🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ta Ba Lô Trên Đất Á Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn Ta ba lô trên đất Á Tác giả: Rosie Nguyễn Số trang: 336 Kích thước: 14.5x20.5 cm Phát hành: LANTABRA Năm xuất bản: 2015 Nhà xuất bản: Lao Động E-book này được thực hiện dựa trên bản 2015. Một số thông tin trong e-book này đã cũ. Bạn nên mua sách giấy tái bản gần đây để ủng hộ tác giả và đơn vị phát hành. https://thuviensach.vn Lời mở đầu “The world is a book and those who do not travel read only one page”. - St. Augustine. Chào bạn, bạn đang cầm trên tay cuốn sách hướng dẫn về du lịch bụi đầu tiên của Việt Nam. Có thể bạn là một người trẻ, khao khát mơ về chuyến đi đầu tiên của mình nhưng không biết làm cách nào để bắt đầu? Hoặc bạn là một người đã đi nhiều nơi, nhưng chỉ đi theo tour và đang tìm hiểu về du lịch bụi? Hay bạn là một phượt tử đã đi được kha khá nơi, nhưng vẫn muốn biết xem quyển sách này có gì hay ho mới mẻ? Nếu vậy, thì đây là quyển sách dành cho bạn. Hầu hết mọi người đều thích du lịch, và hầu hết người trẻ đều thích du lịch bụi. Nhưng làm thế nào để có thể đi? Nếu bạn đang tự hỏi câu đó, thì tôi có tin mừng cho bạn: Du lịch bụi không phải là chế tạo tên lửa. Nó dễ thôi, và không tốn nhiều tiền như ta tưởng. Còn nếu bạn đã có kinh nghiệm trong chuyện này, tôi chắc rằng bạn sẽ gật đầu với tôi. Trong trường hợp bạn không thuộc nhóm nào trên đây, bạn là người, bình thường, không cuồng du lịch, không yêu thích đi xa trải nghiệm như những người trẻ máu lửa khác (chà, bạn thuộc vào loại hiếm đấy). Bạn chỉ muốn tìm hiểu về những nền văn hóa khác, muốn có một vài thông tin, kiến thức về những dân tộc láng giềng để giúp ích cho việc kết bạn giao lưu văn hóa hoặc cho công việc của bạn, hay bạn chỉ đơn giản là đang trải qua một cuối tuần rảnh rỗi, nhặt quyển sách này lên và tự hỏi: “Cái quái gì ở trong này nhỉ?”. Ở đây, tôi có những câu chuyện hay cho bạn. Lý do ra đời của quyển sách này xuất phát từ kết quả của những quan sát về tình hình thực tế. Có hàng loạt đầu sách của các tác giả người Việt về du lịch và du ký khiến ta không khỏi mơ mộng về những cuộc hành trình khám phá và chinh phục thế giới: Châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Phi, Trung Đông, Ai Cập, và trời ạ, còn có Seychelles, Fiji và thậm chí là cả Nam Cực nữa chứ. Ngày càng có nhiều người Việt hòa nhập thế giới, chu du khắp mọi nơi trên Trái Đất này, và chia sẻ những ký ức tuyệt diệu về hành trình của họ. Bên cạnh đó, lại có rất nhiều bạn trẻ khao khát được đi, nhưng lại không biết bắt đầu như thế nào. Và đây là lỗ hổng mà tôi nhận thấy. Trong rất nhiều quyển sách du ký do người Việt viết hiện có trên thị trường, không có bất kỳ quyển sách nào hướng dẫn người trẻ một cách cụ thể làm thế nào để bắt đầu cuộc hành trình của mình. Cuốn sách này ra đời là để giải quyết vấn đề đó. Phân tích chi tiết hơn, có thể thấy, du lịch bụi hiện nay đang nổi lên như một trào lưu mới. Người trẻ hô hào rủ nhau đi và đi. Rất nhiều người viết về du lịch, về các địa điểm, các câu chuyện. OK, tất cả các câu chuyện nghe đều có vẻ hấp dẫn, nhưng rất nhiều bạn trẻ vẫn ngồi đấy, mài mông trên chiếc ghế nhà trường mòn vẹt, hoặc nhốt mình trong văn phòng ngột ngạt, mơ tưởng về những chuyến đi. Và đến khi họ bắt đầu chuyến đi của mình, họ gặp khó khăn, họ không biết bắt đầu từ đâu, họ không rõ tìm thông tin thế nào, làmcách nào để không bị lừa, nên đi đâu, làm gì, có nguy hiểm không, và vạn tỉ thứ khác đổ dồn trong đầu khiến những người mới bắt đầu lúng túng. Vậy nên, đó chính xác là điều tôi sẽ làm trong quyển sách này. Không như những quyển sách du ký hay nhật ký hành trình, ở đây tôi sẽ chỉ cho những người muốn đi du https://thuviensach.vn lịch bụi một cách tỉ mỉ làm thế nào để khởi hành chuyến đi của riêng mình. Sách của tôi có thông tin và các câu chuyện. Tất cả đều thực tế và sống động với kinh nghiệm nhiều năm lữ hành của khổ chủ. Vì tôi đã trải qua tất cả những điều đó, nên tôi không muốn những người đi sau phải tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí như tôi. Cái tôi muốn là truyền đạt những kinh nghiệm của mình, để nếu có thể sẽ giúp bạn giảm thiểu hết mức rủi ro và chi phí, và tăng hết mức niềm vui và trải nghiệm. Sách gồm những chia sẻ về kinh nghiệm cơ bản để chuẩn bị cho du lịch bụi, tất tần tật mọi thông tin, công cụ, mẹo hay giúp ích cho dân du lịch bụi trên hành trình của mình. Thêm vào đó là thông tin du lịch của một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, gồm Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines. Mỗi đất nước tôi sẽ trình bày các thông tin chi tiết ở quốc gia đó, cùng những câu chuyện hành trình của tôi ở mỗi nơi. Những điều tôi chú trọng khi viết về một đất nước nào đó bao gồm: lịch sử, văn hóa, và con người, đặc biệt là nhấn mạnh những nét tính cách dân tộc mà tôi có dịp tiếp xúc và trao đổi trong mấy năm trời vừa đi vừa làm việc không ngừng nghỉ với các dân tộc xung quanh châu Á. Vì sao? Vì những điều này liên quan mật thiết đến du lịch bụi, đồng thời sẽ giúp thêm cho những bạn muốn tìm hiểu về văn hóa các dân tộc xung quanh. Bạn đừng nghe tới lịch sử mà ngán, vì nếu biết cách học thì những câu chuyện lịch sử thường rất thú vị. Bản thân tôi rất chán học sử vì phải thuộc lòng quá nhiều, nhưng tôi không thể phủ nhận rằng lịch sử của một vùng đất lý giải được rất nhiều điều về văn hóa, con người của vùng đất đó. Với những nơi tôi có dịp đi qua, tôi thường hứng thú tìm hiểu quá khứ của chúng một cách tường tận. Vì càng đi tôi càng thấm thía câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Mỗi vùng đất tôi qua đã trở thành một phần máu thịt của tôi, khiến tôi không ngại bỏ công tìm hiểu, và lại càng yêu nơi chốn đó hơn. Theo kinh nghiệm của tôi, khi đến một địa điểm nào đó mà không có kiến thức nền chuẩn bị, thì tôi đều mù mờ và không có cảm xúc gì đặc biệt. Ngay cả những thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa quan trọng, nếu mình không biết ý nghĩa của chúng, chỉ thấy đó là những ngôi đền bình thường, khu vườn tầm thường, và rốt cuộc ta chẳng học được gì cả. Cho nên khi đi một nơi nào đó, tìm hiểu về nó càng nhiều càng tốt là cách đi của tôi. Ở đây, để tiết kiệm thời gian cho bạn, tôi sẽ cố gắng tóm tắt những điều thú vị nhất tôi thấy về lịch sử từng nước, mong rằng đó là bước đầu giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về vùng đất bạn sắp đến. Tuy vậy, khác với các sách hướng dẫn du lịch như Lonely Planet, Rough Guides hay Fodor’s, bạn sẽ không tìm thấy ở đây các gợi ý về nơi ăn chốn ở, nhà hàng, khách sạn hay quán bar. Đơn giản là vì những thông tin đó thay đổi khá nhanh, mất nhiều thời gian để tổng hợp, và mang tính chủ quan cao. Thay vào đó, tôi sẽ chỉ bạn những chỗ để tìm các gợi ý đó, và họ làm tốt hơn tôi. Mặc dù vậy, tôi cũng sẽ đề cập đến những nơi tôi ở trong các cuộc hành trình của mình. https://thuviensach.vn Về cách đọc sách, bạn có thể đọc hết một lượt, hoặc giở ra đọc bất kỳ nước nào bạn thích. Bạn có thể đọc những thông tin này trước khi đến đất nước đó, để quan sát và đối chiếu với những gì bạn thấy trên đường. Hoặc có thể bạn chỉ trở nên hứng thú tìm hiểu về vùng đất đó sau khi đã kết thúc hành trình, nên sau đó về nhà nghiên cứu thật kỹ. Cách đi nào cũng có cái lợi xen lẫn cái hại. Mặt lợi của việc không tìm hiểu trước thông tin là khi đi đường là bạn sẽ hoàn toàn khách quan, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ kiến thức nền nào cả, và bạn nhìn sự vật sự việc một cách chân thực nhất, có những cảm xúc trung thực nhất. Tuy nhiên, điều đó cũng dẫn đến tình huống là đôi khi đứng trước một công trình kiến trúc có ý nghĩa to lớn nhưng bạn hoàn toàn dửng dưng, vì bạn không được biết về những câu chuyện ẩn đằng sau nó. Dù sao thì tôi cũng hy vọng bạn sẽ tìm thấy những điều có ích qua những thông tin về các quốc gia được đề cập trong sách. Người ta đi được, sao bạn lại không? Để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện nhỏ. Hồng Hảo, một em sinh viên mà tôi quen, đã làm một chuyến đi bụi từ Campuchia qua Thái Lan suốt cả tháng trời mà chỉ với hai triệu đồng, còn rẻ hơn chi phí sinh hoạt ở Việt Nam một tháng. Khánh Ngân, một cô bé khác mới mười tám tuổi đã đi sáu mươi tư tỉnh thành của Việt Nam với chiếc túi thường xuyên rỗng không, chỉ bằng đi nhờ xe và ở nhờ nhà người lạ dọc đường. Khi tôi đang viết những dòng này thì em ấy đã kịp băng qua Lào, Campuchia và Thái Lan, giờ đang tìm đường đến Ấn Độ bằng đường bộ, lúc bắt đầu chuyến đi em ấy chỉ có bốn trăm nghìn đồng trong túi. Huyền thoại? Không đâu. Họ chỉ như chúng ta, tóc đen, da vàng, những con người rất bình thường. Cái họ có là thông tin và lòng hăng hái. Khi tôi nghe Hảo kể về hành trình của mình, tôi đã trầm trồ một cách thích thú. Không phải vì tôi ngạc nhiên là em ấy quá giỏi hay quá can đảm, mà vì tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng cái mà em ấy có mà khi bằng tuổi em tôi đã không có, đó là thông tin. Và tôi đã đánh mất thời gian và cơ hội của mình chỉ vì như vậy. Ở tuổi hai mươi, em đã tham gia vào các diễn đàn du lịch quốc tế, đã nghe về các chuyến đi vòng quanh địa cầu, đã dò nát lộ trình từng chặng, cách đặt vé máy bay, cách xin thị thực và lên kế hoạch. Ở tuổi hai mươi, em ấy đã biết là chúng ta có thể đi du lịch bụi với chi phí rẻ đến thế nào, và em đã đi. Còn tôi, tuổi hai mươi tôi đã không biết, và tôi đã nhốt mình trong bốn bức tường của căn phòng trọ. Còn bạn thì sao? Bạn có muốn bỏ lỡ như tôi không? Tôi thì không, nếu như có thể trở về tuổi hai mươi thơ dại ấy, tôi cũng ước gì mình có thể đi. Nên tôi cho bạn cái bạn cần: thông tin, sự chuẩn bị. Để bạn biết rằng điều ấy có thể. Để bạn cũng lên đường. Nghe có vẻ là điều bạn đang tìm kiếm? Thật tuyệt, vậy chúng ta hãy cùng bắt đầu nào. https://thuviensach.vn Phần I Hướng dẫn chung về du lịch bụi https://thuviensach.vn Chương 1 Cảm hứng lên đường https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn 1. Người lữ hành đích thực “To move, to breathe, to fly, to float To gain all while you give To roam the roads of land remote To travel is to live” - Hans Christian Andersen Trên thế giới này, từ miền cực bắc giá lạnh đến vùng nhiệt đới cháy nắng, từ phương Tây phóng khoáng đến phương Đông huyền bí, có biết bao người ra đi vì tiếng gọi của những con đường, biết bao người ra đi vì tiếng gọi của miền đất mới. Đường xa vẫy gọi, tất cả họ đều nghe tiếng nói thôi thúc trong tim. Cụm từ “the traveler”, người lữ hành, không phải xuất hiện mới đây. Hàng nghìn năm về trước, từ thuở khai sinh loài người, các bộ lạc nguyên thủy đã chia làm hai loại, bộ lạc du mục và bộ lạc định cư. Theo thời gian, những nền văn minh hình thành, với các thành phố, pháo đài, bộ máy nhà nước. Con người dần dần quay về sống quây quần với cộng đồng của mình trong những lãnh thổ khác nhau. Nhưng có một số người nào đó, dường như còn vương vất lại dòng máu lãng du của tổ tiên mình, vẫn tiếp tục lang thang từ miền này đến miền khác. Trong những tác phẩm văn học thiếu nhi, thi thoảng ta vẫn bắt gặp hình ảnh của một người đàn ông gầy gò, râu tóc bạc phơ, đôi mắt sáng với cái nhìn khỏe khoắn, rong ruổi qua làng mạc núi non, sưu tầm những bài dân ca, những câu đồng dao, thần thoại, và kể chuyện cổ tích cho trẻ con nghe. Chính một ông già như thế trong câu chuyện Cánh buồm đỏ thắm đã khơi gợi niềm tin mãnh liệt của cô bé Assol, khiến cô tin vào một cánh buồm đỏ đến đón cô đi vào cuộc đời mới, với những chân trời mới đầy tình yêu và hy vọng. Chính ông già ấy đã gieo ước mơ vào lòng cô từ những ngày thơ bé, để nó nảy mầm và thành hiện thực khi cô lớn lên. Có lẽ những ông già như vậy, là ông tổ của những người lữ hành. Trải qua bao nhiêu năm, những người lữ hành hiện đại được trang bị với Internet, với các diễn đàn chuyên dành cho dân lữ hành, với các thiết bị chuyên dụng. Số lượng của những người lữ hành chuyên nghiệp ngày càng tăng lên, nhưng vẫn còn là một con số ít ỏi so với những nghề nghiệp khác. Họ vốn là những người muốn thoát ra khỏi cái vòng cuốn lẩn quẩn của công việc thường nhật và môi trường chật hẹp. Họ yêu thích khám phá những vùng đất xa lạ và tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau. Họ đánh giá cao những trải nghiệm trong đời hơn là sở hữu vật chất. Và cũng giống như ông lão Egle trong Cánh buồm đỏ thắm ngày xưa, những người lữ hành ngày nay là những người khơi gợi ước mơ. Qua kinh nghiệm của họ, qua trí tưởng tượng của họ, những câu chuyện của người lữ hành luôn mang đến nguồn cảm hứng cho những người khác, khiến họ mơ đến những vùng đất thần tiên, khiến họ tin vào những gì tốt đẹp ở đời, khiến họ mong về một tương lai tươi sáng hơn, trái ngược với https://thuviensach.vn cuộc sống đầy khó khăn hiện tại. Như những người đứng bên lề xã hội, dân lữ hành luôn phải chịu những phản đối, thất vọng từ gia đình, những chỉ trích từ cộng đồng. Jodi Ettenberg (http://www.legalnomads.com), người đã từ bỏ công việc luật sư ở New York để trở thành một travel blogger kể về cuộc sống lữ hành toàn thời gian của cô một cách hài hước. Một lần cô gọi cho gia đình từ Việt Nam. Cha cô hỏi: “Con đang làm gì ở đó vậy con yêu?”, “Con ăn bún cha à, mỗi ngày”, “Cái gì? Bún hả? Hằng ngày sao?”, “Dạ, nơi này có nhiều loại bún lắm cha ơi, và con đang thử hết tất cả các loại”. Ông cười và bảo rằng: “Jodi, cha rất yêu con, nhưng cuộc sống của con làm cha thấy bối rối quá”. Nhưng không phải ai cũng nhẹ nhàng như cha của Jodi. Cô nhận được nhiều email từ các bậc phụ huynh, giận dữ bảo rằng cuộc sống của cô là một tấm gương xấu cho con cái của họ, khiến chúng sống ngày càng vô trách nhiệm. Những người khác thì hỏi rằng tại sao cô lại lựa chọn sống lang thang như vậy, và cô đang cố lẩn tránh điều gì. Trong khi thực tế thì Jodi chỉ yêu thích phiêu lưu trên những vùng đất mới. Liz Carlson (http://youngadventuress.com), một traveler khác, kể rằng khi trở về sau chuyến du hành vài năm, cô thấy nhiều người vốn là bạn thân bỗng quay lưng lại với cô. Cô bảo: “Lựa chọn một cuộc sống lữ hành có thể khiến bạn bị xa lánh”. Không chỉ có thế, người lữ hành thường xuyên phải đối diện với những khó khăn trên đường, những cô đơn thất vọng khi kiệt sức, và phải làm việc cật lực để có thể đi tiếp. Tác giả chia sẻ rằng để làm một người du hành, bạn phải làm việc vất vả hơn bao giờ hết, rằng thu nhập của bạn sẽ không ổn định, cùng với nhiều gian khổ khác nhau. Các lữ khách bị nhiều người chỉ trích rằng họ lựa chọn một cuộc sống thảnh thơi, không biết tích lũy cho sau này, không có trách nhiệm với xã hội, chạy theo những giấc mơ hão huyền trong đời sống, và sẽ chết già không nơi nương tựa. Nhưng cùng với những chỉ trích chua cay về họ, vẫn có rất nhiều người khác, hằng ngày nhắn hỏi làm cách nào để có thể sống được như vậy. Cuộc đời là thế, không thể tránh khỏi những khác biệt, những mâu thuẫn. Nhưng có nhiều điều khác nhau, có những thứ phong phú đa dạng mới là cuộc đời, và chính những điều đó làm nên nét đẹp của cuộc sống. Mỗi người đều có những sở thích, những ước mơ riêng. Nói như tác giả Phạm Lữ Ân: “Có người mải mê rong chơi, có người chỉ thích nằm nhà đọc sách. Có người phải đi thật xa đến tận cùng thế giới thì mới thỏa nguyện. Có người chỉ cần mỗi ngày bước vào khu vườn rậm rạp sau nhà, tìm thấy một vạt nấm mối mới mọc sau mưa hay một quả trứng gà tình cờ lạc trong vạt cỏ là đủ thỏa nguyện rồi”. Có người tìm thấy chính mình trên hành trình vạn dặm, nhưng cũng có người ngộ ra đạo lý khi ngồi dưới mái nhà của mình, trên chiếc giường quen thuộc của mình. Ai cũng có quyền lựa chọn cách sống riêng, miễn là không phương hại đến người khác. Đừng vì người ta khác mình mà dè bỉu gièm pha, đừng vì họ khác mình mà ghét họ. Đừng cho những người ở nhà là buồn chán cổ hủ, cũng đừng lên án kẻ lang thang là sống vô ích vô tâm. Hãy làm tốt việc của bản thân, ngừng xen vào chuyện người khác. https://thuviensach.vn Nhưng lẽ đời, nói thường dễ hơn làm. Khác biệt thường gây ra xung đột. Tác giả Chuyện con mèo dạy hải âu bay viết: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn”. Tôi thực chỉ ước có một nơi nào đó trên thế giới, nơi những suy nghĩ tự do, độc đáo được khuyến khích, nơi những khác biệt chung sống cùng với nhau, thuận hòa, an nhiên. Cũng như thời xưa cũ, những con đường luôn vẫy gọi trái tim của những con người mang trong mình dòng máu du mục. Má của tôi, một cô giáo làng nuôi mộng văn chương từ thuở bé, dù giờ đã hơn năm mươi tuổi, nhưng Người vẫn luôn nói rằng khi nghỉ hưu, Người mong ước được phiêu du trên những miền đất lạ, và được viết hăng say. Elizabeth Gilbert từng kể về một thời trẻ tuổi, khi bà lang thang khắp nơi ở lục địa châu Âu, làm đủ nghề từ bồi bàn đến trông trẻ, để gặp những người xa lạ, để nghe những câu chuyện kể, và cặm cụi viết trong những đêm tối đen sau một ngày cực nhọc. Cũng như họ, tôi cũng ước mơ một ngày nào đó. Một ngày nào đó, tôi sẽ lang thang trên hành trình vạn dặm, và viết với tất cả trái tim mình. https://thuviensach.vn 2. Du học và Du lịch “Don’t tell me how educated you are, tell me how much you traveled” - Mohammed “Travel, in the younger sort, is a part of education, in the elder, a part of experience” - Francis Bacon Một lần, tôi đọc được bài phỏng vấn một người Việt trẻ, anh bảo: đất nước còn nghèo mà chỉ lo hưởng thụ với đi du lịch, các bạn trẻ không lo học hành, chỉ lo đi chơi thì làm sao đất nước khá lên. Cuối bài phỏng vấn, anh kết luận: ‘‘Không phải là hãy xách ba lô lên và đi mà là hãy xách ba lô lên và đi du học”. Là một người hay đi, tôi nhận thấy rằng du lịch có nhiều kiểu, và không phải kiểu du lịch