🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest Ebooks Nhóm Zalo Tác phẩm: Tan biến Nguyên tác: Into thin air Tác giả: Jon Krakauer Thể loại: Phi hư cấu, Hồi ký Dịch giả: Phan Tri Nguyện Nhà xuất bản: Trẻ Năm xuất bản: 02/2009 Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Dự án Ebolic #2 Shooting: Hanki Typing: QuynhChi, Fuurin, My, Dlgofly, Vân Anh, Yokenj Checking: Mai Anh, Yokenj Leading & Packaging: Tornad Ngày hoàn thành: 12/4/2017 Ebolic là dự án chế bản ebook do Bookaholic thực hiện. Chúng tôi hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận và dựa trên tinh thần tự nguyện, với mục đích mang đến cho độc giả những đầu sách hay và lan tỏa văn hóa đọc cho cộng đồng. Chúng tôi khuyến khích độc giả mua sách in, và chỉ nên tìm đến ebook này khi không thể tiếp cận sách. MỤC LỤC LỜI GIỚI THIỆU Các đoàn thám hiểm chinh phục đỉnh Everest mùa xuân 1996 Chương 1: ĐỈNH EVEREST Chương 2: DEHRA DUN, ẤN ĐỘ Chương 3: PHÍA TRÊN BẮC ẤN ĐỘ Chương 4: PHAKDING Chương 5: LOBUJE Chương 6: TRẠM CĂN CỨ NÚI EVEREST Chương 7: TRẠI MỘT Chương 8: TRẠI MỘT Chương 9: TRẠI HAI Chương 10: MẶT LHOTSE Chương 11: TRẠM CĂN CỨ Chương 12: TRẠI BA Chương 13: TRIỀN ĐÔNG NAM Chương 14: ĐỈNH NÚI Chương 15: ĐỈNH NÚI Chương 16: ĐÈO NAM Chương 17: ĐỈNH NÚI Chương 18: TRIỀN ĐÔNG BẮC Chương 19: ĐÈO NAM Chương 20: MŨI GENEVA Chương 21: TRẠM CĂN CỨ EVEREST Thay lời kết: SEATTLE Lời chú Thương tặng Linda; Và để tưởng nhớ Andy Harris, Doug Hansen, Rob Hall, Yasuko Namba, Scott Fischer, Ngawang Topche Sherpa, Chen Yu-Nan, Bruce Herrod, và Lopsang Jangbu Sherpa. Con người đùa giỡn với thảm kịch bởi vì họ không tin vào sự tồn tại của thảm kịch, mặc dù nó đang thực sự diễn ra trong thế giới văn minh. José Ortega y Gasset JON KRAKAUER, tác giả của ba quyển sách, bao gồm Eiger Dreams và bestseller Into the Wild, là biên tập viên cộng tác của tạp chí Outside. Ông và vợ sống tại Seattle, Hoa Kỳ. LỜI GIỚI THIỆU Tháng 3 năm 1996, tạp chí Outside cử tôi đến Nepal để tham gia và viết sách về việc leo núi Everest có người hướng dẫn. Đoàn chúng tôi gồm tám người và được nhà leo núi nổi tiếng người New Zealand, Rob Hall dẫn đường. Ngày 10 tháng 5, mặc dù đoàn cũng lên được đỉnh núi nhưng chúng tôi đã phải trả một cái giá cực kỳ đắt. Trong số năm bạn đồng hành của tôi thì bốn người, trong đó có cả Hall, đã bỏ mạng trong một cơn bão ác hiểm nổi lên đột ngột khi chúng tôi vẫn còn ở trên cao gần đỉnh. Khi tôi xuống tới Trạm Căn cứ (Base Camp), tổng cộng chín nhà leo núi của bốn đoàn thám hiểm đã chết, và đến cuối tháng thì Everest đã tước đi thêm ba mạng người nữa. Tôi bị sốc nặng sau chuyến thám hiềm và cảm thấy vô cùng khó khăn khi bắt tay vào viết bài báo. Tuy vậy, năm tuần sau khi trở về từ Nepal, tôi cũng xoay xở để gửi bản thảo đến Outside và nó được in trong số tháng 9 của tạp chí. Sau khi gửi xong bản thảo, tôi đã cố gắng không nghĩ đến Everest nữa, nhưng điều đó khó khăn hơn tôi hình dung. Qua một màn sương mù những cảm xúc hỗn độn, tôi cố gắng giải thích chuyện gì thực sự đã xảy ra trên núi, và tôi vẫn bị ám ảnh nặng nề bởi cái chết của những người bạn đồng hành. Tôi đã cố gắng viết bài báo chính xác nhất trong khả năng, trong điều kiện hạn nộp bài không thể thay đổi, trình tự các sự kiện phức tạp đến nản lòng và trí nhớ của những người sống sót bị lệch lạc do kiệt sức, thiếu oxy và cả bị sốc. Trong quá trình nghiên cứu của mình, có lần tôi đã nhờ ba thành viên khác nhớ lại một sự việc xảy ra phía trên đỉnh núi mà cả bốn chúng tôi đều chứng kiến. Thế nhưng không ai trong chúng tôi có thể nhất trí với nhau về những dữ kiện quan trọng như thời gian, những điều đã nói hoặc thậm chí là ai đã có mặt khi ấy. Vài ngày sau khi báo lên khuôn, tôi phát hiện ra bài viết của mình có vài sai sót. Đa phần là những điểm không chính xác nhỏ, điều không thể tránh khỏi dưới áp lực thời gian trong nghề báo. Tuy nhiên, tôi đã mắc phải một lỗi không nhỏ chút nào và nó đã gây đau buồn dữ dội nơi bạn bè và người thân của một trong những nạn nhân. Một điều nữa cũng làm tôi không kém phần thất vọng bên cạnh những sơ sót trong nội dung bài báo chính là việc nhiều chi tiết đã phải lược bỏ đi vì không đủ chỗ. Thật ra Mark Bryant, tổng biên tập tạp chí Outside, và Larry Burke, chủ bút, đã ưu ái cho câu chuyện của tôi đặc biệt nhiều trang – đến 17.000 từ, tức là nhiều gấp 4 đến 5 lần một bài báo thông thường. Nhưng ngay cả như vậy thì tôi vẫn cảm thấy tường thuật của mình quá vắn tắt đến nỗi độc giả không thể có được sự phán xét chính xức về bi kịch đã xảy ra. Chuyến leo núi Everest đã lay động tận gốc rễ cuộc đời tôi và tôi cảm thấy một điều quan trọng là mình có trách nhiệm phải viết lại đầy đủ chi tiết những gì tôi đã trải qua, mà không bị giới hạn bởi vài dòng ngắn ngủi trên báo. Quyển sách này là kết quả của sự thôi thúc đó. Vấn đề ý thức của con người không ổn định khi lên cao đã làm cho cuộc nghiên cứu trở nên khó khăn. Để tránh việc dựa quá nhiều vào nhận thức và trí nhớ của mình, trong nhiều dịp khác nhau, tôi đã tiến hành phỏng vấn thật chi tiết hầu hết các thành viên chủ chốt của đoàn thám hiểm. Khi có điều kiện, tôi cũng đối chiếu với những đoạn ghi âm bộ đàm được giữ tại Trạm Căn cứ, nơi mọi người có thể suy nghĩ tỉnh táo hơn. Những độc giả quen thuộc với tạp chí Outside sẽ dễ dàng nhận ra nhiều điểm khác biệt giữa bài báo đã đăng và nội dung quyển sách này, đa phần nằm ở những cột mốc thời gian. Điều đó là do đã có những thông tin mới được phát hiện ra kể từ lúc xuất hiện lần đầu trên tạp chí Outside. Các biên tập viên và tác gia mà tôi kính trọng đều khuyên rằng tôi không nên vội vã viết ra quyển sách này. Nói chung, họ khuyên tôi nên để lại hai ba năm sau, có một khoảng lùi nhất định đề có được cái nhìn khách quan hơn đối với cuộc thám hiểm. Lời khuyên của họ hết sức hợp lý nhưng cuối cùng chính tôi lại quyết định phớt lờ đi – phần lớn bởi vì những gì đã xảy ra luôn ám ảnh lương tâm tôi. Lúc đấy tôi nghĩ rằng viết quyển sách này ra sẽ giúp tống khứ Everest ra khỏi cuộc đời tôi. Nhưng tất nhiên tôi đã không làm được điều đó. Hơn thế nữa, đối với tôi, độc giả sẽ khó thể thưởng thức được trọn vẹn một tác phẩm nếu nhà văn viết ra nó như một cách để trút nỗi lòng của mình, giống như trường hợp của tôi. Nhưng tôi cũng hi vọng những gì tôi trình bày sẽ có được chút giá trị vì tôi đã trải lòng mình ngay trong những giây phút bối rối và đau buồn này, khi thảm kịch chỉ như vừa mới xảy ra. Tôi muốn câu chuyện của mình sẽ có được vẻ chân thật thô mộc, lạnh lùng mà tôi e rằng sẽ không còn tồn tại dưới lớp bụi thời gian và trong lòng người đã nguôi ngoai. Trong số những người khuyên tôi đừng vội vã viết quyển sách này, một số trước đó cũng đã khuyên tôi đừng nên đi đến Everest. Sự thật có rất, rất nhiều lý do đúng đắn thuyết phục tôi không nên đi, nhưng nỗ lực chinh phục đỉnh Everest là một hành động về bản chất không thế lý giải được bằng lý trí – nó là sự thắng thế của khát vọng trước những tính toán đúng sai. Những ai nghiêm túc tính chuyện chinh phục đỉnh Everest phải là những người hầu như không chịu tác động bởi những tranh luận của lý trí. Sự thật rõ ràng là tôi hiểu rất rõ nhưng vẫn quyết định tham gia chuyến đi. Và như vậy, tôi cũng có một phần trách nhiệm trước cái chết của những người bạn tốt bụng – điều này đã ám ảnh tâm trí tôi trong một thời gian dài. Các đoàn thám hiểm chinh phục đỉnh Everest mùa xuân 19961 Đoàn thám hiểm có nguời hướng dẫn Adventure Consultants Rob Hall – Người New Zealand, trưởng đoàn kiêm hướng viên trưởng Mike Groom – Người Úc, hướng dẫn viên Andy “Harold” Harris – Người New Zealand, hướng dẫn viên Helen Wilton – Người New Zealand, quản lý Trạm Căn cứ Bác sĩ Caroline McKenzie – Người New Zealand, bác sĩ tại Trạm Căn cứ Ang Tshering Sherpa – Người Nepal, thủ lĩnh nhóm Sherpa leo núi Ang Dorje Sherpa – Người Nepal, thủ lĩnh nhóm Sherpa leo núi Lhaka Chhiri Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Kami Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Tenzing Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Arita Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Ngawang Norbu Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Chuldum Sherpa – Người Nepal. thành viên nhõm Sherpa leo núi Chhongba Sherpa – Người Nepal, đầu bếp Trạm Căn cứ Pemba Sherpa – Người Nepal, Sherpa tại Trạm Căn cứ Tendi Sherpa – Người Nepal, phụ bếp Trạm Căn cứ Doug Hansen – Người Mỹ, khách leo núi Dr. Seabom Beck Weathers – Người Mỹ, khách leo núi Yasuko Namba – Người Nhật, khách leo núi Bác sĩ Stuart Hutchison – Người Canada, khách leo núi Frank Fischbeck – Người Hong Kong, khách leo núi Lou Kasischle – Người Mỹ, khách leo núi Dr. John Taske – Người Úc, khách leo núi Jon Krakauer – Người Mỹ, nhà báo và khách leo núi Susan Allen – Người Úc, người dẫn đường Nancy Hutchison – Người Canada, người dẫn dường Đoàn thám hiểm có người hướng dẫn Mountain Madness Scott Fischer – Người Mỹ, trưởng đoàn kiêm hướng dẫn viên trưởng Anatoli Boukreev – Người Nga, hướng dẫn viên Neal Beidleman – Người Mỹ, hướng dẫn viên Bác sĩ Ingrid Hunt – Người Mỹ, quản lý Trạm Căn cứ, bác sĩ của nhóm Lopsang Jangbu Sherpa – Người Nepal, thủ lĩnh nhóm Sherpa leo núi Ngima Kale Sherpa – Người Nepal, thủ lĩnh nhóm Sherpa ở Trạm Căn cứ Ngawang Topche Sherpa – Ngưởi Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Tashi Tshering Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Ngawang Dorje Sherpa – Ngưởi Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Ngawang Sya Kya Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Ngawang Tendi Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Tendi Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Pemba Sherpa “Bư” – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Jeta Sherpa – Người Nepal, Sherpa tại Trạm Căn cứ Pemba Sherpa – Người Nepal, phụ bếp Trạm Căn cứ Sandy Hill Pittman – Người Mỹ, nhà báo và khách leo núi Charlotte Fox – Người Mỹ, khách leo núi Tim Madsen – Người Mỹ, khách leo núi Pete Schoening – Người Mỹ, khách leo núi Klev Schoening – Người Mỹ, khách leo núi Lene Gammelgaard – Người Đan Mạch, khách leo núi Martin Adams – Người Mỹ, khách leo núi Dr. Dale Kruse – Người Mỹ, khách leo núi Jane Bromet – Người Mỹ, nhà báo Đoàn thám hiểm MacGillivray Freeman IMAX/IWERKS David Breashears – Người Mỹ, trưởng đoàn kiêm đạo diễn Jamling Norgay Sherpa – Người Ấn Độ, phó trưởng đoàn và diễn viên Ed Viesturs – Người Mỹ, diễn viên và nhà leo núi Araceli Segarra – Người Tây Ban Nha, diễn viên và nhà leo núi Sumiyo Tsuzuki – Người Nhật, diễn viên và nhà leo núi Robert Schauer – Người Áo, nhà quay phim và nhà leo núi Paula Barton Viesturs – Người Mỹ, quản lý Trạm Căn cứ Audrey Salkeld – Người Anh, nhà báo Liz Cohen – Người Mỹ, quản lý sản xuất phim Liesl Clark – Người Mỹ, nhà sản xuất phim và tác giả kịch bản Đoàn thám hiểm Đài Loan “Makalu” Gau Ming-Ho – Người Đài Loan, trưởng đoàn Chen Yu-Nan – Người Đài Loan, nhà leo núi Kami Dorje Sherpa – Người Nepal, thủ lĩnh nhóm Sherpa leo núi Ngima Gombu Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Mingma Tshering Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Đoàn thám hiểm của báo Sunday Times Johannesburg Ian Woodall – Người Anh, trưởng đoàn Bruce Herrod – Người Anh, phó trưởng đoàn kiêm nhiếp ảnh gia Cathy O’Dowd – Người Nam Phi, nhà leo núi Deshun Deysel – Người Nam Phi, nhà leo núi Edmund February – Người Nam Phi, nhà leo núi Andy de Klerk – Người Nam Phi, nhà leo núi Andy Hackland – Người Nam Phi, nhà leo núi Ken Woodall – Người Nam Phi, nhà leo núi Tierry Renard – Người Pháp, nhà leo núi Ken Owen – Người Nam Phi, nhà báo và người dẫn đường Philip Woodall – Người Anh, quản lý Trạm Căn cứ Alexandrine Gaudin – Người Pháp, trợ lý tổ chức Bác sĩ Charlotte Noble – Người Nam Phi, bác sĩ của đoàn Ken Vernon – Người Úc, nhà báo Richard Shorey – Người Nam Phi, nhiếp ảnh gia Patrick Conroy – Người Nam Phi, phóng viên phát thanh Ang Dorje Sherpa – Người Nepal, thủ lĩnh nhóm Sherpa leo núi Pemba Tendi Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Jangbu Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Ang Babu Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Dawa Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Đoàn thám hiểm có người hướng dẫn Alpine Ascents International Todd Burleson – Người Mỹ, trưởng đoàn và hướng dẫn viên trưởng Peter Athans – Người Mỹ, hướng dẫn viên Jim Williams – Người Mỹ, hướng dẫn viên Bác sĩ Ken Kamler – Người Mỹ, khách leo núi và bác sĩ cùa nhóm Charles Corfield – Người Mỹ, khách leo núi Becky Jonhston – Người Mỹ, người dẫn đường và nhà viết kịch bản phim Đoàn thám hiểm International Commercial Mal Duff – Người Anh, trưởng đoàn Mike Trueman – Người Hong Kong, phó trưởng đoàn Michael Burns – Người Anh, quản lý Trạm Căn cứ BS. Henrik Jessen Hansen – Người Đan Mạch, bác sĩ của đoàn thám hiểm Veikka Gustafsson – Người Phần Lan, nhà leo núi Kim Sejberg – Người Đan Mạch, nhà leo núi Ginge Fullen – Người Anh, nhà leo núi Jaakko Kurvinen – Người Phần Lan, nhà leo núi Euan Duncan – Người Anh, nhà leo núi Đoàn thám hiểm Himalayan Guides Commercial Henry Todd – Người Anh. Trưởng đoàn Mark Pfetzer – Người Mỹ. nhà leo núi Ray Door – Người Mỹ, nhà leo núi Đoàn thám hiểm một người của Thụy Điển Gôran Kropp – Người Thụy Điển, nhà leo núi Frederic Bloomquist – Người Thụy Điển, nhà làm phim Ang Rita Sherpa – Người Nepal, sherpa leo núi và thành viên đoàn làm phim Đoàn thám hiểm một người của Na Uy Petter Neby – Người Na Uy, nhà leo núi Đoàn thám hiểm có người hướng dẫn New Zealand, Malaysia, Pumori Guy Cotter – Người New Zealand, trưởng nhóm và hướng dẫn viên Dave Hiddleston – Người New Zealand, hướng dẫn viên Chris Jillet – Người New Zealand, hướng dẫn viên Đoàn thám hiểm Pumori/Lhotse American Commercial Dan Mazur – Người Mỹ, trưởng đoàn Jonathan Pratt – Người Anh, đồng trưởng đoàn Scott Darsney – Người Mỹ, nhà leo núi và nhiếp ảnh gia Chantal Mauduit – Người Pháp, nhà leo núi Stephen Koch – Người Mỹ, nhà leo núi và trượt tuyết Brent Bishop – Người Mỹ, nhà leo núi Diane Taliaferro – Người Mỹ, nhà leo núi Dave Sharman – Người Mỹ, nhà leo núi Tim Horvath – Người Mỹ, nhà leo núi Dana Lynge – Người Mỹ, nhà leo núi Martha Lynge – Người Mỹ. nhà leo núi Đoàn thám hiểm vệ sinh Everest của Nepal Sonam Gyalchhen Sherpa – Người Nepal, trưởng đoàn Trạm xá của Hiệp hội Cứu hộ Himalaya (ở làng Pheriche) Bác sĩ Jim Litch – Người Mỹ, bác sĩ Bác sĩ Larry Silver – Người Mỹ, bác sĩ Bác sĩ Cecile Bouvray – Người Pháp, bác sĩ Laura Ziemer – Người Mỹ, trợ lý Đoàn thám hiểm Cảnh sát Biên phòng Ấn Độ Tây Tạng (leo từ hướng Tây Tạng) Mohindor Singh – Người Ấn Độ, trưởng đoàn Harbhajan Singh – Người Ấn Độ, phó đoàn và nhà leo núi Tsewang Smanla – Người Ấn Độ, nhà leo núi Tsewang Palijor – Người Ấn Độ, nhà leo núi Dorje Morup – Người Ấn Độ, nhà leo núi Hira Ram – Người Ấn Độ, nhà leo núi Tashi Ram – Người Ấn Độ, nhà leo núi Sange Sherpa – Người Ấn Độ, thành viên nhóm Sherpa leo núi Nadra Sherpa – Người Ấn Độ, thành viên nhóm Sherpa leo núi Koshing Sherpa – Người Ấn Độ, thành viên nhóm Sherpa leo núi Đoàn thám hiểm Nhật Bản Fukuoka (leo từ hướng Tây Tạng) Koji Yada – Người Nhật, trưởng đoàn Hiroshi Hanada – Người Nhật, nhà leo núi Eisuke Shigekawa – Người Nhật, nhà leo núi Pasang Tshering Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Pasang Kami Sherpa – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Any Gyalzen – Người Nepal, thành viên nhóm Sherpa leo núi Chương 1: ĐỈNH EVEREST NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 1996 8.847 MÉT Dường như có một rào cản vô hình quanh những đỉnh núi cao nơi đây mà không một ai có thể vượt lên được. Dĩ nhiên, nguyên nhân thật sự nằm ở chỗ từ độ cao 8.847m trở lên, tác động của áp suất không khí thấp lên cơ thể con người nghiêm trọng đến mức làm cho việc leo núi gần như bất khả thi, một cơn bão nhỏ cũng có thể gây chết người. Điều kiện thời tiết và mặt tuyết hoàn hảo nhất cũng chỉ cho họ một cơ hội thành công nhỏ nhoi nhất, và không một đoàn thám hiềm nào có thể quyết định trước được ngày chinh phục đỉnh… Người ta không lấy làm ngạc nhiên khi đỉnh Everest không hề chịu khuất phục con người chỉ sau vài nỗ lực đần tiên; thật ra, nếu việc chinh phục đỉnh đơn giản như vậy thì các nhà leo núi hẳn sẽ cảm thấy ngạc nhiên và rất buồn lòng, bởi vì nó không còn là một ngọn núi vĩ đại nữa. Có lẽ chúng ta đã trở nên hơi kiêu ngạo với những công nghệ tiên tiến như đôi đế đinh và giày cao su, với kỷ nguyên chinh phục dễ dàng bằng phương tiện cơ giới. Chúng ta đã quên rằng Everest vẫn đang nắm giữ chiếc chìa khóa mà các nhà leo núi cần để đi đến thành công và nó sẽ chỉ trao cho họ khi nó muốn mà thôi. Còn lý do nào khác khiến cuộc phiêu lưu này quyến rũ các nhà leo núi đến như vậy? Eric Shipton, 1938 Phía trên ngọn núi ấy Chùi những bông tuyết bám vào mặt nạ oxy, khẽ rùng mình vì những cơn gió lạnh, tôi nhận ra mình đang đứng trên nóc nhà của thế giới, một chân ờ Nepal, còn chân kia trên đất Trung Quốc. Tôi lơ đãng nhìn xuống thung lũng Tây Tạng bao la và mơ hồ nhận thấy cảnh vật ở phía dưới thật hùng vĩ. Tôi đã mơ về phút giây với những cảm xúc dâng trào này nhiều tháng rồi. Và giờ đây, cuối cùng tôi cũng đã đặt chân đến đây, thực sự đứng trên đỉnh của ngọn Everest. Nhưng lúc này, tôi không còn đủ sức lực để có thể tận hưởng phút giây mơ ước đã lâu này. Lúc đó vào khoảng đầu giờ chiều ngày 10 tháng 5 năm 1996. Tôi đã không ngủ trong suốt 57 giờ liền. Thức ăn mà tôi cố nuốt trong ba ngày trước đó là một tô mì ramen2và một vốc sôcôla M&M nhân đậu phộng. Chứng ho suốt nhiều tuần trước đó đã làm cho tôi bị rạn hai xương sườn, nên mỗi một việc thở cũng là một sự cố gắng đầy khó nhọc. Ở độ cao 8.847m trên tầng đối lưu, hầu như có rất ít không khí cung cấp đến não. Vì thế tư duy của tôi lúc ấy không hơn gì một đứa trẻ nhỏ. Thật sự, tôi không còn một cám giác gì khác ngoại trừ sự lạnh lẽo và mệt mỏi. Tôi đến đỉnh Everest sau Anatoli Boukreev vài phút. Boukreev là một hướng dẫn viên leo núi người Nga, đang làm việc cho một đoàn thám hiểm