🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sức Mạnh Của Trí Tuệ Sáng Tạo - Tony Buzan Ebooks Nhóm Zalo Chương 1 BẮT ĐẦU HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ VƯƠNG QUỐC SÁNG TẠO Bạn nghĩ mình sáng tạo đến mức độ nào? Để tìm hiểu thêm về khả năng sáng tạo của mình, bạn hãy tự hỏi những câu hỏi sau: 1. Bạn có thường hay mơ mộng không? CÓ/KHÔNG 2. Bạn có tự lên thực đơn và nấu ăn cho bản thân, gia đình hay bạn bè của bạn không? CÓ/KHÔNG 3. Bạn có thường hay phối màu, kết hợp các chất liệu vải và phụ kiện để tạo nên kiểu thời trang độc đáo của riêng mình không? CÓ/KHÔNG 4. Bạn có thích nhiều thể loại nhạc không? CÓ/ KHÔNG 5. Bạn có thấy vui khi nhớ lại những khoảnh khắc đặc biệt trong đời (như những lúc vui chơi cùng bạn bè, những sự kiện trọng đại, những dịp lễ/Tết, bất cứ "thảm họa" hay thành công quan trọng nào…)? CÓ/KHÔNG 6. Lúc còn bé, bạn có hay hỏi nhiều không? CÓ/ KHÔNG 7. Hiện tại bạn vẫn luôn tự đặt ra nhiều câu hỏi chứ? CÓ/KHÔNG 8.Thỉnh thoảng bạn có bao giờ tự hỏi về sự phức tạp hay vẻ đẹp diệu kì của vạn vật, và ước rằng bạn có thể hiểu chúng vận động/ được tạo ra/ đến với cuộc sống này như thế nào hay không? CÓ/KHÔNG 9. Bạn có trí tưởng tượng phong phú về tình dục chứ? CÓ/KHÔNG 10. Trong nhà bạn có những sách báo, hay tạp chí mà bạn đã hứa là sẽ đọc, nhưng cho đến giờ bạn vẫn chưa sắp xếp được thời gian dành cho nó? CÓ/ KHÔNG 11. Trong cuộc sống, có những việc bạn hứa sẽ hoàn thành nhưng hiện tại bạn vẫn chưa ụng đến? CÓ/ KHÔNG 12. Bạn có cảm thấy xúc động hay phấn khích trước những màn trình diễn thể thao, nghệ thuật " đỉnh cao" không? CÓ/KHÔNG 13. Bạn sẽ đồng ý chứ, nếu tôi vẫy chiếc đũa phép và bất ngờ: • Biến bạn thành một vũ công điêu luyện, uyển chuyển, làm cho bao khách dự dạ tiệc phải trầm trồ thán phục? CÓ/KHÔNG • Ban cho bạn một chất giọng ngang ngửa với ca sĩ bạn yêu thích nhất, có khả năng xử lý tốt hầu hết mọi bài hát, làm người khác phải say mê, kinh ngạc và thích thú khi thưởng thức tiếng hát của bạn? CÓ/KHÔNG • Biến bạn thành một họa sĩ tài năng, có khả năng phác họa nhanh chóng những bức hoạt họa, phong cảnh, chân dung và tạc nên những bức tượng mà đến cả Michelangelo cũng sẽ xem bạn là truyền nhân xứng đáng của ông? CÓ/ KHÔNG • Biến bạn thành một người kể chuyện tuyệt vời, khiến bao người phải thích thú, mê mẩn, và làm mọi người không thể nhịn cười với những câu chuyện vừa thông minh vừa dí dỏm của bạn? CÓ/KHÔNG 14. Bạn còn sống ấy chứ?!! CÓ/KHÔNG Nếu bạn trả lời "CÓ" cho hơn một nửa số câu hỏi trên thì theo định nghĩa, bạn rất sáng tạo. Khi bạn tiếp tục đọc cuốn sách này, năng lực sáng tạo trong bạn sẽ dần được ánh thức. Nhưng để thấy trước chút bằng chứng về khả năng của bạn, chúng ta hãy xem xét hai câu hỏi hơi lạ sau đây: • Trong nhà bạn có những sách báo, hay tạp chí mà bạn đã hứa là sẽ đọc, nhưng cho đến giờ bạn vẫn chưa sắp xếp được thời gian dành cho nó? Hơn 95% người được hỏi đã trả lời "CÓ" trong câu hỏi này, và nghĩ rằng họ là người hay trì hoãn! Đúng là họ như vậy, nhưng họ cũng rất sáng tạo! Thử nghĩ mà xem. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hay hàng năm, não bộ của họ viện dẫn hàng tá lý do khó tưởng tượng nổi để không phải ngồi xuống đọc sách. Có vẻ không hay cho lắm khi năng lực sáng tạo lại được dùng để không phải làm một việc gì đó - thỉnh thoảng điều này vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt cuộc đời bạn - nhưng dẫu sao đây vẫn là một dạng sáng tạo "ngoại hạng" và là một nguồn năng lượng vô tận. Từ đây lại dẫn dắt đến câu hỏi tiếp theo: • Bạn còn sống ấy chứ? Chắc chắn rồi! Tuy nhiên câu hỏi này lại ẩn chứa một sự thật sâu sắc và đầy ý nghĩa. Mỗi ngày trong đời, nếu bạn còn sống, bộ não diệu kỳ vẫn tiếp tục tạo ra hàng vạn ý nghĩ, hành động và giải pháp; nếu không thì thời gian tồn tại của bạn trên Trái đất sẽ kết thúc. Sự thật đang được nhắc đến ở đây chính là còn sống nghĩa là còn sáng tạo. Vì vậy, giải phóng năng lực sáng tạo to lớn đơn giản là hiểu Trí tuệ Sáng tạo hoạt động ra sao và làm thế nào để phát triển nó. Cuốn sách nhỏ này sẽ hướng dẫn bạn cách thực hiện việc đó. Trí tuệ Sáng tạo là gì? (Trí tuệ) Sáng tạo là khả năng đưa ra ý tưởng, giải quyết vấn đề bằng những phương thức độc đáo, có trí tưởng tượng phong phú, hành vi và năng suất làm việc vượt trội hơn so với người khác. Trí tuệ Sáng tạo bao gồm một số yếu tố: 1. Não trái/Não phải Khả năng sử dụng kết hợp các kỹ năng khác nhau của hai bán cầu não. 2. Ghi chú/Vẽ Bản đồ Tư duy Khả năng "làm các ý nghĩ hiển thị" bằng cách đưa chúng ra khỏi não và chuyển thành các ý tưởng trên giấy, từ đó bạn có thể khám phá chúng một cách đầy đủ hơn. 3. Sự thành thục Thể hiện ở tốc độ đưa ra các ý tưởng mới. Đây chính là thước đo năng lực sáng tạo của bạn. 4. Tính linh động Là khả năng đưa ra nhiều loại ý tưởng khác nhau và chuyển từ phương pháp này sang phương pháp khác. Tính linh động còn bao gồm khả năng xem xét sự việc từ nhiều góc nhìn, làm mới những ý tưởng cũ và hoán đổi trình tự những ý tưởng đã có. Tính linh động cũng được thể hiện qua khả năng vận dụng tất cả các giác quan của bạn trong việc hình thành ý tưởng mới. 5. Tính độc đáo Đây là một trong những điểm cốt yếu của tư duy sáng tạo, thể hiện qua khả năng hình thành ý tưởng " độc nhất vô nhị" của ệ q g ý g ộ ị riêng bạn - có khi khác thường, lạ đời và thậm chí là "lập dị" (nghĩa là "khác với số đông"). 6. Mở rộng các ý tưởng Người có tư duy sáng tạo tốt sẽ chọn lấy một ý tưởng chủ đạo, rồi từ đó phát triển thêm các ý tưởng khác. 7. Khả năng liên hợp/liên tưởng Não bộ là một "cỗ máy liên hợp" khổng lồ. Hiểu biết cách vận hành "cỗ máy" siêu thường này, người có tư duy sáng tạo có thể khai thác nguồn tài nguyên vô tận từ trí não để nâng cao năng lực sáng tạo của họ. Cuốn sách này sẽ giới thiệu đến bạn từng yếu tố và hướng dẫn cách làm thế nào để giải phóng sức sáng tạo vô hạn của bạn. Tổng quan về Sức mạnh của Trí tuệ Sáng tạo Cuốn sách này được trình bày như là một hành trình khám phá "vương quốc" sáng tạo. Những chương tiếp theo bao gồm những mẩu chuyện và lược sử về các nhân vật tiêu biểu minh họa cho những yếu tố tư duy sáng tạo đang được đề cập đến. Cuối mỗi chương sẽ có những bài thực hành giúp bạn sáng tạo hơn trong lĩnh vực hiện tại, đồng thời kích hoạt phát triển những kỹ năng trí tuệ khác (do não bộ là một "cỗ máy" liên hợp, kết nối đa chiều và có khả năng triển khai ý tưởng vô tận). Những chương này cũng sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng Bản đồ Tư duy - một công cụ tối quan trọng hỗ trợ tăng cường khả năng tư duy sáng tạo,"thứ" mà tôi đã dành cả đời để phát triển. Ngoài ra còn có các sơ đồ, hình minh họa cho nguyên tắc sáng tạo để giúp bạn cải thiện khả năng sáng tạo của bạn. Sau đây là tổng quan về các phần còn lại của cuốn sách: Chương 2: Khả năng diệu kỳ của trí não Trong chương này, chúng ta sẽ khám phá những kiến thức mới về bản chất của Trí tuệ Sáng tạo và học cách vận dụng những kiến thức này nhằm phát triển nhanh chóng tư duy sáng tạo. Chương 3: Giải phóng sức sáng tạo vô tận Chương này sẽ giới thiệu đến bạn một công cụ cơ bản để tư duy sáng tạo - Bản đồ Tư duy. Tôi sẽ "bật mí" cho bạn cách làm thế nào để trở thành bậc thầy trong việc sử dụng Bộ công cụ tư duy này. Chương 4: Bạn là một họa sĩ sáng tạo Ai bảo rằng bạn không biết vẽ? Bạn có thể vẽ ấy! Chúng ta sẽ tìm hiểu lý do tại sao 99% người được hỏi đều trả lời rằng họ không thể vẽ. Sau đó tôi sẽ giới thiệu đến bạn hai danh họa bậc thầy là Leonardo da Vinci và Michelangelo. Họ đã sử dụng những phương pháp sáng tạo cực kỳ đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả mà bạn có thể áp dụng để khơi dậy chất nghệ sĩ bên trong bạn. Bạn đồng thời cũng sẽ nhận thấy rằng từ trước đến nay, bạn đã tạo ra hàng triệu tuyệt tác mà bạn không hề hay biết. Chương 5: Bạn là một nhạc sĩ sáng tạo Hầu hết mọi người đều cho rằng họ không có "khiếu âm nhạc" và không thể hát đúng điệu lấy một bài. Cũng giống như trong lĩnh vực hội họa, nhận định này hoàn toàn không đúng. Trong chương này, tôi sẽ giải thích tại sao những niềm tin lạc lối này lại tồn tại, làm thế nào để vượt qua chúng và đánh thức năng lực sáng tác thiên bẩm của bạn. Bạn sẽ khám phá thêm rằng từ trước đến giờ bạn đã hát rất hay, và có những bài học đáng quý, đầy cảm hứng từ loài chim! Chương 6: Năng suất sáng tạo Năng suất sáng tạo - số lượng ý tưởng hay khả năng nhanh chóng đưa ra ý tưởng trong một khoảng thời gian xác định - là yếu tố chính yếu trong tư duy sáng tạo. Đến chương này, tôi sẽ trình bày cách gia tăng năng suất sáng tạo bằng những phương pháp đã được các thiên tài sáng tạo lỗi lạc sử dụng. Chương 7: Tính độc đáo và linh hoạt trong sáng tạo Nguyên nhân chính yếu khiến con người cứ mãi loay hoay trong hành trình sáng tạo đó là họ đã được truyền dạy cho cách tư duy đơn điệu, cứng nhắc và một chiều - chẳng khác nào một "chiếc hố" tư duy, khiến ta khó có thể đào sâu khám phá thêm được nữa. Trong chương này, tôi sẽ giới thiệu những kỹ thuật nhìn với "đôi mắt tươi mới" - nhằm quan sát sự vật, hiện tượng từ những góc nhìn khác nhau. Đây là những kỹ thuật mà những thiên tài tư duy sáng tạo đã sử dụng để đưa ra những ý tưởng làm thay đổi cả thế giới. Các bậc thiên tài sáng tạo thường được xem là " độc nhất vô nhị", " đặc biệt khác thường","không thể sánh được". Vì vậy tính khác thường chính là nền tảng cho tư duy sáng tạo. Tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy bạn đặc biệt hơn bạn nghĩ và hướng dẫn bạn cách phát huy nét độc đáo của bản thân - sẽ khiến cho bạn, lẫn bạn bè của bạn đều phải há hốc vì kinh ngạc. Chương 8 – Tư duy mở rộng và phát tỏa Tư duy sáng tạo còn được thể hiện qua khả năng liên kết các ý nghĩ và ý tưởng khác nhau. Trong chương này, tôi sẽ hướng dẫn bạn chơi một trò chơi liên tưởng hấp dẫn. Qua đó, bạn sẽ biết thêm phương pháp mới để phát triển năng lực kết hợp ý tưởng, và khám phá những điều ngạc nhiên về khả năng liên tưởng của não bộ. Chương 9 – Bạn và Shakespeare – Cả hai đều là nhà thơ! Đối với nhiều người, thi ca là một bộ môn nghệ thuật vốn chỉ được "thiên phú" cho một số người. Đây lại là một niềm tin sai lệch khác! Tôi sẽ giúp bạn khám phá trở lại tâm hồn thơ ca và hướng dẫn bạn áp dụng những bài học trong cuốn sách này để sáng tác những bài thơ của chính bạn. Chương 10 – Thiên tài trẻ thơ Tại sao trẻ nhỏ lại có thể tiếp thu, học hỏi rất nhanh và rất tốt? Tại sao trẻ nhỏ có khả năng sáng tạo hơn hẳn người lớn chúng ta? Tại sao những nghệ sĩ vĩ đại (như Picasso) lại cố gắng quay về với khung trời sáng tạo hồn nhiên như trẻ thơ? Đến đây, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho những câu hỏi trên và khám phá trở lại thiên tài trẻ thơ bên trong bạn. Xuyên suốt cuốn sách này, bạn sẽ có cơ hội được học hỏi thêm từ Leonardo da Vinci, người được xem là Thiên tài sáng tạo vĩ đại nhất thiên niên kỷ qua. Chương 2 KHẢ NĂNG DIỆU KỲ CỦA TRÍ NÃO Trong chương này, bạn sẽ được cập nhật những thông tin mới nhất về hai bán cầu não, và làm thế nào để kết hợp chúng với nhau để nhân năng lực sáng tạo của bạn lên gấp nhiều lần. C hặng đầu của hành trình khám phá sẽ bắt đầu tại phòng thí nghiệm của giáo sư Roger Sperry ở California, nơi thực hiện công trình nghiên cứu đã giúp giáo sư nhận được giải Nobel vào năm 1981. Công trình này giúp chúng ta nhận thức rõ năng lực sáng tạo tiềm ẩn đang chờ đợi được giải phóng bên trong mỗi người. Vào thập niên 1950 và 1960, giáo sư Sperry đã nghiên cứu về chức năng của sóng não. Để khám phá các hoạt động tư duy khác nhau và tác động của chúng đến sóng não, Sperry và đồng nghiệp đã yêu cầu những người tình nguyện thực hiện những công việc cần vận dụng đến đầu óc, bao gồm: tính nhẩm cộng trừ, đọc thơ, học thuộc lòng, vẽ nguệch ngoạc, nhìn vào những màu sắc khác nhau, vẽ các hình khối, phân tích vấn đề một cách lô-gic và tưởng tượng. Sperry dự đoán rằng mỗi hoạt động sẽ tạo ra những sóng não khác nhau, và ông đã đúng. Nhưng điều mà ông đã không dự báo được là khám phá ngạc nhiên sau đây: thông thường, não bộ chia các hoạt động của nó một cách rất rõ ràng thành các hoạt động "não trái" (vỏ não trái) và các hoạt động "não phải" (vỏ não phải). Khám phá nổi tiếng này đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nghĩ về tiềm năng của bộ não con người và khả năng tư duy sáng tạo của nó. Các phân khu công việc được chia như sau: Não trái Não phải ngôn từ nhịp điệu suy luận lô-gic nhận thức về không gian con số kích thước xâu chuỗi tưởng tượng quan hệ tuần tự mơ mộng phân tích màu sắc liệt kê nhận thức về tổng thể (cấu trúc) Sperry cũng khám phá ra rằng khi vỏ não phải hoạt động tích cực, thì vỏ não trái có xu hướng tương đối thụ động hay ở trạng thái tĩnh. Tương tự như vậy, khi vỏ não trái hoạt động tích cực, thì vỏ não phải trở nên thư thả hơn. Hơn nữa, một điều thật sự gây ngạc nhiên (đồng thời cũng là niềm hy vọng) là trên não bộ của những người tham gia thí nghiệm đều hiển thị rõ chúng có tất cả các kỹ năng ở những phân vùng hoạt động rất nhỏ. Hay nói cách khác, xét về tiềm năng và khả năng sinh lý, mọi người đều sở hữu những kỹ năng sáng tạo và tư duy vô cùng phong phú nhưng hiện chỉ sử dụng mới có một phần. Cho tới thập kỷ 1970, kết quả nghiên cứu trên đã mở đường cho rất nhiều nghiên cứu và khảo sát nhắm vào tiềm năng chưa được khai thác này. Một trong những hướng nghiên cứu ( điều mà bản thân tôi cũng tham gia) là khảo sát mọi người về việc họ nghĩ như thế nào về khả năng của chính họ. Sau đây là một số câu hỏi khảo sát để bạn tự kiểm tra. Câu hỏi tự kiểm tra năng lực Não trái/Não phải Bạn có cảm thấy hầu như bạn không thể (về mặt di truyền) tính toán nhanh chóng và chính xác – ví dụ như: tính tỷ lệ lãi trên vốn trong khoản vay thế chấp, tỷ lệ diện tích khu vườn so với tổng diện tích nhà bạn? CÓ/KHÔNG Bạn có cảm thấy mình gần như không thể vẽ được chân dung của người mà bạn muốn vẽ, không thể vẽ tranh phong cảnh, không thể thông thạo các phương chiều và luật phối cảnh, không thể hiểu rành rẽ lịch sử mỹ thuật, không thể tạo ra các tác phẩm điêu khắc cả hiện thực lẫn trừu tượng? CÓ/KHÔNG Bạn có thấy mình gần như không thể viết nhạc hay sáng tác ca khúc, không thể xác định được các nhà soạn nhạc cổ điển chỉ với vài nốt nhạc trong tác phẩm của họ, không thể khiêu vũ đúng nhịp, không thể hát đúng từng nốt? CÓ/KHÔNG Bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng hơn 90% người được khảo sát tự tin trả lời rằng họ không có khả năng (về mặt di truyền) đạt đến sự hoàn mỹ trong ba lĩnh vực cốt yếu là số học, mỹ thuật và âm nhạc. Hay là bạn hy vọng rằng tất cả họ đều sai! Những nghiên cứu sau này đã khám phá ra rằng khi con người được rèn luyện những lĩnh vực mà họ tự cho là yếu kém – bởi những giáo viên giỏi – thì họ trở nên giỏi hơn nhiều trong các lĩnh vực đó. Điều này tương tự như tình trạng một nhóm cơ bắp yếu không phải do bản chất của chúng là yếu, mà đơn giản là vì chúng đã không được sử dụng trong một thời gian dài. Không chỉ dừng lại ở đây, một khám phá thú vị khác cũng sớm được tìm ra. Những "cơ bắp trí tuệ" nào từng được cho là yếu nhưng nay đã hoàn thiện hơn, thì các "cơ bắp trí tuệ" khác cũng bắt đầu cải thiện hiệu suất của chúng. Ví dụ, một người kém về khả năng tưởng tượng và nghệ thuật nếu được huấn luyện tốt sẽ có khả năng diễn đạt ngôn từ, tính toán giỏi hơn, và nhìn chung là sáng tạo hơn. Tương tự như vậy, nếu ai đó yếu về khả năng tính toán, một khi được rèn luyện thì khả năng tưởng tượng và âm nhạc cũng sẽ tiến bộ rõ rệt. Có vẻ như hai bán cầu não đã có những cuộc "đối thoại" với nhau. Não trái nhận thông tin và gửi đến não phải; não phải sẽ xử lý thông tin theo cách riêng của nó, sau đó gửi lại cho não trái; và "trao đổi" cứ diễn ra theo cách như thế. Qua quá trình này, não bộ sẽ tích lũy thông tin, đồng thời tăng cường hơn nữa năng lực trí tuệ và sáng tạo của nó bằng cách kết hợp nhiều yếu tố khác nhau. Và bây giờ chúng ta sẽ đến với phần thách thức. Vấn đề thứ 1 Các hoạt động não trái lâu nay thường được xem là các hoạt động "trí tuệ", "học thuật", "kinh doanh", còn các hoạt động não phải là các hoạt động "nghệ thuật", "sáng tạo", và "cảm xúc". Nếu cách phân chia chức năng hoạt động của não như trên là đúng, thì các nhà khoa học như Isaac Newton và Albert Einstein hẳn là mạnh về năng lực não trái; và các nhạc sĩ và họa sĩ như Beethoven và Michelangelo mạnh về năng lực não phải – nói cách khác, họ đã không tận dụng toàn bộ khả năng trí não của họ! Để giải quyết mâu thuẫn này, rõ ràng là cần phải có thêm nhiều công trình nghiên cứu khác. Tôi và một số cá nhân hứng thú về vấn đề này đã tập hợp dữ liệu về các thiên tài sáng tạo lỗi lạc, và đối chiếu chúng với mô hình não trái/phải. Bạn có đoán được chúng tôi đã phát hiện ra điều gì không? Chúng tôi đã khám phá ra điều này từ một Einstein "não trái": Nhân vật lịch sử – Albert Einstein Albert Einstein được vinh danh là thiên tài sáng tạo vĩ đại nhất thế kỷ 20. Tuy nhiên, ông từng là một học trò nghèo, hay mơ mộng trong giờ học và từng bị đuổi học vì "quấy phá" trong lớp. Ở tuổi thiếu niên, ông bắt đầu đam mê khám phá không gian tưởng tượng vô cùng của toán học và vật lý, đồng thời cũng rất yêu thích và nghiên cứu kỹ những công trình của Michelangelo. Cả hai sở thích này góp phần đẩy trí tưởng tượng của ông ngày càng tiến xa, kết quả là "trò chơi" rất nổi tiếng cho đến ngày nay, Trò chơi Trí tuệ Sáng tạo, đã ra đời. Trong trò chơi này, ông tự đặt ra những câu hỏi khó, rồi sau đó cứ để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng. Một trong những trò chơi Trí tuệ Sáng tạo nổi tiếng của Einstein đó là ông tưởng tượng mình đang ở trên bề mặt của mặt trời, chộp lấy một tia sáng, rời khỏi mặt trời với tốc độ ánh sáng để đi đến tận cùng Vũ trụ. Khi "kết thúc" hành trình của mình, ông ngạc nhiên nhận thấy rằng ông gần như quay trở lại điểm xuất phát. Điều này là không thể: bạn không thể đi trên một đường thẳng mãi mãi và quay lại điểm mà bạn đã khởi hành! Vì vậy, Einstein thực hiện một chuyến đi khác với một tia sáng khác xuất phát từ một vị trí khác trên mặt trời, cũng lại thẳng tiến tới tận cùng của Vũ trụ. Một lần nữa, ông kết thúc chuyến đi tại một điểm tương đối gần với điểm xuất phát. Dần dần, chân lý đã lóe sáng trong ông: trí tưởng tượng đã cho ông biết nhiều sự thật hơn là cách lập luận lô-gic. Nếu bạn di chuyển trên một đường thẳng "mãi mãi" và liên tục quay lại vùng lân cận điểm xuất phát, thì sự "mãi mãi" ấy chứng minh được ít nhất hai điều: nó phải cong theo một cách nào đó và có một ranh giới. Đây là cách đã giúp Einstein khám phá ra một trong những điều quan trọng nhất: Vũ trụ của chúng ta cong và có giới hạn. Ông có được khám phá vĩ đại này không chỉ đơn thuần bằng cách tư duy não trái, mà ông đã kết hợp kiến thức về số học, ngôn ngữ, thứ tự, suy luận lô-gic, khả năng phân tích với trí tưởng tượng phong phú, nhận thức về không gian, khả năng quan sát tổng thể của ông. Khám phá này là kết quả của sự "trao đổi" và phối hợp hoàn hảo giữa hai bán cầu não. Đó là một nhận thức "tổng thể não bộ" hoàn hảo và sáng tạo. Những thiên tài sáng tạo "não phải", như Ludwig van Beethoven, cũng giống như vậy. Nhân vật lịch sử – Ludwig van Beethoven Beethoven được biết đến với tinh thần nổi loạn, đầy hoài nghi và nhiệt huyết; khao khát được tự do, thoát khỏi sự chuyên chế bạo ngược, kiểm duyệt áp đặt; và đấu tranh không mệt mỏi cho quyền tự do thể hiện chính kiến của giới nghệ sĩ. Ông được xem là hình mẫu "hoàn hảo" về một thiên tài không bị khuất phục. Tất cả những điều này đều " đúng" với kiểu thể hiện của những thiên tài sáng tạo, mạnh về những hoạt động não phải. Tuy nhiên, điều mà hầu hết mọi người thường không để ý tới đó là Beethoven cũng cực kỳ mạnh về những hoạt động não trái! Hãy xem xét bản chất của âm nhạc: chúng được viết trên những hàng, theo thứ tự; chúng có trình tự lô-gic riêng; và chúng dựa trên những con số. Âm nhạc thường được mô tả như là dạng thuần túy nhất của toán học (và thật thú vị khi biết rằng rất nhiều nhà toán học vĩ đại xem âm nhạc là thú vui lớn của họ, và ngược lại cũng vậy). Không chỉ giàu trí tưởng tượng và đam mê các giai điệu, Beethoven cũng hết sức tỉ mỉ. Ông là người tiên phong sử dụng máy ánh nhịp trong âm nhạc. Ông cho rằng đó là "của Trời cho" bởi vì từ thời điểm đó trở đi, bất cứ nhạc công hay nhạc trưởng nào cũng có thể chơi nhạc của ông với tiết tấu và nhịp độ chính xác. Cũng giống như Einstein, Beethoven không phải là người mạnh về các hoạt động não trái hoặc não phải đơn thuần, mà là người có bộ não sáng tạo, phát triển một cách toàn diện. Công trình nghiên cứu của tôi về các thiên tài sáng tạo vĩ đại đã chứng thực rằng tất thảy họ đều sử dụng "tổng thể não bộ" – sử dụng tất cả các kỹ năng, và những kỹ năng này bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Những khám phá trên đồng thời cũng mở ra thử thách lớn sau đây. Vấn đề thứ 2 Vấn đề thứ hai cũng không kém phần quan trọng. Các hoạt động "trí tuệ" trên bán cầu não trái thường được "dán nhãn" là các hoạt động của " đàn ông"; còn các hoạt động "sáng tạo" và "cảm xúc" trên bán cầu não phải thường được xem là các hoạt động của "phụ nữ". Đây là một sai lầm dễ hiểu, song rất nguy hiểm! Các "nhãn tên" này chỉ là sự mở rộng và xác nhận những niềm tin đã tồn tại hàng thế kỷ rằng: • Học thuật, giáo dục và những công việc mang tính trí tuệ chỉ bao gồm ngôn ngữ, số học và lý luận lô-gic, chứ không bao gồm trí tưởng tượng, màu sắc và nhịp điệu. • Kinh doanh là "lãnh địa" của những mệnh lệnh nghiêm khắc. • Đàn ông thiên về kiểu tư duy lô-gic, lập luận chặt chẽ, chứ không hề có cảm xúc, trí tưởng tượng hay "màu sắc". • Phụ nữ là những người hay mơ mộng hão huyền. • Sáng tạo và nghệ thuật là những mưu cầu không " đúng đắn", khi mà chúng không được luận thuyết khoa học nào hậu thuẫn. Bi kịch của những nhận thức sai lầm này là con người không nhìn ra được điều đúng đắn, theo đó là dập tắt luôn cả ước mơ, niềm vui và trải nghiệm sống. Tuy nhiên, không may là những nhận thức lạc lối này vẫn còn đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực giáo dục. Vì cho rằng giáo dục là hoạt động thuộc về não trái nên chúng ta "dán nhãn" cho những đứa trẻ đầy nhiệt huyết, giàu trí tưởng tượng, có góc nhìn muôn màu về cuộc sống, ham tìm hiểu hoặc quá mơ mộng là những đứa hư hỏng, gây phiền hà, quá hiếu động, chậm chạp hoặc chậm phát triển. Thay vào đó, chúng ta nên nhìn nhận đó là những thiên tài sáng tạo tiềm năng, đang bước đầu khám phá những khả năng của bản thân! Tương tự như vậy, nhiều công việc kinh doanh bị bế tắc bởi lối mòn tư duy "não trái", và kết quả là đã hủy hoại không những giá trị cộng hưởng từ việc kết hợp những thực nghiệm kinh doanh (của não trái) với sự tinh tế và trí tưởng tượng (của não phải), mà còn tổn hại danh tiếng và hiệu quả kinh doanh. Trong phạm vi cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá chân dung ích thực của các nghệ sĩ, bởi vì lâu nay mọi người vẫn cho rằng dân nghệ sĩ thường sống buông thả, trụy lạc, ăn mặc lôi thôi, tư duy lô-gic yếu, trí nhớ kém và thiếu kỹ năng tổ chức. Song, thật đáng buồn là hàng triệu sinh viên nghệ thuật trên khắp thế giới đang cố sống theo hình ảnh "lý tưởng" này (mà không biết họ đang tự bôi bẩn danh dự nghề nghiệp và làm tổn hại chính mình!). Kết quả là họ chối bỏ những hoạt động "não trái", như ngôn ngữ, tính toán, suy luận lô-gic, phân tích... vốn giúp họ đào sâu khám phá, tạo điểm "neo" vững chắc không để cho "quả bóng" tưởng tượng bay trôi vô định; và vì vậy mà họ chỉ tạo ra những hình ảnh lan man, tản mát trong đầu. Tư duy não trái/não phải trong thế kỷ 21 Trong Thế kỷ Trí tuệ này, chúng ta dần nhận ra rằng bộ não sáng tạo là bộ não tư duy tổng thể. Bỏ qua những sai lầm trong việc dán nhãn như trước đây, chúng ta nhận thấy tiềm năng sáng tạo của mình vô cùng to lớn, vượt xa sức tưởng tượng. Một câu hỏi và một phép so sánh đơn giản sẽ làm rõ điều này. Nếu chỉ sử dụng một nửa khả năng của não bộ thì chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả đến mức độ nào? Câu trả lời tức thời sẽ là 50%. Điều này cho thấy chúng ta đang tự biến mình thành những kẻ ngốc! Tuy nhiên, tôi sẽ đưa ra một ví dụ đơn giản để giải thích cho rõ ràng hơn, mặc dù có phần hư cấu quá mức. Để đo lường hiệu suất chạy bộ của bạn, trong lần thử thứ 1, tôi cho phép bạn sử dụng toàn bộ cơ thể, bao gồm cả tay và chân. Hầu như bạn