🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tam Quốc @ Diễn Nghĩa
Ebooks
Nhóm Zalo
TAM @ QUỐC
Ý tưởng mới để thành công trong môi trường kinh doanh hiện đại
THÀNH QUÂN ỨC
Nhất Cư dịch
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
LỜI GIỚI THIỆU
CHƯƠNG 1
BẢY "CUA" SÁNG NGHIỆP
Cua 1: Vận mệnh là quả trứng chim ưng trong ổ gà
Cua 2: Tự cứu rồi trời cứu
Cua 3: Tâm huyết thu về hạnh phúc
Cua 4: Làm một người được yêu mến
Cua 5: Bí mật trong vỏ trứng
Cua 6: Dùng tất cả lực lượng
Cua 7: Không hoài nghi
Kết nhỏ
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 2
CÓ THỂ BÁN LƯỢC CHO SƯ KHÔNG?
1. Xin việc, sa bẫy Kỳ Diệu
2. Bán lược cho sư
3. Lã Bố bán 999 chiếc lược
4. Thiên cơ hé lộ
5. Ác giả ác báo
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 3
HỌC THUYẾT ĐÓNG ĐAI THÙNG
1. Luận "rò nước" của Lưu Bị
2. Năm việc xây dựng đội ngũ hiệu quả vượt bậc
3. Anh ta là thợ đóng đai thùng
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 4
QUẢN LÝ LÀ MỘT LOẠI GAME ĐIỀU KHIỂN
1. Luận chính – tà của Trần Đăng
2. Ba chiêu quan mới
3. Làm nên uy quyền
4. Điều khiển như thế nào?
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 5
CÁC LOẠI CÀ RỐT VÀ CÔNG DỤNG 1. Chuyện nhỏ và củ cà rốt
2. Có bao nhiêu nhu cầu, có bấy nhiêu cà rốt 3. Một số loại cà rốt không tốn tiền
4. Dùng trò chơi cà rốt để kích thích tinh thần công ty LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 6
GÀ MẸ MUỘN PHIỀN
1. Lã Bố xin việc
2. Gà mẹ muộn phiền
3. Vì sao Lưu Bang yếu mà thắng mạnh
4. Chín trở ngại trong giao quyền
5. "Cơn sốt" tin tức về Lã Bố
6. Lúc chìa cà rốt không được buông gậy 7. Bảy điều trọng yếu trong giao quyền
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 7
LÝ LUẬN MUA BÁN RAU CỦA LƯU BỊ 1. Cuối năm hoạ vô đơn chí
2. Lã Bố chết không nhắm được mắt
3. Sáu chiêu giả vờ chăm chỉ
4. Mặc cả rau chợ
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 8
TÀO THÁO UỐNG RƯỢU LUẬN NHÂN TÀI 1. Cỏ lồng vực không thể thành lúa
2. Trò vui của Tào Tháo
3. Tính cách đặc trưng của anh hùng
4. Từ sự việc Lã Bố
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 9
TƯỚNG MẠO QUAN CÔNG
1. Nguồn gốc màu đỏ mặt Quan Công
2. Cuộc hẹn ở quán bar
3. Ba lý do Quan Vũ ra đi
4. BMW tặng anh hùng
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 10
BẢN GHI CHÉP VỀ QUẢN LÝ CỦA VIÊN THIỆU
1. Bản ghi chép về quản lý của Viên Thiệu
2. Định hướng công việc của giám đốc
3. Tính tất yếu của bồi dưỡng nhân viên
4. Không thể lấy mông Viên Thiệu làm phương hướng
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 11
TÌNH CÔNG SỞ CỦA TÀO PHI
1. Từ con nhà khuê các thành nhân viên văn phòng
2. Vừa gặp đã yêu, tin đồn lan rộng
3. Tình yêu có tội gì?
4. Người đẹp như hổ dữ
5. Vốn sinh cùng một gốc – Sao nỡ đốt thiêu nhau
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 12:
THỢ SĂN QUẢN LÝ ĐÀN CHÓ
1. Hận cũ thù mới của Tào Tháo
2. Một con chó muốn làm giám đốc
3. Thợ săn quản lý đàn chó
4. Năm bước phát triển của khoa học quản lý
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 13:
1.Bí quyết nụ cười
2. Năm điều tâm huyết về nghề nghiệp
3. Năm vũ khí tiếu ngạo thị trường việc làm
4. Năm phương thuốc chữa "bệnh chức nghiệp"
5. Năm lý do thống hận của phụ nữ đẹp trên thị trường việc làm 6. Không ngã trong thị trường việc làm, người đẹp ngất ngay tại hội trường
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 14
CẨM NANG KHIẾN THỜI GIAN TĂNG GIÁ TrỊ
1. Đem lòng yêu cô gái trẻ
2. So sánh ưu thế giữa trung niên và trai trẻ
3. Điều kiện để thời gian tăng nhanh giá trị
4. Chiến lược tăng nhanh giá trị thời gian
5. Thủ thuật quản lý khiến thời gian tăng nhanh giá trị
6. Bí mật trong xô sắt
7. Thực nghiệm thú vị
8. Mời quân sư vì cô gái
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 15
DŨNG KHÍ CỦA NHÀ QUẢN LÝ
1. Phụ nữ xấu như tách trà
2. Tình yêu trên hết
3. Dùng thuật lái xe quản lý ông chủ
4. Vì sao cần quản lý ông chủ?
5. Làm cấp dưới dũng cảm
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 16
LÀM CẤP DƯỚI DŨNG CẢM
1. Bài học vàng về dũng cảm
2. Làm cá nhân ưu tú
3. Làm nhân tài cốt hạc
4. Ứng xử với lãnh đạo thế nào?
5. Dũng cảm đương đầu với sai lầm của lãnh đạo 6. Niềm tin chức nghiệp
7. Tình yêu và sự nghiệp
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 17
TRẬN THẮNG KHUYẾN MẠI
1. Phòng phụ trách "xem xét chiến trường" 2. Người đẹp chờ xuất phát
3. Trận đầu Bác Vọng
CHƯƠNG 18
BINH PHÁP CÔNG TÂM
1. Đặc điểm khách hàng giống phụ nữ
2. "4C" và "4P"
3. Đánh vào 12 điểm tình cảm của khách hàng 4. Bảng trắc nghiệm tình cảm phụ nữ
5. Kinh doanh tiêu thụ là một kiểu "Săn người đẹp" LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 19
KIẾN DỰA VÀO ĐÂU ĐỂ NGÁNG NGÃ VOI? 2. Kiến ngáng ngã voi, có thể được không? 3. Nhìn thấu lòng nàng, nhìn thấu lòng khách 4. Cố ý nũng nịu
4. Cự tuyệt tấm lòng son, chờ mong câu nói ngọt 5. Bạn có phải chàng trai ưu tú không? LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 20
ĐOÀN QUÂN ĐÁNH THUÊ TÌM LỐI THOÁT 1. Chúng ta là đoàn quân đánh thuê
2. Mười nguy cơ của kinh doanh tiêu thụ
3. Thượng, trung, hạ sách ứng phó với biến động thị trường 4. Binh pháp lạc đà biến khách thành chủ
5. Nước mắt bôi trơn
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 21
CHUYỆN KHỈ ĐUÔI DÀI, NGỰA VẰN VÀ SƯ TỬ 1. Người mù cõng người què
2. Email của Tào Tháo
3. Năm ảnh hưởng tiêu cực của công ty tiêu thụ 4. Câu chuyện khỉ đuôi dài, ngựa vằn và sư tử
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 22
QUẢN LÝ LÀ MỘT LOẠI HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA 1. Chiêu khích tướng của Gia Cát Lượng
3. Lửa thiêu màn hình, trận Xích Bích mới
4. Mượn gà mái đẻ, lập thế thương chiến Tam quốc LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
CHƯƠNG 23
THUYẾT LÀM THẾ NÀO ĐỂ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ 1. Gia Cát Lượng còn là nhà điều hành giỏi
2. Treo chuông lên cổ mèo
3. Làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ
4. Cơ hội phát triến mới
5. Tạo ra cơ chế mới làm khách hàng vừa ý
6. Sức ép trong công tác quản lý
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
LỜI GIỚI THIỆU
Trước khi ra đời, cuốn Tam @ Quốc (nguyên văn: Thuỷ chử Tam quốc - tạm dịch Lẩu Tam Quốc) của Thành Quân Ức được đăng nhiều kỳ trên tờ "Tài chính quốc tế". Ngay sau khi tập hợp thành sách, nó trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất Trung Quốc năm 2003 – 2004, thậm chí còn tạo ra làn sóng sách "ăn theo" như: "Hậu lẩu Tam quốc", "Lẩu phong lưu Hán - Sở". "Lẩu Xuân Thu chiến quốc, "Bàn quyền mưu Tam quốc", "Nhật ký Gia Cát Lượng "… Sau Tam @ quốc, Thành Quân Ức còn cuốn "Tôn Ngộ không là nhân viên tốt" cũng được người đọc nhiệt liệt đón nhận.
Nội dung của Tam @ quốc là những câu chuyện trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung được "chuyển dịch" sang môi trường kinh doanh hiện đại. Thế vạc ba nước Hán, Thục, Ngô thời tam quốc biến thành ba loại hình công ty hiện đại: Một là công ty lớn, sẵn có thực lực hùng mạnh, được hưởng nhiều ưu đãi nhưng ẩn chứa nhiều bất ổn bên trong (công ty nhà nước Đông Hán của Tào Tháo); Hai là công ty dựa vào bản sắc riêng mà giữ vững thị phần, đợi thời cơ là khuếch Trương (tập đoàn Đông Ngô của Tôn Quyền); Còn loại kia là công ty từ bàn tay trắng mà nên (công ty Hoàng Tộc của Lưu Bị).
Bằng lối văn hài hước và vô cùng sống động, tác giả Thành Quân Ức đưa người đọc theo bước chân của Lưu Bị từ khi là cậu học trò nghèo cho tới khi làm tổng giám đốc, gặp được nhà tư vấn Gia Cát Lượng và lập nên tập đoàn Thục Hán, chia ba thị trường Trung Quốc. Trong quá trình đó, người đọc còn gặp Đổng Trác, Lã Bố trong vai các giám đốc giảo hoạt; Viên Thiệu lãnh đạo công ty tư nhân những phong cách quản lý đặt sệt "hành chính bao cấp "; tổng giám đốc điều hành Tào Tháo quyền mưu đã biến cả một tổng công ty nhà nước thành của riêng…Trong kinh doanh "bước bước là mưu kế", Tam @ quốc còn hấp dẫn người đọc bởi những tình tiết sinh động, rất gần gũi thực tế. Có được điều này là nhờ kiến thức uyên thâm và vốn sống phong phú của tác giả. Thành Quân Ức hiện là Phó bí thư Hiệp hội Nghiên cứu nhân lực Thái Á, từng tư vấn cho 500 công ty về tạo dựng thương hiệu, tuyển chọn nhân tài, sắp xếp lại tổ chức, hợp lý hoá kinh doanh, v. v. .
CHƯƠNG 1
BẢY "CUA" SÁNG NGHIỆP
Cua 1: Vận mệnh là quả trứng chim ưng trong ổ gà
Nói về cuộc đời, thành hay bại đều tại tâm. Nói một cách dễ hiểu, bất kể là con nhà quyền quý hay con nhà nông, xuất thân từ công nhân hay tư sản, mỗi người đều phải đưa ra quyết định của chính mình. Quyết định của bản thân quyết định thành bại, quyết định vận mệnh. Trong tâm lý học có một câu kinh điển giải thích quan hệ qua lại giữa tư tưởng và vận mệnh: "Gieo hạt tư tưởng, thu hoạch hành vi; gieo hạt hành vi, thu hoạch tập quán; gieo hạt tập quán, thu hoạch tính cách; gieo hạt tính cách, thu hoạch vận mệnh." Cuộc đời xuất thân từ bần nông của Lưu Bị là một minh chứng rõ ràng cho câu nói trên.
Lưu Bị là học sinh ở thành phố Trác Châu tỉnh Hà Bắc, vì cha mất sớm, mẹ nuôi rau cháo qua ngày nên cậu sống rất khổ sở. Lên cấp ba, một tối đi học về muộn, thấy mẹ vẫn khâu giày trong ánh đèn mờ mờ, cậu bảo:
- Mẹ, hôm nay trời lạnh lắm, mẹ ngủ sớm chút đi!
Mẹ đáp:
- Sáng mai con đi thi, mẹ cố thêm một đôi là có thêm một đồng cho con vào đại học.
Lưu Bị quỳ trước mẹ, sống mũi cay cay, nước mắt trào ra. Cậu nức nở:
- Mẹ, lên đại học tốn tiền lắm. Nhà ta nghèo, tiền đó được bao nhiêu? Mẹ đừng trông đợi gì!
Vai rung lên, mẹ hỏi Lưu Bị:
- Lẽ nào con chịu cả đời nghèo đói?
Lưu Bị khổ sở:
- Còn cách nào đâu? Có khi số trời định thế.
Mẹ bỏ giày xuống, nhìn con rồi nói:
- Hồi nhỏ đọc "Tam tự kinh" mẹ vẫn nhớ một số chuyện. Con nói số trời
đã định, vậy nghèo đói là nguyên nhân hay là kết quả đây? Mẹ kể chuyện để giúp con giải đáp.
Một quả trứng chim ưng rơi khỏi tổ xuống đống cỏ khô, có người thấy, cho là trứng gà nên mang về nhà, bỏ vào ổ gà. Thế rồi quả trứng chim ưng cùng nở với các quả trứng gà khác.
Từ đó, con chim ưng nhỏ bị coi là gà, nó sinh sống như gà, nhưng vì tướng mạo quái dị nên thường bị khinh rẻ. Nó cảm thấy cô độc và khổ sở.
Một hôm, nó đang ăn cùng bầy gà, bỗng nhiên có một bóng đen trên trời chao qua lượn lại, bầy gà tán loạn tìm chỗ trốn. Khi nguy hiểm qua, cả bọn mới thở phào nhẹ nhõm.
"Vừa rồi là con chim gì vậy? Nó hỏi.
Cả bầy nói: "Là chim ưng, không còn con gì bay cao hơn chim ưng. "
"Ồ chim ưng ghê gớm thật, bay cao sung sướng làm sao!" Nó thán phục. "Một ngày nào đó ta mà thành chim ưng thì hay biết bao!"
"Đồ đần!" Đám gà chung quanh mắng nó: "Mày sinh ra là gà, thậm chí là con gà xấu xí làm cả bầy phải xấu hổ, mày làm sao bay như chim ưng được? "
Kể xong, mẹ nói với Lưu Bị:
- Con trai, vận mệnh là quả trứng chim ưng trong ổ gà. Giờ đây, con quyết định sống như gà hay bay cao như chim ưng?
Lưu Bị ngây ra, rồi hỏi mẹ:
- Mẹ nói con là chim ưng nhỏ lạc loài trong ổ gà?