nào cũng là chơi bời và hưởng thụ. Ngược lại, không phải người nào đi du học cũng nhằm mục đích học tập phát triển bản thân. Ngày nay, nhiều người trẻ muốn đi du học, nhưng liệu đó có phải là con đường duy nhất để học hỏi trau dồi kiến thức? https://thuviensach.vn Du học Thẳng thắn mà nói thì tôi không hề phản đối chuyện đi du học (bản thân tôi cũng đã từng có dự định đó trước đây). Nếu gia đình bạn khá giả, hoặc nếu bạn có điểm số đủ cao để lấy học bổng, bạn thực sự yêu thích ngành học bạn sắp nộp đơn, và bạn có định hướng rõ ràng sau khi tốt nghiệp, thì OK, bạn nên đi du học. Còn nếu như bạn chỉ có số điểm vừa khá, bạn không chắc mình nên học ngành gì, mà gia đình bạn phải tiêu tốn khoản tiết kiệm nhiều năm trời để bạn thực hiện ước mơ du học, thì theo tôi đó không phải là một lựa chọn khôn ngoan. Việc du học ngày nay gần như là một kiểu mốt, không ít bạn trẻ du học theo trào lưu, chỉ vì muốn trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài, muốn có được tấm bằng quốc tế, hơn là mong muốn đào sâu nâng cao kiến thức. Khi quyết định đi du học, thiết nghĩ ta nên cân nhắc thật kỹ về định hướng nghề nghiệp và chất lượng kiến thức của bằng cấp mà ta đang theo đuổi, cũng như bài toán về lợi nhuận dự kiến và những chi phí cơ hội mà mình sẽ bỏ qua trong quá trình du học. Đừng đi du học theo trào lưu, để rồi trở về hầu như tay trắng. Tôi biết không ít em du học sinh, sau khi du học về bỗng trở nên lạc lõng. Tiếng Anh và các kỹ năng mềmkhông phát triển hơn bao nhiêu, môi trường làm việc và tình hình trong nước các em không nắm rõ, cầmtấm bằng nước ngoài chẳng biết để làm gì, vì đa số các công ty Việt Nam không cần nhân viên với bằng cấp quốc tế, ít kinh nghiệm mà lại yêu cầu mức lương ngất ngưởng. Cuối cùng, các em ấy đành chấp nhận mức lương thử việc sáu bảy triệu một tháng, không biết bao giờ mới lấy lại được số vốn ban đầu. Ngày nay, giáo dục đã không còn mang tính phi thương mại như trước. Ngược lại, nó đã trở thành một ngành kinh doanh hái ra tiền. Nếu không cân nhắc kỹ, có khi ta phải trả một cái giá rất cao cho tấm bằng với chất lượng không tương xứng. Thực tế là chi phí học đại học và sau đại học đã trở nên đắt đỏ đến nỗi nhiều thanh niên Âu Mỹ lựa chọn những phương án tiết kiệm hơn để bổ sung kiến thức, mà du lịch là một trong những cách đó. https://thuviensach.vn Du lịch Nếu mong muốn của bạn là để nhìn ngắm thế giới, biết thêm về những nền văn hóa khác nhau, kết bạn với nhiều người, thì du lịch bụi là dành cho bạn. Trở lại với luận điểm của một số người rằng: đất nước mình còn nghèo, chỉ mơ xách ba lô lên và đi thì làm sao khá hơn được. Tôi xin khẳng định: Điều đó không đúng. Theo chiều dài lịch sử loài người, văn minh thuộc về những kẻ chinh phục. Bạn có biết vì sao các nước châu Âu lại hùng mạnh như bây giờ? Vì văn hóa di chuyển đánh đông dẹp bắc từ ngàn năm nay đã ăn sâu vào máu họ. Lịch sử châu Âu cho thấy từ xưa sự giao lưu thông thương của các quốc gia trong vùng đã khá mạnh mẽ, ngành đóng tàu và đường sắt phát triển, người châu Âu đi lại khắp nơi, khám phá các nước lân cận, gặp gỡ bạn bè từ các quốc gia khác. Đọc sách về châu Âu từ mấy trămnăm trước thấy rất phổ biến hình ảnh trong một quán rượu ở bến cảng nào đó, những con người từ khắp nơi tụ lại, người Anh, người Pháp, người Đức, Thụy Sĩ, Na Uy... Tất cả tụ họp kể về những câu chuyện kỳ lạ ở những miền viễn xứ, cùng bàn đến những chuyến đi, rồi lên tàu thăm viếng những vùng đất xa xôi. Cách suy nghĩ thực tiễn, khoa học và quyết tâm chinh phục khiến họ không ngừng khám phá, tìm tòi và cải tạo thế giới. Bạn có biết vì sao nước Mỹ trở thành cường quốc chỉ sau vài trăm năm lập nước? Bởi vùng đất đó tập hợp những con người lên thuyền vượt biển, bỏ lại châu Âu cằn cỗi, mong ước một cuộc sống tốt đẹp hơn. Không thiếu những tướng cướp, những kẻ phóng đãng ngông cuồng, những người ra đi vì tự do tín ngưỡng. Nhưng tất cả bọn họ đều có sức sống mạnh mẽ, ước muốn chinh phục, thay đổi hiện tại. Họ đều là những người yêu tự do, hùng cường, vững chãi và không sợ hãi. Tất cả những điều ấy tạo nên văn hóa Mỹ ngày nay, nơi chủ nghĩa tự do và nhân quyền được tôn trọng mạnh mẽ. Cái nồi thập cẩm của mọi thứ trên thế giới, của cải cách, của đa văn hóa, của sự hội nhập giữa các dân tộc. Họ vẫn đang tiến lên, vì bản chất của họ là những con người can đảm, vững vàng, dám đi dám nói, cường tráng hiên ngang như tổ tiên thời dựng bờ mở cõi. Nếu Colombo không thoát khỏi cái nhung lụa vương giả của gia đình hoàng tộc châu Âu và ra đi tìm đường vượt biển, ông đã không thể đặt chân lên châu Mỹ. Nếu Marco Polo không nung nấu trong tim một niềm tin khám phá thế giới, ông đã không thể đến được Ấn Độ. Nếu người Mỹ không mang trong mình vận mệnh hiển nhiên là chinh phục những vùng đất mới và mở rộng bờ cõi về phía tây, họ đã không có được biên cương mênh mông như bây giờ. Nếu thái tử Siddhartha Guatama không có những cuộc dạo chơi thăm thú cuộc sống thường dân nghèo khổ, chắc gì Người đã thấm được sinh lão bệnh tử và ngộ được cái vô thường của kiếp người, chắc gì thế giới đã có đạo Phật hôm nay. Còn Việt Nam, văn hóa lúa nước ổn định và địa thế hiểm trở khiến con người ta sống yên ổn trong môihttps://thuviensach.vn trường của mình. Người Việt cần cù chăm chỉ, nhưng cũng ít những sáng tạo đột phá, tư duy cục bộ, nên không thể có những phát minh thế kỷ. Mà ngay cả cha ông ta, những người thích an cư, không ham phiêu lãng viễn xứ như những đồng loại phương Tây, cũng đã đúc kết: “Đi cho biết đó biết đây, Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Ngày nay, người ta ít có cơ hội tham gia vào các cuộc viễn chinh, chinh phạt, hay những chuyến đi khai phá, di cư tìm miền đất mới. Vậy nên đi du lịch bụi để mở rộng tầm mắt là một cách để ta phát triển bản thân, từ đó đóng góp cho đời. Bạn sẽ hỏi: Đi du lịch bụi để làm gì? Đi du lịch, trước tiên là để có thêm kiến thức. Đi là một cách học. Khi đi, ta nhìn những vùng đất mới với ánh mắt rộng mở, đầy háo hức quan sát của kẻ phiêu lưu, nên ta luôn học được nhiều. Thực ra, trong môi trường quen thuộc, mắt ta như bị che bởi một tấm màn vô hình, không thấy được những điều mới lạ ở ngay quanh mình. Nếu chắc rằng có thể giữ được cái nhìn của người lữ khách ở giữa quê nhà, thì không cần đi xa cũng học được điều mới. Nhưng rất tiếc, không phải lúc nào người ta cũng làm được điều ấy. Du lịch bụi là để rèn giũa những kỹ năng của mình. Ta rèn được cách tìm kiếm thông tin, cách tổ chức và lên kế hoạch, cách giao tiếp với người khác, cách sống tự lập và bảo vệ bản thân. Những bài học trên đường lữ hành là vô giá, những người ta gặp, những chuyện ta nghe, những điều mà cuộc sống dạy ta còn sinh động hơn bất kỳ sách vở nào. Đi là một cách để vượt qua sức ỳ của bản thân. Vì rằng thân thể và bộ óc của chúng ta đều là những cơ bắp, chúng sẽ không phát triển nếu ta không sử dụng. Nên mỗi chuyến đi là cơ hội để tận dụng mọi khả năng của mình, phát hiện thêm sự kỳ diệu của năng lực con người. Khi đi, ta hiểu rõ thêm về chính mình và tiến xa hơn trên hành trình tinh thần. Bạn sẽ hỏi: “Du lịch bụi dạy cho tôi điều gì?” Sau nhiều năm đi du lịch bụi, tôi rút ra rằng điều quan trọng nhất mà du lịch bụi đã dạy cho tôi là những nguyên tắc và giá trị cốt lõi của cuộc sống, mà tôi có thể chưa biết, hoặc đã lãng quên. Có đi mới thấy thiên nhiên nhiệm màu thế nào, mới biết mình bé nhỏ hạn hẹp ra sao. Trên đường đi, tôi ngộ ra rằng kiếp người chỉ như một hạt bụi trong sa mạc, và mình chẳng là gì trong thế giới hằng hà sa số này. Những lo lắng muộn phiền của mình chẳng là gì trong cái xoay vòng hàng triệu năm của vũ trụ. Hơn thua rồi cũng chẳng để làm gì, tự ái và căm giận chẳng để làm gì. Đã làm người trên đời, máu ai cũng màu đỏ, tim ai cũng biết đau. Nên người hay đi thường có cái tâm rộng mở và nhân ái, biết đau cái đau của người khác, và nhẹ nhàng hơn với con người. https://thuviensach.vn Có đi mới thấy được cái say mê của người lữ hành, thấy cuộc sống huyền diệu tràn đầy trải dài trước mắt. Chứng kiến cái diệu kỳ của tạo hóa, chứng kiến vẻ đẹp của vũ trụ, người ta mới biết nên trân quý những khoảnh khắc an hòa biết bao nhiêu. Và tôi chợt nhận ra, rằng mỗi người có nuôi dưỡng bình an trong tim, thì Trái Đất mới thật sự yên bình. Vậy nên, thay vì kiểm soát người khác, cái mà mỗi con người nên quan tâm kiểm soát vào mỗi phút giây, là hơi thở của mình, là ý nghĩ của mình, là hành động của mình. Đi để biết thấm thía và trân quý hai tiếng “đồng loại”. Người ta thường chỉ trích, thù ghét người khác vì nghĩ họ khác mình. Trên đường đi, tôi cảm được cái tình của người lữ hành, thấy mình là một mắt xích, một thành viên trong dòng chảy xuyên suốt của những người đi trước và sau tôi, tất cả hòa làm một như sợi dây kết nối con người với nhau, quyện chặt và bền bỉ. Đi để học cách sống đơn giản, nhẹ nhàng, ít quan tâm góp nhặt vật chất, chú trọng vào phát triển tinh thần. Nếu ai cũng sống như những người lữ hành, biết yêu quý và hòa hợp với thiên nhiên, biết sống xanh và sạch, tiêu thụ ít hơn và đóng góp nhiều hơn, thì Trái Đất này sẽ nhẹ nhàng hơn biết bao nhiêu. Người đi du lịch bụi là người không thích cuộc sống trầm lặng bình ổn, luôn xê dịch để tìm những điều mới mẻ, độc đáo, muốn trải nghiệm những phong cảnh tuyệt mỹ núi cao rừng thiêng, làm bạn với những tính cách phi thường, những tình cảm mãnh liệt. Khi cái chủ nghĩa xê dịch thấm vào máu, ta không thể dừng đi, không thể sống cuộc sống bình thường được nữa. Bởi vậy, hãy đi du lịch đi. Hãy nuôi dưỡng khát vọng lên đường, bởi khi bạn mong muốn được đi, đó là một tín hiệu đáng mừng của nền văn minh. https://thuviensach.vn Du học và du lịch Thế thì không nên đi du học à, bạn sẽ hỏi. Không, nếu có điều kiện thì vẫn nên du học. Còn nếu bạn thích du lịch, thì cứ đi khi có thể; đừng để những định kiến của xã hội vùi lấp đi niềm say mê của bạn. Du học và du lịch, nếu biết đi đúng cách, thì ta sẽ có được nhiều trải nghiệm quý báu cho đường đời. Đôi khi điều quan trọng không phải là làm gì, mà quan trọng là làm như thế nào. Thực ra, du học và du lịch không nên đối chọi, mà nên bổ sung cho nhau. Có rất nhiều bạn du học sinh tranh thủ thời gian rảnh đi du lịch, thăm thú xung quanh, nên càng nâng cao được vốn sống. Điển hình cho trường hợp này là anh Nguyễn Chí Hiếu, hay Hiếu “chí mén”, cựu học sinh Lê Quý Đôn - Bình Định, cựu sinh viên học viện LSE - Anh quốc, sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004, tiến sĩ đại học Stanford, Mỹ, hiện đã về nước làm việc tại Yola Việt Nam. Trong thời gian du học, anh đã kịp lái xe dọc nước Mỹ, đi bụi ở Hy Lạp, ghé thăm Nhật Bản, đi khắp Đông Nam Á, ngủ ở châu Phi. Có cơ hội tiếp xúc mới biết anh là một người cởi mở và khiêm tốn, một con người tràn đầy năng lượng, một cuộc sống phong phú với những thói quen thú vị về du lịch, piano, múa đương đại, chụp ảnh... Thế giới không ngừng thay đổi, và người Việt trẻ cũng không ngừng đi lên. Với làn sóng của những người trẻ Việt đam mê du học và du lịch, ngày càng vươn mình ra xa, hòa vào dòng chảy địa cầu và tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa, tôi tin vào một tương lai tươi sáng, khi họ trở về, xây dựng Việt Nam giàu đẹp, xứng đáng với vị trí chiến lược của đất nước hình chữ S. https://thuviensach.vn 3. What the Phượt “No one realizes how beautiful it is to travel until he comes home and rests his head on his old, familiar pillow” - Lin Yutang https://thuviensach.vn Phượt là gì? Gần đây, từ “phượt” được nhiều người trẻ nhắc tới. Nhưng nó là gì và xuất phát từ đâu thì không phải ai cũng rõ ngọn ngành. Một trong những đặc điểm của ngôn ngữ là tính linh hoạt và chuyển động của nó. Theo thời gian, có nhiều từ ngữ dần mất đi và những từ mới hình thành. “Phượt” là một từ như thế. Có khá nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc và ý nghĩa của “phượt”. Theo một số thành viên của diễn đàn TTVN1, từ “phượt” lần đầu tiên được dùng bởi thành viên gạo cội Cao Sơn của diễn đàn này, tên thật là Nguyễn Vũ Anh, một luật sư, một nhà văn (với bút danh Doãn Dũng). Nguyễn Vũ Anh không giải thích ý nghĩa của “phượt”, vì theo anh, như thế cũng giống như bắt con gà phải phân tích thành phần cấu tạo của quả trứng nó vừa đẻ. Lại có ý kiến cho rằng “phượt” bắt nguồn từ chữ “lượt phà lượt phượt”. Cách diễn đạt này khá nên thơ: người đi bộ vào lúc trời mưa, đường trơn, khoác áo mưa thùng thình. Khi đi bước ngắn phát ra tiếng sột soạt của áo mưa, nghe cứ như phát ra tiếng kêu lượt phượt, lượt phượt. Một vài lần đi chơi, những lúc như thế người tinh tế sẽ cảm nhận được cái tiếng sột soạt đặc trưng kia, và cảnh người đi bộ qua khúc đường đồi núi với cái phong cảnh mênh mang của đất trời, núi rừng trong cái thời tiết đặc biệt khó quên, nên sau này họ ngẫu hứng dùng tiếng tượng thanh kia để nói về những cuộc đi chơi tung tẩy. Lâu dần, “lượt phượt” được rút gọn thành “phượt”, một danh/động từ chỉ sự đi lại, nhưng cũng chỉ thông dụng trong một nhómnhỏ. Càng ngày nhóm đó càng phát triển và các thành viên cứ dùng cái từ này, vì lạ và độc đáo nên dễ nhớ. Một số người khác thì nghĩ rằng “phượt” là một từ lóng, kết hợp giữa “phịch” và “vượt” (đi chơi xa, thoát khỏi tầm kiếm soát của phụ huynh). Đối với những người này, “phượt” đơn giản chỉ là gói đồ vào ba lô, chở “ghệ” trên xe máy tới một nơi nào đó xa xôi, và “phịch”. Nếu quả thật ý nghĩa ban dầu của “phượt” là như trường hợp ở trên, thì đây là một trường hợp thú vị của ngôn ngữ, vì từ ý nghĩa tiêu cực, nó đã đi một chặng đường dài và chuyển hóa thành một từ được nhiều người sử dụng mà không có ý nghĩa tiêu cực. Theo định nghĩa của từ điển mở Wikipedia, “phượt” là “đi du lịch dã ngoại bằng xe máy và ba lô”, đây cũng là cách hiểu được nhiều người chấp nhận. Cách hiểu của tôi cũng gần giống với định nghĩa của Wikipedia, “phượt” đơn giản là “du lịch bụi”. Đi du lịch bụi là gì? Tức là đi kiểu tự túc, tự lên kế hoạch, không sử dụng dịch vụ theo tour của các công ty du lịch, ăn ngủ như người bản địa và tiết kiệm chi phí cho chuyến đi của mình. Phượt thế nào? Có nhiều cách hiểu khác nhau về phượt, nên cũng có nhiều cách phượt khác nhau. Một số người phượt để tìm trai tìm gái, để thỏa mãn thú vui nhục dục của mình, phượt để tìm tình phượt. https://thuviensach.vn Người khác phượt để tạm xa xã hội loài người, lánh khỏi văn minh đô thị, tìm vui trong thiên nhiên. Có người phượt để thoát ly khỏi thực tại ngột ngạt, đi để thoát khỏi sự kiềm tỏa của gia đình, đi để tìm lối thoát. Cũng có người phượt để tìm lại chính mình, đi để tìm về nguồn cội, đi để trân quý gia đình và mái ấm. Có người cuồng chân, phượt chỉ để đi, chẳng chuẩn bị gì. Một sáng mở mắt ra, xếp vài bộ quần áo, đón chuyến xe đò, thế là đi. Có người tìm hiểu thật kỹ, đọc bao nhiêu sách về văn hóa, con người, địa lý của vùng đất mình sắp tới, rồi mới bắt đầu hành trình. Có người để ngọn gió lãng du đưa mình đi vô định, không lên kế hoạch gì cụ thể, “the plan is there is no plan” - kế hoạch là không có kế hoạch gì cả, lại có người vạch lịch trình chi tiết trước hàng năm trời, đến đâu, thăm chỗ nào, làm gì, ăn gì. Có kẻ một người một ngựa độc hành khắp nơi. Người lại thích phượt cùng bè bạn, nhóm hội. Đôi ba người mượn phượt để ăn chơi thác loạn nơi xa xôi hoang dã, làm trò khỉ cưỡi lên đầu tượng đá, rượu bia nhậu nhẹt gây tai nạn trên đường. Cũng không ít người khác vừa đi vừa làm từ thiện, đem bánh kẹo quần áo tặng cho trẻ con nghèo miền núi, thắp hương mộ liệt sĩ trên nghĩa trang ven đường Trường Sơn. Có người vừa phượt vừa xả, đi đến đâu rác tràn ra đến đấy. Có người xem phượt là một cách để bảo vệ thiên nhiên, đi cắm trại ở đảo đem theo bọc giấy nhặt rác tại bãi biển gom về đất liền, đi leo núi lấy rác ven đường dồn vào bao và bỏ vào nơi thu gom tại chân núi. Có người phượt tốc hành, đi bằng hết những chỗ đẹp, đi như sợ thời gian trôi mất, cố thu lấy mọi cái hay, cái đẹp trong tầm mắt, để khỏi bỏ phí bất kỳ phút giây nào. Có người phượt nhẩn nha, vừa đi vừa nghỉ, đi chỗ này thấy thích dừng lại ở vài hôm, chỗ kia thấy thích ở chơi vài bữa, tìm cái đẹp “off the beaten track”, ngắm bông hoa vệ đường, nhìn mặt trời xuống núi. Có đi mới biết cách nào là thích hợp cho mình. Sau một thời gian phượt, ta sẽ biết phượt thế nào là phù hợp nhất với bản thân, cách phượt nào là tốt nhất cho ta trong điều kiện hiện tại. https://thuviensach.vn Phượt là sao? Đối với tôi, phượt là cái cảm giác tự do hoang dã khi cưỡi trên lưng con ngựa sắt rong ruổi khắp nơi, đồng bằng sông Mê Kông, miền nam Thái Lan, rồi đến đảo Bali, và những con đường đầy bụi ở miền trung Myanmar. Hít một hơi dài đầy gió trời tinh khiết, miệng hát vang bài hát ưa thích: “I will call you up. Every Saturday night. And we both stay out. To the morning light. And we sing. Here we go again”.2, “Here we go again” - Và chúng ta lại lên đường. Phượt với tôi là cái cảm giác đau nhói trong lồng ngực khi nhìn ảnh chiếc xe đạp dựng trên triền núi dốc ở Great Ocean Road của Úc, là cái cảm giác ngất ngây khi ngắm hình núi non trùng điệp tại Grand Canyon và Yosemit ở Mỹ, và không ngừng tự hỏi: “Chúa ơi, chừng nào con mới đến được đó, chừng nào con mới tận mắt chiêm ngưỡng nó?” Phượt là cảm giác vui sướng muốn vỡ tim khi đắm mình vào phong cảnh tươi đẹp ở vịnh biển Tai Long Wan - Hồng Kông. Ngỡ ngàng nhận ra cuộc sống là một điều kỳ diệu, mà mỗi phút giây là một phép màu. Là tràn đầy lòng biết ơn vì có quá nhiều điều đẹp đẽ trên đời, vì mình được sống, được đi và được chứng kiến những điều tuyệt vời ấy. Phượt là đi bộ gần mười cây số giữa đêm tối để đến một cái suối nước nóng hẻo lánh ở Coron - Philippines, bước chân trên đoạn đường gập ghềnh đá