đạt được kết quả khá tốt. Ở lần thử thứ 2, bạn chỉ được sử dụng 50% khả năng, bằng cách cột tay phải và chân phải của bạn lại với nhau, để ra sau lưng. Bạn thấy thế nào? Bạn sẽ buồn bã trong giây lát! Hiệu suất à? Nhỏ hơn con số không. Tại sao? Bởi vì các phần cơ thể bạn được sinh ra là để làm việc với nhau. Khi đó, mỗi phần sẽ nhân hiệu suất của những phần còn lại lên gấp hàng ngàn lần. Điều này cũng đúng đối với não bộ. Khi bạn chỉ sử dụng các kỹ năng thuộc một bán cầu não, khả năng sáng tạo của bạn sẽ chả là gì so với tiềm năng thực sự. Còn khi bạn sử dụng cả hai bán cầu não, sức sáng tạo của bạn sẽ là vô tận. Trong những bài tập rèn luyện Trí tuệ Sáng tạo sau đây, và cả ở những chương tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu đến bạn những phương pháp giúp giải phóng tiềm năng sáng tạo vô tận này. Rèn luyện Trí tuệ Sáng tạo 1. Sử dụng tất cả các kỹ năng của não bộ Kiểm tra xem bạn thường sử dụng và trau dồi bao nhiêu kỹ năng não trái, rồi thực hiện tương tự như vậy đối với các kỹ năng não phải. Chú ý đến những kỹ năng (thuộc về não trái, cũng như phải) mà bạn chưa dùng đến và bắt đầu luyện tập, củng cố chúng ngay lập tức. 2. Sáng tạo trong cách giáo dục Hãy áp dụng phương pháp tư duy tổng thể não bộ trong việc giáo dục con trẻ, không chỉ đối với việc học ở trường, mà cả trong cách đứng xử xã hội và cuộc sống gia đình. Cố gắng giúp con thụ hưởng một sự giáo dục toàn diện để con có được một cuộc sống sáng tạo và trọn vẹn hơn sau này. Không những vậy, hãy áp dụng những nguyên tắc tương tự đối với việc học tập trọn đời của bạn, để rồi chính bạn cũng có thể hướng tới một cuộc sống sáng tạo và phong phú hơn. 3. Nghỉ ngơi/Thư giãn Một điều thật thú vị đó là nếu bạn muốn trở nên thật sự sáng tạo với phương pháp tư duy tổng thể não bộ, bạn phải thường xuyên ngừng nghỉ, thư giãn. Hãy nhớ lại xem, bạn thường ở đâu những khi đầu bạn tuôn trào trí tưởng tượng, những giải pháp cho các vấn đề, những ý tưởng siêu thường? Hầu hết câu trả lời của mọi người là: • Trong bồn tắm • Dưới vòi hoa sen • Khi đang tản bộ ngắm cảnh làng quê • Trước khi ngủ • Khi đang ngủ • Khi tỉnh giấc • Khi đang nghe nhạc • Trên một chuyến đi dài • Khi đang chạy bộ • Khi đang bơi • Khi đang nằm dài trên bãi biển • Khi đang vẩn vơ vẽ nguệch ngoạc Trạng thái của cơ thể và trí óc bạn lúc đó như thế nào? Thư giãn và thường đó là lúc bạn đang ở một mình. Chính trong những lúc thảnh thơi như thế, hai bán cầu não mới có thể "giao tiếp" với nhau, và cũng là lúc nguồn mạch sáng tạo được khơi thông. Nếu bạn không chủ ý dành cho mình những giây phút nghỉ ngơi và thư giãn, bộ não sẽ tự quyết định thay cho bạn. Nhiều người "làm việc quần quật" (mà không phải là "làm việc thông minh") kể rằng khi năm tháng trôi qua, họ ngày càng cảm thấy căng thẳng, kém tập trung. Lúc đó, não phải sẽ "lên tiếng", đòi hỏi phải có sự bay bổng, tưởng tượng một chút để cân bằng lại trạng thái. Nếu bạn đang rơi vào tình huống này và vẫn tiếp tục đẩy mình theo lối sống thiên về não trái, trí não sẽ buộc bạn phải thư giãn, nghỉ ngơi thông qua những tín hiệu như mất tập trung, trở nên nóng nảy vô cớ, bực tức điên người… và "tối hậu thư" sẽ là suy sụp tinh thần! Do đó, hãy chủ động để cho trí não và bản thân bạn được nghỉ ngơi. Trí tuệ Sáng tạo của bạn sẽ rất yêu thích điều này. 4. Đi dạo Người La Mã cổ đại có một cụm từ đặc biệt đó là solvitas perambulum, nghĩa là giải quyết vấn đề trong khi đang dạo chơi. Rõ ràng ý tưởng này chẳng thiên về hoạt động não trái hay não phải gì cả, nhưng điều mà họ đã nhận ra là khi bạn để bộ não… đi chơi, nhất là ở vùng đồng quê, thì nhịp bước đều đặn của bạn, nhịp tim đập nhanh, mạnh cung cấp thêm oxy cho não, "bữa tiệc" cảnh sắc thanh bình, thoáng đãng mà đôi mắt, đôi tai và những giác quan khác đang tận hưởng… tất cả đều góp phần nâng cao khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Vì vậy nếu bạn đang cần giải quyết một khó khăn hay một công việc đòi hỏi sự sáng tạo, hãy dạo chơi rồi bạn sẽ tìm ra giải pháp! 5. Tinh thần sáng tạo trong cuộc sống thường nhật Hãy xác định những hoạt động mà bạn cho là sáng tạo và không sáng tạo trong cuộc sống của bạn. Sau khi hoàn tất, hãy đọc tiếp. Sáng tạo Không Sáng tạo Câu trả lời lý tưởng cho bài tập trên là tất cả những hoạt động sống hàng ngày của bạn thực chất đều rất sáng tạo và thú vị, tất thảy chúng đều có thể được cải thiện bằng cách áp dụng thêm các kỹ năng thuộc về não trái và não phải. Hãy xem xét những hoạt động sau đây, chúng đều được thực hiện với tinh thần sáng tạo: • Nấu ăn • Trang trí, sửa sang nhà cửa • Nhiếp ảnh • Làm vườn • Đọc Bản đồ và tìm đường • Đóng/sửa ồ gỗ • Cắm hoa • Dự tính các khoản chi tiêu cho sự kiện đặc biệt • Xây dựng mối quan hệ • Gói quà • Viết thư • Bày trí bàn ăn • Chăm sóc và huấn luyện thú cưng • Lên kế hoạch cho ngày nghỉ và các sự kiện đặc biệt • Lên kế hoạch cho các cuộc gặp • Chơi thể thao Trong sáng tạo, những điều bé nhỏ, những vật cỏn con tưởng chừng vô ích đôi khi lại có ý nghĩa lớn lao. Nhặt vỏ sò và những miếng gỗ trôi dạt trên biển để làm đồ trang trí trong nhà; chắp những mảnh vải vụn làm thành tấm chăn ắp; trang trí bàn ăn bằng cách đặt hoa trên dĩa của thực khách và sử dụng những vỏ sò nhặt được từ bãi biển làm chén đựng muối tiêu; mỗi tuần tìm một con đường khác để đến nơi làm việc… đều là những việc ít đòi hỏi công sức mà lại làm cho cuộc sống thêm thi vị. Những kỳ nghỉ, nhất là những ngày lễ/Tết, là cơ hội tuyệt vời để bạn thể hiện Trí tuệ Sáng tạo. Hãy biến chúng thành những bữa tiệc sáng tạo với tài hoa trang trí và khả năng pha trò của bạn. Hãy tự tay làm những tấm thiệp và quà tặng cho mọi người, hoặc là giúp bạn mình lên kế hoạch cho một bữa tiệc tối đặc biệt - cơ hội để bạn thể hiện mình là vô tận! 6. Nhóm các Nhà thông thái Mọi thiên tài sáng tạo đều có "người hùng" của riêng mình. Alexander Đại đế có người thầy là Aristotle; Julius Caesar có Alexander Đại đế; tất cả các thiên tài vĩ đại của Ý thời Phục hưng đều lấy các học giả thời kỳ Cổ đại làm hình tượng cho mình; Nữ hoàng Nga Catherine dùng hình tượng của Peter Đại đế để truyền cảm hứng cho bản thân; Isaac Newton có Socrates; Stephen Hawking có Isaac Newton v.v. Kỹ thuật mà các vĩ nhân sáng tạo sử dụng đó là thực hiện những cuộc đối thoại tưởng tượng với "người hùng" của mình để được khơi ý tưởng và được truyền cảm hứng. Không chỉ giúp đạt được những thành tựu rực rỡ về văn hóa và khoa học, chúng ta cũng có thể ứng dụng kỹ thuật tư duy sáng tạo này trong cuộc sống hàng ngày. Cá nhân tôi thấy rằng đây là một kỹ thuật vô cùng giá trị đối với cuộc sống của tôi, và tôi đã sử dụng nó thành công trong hơn 20 năm qua. Nó làm tôi trở nên vô cùng sáng tạo mỗi khi đứng trước bất cứ vấn đề hay cơ hội quan trọng nào. Tôi vận dụng kỹ thuật này như sau: khi đối mặt với những tình huống cần đến sự giúp đỡ từ nhóm các Nhà thông thái, tôi chọn ra những người phù hợp nhất cho tình huống này và tưởng tượng mỗi người sẽ cho tôi một lời khuyên để giành được lợi thế lớn nhất. Tôi lựa chọn các "anh hùng" dựa trên phương pháp sáng tạo độc đáo, sự nhiệt tâm và thành công đáng kinh ngạc của họ. Những điều này sẽ "thấu nhập" vào tôi và tiến trình tư duy sáng tạo của tôi. Các thành viên trong nhóm các Nhà thông thái mà tôi thường "nhờ" giúp đỡ là: • Leonardo da Vinci, Đầu tàu Sáng tạo, với sức sáng tạo và khả năng sáng chế vô hạn. • Nữ hoàng Elizabeth đi với khả năng vừa linh hoạt, vừa kiên định, vừa học hỏi với tốc độ đáng kinh ngạc để vượt qua những khó khăn không tưởng. • Đức Phật Thích Ca với sự giác ngộ sâu sắc về bản ngã và khả năng chịu đựng trước những đau khổ, mất mát tột cùng. • Mohammed Ali với sự sáng tạo hết sức độc đáo, đồng thời anh cũng dám đứng ra đại diện và bảo vệ cho một nhóm thiểu số. • Morihei Ueshiba, tổ sư sáng lập ra môn võ Aikido – trong môn võ này, các võ sinh được dạy cách hóa giải các thế tấn công để chúng trở nên vô hại, đồng thời họ vẫn đứng tấn vững vàng. • Và tất cả những người đã hỗ trợ cho sự ra đời của cuốn sách này! Sau khi đọc xong sách này, hãy chọn ra bốn hoặc năm vĩ nhân lịch sử để hình thành nhóm các Nhà thông thái của bạn. Bổ sung thêm vào danh sách này những thành viên trong gia đình hay những người bạn nào có khả năng tư duy, phân tích và sáng tạo mà bạn đặc biệt khâm phục, kính trọng. Mỗi khi đối diện trước khó khăn trở ngại, hãy thực hiện cuộc đối thoại tưởng tượng với các thiên tài, và hình dung xem họ sẽ cho bạn câu trả lời hoặc lời khuyên nào. Bạn sẽ ngạc nhiên (và đôi khi sửng sốt!) với kết quả diệu kỳ của cách làm này. 7. Trò chơi Tưởng tượng Sáng tạo của Einstein Hàng ngày hay hàng tuần, hãy chơi trò chơi Tưởng tượng Sáng tạo của Einstein. Chúng ta đã biết Einstein thường tự đặt ra cho bản thân những câu hỏi thú vị như thế nào rồi phải không? Ví dụ như là "Việc cưỡi trên một tia sáng và đi đến tận cùng Vũ trụ thì sẽ ra sao?", "Nếu tôi di chuyển ra khỏi một ai đó với tốc độ ánh sáng, thì liệu tôi có vô hình không?", hoặc "Ánh sáng có bị bẻ cong hay không? Nếu vậy, làm thế nào tôi có thể biết được vị trí của vật tôi đang nhìn thấy?". Sau khi đặt câu hỏi, ông để cho trí tưởng tượng của mình "nổi loạn" với tất cả các giải pháp có thể, cho dù chúng có quái lạ hay điên khùng đến thế nào đi nữa! Hãy thử áp dụng "trò chơi" này trong lĩnh vực bạn yêu thích, và xem bạn sẽ có những câu trả lời sáng tạo đến mức nào. 8. ĐÚNG trọng tâm Trong giáo dục, cũng như trong công việc, chúng ta có xu hướng chú trọng đến các kỹ năng thuộc bán cầu não trái, thậm chí lấy đó làm chuẩn để xem xét "kết nạp" thêm các kỹ năng não phải. Hãy nghĩ ra ba cách đưa các kỹ năng não phải vào cuộc sống hàng ngày để cuộc sống của bạn trở nên thú vị hơn, gặt hái được nhiều thành công mới. 9. Sử dụng cả hai bên cơ thể Não bộ được chia thành hai bán cầu: trái và phải. Mỗi bên bán cầu não có chức năng điều khiển các hoạt động ở phía bên kia của cơ thể – cụ thể là bán cầu não trái điều khiển nửa thân người bên phải, bán cầu não phải điều khiển nửa thân người bên trái. Bằng cách sử dụng hai bên của cơ thể, bạn sẽ dùng cả hai bán cầu não. Vì vậy, hãy sử dụng tay không thuận của bạn trong các hoạt động hàng ngày như: chải đầu, đánh răng, ăn cơm, gọi điện thoại, nấu ăn, viết lách v.v. 10. Ghi chú bằng Bản đồ Tư duy Ghi chú là một cách đặc biệt để não bộ tự giao tiếp với chính nó. Việc ghi chú sẽ giúp cho não bộ dễ dàng thâu tóm những ý tưởng sáng tạo, giải quyết vấn đề và tận dụng khả năng của trí nhớ, thay vì để chúng "trôi" vô định trong đầu. Hẳn là bạn sẽ thấy phân tâm như thế nào nếu không có sự hỗ trợ của giấy và bút chì. Khi ghi chú, hãy sử dụng các kỹ năng của cả não trái lẫn não phải, thêm vào màu sắc, hình ảnh, cách xếp đặt đầy sáng tạo... để thu hút sự chú ý. Kỹ thuật ghi chép này được gọi là Bản đồ Tư duy, và toàn bộ chủ đề này sẽ được giới thiệu đầy đủ trong chương tiếp theo. Chương 3 GIẢI PHÓNG SỨC SÁNG TẠO VÔ TẬN Hãy phóng thích trí óc bạn khỏi "ngục tù - sự thiếu sáng tạo". Có thể bạn không chú ý, nhưng tôi oan chắc đến 99% rằng trí não của bạn đã bị giam hãm trong "nhà tù" này ngay từ ngày đầu bạn cắp sách đến trường cho đến khi bạn đọc cuốn sách này. C ó đúng như vậy không? Hãy kiểm tra xem lâu nay bạn đã ghi chép theo cách nào? Có phải thế này không? Cách ghi chép truyền thống Nếu bạn thuộc vào nhóm hơn 99% dân số thế giới như tôi đã đề cập trước kia, thì đây là cách ghi chép của bạn: bạn sử dụng từ ở dạng cụm từ hoặc là câu; bạn "kể lể" ra hết mọi thứ; "cao cấp" hơn nữa là sử dụng cả con số lẫn chữ cái để diễn đạt suy nghĩ của bạn; bạn ghi chú theo kiểu "trút ổ" thông tin giống như cuốn sách hay cái loa; bạn viết trên những dòng kẻ thẳng thớm, dùng bút mực màu xanh, đen hoặc bút chì để ghi chép. Liệu có phải cách ghi chép xưa nay là lý do giải thích tại sao rất nhiều người trong chúng ta cảm thấy mình không sáng tạo như bản chất vốn có? Và liệu đây chính là lý do khiến cả thế giới đều hiểu nhầm bản chất của sự sáng tạo, rồi trách Tạo hóa thật bất công, không cho mình khả năng sáng tạo? Nào, hãy cùng xem xét kỹ điều này. Đầu tiên là màu mực ta thường dùng để ghi chép. Lý do ta dùng nó là vì ta được dạy phải làm như vậy. Ở trường học, chúng ta chỉ được phép sử