🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa 16
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Tên sách : TẬP SAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA 16 Tác giả : NHIỀU TÁC GIẢ
Nhà xuất bản : BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA Năm xuất bản : 1956
------------------------
Nguồn sách : Thích Đức Châu
Đánh máy : yeuhoatigon, thanhvan, vqsvietnam, thuythaolien, ngohien, nhnhien, windyclover
Kiểm tra chính tả : Trương Lê Thùy Dương, Ngô Thị Thu Hiền, Phương Minh Giang,
Lê Đức Anh Tuấn, Nguyễn Tuấn Anh
Biên tập chữ Hán – Nôm : Lưu Vĩnh Hảo
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 07/05/2018
https://thuviensach.vn
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE 4U.ORG
Cảm ơn CÁC TÁC GIẢ và nhà xuất bản BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
https://thuviensach.vn
MỤC LỤC
QUAN HỆ VIỆT – XÔ TRONG QUÁ TRÌNH CÁCH MẠNG
ĐỂ TIẾN TỚI XÂY DỰNG MỘT QUYỂN SỬ VĂN HỌC VIỆT-NAM : MẤY Ý KIẾN VỀ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VÀ NHỮNG GIAI ĐOẠN CỦA LỊCH SỬ VĂN HỌC VIỆT-NAM
III. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CĂN BẢN CỦA XÃ HỘI VIỆT-NAM VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC VIỆT-NAM
1. NHỮNG MÂU THUẪN CHÍNH TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM VÀ SỰ PHẢN ÁNH CỦA VĂN HỌC VIỆT-NAM
2. NHỮNG MÂU THUẪN ẤY ĐÃ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC TA NHƯ THẾ NÀO ?
IV. NHỮNG ẢNH HƯỞNG QUA LẠI GIỮA VĂN HỌC NHÂN DÂN VÀ VĂN HỌC PHONG KIẾN
V. TÍNH CHẤT CỦA VĂN HỌC VIỆT-NAM VÀ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC VIỆT-NAM
VI. NÊN PHÂN ĐỊNH GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ VĂN HỌC VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO ?
VII. KẾT LUẬN
XUNG QUANH CÁI CHẾT CỦA HOÀNG DIỆU VÀ VIỆC THẤT THỦ THÀNH HÀ-NỘI NĂM 1882
LỤC SÚC TRANH CÔNG
1. TÓM TẮT TRUYỆN
2. XÃ HỘI VIỆT-NAM TRONG LỤC SÚC TRANH CÔNG 3. GIAI CẤP TÍNH TÁC GIẢ LỤC SÚC TRANH CÔNG 4. GIÁ TRỊ LỤC SÚC TRANH CÔNG
THỬ BÀN VỀ SỰ THÀNH HÌNH CỦA DÂN TỘC HÁN
https://thuviensach.vn
III. SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA CỘNG ĐỒNG THỂ NGƯỜI HÁN TỪ BỘ TỘC SANG DÂN TỘC
IV. MẤY ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA QUÁ TRÌNH THÀNH HÌNH DÂN TỘC HÁN
KHẢO LUẬN VỀ TRUYỆN THẠCH SANH TỪ RÌU, BÚA, DAO, CUNG, TÊN ĐẾN NIÊU CƠM VÀ CÂY ĐÀN ĐÃ TƯỢNG TRƯNG VÀ THỰC HIỆN Ý NGHĨA NHƯ THẾ NÀO ?
MỘT TÀI LIỆU QUAN TRỌNG CHO LỊCH SỬ CỔ ĐẠI TÂY PHƯƠNG
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
GÓP Ý KIẾN VÀO BÀI VẤN ĐỀ CHẾ ĐỘ CHIẾM HỮU NÔ-LỆ Ở VIỆT-NAM
VĂN TỰ THỔ VÀ CÁCH GHI ÂM
CÓ THỂ LIỆT NHỮNG BÀI VĂN VIẾT BẰNG CHỮ HÁN VÀO KHO TÀNG VĂN HỌC CỦA TA ĐƯỢC KHÔNG ?
https://thuviensach.vn
TẬP SAN NGHIÊN CỨU
VĂN SỬ ĐỊA
Bài lai cảo, xin gửi cho : ông Trần Huy-Liệu
https://thuviensach.vn
QUAN HỆ VIỆT – XÔ TRONG QUÁ TRÌNH CÁCH MẠNG
ĐỒNG chí Mi-côi-ăng, trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ Liên-xô sang năm nước Việt-nam ta vừa rồi có một ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Nó không những thắt chặt thêm tình hữu nghị thắm thiết giữa nhân dân hai nước Việt-Xô, mà còn đẩy mạnh thêm cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập – dân chủ của nhân dân ta, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình ở Đông nam Á và thế giới. Nói sao hết lòng hân hoan của đồng bào ta, đủ mọi tầng lớp, đã biểu lộ ra từ lúc nghe tin đến khi được đón tiếp đoàn đại biểu nước bạn vĩ đại ở trên đất nước ta ! Tả sao hết lòng biết ơn của nhân dân ta đối với sự chú ý giúp đỡ của Liên-xô từ trước tới nay, nhất là từ khi hòa bình được lập lại tới giờ ! Nhân dịp này, chúng tôi muốn ôn lại quan hệ Việt – Xô trong quá trình cách mạng để thấy sự ràng buộc lịch sử giữa hai nước chúng ta chẳng phải mới có bây giờ, mà đã có từ gần bốn mươi năm trước, sau Cách mạng tháng Mười.
Một điều mà ai nấy đều thấy rõ : nói đến Liên-xô là phải nói đến Cách mạng tháng Mười, nói đến vai trò Liên-xô trong cuộc đấu tranh cho hòa bình thế giới, giải phóng các dân tộc bị áp bức. Cách mạng tháng Mười, theo lời Sta-lin, không phải chỉ nằm trong phạm vi dân tộc, mà trước hết, là một cuộc cách mạng trong phạm vi quốc tế, phạm vi thế giới, vì nó đánh dấu một khúc quanh lịch sử do nhân loại làm ra, từ thế giới cũ, thế giới tư bản, chuyển sang thế giới mới, thế giới chủ nghĩa xã hội. Do đó, cách mạng Việt-nam, cũng như các nước khác trên thế giới, dưới ánh sáng của Cách mạng tháng Mười, đã rọi ra một đường lối mới, một triển vọng mới. Liên xô, nơi phát sinh ra Cách mạng tháng Mười và là thành trì của cách mạng thế giới, đối với Việt-nam, cũng như với nhiều nước khác trên thế giới, có một quan hệ mật thiết.
https://thuviensach.vn
Sau đại chiến thứ nhất, quốc tế cộng sản thành lập (1919), mặt trận chống chủ nghĩa đế quốc của các dân tộc nhỏ yếu ở các thuộc địa, bán thuộc địa đã gắn liền với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản. Mặc dầu thực dân Pháp tìm mọi cách ngăn rào, nhân dân Việt-nam đã bắt đầu nhìn thấy một phương trời mới xuất hiện trên một phần sáu quả địa cầu. Qua những tài liệu của các thủy thủ từ các tầu biển bên Âu-châu mang về hay các sách báo mới từ Trung-quốc đem sang, nhân dân Việt nam đã nghe biết có một chính quyền mới của giai cấp công nhân. Nhà cách mạng Phan Bội-Châu trong khi lưu vong ở Trung-quốc (1920), lần đầu tiên thấy Liên-xô qua quyển sách « Điều tra về chân tướng của nước Nga » và trực tiếp giao thiệp với nhân viên đại sứ quán của Liên-xô tại Trung-quốc. Theo lời Phan viết trong quyển « Sào-Nam niên biểu », thì, chính lúc ấy một bạn Liên-xô đã nói với cụ về việc gửi học sinh sang du học và khuyên cụ nên viết một quyển sách bằng chữ Anh vạch rõ chính sách đô hộ của thực dân Pháp ở Việt-nam để tuyên truyền ra thế giới. Nhưng một người Việt-nam đã hấp thụ tư trào Cách mạng tháng Mười sớm nhất cũng như gặp Liên-xô trước tiên vẫn không ai khác hơn là cụ Nguyễn Ái-Quốc. Tháng 6-1923, sau khi vào đảng Cộng sản Pháp (1921), cụ Nguyễn đã được cử đi dự Đại Hội quốc tế Cộng sản tại Mạc-tư-khoa vào tháng 10-1923. Cũng trong cuộc hội nghị này, một ủy ban thường trực phụ trách các thuộc địa đã thành lập và cụ Nguyễn Ái-Quốc với danh hiệu Song-Man-Tcho được cử làm ủy viên. Như thế nghĩa là từ năm 1923, cách mạng Việt-nam đã đặt dưới sự lãnh đạo của bộ tham mưu quốc tế và nước Việt-nam đã gắn liền với nước bạn Liên-xô.
Cuộc Đại cách mạng 1925-27 ở Trung-quốc, bắt nguồn từ tư trào cách mạng tháng Mười, đã dội mạnh vào giai cấp công nhân Việt-nam vừa thành hình và đương phát triển, vào giai cấp tiểu tư sản Việt-nam đương tìm một lối ra. Năm 1926, nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, những truyền đơn đã rải ở Sài-gòn giới thiệu Cách mạng tháng Mười và nước Nga mới. Giai cấp công nhân và nhân dân Việt-nam đã rõ rệt hướng về Liên-xô. Từ lúc này, cách mạng Việt-nam không riêng biệt nữa. Nó đã thuộc trong phạm trù
https://thuviensach.vn
của cách mạng vô sản thế giới với những hình thức cách mạng áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt-nam. Rồi đó, đảng Việt-nam Thanh-niên cách mạng, đảng tiền bối của đảng Cộng-sản Đông-dương, thành lập. Những đường lối chính trị cũng như tài liệu tuyên truyền huấn luyện mặc dầu còn nhiều sai sót, nhưng một điểm chắc chắn là con đường đương đi và tiến tới vẫn là con đường mà Liên-xô đã vạch ra. Tháng 11-1929, sau khi các tổ chức cộng sản kế tiếp xuất hiện, nhân dân Việt-nam đã công khai kỷ niệm Cách mạng tháng Mười với cờ đỏ búa liềm, với khẩu hiệu ủng hộ Liên bang xô-viết. Đầu năm 1930, đảng cộng sản thống nhất, và sau đó được công nhận làm một trong những chi bộ của quốc tế cộng sản. Trong luận cương cách mạng tư sản dân chủ, đã liệt khẩu hiệu ủng hộ Liên-xô làm một trong 13 khẩu hiệu chính. Tháng 9-1930, Xô-viết đầu tiên thành lập ở làng Võ-liệt và kế đó, khắp ba tỉnh Nghệ-an, Hà-tĩnh và Quảng-ngãi. Giai cấp công nhân và nhân dân Việt-nam, một lần nữa, xác nhận con đường duy nhất để giải phóng dân tộc ra khỏi ách đế quốc và phong kiến, tiến lên xã hội chủ nghĩa chỉ có thể là con đường của Liên-xô đã vạch ra. Bọn thống trị điên cuồng lên. Ngoài những thủ đoạn đàn áp, khủng bố dã man, chúng khởi một cuộc phản tuyên truyền bằng cách tung ra những sách báo như « Khôn sống mống chết », « Mặt nạ cộng sản » v.v… để nói xấu Liên-xô, bôi nhọ sự thật của chế độ người không bóc lột người. Tuy vậy, ảnh hưởng của Liên-xô vẫn cùng với cách mạng Việt-nam ngày càng đi sâu vào công nhân và nhân dân Việt-nam. Vuợt qua những hàng rào của thực dân Pháp, một số học sinh Việt-nam đã có mặt ở trường Sta-lin tại Mạc-tư-khoa với những đại biểu Việt-nam đi dự hội nghị các tổ chức quốc tế. Từ đó trở đi, cách mạng Việt-nam có khi dâng lên, khi sụt xuống ; nhưng lý luận Mác-Lê và ảnh hưởng xứ xã hội chủ nghĩa vẫn không ngừng thấm vào tư tưởng và tình cảm của công nhân và nhân dân Việt-nam. Cho đến phong trào Mặt trận bình dân 1936-1939, trên các sách báo công khai, nhân dân Việt-nam đã học tập chủ nghĩa Mác-Lê-nin, nêu gương Liên-xô, đánh lui những tà thuyết phản động chực bôi nhọ xứ xã hội chủ nghĩa. Mỗi năm gặp ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, các báo cơ quan của nhóm Cộng sản và mặt trận Dân-chủ Đông-dương như Tin tức, Đời nay, Thời báo, Thời thế, Bạn
https://thuviensach.vn
dân, Người mới, Ngày mới, Nhánh lúa, Dân, v.v… đều ra số đặc biệt để giới thiệu Liên-xô với thắng lợi của xã hội chủ nghĩa. Cuộc đại chiến thứ hai bùng nổ, kế đó phát-xít Đức tấn công Liên-xô, nhân dân Việt-nam theo rõi một cách hồi hộp những biến diễn của chiến tranh. Trong những ngày quân phát-xít bao vây thành phố Lê-nin, tiến đến ngoại ô thành phố Mạc tư-khoa cùng trận quyết chiến ở thành phố Sta-lin, bao nhiêu trái tim của các chiến sĩ cách mạng và nhân dân Việt-nam đã hồi hộp rung động khi thấy thành trì cách mạng lâm nguy và vẫn vững tâm tin tưởng khi nghe nhật lệnh của cố đại nguyên soái Sta-lin, vị lãnh tụ thiên tài đương chỉ huy cuộc kháng chiến. Năm 1942, đảng Cộng-sản Đông-dương đã xuất bản hai quyển sách « Mặt trận dân chủ quốc tế chống phát xít xâm lược » và « Chiến tranh Thái-bình-dương với cách mạng Việt-nam », trong đó giải thích về tính chất cuộc chiến tranh và tin tưởng vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của Liên-xô và mặt trận dân chủ. Cuộc cách mạng tháng Tám thành công trước hết là do lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt-nam, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng-sản Đông-dương ; nhưng một yếu tố cục kỳ quan trọng là hồng quân Liên-xô đã đánh tan đạo quân Quan-đông làm cho phát-xít Nhật phải vội vã đầu hàng, gây điều kiện khách quan dễ dàng cho cách mạng Việt-nam cùng nhiều nước khác. Trong 9 năm kháng chiến của dân tộc ta, các báo chí Liên-xô luôn luôn cất tiếng nói của chính nghĩa, đồng tình với nhân dân Việt-nam và tố cáo tội ác của bọn can thiệp Mỹ cùng thực dân Pháp. Cuối năm 1949, biên giới vừa mở, Liên-xô, cũng như Trung-quốc, chính thức công nhận Chính phủ Việt-nam dân chủ cộng hòa. Từ đó, nhân dân Việt-nam hòa chung với khối dân chủ nhân dân hơn 900 triệu người do Liên-xô lãnh đạo.
Hòa bình trở lại, trong cuộc xây dựng miền Bắc vững mạnh và đấu tranh để thống nhất nước nhà, chúng ta được sự giúp đỡ của Liên-xô đủ mọi phương diện, về vật chất cũng như về tinh thần, ở trong nước cũng như ở quốc tế. Qua những phái đoàn tham quan Liên-xô, tiếp xúc với nhân dân Liên-xô, chúng ta càng thấy rõ mối tình Việt – Xô là tình anh em ruột thịt cùng sống trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa. Việc Hồ Chủ tịch cùng phái
https://thuviensach.vn
đoàn Chính phủ Việt-nam sang thăm Liên-xô vừa qua và đồng chí Mi-côi ăng cùng phái đoàn Chính phủ Liên-xô sang thăm Việt-nam ngày nay đủ nói lên tất cả những tình ý mặn nồng và vận mạng tưong quan giữa nhân dân Việt-nam và Liên-xô ngày nay chẳng phải chỉ ở chỗ quan hệ bang giao, mà càng chứng tỏ rõ rệt hơn nữa ở chỗ nhân dân Việt-nam và Liên-xô, tiến chung một con đường, nhằm chung một mục đích, đang mở rộng quan hệ với nhau trên một giai đoạn mới. Lịch sử của nhân dân Liên-xô vĩ đại là lịch sử đấu tranh từ Cách mạng 1905, đến Cách mạng tháng Mười, trừ nội phản, diệt ngoại xâm, kiến thiết chủ nghĩa xã hội và sau cùng là đánh tan quân phát-xít, làm cột trụ của thế giới hòa bình. Lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt-nam qua tám mươi năm chống thực dân Pháp đến cuộc Cách mạng tháng Tám thành công và kế đó là 9 năm kháng chiến thắng lợi, xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Điểm cần ghi là : quan hệ lịch sử của hai nước đã bắt đầu từ 40 năm nay và ngày càng trở nên mật thiết. Một số đông sử gia và sinh viên Liên-xô hiện nay đương chú ý nghiên cứu lịch sử Việt-nam càng tỏ rõ sự quan tâm của các bạn Liên-xô đối với Việt-nam, đi sâu vào lịch sử Việt-nam.
Bản tuyên bố chung tháng 7-1955 giữa Hồ Chủ tịch, thay mặt Chính phủ Việt-nam dân chủ cộng hòa và đồng chí Mi-côi-ăng thay mặt Chính phủ liên bang cộng hòa xã hội Xô-viết là một trang lịch sử chung đánh dấu sự tương quan giữa hai nước trong cuộc đấu tranh hiện tại và đương tiến lên một triển vọng vô cùng tươi sáng. Bản tuyên bố chung ấy là tiếng nói, là tấm lòng, là ý chí của nhân dân hai nước Việt – Xô.
Cuộc mít-tinh của 15 vạn nhân dân thành Hà-nội ngày 3-4 vừa qua tại quảng trường Ba-đình, Hồ Chủ tịch nói : « Nhân dân Việt-nam ta và nhân dân Liên-xô là anh em trong đại gia đình chủ nghĩa xã hội và dân chủ nhân dân. Từ bao nhiêu năm, hai dân tộc ta đã cùng nhau đoàn kết, phấn đấu dưới ngọn cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, vì sự nghiệp độc lập dân tộc, tự do dân chủ, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã-hội và bảo vệ hòa bình thế giới ». Đồng chí Mi-côi-ăng nói : « Nhân dân Liên-xô tỏ tình hữu nghị nồng nhiệt với các đồng chí và các bạn, với cả tấm lòng nhiệt tình
https://thuviensach.vn
chúc các bạn đạt được nhiều thành tích trong việc xây dựng đời sống mới, khôi phục và phát triển hơn nữa nền công nghiệp và nông nghiệp trong việc cải cách dân chủ, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân ». Đây cũng là những tiếng nói lịch sử, một lần nữa, tỏ rõ mối tương quan và tình hữu nghị về quá khứ, hiện tại và tương lai giữa nhân dân hai nước.
Trong cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ cho cả nước, chúng ta có Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, có Đảng Lao-động Việt-nam lãnh đạo, có Mặt trận hòa bình dân chủ quốc tế ủng hộ, do Liên-xô vĩ đại đứng đầu, chúng ta nhất định thắng, phát triển lịch sử quang vinh của dân tộc, của nhân loại.
BAN NGHIÊN CỨU VĂN-SỬ-ĐỊA
https://thuviensach.vn
ĐỂ TIẾN TỚI XÂY DỰNG MỘT QUYỂN SỬ VĂN HỌC VIỆT-NAM : MẤY Ý KIẾN VỀ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VÀ NHỮNG GIAI ĐOẠN CỦA LỊCH SỬ VĂN HỌC VIỆT-NAM1
(tiếp theo)
của VŨ NGỌC-PHAN
III. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CĂN BẢN CỦA XÃ HỘI VIỆT-NAM VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC VIỆT-NAM
Xã hội Việt-nam phát triển không ngoài qui luật phát triển chung của xã hội loài người. Xã hội Việt-nam đã trải qua các thời kỳ phát triển của lịch sử, và có khác chỉ là khác ở vài điểm. Trước khi đến chế độ dân chủ cộng hòa hiện nay, rất có thể là xã hội Việt-nam đã trải qua các chế độ : công xã nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, thuộc địa và bán phong kiến. Xã hội cổ Việt-nam ta đã xây dựng trên một nền kinh tế nông nghiệp tự cấp tự túc trong một qui mô chật hẹp, có những nghề thủ công có tính chất gia đình và địa phương trong một thời kỳ khá dài trong lịch sử. Những người thuộc giai cấp nông dân chiếm tuyệt đại đa số trong dân số nước ta, sống một đời cơ cực, ăn thiếu, mặc thiếu, ở thiếu, thất học, và tình hình ấy cũng đã kéo dài trong suốt lịch sử nước ta.
Về chính trị, nước ta rất sớm bị ngoại thuộc – hơn một nghìn năm dưới ách đô hộ của phong kiến Trung-quốc. Trong thời gian đó, ít lâu lại có một cuộc khởi nghĩa, cho đến khi xã hội ta thuộc quyền thống trị của giai cấp phong kiến dân tộc, cát cứ và phân quyền, chiến tranh liên tiếp, càng củng cố nền kinh tế tự cấp tự túc. Đến đầu thế kỷ thứ X, xã hội ta mới chuyển sang chế độ phong kiến tập quyền. Từ thời đại tự chủ (đầu thế kỷ X), ý thức dân tộc ngày một trưởng thành, và mãi cho đến triều Lý (1010-
https://thuviensach.vn
1225), chế độ phong kiến dân tộc và tập quyền mới thật được củng cố. Ở đây, chúng tôi muốn nói thêm rằng trong một giai đoạn dài trước khi dân tộc thành hình hẳn, những người cùng chung sống trên một đất đai vẫn có « ý thức » dần dần về cái đại đoàn thể của mình, cho đến khi trở thành một dân tộc với những yếu tố căn bản của nó, như Sta-lin đã nhận định.
Trong những giai đoạn đầu thời Trần (thế kỷ XIII) và đầu thời Hậu-Lê (thế kỷ XV), sau những chiến thắng rực rỡ chống ngoại xâm, một mặt nhân dân được thoát vòng áp bức tàn tệ của phong kiến ngoại tộc, một mặt phong kiến dân tộc mới nắm chính quyền, còn nới tay bóc lột, nên trong những thời đó, chế độ phong kiến được kể là cực thịnh. Trong thời Mạc và Lê – Trịnh, và trong đó nổi lên nhà Tây-sơn, chế độ phong kiến ngày một suy tàn, cho đến khi quyền thống trị thuộc vào tay bọn vua nhà Nguyễn phản bội để chẳng bao lâu chuyển sang bọn thực dân Pháp.
Điều đặc biệt trong lịch sử nước ta, từ thời tự chủ cho đến ngày nay là những cuộc chống ngoại xâm đã xảy ra liên tiếp, do đó mà ý chí quật cường của dân tộc được tôi luyện, và tinh thần ái quốc, tinh thần chịu đựng gian khổ, bền bỉ và anh dũng trong chiến đấu cũng rất cao.
