🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tại Sao Chúng Ta Không Hạnh Phúc? - Phi Tuyết
Ebooks
Nhóm Zalo
MỤC LỤC
Chuyện của Thỏ
Sự thật về cuộc đời chúng ta đang sống
CHƯƠNG 1 - CÂU CHUYỆN VŨ TRỤ HỌC
Bí mật những vì sao
Giải nghĩa mối quan hệ giữa chiêm tinh với khoa học, luân hồi và số phận
Sự hình thành và sức mạnh của đám đông
Bộ lịch vũ trụ và kỷ nguyên mới đang tới
Bí mật về các cung hoàng đạo
CHƯƠNG 2 - CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI
Con người - Sự tiến hóa đặc biệt nhất trong lịch sử Loài người là tử thần đối với muôn loài?
Cách mạng nông nghiệp – Sự lừa dối lớn nhất lịch sử
CHƯƠNG 3 - CÁCH MẠNG NÔNG NGHIỆP - CÔNG NGHIỆP - CÔNG NGHỆ
Chuyện những chú bò sữa không hạnh phúc
Câu chuyện máy móc
Câu chuyện cây ngô: Từ loài cỏ hoang thành vua thực phẩm công nghiệp
Câu chuyện hạt giống
Câu chuyện ông lão Noah và trận đại hồng thủy GMO
Câu chuyện anh chàng nông dân và những hạt giống miễn phí
phí
Cuộc cách mạng một cọng rơm của lão nông Nhật Bản Bài học sâu sắc về cuộc sống từ một cọng rơm
Câu chuyện của cô gái cao nguyên cà phê
Con người là thần thánh và cuộc đời là một phép màu kỳ diệu?
Tại sao là nông nghiệp?
Câu chuyện về một cuộc cách mạng trên đồng cỏ CHƯƠNG 4 - CHỦ NGHĨA TIÊU DÙNG
Vòng đời của một món đồ
Chủ nghĩa tiêu dùng đang cai trị thế giới này như thế nào? Thuốc lá - Những câu chuyện chưa bao giờ kể
Câu chuyện một người phản-quảng-cáo
Câu chuyện một cô gái ghét mua sắm
Kinh tế chia sẻ - Nền kinh tế của thời đại mới
Một ngày làm việc 4 tiếng, tại sao không?
Câu chuyện về một lối sống mới: Chủ nghĩa tối giản Câu chuyện giả kim thực tế: Nơi rác biến thành vàng
CHƯƠNG 5 - CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC
Nền giáo dục cấm đoán: Trường học hay nhà tù? Nguồn gốc của trường học và giáo dục
Đừng giáo dục trẻ em theo nhu cầu của người lớn
Câu chuyện về sự khác biệt và tiến bộ của nền giáo dục Phần Lan
Giáo dục thực sự phải là “kéo ra” chứ không phải “nhồi vào” Cuộc cách mạng của tôi
Cuộc cách mạng của tôi
Những thay đổi khả dĩ
Xin đừng bắt hạt hướng dương nở ra hoa hồng CHƯƠNG 6 - LỐI ĐI NÀO CHO CHÚNG TA?
Tại sao thế giới luôn hỗn loạn và bất an?
Thành công nên là tiền bạc hay là hạnh phúc?
Đừng biến cuộc đời thành cuộc đua, hãy để nó là một món quà
Phụ lục
Chú thích
Lời Nói Đầu
Cuốn sách có dùng nhiều tư liệu bao gồm cả số liệu lẫn kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau: sách, phim tài liệu, tin tức mà có thể bạn đã biết hoặc sẽ thấy quen thuộc. Nguồn tài liệu tham khảo xin dẫn lại ở phần cuối của cuốn sách. Tác giả khuyến khích các bạn tìm mua, đọc và xem các tài liệu gốc ấy để nhận thêm được nhiều kiến thức chuyên sâu, thú vị khác.
Nhiệm vụ của cuốn sách này một phần là hệ thống lại cho các bạn những kiến thức mà các bạn có thể đã biết hoặc chưa biết. Nhưng phần quan trọng hơn là qua những kiến thức ấy, tác giả mạn phép sắp xếp chúng lại theo một trình tự vừa tổng quát vừa cụ thể nhằm diễn giải các khía cạnh cuộc sống và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao chúng ta không hạnh phúc?
Cuốn sách là “bản đồ tâm trí” bao gồm kiến thức chung lẫn các suy ngẫm riêng của tác giả. Mong rằng nó cũng có thể cho bạn những lời gợi ý để đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi của riêng mình về cuộc đời.
Biết được tại sao mình không hạnh phúc là bước đầu tiên để sống khác đi: Sống hạnh phúc hơn.
Cầu chúc cho tất cả chúng ta cùng sống hạnh phúc trên hành tinh xanh xinh đẹp này!
Chuyện của Thỏ
Chào bạn, chào mừng ngày xinh đẹp! Và để cảm ơn bạn vì đã cầm cuốn sách này trên tay, tôi xin kể tặng bạn một câu chuyện nhỏ:
Rùa và Thỏ thi chạy với nhau. Trong khi Rùa lê từng bước nặng nhọc trên suốt quãng đường thì Thỏ mải mê hái hoa bắt bướm thậm chí là ngủ quên cho đến khi phát hiện Rùa đã về đến đích thì đã muộn...
Hẳn bạn đang nghĩ “Xời, tưởng gì, chuyện này ai chả biết!” Tôi đồng ý và tôi cũng không định kể lại câu chuyện chán ngắt này cho bạn đâu. Câu chuyện tôi muốn kể hôm nay rất khác dẫu hai nhân vật chính của chúng ta vẫn là Thỏ và Rùa, chưa kể họ vẫn làm cái chuyện cũ mèm ấy: chạy đua. Nhưng chuyện kể rằng:
Rùa và Thỏ là một đôi bạn thân, trong khi Thỏ tính tình vui tươi năng động bao nhiêu thì Rùa lại luôn bi quan, ủ rũ, bị động bấy nhiêu và điều này làm Thỏ phiền lòng rất nhiều. Một lần nọ Thỏ nghĩ ra kế để giúp bạn Rùa của mình tự tin hơn, đó là tổ chức chạy đua (phần này của câu chuyện thì bạn biết rồi).
Nhưng sự thật không hề như mọi người vẫn nghĩ, hóa ra Thỏ không ham chơi mà cố tình rời xa đường đua để Rùa tự tin hơn sau khi đã tạo động lực cố gắng cho Rùa bằng những lời trêu ghẹo thách thức. Rời đường đua Thỏ lang thang trong khu rừng để giúp đỡ các loài thú khác như thường ngày cậu vẫn làm: lấy nước từ dòng suối mát để tưới cho những cây hoa bồ công anh đang khát; mang những ngọn cỏ non mềm và ngọt nhất, nhân tiện hái một bó hoa dại tuyệt đẹp để mang tặng chị Nai vừa mới sinh; đi ngang cây
dẻ đầy hạt rụng sau cơn mưa Thỏ liền nhặt một túi đầy rồi đem tặng gia đình bạn Sóc nhỏ; Thỏ còn giúp cả bạn Bướm đang bị mắc vào mạng nhện và giúp bác Gấu xin đàn Ong một hũ mật đầy… Xong hết các việc Thỏ mới trở lại bìa rừng, nơi cuộc đua diễn ra và nhìn thấy Rùa đang cặm cụi tiến tới từ xa. Như vẫn chưa hài lòng Thỏ liền chạy ngay đến chỗ cây Sồi cổ thụ gần đó – nơi các loài chim thường trú ngụ – để nhờ mấy bạn Chim Sẻ bay đi khắp khu rừng loan báo cho muôn thú biết rằng Rùa sắp thắng Thỏ trong cuộc đua và kêu gọi các loài hãy mau đến xem, cổ vũ cho Rùa. Mọi sự dần đúng như kế hoạch, khi muôn thú kéo tới xem cuộc đua và hò reo chúc mừng cho Rùa, Thỏ ta mới giả bộ hớt hải chạy đến với khuôn mặt đau buồn lẫn tiếc nuối của một kẻ thua cuộc. Từ sau cuộc đua đó Rùa đã trở nên tự tin hơn rất nhiều và mặc cho mọi người chê cười, Thỏ vẫn rất hài lòng và hạnh phúc.
Vâng, đây mới là câu chuyện tôi muốn kể với bạn, một câu chuyện cũ đã được viết lại, làm mới lại dưới góc nhìn của tôi – một cô gái Song Tử. Bạn biết đấy, là một cô gái đã đủ phức tạp rồi ấy vậy mà tôi lại còn là cô gái Song Tử nữa chứ. Song Tử nghĩa là một cặp sinh đôi, người mang chòm sao Song Tử được ngụ ý rằng luôn có hai cá tính, hai con người khác nhau (thậm chí đối lập) cùng tồn tại. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân giải thích tại sao tôi lại thường có những góc nhìn khác biệt với số đông. Vì có chút khác biệt nên những quan điểm của tôi thường bị phản đối hơn là ủng hộ, ví dụ tiêu biểu như bài viết “Không có trải nghiệm tuổi trẻ không đáng một xu” hay bài dịch “Kết hôn là sáng tạo ngu ngốc nhất của nhân loại”. Hai bài này của tôi được nhiều người chia sẻ rộng rãi và ồn ào nhưng không phải vì người ta đồng tình với tôi mà vì người ta phản đối.
Phản đối những quan điểm khác biệt là hành động tự nhiên của con người nhằm bảo tồn và gìn giữ những giá trị mà chúng ta cho là đúng. Nhưng bạn đừng quên: Những lối đi cũ không thể dẫn chúng ta đến vùng đất mới cũng như những tư duy và quan điểm cũ không giúp chúng ta thay đổi được thực tại. Nếu bạn muốn đến một vùng đất mới và sống một cuộc sống mới thì buộc lòng bạn phải thay đổi hướng đi cũ thậm chí phải thay luôn cả tấm bản đồ.
Tâm trí chính là tấm bản đồ hướng dẫn, là chiếc la bàn quan trọng tạo ra cuộc đời bạn đang sống. Cuốn sách này là bản đồ tâm trí của tôi – tấm bản đồ dẫn tôi tới cuộc sống tự do và hạnh phúc ngày hôm nay.
Tôi sẵn lòng chia sẻ với bạn nhưng có một điều kiện nhỏ đó là bạn cần để lại hành lý trước khi lên đường. Khác với các hành trình thông thường, với chuyến hành trình tâm trí này, “hành lý” mà tôi muốn các bạn buông bỏ chính là những định kiến, những lối suy nghĩ cũ kỹ giáo điều vốn đã bén rễ rất sâu trong tâm trí bạn. Chỉ khi đã trút bớt những thứ ấy, càng nhiều càng tốt thì tâm trí bạn mới có chỗ trống và bạn mới có khả năng đón nhận những góc nhìn, ý tưởng, bài học mới, không chỉ từ cuốn sách này mà còn từ cuộc sống thường ngày của bạn nữa.
Tôi không phải người học giỏi nhưng tôi tự tin mình là người có khả năng học hỏi mọi thứ khá nhanh, lý do có lẽ lại nhờ vào chòm sao Song Tử. Việc Song Tử thường nhanh quên, đầu óc thường trống rỗng đã mang lại lợi thế cho tôi trong việc dễ dàng tiếp thu những ý tưởng mới, quan điểm mới mà không quá lì lợm, cố chấp. Thêm một điều hay là người Song Tử được biết đến như những đứa trẻ cực kỳ tò mò và ham học hỏi. Chắc đó là lý do khi khởi đầu cho
mọi sự, tôi luôn tự đặt ra cả đống câu hỏi kỳ cục và rồi sẽ không cam tâm cho tới khi tìm được câu trả lời.
Như một lần khi còn bé, tôi theo mẹ đến nhà thờ đi lễ và trên đường về tôi đã hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, mình có phải người Do Thái không?
– Không con, mình là người Việt Nam.
– Vậy mình có phải con Thiên Chúa không?
– Đúng rồi!
– Tại sao lại như vậy được? Chúa nói Ngài chỉ chọn dân Do Thái là dân riêng của Ngài thôi mà mình thì không phải dân Do Thái. Mình không được chọn thì sao mình là con của Thiên Chúa được? Mình nhận vơ à?
Hay như một lần khác tôi lại hỏi:
– Sau khi chết thì mình đi đâu hả mẹ?
– Mình lên Thiên đàng.
– Mình làm gì trên Thiên đàng?
– Sẽ không cần phải làm gì hết mà chỉ suốt ngày múa hát thôi.
Câu trả lời khiến một đứa trẻ ghét múa hát như tôi cảm thấy thất vọng. Lúc ấy tôi đã nghĩ thầm mà không dám lên tiếng: “Lên Thiên đàng chán chết như vậy ai muốn lên đó cơ chứ?”
Đó là những câu hỏi của tôi khi còn là một đứa trẻ. Vì tôi đã không nhận được câu trả lời nào thỏa đáng từ ai nên sau này khi
lớn hơn và có những câu hỏi thì tôi đành tự đi tìm câu trả lời cho chính mình. Những câu hỏi của tôi sau này là:
– Ai đã kiến tạo nên cuộc sống của chúng ta như ngày hôm nay? – Ai đã tạo ra thế giới có bộ dạng như hôm nay?
– Ý nghĩa cuộc đời là gì?
– Có cách nào để sống cuộc sống như mình mong muốn không?
Và trên tay bạn, cuốn sách này, ngoài những kiến thức tôi thu lượm từ các góc nhìn khác nhau của nhiều người trên thế giới, nó còn là hành trình tôi tự tìm câu trả lời cho những câu hỏi của chính mình.
Cũng bởi tự đi tìm câu trả lời nên tôi không cam đoan với bạn đây là những câu trả lời hoàn toàn chính xác. Cuộc đời không giống như bài toán để luôn có kết quả đúng kiểu 1+1=2. Bạn có thể đọc cuốn sách này để giải trí hoặc tham khảo rồi tự bạn tìm câu trả lời cho riêng mình. Vì nếu ví cuộc đời như một cuộc thi thì nó sẽ là thi tự luận chứ không phải trắc nghiệm. Không có đáp án đúng hay sai cho bài toán cuộc đời.
Tuy nhiên về mặt cá nhân, tôi vẫn tin những câu trả lời này là đúng vì tôi căn cứ theo tiêu chuẩn của riêng mình: Câu trả lời là đúng khi nó có thể làm cho tôi cảm thấy hiểu về cuộc sống hơn, lạc quan hơn, đặc biệt có thể khiến tôi sống khác đi theo hướng tự do hơn, hạnh phúc hơn, hài lòng hơn và trân trọng cuộc sống nhiều hơn.
Như tinh thần kinh điển trong các tôn giáo: Sự thật sẽ giải phóng “chúng ta”.
Xin được chia sẻ với bạn những kiến thức cùng tấm bản đồ tâm trí của tôi.
Với tất cả lòng biết ơn!
Hãy làm mới lại tấm bản đồ tâm trí của bạn hay thậm chí bắt đầu vẽ lại nó, ngay lúc này.
PHI TUYẾT
Sự thật về cuộc đời chúng ta đang sống
Một ngày nọ tôi suýt nhảy cẫng lên vì vui mừng sau khi được xem một đoạn phim tài liệu có nhan đề Sự thật cuộc đời chúng ta đang sống. Tên tiếng Anh của đoạn phim là The lie we live, nếu có thời gian tôi khuyến khích các bạn tìm xem đoạn phim để nghe và nhìn thêm những hình ảnh mà đoạn phim miêu tả. Tôi sẽ viết lại phần lời dịch tiếng Việt để giúp bạn tiết kiệm một chút thời gian. Hãy đọc chậm rãi và trả lời câu hỏi: Bạn đồng tình với bao nhiêu ý kiến trong số các “sự thật” này?
Mỗi ngày chúng ta thức dậy trong căn phòng cũ, vận hành cơ thể theo những thói quen cũ, sống một cuộc sống như ngày hôm qua. Thế nhưng thật ra vào mỗi giây phút mọi thứ xung quanh bạn đều đang vận hành theo những hành trình mới. Trên hành trình đó mọi thứ đang luôn thay đổi. Trước đây chúng ta không quan tâm đến thời gian. Ngày nay, mỗi ngày của chúng ta đều được lên kế hoạch trước và chúng ta gọi đó là văn minh – tự do. Nhưng chúng ta có thực sự tự do?
Thực phẩm – nước – đất đai. Những thứ cơ bản nhất chúng ta cần cho cuộc sống giờ đã thuộc sở hữu của các tập đoàn: không còn hoa quả miễn phí trên cây, nước suối cũng không còn sạch nữa, không còn đất để dựng nhà. Nếu bạn cố gắng lấy những gì mẹ Trái Đất cung cấp cho cuộc sống bạn sẽ phải vào nhà đá bóc lịch. Chúng ta biết thế và dần dần tuân thủ theo các luật lệ.
Chúng ta khám phá thế giới qua sách vở. Hàng năm trời chúng ta ngồi nhai đi nhai lại những gì người khác bảo. Chúng ta bị kiểm
tra và chấm điểm như những mẫu vật trong phòng thí nghiệm. Không ai dạy chúng ta cách để trở nên khác biệt, họ dạy chúng ta cách để ta trở nên giống nhau. Chúng ta đủ thông minh để làm việc nhưng không đủ sáng suốt để tự hỏi tại sao lại phải làm như vậy? Vậy là chúng ta cứ miệt mài làm, đến nỗi không còn thời gian để sống cuộc sống mà vì nó chúng ta làm việc. Cho đến một ngày khi chúng ta quá già để làm lụng, đó cũng là lúc chúng ta từ giã cõi đời. Con cháu sẽ lại tiếp bước chúng ta.
Ta cứ nghĩ con đường mình đi là độc nhất nhưng nhìn tổng thể thì tất cả chúng ta chẳng khác gì nguyên liệu, một thứ nguyên liệu dùng để vận hành cỗ máy sức mạnh của các thế lực, các nhóm quyền lực ẩn sau logo của những tập đoàn. Đây là thế giới của họ và nguồn tài nguyên quý giá nhất của họ không nằm dưới lòng đất mà là chúng ta. Chúng ta dựng lên cho họ những thành phố, vận hành máy móc cho họ, chúng ta chiến đấu và chết thay cho họ. Rốt cuộc thì tiền không phải là động cơ của họ mà là quyền lực. Tiền chỉ đơn giản là công cụ họ sử dụng để kiếm soát chúng ta mà thôi. Những tờ giấy vô dụng mà chúng ta phụ thuộc vào để ăn uống, đi lại và giải trí. Họ cho chúng ta tiền, đổi lại, chúng ta cho họ cả thế giới.