dụng duy nhất một màu mực – hoặc xanh dương, hoặc đen! Ai không tuân thủ mệnh lệnh nghiêm khắc này thì sẽ bị phạt làm thêm bài tập! Não bộ của bạn "cảm thấy" thế nào với cách ghi chép như vậy? Xanh hay đen chỉ là một màu đơn sắc, nghĩa là các sóng ánh sáng của màu sắc đó truyền đến mắt bạn là như nhau. Vì vậy đối với trí não, một màu đơn sắc như xanh hay đen là một "tông" thông tin đơn lẻ. Nếu cái gì đó cứ đều đều, "một màu" thì thật là đơn điệu! Và cụm từ nào chúng ta thường dùng để diễn tả điều gì đó đơn điệu? "NHÀM CHÁN!" Khi nhàm chán thì não bộ sẽ làm gì? Hầu hết mọi người đều trả lời rằng: • Hết muốn nghe • Phân tâm • Mất hứng • Chuồn đi chỗ khác • Lim dim • Mơ màng • Buồn ngủ Tại sao điều này lại xảy ra? Hãy nghĩ về những cách bạn thường dùng để ghi chép: ngôn từ; liệt kê; con số; sắp xếp thứ tự; xâu chuỗi – đều là các kỹ năng thuộc về "não trái". Cho đến lúc này mọi thứ có vẻ vẫn ổn! Ở những dòng trống dưới đây, hãy liệt kê những kỹ năng "não phải" bạn thường sử dụng: Bạn đoán được rồi đấy – lý do mà tôi không chừa một dòng trống nào đơn giản vì câu trả lời là "không có gì cả"! Không hình ảnh, không màu sắc, không có bố cục trình bày! Nói cách khác, cách ghi chú truyền thống chỉ phát huy một phần nhỏ tác dụng! Cũng giống như việc chạy bằng một chân và một tay, rõ ràng là nếu chỉ sử dụng một nửa các kỹ năng đang có, chúng ta đang hoạt động với một hiệu suất tệ kinh khủng! Những dòng kẻ, những con chữ được viết đều tăm tắp trông chẳng khác nào những song sắt nhà tù đang giam giữ sự sáng tạo của chúng ta. Nào, chúng ta hãy cùng khám phá điều gì sẽ xảy ra khi để cho não bộ được mặc sức thể hiện ý tưởng theo cách tư duy phù hợp của nó. Tư duy phát tỏa và bằng chứng về tiềm năng sáng tạo vô hạn của bạn Không giống như máy tính, bộ não không tư duy theo trật tự tuyến tính mà nó tư duy theo kiểu phát tỏa và bùng nổ, giống như hình dưới đây: Để mô tả tư duy phát tỏa hoạt động như thế nào, hãy cùng chơi Trò chơi Tư duy Sáng tạo và Phát tỏa sau đây. Trò chơi này sẽ thay đổi cách tư duy của bạn mãi mãi! Ở hình dưới, bạn sẽ thấy từ "VUI" được viết cách điệu trông như gương mặt cười. Từ khuôn mặt đó, có năm nhánh tỏa ra. Từ mỗi nhánh lớn lại tỏa ra năm nhánh "con" nữa. Trò chơi được tiến hành như sau: • Trên năm nhánh chính, hãy viết ra năm từ/cụm từ đầu tiên lóe lên trong đầu bạn khi nghĩ đến khái niệm "VUI" – mỗi nhánh một từ. • Trên những nhánh "con", viết ra năm từ/cụm từ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí khi nghĩ đến từ khóa của nhánh chính đó – mỗi nhánh một từ. • Khi đã điền xong các từ lên nhánh chính và tất cả những nhánh "con", xin mời bạn đọc tiếp. Bạn có làm được bài tập này không? Dĩ nhiên là được! Bài tập này đơn giản chứ? Quá đơn giản! Cách diễn đạt này hiệu quả và có ý nghĩa không? Tất nhiên là bạn hoàn toàn đồng ý với điều này! Những gì bạn vừa hoàn thành là một việc làm có ý nghĩa sâu sắc và có sức tác động sâu rộng. Từ chủ đề "VUI" ban đầu, bạn đã đưa ra năm ý tưởng chính, hiệu suất sáng tạo đã gia tăng 500%. Tiếp theo, bạn tìm thêm năm ý tưởng "con" hoàn toàn mới cho mỗi ý tưởng chính. Như vậy số ý tưởng tăng thêm 5 lần! Kết quả là, từ một ý tưởng, bạn đã tạo ra 30 ý tưởng khác mà chẳng tốn mấy thời gian. Bây giờ, hãy tự hỏi bản thân: "Liệu tôi có thể tạo ra thêm năm từ/ý tưởng nữa từ mỗi ý tưởng ‘con’?". Dĩ nhiên là được! Vậy là lại có thêm 125 ý tưởng "cháu"! Bạn có thể đưa ra 5 ý tưởng khác từ những ý tưởng "cháu" không? Một lần nữa, chắc chắn là được – vậy là lại có thêm 625 ý tưởng "chắt"! Số ý tưởng đã tăng 6250% so với ban đầu! Liệu bạn còn có thể tiếp tục tạo thêm những ý tưởng "chút", "chít"… khác không? Hoàn toàn được! Trong bao lâu? Mãi mãi! Bao nhiêu? Vô tận! Xin chúc mừng! Bạn vừa dùng kỹ thuật Bản đồ Tư duy (Mind-Map) cơ bản để chứng minh rằng tiềm năng sáng tạo của bạn là vô tận! Thông tin sau thậm chí còn hay ho hơn nữa! Trong Trò chơi Tư duy Sáng tạo và Phát tỏa vừa rồi, bạn vẫn chủ yếu dùng não trái. Giả như những khả năng diệu kỳ của não phải được thêm vào quá trình tư duy sáng tạo của bạn thì sẽ như thế nào? Từ Bản đồ Tư duy cơ bản ở trên, nếu bạn thêm vào chút màu sắc, hình ảnh, ký hiệu, cách sắp xếp không gian và đa dạng hóa kích thước một cách thông minh thì sao? Làm được như vậy, bạn sẽ giống như một vận động viên chạy bằng cả toàn thân, theo đó năng lực của bạn được nhân lên gấp nhiều lần. Cách thực hiện Bản đồ Tư duy sáng tạo Bạn vừa hoàn thành một Bản đồ Tư duy cơ bản. Việc tạo ra một Bản đồ Tư duy hoàn chỉnh cũng đơn giản, dễ dàng và thú vị: 1. Bắt đầu từ GIỮA tờ giấy trắng và ghi/vẽ dần ra phía lề. Vì sao? Để trí não được tự do sáng tạo, "phát tỏa" ý tưởng theo mọi hướng. 2. Vẽ một hình ảnh thể hiện ý tưởng chủ đạo. Vì sao? Bởi vì một hình ảnh có giá trị bằng một ngàn từ, tạo cảm giác thích thú khi nhìn và dễ tập trung hơn. 3. Sử dụng nhiều màu sắc. Vì sao? Bởi vì màu sắc có tác dụng kích thích Tư duy Sáng tạo, tác động đến trung tâm thị giác của não và thu hút mắt nhìn. 4. Liên kết các nhánh chính với hình ảnh trung tâm, liên kết các nhánh cấp 2 với nhánh cấp 1, nhánh cấp 3 với nhánh cấp 2 v.v. Vì sao? Bởi vì não bộ hoạt động dựa trên sự liên tưởng (xem thêm chương 8); nếu các nhánh được liên kết với nhau thì các ý tưởng sẽ liên kết với nhau trong não và khơi mào cho nhiều ý tưởng sáng tạo hơn nữa. 5. Vẽ các nhánh bằng nét cong, thay vì là các nét thẳng. Vì sao? Bởi vì một Bản đồ Tư duy sáng tạo với toàn là các đường thẳng sẽ trông rất cứng, thô và nhàm chán! Ngay cả trong tự nhiên cũng thế, những gì cong cong, uốn lượn bao giờ cũng hấp dẫn mắt nhìn và ghi sâu ấn tượng hơn cả. 6. Chỉ viết một từ/cụm từ ngắn trên mỗi dòng. Vì sao? Như bạn đã biết từ bài tập "VUI", mỗi từ hay hình ảnh đều tạo ra một "chùm" ý tưởng sáng tạo. Khi bạn sử dụng một từ/cụm từ ngắn, mỗi từ sẽ dễ dàng nảy sinh ra nhiều ý tưởng. Còn các cụm từ dài/câu có xu hướng "khoanh vùng" tư duy, giới hạn sự sáng tạo. 7. Sử dụng hình ảnh càng nhiều càng tốt. Vì sao? Bởi vì hình ảnh, biểu tượng và ký hiệu thì dễ nhớ hơn, có thể dẫn dắt đến những ý tưởng mới. Đến đây, bạn đã được trang bị tương đối đầy đủ kiến thức về cách lập Bản đồ Tư duy, một trong những công cụ tư duy sáng tạo hiệu quả nhất mà loài người từng biết đến. Trong cuốn sách nổi tiếng Cracking Creativity, Micheal Michalko đã mô tả Bản đồ Tư duy như là "cách sử dụng tổng thể não bộ để thay cho tư duy lối mòn". Ông đã nhấn mạnh nhiều lợi điểm của việc sử dụng Bản đồ Tư duy, bao gồm: • "Kích hoạt toàn bộ trí não" • "Giữ tâm trí rõ ràng, tư tưởng thông suốt" • "Giúp tập trung vào chủ đề" • "Cho phép bạn đi vào chi tiết, triển khai ý tưởng xoay quanh chủ đề chính" • "Thấy rõ mối liên hệ giữa các mẩu thông tin biệt lập" • "Cho bạn nhìn rõ từng chi tiết, cũng như cả bức tranh tổng thể" • "Trình bày sống động những gì bạn biết về chủ đề, để qua đó bạn dễ dàng phát hiện ra những ‘kẽ hở’, những thiếu sót của thông tin" • "Giúp bạn dễ xem xét, đối chiếu, rồi gộp nhóm các ý tưởng" • "Giữ cho luồng suy nghĩ được liên tục và đưa bạn tới gần giải pháp" • "Đòi hỏi bạn phải tập trung vào chủ đề để ghi nhớ thông tin lâu hơn" • "Có thể suy nghĩ theo bất kỳ chiều hướng nào và ‘bắt’ được ý tưởng từ mọi góc độ" Cách ghi chép của các bậc thiên tài Khi bạn bắt đầu lập Bản đồ Tư duy, bạn đã tham gia vào nhóm các thiên tài vĩ đại – những người từng vận dụng các yếu tố cơ bản của Bản đồ Tư duy (dùng hình minh họa thay cho từ ngữ, vẽ Cây Tư duy…) để diễn đạt ý tưởng, qua đó giúp bản thân họ và những người khác đột phá sức sáng tạo. Các thiên tài phải kể đến đó là: Leonardo da Vinci – được bầu chọn là Người có bộ óc vĩ đại nhất thiên niên kỷ Michelangelo – nhà điêu khắc và họa sĩ vĩ đại Charles Darwin – nhà sinh vật học xuất chúng Sir Isaac Newton – người đã khám phá ra định luật Vạn vật Hấp dẫn Albert Einstein – "cha đẻ" của thuyết Tương đối Sir Winston Churchill – nhà lãnh đạo, chính trị gia, đồng thời cũng là một tác gia lừng danh Pablo Picasso – người đã thay đổi bộ mặt của nền nghệ thuật thế kỷ 20 Thomas Edison – người phát minh ra bóng đèn dây tóc Galileo – giúp con người khám phá Vũ trụ từ những quan sát thiên văn của mình Richard Feynman – nhà khoa học đoạt giải Nobel Marie Curie – người đầu tiên nhận được hai giải Nobel Hóa học và Vật lý Martha Graham – biên đạo múa và là một vũ công kiệt xuất Ted Hughes – người đã đoạt giải Thi ca Anh Quốc (English Poet Laureate) và được vinh danh là nhà thơ xuất sắc nhất thế kỷ 20 Bạn đang có những "người bạn đồng hành" tốt đấy! Thật sự là rất nhiều người cho rằng thời kỳ Phục hưng ở Ý đã sản sinh ra rất nhiều thiên tài sáng tạo – những con người đã thoát ra khỏi "nhà tù - tư duy lối mòn". Họ có thể diễn đạt ý tưởng của mình, không chỉ bằng ngôn từ, mà còn bằng những ngôn ngữ mạnh hơn như: hình ảnh, họa tiết, mật mã, ký hiệu, biểu đồ v.v. Nhân vật lịch sử – Leonardo da Vinci Ông là một hình mẫu hoàn hảo trong việc sử dụng ngôn ngữ hình ảnh để sáng tạo và thể hiện hàng ngàn ý tưởng đột phá. Bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều từ những quyển sổ tay của ông. Leonardo dùng hình ảnh, biểu đồ, ký hiệu để "tóm bắt" các ý tưởng từ dòng thác ý nghĩ đang tuôn trào trong trí não ông và thể hiện chúng ra giấy. Những cuốn sổ tay của Leonardo là những cuốn sách thuộc hàng giá trị nhất thế giới nhờ vào các tuyệt phẩm sáng tạo chứa đựng trong đó. Trên hết, phần tinh túy nhất trong những cuốn sổ tay này chính là các hình ông vẽ. Chúng đã giúp ông đào sâu khám phá các ý tưởng thuộc mọi lĩnh vực từ nghệ thuật, sinh lý học, sinh vật học cho đến cơ khí, thủy động học. Đối với Leonardo, ngôn từ chỉ đứng vị trí thứ yếu so với ngôn ngữ hình ảnh. Ngôn từ được dùng để gọi tên, mô tả vắn tắt các ý tưởng và khám phá; trong khi đó, công cụ quan trọng hàng đầu cho tư duy sáng tạo của ông chính là ngôn ngữ hình ảnh. Nhân vật lịch sử – Galileo Galilei Galileo cũng là một thiên tài tư duy sáng tạo. Vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, ông đã làm nên một cuộc cách mạng trong khoa học bằng kỹ thuật ghi chép của mình. Trong khi những người đương thời dùng phương pháp truyền thống là ngôn từ và toán học để phân tích các vấn đề khoa học thì Galileo lại dùng hình minh họa để diễn đạt ý tưởng. Một điều thú vị là, cũng như Leonardo, Galileo cũng là người hay mơ mộng. Ông từng ngồi bất động chỉ để quan sát chiếc đèn treo trên Tháp Pisa đung đưa qua lại, và từ đó phát hiện ra rằng: dù biên độ dao động của chiếc đèn là bao nhiêu, thì thời gian để hoàn thành một chu kỳ dao động là như nhau. Quan sát này của ông đã dẫn đến sự ra đời của lý thuyết con lắc, sau đó được áp dụng vào việc phát triển đồng hồ quả lắc. Nhân vật lịch sử – Richard Feynman Richard Feynman là nhà vật lý từng đoạt giải Nobel. Khi còn trẻ, ông đã nhận ra rằng tưởng tượng là điều quan trọng nhất trong quá trình tư duy sáng tạo. Vì vậy ông thích chơi những trò chơi tưởng tượng và tự học vẽ. Cũng như Galileo, Feynman đã phá vỡ cách ghi chép truyền thống của những người đương thời và quyết định trình bày toàn bộ lý thuyết Lượng tử của trường điện từ, hay còn gọi là lý thuyết Điện động lực học lượng tử (QED, Quantum Electrodynamics) dưới dạng biểu đồ và hình vẽ. Cho đến tận ngày nay, giản đồ nổi tiếng của Feynman – mô tả sự tương tác lẫn nhau giữa các hạt tích điện – đã giúp các sinh viên trên toàn thế giới có thể hiểu, ghi nhớ, đưa ra ý tưởng mới trong lĩnh vực vật lý và khoa học tổng hợp. Feynman đồng thời cũng rất tự hào về những giản đồ mà ông vẽ trên chiếc xe của mình! Nhân vật lịch sử – Albert Einstein Albert Einstein, Bộ não của thế kỷ 20, cũng không chuộng cách ghi chép theo kiểu truyền thống – con số và ngôn từ. Giống như Leonardo và Galileo, ông tin rằng những công cụ này hữu ích nhưng không thật sự cần thiết, và rằng trí tưởng tượng thì quan trọng hơn rất nhiều. Quả thực, Einstein từng phát biểu rằng: "Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức, bởi lẽ trí tưởng tượng là vô hạn". Trong một bức thư gửi cho bạn của ông là Maurice Solovine, Einstein giải thích vấn đề khó khăn của ông khi sử dụng ngôn từ để trình bày các ý tưởng khoa học, bởi vì ông không tư duy theo những cách như vậy – ông tư duy bằng họa đồ. Nhân