🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sức Mạnh Niềm Tin - Claude M. Bristol Ebooks Nhóm Zalo MỤC LỤC | TABLE OF CONTENTS Lời tựa Chương 1: Tôi đã thu nhận sức mạnh của niềm tin như thế nào? Chương 2: Những thí nghiệm về tiềm thức Chương 3: Tiềm thức Chương 4: Ám thị tạo ra sức mạnh Chương 5: Nghệ thuật tạo bức tranh tinh thần Chương 6: Kỹ thuật gương soi và sự giải phóng tiềm thức Chương 7: Định hướng ý nghĩ của bạn Chương 8: Phụ nữ và khoa học về niềm tin Chương 9: Niềm tin tạo ra tất cả Phụ lục Lời tựa B ạn sắp đọc một quyển sách kinh điển đã được hàng triệu độc giả nghiền ngẫm hàng chục năm qua, một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. Năm 1966, tôi đến Mỹ lần đầu tiên để học đại học. Dù đây là vùng đất của cơ hội và tự do, nhưng tôi thật đơn độc và chẳng có một xu dính túi, lại chỉ biết lõm bõm vài ba câu tiếng Anh. Tôi cảm thấy vô cùng lạc lõng. Tôi sẽ sống như thế nào đây? Tôi lấy đâu ra tiền để ăn, ở và đóng học phí? Thế là tôi bắt đầu nản lòng. Nhưng rồi tôi nhớ lại những lời mẹ tôi thường dạy bảo khi tôi còn nhỏ: “Nếu con muốn trở thành người vĩ đại, con phải học những người vĩ đại”. Ý bà nói rằng nếu muốn hạnh phúc, hãy giao thiệp với người hạnh phúc. Nếu muốn thành công, hãy chơi với người thành công. Nếu muốn đánh thức người khổng lồ đang ngủ yên trong bạn, hãy kết giao với những người có tư tưởng lớn. Và, hãy đọc sách về những tấm gương vĩ đại. Nhớ lời căn dặn của mẹ, tôi bắt đầu tìm hiểu về các bí quyết thành công. Tôi tìm kiếm những người thành đạt, những người có thể chỉ bảo tôi tìm thấy chiếc chìa khóa để đạt được mọi điều mình muốn trong đời. Hầu như lần nào cũng vậy, họ đều khuyên tôi đọc cuốn Sức mạnh niềm tin . Thế là tôi mua một quyển và chẳng mấy chốc nhận ra rằng tôi đang ở trong một hành trình khám phá sức mạnh của bản thân và tôi có những tiến bộ rõ rệt. Quyển sách của Claude M. Bristol đã mang lại cho tôi sự khích lệ và hỗ trợ mà tôi đang cần. Nó chỉ ra một cách hết sức đơn giản nhưng đầy thuyết phục rằng phép ám thị luôn luôn có thể được sử dụng để cải thiện hiệu quả của bất kỳ công việc nào chúng ta làm. Nó giải phóng mọi tiềm năng của tôi và giúp tôi tin ở chính mình cũng như cho tôi một kho bí quyết đầy hiệu quả để phát triển và nuôi dưỡng niềm tin ấy. Chẳng hạn, Bristol kể lại rằng ông thường ngoáy nhanh ký hiệu đồng đô-la trên bất cứ mẩu giấy lớn nhỏ nào xuất hiện trên bàn ông. Nghe thật lạ lùng phải không bạn? Vâng, đó không phải là một bài tập luyện trí nhớ, mà là một phương pháp tưởng tượng có tính toán nhằm mục đích gia tăng sức mạnh của niềm tin. Hãy tin tôi, điều đó có tác dụng thực sự đấy! Thực lòng mà nói, đã có hàng ngàn công ty và cá nhân áp dụng “phương pháp thẻ” của Bristol để đạt được mục tiêu của họ. Tôi cũng đã sử dụng “phương pháp gương soi” của Bristol và thường xuyên giới thiệu phương pháp này với mọi người trong các buổi nói chuyện hay hội thảo. Cuốn sách này không chỉ đơn thuần là một bộ sưu tập các bí quyết tạo nguồn cảm hứng để thành công mà ngay chính các bí quyết đó cũng rất quan trọng, vì chúng phục vụ và hỗ trợ cho sự xuất hiện của sức mạnh của niềm tin. Trên sân khấu cuộc đời luôn có kẻ thắng người thua, nhưng điều làm nên sự khác biệt ở một con người có thể được tóm tắt bằng một từ duy nhất: Niềm tin! Bristol hiểu rất rõ rằng con người có thể trở thành bất cứ ai họ muốn. Ông chứng minh rằng cái mà ông gọi là “tạo ra bức tranh tinh thần” có thể chuyển hóa tiềm thức thành hành động cụ thể. Ông khuyến khích chúng ta luôn nắm thế chủ động trong cuộc sống – xây dựng một thái độ tích cực như những con người đã từng tin vào chính mình và đã thành công. Hầu như mọi thành tựu vĩ đại nhất của loài người đều không do một cá nhân tài giỏi nhất nào tạo ra mà bởi những con người sẵn sàng đối mặt với những rủi ro và thách thức lớn nhất, và họ đã vượt lên trên chúng. Điều này chỉ có thể xảy ra nhờ niềm tin. Hãy sẵn sàng khám phá, như tôi đã từng làm, khả năng tiềm ẩn của sức mạnh tinh thần của bạn. Hãy chuẩn bị đón nhận một sự thật khó tin về sức mạnh của niềm tin của Claude M. Bristol. Tất cả chúng ta đều có niềm tin, nhưng chỉ một vài người biết phải xây dựng nó như thế nào. Bạn có thể là một con người độc nhất vô nhị đúng như con người mà bạn muốn trở thành, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi bạn biết cách gạt bỏ những hình ảnh mà người khác đặt sẵn cho bạn. Và, nó chỉ xảy ra khi bạn biết ước mơ… và có niềm tin. Càng tin vào chính mình, bạn càng đạt nhiều thành tựu to lớn hơn. Đó chính là điều mà quyển sách này sẽ mang đến cho bạn. Đừng đọc nó chỉ để bạn hiểu được người khác mà hãy đọc nó vì bạn muốn áp dụng sức mạnh của niềm tin vào cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của bạn. Đây không phải là một quyển sách tầm thường mà là một quyển sách kỳ diệu. Nó chứa đựng một bí quyết đã được kiểm chứng về việc xác lập và đạt mục tiêu. Bristol đề nghị bạn hãy đọc đi đọc lại quyển sách này cho đến khi nào nó trở thành một phần trong cuộc sống thường ngày của bạn. Một khi bạn thấy rằng bạn đã đủ khả năng xử lý mọi thách thức trong cuộc sống, bạn có thể biến mọi năng lực tiềm tàng trong bạn thành hiện thực. Nido R. Qubein Cựu Chủ tịch Hiệp hội Diễn giả Hoa Kỳ Chương 1 Tôi đã thu nhận sức mạnh của niềm tin như thế nào? C ó loại lực nào, yếu tố nào hoặc quyền năng hay bí quyết nào – bạn muốn gọi sao cũng được – mà chỉ có một vài người có thể thông hiểu và sử dụng nó một cách nhuần nhuyễn để vượt qua khó khăn trở ngại và gặt hái những thành tựu xuất sắc? Tôi tin là có. Đây chính là điều tôi muốn lý giải cùng các bạn qua quyển sách này để các bạn có thể ứng dụng vào cuộc sống của mình, nếu bạn khao khát làm điều đó. Vào năm 1933, một biên tập viên tài chính của một tờ báo thuộc Los Angeles đã tham dự chuỗi thuyết trình của tôi dành cho các nhà đầu tư tại thành phố bờ Tây nước Mỹ này. Sau này, khi đọc quyển T.N.T. – It Rocks the Earth của tôi, ông ấy đã viết cho tôi rằng: “Anh đã bắt được từ vũ trụ một điều có một phẩm chất khác thường – nó lý giải điều kỳ diệu của sự trùng hợp ngẫu nhiên, bí quyết tạo nên những người may mắn trên thế gian này.” Tôi nhận ra rằng mình vừa chạm tới một điều vô cùng mới mẻ, rất thực tế và có thể thực hiện được. Nhưng tôi không xem đó là một phép màu, cho tới bây giờ vẫn vậy, ngoại trừ việc nó mang ý nghĩa của một điều chưa từng được biết đến đối với rất, rất nhiều người. Cái “điều gì đó” này thực ra đã được biết đến từ hàng trăm năm trước, nhưng không hiểu vì lý do gì mà nó vẫn còn rất bí ẩn đối với vô số người trong thời đại này. Vài năm trước, khi tôi bắt đầu giảng dạy về chủ đề này, tôi không chắc một người bình thường có thể nắm bắt được các khái niệm của nó hay không. Nhưng kể từ đó, tôi đã nhìn thấy những người biết sử dụng nó đã làm tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba thu nhập của họ. Họ còn dựng nên một cơ nghiệp cho riêng mình, họ sắm những ngôi nhà trong mơ và tạo lập vô khối của cải. Giờ đây tôi tin rằng những ai trung thực với chính mình đều có thể đạt đến mọi vị trí mà mình mong muốn. Tôi không có ý định viết cuốn sách thứ hai, mặc dù rất nhiều người khuyến khích tôi. Nhưng mới vừa mấy tháng trước đây, một người phụ nữ kinh doanh trong ngành sách, người từng bán rất nhiều bản cuốn sách đầu tay nhỏ bé của tôi đã trao cho tôi một “tối hậu thư” rằng: “Anh có nghĩa vụ phải trao cho tất cả những người đang tìm kiếm một chỗ đứng trên đời cuốn sách mới, dễ hiểu, được tổng hợp từ các bài thuyết trình của anh. Những con người có hoài bão đều rất muốn vươn lên, và anh là người có đủ sức để trao cho họ cái họ cần. Vậy, viết hay không là tùy ở anh!” Phải mất một thời gian khá lâu tôi mới tiêu hóa hết ý nghĩ này. Vốn từng là một quân nhân trong Thế Chiến I, chủ yếu đóng quân ở Pháp và Đức và đã từng làm việc nhiều năm liền trong các tổ chức dành cho những người lính phục viên và một ủy ban của chính phủ chuyên huấn luyện các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng cho các quân nhân xuất ngũ, tôi nhận ra rằng việc tìm ra chỗ đứng cho bản thân thật quá khó khăn đối với những con người đã bị tách khỏi cuộc sống đời thường quá lâu như vậy. Vâng, chính vì rất muốn giúp họ và những người có nhiều ước mơ và hoài bão mà tôi đã quyết định viết cuốn sách này, một phiên bản đầy đủ và chi tiết hơn về Sức mạnh của Niềm tin. Đây là cuốn sách giúp bạn rèn luyện tư duy và hành động tích cực để thành công. Vì cuốn sách này có thể lọt vào tay những người có thể cho tôi là lập dị hay gàn dở, xin thưa rằng tôi đã sống quá nửa đời người và cũng có khá nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh thực tế - cũng như từng là một người làm việc trong ngành báo chí trong nhiều năm. Tôi vào nghề bằng một chân phóng viên cảnh sát. Các phóng viên cảnh sát được đào tạo để lấy tin và đó không phải là một công việc nhẹ nhàng. Có thời gian hai năm liền tôi làm biên tập viên chuyên mục tôn giáo cho một tờ báo lớn ở thủ đô. Nhờ đó mà tôi có điều kiện tiếp xúc gần gũi với giới tu sĩ và các nhà lãnh đạo của các tôn giáo và giáo phái khác nhau, các nhà trị liệu tinh thần, các nhà duy linh học, những người tin vào phép chữa bệnh bằng niềm tin, các nhà tư tưởng mới trong tôn giáo, các nhà lãnh đạo có quan điểm đồng nhất tôn giáo, những người tôn thờ vật thần và mặt trời, và thậm chí có cả một vài người không theo một tôn giáo nào cả. Lúc ấy nhà truyền giáo nổi tiếng người Anh Gypsy Smith đang thực hiện một chuyến diễn thuyết vòng quanh nước Mỹ. Hết đêm này đến đêm khác tôi ngồi nơi bục giảng dưới chân ông ấy nhìn người ta bước thấp bước cao giữa hai hàng ghế nhà thờ, vài người trong họ khóc sụt sùi, số khác thì la hét điên loạn, và tôi tự hỏi… Rồi một lần nữa tôi lại tự hỏi mình khi giúp cảnh sát trả lời một cuộc gọi báo có bạo động: một vài kẻ cuồng tín trong cơn bốc đồng đã ra tay cướp phá và phóng hỏa đốt luôn cả nơi hội họp của họ. Khi tôi tham dự cuộc họp đầu tiên (và duy nhất) của giáo phái Shaker (1) , tôi lại tự hỏi mình… Vâng, tôi thường xuyên tự hỏi mình như thế khi dự các cuộc tụ tập tâm linh thần bí của các giáo phái khác. Tôi tự hỏi khi nghe thấy lời nguyện thề của những người tin vào việc chữa bệnh nhờ đức tin Ki-tô giáo vào các buổi họp mặt tối thứ Tư. Tôi tự hỏi khi nhìn một nhóm người ngâm mình trong dòng nước băng giá của một con suối và bước lên bờ miệng hô vang “A lê-lu-da!” (2) dù hai hàm răng họ va vào nhau lập cập. Tôi tự hỏi về các điệu nhảy mang tính tế lễ của người da đỏ và nghi thức múa cầu mưa của họ. Billy Sunday, và cả Aimee Semple McPherson vài năm sau đó, cũng làm tôi tự hỏi. Tại Pháp thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ I, tôi lại tự hỏi về niềm tin thuần túy của những người nông dân nghèo và quyền năng của các thầy phù thủy trong làng của họ. Tôi từng nghe câu chuyện về phép lạ Đức Bà Maria hiện ra tại Lộ Đức (Lourdes) và những phép lạ tương tự như thế tại một vài lăng mộ nào đó. Khi đang ở bên trong một nhà thờ La Mã cổ kính, tôi nhìn thấy những ông lão bà lão cố leo bằng đầu gối lên hàng tam cấp dài dằng dặc chỉ để được ngắm nhìn bình tro hài cốt của đấng chí thánh – một cuộc leo tam cấp vốn chẳng dễ dàng gì ngay cả đối với một chàng trai trẻ được rèn luyện theo giáo án của vận động viên – Thế là tôi tiếp tục tự hỏi. Chuyện kinh doanh đưa tôi vào những cuộc tiếp xúc với những người đàn ông đa thê. Khi tôi nghe câu chuyện về Joseph Smith và những sự khám phá ra các vỉa vàng, tôi lại có cơ hội tự hỏi. Gia đình nhà Dukhobor ở miền Tây Canada, những người có thể trút bỏ quần áo ngay khi bị làm cho tức giận, cũng làm tôi tự hỏi. Khi ở Hawaii tôi nghe nói nhiều về quyền năng của các thầy phù thủy, những người có thể làm cho người chết sống lại và người sống chết đi bằng lời cầu nguyện. Những quyền năng to lớn được ban cho các thầy phù thủy này đã gây ấn tượng rất sâu sắc đối với tôi. Trong những ngày đầu làm phóng viên, tôi tận mắt chứng kiến một ông đồng nổi tiếng đang ra sức gọi “hồn” trong một phòng xử án đông nghịt những người chống đối và chế nhạo. Vị quan tòa trước đó đã hứa phóng thích ông đồng này nếu ông ta có thể gọi “hồn” lên nói chuyện ngay giữa sân tòa. Nhưng “hồn” không “lên” được và thế là tôi lại tự hỏi tại sao – phải chăng bởi vì những người đi theo ông đồng này đã tuyên thệ trước những cuộc gặp gỡ khác thường như thế này. Nhiều năm sau đó, tôi được giao viết một phóng sự về cái mà cảnh sát gọi là “trò ma mãnh của thầy bói”. Tôi đã đi gặp tất cả mọi người từ các nhà não tướng học (phrenologist) cho đến các thầy bói bằng tinh cầu thạch anh (crystal-ball gazer), từ các nhà chiêm tinh học cho tới các thầy phù thủy. Tôi nghe thấy dường như có một giọng nói của người da đỏ thời cổ xưa như “chỉ bảo” về quá khứ vị lai của tôi. Tôi nghe tiếng của những người bà con họ hàng mà tôi chưa bao giờ biết là họ đã từng tồn tại trên đời. Rất nhiều lần tôi đã ở trong các buồng bệnh mà quanh tôi là những người đã chết trong khi những người khác bệnh nặng hơn họ nhưng vẫn sống khỏe – và lạ lùng hơn nữa là họ khỏi bệnh hẳn chỉ sau một thời gian ngắn. Tôi từng chứng kiến nhiều người bị liệt một phần cơ thể nhưng lại hồi phục hoàn toàn trong vài ngày. Tôi cũng biết nhiều người từng nói rằng họ đã khỏi bệnh thấp khớp chỉ nhờ đeo một sợi dây đồng quanh cổ tay họ - một số người khác thì khỏi bệnh nhờ khả năng tự chữa lành về mặt tinh thần. Qua họ hàng và những người bạn thân, tôi nghe những câu chuyện về những mụn cóc trên tay một số người đột nhiên biến mất. Tôi rất quen thuộc với những câu chuyện về những người dám cho rắn chuông cắn thẳng vào tay mình nhưng không hề hấn gì, và còn hàng trăm câu chuyện khác về những sự kiện và những người tự khỏi bệnh một cách hết sức kỳ lạ. Hơn thế nữa, tôi thường tập cho mình quen với cuộc đời phi thường của các bậc vĩ nhân trong lịch sử cũng như đã gặp và phỏng vấn rất nhiều người xuất sắc, đàn ông có, phụ nữ có thuộc đủ mọi giai tầng xã hội. Rồi tôi tự hỏi rằng điều gì đã làm họ trở nên nổi bật hơn những người khác? Tôi từng thấy một số huấn luyện viên nhận những đội bóng yếu kém thể chất và bạc nhược tinh thần nhưng họ đã truyền vào đội bóng một “phép màu” giúp họ giành được chiến thắng. Trong thời kỳ Suy thoái, tôi từng nhìn thấy các công ty bỗng chốc đã chuyển tình cảnh kinh doanh èo uột của mình thành sôi động và đạt lợi nhuận lớn hơn bao giờ hết. Dường như tôi được sinh ra cùng với tính hay tò mò vì tôi luôn luôn khao khát tìm kiếm câu trả lời cho mọi vấn đề hay sự kiện mà tôi nhìn thấy. Cuộc tìm kiếm này đã đưa tôi đến những “vùng đất” xa lạ, giúp tôi đưa ra ánh sáng nhiều trường hợp rất dị kỳ và làm tôi đọc tất cả những cuốn sách trong tầm tay của tôi về tôn giáo, tín ngưỡng và các ngành khoa học về vật chất và tinh thần. Thực lòng mà nói tôi đã đọc hàng ngàn cuốn sách về tâm lý học hiện đại, siêu hình, phép thuật cổ, tà thuật, yoga, Thuyết Thần trí (Theosophy), thần học, Thuyết Nhất thể (Unity), Chân lý, Tư tưởng mới (New Thought) và nhiều sách khác viết về cái mà tôi gọi là Tiềm thức (Mind-stuff) cũng như các triết lý và những bài thuyết giảng của các nhà tư tưởng bậc thầy thời trước. Rất nhiều trong số đó là vô lý, một số kỳ lạ nhưng số khác rất sâu sắc. Dần dần tôi khám phá ra rằng có một sợi chỉ vàng chạy xuyên suốt các triết lý này và hỗ trợ đắc lực cho những ai chấp nhận và áp dụng nó. Sợi chỉ xuyên suốt này có thể được gọi tên bằng một từ duy nhất: Niềm tin . Chính nhân tố này – Niềm tin – đã giúp những người bệnh tự chữa lành bằng phép chữa trị tinh thần, giúp những người khác lên đến đỉnh thành công và tạo ra những kỳ tích đột phá. Tại sao niềm tin lại tạo ra phép màu là điều hầu như không ai có thể giải thích một cách thỏa đáng, nhưng rõ ràng đó là sự kỳ diệu có thật từ niềm tin. “Sức mạnh của niềm tin” vì thế mà khắc sâu vào tâm trí tôi. Tôi bị thuyết phục rằng cái gọi là bí mật mà các hội kín giữ gìn và xem là “thiên cơ bất khả lộ” thực ra chỉ rất ít thành viên của họ hiểu được và tôi có thể đi đến một kết luận rằng: “Không một đầu óc nào có thể tiếp nhận được chân lý nếu nó không sẵn sàng mở ra để đón nhận”. Một giáo sĩ nào đó có thể trao cho những người muốn tìm hiểu một quyển sách chứa đựng nhiều triết lý cao siêu, nhưng thực tế, như câu thần chú “Vừng ơi, hãy mở ra!” mà họ có thể hiểu và thực hành theo. Nhưng một số người bảo rằng triết lý quá sâu xa đối với họ. Tôi cũng nhận thấy rằng một vài trong số các tổ chức này, và cả các hội kín đang sở hữu tri thức và sự hiểu biết về cuộc sống, lại đang sử dụng những diễn giải rất bí hiểm và sai lệch để lừa mị thiên hạ. Khi quyển T.N.T. – It Rocks the Earth được xuất bản lần đầu tiên, tôi nghĩ nó rất dễ hiểu với mọi người vì tôi viết rất đơn giản. Nhưng rồi sau vài năm, một số độc giả phản hồi rằng họ phải nghiền ngẫm khá lâu mới hiểu được nó trong khi những người khác nói rằng họ hoàn toàn không hiểu gì cả! Tôi cho rằng phần lớn mọi người đều ít nhiều đã biết về sức mạnh của tư duy. Giờ đây tôi nhận ra rằng tôi đã hiểu sai về họ vì những người có được sự hiểu biết khả dĩ về chủ đề này thực ra chỉ chiếm một số lượng rất ít. Về sau, qua nhiều năm thuyết giảng cho các tổ chức, các câu lạc bộ, các công ty, xí nghiệp tôi mới phát hiện ra rằng đa phần mọi người đều rất quan tâm đến chủ đề này, nhưng tôi phải giải thích hết sức cặn kẽ cho họ. Cuối cùng, tôi đồng ý viết quyển sách này với cách diễn giải mà ai cũng có thể hiểu được – và với hy vọng rằng nó sẽ giúp nhiều người đạt được các mục tiêu trong đời họ. Khoa học về tư duy cũng có tuổi bằng tuổi của nhân loại chúng ta. Tất cả những con người khôn ngoan nhất qua các thời đại đều hiểu rõ và đã sử dụng nó. Điều duy nhất tôi làm là diễn đạt chủ đề này bằng một thứ ngôn ngữ hiện đại hơn ngõ hầu mang đến điều mà nhiều bộ óc xuất chúng hôm nay đang nỗ lực chứng minh những chân lý vĩ đại vốn đã xuất hiện từ hàng thế kỷ trước. May mắn thay, cuối cùng thì mọi người đã bắt đầu nhận ra rằng có điều kỳ diệu đằng sau cái gọi là “tiềm thức” này. Tôi tin rằng có hàng triệu người muốn đạt đến sự hiểu biết sâu hơn về nó – và đã chứng minh rằng nó có tác dụng tích cực. Vì vậy, xin cho tôi bắt đầu bằng việc liên hệ với một vài trải nghiệm của cá nhân tôi. Hy vọng rằng chúng sẽ mang đến cho các bạn một sự hiểu biết thấu đáo hơn về tri thức này. Đầu năm 1918, tôi đặt chân lên đất Pháp với tư cách là một anh lính “trơn” và không có một người bạn đồng hành nào. Kết quả là, phải mất mấy tuần lễ hồ sơ quân nhân của tôi (rất quan trọng để được lãnh lương) mới tới nơi tôi phục vụ. Trong thời gian đó tôi không có một xu để mua bánh kẹo hay thuốc lá vì mấy đồng đô-la ít ỏi mang theo tôi đã “đóng góp” cho căng-tin trên con tàu chuyển quân để giảm bớt sự đơn điệu của cái thực đơn nhàm chán hàng ngày. Mỗi khi tôi nhìn thấy ai đó châm thuốc lá hay nhai một thỏi kẹo cao su là tôi lại nhớ rằng mình chẳng còn một đồng nào để tiêu. Tất nhiên tôi được quân đội lo cho cái ăn, cái mặc và một chỗ ngủ hàng đêm, nhưng tôi cảm thấy cay đắng vì không có tiền tiêu và cũng chẳng biết đào đâu ra. Trong một đêm hành quân ra mặt trận trên một chuyến tàu lửa chật cứng và dĩ nhiên không ai có thể nghĩ đến chuyện có một chỗ để ngả lưng, tôi đã quyết định rằng sau này khi quay về với cuộc sống đời thường, tôi phải làm ra thật nhiều tiền. Và toàn bộ cuộc đời tôi đã thay đổi từ giây phút đó. Tôi từng là một con mọt sách thời trai trẻ. Kinh thánh là quyển sách bắt buộc phải có trong gia đình tôi. Khi còn nhỏ tôi rất thích nghiên cứu về vô tuyến điện, tia X, các loại máy móc tần số cao, các dao động điện và đã đọc tất cả những cuốn sách mà tôi có thể mượn hay tìm được về các lĩnh vực này. Nhưng trong khi tôi dần trở nên quen thuộc với những thuật ngữ như tần số bức xạ, độ rung hay độ dao động và sức điện động v.v. thì chúng gần như chẳng có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của tôi bên ngoài lĩnh vực cơ điện này. Có lẽ ý nghĩ đầu tiên của tôi về mối liên hệ giữa tinh thần và sức tác động của dòng điện hay độ dao động điện xuất hiện vào lúc tôi tốt nghiệp trường luật. Còn nhớ, khi đó một giảng viên đưa cho tôi quyển sách của Thomson Jay Hudson có tên là Quy luật về các hiện tượng tâm linh (Law of Psychic Phenomena). Tôi đã đọc cuốn sách nhưng kỳ thực nó được viết rất hời hợt. Hoặc, có thể tôi không đủ khả năng để hiểu được nó, hoặc đầu óc tôi chưa mở ra đủ lớn để đón nhận những chân lý sâu xa bên trong nó. Vào cái đêm định mệnh năm 1918 ấy, khi tôi ngồi trên tàu và tự nhủ rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở nên giàu có, tôi không hề nhận ra rằng tôi đang đặt ra cho mình nền tảng cho một chuỗi những động cơ sẽ giải phóng các năng lực tiềm tàng giúp tôi đạt được những thành tựu sau này. Tất nhiên lúc đó ý nghĩ rằng tôi có thể tạo ra cả một gia tài lớn bằng cách suy nghĩ và tin tưởng vào khả năng của mình chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí tôi. Trong thẻ quân dịch, tôi được phân loại là phóng viên. Tôi đã từng tham gia Trường Huấn luyện Quân sự và được công nhận đủ tư cách tác nghiệp, nhưng toàn bộ chương trình huấn luyện bị gián đoạn ngay khi chúng tôi hoàn thành khóa học vì chiến tranh. Vì thế hầu hết chúng tôi đặt chân lên đất Pháp như những anh lính binh nhì. Tuy nhiên, tôi tự xem mình là một nhà báo chính quy và cảm thấy có một chỗ thích hợp cho tôi ở Lực lượng Viễn chinh Mỹ. Nhưng rồi như nhiều người khác, tôi nhận ra rằng mình đang phải đẩy những chiếc xe cút-kít và thường xuyên mang vác trên vai đủ thứ nặng nề lỉnh kỉnh cùng các loại vũ khí đạn dược. Một đêm nọ tại một kho đạn gần Toul, mọi thứ bắt đầu diễn ra. Tôi được gọi đến trước mặt một sĩ quan và ông ấy hỏi rằng tôi có quen biết ai ở Bộ Tổng Tham mưu Tiền phương hay không. Lính quèn như tôi làm sao quen biết được ai ở đó và thậm chí tôi còn không biết nó nằm ở đâu nữa kia! Tôi trả lời ông ấy đại loại như vậy. Sau đó ông ấy đưa ra mấy tờ công lệnh và bảo tôi phải có mặt ở đó ngay lập tức. Tôi được cấp ngay một chiếc xe cùng một tài xế và sáng hôm sau đã có mặt tại Bộ Tổng Tham mưu Tiền phương. Họ giao cho tôi phụ trách bản tin chiến sự hàng ngày. Tôi chỉ phải báo cáo cho một sĩ quan mang quân hàm đại tá. Những tháng tiếp theo, tôi thường nghĩ về nhiệm vụ mà tôi may mắn được trao. Sau đó các mối liên hệ dần dần được liên kết lại thành một chuỗi. Một hôm, hoàn toàn bất ngờ, tôi nhận được lệnh chuyển sang Stars and Stripes , một tờ báo của Quân đội Hoa Kỳ. Từ lâu tôi đã mong muốn được trở thành phóng viên của tờ báo này, nhưng trước đó tôi chưa hề có bất cứ động thái nào để biến điều đó thành sự thật. Ngày hôm sau, khi tôi sẵn sàng lên đường đi Paris thì được gọi lên gặp ngài đại tá và ông ấy chìa ra trước mặt tôi một bức điện tín được gởi đi từ văn phòng của một viên tướng thuộc Bộ Tổng Tham mưu Tiền phương. Nội dung bức điện hỏi rằng tôi đã sẵn sàng nhận nhiệm mới hay chưa. Viên đại tá sếp của tôi bảo rằng việc thực thi một nhiệm vụ quân sự sẽ tốt hơn đối với tôi so với việc làm việc cho tờ báo quân đội Stars and Stripes. Vì đoán trước rằng chẳng bao lâu nữa chiến tranh sẽ kết thúc và tôi sẽ hạnh phúc hơn so với các phóng viên đồng nghiệp khác nên tôi trả lời tôi mong được chuyển sang tờ Stars and Stripes hơn. Tôi không bao giờ tìm hiểu xem ai là người đã ký bức điện ấy, song rõ ràng có một ai đó làm việc đó nhân danh tôi. Tiếp theo lệnh ngừng bắn sau đó, khao khát giải ngũ của tôi ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi muốn bắt đầu ngay việc xây dựng cái gia tài mà tôi mơ ước. Nhưng Stars and Stripes vẫn tiếp tục ra báo không sót một ngày nào cho đến tận mùa hè tháng Tám năm 1919, trước khi tôi được trở về nhà. Tuy nhiên, các lực mà tôi đã xác lập một cách vô thức trong tâm trí đã dọn sẵn một con đường cho tôi. Vào khoảng 9 giờ 30 sáng hôm sau khi trở về nhà, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ chủ tịch của một câu lạc bộ mà tôi từng tham gia. Ông ấy bảo tôi gọi cho một người rất có danh tiếng trong ngành ngân hàng. Người này biết tôi vừa xuất ngũ và tỏ ý muốn gặp tôi trước khi tôi quyết định bước vào nghề báo trở lại. Tôi gọi điện cho ông ấy và hai ngày sau, tôi bắt đầu dấn thân vào một nghề nghiệp hoàn toàn mới: nhân viên ngân hàng đầu tư. Đó cũng là điểm khởi đầu đưa tôi đến chức phó chủ tịch của một công ty nổi tiếng ở bờ Tây nước Mỹ. Ngay từ đầu tôi đã nhận được mức tiền lương rất cao. Tôi cũng nhận ra rằng mình đang làm việc trong một ngành có rất nhiều cơ hội làm giàu. Không biết tôi đã làm thế nào, chỉ biết rằng tôi đã có sẵn trong đầu mình một gia tài như thế, như thế. Và rồi trong vòng chưa đầy mười năm, tôi đã có trong tay gia tài đó và trở thành một cổ đông chính của công ty và có nhiều nguồn lợi khác từ các hoạt động đầu tư bên ngoài. Những năm đó, trong đầu tôi luôn luôn có một bức tranh rõ ràng về khối tài sản mơ ước của mình. Nhiều người trong khi ngồi tưởng tượng hay nói chuyện điện thoại thường nguệch ngoạc hý hoáy viết những ký tự, ký hiệu hay phác thảo những hình ảnh này nọ ra giấy. Tôi có thói quen viết ký hiệu của đồng đô-la như thế này $$$$-$$$-$$-$$$$ lên mọi mẩu giấy nằm trên bàn làm việc của tôi những lúc như vậy. Những tấm bìa hồ sơ, bìa danh bạ điện thoại thậm chí ngay cả trên những bức thư quan trọng trước mặt tôi cũng đầy những ký hiệu này. Tôi muốn các bạn, những độc giả thân mến của tôi, ghi nhớ kỹ chi tiết này, bởi nó sẽ chỉ ra cho các bạn những cách áp dụng hiệu quả điều kỳ diệu này vào cuộc hành trình đi tìm sự thịnh vượng, mà tôi sẽ giải thích cặn kẽ cho các bạn trong các chương sau. Tôi nhận ra rằng cho tới bây giờ thì điều làm đa số chúng ta trăn trở và lo lắng nhất vẫn là vấn đề tài chính cá nhân. Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, hàng triệu người đang phải đối mặt với những vấn đề giống nhau. Tuy nhiên, có một chút khác biệt trong kết quả giải quyết vấn đề của từng người tùy thuộc vào cách thức họ vận dụng bí quyết này như thế nào. Tôi xin kể tiếp một câu chuyện nữa. Không lâu sau khi ý nghĩ về cuốn T.N.T. – It Rocks the Earth xuất hiện trong đầu tôi và trước khi tôi đặt bút viết những trang đầu tiên, tôi lên một chuyến tàu đi về Phương Đông có tên là Nữ Hoàng Nhật Bản (Empress of Japan). Con tàu này nổi tiếng với các món ăn được chế biến vào hàng tuyệt kỹ. Trong những lần đi đó đây dọc ngang Canada và châu Âu, tôi trở nên nghiền món phó-mát Trappist (3) được làm bởi các tu sĩ dòng Luyện Tâm (Trappist) ở Quebec. Cố tìm kỹ nhưng vẫn không thấy món này trên thực đơn nhà hàng, tôi cười và tỏ ý không vui với tiếp viên trưởng, rằng tôi chọn con tàu này là vì tôi muốn được thưởng thức món phó-mát “Luyện tâm” nổi tiếng đó. Anh ta xin lỗi và nói rằng thật tình trên tàu không có loại phó-mát mà tôi yêu thích. Càng nghĩ về món phó-mát đặc biệt này, tôi càng muốn được ăn nó ngay. Một tối nọ, người ta tổ chức một buổi dạ tiệc trên tàu. Sau khi về phòng riêng vào lúc gần nửa đêm, tôi nhìn thấy một chiếc bàn lớn được dọn sẵn, trên đó là một bánh phó-mát lớn nhất mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy trước đây. Ngạc nhiên hơn nữa, đó chính là loại phó-mát “Luyện tâm” yêu thích của tôi. Về sau, tôi hỏi tiếp viên trưởng rằng anh ta đã tìm nó ở đâu. “Tôi đã xác nhận với ông rằng chúng tôi không có loại phó-mát này trên tàu vào lần đầu tiên ông hỏi, nhưng vì ông đã định sẵn trong đầu mình rằng ông phải có món đó nên tôi quyết định tìm nó trong tất cả các kho thực phẩm trên tàu. Và chúng tôi đã thấy nó trong kho dự phòng khẩn cấp ở cuối khoang.” Anh ta đáp. Họ đã cố gắng thực hiện yêu cầu của tôi trên chuyến tàu đó, đơn giản là vì tôi chỉ yêu cầu một dịch vụ hết sức bình thường. Tuy nhiên, các bạn biết không, trong suốt chuyến đi đó tôi thường ngồi ở bàn dành cho thuyền trưởng và thường xuyên làm khách mời riêng của ông ấy trong những cuộc chuyện vãn bên mạn tàu và trong những cuộc tham quan khắp con tàu cùng ông ấy. Lẽ tự nhiên những khoản đãi mà tôi nhận được mang đến cho tôi một cảm giác rất tuyệt vời. Tại Honolulu, thủ phủ của Hawaii, tôi nghĩ sẽ rất hay nếu tôi cũng nhận được một sự đối xử tương tự như thế trên một con tàu khác sẽ đưa tôi về nhà. Một buổi chiều, trong phút cao hứng tôi quyết định trở về. Khi tôi đến phòng vé thì họ sắp đóng cửa. Tôi hỏi và mua được tấm vé cuối cùng trên con tàu xuất phát vào trưa hôm sau. Ngày hôm sau, chỉ vài phút trước khi tàu rời bến, bất thình lình một ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi. Tôi nói với chính mình rằng: “Anh bạn ạ, họ đã từng đối xử với anh như một ông hoàng trên con tàu Nữ Hoàng Nhật Bản. Ít nhất lần này anh cũng phải được ngồi ở bàn thuyền trưởng. Mà không, anh phải ngồi ở vị trí đó”. Tàu nhổ neo và chúng tôi từ từ rời bến. Sau đó tiếp viên nhà hàng đề nghị hành khách đến phòng ăn để được hướng dẫn chỗ ngồi cố định của mình. Khi tôi đến, đã có hơn một nửa số bàn đã được xếp chỗ. Anh ta hỏi vé tàu của tôi và chỉ vừa nhìn qua, anh ta đã nói: “Ồ, thưa ông, bàn A, ghế số 5”. Đó là bàn dành cho thuyền trưởng và tôi được xếp ngồi ngay hướng đối diện với ông ấy! Trong chuyến trở về này, có rất nhiều điều đã xảy ra và chúng là nguồn nguyên liệu chính để tôi viết cuốn sách này. Một trong những sự kiện nổi bật nhất trong số đó là buổi tiệc mừng sinh nhật được tổ chức cho riêng tôi – mà thực ra đó là “sáng kiến” của vị thuyền trưởng dành cho tôi, vì thực tế sinh nhật của tôi đã qua từ mấy tháng trước. Về sau, khi đã chuyển sang lĩnh vực huấn luyện và thuyết giảng, tôi nghĩ có lẽ tôi cần xin một xác nhận của vị thuyền trưởng nọ về câu chuyện đó và tôi đã viết thư cho ông ấy. Ông đã trả lời tôi như thế này: “… Khi thì chúng tôi nói về cuộc sống, lúc thì chúng tôi bàn luận về việc nên làm điều này hay điều khác. Vâng, tôi nhớ trưa hôm đó tôi đang ngồi trong buồng lái nhìn hành khách bước qua tấm ván bắc lên boong tàu thì trông thấy anh. Không hiểu sao có điều gì đó thôi thúc tôi phải mời anh ngồi cùng bàn với tôi. Ngoài lý do đó tôi không biết phải lý giải thế nào nữa. Luôn có một sự thôi thúc giúp tôi cập đúng bến đúng lúc và đón đúng người nào đó!”