Nơi từng có những cánh rừng làm sạch bầu không khí thì giờ mọc lên những nhà máy đầu độc bầu không khí đó. Nơi từng có nguồn nước sạch để uống thì giờ chứa đầy rác thải và bốc mùi hóa chất. Nơi mà các loài động vật từng tự do sinh sống thì giờ mọc lên những nông trang nơi chúng được sinh ra và bị xẻ thịt để thỏa mãn chúng ta. Hơn một tỷ người đang chết đói mặc dù thế giới có đủ thức ăn cho tất cả. Thực phẩm đi đâu hết rồi? 70% ngũ cốc chúng ta trồng đã được dùng làm thức ăn cho những con gia súc mà sau đó
trở thành bữa tối của chúng ta. Tại sao ta phải dùng ngũ cốc đó giúp những người đang chết đói? Có thu được lợi lộc gì từ họ đâu mà phải giúp họ. Chúng ta thà cho bò, cho gà ăn còn hơn.
Chúng ta giống như một thứ dịch bệnh quét qua trái đất này, cày nát môi trường đang nuôi sống chúng ta. Chúng ta coi mọi thứ đều là hàng hóa, đều là thứ để sở hữu. Nhưng điều gì sẽ xảy ra sau khi chúng ta đầu độc đến con sông cuối cùng? Đầu độc luồng không khí cuối cùng? Khi nào sẽ không còn dầu để chạy những chiếc xe tải chở thực phẩm cho chúng ta nữa? Khi nào thì chúng ta mới nhận ra rằng tiền bạc thì không thể ăn được? Chúng ta đang hủy diệt hành tinh này, hủy diệt mọi sự sống trên đó. Mỗi năm có hàng ngàn loài tuyệt chủng. Và nếu mọi việc cứ tiếp diễn thế này, chúng ta sẽ là loài tiếp theo.
Nếu bạn sống ở Mỹ, bạn sẽ đối mặt với 41% nguy cơ mắc ung thư. Trung bình, cứ ba người Mỹ lại có một người chết vì bệnh tim. Chúng ta uống thuốc để đối phó với những căn bệnh này. Chúng ta được truyền thông rằng mọi thứ sẽ được giải quyết bằng cách đầu tư cho khoa học, để họ chế ra các thứ thuốc đẩy lùi bệnh tật cho chúng ta. Nhưng các công ty sản xuất thuốc và các tổ chức nghiên cứu ung thư lại phụ thuộc vào bệnh tật của chúng ta để thu lợi nhuận. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang chạy đua để tìm ra các phương pháp chữa bệnh nhưng sự thực là chúng ta đang ngày càng đi xa vấn đề. Cơ thể chúng ta lớn lên nhờ những thứ chúng ta ăn. Và những thực phẩm chúng ta ăn được sản xuất ra với mục đích kiếm lời. Chúng ta nhồi vào bao tử mình hàng đống thứ hóa chất độc hại, kể cả thịt của những con vật bị nhiễm bệnh và ngấm thuốc. Nhưng chúng ta không nhận thấy điều này. Những nhóm doanh
nghiệp sở hữu các kênh truyền thông không muốn chúng ta biết. Họ bao quanh chúng ta bằng những ảo ảnh và gọi đó là hiện thực.
Thật buồn cười khi con người từng nghĩ trái đất là tâm của vũ trụ. Và giờ đây, nực cười hơn khi chúng ta lại nghĩ mình là trung tâm của hành tinh này. Chúng ta chỉ vào những công nghệ mình nắm giữ và cho mình là thông minh nhất. Nhưng liệu máy tính, ô tô và các nhà máy có thực sự mô tả được chúng ta thông minh đến mức nào không? Hay chúng cho ta thấy ta đã trở nên lười biếng và phụ thuộc như thế nào? Chúng ta đeo trên mình chiếc mặt nạ văn minh nhưng khi nó rơi xuống, chúng ta sẽ là gì? Làm sao ta có thể nhanh chóng quên rằng phụ nữ mới chỉ được phép bầu cử trong vòng 100 năm qua và người da đen cũng chỉ vừa đây thôi mới được sống trong bình đẳng?
Chúng ta cư xử như thể mình là loài thông thái nhất nhưng vẫn thừa nhận có nhiều thứ chúng ta còn chưa biết. Chúng ta bước xuống phố và phớt lờ đi những điều nhỏ nhặt. Những con mắt nhìn chúng ta, những câu chuyện đằng sau nó. Chúng ta coi mọi thứ như là phông nền để làm nổi bản thân mình. Có lẽ chúng ta rất sợ nhận ra rằng mình cô đơn, sợ rằng chúng ta là một phần của bức tranh lớn hơn nhưng chúng ta lại không thể kết nối với các phần còn lại. Chúng ta coi việc giết chóc động vật (như lợn, bò, gà...) là hiển nhiên nhưng cũng chính chúng ta kêu gọi nhau bảo vệ các loài động vật (như chó, mèo...). Chúng ta cho rằng những loài khác là ngu ngốc. Vậy mà chúng ta dựa vào chúng để đánh giá hành động của mình. Nhưng có phải chúng ta giết chóc vì chúng ta có thể, vì chúng ta luôn cho điều đó là đúng? Hay nó cho thấy chúng ta ngu muội đến mức nào? Chúng ta tiếp tục hành động một cách hung hăng thay vì
suy nghĩ thấu đáo và yêu thương. Một ngày nào đó cái cảm giác mà chúng ta gọi là sống này sẽ rời bỏ ta. Thân thể chúng ta thối rữa, của cải của chúng ta bị lấy lại, chỉ những hành động của chúng ta là còn mãi.
Tử thần luôn túc trực bên ta, nhưng có vẻ như ông vẫn cách xa hiện thực hằng ngày của ta. Chúng ta sống trên một thế giới bên bờ sụp đổ. Cuộc chiến của ngày mai sẽ không có kẻ chiến thắng. Bởi bạo lực sẽ không bao giờ là câu trả lời cho mâu thuẫn mà nó sẽ phá hủy tất cả mọi giải pháp hòa bình khác. Nếu chúng ta nhìn vào ham muốn sâu thẳm nhất trong thâm tâm mình, chúng ta sẽ thấy ước mơ của chúng ta chẳng khác gì nhau. Chúng ta sống trong đời với chung mục đích đó là: hạnh phúc. Chúng ta xé nát trái đất để tìm kiếm niềm vui và không nhìn vào thâm tâm mình.
Một số người hạnh phúc nhất lại là những người có ít của cải nhất. Liệu chúng ta có hạnh phúc với iPhone, nhà to cửa rộng hay những chiếc xe hơi sành điệu? Chúng ta đã bị mất kết nối. Chúng ta thần tượng những người chưa bao giờ gặp. Chúng ta chứng kiến những điều phi thường trên màn hình nhưng không nhận thấy những điều bình dị ở ngay cạnh mình. Chúng ta trông chờ ai đó tạo ra sự thay đổi mà không bao giờ nghĩ sẽ thay đổi chính mình.
Chúng ta trông chờ vào sự lãnh đạo của những người khác mà quên mất việc tự lãnh đạo chính mình.
Hãy thôi trông chờ sự thay đổi từ bên ngoài và hãy biến mình thành sự thay đổi mà bạn muốn thấy trong thế giới. Chúng ta không thể làm được việc này bằng cách ngồi trên đống của cải. Loài người tồn tại không phải vì chúng ta là loài mạnh nhất hay nhanh nhất mà
bởi vì chúng ta đoàn kết. Chúng ta đã trở thành bậc thầy của nghệ thuật giết chóc. Giờ hãy trở thành bậc thầy trong việc tìm kiếm niềm vui cuộc sống.
Làm vậy không phải là để cứu vãn thế giới. Hành tinh này vẫn tồn tại dù chúng ta có tồn tại hay không. Trái Đất đã tồn tại hàng tỷ năm trước, mỗi chúng ta chỉ may mắn sống được đến 80, 100 tuổi. Chúng ta chỉ lướt qua nhanh nhưng lại để lại những hậu quả lâu dài thậm chí là vĩnh viễn.
Tôi thường ước mình sinh ra vào thời kỳ không có máy tính, lúc đó chúng ta không bị sao nhãng nhưng tôi nhận ra có một lý do tại sao đây lại là thời đại duy nhất mà tôi muốn xuất hiện. Đó là bởi ngày nay chúng ta có một cơ hội mà ta chưa từng có trước đây. Internet trao cho ta sức mạnh chia sẻ và kết nối hàng triệu người trên thế giới. Trong lúc còn có thể, chúng ta phải dùng công nghệ để mang con người lại gần nhau.
Dù theo chiều hướng xấu đi hay tốt hơn, chính thế hệ chúng ta sẽ quyết định tương lai nhân loại. Chúng ta có thể tiếp tục phục vụ hệ thống hủy diệt này cho đến khi chúng ta đánh mất ký ức về sự tồn tại của mình. Hay chúng ta có thể thức tỉnh, nhận ra rằng chúng ta đang thoái hóa. Chúng ta đặt màn hình trước mặt nên không thấy chúng ta đang hướng tới đâu. Giây phút hiện tại là thứ mà mỗi bước đi, mỗi hơi thở, mỗi cái chết trước đó đã mang đến. Chúng ta mang khuôn mặt của những người đi trước. Giờ là thời điểm của chúng ta. Bạn có thể tìm ra lối đi cho riêng mình hoặc đi theo con đường vô số người khác đã chọn. Cuộc sống không phải là một cuốn phim, kịch bản của nó đang chờ được bạn viết. Chúng ta là tác giả, chúng ta
viết nên câu chuyện của mình, câu chuyện của họ, câu chuyện của chính chúng ta.
Đoạn thuyết minh phim này được viết bởi Spencer Cathcart, xuất bản lần đầu tháng 1 năm 2015 và tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 30 triệu lượt xem trên YouTube. Điều này cho thấy có nhiều người đồng tình với những quan điểm của Spencer.
Tôi là một trong số ấy. Tôi còn nhớ mình đã rất đỗi vui mừng khi lần đầu tiên xem đoạn phim ngắn này. Tất nhiên đa phần thông điệp trong đó là buồn thảm, bi thương nhưng tôi vẫn thấy vui vì tôi biết mình không đơn độc, những quan điểm của tôi không quá khác người.
Cũng như Spencer, tôi đã nhìn ra ai là thế lực trọng yếu đang “cai quản” thế giới này – một cách tàn bạo và nhẫn tâm; cũng chính thế lực ấy đã kiến tạo nên thế giới này bằng nhiều phương cách, trong đó có việc sử dụng giáo dục để biến con người thành những con robot phục vụ cho mục đích của họ. Tôi nhìn ra những thứ vô lý của thế giới này khi họ luôn miệng rao giảng hòa bình nhưng thực tế trên tay họ lại là những khẩu súng, những con dao – khởi nguồn của bạo lực. Tôi nhìn ra sâu thẳm mỗi con người đều có chung một mong muốn về cuộc sống hạnh phúc.
Quan trọng hơn, tôi đồng tình với Spencer rằng con đường duy nhất để thay đổi thế giới đó là tự bản thân mỗi người phải thay đổi chính mình và cùng nhau hành động. Bạn có thể cho rằng tôi chỉ “ăn cắp ý tưởng” từ Spencer, thế thì nhắc cho bạn nhớ rằng đoạn phim trên xuất bản năm 2015 trong khi tôi chỉ biết tới nó vào khoảng 2016
nhưng những bài viết của tôi về những chủ đề tương tự trên thế giới thì có từ vài năm trước rồi.
Nói điều này không phải để thanh minh nhưng tôi muốn chứng minh lại với bạn một điều rằng không có góc nhìn nào là quá khác biệt cũng không có ý tưởng nào là mới trên trái đất này cả. Lý do duy nhất chúng ta nghĩ nó khác là bởi vì chúng ta chưa tìm ra người có cùng suy nghĩ với mình, chưa được nghe về những ý tưởng giống mình trước đó mà thôi. Và ý tưởng về thay đổi thế giới thì chẳng thuộc về riêng ai cả. Không phải ai cũng có thể thay đổi thế giới này nhưng người thay đổi được thế giới có thể là bất cứ ai, kể cả tôi hay bạn.
Thay đổi thế giới là một hành trình và hành trình ấy, bước đầu tiên luôn luôn là thay đổi chính bản thân mình. Từ chính bản thân mình mà thế giới xung quanh mình cũng sẽ được thay đổi. Nhiều cá nhân cùng thay đổi với nhau sẽ tạo thành làn sóng hay một sức mạnh có khả năng thay đổi thực tại này. Đấy là con đường mà các bậc vĩ nhân trên thế giới đã chứng minh cho chúng ta thấy.
Thêm một bước vô cùng quan trọng trong tiến trình thay đổi này là bạn phải hiểu về thứ mà bạn đang muốn thay đổi. Tức là bạn không chỉ phải hiểu về thực trạng của thế giới hiện nay mà còn phải hiểu về chính mình nữa. Từ chuyện thế giới có bộ dạng như ngày nay là do đâu cho tới cuộc sống hiện tại của bạn đang bị chi phối bởi những yếu tố ngoại cảnh nào.
Việc học hỏi về những gì đã xảy ra trong lịch sử và thực trạng thế giới sẽ mang đến cho bạn không chỉ cái nhìn toàn cảnh về cuộc đời mà còn cả những ý tưởng mới mẻ giúp bạn tự mình kiến tạo một
lối đi riêng đưa bạn đến với cuộc sống mà bạn mong muốn – như tôi đã làm được.
Cuốn sách này của tôi có hai nhiệm vụ như vậy. Một là tóm tắt lại cho bạn những gì đang xảy ra trên thế giới, góc nhìn của nhiều chuyên gia khác nhau trong các lĩnh vực từ vũ trụ cho tới lịch sử con người, những câu chuyện về nông nghiệp, công nghiệp hiện đại và những gợi ý khác về nguồn gốc của kinh tế, chính trị nói chung. Hai là những gợi ý về các quan điểm mới, ý tưởng mới giúp bạn thoát ra khỏi chế độ “nô lệ”, bước vào tâm thế chủ động xây dựng một cuộc đời tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn cho chính mình và cho mọi người.
Thời điểm cho sự thay đổi của toàn nhân loại đã đến khi vũ trụ cho chúng ta rất nhiều dấu hiệu cụ thể. Không chỉ sự thay đổi về nhân sinh quan mà cả thay đổi về tư duy, lối sống và tâm thức nữa.
Hãy cùng nhau bắt đầu và chuẩn bị cho sự thay đổi ấy ngay hôm nay!
CHƯƠNG 1 CÂU CHUYỆN VŨ TRỤ HỌC
Bí mật những vì sao
Chiêm tinh học và thiên văn học, tuy cả hai có cùng một xuất phát điểm, một đối tượng nghiên cứu là vũ trụ và các vì tinh tú nhưng lại hoàn toàn khác nhau về tính chất. Trong khi thiên văn học nghiên cứu về vị trí, chuyển động, tính chất của các thiên thể thì chiêm tinh học lại nghiên cứu cách mà các vị trí, chuyển động và tính chất ấy ảnh hưởng đến hành động của con người lẫn các sự kiện xảy ra trên Trái Đất. Hiểu nôm na thiên văn học là việc kể lại giấc mơ còn chiêm tinh học là việc đoán định giấc mơ ấy có ý nghĩa gì, điềm báo gì. Tất nhiên việc quan sát và dự báo về các vì tinh tú thì chuẩn xác và mang tính khoa học nhiều hơn những giấc mơ.
Đấy là theo cách hiểu của tôi. Để làm rõ hơn, tôi đã hỏi một người được cho là có chuyên môn trong lĩnh vực này, đó là admin của fanpage Chòi Chiêm Tinh vốn rất nổi tiếng về chuyên môn học thuật lẫn tinh thần “Mang chiêm tinh học hiện đại đến với người Việt Nam” để giúp các bạn có cái nhìn hoàn chỉnh và khách quan hơn.
Thiên văn học và chiêm tinh học là một. Thiên văn học là “đứa con” của chiêm tinh học. Tuy đều quan sát bầu trời và vũ trụ nhưng mỗi ngành sẽ tập trung vào những hướng khác nhau.
Thiên văn học đi sâu vào nghiên cứu về tính vật lý và khoa học, ví dụ như tìm hiểu cấu trúc, phân tử, môi trường, khí quyển, thời tiết, vòng đời của các vì sao hay nguồn gốc của vũ trụ… để xem liệu chúng có thể giúp ích hay gây tác hại cho trái đất lẫn đời sống con người hay không. Hoặc liệu con người có thể khai thác năng lượng,
tài nguyên từ chúng; có thể du hành hoặc sinh sống ở ngoài trái đất được hay không.
Chiêm tinh học cũng quan sát chuyển động của các thiên thể trên bầu trời giống y như thiên văn học, nhưng không quan tâm lắm về khía cạnh vật lý (ví dụ như mặt trời nóng bao nhiêu độ K hay trên sao Hỏa có bao nhiêu phần trăm khí oxygen...), công nghệ nói trên mà họ chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa các thiên thể trên bầu trời với tâm lý, tâm linh, hành vi và vận mệnh của con người trên trái đất.
Nói một cách khác, để nghiên cứu chiêm tinh học một cách nghiêm túc, bạn không chỉ cần có kiến thức cơ bản về thiên văn mà còn cần có thêm những kiến thức thuộc loại “bách khoa” khác như tâm lý, nhân văn, xã hội, tôn giáo, lịch sử, địa lý và càng biết thêm nhiều các môn khoa học khác (như toán, lý, hóa, sinh, khảo cổ, chính trị, luật, y khoa, kỹ thuật...) sẽ càng tốt. Khả năng liên kết tất cả những kiến thức ấy lại với nhau để giải thích về thế giới, đó chính là chiêm tinh học.
Quả là một lời giải thích đơn giản và dễ hiểu. Xin cảm ơn Chòi Chiêm Tinh! Giờ chúng ta sẽ cùng đi sâu hơn một chút để xem chiêm tinh học có phải là “mê tín dị đoan” hay là một môn khoa học bí truyền cấp cao không dành cho mọi người.