thương mại Mỹ. Ngay phía sau tôi là Andy Harris, hướng dẫn viên của đoàn New Zealand mà tôi đang tham gia. Tôi chỉ mới biết Boukreev, nhưng đã quen với Harris từ sáu tuần trước đó. Tôi nhanh tay chụp cho Harris và Boukreev bốn tấm ảnh đứng trên đỉnh núi, rồi quay lại và xuống núi. Lúc ấy đồng hồ của tôi chỉ 1 giờ 17 chiều, nghĩa là tôi chỉ ở trên nóc nhà của thế giới chưa đến năm phút. Ít phút sau, tôi dừng lại để chụp một tấm ảnh nhìn xuống Triền Đông Nam (Southeast Ridge), đường chúng tôi đã leo lên. Khi tôi đang chĩa máy ảnh về phía vài nhà leo núi đang leo lên, tôi chú ý đến một thứ gì đó mà tôi trước đây tôi không để ý. Nhìn về phía nam, khi mới cách đó một giờ đồng hồ, bầu trời vẫn còn hoàn toàn quang đãng, tôi thấy một đám mây khổng lồ đang che khuất các ngọn Pumori, Ama Dablam và những đỉnh khác xung quanh ngọn Everest. – Sau đó – khi sáu thi thể đã được xác định, và cuộc tìm kiếm hai người nữa đã bị hủy bỏ và bác sĩ đã buộc phải cắt bỏ bàn tay phải bị hoại từ của người đồng đội Beck Weathers của tôi – người ta đặt câu hỏi khi thời tiết bắt đầu xấu đi, tại sao các thành viên đoàn leo núi trên cao hơn vẫn không nhận thấy được dấu hiệu nào? Tại sao các hướng dẫn viên leo núi Himalaya kỳ cựu vẫn tiếp tục leo lên, và đưa các thành viên nghiệp dư tương đối ít kinh nghiệm – những người đã bỏ ra đến 65.000 đô la để được dắt lên đỉnh Everest an toàn – vào cái bẫy chết người rõ rành rành? Không ai trả lời thay cho hai trường đoàn gặp nạn bởi cả hai người đều đã chết. Nhưng tôi có thể làm chứng rằng vào thời điểm đó, buổi chiều định mệnh ngày 10 tháng 5, tôi không thấy có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy một cơn bão chết người đang tiến đến. Theo những gì còn đọng lại trong trí nhớ thiếu oxy của tôi lúc đó, những đám mây đang bay lượn lờ trên thung lũng tuyết khổng lồ phía tây3(Thung lũng Tây) trông rất nhẹ nhàng, hiền lành và thưa thớt. Lấp lánh trong một buổi trưa nắng chói chang, trông chúng không khác gì những luồng khí đối lưu ngưng tụ vô hại mỗi buổi chiều lại bốc lên từ thung lũng bên dưới. Khi tôi bắt đầu leo xuống núi, tôi vô cùng lo lắng, nhưng sự lo lắng của tôi không chút liên quan gì đến thời tiết: vừa mới kiểm tra đồng hồ đo trên bình oxy, tôi phát hiện ra nó gần cạn. Tôi cần phải nhanh chóng xuống núi. Phần sống núi trên cùng của Triền Đông Nam có dạng vi cá bằng đá dài và mảnh, phủ đầy tuyết và uốn lượn khoảng một phần tư dặm giữa đỉnh núi và đỉnh phụ được gọi là Đỉnh Nam (South Summit). Chinh phục triền núi hình răng cưa này không phải là một vấn đề kỹ thuật khó khăn gì, tuy nhiên lối đi lại cực kỳ cheo leo. Mười lăm phút sau khi rời đỉnh núi, với những bước dò dẫm cẩn trọng qua một vực thẳm sâu 2.134m, tôi đến được Bậc Hillary khét tiếng, một hẻm núi nhô ra đòi hỏi người leo núi phải có kỹ thuật. Khi tôi bám chặt vào sợi dây thừng và chuẩn bị đu xuống, tôi chứng kiến một cảnh tượng nguy hiểm. Gần 10 mét bên dưới, tôi trông thấy hơn 12 người đang xếp hàng dưới chân Bậc Hillary. Ba người trong số họ đã bắt đầu leo lên sợi dây mà tôi chuẩn bị dùng để leo xuống. Trong tình huống như vậy, tôi chỉ còn một lựa chọn là tháo móc ra khỏi sợi dây cố định chung và tránh sang một bên. Vụ “kẹt dây” này là do các nhà leo núi từ ba đoàn khác nhau: đoàn mà tôi đang tham gia – gồm các khách leo núi trả tiền, trưởng đoàn là nhà leo núi nổi tiếng Rob Hall; một đoàn khác do người Mỹ Scott Fischer dẫn đầu; và thêm một đoàn phi thương mại của Đài Loan. Di chuyến chậm như sên ở độ cao 7.925 mét, đám đông từ từ nhích lên Bậc Hillary từng người một, trong khi tôi lo lắng đợi đến lượt mình. Rời đỉnh Everest sau tôi một lúc, thế nhưng bây giờ Harris cũng đã nhanh chóng đến ngay sau tôi. Khi ấy, tôi quyết định nhờ Harris mở ba lô của tôi để tắt van bình oxy nhằm bảo toàn lượng oxy hiếm hoi còn lại. Trong vòng 10 phút sau đó, rất bất ngờ là tôi cảm thấy cực kỳ thoải mái. Trí óc tôi bỗng trở nên minh mẫn. Tôi thậm chí cảm thấy bớt mệt hơn khi để bình oxy mở. Thế rồi, đột nhiên tôi cảm thấy nghẹt thở. Mắt tôi mờ đi và đầu tôi quay cuồng. Tôi sắp sửa bị ngất đi. Vào thời điểm đó, do đã bị choáng vì hạ oxy huyết nên thay vì khóa van bình oxy của tôi, thì Harris đã mở lớn hết cỡ. Vì thế bình oxy nhanh chóng cạn hết. Tôi còn một bình dự trữ ở Đỉnh Nam, ở bên dưới nơi đó khoảng 76 mét. Nhưng để xuống được đó tôi phải leo xuống một quãng đường chênh vênh nhất trên toàn bộ hành trình mà không có bình oxy. Và trước hết tôi phải đợi cho đám người phía dưới dãn ra bớt. Tôi gỡ bỏ mặt nạ oxy giờ đây đã vô dụng ra, và dùng rìu leo núi (ice axe) bổ mạnh vào triền băng và từ từ leo xuống. Đụng mặt những người đang leo lên, hai bên chúc mừng nhau bằng những câu vô vị, nhưng trong thâm tâm tôi đang phát cuồng: “Nhanh lên nào! Nhanh lên nào! Trong lúc các người loanh quanh ở cái chỗ chết tiệt này thì não tôi đang chết đi hàng triệu noron thần kinh đây!”, tôi nài nỉ thầm trong bụng. Phần lớn các nhà leo núi trèo ngang qua tôi thuộc đoàn của Fischer, thế nhưng phía cuối của đám diễu hành ấy, hai thành viên của đoàn tôi cuối cùng cũng xuất hiện: Rob Hall và Yasuko Namba. Người phụ nữ ngần ngại và kín đáo 47 tuổi này chỉ còn 40 phút nữa thôi sẽ trở thành người phụ nữ lớn tuổi nhất chinh phục được đỉnh Everest, đồng thời là người phụ nữ Nhật Bản thứ hai chinh phục Thất đỉnh (Seven Summits) – bảy đỉnh núi cao nhất của bảy châu lục. Mặc dù chỉ cân nặng 41 kg, thế nhưng dáng dấp nhỏ bé ấy lại chứa đựng một quyết tâm dữ dội: đến mức gây sửng sốt, Yasuko đã lên đến đỉnh núi được nhờ vào lòng khao khát cháy bỏng. Tiếp sau đó, tôi lại thấy Doug Hansen đang tiến lên Bậc Hillary. Doug là thành viên trong đoàn của tôi và là một nhân viên bưu chính ở ngoại ô Seattle. Anh nhanh chóng trở thành người bạn thân nhất của tôi trong chuyến đi này. “Nó nằm trong túi đấy!” tôi cố la lên trong tiếng gió thổi. Doug lầm bầm gì đó phía sau lớp mặt nạ oxy mà tôi không nghe rõ. Anh bắt tay tôi một cách yếu ớt rồi tiếp tục leo lên. Ở cuối của sợi dây là Scott Fischer. Tôi cũng từng biết Fischer khi chúng tôi cùng sống ở Seattle. Sức mạnh và nghị lực của anh đã trở thành một huyền thoại – vào năm 1994, Fischer đã leo đến đỉnh Everest mà không dùng bình oxy – vì thế tôi thấy hơi ngạc nhiên không hiểu vì sao anh lại leo chậm đến thế và khi Fischer mở mặt nạ oxy ra chào tôi, anh trông có vẻ không được tỉnh táo lắm. “Bruuuuuuuce!”, Fischer thở khò khè, cố tạo ra nét mặt vui tươi, và cất lên lời chào thân mật quen thuộc của anh. Lúc ấy tôi có hỏi Fischer có ổn không, anh khẳng định mình vẫn ổn: “Chỉ bị trễ một chút thôi vì vài lý do vớ vẩn. Không có gì đâu, chuyện nhỏ ấy mà!”. Khi Bậc Hillary cuối cùng cũng đã vắng người, tôi móc dây đai vào sợi dây màu cam, đu người qua bên kia Fischer khi anh dồn sức lên chiếc rìu leo núi và bám tiếp lên bậc đá. Sau 3 giờ chiều thì tôi xuống được Đỉnh Nam. Vào lúc đó, sương mù đang bao phủ đỉnh Lhotse cao 8.511m và chóp hình kim tự tháp của đỉnh Everest. Thời tiết đã không còn hiền hòa nữa. Tôi chộp lấy một bình oxy mới, gắn vào bộ điều áp của mình và vội vã leo xuống tiếp trong đám mây mù đang trở nên dày đặc. Chỉ một lúc sau khi tôi rời Đỉnh Nam, trời bắt đầu có tuyết rơi và tầm nhìn giảm xuống một cách tệ hại. Phía trên kia 122 mét theo chiều thẳng đứng, nơi đỉnh núi vẫn tắm trong ánh mặt trời rực rỡ, dưới bầu trời vẫn còn trong xanh, các bạn đồng hành của tôi vần còn mải mê ghi lại khoảnh khắc họ đứng trên đỉnh của hành tinh này, vẫy cờ, chụp ảnh và tiêu phí những giây phút quý báu. Không ai trong số họ có thể ngờ rằng một điều khủng khiếp đang đến gần. Không ai ngờ rằng vào cuối cái ngày dài thăm thẳm đó, mỗi giây phút đều đáng giá. Chương 2: DEHRA DUN, ẤN ĐỘ NĂM 1852 681 MÉT Cách dãy núi đang độ mùa đông một đoạn xa, tôi nhận ra bức tranh mờ ảo về đỉnh Everest trong tác phẩm Cuốn sách về những điều kỳ diệu của Richard Halliburton. Nó là một sự mô phỏng khốn khổ trong đó những đỉnh núi lởm chởm nhô lên trắng xóa trên nền trời tối đen và nhếch nhác một cách kỳ lạ. Bản thân đỉnh Everest, đứng phía sau những ngọn núi khác, xem ra cũng không có vẻ là đỉnh cao nhất; nhưng cũng chẳng sao. Theo truyền thuyết, nó vẫn là đỉnh núi cao nhất. Những giấc mơ chính là chìa khóa để đi vào bức tranh đó, nó cho phép một đứa bé bước vào, đứng trên triền núi gió lộng, từ đó leo lên đỉnh, bây giờ không còn ở xa nữa. Đó là một trong những giấc mơ sẽ đến một cách tự nhiên khi ta trưởng thành. Tôi chắc chắn rằng giấc mơ của tôi về đỉnh Everest không chỉ là giấc mơ của riêng tôi; đỉnh núi cao nhất trên trái đất, không thể tới được, xa lạ với tất cả mọi trải nghiệm, sẽ là mục tiêu cho nhiều đứa trẻ và nhiều người trưởng thành mong muốn vươn tới. Thomas F. Hornbein Everest: Sườn núi phía Tây Các chi tiết thực sự của câu chuyện này không rõ ràng, việc thêm thắt của truyền thuyết làm nó trở nên mơ hồ. Tuy nhiên, đó là vào năm 1852, và bối cảnh chính là văn phòng của Cuộc tổng đo đạc lượng giác toàn Ấn Độ tại trạm miền núi phía bắc Dehra Dun. Theo lời kể lại đáng tin cậy nhất về những gì đâ xảy ra thì một người thư ký vội vã vào phòng của ngài Andrew Waugh, Tổng trưởng đo đạc Ấn Độ và la lên rằng một “computer” tại Bengali có tên là Radhanath Sikhdar, công tác tại Cục Đo đạc Calcutta, đã “phát hiện ra ngọn núi cao nhất thế giới”. (Vào thời của Waugh, người ta dùng từ “computer” để chỉ một công việc chứ không phải để chỉ một chiếc máy). Ba năm trước đó, các chuyên viên đo đạc đã đặt tên cho ngọn núi này là Đỉnh XV khi họ lần đầu tiên đo được góc đứng của nó sử dụng một máy kinh vĩ424 inch, ngọn núi này nhô lên từ sườn của dãy núi Himalaya thuộc vương quốc cấm Nepal. Trước khi Sikhdar thu thập các số liệu đo đạc và thực hiện các tính toán, chẳng ai nghĩ có gì đáng nói về Đỉnh XV. Sáu điểm đo đạc mà từ đó người ta lập lưới tam giác để đo đạc đỉnh núi nằm ở phía bắc Ấn Độ, cách ngọn núi này hơn 160km. Đối với các chuyên viên đo đạc ngọn núi này, trừ Đỉnh XV, còn lại tất cả mọi đỉnh khác đều bị che khuất bởi nhiều vách núi đá ở tiền cảnh, một vài vách núi tạo ảo giác chúng to lớn hơn thực tế. Nhưng theo các tính toán lượng giác tỉ mỉ của Sikhdar (ông cân nhắc các yếu tố như độ cong của Trái đất, độ khúc xạ của khí quyển và độ lệch của dây dọi), Đỉnh XV nằm ở độ cao 8.840m5trên mực nước biển; đó là điểm cao nhất hành tinh. Đến năm 1865, chín năm sau khi những tính toán của Sikhdar được thừa nhận, Waugh đặt tên cho Đỉnh XV là Núi Everest nhằm tôn vinh ngài George Everest, người tiền nhiệm của ông. Tại thời điểm đó, những người Tây Tạng sống tại phía bắc của ngọn núi hùng vĩ này đã có một tên gọi ngọt ngào dành cho nó – ngọn Jomolungma, có nghĩa là “nữ thần, mẹ của trái đất”, còn những người Nepal sống ở phía nam thì gọi nó là ngọn Sagarmatha, “nữ thần của bầu trời”. Nhưng Waugh đã không ngó ngàng tới những tên gọi địa phương đó (cũng như chính sách khuyến khích việc duy trì tên gọi địa phương hoặc cổ xưa), và đã gán cho ngọn núi cái tên Everest. Một khi Everest được xác định là ngọn núi cao nhất trái đất, việc có người quyết định chinh phục nó chỉ còn là vấn đề thời gian. Sau khi nhà thám hiểm người Mỹ Robcert Peary tuyên bố đã đến được Bắc cực vào năm 1909 và Roald Amundsen dẫn đầu một đoàn thám hiểm Na Uy đến Nam cực vào năm 1911, đỉnh Everest – được coi là “cực” thứ ba – trở thành mục tiêu của những người khao khát muốn khám phá Trái đất. Theo lời của Gunther O. Dyrenfurth, phóng viên thời sự và cũng là một nhà leo núi có nhiều ảnh hưởng trong thời kì đầu của lịch sử leo núi, chinh phục ngọn Everest chỉ là “vấn đề nỗ lực của con người, một mục tiêu không có chỗ cho sự bỏ cuộc dù phải gặp bao nhiêu thất bại”. Tuy nhiên những thất bại này không phải là không đáng kể. Sau khám phá của Sikhdar vào năm 1852, 15 đoàn thám hiểm đã nỗ lực, 24 người đã bỏ mạng và 101 năm đã trôi qua trước khi ngọn Everest cuối cùng cũng được chinh phục. * * * Đối với những nhà leo núi và người am hiểu địa chất, Everest không phải là một ngọn núi tuyệt đẹp. Nó có dáng vẻ lùn, mập và nhiều chỗ méo mó. Nhưng bù lại những khiếm khuyết về mặt kiến trúc đó, bề ngoài của nó thẳng đứng và cao hơn hẳn các ngọn núi khác. Nằm ở biên giới giữa Tây Tạng và Nepal, vươn cao hơn 3.658m phía trên các thung lũng dưới chân núi, ngọn Everest hiện ra lờ mờ như một khối hình chóp ba mặt phủ tuyết trắng và đá sọc đen. Tám đoàn thám hiểm đầu tiên tới ngọn Everest là người Anh, tất cả đều cố gắng leo lên ngọn núi từ sườn phía bắc thuộc Tây Tạng – không phải vì đây là nơi dễ leo nhất mà bởi vì vào năm 1921 chính quyền Tây Tạng đã mở cửa biên giới lâu nay vẫn đóng chặt của mình cho người nước ngoài, trong khi Nepal vẫn không làm điều đó. Những người đầu tiên leo lên ngọn Everest đã phải đi bộ miệt mài 643km từ Darjeeling băng qua cao nguyên Tây Tạng chỉ để đến được chân núi. Hiểu biết của họ về những ảnh hưởng chết người do độ cao cực đại gây ra là rất ít ỏi và dụng cụ của họ cũng hết sức thiếu thốn nếu so với các tiêu chuẩn hiện đại. Nhưng đến năm 1924, một thành viên của đoàn thám hiểm thứ ba của người Anh, Edward Felix Norton, đã lên đến độ cao 8.573m so với mặt nước biển và chỉ còn cách đỉnh núi 274m nhưng không thể tiếp tục vì kiệt sức và tuyết dày đặc. Đó là một kỳ tích đáng kinh ngạc mà hầu như mãi tới 29 năm sau không ai vượt qua được. Tôi dùng từ “hầu như” bởi vì những gì đã xảy ra 4 ngày sau cuộc chinh phục đỉnh núi của Norton. Vào buổi bình minh ngày 8 tháng 6 năm 1924, hai thành viên của đoàn thám hiểm người Anh – George Leigh Mallory và Andrew Irvine, khởi hành từ điểm cắm trại cao nhất hướng về đỉnh núi. Mallory, tên của ông đã gắn liền với ngọn Everest, chính là đầu tàu của ba cuộc chinh phục đầu tiên lên đỉnh núi. Trong một chuyến đi diễn thuyết tại Mỹ, chính ông là người đã trả lời một cách cay cú: “Bởi vì nó ở đó” khi một nhà báo nằng nặc đòi biết lý do tại sao ông lại muốn chinh phục đỉnh Everest. Vào năm 1924, Mallory khi đó là một vị hiệu trưởng 38 tuổi đã lập gia đình và có 3 đứa con. Là một người thuộc tầng lớp thượng lưu, ông cũng là một người có con mắt thẩm mỹ và là một người duy tâm với sự nhạy cảm đầy lãng mạn. Vẻ thanh nhã, dễ gần và ngoại hình nổi bật của ông đã khiến ông trở thành người được Lytton Strachey và quần chúng tại Bloomsburry yêu mến. Khi ở cao trên ngọn Everest, Mallory và những người bạn của mình đã đọc to cho nhau nghe các tác phẩm của William Shakespear, từ Hamlet cho đến King Lear. Trong khi Mallory và Irvine chậm chạp bò lên đỉnh núi vào ngày 8 tháng 6 năm 1924, sương mù phủ kín nửa trên của ngọn núi đã khiến cho những đồng đội ở bên dưới không thể theo dõi diễn biến. Vào 12 giờ 50 trưa, các đám mây tách ra trong giây lát và một đồng đội của ông là Noel Odell đã thoáng nhìn thấy rất rõ Mallory và Irvine đang ở trên cao phía đỉnh núi, trễ hơn 5 giờ so với dự tính nhưng đang “di chuyển một cách chủ động và nhanh nhẹn” hướng về phía đỉnh núi. Tuy nhiên, tối đó cả 2 nhà leo núi đã không trở về trại, và không ai còn thấy Mallory cũng như Irvine nữa. Kể từ đó đã có nhiều tranh cãi dữ dội về việc liệu một trong hai nhà leo núi hay cả hai đã chinh phục được đỉnh núi hay chưa trước khi bị dãy núi nuốt chửng và đi vào huyền thoại. Xem xét kỹ lưỡng các chứng cứ, chúng ta có thế thấy rằng câu trả lời là không. Bất luận thế nào đi nữa, do thiếu những chứng cứ xác thực, họ không được công nhận là những người đầu tiên chinh phục được đỉnh núi. Đến năm 1949, sau hàng thế kỷ không tiếp cận được, Nepal đã mở cửa biên giới của mình cho thế giới bên ngoài và một năm sau đó chế độ mới tại Trung Quốc không cho người nước ngoài vào Tây Tạng. Do đó những người muốn leo lên đỉnh Everest đã chuyển sự chú ý của mình sang mạn nam của dãy núi. Mùa xuân năm 1953, một đoàn thám hiểm lớn của Anh với lòng quyết tâm cao và được trang bị những thiết bị tối tân dành cho một chiến dịch quân sự, đã trở thành đoàn thám hiểm thứ ba nỗ lực chinh phục đỉnh Everest từ Nepal. Ngày 28 tháng 5, sau hai tháng rưỡi với những nỗ lực phi thường, một nền trại đã được đào sơ sài vào Triền Đông Nam và một căn lều được dựng ở độ cao 8.504m. Sáng sớm ngày hôm sau, Edmund Hillary – một người New Zealand cao kều, và Tenzing Norgav – nhà leo núi người Sherpa dày dạn kinh nghiệm, đã khởi hành leo lên đỉnh núi, có sử dụng bình oxy để thở. Chín giờ sáng, họ lên đến Đỉnh Nam, họ dõi theo một sống núi dài hẹp đến chóng mặt dẫn lên đỉnh núi. Thêm một giờ leo nữa, họ đã đến chân của một bậc đá mà theo Hillary mô tả là “một thử thách cực kỳ khủng khiếp trên sống núi – một khối đá cao khoảng 12,2m. Khối đá nhẵn và dường như không có chỗ bám này hẳn đã là một thử thách thú vị vào chiều thứ bảy đối với các nhà leo núi chuyên nghiệp tại vùng hồ Lake District, nhưng tại nơi này nó là một chướng ngại thật sự đối với chút sức lực yếu ớt của chúng tôi”. Trong khi Tenzing giăng dây thừng một cách đầy lo lắng phía bên dưới, Hillary lèn người vào một kẽ nứt giữa khối đá và một rìa tuyết thẳng đứng ở bên cạnh nó, và rồi ông bắt đầu nhích dần lên trên cái mà về sau này được gọi là Bậc Hillary. Việc leo lên rất vất vả và nguy hiếm, nhưng Hillary kiên trì cho tới khi… Ống sẽ kể tiếp sau đây: Cuối cùng tôi cũng có thể trèo lên đỉnh của khối đá và lê từ từ ra khỏi kẽ nứt tới một rìa đá rộng. Tôi nằm thở một lúc và lần đầu tiên tôi thực sự cảm nhận được sự quyết tâm cao độ mà giờ đây không gì có thể ngăn cản được chúng tôi chinh phục đỉnh núi. Tôi đứng vững trên rìa đá và ra hiệu cho Tenzing leo lên. Trong khi tôi cố gắng hết sức kéo sợi dây thừng, Tenzing luồn lách leo lên theo kẽ nứt và cuối cùng kiệt sức đổ gục xuống trên đỉnh khối đá như một con cá khổng lồ mới bị kéo lên khỏi mặt nước sau khi đã vùng vẫy cật lực. Chiến đấu với cơn mệt mỏi, hai nhà leo núi tiếp tục hành trình lên sống núi nhấp nhô phía trên. Hillary tự hỏi: Đó là một điều khá ngu ngốc, liệu chúng tôi còn đủ sức để leo lên đến đỉnh hay không. Tôi vượt qua một mô đá nữa và thấy sống núi phía trước chúc xuống và tôi có thể nhìn rất xa về phía Tây Tạng. Nhìn lên trên tôi thấy chóp tuyết tròn. Thêm một vài nhát rìu, một vài bước thận trọng, và rồi Tensing (nguyên văn) và