. Những người nghe câu chuyện này – và họ cũng chưa biết gì về sức mạnh của niềm tin – bảo rằng việc thuyền trưởng chọn tôi làm người ngồi cùng bàn với ông ấy chỉ là một sự trùng hợp. Nhưng tôi tin rằng không phải thế, tôi chắc chắn rằng vị thuyền trưởng ấy (người cũng có hiểu biết chút ít về lĩnh vực niềm tin này) cũng đồng ý với tôi. Trên con tàu đó là hàng trăm con người và nhiều người trong số họ là những nhân vật quan trọng, vai vế hơn tôi bội phần. Tôi chẳng có gì nổi bật hơn họ mà chỉ là một hành khách bình thường giữa một đám đông. Cho nên rõ ràng là không phải bộ quần áo tôi mặc trên người hay vẻ bề ngoài của tôi đã thu hút ngay lập tức sự chú ý của vị thuyền trưởng để dẫn tới hành động ông ấy chọn tôi giữa hàng trăm con người như thế. Khi giới thiệu với các bạn về tiềm năng có thể khai thác này của con người, tôi luôn nhận thức rằng chủ đề này đã từng được đề cập dưới nhiều góc độ khác nhau. Đồng thời tôi cũng nhận thấy rằng nhiều người có vẻ xấu hổ khi bàn về các phương pháp tiếp cận đụng chạm đến vấn đề tôn giáo, huyền bí hay siêu hình. Vì thế, tôi cố gắng sử dụng ngôn ngữ của một nhà kinh doanh và tin rằng lối suy nghĩ thẳng thắn, văn phong trong sáng và từ ngữ dễ hiểu sẽ chuyển tải một cách hiệu quả nhất mọi thông điệp của cuốn sách này. Bạn thường nghe nói rằng bạn có thể làm được tất cả mọi thứ nếu bạn tin rằng bạn có thể. Có một câu ngạn ngữ La-tinh cổ nói rằng: “Nếu tin, ắt bạn sẽ có”. Niềm tin chính là lực đẩy giúp bạn đạt mục tiêu của mình. Nếu bạn ốm liệt giường nhưng bạn có ý nghĩ hay niềm tin mạnh mẽ rằng bạn sẽ khỏi bệnh, chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Chính niềm tin hay sự tự tin bên trong bạn sẽ tạo ra những kết quả vật chất trong cuộc sống của bạn. Tôi đang nói về những con người bình thường về thể chất và lành mạnh về tinh thần. Tôi không nói rằng một người cụt tay có thể chơi bóng rổ hay bóng chày xuất sắc. Tôi cũng không nói rằng một phụ nữ có nhan sắc trung bình có thể trở thành hoa hậu hoàn vũ chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không thể, vì luôn tồn tại những khả năng rất đáng để chúng ta lưu ý. Khi có những hiểu biết sâu hơn về sức mạnh tinh thần, tôi tin chắc rằng thế nào bạn cũng sẽ chứng kiến những phương thức chữa lành kỳ diệu mà nền y học hiện đại của chúng ta cho rằng không thể xảy ra. Cuối cùng, tôi không muốn làm nản lòng bất cứ ai, vì rằng trên đời này, chuyện gì cũng có thể xảy ra – và điều làm cho mọi thứ xảy ra chính là Hy vọng . Tiến sĩ Alexander Cannon là một nhà khoa học và vật lý học xuất sắc người Anh, ông đồng thời là tác giả của nhiều quyển sách về chủ đề tư duy con người vốn tạo ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trên khắp thế giới. Ông khẳng định rằng con người ngày nay không thể mọc thêm chân mới (như cua có thể mọc lại càng mới sau khi bị gãy càng cũ) vì rằng trong ý nghĩ của mình, con người không chấp nhận khả năng đó tồn tại. Các nhà khoa học tên tuổi nói rằng nếu ý nghĩ của con người được thay đổi từ gốc rễ sâu xa nhất trong tiềm thức của mình, khi đó anh ta có thể dễ dàng mọc thêm chân như cua mọc thêm càng vậy. Tôi biết, những tuyên bố như thế này nghe thật khó tin, nhưng ai biết rằng một ngày nào đó nó sẽ trở thành sự thật? Tôi thường ăn trưa với một vài người bạn làm trong ngành y. Họ là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực y tế và phẫu thuật khác nhau. Tôi biết rằng nếu tôi phát biểu những câu tương tự, họ sẽ bảo tôi đi khám thần kinh. Tuy nhiên, tôi nhận thấy một vài người trong số các bác sĩ nói trên, đặc biệt là những người gần đây tốt nghiệp từ các trường danh tiếng hơn, không còn có khuynh hướng đóng chặt đầu óc mình trước lập luận rằng ý nghĩ con người có khả năng tạo ra hay chữa lành bệnh tật. Vài tuần trước khi tôi viết chương này, một người hàng xóm đến gặp tôi nhờ giải thích về việc tại sao các mụn cóc trên người anh ta bỗng nhiên biến mất. Số là, trong thời gian nằm viện, anh ta lang thang và tán gẫu với một bệnh nhân khác và người này lại đang trò chuyện với một bệnh nhân khác nữa. Bệnh nhân thứ hai này nói với bệnh nhân thứ nhất rằng: “Anh có muốn thoát khỏi đám mụn cóc trên người anh không? Ừmmm, hãy để tôi đếm chúng và chúng sẽ biến mất cho xem!”. Anh hàng xóm của tôi ngạc nhiên nhìn bệnh nhân vừa nói trong giây lát rồi nói: “Vậy, anh có thể đếm cả các mụn cóc của tôi được không?”. Người bệnh nọ đồng ý đếm và sau đó anh hàng xóm của tôi không để ý gì đến câu chuyện này nữa cho đến khi anh ra viện về nhà và một ngày nọ vô tình nhìn vào tay mình. “Đám mụn cóc hoàn toàn biến mất như không hề có trước đây vậy!” Anh kể với tôi. Tôi kể lại câu chuyện này với một nhóm bác sĩ sau đó. Một chuyên gia nổi tiếng – cũng là một người bạn thân của tôi – nhún vai nói: “Phi lý!”. Nhưng một bác sĩ khác vốn đang làm giảng viên tại một trường y nọ, đứng về phía tôi và bảo rằng trên thực tế đã có nhiều trường hợp mụn cóc được chữa lành nhờ vào phép ám thị. Tôi muốn nhắc họ rằng nhiều năm về trước, báo chí và các tạp chí y học đã đưa tin về việc Heim, một nhà địa chất học người Thụy Sĩ, đã làm biến mất các mụn cóc của mình bằng phép ám thị như thế nào. Tôi cũng muốn dẫn chứng phương pháp tâm lý học và phép ám thị mà Giáo sư Block, một chuyên gia người Thụy Sĩ khác, đã sử dụng với mục đích tương tự như thế nào. Ngược về tháng Giêng năm 1945, Trường Dược và Phẫu thuật thuộc Đại học Columbia thành lập một bệnh viện chuyên chữa trị bằng phép phân tâm học và tâm thần học để tiến hành nghiên cứu mối liên hệ giữa tiềm thức và cơ thể con người. Nhưng, tôi đã im lặng vì cảm thấy rằng mình khá đơn độc trong cuộc tranh luận này. Từ sau cuộc nói chuyện này, dư luận nổi lên sự quan tâm đến các phát hiện của Tiến sĩ Frederick Kalz, một chuyên gia có uy tín người Canada. Ông tuyên bố dứt khoát rằng phép ám thị có tác dụng chữa trị trong nhiều trường hợp, trong đó có việc chữa mụn cóc mắc phải do lây nhiễm virus. Trong một bài báo năm 1945 đăng trên Tạp chí Y Khoa Canada , Tiến sĩ Kalz công bố: “Tại mỗi quốc gia trên thế giới này, có nhiều cách chữa trị mụn cóc dân gian nổi tiếng và rất công hiệu… Chẳng hạn, người mắc bệnh có thể đứng giữa các ngã ba, ngã tư đường vào thời điểm trăng non và dùng kén nhện đắp lên các mụn cóc, phép chữa trị này rất có tác dụng, nếu người bệnh có niềm tin vào nó ”. Mô tả việc chữa trị các bệnh nhân mắc các chứng bệnh khác nhau về da, ông nói: “Tôi thường cho các bệnh nhân này cùng một loại thuốc bôi ngoài da cùng với đôi lời động viên để tạo niềm tin cho họ và thế là họ khỏi bệnh một cách nhanh chóng”. Ông chỉ ra rằng biện pháp chiếu tia X cũng đặc biệt hiệu nghiệm. Biện pháp này kỳ lạ thay vẫn có tác dụng khi chuyên viên xạ trị quên bật nguồn điện! Các thí nghiệm giả tia X đã xác nhận kết quả quan sát này của ông. Như vậy, qua công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Kalz, chúng ta có thể thấy rằng sức mạnh của niềm tin trong chữa trị mụn cóc và các chứng viêm nhiễm về da là có thật. Lần khác, tôi và nhóm bạn y khoa của mình bàn luận với nhau về các phương pháp chữa bệnh từ xa. Tôi lưu ý họ rằng một trong những sinh viên và học giả xuất sắc nhất trong thời đại chúng ta rất tin tưởng vào phương pháp này. Bác sĩ Alexis Carrel thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Rockefeller không chỉ là người hoàn toàn tin vào cách chữa trị này mà còn tuyên bố có những bằng chứng khoa học xác đáng rằng con người có thể truyền ý nghĩ của mình đến những người khác đang ở cách xa họ hàng ngàn dặm! “Ồ, ông ấy chỉ là một ông già lẩm cẩm!” Một chuyên gia có uy tín thuộc Hội Y học Hoa Kỳ đang ngồi bên bàn lên tiếng nhận xét. Tôi sửng sốt nhìn ông ấy, vì Bác sĩ Carrel là người từng nhận Giải Nobel Y học cho công trình nghiên cứu của ông. Khi ông viết những ý nghĩ của mình trong quyển sách có nhan đề Con Người và Những Điều Chưa Biết (Man and the Unknown) , được xuất bản vào năm 1935, ông được xem là một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới lúc bấy giờ. Tôi không muốn tranh cãi với các thành viên của Hội Y học. Lý do không phải vì họ đối đầu với tôi, mà ngược lại vì các thành viên trong hội này đều là những người chân thành, có năng lực, tư tưởng rộng mở và một vài người trong số họ là bạn bè rất thân thiết của tôi. Tuy nhiên, một vài chuyên gia y học, nhất là những người có xu hướng chỉ gói gọn công trình nghiên cứu của họ trong một số lĩnh vực tương đối hẹp, từ chối chấp nhận những gì có thể gây bối rối cho việc giảng dạy và những niềm tin vào các học thuyết giáo điều mà họ từng được dạy hay nghiên cứu. Sự phản kháng này không chỉ nhìn thấy trong ngành y, vô số các chuyên gia trong những lĩnh vực khác, kể cả kinh doanh, đều hiểu biết rất hạn chế về những gì nằm ngoài phạm vi chuyên môn của họ và đầu óc họ đóng chặt trước bất kỳ ý nghĩ mới mẻ nào nằm ngoài khả năng tưởng tượng của họ. Thường khi gặp những trường hợp này, tôi luôn đề nghị cho họ mượn sách để họ tự tìm hiểu thêm, nhưng buồn thay, sau khi được giới thiệu về nội dung, họ bảo họ không quan tâm. Nghịch lý nằm ở chỗ, nhiều người học hành rất bài bản, thành công trong chuyên môn, có hoài bão lớn chẳng những không bận tâm đến chủ đề này mà còn chỉ trích kịch liệt ý tưởng về sức mạnh của ý nghĩ và không hề thử tìm hiểu gì về nó – dù rằng ai trong số họ cũng đang sử dụng nó một cách vô thức! Một lần nữa, rất nhiều người chỉ tin vào những gì họ muốn tin hay những gì phù hợp với cách nghĩ đã đóng khung của họ và phản bác mọi thứ, nhất là những ý tưởng mới lạ. Vô số người với những ý tưởng đột phá, táo bạo ngay trong chính thời đại chúng ta đã từng bị la ó, phỉ báng, thậm chí bị đối xử thô bạo bởi những kẻ tối tăm, ngu dốt. Tôi nhớ đến lời của Marie Corelli, tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng thế giới thế kỷ 19: Cái ý nghĩ cho rằng mỗi người đều có đủ may mắn để giành lấy một lợi thế nào đó so với những người khác (bằng sự biếng nhác hay thói lãnh đạm của chính họ) đã không còn nữa đủ để kích động lòng đố kỵ của những kẻ tiểu nhân hay cơn giận dữ của bọn ngu dốt… Việc một người khác ở bên ngoài bước vào sự minh triết của thế giới tinh thần huyền diệu của họ là điều bất khả thi. Cả ý kiến cho rằng những lời thuyết giảng và giáo lý của thế giới đó cần phải được ít nhiều cụ thể hóa thành một cuốn sách, mà họ hiếm khi quan tâm hay mở ra đọc lấy một dòng, cũng là điều không tưởng. Vì lý do này mà các bậc hiền triết thường giữ lại trong lòng mình phần lớn tư tưởng uyên thâm của họ trước những kẻ phàm phu, vì họ nhận ra ngay lập tức sự hạn chế của những đầu óc thiển cận và những định kiến hẹp hòi… Kẻ ngu dốt thường cười nhạo những gì họ không biết và cho rằng tiếng cười đó thể hiện sự uyên bác của mình, chứ không phải sự dốt nát cố hữu của họ. (4) Các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các nhà tư tưởng nổi tiếng của thế giới rộng lớn ngày nay đang thảo luận về vấn đề này và trao đổi kết quả các cuộc thí nghiệm của họ. Không lâu trước khi qua đời, Charles P. Steinmetz (1865 – 1923), vị kỹ sư nổi tiếng của Hãng General Electric, tuyên bố rằng: “Tiến bộ quan trọng nhất trong nửa thế kỷ tới là lĩnh vực tâm linh – hay giao tiếp tâm linh – ý nghĩ”. Tiến sĩ Robert Gault, trong thời gian làm giáo sư của Đại học Northwestern, đã khẳng định: “Chúng ta đang ở ngưỡng cửa của tri thức về sức mạnh tinh thần tiềm ẩn của loài người”. Người ta đã nói và viết rất nhiều về những năng lực bí ẩn, các lực chưa biết, những điều huyền bí, siêu hình ngoài tầm nghiên cứu của khoa học, vật lý học tinh thần (mental physics), tâm lý học, những phép màu rõ ràng và nhiều chủ đề tương tự. Những chủ đề này làm cho nhiều người tin rằng họ đang nghiên cứu về các hiện tượng siêu nhiên thần bí. Nhưng đối với tôi, điều duy nhất không thể lý giải được là tại sao niềm tin lại làm cho những điều kỳ diệu như thế xảy ra. Như tôi đã nói ở trên, nhiều người đã sử dụng “nó” để gia tăng gấp đôi, gấp ba hoặc thậm chí gấp bốn mức thu nhập của họ. Tôi còn lưu giữ nhiều thư từ của rất nhiều người thuộc đủ mọi thành phần xã hội, những người đã trở nên giàu có nhờ áp dụng “nó” vào cuộc sống của họ. Một trong số đó là Ashley C. Dixon, người một thời nổi tiếng trên các làn sóng phát thanh ở bờ Tây nước Mỹ. Cách đây vài năm, ông ấy viết thư cho tôi nói rằng ông ấy đã từng nghiên cứu về chủ đề này một cách hàn lâm, nhưng không bao giờ tin vào “nó” cho đến năm ông 43 tuổi. Khi đó, ông chỉ có 65 đô-la trong tay, thất nghiệp và rất khó xin việc làm. Rồi ông ấy chứng minh rằng niềm tin có tác dụng như một lực thúc đẩy về mặt tinh thần và giúp con người biến không thành có. Tôi xin trích một đoạn trong bức thư của Dixon: “Quyển T.N.T. của ông đưa ra cho độc giả một hình thức có thể sử dụng được mà tôi đã biết. Tôi như được nhìn thấy thác Niaraga lần đầu tiên trong đời mình. Ai cũng biết có một nơi hùng vĩ như thế, nhưng việc “tận mắt chứng kiến” mới nói lên mối liên hệ xác tín giữa cá nhân ta với nó. Xin lặp lại rằng, TNT mang đến cho tôi những dữ liệu mà tôi đã biết và đã sử dụng, nhưng với một cách diễn giải rõ ràng hơn nhiều. Đó là những gì tôi có thể đọc và sử dụng hàng ngày: giữ lại các ý nghĩ trong đầu cho tới khi nào chúng được giải thích một cách trọn vẹn. Vậy tất cả điều này có giá trị đối với tôi như thế nào về mặt tiền bạc? Đó là câu hỏi tất nhiên phải có ở một người bình thường. Anh ta muốn nhìn thấy ngay một con số nói lên sự thịnh vượng. Thì đây, câu trả lời: Tôi đã kiếm được 100.000 đô-la, và phần lớn trong số đó nằm trong các hợp đồng bảo hiểm và các khoản trợ cấp hàng năm của tôi. Tôi đã bán công ty của tôi với giá 30.000 đô-la (trước đó tôi mất 5.000 đô-la vay mượn để thành lập và điều hành nó, sau đó tôi ký hợp đồng điều hành chính nó trong 10 năm với mức thu nhập ròng tối thiểu 50.000 đô-la nếu tôi làm cho nó tiếp tục sinh lãi. Đây không phải là lời nói bốc đồng. Bởi vì 10 năm đó đã qua và những gì tôi vừa nói đều đã thành sự thật… Có thể một mục tiêu nào đó không thể được hoàn thành trong một ngày, một giờ, một tháng hay một năm, nhưng đối với tôi nó luôn được hoàn thành.” Năm 1934, thời kỳ “đáy” của cuộc Đại Suy thoái, người đứng đầu Cục Xúc tiến Kinh doanh của một thành phố lớn thuộc bờ Tây Thái Bình Dương nghe thấy những điều đang xảy ra với những công ty và các cá nhân thực hành theo các hướng dẫn của tôi. Thế là ông ấy quyết định tim hiểu về công việc của tôi. Không lâu sau đó ông chúc mừng tôi trên mặt báo và viết thư cho tôi như sau: “Tôi muốn nói rằng, những bài giảng của ông đã đem lại sự thay đổi lớn trong các ngành kinh doanh ở đây hơn bất cứ nhân tố hay cơ quan xúc tiến thương mại đơn lẻ nào. Đây chỉ là lời nói lại dựa trên tuyên bố của vô số giám đốc điều hành, những người đã và đang sử dụng bí quyết này một cách thành công mỹ mãn trong ngành nghề kinh doanh của họ… Lần đầu tiên khi tôi nghe về các kết quả kinh doanh mang tính hiện tượng đó, tôi thậm chí không muốn đặt câu hỏi gì cả, bởi chúng quá hoang đường. Nhưng sau khi nói chuyện với giám đốc các công ty đã sử dụng phương pháp của ông, cả những nhân viên kinh doanh đã tăng gấp đôi, gấp ba thu nhập của họ, rồi tự tôi nghe những bài thuyết trình và nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này, bỗng nhiên cái sức mạnh kỳ lạ và năng động chứa đựng bên trong nó hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Không phải ai cũng có thể hiểu được nó trong giây lát, nhưng công ty và cá nhân nào chấp nhận sự thật trong những lời ông nói và thực hành theo đều có thể kỳ vọng nhận được những kết quả phi thường và đáng kinh ngạc. Ông đã hoàn toàn minh chứng cho điều đó và tôi xin nồng nhiệt chúc mừng ông!” Người này từ đó về sau đã đạt được vô số thành tích cao ngất ngưởng trong công việc kinh doanh của mình và tiếp tục viết cho tôi về những minh chứng khác với những kết quả xác thực từ những người đã áp dụng phương pháp niềm tin của tôi. Khi bắt đầu viết quyển sách này, tôi quyết định viết thư cho các công ty và một số cá nhân đã từng xác nhận với các kết quả mang tính đột phá mà họ đạt được khi sử dụng phương pháp của tôi. Không có một ngoại lệ nào, tất cả mọi người đều tuyên bố rằng họ vẫn đang tiếp tục tiến bộ và gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp hay cuộc sống của mình. Một trong số họ là Dorr Quayle, một người rất nổi tiếng ở Hội Cựu chiến binh Mỹ trong thời gian ông ấy hoạt động cho hội này ở Northwest. Ông ấy viết: “Thoạt tiên, chấp nhận hoàn toàn ý kiến của ông không phải là chuyện dễ dàng, nhưng hoàn cảnh và điều kiện thể chất của tôi buộc tôi phải tìm hiểu nó một cách liên tục cho đến khi mọi thứ sáng tỏ ra… Ông biết đấy, vào tháng Hai năm 1924, tôi bị ốm nặng và liệt một phần hai chân. Tôi phải sử dụng nạng để di chuyển trước mọi khoảng cách dù chỉ là một vài bước chân, và với tốc độ… rùa bò. Đối với một người từng là giám đốc ngân hàng, tình trạng khiếm khuyết khả năng như thế này thật là khó chấp nhận. Sở dĩ tôi còn chịu đựng được là vì tôi nhận được sự bồi đắp của chính phủ - sự bại liệt của tôi được xem là di chứng chiến tranh từ những năm tôi phục vụ trong quân đội trong Chiến tranh Thế giới I. Tuy nhiên, năm 1933, chính phủ đưa tôi ra khỏi danh sách nhận trợ cấp và tôi buộc phải tự kiếm sống. Nhà cửa và các tài sản khác của tôi lần lượt đội nón ra đi. Một viễn cảnh không lấy gì làm sáng sủa, một tương lai mờ mịt đang chờ đợi tôi phía trước. Yêu cầu cuộc sống buộc tôi phải thực hành các nguyên tắc vốn được ông giải thích hết sức cặn kẽ. Cứ làm theo đó mà thành công. Cũng có thể tôi được ưu ái vì tôi không thể từ bỏ ngành kinh doanh tư vấn kế toán của mình – mà do tình trạng khiếm khuyết thể chất tôi không làm các ngành khác được. Sự kiên định tạo ra lòng tin, rồi tiếp sau nó là một thái độ tinh thần đúng đắn đi liền với những hành động cụ thể, nhất quán; tất cả hợp lại mang đến thành công. Tôi chưa đạt được mức độ thành công như bản thân mong đợi, nhưng điều đó không làm tôi bận tâm lắm, bởi hiện tại tôi có một cuộc sống khá tốt đẹp, giữ lại được các tài sản của mình và quan trọng hơn là tôi đã nắm được công thức bí mật của thành công trọn vẹn. Một khi bạn sở hữu tri thức đó bên trong bạn, mọi nỗi lo sợ đều tan biến và mọi chướng ngại trên đường đời của bạn đều bị dỡ bỏ.” Tôi gặp Quayle lần đầu tiên ngay sau khi ông ấy khởi sự việc kinh doanh của mình với một cái bàn nhỏ kê phía trước một cửa hàng bán ống nước. Những năm tiếp theo, tôi vui mừng nhìn thấy ông ấy khi ở nơi này, lúc chỗ khác tư vấn cho khách hàng và công cuộc kinh doanh của ông ấy phát triển với những bước đi ngoạn mục, cho đến khi ông chiếm hẳn toàn bộ tầng trệt của một tòa nhà văn phòng tọa lạc tại một trong những vị trí tốt nhất của một thành phố lớn miền Tây nước Mỹ. Nhận thấy đây là một câu chuyện thành công sống động, tôi đã xin phép ông ấy được trích dẫn và kể lại nơi đây. “Bằng bất cứ giá nào, xin cứ tiếp tục phổ biến bí quyết này nếu anh vẫn nghĩ rằng điều đó có ích cho người khác”, ông ấy nói. “Anh cũng có thể viết thêm rằng giờ đây tôi đã mua được toàn bộ khu nhà tại góc đường số 20 và đường Sandy. Tôi cũng vừa mua một lô đất khác trên đường Sandy để xây một tòa nhà văn phòng riêng cho chúng tôi. Tôi thành thật mong rằng mọi người sẽ chấp nhận và thực hành theo những chỉ dẫn của anh”. Vào lúc tôi nắm bắt được bí quyết thành công này, tôi không hề có ý nghĩ sau này sẽ viết nó thành sách. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là dùng nó để cứu vãn tình hình kinh doanh đang rất bi đát, nếu không nói là đang trên bờ vực phá sản, của công ty chúng tôi. Hồi đó tôi là phó chủ tịch của một ngân hàng đầu tư và chúng tôi bị cuốn vào cơn khủng hoảng kinh tế cùng với hiểm họa sụp đổ ngay trước mắt. Không biết tôi có được truyền nguồn cảm hứng hay không, nhưng tôi đã viết liền một mạch bản thảo đầu tiên bài thuyết giảng của tôi trong suốt năm giờ liền mà không cần tham khảo bất cứ tài liệu nào, dù tôi đã để chúng sẵn trước mặt tôi. Đồng thời cũng trong lúc đó thì ý tưởng về tên đề tài hiện ra trong đầu tôi. Đó chính là các từ: “Ý thức vũ trụ” (cosmic consciousness). Tuy nhiên, chúng chẳng có ý nghĩa gì khi đó đối với tôi. Nhưng sau khi cuốn T.N.T – It Rocks the Earth được xuất bản, nó đến tay một nữ tác giả sống ở New York, và cô ấy đã viết cho tôi như sau: “Nghiêm túc mà nói, tôi đã từng ăn ngủ với triết lý của ông trong 10 năm qua. Nó đưa tôi đến New York mà không mất tiền. Nó giúp tôi bán được bản thảo của mình cho các nhà xuất bản và có được một công việc nho nhỏ nhưng được trả công hậu hĩnh 30 đô-la một tuần… Nó đưa tôi đến châu Âu đôi lần và giúp tôi có được những bộ áo choàng lông óng ánh.” Trong thư, cô ấy còn giục tôi đọc quyển Ý thức vũ trụ (Cosmic Consciousness) của Tiến sĩ Richard Maurice Bucke, và bảo rằng nó có những kiến giải rất đáng chú ý về kinh nghiệm khai tâm mở trí thực tế. Quả thật khi đọc quyển sách ấy, tôi lấy làm sửng sốt trước ý nghĩ của chính mình trước đây về sự khai mở trí tuệ. Nó trùng hợp làm sao với những gì Tiến sĩ Burke giải thích. Trong bản thảo bài giảng của mình, tôi đã mô tả chi tiết kinh nghiệm mà tôi thu nhận được từ “nguồn ánh sáng trắng chói lọi của trí tuệ” (5) . Nhưng hệ quả là, khi tôi đưa bản thảo cho một người bạn thân, cậu ấy thúc giục tôi hãy giảm bớt cường độ của từ ngữ: “Người ta chẳng biết gì về cái mà anh gọi là ‘ánh sáng trắng’ đâu! – thậm chí một vài người còn nghĩ rằng anh đang nói về một đề tài quá khả năng hiểu biết của mình nữa đấy!”. Thế là tôi thay đổi cách dùng từ ngữ. Nhưng bạn nào có biết đôi chút về “sự khai sáng vũ trụ” và đã đọc cuốn sách nhỏ của tôi trước đây sẽ hiểu tôi muốn nói gì khi dùng từ “ánh sáng”. Tuy nhiên, ký ức về những kinh nghiệm đơn lẻ như thế sẽ chỉ tồn tại trong tôi mà thôi: chỉ trong một vài giây, tôi nhận được sự hiểu biết và tri thức nhiều hơn toàn bộ thời gian tôi đã từng đọc và nghiên cứu về mọi thứ trên đời. Cũng trong giai đoạn này, một ý nghĩ bỗng lóe lên trong tôi, rằng tại sao công ty của tôi lại rơi vào tình cảnh khó khăn như thế? Nguyên nhân hoàn toàn không phải bởi sự đe dọa từ những sự kiện xảy ra bên ngoài – mà từ thái độ tinh thần của nhân viên của chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều ngừng kháng cự trước nỗi sợ chung của quảng đại quần chúng: chúng tôi sợ rằng cơn Đại Suy thoái sẽ làm suy yếu tinh thần chúng tôi và quét sạch mọi thứ thành một thảm họa tài chính tồi tệ nhất. Thế đấy, với ý nghĩ thường trực về sự suy tàn, chúng tôi đã tự đưa mình vào thảm họa. Ý nghĩ đó đã đến với tôi đúng lúc, rằng nếu tôi muốn cứu công ty và chống lại cơn Đại Suy thoái, tất cả những gì tôi cần làm là thay đổi tinh thần và thái độ của từng nhân viên của tôi. Đó là điều cốt lõi cần làm trước hết. Frank W. Camp, người viết lời giới thiệu cho tập bài giảng của tôi, tuyên bố rằng: nó được theo sau “bởi sự biến chuyển lớn nhất của từng cá nhân và từng tổ chức”. Tôi phải thừa nhận rằng một vài phát biểu của tôi có thể rất buồn cười trước các nhà tâm lý học hàn lâm. Nhưng sự thật là mỗi ngày có hàng ngàn người sẵn sàng tuyên thệ rằng bí quyết này có tác dụng đối với họ. Còn bạn, độc giả thân mến của tôi, điểm chính yếu bạn cần xem xét là nó có mang lại lợi ích cho bạn hay không. Và, cách duy nhất để bạn biết được điều này là hãy thử vận dụng nó cho chính bản thân bạn. Tôi xin trao cho bạn bí quyết này, với niềm tin tuyệt đối rằng bất kể bạn sử dụng nó như thế nào, bạn cũng đạt được kết quả. Nhưng tôi xin lặp lại lời cảnh báo ngay đầu tập bài giảng của tôi: Đừng bao giờ sử dụng bí quyết này với mục đích xấu xa hay có hại cho người khác. Ngay từ buổi bình minh của nhân loại, đã tồn tại hai lực hùng mạnh, hay hai thái cực - đó là thiện và ác. Cả hai lực này đều mạnh ngang nhau và có phạm vi hoạt động rất rộng và có chu kỳ hoạt động gần như vô hạn. Nhưng chúng có cùng một điểm chung: chúng đều được điều khiển bằng sức mạnh tinh thần của con người, hay sức mạnh trí tuệ nhân loại. Đôi khi, cái ác tỏ ra lấn át; nhưng đa phần cái thiện sẽ kiểm soát cuộc sống của chúng ta. Chính sức mạnh tinh thần đã tạo nên các đế chế và vương quốc, và chúng ta cũng đã nhìn thấy nó hủy diệt chúng như thế nào theo chiều dài lịch sử của chúng ta. Nếu bạn đọc quyển sách này theo lối suy ngẫm, bạn sẽ hiểu làm thế nào sức mạnh này có thể được sử dụng như một công cụ hủy diệt, cũng như để đem lại những kết quả tốt đẹp đầy tính xây dựng. Nhiều lực tự nhiên khác cũng thế, chẳng hạn như nước và lửa, tuy chúng mang đến những lợi ích vô cùng to lớn cho con người (cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, thủy điện, giao thông thủy, lửa để đốt, nấu…) nhưng vừa có sức hủy diệt muôn phần tàn bạo (lũ lụt, cháy rừng, hỏa hoạn…), tùy thuộc vào mục đích mà chúng được sử dụng. Vì thế, hãy hết sức cẩn thận và bảo đảm rằng bạn không sử dụng sai bí quyết tiềm thức này. Thiết nghĩ tôi không nên nhấn mạnh điều này hơn nữa, vì nếu bạn sử dụng nó vì mục đích “tối tăm”, nó sẽ như một chiếc boomerang quật ngược vào bạn và hủy hoại cuộc đời bạn như nó đã từng làm với những người khác trong những thế kỷ qua. Đây không phải là những lời nói vu vơ, mà là một lời cảnh báo nghiêm túc, chân thành nhất dành cho tất cả các bạn. CHÚ THÍCH (1) Giáo phái Shaker do Ann Lee sáng lập vào năm 1747 tại Anh. Tín đồ của giáo phái này tin rằng Chúa hay Thượng đế ở trong lòng mỗi người và ai cũng có thể tìm thấy Ngài trong chính mình mà không cần phải thông qua giới tăng lữ hay các nghi thức tôn giáo. (2) Alleluia (hay hallelujah) là một thành ngữ gốc Do Thái, ghép bởi hai từ “hallelu” (“hãy ngợi khen”, động từ hillel) và “jah” (“Gia-vê”, “Thiên Chúa”). Như vậy, alleluia có nghĩa là “Hãy ngợi khen Chúa”. (3) Trappist: Tu sĩ dòng Luyện Tâm, một giáo phái sống khắc khổ và phát nguyện không bao giờ nói. Một kiểu chơi chữ của tác giả. (4) Trích từ cuốn The Life Everlasting của Marie Corelli, NXB Borden, Los Angeles. (5) Nguyên văn: Brilliant white light. Chương 2 Những thí nghiệm về tiềm thức Đ ể hiểu rõ hơn về chủ đề này, bạn cần dành thời gian suy nghĩ về chính ý nghĩ của mình và các biểu hiện của nó. Không ai biết ý nghĩ thực sự là gì ngoài việc nó là một dạng hành động tinh thần. Nhưng cũng giống như sự vô hình của dòng điện, chúng ta “nhìn thấy” nó qua các ứng dụng ở khắp mọi nơi. Cũng vậy, chúng ta nhìn thấy ý nghĩ trong hành động và những nét biểu cảm ở trẻ con, người già, các loài động vật và nhiều mức độ khác nhau ở các loài sinh vật sống khác. Càng suy ngẫm và nghiên cứu về ý nghĩ, các bạn sẽ càng nhận ra rằng đó là một lực vạn năng và những sức mạnh to lớn mà nó mang lại là vô giới hạn ra sao. Nào, bạn hãy thử đưa mắt nhìn xung quanh mình khi đọc đến đây. Nếu bạn đang ở trong một căn phòng được trang bị nội thất đầy đủ, mắt bạn sẽ cho bạn biết rằng bạn đang nhìn thấy một số vật vô tri vô giác. Điều đó đúng về mặt nhận thức, nhưng những gì bạn nhìn thấy thực ra là những biểu hiện vật chất của ý nghĩ hay ý tưởng được hiện thực hóa thông qua các công trình sáng tạo của con người. Đầu tiên là một ý nghĩ, rồi ý nghĩ đó tạo ra giường tủ bàn ghế, kính cửa sổ hay những tấm khăn trải bàn hay vải trải giường của bạn. Xe ô tô, nhà chọc trời, máy bay phản lực, máy may, những chiếc kim nhỏ xíu – chúng từ đâu mà ra? Từ cái lực lạ lùng này: ý nghĩ. Phân tích sâu hơn một chút, chúng ta sẽ thấy rằng những thành tựu nói trên của loài người – và thực ra là toàn bộ của cải vật chất của chúng ta – đều thành hình qua kết quả của suy nghĩ sáng tạo. Triết gia Ralph Waldo Emerson từng tuyên bố rằng nguồn gốc của mọi hành động là ý nghĩ. Khi bạn hiểu được điều đó, bạn mới bắt đầu hiểu ra rằng thế giới này được điều khiển bởi ý nghĩ, và tất cả những thứ ngoại thân ta đều có một “bản sao” nguyên mẫu từ bên trong ý nghĩ của ta. Cũng như Đức Phật từng nói hàng ngàn năm về trước, rằng: “Con người chính là những gì mà họ nghĩ”. Cuộc sống của bạn chính là những gì bạn nghĩ và là kết quả các quá trình tư duy của bạn. Xương, thịt, máu huyết, những nhóm cơ của bạn được tạo thành bởi 70% là nước và một vài loại hóa chất chẳng mấy giá trị, nhưng tinh thần của bạn và những gì bạn nghĩ mới tạo ra con người thực của bạn. Bí quyết của thành công không nằm ở bên ngoài, mà nằm ngay trong ý nghĩ của con người. Nói một cách văn vẻ thì, ý nghĩ có thể tạo ra những người khổng lồ từ những gã tí hon, nhưng buồn thay nó rất thường “sản xuất” ra những kẻ tí hon từ những gã khổng lồ! Lịch sử đầy dẫy những câu chuyện có thật cho thấy làm thế nào ý nghĩ đã biến những con người yếu đuối trở nên mạnh mẽ và mạnh mẽ trở thành khiếp nhược. Bạn đang nhìn thấy vô số bằng chứng xung quanh bạn đấy thôi! Bạn sẽ không ăn, không mặc, không bật ti-vi, không lái xe, không đọc báo – thậm chí bạn cũng chẳng buồn nhấc cánh tay mình lên – mà không có một ý nghĩ (hay ý định) nào trong một tích tắc trước đó. Dù bạn có cho rằng đó là một cử động ít nhiều mang tính bản năng, hoặc do tác động bởi một vài phản xạ nào đó, thì đằng sau mỗi bước đi mà bạn thực hiện trong suốt cuộc đời bạn, bất kể về hướng nào, đều xuất phát từ cái lực mạnh mẽ đến mức dữ dội này: ý nghĩ. Cách đi dáng đứng, lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc… của bạn đều phản ánh cách nghĩ của chính bạn. Một hình dạng bề ngoài nhếch nhác, lượm thượm là sự thể hiện ra bên ngoài của một suy nghĩ cẩu thả, hời hợt; trong khi một dáng đi quả quyết, đầu ngẩng cao là biểu hiện của một sức mạnh tiềm ẩn và một sự tự tin lớn vào bản thân. Bạn là sản phẩm của chính ý nghĩ của bạn. Bạn tin bạn là người như thế nào, bạn sẽ như thế ấy! Ý nghĩ là nguồn gốc của mọi thành công, mọi phát minh và khám phá, mọi của cải vật chất và tất cả các thành tựu của nhân loại. Không có ý nghĩ sẽ không có thuốc men, không có những viện bảo tàng, công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ, không có những vở kịch và những tác phẩm vĩ đại, cũng không có cả những tiện nghi vật chất hiện đại cho chúng ta hôm nay – và thực tế là, cũng không có sự tiến bộ qua các chế độ xã hội từ thời sơ khai của con người. Ý nghĩ của bạn – hay lực chi phối – quyết định tính cách, nghề nghiệp, và toàn bộ cuộc sống hàng ngày của bạn. Một nhà hiền triết nào đó nói rằng: “Ý nghĩ làm con người mạnh mẽ hơn hay hủy hoại anh ta.” Và khi bạn nhận ra rằng không một hành động hay phản ứng nào, bất kể tốt hay xấu, mà không bắt nguồn từ một ý nghĩ, thì khi đó bạn mới thấy rằng câu ngạn ngữ “gieo nhân nào, gặt quả nấy” hay câu nói của Shakespeare “Không có gì tốt hoặc xấu; tốt, xấu nằm ở ý nghĩ của con người mà thôi” mới khôn ngoan làm sao! Sir Arthur Eddington, một nhà vật lý học nổi tiếng người Anh, nói một cách quả quyết rằng vũ trụ mà chúng ta đang sống chỉ là sự sáng tạo của tâm trí chúng ta. Còn Sir James Jeans, cũng là người nổi tiếng trong cùng lĩnh vực, thì cho rằng vũ trụ đơn thuần chỉ là sự sáng tạo kết tinh từ ý nghĩ của một trí tuệ vô biên nào đó kết hợp với ý nghĩ của tất cả chúng ta. Gần đây, khoa học phát hiện ra mối liên hệ giữa hành vi của các phần tử nhỏ hơn nguyên tử với các nguyên lý khác nhau của phép siêu hình Phương Đông. Các nhà khoa học và các nhà tư tưởng vĩ đại nhất không những nêu lên những ý tưởng mới mẻ mà còn xác nhận tính đúng đắn của nguyên lý nền tảng của cuốn sách này. Hầu như ngay từ thuở hồng hoang của nhân loại, tư tưởng con người đã bị đóng khung bởi những người có sự hiểu biết về sức mạnh kinh hoàng của ý nghĩ. Tất cả các lãnh tụ tôn giáo, các quân vương, chiến binh, chính khách vĩ đại đều nắm rõ bí quyết này và biết rằng con người hành động theo suy nghĩ của họ - và phản ứng theo ý nghĩ của người khác, đặc biệt khi ý nghĩ đó mạnh hơn và thuyết phục hơn ý nghĩ của họ. Ấy vậy mà những người có tư tưởng mạnh mẽ và năng động luôn thống trị người khác bằng cách ru ngủ họ - mà kết quả là khi thì họ lãnh đạo những người này đi tới bờ bến tự do, lúc thì đưa họ vào kiếp nô lệ. Không có giai đoạn nào trong lịch sử mà chúng ta có nhiều cơ hội để nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng suy nghĩ của chúng ta vào việc cải thiện cuộc sống của chính chúng ta hơn lúc này. Tất cả nhờ vào nguồn sức mạnh to lớn luôn tồn tại bên trong mỗi con người chúng ta: Ý nghĩ. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ trở thành những gì chúng ta “nhìn thấy” bằng ý nghĩ của mình. Thật khôi hài khi có người nói về lực hấp dẫn của ý nghĩ, về việc làm thế nào để biến nó thành một dạng vật chất có thể nhìn thấy được, làm thế nào để nó tác động đến người khác và cả những vật vô tri vô giác từ những khoảng cách rất xa. Nhưng chẳng bao lâu sau đó tôi đã không còn có ý nghĩ chế nhạo như thế nữa, vì những ai có đủ trí tuệ để hiểu biết về sức mạnh của nó chẳng chóng thì chầy đều nhận ra rằng ý nghĩ có thể thay đổi ngay cả bề mặt của toàn bộ địa cầu này. George Russell, nhà thơ và là nhà biên tập nổi tiếng người Ireland, có lần được trích dẫn một câu nói rằng chúng ta trở thành những gì chúng ta nghĩ; và ông đã chứng minh cho điều ông nói qua chính cuộc đời của mình bằng cách trở thành một nhà văn, nhà thuyết giảng, họa sĩ và một nhà thơ lớn. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng những ý nghĩ trong đầu chúng ta thực ra không phải là của chúng ta, hay chí ít cũng không phải là những ý nghĩ nguyên thủy của chúng ta. Tâm trí chúng ta thường bị định sẵn bởi ý nghĩ của người khác, bởi những gì chúng ta nghe thấy trong khi giao tiếp, những gì chúng ta đọc được từ báo chí, sách vở và những gì chúng ta xem trên ti-vi, phim ảnh hoặc từ cả những nhận xét tình cờ từ những người ngoài cuộc. Rồi những ý nghĩ này tha hồ cày xới đầu óc chúng ta. Chỉ một vài ý nghĩ trong số đó là có ích vì chúng hòa hợp với những ý nghĩ sâu kín nhất của chúng ta và mở ra cho chúng ta những tầm nhìn rộng lớn hơn. Còn đa phần các ý nghĩ chỉ làm chúng ta thêm bối rối, làm giảm đi sự tự tin và làm chúng ta chệch hướng khỏi các mục tiêu cuộc đời mình. Quả thật, những “ý nghĩ ngoại tại” này là những tên chuyên đi gây rối tâm trí chúng ta. Trong phần sau tôi sẽ hướng dẫn bạn cách vứt bỏ chúng. Chỉ một vài người chịu khó suy nghĩ về luật nhân quả và áp dụng nó vào sự vận động của tâm trí. Càng ít người hơn nữa hiểu được chân lý này: “Mọi thứ đều từ bên trong ta, không có gì bên ngoài ta cả” hoặc “Tinh thần chính là nguồn gốc của sức mạnh”. Một lý giải hết sức tuyệt vời về điều này từng xuất hiện trong một bài báo có tựa đề “El Dorado” đăng trên tờ Commercial and Financial Chronicle số ra ngày 10/12/1932: El Dorado (6) là một vương quốc có nhiều vàng bạc châu báu hơn mọi vương quốc giàu có nhất trên thế gian này. Vàng nhiều đến mức tràn ra khỏi cửa của mọi nhà. Còn bạn thì sao? Sự thịnh vượng nằm ngay dưới chân bạn, may mắn trên tay bạn, tất cả mọi thứ đều nằm trong chính con người bạn; không gì nằm bên ngoài bạn cả, dù rằng lắm khi con người nhờ may mắn bất ngờ hay tính hám danh cầu lợi, mê quyền lực hay một mưu mô mà có được những gia tài lớn rồi cứ thế mà phất lên… Con người riêng lẻ hay mỗi cộng đồng đều được ban cho quyền có một cuộc sống dư dật, nếu họ muốn. Đó gần như là một sự thật quá đỗi hiển nhiên. Tôn giáo và triết học thừa nhận điều đó. Lịch sử và khoa học chứng minh rằng nó đúng như thế. “Rằng con người có quyền có cuộc sống của riêng họ, và họ có quyền làm cho nó trở nên giàu có và thịnh vượng.” Đó là một quy luật. Bạn tìm kiếm gì? Bạn sẵn sàng trả giá cho thứ bạn muốn? Bạn tìm kiếm thứ càng quý thì cái giả bạn phải trả càng cao. Vì tất cả những gì chúng ta muốn có, chúng ta phải đánh đổi bằng “vàng” của tinh thần chúng ta… Thế tìm đâu ra thứ vàng Toàn Năng đó? Con người sẽ tìm thấy loại vàng này khi họ tìm ra chính mình. Khi tìm ra chính mình, họ sẽ tìm thấy tự do và mọi kho báu, thành tựu và tất nhiên là sự thịnh vượng. Nói quá chăng? Không hề! Hãy nhìn xem những chứng cứ rõ ràng qua những tấm gương thành công vĩ đại trong lịch sử Hoa Kỳ, và cả lịch sử của nhân loại tự cổ chí kim nếu chúng ta chịu mở mắt thật to. Không một kỳ tích nào, sự bất diệt nào, sự hùng mạnh nào từng được thực hiện mà không do những con người đã tìm ra được thứ “vàng” tinh thần của chính họ tạo nên. Loại vàng này điều khiển quyền lực, sức mạnh và tạo ra sự toàn thiện toàn mỹ. Những ai hiểu rõ chính mình sẽ biết ngay rằng mọi vật chất và ý thức đều có một bản sao hay một nền tảng tinh thần. Họ nhìn thấy nó qua tiền bạc và sự tín nhiệm. Quy luật cung – cầu đối với con người không là gì cả ngoài việc nó là một nguyên lý kinh tế, nhưng kỳ thực đó là bản sao vật chất của quy luật tinh thần. Những người đi tìm tự do có thể nhìn thấy quy luật này hoạt động trong sự hấp dẫn của vũ trụ, trong những lực hút hóa học, trong thế giới vĩ mô và cả thế giới vi mô. Người ta ví nước Mỹ như một El Dorado, là nơi hầu hết những con người tự tìm thấy và khẳng định chính mình đã làm việc để dựng nên gia tài của họ và những điều kỳ diệu của ý nghĩ trong việc làm giàu cho bản thân họ và nhân loại nói chung. Đối với những con người biết hành động này, tất cả tiền bạc, các khoản tín dụng hay tư bản phẩm (7) họ đều có thể sử dụng… Mackay, O’Brien, Hearst, Fair, những thanh niên Mỹ thời 1849 đã tìm thấy “vàng” trong chính họ trước khi họ biến chúng thành những tài sản kếch xù ở California. Họ nói với nhau rằng: “Nếu tìm thấy mỏ vàng ở đó thì chúng ta sẽ cùng hưởng”. Vĩ đại làm sao kho báu tinh thần của James J. Hill, người đã xây dựng hệ thống đường xe lửa Bắc Mỹ xuyên qua những vùng đất hoang dã, rộng lớn thậm chí có nơi còn chưa có người sinh sống. Sự “điên rồ” của ông đã tạo nên một đế chế đường sắt hùng mạnh tồn tại hơn 150 năm qua. Bằng sức mạnh tinh thần, James đã biến những cánh rừng và đồng bằng rộng lớn thành các El Dorado mà ai cũng thèm muốn. Bằng sức mạnh tinh thần, ông đã huy động vô giới hạn tiền của từ hai thị trường chứng khoán Amsterdam và London để hình thành nên con đường sắt đưa hàng triệu người dân Mỹ đi khám phá các kho báu khổng lồ ở miền Tây Bắc lạnh giá của Hoa Kỳ. Vài năm trước khi mất, Thomas A. Edison, nhà phát minh lỗi lạc người Mỹ, nói rằng: “Ý tưởng đến từ hư không. Nghe có vẻ hoang đường nhưng đó là sự thật! Ý tưởng đến từ bên ngoài vũ trụ”. Chắc chắn Edison biết rõ điều đó, vì chỉ có một vài người nhận được nó và có khả năng “phát ra” nhiều ý tưởng vĩ đại khác… Mỗi người chúng ta hãy tự đi tìm một El Dorado trong chính mình. Sức mạnh có ở khắp mọi nơi. Nguồn của cải không bao giờ cạn kiệt. Chúng ta nhận được cái chúng ta tự đo đếm trong đầu mình. Thực ra chúng ta không thiếu quyền lực, chúng ta chỉ thiếu niềm tin. Khi một người tìm ra chính mình, niềm tin sẽ tự động xuất hiện và tạo lập El Dorado cho họ. Bằng trí tưởng tượng toàn diện và mạnh mẽ, bất cứ ý nghĩ nào cũng có thể được biến thành một dạng vật chất. Nhà vật lý học vĩ đại Paracelsus nói rằng: “Tinh thần con người lớn đến mức không ai có thể mô tả được nó. Nếu chúng ta làm chủ hoàn toàn tinh thần của mình thì không gì là không thể trên thế gian này. Bằng niềm tin, trí tưởng tượng của bạn sẽ được tiếp thêm sinh lực và hoàn thiện, vì mọi sự ngờ vực đều có thể làm hoen ố sự hoàn hảo của nó. Niềm tin tạo ra ý chí”. Bạn ạ, niềm tin chỉ có ở từng cá nhân, từng con người riêng biệt. Sự cứu rỗi cũng thế, dù bạn nhận được nó bằng cách nào đi nữa. Niềm tin đến từ việc con người tìm ra chính mình. Cuộc tìm kiếm đó mang đến cho ta một nhận thức rõ ràng về vị trí của mình trong cái vũ trụ vô cùng vô tận này. Những con người tự hiểu rõ chính mình luôn luôn sống trong những vương quốc El Dorado giàu có và hùng mạnh. Họ uống nước từ suối nguồn tươi trẻ và luôn luôn là người làm chủ ý nghĩ của mình và tất cả mọi thứ của cải vật chất mà họ muốn. Những lời của Paracelsus được trích dẫn trên đây rất đáng để bạn đọc lại lần nữa, bởi một khi bạn nắm được ý nghĩa của chúng và khám phá ra cách vận dụng chúng vào những chuyện bạn làm, chắc chắn bạn sẽ thành công dễ dàng hơn. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng nếu chỉ làm việc chăm chỉ thôi thì chưa đủ mang tới thành công. Thế gian này đầy những người làm việc cần mẫn nhưng chỉ có một ít trong số họ trở nên vượt trội. Còn một yếu tố khác quan trọng hơn cả làm việc chăm chỉ: đó là tư duy sáng tạo và một niềm tin kiên định vào chính khả năng của bản thân, cái khả năng biến ý nghĩ thành hành động có ích. Những con người thành công trong lịch sử đều thành công từ cách nghĩ của họ. Đối với họ, đôi tay chỉ là những người phục vụ cho trí óc của họ mà thôi. Một điểm quan trọng khác cần chú ý là; để thành công, điều thiết yếu là khao khát của bạn phải trở thành một nỗi ám ảnh tích cực, tất cả ý nghĩ và mục đích của bạn phải hòa làm một, toàn bộ sức lực của bạn phải được tập trung thành một khối và hoạt động không ngừng nghỉ. Có thể bạn muốn có những gia tài khổng lồ, sự nổi tiếng, địa vị xã hội hay sự uyên bác, tùy định nghĩa của mỗi người về sự thành đạt, nhưng dù đó là gì thì mỗi khao khát của bạn phải gắn với ít nhất một mục tiêu cụ thể, khao khát đó phải luôn cháy bỏng bên trong con người bạn, suốt cuộc đời bạn. Bạn nói đó là một việc khó khăn? Không hẳn vậy. Bằng cách sử dụng sức mạnh của niềm tin, bạn có thể huy động mọi nội lực của bạn tham gia vào quá trình đó để chúng giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Nếu bạn là người đã lập gia đình, bạn hãy nhớ lại những kinh nghiệm đầy cảm xúc và thú vị khi bạn trong giai đoạn chinh phục “nửa kia” của mình. Chắc chắn đó không phải là một công việc căng thẳng đầu óc, mà ngược lại hay cố nhớ xem, bạn đã sử dụng những “phương pháp” gì nếu không phải là một phương pháp giống hệt như thế này, dù một cách hoàn toàn vô thức? Từ lúc bạn bắt đầu có ý nghĩ chinh phục nàng/chàng cho đến khi các bạn tiến hành hôn lễ với nhau, có phải ước muốn chinh phục hoàn toàn người bạn đời luôn luôn là ý nghĩ chiếm vị trí quan trọng nhất, cao nhất trong tâm trí bạn hay không? Ý nghĩ và niềm tin “chiến thắng” luôn hiện diện trong bạn từng phút, từng giây và có lẽ ngay cả trong các giấc mơ của bạn, đúng không nào? Bây giờ bạn đã có một bức tranh rõ ràng hơn về vai trò quan trọng của ý nghĩ và khao khát trong cuộc sống của bạn, trong đó đầu tiên và quan trọng nhất là bạn phải quyết định chính xác đâu là điều bạn muốn. Việc bắt đầu với ý nghĩ chung chung rằng bạn muốn thành công – như mọi người thường làm – là rất mơ hồ. Bạn cần phải có một sự hình dung rõ ràng hơn, cụ thể hơn nhiều trong tâm trí bạn. Hãy tự hỏi rằng bạn muốn đi đến đâu? Mục tiêu của bạn chính xác là gì? Bạn có hình dung được điều bạn muốn thực chất là gì không? Nếu thành công đó được đo lường bằng lượng của cải mà bạn sẽ có, bạn có thể cụ thể hóa nó bằng những con số tương ứng không? Và, bạn định nghĩa thế nào về sự thành đạt một cách cụ thể nhất? Bạn phải hỏi mình những câu hỏi này, vì các câu trả lời là những yếu tố then chốt quyết định cuộc đời bạn từ đây trở về sau. Lạ thay, chưa đến một phần trăm những người được hỏi có thể trả lời được những câu này! Đa phần ai cũng có một khao khát thành đạt nói chung, nhưng tất cả chỉ có thế, ngoài ra không có mục tiêu nào cụ thể hơn. Họ chỉ đơn giản sống theo ngày tháng và nghĩ rằng nếu hôm nay họ có việc làm thì ngày mai, ngày kia họ vẫn có việc làm đó – và như thế, tuổi già của họ đã được đảm bảo. Họ giống như những chiếc lá khô trôi nổi trên mặt nước, bị chao bên này, nghiêng bên kia theo những dòng chảy không thể đoán định, hoặc họ cũng có thể bị đánh văng lên bờ và chờ ngày mục nát để trở về với cát bụi. Vì thế, nhất thiết bạn phải biết chính xác bạn muốn gì trong đời. Bạn phải biết mình đang đi về đâu và luôn giữ vững mục tiêu đó trong đầu bạn. Tất nhiên đó chỉ là bức tranh tổng thể, nó không tạo ra một sự khác biệt nào trong việc bạn có hay không có một công việc tốt hơn , một ngôi nhà mới, một điền trang trù phú hay đơn giản chỉ là một đôi giày mới. Bạn cần phải có một ý nghĩ cụ thể trước khi bạn nỗ lực để đạt được nó. Hãy nhớ rằng, luôn có một sự khác biệt lớn giữa nhu cầu và ước muốn. Bạn cần có một chiếc xe để đi làm khác với việc bạn muốn có một chiếc xe để làm vui lòng gia đình bạn. Một chiếc xe phục vụ công việc kinh doanh là một nhu cầu mà bạn cần đáp ứng, một chiếc xe dành cho gia đình là một mục tiêu mà bạn đang lên kế hoạch để sắm nó trong thời gian sớm nhất có thể. Để tậu một chiếc xe như thế, bạn sẽ tìm đọc các catalogue và đến thăm các phòng trưng bày ô tô. Có lẽ đó là một mẫu xe mà bạn chưa từng nhìn thấy trước đó và bạn phải có trách nhiệm tìm hiểu và cân nhắc trong khả năng tài chính và sự hiểu biết của bạn cũng như các thông tin khác từ bên ngoài. Ước muốn có một thứ gì đó mới mẻ, khác biệt hơn có thể làm thay đổi cuộc đời bạn sẽ giúp bạn nỗ lực hơn nữa. Khi đó, sức mạnh của niềm tin sẽ đưa tất cả các nguồn lực bên trong bạn đi vào hoạt động và đó là cái mà tôi gọi là những giá trị tăng thêm (plus-values) trong cuộc đời bạn. Vì thế nếu bạn từng hy vọng đạt được bất cứ điều gì hay có nhiều hơn nữa những thứ bạn đang có, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ bằng một khát khao. Đó chính là động lực tiềm ẩn trong mọi chúng ta. Nếu không có khát khao cháy bỏng này, không một thành tựu nào có thể đạt được. Tuy nhiên, như bạn sẽ thấy tiếp theo đây, cần có một vài điều khác nữa chứ không đơn giản chỉ là một khát khao. Tôi rất quan tâm đến quan điểm của các nhà siêu hình học khi họ cho rằng ý nghĩ là vật chất. Đó có thể là một tri giác chung đúng đắn, nhưng chừng nào chúng ta chưa quan tâm đến tác động của ý nghĩ lên từng cá nhân con người, chúng sẽ không trở thành một dạng vật chất nếu chúng ta không thổi vào chúng hơi thở của sự sống bằng chính tư duy của chúng ta, hoặc thông qua những sản phẩm của trí tưởng tượng của chúng ta. Thoạt tiên khi đọc đến đây có thể bạn thấy hơi lạ, nhưng mọi việc sẽ trở nên rõ ràng hơn qua một số ví dụ mà tôi sẽ đề cập sau đây. Chẳng hạn, bạn được bảo hãy mặc áo mưa khi ra ngoài lúc trời mưa. Chúng ta đều hiểu câu đó có nghĩa là: “Nếu anh không làm thế, anh có thể bị cảm lạnh đến chết đấy!”. Ý nghĩ đó không hề có một tác động cỏn con nào đối với tôi. Tôi chưa hề biết mặc áo mưa là gì từ khi còn nhỏ. Tôi từng để cả người từ đầu đến chân ướt như chuột lột hàng trăm lần, mỗi lần có đến vài giờ nhưng tôi đã bị cảm lạnh bao giờ đâu? Nhiều người rất sợ những cơn gió lùa, nhưng tôi cho rằng nếu họ có bị cảm lạnh vì gió lùa thì đó là do ý nghĩ sợ hãi của họ chứ không phải bởi chính những cơn gió ấy. Tôi thường xuyên ngồi trong những cơn gió lùa hàng giờ mỗi ngày, còn ban đêm thì tôi ngủ trong một căn phòng cửa sổ mở tứ bề, nhưng tôi có bị làm sao đâu! Tôi tập cho mình quen với mọi loại thời tiết nên tôi không hề hấn gì, kể cả một cơn cảm mạo thông thường, và bởi vì tôi không bao giờ để một ý nghĩ sợ sệt nào có đất sống trong đầu mình. Tuy nhiên, tôi không khuyên các bạn đã quen mặc áo mưa khi ra ngoài trời mưa từ bỏ thói quen của các bạn; tôi cũng không khuyên các bạn dễ nhiễm cảm vì những cơn gió lùa cứ vô tư đưa mình vào đường đi của chúng – vì những thói quen đã ăn sâu trong cuộc sống thường nhật của chúng ta không phải dễ dàng thay đổi một sớm một chiều. Từ hàng thế kỷ trước, các nhà tư tưởng vĩ đại đã nói rằng con người có thể định hình sự vật và kiểm soát sự vật thông qua ý nghĩ của mình. Càng nghiên cứu môn khoa học này, bạn sẽ càng nhận ra những sức mạnh đáng kinh ngạc nằm trong ý nghĩ của bạn. Sir Arthur Conan Doyle, cha đẻ của nhân vật thám từ lừng danh Sherlock Holmes, nhiều năm liền ông là thành viên của Hội Nghiên cứu Tâm thần học Anh quốc, từng nói rằng bên trong ý nghĩ là một sức mạnh có sức xây dựng và hủy hoại mạnh ngang nhau, giống như một “niềm tin có thể dời non lấp biển” vậy. Ông nói rằng dù kết quả mang tính quyết định, nhưng ông hoàn toàn không có ý niệm gì về cái sức mạnh từ trong suy nghĩ của con người rằng sức mạnh này có thể tách rời các phân tử của một vật thể rắn khi nó được hướng vào vật thể đó. Tôi biết những người theo chủ nghĩa duy vật sẽ chế giễu một tuyên bố như thế. Nhưng bạn nghĩ mà xem, sóng radio có thể xuyên qua các bức tường bê-tông, vách gỗ, mái tôn và những vật chất rắn khác như thế nào. Nếu suy nghĩ là sóng, hay bất cứ thứ gì khác, thì chúng có thể biến thành các dao động có tần số cao hơn hay không? Tại sao chúng không thể tác động lên các phân tử vật chất? Nhiều tay cờ bạc chuyên nghiệp tin chắc rằng một tinh thần mạnh mẽ có liên quan mật thiết với sự may mắn trong các môn bài lá, xúc xắc và bài ru-lét, v.v. Tôi từng biết một người chỉ cần một vài nước đi là đã ẵm trọn những giải thưởng lớn nhất. Một lần khi tôi hỏi anh ta về điều đó, anh ta nói rằng: “Tôi không bao giờ lai vãng đến gần các bàn chơi bài nếu tôi không có tâm trạng tốt. Có nghĩa là tôi phải định hình chắc chắn trong đầu ý nghĩ rằng tôi sẽ thắng thì tôi mới tham gia. Tôi để ý rằng khi đầu óc tôi có bất kỳ sự dao động dù nhỏ nào, tôi đều bị thua. Tôi không nhớ có lần nào tôi không thắng khi tôi có những ý nghĩ mạnh mẽ rằng mình sẽ thắng”. Ở Đại học Duke, Tiến sĩ J. B. Rhine và các cộng sự của ông từng chứng minh rằng những hành động trong trạng thái xuất thần (psychokinesis), tên gọi chỉ sức mạnh tinh thần có thể di chuyển các vật thể, không phải là một học thuyết ngớ ngẩn. Các con xúc xắc (vâng, chính là trò chơi thường thấy trong các hội chợ đồng quê) được tung ra bởi máy ném để loại trừ yếu tố tác động hay mánh khóe của con người. Các thí nghiệm loại này xuất hiện từ năm 1934 và đã có hàng triệu lần tung xúc xắc đã được thực hiện từ đó đến nay. Kết quả là gì, Tiến sĩ Rhine nói: “Không có lời giải thích nào thuyết phục hơn là các vật bị ảnh hưởng bởi sự rơi của các con xúc xắc mà không có bất kỳ sự tiếp xúc vật lý nào với chúng”. Bằng cách tập trung tinh thần vào sự xuất hiện của một con số nào đó mà các nhà thí nghiệm mong muốn, đồng thời giữ một khoảng cách xa cái máy tung xúc xắc để tránh các can thiệp có thể xảy ra bởi con người, họ thường xuyên có khả năng kiểm soát mặt xuất hiện của con xúc xắc. Trong các thí nghiệm khác, các kết quả đã phản bác lại phép tính xác suất ngẫu nhiên truyền thống với tỉ lệ 1/1.000.000 khả năng lặp lại một tổ hợp các mặt nào đó của hai hay nhiều con xúc xắc sau nhiều lần tung liên tiếp nhau. Hãy suy ngẫm ít phút về điều này để thấy nó có ý nghĩa như thế nào đối với bạn. Những thí nghiệm này có thể đem đến cho bạn một ý niệm nào đó về việc “Ý nghĩ tạo ra vạn vật”, “Ý nghĩ có quan hệ với hình thái vật chất của nó”, “Ý nghĩ tác động đến vật mà nó hướng vào”, và những tuyên bố tương tự như thế của các nhà siêu hình học từ hàng trăm năm qua. Sách Job (8) nói rằng: “Tôi lo sợ điều gì, điều đó sẽ xảy đến với tôi”. Những ý nghĩ sợ hãi của chúng ta cũng có sức mạnh tạo ra và thu hút rắc rối vào ta cũng như những ý nghĩ tích cực và xây dựng mang lại những kết quả tốt đẹp cho ta vậy. Vì thế, bất luận ý nghĩ của bạn có đặc điểm như thế nào, chúng cũng sẽ tạo ra kết quả, hoặc tích cực hoặc tiêu cực. Một khi điều này thấm sâu vào tiềm thức của bạn, bạn sẽ từ từ nhận ra cái sức mạnh đáng kinh ngạc bên trong con người bạn mà bạn hoàn toàn có quyền sử dụng. Trong khi ý nghĩ tạo ra mọi vật và thực hiện việc kiểm soát chúng vượt ra khỏi mọi giới hạn mà con người từng biết đến, tôi vẫn muốn bám sát vào luận thuyết rằng ý nghĩ chỉ tạo ra những gì tương thích với cường độ, sự mãnh liệt, chất lượng cảm xúc, chiều sâu cảm giác hay độ dao động của chính nó. Nói cách khác, ý nghĩ có một sức mạnh sáng tạo và kiểm soát theo một tỉ lệ chính xác trong sự bất biến, sự mãnh liệt và năng lượng của nó – vốn có thể so sánh với độ dài bước sóng và năng lượng của một trạm phát sóng. Dù có nhiều giải thích khác nhau nhưng ý nghĩ dứt khoát không phải là một dạng của năng lượng điện, nhưng là cái gì khác thì chưa được định nghĩa rõ hơn. Trong một loạt các thí nghiệm về ngoại cảm, các đối tượng được đặt vào các lồng Faraday, vốn “nhốt kín” mọi sự truyền điện có thể xảy ra. Tuy nhiên, kết quả thu được cho thấy đó không phải là sự ngẫu nhiên: bất kỳ dữ liệu nào được truyền đi từ người này, người kia cũng nhận được. Rõ ràng sự truyền ý nghĩ không phải là dòng điện. Cũng vậy, tôi đã thực hiện rất nhiều cuộc thí nghiệm với dòng điện có tần số cao, là lĩnh vực mà nhà khoa học thiên tài về dòng điện Nikola Tesla đã đi tiên phong. Kết quả là, bất cứ khi nào tôi nghĩ đến ý nghĩ và sự “bức xạ” của nó, tôi thường liên hệ nó với dòng điện và các hiện tượng của dòng điện. Bằng cách này, mọi thứ trở nên dễ hiểu hơn đối với tôi. Tôi nhận ra rằng mình không hề đơn độc trong việc bám vào phép loại suy này. Ngày nay, hầu hết các bệnh viện đều được trang bị các máy đo điện não đồ EEG (Electro-Encephalograph), một loại thiết bị phát hiện và ghi lại sóng não của bệnh nhân. Các “sóng” này trên thực tế là những dao động điện của hai bán cầu não của chúng ta. Các bác sĩ không chỉ nhìn các dao động này để chẩn đoán tình trạng sức khỏe của não bộ và hệ thần kinh, mà còn để phát hiện ra các vấn đề về sức khỏe tinh thần của bệnh nhân qua giấc mơ hay trạng thái cảm xúc của họ, thậm chí còn phát hiện cả sự tồn tại của một số bệnh tật khác bên trong cơ thể họ. Năm 1944, Bác sĩ Harold S. Burr và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Yale đã đi đến một kết luận sau 12 năm nghiên cứu rằng tất cả mọi sinh vật sống đều được bao phủ bởi một trường năng lượng (hay vầng hào quang, hay tinh hoa phát tiết ra ngoài) do chính nó phát ra, và rằng mọi sự sống trên đời này đều có mối liên hệ về mặt điện từ với toàn vũ trụ. Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu về sự kỳ bí, các nhà huyền bí học và các nhà siêu hình học đều nói rằng mỗi con người đều có một trường năng lượng riêng, và có vô số các trường hợp trong đó các trường năng lượng này đã được ghi lại một cách rất rõ ràng. Kế đến, vào những năm 1960, các nhà nghiên cứu của Liên Xô công bố khám phá về kỹ thuật chụp ảnh Kirlian, một kỹ thuật chụp lại “trường năng lượng” trên phim truyền thống. Các bức ảnh Kirlian về một chiếc lá cho thấy có một vầng hào quang sáng lấp lánh – tuy nhiên, hào quang này mờ dần khi chiếc lá héo khô đi. Còn ảnh chụp Kirlian về bàn tay con người cho thấy có những vệt sáng phát ra từ các ngón tay – điều này dường như xác nhận tuyên bố của các nhà siêu hình cổ đại rằng bàn tay con người có chứa một nguồn năng lượng có thể chữa lành bệnh. Những người chỉ trích cho rằng quy trình chụp ảnh Kirlian thực ra không gì khác hơn là một hiện tượng hồ quang điện sinh ra bởi sự tương tác giữa trường điện từ yếu mà trong đó bức ảnh được chụp. Tuy nhiên cùng lúc này, điều rõ ràng là sức mạnh của “hào quang” Kirlian có liên quan với trạng thái cảm xúc của đối tượng được chụp. Một nhóm các nhà tâm lý học – trong đó nổi bật nhất là Tiến sĩ Lee R. Steiner đến từ New York – nhận ra mối liên quan này là đáng tin cậy đến mức họ đã sử dụng kỹ thuật chụp Kirlian như một phương pháp khách quan để theo dõi tiến triển bệnh ở các bệnh nhân của họ. Chúng ta có thể lý giải nghịch lý không thể chối cãi này nếu xem dòng điện, hiện tượng hồ quang và tác động của phương pháp Kirlian như một sản phẩm phụ của nguồn năng lượng chưa được định nghĩa do ý nghĩ sản sinh ra, cũng giống như những cơn sóng thủy triều là “bản dịch” có thể nhìn thấy của những cơn động đất từ đáy đại dương nằm cách đó hàng trăm ki-lô-mét. Hermes Trismegistus và tất cả các nhà triết học trường phái Hermes đều dạy học trò về thuyết dao động. Pythagoras, nhà hình học và triết học vĩ đại sống vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên, phát biểu rằng tất cả mọi vật đang tồn tại đều là dao động. Đây là điểm cốt lõi trong lý thuyết nền tảng của ngành khoa học điện tử ngày nay. Có nghĩa là, mọi vật chất đều chứa các electron (mang điện tích âm), neutron (không mang điện), và proton (mang điện tích dương) và những hạt cơ bản khác nhỏ hơn nguyên tử, với điện tích của mình chúng không ngừng tương tác với nhau. Để dễ hiểu hơn, tôi xin dùng thuật ngữ “dao động” (9) : Khi dao động của các phân tử bên trong vật chất tăng tốc độ chuyển động, hình dạng vật chất thường thay đổi – chẳng hạn như nước đá tan chảy dưới sức nóng mặt trời và bốc hơi thành hơi nước. Nhưng những khác biệt cơ bản bên trong vật chất, và trong cái gọi là nguyên tố như chúng ta đã biết, lại sinh ra từ sự khác nhau về số lượng electron, neutron và proton. Bằng cách tăng, giảm các proton, các nhà khoa học hạt nhân có thể hoán đổi số nguyên tử của một nguyên tố với nhau - ấy thế mà các nhà giả kim thời cổ đại nói rằng những nguyên tố kém giá trị hơn, như sắt và chì, có thể được biến thành vàng và bạc. Các nhà giả kim này còn có khả năng chữa lành mọi bệnh tật bằng cách sử dụng các lực tương tự như thế. Khi bạn hiểu rằng hệ thần kinh của chúng ta chỉ có thể được tiếp cận thông qua dao động – hay nói cách khác, năm giác quan của chúng ta sẽ ghi lại hình ảnh, âm thanh, cảm giác, mùi và vị nhờ các dao động thoát ra bên ngoài của từng loại vật chất – thì bạn sẽ hiểu sâu hơn về bản chất của dao động. Ví dụ, chúng ta nghe một tiếng nói lớn. Tiếng nói đó đến tai chúng ta nhờ dao động sóng trong không khí. Chúng ta nhìn thấy một chiếc lá xanh, nhưng đó đơn giản chỉ là một dạng sóng ánh sáng do mắt ta thu được và truyền lên não. Tuy nhiên, có những dao động có tần số cao hơn nằm ngoài khả năng “tiếp sóng” của các giác quan con người, và con người cũng chưa khám phá hết tất cả chúng. Chẳng hạn, có những tiếng rít chỉ có loài chó có thể nghe thấy. Có lẽ chúng ta từng nghe nói về sức mạnh của phép chữa bệnh bằng “xoa bóp” và đa số chúng ta đều biết rằng khi dùng tay xoa nhẹ nhàng lên trán hay thái dương, chúng ta có thể làm giảm cơn nhức đầu một cách khá hiệu quả. Có thể đó là do một dạng năng lượng nào đó được phóng ra từ các đầu ngón tay của chúng ta? Kinh thánh cũng từng ghi lại nhiều trường hợp người bệnh được chữa lành nhờ Đức Giê-su chạm tay vào người họ. Phải chăng lời giải thích nằm trong khoa học về sự dao động? Và phải chăng trường điện từ quanh ta, mà Tiến sĩ Burr cho rằng đó là sản phẩm do mỗi chúng ta tạo ra và tồn tại ở mọi sinh vật sống, giúp ta phát ra những xung lực (các lực dao động có thể tác động lên các vật thể khác) để phóng ra ngoài từ các đầu ngón tay hay từ não bộ của chúng ta? Vào mùa đông, ở những vùng cao hơn so với mực nước biển, bạn có thể cảm nhận và thường nhìn thấy những tia lửa điện nho nhỏ phóng ra kêu tí tách khi bạn đi nhanh trên thảm hay khi xếp dọn chăn mền, hoặc khi chạm nhanh vào các vật thể bằng kim loại. Dạng tĩnh điện này được sinh ra từ sự ma sát, và điều này giúp chúng ta hiểu rằng làm thế nào một dạng năng lượng điện có thể được tạo ra thông qua hoạt động của cơ thể chúng ta. Trong số những thí nghiệm mô tả hiện tượng này, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Yale, có một thí nghiệm cho thấy khi các đối tượng tham gia thí nghiệm nhúng ngón tay trỏ của họ vào những cốc nước muối được nối với máy đo điện thế cực nhạy thì có một dòng điện xuất hiện chạy từ tay trái (cực dương) sang tay phải (cực âm) của họ. Dòng điện này đo được 1,5 milivolt. Trong một thí nghiệm khác, người ta dùng hai ngón giữa, một ngón bị cứa một vết nhẹ ở đầu và nhúng vào một cốc nước. Lần này cực của bàn tay thay đổi, tay trái của họ mang cực âm và tay phải trở thành cực dương và dòng điện đo được lên tới 12 milivolt. Khi chứng kiến hai thí nghiệm này, tôi nhớ tới một dụng cụ đo được Tiến sĩ Hyppolyte Baraduc, một nhà khoa học người Pháp, hoàn thiện nhiều năm trước đây. Nó được gọi là “dụng cụ đo sinh học”, gồm một cái chuông bằng thủy tinh bên trong treo một chiếc kim bằng đồng qua một sợi chỉ thật mảnh. Dưới chiếc kim, tất nhiên bên trong quả chuông, là một tấm bìa tròn có chia độ. Hai dụng cụ như thế được đặt cạnh nhau và người thí nghiệm giữ các ngón tay của cả hai bàn tay họ cách quả chuông thủy tinh khoảng 1,5 xăng-ti-mét và tập trung tinh thần vào chiếc kim đang ở vị trí cân bằng tuyệt đối. Bằng cách thay đổi trạng thái tinh thần của mình, anh ta đã tạo ra những thay đổi tương ứng về chiều dao động của chiếc kim, khi nghiêng về bên này, khi bên kia theo sự thay đổi dòng suy nghĩ của anh ta. Còn đây là một thí nghiệm đơn giản chứng minh cho những nguyên tắc tương tự. Đầu tiên bạn hãy lấy một tờ giấy vào khoảng 20 cm2 có trọng lượng vừa phải và gấp nó theo hai đường chéo. Bạn mở nó ra và nhìn thấy một hình kim tự tháp như được trải ra trên một mặt phẳng. Bây giờ bạn lấy một chiếc kim dài và đâm xuyên nó qua một nút bần rồi nhô ra phía bên kia khoảng 2,5 xăng ti-mét, sau đó bạn đặt nút bần có cây kim vào trong một ly nước, mũi kim hướng lên trên. Xong bạn lấy tờ giấy và đặt điểm giao nhau của hai đường chéo ngay mũi kim. Khi đó, bốn đường gấp của kim tự tháp trông như chạy nghiêng xuống bốn phía. Rồi bạn đặt toàn bộ hệ này trên một chiếc bàn bên trong một căn phòng kín gió, cách xa lò sưởi hay máy điều hòa nhiệt độ. Sau đó bạn đặt hai bàn tay của bạn lên trên và cách mảnh giấy độ hai xăng ti-mét. Bây giờ bạn hãy ra lệnh cho tờ giấy quay tròn trên đầu chiếc kim. Đầu tiên, tờ giấy trông có vẻ chao đảo, cũng có thể nó sẽ chuyển động chầm chậm theo một hướng: phải hoặc trái. Nhưng nếu bạn giữ đều hai tay và tập trung tinh thần về một hướng quay nhất định, khi đó tờ giấy sẽ quay ngày càng nhanh hơn trên đầu chiếc kim. Nếu bạn quyết định đổi hướng trong suy nghĩ, chuyển động đó sẽ dừng lại và tờ giấy sẽ quay theo hướng ngược lại, tức hướng mà bạn nghĩ. Dĩ nhiên bạn không được thổi vào mảnh giấy làm cho nó quay theo ý bạn.(*) * Xin xem thêm ở phần Phụ lục về một hiện tượng tương tự ở Việt Nam (ND). Đã có nhiều lý giải về nguyên nhân làm cho mảnh giấy quay vòng đã được đưa ra – như sức nóng hay sóng năng lượng từ bàn tay, phản ứng của cơ thể con người hay những yếu tố tương tự. Nếu mảnh giấy chỉ quay theo một hướng thì cách giải thích này có thể chấp nhận được. Nhưng khi người thực hiện tập trung thay đổi ý nghĩ của mình, mảnh giấy quay theo chiều ngược lại thì rõ ràng thí nghiệm này cũng dựa trên nguyên tắc của thí nghiệm sử dụng “dụng cụ đo sinh học” được trình bày ở trên. Một thí nghiệm tương tự lại sử dụng một cái đĩa nhỏ bằng giấy bồi có đánh số từ 1 đến 12 như mặt đồng hồ. Chính giữa nó là một chiếc kim nhọn. Trên đầu kim là một miếng bìa nhỏ hình mũi tên. Cái đĩa giấy được đặt vào một ly nước sao cho phần dưới của chiếc kim nhúng vào nước. Người thực hiện đặt tay mình lên trên bộ ba lúc này gồm ly nước, cái đĩa giấy có chiếc kim xuyên qua, và mũi tên rồi ra lệnh cho mũi tên quay tròn. Sau đó đổi hướng hoặc “ra lệnh” cho mũi tên dừng lại tại một con số nào đó trên đĩa theo ý mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng thu được những kết quả đáng hài lòng qua các thí nghiệm nói trên, bởi sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung ý nghĩ và những tác động mang tính phản xạ ở mỗi người đều rất khác nhau. Nếu một dạng năng lượng điện phát ra từ đôi bàn tay hay các ngón tay con người hay các loại sóng, dù tĩnh hay động, hình thành từ ý nghĩ của chúng ta thì chúng ta đã có một lời giải thích khoa học về hiện tượng bàn xoay (table-tipping), tự viết (automatic writing) hay cầu cơ (planchette) hoặc những nghi thức huyền bí thời trung cổ. Tiến sĩ Phillips Thomas, một kỹ sư nghiên cứu của Hãng Westinghouse Electric năm 1937 đã phát biểu trước Hội nghị Utah của Viện Điện năng Hoa Kỳ rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng tất cả những gì chúng ta nói, nghĩ hay làm đều được thực hiện bằng một dạng bức xạ nào đó. Chúng tôi nghĩ rằng những bức xạ đó chính là điện. Trong tương lai gần, chúng ta có thể hoàn toàn hiểu được và diễn giải rõ ràng các loại bức xạ từ cơ thể và ý nghĩ của chúng ta thông qua các lực điện từ”. Có lẽ có một vài bạn đọc còn chưa có một sự hiểu biết rõ ràng về bức xạ của ý nghĩ, cho nên tôi muốn đưa ra một giải thích ngắn gọn như thế này. Một hòn sỏi được ném xuống mặt hồ sẽ tạo ra loạt những gợn sóng đồng tâm và lan tỏa khắp mặt hồ cho tới khi chúng chạm bờ và biến mất. Hòn đá càng lớn thì gợn sóng càng cao và càng mạnh. Nếu có hai hòn đá kích cỡ khác nhau, khối lượng khác nhau được ném cùng lúc xuống hai điểm gần nhau, chúng cũng sẽ tạo ra sóng và giao thoa rồi hòa với nhau làm một. Tại điểm hai quầng sóng này gặp nhau, chúng sẽ tương tác mạnh hay “va” vào nhau để một bên vượt qua bên có quầng sóng yếu hơn (do hòn đá ném xuống nhỏ hơn) và vì thế sức mạnh của nó cũng bị triệt tiêu một phần trước khi vào tới bờ và chấm dứt ở đó. Hãy nghĩ về điều này trong mối liên hệ với chính những xung lực tinh thần của bạn – chẳng hạn, ý nghĩ của người này có thể dừng lại hay bao trùm hoàn toàn ý nghĩ của người khác. Bạn sẽ dễ dàng hiểu được rằng ý nghĩ càng mạnh mẽ và càng tập trung thì tốc độ của nó càng lớn, dao động càng mạnh và càng lấn át các dao động yếu hơn nó, và tất nhiên nó có sức sáng tạo nhanh và hiệu quả hơn nhiều. Chúng ta từng nghe rất nhiều về các giai đoạn của thiền định, nhận thức, tập trung ý nghĩ và sức mạnh của niềm tin – tất cả những điều này đều có liên quan đến cường độ hay mức năng lượng mà chúng ta phát ra. Sức mạnh sáng tạo chỉ xuất hiện khi một ý nghĩ được hình thành một cách rõ ràng, bởi khi đó trí tưởng tượng của bạn có thể hình dung ra sự hoàn thành khát vọng của bạn và một bức tranh về vật mà bạn muốn sở hữu – một căn nhà, một chiếc xe, một chiếc ti-vi – như thể bạn đã có nó trong tay bạn rồi. Sau khi nghiên cứu cái gọi là những bài giảng về sự huyền bí, các ngành khoa học khác nhau về tinh thần và tâm linh cùng những bài giảng của nhà thờ, tôi tin rằng tất cả chúng hoạt động ở những cấp độ khác nhau, nhưng dựa trên một cơ sở duy nhất là niềm tin của những người đi theo, thông qua lời cầu nguyện của họ. Tuy nhiên, tôi phải đi đến kết luận rằng có rất nhiều người chỉ cầu nguyện theo hình thức mà không hề mảy may tin rằng họ sẽ được đáp lại. Hệ quả là, họ không được trả lời. Tôi thường nhớ đến câu chuyện của một quý bà, người tự xưng mình tin vào lời cầu nguyện. Lần nọ bà ấy định đi mua sắm. Hôm trước, bà cầu nguyện cho trời nắng suốt ngày bà đi mua sắm. Nhưng, bà liếc mắt nhìn ra cửa sổ và thấy có một vài đám mây đen, thế là bà kêu lên: “Ồ không, nhưng con biết rằng trời sắp đổ mưa!”