Chúng ta đều biết rằng từ ngàn xưa chiêm tinh học đã được coi là một bộ môn quan trọng. Những nhà chiêm tinh dành hàng giờ mỗi ngày theo dõi và quan sát sự chuyển dịch của các vì tinh tú để đưa ra các nhận định về hiện tại và tương lai. Họ dùng kiến thức và khả năng suy luận của mình để cho người cầm quyền lời khuyên về thời điểm gây chiến tranh, dẹp loạn lạc hay thời điểm mưa thuận gió hòa
tập trung cho mùa màng… Chính vì thế các nhà chiêm tinh chiếm một vị trí quan trọng trong triều chính, chỉ sau các giáo sĩ.
Nhà hiền triết Bhrigu1 của Ấn Độ là người đã truyền dạy về bộ môn này cho các môn đồ của ông vào khoảng 6.000 năm trước và lưu giữ những kiến thức cốt lõi trong bộ sách Brahma Chinta. Bộ sách gồm hai phần: công truyền và bí truyền. Kiến thức công truyền được phổ cập rộng và ứng dụng trong dân chúng nhưng kiến thức bí truyền chỉ dành riêng cho những môn đồ được lựa chọn kỹ lưỡng và trải qua quá trình điểm đạo gắt gao. Bhrigu chỉ truyền cho bốn môn đồ những kiến thức bí truyền ấy, về sau mỗi người hứng thú với một bộ môn khác nhau nên di chuyển tới vùng đất khác nhau để nghiên cứu và ứng dụng kiến thức của riêng họ. Người thứ nhất giỏi về khoa học đã đi sang Ba Tư (Iran ngày nay) lập nghiệp, từ đó ngành chiêm tinh đi về hướng Tây và ảnh hưởng đến Hy Lạp, La Mã sau này. Người thứ hai giỏi về triết học đi về phương Đông, sang Trung Hoa truyền bá ngành này ở đây. Người thứ ba thích nghiên cứu những hiện tượng siêu hình đã lên dãy núi Tuyết Sơn nhập thất, sau đó truyền môn này cho dân chúng Tây Tạng. Người thứ tư ở lại xứ Ấn và làm đến chức quốc sư.
Bộ sách về vũ trụ Brahma Chinta được coi như bảo quốc và được lưu giữ trong cung điện nhưng sau này do các vị hoàng tử tranh giành quyền lực với nhau đã làm cho bộ sách bị chia nhỏ thành nhiều phần thất tán khắp nơi, từ đó khoa học chiêm tinh thất truyền. Các phần rời rạc của cuốn sách được sưu tầm, ghi chép lại và được diễn giải theo nhiều cách khác nhau bởi nhiều người, cả tốt lẫn xấu, cả chính lẫn tà. Tà là khi người ta dùng những kiến thức về
vũ trụ không phải để giúp cho cuộc sống con người tốt hơn mà chỉ vì mưu lợi bản thân.
Chiêm tinh học trở thành một phần của khoa học chính thống cho đến những năm cuối thế kỷ 17, khi Isacc Newton chứng minh được một số quá trình vật lý mà theo đó, các thiên thể trong vũ trụ ảnh hưởng lẫn nhau. Kể từ đó, thiên văn học đã phát triển thành một lĩnh vực hoàn toàn riêng biệt, nơi những dự đoán về các hiện tượng thiên văn được thực hiện và kiểm tra bằng phương pháp khoa học. Trong khi ngược lại, chiêm tinh học hiện nay được coi là một thú tiêu khiển và là một lĩnh vực giả khoa học.
Nhiều nhà thiên văn học cũng như nhiều nhà khoa học không công nhận, thậm chí phản đối các kiến thức chiêm tinh vì cho rằng đó là mê tín dị đoan. Nhưng có thật nó là mê tín dị đoan khi một người có thể dự đoán được tương lai dựa trên hiểu biết về quy luật vũ trụ và ảnh hưởng của vũ trụ lên toàn Trái Đất cũng như toàn nhân loại?
Theo Giáo sư Baird Thomas Spalding viết trong cuốn sách vô cùng nổi tiếng Hành trình về Phương Đông về những gì ông học hỏi được từ những nhà huyền môn và chân sư trong chuyến du hành nhiều năm thì: “Chiêm tinh học là một khoa học thực tiễn chứ không chỉ là một môn huyễn hoặc mê tín. Các tinh tú trong vũ trụ là những khí cụ trung gian biểu lộ một cách trung thực các tác động của năng lượng vào Trái Đất kể cả đời sống con người. Mỗi người sinh ra đời vào một ngày giờ cụ thể sẽ bị ảnh hưởng bởi các tinh tú khác nhau với sự sắp xếp và tác động khác nhau, chúng gây ra nhiều hoạt động, kể cả việc làm mạch máu di chuyển, tế bào thay đổi, dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời người đó.”
Quả đúng như vậy, Trái Đất chỉ là một hành tinh rất nhỏ trong vũ trụ và luôn chịu tác động bởi hàng triệu hành tinh khác dù gần hay xa. Lấy một ví dụ về hành tinh gần gũi nhất với Trái Đất: Mặt Trăng. Chúng ta đều biết Mặt Trăng ảnh hưởng trực tiếp đến sự lên – xuống của thủy triều, lượng mưa trên Trái Đất, kể cả các thiên tai như động đất hay hạn hán. Mặt Trăng giúp cho Trái Đất giữ trục quay ổn định hơn và quay chậm hơn. Nếu không có Mặt Trăng thì một ngày sẽ rút ngắn chỉ còn 3-4 giờ và Trái Đất sẽ rung lắc mạnh hơn gây ra nhiều hỗn loạn cho toàn bộ sinh vật đang sống trên đó. Mặt Trăng tạo ra khí hậu, làm nên sự thay đổi của các mùa và cũng có ảnh hưởng đến tính khí lẫn sức khỏe con người. Ví dụ dễ thấy nhất là nó ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ và trong khoảng thời gian ấy tính khí của họ thường trở nên bất thường, rất nhạy cảm do sự cân bằng hormone trong cơ thể họ bị ảnh hưởng bởi Mặt Trăng. Bên cạnh đó năng lượng Mặt Trăng cũng được cho là mang những ý nghĩa tâm linh rất lớn, những người thường xuyên thiền định rất thích tham thiền mỗi kỳ trăng tròn.
Bạn có thể thấy, chỉ riêng Mặt Trăng đã có thể gây ra bao nhiêu tác động lên Trái Đất và ảnh hưởng đến từng sinh vật đang tồn tại trên Trái Đất. Thế thì tại sao bạn không tin hàng triệu hàng tỷ các hành tinh khác, các vì tinh tú khác trong thiên hà lại không ảnh hưởng đến Trái Đất theo những cách thức khác nhau? Bởi vì mọi tinh tú trong vũ trụ đều mang theo nguồn năng lượng khổng lồ và có ảnh hưởng đến những tinh tú khác, kể cả những ngôi sao bé nhỏ.
Vậy thì cả chiêm tinh học và thiên văn học đều có những vai trò khác nhau trong việc lý giải hiện tại và dự báo tương lai nhân loại.
Thiên văn học quan sát, ghi chép. Chiêm tinh học cố gắng lý giải và áp dụng những gì đoán định để đem thực hành vào thế giới.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể ứng dụng kiến thức thiên văn và chiêm tinh như thế nào?
Giải nghĩa mối quan hệ giữa chiêm tinh với khoa học, luân hồi và số phận
Nhờ nghiên cứu chiêm tinh mà người ta hiểu rằng Thượng đế không phải là người nắm quyền kiểm soát hành động của ta. Nhưng mặt khác cũng có thể coi Thượng đế tồn tại như một “bộ luật trời” được thi hành một cách tự động và đầy uy lực áp dụng cho tất cả mọi người. Bất kể người đó có tin vào nó hay không. Nói cách khác, chúng ta lãnh nhận tất cả hậu quả từ hành động của chính mình. Ta phải gánh chịu những gì ta đã tạo ra chứ không phải ai khác. Luật nhân quả là một trong những luật cơ bản của “Thượng đế”. Điều này cũng có nghĩa bạn sẽ không thể hiểu chiêm tinh học nếu không tin luật luân hồi, tức là tin rằng con người được sinh ra, chết đi và lại được tái sinh nhiều lần nữa.
Khi qua đời thân thể là phần vật chất bị tan rã đi nhưng phần tinh thần là dục vọng, ý chí, suy nghĩ tồn tại dưới dạng năng lượng thì vẫn còn nguyên cho đến khi một người được tái sinh vào một kiếp sống mới, chính những năng lượng này sẽ tạo thành cá tính cho người ấy ở kiếp sau. Mọi hành động của chúng ta đều sinh ra những năng lượng xấu tốt tương ứng. Năng lượng này sẽ được các hành tinh trong vũ trụ lưu giữ như một “ngân hàng năng lượng” và chờ đợi thời cơ thích hợp để trả lại cho chính chúng ta. Ngân hàng năng lượng của vũ trụ rất an toàn và công minh. Bạn gửi gì bạn sẽ nhận lại ấy, không bao giờ có chuyện sai sót hay nhầm lẫn gì cả. Bạn gieo những nhân xấu trong quá khứ thì một ngày bạn sẽ nhận lại những quả tương ứng, đó là điều tất nhiên. Giống như khi bạn ném một hòn đá lên không trung, trước sau gì nó cũng rơi xuống vì trọng
lượng và ảnh hưởng của sức hút trái đất nhưng mất bao lâu để nó rơi xuống thì còn tùy sức ném của bạn.
Để cho dễ hiểu hãy hình dung: Nếu kiếp trước bạn làm một hành động xấu thì năng lượng xấu sẽ được sinh ra và gửi vào vũ trụ sau đó được lưu giữ bởi một ngôi sao trong vũ trụ ấy, mãi mãi. Luật về năng lượng nói rằng năng lượng không bao giờ biến mất mà chỉ biến đổi và sự biến đổi cũng tuân theo quy luật nhất định, như là quy luật về phản lực. Mọi lực sinh ra sẽ tạo ra một phản lực tương đương theo hướng ngược lại. Ngôi sao mang năng lượng xấu của bạn dịch chuyển trên bầu trời theo quỹ đạo của nó và sẽ trở lại (vào một ngày nào đó trong tương lai) để trả cho bạn năng lượng xấu ấy. Đó gọi là nghiệp quả. Bạn chỉ nhận lại những năng lượng bạn đã gửi vào vũ trụ từ trước đó và các hành tinh đóng vai trò là người chịu trách nhiệm lưu giữ, vận chuyển và trả lại năng lượng ấy cho bạn. Ngược lại nếu bạn có thể làm nhiều việc tốt thì những việc tốt ấy sẽ sinh ra năng lượng tốt và được lưu giữ trong các hành tinh chờ trả lại cho bạn. Đôi khi lực tốt đủ lớn có thể được xem như phản lực cân bằng với lực xấu trước đây bạn tạo ra và chúng sẽ diệt trừ lẫn nhau, đây là điều mà Phật giáo gọi là trả hết nghiệp quả. Khi trả hết nghiệp quả tức vũ trụ không còn giữ chút nào năng lượng xấu của bạn thì lúc ấy bạn sẽ sống trong bình an, thanh thản. Và khi bạn sống trong bình an, thanh thản, tự do, hạnh phúc, yêu thương thì chính bản thân bạn sẽ trở thành một nguồn năng lượng tốt đẹp cho trái đất, giúp vận hành trái đất và hướng dẫn đồng loại đi theo. Ấy là những gì mà Phật Thích Ca hay Chúa Jesus đã thực hiện.
Tổng hợp các năng lượng mà bạn đã tạo ra và gửi vào vũ trụ trong muôn vàn kiếp sống sẽ tạo nên định mệnh và số phận của bạn
sau này. Năng lượng vũ trụ luôn tuân theo và vận hành theo những quy luật nhất định của tự nhiên, hay tôn giáo gọi là luật của Thượng đế. Những luật ấy ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng cá nhân và tập thể, vì dù là cá nhân hay tập thể thì ý thức đều là năng lượng và bị tác động bởi năng lượng. Lão Tử được biết đến là một bậc giác ngộ đã phát hiện những luật ấy và không ngừng nói về nó: Thuận theo tự nhiên. Bên cạnh đó rất nhiều luật vũ trụ khác cũng được biết đến và nghiên cứu như luật nhân quả, luật nhất thể, luật nhị nguyên, luật bù trừ, luật rung động, luật sáng tạo, luật tương đối…
Hiểu về luật và vận hành theo quy luật là cách để con người sống cuộc sống thuận lợi, dễ dàng.
Nói như thế không có nghĩa cuộc đời mỗi người đều đã được định đoạt mà không thể thay đổi. Con người có thể thay đổi số phận của mình nếu hiểu những luật của tự nhiên và có ý thức thi hành cũng như vận dụng các luật ấy.
Ví dụ luật nhất thể nói rằng: Vạn vật trong vũ trụ có cùng nguồn gốc và tất cả chỉ là cùng một thứ – thứ ấy chính là năng lượng. Bạn tạo ra năng lượng tốt thì bạn sẽ được sống trong môi trường năng lượng tốt và người khác cũng được ảnh hưởng. Ngược lại bạn tạo ra năng lượng xấu thì sớm muộn năng lượng ấy cũng trở lại với bạn và đôi khi bạn cũng chịu ảnh hưởng bởi năng lượng xấu của người khác nữa. Hiểu điều này để bạn đối xử với mọi người như với chính mình, như anh em của mình – ấy là điều mọi tôn giáo đều hướng tới, rằng: Mọi người đều là anh em, đều là một, hãy đối xử với người khác như cách bản thân muốn được đối xử.
Có câu chuyện kể về một ngôi làng, nơi mà người dân sống rất hòa thuận với nhau. Ở giữa làng người ta đặt một cái chum, vào mỗi dịp lễ mọi người sẽ mang rượu của nhà mình đổ vào chum ấy để cùng nhau uống mừng. Năm nào rượu cũng rất ngon vì mọi người trong làng đều sống rất trách nhiệm và ý thức. Một ngày kia có xích mích xảy ra gây chia rẽ dân làng sâu sắc, mọi người không còn tôn trọng và yêu thương nhau nữa mà ai nấy đều ghét bỏ, hằn học, ghen tị lẫn nhau. Ngày hội làng đến, như thường lệ mọi người mang rượu để đổ vào chum cùng thưởng thức. Ai cũng mang theo một vò lớn. Nhưng giây phút rượu được rót ra thì ai cũng ngỡ ngàng vì trong chum không phải rượu mà chỉ toàn nước lã. Tất cả người dân trong làng đều mang nước lã đổ vào chum rượu vì nghĩ chắc không ai biết được đâu. Và họ nhìn nhau trong bẽ bàng, xấu hổ.
Vũ trụ này cũng thế, tất cả chúng ta đều sống chung trong một môi trường mà môi trường ấy chính là năng lượng tổng hòa sinh ra và tạo thành bởi mọi loài sinh vật. Bạn sống tốt, bạn gửi năng lượng tốt vào “cái bình” vũ trụ và chính “cái bình” vũ trụ ấy sẽ rót trở lại cho bạn thứ năng lượng tốt lành bạn đã tạo ra. Bởi vậy, nếu như nhiều người cùng sống tốt thì trái đất cũng nhờ đó được ngập trong bầu năng lượng tốt lành.
Theo bộ sách tâm linh nổi tiếng Đối thoại với Thượng đế của Neale Donald Walsch thì đây chính là một trong những mục đích của các buổi lễ thuộc mọi tôn giáo. Nó là dịp để những người có cùng niềm tin tập hợp nhau lại bày tỏ lòng thành kính. Năng lượng từ đám đông gồm nhiều tín đồ này sẽ được khuếch tán khi tất cả cùng nhau nghĩ về một hướng. Nếu năng lượng ấy đủ thành tâm và lớn mạnh thì sẽ góp phần tạo thành thực tại mới, ấy cũng chính là
khi lời cầu nguyện được cho là linh ứng. Tuy nhiên đôi khi có những cá nhân với niềm tin mạnh mẽ và lòng khao khát lớn lao còn hơn cả đám đông. Đó chính là những người được cho là có thể làm phép màu hoặc biến điều ước thành hiện thực.
Đừng nghĩ đây là chuyện viển vông xa lạ vì nó rất thực tế và đang xảy ra xung quanh chúng ta. Ví dụ nếu như Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp mặt các quốc gia để tìm cách giải quyết một vấn đề chung của thế giới như sự biến mất của những khu rừng. Giả như mọi quốc gia tham gia cuộc họp đều cam kết sẽ làm hết sức mình để trồng thật nhiều cây có thể và giả như một lần nữa họ làm đúng như vậy. Thế thì chẳng bao lâu sau trái đất sẽ lại chìm trong màu xanh đẹp đẽ của những rừng cây tươi tốt. Lúc này chẳng phải một mong ước của nhân loại đã thành hiện thực rồi sao? Mặt khác nếu như Liên Hợp Quốc tổ chức cuộc họp nhưng các quốc gia không thật sự hào hứng và trách nhiệm với việc tái tạo rừng, nhưng một cá nhân nào đó trong cuộc họp với mong muốn vô cùng mạnh mẽ trong việc trồng rừng có thể tự mình khởi tạo một phong trào hay một dự án trồng cây mà có thể lan rộng tinh thần ấy ra khắp thế giới. Thế thì lúc này cá nhân ấy cũng được coi như đã biến điều ước thành hiện thực. Cá nhân ấy đã làm được điều mà cả Liên Hợp Quốc cũng đã chịu thua đó sao? Tất nhiên với điều kiện niềm tin và khao khát của cá nhân này phải rất mạnh, đủ để vượt qua mọi trở ngại, khó khăn thử thách trong quá trình thực hiện dự án ấy.
Đấy là một ví dụ nhỏ cho bạn thấy về sức mạnh của niềm tin và lòng khao khát có thể tạo ra những thực tại khác cho chúng ta hoặc cho cả thế giới như thế nào. Chuyện điều ước hay điều nguyện cầu có thể trở thành hiện thực không còn là chuyện cổ tích cho trẻ con
nữa. Ngày nay nó là cơ hội cho tất cả mọi người tự tạo ra cổ tích cho riêng mình. Tất nhiên với điều kiện là bạn phải tin vào điều đó.
