🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tầm Nhìn Thay Đổi Quốc Gia - Mohammed bin Rashid Al Maktoum Ebooks Nhóm Zalo Lời giới thiệu DUBAI – SỰ THẦN KỲ ĐẾN TỪ TẦM NHÌN CỦA NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO Nhắc đến Dubai, nhiều người Việt Nam thường nghĩ đến một đất nước Hồi giáo có diện tích nhỏ bé thuộc thế giới Ả Rập và toàn sa mạc, người dân mặc những bộ quần áo màu trắng truyền thống của nam giới, mạng che mặt và quần áo đen phủ kín toàn thân của phụ nữ. Dubai ngày nay vẫn vậy, nhưng Tiểu quốc này hiện được xem là một thành phố năng động và hiện đại bậc nhất thế giới. Chỉ trong 20 năm, với dân số khoảng 2 triệu người trên một diện tích 4.000 km2, Dubai đã phát triển thần kỳ, nổi lên như một thành phố toàn cầu và là một trung tâm kinh tế của thế giới với các trung tâm tài chính, công nghệ thông tin, du lịch, cảng biển, bất động sản, các công trình đồ sộ bậc nhất thế giới: The Palm – quần đảo nhân tạo lớn và đẹp nhất thế giới; Burj Khalifa – tòa nhà cao nhất thế giới; Jebel Ali – cảng nước sâu nhân tạo lớn nhất thế giới,… Điều gì đã tạo nên sự phát triển thần kỳ đó, từ một Tiểu quốc mà ở thời điểm sau Thế chiến thứ nhất đã từng có nhiều người dân phải chết đói trong một nền kinh tế sụp đổ, kiệt quệ? Nhiều người nghĩ ngay đến dầu mỏ. Đúng. Và không đúng. Khi dầu mỏ được phát hiện vào năm 1971 ở Dubai, Tiểu quốc này bắt đầu phát triển mạnh. Nhưng hiện nay, thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt chỉ chiếm dưới 6% tổng thu nhập của Dubai. Đóng góp nhiều cho nền kinh tế của Dubai chủ yếu đến từ các ngành hàng không, bất động sản và xây dựng, thương mại, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ tài chính. Để có được kết quả này, các nhà lãnh đạo Dubai từ thập niên 1970 đã có tầm nhìn chiến lược, định hướng để Dubai trở thành trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ và du lịch của khu vực và thế giới. Các chính sách của chính phủ nhằm đa dạng hóa một nền kinh tế dựa vào dầu khí và thương mại trở thành một nền kinh tế phát triển dựa trên dịch vụ và du lịch. Và điều đó ngày nay đã đem lại vị thế vượt trội của Dubai trong thế giới Ả Rập và trên toàn thế giới. Quốc vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum của Tiểu quốc Dubai, Toàn quyền Dubai, và là Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã tóm tắt và chỉ rõ con đường tiến đến sự vượt trội này của Dubai trong quyển sách My Vision – Challenges in the Race for Excellence, được First News xuất bản với tựa tiếng Việt là TẦM NHÌN THAY ĐỔI QUỐC GIA – Thách thức trong cuộc đua vươn tới sự vượt trội. Đây là quyển sách có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, đầy tính khơi gợi và khích lệ đối với những quốc gia đang trên đường phát triển như Việt Nam. Tôi cho rằng các vấn đề Dubai gặp phải trên bước đường phát triển thật sự là các tham chiếu hữu ích đối với nỗ lực của chúng ta trong sự nghiệp đưa đất nước tiến tới phồn vinh và thịnh vượng. Tôi trân trọng giới thiệu và mong rằng quyển sách này sẽ được nhiều người tìm đọc. TRẦN NGỌC THẠCH Đại sứ Việt Nam tại UAE Lời mở đầu Nhân danh Allah, Đấng khoan dung nhất, độ lượng nhất. Trong 10 ngày cuối của tháng lễ Ramadan(1), một nhà báo hỏi tôi: “Nếu Thánh Allah ban phước cho ngài thấy được Đêm Định mệnh (Laylat al Qadr)(2), ngài sẽ ước điều gì?”. Tôi đã định trả lời: “Tôi ước ngài ban phúc cho vị thế, sự thịnh vượng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập và người dân”, nhưng sau một thoáng do dự và suy xét, tôi tự hỏi liệu như vậy mình có lấy mất cơ hội của chính những người mà tôi muốn dành điều ước này cho họ, dù tôi ở gần người dân của mình hơn với người dân các quốc gia Ả Rập khác. Nhà tiên tri Mohammed đã từng nói:“Không ai có được đức tin thực sự cho đến khi người đó mong muốn anh em của mình có được những điều tốt lành như mong cho chính bản thân”(3). Tôi mong mọi điều tốt lành cho người dân của tôi cũng như cho toàn bộ các quốc gia Ả Rập. Tôi mong họ có thể đạt được trình độ tiên tiến như các quốc gia phát triển. Tôi mong họ chủ động, vượt trội và xâm nhập vào mọi lĩnh vực. Đây cũng chính là những gì chúng tôi đang cố gắng làm ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) nói chung và Dubai nói riêng. Mặc dù rất tự hào về những thành tựu trong quá khứ, song chúng tôi vẫn phải cố gắng để đạt được những thành tựu lớn hơn nữa. Và, chúng tôi sẽ chưa thỏa mãn chừng nào tất cả các quốc gia Ả Rập chưa thịnh vượng, thành công và vượt trội. (1) Tháng thứ 9 trong lịch của đạo Hồi, là tháng ăn chay của người Hồi giáo. (2) Là đêm mà khổ đầu của kinh Qu’ran được tiết lộ cho nhà tiên tri Mohammed (PBUH) và là đêm mà các lời cầu nguyện được chấp nhận. (3) Sahih Bukhari, kể bởi Mohammed Ibn Ismail Al Bukhari, và được dịch tự do từ tiếng Ả Rập. Càng ngày tôi càng thấy buồn vì những sự vụ đáng tiếc đang diễn ra ở các quốc gia Ả Rập. Chỉ có ý thức lạc quan kiên định về một tương lai tươi sáng hơn mới giúp tôi xoa dịu nỗi buồn của mình. Tôi luôn nhắc mọi người và tự nhủ với bản thân rằng tất cả những tuyệt vọng, bi quan và sợ hãi này chỉ là thoáng qua, như đám mây cô đơn bay qua bầu trời trong sáng và chúng sẽ sớm biến mất. Những đặc tính giúp gắn kết các quốc gia Ả Rập nổi bật hơn hẳn những khác biệt giữa những quốc gia này, dù ta thường thấy điều ngược lại diễn ra ở các quốc gia khác. Nhưng chúng ta vẫn có thể thấy nhiều quốc gia có những khác biệt vẫn đang tiến tới đoàn kết và hội nhập. Những bất đồng dai dẳng ở thế giới Ả Rập là điều không bình thường, bởi vì trong những hoàn cảnh thông thường, chúng ta phải là một khối thống nhất. Chúng ta không bao giờ có thể đạt được điều này nếu để những thứ lặt vặt thống trị các mối quan tâm chính yếu và để thái độ tiêu cực tiếp tục lấn át những điều tích cực. Đội ơn Thánh Allah, cuộc khủng hoảng của Ả Rập ngày nay không liên quan đến tiền bạc, nhân lực, tinh thần, đất đai hay tài nguyên, bởi chúng ta có những nguồn lực phong phú và được hỗ trợ bởi một thị trường tiêu dùng rộng lớn. Cuộc khủng hoảng thực sự nằm ở cách lãnh đạo, sự quản lý và tính tự tôn cố hữu. Đây là loại khủng hoảng sẽ xảy ra khi ham muốn quyền lực lấn át tình yêu thương và sự chăm lo cho người dân, khi mà lợi ích và số phận của một cá nhân trở nên quan trọng hơn so với quyền lợi và vận mệnh của toàn bộ quốc gia. Khủng hoảng cũng xảy ra khi một số nhà lãnh đạo chỉ phục vụ lợi ích của một số nhóm và bè phái nhất định thay vì phục vụ lợi ích của toàn dân. Nói cách khác, khủng hoảng thật sự xảy ra khi bạn đặt người dân vào vị thế phải phục vụ chính quyền - điều đối lập hoàn toàn với lẽ thường. Bản thân tôi, tôi tự hào về tôn giáo, quốc gia và dân tộc của mình. Tôi tự hào về các lãnh đạo tiền bối của mình: Tiên vương Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan(4); cha tôi, - Tiên vương Sheikh (4) Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan (1918-2004) là Tổng thống đầu tiên cùa UAE, quốc vương của Abu Dhabi. Cùng với Sheikh Rashid, ông nắm giữ vị trí lãnh đạo trong việc sáp nhập bảy tiểu vương quốc thành Liên bang UAE vào năm 1971. Rashid bin Saeed Al Maktoum(5); hoàng huynh của tôi, - Tiên vương Sheikh Maktoum bin Rashid Al Maktoum(6). Tôi tự hào về các hoàng huynh và hoàng đệ của mình, hoàng thân Sheikh Hamdan bin Rashid Al Maktoum(7) và hoàng thân Sheikh Ahmad bin Rashid Al Maktoum(8), về gia đình tôi, về những công dân của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và các công dân Ả Rập ở khắp mọi nơi. Kinh nghiệm phát triển đặc biệt của UAE là ví dụ điển hình về những gì có thể đạt được khi Thánh Allah ban phước cho một quốc gia vì họ có những nhà lãnh đạo không vị kỷ, luôn phấn đấu vì lợi ích của người dân chứ không phải vì lợi ích cá nhân. Người lãnh đạo tốt là người luôn đặt lợi ích của cộng đồng nói chung lên trước lợi ích của bất kỳ phe nhóm nào. Lòng tin đối với nhà lãnh đạo chỉ có thể được thiết lập thông qua hành động chứ không phải bằng lời nói. Tôi đang nhắc đến loại hành động để phân biệt nhà lãnh đạo coi người dân là tài sản quý giá nhất của quốc gia, chứ không phải nhà lãnh đạo coi nhân dân là gánh nặng. Có sự khác biệt vô cùng lớn giữa sự lãnh đạo lấy tình yêu thương, sự tôn trọng làm gốc và sự lãnh đạo dựa trên nỗi sợ hãi. Tầm nhìn của chúng tôi nhạy bén, mục tiêu của chúng tôi rõ ràng, nguồn lực của chúng tôi to lớn, ý chí của chúng tôi mạnh mẽ và chúng tôi luôn sẵn sàng đối mặt với những thách thức phía trước. Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa Dubai trở thành trung tâm quốc tế tiên phong của sự ưu tú và sáng tạo, chúng tôi đang nỗ lực biến Dubai trở thành trung tâm thương mại hàng đầu thế giới, điểm đến của du lịch và dịch vụ trong thế kỷ 21. Chúng tôi tự tin có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng này nhờ sự lãnh đạo tận tâm, bằng việc cung cấp cơ sở hạ tầng và môi trường thiết yếu. Nhưng từng đó là không đủ. Chúng tôi còn muốn Dubai dẫn đầu về an ninh, an toàn và phát triển năng động, không bỏ qua yếu tố quan trọng hơn mọi thứ là niềm tin - điều mà chúng tôi quyết duy trì xuyên suốt trong các cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương, khu vực và quốc tế. Dubai sẽ không chấp nhận bất kỳ vị trí nào, ngoài vị trí dẫn đầu. (5) Sheikh Rashid bin Saeed Al Maktoum (1912-1990) là Phó tổng thống và Thủ tướng cùa UAE và Quốc vương của Dubai. (6) Sheikh Maktoum bin Rashid Al Maktoum (1943-2006) là Phó tổng thống và Thủ tướng của UAE và Quốc vương của Dubai. (7) Sheikh Hamdan bin Rashid Al Maktoum (sinh 1945) là Phó thống lĩnh Dubai và là con trai thứ hai của cố Quốc vương Rashid bin Saeed Al Maktoum. (8) Sheikh Ahmad bin Rashid Al Maktoum (sinh 1950) là con trai thứ tư và trẻ nhất của cố Quốc vương Rashid bin Saeed Al Maktoum. Điều cần thiết hơn cả để đạt được những mục tiêu này là phải chỉ cho người dân thấy định hướng đúng đắn và nuôi dưỡng tiềm năng của họ về sự đổi mới, sáng tạo, tự tin, quyết tâm và tố chất lãnh đạo. Những thủ lĩnh chỉ biết lãnh đạo từ đỉnh của kim tự tháp xuống sẽ chỉ quanh quẩn với nhóm quần thần phía trên đỉnh, đó không phải là cách nên làm để có được sự phát triển toàn diện. Bởi vì sự phát triển là nỗ lực chung – cần sự phối hợp và đòi hỏi có sự lãnh đạo chung – nên một thủ lĩnh thực sự nên chọn ra người lãnh đạo từ nhiều cấp thần dân của mình. Sau khi chọn được những người lãnh đạo phù hợp, vị lãnh tụ sẽ cùng họ tham gia trong hành trình tiến tới điểm đích cuối cùng. Tôi viết cuốn sách này để cung cấp những lời khuyên và giải thích kinh nghiệm của chúng tôi và chân thành hy vọng rằng nó sẽ hữu ích cho nhiều quốc gia khác. Mặc dù thất bại là người thầy vĩ đại, nhưng chúng ta không có đủ thời gian để học hỏi từ những thất bại của mình. Xã hội con người không thể lệ thuộc vào một quá trình như vậy. Chúng ta phải lựa chọn một kinh nghiệm phát triển thành công và một cách tiếp cận khoa học có thể áp dụng với tất cả. Dubai đang phát triển một cách bền vững, thực hiện những kế hoạch phát triển đầy tham vọng, dịch chuyển một cách nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực phát triển và không ngừng học hỏi. Tuy nhiên, những lời khuyên của chúng tôi không nên bị khái quát về cách tiếp cận và cũng không nên trở thành một yêu cầu đòi hỏi mọi người làm nhiều hơn khả năng của mình. Bất cứ điều gì đã học được cho đến nay, chúng tôi đã học được từ quá trình thử nghiệm và thất bại. Chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm để mọi người có thể áp dụng nó trên con đường tiến tới thành công – điều mà họ luôn mong muốn và cũng chính là mong muốn của chúng tôi. Phát triển thành công có thể đã từng là một giấc mơ trong quá khứ, nhưng điều đó không còn là giấc mơ ở hiện tại. Cuốn sách này sẽ giải thích lý do tại sao. – Mohammed bin Rashid Al Maktoum Phần I Nhịp đạp phát triển Chương một Sư tử và linh dương Ở châu Phi, mỗi ngày mới, linh dương thức dậy và hiểu rằng hoặc là nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất, hoặc là nó sẽ bị ăn thịt. Cùng lúc đó, con sư tử tỉnh giấc, duỗi thân mình và biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương nhanh nhất, hoặc là nó sẽ chết đói. Điều này không khác với cuộc đua tranh của con người. Cho dù bạn nghĩ mình là linh dương hay sư tử, đơn giản bạn phải “chạy” nhanh hơn những người khác để tồn tại. Kể từ khi thành lập vào năm 1971, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có – làm cả thế giới phải kinh ngạc, và hiện tại quốc gia này vẫn đang phát triển với tốc độ nhanh hơn. Quốc gia trẻ và năng động này đã đạt được rất nhiều thành tựu kể từ năm 1971. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã cạnh tranh tại tất cả các cấp độ trong nhiều lĩnh vực đa dạng và dẫn đầu thế giới trong nhiều dự án tiên phong. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. Chúng tôi không thỏa mãn để ngủ quên với vòng nguyệt quế, và nằm phơi mình trong vinh quang đã đạt được; chúng tôi luôn nỗ lực để tiến lên phía trước, để nắm bắt thời cơ và tận dụng mọi cơ hội đến với chúng tôi trong một thế giới toàn cầu hóa nhanh chóng. Cho đến nay, những thành tựu đạt được đã giúp chúng tôi bắt kịp với phần còn lại của thế giới trong xu thế toàn cầu hóa. Quá trình này đã bắt đầu chậm chạp trong suốt hai thập niên cuối của thế kỷ 20, trước khi nó tăng tốc theo cấp số nhân trong thiên niên kỷ mới và bây giờ đã có thể được ví như một khúc dạo đầu trong cuộc chạy đua kinh tế quan trọng nhất mà thế giới đã từng chứng kiến. Phần thưởng là “miếng bánh” lớn chưa từng thấy và không có chỗ cho sự thất bại. Để đảm bảo thành công, chúng tôi phải tham gia cuộc đua và chiến thắng. Suy cho cùng, sẽ chẳng có ai nhớ đến người về nhì – dù kẻ về nhì đó là người chinh phục đỉnh Everest hay đặt chân lên mặt trăng. Tuy nhiên, sự phát triển của một quốc gia không ngẫu nhiên xảy ra qua một đêm hay nhờ sự may mắn tình cờ. Sự phát triển của một quốc gia cũng không bao giờ dừng lại một khi quá trình phát triển đã bắt đầu. Xây dựng quốc gia là kết quả của những nỗ lực mạnh mẽ nhằm tạo lập một cộng đồng, một tổ quốc; là một nhiệm vụ phi thường không thể xem nhẹ, nhưng phải do chính phủ của một quốc gia, các thành phần kinh tế công và tư, cũng như người dân của chính quốc gia đó gánh vác. Tất cả phải sẵn sàng để đối phó với các điều kiện biến đổi mau lẹ đang diễn ra khắp thế giới với tốc độ chóng mặt. Để đạt được điều này, một cơ sở hạ tầng hiện đại là không đủ; chúng ta phải có tầm nhìn và sự linh hoạt trước các thay đổi, phải liên tục thích ứng và cải thiện hiệu suất cũng như cam kết phục vụ. Điều này sẽ cho phép chúng ta mở rộng thị trường và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của mình trên trường quốc tế. Để làm được những điều này đòi hỏi thời gian, sự cống hiến và sự chăm chỉ. Tất nhiên là chính phủ đã cam kết phụng sự cho lợi ích chung của UAE. Chúng tôi tin rằng nhiệm vụ của chúng tôi là phục vụ và thấu hiểu nguyện vọng của cộng đồng, cả trong hiện tại và trong tương lai, bằng cách đảm bảo với người dân sự phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, an ninh, sự ổn định, sự tiện nghi, cơ hội nghỉ ngơi và được tự do đi lại. Điều này tạo ra môi trường thuận lợi nhất để chúng tôi đạt được mục tiêu đảm bảo hệ thống phúc lợi và một tương lai tươi sáng. Tất cả những thành viên làm việc trong chính phủ phải hiểu rõ nhiệm vụ sắp tới và luôn sẵn sàng đối mặt với những thách thức. Để đặt nền móng vững chắc cho tương lai của đất nước, chúng tôi phải xây dựng dựa trên những thành tựu do các nhà lập quốc tạo ra – những thành quả không chỉ dừng lại ở thế hệ chúng tôi, mà còn tiếp tục được duy trì bởi các thế hệ tương lai. Lịch sử cho thấy không có lòng thương xót cho những kẻ yếu đuối. Sheikh Zayed và cha tôi - Sheikh Rashid, những cố lãnh đạo yêu quý của chúng tôi, không bao giờ mong đợi lịch sử sẽ ghi lại những chiến công của họ; họ đã chủ động làm nên lịch sử của bản thân mình và khi làm như vậy họ đã tạo ra những tiền đề để chúng tôi noi theo. Tiến bộ và thoái lui Trong thế giới cạnh tranh ngày nay, nếu bạn không dẫn đầu, bạn sẽ bị tụt hậu. Khi rớt lại phía sau, có thể bạn sẽ bị một người nào đó năng lực kém hơn, ít sáng tạo và được chuẩn bị kém hơn bạn chiếm mất vị trí. Điều này có thể diễn ra rất nhanh, và cuộc đua tranh cũng là một thử thách đối với khả năng chịu đựng. Nếu bạn vấp ngã một hai lần, đừng lo lắng, bạn có thể rút ra những bài học giá trị để không lặp lại những sai lầm tương tự. Bị ngã không có nghĩa là thất bại, thất bại nằm lại tại vị trí bạn đã ngã và thất bại lớn nhất là khi bạn quyết định không đứng lên nữa. Các nhà lãnh đạo UAE hiểu rõ rằng nếu quốc gia của mình tụt hậu về mặt kinh tế so với các quốc gia khác, UAE sẽ bị bỏ rơi lại phía sau. Các nhà lãnh đạo cũng biết rằng sự phát triển ở phạm vi lớn không chỉ giúp nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, mà còn xóa bỏ nạn thất nghiệp, sự ngu dốt, nghèo nàn và bệnh tật. Khi quốc gia không thể phát triển, quốc gia đó sẽ dễ sụp đổ về an ninh và bị mất ổn định, mất đi những nền tảng thịnh vượng đang có. Quốc gia đó có nguy cơ bị khuất phục bởi sự độc tài và thiên kiến. Sau một vài năm suy thoái, quốc gia đó sẽ mất hết những nguồn lợi, vị thế và sự tôn trọng mà nó đã có được qua nhiều thập kỷ phát triển. Trước khi đảm nhiệm vị trí Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE và Quốc vương Dubai, tôi từng là Bộ trưởng Quốc phòng của UAE, tôi hiểu rất rõ sự tàn phá của chiến tranh. Chiến tranh không cung cấp các giải pháp hoặc chấm dứt các vấn đề, mà ngược lại. Thế giới của chúng ta còn cách rất xa thế giới lý tưởng, và nhìn vào bất cứ nơi đâu, chúng ta sẽ thấy vô số ví dụ về sự đau khổ, ngay cả trong khu vực của chúng ta. Chúng ta có thể nói về chiến tranh một cách kịch liệt như một số người khác vẫn làm, nhưng vì đức tin của chúng ta, cũng như của tất cả người Hồi giáo, chúng ta muốn nói về hòa bình. Khi chúng ta chào hỏi mọi người hay nói lời tạm biệt, chúng ta nói assalaam alaykum (nghĩa là chúc bạn an lành). Những bí mật đằng sau sự vĩ đại của một quốc gia không nằm ở sức mạnh quân sự. Lịch sử đương đại phơi bày các ví dụ về các quốc gia hùng mạnh nhờ quân đội, song thực tế lại hoàn toàn bất lực vì nền kinh tế non yếu. Ngược lại, có những quốc gia có lực lượng quân sự nhỏ, nhưng lại là siêu cường kinh tế. Quốc gia này chỉ có thể vượt qua quốc gia khác nhờ sức mạnh kinh tế chứ không phải là nhờ sức mạnh quân sự, điều này đã được lịch sử chứng minh. Chúng ta, những người Ả Rập, có một quá khứ quân sự hào hùng. Đức tin của chúng ta vào Thánh Allah và quyết tâm vượt qua các quốc gia khác đã dẫn dắt chúng ta mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Chúng ta đã cố gắng đạt được những chiến thắng vĩ đại nhất mà lịch sử quân sự thế giới từng biết đến, và nhờ đó, chúng ta đã trở thành cường quốc vĩ đại nhất thế giới. Tuy nhiên, sức mạnh quốc gia lên xuống theo từng thời kỳ, và điều không tránh khỏi là các tiểu quốc gia của chúng ta có thể bị suy yếu, hư hại dần dần cho đến khi không còn gì sót lại từ những vinh quang quá khứ ngoại trừ các di sản. Phân tích kỹ quá khứ lẫy lừng của chúng ta để thấy người Ả Rập không chỉ có một sức mạnh vượt trội về quân sự. Chúng ta còn là một siêu cường về kinh tế và hàng hải, tầm cỡ như người Phê-ni-xi, Hy Lạp và La Mã trong lịch sử cổ đại; châu Âu trong lịch sử hiện đại và gần hơn là Hoa Kỳ. Khi Abu Jafar Al Mansur tìm nơi thích hợp để xây dựng thủ đô của triều đại Abbasid, ông không chọn Baghdad vì nó bất khả xâm phạm, dễ bảo vệ hay phù hợp để sử dụng như bàn đạp chiến tranh, ông đã chọn Baghdad vì một thực tế đơn giản, nó nằm giữa ngã tư thương mại và hàng hải thời đó. Abu Jafar Al Mansur đã nói với phụ tá của mình rằng: “Đây là một địa điểm tốt để làm thủ đô. Nơi đây có dòng sông Tigris chảy qua và không có gì cản trở con đường đến Trung Quốc, giúp cung cấp cho chúng ta tất cả các mặt hàng chúng ta cần bằng đường biển, trong khi đó, chúng ta có thể thu mua lương thực qua khu vực Jazeera và Armenia. Bên cạnh đó, sông Euphrates sẽ mang lại tất cả những gì ta cần từ vùng Cham và Riqqah và các vùng phụ cận”. Ngày nay kinh tế vẫn giữ nguyên vai trò như trong quá khứ và sẽ vẫn như vậy trong tương lai – vai trò trung tâm đầu não của đời sống. Nền kinh tế là trụ cột của một quốc gia. Nó là sự ổn định, thịnh vượng và chính trị. Nó cũng phản ánh bản chất các mối quan hệ và lợi ích giữa các quốc gia. Sự hiện diện của tất cả các yếu tố này cùng một lúc có thể khơi nguồn cho sự sáng tạo của một số dân tộc và dẫn dắt họ theo đuổi một tầm nhìn. Đây là cách mà các nền văn minh được tạo dựng. Mặc dù nhiều nền văn minh không tồn tại đủ lâu để có những dấu ấn lâu dài trong lịch sử, nhưng một số nền văn minh đã đồng hóa những ý tưởng của họ với ý tưởng có từ trước đó, và cuối cùng họ có được những thời kỳ phát triển vượt trội. Điều này cũng xảy ra khi người dân một quốc gia hợp thành một nhóm làm việc thống nhất, hoặc khi Thánh Allah ban cho họ nhà lãnh đạo với tư tưởng cởi mở, do vậy, sẽ mang lại sự tự do hoàn toàn cho những người tiên phong và những người sáng tạo để họ tạo ra những thứ độc đáo. Đây là công thức tạo dựng nên các nền văn minh – và một trong những nền văn minh đó đã cung cấp bản kế hoạch chi tiết để phát triển UAE và Dubai. Tiếng Ả Rập hiện nay đứng thứ 6 trong số các ngôn ngữ được dùng phổ biến của hơn 6 tỷ dân trên thế giới. Đã có thời tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chung cho khoa học, toán học, y học, chính trị và ngoại giao. Các nhà khoa học, toán học, kiến trúc sư, bác sĩ hay sử gia người Ả Rập và Hồi giáo đã là những giảng sư, triết gia và khoa học gia hàng đầu thế giới trong hơn một thiên niên kỷ. Nền văn minh hiện đại hoàn hảo hơn nhiều, được cấu thành từ thương mại, sản xuất, xây dựng và hàng trăm hoạt động khác. Nhưng liệu có nơi nào trên thế giới mà chúng ta có thể tìm thấy một nhà thờ Hồi giáo xinh đẹp và vĩnh cửu như nhà thờ Hồi giáo Lớn của Cordoba ở Andalusia hay một lăng mộ rực rỡ như Taj Mahal ở Ấn Độ? Nói như vậy, tôi không muốn cố ý hay vô tình gợi lại những vết thương cũ, tôi muốn tránh cả hai. Người Ả Rập tôn trọng nền văn minh của các quốc gia khác và thừa nhận những đóng góp của họ đối với di sản của nhân loại. Chúng ta đánh giá cao niềm tự hào của các quốc gia khác về nền văn minh của họ, cũng giống như tôi luôn hết sức tự hào về nền văn minh Ả Rập. Vào thời khắc tôi nghe được cụm từ “Nền văn minh Ả Rập”, tôi biết chính xác điều đó có nghĩa gì. Tôi có thể trích dẫn các nguyên tắc của nền văn minh Ả Rập mặc dù tâm tưởng của tôi chỉ luôn nghĩ về một tọa độ cụ thể, tất cả được tóm tắt chỉ trong một từ “tiên phong”, một từ mà tôi sẽ thảo luận kỹ hơn ở phần sau của chương này. Khi phải đối mặt với một thách thức đòi hỏi một giải pháp hay một quyết định, bạn có hai sự lựa chọn – hoặc là bắt chước những bài học kinh nghiệm của người khác, hoặc sử dụng sự sáng tạo và trí tuệ của mình để đưa ra ý tưởng mới. Cả hai nguyên tắc này được áp dụng ngang nhau trong sự phát triển của đất nước chúng tôi. Rất nhiều ý tưởng tuyệt vời đã lưu truyền trên thế giới và các quốc gia đã nhân bản ý tưởng của mình nhiều tới mức những ý tưởng đầy cảm hứng một thời nay đã trở thành tầm thường. Tuy nhiên, những ý tưởng “cũ” không dành cho chúng tôi, tại UAE này. Chúng tôi phải dẫn đầu chứ không theo sau. Gốc rễ của bất kỳ dự án mới nào đều bắt nguồn từ ý tưởng, nếu chúng tôi không thể tìm thấy ý tưởng mới cho một dự án, chúng tôi sẽ không triển khai nó vì dự án sẽ không thể đạt được những gì chúng tôi mong đợi. Chúng tôi tin rằng con đường ngắn nhất tiến đến tương lai tươi sáng mà chúng tôi đang tìm kiếm nằm ở phương pháp tiếp cận sáng tạo và tiên phong. Sự ghi nhận chúng tôi có được từ cộng đồng quốc tế thể hiện qua việc một số quốc gia đã nghiên cứu và vận dụng các giải pháp của chúng tôi. Mặc dù UAE chỉ là một quốc gia nhỏ, nhưng chúng tôi đã mở rộng quan hệ quốc tế từ sớm, và hiện đang triển khai một số dự án lớn tại các quốc gia quan trọng như Ấn Độ, Hàn Quốc, Hồng Kông và một số nước Ả Rập khác. Chính sách phát huy vị thế cá nhân của chúng tôi đã đạt kết quả tốt, minh chứng rõ ràng cho nó là lượng lớn những người có óc sáng tạo, có trình độ cao và đầy động lực đang dẫn dắt, điều phối các nhóm làm việc của chúng tôi. Chúng tôi sẽ luôn cố gắng giữ đây là chính sách ưu tiên hàng đầu vì chúng tôi tin rằng công dân của UAE non trẻ là tài sản quý giá nhất, là chìa khóa của thành công trong tương lai. Khi tôi biết được các chủ doanh nghiệp đang phàn nàn về việc thiếu cán bộ có trình độ, tôi tự hỏi sao họ có thể kết luận như vậy trong khi tôi đã tiếp xúc, tại những dịp chính thức và không chính thức, với hàng trăm công dân UAE được đào tạo cẩn thận, có trình độ cao ở ngoài kia. Tôi tin rằng nhiệm vụ của các nhà quản lý cần bao gồm cả việc lựa chọn một số nhân viên UAE có trình độ phù hợp để kế nhiệm. Điều này không chỉ áp dụng đối với công ty mà cả ở trong các lĩnh vực khác. Vì nhiệm vụ của nhà lãnh đạo là phát triển các kỹ năng lãnh đạo cho những người mà mình tin là phù hợp. Và khi thời điểm đến, những người này có thể chuyển giao kiến thức cho thế hệ kế cận. Việc chuyển giao nêu trên hầu như diễn ra liên tục, đáng tiếc là vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Một số nhà quản lý không quan tâm đến – hoặc sẽ không dung hòa. Họ cho rằng một người có kỹ năng hay có trình độ là mối lo cạnh tranh hoặc là nguyên nhân bị mất việc của họ. Mặc dù ở một mức độ nào đó, điều này là có thể hiểu được, nhưng tôi vẫn không đồng ý với nhà quản lý đó; vì một nhà lãnh đạo thực sự nên nhận thấy rằng mình không thể có mặt ở mọi nơi mọi lúc để thực hiện tất cả các nhiệm vụ. Nhà lãnh đạo cần phải học cách trao quyền cho người khác. Khi một nhà lãnh đạo không biết cách trao quyền, anh ta sẽ thấy mình bị lôi kéo vào rất nhiều chi tiết và những chi tiết này sẽ áp đảo anh ta, kéo anh ta đi chệch khỏi nhiệm vụ chính (phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo hơn cho các vấn đề của doanh nghiệp) cho tới khi người lãnh đạo này đánh mất đại cục. Vậy rốt cuộc, đại cục là gì? Đại cục là sự sinh tồn – động lực của cuộc sống và là lý do tại sao tất cả sinh vật trên thế giới tìm cách săn mồi hoặc thoát khỏi kẻ đi săn hàng ngày. Sinh tồn không thể đạt được bằng duy ý chí. Tăng trưởng liên tục đòi hỏi phải có nỗ lực rất lớn, chú tâm và luôn cảnh giác với những mối nguy hiểm tiềm tàng. Mặc dù chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, nhưng thế giới kinh doanh vẫn như trong rừng thẳm. Các doanh nhân thành đạt đã học được cách hoãn binh và đợi cho tới khi có cơ hội để thể hiện. Ở đây không có chỗ cho sai sót hoặc tình cảm ủy mị vì nó chính là sự khác biệt giữa tăng trưởng và suy thoái, giàu có và phá sản, sinh tồn và diệt vong. Để minh họa điều này tôi sẽ lấy ví dụ về cuộc họp Nội các nhằm xem xét các mục tiêu cho sáng kiến về chính phủ điện tử và thương mại điện tử trong bối cảnh những diễn biến mới nhất trên thế giới. Tại đó, tôi đã giải thích lý do tại sao chúng tôi cần phải dẫn đầu trong việc tận dụng tối đa các cơ hội mà nền kinh tế toàn cầu mang lại. Một số Bộ trưởng cho rằng điều này là không cần thiết, và nói rằng chúng tôi có thể thực hiện những việc này khi mà nền kinh tế của chúng tôi vững chãi hơn. Tôi phản biện với lập luận vững chắc rằng: “Tiến bộ ở đâu khi chúng ta chỉ đang bắt kịp trong cạnh tranh? Nếu mục tiêu duy nhất của chúng ta là đạt ở mức độ người khác đã đạt được thì chúng ta đã đặt mục tiêu quá thấp. Chúng ta phải thực sự bắt tay vào cuộc. Không thể tự đánh lừa bản thân rằng chúng ta đang đi lên khi chúng ta chỉ bắt nhịp kịp với xu hướng chung, trong khi những cơ hội thực sự đang trượt khỏi tay”. Chúng ta phải dẫn đầu và chủ động vượt lên số phận. Tương lai sẽ mang lại những khó khăn, những thách thức không lường trước được và chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với bất cứ điều gì. Có một giai đoạn người Ả Rập chỉ là những người theo sau và quốc gia của họ bị nô dịch. Nhưng khi vận may thay đổi, họ đã trở thành quốc gia nổi bật, đạt được thịnh vượng trong các lĩnh vực thương mại, kiến trúc, khoa học, nghệ thuật và công nghiệp. Các quốc gia khác nhìn vào họ và được truyền cảm hứng để học tập theo họ. Việc chuyển đổi xảy ra khi các quốc gia Ả Rập làm chủ được một từ, từ này thể hiện toàn bộ bản chất của nền văn minh Ả Rập: “Tiên phong”. Khái niệm này xuất hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống – trong hòa bình, chiến tranh, hành chính, khoa học, kiến trúc, thương mại, y học, lịch sử, công nghiệp và ngoại giao – trở thành một triết lý dẫn đường. Tinh thần này tiếp tục không suy giảm, không chỉ trong hai thập kỷ hay năm thế kỷ, mà trong hơn 1.000 năm, và là cơ sở cho quan điểm lịch sử về nền văn minh Hồi giáo Ả Rập như là những người tiên phong xuất sắc. Tất nhiên, nhu cầu chính là mẹ đẻ của các phát minh. Người Ả Rập đề cao tinh thần tiên phong không chỉ để ca ngợi những thành tựu đạt được trong quá khứ mà còn là để phục vụ nhu cầu cơ bản để tổn tại, tiến bộ và phát triển thịnh vượng. Người dân Ả Rập đón nhận và phát triển hệ thống hành chính kiểu La Mã, bao gồm cả hệ thống bưu chính, tiền tệ như một phương thức để quản lý các sự vụ của một xã hội đông dân và lãnh thổ của mình. Khi người Ả Rập phát minh ra cánh buồm hình tam giác, họ làm vậy để giúp thuyền