🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sức Mạnh Của Tĩnh Tâm - Hải Hoa Ebooks Nhóm Zalo MỤC LỤC | TABLE OF CONTENTS Mục lục LỜI NÓI ĐẦU Chương 1: Tâm Không Tĩnh Tức Là Phiền Não Nảy Sinh TÂM CÓ TẠP NIỆM KHÔNG THỂ TỪ BỎ CHẤP NIỆM DỤC VỌNG LẠI SINH RA DỤC VỌNG HƯ VINH LÀ SỢI DÂY CHUYỀN ĐẸP ĐẼ CUỘC ĐỜI GIỐNG NHƯ CHIẾC ĐỒNG HỒ ĐÃ LÊN DÂY CÓT Chương 2: Thực Hiện Mục Tiêu, Không Màng Danh Lợi TĨNH ĐỂ TU THÂN, DƯỠNG TÂM QUÝ Ở TĨNH TÂM BẠN MỈM CƯỜI THÌ CUỘC ĐỜI CŨNG SẼ MỈM CƯỜI VỚI BẠN KHÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI NGOẠI VẬT, SỐNG TỰ DO TỰ TẠI TRÍ TUỆ CỦA SỰ NHƯỢNG BỘ MỌI VIỆC CẦN LƯỢNG SỨC MÀ LÀM TÌM LẠI CÁI TÔI CHÂN THỰC TRONG YÊN BÌNH Chương 3: Tĩnh Do Tâm, Cảnh Do Tâm Chuyển TÂM TĨNH, CHỜ MỘT ẤM TRÀ THƠM GIỮ ĐƯỢC TRÁI TIM YÊN BÌNH ĐIỀM TĨNH MỚI CÓ THỂ TIẾN XA TRÁI TIM HÀI LÒNG TẠO RA KẾT QUẢ HÀI LÒNG NGƯỜI TĨNH TÂM DỄ THÀNH CÔNG HƠN TĨNH TÂM CÓ THỂ MANG LẠI QUAN HỆ XÃ HỘI TỐT TĨNH TÂM CÓ THỂ MANG LẠI QUAN HỆ XÃ HỘI TỐT ĐẸP NƯỚC TĨNH THÌ TRONG, TÂM TĨNH THÌ SÁNG Chương 4: Trong Trí Tuệ, Có Sự Tĩnh Tuyệt Đối TÙY DUYÊN, KHÔNG NẮNG RÁO CŨNG CHẲNG GIÓ MƯA KHÔNG PHẢI VÌ HAY NỔI NÓNG NÊN MỚI TRỒNG HOA LAN SỐNG TRONG HIỆN TẠI LÀ SỰ CHÂN THỰC DUY NHẤT THUẬN THEO TỰ NHIÊN, ĐI TRÔNG NƯỚC CHẢY, NGỒI NHÌN MÂY TRÔI KHÔNG CÂU NỆ NGOẠI VẬT, NƠI DỪNG CHÂN ĐẦY Ý THƠ ĐẠO TRUNG DUNG LÀ CƠ BẢN CỦA TĨNH TÂM KHÔNG PHẢI GIÓ ĐỘNG, KHÔNG PHẢI CỜ ĐỘNG, LÀ TÂM ĐỘNG KHÔNG VUI VÌ CẢNH, KHÔNG BUỒN VÌ MÌNH TÂM MANG TỪ BI, GIÓ LỚN THỔI CŨNG KHÔNG ĐỘNG Chương 5: Xa Lánh Thế Sự, Tĩnh Tâm Suy Tưởng SUY TƯỞNG, THUẬT TĨNH TÂM THẦN KÌ CHUẨN BỊ TƯ TƯỞNG CHO SUY TƯỞNG: THANH LỌC TẤT CẢ Ý THỨC SUY TƯỞNG SẮC MÀU LOẠI BỎ LO LẮNG BUỒN TẺ TẬP TRUNG SUY TƯỞNG ĐỂ TÂM THÁI BÌNH TĨNH TRỞ LẠI TẬP TRUNG SUY TƯỞNG ĐỂ BI QUAN TAN BIẾN TẬP TRUNG SUY TƯỞNG ĐỂ BI QUAN TAN BIẾN SUY TƯỞNG TRÍ TUỆ GIÚP BỒI DƯỠNG TÂM LÍ LÀNH MẠNH SUY TƯỞNG TỰ KỈ GIÚP TRÁNH XA “HỐ ĐEN” CỦA TỨC GIẬN SUY TƯỞNG THỰC VẬT GIÚP GIẢM NHẸ CẢM GIÁC BUỒN BỰC QUAY TRỞ VỀ SUY TƯỞNG THỜI THƠ ẤU ÊM ĐỀM SUY TƯỞNG CƠ THỂ NÓI CHUYỆN VỚI CƠ THỂ PHƯƠNG THUỐC TÌM NĂNG LƯỢNG THUỘC VỀ BẢN THÂN DÙNG SUY TƯỞNG VỀ CÁI CHẾT ĐỂ XUA ĐI NỖI BẤT AN SUY TƯỞNG THÀNH CÔNG GIÚP NÂNG CAO HIỆU SUẤT Chương 6: Tìm Một Phương Thức Yên Bình TĨNH TỌA TĨNH TÂM HÔ HẤP KIỂU BỤNG, THỞ RA ÁP LỰC VÀ BUỒN PHIỀN MỈM CƯỜI, PHƯƠNG PHÁP TĨNH TÂM TỐT NHẤT YOGA, DÙNG CÁCH THẢ LỎNG CƠ THỂ ĐỂ LOẠI BỎ "RÁC" TRONG LÒNG TĨNH TÂM HƯƠNG THƠM, ĐỂ TÂM HỒN QUAY VỀ VỚI THIÊN NHIÊN GIẢI PHÓNG TẤT CẢ TÂM TRẠNG KHÔNG TỐT TRONG VẬN ĐỘNG ĐỌC SÁCH KHIẾN CON NGƯỜI AN TÂM ĐỌC SÁCH KHIẾN CON NGƯỜI AN TÂM ÂM NHẠC GIÚP THƯ GIÃN TINH THẦN VUNG BÚT VẢY MỰC, THƯ GIÃN THẢNH THƠI GẦN GŨI TỰ NHIÊN, THẢ LỎNG BẢN THÂN PHƯƠNG PHÁP TĨNH TÂM BẰNG ĐỐI THOẠI CUỘC SỐNG ĐÂU ĐÂU CŨNG CÓ THỂ TĨNH TÂM LỜI NÓI ĐẦU TĨNH TÂM NHÌN NHẬN CUỘC ĐỜI Biết tĩnh tâm để nhìn nhận cuộc đời là một loại cảnh giới. Trái tim của chúng ta giống như một chiếc cốc thủy tinh. Khi cốc đựng đầy nước ép trái cây, người ta sẽ nói: “Đây là một cốc nước ép hoa quả”. Khi nó đựng đầy sữa, người ta lại nói: “Đây là một cốc sữa”. Còn chỉ khi chiếc cốc trống trơn thì người ta mới nói: “Đây là một cái cốc”. Rất nhiều lúc, trái tim của chúng ta chất chứa quá nhiều thứ, đến nỗi không thể nhìn thấy được cái tôi chân thực. Trong thời buổi cả thế giới phải lo lắng bất an vì tiền bạc, vì ham muốn vật chất, vì danh lợi như ngày nay, con người chẳng khác nào “đôi giày đỏ” mệt mỏi, nhảy tới khi chẳng còn ai bên cạnh mà vẫn không dừng được bước chân điên cuồng… Chúng ta sống đã không còn chỉ là vì sự sinh tồn. Trong sự hưởng thụ vật chất ngày càng phong phú, nếu tâm không tĩnh, thân thể cũng không tĩnh thì cuộc sống của chúng ta sẽ chỉ còn lại sự bận rộn và lo lắng. Vì vậy, chỉ có vứt bỏ mọi sự rối ren để tâm tĩnh lại thì mới có thể được giống như hoa nở hương tự tỏa, nước càng chảy càng trong vậy. Tĩnh tâm chính là tâm tĩnh. Tâm tĩnh là một trạng thái khoáng đạt, tự tin, điềm nhiên tự do, tự tại. Tất cả thế sự rối ren, mọi chua cay ngọt đắng, hỉ nộ ái ố đều chỉ dựa vào trái tim để cảm nhận, đánh giá. Trong cuộc sống hiện thực, chúng ta thường cảm thấy thấp thỏm bất an, lo lắng không yên, rất khó để bình tâm, ngọn lửa không tên bất cứ khi nào cũng có thể ập đến, nguyên nhân chính là do ta không có được một trái tim bình tĩnh. Chỉ có hiểu được trí tuệ của tĩnh tâm thì mới có thể đứng vững được trong thế giới vô thường này. Thực ra, tĩnh tâm không phải là một cảnh giới không thể nào với tới. Trong thế giới tràn đầy náo động và dục vọng như ngày nay, ai cũng khao khát có được một cuộc sống yên ổn, bình an, vì vậy hiểu được về tĩnh tâm là vô cùng quan trọng. Để giúp mọi người tìm thấy sự yên ổn trong tâm hồn, cuốn sách này sẽ cùng bạn tìm đến căn nguyên lo lắng từ mọi góc độ, vén bức màn bí mật về sự tĩnh tâm, sau đó để mỗi người tự cảm nhận cuộc sống qua cái tĩnh, giúp xoa dịu tâm trạng lo lắng bất an trong lòng, lấy lại sự yên bình và niềm vui trong tim. Chúng ta đã biết nên tĩnh tâm hưởng thụ cuộc sống, tuy nhiên làm thế nào để có thể tĩnh tâm? Trong hai chương cuối cùng của cuốn sách này, bạn sẽ học được cách dùng phương pháp suy tưởng để vượt qua những trở ngại trong lòng, để lo lắng không còn chỗ tồn tại; bạn sẽ hiểu được rằng, tĩnh tâm hoàn toàn không phải là trạng thái siêu thực, từng chút từng chút của cuộc sống đều có thể trở thành phương pháp để có được sự tĩnh tâm. Hãy để cuốn sách này dẫn dắt bạn, để sự “tĩnh” thẩm thấu dần vào từng chi tiết của cuộc sống, bớt một chút đố kị, thêm một chút khoan dung; bớt một chút tà niệm, thêm một chút chính khí; bớt một chút ồn ào, thêm một chút chân thực. “Gặp được cái tôi tĩnh tâm”, dù biết phía trước là vùng hiểm trở, bạn cũng có thể coi là đồng bằng để vững bước đi qua; dù trước mắt thế sự bãi bể nương dâu, đổi thay nhanh chóng, bạn cũng vẫn có được sự bình an trong lòng. “Gặp được cái tôi tĩnh tâm”, tuy tạm thời phải chịu ấm ức và không vui, vẫn có thể yên lòng; tuy cuộc sống bình dị, cũng có thể tận hưởng năm tháng bình yên. “Gặp được cái tôi tĩnh tâm”, cho dù tạm thời phải chịu đau khổ, song bạn cũng sẽ nhận được ý vị riêng của nó; cho dù cuộc đời trôi qua bình lặng song vẫn có thể tìm thấy được sự vừa ý và nhẹ nhõm của riêng mình. Nhà thơ Pushkin đã từng nói: “Tất cả hạnh phúc trên thế giới đều lấy sự bình yên trong nội tâm là đặc trưng cơ bản nhất”. Tĩnh tâm là một phong thái, cõi lòng phẳng lặng thì tâm sẽ tĩnh. Sức mạnh của mỗi người chúng ta đều có hạn. Thế sự giống như một ván cờ, con người tiến lùi nối tiếp nhau trong mấy tấc vuông ấy. Khi đối mặt với vô vàn sự khó xử và lo sợ, giữ được tâm thái yên tĩnh như mặt nước là có thể nhìn thấu tất cả vinh nhục, được mất, thị phi, trắng đen, dùng sự tỉnh táo và lí trí để nhìn nhận cuộc đời. Xuân có trăm hoa, thu trăng sáng Hạ có gió lành, đông tuyết rơi Trong lòng không bận chi phiền não Đời này nên lấy đó làm vui. Tủi nhục cũng đều gương soi tỏ Chí lớn dạ yên chẳng ngậm ngùi Người đời lĩnh ngộ chân lí ấy Cõi lòng tĩnh lặng, muộn sầu lui. Bạn có mong muốn thoát khỏi lo lắng và u buồn không? Có hi vọng xua đi những phiền muộn trong tâm hồn không? Vậy thì bắt đầu từ thời khắc này, hãy để cuốn sách cùng bạn tìm lại cái tôi tĩnh tâm ấy nhé! TÂM CÓ TẠP NIỆM Bạn có còn nhớ những câu chuyện cổ tích? Chúng ta nóng lòng theo dõi diễn biến tình tiết câu chuyện với niềm tin rằng nhân vật chính nhất định sẽ tránh được sự tàn bạo của phù thủy và yêu quái, chiến thắng tà ác. Chúng ta – khi ấy còn là những cô bé cậu bé - chưa bao giờ nghi ngờ gì về kết cục hoàn mĩ dành cho nhân vật chính, luôn có niềm tin mãnh liệt rằng chính nghĩa sẽ tồn tại mãi mãi, những người lương thiện cuối cùng nhất định sẽ được sống cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, khi chúng ta dần dần lớn lên, dần dần làm quen với tất cả mọi thứ của thế giới hiện thực này, các câu chuyện cổ tích thuở bé thơ ngày càng trở nên xa vời. Nhân vật cổ tích chỉ còn tồn tại trong kí ức, rồi cuối cùng chúng ta cũng sẽ vứt bỏ nốt chút ngây thơ còn lại của thời thơ trẻ, để trở thành một người trưởng thành, chín chắn. Nhưng nếu có thể vứt bỏ những tạp niệm trong lòng ở thế giới phức tạp rối ren, tìm lại tâm hồn thuần khiết, yên bình ấy, vậy thì liệu chúng ta lại có thể quay trở về thời thơ ấu thỏa mãn và vui vẻ trong hồi ức ấy được không? Thế giới nội tâm của con người ẩn chứa rất nhiều thứ, có đẹp, có xấu, có thiện, có ác, có tham lam, có danh lợi, còn có tiền bạc và địa vị… Những thứ này không nhìn thấy, không sờ thấy, nhưng chúng lại tiềm ẩn trong tâm hồn của bạn, chi phối hành động của bạn. Nếu chúng ta gọi những thứ tốt đẹp, ánh sáng, lương thiện trong thế giới nội tâm là “mầm”, thì những tạp niệm làm đảo lộn cảm xúc của chúng ta, thậm chí “xúi giục” chúng ta trở nên xấu xa, tham lam ấy sẽ giống như “cỏ”. Chân - thiện - mĩ có thể kết thành quả ngọt làm xúc động lòng người; nhưng còn “cỏ dại” trong lòng, nếu cứ để mặc cho chúng phát triển thì nhất định sẽ đến một ngày chúng uy hiếp tới sự trưởng thành khỏe mạnh của “mầm”. Ví dụ như sự tham lam và đố kị là tạp niệm. Sự uy hiếp của tâm trạng đố kị đối với sự vật tốt đẹp chẳng khác nào quả bom không hẹn giờ, có thể phát nổ bất cứ lúc nào, tiềm ẩn trong lòng con người. Trên con đường theo đuổi một mục tiêu nào đó, một khi con người phát hiện ra sự tồn tại của người giỏi hơn hoặc nhanh chân vượt trước mình thì thường nảy sinh than vãn, đau khổ, thậm chí là căm giận, bởi trong tâm cảm thấy tự hổ thẹn vì mình kém cỏi hơn người khác. Càng tệ hơn là có một số người bóp méo tâm tính, châm ngòi quả bom trong lòng, không từ thủ đoạn báo thù đối thủ. Tạp niệm của sự đố kị làm ô nhiễm tâm hồn, không những không thể khiến bạn có được mục tiêu mà còn dần dần xa mục tiêu, cuối cùng lún sâu vào tội ác khó có thể thoát ra được. Tự dằn vặt quá mức cũng là một tạp niệm của tâm hồn. Charles đã từng là một cảnh sát, trong một lần tham gia giải cứu con tin, anh đã bỏ sót một căn phòng vốn dĩ nên lục soát, không ngờ trong căn phòng đó có một đứa trẻ, cuối cùng đứa trẻ đó đã bị tên hung thủ vô cùng tàn bạo bắn chết. Từ đó Charles suy sụp tinh thần, anh không thể nào tha thứ cho sai lầm của mình nên đã rơi vào trạng thái tự dằn vặt bản thân, trở nên buồn bực ít nói. Không lâu sau đó, anh từ bỏ công việc cảnh sát để tới một tu viện, hàng ngày đứng trước tượng chúa để xám hối lỗi lầm của mình, từ đó hành động ấy đã trở thành toàn bộ cuộc sống của anh. Một lần tình cờ, chị của đứa trẻ bị tên côn đồ năm xưa sát hại biết được tình cảnh của Charles, đã nghĩ cách để tìm được anh. Cô đưa Charles tới giữa một đám người đang vui vẻ tụ hội, nói với anh rằng những người này đều là con tin đã được anh giải cứu năm ấy, nhờ có Charles, bây giờ họ được sống vui vẻ hạnh phúc và vô cùng cảm kích Charles. Charles nhìn những đứa trẻ đã từng được mình giải cứu, và đã hiểu được một điều: thì ra mình không phải là người vô dụng, và chính sự tự dằn vặt bản thân bao nhiêu năm nay mới thật sự mang lại gánh nặng cho những người quan tâm tới mình. Cuối cùng anh đã lấy lại được dũng khí của bản thân. Con người vì một vài sự việc nào đó mà nảy sinh cảm giác tội lỗi và day dứt là chuyện thường tình. Nhưng nếu sự tự dằn vặt này vượt quá giới hạn khiến cho bản thân hoàn toàn đắm chìm trong đó, từ bỏ dũng khí sống thì việc tự dằn vặt này sẽ biến thành tự ngược đãi và giày vò về mặt tinh thần. Chỉ có loại bỏ tạp niệm trong lòng thì mới có thể để lại cho mình một không gian tâm hồn thuần khiết, tươi đẹp. Vậy con người nên làm thế nào mới có thể có được