Với một nền kinh tế tự nhiên, với những chế độ chính trị, dù là của phong kiến ngoại tộc hay của phong kiến dân tộc, nói chung đều tàn bạo, hà khắc, hoặc nhiều, hoặc ít, nhân dân Việt-nam đã đấu tranh liên tục để bảo vệ quyền sống của mình trên đất nước.
Do ở nước ta rất sớm thuộc quyền đô hộ của phong kiến ngoại tộc có một nền văn minh tối cổ, lại vào thời nước ta chưa có chữ viết, nên giai cấp thống trị đã dùng luôn chữ Hán làm công cụ tuyên truyền văn hóa. Nhưng một điều đặc biệt là vào thời cổ ấy, tiếng nói của ta cũng đã khá phong phú, cho nên không những nó không bị tiếng nói của kẻ xâm lược thay thế, mà nó còn tồn tại, phát triển liên tiếp, hạn chế một phần nào sự bành trướng của chữ Hán. Ý chí bảo vệ tiếng nói dân tộc của nhân dân ta đã bắt buộc những kẻ đô hộ ngoại tộc khi mới đến nước ta, muốn thực hiện việc cai trị và bóc lột, phải dựa vào chữ Hán và một thứ tục tự khác 2để đặt ra một thứ
https://thuviensach.vn
chữ mới, ghi tiếng nói của ta, mục đích phiên dịch chữ Hán mà bọn đô hộ muốn phổ biến cho bọn người Việt theo chúng. Căn cứ vào một số chữ mới đó hình thành bởi những nét, những chữ lấy ở chữ Hán, ông cha chúng ta đã phát triển ra chữ nôm trong quá trình trưởng thành của tiếng Việt.
Vào thời chữ Hán du nhập nước ta và chữ nôm xuất hiện, do sự tiếp xúc với Trung-quốc, sức sản xuất được cải tiến, tạo nên cơ sở kinh tế mới, xã hội nước ta bắt đầu chuyển sang chế độ phong kiến.
Những ý thức tư tưởng phong kiến toát ra ở thứ văn hoá do bọn phong kiến ngoại tộc đô hộ tuyên truyền đã thích ứng nhất thời với cơ sở, tích cực củng cố cơ sở, tác động đến tư tưởng người dân lao động Việt-nam. Nhưng ở mặt khác, đối với những lễ giáo phong kiến, đối với văn hoá phong kiến nói chung, người dân lao động thời xưa, tuy chưa quan niệm được rõ tính chất của nó, nhưng thấy nó gò bó mình trong một phạm vi sinh hoạt tù túng, cực khổ, nên cũng đã có những tư tưởng phản ứng, thể hiện trong các truyền thuyết, truyện cổ tích và dân ca.
Đến khi giai cấp phong kiến dân tộc nắm được quyền thống trị, thì một mặt, vì quyền lợi giai cấp, chúng tuyên truyền ý thức tư tưởng phong kiến, nhưng về mặt khác, muốn nâng cao tinh thần độc lập, củng cố nền tự chủ, chống xâm lăng, chúng phải tự bắt buộc thoả hiệp một phần nào với nhân dân trong việc xây dựng nền văn hoá dân tộc. Chữ Trung-quốc truyền sang ta, đã được đọc theo âm Việt-nam, khác hẳn cách đọc của người Trung-quốc, mà cách đọc ấy đã thống nhất trong toàn thể dân tộc. Về mặt khác, với chữ Hán sẵn có và thấy nó là một công cụ tốt trong việc tuyên truyền lễ giáo phong kiến để củng cố chế độ thống trị của mình, nên sau khi đã thoát ách đô hộ ngoại tộc, giai cấp phong kiến dân tộc đã dùng luôn chữ Hán làm thứ chữ chính thức, do đó tạo nên một thứ văn học mà chúng gọi là « chính thống », có tính chất phong kiến, bảo vệ chế độ thống trị đương thời, đi song song với văn học nhân dân, truyền khẩu bằng tiếng nói dân tộc.
https://thuviensach.vn
Trong khi giai cấp thống trị dùng chữ Hán để thảo chiếu biểu, công văn và truyền bá văn học phong kiến, thì nhân dân vẫn dùng tiếng nói dân tộc để phát triển văn học truyền khẩu của mình. Dưới chế độ phong kiến, tư tưởng nhân dân cũng bị ý thức hệ phong kiến chi phối một phần nào, nhưng văn học dân gian đã nói lên được nhiều khía cạnh sinh hoạt của nhân dân trong các thời kỳ lịch sử, mà chúng ta có thể chung đúc vào hai điểm chính : đấu tranh thiên nhiên để phát triển sản xuất, và đấu tranh xã hội để chống đối những sự kìm hãm việc phát triển sản xuất.
Một điều đáng chú ý là chỉ đến khi chế độ phong kiến tập quyền được củng cố, văn học nói chung và chữ nôm nói riêng, mới phát triển được mạnh. Chế độ tập quyền có thể là một nhân tố thúc đẩy sự trưởng thành của tiếng nói và chữ viết của dân tộc ta.
Nói tóm lại, về kinh tế, về chính trị, về văn hóa, chúng ta đã chịu ảnh hưởng của Trung-quốc rất nhiều, nhưng dân tộc ta vẫn giữ được quyền độc lập, không bị đồng hoá, là vì dân tộc ta đã có một tinh thần bất khuất, liên tục đấu tranh để giữ chủ quyền đất nước, và chính trên các mặt trận đấu tranh thiên nhiên, đấu tranh giai cấp, đấu tranh chống ngoại xâm, văn hoá dân tộc mỗi ngày một được xây dựng. Rồi đến khi chế độ tập quyền được vững, thì văn học và chữ nôm của ta mới thật có điều kiện phát triển.
1. NHỮNG MÂU THUẪN CHÍNH TRONG XÃ HỘI VIỆT-NAM VÀ SỰ PHẢN ÁNH CỦA VĂN HỌC VIỆT-NAM
Trong quá trình phát triển của xã hội Việt-nam, đã nẩy ra nhiều mâu thuẫn, và những mâu thuẫn ấy đã tác động sâu rộng đến văn học Việt-nam. Những mâu thuẫn ấy có thể chia làm bốn loại chính : mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc với quân xâm lược, mỗi khi có nạn ngoại xâm ; mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến ; mâu thuẫn giữa nội bộ giai cấp phong kiến ; mâu thuẫn giữa những mầm mống của yếu tố tư sản với phong kiến.
Từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ X, những cuộc nổi dậy của bà Trưng, bà Triệu, Lý Bôn, Mai Hắc-đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền đều là
https://thuviensach.vn
những cuộc khởi nghĩa mà những người thuộc giai cấp phong kiến đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Rồi trong suốt thời kỳ tự chủ, từ nửa đầu thế kỷ thứ X đến nửa cuối thế kỷ XIX, mỗi lần có cuộc xâm lăng, giai cấp phong kiến thống trị và nhân dân đều đã đứng lên đánh kẻ thù chung. Trong nhất thời, quyền lợi dân tộc đã được đặt trên quyền lợi giai cấp, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ phong kiến trong nước tạm coi là thứ yếu, và mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa quân xâm lược và toàn thể dân tộc.
Những câu ca dao :
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước thì thương nhau cùng.
xuất hiện vào một giai đoạn lịch sử nào đó, có thể cho chúng ta thấy được ý nghĩa đoàn kết tới một chừng mực nào đó giữa các giai cấp trong xã hội phong kiến Việt nam trước nạn ngoại xâm.
Lại những câu :
Ru con, con ngủ cho lành,
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi.
Muốn coi lên núi mà coi,
Coi Bà Triệu-tướng cưỡi voi đánh cồng.
Túi gấm cho lẫn túi hồng,
Têm trầu cành kiểm cho chồng đi quân
dù là xuất hiện sau thời bà Triệu chăng nữa, nhưng cũng nói lên lòng phấn khởi, hăng hái của nhân dân dưới sự lãnh đạo của một nữ tướng cưỡi voi trong rừng tiến ra giết giặc.
Lại hai câu ca dao dưới đây có thể đã xuất hiện trong trận Bạch-Đằng giang, tuy chưa rõ là trận chiến thắng của Ngô Quyền hay trận chiến thắng của Trần Quốc-Tuấn, nhưng cũng chứng tỏ là binh sĩ Việt-nam ta thời xưa, với tinh thần xung phong anh dũng, đã quyết tâm thi đua giết giặc cứu nước :
https://thuviensach.vn
Đánh giặc thì đánh giữa sông,
Chớ đánh trong cạn, phải chông mà chìm.
Về phía nhân dân, ý thức dân tộc đã mỗi ngày một trưởng thành trong quá trình đấu tranh chống xâm lăng, bảo vệ đất nước, còn về phía giai cấp phong kiến thống trị, thì ý thức bảo vệ quyền lợi của họ đã kết hợp nhất thời với tư tưởng vì nước vì dân. Trong lịch sử của dân tộc ta, những thơ văn chữ Hán của Lý Thường-Kiệt, Trần Hưng-Đạo, Trần Quang-Khải, Trần Nhân-Tông, Nguyễn Trãi, đều đã đề cao tinh thần yêu nước, bất khuất và anh dũng đấu tranh, nhưng đồng thời cũng đã phản ánh khá rõ tính chất giai cấp của những tác gia ấy.
Nhưng trong khi không còn nạn xâm lăng, phần thì giai cấp phong kiến thống trị thấy không còn cần nới tay đối với nông dân, phần thì nông dân thấy kẻ cướp quyền sống của mình không còn phải là giặc ngoại xâm, mà chính là giai cấp phong kiến dân tộc, nên, trong suốt thời phong kiến dài dằng dặc ở nước ta, mâu thuẫn sâu sắc nhất là mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ. Một bên, giai cấp phong kiến tiến hành đấu tranh với nông dân bằng mọi hình thức đàn áp, bóc lột ; còn một bên, nông dân cũng tiến hành đấu tranh với giai cấp đàn áp bóc lột mình, mà hình thức đấu tranh cao nhất của nông dân là những cuộc khởi nghĩa.
Ngay từ thời phong kiến sơ kỳ, việc chiếm hữu ruộng đất, rừng rú, sông hồ của giai cấp phong kiến đã làm cho nhân dân oán ghét và thốt lên lời ca :
Trống chùa ai đánh thì thùng,
Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng.
Đối với bọn chiếm hữu ruộng đất, ăn bám, không lao động, « đi cày mỏi gối, đi cuốc đau tau », người nông dân rất khinh bỉ, họ đã nói vào mặt chúng :
Hơn nhau tấm áo manh quần,
Thả ra bóc trần, ai cũng như ai.
https://thuviensach.vn
Suốt trong thời phong kiến, hết đời nọ qua đời kia, nhân dân lao động thiếu ăn, thiếu mặc ; đến thời nẩy sinh những mâu thuẫn mới, mâu thuẫn giữa kinh tế phong kiến với kinh tế hàng hoá, thì không những nhân dân lao động bị áp bức bóc lột mà các tầng lớp khác trong xã hội cũng bị chà đạp, rập vùi. Bọn chúa phong kiến miền Bắc bất lực, không thoả mãn được yêu cầu của nhân dân trong các giới công, thương ; còn bọn chúa phong kiến trong Nam thì kìm hãm việc buôn bán bằng những thuế nặng nề. Mầm mống tư sản vừa mới nẩy nở đã không vươn lên được, càng mâu thuẫn sâu sắc với nền kinh tế phong kiến đương thời. Đó là tình trạng xã hội nước ta vào thế kỷ XVIII, mà các truyện dài bằng thơ, như Truyện Kiều, Phan Trần, Nhị độ mai, Sơ kính tân trang đã tả tư tưởng và tình cảm con người dưới nhiều khía cạnh.
Trong nội bộ giai cấp thống trị cũng lại có những mâu thuẫn về tranh chấp quyền hành và mâu thuẫn sâu sắc hơn cả giữa các tập đoàn thống trị là mâu thuẫn giữa bọn phong kiến cấu kết với kẻ xâm lược và tập đoàn phong kiến nương tựa vào nhân dân để chống xâm lăng. Nhân dân đã nhận định rất sáng suốt vai trò của họ : một bên là những kẻ bán nước cầu vinh, còn một bên là anh hùng dân tộc, vì họ đã làm nhiệm vụ lịch sử của họ là ngoài việc bảo vệ ngai vàng riêng của họ, họ đã bảo vệ đất nước, bảo vệ nhất thời cả quyền lợi của nhân dân. Cho nên đến thời suy tàn của chế độ phong kiến, những kẻ thống trị cấu kết với bọn xâm lược, rước voi về giầy mồ, như Gia-Long mở đường cho thực dân Pháp đánh chiếm nước ta, nhân dân cũng nhận định những kẻ nào là kẻ thù của dân tộc :
Gáo vàng đem múc giếng Tây,
Khôn ngoan chi lắm, tớ thày người ta.
Nhân dân lao động Việt-nam đã đấu tranh chống những hành động của giai cấp phong kiến thống trị trên nhiều mặt, như bóc lột lao động, chiếm hữu ruộng đất, đàn áp tình yêu, gả bán ép uổng trong hôn nhân, thi hành chính sách ngu dân, tuyên truyền mê tín, nói tóm lại, tất cả những cái chà đạp lên quyền sống của con người. Những tư tưởng có tính chất phản
https://thuviensach.vn
phong ấy của người dân lao động Việt-nam đã thể hiện rất nhiều trong truyện cổ tích, truyện tiếu lâm và những truyện dài bằng thơ.
Nhưng không phải chỉ người bình dân mới có tư tưởng chống đối giai cấp phong kiến, nói lên những thối nát của giai cấp bóc lột, mà chính cả những nhà văn trong giai cấp phong kiến hay thuộc tầng lớp nho sĩ, như Hồ Xuân-Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Quí-Tân, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Từ Diễn-Đồng, Nguyễn Thiện-Kế, v.v… vì những lý do hoặc chủ quan hoặc khách quan, cũng đã nói lên những sự thối nát của chế độ phong kiến thống trị trong sáng tác của họ.
Đó là những mâu thuẫn chính trong xã hội Việt-nam trong thời trước (hiện nay một số vẫn còn tiếp diễn ở miền Nam Việt-nam dưới chế độ phát xít Mỹ-Diệm) mà văn học Việt-nam trên bước phát triển của nó, đã phản ánh khá rõ ràng.
2. NHỮNG MÂU THUẪN ẤY ĐÃ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC TA NHƯ THẾ NÀO ?
Ngay từ thế kỷ thứ nhất, bọn phong kiến xâm lược khi chiếm cứ được nước ta, liền thi hành ngay chính sách đồng hoá đối với dân ta. Trong lúc ấy, tổ tiên chúng ta có thể mới chỉ có một thứ tiếng nói riêng biệt, chứ chưa có chữ viết riêng biệt. Chữ Hán, do bọn đô hộ truyền bá, được giai cấp phong kiến bản xứ mới thành hình cấu kết với kẻ đô hộ đón lấy và được dùng làm công cụ hành chính và tuyên truyền văn hoá, chủ yếu là tuyên truyền đạo giáo. Cho nên trong chế độ phong kiến sơ kỳ ở nước ta, giai cấp phong kiến dân tộc gồm có ngay hai đẳng cấp : quí tộc và tăng lữ. Cũng giống như thời Trung cổ ở châu Âu, ở nước ta hạng người biết chữ thời đó phần nhiều là những người tu hành, cho nên từ thế kỷ XII trở về trước, tác giả các bài thơ chữ Hán hầu hết đều là các nhà sư.
Trong khi quyền lợi của bọn đô hộ ngoại tộc điều hoà được với quyền lợi của giai cấp phong kiến bản xứ, thì giai cấp này là tay sai đắc lực cho bọn đô hộ, cùng nhau đàn áp bóc lột nhân dân. Chữ Hán lúc đó được truyền
https://thuviensach.vn
bá rất mạnh, nó là thứ chữ duy nhất tuyên truyền văn hoá. Khi quyền lợi của chúng bị xung đột, thì giai cấp phong kiến bản xứ xa lìa bọn đô hộ, nhượng bộ ít nhiều nhân dân, nương tựa vào nhân dân để đấu tranh lật đổ ách đô hộ. Nhưng cái việc giai cấp phong kiến dân tộc cùng với nhân dân chống ách đô hộ ngoại tộc chỉ có trong từng thời gian ngắn một, có tính chất tạm thời, cho nên với bản chất của nó, một khi thoát ách đô hộ, giai cấp phong kiến dân tộc lại dùng chữ Hán vốn là công cụ sẵn có để tiếp tục tuyên truyền ý thức tư tưởng phong kiến.
Trong thời gian khá dài đó, sau mỗi lần quật đổ ách đô hộ, tinh thần độc lập của nhân dân ngày một phát triển. Nhân dân sáng tác để phô diễn những ý nghĩ, những cảm xúc của mình. Đó là những thần thoại, truyền thuyết, tục ngữ, phương ngôn và những câu ví, câu ca ngăn ngắn.
Nếu chữ nôm có từ thời Sĩ Nhiếp (thế kỷ II) mà mãi đến thời Phùng Hưng (thế kỷ VIII) nhân dân vẫn còn dùng 3, thì trong thời gian sáu trăm năm ấy, chữ nôm tất nhiên không thể nằm yên, và như vậy, nó phải đã được phát triển và duy trì bởi nhân dân, vì chỉ nhân dân, những người đã sáng tạo ra tiếng nói trong lao động, tác giả những dân ca, mới hiểu được thấu đáo ý nghĩa tiếng nói của mình và mới đặt được chữ thông dụng. Nhưng sở dĩ chữ nôm không thể ngoi lên được là vì chữ Hán, một thứ chữ đã ra đời trước nó trên đất Việt-nam, lại được giai cấp thống trị ngoại tộc và dân tộc đều coi là chính thức. Chúng ta nhận thấy rằng văn hoá Trung-quốc tràn vào nước ta là nhờ ở chữ Hán, và chữ nôm ở chữ Hán mà ra, nhưng đã bị chữ Hán chèn ép trên đường phát triển vì những lý do chính trị và kinh tế. Chữ nôm đã không được chính qui hoá, không được phổ biến trong việc giáo dục để trở thành thứ chữ như chữ Nhật-bản, chữ Triều-tiên ; nó đã ở vào một tình trạng vất vưởng trong dân gian, thiếu tính chất thống nhất, có nhiều chữ mỗi người viết một cách, đọc một cách, không theo một qui luật nhất định.
Từ khi có chữ nôm cho đến thời Hàn Thuyên dùng chữ nôm làm thơ phú, động viên nhiều thi sĩ phong kiến cùng làm thơ văn nôm, trong hơn
https://thuviensach.vn
một nghìn năm, tình hình chữ nôm và văn học nhân dân đã phát triển như thế nào, đó là một điều chúng ta phải nhận định cho rõ.
Văn học nhân dân, như chúng ta đã biết, vẫn coi là hoàn toàn truyền khẩu, và theo các sử sách, từ thời Trần (thế kỷ XIII) trở lại đây, một số thần thoại, truyền thuyết và dân ca mới được ghi chép bằng chữ Hán và chữ nôm. Như vậy, trước thế kỷ XIII, những sáng tác của nhân dân có được nhân dân ghi chép không ? Theo ý chúng tôi, tuy chưa tìm được tài liệu nào để chứng tỏ có sự ghi chép của nhân dân, nhưng rất có thể là những sáng tác của nhân dân, nhân dân đã có ghi chép một phần nào. Do đó, nó đã có thể được phổ biến từ địa phương này sang địa phương khác, và từ thời này qua thời nọ. Nhưng văn học nhân dân thường bị giai cấp thống trị coi là « nôm na, cha mách qué », nên có lần chúng đã đem đốt đi 4; đất nước ta lại liên tiếp bị nạn ngoại xâm, nên cái kho tàng thành văn ấy của nhân dân vốn đã ít, cũng rất có thể dễ mai một.
Nhưng với ý chí quật cường của dân tộc ta, tinh thần độc lập của dân tộc ta, tiếng nói được bảo vệ, ngày một giàu hơn lên, nên văn học nhân dân đã không vì những lẽ trên mà ngừng lại, nó tiến mỗi ngày một mạnh hơn, trở thành một lực lượng có thể quyết định. Đến đầu thời Trần, thời mà trước sự đe doạ của ngoại xâm, trước tình hình kinh tế kiệt quệ và tình hình chính trị gay go trong nước do triều Lý để lại, văn học nhân dân đã ảnh hưởng lớn đến giai cấp thống trị. Để tăng cường ý thức tự chủ, ý thức dân tộc, để thoả mãn một phần nào ý nguyện của nhân dân, hòng củng cố địa vị của họ, và về mặt khác, muốn phổ biến ý kiến tư tưởng của họ, ngoài những việc nới tay chút ít về chính trị, về kinh tế, họ Trần đã chú trọng cả về mặt văn hoá nữa. Việc dùng chữ nôm để sáng tác thơ văn bắt đầu được phát triển với Hàn Thuyên. Và từ đó, những người trong giai cấp phong kiến thống trị làm thơ văn nôm ngày một nhiều.
Nghiên cứu về thời đại Phục-hưng ở châu Âu vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, có người đã coi đó là một thời kỳ bột phát của văn học nghệ thuật ở mấy nước Ý, Pháp, Đức trong thời đó. Nhưng sự thật thì thời đại Phục-hưng ở châu Âu chỉ là một thời tiếp tục những công trình xây dựng
https://thuviensach.vn
ngấm ngầm, trầm lặng, bền bỉ từ lâu ; rồi đến cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, nhờ có những chân trời mở rộng sau những cuộc tìm ra đất mới, việc buôn bán trên các mặt bể trở nên cực thịnh, đồng thời nghề in cũng được phát minh. Với cuộc đời mở rộng, con người ta thấy cuộc sống của mình cũng cần được cởi mở. Văn minh Trung cổ Âu-tây nhiễm màu tôn giáo, cho cuộc đời là tạm bợ, khổ ải, chỉ có một lối thoát mà những người ngoan đạo ước mong là thiên đường, thì vào cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI ở châu Âu, thiên đường có thể ở ngay nhân gian, ở cuộc đời đã mở rộng. Các văn nhân nghệ sĩ thời ấy đã nhận thấy vấn đề chủ yếu là phải đề cao quyền sống của con người, coi cuộc đời người ta là quí nhất và phải làm sao cho có hạnh phúc ngay ở nhân gian. Do đó, nhiều nhà văn hoá thời đó đã đề cao cái đẹp của con người, của thiên nhiên, đề cao sức mạnh của lý trí.