đi nhanh hơn kể cả khi không thuận gió. Kết quả là các thương nhân Ả Rập đã tận dụng sáng kiến này và vận chuyển hàng hóa đến các cảng thuộc khu vực Old World (châu Á, châu Phi và châu Âu) nhanh hơn so với các tàu dùng buồm vuông. Chính nhờ có điều này, họ đã tích lũy được khối tài sản đáng kể và tạo ra những cơ hội việc làm mới. Có rất nhiều ứng dụng khoa học được người Hồi giáo phát minh. Họ rất xuất sắc về địa lý và thiên văn, đặc biệt phải kể đến các ứng dụng trong kỹ thuật lập bản đồ biên giới dọc theo tuyến đường thương mại. Nó cho phép các thương gia đi thuyền vào ban đêm, sử dụng vị trí của các ngôi sao và các hành tinh để dẫn đường, thay vì chờ đợi cho đến khi mặt trời mọc mới tiếp tục cuộc hành trình. Thay vì phải chèo thuyền sát bờ biển, sự ra đời của la bàn cho phép thủy thủ Ả Rập tiếp tục chèo thuyền vào ban đêm ngay cả trong thời tiết nhiều mây và sóng lớn trên biển. Thương mại Ả Rập khởi sắc là thành quả của những sáng chế này, nhờ đó các thương gia đã có thể nhanh chóng vận chuyển hàng hóa giữa các cảng, bao gồm cả hàng hóa dễ hỏng như quả sung, được xuất khẩu từ Malacca ở Málaga đến các thị trường Moorish tại Maghrib và phương Đông. Các thương gia Ả Rập đã có mặt tại tất cả các cảng của thế giới cổ đại, họ giành quyền kiểm soát các tuyến đường biển quốc tế và các điểm ra vào trải dọc theo một tuyến đường thương mại dài hơn 10.000 km từ phía bắc của Trung Quốc đến Mombasa ở bờ Đông châu Phi. Một số tự hỏi tại sao các quốc gia Ả Rập không biến mất trong thế kỷ 13, khi Pháp và Tây Ban Nha chiếm Andalusia, khiến khoảng hai triệu người vô gia cư, hoặc khi người Tartar chinh phục Ả Rập phương Đông vào năm 1258 sau công nguyên, phá hủy hoàn toàn Baghdad và giết chết Abbasid Caliph Al Musta'sim. Họ sống sót bởi vì họ vẫn thống trị tuyến đường thương mại trên biển phía đông, vào thời đó, tuyến đường này đã đảm bảo cho sự sống còn của họ, dẫu cho các quốc gia khác có thể thắng thế trên chiến trường. Những tuyến đường thương mại trên biển phía đông vẫn thuộc quyền kiểm soát của người Ả Rập cho đến thế kỷ thứ 16, khi hải quân Bồ Đào Nha chiếm được một số cảng thương mại ở đó. Của cải và sự kiểm soát trên tuyến đường thương mại này của người Ả Rập dần mất đi và kỷ nguyên mới của đói nghèo và dốt nát bắt đầu. Nghèo đói, sự ngu dốt và một thời gian dài kém phát triển ấy chỉ mới kết thúc một vài thập kỷ trước. Mặc dù người Bồ Đào Nha thống trị bởi sức mạnh quân sự tuyệt đối và sự hủy diệt, thì tàu của họ ở vùng Vịnh, biển Ả Rập và Ấn Độ vẫn sử dụng các phương pháp hoặc những công cụ làm ra từ những phát minh của người Ả Rập, trong đó có công cụ tìm hướng như thước đo độ cao thiên thể, một công cụ được sử dụng trước khi phát minh ra kính lục phân - kính này cũng là phát minh của người Ả Rập. Hàng trăm ví dụ về những phát minh đầu tiên có thể được tìm thấy ở các bảo tàng ở châu Âu và Bắc Mỹ. Ngay cả những tuyến đường biển đến vùng Vịnh và Ấn Độ được cho là do nhà hoa tiêu Ả Rập nổi tiếng, Ahmad Ibn Majid tiết lộ cho người Bồ Đào Nha. Điểm quan trọng cần nhớ ở đây là người châu Âu tiến bước tiên phong được là nhờ dựa vào công sức của người Ả Rập, trong khi đó chính người Ả Rập lại đánh mất tinh thần sáng tạo của mình. Người Bồ Đào Nha đã trở thành một quốc gia đi biển, tiến hành giao thương mang tính cách mạng và thống trị lĩnh vực này đến khi người Ma Rốc hạ sát đức vua Bồ Đào Nha, vua Sebastian, trong cuộc chiến tại lâu đài Grand (Al Qasr al–Kabeer) năm 1578. Khi các quốc gia đánh mất tinh thần tiên phong của mình, nỗ lực khôi phục tinh thần ấy là dường như không thể. Vì vậy, ngay cả khi nếu người Bồ Đào Nha thất bại trong việc tiêu diệt hoàn toàn tuyến thương mại biển của người Ả Rập, người Ả Rập sẽ vẫn thua trong cuộc chiến thương mại bởi vì tinh thần tiên phong của họ đã bị dập tắt. Mặc dù cánh buồm tam giác có tính quyết định trong một thời kỳ và giúp cho người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tiếp cận và xâm chiếm Tân thế giới, nhưng phát minh này không thể cạnh tranh khi động cơ hơi nước và động cơ đốt trong ra đời. Buồm tam giác trở thành biểu tượng của quá khứ. Khi người Ả Rập thua trong cuộc chiến thương mại thì họ cũng bắt đầu thua các cuộc chiến khác, cũng như đánh mất sự độc lập của mình. Họ đã trở thành những kẻ bắt chước, những người theo đuôi. Như Ibn Khaldoun đã từng nói: "Những kẻ bại trận luôn thích bắt chước phương châm, trang phục, tín ngưỡng và các phong tục khác của người thắng trận". Trong khi những phát minh vĩ đại bắt đầu khiến bộ mặt của phương Tây thay đổi, thế giới Ả Rập vẫn còn sống trong thời Trung Cổ. Phương Tây đã nổi lên như lực lượng dẫn đầu, phát triển mạnh mẽ, đồng thời chinh phục toàn bộ các quốc gia khác, biến những nơi đó thành thị trường cho các sản phẩm và phục vụ mục đích riêng của họ. Ả Rập đã tiên phong một lần và chúng ta sẽ trở lại một lần nữa. Thế kỷ 21 mang đến một cơ hội lịch sử để biến giấc mơ của chúng ta thành một tầm nhìn cụ thể, miễn là chúng ta tìm lại được yếu tố cốt lõi mà chúng ta đã đánh mất – tinh thần tiên phong. Nền kinh tế mới Mặc dù một số trong chúng ta có thể thích nhắm mắt làm ngơ về thời đại toàn cầu hóa, đây không phải là một lựa chọn, chúng ta phải toàn tâm toàn ý nắm lấy cơ hội này. Chúng ta không thể bỏ qua ảnh hưởng của nó vì dù chúng ta có làm gì thì toàn cầu hóa vẫn luôn hiện diện. Để thu hẹp khoảng cách rất lớn giữa các quốc gia công nghiệp phát triển và chính chúng ta, chúng ta phải chấp nhận những khía cạnh tích cực của toàn cầu hóa, trong khi đánh giá và loại bỏ những tiêu cực. Toàn cầu hóa là con đường phía trước. Đó là môi trường mà sự tương tác quốc tế sẽ diễn ra trong hiện tại cũng như tương lai, và nó đã bắt rễ trong nền kinh tế, năng suất, truyền thông, công nghệ tiên tiến. Chúng ta không phải lo sợ về cuộc đua toàn cầu, bởi vì cách tiếp cận và thông điệp của người Hồi giáo là phổ quát, nền văn minh Ả Rập là toàn cầu trong bản chất và sự ứng dụng của nó. Tầm nhìn của chúng tôi cho Dubai đã thể hiện trong quan niệm, sự xuất sắc và khả năng cạnh tranh. Áp dụng một lập trường toàn cầu trong thương mại, kinh tế, khoa học và nhận thức mang lại cho người Ả Rập và người Hồi giáo vô số lợi ích cũng như vị thế trong quá khứ và điều này có thể lặp lại lần nữa nhờ toàn cầu hóa. Nếu chúng ta được soi sáng và chuẩn bị để đón nhận toàn cầu hóa, chúng ta có thể được hưởng phần xứng đáng sự giàu có của thế giới. Từ chối nó thì chúng ta vẫn còn loay hoay trong bóng tối. Khi xem xét lịch sử kinh tế thế giới, chúng ta thấy các đặc điểm riêng biệt của hai thời đại mà chúng ta đã trải qua –“thời đại nông nghiệp” và “thời đại công nghiệp”. Tuy nhiên, hai thập kỷ qua đã chứng kiến sự xuất hiện của một thời đại kinh tế thứ ba, được một số người gọi là “nền kinh tế thông tin”. Thời đại này bao gồm một nền kinh tế toàn cầu kết nối chặt chẽ trong hầu hết các lĩnh vực và có thể cũng do đó mà được gọi là “thời đại toàn cầu hóa”. Do thời đại này đòi hỏi phản ứng rất nhanh và phụ thuộc vào công nghệ rất tinh vi, nó còn được gọi là “thời đại công nghệ”. Đó là một nền kinh tế vô hình phát triển mạnh về kiến thức và ý tưởng sáng tạo, vì vậy có thể được gọi bằng cái tên thứ tư, "thời đại tư duy sáng tạo”. Chúng ta hãy hy vọng người ta không phát minh thêm tên gọi nào nữa gây phức tạp vấn đề hơn! Dù gọi bằng tên gì, cũng giống như sản xuất công nghiệp không thay thế nông nghiệp, nền kinh tế thông tin sẽ không thay thế nền kinh tế công nghiệp. Thực tế, cách mạng công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, trong khi các công nghệ mới đóng vai trò tương tự trong việc thúc đẩy công nghiệp. Tầm quan trọng của nền kinh tế thông tin do đó không giới hạn trong giá trị nội tại của nó như là một khu vực độc lập, mà bao gồm khả năng tiếp thêm năng lượng giúp tăng trưởng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, cũng như tăng hiệu suất của các ngành này, giảm chi phí, mở ra tầm nhìn phát triển mới và tạo cơ hội mà các nền kinh tế trên không thể tự tạo ra. Nếu điều này được thực hiện, chúng ta sẽ không còn nói về một và một nền kinh tế “mới”- “cũ”, mà về nền kinh tế “thông tin” và một nền kinh tế “truyền thống”. Những điều này bổ sung cho nhau, tạo ra một thời đại mới của nền kinh tế “toàn cầu”, từ đó chúng ta được hưởng lợi. Tận dụng cơ hội này sẽ cho phép chúng ta bù đắp lại những cơ hội đã mất trong cách mạng thương mại và công nghiệp. Nền kinh tế mới không cần sản xuất lớn và tổ hợp sản xuất, có nghĩa là các yếu tố đảm bảo quyền lực tối cao của quốc gia công nghiệp không còn là những yếu tố giúp các quốc gia có ưu thế vào thời điểm này. Gã khổng lồ ngày nay có thể không được như vậy vào ngày mai và những nền kinh tế nhỏ hôm nay cũng có thể trở thành nền kinh tế lãnh đạo của ngày mai. Tiêu chuẩn và những cân nhắc hiện nay không còn giống như trong quá khứ, và sự tiến bộ có thể được thực hiện bằng công nghệ cực kỳ nhanh chóng sẽ không diễn ra trong một hoặc hai giai đoạn tại một thời điểm, mà là nhảy vọt. Các nền kinh tế mới bỏ qua ranh giới địa lý và chính trị, mở cửa cho tất cả những người tham gia vào nó. Các nhà kinh doanh có thể làm việc bất cứ nơi nào mà các phương tiện và dịch vụ thiết yếu cho các doanh nghiệp của họ sẵn có. Ai sẽ đi tiên phong trong nền kinh tế này? Những kẻ tiên phong sẽ là những quốc gia có thể hưởng lợi từ các cơ hội do nền kinh tế mới đem lại, đồng thời sẵn sàng làm chủ những thách thức, thay đổi và các vấn đề nảy sinh bằng những cố gắng thích nghi với nó – các quốc gia sáng tạo và nhanh nhẹn phát triển mạnh trên kiến thức, thông tin và ý tưởng. Dubai có môi trường thuận lợi cho sự thành công của các doanh nghiệp trong nền kinh tế mới. Trong số các yếu tố khác, chuyên môn của chúng tôi trong thương mại quốc tế được thừa nhận rộng rãi. Chúng tôi cũng tự hào về một số cơ sở hạ tầng hiện đại nhất trên thế giới, bao gồm khu văn phòng và các khu dân cư hiện đại. Hơn nữa, chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ mới nhất vào nền kinh tế bằng cách tạo ra khu thương mại điện tử tự do đầu tiên ở Trung Đông, bao gồm Dubai Internet City và Dubai Media City, khánh thành vào tháng 10 năm 2000. Nếu chúng ta muốn lãnh đạo nền kinh tế mới, chúng ta vẫn cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Tôi cam kết mục tiêu này và sẽ đảm bảo để nó được thực hiện. Một tầm nhìn khác tôi muốn thực hiện – cũng không kém phần quan trọng – là đưa Dubai trở thành nơi tiên phong của tất cả các doanh nghiệp liên quan đến nền kinh tế mới, không chỉ trong nước và khu vực, mà còn trên phạm vi toàn cầu. Để hỗ trợ cho mục tiêu này, chúng tôi sẽ luôn luôn cố gắng cung cấp mọi lợi thế và tiện nghi cho cộng đồng doanh nghiệp của Dubai. Tôi hoàn toàn hiểu được tầm cỡ của những tham vọng và những thay đổi cần thiết để đạt được chúng, nhưng tôi cũng nhận thức được tiềm năng to lớn của chúng tôi. Nếu chúng tôi muốn Dubai trở thành mũi nhọn của nền kinh tế mới, chúng tôi phải thay đổi khái niệm chính quyền và giải quyết các vấn đề của nền kinh tế mới theo một cách khác. Sự ra đời của chính phủ điện tử tại Dubai chỉ là một trong nhiều bước cần thiết chúng tôi phải thực hiện. Chính phủ không phải là bên duy nhất bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế mới. Để duy trì thành công và vượt trội, thương mại, công nghiệp và dịch vụ cũng cần phải đáp ứng các yêu cầu quan trọng của nền kinh tế và thay đổi nếu cần thiết. Vì chúng ta là một quốc gia giàu có, chúng ta phải hiểu rằng các quốc gia khác cũng mong muốn sự giàu có này. Các quốc gia hiếm khi có được hòa bình và ổn định. Điều này chưa từng xảy ra trong quá khứ và sẽ không xảy ra trong tương lai. Nếu chỉ tập trung suy nghĩ về chiến tranh và những căng thẳng xung quanh chúng ta, sự tiến bộ của chúng ta sẽ dễ bị trì trệ. Chúng ta không muốn điều này xảy ra – chúng ta đã phải chịu đựng rất nhiều từ việc được nhàn rỗi quá lâu. Chúng ta phải xem xét các vấn đề của mình một cách tỉ mỉ và thiết lập đường lối đúng đắn, điều đó sẽ cho phép chúng ta vượt qua mọi cơn bão và được an toàn trước khi chúng ta phát triển và đạt được mục tiêu đề ra. Mọi người cảnh báo tôi rằng có nhiều rủi ro trong nền kinh tế mới, tôi nhận thức được những rủi ro này. Ví dụ, internet không tốt cũng không xấu. Chúng ta chỉ nên học lấy những gì hữu ích, tốt, không tiếp nhận những gì xung đột với tôn giáo, phong tục và truyền thống của chúng ta. Cũng có những người phàn nàn rằng các mục tiêu đầy tham vọng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Tôi luôn nói rằng tôi đã nhận thức được những gì cần thiết, nhưng tiến bộ là một quá trình tích lũy. Như phương Tây chẳng hạn, họ đã không bắt đầu phát triển hạ tầng giao thông vận tải bằng cách xây dựng siêu xa lộ. Ban đầu họ xây dựng những đường một làn đơn giản. Những người khác đã chỉ ra các bước chúng ta cần phải thực hiện trước khi có thể tận dụng những cơ hội mà nền kinh tế mới đem lại. Tôi cũng biết về những điều này. Một trong những bước cần thiết là thay đổi chương trình giảng dạy các trường học vì nó chưa đủ tập trung vào việc phát triển sự sáng tạo và kỹ năng của học sinh. Phát triển hệ thống giáo dục toàn diện là một ưu tiên ngay lập tức, để đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp sẽ có trình độ phù hợp với công việc trong tương lai. Tôi tin rằng có một số người đối mặt với tình huống mà họ có khả năng nói lưu loát về máy tính, phần mềm, internet, thương mại điện tử và các nền kinh tế mới, nhưng họ lại không thể hiểu sâu sắc về nền kinh tế mới cũng như nhu cầu thật sự của nó. Điều quan trọng nhất của các yêu cầu này là thực hiện các ý tưởng ngay lập tức. Một số người cho rằng chúng ta có thể điều chỉnh tốc độ tiến bộ nhanh hoặc chậm, nhưng tôi tin rằng chúng ta phải bắt đầu một cách nhanh chóng và không cho phép xảy ra sai lầm. Tốc độ là cần thiết vì những gì nhanh nhất thường vượt qua những gì lớn nhất. Chúng ta luôn phải nhớ rằng đối thủ cạnh tranh đang cố gắng để dẫn đầu như chúng ta. Trong thời đại của cách mạng công nghệ, khi thông tin di chuyển với tốc độ của ánh sáng, ý tưởng có thể cũng di chuyển với cùng tốc độ. Chúng ta phải thực hiện những ý tưởng thực tế mà không lãng phí giây phút nào. Nếu chúng ta không thực hiện những ý tưởng thực tế thì những người khác cũng sẽ làm – và họ cũng sẽ gặt hái được phần thưởng: sự giàu có, thị trường lớn, cơ hội việc làm, ổn định, chuyên môn, năng lực cạnh tranh và các điểm số lợi ích khác. Họ sẽ hướng đến một tương lai tươi sáng trong khi các quốc gia đi sau sẽ ở lại trong bóng tối. Chúng ta đang sống trong một thời đại không có chỗ cho sự do dự. Nhiều khái niệm kinh tế, kỹ thuật và chính trị phổ biến những năm trước đây đã bị thay thế