tôi đã ở trên đỉnh. Và như vậy, ngay trước buổi trưa ngày 29 tháng 5 năm 1953, Hillary và Tenzing đã trở thành những người đầu tiên đứng trên đỉnh ngọn Everest. Ba ngày sau đó, tin tức về cuộc chinh phục đã đến tai Nữ hoàng Elizabeth ngay trước khi bà đăng quang và tờ Times của Lonđon là tờ báo đầu tiên đăng tin này vào sáng ngày 2 tháng 6 trong số buổi sáng của mình. Bản tin này được gửi về từ Everest theo dạng điện tín mã hóa (nhằm tránh việc các đối thủ cạnh tranh có thể có tin trước tờ Times) bởi một phóng viên trẻ có tên là James Morris, người mà 20 năm sau đã trở thành một tác giả được nhiều người yêu thích. Ông đã chuyển đổi giới tính và đổi tên thánh thành Jan. Bốn thập kỷ sau cuộc chinh phục vĩ đại, Morris đã viết trong tác phẩm Đỉnh Everest: Cuộc chinh phục đầu tiên và bản tin sốt dẻo đã đưa Nữ hoàng lên ngôi như sau: Bây giờ thật khó tưởng tượng nước Anh đã chào đón hai sự kiện trùng hợp lạ lùng (lễ đăng quang của Nữ hoàng và cuộc chinh phục đỉnh Everest) trong niềm vui sướng như thế nào. Vươn lên từ tình trạng thắt lưng buộc bụng vốn đã đeo bám họ từ sau Thế chiến thứ hai, cùng lúc phải đối mặt với sự sụp đổ đế chế vĩ đại của mình và sự suy giảm sức mạnh không thể tránh khỏi trên thế giới, người Anh đã phần nào tự an ủi mình rằng việc lên ngôi của một vị nữ hoàng trẻ sẽ là dấu hiệu cho một sự khởi đầu mới – một thời đại Elizabeth mới, như báo chí vẫn gọi như vậy. Ngày đăng quang, ngày 2 tháng 6 năm 1953 sẽ là một ngày của niềm hy vọng và sự vui mừng, ngày mà tất cả thần dân ái quốc trung thành của nước Anh tìm thấy một khoảnh khắc quan trọng nhất biểu hiện cảm xúc của chính mình: điều kỳ diệu của những điều kỳ diệu, vào chính ngày này họ nhận được tin từ một nơi xa xôi – thực ra là từ nơi biên giới của đế chế cũ – rằng một nhóm các nhà leo núi người Anh đã chinh phục được mục tiêu thám hiểm cuối cùng trên Trái đất – nóc nhà của thế giới… Khoảnh khắc này đã gợi lên nhiều cảm xúc trong lòng người dân Anh – sự tự hào, lòng yêu nước, sự luyến tiếc quá khứ đã mất của chiến tranh và sự gan dạ, niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng… Nhiều người lớn tuổi hồi tưởng lại một cách tường tận về ngày đó, về khoảnh khắc khi họ đang chờ đợi cuộc diễu hành đăng quang sẽ diễn ra tại London trong một buổi sáng mưa phùn, thì họ nhận được cái tin kỳ diệu rằng đỉnh cao của thế giới đã là của họ. Tenzing trở thành anh hùng dân tộc khắp Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng – mỗi nước đều tuyên bố ông là vị anh hùng của riêng họ. Được Nữ hoàng phong tước Hiệp sĩ, ảnh của Ngài Edmund Hillary được in trên tem thư, truyện tranh, sách, phim ảnh, bìa tạp chí. Chỉ sau một đêm, từ một người nuôi ong có khuôn mặt lưỡi cày vùng Auckland, ông đã biến thành một trong những người nổi tiếng nhất trên đời. * * * Hillary và Tenzing đã leo lên ngọn Everest một tháng trước khi tôi được mang thai, do đó tôi không thể chia sẻ cảm giác tự hào và kinh ngạc đã lan truyền khắp thế giới – một sự kiện mà một người bạn lớn tuổi hơn của tôi nói rằng về lý thuyết có thể so sánh với lần đầu tiên con người đặt chân lên mặt trăng. Tuy nhiên, một thập kỷ sau đó một cuộc leo núi Everest tiếp theo đã giúp tạo nên bước ngoặt của cuộc đời tôi. Vào ngày 22 tháng 5 năm 1963, Tom Hornbein – một bác sĩ 32 tuổi quê ở Missouri, và Willi Unsoeld – một giáo sư thần học quê Oregon, đã chinh phục đỉnh Everest từ Triền Tây đầy khó khăn, vốn chưa từng có ai leo trước đây. Cho tới lúc này ngọn núi đã được chinh phục bốn lần bởi mười một người, nhưng Triền Tây được xem là khó khăn hơn rất nhiều so với hai lộ trình đã được thiết lập trước đó: Đèo Nam lên Triền Đông Nam hay Đèo Bắc lên Triền Đông Bắc. Cuộc leo núi của Hornbein và Unsoeld đã và sẽ tiếp tục xứng đáng được ca ngợi như một trong những kỳ công vĩ đại nhất trong biên niên sử leo núi. Vào cuối ngày chinh phục đỉnh của họ, hai nhà leo núi người Mỹ phải leo qua một tầng đá dốc và dễ lở – đó là Dải Vàng khét tiếng. Để vượt qua được vách đá này, người leo núi cần phải có có sức mạnh khủng khiếp và kỹ năng leo tốt; chưa ai có thể vượt qua một thử thách khó khăn về mặt kỹ thuật như vậy ở độ cao cực đại này. Khi đã ở trên đỉnh của Dải Vàng, Hornbein và Unsoeld tự hỏi không biết khi về mình có xuống được không. Họ kết luận rằng khả năng cao nhất để xuống núi được an toàn là leo lên đỉnh và xuống bằng con đường Triền Đông Nam vốn đã được nhiều người sử dụng. Đó là một kế hoạch cực kỳ táo bạo vì trời đã tối, địa hình lại không quen thuộc và bình oxy đang cạn nhanh. Hornbein và Unsoeld leo tới đỉnh núi vào lúc 6 giờ 15 tối, ngay khi mặt trời đang khuất bóng, và đã buộc phải nghỉ đêm ngoài trời trên độ cao hơn 8.534m – vào thời điểm đó nó là trại cao nhất trong lịch sử. Đó là một đêm giá lạnh, nhưng may mắn thay là không có gió. Mặc dù các ngón chân của Unsoeld bị tê cứng và sau đó phải cắt bỏ nhưng cả hai nhà leo núi vẫn còn sống sót để kể lại câu chuyện của mình. Lúc đó tôi đà được chín tuổi và đang sống tại Corvallis, bang Oregon nơi cũng là quê hương của Unsoeld. Ông ấy là một trong số những người bạn thân của cha tôi, và thỉnh thoảng tôi có chơi đùa với những đứa con lớn của ông – đó là Regon, lớn hơn tôi một tuổi và Devi, nhỏ hơn tôi một tuổi. Vài tháng trước khi Willi Unsoeld khởi hành đi Nepal, tôi đã chinh phục được “ngọn núi” đầu tiên của đời mình – một ngọn núi lửa xấu xí tại dãy Cascade bây giờ đã có cáp treo để lên tới đỉnh – cùng với cha tôi, Willi và Regon. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thiên anh hùng ca năm 1963 về đỉnh Everest vẫn còn vang vọng to và lâu đến thế trong trí tưởng tượng thời niên thiếu của tôi. Trong khi các bạn tôi thần tượng John Glenn, Sandy Koufax và John Unitas, thì những người hùng của tôi chính là Hornbein và Unsoeld. Tôi âm thầm nghĩ về việc một ngày nào đó tôi sẽ tự mình leo lên đỉnh Everest; và hơn một thập kỷ sau đó nó vẫn là một niềm khao khát cháy bỏng. Ngay khi mới bước vào tuổi 20, leo núi đã trở thành tâm điểm trong cuộc sống của tôi hơn tất cả mọi thứ khác. Chinh phục được đỉnh một ngọn núi đã trở thành một thứ gì đó rõ ràng, cụ thể và đầy quyết tâm trong tôi. Những hiểm nguy có thể xảy ra đã khiến việc leo núi trở thành một mục tiêu đầy thử thách mà cuộc sống bình thường của tôi không có được. Tôi nôn nao trước những thay đổi ý nghĩa của sự tồn tại trong cuộc đời con người. Leo núi cũng mang lại ý thức cộng đồng. Trở thành một người leo núi nghĩa là gia nhập vào một xã hội hết sức duy tâm có tính độc lập, hầu như không được chú ý và không bị ảnh hưởng bởi nhịp sống xung quanh. Đặc tính của môn leo núi được khắc họa bởi sự cạnh tranh khốc liệt và lòng tự tôn đậm chất nam nhi; các thành viên của môn này phần nhiều quan tâm đến việc gây ấn tượng với nhau. Leo đến đỉnh của một dãy núi bất kỳ được coi là không quan trọng bằng việc đã leo lên đó như thế nào: tên tuổi của bạn sẽ được nhắc đến khi chọn con đường nguy hiểm nhất, với ít dụng cụ nhất, theo cách dũng cảm nhất có thể tưởng tượng được. Không ai được khâm phục nhiều hơn những “độc thủ” tự do: những người nhìn xa trông rộng leo núi một mình mà không cần dây an toàn hay dụng cụ nào khác. Trong những năm đó, tôi sống để leo núi, tồn tại với thu nhập năm hoặc sáu ngàn đô la một năm; tôi làm thợ mộc và người đánh bắt cá hồi thương mại cho đến khi có đủ tiền cho chuyến đi kế tiếp tới Bugaboos, Tetons hay dãy Alaska. Nhưng đến khi 25 tuổi, tôi đã từ bỏ giấc mơ chinh phục đỉnh Everest từ khi còn bé của mình. Lúc này, các tay leo núi kiểu Alp sành sỏi có khuynh hướng chê bai đỉnh Everest là “một đống xỉ” – một đỉnh núi thiếu những thách thức chuyên môn hoặc vẻ lôi cuốn thẩm mỹ để có thể trở thành một mục tiêu đáng chinh phục đối với những nhà leo núi “nghiêm túc” – danh xưng mà tôi đang rất khao khát đạt được. Tôi bắt đầu coi thường dãy núi cao nhất thế giới này. Điều này có nguyên nhân từ việc đến đầu những năm 1980, lối lên núi dễ nhất – đi qua Đèo Nam và Triền Đông Nam đã được leo hơn một trăm lần. Những người trong nhóm và tôi gọi Triền Đông Nam là “Đường dành cho bò”. Thái độ coi khinh của chúng tôi lại được củng cố thêm vào năm 1985, khi Dick Bass – một người Texas giàu có 55 tuổi chỉ với chút ít kinh nghiệm leo núi – đã được một tay leo núi trẻ kiệt xuất có tên là David Breashears đưa lên đến đỉnh. Đây là một sự kiện được rất nhiều báo lá cải quan tâm. Trước đây, nói chung đỉnh Everest là lãnh địa của những nhà leo núi xuất sắc nhất. Theo lời của Michael Kennedy, biên tập của tờ tạp chí Climbing: “Thật là một vinh dự khi được mời tham gia vào một đoàn thám hiểm Everest và điều này chỉ xảy ra sau khi bạn đã có một thời gian dài leo những đỉnh núi thấp hơn, và việc thực sự chinh phục được đỉnh Everest sẽ đưa nhà leo núi đó lên một vị thế cao hơn trong lĩnh vực leo núi”. Cuộc leo núi của Bass đã khiến mọi thứ thay đổi. Với việc chinh phục được đỉnh Everest, Bass đã trở thành người đầu tiên chinh phục được tất cả bảy đỉnh núi cao nhất6, một kỳ công đã giúp ông ta nổi tiếng khắp thế giới. Nó đã khiến rất nhiều người leo núi nghiệp dư theo dấu giày của ông và đẩy đỉnh Everest vào một ký nguyên “hậu hiện đại”. Seaborn Beck Weathers giải thích bằng giọng đặc sệt của miền Đông Texas trong chuyến đi tới Trạm Căn cứ trên đỉnh Everest của ông ta vào cuối tháng 4 rằng: “Đối với những người lớn tuổi theo kiểu của Walter Mitty như bản thân tôi, Dick Bass là một nguồn cảm hứng”. Là một nhà nghiên cứu bệnh học 49 tuổi tại Dallas, Beck là một trong những khách hàng tham gia vào chuyến thám hiểm có người hướng dẫn vào năm 1996 của Rob Hall. “Bass đã cho thấy rằng, đỉnh Everest nằm trong khả năng của những người bình thường miễn là bạn có sức khỏe tốt và có sẵn nguồn tài chính. Theo tôi, khó khăn lớn nhất chính là bạn phải nghỉ việc một thời gian và rời xa gia đình trong vòng hai tháng”. Các ghi nhận đã cho thấy, đối với rất nhiều nhà leo núi, việc rời bỏ các công việc hằng ngày cũng như việc phải chi tiêu nhiều tiền của không phải là các chướng ngại không thể vượt qua. Hơn nửa thập kỷ vừa qua, số lượng người đến bảy ngọn núi này tăng chóng mặt. Và để đáp ứng nhu cầu, số lượng các doanh nghiệp thương mại cung cấp những cuộc leo núi có người hướng dẫn lên bảy ngọn núi này, đặc biệt là ngọn Everest cũng tăng tương ứng. Đến mùa hè năm 1996, đã có 30 cuộc thám hiểm lên sườn núi Everest, ít nhất mười cuộc trong số này được tổ chức nhằm kiếm tiền. Chính phủ Nepal nhận thấy rằng quá nhiều người kéo đến Everest đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng về mặt an toàn, thẩm mỹ và ảnh hưởng đến môi trường. Để giải quyết vấn đề này, các bộ trưởng của Nepal đã đưa ra giải pháp nhằm vừa hạn chế số người đến đây vừa mang lại nguồn ngoại tệ mạnh cho đất nước còn nghèo nàn này: tăng phí leo núi. Vào năm 1991, Bộ Du lịch Nepal thu phí 2.300 đô la đối với một nhóm leo núi Everest không phân biệt số lượng thành viên. Đến năm 1992, phí này đã tăng lên 10.000 đô la cho một nhóm tối đa chín thành viên và 1.200 đô la nữa đối với mỗi thành viên cộng thêm. Nhưng những người leo núi vẫn kéo tới Everest bất chấp mức phí cao hơn này. Mùa xuân năm 1993, nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chinh phục đầu tiên, một số lượng kỷ lục đã được ghi nhận là 15 đoàn thám hiểm với tống cộng 294 nhà leo núi cố gắng chinh phục ngọn Everest từ phía Nepal. Mùa thu năm đó, Bộ Du lịch Nepal nâng mức phí thêm lần nữa tới con số đáng kinh ngạc 50.000 đô la cho một nhóm không quá năm thành viên và thêm 10.000 đô la cho mỗi thành viên tiếp theo với giới hạn là bảy thành viên. Thêm vào đó, chính phủ Nepal cũng ra chỉ thị trong mỗi mùa chỉ có tối đa bốn nhóm được phép leo lên sườn núi Everest thuộc Nepal. Tuy nhiên có một điều mà các bộ trưởng Nepal không tính đến, đó là Trung Quốc chỉ thu phí 15.000 đô la đối với một nhóm (không giới hạn số lượng thành viên) để được phép leo lên đỉnh Everest từ Tây Tạng và không hạn chế số lượng nhóm trong một mùa. Do đó, số người leo núi Everest từ Nepal đổ dồn về Tây Tạng, khiến hàng trăm người Sherpa mất việc. Trước sự kêu la phản đối sau đó, đến mùa xuân năm 1996, Nepal đã phải đột ngột hủy bỏ giới hạn bốn nhóm leo núi trong một mùa. Và khi họ đang thực hiện điều này, các bộ trưởng lại tiếp tục tăng mức phí – lần này là lên 70.000 đô la cho một đội tối đa bảy thành viên cộng thêm 10.000 đô la cho mỗi thành viên tiếp theo. Qua việc mười sáu trong số ba mươi nhóm thám hiểm đã leo Everest từ sườn núi thuộc Nepal mùa xuân rồi, ta có thể thấy rằng chi phí xin phép cao không phải là một cản trở đáng kể. Thậm chí ngay cả khi tác động tai hại của mùa leo núi trước mùa mưa năm 1996 chưa diễn ra thì sự phát triển nhanh chóng của các chuyến leo núi thương mại trong hơn một thập kỷ trước đó đã là một vấn đề nhạy cảm. Những người thủ cựu cảm thấy khó chịu khi đỉnh núi cao nhất thế giới bị bán cho những gã nhà giàu – một vài người trong số này nếu không có dịch vụ hướng dẫn thì sẽ gặp khó khăn ngay cả trong việc leo lên một đỉnh khiêm tốn như núi Rainier. Còn những người theo chủ nghĩa truyền thống than vãn rằng Everest đang bị hạ thấp giá trị và bị xúc phạm. Những người này chỉ ra rằng, do sự thương mại hóa đỉnh Everest, đỉnh núi một thời linh thiêng giờ đã bị lôi vào vũng lầy pháp lý Mỹ. Vì đã trả một khoản tiền hào phóng để được hộ tống lên đỉnh Everest, một số khách leo núi sau đó đã kiện người hướng dẫn của mình vì không lên được tới đỉnh. Peter Athans – một người hướng dẫn có tiếng vốn đã thực hiện mười một cuộc hành trình lên Everest và đã bốn lần lên được đỉnh – than rằng: “Đôi khi bạn vớ phải một vị khách nghĩ rằng họ đã mua một chiếc vé bảo đàm lên đến đỉnh Everest. Một số người không hiểu được rằng một chuyến thám hiểm Everest không giống như một chuyến tàu ở Thụy Sĩ”. Đáng buồn thay, không phải vụ kiện nào cũng không có cơ sở. Những công ty yếu kém và tai tiếng đã không ít lần không thế cung cấp được hỗ trợ cần thiết như đã hứa, như bình oxy chẳng hạn. Trong một vài chuyến thám hiểm, người hướng dẫn lên tới đỉnh một mình mà không có người khách hàng nào khiến cho những khách hàng cay đắng này nghĩ rằng họ được dắt theo chỉ để nhằm trả tiền hóa đơn. Năm 1995, người đứng đầu một chuyến thám hiểm thương mại đã bỏ trốn với hàng chục ngàn đô la của khách hàng ngay trước khi cuộc hành trình bắt đầu. * * * Tháng 3 năm 1995, tôi nhận được cuộc điện thoại từ một biên tập viên của Tạp chí Outside đề nghị tôi tham gia vào một chuyến thám hiểm có người hướng dẫn sẽ khởi hành năm ngày sau đó và viết một bài báo về tình trạng thương mại hóa ngọn núi đang phát triển rất nhanh và về những cuộc tranh luận kèm theo. Tạp chí không dự định để tôi lên tới đỉnh, các biên tập viên đơn giản chỉ muốn tôi ở lại Trạm Căn cứ và tường thuật lại câu chuyện từ Sông băng phía đông Rongbuk, tại chân núi thuộc Tây Tạng. Tôi cân nhắc nghiêm túc đề nghị này – thậm chí tôi đã đặt chuyến bay và chủng ngừa theo yêu cầu – nhưng vào phút chót tôi quyết định từ chối. Nếu chỉ nhìn vào sự coi thường của tôi đối với ngọn Everest trong những năm qua, người ta có thể nghĩ rằng về mặt nguyên tắc tôi đã từ chối một lời đề nghị như vậy. Thực ra, cuộc gọi từ tạp chí Outside đã bất ngờ khơi dậy lòng khao khát mạnh mẽ đã bị chôn vùi từ lâu trong tôi. Sở dĩ tôi từ chối lời đề nghị là vì tôi nghĩ sẽ hết sức khó chịu khi phải trải qua hai tháng trên ngọn Everest mà lại không được đi quá Trạm Căn cứ. Nếu tôi đi đến vùng xa xôi đó của trái đất và phải xa gia đình trong tám tuần lễ, tôi muốn có cơ hội được leo lên ngọn núi. Tôi đã hỏi Mark Bryant, biên tập viên của Outside xem liệu ông có thể cho hoãn chuyến đi này lại mười hai tháng nữa được không (để tôi có đủ thời gian để chuẩn bị thể lực cần thiết cho cuộc hành trình). Tôi cũng hỏi xem liệu tạp chí có chấp nhận đăng ký cho tôi một dịch vụ hướng dẫn có tiếng tăm hơn – và chịu chi phí 65.000 đô la – nhằm đảm bảo rằng tôi sẽ thực sự chinh phục được đỉnh núi. Tôi đã không hy vọng là Bryant sẽ chấp nhận kế hoạch này. Tôi đã viết hơn sáu mươi bài cho tạp chí Outside trong mười lăm năm qua, và chưa bao giờ nhận được phí đi lại cho các công việc của mình nhiều hơn 2.000 – 3.000 đô la. Bryant gọi lại cho tôi vào ngày hôm sau sau khi đã bàn bạc với chủ bút của Outside. Ồng ta nói tờ tạp chí không chịu bỏ ra 65.000 đô la nhưng ông và các biên tập viên khác nghĩ rằng việc thương mại hóa đỉnh Everest là một câu chuyện quan trọng. Ông khẳng định nếu như tôi nghiêm túc trong việc cố gắng chinh phục đỉnh núi, Outside sẽ tìm cách giúp tôi thực hiện việc đó. * * * Trong suốt ba mươi ba năm coi mình là một nhà leo núi, tôi đã thực hiện nhiều chuyến đi khó khăn. Ở Alaska, tôi đã thiết lập một lộ trình mới trên ngọn Mooses Tooth, và thực hiện một cuộc leo núi đơn độc lên đỉnh Devils Thumb, trải qua ba tuần lễ đơn độc trên một đỉnh băng xa xôi. Tôi đã thực hiện nhiều cuộc leo núi băng khá cao ở Canada và Colorado. Gần cực nam của Nam Mỹ, nơi gió thổi vào đất liền như “chiếc chổi của Chúa” – hay “la escoba de Dios” như người dân địa phương ở đây vẫn gọi, tôi đã vượt qua một khối đá granit nhọn, hiểm trở cao hàng dặm có tên là Cerro Torre. Bị những cơn gió có tốc độ 185 km/h càn quét và sườn phủ đầy sương muối, một thời (dù không còn nữa) Cerro Torre là ngọn núi khắc nghiệt nhất trên thế giới. Nhưng những việc này đã xảy ra nhiều năm rồi, một số thậm chí cách đây vài thập niên, khi tôi còn ở độ tuổi hai mươi, ba mươi. Bây giờ, tôi đã 41 tuổi, đã qua lâu rồi cái thời leo núi đỉnh cao; râu đã bắt đầu bạc, răng đã yếu đi, và bụng đã thêm gần 7kg mỡ. Tôi đã kết hôn với người con gái mà tôi hết mực yêu thương và cô ấy cũng rất yêu tôi, và đang có một công việc khá tốt; lần đầu tiên trong cuộc đời mình tôi đang có một cuộc sống trên mức nghèo khổ. Tóm lại, lòng khao khát leo núi trong tôi đã thui chột đi bởi những cảm giác hài lòng nhỏ bé vốn đang làm tôi hạnh phúc hơn. Vả lại, chưa có cuộc leo núi nào tôi đã từng thực hiện trong quá khứ lên đến một độ cao đáng kể. Thật sự tôi chưa bao giờ ở trên độ cao quá 5.243m – thậm chí còn không cao bằng Trạm Căn cứ của Everest. Là một người mê nghiên cứu lịch