Bạn có nhớ câu nói nổi tiếng trong cuốn Nhà giả kim của Paulo Coelho: “Chỉ cần ngươi thật tâm mong muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ giúp ngươi làm điều ấy”. Đây không phải một lời nói đùa hay một câu huyễn hoặc như nhiều người vẫn tưởng. Nó có bằng chứng khoa học hẳn hoi. Khoa học ngày nay đã đưa ra kết luận rằng: Mọi vật chất trong vũ trụ đều được tạo ra bởi các nguyên tử giống nhau mà mật độ, sự sắp xếp của các nguyên tử này khác nhau sẽ sinh ra các vật chất khác nhau theo quy luật lượng – chất. Lượng đổi thì chất sẽ đổi tương ứng. Người nắm giữ được quy luật và cách vận hành của năng lượng sẽ có thể tạo ra những vật chất khác nhau tương ứng. Đây chính là cách Chúa Jesus làm những phép lạ ngày xưa: Ngài đã hiểu và biết cách vận hành năng lượng theo ý mình, không chỉ thế Ngài đã truyền dạy nguyên lý về phép màu cho mọi người rằng “Chỉ cần có niềm tin, anh sẽ làm được” có nghĩa là khi niềm tin của bạn đủ lớn, rất lớn, nó sẽ sinh ra một thứ năng lượng lớn tương ứng và khi năng lượng này đủ độ lớn cần thiết thì sẽ tạo thành vật chất dưới dạng nhìn thấy được, cảm nhận được.
Cũng theo cuốn Hành trình về Phương Đông thì ngày nay rất nhiều người có khả năng điều khiển năng lượng để tạo ra các “phép màu” như Đức Jesus ngày xưa, chỉ có điều họ sống ẩn dật tu tâm không có nhu cầu thể hiện điều đó, làm cho nhân loại dần xếp các phép màu vào chuyện cổ tích, cũng như cách khoa học xếp chiêm tinh thành bộ môn của lừa đảo, mê tín dị đoan.
Tôi thừa nhận có rất nhiều hủ tục và mê tín dị đoan trên thế giới nhưng tôi không đồng ý cách khoa học xếp những điều không thể
giải thích vào nhóm mê tín dị đoan. Điều này làm tôi nhớ đến câu chuyện vui về màn đối đáp giữa anh sinh viên và giáo sư trên một giảng đường đại học. Vị giáo sư nói:
– Anh cho rằng mình có linh hồn, vậy anh có nhìn thấy nó không? Có nghe được nó không? Có sờ được nó không? Có cảm nhận được nó không? Không có một cách nào để chứng minh linh hồn có tồn tại, vậy tại sao anh tin mình có linh hồn?
Anh sinh viên đáp:
– Vậy thầy lấy gì để chứng minh rằng thầy có bộ não? Vì thầy không thấy nó, không nghe, không sờ, không cảm nhận được nó. Làm sao thầy biết mình có não?
Thật là một câu chuyện hay, một màn đối đáp hay. Tất nhiên vị giáo sư có thể nói: “Mổ đầu một người ra là anh sẽ thấy não, nhưng mổ một cơ thể ra thì anh vẫn không tìm thấy được linh hồn?” Vị giáo sư nói đúng nhưng tôi muốn thay anh sinh viên tiếp tục trả lời câu hỏi ấy của ông ta vì cho tới lúc này đây chỉ là một câu chuyện trong trí tưởng tượng của tôi: “Một hạt mầm nhỏ có thể mọc thành cây và sinh ra những bông hoa, những bông hoa ấy sẽ tỏa ra một mùi hương tuyệt vời. Vậy thầy có thể tìm thấy bông hoa không? Có thể ngửi thấy hương thơm của nó không nếu như thầy không đem trồng hạt mầm ấy mà lại đem nó vào phòng thí nghiệm để mổ xẻ? Việc chứng minh một thứ tồn tại hay không thuộc về cách thức và cách thức của khoa học không phải là duy nhất. Giống như bộ não có thể cho phép chúng ta tưởng tượng nhiều thứ, chứa rất nhiều ý tưởng nhưng khi mổ bộ não ra thầy chỉ thấy não và máu, không có ý
tưởng, không có hình ảnh xinh đẹp nào trong đó cả. Vậy làm cách nào để chứng minh?”
Đó cũng là lý do tại sao tôi thích khoa học và cảm ơn khoa học về những bước tiến nó mang lại nhưng lại không hoàn toàn đồng ý với nó trên nhiều phương diện và cách thức. Như cách mổ hạt mầm để đòi tìm bông hoa vậy, người ta không thể mổ cơ thể để mong tìm thấy linh hồn nhưng chắc chắn sẽ có những cách khác để nhận biết linh hồn có tồn tại, và nhiều nhà khoa học xưa nay vẫn đang cố tìm cách chứng minh điều đó. Tin vui là ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học công bố rằng linh hồn có tồn tại. Nghĩa là khoảng cách giữa khoa học và công giáo ngày càng gần hơn.
Bằng kiến thức tự học hỏi tôi biết được một lời giải thích khác cho linh hồn: Linh hồn là một khối năng lượng được tạo ra bởi một cá thể trong nhiều kiếp. Vì năng lượng không tự nhiên mất đi nên linh hồn là vĩnh cửu, nhưng nó có thể bị tác động và thay đổi khi được thêm vào những năng lượng mới tốt hay xấu. Mọi linh hồn đều có chung một nguồn gốc là một nguồn năng lượng từ ban đầu (hay từ Thượng đế theo cách gọi trong tôn giáo) cho nên tất cả đều là anh em, tất cả đều là một – đây chính là luật nhất nguyên được nhắc đến nhiều trong các nghiên cứu về quy luật vũ trụ.
Cũng bằng cách giải thích ấy mà ta có thể trả lời cho câu hỏi mang ý nghĩa triết học: Ý thức có trước hay vật chất có trước? Ý thức quyết định vật chất hay vật chất quyết định ý thức? Theo tôi, ý thức lẫn vật chất đều được cấu thành bởi năng lượng, là các dạng khác nhau của năng lượng và chúng xuất hiện đồng thời từ sau vụ nổ Big Bang.
Tuy nhiên có thể trả lời rằng: Trong cuộc sống hiện tại thì ý thức tạo nên vật chất chứ vật chất không thể tạo ra ý thức, mặc dù vật chất có thể tác động trong việc hình thành nên ý thức2. Ví dụ khi bạn có ý định làm ra một cái ghế thì dần dần cái ghế mới xuất hiện và cái ghế ấy dù cho có được hiện đại hóa bao nhiêu cũng không thể nào biết suy nghĩ hay có cảm xúc được. Giả như một chiếc ghế thông minh được gắn cảm ứng nhiệt để biết người ngồi lên nó là nam hay nữ, đang vui hay đang buồn thì vẫn có thể quả quyết rằng chiếc ghế ấy được tạo ra từ ý tưởng, hay ý thức của một ai đó trước đã. Tức là một người sẽ tạo nên thực tại cuộc sống dựa trên ý thức của người ấy và vật chất chỉ đóng vai trò chất xúc tác trong quá trình đó.
Như một người nghèo bỗng trở nên giàu có và tự nhiên thay đổi tính cách, lúc này vật chất đã góp phần tác động lên ý thức chứ bản thân vật chất là của cải tiền bạc không thể tạo ra ý thức cho chính nó được. Một con người được gọi là con người đúng nghĩa không phải bởi vật chất (là các bộ phận) tạo nên cơ thể người đó mà là ý thức sẽ làm cho họ ngày càng tiến bộ, tiến hóa hơn.
Ví dụ như hai người sinh đôi, một người sống trong thế giới loài người còn một người bị bỏ rơi trong rừng rậm sống với các loài thú rừng. Họ có cấu tạo cơ thể như nhau nhưng ý thức không thể giống nhau được và chính ý thức đó mới là thứ làm cho cuộc sống của họ khác nhau, trở thành những con người khác nhau với vận mệnh khác nhau. Và vận mệnh là thứ người ta có thể thay đổi được.
Trong cuốn sách Sống như ngày mai sẽ chết3tôi có gợi ý cho bạn hai cách giải thích dễ hiểu mang tính hình tượng về định mệnh và số phận, thế này:
Hãy tưởng tượng bạn đang chơi một ván cờ trên máy tính. Có lẽ bạn thừa biết rằng mình đang chơi với một phần mềm đã được lập trình từ trước, bất cứ một nước cờ nào của bạn máy tính cũng sẽ chọn ra những nước cờ đáp trả tiếp nối. Những nước cờ bạn đi đều được lập trình vào bộ nhớ của máy và mọi nước cờ đáp trả cũng vậy. Máy tính không thể nghĩ ra một nước cờ mới toanh nào nằm ngoài những gì nó đã được lập trình, quy tắc và luật chơi thì luôn có sẵn rồi.
Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là dù cho mọi nước cờ bạn sẽ đi đều đã được tính tới, được viết ra sẵn nhưng không ai có quyền bắt bạn đi nước này hay nước kia cả. Sự lựa chọn nước đi hoàn toàn thuộc về bạn: bạn chủ động với nó, bạn tự do với nó, tự do chọn các nước cờ mình sẽ đi mà chương trình trò chơi được lập sẵn sẽ không thể sai khiến bạn. Sự lựa chọn nước cờ là của bạn ngay lúc đó nhưng trước cả khi bạn đưa ra quyết định thì mọi nước đi đều đã được vẽ ra và tính đến. Đây chính là bản chất của thuyết định mệnh, tức số phận.
Hãy suy nghĩ kỹ về điều này. Hãy nghĩ về việc chơi một ván cờ nhỏ trên máy tính và việc chơi một ván cờ lớn với cuộc đời.
Mọi sự xảy đến với bạn không có gì là ngẫu nhiên. Tất cả đều đã được thiết lập từ trước khi bạn có thể nhận thức ra và người thiết lập kết quả không ai khác – chính là bạn. Có thể bạn không hề nhận thức được chính mình đã sắp đặt chúng, bạn không hề nhận thức được về những nhân bạn đã gieo từ trước đó dẫn bạn đến với những quả này. Chính cách bạn phản ứng với những quả ấy mới là thứ tạo nên cuộc đời của bạn, tạo nên số phận của bạn.
…
Giống như một cơn mưa, định mệnh đơn thuần chỉ là một sự kiện xảy ra và cách bạn nhìn, bạn cảm nhận, ứng phó với cơn mưa mới là điều quan trọng. Tổng hợp lại mọi sự kiện xảy ra trong đời dưới mắt nhìn, bằng nhận thức của bạn chính là số phận.
Một cơn mưa bất chợt xảy đến, người mẹ cau có tránh từng giọt mưa trong khi đứa con nhỏ thích thú giơ tay hứng những giọt mưa rơi. Người đang vội đi làm sẽ thấy vô cùng bực bội còn những người đang yêu ngồi cùng nhau trong quán cà phê lại thấy thật lãng mạn. Một người phơi quần áo sẽ buồn phiền nhưng người đang trồng rau sẽ cảm thấy biết ơn. Có gì khác nhau về bản thân cơn mưa ấy không? Không, nó đơn thuần là một sự kiện xảy ra nhưng chính bạn sẽ là người đưa mình vào những hoàn cảnh, những góc nhìn để cảm nhận về cơn mưa ấy. Có thể hôm nay bạn mong mưa thật lớn để có cớ từ chối một cuộc gặp gỡ nhưng ngày mai bạn lại buồn bã khi trời đổ mưa lúc bạn đang đến đón người yêu đi chơi. Mọi thứ liên quan đến kế hoạch tổ chức bữa tiệc ngoài trời đều hoàn hảo cho tới khi trời đổ mưa. Kẻ bi quan thì đau buồn tức giận với ông trời, người lạc quan thì rủ mọi người cùng nhảy nhót dưới cơn mưa. Cơn mưa vẫn thế nhưng tâm trạng của bạn thì hoàn toàn đổi khác trong mỗi trường hợp.
Tất cả những gì bạn cần hiểu về định mệnh đôi khi chỉ đơn giản như vậy. Đó chỉ đơn thuần là những sự kiện khách quan do chính bạn gây ra hoặc bạn không biết mình gây ra. Và việc ứng phó hay hòa nhịp cùng nó sẽ làm nên cuộc đời bạn tức làm nên số phận của bạn.
Đấy là góc nhìn của tôi về định mệnh, số phận và vì là góc nhìn của một người viết văn nên hình ảnh được sử dụng hơi lãng mạn như cơn mưa, gia đình nên mong bạn không bị xao động quá nhiều. Sau đây sẽ là góc nhìn khác cũng về thuyết định mệnh của một nhà toán học:
Đời người cũng như một phương trình toán học: A x B = A x C. Trong đó A là chủ thể không đổi, là bạn còn B là nguyên nhân và C là hậu quả; nhưng nếu ta thêm vào phương trình ban đầu một thành tố X thì B x X lúc này chắc chắn sẽ không thể bằng C như ban đầu nữa vì đã có X thay đổi toàn bộ kết quả của phương trình. Cuộc đời bạn sẽ là một kết quả C mới tùy thuộc vào B ban đầu lẫn X mới được thêm vào.
Hay nếu một nhà hóa học khi nhìn sự việc này có thể giải thích rằng: Phản ứng hóa học của chất A và chất B sẽ tạo thành chất C và D, nhưng nếu ta thêm vào đó các chất xúc tác khác nhau thì kết quả của phản ứng sẽ là E và F chứ không còn là C và D như trước. Chất xúc tác đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi kết quả của phản ứng hoặc làm cho phản ứng mạnh hơn rất nhiều lần.
Bạn biết không, đó là nguyên lý về việc hoán cải số mạng. Đời người bị tác động bởi các tầng năng lượng đã được ghi khắc trên các vì tinh tú trong thời gian nhiều kiếp sống. Ta chịu tác động bởi chúng nhưng chính ta cũng có thể thay đổi chúng. Các suy nghĩ, hành động của ta ngay lúc này dù xấu hay tốt cũng giống như các thành tố X hay các chất xúc tác thúc đẩy nghiệp quả tới nhanh hay chậm, theo hướng tốt hoặc xấu hơn.
Nhờ nghiên cứu chiêm tinh học một cách đúng đắn và khoa học, con người sẽ hiểu biết mệnh Trời, tức các luật của vũ trụ; hiểu biết hơn và tin tưởng hơn vào bản thân mình để sống cuộc đời có ý thức, thoải mái, không bi quan cũng không lạc quan mà chỉ đơn giản là an vui tự tại. Ấy chính là mục đích của chiêm tinh chân chính.
Chiêm tinh chân chính khiến người ta hiểu rằng không có chuyện thần linh thưởng phạt con người. Nhưng mọi kết quả mà ta lãnh nhận đều do chính ta đã tạo ra hay góp phần tạo ra ngay từ ban đầu. Hiểu và ghi nhớ điều ấy để thay đổi hành động của chính mình là tôn chỉ sau cùng của mọi tôn giáo. Dù cho cách diễn đạt của các tôn giáo có khác nhau nhưng thông điệp sau cùng về việc hướng mọi người hãy sống tốt, sống lương thiện, gieo hạt lành để được gặt quả lành thì mọi tôn giáo đều giống như nhau. Có chăng chỉ là sự diễn đạt khác đi và tùy thuộc vào khả năng diễn đạt, vùng quốc gia lãnh thổ, văn hóa, quy cách ứng xử lẫn hệ giá trị của thời điểm lịch sử mà mỗi tôn giáo lại có cách trao truyền thông điệp khác nhau mà thôi.
Thông điệp thì ngắn gọn dễ hiểu và chỉ có một nhưng tiếc thay đa phần các tín đồ thuộc các tôn giáo đều có điểm chung là ít khi tuân thủ theo đúng thông điệp của các bậc Thánh nhân, thay vào đó lại cố tìm sự khác biệt của nhau để lên án, chỉ trích và hơn thua nhau. Kết quả là chúng ta ngày càng rời xa các chân lý, thông điệp sâu sắc đơn giản ban đầu. Thông điệp chung của mọi tôn giáo chung quy đều là sống trong yêu thương, tha thứ, tôn trọng, không phán xét, không tham lam, chia sẻ những gì mình có, đối xử với mọi người như chính mình… Mấy ai trong chúng ta tuân theo những thông điệp ấy?
Hãy một lần nữa lặng ngẫm những lời của Tiến sĩ Spalding trong cuốn Hành trình về Phương Đông: Mọi vật trong vũ trụ đều quân bình tuyệt đối, không dư, không thiếu, từ hạt bụi bé nhỏ đến những dãy thiên hà vĩ đại. Đời người quá ngắn, và luôn bị lôi cuốn vào nhịp sống gấp gáp, quay cuồng. Đâu mấy ai ý thức được sự phung phí hôm nay sẽ dọn đường cho sự đau khổ ngày mai. Tất cả chỉ là những ảo ảnh chập chờn, thế mà người ta cứ coi như thật. Nếu biết thức tỉnh quan sát, ta có thể học hỏi biết bao điều hay.
Con người cần đặt cho mình một câu hỏi tương tự. Hãy quan sát lòng mình một cách thành thật xem mình muốn gì? Chúng ta muốn bình an hay bất ổn? Mỗi buổi sáng, chúng ta vội vã cầm lấy tờ báo để tìm các tin tức nóng hổi nhất. Nếu không có tin gì về chiến tranh, thiên tai, khủng hoảng, khó khăn kinh tế thì chúng ta vứt tờ báo xuống đất, và than rằng chả có gì đáng xem. Chúng ta muốn sống yên ổn, không thích xáo trộn nhưng rất thích thú khi nghe về những sự xáo trộn của kẻ khác. Chúng ta dành nhiều giờ để bàn cãi sôi nổi về người này, người nọ, chê bai ông này, giễu cợt bà kia. Phải chăng chúng ta vẫn làm thế?
Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta lại làm thế không? Lòng ta còn ham tiền bạc, danh vọng, địa vị, sức khỏe, và chỉ cầu bình an cho chính mình thôi, nên chẳng bao giờ thỏa mãn. Nếu ai có hỏi thì ta cũng sẽ chối quanh như Alexander Đại đế chỉ xin một giấc ngủ bình an mà thôi. Giấc ngủ bình an nào có khó, nào xa xôi diệu vợi, tốn công nhọc sức mới có. Làm sao ta có thể lao đầu vào vật chất phù du, xây dựng danh vọng địa vị, thỏa mãn cái phàm ngã hữu hình đồng thời tìm sự bình an, yên tĩnh? Chính các điều
trên đã phá vỡ sự yên tĩnh sung mãn của nội tâm ta. Phiền não là do chính ta tạo nên, chứ đâu phải hoàn cảnh.