bởi các khái niệm mới, những sự thay thế này là bắt buộc. Các quốc gia lớn nhỏ đang cố gắng hết sức mình để thích nghi với thực tế mới và chuẩn bị giúp các nhà máy, các công ty và công dân của họ ứng phó với những thách thức của tương lai. Họ đang dùng đến các biện pháp cần thiết để thành công. Đây là thời điểm các khái niệm quản lý thay đổi. Một số công ty đa quốc gia đã bất ngờ thất bại trong khoảng thời gian 5 năm sau năm 2001, cùng thời gian này, một số công ty nhỏ lại khởi sắc với tốc độ chưa từng có. Thất bại lớn và tăng trưởng nhanh thường không xảy ra từ từ. Giá trị thị trường của các công ty trị giá hàng tỷ đô la có thể bay hơi trong một vài ngày, cùng lúc đó, các công nghệ và sản phẩm mới có thể tăng thêm hàng tỷ đô la vào giá trị thị trường của các công ty nhỏ. Nếu siêu cường quốc nhận ra rằng họ cần phải thay đổi các khái niệm, các chính sách và pháp luật của mình để thích nghi với thực tế mới thì tại sao chúng ta lại không? Nếu các công ty đa quốc gia lớn, có giá trị thị trường vượt quá GDP của một nhóm các nước đang phát triển, nhận ra sự cần thiết phải thay đổi khái niệm quản lý của họ, tại sao các công ty của chúng ta lại không? Và nếu các trường đại học, cao đẳng và các trường học ở các nước công nghiệp nhanh chóng thay đổi chương trình giảng dạy của họ để đáp ứng các yêu cầu của các nền kinh tế mới, vậy các cơ sở giáo dục của chúng ta thì sao? Thay đổi và thích ứng với thực tế biến đổi nhanh chóng là không thể tránh khỏi. Nếu chúng ta muốn duy trì vị trí trong hàng ngũ của thế giới tiên tiến, chúng ta cần phải cùng nhịp với tốc độ thế giới phát triển. Chúng ta không cần các loại thay đổi cho phép chúng ta bắt kịp hoặc đối phó với những quốc gia khác. Chúng ta cần sự thay đổi cho phép chúng ta không chỉ giành chiến thắng trong cuộc đua hiện tại, mà còn dẫn đầu cuộc đua tiếp theo. Chúng ta đã dành đủ thời gian trong bóng tối của quá khứ, nay chúng ta cần phải hướng về phía trước và thực hiện kế hoạch trong tương lai. Mặc dù đây là một thách thức lớn, nhưng chúng ta có được công cuộc vượt rào ở UAE. Sự tồn tại của UAE và lịch sử của nó bản thân đã là một thách thức, trong khi sự tăng trưởng và tính liên tục là một trong những thách thức quan trọng nhất đối với các nước GCC(9) và phần còn lại của thế giới Ả Rập. Không một thách thức nào trong số đó đáng sợ khi một nhà lãnh đạo tự tin vào bản thân và người dân của mình. Ngược lại, những thách thức như thế sẽ thúc đẩy các giải pháp, các quyết định, và nảy sinh sự sáng tạo. Do đó, tôi thấy mình sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức mà không do dự, và thấy mình may mắn được sống trong một thời đại đầy thách thức. Thế giới của chúng ta mới và hoàn toàn khác với thế giới mà cha ông chúng ta đã biết, nhưng thế giới của họ cũng mới mẻ so với thế giới mà tổ tiên của họ biết đến. Cũng giống như chúng ta ngày nay, họ đã phải dậy sớm và vượt qua những người khác để tồn tại và phát triển thịnh vượng. Nếu họ không làm vậy, chúng ta sẽ không có mặt ở đây ngày hôm nay. Mỗi thế hệ mới phải đối mặt với những thách thức mới, nói theo cách khác, các thế hệ liên tiếp là sự nối tiếp của hàng loạt các thách thức. Vượt qua những thách thức trong cuộc đua vươn tới sự vượt trội là bí quyết thành công. Đầu hàng các thách thức là nguyên do ẩn dưới sự thất bại và bị bỏ lại phía sau các quốc gia khác. Lựa chọn là của chúng ta. (9) Hội đồng hợp tác vùng Vịnh là một liên minh chính trị, kinh tế của 6 quốc gia Ả Rập vùng Vịnh Ba Tư, bao gồm: Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Phần II Các yếu tố của sự phát triển công nghiệp Chương hai Tầm nhìn Nhiều năm trước, một vài thương gia đã đến gặp và yêu cầu tôi tiếp cận cha mình, Hoàng thân Rashid và thay mặt họ thảo luận về cảng lớn mà ông đã lên kế hoạch ở Jebel Ali(10). Vì kinh tế đang trong giai đoạn suy thoái và vì chúng tôi đã có một bến cảng lớn là cảng Rashid(11) đủ đáp ứng nhu cầu nên họ nghĩ rằng tiểu quốc không cần thêm một cảng mới nào lớn hơn nữa. Tôi đã cảm thấy mình nên truyền tải thông điệp này và ngay sau đó, vào lúc bình minh, tôi đến khu vực Jebel Ali, nơi tôi biết sẽ tìm thấy đức vua. Ông đang đứng trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ và quan sát vùng đất. Tôi đã truyền tải thông điệp và chờ câu trả lời của ông. Ông nhìn tôi chăm chú và không nói gì cả, các ngón tay trượt nhẹ trên thân cái midwakh(12) mà ông đang cầm. Một lúc sau, ông lại nhìn tôi lần nữa rồi nhìn vùng đất và vẫn không nói gì. Tôi không dám hỏi ông về điều đó nữa, tôi chờ cho đến khi ông quan sát xong và bảo tôi lái xe đưa ông về nhà. Chỉ khi chúng tôi đã bỏ áo khoác và sau khi đã thư giãn đôi chân, ông nói: “Nghe đây con trai, ta không bao giờ trả lời câu hỏi của con bởi ta không muốn các kỹ sư nghe thấy. Nhưng ta có thể nói với con lý do ta xây dựng bến cảng này, đó là vì sẽ đến lúc con không đủ khả năng để làm điều đó”. (10) Jebel Ali là một thành phố cảng, cách phía nam thành phố Dubai 35 km. (11) Cảng Rashid, còn gọi là Mina Rashid, là cảng thương mại nhân tạo ở Dubai. Đặt theo tên Hoàng thân Rashid bin Saeed Al Maktoum, cảng được mở năm 1972. (12) Một ống điếu kiểu Ả Rập làm bằng gỗ, sản xuất ở trong nước. Trước khi cha tôi lên kế hoạch và thực hiện dự án này, không có ai từng nghĩ về việc xây dựng một cảng lớn như vậy. Ngay cả bây giờ, tôi cũng không có lời giải thích nào đơn giản cho việc làm sao ý định đó đến với ông, nhưng nếu phải giải thích bằng một từ, tôi sẽ dùng từ “tầm nhìn”. Bằng sự khôn ngoan tuyệt vời của mình, Thánh Allah đã cho mỗi người trong chúng ta một phần của cải vật chất, năng lực và tài năng. Một số có thể mong mỏi nhiều hơn một chút so với những gì họ nhận được hàng ngày, trong khi đó những người khác lại có tầm nhìn rất xa. Giống như cây cối đã trưởng thành, khả năng và cảm giác của nó ẩn sâu trong cội gốc. Khi ta không biết gốc rễ của vấn đề, hoặc không biết làm thế nào để giải thích hay xác định nó, không có nghĩa là nó không có gốc rễ. Một nhà lãnh đạo khai sáng có khả năng phát triển tầm nhìn và sử dụng trí tưởng tượng để hoàn thành nó. Cũng giống như trồng một cái cây và đảm bảo các cành cây phát triển hướng lên trên trong khi rễ thì đâm sâu xuống đất. Cha tôi thừa hưởng kỹ năng lãnh đạo và sức mạnh của tầm nhìn từ ông tôi, người cũng đã thừa hưởng các kỹ năng đó từ cha của ông. Quả thực là gốc rễ đó đã ăn rất sâu. Sau tất cả, tôi là con trai của bộ tộc Ả Rập. Người dân Ả Rập được huấn luyện và chuẩn bị chu đáo cho sự khôn ngoan cũng như nhận thức sâu sắc về các khả năng tương lai chủ yếu từ cha mẹ họ hơn là từ trường học. Nhiều nhà lãnh đạo lớn không bao giờ đi học, họ thu nhận được kiến thức từ “đại học cuộc đời” và bằng cách quan sát cẩn thận tất cả những gì diễn ra xung quanh. Thầy của họ là những thành viên trong bộ tộc. Đương nhiên đây là lý do tại sao những nhà lãnh đạo này đi theo từng bước chân của cha mẹ họ và sự giáo dục được hình thành từ chính môi trường sống của họ. Các nhà lãnh đạo kế tiếp của Dubai(13) được hưởng một tầm nhìn chung rõ ràng cho tương lai của tiểu quốc. Tuy nhiên, tầm nhìn của cha tôi đã đi trước thời đại đơn giản bởi ông đã đi trước chính mình. Nhiều quan chức xung quanh đã không thể hiểu mong muốn của ông trong việc thực hiện tất cả các dự án lớn mà ông đặt niềm tin, nhiều người cũng thấy khó khăn trong việc hiểu những tham vọng của ông. Chính ông đã tự mình giám sát thương mại và hải quan, xem xét mối quan tâm của các thương gia và giải quyết các vấn đề của họ. Ông cấp cho các thương gia trong nước và Ấn Độ cũng như một số thương gia từ các quốc gia khác, ưu tiên được vào majlsi(14) của ông, thậm chí trước cả các quan chức chính phủ. Sau khi cầu nguyện vào bình minh, ông thường đi một vòng qua từng dự án của thành phố để chắc chắn rằng công việc đang theo đúng kế hoạch. Chúng tôi đã đi theo ngọn cờ của ông như ông từng đi theo ngọn cờ của cha ông, và chúng tôi tiếp tục tầm nhìn của ông. Điều khác biệt duy nhất là ông đã thực hiện các dự án trong những năm 60 và 70, trong khi chúng tôi đang thực hiện điều tương tự ở thế kỷ 21. Nhưng chúng tôi vẫn có cùng một mục tiêu trong việc phát triển Dubai và đảm bảo tương lai tiện nghi, an toàn cho cư dân. Cha tôi nhìn về quá khứ bằng một mắt và nhìn về tương lai bằng con mắt còn lại. Cũng như thế, chúng tôi nhìn về những thành tựu của cha tôi với một mắt và nhìn vào những kế hoạch của chúng tôi bằng con mắt còn lại. Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai(15) là một minh chứng rõ ràng cho mô hình phát triển bền vững, mô hình dự liệu một sự tăng trưởng vô hạn của Dubai. Nó mở cửa Dubai với thế giới và thu hút sự quan tâm của thế giới tới Dubai. (13) Những nhà sử học xem 1833 là năm bắt đầu của lịch sử Dubai hiện đại. Vào năm đó, khoảng 800 thành viên của nhánh Al Bu Falasah của bộ lạc Bani Yas ly khai Abu Dhabi và nhập cư vào Dubai, nơi họ định cư dọc theo bờ suối. Họ được lãnh đạo bởi Maktoum bin Buti Al Maktoum và Ubaid bin Saeed cho đến khi người này mất năm 1836, để lại quyền lực cho Hoàng thân Maktoum. Đây là điểm bắt đầu của triều đại Maktoum, kéo dài đến ngày nay. (14) Tiếng Ả Rập là “Hội đồng”. Còn được dùng để miêu tả nơi mà người lãnh đạo thường gặp gỡ cận thần, đoàn tùy tùng, và những người viếng thăm hoặc khách. (15) Trung tâm tài chính quốc tế Dubai (DIFC) là một trung tâm tài chính ở đất liền, có vị trí chiến lược giữa phía đông và phía tây. Nơi đây tạo ra môi trường cho sự tăng trưởng, tiến bộ và phát triển kinh tế ở Dubai và một khu vực rộng lớn hơn bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng pháp lý, kinh doanh, vật chất cần thiết, chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tầm nhìn có thể là cái gì khác? Nếu tầm nhìn không phải là khoa học, nó là gì? Là nghệ thuật? Là tài năng? Nó phát triển từ một cá nhân không xét đến hoàn cảnh xung quanh của anh ta hay nó là thứ có quan hệ với hoàn cảnh tương lai của anh ta? Có phải nó được thừa hưởng? Dù là trường hợp nào, tầm nhìn cũng luôn cần kết hợp với yếu tố quyết định: nó phải khả thi. Xâm lược Constantinople là một tầm nhìn mà cùng với nó, Ả Rập đã phát triển một lực lượng quân đội khổng lồ cùng với các nguồn lực, và cũng cùng với nó hàng ngàn người đã chết. Nhưng thành phố tuyệt vời này đã từ chối gục ngã, nó khiến tầm nhìn của Ả Rập không khác gì hơn một giấc mơ. Mặt khác, xâm chiếm Constantinople cũng là giấc mơ của Đế chế Ottoman cho đến khi Mohammed the Conqueror(16) biến nó thành một tầm nhìn. Ông không chỉ phát triển một đội quân hùng mạnh và các nguồn lực, ông còn thông qua các chiến thuật quân sự thích hợp cho phép xâm chiếm thành phố này. Tuy nhiên, tính khả thi của tầm nhìn là chưa đủ. Tầm nhìn không giúp các nền văn minh đạt được tăng trưởng và tiến bộ, trừ khi người có tầm nhìn biết đặt yêu cầu chuyển tầm nhìn thành hiện thực trong một thời hạn hợp lý. Nhiều người nói về “Tầm nhìn Dubai”, tuy nhiên họ nên nói về “tầm nhìn cho Dubai”. Tầm nhìn là điểm khởi đầu của những gì mà Dubai có ngày nay. Điều đó không có nghĩa là chúng ta đang ở cuối con đường bởi vì dù có những thành tựu thì chúng ta vẫn chỉ ở bước khởi đầu. Nếu tầm nhìn không phải là khoa học, nó cũng không phải là một ý tưởng trừu tượng. (16) Mohammed the Conqueror, còn được biết đến là Quốc vương Mehmed II (30/3/1432 - 03/05/1481) là Quốc vương của Đế chế Ottoman trong một thời gian ngắn từ 1444 đến 1446, và sau đó là từ 1451 đến 1481. Tầm nhìn là sự mở rộng sống động của người sở hữu nó, là sự nhạy cảm với cuộc sống, nó phát triển và hoàn thiện cùng với anh ta, nó mở ra các chân trời, đào sâu các kinh nghiệm cùng anh ta, người sẽ nhảy lên vì sung sướng khi thành công và buồn bã khi thất bại. Lịch sử không xét đến những tầm nhìn không được thực hiện. Cha tôi đã làm nên lịch sử vì ông đã thực hiện tầm nhìn của ông và khởi đầu cho những nỗ lực to lớn trong xây dựng cũng như thương mại – những gì mà Dubai chưa từng có trước đó. Ông đã dạy tôi điều mà tôi cũng học được từ hoàng thân Zayed: luôn cố gắng chinh phục những điều không thể. Điều “không thể” đầu tiên mà chúng tôi chinh phục là thiết lập Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Khi nghĩ đến liên bang thống nhất này, chúng tôi phải nhắc lại hoàn cảnh mà đất nước đã phải đối mặt trong thời gian đó. Nền kinh tế yếu kém, các quy hoạch bị hạn chế, hệ thống y tế ở mức cơ bản và giáo dục đã phổ biến nhưng không theo bất cứ chuẩn mực nào. Áp lực chính trị từ bên ngoài và những hoài nghi về khả năng thành công. Một số người chỉ trích đã hỏi, sẽ phải bước đi thế nào để thành công “ở một thực thể mà không có những yếu tố cần thiết để xây dựng một nhà nước và ở thời điểm khi tất cả các liên bang khác, trong những đất nước Ả Rập mạnh hơn, đều nỗ lực và đều đã thất bại”. Sự ngụy biện không có tác dụng với các nỗ lực đã thất bại, họ chỉ có thể quy trách nhiệm cho những khiếm khuyết của hệ thống quản lý Ả Rập thời điểm bấy giờ. Sự thiết lập UAE đã dạy tôi về sự quyết định và sự cương quyết. Nó cũng dạy tôi rằng có những nhà lãnh đạo quan tâm đến lợi ích của người dân. Điều này giải thích cho thành công của cuộc họp giữa hoàng thân Zayed, với tư cách là người lãnh đạo của Abu Dhabi, và cha tôi, người lãnh đạo Dubai, ở ngôi làng Al Samha, giữa ranh giới của hai tiểu quốc. Cuộc họp này, diễn ra vào 18 tháng 2 năm 1968, là kết quả của thỏa thuận về sự liên hiệp giữa hai tiểu quốc, để trở thành trung tâm của một liên bang lớn hơn trong tương lai. Trên thực tế, vào cuối năm 1971, một tuyên bố lịch sử đã thiết lập UAE, đưa Hiến pháp lâm thời vào hoạt động và tuyên bố hoàng thân Zayed là Tổng thống của liên bang mới. Điều “không thể” thứ hai mà chúng tôi đã chinh phục là xây dựng cảng Jebel Ali(17). Dự án này, được thực hiện trong vòng hai năm, là cách thức đi trước thời đại khi nó được khánh thành năm 1979. Đó là một quyết định mang màu sắc sử thi với một tiểu quốc nhỏ như Dubai và tôi ngờ rằng không có một kỹ sư cố vấn nào muốn đảm nhận nghiên cứu tính khả thi của nó. (17) Cảng Jebel Ali là một cảng sâu nằm ở Jebel Ali, Dubai. Cảng Jebel Ali là bến cảng nhân tạo lớn nhất thế giới và là cảng lớn nhất Trung Đông. Cảng được xây dựng trong những năm cuối thập kỷ 1970 để bổ sung cho các trang thiết bị ở cảng Rashid. Tưởng tượng bạn nói với một nhóm các nhà đầu tư: “Đây là khu vực Jebel Ali mà, như các bạn có thể thấy, là khu vực xa xôi không có nước, rau và người. Tôi muốn xây dựng một cảng nhân tạo lớn nhất từ trước tới nay ở đây, bất chấp thực tế là cảng Rashid của Dubai đã là cảng lớn nhất ở Trung Đông và có 35 chỗ đậu tàu”. Tôi nghi ngờ rằng không có ai trong số họ sẽ muốn đầu tư hàng trăm triệu đô-la Mỹ vào dự án này. Họ sẽ xem đó là điều không