sự tĩnh lặng và trong sạch cho tâm hồn? Dùng phương thức nào mới có thể dẹp được những tạp niệm trong lòng? Thông qua con đường nào mới có thể xua đi bóng tối để tìm thấy ánh sáng? Đa phần con người cảm thấy đau khổ là vì không nhìn thoáng, không buông bỏ được. Tạp niệm giống như rác thải trong lòng, là con đường phiền não vô hình, đảo lộn cảm xúc yên bình vốn có, khiến con người khó có thể tĩnh tâm. Sức khỏe, hạnh phúc, của cải… tất cả những thứ tốt đẹp đều bắt nguồn từ sự thuần khiết của tâm hồn. Nếu muốn có một cơ thể khỏe mạnh thì trước tiên phải làm sạch tâm hồn. Chỉ cần tâm mang tạp niệm, trong huyết quản của con người sẽ tràn đầy sự nhơ bẩn và xấu xa, tất cả tạp niệm – đố kị, buồn chán, oán hận – đều sẽ gây tổn hại tới sức khỏe của cơ thể, khiến cảm giác vui vẻ của chúng ta dần dần tan biến. Ngược lại, nếu tâm hồn thuần khiết, tươi đẹp, khỏe mạnh thì sẽ khiến cơ thể của chúng ta tràn đầy sức sống. Nhờ có các công nhân vệ sinh môi trường ngày ngày quét rác trên đường nên môi trường sống của chúng ta mới sạch sẽ, thoáng đãng. Nếu mỗi ngày chúng ta biết cách dọn sạch “rác thải” trong tâm hồn thì tâm hồn của chúng ta cũng sẽ vui tươi chan hòa. “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”(1), thứ cần phải làm sạch không chỉ đơn thuần là cơ thể của chúng ta, mà quan trọng hơn là sự trong sạch của tâm hồn. Nếu chúng ta có thể khắc phục những tạp niệm khiến chúng ta sa sút tinh thần, thì tự nhiên nội tâm sẽ có thể nảy sinh sức mạnh không gì có thể đánh bại được. Tiêu chuẩn của hạnh phúc không nằm ở những điều kiện bên ngoài mà nằm ở sự phong phú và yên bình của nội tâm. Franklin từng nói: “Có tiền bạc và quyền thế không thể coi là giàu có thực sự, ngược lại, nếu ỷ lại vào chúng thì sẽ giống như đứng trên tảng đá trơn bóng”. Trên thực tế, tâm hồn yên bình thuần khiết và đức hạnh vô tư cao thượng mới là của cải thực sự. Để có được điều đó, chúng ta cần học cách làm sạch tâm hồn của mình. Ích kỉ, tham lam, hư vinh, bướng bỉnh, phẫn nộ, ngoan cố… đều là mầm họa dẫn tới nội tâm không “sạch”; còn thân thiện, khảng khái, vô tư, thuần khiết, ôn hòa, bình tĩnh, đều là ngọn nguồn trí tuệ để làm sạch tâm hồn và giúp cái tôi thăng hoa. (1) Câu trích trong sách Đại học (thuộc Tứ Thư), ý là: Nếu hàng ngày chúng ta có thể tẩy rửa, làm sạch tâm hồn để luôn tự làm mới mình thì mỗi ngày đều trở nên mới mẻ. KHÔNG THỂ TỪ BỎ CHẤP NIỆM(2) Nói tới “không thể từ bỏ”, chúng ta có thể dẫn ra một loạt ví dụ liên quan tới “từ bỏ”: Ví dụ Hằng Nga có thể từ bỏ chấp niệm để hưởng thụ cuộc sống thiên đình, chí ít cũng có thể cùng với Hậu Nghệ sống vui vẻ bên nhau, không cần phải ở trên cung trăng lạnh lẽo làm bạn với thỏ ngọc, ngày ngày chỉ có thể nghe thấy tiếng chặt cây không ngừng. Nếu như Hạng Vũ có thể từ bỏ cái gọi là “thể diện” của mình, cùng với Giang Đông phụ lão thực hiện đại kế khôi phục, thì có lẽ vương triều Đại Hán của Lưu Bang cuối cùng có thể trở thành thiên hạ của nhà họ Hạng. Nếu như Lí Thị của nhà Đường có thể từ bỏ tham vọng quyền lực, tránh huynh đệ tương tàn thì có lẽ bi kịch lịch sử “chính biến Huyền Vũ Môn” sẽ không xảy ra. Hay đệ nhất quyền thần Đại Thanh - Hòa Thân nếu có thể từ bỏ chấp niệm về tiền bạc thì cũng sẽ không đến nỗi cuối cùng phải nhận kết cục nhận dải lụa trắng vua ban để tự vẫn… Dĩ nhiên, lịch sử không thể làm lại, chúng ta không nên nhắc lại những chuyện đáng tiếc ấy, nhưng cần hiểu rằng, rất nhiều ví dụ và sự nuối tiếc đều là vì con người mong muốn có được nhiều hơn mà không biết cách từ bỏ chấp niệm, khiến chúng ta bị lỡ dịp với rất nhiều điều tốt đẹp. Nếu ngay từ đầu đã sớm biết vậy thì hà tất phải để mọi chuyện xảy ra như thế! Cuộc sống vốn là một quá trình tự tại, hạnh phúc, chỉ có điều, nhiều lúc chấp niệm của chúng ta quá nhiều, dục vọng giống như cái động không đáy, chẳng thể nào lấp đầy được. Con người lúc nào cũng cuống quýt muốn nắm lấy tất cả, có nhà rồi thì muốn có tiền bạc, có tiền bạc lại muốn có công danh, muốn nắm trong tay cả thế giới rực rỡ sắc màu… Những tham vọng ấy khiến con người dần trở nên sức cùng lực kiệt. Nhưng suy cho cùng, chúng ta đều chỉ là con người bình thường, ham muốn quá nhiều nhưng cái nắm được thì quá ít, con người sống trên đời chẳng qua chỉ vài chục năm trời, khi mệt mỏi khốn đốn sẽ tự hỏi: Hà cớ phải như thế? Chi bằng từ bỏ chấp niệm, sống vui vẻ với tâm thái tốt đẹp là hơn! Trong lịch sử, đa số những người có được cuộc sống viên mãn, gia đình hạnh phúc hay sự nghiệp thành công đều là những người “cầm lên được, từ bỏ được”. Liêm Pha từ bỏ ân oán với Lạn Tương Như, tạo ra giai thoại đẹp “tướng tương hòa”; Phạm Lãi vứt bỏ bổng lộc triều đình mà Việt Vương đã hứa, cùng người đẹp du thuyền Thái Hố, tiêu dao thương hải; Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như bỏ qua cái nhìn của thế tục, dũng cảm theo đuổi hạnh phúc riêng tư nên mới có giai thoại thiên cổ “Phượng cầu hoàng”; Tư Mã Thiên dẹp qua một bên những tổn thương của nỗi nhục cung hình để dùi mài kinh sử, cho ra đời bộ Sử kí lưu truyền thiên cổ; Trương Tam Phong giũ bỏ phàm tục chốn nhân gian, cuối cùng trở thành tông sư sáng tạo ra Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm… Tất cả những ví dụ ấy, suy cho cùng đều ở hai chứ “từ bỏ” mà ra, người có trí tuệ sáng suốt ắt sẽ có thể có được thành công, tất cả đều là nhờ họ có thể vứt bỏ chấp niệm, dám từ bỏ những thứ không cần thiết. Mỗi lần “từ bỏ” là một lần dọn dẹp gánh nặng đang mang trên mình, vứt đi cái “tay nải hành lí” không đáng được chúng ta mang theo, để rồi sau đó, chúng ta có thể thoải mái tiếp tục con đường của mình cho đến tận khi đạt được mục tiêu của cuộc đời. “Từ bỏ” cũng là một cảnh giới đáng mơ ước của tâm hồn, chúng ta dùng cảnh giới mà “vạn vật đều có thể từ bỏ” để nhìn nhận cuộc đời, cho dù làm người hay làm việc, tự nhiên có thể bớt đi được một chút nghi kị, thêm một chút thản nhiên; bớt một chút bất mãn, thêm một chút bình tĩnh; bớt một chút tranh đấu, thêm một chút hòa thuận; cuộc sống chẳng phải sẽ thoải mái tự tại hay sao? Một đứa trẻ thò tay vào trong lọ lấy kẹo, nó muốn một lần lấy được nhiều chiếc nên đã lấy một nắm to, kết quả là tay bị mắc ở miệng lọ, làm thế nào cũng không thể rút ra được, sợ đến nỗi bật khóc. Ông nội nhìn thấy dáng vẻ lo lắng của cháu, chậm rãi nói: “Xem kìa! Cháu vừa không muốn bỏ lại số kẹo đó, lại vừa muốn rút tay ra, chi bằng biết đủ một chút, lấy ít đi một chút, nắm tay nhỏ lại tự nhiên sẽ có thể dễ dàng rút tay ra thôi!” Trong cuộc sống, để “có được” thì cần có đầu óc thông minh, còn muốn “từ bỏ” thì lại càng cần có trí tuệ và dũng khí. Con người lúc nào cũng chỉ mưu cầu chiếm hữu mà rất ít khi biết từ bỏ đúng lúc. Vì vậy, người có tiền thì bị tiền bạc làm cho mệt mỏi, còn người có tình cảm thì bị tình cảm làm tổn thương… Biết từ bỏ, dĩ nhiên không phải là yêu cầu chúng ta không làm gì cả, mà là sau khi hành động thì không nên đặt quá nặng yếu tố thành - bại, được - mất: tiền dĩ nhiên phải kiếm, nhưng sau khi kiếm được thì phải chi dùng thích hợp chứ không nên giống như Grandet ôm chặt tiền không chịu bỏ ra; tình cảm nên hi sinh, nhưng không cần nhất định phải được báo đáp… Tương truyền khi Đức Phật còn sống, có một quý tộc người Bà La Môn tới gặp. Người Bà Là Môn này hai tay cầm hai lọ hoa, coi đó là lễ vật dâng lên Đức Phật. Phật nhìn thấy người Bà Là Môn liền nói: “Đặt xuống”. Người Bà La Môn liền đặt lọ hoa trên tay trái xuống đất. Phật lại nói: “Đặt xuống”. Người Bà La Môn lại đặt lọ hoa trên tay phải xuống. Nhưng Phật vẫn nói với ông ta: “Đặt xuống”. Người Bà La Môn này không hiểu, bèn hỏi Đức Phật: “Hai tay con đã trống không, Người còn muốn con đặt cái gì xuống?” Phật nói: “Tuy con đã đặt lọ hoa trên tay xuống, nhưng trong lòng con chưa thực sự từ bỏ chấp niệm. Chỉ khi con từ bỏ chấp niệm của sự hưởng thụ bên ngoài, chấp niệm của sự suy tư bên trong thì mới có thể giải thoát khỏi sinh tử luân hồi”. Trong mắt người bình thường, vạn sự vạn vật của thế gian đều là vật thực, con người luôn nhìn nhận vạn vật thế gian bằng con mắt vốn có, dùng con mắt thế tục để đánh giá tất cả sự vật, vì thế thường bị những phiền não thị phi làm cho nghi hoặc, cuộc đời thêm biết bao đau khổ nhưng lại không biết làm thế nào để giải thoát. Muốn giải thoát vô số phiền não trong nhân gian, để tâm tịnh như nước, nếu chỉ đơn thuần dựa vào cái gọi là “thông minh tài trí” thế tục thì mãi mãi là không đủ, rất nhiều khi chúng ta cần đến một dũng khí, đó là dũng khí dám từ bỏ chấp niệm. “Từ bỏ” là một tâm thái, một triết lí nhân sinh, một trí tuệ lớn. Biết cách từ bỏ chấp niệm là phương thuốc thần diệu giúp chúng ta vui vẻ, xóa bỏ muộn phiền, nhờ thế mà đường đời sau này - khi đã biết “từ bỏ” sẽ càng vui vẻ hơn, giúp chúng ta có thể đi xa hơn, bay cao hơn, nhìn thấy được những cảnh giới đẹp đẽ, hòa bình hơn. Chỉ cần chúng ta biết “từ bỏ” đúng lúc, dùng tâm thái ôn hòa để đối mặt với cuộc sống phức tạp rối ren, thì cuộc sống của chúng ta sẽ tràn đầy “tiếng chim ca suối chảy”. (2) Chấp niệm: là một loại dục vọng vô cùng mãnh liệt. “Chấp” nghĩa là “cố chấp”, “chấp niệm” có thể hiểu một cách đơn giản là cách nghĩ cố chấp mà người khác khó lòng lay chuyển được. Chấp niệm cũng có một nét nghĩa là sự “để bụng” đối với một người hay sự vật nào đó, khi sự “để bụng” này trở nên thái quá thì sẽ khiến nảy sinh “chấp niệm”. DỤC VỌNG LẠI SINH RA DỤC VỌNG Trên thảo nguyên mênh mông của châu Phi, một chú sư tử con dần dần trưởng thành, theo mẹ học cách săn mồi. Từng ngày trôi qua, chú đã nắm được cách thức và kĩ năng săn mồi, sư tử mẹ nói với nó: “Con à, con đã lớn rồi, có thể thử rời xa bố mẹ sống một mình xem sao”. Sư tử là vua trên thảo nguyên, dường như không có loài động vật nào đủ khả năng trở thành đối thủ của nó. Vì vậy, tuy sư tử con sắp sống một mình nhưng sư tử mẹ vẫn hết sức yên tâm. Nó tin con trai của mình có thể dựa vào bản lĩnh săn mồi xuất chúng để sống một cách bình an, khỏe mạnh. Mấy tháng sau, sư tử mẹ nhìn thấy sư tử con trong một rừng cây, nhưng dáng vẻ của sư tử con lúc ấy khiến nó hoàn toàn không dám tin vào mắt mình. Vùng mà sư tử con sinh sống có nguồn thức ăn phong phú, được sinh sống ở đó đáng lẽ nó phải ngày càng cường tráng, ấy vậy mà lúc này, sư tử con lại gầy đi rất nhiều, dáng vẻ đói ăn, tinh thần mệt mỏi. “Rốt cuộc là chuyện gì đã xảy ra vậy?” Sư tử mẹ không thể hiểu được. Đúng lúc nó đang định tiến tới hỏi sư tử con thì một đàn hươu từ xa chạy tới. Đó chính là thời cơ tốt để săn mồi, còn sư tử con cũng phấn chấn tinh thần, sẵn sàng chuẩn bị kiếm mồi. Thế là sư tử mẹ nấp sang một bên, quyết định nhìn xem con trai săn mồi như thế nào. Lúc này sư tử con đã ẩn nấp, sẵn sàng chờ đàn hươu đi vào phạm vi săn mồi của mình. Chẳng bao lâu, một chú hươu con ở rìa đàn đã tới rất gần chỗ sư tử con ẩn nấp, hươu con hoàn toàn không ý thức được nguy hiểm đang rình rập. Sư tử mẹ nghĩ rằng lúc ấy sư tử con chỉ cần há miệng là đã có thể đánh chén một bữa no nê, nhưng điều khiến nó không ngờ là sư tử con vẫn án binh bất động, bỏ qua miếng ăn đã đưa tới miệng. Lại một chú hươu con nữa đi qua, rồi chú thứ hai, chú thứ ba… càng ngày càng có nhiều hươu con đi qua phạm vi hoạt động của sư tử con, nhưng sư tử con vẫn không có bất kì động tĩnh nào, vẫn nhìn chằm chằm vào đàn hươu khác ở xa đang tiến lại gần, cuối cùng nó không kiềm chế được nữa, hung dữ lao về phía đàn hươu, nhưng lần này do khoảng cách quá xa, các chú hươu con dễ dàng thoát khỏi sự truy bắt của nó. Sư tử mẹ không thể nấp yên một chỗ được nữa, vội