vật lịch sử – Charles Darwin Darwin là một người sử dụng Bản đồ Tư duy! Trong quá trình phát triển thuyết Tiến hóa, Charles Darwin đã phải làm một khối lượng công việc khổng lồ: khám phá thế giới tự nhiên; phân loại các giống loài và mối liên hệ giữa chúng; giải thích tính di truyền và biến dị trong tự nhiên; chứng minh khả năng gia tăng theo cấp số nhân số lượng cá thể và tính đa dạng của các giống loài. Ông đã làm điều đó như thế nào? Ông đã dùng Bản đồ Tư duy cơ bản! Darwin đã nghĩ ra dạng Bản đồ Tư duy cơ bản. Dạng bản đồ này rất giống một cái cây đâm cành tỏa nhánh – tương tự bài tập "VUI" bạn đã thực hiện. Darwin sử dụng dạng Bản đồ Tư duy cơ bản này để tập hợp, sắp xếp một lượng lớn dữ liệu và để thấy được mối quan hệ giữa chúng, từ đó rút ra những nhận thức mới. Chỉ trong15 tháng vẽ hình Cây Tư duy đầu tiên, Darwin đã tìm ra những luận điểm chính để xây dựng thuyết Tiến hóa. Sau khi được trang bị kiến thức về cách tư duy sáng tạo với Bản đồ Tư duy, bây giờ bạn đã sẵn sàng thực hiện những bài tập sáng tạo sau đây! Rèn luyện Trí tuệ Sáng tạo 1. Sử dụng màu sắc trong các ghi chép của bạn Luôn sử dụng màu sắc trong các ghi chép của bạn. Màu sắc làm cho các ghi chép trở nên thú vị hơn, kích thích tư duy sáng tạo và điểm tô thêm "sắc màu" cho cuộc đời bạn! 2. Hãy cứ mơ mộng! Mọi giấc mơ hay ước mơ đều sẽ "chắp cánh" cho sự sáng tạo bay cao. Hãy ghi lại (ưu tiên dạng Bản đồ Tư duy) các ý tưởng, hình ảnh từ những giấc mơ/ước mơ đẹp. Nó sẽ làm cho các ghi chép của bạn sống động, trực quan và nhiều màu sắc hơn. 3. Tư duy theo cách phát tỏa Mỗi tuần một lần, hãy chọn một từ hay khái niệm mà bạn thích và chơi trò chơi Tư duy Phát tỏa bằng Bản đồ Tư duy để củng cố các kỹ năng lập Bản đồ Tư duy của bạn. 4. Lập Bản đồ Tư duy Vẽ Bản đồ Tư duy vào bất cứ lúc nào bạn có một ý tưởng sáng tạo cần khám phá. Hãy thực hiện theo trình tự sau: • Nhanh chóng phác họa ra một Bản đồ Tư duy với những ý nghĩ bất chợt – giống như đã thực hiện với chủ đề "VUI". Thêm vào màu sắc, hình ảnh và các ý tưởng. Nên thực hiện nhanh phần này. • Hãy để bộ não thư giãn một chút, tự cho phép mình nghỉ ngơi ít nhất là 1 tiếng. • Quay lại với Bản đồ Tư duy và thêm vào bất kỳ ý tưởng mới nào. • Đọc thật kỹ Bản đồ Tư duy một lần nữa, tìm ra mối liên hệ giữa các ý tưởng (trên nhánh). • Liên kết các ý tưởng lại với nhau bằng ký hiệu/mật mã, màu sắc hoặc mũi tên. Ví dụ: trong Bản đồ Tư duy tóm tắt nội dung chương 3, ý tưởng "Ghi chú màu sắc" liên kết với ý tưởng "Ghi chú kích thích tư duy sáng tạo" bằng hình cầu vồng. • Tiếp tục xác định các liên kết quan trọng khác. • Lại nghỉ ngơi để não được thư giãn. • Đọc lại Bản đồ, xác định và đánh dấu bất cứ mối liên hệ mới nào vừa nhận ra. • Xem lại Bản đồ và đưa ra giải pháp. 5. Ghi chép dưới dạng Bản đồ Tư duy Một thiên tài sáng tạo vĩ đại khác cũng ghi chép dưới dạng Bản đồ Tư duy trực quan là Thomas Edison. Bản thân ông cũng học hỏi theo cách làm của Leonardo da Vinci! Edison đã có rất nhiều bằng sáng chế được công nhận – xuất phát từ mong ước sáng tạo đến cháy bỏng của ông. Edison cho rằng cách tốt nhất để thúc đẩy khả năng sáng tạo ở bản thân là noi gương theo người anh hùng của lòng ông, Leonardo. Edison tỉ mẩn và say mê ghi chép lại từng bước trong quá trình tư duy sáng tạo của mình bằng những hình minh họa trực quan. Cuối cùng, số lượng tài liệu ghi chép ông để lại lên đến 3.500 cuốn. 6. Sử dụng Bản đồ Tư duy như là một công cụ truyền đạt sáng tạo Nếu bạn có một bài diễn văn hay một buổi nói chuyện, hãy sử dụng Bản đồ Tư duy sáng tạo để diễn đạt thành công ý tưởng của bạn. Cho dù đó là bài cảm đơn ngắn sau buổi tiệc tối, buổi lễ, hay là một bài thuyết trình kinh doanh trang trọng thì Bản đồ Tư duy sáng tạo sẽ hiệu quả và ấn tượng hơn so với bài thuyết trình "chuẩn mực" theo lối mòn, buồn chán – vốn khiến nhiều người e ngại nói trước đám đông và người nghe cũng khiếp đảm với những buổi thuyết trình như vậy! Với Bản đồ Tư duy, bạn có thể giúp đầu óc (và cả bản thân) thảnh thơi hơn, nhanh chóng sắp xếp ý nghĩ theo trình tự hợp lý, ghi nhớ ý tưởng và hình ảnh chủ đạo, tất cả sẽ góp phần "bật sáng" trí tưởng tượng của bạn khi đứng dậy phát biểu. Bạn cảm thấy thoải mái, bình tĩnh hơn và nói năng lưu loát, tự nhiên hẳn – tất nhiên người nghe cũng thấy hào hứng! 7. Vẽ nên tương lai với Bản đồ Tư duy Hãy đặt một tấm ảnh hay biểu tượng của bạn ở vị trí trung tâm Bản đồ Tư duy và từ đó tỏa ra những nhánh chính với các chủ đề như: Kỹ năng, Học vấn, Du lịch, Gia đình, Việc làm, Tài sản, Sức khỏe, Bạn bè, Mục tiêu, Sở thích v.v. Trên Bản đồ, hãy vẽ ra một tương lai lý tưởng cho bạn – như thể có một vị Thần đèn đồng ý đáp đứng mọi điều ước của bạn. Sau khi đã hoàn thành, hãy tìm cách hiện thực hóa chúng với sự giúp đỡ của nhóm các Nhà thông thái. Nhiều người đã thử nghiệm phương pháp này và nhận thấy hiệu quả đáng kinh ngạc của nó. Chỉ trong vài năm áp dụng, đến 80% kế hoạch của họ được hoàn thành. 8. Tạo một Bản đồ Tư duy chỉ toàn hình ảnh Hãy tạo một Bản đồ Tư duy mà không sử dụng một từ nào hết, chỉ toàn hình ảnh! Não bộ của bạn sẽ liên kết, liên tưởng đến rất nhiều điều khi chỉ làm việc với hình ảnh. Bạn sẽ ngạc nhiên với những liên kết/liên tưởng mới mẻ và sáng tạo về chủ đề đang được khám phá. (Hãy thực hành thử bài tập này, nhất là sau khi đọc xong chương 4 và người "họa sĩ" sáng tạo trong bạn đã được "giải phóng"!) 9. Đặt ra những quy tắc về màu sắc cho Bản đồ Tư duy Đề ra những quy tắc sử dụng màu sắc, bố cục để thể hiện các liên kết, yếu tố thời gian, suy nghĩ, con người, hành động, sự khẩn cấp v.v. trên Bản đồ Tư duy của bạn. 10. Nhận ra sự hữu ích của Bản đồ Tư duy trong cuộc sống Bản đồ Tư duy có thể hỗ trợ bạn ở nhà, tại cơ quan, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Cứ tiếp tục xây dựng và mở rộng Bản đồ bằng cách thêm vào các ý tưởng mới. Chương 4 BẠN LÀ MỘT HỌA SĨ SÁNG TẠO Mỗi người đều là một nghệ sĩ bẩm sinh! T hế thì sao có đến 95% người trên thế giới tin rằng họ không thực sự sáng tạo hay có khiếu nghệ thuật, trong khi đó các nghệ sĩ – chỉ chiếm phần thiểu số – lại được "thiên phú" những khả năng tuyệt vời? Tôi đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát về hiện tượng này trên khắp thế giới và phát hiện một số kết quả đáng ngạc nhiên: thứ nhất, dù quốc tịch, sắc tộc, tuổi tác hay giới tính của người tham gia khảo sát là gì thì kết quả vẫn như nhau; thứ hai, câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất đều luôn hợp lý hoặc… luôn sai lầm! Câu hỏi dành cho những đối tượng thuộc nhóm 95% luôn cảm thấy mình không được phú cho năng khiếu vẽ vời là: "Sao bạn biết rằng bạn không có khả năng đặc biệt đó?". Bạn biết ấy, câu trả lời quen thuộc là họ đã cố gắng nhưng thất bại, và điều này chứng minh rằng họ đã không được ban tặng khả năng đó. Thực ra, điều được chứng minh ở đây chính là nỗ lực đầu tiên của họ không mang lại kết quả như mong muốn, vì thế họ phải tiếp tục nỗ lực và cũng cần được hướng dẫn cho cách thực hiện lại lần nữa. Vậy nên chẳng thể trách vì sao bạn rơi vào tình trạng giống như câu chuyện sau: "Cái chết" của người họa sĩ Hãy cố nhớ lại khoảng thời gian bạn lên ba, vào những ngày đầu tiên đi học. Đó là một ngày mùa thu yên ả, giáo viên bước vào lớp và hào hứng thông báo hôm nay là giờ học vẽ đầu tiên. Bạn rất náo nức bởi trong đầu bạn tràn ngập những hình ảnh tuyệt diệu và bạn mong muốn được diễn tả chúng ra giấy. Trong tay bạn có rất nhiều bút chì màu để bạn tha hồ vẽ nên tuyệt tác đầu đời! Và giáo viên lại hào hứng: "Các em sẵn sàng chưa? Cô muốn các em vẽ một chiếc máy bay". Trong tâm trí bạn khi đó, hình ảnh chiếc máy bay hiện ra khá rõ ràng, nhưng kỹ thuật để biến hình ảnh trong đầu thành tác phẩm hiện hữu trên giấy quả thật rất khó. Ở giai đoạn này, bạn, một đứa trẻ mới lên ba, sẽ làm gì với mớ giấy viết trong tay? Hẳn nhiên là bạn sẽ nhìn quanh xem những đứa trẻ khác đang vẽ gì. Cô giáo sẽ nói gì với bạn khi cô đi quan sát xung quanh? "Đừng nhìn bài bạn khác! Đó là gian lận!" Trong quá trình khảo sát, tôi và đồng nghiệp của mình nhận thấy mọi người hầu như đều có trải nghiệm này. Hãy suy ngẫm về những gì thực sự xảy đến với bạn ở giai đoạn này. Điều đó cũng tương tự như khi bố mẹ bạn khao khát, mong chờ giây phút bạn cất tiếng nói đầu tiên, nhưng khi bạn vừa bập bẹ "Ma… Ma…" thì họ phản đứng là: "Bố mẹ biết thế nào con cũng gian lận! Đừng sử dụng ngôn ngữ của bố mẹ, hãy tự sáng tạo ra ngôn ngữ của chính mình đi!". Dĩ nhiên không bậc cha mẹ nào nói ra những điều như thế. Vì sao? Bởi bằng trực giác, chúng ta đều hiểu rằng ban đầu, bộ não chúng ta học bằng cách bắt chước. Bắt chước chính là công cụ quan trọng nhất trong bất kỳ loại hình học tập nào. Đó là cách bộ não tiếp thu những kiến thức cơ bản nhất, rồi dựa theo đó kết hợp với tính sáng tạo độc đáo của chính bạn. Điều này đúng trong lĩnh vực nghệ thuật, cũng như lĩnh vực ngôn ngữ. Bây giờ hãy trở lại giờ học vẽ đầu tiên, thời điểm giáo viên vừa mới "tước mất" kỹ thuật học tập chủ yếu của bạn. Chán nản! Bạn cố gắng trong vô vọng cho đến khi hết giờ. Khi đã "hoàn thành" xong tác phẩm của mình, bạn được phép nhìn quanh. Và bạn thấy những gì? Toàn những bức vẽ máy bay đẹp hơn bức vẽ của bạn! Trớ trêu là hầu hết trẻ con trong căn phòng ấy đều thấy những chiếc máy bay của bạn mình đẹp hơn, bởi lẽ chúng nhìn vào phần xấu nhất trong bức vẽ của mình và phần đẹp nhất trong bức vẽ của bạn khác. Những người bạn cùng lớp có thể đến và giúp bạn nhận ra rằng bức tranh của bạn không phải là một tuyệt tác mà bạn từng mơ; còn người bạn "ít thân thiện hơn" thì nói những điều đại loại như là: "Chiếc máy bay này không đẹp lắm bởi nó không có cánh!". Nỗi đau và sự xấu hổ bắt đầu có tác động, và khiếu sáng tạo của bạn bắt đầu lụi tàn khi chỉ vừa nảy nở. Rồi nỗi đau cứ tiếp nối nỗi đau! Trên bức tường phòng học suốt hai tuần sau đó, chiếc máy bay bé nhỏ của bạn không bao giờ có cơ hội xuất hiện. Và bạn bị quở trách vì thành tích tệ hại này, hoặc (kinh khủng hơn) chiếc máy bay của bạn lọt thỏm giữa những chiếc được cho là đẹp hơn, và bạn phải nhìn ngắm những thứ đáng nguyền rủa này trong suốt hai tuần. Sự hiện diện của nó như là lời nhắc nhở về sự kém cỏi, thất bại của bạn, và rằng giấc mơ tuyệt vời của bạn sẽ không thể trở thành hiện thực. Một khoảng thời gian sau, giáo viên lại vào lớp và thông báo: "Các em ơi, hôm nay chúng ta tiếp tục học vẽ!". Khi đó, bộ não bạn nói gì? "Không đời nào!!!" Bộ não của bạn sẽ quyết định thà búng giấy vào những đứa vẽ đẹp, rủ các bạn chơi trò truyền thư, hoặc nhìn ngắm thế giới tuyệt vời, đầy tính sáng tạo và nghệ thuật ngoài cửa sổ, thả hồn theo trí tưởng tượng, còn hơn là tham gia vào giờ học vẽ. Bộ não của bạn không muốn học vẽ. Vì sao? Vì nó đã tự chứng minh được rằng học vẽ là điều không thể. Từ thời điểm ấy, bạn, người họa sĩ sáng tạo bẩm sinh, bắt đầu lẩn trốn, không bao giờ muốn chứng kiến giấc mơ tuyệt vời của mình bị "nhàu nát" thêm một lần nào nữa. "Người họa sĩ" bên trong bạn có thể đã "mai danh ẩn tích", nhưng giấc mơ vẫn còn đó. Nó hoàn toàn có thể xuất hiện trở lại! "Sự hồi sinh" của người họa sĩ Lúc ba tuổi, tất cả những gì bạn cần chính là ai đó hãy nói với bạn rằng: "Chiếc máy bay nhỏ này trông thật thú vị! Con có muốn vẽ một chiếc khác và gắn thêm hai cái cánh vào không?". Hẳn là bạn sẽ đáp ngay: "Dạ muốn!". Người giáo viên lý tưởng sẽ nói: "À, vậy thì những gì con cần làm là vẽ hai đường thẳng ở đây, hai đường nữa ở kia, thế là con đã có hai cánh máy bay rồi. Nếu con muốn vẽ thêm nhiều chiếc máy bay tân tiến và đẹp hơn, con hãy đến vẽ cùng bạn Charley. Bạn ấy đã tự vẽ được nhiều chiếc máy bay rất tuyệt vời, bạn ấy sẽ chỉ cho con cách vẽ". Nếu giáo viên sử dụng phương pháp giảng dạy này, hẳn bạn đã học được bài học vẽ cơ bản nhất, đơn giản nhất; và biết đâu hiện tại bạn đang là một họa sĩ sáng tạo tài ba! Phần còn lại của chương này sẽ giúp bạn thắp lại giấc mơ đã tắt và thực hiện những điều khiến gia đình, bạn bè và chính bản thân bạn cũng phải kinh ngạc. Trò chơi Nghệ thuật sáng tạo 1 – Đạt được điều không thể! Trong bài tập sáng tạo này, tôi sẽ cùng bạn trở lại thời điểm bạn lên ba để giúp bạn gầy dựng lại sự nghiệp nghệ thuật. Để sự khởi