thể bởi vì toàn bộ thế giới đang ngập trong khủng hoảng kinh tế vào thời điểm đó. Hai hay ba năm trước khi nền kinh tế suy thoái, chúng ta đã từng thấy 300 đến 400 con tàu neo đậu ở Dubai, xếp hàng để chờ dỡ hàng hóa. Những con tàu này đã biến mất khi khủng hoảng kinh tế lan đến khu vực. Nhiều khả năng, những nhà đầu tư này sẽ không chấp nhận kế hoạch của cha tôi nhằm “đưa biển đến với cảng” bằng cách nạo vét các tuyến đường có thể cho tàu tiếp cận với cảng. Nhiều người đã chỉ trích quyết định của cha tôi về việc xây dựng cảng cách phía đông nam Dubai 35 km vì những lý do mà, ở thời điểm đó, có vẻ rất nhạy cảm đối với họ. Nhiều người cũng trông chờ dự án sẽ thất bại, nhưng cha tôi đã hình dung kế hoạch này theo một cách gần như là bản năng và ông đã đi trước với nó. Khi làm như vậy, ông đã đẩy Tiểu quốc Dubai về phía trước và đã tạo ra một công trình thực sự từ cát của sa mạc. Tôi không muốn nhấn mạnh mãi về những thành tựu tuyệt vời của hoàng thân Zayed và cha tôi trong việc xây dựng Liên bang, bởi vì những thành tựu này là hiển nhiên ở khắp mọi nơi trên UAE. Tôi sẽ chỉ nói đơn giản, họ là những người tinh nhuệ nhất mà tôi từng biết. Họ đã vượt qua các khó khăn, chinh phục những điều không thể và đưa tầm nhìn trở thành hiện thực. Họ đã kiến tạo nên diện mạo hiện tại cho UAE. Không có gì phải băn khoăn khi tôi chia sẻ những lý tưởng của họ. Tầm nhìn độc đáo là một trong những thứ cho phép bạn nắm bắt tương lai. Một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa cần trung thành với tầm nhìn của chính mình, hoàn toàn tin tưởng rằng mình có thể nhìn thấy những điều mà những người xung quanh không đủ khả năng nhận ra và tầm nhìn đó sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra. Một nhà lãnh đạo như vậy cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng bất kỳ sự chỉ trích nào về tầm nhìn của mình và chuẩn bị để bảo vệ nó, thuyết phục những người khác bởi giá trị và hiệu quả của tầm nhìn, và chinh phục mọi chướng ngại vật cản trở con đường của mình. Các yếu tố trong tầm nhìn của một nhà lãnh đạo thực thụ Tầm nhìn của nhà lãnh đạo thực thụ cần phải nhắm vào những mối quan tâm đặc biệt và trả lời những câu hỏi quan trọng sau: 1. Mối quan tâm của quốc gia trong tầm nhìn của ông ta là gì? Mối quan tâm của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp là gì? Ai sẽ được hưởng lợi từ tầm nhìn ấy và bằng cách nào? Bằng cách nào mà tầm nhìn đó sẽ thúc đẩy sự phát triển và nâng cao thành tựu đã đạt được từ những tầm nhìn trước? 2. Tầm nhìn được dựa trên một kế hoạch đặc biệt hay sẽ được thực hiện một cách ngẫu nhiên mà không có sự liên kết nào giữa các giai đoạn khác nhau của nó? 3. Tầm nhìn đó có thực tế và khả thi hay là một tầm nhìn phi thực tế mà không có một nguồn lực về tài chính và con người nào có khả năng thực hiện? Ví dụ, khu dân cư và du lịch phức hợp khổng lồ như đảo The Palm(18) và The World(19) có thể yêu cầu nguồn lực lớn mà nhiều quốc gia không thể đáp ứng được. Trong khi dự án này có tính khả thi ở UAE, nó sẽ không thể được xây dựng ở nhiều nơi khác. 4. Thời gian lý tưởng để đề xuất tầm nhìn là khi nào? 5. Cách thức tốt nhất để thực hiện nó là gì? 6. Nhóm thực hiện đã sẵn sàng chưa? Thành viên của nhóm gồm những ai và ở đâu họ sẽ có được những kỹ năng tầm cỡ cần thiết? 7. Nguồn vốn nào được dùng để thực thi tầm nhìn? 8. Cần phải thuyết phục các nhà đầu tư như thế nào để họ rót vốn cho dự án? 9. Sản phẩm cuối cùng sẽ được đưa ra thị trường như thế nào và đâu là thị trường mục tiêu? Ở đâu và lúc nào? (18) Đảo Cây Cọ là một quần đảo nhân tạo ở Dubai. Phần lớn cơ sở hạ tầng thương mại và khu dân cư được xây dựng bởi Nakheel Properties, một công ty thuộc sở hữu của chính phủ Dubai. Các hòn đảo gồm Palm Jumeirah, Palm Jebel Ali và Palm Deira. (19) The World hay là Đảo World là một quần đảo nhân tạo với nhiều đảo nhỏ theo hình dạng của một bản đồ thế giới nằm cách bờ biển Dubai 4 km. Đảo The World được xây dựng chủ yếu bởi cát nạo vét từ vùng biển cạn ven bờ ở Dubai, và là một trong những sự phát triển đảo nhân tạo ở Dubai. Những điểm nổi bật trong tầm nhìn của một nhà lãnh đạo thực thụ 1. Tầm nhìn phải xuất sắc về hình thức, về bản chất và cách thực hiện. 2. Tất cả các yếu tố của tầm nhìn cần bao gồm cả trí tưởng tượng. 3. Nó cần phải toàn diện và có tầm xa. 4. Nó cần phải đơn giản, vì tính rõ ràng sẽ khiến tầm nhìn dễ được thực hiện hơn. 5. Nó phải được thử thách ở một số mức độ, không chỉ cho nhóm dự án, mà cho cả toàn xã hội. 6. Thông báo về tầm nhìn phải có một tác động mạnh. 7. Nó cần khuấy động sự quyết tâm, tính sáng tạo và chủ động ở mọi người cũng như khôi phục quyết tâm của họ để cạnh tranh. 8. Nó không nên dễ thực hiện và nên nằm ở ranh giới của sự không thể nhưng không thực sự là như vậy. 9. Nó không nên được đề xuất sớm, trước khi hoàn thiện và liên kết nó với tất cả yếu tố khác. 10. Nó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người một cách toàn diện. Lợi ích không nên bị hạn chế ở một người hay một nhóm người. 11. Nó phải là tích cực và khơi dậy lòng tin của công chúng vào sự lãnh đạo, tương lai của họ và lòng tin lẫn nhau của họ. Nó cũng phải tăng cường lòng tin của công chúng với đất nước và lòng trung thành với đất nước. Thực hiện một tầm nhìn lãnh đạo thực thụ Kế hoạch thực hiện: Tầm nhìn có thể được xem là một cửa ngõ dẫn đến một kế hoạch thực hiện toàn diện, được chia thành nhiều giai đoạn, bản thân mỗi giai đoạn được ấn định một khoảng thời gian để thực hiện. Khi tôi trình bày tầm nhìn của mình cho một dự án cụ thể, thông điệp của tôi cần phải được hiểu một cách rõ ràng bởi tất cả những người liên quan đến việc thực hiện nó. Đó là tầm nhìn của tôi, tôi muốn thực hiện theo cách này, trong vòng thời hạn đã đặt ra. Tôi muốn dự án vận hành theo cách này. Đây là số lượng các công ty liên quan, đây là nhóm làm việc, đây là nguồn tài trợ tài chính và cuối cùng, đây là những gì mà tôi mong muốn dự án đạt được. Giai đoạn thực hiện: Điều quan trọng là phải nhận thức được từng giai đoạn thực hiện tầm nhìn. Người lãnh đạo phải biết được anh ta sẽ đi đến đâu. Huy động nguồn lực: Thử thách lớn nhất mà người lãnh đạo phải đối mặt là phải có khả năng huy động tất cả những người liên quan đến việc thực hiện tầm nhìn và dẫn dắt họ đạt được mục tiêu chung, cũng như huy động mọi nỗ lực và nguồn lực cần thiết để đưa tầm nhìn đến một kết thúc thành công. Tầm nhìn của tôi không phải là điều gì đó tôi mơ đến trong khi những người khác khiến nó trở thành hiện thực – tôi không thể ngồi ở văn phòng và chờ đợi điều kỳ diệu xảy ra. Thực hiện một tầm nhìn đòi hỏi một nỗ lực chung được xác định và cam kết một cách chặt chẽ. Mặc dù nỗ lực chung có thể được áp dụng để thực hiện một tầm nhìn cụ thể, nó cũng có thể được áp dụng theo một cách toàn diện hơn cho những tầm nhìn tổng quát hơn. Ví dụ, khi tôi trình bày tầm nhìn về việc đưa Dubai trở thành trung tâm tài chính và thương mại hàng đầu thế giới ở nửa đầu thế kỷ 21, tôi đã yêu cầu tất cả các ban, tổ chức, quan chức chính phủ thực hiện tầm nhìn này phải phối hợp và làm việc tay trong tay ở các lĩnh vực chuyên ngành tương ứng của họ nhằm đưa tầm nhìn trở thành hiện thực. Tôi cũng hỏi họ những điều sau: • Có bao nhiêu ban có chiến lược cho tương lai? • Mỗi ban có tầm nhìn riêng không? • Có bao nhiêu ban đã xác định các yếu tố cho sự thành công và thiết lập mục tiêu cho tương lai của họ? • Những người làm việc ở mỗi ban có tham gia vào kế hoạch đó không hay ít nhất cũng biết đến tầm nhìn và nhiệm vụ của ban? Thiết lập khuôn khổ cho dự án là một khía cạnh, thực hiện nó lại là một khía cạnh khác. Vậy nên, tôi đã nói với nhóm của tôi rằng, sau khi chuẩn bị chiến lược thực hiện tầm nhìn, xác định các yếu tố để thành công và đạt được mục tiêu trong thời hạn tôi đặt ra, tôi muốn nghiên cứu tất cả, thực hiện bất kỳ sửa đổi nào mà tôi cho là cần thiết và hoàn thành các liên kết còn thiếu trước khi tiến hành thêm nữa. Nhóm làm việc: Con đường ngắn nhất để thành công trong việc thực hiện một tầm nhìn cụ thể là tuyển chọn được một nhóm tài năng, cạnh tranh, sáng tạo và chủ động. Xác định thời gian: Chuẩn bị một kế hoạch toàn diện không là gì cả trừ khi những kế hoạch này được thực hiện theo tiến độ chặt chẽ. Người lãnh đạo cần phải đặt ra giới hạn thời gian, không chỉ cho việc thực hiện mỗi tầm nhìn, mà còn cho mỗi giai đoạn thực hiện. Tầm nhìn của tôi không phải là việc thực hiện với một kết thúc mở và tôi không phải là người duy nhất có tầm nhìn trên thế giới này. Nhiều người còn có những tầm nhìn xa hơn tôi và có sức mạnh tài chính hơn tôi. Điều đó nói với tôi rằng, tôi cần thực hiện tầm nhìn của tôi trước họ hoặc là mất cơ hội thực hiện nó – một tín điều đã giúp tôi đạt được thành công trong nhiều nỗ lực. Xác định thời gian cũng quan trọng với giai đoạn tiếp thị sau đó, và điều này giải thích cho sự cần thiết phải tuân thủ thời gian định trước trong mọi hoàn cảnh. Phát triển công nghiệp Chúng ta có thể đua ngựa mà thiếu người cưỡi ngựa không? Tầm nhìn là một cuộc đua để chiến thắng trong một trận chiến không đổ máu vì sự phát triển. Ngày nay phát triển không phải là một xu hướng, nó còn là một ngành công nghiệp toàn diện. Và vì nó là một ngành công nghiệp, nó phải tạo ra sản phẩm với một số yếu tố nhất định. Điều đầu tiên là tầm nhìn. Một người lãnh đạo tốt phải chắt lọc tầm nhìn của mình, xác định mục tiêu, điều chỉnh sự phát triển và giám sát sự thực hiện tầm nhìn đó. Thất bại trong việc xác định mục tiêu và việc thực hiện sau đó thực sự là công thức cho nỗi thất vọng. Ngay cả khi đang có con ngựa tốt nhất thế giới, chúng ta cũng không thể mong đợi thắng cuộc nếu chúng ta không có một người cưỡi ngựa tốt. Cũng như vậy, có một tầm nhìn, đặt ra những mục tiêu và các yếu tố cho sự thành công là cần thiết cho một quốc gia để cải thiện hiệu suất, dịch vụ và tính hiệu quả của sự phản ứng cho sự phát triển tương lai. Điều này nên được thực hiện với một mục tiêu trong đầu: đó là để phục vụ người dân và nâng cao vị thế của đất nước. Đây là điều mà tôi mong sự phát triển công nghiệp của chúng ta sẽ đạt được. Tôi không xem tiến bộ là một điều ước hay một đặc ân, hoặc thậm chí một cử chỉ hào phóng nào đó về phần lãnh đạo, nhưng như thường lệ, đó là một cam kết vô điều kiện của người lãnh đạo, chính phủ và tất cả các công chức đối với quốc gia. Điều đó yêu cầu tất cả họ phải nỗ lực phát triển đất nước, trong khuôn khổ của một chiến lược phát triển rõ ràng mà cần phải chú ý từng li từng tí. Nếu phát triển là sự ưu tiên hàng đầu của chính phủ, nó là trách nhiệm của các công dân và trong nhiều trường hợp, của cả người nước ngoài thường trú, tất cả phải đóng góp cho sự thành công của quá trình này. Nhưng điều đó chỉ có thể đạt được khi mỗi người dân và người nước ngoài cư trú cảm thấy anh ta hay cô ta là một phần của quá trình phát triển đang diễn ra và đóng góp một phần vào sự thành công của nó. Dubai là nơi ở của nhiều người nước ngoài từ mọi quốc gia. Quê hương của một số người này đã thất bại khi tìm kiếm hòa bình với những quốc gia láng giềng, họ có thể phải chứng kiến tình trạng căng thẳng biên giới với những cuộc chiến kéo dài. UAE luôn hướng tới việc mang lại hòa bình cho mọi quốc gia trên thế giới. Chúng tôi tin rằng chiến tranh rất hiếm khi giải quyết được các vấn đề mà hòa bình không thể giải quyết được, và những cuộc hội thoại trong hòa bình sẽ hiệu quả hơn sự căng thẳng hay sự bất thỏa hiệp dai dẳng. Dẫu thế nào, lựa chọn của UAE là không hoang phí năng lượng vào những căng thẳng, các cuộc chiến hay tranh chấp. Cư dân Dubai chủ yếu cùng tập trung sức lực vào nâng cao chất lượng cuộc sống, cống hiến cho sự thịnh vượng của tiểu quốc và xây dựng đời sống hiện tại cũng như tương lai của họ. Có lẽ Dubai không phải là nơi dành cho những người có niềm tin khác. Tôi tin rằng tất cả những người dân sống và làm việc ở Dubai đều nhận thực được thực tế này, tuân thủ điều đó và biết được giới hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của họ. Dubai là một thành phố của hòa bình và văn minh, một nơi để làm việc, sản xuất và đi tiên phong trong các ý tưởng. Dubai được biết đến với tư cách là một trong những thành phố an toàn nhất trên thế giới. Điều đó đúng. Chúng tôi có mức độ an ninh cao và lực lượng cảnh sát có năng lực, được trang bị hiện đại. Nhưng đó không phải lý do chính của mức độ an ninh cao và hòa bình mà chúng tôi đang tận hưởng. Người dân Dubai là những cảnh sát thực thụ và là những người bảo vệ luật pháp, bởi vì họ đã đầu tư sự quan tâm và tương lai vào Dubai, tất cả họ đều bảo vệ và đảm bảo cho đất nước này như thể họ đang bảo vệ cho chính lợi ích và gia đình riêng của họ. Những người nước ngoài ở Dubai chung sống trong yên bình và hài hòa như thể họ sống cùng những người bạn, láng giềng và đồng nghiệp, bởi vì họ biết rằng họ cần phải bảo vệ sự an toàn cho họ, điều này không liên can đến những căng thẳng giữa các quốc gia. Dubai cần những nỗ lực, tính sáng tạo và sự cống hiến của tất cả công dân. Bất cứ ai có một phần đóng góp vào hiện tại của Dubai sẽ nhận được một phần trong tương lai, miễn là anh ta hay cô ta làm việc hướng tới mục tiêu này. Nếu họ không làm như vậy, Dubai không phải là nơi dành cho họ. Bất cứ ai đang sống ở Dubai và không cảm thấy một chuẩn mực sống tốt, cần phải hiểu rằng có điều gì đó không đúng và họ cần phải xác định và sửa chữa lỗi sai này. Có thể thành quả sự phát triển của Dubai chưa đến được với tất cả, nhưng Dubai không phải là nơi dành cho những người mạnh mẽ, cường tráng mà lại không làm gì để cống hiến, hoặc đơn giản là không sẵn sàng làm việc chăm chỉ cho thành công. Luôn có những người cần được giúp đỡ trong mỗi cộng đồng – và những người này sẽ nhận được sự giúp đỡ ở Dubai – nhưng những người còn lại cần phải sớm tỉnh giấc, tham gia cuộc đua, giao thương, sản xuất, xây dựng và tạo ra lợi nhuận, trong một môi trường cạnh tranh tích cực, an toàn và đầy hy vọng, bởi vì đó là Dubai. Tôi tin rằng để thúc đẩy môi trường này cần ưu tiên đặt lên hàng đầu bất kỳ tầm nhìn phát triển nào, và cung cấp các điều kiện cho môi trường này nên là ưu tiên tối hậu của tất cả chính phủ trên thế giới. Sẽ là không đủ nếu chính phủ chỉ cung cấp những tiện ích này cho hiện tại, cần phải đảm bảo rằng chính phủ tiếp tục cung cấp các tiện ích này vào ngày mai, năm sau, thập kỷ sau và tương lai. Hơn nữa, phát triển kinh tế truyền thống sẽ là không đủ đối với chính phủ. Họ cần phải đặt nền móng cho nền kinh tế mới, bằng cách phát triển cấu trúc pháp lý, kinh tế và kỹ thuật cần thiết. Và, cuối cùng, sẽ là không đủ nếu chỉ đơn giản nhìn về phía tương lai, chúng ta phải thực sự sống với nó bằng việc