🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tại Sao Mác Đúng?
Ebooks
Nhóm Zalo
LỜI NÓI ĐẦU
Điều đó không phải để nói rằng Các Mác không bao giờ sai lầm. Tôi không phải thuộc tuýp người cánh tả thường tuyên bố một cách cuồng tín rằng mọi việc đều cần được phê phán, để rồi khi được yêu cầu đưa ra ba phê bình quan trọng về Các Mác thì lại ậm ừ nín lặng. Việc bản thân tôi nghi ngờ một vài tư tưởng của ông sẽ được thấy rõ qua cuốn sách này. Nhưng Các Mác đã đúng thời đó về những vấn đề quan trọng khiến cho việc tự gọi mình là một người mác xít trở nên hợp lý. Không người nào theo học thuyết Freud hình dung rằng Freud không bao giờ sai lầm, cũng như không có người hâm mộ Alfred Hitchcock nào lại không bảo vệ mọi lời thoại trong kịch bản của vị đạo diễn bậc thầy đó. Tôi đang cố gắng diễn tả những tư tưởng của Các Mác không phải là hoàn hảo nhưng đáng tin cậy. Để chứng minh điều này, tôi nêu ra trong cuốn sách 10 phê phán phổ biến nhất về Các Mác, không sắp xếp theo thứ tự tầm quan trọng mà tôi chỉ cố gắng phản bác từng ý kiến phê phán một. Theo cách này tôi cũng mong muốn giới thiệu một cách rõ ràng và dễ tiếp cận tư tưởng của ông cho những ai chưa biết tác phẩm của ông. Cuốn sách này có căn nguyên từ một tư tưởng duy nhất và nổi bật: Sẽ ra sao nếu hầu hết những phản bác quen thuộc về tác phẩm của Các Mác là sai? Hay ít ra nếu không phải là hoàn toàn cố chấp thì cũng gần như là vậy?
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã được mô tả là “không nghi ngờ gì, đó là tác phẩm duy nhất có ảnh hưởng nhất được viết ra trong thế kỷ XIX”[1]. Hầu như không một nhà tư tưởng nào, không một nhà chính trị, khoa học, quân sự, truyền giáo… nào lại làm thay đổi được tiến trình lịch sử một cách rõ ràng như tác giả của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Không một chính phủ nào theo chủ thuyết Đề các, không có thủ lĩnh du kích nào theo chủ nghĩa Platon hay không công đoàn nào theo luận thuyết của Hê-ghen, thậm chí không một nhà phê bình Các Mác quyết liệt nhất nào lại phủ nhận rằng ông đã làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về lịch sử loài người. Nhà tư tưởng chống chủ nghĩa xã hội Ludwig von Mises đã mô tả chủ nghĩa xã hội là “phong trào cải cách mạnh mẽ nhất mà lịch sử đã từng chứng kiến, khuynh hướng tư tưởng đầu tiên không chỉ bó hẹp trong một bộ phận nhân loại mà được ủng hộ bởi người dân đủ mọi sắc tộc, quốc gia, tín ngưỡng và nền văn minh”[2]. Thế nhưng có một quan niệm lạ kỳ được lưu truyền rộng rãi cho rằng Các Mác và lý thuyết của ông giờ đây đã được yên nghỉ - và điều này lại xuất hiện trước một trong những khủng hoảng mang tính hủy diệt nhất trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa Mác, từ bao lâu nay
vẫn là sự phê phán phong phú nhất về mặt lý luận, không khoan nhượng nhất về mặt chính trị đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa, thì giờ đây bằng lòng trở về dĩ vãng.
Cuộc khủng hoảng đó ít ra cũng có nghĩa rằng cụm từ chủ nghĩa tư bản thường được ngụy trang dưới những mĩ từ như “kỷ nguyên hiện đại”, “chủ nghĩa công nghiệp” hay “phương Tây”, lại một lần nữa trở nên thịnh hành. Bạn có thể nói hệ thống còn là điều tự nhiên như không khí chúng ta hít thở, mà thay vào đó có thể được coi là một hiện tượng khá mới về mặt lịch sử. Hơn nữa, bất cứ những gì được sinh ra cũng luôn có thể chết đi, đó là lý do tại sao các hệ thống xã hội luôn muốn thể hiện mình tồn tại bất diệt. Cũng giống như cơn sốt xuất huyết khiến bạn có được nhận biết mới về cơ thể của mình, thì một dạng thức của đời sống xã hội có thể được nhận biết nó như thế nào khi nó bắt đầu đổ vỡ. Các Mác là người đầu tiên nhận biết được đối tượng lịch sử được biết đến là chủ nghĩa tư bản – chứng minh nó xuất hiện như thế nào, hoạt động theo quy luật nào và có thể đi đến chỗ kết thúc ra sao. Cũng giống như Newton đã phát hiện ra những sức mạnh vô hình được biết đến là luật vạn vật hấp dẫn, hay Freud đã chỉ ra hoạt động của một hiện tượng vô hình được gọi là vô thức, Các Mác đã khám phá cuộc sống hàng ngày của chúng ta để phát hiện một thực thể chưa từng được nhận biết gọi là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Trong cuốn sách này, tôi không nói về chủ nghĩa Mác với tư cách là sự phê phán văn hóa hay đạo đức. Bởi vì nói chung điều đó không đặt ra sự phản bác đối với chủ nghĩa Mác và do đó nó cũng không phù hợp với dự định của tôi. Tuy nhiên, theo tôi, kho tàng những tác phẩm đồ sộ và phong phú một cách phi thường của Các Mác theo nghĩa này bản thân nó đã đủ là lý do để gắn bó với di sản của Các Mác. Sự xa lánh, “hàng hóa hóa” đời sống xã hội, một văn hóa tham lam, xâm lược, chủ nghĩa khoái lạc vô tâm và thuyết hư vô ngày càng phát triển, sự chảy máu không ngừng về ý nghĩa và giá trị từ sự tồn tại của con người: rất khó có thể tìm thấy sự thảo luận thông minh về những vấn đề này mà không mang ơn sâu sắc truyền thống mác xít.
Trong buổi đầu của chủ nghĩa nam nữ bình quyền, một số người trở nên vụng về nếu những tác giả nam giới có thiện chí trước đây thường viết: “Khi tôi nói “đàn ông” (men) dĩ nhiên tôi muốn nói “đàn ông và đàn bà” (men and women). Vậy tôi cũng muốn nói một cách tương tự là khi tôi nói Các Mác, tôi cũng thường muốn nói tới Các Mác và Ph.Ăng-ghen. Nhưng mối quan hệ giữa hai ông là một câu chuyện khác.
Tôi rất biết ơn Alex Callinicos, Philip Carpenter và Ellen Meiksins Wood, những người đã đọc bản thảo cuốn sách này và đã có những phê bình và gợi ý vô giá.
Đinh Xuân Hà và Phương Sơn dịch
1] Peter Osborne, in Leo Panich and Colin Leys (eds.): The Communist Manifesto Now: Socialist Register, New York, 1998, p.190. [2] Robin Blackburn: “Fin de Siècle: Socialism after the Crash”, New Left Review, no.185 (January/February 1991), p.7.
CHƯƠNG 1
CHỦ NGHĨA MÁC ĐÃ LỖI THỜI?
PHẢN BÁC:
Chủ nghĩa Mác đã kết thúc. Từng có thời chủ nghĩa Mác được coi là phù hợp với một thế giới của những nhà máy, những cuộc bạo loạn vì đói kém, những người công nhân mỏ, thợ nạo ống khói, sự khốn cùng tràn lan và đông đảo giai cấp lao động. Và tất nhiên nó chẳng ăn nhập gì với xã hội phương Tây hậu hiện đại ngày càng không còn giai cấp và dễ dàng biến đổi về mặt xã hội như ngày nay. Chủ nghĩa Mác chỉ là một thứ giáo điều của những kẻ cố chấp, sợ hãi hoặc bị lừa dối, không dám thừa nhận rằng thế giới ngày nay đã và đang thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
BIỆN GIẢI:
Chủ nghĩa Mác đã kết thúc có vẻ như là một âm thanh dễ chịu đối với những người Mác-xít bất cứ nơi đâu. Họ có thể thôi tuần hành và bãi công, quay trở về với sự che chở, đùm bọc của gia đình vẫn đầy ưu tư phiền muộn, an nhàn tận hưởng mỗi buổi tối ở nhà thay vì phải tham gia những buổi hội họp tẻ nhạt. Người Mác-xít giờ đây chẳng mong gì hơn là không còn Mác xít nữa. Trở thành một người Mác-xít thật chẳng khác nào một Phật tử hay là một tỷ phú vậy. Không những thế, một người Mác-xít còn như một thầy thuốc chuyên làm phúc. Nghĩa là người đó phải là người thật kiên trì, bền chí, thật chuyên tâm vào công việc cứu chữa người bệnh để rồi sau khi bệnh khỏi thì chẳng còn ai cần đến họ nữa. Cũng giống như vậy, sứ mệnh của các chính trị gia giáo điều là đi đến cái đích mà ở đó vai trò của họ không còn cần thiết nữa do nhiệm vụ đã hoàn tất. Khi đó, họ có thể thoải mái rút lui, đốt bỏ đi những tấm hình Che Guevara, cầm lại chiếc đàn vi-ô-lông-xen bị lãng quên bao ngày tháng, cùng nhau đàm đạo về điều gì đó thú vị hơn là các phương thức sản xuất Á châu. Giả sử trong 20 năm tới vẫn tồn tại đâu đó những người Mác-xít hay những người theo thuyết nam nữ bình quyền thì đó quả là một viễn cảnh đáng buồn. Chủ nghĩa Mác bao hàm một sứ mệnh chỉ mang tính tạm thời mà giải thích tại sao bất kỳ ai từng cống hiến hết mình cho nó cuối cùng cũng không hiểu được. Có một cuộc sống sau chủ nghĩa Mác là toàn bộ giá trị của chủ nghĩa Mác.
Viễn cảnh làm say mê lòng người khác thường này có một vấn đề duy nhất. Chủ nghĩa Mác là sự phê phán chủ nghĩa tư bản. Đó là sự phê phán sâu sắc, toàn diện và khắt khe nhất từ trước đến nay. Không những thế, chủ
nghĩa Mác còn là sự phê phán duy nhất làm thay đổi bộ phận lớn của thế giới. Điều đó muốn nói rằng, chừng nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại, thì chủ nghĩa Mác cũng sẽ tồn tại. Đào thải đối thủ của mình là tự đào thải chính mình. Trước khi biến mất, chủ nghĩa tư bản vẫn sẽ mạnh mẽ như xưa.
Hầu hết những phê phán của chủ nghĩa Mác ngày nay đều không tranh luận về điểm này. Thay vào đó, họ tuyên bố rằng, hệ thống tư bản chủ nghĩa đã thay đổi nhiều đến mức không còn nhận biết được nữa so với thời của Các Mác, và do đó những tư tưởng của Các Mác không còn phù hợp nữa. Trước khi xem xét nhận định này một cách chi tiết, cần lưu ý rằng bản thân Các Mác luôn ý thức được bản chất không ngừng vận động của cái hệ thống mà ông phản bác. Chính nhờ có chủ nghĩa Mác mà chúng ta có được những khái niệm về các hình thái lịch sử khác nhau của tư bản: tư bản thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, độc quyền, tài chính, đế quốc… Vậy thì tại sao việc chủ nghĩa tư bản thay đổi bộ mặt của nó trong những thập niên gần đây lại làm mất niềm tin vào một học thuyết vốn coi sự thay đổi là thuộc tính của chủ nghĩa tư bản? Không những thế, Các Mác còn tiên đoán trước sự thu hẹp lại của giai cấp công nhân và tự tăng lên mạnh mẽ của lao động cổ cồn. Chúng ta sẽ xem xét vấn đề này ở phần sau. Các Mác thậm chí còn nhìn thấy trước được cái mà chúng ta gọi ngày nay là “toàn cầu hóa”. Đây quả thực là một điều kỳ lạ đối với một người có tư tưởng bị coi là cổ xưa. Song có lẽ chính phẩm chất “cổ xưa” của Các Mác đã khiến cho Các Mác vẫn còn giá trị đến ngày nay. Các Mác bị lên án là lạc hậu bởi chính những người cổ xúy cho một chủ nghĩa tư bản đang nhanh chóng quay trở lại mức độ bất bình đẳng như dưới thời Victoria. Vào năm 1976, rất nhiều người ở phương Tây đã nghĩ rằng chủ nghĩa Mác có cơ sở hợp lý. Nhưng đến năm 1986 nhiều người trong số họ đã không còn nói như vậy nữa. Vậy thì chính xác điều gì đã xảy ra? Phải chăng những con người này đã bị chết trên giàn thiêu của những đứa trẻ chập chững biết đi? Phải chăng chủ nghĩa Mác giờ đây đã bị phát hiện là nhảm nhí bởi một nghiên cứu mới nào đó gây chấn động thế giới? Liệu chúng ta có tình cờ phát hiện ra một bản thảo của Các Mác bị thất lạc từ bao lâu nay thú nhận rằng tất cả chỉ là trò đùa? Không phải chúng ta giật mình khám phá ra rằng Các Mác làm thuê cho chủ nghĩa tư bản. Điều này thì chúng ta ai cũng biết. Nếu chẳng có cái nhà máy dệt Ermen & Engels ở Salford do cha của Ph.Ăng ghen làm chủ thì chắc hẳn Các Mác đã không thể cho ra đời những bút chiến chống lại những chủ sản xuất bông vải.
Quả là có điều gì đó đã xảy ra trong giai đoạn này. Kể từ giữa những năm 1970 trở lại đây, hệ thống phương Tây đã trải qua những thay đổi quan trọng[1]. Đó là sự chuyển đổi từ sản xuất công nghiệp truyền thống sang nền văn hóa “hậu công nghiệp” trong đó bao gồm chủ nghĩa tiêu dùng, truyền thông, công nghệ thông tin và ngành dịch vụ. Những doanh nghiệp có quy
mô nhỏ, phi tập trung hóa, linh hoạt, và không buộc phải theo tôn ti thứ bậc đang nổi lên. Các thị trường được dỡ bỏ các quy định điều tiết, và phong trào giai cấp công nhân bị đè nén gay gắt cả về phương diện luật pháp lẫn phương diện chính trị. Lòng trung thành giai cấp truyền thống bị suy yếu, trong khi đó những bản sắc địa phương, giới tính và sắc tộc ngày càng nổi lên mạnh mẽ. Chính trị ngày càng bị thâu tóm và lũng đoạn.
Công nghệ thông tin mới đóng vai trò chủ đạo trong việc đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa của hệ thống tư bản chủ nghĩa, nhất là khi một nhóm công ty xuyên quốc gia chi phối sản xuất và đầu tư trên khắp hành tinh nhằm tìm kiếm lợi nhuận nhanh nhất. Nhiều cơ sở sản xuất được chuyển đến những nơi có nguồn nhân công rẻ tại các quốc gia “kém phát triển”, khiến một số người phương Tây đầu óc thiển cận vội vã kết luận rằng, giờ đây ngành công nghiệp nặng đã biến mất khỏi hành tinh này. Tiếp sau sự lưu động mang tính toàn cầu này là luồng lao động di cư xuyên quốc gia, kéo theo đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa phát xít khi dòng người nhập cư nghèo khổ đổ xô đến những nền kinh tế phát triển cao. Trong lúc các quốc gia “ngoại vi” đang phải đối phó với điều kiện lao động cơ cực, các tài liệu sản xuất bị tư hữu hóa, chế độ phúc lợi bị cắt giảm và gánh chịu những điều kiện thương mại bất bình đẳng quái ác, thì các vị giám đốc điều hành đến từ các nước giàu nới lỏng cà vạt, để phanh cổ áo, gặm nhấm sức khỏe tinh thần của nhân viên.
Đã chẳng xảy ra điều gì khi hệ thống TB đang trong thời kỳ sung sức và vô tư. Nhưng những biểu hiện hung hãn như gần đây, cũng giống như hầu hết các hình thức gây hấn khác, có nguyên nhân từ sự lo lắng sâu xa bên trong. Nếu như hệ thống tư bản chủ nghĩa trở nên buồn vui thất thường, thì đó là vì sức khỏe của nó đang âm thầm suy nhược. Sự bùng nổ thời hậu chiến đột ngột biến mất đã dẫn đến sự thay đổi tổ chức này. Cạnh tranh quốc tế gia tăng khiến tỷ lệ lợi nhuận giảm sút, vắt kiệt các nguồn đầu tư và làm chậm tỷ lệ tăng trưởng. Thậm chí nền dân chủ xã hội giờ đây cũng trở thành một sự lựa chọn chính trị quá cực đoan và đắt đỏ. Do đó, vị trí sân khấu đã phải nhường cho Reagan và Thatcher, những nhân vật góp phần dỡ bỏ các nhà máy sản xuất truyền thống, kìm kẹp phong trào lao động, cho phép thị trường nhả phanh chạy hết tốc lực, củng cố hơn nữa cánh tay trấn áp của nhà nước và ủng hộ nhiệt thành một thứ triết lý xã hội mới được biết đến là thói tham lam trơ tráo. Đầu tư cho sản xuất được thay bằng đầu tư vào ngành dịch vụ, tài chính và truyền thông chính là cách phản ứng trước tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài, chứ không phải là một cú nhảy vọt từ một thế giới cũ kỹ xấu xa sang một thế giới mới mát mẻ và dũng cảm.
Tuy nhiên, khó có thể tin rằng, hầu hết những người theo quan điểm cấp
tiến trong thời kỳ từ những năm 1970 đến những năm 1980 thay đổi suy nghĩ của mình về hệ thống tư bản chủ nghĩa chỉ đơn giản vì các nhà máy dệt vải ngày càng ít đi. Đó không phải là lý do khiến họ từ bỏ chủ nghĩa Mác mà chính là niềm tin rằng không dễ gì phá dỡ được cái chính thể mà họ đang đối mặt. Cái mang tính quyết định không phải là những ảo tưởng về chủ nghĩa tư bản mới, mà chính là sự vỡ mộng về khả năng thay đổi chủ nghĩa tư bản. Chắc chắn có nhiều người một thời đi theo chủ nghĩa xã hội từng biện hộ cho nỗi u uất của mình bằng cách tuyên bố rằng, nếu như chủ nghĩa tư bản không thay đổi được, thì việc gì phải làm điều đó. Tuy nhiên, lý do vẫn là ở chỗ thiếu niềm tin vào một sự thay đổi có khả năng thuyết phục. Do phong trào giai cấp công nhân bị bóp méo và thấm đẫm máu, phe chính trị cánh tả thoái lui mạnh mẽ, tương lai dường như đã biến mất không còn dấu vết. Đối với một số người cánh tả, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu diễn ra vào cuối thập niên 1980 đã khiến họ thực sự tỉnh ngộ. Không phải tự nhiên mà trào lưu cấp tiến thành công nhất kỷ nguyên hiện đại (chủ nghĩa dân tộc cách mạng) vào thời điểm này cũng hoàn toàn suy kiệt. Cái đã sản sinh ra văn hóa hậu hiện đại và sự phủ nhận của nó đối với cái gọi là đại luận thuyết (grand narratives) và lời tuyên bố hào hùng về “Sự kết thúc của Lịch sử” chính là sự tin chắc rằng giờ đây tương lai là nhiều thứ hơn hiện tại. Hoặc, như một nhà hậu hiện đại cởi mở từng nói: “Hiện tại cộng với nhiều sự lựa chọn hơn”.
Vậy thì, nguyên nhân gây mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác trên hết là sự cảm nhận dần dần về căn bệnh bất lực chính trị. Khó mà giữ được niềm tin vào sự thay đổi khi sự thay đổi không nằm trong chương trình hành động, thậm chí là càng khó khi người ta cần phải duy trì niềm tin bằng mọi giá. Cuối cùng, nếu như không tránh được sự tất yếu hiển nhiên thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được cái tất yếu sẽ tất yếu như thế nào. Nếu những kẻ nhát gan cố bám víu vào các luận điểm trước đây của họ trong hai thập niên nữa, họ có lẽ sẽ chứng kiến một chủ nghĩa tư bản thật hả hê, đắc chí và vững chắc đến nỗi mà vào năm 2008, nó chỉ việc tiếp tục cho những máy rút tiền tự động hoạt động trên các đại lộ xa hoa. Những kẻ nhát gan ấy còn được chứng kiến cả một châu lục phía nam Kênh đào Panama chuyển hẳn sang phía chính trị cánh tả. Giờ đây “Sự kết thúc của Lịch sử” đang ở điểm kết thúc. Dù thế nào đi nữa thì người Mác-xít cũng cần phải làm quen với thất bại. Thực ra họ đã từng chứng kiến những kết cục còn thê thảm hơn thế nhiều. Lợi thế chính trị luôn ở về phía chế độ cầm quyền, nếu chỉ vì họ có nhiều xe tăng hơn là ta có. Tuy nhiên những viễn tưởng nóng vội và hy vọng sục sôi những năm cuối thập kỷ 1960 đã khiến cho sự suy sụp này trở thành một liều thuốc đắng khó nuốt đối với những người từng kinh qua thời kỳ đó.
Do đó, điều khiến cho chủ nghĩa Mác có vẻ không còn hợp lý không phải
là ở chỗ chủ nghĩa tư bản đã thay hình đổi dạng. Vấn đề ở đây hoàn toàn ngược lại. Thực tế là hệ thống tư bản chủ nghĩa vẫn đang hoạt động bình thường, thậm chí là còn tốt hơn bình thường. Điều nực cười là chính những cái tưởng như giúp đả phá chủ nghĩa Mác lại cũng làm tăng thêm niềm tin vào những khẳng định của chủ nghĩa Mác. Nó được đẩy đến cực điểm bởi vì trật tự xã hội mà chủ nghĩa Mác đương đầu, thay vì trở nên nhân từ và ôn hòa hơn, thì lại trở thành tàn nhẫn và cực đoan hơn bao giờ hết. Và chính điều này làm cho sự phê phán của Các Mác đối với toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa thành đúng đắn hơn. Xét trên quy mô toàn cầu, tư bản đã trở nên bị tập trung nhiều hơn vào tay một số ít người và ngày càng mang tính chất cướp bóc, còn giai cấp công nhân không ngừng tăng lên về số lượng. Hoàn toàn có thể hình dung một tương lai mà ở đó những kẻ siêu giàu sống trong những khu biệt thự kín cổng cao tường và được canh gác cẩn mật, trong khi đó khoảng một tỷ người phải sống trong các khu nhà ổ chuột tồi tàn dơ dáy với trạm gác và tường rào thép gai bao quanh. Trong tình cảnh đó, tuyên bố rằng chủ nghĩa Mác đã kết thúc chẳng khác gì lời tuyên bố rằng công việc cứu hỏa là hết thời bởi vì những kẻ phóng hỏa đã trở nên cực kỳ khôn ngoan và xảo quyệt.
Như Các Mác tiên đoán, bất bình đẳng thu nhập trong thời đại của chúng ta đã tăng lên mạnh mẽ. Thu nhập của một tỷ phú người Mexico ngày nay tương đương với số tiền kiếm được của 17 triệu đồng bào nghèo khổ nhất của ông ta. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra sự thịnh vượng hơn bao giờ hết mà lịch sử nhân loại từng chứng kiến, nhưng cái giá phải trả là vô cùng lớn, nhất là khi nói đến cảnh bĩ cực của hàng tỷ con người. Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2001 đến 2,74 tỷ người sống dựa vào mức thu nhập dưới 2 đôla mỗi ngày. Chúng ta đang đối diện với một tương lai gần như là chắc chắn mà ở đó các quốc gia có vũ khí hạt nhân gây chiến để giành giật những nguồn tài nguyên ngày một khan hiếm. Mà sự khan hiếm tài nguyên ấy lại chính là hệ quả của chủ nghĩa tư bản. Và lần đầu tiên trong lịch sử, dạng thức sống đang phổ biến của chúng ta có sức mạnh không chỉ sản sinh ra chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, làm lan rộng tình trạng ngu si văn hóa, đẩy chúng ta vào các cuộc chiến tranh hay xua chúng ta vào các trại tập trung, mà còn quét sạch chúng ta ra khỏi hành tinh này. Chủ nghĩa tư bản sẽ sẵn sàng chống lại xã hội nếu như điều đó mang lại lợi nhuận, và điều đó giờ đây có nghĩa là sự hủy diệt nhân loại trên một quy mô khôn lường. Cái điều từng bị coi là ý tưởng khải huyền không có thực thì ngày nay lại đơn giản là một chủ nghĩa hiện thực nghiêm túc. Khẩu hiệu truyền thống của phe cánh tả “chủ nghĩa xã hội hay là sự man rợ” chưa bao giờ tỏ ra thích hợp xác đáng hon cũng chưa bao giờ thiếu đi sự khoa trương khoe mẽ. Trong những điều kiện khốn cùng này, như Fredric James đã viết: “Chủ nghĩa Mác dứt khoác lại phải
đúng”[2]. Bất bình đẳng một cách lạ kỳ về của cải và quyền lực, chiến tranh ngang ngược, sự bóc lột thậm tệ, và một nhà nước hà khắc, thô bạo: nếu như tất cả những đặc điểm này mô tả thế giới ngày nay, thì đó cũng chính là những vấn đề mà chủ nghĩa Mác đã từng đề cập và lên án trong gần hai thế kỷ. Vậy thì có thể cho rằng vẫn còn một vài bài học để giáo dục hiện tại. Bản thân Các Mác từng ấn tượng mạnh mẽ với diễn biến bạo lực kinh hoàng khi tầng lớp lao động thành thị bị cưỡng ép, bị nhổ bật gốc rễ nông dân tại nước Anh nơi ông sinh sống - một quá trình mà Brazil, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ hiện đang phải trải qua. Tristram Hunt viết rằng tác phẩm Hành tinh ổ chuột của Mike Davis, một cuốn sách kể về “những núi phân hôi thối” quá quen thuộc với những khu ổ chuột ngày nay ở Lagos hay Dhaka, có thể xem như một phiên bản mới cho tác phẩmTình cảnh giai cấp công nhân Anh (The Condition of the Working Class) của Ph.Ăng-ghen. Khi Trung Quốc biến thành công xưởng của thế giới, thì như Hunt bình luận: “những đặc khu kinh tế ở Quảng Đông và Thượng Hải lại gợi nhớ đến Manchester và Glasgow của thời những năm 1840”[3].
Vậy điều gì xảy ra nếu như không phải chủ nghĩa Mác lỗi thời mà chính chủ nghĩa tư bản đã lỗi thời? Quay trở lại nước Anh thời Victoria, Các Mác đã nhìn thấy sự suy tàn của chế độ. Sau khi thúc đẩy sự xã hội phát triển ở thời hoàng kim của mình, chủ nghĩa tư bản ngày nay trở nên lề mề, chậm chạp đi theo sau sự phát triển xã hội. Các Mác coi xã hội tư bản đầy những thứ hão huyền, hoang đường và sùng bái, cho dù nó tự hào nhiều về tính hiện đại của mình. Chính sự khai sáng của chủ nghĩa tư bản – niềm tin đầy tự mãn vào tính hợp lý vượt trội của nó – cũng chỉ là một thứ mê tín. Nếu chủ nghĩa tư bản có thể có những tiến bộ đáng kinh ngạc nào đó, thì sẽ có một cảm nhận khác rằng chẳng qua nó buộc phải cố hết sức chỉ để tồn tại, Các Mác đã từng nhận xét rằng, giới hạn cuối cùng của chủ nghĩa tư bản chính là tư bản, và quá trình tái sản xuất không ngừng của tư bản là ranh giới mà chủ nghĩa tư bản không thể vượt qua. Bởi vậy, vẫn có cái gì đó tĩnh lặng và lặp đi lặp lại một cách đáng ngờ về chính cái hệ thống năng động nhất trong mọi hình thái xã hội tồn tại trong lịch sử. Cái thực tế rằng cơ sở logic chống đỡ cho chủ nghĩa tư bản vẫn không thay đổi chính là lý do vì sao sự phê phán của Các Mác đối với chủ nghĩa tư bản vẫn có giá trị đến tận ngày nay. Chỉ khi nào chủ nghĩa tư bản thực sự có khả năng phá vỡ những giới hạn của chính nó, đồng thời mở đường cho những gì thật sự mới mẻ, thì sự từ bỏ học thuyết Mác mới trở thành hiện thực. Thế nhưng chủ nghĩa tư bản không thể tạo dựng được một tương lai mà không tái sản sinh hiện tại của nó theo đúng trình tự. Và rõ ràng, sẽ còn nhiều lựa chọn khác nữa.
Chủ nghĩa tư bản đã đem lại những thành tựu vật chất khổng lồ. Mặc dù cách tổ chức sắp xếp đời sống này đã có thời gian dài để chứng tỏ khả năng
thỏa mãn mọi nhu cầu của con người, thì nay dường như nó không còn làm được điều đó nữa. Vậy chúng ta phải chờ đợi bao lâu nữa để chủ nghĩa tư bản thực hiện cam kết của mình? Tại sao chúng ta vẫn tiếp tục thỏa mãn với câu chuyện hoang đường rằng sự giàu có thần kỳ được tạo ra bởi phương thức sản xuất này sẽ đến với tất cả mọi người vào thời điểm thích hợp? Liệu thế giới có đối xử với những tuyên bố tương tự của những người cực tả bằng sự độ lượng ôn hòa theo kiểu chúng ta hãy chờ xem sao? Những người cánh hữu từng thừa nhận rằng sẽ luôn có những bất công lớn tồn tại ngay trong lòng hệ thống tư bản chủ nghĩa, nhưng muốn có những thay đổi thì rất khó và biết đâu lại trở nên tồi tệ hơn. Chí ít những người theo quan niệm này vẫn còn trung thực hơn là những kẻ chỉ biết xưng tụng rằng rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nếu ngẫu nhiên đã có cả người giàu và người nghèo, cũng như ngẫu nhiên có cả người da đen và người da trắng, thì những lợi thế của sự giàu sang sẽ có thể lan truyền kịp thời tới nơi khốn khó. Thế nhưng nếu nói rằng có những người nghèo túng và có cả những người giàu có thì thật chẳng khác nào nói rằng thế giới này có cả cảnh sát lẫn tội phạm. Mà thực tế là như vậy, nhưng việc đó che đậy một sự thật rằng, có cảnh sát là bởi vì có những tên tội phạm.
[1] Mặc dù một số nhà Marxist vẫn nghi ngờ tầm quan trọng về những thay đổi này. Chẳng hạn như Alex Callinicos trong tác phẩm Against Postmodernism, Cambridge, 1989, Chương 5.
[2] Fredric Jameson: Hệ tư tưởng của học thuyết (The Ideologies of Theory), London, 2008, p.514."
[3] Tristram Hunt: “War of the Words”, Guardian, 9 May 2009.
CHƯƠNG 2
CHỦ NGHĨA MÁC LÀ ĐỘC TÀI, BẠO LỰC?
PHẢN BÁC:
Chủ nghĩa Mác có thể rất đúng đắn về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn thì kết quả lại là khủng bố, độc tài và giết người hàng loạt trên quy mô chưa từng có. Chủ nghĩa Mác có thể là một tư tưởng tốt đẹp đối với những học giả phương Tây giàu có – những người coi tự do và dân chủ là một lẽ đương nhiên. Nhưng đối với hàng triệu người bình thường, nó lại có nghĩa là đói nghèo, khổ sở, hành hạ, lao động cưỡng bức, một nền kinh tế đổ vỡ và một nhà nước áp bức nặng nề. Những người bất chấp tất cả vẫn tiếp tục ủng hộ học thuyết này là những người ngu dốt, đáng khinh hoặc tự lừa dối mình. Chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với thiếu tự do, nó còn đồng nghĩa với thiếu hàng hóa vật chất, bởi vì đây chắc chắn là hậu quả của việc xóa bỏ thị trường.
BIỆN GIẢI:
Rất nhiều người phương Tây ủng hộ nhiệt tình cho những tổ chức vô danh. Những người theo đạo Thiên Chúa chẳng hạn. Không có gì lạ khi những người tử tế giàu lòng trắc ẩn ủng hộ toàn bộ sự khai hóa văn minh ngập chìm trong máu. Những người tự do, những người bảo thủ cùng với rất nhiều người khác nữa cũng vậy. Những nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách đáng ghê tởm – hơn cả Trung Quốc thời kỳ của Mao hay Liên Xô thời kỳ của Stalin. Chủ nghĩa tư bản cũng được tôi luyện trong máu và nước mắt; chỉ có điều nó đã tồn tại đủ lâu để quên đi nỗi khủng khiếp ấy, thế nhưng chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao lại không được như vậy. Nếu Các Mác được tha thứ cho sự lãng quên này, một phần là do ông đã sống ở thời những chế độ đó vẫn chưa được hình thành.