sử môn leo núi, tôi biết rằng đỉnh Everest đã cướp đi sinh mạng của 130 người kể từ khi người Anh lần đầu tiên đến ngọn núi này vào năm 1921. Con số này xấp xỉ với tỷ lệ cứ bốn người leo lên được đỉnh thì có một người thiệt mạng. Tôi cũng biết rằng những người đã ngã xuống này khỏe mạnh hơn tôi nhiều và có nhiều kinh nghiệm trên cao hơn tôi. Nhưng tôi phát hiện ra rằng giấc mơ thời niên thiếu không dễ dàng phai tàn nhưng những suy tính lại dễ bị phớt lờ. Cuối tháng 2 năm 1996, Bryant gọi cho tôi nói rằng có một chỗ dành cho tôi trong đoàn thám hiểm Everest sắp tới của Rob Hall. Khi ông ấy hỏi liệu tôi có muốn thực hiện chuyến đi không, tôi đã đồng ý ngay lập tức. Chương 3: PHÍA TRÊN BẮC ẤN ĐỘ NGÀY 29 THÁNG 3 NĂM 1996 9.144 MÉT Tôi đã kể cho họ nghe câu chuyện ngụ ngôn một cách cộc lốc. Tôi bảo tôi đang nói về Hải Vương tinh, một Hải Vương tinh bình thường, không phải Thiên đường, bởi vì tôi không biết gì về Thiên đường. Do đó bạn sẽ thấy câu chuyện ám chỉ bạn, không phải cái gì khác mà chính là bản thân bạn. Hiện giờ có một khối đá lớn ở tít trên kia và tôi phải cảnh báo bạn rằng con người khá ngu ngốc trên Hải Vương tinh, lý do là vì mỗi người sống nhờ buộc mình vào một sợi dây. Và một vài người trong số họ, tôi rất muốn nêu đích danh, tuyệt đối quyết tâm sống chết với ngọt núi đó. Các bạn sẽ không thể tin nổi một điều là dù sống hay chết, có ích hay vô ích, những người này đã hình thành thói quen sử dụng thời gian rỗi cũng như tất cả sức lực của mình để đuổi theo những đám mây vinh quang của họ lên và xuống những vách núi dốc nhất trong vùng. Và cuối cùng họ trở về cảm thấy hạnh phúc. Họ có thể như vậy lắm, bởi vì thật thú vị là ngay trên Hải Vương tinh, hầu hết bọn họ đều đuổi nhau khá an toàn trên những vách núi dễ leo. Nhưng dù sao chăng nữa thì họ cũng hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy có thể thấy rõ qua ánh mắt và gương mặt rạng ngời của họ. Và như tôi đã chỉ ra, chỉ bởi vì đó là Hải Vương tinh, không phải Thiên đường, nơi có lẽ không có việc gì khác để làm. John Menlove Edwards Lá thư của một người đàn ông Sau hai giờ ngồi trên chuyến bay 311 của hãng hàng không Thai Air từ Bangkok tới Kathmandu, tôi rời khỏi chỗ ngồi và bước về phía đuôi máy bay. Gần dãy buồng vệ sinh bên mạn phải của máy bay, tôi cúi mình xuống để nhìn qua một cửa sổ nhỏ ngang thắt lưng, hy vọng có thể nhìn lướt qua một vài dãy núi. Tôi đã không thất vọng: ngoài kia, ở phía chân trời là các đỉnh núi lởm chởm của dãy Himalaya. Suốt thời gian còn lại của chuyến bay, tôi đứng tại chiếc cửa sổ, mê mẩn, quỳ gối trên một chiếc bao rác đầy những lon soda rỗng và thức ăn thừa; mặt của tôi tựa vào cửa kính lạnh cóng. Ngay lập tức, tôi nhận ra tầm vóc đồ sộ và vươn xa của dãy Kanchenjunga ở độ cao 8.586 m so với mặt nước biển; đây là ngọn núi cao thứ ba trên thế giới. Mười lăm phút sau đó, Makalu, đỉnh núi cao thứ mười lăm trên thế giới xuất hiện và cuối cùng là hình bóng không thể nhầm lẫn vào đâu được của chính ngọn Everest. Đỉnh màu đen của chóp núi nổi bật trên địa hình trơ trụi; tất cả nhô cao hẳn lên khỏi những sườn núi xung quanh. Nằm cao trong vùng gió xoáy, ngọn núi rạch một vết cắt sâu dễ thấy vào cơn cuồng phong có sức gió 222,2 km/h, làm tung ra một dải tinh thể băng trải về phía đông trông giống như một chiếc khăn choàng bằng lụa. Khi nhìn ngọn núi này từ trên trời, tôi chợt nhận thấy đỉnh ngọn Everest có cùng độ cao với chiếc máy bay phản lực đã điều áp đang chở tôi. Vào lúc đó, việc tôi định leo lên tới độ cao của chiếc phản lực Airbus 300 bất thình lình làm cho tôi cảm thấy phi lý hoặc còn tệ hơn thế. Lòng bàn tay tôi nhớp mồ hôi. Sau đó bốn mươi phút, tôi đã ở trên mặt đất tại Kathmandu. Khi tôi đi bộ vào sảnh của sân bay sau khi hoàn tất thủ tục hải quan, một người thanh niên to con, mày râu nhẵn nhụi chú ý đến hai túi đồ nghề của tôi và tiến lại. Nhìn liếc qua tờ giấy có ảnh các khách hàng của Rob Hall, anh ta hỏi tôi bằng giọng New Zealand du dương: “Anh có phải là Jon?” Anh ta bắt tay tôi và tự giới thiệu là Andy Harris, một hướng dẫn viên của Hall, đến để đưa tôi về khách sạn. – Harris, 31 tuổi, nói là có một khách hàng nữa cũng đến trên cùng chuyến bay từ Bangkok này; đó là một luật sư 53 tuổi tên là Lou Kasischke đến từ Bloomfield Hills, bang Michigan. Phải mất một tiếng đồng hồ Kasischke mới tìm được hành lý của mình, do đó trong khi chờ đợi, Andy và tôi trao đổi về những cuộc leo núi mà mình đã thực hiện tại phía tây Canada và bàn về những ưu thế của môn trượt tuyết so với lướt ván tuyết. Khao khát leo núi và niềm đam mê đối với núi non của Andy khiến tôi thấy nuối tiếc quãng đời trước đây, khi leo núi là điều quan trọng nhất, khi mà tôi hình dung cuộc đời mình dưới dạng các ngọn núi mình đã leo và những đỉnh hy vọng sẽ chinh phục một ngày nào đó. Ngay trước khi Kasischke – một người cao, dáng thể thao với mái tóc bạc và sự dè dặt kiểu quý tộc – từ bàn thủ tục hải quan của sân bay đi tới, tôi hỏi Andy rằng anh đã tới Everest bao nhiêu lần rồi. Anh ta vui vẻ thú nhận: “Thực ra đây là lần đầu tiên, giống như anh thôi. Sẽ rất thú vị khi xem tôi làm thế nào trên dãy núi”. Hall đã đặt chỗ cho chúng tôi tại khách sạn Garuda, một khách sạn thân thiện và hiện đại tại trung tâm của Thamel, khu vực du lịch nhộn nhịp của Kathmandu trên một con đường nhỏ đầy xe rickshaw (một loại xe kéo) và những người bán dạo. Từ lâu khách sạn Garuda đã nổi tiếng đối với các đoàn thám hiểm đến Himalaya, và những bức tường của nó dán đầy những tấm hình có chữ ký của những người leo núi đã qua đây trong những năm qua: Reinhold Messner, Peter Habeler, Kitty Calhoun, John Roskelley, Jeff Lowe. Bước lên cầu thang về phòng mình tôi đi ngang qua một tấm áp phích bốn màu có tựa “Bộ ba Himalaya” vẽ Everest, K2 và Lhotse – các đỉnh núi cao thứ nhất, thứ nhì và thứ tư thế giới. Được đặt cao nhất phía trên những hình ảnh về các đỉnh núi này, tấm áp phích cho thấy một người đàn ông có râu quai nón với đầy đủ trang phục leo núi đang cười. Một chú thích cho thấy đây chính là Rob Hall; tấm áp phích này – nhằm quảng bá cho công ty hướng dẫn của Hall, công ty Adventure Consultants – ra đời vào dịp kỷ niệm kỳ công khá ấn tượng của anh ta: chinh phục tất cả ba đỉnh núi nói trên trong vòng hai tháng vào năm 1994. Một giờ sau đó tôi được gặp Hall bằng xương bằng thịt. Anh ta cao khoảng 1 mét 90 và gầy như một cây sào. Khuôn mặt anh toát nên vẻ dịu dàng, nhưng anh ấy trông già hơn tuổi 35 của mình, có lẽ là do những nếp nhăn sâu ở khóe mắt hoặc là do dáng vẻ uy quyền mà anh ta thể hiện. Anh ta mặc một chiếc áo sơ mi kiểu Hawaii và một chiếc quần jean Levis đã bạc màu có một miếng vá thêu hình biểu tượng âm-dương chỗ đầu gối. Một mái tóc nâu không chải xoắn ngang qua trán còn bộ râu rậm rạp có lẽ cần phải cắt tỉa. Với bản tính thích giao du, Hall là một người có tài kể chuyện với sự hóm hỉnh của người New Zealand. Kể một câu chuyện dài liên quan tới một du khách người Pháp, một vị sư và loài bò yak lông lá, Hall đi đến điếm mấu chốt của câu chuyện với một cái liếc mắt tinh quái, dừng lại một nhịp nhằm tạo hiệu ứng, rồi sau đó ngả đầu ra phía sau và cười phá lên, không thể kìm lại sự thích thú của anh trong câu chuyện của chính mình. Tôi thích anh ấy ngay lập tức. Hall được sinh ra trong một gia đình Công giáo thuộc tầng lớp lao động tại Christchurch, New Zealand; là con út trong số chín người con. Mặc dù có đầu óc khoa học và nhanh nhẹn, nhưng ở tuổi 15 anh đã bỏ học sau khi “đụng” với một giáo viên cực kỳ độc đoán. Năm 1976, anh làm việc cho Alp Sports, một công ty sản xuất dụng cụ leo núi tại địa phương. Bill Atkinson – bây giờ đã là một nhà leo núi và hướng dẫn viên tài năng – nhớ lại: “Anh ấy bắt đầu bằng những công việc lặt vặt, đạp máy may hay những thứ đại loại như thế. Nhưng nhờ tài tổ chức xuất sắc, vốn đã bộc lộ ngay từ khi còn mười sáu, mười bảy tuổi, Rob đã nhanh chóng điều hành toàn bộ mảng sản xuất của công ty”. Hall đã từng tập luyện môn thể thao đi bộ leo đồi chăm chỉ trong nhiều năm; còn lúc vào làm cho Alp Sports, ông cũng bắt đầu học leo núi đá và núi tuyết. Atkinson, người bạn leo núi thường xuyên nhất của Hall thời đó, cho hay anh học rất nhanh và “có khả năng tiếp thu kỹ năng và quan điểm từ bất kỳ ai”. * * * Năm 1980, khi Hall được 19 tuổi, anh tham gia vào một cuộc thám hiếm leo lên Triền Bắc đầy khó khăn của dãy Ama Dablam, một đỉnh núi cao 6.795m với vẻ đẹp độc đáo cách Everest mười lăm dặm về phía nam. Trong suốt chuyến đi đó – chuyến đi đầu tiên của Hall tới Himalaya – anh đã thực hiện thêm một cuộc leo núi lên Trạm Căn cứ của Everest và quyết tâm một ngày nào đó anh sẽ leo lên ngọn núi cao nhất thế giới. Phải mất đến mười năm và ba lần cố gắng, cuối cùng đến năm 1990 Hall mới chinh phục được đỉnh Everest khi dẫn đầu một đoàn thám hiểm có cả Peter Hillary, con trai của Ngài Edmund Hillary. Trên đỉnh núi, Hall và Hillary thực hiện một cuộc truyền thanh được phát sóng trực tiếp trên toàn New Zealand, và ở độ cao 8.848m, họ nhận được lời chúc mừng từ Thủ tướng Geoffrey Palmer. Lúc này Hall đã là một nhà leo núi chuyên nghiệp toàn thời gian. Như hầu hết các đồng nghiệp của mình, ông tìm kiếm nguồn tài trợ từ các công ty để thực hiện các cuộc thám hiểm Himalaya tốn kém của mình. Và anh cũng đủ khôn ngoan để hiểu rằng càng nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì càng dễ khiến các công ty mở hầu bao hơn. Và khi điều này xảy ra, anh đã chứng tỏ mình là một người cực kỳ khôn ngoan trong việc làm cho tên mình xuất hiện trên các ấn phẩm và hình ảnh của mình xuất hiện trên truyền hình. Atkinson thừa nhận: “Rob luôn luôn nhạy bén trong việc quảng cáo”. Năm 1988, một hướng dẫn viên quê ở Auckland tên là Garry Ball trở thành bạn leo núi chính của Hall và cũng là bạn thân nhất của ông. Ball chinh phục đỉnh Everest cùng với Hall năm 1990 và ngay sau khi về tới New Zealand, họ lên kế hoạch chinh phục các đỉnh núi cao nhất tại mỗi châu lục, giống như Dick Bass – nhưng nâng mức khó bằng cách chinh phục cả bảy ngọn núi trong vòng bảy tháng7. Đối với đỉnh Everest, đỉnh khó leo nhất trong bộ bảy, nhờ kiên trì theo đuổi, Hall và Ball đã tìm được sự ủng hộ của một công ty điện lớn – công ty Power Build – và họ đã lên đường. Ngày 12 tháng 12 năm 1990, chỉ còn vài giờ nữa là đến hạn cuối của bảy tháng, họ đã lên được đỉnh của ngọn núi thứ bảy – ngọn Vinson Massif ở độ cao 4.897m, điểm cao nhất Nam cực – và được tuyên dương nồng nhiệt tại quê nhà. Mặc dù thành công như vậy nhưng Hall và Ball vẫn lo lắng về triển vọng lâu dài trong nghề leo núi chuyên nghiệp của họ. Atkinson giải thích: “Để tiếp tục nhận được sự tài trợ từ các công ty, một nhà leo núi phải liên tục nâng cao các thử thách. Chuyến leo núi sau bao giờ cũng phải khó khăn hơn và ngoạn mục hơn chuyến trước đó. Nó sẽ trở thành một sự căng thẳng không ngừng nghỉ, cuối cùng bạn sẽ không còn đủ khả năng để chinh phục thử thách nữa”. Rob và Garry hiểu rằng không sớm thì muộn, họ sẽ không còn khả năng thể hiện phong độ đỉnh cao của mình nữa, hoặc họ sẽ gặp phải một tai nạn không may và tử nạn. “Vì vậy họ đã quyết định chuyển hướng và đầu tư vào việc hướng dẫn leo núi. Khi bạn hướng dẫn người khác bạn không cần phải thực hiện các công việc leo núi, thử thách đến từ việc giúp cho khách hàng của bạn lên và xuống núi, việc này mang lại một dạng thỏa mãn khác. Nhưng nó là một nghề ổn định hơn là việc không ngừng đuổi theo các nhà tài trợ. Nếu bạn cung cấp cho họ một dịch vụ tốt, bạn sẽ không bao giờ thiếu khách hàng”. Trong suốt cuộc hành trình “bảy ngọn núi trong bảy tháng”, Hall và Ball đã cùng lên một kế hoạch kinh doanh hướng dẫn du khách chinh phục Thất Đỉnh. Tin chắc rằng có một thị trường chưa ai khai thác gồm những người mơ ước leo núi có thừa tiền nhưng lại không đủ kinh nghiệm để tự mình leo lên những ngọn núi vĩ đại nhất thế giới, Hall and Ball khai trương một công ty mà họ đặt tên là Adventure Consultants. * * * Gần như ngay lập tức họ đạt được một kỷ lục ấn tượng. Đến tháng 5 năm 1992, Hall và Ball đã đưa sáu khách leo núi lên đến đỉnh Everest. Một năm sau đó họ hướng dẫn một nhóm bảy người khác lên đỉnh Everest vào một buổi chiều có bốn mươi người lên đến đỉnh núi trong một ngày. Tuy nhiên, khi họ trở về nhà sau chuyến đi đó, họ đã phải nhận những lời chỉ trích công khai không ngờ từ Ngài Edmund Hillary; ông đã chỉ trích vai trò của Hall trong việc Everest đang ngày càng bị thương mại hóa. Ông gắt gỏng rằng việc thu tiền để dắt một đám tay mơ lên đỉnh núi “đang gây ra sự thiếu tôn trọng đối với ngọn núi”. Tại New Zealand, Hillary là một trong những nhân vật được kính trọng nhất đất nước; khuôn mặt góc cạnh của ông được in trên tờ giấy bạc năm đô la. Hall cảm thấy buồn và ngượng khi bị chỉ trích công khai bởi vị thánh sống – nhà leo núi đã từng là một trong những thần tượng thời niên thiếu của anh. Atkinson cho hay: “Hillary được xem như là một kho báu sống của quốc gia tại New Zealand này. Những gì ông nói rất có giá trị và thật là đau đớn khi bị ông chỉ trích. Rob đã muốn phát biểu công khai để tự bảo vệ, nhưng anh ấy nhận ra rằng đối đầu với một nhân vật được kính trọng như vậy trên các phương tiện truyền thông đại chúng không phải là một giải pháp hay”. Và rồi, năm tháng sau vụ chỉ trích của Hillary, Hall lại bị choáng váng bởi một sự kiện kinh hoàng hơn: vào tháng 10 năm 1993, Garry Ball tử nạn vì bị phù não (cerebral edema – não bị sưng tấy do độ cao) trong khi đang cố gắng leo lên đỉnh Dhaulagiri cao 8.167m, đỉnh núi cao thứ sáu trên thế giới. Nằm hôn mê trong một căn lều nhỏ trên đỉnh núi, Ball đã trút hơi thở mệt nhọc cuối cùng trong tay Hall. Ngày hôm sau, Hall an táng bạn mình dưới một khe vực. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình tại New Zealand sau chuyến thám hiểm, Hall buồn bã mô tả lại việc anh đã dùng sợi dây leo núi yêu thích của họ để hạ xác Garry xuống vực thẳm của sông băng như thế nào. “Sợi dây leo núi được thiết kế để buộc hai người lại với nhau và bạn không bao giờ được thả nó ra. Nhưng tôi đã phải để nó trượt qua tay mình”. “Rob bị suy sụp sau cái chết của Garry”, theo như lời của Helen Wilton, người quản lý Trạm Căn cứ của Hall trên ngọn Everest vào các năm 1993, 1995 và 1996. Nhưng anh ấy đã đối diện vói nó một cách lặng lẽ. Đó chính là cách của Rob – luôn hành xử tích cực với mọi việc”. Hall quyết tâm tiếp tục điều hành Adventure Consultants một mình. Theo cách làm mang tính hệ thống của mình, ông tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất và các dịch vụ của công ty – và vẫn tiếp tục cực kỳ thành công trong việc đưa những người leo núi nghiệp dư lên đỉnh những dày núi lớn và xa xôi. Trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 1995, Hall chịu trách nhiệm đưa ba mươi chín nhà leo núi lên đỉnh Everest – nhiều hơn ba người so với số người đã lên đỉnh trong vòng hai mươi năm kể từ chuyến leo núi đầu tiên của Ngài Edmund Hillary. Với những gì đã làm được, Hall quảng cáo rằng Adventure Consultants là “công ty dẫn đầu trong lĩnh vực leo núi Everest, đã thực hiện nhiều chuyến leo núi hơn bất kỳ công ty nào khác”. Tập quảng cáo ông gửi tới những khách hàng tiềm năng có đoạn: Bạn là người có lòng đam mê mạo hiểm. Có lẽ bạn đang nghĩ tới việc đến tất cả bảy châu lục hoặc là đứng trên đỉnh của một ngọn núi cao. Hầu như tất cả chúng ta chẳng bao giờ dám hành động cho ước mơ của mình, và hiếm khi dám nói lên những ước mơ đó, hay là thừa nhận những khát khao vĩ đại trong thâm tâm. Adventure Consultants chuyên tổ chức và hướng dẫn các cuộc leo núi mạo hiểm. Với kinh nghiệm thực tế trong việc biến ước mơ thành sự thực, chúng tôi sẽ hành động cùng bạn để đạt được mục tiêu của bạn. Chúng tôi sẽ không mang bạn lên núi – bạn sẽ phải tập luyện vất vả – nhưng chúng tôi đảm bảo an toàn cao nhất và thành công cho chuyến mạo hiểm của bạn. Đối với những ai dám thực hiện giấc mơ của mình, kinh nghiệm của chúng tôi sẽ mang lại cho bạn những điều đặc biệt không thể mô tả bằng lời. Chúng tôi mời bạn chinh phục đỉnh núi của mình cùng với chúng tôi. Đến năm 1996, Hall thu phí 65.000 đô la một người để hướng dẫn khách hàng lên tới đỉnh thế giới. Xét về bất kỳ khía cạnh nào, đây cũng là một món tiền lớn – tương đương với tiền thế chấp một căn nhà tại Seattle – và giá này không bao gồm vé may bay tới Nepal hay các dụng cụ cá nhân. Không có phí của công ty nào cao hơn thế – thực ra một số đối thủ cạnh tranh của anh ấy chỉ lấy bằng 1/3 mức phí đó. Tuy nhiên, nhờ vào tỷ lệ thành công cao phi thường, anh đã không gặp khó khăn nào trong việc tìm khách hàng cho chuyến leo núi này – chuyến thứ tám lên đỉnh Everest. Nếu bạn vẫn nhất định muốn chinh phục đỉnh Everest và có đủ tiền thì Adventure Consultants là sự lựa chọn tốt nhất. * * * Vào sáng ngày 31 tháng 3, hai ngày sau khi đến Kathmandu, các thành viên của đoàn thám hiểm năm 1996 của công ty Adventure Consultants bước qua đường băng của Sân bay quốc tế Tribhuvan và leo lên một chiếc trực thăng Mi-17 do Nga chế tạo được Hãng hàng không Asian khai thác. Là một chứng tích của chiến tranh Afghanistan, nó to như một chiếc xe buýt chở học sinh, đủ chỗ cho hai mươi sáu hành khách, và trông giống như nó đã được chế tạo ở sân sau của một căn nhà nào đó. Người kỹ sư chuyến bay đóng cửa lại và đưa cho chúng tôi những miếng bông gòn để bịt tai, và chiếc máy bay khổng lồ lao lên không trung với một tiếng gầm nhức óc. Sàn máy bay chất đầy những túi dụng cụ, ba lô và hộp các tông. Chen lấn trong những chỗ trống quanh thân máy bay là hàng tá người ngồi quay mặt vào trong, đầu gối khép chặt vào ngực. Tiếng gầm điếc tai của động cơ khiến cho chúng tôi không thể nào nói chuyện. Đó không phải là một chuyến bay thoải mái nhưng chẳng ai thèm phàn nàn về điều đó. Năm 1963, chuyến thám hiểm của Tom Hornbein bắt đầu cuộc hành trình dài đến Everest từ Banepa, cách Kathmandu mười hai dặm và phải trải qua ba mươi mốt ngày đi trên đường mòn mới đến được Trạm Căn cứ. Giống như hầu hết những người leo núi Everest khác chúng tôi chọn cách “nhảy cóc” qua phần lớn đoạn đường dốc và bụi bặm này; theo dự kiến máy bay