đầu này hoàn toàn tươi mới, bạn chỉ được sử dụng bàn tay không thuận. Vì sao? Do chưa từng vẽ bằng tay này nên bạn sẽ có một sự khởi đầu thuần khiết nhất. Đây là bài tập của chúng ta: Ở trang sau, bạn sẽ thấy có rất nhiều ô vuông, mỗi ô đều được đánh dấu bằng một ký tự và một con số, mỗi ô đều đã có sẵn vài nét vẽ với độ dài và góc vẽ khác nhau. Trang bên cạnh là một khung được đánh dấu từ A đến G (cho cột) và ánh số từ 1 đến 7 (cho hàng). Nhiệm vụ của bạn là dùng tay không thuận của mình vẽ lại những đường nét trong các ô vuông ở trang 64 vào đúng ô vuông trống này. Khi đã vẽ xong, bạn hãy nhanh chóng kiểm tra từng ô một lần nữa để đảm bảo tác phẩm đã hoàn chỉnh – đến mức có thể. Sau đó, lật ngược quyển sách lại để xem bạn đã sáng tạo ra "cái" gì! Hãy ghi nhận phản đứng của bạn. Rõ ràng bạn là một thiên tài sáng tạo?!! Với bàn tay không thuận,"yếu uối" như thế mà bạn đã vẽ ra được bức chân dung thiên tài sáng tạo vĩ đại nhất thiên niên kỷ, Leonardo da Vinci! Sao bạn làm được như thế? Cũng đơn giản thôi, bộ não của bạn đã sử dụng một phương pháp mà bạn chưa hề biết nhưng lại là năng khiếu thiên bẩm của tất cả nghệ sĩ (giống như bạn) cũng như của tất cả những người tư duy sáng tạo (giống như bạn luôn!). Phương pháp này giúp cho đôi mắt và bộ não phối hợp với nhau, theo đúng chức năng vốn có của chúng. Khi bộ não được tạo điều kiện thực hiện điều này một cách khách quan mà không bị chi phối bởi những ý nghĩ như: "Tôi không thể làm việc này","Tôi không có khiếu nghệ thuật","Phải có cảm xúc thì mới sáng tác nghệ thuật được","Tôi vẽ chẳng ra hồn gì cả"..., nó sẽ nhìn nhận, đánh giá, phản ánh mọi việc một cách tinh khôi và nhờ đó có thể vẽ ra một cách tự nhiên. Bức chân dung bạn vừa hoàn thành chính là bức vẽ đầu tiên bạn thực hiện với bàn tay không thuận. Thử tưởng tượng xem, trình độ nghệ thuật của bạn sẽ gia tăng đến đâu nếu như bạn rèn luyện trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng hay nhiều năm, chỉ cần bạn vượt qua được những rào cản đầu tiên! Bí quyết của những người vĩ đại Bây giờ, hãy sẵn sàng cho một điều kinh ngạc tiếp theo... bí quyết thành công của Michelangelo và Leonardo da Vinci! Họ cũng từng thực hiện hệt như những gì bạn vừa làm. Cách họ vẽ là quan sát trước, sau đó ánh số và đo lường. Hãy xem hai bức hình minh họa ở đây. Hình đầu tiên là bức vẽ tuyệt vời của Michelangelo về một vận động viên. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy ở góc dưới bên phải và bên trái có hàng loạt đường kẻ, vệt đánh dấu và con số. Đây là cách Michelangelo quan sát cơ thể con người dưới góc độ một nhà khoa học, đo lường tỷ lệ giữa các phần trên cơ thể, vạch đường kẻ và đánh số, rồi " điền vào" chỗ trống. Bức vẽ thứ hai là bức phác họa của Leonardo, trong đó phương pháp ông dùng để vẽ chú ngựa (như trong hình) được minh họa rõ ràng hơn. Leonardo chia cặp chân ngựa ra thành nhiều phần và chia thân ngựa ra thành nhiều hình khối cơ bản, sau đó ông mới "gọt" lại đường nét theo dáng dấp con ngựa. Giống như Michelangelo, Leonardo cũng quan sát thế giới tự nhiên như là một nhà khoa học, sử dụng năng lực quan sát thiên bẩm để cho ra đời những tác phẩm mà ngày nay được xem là tuyệt tác của nhân loại. Cả Michelangelo và Leonardo đều chủ động phát triển năng lực quan sát và "vẽ bằng các con số" của mình! Tất cả những họa sĩ vĩ đại đều không phải hứng đâu vẽ đó. Đầu tiên họ quan sát rất kỹ những gì muốn vẽ, sau đó họ phân tích và đo lường, rồi "sao chép" lại bằng con mắt trí tuệ và tái hiện nó lên trang giấy. Quả thực, Leonardo thích mọi người xem ông như một "nhà sao chép thế giới tự nhiên" hơn là một "họa sĩ" siêu phàm. Trong phần Rèn luyện Trí tuệ Sáng tạo, bạn sẽ có cơ hội phát triển những kỹ năng mới khám phá của mình, còn bây giờ hãy chuyển sang một khám phá thú vị khác: Bạn là một họa sĩ xuất chúng, vì vậy mà bạn không thể KHÔNG BIẾT vẽ! Trò chơi Nghệ thuật sáng tạo 2 Trong trò chơi sáng tạo này, đã có sẵn một số đường nét, hình khối cơ bản (mũi tên, hình bầu dục, hình tam giác, hình vuông…), giống như những khối đồ chơi xây dựng bằng gỗ của trẻ con, để bạn thỏa sức vẽ. Bạn có thể vẽ thêm lên các hình khối/ đường nét cho đến khi nhìn thấy một hình thù nào đó xuất hiện. Khi thực hiện bài tập này, bạn đang cho phép bộ não sử dụng khả năng tuyệt diệu của nó, cũng giống như lúc bạn nhìn ngắm mây trời, rặng núi, vân gỗ, tảng đá, đám lửa bập bùng… và thấy hình thù các con vật, quái thú, gương mặt người… Phần những hình khối được vẽ thêm (b) là ví dụ về những hình dạng cơ bản đã được thêm thắt vào một số chi tiết. Nếu muốn, bạn có thể thêm thắt bất kỳ chi tiết nào cho hình khối, hoặc chuyển đến trang 75 để xem các họa sĩ đã "biến hóa" ra sao với những hình khối cơ bản ấy. Đôi khi hình ảnh cuối cùng sẽ xuất hiện khi bạn xoay dọc xoay ngang trang sách, nhìn từ nhiều góc cạnh khác nhau. Đến đây, bạn đã biết được rằng bạn vốn rất sáng tạo và là một họa sĩ, thậm chí bạn còn có thể vẽ bằng bàn tay mà trước nay chưa từng được sử dụng cho việc vẽ vời. Đồng thời bạn cũng được tiết lộ bí quyết thành công của những nhà sáng tạo nghệ thuật vĩ đại nhất mọi thời đại (qua trò chơi 1), bên cạnh những công cụ cơ bản (các hình khối) để mở rộng khả năng sáng tạo nghệ thuật vô tận của mình. Rèn luyện Trí tuệ Sáng tạo 1. Vẽ nguệch ngoạc Lấy một tờ giấy trắng, vẽ nguệch ngoạc với các hình khối cơ bản (trong Trò chơi Nghệ thuật sáng tạo 2) cho đến khi chúng ra hình ra dáng. 2. Học bí quyết đo đạc của người họa sĩ sáng tạo Bạn đã bao giờ chú ý quan sát cách làm việc của những họa sĩ thực thụ chưa? Họ thường thực hiện những điều trông có vẻ rất lập dị như: giữ bút chì hoặc cọ vẽ trong không trung, giữ cánh tay thẳng, rồi di chuyển cánh tay đó. Nếu chưa từng để ý đến thì bạn sắp sửa khám phá ra bí quyết giúp họ trở thành những danh họa vĩ đại rồi ấy. Những bí quyết này cũng sẽ giúp bạn phát triển trí tuệ sáng tạo. Khi bạn đang đứng trước đám đông, với nhiều người đứng rải rác ở những khoảng cách khác nhau, hãy lấy bút chì hoặc bút bi ra, duỗi thẳng tay và dùng nó để đo kích thước đầu của những người trước mặt bạn. Trước khi đo, hãy ước tính đầu của họ chiếm tỉ lệ bao nhiêu so với độ dài chiếc bút. Và đây là cách thực hiện: điều chỉnh sao cho đỉnh cây bút chì nằm ngang đỉnh đầu người trước mặt. Sau đó, từ từ trượt ngón tay cái xuống cho đến khi đầu ngón tay cái nằm ngang cằm người ấy. Như tôi đã nói, hãy thực hành cách này với những người ở gần và ở xa bạn. Kết quả của bài tập này là bạn sẽ có một công cụ quan sát đầy sáng tạo nhưng vẫn có tính nghệ thuật và khoa học, điều mà các thiên tài ở châu Á, Ấn Độ, Trung Đông và Hy Lạp chưa từng biết tới bởi nó chỉ mới xuất hiện cách nay khoảng 600 năm, là khám phá của các thiên tài sáng tạo thời kỳ Phục hưng ở Ý. 3. Bạn có thể vẽ biếm họa không? Dĩ nhiên là được. Sau đây là một số hình biếm họa thể hiện sắc thái cảm xúc của con người. Bạn chỉ cần vẽ lại – nhớ đo đạc và đối chiếu cho cẩn thận. Nếu có hình nào chưa vừa ý, bạn đừng vội xóa đi – hãy giữ lại để so sánh với những lần vẽ sau và vẽ lại lần nữa với "mớ" kinh nghiệm đã tích lũy được sau vài tuần. 4. Luyện tập! Hãy tập vẽ bằng bàn tay "kia". Sử dụng cả hai tay (cho đến khi thành hai tay thuận) là một phương pháp hiệu quả để tăng khả năng sáng tạo. Và cũng hãy sử dụng bộ hình khối cơ bản để thực tập. Mỗi tuần một lần, dành ra 5 – 10 phút để vẽ nguệch ngoạc với các hình khối cơ bản, qua đó giúp duy trì năng lực sáng tạo nghệ thuật của bạn. 5. Tham gia một lớp học vẽ Giờ đây,"sự nghiệp" hội họa của bạn đã được khởi động lại. Hãy tìm đọc những quyển sách hướng dẫn hội họa và cân nhắc đến việc tham gia một lớp học vẽ hoặc dành ra một kỳ nghỉ để sáng tác nghệ thuật. Những cách làm này đều giúp bạn thêm thư thái và mang lại nhiều cảm hứng. 6. Tham quan triển lãm tranh Với vốn kiến thức "khoa học về hội họa" vừa được trang bị, bạn hãy tham quan các triển lãm tranh, bảo tàng và chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật bằng cái nhìn mới. Đó là tác phẩm của những người có khả năng vẽ cũng giống như bạn thôi, nhưng điều khác biệt là họ có cơ hội được giáo viên trực tiếp chỉ dẫn cho những kỹ thuật mà bạn vừa học được. Họ học theo người thầy ấy, và cả những bậc thầy vĩ đại trước đó. Bạn cũng có thể học hỏi giống như vậy! 7. Học cách quan sát Bất kể khi nào Michelangelo hay Leonardo đi dạo, họ cũng đặc biệt tìm kiếm những gương mặt thú vị hoặc xinh đẹp, những vật thể phi thường trong thiên nhiên, hoặc những tòa nhà cổ kính... Khi bắt gặp điều gì thú vị, họ sẽ quan sát nó, sau đó nhắm mắt lại và cố "phác họa" nó trong đầu, rồi họ lại quan sát. Ở lần quan sát thứ hai, họ sẽ kết hợp ký ức về những gì đã nhìn thấy và thực tại. Họ lặp lại hành động này cho đến khi ký ức của họ hầu như hoàn toàn tương đồng với điều đang trông thấy trước mắt, đến nỗi không thể phân biệt được lúc đó họ đang nhắm hay mở mắt nữa. Sau khi đã nhìn ngắm (và ghi nhớ) vật thể khiến họ chú ý, họ quay trở về xưởng vẽ và họa (ghi nhận) lại. Đây là một trò chơi vô cùng thú vị dành cho bạn. Nếu thường xuyên luyện tập, bạn sẽ nhận thấy khả năng hội họa, cũng như khả năng quan sát và ghi nhớ của bạn, sẽ được cải thiện đáng kể. 8. Nuôi dưỡng khả năng sáng tạo Tham gia các lớp hội họa, nghiên cứu các sách báo và quan trọng hơn hết là hãy mua một quyển sổ tay để ghi lại các ý tưởng sáng tạo càng trực quan, sinh động càng tốt. Đây là cách mà hai thiên tài Edison và Leonardo từng làm. 9. Hãy chú ý quan sát! Nếu còn hoài nghi về khả năng sáng tạo của bạn, hãy lục tìm trong ký ức những hình ảnh đẹp, ngoạn mục mà bạn từng thấy. Hoặc bạn hãy tích cực quan sát xung quanh. Vì chúng ta sử dụng đôi mắt để nhìn, và vì thực tại thì ở "ngoài kia" nên khi quan sát, ta thường cho rằng đối tượng hoàn toàn ở ngoài kia và hiện thời ta đang nhìn thấy nó. Thế nhưng, nếu thực tại chỉ đơn thuần "ở ngoài kia" thì nó thâm nhập vào đầu ta bằng cách nào? Điều thực sự diễn ra với đôi mắt kỳ diệu của chúng ta đó là cứ mỗi giây, hơn 260 triệu tế bào nhạy cảm với ánh sáng ghi nhận hàng tỷ tỷ hạt ánh sáng (pho- ton ánh sáng), chuyển hình ảnh (dưới dạng xung động thần kinh) đến tế bào thần kinh thị giác nằm ở phần sau não bộ, và tại đây thế giới bên ngoài sẽ được tái hiện trong đầu bạn. Nói cách khác, trừ khi bạn ngủ, nếu không thì vị "họa sư" bậc thầy trong bộ não lúc nào cũng vẽ nên những bức họa hoàn hảo đúng với thực tế khiến bạn không khỏi thán phục. Mỗi khi nhìn thấy một gương mặt đẹp, ánh hoàng hôn, trăng khuya, bông hoa, động vật, chim muông… bạn đều có thể tái hiện chúng một cách hoàn hảo trong bộ não của mình. Bạn đã vẽ nên hàng tỷ tuyệt tác rồi ấy, bạn của tôi ơi! Đôi tay bạn chỉ muốn tạo ra những điều thú vị cho chính mình. Vậy tại sao bạn lại ngăn cản chúng? Chương 5 BẠN LÀ MỘT NHẠC SĨ SÁNG TẠO Trong chương này, bạn sẽ khám phá ra nguyên do vì sao hầu hết mọi người đều tin rằng họ không có khiếu sáng tác âm nhạc và không thể hát. Bạn sẽ học hỏi từ những nhạc sĩ đại tài, những chú chim và khám phá ra rằng từ bấy đến giờ bạn đã và đang chơi hai loại "nhạc cụ" vô cùng phức tạp. Vì vậy, bạn đã sáng tác ra hàng nghìn "bản nhạc" ấy chứ! Không chỉ có thế, trong phần Rèn luyện Trí tuệ Sáng tạo, bạn sẽ học cách phát triển những năng lực tuyệt vời này – vốn dĩ bạn đã có. V ì sao khi nói đến khái niệm nghệ thuật sáng tạo thì 95% người được khảo sát trên khắp thế giới đều cho rằng họ " đã biết" là họ không có khiếu âm nhạc; chỉ có số ít người như những nhạc sĩ, nhạc công mới được phú cho khả năng diệu kỳ ấy. Giống như hội họa, nhiều người cũng từng thử sáng tác nhạc, và rồi thất bại! Nhưng thực tế thì họ có thất bại không? Hay chỉ là do họ không được biết bí quyết sáng tác âm nhạc một cách tự nhiên? Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách sáng tác âm nhạc của loài chim! Loài chim học hót như thế nào? Đầu thế kỷ trước, Suzuki, một thiên tài âm nhạc trẻ tuổi người Nhật, tò mò về cách những chú chim non học hót. Ở Ở Nhật, hàng triệu người sở hữu những bản ghi âm tiếng chim hót, vì vậy đây là một nhu cầu thực sự lớn. Suzuki cho rằng một trong những nơi tốt nhất để học cách soạn một bản nhạc tiếng chim là trang trại nuôi chim, nơi hàng vạn chú chim được ấp nở. Suzuki ngạc nhiên khi thấy những chú chim non không tự nhiên mà có khả năng hót. Người ta đặt một con chim đóng vai trò là "thầy dạy hót" trong chuồng. Đám chim non lắng nghe và hót theo con chim này. Và sau hàng trăm lần hót theo, những chú chim non đã có thể hót như chú chim trưởng thành kia. Nói cách khác, cũng giống như trong hội họa, những chú chim non hót được không phải nhờ vào một phép màu nào mà nhờ học theo con chim hót hay nhất và không ngừng thực tập hàng nghìn lần trước khi bản thân chúng tinh thông toàn bộ kỹ thuật hót. Suzuki phát hiện ra một sự thật không chỉ đúng với cơ chế vận hành não bộ của những chú chim non, mà còn đúng với cả con người và các loài khác: ca hát và sáng tác âm nhạc là những kỹ năng có thể đạt được bằng cách học theo người giỏi nhất và không ngừng tập luyện cho đến khi hoàn hảo. Sau khi đã được trang bị kiến thức mới này, chúng ta hãy nhìn lại những sự kiện tiêu biểu đã diễn ra khi bạn (những thiên tài âm nhạc chưa thành) vừa mới chập chững bước vào "con đường" sáng tác. "Cái chết" của người nhạc sĩ Một lần nữa, hãy nhớ lại hồi bạn học mẫu giáo. Ngày xửa ngày xưa… vào một ngày xuân tươi đẹp, bạn đang chơi ùa cùng bạn bè trong công viên đầy sắc hoa, điểm xuyết bằng các hố cát, xích đu, cầu tuột và những thứ dành cho trẻ con. Quanh bạn, mọi người đang dắt chó đi dạo, gặp gỡ bạn bè và tận hưởng vẻ đẹp của mùa xuân. Vẻ đẹp của thiên nhiên, sự khoáng đãng của môi trường xung quanh khiến bạn ngập tràn niềm vui, bạn và bạn bè của bạn nô đùa thỏa thích, rồi bắt đầu thử nghiệm một loại nhạc cụ tuyệt vời: giọng hát. Từng người trong nhóm thi nhau chạm đến những nốt cao hơn cả khả năng của ca sĩ opera, tìm cách hát cho thật to với nhiều nốt trầm bổng khác nhau. Đang giữa lúc cảm hứng âm nhạc dâng cao, đến những chú chó cũng nhiệt tình hưởng ứng thì bố mẹ bạn, hoặc bố mẹ của các bạn kia đi đến và bảo các bạn đừng la đó, hét hò, đừng làm phiền người khác nữa! Từ đó, bạn hiểu rằng việc thử nghiệm chất giọng của mình và khám phá những nốt cao hóa ra lại là một việc làm không hay, gây phản cảm. Khi đến tuổi cắp sách đến trường, đang lúc cắm cúi làm bài tập trong lớp thì bạn lại "xuất thần" ngâm nga và buột miệng cất tiếng hát. Ngay lập tức bạn được yêu cầu thôi làm ồn, phải giữ im lặng trong lớp. Thế là bạn tiếp tục nhận ra rằng âm nhạc cần phải được tách khỏi học tập và năng suất làm việc. Vài năm sau, khi nỗi sợ sử dụng chất giọng của bạn lớn hơn bất kỳ điều gì khác, thì bạn lại phải thực hiện bài kiểm tra trong lớp nhạc. Đứng giữa lớp, bạn là trung tâm hứng lấy mọi ánh nhìn. Với cổ và cơ họng căng cứng, miệng khô ran vì quá sợ, bạn phải lặp lại đúng theo nốt nhạc phát ra từ chiếc đàn dương cầm. Bạn chỉ thực hiện được một nốt… gần đúng. Và thế là trong sổ điểm, trường hợp của bạn được ghi nhận là chưa đủ tốt, chất giọng của bạn chưa đạt chuẩn để vào ban nhạc của trường. Từ đó, mỗi khi có nhân vật quan trọng ghé thăm trường, cả lớp sẽ hát chào mừng. Bạn cũng có cơ hội tham gia nhưng không được hát ra tiếng mà chỉ mấp máy môi. Khả năng âm nhạc của bạn một lần nữa bị giới hạn và chèn ép. Một ngày nọ, khi bạn ngâm nga giai điệu, bài hát đưa thích của mình trong phòng tắm thì từ dưới nhà có một tiếng quát cắt ngang: "Làm ơn đừng có phát ra thứ âm thanh kinh khủng ấy nữa!". Bạn nhận ra rằng dù yêu nhạc nhưng khả năng âm nhạc của bạn đã khiến bạn bị tổn thương. Những "bằng chứng khách quan" này đã thuyết phục bạn tin mình không có khả năng âm nhạc, không thể hát và cũng đừng nên theo đuổi những hoạt động này. Từ đó về sau… bạn mất dần sức sáng tạo – "không còn khiếu âm nhạc"! Nhưng đây có phải là sự thật? Liệu cái được gọi là "bằng chứng" kia có thực sự là… bằng chứng? Có những chứng cứ đầy thuyết phục nào chứng minh bạn thực sự là một nhạc sĩ bẩm sinh, đầy sáng tạo? "Sự hồi sinh" của người nhạc sĩ Bỏ qua hết những "bằng chứng" phủ nhận tài năng của bạn, bạn chính là một thiên tài sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc. Sau đây là một số… bằng chứng khác khẳng định điều này. Bằng chứng 1 – "Thầy dạy hót" của loài chim Quay trở lại với câu chuyện của Suzuki. Không chỉ phát hiện thấy những chú chim non đã học hỏi từ chú chim "luyện hót", mà anh còn nhận thấy bộ não của chúng có khả năng kế thừa và phát huy nữa. Nói cách khác, chừng nào những chú chim non này còn được tạo điều kiện liên tục bắt chước theo con chim khởi xướng thì chúng càng mau thuần thục và một cách tự nhiên, chúng sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo của quá trình học tập. Sau khi hoàn thành giai đoạn "phổ cập" (thật thú vị khi xem sự thuần thục chỉ là giai đoạn phổ cập thôi, phải không?), mỗi chú chim non sẽ phát triển điệu hót riêng của chúng. So với bộ não người, bộ não của loài chim đơn giản hơn nhiều. Nếu bộ não chúng có khả năng đó thì bộ não chúng ta cũng vậy. Mọi đứa trẻ đều có thể chơi đàn vĩ cầm Suzuki quyết định áp dụng lý thuyết của anh vào thực tế qua việc dạy đàn vĩ cầm cho lũ trẻ. Anh không phát cho bọn trẻ những quyển sách ký âm mà chỉ để chúng bắt chước theo cách sử dụng đàn của anh. Anh cũng chia sẻ lại phương pháp này cho những giáo viên khác, và nó thực sự hiệu quả. Đến nay, hàng trăm nghìn trẻ em trên khắp thế giới đã học cách chơi đàn vĩ cầm và các loại nhạc cụ khác, kể cả luyện thanh, theo phương pháp của Suzuki. Phương pháp này không chỉ hiệu quả với trẻ nhỏ mà còn mang lại kết quả tương tự khi áp dụng cho người lớn. Bạn hoàn toàn có khả năng học bất kỳ điều gì. Bản thân bạn chính là một nhạc sĩ sáng tạo bẩm sinh. Bằng chứng 2 – Nói được là hát được! Bạn có biết nói không? Dĩ nhiên là có rồi. Bạn học nói bằng cách nào? Bằng cách lặp lại theo người khác. Bạn lặp lại những gì? Âm thanh, nhịp điệu, cao độ, âm lượng, cách nhấn nhá... Những yếu tố này tạo thành gì nếu không phải là âm nhạc! Nếu chú ý lắng nghe một nhóm người nói một loại ngoại ngữ mà bạn không hề biết, bạn sẽ có cảm giác như thể họ đang hát. Lý do vì sao đa số chúng ta nghĩ rằng mình không thể hát chính là dù chúng ta lúc nào cũng… hát, nhưng chúng ta lại gọi hành động này là nói. Bằng chứng 3 – Lâu nay bạn vẫn thường chơi một loại "nhạc cụ" ấy thôi! Suốt cuộc đời mình, bạn không ngừng sử dụng một loại "nhạc cụ" đặc biệt, đó là giọng nói. Giọng nói là một loại nhạc cụ phức tạp vô cùng. Nó bao gồm các bộ phận như môi, miệng, lưỡi, thanh quản, cổ họng, phổi, cơ hoành, răng, xương và tất cả các khoang trong hộp sọ. Nó có chức năng như một chiếc đàn vĩ cầm, ghi-ta, dương cầm, organ, bộ hòa âm phối khí v.v. Và bạn đã chơi loại nhạc cụ này kể từ ngày đầu tiên có mặt trên cõi đời. Bạn chính là một nhạc sĩ sáng tạo bẩm sinh. Bằng chứng 4 – "Nhạc cụ" thứ hai của bạn Giọng nói không phải là nhạc cụ duy nhất bạn sử dụng suốt đời, mà bạn còn có một loại nhạc cụ khác – đôi tai. Tai bạn là loại nhạc cụ phức tạp và tinh xảo hơn bất kỳ thứ gì con người từng sáng tạo ra. Nó gồm hàng nghìn bộ phận và có khả năng sáng tạo không thua kém gì đôi mắt. Mỗi giai điệu bạn ngân nga, mỗi bài hát bạn từng nghe, mỗi bản nhạc pop/rock/âm thanh tự nhiên mà bạn từng nhảy múa hoặc lắc lư theo, mỗi tác phẩm giao hưởng từng khiến bạn mê mệt… đều được chính bạn chơi đi chơi lại. Cũng giống như cách đôi mắt bạn tạo ra hàng triệu tuyệt phẩm nghệ thuật, đôi tai cũng là công cụ để bạn sáng tạo đi sáng tạo lại (ghi nhớ) từng nốt nhạc của bài hát mà đã nghe từ "ngoài kia" và bộ não bạn quyết định sáng tạo lại để lưu vào kho âm nhạc ồ sộ của riêng nó. Những nhạc sĩ sáng tạo vĩ đại: "bẩm sinh" hay " được nuôi dưỡng"? Người ta tin rằng những nhạc sĩ vĩ đại thường nhờ năng khiếu âm nhạc "thiên bẩm", như thể họ đã biết sáng tác nhạc từ trong bụng mẹ. Song, sự thật có phải thế? Nhân vật lịch sử – Ludwig van Beethoven Năm 1770, khi mới vừa ra đời, Beethoven chưa phải là một nhạc sĩ, nhưng ông được lớn lên trong môi trường âm nhạc. Hầu hết bà con, họ hàng của ông đều là ca sĩ, nhạc công piano, hoặc có thể chơi bất kỳ loại nhạc cụ nào. Cha của ông muốn ông được thừa hưởng một nền giáo dục âm nhạc tốt nhất có thể. Nhờ đó mà Beethoven có cơ hội học hỏi từ những nhạc sĩ vĩ đại nhất lúc bấy giờ, chẳng hạn như Haydn; và thế là "những vị thầy giỏi tạo nên những người trò giỏi". Tại thị trấn nơi Beethoven sinh sống, âm nhạc luôn hiện hữu ở rất nhiều dạng thể khác nhau, có thể là âm nhạc đường phố, âm nhạc lễ hội, các buổi hòa nhạc vào buổi tối tại rạp hoặc tại nhà, nhạc lễ nhà thờ. Cũng giống như cách bạn học đọc học viết, Beethoven cũng học tập với cùng nhịp độ và niềm ham thích y như vậy, chỉ khác là ông học các nốt nhạc – ngôn ngữ của âm nhạc. Bạn thử tưởng tượng bộ não của bạn đã dành bao nhiêu thời gian để học nghe học nói, và mỗi năm bạn dành ra bao nhiêu giờ để sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình – Beethoven cũng làm như thế đối với âm nhạc. Nhân vật lịch sử – Wolfgang Amadeus Mozart Mozart cũng không tự mình lựa chọn con đường âm nhạc ngay từ lúc mới sinh ra. Ông là con trai út của Leopold Mozart, một nhạc sĩ chuyên nghiệp, giám đốc âm nhạc cho giáo phận ở Salzburg (nay thuộc Áo), đồng thời là một nhà giáo ưu tú. Chàng Mozart trẻ tuổi đã học ngôn ngữ của âm nhạc mỗi ngày, và luôn học hỏi từ những vị thầy giỏi nhất do cha cậu mời về dạy tại nhà. Cũng giống như Beethoven, Mozart cũng hết sức nỗ lực trong lĩnh vực của mình. Người ta kể rằng ông thường miệt mài tập luyện đến những 18 giờ mỗi ngày. Nhân vật lịch sử – Johann Sebastian Bach Johann Sebastian Bach cũng là một nhà soạn nhạc kỳ tài, và người ta cho rằng tài năng của ông là do bẩm sinh mà có. Lời khẳng định này chỉ đúng nếu như từ "bẩm sinh" có nghĩa là "lao động cật lực". Bach sinh năm 1685, ông lớn lên trong một gia đình có nhiều thành viên là nhạc công. Tất cả đều cất công dạy dỗ chàng Bach trẻ tuổi, nhất là người anh Johann Christoph, nghệ sĩ đàn phím ở Ohrdruf. Chính người anh này đã dạy Bach chơi đàn phím, và có ảnh hưởng đến phong cách của Bach sau này. Gia đình của Bach có truyền thống chia sẻ tri thức. Đến năm 1840, gia đình vẫn duy trì truyền thống truyền thụ lẫn nhau giữa các thành viên. Có lúc số lượng nhạc công trong gia đình này lên đến con số 70. Đây không phải là một thành công mang tính "di truyền" mà là thành quả của truyền thống và môi trường giáo dục tập thể, trong đó thành tựu vẻ vang nhất chính là Johann Sebastian Bach. Bach thường đặt ra cho mình những mục tiêu sáng tạo, một trong số đó là sáng tác cho thể loại Đại hợp xướng(*) mỗi tuần một lần, ngay cả khi bị bệnh hay kiệt sức. Ông từng bảo học trò mình rằng: "Ai tập luyện cật lực như tôi đều có thể chơi nhạc như tôi đây". Nếu có thể lượng hóa thì sự cật lực của ông tương ương với 10 đến 18 giờ luyện tập mỗi ngày trong suốt gần 60 năm, tức tổng cộng 328.500 giờ. (*) Cantata: Đại hợp xướng - một thể loại thanh nhạc cổ điển với đặc điểm trang trọng hoặc có tính anh hùng, tính trữ tình; gồm một số tiết mục hoàn thiện viết cho hợp xướng, độc xướng và dàn nhạc giao hưởng. Giờ đây đã có những bằng chứng không thể chối cãi về việc bạn có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh. Đã đến lúc chuyển sang phần Rèn luyện Trí tuệ Sáng tạo! Rèn luyện Trí tuệ Sáng tạo yệ ệ g ạ 1. Hát! Hãy khôi phục lại (hoặc tiếp tục) thói quen hát hò, ngân nga khi đang tắm. Nếu có ai đó chê, hãy nhờ họ giúp bạn hát hay hơn! 2. Nhảy múa! Nhảy múa là biểu hiện tự nhiên của khả năng cảm nhận nhịp điệu và âm nhạc. Hãy thử tất cả các loại hình khiêu vũ từ disco cho đến thể dục nhịp điệu (điều này cũng có lợi cho bộ não và tim của bạn). Mỗi khi khiêu vũ (càng thường xuyên càng tốt), bạn hãy giải phóng khả năng sáng tạo của mình bằng cách thử nghiệm và học hỏi những chuyển động, nhịp điệu và bài nhảy mới. 3. Hãy học thêm một nhạc cụ khác Hãy vào cửa hàng nhạc cụ và tìm mua cho mình một loại nhạc cụ đơn giản như cái tu huýt hoặc cái trống. Đàn guitar và organ là hai loại nhạc cụ rất phổ biến. Và cũng hãy cân nhắc mở rộng kho giai điệu của bạn, đồng thời nâng cao độ tinh tế của đôi tai bằng cách lắng nghe các thể loại âm nhạc có xuất xứ từ nhiều quốc gia. Bạn sẽ sớm nhận ra thế giới này quả thật tràn đầy âm thanh, tiếng nhạc. Điều này sẽ củng cố cho nhận thức mỗi người đều có khiếu âm nhạc và có khả năng sáng tạo âm nhạc vô