Mike Davis viết trong cuốn Sự tàn sát khủng khiếp cuối thời Victoria (Late Victorian Holocausts) về hàng chục triệu người Ấn Độ, châu Phi, Trung Quốc, Brazil, Triều Tiên, Nga và rất nhiều nước khác chết do nạn đói, hạn hán và dịch bệnh mà hoàn toàn có thể tránh được cuối thế kỷ XIX. Phần nhiều những thảm họa này là kết quả của tín điều thị trường tự do, ví dụ như giá ngũ cốc tăng vọt làm cho lương thực vượt ra ngoài khả năng của những người bình thường. Nhưng tất cả những điều cổ quái đó không phải cổ xưa như dưới thời Nữ hoàng Victoria. Trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ XX, số người trên thế giới sống dưới 2 đôla một ngày đã tăng lên đến gần
một trăm triệu[1]. Ngày nay, cứ ba trẻ em ở Anh thì có một trẻ em sống dưới mức đủ ăn, trong khi những người quản lý ngân hàng lại ngúng nguẩy khi mức thưởng hàng năm của họ giảm xuống còn một triệu bảng.
Nói đúng ra thì chủ nghĩa tư bản cũng mang lại cho chúng ta những hàng hóa quý giá bên cạnh những thứ ghê tởm. Không kể tầng lớp trung lưu mà Các Mác ca ngợi hết lời, chúng ta có lẽ sẽ thiếu đi một di sản về tự do, dân chủ, quyền công dân, chủ nghĩa nam nữ bình quyền, nền cộng hòa, tiến bộ khoa học và nhiều thứ khác nữa, cũng như thiếu một lịch sử về đình trệ kinh tế, bóc lột sức lao động, chủ nghĩa phát xít, chiến tranh đế quốc và tài tử điện ảnh Mel Gibson. Nhưng cái được gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa cũng có những thành tựu của nó. Trung Quốc và Liên Xô đã đưa những công dân của mình ra khỏi lạc hậu kinh tế để đến với thế giới công nghiệp hiện đại, nhưng lại bằng cái giá khủng khiếp về con người; và cái giá lớn như vậy một phần là do thái độ thù địch của phương Tây tư bản chủ nghĩa. Thái độ thù địch đó cũng đã buộc Liên Xô phải chạy đua vũ trang, làm cho nền kinh tế ốm yếu của nước này lụn bại hơn, và cuối cùng sụp đổ.
Nhưng trong khi đó, cùng với các nước vệ tinh của mình, Liên Xô đã cố gắng đạt được nhà ở, nhiên liệu, giao thông và văn hóa giá rẻ, việc làm đầy đủ và những dịch vụ xã hội ấn tượng cho một nửa dân số châu Âu, cũng như một mức độ công bằng và đầy đủ về vật chất mà không một quốc gia nào trong số đó trước đây có thể sánh được. Nước Đông Đức cộng sản có thể kiêu hãnh về một trong những hệ thống chăm sóc trẻ em tốt nhất thế giới. Liên Xô giữ một vai trò quan trọng trong việc chống lại chủ nghĩa phát xít tàn bạo, đồng thời làm lung lay các cường quốc thực dân. Nó cũng tăng cường sự đoàn kết giữa các công dân của mình mà các quốc gia phương Tây dường như chỉ có thể giành được khi họ giết chóc người bản xứ ở những mảnh đất khác. Nói đúng ra thì tất cả những cái đó không thay thế được tự do, dân chủ và rau tươi trong cửa hàng, nhưng không thể bỏ qua những giá trị đó. Khi mà tự do và dân chủ cuối cùng là cứu cánh cho khối Xô viết, thì họ đã làm điều này dưới hình thức một liệu pháp sốc kinh tế, một dạng cướp ngày được gọi một cách mĩ miều là tư nhân hóa, khiến hàng chục triệu người thất nghiệp, nghèo đói và bất bình đẳng tăng nhanh một cách lạ lùng, dịch vụ chăm sóc trẻ em miễn phí biến mất, phụ nữ bị mất quyền bình đẳng, mạng lưới phúc lợi xã hội sụp đổ, những thứ mà trước đây đã phục vụ rất tốt cho những đất nước này.
Mặc dù vậy, thành tựu của chủ nghĩa cộng sản không thể bù đắp được những mất mát. Có thể, một hình thức nhà nước độc tài nào đó là không thể tránh khỏi trong tình trạng tồi tệ ở Liên Xô thời kỳ đầu; nhưng điều này không nhất thiết phải có chủ nghĩa Stalin hay bất kỳ cái gì tương tự. Nói tóm
lại, chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa Stalin là những thể nghiệm chắp vá đau xót, khiến chính ý tưởng về chủ nghĩa xã hội trở nên xấu xa đối với tất cả những người hưởng lợi nhất từ chủ nghĩa xã hội trên khắp thế gian. Nhưng còn chủ nghĩa tư bản thì sao? Như tôi đã viết, tình trạng thất nghiệp ở phương Tây đã lên tới hàng triệu và đang tăng lên một cách nhanh chóng. Những nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã không bị nổ tan tành chỉ nhờ chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đôla từ những người công dân đang gặp khốn khó của nó. Giới ngân hàng và tài chính, những người đã đưa hệ thống tài chính thế giới đến bên bờ vực thẳm không còn nghi ngờ gì nữa, đang xếp hàng để phẫu thuật thẩm mỹ bởi họ sợ rằng sẽ bị những người dân đang tức giận đi tìm và đánh cho bầm dập.
Đúng là có những lúc chủ nghĩa tư bản rất hiệu quả, với cái nghĩa là nó đã đem lại thịnh vượng cho nhiều khu vực trên thế giới. Nhưng cũng giống như Mao và Stalin, nó làm được điều đó bằng cái giá kinh hoàng của nhân loại. Đó không chỉ là nạn diệt chủng, đói nghèo, chủ nghĩa đế quốc, và buôn bán nô lệ. Chế độ này cũng đã cho thấy rằng nó không có khả năng duy trì sự thịnh vượng mà không đi cùng với sự tước đoạt thậm tệ. Đúng là điều này có thể không ảnh hưởng nhiều về lâu dài, nhưng giờ đây con đường tư bản chủ nghĩa đang đe dọa phá hủy toàn bộ hành tinh này. Một học giả phương Tây xuất chúng đã mô tả sự biến đổi khí hậu như là “sự thất bại tồi tệ nhất trong lịch sử của thị trường”[2].
Chính Các Mác cũng không bao giờ hình dung chủ nghĩa xã hội có thể hoàn thành trong tình trạng nghèo khổ cùng cực. Một công trình như vậy đòi hỏi sự diệu kỳ giống như phát minh ra Internet vào thời Trung cổ. Trước Stalin, không một người theo chủ nghĩa Mác nào có thể hình dung điều này là khả thi, kể cả Lê-nin, Trotsky và những người lãnh đạo Bôn-sê-vich khác. Bạn không thể phân chia lại của cải có lợi cho tất cả mọi người nếu gần như chẳng có gì đáng giá để phân chia lại cả. Bạn cũng không thể xóa bỏ các tầng lớp xã hội trong tình trạng khan hiếm, bởi vì những mâu thuẫn nảy sinh khi phần thặng dư vật chất quá ít ỏi không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người chắc chắn sẽ làm nảy sinh thêm mâu thuẫn. Như Các Mác đã bình luận trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, kết quả của một cuộc cách mạng trong điều kiện như thế sẽ dễ dàng lặp lại “một công việc bẩn thỉu cũ rích”. Tất cả những gì bạn nhận được là sự khan hiếm được xã hội hóa. Nếu bạn cần tích lũy vốn từ vạch xuất phát, thì tuy thô bạo, nhưng cách hiệu quả nhất để làm được là thông qua động cơ vì lợi nhuận. Sự ham muốn tư lợi sẽ có khả năng tích lũy tiền của với một tốc độ nhanh chóng, mặc dù nó đồng thời có xu hướng tích tụ nghèo đói.
Không một người theo chủ nghĩa Mác nào từng nghĩ đến khả năng hoàn thành chủ nghĩa xã hội chỉ trong một đất nước. Phong trào phải mang tính
quốc tế hoặc không bao giờ có. Đây là một khẳng định duy vật thiết thực chứ không hề duy tâm. Nếu một quốc gia theo chủ nghĩa xã hội không giành được sự ủng hộ của quốc tế trong một thế giới mà sản xuất được chuyên môn hóa và có sự phân công giữa các quốc gia khác nhau, thì nó không thể thu hút được nguồn tài nguyên trên toàn thế giới cần thiết để khắc phục sự khan hiếm. Lượng của cải sản xuất ra của một nước đơn lẻ là không đủ. Khái niệm lạ lùng về chủ nghĩa xã hội ở một nước được Stalin sáng tạo ra vào những năm 1920 gần như là sự hợp lý hóa đầy nhạo báng trước một thực tế rằng những quốc gia khác đã không thể giúp đỡ Liên Xô. Chính Các Mác cũng không hề biện hộ cho điều đó. Tất nhiên, những cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa phải diễn ra ở đâu đó. Nhưng chúng không thể hoàn thành trong biên giới một quốc gia. Việc đánh giá chủ nghĩa xã hội bằng kết quả của nó trong một quốc gia tách biệt giống như kết luận về cả loài người từ một nghiên cứu bệnh nhân tầm thần ở Kalamazoo.
Xây dựng một nền kinh tế từ những mức rất thấp là một nhiệm vụ vô cùng vất vả và dễ nản lòng. Con người khó có thể tự nguyện cam chịu cực khổ. Vì vậy, nếu công trình này không được tiến hành từ từ dưới sự điều hành dân chủ và phù hợp với giá trị xã hội chủ nghĩa, thì một nhà nước độc tài sẽ xuất hiện cưỡng bức những công dân của mình phải làm những việc mà họ không tự nguyện thực hiện. Sự quân sự hóa lao động ở Nga Bôn-sê vich chính là như vậy. Nên một cách hết sức châm biếm, kết quả sẽ làm suy yếu kiến trúc thượng tầng chính trị của chủ nghĩa xã hội (nền dân chủ phổ biến, chế độ tự trị thực sự) trong nỗ lực xây dựng nền móng kinh tế của nó. Điều đó giống như được mời đến một bữa tiệc chỉ để rồi phát hiện ra rằng bạn không chỉ phải nướng bánh và ủ bia mà còn phải đào móng xây nhà. Bạn sẽ chẳng còn thời gian cho vui thú nữa.
Một cách lý tưởng thì chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải có được những người dân có kỹ năng, được giáo dục tốt, hiểu biết về chính trị, những thể chế dân sự phát triển; những công nghệ hiện đại; những truyền thống tự do văn minh và sự thích nghi với nền dân chủ. Không cái nào trong số này có thể đạt được nếu bạn thậm chí không có khả năng sửa chữa đường giao thông của mình, hoặc bạn không có chính sách bảo hiểm để chống lại bệnh tật hay nạn đói ngoài duy nhất một con lợn nuôi nhốt trong chuồng. Những quốc gia có lịch sử là thuộc địa càng có khả năng bị mất những lợi ích mà tôi vừa liệt kê, vì những đế quốc thực dân không có thực tâm muốn truyền bá các quyền tự do cơ bản của công dân hay các thể chế dân chủ cho những nước thuộc địa của họ.
Như Các Mác đã tuyên bố, chủ nghĩa xã hội cũng đòi hỏi giảm ngày làm việc – một phần để cung cấp thời gian rảnh rỗi cho mọi người đáp ứng nhu
cầu cá nhân, một phần nữa để tạo ra thời gian cho vấn đề tự quản chính trị và kinh tế. Bạn không thể làm điều này nếu người dân không có giầy đi, và việc phân chia giầy đi cho hàng triệu công dân chắc chắn đòi hỏi phải có một chính phủ quan liêu tập trung. Nếu quốc gia của bạn đang bị xâm lược bởi những cường quốc tư bản thù địch, như nước Nga trong cách mạng Bôn-sê vích, một chính phủ chuyên quyền có vẻ là không tránh khỏi. Nước Anh trong Thế chiến thứ hai không phải là nước chuyên chế nhưng nó chẳng hề là một nước tự do, mà là một nước chẳng ai mong chờ.
Vì vậy, để đi lên xã hội chủ nghĩa, bạn cần tương đối khá giả, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Không một người theo chủ nghĩa Mác nào từ Các Mác và Ph.Ănghen đến V.I.Lê-nin và Trotsky từng mơ về một thứ nào khác. Hoặc nếu bản thân bạn không sung túc, thì phải có một người hàng xóm đồng cảm sẵn sàng chia sẻ nguồn tài nguyên vật chất để giúp đỡ bạn. Trong trường hợp những người Bôn-sê-vích, điều này có nghĩa là những người hàng xóm (cụ thể là Đức) cũng có những cuộc cách mạng riêng. Nếu tầng lớp lao động của những nước này có thể lật đổ được những ông chủ tư bản của họ và giành lấy những năng lực sản xuất, thì họ có thể dùng những nguồn tài nguyên đó để cứu nhà nước công nhân đầu tiên khỏi bị chìm nghỉm. Đây không phải là một kiến nghị bất khả thi. Châu Âu lúc đó đang hừng hực hy vọng về một cuộc cách mạng, khi những hội đồng đại biểu cho công nhân và quân nhân (hay còn gọi là Xô viết) bất ngờ xuất hiện ở nhiều thành phố như Becslin, Vác-xa-va, Viên, Munich và Riga. Khi những cuộc nổi dậy này bị đàn áp, Lê-nin và Trotsky biết rằng cuộc cách mạng của họ đã rơi vào tình cảnh khó khăn khủng khiếp.
Không phải là việc xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể bắt đầu trong những điều kiện khốn khó. Đúng hơn là khi không có những nguồn tài nguyên vật chất, nó sẽ biến thành một bức tranh biếm họa kỳ cục về chủ nghĩa xã hội được biết đến là chủ nghĩa Stalin. Cuộc cách mạng Bôn-sê-vích sớm nhận ra nó đã bị bao vây bởi quân đội của những đế chế phương Tây, đồng thời bị đe dọa bởi lực lượng phản cách mạng, đói nghèo thành thị và một cuộc nội chiến đẫm máu. Nó bị bỏ lại giữa một đại dương mênh mông những người nông dân thù địch, những người miễn cưỡng giao nộp số thặng dư khó khăn mới kiếm dược của mình cho những thị trấn đói kém dưới sự đe dọa của họng súng. Với một cơ sở tư bản chủ nghĩa eo hẹp, trình độ sản xuất vật chất thấp kém thảm hại, những dấu vết hiếm hoi của thể chế dân sự, tầng lớp lao động bị tàn sát và kiệt quệ, nông dân nổi dậy và bộ máy quan liêu hống hách sánh ngang với thời Nga hoàng, cuộc cách mạng gần như gặp rắc rối lớn ngay từ thuở ban đầu. Cuối cùng thì những người Bôn-sê-vích cũng dẫn dắt được những người dân đói khổ, chán nản, mệt mỏi vì chiến tranh của mình đến với hiện đại trước họng súng đe dọa. Nhiều người công nhân quốc
phòng có đầu óc chính trị nhất đã hy sinh trong cuộc nội chiến do phương Tây hậu thuẫn, để lại cho Đảng Bôn-sê-vích một nền tảng xã hội thoái hóa. Đảng đó đã nhanh chóng chiếm đoạt Xô-viết của công nhân, cấm đoán hệ thống luật pháp và báo chí độc lập. Nó đàn áp những người bất đồng quan điểm chính trị và các đảng đối lập, bầu cử bị thao túng và lao động được quân sự hóa. Chương trình chống chủ nghĩa xã hội tàn nhẫn này đã dẫn đến nội chiến, làm lan rộng nạn đói và ngoại xâm. Nền kinh tế của Nga bị phá sản, cơ cấu xã hội của nước này bị tan rã. Trong sự trớ trêu đến bi thảm đánh dấu toàn bộ thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội đã chứng minh khả năng thực hiện thấp nhất ở nơi cần nó nhất.
Nhà sử học Issac Deutscher đã mô tả tình hình với tài hùng biện xuất sắc của mình. Tình hình nước Nga vào lúc đó “là nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội duy nhất cho đến nay được thực hiện trong những điều kiện tồi tệ nhất, không cần đến những lợi ích của sự tăng cường phân công lao động quốc tế, không cần đến cả những truyền thống văn hóa cổ xưa và phức tạp có tầm ảnh hưởng lớn, trong một môi trường nghèo nàn đáng kinh ngạc về vật chất và văn hóa, nguyên thủy và tàn nhẫn đến nỗi làm hỏng cả tinh thần đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội”[3]. Nó khiến một nhà phê bình chủ nghĩa Mác trơ trẽn nhất phải thừa nhận rằng chẳng có cái nào trong số trên là thích đáng vì bất luận thế nào thì chủ nghĩa Mác cũng chỉ là một tín điều độc đoán. Nếu mai này nó được thực hiện ở nước Anh, thì chẳng mấy chốc sẽ có nhan nhản những trại lao động ngay tại thị trấn lịch sử Dorking ở phía nam London.
Như chúng ta thấy, chính Các Mác là nhà phê bình những giáo điều cứng nhắc, khủng bố quân sự, đàn áp chính trị và quyền lực nhà nước độc tài. Ông cho rằng, những đại biểu chính trị cần có trách nhiệm với các cử tri của mình. Ông cũng phê phán quan điểm chính trị nhà nước tập trung của Đảng Dân chủ Xã hội Đức đương thời với ông. Ông yêu cầu tự do ngôn luận và tự do dân sự, ông ghê sợ sự hình thành giai cấp vô sản thành thị theo kiểu cưỡng bức (theo ông trường hợp này là Anh chứ không phải Nga), và cho rằng quyền sở hữu chung ở nông thôn nên là một quá trình tự nguyện hơn là ép buộc. Là một người nhận ra chủ nghĩa xã hội không thể phát triển trong những điều kiện nghèo khó xơ xác, chắc là ông có thể hiểu chính xác vì sao cách mạng Nga lại đi đến thất bại.
Trong thực tế, thật là nghịch lý khi mà chủ nghĩa Stalin lại cung cấp bằng chứng cho tính hợp lý của chủ nghĩa Mác chứ không phải bôi nhọ tác phẩm của Các Mác. Nếu bạn muốn có một lời giải thích thuyết phục về quá trình chủ nghĩa Stalin xuất hiện như thế nào, bạn phải tìm hiểu chủ nghĩa Mác. Chỉ lên án đạo đức của kẻ hung bạo là chưa đủ. Chúng ta cần biết nó nảy sinh ở những điều kiện cụ thể nào, hoạt động ra sao và sẽ thất bại như thế
nào. Những luồng tư tưởng chính thống của chủ nghĩa Mác sẽ cho biết những kiến thức này. Những người Mác-xít như vậy, mà nhiều người trong số đó ủng hộ Leon Trotsky hay nhánh tự do của chủ nghĩa xã hội, khác với những người theo chủ nghĩa tự do phương Tây ở một khía cạnh quan trọng: sự phê phán của họ đối với cái được gọi là xã hội cộng sản vững chắc hơn rất nhiều. Họ không tự hài lòng với những mong ước khẩn thiết của mình về nền dân chủ hay dân quyền nhiều hơn. Thay vào đó, họ kêu gọi đánh đổ toàn bộ chính quyền tàn bạo, đòi hỏi chính xác như những người xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, họ đã đưa ra những đòi hỏi như vậy gần như từ khi Stalin lên cầm quyền. Cùng lúc đó, họ cảnh báo rằng nếu chế độ cộng sản cần phải sụp đổ thì chủ nghĩa tư bản sẽ chầu chực để nhảy vào vồ lấy nó ngay giữa đống đổ nát đó. Leo Trotsky đã tiên đoán chính xác kết cục của Liên Xô và điều đó được chứng minh là đúng hai mươi năm trước.
Tưởng tượng rằng bộ máy tư bản chủ nghĩa hơi ngông cuồng tìm cách biến những bộ lạc cận đại thành một nhóm doanh nhân không ngừng học hỏi, nắm vững công nghệ, thành thạo về quan hệ công chúng và kinh tế thị trường tự do, tất cả chỉ trong một thời gian ngắn. Liệu một thử nghiệm chắc chắn không thành công đó có phải là một lời buộc tội chính đáng đối với chủ nghĩa tư bản? Chắc chắn là không. Suy nghĩ như vậy cũng vô lý giống như tuyên bố rằng nên giải tán phong trào nữ hướng đạo sinh vì họ không thể giải quyết được một số vấn đề gian lận trong vật lí lượng tử. Những người theo chủ nghĩa Mác không tin rằng truyền thống tự do hùng mạnh từ Thomas Jefferson đến John Stuart Mill sẽ bị thủ tiêu bởi sự tồn tại những nhà tù bí mật của CIA dùng để tra tấn những người Hồi giáo, mặc dù những nhà tù như vậy là một phần trong những chính sách chính trị của xã hội tự do ngày nay. Thế nhưng, những nhà phê bình chủ nghĩa Mác không sẵn sàng thừa nhận rằng xét xử công khai và khủng bố dân thường không phải là sự bác bỏ chủ nghĩa tư bản.
Tuy nhiên, vẫn có lý do nữa khiến một số người nghĩa chủ nghĩa Mác không hiệu quả. Cứ cho rằng bạn xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện thịnh vượng, làm sao bạn có thể điều hành một hệ thống kinh tế hiện đại phức tạp nếu không có thị trường? Câu trả lời của rất nhiều người Mác-xít là không cần phải lo. Thị trường theo quan điểm của họ, là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Cái được gọi là chủ nghĩa xã hội thị trường dự đoán trước được tương lai mà ở đó các phương thức sản xuất được tập thể sở hữu, nhưng hợp tác xã tự quản sẽ cạnh tranh với nhau trên thị trường[4]. Theo cách này, một số điểm ưu việt của thị trường sẽ được giữ lại và những nhược điểm sẽ bị loại bỏ. Ở cấp độ từng doanh nghiệp, hợp tác sẽ đảm bảo sự gia tăng hiệu quả, vì có bằng chứng cho thấy rằng hiệu quả của hình thức kinh doanh này hầu như luôn bằng với kinh doanh tư bản chủ
nghĩa và thậm chí còn hơn. Còn ở cấp độ nền kinh tế nói chung, cạnh tranh bảo đảm rằng những vấn đề thông tin, phân phối và động lực đi cùng với mô hình kế hoạch tập trung truyền thống của chủ nghĩa Stalin sẽ không nảy sinh.
Một số người Mác-xít khẳng định chính Các Mác là một nhà xã hội chủ nghĩa thị trường, ít nhất với nghĩa là ông tin rằng thị trường sẽ còn rơi rớt lại trong thời kỳ quá độ sau cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ông cũng cho rằng thị trường vừa có tính giải phóng cũng vừa có tính bóc lột, giúp con người thoát khỏi sự phụ thuộc vào vua chúa và chủ đất. Thị trường làm sáng tỏ những bí ẩn của các quan hệ xã hội, bóc trần thực tế ảm đạm của những mối quan hệ đó. Các Mác đã thích thú quan điểm này nhiều đến nỗi mà triết gia Hannah Arendt từng mô tả chương mở đầu của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản là “sự tán dương hay nhất từng thấy về chủ nghĩa tư bản”[5]. Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội thị trường cũng chỉ ra rằng, thị trường không hề là của riêng chủ nghĩa tư bản. Trotsky cũng ủng hộ thị trường (một vài môn đệ của ông có thể bất ngờ khi nghe nói vậy), dù chỉ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và trong sự kết hợp với kế hoạch hóa kinh tế. Ông cho rằng, thị trường là cần thiết để kiểm tra tính thỏa đáng và tính thích hợp của kế hoạch hóa, bởi “hạch toán kinh tế là không thể thực hiện nếu thiếu quan hệ thị trường”[6]. Cùng với nhóm đối lập cánh tả Xô-viết, ông là một nhà phê bình mạnh mẽ cái được gọi là nền kinh tế chỉ huy.
Chủ nghĩa xã hội thị trường thủ tiêu sở hữu cá nhân, giai cấp xã hội và sự bóc lột. Nó cũng đặt quyền lực kinh tế vào tay những người sản xuất thực sự. Như vậy chủ nghĩa xã hội thị trường là sự tiến bộ đáng mừng so với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, đối với một số người theo chủ nghĩa Mác, nó vẫn còn tồn tại quá nhiều đặc điểm không thể chấp nhận được của kinh tế tư bản chủ nghĩa. Dưới chế độ chủ nghĩa xã hội thị trường sẽ vẫn có sản xuất hàng hóa, bất bình đẳng, thất nghiệp và sự chao đảo của thị trường vượt quá tầm kiểm soát của con người. Làm thế nào để công nhân không bị dễ dàng biến thành nhà tư bản tập thể, luôn tối đa hóa lợi nhuận của họ, giảm bớt chất lượng, phớt lờ nhu cầu xã hội và cố gắng bảo vệ chủ nghĩa tiêu dùng để không ngừng tích lũy làm giàu? Làm sao người ta có thể tránh được chủ nghĩa ngắn hạn đã ăn sâu bén rễ của thị trường, luôn có thói quen phớt lờ tòan cảnh bức tranh xã hội và những tác động phản xã hội dài hạn bởi những quyết định manh mún của chính thị trường? Giáo dục và sự kiểm soát của nhà nước sẽ giảm bớt những mối nguy này, nhưng thay vào đó, một số người theo Chủ nghĩa Mác lại trông chờ vào một nền kinh tế không theo kế hoạch tập trung mà cũng không bị thị trường chi phối[7]. Theo mô hình này, tài nguyên sẽ được phân chia theo sự dàn xếp giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng, các nhà môi trường học và các bên liên quan khác, trong mạng lưới
quan hệ gồm các cơ quan làm việc, khu dân cư sinh sống và hội đồng người tiêu dùng. Những vấn đề rộng lớn của nền kinh tế bao gồm những quyết định về phân phối tài nguyên nói chung, tỷ lệ đầu tư và phát triển, năng lượng, vận tải và những chính sách sinh thái học sẽ được giải quyết bởi những hội đồng đại biểu ở cấp địa phương, khu vực hay quốc gia. Những quyết định chung này, chẳng hạn như phân bổ nguồn lực, khi đó sẽ được chuyển giao xuống cấp vùng và địa phương, là nơi mà những kế hoạch chi tiết hơn sẽ tiếp tục được thực hiện. Ở mỗi giai đoạn, tranh cãi công khai về những kế hoạch kinh tế và chính sách thay thế là rất quan trọng. Theo cách này, chúng ta sản xuất cái gì và như thế nào cần được xác định rõ bởi nhu cầu xã hội hơn là lợi nhuận cá nhân. Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, chúng ta bị tước quyền quyết định xem có nên xây thêm bệnh viện hay sản xuất thêm ngũ cốc cho bữa sáng. Còn dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền tự do này thường xuyên được sử dụng.
Quyền hành của những hội đồng này có thể được thông qua bởi bầu cử dân chủ từ dưới lên hơn là từ trên xuống. Những cơ quan được bầu cử một cách dân chủ này đại diện cho mỗi nhánh của thương mại hoặc sản xuất sẽ đàm phán với một hội đồng kinh tế quốc gia để đạt được thỏa thuận về những quyết định đầu tư. Giá cả không phải được được quyết định từ cấp trung ương mà bằng những đơn vị sản xuất dựa trên cơ sở của nguồn đầu vào từ người tiêu dùng, người sử dụng, nhóm lợi ích... Một số người ủng hộ cái được gọi là nền kinh tế đồng tham gia này chấp nhận một hình thức kinh tế xã hội chủ nghĩa kết hợp: những hàng hóa thiết yếu đối với cộng đồng (như lương thực, y tế, thuốc men, giáo dục, vận tải, nằng lượng, nhu yếu phẩm, thể chế tài chính, truyền thông và những thứ tương tự...) cần nằm trong sự kiểm soát dân chủ công khai, vì những người vận hành những hàng hóa này thường có hành vi phản xã hội nếu họ đánh hơi thấy cơ hội kiếm lợi từ việc này. Tuy nhiên, những mặt hàng ít thiết yếu hơn về mặt xã hội (những mặt hàng tiêu dùng, những sản phẩm xa xỉ) có thể để lại cho sự vận động của thị trường. Một số người theo chủ nghĩa xã hội thị trường cho rằng toàn bộ hệ thống này quá phức tạp khó có thể thực hiện được. Như Oscar Wilde đã từng đề cập, chủ nghĩa xã hội rắc rối ở chỗ nó chiếm mất quá nhiều buổi tối. Tuy nhiên, người ta ít ra cũng cần kể đến vai trò của công nghệ thông tin hiện đại trong việc tra dầu bánh xe cho một hệ thống như thế. Ngay cả cựu Phó chủ tịch Procter & Gamble cũng thừa nhận rằng nó khiến sự tự quản trong lao động trở thành khả thi[8]. Bên cạnh đó, Pat Devine nhắc chúng ta nhớ lại đã phải mất bao lâu để có được tổ chức và quản lý tư bản chủ nghĩa[9]. Không một lý do rõ ràng nào để nói xã hội chủ nghĩa sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Một vài người ủng hộ mô hình đồng tham gia cho rằng mọi người cần
được trả công như nhau với cùng một lượng công việc, bất kể sự khác biệt về tài năng, đào tạo và nghề nghiệp. Như Michael Albert nói: “Người bác sĩ làm việc trong một môi trường thuận lợi với những điều kiện thoải mái thì kiếm được nhiều hơn người công nhân làm việc trong môi trường ồn ào, thiếu an toàn, nhàm chán và vất vả, bất chấp mỗi người đã làm việc vất vả như thế nào trong bao lâu”[10]. Trong thực tế, có nhiều người ủng hộ việc trả lương những người làm công việc nhàm chán, nặng nhọc, dơ bẩn và nguy hiểm nhiều hơn những bác sĩ hoặc học giả... Rất nhiều công việc bẩn thỉu và nguy hiểm này có lẽ được thực hiện bởi những cựu thành viên của gia đình hoàng tộc. Chúng ta cần thay đổi lại các ưu tiên của chúng ta.
Vì tôi vừa mới đề cập đến truyền thông như một sự chín muồi đối với quyền sở hữu công, chúng ta nên xem đây là trường hợp điển hình. Hơn nửa thế kỷ trước, trong một cuốn sách xuất sắc có nhan đề là Truyền thông[11], Raymond Williams đã vạch ra một kế hoạch xã hội chủ nghĩa cho giới nghệ thuật và truyền thông, một mặt phản đối sự kiểm soát về nội dung của chính phủ, mặt khác bác bỏ động cơ giành lợi nhuận độc quyền. Thay vào đó, những người cộng tác tích cực trong lĩnh vực này tự kiểm soát được cách thức biểu cảm và giao tiếp của mình. “Những nhà máy” thực sự của nghệ thuật và truyền thông – đài phát sóng, phòng hòa nhạc, mạng lưới thư viện, rạp hát, tòa soạn báo... sẽ thành sở hữu chung (dưới nhiều dạng thức), và ban quản lý sẽ trao lại quyền cho những đại biểu dân chủ. Họ bao gồm tất cả mọi người và những đại diện của giới truyền thông hoặc các nghệ sĩ.
Do vậy, những ủy ban hoàn toàn độc lập với chính phủ này sẽ có trách nhiệm trao nguồn tài nguyên công cộng và “cho thuê” những cơ sở vật chất thuộc quyền sở hữu của xã hội cho cá nhân các nhà hoạt động hay cho những công ty tự quản độc lập và dân chủ của diễn viên, nhà báo, nhạc sĩ... Những người này có thể tự do làm việc mà không phải chịu sự kiểm soát của nhà nước hay sức ép méo mó của thị trường. Chúng ta có thể không còn phải chứng kiến cảnh hàng đống kẻ hám danh hám lợi, thông qua những kênh thông tin riêng của họ, ra lệnh cho công chúng phải tin tưởng vào những ý kiến vụ lợi của bản thân họ và chính phủ mà họ ủng hộ, và còn nhiều thứ khác nữa. Chúng ta biết rõ rằng, chủ nghĩa xã hội đã thiết lập lại chính mình khi chúng ta có khả năng nhìn lại vào sự hoài nghi tuyệt đối vào ý kiến cho rằng một nhóm tên côn đồ thương mại được quyền tự do thay đổi sai lạc tư tưởng của dân chúng bằng những quan điểm chính trị của người Nêanđéctan (Neanderthal) chỉ phục vụ không phải cái gì khác ngoài số tiền trong ngân hàng của họ.
Rất nhiều phương tiện truyền thông dưới chế độ tư bản chủ nghĩa lảng tránh những tác phẩm có tính đổi mới nhiều khó khăn hoặc gây tranh cãi bởi
vì chúng không mang lại lợi nhuận. Thay vào đó, họ chuyên về những chủ đề nhạt nhẽo, giật gân và định kiến mạnh mẽ. Ngược lại, truyền thông xã hội chủ nghĩa sẽ không cấm điều gì ngoại trừ Schoenberg, Racine và vô số kịch bản tác phẩm Tư bản của Các Mác. Sẽ có rất nhiều những rạp hát, đài truyền hình, tờ báo phổ thông. “Phổ thông” ở đây hoàn toàn không có nghĩa là “tầm thường”. Ai cũng biết Nelson Mandela nhưng ông đâu có tầm thường. Rất nhiều người bình thường đọc những tập san chuyên môn đầy rẫy những biệt ngữ không thể hiểu nổi đối với người bên ngoài ngành. Chỉ vì những tập san này thường nói về việc câu ca, nông cụ hay sự sinh sản của chó hơn là về thẩm mỹ học hoặc khoa nội tiết. Sự phổ thông sẽ trở thành hào nhoáng tầm thường khi giới truyền thông cảm thấy cần phải nhanh chóng chiếm lấy thị trường. Nhu cầu này chủ yếu là do động cơ thương mại thúc đẩy.