sẽ thả chúng tôi xuống làng hẻo lánh Lukla ớ độ cao 2.743m trên dãy Himalaya. Nếu như không bị rớt máy bay, chúng tôi sẽ rút ngắn hành trình khoảng ba tuần so với quãng đường của Hornbein. Liếc quanh nội thất rộng rãi của chiếc máy bay, tôi cố gắng nhớ tên những người bạn cùng đi với mình. Ngoài hai người hướng dẫn Rob Hall và Andy Harris, còn có thêm Helen Wilton, một người mẹ 39 tuổi của bốn đứa con, quay trở lại Trạm Căn cứ trong cương vị quản lý mùa thứ ba liên tiếp của mình. Caroline McKenzie – một nhà leo núi và là một bác sĩ tài năng ở cuối độ tuổi hai mươi – chính là bác sĩ của đoàn thám hiểm, và cũng giống như Helen, cô ấy cũng sẽ không lên quá Trạm Căn cứ. Lou Kasischke, vị luật sư phong nhã mà tôi đã gặp ở sân bay, đã chinh phục được sáu trong số Thất Đỉnh – cũng giống như Yasuko Namba, một giám đốc nhân sự ít nói làm việc tại chi nhánh Tokyo của hãng Federal Express. Beck Weathers, 41 tuổi, là một nhà nghiên cứu bệnh học ba hoa đến từ Dallas. Stuart Hutchison, 44 tuổi, mặc một chiếc áo thun hiệu Ren and Stimpy, là một bác sĩ chuyên khoa tim mạch người Canada trông hơi ốm yếu, đang đi nghỉ sau một cuộc nghiên cứu. John Taske, 55 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất trong nhóm chúng tôi, là một chuvên gia gây mê đến từ Brisbane, ông đã bắt đầu học leo núi sau khi rời quân đội Úc. Frank Fischbeck, 53 tuổi, một chủ báo quý phái và sang trọng sống ở Hong Kong, ba lần leo Everest cùng một trong các công ty đối thủ của Hall; năm 1994, ông đã lên tới Đỉnh Nam, chỉ còn cách đỉnh Everest có 101 mét. Dough Hansen, một nhân viên bưu chính người Mỹ, đã leo Everest với Hall vào năm 1995 và cũng giống như Fischbeck đã lên được tới Đỉnh Nam trước khi quay trở lại. Tôi không biết phải mô tả các bạn đồng hành của tôi là loại người như thế nào nữa. Xét về phong cách và kinh nghiệm, họ trông chẳng có gì giống những tay leo núi chuyên nghiệp mà tôi từng biết. Nhưng họ cũng là những người bạn tử tế và đàng hoàng, và không có cái mặt chuột nào trong cả nhóm – ít ra cũng là ở giai đoạn ban đầu này. Tuy nhiên ngoại trừ Doug, tôi chẳng giống ai trong số các bạn leo núi của mình. Doug trông quắc thước, dẻo dai và có khuôn mặt phong sương và già dặn trước tuổi, khiến người đối diện dễ có cảm giác đây từng là một cầu thủ bóng đá. Thực ra, Doug đã làm nhân viên bưu điện trong hơn 27 năm. Anh kể cho tôi nghe anh đã phải làm ca đêm ở bưu điện và làm công việc xây dựng vào ban ngày để kiếm tiền cho chuyến đi này. Bởi vì bản thân tôi cũng từng là thợ mộc suốt tám năm trước khi trở thành nhà văn – và bởi vì thu nhập của chúng tôi cũng gần như ngang nhau, Doug và tôi tự nhiên có một thứ gì đó khác với những người còn lại, và tôi cũng cảm thấy thoải mái hơn khi trò chuyện với anh, một cảm giác mà tôi không có được với những thành viên khác trong đoàn. Nói chung, một điều khiến tôi luôn cảm thấy không thoái mái chính là việc tôi chưa từng tham gia vào một đoàn leo núi nào lớn thế này – một đoàn toàn những thành viên xa lạ với nhau. Ngoại trừ chuyến đi Alaska cách đây 21 năm, bao giờ tôi cũng leo núi cùng một hoặc hai người bạn thân mà tôi tin tưởng, còn không là một mình. Trong leo núi, việc tin tưởng vào đồng đội là chuyện hết sức quan trọng. Hành động của một người có thể ảnh hưởng đến cả nhóm. Một nút thắt không chặt, một sự sẩy chân, một phiến đá rơi, hoặc bất kỳ một hành động bất cẩn nào khác cũng có thể gây hậu quả cho cả thủ phạm lẫn đồng đội của anh ta. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà leo núi thường rất thận trọng trong việc nhập nhóm với những người họ chưa biết thiện ý. Tuy nhiên, niềm tin vào đồng đội là một thứ xa xỉ đối với những người đã ký hợp đồng khách hàng trong một chuyến leo núi có người hướng dẫn; lúc này anh ta phải đặt niềm tin vào người hướng dẫn. Khi máy bay đang hướng đến Lukla, tôi cho rằng mỗi đồng đội của tôi đều hy vọng tha thiết như tôi rằng Hall đã cẩn thận loại những khách hàng không đủ khả năng và sẽ có đủ phương tiện để bảo vệ chúng tôi trước những nhược điểm của người khác. Chương 4: PHAKDING NGÀY 31 THÁNG 3 NĂM 1996 2.800 MÉT Đối với những người không rề rà, cuộc đi bộ hàng ngày của chúng tôi kết thúc sớm vào buổi chiểu, nhưng thường là sau khi sức nóng và đôi chân rã rời buộc chúng tôi phải hỏi mỗi người Sherpa đi ngang qua: “Còn bao xa nữa thì tới trại?”. Sau đó chúng tôi phát hiện ra câu trả lời bao giờ cũng là “Chỉ còn hai dặm nữa thôi, Sah’b..”.8 Buổi chiều tối rất yên tĩnh, khói bốc lên khoảng không khí yên tĩnh làm dịu đi bóng tối, ánh sáng nhấp nháy trên triền núi ngày mai chúng tôi sẽ leo, những đám mây che khuất con đường chúng tôi sẽ đi ngày hôm sau. Sự kích thích dâng cao khiến tôi nghĩ đi nghĩ lại về Triền Tây. Khi mặt trời lặn, có cả nỗi cô đơn, nhưng bây giờ hiếm khi tôi thấy nghi ngại. Rồi tôi cảm thấy nôn nao như thể tất cả cuộc sống của mình nằm lại đằng sau tôi. Một khi đã ở trên núi, tôi biết (hay tin tưởng) rằng tôi sẽ phải tập trung vào các nhiệm vụ trước mắt. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng tự hỏi rằng liệu có phải tôi đã đi một quãng đường dài để khám phá ra rằng điều mà tôi đang tìm kiếm là một thứ gì đó tôi đã bỏ lại sau lưng. Thomas F. Hombein Everest: Triền Tây Từ Lukla, con đường tới Everest hướng lên phía bắc qua rãnh Dudh Kosi, một con sông đầy đá cuội có băng bao phủ. Chúng tôi nghỉ đêm đầu tiên trong chuyến hành trình tại làng Phakding, một khu gồm dăm ngôi nhà và nhà trọ qui tụ trên thềm của một vùng đất bằng trên một con dốc phía trên con sông. Khi trời tối, không khí trở nên hiu hắt ảm đạm và vào buổi sáng, khi tôi tiếp tục lên đường, một lớp sương lạnh lung linh trên lá cây đỗ quyên. Tuy nhiên, khu vực ngọn Everest nằm ở 28 độ vĩ bắc – ngay trên vùng nhiệt đới – nên khi mặt trời lên đủ cao để chiếu xuyên qua hẻm núi, nhiệt độ tăng lên vùn vụt. Tới buổi trưa, sau khi chúng tôi đã băng qua một cây cầu lắc lư treo cao ngang qua con sông – lần qua sông thứ tư trong ngày – mồ hôi mẹ mồ hôi con đã bắt đầu nhỏ xuống cằm và tôi cởi đồ ra chỉ còn mặc quần short và áo thun. Bên dưới con sông, một lối đi đầy bùn bắt đầu từ bờ sông Dudh Kosi và chạy ngoằn ngoèo lên vách hẻm núi dốc đứng, đi lên xuyên qua rừng thông thơm ngát. Hai đỉnh Thamserku và Kusun Kangru đầy băng tuyết hùng vĩ đâm thẳng lên trời ở độ cao 3,2km phía trên đầu. Đó là một vùng đồng quê tuyệt đẹp, gây ấn tượng không khác gì những thắng cảnh khác trên Trái Đất xét về mặt địa hình, nhưng nó không hoang sơ và đã chưa từng hoang sơ trong hàng trăm năm nay. Mỗi mảnh đất có thể canh tác đã được đắp thành bậc thang và được trồng lúa mạch, kiều mạch đắng hoặc khoai tây. Các dãy cờ cầu phúc được căng lên khắp sườn đồi, và những tháp cổ chứa hài cốt của các tín đồ Phật giáo và các bức tường đá mani9được chạm khắc sắc sảo đứng gác ngay cả trên những con đèo cao nhất. Khi tôi đi lên từ dòng sông, con đường bị tắc lại với những người đi bộ, các đàn bò yak10, các thầy tu choàng áo đỏ, những người Sherpa đi chân đất oằn lưng dưới những bó củi, dầu lửa và nước giải khát. Chín mươi phút ở phía trên dòng sông, tôi lên tới một sống núi rộng, băng qua một ma trận những bãi thả bò có rào đá bao quanh, và đột nhiên nhận ra mình đang ở trong thị trấn Namche Bazaar, trung tâm xã hội và thương mại của cộng đồng người Sherpa. Tọa lạc ở độ cao 3.444m so với mực nước biển, Namche chiếm hết một vùng trũng rộng lớn và nghiêng trông giống như một chiếc chảo vệ tinh khổng lồ. Hơn một trăm ngôi nhà đột ngột nép mình trên vùng dốc nhiều đá này, được liên kết với nhau bởi một mê cung các con đường nhỏ và lối đi hẹp. Gần phía thấp hơn của thị trấn, tôi tìm thấy Nhà trọ Khumbu. Trước cửa là một tấm mền lớn, được người ta dùng như cánh cửa ra vào. Tôi kéo tấm mền ấy lên và thấy các bạn tôi đang uống trà chanh quanh một chiếc bàn trong góc. Khi tôi tới đó, Rob Hall giới thiệu tôi với Mike Groom, người hướng dẫn thứ ba của đoàn thám hiểm. Là một người Úc 33 tuổi với mái tóc màu cà rốt và thân hình gầy đét của một vận động viên marathon, Groom là một thợ sửa ống nước tại Brisbane, thỉnh thoảng mới làm hướng dẫn viên. Năm 1987, khi phải trải qua một đêm ngoài trời trong chuyến leo xuống đỉnh Kanchanjunga cao 8.586m, anh ta bị hoại tử chân và phải cắt bỏ tất cả các ngón. Tuy nhiên, việc nàv không thể ngăn cản anh ta leo núi: anh đã tiếp tục leo lên đỉnh K2, đỉnh Lhotse, đỉnh Cho Oyu, đính Ama Dablam và vào năm 1993 là đỉnh Everest mà không sử dụng bình oxy. Là một người cực kỳ bình tĩnh và thận trọng, Groom là một người đồng hành dễ chịu nhưng rất ít nói trừ phi người khác nói chuyện trước với anh ta; và anh trả lời các câu hỏi rất ngắn gọn với giọng nói chỉ vừa đủ nghe. Các cuộc chuyện trò trong khi dùng bữa tối phần lớn do ba vị khách bác sĩ khơi mào – Stuart, John và đặc biệt là Beck; và cứ như vậy trong phần lớn chuyến đi. May mắn thay cả John và Beck đều rất hóm hỉnh và làm cho cả nhóm cười bể bụng. Tuy nhiên, Beck có tật hay biến những lời độc thoại của mình thành những lời chê bai đầy khinh miệt những người mắc chứng đái dầm. Một lần trong buổi tối hôm đó, tôi đã phạm sai lầm khi không đồng ý với anh ta: đáp lại một trong những lời bình luận của anh ta, tôi đã cho rằng nâng mức lương tối thiểu lên dường như là một chính sách cần thiết và khôn ngoan. Vốn là một người tranh luận có kiến thức và rất khôn khéo, Beck tranh cãi đến cùng lời tuyên bố của tôi, và tôi thiếu những lý lẽ cần thiết để phản bác lại anh ta. Tất cả những gì tôi có thể làm là ngồi yên, không nói được gì và rất tức tối. Khi anh ta tiếp tục những luận điệu của mình với cái giọng nhè nhè của miền đông Texas về những hành động điên rồ trong chính sách phúc lợi, tôi đứng dậy và rời khỏi bàn để tránh bị bẽ mặt hơn nữa. Khi tôi trở lại phòng ăn, tôi đến chỗ bà chủ quán và gọi một cốc bia. Đó là một người phụ nữ Sherpa nhỏ nhắn và duyên dáng, bà ấy đang chờ những người leo núi người Mỹ gọi món. “We hungry” (Chúng tôi đói), một gã đàn ông có đôi má đỏ nói với bà ấy bằng tiếng bồi giọng quá lớn, và diễn tả hành động đang ăn. “Want eat po-ta-toes. Yak bur-ger. Co-ca Co-la. You have” (Muốn ăn khoai tây, hamburger bò, Cocacola. Có chứ?). – – “Các ông có muốn xem thực đơn không?”, người phụ nữ Sherpa đáp lại bằng giọng Anh rõ ràng, sắc sảo và mang một chút âm sắc Canada. “Chúng tôi có rất nhiều món. Và còn có thêm bánh táo mới nướng xong nếu các ông muốn dùng tráng miệng”. Tay leo núi người Mỹ đó không thể hiểu được rằng người phụ nữ da sẫm của vùng núi này đang nói chuyện với anh ta bằng một thứ tiếng Anh của tầng lớp quý tộc được phát âm hoàn hảo, vẫn tiếp tục sử dụng thứ tiếng lóng tức cười của mình: “Men-u, Good, good. Yes, yes, we like see men-u” (Thực đơn. Tốt, tốt. Được, được. Chúng tôi muốn xem thực đơn). Người Sherpa vẫn là những người bí ẩn đối với hầu hết người ngoại quốc, những người thường có khuynh hướng nhìn họ qua một lớp màn lãng mạn. Những người không hiểu về các dân tộc sống trên dãy Himalaya thường cho rằng tất cả người Nepal đều là người Sherpa, trong khi thực ra chỉ có hơn 20.000 người Sherpa trên toàn Nepal, một quốc gia có diện tích bằng một tiểu bang Bắc Carolina với khoảng 20 triệu dân và hơn năm mươi nhóm thiểu số khác nhau. Sherpa là một dân tộc vùng núi rất nhiệt tâm với Phật giáo; tổ tiên của họ di cư xuống phía nam từ Tây Tạng cách đây bốn hoặc năm thế kỷ. Các ngôi làng của người Sherpa nằm rải rác khắp phần Himalaya thuộc phía đông Nepal, và có thể gặp những cộng đồng người Sherpa tương đối lớn ở Sikkim và Darjeeling, Ấn Độ; nhưng quê hương của người Sherpa chính là Khumbu– một nhóm thung lũng nằm dưới các con dốc phía nam của núi Everest. Khu vực nhỏ bé và vô cùng gồ ghề này không hề có đường sá, xe ô tô hay bất kỳ loại xe cộ có bánh nào. Việc trồng trọt chăn nuôi rất khó khăn tại những thung lũng cao, lạnh và bao quanh bởi những vách núi dựng đứng, do đó nền kinh tế truyền thống của người Sherpa chỉ xoay quanh việc buôn bán giữa Tây Tạng và Ấn Độ và chăn nuôi bò yak. Sau đó, vào năm 1921, người Anh bắt đầu chuyến thám hiểm đầu tiên của mình tới Everest, và quyết định chọn những người Sherpa làm người hỗ trợ đã bắt đầu làm biến đổi nền văn hóa Sherpa. Do Vương quốc Nepal vẫn đóng kín biên giới cho tới năm 1949, đoàn khảo sát Everest đầu tiên và tám đoàn thám hiểm sau đó bắt buộc phải tiếp cận ngọn núi từ hướng bắc, qua Tây Tạng, và chưa bao giờ đi qua bất kì vùng nào gần Khumbu. Nhưng chín đoàn thám hiểm đầu tiên đó đến Tây Tạng từ Darjeeling, nơi mà nhiều người Sherpa đã di cư tới. Tại đó, họ đã tạo dựng được hình ảnh chăm chỉ, ân cần và thông minh trong lòng những người phương Tây ở đây. Ngoài ra, do người Sherpa đã sinh sống nhiều thế hệ tại những ngôi làng nằm trên độ cao 2.743m cho đến 4.267m, nên về mặt sinh học học thích ứng với những đặc điểm của địa hình trên cao. Theo lời đề nghị của A. M. Kellas, một bác sĩ người Scotland từng leo núi và du hành thường xuyên với người Sherpa, đoàn thám hiểm năm 1921 thuê một số lượng lớn người Sherpa làm phu khuân vác và người giúp việc tại các trại. Thông lệ này đã được đại đa số các đoàn thám hiểm thực hiện trong suốt bảy mươi lăm năm kể từ đó. Dù sao đi nữa, trong hơn hai thập kỷ vừa qua, nền kinh tế và văn hóa của Khumbu đã trở nên ngày càng gắn bó chặt chẽ với dòng người tham quan và leo núi đổ đến theo mùa, khoảng 15.000 người mỗi năm. Những người Sherpa có kỹ năng leo núi và làm việc trên những đỉnh núi cao– đặc biệt là những người đã chinh phục được đỉnh Everest– được cộng đồng của họ kính trọng. Những người đã trở thành ngôi sao leo núi cũng phải đối mặt với nguy cơ thiệt mạng: kể từ năm 1922 khi bảy người Sherpa bị thiệt mạng vì tuyết lở trong chuyến thám hiểm lần thứ hai của người Anh, một số lượng lớn đáng kể người Sherpa đã bị thiệt mạng trên ngọn Everest– theo kể lại thì tổng cộng là năm mươi ba, tức là chiếm một phần ba tổng sổ người thiệt mạng ở Everest. Bất chấp những mối nguy hiểm này, vẫn có sự tranh đua quyết liệt giữa những người Sherpa để giành mười hai đến mười tám suất trong một chuyến thám hiểm Everest bình thường. Công việc được nhiều người tìm kiếm nhất là sáu vị trí cho những người Sherpa leo núi thành thạo. Họ có thể được nhận từ 1.400 đến 2.500 đô la cho hai tháng làm việc nguy hiểm. Đó là một khoản thù lao hấp dẫn tại một quốc gia hãy còn trong cảnh nghèo nàn thê thảm với thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ khoảng 160 đô la. Để đáp ứng lượng người leo núi và khách tham quan phương Tây ngày càng tăng, nhiều nhà nghỉ và quán trà mới được dựng lên trên khắp khu vực Khumbu, đặc biệt là tại Namche Bazaar. Trên đường tới Namche, tôi đã bắt gặp rất nhiều người phu khuân vác đang hướng lên núi từ những cánh rừng thấp bên dưới. Họ thồ những khúc gỗ mới đốn nặng gần 50kg hết sức cực nhọc; họ được trả ba đô la một ngày cho công việc này. Những người đã lâu không trở lại Khumbu cảm thấy buồn vì việc bùng nổ du lịch tại đây và những thay đổi tại vùng đất mà những người leo núi ban đầu từng xem như một thiên đường trên Trái đất, một Shangri-la11thực sự. Toàn bộ các thung lũng đã bị đốn hết cây nhằm đáp ứng nhu cầu về củi tăng cao. Những thiếu niên đi lang thang tại những tiệm chơi carom ở Namche thường mặc quần jean và áo thun hiệu Chicago Bull thay vì áo choàng truyền thống. Các gia đình có khuynh hướng dành thời gian buổi tối để tụ tập trước TV – đầu máy xem các bộ phim mới nhất của Schwarzenegger. Việc biến đổi văn hóa Khumbu không phải lúc nào cũng là tốt, nhưng tôi chưa nghe người Sherpa nào than thở về những thay đổi này. Lượng ngoại tệ thu được từ những người leo núi và tham quan, cũng như trợ cấp từ các tổ chức cứu hộ được tài trợ bởi các nhà leo núi hay khách tham quan này được dùng vào việc xây dựng trường học, bệnh xá, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, xây cầu và dẫn điện về Namche và các ngôi làng khác. Người phương Tây có vẻ quá kẻ cả khi than vãn về quá khứ đẹp đẽ tại nơi này khi mà cuộc sống tại Khumbu đơn giản và đẹp hơn rất nhiều. Còn hầu hết mọi người sống tại vùng đất gồ ghề này thì đều không muốn bị tách khỏi thế giới hiện đại và những dòng người lộn xộn đổ về đây. Họ không muốn trở thành một mẫu vật trong bảo tàng nhân loại học. Một người đi bộ khỏe, nếu đã thích nghi với độ cao có thể đi từ sân bay Lukla tới Trạm Căn cứ của Everest trong hai hoặc ba ngày. Tuy nhiên, hầu hết chúng tôi đến từ những vùng có độ cao ngang mực nước biển nên Hall đã cẩn thận để chúng tôi di chuyển chậm nhằm giúp cơ thể có thời gian để thích nghi với không khí ngày càng loãng. Hiếm khi nào chúng tôi di chuyển nhiều hơn ba hay bốn tiếng trong một ngày. Vào một số ngày khi lộ trình đòi hỏi chúng tôi thích nghi thêm, chúng tôi hoàn toàn không di chuyển. Vào ngày 3 tháng 4, sau một ngày thích nghi tại Namche, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Trạm Căn cứ. Sau khi rời ngôi làng được hai mươi phút, chúng tôi vòng qua một chỗ rẽ và tới một nơi ngoạn mục. Sáu trăm mười mét phía dưới, chảy xuyên qua những nền đá xung quanh, con sông Dudh Kosi hiện ra như một dải dài uốn lượn lóng lánh. 3.048m phía trên, ngọn Ama Dablam đồ sộ phủ trên thung lũng giống như một con ma hiện hình. Và thêm 2.134m nữa, còn cao lớn hơn cả ngọn Ama Dablam chính là đỉnh Everest băng giá nằm khuất sau ngọn Nuptse. Gần như lúc nào cũng vậy, một làn nước ngưng tụ nằm ngang bốc lên đỉnh núi giống như khói bị đông lại, chống lại sự hung dữ của những cơn gió xoáy. Tôi chăm chú nhìn ngắm đỉnh núi có lẽ phải đến ba mươi phút, cố gắng tưởng tượng xem nó sẽ như thế nào khi đứng trên đỉnh núi gió quét đó. Mặc dù tôi đã từng leo hàng trăm ngọn núi nhưng Everest thì rất khác biệt so với các ngọn núi tôi đã từng leo đến nỗi tôi không thể tưởng tượng ra được cảm giác đó. Đỉnh núi trông có vẻ rất lạnh, rất cao và rất xa. Tôi có cảm giác dường như mình đang trong một chuyến du hành lên mặt trăng. Khi tôi quay đi để tiếp tục leo tiếp con đường, cảm xúc tôi dao động giữa trạng thái bồn chồn và một cảm giác khiếp sợ gần như bao trùm. Cuối buổi chiều hôm đó, tôi đã tới Tengboche12, tu viện Phật giáo lớn nhất và quan trọng nhất