cố gắng dự liệu tất cả thử thách trong tương lai và chuẩn bị một kế hoạch đúng đắn để đối mặt với nó. Như tôi đã đề cập, thế hệ những người trẻ hơn là tương lai của đất nước này. Họ sẽ là những người tìm ra công thức đảm bảo cho sự phát triển bền vững và ổn định cho cả họ và các thế hệ tương lai. Thành công của thế hệ trẻ không phải là thành công cho riêng UAE, mà là thành công cho mọi nơi ở Ả Rập. Họ là mục tiêu chính của bất kỳ tầm nhìn kinh tế và nỗ lực phát triển nào. Do đó, bất kỳ tầm nhìn phát triển nào cũng cần phải nhắm đến việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ không chỉ để họ theo kịp với nền kinh tế mới, mà họ còn phải chủ động và dẫn đầu. Điều này đòi hỏi phải thay đổi – một sự thay đổi về giảng dạy, đào tạo và suy nghĩ, cũng như trong các phương thức và các ưu tiên của chính phủ. Cũng như là chính nền kinh tế mới, hầu hết các công cụ đều là mới và những thay đổi cần thiết nên được thực hiện để những công cụ này được sử dụng thành công. Thành công trong kinh doanh và liên doanh có những yếu tố được thừa nhận, nhưng không gì quan trọng hơn là chuyên môn trong thời đại của chuyên môn, chuyên nghiệp trong thời đại của chuyên nghiệp, và kỹ thuật trong thời đại của kỹ thuật. Thời đại của chúng ta là thời đại của những ý tưởng và sự đổi mới vĩ đại tạo nên những dự án xuất sắc, và đây không phải là thời đại nhồi nhét đầy thông tin trong đầu. Hàng trăm dự án thành công có thể cung cấp cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn người và nó khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai. Thế hệ trẻ của chúng ta không chỉ cần được dạy về toàn bộ các kiến thức có sẵn, họ cần phải sở hữu, làm chủ những kỹ năng thực tế và những năng lực bằng cách làm thuê cho các công ty và các dự án, đây được xem như bước đầu tiên trước khi họ hướng tới việc tự gây dựng những doanh nghiệp thành công của riêng họ. Họ cũng cần có cơ hội tương tác với cộng đồng doanh nghiệp và thị trường, cho phép họ phát triển và làm giàu nền kinh tế quốc gia. Chúng ta không thể chỉ giải quyết bài toán này bằng cách cung cấp cho thế hệ trẻ những trường trung học, cao đẳng hoặc đại học tốt nhất. Chúng ta còn phải cho họ tiếp xúc với các tổ chức chuyên ngành có khả năng thúc đẩy sáng kiến và tinh thần sáng tạo của họ. Chúng ta phải giúp họ phát triển kỹ năng kinh doanh. Chúng ta phải góp sức đưa những sáng kiến của họ thành các thương vụ thành công và cung cấp các tư vấn, các nguồn lực cần thiết như: vốn đầu tư, kỹ năng quản lý và tiếp thị để mang lại kết quả cho các ý tưởng kinh doanh này. Mặc dù các doanh nhân trẻ phải gánh vác phần lớn trách nhiệm trong việc hoàn thành điều đó, các quan chức chính phủ còn phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn trong việc huấn luyện và dẫn đường cho thế hệ trẻ đi đúng hướng. Người trẻ sẽ không thể định hình tương lai phù hợp với họ, với quốc gia và đất nước của họ, nếu không được hưởng sự khuyến khích, huấn luyện, tình yêu và sự chăm sóc. Các quốc gia chỉ thành công khi họ tạo nên thành công cho những người trẻ hơn, và đạt được thành công không chỉ giới hạn ở trách nhiệm của chính phủ, đó là trách nhiệm của quốc gia. Chính phủ sẽ đảm nhận trách nhiệm của mình, nhưng khu vực tư nhân đóng vai trò cơ bản trong việc hỗ trợ con cái họ, tạo nên những bước nhảy vọt trong phát triển và sự phồn thịnh của đất nước. Đây là con đường đến tương lai của chúng ta và là phương hướng chung cho tầm nhìn phát triển của chúng ta. Phát triển là một quá trình lũy kế và việc định hình tương lai là một quá trình bất tận. Hoàng thân Zayed và cha tôi đã mở đường cho sự phát triển, tiến bộ và sáng tạo, và đến lượt mình, chúng ta phải tiếp tục theo phương hướng này. Phát triển là một quá trình khó khăn có đầy đủ cả thành công lẫn cạm bẫy. Cảnh báo này áp dụng cho tất cả cán bộ công chức làm việc cho chính phủ Dubai và hơn tất cả là cho chính tôi. Chúng ta đã đạt được nhiều thành công nhưng vẫn chỉ ở đoạn đầu của con đường. Chúng ta hãy chung tay, nhìn về tương lai và tiến lên phía trước trên con đường vươn tới sự vượt trội. Chương ba Lãnh đạo TTôi đã từng yêu cầu những người đứng đầu các bộ phận khác nhau của chính phủ tổ chức một chuỗi các bài giảng và hội thảo để thảo luận các chủ đề tùy theo lĩnh vực và năng lực tương ứng của họ. Trong số nhiều vấn đề khác nhau, họ đã tập trung vào những vấn đề cụ thể, chẳng hạn như dịch vụ cho cộng đồng cũng như nâng cao nguồn nhân lực và kỹ năng sáng tạo. Vì các cuộc họp được đề xuất nhằm làm sáng tỏ những vấn đề mà tiến trình phát triển của chúng tôi sẽ phải đối mặt, xác định mục tiêu và lợi ích từ kinh nghiệm chung của chúng tôi, nó đã gợi ý rằng tôi cần có những bài diễn văn mở và tập trung vào chủ đề lãnh đạo. Tôi cho rằng bản năng lãnh đạo nằm sẵn trong máu của mình, tôi đã chấp nhận, và nghĩ là sẽ không có gì khó khăn cả. Nhưng khi thời hạn đến gần hơn, tôi bắt đầu lên kế hoạch cho bài diễn văn và tôi đã sớm nhận ra rằng, đảm đương trách nhiệm lãnh đạo là một việc, giải thích nó lại là một việc hoàn toàn khác. Dù tôi có thể nói về các bộ phận khác nhau của Chính phủ Dubai một cách dễ dàng và đảm nhận chức năng lãnh đạo mỗi giờ trong cuộc đời mình, tôi vẫn thấy đó là một chủ đề đầy thử thách. Đương nhiên, chúng ta đều biết “người lãnh đạo” và “khả năng lãnh đạo” là gì, nhưng điều mà chúng ta có xu hướng quên là có những kiểu người lãnh đạo và những khả năng lãnh đạo khác nhau. Lãnh đạo của một nhóm người tuyển trạch không giống lãnh đạo quân đội hay đất nước. Trong khi hầu hết mọi người đều được trang bị để lãnh đạo trong một khu vực hạn chế, lãnh đạo một đất nước và quốc gia đòi hỏi nhiều hơn thế. Nhiều người cho rằng người lãnh đạo được sinh ra chứ không phải được tạo ra, điều này có thể đúng hoặc sai. Nhiều người khác nói rằng khả năng lãnh đạo không thể học được, bởi vì đó là điều bạn có hoặc không bao giờ có. Trên cơ sở kinh nghiệm và quan sát, chúng tôi có thể nói với niềm tin hợp lý rằng khả năng lãnh đạo là tài năng mà một vài người có và những người khác thì không. Ngay cả khi chúng tôi chủ động, về mặt lý thuyết, xác định tất cả những phẩm chất cần thiết của một người lãnh đạo và “cấy ghép” những phẩm chất đó vào một người nhất định, thì cũng không thể tạo ra một người lãnh đạo. Cấy ghép một phẩm chất duy nhất vào một cá nhân cũng đã là một điều rất khó thực hiện, vậy hãy tưởng tượng sẽ là tham vọng thế nào nếu cấy một tập hợp các phẩm chất tinh vi và phức tạp. Chắc chắn đó là nhiệm vụ gần như bất khả thi trong các hoàn cảnh sinh học, xã hội và chính trị khác nhau. Từ đó chúng ta có thể kết luận rằng không có cái khuôn nào mà chúng ta có thể đặt các phẩm chất của con người vào đó và tạo ra một nhà lãnh đạo. Không phải là bất cứ ai sinh ra vào ngày thứ Sáu, vào đầu tháng và tốt nghiệp Sandhurst, West Point, Oxford, Harvard – hay một số các học viện quân sự hay đại học nổi tiếng khác – là phù hợp để trở thành lãnh đạo. Vì thế mà tôi nói rằng khả năng lãnh đạo là một trong những vấn đề khó giải thích nhất. Tôi tin rằng một trong những nguyên nhân của nó liên quan đến tài năng, cảm giác và sức mạnh mà một người lãnh đạo có được. Những đặc điểm này không dễ dàng đo đếm hay xác định, điều đó giải thích vì sao một số người miêu tả họ với những từ như “kỳ diệu” hay “tinh nhuệ”. Cá nhân tôi thích nói về “tinh thần lãnh đạo” hơn. Tinh thần lãnh đạo không thể được cấy ghép hay loại bỏ, bởi vì nó đã ăn sâu vào gia hệ, giáo dục và bản năng, trong khi những nhánh của nó được hoàn thiện bởi một số nhân tố như thời gian, sự khôn ngoan, khoa học, chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng, sự tương tác với người khác và đồng hóa các kỹ năng của họ. Khả năng lãnh đạo và sự vượt trội Lịch sử cho ta thấy có những kiểu nhà lãnh đạo khác nhau, hầu hết họ đều nổi tiếng nhờ các sự kiện, những hoàn cảnh mà qua đó họ được lịch sử xếp vào hàng lãnh đạo. Một kiểu lãnh đạo hiếm hơn là những người sử dụng sự khôn ngoan, thông minh và kỹ năng lãnh đạo của mình để tạo ra những sự kiện định hướng cuộc sống và sau đó là lịch sử. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tài năng nhất là người không chỉ định hướng cho hiện tại, mà còn định hướng một phần lớn cho tương lai. Mặc dù lịch sử Ả Rập và thế giới có nhiều tấm gương về những nhà lãnh đạo như vậy, nhưng nếu xét lại phần lịch sử mà tôi đã chứng kiến, người tôi thường nghĩ đến là hoàng thân Zayed. Mối quan hệ của tôi với hoàng thân Zayed tràn ngập tình yêu thương và lòng chân thành, như là của một người cha và con trai. Hoàng thân Zayed nhận được tình yêu của mọi người xung quanh ông, trong sự tôn kính vô cùng họ dành cho những công việc khó khăn cũng như những thành tích của ông. Ông rất thẳng thắn và mong muốn mọi người thẳng thắn với ông. Đó là điều mà ông đã chỉ dạy cho tôi và đây cũng là điều khiến tôi tôn kính ông. Tôi đã giải thích cách hoàng thân Zayed cho tôi thấy con đường chinh phục những điều không thể và bây giờ tôi có thể nói thêm rằng, ông còn dạy tôi về ý nghĩa đích thực của tình yêu. Không một ai đã từng gặp hoàng thân Zayed lại có thể không kính yêu ông ấy vì sự minh bạch, tinh thần Ả Rập thực sự, sự đơn giản, đức tin và lập trường chính trị ngay thẳng. Khi nói chuyện, ông không bao giờ cố làm vui lòng ai, mà chỉ tìm cách làm vừa lòng Thánh Allah và lương tâm của mình. Ông có đức tin vào Thánh Allah, vào đất nước của ông, vào người dân của ông và vào chính ông. Ông là người nói đi đôi với làm, là người luôn giữ lời hứa và giúp đỡ những người láng giềng. Đó là phẩm chất của một nhà lãnh đạo vĩ đại, nhưng thêm nữa, một món quà quý giá từ Thánh Allah – ông may mắn có được tình yêu của người dân. Một nhà lãnh đạo có thể được mọi người sợ hoặc tôn trọng, nhưng để được kính yêu một cách thực sự bởi người dân của mình là điều mà mọi nhà lãnh đạo luôn mong muốn đạt được. Hoàng thân Zayed cũng đã dạy chúng tôi rằng sự lãnh đạo là tất cả hoạt động hàng ngày và không chỉ là lý thuyết. Lãnh đạo, như ông đã thực hành nó, là khái niệm về con người và xã hội vượt qua cả sự suy nghĩ. Nó cũng là sự xác định, tự tin, tầm nhìn xa và phán đoán tốt. Khi tất cả hoặc phần lớn những người liên quan chấp nhận một ý kiến mà bạn vừa đề xuất và thực hiện nó thành công, sẽ không ai phủ nhận rằng bạn đã đạt được thành tựu. Nhưng theo ý kiến của tôi, sự xuất sắc thực sự là khi bạn đề xuất một ý kiến có thể tốt, nhưng không nhất thiết phải được mọi người chấp nhận ngay lập tức, và bạn phải vượt qua những thử thách để thực hiện nó. Nó không thể được hoàn thành qua tầm nhìn thông thường, mà đòi hỏi một người lãnh đạo đi trước thời đại và nhìn về phía tương lai; một người không chỉ mơ tưởng, mà có một tầm nhìn thực sự và đi theo con đường phát triển đúng – một người lãnh đạo sẽ dẫn người dân của mình đến một tương lai tốt hơn. Làm sao tôi có thể chứng minh điều đó? Cũng nhiều người, từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và nước ngoài, đã chỉ trích hoàng thân Zayed vì đã cho khoan giếng phun ở sa mạc và sử dụng nước cho trồng trọt. Họ nói việc đó sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên tái tạo, gây thiệt hại nặng nề cho môi trường và đảo lộn sự cân bằng tự nhiên. Tuy nhiên không ai trong số những người chỉ trích biết được kích thước thực tế của hồ chứa nước ngầm, họ tiếp tục chỉ trích ý tưởng đó. Thời gian qua đi, nguồn nước vẫn dồi dào và không có nỗi lo sợ nào của những người chỉ trích thành hiện thực, và hoàng thân Zayed đã được chứng minh rằng ông đúng. Trong quá khứ, người dân đi lại giữa Abu Dhabi(20) và Al Ain(21) sẽ chết khát nếu họ không có đủ nước cho hành trình dài. Hoàng thân Zayed đã biến hành trình đó trở thành một chuyến lái xe hấp dẫn trên một đường cao tốc siêu hiện đại bao quanh bởi các trang trại, vườn cọ và cây xanh vô tận. Trên thực tế, hoàng thân Zayed đã biến vùng đất rộng của Tiểu quốc Abu Dhabi thành ốc đảo lớn nhất thế giới ở một trong những sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới. Tất cả những việc này đều có thể thực hiện là bởi nguồn nước dự trữ lớn mà ông đã đưa vào sử dụng và hiện được dự đoán là sẽ kéo dài nhiều thập kỷ nữa. Ví dụ thứ hai về giá trị của sự lãnh đạo có tầm nhìn đúng đắn đến từ người cha quá cố của tôi, hoàng thân Rashid. Ông cũng đã chọn một trong những sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới – và một trong những khu vực xa xôi, cô lập nhất của Dubai – để đầu tư hàng trăm triệu đô la vào xây dựng cảng nhân tạo lớn nhất thế giới, khu vực tự do thương mại và công nghiệp lớn nhất vùng Vịnh. Mặc dù các dự án này đã bị chỉ trích rộng rãi khắp thế giới, cha tôi đã chứng minh rằng ông biết những gì ông đang làm và đã xác định chính xác những lợi ích to lớn mà cơ hội hiếm có này sẽ mang lại trong tương lai. Ông đã nắm lấy cơ hội và thành công với nỗ lực của mình. Ông đã chứng minh điều gì khác? Ông đã chứng minh rằng một người lãnh đạo vĩ đại nên tận dụng những cơ hội tốt bất cứ khi nào có thể – và nếu anh ta không thể tìm thấy một cơ hội như thế, anh ta nên tạo ra nó. Phẩm chất lãnh đạo Một người lãnh đạo có thể có khả năng thấy trước những điều mà người khác không thấy. Đó là một trong những phẩm chất tạo nên những nhà lãnh đạo thực thụ. Họ phải luôn nhìn về phía trước, xa hơn bất cứ ai khác, để dự đoán tương lai, dự kiến những thử thách mà tương lai sẽ mang đến, và chuẩn bị cho người dân của họ đối mặt với chúng. Chúng ta không thể ngồi yên và nói rằng chúng ta không biết điều gì sẽ xảy đến trong tương lai, bởi vì nếu chúng ta để các sự kiện quyết định tương lai của chúng ta, chúng sẽ tạo ra một kịch bản mà chúng ta không mong muốn. Khi chúng ta để những người khác làm nên tương lai của chúng ta, họ sẽ cho chúng ta một tương lai mà họ muốn chứ không phải tương lai mà chúng ta dự tính. Nếu chúng ta không lựa chọn tương lai, chúng ta sẽ lựa chọn quá khứ. Quá khứ của chúng ta vinh quang, nhưng nó không làm nên hiện tại và tương lai của chúng ta. Chúng ta không bị buộc phải giải phóng mình khỏi quá khứ, bởi vì nó sống trong tâm tưởng của chúng ta, nhưng chúng ta phải giải phóng mình khỏi việc ở mãi trong quá khứ. Hiện tại của chúng ta nên là điểm bắt đầu và tương lai là mục tiêu của chúng ta. Chúng ta phải quyết định xây dựng tương lai của mình như thế nào. Khi những người lãnh đạo có khả năng dự kiến được tương lai – cũng như con đường dẫn tới nó – họ là những người cừ nhất để hoàn thành lời hứa của mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta thất bại vì một lý do nào đó, chúng ta phải giao lại quyền lãnh đạo cho những người khác có năng lực hơn trong việc thực thi tầm nhìn. Chúng ta phải lên kế hoạch, nỗ lực, đổi mới và cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu của chúng ta, và sau đó thì hãy để Thánh Allah làm phần còn lại. Tôi xem các quan chức của Chính phủ Dubai là những nhà lãnh đạo của nhân dân vì những trách nhiệm trọng yếu và vị trí cao cấp của họ trong chính phủ. Mặc dù tôi có thể cho lời khuyên, hướng dẫn và động viên để giúp chúng tôi đạt được mục tiêu chung, tôi không thể khiến mỗi người trong số họ và tất cả họ trở thành lãnh đạo. Chúng ta có thể cùng nhau xây dựng những phẩm chất của một nhà lãnh đạo ở tất cả các mức độ, như là từ chân đến đỉnh của một kim tự tháp. Mọi quan chức đều có thể xác định được liệu họ có những phẩm chất để trở thành lãnh đạo hay không. Nếu họ kết luận rằng họ không có tư chất đó, họ có thể quyết định nâng cao năng lực, thu nhận những kỹ năng mới và khám phá những tiềm năng của chính mình, như vậy họ có thể hoàn thành những trách nhiệm của họ tốt nhất có thể. Các phẩm chất lãnh đạo ở mọi mức độ nên bao gồm những điều sau đây (để đơn giản, tôi sử dụng giới tính nam trong danh mục dưới đây và ở những nơi khác, nhưng phải nói thêm rằng một nhà lãnh đạo có thể là nam hoặc nữ): 1. Khả năng dẫn dắt, đi đầu và nói với những người theo sau anh ta rằng “đây là mục tiêu của chúng ta, hãy theo tôi đến đó,” thay vì nói, “tôi ở ngay phía sau bạn”. 