Không còn nghi ngờ gì nữa, những người ủng hộ xã hội chủ nghĩa sẽ tiếp tục tranh cãi về chi tiết của một nền kinh tế hậu tư bản chủ nghĩa. Hiện tại chưa ai đưa ra được một mô hình hoàn hảo. Người ta có thể đối chiếu sự thiếu hoàn chỉnh này với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, là cái đang hoạt động với một trật tự không chê vào đâu được và chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm về đói kém, lãng phí hay đình trệ dù là ở mức độ nhẹ nhất. Nền kinh tế này thừa nhận trách nhiệm với một số mức độ thất nghiệp quá cao, nhưng những quốc gia tư bản chủ nghĩa hàng đầu thế giới đã tìm ra được một giải pháp tài tình cho khiếm khuyết này. Ở nước Mỹ ngày nay, hơn một triệu người chắc đang đi tìm việc làm nếu họ không phải ngồi tù.
[1] Xem Joseph Stiglitz: Toàn cầu hóa và những bất bình đối với toàn cầu hóa (Globalisation and Its Descontents), London, 2002, p.5.
[2] Slavoj Zizek: First as Tragedy, Then as Farce, London, 2009, p.91. [3] Issac Deutscher: The Prophet Armed: Trotsky 1879–1921, London, 2003, p.373.
[4] Chẳng hạn xem, Alec Nove: The Economics of Feasible Socialism, London, 1983, David Schweickart,Against Capitalism, Cambridge, 1993, và Bertell Ollman (ed.), Market Socialism: The Debate Among Socialists(New York and London, 1998). Để thấy sự bảo vệ mang tính triết học hơn về chủ nghĩa xã hội thị trường, tham khảo thêm David Miller: Market, State and Community: The Theoretical Foundations of Market Socialism, Oxford, 1989.
[5] Melvin Hill (Chủ biên): Hannah Arendt: The Recovery of the Public World, New York, 1979, pp.334-335.
[6] Được Robin Blackburn trích dẫn trong Fin de Sìele: Socialism after the Crash, New Left Review, no.85 (January/February 1991), p.29. [7] Xem Pat Devin: Democracy and Economic Planning, Cambridge,
1988; David Mc Nally: Against the Market, London, 1993, và Michael Albert: Parecon: Life After Capitalism, London, 2003. Tham khảo thêm tổng kết về vấn đề này trong Alex Callinicos: An Anti-Capitalist Manifesto, Cambridge, 2003, Ch.3.
[8] Tham khảo thêm Ernest Mandel: The Myth of Market Socialism, New Left Review, no.169 (May/June 1988), p.109.
[9] Devine: Democracy and Economic Planning, pp.253, 265-266. [10] Albert, Parecon, p.59.
[11] Raymond Williams: Communication, Harmondsworth, 1962
CHƯƠNG 3
CHỦ NGHĨA MÁC LÀ THUYẾT QUYẾT ĐỊNH LUẬN?
PHẢN BÁC:
Chủ nghĩa Mác là một hình thức của thuyết quyết định luận. Nó coi con người chỉ đơn thuần là công cụ của lịch sử, và vì thế tách con người ra khỏi tự do cá nhân và tính cá thể. Các Mác tin vào những quy luật tất yếu của lịch sử, những quy luật này tự vận hành bằng sức mạnh không ai có thể ngăn cản. Chế độ phong kiến nhất định phải sinh ra chủ nghĩa tư bản, và chủ nghĩa tư bản sẽ tất yếu dẫn đến chủ nghĩa xã hội. Học thuyết về lịch sử của Các Mác chỉ là một phiên bản thế tục của thuyết Định mệnh. Nó công kích sự tự do và phẩm giá của con người, đúng như những gì đã xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa.
BIỆN GIẢI
Chúng ta bắt đầu bằng câu hỏi: Điều gì khác biệt ở chủ nghĩa Mác? Điều gì có ở chủ nghĩa Mác mà không có ở các học thuyết chính trị khác? Rõ ràng đó không phải là ý niệm về cách mạng vốn đã có từ rất lâu trước công trình của Các Mác. Nó cũng không phải là ý niệm về chủ nghĩa cộng sản vốn có nguồn gốc từ cổ xưa. Các Mác không phát minh ra chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Phong trào giai cấp công nhân ở châu Âu đã đạt tới tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong khi bản thân Các Mác vẫn đang là một người theo chủ nghĩa tự do. Trên thực tế khó có thể tìm ra một đặc tính chính trị duy nhất nào trong tư tưởng của ông. Chắc chắn, đó không phải là ý tưởng về đảng cách mạng đã đến với chúng ta từ cuộc Cách mạng Pháp. Dù sao thì Các Mác chưa đề cập nhiều về vấn đề này.
Thế còn khái niệm về giai cấp xã hội thì sao? Cũng không phải, vì chính Các Mác hoàn toàn phủ nhận việc ông nghĩ ra khái niệm này. Đúng là Các Mác đã định nghĩa lại một cách tỉ mỉ toàn bộ khái niệm nhưng không phải là do ông tự nghĩ ra. Ông cũng không nghĩ ra ý niệm về giai cấp vô sản vốn rất quen thuộc với nhiều nhà tư tưởng thế kỷ XIX. Khái niệm của ông về sự tha hóa hầu hết đều xuất phát từ Hê-ghen. Khái niệm này cũng được nhà xã hội học lớn người Ai-Len và là người ủng hộ nam nữ bình quyền William Thompson nhắc đến từ trước. Chúng ta cũng sẽ thấy rằng, sau này Các Mác không phải là người duy nhất đưa vấn đề kinh tế trong đời sống xã hội lên hàng đầu. Ông tin tưởng vào một xã hội hợp tác tự do sản xuất được vận hành bởi chính những người sản xuất và cho rằng điều này chỉ có thể trở thành hiện thực bằng biện pháp cách mạng. Nhà xã hội học lớn của thế kỷ
XX, Raymond Williams, cũng nghĩ như vậy, nhưng ông không coi mình là người theo chủ nghĩa Mác. Rất nhiều người theo chủ nghĩa vô chính phủ, những nhà xã hội chủ nghĩa dân chủ và những người khác cũng tán thành quan điểm xã hội này nhưng lại kịch liệt phê phán chủ nghĩa Mác.
Có hai học thuyết chính nằm trong hệ tư tưởng của Các Mác. Một là, vai trò cơ bản của kinh tế trong đời sống xã hội. Hai là, ý niệm về sự kế tiếp nhau của phương thức sản xuất trong suốt quá trình lịch sử. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, cả hai khái niệm này đều không phải là sự sáng tạo của bản thân Các Mác. Vậy phải chăng cái riêng có của chủ nghĩa Mác không phải là giai cấp mà là đấu tranh giai cấp? Rõ ràng đây gần như là điểm cốt lõi trong tư tưởng của Các Mác nhưng nó cũng không phải là nguyên bản của ông cũng giống như chính khái niệm về giai cấp. Xin dẫn câu thơ về một chúa đất giàu có trong bài thơ Ngôi làng hoang vắng của Oliver Goldsmith:
“Chiếc áo choàng trùm chặt chân tay anh ta trong sự lười biếng nhung lụa,
Đã trùm chặt cả những cánh đồng đang lên xanh của láng giềng.”
Sự cân xứng và tính kinh tế của chính những dòng thơ cùng với sự tương phản cân đối nhẹ nhàng của chúng là trái ngược với sự lãng phí và mất cân bằng của nền kinh tế mà chúng miêu tả. Câu thơ rõ ràng nói về đấu tranh giai cấp. Cái áo choàng chặt chúa đất đang tước đoạt người làm thuê của ông ta. Hay những dòng thơ trong tác phẩm Comus của John Milton:
“Nếu mỗi người bây giờ cứ khát khao đòi hỏi
Nhưng chỉ có một phần chia sẻ nhỏ nhoi
Của một thứ xa hoa sang trọng
Mà giờ đây chất đống thừa thãi cho mấy người
Phúc lành may mắn phải được phân chia
Bằng những phần như nhau không thừa thãi.”
Những cảm nghĩ tương tự cũng được bi kịch Vua Lia thể hiện. Thực ra thì Milton đã lấy cắp một phần ý tưởng này từ Shakespeare. Voltaire tin rằng, người giàu béo múp míp trên xương máu những người nghèo, và rằng, sở hữu là trung tâm của mâu thuẫn xã hội. Jean-Jacques Rousseau, như ta sẽ thấy, cũng lập luận như vậy. Khái niệm về đấu tranh giai cấp không lẽ nào là sự riêng có của Các Mác, như chính bản thân ông cũng biết rất rõ.
Mặc dù vậy, đấu tranh giai cấp trở thành cực kỳ quan trọng đối với ông. Quan trọng đến nỗi mà trên thực tế, ông coi nó chính là sức mạnh chi phối
lịch sử nhân loại. Nó chính là động cơ hay động lực cho sự phát triển của loài người chứ không phải là một ý tưởng mà có lẽ cũng xuất hiện với John Milton. Trong khi nhiều nhà tư tưởng xã hội đã nhìn nhận xã hội loài người như một sự thống nhất hữu cơ, thì cái hình thành xã hội theo Các Mác là sự phân công. Nó được tạo nên bởi những lợi ích bất đồng nhau. Cơ sở lôgic của nó là những mâu thuẫn chứ không phải sự thống nhất. Ví dụ, vì lợi ích của mình giai cấp tư bản muốn giữ mức lương thấp, còn vì lợi ích của mình những người làm công ăn lương muốn đẩy nó lên cao.
Tuyên bố nổi tiếng của Các Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản rằng: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Dĩ nhiên ông không thể diễn tả điều này theo nghĩa đen. Nếu việc tôi đánh răng từ thứ tư tuần trước được tính là một phần của lịch sử, thì khó có thể nhìn nhận đó là vấn đề về đấu tranh giai cấp. Đứng co một chân trong trận đấu khúc côn cầu hay bị ám ảnh vô lý bởi loài chim cánh cụt thì chẳng liên quan gì đến đấu tranh giai cấp. Có lẽ “lịch sử” muốn nói tới những sự kiện quần chúng chứ không phải riêng tư như việc ai đó đánh răng. Nhưng vụ cãi vã ở quán rượu tối qua cũng đủ mang tính quần chúng. Vậy thì có lẽ lịch sử chỉ giới hạn ở những sự kiện quần chúng lớn. Nhưng theo định nghĩa của ai? Vậy thì làm thế nào đám cháy lớn thành Lonđon năm 1666 lại thành sản phẩm của đấu tranh giai cấp? Người ta sẽ coi là ví dụ về đấu tranh giai cấp nếu Che Guevara bị đụng xe, nhưng chỉ khi có một nhân viên CIA ngồi sau tay lái. Nếu không, nó cũng chỉ là một tai nạn. Câu chuyện về việc áp bức phụ nữ lồng khớp với lịch sử đấu tranh giai cấp, nhưng không chỉ là một khía cạnh của đấu tranh giai cấp. Điều tương tự xảy ra đối với thơ của Wordsworth hay Seamus Heaney. Đấu tranh giai cấp không thể bao hàm mọi thứ.
Có lẽ Các Mác không đưa ra lời tuyên bố của mình theo nghĩa đen. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, xét cho cùng, được dự định như một phần của tuyên truyền chính trị, và bởi vậy, đầy những nét văn hoa mĩ miều mang tính hùng biện. Mặc dù vậy, một câu hỏi quan trọng là thực tế có bao nhiêu tư tưởng Mác-xít bao hàm ở trong đó. Một số nhà Mác-xít dường như coi nó là Lý thuyết về vạn vật (Theory of Everything), nhưng, rõ ràng, không phải thế. Việc chủ nghĩa Mác chả có gì thú vị để nói về rượu Whisky mạch nha hay bản chất của vô thức, hương thơm quyến rũ của một bông hồng hay tại sao có một ít còn hơn không, không làm mất uy tín của nó. Nó không được dự định để trở thành một triết lý tổng quát. Nó không cho chúng ta biết chi tiết về sắc đẹp hay tình ái, hay về việc nhà thơ Yeats có được sự âm vang kỳ lạ trong những vần thơ của mình. Nó gần như không nói gì về tình yêu, cái chết và ý nghĩa cuộc sống. Nói cụ thể thì nó là một đại luận thuyết (grand narative) mô tả từ buổi bình minh của nền văn minh đến hiện tại và tương
lai. Nhưng cũng có nhiều đại luận thuyết khác bên cạnh chủ nghĩa Mác, như lịch sử của khoa học, hay tôn giáo, hay tình dục, cùng ảnh hưởng đến câu chuyện về đấu tranh giai cấp nhưng không thể quy về nó (những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại có chiều hướng cho rằng, hoặc là có một đại luận thuyết hoặc là chỉ là nhiều tiểu luận thuyết. Nhưng không phải trường hợp này). Vậy cho dù Các Mác đã suy nghĩ thế nào chăng nữa thì: “toàn bộ lịch sử là lịch sử đấu tranh giai cấp” không nên được hiểu là tất cả những gì từng xảy ra đều là về vấn đề đấu tranh giai cấp. Nói đúng hơn, đấu tranh giai cấp là phần cơ bản nhất của lịch sử nhân loại.
Vậy cơ bản theo nghĩa nào? Ví dụ, nó cơ bản hơn lịch sử tôn giáo, khoa học hay áp bức tình dục thế nào? Giai cấp không nhất thiết phải là cơ bản theo nghĩa mang lại động lực mạnh mẽ nhất cho hoạt động chính trị. Hãy xem xét vai trò của bản sắc dân tộc theo khía cạnh này, một khía cạnh mà Chủ nghĩa Mác đã quá ít lưu tâm đến. Anthony Giddens tuyên bố rằng, những mâu thuẫn giữa các quốc gia, cùng với phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng giới “có tầm quan trọng ngang bằng với bóc lột giai cấp”[1]. Nhưng quan trọng như nhau để làm gì? Có tầm quan trọng như nhau về đạo đức và chính trị, hay quan trọng như nhau đối với việc đạt được chủ nghĩa xã hội? Chúng ta đôi khi gọi một thứ là cơ bản nếu nó là cơ sở cần thiết cho thứ khác, nhưng khó mà coi đấu tranh giai cấp là cơ sở cần thiết cho đức tin tín ngưỡng, phát kiến khoa học hay sự áp bức phụ nữ, liên quan nhiều đến đấu tranh giai cấp cho dù những thứ này là cơ bản. Có vẻ không đúng nếu ta gạt bỏ nền tảng cơ bản này đi thì Phật giáo, thiên văn và cuộc thi hoa hậu thế giới sẽ biến mất. Chúng ta có lịch sử tương đối độc lập của riêng mình.
Vậy, đấu tranh giai cấp là cơ sở nền tảng của cái gì? Câu trả lời của Các Mác có vẻ có hai hàm ý. Nó hình thành rất nhiều sự kiện, các thể chế và hình thức tư duy mà dường như thoạt nhìn là vô hại với nó; và đấu tranh giai cấp đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển đổi hỗn loạn từ kỷ nguyên này sang kỷ nguyên khác của lịch sử. Nói đến lịch sử, Các Mác không phải nói đến “mọi thứ đã từng diễn ra” mà là những cái quan trọng cụ thể nằm trong quỹ đạo đó. Ông dùng “lịch sử” với nghĩa là tiến trình căn bản của các sự kiện, không đồng nghĩa với toàn bộ quá trình tồn tại của nhân loại tới nay.
Vậy ý niệm về đấu tranh giai cấp có phải là cái phân biệt tư tưởng Các Mác với những học thuyết xã hội khác? Không hẳn. Chúng ta đã thấy rằng, khái niệm này không phải là nguyên bản của ông, không khác gì khái niệm về phương thức sản xuất. Cái duy nhất trong tư tưởng của ông là ông hòa trộn hai khái niệm này – đấu tranh giai cấp và phương thức sản xuất – lại với nhau, để vẽ nên một viễn cảnh lịch sử thực sự mới. Hai ý niệm kết hợp với
nhau như thế nào đã trở thành một chủ đề tranh luận giữa những người Mác xít, và chính Các Mác cũng khó mà làm nổi bật điểm này. Nhưng nếu chúng ta cứ đi tìm điều gì riêng biệt ở công trình của ông, thì có lẽ là tệ hơn là dừng tại đây. Về thực chất, chủ nghĩa Mác là một lý luận và thực tiễn về sự thay đổi của quá trình lịch sử lâu dài. Vấn đề là ở chỗ, như sau này chúng ta sẽ thấy, điểm khác biệt nhất của chủ nghĩa Mác cũng là điều cần phải bàn bạc nhất.
Nói một cách tổng quát, theo Các Mác, một phương thức sản xuất là sự kết hợp của lực lượng sản xuất nhất định với quan hệ sản xuất nhất định. Lực lượng sản xuất là tất cả các công cụ trên thế giới mà chúng ta sử dụng để tạo ra cuộc sống vật chất. Quan niệm này bao hàm tất cả những điều kiện thúc đẩy quyền làm chủ và sự thống trị thiên nhiên của con người cho mục đích sản xuất. Máy tính là một lực lượng sản xuất nếu chúng góp phần vào quá trình sản xuất vật chất, xét một cách toàn diện, hơn là được sử dụng để tán gẫu với những kẻ giết người hàng loạt ngụy trang như những người lạ mặt thân thiện. Trong thế kỷ XIX, con lừa là một lực lượng sản xuất ở Ai-len. Sức lao động của con người là một lực lượng sản xuất. Nhưng những lực lượng sản xuất này chưa bao giờ tồn tại ở dạng nguyên thể. Chúng luôn được gắn với những quan hệ xã hội nhất định, mà Các Mác gọi là quan hệ giữa các giai cấp trong xã hội. Ví dụ, một giai cấp xã hội có thể sở hữu và kiểm soát tư liệu sản xuất, trong khi giai cấp khác có thể thấy chính họ bị bóc lột bởi giai cấp kia.
Các Mác tin rằng, lực lượng sản xuất có xu hướng phát triển khi lịch sử sang trang. Điều đó không có nghĩa là chúng lúc nào cũng phát triển, bởi vì, ông dường như cũng cho rằng, chúng có thể rơi vào thời gian chìm lắng kéo dài. Tác nhân của sự phát triển này là bất cứ giai cấp xã hội nào đang nắm quyền điều hành sản xuất vật chất. Theo cách giải thích lịch sử này, dường như các lực lượng sản xuất “chọn lựa” một giai cấp có năng lực nhất cho việc mở rộng chúng. Tuy nhiên, đến một điểm nào đó, quan hệ sản xuất chiếm ưu thế sẽ không còn thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất mà bắt đầu cản trở lực lượng sản xuất. Quan hệ sản xuất bắt đầu mâu thuẫn với lực lượng sản xuất, và hoàn cảnh thực tiễn nảy sinh cho cách mạng chính trị. Mâu thuẫn giai cấp trở nên sâu sắc, và giai cấp xã hội có năng lực tiếp nhận lực lượng sản xuất sẽ chiếm lấy quyền lực từ ông chủ cũ của nó. Ví dụ, chủ nghĩa tư bản chao đảo hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, suy giảm liên tục, bởi chính quan hệ sản xuất mà nó bao hàm; và đến một điểm nhất định trong quá trình suy giảm, giai cấp lao động sẵn sàng giành quyền sở hữu và kiểm soát quá trình sản xuất. Trong một tác phẩm của mình, Các Mác đã từng nói: sẽ không có giai cấp xã hội nào mới xuất hiện nếu giai cấp xã hội trước đó không phát triển lực lượng sản xuất đến mức tối đa.
Điều đó thể hiện ngắn gọn nhất trong đoạn trích nổi tiếng dưới đây:
“Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có, hay – đây chỉ là biểu hiện pháp lý của những quan hệ sản xuất đó – mâu thuẫn với những quan hệ sở hữu, trong đó từ trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển. Từ chỗ là những hình thức phát triển của lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội”[2].
Có vô số vấn đề trong học thuyết này, như chính những nhà Mác-xít cũng nhanh chóng chỉ ra. Thứ nhất, tại sao Các Mác khẳng định rằng: nhìn chung lực lượng sản xuất không ngừng phát triển? Thực tế là tiến bộ kỹ thuật có chiều hướng tích dồn lại, theo nghĩa là nhân loại khó có thể từ bỏ những tiến bộ mà họ tạo ra vì sự thịnh vượng và hiệu quả. Bởi vì con người là loài động vật có chút suy nghĩ hợp lý nhưng cũng khá lười nhác, và vì thế có khuynh hướng tiết kiệm lao động (chính những yếu tố này quyết định hàng người xếp hàng ở các quầy thanh toán ở siêu thị luôn dài đúng như nhau). Phát minh ra thư điện tử, chúng ta không thể quay trở lại việc vạch ký tự lên đá. Chúng ta cũng có khả năng chuyển những tiến bộ đó cho những thế hệ tương lai. Hiểu biết kỹ thuật khó mất đi, ngay cả khi chính công nghệ bị phá hủy. Nhưng cũng rất hiển nhiên là điều đó không chứng minh được gì nhiều. Nó không giải thích được, ví dụ, tại sao lực lượng sản xuất phát triển nhanh ở một thời gian nhất định nhưng có thể bị đình trệ hàng thế kỷ ở thời điểm khác. Việc có được những sự phát triển công nghệ lớn hay không phụ thuộc vào quan hệ xã hội đang phổ biến, chứ không phải vào động lực nội tại nào đó. Một số nhà Mác-xít cho rằng, sự cưỡng bách thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất không phải là một quy luật chung của lịch sử, mà là sự bắt buộc riêng có đối với chủ nghĩa tư bản. Họ không đồng ý với một điều đã được chấp nhận rằng: mỗi phương thức sản xuất phải được kế tiếp bằng một phương thức sản xuất khác năng xuất hơn. Liệu những nhà Mác-xít có bao gồm cả Mác hay không là một điểm gây tranh cãi.
Thứ hai, không rõ giai cấp xã hội nhất định được “lựa chọn” cho nhiệm vụ phát triển lực lượng sản xuất theo cơ chế nào. Suy cho cùng, những lực lượng này không phải là một nhân vật quan trọng bí ẩn nào đó có khả năng nhận biết được ý thức xã hội và gọi một nhân vật thích hợp cụ thể nào đó đến cứu viện. Đương nhiên, giai cấp thống trị không phát triển lực lượng sản xuất vì lòng vị tha, không khác gì họ giành lấy quyền lực cho mục đích, đặc biệt là cứu giúp những người đói rách. Thay vào đó, họ có xu hướng theo đuổi mục đích vật chất của chính bản thân họ, chiếm lấy thặng dư từ lao động của người khác. Tuy nhiên, trong khi làm như thế họ đã vô tình thúc
đẩy lực lượng sản xuất nói chung, và cùng với họ (ít ra là trong dài hạn) là sự giàu có của nhân loại về cả vật chất lẫn tinh thần. Họ phát triển những tài nguyên mà số đông người trong xã hội có giai cấp bị loại trừ, nhưng theo cách đó tạo nên một di sản mà xét một cách toàn diện tất cả mọi người sẽ được thừa hưởng ở chủ nghĩa cộng sản trong tương lai.
Các Mác rõ ràng cho rằng, sự giàu có vật chất có thể phá hủy sức khỏe tinh thần của chúng ta. Dù vậy, ông không thấy khoảng cách lớn giữa tinh thần và vật chất như một số nhà tư tưởng duy tâm. Theo ông, sự nảy lộc đâm chồi của lực lượng sản xuất dẫn đến làm bộc lộ sức mạnh và năng lực sáng tạo của con người. Theo nghĩa này thì lịch sử không hoàn toàn là câu chuyện của sự phát triển. Thay vào đó chúng ta đi từ hình thái xã hội có giai cấp này sang hình thái xã hội có giai cấp khác, từ hình thức áp bức bóc lột này sang áp bức bóc lột khác. Tuy nhiên, theo nghĩa khác, sự mô tả nghiệt ngã này có thể được nhìn nhận như là sự chuyển động đi lên phía trước, khi nhân loại có những nhu cầu và ham muốn phức tạp hơn, tạo ra nhiều loại quan hệ mới và những hình thức thực hiện mới.
Nhân loại nói chung sẽ nhận được sự kế thừa này trong chủ nghĩacộng sản tương lai; nhưng con đường xây dựng nó không thể tránh được bạo lực và bóc lột. Cuối cùng, quan hệ xã hội sẽ được thiết lập để phân phối của cải tích lũy được có lợi cho tất cả mọi người. Nhưng quá trình của chính sự tích luỹ dẫn đến việc loại trừ đại đa số người ra khỏi việc hưởng thụ các thành quả đó. Chính vì thế, Các Mác lý luận lịch sử “phát triển nhờ mặt trái của nó”. Điều đó có vẻ như nói rằng sự bất công bằng hiện tại là không thể tránh khỏi để có công bằng sau này. Kết cục sẽ là rất mâu thuẫn: nếu không có bóc lột sẽ không có sự mở rộng quy mô của lực lượng sản xuất, và nếu không có sự mở rộng đó, sẽ không có cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.
Các Mác rất đúng khi thấy rằng vật chất và tinh thần có cả mâu thuẫn và thống nhất. Ông không nguyền rủa xã hội có giai cấp vì sự tàn ác nhẫn tâm của nó, mặc dù ông thực tế có nguyền rủa; ông cũng thừa nhận rằng sự phát triển về tinh thần cần có nền tảng vật chất. Bạn không thể có một quan hệ tuyệt vời nếu như đang chết đói. Mỗi sự phát triển phương tiện giao tiếp của con người đều mang theo nó những hình thức cộng đồng mới và hình thức phân công mới. Những công nghệ mới có thể cản trở khả năng của con người, nhưng cũng có thể chắp cánh cho nó. Tính hiện đại không phải để hân hoan chào đón một cách thiếu suy nghĩ, nhưng cũng không phải để bị xua đuổi. Tính chất tích cực và tiêu cực của nó nói chung là các khía cạnh của cùng một quá trình. Điều đó giải thích tại sao chỉ có phương pháp tiếp cận biện chứng là cách tiếp cận nắm vững được bản chất các mâu thuẫn mới có thể đánh giá đầy đủ nhất.
Dầu vậy, thực sự cũng có những vấn đề với học thuyết về lịch sử của Mác. Ví dụ, tại sao cũng cơ chế đó – mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất – lại hoạt động trong quá trình chuyển từ kỷ nguyên xã hội có giai cấp này sang kỷ nguyên xã hội có giai cấp khác? Điều gì giải thích cho sự nhất quán lạc lõng của lịch sử trải dài vô tận? Liệu có thể lật đổ được giai cấp thống trị khi nó đang ở thời kỳ vàng son, nếu phe chính trị đối lập không đủ sức mạnh? Liệu chúng ta có thực sự cần phải chờ đợi cho đến khi lực lượng sản xuất suy yếu? Và liệu sự trưởng thành của lực lượng sản xuất sẽ thực sự không làm suy yếu gia cấp đang sẵn sàng bị thay thế - ví dụ, bằng cách hình thành những hình thức mới cho công nghệ bóc lột? Quả thật, với sự trưởng thành của lực lượng sản xuất, những người công nhân trở nên lành nghề hơn, được tổ chức tốt hơn, được giáo dục tốt hơn và có lẽ tự tin hơn về chính trị, và tinh vi hơn; nhưng cũng vì thế sẽ có nhiều xe tăng hơn những máy camera giám sát, những tờ báo cánh hữu và những phương thức thuê lao động bên ngoài. Những công nghệ mới có thể đẩy nhiều người vào cảnh thất nghiệp, và vì thế chây ì về chính trị. Liệu một giai cấp xã hội đủ chín để làm nên cách mạng được hình thành bởi nhiều yếu tố hơn là liệu nó có sức mạnh để thúc đẩy lực lượng sản xuất. Năng lực của giai cấp được hình thành bởi hàng loạt yếu tố. Làm sao ta biết được một tập hợp cụ thể nào của các quan hệ sản xuất sẽ trở thành hữu dụng cho mục đích đó?
Một sự thay đổi của các quan hệ sản xuất không thể đơn giản được giải thích bằng việc lực lượng sản xuất phát triển. Cũng không phải sự thay đổi mang tính đột phá trong lực lượng sản xuất nhất thiết đưa đến quan hệ sản xuất mới, như cuộc cách mạng công nghiệp đã chứng minh. Cùng một lực lượng sản xuất có thể tồn tại với những quan hệ xã hội khác nhau. Chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa tư bản công nghiệp là một ví dụ. Khi đi từ nền nông nghiệp lạc hậu từ thời kỳ cổ xưa đên thời kỳ hiện đại, một loạt các quan hệ xã hội và hình thức sở hữu được chứng minh là khả thi. Hay cùng một quan hệ xã hội có thể thúc đẩy nhiều loại lực lượng sản xuất khác nhau. Lấy ví dụ về công nghiệp tư bản chủ nghĩa và nông nghiệp tư bản chủ nghĩa. Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất không phải lúc nào cũng khăng khít bên nhau một cách hòa thuận trong suốt lịch sử. Sự thật là mỗi giai đoạn phát triển của lực lượng sản xuất mở ra hàng loạt quan hệ xã hội, và không có gì đảm bảo rằng, một cặp quan hệ nào trong số đó thực sự xuất hiện. Cũng không có gì đảm bảo rằng, một nhân tố cách mạng tiềm tàng sẽ xuất hiện một cách thuận lợi khi khủng hoảng lịch sử đến. Đôi khi chẳng có giai cấp nào xuất hiện để đưa lực lượng sản xuất tiến xa hơn, như là đã từng xảy ra ở Trung Quốc cổ đại.
Mặc dù vậy, sự kết nối giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là rất
rõ ràng. Bên cạnh nhiều yếu tố khác, nó cho phép ta nhận ra rằng, chỉ có thể có những quan hệ xã hội nhất định nếu những lực lượng sản xuất phát triển đến mức độ nhất định. Nếu một số người cần được sống tiện nghi hơn hẳn số khác, bạn cần phải sản xuất một lượng thặng dư kinh tế đáng kể; và nó chỉ khả thi ở một điểm nhận định của sự phát triển sản xuất. Bạn không thể duy trì một tòa án hoàng gia hoành tráng với toàn những người hát rong, những trang giấy, những anh hề và những viên thị thần và tất cả mọi người lúc nào cũng phải trồng trọt, chăn nuôi để tồn tại.
Mâu thuẫn giai cấp cơ bản là mâu thuẫn về thặng dư, và vì thế nó rất có thể sẽ tiếp tục chừng nào không có sự đầy đủ cho tất cả. Giai cấp xuất hiện khi nào sản xuất vật chất được tổ chức sao cho ép buộc được một số cá nhân phải chuyển lao động thặng dư của họ cho người khác để tồn tại. Nếu có quá ít hay không có thặng dư, như cải thời được gọi là cộng sản nguyên thủy, mọi người phải làm việc không ai có thể sống trên sự khó nhọc của người khác, vì thế, cũng không có giai cấp. Sau này mới có đủ thặng dư để nuôi sống giai cấp như lãnh chúa phong kiến, nhóm người sống bằng lao động của nô bộc của họ. Chỉ có chủ nghĩa tư bản mới có đủ thặng dư được tạo ra để thủ tiên sự khan hiếm, và vì thế sự thủ tiêu giai cấp xã hội mới trở nên khả thi. Nhưng chỉ có chủ nghĩa xã hội có thể đưa điều đó vào thực tiễn.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ rằng, tại sao các lực lượng sản xuất luôn chiến thắng các quan hệ xã hội – tại sao quan hệ xã hội dường như phải khúm núm cung kính trước lực lượng sản xuất. Ngoài ra, học thuyết dường như không hài hòa với cách mà Các Mác trên thực tế mô tả sự quá độ từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản chủ nghĩa, hay theo một số khía cạnh khác là từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến. Quả thật, cũng có những giai cấp xã hội vẫn tiếp tục thống trị hàng thế kỷ, bất chấp họ không có khả năng thúc đẩy sự phát triển sản xuất.
Một trong những khiếm khuyết rõ ràng của mô hình này là thuyết quyết định luận của nó. Dường như không gì có thể chống lại sự tiến lên phía trước của lực lượng sản xuất. Lịch sử tự vận hành theo một logic tất yếu ở bên trong nó. Có một “chủ đề” duy nhất của lịch sử (lực lượng sản xuất không ngừng phát triển) đi theo suốt lịch sử, lật đổ các thiết chế chính trị khác nhau khi nó đi qua. Đó là cái nhìn siêu hình với mức độ cao hơn bình thường. Thế nhưng, nó không còn là kịch bản đơn giản của sự tiến bộ nữa. Cuối cùng, sức mạnh và năng lực của con người phát triển cùng với những lực lượng sản xuất làm ra một nhân loại hoàn hảo hơn. Nhưng cái giá chúng ta phải trả thật đáng sợ. Mỗi bước tiến bộ của lực lượng sản xuất là chiến thắng của cả nền văn minh và chủ nghĩa man rợ. Nếu nó mang đến những khả năng mới cho sự giải phóng con người, thì nó cũng đi đến thành công với bộ quần áo
nhuốm máu. Các Mác đã không phải là nhà lái buôn tiến bộ ngây thơ. Ông đã nhận thức rõ cái giá kinh hoàng của chủ nghĩa cộng sản.
Quả thực là cũng có đấu tranh giai cấp, điều đó dường như nói rằng con người được tự do. Không thể nói rằng biểu tình, đình công và chiếm giữ được ra lệnh bởi lực lượng siêu nhiên nào đó. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu như sự tự do ấy, có thể nói như vậy, được lập trình sẵn, đã được coi như một nhân tố trong bước tiến không thể cản trở của lịch sử? Ở đây có sự tương đồng với sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa ý Chúa và ý muốn con người trong đạo Cơ đốc. Đối với người Cơ đốc giáo, tôi cảm thấy thanh thản khi xiết cổ một cảnh sát trưởng địa phương; nhưng Chúa đã nhìn thấy trước từ trong sâu thẳm, bao gồm tất cả chuyện đó trong kế hoạch của Người cho nhân loại. Người không bắt tôi phải mặc như một cô hầu gái thứ sáu tuần trước và tự xưng là Milly; nhưng thông suốt mọi sự, Ngài biết rằng tôi sợ và vì thế hình thành câu truyện tranh về công việc của Milly. Khi cầu nguyện, Ngài ban cho một chú gấu bông nhìn thông minh hơn con gấu tai chó dơ dáy đang ngủ trên gối tôi lúc này, không phải Chúa không mảy may chú ý đến việc ban cho tôi một ân huệ như thế mà là, khi nghe lời cầu nguyện của tôi, Người thay đổi ý định. Chứ không thể thay đổi ý định của mình. Mà là Ngài quyết định từ trong sâu thẳm sẽ đưa tôi một con gấu bông mới vì lời cầu nguyện của tôi mà Ngài cũng đã nhìn thấy từ trong sâu thẳm. Theo một nghĩa nào đó, sự xuất hiện vương quốc tương lai của Chúa là không xác định trước: nó sẽ đến chỉ khi con người hành động vì nó trong hiện tại. Nhưng thực tế rằng họ sẽ hành động cho nó bằng ý muốn tự do cho riêng họ lại chính là kết quả tất yếu nhờ ơn Chúa.
Ở Các Mác có sự ảnh hưởng lẫn nhau tương tự giữa tự do và tính tất yếu. Ông đôi khi cho rằng đấu tranh giai cấp, dù theo nghĩa rộng chắc chắn sẽ trở nên sâu sắc hơn trong những điều kiện nhất định của lịch sử, và đến lúc đó sự xuất hiện của nó có thể dự báo trược một cách chắc chắn. Hãy lấy ví dụ về vấn đề chủ nghĩa xã hội. Các Mác gặp như coi việc tiến đến chủ nghĩa xã hội như một tất yếu. Ông nhiều lần nói vậy. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, sự sụp đổ của giai cấp tư bản và chiến thắng của giai cấp công nhân được miêu tả là “tất yếu như nhau”. Nhưng không phải vì Các Mác tin rằng có quy luật bí mật nào đó được ghi trong lịch sử sẽ dẫn tới chủ nghĩa xã hội dù con người có hành động hay không. Nếu như vậy, tại sao ông phải lý luận về sự cần thiết của đấu tranh chính trị? Nếu chủ nghĩa cộng sản thực sự là tất yếu, có người sẽ nghĩ chúng ta chẳng cần làm gì hơn là đợi nó đến, có lẽ gọi món cari hay sưu tập hình săm trong lúc chờ đợi. Quyết định luận mang tính lịch sử là một công thức cho chủ nghĩa ẩn dật chính trị. Trong thế kỷ XX, nó đóng vai trò then chốt cho sự thất bại của phong trào cộng sản trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, chắc chắn như đó là thời điểm mà
chủ nghĩa phát xít không là gì ngoài tiếng nấc hấp hối của một hệ thống tư bản chủ nghĩa tại thời điểm diệt vong. Có thể nói rằng trong khi ở thế kỷ XIX sự tất yếu đôi khi được mong đợi háo hức, thì nó lại không đúng với chúng ta. Những câu mở đầu bằng “bây giờ điều tất yếu là…” nói chung là điềm báo xấu.
Các Mác không cho rằng, tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả chúng ta cứ việc ngủ yên. Mà ông tin rằng, một khi chủ nghĩa tư bản hoàn toàn thất bại, những người công nhân sẽ không có lý do gì để không thay thế nó và hoàn toàn có đủ lý do để làm như vậy. Họ sẽ nhận ra rằng, thay đổi hệ thống là vì lợi ích của họ, và rằng, vì họ chiếm đa số, họ cũng sẽ có sức mạnh làm điều đó. Họ sẽ hành động như những con thú có lý trí và thiết lập một sự thay thế mới. Vậy thì tại sao bạn lại kéo dài sự tồn tại bất hạnh dưới một chế độ mà bạn có khả năng thay đổi để có lợi cho mình? Tại sao bạn lại để chân ngứa đến không thể chịu nổi, khi bạn có khả năng gãi nó? Cũng giống như đối với người theo đạo Cơ đốc, hành động của con người là tự do nhưng là một phần của kế hoạch định trước, với Các Mác cũng thế, sự tan rã của chủ nghĩa tư bản chắc chắn sẽ khiến con người xóa bỏ nó theo chính ý muốn của họ.
Vậy, ông sẽ cho biết con người tự do bắt buộc sẽ làm gì dưới những hoàn cảnh nhất định? Đó chắc chắn là một mâu thuẫn, vì tự do nghĩa là chả có gì mà bạn bị bắt buộc cả. Bạn không bị bắt buộc phải ăn ngấu nghiến một miếng thịt béo ngậy nếu dạ dày của bạn đang bị hành hạ bởi cơn đau quằn quại của cái đói. Như một người Hồi giáo mộ đạo, bạn sẽ thà chết. Nếu chỉ có một cách thức hành động mà tôi có thể thực hiện, và nếu tôi không thể không làm, thì trong trường hợp đó, tôi không tự do. Chủ nghĩa tư bản có thể đang ngấp nghé bên bờ của sự lụi bại, nhưng chưa chắc là chủ nghĩa xã hội sẽ thay thế nó. Có thể sẽ là chủ nghĩa phát xít, hay chủ nghĩa man rợ. Có lẽ sự sụp đổ của hệ thống tư bản chủ nghĩa sẽ làm giai cấp công nhân suy yếu và mất tinh thần đến mức không thể hành động một cách tích cực. Trong một khoảnh khắc u ám khó mô tả, Các Mác nhận xét, đấu tranh giai cấp có thể dẫn đến “sự lụi bại chung” của những giai cấp đang tranh giành nhau.
Hay có thể (một khả năng ông không lường trước đầy đủ) hệ thống sẽ tránh cuộc nổi dậy chính trị bằng cải cách. Dân chủ xã hội là một bức tường bảo vệ giữa bản thân dân chủ và thảm họa. Theo cách đó, thặng dư chiếm từ lực lượng sản xuất đã phát triển có thể dùng để mua đứt cách mạng, mà điều này không phù hợp một chút nào với bản phác thảo lịch sử của Các Mác. Ông dường như tin rằng, sự thịnh vượng của chủ nghĩa tư bản chỉ là tạm thời; hệ thống cuối cùng sẽ bị nhấn chìm; và rằng giai cấp công nhân tiếp đó sẽ tất yếu đứng lên và thay thế nó. Nhưng nó sẽ trải qua theo nhiều cách
(phức tạp hơn nhiều ở thời đại chúng ta hơn là của Các Mác) mà theo đó, thậm chí một khi chủ nghĩa tư bản bị khủng hoảng vẫn có thể tiếp tục duy trì được sự đồng thuận của những công dân của nó. Thời Các Mác không có kênh tin tức Fox News và tờ báo Daily Mail.
Tất nhiên, có một tương lai khác mà ta có thể nhìn thấy trước được gọi là không tương lai gì cả. Các Mác không thể nhìn trước những khả năng của vũ khí hạt nhân hủy diệt hàng loạt hay những thảm họa sinh thái. Hay có thể giai cấp thống trị sẽ bị hạ bệ bởi sự va chạm của tiểu hành tinh, một định mệnh mà một số trong đó có thể coi là hay hơn so với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngay cả học thuyết lịch sử mang tính quyết định luận nhiều nhất có thể bị đánh đắm bởi những sự kiện ngẫu nhiên như vậy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thẩm tra bao nhiêu phần của người theo thuyết quyết định luận lịch sử thực sự trong Các Mác. Nếu không có gì khác trong công trình của ông ngoài ý niệm về lực lượng sản xuất sinh ra quan hệ xã hội nhất định, câu trả lời là rõ ràng. Điều này rốt cuộc là thuyết quyết định luận theo nghĩa đầy đủ nhất, và trong trường hợp như vậy, rất ít người theo chủ nghĩa Mác ngày nay sẽ sẵn sàng đi theo[3]. Theo cách nhìn này, không phải nhân loại là người tạo ra lịch sử của chính họ; mà đó là lực lượng sản xuất dẫn đến một cuộc sống lạ lẫm, thờ vật của chính nó.
Dù sao cũng có một dòng tư duy khác trong tác phẩm của Các Mác cho rằng, quan hệ xã hội của sản xuất có vị trí ưu tiên hơn lực lượng sản xuất. Nếu chế độ phong kiến mở đường cho chế độ tư bản, không phải là do chủ nghĩa tư bản có thể thúc đẩy lực lượng sản xuất hiệu quả hơn, mà vì quan hệ xã hội phong kiến ở miền quê dần dần bị hất cẳng bởi quan hệ tư bản. Chế độ phong kiến tạo ra điều kiện mà giai cấp tư sản mới có thể lớn mạnh lên, nhưng giai cấp này không xuất hiện nhờ có sự trưởng thành của lực lượng sản xuất. Ngoài ra, nếu lực lượng sản xuất phát triển dưới chế độ phong kiến, không phải là do chúng có xu hướng tự thân nội tại nào đó để phát triển, mà là do lợi ích giai cấp. Như trong giai đoạn hiện đại, nếu lực lượng sản xuất đã lớn mạnh quá nhanh chóng trong vòng vài thế kỷ qua, là bởi vì chủ nghĩa tư bản không thể sống sót nếu không liên tục phát triển.
Theo học thuyết thay thế này, trong quá trình hình thành quan hệ xã hội và đấu tranh giai cấp, loài người thực sự là tác giả cho lịch sử của chính mình. Các Mác từng nhận xét rằng, ông và Ph.Ăng-ghen đã nhấn mạnh “đấu tranh giai cấp là động lực trực tiếp của lịch sử” trong gần bốn mươi năm[4]. Ý nghĩa quan trọng về đấu tranh giai cấp là không dự đoán được kết quả của nó, và quyết định luận có thể vì thế không tìm được chỗ đứng. Bạn có thể sẽ luôn cho rằng, mâu thuẫn giai cấp được quyết định – rằng, bản chất các giai cấp xã hội là theo đuổi những lợi ích xung đột lẫn nhau, và rằng, nó được
quyết định bởi phương thức sản xuất. Nhưng rất ít khi xung đột “khách quan” về lợi ích này mang hình thức của một trận chiến chính trị sống còn; và khó mà thấy được trước cuộc chiến diễn ra như thế nào. Các Mác có thể đã cho rằng chủ nghĩa xã hội là tất yếu, nhưng ông chắc chắn không nghĩ rằng Đạo luật Nhà máy (Factory Act) hay Công xã Paris cũng là tất yếu. Nếu ông thực sự là một nhà quyết định luận, ông có thể đã nói cho chúng ta chủ nghĩa xã hội xuất hiện khi nào và như thế nào. Nhưng ông là nhà tiên tri theo nghĩa là vạch mặt sự bất công, không phải với nghĩa là nhìn chăm chú vào quả cầu pha lê.
“Lịch sử”, Các Mác viết, “không làm gì hết, nó “không có tính phong phú vô cùng tận nào cả”, nó “không chiến đấu ở những trận nào cả”. Không phải “lịch sử”, mà chính con người, con người thực sự, con người sống mới là kẻ làm ra tất cả những cái đó, có tất cả những cái đó và chiến đấu cho tất cả những cái đó. “Lịch sử” không phải là một nhân cách đặc thù nào đó sử dụng con người làm phương tiện đạt tới các mục đích của mình”[5]. Khi Các Mác nói về quan hệ giai cấp thời cổ đại, thời trung cổ hay thế giới hiện đại, ông thường coi các quan hệ xã hội là cái quan trọng nhất. Ông cũng khẳng định rằng, mỗi phương thức sản xuất, từ chế độ nô lệ, phong kiến đến chủ nghĩa tư bản, có quy luật riêng của bản thân chúng về sự phát triển. Nếu như vậy thì người ta không cần nghĩ một tiến trình lịch sử “tuyến tính” một cách chặt chẽ, mà mỗi phương thức sản xuất theo gót của phương thức sản xuất khác theo logic ngầm nào đó. Chẳng có gì đặc thù trong chế độ phong kiến mà chuyển nó một cách dứt khoác sang chủ nghĩa tư bản. Cũng không còn duy nhất một sợi chỉ chạy xuyên suốt tấm thảm lịch sử, mà là một tập hợp của những khác biệt và không liên tục. Chính nền kinh tế chính trị tư sản, chứ không phải chủ nghĩa Mác đã suy nghĩ về những quy luật cách mạng phổ biến. Quả thật, chính Các Mác phản bác sự cáo buộc ông đang tìm cách đưa toàn bộ lịch sử dưới một quy luật duy nhất. Ông kịch liệt phản đối sự suy diễn nhẫn tâm như thế, chỉ phù hợp với một tiểu thuyết gia lãng mạn. Ông khẳng định: “Phương pháp duy vật sẽ chuyển sang mặt đối lập của nó, nếu nó được hiểu không phải là nguyên tắc nghiên cứu mạng tính chỉ đạo mà là một khuôn mẫu có sẵn để người ta sắp xếp những sự kiện lịch sử ở trong đó theo đúng ý mình”[6]. Ông cảnh báo, cách nhìn nhận của ông về nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản không nên được chuyển “thành một học thuyết triết học lịch sử về con đường đi chung do số phận sắp xếp cho tất cả các quốc gia dù hoàn cảnh lịch sử của các quốc gia đó như thế nào đi nữa”[7]. Nếu có những xu hướng nào đó đang diễn ra trong lịch sử, thì cũng có những xu hướng ngược lại, và điều đó nói rằng kết quả cuối cùng là không chắc chắn.
Một số nhà Mác-xít đã hạ thấp tầm quan trọng của “tính ưu việt của lực lượng sản xuất”, và đề cao học thuyết khác mà chúng ta vừa xem xét. Nhưng
có lẽ điều đó mang tính phòng thủ quá mức. Mô hình “tính ưu việt của lực lượng sản xuất” đã nắm được những điểm quan trọng trong công trình của Các Mác để thấy rằng ông rất nghiêm túc khi đưa ra nhận định đó. Đó cũng là cách mà những nhà Mác-xít như Lê-nin và Trostky hiểu Các Mác. Một số nhà bình luận cho rằng, trong thời gian viết Tư bản, Các Mác đã từ bỏ ít nhiều lòng trung thành trước kia của ông với lực lượng sản xuất với tư cách là người anh hùng của lịch sử. Nhưng những người khác không tin như vậy. Tuy nhiên, những học trò của Các Mác được tự do lựa chọn tư tưởng nào trong công trình của ông là đáng tin cậy nhất. Chỉ những nhà Mác-xít chính thống coi công trình đó như là Kinh Thánh, và bây giờ hầu như không có người nào như vậy ngoài những người Cơ đốc giáo.
Không có bằng chứng nào cho thấy rằng, Các Mác nói chung là người theo chủ nghĩa quyết định luận theo nghĩa phủ nhận hành động của con người là tự do. Trái lại, ông tin tưởng vào quyền tự do, và không phải chỉ riêng trong sự nghiệp nhà báo của mình, ông luôn luôn nói về việc cá nhân có thể (nhiều khi cần) hành động khác biệt như thế nào, cho dù giới hạn lịch sử đặt lên sự lựa chọn của họ là gì đi chăng nữa. Mặc dù được một số người nhìn nhận như một nhà quyết định luận tuyệt đối, nhưng sự yêu thích cả đời về chiến thuật quân sự của Ph.Ăng-ghen khó có thể là một vấn đề định mệnh[8]. Các Mác cho rằng dũng cảm và nhất quán là yếu tố quan trọng cho chiến thắng chính trị, và dường như có tính đến ảnh hưởng mang tính quyết định của những sự kiện ngẫu nhiên trong tiến trình lịch sử. Thực tế giai cấp công nhân quân đội ở Pháp đã bị tàn phá bởi dịch tả năm 1849 là một ví dụ.
Dù sao thì cũng có nhiều dạng khách nhau của sự tất yếu. Bạn có thể coi một sự việc nào đó là tất yếu mà không cần phải là nhà quyết định luận. Thậm chí, những người theo chủ nghĩa tự do cũng tin rằng cái chết là không thể tránh khỏi. Nếu người dân Texas cố nhồi nhét vào bốt điện thoại công cộng, chắc chắn một số người sẽ bị chết bẹp. Đây là vấn đề vật lý hơn là định mệnh. Nó không làm thay đổi thực tế là họ tự nhồi nhét theo ý muốn tự nguyện của chính họ. Hành động mà chúng ta tự do thực hiện thường có kết cục đưa chúng ta đối diện với những sức mạnh xa lạ. Học thuyết về sự tha hóa và sùng bái hàng hóa của Các Mác dựa trên chính sự thật này.
Cũng có nhiều cách hiểu về tính tất yếu. Tuyên bố rằng, chiến thắng của công lý ở Zimbabwe là tất yếu không có nghĩa là nó chắc chắn xảy ra. Nó có thể là một mệnh lệnh tinh thần hay chính trị hơn, nghĩa là khó nói theo cách khác. “Chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa man rợ” không có nghĩa rằng, chúng ta cuối cùng phải sống dưới chế độ này hoặc chế độ kia. Nó có thể là cách nhấn mạnh hậu quả khôn lường của việc không đạt được chủ nghĩa cộng sản. Các Mác chỉ rõ trong cuốn Hệ tư tưởng Đức rằng, tại thời điểm
hiện tại… các cá nhân phải thủ tiêu sở hữu tư nhân, nhưng “phải” ở đây là sự hô hào chính trị nhiều hơn là một gợi ý rằng chúng ta không có lựa chọn nào khác. Nhìn chung, Các Mác không phải là một người theo thuyết quyết định luận; song có rất nhiều cách diễn đạt trong công trình của ông chuyển tải ý nghĩa của thuyết quyết định luận lịch sử. Ông đôi khi so sánh những quy luật lịch sử với quy luật tự nhiên, như khi viết trong cuốn Tư bản, quy luật tự nhiên của chủ nghĩa tư bản… phù hợp với tính tất yếu để đến những kết quả tất yếu. Các Mác dường như nhất trí khi một nhà bình luận cho rằng công trình của ông coi sự phát triển xã hội như là một tiến trình lịch sử tự nhiên. Ông cũng tán thành một nhà phê bình tác phẩm như ông, như sự chứng minh cho “tính tất yếu của trật tự hiện thời” và sự chứng minh “cả tính tất yếu của một trật tự khác mà trật tự hiện thời nhất thiết phải chuyển sang”[9]. Không rõ thuyết quyết định luận khổ hạnh này phù hợp thế nào với xu hướng luôn đặt đấu tranh giai cấp là trung tâm của mọi vấn đề.
Cũng có đôi lúc Ph.Ăng-ghen phân biệt rõ rệt quy luật lịch sử với quy luật tự nhiên, nhưng ở một số chỗ khác ông lại lập luận về sự giống nhau giữa chúng. Các Mác say sưa đi tìm một cơ sở cho lịch sử trong tự nhiên, nhưng cũng làm nổi bật thực tế là chúng ta tạo ra lịch sử chứ không phải tạo ra tự nhiên. Đôi khi ông phê phán ứng dụng sinh học cho lịch sử nhân loại, và phản đối quan điểm những quy luật lịch sử có giá trị phổ quát. Rất giống một nhà tư tưởng thế kỷ XIX, Các Mác nắm lấy uy quyền của khoa học tự nhiên, tiếp đó là phương thức tối cao của tri thức để xây dựng tính chính thống cho công trình của mình. Nhưng ông cũng đã tin rằng, quy luật lịch sử có thể biết được với tính chắc chắn của những quy luật khoa học.
Mặc dù vậy, khó mà tin rằng ông coi xu hướng tỷ lệ lợi nhuận giảm dần của chủ nghĩa tư bản theo nghĩa đen giống định luật hấp dẫn. Ông không thể nói rằng, lịch sử phát triển như một cơn bão sấm chớp. Đúng là ông coi quá trình diễn biến các sự kiện lịch sử như là sự biểu hiện của một tình trạng cụ thể có ý nghĩa quan trọng, nhưng không phải chỉ một mình ông khẳng định điều đó. Không mấy người nhìn nhận lịch sử nhân loại là hoàn toàn ngẫu nhiên. Nếu không có tính quy tắc hay những xu hướng có thể dự đoán chung trong đời sống xã hội, chúng ta không thể có khả năng hành động mang tính mục đích. Không phải là sự lựa chọn giữa quy luật thép và tình trạnh hoàn toàn hỗn độn. Mọi xã hội, giống như mọi hành động của con người, mở ra tương lai này trong khi đóng lại những tương lai khác. Nhưng sự tác động qua lại giữa tự do và sự ép buộc này khác xa một số dạng của sự cần thiết tất yếu. Nếu anh chủ ý muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện kinh tế khó khăn, thì như chúng ta đã thấy, anh sẽ chắc chắn có kết cục như một hình thức nào đó của chủ nghĩa Stalin. Đấy là một tấm gương lịch sử đã được kiểm nghiệm, được xác thực bằng một loạt thể nghiệm xã hội cẩu thả.
Những người tự do và những người bảo thủ không thường xuyên say sưa với quy luật lịch sử có thể sẽ đổi giọng khi nói đến những trường hợp đặc biệt cụ thể này. Nhưng việc cho rằng nhất định kết thúc bằng chủ nghĩa Stalin là bỏ qua tính ngẫu nhiên của lịch sử. Có lẽ những người bình thường sẽ đứng dậy và giành chính quyền vào tay họ; hay có lẽ một nhóm quốc gia giàu có sẽ bất ngờ bay đến trợ giúp; hay có lẽ anh sẽ phát hiện ra rằng, anh đang ngồi trên mỏ dầu lớn nhất hành tinh và sử dụng nó để xây dựng nền kinh tế của mình một cách dân chủ.
Tiến trình lịch sử cũng đúng như vậy. Các Mác dường như không tin rằng, những phương thức sản xuất khác nhau từ chế độ nô lệ cổ xưa đến chủ nghĩa tư bản hiện đại kế tiếp nhau theo mô thức không thể thay đổi nào đó. Ph.Ăng-ghen nhận xét rằng, lịch sử “phát triển rất nhanh và thường theo một đường dích dắc”[10]. Một mặt, những phương thức sản xuất khác nhau không chỉ kế tiếp nhau. Chúng có thể cùng tồn tại trong cùng một xã hội. Mặt khác, Các Mác cho rằng, quan điểm của ông về sự quá độ từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản chủ nghĩa áp dụng một cách cụ thể cho phương Tây không phải là phổ quát. Khi phương thức sản xuất phát triển, không phải mọi quốc gia đều phải đi theo cùng một con đường. Những người Bôn-sê vích đã có thể nhảy từ nước Nga nửa phong kiến sang nhà nước xã hội chủ nghĩa mà không phải sống qua một thời kỳ dài của chủ nghĩa tư bản.
Các Mác đã có lúc tin là chính dân tộc Đức của ông phải trải qua giai đoạn tư sản trước khi tầng lớp công nhân có thể nắm quyền. Tuy nhiên, sau đó ông dường như bỏ rơi niềm tin ấy, thay vào đó nói đến “cách mạng triệt để” có thể rút ngắn các giai đoạn này. Cách nhìn tiêu biểu ở thời kỳ khai sáng về lịch sử này là một tiến trình phát triển hữu cơ, mà mỗi thời kỳ xuất hiện một cách tự nhiên ở giai đoạn tiếp theo để hình thành cái toàn bộ mà ta vẫn biết là sự tiến bộ. Trái lại, câu chuyện về những người Mác-xít lại được đánh dấu bằng bạo lực, sự chia rẽ, mâu thuẫn và ngắt quãng. Đúng là có tiến bộ, nhưng như Các Mác lập luận trong tác phẩm của ông về nước Ấn Độ, nó giống như một vị chúa Hinđu uống rượu quý trong hộp sọ người.
Việc Các Mác tin đến mức nào vào sự tất yếu của lịch sử không chỉ là vấn đề kinh tế và chính trị, mà nó còn là vấn đề đạo đức. Ông dường như không cho rằng, chế độ phong kiến hay chủ nghĩa tư bản cần phải xuất hiện. Với một phương thức sản xuất cụ thể, có nhiều con đường đi khác nhau từ đó. Tất nhiên, có những giới hạn của nó. Anh sẽ không đi từ chủ nghĩa tư bản tiêu dùng sang săn bắt hái lượm, có lẽ trừ khi một cuộc chiến tranh hạt nhân xen vào. Lực lượng sản xuất đã phát triển sẽ khiến cho một sự trở lại như thế hoàn toàn không cần thiết và không mong muốn. Nhưng có một bước đi cụ thể mà Các Mác dường như xem là tất yếu: Cần có chủ nghĩa tư
bản để có chủ nghĩa xã hội. Được dẫn dắt bởi lợi ích cá nhân, cạnh tranh tàn khốc và nhu cầu mở rộng không ngừng, chỉ có chủ nghĩa tư bản mới có năng lực để phát triển lực lượng sản xuất đến một điểm tại đó, dưới một chế độ chính trị khác, thặng dư mà họ tạo ra có thể được sử dụng để cung cấp sự no đủ cho tất cả mọi người. Để có chủ nghĩa xã hội, anh buộc phải có chủ nghĩa tư bản trước. Hay nói cách khác, anh có thể không cần chủ nghĩa tư bản, nhưng ai đó phải cần. Các Mác nghĩ rằng, nước Nga sẽ có thể duy trì một hình thái xã hội chủ nghĩa dựa trên công xã nông dân hơn là trên một lịch sử của chủ nghĩa tư bản công nghiệp; nhưng ông không thể tưởng tượng rằng, điều này có thể được thực hiện mà không có sự giúp đỡ của nguồn tư bản từ nơi khác. Một quốc gia khác không cần phải qua chủ nghĩa tư bản, nhưng chủ nghĩa tư bản phải tồn tại đâu đó nếu muốn đến chủ nghĩa xã hội.
Điều này đặt ra nhiều vấn đề đạo đức hóc búa. Như những người Cơ đốc giáo chấp nhận quỷ dữ là cần thiết theo kế hoạch với loài người của Chúa, bạn có thể thấy như vậy về Các Mác khi ông tuyên bố rằng, chủ nghĩa tư bản, tuy tham tàn và phi lý, phải được cam chịu vì tương lai của chủ nghĩa xã hội mà nó tất yếu sẽ mang đến cùng với sự xuất hiện của nó. Không chỉ chịu đựng, thực tế còn được khuyến khích một cách chủ động. Có những điểm trong công trình của Các Mác tán dương sự lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản, vì chỉ có vậy sẽ dẫn đường cho chủ nghĩa xã hội được mở bung ra. Trong một bài thuyết trình năm 1847, ông bảo vệ tự do thương mại như là việc đẩy nhanh sự tiến tới chủ nghĩa xã hội. Ông cũng muốn nhìn nhận sự thống nhất của nước Đức trên cơ sở rằng, nó sẽ thúc đẩy chủ nghĩa tư bản Đức. Có nhiều chỗ trong công trình của ông, nhà chủ nghĩa xã hội cách mạng này tán dương khá nhiều viễn cảnh một giai cấp tư bản tiến bộ chấm dứt “chủ nghĩa man rợ”.
Đạo lý trong đó rõ ràng là mơ hồ. Có gì khác biệt với cuộc tàn sát giết chóc của Stalin hay Mao, thực hiện dưới danh nghĩa của tương lai chủ nghĩa xã hội? Mục đích có thể biện minh cho phương thức như thế nào? Và bởi vì ít người ngày nay tin chủ nghĩa xã hội là tất yếu, liệu có thêm lý do để thừa nhận một sự tế thời hiện tại dã man như vậy trên điện thờ tương lai mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ đến? Nếu chủ nghĩa tư bản là thiết yếu cho chủ nghĩa xã hội, và nếu chủ nghĩa tư bản là bất công, liệu điều này có cho rằng sự bất công là chấp nhận được về mặt đạo đức? Nếu phải có công bằng trong tương lai, liệu buộc phải có bất công trong quá khứ? Các Mác viết trong cuốn Học thuyết về giá trị thặng dư rằng: “sự phát triển của năng lực loài người diễn ra với sự trả giá của đa số cá nhân và thậm chí các giai cấp”[11]. Ông muốn nói rằng, sự tốt đẹp cho loài người cuối cùng sẽ chiến thắng trong hình hài của chủ nghĩa xã hội, nhưng rằng điều này có được với tổn thất lớn và bất công không thể tránh khỏi trên con đường đi. Sự thịnh vượng vật chất để cuối
cùng tạo điều kiện cho tự do là kết quả của sự mất tự do.
Có gì khác biệt giữa việc làm điều xấu để hy vọng điều tốt sẽ đến với việc tìm cách biến cái xấu của người này thành cái tốt đẹp. Những người xã hội chủ nghĩa không phạm vào chủ nghĩa tư bản, và vô tội với tội ác của nó; nhưng chấp nhận nó tồn tại, nó dường như là hợp lý trí để phát huy những cái tốt nhất từ chủ nghĩa tư bản. Điều này là có thể, bởi vì, chủ nghĩa tư bản đương nhiên không phải chỉ toàn là xấu xa. Nói như vậy là phiến diện trầm trọng, một lỗi mà chính Các Mác hiếm khi phạm phải. Như chúng ta đã thấy, chế độ tư bản chủ nghĩa ủng hộ tự do cũng như chủ nghĩa man rợ, sự giải phóng con người cùng với chế độ nô lệ. Xã hội tư bản tạo nên sự giàu có khổng lồ, nhưng theo một cách là không thể đặt sự giàu có đó vào tay của hầu hết người dân. Mặc dù vậy, luôn có thể vươn lên sự giàu có đó. Nó có thể thoát khỏi những hình thức tích trữ chủ nghĩa cá nhân đã từng nuôi dưỡng chủ nghĩa tư bản, đầu tư vào cộng đồng nói chung, và dùng để hạn chế đến mức nhỏ nhất những bất đồng ý kiến. Bởi vậy, nó có thể giải thoát con người khỏi ràng buộc của nhu cầu kinh tế tối thiểu để đến với một cuộc sống mà ở đó họ tự do thực hiện khả năng sáng tạo của mình. Đó là viễn cảnh của Các Mác về chủ nghĩa xã hội.
Điều đó không hề nói rằng, sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản là hoàn toàn tốt đẹp. Nó có thể tốt hơn nếu sự giải phóng con người có thể được tiến hành với ít máu, mồ hôi và nước mắt hơn. Theo nghĩa đó, học thuyết về lịch sử của Các Mác không phải là học thuyết “mục đích luận”. Một học thuyết mục đích luận nói rằng, mỗi giai đoạn của lịch sử xuất hiện không thể tránh khỏi từ những gì đi trước. Bản thân mỗi giai đoạn của tiến trình cần thiết, và cùng với tất cả các giai đoạn khác đều cần thiết để đi đến một đích nhất định. Bản thân mục đích đó cũng là tất yếu, đóng vai trò là động lực bên trong của toàn bộ tiến trình. Không gì trong câu chuyện này có thể bị loại bỏ, và mọi thứ có độc hại hay tiêu cực đều góp phần cho sự tốt đẹp toàn thể.
Đấy không phải là những gì Các Mác dạy. Để nói rằng từ chủ nghĩa tư bản sẽ có một tương lai tiến bộ không phải là hàm ý rằng nó tồn tại cho lý do đó. Chủ nghĩa xã hội không nhất thiết phải tiếp theo sau chủ nghĩa tư bản. Không phải để nói rằng, tội ác của chủ nghĩa tư bản được bao biện cho việc tiến tới chủ nghĩa xã hội. Cũng không phải để ngụ ý rằng, chủ nghĩa tư bản nhất thiết phải tồn tại. Các phương thức sản xuất không nhất thiết phải xuất hiện. Không phải các phương thức sản xuất đều được gắn với tất cả các giai đoạn trước bởi một lôgic bên trong nào đó. Không giai đoạn nào của tiến trình tồn tại với giai đoạn khác. Có thể bỏ qua các giai đoạn, như những người Bôn-sê-vích đã làm. Không thể chắc chắn được điểm cuối cùng. Với Các Mác, lịch sử không di chuyển theo một hướng nào cụ thể. Chủ nghĩa tư
bản có thể được sử dụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng là vô nghĩa khi toàn bộ tiến trình lịch sử dồn hết công sức tới cái đích này.