Khumbu. Chhongba Sherpa, một người đàn ông hài hước và chu đáo tham gia đoàn thám hiểm của chúng tôi trong vai trò đầu bếp tại Trạm Căn cứ đã đề nghị thu xếp một cuộc gặp với vị rimpoche– Lạt ma sư trưởng đứng đầu Nepal. Chhongba giải thích “đó là một người rất linh thiêng. Ông ấy vừa mới trải qua một quãng thời gian nhập định trong yên lặng – trong ba tháng qua ông không hề nói. Chúng ta sẽ là những vị khách đầu tiên đến thăm ông. Điều này hứa hẹn sẽ rất tốt”. Doug, Lou và tôi mỗi người đưa cho Chhongba một trăm rupi (tương đương 2 đô la) để mua kata theo lễ nghi – đó là những chiếc khăn choàng trắng bằng lụa để dâng lên cho vị rimpoche – sau đó chúng tôi cởi giày và Chhongba dẫn chúng tôi tới một phòng nhỏ đấy gió phía sau ngôi đền chính. Ngồi khoanh chân trên một chiếc gối thêu kim tuyến, khoác một chiếc áo choàng màu đỏ tía, ông là một người mập mạp và lùn với một cái đầu trọc bóng. Ông ta trông có vẻ già và mệt mỏi. Chhongba cúi đầu chào ông một cách cung kính, nói chuyện ngắn gọn với ông bằng tiếng Sherpa và ra hiệu cho chúng tôi tiến về phía trước. Sau đó vị rimpoche ban phúc cho từng người chúng tôi và khoác lên cổ chúng tôi những chiếc khăn choàng kata chúng tôi đã mua. Rồi ông ấy mỉm cười hạnh phúc và mời chúng tôi dùng trà. “Chiếc khăn choàng kata này các ông nên đeo cho tới khi lên đỉnh Everest13”, Chhongba nói với chúng tôi bằng giọng uy nghiêm, “Nó sẽ làm vui lòng Thượng đế và giúp bảo vệ các ông khỏi nguy hiểm”. Vì không biết chính xác sẽ phải ứng xử như thế nào trước tái sinh của một vị Lạt-ma nổi tiếng và cao tuổi, tôi lo sợ sẽ vô ý xúc phạm ngài hoặc lỡ lời không thể cứu vãn được. Khi tôi vừa dùng trà vừa cảm thấy bồn chồn, Đức Lạt-ma lục lọi trong một chiếc tủ kề bên, lấy ra một quyển sách lớn được trang trí đẹp mắt và đưa cho tôi. Tôi chùi đôi bàn tay bẩn của mình vào quần rồi mở nó ra một cách lo lắng. Nó là một album ảnh. Hóa ra là vị rimpoche vừa có chuyến du lịch đầu tiên tới Mỹ, và quyển album này là hình về chuyến đi đó: Đức Lạt-ma tại Washington đứng trước đài kỷ niệm Lincoln và Bảo tàng Hàng không và Không gian; Đức Lạt-ma tại California trên bến tàu Santa Monica. Cười rất tươi, ông ấy thích thú chỉ cho chúng tôi hai tấm ảnh mà ông thích nhất trong toàn bộ quyển album: tấm ông chụp với Richard Gere, và một tấm khác với Steven Seagal. * * * Sáu ngày đầu tiên của chuyến đi trôi qua trong sự mơ hồ dễ chịu. Con đường đưa chúng tôi đi qua các trảng cây bách xù, cây bu lô lùn, cây thông thanh và cây đỗ quyên, các thác nước cao, các bãi đá cuội đầy mê hoặc, các dòng suối reo. Đường chân trời Valkyrian lởm chởm đầy các ngọn núi mà tôi đã từng đọc khi còn bé. Bởi hầu hết dụng cụ của chúng tôi do bò yak và những người khuân vác mang nên cái ba lô của tôi chỉ có một cái áo khoác, một vài thanh kẹo và máy chụp hình. Không phải mang nặng và không bị hối thúc, tận hưởng niềm vui được đi bộ trên một vùng đất đẹp kì lạ, tôi dường như rơi vào trạng thái như mơ, nhưng trạng thái này hiếm khi tồn tại lâu. Không sớm thì muộn tôi cũng nhớ ra mình đang đi đâu, và bóng của đỉnh Everest vốn luôn trong đầu đã khiến tôi nhanh chóng quay trở lại tư thế sẵn sàng. Tất cả chúng tôi đều leo bộ theo tốc độ đi của mỗi người, thường xuyên dừng lại nghỉ ngơi tại những quán trà ven đường và nói chuyện với những người qua lại. Tôi thường đi cùng với Doug Hansen, anh chàng nhân viên bưu chính và Andy Harris, một người hướng dẫn trẻ tuổi khá thoải mái của Rob Hall. Andy– người được Rob và những người bạn New Zealand gọi là “Harold”– là một anh chàng to con, cường tráng, có thân hình như một tiền vệ giải NFL14với ngoại hình vạm vỡ của các nhân vật trong các mẫu quảng cáo thuốc lá. Trong suốt mùa đông, anh ta làm một người hướng dẫn trượt tuyết. Vào mùa hè anh ta làm việc cho các nhà khoa học tiến hành các cuộc nghiên cứu địa chất tại Nam cực hoặc hộ tống những người leo núi lên dãy Southern Alps ở New Zealand. Khi chúng tôi đi lên theo con đường mòn, Andy nói không ngừng về người phụ nữ đang chung sống với anh, một nữ bác sĩ tên là Fiona McPherson. Khi chúng tôi nghỉ chân trên một tảng đá, anh ta lấy một tấm hình từ trong ba lô và cho tôi xem. Cô ấy là một người cao, tóc vàng và trông giống một vận động viên. Andy nói rằng anh và Fiona đang cùng nhau xây một căn nhà trên những ngọn đồi bên ngoài Queenstown. Đang sôi nổi kể về chuyện cưa xà và đóng đinh, Andy thú thật rằng khi lần đầu tiên Rob đề nghị anh công việc trên ngọn Everest này, anh ta cảm thấy lưỡng lự không biết có nên nhận lời hay không: “Thật ra rời Fi và ngôi nhà là một việc khá khó khăn. Chúng tôi chỉ mới làm xong mái nhà. Nhưng làm sao có thể bỏ qua một cơ hội để được leo lên ngọn Everest? Nhất là khi anh có cơ hội làm việc bên cạnh một người như Rob Hall”. Mặc dù trước đây Andy chưa bao giờ tới Everest, nhưng anh ta không xa lạ gì dãy Himalaya. Năm 1985 anh ta đã leo lên một đỉnh núi khó khăn cao 6.683m có tên là Chobutse. Và vào mùa hè năm 1994 anh ta đã trải qua bốn tháng giúp đỡ Fiona điều hành một bệnh xá tại Pheriche, một ngôi làng ảm đạm và rất nhiều gió ở độ cao 4.267m trên mực nước biển, nơi mà chúng tôi đã nghỉ vào tối ngày 4 và 5 tháng 4. Bệnh xá này được hỗ trợ kinh phí bởi một quỹ tài trợ có tên là Hiệp hội Cứu hộ Himalaya, có nhiệm vụ chính là điều trị các bệnh có liên quan đến độ cao (mặc dù nó cũng điều trị miễn phí cho người dân Sherpa địa phương) và để hướng dẫn cho những người leo núi biết tác hại tiềm ẩn của việc leo núi quá nhanh và quá cao. Vào lúc chúng tôi đến đó nhân viên của bệnh xá bốn phòng này gồm có một bác sĩ người Pháp, Celice Bourvay, hai bác sĩ trẻ người Mỹ, Larry Silver và Jim Litch, và luật sư môi trường năng nổ Laura Ziemer, cũng là người Mỹ, làm trợ lý cho Litch. Bệnh xá được thành lập năm 1973 sau khi bốn thành viên của đoàn leo núi Nhật Bản không chịu được độ cao và đã thiệt mạng ở vùng lân cận. Trước khi có bệnh xá, các bệnh cấp tính liên quan đến độ cao đã cướp đi sinh mạng của xấp xỉ một đến hai người trong số mỗi năm trăm người đi qua Pheriche. Ziemer nhấn mạnh rằng tỉ lệ đáng báo động này là chưa tính đến những vụ tử vong do tai nạn trong khi leo núi; các nạn nhân thời đó chỉ là “những người đi núi bình thường vốn chưa từng bao giờ mạo hiểm đi ra ngoài những con đường mòn đã có sẵn”. Giờ đây, nhờ các buổi chuyên đề giáo dục và việc cấp cứu khẩn cấp do các nhân viên tình nguyện của bệnh xá thực hiện, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống còn dưới một ca trên mỗi 30.000 người leo núi. Mặc dù những người phương Tây sống có lý tưởng như Ziemer làm việc tai bệnh xá ở Pheriche không được nhận thù lao và thậm chí còn phải bỏ tiền túi mua vé máy bay đến và rời Nepal, nhưng đó vẫn là một công việc danh giá thu hút nhiều ứng viên giỏi từ khắp nơi trên thế giới. Caroline McKenzie, bác sĩ trong chuyến thám hiểm của Hall, đã từng làm việc tại bệnh xá này cùng với Fiona McPherson và Andy vào mùa hè năm 1994. Năm 1994, năm Hall chinh phục được Everest lần đầu tiên, bệnh xá này được điều hành bởi một bác sĩ tài năng và tự tin đến từ New Zealand tên là Jan Arnold. Hall gặp cô ta khi anh đi qua Pheriche trên đường lên núi, và ngay lập tức ông đã cảm thấy say mê cô. “Tôi đã hẹn hò với Jan ngay sau khi xuống núi”. Hall nhớ lại trong đêm đầu tiên chúng tôi nghỉ tại ngôi làng, “Trong buổi hẹn hò đầu tiên tôi đã đề nghị Jan đi Alaska và cùng nhau leo lên ngọn núi McKinley. Và cô ấy đã đồng ý”. Hai năm sau đó họ kết hôn; đến năm 1994 và 1995 cô ấy đến Trạm Căn cứ làm bác sĩ cho đoàn thám hiểm. Jan hẳn đã trở lại Everest cùng với đoàn chúng tôi nếu như cô ấy không đang mang thai bảy tháng đứa con đầu lòng. Do vậy mọi việc do bác sĩ McKenzie đảm nhiệm. Sau bữa tối hôm Thứ năm, đêm đầu tiên của chúng tôi tại Pheriche, Laura Ziemer và Jim Litch mời Hall, Harris và Hellen Wilton, người điều hành Trạm Căn cứ của chúng tôi, ghé thăm bệnh xá để uống chút gì và tán gẫu. Suốt buổi tối hôm đó, cuộc nói chuyện diễn ra theo hướng thảo luận các nguy cơ tiềm tàng của việc leo núi và hướng dẫn lên ngọn Everest, và Litch nhớ lại cuộc thảo luận này rõ đến rợn người: Hall, Harris và Litch hoàn toàn nhất trí với nhau rằng không sớm thì muộn một thảm họa lớn có liên quan đến nhiều khách hàng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng Litch, người đã từng leo lên ngọn Everest từ phía Tây Tạng vào mùa xuân vừa rồi cho hay: “Rob tin nạn nhân sẽ không phải là anh ấy; anh chỉ lo lắng rằng sẽ phải cứu những người leo núi ngu ngốc của các đội khác, và rằng nếu tai họa không thể tránh khỏi này xảy ra, anh ta chắc chắn rằng nó sẽ xảy ra ở phía bắc của ngọn núi thuộc Tây Tạng, vốn nguy hiểm hơn nhiều”. * * * Vào ngày Chủ nhật, 6 tháng 4, sau khi rời khỏi Pheriche vài giờ, chúng tôi đến đầu dưới của Sông băng Khumbu, một dải băng dài 19,2km “chảy” xuống từ sườn phía nam của ngọn Everest, và như tôi hy vọng– nó sẽ là con đường lên đỉnh núi của chúng tôi. Bây giờ, ở độ cao 4.877m, chúng tôi đã bỏ lại phía sau những mảng xanh cuối cùng. Hai mươi đài kỷ niệm bằng đá đứng thành một hàng ảm đạm dọc theo đỉnh băng tích cuối cùng của con sông băng, nhìn xuống thung lũng phía bên dưới. Đây là các đài tưởng niệm những người leo núi đã thiệt mạng trên đỉnh Everest, hầu hết là người Sherpa. Từ điểm này trở lên, thế giới của chúng tôi sẽ là một dải rộng đơn sắc hoang vắng toàn đá và băng tuyết lộng gió. Và mặc dù đã di chuyển rất chậm nhưng tôi đã bắt đầu cảm thấy những ảnh hưởng của độ cao, nó làm tôi choáng và khó thở thường xuyên. Đường đi ở đây vẫn còn bị vùi dưới những lớp tuyết mùa đông rất dày ở nhiều chỗ. Khi băng trở nên mềm ra dưới ánh nắng buổi trưa, móng guốc của những con bò thụt xuống bề mặt đóng băng và chúng nằm ềnh ra. Những người dắt bò nổi nóng đánh những con vật của mình để buộc chúng tiến lên và dọa sẽ quay về. Cuối ngày hôm đó chúng tôi đến một ngôi làng có tên là Lobuje, và kiếm chỗ tránh gió trong một nhà nghỉ cực kì dơ dáy và chật hẹp. Là tập hợp của nhiều ngôi nhà thấp và ọp ẹp nằm san sát nhau tại rìa của Sông băng Khumbu, Lobuje là một nơi khắc nghiệt, chật ních những người Sherpa và những người leo núi thuộc mười hai đoàn thám hiểm khác nhau, những người đi núi người Đức, các đàn bò đã đuối sức– tất cả đều đang đổ dồn về Trạm Căn cứ của ngọn Everest, vẫn còn cách một ngày đi đường hướng lên trên thung lũng. Tình trạng chen chúc như vậy, theo Rob giải thích, là do các lớp tuyết dày và muộn bất thường đến tận ngày hôm qua vẫn còn ngăn không cho bất cứ một con bò yak nào lên được Trạm Căn cứ. Sáu nhà nghỉ trong ngôi làng đã hoàn toàn kín chỗ. Các căn lều dựng lên chen chúc cạnh nhau trên một vài mảnh đất bùn không bị tuyết phủ. Rất nhiều phu khuân vác người Rai và Tamang từ các đồi thấp dưới chân núi– mặc quần áo sờn mong manh và đi dép hở mũi; họ là những người được thuê để thồ hàng cho các đoàn thám hiểm khác nhau– phải ở ngoài trời trong các hang động và dưới những tảng đá trên những con dốc xung quanh đó. Ba hay bốn nhà vệ sinh bằng đá trong ngôi nhà lềnh bềnh toàn phân. Các nhà xí này ghê tởm đến nỗi hầu hết mọi người, cả người Nepal lẫn người phương Tây đại tiện thoải mái ngay trên nền đất bên ngoài. Hàng đống phân người rải rác mọi nơi, dẫm lên chúng là chuyện thường tình. Dòng nước băng tan chảy ngoằn ngoèo qua trung tâm khu định cư này trở thành một chiếc cổng mở. Căn phòng chính của ngôi nhà nghỉ nơi chúng tôi ở có cách giường ngủ bằng gỗ cho khoảng ba mươi người. Tôi tìm được một chỗ ngủ còn trống ở phía trên, giũ đầy bọ chét và rận ra khỏi cái nệm dơ bẩn và trải cái túi ngủ của mình ra. Cạnh bức tường gần tôi là một cái bếp lò nhỏ bằng sắt để sưởi ấm đốt bằng phân bò khô. Sau khi hoàng hôn buông xuống, nhiệt độ hạ xuống dưới âm và những người phu khuân vác kéo nhau từ ngoài trời lạnh lẽo vào nhà để sưởi ấm quanh lò sưởi. Bởi vì phân bò cháy rất tệ cho dù là trong điều kiện tốt nhất nên nó cháy đặc biệt tệ trong điều kiện thiếu không khí ở độ cao 4.938m. Ngôi nhà nghỉ dày đặc khói cay sè, cứ như thể khí thải từ một chiếc xe buýt chạy dầu xả thẳng vào phòng. Hai lần trong suốt đêm đó, bị ho dữ dội, tôi phải bỏ ra ngoài để hít thở không khí. Cho tới sáng mắt tôi cay sè và đỏ ngầu, hai lỗ mũi tôi đầy bồ hóng, và tôi bắt đầu bị ho khan liên tục, chứng ho này dẽ đeo bám tôi cho đến cuối chuyến thám hiểm. Rob đã dự định cho chúng tôi nghỉ một ngày tại Lobuje để thích nghi rồi sau đó sẽ đi tiếp hơn chục cây số nữa lên Trạm Căn cứ, nơi mà những người Sherpa của chúng tôi đã lên trước để chuẩn bị chỗ dựng trại cho chúng tôi và để bắt đầu thiết lập con đường lên các dốc dưới thấp của ngọn Everest. Tuy nhiên, vào tối ngày 7 tháng 4, có một người chạy mất thở xuống Lobuje báo một tin gây lo âu từ Trạm Căn cứ: Tenzing, một người Sherpa trẻ tuổi được Rob thuê đã rơi xuống một khe băng sâu 45,7m– một đường nứt nơi sông băng. Bốn người Sherpa khác đã kéo anh ta lên khỏi đó. Anh ta còn sống, nhưng bị thương rất nặng, có lẽ đã bị gãy xương đùi. Rob, mặt tái mét, tuyên bố rằng anh và Mike Groom sẽ tức tốc lên Trạm Căn cứ để giúp cứu Tenzing. Anh ấy nói tiếp: “Tôi rất tiếc phải nói với các bạn điều này nhưng tất cả các bạn sẽ phải đợi tại đây với Harold cho tới khi chúng tôi kiểm soát được tình hình”. Sau đó chúng tôi được biết khi đó Tenzing đang thăm dò con đường phía trên Trại Một. Anh ta đang leo lên một khu vực khá bằng phẳng của Sông băng Khumbu cùng với bốn người Sherpa khác. Năm người đang đi theo hàng một, đó là cách khôn ngoan; tuy vậy, họ lại không sử dụng dây thừng– một vi phạm nghiệm trọng quy tắc leo núi. Tenzing đang di chuyển ngay phía sau bốn người kia, bước đúng vào những nơi họ đã bước thì anh bị vỡ lớp tuyết mặt và rớt xuống một khe băng sâu. Trước khi kịp kêu, anh ta đã rơi như một khối đá xuống tầng đáy tối tăm của dòng sông băng. Việc cứu hộ bằng máy bay trực thăng ở độ cao 6.248m là không an toàn– ở một độ cao như vậy, không khí quá loãng nên không thể nâng quạt máy bay giúp máy bay hạ cánh, cất cánh hoặc lượn trên không mà không gặp nguy hiểm. Do đó, anh sẽ được hạ độ cao 914 mét xuống Trạm Căn cứ theo đường Thác băng Khumbu; đây là nơi dốc nhất và nguy hiểm nhất trên toàn ngọn núi. Sẽ cần rất nhiều nỗ lực để đưa Tenzing xuống an toàn. Rob luôn đặc biệt quan tâm tới sự an toàn của những người Sherpa làm việc cho anh. Trước khi nhóm chúng tôi rời khỏi Kathmandu, anh đã bắt chúng tôi ngồi nghe một bài giảng nghiêm túc khác thường về việc cần phải tỏ ra biết ơn và có thái độ tôn trọng đúng mực với các nhân viên người Sherpa. Anh ấy nói: “Những người Sherpa mà chúng ta thuê là những người giỏi nhất trong lĩnh vực này. Họ làm việc cực kì chăm chỉ để nhận được những đồng lương không cao lắm so với các tiêu chuẩn phương Tây. Tôi muốn tất cả các bạn nhớ rằng chúng ta sẽ hoàn toàn không có cơ hội nào lên được tới đỉnh Everest nếu không có sự giúp đỡ của họ. Tôi sẽ phải nhắc lại rằng: nếu không có sự trợ giúp của những người Sherpa, không ai trong chúng ta có bất kỳ cơ hội nào lên tới đỉnh núi”. Trong một cuộc trò chuyện sau đó, Rob thú nhận rằng trong những năm qua ông đã chỉ trích một số người dẫn đầu các cuộc thám hiểm vì họ đã không quan tâm đến những nhân viên người Sherpa của mình. Năm 1995, một người Sherpa trẻ tuổi đã thiệt mạng trên núi Everest; Hall cho rằng tai nạn này có lẽ đã xảy ra do người Sherpa này “đã được phép leo lên cao trên núi mà không được huấn luyện đầy đủ. Tôi nghĩ việc không để những tai nạn loại này xảy ra là trách nhiệm của chúng tôi, những người điều hành những chuyến đi này”, anh ta nói. Một năm trước đó, một đoàn thám hiểm có người hướng dẫn của Mỹ đã thuê một người Sherpa có tên là Kami Rita làm đầu bếp. Khỏe mạnh, đầy tham vọng và đang ở độ tuổi 22 hoặc 23, cậu ta đã cố gắng thuyết phục mọi người để được làm việc ở trên cao như một “người Sherpa leo núi”. Đánh giá cao sự nhiệt tình và cống hiến của Kami, một vài tuần sau đó người ta đã đáp ứng nguyện vọng của cậu ta bất chấp việc cậu ấy không hề có kinh nghiệm leo núi và chưa từng được huấn luyện kỹ thuật một cách đầy đủ. – Ở độ cao từ 6.706m đến 7.620m trên con đường chuẩn có một con dốc băng rất cao và nguy hiểm được gọi là Mặt Lhotse. Như một biện pháp an toàn, các đoàn thám hiểm luôn cột rất nhiều dây cố định vào con dốc này từ trên đỉnh xuống tới chân dốc, và những người leo núi sẽ tự bảo vệ mình bằng cách móc một sợi dây an toàn ngắn vào các sợi dây cố định khi họ leo lên. Kami, vốn còn trẻ, tự phụ và thiếu kinh nghiệm, đã không nghĩ rằng việc đó là cần thiết. Vào một buổi chiều khi cậu ta đang mang một vật nặng lên Mặt Lhotse, cậu ta đã mất điểm tựa trên mặt băng cứng như đá và rơi từ độ cao hơn 609m xuống đáy của con dốc. – Đồng đội của tôi là Frank Fischbeck đã chứng kiến toàn bộ sự việc này. Năm 1995, anh ta đang thực hiện cuộc chinh phục đỉnh Everest lần thứ ba với vai trò là một khách hàng của công ty Mỹ đã thuê Kami. Frank đang leo lên những sợi dây cố định ở phía trên Mặt Lhotse. Anh kể lại bằng giọng phiền muộn: “Tôi nhìn lên và thấy một người sẩy chân ngã từ trên cao xuống, rơi xuống lăn lông lốc. Anh ta hét lên khi rơi xuống qua chỗ tôi và để lại một vệt máu dài”. Một số người leo núi nhanh chóng chạy lại nơi Kami ngã xuống dưới đáy con dốc, nhưng cậu ta đã chết do bị thương quá nặng khi rơi xuống. Xác cậu ấy được đưa xuống Trạm Căn cứ. Tại đây, theo truyền thống Phật giáo, những người bạn của cậu mang thức ăn đến để cúng cậu trong ba ngày. Sau đó xác cậu được đưa tới một ngôi làng gần Tengboche và được hỏa tang. Khi xác của Kami được thiêu, mẹ cậu than khóc khôn nguôi và lấy một cục đá nhọn tự đập đầu mình. Ngay rạng sáng ngày 8 tháng 4, khi Rob và Mike hối hả tới Trạm Căn cứ để cố gắng đưa Tenzing xuống núi an toàn, Rob luôn nhớ tới hình ảnh của Kami. Chương 5: LOBUJE NGÀY 8 THÁNG 4 NĂM 1996 4.938 MÉT Vượt qua các đỉnh tuyết cao chót vót của Ngõ Ma (Phantom Alley), chúng tôi bước vào nền của thung lũng đầy đá tại đáy của một lòng chảo khổng lồ. Tại đây Thác băng rẽ ngoặt để chảy xuống phía nam tạo thành Sông băng Khumbu. Chúng tôi dựng Trạm Căn cứ ở độ cao 5.425m trên tảng băng tích phía bên tạo nên cạnh ngoài của lối