Mẹ quả quyết:
- Đúng, con thuộc nòi chim ưng, con phải bay lên tận cùng trời xanh, không nên vì hai ba hột thóc trước mắt mà than thở. Bà nói tiếp với con: Cha của cha của cha của cha của cha của cha của cha con là Lưu Thắng, con của Hán Cảnh đế, ngược lên nữa chính là hậu duệ của Hán Cao tổ Lưu Bang, con có dòng máu hoàng tộc.
Lập tức tỉnh ngộ, Lưu Bị nói với mẹ quả quyết:
- Mẹ, con hiểu ý mẹ, nhất định con không làm mẹ phải thất vọng!
Sau hai năm khổ học, cuối cùng Lưu Bị đỗ vào trường Đại học Quản lý quốc tế Trường Giang. Ngày nhận giấy gọi, hai mẹ con vừa vui vừa buồn, nước mắt trào ra.
Cua 2: Tự cứu rồi trời cứu
Cái tên "Đại học Quản lý quốc tế Trường Giang" có gốc tích từ lời đề từ trong Tam quốc diễn nghĩa: "Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông". Đây là một trường nổi tiếng quốc tế, từng đào tạo không biết bao anh hùng hào kiệt.
Ông chú Lưu Nguyên Khởi hay tin cháu mình đỗ đại học, bèn bảo với chị dâu:
- Thằng này sẽ làm cha nó mát lòng nơi chín suối. Chỉ có chị sẽ thật vất vả. Từ giờ học phí của nó để em lo!
Ông chú có một cửa hàng nhỏ, cô chú cùng lũ em Lưu Bị đều làm cho cửa hàng nên họ có chút tích lũy.
Cả Lưu Bị và mẹ đều mừng rỡ và thấy có điểm kỳ quái. Mừng vì khoản học phí tốn kém tự nhiên có người lo; kỳ quái vì xưa nay ông chú hết sức lạnh nhạt với bà chị dâu nghèo, giờ sao lại đột ngột hào phóng mở túi ra?
Ông chú cười ha hả giải thích:
- Có câu "tự cứu mình rồi trời cứu". Trời còn giúp cháu ta, huống hồ ta là chú nó!
Tự cứu rồi trời cứu? Lưu Bị cảm thấy xúc động. Từ khi vào đại học, cho tới sau khi tốt nghiệp, mỗi lần gặp khó khăn, cậu lại một lần trăn trở và hỏi trời xanh: Tự cứu và được trời cứu liên quan gì đến nhau?
Và cậu tự đưa ra đáp án:
1. Người thật sự tự cứu mình sẽ làm người khác kính trọng. Khi bất chấp khó khăn, khó khăn phía trước anh ta sẽ tự động lùi bước - việc đó như có thần linh giúp đỡ
2. Người thật sự tự cứu mình như con đom đóm trong đêm, không chỉ làm sáng bản thân mà còn khiến người khác đánh giá cao. Khi đã đánh giá cao, họ sẽ giúp đỡ bằng nhiều cách – nó giống như vận tốt tới.
3. Mọi người đều tin rằng, một người thực sự tự cứu mình cuối cùng sẽ thành đạt, giúp đỡ một người sau này thành đạt làm họ sung sướng.
4. Nếu người tự cứu mình là người ân nghĩa, anh ta sẽ càng nhận được nhiều giúp đỡ, vì thế khó khăn trước mắt sẽ giảm đi nhiều.
Đáp án của Lưu Bị giải thích câu nói mang màu sắc mê tín, nó quả nhiên ứng với bao việc sau này. Thấy Lưu Bị nhà nghèo mà vẫn nỗ lực học tập, nhà trường đã giúp cậu bằng rất nhiều cách, đầu tiên là giảm học phí, sau cấp học bổng, rồi tìm cả việc làm thêm cho cậu. Qua bốn năm đại học, chợt ngoảnh lại, cậu đã một hơi trải qua bao gian khổ, hệt như đêm đã qua và ngày đang dần tới.
Cua 3: Tâm huyết thu về hạnh phúc
Người dạy cua thứ ba cho Lưu Bị là nhà kinh tế học nổi tiếng Lư Thực, khi đó cậu vừa bước chân vào trường. Lư Thực bước lên bục giảng, cười với lớp sinh viên mới:
- Là một giảng viên, tôi hy vọng trở thành mentor (cố vấn thân thiết ) để chỉ dẫn, giúp đỡ các anh chị. Còn có thật sự thành tài hay không, quan trọng là các anh chị.
Thầy Lư Thực còn nói, bốn năm đại học không chỉ để đọc sách, càng không phải để kiếm một mảnh văn bằng, mà là thu nhận một vision (tầm nhìn ) cùng tư duy logic.
- Có ai ở đây từng chơi dế chọi chưa?
Một sinh viên nam tên là Công Tôn đáp:
- Em chơi rồi, hay lắm.
Một sinh viên nữ tên là Sái Văn Cơ nói:
- Em biết rồi, dế còn gọi là "xúc chức", ba bảo chọi dế mất nghiệp. Giảng viên Lư Thực nói:
- Có người bảo chọi dế mất nghiệp, có người bảo dế là niềm vui trong sáng thời con trẻ. Ở đây, ta không bàn chơi dế tốt hay xấu, mà là mục đích của nó. Để tôi kể câu chuyện về một nhà côn trùng học với con dế cùng bạn anh ta, một nhà buôn với đồng xu. Hy vọng câu chuyện giúp mọi người mở ra vấn đề…
Câu chuyện của thầy Lư Thực thật hấp dẫn, theo các động tác của thầy, câu chuyện được mở ra:
Một nhà côn trùng học cùng bạn là nhà buôn vừa đi vừa trò chuyện trong công viên. Bỗng nhiên nhà côn trùng học dừng bước, dường như ông ta nghe thấy điều gì.
"Sao vậy?" Ông bạn nhà buôn hỏi.
Nhà côn trùng học lắng nghe, nét mặt rạng rỡ: "Anh có nghe thấy không? Một con dế đang gáy, đó là một con dế cụ đấy. "
Ông bạn nghe ngóng mãi không ra, đành đáp: "Tôi chẳng nghe thấy gì cả!"
"Anh đợi chút". Nhà côn trùng học vừa nói vừa chạy vào lùm cây gần đó.
Một lát sau, nhà côn trùng học bắt được con dế, ông ta nói với bạn: "Anh thấy không? Một con dế răng trắng, cánh vàng, đó là con dế cực hiếm đấy! Xem xem, tôi nghe có lầm đâu?"
"Đúng vậy, anh nghe cực chuẩn." Nhà buôn khâm phục hỏi bạn: "Anh không chỉ nghe được tiếng dế gáy, mà còn biết được chất lượng dế. Làm sao anh nghe ra được?"
Nhà côn trùng học đáp: "Con dế này gáy chầm chậm, mấy phút mới gáy hai, ba tiếng. Dế nhỏ gáy gấp hơn, tiếng gáy cũng đều. Dế đen, dế đỏ, dế hồng, dế vàng… có tiếng gáy khác nhau. Tiếng kêu của dế vàng có thanh kim. Sự khác biệt trong tiếng dế kêu cực tinh tế, vì thế phải để tâm mới nhận ra được. "
Họ vừa trò chuyện vừa ra khỏi công viên và đi ra đường cái. Bỗng nhiên, nhà buôn dừng bước và nhặt lên một đồng xu. Trong khi đó, nhà côn trùng học không nghe thấy tiếng đồng xu rơi, vẫn phăm phăm bước tiếp.
- Câu chuyện đó nói lên điều gì? Lư Thực hỏi.
Cả lớp nghĩ ngợi, chưa ai giải đáp.
Đợi một lúc, thầy Lư Thực đưa ra đáp án:
- Nhà côn trùng học chỉ để tâm đến côn trùng nên nghe được tiếng dế. Nhà buôn chỉ để tâm đến tiền, vì thế ông ta nghe được tiếng đồng xu rơi. Câu chuyện nói rằng, bạn để tâm vào đâu, sự nghiệp của bạn ở đó.
Thầy Lư Thực nói tiếp:
- Qua bốn năm đại học, các anh chị sẽ theo đuổi sự giàu có. Xin hãy nghĩ kỹ, cái gì là sự giàu có của các anh chị. Để tâm đến sự giàu có ở đâu, các anh chị sẽ có sự giàu có ở đó. Để giúp mọi người hiểu rõ thêm, chúng ta hãy
cùng làm một thực nghiệm.
Thầy đưa ra một hộp giấy lớn đầy cát, vừa đưa cho lớp xem vừa nói:
- Trong hộp cát này chôn mạt sắt, đố cả lớp dùng ánh mắt hay đầu ngón tay mà lấy được mạt sắt ra.
Cả lớp lắc đầu.
- Chúng ta không cách gì dùng ánh mắt hay đầu ngón tay lấy mạt sắt ra khỏi cát, nó cũng khó như tìm được khách hàng giữa muôn triệu người. Tuy nhiên, có một loại công cụ có thể giúp ta nhanh chóng lấy mạt sắt ra khỏi cát. Mọi người chắc biết điều đó là gì.
Thầy Lư Thực lấy trong túi ra một thanh nam châm, rà qua rà lại trên mặt cát, mạt sắt lập tức nhô khỏi cát bám vào thanh nam châm. Thầy Lư Thực giơ lên cho cả lớp xem, nói:
- Đó là sức hút của nam châm, dùng ánh mắt hay đầu ngón tay không thể làm thế được, với nam châm lại rất dễ dàng.
Cả lớp tròn mắt chăm chú nhìn một việc đã từng biết. Thầy Lư Thực nói:
- Nếu nói hộp cát này là cuộc sống, là những cuốn sách khô khan, thì khối nam châm chính là trái tim nhiệt huyết. Các anh chị để tâm ở đâu, sự giàu có của các anh chị ở đó - nếu như các anh chị có một trái tim đầy nhiệt huyết. Trái tim nhiệt huyết sẽ hấp thu tri thức và lợi ích từ sách vở và trong cuộc sống tựa như nam châm hút sắt. Song, một trái tim không nhiệt huyết chỉ như đầu ngón tay, dù có cào đi cào lại trên cát cũng không lấy được thứ gì. Có phải vậy không? Chỉ cần có trái tim đầy nhiệt huyết, các anh chị sẽ có khả năng phát hiện, mỗi ngày đều thu hoạch, mỗi ngày đều tích luỹ, mỗi ngày đều có niềm vui.
Thầy Lư Thực vừa giảng vừa để sinh viên đùa nghịch với hộp cát. Thầy khoát tay, giọng sang sảng:
- Để tâm ở đâu, sự giàu có của các bạn ở đó, bất kể khó khăn hay nghịch cảnh, dù hoang mang thế nào cũng cần tin vào điều đó. Bất kể ở đâu, khi nào, nếu có trái tim nhiệt huyết, các bạn sẽ như thanh nam châm. sẽ thu hút được nguồn vốn hữu ích, sẽ có được cuộc sống sung túc và hạnh phúc.
Cua 4: Làm một người được yêu mến
Mới học được một tuần, Lưu Bị bị mời lên phòng giám hiệu vì đánh nhau. Vừa hay thầy Lư Thực đi qua. Thầy nhìn Lưu Bị một cái rồi hỏi thầy giám hiệu:
- Nó làm sao vậy?
Thầy giám hiệu nói:
- Bạn cùng phòng báo cáo nó rất thích gây gổ. Nhập học có mấy hôm đã đánh nhau ba trận. Anh xem cái tướng mạo kia, tóc tai với lông mi cứ dựng ngược lên!
Thầy Lư Thực nói:
- Tôi biết cậu sinh viên này, để nó cho tôi!
Thế là Lưu Bị theo thầy Lư Thực tới văn phòng. Thầy Lư Thực bảo Lưu Bị ngồi, đưa cho ly trà. Lòng Lưu Bị lúc đó nóng như chiếc ly.
- Nói xem, đã xảy ra chuyện gì?- Thầy Lư Thực hỏi.
Lưu Bị trả lời uất ức:
- Chúng nó không coi em ra gì, cứ cố ý trêu tức.
- Vì sao bạn lại trêu em? - Thầy Lư Thực hỏi tiếp.
Lưu Bị gãi đầu đáp:
- Chúng nói gọi em là đồ nhà quê. Mà phòng em bảy đứa thì cả bảy là nhà quê, cớ sao chúng nó còn trêu em?
Thầy Lư Thực đã hiểu chuyện gì xảy ra. Thầy nhìn Lưu Bị bằng ánh mắt chân thành, nói:
- Nếu em không ngại, tôi sẽ kể một câu chuyện.
Sau khi Lưu Bị đồng ý, thầy Lư Thực bắt đầu kể câu chuyện về một con chó.
Đó là một con chó hoang vô tình lạc vào phòng tập của một trường đào tạo người mẫu. Những tấm gương quanh phòng tạo nên vô số bóng con chó.
Thấy một lũ chó đột nhiên xuất hiện, con chó giật mình lùi lại, nhe răng ra sủa ông ổng.
Đàn chó trong gương cũng lùi lại, cũng nhe răng ra sủa ông ổng. Khắp phòng vang lên tiếng chó sủa.
Con chó kinh hoàng lao vào trận chiến, lăn lộn, cắn, đớp… Nó nhảy chồm chồm trong phòng, mỗi lúc một điên cuồng… tới khi người mệt lử và bất tỉnh.
Lưu Bị kinh ngạc hỏi:
- Thầy bảo em là con chó hoang?
- Vậy anh nói sao? - Thầy Lư Thực hỏi lại.
Lưu Bị nói:
- Tính em đúng là hơi khó gần. Song, bạn cùng phòng can hệ gì tới bóng con chó trong gương?
Thầy Lư Thực đáp:
- Em chưa hiểu sao? Trong mắt em, bạn cùng phòng chính là bóng con chó trong gương. Hãy nhớ, nếu ta đối tốt với người, người sẽ đối tốt với ta. Nếu ta khinh khi người, người sẽ "nhe răng". Em nói bạn không coi em ra gì, vậy em coi họ thế nào?
Lư Bị im thin thít.
- Em muốn làm một người được yêu mến, đúng không? Đánh lộn có thành người được yêu mến không? Không thể. - Thầy Lư Thực cười cười, nói:
- Tôi có một bí quyết, chỉ cần em tin theo, ba tháng sau em sẽ thành một người được yêu mến.
Về phòng, Lưu Bị lập tức chép ngay "Bí quyết được yêu mến" trên trang
đầu sổ tay:
Thứ nhất: Hàng ngày tập cười trước gương.
Thứ hai: Gặp bạn là chào thân mật.
Thứ ba: Giúp người với động cơ tốt đẹp.
Thứ tư: không phải thánh, có ai không lầm lỗi? Vậy nên đối đãi với người bằng lòng khoan dung, thông cảm.
Thứ năm: Coi lấy thiện – tín đãi người là triết lý sống.