Có thể, mỗi ngày lướt các trang tin tức bạn sẽ dành sự quan tâm hơn đối với những tin giật gân, tin nóng hổi, tin sốc. Tin càng xấu thì lượng người quan tâm càng lớn và khi lượng quan tâm càng lớn sẽ tạo ra một khối năng lượng khổng lồ tương ứng với sự tức giận hoặc yêu thương mà sự kiện ấy mang lại. Người ta thường ít khi hạnh phúc hay vui mừng khi đọc được tin vui nhưng người ta lại vô cùng dễ nổi giận, ghen tị, oán trách khi đọc một tin xấu nào đó.
Ví dụ một bài báo viết về cuộc sống xa hoa của một diễn viên chẳng hạn. Bạn nghĩ bao nhiêu năng lượng tốt đẹp được sinh ra từ những người đọc tin ấy? Không nhiều như bạn nghĩ đâu, kể cả khi độc giả cho rằng cuộc sống ấy thật đáng ngưỡng mộ thì thẳm sâu trong họ là năng lượng của sự ghen tị và buồn bã, pha lẫn oán trách tại sao người đó lại may mắn như vậy, tại sao mình không được như thế?
Có thể nói, ngành tin tức hay truyền thông nói chung chính là một trong những nguyên nhân lẫn thủ phạm tạo nên thế giới chúng ta đang sống như ngày hôm nay. Nó thao túng đám đông và ngược lại đám đông cũng định hình phương thức hành động của truyền thông nữa.
Mặt trái của truyền thông dưới cương vị công cụ của chủ nghĩa tiêu dùng sẽ được nhắc tới trong cuốn sách này, còn cụ thể tác hại của việc đọc tin tức vô bổ lẫn làm cách nào để đọc tin tức một cách thông minh có lẽ hẹn bạn trong một bài viết khác hoặc cuốn sách sau.
Sự hình thành và sức mạnh của đám đông
Xã hội hay tập thể là một cách gọi khác của đám đông. Lịch sử loài người với sự ra đời và tan rã của những cộng đồng người trong quá khứ đã chứng minh rằng chúng ta chỉ có thể duy trì sự hợp tác hiệu quả “tương thân tương ái” trong một nhóm người nhỏ. Cụ thể là các bộ tộc, bộ lạc người nguyên thủy chỉ hợp tác rất tốt khi nhóm nằm trong một con số cụ thể vài chục cá nhân. Khi số lượng người trong nhóm tăng lên thành vài trăm, rồi vài nghìn thì các bộ lạc đều bị tan rã thành những nhóm nhỏ hơn vì tù trưởng không thể giải quyết được những vấn đề phức tạp phát sinh trong nhóm người đông như vậy. Khi nhóm tăng lên về số lượng cá thể sẽ dẫn đến nhiều mâu thuẫn khác nhau, ban đầu chỉ là những bất đồng sau đó dễ dàng chuyển thành những hỗn loạn lớn, thậm chí giết chóc nhau nữa.
Chuyện này không chỉ diễn ra trong quá khứ mà ngày nay, nếu ta tạm ví những doanh nghiệp là những bộ lạc khi xưa thì vấn đề tương tự cũng sẽ phát sinh. Một doanh nghiệp vài chục người không thể có cùng cách vận hành như doanh nghiệp trăm người, ngàn người. Nó cũng không thể được lãnh đạo bởi chỉ một người duy nhất mà cần có sự phân quyền cụ thể cho nhiều cá nhân khác nữa. Đặc biệt cần những quy định, luật lệ chung để đảm bảo cho mọi người cùng biết về nghĩa vụ lẫn trách nhiệm của mình. Như vậy doanh nghiệp hay tổ chức mới vận hành trơn tru được.
Quay trở lại thời xa xưa thì người ta đã dùng chính những mục tiêu, niềm tin chung về tôn giáo, chính trị để tạo ra những nhóm người lớn hơn cùng nhau hợp tác sinh sống trong hòa bình ổn định.
Từ một nhóm người nhỏ, nhờ niềm tin chung mà nhiều người tập hợp lại thành bộ lạc lớn rồi dần phát triển thành những làng xóm, thành phố thậm chí chính là các quốc gia sau này. Tuy nhiên dù cùng sinh sống trong một bộ lạc hay quốc gia, các cá nhân khi xét riêng lẻ đều không dễ dàng hợp tác với người khác. Đơn giản vì mỗi người mỗi hoàn cảnh, mong muốn, khả năng, nguồn lực khác nhau sẽ có những ưu tiên và suy tư khác nhau về cuộc sống. Rất khó để mọi người cùng hướng vào một khuôn khổ sống cụ thể. Đó không chỉ là vấn đề của ngày xưa mà còn là vấn đề của con người ngày nay nữa.
Về bản chất con người không dễ dàng hợp tác với người khác. Đó là lý do chúng ta được học nhiều về sự hợp tác, làm việc nhóm, phân công công việc… dù cho ngay cả thời điểm hiện tại này. Nếu con người giỏi hợp tác thì rõ ràng chúng ta chẳng cần phải học về nó làm gì nữa. Chính vì vậy mà các thể chế chính trị từ thời nguyên thủy cho đến thời phong kiến rồi lại tới các chính quyền trên thế giới ngày nay, với những công cụ là luật pháp và tòa án đã trở thành chất keo vô hình gắn kết mọi người cùng chung sống hòa thuận với nhau trên tinh thần thượng tôn pháp luật vì lợi ích chung.
Nói một cách dễ hiểu, nhiều cá nhân cùng nhau hợp tác sinh sống trong một khoảng không gian – thời gian cụ thể sẽ hình thành nên một tập thể, gọi cách khác là một đám đông.
Theo cách giải thích của triết học thì “đám đông” không hề tồn tại mà chỉ tồn tại rất nhiều những cá thể tạo thành đám đông ấy. Nhưng thực tế ta có thể dễ dàng nhận thấy sự tồn tại của đám đông là có thật, thậm chí nguy hiểm trong những trường hợp cụ thể.
Đám đông mang sức mạnh xây dựng lẫn hủy diệt. Không có đám đông sẽ không có những công trình kỳ vĩ trên khắp thế giới nhưng cũng chính vì đám đông mà nhiều công trình khác bị hủy hoại. Ai có thể nắm quyền điều khiển đám đông thì cũng như nắm giữ một sức mạnh vô cùng lớn.
Nói một cách đơn giản cho bạn dễ hình dung. Bạn sẽ thấy ngay rằng, trong cuộc sống, nghệ sĩ nào nhiều người hâm mộ hơn thì quyền lực hơn, tờ báo nào nhiều độc giả hơn thì quyền lực hơn, doanh nghiệp nào nhiều khách hàng hơn thì quyền lực hơn. Càng nhiều quyền lực thì sức ảnh hưởng của họ lên đám đông lại càng to lớn. Đôi khi nó lớn đến độ có thể điều khiển cả đám đông làm theo ý họ. Như một nghệ sĩ có thể tạo ra cả một xu hướng thời trang mới, một doanh nghiệp có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của mọi người để tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp của mình.
Chủ nghĩa tiêu dùng hay chủ nghĩa vật chất đã trở thành một trong những “người chơi” thành công nhất trong việc điều khiển và nắm giữ sức mạnh đám đông. Thậm chí có thể coi phần lớn con người trên toàn thế giới ngày nay đang là nô lệ và công nhân phục vụ cho ông chủ “tiêu dùng”. Đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng mà tôi muốn nói đến trong cuốn sách này.
Sức mạnh hủy diệt của đám đông là một thực trạng tàn nhẫn. Núp sau tấm bia dư luận, đám đông có thể làm ra những điều tồi tệ cho người khác trên danh nghĩa “trừng phạt” người đó. Sự trừng phạt đôi khi không xảy ra trên mặt cơ thể vật lý như hành hạ, tra tấn mà còn tiếp diễn lâu dài hơn dưới dạng tâm lý nữa. Mỗi lần mạng xã hội có scandal, đặc biệt là nếu liên quan tới người nổi tiếng, bạn sẽ dễ dàng nhìn ra điều này.
Chính đám đông với sức mạnh phá hủy ấy đã giết chết bao điều tốt đẹp trên thế giới: Jesus Christ bị kết tội và treo mình trên thập tự vì đám đông; triết gia lỗi lạc Socrate bị tử hình bằng thuốc độc cũng vì đám đông. Đó là những ví dụ xa xưa, còn ngày nay ta dễ dàng nhận thấy “dư luận” hay “đám đông” đã tạo ra biết bao điều xấu xí cho cuộc sống con người. Vì nó mà bao nhiêu người trở nên độc ác hơn, thích phán xét, hay ghen tị, tranh đua nhiều hơn. Vì nó mà bao người trở nên giả dối, cam chịu và sống cuộc đời vô nghĩa. Người ta kết hôn khi không muốn kết hôn, sinh con khi không muốn sinh con và chỉ một điều người ta muốn làm là ly dị thì họ lại không dám làm. Vì dư luận mà biết bao người đang phải sống trong chịu đựng và đau khổ.
Một người đứng độc lập sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành động của anh ta. Nhưng nếu anh ta đứng trong đám đông thì chẳng phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình nữa. Điều đó khiến anh ta trở nên mạnh dạn hơn và hung bạo hơn nhiều lần. Đám đông nên nhận trách nhiệm đầu tiên trong việc biến các cá nhân trở thành vô trách nhiệm hơn. Vô trách nhiệm là lý do quan trọng khiến mỗi người sống cuộc đời phụ thuộc, ỷ lại vào người khác.
Sự phát triển của truyền thông xã hội lẫn internet đã tạo ra một đám đông lớn chưa bao giờ thấy. Từ đây sức mạnh xây dựng lẫn phá hoại của nó được nhân lên nhiều hơn. Ai cũng thích được hòa làm một với đám đông cho tới khi họ trở thành nạn nhân của nó. Dù bạn không chịu thừa nhận thì ngay lúc bạn lên tiếng cùng chửi rủa ai đó trên mạng vì một chuyện không liên quan gì tới bạn, thì bạn cũng đang là một thành viên của đám đông ấy rồi. Thời đại nào cũng có
những đám đông, tuy khác nhau về thời gian, địa điểm nhưng chẳng hề khác nhau chút nào về bản chất.
Hãy cẩn thận, vì hôm nay bạn là một thành phần của đám đông nhưng biết đâu ngày mai bạn lại trở thành nạn nhân của nó. Nói như thế không có nghĩa là khuyến khích bạn đi ngược lại đám đông – điều ấy cũng nguy hiểm không kém đâu. Cách duy nhất là hãy tách mình ra khỏi đám đông trước để tập tính tự lập, thói quen quan sát, nhìn nhận đa chiều. Nếu bạn nhận thấy đám đông đang trở thành những kẻ hủy diệt, hãy tách xa khỏi nó. Còn nếu bạn nhận thấy nó đang mang năng lượng tốt, có tính xây dựng thì hãy góp phần tham gia cùng nó. Ấy là cách đúng đắn để sống giữa đám đông! Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể tạo ra những đám đông biết dùng sức mạnh to lớn của nó để sáng tạo, để yêu thương, để thấu hiểu nhau. Thế thì thế giới sẽ rất khác.
Bạn đã từng nghe câu chuyện về Jesus Christ rằng đám đông nọ mang tới cho Ngài một người phụ nữ phạm tội ngoại tình và yêu cầu Ngài hãy tuyên bố ném đá cô ta tới chết theo luật định. Jesus đã nói: “Ai trong các người cho rằng mình không hề phạm bất cứ tội gì thì hãy bước lên và ném đá trước đi”. Thế rồi đám đông xấu hổ tản dần ra và biến mất.
Tôi vốn không thích các đám đông nói chung nhưng tôi lại tôn trọng đám đông trong câu chuyện này. Dù cho hành động của họ ban đầu có hơi ác ý nhưng họ lại là những người trung thực và can đảm: họ biết xấu hổ, họ không dám nhận mình vô tội nên họ đã dừng tay.
Còn đám đông ngày nay thì sao? Cũng đôi lần họ biết dừng lại để nhìn lại chính mình nhưng hình như tỷ lệ tương đối ít. Có những đám đông vẫn rất hung hăng và tàn nhẫn, họ chỉ chăm chăm phán xét và trừng phạt người khác để thỏa mãn quyền “thẩm phán” tự nhận của mình. Chợt nhớ một câu nói của ai đó rằng “Phía sau bàn phím, chúng ta đều là những thẩm phán tối cao”. Quả là như vậy, chúng ta rất ngại phán xét người khác trực diện nhưng việc trốn sau bàn phím đã khiến cho việc ấy trở nên thật dễ dàng. Tôi dám cá trong đám đông “thẩm phán tự xưng” ấy sẽ có người theo một tôn giáo nào đó, nghĩa là họ được dạy về việc đừng phán xét người khác, hãy yêu thương, hãy nhân từ, hãy từ bi… nhưng họ lại không thi hành đúng những gì được dạy. Vậy họ giữ tôn giáo để làm gì? Tôn giáo có tác dụng gì? Câu hỏi này sẽ được trả lời sau nhưng trước tiên bạn hãy ngưng đọc vài giây và tự đánh giá bản thân mình một chút: Bạn đã từng nhận ra mình là một phần tử trong đám đông nào như vậy chưa? Đã bao giờ bạn cảm thấy xấu hổ và nuối tiếc vì đã vội vàng nổi nóng, chửi bới, phán xét ai đó qua bàn phím của mình?
Thật ra tôi hỏi câu ấy không phải để trách cứ hay khiến bạn cảm thấy có lỗi, mà để dẫn bạn tới một câu hỏi khác: Bạn có biết đám đông chính là nguồn “nguyên liệu” quan trọng tạo ra mọi sự thay đổi trên thế giới này? Vậy lý do gì tạo nên phản ứng của các đám đông? Phản ứng của đám đông có những tác dụng gì? Lợi hay hại? Làm cách nào để thay đổi? Làm cách nào để thoát ra khỏi đám đông và không bị nó chi phối? Làm cách nào để hướng thứ năng lượng rất lớn của đám đông vào mục đích tốt đẹp hơn, mang tính sáng tạo hơn là hủy hoại?
Tin vui là ngay lúc này thời đại của đám đông tàn nhẫn đang dần kết thúc và thay vào đó sẽ là thời đại của những đám đông mang tinh thần đoàn kết yêu thương, tinh thần huynh đệ đại đồng thế giới. Vui hơn nữa là trong thời đại mới sẽ có nhiều cơ hội “bừng sáng” cho những cá nhân nhận ra sự tàn nhẫn của đám đông và từ chối đứng chung với đám đông ấy.
Hãy trở lại một chút với vũ trụ học để tìm hiểu về thời đại mới ấy.
Bộ lịch vũ trụ và kỷ nguyên mới đang tới
Chiêm tinh học phương Đông cho rằng Mặt Trời theo quỹ đạo của nó lần lượt đi qua 12 chòm sao của đường hoàng đạo. Thời gian lưu lại trong mỗi chòm là khoảng 2.100 – 2.500 năm, thay đổi theo các nguồn tài liệu khác nhau – gọi là một tháng vũ trụ hay một kỷ nguyên. 12 tháng vũ trụ tạo thành một năm vũ trụ, tức khoảng 26 nghìn năm – còn được gọi là một đại kỷ nguyên. Họ cũng cho rằng những tháng vũ trụ khép kín đến nỗi sự quá độ chuyển từ tháng nọ sang tháng kia rất đặc trưng. Sau khoảng 5-6 kỷ nguyên lại xuất hiện những tai họa lớn. Tai họa xảy ra gần đây nhất cách ngày nay khoảng 13 nghìn năm là sự chìm xuống hoàn toàn của lục địa Atlantis.
Mốc thời gian tương đối cho các kỷ nguyên đã được Zale H. Bechor đưa ra trong tác phẩm Prophecy: Yesterday, Today and Tomorrow như sau:
4000 – 2000 trước Công nguyên: Mặt Trời đi vào cung Kim Ngưu (Taurus).
2000 – 1 trước Công nguyên: Mặt Trời đi vào cung Bạch Dương (Aries).
1 – 2000 sau Công nguyên: Mặt Trời đi vào cung Song Ngư (Pisces).
2000 – 4000 sau Công nguyên: Mặt Trời đi vào cung Bảo Bình (Aquarius).
Một vài nguồn tài liệu cho rằng tân kỷ nguyên Bảo Bình đã bắt đầu từ năm 1900, một cách tính khác lại cho là thời đại mới thực sự đã khởi đầu vào năm 1942. Trong khi đó vào năm 1960, khi các nhà chiêm tinh học nói đến kỷ nguyên Bảo Bình, một cuộc chuyển đổi ở bề mặt xã hội đã diễn ra nhưng lúc bấy giờ các học giả vẫn cho rằng đó là mớ lý thuyết mê tín dị đoan từ thời mông muội của loài người. Các hiện tượng xã hội xuất hiện sau đó đã dần chứng minh các giả thuyết về kỷ nguyên Bảo Bình là có thật. Nếu ở những năm 1960, ảnh hưởng của kỷ nguyên Bảo Bình mới chỉ có tác động trong các ngành như nghệ thuật, văn học, tôn giáo thì từ đầu thế kỷ 21 đến nay, các dấu hiệu của Bảo Bình đã biểu thị rõ rệt ở lĩnh vực khoa học công nghệ. Hãy nhìn lại quãng thời gian vừa qua, chúng ta sẽ thấy sự phát triển của công nghệ đang thay đổi cuộc sống của chúng ta nhiều đến mức nào.
Tạp chí Time, số ra ngày 21 tháng 3 năm 1969, cho rằng năm vũ trụ Song Ngư “đầy lo âu, châu lệ, đầy hoài nghi và ảo mộng”. Năm Bảo Bình tới đây sẽ là năm của “những niềm vui, của những thực hiện khoa học tân kỳ, của những niềm ước mơ, hoài bão”. Cũng trong bài viết What is The Aquarius Age? (Thời kỳ Bảo Bình là gì?) đăng trên nguyệt san Rosicrucian Digest số tháng 8 năm 1969, tác giả Samuel Rittenhouse cho rằng kỷ nguyên Bảo Bình tới đây sẽ là “2000 năm của tình huynh đệ đại đồng, tương thân tương ái”. Đó là thời kỳ của những chinh phục không gian, thời kỳ mà tâm trí con người sẽ mở rộng tầm kích, sẽ trở nên cao đại...
