được thi hành, cũng trở nên phiền phức, lôi thôi. Những sâu mọt của nhân dân như Thông Chiên, Đề Tôm, Lý Ngạnh v.v. là những kẻ do những phiền phức, lôi thôi ấy tạo ra và sống bằng những phiền phức, lôi thôi ấy.
https://thuviensach.vn
GIÁ TRỊ TRUYỆN TRÊ CÓC
Trê Cóc là một truyện ngụ ngôn đầu tiên nói đến cảnh tượng chia rẽ ở nông thôn Việt-nam do cường hào, địa chủ, quan lại gây nên. Bọn cường hào, địa chủ, quan lại ung dung sống trên sự chia rẽ ấy. Sự giầu sang của chúng một phần do sự chia rẽ ấy tạo nên. Tục ngữ có câu « Đục nước béo cò », bọn quan lại, cường hào, địa chủ cần cho nước là nông thôn lúc nào cũng đục để chúng có thể kiếm ăn cho béo. Vì một thói do ác tập của cường hào địa chủ tạo ra, Trê cướp con của Cóc, rồi Trê và Cóc hóa ra thù địch và quên mất kẻ thù chính của mình là cường hào địa chủ, là tham quan lại nhũng. Kết cục là Trê bị tù đầy, mà Cóc cũng khuynh gia bại sản.
Trong vụ tranh chấp giữa Trê và Cóc, kẻ thắng cố nhiên không phải Trê, cũng không phải là Cóc, mà lại là viên tri phủ Hải-gian, là Thông Chiên, là Đề Tôm, là lính lệ, là Lý Ngạnh v.v… Tri phủ Hải-giang, Thông Chiên, Đề Tôm, lính lệ, Lý Ngạnh là sâu mọt của xã hội Việt-nam trải bao nhiêu thế kỷ sở dĩ sống tối tăm, khổ sở là vì bị chúng chia rẽ, nông dân bị chúng chia rẽ đến nỗi tự coi mình là kẻ thù của mình, và quên khuấy đi rằng kẻ thù chính của mình là viên tri phủ Hải-giang, là Thông Chiên, là Đề Tôm, là Lý Ngạnh v.v…
Truyện Trê Cóc đã nói lên những sự thật ấy. Trê Cóc đã vạch cho mọi người thấy những mưu mô thâm độc của bọn Lý Ngạnh, thói làm tiền trắng trợ của bọn Thông Chiên, Đề Tôm, lính lệ, thủ đoạn gian tham và hiểm độc của viên tri phủ Hải-giang.
Người đọc ghét bọn này bao nhiêu, thì tất phải ghét chế độ phong kiến bấy nhiêu. Vì cái lò đúc ra bọn Lý Ngạnh, Thông Chiên, Đề Tôm, tri phủ Hải-giang là chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến còn tồn tại ngày nào, thì những Lý Ngạnh, Thông Chiên, Đề Tôm, tri phủ Hải-giang còn tồn tại, thì có ngày Trê lại kiện Cóc, hay Cóc lại kiện Trê để rồi Trê bị hại, mà Cóc cũng chẳng lợi gì.
https://thuviensach.vn
Trê Cóc đã vạch cho người ta thấy những sự thật hãi hùng ấy của xã hội Việt-nam dưới thời phong kiến và cả Pháp thuộc nữa.
Giá trị Trê Cóc là ở chỗ nó đã nói lên được những sự thật ấy, và nói bằng một lối văn nhẹ nhàng, mỉa mai, trào phúng.
Nhưng Trê Cóc cũng để lộ ra một khuyết điểm quan trọng. Đọc Trê Cóc đã đành người ta căm thù bọn tham quan lại nhũng và cường hào gian ác, con đẻ tất nhiên của chế độ phong kiến quan liêu, những đồng thời người ta không khỏi ngao ngán cho số phận của người dân là Trê và Cóc. Người ta thấy trước bọn cáo già, đỉa đói là tri phủ Hải-giang, Thông Chiên, Đề Tôm, lính lệ, Lý Ngạnh v.v... người dân chỉ còn là một thứ mồi ngon mà bọn cáo già, đỉa đói kia có thể vồ hay hút máu bất cứ lúc nào. Người dân trong Trê Cóc là người dân sống rời rạc, chia rẽ, cô đơn không có một võ khí nào để tự vệ chống lại các cuộc tấn công của quân thù là quan tham lại nhũng và cường hào gian ác. Người dân – kẻ sáng tạo nên thế giới và lịch sử – người dân ấy trong Trê Cóc trở thành bé nhỏ, yếu hèn chỉ đáng để người ta thương.
Người ta bực dọc về số phận của người dân bao nhiêu, thi người ta càng ngạc nhiên về sự may mắn của tri phủ Hải-giang, Thông Chiên, Đề Tôm, lính lệ, Lý Ngạnh bấy nhiêu. Vợ chồng Cóc chỉ làm một việc tự nhiên là đẻ con và trông nom con, thế mà gia đình Cóc bị bọn quan lại cường hào làm cho điêu đứng, tan tành, phá sản. Đến khi Cóc được kiện rồi chúng vẫn còn công nhiên cướp bóc. Trừ một vài câu mỉa mai, trào phúng nhẹ nhàng của tác giả, còn chúng không bị một hình phạt nào khác. Dưới ngọn bút của tác giả, còn chúng không bị một hình phạt nào khác. Dưới ngọn bút của tác giả, người ta thấy bọn quan lại cường hào đàng hoàng sống ở trên pháp luật. Pháp luật đối với chúng quả là những gông cùm để trói buộc, gian hãm nhân dân. Đã đành sự thực phũ phàng dưới thời đại phong kiến là như thế. Nhưng nếu tác giả trình bầy sự thật y nguyên như thế thì chỉ làm nản lòng người bị áp bức, do đó tác phẩm ít tác dụng thúc đẩy giai cấp áp bức đứng
https://thuviensach.vn
dậy đấu tranh. Muốn đánh đổ kẻ đi áp bức mà trình bày những kẻ đó như là những kẻ không bao giờ bị đổ, thì không thể làm nức lòng những người muốn đánh đổ chúng được.
Khuyết điểm của tác Trê Cóc xét ra là nhược điểm chung của các tác gia dưới thời phong kiến. Dưới thời đại này các tác gia dù có thực sự đứng về lập trường giai cấp bị áp bức, nhưng vì sự hạn chế của lịch sử, họ cũng không sao tìm được con đường nào khả dĩ giải phóng giai cấp bị áp bức được.
Nếu sống ở dưới thời Lê, tác giả Trê Cóc hẳn đã từng thấy nghĩa quân của Nguyễn Tuân, Lê Hy, Trịnh Hưng, Trần Cao, sau là một thời kỳ hoạt động khá ngang tàng, đều lần lượt bị ngã quỵ trong vũng máu. Tác giả Trê Cóc cũng như các tác giả khác thấy nhân dân bị áp bức sống trong một tình trạng bế tắc. Nông dân bị phong kiến, địa chủ bóc lột tàn tệ ; nông dân luôn luôn nổi dây ; nhưng các cuộc khởi nghĩa của nông dân nếu không bị dìm trong bể máu, thì cũng chỉ đưa đến cuộc thay đổi triều đại là cùng. Trong tình trạng ấy, những tác giả có cảm tình với giai cấp bị bóc lột cũng chỉ còn có cách mỉa mai, trào phúng bọn quan tham lại nhũng, hoặc mơ ước một chế độ phong kiến có những anh quân hiền tướng, liêm quan mà thôi. Tình trạng bế tắc ấy kéo dài trong lịch sử Việt-nam hàng bao thế kỷ cho đến khi giai cấp công nhân xuất hiện. Chỉ giai cấp này với chính đảng của nó mới có đủ điều kiện lãnh đạo nông dân, và nhân dân lao động làm Cách mạng Tháng Tám lật đổ chế độ phong kiến vua quan, và mới triệt để cải cách ruộng đất, quét sạch tàn tích phong kiến ở nông thôn, làm cho những tri phủ Hải-giang, Thông Chiên, Đề Tôm, lính lệ, Lý Ngạnh v.v. không bao giờ còn có thể mọc mũi sủi tăm ra nữa.
Mặc dầu phạm những khuyết điểm như đã nói, Trê Cóc vẫn là một tác phẩm có giá trị trong kho tàng văn học cổ điển của Việt-nam. Nó đã phản ánh được một cách trung thực tình trạng chia rẽ ở nông thôn do cường hào, địa chủ nha lại gây nên. Tình trạng ấy đè nặng lên nông dân Việt-nam hơn
https://thuviensach.vn
gần nửa thế kỷ và chỉ bị thanh toán khi Cách mạng tháng Tám đã thành công. Nhưng ở khoảng đất Việt-nam từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, tình trạng ấy vẫn còn và đang được hồi phục dưới những hình thức tinh vi và bịp bợm. Ở đây bọn Ngô Đình-Diệm đại biểu tàn lực phong kiến, và là tay sai của đế quốc Mỹ đang ra sức chế tạo những Thông Chiên, Đề Tôm, Lý Ngạnh, tri phủ Hải-giang kiểu mới với nhiệm vụ chia rẽ nông dân, đục khoét nông dân, nô dịch nông dân, bần cùng hóa nông dân, đẩy nông dân ra lính để quấy rối hòa bình, và phá họi thống nhất ở Việt-nam.
Đối với bọn phong kiến kiểu mới ấy, không những phải trào phúng, châm biếm chúng, mà còn phải chửi thẳng vào mặt chúng, vạch mặt nạ của chúng ra để rồi đánh đổ chúng đi.
Tháng 12-1955
VĂN-TÂN
https://thuviensach.vn
NHỮNG TIÊU CHUẨN ĐỂ NHẬN ĐỊNH SỰ THÀNH HÌNH DÂN TỘC
của NGUYỄN LƯƠNG-BÍCH
Nghiên cứu sự thành hình dân tộc là một vấn đề rất mới trong sử giới Việt-nam. Gần đây có hai người đề cập đến vấn đề này là ông bạn Trần Huy-Liệu trong bài « Dân tộc Việt-nam thành hình từ bao giờ ? » đăng ở Tập san Văn Sử Địa số 5 xuất bản tháng 2 năm 1955 và ông bạn Đào Duy Anh trong Lịch sử Việt-nam, quyển hạ, xuất bản tháng 7 năm 1955.
Vấn đề vừa mới vừa khó. Các nhà sử học Liên-xô và Trung-quốc, trong khi nghiên cứu sự thành hình các dân tộc, cũng luôn luôn có những điểm không đồng ý với nhau. Các cuộc nghiên cứu và thảo luận thường phải qua một thời gian dài mới đi tới thống nhất ý kiến. Ở ta, hai nhà nghiên cứu lịch sử đầu tiên đề cập vấn đề thành hình dân tộc Việt-nam cũng không thống nhất ý kiến. Ông Trần Huy-Liệu nhận định dân tộc Việt-nam thành hình từ thế kỷ 18. Ông Đào Duy-Anh lại đặt vấn đề này vào thế kỷ 10, tức là có sự sai biệt nhau về thời gian khoảng 800 năm.