Trở lại nước ta, tiếng nói của ta, cũng như tiếng nói của các dân tộc khác, đã phát triển theo sự phát triển của nền sản xuất, và nó phát triển tới một mức độ nào đó, thì bắt đầu có văn học và đòi hỏi có chữ viết. Cũng như trong văn học sử các nước, thứ văn học mà chúng ta có trước nhất là văn học nhân dân, phát triển một cách trầm lặng, bền bỉ trong khi chưa có đủ văn tự để ghi chép, và coi là hoàn toàn truyền khẩu. Nếu theo qui luật phát triển của nội dung và hình thức, với sự tương quan mật thiết giữa hai yếu tố này, thì nếu hình thức văn học còn chưa được phát triển, nội dung văn học, về lượng cũng như về chất, cũng chưa phát triển được mấy. Vì nội dung còn sơ sài, chưa cần đến một sự chính xác về lời và về ý, chưa cần đến sự truyền bá xa rộng, ngoài những khu vực sinh hoạt vật chất của những người sáng tác, nên chỉ truyền khẩu cũng tạm đủ, chưa cần thiết đến văn tự để ghi chép. Bởi vậy, ở vào một tình hình kinh tế có tính chất phân tán và tự cấp tự túc thì cũng chỉ có một nền văn học thích ứng với tình hình ấy, cho đến khi có những chân trời mới nhờ ở buôn bán thịnh vượng và có các đường giao thông, thì văn học mới thật được phát triển và trở nên một lực lượng đáng kể như trên chúng tôi đã trình bày. Bởi vậy, có thể nói thời Trần là thời bắt đầu mở ra những chân trời mới cho đất nước ta, thời mà văn học dân tộc thành văn chính thức ra đời.
https://thuviensach.vn
Việc giai cấp phong kiến thống trị, trước sức mạnh của văn học nhân dân, dùng chữ nôm để ghi những ý nghĩ và tình cảm là một bước tiến lớn trong văn học sử Việt-nam ; nó cũng lại là một bằng chứng rõ rệt về sự trưởng thành của ý thức dân tộc. Nguyên nhân sâu xa của nó là đường giao thông được mở rộng, nghề buôn và nghề thủ công được khuếch trương, có những thứ mà chữ Hán không thể ghi được cần phải di chuyển, giao lưu. Đồng thời, sự hoạt động về tinh thần cũng như về vật chất của nhân dân ngày một phức tạp, tiếng nói của dân tộc ngày một phát triển ; tất cả những cái ấy cung cấp mỗi ngày một nhiều đề tài cho văn học của nhân dân. Về mặt khác, chữ nôm một khi được dùng, người ta thấy ngay sự tiện lợi của nó trong dân chúng ; chữ Hán tuy dùng đã lâu, nhưng vẫn chỉ một thiểu số am hiểu, còn chữ nôm khi đã đọc lên được thì ai nấy đều thông. Sau nữa, tác dụng lớn nhất của chữ nôm là một khi nó được phát triển và phổ biến, thì nhờ có nó mà những loại sáng tác trường thiên mới ra đời được, truyền bá được khắp trong nước, và tất cả các câu ca, điệu hát, truyện dài bằng thơ mới lưu truyền được thời nọ qua thời kia.
Nói tóm lại, chúng ta nhận thấy tiếng nói, chữ viết và văn học của dân tộc ta đã phát triển theo sự phát triển của công thương nghiệp, nó thúc đẩy nhân dân đòi có quyền tư hữu tài sản và muốn vươn lên một cuộc sống cao hơn. Có thể nói là chỉ trong điều kiện phát triển mới của xã hội, đời sống tinh thần của con người mới được dồi dào. Cho nên ở nước ta, trong khi có những mâu thuẫn giữa những mầm mống của yếu tố tư sản với phong kiến, văn học dân gian cũng như văn học phong kiến đã phản ánh những tư tưởng đấu tranh cho quyền sống của con người, thể hiện một nhân sinh quan mới, một chủ nghĩa hiện thực phê bình.
Về mặt khác, chữ nôm một khi có đất sống, ngày một phát triển mãi lên, và nhờ việc dùng chữ nôm để ghi chép, văn học nhân dân đã vượt qua được những hào luỹ phong kiến, ảnh hưởng sâu rộng đến văn học phong kiến dân tộc, và thứ văn học này cũng ảnh hưởng lại văn học dân gian, làm cho văn học dân gian càng tăng số lượng và chất lượng, không còn hoàn toàn truyền khẩu nữa.
https://thuviensach.vn
Như vậy, chúng ta thấy rằng sự phát triển của văn học dân tộc có những quan hệ mật thiết với chữ viết của dân tộc, cho nên nghiên cứu văn học sử, tức là « nghiên cứu những tương quan biện chứng giữa những nội dung và hình thức ». 5
IV. NHỮNG ẢNH HƯỞNG QUA LẠI GIỮA VĂN HỌC NHÂN DÂN VÀ VĂN HỌC PHONG KIẾN
Những thơ nôm do Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ-Cố soạn đã gây một ảnh hưởng lớn trong giới những tác gia thuộc giai cấp phong kiến vào thời Trần và cho mãi đến cả thời Lê, Mạc. Những thơ nôm vịnh Vương Tường, những thơ quốc âm của Nguyễn Biểu, của Lê Thánh-Tông, của Ngô Chi Lan, những thơ quốc âm về Bạch viên Tôn Các (Lâm tuyền kỳ ngộ) và nhiều thơ quốc âm của các tác gia phong kiến khác đều đã làm theo Hàn luật (tức Đường luật). Đồng thời, ở ngay thời Trần, nhân dân thấy những người trong giai cấp thống trị dùng chữ nôm, làm thơ văn quốc âm, nên họ lại càng hào hứng trong sáng tác. Ngoài những điệu hát cũ, như các điệu hò, hát dặm, hát quan họ ngày một nhiều, còn nẩy nở những điệu hát mới, như tuồng, chèo, ca lý, hát trống quân, làm cho các tác gia phong kiến cũng muốn thoát ra ngoài những niêm luật gò bó của Hàn luật và sáng tác theo thể lục bát hay thể song thất lục bát, những thể hoàn toàn Việt-nam, như những câu ca điệu hát bình dân. Đó là những tập thơ như Gia huấn ca của Nguyễn Trãi, những thơ ngụ ngôn như Trinh thử, những thơ vịnh bốn mùa của Hoàng Sĩ-Khải, đào nương ca của Lê Đức-Mao v.v…
Ở nhiều nước, khi tiếng nói dân tộc phát triển, chữ viết phát triển thì ngay từ khi có văn học thành văn, chữ viết của dân tộc được coi là thứ chữ chính thức của quốc gia. Ở nước ta, đáng lý văn học quốc âm phải đẩy lùi hẳn văn học chữ Hán, thì trái lại, ngay vào thời Trần, bên cạnh những thơ văn quốc âm được phát triển với lòng hào hứng của dân tộc trong một hoàn cảnh xã hội mà nền sản xuất được phục hồi và sau đó kế tiếp những chiến thắng rực rỡ, chữ Hán vẫn được giai cấp thống trị duy trì và coi là chữ
https://thuviensach.vn
chính thức. Những người trong giai cấp thống trị như Trần Hưng-Đạo, Trần Nhân-Tông, Trần Quang-Khải, Trần Nhật-Duật, Phạm Ngũ-Lão vẫn dùng toàn chữ Hán để sáng tác thơ văn. Chưa đi sâu vào nội dung những tác phẩm ấy, chỉ điều này cũng chứng tỏ sự cách biệt quần chúng nhân dân trong tư tưởng những tác gia ấy : chữ nôm là thứ chữ có thể ghi những tiếng nói rất thông thường của nhân dân, nên những người trong giai cấp thống trị có dùng cũng chỉ là do ở ảnh hưởng mạnh mẽ của văn học nhân dân, còn theo bản chất họ, họ vẫn ưa thích dùng chữ Hán, một thứ chữ không phổ cập trong quần chúng nhân dân, chỉ riêng hạng người lớp trên, hạng học thức mới có thể dùng được.
Thật ra bản thân chữ Hán do nhân dân lao động Trung-quốc sáng tạo, không có tính chất giai cấp, nhưng ngay cái cách sử dụng chữ Hán cho khác, cho « cao hơn » quần chúng nhân dân, đã thể hiện tính chất phản động của giai cấp phong kiến thống trị. Cũng như vào thế kỷ XVIII và XIX, bọn quí tộc Nga đã dùng tiếng Pháp để nói trong khách thinh cho khác với quần chúng nhân dân Nga hồi đó, tuy tiếng Pháp vẫn là tiếng nói của nhân dân Pháp, do nhân dân Pháp sáng tạo và không có tính chất giai cấp.
Cũng vì chính sách ngu dân, nên sau thời Trần, bọn vua Lê, chúa Trịnh và bọn vua nhà Nguyễn đã hạn chế việc dùng chữ nôm, thậm chí đốt cả sách nôm, như Trịnh Cương đã làm (1718). Đến ngay bọn thực dân Pháp, trong thời gian chiếm cứ nước ta, một mặt chúng duy trì chế độ phong kiến, còn một mặt chúng đã dùng chữ Pháp làm văn tự chính thức, nhằm thực hiện chính sách ngu dân, chỉ đào tạo lấy một thiểu số người thừa hành chính sách bóc lột của chúng. Vậy, có để ý đến vấn đề tại sao chữ Hán vẫn được giữ nguyên địa vị của nó ở gần hết các triều đại phong kiến, chúng ta mới nhận rõ được sức phát triển phi thường của văn học nhân dân. Sự phát triển phi thường ấy đã đòi hỏi một thứ văn tự riêng của dân tộc để ghi chép văn học dân tộc, và chủ yếu là văn học nhân dân, cho nên chữ nôm đã từ chỗ không có đến chỗ có và đã phát triển từ chỗ mong manh, thiếu thốn, đến chỗ tương đối đầy đủ để ghi chép. Như vậy, về văn học
https://thuviensach.vn
không phải chỉ đơn thuần có vấn đề ngôn ngữ, mà trên bước phát triển của văn học, vấn đề văn tự cũng là vấn đề quan trọng.
Sự phát triển mạnh mẽ ấy của văn học nhân dân đã ảnh hưởng sâu sắc đến giai cấp phong kiến thống trị, làm cho họ không thể cứ khư khư dùng toàn chữ Hán và ruồng bỏ chữ viết của dân tộc. Họ cũng bị phong trào lôi cuốn, cũng làm thơ nôm như quần chúng nhân dân. Đối với những tác gia làm thơ văn nôm để tuyên truyền ý thức tư tưởng phong kiến, chúng ta nên nhận định là tuy nội dung những tác phẩm của họ có tính chất bảo thủ hay phản động, nhưng hình thức những tác phẩm ấy phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, với tinh thần độc lập của dân tộc, với sự trưởng thành của tiếng nói và chữ viết của dân tộc, thì theo ý chúng tôi, nó cũng có thể kể là có tính chất tiến bộ một phần nào.
Những sáng tác của những người thuộc giai cấp phong kiến và của nhân dân hầu hết đều mượn đề tài của Trung-quốc. Văn hoá Trung-quốc đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của dân tộc Việt-nam ta. Nhưng những tác phẩm văn học ấy vẫn phản ảnh hoặc ít hoặc nhiều thực tế của xã hội Việt nam vào những thời kỳ nhất định trong lịch sử. Ở vào hoàn cảnh xã hội phong kiến, những sáng tác của nhân dân dù thể hiện tính chất đấu tranh đến mực nào đi nữa, cũng vẫn nhiễm ít nhiều tư tưởng phong kiến. Về mặt khác, sở dĩ các tác gia trong quần chúng nhân dân dùng những đề tài và sự tích của Trung-quốc là vì họ muốn tránh sự trừng trị của giai cấp thống trị ; nhờ nương tựa vào những sự tích trong văn học và lịch sử Trung-quốc, họ đã nói lên được một phần những việc xảy ra trong xã hội đương thời ở Việt nam.
Có người nói : tính chất dân tộc của một tác phẩm văn học ở như ngôn ngữ, kỹ thuật và đề tài, vậy hầu hết những tác phẩm văn học của ta đều mượn sự tích của Trung-quốc, đề tài của Trung-quốc, thì dân tộc tính ở chỗ nào ? Theo ý chúng tôi, nó ở chỗ những tác phẩm ấy đã vận dụng được những phần đặc sắc, ưu tú của tiếng nói dân tộc, với những văn thể hoàn toàn Việt-nam, và đã phản ánh được đời sống thực tế của nhân dân Việt nam vào những giai đoạn nhất định trong lịch sử. Như vậy, nếu chúng ta kể
https://thuviensach.vn
ra một số tác phẩm, như : Nhị độ mai, Truyện Kiều, Trê Cóc, Phạm Công Cúc Hoa, Phan Trần, v.v… chúng ta thấy dân tộc tính của những tác phẩm ấy cũng khá rõ rệt.
V. TÍNH CHẤT CỦA VĂN HỌC VIỆT-NAM VÀ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC VIỆT-NAM
Văn học đã là một sự việc xã hội, một bộ phận của lịch sử, như trên chúng tôi đã trình bày, thì văn học sử Việt-nam, tức sự phát triển của văn học Việt-nam, tất nhiên phải gắn liền với sự phát triển của lịch sử dân tộc.
Theo ý chúng tôi, muốn nghiên cứu phong trào tiến triển của văn học Việt-nam qua các thời kỳ lịch sử, để tìm những đặc điểm của nó, trước hết chúng ta phải nhận định cho dứt khoát về những tác phẩm chữ Hán do người Việt-nam viết từ trước đến nay – và chủ yếu là những tác phẩm mà nội dung có tính chất dân tộc, có tinh thần dân tộc – có nên đặt vào văn học sử Việt-nam không ?
Chúng ta đã biết chỉ nội dung tác phẩm mới phản ánh được tình hình chính trị và kinh tế một thời, mới nói lên được ý thức tư tưởng và giai cấp tính của tác giả, nhưng cũng không phải vì thế mà chúng ta coi hình thức văn tự là không quan trọng. Xét từ nguồn gốc, chúng ta thấy rằng chỉ khi nào tiếng nói của dân tộc và chữ viết của dân tộc phát triển đến một trình độ tương đối phong phú nào đó, mới có văn chương, vì nội dung tư tưởng đòi hỏi, bắt buộc có sự phô diễn thích ứng với nó, như vậy chúng ta có thể nào coi hình thức văn tự là thứ yếu được ? Nếu đã coi những văn thơ ái quốc có tính chất dân tộc, có tinh thần dân tộc viết bằng chữ Hán của Lý Thường-Kiệt, Trần Hưng-Đạo, Trần Quang-Khải, Nguyễn Trãi, Lê Quí Đôn v.v…, là những sáng tác phải đặt vào văn học sử Việt-nam, thì những văn phẩm, thi phẩm có nội dung dân tộc do người Việt-nam ta đã viết bằng tiếng Pháp có được kể vào văn học sử Việt-nam không ? Nhận định quá trình phát triển của văn học nước ta, chúng tôi thiết nghĩ chúng ta cũng nên nhìn tới cả bước đường chúng ta mới đi qua gần đây.
https://thuviensach.vn
Theo ý chúng tôi, về văn học sử Việt-nam, vấn đề chủ yếu là chúng ta phải « nghiên cứu những tương quan biện chứng giữa nội dung và hình thức ». Như vậy, chúng ta có thể nghiên cứu sự phát triển của văn học ta dưới nhiều hình thức văn tự hay chỉ dưới một hình thức văn tự dân tộc ? Ở đây, chúng tôi muốn nêu lên những vấn đề ấy, mong có sự thảo luận của nhiều bạn.
Còn theo ý riêng tôi, trong sử văn học Việt-nam, trong sự phát triển của văn học Việt-nam qua các thời kỳ lịch sử, chúng ta phải kể những tác phẩm chữ Hán có nội dung dân tộc rõ rệt và do người Việt-nam viết, nhưng chủ yếu vẫn là nghiên cứu văn thơ ca quốc âm trên bước đường tiến triển của nó. Chữ Hán, tuy truyền sang ta từ lâu đời, nhưng theo ý chúng tôi, nó vẫn là chữ Trung-quốc, chúng ta không thể nhận là chữ của ta được. Những tác phẩm chữ Hán có nội dung dân tộc do người Việt-nam viết, theo ý chúng tôi, ta không coi là những văn phẩm hoàn toàn Việt-nam nhưng chúng ta phải nhận là nó đã có đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn học Việt-nam. Những tác phẩm chữ Hán do người Việt-nam viết đã ảnh hưởng sâu sắc đến những tác phẩm quốc âm, cũng như những tác phẩm quốc âm cũng đã ảnh hưởng nhiều đến những tác phẩm chữ Hán.
Hơn thế nữa, nhiều tác gia, như Cao Bá-Quát, đã vừa viết chữ Hán, vừa viết chữ nôm, mà có lẽ tư tưởng của Cao đã được biểu lộ đầy đủ ở tác phẩm chữ Hán hơn là ở tác phẩm chữ nôm.
Như vậy, những thơ văn chữ Hán do người Việt-nam viết có tính chất tiến bộ, phục vụ cho quyền lợi của dân tộc, có nội dung dân tộc rõ rệt như Hịch của Trần Hưng-Đạo, thơ của Trần Quang-Khải, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi v.v…, đều phải kể vào lịch sử văn học Việt-nam, và kể để hiểu biết quá trình phát triển tư tưởng của dân tộc ta đánh giá cho đúng tác dụng tích cực của những tư tưởng ấy ở những hoàn cảnh nhất định trong lịch sử về các mặt văn hóa, chính trị và kinh tế.
Chúng ta có thể đặt vấn đề một cách dứt khoát : trước thế kỷ XIII, thời mà chữ nôm chưa được phát triển và sau thế kỷ XIII văn học Việt-nam, cụ
https://thuviensach.vn
thể là văn học quốc âm, có những tính chất gì, và những đặc điểm của sự phát triển của nó như thế nào ? Và trong khi nghiên cứu, giải đáp vấn đề này, chúng ta sẽ nói đến ảnh hưởng của chữ Hán, ảnh hưởng của văn hóa Trung-quốc và ảnh hưởng của nội dung các tác phẩm chữ Hán do người Việt-nam ta viết đến văn học Việt-nam ở từng giai đoạn lịch sử.
*
Tính chất dân tộc của văn học Việt-nam đã thể hiện rất rõ ở tiếng nói, ở thể văn, ở kỹ thuật diễn tả, ở đề tài phản ánh xã hội Việt-nam về các mặt kinh tế, chính trị vào những hoàn cảnh nhất định trong lịch sử. Trong tiếng Việt-nam, có những tiếng gốc rất cổ, nguyên hẳn của ta, và một số tiếng do ở chữ Hán mà ra. Có thể nói : số tiếng vốn ở chữ Hán mỗi ngày một nhiều, nên tiếng nói của ta có liên quan chặt chẽ với chữ Hán. Về thể thơ, tuy ta đã có những thể hoàn toàn Việt-nam, nhưng thể thơ Trung-quốc cũng ảnh hưởng đến thể thơ ta rất nhiều, cả đến kỹ thuật diễn tả, ta với Trung-quốc cũng rất gần nhau.
Chúng ta có thể nói : nghiên cứu văn học ta, chúng ta thấy tính chất dân tộc toát ra ở nội dung nhiều hơn là ở hình thức, tuy hình thức cũng có những cái độc đáo của dân tộc. Văn học của ta, nhất là văn học nhân dân, đã cho chúng ta thấy rất rõ những tính tình thắm thiết yêu hòa bình, yêu tự do độc lập, yêu lao động, yêu gia đình, yêu nhân dân và Tổ quốc. Văn học của ta, nhất là văn học dân gian, còn thể hiện những tư tưởng đấu tranh bền bỉ, chống áp bức bóc lột, và tinh thần quật khởi, bất khuất, chống xâm lăng. Vậy đặc điểm thứ nhất là văn học của ta là một thứ văn học yêu hòa bình, yêu độc lập, yêu tự do. Những tính tình tư tưởng này ngày một phát triển với sự trưởng thành của ý thức dân tộc kết hợp với tinh thần quốc tế chân chính.
Có người bảo văn học ta nghèo nàn, là vì họ chỉ nhìn thấy có văn học phong kiến, văn học của giai cấp thống trị. Văn học của ta có một điều rất đặc biệt là văn học nhân dân hết sức phong phú, diễn ra nhiều mặt, nhiều hình sắc, và cho đến nay, chúng ta vẫn chưa khai thác được hết. Như vậy,
https://thuviensach.vn
đặc điểm thứ hai là văn học dân gian chiếm quá nửa toàn bộ văn học dân tộc. Trong chế độ dân chủ nhân dân, thứ văn học ấy lại càng có điều kiện phát triển mạnh hơn nữa.
Trước thế kỷ XIII, trên cơ sở kinh tế lạc hậu, sự phát triển của văn học ta, trong khi chưa hẳn có một thứ chữ riêng, đã rất đặc biệt là truyền khẩu. Đó là đặc điểm thứ ba. Cái đặc tính truyền khẩu này còn kéo dài cho đến khi chúng ta đã có chữ nôm và cả đến khi chúng ta đã có chữ quốc ngữ la tinh. Lý do là tiếng Việt-nam ta rất giàu về âm thanh, nhạc điệu, lại thêm có nghĩa đen nghĩa bóng, tiếng lóng, tiếng lái, tiếng kép, tiếng ghép. Do đó mà nhân dân lao động nước ta rất hay ví von, ca hát ứng khẩu ngay trong những khi làm lụng, rồi những câu ứng khẩu và truyền khẩu ấy, sau một thời gian bay hết nơi này chốn nọ, mới được ghi chép. Cũng lại nhờ ở những tiếng rất vần vè mà mọi người đều dễ nhớ, dễ thuộc, nên sự truyền khẩu mới có thể tồn tại cho mãi đến bây giờ.
Đặc điểm thứ tư của sự phát triển văn học của ta ở như sự thu nhặt phong phú của nó mỗi ngày một tăng về chữ Trung-quốc mà ta đã phiên âm từ lâu theo tiếng Việt. Sự dùng chữ Hán của giai cấp phong kiến thống trị tuy có kìm hãm một phần nào sự phát triển văn học quốc âm, nhưng về mặt khác, nó đã làm cho tiếng nói của ta thêm phong phú. Tiếng Pháp ở tiếng la-tinh mà ra, còn tiếng Việt-nam một phần lớn cũng ở tiếng Trung-quốc mà ra. Cho đến ngày nay, về ngữ vựng, tiếng Việt-nam sở dĩ phát triển được, cũng là nhờ mượn chữ của Trung-quốc. Nội dung tư tưởng và hình thức văn tự liên quan chặt chẽ với nhau, cho nên có thể nói : văn hóa Trung-quốc đã giúp cho sự phát triển của văn học Việt-nam rất nhiều, và sau này nó vẫn sẽ còn giúp ích cho ta trong công tác biên tập ở các ngành khoa học.