2. Đặt lợi ích của dân chúng lên hàng đầu, là hiện thân cho nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng nhu cầu của họ và xây dựng một chương trình có thể đạt tới những mục tiêu này, thông qua một hoặc nhiều tầm nhìn với đối tượng cụ thể và các giai đoạn thực hiện. 3. Thông qua những quyết định để hoàn thành mục tiêu trong tầm nhìn của anh ta, và sẵn sàng chiến đấu với các xung đột, ngay cả khi không phải tất cả các thành viên trong nhóm đồng ý với anh ta. 4. Gánh vác trách nhiệm và đảm đương trách nhiệm đó một cách tốt nhất có thể. Những nhà lãnh đạo thực thụ phải chịu trách nhiệm cho những quyết định sai lầm. Họ cần phải chuẩn bị để nói “tôi là người lãnh đạo và tôi là người gây ra những sai lầm này”, và mặt khác, tạo niềm tin cho các thành viên trong nhóm của anh ta. Một nhà lãnh đạo thực sự không lẩn tránh hậu quả, cho dù nó có nặng nề như thế nào. Anh ta đảm nhận trách nhiệm và thậm chí là tìm kiếm trách nhiệm. 5. Đối mặt với bất kỳ sự chỉ trích nào, đối mặt với những khó khăn ngăn cản anh ta đạt được những mục tiêu và loại bỏ bất kỳ trở ngại nào cản bước con đường tới thành công. Một nhà lãnh đạo phải đáp ứng những mong đợi của nhóm và luôn làm gương cho những người đi theo. Điều đó không có nghĩa là anh ta nên giải quyết tất cả mọi vấn đề lớn nhỏ hay anh ta phải luôn tuân thủ chuỗi mệnh lệnh, mà mọi thành viên của nhóm phải hiểu và tuân theo chuỗi mệnh lệnh này. 6. Trao quyền cho người khác. Điều này nói thì dễ hơn làm, bởi vì, sau tất cả, chúng ta là con người và nhiều người có xu hướng vị kỷ, thiếu sức mạnh, sự khiêm tốn của một nhà lãnh đạo thực thụ, luôn cho mình được ưu tiên hơn người khác. 7. Bàn bạc và tham gia vào các cuộc đối thoại. Thánh Allah kêu gọi những người Hồi giáo thành tín hãy bàn bạc với người khác. Kinh Coran có nói: “Và tham khảo ý kiến của họ trước khi tiến hành công việc”(22). Nhà tiên tri Mohammed của chúng ta là một minh chứng cho tầm quan trọng của việc thảo luận, bàn bạc. Abu Hurairah(23), một trong những người bạn học của nhà tiên tri đã nói: “Tôi chưa từng thấy ai thảo luận với những người bạn của mình nhiều hơn sứ giả Mohammed”. Một lời khuyên tốt có thể sửa một bước đi sai và những sai lầm khác. Một số người lãnh đạo hếch mũi lên trong quá trình thảo luận và xem thảo luận là một dấu hiệu của sự yếu đuối, nhưng tôi tin rằng việc thảo luận càng tăng cường sức mạnh của người lãnh đạo cũng như sự kính trọng của các đồng sự đối với người lãnh đạo. Khi hoàng thân Zayed yêu cầu tôi đưa ra quan điểm về một vấn đề nhất định, tôi đã từng tự hỏi tôi có thể nói điều gì, khi mà tôi biết rõ rằng ông đã biết nhiều hơn tôi vấn đề và các giải pháp của nó. Người lãnh đạo luôn luôn cố gắng thu nhận kiến thức từ những người xung quanh anh ta, bởi vì không ai thực sự biết ý tưởng hay gợi ý sáng suốt sẽ tiếp diễn như thế nào. Họ nhận thức được và nhận ra rằng họ không thể đánh giá con người chỉ bởi vẻ bề ngoài và vị trí của anh ta. Việc tham khảo ý kiến cũng có những lợi ích khác, như là một cách chắc chắn để thúc đẩy những hiểu biết và quyết định tốt hơn. Điều đó cũng có thể mở rộng tầm nhìn của người lãnh đạo và giúp cho người lãnh đạo trong việc ra quyết định. Nếu những ý kiến tư vấn là đáng tin cậy và chân thành, can đảm và thẳng thắn, thì sự tham vấn có thể là một quá trình thực hiện trách nhiệm giải trình. Nó không làm yếu đi vị thế của người lãnh đạo, ngược lại nó làm mạnh hơn cho vị trí đó, bởi vì mục tiêu cuối cùng của anh ta là phục vụ cho lợi ích công chứ không phải là lợi ích cá nhân. 8. Một người lãnh đạo nên đặt ra những mục tiêu rõ ràng cho chính anh ta và nhóm của mình, như vậy thì anh ta mới có thể tương tác với họ và có một cam kết rõ ràng của bản thân mình với các mục tiêu. Nếu mất đi sự cam kết và tương tác này, anh ta sẽ mất khả năng nhìn mọi việc một cách sáng rõ và cả anh ta cùng những người cộng sự có thể sẽ lạc khỏi con đường đúng đắn. 9. Một nhà lãnh đạo biết tìm sức mạnh của mình từ đức tin vào Thánh Allah, vào đất nước và quyết định của chính anh ta – chứ không phải từ những người bảo hộ hay tùy tùng của mình. 10. Người lãnh đạo phải tự tin như một bản tính tự nhiên. Nếu không như thế, anh ta sẽ không có khả năng tin một ai cả. Một người lãnh đạo thực thụ phải tin vào nhóm, đất nước và người dân của mình, và liên kết niềm tin này với quyết định của chính anh ta để thực hiện tầm nhìn và lên kế hoạch trong mọi trường hợp. 11. Kiến thức là điều cơ bản để ra quyết định đúng. Một người lãnh đạo phải biết thực thi công việc của mình và sở hữu những phẩm chất về tinh thần, thể chất cho phép anh ta đảm nhận trách nhiệm. Một người lãnh đạo không làm việc theo giờ, không có ngày cuối tuần hay ngày nghỉ lễ. Anh ta phải luôn minh mẫn và sẵn sàng ra quyết định cần thiết bất kể ngày đêm. Chúng ta không thể mong muốn người lãnh đạo phải là một nhà hùng biện hay nhà văn hoàn hảo, nhưng anh ta phải đủ lưu loát để thể hiện bản thân một cách rõ ràng. Các sĩ quan dự bị của chúng ta ở học viện quân sự phải cố gắng làm chủ kỹ năng này. Một người lãnh đạo phải biết làm thế nào để hướng dẫn cho nhóm của mình hiểu được rõ ràng nhiệm vụ trước khi họ thực hiện, không có cơ hội cho sự hiểu lầm và sai sót. Việc sử dụng các ý tưởng phức tạp, những hình ảnh mơ hồ và ngôn ngữ khó hiểu với các từ ngữ “đao to búa lớn” sẽ lãng phí thời gian và gợi ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Một số sẽ không thực sự lắng nghe những hướng dẫn kiểu này, trong khi số khác có thể hiểu chúng không chính xác. Điều này tạo ra khoảng trống lớn cho những cách hiểu và hành động khác nhau. Một người lãnh đạo phải sử dụng ngôn ngữ đơn giản, phổ thông, giải thích một cách rõ ràng, không quá nhiều chi tiết, tránh cách nói lòng vòng và lặp đi lặp lại. 12. Một người lãnh đạo cũng nên xác định rõ ràng thông điệp mà anh ta muốn chuyển tải và cẩn trọng lựa chọn từ ngữ mà anh ta dùng. Bài phát biểu không phải cách giao tiếp duy nhất giữa người với người, người lãnh đạo cần phải luôn theo dõi các phản ứng và hành vi của người nghe. Anh ta phải chọn từ cho đúng trường hợp và trình bày những ý tưởng được khớp nối liền mạch bằng một giọng nói rõ ràng, sử dụng những cử chỉ hài hòa, và một kỹ thuật trình bày thể hiện sự lãnh đạo và xuất chúng, như thế sẽ làm tăng thêm niềm tin của cấp dưới và củng cố hình ảnh của anh ta. Nói lắp, do dự, trình bày tầm thường và nhắc lại quá nhiều không phản ánh một nhà lãnh đạo tốt. 13. Trách nhiệm của bất kỳ người lãnh đạo nào là phải thuyết phục người dân chấp nhận tầm nhìn và mục tiêu của mình, từ đó tranh thủ sự hợp tác toàn diện của họ trong quá trình thực hiện tầm nhìn. Hơn nữa, anh ta phải luôn sẵn sàng để bảo vệ cho quyết định và tầm nhìn của mình bằng cách sử dụng sức mạnh thuyết phục, cách nói chuyện hợp lý và những dữ liệu chính xác. 14. Mặc dù lòng trung thành của cấp dưới đối với người lãnh đạo là quan trọng, sự tận tâm của lãnh đạo đối với cấp dưới còn quan trọng hơn. Cùng với nó là lòng tin và sự tôn trọng. Có những mối quan hệ được kết nối và liên kết trong một chuỗi; và khi một trong những điều đó bị phá vỡ, dù cho là bởi lý do gì, niềm tin cũng sẽ suy giảm và sẽ vô cùng khó khăn để hồi phục. Vì vậy, quan trọng là không bên nào trong mối quan hệ này đẩy bên kia vào việc đánh mất niềm tin. 15. Phải nói rằng khi một người lãnh đạo biết khuyến khích và động viên các thành viên trong nhóm của anh ta, các thành viên sẽ thích thú với công việc và được truyền cảm hứng để đạt những thành tựu lớn hơn. 16. Một nhà lãnh đạo nên là biểu tượng của cộng đồng và là tấm gương sống cho thế hệ trẻ. Người lãnh đạo thành công phải là thước đo cho nhóm của mình – làm sao mà anh ta có thể trông mong sự cam kết từ các cộng sự trong khi bản thân anh ta không thực sự gắn với cam kết? Người lãnh đạo làm sao có thể mong chờ nhóm của mình được sự tôn trọng của công chúng và phục vụ tốt công chúng nếu bản thân anh ta không tôn trọng các thành viên của nhóm, không giải quyết các vấn đề của nhóm hay không tương tác đủ với nhóm? Người Ả Rập có một câu cách ngôn là: “Hãy làm gương cho họ và bạn sẽ có được tài khéo của họ”. Một người lãnh đạo do đó cần là tấm gương của sự khiêm tốn, phẩm chất cá nhân, gánh vác trách nhiệm, công bằng và khách quan. Những yếu tố hữu hình và vô hình của khả năng lãnh đạo Một số thành viên trong nhóm hiểu sâu về lĩnh vực chuyên môn của họ, do đó bắt buộc người lãnh đạo luôn phải tìm kiếm sự cố vấn của các chuyên gia, những người có hiểu biết sâu rộng, sau đó tổng hợp các ý kiến để có thể đi đến một quyết định đúng đắn. Bất cứ ai cũng có thể đưa ra các đề xuất, nhưng duy nhất người lãnh đạo là người đưa ra quyết định cuối cùng bởi vì anh ta là người gánh vác trách nhiệm. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn chấp nhận công thức “nhiều suy nghĩ, một quan điểm”. Đôi khi, một sự kiện không lường trước được có thể cản trở việc thực hiện một ý tưởng đã được người lãnh đạo hình thành và lên kế hoạch. Trong trường hợp này, người lãnh đạo nên sử dụng kỹ năng quản lý rủi ro của mình – anh ta phải tìm hiểu nguyên nhân, xác định hình thức khắc phục tốt nhất và hướng dẫn các công chức liên quan thực hiện những biện pháp đề phòng cần thiết, nhằm tránh tái diễn sự gián đoạn. Điều ngược lại cũng có thể xảy ra, như khi có một chất xúc tác bất ngờ đẩy nhanh tiến trình của dự án khiến nó diễn ra nhanh hơn và đem lại lợi ích lớn hơn dự kiến ban đầu. Chẳng hạn, hãng hàng không Emirates, đã khởi đầu với hai máy bay phản lực thuê năm 1985, sau đó nhanh chóng phát triển thành một hãng hàng không quốc tế tầm cỡ với một hạm đội dự kiến là có đến 150 máy bay phản lực vào năm 2012(24). Đó là nhờ may mắn hay điều gì khác? Một vài người cho rằng thành công là nhờ sự may mắn của người lãnh đạo, nhưng người lãnh đạo may mắn nhất là người tạo ra sự may mắn cho mình. Cơ hội phải được tạo ra, chúng không có sẵn và chờ đợi một người nào đó đến nắm lấy. Một người lãnh đạo thực sự phải tạo ra cơ hội cho chính mình và luôn sẵn sàng để nắm lấy cơ hội nhanh nhất có thể. Một người lãnh đạo thực thụ và độc đáo không được kiêu ngạo, hạ mình, quá tự tin và nghĩ rằng mình không bao giờ sai. Nhà tiên tri Mohammed từng nói: “Không ai với một chút đức tin trong tim sẽ phải xuống địa ngục và không ai với một chút kiêu ngạo trong tim sẽ được lên thiên đàng”(25). (24) Hãng hàng không Emirates hiện nay đang vận hành hơn 180 máy bay phản lực. (25) Sura Al Omran, v.159. Một người lãnh đạo phải biết rằng việc thực hiện một hay hai dự án thành công không mang lại cho anh ta quyền được cảm thấy mình ở vị trí cao hơn mọi người và bắt đầu khoe khoang. Đây là những triệu chứng sẽ khiến người lãnh đạo tin rằng anh ta không thể sai lầm. Một khi người lãnh đạo rơi vào điểm này, anh ta bắt đầu suy thoái và đưa chính anh ta cùng với quốc gia đi xuống một hố sâu không đáy. Quan sát cách các nhà lãnh đạo như vậy trong thế giới Ả Rập và những nơi khác trên thế giới dẫn dắt người dân của họ, không phân biệt quốc gia, cho thấy tất cả đều là những nhà độc tài, như thể là họ đều tốt nghiệp từ một trường vậy. Tuy nhiên, những nhà độc tài mới dường như không nghiên cứu lịch sử, họ phớt lờ thực tế là mọi nhà độc tài cuối cùng đều thất bại, họ đưa đất nước họ cùng với bản thân vào hố thẳm, họ phá hủy không chỉ những thành tựu của chính họ mà của cả những tiền nhân. Chúng ta đang ở đoạn đầu của con đường và do đó không có lý do gì để kiêu ngạo. Dù chỉ có người lãnh đạo chịu trách nhiệm cho sự thất bại nhưng những kẻ nịnh bợ có thể mở đường cho một số nhà lãnh đạo rơi vào cạm bẫy. Một nhà lãnh đạo phải chọn được những cộng sự có thể đưa ra những lời khuyên tốt và chân thành ở cạnh anh ta, đó không phải là những người cố vấn cho anh ta ngày hôm nay và lừa dối anh ta vào ngày mai. Một người lãnh đạo thực thụ phải từ chối sự nịnh bợ, bởi vì anh ta không cần một ai để nói với anh ta rằng anh ta là lãnh đạo. Anh ta đã biết mình là ai. Bất cứ ai ngưỡng mộ người lãnh đạo, tìm kiếm sự tôn trọng và niềm tin vào người lãnh đạo, sẽ là người thẳng thắn với anh ta, nói cho anh ta về những khiếm khuyết, sai lầm và khuyến nghị với anh ta con đường đúng đắn. Thêm nữa, để tránh những kẻ nịnh bợ và những tiểu tiết vụn vặt, người lãnh đạo cần tập trung vào tự giác kỷ luật, quản lý các hành vi của mình và áp dụng các nguyên tắc hành xử đúng đắn. Anh ta cũng cần nhận thấy tầm quan trọng của vị trí của mình, hiểu được giới hạn quyền lực của mình, khả năng của người dân và quốc gia, đồng thời dành thời gian, nỗ lực và trí tuệ của mình để phục vụ cho người dân. Đương nhiên là có nhiều kiểu lãnh đạo, và sự khác biệt giữa khả năng và năng lực của họ đôi khi khó có thể hiểu rõ. Một số khả năng và năng lực có thể là hữu hình, nhưng khả năng lãnh đạo thì không. Tôi đã nói về “tinh thần lãnh đạo” và bây giờ tôi muốn mở rộng nó. Một người lãnh đạo đôi lúc có thể cảm thấy anh ra đã ra một quyết định đúng, như người ta thường nói là “theo trái tim mách bảo”, nhưng niềm tin này cũng có thể bị che mờ bởi những lo lắng vô cớ. Anh ta có thể tự hỏi: “Cái gì đó trong tôi đã khiến tôi quyết định như thế này mà không phải khác?”