Một vấn đề như thế, tất nhiên còn được nghiên cứu và thảo luận nhiều. Trong khi chờ đón những ý kiến mới, tôi xin góp thêm một vài nhận thức riêng – về mặt lý luận – vào công việc nghiên cứu mà hai ông bạn Trần Huy-Liệu và Đào Duy-Anh đã là người mở đầu.
https://thuviensach.vn
I. NHỮNG YẾU TỐ CẤU THÀNH DÂN TỘC
Vấn đề dân tộc đã được Lê-nin và Sta-lin bàn đến rất nhiều. Sta-lin cho chúng ta một định nghĩa về dân tộc rất rõ ràng, chính xác. Định nghĩa ấy là kim chỉ nam cho mọi người nghiên cứu vấn đề thành hình dân tộc.
Trong cuốn « Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc », Sta-lin đã định nghĩa : « Dân tộc là một cộng đồng người, cộng đồng ấy đã ổn định, kết hợp trong quá trình lịch sử và trên cơ sở của sự cộng đồng ngôn ngữ, cộng đồng lãnh thổ, cộng đồng sinh hoạt kinh tế và cộng đồng tâm lý, thể hiện trong sự cộng đồng văn hóa ».
Như vậy tức là một dân tộc thành hình gồm có 4 yếu tố : cộng đồng ngôn ngữ, cộng đồng lãnh thổ, cộng đồng sinh hoạt kinh tế và cộng đồng tâm lý.
Sta-lin còn chỉ rõ : thiếu một trong bốn yếu tố đó thì chưa thể gọi là một dân tộc, hoặc một dân tộc đã thành hình rồi, nhưng vì lẽ nào đó, thiếu đi một yếu tố thì cũng không còn là một dân tộc. 6
Sự tìm hiểu bốn yếu tố ấy là điều rất cần thiết trong việc nghiên cứu sự thành hình dân tộc.
1. Thế nào là cộng đồng ngôn ngữ ?
Theo Sta-lin, ngôn ngữ cộng đồng của một dân tộc là ngôn ngữ dân gian thường nói của một dân tộc và cũng tức là tiếng mẹ đẻ của dân tộc. Mỗi dân tộc đều có một tiếng mẹ đẻ, riêng của dân tộc. Có quốc gia gồm nhiều dân tộc, mỗi dân tộc nói một ngôn ngữ khác nhau : điều đó không ngăn trở gì cho sự thống nhất quốc gia. Dùng chung trong sự giao dịch giữa các dân tộc của quốc gia và trong các cơ quan của quốc gia là một thứ tiếng phổ thông. Thứ tiếng đó thường là thứ tiếng cộng đồng của một dân tộc đa số trong quốc gia. 7
https://thuviensach.vn
Thí dụ : nước bạn Tiệp-khắc là một cộng đồng quốc gia gồm 2 cộng đồng dân tộc, tức dân tộc Tchèques (Tre-cơ) và dân tộc Slovaques (Slô-va cơ), người Tre-cơ và người Slô-va-cơ đều là nhân dân nước Tiệp-khắc, đều cùng sống chung một lãnh thổ, chung một nền kinh tế và chung một nền văn hóa dân chủ nhân dân của nước Cộng hòa Tiệp-khắc. Nhưng người Tre cơ và người Slô-va-cơ, vẫn là 2 dân tộc khác nhau, lý do chủ yếu là vì người Tre-cơ nói một thứ tiếng, người Slô-va-cơ nói một thứ tiếng. 8
Vậy tiếng nói là một tiêu chuẩn mấu chốt để phân biệt dân tộc.
Ở Việt-nam, tại khu tự trị Thái-Mèo hiện nay, đồng bào Mèo và đồng bào Thái cùng sống chung với nhau trên một lãnh thổ là miền Tây-bắc, cùng chung một đời sống kinh tế vì cùng ở xen lẫn với nhau trên cùng một lãnh thổ, vậy mà chúng ta vẫn phân biệt là hai dân tộc, chớ không gọi gộp lại là một dân tộc Mèo hay một dân tộc Thái. Điều chủ yếu là vì tiếng nói của đồng bào Mèo khác tiếng nói của đồng bào Thái.
Ở Việt-nam có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc nói một thứ tiếng riêng. Ta không thể coi tiếng Việt-nam (tức tiếng Kinh) là ngôn ngữ cộng đồng của tất cả các dân tộc ở Việt-nam, do đấy đi đến cái nhận định thu gộp tất cả các dân tộc ở Việt-nam lại thành một dân tộc duy nhất trên đất nước Việt-nam. Tiếng Kinh chỉ là cộng đồng ngôn ngữ của dân tộc Kinh, chứ không thể là cộng đồng ngôn ngữ, tức là tiếng mẹ đẻ của dân tộc Thái, dân tộc Mèo hoặc một dân tộc nào khác ở Việt-nam. Có điều đáng chú ý là tiếng Kinh không những là ngôn ngữ cộng đồng của dân tộc Kinh mà còn được dùng làm ngôn ngữ phổ thông của quốc gia Việt-nam. Dân tộc Kinh chiếm tối đại đa số trong nhân dân Việt-nam, tiếng Kinh là tiếng tương đối phát triển và phổ biến nhất trong quốc gia Việt-nam, bởi thế, dùng tiếng Kinh để giao dịch trong toàn quốc Việt-nam là điều thuận tiện hơn cả.
Một điều đáng được chú ý nữa là : cùng nói một thứ tiếng, chưa hẳn đã là cùng một dân tộc. Bởi vì một dân tộc, ngoài yếu tố cộng đồng ngôn ngữ,
https://thuviensach.vn
còn cần phải có ba yếu tố nữa mới đủ để thành một dân tộc. Người Thái ở Việt-nam, người Thái ở Vân-nam (Trung-quốc) và người Lào đều cùng nói tiếng Thái, cùng là giống người Thái, nhưng họ không phải là cùng một dân tộc, vì họ không có cộng đồng lãnh thổ, cộng đồng sinh hoạt kinh tế với nhau. Người Thái ở Việt-nam là một dân tộc, người Thái ở Vân-nam là một dân tộc, mà người Lào là một dân tộc.
Một điều cuối cùng cần được chú ý về vấn đề ngôn ngữ là cái quá trình thành hình nên cộng đồng ngôn ngữ của một dân tộc. Không phải nói cùng một thứ tiếng là có ngay cộng đồng ngôn ngữ. Sự cộng đồng ấy phải trải qua một thứ tiếng là có ngay cộng đồng ngôn ngữ. Sự cộng đồng ấy phải trải qua một quá trình lâu dài, tới một giai đoạn nhất định nào đó mới thành hình được. Giai đoạn thành hình ấy là cái lúc mà công thương nghiệp đã phát triển, sự liên hệ kinh tế giữa các khu vực trong nước đã chặt chẽ, một vài thành thị đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị trong toàn quốc. Đời sống kinh tế và văn hóa của nhân dân những thành thị ấy đã đạt tới một mức cao hơn các địa phương. Tiếng nói của những thành thị, trung tâm kinh tế văn hóa chính trị ấy, đã trở thành tiếng nói cơ sở cho sự giao dịch giữa các miền và cho sự truyền bá văn hóa trong toàn quốc. Vì có những điều kiện phổ biến rộng rãi ấy, tiếng nói ở mấy thành thị kia sẽ lấn dần thổ âm của các địa phương, thu hút những tinh túy và những đặc sắc của các thổ âm địa phương mà ngày càng trưởng thành, trở nên thứ tiếng cộng đồng thống nhất của toàn dân tộc.
Cái giai đoạn thành hình cộng đồng ngôn ngữ của dân tộc, ở Việt-nam cũng như ở các nước khác trên thế giới, phải là lúc công thương nghiệp đã tương đối phát triển, tư bản chủ nghĩa đã bắt đầu nảy mầm. Cho nên, ở Việt-nam, nếu chúng ta đặt vấn đề thành hình cộng đồng ngôn ngữ dân tộc từ thời Bắc thuộc hay sau đó ít lâu chẳng hạn thì rất có thể là không đúng được với thực tế lịch sử đương thời.
https://thuviensach.vn
2. Thế nào là cộng đồng lãnh thổ ?
Cộng đồng lãnh thổ là một yếu tố quan trọng để tạo thành dân tộc. Bởi vì : « Dân tộc chỉ là kết quả của những liên hệ lâu dài và thường xuyên, kết quả của đời sống chung giữa người ta với nhau, đời nọ qua đời kia. Vậy nên cái đời sống chung lâu dài ấy, không thể có, nếu không có một lãnh thổ chung ». 9
Người Anh, người Mỹ là cùng một chủng tộc Ăng-gờ-lô sác-xông, cùng một tiếng nói, trước kia là một dân tộc cùng ở trên đất nước Anh, nhưng nay là hai dân tộc khác nhau, mặc dầu vẫn cùng một chủng tộc, cùng một tiếng nói, chủ yếu chỉ vì không cùng sống chung một lãnh thổ với nhau.
Ở Việt-nam cũng có những trường hợp như vậy. Đồng bào thiểu số ở Việt-bắc, thí dụ người Nùng, người Ngái v.v… ở miền Nam Trung-quốc di cư sang ; tuy đối với người Nùng, người Ngái ở Trung-quốc là cùng một chủng tộc, cùng một ngôn ngữ, nhưng là hai dân tộc khác nhau, vì không cùng chung một lãnh thổ, không sống chung với nhau một cách chặt chẽ về mặt kinh tế.
Nhưng một mặt khác cùng sống với nhau trên một lãnh thổ chưa hẳn đã phải là cùng có với nhau một cộng đồng lãnh thổ. Cộng đồng lãnh thổ chỉ có thể có trong những điều kiện xã hội nhất định. Thí dụ : ở Việt-nam, trong thời phong kiến đang lên, tổ tiên chúng ta cũng đã cùng sống trên lãnh thổ Việt-nam từ lâu đời, nhưng vẫn chưa thể gọi được là đã có cộng đồng lãnh thổ. Bởi vì, trong thời ấy, tổ tiên chúng ta tuy không phải là bị sống cách biệt, theo « kiểu vạn lý trường thành », nhưng bị sống bó hẹp, trói buộc, riêng lẻ, cô lập trong từng vùng ruộng đất, ấp trại cá biệt của từng tên địa chủ phong kiến. Chỉ đến khi thị trường dân tộc xuất hiện, các miền, các vùng có liên hệ kinh tế chặt chẽ với nhau, cái tính cách bế quan, độc đặc
https://thuviensach.vn
của từng vùng được xóa bỏ, nên cộng đồng lãnh thổ mới thực sự thành hình.
Một điểm nữa cũng cần được phân biệt là lãnh thổ cộng đồng của một dân tộc khác với lãnh thổ thống nhất của một quốc gia.
Lãnh thổ thống nhất của quốc gia Việt-nam, của nhân dân Việt-nam hiện nay là từ Mục Nam-quan đến mũi Cà-mâu, nhưng lãnh thổ cộng đồng của một dân tộc sống ở Việt-nam – một quốc gia đa dân tộc – không nhất thiết phải bao gồm tất cả cái diện tích ấy, thí dụ : lãnh thổ cộng đồng của đồng bào Thái ở khu tự trị Thái-Mèo hiện nay. Đồng bào Thái không phải ở giải trên khắp lãnh thổ Việt-nam từ Mục Nam-quan đến mũi Cà-mâu, mà họ chỉ sống cộng đồng với nhau trên một lãnh thổ nhỏ hẹp ở miền Tây-bắc Việt-nam, cũng đủ để thành một dân tộc.