Lưu Bị nghe lời thầy Lư Thực và thành thực làm theo. Chẳng lâu sau, cậu thành người được bạn bè quý mến nhất, người có duyên nhất, người khiêm tốn và khoan hoà nhất. Trong "Tam quốc chí", Trần Thọ đánh giá: "Tiên chúa (Lưu Bị) là người khoan dung, đôn hậu, thực có cốt cách của Cao tổ (Lưu Bang) cùng tinh thần của bậc anh hùng". Ý tứ Trần Thọ cho Lưu Bị là bậc anh hùng trong giới công thương nhờ lòng khoan hoà, đãi người chân thành.
Trong những ngày khởi nghiệp gian nan về sau, dù gặp bao khó khăn, dù chịu bao lênh đênh vất vưởng, Lưu Bị vẫn có người tài nguyện theo bên mình. Nổi tiếng nhất trong những người nguyện đồng cam cộng khổ với Lưu Bị là Quan Vũ là Trương Phi, họ kết nghĩa: "Tuy không sinh cùng năm cùng tháng nhưng nguyện chết cùng ngày".
Cua 5: Bí mật trong vỏ trứng
Năm thứ tư, đã gần ngày tốt nghiệp, Lưu Bị chợt gặp thầy Lư Thực ở siêu thị. Hồi đó thầy Lư đã thôi dạy và làm quản lý cho một công ty của nhà trường. Lưu Bị tới gần thầy và xách đồ giúp thầy. Họ cùng nhau rời siêu thị, nhà thầy Lư ở tầng dưới toà lầu.
Thầy Lư Thực nói:
- Vào nhà tôi đi, cùng ăn cơm cho vui!
Lưu Bị do dự mấy giây, mặt đỏ nhừ, khẽ gật:
- Dạ vâng!
Thế là Lưu Bị vừa nhặt rau, dọn dẹp vừa trò chuyện cùng thầy Lư Thực. Lưu Bị nói về gia đình, về mẹ, về chuyện trứng chim ưng và về tương lai sau khi ra trường.
Thầy Lư Thực nói:
- Bất kể là gà con hay ưng non, anh có biết trứng nở ra sao không? Lưu Bị lắc đầu.
- Một quả trứng biến thành một sinh mệnh, đó là một kỳ tích! - Thầy Lư Thực cầm quả trứng lên, nói: - Anh có thể tưởng tượng đây là quả trứng ưng – ta đập nó ra, đâu thấy lông, đâu thấy mắt, đâu thấy cánh? Thần kỳ là, trong đám hỗn độn đó vẫn ẩn chứa bí mật của sự sống. Đặt nó vào môi trường ấm, qua một thời gian, nó mới biến thành chim ưng non.
Thầy Lư Thực quay đầu nhìn anh sinh viên, nói đầy thâm thuý:
- Con người cũng vậy. Tiềm năng của con người phải trải qua bồi dưỡng mới trở thành tài hoa và ưu điểm để người khác đánh giá cao. Bốn năm đại học, anh như chim ưng trong trứng, nay chuẩn bị phá vỏ mà ra. Phía trước là một thế giới hoàn toàn mới đang chờ đón anh!
Lưu Bị nói:
- Đúng vậy, em là con ưng non quê mùa ở Trác Châu, Hà Bắc, ấp ủ bốn
nămtrongđạihọcTrườngGiang,giờlàlúcđốimặtvớimộtthếgiớimới đây!
Cua 6: Dùng tất cả lực lượng
Đến năm thứ tư, dường như sinh viên ai cũng lo lắng về việc làm, người nào cũng bận rộn và hoang mang. Lưu Bị cũng vậy, kỳ nghỉ đông đến mà chuyện việc làm vẫn không có manh mối gì.
Một buổi chiều thứ sáu, vừa trở về từ chợ tìm kiếm tài năng, Lưu Bị ngồi ngây trong sân trường. Cậu đã tham gia chợ bao lần, đã bao lần đăng ký, đã bao lần nộp đơn, song không hề có hồi âm.
Bất giác, cậu để ý, cách cậu chừng trăm mét có một chú nhóc đang rải cát làm đường, cạnh chú nhóc là chiếc xe hơi đồ chơi.
Chú nhóc cầm chiếc xẻng nhựa đào hăng say. Mặt trời lên cao, sau lưng chú bé là con đường cát nhỏ rất đẹp, có cả cầu bắc qua. Song, một hòn đá lớn chợt xuất hiện chắn ngang con đường cát.
Chú nhóc bắt đầu đào cát quanh hòn đá, sau đó ôm lấy hòn đá định nhấc đi. Chú nhóc quá nhỏ mà hòn đá quá lớn, dù chú đã dùng hết sức nhưng hòn đá vẫn không nhúc nhích. Chú nhóc nghiến răng, hét to một tiếng, nhấc hòn đá một lần, rồi lần nữa. Thế nhưng, cứ mỗi lần hòn đá được nhấc lên một chút là nó lại rơi xuống hố cát.
Chú nhóc hét to, xông tới, dốc hết sức lực trẻ thơ nâng hòn đá lần nữa, hòn đá lại rớt xuống, lần này thì trúng chân chú nhóc. Chú nhóc ngồi bệt xuống bãi cát, oà khóc.
Lưu Bị thấy mọi chuyện từ đầu tới cuối, cậu đứng dậy, đi tới chỗ chú nhóc, ngồi xuống và hỏi:
- Em bé, em muốn bê hòn đá đi?
- Dạ. Em bê không nổi. Chú nhóc gạt nước mắt:
- Em đã cố hết sức mà nó vẫn không chịu nhúc nhích!
Lưu Bị thân tình:
- Em bé, em nói không đúng rồi. Em vẫn chưa dùng hết sức, em đã nhờ anh giúp đâu.
Lưu Bị ôm lấy hòn đá và nhấc đi, tựa hồ cậu vừa nhấc hòn đá từ tim mình đi.
Bỗng hiểu ra một điều, cậu vội về ký túc xá, ngồi ngay ngắn trước bàn. Trên một tờ giấy trắng, bên trái cậu viết ra những khó khăn, bên phải cậu viết ra những nguồn lực của mình. Cậu nhận thấy, so sánh như thế là một cách hiệu quả để giải quyết khó khăn.
Cậu viết trong nhật ký: "Từ nay về sau, bất kể gặp khó khăn gì, bất kể thất vọng thế nào, mình đều phải nhớ tới hòn đá kia, sau đó tự hỏi: mi đã cố gắng hết sức chưa? "
Cua 7: Không hoài nghi
Mùa xuân đã qua, kỳ thi cuối cùng sắp đến. Chuyện tìm việc của Lưu Bị vẫn không chút khả quan. Cậu hỏi đi hỏi lại Quan Vũ và Trương Phi:
- Các anh nói xem, vì sao tôi không thể kiếm được nơi nhận mình? Trương Phi không khách khí:
- Anh xem lại mình đi, suốt ngày ủ ê, ai còn muốn nhận?
Quan Vũ cũng nói:
- Lưu Bị, không phải chúng tôi chê anh, nhưng anh phải tích cực lên. Có tích cực, tinh thần mới phấn chấn. Tuyển việc, người ta chỉ chọn người nhanh nhẹn. Anh tiêu cực như vậy chẳng được kết quả gì.
Lưu Bị thở dài, nói:
- Tôi cũng muốn tích cực lắm. Song, không biết vì sao, tôi làm không được.
Trương Phi đặt lên bàn hai chiếc cốc thủy tinh, đổ nước vào, sau đó rắc tro vào một chiếc cốc. Trương Phi hỏi Lưu Bị:
- Anh thấy không, tôi là chiếc cốc nước trong, vì thế không lo lắng hay âu sầu. Còn anh, anh là cốc nước đục, mặt mũi ủ ê cả ngày. Anh nói đi, có cách gì để làm trong cốc nước kia?
Lưu Bị nói:
- Có hai cách: một là để lắng xuống, hai là gạn lọc tro.
Đang đọc "Tả thị Xuân Thu", Quan Vũ bỏ sách xuống, nói:
- Trương Phi ám chỉ: cốc nước trong là tích cực, cốc nước đục là tiêu cực. Cách để lắng là dằn ưu uất xuống tim, một lúc nào quên đi, ưu uất lại nổi lên. Người xưa có câu "vừa chìm khỏi mặt, đã nổi lên tim" là thế. Cách để lắng không ổn.
Lưu Bị hỏi:
- Vậy cách gạn lọc được không?
Quan Vũ nói:
- Gạn lọc giải quyết vấn đề tốt hơn, song nó vẫn có khuyết điểm. Tro bụi vẫn có thể lọt qua những lỗ hổng của màng lọc, thêm nữa, quá nhiều tro bụi có thể làm rách màng lọc. Vì thế gạn lọc chỉ là biện pháp tạm thời.
Lưu Bị hỏi:
- Chẳng lẽ còn cách nào tốt hơn?
Trương Phi nói:
- Tất nhiên.
Cậu đưa hai ông bạn vào phòng vệ sinh, để cốc nước đục dưới vòi và xối nước. Dòng nước trong xối vào, nước đục trong cốc tràn ra ngoài, nhạt dần. không đầy một phút sau, cốc nước đục đã biến thành cốc nước trong hoàn toàn. Trương Phi nói với Lưu Bị:
- Anh thấy không? Nước vòi là niềm vui, là sức sống và tích cực. Nó có thể làm vơi phiền muộn, xua đi ưu uất, tẩy trừ tiêu cực. Muốn là cốc nước trong, anh phải suy nghĩ tích cực, luôn để ý nghĩ phấn chấn tẩy rửa tâm hồn.
Lưu Bị nói:
- Các anh biết đấy, tôi xuất thân bần hàn nên không bao giờ quên tự khích lệ mình. Vậy mà không hiểu sao, nỗ lực của tôi rất dễ hỏng làm tôi không sao tích cực được.
Trương Phi nói:
- Đúng đấy. Trong khi nỗ lực, anh cảm thấy hoang mang, thấy vọng, bị bỏ rơi… là chuyện bình thường. Song, anh không nên để chuyện đó ảnh hưởng tới quyết tâm của mình. Anh nên hướng sự cố gắng của mình tới "kết quả cuối cùng", hãy để sự tích cực phục vụ "kết quả cuối cùng" của mình.
Lưu Bị nói:
- Tôi biết tới đâu để tìm nguồn tích cực chảy mãi bây giờ?
Trương Phi nói:
- Rất đơn giản, chỉ cần anh không hoài nghi, thì một chút vui, một chút tự hài lòng với bản thân, nghĩ một chút về điều tốt đẹp, thậm chí chỉ là một danh ngôn…cũng đem lại nguồn sống không dứt cho tâm hồn. Song nếu anh hoài nghi, nỗi buồn phiền sẽ tới lập tức. Chỉ suy nghĩ tích cực mới chấm dứt đủ loại ưu uất trôi nổi vật vờ như tro bụi kia, mới biến cốc nước đục thành cốc nước trong.
- Anh nói đúng quá, đúng là tôi hay nghi ngờ, giờ tôi hiểu vì sao tôi không phấn chấn lên được. Trương Phi ơi, anh vốn chém to kho mặn, ai ngờ lại thông minh ngầm như vậy.
Quan Vũ nói:
- Hắn trông thô lỗ, kỳ thực còn tinh tế hơn cả một bức tranh tố nữ! Lưu Bị ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Trương Phi ơi, ý tứ của anh đều quy về một câu, hãy viết ra để ghi lòng tạc dạ, ý anh thế nào?
- Hay lắm! Trương Phi đồng ý, về phòng lấy giấy và nghiên mực ra, sau đó viết: "Không hoài nghi!, lòng phấn khích!"
Kết nhỏ
Luận văn tốt nghiệp của Lưu Bị là "Bảy bài học sáng nghiệp". Hồi cấp ba, bài học thứ nhất của mẹ khiến cậu vào được cửa trường đại học, trở thành sinh viên trường Đại học Quản lý quốc tế Trường Giang. Bài học thứ hai của ông chú cho cậu chí tiến thủ, tạo thuận lợi cho cậu trong suốt bốn năm học. Bài học thứ ba, thứ tư, thứ năm của thầy Lư Thực làm cho Lưu Bị thành người hoà đồng, hiểu được ý nghĩa của lòng tâm huyết và thế giới trước mắt. Bài học thứ sáu do một chú nhóc "dạy", nhờ đó cậu biết phải tìm toàn bộ sức lực. Quan Vũ, Trương Phi dùng hai cốc nước làm giáo cụ để dạy cậu bài học thứ bảy, khiến cậu hiểu ra mối quan hệ giữa tích cực và thành công. Cậu chẳng khác nào con chim ưng đang xông ra khỏi trứng, bởi sau bảy bài học, từ một người non nớt, giờ đây cậu đang xoè đôi cánh cứng cáp chuẩn bị bay lên bầu trời cao.
Tiếp đó, Lưu Bị cùng Quan Vũ, Trương Phi kết nghĩa anh em trong vườn đào cạnh trường. Xếp theo ngày sinh tháng đẻ, Lưu Bị làm anh Hai, Quan Vũ là anh Ba, Trương Phi là Út. Lưu Bị nói:
- Người xưa có câu "quân tử chơi với nhau trong như nước", chí hướng của chúng ta không ở văn chương, chúng ta cần thành công khắp thiên hạ. Tục ngữ nói "Ba cây chụm lại nên hòn núi cao", ba chúng ta hợp lại là để thành đạt, ý chí hướng về thành đạt!
Từ đó, câu chuyện kết nghĩa vườn đào được lưu truyền, thế Tam @ Quốc bắt đầu từ đó.
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
Cựu huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Trung Quốc Milutinovic có câu nối tiếng: "Thái độ quyết định tất cả". Rất hiếm người hiểu ý nghĩa sâu xa của câu nói trên.
Từ nghìn năm nay, đã muôn triệu người học hỏi bí quyết thành công. Nhưng hầu hết họ đều oán trách hoàn cảnh để rồi buông xuôi. Phải thừa nhận, hoàn cảnh khốn khó làm người ta thất vọng. Vậy làm sao lý giải mối quan hệ giữa bản thân và hoàn cảnh? Ở đây, thái độ là điều cốt yếu.
Tất cả tiềm năng và sức lực giúp bạn thành công trong thế giới này. Bạn có thái độ càng tích cực, quyết tâm của bạn càng cao, sức lực và tiềm năng trong bạn được huy động càng lớn, xác suất thành công của bạn càng cao. Thái độ quyết định xác suất thành công, quyết định toàn bộ thành công.
CHƯƠNG 2
CÓ THỂ BÁN LƯỢC CHO SƯ KHÔNG?
1. Xin việc, sa bẫy Kỳ Diệu
Lại nói hồi Lưu Bị đang làm luận văn tốt nghiệp, chủ nhiệm khoa Tả Phong ghét Lư Thực nên vu khống thầy quan hệ nam nữ bất chính và ăn hối lộ, thầy Lư Thực bị tống giam. Sau khi Lưu Bị tốt nghiệp, thầy được minh oan và được thả. Song, khi thầy ra tù, chức quản lý công ty của thầy không còn, một người tên là Đổng Trác đã thế chỗ.