Đặc điểm thứ năm là văn học Việt-nam ta đã phát triển rất nhiều về văn vần từ buổi đầu cho đến cuối thế kỷ XIX. Một mặt do ở thiếu chữ viết trong những thời kỳ đầu, muốn cho được dễ truyền khẩu, một mặt do ở sự phong phú về âm thanh, nhạc điệu, tiếng kép, tiếng ghép, có thể nói lên thành thơ ca, nên văn học Việt-nam đã phát triển rất nhiều về văn vần.
https://thuviensach.vn
Kiểm điểm những tác phẩm quốc âm ra đời từ thế kỷ XIII đến nay, chúng ta thấy hầu hết là văn vần, trừ một số thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích được ghi chép bằng chữ nôm và chữ Hán. Những vè và tục ngữ ca dao của ta đã gần trở nên những khuôn thước cho đường lối phát triển văn học Việt-nam, nên không một truyện dài nào bằng thơ, không một bài ca trường thiên nào là không chịu ảnh hưởng những loại văn học dân gian ấy.
Đặc điểm thứ sáu là thể thơ Việt-nam (lục bát và song thất lục bát) rất ăn nhịp với nhạc điệu của tiếng Việt-nam, nên trong những bước phát triển của thơ ca Việt-nam, hai thể ấy đã biến hóa ra nhiều thể khác, như thể hát của đào nương, thể thơ tám chữ mà vào hồi 1938-1940, người ta đã gọi là « thơ mới ».
Đặc điểm thứ bảy là hầu hết tác phẩm văn học cũ của ta, dù là văn vần hay văn xuôi, đều mượn đề tài trong các truyện cổ của Trung-quốc, nhưng nhờ ở như văn hóa Trung-quốc rất gần với văn hóa Việt-nam, nên tuy là đề tài mượn của nước ngoài, mà những tác phẩm ấy vẫn nói lên khá rõ thực tế Việt-nam trong những giai đoạn nhất định của lịch sử.
VI. NÊN PHÂN ĐỊNH GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ VĂN HỌC VIỆT-NAM NHƯ THẾ NÀO ?
Sự phát triển của văn học Việt-nam sở dĩ không ngừng là nhờ ở sự đấu tranh liên tục của nhân dân ta, nhờ ở ý thức dân tộc của tổ tiên ta ngày một lớn mạnh. Nó không bị dìm hẳn đi trong những giai đoạn lịch sử mà giai cấp thống trị đề cao chữ Hán, khinh rẻ chữ viết của dân tộc, kìm hãm văn học dân gian, là vì ở những giai đoạn đó, nhân dân đã tích cực bảo vệ tiếng nói, bảo vệ chữ viết dân tộc, làm cho tiếng nói và chữ viết của mình ngày một phong phú, có thể phô diễn được tính tình và tư tưởng về muôn mặt. Vào những hoàn cảnh xã hội mà tình hình kinh tế phát triển, ý thức dân tộc được tăng cường, văn học nhân dân cũng tiến mạnh, thích hợp với thời của nó.
https://thuviensach.vn
Chữ nôm được phát triển từ nửa đầu thế kỷ XIII, thơ văn nôm của những người nho sĩ phong kiến ra đời rồn rập trong một thời gian ngắn, rồi lại chìm vào yên lặng. Trong lúc đó, trên cơ sở chữ nôm đã được xây dựng, những sáng tác của nhân dân, như ca dao, các điệu hát, các vở chèo, vở tuồng, các truyện dài bằng văn vần vẫn tiếp tục ra đều. Trong việc buôn bán mỗi ngày một rộng mở, nhân dân còn dùng chữ nôm để ghi chép những tên người, tên hàng chỉ có tên nôm na, không có tên chữ Hán.
Đến thời Hồ Quí-Ly (1400-1407), các đường « thiên lý » được mở mang nhiều, chế độ tiền tệ được đổi mới (bắt đầu tiêu tiền giấy), nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, phố phường đông đúc, các thị trấn mọc lên khá nhiều. Nền kinh tế mới, cuộc sinh hoạt mới đòi hỏi nhân dân phải thông các phép tính, nên trong các kỳ thi, học sinh phải thi toán. Những việc cải lương ấy, nhằm mục đích làm cho quốc gia phú cường, chứng tỏ ý thức dân tộc của ta thời ấy đã tới một trình độ khá cao. Thể theo tình hình kinh tế, tình hình sinh hoạt của nhân dân, Hồ Quí-Ly đã có sáng kiến dùng chữ nôm trong các văn kiện, chiếu chỉ. Rồi chính bản thân Hồ Quí-Ly cũng làm thơ nôm và dùng chữ nôm để dịch thiên « Vô dật » trong Kinh thư. Do đó, phong trào dùng chữ nôm để soạn những tác phẩm văn học được sôi nổi một thời, ảnh hưởng sâu rộng đến thời sau. Cho nên trong các thời Lê, Lê Mạc, Lê-Trịnh, tuy chữ nôm bị giai cấp thống trị dìm đi và bị gạt ra ngoài phạm vi công văn, giấy tờ, sách vở của họ, nhưng trong quá trình đấu tranh, nhân dân Việt-nam đã bồi dưỡng cho tiếng nói và chữ viết của dân tộc, làm cho nó có đủ khả năng phô diễn những tình cảm và tư tưởng sâu sắc.
Từ thời Hồ Quí-Ly, văn học quốc âm bắt đầu có cơ sở để phát triển mãi lên, văn học dân gian đã có đà tiến mạnh, làm cho từ thời Lê Thánh Tông trở về sau, tuy giai cấp thống trị vẫn dùng chữ Hán làm chữ chính thức, nhưng họ cũng sáng tác thơ văn nôm ngày một nhiều.
Đến thế kỷ XVIII, kinh tế hàng hóa, kinh tế tiền tệ càng phát triển mạnh hơn nữa, nhưng kinh tế nông nghiệp vẫn lạc hậu, quan hệ sản xuất cũ vẫn được giai cấp thống trị đương thời duy trì, kìm hãm bước tiến của xã hội, nên không những người nông dân bị khổ cực, mà các tầng lớp khác
https://thuviensach.vn
cũng bất mãn với chế độ. Thế kỷ XVIII là thế kỷ mà những cuộc khởi nghĩa của nông dân, trong đó có nhiều người thuộc tầng lớp khác tham gia, đã nổ ra nhiều nhất ở xã hội Việt-nam ta và đưa đến cuộc Tây-sơn khởi nghĩa.
Một khi đã nắm được chính quyền trong tay, vốn là người « áo vải cờ đào » và muốn dựa vào thế lực của nông dân đang lên, Nguyễn Huệ đã tôn trọng trong một chừng mực nào đó ý nguyện của nhân dân, sự đòi hỏi thực tế của nhân dân và thực hiện việc dùng chữ nôm trong các giấy tờ, công văn của nhà nước. Về mặt khác, sau khi nhà Tây-sơn đánh tan quân xâm lược Mãn-Thanh, chữ nôm, thứ chữ viết của dân tộc, cũng là một yếu tố quan trọng để củng cố chính quyền quốc gia, tiến tới việc hình thành dân tộc. Ở giai đoạn lịch sử này, chữ nôm đã sẵn có ưu thế trong dân gian, lại khôi phục được cả địa vị cũ của mình về chính trị thời Hồ Quí-Ly, nên ảnh hưởng của nó trong toàn quốc đã rất lớn. Cho nên đến khi bọn phong kiến nhà Nguyễn thay thế nhà Tây sơn, tuy thi hành chính sách phản động là lại dùng chữ Hán trong các giấy tờ công văn nhà nước, nhưng văn học quốc âm đã sẵn có đà, nên vẫn phát triển không ngừng. Ở vào một hoàn cảnh xã hội mà quyền sống của con người bị chà đạp hơn trước, nhưng các chân trời mới đã mở rộng, nên ở văn học nhân dân cũng như ở văn học phong kiến đã toát ra một nhân sinh quan mới, một chủ nghĩa nhân đạo rõ rệt.
Thơ của Hồ Xuân-Hương cũng như Truyện Kiều của Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy khá rõ sự tương quan mật thiết giữa nội dung và hình thức. Có thể nói : sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Tây-sơn đã đưa sự phát triển của văn học Việt-nam đến cao độ và tiêu biểu cho sự phát triển ấy là tác phẩm bất hủ của Nguyễn Du.
Từ sau Nguyễn Du, cho đến ngày thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm nước ta (1862), văn học của ta tuy có tăng về số lượng, nhưng chất lượng ngày một kém, để rồi biến đổi cả màu sắc trước ảnh hưởng văn học tư sản Pháp trong thời kỳ Pháp thuộc. Phải đợi ngày Đảng của giai cấp công nhân ra đời, văn học vô sản mới bắt đầu chớm nở, để rồi từ Cách mạng tháng
https://thuviensach.vn
Tám trở về sau, văn học Việt-nam mới có một sinh khí mới và phát triển dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
*
Chúng tôi đã nói ở một đoạn trên, văn học là một sự việc xã hội, một bộ phận của lịch sử, hay nói một cách khác : văn học sử là một bộ phận của xã hội sử. Nhưng trong những giai đoạn có sự phát triển không đều giữa văn hóa, chính trị và kinh tế, thì có nhất thiết các thời kỳ lịch sử văn học phải đi sát với sự phân định thời kỳ của xã hội sử không ?
Theo ý chúng tôi, nếu căn cứ vào sự phát triển, vào sự tiến triển của văn học ta qua các thời kỳ lịch sử, chúng ta có thể đặt mốc vào những thời mà văn học của ta đã có những bước ngoặt rõ rệt để tiến lên. Vậy, căn cứ vào những đặc điểm trên này, theo ý chúng tôi nên phân định giai đoạn lịch sử văn học Việt-nam như sau :
I. Thời kỳ trước thế kỷ XIII, tức trước thời chữ nôm được phổ biến với Nguyễn Thuyên. Ở thời kỳ trước thế kỷ XIII này, chúng ta có thể nghiên cứu sự phát triển của tiếng nói Việt-nam, một số thần thoại và truyền thuyết, một số những câu ca, điệu hát mới chớm nở, vân vân, dưới hình thức truyền khẩu.
II. Từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XV, thời mà chữ viết của dân tộc bắt đầu được giai cấp phong kiến thống trị dùng làm thơ văn, rồi tiến tới được dùng làm văn tự chính thức của nhà nước với Hồ Quí-Ly. Đó là thời mà văn học quốc âm thành văn bắt đầu nẩy nở và một số những thơ văn truyền khẩu bắt đầu được ghi chép hoặc bằng chữ nôm, hoặc bằng chữ Hán.
III. Từ đầu thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XIX, thời văn thơ nôm toàn thịnh với Hồ Xuân-Hương, và Nguyễn Du. Đây cũng là thời mà văn học dân gian và văn học phong kiến phát triển mạnh mẽ chưa từng có.
IV. Từ nửa cuối thế kỷ XIX đến 1930, thời mà văn học Việt-nam của tầng lớp trí thức vừa có tính chất nửa phong kiến, nửa tư sản, còn văn học dân gian có tính chất đấu tranh ngày một mạnh hơn trước.
https://thuviensach.vn
V. Từ 1930 đến Cách mạng tháng Tám, văn học Việt-nam vẫn còn những cái rơi rớt của thời kỳ trước, nhưng đồng thời một nền văn học mới bắt đầu nẩy nở : văn học vô sản.
VI. Từ 1945 đến ngày nay, văn học vô sản ngày một phát triển ; công việc của nó là quét sạch những tàn tích phong kiến và đế quốc còn sót lại, xây dựng một nền văn học tươi sáng, phục vụ công, nông, binh, tiến tới kiến thiết xã hội chủ nghĩa.
VII. KẾT LUẬN
Chúng tôi nhận thấy rằng hiện nay nhận định được cho đúng trên phương hướng nào, trên cơ sở nào văn học nước ta đã phát triển qua các thời kỳ lịch sử là một việc khó. Vì hiện nay, những tài liệu về văn học của ta rất thiếu sót, những tài liệu chúng ta hiện có chưa được chỉnh lý, một số lớn tác phẩm vô danh chưa rõ xuất hiện vào thời nào, v.v… Về phần khác, chúng ta vừa làm vừa học, nên công việc nghiên cứu của chúng ta mới chỉ tiến được từng bước nhỏ.
Muốn xây dựng một quyển sử văn học Việt-nam, theo ý chúng tôi, cần phải có nhiều ý kiến tham gia thảo luận. Và có như thế, chúng ta mới thấy được phương hướng và cơ sở tương đối vững vàng của sự phát triển của văn học Việt-nam.
Tuy có những khó khăn nói trên, nhưng chúng tôi nhận thấy ngày nay chúng ta lại có những thuận lợi mới. Trước hết, chúng ta có chế độ dân chủ nhân dân, có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Hồ Chủ-tịch ; Đảng và Hồ Chủ-tịch đã giáo dục cho chúng ta nhận thấy rõ nhiệm vụ của người viết văn hiện thời, gây cho chúng ta một sự hào hứng không bờ bến và sự quyết tâm trong việc xây dựng quyển sử văn học của dân tộc, để góp phần vào việc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà trên đường văn học. Sau nữa, hiện nay chúng ta có những nước bạn đã đi trước chúng ta trong việc nghiên cứu văn học dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Kinh nghiệm của các nước bạn chắc chắn sẽ giúp chúng ta trong việc xây dựng
https://thuviensach.vn
quyển sử văn học Việt-nam. Như vậy, với sự cố gắng, với sự quyết tâm, việc tuy khó, chúng ta cũng sẽ làm được.
Ở đây, chúng tôi chỉ trình bày sơ lược một vài ý kiến về việc xây dựng một quyển sử văn học Việt-nam và mong chờ ý kiến của nhiều bạn.
Tháng 12-1955
VŨ NGỌC-PHAN
https://thuviensach.vn
XUNG QUANH CÁI CHẾT CỦA HOÀNG DIỆU VÀ VIỆC THẤT THỦ THÀNH HÀ-NỘI NĂM 1882
của TRẦN HUY-LIỆU
NGÀY 8-3 âm lịch tức là ngày 18-4 vừa qua, chúng ta đã làm lễ kỷ niệm năm thứ 74 ngày Hoàng Diệu tử tiết.
Nhắc đến cái chết của Hoàng Diệu là nhắc đến việc mất thành Hà-nội lần thứ hai, là nhắc đến hoàn cảnh lịch sử bấy giờ. Vì vậy, chúng ta không được coi cái chết của Hoàng Diệu như một việc riêng lẻ, việc mất thành Hà-nội là một sự biến xảy ra nhất thời, mà phải gắn liền nó với những diễn biến trước nó và sau nó, với chủ trương và thái độ của vua tôi nhà Nguyễn đương thời, nói gọn là với cả thời cục chính sách trong giai đoạn đó. Thật thế, Hoàng Diệu chết vì đâu ? Thành Hà-nội mất vì đâu ? Không phải chỉ đơn giản do ở hai chiếc tầu và mấy trăm quân của tên tướng giặc Hăng-ri Ri-vi-e (Henri Rivière), mà còn ở nhiều nguyên nhân khác. Viết bài này, chúng tôi không dám đi xa quá, mà chỉ cố gắng diễn đạt những việc đã diễn ra trong thời kỳ ấy.
*
Một điều mà chúng ta đã nhận thấy rõ là : ngay từ khi thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm Nam-kỳ cho đến khi toàn quốc bị mất, triều đình Huế, kẻ ngồi ghế thống trị và chịu trách nhiệm trước lịch sử, đã hèn nhát, co rụt, trông chờ, rồi đầu hàng dâng nước cho giặc. Nhưng, cũng từ khi tiếng súng xâm lược bắt đầu nổ ở Đà-nẵng (1858) và Gia-định (1859) thì giai cấp phong kiến đã có sự phân hóa trước cảnh quốc gia lâm nguy : phái chủ hòa và phái chủ chiến.
Phái chủ hòa, tiêu biểu cho nó là hai mẹ con vua Tự-Đức và bọn đình thần như Nguyễn Bá-Nghi, Trần Đình-Túc, Nguyễn Hữu-Độ và Phan
https://thuviensach.vn
Thanh-Giản, v.v… Gọi là chủ hòa không có nghĩa là giữ vững hòa bình, mà là thỏa hiệp với giặc, hàng giặc không điều kiện. Theo lý luận của chúng, đánh thì thế nào cũng thua, âu bằng hàng giặc để khỏi hại dân. Cố nhiên là chúng không phải thương dân, mà là muốn cứu vãn quyền lợi của chúng, câu kết với giặc để đàn áp nhân dân.
Phái chủ chiến, tiêu biểu của nó là Nguyễn Tri-Phương, Hoàng Diệu, Tôn Thất-Thuyết và một số quan trấn thủ ở các địa phương, trước áp lực của những văn thân ái quốc và dư luận phẫn khích của nhân dân. Có điều là phái chủ chiến cũng chỉ ở trong vòng điều khiển của triều đình, chớ không phải dựa vào nhân dân để đánh giặc. Quan niệm của phái này là mình chịu chết để thành điều nhân (sát thân thành nhân), là thấy nghĩa phải làm, là thà chết không làm nô lệ ; nhưng trong chỗ liều chết chống giặc với một tinh thần yêu nước, họ vẫn thiếu tinh thần quyết thắng, mang tâm lý chiến bại, sẵn sàng mang cái chết tạ vua, tạ nước để bảo toàn khí tiết của mình. Ấy là chưa kể chiến lược của phái chủ chiến không có gì khác hơn là giặc đến thì đắp lũy cản giặc, giặc đánh thành thì chết theo thành.
Rồi, trên hai dòng tư tưởng, hai chủ trương ấy, chúng ta thấy những biến thiên lần lượt diễn ra.
Giặc Pháp đánh Đà-nẵng, Nguyễn Tri-Phương lập đồn Liên-trì và đắp lũy từ Hải-châu đến Phúc-ninh để chống giặc.
Giặc Pháp hãm thành Gia-định, hộ đốc Vũ Duy-Ninh tự tử theo thành. Nguyễn Tri-Phương đắp lũy Kỳ-hòa để chặn bước tiến của địch.
Trong khi quân khởi nghĩa ở các nơi đương nổi dậy, phối hợp với quân chính qui của triều đình, thì, ngày 9-5-1862, đại biểu của triều đình Huế là Phan Thanh-Giản và Lâm Duy-Hiệp ký nhượng ba tỉnh Biên-hòa, Gia-định và Định-tường cho thực dân Pháp và cho đến tháng 6-1867, Phan Thanh Giản, lại một lần nữa, truyền cho bọn quan lại Nam-triều nộp nốt ba tỉnh Nam-kỳ là Vĩnh-long, An-giang và Hà-tiên trước khi tự uống thuốc độc chết.
https://thuviensach.vn
Từ năm 1862 đến 1867, công việc của phái chủ hòa là lo chuộc lại đất đai đã mất bằng cách van xin quỵ lụy từ soái phủ Nam-kỳ đến chính phủ nước Pháp nhưng vẫn không đưa lại kết quả gì và lo đàn áp những toán dân quân để giữ tín nghĩa với giặc. Chẳng những thế, trong khi Nam-kỳ bị chia cắt và Trung Bắc-kỳ bị uy hiếp, Tự-Đức vẫn bắt quân lính và nhân dân xây dựng Vạn-niên-cơ làm chỗ ngủ muôn năm của hắn để gây nên cuộc biến loạn ở kinh thành (1866) và vang tiếng căm hờn của dân chúng : « Vạn niên la vạn niên nào, thành xây xương lính, hào đào máu dân ».
Sáu năm sau khi Nam-kỳ bị mất, năm 1873, quân Pháp tiến ra Bắc-kỳ. Trong cuộc tranh thủ thời gian, thực dân Pháp củng cố Nam-kỳ làm căn cứ địa để chuẩn bị ra Bắc, mở đầu bằng việc gây chuyện của tên lái buôn Dăng Đuy-puy (Jean Dupuis) đánh thông lối đường thủy qua Bắc-kỳ sang Vân nam. Cũng thời gian này, triều đình Huế đem toàn lực đánh dẹp những cuộc khởi nghĩa của nông dân ở miền Bắc, mặc cho Pháp chiếm trị ở miền Nam. Thế rồi trước cuộc tấn công của Pháp rằm tháng mười năm Quí-dậu (1873), Nguyễn Tri-Phương, một linh hồn của kháng chiến, đã bị giặc Pháp bắt trong khi thành Hà-nội bị vỡ và nhịn ăn chết để toàn danh tiết.
Hòa và chiến đương ở thế cầm cự. Hoàng Kế-Viêm cộng tác với Lưu Vĩnh-Phúc vừa giết được tướng giặc là Phờ-răng sít Gác-ni-ê (Francis Garnier) ở Ô Cầu giấy, ngoại thành Hà-nội, thì mấy tháng sau, đầu năm 1874, Nguyễn Văn-Tường và Lê Tuấn, đại biểu triều đình Huế, đã ký với Pháp hòa ước Giáp-tuất nhận theo chính lược ngoại giao của Pháp và thuận nhường đứt sáu tỉnh Nam-kỳ cho Pháp. Chống lại việc cắt đất đầu hàng, một số văn thân ái quốc như Trần Tấn, Đăng Như-Mai đã nổi dậy, phất cao ngọn cờ bình Tây sạt tả 6, được nhân dân ủng hộ và bị triều đình đàn áp (1874). Chuyến ra Bắc đầu tiên này, thực dân Pháp mới làm một cuộc thăm dò thực lực để chuẩn bị cho cuộc cướp hẳn đất đai về sau, nên sau khi đã nắm được những điều kiện thắng lợi, quân Pháp lại rút về Nam-kỳ. Được thực dân Pháp nhả cho 4 tỉnh Bắc-kỳ vừa chiếm được, Tự-Đức đã tưởng con bài hòa của mình là đắc sách. Trong dịp ra đầu bài thi đình đối năm 1877, có mục hỏi về việc lớn nhà nước (quốc gia đại sự), Tự-Đức đã ỡm ờ
https://thuviensach.vn
đặt thành vấn đề : « Nước Phú-lãng-sa vốn là một nước trọng tín nghĩa, cho nên đã trả lại ta 4 tỉnh Bắc-kỳ mà ông Phơ-răng-si-Gác-ni-ê (Francis Garnier) đã lấy hồi năm 1873 ; còn sáu tỉnh Nam-kỳ, phải chi Phú-lãng-sa cũng đem trả nốt cho ta, rồi hai nước lại giao hảo buôn bán với nhau chẳng hay hơn ư ? Nhưng vì lẽ gì nước Phú-lãng-sa vẫn lần khân chưa chịu trả và nếu nước ta muốn thu phục sáu tỉnh Nam-kỳ lại thì nên làm thế nào ? ». Trước sự công phẫn của nhân dân, Tự-Đức phải đặt ra câu hỏi cho có chuyện, có ý kiến đấy thôi. Chớ thực ra, hắn vừa ký văn tự bán đất (Hòa ước giáp-tuất) chưa ráo mực, còn nói gì nữa.