Thời đại chủ nghĩa tư bản hiện đại mang lại lợi ích không thể chối cãi. Nó có rất nhiều đặc tính tuyệt vời, từ cải tiến cách gây mê và xử phạt đến hệ thống vệ sinh ưu việt và tự do ngôn luận, mà bản thân chúng là quý báu, không phải đơn giản vì một tương lai chủ nghĩa xã hội sẽ tìm cách nào đó để sử dụng chúng. Nhưng điều đó không nhất thiết nghĩa là hệ thống đó cuối cùng được minh oan. Có thể lập luận rằng, dù nếu xã hội có giai cấp cuối cùng đi đến chủ nghĩa xã hội, cái giá nhân loại buộc phải trả cho kết cục may mắn này đơn giản là quá cao. Một thế giới xã hội chủ nghĩa sẽ tồn tại trong bao lâu, và nó cần mạnh mẽ đến đâu để hưng thịnh, để biện minh trong hồi tưởng cho những đau khổ của lịch sử giai cấp? Có thể làm được điều đó không hay chỉ giống như biện minh cho Auschwitz? Nhà triết gia Mác-xít Max Horkheimer lý luận rằng: “con đường đi của lịch sử nằm trên đau thương và khốn khổ của các cá nhân. Có một loạt các kết nối mang tính thanh minh giữa hai thực tiễn này, nhưng không có cái nào có ý nghĩa biện minh”[12].
Chủ nghĩa Mác nói chung không được nhìn nhận như là một viễn cảnh bi đát của thế giới. Chương cuối cùng của nó – chủ nghĩa cộng sản – xuất hiện quá lạc quan. Nhưng, không đánh giá khía cạnh buồn thảm của nó sẽ là bỏ sót chiều sâu phức tạp của nó. Câu chuyện của những nhà Mác-xít không buồn thảm theo nghĩa kết thúc tồi. Nhưng một câu chuyện không phải kết thúc dở sẽ trở nên buồn thảm. Thậm chí, nếu con người tìm ra sự hoàn hảo nào đó vào phút cuối, thì vẫn là bi thảm rằng, tổ tiên của họ đã phải bị đẩy xuống địa ngục để họ có được như vậy. Và sẽ có nhiều người ngã xuống bên đường, không đạt được mục đích và bị quên lãng. Thiếu sự phục sinh thực sự, chúng ta không bao giờ có thể thưởng phạt cho hàng triệu người bị ngã giữa đường này. Học thuyết lịch sử của Các Mác là bi kịch chỉ theo khía cạnh đó.
Đó là một điểm nổi bật mà Aijaz Ahmad biết rất rõ. Ông nói đến Các Mác về sự suy tàn của giai cấp nông dân, nhưng luận điểm này có một ứng dụng khái quát hơn trong công trình của ông. Ông viết: “Có một hàm ý về sự phá hủy tàn khốc và mất mát không thể cứu vãn, một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà ở đó không thể hoàn toàn xác nhận cả cái cũ lẫn cái mới, thừa nhận rằng người chịu thiệt là người tử tế và chưa hoàn thiện, cũng thừa nhận rằng lịch sử của chiến thắng và mất mát thực sự là lịch sử của sản xuất vật chất, và cuối cùng là một hy vọng mong manh rằng, điều tốt đẹp nào đó có thể sẽ đến với lịch sử nhẫn tâm này”[13]. Bi kịch không nhất thiết không có hy vọng.
Cuối cùng, còn một điểm nữa cần ghi nhớ. Chúng ta đã thấy rằng, chính Các Mác cho rằng chủ nghĩa tư bản là không thể tránh khỏi cho chủ nghĩa xã hội. Nhưng liệu có đúng không? Điều gì diễn ra nếu ai đó phải tìm cách phát triển lực lượng sản xuất từ một mức rất thấp, nhưng là mạnh nhất sao cho phù hợp với giá trị xã hội chủ nghĩa dân chủ? Đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Nhưng đó là quan điểm của những thành viên phe đối lập cánh tả ở nước Nga Bôn-sê-vích; và, mặc dù vậy, đó là một đề án bị đổ vỡ nhưng là chiến lược đúng đắn để đi theo trong hoàn cảnh đấy. Điều gì sẽ xảy ra nếu chủ nghĩa tư bản chưa từng tồn tại? Nhân loại liệu có thể tìm ra cách nào ít tàn ác hơn cho việc phát triển mà Các Mác xem như một hàng hóa quý giá nhất – sở hữu vật chất, một sự giàu có về sức sáng tạo của con người, tính tự quyết, truyền thông toàn cầu, tự do cá nhân, một nền văn hóa tráng lệ v.v.. và v.v..? Liệu một lịch sử khác có tạo ra được những nhân tài ngang với Raphael và Shakespeare? Ta hãy nghĩ đến sự tráng lệ của nghệ thuật và khoa học trong Hy Lạp cổ đại, xứ sở Ba Tư, Ai Cập, Trung Hoa, Ấn Độ, Mesopotania và những nơi khác nữa. Sự hiện đại của chủ nghĩa tư bản có thực sự cần thiết? Làm thế nào để ai đó cân đong được giá trị của khoa học hiện đại và tự do con người với hàng hóa tinh thần của các xã hội bộ lạc? Điều gì xảy ra khi chúng ta đặt nền dân chủ cùng với sự hủy diệt hàng loạt?
Vấn đề có lẽ có nhiều hàm ý hơn là tính học thuật. Cứ cho rằng, một số ít người chúng ta có thể thoát ra khỏi thảm họa hạt nhân hay sinh thái, và bắt đầu nhiệm vụ nản lòng là xây dựng nền văn minh lại từ mớ hỗn độn. Với những gì ta biết về nguyên nhân của thảm họa này, lần này liệu chúng ta sẽ khôn ngoan để thử lại theo con đường xã hội chủ nghĩa?
[1] Alex Callinicos (Chủ biên): Marxist Theory, Oxford, 1989, p.143. [2] “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị - Lời tựa”, trong Các Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.1993, t.13, tr.15. [3] Người bảo vệ mãnh liệt nhất cho học thuyết này là G.A.Cohen trong tác phẩm Marx's Theory of History: A Defence (Oxford, 1978). Hiếm có một ý tưởng ương ngạnh nào được nhiều người ủng hộ đến vậy. Xem thêm một giải thích tuyệt vời cho học thuyết lịch sử của Mác ở S.H.Rigby: Marxism and History, Manchester and New York, 1987, là tác phẩm tôi trích dẫn ở đây.
[4] Bởi Alex Callinicos and Chris Harmon: The Changing Working Class, London, 1983, p.13.
[5] .“Gia đình thần thánh” trong Các Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.141.
[6] Marx & Engels: Tuyển tập các bức thư (Selected Correspondence), Moscow, 1975, pp.390-91, 293-94.
[7] Marx & Engels: Tuyển tập các bức thư (Selected Correspondence), Moscow, 1975, pp.390-91, 293-94.
[8] Điểm này đã được John Maguire trình bày trong Marx's Theory of Politics, Cambridge, 1978, p.123.
[9] Lời bạt viết cho lần xuất bản thứ hai trong Các Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.23, tr.33.
[10] Umberto Melotti: Chủ nghĩa Mác và thế giới thứ ba (Marxism and the Third World), London, 1972, p.6
[11] Karl Marx: Theories of Surplus Value, London, 1972, p.134. [12] Xem Alfred Schmidt: The Concept of Nature in Marx, London, 1971, p.36.
[13] Aijaz Ahmad: In Theory: Classes, Nations, Literatures, London, 1992, p.228.
CHƯƠNG 4
CHỦ NGHĨA MARX LÀ KHÔNG TƯỞNG?
PHẢN BÁC:
Chủ nghĩa Mác là một giấc mơ về xã hội không tưởng. Nó đặt niềm tin vào một xã hội hoàn hảo, không có khổ cực, đau buồn, bạo lực và mâu thuẫn. Dưới chế độ cộng sản chủ nghĩa sẽ không có sự bon chen, vị kỷ, chiếm hữu, cạnh tranh hay bất bình đẳng. Không ai là ưu việt hay hạ đẳng đối với người khác. Không ai phải làm việc, loài người sống hoàn toàn hòa thuận với nhau, nguồn của cải vật chất sẽ tuôn chảy không bao giờ dứt. Viễn cảnh ngây thơ một cách đáng ngạc nhiên này bắt nguồn từ niềm tin ấu trĩ vào bản chất con người. Chỉ đơn giản là bản chất xấu xa của con người được loại trừ. Người ta không cần chú ý đến thực tế rằng con người là những sinh vật sinh ra vốn có bản chất ích kỷ, tham lam, thô bạo và ganh đua mà không một sự can thiệp xã hội nào có thể làm thay đổi. Chính viễn cảnh ngây ngô của Các Mác về tương lai phản ánh sự phi thực tế đến vô lý trong toàn bộ hệ thống quan điểm chính trị của ông.
BIỆN GIẢI:
“Vẫn có tai nạn giao thông ở xã hội không tưởng Mác-xít của các người chứ?” Đó là một câu hỏi nhạo báng mà những người Mác-xít đã quá quen thuộc. Trên thực tế, lời chỉ trích đó cho thấy sự thiếu hiểu biết của người nói, chứ không cho thấy những ảo tưởng của người Mác-xít. Bởi vì, nếu xã hội không tưởng có nghĩa là một xã hội hoàn hảo thì “xã hội không tưởng Mác xít”[1] lại có nghĩa trái ngược hoàn toàn.
Dường như có những cách sử dụng thú vị hơn nhiều đối với từ “không tưởng” trong truyền thống Mác-xít. Một trong những người Anh vĩ đại nhất là William Morris đã xuất bản một công trình không tưởng khó quên trong Tin tức không ở đâu cả (New From Nowhere), một tác phẩm không giống hầu hết những tác phẩm không tưởng khác, đã mô tả chi tiết quá trình thay đổi chính trị xuất hiện như thế nào. Tuy nhiên, khi từ này trở nên thông dụng thì cũng cần phải nói rằng, Các Mác đã không thể hiện một sự quan tâm dù nhỏ nhất đến một tương lai không có đau khổ, chết chóc, mất mát, thất bại, đổ vỡ, xung đột, thảm họa hay thậm chí lao động. Thực ra, ông không thể hiện sự quan tâm nhiều đến tương lai. Thật là giả dối đối với tác phẩm của ông khi cho rằng ông hầu như không nói rõ một xã hội xã hội chủ nghĩa hay xã hội cộng sản chủ nghĩa sẽ như thế nào. Những người phê phán
ông, bởi vậy, có thể trách cứ ông về sự vô tâm khó tha thứ, nhưng họ khó có thể làm được điều đó đồng thời đổ lỗi cho ông đã vẽ ra những kế hoạch không tưởng. Chính chủ nghĩa tư bản chứ không phải chủ nghĩa Mác đã mua bán tương lai. Trong Hệ tư tưởng Đức, ông đã phản bác quan điểm về chủ nghĩacộng sản là “lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo”. Thay vào đó, trong Hệ tư tưởng Đức, ông coi nó là “một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay”[2].
Cũng giống như người Do Thái trước đây bị cấm bói toán tương lai, thì Các Mác, một người Do Thái thế tục dường như không hề nói về những gì trong tương lai. Chúng ta đều thấy có thể ông tin rằng chủ nghĩa xã hội là tất yếu, nhưng ông không hề nói chủ nghĩa xã hội sẽ như thế nào. Có một vài lý do cho sự dè dặt này. Thứ nhất, tương lai không tồn tại, do đó bịa ra những hình ảnh về tương lai là một sự dối trá. Nếu làm được như vậy thì cũng có nghĩa cho rằng, tương lại được quyết định từ trước – nó ở chỗ nào đó chưa rõ rệt mà chúng ta cần phát hiện. Chúng ta cũng thấy rằng, có một hàm ý mà ở đó Các Mác khẳng định rằng, tương lai là tất yếu. Nhưng tất yếu không nhất thiết có nghĩa là điều đáng mong muốn. Cái chết cũng là tất yếu nhưng là cái không mong muốn đối với hầu hết mọi người. Tương lai có thể được quyết định từ trước nhưng không có lý do gì để nói rằng, tương lai sẽ là cái tốt đẹp hơn những gì chúng ta đang có. Tất yếu, như chúng ta đã thấy, thường là cái gì đó không thú vị mấy. Bản thân Các Mác cũng cần nhận thức thêm về điều đó.
Tuy nhiên, dự đoán tương lai không chỉ vô nghĩa; trên thực tế nó còn mang tính hủy diệt. Có sức mạnh đối với tương lai là một cách tạo cho mình một cảm giác sai lầm về sự an toàn. Đó là một thủ thuật che giấu mình trước bản chất cởi mở của hiện tại với tất cả tính không ổn định và khó dự đoán của nó. Tương lai khi đó được sử dụng như là một hình thức mê tín dị đoan, không khác gì ru ngủ đứa trẻ trong chăn ấm bằng câu chuyện cổ tích. Đó là một giá trị tuyệt đối không bao giờ làm chúng ta thất vọng (vì nó không tồn tại) bởi vì nó cũng xa rời hơi thở của lịch sử như một ảo ảnh. Bạn cũng có thể độc chiếm lấy tương lai như là một cách chi phối hiện tại. Những thầy bói thực thụ trong thời đại của chúng ta không phải là những kẻ để râu tóc rũ rượi, miệng la hét lảm nhảm những lời khủng khiếp về cái chết của chủ nghĩa tư bản, mà là những chuyên gia được các công ty xuyên quốc gia thuê để nghiên cứu săm soi ruột gan hệ thống và khẳng định với những kẻ cai trị của nó rằng, lợi nhuận của họ được bảo đảm trong mười năm nữa. Trái lại, nhà tiên tri không phải là người nhìn thấu suốt tương lai. Thật sai lầm khi cho rằng, những nhà tiên tri trong Kinh Thánh phải tìm cách dự báo tương lai, mà đúng hơn là nhà tiên tri vạch trần sự tham lam, mục nát, mua quan bán chức hiện nay, cảnh báo cho chúng rằng, nếu chúng ta không thay đổi,
chúng ta sẽ không thể có tương lai. Các Mác là một nhà tiên tri, chứ không phải là một thầy bói.
Còn một lý do nữa để nói rằng, tại sao Các Mác lại thận trọng với những hình ảnh của tương lai. Bởi vì, trong thời của ông có rất nhiều hình ảnh tương lai – hầu hết đó là hình ảnh do những người cấp tiến theo chủ nghĩa duy tâm một cách vô vọng vẽ nên. Quan điểm cho rằng, lịch sử đang tiến dần đến một trạng thái hoàn hảo không phải là một quan điểm tả khuynh. Quan điểm đó là phổ biến trong thời kỳ Khai sáng thế kỷ XVIII và không mấy nổi tiếng với tinh thần chủ nghĩa xã hội cách mạng thời đó. Nó phản ánh niềm tin của tầng lớp trung lưu châu Âu trong giai đoạn đầu tràn đầy sức sống. Lý do nằm ở quá trình chế ngự chế độ chuyên quyền, khoa học đuổi cổ mê tín dị đoan, còn hòa bình đánh bại kết quả chiến tranh. Kết quả là, toàn bộ lịch sử loài người (mà hầu hết những nhà tư tưởng này đều nghĩ là châu Âu) đều hướng tới đỉnh cao nhất là tình trạng tự do, hòa hợp, và thịnh vượng. Không thể có chuyện nhà phê bình trứ danh và nghiêm khắc nhất lịch sử thuộc tầng lớp trung lưu lại chấp nhận viễn cảnh tự mãn này. Như chúng ta thấy, Các Mác thực sự tin vào tiến bộ và văn minh nhưng ông cũng thừa nhận rằng, những cái đó không thể tách rời tình trạng man rợ và dốt nát.
Như thế không phải để nói rằng, Các Mác không học gì từ những triết gia không tưởng như Fourier, Saint Simon và Robert Owen. Nếu ông có thể khiếm nhã với những người này thì ông vẫn ngợi ca những tư tưởng của họ, mà nhiều khi là sự cầu tiến đáng ngưỡng mộ (nhưng không phải tất cả họ, chẳng hạn như Fourier là người đặt ra thuật ngữ “chủ nghĩa nam nữ bình quyền” và tổ chức xã hội lý tưởng của ông ta được xây dựng để bao hàm chính xác 1.620 người, đã tin rằng, trong xã hội tương lai biển sẽ trở thành nước chanh. Bản thân Các Mác có lẽ cũng yêu thích rượu vang Riesling tinh khiết). Cái mà Các Mác phản đối, cùng với một số thứ khác nữa, là niềm tin của những người theo chủ nghĩa không tưởng rằng, họ có thể giành thắng lợi trước đối thủ của mình chỉ hoàn toàn bằng sức mạnh của lý lẽ. Xã hội đối với họ là cuộc đấu tranh tư tưởng chứ không phải sự va chạm của lợi ích vật chất. Trái lại, Các Mác có quan điểm hoài nghi về niềm tin đó trong những cuộc đối thoại tri thức. Ông nhận thức rằng, những tư tưởng thực sự thu hút sự chú ý này xuất hiện thông qua những hoạt động thường ngày của con người, chứ không phải qua sự diễn giải của các triết gia hay qua tranh luận về xã hội. Nếu bạn muốn thấy con người thực sự tin vào điều gì, hãy nhìn vào những gì họ làm, chứ không phải những gì họ nói.
Đối với Các Mác, những dự án không tưởng là sự sao lãng với nhiệm vụ chính trị hiện tại. Những sức lực đầu tư vào đó có thể để phục vụ tốt hơn cho đấu tranh chính trị. Là một người duy vật, Các Mác rất thận trọng với những
tư tưởng xa rời thực tế lịch sử mà ông cho rằng có những lý do lịch sử chính đáng cho sự xa rời đó. Bất cứ ai có thời gian rảnh rỗi cũng có thể ấp ủ những dự định cho một tương lại tốt đẹp hơn, cũng giống như một ai đó vạch ra vô số kế hoạch cho một cuốn tiểu thuyết đồ sộ mà họ không bao giờ bắt tay vào viết bởi vì họ lúc nào cũng đang lập kế hoạch để viết. Vấn đề với Các Mác không phải là mơ mộng về một tương lai tốt đẹp mà giải quyết những mâu thuẫn hiện tại đang cản trở sự xuất hiện của một tương lai tốt đẹp hơn. Khi đạt được điều này, sẽ không cần đến bất cứ người nào như ông nữa.
Trong tác phẩm Nội chiến ở Pháp, Các Mác viết rằng, những người công nhân cách mạng “không cần phải thực hiện một lý tưởng nào cả, mà chỉ cần giải phóng những nhân tố của xã hội mới đã phát triển trong lòng xã hội tư sản cũ đang sụp đổ”[3]. Hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn không thể chỉ là sự mộng mơ “cuộc đời sẽ tốt đẹp nếu... Nếu là một cái gì đó không phải là những suy nghĩ vẩn vơ, thì một tương lai khác hoàn toàn không chỉ là điều mong đợi mà phải có khả năng thực hiện. Để thực hiện được, nó phải bắt nguồn từ thực tế hiện tại. Nó không thể chỉ do không gian chính trị bên ngoài đặt vào hiện tại. Mà phải là một hình thức chụp cắt lớp, hay chụp X quang đối với hiện tại để nhìn thấy rõ một tương lai đang hình thành ở trong đó. Nếu không làm được điều đó, bạn chỉ có thể giúp mọi người mơ mộng một cách tuyệt vọng, mà theo Freud, mơ mộng tuyệt vọng chính là chứng loạn thần kinh chức năng.
Do vậy, có những lực lượng trong hiện tại đem lại sức mạnh vượt ra ngoài nó. Chẳng hạn như chủ nghĩa bình quyền nam nữ là một phong trào chính trị đang hoạt động sôi nổi hiện nay, nhưng nó hoạt động bằng cách đi tìm một tương lai bỏ rất xa hiện tại. Với Các Mác, chính giai cấp công nhân – đã từng là một thực tế hiện tại và là một tác phẩm mà nhờ đó nó được biến đổi – tạo ra sự liên kết giữa hiện tại và tương lai. Chính trị mang tính giải phóng đã đặt tương lai vào trong lòng hiện tại. Chính trị là cầu nối giữa hiện tại và tương lai tại điểm giao nhau. Cả hiện tại và tương lai được kích thích bởi những nguồn lực của quá khứ, với nghĩa là những truyền thống chính trị quý giá mà ta phải đấu tranh để giữ gìn bằng được.
Một số người bảo thủ là những người theo chủ nghĩa không tưởng, nhưng sự không tưởng của họ nằm trong quá khứ chứ không phải ở tương lai. Theo quan điểm của họ, lịch sử là một sự suy giảm buồn thảm kéo dài so với thời vàng son bắt đầu từ thời Adam Virgil, Dante, Shakespeare, Samuel Johson, Jefferson, Disrael Magaret Thatcher hoặc ai đó nữa mà bạn muốn. Điều này sẽ coi quá khứ như là một vật thờ cúng, giống như những triết gia không tưởng làm với tương lai. Thực tế là, quá khứ cũng tồn tại không hề khác với tương lai, mặc dù người ta cảm thấy như vậy. Nhưng cũng có
những người bảo thủ phản đối truyện thần thoại này với lập luận rằng, mọi kỷ nguyên đều khủng khiếp như nhau. Với họ, tin tốt là mọi việc không trở nên tồi tệ hơn, còn tin xấu sẽ là điều đó là vì chúng không thể tồi tệ hơn được nữa. Cái chi phối lịch sử chính là bản chất của con người, đó là (a) trong một tình trạng ọp ẹp khủng khiếp và (b) tuyệt đối không thể thay đổi được. Điều rồ dại lớn nhất – mà thực ra là sự tàn nhẫn – là đem nhử trước mọi người những lý tưởng nói rằng, họ không thể đạt được một cách hợp hiến. Những người cấp tiến rốt cục chỉ khiến mọi người ghê tởm chính mình. Họ đẩy mọi người vào vòng tội lỗi và tuyệt vọng bằng cách tung hô họ với những điều cao cả hơn.
Bắt đầu từ chỗ mà chúng ta có thể không biết đến cuốn sổ tay hay nhất hướng dẫn chuyển đổi chính trị. Hiện tại có vẻ như là một trở ngại cho sự thay đổi nhiều hơn là một cơ hội cho nó. Giống như một người Ái Nhĩ Lan ngốc nghếch điển hình trả lời khi được ai đó hỏi đường đến ga tàu hỏa: “Ồ, tôi sẽ không bắt đầu đi từ đây đâu”. Nhận xét này không phải phi lý như mọi người thường nghĩ, mà cũng đúng như người Ái Nhĩ Lan đó đã nghĩ. Điều đó có nghĩa là “Anh đáng lẽ có thể đến đó nhanh hơn và ngắn hơn nếu anh không bắt đầu đi từ chỗ khó đi và ở quá xa như chỗ này”. Những người xã hội chủ nghĩa hiện nay có lẽ thông cảm nhiều hơn với tình cảnh đó. Ta có thể hình dung một người Ái Nhĩ Lan quá quen thuộc trong các câu ngạn ngữ tìm hiểu về nước Nga sau cách mạng Bôn-sê-vích, chuẩn bị theo đuổi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một đất nước nghèo nàn, lạc hậu và bị cô lập, anh ta nhận xét: “Ồ, tôi sẽ không bắt đầu đi từ đây đâu”.
Dĩ nhiên, cũng có trường hợp không còn chỗ nào khác để bắt đầu. Một tương lai khác biệt phải là tương lai của hiện tại cụ thể đó. Hầu hết hiện tại được hình thành từ quá khứ. Chúng ta chẳng có gì để từ đó xây dựng tương lai, ngoài một số ít ỏi công cụ mà chúng ta kế thừa từ lịch sử. Những công cụ này còn bị hư hỏng bởi di sản về cảnh khốn cùng và tình trạng bọc lột truyền qua nhiều đời đến chúng ta. Trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gotha, Các Mác đã mô tả xã hội mới in dấu chàm của trật tự cũ từ trước khi nó chào đời như thế nào. Rõ ràng là không thể có một điểm “thuần khiết” để ta bắt đầu từ đó. Nếu tin rằng có được điểm đó sẽ là những ảo tưởng về chủ nghĩa cực tả (Lê-nin gọi đó là tình trạng lộn xộn ấu trĩ) mà với nhiệt tình cách mạng của nó, sẽ chối bỏ tất cả những chiếc xe tải chở đầy những công cụ đã bị tổn thương của hiện tại: cải cách xã hội, công đoàn, đảng chính trị, dân chủ nghị viện,v.v.. Bởi vậy, rốt cục nó trở nên trong trắng như một kẻ bất lực.
Bởi thế nên tương lai không thể chỉ kết dính với hiện tại, không khác gì tuổi trưởng thành được gắn liền với thời thơ ấu. Nó phải được nhận biết bằng
cách nào đó bên trong nó. Như thế không phải để nói rằng, một tương lai như vậy chắc chắn sẽ xuất hiện, giống như một đứa bé nhất định sẽ đến tuổi trưởng thành. Đứa trẻ đó vẫn có thể chết vì bệnh bạch hầu hầu trước khi trưởng thành. Vì vậy, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, với một hiện tại cụ thể, không thể có một tương lai đã biết đến từ lâu. Tương lai là để ngỏ, nhưng nó không để ngỏ hoàn toàn. Không giống như bất cứ điều gì đã biết từ lâu có thể xảy ra. Nơi mà tôi sẽ có mặt trong 10 phút nữa sẽ phụ thuộc vào tôi đang ở chỗ nào và một số thứ khác nữa. Để nhìn thấy tương lai như là một khả năng bên trong hiện tại sẽ không giống như coi một quả trứng sẽ trở thành con gà con. Nếu không bị rơi vỡ hay luộc chín để chuẩn bị cho một cuộc đi chơi dã ngoại, quả trứng sẽ nở thành gà con theo quy luật tự nhiên, nhưng tự nhiên không bảo đảm rằng chủ nghĩa xã hội sẽ theo sát gót chân của chủ nghĩa tư bản. Có nhiều tương lai khác nhau ẩn giấu đằng sau hiện tại, và chúng hoàn toàn không hấp dẫn như nhau. Nhìn tương lai như vậy sẽ là một sự bảo đảm để tránh hình dung sai lầm về nó. Chẳng hạn, cách nhìn này phản bác quan điểm về tương lai đầy tự mãn “theo chủ nghĩa tiến hóa”, coi tương lai đơn giản là nhiều hơn hiện tại. Đơn giản là, tương lai hiển nhiên là hiện tại. Nói ngắn gọn, đây là cách mà những nhà cai trị của chúng ta thích nhìn tương lai – tốt đẹp hơn hiện tại nhưng không ngừng thỏa mãn với nó. Những bất đồng sẽ được giảm tới mức nhỏ nhất. Sẽ không có chấn thương hay tai biến, chỉ có sự hoàn thiện dần dần những gì chúng ta đang có. Quan điểm này gần đây được biết đến là Sự Kết Thúc Của Lịch Sử, trước khi những người Hồi giáo cực đoan buộc lịch sử phải mở ra lần nữa. Bạn cũng có thể gọi đó là lý thuyết Con cá vàng về lịch sử, bởi nó mơ ước về một sự tồn tại an toàn nhưng buồn tẻ, như cuộc sống của con cá vàng trong bể nước. Nó trả giá cho sự tự do thoát khỏi những cú va đập (shake-up) bằng chôn mình trong buồn tẻ chán ngắt. Bởi vậy nó không nhìn thấy rằng, mặc dù tương lai có thể tồi tệ hơn rất nhiều so với hiện tại, nhưng một điều có thể khẳng định là tương lai sẽ rất khác. Một lý do khiến thị trường tài chính đổ vỡ mấy năm trước (2008 – 2009 – ND) là do chúng dựa vào mô hình giả định rằng, tương lai sẽ rất giống với hiện tại.
Trái lại, chủ nghĩa xã hội, theo một nghĩa nào đó là sự đột phá quyết định với hiện tại. Lịch sử cần được phá bỏ và làm lại – không phải bởi vì những người xã hội chủ nghĩa tùy tiện lựa chọn cách mạng chứ không phải cải cách, như con thú khát máu câm điếc trước tiếng gọi của sự tiết chế, mà bởi mức độ của cơn đau bắt buộc phải chữa trị. Tôi nói đến “lịch sử”, nhưng trên thực tế Các Mác e ngại đề cao mọi thứ đã xảy ra đến giờ liên quan đến cái “nhan đề” đó. Với ông, tất cả những gì chúng ta biết cho đến nay đều là “tiền sử” – tức là từ biến thể này đến biến thể khác của sự áp bức và bóc lột con người. Một hành động lịch sử duy nhất đúng là thoát khỏi bài văn tường
thuật buồn tẻ để trở thành lịch sử đúng nghĩa. Là một người theo chủ nghĩa xã hội, bạn phải sẵn sàng nói rõ điều đó sẽ đạt được như thế nào và nó sẽ dẫn đến những thể chế nào. Nhưng nếu trật tự xã hội mới phải mang tính chuyển đổi thực sự, thì tiếp đó sẽ có một giới hạn khắc nghiệt đặt ra cho việc bạn có thể nói bao nhiêu về nó ngay từ bây giờ. Xét cho cùng, chúng ta có thể mô tả tương lai chỉ bằng cách dựa vào quá khứ hay hiện tại; và một tương lai đoạn tuyệt với hiện tại sẽ là khó mô tả bởi những giới hạn của ngôn ngữ chúng ta. Như chính Các Mác đã nhận xét trong tác phẩm Ngày 18 tháng Sương mù của Na-pô-lê-ông Bô-na-pác: “[trong tương lai xã hội chủ nghĩa] nội dung sẽ nhiều hơn hình thức”. Raymon Williams cũng có cùng nhận xét như vậy trong tác phẩm Văn hóa và xã hội 1780 – 1950, khi viết: “chúng ta phải lập kế hoạch cho những gì có thể lập kế hoạch được theo những quyết định chung của chúng ta. Nhưng trọng tâm đặt vào quan điểm văn hóa là đúng khi điều đó nhắc chúng ta rằng, văn hóa về bản chất là không thể lập kế hoạch được. Chúng ta phải bảo đảm phương tiện cuộc sống, phương tiện của cộng đồng. Nhưng những gì sẽ sống được khi đó, bằng những phương tiện này, chúng ta không biết và cũng không thể nói được”[4].
Có thể nói cách khác, nếu tất cả những cái đã xảy ra cho đến nay là “tiền sử” thì điều đó là dễ dự đoán hơn những gì Các Mác coi thực sự là lịch sử. Nếu chúng ta cắt tại một điểm bất kỳ trong lịch sử quá khứ và xem xét kỹ điểm giao cắt đó, chúng ta sẽ biết được trước những gì chúng ta sẽ tìm thấy ở đó. Chẳng hạn, chúng ta sẽ phát hiện thấy rằng, đại đa số người dân tại thời điểm đó đang sống một cuộc sống khó khăn cực khổ chỉ để phục vụ cho nhóm người cai trị. Chúng ta cũng sẽ phát hiện ra rằng, nhà nước chính trị, cho dù dưới bất kỳ hình thức nào, cũng luôn sẵn sàng sử dụng bạo lực để bảo vệ tình trạng này. Chúng ta sẽ phát hiện rằng, có rất nhiều truyện thần thoại, văn hóa và tư tưởng của giai đoạn đó cung cấp cơ sở hợp phát nào đó cho sự tồn tại của tình trạng này. Chúng ta có thể cũng sẽ phát hiện ra một hình thức phản kháng nào đó của những người bị bóc lột đối với tình trạng bất công này.
Tuy nhiên, môt khi những kìm hãm sự phát triển của con người này được xóa bỏ, càng khó có thể nói được điều gì sẽ xảy ra. Khi đó mọi người sẽ được tự do hành xử như mong muốn, trong phạm vi trách nhiệm của họ đối với nhau. Nếu họ có thể dùng thời gian của mình nhiều hơn cho những gì mà giờ đây chúng ta gọi là hoạt động giải trí, chứ không phải là vào những công việc vất vả, thì hành vi của họ thậm chí còn trở nên khó dự đoán hơn. Tôi nói đến “những gì mà giờ đây chúng ta gọi là giải trí”, bởi vì, nếu chúng ta thực sự sử dụng những nguồn lực do chủ nghĩa tư bản tích lũy được để giải phóng một số lượng lớn người khỏi công việc, thì chúng ta sẽ không gọi những gì chúng ta đã làm thay cho nó là “giải trí”. Đó là vì quan niệm về giải trí phụ
thuộc vào sự tồn tại của cái đối lập với nó (lao động), cũng giống như chúng ta không thể định nghĩa được chiến tranh mà không có một khái niệm nào đó về hòa bình. Chúng ta cũng cần nhớ rằng, những hoạt động được gọi là giải trí thậm chí cũng đòi hỏi những nỗ lực to lớn và căng thẳng không kém việc xúc than. Bản thân Các Mác cũng thừa nhận điều này. Một số người cánh tả sẽ thất vọng khi nghe nói rằng, việc không được làm việc không nhất thiết có nghĩa là suốt cả ngày ngồi chơi xơi nước. Suy luận tương tự, lấy ví dụ hành vi của những người ở trong tù. Rất dễ để nói được những gì các tù nhân sẽ làm suốt cả ngày bởi vì những hoạt động của họ bị kiểm soát chặt chẽ. Những người cai tù có thể nói khá chắc chắn rằng tù nhân sẽ ở đâu vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ tư và nếu họ không thể làm như vậy họ có thể bị Thống đốc triệu hồi. Thế nhưng, khi người phạm tội được thả về với xã hội, rất khó có thể kiểm soát được họ, trừ phi sự kiểm soát đó được thực hiện bằng hình thức điện tử. Họ đã chuyển từ thời “tiền sử” bị tống giam của họ sang lịch sử thực thụ, có nghĩa là giờ đây, họ được tự do quyết định sự tồn tại của mình, chứ không phải do những thế lực bên ngoài quyết định. Với Các Mác, chủ nghĩa xã hội là thời kỳ mà ở đó chúng ta cùng quyết định theo hình thức tập thể đối với số phận của chính chúng ta. Đó chính là dân chủ với đầy đủ tính nghiêm túc nhất, chứ không phải dân chủ như là một trò chơi đố chữ chính trị. Cái thực tế con người được tự do nhiều hơn có nghĩa là sẽ khó nói được họ sẽ đang làm gì vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ tư.