Đổng Trác không phải là người của trường Đại học Quản lý quốc tế Trường Giang, ông ta là nhà buôn. Sau khi nhậm chức, Đổng biến ngay công ty của trường thành Công ty trách nhiệm hữu hạn Kỳ Diệu. Công ty Kỳ Diệu đăng quảng cáo tuyển người tại Hội trường lớn, Lưu Bị, Quang Vũ, Trương Phi đăng ký xin tuyển. Thấy người đến ùn ùn, Lưu Bị cười mếu:
- Xem ra việc làm trở thành một loại tài nguyên hiếm, cạnh tranh kịch liệt làm sao!
Đổng Trác chủ trì việc tuyển người. Đầu tiên, ông ta giơ lên sản phẩm độc quyền của công ty: "lược thông minh kỳ diệu", sau đó nói:
- Lược này nhìn không có gì khác thường, kỳ thực, nó hàm chứa một lượng công nghệ cực cao. Lược làm bằng gỗ cây dương chanh thần kỳ ở Vân Nam, sau đó xử lý thêm 18 công đoạn nữa. Phải nói ngay, dương chanh là loại cây cực hiếm, ngay các nhà thực vật cũng không biết sự tồn tại của nó. Công ty chúng ta đã tới Vân Nam mua hơn 7.000 cây về trồng. Một điều đặc biệt khác: lược có tẩm dược liệu, 38 chiếc răng lược cũng được thiết kế đặc biệt. Chải đầu bằng lược này sẽ kích thích tóc phát triển, kích thích tế bào não, rất có lợi cho sức khỏe và trí não.
Phía dưới có người hỏi:
- Giá bao nhiêu một cái?
Đổng Trác nói:
- Đúng giá là 2. 880 quan, nhưng để giới thiệu tính năng độc đáo của lược cho người tiêu dùng, chúng ta chỉ bán với số lẻ, 880 quan. Đổng Trác nhấn mạnh: - Giá thế là tốt lắm.
Mọi người nhao nhao:
- 880 quan một chiếc lược, đắt quá!
Đổng Trác nói:
- Chúng ta không nên so nó với lược thường, nó là sản phẩm kỹ thuật cao cơ mà! Hơn nữa, nó có lợi cho trí não. Đầu chúng ta vô giá, không thể so với đầu lợn được, đúng không?
Không ai nói gì thêm.
Tiếp đến, Đổng Trác tuyên bố mức lương, khởi điểm là 16.000 quan, ngoài ra còn có thưởng theo doanh số bán cùng bồi dưỡng tập huấn.
16.000 quan? Cả hội trường sôi sục. Vừa ra trường đã nhận lương 16.000 quan, hệt như trong "Nghìn lẻ một đêm "! Công ty Kỳ Diệu đúng là kỳ diệu! Tất cả chen chúc đâm đơn, đến con muỗi cũng không lọt ra.
2. Bán lược cho sư
Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi đều dễ dàng qua vòng sơ khảo và thành nhân viên thử việc của công ty Kỳ Diệu. Công ty mở lớp tập huấn đặc biệt ABC ba ngày. A viết tắt từ Assertive, tiếng Anh là Quyết đoán; B là Beautiful, nghĩa là Đẹp; C là Creative, nghĩa là Sáng tạo. Đổng Trác giải thích:
Quyết đoán ở từ A không có nghĩa là cố chấp, nó chỉ người có tố chất tốt nên tự tin.
Đẹp ở từ B không có nghĩa là lòe loẹt, nó chỉ người tạo ấn tượng tốt cho khách hàng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Sáng tạo ở từ C chỉ người biết kích thích, biết phát triển công việc lên một tầm cao mới.
Đổng Trác nói tiếp:
- ABC là hiệu quả công việc. Mục đích của cuộc tập huấn ABC đặc biệt này là để biến mỗi người thành một nhân viên có hiệu quả. Sau cuộc tập huấn, chúng tôi được đặt trước một thử thách thực tế: trong một tháng, mỗi người sẽ bán 100 chiếc lược thông minh kỳ diệu. Ai vượt qua thử thách, người đó đích thực là nhân viên có hiệu quả, sẽ lập tức thành nhân viên chính thức của công ty Kỳ Diệu và hưởng mức lương 16.000 quan.
Học viên kinh ngạc, đua nhau nói:
- Một tháng bán 100 chiếc lược? Có nhầm không? Làm sao được đây? Đổng Trác bảo mọi người im lặng, sau đó giải thích:
- Sở dĩ đặt ra thử thách thực tế vì công ty chọn người theo quan niệm "ngựa cảnh không bằng ngựa đua". người có hiệu quả đích thực như thiên lý mã "một bước nghìn dặm", có đúng không? Các bạn biết không, lớp trước các bạn, có người còn bán được lược cho sư, đẩy việc bán hàng lên một tầm cao mới. Người trước làm được, sao các bạn lại không?
Học viên càng kinh ngạc:
- Có người bán được lược cho sư? Ai vậy? Sao anh ta làm được?
Đổng Trác nói:
- Đúng vậy, sao bán được lược cho sư ư? Ai cũng biết lược để chải tóc, nhà sư lại không có tóc và không dùng lược, bán lược cho sư thật trái lẽ thường. Song, dù cho đa số xem là không làm được, vẫn có những người dám làm việc người khác không dám làm, biến không thể thành có thể. Các bạn có muốn nghe câu chuyện nhuốm màu sắc thần kỳ đó không?
Tất cả đều nói:
- Muốn!
Thế là, hệt như cô bảo mẫu giữa bầy trẻ, Đổng Trác yêu cầu mọi người trật tự, sau đó kể câu chuyện "bán lược cho sư":
Câu chuyện xảy ra hồi công ty Kỳ Diệu mới thành lập. Để tuyển nhân viên ABC đích thực, công ty đề ra cho người xin việc một thách thức: Mỗi người phải bán 100 chiếc lược thông minh thần kỳ cho nhóm đối tượng được chỉ định: nhà sư. Thử thách kỳ quái khiến cho người xin việc phải lao tâm khổ tứ.
Hầu hết người xin việc đều nghi ngờ: bán lược cho sư ư? Sao có thể được? Đa số đều đấm ngực, chỉ có ba người X, Y, Z chấp nhận thử thách… Một tuần thử thách kết thúc, ba người làm báo cáo kết quả: X bán được một chiếc, Y bán được 10 chiếc, còn Z đã bán sạch 1.000 chiếc! Cùng hoàn cảnh, làm sao kết quả khác xa đến vậy? Công ty mời cả ba thuật lại quá trình bán hàng.
X kể, anh ta đến một ngôi chùa, phải chịu các nhà sư mắng mỏ và đánh đập xối xả mà vẫn nhẫn nại, cuối cùng một hoà thượng cảm động, mua cho anh ta một chiếc lược.
Y kể, anh ta lên một ngôi chùa trên núi. Do gió núi mạnh, tóc của thiện nam tín nữ lên chùa đều rối tung, anh ta bèn tìm đến trụ trì, nói: "Người dâng hương tóc tai bù xù, e trông không thành kính với Phật lắm. Trước mỗi toà hương, nhà chùa nên đặt một chiếc lược cho thiện nam tín nữ chải tóc." Thấy có lý, trụ trì bèn mua. Vì chùa có 10 toà hương nên trụ trì mua 10 chiếc.
Z lại tìm đến một ngôi chùa có tiếng, hương khói quanh năm không dứt. Z nói với phương trượng: "Phàm người dâng hương, ai cũng có tấm lòng
thành. Chùa ta nên có vật phẩm tặng lại để khuyến khích người làm việc thiện. Tôi có một số lược, ngài có thể dùng thư pháp hơn đời của mình khắc lên ba chữ ‘Lược Tích Thiện’ làm tặng phẩm". Phương trượng nghe bùi tai, liền mua ngay 1.000 chiếc.
Công ty nhận định, ba người tiêu biểu cho ba mẫu người điển hình. X thuộc mẫu bán hàng cổ điển, có ưu điểm chân thành, kiên trì và nhẫn nại; Y có năng lực quan sát và suy đoán sự vật, dám nghĩ dám làm. Còn Z, anh ta nghiên cứu, phân tích nhu cầu của đám đông, có ý tưởng táo bạo, có kế hoạch hiệu quả nên đã mở ra một nhu cầu mới cho thị trường. Nhờ trí tuệ hơn người mà Z được công ty quyết định bổ nhiệm làm quản lý bộ phận bán hàng.
Điều thần kỳ là: sau khi "lược tích thiện" của Z ra đời, một đồn mười, mười đồn trăm, người đến chùa ngày càng nhiều, hương khói trong chùa ngày càng thịnh. Phương trượng bèn ký hợp đồng mua hàng của Z, anh ta không chỉ bán được một lần 1.000 chiếc, mà còn nhận được hợp đồng tiêu thụ dài hạn. Về phía công ty mà nói, thu hoạch lớn nhất không phải là có được hợp đồng tiêu thụ, mà là có được Z với tài năng, sáng kiến phi thường!
Đổng Trác tiết lộ:
- Các bạn biết không, Z chính là tôi đó! Sau tám tháng làm quản lý bộ phận bán hàng, tôi được thăng chức giám đốc, phụ trách mảng nhân lực, quản lý và mở rộng thị trường. Tôi ghi tâm khắc cốt, nhờ xuất thân từ nhân viên tiếp thị nên mới có ngày hôm nay. Tôi cũng biết, 70% ông chủ trên thế giới này xuất thân từ nhân viên tiếp thị. Tôi tin rằng, nhân viên có năng lực ABC thật sự sẽ bán được bất kỳ sản phẩm gì cho bất kỳ người nào. Tôi cũng tin rằng, trong các bạn, sẽ xuất hiện người xuất sắc như vậy.
Lưu Bị ngượng ngập giơ tay:
- Giám đốc Đổng, trong thuyết ABC của ngài, Assertive và Beautiful còn làm được, Creative xem ra khó quá?
Đổng Trác nói:
- Bảo rằng khó thì thật khó, nhưng bảo không khó thì cũng lại không khó. Tôi sẽ chỉ cho mọi người hai tuyệt chiêu. Chiêu thứ nhất: Cần biết đổi vị trí tư duy, cần suy nghĩ trong tình huống nào thì khách hàng sẽ mua sản phẩm của chúng ta. Chiêu thứ hai: Cần biết cách "dắt mũi" khách hàng.
Học viên đồng ý:
- Đúng rồi, chỉ có bị xỏ mũi, trâu mới theo ta. Nếu không, dù có cố kéo tai hay kéo đuôi, trâu cũng không nghe ta.
Đổng Trác cười:
- Chỉ cần mọi người dụng tâm, hiểu được điều tinh diệu trong hai tuyệt chiêu là có thể sáng tạo, và sáng tạo nào cũng sẽ làm các bạn sung sướng.
3. Lã Bố bán 999 chiếc lược
Một tháng thử việc sắp qua, song đến một chiếc lược mà Lưu Bị vẫn không bán nổi. Hỏi Quan Vũ, Quan Vũ cũng vậy. Hỏi Trương Phi, Trương Phi bán được sáu chiếc.
Lưu Bị nói:
- Ai chà, chỉ có chú Út có năng lực thôi!
Trương Phi trợn mắt:
- Em mà có năng lực gì? May nhờ cô, dì, chú, bác, em thương tình mua hộ mỗi người một chiếc.
Lưu Bị nói:
- Mới có năm chiếc thôi!
Trương Phi cười nhăn nhó:
- Còn một chiếc, em mua tặng bạn gái!
Lưu Bị thở dài cảm khái:
- Hồi trước ta cố công học tập, nghĩ ra đời sẽ làm bao nhiêu việc, nay một chiếc lược cũng không bán nổi. Ba anh em ta sao bế tắt thế này?
Quan Vũ cũng buồn bực:
- Xem ra nhiệm vụ tháng này không hoàn thành, biết làm sao đây? Trương Phi chép miệng:
- Bạn gái em nói: cứ tự mua 100 chiếc là xong việc.
Quan Vũ hỏi:
- Sao lại thế?
Trương Phi nói:
- Thì vì lương một tháng 16.000 quan! Một tháng 16.000, làm sáu tháng chẳng bù được tiền mua lược sao? Mua 100 chiếc đi thôi!
Lưu Bị nói:
- Chẳng hoá ra lừa công ty?
Trương Phi nói:
- Lãnh đạo công ty chỉ yêu cầu ta bán đủ chỉ tiêu, họ cần gì biết ta bán cho ai?
Lưu Bị nói:
- Các đó không được! Công ty cho chúng ta một tháng là để thử năng lực, không phải để bán lược.
Trương Phi nói:
- Đại ca thật thà quá. Em hỏi anh: anh có muốn được nhận không? Lưu Bị nghĩ ngợi một lát rồi quả quyết:
- Cha anh trước lúc lâm chung dặn dò đinh ninh anh hai câu: "Làm người tốt, phải quang minh chính đại; thành việc lớn, không thể không đổ mồ hôi". Anh có thể không được nhận việc chứ không thể lừa dối người!
Quan Vũ phụ họa:
- Đại ca đúng rồi. Bậc trượng phu hành xử trên đời như thái dương qua bầu trời, như sông chảy qua đất. Công ty chính cần người như đại ca!
Trương Phi giơ tay xin hàng, nói:
- Rồi, rồi! Các anh đã khăng khăng như vậy, em cũng chỉ biết nắm vạt áo theo. Ôi, trong trường chúng ta là học sinh xuất sắc, vậy mà kỳ thi này chúng ta về bét, thật không còn mặt mũi nào!
Đúng như Trương Phi đoán, sau một tháng thử thách, những người khác đền hoàn thành vượt mức yêu cầu, trong đó có Lã Bố bán được 999 chiếc, chỉ ba anh em về bét. Đổng Trác gọi ba người lên văn phòng, hỏi giận dữ:
- Tôi không hiểu, vì sao người khác đều hoàn thành nhiệm vụ, duy ba anh không được? Các anh xem Lã Bố đấy, anh ta vào công ty cùng đợt, cùng tập huấn với các anh, vậy mà bán được 999 chiếc, chỉ kém tôi đúng một chiếc! Không hiểu suốt tháng qua các anh làm gì?
Trương Phi nói ngang:
- Ai bảo người ta hoàn thành nhiệm vụ? Tôi dám chắc họ lừa dối, tự bỏ tiền ra mua cho đủ số.
Đổng Trác phát cáu:
- Tự bỏ tiền thì làm sao? Tự bỏ tiền ra mua nghĩa là họ thích sản phẩm của công ty. "Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân" (điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác), người bán hàng yêu thích sản phẩm của mình là có đạo đức nghề nghiệp rất tốt. Sao các anh không học họ?
Đổng Trác gõ gõ bút xuống mặt bàn, trầm ngâm một lát, sau đó nói từ tốn:
- Thế này nhé, tôi cho các anh thêm một tháng thử việc nữa. Công ty không để ý tiền mua lược là của các anh hay người khác, tóm lại, công ty dựa vào doanh số bán mà luận anh hùng. Mong các anh không phụ lòng kỳ vọng của tôi!