. Điều đó có nghĩa là một người có bản năng lãnh đạo mà đôi lúc anh ta không thể giải thích được. Nhưng làm thế nào một người lãnh đạo làm được điều đó và từ đâu mà anh ta có được quyền lực như vậy? Đó có phải là kết quả của những kiến thức tích lũy, kinh nghiệm sống và thông tin chính trị, kinh tế và xã hội? Hay nó có gốc rễ từ trong tiềm thức? Nó có phải từ trong gen của anh ta? Làm sao để người lãnh đạo biết đâu là quyết định đúng và đâu là quyết định sai? Đó có phải là một quyền lực bẩm sinh bao gồm tất cả các yếu tố trước đó cùng với các yếu tố khác, mà chúng ta không biết gì về nó? Và làm thế nào mà chúng ta có thể sở hữu sức mạnh này? Tóm tắt lại, tôi có thể nói rằng mỗi người lãnh đạo đều được ưu đãi những đặc điểm, phẩm chất và năng lực trong ý thức, tiềm thức và bối cảnh sống xung quanh anh ta. Khả năng lãnh đạo xuất sắc là một sản phẩm tự nhiên của sự sáng tạo liên tục, làm việc chăm chỉ và sức mạnh để tạo động lực cho người khác. Đây không phải là những sự miêu tả cuối cùng bởi vì khả năng lãnh đạo là quá trình liên tục. Như đã nói trong phần đầu của chương này, tôi xem khả năng lãnh đạo là một trong những khái niệm khó giải thích nhất và tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải nhắc lại điều đó trong phần cuối. Chương bốn Quản lý Có người đã từng đề xuất, vì hoàn cảnh khó khăn mà thế giới Ả Rập đang phải đối mặt và sự gây hấn liên tục chống lại Palestine, tôi nên hoãn cuộc họp liên quan đến Chương trình hoàn thiện Chính phủ Dubai(26). Tôi đã nói với anh ta rằng bất chấp tình cảm và lòng yêu nước của anh ta, thì chính những sự kiện này khiến cuộc họp trở thành bắt buộc. Anh ta ngạc nhiên và hỏi lại tôi vì sao nó lại quan trọng. Tôi bắt đầu giải thích, tự hỏi sao anh ta không hiểu được rằng vấn đề quản lý là một trong những nguyên nhân tạo nên tình trạng mà thế giới Ả Rập đang phải chứng kiến hiện nay. (26) Chương trình hoàn thiện Chính phủ Dubai nhằm mục đích tạo một bước nhảy vọt trong năng lực của khu vực công cộng Dubai thông qua quá trình tự đánh giá, theo những chuẩn mực đánh giá được công nhận. Từ lúc tôi bắt đầu hiểu về thế giới xung quanh, tôi chưa từng thấy có thời gian nào mà các quốc gia Ả Rập không đối mặt với những khó khăn lớn, những cuộc chiến tranh, hay những căng thẳng liên hồi. Biện pháp khắc phục cho mọi vấn đề của chúng ta nằm ở việc củng cố thứ hạng, chấm dứt đối đầu và khắc phục những khác biệt nhỏ chia rẽ chúng ta thay vì đào sâu thêm. Một ngày, xung đột sẽ kết thúc và Ả Rập sẽ giành lại quyền của mình ở khắp mọi nơi. Jerusalem sẽ trở về với chủ sở hữu hợp pháp của nó. Toàn Ả Rập sẽ có thể tận hưởng độc lập, tự do và tập trung tất cả nỗ lực vào việc giành lại vị thế tiên phong. Cuộc khủng hoảng mà thế giới Ả Rập hiện đang phải đối mặt không phải là về tiền, nhân lực, đức tin, đất đai hay tài nguyên – mà đó là cuộc khủng hoảng về quản lý. Nếu hệ thống quản lý Ả Rập hiệu quả, thì chính trị, kinh tế, giáo dục, truyền thông, dịch vụ công, văn hóa, nghệ thuật Ả Rập và mọi thứ khác sẽ vượt trội. Nhưng nếu sự thực thi và các nguyên tắc quản trị trong mọi lĩnh vực và mọi mức độ không được nâng cấp, chúng ta sẽ đứng lại. Ngoài ra, sự thiếu hụt trong quản lý chính là cách nhanh nhất để sự tụt hậu tiếp tục ngoài tầm kiểm soát. Bất chấp nhận thức đó, tôi hiện chưa thấy những nỗ lực của các quốc gia Ả Rập phối hợp để giải quyết tình trạng này. Quản lý tốt đòi hỏi người quản lý có năng lực. Thế giới Ả Rập có quá nhiều chính trị gia, nhiều hơn mức cần thiết, trong khi lại thiếu những người quản lý sáng tạo, có thể dẫn chúng ta ra khỏi những khủng hoảng liên tiếp mà chúng ta đang phải đối mặt. Chúng ta cần những người có thể xây dựng sân bay, hải cảng, công ty, nhà máy và các hoạt động giao thương tạo ra tăng trưởng khác; nhu cầu này quan trọng hơn rất nhiều những bài diễn văn dài, những lời tuyên bố hay những từ ngữ hùng hồn. Tất cả những những nhu cầu thiết yếu này đòi hỏi kỹ năng quản lý, khả năng huy động các nguồn lực cần thiết để đạt được những mục tiêu cụ thể trong một khung thời gian xác định. Quản lý không đơn thuần là một thuật ngữ. Nó là một khoa học. Quản lý có thể đòi hỏi những phương thức giải quyết khác nhau cho mỗi vấn đề, nhưng cơ bản nó cũng giống như những phương thức áp dụng cho chính trị, kinh tế, thể thao và các hoạt động khác của con người. Mục đích cuối cùng của quản lý là chọn ra được những chính sách và quyết định tốt nhất từ những lựa chọn sẵn có, biến đổi chúng thành các mục tiêu mà kết quả có thể được lượng định chính xác. Toàn bộ việc quản lý cần tập trung để đạt được các mục tiêu và phục vụ cho những đối tượng mà việc quản lý hướng tới. Trừ khi những điều này xảy ra, việc quản lý thậm chí sẽ không có khả năng tự điều hành bản thân nó, cứ để các phòng ban tự do hành động thì chúng ta sẽ bị làm hại bởi thói quan liêu, bỏ lỡ các cơ hội và lãng phí nguồn lực. Một phần vấn đề ở thế giới Ả Rập của chúng ta là nhiều quyết định không phục vụ cho lợi ích thực tế của người Ả Rập, không cải thiện nền kinh tế và điều kiện sống của người dân, mà thực ra các quyết định chỉ để làm hài lòng người đưa ra nó. Đó không phải là phương thuốc mà cộng đồng chúng ta đang cần. Đó chỉ là một liều thuốc làm giảm đau và ta sẽ thấy nó còn trở lại với sự đau đớn hơn nữa. Một số người sống một cuộc sống đơn điệu và thích một công việc đơn điệu. Những người khác thì hoặc là miễn cưỡng hoặc là hạnh phúc khi làm việc một cách chậm rãi. Thêm nữa, cũng có nhiều người không muốn suy nghĩ nhiều và chỉ chọn những nhiệm vụ dễ dàng nhất, họ để mặc những công việc quan trọng hơn cho đồng nghiệp của họ. Nhiều người hành động theo cách đó ở các văn phòng công ty, các phòng ban chính phủ và những nơi khác bởi đó đã là thói quen ở nhà và trường học của họ. Việc quản lý đào tạo các nhân viên, trang bị kỹ năng cho họ, mở rộng phạm vi nghề nghiệp và thậm chí đôi lúc dạy họ cách ứng xử tốt. Nhưng nơi làm việc không phải là nơi thay thế cho nhà hay trường học – đó là nơi để sản xuất. Một người sử dụng lao động cần quản lý việc kinh doanh và không nên để lãng phí thời gian quý báu để giải quyết việc thiếu chuyên nghiệp của các nhân viên. Nhận ra những thứ vô nguyên tắc ở giai đoạn muộn có thể tệ hơn nhiều những viên thuốc đắng đáng lẽ phải được sử dụng sớm hơn, và có thể dẫn tới các hình phạt, đình chỉ thăng tiến hay tệ hơn là sa thải. Chúng ta có thể làm gì với những người này? Làm sao để thuyết phục họ rằng làm việc là một phần quan trọng của cuộc sống và rằng họ đang được trả lương để làm việc với khả năng chuyên môn riêng, chứ không phải để phung phí thời gian trong suốt giờ làm việc? Thói quen là kẻ thù của tinh thần tiên phong. Chúng ta phải tránh những thói quen và áp dụng một khung suy nghĩ khác để đạt được thành công. Bất cứ ai muốn tham gia vào cuộc đua đều phải cam kết dành toàn lực cho nó. Sự lười biếng chỉ dẫn chúng ta đến lười biếng hơn, trong khi chỉ có làm việc mới đảm bảo hạnh phúc và con đường tới thành công. Chúng ta không nên sợ hãi những công việc khó, thử thách và nhiều sức ép bởi vì dù sao thì nó cũng sẽ xuất hiện trên con đường chúng ta đi, và nó sẽ khiến chúng ta trở thành những người hoàn hảo hơn. Một viên kim cương không hơn gì viên đá cho đến khi nó được cắt và đánh bóng. Chỉ khi đó nó mới trở thành đá quý. Nhưng điều gì sẽ mài giũa một người quản lý? Kinh nghiệm làm việc và lời cam kết. Khi chưa đến đích cuối cùng, chúng ta không thể ngủ quên trên những thành công hiện có. Ngay cả khi chúng ta đạt được cái đích đó, có thể chúng ta sẽ nhận ra rằng nó chỉ là một mục tiêu tạm thời và chúng ta cần phải tiếp tục tiến tới. Nếu chúng ta tạm nghỉ, chúng ta sẽ thấy những người khác đánh bại chúng ta để giành lấy vị trí của kẻ chiến thắng. Nếu đường hướng và tham vọng của bạn biến mất vì một ký do nào đó, đánh thức nó trở lại sẽ là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Thế giới Ả Rập là một bằng chứng cho điều này. Chúng ta có thể ngụy biện thật nhiều để biện minh cho sự quản lý lạc hậu của chúng ta. Chúng ta có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc cho người khác và chúng ta có thể phàn nàn về việc thiếu những điều kiện cần thiết. Nhưng cuối cùng, chúng ta cũng chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình. Khi chúng ta thất bại trong việc quản trị sự phát triển, nền kinh tế, sự đầu tư và nguồn nhân lực thì cũng là bình thường khi chúng ta thất bại trong mọi việc khác. Trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc nghèo hơn Ai Cập và phải đối mặt với những sức ép về quân sự và kinh tế như những gì chúng ta đang chứng kiến ở thế giới Ả Rập ngày nay. Tuy nhiên, hoàn cảnh này không ngăn cản Hàn Quốc trở thành một cường quốc công nghiệp lớn. Cũng như vậy, Đài Loan và nhiều nước khác đã tìm cách để phát triển từ nền kinh tế thô lậu thành cường quốc công nghiệp trong khoảng một vài thập kỷ với bối cảnh chính trị cũng như kinh tế vô cùng khó khăn. Do đó, không thể sử dụng hay bào chữa cho thất bại quản lý của chúng ta bằng những tồn tại hiện có của quốc gia. Kinh nghiệm ở UAE đã cho chúng ta thấy rằng sự khác biệt giữa một chính phủ tốt và kém đôi khi nằm ở số lượng những chướng ngại mà chúng ta hoặc là có thể loại bỏ hoặc là đặt ra trên con đường những công dân của chúng ta đi. Hầu hết các nước Ả Rập bị làm hại bởi những chướng ngại vật họ tự đặt ra – những chướng ngại vật đối mặt với những sinh viên, doanh nhân, thương nhân, nhà đầu tư, những người sáng tạo và phụ nữ. Phần lớn thế giới Ả Rập còn bị làm hại bởi những tắc nghẽn. Đó là những tắc nghẽn đương nhiên ở các sân bay, trong thủ tục hành chính và ở những khu vực khác… Tại sao mối quan hệ giữa công dân và các công chức lại bị biến dạng đến vậy? Công dân được giả định là phục vụ công chức hay công chức phục vụ công dân? Người Ả Rập chúng ta có thể mang lại nhiều hơn những gì chúng ta đang mang lại. Chúng ta có thể sáng tạo hơn. Chúng ta có thể đua tranh và chiến thắng. Ở Dubai, chúng tôi không phải là thiên tài trong thời đại của mình, nhưng chúng tôi đang làm những gì chúng tôi cho là bình thường và hợp lý. Có thể lý do thực sự của sự khác biệt giữa chúng tôi và những người khác là khi chúng tôi nói rằng, chính những người con trai và con gái là sự phồn thịnh thực sự của UAE, chúng tôi muốn nói như vậy. Bạn phải cho đi để được nhận lại. Để tích lũy tài năng, bạn phải phát triển nó. Để là một người thầy tốt, trước tiên bạn phải đào tạo một ai đó. Để là lãnh đạo, bạn phải huấn luyện những tài năng triển vọng và chỉ cho họ cách làm sao để tận dụng những cơ hội tốt và tránh thất bại. Con người là tài sản quý báu nhất của mọi quốc gia và nhân tố quan trọng nhất trong sự phát triển của đất nước. Chúng tôi xem sự phát triển nguồn lực con người là một tiêu chuẩn đánh giá cho sự phát triển đất nước. Chúng tôi không thể thành công nếu thiếu nguồn nhân lực được đào tạo. Nhưng, mặc dù đó là trách nhiệm của quản lý, đó cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo bởi chính anh ta đang dẫn đường cho sự quản lý cũng như cộng đồng. Hoàng thân Zayed đã dạy chúng ta rằng một người lãnh đạo chân thành muốn cải thiện tình trạng của dân chúng cần là người nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực và trang bị cho họ những kỹ năng cũng như kiến thức chuyên môn cần thiết, như vậy họ có thể đảm nhận trách nhiệm một cách hiệu quả và thành công. Ông là người hướng dẫn các bộ phận chính phủ chuẩn bị và thực hiện các kế hoạch cần thiết để đạt được những mục tiêu này. Sau tất cả, quản lý phát triển là quá trình quản lý con người. Quản lý và lãnh đạo Nhà triết học Ả Rập Ibn Khaldoun từng nói: “Bạn phải biết rằng vấn đề mà mọi người quan tâm ở nhà lãnh đạo của họ không nằm ở khả năng thể chất và tinh thần. Sự quan tâm này nằm ở những gì người lãnh đạo có thể mang lại cho cuộc sống”(27). Điều đó có nghĩa là đến lượt mình, người lãnh đạo nên xử lý mọi vấn đề thật cẩn thận, đầu tư vào phúc lợi của người dân và đảm bảo sự quản lý được giao phó giữ đúng những trách nhiệm và nghĩa vụ của nó một cách đầy đủ. Và vì thế, thất bại trong quản lý cũng là thất bại của người lãnh đạo. (27) Ibn Khaldoun, The Miqaddimah of Ibn Khaldoun, Beirut: Al Hilal, p,129 Một khi trách nhiệm bị chồng chéo, sẽ không có một ranh giới nào rõ ràng giữa lãnh đạo và quản lý, và người lãnh đạo cũng chỉ giống như một người quản lý cấp cao. Ngày nay, các nhà lãnh đạo và các chuyên gia quản lý đã xác định một số điểm khác nhau cơ bản giữa người lãnh đạo và người quản lý, và xác định những phẩm chất phân biệt hai đối tượng này, bao gồm những ví dụ sau đây: • Nhà lãnh đạo dẫn dắt dân chúng trong khi nhà quản lý dẫn dắt một nhóm. • Nhà lãnh đạo quản lý những vấn đề chung của người dân, trong khi nhà quản lý chỉ đạo các công việc hàng ngày. • Người dân tin vào một nhà lãnh đạo tốt và đi theo con đường mà anh ta vạch ra, cho dù họ không thấy nó dẫn đến đâu. Một nhà quản lý phải chỉ ra một cách rõ ràng con đường mà nhóm của anh ta sẽ đi. • Nhà lãnh đạo hình thành tầm nhìn và phác thảo chiến lược để thực hiện nó, còn nhà quản lý chỉ là một mắt xích trong quá trình thực hiện. • Nhà lãnh đạo có vị trí và địa vị cố định, trong khi nhà quản lý có thể bị thuyên chuyển sang các bộ phận khác. • Nhà lãnh đạo để mắt tới kết quả của những nỗ lực, liên quan đến khía cạnh tích cực hay tiêu cực đối với cộng đồng và cuối cùng ra quyết định dựa trên cơ sở đó, trong khi nhà quản lý thì luôn theo các quy định và nguyên tắc. • Nhà lãnh đạo nhận được sự tôn trọng và quyền lực từ tính cách, năng lực của anh ta cũng như tình yêu của mọi người, trong khi nhà quản lý nhận được quyền lực mà luật pháp ủy quyền cho anh ta. • Nhà lãnh đạo chia sẻ thành công của mình với dân chúng trong khi nhà quản lý chỉ giám sát và kiểm tra chung. • Nhà lãnh đạo dành cuộc đời của anh ta cho dân chúng và trách nhiệm, và do đó không có thời gian làm việc đặt sẵn, trong khi thời gian làm việc của nhà quản lý là cố định. • Nhà lãnh đạo phải xứng với người dân và lương tâm của anh ta, trong khi nhà quản lý đáp ứng các quy định và nguyên tắc. Dựa trên niềm tin và kiến thức cá nhân, một số người đọc sẽ đặt câu hỏi về giá trị của những sự khác biệt này và nói rằng, không có cách nào so sánh người lãnh đạo là một biểu tượng quốc gia với một người quản lý, dù có thể anh ta là quản lý cấp cao. Họ nói rằng người lãnh đạo bổ nhiệm người quản lý và không có điều ngược lại, và bất cứ ai cũng có thể trở thành quản lý, bộ trưởng hay công chức, trong khi không ai có thể thế chỗ cho người lãnh đạo. Đó là một góc nhìn tốt nếu chúng ta nói về những đặc điểm truyền thống của một nhà lãnh đạo và nhà quản lý. Nhưng vì bản chất sự phát triển của UAE đòi hỏi mức độ cao trong việc phối hợp, sự linh hoạt và sự năng động, nó đòi hỏi nhiều sự tổ chức, tư vấn và phối hợp hơn những trường hợp bình thường. Đó là bởi vì trách nhiệm có thể đan xen trong các dự án lớn, những dự án đòi hỏi các nỗ lực chung và hành động từ nhiều bộ phận khác nhau.