sỏi không một bóng người, dưới sao trời lấp lánh và những tán dừa xào xạc, trong đầu ngân câu ca như lời nguyện cầu: “Chân ta đi hôn mặt đất nồng ấm. Tim ta say yêu con gió lang thang. Và tóc ta khát mãi trời xanh tươi”.3 Phượt là nằm lăn dài trên giường khi đạp xe liên tục suốt năm mươi cây số thăm Angkor Wat của xứ sở chùa tháp. Tay chân thì mỏi rã rời, nhưng miệng thì cười rộng ngoác. Thấy hạnh phúc như muốn ôm ghì cả cuộc sống tươi đẹp vào lòng. Hạnh phúc tưởng như có chết ngay lúc đó cũng không thấy hối tiếc, mà lại muốn sống trăm năm để tôn thờ sự sống. Phượt là đôi khi nảy sinh những mơ ước ngông cuồng, muốn đi khắp năm châu và thu hết vào tầm mắt những vẻ đẹp của cuộc đời, để rồi chia sẻ nó, bảo vệ nó và lưu giữ nó. Chỉ là ước muốn của một trong những linh hồn yêu tự do, liệu có gì là sai. Phượt là biết rằng nguy hiểm mà vẫn làm. Hàng loạt vụ nổ súng giết người vẫn không cản được triệu người theo đuổi “giấc mơ Mỹ”. Cũng như bao nhiêu cái chết rải dọc sườn núi cũng không làm nhụt chí những người ôm mộng chinh phục đỉnh Everest. Phượt là lường trước những rủi ro trên đường đi, để chuẩn bị thật kỹ càng rồi sẵn sàng dấn bước. https://thuviensach.vn Phượt cũng là vượt qua những rào cản với gia đình. Là cảm giác tức tối, vùng vằng như trẻ con khi nghe người thân rầy bảo: “Đi gì mà đi lắm thế, rồi sau này con sẽ phải hối tiếc khi phung phí thời gian và tiền bạc”. Đôi khi muốn gào lên rằng: “Cuộc đời của con hãy để con quyết định”. Để rồi khi bình tâm, lại mỉmcười ngẫm rằng gia đình chỉ làm những điều họ nghĩ là tốt nhất cho mình mà thôi, dù đó chưa hẳn là những gì mình muốn. Là biết rằng mình sẽ không hối hận, biết rằng tuổi trẻ của mình không phải là vô ích. Và chia sẻ nhiều hơn, và chăm sóc nhiều hơn, để gia đình luôn tin tưởng và yêu thương khi mình lên đường. Phượt cũng là đối mặt với những định kiến. Đôi khi bắt gặp ánh mắt chê trách của vài người quen biết “Không lo lấy chồng đẻ con đi, cứ mãi rong chơi vô trách nhiệm thế kia rồi đến cuối đời lại sống già trong cô độc”. Chỉ tự nhủ rằng quan điểm của con người thường dựa trên kinh nghiệm, hiểu biết và tính cách của họ. Những phán xét sẽ dạy thêm cho ta chữ “nhẫn”, và những định kiến ngày hôm nay sẽ nhắc ta nhớ để không làm tổn thương người khác như thế trong tương lai. Phượt còn là những chiêm nghiệm cuộc sống rút ra từ những con đường. Hạnh phúc của người này có thể là an cư lạc nghiệp, hạnh phúc của người khác lại là được đi. Phượt để nhớ đến bài học cũ rằng ta nên tôn trọng những lựa chọn cuộc sống của người khác, rằng không bao giờ nên áp đặt quan điểm của mình đối với mọi người. Suy cho cùng thì tất cả chúng ta đều theo đuổi một mục đích chung, dù bằng những cách khác nhau. Và suy cho cùng thì chẳng ai quan tâm ta sẽ làm gì, chẳng ai chịu trách nhiệm đời ta thay cho chính ta. Vậy sao không làm điều mình yêu thích. Phượt là sống. Gọi nó là gì cũng được, phượt, du lịch bụi, hay đơn giản là đi. Tất cả đều chỉ khát vọng lên đường, mơ ước chinh phục những miền đất mới, được cảm nhận thấy mình đang sống, với tất cả sức lực và đam mê. Phượt nên là một trong những sở thích của người trẻ. Cái ham muốn khám phá những điều mới lạ, cái háo hức say sưa được lấp đầy, cái táo bạo liều lĩnh, chút ngông cuồng điên rồ, đó là những đặc quyền của tuổi trẻ. Vậy sao không đi khi ta còn trẻ. Phượt có khi là tiêu chí, là lẽ sống ở đời. Ăn cũng nghĩ đến phượt, ngủ cũng mơ về phượt, thậm chí khi đang ngâm mình trong bồn tắm ở nhà cũng tưởng về lúc đằm người trên hồ thiêng Mapam Yumco của Tây Tạng. Nên đôi khi, thấy những gia đình cứ khư khư giữ con trong nhà, hay nghe những bình phẩm thiếu tế nhị về các cô nàng thích du lịch bụi một mình, hay cả những hành động tạo ấn tượng xấu về dân du lịch bụi, tôi lại buột miệng lẩm bẩm: “What the... Phượt”. https://thuviensach.vn Chương 2 Những hướng dẫn cơ bản https://thuviensach.vn 1. Bắt đầu những chuyến đi “Twenty years from now you will be more disappointed by the things that you didn’t do than by the ones that you did do. So throw off the bowlines. Sail away from the safe habor. Catch the trade wind in your sails. Explore. Dream. Discover” - H. Jackson Brown Jr. Nhiều người hỏi tôi: “Làm thế nào mà bạn đi du lịch được nhiều như thế?” hay “Em cũng ước được đi nhiều như chị”. Câu trả lời của tôi luôn là: “Sao lại không. Bạn đi được mà!” Kinh nghiệm của tôi là: Nếu cứ ngồi nhà mơ mộng thì mãi ta sẽ không thể nào đi được. Cũng giống như nhiều ước mơ khác, nó chỉ thành hiện thực khi bạn lên kế hoạch và thực hiện. Không có thời điểm nào là hoàn toàn phù hợp cả. Sẽ luôn có cái gì đó ngăn cản bạn thực hiện điều mình muốn: công việc dồn dập, kỳ thi sắp đến, chưa có đủ tiền (mà tiền chẳng bao giờ là đủ), hay vướng bận gia đình... Vậy cho nên, nếu bạn muốn làm điều gì đó, thì thời điểm phù hợp nhất chính là: Ngay bây giờ. Hãy tự tạo cơ hội cho mình. Nếu bạn thích du lịch, thì cứ sắp xếp sẵn, đặt vé trước, tranh thủ thời gian nghỉ hè, hoặc xin nghỉ phép, và thế là lên đường thôi. Đây là câu chuyện của tôi. Thời mới ra trường, tôi làm cho một tập đoàn quốc tế, và là môi trường Á châu, xin nghỉ một ngày cũng khó. Nhưng càng đi làm càng thấy chán nản. Tôi không muốn gắn mình trong văn phòng chật hẹp, sáng đi, tối về, xoay vòng theo cái nhịp sống buồn tẻ ấy. Tôi không muốn mình chỉ là một nhân viên văn phòng nhàm chán, với một cuộc sống bằng phẳng và tẻ nhạt. Con người rồi cũng sẽ chết, tôi không muốn chết khi chưa nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới. Tôi không muốn bỏ lỡ những điều đẹp đẽ trong đời. Tôi nghĩ cuộc sống phải là cái gì đó khác. Tôi muốn lấp đầy đời mình với những kỷ niệm lấp lánh, những trải nghiệm phong phú. Tôi muốn khám phá thế giới, muốn tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau, muốn gặp nhiều người khác nhau, thay vì chỉ dành cả đời trong bốn bức tường quen thuộc. Thế là tôi đi. Ban đầu, tôi thường xin nghỉ thứ Năm, thứ Sáu. Bốn ngày kể cả cuối tuần, thế là đủ cho một chuyến du lịch ngắn ngày ở một đất nước láng giềng. Sau đó, tôi gặp một vài người bạn và thấy họ tiến hành những chuyến đi đến hơn một tuần, tôi tự nhủ làmthế nào để được như thế. Làm việc đủ kinh nghiệm, tôi chuyển sang một công ty có chính sách linh hoạt hơn. Rồi tôi làm việc cật lực không nghỉ, để dành tiền, để dồn ngày phép cả năm để xin nghỉ cùng lúc hai tuần liền. Đó là lúc tôi thực hiện chuyến đi dài ngày đầu tiên của mình ở Indonesia. Những chuyến đi sau đó xa và dài hơn ở Myanmar, Hồng Kông, Nhật Bản... cũng được thực hiện theo cách tương tự. Cứ như thế, mỗi năm tôi dành cho mình từ hai tuần đến một tháng đi du lịch, như một cách để lấy lại năng lượng và thăng bằng cho bản thân, nghỉ ngơi sau khoảng thời gian làm việc cật lực, khám phá thế giới và học hỏi điều mới, điểm lại những gì đã làm được và hoạch định cho tương lai. https://thuviensach.vn Nên, nếu bây giờ trái tim thôi thúc bạn lên đường, theo dấu chân những người lữ hành, bước vào thế giới của những người du lịch bụi, nhưng bạn vẫn không rõ mình có thể đi không, thì đừng lo. Hãy tìm kiếmtrước thông tin, lên kế hoạch, vạch sẵn lộ trình, đến một lúc nào đó, những con đường đã ở dưới chân bạn. https://thuviensach.vn Đầu tiên, tiền đâu... Những người chưa bao giờ đi du lịch thường có ý nghĩ: đi du lịch nhiều thế kia chắc là giàu lắm, chắc là khá giả lắm. Thực tế hoàn toàn trái ngược. Đi du lịch bụi không tốn kém như ta tưởng, và đa phần những người đi du lịch không phải là quá khá giả. Điểm khác nhau là: Người bình thường dành dụm để mua điện thoại đắt tiền, xe xịn, nhà cửa, vật dụng. Còn người đam mê du lịch thì dùng tiền đó để mua những trải nghiệm trên đường, chỉ khác nhau ở cách bỏ tiền vào đâu thôi. Tôi không có mơ ước xài điện thoại Vertu, hay cưỡi xe Hummer, nhưng Ấn Độ là nơi tôi phải đến ít nhất một lần trong đời, và tôi muốn đi du lịch vòng quanh thế giới trước khi chết, nên tôi làm việc chăm chỉ và để dành tiền hiện thực hóa ước mơ của mình. Tôi và những người chuyên đi du lịch khác có nhiều cách để tiết kiệm chi phí cho chuyến đi của mình. Đặt trước vé máy bay từ sáu tháng trở lên, ở nhờ nhà dân bản xứ, ăn uống như người địa phương... Nếu bạn băn khoăn không biết làm thế nào để đi nhiều với giá rẻ thì ở các phần sau của cuốn sách sẽ có những hướng dẫn tỉ mỉ cho bạn. Thông thường, chuyến đi càng dài ngày thì chi phí trung bình càng rẻ. Chuyến đi Campuchia bốn ngày ba đêm của tôi có chi phí là 2,500,000 VND. Còn chuyến đi Malaysia và Bali dài mười bốn ngày mất 7,000,000 VND. Chi phí ăn ở nếu biết cách chi tiêu sẽ không nhiều lắm. Cái không thể tiết kiệm được là chi phí đi lại, vé máy bay, vé tàu xe... trong đó vé máy bay thường tốn nhiều nhất, nên nếu đặt được vé máy bay giá rẻ là đã tiết kiệm được đáng kể. https://thuviensach.vn Tại sao nên đi du lịch nước ngoài? Một số người khi nghe các câu chuyện đi du lịch nước ngoài thường nói: Nghe có vẻ hấp dẫn đấy, nhưng mình sẽ đi trong nước trước, khám phá hết trong nước rồi mới đi nước ngoài sau. Tương tự như vậy nhưng có người phản ứng mạnh mẽ hơn: Đúng là sính ngoại, Việt Nam đẹp như vậy, rộng như vậy, đi còn không hết mà tại sao cứ đi du lịch nước ngoài. Đối với tôi, hoàn toàn không có vấn đề gì nếu bạn quyết định khám phá trong nước trước hay chỉ đi du lịch trong nước. Nhưng tôi cho rằng du lịch nước ngoài có nhiều ưu điểm: Thứ nhất, du lịch nước ngoài không phải lúc nào cũng đắt hơn du lịch trong nước. Giá vé máy bay từ Sài Gòn đến Bangkok còn rẻ hơn giá vé Sài Gòn - Hà Nội. Thứ hai, du lịch nước ngoài là cơ hội để ta biết thêm về các nền văn hóa mới, phong tục tập quán mới, những con người với các quan niệm văn hóa, tinh thần hoàn toàn khác ta. Nhờ đó, ta có nhiều cơ hội để nâng cao kiến thức xã hội. Với cùng một số tiền, đi đến một nơi lạ hơn, học được nhiều hơn, thấy được nhiều hơn, bạn chọn cái nào? Thứ ba, khi đi du lịch nước ngoài ta có cơ hội rèn luyện khả năng giao tiếp và vốn ngoại ngữ với những người không cùng ngôn ngữ mẹ đẻ. Nó giúp những kỹ năng của ta được trau dồi, hoàn thiện. Thứ tư, đi nhiều quốc gia khác nhau, ta có dịp so sánh và đối chiếu với tình hình trong nước. Những khó khăn thử thách chung của loài người, điểm hạn chế của mỗi dân tộc, vị thế thực sự của đất nước mình trên trường thế giới. Có đi các nước khác ta mới có cơ hội để tìm hiểu thế giới, để học hỏi từ năm châu, trưởng thành và phát triển lên, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước. Ngoài ra, ta còn có được cái nhìn rộng mở, khoan dung hơn, chứ không chỉ bó hẹp với tư duy cục bộ địa phương. Thứ năm, thế giới to và rộng thế, tại sao lại giới hạn bước chân mình chỉ ở Việt Nam. Bản thân Việt Namđi cũng chẳng biết bao giờ hết. Nhưng Việt Nam thì dễ đi, ngôn ngữ lại đồng nhất, miền này và miền nọ dù có khác nhau cũng không thể bằng sự khác nhau giữa các quốc gia. Và nước Việt ta là một đất nước nhỏ bé và đang phát triển, thế giới thì lại rộng lớn vô cùng, có bao nhiêu đất nước phát triển hơn ta. Vậy còn trẻ, còn máu khám phá, còn sức khỏe, còn nhiều thời gian, sao không đi xa nhất mà mình có thể? https://thuviensach.vn Tại sao nên bắt đầu với Đông Nam Á? Một, sinh hoạt phí ở các quốc gia Đông Nam Á khá rẻ, nhiều nước có mức sống và giá cả từ thấp hơn đến tương đương Việt Nam như Lào, Campuchia, Philippines, Indonesia, và Thái Lan. Chỉ có Malaysia và Singapore là có mức giá cao hơn Việt Nam. Hai, Đông Nam Á có địa hình rất thuận lợi cho du lịch bụi. Thực tế là khu vực này luôn là điểm đến không thể bỏ qua cho dân lữ hành khắp nơi trên thế giới. Anh bạn người Chile của tôi nói rằng, Trung Quốc quá rộng lớn và khó đi, châu Âu khá đồng nhất và tẻ nhạt, nhưng Đông Nam Á thì lại đầy màu sắc và mùi vị. Trong một khu vực nhỏ bé mà có bao nhiêu là quốc gia, bao nhiêu là dân tộc khác nhau, chỉ cần di chuyển không xa là có thể tiếp cận một nền văn hóa mới, một dân tộc mới. Sự đa dạng về chủng tộc và văn hóa nơi đây chính là điều hấp dẫn dân du lịch. Bởi vậy dân du lịch phương Tây lũ lượt đổ đến Đông Nam Á. Đường Sài Gòn vào mùa hè có biết bao các anh chàng, cô nàng ba lô lang thang khắp nơi. Thứ ba, khi có trong tay hộ chiếu Việt Nam, bạn đang sở hữu một lợi thế lớn khi đi du lịch quanh Đông Nam Á, đó là không phải xin thị thực khi bạn đến các quốc gia trong khu vực. Kể từ khi Myanmar miễn thị thực cho công dân Việt Nam vào tháng Mười năm 2013, giờ đây, bạn có thể đi du lịch mười nước Đông Nam Á và được miễn thị thực từ mười bốn đến ba mươi ngày tùy nước. Thứ tư, có dấu xuất nhập cảnh của nhiều quốc gia là cách để tăng mức tín dụng cho hộ chiếu của bạn, tạo cơ hội để bạn đi được xa hơn, đến những quốc gia phát triển hơn. Nếu bạn có một hộ chiếu với toàn những trang giấy trắng, ngay cả khi khả năng tài chính của bạn dư dả hay được người bảo lãnh, chưa chắc bạn đã được cấp thị thực du lịch vào Mỹ, châu Âu hay Úc. Sếp của bạn tôi, là giám đốc một công ty nước giải khát hàng đầu thế giới tại Việt Nam. Nhưng khi xin thị thực đi du lịch Mỹ, anh lại bị lãnh sự quán Mỹ từ chối. Họ xem hộ chiếu của anh, thấy anh chỉ mới có dấu nhập cảnh vào Singapore và Thái Lan, thì trả lại hộ chiếu và bảo: “Anh nên về đi du lịch thêm đi” rồi từ chối cấp thị thực. Anh Đỗ Hoàng Dương, biệt danh Vạn Lý Độc Hành, một người nổi tiếng trong giới du lịch bụi, cũng chia sẻ trong kinh nghiệm xin thị thực du lịch Mỹ lần đầu rằng: “Để chuẩn bị cho việc xin thị thực dạng du lịch Mỹ , bạn cần có chiến lược. Trước đó vài năm, bạn cần chinh phục các nước khác dễ hơn trước để làmdày hồ sơ du lịch của mình. Trước hết, bạn hãy đi hết các nước trong khối ASEAN, đây là những nước tuyệt vời để bạn đi trải nghiệm văn hóa mà không cần xin thị thực. Các bạn Tây phát ghen với chúng ta về việc các nước ASEAN đi lại không cần thị thực đó”. Do vậy, nếu muốn du lịch bụi, và muốn đặt chân đến những vùng đất hào nhoáng như châu Âu hay Mỹ, thì cần phải xây dựng một lịch sử xuất nhập cảnh dày dạn, trước khi nghĩ tới việc nộp đơn xin thị thực ở những xứ sở đó. https://thuviensach.vn 2. Du lịch bụi như thế nào “Please be a traveler, not a tourist. Try new things, meet new people, and look beyond what’s right in front of you. Those are the keys to understanding this amazing world we live in”. - Andrew Zimmem https://thuviensach.vn Về du lịch bụi Hãy quên các tour du lịch đi. Tự khám phá thế giới với du lịch bụi hấp dẫn hơn gấp nhiều lần: - Tiết kiệm hơn. Một chuyến đi Thái Lan bốn ngày ba đêm của tôi thường mất bốn triệu, so với mức giá từ tám đến mười triệu từ các công ty du lịch. Chuyến đi Nhật khắp chiều dài đảo Honshu của tôi là gần hai mươi lăm triệu đồng cho mười ba ngày, trong khi giá các công ty du lịch đưa ra là ba mươi hai đến ba mươi lăm triệu cho một chuyến bảy ngày sáu đêm. - Tự do hơn. Bạn có thể lựa chọn đến bất kỳ nơi nào bạn muốn, nếu bạn thích biển nhiều hơn, bạn có thể lang thang tất cả các bãi biển, nếu bạn thích núi bạn có thể leo núi cả ngày. Với du lịch bụi bạn chẳng bị ai lùa đi chỗ nọ chỗ kia, theo đúng giờ này giờ khác, hay bắt phải vào các trung tâm mua sắm để làm nhẹ đi túi tiền của bạn. - Hiểu biết hơn. Chính những phần chuẩn bị trước khi lên đường, tìm hiểu phong tục tập quán, vạch ra kế hoạch hành trình mới làm tăng kiến thức và vốn sống của ta khi đi du lịch. Khi đến nơi, tự tìm đường đi, tự di chuyển từ nơi này sang nơi khác, sắp xếp mọi thứ khiến ta có cơ hội tiếp cận nhiều phương diện, góc độ của cuộc sống bản xứ. Đi du lịch theo tour, ta bị lệ thuộc vào người hướng dẫn, nên ta không thể biết nhiều điều bằng khi du lịch bụi. - Đáng nhớ hơn. Vì tự lên kế hoạch theo sở thích bản thân, ăn bờ ngủ bụi, gặp gỡ nhiều người trên đường, khiến cho các chuyến du lịch bụi mang đến những trải nghiệm phong phú và để lại trong ta nhiều kỷ niệm. Khi đi du lịch theo tour, mọi thứ đều có người chuẩn bị sẵn, không có biến cố hay điểm nhấn, nên không nhiều điều để nhớ. https://thuviensach.vn Du lịch một mình Đi du lịch bụi một mình là điều mà mỗi người nên làm ít nhất một lần trong đời. Dân du lịch bụi thường đi một mình, vì có những lợi ích không thể thay thế được: - Đầu tiên vẫn là tự do. Khi đi du lịch một mình, tôi không phải lên kế hoạch hành trình dựa vào kế hoạch của ai đó, hay phải ghé qua một chỗ nào đó vì sở thích của người đi cùng, hay phải tránh ăn một nơi nào đó, rút ngắn thời gian ở đâu đó... Tôi có thể làm mọi thứ theo ý thích bản thân, chỉnh sửa lộ trình để phù hợp với nhu cầu của mình, hoàn toàn không phải dựa vào người khác. - Tránh rắc rối. Du lịch một mình giúp tôi loại bỏ được tình huống xấu, đó là đi chung với bạn bè rồi có bất đồng, đâm ra cãi nhau thì mất cả vui. Bình thường có thể ta và người bạn đó chơi rất hợp tính nhau. Nhưng trên đường đi có nhiều vấn đề mà cuộc sống bình thường ít gặp phải, lại thêm những lúc đói, khát và mệt, nên tính tình ta trở nên cáu bẳn. Do vậy khi gặp những trục trặc phát sinh thì dễ dẫn đến tranh cãi. Chuyện hai người bạn hoặc một cặp đôi đi du lịch chung rồi giận nhau không phải là hiếm. - Du lịch một mình khiến tôi mạnh mẽ hơn. Khi trên đường, không thể tránh khỏi những lúc yếu đuối và buồn bã, nhỏ bé và cô độc. Thế nhưng, qua những phút giây ấy, tôi biết rằng mình phải vững vàng hơn nữa. Rằng nếu cứ ôm mãi trong lòng những đau khổ muộn phiền, mình sẽ không nhìn được những điều tươi đẹp trên Trái Đất này. Nên du lịch một mình là cách để tôi làm bản thân mạnh mẽ hơn. - Quen biết nhiều người, học được nhiều điều. Đi du lịch chung với bạn bè quen biết thì vui, nhưng tôi không học hỏi được nhiều, không khám phá nhiều như khi đi một mình. Vì đi chung với bạn bè, nhất là nhóm đông người, thì dù đi du lịch nước ngoài nhưng cũng giống như du lịch trong nước. Tôi vẫn