Ngượng chín người, Lưu Bị vừa cung kính chào Đổng Trác vừa ra hiệu cho Quan Vũ và Trương Phi mau lui ra. Đáng hổ thay, hết tháng thứ hai mà họ cũng không hoàn thành nhiệm vụ.
Theo quy định của công ty, nhân viên bán hàng thử việc không bán đủ số lượng là không được lương. Hai tháng không tiền, đến ăn uống cũng thành vấn đề. không biết làm sao, ba anh em đành bỏ vị trí bán hàng lương cao và quay lại thị trường việc làm. Hai tháng sau, cả ba tìm được việc ở công ty điện khí Từ Châu, lương tháng chỉ có 1. 600 quan.
Trương Phi nói:
- Có 1. 600 quan nhưng cầm được, còn 16.000 quan của công ty Kỳ Diệu như trăng đáy nước.
Lưu Bị thở dài:
- Chỉ nên tự trách chúng ta không ra gì. Em xem Lã Bố đấy, thật là viên hổ tướng, tháng nào cũng là quán quân bán hàng.
Hai năm sau, trong hội nghị thương mại toàn Trung Quốc, Lưu Bị vô tình gặp lại Lã Bố.
Cố nhân tương phùng, ai nấy đều cao hứng. Lã Bố cho biết, sau khi ba người ra đi, công ty Kỳ Diệu phát triển chóng mặt, không chỉ chiếm lĩnh thị trường bảo vệ sức khoẻ, mà còn tiến quân vào thị trường bất động sản, thành lập tập đoàn công nghiệp cổ phần Kinh Đô. Lã Bố đưa danh thiếp cho Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, chức danh để thật chấn động: Phó tổng giám đốc tập đoàn Kinh Đô.
Lã Bố nói:
- Chiều nay hội nghị kết thúc, mời các anh đi ăn đồ Tứ Xuyên, cả ba đến hết nhé.
Thật là phong độ đại gia của một doanh nghiệp trẻ.
4. Thiên cơ hé lộ
- Các anh dạo này thế nào? – Sau ba tuần rượu, Lã Bố hỏi: có phần tự đắc.
Lưu Bị rất khiêm tốn:
- Chúng tôi không dám sánh với phó tổng Lã, hiện chỉ làm quản lý cho một công ty nhỏ.
Lã Bố nói:
- Bạn bè với nhau, tôi nói thật, anh thật thà quá. Như tôi đây, lương một năm hơn hai triệu quan. Còn các anh, mỗi tháng lao lực vì hơn 1.000 quan. Có thể nói, các anh vất vả cả một đời không bằng thu nhập một năm của tôi. Chúng ta ai cũng hai tay hai mắt giống nhau, chỉ có đầu óc khác nhau thôi. Đầu óc khác nhau nên vận mệnh khác nhau.
Trương Phi vừa hớp hết ly rượu vừa hỏi:
- Phó tổng Lã, vì sao tháng nào anh cũng là quán quân bán hàng? Anh có vũ khí bí mật gì vậy? Chẳng lẽ đúng là có cách bán lược cho sư thật?
Lã Bố cười:
- Các anh đúng là quá thật thà – không – quá ngốc đến đáng yêu! Cả ba nghe mà sững sờ.
Lã Bố nói:
- Các anh có thấy sự tinh diệu trong câu chuyện "bán lược cho sư" không? Thử động não xem, nhà sư mua lược để làm gì? Các anh có thấy tận mắt họ mua không? Bán lược cho sư? Nhà sư trong câu chuyện thật ngốc, người nghe câu chuyện cũng thật ngốc, chỉ có người kể câu chuyện là vĩnh viễn thông minh.
Lưu Bị nói:
- Anh nói thế, tôi cũng đã từng nghĩ vậy. Anh X kiên trì chịu đánh mắng, cuối cùng mới được một nhà sư "mua" cho một chiếc lược. Giám đốc Đổng
khen "kiên trì nhẫn nại", e là vờ tâng bốc. Nhà sư "mua" một chiếc vì thấy anh ta đáng thương, đúng không? Vậy không thể nói X "bán" được một chiếc lược, đúng không? Nhận bố thí, sao có thể tính là thành tích được?
Quan Vũ cũng nói:
- Chuyện anh Y bán được 10 chiếc lược cũng rất đáng nghi. Anh ta nói để đầu tóc bù xù trước tượng Phật là bất kính, vậy chải đầu trước tượng Phật có là kính trọng không?
Trương Phi vỗ đùi, nói to:
- Đúng rồi, chuyện ông Z cũng giả! Nhà sư mua một chiếc lược còn hiềm tiếng phong hoa tuyết nguyệt, mua đến 1.000 chiếc càng không thể được. Nếu là phương trượng, tôi nhất định không để mang tiếng cửa Phật như vậy.
Lưu Bị nói:
- Đúng vậy, lược và tích thiện liên can gì nhau? Chẳng thà tặng khách tranh thiền hay trà, trên hộp trà đề "thiện khí nghinh nhân" (khí thiện đón người ) còn phải lẽ hơn kiểu tặng lược lăng nhăng kia.
Ba anh em tỉnh ngộ, hoá ra câu chuyện "bán lược cho sư" hoàn toàn bịa.
- Thế nhưng…- Lưu Bị nhìn Lã Bố ngờ vực: - Anh chẳng bán được 999 chiếc đó sao?
Lã Bố uống sạch ly bia, nói rành rọt cho ba anh em:
- Trong thời gian thử thách, đúng là tôi bán được 999 chiếc lược. - Sao anh làm được? - Cả ba hỏi đầy ngờ vực.
- Tôi à! – Lã Bố cười đắc ý: - Chẳng phải Đổng Trác dùng lương 16.000 quan làm mồi nhử đám nhân viên tiếp thị chúng ta sao? Muốn chỗ làm ngon, rất nhiều người đã bỏ tiền ra tự mua hàng…
Trương Phi nói:
- Việc đó tôi biết rồi. Nhưng anh làm thế nào? 999 chiếc lược, phải đến mấy trăm ngàn quan, anh lấy đâu ra tiền để mua?
Lã Bố cười:
- Thế nào là khôn sống mống chết, là cá lớn nuốt cá bé? Là từ cái đầu mà ra! Vì thế, các nhà kinh doanh đều chăm chăm vào bọn ngốc. Đổng Trác thế nào, Lã Bố này thế đó. Ông ta dùng lương tháng 16.000 quan làm mồi nhử đám tiếp thị; tôi cũng làm y cách đó, tìm một bọn tiếp thị để nhử mồi.
Ba anh em sững sờ. Đúng là thương trường như chiến trường, bước bước là mưu kế.
Trương Phi hỏi:
- Anh bán được 999 chiếc, sao không phải là 1.000?
Lã Bố lắc đầu:
- Đến việc đó mà anh cũng không hiểu? Đổng Trác tự nhận là Z bán được 1.000 chiếc lược, tôi sao có thể cướp kỷ lục của ông ta được?
Trương Phi "a" một tiếng.
- Các anh biết không? – Lã Bố tiếp tục: - Công ty Kỳ Diệu phát triển thành tập đoàn Kinh Đô hôm nay là nhờ vào biện pháp truyền tiêu của tôi. Trong mấy trăm triệu doanh thu hàng năm của công ty, có đến 90% là tiền túi của nhân viên tiếp thị. Các anh bảo có kỳ diệu không?
Ba anh em lại sững sờ. Đám nhân viên tiếp thị ngốc nghếch không thể ngờ rằng chính họ là nhũng nhà sư trong câu chuyện bịa!
Mặt đỏ tưng bừng, dựa người thoải mái trên ghế, châm một điếu thuốc, nhả đôi vòng khói, Lã Bố nói chậm rãi:
- Ngày nay, phát minh của Đổng Trác – không, là phát minh của Lã Bố dựa trên tư tưởng câu chuyện nhà sư của Đổng Trác, đã được áp dụng trên lĩnh vực mĩ phẩm, bảo vệ sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bồi dưỡng giáo dục và hướng nghiệp. Chỉ cần vào trang www. google.com trên internet, gõ cụm từ "bán lược cho sư", các anh sẽ thấy hàng nghìn link. Rất nhiều người đã cải tiến phát minh, gọi nói là cách bán hàng không cửa hiệu hay nhượng quyền. Đáng tiếc là tôi không đăng ký bản quyền phát minh cách bán hàng "nhà sư mua lược", chẳng có gì bảo vệ bằng sáng chế.
Trương Phi hỏi bực tức:
- Chẳng nhẽ không ai quản các anh?
- Ai quản? – Lã Bố nghẹo đầu, nói: - Khởi thuỷ công ty của trường đại học chỉ để lấy lòng tin khách hàng. Tục ngữ nói: "hiền ăn người", chóp bu trường Đại học Quản lý quốc tế Trường Giang chẳng đều trong tay Đổng Trác sao? Còn ai dám quản nữa đây?
5. Ác giả ác báo
Đưa Lã Bố say mèm về khách sạn thì đã hai giờ sáng. Trương Phi nói:
- Trời sắp hửng, bụng lại đói, thôi không ngủ nữa, ra phố đêm ta uống tiếp.
Ba anh em đóng cửa hộ Lã Bố, về phòng lấy ít tiền, sau đó gọi phục vụ mở cửa. Đêm mát lạnh như nước, ba người đi trên con đường mới sửa đẹp đẽ.
Lưu Bị đề nghị:
- Chẳng thà mua đậu phộng, bò khô lên núi ngắm mặt trời lên! Quan Vũ hỏi:
- Sao đại ca lại có nhã hứng thời sinh viên vậy?
Lưu Bị nói:
- Hôm nay Lã Bố cho chúng ta một bài học thực tế. Câu chuyện nhà sư khiến anh chấn động, cảm giác như có tinh thần mới. Anh nghĩ, rồi chúng ta sẽ đón bình minh sự nghiệp mới!
Hai ngày sau, Lã Bố lại cho ba anh em một tin chấn động.
- Các anh biết không? - Lã Bố thì thào: - Cô Điêu Thuyền học cùng lớp các anh là gái bao của Đổng Trác đó.
- Sao? Quan Vũ kêu thất thanh.
Ai cũng biết Quan Vũ thầm yêu Điêu Thuyền, nay nghe tin sét đánh thành ra thất thố. Lã Bố xác nhận tin tức một lần nữa: Điêu Thuyền, hoa khôi của trường năm xưa, giờ là gái bao của Tổng giám đốc tập đoàn Kinh Đô. Lòng Quan Vũ như lọ ngũ vị hương, trăm cảm xúc lẫn lộn.
Tin tức lan truyền rất nhanh, bạn cùng lớp ai cũng biết chuyện Điều Thuyền. Có người trách Điều Thuyền sa đoạ, bán mình để hưởng phú quý; có người lại chửi Đồng Trác hủ bại, đem thân xác phụ nữ làm trò đùa. Chỉ có Lưu Bị kiệm lời, không đưa ra bất cứ bình luận nào. Trương Phi trách:
- Anh lạ thật, Điêu Thuyền là bạn học của chúng ta cơ mà! Lưu Bị đáp lạnh nhạt:
- Không phải Bị này không thương bạn cùng lớp, song suốt bốn năm chúng ta không giao vãng gì với Điêu Thuyền. Chuyện của cô ấy với Đổng Trác, ta cũng không hiểu ngọn ngành. Em bảo anh nói gì bây giờ?
Trương Phi ngạc nhiên nhìn anh:
- Đại ca, anh trở nên lạnh lùng từ hồi nào vậy?
Lưu Bị nói bình thản:
- Sau khi rời trường, anh gặp bao nhiêu chuyện hoàn toàn khác xưa. Qua thời gian, ta phải thích ứng với hoàn cảnh, có gì đáng ngạc nhiên đâu? Nay điều duy nhất anh quan tâm là: Lã Bố đã làm phó tổng giám đốc; còn chúng ta, đến một kế hoạch lập nghiệp vẫn chưa có.
Quan Vũ hỏi:
- Đại ca, anh có thể học Lã Bố bán lược không?
Lưu Bị đằng hắng, nói:
- Người như Đổng Trác, Lã Bố giỏi kiếm tiền, song ác giả tất ác báo. Chúng ta học họ làm gì?
Hai năm sau, tin về Điêu Thuyền lại được lan truyền. Đổng Trác, Lã Bố ghen nhau vì Điêu Thuyền nên đánh nhau ở Phụng Nghi Đình. Lã Bố lỡ tay khiến Đổng Trác mất mạng, phải bóc lịch năm năm. Tập đoàn Kinh Đô to là vậy bỗng tan tành trong phút chốc.
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
"Bán lược cho sư" được một số người xem là câu chuyện kinh doanh truyền tiêu kinh điển. Song đó là câu chuyện lừa dối, lại khuyến khích người ta kinh doanh lừa dối. Nếu tin vào câu chuyện, có nghĩa bạn nguyện làm con bọ ngựa rình ve. Nếu bạn không tin mà vẫn làm theo, có nghĩa bạn làm con chim sẻ sau lưng bọ ngựa.
Bạn lập nghiệp thế nào, vận mệnh của bạn thế đó. Nếu bạn buôn bán lừa dối, tức bạn đã chọn làm con chim sẽ đắc ý, và xạ thủ đang nhìn bạn qua đầu ruồi. Bạn không thể hiểu vì sao người ta chê cười bọ ngựa và chim sẻ, song lại khen ngợi xạ thủ.
Bạn phải lập nghiệp một cách đàng hoàng, đó là điều kiện tất yếu của một nhà quản lý thành công.
CHƯƠNG 3
HỌC THUYẾT ĐÓNG ĐAI THÙNG
1. Luận "rò nước" của Lưu Bị
Ông chủ công ty Từ Châu Đào Khiêm rất quý Lưu Bị, cho rằng chàng kỉm dỉm mà thông minh, đối nhân xử thế khoan hoà mà có tình, đúng là chàng thanh niên có tương lai. Tuổi cao, con cái không có, Đào Khiêm đã vài lần trò chuyện thân tình với Lưu Bị, hy vọng sau này chàng tiếp quản công ty Từ Châu. Điều đó có nghĩa là mấy năm sau Lưu Bị sẽ được một gia sản hơn một triệu quan.
Phải người khác thì đã sướng phát rồ. Lưu Bị không vậy, chàng từ tốn trả lời ông chủ:
- Cháu nghĩ việc này cần cân nhắc kỹ lưỡng. Về tư mà nói, công ty Từ Châu là tâm huyết một đời của bác, cháu không biết có đủ năng lực tiếp nhận gánh nặng nghìn cân đó không. Về công mà nói, chọn người thừa kế liên quan chặt chẽ tới lợi ích từng người trong công ty; nếu không danh chính ngôn thuận, công ty sẽ mất ổn định.
Đào Khiêm ngạc nhiên:
- Bác là chủ công ty, bác chọn ai thừa kế thì ảnh hưởng gì tới sự ổn định của công ty?