Quả là theo chiến lược « được đằng chân lân đằng đầu », thực dân Pháp mà Tự-Đức khen là vốn trọng tín nghĩa, sau khi đã chuẩn bị xong xuôi rồi, năm 1882, kéo ra Hà-nội lần nữa. Và lần này, cái chết của Hoàng Diệu tiếp theo cái chết của Nguyễn Tri-Phương cũng như thành Hà-nội lại thất thủ lần thứ hai.
Sau khi đã thỉnh thị Pháp đình, nghĩa là đã được ý kiến của bọn tư bản bên Pháp, Thống-đốc Nam-kỳ là Lơ Mia đơ Vi-le (Le Myre de Vilers) phái Hăng-ri Ri-vi-e (Henri Rivière) đem binh thuyền ra Bắc, từ Hải-phòng lên Hà-nội, đóng tại Đồn-thủy. Trước đây, Hoàng DIệu, tổng đốc Hà-nội bấy giờ, đã cùng Nguyễn Đình-Nhuận dâng sớ lên Tự-Đức, đề nghị việc dự phòng chống địch. Nhưng Tự-Đức vẫn làm thinh. Tới khi thành Hà-nội trực tiếp bị uy hiếp, Hoàng Diệu một mặt xin triều đình Huế phái thêm viện binh, một mặt hạ lệnh giới nghiêm và thông báo đi các tỉnh để kịp đề phòng. Bọn chủ hòa đề nghị mở cửa thành cho quân Pháp ra vào tự do và nên triệt binh để người Pháp khỏi ngờ vực, nghĩa là không đánh đã hàng. Tự-Đức cũng hạ chiếu xuống, quở trách Hoàng Diệu đã đem binh dọa giặc và chế ngự sai đường. Mặc dầu Tự-Đức đã làm khó khăn cho việc chuẩn bị kháng chiến và gây một không khí hoang mang xung quanh Hoàng Diệu : liêu thuộc đều chán nản ; tiến thoái đều hoang mang 7, Hoàng Diệu vẫn quyết tâm bảo vệ thành trì, nói đúng hơn, quyết tâm chết theo thành trì. Trong một bản di biểu gửi cho Tự-Đức, Hoàng Diệu đã nhận rõ vị trí quan trọng của thành Hà-nội mà Hoàng có trách nhiệm bảo vệ : « Tôi thiết nghĩ
https://thuviensach.vn
Hà-nội là nơi yết hầu của Bắc-kỳ và là nơi then chốt của nước ta. Nếu Hà nội mất thì các tỉnh sẽ mất theo ». Đám Nam quan xung quanh Hoàng Diệu bấy giờ có tuần phủ Hoàng Hữu-Sứng, đề đốc Lê Văn-Trinh, bố-chính Phạm Văn-Tuyển, án sát Tôn-thất Bá, lãnh binh Lê Trực đã cùng nhau uống rượu hòa máu, tỏ quyết tâm sống chết với thành. Cố nhiên cái gọi quyết tâm sống chết với thành ở đây là một tâm lý chiến bại, chưa đánh đã định thua, chưa thua đã định chết. Tuy vậy, ngoài cái quyết tâm của Hoàn Diệu, những kẻ tay cầm chén rượu hòa máu, miệng thề sống chết với thành ấy, đương tính kế đầu hàng làm tay sai cho giặc hay ít nhất cũng thoát thân một cách hèn nhát.
Ngày giờ thử thách đã đến. Chiều ngày 7-3 (âm lịch), quân giặc bắt đầu vây thành. Sáng hôm sau, chúng đưa tối hậu thư cho ta. Được dịp, Tôn thất Bá, một người trong đám cành vàng lá ngọc, xin ra ngoài thành để giao thiệp với địch một lần cuối cùng. Bắc thang ra khỏi thành rồi, Bá liền báo cho giặc biết về cách bố trí quân sự của ta để giặc nổ súng. Rồi nó một mặt dâng biểu lên Tự-Đức, đổ tội cho Hoàng Diệu ; một mặt xin với giặc cho làm tổng đốc Hà Ninh, thay cho Hoàng Diệu.
Một trận kịch chiến diễn ra từ giờ mão đến giờ mùi (từ sáng đến quá trưa). Nam quân dưới quyền chỉ huy của Hoàng Diệu, đương anh dũng chống đánh thì thình lình kho thuốc súng trong thành bùng nổ. Thì ra, đám cô quân của Hoàng Diệu bấy giờ chẳng những bị bao phủ một làn không khí hoang mang do bọn thất bại chủ nghĩa gây nên, mà còn chen lẫn vào những gián điệp làm nội ứng cho giặc. Bài Chính khí ca, đã tả cái thắng thế của Nam quân và sự phấn khởi của nhân dân trong thành những giờ phút ấy, nếu không có bàn tay phản bội can thiệp vào thì thành Hà-nội chưa dễ đã bị hạ được :
Ra uy xuống lệnh vừa xong,
Thoát nghe ngoài đã đùng đúng sung vang.
Tiêm cừu 8 nổi trận xung quan, 9
Quyết rằng không để chi đàn chó dê.
Lửa phun súng phát tứ bề,
https://thuviensach.vn
Khiến loài bạch quỷ 10 hồn lìa phách xiêu.
Bắn ra nó chết cũng nhiều,
Phố phường nghe thấy tiếng reo ầm ầm.
Quan quân đắc chí bình tâm,
Cửa đông thành bắc vẫn cầm cự binh.
Chém cha cái lũ hôi tanh,
Phen này quét sạch sành sanh mới là.
Không ngờ thất ý tại ta,
Rõ ràng thắng trận thế mà thua cơ.
Nội công rắp những bao giờ,
Thấy kho thuốc cháy ngọn cờ ngả theo…
Quân giặc thừa cơ bắc thang leo vào thành. Thành vỡ. Đã đến lúc Hoàng Diệu phải đem cái chết để kết liễu nhiệm-vụ của mình và cũng để phơi bày khí tiết của mình. Trước khi tự sát dưới gốc cây đa trước miếu Quan-công tại phía tây bắc thành, Hoàng còn thảo bản di biểu cho Tự-Đức, trong đó đại ý có những câu :
« …lòng tôi đau như cắt, một tay khó làm nên. Tướng lược không giỏi, tự than sống không ích gì. Thành mất không giữ được, có chết vẫn chưa đền hết tội. Lao mình một trận quyết liệt, đã không bắt chước được Tào Mạt ; 11chịu chết cho rồi trách nhiệm, chỉ xin học theo Trương Tuần 12. Đâu dám khoe rằng trung nghĩa ; việc đến thế thì phải thế thôi. Đất nước bị địch dầy xéo, sống hổ nhìn nhân sĩ Bắc-thành. Long thành nặng khối cô trung, nguyện theo tiền thần Nguyễn Tri-Phương nơi chín suối ».
Qua bài di biểu này, chúng ta thấy cả một bầu tâm sự của Hoàng Diệu không có con đường nào khác hơn là tìm cái chết tiết nghĩa. Hoàng Diệu cũng như Nguyễn Tri-Phương đều chết theo thành Hà-nội, một trái tim của đất nước Việt-nam. Hoàng Diệu cũng như Nguyễn Tri-Phương đều là nạn nhân của chủ nghĩa thất bại của giai cấp phong kiến mà cụ thể là triều đình Huế, đương lao mình xuống dốc đầu hàng và câu kết với quân thực dân cướp nước. Điều kiện hạn chế của giai cấp và lịch sử không cho phép Hoàng Diệu thấy sức mạnh của dân tộc, chỗ dựa vào nhân dân nên lúc nào
https://thuviensach.vn
cũng thấy mình cô độc, « một tay khó làm nên… ». Thành Hà-nội mất cũng như nước ta mất đâu phai là « tội » của Hoàng Diệu mà chính bọn đầu hàng của triều đình Huế phải chịu trách nhiệm.
*
Để ngày nay, chúng ta còn thấy rõ dư luận của sĩ phu và nhân dân Hà thành hồi ấy đối với cái chết của Hoàng Diệu, chúng tôi xin trích dẫn ra đây một số câu đối và thơ ca.
Tôn-thất Thuyết, một lãnh tụ của phe kháng chiến bấy giờ, đã điếu Hoàng Diệu trong đôi câu đối : « Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện ; Bình sinh trung nghĩa, đương niên đại cực khả vô tâm ».
Tạm dịch : « Một chết nên danh, đâu phải chí anh hùng từ trước ; Suốt đời trung nghĩa, không thẹn nhìn đại cục ngày nay »
Câu đối của Nguyễn Chánh đem Hoàng Diệu ví với Nguyễn Tri Phương ngày trước : « Công năng bất cẩu sinh, khả vô nhượng thập niên tiền vãng liệt ; Ngã diệc trường thái tức, như chi hà lục tỉnh thử giang sơn ».
Tạm dịch : « Sống tạm, ông không thèm so với tiền nhân đâu có kém ; Thở dài, tôi ngán lắm, nhìn coi non nước tính sao đây ! »
Đấy là những người trong phe chủ chiến mà nhìn không thấy tiền đồ, khóc Hoàng Diệu cũng có nghĩa là tự khóc mình. Trong đám này, còn có tuần phủ Hoàng Hữu-Xứng, một người đã uống máu thề với Hoàng Diệu, bị giặc bắt, định nhịn ăn để chết, nhưng cuối cùng lại ăn để sống, cũng vừa khóc Hoàng vừa tỏ bày tâm sự của mình : « Trinh tai tiết độc khổ như công, diệc viết tận tâm yên, thị phi hữu triều đình định luận ; Quí hĩ chí phất quả ư ngã, phương tri năng tử giả, cổ kim vi thiên hạ chí nan ».
Tạm dịch : « Ông một mình giữ trọn tiết trinh, âu cũng hết lòng, phải trái thế nào Triều sẽ định ; Tôi xấu hổ không làm theo chí, cho hay được chết, xưa nay khó lắm dám coi thường ».
https://thuviensach.vn
Qua những câu đối trên đây, bên chỗ đánh giá cái chết của Hoàng Diệu, chúng ta còn thấy một phần nào sĩ khí bấy giờ. Sau những lời ca tụng khí tiết của người chết, giai cấp phong kiến chỉ còn những tiếng thờ dài tuyệt vọng. Chẳng những thế, họ còn hoang mang, không phân biệt trái phải, không biết lẽ phải về phái chủ chiến hay phái chủ hòa. Đánh giá cái chết nghĩa liệt của Hoàng DIệu, đối với họ vẫn còn phải chờ sự phán đoán của triều đình (thị phi hữu triều đình định luận). Mà sự phán đoán của triều đình, thì như chúng ta đã biết, sau khi Hà-thành thất thủ lần thứ hai, Tự Đức sai Trần Đình-Túc và Nguyễn Hữu-Độ ra phủ dụ nhân dân ngoại thành để cho quân Pháp ở trong thành được yên tâm và hai vị đại biểu triều đình này đã được tướng giặc Hăng-ri Ri-vi-e khen là có công.
Dầu sao, trước dư luận nhân dân, Tự-Đức vẫn phải hạ chiếu khen Hoàng Diệu đã tận trung tử tiết, sai quan tỉnh Quảng-nam làm lễ quốc tế. Sĩ phu Hà-thành lập miếu thờ Hoàng ở phố Văn-tân ; sau đó Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đều được thờ chung trong miếu Trung-liệt trên gò Đống-đa với đôi câu đối : « Thử thành quách, thử giang san, bách chiến phong trần dư xích địa ; Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự cộng thanh thiên ».
Tạm dịch : « Kìa thành quách, kìa non sông, trăm trận phong trần còn thước đất ; Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh ».
Dư luận đề cao cái chết của Hoàng Diệu, cũng không quên kiểm điểm đến cái sống thừa của đề đốc Lê Văn-Trinh, người đã uống máu thề với Hoàng Diệu. Sau khi thành vỡ, người ta không thấy bóng Lê Văn-Trinh đâu. Có tin đồn Lê đã trẫm mình xuống sông. Thân sĩ Bắc-thành liền nhóm họp để tìm xác Lê, định hợp táng với Hoàng. Sau mới vỡ lẽ ra là Lê vẫn sống như thường. Tức thì, một bài thơ trào phúng được tung ra :
« Nhắc cân Thái-lĩnh 13 với hồng mao,14
Nghe nói quan Đề khảng khái sao !
Thắt cổ, tay đà vin xuống thấp,
Trẫm mình, đầu lại ngỏng lên cao.
https://thuviensach.vn
Sờ lưng tìm thuốc 15 rơi đầu mất.
Lấy hốt lam gương thích chẳng vào !
Tư bất tử 16 rồi ngơ ngẫn mãi,
Hỏi thăm quan Bố chạy nơi nao ? »
Trở lên trên mới là dư luận của sĩ phu, biểu hiện ra bằng những văn thơ và câu đối, chúng ta còn phải kể đến dư luận của nhân dân đã nói lên một phần nào trong bài « Chính khí ca » được phổ biến thời bấy giờ. Bài « Chính khí ca » 17là một bản biểu dương cái chết của Hoàng Diệu và cũng là một bản án kết tội những kẻ tham sống sợ chết. Sau khi diễn tả những biến thiên của cuộc chiến đấu, bài này đã kết luận cái chết của Hoàng Diệu bằng những câu :
« …Chữ trung còn chút con con,
Quyết đem gửi cái tan hồn gốc cây.
Trời cao, bể rộng, đất dày,
Núi Nùng sông Nhị chốn này làm ghi ».
và mắng nhiếc bọn hèn nhát, cẩu an :
« Long thành thất thủ hai phen,
Kho tàng hết sạch, quân quyền lìa tan.
Đổi thay trải mấy ông quan,
Quyên sinh tựu nghĩa 18 có gan mấy người !
Trước quan Vũ hiển khâm sai, 19
Sau quan Tổng đốc một vài mà thôi.
Ngoài ra vũ giáp, văn khôi,
Quan bào, trâm, hốt 20 nhác coi ngỡ là…
Thanh bình nhiễu hại dân nhà,
Túi tham vơ vét chẳng tha miếng gì.
Đến cơn hoạn nạn gian nguy,
Mắt trông ngơ ngác, chân đi gập gềnh.
Vũ như Đề đốc Lê Trinh,
Cùng là chánh, phó lãnh binh một đoàn.
https://thuviensach.vn
Đương khi giao chiến ngang tàng,
Thấy cơ hầu đổ, vội vàng tháo ngay.
Nghĩ xem thực cũng ghê thay,
Bảo thân 21 chước ấy ai bày sẵn cho.
Thế mà nghe nói hồ đồ :
Rằng quan Đề đốc xuống hồ cửa Tây.
Người rằng treo ở cành cây,
Kẻ rằng hẳn xuống giếng này chẳng sai.
Xét tìm ngày một ngày hai,
Rắp toan hợp táng vào nơi học đường. 22
Hỏi ra sau mớt biết tường,
Cũng loài úy tử cũng phường tham sinh ».
Sau hết, dư luận nhân dân đã lên án tên phản bội Tôn-thất Bá :
« Kìa Tôn-thất Bá niết công,
Kim chi ngọc diệp vốn dòng tôn nhân.
Đã quốc tộc, lại vương thần,
Tưởng nên hết sức kinh luân mới là.
Nước non vẫn nước non nhà,
Nỡ nào bán rẻ một tòa Thăng-long…
Thế xưa đã liệu chẳng xong.
Lại còn mở mặt trong vòng trần gian.
Tư giao 23 rắp những mưu gian,
Thừa cơ mượn chữ hội thương ra ngoài.
Ấy mới khôn, ấy mới tài,
Lẩn đi tránh tiếng giục người tiến chinh.
Dâng công quyền nhậm tỉnh thành,
Xui người đổ tội một mình quan trên. 24
Tội này thật đã quả nhiên,
Xin đem giao xuống cửu nguyên 25 chế đài… »
https://thuviensach.vn
Ở trong một thời đại mà ý thức hệ phong kiến còn chi phối cả các tầng lớp người trong xã hội thì bài « Chính khí ca » kể trên mặc dầu xuất phát từ nhân dân hay đứng trên lập trường nhân dân mà nói, cũng không ra ngoài cái quan điểm của các sĩ phu ái quốc đương thời. Có điều là dư luận nhân dân bao giờ cũng sáng suốt, phân biệt đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa ; ai là người đáng ca tụng, ai là người đáng phỉ nhổ. Và, cái chết của Hoàng Diệu, đối với dư luận nhân dân, vẫn là cái chết đáng kính.
*
Hoàng Diệu chết theo Nguyễn Tri-Phương, thành Hà-nội thất thủ lần thứ hai, nhưng cuộc đấu tranh giữa chiến và hòa vẫn tiếp diễn. Theo sau Hoàng Diệu là Lê Văn-Điếm ở trận Nam-định, Lê Sĩ, Lê Chuẩn, Lâm Hoằng, Trần Thúc-Nhận ở trấn Thuận-an. Tiếp theo hòa ước giáp-tuất (1874), triều-đình Huế càng đi sâu vào con đường đầu hàng hơn nữa là hòa ước quí-mùi (1883) : nhận quyền bảo hộ của nước Pháp và bãi quân thứ ở các nơi.
Mặc dầu có lệnh bãi binh của triều đình, cuộc chiến tranh ở Bắc-kỳ vẫn kéo dài. Những trận kịch chiến ở Sơn-tây, Bắc-ninh, Hưng-hóa, Tuyên quang kế tiếp diễn. Cuối cùng là hòa ước giáp-thân (1884), phái đầu hàng đã hoàn toàn đạt được mục đích của chúng là hợp pháp hóa việc cướp nước ta của thực dân Pháp. Tuy vậy, phái chủ chiến do Tôn-thất Thuyết làm đầu, trong đêm 22 rạng ngày 23 tháng 5 bính-tuất (1885), vẫn còn vùng dậy một lần nữa ở kinh thành Huế để cuộc chiến tranh chuyển sang một giai đoạn khác.
*
Chúng tôi vừa vạch qua cái quá trình cầm cự giữa hai phe chủ chiến và chủ hòa tại triều đình Huế từ năm 1858 đến năm 1885, trước và sau cái chết của Hoàng Diệu. Với tâm lý chưa đánh đã sẵn sàng hàng, phái chủ hòa đã đi tới kết quả dâng nước, làm tay sai cho giặc. Với tâm lý chưa đánh đã cầm chắc thua, chưa thua đã sẵn sàng chết, phái chủ chiến cũng chỉ đi đến được cái chết tiết nghĩa của mỗi cá nhân. Nhưng, bên hai phái chiến và hòa
https://thuviensach.vn
trong đám triều thần nhà Nguyễn, chúng ta phải nhìn, phải kể đến một yếu tố quan trọng là tinh thần và lực lượng chiến đấu của nhân dân trong thời kỳ này.
Trong khi thực dân Pháp lần lượt xâm chiếm và triều đình Huế lần lượt ký nhượng 6 tỉnh Nam-kỳ, nhân dân miền Nam đã đứng dậy :
Nghĩa quân Tân-an, Gò-công do Trương Định làm đầu, đã chống bọn thực dân cướp nước và bọn phong kiến bán nước bỏ dân (Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khí dân), kéo dài cuộc kháng chiến tới ba năm (1862- 1864).
Nghĩa quân Tân-an và Hà-tiên, Rạch-giá do Nguyễn Văn-Lịch tức Nguyễn Trung-Trực làm đầu đã đánh với giặc Pháp từ năm 1861 đến năm 1868.
Dân quân Hà-tiên Rạch-giá do Đỗ Thừa-Long và Đỗ Thừa-Tự cầm đầu, lập cứ điểm ở rừng U-minh, tiếp theo cuộc chiến đấu của Nguyễn Trung-Trực.
Liên quân Việt Miên của Trương Quyền và nhà sư Pu Cầm-Bô lập cứ điểm ở Tây-ninh, đánh mãi đến năm 1870 mặc dầu triều đình Huế đã nhượng toàn bộ Nam-lỳ cho thực dân Pháp từ ba năm trước.
Ấy là chưa kể từng đoàn quân nghĩa dũng từ miền Bắc chực vào Nam cùng đồng bào miền Nam đánh giặc giữ đất mà bị triều đình Huế cản lại.
Tới khi thực dân Pháp đem quân ra đánh chiếm Trung, Bắc-kỳ, mặc dầu triều đình Huế đã chính thức công nhận quyền bảo hộ của Pháp, những cuộc khởi nghĩa do các văn thân, thổ hào lãnh đạo như Ba-đình, Hương khê, Hùng-lĩnh, Bãy Sậy, Yên-thế v.v… vẫn tiếp tục nổ ra cho đến đầu thế kỷ thứ hai mươi. Cuộc chiến tranh đến đây không phải diễn ra giữa triều đình nhà Nguyễn với thực dân Pháp xâm lược, mà là giữa nhân dân Việt nam với thực dân Pháp và bọn phong kiến đầu hàng. Nó cũng không còn đóng khung trong hai phái chủ chiến và chủ hòa ở triều đình mà lan rộng khắp nhân dân trong nước, từ Nam đến Bắc, từ đồng bằng đến miền núi.
https://thuviensach.vn
Rồi, cuộc đấu tranh đủ mọi hình thức chính trị, quân sự, văn hóa tiếp diễn mãi qua các giai đoạn, cho tới Cách mạng tháng Tám thành công.
*
Trở lại cái chết của Hoàng Diệu, chúng ta thấy, cũng như một số cái chết tiết nghĩa thời bấy giờ, nó đã được truyền thụ từ tinh t hần bất khuất của dân tộc. Kẻ thù của dân tộc ta có thể tạm thời dầy séo lên đất nước ta, nhưng nhất định không bao giờ đàn áp được tinh thần bất khuất ấy. Chính cũng vì tinh thần bất khuất trở nên một truyền thống của dân tộc nên trong quá trình đấu tranh cách mạng, thực dân cướp nước, phong kiến bán nước, nhưng rồi nước vẫn về với nhân dân ta. Tinh thần bất khuất ấy càng ngày càng cứng rắn, càng phát triến, đã đẻ ra bao nhiêu con yêu của Tổ quốc, chẳng phải chỉ tìm cái chết quang vinh để giữ tròn tiết tháo, mà còn sẵn sàng chịu chết để cứu sống cả một đoàn thể, cả một dân tộc, chết để đem phần thắng quyết định về cho dân tộc và đẩy cho cách mạng mau chóng thành công.