Lãnh thổ thống nhất của một quốc gia, nhất là quốc gia đa dân tộc, thường thường có sớm hơn cộng đồng lãnh thổ của các dân tộc trong quốc gia đó. Hiện nay, lãnh thổ thống nhất của quốc gia, Việt-nam là từ Mục Nam-quan đến mũi Cà-mâu mà lãnh thổ cộng đồng của dân tộc Kinh cũng là từ Mục Nam-quan đến mũi Cà-mâu, bởi vì người Kinh sống giải trên khắp lãnh thổ Việt-nam. Theo ông Trần Huy-Liệu, trước thế kỷ 18, người Kinh cũng như người thiểu số đều chưa thành hình dân tộc, lãnh thổ quốc gia Việt-nam chưa mở rộng vào tới mũi Cà-mâu như hiện nay. Tuy vậy quốc gia Việt-nam, từ trước thế kỷ 18 cũng đã có thống nhất lãnh thổ, thống nhất trong cái cương vực thực tại của nó lúc bấy giờ. Sự thống nhất ấy có từ khi quốc gia tiến tới giai đoạn phong kiến tập quyền.
Nếu không có sự phân biệt ấy, mà đem vấn đề cộng đồng lãnh thổ của dân tộc và vấn đề thống nhất lãnh thổ của quốc gia ghép lại làm một, thì sẽ không thấy rõ được một điểm quan trọng là : trong quá trình lịch sử của một quốc gia, vấn đề đấu tranh cho sự thống nhất của quốc gia ấy không bao giờ bị hạn chế, về không gian cũng như về thời gian, bởi sự thành hình
https://thuviensach.vn
sớm muộn, rộng hẹp của các nền cộng đồng lãnh thổ của các dân tộc trong quốc gia đó.
Ở Việt-nam, người Kinh, theo ý kiến ông bạn Trần Huy-Liệu, thì từ thế kỷ 18 lại đây mới thành hình dân tộc, mới có cộng đồng lãnh thổ. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng không phải vì thế mà từ trước thế kỷ 18, tổ tiên chúng ta, đa số cũng như thiểu số, không có nhiệm vụ đấu tranh cho sự thống nhất lãnh thổ của Tổ quốc ? Những việc làm như đòi đất Quảng Nguyên bị nhà Tống cướp mất ở thế kỷ 11, hoặc những cuộc đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ đất nước được toàn vẹn ở các thời Lê Hoàn, Lý Thường-Kiệt, Trần Quốc-Tuấn, Lê Lợi v.v… Tất cả những cái đó không phải là những việc làm không có nghĩa lý của tổ tiên chúng ta.
3. Thế nào là cộng đồng sinh hoạt kinh tế ?
Cộng đồng sinh hoạt kinh tế là một yếu tố rất quan trọng. Một dân tộc thành hình bao giờ, sớm hay muộn là do yếu tố này quyết định.
Làm thế nào để biết được rằng đã có cộng đồng sinh hoạt kinh tế ?
Thị trường dân tộc là cái tiêu chuẩn để nhận định nền cộng đồng sinh hoạt kinh tế. Cộng đồng sinh hoạt kinh tế biểu hiện ở thị trường dân tộc. Chưa có thị trường dân tộc thì chưa có cộng đồng sinh hoạt kinh tế và dân tộc cũng chưa thành hình.
Cái điều kiện tiên quyết và tất yếu để đưa tới sự thành hình thị trường dân tộc là sự phân công sản xuất giữa các khu vực và các ngành hoạt động kinh tế.
« Trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, một vài kinh doanh, một vài khu vực trong nước trở thành chuyên môn hóa trong một vài ngành sản xuất. Thí dụ : ở khu vực có quặng sắt thì người ta chuyên làm đồ kim khí, ở khu vực khác có nhiều đồng cỏ thì người ta lấy nghề chăn nuôi làm chính. Sự chuyên môn hóa ấy làm nẩy ra cái yêu cầu đổi trác, nẩy ra sự cần
https://thuviensach.vn
thiết giao thương, người ta cần đến những cái mà người ta không tự sản xuất được. Người ta đem những thứ làm ra đổi lấy những thứ không làm ra. Với sự phát triển của tư bản chủ nghĩa, kỹ thuật tiến bộ rất nhanh… Công nghiệp phát triển, thành thị và thị dân tăng tiến nhiều về số lượng, những cái đó đòi hỏi sự nâng cao mức sản xuất nông nghiệp, sự tăng cường hoạt động thương nghiệp và sự tiếp xúc giữa các miền. Thành thị trở thành những trung tâm kinh tế thương mại và văn hóa, nó hấp dẫn nhân dân nông thôn. Tất cả những cái đó tất nhiên đưa tới sự giải thể của chế độ phong kiến cát cứ, sự phát triển quan hệ kinh tế giữa các khu vực, sự tập hợp những thị trường địa phương lại thành thị trường dân tộc ». 10
Như vậy là phải có sự phân công sản xuất giữa các khu vực rồi mới thành hình thị trường dân tộc. Thị trường dân tộc khi đã thành hình thì như thế nào ? Làm thế nào nhận định được rằng thị trường dân tộc đã thành hình ?
Có người chỉ căn cứ và các trạng thái kinh tế hàng hóa tương đối phát triển, sự buôn bán tương đối thịnh vượng mà đoán định rằng tư bản chủ nghĩa đã nảy mầm, thị trường dân tộc đã xuất hiện. Nhận định đơn thuần như thế, rất có thể không đúng với sự thật. Bởi vì kinh tế hàng hóa đã có từ thời nô lệ, sự buôn bán, mậu dịch ở các thời nô lệ, và phong kiến thịnh kỳ, cũng đã có nhiều lúc thịnh vượng phát đạt. Ở thời kỳ nô lệ Hy-lạp, La-mã, hoặc ở thời phong kiến thịnh kỳ như Đường, Tống (Trung-quốc) nền kinh tế hàng hóa đã phát triển, sự buôn bán, mậu dịch ở trong nước và với ngoại quốc đã thịnh vượng, sầm uất ; có lẽ còn phát triển, thịnh vượng hơn so với nền kinh tế của Việt-nam dưới sự kìm hãm của tư bản đế quốc Pháp trước đây. Nhưng không phải vì thế mà ta đoán đỉnh rằng ở Việt-nam trước đây mươi năm, dân tộc Kinh chưa thành hình, mà, dân tộc Hán (Trung-quốc) đã thành hình từ thời Đường, Tống, hoặc các dân tộc Hy-lạp, La-mã dã thành hình từ trong thời nô lệ. Thực ra kinh tế hàng hóa chưa phải là tư bản chủ nghĩa, mặc dầu nó đã bao gồm ít nhiều yếu tố tư bản. Chỉ khi nào thị trường
https://thuviensach.vn
dân tộc xuất hiện thì tư bản chủ nghĩa mới nảy mầm và dân tộc mới thành hình.
Thị trường dân tộc, trước hết khác với thị trường địa phương. Lê-nin nói : « Trước thời kỳ tư bản, hương thôn là đầu mối của thị trường địa phương. » 11
Thị trường địa phương là nơi mua bản những vật phẩm thường dùng hàng ngày giữa người địa phương với nhau. Những thị trường ấy, đôi khi cũng thịnh vượng. Sự thịnh vượng ấy không phải là do sự phát triển giao thương của nhân dân, mà là do bọn phong kiến cần mua những của ngon vật lạ, những xa xỉ phẩm ở các nơi. Sự thịnh vượng như thế đã có từ thời nô lệ ở Âu châu. Nó không dẫn tới sự thành hình thị trường dân tộc.
Trái lại, thị trường dân tộc có một phạm vi rộng rãi trong toàn quốc. Nó là nơi mua bán trao đổi sản phẩm, nguyên liệu, giữa các địa phương với nhau, mà không phải chỉ trong nội bộ một địa phương.
Thị trường dân tộc bao gồm ba mặt hoạt động, hoặc nói một cách khác, bao gồm 3 loại thị trường :
1) Thị trường mua bán sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp. 2) Thị trường thuê bán sức lao động nông nghiệp.
3) Thị trường mua bán tư liệu sản xuất nông nghiệp.
Thiếu một trong 3 mặt đó thì chưa thành thị trường dân tộc. Thị trường mua bán sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp phát triển tới mức độ tạo thành thị trường dân tộc là khi mà sức sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đã đạt tới một giai đoạn phát triển nhất định. Giai đoạn phát triển ấy là, về công nghiệp, những phương thức sản xuất giản đơn hợp tác (coopération simple) và những công trường thủ công (manufacture) đã xuất hiện 12và về nông nghiệp, thì sự chuyên môn hóa từng ngành, từng địa phương đã rõ rệt,
https://thuviensach.vn
sự sản xuất có tính chất để buôn bán, trao đổi với mọi nơi, chứ không phải chỉ để tự cấp tự túc.
Về nông nghiệp chuyên môn hóa, Lê-nin đã giải thích : « Dưới chế độ tư bản, nông nghiệp biến thành một ngành kinh tế hàng hóa, do đấy sáng lập nên những khu vực nông nghiệp chuyên môn hóa. » 13
Về nông nghiệp sản xuất có tính chất để buôn bán, Lê-nin cũng phân tích rất rõ cái tác dụng vô cùng quan trọng của nó. Lê-nin nói :
« Sự phát triển của nền nông nghiệp sản xuất có tính chất để buôn bán tạo thành thị trường dân tộc :
1) Sự chuyên môn hóa nông nghiệp dẫn tới sự trao đổi giữa các khu vực nông nghiệp, giữa các ngành nông nghiệp và giữa các loại sản phẩm nông nghiệp ;
2) Nông nghiệp càng bị lôi cuốn vào sự lưu thông hàng hóa, thì sự đòi hỏi chế tạo sản phẩm công nghiệp để thỏa mãn nhu cầu hàng ngày của nông dân lại càng cao ;
3) Nhu cầu về tư liệu sản xuất cũng tăng mạnh, bởi vì với những nông cụ thô sơ không thể tiến hành nông nghiệp có tính chất thương mại được ;
4) Nhu cầu về sức lao động cũng được đặt ra, vì sự thành hình các tầng lớp cố nông và các phường các đội thợ làm thuê về nông nghiệp là cái tiền đề tất yếu của sự thành hình các giai cấp tiểu tư sản ở nông thôn, và của sự chuyển hướng của giai cấp địa chủ sang kinh tế tư bản chủ nghĩa. » 14
Theo nhận định của Lê-nin, nền nông nghiệp sản xuất có tính chất để buôn bán, mở đường cho sự phân công sản xuất ở các khu vực, thúc đẩy sự chuyên môn hóa về nông nghiệp, làm phát triển thương nghiệp, công nghiệp, tạo nên thị trường mua bán công cụ sản xuất và thị trường thuê bán sức lao động. Tóm lại nền nông nghiệp sản xuất có tính chất để buôn bán
https://thuviensach.vn
có một tác dụng quyết định đối với sự thành hình thị trường dân tộc và sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản.