vàng đuổi theo hỏi sư tử con: “Lúc nãy rõ ràng là mấy con hươu con ấy ở ngay bên miệng con rồi, vì sao con không nắm lấy cơ hội để bắt chúng?” Sư tử con hậm hực nói: “Lẽ nào mẹ không thấy sao, chưa biết chừng đợi thêm một lát nữa, con có thể bắt được nhiều hơn ấy chứ”. Sư tử mẹ lắc đầu, buồn phiền nói: “Con của ta, con nghĩ như vậy là sai rồi, lòng tham sẽ chẳng bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn, nhưng cơ hội thì rất dễ mất đi. Tham lam không những không thể khiến con có được nhiều hơn, mà trái lại sẽ khiến những thứ vốn dĩ con có thể nắm bắt được trong tầm tay lại biến mất.” Mỗi người đều có dục vọng, nhưng nếu không khống chế dục vọng thì nó sẽ lớn dần lên mãi, trở thành căn bệnh tham lam. So với dục vọng bình thường, tham lam không bao giờ có thể thỏa mãn được, nó sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái vắt kiệt tinh lực và thể lực, khiến cho bạn luôn luôn cảm thấy phiền não và phiền phức vô cùng. Trong cuộc sống hiện thực, rất nhiều lúc chúng ta cũng giống như chú “sư tử con” trong câu chuyện, không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, lúc nào cũng suy tính thiệt hơn. Kết quả điều tra của một trang web cho thấy, trên 90% số người được phỏng vấn cho rằng “xã hội hiện nay ở trong trạng thái theo đuổi công danh lợi lộc và vật chất hóa”, các ý kiến phổ biến cho rằng, ngày nay con người theo đuổi vật chất và thực dụng quá mức, đa số mọi người vẫn hi vọng có thể kiếm được nhiều tiền hơn, có nhà đẹp hơn, xe cao cấp hơn, công việc tốt hơn, địa vị xã hội cao hơn và tất cả những thứ khác cũng tốt đẹp hơn. Immanuel Kant - nhà triết học người Đức từng nói: “Vui vẻ là khi dục vọng của chúng ta được thỏa mãn”. Khi dục vọng của con người không được thỏa mãn, tâm trạng khao khát không thể được giải phóng, tâm hồn bị ức chế thì sẽ nảy sinh các ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống và tâm trạng sau này. Có một câu chuyện kể rằng: Trong một ngôi chùa nọ, quanh năm khói hương nghi ngút, có một con nhện ngày ngày miệt mài chăng tơ trên xà ngang của điện chính. Do ngày ngày được hương hỏa trong chùa và tiếng đọc kinh hun đúc, nên lâu dần nhện cũng có phật tính. Một ngày nọ, sư thầy trụ trì phát hiện ra sự tồn tại của nhện này, liền hỏi nó: “Ngươi giăng tơ trong chùa của ta cũng coi là có duyên. Ngươi tu luyện lâu như thế, vậy đã ngộ ra được điều gì? Theo ngươi, cái gì là thứ trân quý nhất thế gian?” Nhện đang suy nghĩ, đột nhiên một trận gió thổi tới, cuốn theo một giọt sương long lanh thổi rơi lên mạng nhện, lấp lánh, đẹp vô cùng. Nhưng chẳng bao lâu sau, một trận gió nữa lại thổi tới, mang giọt sương bay đi, nhện mất đi giọt sương đẹp khiến nó cảm thấy hụt hẫng, buồn rầu, nó bèn trả lời vị trụ trì: “Thứ trân quý nhất nhân gian là thứ không có được và thứ đã mất đi”. Đối với con người mà nói, càng là những thứ không có được thì càng cảm thấy vô cùng quý giá. Quả thực, con người hiện đại phải đối mặt với áp lực cuộc sống rất lớn, mỗi khi cảm thấy hoang mang vì những khúc mắc trong chuyện thăng chức, tiền đồ, đau khổ vì vấn đề yêu đương, tình cảm, tiền bạc, địa vị… thì chủ nghĩa vật chất sẽ xâm chiếm toàn bộ đầu óc bạn, lúc này dường như có tiền bạc và quyền thế là có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề. Do đó, khi thiếu đi cảm giác an toàn và ổn định thì dục vọng và tâm lí chiếm hữu đối với những sự vật mới sẽ càng tăng cao. Dục vọng của con người là vô hạn, có ham muốn là chuyện thường tình, không có ham muốn, chúng ta sẽ mất đi động lực sinh tồn vốn có. Dục vọng rõ ràng và mãnh liệt có thể trở thành động lực thúc đẩy cho sự nghiệp của bạn thành công, nhưng cũng có thể trở thành ma quỷ dẫn bạn vào địa ngục. Dục vọng có thể lại sinh ra dục vọng, nếu để cho bị dục vọng điều khiển thì cuộc đời sẽ thất bại. Ngược lại, nếu bạn có thể chế ngự được dục vọng, biết cách biến dục vọng thành sức mạnh, tìm thấy nhịp điệu và bước đi phù hợp với mình, thì bạn sẽ không còn bị dục vọng nô dịch nữa. HƯ VINH LÀ SỢI DÂY CHUYỀN ĐẸP ĐẼ Trong tiểu thuyết ngắn Sợi dây chuyền kim cương, Maupassant đã kể một câu chuyện như sau: Cô nàng Mathilde – vợ của một anh lục sự “thường thường bậc trung” sắp tham gia một bữa tiệc. Nhưng khổ nỗi, do không có món trang sức quý giá nào, nên cô ta đã mượn cô bạn thân một sợi dây chuyền kim cương. Trong buổi tiệc, Mathilde vốn xinh đẹp quyến rũ, lại đeo thêm sợi dây chuyền kim cương sáng lấp lánh nên càng trở nên cuốn hút lạ thường, thu hút ánh nhìn ngưỡng mộ của mọi người. Tuy nhiên trên đường về nhà, cô ta vô tình làm mất sợi dây chuyền kim cương. Mathilde buộc phải cùng lúc làm mấy công việc, ăn tiêu chắt bóp để dồn tiền bồi thường cho cô bạn. Mười năm qua đi, một hôm, Mathilde vô tình gặp lại người bạn năm xưa trong công viên, nhưng lúc ấy Mathilde đã bị áp lực cuộc sống giày vò tới mức dung nhan tiều tụy, trông già nua khắc khổ, khiến bạn bè gần như không thể nhận ra. Nhưng điều trớ trêu là, cuối cùng cô mới biết rằng, sợi dây chuyền mà mình mượn năm xưa là một sợi dây chuyền kim cương giả, còn cô thì vì chút hư vinh của bản thân mà đã phải trả giá bằng sự lao động vất vả cùng sự tổn hại dung nhan xinh đẹp trong suốt mười năm ròng. Tính sĩ diện cũng giống như sợi dây chuyền của Mathilde vậy, nó có thể là châu báu làm đẹp, khiến bạn có được sự tỏa sáng nhất thời, nhưng cũng có thể trở thành sợi dây thừng lạnh lẽo, trói chặt cuộc đời bạn. Từ xưa tới nay, đả kích tính sĩ diện của con người luôn là một trong những đề tài yêu thích của các nhà triết học và nhà thơ, còn trên sân khấu cuộc đời thì lúc nào chúng ta cũng có thể bắt gặp hàng ngàn câu chuyện liên quan tới thói xấu này. Vậy thói ham hư vinh rốt cuộc từ đâu mà ra? Người xưa có câu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Chắc chắn không có ai sinh ra đã cam tâm âm thầm lặng lẽ sống cuộc đời của mình, không cần ai biết tới. Từ xưa tới nay, phần lớn chúng ta đều đang khổ sở bôn ba trên con đường theo đuổi danh lợi, địa vị, tiền bạc. Điều đó không có gì đáng chê trách, nhưng chúng ta nên hiểu rằng, theo đuổi công danh lợi lộc cũng nên lượng sức mình, nếu mục tiêu vượt quá khả năng của mình mà lại không cam chịu cuộc sống bình dị, thì rất dễ nảy sinh tà niệm, khiến chúng ta đi lệch với quỹ đạo thường nhật. Tartaglia là một nhà toán học của Italia thời trung cổ, trải qua nhiều năm miệt mài nghiên cứu, cuối cùng ông cũng đã tìm ra được phương pháp giải phương trình bậc ba. Đúng lúc ấy, có một người tên là Cardano tới thăm Tartaglia, than phiền rằng việc giải phương trình bậc ba đã làm khó ông ta bao nhiêu năm nay, khiến ông ta vô cùng đau khổ. Thấy vậy, Tartaglia đã ngây thơ chia sẻ với Cardano thành quả nghiên cứu của mình không chút giấu giếm. Không ngờ chẳng bao lâu sau, Cardano đã cho công bố một bài nghiên cứu, nội dung chính là cách giải phương trình bậc ba, chiếm đoạt thành quả học thuật của Tartaglia một cách vô liêm sỉ. Chẳng mấy chốc, danh tiếng của Cardano nổi lên trong giới toán học, người ta bắt đầu biết tới “ngôi sao mới nổi” trong lĩnh vực toán học này, Cardano đắm chìm trong cảm giác thỏa mãn vô hạn. Nhưng sự thực luôn luôn là sự thực, sự dối trá ngắn ngủi không thể che mắt mọi người mãi được, cuối cùng, hành vi đáng xấu hổ của Cardano đã bị vạch trần, từ đó hắn không còn là “thiên tài toán học” nữa mà tên hắn đã trở thành đại từ để chỉ kẻ lừa đảo trong toán học, bị người đời khinh bỉ. Theo đuổi lợi ích xứng đáng thuộc về mình vốn là điều không có gì đáng chê trách, việc hi vọng nhận được sự khen ngợi của người khác cũng là tâm thái bình thường, tuy nhiên người đàng hoàng chính trực là người không tơ hào của phi nghĩa hay những thứ không thuộc về mình; còn nếu không từ mọi thủ đoạn chỉ để thỏa mãn thói hư vinh thì kết quả sẽ là hại người hại mình. Để thoát khỏi được “gông cùm” của hư vinh, trước tiên chúng ta phải học cách nhận thức bản thân đúng đắn. Chỉ khi có nhận thức đúng đắn về bản thân và đánh giá về bản thân một cách khách quan, chân thực thì chúng ta mới không dễ dàng bị lung lạc khi được nhận lời khen hay xu nịnh. Để nhận thức được đúng đắn về bản thân, chúng ta cần phải có đủ dũng khí, dám chấp nhận hiện thực, từ đó biết tự bổ khuyết, bù đắp thiếu sót thì mới có thể khiến cho cuộc đời mình ngày càng thêm rực rỡ, phong phú. Tiếp theo, chúng ta cần phải biết tiếp nhận bản thân một cách đúng đắn. Nhận thức bản thân không dễ, tiếp nhận bản thân lại càng khó hơn. Có người từng nói: “Người ham thích hư vinh thì chỉ nhìn vào tên của mình, còn những người anh hùng chân chính thì nhìn vào sự nghiệp của tổ quốc”. Đối với rất nhiều người, hư vinh chẳng khác nào một giấc mơ màu hồng, mà khi đắm chìm trong giấc mơ ấy thì dường như có được tất cả mọi thứ trong tay. Nhưng suy cho cùng thì đó cũng chỉ là một giấc mộng, và khi tỉnh mộng, bạn sẽ nhận thấy đôi tay mình trắng trơn. Vậy thì thay vì ôm giấc mộng ấy, tại sao chúng ta lại không dám đối mặt với tất cả bằng bộ mặt chân thực, để giành lấy mọi thứ trong thực tại? Để thoát khỏi được “gông cùm” của hư vinh, chúng ta còn phải nhận thức những người xung quanh một cách đúng đắn. Đối với người ham thích hư vinh thì ý kiến và sự nhìn nhận, đánh giá của người khác sẽ chi phối được tâm thái của họ, khiến họ luôn hi vọng nhận được lời khen ngợi cũng như khao khát được mọi người nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Thực ra họ không cần phải như vậy. Là vàng thật thì sẽ tự tỏa sáng, chúng ta không cần thiết phải cố giành lấy lời khen của người khác mà trái lại, chúng ta càng nên tỉnh táo để nhìn rõ trong những lời khen ấy, lời nào là xuất phát từ tấm lòng, lời nào là nịnh nọt giả dối, không được để lời khen làm u mê đầu óc. Trong thiên Nguyên đạo huấn - sách Hoài Nam tử có đoạn: “…Vì thế bậc đại trượng phu điềm nhiên vô tư, thản nhiên không lo lắng, coi trời là nắp đậy, coi đất là xe, bốn mùa là ngựa, âm dương là kẻ hầu… Coi trời là nắp đậy ắt không có chốn nào là không che được; coi đất là xe, ắt không có gì là không tải nổi; coi bốn mùa là ngựa, ắt không có gì mà không điều khiển được; coi âm dương là kẻ hầu, ắt không có gì là không chu toàn. Vì thế tuy nhanh mà không dao động, tuy xa mà không mệt mỏi…” Đoạn này ý nói người quân tử không màng danh lợi, từ bỏ tư dục, nhìn tất cả mọi thứ một cách điềm nhiên ung dung, như thế mới có thể tiến xa trên đường đời phía trước mà không mệt mỏi, phóng như bay mà không nghiêng ngả. Nghiền ngẫm thật kĩ trí tuệ của cổ nhân, ý vị thật sâu xa. CUỘC ĐỜI GIỐNG NHƯ CHIẾC ĐỒNG HỒ ĐÃ LÊN DÂY CÓT Chắc chắn bạn đã từng có trải nghiệm như sau: Bạn ngồi trên xe bus hoặc trên tàu điện ngầm, hôm nay có chuyện không vui nên bạn cảm thấy bực bội; nếu lúc đó chẳng may có người giẫm vào chân bạn thì bạn sẽ như tìm được nơi trút giận, chỉ muốn cãi nhau với người đó một trận… Rất nhiều lúc, tâm trạng xấu kiểu đó đều bắt nguồn từ áp lực cuộc sống hối hả mang lại cho bạn. Thế giới bên ngoài luôn phức tạp, bận rộn tất bật, mỗi người đều vội vã đi trên đường đời riêng của mình, dường như lúc nào cũng sợ bỏ lỡ điều gì. Khi còn nhỏ thì bận rộn học hành, bận rộn thi cử; khi đã bước chân vào cổng trường đại học thì hối hả thu nạp kiến thức, gấp gáp chuẩn bị cho công việc; sau khi đi làm lại bận rộn với phấn đấu thành tích trong công việc, bận rộn kiếm tiền, mua nhà, yêu đương… Ngoảnh đầu nhìn lại, có phải chúng ta chưa bao giờ được tĩnh tâm? Cuộc đời giống như một chiếc đồng hồ đã lên dây cót, không lúc nào thôi thúc giục, giục giã chúng ta tiến lên phía trước không ngừng nghỉ. Bận rộn, mù