Như vậy, dù cho mốc thời gian không chính xác thì ta vẫn có thể nói Trái Đất hiện nay đang trải qua thời kỳ cuối cùng của kỷ nguyên Song Ngư và đang bắt đầu những ngày mới mẻ thuộc kỷ nguyên
Bảo Bình – thời điểm được cho là bước biến đổi tuyệt vời nhất, kỷ nguyên được chờ đợi nhất trong lịch sử nhân loại của mọi thời đại.
Đặc biệt hơn nữa đang được bắt đầu ở thời đại này, không chỉ một mà là hai thời đại Bảo Bình cùng đang diễn ra một lúc trên cả thời điểm thay đổi của tháng vũ trụ lẫn năm vũ trụ. Như vậy tân kỷ nguyên mang đặc tính Bảo Bình kép làm cho thời buổi này lạ lùng, mãnh liệt và đặc biệt nhất trong lịch sử nhân loại từ hàng chục nghìn năm nay.
Trước khi tìm hiểu về sự tuyệt vời của kỷ nguyên ấy hãy tìm hiểu một chút về kỷ nguyên mà chúng ta vừa trải qua hay vẫn đang chịu rất nhiều ảnh hưởng từ nó: Kỷ nguyên Song Ngư.
Kỷ nguyên Song Ngư: Sức mạnh của đám đông và sự tôn sùng vật chất
Đặc tính của kỷ nguyên Song Ngư là sự cuồng tín của đám đông vào những niềm tin tập thể, được đánh dấu bằng sự ra đời của những tôn giáo lớn: phương Đông có đạo Phật và phương Tây là Thiên Chúa giáo, vùng Trung Đông xuất hiện đạo Hồi.
Kỷ nguyên Song Ngư cũng là thời gian người ta đắm chìm trong thế giới vật chất, sự phát triển và sức hút của vật chất là vô cùng lớn với đặc trưng là những phát minh, những nhà máy, những sáng tạo ra đời không ngừng chỉ để nhấn chìm thế giới trong muôn hình vạn trạng của mê cung hàng hóa. Của cải vật chất lên ngôi và trở thành mục tiêu sống, ý nghĩa sống của đa phần mọi người trong xã hội. Song Ngư với đặc tính của nước nên trong kỷ ấy con người chế ngự
được sông nước, đại dương bằng các bước tiến về kỹ thuật hàng hải.
Bước vào cuối của kỷ nguyên này khi điểm xuân phân dần dịch chuyển về phía bên kia của chòm Song Ngư, đám đông bắt đầu nổi loạn, họ không còn chịu sự trói buộc của những quan điểm về đức hạnh như trước nữa mà bắt đầu mạnh dạn sống những lối sống mới, sáng tạo nên những ý nghĩa mới cho cuộc đời. Song song về sự nổi loạn này là sự cận đáy của những người thời kỳ cũ: những người bảo thủ trở nên cực kỳ bảo thủ, những người thích vật chất trở nên tôn sùng vật chất, những lời nói dối được lấp liếm cho tới khi chúng trở thành sự thật và ngay cả tôn giáo cũng bị xuống cấp khi không còn mang ý nghĩa tôn giáo đích thực. Nhiều người đến với tôn giáo trở nên ham mê hơn, tham lam hơn, họ đến đền chùa để xin xỏ thay vì tạ ơn, để than van thay vì để chúc tụng. Ý nghĩa thật sự của cuộc sống bị mờ dần trong nhiều lĩnh vực và thường bị lấp đầy bằng vật chất vinh hoa.
Thông tin trên có lẽ phần nào đã giải thích được cho thắc mắc của chúng ta về sự tạo thành các đám đông ban đầu. Vậy còn Bảo Bình thì sao? Tại sao nó là kỷ nguyên được mong đợi?
Kỷ nguyên Bảo Bình: Kỷ nguyên của tự do, sáng tạo, tâm linh và tính cá nhân
Hẳn bạn còn nhớ ngày 21/12/2012 cả thế giới xôn xao tin tức về ngày tận thế – ngày mà theo lịch của người cổ Maya là kết thúc một chu kỳ sinh tồn của nhân loại. Thật ra đó không phải là tận thế nào cả mà là lịch của người Maya trong việc dự đoán sự kết thúc của nhân loại trong kỷ nguyên Song Ngư. Tất nhiên sau đó sẽ bắt đầu
tiến bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên Bảo Bình – chứ không phải tận thế.
Sở dĩ Bảo Bình là kỷ nguyên được mong chờ nhất trong lịch sử loài người vì nó mang đặc tính của niềm vui, của những bước tiến tân kỳ mới mẻ, của những ước mơ hoài bão thành hiện thực, của khả năng sáng tạo, tinh thần tự do. Nó tôn vinh và thức tỉnh sức mạnh của từng cá nhân thay vì toàn bộ tập thể. Hơn hết đây là thời đại cho cảm xúc và tâm linh lên ngôi, thay vì vật chất của cải như trước.
Biểu tượng của Bảo Bình là người đội bình nước trên đầu hoặc vác ở vai, đang rót nước xuống; hiểu theo nghĩa nôm na là con người đã cất giữ những khả năng, những hiểu biết của mình trong bình để dùng vào việc phụng sự, khi có nhu cầu sẽ tuôn ra không ngừng và lạ thay bình đó có thể tuôn hoài không bao giờ cạn.
Không khí là đặc tính của Bảo Bình, thấy qua việc con người dần dần làm chủ không gian, ban đầu là phi cơ rồi phi thuyền với tầm mức không ngừng hướng ra ngoài, mở rộng thêm biên cương trong không gian mà con người cảm biết. Ngoài không gian bên ngoài con người còn bắt đầu khám phá những không gian bên trong chính mình. Đó là thế giới thuộc về tâm linh – một thế giới khác.
Bởi tư tưởng mang đặc tính hướng vào không gian bất tận, không gian bên ngoài lẫn bên trong, cùng sự thức tỉnh về tâm linh mà con người tham thiền ngày càng đông. Khi nhận ra đó là cách để họ mở rộng nhận thức, sự hiểu biết và khả năng của chính mình.
Về mặt tình cảm, lực phát xuất từ Bảo Bình sẽ kích thích con người xóa tan các rào cản để trở thành một khối thuần nhất hơn,
thành một tập thể không còn màng tới những khác biệt về giống nòi, quốc gia, đưa sự sống con người đi tới chỗ hợp nhất, hòa đồng. Điều này có nghĩa trong một nghìn năm tới và theo cách mà bây giờ ta không sao ngờ được, sẽ có những sự kiện xảy ra giúp nối kết mọi người trên thế giới thành một khối toàn nhất.
Ảnh hưởng về mặt tình cảm của Bảo Bình mạnh đến nỗi sẽ làm cho thế giới vật chất mất đi sức hấp dẫn mạnh mẽ vốn có. Và có thể vào những giai đoạn cuối của thời đại Bảo Bình nó sẽ đạt tới mức phóng đại lạ lùng về mặt cảm xúc, y như sự quyến rũ quá mức của vật chất mà con người trải qua vào cuối thời Song Ngư.
Về tâm thức, tân kỷ nguyên sẽ có những giá trị tâm linh mới, một ý nghĩa mới về cuộc đời, và việc diễn giải ý nghĩa ấy làm đời sống hằng ngày được phong phú hơn.
Không khí có tính lan tỏa, hòa lẫn thì Bảo Bình cũng đem đến ảnh hưởng giống vậy. Những hoạt động của con người trong tương lai sẽ thể hiện rõ nét đặc tính ấy cả về mặt cá nhân: nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức toàn cầu, sự thức tỉnh lý trí; mặt chính trị: thế giới sẽ phát triển tinh thần quốc tế, liên bang, các liên hiệp sẽ xuất hiện ngày càng nhiều; mặt thương mại: phương thức làm việc khuynh hướng tổ hợp đa quốc gia phát triển mạnh, sự toàn cầu hóa thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.
Quan trọng nhất, về mặt tôn giáo, các tôn giáo đơn lẻ dần mất đi sức thuyết phục, thay vào đó là một niềm tin chung duy nhất vào đấng sáng tạo tối cao. Con người sẽ tỉnh thức về mặt tâm linh. Cụ thể, con người sẽ dần nhận thức được mình là ai, đang muốn gì và cần làm gì để đạt được điều ấy mà không cần qua một tôn giáo cũ
nào. Con người sẽ nhận thức được bản thân mình là quan trọng, linh hồn là quan trọng chứ không phải thân xác phàm tục. Vật chất không giúp ích gì cho con đường tâm linh nên sự tôn thờ chủ nghĩa vật chất sẽ dần biến mất.
Tâm lý sẽ trở thành khoa học chính trong kỷ nguyên Bảo Bình, cũng như điện là khoa căn bản của kỷ Song Ngư. Tâm lý học sẽ phát triển, đạt nhiều thành tựu trở nên hữu dụng trong thời Bảo Bình, người ta sẽ tìm hiểu điều ảnh hưởng làm con người thành chính họ bây giờ, cái tạo nên bên trong lẫn bên ngoài. Người ta sẽ nghiên cứu con người về toàn bộ tâm thức, tình cảm, thân xác thay vì chỉ giới hạn vào phần vật chất hữu hình là cơ thể như trước đây.
Đây là một vài lý thuyết về đặc tính cung Bảo Bình bạn có thể dễ dàng tìm thấy nếu như bạn quan tâm. Giờ hãy cùng nhau đi sâu một chút vào thực tế để xem thế giới đang bước vào kỷ nguyên Bảo Bình như thế nào.
Các công nghệ và phương tiện mới ồ ạt ra đời cho phép con người được tự do thể hiện tính cá nhân của mình trong một nơi gọi là thế giới “ảo” – nơi hàng tỷ người cùng nhau tạo ra một thế giới riêng, một không gian riêng mà nơi đó việc kết giao trở nên dễ dàng hơn bao giờ. Điện thoại, internet là những công nghệ vô cùng quan trọng đánh dấu bước ngoặt của nhân loại và làm cho thế giới trở nên “phẳng” hơn bao giờ với muôn vàn cơ hội hợp tác, giao lưu, phát triển dành cho mọi người trên thế giới. Công nghệ cho phép con người tối đa hóa tính cá nhân của mình cũng như cho tất cả mọi người cơ hội để trình bày những ý tưởng sáng tạo của bản thân. Sự ra đời của mạng xã hội cũng là một thành tựu đáng kể của kỷ nguyên Bảo Bình và góp phần đóng góp nền tảng cực kỳ to lớn cho
những ngành nghề khác liên quan: du lịch, vận tải, kinh doanh, hội nhóm… Nhưng hãy nhớ rằng, tất cả công nghệ viễn thông và thông tin hiện nay chỉ là bước khởi đầu nền tảng cho một kỷ nguyên tràn ngập ý tưởng. Còn quá sớm để công nghệ khiến con người được phép là chính mình, được phép cá nhân hóa và nhờ thế, sự tương tác kết nối trở nên thật hơn. Những nền tảng công nghệ này có thể mang đến cho xã hội loài người viễn cảnh như một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Tuy dự đoán xu hướng tốt – xấu của kỷ nguyên Bảo Bình vẫn còn quá sớm nhưng chúng ta có thể chắc chắn về việc công nghệ có thể thay đổi thế giới nhờ vào các ý tưởng gần đây như internet, smartphone, công nghệ gen, máy in 3D, máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo, tiền tệ điện tử… Có thể thấy những ý tưởng này sẽ góp phần thay đổi thế giới, nhưng theo chiều hướng nào còn phụ thuộc vào thái độ của loài người với những ý tưởng ấy.
Về mặt cá nhân, con người ở khắp nơi trở nên độc lập hơn, có niềm tin và chính kiến riêng thay vì một niềm tin chung bị kiểm soát hay nhồi nhét. Những con “sói” sẽ xuất hiện nhiều hơn và tách ra khỏi bầy “cừu” – họ được cho là những người nổi loạn và thế giới sẽ có ngày càng nhiều người “nổi loạn” hơn theo cùng cách ấy. Con người sẽ nói nhiều hơn về tự do, sáng tạo, cơ hội, trải nghiệm và tâm linh. Những người “nổi loạn” ấy sẽ mạo hiểm hơn để theo đam mê, để làm bất cứ điều gì mình thích thay vì phụ thuộc vào người khác. Sự từ bỏ vật chất sẽ trở thành một trào lưu mới. Người ta không còn đi làm điên cuồng vì tiền bạc. Người ta sẵn sàng hiến tặng tài sản của mình cho mục đích từ thiện hay các mục tiêu cá nhân khác. Quyền sở hữu tài sản cũng không được xem trọng khi mọi người bắt đầu chú ý tới những mô hình kinh doanh “chia sẻ”: chia sẻ xe hơi, chia sẻ nhà, chia sẻ đồ dư thừa trong nhà, chia sẻ
không gian làm việc… Vì là kỷ nguyên của khối đoàn kết đại đồng, tính cá nhân thay vì đám đông, sự can đảm thay vì sợ hãi, thực hành thay vì lý thuyết nên trong kỷ nguyên Bảo Bình không có chỗ cho sự tồn tại của những triết lý độc tài, độc quyền nữa – đây quả thật là một dự báo đáng mừng cho nhân loại toàn thế giới.
Khi nói về các nét tính cách của kỷ nguyên xin đừng quy rằng người cung Bảo Bình thì tuyệt vời hơn người cung Song Ngư. Không, ý tôi không phải vậy! Thế giới này tuyệt vời và đa dạng nhờ sự góp mặt của đủ loại tính cách và quan điểm. Và ở mỗi thời kỳ thì mỗi nét tính cách sẽ có những cái hay riêng. Nếu bạn là người ưa thích những thông tin thuộc các cung hoàng đạo thì hãy khéo léo tận dụng chúng vào cuộc sống, chúng sẽ giúp cho cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Còn nếu bạn không tin vào các cung hoàng đạo hay thiên văn học vì những thông tin này là những thứ không thể nhìn thấy, không thể chứng minh cũng không sao cả, hãy giữ niềm tin của riêng mình.
Phần tôi, sự hiểu chính mình qua kiến thức hoàng đạo đã khiến tôi hiểu thêm về những người xung quanh mình và đặc biệt là dành sự đồng cảm sâu sắc cho một số nhân vật nổi tiếng mà có thể nhiều người trong số các bạn rất ghét.
Ta đang sống ở buổi giao thời, lúc một thời đại đang chấm dứt và một thời đại khác bắt đầu, và giao thời thì luôn hỗn loạn. Sự hỗn loạn thường được gây ra bởi những luồng tư tưởng trái chiều nhau. Trong sự hỗn loạn ấy có thể chia nhân loại thành hai khối người, tùy theo cách đáp ứng của họ với các lực tác động: lực của Song Ngư hoặc lực của Bảo Bình. Bạn có muốn nhận diện xem mình thuộc khối người nào không?
Bạn là người dễ dàng tin vào những ý tưởng mới mẻ, những ý tưởng đôi khi chính bạn cũng chưa hiểu hết nhưng dù vậy, bạn vẫn chọn tin vào chúng vì bạn có một niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng rằng thế giới này sẽ tốt đẹp hơn? Thế thì bạn đích thị là một con người của kỷ nguyên mới – bạn là một thành viên của kỷ Bảo Bình với những hạt mầm sáng tạo, ý tưởng sẵn có bên trong.
Còn giả như bạn là một người bảo thủ, thường nghi ngờ mọi ý tưởng mới và tin rằng thế giới này đủ tốt đẹp rồi, nếu bạn cho rằng những giá trị truyền thống cần được bảo tồn và phát huy thay vì nghĩ ra những ý tưởng mới, nếu như bạn không thuộc típ người dễ dàng ủng hộ những hướng đi mới, quan điểm mới của thế giới thì bạn vẫn đang còn là con người của kỷ nguyên cũ – kỷ Song Ngư.
Nói một cách dễ hiểu hơn, lực Song Ngư mang nét bảo thủ còn người chịu ảnh hưởng Bảo Bình thường tỏ ra cấp tiến. Mâu thuẫn vì vậy sẽ xảy ra và không thể tránh khỏi khi phái bảo thủ muốn duy trì những tín điều, triết lý, phương pháp tuy hữu dụng trong quá khứ nhưng nay không còn thích hợp với tâm lý và hoàn cảnh mới của đời sống con người còn phái cấp tiến hô hào những giá trị, quan niệm mới phù hợp với tâm tình và trí tuệ của nhân loại trong thời đại mới.
Bí mật về các cung hoàng đạo
Cung hoàng đạo là một nhánh của chiêm tinh học chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của các hành tinh đến tính cách con người. Mỗi người sinh ra ở một thời điểm khác nhau trong ngày (chưa kể tới trong tháng, trong năm) sẽ chịu ảnh hưởng khác nhau của vô số hành tinh để mang những đặc điểm tính cách khác nhau. Người ta đã tổng hợp những đặc tính căn bản của nhiều người được sinh ra trong mỗi thời điểm khác nhau để tạo ra lý thuyết về cung hoàng đạo.
Lý thuyết ấy nói rằng những người sinh ra trong cùng khoảng thời gian cụ thể (cùng một cung) thì sẽ mang những nét tính cách tương đồng về nhiều mặt. Tuy nhiên dù hai người sinh trong cùng một cung nhưng khác ngày giờ hay vị trí địa lý thì cũng chịu ảnh hưởng các lực tác động khác nhau. Chưa kể đến sự khác biệt về văn hóa, giáo dục, môi trường sống của mỗi người cũng không giống nhau dẫn đến sự đa dạng của các cá nhân mà không ai giống hệt ai, kể cả về tính cách lẫn ngoại hình.
Nên nếu ai đó phản đối các kiến thức về cung hoàng đạo với lập luận “Chả lẽ thế giới chục tỷ người lại chỉ có đúng 12 nhóm tính cách thôi sao?” là hoàn toàn không hợp lý. Vì trong 12 nhóm đó không một ai có quá khứ, hiện tại, môi trường sống, hoàn cảnh sống giống ai nên việc tính cách giống hệt nhau trong mỗi cung đơn giản là không thể nhưng tương đồng về nhiều mặt thì nhất định là có thể.