Một tương lai khác hoàn toàn không phải là sự kéo dài đơn thuần hiện tại, cũng không phải là sự cắt đứt hoàn toàn với hiện tại. Nếu đó là sự cắt đứt hoàn toàn, làm thế nào chúng ta có thể nhận biết được điều đó? Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể mô tả điều đó một cách khá dễ dàng bằng ngôn ngữ của hiện tại, thì nó sẽ thực sự khác theo nghĩa nào? Tư tưởng của Các Mác về giải phóng con người phản bác cả sự tiếp nối cũng như sự đoạn tuyệt hoàn toàn. Theo nghĩa này thì ông là người hiếm gặp nhất trong loài người, một người có đầu óc nhìn xa trông rộng, đồng thời cũng là một nhà hiện thực chân chính. Ông chuyển khúc nhạc phóng túng của tương lai thành những công việc buồn tẻ của hiện tại, nhưng đúng ở đó, ông đã tìm thấy một tương lại vô cùng phong phú cần được giải phóng. Ông u buồn với quá khứ nhiều hơn những nhà tư tưởng khác, nhưng lại đầy hy vọng so với hầu hết trong số họ về những gì sắp xảy ra.
Chủ nghĩa hiện thực và viễn cảnh ở đây gắn liền với nhau: để nhìn hiện tại đúng là hiện tại, ta sẽ phải nhìn nó trong khả năng có thể biến đổi của hiện tại. Nếu không như vậy, bạn không thể nhìn nó một cách chính xác, bởi vì bạn sẽ không nhìn được toàn diện một em bé mới lọt lòng nghĩa là gì nếu bạn không thừa nhận rằng nó là một đứa trẻ trong tương lai. chủ nghĩa tư bản đã sinh ra những quyền lực và khả năng phi thường mà bản thân nó cũng
cảm thấy khó xử; chính vì vậy, Các Mác là người tràn đầy hy vọng mà không phải là một nhà quán quân tinh tường của Tiến bộ và là người hiện thực một cách chân chất mà không phải là người hoài nghi hay bạc nhược. Sẽ là một viễn cảnh bi thương nếu nhìn chằm chằm vào điểm xấu nhất (cái tồi tệ nhất) trên khuôn mặt, nhưng cần vượt lên nó bằng cách làm đúng như vậy. Các Mác, như chúng ta đã thấy, theo một cách nào đó là một nhà tư tưởng bi thương, không phải là một nhà tư tưởng bi quan.
Một mặt, những người Mác-xít thuộc loại người khó thông cảm, luôn hoài nghi tinh thần cao cả của luân thường đạo lý và luôn cảnh giác với chủ nghĩa duy tâm. Với lối suy nghĩ luôn luôn nghi ngờ theo bản năng, họ có chiều hướng đi tìm những lợi ích vật chất đằng sau những câu nói hoa mỹ đầy nhiệt huyết. Họ cảnh giác với những thế lực buồn tẻ, thường là ti tiện, thường thấy trong những câu nói đạo đức giả, hay ảo ảnh tình cảm ủy mị. Thế nhưng, đó là vì họ muốn giải phóng con người khỏi những thế lực đó với niềm tin rằng, học có đầy đủ khả năng làm được những điều tốt đẹp hơn. Bởi vậy, họ kết hợp tính nhẫn tâm với niềm tin vào tính nhân đạo. Chủ nghĩa duy vật không hề viển vông, khó bị lừa dối bởi những lời khoa trương khoác lác, nhưng cũng quá hy vọng rằng mọi việc sẽ được hoàn thiện thành hoài nghi. Đã có một sự kết hợp tồi tệ trong lịch sử loài người.
Ta có thể nghĩ đến khẩu hiệu rất kêu của sinh viên Paris năm 1968: “Hãy hiện thực: đòi hỏi điều không thể!” Với tất cả tính chất hoa ngữ bóng bẩy của nó, khẩu hiệu này thật chính xác. Cái được yêu cầu một cách hiện thực để sửa chữa xã hội là vượt ra ngoài sức mạnh đang hiện hữu trong hệ thống, và theo nghĩa đó là điều không thể có. Nhưng là hiện thực khi tin rằng thế giới về nguyên tắc sẽ có thể được cải thiện rất nhiều. Những người chế giễu ý tưởng cho rằng có thể có được sự thay đổi xã hội lớn là những người tùy hứng mãnh liệt. Những người mộng mơ thực sự là những người phủ nhận mọi thứ nếu không phải là sự thay đổi dần dần đều có thể xuất hiện. Chủ nghĩa thực dụng ương ngạnh này cũng mang chứng hoang tưởng y như khi bạn tin rằng mình là Nữ hoàng Marie Antoinette. Những loại người như vậy luôn có nguy cơ gây bất ngờ cho lịch sử. Chẳng hạn, một số nhà tư tưởng thời phong kiến dám chối bỏ hệ thống kinh tế “phi tự nhiên” như chủ nghĩa tư bản có thể đã rất nổi tiếng. Cũng có những người đáng trách tự lừa dối mình tưởng tượng rằng nếu có nhiều thời gian và nỗ lực hơn, chủ nghĩa tư bản sẽ mang đến một thế giới dư giả cho tất cả mọi người. Với họ, hiện giờ nó chưa làm được như vậy chẳng qua chỉ là điều không may đáng tiếc. Họ không thấy rằng, bất bình đẳng đối với chủ nghĩa tư bản cũng là điều tự nhiên như tính kiêu căng và vĩ cuồng ở Hollywood.
Cái mà Các Mác phát hiện ở hiện tại là sự va chạm khốc liệt giữa các lợi
ích. Nhưng trong khi một triết gia không tưởng có thể hô hào chúng ta vượt lên trên những mâu thuẫn đó dưới danh nghĩa tình thương yêu đùm bọc, thì bản thân Các Mác chọn một con đường đi hoàn toàn khác. Ông thực sự tin tưởng vào tình yêu thương đùm bọc, nhưng ông không nghĩ sẽ đạt được những điều đó bằng sự hòa hợp giả dối. Người bị bóc lột và người bị tước đoạt phải không từ bỏ lợi ích của mình, là điều mà những người chủ của họ muốn họ làm nhưng bằng cách ép buộc. Chỉ đến khi đó thì một xã hội vượt lên trên tư lợi cuối cùng mới có thể xuất hiện. Không có gì sai lầm với việc là người vị kỷ nếu không có sự lựa chọn nào khác ngoài tự ôm lấy xiềng xích bằng tinh thần hy sinh giả tạo.
Những người phê phán Các Mác có thể thấy khó chịu với sự nhấn mạnh đến lợi ích giai cấp này. Nhưng họ không thể tuyên bố thẳng thừng rằng, ông có quan điểm tốt đẹp quá đáng về bản chất của con người. Chỉ bằng cách bắt đầu từ hiện tại không bao giờ lấy lại được, tự mình tâm phục cơ sở lô-gic không mấy giá trị của hiện tại, thì bạn mới có thể hy vọng đi qua và vượt lên trên hiện tại. Điều này cũng nằm trong tinh thần truyền thống của một tấn thảm kịch. Chỉ khi chấp nhận những mâu thuẫn đó là bản chất của xã hội có giai cấp, chứ không phải phủ nhận chúng theo tinh thần không vụ lợi trong sáng, thì bạn mới có thể giải phóng của cải của loài người mà những mâu thuẫn này đang kìm nén. Chính vào lúc những cơ sở lập luận về hiện tại bị thất bại, rơi vào bế tắc và trở nên không rõ ràng mạch lạc đã giúp Các Mác phác thảo ra một tương lai rạng rỡ. Hình ảnh thật sự của tương lai chính là sự thất bại của hiện tại.
Chủ nghĩa Mác, mà theo lời phàn nàn của nhiều người chỉ trích nó, có một quan điểm lý tưởng hóa một cách không chấp nhận được về bản chất con người. Nó mơ mộng một cách ngớ ngẩn về một tương lai mà ở đó mọi người sẽ hợp tác và thân thiện với nhau. Sự ganh đua, đố kỵ, bất bình đẳng, bạo lực, áp bức và cạnh tranh sẽ bị trục xuất ra khỏi trái đất. Thực ra khó có thể tìm thấy một từ nào trong các tác phẩm của Các Mác ủng hộ tuyên bố lạ kỳ đó, nhưng không có mấy người phê phán ông dám sẵn sàng bảo vệ lập luận của mình với các bằng chứng rõ ràng. Họ tin rằng, Các Mác đã tiên đoán một trạng thái phẩm hạnh của con người được gọi là chủ nghĩa cộng sản, mà thậm chí Thánh Gabriel cũng có thể gặp rắc rối khi sống theo nó. Khi tiên đoán điều đó, ông đã cố ý hoặc vô tình bỏ qua một thực trạng luôn bất mãn, không hoàn thiện và đầy khiếm khuyết được biết đến chính là bản chất của con người.
Một số người Mác-xít đáp lại sự cáo buộc này bằng cách tuyên bố rằng, nếu Các Mác coi nhẹ bản chất của con người thì đó là vì ông không tin vào khái niệm đó. Theo quan điểm này, khái niệm về bản chất con người đơn
giản là một cách giữ chúng ta có ý thức chính trị ở nơi chúng ta sống. Điều đó gợi ý rằng, loài người là những sinh vật nhu nhược, tham lam, vị kỷ; rằng, điều đó là không thay đổi theo suốt chiều dài lịch sử; và rằng, nó là hòn đá tảng mà không sức mạnh nào có thể lay chuyển. “Bạn không thể thay đổi bản chất con người” là một trong những lý do phản bác phổ biến nhất đối với những tư tưởng chính trị mang tính cách mạng. Ngược lại, một số nhà Mác xít khẳng định rằng, không có điểm cốt yếu nào không thể thay đổi đối với loài người. Theo quan điểm của họ, chính lịch sử của chúng ta chứ không phải bản chất của chúng ta khiến chúng ta là chính chúng ta hiện tại và bởi vì lịch sử sẽ luôn thay đổi, chúng ta có thể biến đổi bản thân chúng ta bằng cách thay đổi điều kiện lịch sử của chúng ta.
Các Mác không hoàn toàn tán thành “chủ nghĩa lịch sử” này. Bằng chứng là ông thực sự tin vào bản chất con người, và điều đó là hoàn toàn đúng, như Norman Geras đã lập luận trong một cuốn sách nổi tiếng của mình[5]. Ông đã không coi bản chất con người lấn át tầm quan trọng của cá nhân. Trái lại, ông cho rằng, đó là một nghịch lý trong bản chất phổ biến của chúng ta mà mỗi chúng ta trở thành một cá nhân duy nhất, không ai giống ai. Trong những tác phẩm đầu đời, Các Mác cho biết vì sao ông gọi con người là “loài người”, mà đó thực sự là một cách giải thích duy vật về bản chất con người. Do bản chất của cơ thể vật chất của chúng ta, chúng ta là những động vật nghèo khó, biết lao động, xã hội hóa, có giới tính, biết giao tiếp và biết tự biểu hiện, những động vật biết cần đến nhau để sinh tồn nhưng là những động vật biết đi tìm sự đáp ứng mà ở đó tình bạn còn cao hơn cả sự hữu ích về mặt xã hội của nó. Cho phép tôi trích dẫn một nhận xét trước đây của tôi: “Nếu một sinh vật khác về nguyên tắc có thể nói chuyện với chúng ta, cùng tham gia vào sự lao động vật chất với chúng ta, giao phối tình dục với chúng ta, tạo ra một cái gì đó ngờ ngợ giống nghệ thuật theo nghĩa là nó có vẻ khá vô nghĩa và nhạt nhẽo, khi đó chúng ta có thể suy luận từ những sự kiện sinh vật học này vô số những hệ quả đạo đức và thậm chí là chính trị”[6]. Trường hợp này, mà về kỹ thuật được gọi là nhân loại học triết học, hiện nay đã trở nên khá lạc hậu, nhưng đó là những gì Các Mác đã bảo vệ trong công trình đầu tay của ông, và không có lý do xứng đáng nào để tin rằng ông đã từ bỏ nó sau này.
Bởi vì, chúng ta là những sinh vật biết lao động, mong muốn và giao tiếp, chúng ta có thể biến đổi những điều kiện của chúng ta trong quá trình mà ta gọi là lịch sử. Khi làm được điều đó chúng ta đồng thời sẽ biến đổi chính mình. Nó cách khác, thay đổi không phải là mặt đối lập của bản chất con người; bởi vì chúng ta là loài sáng tạo, cởi mở và chưa hoàn thiện. Hay có thể nói thì đó không phải là những con chồn. Do bản chất cơ thể cụ thể của chúng, chồn không có lịch sử. Chồn cũng không có được chính trị, trừ
khi chúng không ngừng giấu giếm một cách xảo trá. Không có lý do gì để sợ rằng, một ngày nào đó chúng có thể cai trị chúng ta, ngay cả khi chúng có thể làm được những công việc tốt hơn cả những người lãnh đạo hiện nay của chúng ta. Như chúng ta biết, chúng không thể là những nhà dân chủ xã hội hay là những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Thế nhưng, loài người là những động vật chính trị theo đúng bản chất của mình – không phải bởi vì họ sống cộng đồng với nhau, mà vì họ cần một hệ thống nào đó để kiểm soát cuộc sống vật chất của họ. Họ cũng cần một hệ thống nào đó để kiểm soát cuộc sống tình dục của mình. Một lý do cho điều này là tình dục nếu không được kiểm soát sẽ trở nên quá lộn xộn về mặt xã hội. Lấy ví dụ, khát vọng cũng không khác một đặc trưng xã hội. Nhưng cũng có một lý do vì sao con người lại cần đến chính trị. Cách thức mà con người sản sinh ra sự tồn tại vật chất của mình đã dẫn tới bóc lột và bất bình đẳng, và cần có một hệ thống chính trị để kiểm soát những mâu thuẫn nảy sinh. Chúng ta cũng sẽ thấy những động vật con người có nhiều cách thể hiện tượng trưng khác nhau tất cả những điều này cho chính họ cho dù chúng ta gọi đó là nghệ thuật, thần thoại hay tư tưởng.
Với Các Mác, những bản chất cụ thể của chúng ta trang bị cho chúng ta những sức mạnh và khả năng nhất định. Chúng ta thể hiện tính người nhất khi được tự do thực hiện những sức mạnh đó như là một mục đích tự thân chứ không phải là một mục đích thuần túy mang tính vị lợi. Những sức mạnh và khả năng này luôn cụ thể về mặt lịch sử; nhưng chúng có một cơ sở nền tảng trong cơ thể của chúng ta và một số trong đó hầu như không thay đổi từ văn hóa loài người này sang văn hóa loài người khác. Hai cá thể ở hai nền văn hóa khác nhau không nói cùng một ngôn ngữ có thể dễ dàng hợp tác trong những công việc thực tiễn. Đó là vì cơ thể vật lý mà họ cùng có sẽ tạo ra một loạt những giả định, kỳ vọng và hiểu biết của chính cơ thể đó[7]. Mọi văn hóa loài người đều biết đau khổ và hạnh phúc, lao động và tình dục, tình bạn và thù hằn, bóc lột và bất công, ốm đau và chết chóc, tình máu mủ và nghệ thuật. Đúng là nhiều khi họ biết những điều này theo những phong cách văn hóa rất khác nhau. Chết ở Madras không giống ở Manchester. Nhưng đằng nào chúng ta cũng chết. Chính Các Mác đã viết trong tác phẩm Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844 rằng: “Cho nên con người, với tính cách là thực thể có đối tượng, có cảm giác, là một thực thể đang đau khổ; và vì thực thể đó cảm thấy sự khổ não của mình, cho nên nó là thực thể có dục vọng”. Ông viết trong tác phẩm Tư bản, sẽ là vấn đề đối với con người nếu cái chết của họ là quá sớm, cuộc sống của họ ngắn ngủi hơn mức họ cần do quá mệt nhọc, tai nạn, thương tích hay bệnh tật. Chủ nghĩa cộng sản có thể không phải lao động cực nhọc những cũng khó có thể tin rằng Các Mác tiên đoán một trật tự xã hội mà không có tai nạn, thương tích và bệnh tật, không khác
gì ông dự đón người ta sẽ không chết.
Nếu chúng ta không có chung một nhân tính cơ bản giống nhau như vậy thì viễn cảnh của chủ nghĩa xã hội về sự hợp tác toàn cầu sẽ là vô nghĩa. Các Mác đã nói trong quyển I của bộ Tư bản “về bản chất con người nói chung và sau đó… được thay đổi trong mỗi giai đoạn lịch sử”. Có nhiều thứ về con người khó mà thay đổi trong suốt quá trình lịch sử - một sự thực mà chủ nghĩa hậu hiện đại hoặc là phủ nhận hoặc là bác bỏ như là một điều bình thường. Một phần bởi chủ nghĩa hậu hiện đại có định kiến phi lý về tự nhiên và sinh học; một phần khác do nó nghĩ rằng, tất cả những cuộc thảo luận về bản chất đều là cách phủ nhận thay đổi[8]; và một phần vì nó coi tất cả thay đổi là tích cực còn tính cố định là tiêu cực. Theo quan điểm cuối cùng này, chủ nghĩa hậu hiện đại đồng ý với những “nhà hiện đại hóa” tư bản chủ nghĩa ở khắp nơi. Sự thật – quá tầm thường để các trí thức phải đánh giá – là một số thay đổi rất thê thảm và một số hình thức cố định lại hết sức đáng ao ước. Ví dụ, thật đáng tiếc nếu ngày mai tất cả vườn nho của người Pháp bị thiêu cháy, giống như thật buồn nếu một xã hội không có định kiến giới tính chỉ tồn tại trong ba tuần.
Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội thường nói về áp bức, bất công và bóc lột. Nhưng nếu đây là tất cả những gì loài người từng biết đến, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhận biết được bản chất của chúng. Thay vào đó, đơn giản chúng sẽ giống như những điều kiện tự nhiên của chúng ta. Để hiểu được mối quan hệ bóc lột, bạn cần phải cần đến khái niệm bản chất con người để hiểu điều này. Thay vào đó bạn cần những nhân tố lịch sử. Nhưng rất hợp lý khi khẳng định rằng, có những đặc điểm của bản chất chúng ta làm tiêu chuẩn ở khía cạnh này. Ví dụ, loài người đều “bị đẻ non”. Một thời gian dài sau khi sinh họ chưa thể tự lo liệu cho mình, và do đó, họ cần được chăm sóc thêm (một số nhà phân tích tâm lý tranh luận rằng, việc được chăm sóc thêm bất thường này sẽ phá hỏng tinh thần chúng ta sau này. Nếu những đứa trẻ có thể đứng dậy và tự đi từ khi còn nhỏ, thì người lớn sẽ bớt bị trầm cảm, không chỉ theo cái nghĩa là không còn những đứa bé hỗn xược khóc lóc làm mất giấc của ta nữa). Ngay cả khi sự chăm sóc chúng nhận được là đáng sợ, trẻ con rất nhanh chóng tiếp thu khái niệm chăm sóc người khác là thế nào. Đây là một lý do vì sao mà sau đó chúng có thể nhận biết được cách sống thờ ơ một cách tàn nhẫn đối với nhu cầu con người. Theo nghĩa này, chúng ta có thể chuyển từ bị đẻ non sang hoạt động chính trị.
Những nhu cầu rất quan trọng đối với sự tồn tại và sức khỏe của chúng ta, như được ăn, mặc, có nhà ở, kết bạn, không bị bắt làm nô lệ hay bị lạm dụng…, đóng vai trò cơ bản cho phê phán chính trị, theo cái nghĩa là bất cứ một xã hội nào không đáp ứng được đòi hỏi này rõ ràng là một xã hội không
ra gì. Dĩ nhiên, chúng ta có thể phản đối những xã hội như vậy trên cơ sở văn hóa và địa phương nhiều hơn. Nhưng nếu lập luận rằng, chúng vi phạm những đòi hỏi cơ bản nhất thuộc bản chất của chúng ta thì lại mang tính áp đặt nhiều hơn. Do đó, sẽ sai lầm khi cho rằng quan điểm về bản chất con người chỉ là một sự biện hộ cho việc giữ nguyên trạng. Và đó cũng là một thách thức lớn đối với bản chất con người.
Trong những tác phẩm đầu tay như Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844, Các Mác đã giữ vững một quan điểm không hợp thời khi đó nói rằng cái cách mà chúng ta là những động vật cụ thể có thể cho chúng ta biết điều quan trọng về việc chúng ta nên sống như thế nào. Tức là bạn có thể rút ra một ý nghĩa nào đó từ cơ thể con người cho vấn đề đạo đức và chính trị. Nếu con người là những sinh vật tự phát triển thì chúng cần được tự do để đáp ứng những nhu cầu và thể hiện sức mạnh của mình. Nhưng nếu họ cũng là những động vật xã hội sống cùng với những loài tự biểu hiện khác thì họ cần đề phòng một sự va chạm không ngừng và mang tính hủy diệt giữa những sức mạnh này. Trên thực tế, đây là một trong những vấn đề khó giải quyết nhất của xã hội tự do, ở đó, các cá nhân được phép tự do nhưng là tự do trong sự bất bình của người khác. Trái lại, chủ nghĩa cộng sản tổ chức đời sống xã hội sao cho các cá nhân có khả năng hoàn thiện mình thông qua sự tự hoàn thiện của người khác. Như Các Mác đã phát biểu điều đó trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Theo nghĩa này, chủ nghĩa xã hội không đơn thuần phủ nhận xã hội tự do cùng với sự tận tâm nhiệt thành của nó đối với các cá nhân. Thay vào đó, nó xây dựng và hoàn thiện sự phát triển tự do. Để làm được điều đó, nó chỉ ra cách giải quyết một số mâu thuẫn của chủ nghĩa tự do mà ở đó quyền tự do của bạn cỉ có thể được phát huy bằng cách hạn chế quyền tự do của tôi. Chỉ thông qua người khác chúng ta mới có thể trở thành chính chúng ta. Điều này có nghĩa là làm phong phú quyền tự do của cá nhân chứ không phải là hạn chế nó. Thật khó có thể có được một đạo đức nào tốt hơn. Ở cấp độ cá nhân, cái đó được gọi là tình thân ái.
Cũng đáng nhấn mạnh đến quan tâm của Các Mác về cá nhân bởi vì nó trái ngược hoàn toàn với bức tranh biếm họa trong tác phẩm của ông. Theo quan điểm này, chủ nghĩa Mác toàn nói về tập thể chung chung chà đạp thô bạo lên đời sống cá nhân. Trên thực tế, không có gì là xa lạ đối với tư tưởng của Các Mác. Ta có thể nói rằng, sự phát triển của cá nhân là mục đích cao cả trong tư tưởng chính trị của ông, nếu chúng ta còn nhớ rằng, những cá nhân này phải tìm được một cách phát triển chung nào đó. Để khẳng định tính cá nhân, ông viết trong tác phẩm Gia đình thần thánh, là “biểu hiện vô cùng quan trọng sự tồn tại [của một người]”. Có thể khẳng định rằng, đây là
đạo lý xuyên suốt của Các Mác.
Có lý do chính đáng để nghi ngờ rằng, chưa bao giờ có được sự hòa hợp hoàn hảo giữa cá nhân và xã hội. Giấc mơ về sự thống nhất hữu cơ giữa hai cái này là một sự tưởng tượng quá hào phóng. Luôn luôn có mâu thuẫn giữa sự đáp ứng của tôi với sự đáp ứng của bạn, hay giữa những cái đòi hỏi tôi là người công dân với những cái tôi tha thiết muốn làm. Những mâu thuẫn hiển nhiên này là một kiểu bi kịch, và chỉ có cái chết, đối lập với chủ nghĩa Mác, mới có thể giúp chúng ta thoát ra khỏi mâu thuẫn đó. Tuyên bố của Các Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản về quyền tự do phát triển của tất cả mọi người không bao giờ được thực hiện một cách đầy đủ. Giống như tất cả những ý tưởng tốt đẹp nhất, đó là một cái đích để hướng tới chứ không phải là một trạng thái có thể đạt được theo nghĩa đen. Các ý tưởng là biển chỉ đường, không phải là những thực thể hữu hình. Chúng chỉ cho chúng ta biết con đường sẽ đi. Những người nhạo báng các ý tưởng xã hội chủ nghĩa cần nhớ rằng, thị trường tự do cũng chưa bao giờ có được một cách hoàn hảo. Thế nhưng điều đó không ngăn cản những người ủng hộ thị trường tự do đi trên con đường của họ. Cái thực tế không có nền dân chủ tuyệt đối không khiến tất cả chúng ta phải miễn cưỡng chấp nhận bạo chúa. Chúng ta không từ bỏ những nỗ lực cứu giúp người nghèo đói trên thế giới bởi vì chúng ta biết một số họ sẽ chết nếu chúng ta không làm như vậy. Một số người tuyên bố chủ nghĩa xã hội không khả thi là những người tin rằng họ có thể xóa bỏ nghèo đói, giải quyết được khủng hoảng trái đất nóng lên, phổ biến dân chủ tự do Afghanistan và giải quyết các xung đột trên thế giới bằng các nghị quyết của Liên hợp quốc. Tất cả những nhiệm vụ khó khăn này đều có thể thực hiện được trong một phạm vi nào đó. Vì một lý do bí ẩn nào đó, chính chủ nghĩa xã hội lại ở ngoài tầm với.
Tuy nhiên, có thể dễ dàng đạt được mục tiêu của Các Mác nếu bạn không phải lúc nào cũng dựa vào một ai đó vĩ đại về mặt tinh thần. Chủ nghĩa xã hội không phải là một xã hội đòi hỏi những phẩm chất chói lọi ở những người công dân của mình. Điều đó không có nghĩa là chúng ta cần bao bọc lẫn nhau một cách quá sùng tín. Đó là vì những cơ chế cho phép đạt được mục tiêu của Các Mác trên thực tế được xây dựng thành những thể chế xã hội. Chúng không hoàn toàn dựa vào lòng tốt của cá nhân. Chẳng hạn như ý tưởng về một hợp tác xã tự quản mà Các Mác dường như coi là một đơn vị sản xuất quan trọng của tương lai xã hội chủ nghĩa. Sự đóng góp của một cá nhân cho một tổ chức như vậy cho phép có được một hình thức tự phát triển nào đấy, nhưng nó cũng đóng góp cho hạnh phúc của những người khác. Tôi không nhất thiết phải có tư tưởng nhân hậu với những người lao động đồng nghiệp với tôi, hay đắm mình với chủ nghĩa vị tha. Sự tự hoàn thiện của chính tôi sẽ giúp mọi người tự hoàn thiện nhờ có bản chất hợp tác, chia sẻ lợi
nhuận, bình quân chủ nghĩa và cùng nhau quản lý của tổ chức đó. Đây là một vấn đề mang tính cấu trúc chứ không phải vấn đề có tính chất cá nhân. Nó không đòi hỏi phải có một chủng tộc viễn tưởng người Cordelia.
Vì vậy, đối với một số mục tiêu xã hội chủ nghĩa, nếu tôi là loài sâu bọ dơ bẩn nhất miền Tây cũng không thành vấn đề gì. Theo cách đó, nếu tôi coi công việc một nhà hóa sinh làm cho công ty dược tư nhân là đóng góp lớn lao cho tiến bộ khoa học và sự phát triển của loài người cũng chẳng sao cả. Sự thật không thay đổi rằng nhiệm vụ chính là tạo ra lợi nhuận cho một đống những tên cá mập vô liêm sỉ những người mà có thể bắt chính đứa con rứt ruột đẻ ra trả mười đô la cho một viên aspirin. Tôi cảm thấy như thế nào không quan trọng. Ý nghĩa công việc của tôi được quyết định bởi thể chế.
Người ta nghĩ rằng, bất kỳ một thể chế xã hội chủ nghĩa nào cũng có đầy đủ những kẻ cơ hội, xu nịnh, hống hách, gian dối, lười nhác, ăn trên ngồi chốc, ăn bám, và tâm thần. Chẳng có gì trong bài viết của Các Mác chỉ ra rằng, điều đó là không thể. Bên cạnh đó, nếu chủ nghĩa cộng sản là tất cả mọi người tham gia vào đời sống xã hội càng nhiều càng tốt, vậy thì, khi đó chúng ta thấy có nhiều mâu thuẫn hơn, vì ngày càng có nhiều cá nhân làm cùng một việc. Chủ nghĩa cộng sản không báo hiệu sự kết thúc cuộc đấu tranh của nhân loại. Chỉ có kết thúc theo nghĩa đen của lịch sử mới làm được điều đó. Sự đố kỵ, xâm lược, thống trị, chiếm hữu và cạnh tranh sẽ vẫn tồn tại. Chỉ là chúng không thể ở dạng thức giống như dưới chế độ chủ nghĩa tư bản – không phải nhờ có những phẩm chất ưu việt của con người, mà bởi vì sự thay đổi của các thể chế.
Những khiếm khuyết này chắc chắn sẽ không phải là bóc lột lao động trẻ em, bạo lực thuộc địa, bất bình đẳng xã hội thô thiển và cạnh tranh kinh tế tàn khốc. Thay vào đó, chúng sẽ ở những dạng thức khác. Các xã hội bộ lạc có bạo lực, thù địch và thèm khát quyền lực, nhưng những thứ đó không thể dưới dạng chiến tranh đế quốc, cạnh tranh thị trường tự do hay thất nghiệp hàng loạt, bởi những thể chế như vậy không tồn tại với người Nuer hay người Dinka. Sẽ có những tên côn đồ, những kẻ bất lương ở khắp mọi nơi, nhưng chỉ một vài kẻ trong số đó dám ăn cắp quỹ trợ cấp hay tung ra những tuyên truyền chính trị dối trá. Hầu hết bọn gang-xtơ không làm vậy. Thay vào đó, chúng tạm hài lòng với việc treo người ta trên móc thịt. Trong một xã hội xã hội chủ nghĩa, không ai dám làm vậy. Không phải vì họ quá thánh thiện, mà bởi không có quỹ trợ cấp riêng hay phương tiện truyền thông tư nhân. Những tên côn đồ của Shakespare phải tìm ra lối thoát cho sự độc ác của chúng nhưng không phải là phóng tên lửa vào trại tị nạn của người Palestin. Bạn không thể trở thành trùm công nghiệp hống hách nếu chẳng có khu công nghiệp nào xung quanh. Thay vào đó, bạn chỉ cần tìm nô lệ, phụ tá
hoặc đồng nghiệp thời đồ đá mới của mình.
Bây giờ xét đến thực tiễn của nền dân chủ. Đúng là luôn có những kẻ ích kỷ kỳ quái luôn cố hăm dọa người khác, cũng như những kẻ cố đút lót hay nịnh bợ để có được quyền lực. Tuy nhiên, nền dân chủ là một bộ máy có cơ chế bảo vệ nội tại chống lại những hành vi như thế. Bằn những công cụ như “mỗi người một lá phiếu”, chế độ chủ tịch, sửa đổi bổ sung, trách nhiệm giải trình, các quy trình chuẩn, quyền của đại đa số… bạn sẽ làm mọi cách để đảm bảo rằng những kẻ hách dịch đó không thể thắng. Đôi khi những kẻ xấu xa này sẽ thành công bằng cách làm như vậy. Thậm chí chúng còn tìm cách mua chuộc toàn bộ quy trình. Nhưng có một quy trình được thiết chế vững chắc có nghĩa là chúng sẽ luôn luôn bị buộc phải phục tùng sự đồng thuận dân chủ. Như vậy, phẩm hạnh sẽ được xây dựng thành các nghi thức, chứ không để mặc cho thói đỏng đảnh của tính cách cá nhân. Bạn không cần bắt mọi người phải dùng bạo lực để kết thúc chiến tranh. Bạn chỉ cần đàm phán, giảm trừ quân bị, các giải pháp hòa bình, giám sát… Điều này có thể khó khăn. Nhưng nó không khó bằng việc nuôi dưỡng một chủng người dễ dàng bị nôn mửa và bất tỉnh trước những dấu hiệu nhẹ nhất của sự xâm lược.