nói tiếng mẹ đẻ, đi cùng nhóm bạn, và vẫn ở chung với văn hóa của mình. Còn khi đi du lịch một mình, không có ai ở cạnh, nên tôi sẽ tìm người để nói chuyện, chủ động hòa nhập, tìm hiểu và giao lưu với người dân bản xứ, hoặc với người đi du lịch bụi giống mình. Mặt khác, khi đi du lịch một mình, tôi mở to mắt hơn, quan sát nhiều hơn, rút kinh nghiệm và học hỏi được nhiều điều mới lạ hơn. Du lịch một mình giúp tôi phiêu lưu hơn, đưa tôi tới những vùng đất lạ mà nếu đi cùng nhóm bạn có lẽ tôi sẽ không tới. - Du lịch một mình để tôi đối diện với lòng mình, với những trắc trở, vấn đề bên trong nó, đối diện với nỗi cô độc, và vượt qua nó. Nhiều người bảo tôi đi du lịch một mình là rất cô đơn. Nhưng con người ngay từ khi sinh ra đã cô độc. Chết đi cũng trong cô độc. Dù có cố lẩn tránh nỗi cô đơn, nó vẫn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày. Vậy chi bằng thay vì lẩn tránh, hãy đối diện nó, chấp nhận nó, vui với nó. Có hòa thuận với chính mình, ta mới sống yên vui bên người khác. Nên tôi chọn đi du lịch một mình là một cách để học làm bạn với chính mình. https://thuviensach.vn - Những hành trình tinh thần khi tôi đi một mình giúp tôi biết rõ hơn người mà tôi thực sự là, giúp tôi không ảo tưởng về bản thân. Trên đường đi có những tình huống mà bình thường tôi không đối mặt, nên tôi có cơ hội hiểu bản thân mình hơn, biết đâu là giới hạn của cơ thể mình, biết mình có thể làm gì, biết mình sẽ phản ứng thế nào trước những điều bất ngờ. Mặt khác, những giờ im lặng chiêm nghiệm trên đường đem lại cho tôi những trải nghiệm mà tôi sẽ không đánh đổi, dù có những người bạn đường thú vị đến thế nào chăng nữa. Thay vì cùng bạn bè đến một quan bar nào đó nhảy nhót tới sáng, tôi có những giây phút riêng tư cho mình. Những lúc tôi lang thang trên xe máy đi các đảo nam Thái Lan, hay những lúc tôi một mình ngồi ngắmsương mù tan trên những thửa ruộng bậc thang ở Bali, là những lúc tôi thấy mình hạnh phúc nhất. Hít đầy phổi bầu không khí thoáng đãng của tự do, trong tôi thực sự viên mãn, thực sự tràn đầy. - Nhờ những chuyến đi du lịch một mình mà tôi trưởng thành hơn, quyết đoán hơn. Sau những lần ba lô một mình, tôi nhận ra rằng tất cả mọi thứ trên đời, từ sự nghiệp, học vấn, tình yêu đến gia đình, tất cả phải tự tay mình kiến tạo. Nếu ta không kiến tạo đời mình, không ai làm điều đó thay ta. Vậy, phải chủ động thiết kế và xây dựng đời mình, giống như cách tôi đã làm với những chuyến đi. https://thuviensach.vn Du lịch một mình dành cho nữ giới Du lịch một mình vẫn còn xa lạ với người Việt Nam, huống chi là nữ giới người Việt. Nhưng nếu bạn là nữ, và bạn từng lúc nào đó muốn một mình một ba lô, thì đừng lo sợ, có rất nhiều người phụ nữ trên thế giới đã làm thế và quay về an toàn. Và tôi cũng thế, chúng ta đều là những kẻ đồng hội đồng thuyền. Một số bạn bè nữ của tôi bảo rằng du lịch một mình là cách để gặp gỡ và kết bạn với những anh chàng đẹp trai thú vị trên đường. Nhưng tôi chưa bao giờ trải nghiệm điều đó, không biết là hên hay xui, vì tôi vẫn trở về, với thân thể và trái tim an toàn, nguyên vẹn. Tuy vậy, là nữ giới đi du lịch một mình cũng có những điều cần lưu ý. Nếu đọc đến câu chuyện của tôi khi ở Singapore, bạn sẽ thấy tôi đã bị hải quan ở đây thẩm vấn như thế nào. Quỳnh, một cô bạn của tôi cũng hay đi du lịch một mình, còn gặp phải vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Cô bay một mình từ Việt Nam đến sân bay ở Lombok, một hòn đảo nhỏ phía đông Indonesia. Đến nơi, hải quan chặn cô lại, lục soát toàn bộ người và hành lý, rồi cho xem một quy định mới về việc nhập cảnh tại Indonesia rằng du khách đến đây phải đem ít nhất 2,000 USD tiền mặt để bảo đảm đủ chi tiêu trong suốt chuyến đi. Dĩ nhiên là Quỳnh đi du lịch chỉ năm, sáu ngày thì không hề đem theo 2,000 USD tiền mặt. Cô gọi bạn bè bản địa nhờ cho mượn tiền để trình ngay tại sân bay, nhưng hải quan cũng không chịu. Sau khi giữ Quỳnh ở sân bay suốt tám giờ đồng hồ, hải quan mới bật ra một cách, đó là đưa cho họ 200 USD. Bạn tôi định đưa, nhưng may có người bạn của cô ấy là dân bản địa đến sân bay và can thiệp kịp thời, phản biện cứng rắn lên nên hải quan mới cho qua. Sau đó Quỳnh hỏi thăm những người khác thì có người bị chặn lại cửa khẩu vì 2,000 USD nhưng cũng nhiều người không bị, kể cả phụ nữ đi du lịch một mình như bạn ấy. Rõ ràng là những phụ nữ đi du lịch một mình sẽ có khả năng bị quấy rầy hơn nam giới, từ những nhân viên xuất nhập cảnh muốn làm khó hay từ những kẻ quấy rối trên phố. Sau nhiều lần đi du lịch một mình và trò chuyện với bạn bè về chủ đề đó, tôi rút ra những kinh nghiệm như sau: Khi nhập cảnh: - Ăn mặc kín đáo và đẹp đẽ để tạo ấn tượng tốt cho người đối diện. Những phụ nữ ăn mặc đẹp, trang điểmnhẹ nhàng và sang trọng ít bị hải quan hoạnh họe hơn những cô gái ăn mặc hở hang hay xuềnh xoàng. Ấn tượng đầu tiên đem lại thiện cảm hoặc cái nhìn tích cực sẽ có lợi hơn cho ta ở mọi nơi, chứ không chỉ là ở hải quan xuất nhập cảnh. - Điền đầy đủ thông tin trong thẻ đến (arrival card) nếu có, đặc biệt là phần chỗ ở. Vì khi để trống phần này hoặc điền thông tin không cụ thể rõ ràng, hải quan có quyền nghi ngờ ta đến và trốn lại đâu đó để làmchuyện phạm pháp nên không có địa chỉ rõ ràng. - Một thực tế là có không ít cô gái người Việt qua các nước khác để hành nghề mại dâm. Nên tiếng tăm củahttps://thuviensach.vn người Việt nhất là phụ nữ Việt không được coi trọng lắm ở những quốc gia khác. Để chứng minh mình là khách du lịch, tôi thường mang theo danh thiếp, thẻ nhân viên, thẻ tín dụng và những giấy tờ khác cho thấy mình có công ăn việc làm ổn định tử tế ở quê hương và không có ý định nhập cư bất hợp pháp. - Người ta thường bắt nạt những phụ nữ đi một mình và trông có vẻ yếu đuối. Do vậy hãy chứng tỏ là bạn không có vẻ ngơ ngác, lạc đường ngay cả đang đi một mình. Hãy tạo cho mình một ấn tượng cởi mở, gây cảm tình nhưng không dễ bị bắt nạt. Trên đường đi: - Luôn cẩn trọng khi trên đường. Cất giữ đồ đạc cẩn thận, quan sát mọi thứ xung quanh, học cách đọc các tình huống. - Ăn mặc như người bản địa. Không lôi kéo sự chú ý không cần thiết bằng cách ăn mặc khác người, khêu gợi, trái với phong tục địa phương. - Xem xét kỹ trước khi vào quán rượu, bar, vũ trường để bảo đảm chúng đáng tin cậy. Không uống quá say khi đi một mình. - Không nói với người lạ về địa chỉ mình đang ở trọ. Suy nghĩ kỹ trước khi nhận lời mời dùng nước, ăn uống, đi chơi hay về thăm nhà người lạ. - Không ở ngoài đường khi đã quá khuya. Cũng tránh đi một mình ở những nơi vắng vẻ, tối tăm và các khu vực phức tạp. - Mang theo một cái chặn cửa (doorstop) để ngăn người khác mở cửa từ bên ngoài vào phòng mình khi không được phép. - Nghe theo trực giác của bạn. Nếu đang đi đường mà bản năng mách bảo có gì không ổn thì nên chuẩn bị phòng vệ. https://thuviensach.vn Hãy là một du khách tử tế Dân du lịch thường nói với nhau: “Take nothing but photos, leave nothing but your footprints” - Không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân, để nhắc nhở nhau khi đi du lịch cần chú ý không gây ảnh hưởng, tác động xấu đến thiên nhiên và môi trường xung quanh. Thế nào là một du khách tử tế? Đối với tôi, một du khách tử tế tức là tử tế với thiên nhiên và con người trên đường du lịch. Một vài ví dụ của việc du lịch tử tế: - Không xả rác bừa bãi, không chặt bẻ cây cối trái phép, bẻ san hô hay thạch nhũ, đốt lửa trại vô ý làmcháy rừng hay các hành động khác làm tổn hại tới môi trường xung quanh. - Không mua các sản phẩm được làm từ các loài động thực vật quý hiếm. - Tránh gây tiếng ồn, ăn to nói lớn, đi đứng choáng đường hay những hành động ảnh hưởng đến người khác. - Tôn trọng ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán và luật lệ địa phương. - Thực hành tiết kiệm: mang bình nước riêng để giảm mức tiêu thụ chai nhựa, sử dụng điện nước hợp lý, không bỏ phí thức ăn. - Lịch sự, thân thiện, đối xử với những người ta gặp một cách tôn trọng và tử tế. https://thuviensach.vn 3. Những điều cơ bản “A journey of a thousand miles must begin with a single step” - Lao Tzu Một lần, khi được tôi giúp chuẩn bị cho chuyến đi du lịch bụi đầu đời, em tôi đã hỏi một câu làm tôi muốn bật ngửa: “Ủa đi Thái Lan đâu có cần passport đâu hen. Mà passport là gì vậy chị?” Nếu bạn cũng chưa rõ như em tôi lúc đó, thì hộ chiếu (hay passport trong tiếng Anh) là tấm giấy thông hành cho mỗi người khi vượt qua biên giới quốc gia, xác nhận nhân dạng, quốc tịch của họ. Đây là giấy tờ không thể thiếu để ra khỏi biên giới Việt Nam, nên cũng là điều đầu tiên mà mỗi người đi du lịch nước ngoài cần phải có. Một số người mới bắt đầu thường nhầm lẫn giữa hộ chiếu và thị thực (passport và visa). Nhưng hai cái đó hoàn toàn khác nhau. Thị thực là một dạng giấy phép ghi rõ thời gian lưu trú của một người tại nước ngoài. Hiểu một cách đơn giản, hộ chiếu là giấy để một người rời khỏi đất nước của họ, còn thị thực là giấy cấp phép để đi vào một nước khác, một cái là để rời đi một cái là để đến. Điều cần thiết tiếp theo: thẻ tín dụng (credit card). Dù không phải là không thể thiếu, nhưng thẻ tín dụng rất hữu ích và tiện lợi, nhất là khi du lịch. Thẻ này dùng để thanh toán tiền vé máy bay, đặt phòng khách sạn, mua sắm trong các trung tâm thương mại, cửa hàng mà không cần phải dùng tiền mặt. Điểm khác biệt của thẻ tín dụng là nếu như các loại thẻ ATM/debit bình thường yêu cầu bạn phải có tiền mới có thể chi tiêu, thì thẻ tín dụng cho phép bạn chi tiêu trước và trả tiền sau, trong hạn mức bằng khoảng gấp đôi mức lương hằng tháng của bạn. Tuy vậy, cũng phải hết sức cẩn thận trong việc sử dụng thẻ tín dụng vì nó có thể khiến ta vung tay quá trán và tiêu xài phung phí. Kinh nghiệm của tôi là không tiêu xài quá khả năng chi trả của mình, và không đăng ký quá hai thẻ tín dụng (một cái để phòng trừ trong trường hợp cái kia bị hư). Thẻ tín dụng của các ngân hàng quốc tế tại Việt Nam như HSBC, Standard Chartered Bank, Citibank... thường có khả năng kết nối tốt hơn so với thẻ của các ngân hàng trong nước. Một số người bạn của tôi đã không thể thanh toán tiền ở nước ngoài bằng thẻ của các ngân hàng trong nước. Chuẩn bị sức khỏe cho các chuyến đi. Một số quốc gia yêu cầu chứng nhận tiêm phòng một số loại bệnh nhất định trước khi bạn nhập cảnh vào quốc gia đó. Nhưng vòng vòng Đông Nam Á thì thường không có yêu cầu như vậy. Tuy nhiên, chuẩn bị sức khỏe là điều quan trọng. Nhất là bị bệnh khi không ở nơi quen thuộc với mình thì càng tồi tệ. Vì vậy để luôn khỏe mạnh, chuẩn bị cho các chuyến đi và giữ cho sức khỏe sung mãn, cái ta cần là rèn luyện sức khỏe thường xuyên. Khi đi du lịch, chúng ta thường phải đi bộ rất nhiều. Ở các nước khác, dân đi du lịch bụi thường di chuyển bằng các phương tiện công cộng, như tàu điện, việc đi từ một địa điểm đến ga tàu, rồi đổi ga, rồi đi tham quan các công viên, khu vực đền đài dài hàng cây số, tất cả đều phải đi bộ. Việc phải vác mười cân hành lý trên vai lang thang tìm nhà trọ hoặc chuyển chỗ làhttps://thuviensach.vn chuyện rất bình thường. Do vậy, việc luyện tập thể dục hằng ngày, nhất là đi bộ và chạy bộ là những cách đơn giản và tốt nhất giúp chuẩn bị thể lực cho các chuyến đi. Một điều cần lưu ý về sức khỏe khi đi du lịch bụi xung quanh các nước Đông Nam Á là cẩn thận tránh bị cháy nắng mất nước và sốc nhiệt. Ai đã từng bị cháy nắng rồi mới biết nó kinh khủng đến thế nào. Một lần tôi bị cháy nắng sau chuyến đi biển. Phần da ở cổ, tay và vai nóng rực lên và đau rát suốt cả mấy ngày, sau đó bong ra và tróc đi, nhìn rất mất thẩm mỹ. Còn anh bạn tôi đi leo núi và bị sốc nhiệt, sốt mấy ngày trời, không ăn uống được. Kế hoạch du lịch sau đó của anh phải bị hủy bỏ. Để tránh bị nắng nóng làm giảm niềm vui trên đường hãy chú ý mang theo kem chống nắng thoa thật nhiều và thường xuyên, bảo đảm lớp kem bao phủ đầy đủ các phần da hay tiếp xúc với ánh mặt trời, cứ sau bốn đến năm giờ đồng hồ thì thoa kem lại. Bôi kem chống nắng khi đi ra ngoài, dù trời có nắng không. Bình thường ta ở trong nhà nhiều, không lường được tác hại của nắng khi ở ngoài cả ngày như lúc đi du lịch. Uống thật nhiều nước. Che phủ cơ thể bằng quần áo dài và thoáng khí, nón và những thứ khác có thể. Bảo hiểm du lịch. Đây là vấn đề thường bị bỏ qua khi du lịch bụi. Mặc dù vậy, bảo hiểm du lịch là một dịch vụ khá hữu ích, đặc biệt cần thiết trong các chuyến đi dài ngày. Trước khi tiến hành các chuyến đi từ hai tuần trở lên, tôi thường mua bảo hiểm du lịch để được đền bù nếu xảy ra các rủi ro về thất lạc hành lý, hoãn hay hủy chuyến bay. Một người tôi biết đi phượt Nhật Bản nhưng bị thất lạc hành lý và hành lý đến trễ hai ngày, may là anh đã mua bảo hiểm du lịch trước khi lên đường nên được đền bù hơn mười triệu đồng. Mức bảo hiểm du lịch tùy thuộc công ty, thời gian và địa điểm du lịch nhưng thông thường cũng không quá đắt, chỉ từ hai trăm nghìn đồng cho một chuyến đi bảy ngày. An toàn khi đi du lịch. Cần giữ hai thứ thật kỹ khi đi du lịch, một là hộ chiếu, hai là ví. Để phòng trừ trường hợp mất bản chính, bạn hãy photocopy hộ chiếu và tất cả các giấy tờ khác như bảo hiểm du lịch, thẻ tín dụng, bằng lái xe ra thành một bản. Cẩn thận hơn, có thể scan hộ chiếu và các giấy tờ mà bạn thấy cần thiết rồi email nó cho chính mình. Hãy lưu số điện thoại liên lạc khẩn cấp để liên lạc khi bị mất thẻ tín dụng/ATM trong điện thoại và sổ ghi chú mang theo bên mình. Hoặc cũng có thể lưu lại toàn bộ bản sao của các giấy tờ quan trọng và gửi cho một người nào đó mà bạn thật sự tin tưởng. Trong trường hợp lên đường và bạn mất tất cả, vẫn có thể liên hệ với họ để lấy lại toàn bộ thông tin. Chuẩn bị tiền. Nếu bạn đi những nơi quanh khu vực châu Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore... thì đều có thể đổi tiền của các nước đó tại các điểm thu đổi ngoại tệ tại Việt Nam. Tỉ giá ở sân bay thông thường khá thấp so với ở ngoài, nên tốt nhất không nên đổi tiền tại sân bay. Nếu không đổi ra tiền ở nước bạn sắp đi, hãy bảo đảm là bạn có đô la Mỹ trước khi khởi hành, bởi chắc chắn bạn không thể đổi tiền Việt ra ngoại tệ ở bất kỳ nơi nào khác trừ Campuchia. Liên lạc với người thân. Nếu muốn liên lạc với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trong thời gian ở nước ngoài, bạn có thể mua sim card khi đến quốc gia đó, giá cả cũng không quá đắt. Còn nếu chuyến đi của bạnhttps://thuviensach.vn không lâu và bạn không có nhu cầu liên lạc nhiều, thì chỉ cần đăng ký dịch vụ chuyển vùng quốc tế (roaming) để thỉnh thoảng nghe điện thoại hoặc nhắn tin với người cần liên lạc. Dĩ nhiên mức cước phí của dịch vụ này khá cao, chỉ nghe thôi cũng đã tốn phí. Nếu sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế, hãy chú ý tắt hoặc hủy đăng ký Mobile Internet (3G) vì chi phí này rất đắt. Một số bạn bè tôi vô tình đăng nhập bằng 3G từ điện thoại vào Facebook và email khi đang sử dụng chuyển vùng quốc tế tại ngước ngoài, số tiền phải trả lên đến vài triệu đồng. https://thuviensach.vn 4. Đi lại và nơi ở “The journey not the arrival matters” - T. S. Eliot Thường thì tùy thuộc vào thời gian và ngân quỹ mà chúng ta lựa chọn cách thức đi lại phù hợp. https://thuviensach.vn Di chuyển bằng máy bay Đi du lịch bằng đường hàng không là cách thức phổ biến hiện nay. Thông thường thời gian du lịch có hạn, giá vé máy bay cũng không quá đắt đỏ, nên nhiều người lựa chọn phương thức di chuyển này. Cách săn vé máy bay giá rẻ: Mỗi hãng hàng không có những tuyến đường bay riêng, và có ưu điểm ở một số tuyến bay riêng biệt. Nhưng từ Việt Nam đi hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác thì hãng hàng không giá rẻ AirAsia đều có đường bay, và giá thường thấp nhất. Hãng này liên tiếp được bầu chọn là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới từ năm 2009 đến nay. Do vậy, không người đi du lịch bụi nào lại không biết đến AirAsia. Sau đây là danh sách một số hãng hàng không có các chuyến bay từ Việt Nam đến các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á: Thái Lan: AirAsia, Jetstar, Vietjet Air, Jet Airways, Turkish Airlines. Các hãng hàng không nội địa Thái Lan: Bangkok Airways, Orient Thai Airlines, Nok Air... Malaysia: AirAsia, Vietnam Airlines, Malaysia Airlines. Singapore: Tiger Airways, Jetstar, Vietjet Air. Indonesia: Lion Air, Garuda Indonesia, AirAsia. Philippines: Cebu Pacific, Philippine Airlines. Myanmar: AirAsia, Vietnam Airlines. Bí quyết để săn vé máy bay giá rẻ của tôi như sau: Muốn đi nước nào, tôi thường đăng ký nhận bảng tin của các hãng hàng không có đường bay đến nước đó, đợi khi nào có khuyến mãi thì đặt vé. Mỗi hãng hàng không có một số đợt khuyến mãi lớn trong năm. Khuyến mãi được chờ đợi nhất là giá vé 0 đồng, tức là người ta chỉ cần trả thuế và lệ phí sân bay mà không phải chịu cước phí máy bay. Những lần như vậy, ta có thể mua được vé đi Thái Lan, Malaysia hoặc Singapore với giá từ một đến một triệu rưỡi cho một cặp vé khứ hồi. Một trang web khá hữu ích cho việc tìm kiếm vé máy bay giá rẻ là htttp://baynhe.com/. Trang web này đưa thông tin khuyến mãi từ các hãng hàng không, cũng như hướng dẫn cách đặt vé và giữ chỗ, cách thanh toán, và thông tin khác liên quan đến đặt vé máy bay. Một số lưu ý khi đặt vé máy bay và du lịch bằng đường hàng không: https://thuviensach.vn - Đặt vé sớm nhất có thể. Nên canh đặt khi có khuyến mãi hoặc năm đến sáu tháng trước khi khởi hành để có vé giá rẻ. - Chú ý so sánh giá vé cuối cùng giữa các hãng hàng không sau khi cộng vào tất cả các phụ phí và thuế sân bay, chứ không chỉ so sánh mỗi cước phí. - Không cần phải mua hành lý ký gửi nếu muốn du lịch gọn nhẹ. - Điền thông tin cẩn thận và kiểm tra kỹ càng trước khi xác nhận thanh toán. - Một số