🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tạm biệt Alzheimer - Dale Bredesen Ebooks Nhóm Zalo NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI Trụ sở chính: Số 46. Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội Tel: 0084.24.38253841 Chi nhánh: Số 7. Nguyễn Thị Minh Khai, Quận I, TP. Hồ Chí Minh Tel: 0084.28.38220102 Email: [email protected] Website: www.thegioipublishers.vn TẠM BIỆT ALZHEIMER – THE END OF ALZHEIMER'S Bước đầu ngăn ngừa và hồi phục chứng sa sút trí tuệ Chịu trách nhiệm xuất bản GIÁM ĐỐC – TỔNG BIÊN TẬP TS. TRẦN ĐOÀN LÂM Biên tập: Bùi Thế Khoa Bìa: Quốc Nguyễn Trình bày: Cẩm Hà Sửa bản in: Saigon Books Đối tác liên kết: CÔNG TY CỔ PHẦN VĂN HÓA SÁCH SÀI GÒN 97 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM ĐT: (028) 6281.5516 – (028) 6293.8228 Website: www.saigonbooks.com.vn In 3.000 bản, khổ 16 cm x 24 cm Tại Công ty TNHH MTV in Báo Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh Địa chỉ: D20/532P, ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM Số xác nhận ĐKXB: 4186-2018/CXBIPH/04-290/ThG Quyết định xuất bản số: 1359/QĐ-ThG cấp ngày 20 tháng 12 năm 2018 In xong và nộp lưu chiểu Quý I năm 2019 Mã ISBN: 978-604-77-5369-7 LỜI NÓI ĐẦU B ệnh Alzheimer là bệnh lý thoái hóa thần kinh tiến triển tăng dần, làm cho người bệnh bị mất trí nhớ, mất các chức năng nhận thức, rối loạn hành vi, mất dần khả năng hoạt động và sống như một người bình thường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên các sinh hoạt gia đình và xã hội. Bệnh Alzheimer đã được phát hiện hơn 100 năm nay, nhưng cho đến giờ vẫn là bệnh lý chưa điều trị được dù y học đã tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức cho các hoạt động nghiên cứu. Cuốn sách Tạm biệt Alzheimer thật sự đã gây cho tôi rất nhiều trăn trở, suy nghĩ. Tác giả đã trình bày rất nhiều điều đúng khi bàn về phương pháp luận chẩn đoán và điều trị bệnh Alzheimer. Bệnh Alzheimer rõ ràng là bệnh lý xảy ra do hậu quả của nhiều yếu tố sinh bệnh, làm mất đi sự cân bằng giữa quá trình xây dựng và phá hủy tế bào thần kinh trong não bộ. Phần lớn các nền tảng vận dụng trong phương pháp điều trị của tác giả đều đã được chứng minh trong các nghiên cứu về các yếu tố nguy cơ sinh bệnh Alzheimer. Tác giả đã xây dựng phác đồ điều trị cụ thể với mục tiêu điều trị bệnh Alzheimer theo phương hướng loại bỏ các yếu tố nguy cơ, kết hợp với luyện tập thể dục và nhận thức, để đưa cơ thể chúng ta trở về trạng thái cân bằng, phục hồi tái tạo tế bào cũng như liên kết thần kinh. Điều này làm cho quá trình điều trị trở nên hiệu quả trong việc ổn định và đảo ngược sự suy giảm nhận thức ở người suy giảm nhận thức nhẹ và bệnh Alzheimer giai đoạn sớm. Phác đồ điều trị này được tác giả gọi là ReCODE (Reversal of cognitive decline – đảo ngược sự suy giảm nhận thức). Mặc dù phác đồ điều trị ReCODE của tác giả chưa được công nhận rộng rãi và chỉ có vài báo cáo chứng minh tính hiệu quả trên quần thể nhỏ bệnh nhân Alzheimer, nhưng tôi nhận ra đây có thể là phác đồ phù hợp nhất để điều trị bệnh Alzheimer trong giai đoạn hiện nay. Vận dụng phác đồ điều trị này sẽ giúp người bệnh giảm tối đa các yếu tố nguy cơ sinh bệnh, tăng cường sự khỏe mạnh về thể chất và nâng cao chức năng trí nhớ - nhận thức. Đây cũng là xu hướng tiếp cận điều trị ĐA MÔ THỨC trong nhiều loại bệnh mà thế giới y học hiện nay đang hướng đến. Tôi rất mong cuốn sách về phác đồ điều trị ReCODE này đến được tay nhiều người. Không chỉ các bác sĩ đang phải trực tiếp cùng bệnh nhân chống chọi với căn bệnh mỗi ngày, mà còn cả những người đang chịu liên đới hoặc thật sự quan tâm tới chủ đề này. Vì nó cung cấp cho chúng ta rất nhiều hiểu biết lẫn kiến thức nền bổ ích về bệnh Alzheimer. Hy vọng phương pháp điều trị và lối tư duy kiện toàn sức khỏe toàn diện này sẽ góp phần vén bỏ tấm màn đen tối do bệnh Alzheimer gây ra cho người bệnh, gia đình, người thân và toàn xã hội. Ts. Bs. Trần Công Thắng Đại học Y Dược TP.HCM PHẦN 1 ĐI TÌM GIẢI PHÁP CHO BỆNH ALZHEIMER Chương 1 CHẶN ĐỨNG CHỨNG SA SÚT TRÍ TUỆ Bạn không bao giờ tạo ra sự thay đổi bằng cách chống lại cái hiện hữu Để thay đổi, xây dựng một mô hình mới làm cho cái hiện hữu trở nên lạc hậu - R. BUCKMINSTER FULLER T hật khó để trốn tránh những tin tức ảm đạm, dồn dập về cuộc chiến với bệnh Alzheimer: nào là căn bệnh không chữa được, không có cách điều trị hiệu quả, không có cách phòng ngừa đáng tin cậy, và rằng đây là căn bệnh đã làm đau đầu các nhà khoa học thần kinh lỗi lạc nhất thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Hàng tỷ đô la đã được các chính phủ, các công ty dược, các hãng công nghệ sinh học đổ vào việc phát minh và thử nghiệm thuốc chữa trị Alzheimer, nhưng có tới 99,6 % các nghiên cứu đã thất bại hoàn toàn, thậm chí còn không vượt qua được giai đoạn thử nghiệm. Nếu bạn hy vọng 0,4 % còn lại đã đến được thị trường với suy nghĩ “Dù sao, chúng ta cũng chỉ cần một loại thuốc có khả năng chữa được bệnh từ hàng trăm thử nghiệm, đúng không?”, bạn sẽ cần phải nghĩ lại. Năm 2016, báo cáo của Hiệp hội Alzheimer Hoa Kỳ đã đề cập một thực tế ảm đạm: “Từ năm 2003, chưa có loại thuốc Alzheimer mới nào được lưu hành, trong khi những thuốc đang lưu hành hiện không hiệu quả trong việc ngăn chặn hoặc làm chậm tiến trình bệnh”. Mặc dù bốn loại thuốc trị Alzheimer hiện nay “có thể giảm nhẹ triệu chứng như mất trí nhớ và lú lẫn”, nhưng chúng chỉ có tác dụng “trong thời gian giới hạn”. Đến đây, có thể bạn đọc đang cố lục lọi trí nhớ xem lần cuối mình đọc được thông tin rằng FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cho phép lưu hành một loại thuốc trị Alzheimer mới là khi nào. Đừng lo lắng nếu bạn không thể nhớ chính xác: trong số 244 loại thuốc được thử nghiệm từ năm 2000 đến năm 2010, chỉ có đúng một thuốc – memantine – được lưu hành vào năm 2003. Tôi sẽ nói thêm ở đoạn sau vì sao tác dụng của thuốc này còn rất khiêm tốn. Thế đấy, một bức tranh không có gì tươi tắn. Cho nên chẳng có gì ngạc nhiên khi không ai muốn nghe chẩn đoán mình bị bệnh Alzheimer. Một người đàn ông có vợ đang chống chọi với căn bệnh này ngán ngẩm lắc đầu: “Bác sĩ nói với chúng tôi rằng nhiều loại thuốc đang được nghiên cứu có thể làm chậm diễn tiến của bệnh tật. Tôi tự hỏi điều đó có ích gì? Tin tôi đi, chẳng ai muốn kéo dài việc sống cùng căn bệnh này thêm một ngày nào cả”. Alzheimer dần chiếm được sự quan tâm của cộng đồng. Qua báo đài, các trang mạng, kênh truyền hình, các bộ phim cả tài liệu lẫn viễn tưởng, chúng ta dễ dàng đọc và nghe nhiều câu chuyện về bệnh Alzheimer. Đáng buồn là tất cả đều kết thúc không có hậu. Do đó, cách chúng ta e ngại trước căn bệnh này không giống bất cứ căn bệnh nào khác, ít nhất là vì hai lý do sau. Lý do thứ nhất, đây là căn bệnh duy nhất – xin nhắc lại “duy nhất” – không có cách chữa trị hiệu quả trong số “10 nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Mỹ”. Ở đây, khi nói đến “hiệu quả”, tôi đã hạ tiêu chuẩn đánh giá xuống khá thấp. Nếu chúng ta có một loại thuốc hay biện pháp can thiệp nào giúp người bệnh cải thiện tốt hơn (chỉ cần tốt lên một chút, chứ chưa nói đến việc chữa khỏi) căn bệnh Alzheimer, tôi sẽ ca ngợi thành tựu này lên tận mây xanh. Không chỉ tôi vui mừng, bất cứ ai có người thân bị Alzheimer, bất cứ ai có nguy cơ mắc bệnh này và bất cứ ai đang phải chiến đấu với căn bệnh đều sẽ cảm thấy như vậy. Thế nhưng, thứ thuốc đó chưa tồn tại! Thậm chí, chúng ta còn chưa thể điều trị hiệu quả để giúp những người bị “suy giảm nhận thức bản thân” hoặc “suy giảm nhận thức nhẹ” (hai tình trạng thường xảy ra trước khi bị Alzheimer) không phát triển thành bệnh Alzheimer. Đây là một thực tế đáng kinh ngạc, đặc biệt là khi nhìn vào những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực y học khác suốt 20 năm gần đây – chẳng hạn với bệnh ung thư hay HIV/AIDS, bệnh xơ nang hay tim mạch. Kể từ thời điểm tôi viết cuốn sách này vào năm 2017 trở về trước, chúng ta không chỉ không có cách chữa khỏi bệnh Alzheimer, chúng ta còn chưa có cách nào đáng tin cậy để ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển bệnh. Bạn hẳn đã nghe nhiều nhà phê bình trào phúng về những bản tin đặc biệt buổi chiều hoặc kênh truyền hình Lifetime Movies kể về những đứa trẻ thiên thần hoặc các ông bố bà mẹ cao cả như các vị thánh chống chọi dũng cảm với bệnh tật nhờ sự trợ giúp của những loại thuốc mới thần kỳ, từng có giai đoạn hồi phục sức khỏe như chưa hề có bệnh tật gì, cho đến đoạn TV hiện lên dòng chữ rằng bệnh nhân cuối cùng cũng không qua khỏi. Nghe có cái gì đó ủy mị phải không? Thật ra, là những người làm trong mảng Alzheimer, chúng tôi ước gì được cảm nhận niềm vui ngắn ngủi đó, mong đợi bất kỳ tia hy vọng le lói nào về khả năng chữa khỏi căn bệnh này. Lý do thứ hai khiến mọi người e sợ bệnh Alzheimer là nó không “chỉ” dẫn đến tử vong. Có rất nhiều căn bệnh gây chết người, cũng như câu nói “có sinh là có tử”. Vấn đề là bệnh Alzheimer còn tồi tệ hơn cái chết. Trong suốt nhiều năm hay thậm chí vài chục năm trước khi cái chết xảy đến, căn bệnh dần tước mất nhân dạng của bệnh nhân và khủng bố tinh thần những người thân trong gia đình. Tất cả mọi thứ – trí nhớ, tư duy, khả năng sống một cuộc sống trọn vẹn và độc lập – đều bị tước đi, thay vào đó là hố sâu tâm thần thăm thẳm và tàn nhẫn, nơi bệnh nhân không còn nhớ gì về người thân yêu, quá khứ, thế giới xung quanh hay chính bản thân họ. Bạn có thể hình dung ra bức tranh này qua bộ phim Still Alice (Tạm dịch: Vẫn là Alice) được sản xuất vào năm 2014, nhân vật chính gây nhiều xúc động trong phim là một vị giáo sư ngôn ngữ học, mang trong mình một đột biến ADN gây ra bệnh Alzheimer vào độ tuổi trung niên. Đột biến này được khám phá vào năm 1995. Có lẽ bạn đọc từng nghe về những bước tiến vĩ đại mà các nhà sinh học nghiên cứu ung thư đã đạt được khi tìm ra các gen liên quan đến khối u, từ đó giúp chế tạo thuốc điều trị. Còn với bệnh Alzheimer thì sao? Khám phá năm 1995 đó vẫn chưa dẫn đến việc tìm ra bất kỳ thuốc nào có khả năng chữa bệnh Alzheimer. Căn bệnh đáng sợ này còn thu hút sự chú ý vì một lý do khác. Trong 50 năm gần đây, chúng ta đã đạt được nhiều thành quả trong lĩnh vực sinh học phân tử và khoa học thần kinh. Các nhà sinh học đã giải mã được những con đường cực kỳ phức tạp dẫn đến bệnh ung thư và tìm cách ngăn chặn được nhiều đường trong số đó. Chúng ta đã lập được bản đồ những tiến trình hóa học và điện học chi phối suy nghĩ cũng như cảm xúc của não bộ, đã phát triển nhiều loại thuốc tuy chưa hoàn hảo nhưng khá hiệu quả trong việc chữa bệnh trầm cảm, tâm thần phân liệt, chứng lo âu hoặc rối loạn lưỡng cực. Chắc chắn vẫn còn nhiều thứ phải học hỏi, và còn nhiều hợp chất cần được cải thiện trong ngành dược phẩm; nhưng với hầu hết những căn bệnh khác, chúng ta khá lạc quan rằng các nghiên cứu đang đi đúng hướng, chúng ta đã hiểu được các nguyên lý cơ bản. Mặc dù tạo hóa sẽ còn thách thức con người nhưng ít ra chúng ta đã được tạo hóa trao cho sự hiểu biết về quy luật cuộc chơi. Còn bệnh Alzheimer thì khác. Với Alzheimer, cứ như thể tạo hóa đã trao cho chúng ta cuốn sổ tay luật chơi viết bằng mực tàng hình, lại còn bị thế lực ác quỷ nào đó chơi khăm và sửa sai toàn bộ. Điều tôi muốn nói là: những chứng cứ có vẻ rất đáng tin cậy trên chuột thí nghiệm đã cho thấy nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer là do các mảng protein dính chùm amyloid- beta tích tụ trong não, chúng bám vào và phá hủy các điểm kết nối thần kinh. Những nghiên cứu cho thấy mảng amyloid-beta(*) được sản sinh trong não qua nhiều bước liên tiếp, và nếu phá hủy hoặc ngăn chặn được việc hình thành các mảng này, ta có thể điều trị hiệu quả, thậm chí ngăn ngừa bệnh Alzheimer. (*) Để đơn giản, từ đây tôi sẽ gọi tắt amyloid-beta là amyloid Từ thập niên 80, đa số các nhà sinh học thần kinh đã xem ý tưởng này (còn được gọi là “giả thuyết amyloid”) như một thứ giáo lý. Nó đã đem lại cho những người khám phá ra nó hàng triệu đô la giải thưởng, vô số lần được vinh danh và những địa vị chuyên môn danh giá. Lý thuyết này đã tác động rất lớn đến việc chọn đăng những bài báo nghiên cứu về Alzheimer trên các tạp chí khoa học hàng đầu (gợi ý nhé, cứ nhất mực bám vào thuyết amyloid sẽ được ưu tiên đăng bài!) và chọn dự án để cấp kinh phí nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ – cơ quan đầu ngành hỗ trợ cho các nghiên cứu y sinh học. Nhưng, khi các công ty dược thử nghiệm các hợp chất được nghiên cứu dựa trên giả thuyết amyloid, các kết quả dao động rất nhiều, từ gây thất vọng cho tới rối tung rối mù. Trong những thử nghiệm lâm sàng, cách bộ não con người đáp ứng với các hợp chất thuốc không giống với cách lý thuyết và sách vở mô tả. Chúng ta vẫn thường nghe chuyện thuốc thử nghiệm không phát huy tác dụng như khi nghiên cứu, nhưng ở đây thực tế không phải như vậy. Trong nhiều trường hợp, các thuốc đó (thường có bản chất là các kháng thể gắn vào amyloid để phá hủy chúng) đã giúp xóa sổ các mảng amyloid một cách hiệu quả. Khi được chế tạo để vô hiệu hóa các men (enzyme) sản xuất amyloid, thuốc cũng phát huy rất tốt tác dụng này. Tóm lại, các thuốc được thử nghiệm đã thực hiện chính xác những gì các nhà phát minh mong muốn, dựa trên giả thuyết amyloid; nhưng đáp ứng của bệnh nhân với thuốc không như mong muốn: hoặc không hồi phục, hoặc thậm chí còn tệ hơn. Kết quả của các thử nghiệm trên bệnh nhân (mỗi lần có thể tiêu tốn đến 50 triệu đô) đều trái ngược với những dự đoán được đưa ra từ nghiên cứu trên chuột trong phòng thí nghiệm. Thuyết amyloid từng được xem là chìa khóa vàng mở ra cánh cửa điều trị bệnh Alzheimer. Nhưng đáng tiếc, thực tế không diễn ra như trong lý thuyết. Mọi chuyện cứ như thể những chiếc tàu con thoi nổ tung ngay trên bệ phóng mỗi lần khai hỏa. Có sai sót nghiêm trọng gì đó ở đây. Thật là thảm họa khi nhất mực bám vào thuyết amyloid một cách phiến diện, tương tự với quan niệm phổ biến trong giới y khoa cho rằng Alzheimer là một căn bệnh đơn lẻ. Thông thường, bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc donepezil (Aricept) và/hoặc memantine (Namenda). Tôi từng nhắc đến ở đoạn trên rằng hiện chưa có thuốc điều trị căn bệnh Alzheimer, nên tôi sẽ giải thích điều này ở đây. Aricept là tên một loại thuốc có khả năng ức chế men cholinesterase(*), ngăn không cho loại men đặc biệt này phá hủy acetylcholine (một chất hóa học của não thuộc nhóm “chất dẫn truyền thần kinh”). Các chất dẫn truyền thần kinh mang tín hiệu từ tế bào thần kinh này đến tế bào thần kinh khác, nhờ sự truyền tín hiệu này mà chúng ta có thể suy nghĩ, ghi nhớ, cảm nhận và biểu lộ cảm xúc. Do vậy, chức năng này rất quan trọng cho trí nhớ và chức năng tổng thể của não bộ. Gốc rễ của vấn đề nghe chừng đơn giản: ở những người bệnh Alzheimer, nồng độ chất achetylcholine trong cơ thể họ sụt giảm. Nếu cản trở được quá trình men cholinesterase phân hủy achetylcholine thì ta bảo tồn được nhiều achetylcholine tại các điểm tiếp hợp thần kinh (synapse) hơn. Nhờ đó, ngay cả khi căn bệnh Alzheimer đang tàn phá não bộ, các synapse này sẽ vẫn tiếp tục vận hành lâu hơn chút nữa. (*) Các thuốc ức chế cholinesterase khác được dùng cho bệnh Alzheimer bao gồm rivastigmine (Exelon), galantamine (Razadyne) và huperzine A - riêng thuốc này không cần kê đơn. Trong một chừng mực nào đó, điều trị dựa trên lý lẽ gốc rễ này có vẻ hiệu quả, nhưng thực tế vẫn có nhiều cảnh báo quan trọng: ◆ Thứ nhất, việc cản trở men phân hủy achetylcholine không có tác động gì lên nguyên nhân hoặc sự tiến triển của bệnh Alzheimer, tức là bệnh vẫn tiếp diễn. ◆ Thứ hai, não bộ thường đáp ứng với sự ức chế men cholinesterase theo cách mà chúng ta có thể dự đoán được: sản xuất thêm men cholinesterase! Điều này hạn chế hiệu quả của thuốc và có thể gây hại khi bệnh nhân ngưng thuốc đột ngột. ◆ Thứ ba, giống như mọi loại thuốc khác, chất ức chế men cholinesterase có các tác dụng phụ bao gồm: tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, đau đầu, đau khớp, ngầy ngật, ăn không ngon miệng và chậm nhịp tim. Memantine cũng là một thuốc tác động lên các chất hóa học và phân tử ở não, nhưng không mấy tác động trên nền tảng sinh lý bệnh học của căn bệnh Alzheimer. Tuy vậy, cũng như thuốc Aricept, memantine chỉ có thể giúp giảm các triệu chứng trong một khoảng thời gian nào đó. Thuốc này thường được sử dụng trong giai đoạn sau của bệnh, nhưng cũng có thể dùng phối hợp các thuốc ức chế men cholinesterase từ đầu. Memantine ức chế sự dẫn truyền các tín hiệu não bộ từ tế bào thần kinh này đến tế bào thần kinh khác thông qua chất dẫn truyền thần kinh glutamate. Việc ức chế dẫn truyền này giúp giảm hiện tượng kích thích thần kinh có hại của glutamate, tức là giảm tác dụng gây độc đi kèm với sự hoạt hóa bình thường của hệ thần kinh. Không may là memantine cũng có thể ức chế cả sự dẫn truyền thần kinh – có vai trò thiết yếu trong việc hình thành trí nhớ, và do vậy có thể khởi phát sự phá hủy chức năng nhận thức. Điều quan trọng nhất là các thuốc ức chế men cholinesterase lẫn thuốc memantine đều không loại bỏ được các nguyên nhân gốc rễ gây ra bệnh Alzheimer, cũng không thể ngăn bệnh diễn tiến xấu đi. Và hẳn rồi, chúng không chữa khỏi bệnh hoàn toàn được. Tất cả các điều kể trên nghe đã đủ tệ hại, nhưng ở đây còn một vấn đề cốt lõi hơn: bệnh Alzheimer không phải là một căn bệnh đơn lẻ. Các triệu chứng của bệnh có thể khiến nhiều người lầm tưởng đây là bệnh đơn lẻ. Như tôi sẽ giải thích trong Chương 6, chúng tôi đã khám phá ra ba phân nhóm của bệnh Alzheimer. Nghiên cứu trên các bộ xét nghiệm sinh hóa khác nhau của bệnh nhân Alzheimer đã giúp chúng tôi hiểu rõ: ba phân nhóm khác nhau được chi phối bởi những quá trình sinh - hóa học khác nhau. Mỗi quy trình cần có cách điều trị khác biệt. Việc dùng một công thức điều trị cho cả ba phân nhóm cũng ngớ ngẩn tương tự việc dùng một loại kháng sinh điều trị mọi loại nhiễm trùng. Trong hơn 30 năm qua, bệnh Alzheimer đã đánh bại những bộ óc lỗi lạc nhất trong ngành khoa học thần kinh và y khoa. Đó là tôi chưa gộp luôn hơn 70 năm kể từ lúc bệnh này được đặt tên và kể từ khi giả thuyết về amyloid ra đời, vì thời đó còn quá ít nghiên cứu về bệnh này. Bất kỳ người nào chịu khó để ý sẽ nhận thấy chúng ta đã dùng sai cách tiếp cận đối với căn bệnh này, đặc biệt bao gồm cả ý tưởng chưa từng được kiểm chứng là “xác định nguyên nhân gây sản sinh chất amyloid, loại bỏ nguyên nhân đó, sau đó loại bỏ amyloid”. Nếu bản thân bạn có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao vì có mang gen gây bệnh này, nếu bạn đã có triệu chứng của bệnh hoặc người thân bạn đã có triệu chứng, thì hiển nhiên bạn có quyền bực bội vì hiện trạng này. Do vậy, không lạ gì khi nhiều người sợ căn bệnh Alzheimer như thể đây là căn bệnh nắm giữ quyền năng tuyệt đối và không thể đánh bại bằng bất kỳ phương thức điều trị nào. Để rồi cho đến hôm nay, bạn cầm trên tay cuốn sách này. Tôi sẽ cố gắng diễn đạt theo cách rõ ràng nhất: bệnh Alzheimer là một căn bệnh có thể ngăn ngừa được, và trong nhiều trường hợp, sự suy giảm nhận thức đi kèm với căn bệnh này có thể được cải thiện. Điều tôi vừa nói đã được chứng minh qua các nghiên cứu mà tôi và các cộng sự đã thực hiện. Lần đầu tiên trong lịch sử, nghiên cứu cho ra kết quả mô tả chính xác hiệu quả kể trên khi điều trị trên bệnh nhân. Các kết quả này đã được tôi trình bày trong các bài báo được hội đồng chuyên gia bình duyệt, đăng trên các tạp chí y khoa hàng đầu thế giới. Vâng, tôi biết tuyên bố này có thể sẽ bị miệt thị, nhiều người sẽ không chịu thừa nhận rằng tình trạng suy giảm nhận thức là tình trạng có thể cải thiện được. Trong thực tế, nhiều bệnh nhân suy giảm nhận thức đã thể hiện sự hồi phục, và có nhiều bước chúng ta có thể cùng áp dụng ngay từ giờ để ngăn ngừa tình trạng suy giảm nhận thức – điều mà nhiều chuyên gia vẫn tin là không bao giờ có thể tránh khỏi và không bao giờ có thể cải thiện. Tuyên bố táo bạo này đáng được chúng ta chiêm nghiệm một cách lành mạnh. Tôi mong bạn đọc sẽ giữ thái độ hoài nghi và có đánh giá của riêng mình khi đọc về ba thập kỷ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của chúng tôi. Kết quả của quá trình nghiên cứu này đã cho thấy những ca bệnh đầu tiên có thể quay ngược tiến trình suy giảm nhận thức ở giai đoạn chớm mắc bệnh Alzheimer, cũng như các biểu hiện sớm hơn của bệnh như tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ (MCI – Mild Cognitive Impairment) và suy giảm nhận thức chủ quan (SCI – Subjective Cognitive Impairment). Tôi mong các bạn sẽ tiếp tục đặt nghi vấn khi đọc chuyện kể về các bệnh nhân đã vượt ra khỏi hố sâu của sự suy giảm nhận thức, cũng như nội dung của các chương trình điều trị được thiết kế chuyên biệt cho từng cá nhân, giúp phòng ngừa chứng suy giảm nhận thức. Trong trường hợp người bệnh đã có triệu chứng thực thể (nghĩa là triệu chứng được bác sĩ ghi nhận), chúng tôi lên kế hoạch điều trị, ngăn chặn sự suy giảm nhận thức diễn tiến theo hướng định sẵn ban đầu và giúp hồi phục khả năng ghi nhớ, suy nghĩ để bệnh nhân có thể quay trở lại với cuộc sống khỏe mạnh. Nếu các kết quả nghiên cứu mà tôi mô tả vượt qua được sự nghi ngờ của bạn thì hy vọng bạn sẽ cởi mở để xem xét việc thay đổi cuộc sống của bản thân – không chỉ khi đã bắt đầu rơi vào tình trạng suy giảm nhận thức, mà ngay trước khi triệu chứng xuất hiện. Dĩ nhiên, những người mà cuốn sách này có khả năng mang lại thay đổi trực tiếp và ngay lập tức thường sẽ là những bệnh nhân đang phải sống chung với chứng sụt giảm trí nhớ và nhận thức (bao gồm cả người thân lẫn người chăm sóc). Bằng việc tuân thủ các phác đồ điều trị mà tôi mô tả, những người đang bị suy giảm nhận thức nhưng chưa diễn tiến đến bệnh Alzheimer, cũng như những người đang gắn chặt đời mình với căn bệnh này, không chỉ có thể ngăn chặn sự sụt giảm mà còn cải thiện được tình trạng suy giảm nhận thức mà họ đang phải chịu đựng. Nhóm đối tượng thứ hai có thể tìm thấy ý nghĩa lớn lao khi đọc cuốn sách này là các bệnh nhân mang gen đột biến ApoE4 (viết tắt của từ apolipoprotein E – một loại protein vận chuyển chất béo). ApoE4 là yếu tố nguy cơ di truyền mạnh nhất(*) của bệnh Alzheimer. Người mang một gen đột biến ApoE4 (di truyền từ ba hoặc mẹ) có rủi ro mắc bệnh cao hơn người bình thường tới 30%, còn mang cả hai gen này (di truyền từ cả ba và mẹ) có rủi ro mắc bệnh cao hơn tỷ lệ 50% khi so với người bình thường (dao động từ 50% đến 90% tùy kết quả nghiên cứu). Đối với những người không mang gen đột biến này, rủi ro mắc bệnh chỉ chừng 9%. (*) Các gen khác như presenilin-1 (PS1) và presenilin-2 (PS2) cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và hầu như luôn làm triệu chứng bệnh khởi phát trước tuổi 60, có thể còn sớm hơn khi chớm vào tuổi 30. Tuy vậy, các gen đột biến này chỉ được tìm thấy ở vài trăm gia đình có phả hệ lớn, chiếm tỷ lệ dưới 5% tổng số các trường hợp. Phần lớn người mang gen ApoE4 không hề biết rằng trong bộ gen của mình đã được cài sẵn bom hẹn giờ của căn bệnh này, và chỉ phát hiện ra sau khi họ bắt đầu có các triệu chứng của bệnh Alzheimer – một lý do khiến họ thực hiện xét nghiệm di truyền học. Đối mặt với quan niệm “đây là căn bệnh không có biện pháp phòng ngừa hay điều trị” nên nhiều người không muốn biết liệu bản thân có mang gen ApoE đột biến hay không. Trong thực tế, khi tiến sĩ James Watson – người đoạt giải Nobel nhờ đồng phát hiện ra cấu trúc xoắn kép của chuỗi ADN – nhận được kết quả giải trình tự bộ gen của mình vào năm 2007, ông đã nói là ông ước gì chưa từng biết việc mình có mang gen ApoE4 hay không, và rằng tại sao phải biết một tin thảm hại như vậy khi bản thân không thể làm gì để thay đổi thực trạng đó? Tuy nhiên, hiện nay đã có một chương trình có thể giảm rủi ro mắc bệnh Alzheimer, ngay cả ở những người mang gen đột biến ApoE4. Chương trình này giúp giảm tần suất mắc sa sút trí tuệ ở những người chịu đi xét nghiệm di truyền để xác định xem bản thân có mang gen đột biến ApoE hay không và khởi động chương trình điều trị phòng ngừa thật sớm, trước khi các triệu chứng bệnh xuất hiện. Hy vọng cháy bỏng của tôi khi viết quyển sách này là một ngày nào đó những mong mỏi trên sẽ trở thành hiện thực. Tôi đặc biệt hy vọng những người có gen đột biến ApoE4 nhờ đọc sách sẽ hiểu rằng tình trạng của họ không vô vọng, và rằng họ có thể chủ động từng bước, ngăn ngừa căn bệnh Alzheimer hoặc cải thiện tình trạng suy giảm nhận thức. Tôi tin rằng quyển sách này còn hữu ích với một nhóm độc giả khác, đó là những người bước qua lứa tuổi 40 (độ tuổi não bộ bắt đầu lão hóa và dần suy thoái). Ai trong chúng ta cũng có mối lo “mất đi khả năng nhận thức” khi già đi, bao gồm hiện tượng suy giảm những khả năng như: ◆ đọc hiểu được lá thư người thương viết cho mình; ◆ theo dõi được mạch câu chuyện khi xem phim hoặc đọc sách; ◆ quan sát và hiểu được những người có liên quan đến cuộc đời mình; ◆ nhận thức được các sự kiện xảy ra quanh ta và duy trì được cảm giác về sự hiện hữu của mình trong thế giới mình đang sống; ◆ tự thực hiện được các hoạt động chăm sóc cơ bản cho bản thân trong đời sống hằng ngày, thay vì phải lệ thuộc vào người khác trong việc ăn uống, mặc quần áo, đi lại và tắm rửa; ◆ ghi nhớ được những sự kiện đã trải qua trong đời và cả những người trân quý gắn liền với các sự kiện đó... Đây là những điều giúp định nghĩa bản thân với tư cách là một con người. Mất đi những điều đó cũng tương đương với việc mất đi nhân dạng với tư cách một con người có cuộc sống đầy đủ ý nghĩa. Dành cho tất cả những ai đủ may mắn để thoát khỏi sự mất mát này, tôi chỉ có một thông điệp như sau: hãy hít một hơi thật sâu và hiểu rằng sự suy giảm nhận thức là tình trạng có thể xác định và cải thiện được (với nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là khi được phát hiện và tiến hành can thiệp từ sớm). Lý lẽ để tin vào điều đó là chúng tôi đã khám phá ra một điều có tính nền tảng, rằng cái gọi là “bệnh” Alzheimer không phải do não bộ làm điều gì đó lẽ ra nó không nên làm (như bệnh ung thư là hậu quả của việc các tế bào tăng sinh vô tội vạ, hoặc bệnh tim mạch là do các mạch máu bị tắc nghẽn bởi mảng xơ vữa). Bệnh Alzheimer xuất phát từ một quá trình nội sinh, giúp thu hẹp một cách lành mạnh mạng lưới synapse rộng lớn của bộ não; tuy nhiên, quá trình này lại đi quá giới hạn, khiến cơ chế dọn dẹp bình thường của não rối loạn, hậu quả là phát sinh bệnh Alzheimer. QUYỂN SÁCH NÀY không phải là một tập sách khoa học – mặc dù tôi đã dùng các bằng chứng khoa học để ủng hộ cho những kết luận của mình – thay vào đó, nó là một tài liệu hướng dẫn thực hành, từng bước một và dễ sử dụng với mục đích phòng ngừa và đảo ngược sự suy giảm nhận thức trong giai đoạn sớm và các tình trạng tiền thân của bệnh Alzheimer (suy giảm nhận thức nhẹ và suy giảm nhận thức chủ quan), cũng như để tiếp tục duy trì sự cải thiện đó. Nó cũng là lời chỉ dẫn giúp 75 triệu người Mỹ mang gen ApoE4 có thể thoát khỏi định mệnh đã được định sẵn trong ADN của họ. Phác đồ điều trị nhằm đạt được những mục tiêu này đã dẫn đường cho nghiên cứu khoa học đầu tiên trong toàn bộ công trình nghiên cứu – được đăng báo vào năm 2014(*). Bài báo có nói về kết quả quay ngược tiến trình suy giảm nhận thức ở 9 trong số 10 bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer hoặc các bệnh tiền thân của nó, nhờ vào phác đồ điều trị tích hợp nhiều yếu tố được điều chỉnh theo từng người, dựa trên hàng thập kỷ nghiên cứu của chúng tôi về khía cạnh sinh học thần kinh của bệnh Alzheimer. Với tên gọi ReCODE(**), viết tắt của cụm từ “đảo ngược sự suy giảm nhận thức” (reversal of cognitive decline), phác đồ này không chỉ giúp đảo ngược suy giảm nhận thức ở bệnh Alzheimer và tiền Alzheimer – một việc không ai nghĩ là có thể – mà còn cho phép bệnh nhân duy trì sự cải thiện đó. (*) Ba bài báo khoa học sau đó (vào năm 2015 và 2016) đã khẳng định nghiên cứu đầu tiên. (**) Phương pháp ban đầu được gọi là MEND, viết tắt của "sự tăng cường chuyển hóa đối với quá trình thoái hóa thần kinh" (metabolic enchancement for neurodegeneration). Nhưng hiện nay MEND đã lỗi thời và được thay thế bằng phương thức ReCODE nâng cao hơn. Khi tôi viết những dòng này, bệnh nhân đầu tiên được điều trị với ReCODE đã theo phác đồ được 5 năm, vẫn duy trì được nhận thức lành mạnh ở tuổi 73, đi du lịch khắp thế giới và làm việc toàn thời gian. Khi chúng tôi mở rộng phạm vi công việc của nhóm với hàng trăm bệnh nhân, thực tế đã chứng tỏ trường hợp trên không phải là cá biệt. Sau khi xuất bản nghiên cứu năm 2014, chúng tôi đã nhận được hàng ngàn email, cuộc gọi và sự viếng thăm của nhiều bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân và gia đình của họ từ khắp các khu vực như Mỹ, Anh, Úc, châu Á, châu Âu, và Nam Mỹ. Họ muốn học hỏi nhiều hơn nữa về phác đồ đã được chứng minh là thành công này. Tạp chí đã xuất bản nghiên cứu này có tên là Aging. Người của tạp chí đã gọi điện thông báo với chúng tôi rằng, trong số hàng ngàn bài báo khoa học mà tạp chí đã xuất bản trong những năm qua, bài báo của chúng tôi nằm trong số hai bài dẫn đầu – và vì thế nằm ở mức bách phân vị(*) 99,99 trong hệ thống đo lường tầm ảnh hưởng và mức độ quan tâm đối với bài báo. (*) Một chủ thể thuộc mức bách phân vị thứ 99,99 trong một tập hợp hoặc bảng xếp hạng nghĩa là chủ thế đó được xếp hạng cao hơn 99,99% các thành phần còn lại trong tập hợp/bảng xếp hạng. Trong bài báo khoa học đầu tiên đó, tôi không mô tả từng bước chi tiết của phác đồ (tạp chí khoa học có giới hạn số trang cho mỗi bài báo). Tôi sẽ làm điều đó trong quyển sách này. Tôi sẽ kể lại chi tiết cách tôi đã phát triển ReCODE và giải thích nền tảng khoa học của nó. Trong phần phụ lục, tôi liệt kê các nguồn thực phẩm, dưỡng chất bổ sung và các thành phần khác của chương trình ReCODE kèm đường dẫn giới thiệu đến các bác sĩ chuyên khoa và những chuyên gia khác trong lĩnh vực y học có chuyên môn về mảng bệnh này. Họ có thể giúp bạn củng cố cuộc sống cá nhân của mình, hoặc là cuộc sống người thân yêu của bạn. Không có gì quan trọng hơn là tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của các bệnh nhân. Đó là thứ đã dẫn dắt tôi trong hàng thập kỷ tìm kiếm cách phòng ngừa và đảo ngược bệnh Alzheimer. Nếu có nhiều người áp dụng phác đồ ReCODE, mỗi người sẽ giúp đỡ được nhiều người khác ngoài việc giúp ích cho chính họ. Bởi lẽ, cứ 9 người dân Mỹ từ 65 tuổi trở lên lại có 1 người bị mắc Alzheimer, tương ứng với con số 5,2 triệu người tại thời điểm tôi đang viết cuốn sách này. Trong khi đó, thế hệ sinh vào giai đoạn bùng nổ dân số từ thập niên 40 đến thập niên 60 đang già đi, đe dọa mang đến một cơn sóng thần bệnh Alzheimer đủ để làm phá sản hệ thống bảo hiểm quốc gia Medicare và Medicaid, đồng thời làm quá tải cơ sở vật chất của hệ thống chăm sóc y tế dài hạn của quốc gia. Chưa bàn đến chi phí y tế, căn bệnh tàn nhẫn này sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu gia đình có người thân đang bị căn bệnh hủy hoại cuộc sống. Đến năm 2050, trên toàn thế giới dự kiến sẽ có 160 triệu người mắc bệnh Alzheimer. Điều này khiến cho việc phòng ngừa và điều trị trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Qua việc chứng kiến hàng trăm bệnh nhân đã chiến thắng căn bệnh suy giảm nhận thức – mặc dù y học từng cho rằng việc hồi phục này là điều không thể – tôi đã bị thuyết phục rằng phòng ngừa và điều trị Alzheimer không còn là chiếc bánh vẽ trong phim viễn tưởng nữa. Ngay trong thời đại này, chúng ta đã biết cách thức thực hiện điều đó. Đây là hàm ý của tôi khi nói rằng nếu có nhiều người áp dụng ReCODE, hệ quả đem lại sẽ có tác động xuyên quốc gia và trên toàn thế giới, giúp cắt giảm hàng tỷ đô la chi phí y tế mỗi năm, ngăn ngừa nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế, giảm gánh nặng toàn cầu liên quan đến bệnh sa sút trí tuệ và giúp kéo dài tuổi thọ. Tất cả những điều đó đều khả thi. Cuối cùng, đây là những tin tức tốt lành đầu tiên về bệnh Alzheimer và sẽ không dừng lại ở đó. Đây là trang sử mới của niềm vui, của phúc lành khi bạn có thể quay lại với cuộc sống thường ngày. Ở phần sau, bạn sẽ đọc được chia sẻ từ một trong những bệnh nhân. Bệnh nhân này cho biết ông đã nghĩ về tương lai, một lần nữa có thể nói chuyện với các cháu của mình. Một người khác lại nói rằng, trí nhớ của bà ấy đã cải thiện hơn so với tình trạng cũ đã kéo dài suốt 30 năm qua. Không chỉ vậy, vợ của một nhạc công cho biết, khả năng chơi ghita của chồng cô đã hồi phục. Hay cô con gái của một bệnh nhân khác nói, mẹ cô ấy (người đã dần dần mất trí qua mỗi lần cô từ trường đại học về thăm nhà) nay đã trở lại là một phần của gia đình. Điều mà bạn đọc được ở đây là khởi đầu của một thế giới đã thay đổi, một khởi đầu cho sự lụi tàn của bệnh Alzheimer. Sau đây là nội dung của các chương sau: Từ Chương 2 đến Chương 6, tôi sẽ nói về cuộc hành trình khoa học giúp phát minh ra phác đồ ReCODE. Các chương này sẽ mô tả những khám phá khoa học đóng vai trò nền tảng cho phác đồ điều trị — về bản chất và điểm xuất phát của bệnh Alzheimer, cũng như lý do tại sao bệnh Alzheimer lại phổ biến đến vậy. Đây là những khám phá ủng hộ cho phương pháp tiếp cận có hiệu quả đầu tiên — giúp phòng ngừa suy giảm nhận thức, xác định các yếu tố chuyên hóa và gia tăng nguy cơ mắc bệnh, đồng thời đảo ngược sự suy giảm nhận thức nếu nó đã bắt đâu. Bên cạnh đó, có những khám phá thách thức niềm tin cố hữu khi nhắc tới bệnh Alzheimer: chúng chứng tỏ rằng căn bệnh tàn khốc này là kết quả của một quá trình thích nghi vốn có tính lành mạnh và bình thường của não, nay diễn ra quá mức kiểm soát. Điều này có nghĩa là khi bộ não chịu các tác nhân chấn thương, nhiễm trùng và các tổn thương khác (tôi sẽ giải thích nhiều loại tác nhân ở phần sau), nó sẽ phản ứng lại để bảo vệ chính nó. Cơ chế phòng vệ này bao gồm việc sản sinh phân tử amyloid có liên quan đến Alzheimer. Đúng vậy! Bạn không nhìn lầm đâu — các mảng amyloid mà ai cũng muốn tống khứ ra khỏi cơ thể vốn dĩ là một phần của phản ứng bảo vệ cơ thê. Nên không có gì ngạc nhiên khi việc cố gắng loại bỏ các mảnh amyloid này chẳng mang lại lợi ích nào cho các bệnh nhân Alzheimer. Do đó, trái ngược với niềm tin cô hữu hiện nay, cái mà người ta gọi là bệnh Alzheimer thực ra là một đáp ứng bảo vệ có liên quan chuyên biệt đến ba quá trình khác nhau: sự viêm, nồng độ các chất dinh dưỡng và những phân tử nâng đỡ synapse khác thiếu tối ưu, cùng với sự phơi nhiễm độc chất. Tôi sẽ nói nhiều hơn về những quá trình đó trong Chương 6. Còn bây giờ, hãy để tôi nhân mạnh một thông điệp giản đơn: việc nhận ra bệnh Alzheimer có thể biểu hiện theo ba phân nhóm (tuýp) riêng biệt (và thường là có sự kết hợp giữa những phân nhóm đó) đã tác động sâu đậm đến cách chúng ta lượng giá, phòng ngừa và điều trị bệnh. Khám phá đó cho phép ta điều trị tốt hơn các dạng bệnh nhẹ như suy giảm nhận thức nhẹ và suy giảm nhận thức chủ quan, trước khi nó tiễn triển đến bệnh Alzheimer toàn phát. Trong Chương 7, bạn sẽ tìm hiểu về các xét nghiệm giúp nhận diện điều gì đang gây suy giảm nhận thức cho bạn hoặc khiến bạn có nguy cơ bị bệnh — nghĩa là bạn đã hoặc sẽ mắc Alzheimer như thế nào. Những bài kiểm tra này là bước cần thiết, bởi vì có rất nhiều yếu tố góp phần làm suy giảm nhận thức cho người này, nhưng nhiều khả năng sẽ khác với những yếu tố đã ảnh hưởng lên người khác. Những bài kiểm tra đó sẽ tạo một hồ sơ thông tin chuyên biệt cho bạn, để xem yếu tố nào có thê giải quyết nhằm tối ưu hóa quá trình cải thiện nhận thức. Bạn sẽ hiểu được lý do đẳng sau mỗi xét nghiệm — nghĩa là, bằng cách nào các chỉ số sinh lý đo được đã góp phần vào chức năng của não và triệu chứng của bệnh Alzheimer. Chương 7 tóm tắt các xét nghiệm liên quan việc “nội soi tầm soát nhận thức” và giải thích các nguyên lý đẳng sau, giúp hướng dẫn hành động. Chương 8 và Chương 9 giải thích những việc cần làm, tương ứng với các kết quả xét nghiệm của bạn. Các chương này thảo luận về những nguyên tắc nền tảng để đảo ngược tiền trình suy giảm nhận thức và giảm nguy cơ sa sút cho tương lai: quá trình viêm/nhiễm trùng, sự đề kháng insulin, tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và nội tiết tố, hiện trạng phơi nhiễm độc chất cùng với sự thay thế và bảo vệ các synapse não bị mất hoặc rối loạn chức năng. Đây không phải là cách tiếp cận “một khuôn mẫu cho tất cả”. Phiên bản phác đồ ReCODE dành cho mỗi người đều được cá nhân hóa, dựa trên các kết quả kiểm tra của họ: phiên bản của bạn sẽ khác với những người khác, vì nó đã được điều chỉnh nhằm tối ưu hóa với tình trạng sinh lý riêng của cơ thể bạn. Dĩ nhiên, sự thật là ReCODE có hiệu quả trong phòng ngừa và đảo ngược suy giảm nhận thức đã khiến nó trở nên độc nhất và mới lạ. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là nó vẫn tập trung vào nguyên tắc điều trị cá thê hóa. Từ Chương 10 đến Chương 12, tôi sẽ giải thích chìa khóa để đạt được kết quả điều trị tốt nhất và cách duy trì sự cải thiện đó. Những chương này mang lại những giải pháp thay thế, không chỉ giúp bạn đảo ngược sự suy giảm nhận thức, mà còn giải quyết các câu hỏi và chỉ trích liên quan trực tiếp đến cách tiếp cận này. Kể từ khi y học “hiện đại” ra đời vào thế kỷ 19, các bác sĩ đã được đào tạo để chẩn đoán bệnh – ví dụ, tăng huyết áp, suy tim sung huyết hoặc viêm khớp – và để kê một toa thuốc chuẩn dành cho-tất-cả-mọi- người, chẳng hạn như thuốc giảm huyết áp dành cho bệnh tăng huyết áp. Điều đó đang từ từ thay đổi, chẳng hạn qua các liệu pháp điều trị chính xác đối với bệnh ung thư, trong đó bác sĩ lựa chọn thuốc tùy vào kết quả xét nghiệm đặc tính di truyền khối u của bệnh nhân. Lực đẩy cho nền y học cá thể hóa có thể đưa chúng ta đến gần hơn khía cạnh cốt lõi của Đông y như TCM (Traditional Chinese Medicine – Y học Cổ truyền Trung Hoa) và y học cổ truyền Ayurvedic của Ấn Độ. Mặc dù các thầy lang xưa thuộc trường phái y học chữa lành không nhận thức được một cách chi tiết khía cạnh sinh học phân tử của các căn bệnh, nhưng họ lại là các chuyên gia trong việc điều trị toàn diện cho cơ thể thay vì chỉ tập trung vào một “bệnh” đơn lẻ như tăng huyết áp. Nền y học mới – y học thế kỷ 21 – kết hợp những tinh hoa của phương pháp tiếp cận phương Tây hiện đại với phương Đông truyền thống. Nó kết hợp những hiểu biết về cơ chế phân tử với kiến thức tổng thể về con người. Điều này cho phép chúng ta đi xa hơn việc đặt câu hỏi đơn giản về “Vấn đề gì?”, mà thay vào đó là câu hỏi “Tại sao vấn đề lại sinh ra?”. Trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh Alzheimer, việc đặt câu hỏi “Tại sao” làm cho mọi thứ khác biệt hẳn. Nghiên cứu mà các đồng nghiệp và tôi đã tiến hành trong phòng thí nghiệm còn bổ sung thêm một ý: không ai đáng phải chết vì bệnh Alzheimer. Để tôi nhấn mạnh lần nữa: Không ai đáng phải chết vì bệnh Alzheimer! Để đạt được điều này, chúng ta – các bác sĩ và bệnh nhân – cần cập nhật cách thực hành y khoa từ nền y học thế kỷ 20 sang y học thế kỷ 21, đồng thời cần chủ động chăm sóc sức khỏe trí tuệ và sức khỏe chung của mình. Những quyển sách về khoa học trong y khoa thường được cho là khô khan, liệt kê các “dữ kiện thực tế” khách quan như kiểu văn bản được bình duyệt bởi người trong ngành và chứng thực bởi các chuyên gia. Vì thế, tôi rất mong cuốn sách này sẽ không khô khan như vậy. Như lịch sử đã chứng minh, hết lần này qua lần khác một cách rất thường xuyên, các dữ kiện, tri thức mà cộng đồng khoa học nói chung và lĩnh vực y sinh nói riêng chấp nhận, tán thành và tuyên truyền như thánh kinh cuối cùng hóa ra lại không chính xác (Ví dụ kinh điển: trẻ sơ sinh không biết đau, viêm loét gây nên bởi stress, liệu pháp hormone thay thế cho phụ nữ hậu mãn kinh giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, vân vân và vân vân). Lĩnh vực các bệnh lý thoái hóa thần kinh cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng sâu sắc và tàn phá của các giáo điều cố hữu trong chính ngành này. Tùy vào việc bạn hỏi chuyên gia nào và hỏi vào lúc nào, câu trả lời nhận được có thể là bệnh Alzheimer do gốc tự do gây ra, hoặc do sự gắn kết phân tử kim loại, hoặc do các protein gấp sai cấu trúc, hoặc do bệnh đái tháo đường ảnh hưởng lên não, hoặc do protein tau, hoặc do các tác động khác tương tự cơ chế gột rửa... Chà, danh sách này cứ thế kéo dài. Đơn giản là chúng ta chưa có sự đồng thuận. Hơn nữa, không có giả thuyết hiện hành nào giải thích được tất cả các dữ liệu đã được công bố, chứa trong hơn 50.000 trang các bài báo khoa học. Còn gì đáng ngạc nhiên hơn nữa khi bệnh Alzheimer đang tác động đến 45 triệu trong số 325 triệu người Mỹ hiện nay? Đó là lý do tôi muốn tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, bản chất căn bệnh, quá trình thoái hóa thần kinh xảy ra đằng sau nó, những cách tiếp cận có phần quá đơn giản đã được dùng để điều trị bệnh, khía cạnh tài chính và chính trị đằng sau những quyết định được đưa ra, và cả hàng triệu bệnh nhân đang héo mòn dần ngoài kia. Là các bác sĩ, chúng tôi e ngại rằng xúc cảm và đam mê có thể tác động đến những quyết định y khoa mình đưa ra, và khiến chúng tôi mất đi tính khách quan. Đây là mối quan tâm chính đáng. Tuy nhiên, bất cứ ai làm trong lĩnh vực Alzheimer – những người đang chứng kiến sự đau khổ và tuyệt vọng mà nó gây ra – đều có thể kết luận hợp lý rằng sự lãnh đạm cũng tác động không kém đến các quyết định hằng ngày của chính chúng ta. Có phải xã hội của chúng ta đã trở thành một xã hội thờ ơ đối với bi kịch do sa sút trí tuệ gây ra? Có phải chúng ta đã từ bỏ trước khi cố gắng hết sức để tìm ra giải pháp? Có phải chúng ta đã quá vội vàng khi kết luận rằng những bộ óc thiên tài (từng phát minh ra phương pháp mổ bắc cầu mạch vành, thuốc kháng sinh, phương pháp lọc huyết tương, chân tay giả, tế bào gốc và phương pháp ghép tạng) hoàn toàn vô dụng trong cuộc chiến chống lại bệnh Alzheimer? Có phải chúng ta, những bác sĩ và nhà khoa học, cũng chính là những tù nhân của định kiến y khoa khi tập trung hoàn toàn vào các cách tiếp cận đơn trị liệu, một-liệu-pháp-dùng-cho-tất-cả-mọi-người đối với bệnh Alzheimer bất kể nó đã thất bại bao nhiêu lần đi nữa? Tôi hy vọng là không, bởi vì nếu nhu cầu thực sự là mẹ của phát minh thì có lẽ niềm đam mê là cha của nó. Chương 2 BỆNH NHÂN SỐ KHÔNG Mọi người có thể từng nghe chuyện ai đó chiến thắng bệnh ung thư, nhưng chưa ai từng nghe chuyện ai đó chiến thắng bệnh Alzheimer. T ôi sẽ kể bạn nghe về Kristin. Kristin đã từng tự tử. Nhiều năm trước, cô từng thất vọng khi chứng sa sút trí tuệ của mẹ cô ngày càng trượt dốc. Điều này buộc bà phải vào nhà dưỡng lão. Bà thậm chí còn không nhận ra các thành viên trong gia đình, chứ đừng nói đến khả năng chăm sóc cho bản thân. Kristin đã chịu đựng căn bệnh của mẹ mình – một người phụ nữ 62 tuổi khi bà bắt đầu sa sút và diễn tiến tới bệnh Alzheimer trong 18 năm. Cuối cùng, chỉ còn một mình Kristin phải chịu đựng, vì mẹ cô đã không còn nhận thức được thế giới xung quanh nữa. Khi Kristin 65 tuổi, chính cô cũng bắt đầu gặp phải các vấn đề về chức năng nhận thức. Cô đã bị lạc khi lái xe trên đường cao tốc, không thể nhớ ra nơi mà cô đã rời đi hay nơi muốn đến, thậm chí là trên cả những tuyến đường quen thuộc. Cô không còn đảm nhiệm được việc phân tích dữ liệu – phần việc quan trọng trong công việc của mình – hoặc tổ chức, chuẩn bị các báo cáo kịp thời được nữa. Vì không thể nhớ những con số, cô phải viết ra giấy, thậm chí chỉ với bốn con số, chưa nói đến số điện thoại. Cô gặp khó khăn khi phải nhớ lại những gì đã đọc. Khi đọc đến cuối một trang sách, cô phải quay lại đoạn đầu trang. Bất đắc dĩ, Kristin đã chuẩn bị để từ chức. Cô bắt đầu nhầm lẫn ngày càng thường xuyên hơn, thường gọi sai tên thú cưng và phải đi tìm công tắc đèn trong nhà của chính mình mặc dù cô đã bật và tắt chúng nhiều năm trời. Giống như nhiều người khác, Kristin cố gắng phớt lờ những triệu chứng này. Nhưng các triệu chứng ngày càng tồi tệ hơn. Sau hai năm nhận thức bị suy giảm không phanh, cô đến tham vấn bác sĩ của mình. Bác sĩ thông báo với cô rằng cô đang dần mất trí nhớ giống như căn bệnh của mẹ mình và ông không thể giúp gì cho cô. Ông ấy ghi “có vấn đề trí nhớ” lên bệnh án của cô, vì vậy cô không thể mua bảo hiểm chăm sóc lâu dài. Cô đã được soi đáy mắt, kết quả cho thấy hình ảnh amyloid liên quan đến bệnh Alzheimer. Cô nhớ lại nỗi kinh hoàng khi chứng kiến cảnh mẹ mình bị sa sút trí tuệ, suy nghĩ về việc phải sống với quá trình tiến triển của chứng suy giảm trí nhớ mà không có sự chăm sóc lâu dài, ám ảnh cả về việc căn bệnh hiện chưa có cách điều trị. Cô quyết định tự tử. Cô đã gọi cho người bạn thân nhất của mình là Barbara và giải thích: “Mình đã chứng kiến những điều mà mẹ đã phải trải qua khi căn bệnh kéo dài, mình không cho phép điều đó xảy ra với mình”. Khi nghe Kristin nói vậy, Barbara cảm thấy hoảng sợ. Nhưng không giống những lần trước (những lần Barbara nghe tin bạn mình là nạn nhân của bệnh mất trí nhớ), lần này Barbara nảy ra một ý tưởng. Cô kể với Kristin về một nghiên cứu cô từng nghe và đề nghị rằng thay vì kết liễu cuộc đời, Kristin hãy chịu khó vượt qua quãng đường hàng nghìn ki-lô-mét để tới “Viện nghiên cứu về lão hóa Buck” ở phía bắc thành phố San Francisco. Vào năm 2012, Kristin đã đến gặp tôi. Chúng tôi đã nói chuyện nhiều tiếng đồng hồ. Khi đó, tôi không thể đưa ra bất cứ lời đảm bảo hay câu chuyện minh họa nào, cũng chưa có bệnh nhân nào chính thức áp dụng cách thức điều trị mà chúng tôi có. Lúc ấy, tôi không có gì ngoài các sơ đồ, lý thuyết và dữ liệu thu được từ nghiên cứu trên chuột biến đổi gen. Thực tế là Barbara đã quá vội vàng khi bảo Kristin đến viện nghiên cứu này. Tồi tệ hơn nữa, phác đồ điều trị mà tôi phát triển đã bị từ chối tiến hành thử nghiệm lâm sàng lần đầu tiên. Ban xét duyệt cảm thấy nó “quá phức tạp”. Họ chỉ ra rằng, những thử nghiệm dạng này chỉ dùng để kiểm tra một loại thuốc hoặc một can thiệp duy nhất, không phải toàn bộ chương trình (à, ước gì các bệnh tật đều chỉ đơn giản như thế). Vì vậy, tất cả những gì tôi có thể làm là cân nhắc kỹ lưỡng từng phần của phác đồ này và khuyên Kristin mang chúng đến gặp bác sĩ của cô tại địa phương, hỏi xem liệu ông ấy có thể hỗ trợ cô thực hiện phác đồ không. Cô đã làm như vậy và bắt đầu áp dụng phác đồ mà sau này chúng tôi đặt tên là ReCODE. Ba tháng sau, Kristin gọi điện cho tôi từ số máy bàn ở nhà, cô nói cô không thể tin nổi trước những thay đổi về chức năng tâm thần của mình. Cô đã có thể làm việc toàn thời gian trở lại, có thể lái xe mà không bị lạc, có thể nhớ số điện thoại mà không gặp khó khăn. Cô cảm thấy tình trạng hiện tại của mình tốt hơn những năm trước. Khi đặt điện thoại xuống, điều đầu tiên ập vào đầu tôi là nhiều thập kỷ nghiên cứu; là vô số giờ làm việc với bảng trắng, nhân viên phòng thí nghiệm và đồng nghiệp; là rất nhiều cuộc đấu tranh nội tâm về từng chi tiết trong giả thuyết và cách tiếp cận điều trị. Tất cả những điều này không vô ích, chúng chỉ ra rằng chúng tôi đã đi đúng hướng. Dĩ nhiên, Kristin chỉ là một người – như cách mọi người hay bông đùa “cỡ mẫu nghiên cứu bằng một” – chúng tôi cần kết quả tương tự với hàng nghìn người và cuối cùng là hàng triệu người. Tôi nhớ một bác sĩ đã nói với bệnh nhân của ông ấy: “Trường hợp của anh là một giai thoại hy hữu, nó không có ý nghĩa thống kê”. Bệnh nhân đáp lại thế này: “Gia đình tôi nói rằng tôi có ý nghĩa quan trọng với họ. Với lại, tôi đã khỏe trở lại. Thế nên, tôi không quan tâm đến mấy con số thống kê”. Thật vậy! Mọi thay đổi quan trọng đều phải bắt đầu từ đâu đó, mỗi phương thức tiếp cận thành công đều phải bắt đầu từ những Bệnh nhân Số Không, và Kristin chính là Bệnh nhân Số Không đó. Kristin từng tâm sự với một thành viên trong gia đình: “Anh có biết em bị mắc bệnh Alzheimer không?”