quáng, mịt mờ Có câu chuyện ngụ ngôn rằng: Con bạch mã mà Đường Tăng cưỡi khi đi Tây Thiên thỉnh kinh vốn dĩ chỉ là con ngựa bình thường của một xưởng nghiền bột trong thành Trường An. Con ngựa này vốn dĩ không có gì đặc biệt, chăm chỉ làm việc trong xưởng nghiền bột từ nhỏ, cơ thể cường tráng, chịu khó chịu khổ, hơn nữa bản tính lại thuần hòa, không bao giờ phá phách hay làm trái lời chủ. Đường Tăng nhìn thấy nó, thầm nghĩ: Lần này đi Tây Thiên, đường sá xa xôi, hơn nữa khi quay về còn phải mang theo rất nhiều kinh sách. Thế nên ông đã quyết định chọn con bạch mã hiền lành chịu khó này. Cứ như vậy, bạch mã theo Đường Tăng đi suốt mười mấy năm ròng. Sau khi Đường Tăng lấy được chân kinh quay về, con bạch mã bình thường năm xưa cũng được phong là “Đại Đường đệ nhất danh mã”. Bạch mã quay về xưởng nghiền bột mà mình đã từng làm việc năm xưa, thăm lại bạn cũ. Một đàn lừa, ngựa, la vây quanh bạch mã, phấn khích nghe nó kể chuyện trên đường đi. Bạch mã điềm tĩnh nói: “Các anh em ạ, thực ra tôi cũng chẳng có gì giỏi giang cả, chỉ là may mắn được Đường Tăng chọn, theo ông ấy đi Tây Thiên thỉnh kinh mà thôi. Trong mười mấy năm này, các bạn cũng bận rộn suốt, mỗi bước tôi đi thì các bạn cũng đi không ngừng, chỉ khác một điều là các bạn đi vòng quanh nhà”. Giờ chúng ta hãy thử nhìn nhận câu chuyện này ở một góc độ khác. Bạch mã không vì những thành công có được khi đi theo Đường Tăng mà tỏ ra cao ngạo, trái lại, nó hiểu rằng mình cũng chỉ giống với những con ngựa khác mà thôi, đều chịu gian khổ để tiến lên phía trước, cách suy nghĩ ấy quả thực đáng khen ngợi. Nhưng lẽ nào những con lừa, ngựa, la khác không có giá trị gì sao? Mỗi người trong xã hội này đều có ý nghĩa tồn tại của mình, Đường Tăng cần mang theo ngựa để đi thỉnh kinh, còn bách tính thì cần những con ngựa này để xay bột, chở gạo. Mặc dù công việc của chúng rất bình dị, nhưng những công việc ấy cũng không kém phần quan trọng so với những công việc lớn lao, vĩ đại khác. Còn nếu chúng ta chỉ biết bận rộn một cách mù quáng thì cuối cùng, thứ thu được chỉ là sự hoang mang. Nếu tự nhận thấy năng lực của bản thân không thể thực hiện được mục tiêu quá cao thì tại sao chúng ta không “liệu cơm gắp mắm”, đề ra mục tiêu thích hợp nhất với bản thân, sau đó thực hiện chúng? Rất nhiều lúc, con người không thực sự nhận thức được rõ ràng về sự “bận”, rốt cuộc thế nào là “bận”? Bận là một trạng thái sống, trong khoảng thời gian nhất định, chúng ta không ngừng nỗ lực vì mục tiêu đã đặt ra. Sự bận rộn có thể khiến cuộc sống của chúng ta phong phú hơn, khiến chúng ta không phải cảm thấy hổ thẹn với đời. Còn nếu như chỉ vì không muốn nhàn rỗi mà cố tình làm cho mình phải bận rộn, hoặc làm ra vẻ “bận”, thì chính là tự lừa mình lừa người. Sự nhàn nhã Trên bờ biển, có một ngư ông ngày ngày ngồi trên tảng đá ngầm thả câu. Điều kì lạ là cho dù câu được nhiều hay ít, cứ ngồi đủ hai tiếng đồng hồ là ông lão thu dọn đồ nghề, thong dong ra về. Lâu dần, một thương nhân chú ý tới ông lão này. Anh ta cảm thấy rất khó hiểu, bèn hỏi: “Gặp ngày may mắn, sao ông không cố gắng ngồi câu thêm một lúc nữa, như thế có phải ông sẽ câu được nhiều cá hơn không?” “Việc gì ta phải câu nhiều cá như vậy?” - Ngư ông bình tĩnh trả lời. “Để bán lấy tiền chứ còn làm gì nữa!” - Thương nhân đáp, trong bụng thầm chê ông lão ngờ nghệch. “Sau khi bán rồi thì sao?” “Ông có thể mua một tấm lưới, sẽ bắt được nhiều cá hơn, kiếm được nhiều tiền hơn”. “Rồi sao nữa?” “Ông có thể mua một chiếc thuyền đánh cá, ra biển bắt nhiều cá hơn nữa, bán được nhiều tiền hơn nữa”. “Kiếm được nhiều tiền như vậy để làm gì?” - Lão ông vẫn tỏ vẻ bất cần. “Ông có thể thuê nhiều người đi đánh cá, còn mình thì hưởng thụ cuộc sống!” “Chẳng phải bây giờ ta đang hưởng thụ hay sao?” - Ông lão cười nói - “Mỗi ngày ta ngồi câu hai tiếng, thời gian còn lại ta có thể chiêm ngưỡng ráng chiều, hoàng hôn, chăm chút hoa cỏ ruộng đồng, gặp mặt bạn cũ... Cậu thử nói xem, những việc này so với việc kiếm tiền thì cái nào có ý nghĩa với ta hơn?” Nhàn nhã là một trạng thái tự nhiên của cuộc sống, lúc này tâm hồn và thể xác được nghỉ ngơi. Nhàn nhã là một cảnh giới của tâm hồn, múa kiếm khi say, nghe mưa bên cửa sổ… đều là những thú vui khiến lòng người hân hoan. Nhàn nhã còn là khi tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên, dạo chơi, một mình hát tình ca… để nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt. Sau một ngày làm việc bận rộn, đôi khi chúng ta không nhất thiết phải vội vội vàng vàng về nhà, mà có thể xuống xe bus trước một bến, chầm chậm bước đi men theo con đường, cảm nhận cảnh đêm của thành phố. Rồi phát hiện một cửa hàng nhỏ bán những món đồ tinh xảo bên đường, đẩy cửa bước vào, biết đâu lại phát hiện ra một “thế giới riêng” thú vị? Hà tất ta phải tự biến mình thành một chiếc máy chạy không ngừng nghỉ? Con người không thể nhàn nhã suốt đời, nhưng cũng không thể lúc nào cũng lên hết dây cót, không được thảnh thơi. Do vậy, nhàn nhã là một sự điều chỉnh cần thiết trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều không thể thiếu nó. Dắt ốc sên đi dạo Mục sư nói: Thượng Đế giao cho tôi nhiệm vụ dắt một con ốc sên đi dạo. Tôi chẳng có cách nào để đi nhanh được, mặc dù ốc sên đã cố gắng hết sức bò lên phía trước, nhưng nó cũng chỉ có thể dịch chuyển từng chút một. Tôi không ngừng thúc giục nó, trách mắng nó, thậm chí đe dọa nó, nhưng ốc sên chỉ biết nhìn tôi bằng ánh mắt như biết lỗi, dường như muốn nói với tôi rằng: “Tôi đã cố hết sức rồi!” Tôi kéo nó, thậm chí muốn đạp một cái vào lưng nó. Nó thở hổn hển, đầm đìa mồ hôi, cố sức bò lên trước… Đúng là khó hiểu, vì sao Thượng Đế lại giao cho tôi một nhiệm vụ kì lạ như vậy? “Thượng Đế ơi! Rốt cuộc là vì sao?” - Tôi ngửng đầu hỏi trời, nhưng xung quanh chỉ là một vùng tĩnh lặng. Có lẽ Thượng Đế đã bắt ốc sên đi rồi! Thôi được, tôi quyết định phó mặc mọi chuyện. Dù sao thì Thượng Đế cũng đã thôi không nói nữa, tôi còn bận tâm nhiều như vậy làm gì! Ốc sên tiếp tục bò lên trước, tôi bực tức theo sau nó. Dần dần, bước chân của tôi cũng chậm lại, tâm tôi tĩnh lại… Ồ? Đột nhiên tôi ngửi thấy mùi hương của hoa cỏ, thì ra ngay cạnh tôi có một vườn hoa rất đẹp. Tôi còn cảm thấy có làn gió nhè nhẹ thổi tới, trước đây tôi chưa bao giờ để ý rằng, gió trong đêm lại dịu dàng như vậy. Ô, còn có tiếng chim, tiếng côn trùng kêu rỉ rả… tôi nhìn thấy ánh sao khắp trời, thật đẹp. Vì sao trước đây tôi chưa từng có trải nghiệm này? Thì ra là nhờ Thượng Đế bảo tôi dắt một con ốc sên đi dạo. Bạn đã tìm thấy con ốc sên của mình chưa? Hãy đi dạo giống như tôi đi! Đi chậm trên con đường nhỏ tĩnh mịch, hít thở không khí trong lành, ánh nắng xuyên qua tán cây, hắt xuống đường những chấm loang lổ. Gió mát thổi qua mang theo hương hoa nhè nhẹ, thấm vào lòng người. Ngửa mặt nhìn lên trời thấy mây trắng lướt qua, trôi nhẹ bồng bềnh. Ngân nga một khúc nhạc nhẹ nhàng, khẽ đọc một bài thơ nho nhỏ, có phải bạn đang cảm thấy cuộc sống tươi đẹp hơn rất nhiều không? Mỗi giây phút trước mắt đều đáng quý trọng, nhưng có rất nhiều phương thức khác nhau để thể hiện sự trân trọng đối với thời gian. Hãy tận hưởng từng khoảnh khắc hiện tại, thỉnh thoảng bước chậm lại, “dắt một con ốc sên đi dạo”, bạn sẽ tận hưởng được rất nhiều cảnh đẹp đã để lỡ khi bận rộn. TĨNH ĐỂ TU THÂN, DƯỠNG TÂM QUÝ Ở TĨNH TÂM Một vị giáo sư nọ đưa ra câu hỏi với các sinh viên: Theo em, thứ tốt đẹp nhất trong cuộc đời là gì? Các sinh viên đã đưa ra một danh sách dài: Sức khỏe, tình yêu, sắc đẹp, danh dự, của cải, năng lực… Giáo sư nhìn rồi mỉm cười và nói: “Thực ra các em đã bỏ qua một mục vô cùng quan trọng – sự tĩnh lặng của tâm hồn. Không có điểm này, tất cả những gì các em đã đưa ra ở trên sẽ mang lại rất nhiều đau khổ cho các em”. Chúng ta biết rằng, “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là con đường để thực hiện lí tưởng nhân sinh của cổ nhân, nhưng trước đó còn có một tiền đề thường hay bị chúng ta bỏ qua, đó là “chính tâm”. “Thành ý, chính tâm, tu thân” là con đường nội ngoại kiêm tu mà cổ nhân đã đưa ra. Đối với con người sống trong thời đại ngày nay, cuộc sống căng thẳng bận rộn thường sẽ khiến thế giới tinh thần của chúng ta mất cân bằng. Nếu ta không thể nhìn nhận các cám dỗ, suy tính được mất bằng một tâm hồn “tĩnh” thì sẽ rất dễ cảm thấy mệt mỏi. Chỉ có sự tĩnh lặng của tâm hồn mới có thể giúp chúng ta không cảm thấy thèm thuồng, đố kị trước những thứ không thuộc về mình. Suy cho cùng, những cảm giác thèm thuồng, đố kị hay ngưỡng mộ ấy đều là tình cảm đơn phương của con người, chúng chỉ khiến tăng thêm gánh nặng cho cuộc sống, khiến chúng ta càng lúc càng rời xa sự vui vẻ, dễ chịu. Trên con phố nọ có một xưởng rèn sắt, chủ nhân là một ông lão thợ rèn. Cùng với sự phát triển của thời đại, người cần gia công đồ sắt càng ngày càng ít, việc làm ăn của ông lão cũng ngày càng đi xuống, vì thế ông chuyển sang bán các thứ đồ sắt gia dụng như nồi sắt, xích chó… Phương thức kinh doanh của lão thợ rèn vẫn tuân theo truyền thống, bao năm không thay đổi. Người ngồi trong cửa hàng, hàng bày ngoài cửa bên đường, không chào hàng, cũng không ghi giá, đến tối cũng không dọn hàng sớm, lúc nào bạn đi qua đây cũng đều có thể nhìn thấy ông lão đang nằm trên ghế tre, nheo mắt, ngân nga theo những giai điệu cũ phát ra từ chiếc đài bán dẫn, trên chiếc ghế băng bên cạnh đặt một chiếc ấm tử sa. Việc buôn bán của ông thợ rèn cũng tàm tạm, thu nhập cơ bản hàng ngày đủ tiền trà nước và tiền ăn của ông. Dù sao thì ông đã già rồi, nhu cầu cá nhân không có gì nhiều, cuộc sống như vậy đối với ông có thể coi là đủ. Một hôm, có một thương nhân buôn bán đồ cổ đi qua con phố đó, tình cờ nhìn thấy chiếc ấm tử sa bên cạnh ông thợ rèn. Tạo hình của chiếc ấm này cổ xưa, trang nhã, chất đất làm ấm tím đen như mực, rất có phong thái của danh gia Đới Chấn Công thời Thanh. Anh ta bèn tiến lại, cầm chiếc ấm tử sa ấy lên và xem xét kĩ lưỡng. Quả nhiên, ở chỗ miệng ấm có một dấu ấn, đó chính là tác phẩm của Đới Chấn Công! Thương nhân này tỏ ra vô cùng thích thú. Phải nói thêm rằng, Đới Chấn Công vốn được truyền tụng có thể nặn bùn thành vàng, tác phẩm của ông còn lưu truyền lại cho đến ngày nay chỉ còn lại ba chiếc, một chiếc nằm ở bảo tàng New York (Mĩ), một chiếc nằm ở Bảo tàng Cố Cung (Đài Loan), còn một chiếc thì được một Hoa kiều người Thái mua với giá 160.000 đô-la trong cuộc bán đấu giá năm 1993 ở London. Không ngờ ở con phố cổ không có gì nổi bật này, trong tay một ông lão vô danh lại phát hiện được vật báu nhường kia! Người thương nhân vô cùng thích thú, vì thế đã đề nghị ông lão thợ rèn bán lại chiếc ấm tử sa cho mình với giá 100.000 tệ. Ông lão nghe thấy cái giá này thì thoạt đầu cảm thấy rất ngạc nhiên, sau đó ông xua tay, từ chối không bán. Chiếc ấm này là ông nội của ông để lại, ba đời nay nhà ông đều uống nước trong chiếc ấm này, vì vậy dù thế nào đi nữa cũng không thể bán được. Thương nhân đành buồn bã bỏ đi. Tuy giữ được ấm tử sa, nhưng cuộc sống vốn yên bình của ông thợ rèn đã bị đảo lộn. Đêm hôm ấy, ông nằm trên giường mà cứ trằn trọc mãi, không sao ngủ được. Chiếc ấm này đã theo ông suốt sáu mươi năm, vốn cứ tưởng rằng đó chỉ là một chiếc ấm bình thường, bây giờ lại có người trả giá cao ngất để mua nó, việc này không thể không khiến lão thợ rèn như có lửa đốt trong lòng. Trước đây, lúc nào ông cũng có thể an tâm nằm trên ghế ngủ gật, ấm tử sa đặt trên ghế băng bên cạnh. Nhưng bây giờ chốc chốc ông lại ngồi dậy canh chừng, điều đó khiến ông vô cùng khó chịu. Đặc biệt, điều