Lưu Bị nói:
- Là một loại tổ chức xã hội, công ty mang hai ý nghĩa về quyền sở hữu. Nhìn bề ngoài, trên danh nghĩa công ty thuộc sở hữu tư nhân, bác có thể tùy ý sắp xếp nhân sự. Nhìn từ góc độ nhân viên, ai cũng muốn hoà hợp tiền đồ của công ty với lợi ích bản thân, vì thế nó cũng là một tổ chức xã hội. Công ty càng tôn trọng lợi ích nhân viên, nhân viên càng tự giác làm việc tích cực; nếu không, họ sẽ lần lượt bỏ đi. Chỉ có buộc chặt lợi ích của nhân viên với tiền đồ công ty mới có và duy trì được đội ngũ nhân viên hiệu quả vượt bậc.
Đào Khiêm trầm ngâm:
- Bác hiểu. Ý cháu là trước bất kỳ quyết định nào của công ty, bác cũng không thể thiên lệch hay có biểu hiện thiên lệch, nếu không sẽ vì tư mà hỏng công. Xem lại lịch sử Trung Quốc, dù cả thiên hạ đều của vua, song vua nào vì thiên hạ sẽ hưng, vua nào chỉ vì mình sẽ diệt. Tất nhiên bác không so với vua, nhưng lẽ chung là giống nhau. Song, bác đã già, chẳng lẽ sau này chỉ
đạo công ty từ âm phủ?
Lưu Bị vội thanh minh:
- Cháu rất muốn kế thừa sự nghiệp và thực hiện ý nguyện của bác. Như thế cháu đỡ phải trải nỗi vất vả sáng nghiệp, có luôn được tài sản của công ty để thử sức mình. Nhưng cháu không muốn vì tự dưng được không sản nghiệp mà ảnh hưởng tới cách quản lý công ty.
Đào Khiêm hỏi:
- Theo cháu, bác nên làm thế nào?
Lưu Bị thành thực từ chối:
- Cháu không dám nói bác nên làm thế nào. Cháu chỉ nghĩ, công ty như một chiếc thùng gỗ. Chắc bác biết lý thuyết thùng gỗ nổi tiếng: thùng gỗ dựng được nhiều hay ít nước, quyết định bởi thanh gỗ ghép ngắn nhất chứ không phải thanh gỗ dài nhất, đồng thời quyết định bởi độ khít giữa những thanh gỗ. Nếu các thanh gỗ ghép không khít, không thể đổ nước đầy thùng. Bác có thể xem cháu là người có năng lực, song, sức mạnh của một tập thể không chỉ quyết định ở năng lực từng thành viên, mà còn quyết định ở sự hợp tác giữa các thành viên. Cháu không muốn vì cháu mà công ty biến thành một thùng gỗ rò.
Đào Khiêm nhìn Lưu Bị hồi lâu, sau đó cười:
- Lý thuyết "tân thùng gỗ" – cũng có thể nói là lý thuyết "thùng gỗ rò" của cháu rất có lý. Để cháu làm, cháu có đóng được một thùng gỗ tốt không? Ý bác là cháu làm thế nào để xây dựng văn hóa công ty?
Lưu Bị đáp:
- Chỉ có khoa học quản lý mới tạo được tập thể hiệu quả vượt bậc. Đào Khiêm phấn khởi:
- Chà chà, sao cháu nói vậy?
Lưu Bị giải thích:
- Ngày nay, các nhà quản lý đều giương lê xung trận. không thể phủ
nhận, họ đều có tư chất kinh doanh như: nhạy bén thị trường, hiểu biết và liễu lĩnh. Họ hay cậy tố chất và thành công đã có để tự tin vào kinh nghiệm của mình mà không tin, hoặc bỏ qua khoa học quản lý.
Đào Khiêm nói:
- Kinh nghiệm cũng tốt, "ngựa già thuộc đường" mà.
Lưu Bị nói:
- Từ góc độ khoa học quản lý mà nói, kinh nghiệm thật tốt. Song, quản lý hiệu quả không chỉ dừng ở kinh nghiệm, mà nên phân tích, nghiên cứu kinh nghiệm, từ đó phát hiện nguyên nhân thành công và thất bại, biến nó thành khoa học.
Đào Khiêm nói:
- Nghiên cứu kinh nghiệm, cũng là một cách làm thông minh. Lưu Bị nói:
- Vì sao phải nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm? Ngày nay, thị trường thay đổi từng giờ. Bao cậu bé hôm trước mặt còn búng ra sữa, hôm sau đã khiến "ngựa già" chóng mặt, không còn biết đường nào để "thuộc". Cái gọi là kinh nghiệm chỉ có thể dùng để phán đoán thị trường biến ảo. Việc nhiều doanh nghiệp lớn vừa qua thua lỗ liểng xiểng chẳng là hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta sao?
Đào Khiêm hiền lành:
- Bác biết là chủ nghĩa kinh nghiệm đã lỗi thời. Còn cháu, làm sao cháu dùng khoa học quản lý xây dựng đội ngũ hiệu quả vượt bậc đây?
Lưu Bị nghĩ một lát:
- Làm sao xây dựng đội ngũ hiệu quả vượt bậc – đó là một công trình có hệ thống. Cháu cần phải chuẩn bị một bản báo cáo, năm giờ chiều mai cháu sẽ nộp cho bác, có được không ạ?
- Tốt!
Đào Khiêm thấy mình càng quý chàng trai này.
2. Năm việc xây dựng đội ngũ hiệu quả vượt bậc
Từ phòng giám đốc về, Lưu Bị nhờ Quan Vũ, Trương Phi giúp làm báo cáo. Quan Vũ nói:
- Tài quản lý của anh hơn hẳn em và Trương Phi. Bọn em giúp anh thế nào được?
Lưu Bị nói:
- Tư duy hệ thống của anh không tốt, viết lách cũng kém. Em đọc thuộc "Tả thị Xuân Thu", chữ nghĩa chắc chắn hơn anh. Còn Trương Phi, vừa rồi thấy thư pháp của em chẳng thường. Tục ngữ có câu "ba ông thợ vụng cũng hơn Gia Cát Lượng". Chúng ta phải làm báo cáo thật tốt.
Trương Phi nói:
- Anh cứ tìm Gia Cát Lượng là được rồi.
Lưu Bị nói:
- Anh nào biết Gia Cát Lượng ở đâu? Nói thật, nếu có tăm hơi Gia Cát Lượng, dù anh ta có trốn trong lều tranh, anh cũng mời ra bằng được. Nhưng báo cáo thì phải làm ngay đêm nay. Anh mong nó sẽ là cơ sở cho quản lý và sự phát triển của công ty.
Hệt như hồi làm luận văn tốt nghiệp năm xưa, ba anh em thức trắng đêm để hoàn thành
Năm việc xây dựng đội ngũ hiệu quả vượt bậc
1- Tạo môi trường thuận lợi cho nhân viên
Để xây dựng đội ngũ hiệu quả vượt bậc, nhà quản lý phải gắng tạo môi trường thuận lợi cho nhân viên, bao gồm: cấp quản lý phải giải quyết vấn đề của tập thể, dành đủ thời gian tiếp xúc và thông hiểu cấp dưới, phải có thành tích và chiếm được lòng tin của cấp dưới. Nhà quản lý phải tạo sự hợp tác, hài hoà, tin tưởng lẫn nhau giữa các nhân viên.
Nói tóm lại, dù có hiềm khích giữa các thành viên công ti, vẫn phải nêu cao tinh thần "Tuy không sinh cùng năm cùng tháng nhưng nguyện chết
cùng ngày".
2- Tạo niềm tự hào cho các thành viên
Mỗi nhân viên đều mong tập thể của mình có tiếng tăm, mà một tập thể có tiếng phải có tiêu chí độc đáo. Nếu không có tiêu chí đó, hoặc giả tiêu chí đó bị tổn hại, lòng tự hào tập thể của từng nhân viên sẽ tiêu tan. Rất nhiều nhà quản lý không biết rằng lòng tự hào của nhân viên chính là động lực cống hiến của họ.
Vì thế, từ lập ra hệ thống hình tượng của công ty đến khích lệ các bộ phận, đều có ảnh hưởng sâu sắc tới từng thành viên và kích thích họ sáng tạo.
3- Tạo vị trí phù hợp với năng lực
Các thành viên cần có trách nhiệm đối với vị trí của mình, đồng thời phải hợp tác tốt với các thành viên khác. Chỉ như vậy, mỗi thành viên mới hiểu rõ vai trò của mình trong toàn bộ dây chuyền; chỉ như vậy, nhân viên mới là thành viên chân chính trong tập thể. Khi là một thành viên chân chính, nhân viên sẽ căn cứ vào nhu cầu của tập thể mà lập tức hành động, không cần chờ lệnh cấp trên. Nói cách khác, từng thành viên sẽ tự lựa chọn phương án thích hợp để thực hiện nhu cầu và mục tiêu chung của tập thể.
Vì thế, tập thể hiệu quả vượt bậc phải có các thành viên mà năng lực phù hợp với vị trí, từ đó mới phát huy được toàn bộ sức mạnh mà tiến lên.
4- Tạo mục tiêu cụ thể cho tập thể
Trách nhiệm của người quản lý là hướng tập thể vì mục tiêu chung, không phải là vắt sức nhân viên. Một người lao động theo khuôn mẫu có thể là "đầu tầu gương mẫu", song trong một hoàn cảnh khác, điều đó lại phá hoại sự hợp tác giữa các thành viên.
Đặt ra mục tiêu cụ thể cho tập thể sẽ kích thích tăng cường hợp tác giữa các thành viên. Khi mỗi cá nhân ý thức được mục tiêu chung, mâu thuẫn giữa các thành viên sẽ biến mất. Lúc đó, nếu ai còn tự tư, tự lợi, anh ta sẽ bị người chung quanh trách không vì đại cục. Tập thể nhờ thế mà thêm gắn kết.
5- Đánh giá thành tích một cách khoa học
Một hệ thống đánh giá thành tích có hiệu quả bao gồm hai hình thức
đánh giá: đánh giá chính thức và đánh giá kịp thời. Đánh giá chính thức để xác định năng lực của nhân viên có phù hợp với vị trí của họ không, từ đó sắp xếp vị trí, có chế độ đãi ngộ, đào tạo nhân viên một cách khoa học. Đánh giá kịp thời để giúp để nhân viên tìm nguyên nhân làm tốt hay làm sai của mình, đồng thời kích thích tiềm năng nhân viên.
Quan hệ chặt chẽ tới hệ thống đánh giá chính là chế độ đãi ngộ một cách khoa học. Để tất cả các thành viên đều thừa nhận hệ thống đánh giá, trước tiên hệ thống phải có đặc điểm "Đối nội công bằng, đối ngoại cạnh tranh". Bất kể đãi ngộ bằng vật chất hay phi vật chất, mục đích của đãi ngộ phải là kích thích sự sáng tạo của từng thanh viên và tăng cường sự hợp tác trong tập thể.
Khi một cá nhân hay một nhóm làm việc xuất sắc, chúng ta thường khen thưởng bằng tiền hoặc giấy khen. Thực ra chỉ khen bằng tiền hay giấy khen chưa đủ mà cần cả hai. Ví như khi thưởng tiền, cũng cần trao "Cúp cho nhóm xuất sắc trong tháng" hay "Bằng khen cho cá nhân xuất sắc nhất tháng". Như vật tiền thưởng sẽ mang sắc thái tình cảm, có tác dụng kích thích rất lớn.
Đánh giá kịp thời một cách không chính thức càng cần sáng tạo, như mời cơm hay tặng đồ kỉ niệm, v.v… Trong "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung, ta thường thấy nhiều nhân vật xiêu lòng vì những ân huệ nho nhỏ. Chiêu đó được dùng đi dùng lại không biết bao lần.
Đúng như Lưu Bị hứa. Chiều hôm sau, Đào Khiêm nhận được bản "Năm việc dựng đội ngũ hiệu quả vượt bậc". Đào Khiêm nói có phần suồng sã với Lưu Bị:
- Quản lý tập thể có rất nhiều lớp lang, mỗi lớp lang lại có sự tinh diệu riêng. Có nhiều công đoạn cháu không làm được. Mà nói một cách đại thể, cháu chẳng qua cũng chỉ biết đại khái.
Đào Khiêm nói:
- Làm lãnh đạo không nhất thiết phải là chuyên gia ở mọi lĩnh vực. Trong rất nhiều trường hợp, biết đại khái là được rồi.
Đào Khiêm vừa nói vừa thầm đánh giá Lưu Bị là nhân vật đáng khen số một. Còn ai sẽ đứng ra đánh giá bản báo cáo của Lưu Bị, Đào Khiêm quyết định tìm Khổng Dung.
3. Anh ta là thợ đóng đai thùng
Khổng Dung xuất thân từ giảng viên đại học, nổi tiếng là học rộng tài cao và đức trọng. Sau khi rời trường, Khổng Dung làm cố vấn cho tổng công ty Đông Hán do Tào Tháo lãnh đạo. Câu chuyện Khổng Dung nhường lê được truyền không biết bao đời.
Năm Khổng Dung bốn tuổi, cha mua mấy quả lê, kêu Khổng Dung chọn. Khổng Dung chỉ lấy những quả nhỏ, cha bèn hỏi: "Sao con không chọn quả to?" Khổng Dung trả lời: "Anh lớn hơn con, phải để quả to cho anh."
Hồi học cùng Khổng Dung, Đào Khiêm hỏi:
- Từ góc độ kinh tế mà xét, anh chọn quả nhỏ thì được gì? Khổng Dung đáp:
- Tôi chỉ nhường lê một lần mà được anh trai yêu quý một đời, lại được xã hội tán dương. Nếu xem quả lê là cái vốn đạo đức, thì tôi một vốn bốn vạn lời!
Khổng Dung đọc xong "Năm việc xây dựng đội ngũ hiệu quả vượt bậc" do Đào Khiêm đưa thì kinh ngạc, khen ngợi: Người này có tài soái vậy!
Đào Khiêm hỏi:
- Sao anh bảo vậy?
Khổng Dung nói:
- Người này có một khả năng đặc biệt, tôi gọi khả năng đó là "quản lý thấu suốt". Có khả năng đó mới đáng gọi là bậc tài soái.
Đào Khiêm hỏi:
- Thế nào là "quản lý thấu suốt"?
Khổng Dung nói:
- Quản lý thấu suốt chỉ người quản lý khiến cấp dưới chủ động hoàn thành công việc, nó cũng kích thích tính chủ động của cấp dưới.
Đào Khiêm hỏi:
- Vì sao ông cho rằng Lưu Bị có khả năng quản lý thấu suốt đó? Khổng Dung đáp:
- Người này có ý thức tập thể rất cao, lại rất đam mê công việc quản lý. Ngay từ lời lẽ bản báo cáo cũng có thể nhận ra khả năng quản lý thấu suốt đó. Kẻ đọc sách hay nói "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", người này rất hiểu lẽ "tu thân". Trong thời đại tiêu dùng phồn hoa này mà vẫn nghĩ vậy, quả là kiệt xuất. Do đó, có thể nhận định: người này có năng lực khống chế bản thân, năng lực thông cảm, năng lực hợp tác…hơn người. Một khi vào vị trí lãnh đạo, người này tất sẽ dùng lòng khoan hòa, uy tín để gắn kết tập thể, khiến tập thể có sức mạnh ghê gớm.