Biết được cung hoàng đạo của mình bạn có thể dễ dàng “đọc vị bản thân” một cách rõ ràng và khách quan. Nếu một người biết rõ
đặc tính cung của mình, biết mình là ai, mình thích hợp với công việc gì và tiếp tục trau dồi bản tính sẵn có thì sẽ tiến bộ rất nhanh. Ví dụ như người có khiếu về âm nhạc tập trung học toán thì không phải sẽ không có tiến bộ nhưng nếu đi theo âm nhạc thì người đó sẽ tiến nhanh hơn rất nhiều. Việc hiểu biết mình là ai, có những khả năng tiềm ẩn nào sẽ giúp người ta định hướng đi chính xác. Đó mới là mục đích của chiêm tinh học và sự nghiên cứu chiêm tinh như thế mới là đúng đắn chứ không phải chỉ xem quá khứ, vị lai, may rủi như đa phần tín đồ cung hoàng đạo đang tìm hiểu.
Kiến thức về cung hoàng đạo rất nhiều nhưng những thông tin rác từ các kiến thức ấy cũng nhiều không kém. Nếu như mặt tốt của cung hoàng đạo là giúp bạn nhận diện điểm mạnh điểm yếu của mình thì mặt tiêu cực là khi bạn phụ thuộc vào đó mà mất đi chính kiến của bản thân. Áp dụng các kiến thức về cung hoàng đạo một cách đúng đắn sẽ mang lại cho bạn nhiều niềm vui nhưng nếu bạn quá lệ thuộc vào nó thì sẽ khiến bạn trở nên bi quan, sợ hãi và thiếu tự tin.
Đối với bản thân tôi, mỗi khi đọc về dự đoán tính cách cung hoàng đạo tôi đều cẩn thận xem xét: điều gì cảm thấy đúng tôi sẽ cố gắng phát huy (mặt tích cực) hoặc hạn chế (mặt tiêu cực); còn nếu điều gì không đúng, tôi bỏ qua.
Ví dụ, một người thuộc cung Song Tử như tôi thường được biết đến là người hay la cà, không chú ý thời gian nên hay trễ hẹn, tôi đã khắc phục được điều này và là người rất tôn trọng thời gian. Song Tử là người thông minh, giỏi về giao tiếp và có thế mạnh trong các lĩnh vực về truyền thông, viết lách, sáng tạo – điều này tôi thấy đúng và tôi cũng đang tập trung phát huy thế mạnh của mình trong lĩnh
vực viết lách, truyền thông. Song Tử dễ bị phân tâm, nhanh chán và thường xuyên thay đổi ý định nên bị cho là người không kiên trì, hời hợt… Về điểm này thì tôi vẫn đang tìm cách để cải thiện và thay đổi nhưng đôi khi nghĩ kỹ thấy nó cũng có mặt tốt. Ví như khi việc đọc một cuốn sách nhàm chán. Đầu tiên tôi cố gắng thay đổi điểm yếu của mình bằng cách cố đọc cho hết cuốn sách dù không hứng thú chút nào để chứng tỏ mình cũng kiên trì. Nhưng nghĩ lại tôi đã thay đổi theo hướng khác: nếu đọc một cuốn sách quá nhàm chán tôi sẵn sàng từ bỏ nó để dành thời gian cho những cuốn khác thú vị hơn. Điều này đối với bản thân tôi mà nói lại tốt hơn nhiều nếu cứ tuân theo cách cũ.
Cho nên tôi mong bạn cũng vậy, khi đọc những dự đoán về tính cách bản thân thì hãy tỉnh táo và khôn ngoan tìm cách vận dụng cho thích hợp, đừng quá cứng nhắc kể cả trong việc nên tin hay không tin các kiến thức về cung hoàng đạo.
Tôi để ý thấy hiện tại trên mạng xã hội có nhiều hội nhóm đăng nhiều về cung hoàng đạo, cả những điều có cơ sở lẫn vô cơ sở như “cách cung hoàng đạo đối xử với người yêu sau chia tay” hay “cách cung hoàng đạo hành động khi hết tiền”… Những tin kiểu này đều là tin rác nhưng đáng tiếc chúng lại thu hút không ít người và lấy đi biết bao thời gian quý báu của họ. Lại có nhiều trang khác đăng tin hay và được nhiều người đồng tình rằng “đúng là như vậy” – “chuẩn xác” – “tuyệt vời” nhưng sau khi biết là nó đúng với mình các bạn lại bỏ qua luôn mà không chịu nghĩ kỹ hơn trong việc tìm cách vận dụng chúng vào đời sống. Thế thì đúng để làm gì? Đó là một sự lãng phí thông tin.
Một cách khác nữa để ứng dụng kiến thức về cung hoàng đạo đó là bạn tôn trọng sự khác biệt về tính cách của mọi người xung quanh. Bạn sẽ không còn phải phát điên trong việc cố gắng thuyết phục người khác làm theo ý mình, cũng như không còn phải đặt câu hỏi “tại sao” khi ai đó có những hành động mà bạn không thể hiểu.
Chẳng hạn như tôi có cô em gái thuộc cung Kim Ngưu. Tính cách cô ấy gần như trái ngược hoàn toàn với tôi – một Song Tử. Cô ấy chỉ thích ngủ, ngủ rất nhiều, sáng tỉnh dậy vừa kịp giờ đi làm, tối đi làm về lại đi ngủ liền. Trong khi tôi thức khá khuya, dậy rất sớm và dùng thời gian để làm đủ mọi việc. Mới đầu tôi cũng hay phàn nàn nhưng dần dần tôi tôn trọng sự khác biệt ấy nên không còn cảm thấy bực bội nữa.
Hoặc như chuyện đi du lịch, Kim Ngưu không thích đi chơi xa và cũng không ưa dịch chuyển khắp nơi như Song Tử nên dù cho tôi thuyết phục thế nào cô em tôi cũng chẳng muốn rời khỏi nhà. Nhưng giờ thì khác, tôi đã phần nào thành công khi thuyết phục được em gái mình tham gia vài tour du lịch gần khi dùng chính cuộc sống của mình để chứng minh du lịch là một việc rất đáng làm.
Ngoài em gái thì tôi còn hiểu tính cách của mọi người trong gia đình hơn rất nhiều. Giải thích được tại sao bố Thiên Bình lại hợp với tôi đến thế, tại sao bố lại hiền thế, tại sao bố lại để mẹ Sư Tử nóng tính của tôi “bắt nạt” hoài. Tôi cũng hiểu được tại sao anh Hai Bọ Cạp của tôi lại khá khó tính và đề cao sự trung thành đến vậy. Hiểu tại sao chị Hai Xử Nữ của tôi luôn kỹ lưỡng, cẩn thận. Đúng vậy, nhờ những kiến thứ về cung hoàng đạo mà tôi hiểu bản thân mình hơn, hiểu những người xung quanh mình hơn, chấp nhận họ như họ
vốn thế do đó mà tôi có thể sống một cuộc sống dễ chịu, thoải mái hơn nhiều.
Có người cho rằng chỉ những ai không hiểu về bản thân mới cần người khác nói cho biết mình là người thế nào. Ý của họ cung hoàng đạo là thứ không đáng tin, không đáng bận tâm. Tôi đồng ý. Nhưng cũng cần làm rõ thêm rằng việc hiểu bản thân mình là điều cực kỳ khó khăn chứ không hề đơn giản và đặc biệt không phải ai cũng may mắn làm được. Nhiều người mất cả đời cũng chưa hiểu được về chính mình và một số khác cho rằng toàn nhân loại chỉ có những đấng giác ngộ như Phật Thích Ca, Chúa Jesus, Lão Tử mới là những người hoàn toàn hiểu về chính mình lẫn hiểu về cuộc sống.
Vậy nếu như có một công cụ như cung hoàng đạo giúp chúng ta biết về bản thân mình nhanh hơn, dễ hơn thì tại sao lại không tận dụng?
Còn nếu như bạn hoàn toàn hiểu rõ về bản thân mình rồi thì tôi đồng ý rằng bạn không cần tham khảo các kiến thức này làm gì nữa. Nhưng nếu bạn cũng giống như đa phần nhân loại chỉ là những người luôn mơ hồ về bản thân, đang trong hành trình xây dựng một phiên bản mới cho chính mình thì những kiến thức ấy là hữu dụng.
Suy cho cùng, hữu dụng hay vô dụng đều phụ thuộc vào chính chúng ta nhiều hơn là vào bản thân thông tin. Bạn đồng ý không?
Vậy thì việc đọc các bài viết và thông tin về chiêm tinh dù đúng dù sai không quan trọng bằng việc bạn suy nghĩ xem có thể vận dụng các thông tin ấy vào cuộc sống hay không và vận dụng bằng cách nào.
Ví dụ chiêm tinh nói tuần này là thời gian rất tốt để hàn gắn các mối quan hệ vậy thì đừng ngại ngùng mà hãy mau gửi một tin nhắn làm lành cho người yêu hay người thân của mình đi thôi. Dù trong thực tế, một lời xin lỗi luôn có khả năng hàn gắn mối quan hệ trong bất cứ thời điểm nào. Biết thực tế ấy thì bạn chẳng cần gì thiên văn hay chiêm tinh nào nhắc nhở cả.
Cứ làm những điều thiện, điều tốt, đừng tạo ra ảnh hưởng xấu với bất cứ ai, suy nghĩ kỹ trước khi hành động, chịu trách nhiệm cho mọi việc làm của mình… Nếu bạn tuân theo những “luật” này của cuộc sống thì tôi tin chắc bạn chẳng bao giờ cần phải nhờ đến sự động viên khuyến khích hay cảnh báo của chòm sao hay chiêm tinh gia nào cả.
Nếu như việc tìm hiểu những kiến thức về cung hoàng đạo có thể giúp bạn phần nào “hiểu được chính mình” thì việc quay trở lại lịch sử ngàn xưa để tìm hiểu về nguồn gốc con người, con đường tiến hóa, cách thức con người thay đổi tự nhiên, tạo ra lịch sử cho chính mình thông qua những biến cố và sự kiện có thật trong quá khứ sẽ giúp bạn hiểu về chính mình một cách sâu sắc hơn nữa. Tất nhiên sự hiểu này không phải trên phương diện cá nhân mà trên phương diện một giống loài.
CHƯƠNG 2 CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI
Con người - Sự tiến hóa đặc biệt nhất trong lịch sử
Theo Yuval Noah Harari, giảng viên khoa Lịch sử Đại học Hebrew, tác giả cuốn Sapiens: Lược sử loài người4thì mọi thứ bắt đầu trong không gian vũ trụ từ khoảng 13,5 tỷ năm trước: vật chất, năng lượng, thời gian và không gian được hình thành trong một sự kiện gọi là Big Bang. Những đặc tính cơ bản này của vũ trụ được gọi là vật lý.
Khoảng 300 nghìn năm sau sự kiện ấy, các vật chất và năng lượng này bắt đầu hợp nhất thành các cấu trúc phức tạp gọi là nguyên tử sau đó chúng kết hợp thành các phân tử, sự tương tác giữa chúng được gọi là hóa học.
Khoảng 3,8 tỷ năm trước, trên một hành tinh gọi là Trái Đất, các phân tử kết hợp tạo thành những cấu trúc đặc biệt lớn và phức tạp, gọi là sinh vật. Câu chuyện về các sinh vật được gọi là sinh học.
Khoảng 70 nghìn năm trước, trong vô số loài sinh vật khác nhau cùng sinh sống trên Trái Đất, có một loài sinh vật thể hiện sự khác biệt và ưu tú hơn cả, đó là các sinh vật thuộc giống Homo sapiens – người Tinh Khôn. Trong quá trình tồn tại và sinh sống, họ bắt đầu hình thành một cấu trúc phức tạp và tinh vi hơn nữa, gọi là văn hóa.
Quá trình phát triển văn hóa này được gọi là lịch sử.
Có ba cuộc cách mạng quan trọng định hình tiến trình lịch sử là: cách mạng nhận thức, cách mạng nông nghiệp và cách mạng khoa học.
Một sai lầm trong thuyết tiến hóa của Darwin đó là cho rằng loài người đã tiến hóa theo một đường thẳng đi lên và chỉ có một loài người duy nhất. Nhưng khoa học lẫn khảo cổ học ngày nay đã chứng minh rằng từng có rất nhiều giống người khác nhau sinh sống ở những vùng lãnh thổ khác nhau trong quá khứ. Thực tế về việc có nhiều giống người khác nhau trong quá khứ từng được xem là bí mật được giữ kín nhất trong lịch sử.
Ngoài giống người Tinh Khôn như hiện tại, người ta còn được biết đến ít nhất sáu giống người khác nữa. Một trong số đó như là giống người Neanderthalensis được cho là rất đô con, to cao lực lưỡng và khỏe mạnh hơn hẳn loài người bây giờ. Dấu tích còn lại của họ là những dấu chân, bàn tay khổng lồ trong các di tích hóa thạch còn sót lại của vùng châu Âu và Tây Á. Ngoài ra còn có giống người Floresiensis sinh sống tại các hòn đảo nhỏ ở Indonesia. Giống người này lại có thân hình thấp bé như người lùn ngày nay và có đôi tay khéo léo để chế tác những công cụ bằng đá. Bạn có thể thấy những bộ phim về người lùn như Chúa Nhẫn, Bạch Tuyết và bảy chú lùn đều có chung một sự mô tả về giống người này đó là nhỏ bé nhưng rất tinh khôn và khéo léo. Gen của giống người này phần nào vẫn còn duy trì và tồn tại cho tới ngày nay.
Ngoài ra còn rất nhiều giống người khác đã cùng tồn tại trên trái đất và giống người như chúng ta ngày nay chỉ là một trong số đó, không phải là duy nhất.
Nhưng bằng nhiều cách thức, nhiều con đường và nhiều lợi thế mà giống người Tinh Khôn chúng ta ngày nay đã tạo ra lịch sử cho chính mình khi vươn lên chiếm quản toàn bộ thế giới, đẩy các giống người khác vào tuyệt chủng hoặc biến mất hoàn toàn khỏi địa cầu.
Một trong những ưu thế lớn nhất của loài người so với các loài khác là có bộ não lớn. Bộ não lớn của con người chỉ chiếm 2-3% trọng lượng cơ thể nhưng lại cần tới 25% năng lượng của cơ thể trong tình trạng nghỉ ngơi. Để phục vụ bộ não ấy con người đã phải dành nhiều thời gian hơn mọi loài trong công cuộc tìm kiếm thức ăn để nạp đủ năng lượng vào cơ thể mỗi ngày. Cũng chính vì lượng năng lượng cần cho bộ não là rất lớn nên các cơ bắp của con người dần bị teo nhỏ lại, họ trở nên yếu đi về mặt thể chất so với tổ tiên.
Tiến hóa chọn lọc giúp con người dần đứng thẳng trên đôi chân của mình để có tầm nhìn cao hơn, tìm thức ăn dễ hơn trong bãi cỏ hoặc trong rừng. Khi tay không còn cần thiết cho việc cầm nắm, di chuyển thì nó được luật tự nhiên tinh chỉnh để làm những việc khác cần đến sự khéo léo như làm dấu ra hiệu hay chế tác các công cụ thô sơ lẫn phức tạp.
Dáng đi thẳng đã mang con người đến một rắc rối khác khi hông người phụ nữ bị bó hẹp lại làm cho việc sinh nở trở nên khó khăn hơn. Tự nhiên lại một lần nữa tinh chỉnh để con cái loài người được sinh ra trong tình trạng non nớt nhất – chứ không phải hoàn hảo nhất – nhằm bảo vệ sự sống cho người mẹ sau sinh. Việc sinh con ngày nay dù đủ 9 tháng 10 ngày vẫn là việc sinh non so với tổ tiên trong quá khứ. Sinh non khiến các bộ phận trên cơ thể trẻ sơ sinh chưa kịp hoàn thiện và phát triển hoàn toàn. Những loài động vật khác chỉ sinh khi bào thai đã phát triển tương đối hoàn thiện: một con ngựa con có thể đứng dậy ngay sau khi sinh; một con mèo, con hổ con cũng chỉ cần vài ngày là có thể tự đi đứng được. Trong khi đứa trẻ mới sinh ra của loài người cần nhiều thời gian hơn và phụ thuộc vào sự chăm sóc kỹ càng của cha mẹ, người thân.
Thực tế này hóa ra lại mang đến rất nhiều năng lực kỳ diệu cho con người. Đầu tiên phải kể đến sự hợp tác giữa các cá nhân đã giúp hình thành tổ chức gọi là gia đình. Bởi luôn cần nhiều hơn một người để chăm sóc cho một đứa trẻ. Thời nay thì mẹ đơn thân không có gì là xa lạ nhưng rõ ràng là dù đơn thân thì cô ấy vẫn cần sự trợ giúp từ xã hội trong việc kiếm tiền, chăm sóc y tế, nuôi dạy con cái. Thời nguyên thủy xa xưa một người mẹ trước và sau khi sinh cũng phải nhờ sự trợ giúp từ những người xung quanh rất nhiều. Cơ thể con người mất nhiều thời gian để hồi phục sau sinh nở hơn đa phần những loài khác. Sự hình thành gia đình ban đầu vốn là để giúp cho các cá nhân trong đó chăm sóc, bảo vệ lẫn nhau tốt hơn. Sau đó nó dẫn đến sự ra đời của xã hội – là tập thể nhiều gia đình hợp lại.
Điều quan trọng hơn nữa trong việc sinh non này là đứa trẻ được sinh ra ở dạng tiềm năng. Nghĩa là nó có thể trở thành nhiều thứ, đi theo nhiều hướng khác nhau trong tương lai. Nó có thể được huấn luyện, được giáo dục, được lựa chọn để trở nên khác đi và tốt hơn. Một đứa trẻ có thể chọn ăn chay hoặc ăn tạp trong khi một con ngựa chẳng thể chọn việc ăn cá thay cho cỏ. Một đứa trẻ cũng có thể trở thành người hiếu chiến hay yêu hòa bình, vâng phục hay thích lãnh đạo, bảo thủ hay sáng tạo.