. Vào cuối mùa thu năm 1944, Thomas Sugrue đăng một bài báo trên tờ Saturday Review of Literature tuyên bố rằng phong trào chữa bệnh bằng năng lượng tinh thần đang phát triển nhanh đến mức giờ đây nó đã lan tràn khắp nước Mỹ. Ông ấy dẫn ra nhiều trường hợp các bệnh nhân được chữa lành nhờ phép chữa bệnh này. Một phụ nữ 62 tuổi bị viêm khớp nặng đến nỗi các ngón tay của bà không thể vươn thẳng ra được, nhưng bà đã tham gia một lớp tập thở Yoga và đã hoàn toàn khỏi bệnh. Hơn thế nữa, sau khi bà khỏi bệnh, những ai gặp bà đều cho rằng bà chỉ ở vào tuổi 40. Surgue còn kể lại câu chuyện về một nhà truyền giáo già đã âm thầm thực hiện những cuộc thí nghiệm và nghiên cứu về các hiện tượng tâm linh trong suốt 12 năm trước đó và đã thu được những kết quả có sức thuyết phục cao. Như thế, chúng ta chỉ có thể đi đến một kết luận: rằng tất cả các học thuyết, tín điều, nghi lễ thờ cúng đều hoạt động như một hệ quả tất yếu của những niềm tin vững chắc của mỗi chúng ta – và chính điều đó đưa chúng ta tới điều kỳ diệu của niềm tin. Sigmund Freud, cha đẻ của ngành phân tâm học, đã đưa ra giả thuyết rằng có một lực rất mạnh tồn tại bên trong mỗi con người, là một phần không được chiếu sáng của lý trí – ngăn cách khỏi tiềm thức – nhưng làm việc không ngừng nghỉ để định hình đổ khuôn ý nghĩ, cảm giác và hành động của chúng ta. Nó không phải là một cơ quan nội tạng có thể nhìn thấy, sờ mó được như bộ não của chúng ta và khoa học cũng chưa xác định được vị trí của nó trong cơ thể con người. Tuy nhiên, thực tế là nó có tồn tại. Nó tồn tại ngay từ buổi bình minh của nhân loại. Tổ tiên chúng ta thường gọi nó là “linh hồn” (spirit). Paracelsus thì gọi nó là ý chí (will), những người khác gọi nó là “lý trí” (mind), tên đầy tớ của bộ não. Một vài người khác lại gọi nó là lương tâm hay lương thức (conscience), là thế lực sáng tạo ra “cái giọng nói nhỏ, tĩnh lặng bên trong” (the still, small voice within) mỗi con người chúng ta. Một số nhà siêu hình nói rằng nó nằm đâu đó bên trong đám rối dương (solar plexus), người khác lại bảo nó là siêu kỷ (super-ego), là sức mạnh bên trong (inner power), là ý thức (consciousness), siêu ý thức (super-consciousness), tiềm thức (subsconciousness) và rất nhiều tên gọi khác nữa. Rồi nhiều người khác vẫn nhất quyết rằng nó là một phần của Trí tuệ Vô biên (Supreme Intelligence) mà con người được gắn kết vào. Vì thế, Trí tuệ Phổ quát (Universal Mind), một cách gọi khác nữa, chính là thế lực bao trùm tất cả mọi sinh vật sống, tức toàn bộ cuộc sống của con người và mọi loại động, thực vật trên thế gian này. Dù là tên gì đi nữa thì tôi vẫn thích gọi nó là tiềm thức (subconscious) hơn. Nó được xem là yếu tố cốt tử của cuộc đời một con người và các giới hạn về sức mạnh của nó chưa bao giờ được khám phá hết. Nó không bao giờ ngủ, nó xuất hiện đúng lúc để giúp chúng ta vượt qua khó khăn trở ngại, nó cảnh báo cho chúng ta những hiểm họa đang treo lơ lửng, nó thường giúp chúng ta làm được những điều không thể. Nó dẫn dắt chúng ta bằng nhiều cách khác nhau và khi được sử dụng đúng cách, nó giúp chúng ta tạo ra những “phép màu”. Nói một cách khách quan, nó sẽ thi hành những gì nó được ra lệnh hay yêu cầu. Chủ quan mà nói, nó hành động chủ yếu dựa trên những “sáng kiến” của chính nó, dù thật ra có vô số lần hoạt động của nó là kết quả của những tác động từ bên ngoài. Sir Arthur Eddington nói: “Tôi tin rằng tâm trí có sức tác động lên một nhóm nguyên tử và thậm chí có thể can thiệp vào sự xung đột trong chuyển động của các nguyên tử, và dù sự xuất hiện của vũ trụ này không được quyết định trước bởi các quy luật vật lý nhưng nó có thể bị thay đổi bởi ý chí vô điều kiện của con người”. Quan niệm có thể được hiểu một cách trọn vẹn nhờ ánh sáng của lý thuyết về dao động hay điện tử. Mọi sinh viên nghiên cứu vấn đề này đều biết rõ những gì có thể đạt được thông qua việc giao tiếp trực tiếp với tiềm thức – hàng ngàn người đã sử dụng nó để thu về những khối tài sản, quyền lực, danh tiếng cũng như để chữa lành những căn bệnh và hóa giải nhiều vấn đề rắc rối trên khắp thế giới này. Sức mạnh của nó cũng đang chờ bạn sử dụng. Điều duy nhất bạn cần làm là tin vào “quyền năng” của nó và sử dụng những bí quyết được chỉ ra trong quyển sách này – hoặc bạn cũng có thể sáng chế ra một bí quyết của riêng mình và bắt nó làm việc cho bạn. Chuyên mục tin tức tổng hợp của biên tập viên Dana Sleeth rất nổi tiếng với các độc giả báo chí vào những năm 1920. Có lần ông nói với tôi rằng ông xem tiềm thức là một trong những trợ tá đắc lực nhất của mình. Nó không chỉ cung cấp cho ông một cách dồi dào các ý tưởng mà còn giúp ông tìm lại được những công cụ hành nghề bị thất lạc và cả những bài báo cũ. Khi đó Sleeth sống trên một ngọn đồi cách xa trung tâm thành phố, ông vừa làm biên tập viên vừa làm nông dân. Ông nghiên cứu khá sâu về chủ đề này và chúng tôi thường trao đổi ý kiến với nhau qua thư từ. Tiềm thức là điều kỳ diệu [Sleeth viết], và trong đời mình tôi không hiểu tại sao có quá nhiều người không chịu tìm hiểu về nó để sử dụng nó. Tôi không nhớ chính xác bao nhiêu nhưng phải hàng ngàn lần nó đã giúp tôi vượt qua vô số khó khăn, rắc rối. Những ý tưởng minh họa cho các câu chuyện cứ tuôn ra ào ạt khi tôi làm việc. Còn đối với việc tìm kiếm những đồ vật thất lạc – nó tỏ ra đặc biệt xuất sắc. Bạn biết là không có thứ gì mất đi cả - chỉ là chúng ta để nó ở đâu đó sai chỗ. Nó sẽ nằm ngay chỗ bạn đã để nó hay đánh rơi nó lần cuối cùng. Tôi từng tìm ra những vô số thứ mà tôi để nhầm chỗ nhờ sự mách bảo của tiềm thức. Chẳng hạn, tôi tự hỏi mình: “Dao bỏ túi, mình đã để nó ở đâu nhỉ?”. Sau đó tôi nhắm mắt lại trong giây lát, hoặc nhìn vào khoảng không – và rồi câu trả lời xuất hiện. Đôi khi không phải ngay lập tức nhưng một khi đã đến, nó đến nhanh như một tia chớp! Tôi rất khó khăn trong việc nhớ tên người, nhưng tôi nhận ra rằng nếu tôi có thể hình dung được người đó qua một chi tiết nào đó của họ như màu mắt, màu tóc hay cách phục trang của họ thì lúc đó tiềm thức mang đến cho tôi tên của họ một cách không mấy khó khăn. Tôi không biết mình học điều này từ đâu, nhưng mỗi khi cố nhớ lại một điều gì đó, một câu chuyện hay một sự kiện nào đó thì tôi thả lỏng người thư giãn, ngẩng mặt lên và đưa tay phải lên trước cách trán độ năm, ba xăng-ti-mét. Đôi khi tôi nhắm mắt hoặc nhìn vô định vào khoảng không phía trước. Thế rồi chẳng mấy chốc mọi rắc rối đều có lời giải đáp. Tất cả các bí quyết nói trên đều có tác dụng tốt đối với tôi. Bạn đừng bao giờ quên điều này: các phát minh, những kiệt tác âm nhạc, những bài thơ, tiểu thuyết nổi tiếng nhất thế giới và tất cả những ý tưởng đột phá nhất đều bắt nguồn từ tiềm thức. Cứ cho nó một ý nghĩ hay “nguyên liệu”và gắn liền nó với một khát khao thành công từ tận gốc rễ tâm hồn bạn, nó sẽ biến mọi thứ bạn muốn thành sự thật. Khi bạn bắt đầu vận hành tiềm thức của mình nhờ sự giúp đỡ của sức mạnh này, mọi viên gạch sẽ tự động xếp vào đúng vị trí của nó như thể có một bàn tay thần thánh nào đó chạm vào chúng vậy. Những kết quả tốt đẹp chắc chắn sẽ đến một cách đầy ngạc nhiên và các ý tưởng về thành tựu sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Những gì xuất hiện như tình cờ thực ra hoàn toàn không ngẫu nhiên chút nào mà chúng chỉ đơn giản là kết quả của những gì mà ý nghĩ của bạn đã từng thêu dệt nên. Tôi tin chắc rằng không ai trong số hàng ngàn người thành đạt nhất thế giới này, những người đã gặt hái được những thành quả vĩ đại, lại không biết gì về tiềm thức và không có chút kiến thức gì về việc nó là nguồn sức mạnh giúp họ tạo ra thành tựu. Sống trên ngọn đồi cách xa mọi người và những bon chen hàng ngày, tôi nhận ra rằng những ai sống gần gũi với thiên nhiên sẽ có điều kiện sử dụng tiềm thức tốt hơn những người khác. Tôi tin rằng một ngày nào đó, khoa học sẽ chứng minh được rằng sức mạnh to lớn của tiềm thức là một trong những lực dữ dội nhất định hình và chi phối cuộc sống của chúng ta. Một luồng suy nghĩ tức thời, thoáng qua sẽ chết ngay từ khi nó manh nha xuất hiện, dù rằng sau đó nó có thể biểu lộ ra sức mạnh tích lũy của nó. Nhưng cái lực đưa cả hệ thống tiềm thức vĩ đại này vào hoạt động chính là một ý nghĩ được nuôi dưỡng – hay như tôi đã nói ở trên, là một bức tranh tinh thần đã được định trước. Có nhiều cách làm cho tiềm thức hoạt động: làm tăng tốc độ dao động của ý thức, dù rằng đôi khi tiềm thức của chúng ta hoạt động ngay lập tức khi một dữ kiện nào đó bất chợt xuất hiện qua một lời nói, một ánh mắt hay một hành động nào đó. Cũng vậy đối với những hiểm họa thảm khốc, những cơn nguy biến hay căng thẳng tột cùng, tiềm thức sẽ giúp ta có những hành động ngay lập tức. Tiềm thức đến rất nhanh với những người thường có quyết định gần như tức thời và nó biến thành hành động khi bạn xóa hẳn lý trí của bạn về sự xung đột của các ý nghĩ khác nhau. “Đi vào miền tĩnh lặng” là một cách nói khác để diễn đạt nó. Don Juan bảo Carlos Castaneda (10) rằng tiếng nói huyên thuyên của lý trí là một rào cản lớn trong việc tiếp cận với một sự dẫn dắt ở cấp độ cao hơn. Có lẽ phương pháp hữu hiệu nhất để đưa tiềm thức vào hoạt động là thông qua việc vẽ nên những bức tranh tinh thần hoàn chỉnh. Hãy sử dụng trí tưởng tượng của bạn để hoàn chỉnh hình ảnh về điều/ý tưởng mà bạn muốn nó phải tồn tại dưới dạng vật chất. Đây chính là quá trình hình dung hóa viễn cảnh. Tuy nhiên, những biểu hiện liên tục và bền vững nhất lại đến từ kết quả của một niềm tin ăn sâu vào tận gốc rễ tâm hồn bạn. Nhờ niềm tin này, cùng với sức mạnh kỳ lạ của nó, mà vô số phép màu đã xảy ra và nhiều hiện tượng huyền diệu đã xuất hiện mà cho tới nay khoa học vẫn chưa có lời giải thích. Tôi đang nói đến một niềm tin không nghi ngại – một niềm tin hiện diện trong từng tế bào, từng thớ thịt của bạn – một khi bạn tin bằng tất cả con tim và tâm hồn mình. Bạn gọi nó là một pha cảm xúc, một lực tâm linh, một loại dao động điện hay là gì khác cũng được, miễn là bạn hài lòng, nhưng đó là lực mang đến cho bạn những thành quả vượt trội. Nó đưa các định luật hấp dẫn vào hoạt động và cho phép những ý nghĩ được nuôi dưỡng gắn kết với hình thái vật chất của nó. Niềm tin làm thay đổi tốc độ tư duy và tần số ý nghĩ. Như một nam châm khổng lồ, nó thu hút các lực tiềm thức và đưa chúng vào hoạt động, làm thay đổi toàn bộ trường điện từ (hào quang) xung quanh bạn và cả những người, những vật đang ở cách xa bạn hàng ngàn dặm. Nó thường mang đến cho cuộc đời bạn những kết quả sửng sốt - những kết quả mà bạn có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới! Có hàng ngàn ví dụ về niềm tin trong Kinh thánh. Niềm tin là yếu tố tiên khởi để một người trở thành thành viên của bất kỳ tôn giáo, hội đoàn hay tổ chức chính trị xã hội nào. Các nhà lãnh đạo ở khắp mọi nơi đang tìm kiếm những người có niềm tin và sẵn sàng sống cho niềm tin của họ, bởi họ là những người có khả năng lan tỏa những làn sóng niềm tin đến người khác để tất cả cùng nhau tỏa sáng và làm nên những thành tích diệu kỳ. Niềm tin là một ngọn đuốc thần kỳ. Thực vậy, đó chính là nguyên tắc nền tảng của thành công, là một phép màu thực sự theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. CHÚ THÍCH (6) El Dorado: Một xứ sở tưởng tượng có rất nhiều vàng bạc châu báu. (7) Capital goods: Tư bản phẩm (tài sản dùng để tạo ra tài sản khác). (8) Book of Job - Sách Job: Một trong những cuốn kinh Do Thái và là một trong những tác phẩm mang tính văn học sâu sắc nhất thuộc kinh thánh cựu ước của Thiên Chúa giáo. (9) Vibration hoặc oscillation. (10) Don Juan Matus là một nhân vật đối thoại trong tác phẩm The Teachings of Don Juan: A Yaqui Way of Knowledge (Những lời giáo huấn của Don Juan: Đường đến Tri thức theo cách của Người Da đỏ Yaqui) của Carlos Cesar Arana Castaneda (1925-1998). Castaneda viết tác phẩm này khi còn là sinh viên ngành nhân chủng học tại Đại học UCLA, Hoa Kỳ. Castaneda đã phát triển các nội dung trong tác phẩm thành luận văn tốt nghiệp cử nhân và tiến sĩ của ông sau này. Chương 3 Tiềm thức “K hông một nghệ sĩ, nhà khoa học hay tác giả xuất chúng nào, những người ít nhiều có khuynh hướng tự lý giải bản thân (self analysis), mà không từng chú ý đến tầm quan trọng không gì sánh được của tiềm thức.” Gustave Geley, nhà tâm lý học nổi tiếng người Pháp đồng thời là tác giả cuốn Từ Tiềm thức đến Ý thức (From the Unconscious to the Conscious) đã viết như thế. Ông chỉ ra rằng cho đến thế kỷ 19, ngành tâm lý học tiềm thức vẫn hoàn toàn không được chú ý và bị xem là nguồn gốc của những chứng bệnh hay tai nạn khác thường. Geley còn nói thêm rằng những thành tích tốt nhất của con người đều đạt được nhờ sự phối hợp chặt chẽ và hài hòa giữa ý thức và tiềm thức. Tiềm thức giữ vai trò rất quan trọng trong sức mạnh của niềm tin. Nó mang đến cho bạn một sự hiểu biết nhanh và thấu đáo hơn về lĩnh vực này. Bạn sẽ có một bức tranh rõ ràng và chi tiết về tiềm thức là gì, nó “ngự trị” ở đâu và hoạt động như thế nào – trên cả hai phương diện tự thân nó và trong sự phối hợp của nó với ý thức. Bạn có thể nhận ra nhiều nội dung trong chương này sẽ được lặp lại trong cuốn sách, nhưng hãy nhớ rằng sự lặp đi lặp lại là một phần quan trọng trong bí quyết làm chủ sức mạnh của niềm tin. Nó cũng quan trọng không kém trong việc giới thiệu với các bạn những tri thức mới về khoa học này. Ngoài ra, càng hiểu nhanh về nó, bạn càng đi nhanh hơn trên con đường đạt tới những gì bạn khao khát. Để giúp bạn nhận rõ bức tranh tiềm thức này, thỉnh thoảng tôi phải sử dụng một số thuật ngữ khoa học, bởi suy cho cùng toàn bộ tri thức loài người về tiềm thức đều xuất phát từ các nghiên cứu và thực nghiệm khoa học của các nhà tâm lý học vĩ đại nhất thế giới. Nếu bạn có gặp chút khó khăn trở ngại trong việc tìm hiểu lĩnh vực này thì việc đọc đi đọc lại sẽ làm cho mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Điều đó cũng giúp bạn có một nền tảng vững chắc để tìm hiểu xa hơn về khoa học này. Như tôi từng nói với bạn trong Chương 1, chính quyển The Law of Psychic Phenomena (Quy luật về các hiện tượng tâm linh) của