rẽ. Các tảng đá lớn khiến cho nơi này có cảm giác chắc chắn, nhưng những hòn đá lăn dưới chân đã làm thay đổi cảm giác sai lầm này. Tất cả những gì người ta có thể nhìn thấy, cảm nhận và nghe được– Thác băng, băng tích, tuyết lở, sự lạnh giá– đều thuộc về một thế giới không dành cho con người cư ngụ. Không có nước chảy, không có thứ gì mọc lên– chỉ có sự tàn phá và đổ nát… Đây chính là nhà trong một vài tháng tới, cho tới khi ngọn núi được chinh phục. Thomas F. Hornbein Everest: Triền Tây Vào ngày 8 tháng 4 sau khi trời đã tối, bộ đàm cầm tay của Andy kêu lên bên ngoài căn nhà nghỉ tại Lobuje. Đó chính là Rob gọi từ Trạm Căn cứ về, và anh báo một tin vui. Một nhóm ba mươi lăm người Sherpa từ vài đoàn thám hiểm khác phải cần đến cả ngày, nhưng họ đã đưa được Tenzing xuống. Cột anh ta vào chiếc thang nhôm, họ đã xoay xở hạ được anh ta xuống thấp, kéo và khiêng anh ta qua Thác băng. Và bây giờ anh ta đang nghỉ tại Trạm Căn cứ. Nếu thời tiết tốt, khi bình minh lên một chiếc trực thăng sẽ tới và chở anh ta đến một bệnh viện ở Kathmandu. Với sự nhẹ nhõm có thể cảm thấy được, Rob bảo chúng tôi tiếp tục lên đường vào sáng hôm sau và tự đi tới Trạm Căn cứ. Chúng tôi, những khách leo núi, cũng cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi Tenzing được an toàn. Và chúng tôi cũng thoải mái không kém khi được rời khỏi Lobuje. John và Lou đã mắc phải bệnh đường ruột do virus từ môi trường không sạch sẽ xung quanh gây ra. Helen, người điều hành Trạm Căn cứ của chúng tôi, bị chứng nhức đầu dữ dội do độ cao gây ra. Và chứng ho của tôi trở nên trầm trọng hơn đáng kể sau đêm thứ hai ở trong ngôi nhà nghỉ đầy khói. Đêm nay, đêm thứ ba của chúng tôi ở ngôi làng, tôi quyết định thoát khỏi đám khói lửa độc hại bằng cách ra một chiếc lều được dựng ngay bên ngoài mà Rob và Mike đã bỏ trống khi họ lên Trạm Căn cứ. Andy cũng quyết định ra với tôi. Lúc 2 giờ sáng, tôi bị đánh thức dậy khi anh ta ngồi bật dậy bên cạnh tôi và bắt đầu rên. “Harold, anh ổn chứ?”, tôi hỏi từ trong túi ngủ của mình. “Thực ra tôi cũng không biết nữa. Đồ ăn hồi tối hình như có vấn đề”. Một lát sau Andy gấp gáp sờ soạng kéo dây khóa mở cửa lều chỉ vừa kịp để thò đầu và nửa người ra ngoài trước khi nôn thốc nôn tháo. Sau khi trận ói nguôi bớt, anh ta quỳ bất động trên tay và đầu gối của mình trong vài phút, nửa mình vẫn còn ở ngoài lều. Sau đó anh ta nhảy dựng dậy, chạy ra xa vài mét, kéo mạnh quần xuống và bắt đầu đi tiêu chảy dữ dội. Anh ta ở ngoài trời lạnh cả đêm hôm đó, cố gắng tống khứ những thứ ở trong bộ máy tiêu hóa của mình ra ngoài. Vào sáng hôm sau, Andy trở nên yếu, bị mất nước và run rẩy dữ dội. Helen đề nghị anh ta nên ở lại Lobuje cho tới khi hồi phục lại một chút, nhưng Andy từ chối. “Tôi sẽ không ở lại cái chốn chết tiệt này thêm một đêm nào nữa. Tôi sẽ lên Trạm Căn cứ cùng với mọi người trong ngày hôm nay, ngay cả nếu tôi có phải bò đi”, anh ấy tuyên bố, mặt nhăn nhó và ngồi khum người lại. Tới 9 giờ sáng, chúng tôi thu dọn đồ đạc và lên đường. Trong khi những người khác bước nhanh lên phía trước, Helen và tôi ở lại phía sau để đi bộ cùng với Andy. Anh đang phải hết sức nỗ lực để bước từng bước. Hết lần này đến lần khác anh ấy phải dừng lại, chống người vào cây gậy trượt tuyết của mình, sau đó tập trung sức lực để cố gắng tiến tới trước. Con đường này đi lên và xuống những tảng đá mấp mô ở phần rìa băng tích của Sông băng Khumbu nhiều dặm và sau đó dẫn xuống chính con sông băng này. Bọt đá, sỏi thô, các tảng đá granite bao phủ hầu hết phần băng, nhưng thỉnh thoảng con đường này lại băng qua một khoảng nhỏ chỉ toàn băng– một môi trường đông đặc và trong mờ lấp lánh giống như mã não đã được đánh bóng. Nước tan ra chảy mạnh xuống vô số bề mặt và dòng suối ngầm dưới mặt đất, tạo nên âm thanh ùng ục du dương ma quái, vang dội lại xuyên qua thân của con sông băng. Vào giữa buổi chiều chúng tôi đến một khu lạ kỳ gồm những chóp băng cao chót vót và đứng lộn xộn, đỉnh lớn nhất có độ cao gần 30,5m, được mọi người biết đến với tên gọi Ngõ Ma (Phantom Alley). Bị những tia nắng mặt trời chói chang đẽo gọt nên, và lấp lánh màu ngọc lam, những tháp băng này nhô cao lên như những chiếc răng cá mập giữa những mẩu sa thạch, và kéo dài đến hút tầm mắt. Helen, vốn đã đến khu vực này rất nhiều lần, thông báo rằng chúng tôi đã gần tới đích. Thêm một vài dặm nữa, dòng sông băng rẽ ngoặt về phía đông, chúng tôi di chuyển chậm chạp đến chỗ quanh của một con dốc dài và trước mặt chúng tôi bày ra một thành phố nhiều sắc màu của những mái vòm nylon. Hơn ba trăm chiếc lều, là nhà ở của nhiều nhà leo núi và người Sherpa thuộc mười bốn đoàn thám hiểm, nằm chi chít trên khu băng tuyết trải đầy đá. Phải mất hai mươi phút chúng tôi mới xác định được vị trí khu lều của chúng tôi giữa khu định cư ngổn ngang các túp lều. Khi chúng tôi leo lên con dốc cuối cùng, Rob sải bước xuống đón chúng tôi. Anh ấy cười tươi: “Chào mừng mọi người tới Trạm Căn cứ Everest”. Thiết bị đo độ cao trên đồng hồ đeo tay của tôi chỉ 5.364m. * * * Ngôi làng đặc biệt này– nhà của chúng tôi trong vòng sáu tuần tới– nằm ở phía đầu của một lòng chảo tự nhiên được tạo ra bởi những vách núi kinh khủng. Các vách đứng bên trên khu trại được trang trí bằng những tảng băng treo; từ nơi này những tảng băng lớn lở ra và rơi xuống liên tục bất chấp ngày đêm. Một phần tư dặm về phía đông, nằm kẹp giữa Vách Nuptse và Vai phía Tây (West Shoulder) của ngọn Everest, Thác băng Khumbu tràn qua một khoảng trống hẹp tạo thành một mớ hỗn độn các mảnh băng lạnh cứng. Vùng lòng chảo mở về phía tây nam, do đó nó nhận được rất nhiều ánh sáng mặt trời; vào những buổi chiều đẹp trời khi không có gió, thời tiết đủ ấm áp để người ta có thể mặc áo thun và thoải mái ngoài trời. Nhưng khi mặt trời lặn xuống phía sau đỉnh Pumori hình nón– một đỉnh núi cao 7.165m ngay về phía tây của Trạm Căn cứ– thì nhiệt độ hạ xuống còn -7 đến -100C. Về lều của mình vào buổi tối, tôi được thưởng thức một bản nhạc của những tiếng cọt kẹt và những tiếng rạn nứt, điều này nhắc tôi nhớ rằng mình đang ở trên một con sông băng đang trôi. Hoàn toàn tương phản với sự khắc nghiệt của khu vực xung quanh chúng tôi là vô số các tiện nghi hàng ngày của khu trại Adventure Consultants. Nơi đây là mái nhà của mười bốn người phương Tây– những người Sherpa gọi tất cả chúng tôi là “các thành viên” hoặc “các ông/bà chủ”– và mười bốn người Sherpa. Chiếc lều lộn xộn của chúng tôi, một công trình xây dựng bằng vải bạt rất rộng rãi, được trang bị một chiếc bàn đá lớn, một dàn máy âm thanh nổi, một thư viện, và rất nhiều bóng đèn điện sử dụng năng lượng mặt trời; một chiếc lều thông tin liên lạc liền kề có một máy fax và điện thoại vệ tinh. Một vòi sen được ứng biến bằng một đoạn ống nước nối với một chiếc xô chứa đầy nước đã được các những người làm bếp đun nóng. Cứ cách vài ngày, những con bò lại chở bánh mì và rau quả tới. Tiếp nối một truyền thống từ thời thuộc địa Anh ở Ấn Độ đã được các đoàn thám hiểm xa xưa thiết lập nên, cứ mỗi buổi sáng Chhongba và cậu bé làm bếp của mình tên là Tendi lại đến lều của mỗi vị khách để phục vụ chúng tôi trà nóng của người Sherpa khi chúng tôi còn ở trong túi ngủ của mình. Tôi đã từng được nghe nhiều câu chuyện kể về ngọn Everest đã bị biến thành một đống rác như thế nào bởi những đám đông kéo đến đây ngày một nhiều hơn, và những đoàn thám hiểm thương mại được cho là thủ phạm chính gây ra việc này. Mặc dù vào những năm 1970 và 1980, ngọn Everest thực sự là một đống rác khổng lồ, nhưng trong những năm gần đây nó đã được biến thành một nơi khá sạch sẽ– chắc chắn là nơi có người ở sạch sẽ nhất mà tôi gặp kể từ khi rời Namche Bazaar. Và các đoàn thám hiểm thương mại thực sự xứng đáng được khen ngợi về việc thu dọn rác này. Những hướng dẫn viên, do đưa khách leo núi trở lại ngọn Everest hàng năm, nên có một vai trò quan trọng trong việc vệ sinh môi trường mà những người khách leo núi một lần không có được. Nằm trong chương trình của cuộc thám hiểm năm 1990, Rob Hall và Garry Ball đã dẫn đầu một nỗ lực đưa năm tấn rác xuống khỏi Trạm Căn cứ. Hall và một số đồng nghiệp hướng dẫn viên của mình cũng đã bắt đầu hợp tác với các bộ trong chính phủ tại Kathmandu nhằm đưa ra những quy định khuyến khích những người leo núi giữ cho ngọn núi sạch sẽ. Đến năm 1996, ngoài khoản phí xin phép, các đoàn thám hiểm còn phải nộp một khoản tiền thế chân 4.000 đô la; số tiền này sẽ được hoàn lại nếu như một lượng rác theo quy định được đưa trở xuống Kathmandu và Namche. Thậm chí những thùng chứa phân từ các nhà vệ sinh của chúng tôi cũng phải được mang xuống và tống khứ đi. Trạm Căn cứ bận rộn như một tổ kiến. Theo một cách nào đó, khu lều của Adventure Consultans có chức năng như một trụ sở của chính quyền đối với toàn bộ Trạm Căn cứ, bởi vì không ai trên ngọn núi này được kính trọng hơn Hall. Bất cứ khi nào có vấn đề gì– một tranh chấp lao động với người Sherpa, một trường hợp cấp cứu, hay một quyết định quan trọng về kế hoạch leo núi– mọi người đều đến chiếc lều bê bối của chúng tôi để nhờ Hall tư vấn. Và anh hào phóng chia sẻ sự hiểu biết sâu rộng của mình chon gay chính các đối thủ cạnh tranh với anh ấy để giành khách hàng, chủ yếu là Scott Fischer. Trước đây, Fischer đã từng hướng dẫn thành công một đoàn thám hiểm leo lên một đỉnh 8.000m15: đó là đỉnh Broad cao 8.046m thuộc dãy Karakoram của Pakistan vào năm 1995. Anh ta cũng đã bốn lần cố gắng leo lên đỉnh Everest và đã một lần lên được đỉnh vào năm 1994, nhưng không phải trong vai trò của người hướng dẫn. Mùa xuân năm 1996 đánh dấu chuyến leo núi lần đầu của anh ta trong vai trò dẫn đầu một cuộc leo núi thương mại. Cũng giống như Hall, nhóm của Fischer cũng có tám khách hàng. Trại của anh ấy, nổi bật với tấm biển quảng cáo của hang cà phê Starbucks được treo trên một khối đá granite có kích cỡ bằng ngôi nhà, tọa lạc chỉ cách trại của chúng tôi năm phút đi bộ xuôi xuống phía dưới con sông băng. Những người đàn ông và phụ nữa từ nhiều nơi khác nhau, có cùng một lựa chọn lấy việc chinh phục các ngọn núi cao nhất làm sự nghiệp, đã tự lập nên một câu lạc bộ nhỏ. Fischer và Hall là những đối thủ của nhau trong kinh doanh, nhưng vì đều là những thành viên quan trọng của hội leo núi nên họ thường xuyên gặp nhau. Ở một mức độ nào đó họ còn coi nhau như bạn. Fischer và Hall gặp nhau lần đầu tiên vào những năm 1980 tại ngọn núi Pamir của Nga, và sau đó trải qua một thời gian đáng kể cùng nhau leo lên đỉnh Everest vào năm 1989 và 1994. Họ đã có những kế hoạch chắc chắn nhăm cùng hợp lực và leo lên đỉnh Manaslu– một đỉnh núi khó leo cao 8.163m tại miền trung Nepal– ngay sau khi hướng dẫn những khách leo núi riêng của mình leo lên đỉnh Everest vào năm 1996. Mối quan hệ giữa Fischer và Hall được thắt chặt thêm vào năm 1992, khi họ tình cờ gặp lại nhau trên đỉnh K2, đỉnh núi cao thứ hai trên thế giới. Hall đang leo lên ngọn núi với người bạn hữu và là đối tác làm ăn của anh, Gary Ball, còn Fischer thì đang đi cùng Ed Viesturs, một nhà leo núi tài ba người Mỹ. Trên đường từ đỉnh núi xuống trong một cơn bão vô cùng lớn, Fischer, Viesturs và một người Mỹ khác là Charlie Mace gặp Hall đang nỗ lực để xoay xở với Ball đã bắt đầu mê man. Ball vừa mới mắc một chứng bệnh nguy hiểm chết người do độ cao gây ra và không thể tự mình di chuyển được. Fischer, Viesturs và Mace đã giúp kéo Ball xuống những sườn dốc bị tuyết lở quét qua ở phía dưới của ngọn núi trong trận bão tuyết, và đã cứu sống được Ball ( Nhưng một năm sau đó Ball đã thiệt mạng bởi một chứng bệnh tương tự trên những con dốc của ngọn Dhaulagiri). Ở độ tuổi 40, Fischer là một người vạm vỡ với mái tóc vàng cột kiểu đuôi ngựa, tràn đầy sinh lực, và thích giao du. Khi còn là một cậu học sinh 14 tuổi ở Basking Ridge, bang New Jersey, Fischer đã có lần tình cờ xem một chương trình truyền hình về leo núi và mê mẩn tâm thần. Mùa hè năm sau, anh đi Wyoming và ghi danh vào khóa học về thiên nhiên hoang dã do Trường Chỉ huy Dã ngoại Quốc gia (NOLS) tổ chức. Ngay sau khi tốt nghiệp trung học, anh chuyển đến định cư ở phía tây, làm huấn luyện viên theo thời vụ cho NOLS, coi leo núi như lẽ sống của mình và không bao giờ hối tiếc. Khi Fischer được 18 tuổi và đang làm việc tại NOLS, anh yêu một học viên trong khóa học của mình tên là Jean Price. Họ kết hôn bảy năm sau đó, định cư tại Seattle và có hai người con, Andy và Katie Rose (được 9 và 5 tuổi khi Scott đi Everest vào năm 1996). Price lấy được bằng phi công thương mại và trở thành cơ trưởng của hãng hàng không Alaska Airline. Đó là công việc danh tiếng và có thu nhập cao nên Fischer có điều kiện leo núi toàn thời gian. Thu nhập của cô ấy cũng cho phép Fischer thành lập công ty Mountain Madness vào năm 1984. Nếu như tên công ty của Hall, Adventure Consultants, cho thấy cách tiếp cận khắt khe và có phương pháp đối với việc leo núi thì Mountain Madness thậm chí còn là một sự phản ánh chính xác hơn về phong cách của Scott. Khi mới bước vào tuổi 20, anh đã nổi tiếng với phương pháp leo núi càn lướt, chấp nhận chấn thương. Trong suốt sự nghiệp leo núi của mình, nhưng đặc biệt là trong những năm đầu sự nghiệp, anh ấy đã sống sót qua nhiều tai nạn khủng khiếp tưởng đã bỏ mạng. Ít nhất hai lần khi đang leo núi đá– một lần tại Wyoming và lần khác tại Yosemite– Scott rơi xuống đất từ độ cao hơn 24,4 mét. Khi đang làm huấn luyện viên cho một khóa học của NOLS trên dãy Wild River anh cũng ngã từ độ cao 21,3 mét, không hề đeo dây, xuống đáy một khe băng trên sông băng Dinwoody. Nhưng có lẽ cú ngã kinh hoàng nhất xảy ra khi anh mới chỉ là một tay leo núi băng mới vào nghề: mặc dù chưa có kinh nghiệm nhưng Fischer đã quyết định thực hiện chuyến leo đầu tiên lên một thác băng có tên là Thác Bridal Veil tại hẻm núi Provo, bang Utah. Cố gắng leo kịp hai nhà leo núi chuyên nghiệp lên thác băng, Fischer mất điểm tựa ở độ cao 30,5m cách mặt đất và lao thẳng xuống đất. Trước sự sửng sốt của những người chứng kiến cảnh tượng này, anh ta tự đứng dậy và bước đi với những vết thương tương đối nhẹ. Tuy nhiên trong khi bị rơi xuống đất, đầu nhọn của chiếc rìu phá băng đã đâm xuyên qua bắp chân anh ta. Khi chiếc rìu phá băng được rút ra, nó lấy ra một phần mô, để lại trên chân anh một lỗ đủ to để có thể đút một cây bút chì xuyên qua. Sau khi được ra khỏi phòng cấp cứu của một bệnh viện địa phương, Fischer không cảm thấy có lí do gì để phải phí khoản tiền có hạn mình vào việc điều trị thêm, do đó anh đã tiếp tục leo núi trong sáu tháng sau với một vết thương hở và mưng mủ. Mười lăm năm sau anh ấy tự hào khoe với tôi vết sẹo đã lâu– kết quả của lần ngã đó: đó là hai vết bóng loáng, to khoảng một đồng xu quanh phần gân nối giữa hai bắp chân và gót chân của anh ấy. Don Peterson – một nhà leo núi người Mỹ nổi tiếng đã gặp Fischer ngay sau khi anh ngã từ Thác Bridal Veil – nhớ lại: “Scott luôn bắt mình vượt qua những giới hạn thể chất”. Peterson có thể được xem là cố vấn của Fischer và cùng leo núi với anh ta theo từng đợt trong hai thập kỷ sau đó. “Nghị lực của anh ấy thật đáng ngạc nhiên. Đau đớn thế nào cũng không hề hấn với anh ấy – anh ấy luôn phớt lờ nó và tiếp tục tiến tới. Anh ấy không phải là loại người sẽ quay lại chỉ vì mình bị đau chân”. “Scott có một ham muốn cháy bỏng là trở thành một nhà leo núi vĩ đại, một trong những nhà leo núi giỏi nhất thế giới. Tôi nhớ tại trụ sở chính của NOLS có một phòng tập thể dục. Scott luôn vào đó và tập nặng đến mức bị nôn mửa. Anh tập rất đều đặn. Chẳng có nhiều người có nghị lực mạnh mẽ như vậy”. Người ta bị lôi cuốn bởi nghị lực và sự hào phòng của Fischer, tính chân thật của anh ta, và sự nhiệt tình gần như trẻ con của anh. Mạnh mẽ, giàu cảm xúc và không thích dò xét, Fischer có tính cách lôi cuốn và thích giao du vốn thường đem lại cho anh những người bạn tâm giao; hàng trăm người – gồm cả những người Fischer gặp chỉ một hai lần – coi anh như một người bạn hết sức thân thiết. Anh cũng cực kỳ đẹp trai với vóc dáng của một vận động viên thể hình và những nét đặc trưng của một ngôi sao điện ảnh. Không chỉ những người khác giới bị Fischer lôi cuốn mà còn rất nhiều người khác cũng chú ý đến anh. Là một người có lòng khao khát mãnh liệt, Fischer hút rất nhiều cannabis (ma túy làm từ cây gai dầu) và uống rượu nhiều hơn mức cần thiết. Một phòng phía sau của văn phòng công ty Mountain Madness hoạt động như một câu lạc bộ bí ẩn cho Fischer: sau khi cho các con ngủ anh ta thích đến nơi đây với những người bạn thân của mình để hút chuyền tay một tẩu thuốc và xem các tấm phim đèn chiếu chụp những hành động can đảm của họ trên núi cao. Trong những năm 1980, Fischer đã thực hiện nhiều cuộc leo núi ấn tượng mang đến cho anh ta một ít danh tiếng trong nước, tuy nhiên những người nổi tiếng trong cộng đồng leo núi thế giới vẫn chưa đoái hoài đến anh. Với những nỗ lực có kế hoạch của mình, Fischer vẫn không thể kiếm được tài trợ thương mại nhiều như một số đồng nghiệp nổi tiếng của anh. Anh lo rằng một vài người trong số này không nể trọng anh. * * * Jane Bromet – một nhà báo, một người bạn tâm tình và thỉnh thoảng là một cộng sự huấn luyện của anh nói: “Đối với Fischer sự công nhận là quan trọng. Anh ấy khao khát nó. Anh có một khía cạnh dễ bị tổn thương mà hầu hết mọi người không nhận thấy; anh ấy luôn băn khoăn rằng mình không được nhiều người coi là một nhà leo núi kiệt xuất. Anh cảm thấy bị coi thường và điều đó làm anh đau lòng”. Jane đi theo đoàn thám hiểm của Mountain Madness và nằm ở Trạm Căn cứ để gửi bài về cho tờ Outside Online. Vào thời điểm Fischer đi Nepal vào mùa xuân năm 1996, Fischer đã bắt đầu được chú ý nhiều hơn, điều anh cho là xứng đáng. Phần lớn sự công nhận này là nhờ vào cuộc chinh phục Everest không có bình oxy của anh vào năm 1994. Với tên gọi Đoàn Thám hiểm Môi trường Sagarmatha, nhóm của Fischer đã chuyển gần hai tấn rưỡi rác thải xuống núi – điều này rất có ích cho phong cảnh ngọn núi và thậm chí đã trở thành một hành động quảng bá tốt. Vào tháng 1 năm 1996, Fischer dẫn đầu một cuộc leo núi gây quỹ được nhiều người chú ý lên đỉnh Kilimanjaro, ngọn núi cao nhất tại châu Phi. Cuộc leo núi này đã