. Người đó nói: “Tất nhiên rồi, chuyện này rõ ràng mà. Anh chỉ không muốn nhắc lại bất cứ điều gì về nó. Anh không muốn khiến em cảm thấy tồi tệ”. Năm Kristin 73 tuổi, cô đã điều trị theo phác đồ ReCODE được 5 năm. Cô ấy vẫn làm việc toàn thời gian, đi thăm thú khắp thế giới và vẫn không tái phát triệu chứng gì. Hơn nữa, cô đã tạm ngừng điều trị bốn lần, dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn vì nhiều lý do (có khi do một đợt nhiễm virus ngắn, có khi do hết vài loại thuốc, có khi do du lịch). Mỗi lần ngừng điều trị, chức năng nhận thức của cô lại bắt đầu suy giảm. Nhưng khi cô quay trở lại với ReCODE, mọi việc trở lại bình thường. Thời điểm tôi và các đồng nghiệp bắt đầu một nghiên cứu làm tiền đề cho ReCODE vào năm 1989, những giáo điều về bệnh Alzheimer đã có một chỗ đứng chắc chắn. Theo giả thuyết chiếm ưu thế từ những năm 80, bệnh này là do những khối hoặc mảng amyloid gây ra. Đây vốn là các phân tử protein dính lại với nhau, chặn ở khoảng không gian giữa các tế bào thần kinh. Bởi vì những vùng này (hay còn gọi là các tiếp hợp thần kinh – synapse) là nơi các tế bào thần kinh liên lạc với nhau, nên tổn thương gây ra bởi các mảng amyloid kết dính này dẫn tới hậu quả nặng nề: làm mất chức năng của các synapse. Mảng amyloid là một trong những sự tồn tại bất thường mà chuyên gia giải phẫu bệnh thần kinh, bác sĩ Aloysius Alzheimer (1864-1915) đã quan sát được khi khám nghiệm bộ não bệnh nhân đầu tiên mà ông chẩn đoán là mắc chứng lú lẫn trước tuổi già, như ông đã mô tả vào năm 1916 (Điểm bất thường còn lại là sự dư thừa một lượng lớn búi sợi protein dài gọi là protein tau, nhưng tầm quan trọng của các búi sợi thần kinh này đã bị lu mờ bởi sự tập trung vào các mảng amyloid). Sự áp đảo của giả thuyết về mảng amyloid đã dẫn đến tâm lý hùa theo số đông. Nhiều hợp chất thử nghiệm được phát triển để điều trị Alzheimer đều hoạt động theo cùng một cách là tìm cách bắt giữ các mảng amyloid (hoặc trong vài trường hợp là nhắm vào phân tử amyloid trước khi chúng kết dính thành mảng) và cố gắng loại bỏ chúng. Các nhà khoa học tại các trung tâm y khoa, các trường đại học, các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm đã phát hiện hàng trăm hợp chất giúp thải trừ amyloid. Khi thí nghiệm trên động vật, điểm số của các thuốc này đầy hứa hẹn. Đây là lý do các gã khổng lồ trong ngành dược như công ty Eli Lily hay Biogen đã chi hàng tỷ đô la để thử nghiệm thuốc trên bệnh nhân trong các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. Tôi không cần phải vòng vo hay ước lượng khi nói với bạn về việc có bao nhiêu phần trăm trong số hơn 200 thuốc đã thử nghiệm chứng tỏ đủ độ an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng – hiệu quả ở đây nghĩa là tình trạng bệnh nhân ngừng xấu đi, thậm chí hơn như thế, đảo ngược tiến trình bệnh Alzheimer – để được chấp thuận bởi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Đó là con số 0 tròn trĩnh. Do đó, theo Hiệp hội Alzheimer, không có thuốc nào “có thể chữa được Alzheimer hoặc ngăn chặn sự diễn tiến của nó”. Dĩ nhiên, tất cả những thất bại này đã dấy lên nghi ngờ về những giáo điều trọng tâm trong các nghiên cứu về Alzheimer, gọi là giả thuyết dòng thác amyloid. Giả thuyết này phát biểu rằng amyloid đóng vai trò trung tâm trong bệnh Alzheimer, tương tự với quan điểm cho rằng một đám tế bào khối u có vai trò trung tâm trong bệnh ung thư – nó không giúp bạn biết được lý do tại sao các mảng amyloid lại xuất hiện, chức năng bình thường của nó là gì hoặc làm sao ngăn ngừa căn bệnh. Điều quan trọng nhất là, nó không cho bạn biết bệnh Alzheimer thực sự là gì! Không ngạc nhiên khi kết quả ban đầu của Kristin và một vài bệnh nhân áp dụng ReCODE kéo theo một loạt các yêu cầu cung cấp thêm thông tin từ các bác sĩ, bệnh nhân và thân nhân. Những kết quả này cũng dấy lên sự hoài nghi mãnh liệt, bởi vì chúng như tạt gáo nước lạnh vào những giáo điều đã tồn tại lâu nay là không cách gì ngăn cản, làm chậm hoặc đảo ngược sự tiến triển bệnh Alzheimer – ít nhất là “không” cho tới khi loại thuốc thần tiên đầu tiên xuất hiện, nhưng chắc chắn cũng không thể là thứ gì đó giống như một chương trình can thiệp sâu rộng kiểu ReCODE. Thời điểm tôi viết cuốn sách này, số lượng bệnh nhân điều trị thành công với ReCODE đã trên 200 người, và ngày càng nhiều chuyên gia y tế sử dụng nó thành công cho những bệnh nhân của họ. Từ năm 2016, tôi đã đào tạo cho khoảng 450 bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa tâm - thần kinh, điều dưỡng, chuyên viên sức khỏe, chuyên gia dinh dưỡng trị liệu đến từ 7 nước khác nhau và khắp Hoa Kỳ về cách tiếp cận này. Một tin thậm chí còn đáng khích lệ hơn là ngày càng nhiều các nhà khoa học thần kinh và bác sĩ lâm sàng bắt đầu nhận ra rằng bệnh Alzheimer không giống với những gì chúng ta đã từng nghĩ về nó. Căn bệnh mà chúng ta gọi là bệnh Alzheimer thực ra là kết quả của một đáp ứng bảo vệ trong não, hơn là quá trình xảy ra do sự tích tụ những mảng amyloid dính lại với nhau (hay các búi sợi thần kinh). Điều này đáng được lặp lại lần nữa: Bệnh Alzheimer không phát sinh vì não khiếm khuyết chức năng trong quá trình phát triển của nó! Bệnh này không giống với bệnh ung thư, xảy ra khi một đột biến gen (do di truyền hoặc tự phát trong quá trình sống) làm một tế bào và tất cả các thế hệ con cháu của nó tăng sinh không kiểm soát tại một cơ quan nào đó trong cơ thể. Alzheimer cũng không giống bệnh viêm khớp dạng thấp và các bệnh miễn dịch khác vốn xảy ra khi hệ thống miễn dịch kích hoạt các tế bào của chính cơ thể và tấn công chúng. Trong những bệnh này và nhiều bệnh khác, có một thứ gì đó không hoạt động tốt và gây nguy hiểm: cơ bản là hệ sinh lý không hoạt động đúng như kỳ vọng. Bệnh Alzheimer thì khác. Như tôi đã giải thích chi tiết ở Chương 4, một trong những khám phá quan trọng xuất phát từ phòng thí nghiệm của tôi là bệnh Alzheimer phát sinh khi não bộ phản ứng theo cách bình thường trước mối đe dọa nào đó. Tại sao sự tiến hóa đem đến cho chúng ta một bộ não có cách vận hành như thế? Bởi vì trong hầu hết các trường hợp, cách phản ứng với mối đe dọa bên ngoài này đã thành công. Bộ não đánh bại các mối đe dọa và tiếp tục hoạt động tốt. Vấn đề chỉ xuất hiện khi các mối đe dọa này xảy ra mãn tính, với số lượng nhiều, dai dẳng và mãnh liệt. Trong tình huống này, sự bảo vệ mà não bộ tạo ra cũng nhiều, kéo dài, mãnh liệt, liên tục không kém – nhiều đến nỗi các cơ chế bảo vệ này vượt quá giới hạn và trở thành gây hại. Cụ thể hơn, bệnh Alzheimer là những gì xảy ra khi não bộ cố gắng bảo vệ chính nó khỏi ba mối đe dọa do độc chất và chuyển hóa sau: ◆ Viêm (do nhiễm trùng, chế độ ăn hoặc các nguyên nhân khác); ◆ Sự sụt giảm và thiếu hụt các chất dinh dưỡng hỗ trợ, hormone và các phân tử bảo vệ não bộ khác; ◆ Các chất độc như các kim loại và độc tố sinh học (chất độc do các vi sinh vật tạo ra, ví dụ như nấm mốc). Trong Chương 6, tôi sẽ giải thích chi tiết cách thức mà chúng tôi khám phá ra việc ba nhóm mối đe dọa này – mỗi nhóm trong đó gồm hàng tá yếu tố góp phần – đã kích hoạt đáp ứng bảo vệ trong não. Tôi sẽ đề cập đến cơ chế hoạt động của ba nhóm yếu tố đe dọa này và lý do vì sao đáp ứng tạo amyloid mà chúng gây ra lại độc hại với các synapse của não. Còn hiện tại, hãy cho phép tôi nói một cách đơn giản rằng bệnh Alzheimer có nguồn căn từ các quá trình xảy ra khi não bộ đấu tranh để tự bảo vệ mình chống lại sự viêm, để tiếp tục hoạt động mặc dù thiếu hụt các hợp chất có lợi hoặc để chống lại sự xâm nhập của các chất có hại. Một khi chúng ta nhận ra điều đó, cách tối ưu để ngăn chặn và điều trị bệnh trở nên rõ ràng. Đó là xác định bộ não đang phải phòng vệ trước yếu tố nào trong nhiều yếu tố góp phần vào ba nhóm nguy cơ đe dọa, loại bỏ yếu tố chuyên biệt đó và giúp bộ não chống lại những yếu tố tấn công còn lại. Điều này có nghĩa là: để đảo ngược sự suy giảm nhận thức trong các thể bệnh suy giảm nhận thức chủ quan, suy giảm nhận thức nhẹ hoặc bệnh Alzheimer (và cũng có thể ở các dạng mất trí nhớ khác như bệnh thể Lewy), ta cần loại bỏ các yếu tố này – tốt nhất là loại bỏ tất cả nguy cơ góp phần trong cả ba nhóm mối đe dọa – những thứ đang khiến não bộ của chúng ta chống lại chính nó bằng cách tạo ra amyloid nhằm đáp ứng sự bảo vệ. Sau khi loại bỏ ba mối đe dọa này, bước tiếp theo là loại bỏ amyloid. Một khi đã loại trừ được các yếu tố kích thích sự sản xuất amyloid và cả các amyloid đã được sản xuất, bạn cần khôi phục lại các synapse bị phá hủy. Nếu tất cả những điều kể trên làm bạn nghĩ rằng không thể tạo ra một-phác-đồ-cho-tất-cả để điều trị chứng suy giảm nhận thức chủ quan, suy giảm nhận thức nhẹ và bệnh Alzheimer thì bạn đã đúng rồi đấy. Bởi vì chúng ta rất dễ bị tổn thương bởi mỗi yếu tố kích hoạt và không có cách nào nhận biết yếu tố nào (hoặc là hai hay ba yếu tố cùng lúc) có thể tấn công bộ não của mình, điều quan trọng là giảm thiểu cơ hội gây hại của cả ba nhóm yếu tố – quá trình viêm, thiếu các chất bảo vệ và tiếp xúc với các chất độc thần kinh. Nếu bạn đã mắc bệnh suy giảm nhận thức chủ quan, suy giảm nhận thức nhẹ hay Alzheimer, điều quan trọng là phải xác định bạn đang thuộc tuýp bệnh nào trong ba nhóm mối nguy cơ nói trên, bởi vì mỗi loại có cách điều trị tối ưu riêng. Trên thực tế, mỗi ca bệnh lại cần một phương pháp điều trị tối ưu, cá thể hóa tương ứng. Vì lý do này, việc ngăn chặn và đảo ngược một cách hiệu quả chứng suy giảm nhận thức trong bệnh lý Alzheimer có liên quan đến một lĩnh vực mới của chương trình. Đó là phát triển các phác đồ điều trị tối ưu cho các bệnh lý mãn tính phức tạp như Alzheimer, bao gồm nhận diện các yếu tố góp phần gây bệnh đối với mỗi bệnh nhân và sau đó đưa ra chương trình điều trị tốt nhất nhắm vào các yếu tố này. Lý do chúng ta phải áp dụng nguyên một chương trình để chiến thắng bệnh Alzheimer rất đơn giản: việc có nhiều yếu tố góp phần vào sự suy giảm nhận thức khiến phương pháp tiếp cận điều trị chỉ bằng một loại thuốc – hay còn gọi là đơn trị liệu – hầu như không cho thấy lợi ích đáng kể, và thường không có hiệu quả. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, sức khỏe bộ não của bạn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi ba nhóm rối loạn này. Bạn có thể ngăn chặn chúng xuất hiện từ đầu, hoặc thải trừ nếu như chúng đã bắt đầu tích tụ trong não. May mắn là có cách để xác định, đo lường và điều trị từng nhóm rối loạn, cũng như tối ưu hóa chức năng bộ não một cách tương đối dễ dàng. Cơ thể chúng ta là những hệ thống phức tạp. Chúng ta phải nhìn nhận rằng các tế bào và hệ thống sinh lý của chúng ta hoạt động trong một tổng thể, thay vì xem não bộ như một cơ quan riêng biệt với phần còn lại của cơ thể. Cái khiến cho một hệ cơ quan phát triển hay suy yếu cũng có thể khiến cho các hệ cơ quan có vẻ không liên quan khác phát triển hay suy yếu. Nếu cần thiết, chúng ta có thể ngăn chặn và cải thiện các rối loạn trước khi bệnh tiếp diễn bằng việc ngăn chặn sự mất cân bằng trong hệ thống sinh - hóa cơ bản. Việc nhắm vào một triệu chứng xuất hiện sau khi bệnh tiến triển, như hầu hết các phương pháp thông thường vẫn làm, rất khác với việc tấn công vào nguyên nhân gốc rễ của bệnh ngay ở cấp độ tế bào. Nói cách khác, chúng tôi muốn tìm hiểu nguyên nhân gây suy giảm nhận thức và sửa chữa bất cứ sự mất cân bằng nào trước khi mọi việc trở nên không thể quay ngược được. Tôi có một cảnh báo thẳng thắn: việc điều trị toàn diện cho cơ thể hiển nhiên là phức tạp hơn chỉ điều trị một triệu chứng hay một vấn đề đơn lẻ. Có nhiều yếu tố tiềm tàng hoặc các tồn tại bất thường góp phần làm suy giảm nhận thức, hoặc thậm chí làm tăng nguy cơ bị suy giảm nhận thức. Ban đầu, chúng tôi đã xác định được 26 yếu tố và kể từ đó chúng tôi nhận diện được thêm vài yếu tố nữa. Cho đến nay, kết quả nghiên cứu cho thấy không còn nhiều yếu tố khác chưa được khám phá – chắc chắn không lên tới con số hàng ngàn hay thậm chí là hàng trăm. Việc ngăn ngừa bệnh hiệu quả và sớm quay ngược tiến triển của bệnh đòi hỏi ta cần phải hiểu được trạng thái của mỗi yếu tố trong cơ thể. Ví dụ, liệu bạn có tiếp xúc với các độc chất chuyên biệt như các mycotoxin trong nấm mốc, hoặc liệu nồng độ những phân tử của quá trình viêm có tăng quá cao trong máu hay không. Phác đồ ReCODE cung cấp một cách thức đánh giá các yếu tố này và dựa trên đó mang lại kế hoạch điều trị cá nhân hóa cho bệnh nhân. Thuật ngữ Sa sút trí tuệ: Là sự suy giảm nhận thức toàn bộ, trong đó nhiều chức năng tâm thần bị mắt đi. Mắt trí nhớ thường là một trong những triệu chứng xuất hiện sớm, thường bao gồm biểu hiện khó khăn khi đọc, viết, theo kịp cuộc trò chuyện, suy luận, tính toán, tổ chức và lập kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân gây sa sút trí tuệ, bao gồm sa sút trí tuệ mạch máu, sa sút trí tuệ thủy trán - thái dương, sa sút trí tuệ thê Lewy và các loại khác nữa, nhưng bệnh Alzheimer vẫn là phổ biển nhất. ReCODE đã chứng minh sự hữu ích trong quá trình điều trị bệnh Alzheimer và các bệnh lý tiền Alzheimer (MCI - Suy giảm nhận thức nhẹ, SCI —- Suy giảm nhận thức chủ quan mà tôi sẽ nhắc đến ở dưới), nhưng chúng ta chưa biết rằng liệu chúng có hiệu quả với các nguyên nhân sa sút trí tuệ khác không, chẳng hạn như sa sút trí tuệ thê Lewy. Sa sút trí tuệ mạch máu: Là dạng sa sút trí tuệ gây ra do giảm lưu lượng máu đến não và có dấu chứng của nhiều ô nhồi máu não nhỏ. Trong những năm gân đây, người ta đã công nhận rằng bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ mạch máu chồng lắp lên nhau ở một mức độ nào đó. Sa sút trí tuệ thùy trán - thái dương: Chứng bệnh này ít phổ biến hơn bệnh Alzheimer, và thường đặc trưng bởi những thay đổi trong hành vi, các bát thường về trí nhớ và nói khó. Sa sút trí tuệ thê Lewy: Đây là nguyên nhân khá phổ biến dẫn tới sa sút trí tuệ (gặp ở khoảng 1 bệnh nhân trên 5 bệnh nhân Alzheimer), đặc trưng bởi triệu chứng ảo giác thị giác, hoang tưởng, ngủ nhiều, vung chân tay trong lúc ngủ (gọi là rối loạn hành vi giấc ngủ REM), cùng với các đặc trưng khác. Bệnh Alzheimer: Dạng sa sút trí tuệ này có dấu chỉ là sự hiện diện các mảng amyloid và búi sợi thần kinh. Như đã giải thích trong bài, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đó không phải là nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer như niềm tin vẫn được duy trì bấy lâu nay. Tuy vậy, bệnh Alzheimer vẫn thường được chân đoán bằng việc tìm thấy các mảng hoặc các búi sợi này. Cả hai hình ảnh này không thê được nhìn thấy trực tiếp trên một bộ não sống. Các dạng hình ảnh học thần kinh như chụp PET (chụp cắt lớp positron), cũng như xét nghiệm phân tích dịch não tủy có thể giúp xác định sự hiện diện của chúng. Bệnh Alzheimer thường được chân đoán dựa vào các triệu chứng của bệnh nhân, bao gồm việc mắt trí nhớ; chức năng nhận thức ngày càng xấu đi, nặng nề hơn khiến bệnh nhân mát khả năng tự tắm rửa, ăn uống, mặc áo quân và ngày càng không đủ khả năng chăm sóc bản thân. Với các phương pháp điều trị như hiện nay, bệnh Alzheimer luôn dẫn tới kết cục tử vong. Suy giảm nhận thức chủ quan (SCI): Được dùng để chỉ tình trạng một người biết khả năng nhận thức của bản thân đang xấu đi, nhưng vẫn nằm trong giới hạn “bình thường” trong xét nghiệm chân đoán thần kinh tiêu chuẩn. Ví dụ, một người vốn rất thông minh, có thê nhận ra tình trạng mắt trí nhớ của mình, nhưng két quả xét nghiệm cho thấy trí nhớ của họ nằm trong giới hạn “bình thường”. Tuy nhiên, sự “bình thường” này cho thấy sự suy giảm so với khả năng trước đây của người đó. Ngay cả ở giai đoạn đầu, kết quả chụp phim PET cũng như xét nghiệm dịch não tủy thường sẽ thể hiện các bất thường, và phim MRI (chụp cộng hưởng từ) có thê cho thấy hiện tượng teo ở các vùng