cùng tận. 4. Mở rộng những giới hạn của bạn Bạn cần nhận ra rằng suy nghĩ sẽ tạo nên thực tại và những giới hạn của bạn. Nếu bạn nghĩ mình không thể hát hay chơi nhạc cụ, thì bạn sẽ không thể thực hiện những việc này. Điều bạn tự hạn chế bản thân sẽ trở thành hiện thực. Nhưng nếu bạn nghĩ mình có khả năng ca hát và chơi nhạc cụ, bạn sẽ làm được! Khi đó, những giới hạn bạn tự gán cho bản thân không còn tồn tại nữa. Nguyên tắc này được minh chứng rõ nét qua hình ảnh người sáng lập và chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Boston Philharmonic, giáo sư Benjamin Zander. Giáo sư Zander có một phương pháp vô cùng độc đáo và hiệu quả trong việc giảng dạy khả năng sáng tác nhạc cho những sinh viên tài năng của mình. Đầu năm học, ông chào đón họ và tuyên bố, bằng một ngữ điệu và cách nhấn nhá đầy tính nhạc, rằng ông đã biết số điểm cuối năm của mỗi học viên là bao nhiêu. Khi sinh viên đang chăm chú lắng nghe, ông tuyên bố một cách thích thú: "Tất cả đều đạt điểm A!". Rồi giáo sư Zander nói tiếp: "Tôi đảm bảo tất cả các em đều sẽ đạt điểm A. Trong hai tuần tới, các em hãy viết cho tôi một lá thư. Trong đó, các em hãy tưởng tượng mình vừa tốt nghiệp loại ưu khóa Sáng tác nhạc, đồng thời nêu những lý do vì sao các em lại xứng đáng với điểm số này, các em đã tập luyện bao nhiêu giờ mỗi ngày, mục tiêu của các em là gì, làm thế nào các em đạt được chúng, những sai lầm các em đã gặp phải, cách khắc phục chúng như thế nào, các em đã tìm kiếm lời khuyên từ đâu, vận dụng chúng ra sao, những bài học lớn trong cuộc sống mà các em đã học được là gì, và các em sẽ đi tiếp hành trình âm nhạc của mình như thế nào khi có tấm bằng hạng ưu trong tay". Mỗi sinh viên đều thực hiện theo yêu cầu trên. Họ đều cam kết với kế hoạch hành động của mình và đều hoàn thành tốt. Vì thế họ đều xứng đáng với điểm A. Hãy viết cho mình một lá thư tương tự, nêu rõ bạn sẽ phát triển khả năng sáng tác nhạc của mình như thế nào. 5. Luôn nhắc nhở bản thân rằng bạn chính là một nhạc sĩ sáng tạo Không ngừng tự nhắc mình rằng bạn chính là một nhạc sĩ. Bất kể khi nào nghe tiếng chim hót, hãy nhớ chúng học hót bằng cách bắt chước theo con chim khác và kiên trì tập luyện. Bất kể khi nào bạn tản bộ hay chạy bộ trên đường, hãy nhớ bạn đang chỉ huy cả một "dàn hợp xướng" vĩ đại là cơ thể. Bất kể khi nào bạn múa máy ngón tay vì hồi hộp, hãy nhận ra lúc đó bạn đang chơi nhạc ấy. Mỗi khi chuyện trò cùng bạn bè, hãy nhớ rằng bạn đang hát chứ không phải đang nói. Khi bạn nổi điên lên vì điều gì đó và bắt đầu đập bàn, giậm chân, kèm theo tiếng la hét (với cao độ tăng dần và hòa nhịp theo chuyển động của cơ thể), hãy nhớ mỗi từ ngữ đều diễn đạt chính xác ý bạn muốn, được phát ra theo cách bạn muốn và được kiểm soát chính xác về âm lượng, tốc độ. Nói cách khác, bạn đang hát chứ không phải hét! 6. Tạo cơ hội để phát huy khả năng âm nhạc Giờ đây, khi đã biết bạn chính là một nhạc sĩ, hãy nắm bắt bất kỳ cơ hội nào để thể hiện khả năng sáng tác của mình. Hãy tham gia các buổi họp mặt ở quán karaoke, không chỉ ngồi đó nghe, mà hãy đứng dậy hát. Dù bạn nghĩ bạn hát tệ đến mức nào, cứ mạnh dạn tiếp tục, rồi dần dà bạn sẽ hát hay hơn. Tại các buổi tiệc, hãy hát theo tiếng nhạc. Khi ở nhà, hãy hát theo đài phát thanh hay CD nhạc mà bạn yêu thích, hoặc hát theo ban nhạc trên ti-vi. Nếu có con nhỏ, hãy hát cùng chúng với bất kỳ "nhạc cụ" nào như: chìa khóa, thìa... Con bạn sẽ rất thích thú và bạn cũng thế! 7. Hãy cân nhắc đến việc đi học nhạc Nguyên tắc đơn giản nhất để tìm một người thầy trong trường hợp này là hãy tìm người: • có đủ trình độ chuyên môn và có thể chơi loại nhạc cụ mà bạn muốn học. • hoàn toàn tin tưởng rằng bạn có thể tiếp thu bất kỳ thể loại nhạc nào bạn muốn, và sẽ dạy bạn với lòng tận tâm, nhiệt huyết và thái độ tích cực. Ngoài ra, bạn có thể tham gia vào những câu lạc bộ, nhóm nhạc ở địa phương. Bạn sẽ thấy những điều này rất ý nghĩa, đáng bõ công và có thể thay đổi cuộc đời bạn. 8. Hãy chia sẻ tin tức tốt lành này! Giờ bạn đã biết sự thật về năng khiếu sáng tác nhạc thiên bẩm của mỗi người, hãy chia sẻ thông điệp này. Nếu bạn bè, đồng nghiệp của bạn tranh luận rằng vậy thì sao họ không thể sáng tác nhạc, bạn hãy sử dụng những thông tin đã được giới thiệu để giúp họ thoát khỏi "nhà tù" u ám, đơn điệu của họ. Khi thực hiện điều này, bạn sẽ thấy xung quanh mình ngày càng có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, vũ công... Họ sẽ làm cho cuộc sống này trở thành một bản nhạc đa âm sắc! Chương 6 NĂNG SUẤT SÁNG TẠO – SỨC MẠNH CỦA SỐ LƯỢNG VÀ TỐC ĐỘ Khả năng tư duy sáng tạo thể hiện qua số lượng ý tưởng và tốc độ sản sinh ra chúng. Giữ cho dòng mạch ý tưởng liên tục tuôn tràn là một trong những mục tiêu chính yếu của những người tư duy sáng tạo và những bậc vĩ nhân. N hưng nếu chúng ta bắt đầu tăng tốc tư duy và đưa ra nhiều ý tưởng mới, liệu chất lượng mỗi ý tưởng sẽ giảm sút, vẫn như cũ hay tăng lên? Thật ngạc nhiên là khi số lượng và tốc độ tăng thì chất lượng của những ý tưởng sáng tạo này cũng gia tăng! Nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những điển hình xuất sắc về khả năng tư duy sáng tạo, và phân tích xem quá trình này diễn ra ở họ như thế nào. Khối lượng và năng suất công việc của những nhà tư tưởng vĩ đại ấy thật đáng kinh ngạc! • Marie Curie – Bà là nhà khoa học đạt đến hai giải Nobel ở hai lĩnh vực khác nhau là vật lý và hóa học. Công trình nghiên cứu của bà bao gồm hiện tượng từ tính, đặc tính của các chất phóng xạ và phát triển những đứng dụng của tia X trong y khoa. Đồng thời, bà còn chia tách được hai nguyên tố hóa học mới là radium (Ra) và polonium (Po). • Leonardo da Vinci – Ông đã đưa ra không biết bao nhiêu ý tưởng vĩ đại ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau mà cho đến nay chưa ai có thể thống kê hết. • Charles Darwin – "Cha đẻ" của thuyết Tiến hóa không chỉ viết một quyển sách dày hơn 1.000 trang về chủ đề này, mà ông còn viết 119 công trình khoa học, sách và tuyển tập chuyên đề khác. • Thomas Edison – là người sở hữu 1.093 bằng sáng chế, một kỷ lục thế giới về số bằng sáng chế cá nhân được đăng ký. Ông cũng có bộ sưu tập hơn 3.500 quyển sổ tay ghi chép các công trình nghiên cứu và ý tưởng của ông. • Albert Einstein – bên cạnh thuyết Tương đối, Einstein còn công bố hơn 240 công trình nghiên cứu khoa học khác. • Sigmund Freud – đã viết và công bố hơn 330 công trình nghiên cứu về tâm lý học. • Goethe – một học giả uyên bác và là đại thi hào người Đức. Ông đã sáng tác nhiều đến nỗi người ta ước tính ông đã sử dụng đến hơn 50.000 từ khác nhau trong tất cả các tác phẩm của mình. • Garry Kasparov – kỳ thủ vĩ đại nhất trong lịch sử. Anh có thể chơi, phân tích, ghi nhớ và bình luận đầy sáng tạo về hàng nghìn ván cờ hay của thế giới. • Mozart – trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông đã kịp sáng tác hơn 600 tác phẩm âm nhạc, trong đó bao gồm 40 bản nhạc giao hưởng. • Pablo Picasso – là một trong những nhà sáng tạo bậc nhất của thế kỷ 20, ông đã sáng tác hơn 20.000 tác phẩm nghệ thuật. • Rembrandt – tham gia vào nhiều lĩnh vực, trong đó có cả kinh doanh; ông đã vẽ trên 650 bức tranh và hơn 2.000 bức họa chì. • William Shakespeare – đại văn hào người Anh này đã viết hơn 154 thi khúc(*), 37 vở kịch bất hủ trong khoảng thời gian chưa đến 20 năm. (*) Thi khúc (sonnet), là thể thơ 14 câu xuất hiện ở Ý vào thế kỷ 13. Danh sách trên đã đánh tan những ngộ nhận rằng thiên tài chỉ sản sinh ra một vài ý tưởng xuất chúng và sau đó thì không còn ý tưởng nào nổi bật nữa. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại: họ sở hữu kho ý tưởng khổng lồ và không ngừng gia tăng hiệu năng sáng tạo của mình theo thời gian; qua đó, năng lượng sáng tạo của họ ngày một lớn mạnh. Vậy, những thiên tài sáng tạo lúc nào cũng đưa ra hết ý tưởng hoàn hảo này đến ý tưởng hoàn hảo khác? Dĩ nhiên là không! Rất nhiều ý tưởng của họ không thật sự xuất chúng. Thế nhưng chính từ những điều "không xuất chúng" ấy, sự xuất chúng bắt đầu hiển lộ. Những thiên tài sáng tạo vĩ đại luôn đảm bảo rằng chất lượng ý tưởng sẽ dần được cải thiện theo thời gian. Họ tạo điều kiện cho quá trình tương tác giữa bán cầu não trái và phải để đồng bộ hóa tư duy, cộng hưởng sức mạnh của mỗi bên. Đây là điểm nổi bật ở những người "biết sử dụng cái đầu"! Nếu bạn muốn trở thành thiên tài, hãy học theo Leonardo. Trong quyển sổ tay của mình, Leonardo thỏa sức vẽ nguệch ngoạc, ghi lại những suy nghĩ bất chợt của ông và từ đó những ý tưởng thiên tài bắt đầu xuất hiện. Thomas Edison,"môn đệ" xuất chúng của Leonardo, cũng có phương pháp tư duy tương tự. Edison xem sáng tạo là một công việc/trò chơi đòi hỏi phải có niềm đam mê, sự tử tế, trung thực, vui vẻ và chăm chỉ. Theo ông, để là một thiên tài sáng tạo, người ta cần "1% cảm hứng và 99% mồ hôi nước mắt". Ông không hề nói suông, bản thân ông luôn thực hành những điều mình tuyên bố. Edison đã thực hiện hơn 9.000 thí nghiệm mới phát minh ra chiếc bóng đèn dây tóc, và hơn 50.000 thí nghiệm khác trước khi phát minh ra pin. p p Một ví dụ khác thể hiện sự toàn tâm toàn ý cho việc sáng tạo ý tưởng, bất chấp chuyện gì xảy ra, có thể được tìm thấy ở phòng thí nghiệm của ông ở New Jersey (nay là Công viên Lịch sử Quốc gia Thomas Edison). Khi dạo bước quanh bảo tàng, bạn sẽ thấy một dãy hàng trăm chiếc loa máy hát đĩa được làm từ đủ loại chất liệu với hình dáng và kích thước đa dạng. Trông chúng giống như là bộ sưu tập của người ngoài hành tinh với đủ hình dạng từ tròn đến vuông, tứ giác, dạng bè, dạng ngắn, cao, ốm, thẳng, cong, và nếu xét về tính thẩm mỹ thì có cả các kiểu xấu đẹp khác nhau. Edison đã loại bỏ hầu hết những mẫu này. Song, chúng vẫn hiện diện nơi đây như là lời tán dương cho sự tận tụy, không ngừng thử nghiệm, mạo hiểm và thử sai của ông cho đến khi tìm được giải pháp lý tưởng. Thái độ đối với "thất bại" của ông cũng rất đáng để tất cả chúng ta học tập. Chẳng hạn như, khi được hỏi vì sao ông vẫn không ngừng khám phá loại dây tóc bóng đèn có tuổi thọ cao hơn cho dù đã thất bại cả nghìn lần, người thư ký của Edison cho biết ông không bao giờ nghĩ đó là thất bại, mà ông cho rằng mình đã phát hiện ra hàng nghìn chất liệu khiến cho sản phẩm cuối cùng không hoạt động tốt như mong muốn. Và trên hành trình không ngừng khám phá ấy, việc ông tìm ra cách thức/sản phẩm hoàn hảo là điều khó… tránh khỏi! Đãi cát tìm vàng Quá trình sáng tạo ý tưởng cũng giống như việc đãi cát tìm vàng vậy. Những hạt kim loại vàng thì rất ít trong khi các hạt cát, sỏi thì nhiều vô số kể dưới lòng sông. Trong "dòng sông" trí tuệ cũng vậy! Sỏi, đá hay cát tượng trưng cho những ý tưởng sẵn có. Để tìm ra vàng (những ý tưởng vĩ đại hay một giải pháp sáng tạo), bạn cần sàng lọc tất cả các hạt (ý tưởng) trong "dòng sông" trí tuệ để tìm thấy những mẩu vàng thực sự giá trị. Những thiên tài sáng tạo hiểu được điều này, và do đó họ không ngần ngại tạo ra hàng trăm ý tưởng, sàng lọc chúng để tìm ra những gì thật sự xuất chúng. Tiến sĩ Dean Keith Simonton đã thực hiện nghiên cứu trên 2.036 nhà khoa học sáng tạo và đã khám phá ra một điều hết sức bất ngờ nhưng có thể hiểu được: những nhà khoa học được trọng vọng nhất không chỉ có nhiều công trình vĩ đại hơn người khác, mà họ cũng có nhiều công trình nghiên cứu tệ hại hơn người khác nữa! Nói cách khác, những người vĩ đại đã sáng tạo nhiều hơn, rồi sau đó chọn lọc ra những gì tinh túy nhất. Giờ đây bạn đã biết được bí mật của Năng suất Sáng tạo: hãy tạo ra càng nhiều ý tưởng và càng nhanh càng tốt, bạn sẽ nâng cao được cả số lượng và sức mạnh của tư duy sáng tạo mà bản thân đang sở hữu. Rèn luyện Trí tuệ Sáng tạo 1. Đẩy nhanh tốc độ tư duy Hầu hết mọi người đều tư duy với tốc độ "trung bình", trong khi đây thật sự là giới hạn thấp nhất mà ai cũng có thể đạt được. Khi đã biết điều này và tập trung vào tốc độ tư duy, bạn sẽ cảm thấy tốc độ sáng tạo của bản thân ngày một gia tăng. 2. Hãy nhớ – Khả năng sáng tạo của bạn là vô tận! Bạn còn nhớ bài tập "VUI" ở chương 3 không? Cũng tương tự như vậy, bạn có thấy khả năng vô tận của bản thân trong việc nghĩ ra cái cớ để không đọc mấy quyển tạp chí hay quyển sách bạn đã chọn, hoặc để không hoàn thành những công việc khác?