quyên góp được nửa triệu đô la cho tổ chức từ thiện CARE. Chủ yếu nhờ vào cuộc thám hiểm dọn dẹp rác trên đỉnh Everest vào năm 1994 và cuộc leo núi gây quỹ sau đó, anh đã xuất hiện nổi bật và thường xuyên trên các phương tiện truyền thông tại Seattle và sự nghiệp leo núi của anh đang rất thành công tại thời điểm anh lên đường đi Everest năm 1996. Các nhà báo vẫn hỏi Fischer về những rủi ro đi kèm với công việc leo núi mà anh thực hiện và thắc mắc làm sao anh có thể dung hòa nó với việc làm chồng và làm cha. Fischer trả lời rằng bây giờ anh đã ít mạo hiểm hơn nhiều so với hồi còn trẻ không biết sợ là gì– rằng anh đã trở thành một nhà leo núi cẩn thận và thận trọng hơn nhiều. Ngay trước khi khởi hành đi Everest vào năm 1996, anh đã nói với một nhà văn ở Seattle tên là Bruce Barcott rằng: “Tôi tin tưởng một trăm phần trăm tôi sẽ trở về… Vợ tôi cũng tin tưởng một trăm phần trăm tôi sẽ trở về. Cô ấy không hề lo lắng khi tôi hướng dẫn người khác leo núi bởi vì tôi sẽ có những sự lựa chọn chính xác. Khi tai nạn xảy ra tôi nghĩ đó luôn luôn là lỗi của con người. Do vậy đó chính là điều mà tôi muốn loại trừ. Tôi đã từng gặp nhiều tai nạn leo núi khi còn trẻ. Có thể có những lý do khác nhau, nhưng rút cục vẫn là lỗi của con người”. Mặc dù Fischer bày tỏ sự tin tưởng, thế nhưng công việc leo núi rày đây mai đó của anh gây nhiều khó khăn cho gia đình của Fischer. Anh rất yêu con, và lúc ở nhà, Fischer là một ông bố hết sức chu đáo. Nhưng việc leo núi đã khiến anh phải xa gia đình nhiều tháng cho mỗi chuyến đi. Anh đã vắng mặt bảy trong số chín sinh nhật của con trai. Vài người bạn của Fischer nói rằng thật ra vào thời điểm anh khởi hành đi Everest vào năm 1996, cuộc hôn nhân của Fischer đã rất căng thẳng. Nhưng Jean Price không cho rằng việc leo núi của Fischer là nguyên nhân của tình trạng nặng nề trong mối quan hệ của họ. Đúng hơn là những áp lực trong gia đình Fischer– Price đều do những rắc rối cô ta đang gặp phải với chủ của mình: là nạn nhân trong một vụ được cho là quấy rối tình dục, suốt năm 1995 Price bị cuốn vào một cuộc kiện tụng đáng nản chống lại Hãng hàng không Alaska Airline. Mặc dù cuối cùng cũng được giải quyết, nhưng vụ kiện cũng gây ầm ĩ và khiến cô mất khoản lương đáng kể năm 1995. Thu nhập từ công việc hướng dẫn của Fischer không đủ để bù đắp lại khoản mất đi ấy. “Lần đầu tiên kể từ khi chuyến đến Seattle, chúng tôi phải đối mặt với những vấn đề về tiền bạc”, cô than vãn. Giống như hầu hết các đối thủ khác, Mountain Madness là một công ty có thu nhập thấp kể từ khi ra đời: năm 1995 Fischer mang về nhà chỉ khoảng 12.000 đô la. Nhưng mọi thứ cuối cùng cũng bắt đầu có vẻ sáng sủa hơn, nhờ vào danh tiếng ngày càng tăng của Fischer và những nỗ lực của cộng sự kiêm người quản lý văn phòng của anh, Karen Dickinson. Tài tổ chức và sự điềm tĩnh của Karen bù lại cho phong cách làm việc ngẫu hứng và có phần lập dị của Fischer. Theo dõi thành công của Rob Hall trong việc hướng dẫn leo núi Everest – và đi theo khoản phí khổng lồ mà anh ấy có thể thu được – Fischer quyết định đã tới lúc phải bước chân vào thị trường Everest. Nếu có thể cạnh tranh với Hall, Mountain Madness sẽ nhanh chóng kiếm được lợi nhuận. Fischer không quá coi trọng vấn đề tiền bạc. Anh ít quan tâm đến vật chất bề ngoài, nhưng khao khát được tôn trọng và nhận thức một cách sâu sắc rằng trong thế giới quan và môi trường mà anh đang sống, tiền là một chuẩn mực để đánh giá sự thành công. Vài tuần sau khi Fischer trở về thành công từ Everest vào năm 1994, tôi tình cờ gặp anh tại Seattle. Tôi không biết rõ Fischer nhưng chúng tôi có vài người bạn chung và thường gặp nhau tại các vách đá hoặc tại các buổi tiệc của những người leo núi. Lần ấy anh giữ tôi lại để nói chuyện thêm về chuyến tham hiểm Everest có người hướng dẫn mà anh ta đang lên kế hoạch: anh nói tôi nên đi theo và viết một bài báo cho tờ Outside. Khi tôi đáp lại rằng việc leo lên núi Everest đối với một người không có nhiều kinh nghiệm trên cao như tôi thật là điên rồ, anh nói: “Này, kinh nghiệm được đánh giá quá cao rồi đấy. Điều quan trọng không phải là độ cao mà chính là thái độ của anh, anh bạn à. Anh sẽ làm tốt thôi. Anh đã từng thực hiện nhiều cuộc leo núi khó khăn– những ngọn núi ấy còn gian nan hơn ngọn Everest. Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ càng về Everest,và đã lên kế hoạch hết rồi. Thời buổi này, như tôi đang nói với anh, chúng tôi đã làm sẵn một con đường lát gạch vàng lên tới đỉnh”. Scott đã khơi gợi sự thích thú của tôi– thậm chí còn nhiều hơn là anh nhận ra– và anh ấy cứ tiếp tục không ngừng nghỉ. Anh nói tới Everest mỗi lần gặp tôi và không ngừng thuyết phục Brad Wetztler, một biên tập viên tại tờ Outside, về ý tưởng này. Vào tháng 1 năm 1996, nhờ vào không ít nỗ lực vận động của Fischer, Outside đã cam kết gửi tôi đến Everest– theo Wetzler, có thể như một thành viên trong đoàn thám hiểm của Fischer. Đối với Scott, thương vụ đó đã xem như thành công. Tuy nhiên, một tháng trước khi khởi hành theo dự kiến, tôi nhận được một cuộc gọi từ Wetzler thông báo có sự thay đổi trong kế hoạch: Rob Hall đã đưa ra một mức phí hấp dẫn hơn nhiều. Do đó Wetzler đề nghị tôi tham gia đoàn thám hiểm Adventure Consultants của Rob Hall thay vì của Fischer. Tôi biết và cũng có cảm tình với Fischer và khi ấy, tôi cũng không biết nhiều về Hall, do vậy lúc đầu tôi còn hơi lưỡng lự một chút. Nhưng sau khi một người bạn leo núi mà tôi tin cậy khẳng định về danh tiếng thật sự của Hall, tôi đã phấn khởi đồng ý đi Everest theo đoàn Adventure Consultants. Một buổi chiều tại Trạm Căn cứ tôi hỏi Hall tại sao anh ấy lại tha thiết muốn có tôi đi theo tới vậy. Anh thẳng thắn giải thích rằng tôi không phải là người mà anh ấy quan tâm hoặc thậm chí anh cũng không hy vọng bài báo của tôi sẽ quảng bá cho công ty của anh. Điều mà anh ta quan tâm chính là tiền quảng cáo rất giá trị mà anh thu được từ thỏa thuận đã ký với Outside. Hall nói với tôi rằng theo những điều khoản của hợp đồng này, anh ta đã chấp nhận chỉ 10.000 đô la trong khoản phí thường lệ của mình bằng tiền mặt; phần còn lại sẽ được đổi bằng những chỗ quảng cáo giá trị trên tờ tạp chí. Những quảng cáo này nhắm vào những độc giả nhiều tiền, nhanh nhẹn và thích phiêu lưu– những khách hàng chủ yếu của Adventure Consultants. Và điều quan trọng nhất là, Hall nói: “Họ là những độc giả người Mỹ. Gần tám mươi đến chín mươi phần trăm thị trường tiềm năng cho các chuyến thám hiểm có người hướng dẫn lên ngọn Everest và Thất Đỉnh nằm ở Hoa Kỳ. Sau mùa này, khi anh bạn Scott của tôi đã trở thành một người hướng dẫn leo núi Everest, anh ta có lợi thế rất lớn so với Adventure Consultants chỉ vì anh ấy có trụ sở tại Hoa Kỳ. Để cạnh tranh với anh ta chúng tôi phải đẩy mạnh việc quảng cáo tại đó”. Vào tháng 1, Fischer đã rất tức giận khi khám phá ra rằng Hall đã giành được tôi từ trong tay anh ấy. Anh ta gọi cho tôi từ Colorado, hết sức tức giận, và khăng khăng rằng anh ấy sẽ không chấp nhận chiến thắng rơi vào tay Hall. (Cũng giống như Hall, Fischer không cần cố gắng che giấu sự thật rằng tôi không phải là người mà anh ta quan tâm mà chính là những quảng cáo đi kèm). Tuy nhiên, cuối cùng, anh ta đã không thể cạnh tranh với đề nghị của Hall dành cho tờ tạp chí. Nhưng khi tôi tới Trạm Căn cứ trong vai trò một thành viên của nhóm Adventure Consultants chứ không phải của đoàn thám hiểm Mountains Madness, Scott không hề tỏ ra ác cảm với tôi. Khi tôi xuống trại của anh ấy để thăm, anh rót cho tôi một tách cà phê, vòng tay qua vai tôi và dường như vui mừng thật tình khi gặp tôi. * * * Mặc dù thế giới hiện đại cũng để lại nhiều dấu tích trên Trạm Căn cứ, chúng tôi vẫn ý thức được rằng mình đang ở độ cao gần 5km trên mực nước biển. Đi bộ đến chiếc lều bừa bộn vào giờ ăn khiến tôi khó thở trong nhiều phút. Nếu tôi đứng dậy quá nhanh, đầu tôi quay cuồng và có cảm giác chóng mặt. Chứng ho dữ dội và gắt cổ mà tôi mắc phải tại Lobuje ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Tôi bị khó ngủ, một triệu chứng thường gặp của chứng bệnh độ cao. Mỗi tối tôi thức dậy từ ba đến bốn lần thở gấp, có cảm giác như mình đang bị ngạt thở. Các vết xước rất lâu lành. Tôi không còn cảm thấy ngon miệng và hệ tiêu hóa của tôi, vốn phải cần nhiều oxy để chuyển hóa thức ăn, đã không thể tiêu hóa nổi những thứ tôi đã bắt mình phải ăn. Thay vào đó, cơ thể tôi bắt đầu lấy chất bổ từ chính nó. Dần dần tay chân tôi đã bắt đầu teo lại như một cây gậy. Một số đồng đội của tôi thậm chí còn ăn ít hơn tôi trong điều kiện thiếu không khí và môi trường kém vệ sinh ở đây. Andy, Mike, Caroline, Lou, Stuart và John phải chịu chứng rối loạn tiêu hóa khiến họ phải liên tục đi vệ sinh. Helen và Doug bị những cơn đau đầu kinh khủng. Theo như Doug mô tả lại cho tôi: “Tôi có cảm giác như ai đó vừa mới đóng một chiếc đinh giữa hai mắt tôi”. Đây là lần thứ hai Doug leo lên ngọn Everest cùng với Hall. Năm trước Rob đã buộc anh ta và ba khách hàng khác phải trở xuống khi chỉ còn cách đỉnh núi 101 mét bởi vì thời gian đã trễ và đỉnh núi bị chôn vùi dưới một lớp tuyết dày và không ổn định. “Đỉnh núi đã ở rất gần”, Doug nhớ lại với nụ cười tiếc nuối. “Tin tôi đi, không có ngày nào mà tôi không nhớ tới chuyện đó”. Năm nay, Hall đã thuyết phục được Doug quay trở lại. Hall cảm thấy rất tiếc khi Doug đã không thể lên tới đỉnh núi và đã giảm phí đáng kể để thuyết phục anh ta thử một lần nữa. Trong số các khách hàng leo núi cùng với tôi, chỉ có Doug là đã từng leo núi nhiều chuyến mà không có hướng dẫn viên chuyên nghiệp; mặc dù không phải là một tay leo núi xuất sắc nhưng với mười lăm năm kinh nghiệm, Doug có thể tự mình xoay xở trên các ngọn núi cao. Nếu cho rằng sẽ có người nào đó trong đoàn thám hiểm của chúng tôi lên tới đỉnh núi, tôi tin đó sẽ là Doug: anh ta khỏe mạnh, nhiều khát vọng và anh ta đã từng leo lên cao trên ngọn Everest. Chưa tới hai tháng là đến sinh nhật lần thứ 47 và đã ly dị được mười bảy năm, Doug kể cho tôi nghe anh ta đã từng có mối quan hệ với nhiều phụ nữ. Nhưng tất cả họ cuối cùng cũng rời bỏ anh ta sau khi đã cố gắng “cạnh tranh với những ngọn núi để giành sự quan tâm của anh”. Vài tuần trước khi khởi hành đi Everest vào năm 1996, Doug đã gặp một phụ nữ trong khi đi thăm một người bạn tại Tucson, và họ đã yêu nhau. Trong một thời gian ngắn họ gửi rất nhiều fax cho nhau, và rồi bẵng đi một thời gian Doug không nhận được tin tức gì nữa. “Tôi nghĩ cô ấy đã nhận ra vấn đề và đã đá đít tôi. Cô ấy thật sự rất dễ thương. Tôi đã thật sự nghĩ rằng lần này mọi chuyện sẽ tốt đẹp”, Doug thở dài, trông có vẻ chán nản. Cuối buổi chiều hôm đó, Doug đến lều của tôi, tay vẫy một bức fax mới nhận và nói: “Karen Marie nói cô ấy sắp chuyển đến sống ở Seattle. Chà! Chuyện này nghiêm túc đây. Tốt hơn hết là tôi nên chinh phục đỉnh Everest và quên nó đi trước khi cô ấy đổi ý”. Ngoài việc liên lạc với một người phụ nữ mới trong đời mình, Doug dành thời gian còn lại tại Trạm Căn cứ để viết bưu thiếp cho các học sinh trường tiểu học Sunrise, một trường công lập tại Kent, Washington. Các em đã bán áo thun để gây quỹ cho chuyến leo núi này của anh. Doug cho tôi xem nhiều tấm bưu thiếp: “Một số người có những ước mơ lớn, một số người có những ước mơ nhỏ”. Anh ta chỉ bút vào cô gái tên là Vanessa và nói: “Dù cho bạn có giấc mơ như thế nào đi nữa, điều quan trọng chính là bạn không bao giờ ngừng mơ ước”. Doug thậm chí còn dành thời gian nhiều hơn nữa để viết fax cho hai con đã lớn của anh– Angie,19 tuổi và Jaime, 27 tuổi. Doug đã một mình nuôi dưỡng chúng, Anh ta ở trong một chiếc lều kế tôi và mỗi khi có fax của Angie đến, Doug lại đọc cho tôi nghe và tươi cười. Anh ta nói: “Anh nghĩ xem, một người như tôi vậy mà cũng có thể nuôi nấng nên người những đứa trẻ tuyệt vời như vậy”. Trong khi đó, tôi rất ít viết bưu thiếp và gửi fax cho mọi người. Thay vào đó tôi dành phần lớn thời gian của mình tại Trạm Căn cứ để nghiền ngẫm xem tôi sẽ làm thế nào khi ở trên cao hơn của ngọn núi, đặc biệt trong khu vực được gọi là Vùng Chết ở độ cao trên 7.620m. Tôi đã dành nhiều thời gian cho việc học kĩ thuật leo núi đá và núi băng hơn hầu hết các khách leo núi và nhiều hướng dẫn viên. Nhưng sự thành thạo kĩ thuật gần như chẳng là gì cả trên ngọn Everest, và tôi có ít kinh nghiệm ở trên cao hơn so với hầu hết các nhà leo núi khác. Và thật ra, ở Trạm Căn cứ này, tôi đang ở trên cao hơn so với tất cả những nơi khác tôi đã từng đến trong đời mình. Việc này dường như không làm Hall lo lắng. Hall giải thích sau bảy chuyến thám hiểm Everest, anh ấy đã lập ra một kế hoạch thích nghi đặc biệt hiệu quả; nó sẽ giúp chúng tôi thích nghi với sự thiếu oxy trong khí quyển. (Tại Trạm Căn cứ lượng oxy chỉ xấp xỉ bằng một nửa so với tại mực nước biển, và lên đến đỉnh núi chỉ còn lại một phần ba). Khi phải chống chọi với việc gia tăng độ cao, cơ thể con người thích nghi bằng nhiều cách: từ việc thở gấp, thay đổi độ pH trong máu, cho tới việc gia tăng nhanh chóng số lượng hồng cầu có chứa oxy– một quá trình thay đổi phải mất hàng tuần lễ để hoàn tất. Tuy nhiên, Hall nhấn mạnh rằng chỉ sau ba lần leo lên Trạm Căn cứ, mỗi lần leo lên cao thêm 610 mét cơ thể chúng ta sẽ thích nghi đủ để cho phép di chuyển an toàn lên đỉnh núi cao 8.848m. Khi tôi thú nhận những lo lắng của mình, Hall đảm bảo với tôi bằng một nụ cười: “Anh bạn à, cho tới nay nó đã có hiệu quả ba mươi chín lần rồi. Và một vài gã leo tới đỉnh cùng tôi trước đây cũng đều lo lắng như anh thôi”. Chương 6: TRẠM CĂN CỨ NÚI EVEREST NGÀY 12 THÁNG 4 NĂM 1996 5.364 MÉT Vận động viên leo núi càng đối mặt với khó khăn và thách thức bao nhiêu thì sau đó anh ta càng thoải mái, dễ chịu bấy nhiêu khi vượt qua được những áp lực ấy. Những nguy cơ mà anh ta phải đối mặt chỉ đơn thuần giúp tăng thêm nhận thức và khả năng hoạt động. Và có lẽ đây chính là cơ chế mới của tất cả các môn thể thao mạo hiểm: bạn chủ động nâng mức nỗ lực và sự tập trung của bản thân nhằm loại bỏ những điều tầm thường ra khỏi tâm trí bạn. Nó là một mô hình thu nhỏ cho cuộc sống nhưng có sự khác biệt: không giống như cuộc sống thường ngày của bạn, khi bạn có thể sửa chữa được sai lầm và có thể tìm kiếm được một thỏa hiệp nào đấy, trong leo núi, các hành động của bạn– dù chỉ diễn ra trong tích tắc đi nữa– cũng nguy hiểm chết người. A. Alvarez Chúa tể hoang dã: Một nghiên cứu về sự tự vẫn Leo lên ngọn Everest là một quá trình lâu dài và gian khổ; nó giống như một dự án xây dựng khổng lồ hơn là việc leo núi mà tôi biết trước đây. Có 26 người Sherpa trong đội của Hall và việc cung cấp thức ăn, chỗ ở và chăm sóc sức khỏe cho mọi người ở độ cao 5.364m và cách con đường gần nhất 160km đi bộ hoàn toàn không phải là một việc đơn giản. Tuy nhiên Hall là một “sĩ quan hậu cần” không ai sánh kịp và anh ấy thích thách thức này. Tại Trạm Căn cứ, anh ta miệt mài nghiên cứu rất nhiều giấy tờ in từ máy vi tính mô tả kỹ lưỡng mọi việc: thực đơn, phụ tùng , dụng cụ, thuốc men, máy móc thông tin liên lạc, lịch chuyên chở hàng hóa, số bò yak có sẵn. Có tố chất của một kỹ sư nên Rob rất yêu thích máy móc, thiết bị, và đồ dùng điện tử; anh dành thời gian rảnh của mình không ngừng mày mò hệ thống điện mặc trời hoặc đọc lại các bài báo của tờ Popular Science (Khoa học Phổ thông). Theo truyền thống của George Leigh Mallory và hầu hết các nhà leo núi Everest khác, chiến lược của Hall là “bao vây” ngọn núi. Những người Sherpa sẽ dần dần thiết lập một loạt bốn trại phía trên Trạm Căn cứ– trại này ở cao hơn trại kia xấp xỉ 610m– bằng cách mang những chuyến hàng cồng kềnh lương thực, nhiên liệu để nấu nướng và oxy từ trại này lên trại khác cho tới khi mọi thứ cần thiết đều được dự trữ đầy đủ ở độ cao 7.925m trên Đèo Nam. Nếu mọi thứ đều diễn ra theo đúng như kế hoạch tuyệt vời của Hall, cuộc chinh phục đỉnh núi của chúng tôi sẽ bắt đầu từ trại cao nhất này– Trại Bốn– sau một tháng nữa. Vì là khách leo núi nên chúng tôi không phải tham gia vào việc vận chuyển hàng hóa16, nhưng chúng tôi cũng phải thực tập đi lên cao phía trên Trạm Căn cứ vài lần trước chuyến chinh phục đỉnh núi nhằm làm cho cơ thể thích nghi với độ cao. Rob thông báo rằng chuyến đầu tiên sẽ diễn ra trong ngày 13 tháng 4 – một chuyến đi lên Trại Một, nằm cheo leo ở đỉnh cao nhất của Thác băng Khumbu, cao hơn Trạm Căn cứ 800m, rồi quay về ngay trong ngày. Chúng tôi dành trọn ngày 12-4, đúng sinh nhật lần thứ 42 của tôi, để chuẩn bị các dụng cụ leo núi. Trại bỗng trở thành một buổi hội trợ khi chúng tôi bày biện đồ đạc của mình ra giữa các tảng đá để sắp xếp quần áo, điều chỉnh dây an toàn, đeo các dây cột, và gắn các đế đinh (crampon) vào giày của mình. Crampon là một hệ thống các đinh nhọn bằng thép dài khoảng 5cm được gắn vào đế giày để tạo độ bám trên băng). Tôi ngạc nhiên và lo lắng khi thấy Beck, Stuart và Lou lấu những đôi giày leo núi mới ra mà theo họ thú nhận là chưa mang chúng lần nào. Tôi tự hỏi liệu họ có biết những rủi ro và họ sẽ gặp phải khi lên ngọn Everest với những đôi giày chưa được thử trước: hai mươi năm trước tôi đã thực hiện một cuộc thám hiểm với đôi giày mới và đã có một bài học đắt giá là những đôi giày leo núi cứng và nặng có thể gây ra những vết thương nghiêm trọng ở chân nếu chúng chưa được mang trước đó một thời gian. Stuart, một bác sĩ chuyên khoa tim trẻ tuổi người Canada, phát hiện ra rằng những chiếc đế đinh của anh ta thậm chí còn không vừa với đôi giày mới. May mắn thay, sau khi sử dụng bộ đồ nghệ đồ sộ của mình cùng với sự khéo léo vốn có, Rob đã xoay xở ghép vào một chiếc đai đặc biệt giúp cho những đế đinh này dính vào đôi giày của Stuart. Khi tôi bỏ đồ vào ba lô cho ngày hôm sau, tôi nhận ra một điều là do những ràng buộc gia đình và sự nghiệp nên rất ít thành viên trong đoàn leo núi của tôi có cơ hội leo núi quá hai lần trong năm rồi. Mặc dù dường như hầu hết mọi người đều có thể hình tuyệt vời, hoàn cảnh đã buộc họ phải tập luyện chủ yếu trên hệ thống StairMasters và các thiết bị tập luyện khác thay vì trên các đỉnh núi thực sự. Điều này khiến tôi ngập ngừng. Điều kiện thể lực là một phần rất quan trọng trong leo núi, nhưng vẫn còn yếu tố khác cũng