não. SCI thường kéo dài khoảng một thập kỷ trước khi diễn tiến tới MCI. Suy giảm nhận thức nhẹ (MCI): Tình trạng này thường theo sau chứng suy giảm nhận thức chủ quan. Xét nghiệm tâm lý thần kinh cho thấy trí nhớ, khả năng tổ chức, nói năng, tính toán, lập kế hoạch hoặc các chức năng nhận thức khác có sự bất thường, nhưng người đó vẫn còn có thể thực hiện các sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như thay quân áo, ăn uống và tắm rửa. Không phải là không thể tránh khỏi việc MCI diễn tiến đến bệnh Alzheimer, nhưng ở nhiều người, đặc biệt những người có biêu hiện mắt trí nhớ, bệnh Alzheimer sẽ xuất hiện sau đó vài năm. Chương 3 HỒI PHỤC SAU CHỨNG SA SÚT: CẢM GIÁC RA SAO? Chiến tranh sẽ chấm dứt nếu những người chết có thể sống lại - STANDLEY BALDWIN K hi bạn còn nhỏ và bạn bị bệnh, bạn sẽ cảm thấy khó chịu. Đó là điều khiến bạn nghỉ học và đến gặp bác sĩ: cảm giác tồi tệ. Cảm thấy tệ hại và bệnh tật là hai thứ luôn song hành với nhau, phải không? Đó chính là vấn đề trong bệnh Alzheimer. Bạn sống chung với bệnh một thời gian dài, rất dài mà không hề cảm thấy tồi tệ. Đến khi bạn nhận ra mình có triệu chứng và đến gặp bác sĩ, bệnh đã tiến triển khá lâu và khó điều trị – nếu không muốn nói là vô phương cứu chữa. Với bệnh Alzheimer, quá trình bệnh tật thường diễn tiến trong mười lăm đến hai mươi năm trước khi bệnh được chẩn đoán. Như để khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn, khi ta bắt đầu có các triệu chứng như mất trí nhớ, ta thường tìm lý do tự trấn an mình rằng không có gì nghiêm trọng đâu. Ta hay nói rằng mình “vừa mới nhớ ra đây mà” hay là mình chỉ “lâu lâu bị đãng trí”. Ta tự nhủ rằng mình sẽ “suy nghĩ lại sau”, rằng mình đang tạm thời bị “đơ não”, hoặc mình đang trải qua “thời kỳ đãng trí do có tuổi”. Nói một cách công bằng, nhiều người trong chúng ta vẫn thi thoảng chợt quên, nhưng họ không mắc Alzheimer giai đoạn sớm, do đó không cần phải lo lắng thái quá. Tuy nhiên, với nhiều người khác, họ đang thật sự có bệnh. Nếu bạn có thể phục hồi sau khi đã mắc Alzheimer, bạn sẽ muốn kể lại gì về cảm giác dần dần mất đi trí nhớ? Và một câu hỏi khác tích cực hơn, cảm giác của bạn ra sao khi khôi phục lại các khả năng nhận thức? Nhờ vào việc nhiều người đã phục hồi khi điều trị bằng phác đồ ReCODE, chúng ta cuối cùng đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi này và những câu hỏi khác nữa. Triệu chứng khởi phát của mọi người không giống nhau, cũng như mỗi bệnh nhân đều sẽ phục hồi theo một lộ trình riêng. Tuy nhiên, trải nghiệm của mỗi người đều chứa đựng điều gì đó đáng để học hỏi. Eleanor là một ví dụ, cô chỉ mới 40 tuổi khi bắt đầu rơi vào hố đen của bệnh Alzheimer. Khi cha cô đang mắc Alzheimer giai đoạn muộn, cô bắt đầu nhận thấy mình có những triệu chứng giống với những gì ông đã từng trải qua nhiều năm về trước: 1. Không nhận diện được gương mặt. Triệu chứng khó khăn trong việc nhận diện và ghi nhớ gương mặt (prosopagnosia) là thay đổi đầu tiên mà Eleanor nhận thấy. Nó xuất hiện đột ngột và trở nên rõ ràng khi cô ở độ tuổi 40. Cô nói: “Tôi không nghĩ việc này liên quan đến bệnh sa sút trí tuệ giai đoạn sớm, mà cho là mình đã quá mệt mỏi hoặc gặp phải vấn đề như kiểu giảm khả năng học tập. Cha tôi trước đây cũng có những triệu chứng này”. 2. Giảm sự minh mẫn tinh thần (đặc biệt về cuối ngày). “Tôi bắt đầu cảm thấy trạng thái tinh thần uể oải tăng dần, đặc biệt sau 3 hay 4 giờ chiều. Tôi tưởng nhầm tưởng tình trạng này là do mình quá mệt. Việc giúp các con làm bài tập vốn đã khiến tôi cảm thấy mệt đầu. Trạng thái này giống với cảm giác tôi đã từng có khi còn là một sinh viên đại học rồi đến cao học, đặc biệt là những lúc học hành cao độ và trước những kỳ thi dài. Tôi hay thấy triệu chứng này xuất hiện tầm 3 giờ chiều, ngay cả khi tôi không cố gắng suy nghĩ. Ngoài ra, việc đọc sách trở nên ngày càng khó khăn, đặc biệt vào thời điểm cuối ngày. Tôi thấy mình khó ghi nhớ những gì đã đọc, đôi khi thậm chí chỉ từ trang trước đến trang sau. Bên cạnh đó, tôi bắt đầu cảm thấy đầu óc “mờ nhạt” khi dự các buổi họp, hầu như không có ý tưởng gì để tham gia thảo luận, đặc biệt là những buổi họp vào cuối ngày. Tôi thường rơi vào im lặng khi giao tiếp trong một nhóm, nhất là khi cuộc trao đổi liên quan đến những chủ đề phức tạp hoặc gây tranh cãi, đây vốn không phải là tính cách của tôi trước đây. Tôi cũng thường cảm thấy không còn gì để bàn luận thêm (tâm trí tôi chẳng nghĩ ra ý gì để nói) hoặc nghĩ rằng bình luận của mình sẽ không phù hợp vì tôi không theo kịp cuộc tranh luận. Thường khi cần phải phát biểu trong một cuộc họp hay hội thoại, tôi sẽ chuẩn bị sẵn ý tứ trong đầu (điều này dường như có hiệu quả) và lặp đi lặp lại nó cho đến khi tôi thực sự nói ra được, chỉ để đảm bảo rằng tôi sẽ không sai sót và quên những gì định nói. Đây không phải là cách trước đây tôi đã làm.” 3. Giảm hứng thú đọc sách, mất khả năng theo nhịp hoặc nắm bắt những cuộc đối thoại phức tạp, mất khả năng theo kịp những bộ phim có cốt truyện rắc rối. Các cuộc trò chuyện “trở nên nặng nề với tôi”, Eleanor nói: “Tôi không biết tại sao. Tôi gặp khó khăn trong việc bắt kịp những cuộc hội thoại không thuộc lĩnh vực của mình và chỉ muốn nhắm nghiền mắt lại”. 4. Giảm khả năng hồi tưởng những gì đã đọc hoặc đã nghe. “Tôi kiệt sức khi phải cố nhớ lại, từ việc phải mua gì ở siêu thị cho đến loại sushi con tôi muốn đặt mua”, cô nói. Một năm trước khi bắt đầu chương trình ReCODE, Eleanor nói với tôi, tài liệu mà cô cần đọc cho một khóa học “nhìn dày đặc và tôi chẳng thể nhớ chút gì, tôi thấy khó nhớ những thứ tôi đã đọc, như tiểu thuyết hay tạp chí, việc đọc (thứ tôi đã từng thích) không còn là một thú vui nữa”. 5. Giảm vốn từ vựng. Eleanor phải chật vật để tìm từ phù hợp, và bắt đầu sử dụng các từ ngữ đơn giản hơn. “Tôi có thể nói hung hăng, nhưng không còn dùng từ thích gây gổ hay ngỗ nghịch nữa. Tôi sẽ nói một ai đó nghĩ về thứ gì đó liên tục thay vì nói anh ta đang kiên trì làm gì đó. Tôi sẽ nói một ai đó giao tiếp rộng, chứ không dùng từ hòa đồng. Tương tự, tôi cần lục lọi vốn từ của mình khi nói chuyện, đôi lúc tôi phải tạm dừng để tìm ra từ thích hợp. Tôi thường sẽ tìm một từ nào đó vừa phải, hoặc tìm cách diễn đạt gián tiếp để nói về thứ gì đó. Ví dụ, tôi sẽ nói rằng một người bắt tay vào vấn đề nào đó theo từng bước như điều vốn dĩ nên làm, bởi vì tôi không thể tìm được từ có hệ thống để diễn đạt sự tiếp cận có hệ thống. Điều này làm tôi hoang mang và phải thực sự nỗ lực nhiều. Người khác không dễ nhận ra điều đó. Sau khoảng năm hay sáu tháng điều trị theo chương trình, khi nói chuyện với người khác, tôi nhận thấy mình đã sử dụng tự nhiên những từ mà hầu như tôi đã chẳng dùng trong nhiều năm liền. Điều này làm tôi rất ngạc nhiên bởi vì tôi thậm chí đã từng quên sự tồn tại của những từ đó”. 6. Nhầm lẫn từ ngữ. “Từng có khoảng thời gian việc tôi thi thoảng nhầm lẫn tên các con của tôi không còn là điều lạ lẫm. Ngay trước giai đoạn tôi bắt đầu đặt lịch đi khám bệnh, tôi đã dùng từ ngữ sai hoàn toàn. Ví dụ như, khi tôi chở bọn trẻ đi học, tôi hô to với người nhân viên trạm thu phí đầy dõng dạc và tự tin rằng “Cuộc gọi hội nghị!” thay vì “Đi chung xe” để được giảm giá khi đi chung nhiều người trên một xe. Một lần khác, tôi gọi chú chó nhà mình đang chơi ngoài sân là “Ớt ơi!” (thứ tôi đang dùng để nấu bữa tối) thay vì Juno (tên của con chó). 7. Giảm tốc độ xử lý. Cô suy nghĩ chậm chạp hơn, đặc biệt là cảm thấy “mơ hồ” mỗi khi họp hành. Cô đánh máy chậm hơn, như thể các tín hiệu khi đi từ não đến ngón tay phải băng qua một lớp mật đường dẻo kẹo vậy. 8. Lo lắng nhiều hơn về chuyện lái xe và tìm đường. Có hàng loạt thứ mà một người lái xe phải quan sát và xử lý, từ vị trí và chuyển động của các xe xung quanh, tín hiệu đèn giao thông đến sự di chuyển của người đi đường. Tất cả làm cho Eleanor cực kỳ căng thẳng, đến nỗi cô cảm thấy hầu như không thể vận hành được chiếc xe. 9. Khó nhớ danh sách việc phải làm và các cuộc hẹn, thỉnh thoảng cảm thấy “chìm ngập” trong đống việc phải hoàn thành. Eleanor bắt đầu bị lỡ cuộc hẹn và “trở nên rất lo lắng, căng thẳng khi không thể nắm bắt mọi thứ đang đang diễn ra trong cuộc sống của mình”, cô nói. “Tôi đã dùng công cụ Lịch Google và dán giấy nhắc mọi nơi, nhưng tôi vẫn cứ quên. Khi tôi còn trẻ, tôi đã từng rất tự tin về trí nhớ của mình. Tôi chưa bao giờ quên một cuộc hẹn nào và nhớ được cả số điện thoại sau lần đầu quay số”. 10. Giấc ngủ bị gián đoạn. “Tôi dễ bị thức giấc. Mỗi khi như vậy, tôi cực kỳ khó vào giấc trở lại, đôi khi việc này mất hàng giờ đồng hồ. Tôi cũng thức giấc rất nhiều lần giữa đêm”. 11. Không còn cảm thấy hưng phấn đầu óc khi dùng caffeine. 12. Khó giao tiếp bằng ngoại ngữ, bao gồm tiếng Trung và tiếng Nga – hai thứ tiếng mà cô đã từng thông thạo. Thông thường, phải mất nhiều năm, thậm chí một hay hai thập kỷ để các triệu chứng như trên đủ nặng nề đến mức có thể chẩn đoán một người mắc bệnh Alzheimer, như trong trường hợp của Eleanor. Chín năm sau khi khởi phát triệu chứng, khi cô đã 49 tuổi, Eleanor mới nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với một yếu tố hình thành nguy cơ di truyền của bệnh Alzheimer – gen ApoE4. Cô đã được khám và đánh giá tình trạng tâm - thần kinh, cho thấy các triệu chứng bất thường phù hợp với triệu chứng của cô. Nói cách khác, Enleanor không chỉ đơn giản là trải qua “thời kỳ đãng trí do có tuổi” nữa. Bộ não của cô bắt đầu hoạt động chuệch choạc. Bên cạnh những triệu chứng riêng rẽ cô vừa mô tả, Eleanor cảm thấy như thế nào trong suốt giai đoạn chán chường đó? Do đã phục hồi khả năng tư duy, ghi nhớ và sinh hoạt, Eleanor đang ở một vị thế khác biệt. Cô giống như một nhà thám hiểm đã liều mình đến một vùng đất đáng sợ, nơi mà rất ít người sống sót trở về. Nhưng cô đã xoay sở để quay lại, để kể với những người còn lại rằng nơi đó như thế nào. Đây là điều mà Eleanor đã kể với tôi: Tôi muốn kể cho bác sĩ nghe tường tận cảm giác của tôi khi ở trong “đám sương mù” của chứng suy giảm nhận thức giai đoạn sớm, dưới một góc nhìn đặc biệt của người đã vượt qua nó. Cảm giác đó có thê được ví như cảm giác của một người đeo tai nghe loại trùm qua đầu và cố nói chuyện với người ngồi bên cạnh vậy. Âm thanh nghe cứ nhạt nhòa và bạn có cảm như thể mình đang ở một nơi cách xa những người khác. Trước khi phục hồi, tôi có cảm tưởng như thể có một dải băng quấn quanh não làm tôi không thê kết nói với những người khác và không thể bắt kịp những cuộc đối đáp qua lại thông thường. Đôi lúc, trong các buổi họp công việc, tôi phải nỗ lực rất nhiều để chuẩn bị cho lời phát biểu của mình mới nói ra được thành câu (mà không quên mắt những điều muốn nói). “Dải băng” đó giống như rào chắn mà tôi phải xuyên thủng đề diễn đạt ý nghĩ ra bên ngoài. Những cuộc hội thoại, đặc biệt là về các chủ đề phức tạp, đã không còn là những hoạt động dễ dàng như hồi còn trẻ nữa. Eleanor đã bắt đầu thực hiện ReCODE vào đầu năm 2015. Trong vòng sáu tháng, cô đã nhận thấy sự cải thiện rõ rệt về chức năng nhận thức. Cô được tái khám chuyên khoa tâm - thần kinh sau chín tháng, và sự tiến bộ đã được ghi nhận: cảm giác “trở lại bình thường” cô miêu tả không phải là do tưởng tượng. Sự tiến bộ là có thật, nó có thể được lượng giá, và có thể đo lường một cách khách quan. Một tháng trước đợt đánh giá này, vào tháng 10 năm 2015, Eleanor đã mô tả về cảm giác “phục hồi về bình thường” như sau: Tôi cảm thấy như bừng tỉnh. Tôi nhận ra một vài cải thiện nho nhỏ vào tháng 8. Nhưng đến tháng 9,“đám sương mò” mới thật sự biến mất và tôi có thể xác định được cụ thể những thay đổi trong chức năng nhận thức của mình. Tôi cảm thầy như được hồi sinh. Tôi viết thư này để cảm ơn bác sĩ và chia sẻ về điều tôi đã trải nghiệm và học được trong quá trình đó, mong là nó giúp được phần nào cho nghiên cứu của bác sĩ. Việc thấy được những thay đổi của bản thân đã giúp tôi hiểu rõ điều gì từng xảy ra với bố tôi cũng như với chính tôi. Tôi đã từng vin vào lý do “mệt mỏi” hay “tuổi tác” để bào chữa cho nhiều thứ, nhưng giờ tôi nhận ra rằng điều đó không hề đúng. 1. Chứng không nhận diện được khuôn mặt. Giờ tôi đã cải thiện đáng kể việc nhận diện người khác và nhớ rằng mình đã gặp họ. Tôi để ý thấy điều này vào tháng 9, khi tôi tham gia Ngày hội Phụ huynh ở trường con tôi theo học. Trước đây, tôi thường lo lắng về những ngày lễ như vậy, bởi vì tôi không nhớ được những người tôi quen biết, những người tôi từng gặp và cũng không chắc ai là ai nêu không nhìn vào bảng tên của họ. Năm nay, tôi nhận ra gần như tất cả, nhớ được tên của họ và tên con cái họ, thậm chí còn biết thêm chút ít về họ nữa. Tôi còn tự tin gọi tên họ bởi vì TÔI ĐÃ BIẾT là tôi có quen biết họ! 2. “Hội chứng mệt mỏi lúc 4 giờ”. Điều này đã biến mắt! Giờ tôi hiểu được chính xác điều mà cha tôi đã trải qua khi ông ở cuối độ tuổi tứ tuần. Cha tôi đã phải kết thúc ngày làm việc sớm hơn ở bệnh viện nơi ông công tác, và chìm vào giấc ngủ mơ màng bên cạnh chiếc TV sau 3 giờ chiều mỗi ngày. Gia đình tôi từng nghĩ ông chỉ đơn giản là mệt mỏi vì công việc. Nhưng giờ tôi đã biết đó là biểu hiện sa sút trí tuệ giai đoạn sớm. Bạn không thể nhận biết được điều đó khi bạn đang trải qua nó. 3&4. Đọc hiểu và ghi nhớ. Đã tiễn bộ! Bây giò, khi tôi đọc thứ gì đó hay nghe ai đó nói, tôi nhớ được rất nhiều — quả là một sự thay đổi lớn với tôi. Giờ tôi đã có thê theo kịp và thậm chí có thể tham gia vào những cuộc trò chuyện không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình. 5&6. Vốn từ vựng và việc tìm từ. Tôi thấy mình dùng được nhiều từ ngữ để diễn tả mọi thứ hơn. Tôi từng không nhận ra việc vốn từ của mình bị giới hạn và những lời nói của mình trở nên đơn điệu. Giờ tôi đã bắt đầu quay trở lại với lớp từ ngữ “phong phú”. Đôi khi, tôi vẫn cần suy nghĩ để tìm từ vựng phù hợp, nhưng tần suất đã giảm rất nhiều! 7. Sự minh mẫn và tốc độ suy nghĩ. Tôi sắc bén hơn khi giúp con làm tập làm văn và bài tập về nhà. Gần đây, tôi đã viết lách với tốc độ và sự tập trung như hồi còn trẻ... điều mà mây năm nay tôi không đụng tới. Tốc độ đánh máy của tôi cũng đã được hồi phục. 8. Việc lái xe. Nỗi lo khi lái xe của tôi đang giảm nhiều. 9.. Những cuộc hẹn và danh sách việc phải làm. Tôi ghi nhớ những cuộc hẹn tốt hơn và áp lực từ nỗi sợ bị lỡ hẹn thường trực giờ đang xa dân. Tôi chưa cải thiện được một cách hoàn hảo, nhưng chắc chắn là đang có sự cải thiện. Tôi không phải tốn quá nhiều công sức để ghi nhớ thứ gì đó. Tôi không còn phải bảo con ghi lại mẫu giấy nhắc mỗi khi chúng nhờ tôi làm gì đó. 10. Giấc ngủ. Tôi nhận ra sự cải thiện trong giấc ngủ khi tôi bắt đầu uống melatonin và magnesium vào ban đêm, từ lúc bắt đầu áp dụng phác đồ. Tôi thấy giấc ngủ đầu tiên của mình sâu hơn và kéo dài tận 3 đến 4 tiếng (dài hơn trước đây), còn những lần thức giấc giữa đêm thì không kéo dài lâu hoặc không xuất hiện g g g ặ g ệ thường xuyên như lúc trước nữa. Tôi không còn cảm thấy “mệt mỏi mọi lúc mọi nơi”, và khi được ngủ đủ giác tôi cảm giác thật sảng khoái. 