khiến ông không thể chịu đựng được đó là họ hàng gần xa sau khi biết ông có đồ quý trong nhà thì liền thi nhau tới, có người muốn xem tận mắt vật báu, có người hỏi ông còn giấu bảo bối nào khác không, có người còn bắt đầu hỏi vay tiền ông, khiến ông rất phiền não. Lần này, cuộc sống của ông lão đã hoàn toàn bị đảo lộn, khiến cho ông vừa buồn bực vừa không biết phải làm thế nào. Vài hôm sau, thương nhân buôn bán đồ cổ hôm nọ lại mang 200.000 tệ tiền mặt tới nhà, bày tỏ nguyện vọng muốn được mua lại chiếc ấm này. Lúc này ông thợ rèn không thể chịu đựng thêm được nữa, bèn gọi họ hàng thân thích và hàng xóm láng giềng tới, vung rìu đập vỡ ấm tử sa trước mặt mọi người. Bây giờ, ông lão vẫn sống ở con phố cổ, bán nồi sắt và xích chó, nghe nói năm nay ông đã 102 tuổi. Ý nghĩa đích thực của cuộc đời nằm ở sự tĩnh lặng và thanh đạm, chỉ có hiểu được điều này thì cuộc sống của chúng ta mới có trật tự, không kiêu ngạo, không buồn bực, tìm ra được một khoảng trời riêng của mình. Chúng ta đều biết rằng, nếu muốn giữ cho hoa tươi lâu thì phải thay nước trong lọ cho hoa mỗi ngày, ngoài ra do cuống hoa ngâm trong nước dễ bị thối nát, nên mỗi khi thay nước phải cắt bỏ đi một đoạn cuống hoa. Việc duy trì sự sạch sẽ, thuần khiết cho tâm hồn cũng tương tự như vậy. Môi trường sống của chúng ta giống như nước trong lọ, mỗi người là một bông hoa cắm trong chiếc lọ ấy, chỉ có không ngừng làm sạch nội tâm, làm sạch tư tưởng của mình thì mới có thể không ngừng hấp thu được dinh dưỡng nhiều hơn, tốt hơn. Một tâm hồn “tĩnh” có thể làm lắng đọng rất nhiều sự nông nổi rối ren phức tạp của cuộc sống, lọc bỏ những “tạp chất” của tính tình như sự nông cạn hay thô bỉ, giúp chúng ta có thể không vì được yêu chiều mà vênh váo quên mình, không vì cuộc đời không như ý mà thất vọng buồn chán, không vì sống trong phú quý mà ngạo nghễ xấc láo, không vì sống trong bần hàn mà tự ti. Khi được như ý thì không quên chú ý hình tượng, thời thế, thần thái của bản thân; khi không như ý cũng không buồn chán thất vọng, than thân trách phận. Sống khép kín, yên tĩnh, không làm loạn, cũng không để mình bị khuất phục. Tĩnh để tu thân, dưỡng tâm quý ở tĩnh tâm, “tĩnh” là một kiểu khí chất, một sự tu dưỡng, một loại cảnh giới mà ở đó, con người có thể thản nhiên như không, trầm tĩnh ung dung, hưởng thụ một cách sâu sắc và đầy đủ hơn nhiều so với trạng thái cuồng loạn, gào thét rát cổ bỏng họng. BẠN MỈM CƯỜI THÌ CUỘC ĐỜI CŨNG SẼ MỈM CƯỜI VỚI BẠN Mỉm cười là một đặc quyền tốt đẹp mà Thượng Đế ban cho con người, một sự biểu cảm khiến người ta vui vẻ. Đối diện với một khuôn mặt tươi cười, bạn sẽ có thể cảm nhận được sự tự tin và thân thiện toát ra từ họ, sự tự tin và thân thiện này cũng cảm hóa bạn, khiến bạn nảy sinh sự tự tin và vui vẻ một cách tự nhiên, từ đó hai bên có thể thân thiết hơn. Mỉm cười là công cụ giao lưu tốt nhất thể hiện sự thân thiện, là nhịp cầu giao tiếp giữa người với người. Mỉm cười có thể biến mâu thuẫn thành hữu hảo, làm hài hòa mối quan hệ giữa hai bên, tạo ra không khí vui tươi, hữu nghị. Mỉm cười là ngôn ngữ cơ thể có ý nghĩa sâu xa, hàm ý truyền đạt tới đối phương thông điệp rằng: “Xin chào, bạn của tôi! Tôi rất vui mừng vì được gặp bạn, ở cùng với bạn tôi cảm thấy rất vui!” Nụ cười chân thành có thể khích lệ niềm tin của đôi bên, nụ cười xuất phát từ tấm lòng chân thành sẽ có thể nhanh chóng xóa đi sự xa lạ và ngăn cách giữa người với người. Tù nhân dùng nụ cười thoát thân Nansen là một phi công ưu tú, trong sự nghiệp phi công của ông đã xảy ra một chuyện khiến ông suốt đời không thể nào quên. Trong cuộc nội chiến chống phát xít của Tây Ban Nha, Nansen không may bị đối phương bắt được, cuộc sống đau khổ nhàm chán trong ngục khiến Nansen bắt đầu hút thuốc. Có một lần, ông định hút thuốc nhưng không tìm thấy dụng cụ châm lửa. Không còn cách nào khác, Nansen lấy hết dũng khí xin lửa người cai ngục lửa. Người cai ngục lườm ông rồi rút diêm với vẻ mặt lạnh lùng. Khi người cai ngục bước tới châm lửa cho Nansen, ánh mắt của hai người vô tình gặp nhau, Nansen bất giác mỉm cười thân thiện với anh ta. Thực sự là ngay cả bản thân Nansen cũng không biết vì sao lúc ấy mình lại mỉm cười với người cai ngục đó, có lẽ là để thể hiện sự thân thiện. Chính nụ cười vô thức ấy đã phá vỡ bức tường ngăn cách hai tâm hồn. Trước thái độ của Nansen, khuôn mặt của người cai ngục cũng như thấp thoáng nụ cười. Sau khi châm lửa xong, người cai ngục không lập tức rời khỏi nhà giam mà nhìn Nansen với ánh mắt ôn hòa, không còn vẻ hung hãn lúc đầu mà toát lên sự thân thiện và thiện ý. Nansen cũng đáp lại bằng nụ cười, dường như coi đối phương là bạn của mình. “Anh có con chưa?” - Người cai ngục bắt chuyện. “Có rồi, anh xem này”. - Nansen mở ví, lấy ra bức ảnh chụp cả gia đình được ông cất giữ. Người cai ngục cũng lấy ra bức ảnh mang bên mình, đồng thời kể với Nansen câu chuyện về mình và người thân. Nói mãi nói mãi, đôi mắt Nansen ngấn lệ, ông sợ mình sẽ không bao giờ được gặp lại những người thân đang ngày đêm mong nhớ mình, sợ sẽ không có cơ hội nhìn thấy con của mình trưởng thành… Người cai ngục nghe xong cũng cảm động rơi nước mắt, đúng lúc ấy, anh ta đưa ra một quyết định kinh ngạc – đứng dậy, mở cửa phòng giam, dẫn Nansen âm thầm trốn khỏi nhà giam từ con đường nhỏ ở cửa sau. Khi hai người từ biệt, người cai ngục bảo Nansen hãy nhanh chóng trốn đi, sau đó lập tức quay người bỏ đi, không nói thêm một lời… Rất nhiều năm sau đó, khi nhớ lại trải nghiệm kì diệu này, Nansen nói, nếu không nhờ có nụ cười năm ấy, có lẽ ông sẽ không thể có cơ hội sống để thoát được khỏi ngục tù. Một nụ cười đã cứu mạng ông. Nụ cười là bước đầu tiên giúp phát triển quan hệ xã hội của nhân loại, và cũng là nhịp cầu xây dựng tình bạn giữa những con người với nhau. Sở dĩ con người mê đắm “Nụ cười của nàng Mona Lisa”, nguyên nhân nằm ở chỗ người phụ nữ trong bức tranh ấy đã nhìn người đời với nụ cười đẹp nhất của mình. “Cười” có tính lây nhiễm, khi chúng ta mỉm cười với người khác, đối phương sẽ cảm thấy niềm vui dâng lên từ đáy lòng, và cũng sẽ mỉm cười đáp lại. Nhà tâm lí học William James nói: “Chúng ta cười là bởi vì chúng ta vui vẻ chứ không phải vui vẻ bắt nguồn từ nụ cười, cũng có nghĩa là vui vẻ tồn tại trước nụ cười. Nhưng chỉ có mỉm cười thì mới có thể biểu đạt niềm vui trong lòng ra ngoài”. Trên thực tế, lợi ích của việc cười không chỉ nằm ở chỗ khiến con người cảm thấy vui vẻ mà nó còn có thể giúp xua đi tâm lí cảnh giác giữa người với người, cho dù đối với cơ thể hay tâm hồn cũng đều rất có lợi. Tác dụng kì diệu của nụ cười nằm ở chỗ nó khiến cho tâm trạng của chúng ta trở nên vui vẻ. Xét từ góc độ sinh lí, tiếng cười còn có thể kích thích cơ thể tiết ra một chất tên là Catecholamine, giúp giảm nhẹ sự căng thẳng cho bộ não, khiến con người cảm thấy thoải mái, thư giãn. Vì thế các bác sĩ tâm lí mới thường nói rằng, khi tâm trạng của con người vui vẻ thì sức giãn của cơ, huyết áp và mạch đều giảm dưới mức bình thường; và khi con người được ở trong trạng thái thư giãn này thì sẽ có thể khơi gợi khả năng cảm thụ nhạy bén, giúp chúng ta có thể suy nghĩ một cách linh hoạt hơn, từ đó có thêm nhiều quan điểm và suy nghĩ mới mẻ để đối mặt với khó khăn tốt hơn. Mỉm cười là quyền lợi bẩm sinh của mỗi người, nhưng nhiều khi, dường như con người quên mất việc sử dụng nó, khiến cho tình cảm giữa người với người trở nên lạnh nhạt, cuộc sống chất chứa ưu phiền. Konosuke Matsushita từng nói: “Nếu có người hỏi tôi, trong số các sản phẩm chúng tôi bán cho khách hàng, cái gì mới là quan trọng nhất. Câu trả lời của chúng tôi là nụ cười thân thiết”. Warner Meg cũng có chia sẻ tương tự: “Mỉm cười và bắt tay không bao giờ tiêu phí thời gian và tiền bạc, nhưng lại có thể khiến việc kinh doanh phát đạt hơn”. Đúng vậy! Khi bạn nở một nụ cười chân thành thì cho dù phải đối mặt với khó khăn như thế nào, bạn cũng sẽ có thể hóa giải được. Triết lí sống hàm chứa trong đó vô cùng đơn giản: Khi bạn mỉm cười, thế giới cũng sẽ mỉm cười với bạn! Hãy tin rằng, nụ cười của bạn giống như tia nắng trong ngày u ám, chỉ cần mỉm cười là có thể khiến thế giới của bạn trở nên khác biệt! Người Ireland có một câu ngạn ngữ được lưu truyền từ xưa: “Hãy mỉm cười, cho dù thế nào đi nữa! Hãy để chúng ta mỉm cười thật lòng, bởi vì mỉm cười là âm nhạc của tâm hồn!” Vì thế xin bạn hãy nhớ rằng: Khi bạn mỉm cười một cách thiện ý và thân thiện với thế giới này, thế giới cũng sẽ nở nụ cười giống như vậy với bạn. Chỉ cần bạn mỉm cười, cuộc sống sẽ mỉm cười lại! KHÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI NGOẠI VẬT, SỐNG TỰ DO TỰ TẠI Người xưa nói: “Thiên hạ ồn ào, đều vì lợi mà lại; thiên hạ rối rít, đều vì lợi mà đi(3)”. Theo đuổi lợi ích dường như là bản năng của mỗi con người. Lợi ích ở đây bao gồm những thứ xuất hiện trên đường đời như tiền bạc, sắc đẹp, danh dự, địa vị... Để có được những thứ này, con người thường bỏ qua quá trình theo đuổi, mà chỉ chăm chăm nhắm vào mục tiêu, dường như muốn ôm cả thế giới về mình. Trước sự thôi thúc của dục vọng, con người thường để mình bị lạc lối trong mê cung của những ham muốn vật chất mà không thể nào thoát ra được. Người Do Thái – những người kiếm tiền giỏi nhất thế giới có một câu rằng: “Kiếm tiền không khó, tiêu tiền không dễ!” Trong một tiểu phẩm cũng có lời thoại kinh điển: “Chuyện đáng buồn trên đời này là, người đã chết rồi mà vẫn chưa tiêu hết tiền”. Cố sống cố chết tích cóp tiền bạc, khổ cực cả đời, vẫn chưa kịp hưởng thụ niềm vui mà những vật chất này mang lại cho mình thì đã phải rời xa, đây chẳng phải là bi kịch lớn nhất cuộc đời sao! Về mặt vật chất, chúng ta thực sự có nhu cầu lớn đến vậy sao? Hãy đặt tay lên ngực tự hỏi: Trong cuộc đời này, lượng vật chất mà chúng ta cần dùng đến là bao nhiêu? Thực ra không nhiều. Hàng ngày con người chỉ ăn vài ba bát cơm, và cần một vị trí trên giường để ngủ. Sở dĩ con người bị cuốn vào vòng xoáy theo đuổi vật chất, chẳng qua là vì chịu sự chi phối của ham muốn được chinh phục mà thôi. Khi chưa có thì muốn có được, khi đã có được rồi thì lại muốn có nhiều hơn, thế là gây ra đủ các sự mệt mỏi, thất vọng, đau khổ, cuộc đời cũng từ đó mà trở nên tăm tối. Bạn đã vui vẻ chưa? Truyền thuyết kể rằng, vua Midas rất say mê vàng. Mặc dù trong cung điện của ông ta đã chất đầy vàng, nhưng ông ta vẫn chưa thỏa mãn, suốt ngày buồn bực không vui, luôn suy nghĩ, tìm cách để có được nhiều vàng hơn nữa. Hàng ngày ông ta đều vào kho vàng để nhìn ngắm và đếm đi đếm lại những cục vàng yêu quý của mình. Một hôm, trong lúc đang ngồi đếm vàng trong kho, ông ta chợt nghe thấy một giọng nói vô hình vang lên: “Nhà vua có nhiều vàng quá!” Tuy sợ hãi, nhưng Midas vẫn tỏ ra tham lam: “Nhưng… thế này vẫn còn quá ít ỏi so với số vàng trên khắp thế gian.” “Nhà vua vẫn còn chưa vừa lòng ư?” - Giọng nói ngạc nhiên. Vua Midas thở dài: “Đêm đêm ta vẫn thường mất ngủ nằm suy tính xem làm thế nào để có thêm thật nhiều vàng. Ước gì ngón tay ta đụng vào thứ gì thì thứ ấy sẽ lập tức biến thành vàng, có như vậy ta mới mãn nguyện.” “Được thôi. Sáng mai, ước muốn này của nhà vua sẽ thành hiện thực.” Vua Midas dụi mắt, ngỡ như mình vừa nằm mơ. Nhưng khi những tia nắng ban mai đầu tiên xuyên qua cửa sổ, ngón tay vua Midas khẽ chạm vào rèm cửa thì bức rèm đã thực sự biến thành vàng ròng. Midas vui sướng quá, mừng rỡ chạy quanh phòng và chạm tay vào mọi đồ vật xung quanh, biến chúng thành vàng lấp lánh. Vua Midas có một cô con gái yêu. Khác với cha, nàng không thích thú gì với vàng, mà chỉ yêu