Vậy nên, Chủ nghĩa Mác không đưa ra lời hứa hẹn nào về sự hoàn hảo của con người. Nó thậm chí còn không đảm bảo việc thủ tiêu lao động nặng nhọc. Có vẻ như Các Mác tin rằng, một lượng công việc không vừa ý sẽ tiếp tục cần thiết kể cả khi đã sung túc. Lời nguyền của Adam sẽ còn tồn tại ngay trong vương quốc của sự thừa thãi. Điều mà chủ nghĩa Mác hứa hẹn là phải giải quyết những mâu thuẫn mà hiện đang ngăn không cho lịch sử theo đúng nghĩa diễn ra bình thường, một cách tự do và đa dạng.
Tuy nhiên, mục đích của chủ nghĩa Mác không chỉ là vật chất. Đối với Các Mác, chủ nghĩa cộng sản có nghĩa là chấm dứt sự khan hiếm, cùng với chấm dứt hầu hết lao động cưỡng ép. Nhưng sự tự do và nhàn rỗi mà chủ nghĩa cộng sản trao cho con người có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đầy đủ hơn đời sống tinh thần của họ. Như chúng ta đã thấy, đúng là sự phát triển vật chất và tinh thần không phải luôn song hành cùng nhau. Ta chỉ cần nhìn vào Keith Richards để nhận ra điều đó. Có rất nhiều thể loại giàu có về vật chất, báo hiệu sự chết chóc của tinh thần. Tuy nhiên, cũng đúng là không thể tự do làm những điều mình muốn nếu bạn đang bị thiếu đói, áp bức nặng nề hay ức chế tinh thần do cuộc sống lao động vất vả hết ngày này sang ngày khác. Những người theo chủ nghĩa duy vật không phủ nhận đời sống tinh thần, nhưng họ nhắc nhở chúng ta rằng việc đáp ứng nhu cầu tinh thần đòi hỏi những điều kiện vật chất nhất định. Những điều kiện này không đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu tinh thần, nhưng không thể đạt nếu thiếu chúng.
Loài người không phát triển rực rỡ nhất trong điều kiện khan hiếm, bất kể là sự khan hiếm tự nhiên hay nhân tạo. Những thiếu thốn như thế gây ra bạo lực, sợ hãi, tham lam, lo lắng, sở hữu, thống trị và sự phản kháng chết chóc. Vì vậy chúng ta có thể hy vọng rằng nếu con người được sống trong những điều kiện dư thừa về vật chất, thoát khỏi những áp lực méo mó, thì họ sẽ làm ăn có đạo đức hơn bây giờ. Khó có thể nói chắc chắn, vì chưa bao giờ chúng ta biết đến những điều kiện như thế. Đó là những điều Các Mác nghĩ khi ông tuyên bố trong cuốn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản rằng toàn bộ lịch sử là đấu tranh giai cấp. Và thậm chí trong điều kiện sung túc cũng vẫn có rất nhiều điều làm chúng ta trở nên lo lắng, hung hăng và ích kỷ. Chúng ta không thể biến thành những thiên thần. Nhưng một vài nguyên nhân sâu xa cho sự suy đồi đạo đức đã bị loại bỏ. Trong phạm vi đó thì thực sự có lý khi khẳng định rằng xã hội cộng sản sẽ sản sinh ra những con người tốt đẹp hơn những gì chúng ta có bây giờ. Nhưng họ có thể vẫn có khiếm khuyết, hay xung đột, đôi khi là tàn bạo và hung ác.
Những kẻ hay chế nhạo không tin có một tiến bộ đạo đức như vậy cần xem xét sự khác biệt giữa việc hỏa thiêu thầy phù thủy và bắt buộc trả lương ngang bằng cho phụ nữ. Điều này không nói lên rằng chúng ta đã trở nên tinh tế, nhạy cảm và nhân đạo hơn thời Trung cổ. Trong phạm vi đó, chúng ta cũng nên xét đến sự khác nhau giữa cung tên và tên lửa đất đối không. Vấn đề không phải lịch sử nói chung đã có tiến bộ đạo đức. Đơn giản là chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ lớn. Thừa nhận sự thật này cũng đương nhiên giống như khẳng định rằng, chúng ta đã xấu xa đi ở một mặt nào đó so với thời Robin Hood. Không có đại luận thuyết nào về Tiến bộ, cũng như chẳng có câu chuyện cổ tích nào về Suy tàn.
Bất kỳ ai từng chứng kiến cảnh một đứa trẻ giật lấy đồ chơi từ tay của em nó với tiếng khóc thét “Của tao!” đều biết rõ sự kình địch và chiếm hữu đã thấm sâu bén rễ như thế nào vào tâm trí. Chúng ta đang nói đến văn hóa, tâm lý và thậm chí cả những thói quen tiến hóa đã ăn sâu, và sẽ không thay đổi được nếu chỉ sửa đổi một chút về thể chế. Nhưng thay đổi xã hội không phụ thuộc vào việc mọi người bất ngờ cách mạng hóa thái độ của mình. Hãy xem ví dụ về Bắc Ailen. Hòa bình không đến với vùng đất hỗn độn này bởi vì những người theo đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành cuối cùng cũng đã từ bỏ sự phản kháng hàng thế kỷ nay để hòa thuận với nhau. Không hề như vậy. Một vài người trong số họ sẽ còn tiếp tục thù ghét nhau cho đến sau này như chúng ta thấy. Thay đổi ý thức bè phái có vẻ chậm chạp về mặt địa chất. Tuy nhiên, theo một nghĩa nào đó điều này hoàn toàn không quan trọng. Điều quan trọng là đảm bảo được một thỏa thuận chính trị, được kiểm soát cẩn thận và tiến triển một cách khéo léo, trong bối cảnh toàn dân mệt mỏi vì ba
mươi năm bạo lực.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Sự thật là trong một khoảng thời gian dài, thay đổi thể chế đã thực sự có ảnh hưởng sâu sắc đến thái độ con người. Hầu như mọi lịch sử cải cách hình sự đạt được đến nay đều phải chịu đựng đủ cay đắng dưới thời của nó; nhưng hiện giờ chúng ta coi những thay đổi đó là đương nhiên đến nỗi mà ý kiến xử xa hình đối với những kẻ giết người có thể bị ghê tởm. Những cải cách như vậy đã bám chắc vào suy nghĩ của chúng ta. Điều gì thực sự làm biến đổi quan điểm của chúng ta về thế giới không quan trọng bằng những gì đã gắn chặt với thực tiễn xã hội hàng ngày. Nếu thay đổi thực tiễn ấy, mà làm được là cực kỳ khó khăn, rốt cục chúng ta có thể thay đổi cách nhìn của mình.
Đa số chúng ta không cần phải tự kìm nén thể hiện bản chất nơi đông người. Bởi vì có luật điều chỉnh điều đó, và bởi nó không được xã hội tán thành, do đó không làm vậy trở thành bản năng thứ hai của chúng ta. Điều này không phải là không ai trong chúng ta từng làm vậy, ít nhất ở các trung tâm thành phố khi những quán rượu vừa mới đóng cửa. Chỉ là chúng ta ít làm vậy hơn khi nó được coi như là đỉnh cao của sự thanh lịch. Lệnh của tòa án Anh bắt phải lái xe bên trái không gặp nhiều phản đối của những người dân Anh khát khao cháy bỏng được lái xe bên phải. Các thể chế định hình kinh nghiệm nội tại của chúng ta. Chúng là những công cụ của công tác giáo dục lại. Chúng ta bắt tay trong buổi gặp mặt đầu tiên một phần bởi đó là việc làm thông thường, nhưng cũng vì là tục lệ, nên ta cảm thấy thôi thúc cần làm vậy.
Sự thay đổi thói quen này cần một thời gian dài. Phải mất hàng thế kỷ để chủ nghĩa tư bản trừ tận gốc những cách thức suy nghĩ được thừa hưởng từ chế độ phong kiến, và một du khách bên ngoài Cung điện Buckingham có thể hoàn toàn nhận thấy rằng, một số vị trí quan trọng đã không được chú ý một cách bất cẩn. Ta sẽ hy vọng rằng, sẽ không phải mất quá lâu để sản sinh ra một trật tự xã hội mà ở đó trẻ em đang học lịch sử sẽ chào đón một cách hoài nghi trước thực tế rằng ngày xưa hàng triệu người đã bị chết đói trong khi một số người khác lại nuôi chó bằng trứng cá muối. Đối với họ, điều đó cũng xa lạ và khó chịu giống như hiện nay chúng ta nghĩ đến việc mổ bụng một người vì tội dị giáo.
Nói đến trẻ em sẽ đặt ra một vấn đề quan trọng. Rất nhiều trẻ em ngày nay là những người bảo vệ môi trường nhiệt thành. Chúng coi việc giết hại những con hải cẩu hay làm ô nhiễm bầu không khí là khủng khiếp và đáng ghê tởm. Một số trẻ em thậm chí còn thấy kinh sợ với việc vứt một mẩu rác. Điều này chủ yếu là nhờ có giáo dục – không chỉ chính thống mà còn cả sự ảnh hưởng của những hình thức suy nghĩ và cảm nghĩ mới về một thế hệ mà
ở đó những thói quen cảm nghĩ cũ đã ít bám chắc hơn. Không ai lập luận rằng điều này sẽ cứu được hành tinh. Đúng là có những trẻ em vui thích khi ném đá vào những người bán rong. Nhưng ngay cả vậy thì vẫn có bằng chứng cho thấy giáo dục có thể thay đổi thái độ và hình thành những kiểu hành vi mới như thế nào.
Bởi vậy, giáo dục chính trị là điều luôn luôn có thể làm được. Tại một hội nghị được tổ chức ở Anh vào đầu những năm 1970, người ta đã thảo luận về vấn đề liệu có những đặc điểm phổ quát nhất định của con người không. Một diễn giả nam đã đứng lên tuyên bố: “chúng ta đều có tinh hoàn”. Lập tức một người phụ nữ hét lên: “Làm gì có”. Chủ nghĩa nam nữ bình quyền ở Anh vẫn đang ở giai đoạn ban đầu của nó và nhận xét đó được hoan nghênh bởi rất nhiều người đàn ông trong khán phòng như là một sự lập dị. Thậm chí một người phụ nữ còn tỏ ra xấu hổ. Chỉ một vài năm sau đó, nếu một người đàn ông đưa ra một tuyên bố ngớ ngẩn như vậy thì anh ta có thể nhanh chóng trở thành ngoại lệ duy nhất với câu nói của mình.
Ở châu Âu thời Trung cổ và Cận đại, sự tham lam là xấu xa tồi tệ nhất. Từ đó cho đến khẩu hiệu của phố Wall “Tham lam là tốt!” đã dẫn đến một quá trình giáo dục lại diễn ra sâu rộng. Giáo dục lại ở đây không phải là nhờ có những nhà giáo hay là nhà sư phạm mà là bởi những thay đổi trong đời sống vật chất của chúng ta. Aristotle coi chế độ nô lệ là điều tự nhiên mặc dù một số triết gia cổ đại khác không đồng ý như vậy. Nhưng ông cũng nghĩ điều đó là trái ngược với bản chất của con người khi gắn sản xuất kinh tế với lợi nhuận mà điều này không hoàn toàn là ý kiến của Donald Trump (Aristotle đã phát biểu quan điểm này của mình với một lý do rất thú vị. Ông nghĩ rằng điều mà sau này Các Mác gọi là “giá trị trao đổi” - cách thức mà một hàng hóa có thể được đổi với thứ khác, thứ đó lại được đổi với cái khác nữa, và cứ như thế mãi – kéo theo một hình thức vô tận mà điều đó là xa lạ với bản chất sinh vật hữu hạn của con người). Có những nhà tư tưởng thời Trung cổ coi việc tìm kiếm lợi nhuận là điều phi tự nhiên bởi đối với họ bản chất của con người là bản chất phong kiến. Những người săn bắn hái lượm cũng có thể có cách nhìn nhận mông muội như vậy về khả năng có được một trật tự xã hội nào đó nhưng không phải của chính họ. Alan Greenspan, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tin trong suốt sự nghiệp của ông rằng, cái gọi là thị trường tự do được bắt nguồn từ bản chất của con người, một tuyên bố cũng vô lý như khẳng định rằng, việc ngưỡng mộ Cliff Richard cũng bắt nguồn từ bản chất con người. Trên thực tế, thị trường tự do là một phát kiến lịch sử gần đây, và nó chỉ tồn tại trong một bộ phận nhỏ của hành tinh này trong một thời gian dài.
Tương tự, những người nói chủ nghĩa xã hội là trái ngược với bản chất
của con người cũng làm như vậy bởi theo cách nghĩ thiển cận của họ, họ đồng nhất bản chất đó với chủ nghĩa tư bản. Người Tuareg ở vùng trung sa mạc Sahara thực sự là những doanh nhân tư bản chủ nghĩa. Họ không thích một cái gì khác ngoài việc thành lập một ngân hàng đầu tư. Việc họ không hề có một khái niệm về ngân hàng đầu tư không quan trọng. Nhưng ta không thể mong chờ một điều gì đó mà ta không có khái niệm về nó. Tôi không hề mơ ước trở thành một nhà môi giới chứng khoán nếu tôi là nô lệ thời Athen cổ đại. Tôi có thể hết lòng cho lợi ích bản thân một cách tham lam, ích kỷ và mê muội. Nhưng tôi không thể là một nhà tư bản thực thụ chỉ vì tôi không khao khát trở thành một nhà giải phẫu thần kinh nếu tôi đang sống ở thế kỷ XI.
Trước đây, tôi đã khẳng định rằng, Các Mác vừa bi quan về quá khứ vừa lạc quan về tương lai một cách khác thường, đúng hơn là rất kỳ lạ. Có rất nhiều lý do cho điều này, nhưng đặc biệt một trong số đó có liên quan đến những vấn đề chúng ta đang nghiên cứu. Các Mác tỏ ra u buồn về phần lớn quá khứ bởi vì nó dường như lần lượt đại diện cho hết hình thức áp bức và bóc lột tồi tệ này đến hình thức khác. Theodor Adorno từng nhận xét rằng, những triết gia bi quan (ông ta muốn nhắc tới Freud chứ không phải Các Mác) phục vụ cho sự nghiệp giải phóng con người nhiều hơn là những nhà tư tưởng lạc quan nửa mùa. Đó là bởi vì họ đã chứng kiến sự bất công mà đang gào thét để được chuộc lỗi, nếu không chúng ta sẽ quên lãng chúng. Bằng việc gợi nhắc sự tồi tệ của mọi việc, họ thôi thúc chúng ta sửa chữa chúng. Chúng thúc giục ta làm mà không cần đến thuốc kích thích.
Tuy nhiên, nếu Các Mác cũng tiếp tục nuôi hy vọng về tương lai, đó là vì ông nhận ra rằng, những ghi chép ảm đạm này phần lớn không phải lỗi của chúng ta. Nếu lịch sử quá khát máu, thì đó không phải do nhiều người độc ác, mà bởi vì những áp lực cụ thể mà họ phải chịu đựng. Như vậy Các Mác có thể áp dụng một biện pháp hiện thực của quá khứ mà không cần ngừng phản đối chuyện hoang đường về trái tim con người. Và đây là một lý do vì sao ông có thể giữ được niềm tin trong tương lai. Chính chủ nghĩa duy vật đã cho ông niềm hy vọng đó. Nếu chiến tranh, đói kém và diệt chủng thực sự bắt nguồn từ một vài thói suy đồi không thay đổi của con người, thì chẳng có lý do nào để tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nếu những điều này một phần là kết quả của hệ thống xã hội bất công, nơi mà đôi khi những cá nhân chỉ thực hiện chức năng của mình, thì có thể hy vọng rằng việc thay đổi hệ thống đó sẽ đem đến một thế giới tốt đẹp hơn. Trong khi đó, con ngáo ộp về sự hoàn mĩ có thể để mặc cho những thằng ngốc đang run sợ.
Điều này không chỉ ra rằng, con người trong xã hội có giai cấp có thể không bị truy xét vì hành động của mình, hay sự suy đồi cá nhân không đóng
vai trò gì trong chiến tranh và diệt chủng. Những công ty buộc hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn công nhân rơi vào cuộc sống không công ăn việc làm chắc chắn là những công ty có lỗi nhiều nhất. Nhưng dường như không phải họ áp dụng những biện pháp như vậy xuất phát từ lòng căm ghét, ác tâm hay hiếu chiến. Họ tạo ra sự thất nghiệp bởi vì họ muốn bảo vệ lợi nhuận của mình trong một hệ thống cạnh tranh, họ sợ nếu không như vậy thì mình có thể bị tụt lại. Những người ra lệnh cho quân đội tham gia chiến tranh, nơi mà rốt cuộc sẽ thiêu chết cả những đứa trẻ, có thể lại là những người dễ bảo nhất. Thậm chí, chủ nghĩa phát xít Đức không chỉ là một thể chế chính trị độc hại; nó cũng dựa trên tính tàn bạo, đa nghi và lòng căm thù bệnh hoạn của những cá nhân được miêu tả chính xác là xấu xa. Nếu Hitle không độc ác thì sự phán xét chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng bản chất xấu xa của họ sẽ chỉ đạt được những kết quả đáng kinh sợ bởi vì nó bị ràng buộc với hoạt động của một thể chế chính trị. Nó sẽ giống như bắt nhân vật Iago của Shakespeare trông nom trại tù binh vậy.
Nếu thực sự có bản chất con người thì đó là những tin tốt lành, mặc kệ những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại nghĩ gì. Bởi có một đặc điểm nhất quán trong bản chất, đó là sự phản kháng chống lại sự bất công. Đó là lý do vì sao sẽ ngu ngốc khi cho rằng bản chất con người luôn hoạt động theo tính chất bảo thủ. Khi khảo sát những ghi chép lịch sử, không khó để kết luận rằng đàn áp chính trị gần như luôn kích động các cuộc nổi loan, cho dù bị khuất phục hay thất bại. Dường như có gì đó trong bản chất con người không ngoan ngoãn cúi đầu trước thói xấc láo của quyền lực. Đúng là, đế quốc chỉ thực sự thành công khi có được sự liên kết giữa các thuộc địa của nó. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy sự cấu kết này thường không hoàn chỉnh, mơ hồ và tạm thời. Những giai cấp thống trị nói chung thường được chấp nhận miễn cưỡng hơn là được ngưỡng mộ. Nếu bản chất của chúng ta hoàn toàn mang tính văn hóa, thì chẳng có lý do gì để những chế độ chính trị bắt chúng ta phải chấp nhận uy quyền của họ mà không thắc mắc. Bởi vậy, họ thường thấy cực kỳ khó khăn khi đi tìm căn nguyên của sự phản kháng nằm ở đâu đó sâu hơn là văn hóa địa phương.
Vậy, Các Mác có phải là một triết gia không tưởng? Đúng, nếu theo nghĩa là ông vẽ ra một tương lai hoàn thiện hơn rất nhiều so với hiện tại. Ông tin vào tương lai sẽ không còn khan hiếm hàng hóa vật chất, sở hữu cá nhân, bóc lột, giai cấp xã hội và nhà nước như chúng ta biết. Thế nhưng, nhiều nhà tư tưởng khi nhìn vào những nguồn lực được tích lũy ở thế giới ngày nay sẽ biện minh cho việc thủ tiêu sự khan hiếm về nguyên tắc là hoàn toàn có thể, mặc dù rất khó để đạt được trong thực tiễn. Chính vấn đề về chính trị đang cản trở chúng ta.
Như ta đã biết, Các Mác cũng cho rằng, điều này sẽ dẫn đến sự giải phóng con người, sự phong phú tinh thần trên một phạm vi rộng lớn. Được giải phóng khỏi những ràng buộc cũ kỹ, con người có thể phát triển bản thân theo những cách mà trước kia là không khả thi đối với họ. Nhưng không có gì trong tác phẩm của Các Mác nói rằng, chúng ta sẽ đạt được một sự hoàn mỹ nào đó. Chính tình trạng sử dụng quyền tự do khiến con người có thể lạm dụng nó. Trên thực tế, không thể có tự do trên bất kỳ một phạm vi rộng lớn nào mà không có sự lạm dụng như vậy. Vì thế, có thể hiểu được khi tin rằng, trong xã hội cộng sản chủ nghĩa sẽ có rất nhiều vấn đề, mâu thuẫn và những bi kịch không thể bù đắp được. Sẽ có cả việc sát hại trẻ em, tai nạn giao thông, những cuốn tiểu thuyết đau thương, sự ghen tuông chết người, tham vọng quá cao, những bộ quần áo kệch cỡm và những nỗi đau buồn không thể nguôi ngoai. Sẽ có cả việc dọn dẹp nhà xí.
Chủ nghĩa cộng sản là để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, nhưng thậm chí trong xã hội sung túc, điều này vẫn cần được hạn chế. Như Norman Geras đã chỉ ra: “Nếu theo phương thức tự phát triển (dưới chế độ cộng sản chủ nghĩa) bạn cần một cây đàn vi-ô-lông và tôi cần một chiếc xe đạp đua thì điều này không thành vấn đề. Nhưng nếu tôi cần một khu vực cực kỳ rộng lớn, như nước Úc chẳng hạn, để đi lang thang khắp đảo hoặc sử dụng nó để không bị làm phiền bởi những người khác thì điều này là không hợp lý. Không có một sự sung túc nào có thể thỏa mãn nhu cầu của sự tự phát triển ở quy mô này… và cũng không khó gì khi nghĩ tới những nhu cầu ít quá đáng hơn nhưng kết quả cũng như nhau mà thôi”.
Như chúng ta đã thấy, Các Mác không coi tương lai là một sự suy đoán không có căn cứ mà là một phép ngoại suy khả thi từ hiện tại. Ông quan tâm không phải đến những ảo ảnh thi vị về hòa bình và tình đồng chí mà là đến tình trạng vật chất cho phép xuất hiện tương lai thực sự của loài người. Là một người theo chủ nghĩa duy vật, ông tỉnh táo trước những bản chất phức tạp, ngoan cố và chưa hoàn thiện của thực tế; và một thế giới như vậy không phù hợp với viễn cảnh về sự hoàn mỹ. Một thế giới hoàn hảo là nơi mà tính ngẫu nhiên bị thủ tiêu – tất cả những việc như va chạm ngẫu nhiên, các sự kiện may rủi và những thảm họa không đoán trước được hình thành nên cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đó cũng có thể là thế giới mà chúng ta có thể đối xử công bằng với cả người chết và người sống, hủy bỏ tội ác và sữa chữa nỗi kinh hoàng của quá khứ. Không có xã hội nào như thế cả. Nó cũng không nhất thiết là cái đáng mong muốn. Một thế giới không có những vụ va chạm tàu hỏa cũng là thể giới không có khả năng chữa trị bệnh ung thư.
Không thể có một trật tự xã hội mà ở đó mọi người đều được hưởng công bằng. Lời phàn nàn rằng “chủ nghĩa xã hội sẽ khiến chúng ta như nhau” là
không có căn cứ. Các Mác không có mục đích như vậy. Ông là một kẻ thù cực đoan của sự đồng dạng. Trên thực tế, ông coi bình đẳng là một giá trị tư sản. Ông coi nó như là sự phản chiếu trong lĩnh vực chính trị của cái mà ông gọi là giá trị trao đổi, ở đó một hàng hóa được đánh giá ngang bằng về giá trị với hàng hóa khác. Ông đã từng nói rằng hàng hóa là “bình đẳng hiện thực”. Ông đã từng phát biểu về một hình thức chủ nghĩa cộng sản kéo theo sự cào bằng xã hội nói chung, và phản đối kịch liệt nó trong cuốn Bản thảo kinh tế triết học 1844 như là “sự phủ định trừu tượng đối với toàn bộ thế giới văn hóa và văn minh”. Các Mác cũng gắn khái niệm về bình đẳng với những gì ông coi là sự bình đẳng trừu tượng của dân chủ giai cấp trung lưu, mà ở đó, quyền bình đẳng chính thức của chúng ta với tư cách là người công dân và cử tri sẽ giúp che giấu sự bất bình đẳng về của cải và giai cấp. Trong cuốn Phê phán cương lĩnh Gotha, ông cũng phản đối ý tưởng về bình đẳng thu nhập, bởi mọi người có những nhu cầu rất khác nhau: một số làm nhiều việc trong môi trường bẩn thỉu và nguy hiểm hơn người khác, số khác lại phải nuôi nhiều con hơn…
Điều này không phải để nói rằng, ông bác bỏ ý kiến về bình đẳng. Các Mác không có thói quen viết một mạch các ý tưởng một cách dễ dàng vì chúng bắt nguồn từ tầng lớp trung lưu. Chẳng những từ chối quan niệm về xã hội giai cấp trung lưu, ông là người tiên phong dũng cảm cho những giá trị mang tính cách mạng về tự do, tự quyết và tự phát triển. Ông cho rằng, ngay cả sự bình đẳng trừu tượng cũng là một tiến bộ đáng hoan nghênh trong chế độ phong kiến. Đúng là ông cho rằng, những giá trị quý báu đó không có cơ hội được hoạt động cho tất cả mọi người chừng nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại. Mặc dù vậy, ông không ngần ngại khen ngợi giai cấp trung lưu là dạng thức cách mạng nhất mà lịch sử từng chứng kiến một thực tế mà những đối thủ thuộc tầng lớp trung lưu của ông thường bỏ qua. Có lẽ họ nghi ngờ rằng, việc được Các Mác khen ngợi là nụ hôn thần chết.
Theo quan điểm của Các Mác, cái khiến khái niệm về bình đẳng đang thịnh hành trở nên méo mó là vì nó quá trừu tượng. Nó không đủ chú ý đến tính cá thể của sự vật và con người – cái mà Các Mác gọi trong lĩnh vực kinh tế là “giá trị sử dụng”. Chính chủ nghĩa tư bản đã tiêu chuẩn hóa con người, chứ không phải chủ nghĩa xã hội. Đây là lý do vì sao Các Mác hơi dè dặt với khái niệm về quyền. Ông nhận xét, “Quyền, theo đúng bản chất thật của nó chỉ có thể nói chính xác là sự áp dụng một tiêu chuẩn bình đẳng; nhưng những cá thể bất bình đẳng (họ không phải là những cá nhân khác biệt nếu họ không bị bất bình đẳng) có thể được đo lường bằng một tiêu chuẩn bình đẳng chỉ trong phạm vi chúng được xây dựng bằng một quan điểm bình đẳng và được rút ra chỉ từ một bên xác định, chẳng hạn trong trường hợp hiện tại, chỉ được coi là người lao động và không phải ai khác cả, bỏ qua mọi thứ
khác”. Vậy thì điều này cũng rất đúng với Các Mác, người muốn đưa tất cả chúng ta về cùng một mức ngang bằng nhau. Điều này cũng rất đúng với Các Mác khi ông coi mọi người không phải ai khác ngoài là con người lao động. Bình đẳng đối với chủ nghĩa xã hội không có nghĩa là mọi người hoàn toàn như nhau – một tuyên bố hết sức vô lý. Ngay cả Các Mác cũng nhận xét rằng, ông thông minh hơn cả quận công Wellington. Điều đó không có nghĩa rằng, tất cả mọi người đều được hưởng của cải và nguồn lực đúng như nhau.
Bình đẳng thực sự không có nghĩa là đối xử như nhau đối với mọi người, mà là chăm sóc một cách bình đẳng đối với những nhu cầu khác nhau của tất cả mọi người. Đây chính là hình thức xã hội mà Các Mác mong muốn. Nhu cầu của con người không phải hoàn toàn tương đồng với nhau. Bạn không thể đo tất cả những nhu cầu đó bằng cùng một thước đo. Đối với Các Mác mọi người phải có quyền tự hoàn thiện như nhau, tham gia tích cực vào việc xây dựng đời sống xã hội. Những trở ngại bất bình đẳng bởi vậy sẽ được gỡ bỏ. Nhưng kết quả của điều này sẽ cho phép mỗi cá nhân phát triển chỉ khi họ là những cá nhân riêng biệt. Chủ nghĩa xã hội không phải là tất cả mọi người đều mặc cùng một bộ quần áo may sẵn. Chính chủ nghĩa tư bản tiêu dùng đã khoác những bộ đồng phục lên công dân của mình được biết đến là những bộ quần áo giày dép thể thao.
Theo quan điểm của Các Mác, chủ nghĩa xã hội bởi vậy sẽ hình thành nên một trật tự mang tính đa nguyên nhiều hơn là cái mà chúng ta đang có hiện giờ. Trong xã hội có giai cấp, quyền tự phát triển tự do của một số ít người có được với cái giá là kìm hãm sự phát triển của nhiều người. Những người sau đó sẽ chia sẻ phần lớn cùng một câu chuyện buồn tẻ. Chủ nghĩa cộng sản, chính xác bởi vì tất cả mọi người sẽ được khuyến khích phát triển những năng lực cá nhân của mình, sẽ là một thỏa thuận phổ biến, đa dạng và bất ngờ hơn. Nó sẽ giống một cuốn tiểu thuyết tân thời hơn là hiện thực. Những nhà phê bình Các Mác sẽ khinh miệt bảo đây chỉ là tưởng tượng. Nhưng họ không thể cùng một lúc than phiền rằng, cái trật tự xã hội được Các Mác lựa chọn rất giống với cái trật tự có trong cuốn Năm 1984 của George Orwell.
Một dạng thức hiểm độc của chủ nghĩa không tưởng đã thực sự gây đau đớn thời hiện đại, nhưng đó không phải là chủ nghĩa Mác. Chính cái khái niệm điên rồ cho rằng, một hệ thống toàn cầu duy nhất được gọi là thị trường tự do mới có thể khai thác được những nền kinh tế và văn hóa đa dạng nhất đồng thời điều trị mọi khiếm khuyết của nó. Những người đề xướng ra những viễn cảnh chuyên chế này không phải đang che giấu những bộ mặt sợ hãi và giọng nói yếu ớt ở dưới những pháo đài trong hầm sâu giống như những nhân vật James Bond. Họ phải bị bắt gặp đang ăn tối ở những nhà
hàng sang trọng ở Washington và đang đi dạo ở những khu nhà giàu Sussex.
Câu trả lời của Theodor Adorno cho câu hỏi, liệu Các Mác có phải là một triết gia không tưởng chỉ là đúng hay sai mà thôi. Adorno viết, Các Mác là kẻ thù của không tưởng chính vì sự hiện thực của nó.
[1] Để có những nghiên cứu lý thú về ý nghĩa tích cực của quan điểm này, xin tham khảo Fredric Jameson,Archaeologies of the Future, London, 2005.
[2] “Hệ tư tưởng Đức”, tập 1, trong Các Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, t.3, tr.53.
[3] “Nội chiến ở Pháp”, trong Các Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1994, t.17, tr.455-456.
[4] Raymond Williams: Văn hóa và xã hội – Culture and Society 1780- 1950, Harmondsword, 1985, p.320.
[5] Norman Geras: Mác với bản chất con người: Phản bác lại một huyền thoại (Marx and Human Nature: Refutation of a Legend), London, 1983. [6] Terry Eagleton: Những ảo tưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại (The Illusions of Postmodernism), Oxford, 1996, p.47.
[7] Xem thêm Len Doyal và Roger Harris: Những nền tảng thực tiễn trong nhận thức của con người – (The Practical Foundations of Human Understanding), New Left Review, no.139 (May/Jun 1983).
[8] Để có lập luận phản bác lại, tham khảo Eagleton: The Illusions of Postmodernism.
CHƯƠNG 5
CHỦ NGHĨA MARX CHỈ SÙNG BÁI KINH TẾ?
PHẢN BÁC
Chủ nghĩa Mác quy mọi vấn đề về kinh tế. Chủ nghĩa Mác chỉ là một dạng của thuyết quyết định luận kinh tế. Tất cả các vấn đề về nghệ thuật, tôn giáo, chính trị, luật pháp, chiến tranh, đạo đức và sự biến đổi của lịch sử đều được nhìn nhận dưới những thuật ngữ thô thiển nhất, không nằm ngoài phản ánh của nền kinh tế hay xung đột giai cấp. Tính chất phức tạp thực sự của các vấn đề liên quan đến con người đã bị bỏ qua do một cách nhìn đơn sắc về lịch sử. Khi quan điểm của Các Mác bị chi phối bởi kinh tế như vậy, C. Mác trở thành một hình ảnh lộn ngược của hệ thống tư bản chủ nghĩa mà ông từng lên án. Tư tưởng của C. Mác chứa đầy mâu thuẫn với quan điểm đa nguyên về xã hội hiện đại, những xã hội nhận thức rõ rằng những kinh nghiệm lịch sử khác nhau không thể bị nhồi nhét trong một khuôn khổ cứng nhắc duy nhất.
BIỆN GIẢI
Về mặt nào đó, mọi thứ trên đời chung quy lại đều là vấn đề kinh tế thì cũng là hiển nhiên. Trong thực tế, rõ ràng không một ai hoài nghi về điều đó. Trước khi làm được điều gì, chúng ta cần phải ăn và uống trước đã. Chúng ta cũng cần quần áo mặc và nơi nương thân, cho dù chúng ta đang sống ở Sheffield chứ không phải là ở Samoa. C. Mác viết trong Hệ tư tưởng Đức rằng hoạt động mang tính lịch sử đầu tiên chính là sản xuất ra các phương tiện thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người. Sau đó, con người ta mới học để chơi trò ban-giô, viết nên những vần thơ trữ tình hay trang hoàng những mái vòm. Cơ sở của văn hóa chính là lao động. Không có hoạt động sản xuất vật chất thì không thể có nền văn minh.
Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác không chỉ dừng lại ở đó. Chủ nghĩa Mác khẳng định rằng, sản xuất vật chất là cơ sở nền tảng không chỉ theo nghĩa là sẽ không có nền văn minh nếu không có nó, mà sản xuất vật chất còn quyết định hoàn toàn bản chất của nền văn minh đó. Có sự khác nhau khi nói cây bút hay chiếc máy vi tính là không thể thiếu để viết một cuốn tiểu thuyết; và khi nói cây bút hay chiếc máy vi tính quyết định phần nào nội dung của cuốn tiểu thuyết. Cách nói thứ hai không rõ ràng tí nào, mặc dù cách nói Mác-xít
tương tự như vậy đã nhận được sự tán đồng của một số nhà tư tưởng chống Mác-xít. Triết gia John Gray, người phê phán Các Mác kịch liệt đã viết rằng: “trong các xã hội thị trường ... những hoạt động kinh tế không những được tách biệt với các hoạt động khác của đời sống xã hội, mà nó còn là điều kiện, và đôi khi chi phối toàn bộ xã hội”[1]. Những gì Gray nói riêng cho xã hội thị trường, thì Các Mác cũng khái quát như vậy cho lịch sử nhân loại.
Những người chỉ trích Các Mác coi lời tuyên bố nào mạnh hơn trong hai cách nói đó là một hình thức giản luận hóa. Nó quy mọi vấn đề về cùng một nhân tố và điều này rõ ràng mang tính cố chấp. Có thể nào lịch sử nhân loại muôn màu muôn vẻ lại bị đóng khuôn đơn điệu theo cách đó? Chắc chắn có rất nhiều yếu tố tác động hiện hữu trong lịch sử, mà không bao giờ có thể rút lại thành một nguyên tắc duy nhất bất di bất dịch. Tuy nhiên, có thể đặt câu hỏi thuyết đa nguyên này đúng đến mức nào? Phải chăng không bao giờ có một nhân tố đơn nhất nào đó đóng một vai trò quan trọng hơn so với các nhân tố khác trong các hoàn cảnh lịch sử? Thật khó mà chấp nhận được nếu nói vậy. Ta có thể mãi tranh luận cho đến ngày Tận thế về những nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng Pháp. Thế nhưng, không ai lại cho rằng, cuộc cách mạng xảy ra bởi những thay đổi sinh hóa trong não bộ của người Pháp do ăn quá nhiều pho mát. Chỉ có ít người tin vào số mệnh cho rằng nó xảy ra nhờ cung hoàng đạo. Ai cũng đồng ý rằng có những nhân tố lịch sử đóng vai trò quan trọng hơn so với những nhân tố khác. Điều đó không ngăn cản những người có suy nghĩ này trở thành những người theo thuyết đa nguyên, ít nhất là về một nghĩa nào đó của cụm từ này. Họ có lẽ vẫn thừa nhận rằng mọi sự kiện trong lịch sử trọng đại là kết quả của vô số yếu tố tác động. Chỉ có điều họ không dám nhận định là tất cả những yếu tố này có tầm quan trọng ngang nhau.
Ph. Ăgghen là một người theo thuyết đa nguyên theo đúng nghĩa này. Ông kịch liệt phản bác rằng ông và Các Mác tùng có ý cho rằng kinh tế là yếu tố duy nhất quyết định tiến trình lịch sử. Ông cho đó là “một mệnh đề vô nghĩa, phi thực tế và điên rồ”[2]. Sự thật thì không ai theo thuyết đa nguyên lại khẳng định rằng, trong một điều kiện nhất định, mọi yếu tố đóng vai trò như nhau. Ai cũng tin vào những trật tự thứ bậc nào đó cho dù là người cổ súy nhiệt thành nhất cho chủ nghĩa bình quân. Trên thực tế, hầu hết mọi người đều tin vào những thứ bậc tuyệt đối và bất di bất dịch. Khó mà tìm thấy ai có suy nghĩ rằng, cười cợt một người đang đói khát hay hơn là cho người đó ăn. Cũng chẳng có ai nói rằng, móng tay của vua Charles I dài hay ngắn là yếu tố quyết định hơn tôn giáo trong cuộc Nội chiến Anh. Có vô số lý do khiến tôi nhấn đầu bạn xuống nước trong hai mươi phút (do thói tàn ác, do tò mò khoa học, do chiếc áo lè loẹt mà bạn đang mặc khiến tôi thất kinh,
một câu chuyện có thật chiếu trong một bộ phim tài liệu cũ kỹ tẻ nhạt trên truyền hình). Nhưng có một lý do quan trọng hơn bất cứ lý do nào khác, ấy là để tôi được chạm tay vào những con ngựa đoạt giải mà bạn để lại cho tôi trong di chúc. Nếu vậy thì tại sao những sự kiện mang tính cộng đồng rộng lớn hơn lại không có những động cơ tương tự?
Một số người theo thuyết đa nguyên cũng đồng ý rằng những sự kiện như vậy có thể bắt nguồn từ một lý do có ưu thế nổi bật. Chỉ đơn giản là họ không nhìn ra được tại sao cùng một nguyên nhân nhưng lại chi phối trong mọi trường hợp. Rõ ràng cái gọi là lý thuyết kinh tế về lịch sử không thể chấp nhận ở chỗ nó quan niệm rằng, mọi thứ, ở bất cứ nơi nào, đều chịu tác động theo cùng một cách thức. Liệu điều đó muốn ám chỉ rằng lịch sử là một hiện tượng riêng lẻ, giống hệt như một chiếc đũa tròn? Có thể ví von thế này, cơn đau đầu của tôi do mớ tóc giả theo kiểu cô đào Marilyn Monroe chật cứng mà tôi cứ khăng khăng muốn đội trên đầu khi đi dự tiệc. Thế nhưng lịch sử không phải là một thứ đơn lẻ như cơn đau đầu. Như có người từng phàn nàn, lịch sử chỉ toàn những thứ vớ vẩn. Nó không có được tính hợp lý của một câu chuyện cổ tích, hay một bài văn trần thuật có kết cấu chặt chẽ. Không có được một ý nghĩ xuyên suốt chiều dài lịch sử.
Chúng ta cũng đã biết, hầu như không ai hình dung được rằng trong lịch sử không có khuôn mẫu nào dễ dàng nhận thức được. Cũng không có ai coi lịch sử chỉ đơn thuần là một đống lộn xộn những hỗn loạn, ngẫu nghiên, tình cờ tiếp nối nhau, dù cho Friedrich Nietzsche và một trong những môn đồ của ông là Michel Foucault đã có lúc tiệm cận với quan điểm này. Đa số đều chấp nhận rằng, mặc dù phức tạp và khó nhận biết, có điều đó khiến cho lịch sử có một hình thức hỗn độn nào đó. Ví dụ, thật khó mà tin được rằng các quốc gia khác nhau bắt đầu thâu tóm các thuộc địa tại một thời điểm nhất định của lịch sử vì những lý do không có liên quan gì đến nhau. Chẳng phải vô cớ mà những nô lệ châu Phi bị chở đến châu Mỹ. Chủ nghĩa phát xít nổi lên gần như cùng một lúc ở nhiều quốc gia khác nhau trong thế kỷ XX cũng không hẳn chỉ là bắt chước lẫn nhau. Con người ta không phải bỗng dưng nhảy vào lửa một cách vô cớ. Có một khuôn mẫu chung nào đó về những người chắc chắn không tin như vậy trên khắp thế gian này.
Chắc chắn câu hỏi ở đây không phải là liệu trong lịch sử có những khuôn mẫu hay không, mà là liệu có một khuôn mẫu nổi bật hay không. Không thể tin vào vế trước nếu như không tin vào vế sau. Tại sao không phải chỉ là những tập hợp những hình mẫu đặt chồng lên nhau mà không bao giờ nhập vào một thể thống nhất? Làm thế quái nào một thứ đa dạng như lịch sử nhân loại lại có thể tạo nên một câu chuyện đơn giản? Việc khẳng định rằng lợi ích vật chất chính là động cơ chủ yếu trong toàn bộ quá trình từ thuở con
người sống trong hang động cho đến chủ nghĩa tư bản còn đáng tin hơn là niềm tin rằng sự ăn kiêng, chủ nghĩa vị tha, siêu nhân, môn nhảy sào hay sự giao hội của các hành tinh là động cơ chủ yếu. Tuy nhiên, không thể thỏa mãn với một câu trả lời đơn giản như vậy.
Nếu điều đó làm Các Mác thỏa mãn là bởi Các Mác quan niệm rằng lịch sử không hề đa dạng và muôn hình muôn vẻ như bề ngoài của nó. Lịch sử thậm chí còn là một câu chuyện kể đơn điệu hơn nhiều so với hình dung của mọi người. Thực ra cũng có một sự nhất quán trong đó, nhưng không phải là một dạng nhất quán mang lại cho ta sự thú vị giống như tác phẩm Ngôi nhà hoang vắng hay bộ phim Giữa trưa đã có. Phần lớn những nội dung kết nối sự thống nhất đó là sự khan hiếm, lao động nặng nhọc, bạo lực và bóc lột. Mặc dù những điều này tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng chính chúng đặt nền móng cho các nền văn minh trong lịch sử nhân loại. Chính sự tái diễn tối tăm ngu muội này đã khiến cho lịch sử nhân loại có thêm nhiều sự thống nhất ngoài mong đợi. Đáng tiếc ở đây quả thực có một đại luận thuyết. Như Theodor Adorno nhận xét: “Tất cả mọi thứ đều không ngừng vận động cho đến hôm nay – đôi khi dừng lại suy ngẫm – về mặt mục đích luận là nỗi thống khổ vô cùng”. Đại luận thuyết về lịch sử không phải là về tiến bộ, Lý trí hay Khai sáng. Đó còn là câu chuyện đau buồn, dẫn tới những lời sau đây của Adorno: “từ súng cao su đến bom nguyên tử”[3].
Chúng ta có thể đồng ý bạo lực, lao động nặng nhọc, áp lực xuất hiện nhiều trong lịch sử nhân loại nhưng không cần phải chấp nhận rằng đó là cơ sở nền tảng của lịch sử nhân loại. Đối với những người theo chủ nghĩa Mác, một lý do lý giải vì sao các yếu tố nói trên có vị trí quan trọng bởi chúng gắn chặt với sự sinh tồn theo quy luật tự nhiên của con người. Chúng là những đặc trưng vĩnh cửu trong cách thức con người duy trì sự tồn tại vật chất của mình. Chúng không đơn giản là sự kiện ngẫu nhiên. Chúng ta không nói đến những hành vi tàn bạo hay xâm lược rải rác đâu đó. Nếu như những thứ này có sự cần thiết nào đó, thì đó là bởi chúng ta được đặt vào trong những cơ cấu mà ở đó chúng ta sản xuất và tái sản xuất đời sống vật chất của mình. Dù có vậy đi nữa thì cũng không một người theo chủ nghĩa Mác nào lại cho rằng, những yếu tố ảnh hưởng đó quyết định bản chất của mọi thứ. Bởi nếu thế, bệnh thương hàn, mốt tóc đuôi ngựa, cơn cười thắt bụng, đạo Sufism, bản nhạc Saint Mattherv Passion nổi tiếng của Bach, và sơn móng tay bằng thứ màu tím độc hại chẳng qua cũng chỉ là sự phản ánh của động cơ kinh tế. Bất kỳ cuộc chiến nào nếu không được tiến hành vì những động cơ kinh tế trực tiếp hay bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào nếu không phản ánh được xung đột giai cấp đều không thể hiểu được.
Bản thân Các Mác dường như nhiều khi viết rằng, chính trị chẳng qua
chỉ là phản ánh của kinh tế. Tuy vậy Các Mác vẫn thường xuyên nghiên cứu tỉ mỉ những động lực xã hội, chính trị và quân sự đứng đằng sau những sự kiện lịch sử mà không đưa ra gợi ý nào dù bóng bẩy nhất rằng những động cơ ấy thực chất chỉ là sự biểu hiện bề ngoài của những động cơ mang mục đích kinh tế bên trong. Những lực lượng vật chất cũng có khi để lại dấu vết trực tiếp ở những vấn đề chính trị, nghệ thuật và cả trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của chúng thường mang tính lâu dài và kín đáo hơn. Có lúc ảnh hưởng này chỉ mang tính cục bộ nhưng cũng có những lúc không thể diễn tả được sự ảnh hưởng đó bằng những thuật ngữ như vậy. Vậy thì phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa có liên quan gì đến sở thích đeo ca-vát của riêng tôi? Nó quyết định thế nào đến thú vui giải trí bay bằng tàu lượn hoặc nghe nhạc blue?
Như vậy, giản hóa luận không hiện hữu ở đây. Chính trị, văn hóa, khoa học, tư tưởng và tồn tại xã hội không đơn giản chỉ là kinh tế học biến tướng, không khác gì một số nhà thần học vẫn tuyên bố rằng, tâm trí thực chất cũng chỉ là một dạng biến hình của não bộ. Chúng có những thực tế khách quan của riêng chúng, và vận động theo những logic tự thân của chúng. Chúng không đơn giản là sự phản ánh mờ nhạt của một cái khác. Hơn thế nữa, chúng còn quyết định bản chất của bản thân phương thức sản xuất. Mối quan hệ giữa “cơ sở hạ tầng” kinh tế và “thượng tầng kiến trúc”, mà ta sẽ đề cập ở phần sau, không chỉ là mối quan hệ một chiều. Do đó, nếu ở đây ta không bàn một chút về thuyết quyết định luận cơ giới (mechanistic determinism), thì sự khẳng định sẽ là gì? Hay lại chỉ là một lời tuyên bố mờ nhạt, chung chung giống nhau như kiểu bất lực chính trị?
Lời khẳng định ở đây trước hết là một khẳng định mang tính phủ định. Chính cách thức con người sản xuất ra đời sống vật chất của mình sẽ đặt ra các giới hạn cho các thiết chế văn hóa, luật pháp, chính trị và xã hội mà con người tạo ra. Từ “quyết định” hiểu theo nghĩa đen có nghĩa là “đặt ra giới hạn”. Phương thức sản xuất không phải ra lệnh cho một loại hình chính trị, văn hóa hoặc một hệ thông tư tưởng. Chủ nghĩa tư bản không phải là sự nghiệp triết học của John Locke hoặc tiểu thuyết viễn tưởng của Jane Austen. Thay vào đó, chủ nghĩa tư bản là một bối cảnh mà ở đó hai tác giả được tỏa sáng. Cũng không phải là những phương thức sản xuất đã đẻ ra những tư tưởng hay những thiết kế đó để phục vụ cho đất nước của mình. Nếu điều đó là đúng, thì chủ nghĩa Mác sẽ trở thành cái không thể đạt được. Sẽ mãi là điều bí ẩn đối với nơi các rạp hát ngoài trời của những người vô chính phủ xuất hiện; hay làm thế nào mà Tom Paine viết nên một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại – một cuốn sách mang tính cách mạng có nhan đề Quyền của con người của ông ngay trong lòng một nhà
nước cảnh sát hà khắc như nước Anh hồi đó. Dù vậy, ta vẫn thấy ngạc nhiên khi khám phá rằng, nền văn hóa Anh chẳng có gì ngoài những người như Tom Paine và các nhóm kịch vô chính phủ. Hầu hết các tiểu thuyết gia, các học giả, các nhà quảng cáo, báo chí, giáo viên, các đài truyền hình không sản xuất ra những tác phẩm mang tính chất lật đổ tình trạng hiện thời. Điều đó quá hiển nhiên đến nỗi không làm cho chúng ta thấy có ý nghĩa gì. Quan điểm của Các Mác đơn giản nó không phải là ngẫu nhiên. Chính từ đây chúng ta có thể phát biểu một cách có hệ thống cho một phương diện tích cực hơn trong sự khẳng định của Các Mác. Nói tổng quát hơn, văn hóa, luật pháp và chính trị của xã hội có giai cấp gắn chặt với lợi ích của các giai cấp xã hội thống trị. Như Các Mác viết trong Hệ tư tưởng Đức: “Giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì đồng thời là lực lượng tinh thần thống trị xã hội ấy”.
Nếu tĩnh tâm suy nghĩ một chút thì hầu hết mọi người sẽ đồng ý rằng, sản xuất vật chất xuất hiện rất nhiều trong lịch sử loài người. Nó ngốn những nguồn tài nguyên vô tận về thời gian và sức lực, châm ngòi cho các cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, chiếm đoạt số phận của rất nhiều con người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, và khiến cho không ít trong số đó phải đối đầu với vấn đề sinh tử. Thật ngạc nhiên nếu như sản xuất vật chất lại không để lại dấu vết nào trên các phương diện khác nhau của tồn tại nhân loại. Các thiết chế xã hội khác hấy mình bị cuốn vào quỹ đạo của nó. Sản xuất vật chất chi phối chính trị, pháp luật, văn hóa và tư tưởng bằng cách đòi hỏi rằng thay vì tự phát triển bản thân, chúng cần phải dành hết thời gian để hợp pháp hóa cái trật tự xã hội hiện hành. Lấy ví dụ về chủ nghĩa tư bản đương đại, trong đó dạng thức hàng hóa làm vấy bẩn lên mọi thứ, từ thể thao đến tình dục, từ làm thế nào để xoay sở được một chỗ tốt nơi thiên đường cho đến những tiếng chói tai của các phóng viên truyền hình Hoa Kỳ cố công lôi kéo sự chú ý sự chú ý của công chúng vì mục đích quảng cáo. Bằng chứng thuyết phục nhất đối với học thuyết lịch sử của Các Mác chính là xã hội tư bản gần đây. Có cảm tưởng rằng, càng ngày học thuyết lịch sử của Các Mác càng đúng với thực tế. Chính chủ nghĩa tư bản, chứ không phải là chủ nghĩa Mác, mới theo giản hóa luận kinh tế. Chỉ có chủ nghĩa tư bản mới tin vào sản xuất vì lợi ích của sản xuất; và tin vào nội hàm hẹp hơn của từ “sản xuất”.
Trái lại, Các Mác tin vào sản xuất là vì lợi ích của chính sản xuất theo một nội hàm rộng lớn hơn của từ này. Ông lập luận rằng, sự tự phát triển bản thân của con người cần được đánh giá là một mục đích tự thân của con người cần được đánh giá là một mục đích tự thân, thay vì quy nó là công cụ phục vụ cho một mục đích khác. Theo Các Mác điều này là không thể nếu vẫn bị chi phối bởi nội hàm hẹp hơn của sản xuất vì lợi ích của sản “xuất”; bởi lúc
đó hầu hết nguồn lực sáng tạo của con người sẽ dành để sản xuất ra các phương tiện sinh sống, thay vì làm đẹp thêm cuộc sống. Phần lớn nội dung của chủ nghĩa Mác có thể thấy trong sự tương phản giữa hai cách dùng của cụm từ “sản xuất vị sản xuất” này: một mang ý nghĩa kinh tế, và một mang ý nghĩa sáng tạo và thẩm mỹ. Vì không hề là một nhà giản hóa luận kinh tế nên Các Mác nghiêm khắc lên án việc đơn giản hóa hoạt động sản xuất của con người chỉ ở máy kéo và tuốc bin. Hoạt động sản xuất mà Các Mác quan tâm gần gũi với nghệ thuật hơn là chỉ có lắp ráp những chiếc rađiô bán dẫn hoặc giết mổ cừu. Chúng ta sẽ quay lại chủ đề này sau.
Quả đúng là Các Mác luôn nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của kinh tế (theo ý nghĩa hẹp của từ này) trong suốt lịch sử nhân loại cho đến ngày nay. Tuy thế, đây không phải là một niềm tin mà chỉ những người theo chủ nghĩa Mác mới có. Cicero đã phát biểu rằng, mục đích của nhà nước là bảo vệ quyền tư hữu. Học thuyết lịch sử “kinh tế” là rất phổ biến ở thời kỳ Khai sáng thế kỷ XVIII. Nhiều nhà tư tưởng thời Khai sáng nhìn nhận lịch sử là sự tiếp nối các phương thức sản xuất. Họ cũng tin rằng điều này có thể vận dụng để giải thích địa vị xã hội, lối sống, bất bình đẳng xã hội và các mối quan hệ trong gia đình và nhà nước. Adam Smith coi mỗi giai đoạn phát triển cự thể trong lịch sử là để tạo ra những dạng thức luật pháp, sở hữu và nhà nước của chính giai đoạn đó. Jean-Jacques Rousseau cũng lập luận trong tác phẩm Bàn về bất bình đẳng rằng, sở hữu mang đến chiến tranh, bóc lột và xung đột giai cấp kể từ khi nó xuất hiện. Ông còn khẳng định rằng, cái gọi là khế ước xã hội thực chất cũng là một sự lừa gạt, bị vi phạm bởi chính kẻ giàu để bảo vệ đặc quyền, đặc lợi của chúng đối với người nghèo. Rousseau còn nói xã hội con người ngay từ đầu đã trói buộc kẻ yếu và trao quyền cho kẻ giàu - những quyền “hủy hoại tận gốc rễ những quyền tự do tự nhiên, thiết lập vĩnh viễn luật sở hữu và bất bình đẳng... và chỉ vì lợi ích của một nhóm nhỏ những kẻ tham vọng, kể từ đó bắt nhân loại phải chìm trong thống khổ, nô lệ và khốn cùng”[4]. Theo Rousseau thì luật pháp nói chung là ủng hộ kẻ mạnh, chống kẻ yếu; công lý chủ yếu đóng vai trò phương tiện của bạo lực và thống trị; còn văn hóa, khoa học, nghệ thuật và tôn giáo được sử dụng để bảo vệ và duy trì nguyên trạng, có chăng chỉ để tung cao “những vòng hoa” trên những gông cùm đang nhấn đầu con người cúi xuống. Rousseau khẳng định rằng, chính quyền sở hữu mới là căn nguyên gây ra tình trạng bất mãn của con người.
Nhà kinh tế học vĩ đại người Ailen thế kỷ XIX John Elliot Cairnes người từng quan niệm chủ nghĩa xã hội là “chồi cây sum sê của sự ngu dốt về kinh tế” và còn được coi là chính thống nhất trong tất cả các nhà kinh tế học cổ điển, nhận xét rằng, “lợi ích vật chất có tầm ảnh hưởng thật lớn, nó quyết
định ý kiến và hành vi chính trị của con người”[5]. Và trong Lời tựa cuốn Quyền lực Nô lệ, John Elliot Cairnes viết: “tiến trình lịch sử chủ yếu được định đoạt bởi hành vi xuất phát từ nguyên nhân kinh tế”. Một người đồng hương của ông W.E.H.Lecky, sử gia người Ailen vĩ đại nhất thời ấy đồng thời cũng là một người phản đối chủ nghĩa xã hội khét tiếng, đã viết rằng: “hầu như không có cái nào góp phần hình thành nên loại hình xã hội nhiều như các bộ luật quy định quyền kế thừa tài sản”[6]. Ngay cả Sigmund Freud cũng trung thành với một hình thức quyết định luận kinh tế nhất định. Ông cho rằng, nếu không tồn tại như cầu được lao động, con người chúng ta sẽ chỉ nằm ườn một chỗ suốt ngày, rồi tìm mọi cách nuông chiều nhu cầu thỏa mãn dục tính một cách không biết hổ thẹn. Nhờ quy luật kinh tế tất yếu, con người mới thoát ra khỏi thói biếng nhác cố hữu, để rồi được thúc đẩy tham gia vào các hoạt động xã hội.
Xin trích dẫn bình luận ít người biết sau đây của nhà duy vật lịch sử để làm ví dụ:
“Cư dân [của xã hội con người] phải trải qua những giai đoạn khác nhau, người đi săn, người chăn cừu, và người nông dân, đến khi tài sản trở nên đáng giá, hệ quả là tạo ra nguyên nhân gây bất công. Khi luật lệ được đặt ra để kìm chế thương tật và đảm bảo sự chiếm hữu, con người ta dưới sự bảo vệ của những luật lệ này, lại trở nên bị chiếm hữu bởi sự dư thừa vật chất, dẫn tới thói xa hoa và nhu cầu cung cấp không ngừng, và khi đó các ngành khoa học trở nên cần thiết và hữu ích, nhà nước sẽ không thể tồn tại nếu thiếu những thứ đó...”[7].
Đó không phải là những nhận xét của người theo chủ nghĩa Mác với lối tán tụng nhạt nhẽo cổ lỗ, mà chính là những suy ngẫm của nhà văn người Ailen thế kỷ XVIII là Oliver Oldsmith, một thanh viên đầy nhiệt huyết của Đảng Bảo thủ Anh. Nếu như dân tộc Ailen dường như có xu thế ủng hộ cái gọi là học thuyết lịch sử kinh tế, thì đó là vì cuộc sống rất khó khăn ở một thuộc địa nghèo xơ, nghèo xác, bị đô hộ bởi tầng lớp có ruộng đất người Ănglô – Ái Nhĩ Lan, và bỏ qua mọi vấn đề bức xúc đó. Ở Anh, do cấu trúc thượng tầng văn hóa phức tạp thời đó, nên các vấn đề kinh tế rõ ràng ít đau đớn hơn đối với các thi sĩ và các sử gia. Nhưng ngày nay, rất nhiều người trong đó đã từng chối bỏ một cách đầy khinh thị học thuyết lịch sử của Các Mác sẽ hành xử trước toàn thế giới như thể lý thuyết ấy là đúng. Họ là các chủ ngân hàng, những cố vấn tài chính, quan chức bộ tài chính, tổng giám đốc các tập đoàn và những người tương tự. Tất cả những gì mà họ đang làm đều minh chứng cho lòng trung thành của họ dành cho ưu tiên kinh tế. Tất cả bọn họ, không trừ một ai, đều là những nhà Mác-xít tự nguyện.
Cũng cần phải nói thêm rằng, với một sự cân đối thú vị, “lý thuyết kinh tế của lịch sử” đã được ra đời ở Manchester, thành trì của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Ph.Ăngghen nhận xét, chính thời gian sống tại đây khiến ông lần đầu tiên ý thức được tính chất trung tâm của kinh tế. Do cha của ông, như chúng ta đã biết, sở hữu một nhà máy dệt, và chính cái nhà máy ấy đã nuôi nấng Ph.Ăngghen và Các Mác về sau này, thì sự hiểu biết sâu sắc này có thể được ươm mầm ngay trên quê hương của chính nó. Gia đình Ph.Ăngghen giàu có đã đóng vai trò hạ tầng cơ sở vật chất cho kiến trúc thượng tầng của Các Mác.
Khẳng định rằng, với Các Mác, tất cả mọi thứ đều do “kinh tế” quyết định sẽ là đơn giản hóa quá mức một cách ngớ ngẩn. Bởi theo Các Mác, cái hình thành nên lịch sử là đấu tranh giai cấp; mà giai cấp thì không thể quy gọn về các yếu tố kinh tế. Đúng là Các Mác coi giai cấp chủ yếu là nhóm người đứng cùng một vị trí trong một phương thức sản xuất. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là chúng ta nói về các giai cấp xã hội chứ không phải là các giai cấp kinh tế. Các Mác đã viết về các mối mối quan hệ sản xuất “xã hội” và cũng bàn về cách mạng “xã hội”. Nếu các mối quan hệ xã hội của sản xuất có vị trí ưu tiên hơn so với lực lượng sản xuất, thì khó mà thấy rằng cái có tên là “kinh tế” trở thành động lực cơ bản của lịch sử.
Giai cấp không chỉ tồn tại trong các hầm mỏ và các văn phòng bảo hiểm. Giai cấp cũng là những tổ chức xã hội, những cộng đồng và rất nhiều các thực thể kinh tế nữa. Giai cấp bao hàm những tập tục, truyền thống, những thiết chế xã hội, tập hợp các giá trị và thới quen tư duy. Giai cấp còn là một hiện tượng chính trị. Thực tế thì, trong các tác phẩm của Các Mác đã có những gợi ý rằng, một giai cấp thiếu đại diện chính trị sẽ không còn là một gia cấp đúng nghĩa đầy đủ. Dường như theo Các Mác, giai cấp chỉ thực sự là giai cấp khi nó có ý thức về bản thân nó. Giai cấp còn bao hàm các quá trình luật pháp, xã hội, văn hóa, chính trị và tư tưởng. Trong các xã hội tiền tư bản chủ nghĩa, như Các Mác đã lập luận, chính những yếu tố phi kinh tế kể trên có tầm quan trọng đặc biệt. Giai cấp không giống nhau về hình thức, mà có rất nhiều sự phân chia bên trong và tính đa dạng.
Bên cạnh đó, như chúng ta sẽ sớm thấy, theo Các Mác, lao động liên quan đến nhiều thứ hơn là kinh tế. Lao động ở đây bao hàm trọn vẹn lĩnh vực nhân loại học, là một ngành khoa học nghiên cứu về tự nhiên, nhân tố con người (human agency), cơ thể và nhu cầu cơ thể, bản chất của các giác quan, các quan niệm về hợp tác xã hội và sự tự hoàn thiện cá nhân. Đây không phải là môn kinh tế học theo cách hiểu của tờ Thời báo Phố Wall. Cũng như độc giả sẽ chẳng đọc được gì nhiều về loài người trên tờ Thời báo Tài chính. Lao động còn bao hàm các vấn đề như giới, quan hệ máu mủ và
tình dục. Trước hết sẽ có câu hỏi là người lao động được tạo ra như thế nào, và người lao động được duy trì đời sống vật chất và bổ sung tinh thần ra sao? Sản xuất được tiến hành trong các dạng thức cụ thể của đời sống, và do đó chứa đựng nội dung xã hội phong phú. Bởi vì lao động luôn mang ý nghĩa quan trọng, và con người lại là loài động vật có ý nghĩa (theo nghĩa đen là biết biểu hiện), do đó lao động không bao giờ đơn thuần chỉ là một sự việc mang tính kỹ thuật hoặc vật chất. Ta có thể nhận thấy điều này là cách cầu Chúa, ngợi ca Tổ quốc, hay cách uống bia chùa. Nói tóm lại, kinh tế luôn bao hàm nhiều thứ hơn bản thân kinh tế. Nó không đơn giản là vấn đề thị trường phản ứng như thế nào. Khái niệm này còn liên quan đến cách thức ta trở thành con người như thế nào, chứ không chỉ cách thức làm thế nào chúng ta trở thành những nhà môi giới chứng khoán[8].
Do đó, giai cấp không đơn thuần mang tính kinh tế, không khác gì tình dục mang tính cá nhân. Trên thực tế không phải bất cứ cái gì cũng quy về kinh tế. Kể cả những đồng xu có thể được sưu tập và trưng bày trong tủ kính, để rồi được ngưỡng mộ vì những giá trị thẩm mỹ của nó, hay là bị nung chảy để lấy kim loại. Nói đến tiền là để hiểu được tại sao lại quy hết toàn bộ sự tồn tại của con người về kinh tế như thế, bởi vì điều đó đúng là những gì đồng tiền làm được. Đồng tiền thần kỳ biết bao, nhất là khi nó có thể cô đặc khả năng vô tận của con người vào trong phạm vi bé nhỏ của nó. Quả thật là trên đời này có nhiều thứ giá trị hơn tiền bạc, thế nhưng phải nhờ có tiền con người ta mới có thể sở hữu được những thứ đó. Có tiền, người ta mới đủ sự tự tin để tham gia vào các mối quan hệ với người khác mà không phải ngượng ngùng xấu hổ nếu chẳng may rơi vào cảnh đói khát bần hàn. Có tiền, người ta có thể mua được sự riêng tư, sức khỏe, giáo dục, sắc đẹp, vị trí trong xã hội, di chuyển dễ dàng, sự thoải mái, tự do, sự tôn trọng, và thỏa mãn nhu cầu các giác quan. Các Mác đã viết rất hay trong Bản thảo kinh tế triết học về bản chất hay thay đổi, dễ biến dạng, thuật giả kim của đồng tiền, cách bạn có thể tiến hành trò ảo thuật làm xuất hiện đống hàng hóa sang chói chỉ bằng những đồng tiền có hình thức thật tầm thường. Bản thân tiền chính là một hình thức giản hóa luận. Nó nhét cả vũ trụ vào đồng xu.
Nhưng ngay cả những đồng xu, như chúng ta biết, cũng không phải là kinh tế một cách thô thiển. Trên thực tế, “nền kinh tế” không bao giờ xuất hiện dưới dạng nguyên sơ cả. Những gì mà giới báo chí tài chính gọi là “nền kinh tế” thực ra là không có thật. Chắc chắn là chưa có ai mục sở thị nó. Đó là sự trừu tượng hóa từ một quá trình xã hội phức tạp. Chỉ có lối tư duy kinh tế chính thống mới có xu hướng bó hẹp nghĩa của khái niệm kinh tế. Trái lại, chủ nghĩa Mác quan niệm về sản xuất theo cách bao quát, phong phú nhất. Một lý do giải thích tại sao học thuyết lịch sử của Các Mác luôn đúng, đó là