Cho nên khi nghiên cứu sự thành hình dân tộc, và nghiên cứu sự nẩy mầm tư bản chủ nghĩa, chúng ta phải đặc biệt chú trọng đến nền nông nghiệp sản xuất có tính chất để buôn bán cũng như chú trọng đến sự xuất hiện phương thức hợp tác giản đơn và các công trường thủ công.
4. Thế nào là cộng đồng tâm lý ?
Nhà sử học V. Kozlov đã phân tích :
« Tâm lý dân tộc thể hiện trước hết là trong nền văn hóa của dân tộc : trong những đặc thù dân tộc về văn học, về âm nhạc v.v… Ai cũng biết rằng điệu hát của nhân dân thế giới đều có những điểm riêng biệt khác nhau, do sự khác nhau về dân tộc quyết định. Tức như những điệu hát Nga thì dịu dàng thánh thót và đượm màu mơ mộng, điệu hát Mon-đa-vơ thì cao vút, rồn rập, nhưng du dương v.v… Những cái đó là đặc thù văn hóa, nó biểu lộ tâm lý dân tộc đã thành hình.
« Tâm lý dân tộc còn phản ánh những điều kiện sinh hoạt của dân tộc. Tâm lý ấy thành hình trong một quá trình cùng chung sống, cùng đoàn kết đấu tranh lâu dài của những người nói cùng một thứ tiếng và sinh tồn trên cùng một lãnh thổ. Tức như người Nga chẳng hạn, nền tâm lý của dân tộc lớn ấy đã được thành hình qua nhiều thế kỷ và những nét đặc sắc của nó là thông minh sáng suốt, quả cảm và nhiều nghị lực vượt khó khăn. » 15
Khi nghiên cứu sự thành hình dân tộc, nếu chỉ nêu lên riêng lẻ một bài thơ, vài câu ca dao hoặc mấy chuyện cổ tích, thì chưa đủ để nhận định về cộng đồng tâm lý của dân tộc. Hoặc như một nhà sử học Trung-quốc khi nghiên cứu sự thành hình dân tộc Hán, đã cho rằng : lòng sùng bái tổ tiên và đạo hiếu là cộng đồng tâm lý của dân tộc Hán. Nhận định như thế có phần phiến diện. Vì lòng sùng bái tổ tiên và đạo hiếu chỉ là những biểu hiện của ý
https://thuviensach.vn
thức hệ phong kiến, tức ý thức hệ của giai cấp thống trị, chứ chưa phải là tâm lý cộng đồng của toàn dân tộc.
*
Trên đây là ít điều cơ bản về những yếu tố cấu thành một dân tộc. Và như thế, một dân tộc theo định nghĩa của Sta-lin khòng phải là một quốc gia, hoặc khối nhân dân trong một quốc gia. Quốc gia có thể chỉ bao gồm một dân tộc và cũng có thể bao gồm nhiều dân tộc. Nước Việt-nam là một quốc gia đa dân tộc. Danh từ « Việt-nam » vừa dùng làm tên quốc gia, vừa dùng làm tên dân tộc Kinh (đa số). Danh từ « dân tộc » vừa dùng để chỉ khối toàn dân trong quốc gia, vừa để chỉ dân tộc theo định nghĩa của Sta lin. Cho nên khi nghiên cứu sự thành hình các dân tộc ở Việt-nam, mà không nói rõ là dân tộc nào, thì e không được chính xác và dễ đưa đến sự lẫn lộn quốc gia với dân tộc.
https://thuviensach.vn
II. NHỮNG ĐIỀU KIỆN XÃ HỘI QUYẾT ĐỊNH SỰ THÀNH HÌNH DÂN TỘC
Dân tộc không phải là với bất cứ những điều kiện xã hội nào cũng có thể xuất hiện được. Nó chỉ xuất hiện khi nào có mầm tư bản chủ nghĩa xuất hiện. Trước thời tư bản, chưa có dân tộc, mà chỉ có bộ tộc và thị tộc. Về sự khác nhau giữa dân tộc, bộ tộc, thị tộc, trong một dịp khác tôi sẽ trình bày thêm. Ở đây tôi chỉ nhắc lại cái nhận định thống nhất của Sta-lin và của các nhà sử học Liên-xô là : con người tập hợp lại thành thị tộc trong thời nguyên thủy, thành bộ tộc trong thời nô lệ và phong kiến, và chỉ từ thời tư bản chủ nghĩa xuất hiện mới tập hợp thành dân tộc.
Sta-lin đã nói : « Trước khi chưa có chủ nghĩa tư bản thì không có và cũng không thể có dân tộc ». Bởi vì « Dân tộc là một phạm trù lịch sử của một thời kỳ nhất định : thời kỳ chủ nghĩa tư bản đi lên. » 16
Thời kỳ chủ nghĩa tư bản đi lên (capitalisme ascendant) là thời kỳ nào ? Trước hết nó không phải là thời kỳ chủ nghĩa tư bản đã phát đạt, có cơ khí làm công cụ sản xuất chủ yếu. Ở Nga, cuối thế kỷ 18 mới có cơ khí, mà dân tộc Nga đã bắt đầu thành hình từ thế kỷ 15, tức là dân tộc Nga thành hình trước khi Nga có cơ khí khoảng hơn 300 năm.
Cái thời kỳ tư bản chủ nghĩa đi lên và dân tộc thành hình ấy, theo Sta lin tức là : « Cái quá trình tan rã của chế độ phong kiến và phát triển của chủ nghĩa tư bản, cũng đồng thời là cái quá trình hợp thành dân tộc của con người. » 17
Như vậy dân tộc bắt đầu thành hình về cuối thời phong kiến khi mà chủ nghĩa tư bản bắt đầu phát sinh.
Đó là trường hợp thành hình dân tộc ở Tây phương tại những nước chỉ có một dân tộc. Trái lại ở Đông phương, tại những quốc gia đa dân tộc, một dân tộc lớn trong quốc gia đó, có thể thành hình trong những điều kiện xã
https://thuviensach.vn
hội mà chế độ phong kiến còn chưa tan rã và chủ nghĩa tư bản phát sinh còn rất yếu ớt, dân tộc lớn ấy có thể tập hợp những bộ tộc hãy còn bị kìm hãm trong vòng lạc hậu để lập thành một quốc gia đa dân tộc thống nhất. 18
Như vậy tức là ở các nước đa dân tộc Đông phương, dân tộc có thể thành hình trong những điều kiện xã hội mà chế độ phong kiến còn hùng hậu chưa tan rã, chủ nghĩa tư bản mới hé mầm, khác với các dân tộc ở Tây phương phần nhiều thành hình trong những điều kiện xã hội mà chế độ phong kiến đã ở thời kỳ đương tan rã và chủ nghĩa tư bản đương phát triển.
Riêng đối với các nước thuộc địa và bán thuộc địa, xã hội mang tính chất vừa phong kiến vừa thực dân, chế độ phong kiến còn duy trì, kinh tế tư bản bị kìm hãm, nền kinh tế chủ yếu vẫn là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, thì tư bản chủ nghĩa đã nẩy mầm chưa ? dân tộc đã thành hình chưa ? Ảnh hưởng tư bản chủ nghĩa của các nước đế quốc có giữ một vai trò quyết định trong sự phát triển chủ nghĩa tư bản và thành hình dân tộc ở các nước thuộc địa và bán thuộc địa ấy không ?
Những vấn đề này phải tùy hoàn cảnh cụ thể của từng nước mà nhận định. Nhưng có hai điều đáng được lưu ý là :
1) Các nước thuộc địa và bán thuộc địa không nhất thiết phải chờ đến lúc đế quốc chủ nghĩa xâm nhập thì chủ nghĩa tư bản mới xuất hiện và dân tộc mới thành hình.
2) Sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản và thành hình dân tộc là do những điều kiện phát triển nội tại của xã hội nước đó quyết định. Ảnh hưởng của tư bản ngoại quốc chỉ giữ một vai trò rất thứ yếu. Những ảnh hưởng ngoại lai ấy có thể giúp thêm cho sự phát triển đẩy mạnh lên, nhưng cũng nhiều khi nó kìm hãm ngăn cản sự phát triển ấy.
Xã hội Trung-quốc trước đây cũng là xã hội bán phong kiến bán thực dân. Khi nghiên cứu xã hội Trung-quốc, Mao Chủ tịch đã chỉ rõ : « Trong xã hội phong kiến Trung-quốc, nền kinh tế hàng hóa đã phát triển, chủ
https://thuviensach.vn
nghĩa tư bản đã nẩy mầm. Nếu không bị ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản nước ngoài thì Trung-quốc cũng đã dần dần phát triển thành xã hội tư bản chủ nghĩa. » 19
Tóm lại, chúng ta thấy rằng trước khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện, dân tộc chưa thể thành hình.
https://thuviensach.vn
III. QUÁ TRÌNH THÀNH HÌNH DÂN TỘC
Sự thành hình dân tộc không phải một lúc mà nên. Nó phải qua một quá trình lâu dài, tức là cái quá trình phát sinh, phát triển và hoàn thành của nó. Thí dụ như ở Anh, quá trình thành hình dân tộc Anh bắt đầu từ cuối thế kỷ 15 và hoàn thành ở thế kỷ 17, khi cách mạng tư sản Anh thành công. 20
Cái quá trình thành hình dân tộc lâu dài hay nhanh chóng là do cái quá trình tan rã chế độ phong kiến và phát triển chủ nghĩa tư bản quyết định.
Sta-lin không những đã chỉ rõ : dân tộc thành hình phải qua một quá trình mà còn phân tích kỹ thêm rằng cái quá trình ấy gồm có 3 giai đoạn : giai đoạn thấp, giai đoạn vừa và giai đoạn cao.
Dân tộc thành hình tới giai đoạn cao thí dụ như dân tộc Ác-mê-ni (ở Liên-xô) trước Cách mạng tháng 10, công nghiệp đã chiếm tới 21.7% trong nền kinh tế quốc dân. Trong đó công nghiệp đúc đồng đã chiếm tới 59% tổng số sản lượng công nghiệp, đường giao thông hỏa xa đã có, tư bản lũng đoạn đã chiếm địa vị thống trị trên nền kinh tế.
Dân tộc thành hình tới giai đoạn vừa như Kiếc-ghi-dơ trước Cách mạng tháng 10, chỉ có 2 xưởng thuộc da nhỏ và tất cả chừng 50 thủ công công trường thuộc các nghề, đường sắt cũng đã có.