cỏ cây, hoa lá. Vua Midas muốn làm cho con được vui lòng, nên đã ra vườn, chạm tay vào tất thảy hoa cỏ để biến chúng thành vàng, vì ông không muốn những bông hoa mong manh ấy sẽ nhanh chóng héo tàn, khiến con gái ông buồn. Việc chạm tay vào đủ thứ khiến vua Midas thấm mệt. Khi người hầu mang đồ ăn, thức uống đến, ông ta nhanh chóng lấy đồ ăn, nhưng vừa đưa lên miệng thì những thứ đồ ngon lành ấy đều tức khắc biến thành vàng, khiến ông ta không thể nào ăn uống được. Đang lúc bối rối và hoang mang thì nàng công chúa đáng yêu – con gái vua Midas chạy đến, òa khóc: “Cha ơi, tất cả vườn hoa hồng đã biến thành vàng cứng đơ rồi, không thể tỏa hương được nữa! Con muốn hoa hồng tỏa hương được cơ!” Vua Midas giang tay định ôm con gái bé bỏng vào lòng an ủi, ngờ đâu, vừa chạm vào con thì cô bé lập tức cũng biến thành vàng. Vua Midas gục đầu khóc thổn thức. “Nhà vua không vui sướng ư?” - Giọng nói bí ẩn lại vang lên. “Ta… ta là người bất hạnh nhất thế gian…” “Ngài đã có ngón tay vàng mà vẫn còn thấy chưa đủ à?” Vua Midas xấu hổ im lặng. “Nhà vua thích ăn uống hay thích cầm vàng?” Vua Midas không thể trả lời được. “Ôi vua Midas! Vậy ngài muốn chọn bức tượng vàng kia, hay muốn chọn cô con gái xinh xắn, biết chạy nhảy, reo cười và biết yêu mến cha?” Vua Midas gào khóc: “Hãy trả lại con cho ta! Ta chịu mất tất cả kho vàng!” “Vậy là nhà vua đã sáng suốt hơn hôm qua rồi. Bây giờ ngài hãy ra sau vườn thượng uyển, nhảy xuống sông tắm rửa, rồi lấy nước vẩy lên tất cả những vật đã hóa thành vàng, để chúng trở lại như cũ.” Vua Midas lập tức làm theo lời mách bảo, và lấy nước vẩy lên những vật đã bị mình biến thành vàng. Công chúa mở choàng đôi mắt, kinh ngạc reo lên vui mừng: “Cha xem kìa, vườn hoa hồng đã sống lại rồi!” Vua Midas sung sướng ôm chặt lấy con, và cảm thấy mình là kẻ hạnh phúc nhất thế gian. Hạnh phúc không liên quan tới ngoại vật Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai trẻ thông minh, anh ta muốn học hết mọi nghề trong thiên hạ, vì thế đã đi khắp nơi tầm sư học đạo. Anh học may quần áo và nhanh chóng trở thành thợ may nổi tiếng; anh học cách nấu nướng, trở thành đầu bếp danh tiếng; anh học xây nhà và trở thành thợ xây nổi tiếng gần xa… Các kĩ năng khéo léo đều mang lại của cải và danh vọng cho anh, nhưng anh lại không hề cảm thấy thỏa mãn, vui vẻ. Vì muốn để người đời biết đến mình, đồng thời cũng là để làm thỏa mãn bản thân, anh đã đi khắp nơi dán cáo thị mời người tới thi đấu. Kết quả đúng như dự tính, không người thợ nào trong thiên hạ có thể vượt qua được anh, anh dần dần nảy sinh sự kiêu ngạo, bắt đầu huênh hoang. Anh trở nên như vậy nhưng cũng không ai khuyên răn hay ngăn cản. Sau khi biết được chuyện này, Đức Phật bèn tới chỗ ở của chàng trai. Nhìn thấy Phật từ xa, trong lòng anh bất giác nảy sinh lòng thành kính. Thấy Phật đi về phía mình, anh lại càng ngạc nhiên vui sướng, lập tức tiến lên trước hành lễ và hỏi: “Xin hỏi Người từ đâu tới? Người là ai? Tới để thi đấu với con sao?” Đức Phật bình thản nói: “Ta biết trong tay con có rất nhiều nghề. Con cũng biết đấy, trong thiên hạ này, nơi gần tre trúc tự nhiên sẽ có nghề làm cung tên, săn bắn; nơi gần rừng, tự nhiên sẽ nổi lên nghề mộc, điêu khắc; nơi gần biển thì có nghề đóng thuyền. Những nghề này tuy con đều có, nhưng người khác cũng có. Còn ta có nghề tu thân sửa tâm, khác với những nghề mà con đang có trong tay”. Chàng trai trẻ nghe xong càng cảm thấy tò mò: “Con không hiểu ý của Người lắm. Cá nhân con tự thấy bản thân mình tinh thông đủ thiên văn địa lí, cầm kì thi họa, nhưng con lại chưa từng nghe nói tới thế nào là tu thân sửa tâm. Con muốn hỏi một chút, tu thân sửa tâm có mấy phương pháp, học như thế nào?” Phật không trả lời câu hỏi đó của anh ta, chỉ hỏi: “Nếu con đã học nhiều thứ như thế, vậy thì ta hỏi con, bây giờ con có thấy vui không? Đừng vội vàng trả lời mà hãy tự hỏi lòng mình, con có vui không?” Chàng trai nghĩ một lúc rồi nói: “Con không vui! Tuy con học được rất nhiều thứ, hơn nữa học rất xuất sắc, nhưng con không hề thấy vui! Con luôn cảm thấy mình vẫn chưa học đủ, con muốn học hết tất cả các nghề trong thiên hạ.” “Chàng trai, con hãy dừng lại lắng nghe tiếng lòng mình! Ta đến đây chỉ là muốn nói với con rằng, gạo trong thiên hạ một người không thể ăn hết, việc trong thiên hạ một người cũng không thể làm hết được. Con nên học cách biết ĐỦ, đồng thời lúc nào cũng phải tâm niệm cần có lòng biết ơn, báo đáp chúng sinh”. Nghe lời Phật nói, chàng trai trẻ thốt nhiên giác ngộ, cõi lòng sáng tỏ thông suốt, trong lòng có được sự bình tĩnh trước nay chưa từng có, cảm giác đó khiến anh ta cảm thấy vui vẻ hơn nhiều so với khi học được bất cứ kĩ năng nào. Hạnh phúc, vui vẻ là gì? Đây không phải là một cảm giác bắt nguồn từ ngoại vật mà nó được bắt nguồn từ nội tâm. Theo quan niệm của Phật giáo đối với hạnh phúc: “Con người phải bình tâm suy nghĩ, niềm vui không nằm ở thế giới bên ngoài, hạnh phúc xuất phát từ trong tim, chỉ có thông qua suy nghĩ thấu đáo, kiềm chế dục vọng, biết đủ thì bản thân mới có thể vui vẻ, dập tắt được tất cả khổ não”. Một người mà vui vẻ hạnh phúc thì cho dù tay trắng cũng vẫn có thể vui với cuộc sống của mình, hơn nữa còn khiến người khác cũng cảm nhận được sự lạc quan của bản thân. Còn nếu như người ấy không vui vẻ, hạnh phúc thì cho dù vật chất đầy đủ thế nào, mọi chuyện có suôn sẻ ra sao, anh ta cũng sẽ không cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc, bởi vì nội tâm của anh ta chẳng khác nào một cái hố đen, chỉ có thể hút vào đó dục vọng và phiền não mà không có cách nào đến gần được niềm vui và hạnh phúc. Chỉ khi không để ngoại vật làm ảnh hưởng, không bị ham muốn chinh phục thôi thúc thì chúng ta mới có thể sống tự do tự tại. Chỉ khi để trái tim làm chủ, để linh hồn giải thoát khỏi sự trói buộc của ngoại vật thì cuộc đời mới trở nên rực rỡ. (3) Câu trích trong Hóa thực liệt truyện – sách Sử kí. TRÍ TUỆ CỦA SỰ NHƯỢNG BỘ “Ôm giữ chậu đầy, chẳng bằng thôi đi; dùng dao sắc bén, không bén được lâu. Vàng ngọc đầy nhà, không giữ được lâu; giàu sang mà kiêu, tự vời họa ưu. Thành công biết lùi, đó là đạo trời.”(4) Những lời dạy của Lão Tử trên đây, ý muốn nói với chúng ta về đạo lí biết dừng đúng lúc, đúng chỗ trong mọi việc, nếu đã đạt được trạng thái viên mãn thì phải biết cách rút lui một cách thích hợp. Điều này cũng phù hợp với quy luật tự nhiên, đạo lí tự bảo toàn. “Công thành, danh toại” nằm trong phạm trù “phi thường đạo”, còn “thân thoái” lại ở từ phạm trù “phi trường đạo” rút về “thường đạo”. Trong thực tế cuộc sống, con người khi nói chuyện, làm việc thường theo quan điểm “thà gãy chứ không cong”, chịu đựng rất nhiều áp lực và phiền não từ công việc và cuộc sống, nhưng lại không biết cách nào để hóa giải nó, thế là liền rơi vào nỗi đau khổ và mịt mù vô hạn. Khám phá bí ẩn trong thung lũng kể với chúng ta một câu chuyện như sau: Thành phố Québec của Canada có một thung lũng trải dài từ nam chí bắc, điểm độc đáo của thung lũng này nằm ở chỗ, phía tây của nó mọc đầy các loại cây như săng xanh, tùng bách… còn phía đông thì chỉ có tuyết tùng. Bao nhiêu năm nay, chưa ai lí giải được hiện tượng kì lạ này, vì thế nơi đây được mệnh danh là “bí ẩn trong thung lũng”. Không ngờ vào mùa đông năm 1993, một cặp vợ chồng bình thường đã vô tình giải được bí mật của thung lũng này. Năm ấy, tình cảm của hai người có dấu hiệu rạn nứt, để hàn gắn lại tình cảm vợ chồng, họ quyết định tổ chức một chuyến du lịch lãng mạn, hi vọng có thể tìm lại những cảm xúc say mê thuở ban đầu, còn nếu không thể thì coi như chuyến du lịch này là kỉ niệm đẹp cuối cùng cho tình yêu của hai người. Khi họ tới thung lũng thì tuyết đang rơi rất dày, hai người dựng lều bạt rồi cùng ngồi thưởng thức cảnh tuyết rơi tuyệt đẹp trong thung lũng. Dần dần họ nhận thấy hướng gió trong thung lũng rất đặc biệt, khiến cho tuyết ở phía đông lúc nào cũng rơi dày hơn ở phía tây. Chẳng bao lâu sau, trên những cây tuyết tùng đã phủ kín một lớp tuyết trắng. Tuyết đè lên cành cây, cùng với sự tích tụ của tuyết, cành tuyết tùng – do có độ đàn hồi cao nên dần dần cong xuống theo độ nặng của tuyết, đến khi trên cành đã tích lũy được một lượng tuyết nhất định thì tuyết lại rơi bớt từ trên cành xuống đất. Cây tuyết tùng lại lấy lại được dáng vẻ cũ, sẵn sàng đón đợt tuyết mới. Chính nhờ cơ chế rất hài hòa này nên mặc dù tuyết rơi lớn nhưng vẫn không thể vùi dập được tuyết tùng. Còn các loài cây khác thì không có được sự dẻo dai này nên nhanh chóng bị gãy đổ, thậm chí là chết dưới sức nặng của tuyết. Còn tuyết ở phía tây rơi khá thưa, sự ảnh hưởng của tuyết đối với các loài cây cũng không nghiêm trọng như ở phía đông, cây cối có thể sống sót được qua đợt tuyết rơi, vì thế số lượng cây ở phía tây khá nhiều, ngoài tuyết tùng còn có sự hiện diện của các loài cây khác nữa. Người vợ ngồi trong lều bạt quan sát và phát hiện ra hiện tượng này, liền nói với chồng: “Sườn dốc ở phía đông cũng đã từng có sự tồn tại của các loài cây khác, nhưng vì cấu tạo thân của chúng không dẻo dai nên đã bị tuyết vùi dập”. Người chồng cũng gật đầu đồng tình, dường như anh chợt nghĩ ngợi điều gì. Một lúc sau, dường như hai người lĩnh ngộ được triết lí cuộc sống từ cây tuyết tùng, và quay sang ôm nhau đầy trìu mến. Đúng vậy, khi phải đối mặt với áp lực từ bên ngoài, đôi khi chúng ta không cần cứ phải đẩy mọi việc lên tới mức tranh đấu một mất một còn, chỉ cần tĩnh tâm lại, biết nhún nhường một cách thích hợp, “uốn mình” giống như những cây tuyết tùng kia, dùng sự dẻo dai để hóa giải áp lực là sẽ có thể giống như cây tuyết tùng tràn đầy sức sống, sừng sững đứng trong gió tuyết dữ dội, không dễ dàng bị vùi dập. (4) Trích trong chương 9, sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử. MỌI VIỆC CẦN LƯỢNG SỨC MÀ LÀM Tôi vẫn còn nhớ mãi một kỉ niệm như sau: Hồi còn nhỏ, một hôm tôi thấy một con kiến nhỏ bé đang cõng nửa hạt gạo, khó nhọc bò trên con đường gập ghềnh khúc khuỷu. Tôi ngồi xuống, quan sát thật kĩ sinh linh bé nhỏ này, thấy nó dùng hết sức lực của mình, cố gắng di chuyển nửa hạt gạo này về nhà. Đột nhiên tôi nảy ra một ý: Nếu cho nó thức ăn lớn hơn, ngon hơn, nó sẽ lựa chọn như thế nào? Thế là tôi bẻ một mẩu bánh quy đang ăn dở trên tay, đặt trước mặt nó, mẩu bánh này to hơn nửa hạt gạo kia dễ phải đến hàng chục lần. Có lẽ chú kiến nhỏ bé đã phát hiện ra chướng ngại vật phía trước, nó bèn chuyển hướng đi, tiếp tục cố sức cõng nửa hạt gạo ấy, dường như nóng lòng muốn quay về tổ chia sẻ chiến lợi phẩm với các bạn của mình. Tôi lại di chuyển mẩu bánh ấy, một lần nữa để chắn trước mặt nó. Cuối cùng, chú kiến phát hiện ra “món quà” tôi tặng nó, liền đặt hạt gạo trên lưng xuống, bò quanh mẩu bánh hết vòng này đến vòng khác, hai chiếc xúc tu nhanh nhạy hết chạm rồi lại gõ gõ lên mẩu bánh, cuối cùng nó thử kéo mẩu bánh. Nhưng mẩu bánh này đối với kích thước cơ thể nó quả thực là rất lớn, không có cách nào dịch chuyển được. Sau vài lần thử sức chưa thể thành công, kiến lại bò quanh mẩu bánh, dường như đang suy nghĩ phải làm thế nào mới có thể mang bánh về nhà. Tôi nhìn nó một cách rất háo hức, muốn xem xem rốt cuộc nó sẽ làm thế nào. Cuối cùng, chú kiến đưa ra một quyết định: từ bỏ mẩu bánh, tiếp tục cõng nửa hạt gạo kia về nhà. Thế là tôi liền dõi theo nó trong suốt chặng đường còn lại. Qua dẫn chứng này có thể thấy, đến con kiến bé nhỏ còn hiểu được một điều là cần biết liệu sức mà làm, vậy vì sao con người chúng ta không làm được như vậy? Khi đề ra mục tiêu, chúng ta cần xác định khả năng thực tế