11. Caffeine. Khi uống cà phê, tôi lấy lại được cảm giác tỉnh táo mà trước đây tôi từng mắt. 12. Ngoại ngữ. Thật ngạc nhiên, tiếng Anh và tiếng Trung tôi không dùng nhiều năm giờ dần quay trở lại. Tôi bắt đầu viết ra giấy từng từ mà tôi nhớ. Một trong những điều tác động lớn nhất đến tôi sau tất cả những điều này là đáng lẽ tôi đã không thể bộc bạch với bất cứ ai rằng tôi từng gặp các vấn đề như trên vào năm ngoái. Tôi không thê liên két chúng lại với nhau. Tôi vẫn ra khỏi nhà và hoạt động. Chỉ là tôi thấy mọi thứ xung quanh có lúc thật “mờ nhạt", nhưng chẳng thể nào xác định rõ vẫn đề là ở đâu. Sự thay đổi diễn ra chậm chạp đến mức bạn thực sự không đề ý đến, và sự mệt mỏi về tinh thần có tác động cực kỳ mạnh mẽ, nó làm cho bạn rã rời hoặc kiệt sức. Bây giờ, khi tôi đang cải thiện dần, tôi có thể nhận ra bản chất của những khiếm khuyết đó là gì. Tôi cảm thấy như thê mình mới vừa “hồi sinh” và tôi hy vọng điều này sẽ kéo dài mãi. Tôi không biết cảm ơn bác sĩ sao cho đủ. Phác đồ của ông đã thực sự thay đổi cuộc đời tôi. Không ai muốn đặt bản thân mình vào tình huống như của Eleanor. Nhưng trên thực tế, chúng ta sẽ dần rơi vào hoàn cảnh đó nếu cứ tiếp tục ăn uống theo chế độ dinh dưỡng điển hình của người Mỹ, hay sống theo lối sống Mỹ điển hình. Tại sao như vậy? Tôi sẽ lý giải điều này trong phần sau. Chương 4 BỆNH ALZHEIMER XUẤT HIỆN NHƯ THẾ NÀO: MỒI LỬA Bệnh nhân: Thưa bác sĩ, tôi thật khổ sở khi phải làm điều này. Bác sĩ: Vậy thì đừng làm thế C ó ai muốn bản thân mình mắc bệnh Alzheimer đâu? Tất nhiên là trong thực tế bạn sẽ không muốn điều đó. Cứ nhìn hàng loạt yếu tố góp phần vào sự phát triển và diễn tiến của bệnh Alzheimer, bạn sẽ hiểu cách để phòng ngừa quá trình này ngay từ đầu, hoặc đảo ngược nó một khi triệu chứng vừa bắt đầu. Điều này giúp bạn có một bảng kiểm (checklist), để xem rằng bạn đã và đang có bao nhiêu yếu tố này trong cuộc sống của mình. Được rồi, chúng ta sẽ bắt đầu như thế nào? Nếu bạn giống như tôi, bạn sẽ thường làm việc trễ và nhận thấy mình đang ngấu nghiến bữa ăn khuya, thường là đồ ngọt. Điều này làm cho nồng độ insulin tăng vọt ngay trước khi đi ngủ và vẫn còn cao trong suốt giấc ngủ. Bạn có thể đi ngủ rất khuya sau nửa đêm và có giấc ngủ kém chất lượng vì những cơn ngưng thở khi ngủ (thường là hậu quả của việc tăng cân). Tuy nhiên, bạn vẫn thức dậy sớm, tỉnh táo sau giấc ngủ chỉ vài giờ. Hai chân bạn còn chưa chạm xuống sàn nhà, bản thân đã bắt đầu thấy căng thẳng khi nghĩ tới một ngày trước mắt. Bạn chộp lấy bữa ăn sáng điển hình – ví dụ như đối với dân Mỹ là một chiếc bánh cuộn ngọt hay bánh rán, một ly nước cam lớn, một cốc cà phê lớn pha với sữa ít béo – nhập vào cơ thể một lượng sữa lớn, có khả năng kích hoạt quá trình viêm, ngày càng tiến tới tình trạng đề kháng insulin do dùng nhiều đường, dần gây nguy hại cho niêm mạc dạ dày do thành phần gluten. Bạn uống thuốc ức chế bơm proton để phòng ngừa trào ngược dạ dày-thực quản, mặc dù loại thuốc làm giảm a-xít dạ dày này sẽ làm bạn giảm hấp thu những chất dinh dưỡng quan trọng như magnesium và vitamin B12. Sau đó, bạn uống tiếp thuốc statin, một cách tuyệt vời để hạ cholesterol xuống dưới 150 và tăng nguy cơ teo não. Ồ, hóa ra chúng ta thường làm tất cả những việc này trong vòng chưa tới 12 giờ kể từ bữa ăn khuya lần cuối, có nghĩa là cơ thể sẽ chẳng bao giờ tiêu thụ và loại bỏ được amyloid, cũng như nhiều mảnh vụn protein hết chức năng bị tích tụ lại. Việc hối hả ra khỏi nhà làm mức độ căng thẳng của chúng ta cao hơn, sản sinh ra cortisol phá hủy các tế bào thần kinh ở hồi hải mã. Sau đó, chúng ta sẽ nhảy lên xe, chắc chắn không có bài tập thể dục nào trước khi đi làm và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, lại một cách tuyệt vời để làm mức vitamin D trong cơ thể hạ thấp dưới chuẩn. Vì thiếu ngủ, chúng ta bị stress và dễ cáu gắt, chúng ta sẽ làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên áp lực và không thoải mái, tránh xa các tương tác xã hội tích cực và giết chết niềm vui. Khi lượng đường trong máu giảm xuống vào giữa sáng, chúng ta đến phòng ăn công sở, ở đó một đồng nghiệp chu đáo đã để lại một hộp bánh bông lan rải chocolate vụn cho tất cả mọi người cùng ăn. Và còn bữa trưa sau đó?! Sẽ không có thời gian để kịp ăn gì ngoài một chiếc sandwich mua từ tiệm cà phê hay cửa hàng bán thức ăn nhanh – gồm bánh mì trắng và miếng thịt gà bở đã bị bơm nước muối, tiêm hàng tá hormone, kháng sinh cũng như yếu tố gây stress – măm măm! Có một sự lựa chọn khác, đó là bạn đổi qua món cá-hồi-tẩm-đầy-thủy-ngân?! Dù sao đi nữa, món salad này nhìn có vẻ không ngon, chúng ta nốc soda ăn kiêng cho dễ tiêu, chỉ để phá hủy thêm hệ khuẩn đường ruột của chúng ta. Bây giờ, ta có thể tìm món bánh quy để nạp thêm lượng chất béo chuyển hóa (transfat) và giảm thiểu lượng chất béo omega-3 có lợi. Tại thời điểm này, chúng ta đã hoàn thành việc lập trình quá trình sinh lý dẫn tới bệnh Alzheimer. Nếu chúng ta muốn mắc bệnh nhanh hơn nữa, hãy thêm vào đó một điếu thuốc, để làm giảm lượng oxy đến các mô cơ thể – bao gồm cả bộ não – và đưa hàng trăm hóa chất độc hại vào trong máu của ta. Không cần thiết phải đánh răng hay dùng chỉ nha khoa, vì ai mà quan tâm chuyện vệ sinh răng miệng kém sẽ dẫn tới quá trình viêm toàn thân và phá hủy hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi những vi khuẩn như P. gingivalis tấn công bộ não chứ?! Sự uể oải sau bữa ăn dẫn chúng ta đến với chiếc máy bán kẹo ngọt hoặc ly Frappuccino ngọt ngào trong tủ lạnh. Này, chúng ta đã làm việc vất vả hôm nay, chúng ta đáng được thưởng! Cuộc chạy đua ngọt- và-béo này là “bài tập” duy nhất của chúng ta hôm nay (và tất cả mọi ngày). Đâu ai có thời gian để thức dậy và chạy một vòng mỗi ngày? Cuối ngày là thời gian để phóng xe ra đường, đua thẳng về nhà và hoảng hốt khi gặp một gã ngớ ngẩn nào đó hãm phanh gấp trước mặt chúng ta – toàn những chuyện làm huyết áp tăng và hàng rào máu não trở nên lủng lỗ chỗ như chiếc rổ ta định dùng để chế biến món mì-xào-chứa đầy-gluten cho bữa tối. Một suy nghĩ bất chợt vụt lên, hãy mua gì đó tại trạm dừng chân. Chẳng hạn một bịch khoai tây chiên cỡ đại, một nguồn hoàn hảo chứa thành phẩm bậc cao của quá trình glycation gây ra bệnh Alzheimer; hay AGE – chất béo dạng trans, insulin không tự nhiên; hay dầu ăn chiên đi chiên lại bị oxy hóa và mất chất vitamin E; gồm cả chất acrylamide độc hại cho hệ thần kinh. Bạn gần như có thể hình dung ra mỗi miếng khoai tây chiên đang đeo những đôi găng boxing, hét lên: “Đưa bọn tao đến hồi hải mã ngay!”. Rồi ta ăn thêm hamburger – làm từ thịt bò nuôi bằng bắp ngô thay vì cỏ, có nhiều chất béo omega-6 gây viêm và ít chất béo omega-3 kháng viêm. Thêm vào đó sốt cà chua chứa nhiều si-rô bắp giàu fructose, kẹp trong hai lớp vỏ bánh chứa đầy gluten. Đó là cách hoàn hảo để xuyên thủng niêm mạc ruột và hàng rào máu não của bạn. Về tới nhà rồi! Bạn lờ đi mùi ẩm thấp thoang thoảng khi mở cửa nhà. Bạn ngồi phịch xuống trước màn hình và mở kênh phim yêu thích, miễn là nó không kích thích tinh thần hay thể chất bạn thêm nữa. Kế đến, chúng ta có thể kết thúc một ngày sinh hoạt điển hình dẫn bạn thẳng tiến đến với bệnh Alzheimer bằng một cốc cocktail magarita để thư giãn, có khi là ba cốc kèm với chiếc bánh phô mai amaretto nữa, sau đó làm ra vẻ phải tiếp tục hoàn thành việc công sở trước khi chìm vào giấc ngủ với đèn vẫn sáng và thiết bị điện tử vẫn mở. Sáng hôm sau, bạn thức dậy và lặp lại mọi việc. Đúng như bạn suy đoán, lối sống gây ra bệnh Alzheimer chính là cách sống của hầu hết chúng ta. Tuy nhiên, đừng sợ hãi! Vì phải mất rất nhiều năm để chứng suy giảm nhận thức nhẹ như Eleanor toàn phát thành bệnh Alzheimer, cũng phải mất nhiều năm để các yếu tố chuyển hóa và yếu tố khác xuất phát từ chế độ ăn cũng như lối sống của một người Mỹ điển hình tàn phá não bộ của một người. Đó là tin tốt! Tin xấu là nếu bạn thấy lối sống của bạn giống những gì tôi vừa mô tả ở trên, khả năng cao là lối sống đó đã và đang làm suy giảm sự nhạy bén trí não bạn. Không chỉ thế, nó còn mang đến ba yếu tố đe dọa hệ thần kinh (hiện tượng viêm, sự thiếu hụt các phân tử hỗ trợ não bộ và việc phơi nhiễm với độc chất), làm cho bộ não phản ứng bằng những quá trình dẫn đến bệnh Alzheimer, bao gồm việc sản sinh ra những mảng amyloid tích tụ và phá hủy các synapse của não. Đó là lý do tại sao phác đồ ReCODE nhắm vào bộ ba nguy hiểm này. Nếu bạn có thể loại trừ những mối nguy hại này bằng cách thay đổi lối sống, bộ não sẽ không bị thúc đẩy sản sinh ra mảng amyloid có liên quan tới bệnh Alzheimer. Hãy nghĩ về điều đó theo cách chúng ta “ngăn chặn” những tên khủng bố bước lên máy bay: nếu nhân viên an ninh sân bay kiểm soát được chúng, các hành khách sẽ chẳng bao giờ phải đối mặt với những vụ khủng bố trên khoang của một chiếc 747. Bạn sẽ muốn giữ những tên khủng bố “hệ thần kinh” tránh khỏi bộ não càng xa càng tốt. Có rất nhiều thứ bạn có thể làm để tự mình đạt được điều này, chẳng hạn như xác định mối nguy hại trong số bộ ba nguyên nhân đang gây hại cho não và khiến bộ não phải chịu đựng. Việc cộng tác với một bác sĩ lâm sàng hoặc một chuyên viên huấn luyện sức khỏe sẽ giúp bạn lên lịch làm xét nghiệm, tối ưu hóa phác đồ điều trị cho riêng bạn và theo dõi đáp ứng của cơ thể. Như đã lưu ý ở trên, suy giảm nhận thức là một vấn đề lớn, bao trùm cả ba mối nguy hại nền tảng đối với bộ não, gồm: sự viêm; thiếu chất dinh dưỡng, hormone và các phân tử hỗ trợ nhận thức khác để nuôi dưỡng não; và sự tiếp xúc độc chất. Cái chúng ta gọi là bệnh Alzheimer thực ra là một đáp ứng bảo vệ trước những mối nguy hại này. Hai trong số chúng, sự viêm và thiếu hụt các phân tử hỗ trợ, có mối liên hệ mật thiết tới quá trình chuyển hóa. Chuyển hóa là một chức năng của việc ăn uống, mức độ hoạt động, bộ gen, cơ chế tiếp xúc và đương đầu với stress của chúng ta. Vì chế độ ăn uống, hoạt động và stress có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch cũng như các khía cạnh khác của cơ thể, nên sự mạnh khỏe của bộ não cũng liên quan chặt chẽ tới sức khỏe nói chung. Không có gì phải bàn cãi rằng có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer – từ tình trạng tiền đái tháo đường, béo phì tới việc thiếu hụt vitamin D và lối sống thụ động – đây là những hệ quả từ cách chúng ta ăn uống và tập luyện. Một tin vui là mặc dù có hàng tá yếu tố có thể gây viêm, thiếu hụt phân tử hỗ trợ hay nhạy cảm với thành phần độc chất – hiển nhiên là những yếu tố này đều góp phần làm suy giảm nhận thức – nhưng chúng ta đều có thể nhận diện được tất cả yếu tố đó, nhận diện càng sớm càng tốt. Dưới đây là những điều cơ bản để giải quyết từng yếu tố có khả năng tạo ra nguy cơ: 1. Phòng ngừa và làm giảm hiện tượng viêm Viêm là đáp ứng của cơ thể, chống lại sự tấn công của những tác nhân nhiễm trùng như Borrelia (trong bệnh Lyme) hay những tình trạng gây stress cho cơ thể không do nhiễm trùng như những protein phá hủy đường, chất béo dạng chuyển hóa. Chúng ta liên tục tiếp xúc những kẻ xâm lăng nguy hiểm từ virus và vi khuẩn, đến nấm và ký sinh trùng. Một trong những cách cơ thể chiến đấu chống lại “những kẻ xâm lăng” này là kích hoạt hệ thống miễn dịch. Nói một cách hình tượng, hệ miễn dịch sẽ đưa các tế bào bạch cầu đổ bộ đến vùng tổn thương để vây bắt và tiêu hủy các tác nhân này. Đó là một phần của quá trình viêm. Nhưng trong lúc chúng ta cần đáp ứng viêm để chống lại những mối đe dọa cấp tính (ví dụ vùng đỏ bao quanh vết cắt trên da là sự viêm, đó là lúc mà các tế bào bạch cầu chống lại các tác nhân nhiễm trùng có thể xuất hiện), nếu như các mối đe dọa này tồn tại kéo dài, đáp ứng viêm sẽ bị kích hoạt liên tục, khi đó vấn đề mới nảy sinh. Cơ thể đáp ứng với những tác nhân xâm lấn một phần nhờ vào việc sản xuất amyloid, một phân tử cốt lõi tạo nên những mảng ệ y ộ p ạ g g amyloid ở não – đặc trưng trong bệnh Alzheimer1,2. Khi nhìn vào bên trong bộ não của một người mắc bệnh Alzheimer đã tử vong, bạn sẽ thấy các tác nhân như: vi khuẩn từ miệng, vi nấm từ mũi, các siêu vi như Herpes từ môi, Borrelia (virus gây bệnh Lyme) từ vết ve cắn. Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học đưa đến kết luận rằng, sau khi bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh, não sẽ sản sinh ra amyloid, một chất vốn có tính bảo vệ mạnh mẽ nhưng cuối cùng lại đi quá giới hạn, giết chết chính các synapse và tế bào não mà ban đầu chúng được cử tới bảo vệ. Do vậy, để phòng ngừa và đảo ngược quá trình suy giảm nhận thức, bạn cần phải nhận diện được những quá trình nhiễm trùng tiềm tàng, tối ưu hóa chức năng hệ miễn dịch để phá hủy những tác nhân gây bệnh và giảm hiện tượng viêm mãn tính – kết quả của việc chống lại các vi sinh vật này trong nhiều năm. Sự viêm cũng có thể diễn ra dù không bị nhiễm trùng. Chẳng hạn, nó được kích hoạt khi chúng ta tiêu thụ chất béo dạng chuyển hóa, thứ chất béo nhân tạo từng một thời có mặt ở khắp các loại đồ nướng và thức ăn nhanh, hay các loại đường. Cơ thể cũng sinh ra đáp ứng viêm khi đường ruột bị tổn thương (thường do tiêu thụ gluten, bơ sữa hay ngũ cốc), gây ra tình trạng “rò ruột” (Xem bảng bên dưới để biết danh sách thực phẩm có hàm lượng gluten cao – bạn nên tránh những loại thực phẩm này!). Ở người có những bệnh này, ống tiêu hóa xuất hiện những lỗ siêu nhỏ, cho phép những mảnh nhỏ thức ăn hoặc vi khuẩn đi vào dòng máu. Điều này sẽ kích hoạt quá trình viêm: hệ thống miễn dịch nhận diện những mảnh vỡ thức ăn này, nghĩ chúng là tác nhân gây bệnh ngoại lai và tấn công chúng. Quá trình viêm mãn tính có thể xuất hiện khi ta liên tục tiếp xúc với những vi sinh vật nguy hiểm (ví dụ như vi khuẩn từ miệng đi vào dòng máu qua thành ruột bị dò, nhất là vi khuẩn từ nướu răng bị tổn thương) hoặc khi ta thường xuyên tiêu thụ những thực phẩm kích thích sự viêm như đồ ngọt. Đó là lý do phác đồ ReCODE nhắm vào việc đảo ngược tiến trình viêm bằng cách loại bỏ cả hiện tượng nhiễm trùng đang tiến triển lẫn các thực phẩm gây viêm. Khi hiện tượng viêm xảy ra do ngộ độc đường, nó thường đi kèm với sự đề kháng insulin, thứ mà hầu hết người Mỹ cũng như hàng tỷ người trên thế giới đang mắc phải. Con người chúng ta chỉ có thể xử lý được một lượng nhỏ đường (khoảng 15 gam mỗi ngày, ít hơn phân nửa lượng đường có trong một lon nước ngọt 350 ml). Đường cũng giống như lửa, vừa là nguồn năng lượng nhưng cũng vừa rất nguy hiểm. Nếu nhà bạn có một lò sưởi, lượng củi và kích cỡ đám lửa bạn cần để sưởi ấm phụ thuộc vào kích thước ngôi nhà: ít củi/ lửa nhỏ nếu nhà nhỏ, nhiều củi/lửa lớn hơn nếu nhà rộng. Hãy tưởng tượng, bạn thu hẹp diện tích ban đầu của ngôi nhà tới 90% – về cơ bản nghĩa bạn chỉ ở trong một xó nhà, vốn dĩ cũng giống lối sống tĩnh tại của người Mỹ – bạn sẽ cần ít năng lượng hơn. Điều này làm cho đám lửa ban đầu của bạn tăng hiệu quả gấp 10 lần. Nếu bạn cứ tiếp tục cho thêm củi vào lò để giữ lửa cháy, căn nhà sẽ mau chóng trở nên nóng không chịu nổi, ngọn lửa có thể lan ra khỏi lò, và bạn sẽ cần thực hiện nhiều biện pháp để nhà không bị cháy. Đây chính là tình trạng stress của cơ thể mà hầu hết chúng ta đều đang gặp phải. Cơ thể chúng ta nhận diện đường như một chất độc hại, và do đó nhanh chóng kích hoạt hàng loạt cơ chế để giảm nồng độ đường trong máu cũng như trong các mô. Có một cách giải quyết, đó là cơ thể dự trữ năng lượng dư thừa dưới dạng mỡ, điều này sản sinh ra những yếu tố gây hại cho não gọi là adipokines. Nhưng việc lưu trữ năng lượng dưới dạng mỡ vẫn chưa đủ, dòng máu trong cơ thể vẫn còn tràn ngập đường, đặc biệt là glucose. Phân tử glucose gắn vào nhiều protein, ức chế rõ rệt chức năng của chúng – giống như một con bạch tuộc vươn vòi bám vào một vận động viên nhảy sào vậy. Các tế bào của chúng ta đối phó với đường thông qua việc tăng sản xuất insulin, chất làm giảm lượng đường máu bằng cách đưa đường vào trong tế bào. Khi đối mặt với tình trạng tăng insulin kéo dài, đáp ứng với insulin sẽ giảm và cơ thể trở nên đề kháng với hiệu quả của insulin. Mà insulin lại có liên hệ mật thiết với bệnh Alzheimer qua nhiều cơ chế. Chẳng hạn, sau khi phân tử insulin thực hiện nhiệm vụ làm giảm đường huyết, cơ thể phải tiêu hủy insulin nhằm ngăn ngừa việc nó làm hạ đường huyết quá mức. Việc này được thực hiện bởi một enzyme gọi là enzyme thoái giáng insulin IDE (insulin-degrading enzyme). Bạn đoán xem IDE còn thoái giáng thứ gì khác nữa? Chính là amyloid, thành phần protein của các mảng dính gây phá hủy synapse trong bệnh Alzheimer. Nhưng enzyme này không thể làm hai việc một lúc. Nếu IDE tiêu hủy insulin, nó không thể làm điều tương tự với amyloid, giống như một người lính cứu hỏa không thể chữa một vụ hỏa hoạn ở cực bắc của thành phố nếu anh ta/cô ta đang bận chữa một vụ hỏa hoạn khác