Kinh thành Hà-nội, một trung tâm về chính trị và văn hóa của Tổ-quốc hàng nghìn năm và là cố đô của đất nước qua nhiều thời đại. Hà-nội thất thủ, qua 63 năm dưới gót sắt của địch, đã vùng đứng lên ngày 19-8-1945 ! Hà-nội trở nên thủ đô nước Việt-nam dân chủ cộng hòa và mang tên thành Hoàng Diệu, người đã chết vì nó.
Kháng chiến bùng nổ, Trung đoàn thủ đô đã nêu cao tinh thần anh dũng của đồng bào thủ đô.
Sau chín năm, thủ đô Hà-nội lại được đón Hồ chủ tịch, Trung-ương Đảng và Chính phủ trong ngày đầu năm 1955.
Cách đây 74 năm, ngày tháng này, đồng bào Hà-nội cũng như đồng bào toàn quốc đã nghẹn ngào căm phẫn biết bao nhiêu khi trông thấy lá cờ của quân xâm lược treo trên cột cờ của kinh thành, thì từ ngày 10-10-1954 (ngày tiếp thu Hà-nội) tới nay, chúng ta vui sướng biết bao nhiêu mỗi khi thấy cột cờ uy nghiêm đương treo cao quốc kỳ của Tổ quốc yêu quý, lá quốc kỳ đã nhuộm máu của bao nhiêu con yêu của đất nước, đã đi từ đông
https://thuviensach.vn
sang tây, đã nổi bật lên trong trận chiến thắng lịch sử Điện-biên-phủ, đã đem lại hòa bình thắng lợi ngày nay.
Như vậy, Hoàng Diệu chết, nhưng vẫn sống mãi với Hà-nội, sống mãi với non sông đất nước. Cũng như tinh thần bất khuất của Hoàng Diệu là biểu hiện tinh thần bất khuất của dân tộc vẫn luôn luôn vươn lên trong cuộc đấu tranh cho độc lâp và thống nhất của Tổ-quốc và bảo vệ hòa bình.
18-4-1956
TRẦN HUY-LIỆU
https://thuviensach.vn
LỤC SÚC TRANH CÔNG
của VĂN-TÂN
1. TÓM TẮT TRUYỆN
Lục súc tranh công là một tác phẩm văn vần làm theo thể tuồng, chia ra làm mười hai đoạn, gồm 570 câu. Tác phẩm tả cuộc xung đột giữa sáu con gia súc là trâu, chó, ngựa, dê, gà và lợn. Trước hết trâu phàn nàn về sự vất vả khổ sở của mình :
Một mình trâu ghe nỗi 26 gian nan
Lóng 27 canh gà vừa mới gáy tan,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã,
Dậy rằng : đuổi trâu ra thảo dã,
Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng.
Chưa bao lâu thoắt đã rạng đông,
Vừa đến buổi cày bừa bua việc 28
Trước cổ đã mang hai cái niệt 29
Sau đuôi thêm kéo một cái cày ;
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây ;
Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn.
Trâu mệt đã thở dài thở vắn ;
Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi.
Liệu vừa đứng bóng mới thôi,
Đói hòa mệt, bước khôn dời bước.
Tóm lại trâu :
Làm không kịp thở
Ăn không kịp nhai ;
Tắm mưa, trải gió chi nài !
Đạp tuyết, giày sương bao sá !
https://thuviensach.vn
Thế mà trâu :
Ăn thì những rơm khô, cỏ rác ;
Ở quản chi ràn lấm tráp nè 30
Trong khi trâu khó nhọc như thế, thì chó :
Ăn cho dưỡng vai dưỡng vóc
Giỡn với nhau vạch cửa vạch sân.
Một ngày ba bữa chực ăn,
Thấy đến việc lén mình lét lét.
Chó thấy trâu so đọ với mình, liền sủa vang lên cãi lại :
Trời đã sinh các hữu kỳ tài 31
Lớn việc nặng, bé thì việc nhẹ.
Bởi vì đó lớn vai lớn vế
Thì chuyên lo nông bổn cày bừa,
Vốn như đây ốm yếu chân tay,
Cũng hết sức gia trung xem xét.
Trách sao khéo thổi lông tìm vết.
Giận thay lai 32 vạch lá tìm sâu.
Ai ai đều phận thủ như nhau,
Khắn khắn 33 cũng một lòng phò chủ.
Kẻ đầu kia, người thì vựa nọ ;
Đứa coi ngoài, có đứa giữ trong.
Đêm năm canh con mắt như chong ;
Đưa đạo tặc nép oai khủng động.
Ngày sáu khắc lỗ tai bằng trống,
Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh.
Thấy trâu và chó đấu lý với nhau, chủ không biết bên nào phải, bên nào trái, chỉ đành khuyên :
Thôi thôi đừng nhĩ ngã thiệt hơn 34
Phú lưỡng bạn dĩ hòa vi quí.
https://thuviensach.vn
Sau khi hòa thuận với nhau, trâu và chó kiện chủ về sự ăn hại của ngựa :
Dám thưa người, báu gì giống ngựa
Mà trau tria 35 lều trại nhọc nhằn
Ăn cho ăn những cháo đậu xanh,
Ở thì ở những tầu lợp ngói
Bữa bữa dạo chơi tắm gội
Ngày ngày chắn vó hớt mao.
… … …
Dời tiền, dời hậu bao vàng
Thẳng đái dây cương thếp bạc.
Gâm giống ấy
Nết na giớn giác
Tính khí chàng ràng.
Tuy đang khi mọi vẻ nghiêm trang
Trong gia sự nhiều điều ngơ ngáo.
Nghề cày bừa nghe coi lếu láo,
Việc bắn săn coi cũng ươn tài.
Ngựa thấy trâu và chó tố mình, vội chạy ra kể công :
Tao đã từng đi quán đi quê,
Đã ghe trận đánh Nam dẹp Bắc.
… … … …
Đã nhiều thủa ngăn thành thủ phủ,
Lại ghe phen đột pháo xông tên
… … …
Nếu ta chẳng lo trông việc nước,
Giặc đến nhà ai để chúng bay ?
Ngựa được chủ dàn hòa với trâu và chó rồi, liền quay ra kiện dê :
Dê với ngựa cũng là giống thú
Chăn đồng chăn, nuôi cũng đồng nuôi.
https://thuviensach.vn
Dê, người cho ăn nhảy chơi bời.
Ngựa, người bắt kỵ biều 36 luân tế 37
Đáp lại, dê phân trần về nhiệm vụ của mình :
Dê vốn thật thuộc về tế lễ
Để hòng khi về hạng tư văn ;
Để dành khi tế thánh tế thần ;
Lại có thủa kỳ yên kỳ phước.
Hễ có việc lấy dê làm trước
Dê dâng vào, người mới lạy sau.
Ngựa tuy rằng hình tượng lớn cao
Tam sanh lễ, ai dùng đến ngựa ?
… … …
Sau khi hòa thuận với ngựa, dê tố cáo gà :
Nuôi giống gà thật vô ơn ngãi,
Thấy chủ vãi đám ngô vạc cải
Tác nhau bươi 38 chếch gốc trốc cây.
Thấy người trồng đám đậu vồng khoai,
Rủ nhau vầy nát bông nát lá
… … …
Cho ăn no rồi quẹt mỏ sấp lưng.
Trời chưa tối đã lo việc ngủ
Ba cái rác nằm không yên chỗ ;
Mấy bụi rau nào để bén dây.
Cả ngày thôi những quấy những rầy
Nuôi giống ấy làm chi vô lối ?
Gà phân trần và được dàn hòa với dê, rồi vạch tội lợn :
…ăn rồi ngủ ngáy sì sì
Giả ngây dại biết gì việc chủ
Ngắm diện mạo dị hình dị thú,
Xem dung nhan khác thế lạ đời.
https://thuviensach.vn
Như nuôi chơi chẳng phải giống chơi,
Chạy rau cám như tiền nội án.
No đú mỡ, nhảy quanh nhẩy quất,
Đói xép hông cắn máng cắn chuồng.
Mỗi một ngày ba bữa ròng ròng,
Đã chẳng thấy bữa nào sai chạy.
Báu bối gì mà người yêu như vậy ?
Mù quáng chi mà phải báo cô ?
Sau khi lợn phân trần và kể lể công việc của mình, chủ lại đứng ra điều giải :
Thôi thôi đừng nhĩ ngã thiệt hơn.
Phú lưỡng bạn tịnh sinh tịnh dục 39
2. XÃ HỘI VIỆT-NAM TRONG LỤC SÚC TRANH CÔNG
Trước hết phải nói ngay rằng Lục súc tranh công là một truyện ngụ ngôn. Tác giả, một nhân vật giấu tên đã mượn chuyện loài vật để nói truyện loài người. Vì vậy, xã hội của trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn không phải là xã hội loài vật, mà chính là xã hội loài người. Trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn mỗi con đại biểu cho một giai cấp hay một tầng lớp xã hội. Mỗi con lần lượt nói lên nguyện vọng và thái độ của mình.
Trâu đại biểu cho nông dân Việt-nam cần cù, nhẫn nại. Dưới chế độ phong kiến, trâu cũng như nông dân, đã tạo ra hết thảy. Đó là kẻ sản xuất chính của xã hội :
Có trâu, sẵn tơ tầm lúa má ;
Không trâu, không hoa quả đậu mè.
Lúa gặt lên đã có trâu xe.
Lúa chất trử lại dành trâu đạp
Từ Tháng Giêng cho đến Tháng Chạp
Kể xuân hè nhẫn đến thu đông.
Việc cày bừa nông vụ vừa xong,
https://thuviensach.vn
Lại xe gỗ dầm công 40 liên khối. 41
Bất luận xe rào xe củi,
Nhẫn đến 42 loài phân bổi 43 tranh che ;
Hễ bao nhiêu, nhất thiết của chi,
Thì đã phú mặc trâu chuyên chở.
Bao quản núi non hiểm trở.
Chi nài khe suối dầm dề ?
Cong lưng chịu việc nặng nề,
Cay đắng những lời dức lác !
Nông dân đã làm lụng đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn, đã « còng lưng » chịu đựng tất cả những việc khó nhọc, nặng nề để nuôi béo phong kiến, địa chủ. Vậy mà nông dân vẫn bị phong kiến, địa chủ hạch xách, giầy vò. Đời sống nông dân thật là vô cùng cơ cực !
Nông dân làm thật, mà ăn giả. Họ bị giai cấp bốc lột xúm nhau lại xâu xé khác nào xâu xé thân một con trâu đã bị phanh thây :
Kẻ thì rằng : Tôi lãnh cái đầu ;
Người lại nói : Phần tôi cái nọng.
Kẻ giành lòng bòng ép gối mà kê ;
Còn sừng đem về ép thoi làm lược ;
Kẻ thì chuốc hoa tai làm ngạt quạt 44
Người thì tiện chén rượu bầu liều 45
Làm tù và mà thổi cũng kêu.
Tiện con cờ mà đánh cũng tốt.
Kẻ thì làm cái mõ cái hộp ;
Người lại tỉa cán quạt, cán dao
Còn giò chia nhau
Làm nham làm thấu 46
Qua những câu trên, ta thấy người nông dân Việt-nam đã bị bóc lột đến xương đến tủy. Đời sống của họ thật vô cùng cơ cực, đau thương. Nhưng người nông dân trong Lục súc tranh công không còn là người nông
https://thuviensach.vn
dân u u minh minh chịu ép một bề, phó mặc cho địa chủ, phong kiến bóc lột, giày vò nữa. Người nông dân trong Lục súc tranh công đã biết mình bị áp bức bóc lột. Họ đã đứng lên nói hết những bất bình và thống khổ mà họ phải chịu đựng. Họ đã có can đảm nhìn thẳng vào phong kiến, địa chủ mà
Trách một lòng chủ ở bất công
Hậu ư bạc, bạc đem làm hậu 47
Nhưng người nông dân ấy chỉ trách móc thế thôi, và rồi lại ngoan ngoãn để cho phong kiến, địa chủ vỗ về, an ủi.
Chó đại biểu cho bọn chân tay thân mật và đáng tin cẩn nhất của phong kiến, địa chủ. Đó là kẻ giữ nhà, gác cổng tốt nhất của phong kiến, địa chủ. Ngoài ra, chó còn :
…đến ngày kỵ lạp tiên sinh
Cũng ra sức săn chồn đuổi sóc.
Bao quản chui gai lước góc,
Chi nài múa mỏ lòn hang.
Chó càng trung thành và ngoan ngoãn với chủ bao nhiêu, thì chó càng bắng nhắng ra mặt ức hiếp trâu bấy nhiêu. Vì vậy trâu đã vạch tội chó đầu tiên. Về phần chó, có lẽ khi thấy trâu tố cáo mình, chó cũng tự biết cái thân phận nhơ nhuốc, ti tiện của mình, nên mặc dầu trâu kể tội chó rất gắt, chó vẫn giữ một thái độ ôn hòa, đấu dịu :
Anh trâu sao chẳng biết thương,
Nỡ lại tra lời sanh nạnh ?
Ngựa là đại biểu lực lượng võ trang của giai cấp phong kiến. Đó là tên quân phiệt điển hình được giai cấp phong kiến trông nom chiều đãi để giữ gìn non sông, xã tắc cho giai cấp phong kiến.
Dê là tay sai của giai cấp phong kiến ở địa hạt chính trị. Dê hiện ra với cái bộ dạng :
Hình con con, bụng lớn chang bang,
Cáng náng như đứa có hạ nang.
https://thuviensach.vn
và được :
…phong chức trường tu chủ bộ 48
Phệ bụng, tốt râu, khệnh khạng, đó là những nét điển hình của viên quan lại thời xưa.
Gà là tay sai của giai cấp phong kiến trong những việc tuần phòng canh gác.
Lợn là đại biểu của giai cấp phong kiến ở địa hạt tôn giáo.
Chó, ngựa, dê, gà, lợn là những kẻ bảo vệ chế độ phong kiến. Chúng là tay sai đắc lực của giai cấp phong kiến. Chúng không sản xuất và đều sống trên lưng trâu là nông dân lao động. Chúng đều thỏa mãn về sự đãi ngộ của chủ. Chúng luôn ca tụng chủ. Chó đã nhận :
Chủ có lòng suy trước xét sau,
Khi lâm tử gạo tiền tống táng
Chủ đã có công dày ngãi rộng
Ngựa lấy làm sung sướng được :
Ngày ngày chầu chực sân rồng
Bữa bữa dựa kề loan giá.
Dê tán dương cách cư sử công bằng của chủ :
Ai có tài chủ ban chủ thưởng.
Lợn thanh minh cho lòng trung thành của mình :
Lòng thờ chủ ngay đà tỏ rạng
Thân mình này ví bẵng như không
Rồi quay ra khuyên gà :
Chớ hung hăng múa mỏ
Dữ, có ngày cắn cổ chẳng tha.
Ghét thương thì mặc lượng chủ nhà !
https://thuviensach.vn
Duy có gà, có lẽ vì chức phận hèn mọn quá, nên không ca tụng chủ lắm.
Lục súc tranh công diễn tả cuộc xung đột giữa sáu con gia súc theo cái trật tự trâu xung đột với chó, rồi chó xung đột với ngựa, rồi ngựa với dê, dê với gà, gà với lợn. Nhưng thật ra cuộc xung đột diễn tả trong Lục súc tranh công là cuộc xung đột giữa hai lực lượng xã hội đối lập : Một bên là trâu đại biểu cho nông dân lao động, một bên là chó, ngựa, dê, gà, lợn đại biểu cho những lực lượng ăn bám và bóc lột. Xã hội trong Lục súc tranh công là xã hội đã từng có cuộc đấu tranh giai cấp gay go ; bên cạnh cuộc đấu tranh chính giữa nông dân và phong kiến, địa chủ, còn có những cuộc xung đột giữa bọn tay sai của phong kiến, địa chủ về các mặt. Những cuộc xung đột này đã biểu hiện ở cuộc chống đối giữa chó và ngựa, giữa chó, ngựa và dê, giữa dê và gà, giữa gà và lợn. Đáng chú ý là chủ, ngoài một lời trách nhẹ nhàng của trâu, không hề vướng vào một cuộc xung đột nào. Phải nhận đây là một dụng ý của tác giả. Tác giả muốn đặt chủ vào một địa vị bất khả xâm phạm, giữ trách nhiệm điều giải các cuộc đấu tranh. Đó là kẻ trọng tài tối hậu của các lực lượng xung đột. Sau khi trâu nổi lên chống chó, cũng như sau khi chó nổi lên chống ngựa, ngựa chống dê, dê chống gà, gà chống lợn, đều thấy hiện ra bộ mặt dàn hòa của chủ. Chính sách của chủ đối với trâu cũng như đối với chó, ngựa, dê, gà, lợn, lúc nào cũng là một chính sách « vỗ vai » an ủi. Điều này biểu thị rằng chế độ xã hội mà chủ tiêu biểu – chế độ phong kiến – đang đứng trước những mâu thuẫn xã hội cần phải điều hòa. Mâu thuẫn này chính là mâu thuẫn giữa nông dân và phong kiến, địa chủ, tuy chưa kịch liệt đến mừng bùng nổ ra các cuộc khởi nghĩa, nhưng cũng đang ngấm ngầm âm ỷ. Để duy trì trật tự bóc lột, giai cấp phong kiến thấy cần phải tìm cách xoa dịu những mâu thuẫn ấy đi.
Lục súc tranh công, theo tôi, đã ra đời với cái nhiệm vụ xoa dịu những mâu thuẫn giai cấp ấy.
Vậy thì xã hội trong Lục súc tranh công là xã hội nào của Việt-nam ? Xã hội ấy có thể là xã hội thời Lê sơ không ?
https://thuviensach.vn
Thời Lê sơ mâu thuẫn giữa nông dân và phong kiến, địa chủ tuy đã có, nhưng chưa sâu sắc và chưa thành ra một vấn đề cần phải giải quyết. Vả lại, văn Lục súc tranh công là thể văn hát tuồng, mà hát tuồng lại là một nghệ thuật sân khấu đã bắt đầu suy ở buổi Lê sơ. Như vậy thì xã hội trong Lục súc tranh công không thể là xã hội thời Lê sơ được. Nhất là ngữ ngôn trong Lục súc tranh công không thể là ngữ ngôn của người Việt-nam thời Lê sơ. Xã hội của Lục súc tranh công cũng không phải là xã hội thời Lê mạt hay thời Tây-sơn. Thời Lê mạt cũng như thời Tây-sơn là thời mà phong trào nông dân bùng nổ suốt từ Nam đến Bắc, uy thế của giai cấp phong kiến đã lung lay nghiêng ngả. Trái lại, trong Lục súc tranh công, khí thế của nông dân chưa phải là khí thế của một lực lượng bị áp bức đã cầm võ khí đứng lên. Nông dân trong Lục súc tranh công tuy đã biết mình bị áp bức, bóc lột, nhưng chỉ mới đủ can đảm :
« Trách một lòng chủ ở bất công »
Thế thôi ! Đồng thời trong Lục súc tranh công uy quyền phong kiến vẫn còn thịnh đạt. Thái độ kẻ cả của chủ trong sự hòa giải các cuộc xung đột giữa trâu và chó, giữa trâu chó và ngựa v.v… đã chứng thực nhận định trên.
Xét quan hệ giai cấp và mâu thuẫn giai cấp trong Lục súc tranh công, ta có cảm tưởng rằng xã hội trong tác phẩm nghệ thuật này là xã hội Việt nam hồi đầu thế kỷ thứ 19. Hồi này, bọn phong kiến nhà Nguyễn nhờ sự giúp đỡ của thực dân Pháp, tuy đã phá tan phong trào Tây-sơn, nhưng mâu thuẫn giữa phong kiến, địa chủ một bên, và nông dân một bên không phải vì thế mà đã được giải quyết. Chế độ phong kiến nhà Nguyễn tuy đã thành lập, nhưng giai cấp phong kiến vẫn phải đối phó với cuộc khởi nghĩa của Phan Bá-Vành ở Sơn-nam, cuộc khởi nghĩa của Lê Duy-Lương ở Hòa bình, Ninh-bình, Thanh-hóa, cuộc khởi nghĩa của Lê Văn-Khôi ở Nam-kỳ, cuộc khởi nghĩa của Nùng Văn-Vân ở Tuyên-quang và các cuộc khởi nghĩa của người Thái, người Mọi, người Chàm, người Mên. Các cuộc khởi nghĩa này một mặt biểu hiện mẫu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến, nhưng một mặt khác cũng biểu hiện mâu thuẫn giữa nông dân và phong kiến, địa chủ
https://thuviensach.vn
vẫn gay go, sâu sắc. Các cuộc khởi nghĩa này tuy chưa lớn mạnh như cuộc khởi nghĩa Tây sơn. Nhưng nếu để cho nông dân tiếp tục hưởng ứng các cuộc khởi nghĩa ấy, thì chế độ phong kiến nhà Nguyễn sẽ đi vào chỗ nguy vong. Đã thế, hồi này là hồi thực dân Pháp đang ráo riết chuẩn bị cuộc xâm lược quân sự vào đất Việt-nam, nên giai cấp phong kiến lại thấy càng cần phải điều hòa mâu thuẫn giai cấp ở trong nước, để tăng cường tin tưởng của nhân dân vào uy tín của giai cấp phong kiến.
Đó là những lẽ về chính trị và xã hội khiến cho chúng ta ngờ rằng xã hội được diễn tả trong Lục súc tranh công là xã hội Việt-nam hồi đầu thế kỷ 19, khi phong trào Tây-sơn vừa tắt, khi chế độ phong kiến nhà Nguyễn vừa thành lập, và phong trào nông dân lại nhóm lên.
Và đây là một lý, về nghệ thuật khiến cho ta càng thêm tin rằng Lục súc tranh công là một tác phẩm văn học ra đời vào hồi đầu thế kỷ 19.
Như trên đã nói qua, văn Lục súc tranh công là văn hát tuồng, một nghệ thuật sân khấu hết sức thịnh đạt ở Đường trong từ hồi thế kỷ 18. Thời này, Chúa Nguyễn và các gia đình quyền quí thường nuôi một phường hát tuồng ở trong nhà. Trong dân gian cũng có nhiều phường hát tuồng chuyên đi biểu diễn ở nông thôn vào tiết xuân. Sang thế kỷ 19, nghệ thuật hát tuồng vẫn là một nghệ thuật được yêu chuộng từ Thuận-hóa trở vào Nam.
Trong tình thế xã hội như trên, và trong những điều kiện nghệ thuật hát tuồng đang phát triển như thế, có lẽ một nhà nho nào đó đã sáng tác Lục súc tranh công với hy vọng rằng vở tuồng này được diễn ở những nơi mà ngọn lửa đấu tranh giai cấp đang âm ỷ cháy.