của mình đến đâu. Mặc dù mỗi người đều hi vọng có được cuộc đời hoàn mĩ, nhưng nếu không biết lượng sức mà làm thì vô hình trung sẽ tăng thêm rất nhiều áp lực cho cuộc đời mình. Tục ngữ nói: “Già néo đứt dây”, đúng mà quá cực đoan thì cũng thành sai; một chiếc cung chuẩn xác nhưng nếu kéo quá mức sẽ có rủi ro đứt gãy; quả cam thơm ngọt nhưng nếu vắt đến kiệt cùng thì chỉ còn lại đắng chát; sữa vắt quá nhiều thì thứ nhận được cuối cùng là máu chứ không phải sữa. “Nước đầy thì tràn, trăng khuyết rồi lại tròn”, quy luật của tự nhiên nói với chúng ta rằng, trong mọi việc cần biết lượng sức mà làm thì mới là trí tuệ lớn. Một vận động viên leo núi nọ thực hiện hành trình chinh phục đỉnh Everest. Khi leo tới độ cao 6.400 mét, anh ta cảm thấy thể lực của mình không thể tiếp tục được nữa. Lúc ấy anh phải đối mặt với sự lựa chọn: một là kiên trì, tiếp tục thử thách với việc leo lên đỉnh núi; hai là dừng lại, chấp nhận quay về. Đây là hành trình mà anh đã trông đợi từ lâu, và cũng có sự chuẩn bị rất chu đáo, đối với một vận động viên leo núi mà nói, việc chinh phục được đỉnh Everest là nguyện vọng lớn nhất trong đời. Qua một hồi đấu tranh tư tưởng quyết liệt, vận động viên này đã quyết định dừng cuộc hành trình để quay về. Khi được biết quyết định này, những người bạn đều thể hiện sự tiếc nuối thay cho anh, họ nói rằng vì sao anh lại không chịu kiên trì thêm một chút, chưa biết chừng có thể thực hiện được nguyện vọng của mình. Nhưng vận động viên này mỉm cười và thản nhiên nói: “Tôi biết rất rõ tình trạng sức khỏe của mình khi ấy, nếu tiếp tục leo thì chưa biết chừng sẽ chết dọc đường. Còn lựa chọn quay về thì tôi không những có thể bảo toàn tính mạng, mà sau này còn có cơ hội được thử sức chinh phục lại đỉnh núi một lần nữa. Hơn nữa, trong điều kiện sức khỏe khi ấy, 6.400 mét đã là đỉnh cao mà tôi có thể đạt được rồi, tôi đã chiến thắng bản thân rồi!” Flaubert nói: “Thành công là một kết quả chứ không phải là mục đích”. Người Trung Quốc cũng có câu “Còn núi xanh thì sợ gì không có củi đốt”, việc biết lượng sức mà làm không phải là nhu nhược, càng không phải là coi thường mơ ước mà là sự sáng suốt của lí trí. Bước đầu tiên trong việc tự lượng sức chính là xác định được “vị trí” của mình. Diễn viên nổi tiếng người Mĩ - Holly Hunter ban đầu luôn cố gắng tránh để bị đánh giá là một diễn viên có tầm vóc nhỏ bé, kết quả là trong suốt một thời gian dài, sự nghiệp của cô không có gì khởi sắc. Cuối cùng, cô quyết định thay đổi, làm mới lại hình ảnh dựa trên đặc điểm dáng người nhỏ bé, cá tính đặc biệt và kĩ năng diễn xuất giàu tính biến hóa của mình, sau đó cô đã nhận được vai nữ chính trong bộ phim The Piano và đoạt giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Ngoài ra cô cũng nhận được giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Cannes. Tác dụng lớn nhất của việc xác lập ý thức cái tôi là tự mình biết mình. Nhà văn Stefan Zweig người Áo trong truyện ngắn Ván cờ kì lạ đã kể lại với chúng ta một câu chuyện như sau: Nhà vô địch cờ vua thế giới - Mirko Xzentovic đã chinh phục được hàng loạt tay chơi cờ kì cựu đến từ khắp các quốc gia, nhưng nực cười là vị quán quân này chẳng thể nào viết ra nổi một câu chữ nên hồn, hơn nữa ngoài cờ vua ra thì anh ta mù tịt về những lĩnh vực khác, thậm chí còn không biết rằng trên thế giới này có những nhân vật kiệt xuất như Beethoven, Napoleon hay Dante, cũng có nghĩa là Mirko hoàn toàn là một người sinh ra vì cờ vua. Nếu Mirko không tự biết mình, cứ tự ép mình phải giỏi giang trong cả những lĩnh vực khác nữa thì e là sẽ không có một Mirko tài năng như vậy trong lĩnh vực cờ vua. “Thắng không kiêu, bại không nản”, “biết tiến biết lui” đều là ý nói về việc biết lượng sức mà làm. Nhận thức bản thân không chỉ là cảm nhận về năng lực của mình mà còn là biết đánh giá một cách khách quan sở trường và sở đoản của mình. Một người có tâm thái tốt sẽ biết nhận thức bản thân một cách khách quan chân thực, từ đó có được khí phách và thái độ đúng mực, không tự tin thái quá, nhưng cũng không tự ti về bản thân, cố gắng phát huy sở trường, đồng thời lượng sức để sở đoản không làm ảnh hưởng đến mọi việc, như thế mới có thể sống một cách ung dung tự tại. Trong cuộc đời, được và mất là chuyện thường tình. Vậy rốt cuộc con người muốn có được gì? Sợ mất đi thứ gì? Đối với hai câu hỏi này, có thể nói là mỗi người một ý. Cùng với việc tuổi tác không ngừng tăng lên là sự tích lũy của kinh nghiệm, chúng ta cũng nên tự điều chỉnh mình cho phù hợp, cái gì nên phấn đấu để giành lấy thì không được bỏ qua; cái gì không thể có được thì nên xác định từ bỏ một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Tuy rằng tâm lí của con người luôn thích “có được” hơn, nhưng xét từ góc độ khác, đôi khi việc “mất đi” còn có giá trị hơn cả “có được”, bởi vì sớm muộn rồi cũng đến một ngày, chúng ta sẽ mất đi thứ quý giá nhất mà cuộc đời ban cho chúng ta – sinh mệnh, khi ấy chúng ta cũng sẽ mất đi tất cả những thứ đã từng có được trong đời. Trong Phật Giáo, “bố thí” được xếp hàng đầu trong “lục độ” (một phương pháp để độ mình và độ người), chính là để con người có thể nhìn nhận sự được - mất bằng tâm thế bình thản. Những gì đã qua thì hãy cho qua, không thể có được thì từ bỏ, như thế chẳng phải tâm hồn sẽ bình tĩnh, thoải mái hơn rất nhiều sao? TÌM LẠI CÁI TÔI CHÂN THỰC TRONG YÊN BÌNH Người xưa nói “Nhân vô thập toàn”. Chúng ta chẳng ai có thể khiến tất cả mọi người đều yêu quý mình, cho dù bạn có tốt đến đâu đi nữa thì vẫn sẽ có người không thích bạn, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn không tốt. Trong cuộc sống, chúng ta khó lòng tránh khỏi những vấn đề như công việc vất vả, gia đình mâu thuẫn, bạn bè hiểu lầm… đó đều là những phần không thể thiếu của cuộc sống, tuy rất mệt mỏi và rất khó chấp nhận, nhưng chúng ta cũng không thể vì thế mà tự cho rằng bản thân chỉ là “đồ bỏ đi”. Mỗi người đều là một cá thể tồn tại “độc nhất vô nhị” trên đời, vì vậy bạn không thể vì có người chê bạn “nhiều lời” mà trở nên im lặng. Bạn hãy nhớ rằng, nếu đã có người ghét “nhiều lời” thì cũng sẽ có người ghét “ít lời”, bạn không nên vì thấy có một số người không thích mình mà cảm thấy buồn phiền, cũng không cần vì muốn lấy lòng tất cả mọi người mà tùy tiện thay đổi cá tính riêng của mình. Thay vì cố gắng chạy theo ý thích của mọi người một cách vô nghĩa thì chi bằng hãy tĩnh tâm lại, tìm lại cái tôi chân thực và kiên trì làm mọi việc tốt nhất trong khả năng của mình. Chỉ cần bạn tĩnh tâm đi trên con đường riêng của mình thì sẽ có thể tìm thấy niềm vui đích thực cho bản thân. Tĩnh tâm tức là tâm trí trong sáng Có một chàng trai trẻ nọ tìm tới gặp Đức Phật, thỉnh cầu Người giải tỏa nghi vấn trong lòng anh ta: “Bình thường con có thể biện luận với người khác một cách trôi chảy, ngay cả trong lĩnh vực không phải sở trường của mình thì con cũng vẫn có thể làm được điều đó, hơn nữa còn nhận được sự tán đồng của người khác. Nhưng mỗi khi trong lòng có phiền não, con sẽ bị cảm xúc chi phối, thường xuyên nói những lời thiếu suy nghĩ, vì chuyện đó mà con vô cùng khổ não. Vì sao con không thể luôn luôn có được trí tuệ sáng suốt ạ? Vì sao con không thể luôn giữ được bình tĩnh ạ?” Đức Phật nhìn chàng trai trẻ bằng ánh mắt đầy trí tuệ, sau đó nói: “Nếu cho con một chậu nước sạch, con có thể soi mình trong đó được không?” “Dĩ nhiên là được ạ!” “Vậy thì nếu cho các loại phẩm màu vào trong nước thì sao?” “Sau khi nhuộm màu thì dĩ nhiên là không thể rồi ạ”. “Vậy giả dụ chúng ta đặt một chậu nước lên bếp đun, đến khi nước sôi thì chúng ta có thể soi bóng trong đó được không?” - Đức Phật lại hỏi. “Dĩ nhiên là không thể ạ! Nước đang sôi sùng sục, hơn nữa hơi nước bốc lên nghi ngút, dĩ nhiên không thể soi bóng được”. Chàng trai trả lời xẵng giọng. Đến lúc ấy, anh ta vẫn chưa hiểu được hàm ý sâu sắc của Đức Phật. Đức Phật không để tâm tới khẩu khí của chàng trai, chỉ hỏi tiếp: “Vậy thì nếu là nước trong hồ nước, nhưng trong đó có rất nhiều rêu, sinh vật phù du, thì nước như thế có thể soi bóng được không?” “Như thế cũng không thể ạ! Quá nhiều tạp chất, ngay cả mặt nước cũng không trong trẻo thì làm sao có thể nhìn rõ được đường nét khuôn mặt khi soi bóng trên đó chứ ạ!” Đức Phật liền dạy rằng: “Nếu những đạo lí này con đều hiểu, thì tại sao con lại không hiểu được vì sao khi buồn phiền thì không thể phát huy được tài trí? Trái tim của con người giống như mặt nước vậy, khi nó bình tĩnh và không có tạp chất, tự nhiên sẽ có thể soi được đường nét của khuôn mặt. Cũng như vậy, khi cõi lòng của con trong sạch thì những gì con nhìn thấy, phân tích sẽ đều rất đúng đắn, vì thế lúc ấy con biện luận không có gì trở ngại. Nhưng khi trong lòng con có dục niệm, phiền muộn thì sẽ giống như khi con cho phẩm màu vào nước, dĩ nhiên không thể nhìn thấy rõ hình ảnh phản chiếu trong đó. Hoặc khi trong lòng con nhìn bề ngoài thì có vẻ tĩnh lặng, nhưng nếu căn nguyên của phiền não vẫn còn thì cũng giống như trong hồ vẫn còn lẫn đầy phù du, dĩ nhiên cũng không thể nhìn rõ được hình dáng của sự vật.” Chàng trai nghe lời Đức Phật dạy chợt bừng tỉnh, bèn sám hối với Đức Phật về những dục niệm của mình: “Bây giờ thì con đã hiểu. Thì ra khi trái tim của con không tĩnh thì đó chính là lúc nó bị che khuất. Trước đây có nhiều lúc chính là tự con che mắt mình, thật là hồ đồ!” “Chàng trai, con hãy nhớ rằng, chỉ khi tâm tĩnh như nước thì con mới có thể nhìn thấy rõ được bản thân, nhìn rõ thế giới, tâm hồn mới có thể được giải thoát”. Tùy biến và cái tôi Ngày xưa có một chàng trai trẻ, trước kia khi bố mẹ anh chưa qua đời, anh cùng bố mẹ sống trên núi, vì thế không biết gì về cuộc sống bên ngoài, hơn nữa cũng không có sự giao lưu với ai khác. Sau khi bố mẹ mất, chàng trai quyết định xuống núi một phen. Sau khi xuống núi, chàng trai phát hiện thấy mọi người đều rất khác với mình, họ đều ăn nói rất bỗ bã. Khi còn sống trên núi, anh không hề cảm thấy tính cách dịu dàng của mình có gì không thỏa đáng. Nhưng sau khi xuống núi, có người chế nhạo anh, nói anh là “đồ đàn bà”. Để thoát khỏi biệt danh này, anh cũng bắt đầu học cách nói năng thô lỗ, ăn uống nhồm nhoàm, áo quần xộc xệch, lôi thôi. Càng ngày anh càng trở nên tùy tiện, có người còn chê anh “thô lỗ”, “dã man”, thấy vậy anh lại phải cố gắng sửa đổi, kiềm chế hành vi của mình. Tóm lại, vì chạy theo những lời đánh giá của mọi người nên anh không ngừng cố gắng thay đổi bản thân, thậm chí ngay cả công việc cũng thường xuyên thay đổi, nhưng kết quả là không những anh không nhận được sự đồng tình của tất cả mọi người mà trái lại, thậm chí anh còn nhận được thêm càng nhiều lời góp ý, một số lời góp ý thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau, điều đó khiến chàng trai vô cùng khổ não, khó xử. Hơn nữa, việc không ngừng cố gắng thay đổi bản thân cũng khiến anh cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Để tìm được lối thoát cho cuộc sống, giải tỏa nỗi khổ trong lòng, chàng trai quyết định nghe theo lời khuyên của một ông lão, đi tìm vị Thiền sư để xin lời chỉ dạy. Vị thiền sư đón tiếp chàng trai đáng thương này một cách thân tình và hỏi: “Chuyện gì khiến con khổ não như vậy?” “Bạch thầy, xin Người hãy giúp con xua đi nỗi khổ não trong lòng! Giờ lòng con đang rối bời, con không biết nên làm thế nào. Con đã nghe theo lời khuyên của mọi người, nhưng vẫn không thể khiến tất cả mọi người đều hài lòng. Trong lòng con lúc này đang chất chứa đầy mâu thuẫn, cuộc sống và nội tâm của con đều trở nên lộn xộn. Xin Người hãy giúp con