ở cực nam thành phố. Do làm giảm tiêu hủy amyloid bởi IDE, nồng độ insulin cao kéo dài trong máu sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Bởi vậy, một thành phần quan trọng của ReCODE là giảm sự đề kháng insulin, phục hồi sự nhạy cảm với insulin và giảm nồng độ glucose, qua đó phục hồi quá trình chuyển hóa tối ưu. 2. Tối ưu hóa các hormone, yếu tố sinh dưỡng và chất dinh dưỡng Khi chúng ta loại bỏ hiện tượng viêm bằng cách giảm sự nhiễm trùng mãn tính và đề kháng insulin, chúng ta loại bỏ được những yếu tố đe dọa làm tích tụ amyloid. Việc này ngăn chặn sự tổn thương não. Một việc thiết yếu nữa là cần tăng cường sức khỏe cho bộ não. Bạn càng giúp các synapse vững bền hơn, các mảng amyloid sẽ càng khó tích tụ và khó phá hủy các synapse. Điều này trở nên hoàn toàn dễ hiểu từ nghiên cứu được trình bày tại hội nghị thường niên của Hội khoa học thần kinh (Hoa Kỳ) vào cuối năm 2016. Các nhà khoa học phân tích bộ não của những bệnh nhân tử vong ở tuổi 90, những người vẫn còn duy trì được trí nhớ tuyệt vời ở độ tuổi đó. Một số bộ não xuất hiện lỗ chỗ mảng amyloid. Rõ ràng là, bằng một cách nào đó, não của những người sống thọ có khả năng miễn nhễm với “sự phá hủy synapse và trí nhớ” gây ra bởi amyloid. Điều này có thể xảy ra như thế nào? Các nghiên cứu theo dõi vẫn đang được tiến hành, nhưng có hai giả thiết nổi trội. Một là nếu một người có trình độ học vấn tốt và sử dụng trí óc trong suốt cuộc đời, họ có thể có đủ lượng synapse được dự trữ, dư sức đối trọng với sự mất synapse do mảng amyloid. Giả thuyết còn lại là, một số cơ chế sinh hóa có thể tham gia chiến đấu chống lại amyloid, có lẽ bằng cách thanh lọc chúng khiến chúng không thể phá hủy các synapse, hoặc các cơ chế này củng cố synapse đủ để chống lại sự tấn công của amyloid. Tôi rất ủng hộ việc bạn làm tất cả mọi thứ có thể để giúp hồi phục chức năng nhận thức. Đồng thời, tôi cũng rất ủng hộ việc tận dụng những cơ chế hóa - sinh học để giúp các synapse đề kháng lại sự tàn phá của các mảng amyloid. Để não hoạt động ở mức tốt nhất, bạn cần các yếu tố hỗ trợ neuron và synapse, bao gồm một số nội tiết tố (hormone), yếu tố sinh dưỡng và chất dinh dưỡng. Chương trình ReCODE cung cấp những phương thức để thúc đẩy các yếu tố này. Trong số các hợp chất củng cố synapse, có các yếu tố sinh dưỡng BDNF có nguồn gốc từ não (brain-derived neurotrophic factor) – một chất có thể được gia tăng thông qua việc tập thể dục; các hormone như estradiol và testosterone, có thể được tối ưu hóa thông qua việc kê đơn thuốc hay bổ sung vào chế độ ăn; các chất dinh dưỡng như vitamin D và folate. Điều thú vị là, khi bộ não bị sụt giảm các hợp chất tăng cường neuron và synapse như BDNF, não sẽ đáp ứng bằng cách sản xuất ra các amyloid. Bạn sẽ thấy danh sách các yếu tố góp phần sản sinh amyloid và làm suy giảm nhận thức – nói cách khác là những yếu tố gây bệnh Alzheimer – ngày càng dài ra, từ những quá trình kích thích viêm cho đến sự đề kháng insulin, sự thiếu hụt hormone, sụt giảm nồng độ vitamin D hay chất BDNF (cũng như các yếu tố sinh dưỡng có liên quan) và cuối cùng là việc mất các chất dinh dưỡng cũng như yếu tố hỗ trợ khác. Chúng ta cần đo lường và giải quyết tất cả các yếu tố này nếu muốn tối ưu khả năng quay ngược sự sụt giảm nhận thức. 3. Thải trừ độc tố Nếu bạn bị một con rắn cắn và tiêm nọc độc vào người, bạn cần dùng kháng độc tố – một chất gắn kết với nọc độc rắn để bất hoạt nó. Trên thực tế, các phân tử amyloid cũng đóng vai trò tương tự khi não bộ bị nhiễm các kim loại độc hại như đồng và thủy ngân, hay các độc tố sinh học như độc tố vi nấm tạo ra bởi nấm mốc. Bằng cách gắn vào các chất độc này, amyloid ngăn chặn việc chúng phá hủy các tế bào thần kinh. Một lần nữa, vì việc ngăn ngừa sự hình thành của các mảng amyloid là điều tối quan trọng, phác đồ ReCODE đã đem lại một phương pháp hiệu quả để giảm quá trình kích hoạt amyloid vốn bất lợi cho cơ thể. Điều này bắt đầu từ sự nhận diện việc phơi nhiễm các độc tố, loại bỏ nguồn tiếp xúc và sau đó là quá trình khử độc. Các bước này bao gồm việc sử dụng các thực phẩm giúp thải độc tố như rau củ họ cải, bổ sung nước tinh khiết, dùng phương pháp xông hơi đối với một số độc tố chuyên biệt và gia tăng các loại phân tử thiết yếu như glutathione (chất chống oxy hóa). Bằng cách đó, bộ não không còn lý do để sản xuất vô tội vạ amyloid nữa. *** Sau khi bạn đã làm tất cả những gì có thể để loại bỏ ba yếu tố nguy hại bao gồm tình trạng viêm, thiếu hụt yếu tố hỗ trợ synapse và sự phơi nhiễm độc tố, việc thiết yếu là tái tạo các synapse đã mất, bảo vệ những synapse mới và còn nguyên vẹn. Một lần nữa, nghiên cứu từ nhiều nhóm khoa học đã nhận diện các phức hợp giúp tăng cường sự hình thành synapse, tôi sẽ giải thích chi tiết sau. Có thể bạn đã nhận ra rằng, chương trình tôi vừa mới tóm tắt hoàn toàn khác so với việc chỉ kê một đơn thuốc. Các bệnh mãn tính phức tạp như bệnh Alzheimer có nhiều yếu tố góp phần, đó là lý do ta cần tối ưu hóa việc điều trị bằng cách tác động vào tất cả các thành tố góp phần – nghĩa là một chương trình có thể điều chỉnh linh hoạt tùy theo mỗi bệnh nhân chứ không chỉ đơn giản là uống một viên thuốc. ReCODE không chỉ bao hàm việc điều trị toàn diện như vậy. Nó còn cho thấy hiệu quả cao hơn. Nó không phải một viên đạn bạc nhắm đến một rối loạn đơn thuần. Nó là loại đạn ghém(*) bằng bạc nhắm vào nhiều thành tố gây suy giảm nhận thức. (*) Đạn ghém (hay còn gọi là đạn hoa cải): Khi nổ làm văng ra những viên bi nhỏ làm cho tầm sát thương rộng hơn. Đạn ghém bằng bạc: vừa quý vừa hữu dụng hơn. PHẦN 2 MỔ XẺ BỆNH ALZHEIMER Chương 5 TÂM TRẠNG BẾ TẮC: TỪ GIƯỜNG BỆNH ĐẾN PHÒNG THÍ NGHIỆM VÀ NGƯỢC LẠI Đó là một câu đố bị gói trong vùng bí ẩn của một điều phức tạp. Có lẽ có một chìa khóa ở đâu đó quanh đây. - NGÀI WINSTON CHURCHILL NOI VỀ NƯỚC NGA NĂM 1939 K hông gì hấp dẫn tôi hơn những hoạt động của não bộ con người, cũng như cuộc hành trình từ lúc chúng tôi quan sát những tế bào não tan rã sau khi phát triển trong đĩa thí nghiệm đến niềm vui tột cùng khi chứng kiến những con người tuyệt vọng và khổ sở hồi phục ngoạn mục, trở lại với công việc và vòng tay gia đình của họ. Chuỗi hành trình đó như một bộ Sherlock Holmes, cứ tiếp diễn và được hé lộ không ngừng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hứng thú với cái chết của các tế bào dưới kính hiển vi. Do đó, những dòng mô tả về nghiên cứu khoa học thường khá buồn ngủ, bạn đọc có thể sẽ cảm thấy mí mắt nặng dần khi đọc tới chương này. Vợ của tôi, một bác sĩ gia đình xuất sắc nhưng không đặc biệt hứng thú với nghiên cứu cơ bản, thỉnh thoảng hay bị khó ngủ. Những lúc đó, tôi thường kể cho cô ấy nghe những kết quả nghiên cứu tôi cho là thú vị nhất hiện nay. Trong vòng một nốt nhạc, cô ấy lăn ra ngủ, mặc tôi tự diễn thuyết cho chính mình. Trong chương này, tôi mô tả căn cứ khoa học của bệnh Alzheimer – mô hình mà tôi và các đồng nghiệp đã phát triển trong hơn ba thập kỷ nghiên cứu về những cơ chế căn bản của hiện tượng thoái hóa thần kinh. Đây cũng chính là cơ sở trị liệu của chương trình ReCODE. Tất cả chi tiết và ngóc ngách của những khám phá này nằm trong hơn 200 trang báo cáo khoa học của chúng tôi. Giống như vợ tôi, bạn đọc có thể sẽ muốn bỏ qua chương này và cả chương kế tiếp để đi thẳng tới những chương viết về điều trị và đánh giá trên lâm sàng (từ Chương 7 đến Chương 11). Nhưng ai mà biết được, cũng có thể bạn sẽ cảm thấy hào hứng với chương này khi thử nhìn nhận vấn đề một cách khoa học. Gần cuối năm nhất tại Học viện Công nghệ California (Caltech), tôi tình cờ đọc được một cuốn sách cực kỳ hấp dẫn tên là The Machinery of the Brain(Tạm dịch: Cơ chế của bộ não), viết bởi bác sĩ - kỹ sư Dean Wooldridge(*). (*)Woolridge được biết tới nhiều nhất dưới biệt danh W - đồng sáng lập công ty tiên phong về không gian và điện tử TRW Chỉ vài tháng trước đó, tôi còn đang lướt sóng ở Hawaii cùng những người bạn từ Câu lạc bộ Lướt ván Greenback. Nhưng rồi tôi chia tay với tiếng gầm đại dương của vùng biển Kewalo Basin và bãi lướt sóng đầy cá mập có biệt danh Lò Đốt Rác (Incinerators) để đến với thủ phủ của giới nghiên cứu khoa học: Caltech. Đây là nơi những bộ óc lỗi lạc nhất trái đất đã khám phá ra bí ẩn lỗ đen vũ trụ và vật chất tối, các bộ máy di truyền phân tử và cơ sở sinh lý - tâm thần học của hiện tượng phân đôi não bộ trong suốt một khoảng thời gian dài, được đánh dấu bởi 35 giải Nobel, cũng là nơi làm bối cảnh cho bộ phim truyền hình ăn khách “Vụ Nổ Lớn” (The Big Bang Theory). Wooldridge và Caltech đã mở rộng tầm nhìn của tôi – tới những con côn trùng có hành vi bản năng nhưng không có khả năng lý luận, tới cơ sở sinh lý học của liệu pháp sốc điện, tới khái niệm lạ lùng về việc hai bán cầu não hoạt động độc lập nhau như thể hai thực thể trong một cái đầu! Điều đó quả là lôi cuốn, và tôi đã bị chủ đề não bộ cuốn hút cả đời! Trong thập niên 70, nhà sinh học Seymour Benzer, một trong những giáo sư tôi yêu thích, đã dùng Drosophila – một loại ruồi giấm nhỏ bé hay bu đậu vào những quả chuối chín nẫu trong bếp – để phát hiện ra những gen quy định cho hành vi. Kết quả thật ngạc nhiên! Ông ấy đã xác định được một gen quy định cho khả năng học và trí nhớ (phát hiện đầu tiên thuộc lĩnh vực này). Những con ruồi đột biến không có gen này được gọi là ruồi “dốt” – một ví dụ phản ánh thói quen của các nhà sinh học phân tử, thích đặt những tên gọi đầy hình tượng cho các gen và kiểu đột biến mà họ khám phá được. Benzer đã phát hiện một gen khác làm ruồi giấm ngủ cả ngày và thức cả đêm, một gen (gọi là savoir-faire) làm cho con đực giỏi chuyện giao phối, một gen làm chúng mất khả năng lấy lòng con cái, thậm chí là cả gen tạo ra những con ruồi “gay”, hay một gen khiến cho bộ não chúng thoái hóa giống với bộ não của những bệnh nhân mắc Alzheimer. Từ khi phát hiện được từng gen đơn lẻ trong các trường hợp trên, Benzer tìm được loại protein mà mỗi gen đó sản xuất ra(*). Sau nhiều năm nghiên cứu cật lực, ông cũng khám phá ra ảnh hưởng của mỗi protein cùng với vị trí mà nó tác động trong bộ não của loài ruồi giấm. Điều đó đã giúp ông tìm ra các cơ chế phân tử đằng sau việc học tập và trí nhớ, các nhịp ngày đêm (hay còn gọi là nhịp hằng ngày, được căn cứ theo đồng hồ sinh học của bạn), hành vi tình dục và nhiều chức năng khác của bộ não ruồi giấm. (*) Gen được cấu thành bởi các chất hóa học gọi là A, T, C, G. Những tổ hợp của chúng mã hóa cho các khối vật chất tạo nên protein. Vì thế, bằng việc khám phá ra các gen và cấu phần của chúng. Benzer có thể tìm ra các protein mà mỗi gen sản xuất ra. Đầu thập niên 70, tôi đang làm việc trong một phòng nghiên cứu hóa học, tìm hiểu về các trạng thái phân tử bộ ba, cơ học lượng tử và sự truyền năng lượng. Mặc dù những chủ đề này có vẻ khó hiểu nhưng chúng đều dẫn tới câu hỏi sau: Liệu chúng ta có thể hiểu được bản chất của các bệnh liên quan đến bộ não như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và bệnh Lou Gehrig, giống như Benzer đã tìm ra nền tảng di truyền học của hành vi qua việc phân tích chức năng bộ não ruồi Drosophila? Dựa vào đó, chúng ta có thể áp dụng các nguyên tắc hóa học cốt lõi này để tìm ra cách chữa bệnh hiệu quả không? Sau đó, tôi nhận ra một điều. Đó là tôi cần chuyển từ phòng nghiên cứu đến trường y khoa để học về các chứng bệnh của bộ não con người. Tôi cần hiểu tường tận về những gì mà nhóm bệnh thoái hóa thần kinh – Alzheimer, Parkinson, Lou Gehrig và nhiều bệnh khác – đã gây ra cho bệnh nhân, đồng thời cần nắm được những thay đổi về khía cạnh bệnh học thần kinh đã xảy ra trong bộ não của họ. Tôi cũng cần hiểu những đợt bệnh sẽ diễn ra như thế nào để nhìn thấu các cơ chế thiết yếu tác động đến những căn bệnh đáng sợ này. Nếu tôi muốn nuôi hy vọng đóng góp vào việc tìm ra các biện pháp chữa trị hiệu quả, tôi cần phải đào sâu và hiểu hơn về chúng. Thời đó là thời của bác sĩ Marcus Welby, là lúc các trường y khoa tập trung vào mảng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Lúc bấy giờ, cả nước Mỹ phát cuồng với ý tưởng “bác sĩ gia đình”. Vì vậy, những người muốn tiếp tục sự nghiệp y khoa bằng cách theo đuổi song song hai hướng – nghiên cứu y sinh và khám chữa bệnh – được xem như những ứng viên hạng hai. Tại một cuộc phỏng vấn, người đến từ một khoa của một trường đại học đang trên đà phát triển đã nói với tôi rằng tôi đang phí phạm cuộc đời nếu muốn trở thành bác sĩ lâm sàng thay vì là nhà khoa học. Khi tôi tranh luận rằng việc kết hợp kiến thức khoa học cơ bản và độ nhạy cảm lâm sàng đối với nhu cầu của bệnh nhân sẽ đem lại lợi thế cho một người bác sĩ, anh ta ngửa hai bàn tay lên trời, nhún vai và nói: “Được rồi, bạn có thể muốn làm điều gì đó khác biệt cho thế giới này”. Cậu nhóc ngây thơ 21 tuổi là tôi khi đó hơi run rẩy vì nghe người khác nói rằng việc trở thành bác sĩ lâm sàng không thể giúp tôi “tạo ra sự khác biệt”. Vậy mà ngược lại, chín năm sau, sau khi tốt nghiệp y khoa tại Duke, làm bác sĩ nội trú Nội khoa tại Duke và sau đó là bác sĩ nội trú Nội thần kinh tại Đại học California, San Francisco (UCSF), tôi đã được gọi một cách nể trọng là “vị bác sĩ lâm sàng muốn làm nghiên cứu cơ bản”. Một trong những lý do đầu tiên khiến tôi chọn làm nội trú Nội thần kinh tại UCSF là vì vị giáo sư trẻ tên Stanley Prusiner. Lúc bấy giờ, Stan đang nghiên cứu một nhóm các bệnh hiếm gặp gọi là các bệnh xốp não có lây(*). Như tên gọi đã thể hiện, bệnh này có thể lây từ bộ não này sang bộ não khác. Nhóm bệnh này bao gồm cả những bệnh như bệnh bò điên. (*) Tên gọi cho thấy căn bệnh này có thể lây truyền từ bộ não này sang bộ não khác, làm cho não xuất hiện các lỗ trông giống miếng bọt biển. Stan tiếp tục được trao giải Nobel năm 1997 cho lĩnh vực Sinh lý học/Y khoa nhờ khám phá về các prion, một thuật ngữ ông dùng để mô tả những vật chất – nhỏ hơn cả siêu vi và chỉ chứa protein mà không có vật chất di truyền – đã gây ra các căn bệnh này. Sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ trong mảng những bệnh thoái hóa thần kinh tại Phòng nghiên cứu Prusiner, tôi lập một phòng nghiên cứu riêng vào năm 1989 tại Đại học California, Los Angeles (UCLA). Tôi muốn giải quyết hai câu hỏi (có liên quan với nhau) đã tạo động lực cho tôi từ thuở ban đầu. Câu hỏi đầu tiên là: “Tại sao các tế bào não thoái hóa trong những bệnh như Alzheimer?”. Câu hỏi thứ hai là: “Sự thoái hóa thần kinh phát sinh từ các tín hiệu sinh lý phát triển quá mức, hay đơn thuần là bệnh lý, không liên quan gì đến hoạt động sinh lý của cơ thể?”