hãng hàng không yêu cầu hành khách phải làm check-in trực tuyến trước khi lên đường, nếu không sẽ tính thêm phí khi khách đến check in tại quầy. Do vậy, cần check in qua mạng và in thẻ lên máy bay (boarding pass) trước khi lên đường. - Có mặt tại sân bay trước giờ bay ít nhất hai tiếng đồng hồ để làm thủ tục check in và xuất nhập cảnh. https://thuviensach.vn Di chuyển bằng đường bộ Hầu hết các nước Đông Nam Á đều nằm trên phần đất liền chung với nhau, nối từ bán đảo Đông Dương đến bán đảo Mã Lai. Do vậy du lịch bằng đường bộ khá rẻ và tiện lợi. Ví dụ, từ Việt Nam đến Lào và Campuchia có thể dễ dàng di chuyển bằng xe buýt, từ Campuchia cũng có thể đi qua Thái Lan bằng đường bộ. Từ Thái Lan đi Malaysia có thể dùng xe buýt hoặc tàu hỏa. Việc di chuyển giữa Malaysia và Singapore thì lại càng dễ dàng. Ưu điểm của việc đi du lịch bụi bằng đường bộ là bạn có thể đi chậm, quan sát được nhiều hơn, nhìn ngắmvà trải nghiệm nhiều hơn. Một điểm thú vị nữa khi đi du lịch bụi quanh vùng Đông Nam Á bằng đường bộ là bạn có thể xin đi nhờ xe. Không như ở Mỹ, việc đi nhờ xe bị cấm trong luật, ở Đông Nam Á, với sẵn tính thân thiện của người bản địa, chỉ cần có nụ cười rộng mở, sự kiên nhẫn và một chút cẩn trọng, bạn sẽ có thể đi nhờ xe từ nơi này sang nơi khác. Nếu bạn đi du lịch bằng đường bộ, hãy đặt vé trước nếu có thể. Cần kiểm tra và tính toán cẩn thận xem từ nước này qua nước nọ đi qua cửa khẩu nào, cửa khẩu đó có cho phép dân thường qua lại tự do không, có yêu cầu xuất nhập cảnh gì đặc biệt không, và cần vạch lộ trình và cách đi lại tỉ mỉ để bảo đảm ít rủi ro nhất cho chuyến đi của bạn. https://thuviensach.vn Chỗ ở Trong khu vực Đông Nam Á, các loại hình cư trú cho khách du lịch khá đa dạng với nhiều mức giá khác nhau như nhà khách, B&B4, nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... Người muốn tiết kiệm chi phí chỗ ở thường lựa chọn những hình thức sau: - Xin ở nhờ nhà người dân địa phương. Có nhiều trang web đưa ra dịch vụ này. Nổi tiếng nhất là Couchsurfing (có giới thiệu riêng ở phần sau). Ưu điểm của hình thức này là có chỗ ở miễn phí, lại có nhiều cơ hội để hiểu rõ hơn về văn hóa, phong tục bản địa. Nhược điểm là cần nhiều thời gian để đầu tư, tìm kiếm chủ nhà và viết yêu cầu xin ở nhờ, lại không có được sự tự do và riêng tư khi ở nhà người khác. - Thuê chỗ trọ tại nhà của người bản xứ với mức giá rẻ hơn nhà nghỉ/khách sạn cùng chất lượng. Tiêu biểu là Airbnb (có giới thiệu riêng ở phần sau), hoặc các hình thức tương tự khác. - Ở tại những nhà nghỉ giá rẻ như dorm5, nhà khách, B&B, nhà nghỉ, nhà trọ... - Sử dụng các trang web chuyên biệt để tìm kiếm phòng trọ giá rẻ hoặc những nơi có giảm giá đặc biệt. Một số bạn bè tôi thường đợi đến khi đặt chân tới nơi thì mới bắt đầu đi tìm chỗ ở. Điều này có một lợi thế là vào mùa thấp điểm, các nhà nghỉ, khách sạn sẽ có nhiều phòng trống muốn lấp đầy, nên đưa ra mức giá cực rẻ và có thể trả giá thấp hơn. Tuy vậy, tôi thường sắp xếp trước về chỗ ở (xin ở nhờ hoặc đặt phòng trước) để không mất thời gian lang thang đi tìm chỗ ở ngay khi vừa đến một nơi xa lạ. Việc đem theo lều để cắm trại thực sự không phù hợp lắm với môi trường Đông Nam Á. Giá cả nơi ở trong khu vực này không quá cao, nên không khó để tìm chỗ ngủ qua đêm. Việc cắm trại không được cấp phép tại các khu dân cư cũng có thể gây rắc rối cho bạn. Điều này chỉ phù hợp khi đi leo núi hoặc đi bộ đường dài ở các công viên quốc gia, khu vực rừng, núi... Một số trang web phổ biến dùng để tìm và đặt phòng: - http://agoda.com: Một trong những website nổi tiếng và phổ biến nhất để đặt phòng khách sạn. Nhanh và chuẩn xác, với nhiều chương trình giảm giá đặc biệt. Tuy vậy, đánh giá và nhận xét trên trang này không đáng tin cậy lắm. Điều tôi hay làm là tìm thông tin về nơi ở mà tôi thích trên trang Tripadvisor.com để xemnhận xét đánh giá, sau đó vào Agoda để đặt phòng. - http://booking.com: Tương tự như Agoda nhưng không phổ biến bằng. Đôi khi giá phòng ở Booking.comlại rẻ hơn chút đỉnh so với Agoda. Tốt nhất là so sánh giá phòng của cùng một nơi trên cả hai trang web. - http://hostelworld.com: Chuyên về các loại nhà trọ kiểu hostel, mức giá rẻ và dịch vụ chấp nhận được. https://thuviensach.vn - http://hotelquickly.com: ứng dụng điện thoại để tìm phòng khách sạn giá rẻ vào phút cuối. https://thuviensach.vn 5. Cách tìm kiếm thông tin du lịch “A journey is like marriage. The certain way to be wrong is to think you control it” - John Steinbeck Việc đặt vé máy bay và nơi ở thường kết hợp với công đoạn tìm kiếm thông tin, chuẩn bị kiến thức nền và lên kế hoạch hành trình. Để chuẩn bị cho chuyến đi, điều cần làm là tìm hiểu thông tin về vùng đất nơi ta sắp đến, cũng như thông tin du lịch tại địa điểm đó. Nguyễn Chí Linh, dân du lịch bụi có tiếng với blog Cuộc sống du lịch bụi (https://linhnc2005.wordpress.com/) từng chia sẻ rằng: “Mỗi nước, tôi chỉ đến một lần và ở lại đó khoảng một tuần thôi. Nhưng việc đọc nhiều về các thắng cảnh nổi tiếng đã giúp tôi hòa nhập với các nền văn hóa khác nhau một cách dễ dàng hơn”. Thông tin có thể được tìm ở những nguồn sau: Một, http://wikipedia.org và http://wikitravel.org. Nếu như Wikipedia thường đề cập đến thông tin chung của mỗi đất nước, vùng miền, thì Wikitravel lại chú trọng đến thông tin du lịch nhiều hơn. Đọc Wikitravel cho ta cái nhìn sơ lược về những địa điểm du lịch, đi đâu, xem gì, làm gì, ăn gì. Wiki travel cũng có lịch trình tham khảo cho các thành phố lớn hay địa điểm du lịch phổ biến. Từ các lịch trình gợi ý này, ta sẽ tìmra được những điểm tham quan chủ yếu và thú vị tại nơi đó. Hai, http://tripadvisor.com. Đây là một trợ thủ đắc lực cho những người đi du lịch bụi. Tripadvisor là một trang thông tin xã hội hoạt động dựa trên tương tác đánh giá của người dùng. Nó hỗ trợ người dùng tìmkiếm thông tin du lịch, đăng đánh giá và ý kiến về các nội dung liên quan như khách sạn, nhà hàng, những địa điểm tham quan, các dịch vụ giải trí... và sắp xếp thứ tự các địa điểm dựa theo tổng đánh giá tích cực của người dùng, ngoài ra còn có cả một diễn đàn hỏi đáp thông tin du lịch. Một điểm tiện lợi của Tripadvisor là họ sẽ đưa ra các lịch trình tham khảo, chi tiết hơn cả Wikipedia, ví dụ Ba ngày ở Bangkok (Three days in Bangkok), hoặc Ba ngày ở Singapore (Three days in Singapore). Ba, các sách hướng dẫn du lịch như Lonely Planet, Rough Guides, Todor’s, Insight Guides... Đặc điểmcủa các sách dạng cẩm nang như vậy là đưa ra thông tin cực kỳ đầy đủ và chi tiết về mỗi địa danh, từ lịch sử, địa lý, khí hậu, hệ sinh thái, văn hóa, dân số, giáo dục... cho đến những điều cần lưu ý khi đi du lịch tại nơi đó, cùng những gợi ý và nhận xét về khách sạn, nhà hàng ở từng địa điểm. Trong số đó, Lonely Planet nổi lên như một tên tuổi lớn. Rất nhiều dân du lịch dùng nó như sách gối đầu giường, thậm chí dựa hoàn toàn vào nó trong các chuyến đi. Tuy vậy, việc sử dụng nó có những ưu và nhược điểm riêng: https://thuviensach.vn - Về cơ bản, sách vẫn do một hoặc một số người viết. Vì vậy dù độc giả có thể không nhận ra nhưng những gì trong sách cũng chỉ là thái độ, quan điểm của một hoặc một số người mà thôi, và không khỏi mang tính chủ quan, thiên lệch. - Nhược điểm lớn nhất của các sách hướng dẫn du lịch là thiếu tính cập nhật. Lonely Planet và các quyển sách tương tự thường được cập nhật hai năm một lần nên trong khoảng thời gian đó, những gì được đề cập trong sách đã có những thay đổi nhất định. Các cuốn sách hướng dẫn du lịch có thể là người bạn đồng hành của những người du lịch bụi không có kết nối Internet. Nhưng khi có thể truy cập Internet thường xuyên, người ta dễ dàng tìm kiếm các thông tin cập nhật và chuẩn xác nhất mà không cần tới sách. - Lonely Planet là một nguồn tham khảo tốt cho các thông tin chung, nhưng không hoàn toàn là lựa chọn số một khi muốn tìm hiểu ở đâu, đi đâu, xem gì, làm gì. Tôi đã thấy nhiều du khách nước ngoài đổ xô ghé thăm cái đền thờ nhỏ xíu ở Sài Gòn chỉ vì Lonely Planet đã viết về nó. Trong khi rất nhiều đền chùa khác mang ý nghĩa tín ngưỡng quan trọng thì lại không được chú ý, chỉ vì sách không đề cập. - Các sách hướng dẫn du lịch thường chú trọng nhận xét nhà hàng, khách sạn, tuy vậy, những nơi này lại rất hay thay đổi. Ngay khi sách ra đời thì những thông tin đó đã trở nên lạc hậu, giá cả tăng lên, dịch vụ thay đổi, nhiều nơi khác mọc lên, và địa điểm đó có khi nay đã đóng cửa. Mặt khác, những địa điểm không có trong sách không phải là không đáng tin cậy, và không hẳn những chỗ sách giới thiệu đều đảm bảo 100% trải nghiệm tuyệt vời cho ta. Vậy nên vô tình quyển sách làm cho ta bị mù đi, không cho ta tìm kiếm rộng hơn. - Giá cả của những quyển sách hướng dẫn du lịch như Lonely Planet khá cao, và thường khó tiếp cận đối với độc giả người Việt. Một quyển sách Lonely Planet có giá trung bình là 30 USD, và ta hầu như không dùng đến nó sau khi chuyến đi kết thúc. Do vậy, nếu tình cờ có được một quyển sách hướng dẫn du lịch cho hành trình sắp tới thì tôi sẽ đọc qua toàn bộ thông tin du lịch chung của nơi đó, nhưng không dựa hoàn toàn vào nó. Còn nếu không, tôi tìmkiếm thông tin trên mạng, chủ yếu là từ trang Tripadvisor.com. Tripadvisor là lựa chọn hàng đầu của tôi khi cần tìm kiếm thông tin khách sạn. Tuy nhiên, đây không phải là trang web đặt phòng như Agoda hay Booking mà chỉ có các link liên kết với các trang web đặt phòng để người dùng tiện so sánh giá cả. Những thông tin đánh giá trong Tripadvisor rất phong phú, cập nhật nhanh và mang tính xác thực cao hơn những trang khác. Tìm hiểu ở đây, tôi có thể thấy những thông tin trung thực và cảm tính từ nhiều người dùng chứ không chỉ toàn khen ngợi chung chung. Quản lý các khách sạn, nhà hàng hay dịch vụ du lịch cũng có cơ hội phản hồi lại các nhận xét của khách hàng, cảm ơn, giải thích, hay phản đối các nhận xét tiêu cực. Đôi khi lặn ngụp trên trang này, thấy có những nhận xét và trả lời thẳng thắn đến mức trời ơi, đọc xong chỉ muốn ôm bụng cười lăn lóc. Tripadvisor cũng đưa ra các gợi ý về nhà hàng, nhưng theo tôi thấy thường toàn là nhà hàng cao cấp, ít phùhttps://thuviensach.vn hợp với túi tiền của dân đi bụi. Để tìm chỗ ăn ngon bổ rẻ, tôi thường xem Wikitravel, nơi liệt kê những địa điểm ăn uống từ bình dân đến trung bình và sang trọng. Nhờ Wikitravel mà tôi mới biết các chuỗi cửa hàng ngon mà rẻ ở các điểm đến. Ví dụ ở Nhật thì là chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Yoshinoida với giá tiền rất rẻ cho một bữa ăn gồm cơm thịt bò, salad và nước súp miso, hay chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Chowking tại Philippines. Điều tôi sẽ làm đầu tiên là đọc hết Wikipedia và Wikitravel của vùng đất mà tôi sẽ ghé thăm. Sau khi xemthông tin nơi đó, tôi sẽ hình dung được là mình muốn tham quan những địa điểm nào. Và khi đã có trong đầu điểm đến, tôi dùng Tripadvisor để tìm kiếm các thông tin tiếp theo về khách sạn, rồi dùng Agoda hoặc Hostelworld để đặt phòng, sau đó tiếp tục tìm trong Tripadvisor để liệt kê ra những địa điểm lý thú để ghé thăm tại mỗi thành phố, vùng miền, thị trấn. Sau khi xem xét tất cả những địa điểm tham quan từ Tripadvisor và Wikitravel, tôi sẽ tổng hợp lại và lập danh sách các địa điểm mà mình muốn đi rồi dùng Google map để kiểm tra khoảng cách giữa các nơi, từ đó đưa ra lộ trình hợp lý cho cả chuyến đi, ngày nào đi đâu làm gì. Cuối cùng là tìm thêm các trang thông tin khác để hoàn thiện lịch trình tham quan như phương tiện đi lại, giá cả, chi phí ăn uống... https://thuviensach.vn 6. Cần mang theo những gì? “If you wish to travel far and fast, travel light” - Cesare Pavere “He who would travel happily must travel light” - Antoine de Saint Exupery Những ngày đầu chập chững đi du lịch bụi, tôi thường mua thêm mười lăm cân hành lý ký gửi khi đặt vé máy bay. Một lần, đi chung với cô bạn, cô ấy đặt vé cho cả hai đứa. Vé đặt xong kiểm tra lại, tôi mới tá hỏa lên vội hỏi: - Ủa Quỳnh ơi, cậu quên mua cước hành lý ký gửi rồi kìa. - Cần gì mua hả Rô (cô ấy gọi tôi như thế thay vì Rosie), chỉ cần hành lý xách tay bảy cân là đủ rồi mà, người ta cho đem thêm một túi laptop nữa. Lần nào đi tớ cũng chỉ có thế. Và thế là cô ấy đã “khai sáng” cho tôi về khái niệm “travel light” - du lịch gọn nhẹ. Từ đó, tôi luôn gói gọn đồ đạc của mình trong mức cho phép của hành lý xách tay, và không bao giờ phải tốn tiền cho dịch vụ ký gửi. Thực tế là dân du lịch chuyên nghiệp thường đem theo rất ít hành lý. Đặc biệt là khi đi du lịch ở các nước Đông Nam Á, bạn càng không phải mang theo quá nhiều. Thứ nhất là việc mua hành lý ký gửi sẽ “ngốn” của bạn ít nhất là 15 USD cho một chiều bay. Thứ hai là xung quanh Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore và Malaysia, bạn có thể tìm thấy hầu hết các mặt hàng cần thiết với giá cả tương đương Việt Nam. Thứ ba là mang càng nhiều đồ, bạn sẽ càng mệt mỏi khi di chuyển, hành lý lúc này trở thành gánh nặng và gây trở ngại cho bạn khi đi đường. Một khả năng rất dễ xảy ra là khi qua những chặng đường dài và thấmmệt, ngay cả thân mình còn không lê nổi, thì điều duy nhất bạn muốn làm là quăng đống hành lý lỉnh kỉnh đó đi cho nhẹ người. Do vậy, chỉ nên đóng gói hành lý nhẹ nhàng, đặc biệt nhấn mạnh với chị em phụ nữ, vì phụ nữ thường mang theo nhiều quần áo lên đường mà lại chẳng bao giờ xài hết. Điều đầu tiên cần nói đến trong phần đóng gói trước hết là cái ba lô của bạn. Vì nó là bạn đường thân thiết của dân du lịch bụi, nên khi mua, hãy chọn một chiếc ba lô thật tốt, loại tiện dụng, nhiều ngăn, chắc chắn và an toàn. Nếu có thể, hãy mua loại ba lô có vỏ bọc phủ ngoài đi kèm để chống ướt, che mưa (ba lô của các hãng nổi tiếng như The North Face, Deuter sport, Osprey, Jack Wotfskin... thường có miếng phủ ngoài https://thuviensach.vn này). Nếu bạn đi du lịch bụi bằng máy bay, trước khi đóng gói hành lý, hãy tham khảo quy định về hành lý xách tay của các hãng hàng không mà bạn sẽ đi. Mỗi hãng hàng không có quy định riêng về trọng lượng tối đa được xách tay theo. Thông thường, các hãng hàng không giá rẻ chỉ cho phép xách tay một ba lô hoặc va li nặng không quá bảy cân, và một cặp đựng laptop nhỏ hoặc túi xách tay đựng các vật dụng nhỏ như giấy tờ, tiền, điện thoại... Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, trong trường hợp không cần đem theo cặp laptop, bạn có thể thay túi xách tay nhỏ này bằng một túi tote (tote bag) khoảng từ ba cân nữa. Mười cân hành lý tổng cộng là đủ, dù là chỉ đi bốn ngày hay cho một chuyến dài ba tuần lễ. Sau đây là một số mẹo vặt khi đóng gói hành lý: - Giới hạn hành lý cá nhân của bạn trong khoảng từ 7 - 10kg hành lý xách tay để tiết kiệm tiền ký gửi hành lý cũng như thời gian chờ gửi và lấy hành lý. - Đựng các loại chất lỏng (dầu gội, sữa tắm, kem dưỡng da...) trong những chai nhỏ không quá 100ml để bạn không phải ký gửi hành lý của mình. Hầu hết các hãng hàng không đều quy định không được mang các loại chất lỏng có dung tích trên 100ml trong hành lý xách tay. Nhớ xem kỹ dung tích trên nhãn chai lọ của các loại chất lỏng mà bạn đem theo. Nhân viên sân bay sẽ kiểm tra thể tích dựa vào nhãn ghi trên chai. Nếu bạn đựng trong một chai có vẻ to, nhưng nhãn chai ghi thể tích 100ml thì vẫn được, còn một chai khác nhỏ hơn nhưng thể tích trên nhãn là 150ml thì vẫn phải để nó ở lại. Mứt, sữa dưỡng da, kem... đều bị xemlà chất lỏng. - Đựng các loại vật dụng trong các túi nhựa có khóa kéo riêng biệt để không bị ướt khi ba lô rơi xuống nước, lúc đi dưới trời mưa, hoặc giúp các chai chất lỏng không chảy ra tràn qua chỗ khác. Ví dụ: đồ dùng nhà tắm một túi, mỹ phẩm một túi, áo quần riêng một túi khác. - Lưu ý không để các vật sắc nhọn như kéo, đồ giũa móng tay, kềm cắt da tay... trong hành lý xách tay. Hải quan thường sẽ chặn lại và tịch thu bỏ vào thùng rác. Bấm móng tay loại truyền thống đôi khi được cho qua. - Mang theo quần áo có thể dễ dàng kết hợp với các loại quần áo khác. - xếp quần áo theo kiểu cuộn tròn, cách này sẽ tiết kiệm được hết diện tích trong ba lô và đỡ nhăn quần áo hơn là xếp gấp kiểu truyền thống. - Một quyển sách là bạn đường không thể thiếu với những người thích đọc sách. Đôi khi nó còn là cái cớ rất hay để làm quen với người chung sở thích. Hãy mang theo một quyển sách để đổi nó với những người bạn gặp trên đường. - Nhớ để các bản photocopy của hộ chiếu và các giấy tờ khác như bảo hiểm du lịch, vé máy bay, thẻ tínhttps://thuviensach.vn dụng, bằng lái xe... vào một túi khác với nơi cất bản chính phòng trường hợp bạn làm mất bản chính trong lúc đi du lịch. - Để những đồ nặng ở dưới cùng của ba lô, sau đó là những vật nhẹ hơn như quần áo, khăn choàng... Phía trên cùng là những vật mà bạn sẽ cần tới sớm nhất. Nếu đem theo sách hướng dẫn du lịch, hãy để nó ở nơi dễ lấy nhất. Những gì cần đem theo tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của bạn và điểm đến. Sau đây, tôi xin liệt kê một danh sách đóng gói tham khảo để khi cần bạn có thể tham khảo và đóng gói để đảm bảo không bỏ quên những thứ quan trọng. Dĩ nhiên, bạn không cần phải mang tất cả những thứ được liệt kê ở đây nếu bạn không có nhu cầu. https://thuviensach.vn Các vật dụng cần thiết - Hộ chiếu. - Vé máy bay/vé xe/vé tàu/ giấy xác nhận đặt phòng khách sạn. - Các giấy tờ khác như bằng lái xe quốc tế, bảo hiểm du lịch, giấy chứng nhận đã tiêm phòng vắc xin (nếu có). - Ví, gồm tiền mặt, các loại thẻ ATM và thẻ tín dụng. Trên đây là ba thứ quan trọng nhất. Các thứ khác nếu quên có thể mua lại được, riêng ba thứ này tuyệt nhiên không thể quên. - Kính (kính cận, kính mát, kính sát tròng và dụng cụ đi kèm). - Giày, gồm giày thể thao hoặc giày đi bộ, xăng đan, và nhất thiết phải có một đôi dép lê khi du