- Uy tín thì là một mặt để đánh giá người có tài soái hay không, mặt khác không kém quan trọng là quản lý thông tin. Nhiều quản lý có tư chất tầm thường thích độc quyền hưởng thông tin, họ muốn lấy đó làm oai với cấp dưới, đồng thời thả sức độc đoán. Ngược lại, một nhà quản lý "trí quyền" có khả năng chia sẻ thông tin, nhân viên nhờ vậy mà hiểu hoàn cảnh của tập thể, nhận thức rõ mục tiêu chung; nhà quản lý cũng nhờ vậy mà đưa ra các quyết sách đúng đắn, kích thích sự tích cực của nhân viên.
Đào Khiêm nói:
- Nếu biết chia sẻ thông tin là người có tài soái, vậy nhà báo ai cũng có tài soái, làm được tổng giám đốc hết cả sao?
Khổng Dung nói:
- Người ta đánh giá vua có hiền hay không, chủ yếu là nhìn vào quần thần, vua và quần thần có thông hiểu nhau hay không. Lãnh đạo công ty cũng như vậy. Nếu lãnh đạo công ty và cấp dưới thông hiểu nhau, nhà quản lý có thể đứng từ góc độ cấp dưới mà nhìn nhận, hiểu được nỗi vất vả của cấp dưới, tăng cường nhận thức của cấp dưới đối với công việc và ủng hộ nhà quản lý. Có thể coi sự thông hiểu là một loại tài sản của công ty. Từ tầm nhìn suy ra tầm tư duy, tôi đánh giá người này có đủ ba mặt để thành một bậc tài soái.
Đào Khiêm nói:
- Chủ tịch công đoàn rất giỏi thông cảm với nhân viên, song chẳng ai xem họ là nhà quản lý giỏi cả.
Giờ mới nghĩ đến điều đó, Khổng Dung bật cười, vừa cười vừa nói:
- Một nhà quản lý giỏi còn phải xác lập quan hệ tin cậy lẫn nhau với nhân viên. Có được quan hệ tin cậy với nhân viên, nhà quản lý càng giỏi giang, nhân viên càng tích cực, càng nỗ lực, "tiêu hao ma sát" trong điều hành giảm mà năng suất lại ngày một tăng. Người này biết phải đánh giá trách nhiệm hiệu suất công việc một cách khoa học để tăng cường hợp tác trong nhân viên, đó là mặt thứ tư.
Đào Khiêm nói:
- Không sai. Người này đã nói với tôi về lý thuyết "thùng gỗ rò", đồng thời cũng nói về việc "đóng đai thùng" – tăng cường sự hợp tác, tin cậy trong công ty. Anh ta dùng hình ảnh "thùng gỗ" xác đáng lắm.
- Vậy… - Khổng Dung hỏi có ý trêu: - Ông bạn già, có phải anh định để lại ghế cho người này không? Tuyển người kế nghiệp như tuyển con rể, phải xem giống má thật kỹ lưỡng, đúng không?
Đào Khiêm cảm thán:
- Mới ngày nào chúng ta còn là sinh viên… Chớp mắt, tôi đã 63, tóc mai đã bạc. Công ty Từ Châu là tâm huyết bao năm của tôi, nào có khác con gái rượu, giờ phải tìm rể hiền thôi.
Nắm tay Khổng Dung, Đào Khiêm hỏi khẽ khàng:
- Ông bạn ơi, liệu chúng ta có lầm không?
Khổng Dung an ủi:
- Tin tôi đi, không lầm đâu. "Con rể" của anh là "thợ đóng thùng" giỏi đấy!
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
"Tôn Tử binh pháp" ngay từ đầu đã nói rõ: "Đạo" là một trong những yếu tố quyết định chiến thắng. Ở đây, "đạo" là tướng sĩ một lòng, trên dưới đồng cam cộng khổ, quân sĩ vì thế xả thân, không sợ nguy hiểm.
Trong thời đại cạnh tranh khốc liệt, công ty càng cần tinh thần cống hiến của nhân viên. Thế nhưng, tinh thần cống hiến của nhân viên dường như chỉ tồn tại trong cổ tích. Dẫn đến tình trạng đó, lỗi là ở nhà quản lý, vì nhà quản lý chỉ lo cho bản thân nên làm tổn thương nghiêm trọng lòng tự tôn của nhân viên, tinh thần cống hiến của họ còn bị đem ra làm trò cười. Tình trạng xí nghiệp rệu rã cũng như "chiếc thùng rò", không có cách gì thực hiện mục tiêu đề ra.
Triết lý "đóng thùng gỗ" là triết lý "lấy người làm gốc", nó ảnh hưởng tới từng quyết định của nhà quản lý và là cơ sở của quan hệ giữa nhân viên và chủ, nó bồi đắp lòng trung thành của nhân viên đối với doanh nghiệp. Làm một nhà quản lý, bạn nên như người thợ đóng thùng.
CHƯƠNG 4
QUẢN LÝ LÀ MỘT LOẠI GAME ĐIỀU KHIỂN
1. Luận chính – tà của Trần Đăng
Lại nói Đào Khiêm cảm thấy tuổi cao sức yếu nên quyết tâm nhường ghế cho Lưu Bị. Ông gọi chánh văn phòng Mi Trúc và trưởng phòng kế hoạch Trần Đăng tới mật đàm. Mi Trúc nói:
- Lưu Bị đúng là một tài năng để gánh vác việc lớn. Song anh ta quá trẻ, làm ở công ty chưa lâu mà đột nhiên được tung hoành, người ta làm sao phục đây?
Đào Khiêm hỏi:
- Vậy ý anh ra sao?
Trần Đăng nói:
- Anh có thể mở một cuộc thăm dò nội bộ, ai được nhiều người đồng tình nhất sẽ là vị giám đốc tương lai.
Đào Khiêm nói:
- Cách đó rất hay nhưng không hẳn đã công bằng. Tục ngữ có câu "ba người tất hợp thành đồng đảng", nhiều người trong công ty có mối quan hệ thân tình với nhau, song họ không có tư chất làm giám đốc. Tuyển sai người sẽ ảnh hưởng tới tương lai công ty. Khi ấy, tôi làm sao ngậm cười dưới suối vàng được?
Trần Đăng nói:
- Ý anh là muốn thông qua thăm dò để đề bạt Lưu Bị, song lại sợ kết quả thăm dò trái ý mình, phải không? Thế này nhé, là ông chủ, chọn ai là quyền của anh, anh chỉ cần tìm hai trợ thủ cho Lưu Bị là được. Hai trợ thủ được bầu kia sẽ tuyệt đối không ảnh hưởng tới kết quả đã định, chuyện Lưu Bị được tuyển làm giám đốc là tất nhiên. Nếu có sơ suất nhỏ nào ngoài dự liệu, phòng kế hoạch của tôi sẽ can thiệp, tất cả sẽ như ý anh.
Đào Khiêm hỏi:
- Chiêu đó e người quân tử không làm được?
Trần Đăng nói:
- Triết học hành vi của người Trung Quốc xưa có ý này: kẻ ác dùng thiện pháp, thiện pháp thành tà; chính nhân quân tử dùng tà pháp, tà pháp thành chính. Nói cách khác: vì mục đích chính đáng, có thể dùng thủ đoạn.
Đào Khiêm nói:
- Cách luận chính – tà đó rất độc đáo, song nó giống như chơi dao, không giỏi là huỷ hoại thanh danh một đời của Đào Khiêm này. Để từ từ tôi tính đã.
Nào ngờ một tuần sau, Đào Khiêm bỗng nhiên bị bệnh, nằm liệt giường. Vào viện hơn một tháng, bác sĩ bảo Đào Khiêm đã mắc ung thư giai đoạn cuối, vô phương cứu chữa. Trước lúc lâm chung, Đào Khiêm gọi Mi Trúc và Trần Đăng tới dặn dò đinh ninh:
- Điều thứ nhất: Tôi chẳng làm gì được rồi, cứ theo cách các anh mà làm.
- Điều thứ hai: Lưu Bị là một thanh niên tốt, các anh hãy gắng giúp anh ta.
- Điều thứ ba: Các anh nhất định phải lo lắng cho tương lai công ty, đừng phụ một đời đắng cay của tôi…
Vừa nói, Đào Khiêm vừa chỉ vào tim mình, sau đó hai mắt khép lại.
La Quán Trung trong "Tam quốc diễn nghĩa" thuật chuyện Đào Khiêm nhường Từ Châu chỉ là "Đào Khiêm phải thuyết phục mãi, cuối cùng Lưu Bị mới chịu nhận Từ Châu". Câu chuyện đến đây mới hóa ra rằng Đào Khiêm không phải là ông già cô độc, mà còn có hai con trai. Con trưởng là Đào Thương, con thứ là Đào Ứng, cả hai đều làm trong công ty Từ Châu. Vì sao Đào Khiêm không để lại công ty cho con mà giao cho Lưu Bị? Đó là câu đố khó giải.
Sau khi Đào Khiêm qua đời, Trần Đăng, Mi Trúc mở cuộc tuyển người, Lưu Bị trúng ghế giám đốc, xem như hoàn thành di nguyện của Đào Khiêm.
2. Ba chiêu quan mới
Nhậm chức quan mới, Lưu Bị vừa mừng vừa lo. Mừng vì phút chốc được quản lý công ty trị giá gần hai triệu quan; lo vì mới nhậm chức, không tránh nổi sơ suất, lòng người đang hoang mang. Trần Đăng cho Lưu Bị hay:
- Dù anh có trúng cử nhưng vẫn có người không phục, có người thậm chí đem anh làm trò cười. Công việc trước mắt của anh là ổn định nhân tâm, nói theo cách của anh, là đóng chặt đai thùng gỗ.
Lưu Bị nói bình tĩnh:
- Thuyết "thùng gỗ" của tôi chỉ là phương hướng, còn giải quyết các vấn đề cụ thể phải nhờ đến các anh! Anh là cao thủ sắp đặt kế hoạch, lại là bậc lão thành trong công ty, anh hãy giúp tôi đi! Giờ bộn bề trăm mối, tôi không biết bắt đầu từ đâu!
Trần Đăng nói:
- Gọi là ổn định lòng quân sĩ hay gọi là đóng đai thùng, đầu tiên phải làm nhân viên hài lòng. Làm thế nào để nhân viên hài lòng? Có ba chiêu, người ta thường gọi đó là "ba chiêu quan mới".
Lưu Bị vội hỏi:
- Ba chiêu là thế nào?
Trần Đăng nói:
- Chiêu thứ nhất là tăng lương nhân viên. Anh mới nhậm chức, rất nhiều bộ phận chờ anh giúp đỡ. Dùng cách tăng lương thay cho giúp đỡ, đó là một chiêu thường dùng của quan mới.
Lưu Bị lắc đầu:
- Tôi còn không nắm rõ tình hình tài chính của công ty, sao tăng lương bừa được?
Trần Đăng tiếp:
- Chiêu thứ hai, cải thiện môi trường làm việc trong công ty. Ví như
đường ống nhà vệ sinh trên tầng ba tắc hai tháng nay, mấy chiếc bàn ở phòng kinh doanh bị hỏng, anh có thể thay mới một lượt, hay mua thêm đồ dùng văn phòng cũng làm mới bộ mặt công ty.
Lưu Bị vẫn lắc đầu:
- Duy tu là cần thiết, nhưng thay mới thì như đổ vào thùng không đáy, bao nhiêu tiền cho vừa? Chỉ cần dùng cẩn thận hơn là được rồi.
Trần Đăng nói:
- Chiêu thứ ba là thăm dò mức độ hài lòng của nhân viên… Lưu Bị nói:
- Đúng là cần một cuộc thăm dò, song ngộ nhỡ kết quả không như ý có phải tự chuốc hoạ không?
Trần Đăng cười:
- Sau cuộc thăm dò, anh vẫn có thể chẳng ngó ngàng tới kết quả cơ mà. Lưu Bị giật mình.
- Lẽ nào anh không hiểu? Vậy gọi là "miệng trôn trẻ". Là quan mới, lẽ nào anh chịu ngồi không?
Lưu Bị nói:
- Kiểu thăm dò không cần biết kết quả đó có tác dụng gì?
Trần Đăng nói:
- Cái anh cần là một kết quả khác. Anh có thể dùng "bản thăm dò" để hướng sự chú ý của nhân viên tới mục tiêu phía trước, khiến họ nhìn thấy chỗ yếu kém của mình và quên đi sự bất bình. Được thế, nhân viên sẽ tự trách mình, làm sao họ còn bất mãn với quan mới được?
Lưu Bị tỉnh ngộ, nói:
- Hồi còn đi học, tôi ghét nhất thủ đoạn của các chính khách. Chẳng hay đó là…
Trần Đăng mỉm cười, gật đầu:
- Không sai. Hiện nay anh đang trong một tình huống chính trị, liệu anh có cách nào tốt hơn?
Lưu Bị mắt chữ o, mồm chữ a, ngẩn ra đúng năm phút.
Sau đó, Lưu Bị thở dài:
- Đã vậy, anh làm một bản "thăm dò ý kiến nhân viên" nhé?
Trần Đăng hiểu Lưu Bị đã xiêu lòng. Ông về phòng, 20 phút sau quay lại phòng giám đốc, đưa cho Lưu Bị một bản thăm dò:
Thăm dò ý kiến nhân viên, tờ A
Xin anh /chị trả lời những câu hỏi sau:
1. Anh / chị cho rằng trong công tác quản lý công ty còn những vướng mắc gì?
2. Anh / chị cho rằng giám đốc mới còn điểm yếu kém nào? Anh /chị mong giám đốc mới sẽ làm gì?
3. Anh /chị cho rằng còn có người nào không đủ phẩm chất đạo đức và năng lực quản lý? Công ty nên xử lý người đó thế nào?
4. Anh /chị cho rằng công ty nên làm gì để cải thiện môi trường làm việc?
5. Lương anh / chị đủ sống không? Nếu không đủ, anh/ chị mong được bao nhiêu?
Lưu Bị đọc đi đọc lại bản thăm dò, sau đó nói từ tốn:
- Phải nói các câu hỏi rất xác đáng. Song về phía tôi, liệu nó có giống bản tự kiểm điểm?