Trong khi các loài động vật khác sinh ra sẽ trưởng thành và mang đặc tính đúng y như loài của nó (một con ngựa mãi mang đặc tính loài ngựa, một con hổ luôn mang đặc tính loài hổ) thì con người có thể mang đặc tính của rất nhiều loài cùng lúc: ẩn náu giỏi như côn trùng, di chuyển nhanh như sóc, yếu ớt như thỏ hay mạnh mẽ
như chúa sơn lâm. Đấy là một sự ưu ái vĩ đại mẹ thiên nhiên đã dành cho con người mà không bất kỳ loài nào khác có được.
Quá trình “huấn luyện” hay “thay đổi” một đứa trẻ non nớt trở thành một con người trưởng thành toàn diện như vậy gọi là giáo dục, là một trong những yếu tố định hình xã hội chúng ta đang sống ngày nay.
Nhưng dù có dáng đi thẳng, đôi tay khéo léo và cả một bộ não to nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ để đưa con người vươn lên một vị thế mạnh trong sơ đồ sinh thái. Thực tế con người vẫn là một loài yếu đuối về thể chất và kỹ năng hơn đa số các loài. Trong thời đồ đá, con người đã dùng đá để đập các loại quả lấy hạt và đập xương lấy tủy. Họ rất yếu lại chưa có các công cụ săn bắn. Con người thời ấy đã phải trốn và ngồi đợi các loài thú lớn (hổ, báo, sư tử) săn được con mồi, hoàn thành bữa của chúng rồi phải đợi tiếp cho các loài thú nhỏ hơn (sói, cáo, linh cẩu) chén phần thừa của con mồi ấy lần thứ hai. Sau khi các loài đã no đủ và tản đi, con người mới mon men lại gần con vật xấu số để nhặt nhạnh những mẩu thịt ít ỏi còn lại và đập xương lấy tủy bên trong để ăn.
Chúng ta được biết nhiều về con người ở thời đại đồ đá với khả năng chế tác công cụ để săn thú và tự vệ nhưng thực tế phía trên cho thấy sự thật đôi khi không màu hồng đến vậy. Nhiều khả năng là con người đã trải qua một giai đoạn khác là thời đại đồ gỗ vì việc sinh sống trong rừng bên cạnh các cây to đã mang lại cho con người nhiều lợi thế. Nhưng vì các công cụ bằng gỗ dễ bị hao mòn, mục ruỗng và biến mất theo thời gian nên lịch sử đã bị khiếm khuyết đi một phần và chúng ta chỉ còn biết về thời đồ đá mà thôi.
Một trong những bước tiến lớn của giống người Tinh Khôn là biết tạo ra lửa và điều khiển lửa theo ý mình. Lửa là thứ vũ khí lợi hại không chỉ giúp đuổi thú lớn, tạo hơi ấm mà còn giúp làm chín thức ăn khiến cho việc tiêu hóa dễ dàng hơn rất nhiều. Chính nhờ khả năng kiểm soát thứ bảo bối ấy mà con người từ vị trí giữa của chuỗi thức ăn đã vươn lên đầu tiên. Họ có thể ăn mọi thứ từ rau củ trái cây, các loại hạt cho tới thịt gia cầm, gia súc, thú lớn, thú nhỏ.
Các loài động vật nguy hiểm đứng đầu chuỗi thức ăn như sư tử, cá mập đã phải mất hàng triệu năm tiến hóa để vươn tới vị trí những kẻ mạnh nhất trong tự nhiên. Đó cũng là khoảng thời gian cần thiết cho các loài thú nhỏ có cơ hội tiến hóa tương ứng để dễ dàng trốn chạy kẻ thù. Nhờ đó mà tự nhiên duy trì trạng thái cân bằng ổn định. Sư tử, gấu, cá mập không gây thiệt hại quá lớn cho hệ sinh thái. Chúng chỉ ăn một lượng theo nhu cầu nên chỉ giết chóc vừa đủ cho nhu cầu ấy. Chẳng con sư tử nào lại đi săn hai con nai một ngày, một để ăn hôm nay và một để dành ngày mai. Chúng chỉ hành động theo bản năng sinh tồn tự nhiên và cũng bởi chúng tự tin vào sức mạnh của mình.
Nhưng con người, nhờ có lửa đã leo lên vị trí đứng đầu chuỗi thức ăn quá nhanh không theo quy luật tiến hóa. Họ ăn được nhiều thứ nhưng cơ thể sinh học vẫn yếu ớt chứ không có nhiều sức mạnh như các loài thú dữ khác. Vậy nên dù đang đứng ở đỉnh chuỗi thức ăn nhưng con người vẫn không ngừng lo lắng và sợ hãi về vị trí của mình. Chính vì vậy họ đã dần trở nên độc ác và nguy hiểm hơn để bảo vệ vị trí ấy. Họ giết chóc nhiều hơn, trở nên hung hăng và hiếu thắng hơn tất cả mọi loài.
Nhiều tai ương trong lịch sử, từ các cuộc chiến tranh đến thảm họa sinh thái đều là hậu quả của bước nhảy vọt tiến hóa này. Không loài thú nào nguy hiểm và phá hoại nhiều hơn con người! Đây tuy là một sự thật phũ phàng nhưng lại chính là chìa khóa để hiểu được lịch sử và tâm lý của loài người chúng ta.
Lửa chính là cứu tinh và là bước chuyển hóa ngoạn mục đưa con người vào tiến trình thay đổi thế giới. Con người không chỉ biết cách tạo ra lửa mà còn biết sử dụng lửa để đạt điều mình muốn. Họ đốt cháy những khu rừng rậm thành những khoảng trống cho dễ di chuyển. Sau đó khoảng trống này hình thành nên những cánh đồng cỏ xanh thu hút các loài thú ăn cỏ, dễ dàng hơn cho con người trong việc tìm kiếm thức ăn. Nhờ có lửa mà con người từ việc chỉ ăn hoa quả, hạt, rễ cây, côn trùng, thịt và tủy thú rừng giờ ăn được gần như mọi thứ: các loại thực phẩm giàu năng lượng như lúa mì, gạo, khoai tây… Con người vừa có nhiều thức ăn hơn lại giảm được thời gian nhai và nghiền đồ sống. Việc tiêu hóa trở nên dễ dàng đã khiến cho hàm răng con người nhỏ lại, ruột ngắn đi nhiều so với trước. Năng lượng trước đây dùng để tiêu hóa thức ăn giờ được chuyển sang cho bộ não khiến cho não bộ của loài người có điều kiện phát triển phức tạp, tinh vi hơn.
Cũng theo Yuval Noah Harari, giống người Tinh Khôn còn có một khả năng đặc biệt khác mà chính nhờ khả năng ấy, họ đã đánh đuổi và tiêu diệt các giống người khác để trở thành giống người duy nhất trên trái đất. Khả năng ấy là giao tiếp với nhau bằng những ngôn ngữ riêng. Việc giao tiếp bằng dấu hiệu, tiếng nói là bước ngoặt lớn thay đổi lịch sử loài người. Nhờ ngôn ngữ, người ta có thể truyền thông tin đi xa, lưu trữ và truyền đạt các thông tin ấy cho thế hệ tiếp
nối và hình thành sự gắn kết giữa các cá nhân trong cùng một tập thể. Tập thể này tạo ra sức mạnh cho giống người Tinh Khôn hơn hẳn mọi loài động vật khác hay các giống người khác với tập tục sống riêng lẻ.
Ví dụ nhờ ngôn ngữ mà giống người Tinh Khôn có thể chia sẻ thông tin về nguồn thức ăn như một bầy thú hoang đi lạc, một cây sung trĩu quả chín trong khu rừng lân cận và cả thông tin về những loài ăn thịt hung hãn. Nhờ ngôn ngữ, giống người Tinh Khôn đã có thể hợp tác với nhau trong những công việc chung như tiêu diệt thú dữ hoặc săn nguyên một đàn bò rừng làm thức ăn dự trữ.
Quá trình phát triển ngôn ngữ này đã tạo tiền đề cho sự ra đời của cuộc cách mạng nhận thức. Nhờ cuộc cách mạng này mà các câu chuyện kỳ ảo, huyền thoại về các vị thần dần được phổ biến và trở thành niềm tin tôn giáo.
Tôn giáo cho người ta khả năng hợp tác cùng nhau trong một tập thể lớn chỉ bằng việc cùng tin những gì không thực sự tồn tại, không nhìn thấy được hay còn gọi là “thực tế tưởng tượng”. Thực tế tưởng tượng này càng lớn khi nó thuyết phục càng nhiều người tin theo rồi dần thể hiện sức mạnh cũng như tầm ảnh hưởng lên toàn thế giới, chính là câu chuyện sức mạnh đám đông đã kể ở trên.
Sapiens: Lược sử loài người đã chỉ ra rằng nhờ cuộc cách mạng nhận thức mà loài người có thể thay đổi hành vi của họ một cách nhanh chóng, truyền chúng lại cho các thế hệ sau mà không cần đến sự tác động của các yếu tố bên ngoài như môi trường hay di truyền. Giống người Tinh Khôn được cho là nhờ vào khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ và biết dùng lửa mà họ đã trở nên mạnh, đủ để
xóa sổ các giống người khác trên bề mặt địa cầu. Hoặc theo một số lý thuyết khác là xóa sổ sau khi giao phối một phần với họ.
Thực tế tưởng tượng tạo ra tôn giáo sơ khai, từ đó kéo theo sự thay đổi và đa dạng hóa về hành vi của con người, chính là thứ chúng ta gọi là văn hóa. Văn hóa cũng không ngừng thay đổi và phát triển chính nó qua một quá trình gọi là lịch sử – tức những gì đã xảy ra mà không thể thay đổi được.
Con người ngày nay ăn uống rất nhiều nhưng chẳng mấy khi biết nguồn gốc những thức ăn ấy. Thói quen ăn uống ngoài hàng quán cũng thay đổi rất nhiều về cách thức ăn uống của con người. Con người chỉ cần tiền để vào nhà hàng là đủ, mấy ai bận tâm về nơi lợn bò được nuôi, cách cá được đánh bắt hay thức ăn nào là tốt nhất cho cơ thể theo từng mùa. Ai bận tâm chứ. Nhưng người nguyên thủy thì khác. Nguồn thức ăn không có sẵn trong chợ hay nhà hàng, họ phải hòa mình vào tự nhiên, quan sát và học hỏi từ tự nhiên để kiếm sống. Vậy nên họ có sự hiểu biết rất sâu sắc về tự nhiên, về nguồn thức ăn và môi trường sống của họ. Họ đã phải di chuyển rất nhiều từ nơi này đến nơi khác để tìm kiếm thức ăn cho phù hợp từng mùa, ví dụ mùa mưa nhiều thì khu rừng phía đông nhiều nấm và rau quả, mùa nhiều nắng thì khu rừng phía tây nhiều thỏ và lợn rừng... Sự di chuyển để tìm thức ăn ấy ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài như sự đổi mùa, sự di cư hằng năm của các loài khác và chu kỳ sinh trưởng của thực vật. Họ thường qua lại trên vùng lãnh thổ có diện tích khoảng vài chục tới vài trăm cây số vuông. Thỉnh thoảng họ lại lang thang ra bên ngoài diện tích ấy và khám phá những vùng đất mới hoặc đôi khi do thiên tai, xung đột, áp lực dân số trong bầy hoặc bởi sáng kiến của một thủ lĩnh uy tín. Những
chuyến lang thang ấy chính là động cơ để con người lan rộng ra toàn thế giới.
Điều này đã cho thấy con người đã không ngừng dịch chuyển mạnh mẽ trong quá trình tiến hóa chung của muôn loài để trở thành kẻ “thống trị” trái đất. Và để biết con người đã trở thành mối nguy hại như thế nào đối với các loài khác, các bạn hãy tiếp tục theo dõi phần tiếp theo.
Loài người là tử thần đối với muôn loài?
Trái đất từ khởi nguyên đã có những vùng lãnh thổ tách rời tạo nên hệ sinh thái đa dạng và khác biệt. Đại dương chính là một trong những hàng rào hiệu quả để phân tách các hệ sinh thái và vùng lãnh thổ khác nhau ấy.
Loài người nhờ phát kiến ra tàu thuyền, tất nhiên thời bấy giờ thì có lẽ chỉ là những bè gỗ đơn sơ, đã tìm tới và chinh phục cả những vùng đất xa xôi nhất trong tưởng tượng của họ. Họ đã di chuyển một khoảng cách rất xa mà không cần phải đợi tự nhiên giúp tiến hóa cho mọc thêm vây, thêm cánh, thêm màng chân hay khả năng thở dưới nước. Phát kiến này đã tạo ra biến đổi lớn lao về năng lực và lối sống của loài người.
Hành trình của những con người đầu tiên đặt chân tới châu Úc là một trong những sự kiện quan trọng của lịch sử chẳng khác gì sự kiện Colombus tới châu Mỹ hoặc cuộc thám hiểm của Apollo lên Mặt Trăng. Từ việc đặt chân lên vùng đất mới ấy đã giúp con người leo lên bậc thang cao nhất trong chuỗi thức ăn ở một vùng sinh thái mới và từ đó về sau trở thành loài sinh vật tàn bạo nhất trong biên niên sử trái đất.
Chỉ vài nghìn năm sau khi bước chân lên vùng đất mới, hầu hết những loài sinh vật lạ kỳ, những loài thú khổng lồ trên vùng đất ấy đều bị biến mất hay tuyệt chủng hoàn toàn. Chuỗi thức ăn vốn có từ triệu năm trên hệ sinh thái châu Úc đã bị loài người phá vỡ và sắp xếp lại.
Ngoài ra cũng không thể không nhắc đến những yếu tố khách quan khác, như sự thay đổi khí hậu, sự ấm lên toàn cầu đã làm tan chảy sông băng, cũng là một trong những nguyên nhân tiêu diệt nhiều loài thú. Những thay đổi khí hậu này mặt khác lại hỗ trợ quyền làm chủ của con người nhiều hơn, giúp họ trong việc khám phá nhiều vùng đất mới mà trước đây chỉ toàn giá lạnh.
Với kỹ thuật tạo lửa, giữ ấm cơ thể bằng quần áo lông thú, giày bao chân đã khiến con người ngày càng tiến xa hơn tới những vùng đất mới. Điều này là ví dụ tiêu biểu cho trí tuệ của con người, nhờ nó họ có thể sống ở khắp nơi mà không cần chờ sự cho phép của tự nhiên thông qua con đường tiến hóa. Loài người trở thành “kẻ mạnh” không phải bởi họ mạnh mà bởi họ có bộ não thông minh và đôi tay khéo léo. Họ không cần có lớp mỡ dày bao quanh cơ thể cũng không cần mọc thêm gai để hạn chế sự thoát hơi mà vẫn có thể sống tốt ở những nơi băng tuyết lạnh lẽo hay sa mạc nóng bức.
Cùng với quá trình di cư, tiêu diệt để tồn tại mà con người là tác nhân chính gây ra những làn sóng tuyệt chủng cho các loài động vật, đặc biệt là những loài động vật có kích thước khổng lồ trên khắp hành tinh. Hiện thực đó vẫn còn đang kéo dài cho tới ngày nay với sự tiếp sức của cuộc cách mạng nông nghiệp và công nghiệp.
Sự tích về con thuyền Noah thực chất cũng là một câu chuyện nhằm kể lại sự việc đau thương này. Khi băng tan gây ra lũ lụt giết chết mọi loài, Noah đã cứu sống được một số loài nhỏ bé quan trọng với cuộc sống con người, phần còn lại gần như bị xóa sổ.
Thế giới hiện tại cũng có những nhân vật Noah. Họ đang ngày đêm cố gắng cứu các loài sinh vật khỏi làn sóng tuyệt chủng gây ra
bởi những tiến bộ khoa học công nghệ. Câu chuyện về những Noah đương đại ấy sẽ được kể đến trong các chương sau của cuốn sách này. Dù là quá khứ ngàn vạn năm trước hay hiện tại ngay lúc này thì khả năng sáng tạo lẫn phá hoại của con người chưa bao giờ thay đổi.
Cách mạng nông nghiệp – Sự lừa dối lớn nhất lịch sử
Trong 2,5 triệu năm con người sống dựa vào thiên nhiên bằng lối sống săn bắn hái lượm, có thể nói trí nhớ, trí thông minh và khả năng học hỏi của họ được đánh giá là vượt trội hơn hẳn loài người ngày nay. Mỗi cá thể trong bầy đều được học cách kiếm sống từ thiên nhiên sao cho an toàn và hiệu quả nhất. Họ ăn mọi thứ họ tìm được, từ thực vật cho tới mọi loài động vật. Nhờ đó mà họ luôn có đủ dinh dưỡng cần thiết để duy trì một cuộc sống tương đối lành mạnh về thể chất lẫn tinh thần. Các giác quan của họ cũng phát triển vượt bậc khi phải sinh sống trong tự nhiên và hòa mình vào tự nhiên: tai thính hơn, mũi nhạy hơn, mắt tinh hơn và khả năng cảm nhận tự nhiên cũng tốt hơn loài người hiện tại rất nhiều.
Nhưng khoảng 10 nghìn năm trở lại đây họ đã thay đổi lối sống ấy khi bắt đầu dành thời gian để tìm hiểu, thao túng tự nhiên theo ý mình. Đó cũng chính là thời điểm cuộc cách mạng nông nghiệp bắt đầu. Con người thay vì hái lượm và ăn mọi thứ đã chỉ nuôi trồng một số loại ngũ cốc và động vật có lợi nhất cho việc thu hoạch, dự trữ. Trong hàng ngàn loại thực phẩm có sẵn trong tự nhiên, con người chỉ có thể thuần hóa một số ít loại sinh vật mà việc trồng trọt hay chăn nuôi đều dễ dàng như lúa mì, các loại đậu, cừu, dê... Đó là lý do cuộc cách mạng nông nghiệp ban đầu chỉ xuất hiện ở ít nơi và sau đó mới lan ra toàn thế giới.
Đối với khoa học lẫn lịch sử thì cuộc cách mạng nông nghiệp đã mang tới bước tiến kỳ diệu cho loài người khi không còn phải săn bắt hái lượm đầy nguy hiểm, cực khổ mà có thể định cư một nơi để sống an nhàn, no đủ hơn. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Lối