Dân tộc thành hình mới tới giai đoạn thấp như một dân tộc ở Liên-xô – tiếng Trung-quốc dịch là Xích-thành – trước Cách mạng tháng 10, nền tư bản thương mại ở đây chỉ tương đối phát triển và chỉ mới có được một xí nghiệp lớn là xí nghiệp lọc dầu hỏa. 21
Sta-lin còn chỉ rõ cái quá trình thành hình dân tộc trên đây chỉ mới là cái quá trình thành hình dân tộc trong thời cận đại, trong chế độ tư bản, tức quá trình thành hình dân tộc tư sản (do giai cấp tư sản lãnh đạo), mà còn quá trình thành hình dân tộc trong thời hiện đại, trong chế độ xã hội chủ nghĩa (do giai cấp vô sản lãnh đạo). Như vậy, có thể nói là có hai loại dân
https://thuviensach.vn
tộc : một là dân tộc tư sản trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản đi lên, hai là dân tộc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa xuất hiện. Thí dụ : dân tộc Nga hiện nay là dân tộc xã hội chủ nghĩa, mà dân tộc Anh, dân tộc Mỹ, dân tộc Nhật và hầu hết các dân tộc Tây Âu hiện nay đều là dân tộc tư sản. Sta lin và các nhà sử học Liên-xô đã phân tích kỹ sự cấu tạo và những tính chất khác biệt giữa hai loại dân tộc này.
https://thuviensach.vn
IV. ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN CỦA CÁC DÂN TỘC
Bởi những điều kiện xã hội khác nhau, bởi những giai đoạn thành hình khác nhau, cho nên sự phát triển của các dân tộc thường có những điểm khác nhau.
Những đặc điểm phát triển của các dân tộc đại khái như sau :
1) Có những dân tộc tư sản như dân tộc Anh bắt đầu thành hình dân tộc từ cuối thế kỷ 15, hoàn thành quá trình thành hình ấy từ thế kỷ 17 và cho đến nay vẫn là dân tộc tư sản.
2) Có những dân tộc tư sản như dân tộc Nga, hoàn thành là một dân tộc từ thế kỷ 17, đến nay đã là dân tộc xã hội chủ nghĩa. Cái quá trình chuyển biến thành dân tộc xã hội chủ nghĩa bắt đầu từ sau cách mạng tháng 10.
3) Có những dân tộc ở Liên-xô, trước Cách mạng tháng 10 đã thành hình dân tộc, nhưng chưa hoàn thành quá trình thành hình dân tộc tư sản, thì sau Cách mạng tháng 10 chuyển thẳng sang dân tộc xã hội chủ nghĩa, mà không có cái thời kỳ gọi là dân tộc tư sản, thí dụ : dân tộc U-dơ-bếch. Nhà sử học Liên-xô Va-kha-pốp, trong bài bàn về sự thành hình dân tộc tư sản U-dơ-bếch đã nhận định :
« Trước Cách mạng tháng 10, dân tộc U-dơ-bếch đã bắt đầu thành hình, nhưng chưa đạt tới giai đoạn hoàn thành một dân tộc tư sản. Quá trình thành hình dân tộc U-dơ-bếch mãi tới sau Cách mạng tháng 10, dưới điều kiện chính quyền Xô-viết mới hoàn thành, và nó hoàn thành là một dân tộc xã hội chủ nghĩa, chứ không phải dân tộc tư sản ». 22
4) Có những dân tộc thành hình theo con đường hoàn toàn phi tư bản chủ nghĩa, tức là chuyển thẳng từ bộ tộc sang dân tộc xã hội chủ nghĩa. Đó là trường hợp của các dân tộc A-déc-bai-gian, Ba-sơ-kia v.v…
https://thuviensach.vn
5) Có những cộng đồng người, cho đến nay vẫn chưa trở thành dân tộc, vẫn còn trong trạng thái bộ tộc, bị kìm hãm dưới chế độ tư bản. Đó là trường hợp khá phổ biến ở các xứ thuộc địa của các nước đế quốc.
6) Cũng có những bộ tộc đã là bộ tộc từ trước Cách mạng tháng 10. Đến sau Cách mạng tháng 10, dưới chế độ Xô-viết và với hơn 30 năm xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa mà đến nay vẫn còn là bộ tộc, nhưng là bộ tộc xã hội chủ nghĩa. Đó là trường hợp của một số bộ tộc ở Liên xô, như bộ tộc An-tai, cộng đồng kinh tế và cộng đồng lãnh thổ đã thành hình một cách ổn định, nhưng vẫn chưa trở thành dân tộc, vì ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc An-tai mới còn ở thời kỳ xây dựng và bắt đầu phát triển. 23
Mỗi dân tộc thành hình và phát triển đều có ít nhiều đặc điểm riêng biệt của nó. Ở đây, tôi chỉ nêu lên 1 số trường hợp như trên làm thí dụ để góp thêm ý kiến vào công cuộc nghiên cứu sự thành hình các dân tộc ở Việt-nam của chúng ta, mà không có ý đi sâu và cũng không thể đi sâu vào hết thảy mọi trường hợp, mọi đặc điểm phát triển của các dân tộc.
Sự thành hình các dân tộc ở Việt-nam, ngoài con đường phát triển chung của các dân tộc, chắc chắn cũng có những đặc điểm riêng của nó, do những điều kiện riêng biệt của xã hội Việt-nam quyết định.
*
Trên đây là ít nhiều nhận thức tôi học hỏi được trong khi nghiên cứu các tài liệu bàn về sự thành hình dân tộc của các đồng chí Lê-nin, Sta-lin và các nhà sử học Liên-xô, Trung-quốc. Những điều học hỏi này chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Tôi đem nó trình bày sơ lược ở đây mong góp được một phần nào vào công cuộc nghiên cứu hiện nay của chúng ta về sự thành hình các dân tộc ở Việt-nam, và mong sẽ được các bạn bổ cứu.
10-1955
NGUYỄN LƯƠNG-BÍCH
https://thuviensach.vn
NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC CỦA VĂN HỌC (Tiếp theo và hết)
https://thuviensach.vn
IV. VĂN HỌC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC VÀ NHÂN DÂN
Nếu văn học bao giờ cũng biểu hiện một quan điểm giai cấp, chúng ta cần phải giảng giải tại sao, cùng một lúc, nó lại có thể có tính chất dân tộc được. Ở đây, những tác phẩm của Sta-lin có thể giảng giải vấn đề đó.
Ai cũng biết định nghĩa của Sta-lin về dân tộc : Dân tộc là một khối người cộng đồng ổn định, thành lập trong quá trình lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ, về sinh hoạt kinh tế và về cấu tạo tâm lý biểu hiện trong cộng đồng văn hóa. Dân tộc không phải là một phạm trù nhân chủng, mà là một phạm trù lịch sử của một thời đại nhất định, thời đại chủ nghĩa tư bản đang lên 24.
Và Lê-nin định rõ : Trên thế giới, trong thời kỳ thắng lợi quyết định của chế độ tư bản chủ nghĩa đối với chế độ phong kiến, đồng thời diễn ra những phong trào dân tộc. Muốn cho sự sản xuất hàng hóa được thắng lợi hoàn toàn, cơ sở kinh tế của những phong trào ấy là giai cấp tư sản cần phải chinh phục được thị trường trong nước : những địa phương mà nhân dân nói cùng một thứ tiếng cần phải tập hợp thành quốc gia và phải gạt ra mọi trở lực có tính chất ngăn cản sự phát triển của tiếng nói ấy và sự thừa nhận tiếng nói ấy bằng một nền văn học. 25
Như vậy, văn học là một trong những công cụ giúp cho sự thành hình một dân tộc : vai trò của nó là quy định tiếng nói của dân tộc và thống nhất tiếng nói ấy, biểu hiện sự cộng đồng văn hóa.
Sự cộng đồng văn hóa tự xây dựng trên những cơ sở đã có trong dân gian, trước khi dân tộc thành hình. Đối với những yếu tố có năng lực tiềm tàng và tản mát, văn học cung cấp cho một lối diễn tả mạnh, vững và thống nhất. Có lẽ nhiệm vụ trọng yếu của khoa học về văn học là chỉ dẫn cho người ta thấy, ở nước Pháp chẳng hạn, từ thời có Bài ca Rô-lăng đến thời
https://thuviensach.vn
Tao đàn, những yếu tố cấu thành một nền văn hóa dân tộc đã biểu hiện dần dần như thế nào qua các tài liệu văn học của thời đại Trung cổ.
Sta-lin đã chỉ cho chúng ta biết sức chống đối phi thường của tính chất dân tộc 26(cộng đồng bền vững). Cho nên, không chỉ trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa của lịch sử nhân loại, mà còn trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa, văn học vẫn giữ một tính chất dân tộc.
Nội dung vô sản, hình thức dân tộc, đó là văn hóa chung của tất cả nhân loại, cái hướng mà chủ nghĩa xã hội đang tiến tới. Văn hóa vô sản không phế trừ văn hóa dân tộc, nó cho văn hóa dân tộc một nội dung. Và ngược lại, văn hóa dân tộc cũng không phế trừ văn hóa vô sản, nó cho văn hóa vô sản một hình thức 27.
Không một sự giảng giải một tác phẩm nào có giá trị, nếu nó không chú ý đến truyền thống dân tộc mà tác phẩm ấy liên quan đến. Nhà văn giải quyết những vấn đề mà vị trí giai cấp của họ đặt ra cho họ, nhờ ở những công cụ họ tự tạo lấy ; nhưng bao giờ họ cũng nương tựa vào những công cụ mà truyền thống văn hóa và văn học của nước họ cung cấp cho họ.
Để thừa nhận truyền thống văn hóa ấy, nhà phê bình mác-xít phải căn cứ vào thuyết của Lê-nin nói về sự đấu tranh của hai thứ văn hóa trong lòng văn hóa dân tộc ở tất cả những xã hội có giai cấp. Chính thuyết ấy làm kim chỉ nam cho họ.
Lê-nin dạy rằng : Trong mỗi văn hóa dân tộc, đều có những yếu tố của một nền văn hóa dân chủ và xã hội, ngay khi nó chưa phát triển mấy, vì trong mỗi dân tộc đều có quần chúng lao động và bị bóc lột mà nhũng điều kiện sinh hoạt không thể không biểu hiện một ý thức dân chủ và xã hội. Nhưng ở mỗi dân tộc lại có một nền văn hóa tư sản (trong nhiều trường hợp, nó có tính chất cực kỳ phản động và có tính chất tăng lữ), không phải dưới hình thái những yếu tố, mà dưới hình thái một nền văn hóa thống trị.
https://thuviensach.vn
Sau đó, Sta-lin dạy thêm rằng : Lê-nin công nhận sự tồn tại của hai văn hóa trong chế độ tư bản, văn hóa tư sản và văn hóa vô sản. Khẩu hiệu văn hóa dân tộc dưới chế độ tư bản là một khẩu hiệu có tính chất dân tộc.
Những tài liệu trên này chứng tỏ một cách rõ ràng rằng không phải là giai cấp công nhân nhận lấy tất cả di sản dân tộc. Trong văn học sử, cần phải phân biệt cái gì bênh vực cho ký vãng, đó là cái thuộc thượng tầng kiến trúc của một chế độ đấu tranh để tồn tại, và ở mặt khác lại có cái nó tiêu biểu cho những quyền lợi của giai cấp đang lên, trong chừng mực nó thích hợp với những quyền lợi của giai cấp bị bóc lột. Nói một cách khác : ở di sản dân tộc, chúng ta chỉ giữ lại những cái gì tiến bộ.
Về điều đó, chúng ta phải bênh vực, đó là một lãnh vực trọng yếu của mặt trận lý tưởng.
Giai cấp vô sản có thể đảm đương những giá trị nhân loại, vì hiện nay giai cấp vô sản phải gánh lấy trách nhiệm về nhân loại và vì nó đang thực hiện sự tự cải tạo hoàn toàn con người. Với sự kiểm điểm lại, nó phải nhận lấy cái di sản mà giai cấp tư sản đã trút bỏ, hay đã để bị phá phách ; vì giai cấp tư sản đã tự gạt mình ra khỏi cuộc sinh hoạt của dân tộc.