3. GIAI CẤP TÍNH TÁC GIẢ LỤC SÚC TRANH CÔNG
Lục súc tranh công là một tác phẩm văn học vô danh. Tuy vậy ta vẫn có thể căn cứ vào hình thái ý thức được diễn đạt qua tác phẩm để đoán định nguồn gốc giai cấp tác giả.
https://thuviensach.vn
Văn Lục súc tranh công như ta đã biết là thể văn tuồng. Và tuồng lại là một nghệ thuật sân khấu phong kiến. Trong Lục súc tranh công có những thổ ngữ Trung bộ như ghe, lóng, bươi v.v… Như vậy, tác giả phải là người quê quán ở Trung bộ. Nếu ta nhớ rằng nghệ thuật hát tuồng hồi thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 chỉ phát đạt trên khoảng đất từ sông Gianh trở vào Nam, thì ta có thể đoán rằng tác giả Lục súc tranh công là người sinh trưởng ở miền Thuận-hóa, Quảng-ngãi, Quảng-nam, Qui-nhơn gì đó. Nguyễn-Du tác giả Truyện Kiều, Nguyễn Huy-Hổ tác giả Mai đình Mộng ký đều quê quán ở Hà-tĩnh. Vậy mà Truyện Kiều cũng như Mai đình Mộng ký rất ít thổ ngữ Hà-tĩnh.Sở dĩ như thế, là vì Nguyễn-Du cũng như Nguyễn Huy-Hổ sống ở các miền khác, nhất là ở miền Bắc khá nhiều. Ở Lục súc tranh công, trái lại, ta thấy rất nhiều thổ ngữ địa phương. Như vậy, có phải vì tác giả là người ít ra khỏi địa phương mình và chỉ loanh quanh ở mấy tỉnh nói trên không ?
Trong Lục súc tranh công, tác giả cũng dùng rất nhiều chữ Hán và dùng rất đúng. Những chữ Hán như nhĩ ngã, thiên nhật tác thì, quốc tộ tác xương, tịnh sinh tịnh dục, chấp sự giả các tư kỳ sự v.v… có rất nhiều trong tác phẩm. Như vậy tác giả phải là một nhà nho. Tác giả không những là một nhà nho thường, mà còn là một nhà nho am hiểu Phật giáo nữa. Những câu
- Trong trời đất ba ngàn thế giải
- Rằng trâu này là cốt Phật xưa kia.
- Phát đình liệu cho hồn thăng thiên giái.
tỏ ra rằng tác giả đã chịu ít nhiều ảnh hưởng của Phật giáo.
Tác giả còn là một nhà nho hết sức lo lắng cho chế độ phong kiến. Tác giả đã viết Lục súc tranh công với một dụng ý rõ rệt : Điều hòa mâu thuẫn giữa các tầng lớp, đặc biệt là mâu thuẫn giữa nông dân và phong kiến, địa chủ, làm cho các giai cấp tin tưởng ở uy quyền phong kiến, yên phận sống dưới trật tự phong kiến, coi sự bất công trong xã hội phong kiến là một sự phân công tất nhiên và cần thiết.
https://thuviensach.vn
Mở đầu Lục súc tranh công, tác giả đã nêu lên sự tồn tại tất yếu của trật tự phong kiến, nhất là chế độ phân công phong kiến, theo quan điểm của giai cấp bóc lột :
Trời hóa sinh muôn vật,
Đất dong dưỡng muôn loài,
Giống nào là giống chẳng có tài,
Người đâu dễ không người nhờ vật.
Long chức quản bổ thiên dục nhật 49
Lân quyền tư giúp thánh phò thần 50
Quy thông hay thành bại kiết hung 51
Phụng lảu biết thạnh suy bĩ thái 52
Trong trời đất ba ngàn thế giải 53
Đều xưng là tứ vật chi linh.
Nhẫn đến loài lục súc hi sinh
Trời cho xuống hộ người dương thế.
Xem mấy câu trên, ta thấy tác giả chủ trương thuyết này : Trời sinh ra muôn vật, định sẵn cho mỗi vật một công việc ; vật nào cũng đều có tài và có ích cả – vật nào cũng cần thiết cả. Thuyết của tác giả làm cho ta nhớ đến thuyết hữu cơ thể xã hội (Organisme social) của nhà triết học Anh là Spen xe hồi thế kỷ 19. Hồi này phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở Anh cũng như ở nhiều nước châu Âu đang lên cao. Giai cấp tư sản lo ngại cho quyền vị của họ Spen-xe đã thay họ mà xướng ra thuyết nói trên. Theo thuyết ấy, thì xã hội loài người cũng như cơ thể động vật. Cơ thể động vật có ba hệ thống liên quan chặt với nhau : hệ thống doanh dưỡng, hệ thống phân phối, và hệ thống điều hòa. Xã hội loài người cũng có ba giai cấp liên quan mật thiết với nhau, thiếu một giai cấp nào cũng không được : giai cấp công nhân giữ chức vụ làm để nuôi xã hội ; giai cấp thương nhân giữ chức vụ phân phối thức ăn vật dùng cho xã hội ; giai cấp tư sản công nghiệp giữ chức vụ chỉ huy các hoạt động của xã hội. Sự tồn tại và cộng tác giữa các hệ thống doanh dưỡng, phân phối, và điều hòa cần thiết cho sự tồn tại của cơ thể động vật cũng như sự tồn tại và cộng tác giữa các giai cấp công
https://thuviensach.vn
nhân, thương nhân, và tư sản công nghiệp là cần thiết cho sự tồn tại của xã hội loài người. Dụng ý của Spen-xe là ru ngủ giai cấp công nhân lúc ấy đang theo nhau đứng lên đấu tranh kịch liệt nhằm đánh đổ chế độ tư sản.
Trước ở Spen-xe, vào thời Cổ đại La-mã cũng từng có một thuyết đại khái như thế. Hồi này ở La-mã bọn quý tộc áp bức bình dân rất dã man. Bình dân luôn luôn bị quý tộc tịch thu tài sản hay bị quý tộc bỏ tù. Để chống lại chế độ áp bức của quý tộc, bình dân kéo nhau lên khởi nghĩa ở Núi Thiêng. Thượng Nghị viện La-mã khuyên nghĩa quân hạ võ khí trở về, nhưng vô hiệu. Sau Thượng Nghị viện phải cử một đoàn đại biểu lên Núi Thiêng để điều đình với nghĩa quân. Trong đoàn đại biểu có Mê-nê-ni-út A gờ-rip-pa là một tay hùng biện. A-gờ-rip-pa đã nói như thế này với nghĩa quân :
« Xưa có một hồi chân tay phân bì với dạ dày, kêu dạ dày lười biếng chỉ biết ăn cho sướng, còn chân tay thì phải làm ốm xác để nuôi dạ dày. Vì vậy chân tay rủ nhau ì ra không làm nữa. Dạ dày thấy vậy chỉ cười. Chân tay không làm nữa, thì dạ dày nghỉ ăn, dạ dày nghỉ ăn, thì chân tay rã rời. Lúc bấy giờ chân tay mới hiểu rằng dạ dày tuy được ăn những miếng ngon lành, nhưng ăn để rồi tiêu hóa đi mà phân phát chất bổ cho chân tay làm cho chân tay mạnh khỏe.
« Vậy thời nhân dân La-mã phải biết cho rằng Thượng Nghị viện là cái dạ dày của nước. Thượng Nghị viện bàn bạc thảo luận là tiêu hóa đi trăm nghìn việc để rồi phân phát tài lợi cho tất cả mọi người ».
Bình dân khởi nghĩa nghe A-gờ-rip-pa nói xiêu lòng, rồi hòa với Thượng Nghị viện.
Thế là cuộc khởi nghĩa được dẹp yên bằng những lý luận của A-gờ rip-pa.
Thuyết của tác giả Lục súc tranh công đại khái cũng nhằm một mục đích như thuyết hữu cơ thể xã hội của Spen-xe và thuyết của Mê-nê-ni-út A-gờ-rip-pa. Trước cuộc xung đột giữa trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn, ta thấy khi thì tác giả khuyên :
https://thuviensach.vn
Đại tiểu hữu kỳ tài
Vô đắc tương tranh nhĩ ngã 54
Khi thì bảo :
Phú lưỡng bạn dĩ hòa vi quí
Lúc thì điều giải :
Thôi thôi đừng nhĩ ngã thiệt hơn
Phú lưỡng bạn tịnh sinh tịnh dục
Hoặc có lúc dàn hòa bằng cách nhận rằng :
…lưỡng bạn tương đồng
Chấp sự giả các tư kỳ sự 55
Ý định của tác giả rõ ràng là điều hòa mâu thuẫn giữa các giai cấp, hay nói cụ thể hơn, là ru ngủ giai cấp nông dân đang rục rịch lại đứng lên.
4. GIÁ TRỊ LỤC SÚC TRANH CÔNG
Như trên đã trình bày, Lục súc tranh công viết ra nhằm mục đích che chở cho chế độ phong kiến. Tác giả Lục súc tranh công như vậy là người thuộc giai cấp phong kiến hạng trung hay hạng cuối. Về căn bản, tác giả ủng hộ chế độ phong kiến, nhưng đối với các từng lớp phong kiến đang có thế lực, có lẽ tác giả không vừa lòng. Cho nên dưới ngòi bút của tác giả, những nhân vật như chó, ngựa, dê v.v… đã hiện ra rất đúng, mà cũng rất lố lăng, đáng khinh bỉ.
Ta hãy xem thân phận của ngựa – quân phiệt – do ngựa tự nói ra :
Mỏi gối nưng phò xã tắc,
Mòn lưng cúi đội vương công ;
Ngày ngày chầu chực sân rồng,
Bữa bữa tựa kề loan giá.
Cổ nhiên là ngựa lấy làm vinh hạnh về cái thân phận nói trên, nhưng cái thân phận ấy nó mới hèn hạ làm sao ! Khúm núm và tôi mọi làm sao !
https://thuviensach.vn
Tác giả càng vẽ nó ra đúng bao nhiêu, thì chúng ta càng chán ghét và khinh bỉ nó bấy nhiêu.
Chúng ta lại càng chán ghét nó hơn nữa, khi thấy chó chê ngựa :
Dại không ra dại,
Khôn chẳng ra khôn ;
Ngật ngờ như ốc mượn hồn,
Nuôi giống ấy làm chi cho rối !
Cũng với bút pháp tài tình ấy, tác giả đã vẽ nên những hình ảnh rất sinh động của chó, của dê, của ga, của lợn. Tác giả tỏ ra không những là một họa sĩ có tài, mà còn là một họa sĩ khôi hài nữa. Sau khi tả công việc của chó chỉ là « săn chồn đuổi sóc » hay « chui gai lước góc », hay « múa mỏ lòn hang », tác giả đã để cho trâu nói lên nốt công việc của chó :
Chưa rét đã phô rằng rét,
Xo xo đuôi quít vào trôn,
Vầy bếp ngồi tro trấu chẳng còn
Ba ông táo lộn đầu lộn óc !
Nếu thâm tâm tác giả không khinh chó, không ghét chó, thì không thể nào viết ra những câu như thế được.
Cũng vậy, nếu tác giả không ghét gà, thì không sao lại viết ra được những câu này về sự ăn hại của gà :
Ba cái rác nằm không yên chỗ,
Mấy bụi rau nào đã bén dây.
Cả ngày thôi những quấy cũng rầy
Nuôi giống ấy làm chi vô lối !
Về lợn, tác giả đã nói hết được cái tác dụng quan trọng của lợn trong xã hội phong kiến xôi thịt, trong cái xã hội coi « miếng việc làng bằng sàng xó bếp » :
Kìa những việc hôn nhân giá thú,
Không heo ra tính đặng việc chi ?
https://thuviensach.vn
Dầu cho mời năm bẩy chuyến đi,
Cũng không thấy một người thấp thoáng ;
Việc hòa giải heo đầu công trạng
Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù.
Qua mấy câu trên, ta thấy cái nạn xôi thịt ở nông thôn thời trước nguy hại và trầm trọng đến bậc nào !
Dưới bút pháp của tác giả, ta thấy tác giả thực sự không có cảm tình với chó, với ngựa, với dê, với gà và với lợn là những kẻ đại biểu cho lực lượng áp bức và ăn bám của xã hội phong kiến. Tác giả không ưa bọn này. Có lẽ là bì một người thuộc lớp phong kiến hạng dưới hay hạng trung như tác giả, hàng ngày đã bị chúng khinh bỉ, bạc đãi khá nhiều.
Nhưng đối với trâu, thì thái độ tác giả khác hẳn. Lục súc tranh công tất cả có 570 câu dài, ngắn, thì tác giả đã dùng để nói về trâu tới 110 câu, còn 460 câu vừa để giới thiệu, để dàn hòa, để kết luận, và để tả chó, ngựa, dê, gà, lợn. Tác giả không những dành cho trâu nhiều chỗ nhất, nói về trâu kỹ nhất, mà còn tỏ ra đồng tình về nỗi thống khổ của trâu. Nếu qua những câu nói về chó ngựa, dê, gà, lợn, ta sinh ra khinh và ghét chó, ngựa, dê, gà, lợn bao nhiêu, thì qua những câu nói về trâu, ta thấy bất bình về những bất bình mà trâu phải chịu đựng bấy nhiêu. Qua 110 câu thống thiết, ta thấy hiện lên rất rõ ràng cái chế độ áp bức bóc lột rất dã man đã đè lên đầu lên cổ nông dân hàng bao thế kỷ. Không thông cảm với những đau khổ của nông dân, và không đồng tình với những ý muốn của nông dân, tất không thể vẽ nên đầy đủ và linh hoạt đời sống cơ cực của nông dân như thế được.
Giá trị hiện thực và tính chất phản phong của Lục súc tranh công là ở đấy.
Nhưng Lục súc tranh công sở dĩ có được một nghệ thuật tính cao như vậy, là vì Lục súc tranh công đã thừa hưởng được những tinh hoa của thể văn tuồng từ bao thế kỷ. Nhưng đọc Lục súc tranh công, ta thấy thể văn hát tuồng của tác phẩm hình như đang chuẩn bị để chuyển mình, biến sang một thể văn mới là thể văn hát chèo. Vì tính cách khôi hài, trào lộng rất rí rỏm ý
https://thuviensach.vn
nhị của Lục súc tranh công làm cho tác phẩm này có ít nhiều tính chất của một vở chèo. Và chèo cũng chỉ là một biến thái của tuồng, sau khi tuồng đã ra khỏi cung đình và gia đình phong kiến, để bước vào dân gian và trở thành một nghệ thuật sâu khấu của dân gian.
Tháng 2-1956
VĂN TÂN
https://thuviensach.vn
THỬ BÀN VỀ SỰ THÀNH HÌNH CỦA DÂN TỘC HÁN56
(tiếp theo và hết)
của TRƯƠNG CHÍNH-MINH
III. SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA CỘNG ĐỒNG THỂ NGƯỜI HÁN TỪ BỘ TỘC SANG DÂN TỘC
« Dân tộc là một khối người cộng đồng ổn định, thành lập trong quá trình lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ, về sinh hoạt kinh tế và về cấu tạo tâm lý biểu hiện trong cộng đồng văn hóa » 57. Bốn đặc trưng của dân tộc kể trên không thể nào phân cắt ra được, bỏ đi một đặc trưng trên thì không còn là dân tộc nữa. Do đó khi nghiên cứu sự biến hóa của cộng đồng thể người Hán từ bộ tộc sang dân tộc, thì cần phải phân tích một cách toàn diện xem những yêu tố cấu tạo thành bốn đặc trưng dân tộc đã được đầy đủ chưa và đã chín mùi đến trình độ nào. Nhưng trong bốn đặc trưng đó cũng không phải là không thể phân biệt ra cái nào là nặng cái nào là nhẹ được. Trong quá trình chuyến biến của một cộng đồng thể người đồng nhất từ bộ tộc sang dân tộc, có một yếu tố có tác dụng quyết định là sinh hoạt kinh tế cộng đồng của dân tộc. Sta-lin chỉ rõ : « Các yếu tố của dân tộc – tiếng nói, lãnh thổ, cộng đồng văn hóa v.v… không phải từ trên trời rơi xuống mà là phải dần dần sáng tạo ra từ trước thời kỳ tư bản chủ nghĩa nữa kia. Nhưng đương thời, các yếu tố đó vẫn còn ở vào trạng thái mầm non, và nhiều lắm cũng vẫn chỉ là một loại sức lực tiềm tàng để cho sau này có điều kiện thuận lợi thì sẽ làm cho dân tộc thành hình. Cái sức lực tiềm tàng ấy chỉ có thể biến thành hiện thực trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản đương lên và đã có đầy đủ thị trường dân tộc, trung tâm kinh tế và trung tâm văn hóa ». 58 Do đó, kẻ viết bài này, về phương diện đó, đã chú trọng nghiên cứu sự thành hình của thị trường dân tộc và của các trung tâm
https://thuviensach.vn
kinh tế dân tộc – và đó cũng là sự thành hình của sinh hoạt kinh tế cộng đồng của dân tộc.
Thị trường dân tộc là do các thị trường địa phương không lớn lắm tập trung lại mà thành một thị trường thống nhất trong nước. Thời kỳ cuối triều Minh, vì có sự phát triển của các xưởng thủ công tư bản chủ nghĩa nên « hình vẽ phác » của thị trường dân tộc đã thành hình. « Trình độ phát triển của thị trường trong nước tức là trình độ phát triển của chủ nghĩa tư bản nước đó » 59. Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa thời cuối triều Minh vẫn còn ở vào thời kỳ thủ công nghiệp. Sự liên hệ kinh tế của thị trường trong nước trong thời kỳ thủ công nghiệp dĩ nhiên không đạt được trình độ mật thiết sâu xa như là trong thời kỳ công nghiệp máy móc. Cái gọi là « hình vẽ phác » là có ý nghĩa nói như thế. Sự phân công giữa các khu vưc, bao gồm sự phân công giữa các khu vực về mặt chế tạo thiên lệch các loại sản phẩm khác nhau, và cả sự phân công về mặt chế tạo một loại sản phẩm giống nhau, đó là một đặc điểm rất rõ rệt của thị trường trong nước trong thời kỳ thủ công nghiệp. Trước thời kỳ thủ công nghiệp, vì các địa phương đều ở vào tình trạng bế tắc và cô lập về mặt kinh tế nên sự phân công giữa các khu vực đó không thể nào thành hình được (trừ một số ít đặc sản). Nhưng trong thời kỳ công nghiệp máy móc, vì các công cụ sản xuất và công nhân đều rất dễ dàng di chuyển cả từng khối lớn nên dần dần các địa phương có xu hướng tổng hợp hóa về mặt kinh tế và giới hạn phân công giữa các khu vực cũng không còn rõ rệt như trong thời kỳ thủ công nghiệp nữa. Về những đặc điểm trên và nguyên nhân sinh ra những đặc điểm trên của thị trường trong nước thời kỳ cuối triều Minh, đồng chí Dương Tắc-Tuấn vẫn còn chưa nói được thực rõ trong bài của đồng chí.
Thời kỳ cuối triều Minh, trọng tâm kinh tế trong nước là ở giải Triết giang, Giang-tô và trung tâm kinh tế chủ yếu của vùng ấy là năm thành phố : Tô, Trùng, Hàng, Gia, Hồ 60. Hoàng Tôn-Hi nói : « Gạo vải của miền Đông-nam rãi ra khắp mọi nơi, thiên hạ có Ngô-Hội thực chẳng khác gì một nhà giàu có nhà kho hay tủ quý vậy » 61. Vì Bắc-kinh là thủ đô nên đã trở thành một trung tâm chính trị, thương nghiệp và văn hóa rất lớn nhưng
https://thuviensach.vn
đứng về mặt kinh tế mà nói thì còn phải nhờ vả vào miền Đông-nam rất nhiều. Trong sách « Thiên công khai vật » có nói tới các « lò sắt », « lò vải » tất cả những cái gọi là « lò » đó chính là những khu vực phân công rồi vậy. Giữa các khu vực đó đều có những quan hệ mậu dịch và như vậy là đã liên kết với nhau thành một thị trường thống nhất trong nước.
Có mấy khu vực sản xuất ra sắt : « TỈnh Cam-túc ở Tây-Bắc, Tuyền quận ở Đông-nam đều là những lò nấu sắt, Tuân-hóa ở Yên-kinh và Bình dương ở Sơn-tây thì là những mỏ sắt ». 62
Tô-châu và Hồ-châu là những trung tâm dệt. Nghề dệt lụa ở miền Nam ngay từ đời Tống đã phát đạt hơn ở miền Bắc, nhưng trong thời kỳ đầu triều Minh, tiền thuế tơ lụa ở miền Bắc vẫn còn chiếm một phần tư tổng số. Sau đó Tô-châu, Hồ-châu đã vượt xa các nơi sản xuất ra tơ lụa khác và hơn cả Thành đô là nơi xưa nay vẫn được khen là có « gấm đẹp nhất thiên hạ ở Đất Thục ». Ở Hồ-châu, từ « sau thời Long-vạn trở đi, các nhà máy dệt thi nhau mọc lên, số tăng gấp trăm… khách buôn đến mua đông như nước chảy, người trong vùng đem đồ đi bán các nơi khác, quanh năm đi lại không ngớt » 63. Thứ đoạn sản xuất ra ở quận Tuyền, quận Chương tại ven bể cũng được bán đi rất xa, « kẻ buôn bán ở phương Bắc trông thấy mà khoái ».
Tùng-giang là trung tâm dệt vải lớn nhất. Thời đó có câu ngạn ngữ : « Mua không hết được vải Tùng-giang, thu không cạn được sa Ngụy-đường » 64. Hàng vải tốt của Tùng-giang được đem tiêu thụ đi khắp « các ngả Tần, Tấn, Kinh », « bọn buôn to bán lớn mang những số tiền kếch sù ra chợ, tiền bạc đem theo kể có hàng vạn lạng, nhiều thì đem tới 10 vạn lạng, ít thì cũng phải đem tới mấy vạn », giá tiền thì « một tấm trị giá độ 1 tiền, 5, 6 phân, hạng tốt nhất thì chẳng qua chỉ độ 1 tiền, 7, 8 phân đến 2 tiền là cùng » ; sau nữa là đến loại vải dệt bằng máy, hạng trung bình, thì đem tiêu thụ ở « các ngả Hồ-quảng, Giang-tây, Lưỡng-quảng » ; ngoài ra còn có hàng vải nhỏ mặt « chỉ đem bán ở các nơi như Giang-tây, Nhiêu-châu v.v… » 65. Nghề dệt ở Gia-hưng chỉ kém có Tùng-giang mà thôi và đã được người ta
https://thuviensach.vn
gọi là nơi « tiếng máy nghe không bao giờ dứt » 66. Ngoài ra nghề dệt ở vùng Hồ-bắc cũng khá phát đạt, nhưng so với Tùng-giang, Gia-hưng thì thực còn kém xa.