Trần Đăng nói:
- Đúng vậy. Thăm dò mở kiểu này dễ gây phiền toái. Anh hãy nhìn tờ sau, tôi dùng kiểu thăm dò đóng, kết quả sẽ hoàn toàn khác. Trần Đăng vừa
nói vừa đưa Lưu Bị bản thăm dò thứ hai:
Thăm dò ý kiến nhân viên, tờ B
Anh / chị hãy chọn đánh dấu ü vào những câu trả lời:
1. Nhân viên tốt là người chung vai với lãnh đạo gánh vác việc công ty. Đúng? Không đúng?
2. Có lúc anh / chị không để ý đến sự lao tâm khổ tứ của lãnh đạo. Đúng? Không đúng?
3. Nhân viên trung thành là người tin tưởng vào tương lai công ty. Đúng? Không đúng?
4. Anh / chị là người làm tốt công việc trong năm qua. Đúng? Không đúng?
5. Vì tương lai công ty, anh / chị tự nguyện hy sinh lợi ích cá nhân. Đúng? Không đúng?
Lưu Bị thấy thú vị, khuôn mặt khổ sở giờ mới tươi cười:
- Hỏi như vậy, có phải anh muốn người ta tự thẹn?
Trần Đăng đáp:
- Đúng vậy. Đã tự thẹn, sao còn công kích người khác được? Nhân viên tự thẹn, họ sẽ không rỗi hơi bình phẩm anh nữa.
Lưu Bị cười to:
- Bản thăm dò hay lắm, đúng là Trần Đăng! Mới làm quan, chiêu thứ nhất của tôi là khiến nhân viên biết tự thẹn!
3. Làm nên uy quyền
Quả nhiên sau khi phát ra bản thăm dò ý kiến, nhân viên trở nên kính trọng giám đốc mới. Tình thế trong công ty thay đổi, hệt mây đang vần vụ bầu trời bỗng tạnh. Lưu Bị rất cao hứng bèn gọi điện thoại rủ Trần Đăng chiều đi nhậu.
- Sao không đi ngay bây giờ? - Trần Đăng nói tiếp: - Nhậu cũng là công tác mà, sao lại mất thời gian riêng vậy?
- Thật không?- Lưu Bị nhất thời không kịp phản ứng.
Trần Đăng nói:
- Anh biết rồi đấy, lãnh đạo không như nhân viên. Thế nào là lãnh đạo làm việc? Thông thường là "một ngày ba xoay": sáng xoay bánh xe hơi, chiều xoay bàn tiệc, tối xoay váy. Hiện anh chưa có xe hơi, chưa xoay bánh được. Buổi chiều anh cũng không có trò gì, cũng chưa xoay váy được. Vậy trưa ta xoay bàn một hồi được không?
Lưu Bị giật mình, trầm ngâm một lúc rồi cười ha ha:
- Trần Đăng ôi, cách nào của anh cũng là tà pháp! Thôi được, tôi nghe anh. Anh bảo đến đâu bây giờ?
Khi Lưu Bị tiến tới một phòng bao, Trần Đăng đã đợi sẵn.
- Thật ra không chỉ để nhậu – Lưu Bị nhìn Trần Đăng, sau đó hỏi từ tốn: - Trần Đăng ôi, anh nói đi, liệu tôi có thành thằng quản lý ngu không?
Trần Đăng nâng rượu:
- Tôi biết anh là người coi trọng công việc. Có câu này không biết nói thế nào: người ta thường chế giễu quan đi nhậu mà lại bảo "đi công chuyện". Với anh, hoá ra là nghiêm chỉnh.
Hai người cạn ly, Trần Đăng nói tiếp:
- Anh là người sống có mục đích, nếu không Đào Khiêm đã không quý anh, giao trọng trách cho anh. Mới nhậm chức hai ngày đã có tạp chí "Doanh nhân Tam quốc" tới phỏng vấn. Còn nữa, nghe nói Tào Tháo - người vừa
được bầu là nhà kinh doanh của năm – đã rất ghen tức anh. Ông ta hỏi ký giả của tờ "Doanh nhân Tam quốc": Lưu Bị là kẻ nào mà không mất nửa mũi tên vẫn lấy được Từ Châu?!
Lưu Bị cười như mếu:
- Sao giờ tôi có cảm giác như thiếu dưỡng khí nhỉ?
Trần Đăng dùng bảy phần chuyên tâm để chiến đấu với con tôm hùm, ba phần còn lại để nói chuyện với Lưu Bị:
- Đúng rồi, đó là cảm giác ở trên đỉnh cao. Anh sẽ thích nghi với nó rất nhanh.
Không được ngon miệng như Trần Đăng, Lưu Bị gọi phục vụ mang nước trắng tới, sau đó nói những lời chân thành:
- Ý tôi khác kia. Nhân viên công ty đang yên đang lành, bỗng bị bản thăm dò khiến cho phục tùng. Nói cách khác, nhân viên chấp hành răm rắp liệu có làm công ty thêm sức sống không?
Trần Đăng ngừng nhai, nói thận trọng:
- Sức sống? Tôi cho rằng uy quyền quan trọng hơn sức sống. Vương quyền của các hoàng đế Trung Quốc đều như thần thánh, nói một cách khác, quyền lực đó không cần bàn cãi. Không có uy quyền, sẽ một nhân viên nào tuân thủ quy tắc công ty, khi đó thì sức sống ở đâu, hay biến thành sức chết cả?
Lưu Bị hỏi:
- Quyền uy sao lại quan trọng đến vậy?
Trần Đăng nói:
- Bởi quản lý là một loại game điều khiển, quyền uy làm nên hiệu quả điều khiển.
- Quản lý là một loại game điều khiển? Lưu Bị chợt hiểu ra, đó chính là điều mình cần.
Trần Đăng khẳng định:
- Quản lý là game điều khiển. Trước đây tôi đã nói với Đào Khiêm về "quân tử dùng tà pháp", đó cũng chính là thuyết về game điều khiển.
- Vậy điều khiển và quyền uy là tất yếu?
- Đương nhiên. - Trần Đăng nói chắc như đinh đóng cột: - Ông thánh Mạnh Tử từ xưa đã phân người làm hai loại: một loại ra quy tắc, loại kia tuân thủ quy tắc; người ra quy tắc lao tâm, người tuân thủ quy tắc lao lực. Làm người lao tâm, anh phải đủ năng lực điều khiển để khiến nhân viên tuân thủ quy tắc, tức là kính trọng lãnh đạo – anh gọi đó là phục tùng. Mặt khác, vì quyền uy của lãnh đạo mà họ phải tích cực làm việc – chính là thứ anh gọi là sức sống.
Lưu Bị tỉnh ngộ hẳn, cảm thán:
- Trước tôi còn mơ mơ hồ hồ lời Mạnh Tử. Nghe một câu của anh mà tôi như chết đuối vớ được thừng.
- Ấy? – Trần Đăng làm bộ giận đến tức cười, sau đó nói: - Câu đó là cương lĩnh trong quản lý học, nó bền như xích sắt, sao gọi là thừng được?
Lưu Bị làm bộ vỗ miệng:
- Lỡ lời, lỡ lời. Trần Đăng ôi, anh đúng là chuyên gia quản lý. Mời anh giúp Đường Tăng sang Tây Trúc, giúp tôi cách thức quản lý, có được không?
Trần Đăng nói:
- Tôi chỉ nghiền ngẫm về quản lý học mà thôi, thực ra không thông thạo từng việc cụ thể. Nói cách khác, tôi chỉ thấy rừng mà không thấy cây, càng không biết làm thế nào để cưa cây nữa.
4. Điều khiển như thế nào?
Lưu Bị nghĩ một lát rồi nói:
- Tư tưởng quyết định hành vi. Cái tôi cần là tư tưởng của anh. Còn công việc cụ thể, cứ theo tư tưởng của anh. Anh đã giúp tôi hiểu quản lý là một loại game điều khiển, vậy tôi sẽ bắt đầu trò chơi với tâm thái thế nào?
Trần Đăng trầm ngâm, sau đó nói:
- Vấn đề giám đốc Lưu hỏi, tôi cũng đã nghĩ đến. Mấy ngày trước tôi có viết cái tuỳ bút về thuật khiển nhân, đầu đề là "Luận về luật chơi quản lý" cũng có chút tác dụng cho anh tham khảo.
Hôm sau đến công ty, việc đầu tiên Lưu Bị làm là đến phòng kế hoạch tìm Trần Đăng. Trần Đăng nói:
- Anh thật quá chu đáo! Đêm qua tôi đã gửi e-mail cho anh rồi. Lưu Bị rối rít:
- Hay, hay quá! Vậy mà không biết, để tôi về xem ngay!
Lưu Bị về phòng và bật ngay máy tính, lấy ra thư của Trần Đăng. Luận về luật chơi quản lý
1. Quản lý là một loại game điều khiển, bạn sẽ thắng nếu đủ thông minh; nếu không, chỉ còn trông vào số trời.
2. Để chiến thắng trong game, trước hết bạn phải đặt quy tắc game thật chặt chẽ, từ quyền hạn chức vụ, quy phạm ứng xử cho tới chính sách "cây gậy và củ cà rốt".
3. Trước khi bắt đầu trò chơi, bạn chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc bạn chắc sẽ chiến thắng, đó là lúc bạn có đủ năng lực để chiến thắng; hoặc bạn không chơi.
4. Nếu bạn không chắc chắn mà chỉ hy vọng thắng cuộc, quyền quyết định thắng thua sẽ không còn trong tay bạn. Lòng bất an sẽ ngăn trở quyết định hành động, và quyền định đoạt sẽ không còn.
5. Vì mỗi người tham gia game đều là một phần trong cuộc sống của bạn, nếu bạn đủ năng lực điều khiển bản thân, bạn sẽ chiến thắng những người khác.
6. Trong rất nhiều trường hợp, bạn sẽ thấy cách chiến thắng tốt nhất là liên kết với người khác để cùng chiến thắng. Kỳ quái là trong những người chiến thắng vẫn có kẻ thua, nếu thông minh, người thua sẽ không phải là bạn.
7. Bạn là đối thủ của tất cả mọi người, hoặc bạn bị lợi dụng, hoặc bạn bị thanh trừ; tất cả mọi người là đối thủ của bạn, một số người có thể lợi dụng, một số người phải thanh trừ.
8. Tất cả người tham gia game đều tìm điểm yếu của người khác để lợi dụng, vì vậy bạn phải cứng rắn và đề cao cảnh giác.
9. Đủ thông minh để cố ý biểu lộ nhược điểm (như vờ mơ hồ) là một cách hay, nó sẽ làm đối thủ của bạn buông thả.
10. Để thắng trong game điều khiển, bạn phải biết cách lợi dụng tình cảm. Tình cảm của bạn sẽ làm động lòng người khác, nó cũng có thể khiến bạn bị lợi dụng.
11. Cái gọi là xử thế thực ra là giao tiếp với đối thủ. Bạn chính là đối thủ lớn nhất của mình.
12. Trong quản lý, chớ làm con tằm tự trói. Tất cả luật chơi đều để lợi dụng, hãy lợi dụng cho khéo để thắng cuộc.
Lưu Bị vừa đọc vừa nghĩ bụng: "Cha Trần Đăng này đáng sợ thật, điều gì cũng viết ra, câu nào cũng tâm huyết. Hay lắm, có bản luận về luật chơi này, Lưu Bị ta đối nhân xử thế thêm dễ dàng, lo gì không làm nên việc lớn! "
Nghĩ vậy, Lưu Bị bất giác nhấc điện thoại:
- Trần Đăng ôi, anh đúng là tay sắc sảo! Nếu rảnh, trưa nay ta đi ăn được không?
Trần Đăng nói:
- Lại đi à? Có chuyện gì vậy?
Lưu Bị nói:
- Tôi muốn thăng anh làm trợ lý giám đốc.
Trần Đăng hỏi:
- Vì sao?
Lưu Bị nói:
- Vì anh tài của anh. Không có Trần Đăng anh, sao tôi dễ dàng được tuyển làm giám đốc. Không có Trần Đăng anh, sao tôi làm yên lòng nhân viên được? Để cả công ty chiến thắng trong cuộc chơi này, tôi cần mượn trí tuệ của anh.
Trần Đăng trầm ngâm năm giây rồi hỏi:
- Anh không sợ người khác ghen với tôi sao? Chúng ta cũng phải chú ý xử lý chuyện tình cảm trong trò chơi này!
Lưu Bị nói:
- Chuyện nhỏ, anh chỉ phẩy tay một cái là xong.
Trần Đăng nói:
- Không thể nói thế được. Trong tuỳ bút, tôi quên mất một câu: Ai cũng đều trong vòng quản lý, bởi quan hệ con người là quan hệ qua lại, anh cũng phải chịu một kiểu điều khiển nào đó.
Lưu Bị hỏi:
- Sao giờ anh mới nói?
Trần Đăng nói:
- Nghe nói tối qua chánh văn phòng Mi Trúc đã đến nhà Quan Vũ, nhờ Quan Vũ mối lái em gái cho anh.
Lưu Bị giật mình:
- Mi Trúc? Sao ông ta quan tâm tới "chung thân đại sự" của tôi?
Trần Đăng nói:
- Nó có vẻ là hôn nhân chính trị. Ông ta muốn dùng em gái để điều khiển anh, cũng là củng cố ghế trong công ty. Song Mi Trúc là người tốt, không có ác ý gì, em gái ông ta cũng hiền thục. Anh sao chỉ theo đuổi sự nghiệp mà không lo gì chuyện riêng?
Lưu Bị cười nhẹ nhõm:
- Xem ra không đâu không là game điều khiển.
- Đúng vậy – Trần Đăng ở bên kia đầu dây cảm thán: - Trong cuộc sống, ái tình là một kiểu điều khiển hiệu quả thần kỳ.
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
Quản lý là một loại game điều khiển, vì vậy nó thường rời xa những quy tắc xã hội. Thực tế, quản lý học rất hay từ bỏ quan niệm đạo đức thông thường. Ngạn ngữ Trung Quốc nói "Chính nhân dùng tà pháp thì tà thành chính "; Martin Luther của phương Tây cũng có câu nổi tiếng "Không ngần ngại thủ đoạn để đạt đạo đức tối cao".
Niccolo Machiavelli là nhà quản lý học tiêu biểu, tác phẩm "Quân vương" trứ danh của ông đã nêu những lý luận đột phá:
• Một vị vua (nhà lãnh đạo) thực thụ phải có oai phong như sư tử và gian xảo như cáo.
• Một vị vua (nhà lãnh đạo) chỉ có đạo đức tốt thường làm giảm hiệu quả quản lý, đưa đất nước (tổ chức) đến tai hoạ.
• Chỉ cần có chính nghĩa, bất kỳ "tội" đi ngược lại đạo đức thông thường nào cũng được chấp nhận.
• Vua (nhà lãnh đạo) biết phải hy sinh người khác thế nào.
Nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm về sự hưng thịnh, tồn vong của một tổ chức, vì thế tầm nhìn của ông ta tất phải vượt qua trói buộc đạo đức; muốn làm điều thiện, tất phải biết làm điều "ác".
Một tướng thành công vạn cốt khô, bạn có thể vì nó mà phải chịu chửi bới. Song, đến năng lực chịu chửi bạn cũng không có, lấy gì bảo đảm bạn sẽ quản lý hiệu quả để thực hiện mục đích?