Công việc ấy ngày nay càng cần thiết hơn nữa, vì đế quốc Mỹ, nhằm thống trị thế giới, đang muốn bóp nghẹt những văn hóa dân tộc, làm cho các dân tộc không còn bản chất của mình, hòng phá tan sự chống đối của các dân tộc.
Bây giờ giai cấp tư sản đem những quyền lợi và độc lập của dân tộc để đổi lấy những đồng đô-la Mỹ. 28
Ngày nay truyền bá và giảng luận tác phẩm của các nhà văn cổ điển trứ danh trong văn giới Pháp, tức là tăng cường ở dân tộc ta cái ý thức mà dân tộc ta vốn đã có về đặc điểm của văn hóa Pháp. Như vậy là đấu tranh một cách có hiệu quả đối với những sự hăm dọa chia rẽ của chủ nghĩa siêu quốc giới của Mỹ.
https://thuviensach.vn
Trái lại, có một lối so sánh khác rắp đem hòa văn hóa Pháp vào một thứ văn hóa Âu châu mờ mịt, mà biên giới có khi chỉ rõ về phía Đông, gắn liền với « rèm sắt ». Riêng đối với lối văn học so sánh, chúng tôi không có ý kiến gì chống đối. Ai lại đi phủ nhận những ảnh hưởng qua lại giữa những văn học dân tộc. Đó là những sự việc khách quan và nghiên cứu một cách có khoa học. Đã có nhiều nhà tìm tòi theo hướng ấy và đã làm được những việc nghiên cứu có giá trị. Nhưng văn hóa dân tộc chỉ có thể tiếp thu được của ngoại quốc những cái gì mà tinh thần dân tộc có thể thâu thái được, nghĩa là tiếp thu những điều ích lợi để giải quyết những nhiệm vụ mà lịch sử đặt ra cho dân tộc. Có hai thứ văn hóa :
1) Một thứ văn hóa thế giới tiến triển không ngừng, và nó chỉ hết được ý nghĩa của nó ở xã hội xã hội chủ nghĩa ;
2) Những văn học dân tộc, mỗi thứ có những nét đặc biệt.
Giữa hai thứ ấy, chỉ có những ý niệm xảo trá, phục vụ cho chủ nghĩa đế quốc của Mỹ. 29
Những nhà tuyên truyền đúng đắn không khỏi bảo chúng tôi là những người yêu nước thiên lệch. Nhưng nhận định sự độc lập của các văn hóa dân tộc, tức là thiết thực chuẩn bị cho những văn hóa ấy được gần nhau. Đa-nốp (Jdanov) đã chứng tỏ, khi bàn luận về âm nhạc :
Người ta không thể nào là một nhà nghệ sĩ quốc tế về âm nhạc, cũng như về các môn khác, mà không phải là một người ái quốc chân chính đối với tổ quốc. Nếu căn bản chủ nghĩa quốc tế là sự tôn trọng các dân tộc, thì người ta không thể nào trở nên một nhà quốc tế nếu không tôn trọng và không yêu mến dân tộc mình. 30.
Lẽ tự nhiên là chế độ xã hội chủ nghĩa làm cho các văn hóa dân tộc gần nhau, mục đích để sau này hòa cùng nhau : Không thể nào xảy ra sự đấu tranh giữa các văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và có tính chất xã
https://thuviensach.vn
hội về nội dung, mà chỉ có thể có sự gần gũi, ảnh hưởng qua lại và hòa cùng nhau.
Vậy những yếu tố gì đã cấu tạo truyền thống văn học dân tộc.
Trước hết là tiếng nói, yếu tố thứ nhất của văn nghệ với những phương tiện diễn đạt độc đáo ; thứ hai là nhiệm vụ nhà ngữ ngôn học là phải nhận định cho rõ những đặc tính của tiếng Pháp.
Lại còn những thể văn, có lẽ không vững bằng tiếng nói, nhưng nó cũng thuộc vào truyền thống dân tộc.
Đến những đề tài phản ánh những điều đặc biệt về sinh hoạt của dân tộc, cách ăn ở, sử dụng, tính chất tâm lý dân tộc. Trong phạm vi bài này, chúng tôi không thể định nghĩa rõ được những cái nó cấu tạo tính chất dân tộc Pháp. Chúng tôi đành căn cứ vào mấy điều chỉ đạo về phương pháp, mà theo ý chúng tôi, khoa học về văn học cần phải theo.
Trong khi nghiên cứu những hình thức đấu tranh giai cấp ở xã hội nước ta, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa sự cấu tạo truyền thống dân tộc. Như vậy, có thể tránh được những công thức trừu tượng, những sáo ngữ chung chung, những lối giảng giải có tính chất chủng tộc.
Hơn hết là chúng ta phải căn cứ vào tinh thần những thuyết của Mác và Ăng-ghen : Nước Pháp là một nước mà mỗi lần có những cuộc đấu tranh giai cấp, thì đã diễn ra nhiều hơn cả mọi nơi khác, cho đến khi có sự quyết định hoàn toàn : do đó, trong những hình thái chính trị đổi thay, những hoạt động và những kết quả của các cuộc đấu tranh giai cấp đã thể hiện một cách rõ rệt. Là trung tâm của chế độ phong kiến vào thời trung cổ, rồi từ thời đại Phục hưng lại là một nước cổ điển về quân chủ thể tập, nước Pháp đã tiêu diệt chế độ phong kiến trong cuộc Đại cách mạng và đã gây cho chế độ thống trị của giai cấp tư sản một tính chất tinh vi cổ điển mà không một nước nào ở châu Âu có được. Cả đến cuộc đấu tranh của giai
https://thuviensach.vn
cấp vô sản cách mạng đối với giai cấp thống trị ở Pháp cũng có những hình thức sâu sắc, mà các nước khác không có. 31
Do đó, nước Pháp là một nước mà các loại văn và các văn phái đã tới được sự tinh vi nhất về cổ điển : vào các thời trung cổ, Phục hưng, vào các thế kỷ XVII, XVIII, với triết học về chân lý đầu thế kỷ XIX, với chủ nghĩa hiện thực phê bình của Stăng-đan và Ban-zắc (Stendhal, Balzac). Ở mỗi thời đại, các nhà văn và các nhà tư tưởng Pháp đã làm toát ra ở những chủ nghĩa của họ tất cả những kết quả về lý tưởng và đã cố gắng cho nó có một giá trị phổ cập. Bởi vậy, tính chất phổ cập, có lẽ là một trong những đặc tính của văn hóa Pháp.
Trong những thời rất dài chống đối chế độ phong kiến, sự chống đối đã tiến hành cho đến khi kết thúc, giai cấp tư sản và nhân dân đã hoàn toàn tiêu diệt thượng tầng kiến trúc của chế độ ấy, và như vậy, đã in sâu vào văn hóa Pháp một tính chất duy lý luận. Việc đả phá chính sách ngu dân, theo lẽ phải, cũng thuộc vào truyền thống của chúng ta… Sự sáng suốt trong lối viết, trong cách diễn đạt cũng là vũ khí của những nhà đại tư tưởng Pháp. Nhà triết học có lương tri cũng là nhà triết học có những ý kiến sáng suốt và rõ ràng… Sự sáng suốt là một hình thức mà lý lẽ chiến đấu cần phải có.
Chính trên cơ sở những nét đặc biệt ấy của tính chất dân tộc mà hiện thời giai cấp tư sản đang muốn thi hành chính sách lừa phỉnh của chúng. Ở việc đả phá chính sách ngu dân, chúng đã rút ra một lối phản đối tầm thường giáo hội ; ở những ý nghĩ sáng suốt và rõ ràng, chúng đã rút ra một lối chống đối phương pháp biện chứng. Hay chúng chống đối công khai những truyền thống của ta, đem vào việc lừa phỉnh những điều vô nghĩa lý, điên cuồng. Nhưng nhân dân ta không nhận thấy bộ mặt chúng ở đó. Nhiệm vụ của việc phê bình theo quan điểm chủ nghĩa Mác là tố cáo những sản phẩm thiu thối đó, coi như những tác phẩm đã tự loại ra khỏi hàng ngũ văn hóa dân tộc Pháp.
https://thuviensach.vn
Về mặt khác, tài liệu của Ăng-ghen đã viết sau Ba-lê công xã. Từ đó đến nay, cuộc cách mạng Nga đã mở những chân trời mới. Cho đến bây giờ, chính ở Nga, giai cấp vô sản đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giai cấp có hiệu quả nhất. Và các nhà phê bình xô-viết đã chứng tỏ rất rõ : đó không phải nhờ may mắn mà có. Văn học cổ điển Nga vào thế kỷ XIX đã khác hẳn về chất lượng với các văn học phương Tây bởi tinh thần dân chủ, chủ nghĩa nhân đạo, sự giản dị nên thơ và chỉ nghĩa hiện thực phê bình của nó. Văn học ấy đã diễn tả, từ Púc-kin (Pouchkine), một cách rất trực tiếp những nguyện vọng của nhân dân chống đối chế độ phong kiến, mà đối với chế độ này, giai cấp tư sản đã đầu hàng.
Trái lại, ở Pháp, giai cấp tư sản thống trị đã gieo một ảnh hưởng phản động đối với những người tiểu tư sản làm công tác văn học. Sau những ông thầy danh tiếng về chủ nghĩa hiện thực phê bình, tuy có những văn phẩm kiệt tác (Huy-gô, Phơ-lô-be, Zô la, v.v…) ; nhưng văn học Pháp nói chung đã xuống dốc cho mãi đến lúc giai cấp vô sản thấy mình đã đủ sức để nắm lấy di sản dân tộc và làm cho nó lại nẩy nở. Theo ý chúng tôi, nói đến tính chất dân tộc của văn học, đồng thời cũng phải nói đến tính chất đại chúng của nó. Hai vấn đề này gắn liền với nhau.
Từ người nông dân Pháp vào thời trung cổ đến những người Phơ-răng tia-rơ 32năm 1944, qua những người cách mạng ở thế kỷ XVIII và những người trong Ba-lê công xã, đã có một truyền thống nhân dân về đấu tranh, hình thành một truyền thống dân tộc chính xác. Chính nhân dân đã xây dựng tiếng nói của dân tộc Pháp 33, chứ không phải các khách thính. Goóc ki đã nói : nhân dân là người đã sáng tạo và truyền bá tiếng nói. Nhân dân cũng là người sáng tạo ra những giá trị mà văn học đã làm rạng rỡ. Chỉ có nghiên cứu những điều kiện sinh hoạt của những người sản xuất những thứ về vật chất, đồng thời cũng là những người sáng tạo những giá trị về tinh thần, mới giảng giải được sự phát triển của văn hóa.
https://thuviensach.vn
Lẽ tự nhiên, mọi việc không đơn giản.
Có một số nhà văn diễn tả trực tiếp những nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Lại có một số khác, tuy không sát với nhân dân, nhưng do họ đứng trên quan điểm phê bình đối với những giai cấp bóc lột, nên họ đã giúp đỡ nhân dân một cách khách quan (như Ban-zắc). Chỉ từ khi giai cấp vô sản có tổ chức ra đời, và cũng có thể nói là từ khi có cuộc cách mạng Nga, vấn đề mới được rõ ràng. Ngày nay, không còn vấn đề đứng về phía nhân dân một cách vô ý thức nữa.