Nhân dân miền Tây-bắc rất ít người làm nghề dệt, do đó phải mua vải từ Hồ-bắc, Hà-nam đem tới, và các đồ tơ lụa vóc đoạn từ Giang-tô, Triết giang chuyển sang.
Trấn Cảnh-đức được coi là trung tâm làm đồ sứ đứng vào hàng lớn nhất và cũng đã được an định trong đời Minh. Trước kia việc sản xuất đồ sứ hãy còn phân tán, cho đến thời cuối Triều Minh, sản lượng của các nơi làm đồ sứ góp lại vẫn « chưa địch được sản lượng của quận Nhiều ở Giang tây » 67. Đồ sứ của trấn Cảnh-đức « cả bốn phương Trung-hoa đều biết tiếng, săn đón hỏi mua » 68. « Thợ thuyền từ tám phương lại, đồ làm ra đi khắp thiên hạ » 69. Các trung tâm sản xuất đồ thủ công nghiệp khác, phần lớn cũng đều ở miền Đông-nam, do đó năm nào cũng có rất nhiều đồ hàng thủ công nghiệp đem bán từ miền Đông-nam đi các địa phương khác. Việc đem lương thực của miền Nam lên miền Bắc là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của ngành vận tải trên mặt nước trong đời Minh. So số lương thực vận tải bằng đường thủy của miền Trung-nam với miền Bắc thì miền Trung nam gấp tới năm lần.
Trong một ngành thủ công nghiệp đồng nhất, cũng có sự phân công giữa các khu vực ở một trình độ nhất định nào đó trong các giai đoạn của quá trình sản xuất. Thí dụ về vải thì « xưởng dệt ở Tùng-giang, xưởng nhuộm ở Vu-hồ » 70. Các trung tâm thủ công nghiệp thường cần đến nguyên liệu ở các địa phương khác đem tới và có khi đường vận tải nguyên liệu cũng rất xa. Thí dụ : « Bông phải mua ở khắp miền Nam, vải thì bán khắp miền Bắc ». 71
Tơ của Hồ-châu không những « tốt nhất thiên hạ » mà còn « bán khắp thiên hạ » 72. Cho nên « các máy dệt ở miền Đông-nam nhiều nhất là ở ba xứ : Ngô, Việt, Mân đều phải lấy kén của Hồ-châu » 73. Nguyên liệu lắm khi còn phải lấy ở nơi xa hơn nữa thí dụ như đoạn thì sản xuất ra ở quận
https://thuviensach.vn
Chương, quận Tuyền tại ven bể, nhưng « tơ thì phải mua từ Tứ-xuyên, Ba thực tới, con buôn đem tơ từ nơi xa vạn dậm tới bán rồi mua hồ tiêu trở về ». 74
Để thỏa mãn cho nhu cầu thông thương bằng đường thủy, bộ, người ta đã cải tiến rất nhiều công tác về đường sá và sông ngòi. Thí dụ : Trên những đường lớn cứ 20 dậm người ta lại dựng chuồng ngựa và chỗ cho ngựa uống nước, cứ 60 dậm lại có quán để tiện việc cho khách buôn qua lại. 75
Thời đó toàn quốc có hơn 30 thành phố lớn. Tính chất của các thành phố đó có thể nhìn thấy ở Tô-châu và trấn Cảnh-đức là những thành phố không phải là trung tâm chính trị. Tô-châu là nơi « suốt phía đông đều có xưởng dệt ». Trấn Cảnh-đức thì là « một nơi công nghiệp lớn chu vi 10 dậm, nhân khẩu gần tới trăm vạn, lò sứ có độ 3 nghìn, ban ngày khói trắng bốc lên nghi ngút kín trời, ban đêm ánh lửa bốc lên sáng rực » 76. Loại thành phố như thế không còn phải là những « thành thị Á-tế-á » giống như Mác đã nói nữa, sự tồn tại và phồn thịnh của chúng không còn phải « hoàn toàn bị các chính phủ có tính chất địa phương chi phối nữa » 77. Những thành thị đó là những đầu mối chắc chắn của thị trường dân tộc, là những trung tâm văn hóa dân tộc nữa.
Sự thành hình của thị trường dân tộc và những trung tâm kinh tế dân tộc làm cho trạng thái chiếm cứ và chia cắt phong kiến đi đến chỗ diệt vong và làm cho nền thống nhất quốc gia được thêm củng cố. Chế độ chính trị của triều Minh thể hiện một trung ương tập quyền tới cao độ, nếu không có thị trường dân tộc và các trung tâm kinh tế dân tộc làm hậu thuẫn thì cái trung ương tập quyền tới cao độ ấy không thể nào giữ lâu được. Triều Minh bỏ tể tướng, triều chính thì do sáu bộ nắm giữ và trên nhất là hoàng đế. Ở các địa phương thì thành lập « tam ty » đặt dưới quyền triều đinh. Vua chia đất phong cho con cái « ở ngoài để lấy vây cánh cho mạnh nhưng thực ra bọn họ không có quyền để đỡ phải lo cái nạn có đuôi to quá không sao ve vẩy được » 78. Vương Phu-Chi đã trông thấy rõ hiện tượng thống nhất quốc
https://thuviensach.vn
gia có xu hướng ổn định, củng cố từ đời Nguyên, Minh trở đi, do đó ông đã nhận thấy đại thể trị loạn của thiên hạ đến đây đã có sự biến đổi. Ông nói : « Từ sau khi nhà Tống mất đến nay, nếu là thời kỳ trị thì Trung-quốc có chung một chúa ; nếu là thời kỳ loạn thì Trung-quốc cũng không có một vị chúa nào chiếm cứ riêng một phương cả » 79. Phương diện đó thực cũng đã phản ánh được rõ tác dụng liên hệ của thị trường dân tộc và các trung tâm kinh tế dân tộc.
Căn cứ vào sự phân tích trên, thị trường dân tộc và trung tâm kinh tế dân tộc thực đã có từ thời kỳ cuối triều Minh, đó là một sự thật không thể nào nghi ngờ được nữa. Nhưng đồng chí Tăng Văn-Kinh trong bài « Bàn về sự thành hình của dân tộc Hán » đã cả quyết phủ nhận sự thật đó. Đồng chí Tăng Văn-Kinh cho rằng trước khi bị chủ nghĩa đế quốc xâm nhập, Trung-quốc chưa có thị trường dân tộc và các trung tâm kinh tế dân tộc. Lối nhận xét như thế là không phù hợp với thực tế lịch sử, sở dĩ có như vậy là vì đồng chí đã có ba điều nhầm lẫn sau :
Đầu tiên là đồng chí Tăng Văn-Kinh chỉ đơn thuần nhìn vào sau cuộc chiến tranh nha phiên thì nền công nghiệp máy móc mới bắt đầu sinh trưởng, không lưu ý thấy rằng các xưởng thủ công nghiệp đã trưởng thành từ đời Minh, tuy đồng chí có nói câu « đã chửa đẻ ra mầm non của chủ nghĩa tư bản » nhưng vẫn chưa phân tích cụ thể các mầm non tư bản chủ nghĩa ấy. Sự thành hình của thị trường dân tộc và trung tâm kinh tế dân tộc không phải chỉ bắt đầu sau khi đã có nền công nghiệp máy móc, mà đã bắt đầu từ thời kỳ có các xưởng thủ công nghiệp rồi. Ví dụ : Dân tộc Nga-la-tư bắt đầu thành hình từ thế kỷ 17 mà nền công nghiệp máy móc thì tới cuối thế kỷ 18 mới xuất hiện, thế thì trong thế kỷ 17, Nga-la-tư đã làm gì có nền công nghiệp máy móc. Các xưởng thủ công nghiệp tuy không thể bao gồm được toàn bộ nền sản xuất của xã hội, không thể cải cách được nền sản xuất của xã hội về căn bản, nhưng nó có thể khai thác ra được thị trường dân tộc và cũng lập nên được những trung tâm kinh tế dân tộc. Lê-Nin đã từng chỉ rõ : « Cái làm cho các xưởng thủ công nghiệp gần sát với các nhà máy hiện tại là sự thành hình thị trường lớn, sự thành hình các xưởng lớn thuê mướn
https://thuviensach.vn
công nhân, và quần chúng công nhân đều phải khuất phục dưới sự thành hình của chủ nghĩa tư bản » 80. (tác giả bài này gạch đít mấy chữ trên). Lịch sử nước Nga đã chứng thực luận điểm trên, lịch sử Trung-quốc cũng chứng thực luận điểm đó.
Thứ hai là đồng chí Tăng Văn-Kinh đã đặt những yêu cầu quá cao cho các trung tâm kinh tế dân tộc. Theo lối nhìn của đồng chí Tăng Văn-Kinh thì hình như loại trung tâm kinh tế ấy chỉ có thể có một – như Mạc-tư-khoa của nước Nga và Thượng-hải của Trung-quốc và không thể nào thay đổi được. Đoạn trên bài này đã có nói trong thời kỳ thủ công nghiệp, một đặc điểm rất rõ rệt của thị trường dân tộc là sự phân công giữa các khu vực, do đó thực khó mà nói rằng chỉ có một trung tâm kinh tế thôi (khó nói hơn nữa nếu lại là một nước rộng lớn), mà là có nhiều trung tâm kinh tế lớn bé khác nhau. Sự thành hình của thị trường dân tộc là có ý chỉ vào sự dung hợp các thị trường nhỏ địa phương thành một thị trường lớn, thống nhất, do đó không nhất định phải phụ thuộc vào một trung tâm kinh tế duy nhất như kiểu Thượng-hải. Vẫn lấy Nga-la-tư làm thí dụ, đồng chí Phan-cơ-ra-Tốp chủ biên cuốn « Lịch sử thời thượng cổ và trung cổ Liên-xô », đã tả thị trường toàn Nga trong thế kỷ 17 như sau : « Trong thế kỷ 17… các vùng đất đen cung cấp ngũ cốc cho các khu trung bộ. Y-a-rốt-la-phơ nổi danh về nghề chế tạo kính có hàng bán tận miền Tây-bá-lợi-á xa xăm. Vô-rô-gô-ta sản xuất các đồ sắt. Ca-lô-cô thì nổi tiếng về các đồ gỗ đẹp, các tỉnh khác cũng đại loại như thế… Ở các thành thị phương Nam, người ta có thể gặp được những khách buôn ở mãi từ miền bể phương Bắc tới ; còn ở các thành thị phương Bắc thì lại có những khách buôn đến mua hàng chở đi Ô-can chơ, Tây-bá-lợi-á và các địa phương khác. Như thế, các địa khu và các thành thị không bị cô lập về kinh tế như trước nữa… » Chính như Lê-nin đã chỉ rõ, những thị trường nhỏ ấy đã dung hợp lại với nhau thành một thị trường toàn Nga-la-tư « duy nhất ». Tình hình tả trên đây và tình hình Trung-quốc thời kỳ cuối triều Minh không phải giống nhau như đúc đấy ư. Thị trường toàn Nga thời đó chẳng phải cũng có đặc điểm phân công khu vực rõ rệt đấy ư ? Chẳng phải cũng có nhiều trung tâm kinh tế đấy ư ? Yêu
https://thuviensach.vn
cầu thị trường dân tộc chỉ có một trung tâm kinh tế như kiểu Thượng-hải thì làm gì có lý do nhỉ ?
Thứ ba là, đồng chí Tăng Văn-Kinh đã ước lượng ở mực còn thấp quá tính chất và tác dụng của các thành thị lớn trong nước từ thời kỳ cuối triều Minh tới trước cuộc chiến tranh nha phiến đời Thanh. Đồng chí Tăng Văn Kinh cho rằng trước khi bị chủ nghĩa đế quốc xâm nhập, « các thành thị phát đạt nhất của Trung-quốc » có một nền công thương nghiệp đặc biệt phồn thịnh, thì « quá nửa là để thỏa mãn nhu cầu cho triều đình phong kiến tiêu phí bừa bãi và thỏa mãn nhu cầu của các tổ chức quân sự, quan liêu lớn lao ». Nói như thế là chưa có thực đầy đủ căn cứ. Ví như ở trấn Cảnh-đức trước cuộc chiến tranh nha phiến, các lò sứ công chỉ có mấy chục thế mà các lò sứ của dân thì lại có tới hai, ba trăm khu 81. Tình hình tương tự như thế cũng có ở các thành thị khác như Tô-châu, Tùng-giang, Hàng-châu, Gia-hưng, Hồ-châu… Đồng chí Tăng Văn-Kinh lại nói : « Các thành phố đó vốn chẳng qua chỉ là các thị trường địa phương mà thôi. Khi chúng đã mất địa vị là trung tâm chính trị thì chỉ còn cách rơi xuống là thị trường địa phương nữa thôi ». Rồi đồng chí đưa ra tỷ dụ dau khi Thành-tổ đóng đô ở đất Yên 82thì nhân khẩu ở Nam-kinh giảm đi rất nhiều. Cố nhiên, sự thiên đô có thể làm cho thủ đô cũ trở nên tiêu điều, việc đó thực khó mà tránh được trong thời kỳ thủ công nghiệp. Nhưng tất cả cái tinh hoa trong nước thời đó lại tập trung cả ở giải : Tô-châu, Tùng-giang, Hàng-châu, Gia-hưng, Hồ-châu, thế thì ta phải cắt nghĩa sự phồn thịnh của các thành phố đó như thế nào ? Thực khó mà bảo vì chúng là những trung tâm chính trị được. Rõ ràng là không thể được. Nam-kinh thực ra chỉ là một tỷ dụ mà vả lại chỉ bắt đầu có tác dụng trọng yếu từ đầu đời Minh trở đi, đến thời kỳ cuối triều Minh nó lại phải chịu xếp dưới những thành thị công thương nghiệp trọng yếu khác, một tỷ dụ đó quyết không thể đại biểu cho toàn diện được.
Tóm lại luận điểm của đồng chí Tăng Văn-Kinh cho rằng thị trường dân tộc và các trung tâm kinh tế dân tộc chưa có ở Trung-quốc trước khi chủ nghĩa tư bản xâm nhập đến, là không thể đứng vững được.
https://thuviensach.vn
Sự thành hình tiếng nói chung (cộng đồng) của dân tộc đi song song với sự thành hình của thị trường dân tộc. Căn cứ vào sự nghiên cứu của đồng chí Khan-Rát một học giả về tiếng nói Liên-xô, thì tiếng nói phương Bắc của Trung-quốc, trong thế kỷ 15, 16 đã có được những đặc trưng cơ bản của tiếng nói sau này và trong thế kỷ 17, 18 đã kế tục phát triển đồng thời ở một trình độ nào đó đã trở thành tiếng nói chung truyền bá trong toàn quốc của dân tộc Hán. Cái gọi là « quan thoại » 83tức là hình vẽ phác của tiếng nói chung của dân tộc Hán. Tiếng nói chung của dân tộc nhất định phải dựa trên một cơ sở tiếng nói của một địa phương nào đó mà thành hình, địa phương sở tại của tiếng nói cơ sở đó, nói chung phải là địa phương sở tại của các khu vực trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất của toàn quốc. Tiếng nói của phương Bắc sở dĩ là cơ sở của tiếng nói chung cho dân tộc, nguyên nhân là ở chỗ đó. Tiếng nói chung của dân tộc Hán đã thành hình trong những điều kiện sau :
« Quan, thương biên viễn rong ruổi Điền-nam (Vân-nam, Người dịch), tung hoành Liêu-dương, xông sáo Kế-bắc » (Hà-bắc, Người dịch). Những người không ở phương Bắc mà nói tiếng « quan thoại » đầu tiên là những người hay đi lại thủ đô và các địa phương khác trong toàn quốc, tức là những quan lại và nhà buôn. Thời đó khách buôn người Âu thông thương với Trung-quốc cũng xuất hiện và đã dùng tiếng nói đó để giao dịch buôn bán ngay ở cả Quảng-châu cũng rất tiện lợi. Không thể cắt nghĩa « quan thoại » là « tiếng nói của quan lại » vì nó không xa rời « tiếng nói thông thường của dân chúng ». Nó đã lấy cơ sở ở tiếng nói của phương Bắc và đã phục vụ cho việc lưu thông hàng hóa, cho nên nó không giống « tiếng nói của quan lại » bị bó hẹp ở trong vòng công văn giấy tờ nhỏ hẹp mà nó đã càng ngày càng mở rộng ảnh hưởng và sau này cuối cùng đã phát triển thành « quốc ngữ ».
Sau khi tiếng nói chung của dân tộc đã thành hình, tiếng nói đó cũng tồn tại trong một thời kỳ dài với các tiếng nói của từng địa phương rồi dần dần mới « mài dũa » các tiếng nói địa phương đi. Quá trình mài dũa đó cho đến bây giờ vẫn tiếp tục tiến hành. Tình hình đó cũng được phản ánh trong
https://thuviensach.vn
mặt ngữ ngôn của văn học. Trong đời Minh có rất nhiều tiểu thuyết cơ bản viết theo tiếng phương Bắc, đồng thời cũng vẫn có không phải ít tác phẩm văn học viết theo « tiếng thông thường của đất Ngô » (Ngô, tức Giang-tô – Người dịch) hay có pha tiếng Ngô-nhất là những bài hát lưu hành trong dân gian. Từ đời Thanh trở đi, các tác phẩm viết theo tiếng phương Bắc càng ngày càng tăng và tiếng phương Bắc đã dần dần chiếm địa vị cơ sở trong ngữ ngôn văn học, không gì có thể lay chuyển nổi nữa.
Sự cần thiết làm cho hàng hóa được lưu thông, không bị gì trở ngại và sự trở mình của giai cấp thị dân không những thúc đẩy sự thành hình của tiếng nói chung mà lại còn yêu cầu văn chương phải đi sát lời nói cửa miệng, văn học phải đi sát quần chúng thị dân. Các tiểu thuyết và bài hát phổ thông được làm rất nhiều trong đời Minh. Truyện Thủy-hử, Tây du-ký, Tam quốc diễn nghĩa, Kim-bình-mai và Tam-ngôn, Nhị-phách v.v… đều là những tiểu thuyết ngắn hay dài và đều là tác phẩm làm trong đời Minh. Các đề tài của tiểu thuyết ngằn phần lớn đều lấy ở thành phố. Những tiểu thuyết dài vào loại Kinh-bình-mai đều tả rất nhiều tình thú thị dân. Có rất nhiều nhà văn đời Minh đã làm nhiều bài hát rất có giá trị thậm chí có thể nói giá trị của các bài thơ ca đó còn vượt lên trên cả những bài thơ ca truyền thống. Tự họ cũng phỏng tác và đã thu được những kết quả khác nhau. Cuối đời Minh, Phùng Mộng-Long phỏng tác bài hát « Quải kỹ nhi », bài đó đã được người ta khen gọi là bài « Quải kỹ nhi của Phùng-sinh » và đã được lưu truyền rất rộng. Cuối đời Minh, Phương Dĩ-Chí tác giả cuốn « Thông nhã » có chủ trương « nhân việc mà hợp âm, nhân âm mà làm chữ » do đó lần đầu tiên đã biểu lộ ra được yêu cầu ghép âm làm thành tiếng.
Đối với vấn đề lãnh thổ cộng đồng của dân tộc Hán thì việc tranh luận có phần ít hơn. Khu vực tụ cư của người Hán đầu tiên là ở lưu vực Hoàng hà, sau đó mới dần dần lan tới lưu vực trường giang và lưu vực Việt-giang (ở Quảng-đông, Quảng-tây – Người dịch), sau cùng thì lan tới lưu vực Hắc long-giang. Bốn lưu vực lớn nói trên và những lưu vực nhỏ ở miền ven bể đại khái có thể đại biểu cho lãnh thổ cộng đồng của dân tộc Hán. Ở đây cần phải nói rõ : vì nước ta là một nước có nhiều dân tộc, nên thực khó mà vạch
https://thuviensach.vn
rõ ra được giới tuyến khu vực của các dân tộc tụ cư. Trong lòng của bốn lưu vực lớn nói trên, đặc biệt là ở những vùng biên giới, trừ người Hán ra còn có, hoặc ít hoặc nhiều, hoặc đông đúc hoặc thưa thớt, nhiều dân tộc thiểu số khác nữa, và trong những vùng dân tộc thiểu số ngoài bốn lưu vực lớn nói trên cũng có một số người Hán ở nữa. Đời Minh, tuy chưa có nhiều người Hán lắm di cư tới lưu vực Hắc-long-giang, nhưng lãnh thổ cộng đồng của dân tộc đã rõ ràng là có rồi. Nhờ ở sự tiêu trừ trạng thái kinh tế phân tán và lối chia cắt chiếm đóng phong kiến nên lãnh thổ cộng đồng của dân tộc cũng càng ngày càng rõ ràng thống nhất và ổn định hơn.
Sự cấu tạo tâm lý cộng đồng biểu hiện trên mặt văn hoá cộng đồng của một dân tộc, phản ánh sự hoà hợp chung các điều kiện sinh hoạt của dân tộc. Nó không phải từ ở trên trời rơi xuống, mà đã phải có mầm mống từ trước khi dân tộc thành hình, cho nên về sau nói chung nó vẫn còn đem theo dấu vết của thời trước. Nó không phải đã thành hình là không biến đổi gì nữa, mà phải tuỳ theo điều kiện sinh hoạt mà biến hoá và do đó về sau nói chung nó phải có chỗ khác với thời trước. Ví như bộ mặt tinh thần hiện tại của dân tộc Hán thực đã khác xa với thời dân tộc mới hình thành. Sự cấu tạo tâm lý của dân tộc Hán từ khi mới bắt đầu thành hình tới bây giờ có rõ rệt những đặc điểm trên, đó là một vấn đề khá phức tạp, cần phải nghiên cứu về nhiều mặt trong các bộ môn văn hoá thì mới có thể đưa ra kết luận được chứ không phải chỉ ngày mai ngày mốt mà đã nghiên cứu đến cùng được. Còn như muốn thuyết minh rằng người Hán khi bắt đầu thành hình dân tộc đã có một nền văn hoá cộng đồng rõ rệt chưa, vấn đề tuy kéo ra rộng đấy nhưng so với vấn đề trước thì nói chung dễ dàng hơn. Kẻ viết bài này xin bàn sơ lược thêm về khía cạnh đó.
Nghệ thuật văn học có thể biểu hiện được nhiều nhất sự cấu tạo tâm lý cộng đồng của dân tộc. Từ Tống, Nguyên trở đi các vở tuồng được phát triển rất mạnh ở Trung-quốc. Rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng, từ Tây sương-ký tới Đào-hoa-phiến đều là những vở hát tuồng. Các vở hát tuồng có liên quan tới rất nhiều ngành của nghệ thuật văn học, do đó ta có thể căn cứ vào sự phát triển của tuồng hát để nhìn thấy một mặt trọng yếu của sự
https://thuviensach.vn