lịch Đông Nam Á. - Điện thoại và đồ sạc điện thoại. - Máy ảnh, dụng cụ đi kèm máy ảnh. - Một cây bút (để điền thông tin khai báo hải quan và ghi chú). Nếu cần thì thêm một quyển sổ nhỏ. - Bình đựng nước. - Một ổ khóa nhỏ để khóa ba lô hoặc tủ giữ đồ khi cần gửi lại đồ ở nhà nghỉ/ sân bay. - Một túi nhỏ, loại bằng vải gấp lại được, hoặc ba lô loại nhỏ. Dùng để đựng tiền và đồ lặt vặt cho các chuyến đi dạo, tắm biển hoặc leo núi trong ngày. - Đồ đeo tai và che mắt để ngủ. https://thuviensach.vn Quần áo - Quần dài, quần cộc, quần lửng. Đừng mang quần jeans vì nó nặng và tốn nhiều diện tích. - Áo dài tay, áo thun loại thoáng mát và hút ẩm tốt. - Áo khoác chống thấm nước. Chọn loại áo khoác thể thao có thể dùng trong nhiều trường hợp như đi mưa, đi nắng, đi gió... - Đầm, váy cho con gái. - Áo lót và quần lót. Mang nhiều quần lót vì chúng là thứ không thể mặc lại nếu chưa được giặt (nên mang đủ số quần lót cho số ngày trong chuyến đi, hoặc trên mười chiếc cho chuyến du lịch dài ngày). - Đồ bơi. - Một cái xà rông (sarong) bằng cotton, rất tiện lợi để quấn quanh người khi đi vào đền chùa, làm khăn lau sau khi tắm biển, trải ra bờ biển nếu cần ngồi nghỉ, hoặc thay cho thảm yoga và nhiều công dụng khác. - Vớ, khăn choàng. - Nón đi nắng. - Ô đi mưa hoặc áo mưa. https://thuviensach.vn Đồ dùng nhà tắm - Dầu gội, sữa tắm, xà phòng tắm. - Lăn khử mùi, nước hoa, phấn thơm. - Son môi dưỡng ẩm, kem dưỡng ẩm và các mỹ phẩm khác nếu cần. - Kem chống nắng (cực kỳ cần thiết cho cả nam và nữ). - Dao cạo râu và kem cạo râu. - Một bộ kim chỉ nhỏ. - Kem, bàn chải đánh răng và chỉ nha khoa. - Khăn giấy (không cần nhiều, chỉ cần khăn giấy khô và ướt mỗi loại một bịch nhỏ). - Bao cao su. - Tampon hoặc băng vệ sinh. - Lược chải đầu. - Bấm móng tay và nhíp. https://thuviensach.vn Bộ dụng cụ y tế, với một số loại thuốc thường dùng - Thuốc giảm đau hay hạ sốt, thông dụng nhất là loại có chứa Paracetamol như Panadol hoặc Efferalgan. - Thuốc ngậm trị viêm họng. - Thuốc kháng sinh. - Thuốc trị tiêu chảy (tôi thường đem theo Berberin hoặc Smecta). - Thuốc chống muỗi và côn trùng. - Thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi. - Thuốc mỡ hoặc tinh dầu lô hội để thoa khi bị côn trùng cắn. - Thuốc sát trùng vết thương, bông gòn và băng dán y tế. - Vitamin. - Thuốc tránh thai. - Cặp nhiệt độ. https://thuviensach.vn 7. Chào mừng đến thế giới của những người lữ hành “Couchsurfing là một phần cuộc sống của tôi” Đinh Hằng, phóng viên, người lữ hành https://thuviensach.vn Couchsurfing Couchsurfing.org dạo gần đây đã khá phổ biến với giới trẻ Việt Nam, nhờ sự quảng bá giới thiệu của những người Việt đam mê du lịch như quyển Xách ba lô lên và đi của Huyền Chip, Tôi là một con lừa của tiến sĩ Nguyễn Phương Mai và các phượt tử khác. Nói một chút về Couchsurfing, trang web này kêu gọi và thiết lập một mạng lưới các tình nguyện viên (được gọi là Couchsurfer, viết tắt là CSer) trên toàn thế giới cung cấp chỗ ngủ miễn phí cho khách du lịch tự do đến đất nước họ. Dân du lịch bụi thường không cần đến khách sạn năm sao, chỉ cần đơn giản một chỗ trống tối thiểu để nghỉ ngơi, trên ghế bố, võng, phần giường còn trống, hoặc ngay cả dưới sàn nhà phòng khách. Thế nên trang web mới có cái tên gọi dễ thương là Couchsurfing - lướt ghế. Tham gia Couchsurfing, nếu không có điều kiện cho ở nhờ, người ta cũng có thể gặp gỡ trò chuyện với khách du lịch, đưa họ tham quan thành phố, giới thiệu cho họ về văn hóa nước mình, hoặc tham gia vào các hoạt động phong phú của các nhóm Couchsurfing tại địa phương. Bằng cách đó, Couchsurfing kết nối người địa phương với dân du lịch, góp phần trao đổi văn hóa, phát triển mạng lưới xã hội và đem lại nhiều niềm vui, kiến thức khi làm quen, kết bạn với những người từ nhiều nơi khác nhau. Do vậy đây là một cách hay để trải nghiệm cuộc sống mỗi vùng đất qua lăng kính của người bản địa. Thực ra Couchsurfing không phải là trang web duy nhất cung cấp dịch vụ như vậy. Thử gõ cụm từ: “hospitality exchange”6, ta sẽ thấy khá nhiều trang web khác kết nối khách du lịch và dân bản địa với cách thức hoạt động tương tự. Hospitality Club là một trang web khá nổi tiếng, được xây dựng còn trước cả Couchsurfing và hoạt động rất mạnh ở châu Âu. Tuy nhiên, vì giao diện kém thân thiện với người dùng và quy định về an toàn không rõ ràng nên rất nhiều thành viên của Hospitality Club đã rời bỏ diễn đàn này và chuyển sang Couchsurfing. Hiện nay, Couchsurfing dẫn đầu trong các trang web về hospitality exchange với số thành viên trên 4,000,000 người. Đứng thứ hai vẫn là Hospitality Club với gần bảy trăm nghìn thành viên. Các trang khác như Global Free Loader, Tripping, Warm Shower nối tiếp nhưng số lượng chỉ khoảng vài chục nghìn thành viên. Trong khi các trang web khác hoạt động nhỏ lẻ và rời rạc, Couchsurfing nổi tiếng khắp thế giới với mạng lưới thành viên dày đặc. Điều đó không phải là không có lý do. Để hoạt động hiệu quả, Couchsurfing đã xây dựng một hệ thống chặt chẽ các tiêu chí đánh giá nhằm bảo đảm tối đa sự an toàn cho chủ nhà (host) và người xin ở nhờ (surfer). Vì chỗ ở là vấn đề cốt lõi của mỗi người tham gia trang web, nên khi thành viên mới đăng ký, Couchsurfing đề nghị họ xác nhận địa chỉ bằng cách đóng góp số tiền khoảng 10 USD, Couchsurfing sẽ gửi một tấm thiệp chúc mừng tham gia để xác minh rằng địa chỉ của họ là có thật. Nên khi bạn nhìn thấy một thành viên nào đó có địa chỉ đã được xác nhận thì https://thuviensach.vn bước đầu tiên có thể an tâm là họ (đang hoặc đã từng) có một chỗ ở thật, chứ không phải là địa chỉ ma. Tuy nhiên, bước này có thể được bỏ qua. Tiếp theo, mỗi người dùng sở hữu một hồ sơ cá nhân (profile) liệt kê chi tiết hầu như mọi thứ về bản thân, cho phép người khác đánh giá được phần nào về tính cách, sở thích, con người của chủ nhân hồ sơ. Càng đầu tư nhiều vào hồ sơ cá nhân thì mức độ tin cậy càng tăng cao. Tiêu chí cuối cùng và quan trọng nhất là xem những nhận xét của các thành viên khác về chủ nhân của hồ sơ đó. Qua nhận xét của những người đã tiếp xúc với anh ta, và xem xét tiếp hồ sơ của những người này, bạn có thể có một ấn tượng trong đầu là chủ nhân hồ sơ có đáng tin cậy để gặp mặt, để cho ở nhờ hay để xin ở nhờ không. Các dịch vụ cộng thêm và những hỗ trợ đặc biệt cho người dùng trên Couchsurfing cũng góp phần tạo nên danh tiếng của trang web. Ngay khi người dùng tạo tài khoản và hoàn thành hồ sơ của mình, một trong những thành viên gạo cội sẽ gửi tin nhắn cá nhân chào đón người mới đến với Couchsurfing và đưa ra những chỉ dẫn cơ bản để họ bắt đầu hành trình của mình. Khi nào thành viên có thắc mắc hoặc rắc rối gì, họ đều có thể liên hệ lại với người hướng dẫn đó để được tư vấn. Mỗi địa danh đều có diễn đàn Couchsurfing riêng của mình với người điều hành chặt chẽ, trên đó cung cấp đầy đủ các chỉ dẫn du lịch về địa phương, nơi ăn chốn ở, danh lam thắng cảnh xung quanh và phương tiện đi lại, thời tiết, các lễ hội. Bạn có thể tìm bạn đường, bạn đồng hành để đi phượt, đi chơi và nhận được cả những cảnh báo về các trò lừa đảo, về những thành viên quấy rối hay lợi dụng khách du lịch trước đó. Đặc biệt, để bảo đảm tối đa sự an toàn của thành viên, Couchsurfing lập ra hẳn một ban gọi là Safety Team, hoạt động tích cực để kiểm tra tính tin cậy của mỗi hồ sơ cá nhân, xác minh thông tin và sẵn sàng xóa các hồ sơ giả mạo, có dấu hiệu xấu hoặc nhận được báo cáo tiêu cực từ cộng đồng. https://thuviensach.vn Những trải nghiệm Khi tiếp xúc với Couchsurfing, tôi đã rất ấn tượng và bị lôi cuốn bởi ý tưởng đó. Sau đó tôi tạo tài khoản, bắt đầu cho Couchsurfer ở nhờ trong căn phòng trọ chỉ hơn mười mét vuông của mình. Thời gian đó, đa phần tôi cho những đôi bạn đi du lịch chung ở nhờ. Vì tôi thích quan sát cách họ trò chuyện, đối xử và cùng xử lý các tình huống phát sinh trong cuộc hành trình, và rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Cặp đôi đầu tiên mà tôi gặp là một anh chàng người Peru và bạn gái người Nga. Họ là dân lữ hành chuyên nghiệp, đi hết nơi này đến nơi khác, vừa đi vừa làm việc. Công việc của anh chàng là đạo diễn phim, anh cho tôi xem những tác phẩm ngắn của anh, kể về cuộc sống đây đó từ quê nhà Peru, đến Nga nơi anh học và làm việc, về những con đường lữ hành. Nhờ anh cổ vũ, tôi đã tìm lại được niềm vui viết lách sau những ngày bỏ bê chú tâm cho công việc. Và cũng nhờ anh mà tôi lần đầu biết được thế giới nhiều màu sắc của những người lữ hành, và ấp ủ ước vọng lên đường. Không lâu sau đó, tôi cho một đôi bạn người Pháp ở nhờ. Họ không giỏi tiếng Anh, chúng tôi chủ yếu giao tiếp bằng tay, nhưng nói hầu như liên tục và rất vui vẻ. Đặc biệt là người bạn nữ, dù chỉ mới gặp nhau nhưng bọn tôi có thể thoải mái trò chuyện về mọi chủ đề, cứ như đã thân quen từ lâu. Tôi cảm nhận ở bạn ấy sự chân thành, nhân cách trung thực tốt lành, và một trái tim trong trẻo. Sau khi rời Việt Nam, chúng tôi vẫn liên lạc, và hẹn sẽ gặp lại vào một ngày không xa. Đó là một trong những người tôi đặc biệt ấn tượng và có thể tự hào gọi là tri kỷ. Danh sách những người đến ở nhà tôi ngày càng dài hơn. Rồi cũng đến lúc những con đường trải ra trước mắt, tôi thực hiện những chuyến đi của mình. Tôi đã được ở nhờ nhà những người bạn Couchsurfer tuyệt vời. Tôi vẫn còn nhớ lần đến nhà một cô bạn ở đảo Cheng Chau, Hồng Kông. Ngôi nhà nhỏ nhắn xinh xắn đẹp như tranh vẽ, nằm trên sườn đồi, và hướng mặt ra biển cả mênh mông. Và bạn chủ nhà thì cực kỳ hiếu khách. Cô ấy dẫn tôi đi dạo tham quan quanh đảo, dẫn tôi đến quán trà yêu thích của cô ấy, quán ăn yêu thích của cô ấy, và cả quán chè yêu thích của cô ấy nữa. Tôi vẫn không quên được cảm giác nằm trên bờ biển Cheng Chau đọc sách vào lúc sáng sớm, ngắm nhìn đảo Hồng Kông lấp lánh dưới những tia nắng chiếu qua mây mù, bơi, đọc sách, rồi lại bơi. Không có một tour du lịch nào hay một khách sạn năm sao nào có thể cho tôi những trải nghiệm đó. Cực kỳ tâm đắc với Couchsurfing, tôi giới thiệu nó với một số người bạn và đồng nghiệp của mình. Vài người cảm thấy thích thú, nhưng nhiều người khác lại nghi ngờ: “Lỡ đâu bị lừa thì sao? Lỡ bị quấy rối thì sao? Em có phải tốn nhiều tiền không? Để được ở nhờ chắc em phải làm cái này cái nọ cho họ”... Thực ra chúng ta không “phải” làm gì cả. Đây là tổ chức tình nguyện phi lợi nhuận, thành viên có thể tham gia một hoạt động nào đó nếu họ thích, nếu không thì thôi, chẳng có gì mang tính ép buộc. Ví dụ như khi đăng ký thành viên, nếu thích bạn có thể đóng góp một khoản tiền nhỏ để góp phần duy trì Couchsurfing, nếu không thích thì vẫn lập tài khoản được. Khi có khách du lịch hỏi xin ở nhờ, nếu thích thì bạn chấp nhận, nếuhttps://thuviensach.vn không thích thì từ chối. Tất cả đều dựa trên tinh thần tình nguyện của người tham gia. Điều đầu tiên để có được những trải nghiệm hay ho là sẵn sàng chấp nhận những ý tưởng mới, bớt e ngại và thử hành động, như tiếng Anh có cụm từ: “get out of your comfort zone”7. Vì xây dựng chủ yếu dựa trên lòng tin, nên dĩ nhiên một số thành viên cũng có những kinh nghiệm không vui với người dùng khác, theo tôi chủ yếu là do không tìm hiểu kỹ hồ sơ của thành viên đó, hoặc do khác biệt về cá tính. Tôi tự nhận bản thân là một người rất kén chọn khi quyết định gặp người lạ, chủ yếu để bảo đảm mình và người mình gặp gỡ sẽ có thời gian thoải mái dễ chịu bên nhau. Do vậy tôi chưa bao giờ có kinh nghiệm không hay với các bạn Couchsurfer. Nói về những trải nghiệm, tôi đã có những khoảng thời gian vui vẻ với CSers, những người mình cho ở nhờ, xin ở nhờ, hay đi du lịch cùng. Có những người vừa mới gặp tôi đã cảm thấy thân quen, có những câu chuyện bất tận và đầy tiếng cười, và những người bạn hứa hẹn thành tri kỷ, cũng nhờ Couchsurfing mà ra. Bạn tôi, Đinh Hằng, một ta ba lô với nhiều kinh nghiệmlữ hành, có nói: “Nhờ có Couchsurfing mà tôi có bạn bè trải khắp năm châu”. Couchsurfing có nhiều nhóm hoạt động theo khu vực địa lý. Ở một số nơi như Couchsurfing Penang - Malaysia, mỗi khi có người mới gia nhập nhóm liền được người quản lý chào mừng và hướng dẫn cụ thể về thông tin du lịch, hay cập nhật các hoạt động trong tuần. Couchsurfing Hà Nội có đội ngũ thường trực rất hùng hậu với phong cách marketing hiệu quả, in áo thun đồng phục cho thành viên, và tổ chức các buổi gặp mặt chào mừng thành viên mới. Couchsurfing Sài Gòn tuy không quá mạnh nhưng cũng thường có các buổi họp mặt, một số buổi từ thiện, câu lạc bộ sách, nhóm bơi, lớp yoga... hàng tuần. Có nhiều nhóm chơi khác nhau trong Couchsurfing Sài Gòn tùy thuộc vào tính cách. Một số nhóm thích không khí sôi động thường rủ nhau đi tiệc, đi bar, đi nhậu... Tôi chủ yếu tham gia vào nhóm bơi và nhómyoga. Ở đây, tôi tìm được những người bạn cùng sở thích, nhẹ nhàng, dễ thương và thân thiện. https://thuviensach.vn Một số kinh nghiệm khi tham gia Couchsurfing Khi cho ở nhờ: - Đọc kỹ hồ sơ người xin ở nhờ, bạn bè, hình ảnh của họ. Nếu không cảm thấy thực sự ưa thích và phù hợp với người đó sau khi đọc xong, thì không nên chấp nhận. Điều quan trọng nhất khi tham gia vào trang web này là sự an toàn và thoải mái của riêng bạn. - Chuẩn bị chu đáo chỗ nghỉ ngơi cho khách sắp đến nhà. Thông báo trước với gia đình/bạn cùng phòng/chủ nhà trọ/tổ trưởng dân phố/cảnh sát khu vực. - Thành thật, cởi mở, và thân thiện với người ở nhờ. Đa phần khách du lịch đều thích tìm hiểu về phong tục, văn hóa của vùng đất sở tại, do vậy đừng ngần ngại chia sẻ kể chuyện về phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt và truyền thống văn hóa địa phương. Nếu người ta làm gì đó mình không vừa lòng, hãy thẳng thắn góp ý với họ. Vì đôi khi đó là thói quen hoặc là điều rất bình thường đối với họ nhưng lại không phù hợp với mình. Tuy vậy, đa số họ đều không có ý xấu. Điểm thường thấy nhất ở các bạn Couchsurfer phương Tây là hay mang dép vô nhà. Đầu tiên, tôi thấy hơi phiền, nhưng sau đó tôi biết rằng đó là thói quen của họ, người phương Tây đi dép trong nhà vì đường phố của họ khá sạch, và sàn nhà lót thảm, sau đó họ chỉ phải hút bụi cho thảm thôi. Một lần khác, một người bạn Couchsurfer nữ khi đi ngủ ở nhà tôi chỉ mặc quần lót, và một bạn nữ khác thoải mái ở trần đi lại trong phòng. Tôi không quen với điều này nên đã nói chuyện với họ, và họ bảo rằng họ tưởng chuyện đó là bình thường. Khi xin ở nhờ: - Đầu tiên và tiên quyết là đọc kỹ hồ sơ của người mình muốn ở nhờ. Xem kỹ thông tin, những yêu cầu nếu có của họ và nhận xét từ những thành viên khác. Gửi yêu cầu có đầu tư, nêu rõ tên của họ trong yêu cầu, đề cập những điều mình thấy thú vị về họ, lý do tại sao mình muốn gặp họ hay những điểm chung để cho thấy rằng mình và họ có thể sẽ có những buổi trò chuyện thú vị. Một số người yêu cầu để những câu từ đặc biệt để chứng tỏ mình đã đọc kỹ thông tin của họ, hãy bảo đảm để chúng vào trong thư gửi đi. Đặc biệt không gửi yêu cầu hàng loạt, chung chung hoặc cho người ta cảm giác mình đang “rải truyền đơn” nhằm tìm kiếmmột nơi để ở chứ không vì cảm thấy họ thú vị. Với những email như vậy, khả năng bị từ chối rất cao. Vì bạn đang xin một chỗ ở miễn phí, ít nhất hãy làm điều đó một cách nghiêm túc để tiết kiệm thời gian, và làm cho đối phương cảm giác được tôn trọng. - Sạch sẽ, lịch sự, sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ. Nếu không chắc những điều mình làm có phù hợp với phong tục và đúng ý chủ nhà hay không, hãy hỏi trước khi làm. https://thuviensach.vn - Mang theo một món quà nhỏ để tặng chủ nhà. Khi tham gia các hoạt động cộng đồng của Couchsurfing: - Chủ động trò chuyện, hòa nhập. - Làm quen, gợi chuyện, tạo điều kiện cho người mới hòa nhập với nhóm. - Vui vẻ, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ. Couchsurfing là một trong những công cụ hữu hiệu nhất cho dân du lịch bụi và lữ hành trên thế giới. Nhưng Couchsurfing không chỉ là nơi để tìm chỗ trọ miễn phí. Nếu giữ tư tưởng rằng tham gia Couchsurfing chỉ để tiết kiệm tiền đi du lịch, thì chắc chắn bạn sẽ phá hủy tinh thần đẹp đẽ của cộng đồng này. Điều quan trọng hơn một chỗ trọ là cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu những nền văn hóa mới, có những trải nghiệm thực sự khác biệt, và có những người bạn tuyệt vời trên khắp thế giới. Do vậy, hãy là một Couchsurfer chân thành và tử tế. https://thuviensach.vn Airbnb Couchsurfing là một cách tuyệt vời để khám phá cuộc sống, con người ở những vùng đất mới. Nhưng nếu bạn muốn tiếp xúc với văn hóa bản địa, nhưng không thoải mái với việc ở nhờ, hoặc bạn đi du lịch cùng gia đình hay nhóm bạn và cần nhiều không gian riêng tư thì sao? Nếu vậy, http://airbnb.com là sự lựa chọn hoàn hảo cho bạn. Airbnb là một trang web cho phép người đi du lịch và dân địa phương trên toàn cầu kết nối với nhau và thuê chỗ ở trong thời gian du lịch. Chỗ ở có thể là một phòng trống, nhà trống, lâu đài trống, hay kể cả một hòn đảo trống. Hoạt động như một mạng xã hội, Airbnb chú trọng các tính năng liên lạc, đánh giá dịch vụ, với giao diện thân thiện và có tính tương tác cao. Được thành lập vào năm 2007 bởi hai người bạn chung nhà ở San Francisco, Airbnb có nguồn gốc ra đời khá thú vị. Vì thiếu tiền trọ, họ nghĩ ra cách đặt mấy chiếc nệm hơi ra sàn nhà để cho thuê chỗ ngủ và phục vụ bữa sáng cho khách du lịch, bắt chước cách thức của các B&B. Số tiền 80 USD từ những người khách đầu tiên cho thấy rằng ý tưởng có phần điên rồ này lại khả thi trong thực tế, nên họ quyết định kết hợp với một người bạn khác chuyên về kỹ thuật để xây dựng website phát triển nó lên. Và thế là AirBed & Breakfast, hay sau này viết tắt lại thành Airbnb được hình thành. Trải qua những thăng trầm trong việc xây dựng nền tảng kỹ thuật và kêu gọi góp vốn, dự án startup ấy hiện đáng giá