Thomson Jay Hudson đã thôi thúc tôi suy nghĩ và tìm hiểu sâu về tiềm thức và những sức mạnh lạ thường của nó đối với việc giúp đỡ từng cá nhân chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Những cuốn sách khác như The Subconscious Speaks (Khi tiềm thức lên tiếng) của Erna Ferrell Grabe và Paul C. Ferrell , The Source of Power (Cội nguồn sức mạnh) của Theodore Clinton Foote, The Unconsicous (Tiềm thức) của Morton Prince, M.D., và Common Sense and Its Cultivation (Lương tri và sự bồi đắp) của Hanbury Hankin – cũng đã giúp tôi gia tăng một lượng lớn kiến thức về chủ đề này. Tôi muốn mang đến cho bạn một bức tranh sống động, rõ ràng về ý thức và tiềm thức cũng như những hướng dẫn xác đáng về việc làm thế nào bạn có thể kiểm soát chúng và hướng nguồn năng lượng dồi dào của chúng vào việc hoàn thành các mục tiêu và ước mơ của bạn. “Luôn có một khả năng đặc biệt đang ‘ngủ đông’ trong mỗi con người, bất kể khả năng đó đã được phát huy hay chưa, và nó sẽ giúp anh ta thành công nếu ước muốn thành công (desire for success) tồn tại trong ý thức của anh ta”. Các tác giả của The Subconscious Speaks đã viết như vậy. “Khả năng đặc biệt” này đã được phát hiện và thừa nhận qua những sức mạnh lạ thường của nó, song chỉ một thế kỷ rưỡi gần đây các nhà tâm lý học mới đặt cho nó tên gọi là Tiềm thức sau hàng loạt các cuộc điều tra nghiên cứu và thực nghiệm đặc biệt. Triết gia Emerson chắc chắn hiểu rõ bản tính hai mặt của tâm trí con người, chẳng thế mà ông đã viết trên tờ Journals rằng: “Tôi phát hiện ra một trạng thái tinh thần không có khả năng nhớ hay hình dung ra một trạng thái tinh thần khác. Tôi đã viết liên tục trong 12 tháng mà không nhớ mình đã viết gì hay sửa gì trong bản thảo quyển Days’ (Ngày tháng) của tôi và cho đến bây giờ tôi không bao giờ có thể viết lại được một cuốn như thế, theo cách đó. Sau này, nhờ một số bằng chứng và những bản thảo mà tôi đã gởi cho bạn bè, tôi mới biết được rằng Days’ là của tôi. Ngày nay, các từ ý thức và tiềm thức đã được biết đến một cách rộng rãi. Người ta thừa nhận rằng con người có hai “tâm trí”, mỗi “tâm trí” được phú cho những thuộc tính và sức mạnh riêng biệt với khả năng thực hiện những hành động độc lập. Không khó khăn gì để hiểu rằng ý thức hoạt động trong não bộ chúng ta, vì bất cứ khi nào bạn tập trung suy nghĩ, bạn sẽ thấy nó tồn tại trong đầu bạn. Đôi khi ý nghĩ trở nên rất mãnh liệt và kéo dài đến mức làm bạn váng cả đầu, hoa cả mắt và trống ngực đập thình thịch liên hồi. Rồi bạn cũng có thể lần về cội nguồn của ý nghĩ để biết được những điều bạn chưa từng nghe thấy hay đọc trước đó. Đó có thể là một ý tưởng kinh doanh mới hay một sự tiếp diễn của một ý nghĩ nào đó mà bạn từng trăn trở trong một thời gian dài mà chưa có lời giải đáp – nói một cách ngắn gọn, bạn có thể kết nối nó với những cái vốn đã có mối liên hệ với ý thức của bạn. Thỉnh thoảng, ý nghĩ của bạn được gắn vào việc giải quyết một vấn đề khó khăn và bạn trở nên mệt mỏi, thất vọng vì không tìm ra giải pháp đến nỗi bạn chấp nhận “bó tay”, bạn đành phó mặc “muốn ra sao thì ra” hay đơn giản là bạn “xóa nó khỏi bộ nhớ” của bạn. Đây là hành động thường thấy về đêm khi bạn không ngủ được vì ý nghĩ đó cứ giày vò vào tâm trí bạn. Nhưng ngay khi bạn buông bỏ nó, nó bắt đầu lắng đi như thể chìm xuống một nơi nào đó trong sâu thẳm con người bạn. Sau đó sự căng thẳng của ý thức sẽ giảm xuống khi bạn chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau khi thức dậy, ý thức của bạn lại bắt đầu suy nghĩ về vấn đề nọ, và bất ngờ một bức tranh tinh thần hiện ra trong tâm trí bạn cùng với một giải pháp hoàn hảo với tất cả các hướng cần thiết để bạn có thể lựa chọn hành động thích hợp. Khi bạn phóng thích nó từ ý thức của mình thì ý nghĩ đi đâu? Có phải thông qua một sức mạnh nào đó bên trong con người bạn mà vấn đề được giải quyết? Nhiều tác giả, nhà hùng biện, nghệ sĩ, nhà soạn nhạc, nhà thiết kế, nhà phát minh và nhiều người khác làm việc trong lĩnh vực sáng tạo từ lâu đã biết sử dụng sức mạnh tiềm thức của họ, một cách có ý thức hay vô thức. Merton S. Yewdale, một biên tập viên nổi tiếng, làm tôi chú ý đến một phát ngôn của tiểu thuyết gia người Mỹ Louis Bromfield: Một trong những khám phá hữu ích nhất tôi từng phát hiện ra có điểm chung với vài tác giả khác đó là bên trong tâm trí con người, có một thứ mà các nhà tâm lý học gọi là “tiềm thức”, thứ này thường xuyên hoạt động ngay cả khi bạn đang ngủ hay đang thư giãn hoặc vướng bận đầu óc vào một việc khác chẳng có quan hệ gì đến việc viết lách. Tôi nhận ra rằng chúng ta có thể huấn luyện phần này của tâm trí để nó có thể thực hiện những công việc được hoạch định trước. Tôi thường tìm thấy một cốt truyện, một nhân vật làm tôi bối rối trong một thời gian dài vào những lúc sáng sớm. Quả thật là giải pháp xuất hiện trong khi tôi đang ngủ. Nhận định cho rằng “tiềm thức” đại diện cho bản năng được kế thừa và được tích lũy qua kinh nghiệm là hoàn toàn không hề sai lầm chút nào! Tôi luôn luôn tin ở các quyết định của nó đối với bất cứ nhận định nào xuất hiện qua một tiến trình tư duy lô-gic lâu dài của ý thức. Không còn nghi ngờ gì rằng bạn có một bức tranh tinh thần của hai “tâm trí” của bạn: bức tranh ý thức tồn tại trong đầu bạn, bên trên lằn ranh của ý thức, và bức tranh tiềm thức bên trong cơ thể bạn, bên dưới lằn ranh ý thức – thông qua một phương tiện nằm giữa chúng. Giờ đây, bạn đã biết rằng ý thức là nguồn tạo ra ý nghĩ. Nó cho chúng ta những cảm nhận về muôn vàn sắc thái trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta: sự hiểu biết về chính chúng ta trong hiện tại, ngay đây và tại giây phút này; sự thừa nhận và tri thức về môi trường quanh ta; sức mạnh làm chủ các năng lực tinh thần của chúng ta để nhớ lại những sự kiện quá khứ, để diễn tả những cảm xúc của chúng ta và ý nghĩa của những sự kiện đó. Hay chính xác là, nó giúp chúng ta có một sự hiểu biết lý trí về những vật thể và con người quanh ta, về những thành công và thất bại của chúng ta, về giá trị theo thời gian của một luận cứ hay về cái đẹp của một công trình nghệ thuật. Những sức mạnh cơ bản nhất của ý thức là lẽ phải, lô-gic, hình thái, nhận định, tính toán, lương tâm và những tri giác thông thường khác. Nhờ ý thức mà ta nhận biết được thế giới vật chất quanh ta. Phương tiện quan sát, ghi nhận của ý thức là năm giác quan của chúng ta. Ý thức con người là nguồn tạo ra của cải vật chất cần thiết cho cuộc sống của chúng ta, đồng thời là nguồn định hướng cho chúng ta trong cuộc đấu tranh sinh tồn trong thế giới vật chất này. Chức năng cao nhất của nó là khả năng lý luận bằng mọi phương pháp: cả quy nạp lẫn suy diễn, cả phân tích lẫn tổng hợp. Chẳng hạn, giả sử bạn đảm trách việc đi tìm một học thuyết mới, thế là bạn sử dụng lý trí và phương pháp quy nạp. Có nghĩa là, đầu tiên bạn thu thập các dữ kiện và yếu tố xuất hiện trong tầm nhận thức của bạn. Sau đó, bạn so sánh chúng với những dữ kiện và yếu tố khác để ghi nhận những điểm tương đồng và khác biệt. Rồi bạn chọn ra những cái giống nhau về phẩm chất, giá trị sử dụng, tính năng… để suy ra một quy luật chung rằng những cái có cùng một phẩm chất, tính năng sẽ hoạt động theo một cách giống nhau. Đây là một phương pháp khoa học để đạt được tri thức và chính nó tạo ra nền tảng cho nền giáo dục hiện đại của chúng ta ngày nay. Tất cả chúng ta đều sử dụng nó bằng hình thức này hay hình thức khác để giải quyết các vấn đề của chúng ta, bất kể về mặt cá nhân, xã hội, kinh doanh, nghề nghiệp hay kinh tế… Rất nhiều lần giải pháp cho các vấn đề của chúng ta là kết quả của việc sử dụng lý trí theo cách này. Nhưng thỉnh thoảng, khi không tìm ra giải pháp, chúng ta trở nên kiệt sức sau những cố gắng liên tục. Thế rồi chúng ta bắt đầu đánh mất sự tự tin của mình. Chúng ta thường tự thua với ý nghĩ chúng ta đã thất bại và không gì có thể thay đổi được nữa. Đây chính là lúc tiềm thức trỗi dậy – nó giúp chúng ta làm mới lại niềm tin vào bản thân ta, nó hỗ trợ chúng ta vượt qua khó khăn trở ngại và đưa chúng ta trở lại con đường đi tới chiến thắng và thành công. Cũng như lý trí là nguồn tạo ra ý nghĩ, tiềm thức là nguồn tạo ra sức mạnh. Bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người, tiềm thức luôn chú ý và ghi nhận những khao khát mãnh liệt nhất của mỗi chúng ta và nó luôn thúc đẩy đưa những ước muốn đó lên tầng ý thức. Nó là kho chứa những cảm xúc tự phát về con người và thiên nhiên, là hầm chứa những dữ liệu, sự kiện và kinh nghiệm được lý trí truyền xuống để lưu trữ cho an toàn hầu phục vụ các nhu cầu sử dụng trong tương lai. Vì thế tiềm thức không chỉ là một nhà kho vô tận về những thứ luôn sẵn sàng để ý thức tùy nghi sử dụng, mà nó còn là một nhà máy điện khổng lồ có thể nạp năng lượng cho từng cá nhân sở hữu nó bất cứ lúc nào để giúp họ lấy lại sức mạnh, lòng can đảm và niềm tin ở chính mình. Sức mạnh tiềm thức của bản thân bạn cũng giống hệt như thế. Tiềm thức vượt khỏi không gian và thời gian. Nó là một trạm thu phát năng lượng vô cùng mạnh mẽ được kết nối ở cấp vũ trụ. Nó có thể giao tiếp qua hình thức vật chất, tinh thần và tâm linh, và – theo nhiều nhà nghiên cứu – cả với thế giới siêu hình. Nói tóm lại, tiềm thức là hiện thân của cảm xúc và sự khôn ngoan của quá khứ, là sự thức tỉnh trước tri thức của hiện tại và là ý nghĩ cùng tầm nhìn của tương lai. Triết gia Emerson dù sử dụng từ “bản năng”, cũng đã “tặng” cho tiềm thức nhiều thuộc tính siêu việt khi ông tư duy về nó: “Toàn bộ sự khôn ngoan chân thực của ý nghĩ và hành động đều xuất hiện thuận theo bản năng này, và bạn hãy kiên nhẫn với những khoảng lặng của nó. Sử dụng bản năng này một cách thực tế trong mọi mặt cuộc sống sẽ cấu thành sự khôn ngoan chân thực, và chúng ta phải tập cho được thói quen áp dụng điều đó trong mọi trường hợp theo sự hướng dẫn của nó, vốn chỉ xuất hiện khi nó được sử dụng”. Sức mạnh của tiềm thức tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau: trực giác, cảm xúc, linh tính, cảm hứng, phép ám thị, khả năng suy luận, trí tưởng tượng, óc tổ chức, và dĩ nhiên là cả ký ức và nguồn năng lượng động. Nó nhận biết môi trường xung quanh nhờ các giác quan độc lập. Nó nhận thức bằng trực giác. Nó hoạt động thành công nhất và thể hiện chức năng cao nhất của nó khi tri giác khách quan ở vào thế tĩnh lặng. Tuy nhiên, tiềm thức có thể hoạt động trong cả lúc chúng ta thức và khi chúng ta ngủ. Như một thực thể khác biệt, nó sở hữu những nguồn sức mạnh và chức năng độc lập trong một hình thái tinh thần độc nhất vô nhị của riêng nó. Nó duy trì sự tồn tại của chính nó trong sự liên kết chặt chẽ với thể xác và cuộc sống của từng cá nhân con người, dù rằng nó hoạt động độc lập với thể xác. Như vậy, bạn đã thấy tiềm thức có một chức năng cơ bản. Thứ nhất , bằng sự hiểu biết mang tính trực giác về những nhu cầu thuộc về thể xác, nó duy trì và bảo toàn (mà không cần sự trợ giúp của lý trí) sự lành mạnh mà thực ra là sự sống về mặt thể xác của chúng ta. Thứ hai , trong thời đại của sự đáp ứng hay thỏa mãn nhanh mọi nhu cầu của con người, nó biến thành những hành động tức thì (một lần nữa phải nói rằng nó không cần đến sự trợ giúp của lý trí) và đưa ra những mệnh lệnh tối quan trọng vận hành với một sự chắc chắn, tốc độ, chính xác và sự hiểu biết đến mức không thể tin được. Thứ ba , nó hoạt động trong thế giới tinh thần. Sức mạnh tinh thần của tiềm thức được biểu hiện qua các hiện tượng như khả năng ngoại cảm, thấu thị hay những hành động phi thường trong trạng thái xuất thần. Nhưng, nó cũng có thể được huy động để giúp ý thức giải quyết những vấn đề khó khăn hoặc giúp chúng ta hoàn thành những ước muốn của mình. Trong quyển sách này, chúng ta sẽ tập trung nhiều hơn vào việc sử dụng tiềm thức để mang lại lợi ích cho bạn. Tuy nhiên, để đánh thức và biến các nguồn lực và sức mạnh của tiềm thức thành hành động, trước hết bạn phải nhận ra chính xác những gì bạn có và trong khả năng kiểm soát của bạn, vì tiềm thức chỉ biểu hiện ra ngoài những gì thuộc về khả năng có thực của từng cá nhân. Kế đến, để chuyển hóa nhu cầu của bạn đến tiềm thức, nó phải nằm trong số những hình ảnh đã được thực hiện trước đó. Sau nữa, bạn cần cảm thấy và nghĩ rằng mình sẽ thành công, và thực tế là bạn phải thấy rằng bạn đã thành công, ít nhất là trong việc hoàn thành một nhiệm vụ hay đạt được một vị trí nào đó trong nghề nghiệp mà bạn hằng mơ ước. Cuối cùng, bạn phải kiên nhẫn chờ đợi tiềm thức đồng hóa tất cả các yếu tố có liên quan đến vấn đề/mục tiêu của bạn và vạch ra cho bạn con đường đi đến thành công. Nhất định bạn phải kiên nhẫn và có niềm tin tuyệt đối vào sự dẫn dắt của tiềm thức, vì như triết gia người Pháp Theodore Simon Jouffroy nói, “Tiềm thức không làm việc cho những ai không tin vào sức mạnh của nó”. Theo đúng trình tự trên, bằng dòng chảy của ý nghĩ và các bước biến tiềm thức thành ý thức, giải pháp cho vấn đề của bạn sẽ được vén mở và chuỗi các hành động đúng đắn sẽ được chỉ ra. Bạn phải đón nhận thông điệp từ tiềm thức một cách tự do không bó buộc và sau khi hiểu được nó, bạn phải hành động ngay lập tức, vâng, ngay tức khắc và không nghi ngờ. Bạn không được chần chừ, không cần dè dặt hay cân nhắc gì thêm nữa. Chỉ với một sự đáp ứng tức thì gần như vô thức, bạn mới có thể huy động sức mạnh của tiềm thức ở những lần sau, khi bạn cần tới “quyền năng” đáng kinh ngạc của nó. Tuy nhiên, cũng có thể vấn đề của bạn không được giải quyết theo cách này. Thay vì nhận được giải pháp dưới hình thức một “bản vẽ chi tiết” trong đó hướng dẫn các bước cụ thể giúp bạn đi đến đích, đôi khi bạn lại cảm thấy có một lực bí ẩn nào đó thôi thúc bạn làm những điều gì đó không hề có ý nghĩa hay một mối liên kết đặc biệt nào với vấn đề của bạn. Mặc dù vậy, bạn vẫn phải tiếp tục tin vào sức mạnh và sự khôn ngoan của tiềm thức. Hãy cứ ngoan ngoãn thực hiện những điều tưởng như không có liên quan ấy, bởi một ngày nào đó, bạn sẽ thấy mình đang ở đúng vị trí mà bạn từng ao ước, làm đúng công việc mà bạn từng hình dung cho chính mình. Lúc đó, nhìn lại quá khứ, bạn sẽ nhận ra rằng tất cả những gì mà bạn từng được thúc giục thực hiện bởi tiềm thức bỗng kết nối thành một chuỗi sự kiện liên hoàn theo một lô-gic dường như đã được định sẵn, mà sự kiện cuối cùng chính là điểm đến, là mục tiêu mà bạn vừa đạt được. Đó phải chăng là phần thưởng dành cho những khát khao và hy vọng chân thành nhất của bạn? Là kỳ tích đáng tự hào nhất của cá nhân bạn? Chương 4 Ám thị tạo ra sức mạnh Đ ã bao nhiêu lần bạn nghe nói rằng: “Hãy tin rằng bạn có thể, bạn chắc chắn sẽ làm được”? Cho dù công việc đó là gì thì một khi có niềm tin, bạn sẽ làm được, và làm được một cách hoàn hảo. Thường thì niềm tin cho con người sức mạnh làm được những điều người khác cho là không thể. Hành động tin tưởng là lực khởi nguồn, là sức mạnh phát sinh dẫn tới sự hoàn thành mọi mục tiêu hay kỳ vọng. “Nào, các cậu, chúng ta có thể đánh bại họ mà!” Chúng ta thường nghe câu này trong các trận bóng, trong nhà hay ngoài sân cỏ, hay trong một cuộc họp chiến lược trong thế giới của các công ty. Câu nói tức thì thể hiện niềm tin ấy có tác dụng truyền cảm hứng, tạo thách thức và lên tinh thần cho các cầu thủ chuyển bại thành thắng. Thành công khi đó là điều có thể bởi những người có niềm tin vững chắc đều biết rằng họ có thể làm được . Bạn có thể bị đắm tàu và vùi dập trong dòng nước lạnh gần một bờ biển đầy những mỏm đá nhọn hoắt. Trong giây phút ấy, bạn sợ hãi nghĩ rằng chẳng có một cơ hội sống sót nào dành cho bạn. Nhưng bất ngờ một cảm giác xuất hiện rằng bạn sẽ được cứu sống – hoặc bạn có thể tự cứu mình. Ngay giây phút bạn có cảm giác đó, niềm tin lập tức hình thành trong bạn. Và, cùng với niềm tin đó là một sức mạnh trỗi dậy để trợ giúp bạn.