. Nói cách khác, có phải bệnh Alzheimer chỉ đơn giản do hên xui, giống như việc tình cờ bị giọt a-xít nhỏ lên bàn tay hoặc bị bức xạ vũ trụ phóng trúng? Hay bệnh Alzheimer là chủ đề thú vị hơn nhiều, có nền tảng sâu hơn nhiều? Hoặc có cái gì đó thể hiện sự thay đổi trong các chức năng của não bộ chăng? Như nhà vật lý học lỗi lạc Richard Feynmen từng nói: “Tạo Hóa chỉ dùng những sợi chỉ dài nhất để dệt nên những họa tiết. Vì thế, mỗi mảnh nhỏ của tấm thảm đều hé lộ cả một tổ chức tổng thể của nó”. Đây là một tin tức tuyệt vời dành cho các nhà vật lý đang nghiên cứu những hạt cơ bản (quark). Nhưng các “sợi chỉ” của bệnh Alzheimer có hé lộ những sự thật nền tảng về bộ não không? Và liệu chúng có chỉ ra con đường để đảo ngược những tiến trình thoái hóa? Lý do làm cho việc phân biệt giữa hai khả năng sau – liệu quá trình thoái hóa là may rủi hay đã được lập trình (nghĩa là một quá trình sinh lý bình thường của bộ não vì lý do nào đó đã bị kích hoạt quá mức) – trở nên thiết yếu là vì: cách chữa trị cho mỗi hướng trên khác nhau một trời một vực! Nếu sự thoái hóa thần kinh xảy ra được ví như một tai nạn làm rớt giọt a-xít lên bộ não, bạn sẽ cần trung hòa a-xít và cân nhắc dùng các tế bào gốc để tái tạo lại những vùng não nơi những tế bào thần kinh ban đầu đã mất. Thay vào đó, nếu sự thoái hóa thần kinh xảy ra theo kiểu kích hoạt một chương trình nội tại trong não – điều mà một bộ não bình thường, lành mạnh cũng sẽ có – thì bạn sẽ cần tiếp cận theo cách khác: cần hiểu cặn kẽ chương trình nội tại này để xem vấn đề phát sinh từ đâu, rồi quay ngược tiến trình và khôi phục bộ não về trạng thái khỏe mạnh. Quá trình tự chết tế bào không gây đau đớn, nó tạo ra nhiều thay đổi Khi tôi thành lập phòng nghiên cứu năm 1989, chúng ta chưa có cách trực tiếp nào giúp phân biệt hai khả năng này. Lý do đơn giản là chúng ta không thể tạo ra một mô hình giản lược của bệnh thoái hóa thần kinh trong đĩa thí nghiệm (đĩa petri). Không giống với việc đem tế bào ung thư ra khỏi người bệnh và nuôi chúng trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu biểu hiện cũng như mức độ chống chịu của chúng, bạn không thể xẻ bộ não của một người sống và lấy vài tế bào thần kinh ra như vậy. Hơn nữa, thời đó không có cách nào để đo lường những tác động của bệnh Alzheimer trong đĩa petri. Vì thế, để quan sát chính xác những gì đã làm cho các điểm tiếp hợp thần kinh (synapse) và tế bào thần kinh (neuron) bị phá hủy ở những bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer, chúng ta cần một phương pháp để nuôi các tế bào đó trong đĩa petri, nhằm tái hiện lại các bước chúng đã trải qua, dẫn đến sự tàn phá của Alzheimer. Một môi trường nuôi cấy tế bào thần kinh như vậy phải điều chỉnh được về mặt di truyền, nghĩa là chúng ta có thể thay đổi các gen trong các tế bào, quan sát xem điều đó thay đổi biểu hiện và diễn tiến bệnh như thế nào trong đĩa petri. Và mô hình in vitro(*) này sẽ cần giả lập căn bệnh một cách trung thực. (*) In vitro có nghĩa "ở trong kính", dùng để chỉ nơi nuôi cấy tế bào hoặc thực hiện các thí nghiệm trong một đĩa thí nghiệm hoặc ống nghiệm. Ngược với in vitro là in vivo, nghĩa là trong một cơ thể sống, ví dụ trên chuột thí nghiệm. Hiển nhiên, các tế bào trong ống nghiệm không cần phải chống chịu hay bị mất mát trong chính cái tổ của chúng, cũng không có chức năng “nhìn” được hình ảnh một người quen lâu năm. Nhưng theo lý thuyết, chúng có thể trải qua cùng một quá trình thoái hóa như các tế bào trong bộ não của người bị Alzheimer – khá giống với việc các nhà nghiên cứu ung thư có thể nuôi tế bào ác tính trong ống nghiệm để theo dõi tiến triển, và nhất là quan sát đáp ứng của chúng với các loại thuốc có tiềm năng trị ung thư. Chúng tôi không thể thực hiện mô hình in vitro như vậy đối với bệnh thoái hóa thần kinh. Vào đầu thập niên 90, có một nỗi ngờ vực lan rộng trong giới khoa học thần kinh, rằng những mô hình như vậy không liên quan với bệnh. Theo kiến thức thông thường, với bất kỳ quá trình nào xảy ra trong vòng vài giờ hay vài ngày trên đĩa petri, khả năng cao là chúng không có liên hệ gì với tiến trình đã xảy ra từ năm này qua năm khác ở bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa thần kinh. May thay, kiến thức thông thường đó hóa ra là sai, chúng tôi khám phá ra rằng mô hình thí nghiệm đơn giản mà nhóm tôi phát triển đã trở thành công cụ cho phép chúng tôi phát triển những phác đồ điều trị có hiệu quả đầu tiên, có khả năng quay ngược tiến trình sa sút trí tuệ. Vào năm 1994, tôi và các đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu bắt đầu nuôi các tế bào não người và chuột trong các đĩa petri (Các tế bào của người được lấy từ u nguyên bào thần kinh hoặc u tế bào thần kinh đệm. Các tế bào ung thư này phát triển và tăng sinh hầu như vô tận, vì thế cung cấp một nguồn các dòng tế bào cực kỳ hữu ích cho nghiên cứu. Gần đây, những tế bào này đã được thay thế phần lớn bởi các tế bào gốc. Đáng tiếc, tế bào gốc vẫn chưa có mặt vào năm 1994). Chúng tôi sử dụng một quá trình gọi là chuyển nạp, trong đó chúng tôi thêm các gen liên quan đến bệnh Alzheimer và các bệnh thoái hóa thần kinh khác vào trong các tế bào rồi quan sát chúng. Ban đầu, các tế bào đó trông không thay đổi. Về cơ bản, chúng không khác gì những tế bào không bị chuyển nạp các gen gây bệnh. Tuy nhiên, thật đáng kinh ngạc, chúng có thể tự tiêu hủy bất thình lình! Cụ thể là, khi chúng tôi phá hủy các tế bào khỏe mạnh ở nhóm đối chứng bằng cách lấy đi các dưỡng chất và thêm chất có độc tính nhẹ vào đĩa petri, chúng sẽ chống lại những chất đó và vẫn tồn tại được. Nhưng khi chúng tôi làm cho môi trường sống của các tế bào bị chuyển gen gây bệnh thoái hóa thần kinh trở nên tồi tệ, chúng đều chết. Hầu như chả có chút sức chống chọi nào với môi trường. Điều đó giống như việc cả một tiểu đoàn đồng loạt đầu hàng ngay sau khi quân địch mới khai hỏa những phát súng đầu tiên. Ngạc nhiên thay, hiện tượng này xảy ra trong tất cả trường hợp – dù gen được cài vào là của bệnh Lou Gehrig, Huntington hay Alzheimer. Dù vậy, khi xem xét kỹ hơn, chúng tôi nhận ra các tế bào của bệnh Alzheimer và những căn bệnh khác không chết theo cách truyền thống. Không hề! Chúng đã kích hoạt chương trình tự tiêu hủy – một chuỗi những phản ứng sinh hóa phá hủy tế bào từ bên trong, giống như thể tế bào đã tự thực hiện cuộc thảm sát chính nó. Nói một cách cường điệu hóa ví dụ minh họa ở trên, tiểu đoàn của chúng tôi không hề chống trả khi bị tấn công, chúng đã tự sát bằng chính vũ khí của mình. Lần đầu tiên chứng kiến điều này xảy ra, tôi thấy sốc và cả phấn khích. Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi quan sát được hiệu ứng của một bệnh thoái hóa thần kinh không phải trong bộ não người mà là trên những tế bào tí hon trong đĩa petri – quá trình chỉ diễn ra trong vài ngày. Điều này đã mở ra mọi khả năng đặt câu hỏi về loại liệu pháp khả dĩ ngăn chặn hoặc quay ngược được tiến trình trên. Khi xảy ra vào đúng thời điểm và đúng vị trí, hiện tượng tế bào tự sát là một quá trình hết sức bình thường. Ví dụ, trong khoảng thời gian bạn đếm đến hai, đã có 1 triệu bạch cầu trong cơ thể bạn tự tiêu! Sau đó, chúng được thay thế bởi 1 triệu tế bào bạch cầu mới. Hiện tượng chết tế bào theo chương trình là điều thiết yếu đối với nhiều chức năng trong cơ thể. Chúng ta sẽ không thể sống sót nếu không có chúng. Nếu tế bào không tự chết đi, những ngón tay của chúng ta sẽ bị dính với nhau như mạng nhện (vì phần mô giữa các ngón không tự tiêu đi), bộ não của ta sẽ phát triển vượt ra khỏi hộp sọ, và những bệnh ung thư sẽ lan tràn khắp cơ thể (bởi vì các tế bào ác tính sẽ tồn tại mãi mà không tự tiêu đi như bình thường), cùng với rất nhiều rắc rối khác. Vì thế, sự tự chết của tế bào là quá trình thiết yếu để sinh tồn. Mặt khác, quá nhiều tế bào tự tiêu hủy ở vị trí sai hoặc vào thời điểm sai sẽ gây ra dị tật bẩm sinh hoặc phá hủy cơ quan của cơ thể. Như thí nghiệm năm 1994 cho thấy, chúng có thể gây ra những bệnh như Alzheimer. Khám phá về hiện tượng các gen liên quan đến Alzheimer làm tế bào não tự tiêu hủy đã dẫn chúng tôi đến điều chúng tôi đang tìm kiếm: có được một mô hình giản lược để nghiên cứu bệnh Alzheimer trong đĩa thí nghiệm. Giờ đây, chúng tôi đã có thể đặt câu hỏi về các cơ chế nền tảng đã chi phối quá trình đó và thử nghiệm các biện pháp chữa trị có tiềm năng. Dĩ nhiên, bất cứ điều gì chúng tôi tìm ra đều cần được xác thực lại, trước tiên là trên động vật thí nghiệm mang các gen bệnh Alzheimer (chúng được gọi là những mô hình bệnh Alzheimer trên chuột biến đổi gen) và sau cùng là trên bệnh nhân. So với việc khám phá ra một mảnh ghép đơn độc trong bức tranh Alzheimer trên chuột thí nghiệm mất gần 6 tháng, chúng tôi có thể tìm ra điều tương tự trong mẻ nuôi cấy tế bào chỉ trong vài ngày. Khung thời gian này đem lại cơ hội tuyệt vời để chúng tôi nhanh chóng xử lý một số lượng khổng lồ các cơ chế (có thể liên quan đến bệnh Alzheimer) cần được nghiên cứu, cũng như để tầm soát hàng ngàn các hợp chất nhằm nhận diện những chất nào giúp chặn đứng các cơ chế sinh bệnh nói trên. Thời khắc Eureka đầu tiên Bộ não của mỗi người chúng ta được ví như một chiếc máy tính có sức mạnh đáng nể. Chúng chứa khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh (neuron), mỗi tế bào có trung bình 10.000 kết nối với các tế bào khác, gộp lại thành gần một nghìn triệu triệu – 1.000.000.000.000.000 kết nối, hay còn gọi là điểm tiếp hợp thần kinh (synapse). Mỗi cảm xúc, mỗi suy nghĩ, mỗi ký ức, mỗi quyết định, mỗi động tác múa hoàn mỹ, mỗi ý tưởng sáng tạo, mỗi âm mưu toan tính, mỗi cử chỉ thanh lịch, mỗi hành vi khủng bố, mỗi tội lỗi, mỗi hành động tử tế của con người – tất cả đều bắt nguồn từ những kết nối này, vốn là cách mà các tế bào não liên lạc với nhau. Bất kỳ suy nghĩ nào hình thành bởi con người – từ quyết định của ông tổng trấn Pontius Pilate giải Chúa Jesus đến Núi Sọ để hành hình, đến Julius Caesar khi nhận ra ngay cả Brutus cũng phản bội ông, hay lựa chọn của bạn khi ghé tiệm cà phê Starbucks hôm qua lẫn trong lần đi bầu cử gần đây nhất – đều là kết quả của những tín hiệu được truyền dọc theo từng tế bào thần kinh, băng qua synapse để tới tế bào thần kinh tiếp theo trong một mạng lưới nhất định, rồi di chuyển tới tế bào thần kinh kế, cứ thế tiếp tục cho tới khi bạn nói ra hoặc bước đi hoặc thể hiện bất cứ cử chỉ nào ngoài đời thật, tương ứng với suy nghĩ trong não bộ. Mỗi tế bào thần kinh của não cần một phương thức thu nhận thông tin từ bên ngoài vào các trung khu tương ứng của chúng ở trong não. Chúng làm được điều đó nhờ có gắn những thụ thể. Đó là những phân tử chất đạm (protein), được sản xuất từ trong lòng tế bào và đưa ra ngoài bề mặt giống như kiểu một camera an ninh được vận chuyển từ nhà máy sản xuất đến nơi lắp đặt. Các thụ thể cảm nhận những gì đang xảy ra trong môi trường bên ngoài mỗi tế bào (cũng như môi trường bên trong), bao gồm rất nhiều thông tin ở cấp độ phân tử. Có thụ thể nhạy cảm với nội tiết tố (hormone) từ tuyến giáp và các hormone khác liên quan đến vitamin D. Có thụ thể nhạy với estradiol, với yếu tố tăng trưởng thần kinh, hoặc với dopamine – chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến cảm giác trông đợi phần thưởng. Các thụ thể có thể nhận biết được các phân tử từ bên ngoài (hoặc bên trong, tùy thuộc loại thụ thể) tế bào, bắt giữ chúng như kiểu cửa hàng bánh mì đón nhận chiếc xe tải chở đầy bột đường rồi hướng dẫn tế bào cách phản hồi tương ứng, khởi đầu một chuỗi các phản ứng hóa sinh bên trong tế bào(*). (*) Quá trình phản hồi với thông tin bên ngoài tế bào bằng những phản ứng hóa sinh khởi đầu bên trong tế bào được gọi là "chuyền nạp tín hiệu" Mỗi thụ thể làm việc này hàng tỷ lần trong một ngày. Nếu không như thế, có lẽ chúng ta đã là những sinh vật không có sự sống. Vì thế, khi chúng tôi tình cờ khám phá ra một thụ thể ở phần nền não trước, khu vực não thường bị tác động nhất trong bệnh Alzheimer, và không hiểu nó đang làm chức năng gì, chúng tôi cực kỳ tò mò. Chúng tôi đặt giả thuyết rằng thụ thể này ít nhiều có liên quan đến sự thoái hóa tế bào. Nền tảng của giả thuyết này dựa trên trình tự các amino acid của thụ thể (các amino acid là những “viên gạch” hóa học tạo nên các protein, giống như một viên ngọc trong chuỗi ngọc đeo cổ). Tuy nhiên, giả thuyết này có vẻ mâu thuẫn, bởi vì có một điều ít người biết về chức năng của thụ thể này là nó gắn vào (và tương tác chặt chẽ với) các phối tử tên là neurotrophin – chất góp phần vào việc tế bào ở trạng thái khỏe mạnh thay vì chết đi. Lúc bấy giờ, Shahrooz Rabizadeh – một sinh viên trẻ xuất sắc của đại học UCLA – đang làm việc trong phòng thí nghiệm của tôi. Em ấy đã chuyển đoạn gen này (tên là p75NTR, một loại thụ thể phổ biến của neurotrophin) vào trong các tế bào thần kinh, làm cho tế bào sản xuất ra loại thụ thể này, rồi sau đó thêm vào phối tử neurotrophin tương ứng và đo lường mức độ chết tế bào diễn ra sau đó. Vào tháng 12 năm 1992, em ấy đem dữ liệu vào văn phòng tôi và nói rằng thí nghiệm đã thất bại. Sự kết hợp phối tử – thụ thể có vẻ đã làm giảm tổng lượng tế bào chết đi, thay vì tăng lên. Ngày nay, các thí nghiệm thú vị và nhiều tính phát kiến nhất – những khoảnh khắc tìm ra một chất hóa học không nhìn thấy được, hoặc một tế bào vụn vặt có thể làm chấn động địa cầu – thường không được thành công như mong đợi. Nhưng không phải lúc nào chúng cũng thất bại toàn tập: chúng chỉ cho ra những kết quả đi ngược lại so với kỳ vọng của bạn. Trong phép biện chứng Hegel về chính đề → phản đề → tổng hợp, kết quả không mong đợi và trái ngược như thế đem lại một phản đề rất cần thiết để tổng hợp nên tri thức mới. Những kết quả của Shahrooz cũng vậy. Khi phối tử của neurotrophin gắn vào thụ thể của chúng, chúng không kích hoạt thụ thể để khởi động sự chết tế bào, vì thế giả thuyết của chúng tôi không đúng. Nhưng với sự lắt léo đầy bất ngờ, chúng tôi phát hiện ra rằng bản thân một thụ thể không gắn với phối tử – vốn là trạng thái “bất hoạt” của thụ thể – lại kích hoạt tế bào đi vào quá trình tự tiêu hủy! Các tế bào vốn được nghĩ rằng sẽ không bị tác động – những tế bào có thụ thể “bất hoạt” vì không có phối tử – đã đồng loạt tự tiêu hủy. Và ngay trước khi tế bào chết đi, các liên kết thần kinh giữa chúng sẽ biến mất. Khoan đã! Vậy là loại phối tử gắn với p75NTR sẽ gây bất hoạt hoàn toàn cơ chế tự tiêu hủy này. Nói ngắn gọn là phối tử đó sẽ ngăn chặn tế bào “tự tử”. Chúng tôi đã tìm ra một loại thụ thể hoàn toàn mới, loại sẽ khởi động quá trình chết tế bào ngay cả khi chúng ta vẫn tưởng các thụ thể đang ở trạng thái bất hoạt – tức là lúc không gắn phối tử – và ngược lại. Chúng ngăn chặn sự chết tế bào khi phối tử đã gắn kết. Điều này giống như việc tìm ra một loại ổ khóa mới, ngay khi chìa khóa (phối tử) được rút ra khỏi ổ, cả căn nhà sẽ bị thiêu rụi. Điều này cũng có nghĩa, một khi có tế bào nào đó sản xuất ra loại thụ thể này, nó sẽ trở nên phụ thuộc vào – nói cách khác là “bị nghiện” với – phối tử: chìa khóa phải nằm trong ổ khóa, nếu không mọi thứ sẽ xảy ra như ta đã biết. Những hậu quả của việc tạo ra loại thụ thể này đối với tế bào thần kinh về cơ bản sẽ quyết định ranh giới sống hay chết của tế bào. Một khi tế bào thần kinh sản xuất thụ thể này, sự tồn tại của nó lệ thuộc vào neurotrophin: chìa khóa mang tên neurotrophin phải nằm trong thụ thể, nếu không tế bào thần kinh sẽ chết. Vì thế, chúng tôi gọi những thụ thể này là các thụ thể lệ thuộc, và công bố kết quả trên Science1, một tạp chí hàng đầu. Lúc bấy giờ là đợt nghỉ lễ, tôi đã lái xe vòng vòng hàng giờ liền trong lơ đễnh, tâm trí luôn bận nghĩ đến những thụ thể mới này – một thứ ngoại lệ với tất cả những gì tôi được dạy về sự hoạt hóa thụ thể. Tôi nhận ra, đặc điểm hành vi của những thụ thể này gợi ý rằng chúng có thể liên quan tới sự phát triển của phôi, cũng như sự phát triển và lan rộng của các loại ung thư và các bệnh thoái hóa thần kinh. Đây chính xác là trường hợp của chúng tôi. Nó giúp chúng tôi hiểu sâu hơn căn bệnh Alzheimer. Có khi nào các tế bào não bị tổn thương trong bệnh Alzheimer đã bị kích hoạt quá trình tự tiêu hủy khi những thụ thể phụ thuộc mất gắn kết với phối tử của chúng? Sức mạnh của một lý thuyết mới phụ thuộc vào độ chính xác của các dự đoán, vẻ đẹp của tính giản đơn và tầm quan trọng của các ứng dụng sâu rộng từ nó. Đối với lý thuyết thụ thể phụ thuộc, nó đã dự đoán chính xác sự thay đổi ở mức phân tử của hiện tượng di căn tế bào ung thư, gợi ý một phương pháp mới trong điều trị loại biến chứng ung thư tồi tệ nhất – sự di căn tế bào ung thư khắp cơ thể. Như bạn sẽ thấy, nó cũng đem lại cho chúng tôi manh mối đầu tiên về cách điều trị hiệu quả bệnh Alzheimer. Sự đơn giản của lý thuyết này cho phép chúng tôi hiểu được một chuỗi phức tạp các quan sát về sự phát triển và xâm lấn của khối u, sự di căn, sự lão hóa, sự thoái hóa thần kinh, kể cả tính ứng dụng cực kỳ rộng lớn và đầy triển vọng của chúng. Đã có 21 thụ thể phụ thuộc được nhận diện, bảy hội nghị quốc tế được tổ chức, hàng trăm bài báo khoa học được xuất bản, tất cả đều cho thấy rằng các thụ thể kiểm soát sự phụ thuộc dựa trên đủ loại phân tử khác nhau, từ các yếu tố hướng thần kinh