Như vậy, vấn đề tính chất đại chúng của văn học vượt lên rất xa vấn đề dân gian văn học. Cố nhiên, nghiên cứu ảnh hưởng của những sáng tác nghệ thuật ở ngay đại chúng, như các bài dân ca, các truyện cổ tích, phương ngôn tục ngữ, đối với tác phẩm của những tác giả trứ danh là một điều rất hay. Nhưng chúng ta cũng phải thận trọng. Vì không phải tất cả văn học dân gian đều tiến bộ. Chế độ người bóc lột người đã ảnh hưởng đến trí óc nhân dân đủ mọi ý tưởng phản động ; do đó, đối với văn học dân gian, mới có sự ngờ vực về sự phản ứng. Vậy theo ý chúng tôi, những cái gì phục vụ quyền lợi của nhân dân, giúp đỡ nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng, đều là những cái có tính chất đại chúng, nghĩa là tiến bộ. Văn học sử, nghiên cứu về phương diện đó, sẽ chỉ cho chúng ta thấy những quan hệ sâu sắc giữa những tác phẩm của các thi sĩ và tiểu thuyết gia nước ta, những người theo phương pháp hiện thực xã hội, với những yếu tố của nền văn hóa dân chủ của dân tộc Pháp, bắt rễ từ ký vãng xa xăm.
https://thuviensach.vn
V. HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG
Các nhà phê bình xô-viết nhấn mạnh vào lời chỉ giáo của Goóc-ki : Trong phạm vi sáng tạo truyền khẩu, sự dốt nát về tiếng nói bao giờ cũng là triệu chứng của một nền văn hóa kém và bao giờ cũng gắn liền với sự dốt nát về mặt tư tưởng. Bây giờ đã đến lúc phải hiểu điều đó 34.
Vậy trong việc phê bình theo quan điểm chủ nghĩa Mác, ta không nên coi thường việc nghiên cứu những hình thức nghệ thuật. Cũng nên công nhận rằng : ở điểm này, chúng ta còn chưa tiến bộ mấy.
Chúng ta lên án rất nghiêm khắc hình thức chủ nghĩa. Nhưng chủ nghĩa hình thức không phải là hết sức chủ ý nói cho hay. Không một nhà văn nào lại lo là văn mình viết hay quá, hay lo rằng mình thay đổi được quá nhiều các thức và phương tiện diễn tả. Hình thức chủ nghĩa tách rời hình thức khỏi nội dung. Nó không phải là quá yêu tiếng nói, mà trái lại, nó hủy hoại tiếng nói. Phá tan sự thống nhất của ngữ ngôn và tư tưởng, làm cho tiếng nói trở nên vô nghĩa, hình thức chủ nghĩa đã thóa mạ tiếng nói đến mức này là cùng : nói để mà không nói gì hết. Hình thức chủ nghĩa làm thương tổn cho sự phong phú của tiếng nói và đối với ngay bản thân hình thức, nó cũng có tội là làm cho hình thức mất hết mọi hiệu lực, nó đánh cắp mất chân lý của hình thức. Trái lại, chúng tôi nhận định rằng : trong một tác phẩm thành công, phải có sự thống nhất biện chứng của hình thức với nội dung là những thứ không thể xa lìa nhau được.
Trong bức thư ngày 29 tháng 6 năm 1950, Sta-lin có phê bình « một số nhà ngữ ngôn học đã say mê quá đáng đối với hình thức chủ nghĩa, coi thường tiếng nói, không nhận định tiếng nói là một « thực tế trực tiếp của tư tưởng » nó gắn liền với tư tưởng, nên họ đã tách rời tư tưởng khỏi tiếng nói »35.
https://thuviensach.vn
Trong ngữ ngôn học, chúng ta cũng nên biết có hai thuyết trái ngược nhau, nhưng đều duy tâm cả. Thứ nhất là ngữ ngôn học của Xo-xuya (Saussure), coi một tiếng chỉ là một dấu hiệu, độc lập đối với nội dung tư tưởng, và coi cả tiếng nói chỉ là một hệ thống gồm nhiều dấu hiệu. Thứ hai là ngữ ngôn học của Ma-rơ (Marr) có khuynh hướng đưa tất cả khoa ngữ ngôn vào hình thức chủ nghĩa, chỉ thấy ở mỗi tiếng có nội dung tư tưởng, độc lập với hình thức gợi cảm của mỗi tiếng. Như vậy, một thuyết thì thu hẹp tiếng nói vào một hệ thống những dấu hiệu cô lập, coi tiếng nói chỉ là một hình thái ; còn một thuyết thì đi đến chỗ nhận định rằng một ngày kia tư tưởng sẽ có thể không cần đến tiếng nói, coi nội dung là tất cả. Ở trường hợp này hay ở trường hợp kia, người ta đều thấy họ đều theo quan điểm duy tâm.
Chống lại sự sai lầm về hai mặt ấy, tách rời hình thức khỏi nội dung do ở quan điểm duy tâm, Sta-lin đã nhắc chúng ta phải nhớ lại lý thuyết của Mác : ngôn ngữ là « một thực tế trực tiếp của tư tưởng ». Sự nhận định duy vật và biện chứng ấy hướng dẫn chúng ta trong việc nghiên cứu những hình thức văn học.
Về những hình thức này, theo chỗ chúng tôi hiểu thì chủ yếu là lối hành văn, những cách diễn tả, như thơ và các loại văn. Cần phải nói cho rõ về hành văn, tức là về lối viết. Người ta có thể phân biệt trong một chừng mực nào đó lối văn và tiếng nói. Lối văn là cái ý vị mà nhà văn đặt vào tiếng nói, nhằm vào cảm xúc mà nhà văn muốn gây nên. Về căn bản thì tiếng nói đứng vững, không thay đổi, còn lối văn thì ở mỗi nhà văn một khác và ở mỗi thời một khác.
Tuy vậy, cũng nên nhận rõ điều này : ở ngay trình độ của tiếng nói dân tộc, công việc về viết văn và ngôn ngữ học của một văn hào rất là sáng tạo và có một ảnh hưởng lâu dài. Ngược lại, lối văn phần lớn do bản chất của tiếng nói quy định. Người ta có thể thấy chỉ có đi từ thứ tiếng sinh động, liên hệ chặt chẽ với tiếng nói của đại chúng, mới tạo nên được lối viết hay.
https://thuviensach.vn
Nhân dân là người sáng tạo trước nhất ra tiếng nói, nên ở tất cả các trường hợp, nhưng không phải lúc nào cũng thấy rõ được, họ là người thầy dạy tiếng của nhà văn hào. Về tiếng nói và về cách diễn tả, nhà văn tham gia mật thiết vào công việc sáng tạo với nhân dân. Cũng một cách ấy, tất cả mọi việc nghiên cứu về hình thức sẽ phải rất chú ý đến truyền thống dân tộc nó cung cấp cho nhà văn tài liệu, để với tài liệu ấy và trên tài liệu ấy, nhà văn có thể làm công việc của mình. Những ý kiến và những tình cảm của một nhà văn phản ánh, kể cả bản chất của ông ta với tất cả mọi vẻ và mọi mâu thuẫn với chúng tôi đã nói, những quyền lợi và những triển vọng của giai cấp, hoặc hữu ý hay vô ý ông ta đã nói lên. Những ý kiến và tình cảm ấy, nhà văn bắt buộc phải nói ra. Người ta có thể nói rõ hẳn rằng : những ý kiến và tình cảm ấy, tức nội dung, đối với nhà văn, chỉ là sự cần thiết về diễn tả. Vai trò của nhà văn là đem tiếng nói đến cho những ý kiến và tình cảm của một giai cấp, làm cho một xã hội nói lên. Nhà văn cung cấp cho giai cấp của mình một thứ tiếng nói và đồng thời nhà đại văn hào nói lên tiếng nói của nhân loại.
Những hình thức truyền thống dân tộc sẽ chịu ảnh hưởng một nội dung mới, do sự tiến hóa của lịch sử đem lại. Vậy văn học sử viết theo quan điểm chủ nghĩa Mác không phải chỉ đóng khung trong lịch sử những ý kiến và tư tưởng và đề tài, mà nó còn là lịch sử những hình thức văn học, làm cho người ta thấy được rằng sự tiến hóa của việc diễn tả đã được những ý nghĩ và tình cảm chỉ đạo như thế nào ; và như vậy, phân tích đến cùng, là đã do sự tiến hóa của cuộc đấu tranh giai cấp chỉ đạo như thế nào. Lời nói của nhà văn, những hình thức diễn tả của nhà văn đều chứng tỏ cương vị của họ trong cuộc đấu tranh giai cấp cũng khá rõ rệt như những ý thức tư tưởng mà họ nói lên. Cố nhiên, chúng ta sẽ phải chú ý đến những mâu thuẫn khá nhiều trong phạm vi văn học.
Cái mới của nội dung hướng dẫn nhà văn đến chỗ phải sửa đổi những hình thức diễn tả một lối cách mạng hoặc nhiều hoặc ít, và cố nhiên là mọi
https://thuviensach.vn
sự máy móc phải gạt ra ngoài. Bởi thế, đôi khi cùng một hình thức mà có thể thích hợp với những nội dung khác nhau. Nếu nội dung « quy định » hình thức thì chỉ là một cách biện chứng, nó đến với nhà văn như một vấn đề diễn tả. Sự tự do sáng tạo của nhà văn là hoàn toàn, lối diễn tả của nhà văn vốn độc nhất, không thể thay thế được, và đồng thời tác phẩm thành công hoàn toàn cần phải có điều này : không thể nói gì hơn được nữa, và đó là sự cần thiết tuyệt đối của tác phẩm thiên tài ; có thể có muôn nghìn lối nói, nhưng không thích hợp bằng và kém hơn, – và đó là thiên tài sáng tác xuất hiện.
Đối với nhà văn, sự cố gắng diễn tả và sự cố gắng thuyết minh nội dung hòa làm một ở sự sáng tạo sinh động. Hình thức cũng thế, hình thức được nội dung gọi đến, nhưng lại tác động lại nội dung và có thể làm giảm sút hay tăng cường giá trị tư tưởng của nội dung.