mười tỉ đô la Mỹ, đem lại thành công vang dội cho những nhà sáng lập. Không phải ngẫu nhiên mà Airbnb lại được người dùng yêu thích đến vậy. Ý tưởng độc đáo về một mạng lưới dịch vụ lưu trú tại nhà người dân địa phương đã đem đến cho trang web này những lợi thế cạnh tranh mà các loại hình khác khó lòng địch nổi. Thứ nhất, Airbnb cung cấp nơi ở với các tiện ích và chất lượng dịch vụ không kém gì khách sạn mà giá cả lại thấp hơn. Điều đó là vì những người chủ nhà tự làm lấy mọi việc và không mất những chi phí mà một khách sạn thông thường phải chịu, như tiền lương nhân viên, thuế và lệ phí cho nhà nước cũng như các chi phí quản lý khác. Thứ hai, khách du lịch có cơ hội được ăn nghỉ tại những nơi ở độc đáo và đa dạng với những trải nghiệmtuyệt trần mà không khách sạn nào sánh được: Một căn nhà trên cây với nội thất toàn bằng gỗ như mơ ước thời bé, một tòa lâu đài hàng trăm tuổi cổ kính giữa lòng châu Âu, một chiếc xe van tựa lưng vào núi đá phong sương ở New Zealand, hay một chiếc lều yurt Mông Cổ truyền thống sặc sỡ màu sắc trên cao nguyên xanh cỏ. Thứ ba, cách thức hoạt động bảo đảm an toàn, với thông tin rõ ràng kèm chính sách hủy bỏ giao dịch linh hoạt. https://thuviensach.vn Cuối cùng, giao diện website đẹp đi kèm với các chức năng, hình ảnh sinh động và khả năng tương tác cao giữa các thành viên, đem lại giá trị cộng thêm cho người sử dụng. Cách thức hoạt động của Airbnb khá đơn giản và hiệu quả. Người dùng được đăng ký miễn phí và chỉ cần xác nhận tài khoản và điền thông tin hồ sơ là có thể bắt đầu tìm kiếm nơi trọ trong mơ cho chuyến du lịch tiếp theo của mình. Dựa vào các tiêu chí về điểm đến và ngày đi, trang web liệt kê ra các địa điểm còn trống quanh khu vực khách muốn tới, với giá cả từng nơi. Bấm vào thông tin chi tiết của chỗ trọ, họ có thể xem rõ những mô tả về chỗ ở, danh sách tiện nghi, dịch vụ phụ thêm và nhận xét của những người ở trọ trước đó. Đặc biệt, phần hình ảnh được đầu tư rất kỹ lưỡng, đem lại những góc nhìn lung linh mà chân thực cho nơi ở dự kiến, giúp khách du lịch dễ hình dung và lựa chọn được địa điểm phù hợp cho mình. Khách thuê cũng có thể xem thông tin cá nhân của chủ nhà và gửi tin nhắn đến hỏi thêm thông tin muốn biết, ví dụ như các phương tiện vận chuyển công cộng, chất lượng wifi hay không gian, dụng cụ chung mà họ được sử dụng. Họ cũng có thể lưu một nơi mà mình thích vào danh sách yêu thích để xem lại sau này. Sau khi tìm kiếm được chỗ ở phù hợp, người thuê xác nhận đặt phòng, cung cấp thông tin thẻ tín dụng, hệ thống sẽ gửi yêu cầu tới chủ trọ. Chủ nhà có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận cho thuê tùy vào độ tin cậy của người yêu cầu hay các lý do riêng tư khác. Trong vòng hai mươi tư giờ, nếu họ chấp nhận, tài khoản của người thuê sẽ bị trừ tiền, còn nếu không thì giao dịch bị hủy bỏ và người thuê không bị mất phí gì cả. Airbnb tính phí dịch vụ từ 6 - 12% đối với người thuê nhà và 3% với người cho thuê. Sau khi chủ trọ chấp nhận, hai bên liên hệ với nhau để trao đổi các thông tin cần thiết và sắp xếp thời gian để người thuê đến trọ. Cuối cùng, sau thời gian đến ở, hệ thống đề nghị hai bên nhận xét cho nhau để làm thông tin tham khảo cho các thành viên sau đó. Vì hoạt động của Airbnb dựa chủ yếu vào sự tin tưởng giữa các thành viên, nên trang web đưa ra rất nhiều cách thức để đánh giá độ tin cậy và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Khi đăng ký thành viên, người dùng được yêu cầu cung cấp số điện thoại và bản scan chứng minh thư/hộ chiếu để xác thực tài khoản. Khách thuê và chủ nhà cũng cần phải điền đầy đủ thông tin hồ sơ với những mô tả chi tiết để có thể tăng khả năng được chọn. Người dùng nhận được đánh giá từ các thành viên trước đó, giúp các thành viên sau xem được lịch sử giao dịch của hồ sơ. Người dùng khác cũng có thể nhắn tin với người giao dịch trước để xác nhận độ tin cậy của hồ sơ này. Trong tất cả các giao dịch, Airbnb phụ trách phần thanh toán để đảm bảo an toàn cho khách trọ và chủ nhà. Người thuê trả tiền sau khi đặt phòng, còn người cho thuê chỉ nhận được tiền hai mươi tư giờ sau khi khách check in. Airbnb cũng có bảo hiểm lên đến một triệu đô la nếu chủ nhà có tổn thất gì về tài sản, còn khách du lịch thì có dịch vụ hỗ trợ khách hàng 24/7 nếu có bất kỳ rắc rối nảy sinh. Nhưng dĩ nhiên, không có cái gì là an toàn tuyệt đối, vẫn có những khách hàng có trải nghiệm không tốt với Airbnb, cũng như khi họ ở tại khách sạn, nhà nghỉ. Do vậy, việc tìm kiếm thông tin, lựa chọn hồ sơ, liên hệ với các thành viên khác và luôn vận dụng “common sense”8 của bản thân người dùng là điều quan trọng. https://thuviensach.vn Với chi phí rẻ hơn khách sạn, Airbnb là lựa chọn tốt cho những điểm đến với chi phí sinh hoạt đắt đỏ như Nhật, Úc, New Zealands, Mỹ hay các quốc gia châu Âu. Đơn cử là khi sử dụng Airbnb tại Nhật Bản, tôi chỉ phải trả tổng cộng 90 USD cho ba ngày ở trọ, trong khi giá tại khách sạn với chất lượng phòng tương đương là 200 USD. Nó đặc biệt hữu dụng khi đi du lịch vào dịp lễ hội hay khi có các sự kiện quan trọng, lúc phòng khách sạn luôn tăng giá hoặc hết chỗ. Nếu bạn muốn có một trải nghiệm đáng nhớ tại những nơi đặc biệt như lâu đài cổ, ngọn hải đăng, cối xay gió, nhà nổi, hay thậm chí cả du thuyền, thì Airbnb sẽ làmbạn thỏa nguyện. Đây cũng là một cách tuyệt vời để tìm hiểu thêm về đời sống, phong tục tập quán địa phương. Những người chủ trọ thường khá vui vẻ và sẵn sàng trò chuyện với khách du lịch. Hai vợ chồng anh chủ nhà của tôi ở Nhật rất thoải mái, hiếu khách. Họ đã ngồi hàng giờ để trò chuyện với tôi về cuộc sống bản địa, cũng như đưa ra các chỉ dẫn bổ ích để đi thăm thú quanh vùng. Vậy nên, nếu bạn chán ngán những căn phòng khách sạn sang trọng nhưng đơn điệu và lạnh lẽo, nhưng vẫn muốn duy trì sự riêng tư trong kỳ nghỉ của mình, thì tại sao không thử dùng Airbnb, nó sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm thú vị. https://thuviensach.vn HelpX, Wwoof và những website khác - HelpX - http://helpx.net Dân du lịch bụi thường chọn HelpX như một cách để tiết kiệm chi phí ăn ở và trải nghiệm cuộc sống địa phương trong các chuyến đi dài ngày. Đây là một trang web liệt kê danh sách các nông trại, trung tâm dạy ngoại ngữ, các tổ chức phi chính phủ, nhà trọ và ngay cả những con tàu cần người tình nguyện giúp việc tại đó. Đổi lại, những người tình nguyện thường được cung cấp chỗ ở và thức ăn miễn phí. Điều dễ dàng là hầu hết các công việc này không cần trình độ hay chuyên môn, chỉ cần sức khỏe và lòng hăng hái. Công việc tại Helpx mang tính chất ngắn hạn nhưng thường tối thiểu là một tháng. Thời gian làm việc khoảng từ bốn đến năm giờ mỗi ngày. Ngoài thời gian làm việc, ta có thể lang thang thăm thú các vùng lân cận và tìm hiểu cuộc sống của người bản địa. Với những người có nhiều thời gian và thích đi du lịch một cách chậm rãi, HelpX là một lựa chọn hợp lý. Kiểu kết hợp này có lợi cho cả hai bên, chủ nhà được giúp còn người tình nguyện thì có nơi ở miễn phí tại địa điểm mình muốn đến. Hoạt động gần giống các mạng lưới xã hội khác, Helpx sẽ cho phép các thành viên đăng ký miễn phí và tạo hồ sơ cá nhân của mình. Hồ sơ cá nhân được chia ra làm hai loại, loại dành cho người tình nguyện (helper), và loại dành cho chủ nhà (host). Người tình nguyện thường điền thông tin cá nhân, bao gồm kinh nghiệm làm việc liên quan như làm trong nông trại, làm vườn, trồng cây, các kỹ năng và kiến thức về nông nghiệp, hoặc những tay nghề khác như thợ xây dựng, nghề mộc, chăm sóc gia súc vật nuôi... HelpX hoạt động rất mạnh ở các nước phát triển, đặc biệt là Úc, New Zealand, châu Âu, Mỹ và Canada, gần đây, số lượng các cơ sở nhận người tình nguyện từ các nước châu Á ngày càng gia tăng, đem lại nhiều thuận lợi cho người lữ hành muốn tìm công việc từ thiện tại khu vực này. Ở Thái Lan, cuối năm 2014 có 80 cơ sở đăng ký trên HelpX, Malaysia 50, Campuchia 44, Indonesia 31... Để tìm nơi chấp nhận tình nguyện viên, người tìm sẽ đánh dấu chọn quốc gia mà họ muốn tới. Trang web sẽ cho ra danh sách toàn bộ các cơ sở tại nước đó hiện đang hoạt động trên Helpx. Lúc này người tình nguyện sẽ có cơ hội xem trang hồ sơ của chủ nhà, những thông tin như lợi ích nếu được làm tình nguyện ở đây, yêu cầu công việc, nguyên tắc quản lý... Sau đó họ gửi yêu cầu cùng các câu hỏi liên quan đến cơ sở mà họ quan tâm. Nhận được yêu cầu, cơ sở tình nguyện cũng có quyền xem người đó có phù hợp với yêu cầu của họ không, và quyết định đồng ý hay không đồng ý. Cũng tương tự như Couchsurfing, HelpX cho phép thành viên có đánh giá của những người tương tác cũ. Tuy vậy, HelpX có vài hạn chế như sau: Thứ nhất, giao diện xấu và không thân thiện với người dùng. https://thuviensach.vn Thứ hai, để có thể xem toàn bộ thông tin những nơi cần người tình nguyện và những nhận xét đánh giá về cơ sở đó, ta phải nâng cấp hồ sơ với mức giá 29 USD cho hai năm. Thứ ba, trang này hoàn toàn không thích hợp với những người đi nghỉ dưỡng, đi ngắn ngày. Người tình nguyện phải chuẩn bị tinh thần làm việc nghiêm túc. Thứ tư, có một số nơi yêu cầu bạn trả một khoản phí để trang trải chi phí thức ăn và chỗ ở, một số cơ sở lại có những ràng buộc khác. Không phải không có những cơ sở đăng ký trên HelpX chủ yếu để quảng cáo dịch vụ cho họ (trung tâm yoga, nhà nghỉ...). Do vậy, cũng như những chỗ khác, điều nên làm là xem thật kỹ thông tin và hỏi thật nhiều câu hỏi, bảo đảm rằng bạn đã hiểu rõ những yêu cầu của họ trước khi chấp nhận làm tình nguyện viên ở đó. Một người bạn của tôi đã tìm được công việc làm tình nguyện viên ở một ngôi làng tại Thái Lan nhờ HelpX trong chuyến đi bụi sáu tháng của cô. Bạn tôi bảo rằng trong khoảng thời gian đó cô có cơ hội trò chuyện làm quen với người bản xứ và có những kỷ niệm rất vui vẻ. Nó cũng giúp cô tiết kiệm được một số tiền để tiếp tục đi xa hơn. - Wwoof - http://www.wwoof.net/ hay http://www.wwoofindependents.org Khác với HelpX là một mạng lưới liệt kê các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần người tình nguyện, Wwoof (World Wide Opportunities on Organic Farms) như cái tên của nó cho thấy, tập trung hoàn toàn vào các nông trại hữu cơ. Nếu bạn dự định đi du lịch bụi dài ngày, và bạn yêu thiên nhiên, vườn tược, nông trại, cây cối và động vật, thì hãy thử đăng ký Wwoof. Trang web này liên kết những trang trại hữu cơ và người tình nguyện khắp nơi trên thế giới với nhau. Người tình nguyện có thể làm các công việc như gieo hạt giống, làm vườn, chăm sóc cây cối, thu hoạch đóng gói nông sản, vắt sữa, cho gia súc ăn, làm rượu nho, bánh mì hay phó mát... và được ăn ở miễn phí tại nông trại mình làm việc. Đây là cơ hội tuyệt vời để học hỏi các kỹ thuật nuôi trồng hữu cơ, về cách sống tự cung tự cấp, xanh sạch và gần với thiên nhiên, học hỏi cách tiết kiệm nhiên liệu và sống ít ảnh hưởng đến môi trường. Một số thông tin về Wwoof: - Thời gian tình nguyện viên làm việc tại một trang trại thông thường là một đến hai tuần. Tuy vậy, cũng có những trường hợp chỉ vài ba ngày hoặc kéo dài đến sáu tháng. Thời gian ở bao lâu là tùy thuộc vào thỏa thuận giữa người tình nguyện và nông trại. Thông thường chủ nông trại sẽ kỳ vọng tình nguyện viên làmviệc khoảng hai mươi giờ một tuần, tức là khoảng bốn giờ mỗi ngày. - Có hai loại Wwoof, một loại ở những quốc gia có tổ chức Wwoof độc lập, hoạt động bằng một tranghttps://thuviensach.vn riêng cho mỗi nước, với trang web chung tại http://www.wwoof.net/. Các quốc gia khác không có trụ sở thì danh sách các chủ trang trại được tập hợp và thống kê lại ở http://www.wwoofindependents.org/. - Đối với những quốc gia có tổ chức Wwoof để quản lý, nếu muốn làm Wwoof ở quốc gia nào thì ta cần đăng ký thành viên ở quốc gia đó. Phí đăng ký cho mỗi quốc gia là khoảng từ 15 USD. Phí đăng ký Wwoof Independent là 15 bảng Anh. Xung quanh khu vực Đông Nam Á, hiện đã có hai quốc gia có tổ chức Wwoof riêng là Thái Lan và Philippines. Những nông trại ở các quốc gia khác chưa có tổ chức riêng được liệt kê trong Wwoof Independent, trong đó có Indonesia, Malaysia, Campuchia... Joule, cô bạn người Đức của tôi đã làm một Wwoofer khoảng hai tuần ở Úc. Cô kể với tôi rằng đó là một kinh nghiệm có tính cách mạng, làm thay đổi phong cách sống của cô ấy và biến cô ấy thành người có nhận thức sâu sắc hơn về Trái Đất và về môi trường. Từ đó cô có thêm kiến thức về nông nghiệp, và ấp ủ giấc mơ xây dựng nông trại riêng cho mình. Ngoài các trang web trên, một số trang khác hơi chuyên biệt nhưng cũng cung cấp chỗ ăn ở hoặc giúp ta tiết kiệm chi phí trên đường. Tôi liệt kê ra đây để khi nào cần bạn có thể sử dụng. - Warm Showers - https://www.warmshowers.org/ Đây là diễn đàn kết nối những người thích đạp xe trên toàn thế giới. Nếu bạn là thành viên của diễn đàn này và đi du lịch bụi bằng xe đạp, bạn có thể kiếm chỗ ngủ miễn phí từ các thành viên khác trên đường bạn đạp xe qua, hoặc được hướng dẫn tìm chỗ cắm trại miễn phí từ các thành viên quanh vùng. - Workaway - http://www.workaway.info/ Tương tự như Helpx hay Wwoof, người du lịch bụi có thể đăng ký vào Workaway, vừa đi bụi vừa làmviệc cho các tổ chức, cá nhân cần người tình nguyện ở đất nước họ muốn đến. Họ có thể được trả một khoản lương nhỏ hoặc được ăn ở miễn phí. - Một số trang web đưa ra dịch vụ vacation rental (cho thuê phòng dùng trong kỳ nghỉ) tương tự như Airbnb nhưng không phổ biến bằng. Khi Airbnb đã kín chỗ, bạn có thể tìm thử các trang khác như: http://www.homeaway.com/, http://www.vrbo.com/, https://www.flipkey.com/. https://thuviensach.vn Phần II Các nước Đông Nam Á https://thuviensach.vn Chương 3 Campuchia - Chân chất https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn 1. Thông tin chung Nếu bạn chưa từng đi du lịch bụi nước ngoài bao giờ, thì sao không thử làm một chuyến ghé thăm quốc gia láng giềng Campuchia? Nước này gần với Việt Nam, di chuyển thuận tiện, có Angkor Wat nổi tiếng thế giới, lại thêm người dân thân thiện và chân chất, là địa điểm lý tưởng để bắt đầu hành trình ta ba lô của bạn. https://thuviensach.vn Lịch sử Người dân Campuchia ngày nay vẫn truyền tai nhau câu chuyện về sự ra đời của đất nước mình. Truyền thuyết kể rằng, ngày xửa ngày xưa, cả xứ chùa tháp vốn chìm trong biển nước, được cai quản bởi một Long vương, người có một cô công chúa vô cùng xinh đẹp. Một ngày nọ, nghe tin có một thần nhân Bà La Môn (tức Ấn giáo hay Hindu giáo) người Ấn Độ tên là Kaudinya du hành ngang qua, công chúa bèn bơi thuyền lên nghênh tiếp. Vừa mới gặp mặt, Kaudinya đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Ông bèn giương mũi tên thần, bắn một phát vào thuyền của công chúa, khiến nàng phải lòng chấp thuận lấy ông. Khác với truyền thống Việt Nam, theo phong tục của Ấn giáo xưa nay, khi người con gái kết hôn, gia đình cô gái phải chuẩn bị một số của hồi môn rất lớn để cô về nhà chồng. Không biết lấy gì làm của hồi môn, Long vương bèn dùng phép hút cạn biển nước mà ông đang cai quản, biến nó thành một vùng đất bằng rộng lớn và đem tặng cho Kaudinya. Phỏng theo tên của vì quân vương mới, miền đất đó được đặt tên là Kambuja. Trên thực tế, lịch sử thời kỳ đầu của người Khmer cũng có nhiều nét ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ. Khoảng năm 200 trước Công Nguyên, người Khmer bắt đầu di cư từ phía bắc xuống đồng bằng sông Cửu Long, nơi lãnh thổ của Campuchia hiện đại. Ở đâu có nước ở đó có sự sống, các nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới đều hội tụ quanh những dòng sông. Và người Khmer thuở ban đầu cũng thế, tập trung sinh sống quanh khu vực sông Mê Kông và hồ Tonle Sap, hai nguồn nước nuôi dưỡng nền văn minh Khmer cổ. Từ đó, vương quốc cổ Phù Nam dần được hình thành, diện tích trải dài khắp lãnh thổ Campuchia hiện tại, miền nam Thái Lan và vùng Tây Nam Bộ của Việt Nam. Phù Nam lúc đó có những bến cảng giao thương hoạt động nhộn nhịp, chủ yếu là với người Ấn Độ, Trung Quốc và Java. Vương quốc này đóng đô ở Vyadhapura, sau đó dời về Óc Eo (An Giang - Việt Nam). Cái tên Phù Nam là cách người Hoa cổ gọi vương quốc của người Khmer, là một cách phiên âm của từ Phnom, tiếng Khmer có nghĩa là “ngọn đồi”. Thế kỷ thứ 7, Phù Nam bị lật đổ bởi Chân Lạp, một quốc gia chư hầu. Một thế kỷ sau, Chân Lạp bị đánh bại bởi vương quốc Sumatra (thuộc Indonesia hiện đại). Sau đó, xứ sở này không còn là một lãnh thổ thống nhất, mà trở thành những tiểu bang với nhiều thủ lĩnh, thường xuyên đánh chiếm lẫn nhau và bị các dân tộc bên ngoài xâu xé. Thế kỷ thứ 9 sau Công Nguyên, người có công đứng lên thống nhất lại lãnh thổ của người Khmer và tạo tiền đề cho nước Campuchia hiện tại có tên là Jayavarman II. Dù có lười nhớ sử cách mấy, thì ông vua này là một trong những cái tên cần ghi nhớ trong lịch sử xứ chùa tháp, bởi đây là người đầu tiên tạo nên lịch sử của một trong những nền văn minh phát triển bậc nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Trong thời tại vị của mình, ông đã cho xây dựng một số đền đài, đặt ra tiền đề cho sự ra đời của cả khu đền đài Angkor hùng vĩ sau này. https://thuviensach.vn Sau Jayavarman II, các vương triều khác lên xuống trồi sụt và vương quốc Khmer tiếp tục chìm vào loạn lạc. Mãi đến đời vua Suryavarman I, và sau đó là Suryavarman II, lãnh thổ Khmer mới được thống nhất. Suiyavarman II là một trong những vị vua vĩ đại của lịch sử Campuchia. Ông tiến hành chiến tranh với vương quốc Champa của người Chàm (miền Trung Việt Nam bây giờ), biến Champa thành một nước chư hầu, và cũng chính ông là người đã cho xây dựng khu đền thờ Angkor Wat hoành tráng, đỉnh cao của văn minh Khmer, nhằm thờ thần Vishnu, và để đánh dấu sự phát triển rực rỡ cho triều đại mình. Sau Suryavarman II, một vị minh vương khác lại xuất hiện, Jayavarman VII của thế kỷ 12, tiếp tục vòng tròn của các vị vua trước, thống nhất lãnh thổ, xây dựng đền đài, ăn mừng chiến thắng. Tác phẩm để đời của ông là quần thể Angkor Thom nổi tiếng. Khác với Suryavarman II theo Ấn giáo, vua Jayavarman VII là tín đồ của Phật giáo Nguyên thủy Nam tông. Các đền thờ trong quần thể Angkor Thom có những cột đá lớn tạc hình mặt người cười trầm tư ở bốn góc. Các học giả đến nay vẫn còn tranh cãi rằng liệu những khuôn mặt cười này là đại diện cho Phật, cho thần Siva, hay chính bản thân vua Jayavarman VII. Nhưng tất cả đều đồng ý ở một điểm, là những tượng mặt cười này có vẻ đẹp khiến người ta nín thở. Sau thời hoàng kim, đế quốc Khmer bước vào giai đoạn suy thoái. Các nhà sử học lý luận rằng sự xây dựng của các công trình vĩ đại như Angkor Wat và Angkor Thom tốn quá nhiều sức lực và tiền của, đặt gánh nặng lên tình hình kinh tế và đời sống nhân dân Khmer thời bấy giờ. Sau khi vua Jayavarman VII qua đời, vùng đất này liên tục rơi vào nội chiến và bạo loạn, tranh giành quyền lực, xung đột tôn giáo, làm cho đời sống dân chúng càng thêm đau thương. Vào thế kỷ 15, bị người Thái tấn công dữ dội, dân Khmer rời bỏ thành cổ Angkor kéo xuống phía nam dựng thủ đô mới ở Phnom Penh, khiến cả khu thành trì rộng lớn rơi vào hoang tàn quên lãng. Trong suốt bốn thế kỷ sau khi đế chế Angkor sụp đổ, Campuchia luôn ở trong thế đánh đu giữa sự kiểmsoát của người Thái và người Việt. Hễ lúc nào đó một trong hai bên trở nên mạnh hơn thì Campuchia lại dựa vào bên kia để chống đỡ. Thế kỷ 17, trước những âm mưu tranh giành ngôi báu và bị quân Thái đe dọa, vua Campuchia nhờ chúa Nguyễn cứu mạng và nhượng lại cho nhà Nguyễn phần đất ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, người Việt dần di cư, khai hoang mở hóa, mở rộng lãnh thổ nước Việt thành hình chữ S. Mặc dù vậy, dân Khmer bây giờ đôi khi vẫn gọi khu vực này là Hạ Campuchia. Khoảng thời gian trong hai thế kỷ 19 - 20 của Campuchia tuy ngắn ngủi mà lại đầy biến động. Những tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng vẫn liên tiếp nổ ra, sau đó tạm chấm dứt khi người Pháp tiến vào Đông Dương vào thế kỷ 19, bảo hộ Campuchia và lập nên các ông vua bù nhìn để dễ bề cai trị. Một trong những người này là vua Sihanouk. Nhưng Sihanouk không phải là một người dễ bị khuất phục. Đây là con người khá kỳ lạ, ẩn chứa nhiều mâu thuẫn. Ông luôn tuyên bố quan điểm trung lập chính trị trong khoảng thời gian tại vị nhiều biến cố của mình. Nhưng trên thực tế lập trường chính trị của ông không hề trung lập. Khi thì ông hợp tác với người Pháp, khi lại là đồng minh của chính phủ miền Bắc Việt Nam, có giai đoạn ông lại chuyển sang ủng hộ miền Nam Việt Nam và Mỹ. https://thuviensach.vn Tuy vậy, Sihanouk có nhiều cố gắng trong việc phát triển đất nước. Sau Chiến tranh Thế giới II, ông đi khắp nơi để vận động, yêu cầu chính phủ Pháp trả lại chủ quyền cho Campuchia. Kết quả là Campuchia được độc lập vào năm 1953. Ông cũng chú trọng rất nhiều vào việc giáo dục dân chúng, số lượng trường học và bệnh viện mở ra dưới thời của ông nhiều đột biến so với các thời kỳ trước và sau này. Tuy vậy, vì mang nặng tính chủ nghĩa dân tộc, ông tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp quốc doanh, làm giảm đầu tư nước ngoài. Tỉ lệ người có học tăng lên nhưng không có đủ việc làm tương ứng, tình trạng thất nghiệp trở nên phổ biến. Do đó, những nỗ lực ban đầu của Sihanouk không đem lại nhiều lợi ích cho dân chúng Campuchia mà lại làm lợi cho những người bạn của ông, vốn quản lý nhiều tập đoàn nhà nước. Bên cạnh việc điều hành chính trị, hoàng thân Sihanouk đặc biệt có hứng thú với phim ảnh. Ông đã chi tiền làm khá nhiều bộ phim, trực tiếp làm biên kịch, đạo diễn và kiêm luôn vai nam chính. Ông cũng là một người đam mê âm nhạc và nghệ thuật, có thể chơi khá nhiều nhạc cụ khác nhau từ saxophone, piano đến accordion. Năm 1970, Sihanouk bị phế truất bởi thủ tướng chính phủ bấy giờ là Lon Nol. Sihanouk phải lưu vong đến Bắc Kinh và bắt đầu thiết lập liên minh với một phong trào cách mạng quần chúng có tên là Khmer Đỏ. Với sự kêu gọi của hoàng thân Sihanouk, số lượng dân thường gia nhập lực lượng Khmer Đỏ tăng lên nhanh chóng, khiến Khmer Đỏ lật đổ Lon Nol và tiếp quản cả Campuchia. Nhiều người dân ban đầu chào đón Khmer Đỏ như biểu tượng cho sự kết thúc thời kỳ nội chiến. Nhưng sau khi lật đổ xong Lon Nol, Pol Pot, người đứng đầu Khmer Đỏ, bắt đầu bộc lộ tính chất dã man của mình. Vốn là một học trò làng nhàng nhưng lại may mắn được đào tạo ở Paris, Pol Pot hấp thu chủ nghĩa cộng sản cực đoan và quan niệm rằng Campuchia muốn phát triển thì phải đi lên bằng con đường nông nghiệp, tự cung tự cấp. Hắn đuổi tất cả người dân thành thị ra nông thôn làm việc, trừng phạt hoặc giết những kẻ chống đối. Thực tế là quân Khmer Đỏ đã giết chết hầu hết người thuộc tầng lớp trí thức, các nghệ nhân, nghệ sĩ, giới tiểu thương và cả hoàng tộc bao gồm con cháu họ hàng của hoàng thân Sihanouk. Trong thời kỳ đen tối đó, có đến khoảng 3,000,000 người chết, gần 15% dân số Campuchia thời bấy giờ. Pol Pot cũng cho quân tấn công miền Tây Nam Bộ của Việt Nam, đòi lại vùng đất ngày xưa vua Campuchia nhượng cho triều Nguyễn. Năm 1978, Chính phủ Việt Nam phản công, đẩy lùi lực lượng Khmer Đỏ đến vùng biên giới Thái Lan và lập nên một chính phủ thân Việt do Heng Samrin đứng đầu. Hơn mười năm sau, quân đội Việt Nam rút về nước, rồi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc có mặt giúp tiến hành cuộc tổng bầu cử đầu tiên tại Campuchia. Sau bầu cử, quốc gia này được lãnh đạo bởi hai đồng thủ tướng là hoàng tử NorodomRanariddh (con trai của Sihanouk) và ông Hun Sen. Sau đó, Hun Sen chiến thắng Ranariddh và trở thành người đứng đâu chính phủ Campuchia từ đó đến nay. Trải qua thăng trầm, Campuchia hiện đã ổn định hơn trước và đang cố gắng phát triển đi lên. https://thuviensach.vn Địa lý Lãnh thổ Campuchia có diện tích gần 182,000km², tức là hai phần ba diện tích Việt Nam cho bạn dễ hình dung. Các nhà địa lý học thường so sánh Campuchia như cái đĩa cạn. Trong quyển sách Enchantment of the World: Cambodia của Miriam Greenblatt, tác giả có miêu tả khá chi tiết: Trung tâm Campuchia là một vùng đồng bằng thấp và bằng phẳng giống như đáy đĩa, nơi ở của phần đông dân số Campuchia. Nếu tiếp nối với lòng đĩa thường là một cái gờ nhỏ, thì bao quanh đồng bằng này là vùng đồng cỏ lớn với cây bụi. Vùng đồng cỏ nối liền với dãy núi thấp có tên Dangrek vốn là biên giới tự nhiên với Thái Lan. Còn ở phía nam Dangrek là dãy núi Voi và vùng cao nguyên trải dài sang tận hướng đông. Với rừng núi bao quanh, Campuchia xưa kia phủ đầy cây xanh. Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất trên toàn thế giới diễn ra tại Rio de Janero vào năm 1992 đã mô tả Campuchia là lá phổi xanh của Đông Nam Á. Tuy vậy, Campuchia đang phải đối mặt với vấn nạn phá rừng và buôn gỗ lậu. Hoạt động tràn lan của bọn lâmtặc kết hợp với thương lái cùng sự quản lý lỏng lẻo khiến cho tỉ lệ phá rừng của Campuchia đứng vào hàng cao nhất thế giới. Theo số liệu từ trang Wikipedia, rừng nguyên sinh của Campuchia hiện đang giảm mạnh và cạn kiệt, từ độ bao phủ trên 70% diện tích quốc gia vào năm 1969, đến năm 2007 chỉ còn 3.1%. Hệ thống sinh thái của đất nước này cũng khá phong phú. Nổi bật trong số các động vật ở Campuchia là bò xám Kouprey, với cặp sừng to dài cong vút và vẻ ngoài uy nghi lẫm liệt, biểu tượng đầy sức mạnh của nền văn hóa Khmer cổ. Với nạn phá rừng tràn lan, hiện nay số lượng của chúng chỉ còn vài trăm con, tập trung chủ yếu ở các vùng rừng núi xa xôi ở Campuchia. Sông Mê Kông và Tonle Sap là hai con sông có ảnh hưởng lớn đến văn minh và đời sống người dân Khmer. Sông Mê Kông đi qua lãnh thổ sáu quốc gia trong khu vực châu Á, không chỉ quan trọng với Campuchia mà còn đem lại nhiều lợi ích cho bất kỳ quốc gia nào mà nó chảy qua. Tonle Sap (Biển Hồ) vừa là tên của hồ nước và là tên của dòng sông chảy vào trong đó. Mỗi mùa trong năm, Tonle Sap lại có một diện mạo khác nhau. Vào mùa khô (khoảng tháng Mười một đến tháng Tư hằng năm), dòng Tonle Sap trở nên dài và hẹp, với diện tích mặt nước bao phủ chỉ một phần hai mươi tổng diện tích Campuchia và chảy xuôi dòng về phía nam, đổ nước vào sông Mê Kông. Nhưng vào mùa mưa, nước sông Mê Kông dâng cao, làm Tonle Sap đổi dòng, chảy ngược về phía bắc vào lòng Biển Hồ, làm nước mặt hồ dâng lên gấp ba lần và chiếm tới một phần bảy diện tích Campuchia. Sự thay đổi dòng này đem lại những vùng đất phủ đầy phù sa màu mỡ vào mùa khô, thuận lợi cho người dân Campuchia canh tác nông nghiệp. Còn mùa mưa, họ lại được đánh bắt thêm nhiều cá tôm sinh sôi nảy nở ở hai con sông, đem lại nguồn thu lớn về thủy sản. https://thuviensach.vn Kinh tế Xuyên suốt lịch sử Campuchia là hai vấn đề lớn về không gian và thời gian, về không gian, đó là tranh chấp quyền lực. Về thời gian, đó là xung đột tôn giáo. Chính hai điều đó đã tạo nên một Campuchia kiệt quệ hiện nay, với tình hình kinh tế và xã hội yếu kém. Về cơ bản, kinh tế Campuchia vẫn dựa phần lớn vào nông nghiệp. Cũng như Việt Nam, lúa là cây trồng nông nghiệp chính của Campuchia, tuy vậy diện tích trồng lúa bị thu hẹp đáng kể bởi nhiều vùng đồi núi có lá cây phủ dày khó canh tác, cũng như những mảnh đất còn bom mìn sót lại từ thời chiến tranh. Thời Pháp thuộc, Campuchia có khối lượng xuất khẩu cao su đáng kể, nhưng hiện nay, số lượng cao su còn lại không nhiều. Gỗ đang vượt mặt cao su trong hạn ngạch xuất khẩu, và phần lớn trong số đó là xuất khẩu lậu. Một sản phẩm nông nghiệp chính của Campuchia nữa là cá, được đánh bắt từ hai dòng sông lớn Mê Kông và Tonle Sap. Bữa ăn chính hằng ngày của người dân Campuchia thường là cơm và cá. Thu nhập trung bình của người dân Campuchia khá thấp, có đến 40% dân số bị xếp vào diện nghèo. Nói chung Campuchia vẫn là một nước nghèo, với 1/3 dân số sống với mức thu nhập dưới một đô la Mỹ một ngày. Trong số các nước ASEAN, Campuchia bị xếp hạng thấp nhất về chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chỉ đi du lịch quanh Phnom Penh và Siem Reap, bạn có thể không nhận ra tình trạng nghèo đói của người dân ở đây. https://thuviensach.vn Dân số và con người Nếu diện tích Campuchia gần bằng hai phần ba Việt Nam thì dân số ước tính của quốc gia này năm 2013 là khoảng 15,000,000 dân, tức gần 1/6 dân số nước ta. Campuchia có hơn 80% dân số là người Khmer. Ngoài ra, các nhóm dân tộc thiểu số ở Campuchia còn có người Việt Nam (5%) di cư từ thế kỷ 17 và thập niên 80, người Hoa (1%) đa phần sống ở thành thị và có vai trò quan trọng trong thương mại buôn bán, người Chàm theo Hồi giáo, một số ít người Afganistan và người Pakistan. Một số thông tin cho thấy có khoảng vài triệu người Việt sinh sống tại Campuchia. Người Việt chủ yếu tập trung ở khu vực hồ Tonle Sap hoặc vùng nông thôn phía đông nước này. Về tôn giáo, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Campuchia nhiều lần thay đổi quốc giáo giữa Ấn giáo và Phật giáo. Điều này gây ra nhiều xung đột tôn giáo giữa các thời kỳ, và nhiều đền đài tại Angkor bị đập phá cũng vì các triều đại sau phá bỏ các đền đài thời trước không thuộc tôn giáo của họ. Ấn giáo (hay Hindu giáo) nở rộ ở Campuchia từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ 14, được truyền từ các nhà buôn Ấn Độ và Java. Đạo Phật được phổ biến ở Campuchia từ giữa thế kỷ 13 -14, là Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông) từ Sri Lanka truyền qua đường Thái Lan. Đạo Phật hiện là quốc giáo của Campuchia từ năm 1975. Trong thời kỳ của Khmer đỏ, hơn ba nghìn chùa chiền, đền đài Phật giáo đã bị thiêu hủy. Ngày xưa, Phật giáo góp phần khá nhiều trong giáo dục Campuchia vì các cậu bé trai vào chùa tu thường được dạy đọc và viết chữ Khmer. Ngày nay, đạo Phật vẫn là trung tâm đời sống tâm linh tinh thần của người dân Campuchia. Người dân ở đây rất kính trọng các nhà sư, họ thường cúng dường khi các sư đi khất thực vào sáng sớm, và cho rằng càng cúng dường nhiều thì công đức của họ càng được nâng cao. Những gia đình có con trai cũng thường gửi con mình vào chùa tu từ một tháng đến một năm, như một cách để tăng công đức và học về đạo lý trước khi bước vào cuộc sống trưởng thành. https://thuviensach.vn Văn hóa Campuchia mang đậm âm hưởng của một nền văn hóa nông nghiệp và nhân sinh quan Phật giáo. Các dịp lễ lớn trong năm của người Khmer là một biểu hiện sinh động của văn hóa Campuchia. Dân Campuchia tổ chức hai lễ mừng năm mới, thứ nhất là Tết âm lịch của người Việt và người Hoa, và thứ hai là tết của người Khmer, thường vào tháng Tư hằng năm, sau khi khởi đầu mùa vụ mới. Cả hai lễ mừng nămmới là dịp để mọi người thăm viếng lẫn nhau. Vào năm mới Khmer, người Campuchia còn tổ chức lễ hội té nước. Mọi người gặp và té nước vào nhau như một cách thể hiện lời cầu chúc, lòng tin tưởng vào một vụ mùa bội thu sắp tới. Nhưng lễ hội được chờ đón nhất người Khmer lại là lễ hội Bon Om Thook, còn gọi là lễ hội Nước, hay lễ hội đua thuyền. Nó được tổ chức vào cuối tháng Mười đầu tháng Mười một hằng năm, khi Tonle Sap đổi dòng chảy ngược lại vào sông Mê Kông. Những con thuyền mới được đóng xong, thanh niên trai tráng trong làng được tuyển chọn, và người dân cùng tụ tập để xem hàng nghìn tay đua chèo thuyền trên hai dòng sông Mê Kông và Tonle Sap ở Phnom Penh. Buổi tối người ta tụ tập xem bắn pháo hoa và ngắm những bè gỗ sặc sỡ được thả trôi trên sông. Ai ai cũng nguyện cầu thần sông được vui vẻ trong mùa nước mới, cho cá đầy sông và lúa đầy đồng. Nền văn hóa Khmer còn là sự hòa trộn của những nền văn hóa của các xứ sở bên cạnh, đặc biệt là Ấn Độ. Di sản văn chương truyền thống Campuchia là Reamker, một phiên bản của bộ sử thi Ramayana. Các truyền thuyết dân gian khác của Campuchia, đơn cử là truyện kể về Vorong và Sorvong, cũng thường kể về các hoàng tử, anh hùng, thần linh, và nhấn mạnh sự giải quyết hài hòa các xung đột mâu thuẫn, có lẽ vì đặc điểm lịch sử nước này có quá nhiều giao tranh. Nối tiếp văn chương, các điệu múa nghệ thuật truyền thống của Khmer cũng thường diễn lại một đoạn trong tích cổ Reamker. Người Khmer tin rằng họ có thể kết nối với thần linh từ những điệu múa. Do vậy, hình ảnh các tiên nữ nhảy múa Apsara được chạm trổ rất nhiều ở những đền đài tại Angkor. Ngoài đời thực, những nghệ sĩ múa tiên được đào tạo và tuyển chọn kỹ càng, với vẻ đẹp đằm thắm và tài nghệ xuất sắc. Trong sách Countries of the World: Cambodia, tác giả Dayaneetha De Silva có viết rằng những điệu múa này hoàn hảo đến mức khiến người ta tin rằng thần tiên và con người cùng hòa quyện trong từng nhịp múa, và những vũ công múa tiên nổi tiếng thường bị người Xiêm bắt đem về Thái Lan như một phần của chiến lợi phẩm khi đánh chiếm Campuchia. Trong thời kỳ Khmer Đỏ, hầu hết nghệ sĩ múa bị giết chết, chỉ có một số rất ít người sống sót do ẩn danh tạm bợ trong các trại tị nạn gần biên giới Thái Lan, họ truyền nghề cho các bé gái trong những khu tị nạn. Năm 1981 chính phủ Campuchia khôi phục lại trường múa quốc gia và đào tạo lại đội ngũ nghệ sĩ sau này. Các vũ công được đào tạo từ bé để có thể luyện tập các động tác khéo léo và phức tạp, và họ thường dẻohttps://thuviensach.vn đến mức có thể bẻ các ngón tay chạm vào cổ tay được. Hình ảnh quen thuộc của người Khmer là chiếc khăn rằn quấn quanh đầu, được gọi là Krama, chủ yếu dùng để che nắng che gió. Xà rông cũng là một trang phục truyền thống, mặc dù ngày nay đa số người dân mặc áo thun quần jeans như phong cách phương Tây. Thời trước, nhà ở Campuchia thường được xây kiểu nhà sàn, để tránh lũ lụt từ Tonle Sap khi nước sông đổi dòng vào mùa mưa. Khoảng trống phía dưới nhà sàn thường dùng để cất trữ nông cụ và là nơi nuôi nhốt gia súc. Ngày nay, những ngôi nhà như vậy chỉ còn có ở nông thôn. Hầu hết người dân xứ sở chùa tháp đều cực kỳ thân thiện và hiếu khách. Cái vẻ thật thà, chân chất của họ là vẻ chân chất của những người nông dân nghèo nàn lam lũ vừa rời mảnh ruộng cái cày ra thành phố lập nghiệp. Con người Campuchia thoáng một vẻ e lệ dịu dàng và lặng lẽ của những người đã từng kinh qua thăng trầm. Ngay cả ở những địa điểm rất thương mại, du khách cũng ít bị chém đẹp vì phần lớn người dân thật thà có bao nhiêu nói bấy nhiêu. Công nghiệp hiện đại chưa ảnh hưởng nhiều đến tính cách người Khmer nên họ sống khá đơn giản. Dù trải qua bao nhiêu loạn lạc đau thương, những con người này vẫn sống hiền hòa và nhã nhặn, chấp nhận những gì định mệnh mang đến cho họ. Do tính chất lịch sử, quan điểm của người Campuchia về người Việt có nhiều chiều hướng trái ngược nhau. Một số người Khmer không có cảm tình với người Việt. Tuy nhiên, cũng có một số người khác dành nhiều thiện cảm cho Việt Nam vì cho rằng người Việt đã có công giải thoát người Khmer khỏi nạn diệt chủng của Pol Pot. Một vài tài liệu dẫn chứng rằng chính phủ Việt Nam đã giúp đỡ chính phủ Campuchia khá nhiều trong công cuộc xây dựng lại hệ thống đường xá, kiến trúc hạ tầng sau khi bị Khmer đỏ phá hủy, và giúp kinh tế Campuchia dần hồi phục. Sách Lonely Planet - Cambodia có đề cập rằng Người Khmer gọi người Việt là “yuon”, từ này được nhiều người Campuchia cho nghĩa là man rợ, nhưng một số sách nghiên cứu khác lại cho rằng từ này chỉ là cách gọi thông thường chứ không mang ý nghĩa xấu. Nói chung, đây còn là một vấn đề gây tranh cãi tại đất nước này. https://thuviensach.vn 2. Thông tin du lịch Campuchia là trải nghiệm tuyệt vời đối với những người yêu thích tìm hiểu về tôn giáo, lịch sử, hay muốn khám phá phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, dân dã. Người Việt được miễn thị thực 30 ngày ở Campuchia. https://thuviensach.vn