Trong những thời kỳ thay đổi, cũng có khi hình thức chậm tiến hơn nội dung (thí dụ, trường hợp vở kịch tư sản của Đi-đơ-rô (Diderot) ; nếu người ta quên nội dung là trước nhất thì sẽ không thể giảng giải được ; chính có « cái điều phải nói ra » nhà văn mới sản ra « cái điều được nói ». Chính nội dung quy định hình thức, kêu gọi hình thức đến, bắt buộc nó phải đến, không phải bạ hình thức nào, mà chỉ bắt buộc một hình thức thích hợp hơn cả phải đến. Chỉ có cắt nghĩa hình thức bằng nội dung, coi như bắt buộc một hình thức nhất định, mới là một sự giảng giải có giá trị về lối văn 36. Chúng tôi có thể nói ở đây rằng : không bao giờ phê bình theo quan điểm tư sản mà lại có thể giảng giải được lối viết. Người ta đã phân tích những kỹ thuật viết, tháo mở những then chốt của nghệ thuật viết văn (với một sự tỉ mỉ mà chúng tôi nhận thấy là cần) ; nhưng người ta không giảng giải được tại sao lại có những then chốt ấy, những kỹ thuật ấy. Vì, ở đây, sự phân tích không thể hình thức được. Chỉ có cách phân tích thật biện chứng hình thức và nội dung, mới có thể giải đáp được vấn đề căn bản : Tại sao nhà văn lại nói như vậy ? Nghĩa là : nói gì và nói với ai ?
https://thuviensach.vn
Nhưng chúng tôi có cái may là có thể cử ra đây một thí dụ rõ rệt về sự phân tích hình thức không theo hình thức chủ nghĩa : trong cuốn Huy-gô, nhà thơ tả thực, A-ra-gông (Aragon) đã cắt nghĩa cuộc cách mạng lãng mạn về văn học, theo lối Huy-gô, ở như câu thơ và ngôn ngữ bằng cao vọng tả thực của thi sĩ – sự cao vọng này căn bản là một thái độ chính trị về đường văn học, và chứng tỏ cho ta thấy tại sao « cái điều phải nói ra » – chủ yếu bao giờ cũng là về lịch sử và chính trị – lại quy định không máy móc lối nói.
Lời của nhà văn được giảng giải ở điều họ phải nói ra, và cái điều họ phải nói ra phải giảng ở địa vị của nhà văn giữa cuộc đấu tranh giai cấp. Cách phê bình theo quan điểm chủ nghĩa Mác là phải đặt mình vào trung tâm vấn đề văn học, nghĩa là diễn tả bằng một lối văn thích đáng một tình hình kinh tế và lịch sử, đúng như nó thể hiện vào trình độ văn học. Đối với nhà văn, có vấn đề : nói gì ? Và vấn đề : « nói g ? » này, đối với nhà văn, lại hòa cùng với vấn đề : « nói cách nào ? » Kết quả công việc của nhà văn là văn phẩm, tức là một hình thức và một nội dung đã được cấu tạo, chung đúc thành một khối không thể xa lìa nhau được, một khối sinh động, một con người thể hiện ở lời văn.
https://thuviensach.vn
VI. CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC XÃ HỘI
Ở Pháp, hiện đã có một nền văn học theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa rất phong phú. Chúng tôi chỉ xin nhắc thật tóm tắt lại đây những tính chất chính của nó.
- Phản ảnh thật đúng thực tế trong sự phát triển cách mạng của nó, nghĩa là đề cao cái mới, cái mới này bề ngoài có thể còn nhỏ yếu, nhưng rồi thế nào nó cũng lớn lên ; đồng thời phải vạch ra tất cả những cái gì đã thuộc hẳn về quá khứ, tuy bề ngoài nó có thể là lực lượng thống trị.
- Giải quyết những vấn đề về nghệ thuật và văn học theo quan điểm của Đảng, chỉ tư tưởng cộng sản cho phép người ta nắm được thực tế trong sự phát triển cách mạng của nó.
- Đề cao lòng yêu nước chống những sự hăm dọa nô dịch hóa nước ta, và đề cao chủ nghĩa quốc tế vô sản, để dân tộc ta có ý thức đoàn kết với tất cả các dân tộc đang đấu tranh trên mặt trận dân chủ chống đế quốc, do Liên-xô lãnh đạo.
- Luôn luôn phục vụ quyền lợi nhân dân và nói lên những nguyện vọng của nhân dân.
- Học tập để sử dụng cho được hết cả những khả năng của nhân dân.
- Học tập để sử dụng cho được hết cả những khả năng của tiếng nói dân tộc, do quần chúng nhân dân sáng tạo và dùng.
- Phải có ý thức về vai trò hoạt động của văn học, coi văn học có nhiệm vụ giáo dục quần chúng nhân dân. Viết để chiến đấu.
- Muốn được như thế, phải vươn tới một hình thức nghệ thuật cao.
- Tiếp tục và phát triển trên cơ sở lịch sử hiện tại những tác phẩm có giá trị nhất của các nhà văn thời trước.
https://thuviensach.vn
Đối với tất cả những điều trên này mà ai cũng biết, Hội nghị lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Liên-xô đã đem lại thêm cho một sự phong phú rõ rệt.
Ma-len-cốp đã nhấn mạnh về quan niệm điển hình : Các nhà văn nước ta… trong khi sáng tạo những hình ảnh nghệ thuật, phải luôn luôn nhớ rằng điển hình không phải chỉ là cái ta thường gặp nhất, mà là cái nó diễn tả đầy đủ nhất và nổi nhất điều cốt yếu của một lực lượng xã hội nhất định… Điển hình là lãnh vực chính để diễn tả tinh thần của Đảng trong nghệ thuật hiện thực. Vấn đề điển hình bao giờ cũng là một vấn đề chính trị.
Những giòng trên này rất quan trọng để giúp đỡ chúng ta hiểu sự cao cả, không những về tư tưởng, mà về cả nghệ thuật của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Những giòng trên này giúp chúng ta lột mặt nạ những thứ mỹ học lý tưởng, chủ nghĩa khách quan tiểu tư sản, đang lên án những nhà văn tiến bộ là đã bóp méo sự thật để phục vụ sự tuyên truyền cho một đảng phái.
Vậy, trong cuộc sinh hoạt xã hội, cái gì là điển hình ? Điển hình không phải là những bài diễn văn của mọi người, những ý kiến của họ đối với họ, hai ý kiến muốn tạo cho họ, mà là vai trò thiết thực của họ trong cuộc đấu tranh giai cấp. Như vậy, chỉ có người cách mạng mới có khả năng xét nhận được. Con người tiểu tư sản theo chủ nghĩa khách quan, có ý muốn xét nhận không theo đảng phái nào, thì bắt buộc phải ở bề ngoài mọi sự việc ; đứng trước thực tế, anh ta bất lực, cho nên thường thường phải quay mặt đi, không dám nhìn vào thực tế. Bởi vậy, Ma-len-cốp mới nhận định rằng : vấn đề điển hình bao giờ cũng là một vấn đề chính trị.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng những nghệ sĩ đại tài về chủ nghĩa hiện thực phê bình, từ Ban-zăc đến Zô-la, sở dĩ sáng tác được những văn phẩm bất hủ, là vì nhờ riêng tài nhận xét của họ, họ đã vạch ra được những cái điển hình ở bọn tư sản vào thời họ : đó là sự nhận định bọn này là những kẻ
https://thuviensach.vn
bóc lột. Những nhà văn đó đã ghi được tính chất bóc lột điển hình ấy vào những hình ảnh nghệ thuật, nói lên được tất cả những cái xấu xa của những con người mẫu của họ, tuy là xấu mà hóa ra « đẹp », vì nó đã phản ánh được tất cả sự thật của cuộc đời, vì nó bắt nguồn một cách gián tiếp ở một lý tưởng thẩm mỹ có tính chất tích cực, lý tưởng của nhân dân. Những nhà văn ấy đã tạo được một hình thái trọn vẹn cho những cái mà những tầng lớp nhân dân bị bóc lột còn cảm thấy mập mờ đối với hình ảnh những kẻ bóc lột họ. Kinh nghiệm của các nhà văn ấy chứng tỏ rằng không có cách gì vươn tới được cái đẹp, nếu không tố cáo tất cả những cái phản động và đồng thời nó cũng là những cái rất xấu.
Nhưng sự thiếu sót của các nghệ sĩ đại tài thời trước ấy ở như họ không có ý thức về phong trào lịch sử. Về mặt nghệ thuật, tuy họ đồng tình với nhân dân, nhưng chính họ, họ không biết, thường thường họ không nhìn thấy tương lai và đôi khi họ có tư tưởng yếm thế và chán nản. Ngày nay, những nghệ sĩ đại tài đã thấy được nhân dân ; chủ nghĩa hiện thực xã hội diễn tả trực tiếp một lý tưởng tích cực bằng cách đề cao những anh hùng của thời đại, những chiến sĩ cách mạng, và như ở Liên-xô hiện nay, những người kiến thiết chế độ cộng sản chủ nghĩa.
Tất cả những điều đó đã cho phép chúng tôi kết luận về vai trò của khoa học về văn chương trong cuộc đấu tranh hiện tại.
Khoa học nói chung chỉ phát triển khi nó có liên hệ với thực hành. Vậy sự thực hành thích ứng với khoa học về văn học là gì ? Nó là sự sáng tạo, với những phương tiện của mình, một nền văn học có khả năng chuẩn bị việc kiến thiết xã hội tương lai. Ở Liên-xô, nhờ phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa mà nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng, đang góp phần vào việc xây dựng vĩ đại chế độ cộng sản chủ nghĩa. Ở Pháp cũng vậy, công việc của nhà phê bình và nhà viết sử văn học giúp cho nhân dân đòi thực hiện kỳ được hòa bình, dân chủ, sẽ là công việc thúc đẩy sự nẩy nở một nền
https://thuviensach.vn
văn học và sự tiến bộ xã hội, để tiến tới xã hội chủ nghĩa, và sau đó, cộng sản chủ nghĩa.
Sự phê bình theo quan điểm chủ nghĩa Mác không thừa nhận lối phê bình « hàn lâm », coi nó là một khuyết điểm lớn. Lối phê bình mác-xít là một lối phê bình của Đảng ; nó thành thật giữ nguyên tính chất ấy. Nó là một sự phê bình theo chủ nghĩa, phê phán các tác phẩm theo sự ích lợi của các tác phẩm đối với sự tiến triển của nhân loại. Nó có những triển vọng của nó. Những nhà phê bình tư sản phàn nàn rằng họ không thể viết lịch sử văn học hiện đại được là vì họ thiếu triển vọng. Chúng ta đã có những triển vọng của chúng ta.
Cần phải đi tới sự tiến triển về văn hóa của xã hội, để có thể đảm bảo cho tất cả mọi người trong xã hội phát triển khả năng vật chất và tinh thần của mình ở mọi ngành 37.
Chúng ta phải xét nhận những tác phẩm văn học theo quan điểm cốt yếu này : những tác phẩm ấy có giúp cho mọi người vươn tới lý tưởng mà Sta-lin chỉ cho chúng ta không ? Cố nhiên là nếu nó không tới được một trình độ nghệ thuật cao, thì nó cũng không thể nào bổ ích được.
Người ta có thể đáp : đó là nhiệm vụ nhà phê bình, còn nhà viết sử văn học thì sao ?
Chính ở đây là chỗ cần phải nói rõ tại sao ở Liên-xô hai nghĩa ấy lại quy cả vào một chữ (literatourovied).
Tinh thần của Đảng đối với người viết văn học sử, người nghệ sĩ và người phê bình đều cần thiết như nhau.
Như vậy, người ta sẽ dễ hiểu nếu một nhà phê bình văn học mà không thuộc lịch sử văn học dân tộc thì sẽ mắc một nhược điểm rất lớn. Đối với chúng ta, cái nhược điểm ngược lại cũng không kém phần to tát. Nhà bác học tự giam mình trong một ký vãng xa xăm, quên những triển vọng của
https://thuviensach.vn