thoát khỏi những khổ não này ạ!” Thiền sư nghe chàng trai nói xong, không nói gì mà đưa anh tới một căn phòng nhỏ cũ kĩ ở hậu viện. Trong căn nhà ấy chỉ có một chiếc bàn, trên bàn đặt một cốc nước, dường như đã rất lâu rồi không có ai tới đây, trên bàn phủ đầy bụi. Sau khi vào phòng, Thiền sư chỉ nhìn cốc nước mà mỉm cười không nói. Chàng trai cũng hướng theo ánh mắt của Thiền sư nhìn cốc nước. Hai người cứ ngồi nhìn cốc nước như vậy một lúc lâu, dường như chàng trai đã ngộ ra được điều gì. Lúc ấy, vị Thiền sư bèn hỏi: “Cái cốc này đã được đặt trong phòng cả ngày trời, có vô số bụi bẩn rơi vào trong đó, nhưng nước vẫn trong như vậy, con hãy nói xem là vì sao vậy?” Chàng trai nghĩ một lúc, rồi xúc động nói: “Bạch thầy, con hiểu rồi ạ. Bởi vì bụi bẩn đều lắng xuống đáy cốc nên nước mới trong như vậy”. Thiền sư bèn dạy: “Trong cuộc sống, con sẽ phải tiếp xúc với nhiều thứ khác nhau, những thứ này cũng giống như bụi bẩn rơi vào cốc, còn trái tim của con giống cốc nước, con càng dao động thì càng làm cho nước vẩn đục. Nếu con có thể lắng đọng những thứ đó, khiến trái tim của con tĩnh lại, thì nước trong lòng con sẽ trong vắt như cốc nước này vậy”. Chàng trai trẻ chợt trở nên trầm ngâm, vị Thiền sư lại nói tiếp: “Vốn dĩ con có trí tuệ, chẳng qua là bị mê hoặc bởi những điều giả tạo trong cuộc đời này mà thôi. Vốn dĩ con rất tốt, chỉ cần là chính mình là đủ rồi, hà tất phải chạy theo suy nghĩ của người khác để tinh thần dao động làm gì. Bây giờ hãy khép tai của con lại, lấy lại sự yên bình ban đầu của tâm hồn, để lắng nghe tiếng lòng của con!” Chàng trai im lặng, nghĩ ngợi rất lâu, anh nhớ lại bản thân mình ngày xưa. Hồi ấy tính cách anh ôn hòa, đối xử lễ độ với mọi người, tuy có người chê cười anh là “đồ đàn bà”, nhưng cũng có rất nhiều người yêu quý anh. Ngược lại, sau khi cố gắng thay đổi bản thân để trở thành một người thô lỗ thì số người yêu quý anh càng ngày càng ít đi. Hơn nữa, khi chưa thay đổi, anh cảm thấy cuộc sống của mình rất nhẹ nhàng, thanh thản và vui vẻ. Rất lâu sau, cuối cùng chàng trai thốt lên: “Con xin đa tạ thầy đã chỉ dạy ạ! Con nghĩ con đã biết mình sai ở đâu rồi”. “Tĩnh tâm lại, hãy giữ đúng cái tôi chân thực nhất, nỗi phiền muộn trong lòng con tự nhiên sẽ hóa giải”. Sự cạnh tranh trong xã hội hiện đại ngày càng trở nên khốc liệt, ai cũng đều hi vọng có được sự đồng tình của nhiều người, vì thế chúng ta thường cố gắng sắp đặt mọi việc rồi sau đó “diễn” cho gia đình, bạn bè và cho cả những người ngoài xã hội cùng xem, nhưng lại quên đi mất chính bản thân chúng ta, đánh mất bản ngã. Đến khi “diễn” đã quen rồi thì cũng là lúc chúng ta quên mất cái tôi chân thực của mình. Thế là trái tim ta trở nên rối bời, phiền muộn, hoang mang, không thể tĩnh tâm lại được. Xuất hiện tình trạng trên, suy cho cùng là bởi vì thế giới tâm hồn của chúng ta thiếu mất sự “tĩnh”. Nội tâm yên tĩnh thì tâm trí mới có thể sáng suốt; nội tâm yên tĩnh mới có thể giữ vững được cái tôi; nội tâm yên tĩnh mới có thể nhìn rõ cũng như giữ được cái tôi một cách chân thực nhất. Khi nghe lời phê bình hay góp ý của người khác thì chúng ta không nên cuống lên lo lắng, mà trước tiên hãy kiểm tra lại xem có đúng là mình đã làm không tốt hay không, sau đó dựa vào năng lực thực tế và suy nghĩ của bản thân để cố gắng làm lại một cách tốt nhất trong khả năng của mình. Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng nhiều khi những gì ta làm vẫn không được người khác đánh giá cao, có những người vốn không có thiện cảm với chúng ta mà không cần lí do cụ thể, vì vậy chúng ta cũng không cần vì họ mà buồn phiền và ép mình phải thay đổi. Chúng ta cần nhớ rằng: Sự ghét bỏ của người khác không đáng sợ, mà điều đáng sợ là cảm giác tự chán ghét mình. Người khác không thích mình không quan trọng, quan trọng là bạn đã cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình. Duy trì sự yên bình trong tâm hồn, dùng trái tim yên bình để làm nên “cái tôi” tốt nhất, yên lặng một chút, tận hưởng một chút, bạn sẽ phát hiện ra rằng thực ra mình vốn rất tốt. Để giữ được tâm hồn yên bình thì cách tốt nhất là hãy để mọi tạp niệm trong lòng lắng xuống, cư xử khiêm tốn. Chỉ cần kiên trì, nhất định bạn sẽ có được thế giới tâm hồn yên bình, giữ được cái tôi chân thực nhất. TÂM TĨNH, CHỜ MỘT ẤM TRÀ THƠM Có lẽ những người đã từng đọc qua Tiêu diêu du của Trang Tử nhất định sẽ nhớ đến câu chuyện con cá côn biến thành chim đại bàng bay về phương nam. Trang Tử đã miêu tả quá trình bay về phương nam của đại bàng như sau: “…Khi lượng gió tích lũy không đủ mạnh thì sẽ không đủ sức để nâng được đôi cánh lớn của đại bàng. Vì vậy khi đại bàng bay được lên cao tới chín vạn dặm thì gió đã ở phía dưới nó, nó sẽ cưỡi gió mà bay liệng trên không. Lúc này trên lưng đại bàng chỉ có trời xanh, không gì có thể cản trở nó được, nó cứ nhằm thẳng phương nam mà bay tới…” Nam Hoài Cẩn trong sách Trang Tử giảng kí đã bình giảng về đoạn này như sau: Trang Tử nói đại bàng có thể bay cao tới chín vạn dặm, nhưng phải chờ tới lúc gió lớn nổi lên mới bay được, nếu không đủ sức gió, hai cánh của đại bàng sẽ không thể dang rộng. Sức gió càng lớn thì bay càng dễ và càng cao. Cổ nhân nói: “Mượn sức nâng gió lớn, ta bay tận mây xanh”(5). Điều đó bao hàm một mệnh đề cuộc đời, đó chính là nếu muốn có được thành công của cuộc đời, ngoài việc phải có ý chí đại bàng dang cánh, còn phải có lòng kiên nhẫn chờ đợi gió tốt. Một ngày hè nóng bức, Đức Phật cùng thị giả đi trên đường núi. Lúc đó đã là chính ngọ, Người bèn bảo thị giả: “Lúc nãy chúng ta vừa đi qua một con sông nhỏ, con hãy tới đó lấy chút nước mang về đây”. Thị giả vâng lời, cầm đồ đựng đi lấy nước. Họ đang ở cách con sông không xa nên chẳng bao lâu sau, thị giả đã tới được bên dòng sông. Nhưng khi vừa tới đó thì liền gặp một đoàn thương nhân cưỡi ngựa đi qua sông, nước sông bị vó ngựa làm cho trở nên đục ngầu. Thị giả thấy nước sông không thể uống được, liền đi tay không về và bạch với Đức Phật: “Nước sông bị đoàn ngựa của thương nhân làm bẩn rồi, chúng ta phải tìm con sông khác thôi ạ. Con biết phía trước có một dòng sông, nước rất trong, đi khoảng hai tiếng đồng hồ là tới”. Đức Phật xua tay nói: “Bây giờ chúng ta đang ở rất gần sông, hơn nữa cả hai chúng ta đều đã rất khát rồi, sao còn phải đi quãng đường hai tiếng đồng hồ nữa làm gì? Con hãy quay lại bờ sông kia xem sao”. Thị giả tỏ vẻ không vui, thầm nghĩ: “Rõ ràng là nước sông đã bị đục rồi, không thể uống được, thế mà Người vẫn còn bắt ta quay lại đó, chẳng phải là uổng công sao?” Thị giả bèn bạch với Đức Phật rằng: “Lúc nãy con đã thấy nước sông bị làm bẩn rồi, vì sao Người còn bắt con phí công vô ích?” Đức Phật không giải thích gì, chỉ nói: “Con cứ đi đến đó rồi sẽ biết, nhất định sẽ không phí công vô ích đâu.” Thị giả đành phải miễn cưỡng cầm đồ đựng nước quay lại dòng sông. Khi tới nơi, người thị giả vô cùng ngạc nhiên khi thấy nước sông lúc nãy còn đục ngầu giờ đây đã trở nên trong vắt, bùn cát đục ngầu giờ đã hoàn toàn lắng xuống. Thế giới mà chúng ta đang nhìn thấy trước mắt không có gì là bất biến, nhiều lúc bạn chỉ cần tĩnh tâm chờ đợi thì thời cơ tốt sẽ tới. Cuộc đời con người không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, vì vậy khi trở ngại và thất vọng xuất hiện, chúng ta đừng quá lo lắng, buồn bực mà hãy kiên trì và biết chờ đợi thì sẽ có thể nhìn thấy cơ hội và hi vọng thành công. Có chàng trai nọ, lâu nay cảm thấy bất mãn với cuộc đời. Một hôm anh tới chùa Phổ Đà, thỉnh giáo sư thầy trụ trì: “Cuộc đời của con chẳng khi nào được như ý, sống cũng chỉ là qua ngày đoạn tháng mà thôi, còn có ý nghĩa gì nữa?” Thầy trụ trì yên lặng lắng nghe lời than thở của chàng trai và căn dặn chú tiểu: “Thí chủ đây từ xa tới, con hãy đi đun một chút nước ấm mang tới đây”. Một lát sau, chú tiểu mang nước tới, thầy trụ trì lấy một nắm lá chè thả vào cốc, sau đó rót nước ấm vào rồi mỉm cười mời chàng trai uống trà. Lúc này cốc trà bốc lên làn khói mỏng và lá chè nổi trên mặt nước. Chàng trai không hiểu, liền hỏi: “Bạch thầy, vì sao thầy lại pha trà bằng nước ấm ạ?” Thầy trụ trì mỉm cười không nói. Chàng trai đành cầm chén trà lên nhấp một ngụm rồi nhíu mày, lắc đầu nói: “Bạch thầy, chẳng có chút vị trà nào ạ!” Thầy trụ trì cười nói: “Đây là trà thiết quan âm thượng hạng đấy”. Chàng trai lại nhấp thêm một ngụm rồi nói rất chắc chắn: “Thật sự không có chút mùi thơm nào ạ!” Thầy trụ trì lại quay sang nói với chú tiểu: “Con hãy đi đun một ấm nước sôi rồi mang tới đây nhé”. Một lúc sau, chú tiểu xách một ấm nước sôi tới. Thầy trụ trì lại lấy lá chè bỏ vào một cái chén, đổ nước sôi rồi đặt lên bàn. Chàng trai cúi đầu quan sát, thấy lá chè chìm nổi trong nước sôi, mùi thơm ngào ngạt tỏa ra đầy quyến rũ. Chàng trai đưa tay định bưng chén trà, nhưng thầy trụ trì ngăn lại rồi nhấc ấm nước sôi rót thêm vào đó một chút. Cứ như vậy năm sáu lần, cuối cùng chén trà đã được rót đầy, đó là một chén trà xanh sóng sánh, vị thơm ngọt lạ thường. Thầy trụ trì mỉm cười hỏi: “Thí chủ có biết vì sao cùng là trà thiết quan âm mà hai chén trà lại có mùi vị khác nhau đến vậy không?” Chàng trai không cần nghĩ ngợi gì mà trả lời luôn: “Một chén dùng nước ấm, một chén dùng nước sôi để pha, nhiệt độ nước khác nhau thì mùi vị cũng sẽ khác nhau ạ.” Thầy trụ trì gật đầu: “Dùng các loại nước khác nhau thì sự chìm nổi của lá chè trong nước cũng sẽ khác nhau. Khi pha trà bằng nước ấm, lá chè nổi trên mặt nước thì sao có thể hòa quyện vào nước để tỏa ra mùi thơm được? Còn khi pha trà bằng nước sôi, hơn nữa lại thêm nước sôi vào nhiều lần thì lá chè sẽ chìm nổi hòa quyện với nước sôi mà tỏa ra ý vị của cả bốn mùa: sự thanh tịnh của mùa xuân, nóng bức của mùa hè, sung túc của mùa thu và khắc nghiệt của mùa đông. Chúng sinh cũng giống với đạo lí pha trà này, nước không đủ nóng thì lá chè không thể tỏa ra mùi thơm; con người không đủ bình tĩnh thì tự nhiên sẽ luôn bất mãn, vì vậy tuyệt đối không được nóng nảy, vội vàng”. Cuộc đời như trà, chỉ khi có đủ thời gian, đủ nhiệt độ thì mùi hương tự khắc sẽ lan tỏa. Đời người cũng cần từ từ lắng đọng, khi đủ sức gió, thời cơ chín muồi, chắc chắn cuộc đời sẽ nở hoa. Cuộc đời cần phải biết chờ đợi, kẻo “dục tốc bất đạt”. Trên đời này, có biết bao người vì không biết bình tĩnh chờ đợi mà làm lụi tàn đóa hoa tình yêu; bao nhiêu người vì không biết chờ đợi đúng thời điểm mà cuối cùng hai bàn tay trắng; lại có bao nhiêu người vì không thể tĩnh tâm nén lòng mà phải gánh chịu kết cục thịt nát xương tan... Chúng ta cần hiểu rằng, cuộc đời này vì trải qua bao phong ba bão táp mà ngày càng trở nên sâu sắc, rượu ngon vì được lắng đọng qua năm tháng nên mới có thể tỏa hương thơm nồng. Vì vậy, muốn có được cuộc đời hạnh phúc, viên mãn, thành công thì nhất định phải trải qua một quá trình kiên nhẫn tích lũy kinh nghiệm sống. Nếu nóng nảy vội vàng thì sẽ khó tránh khỏi việc rơi vào hố sâu của thất bại. Cuộc sống viên mãn không phải dễ dàng mà có được, do đó chỉ khi ta biết tĩnh tâm lại để tích lũy kinh nghiệm sống theo năm tháng thì cuối cùng mới có một ngày, chúng ta có thể “thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn”. (5) Nguyên văn: “Hảo phong bằng tá lực, tống ngã thướng thanh vân”, trích trong bài từ Lâm giang tiên của Tào Tuyết Cần. GIỮ ĐƯỢC TRÁI TIM YÊN BÌNH Sự tĩnh lặng của tâm hồn là thứ vô cùng quý giá đối với mỗi người. Sự yên bình của tâm hồn và trí tuệ sáng suốt, đều đáng quý hơn vàng bạc châu báu. Thái độ sống bình tĩnh có thể giúp chúng ta tự do tự tại trong thế giới của chân lí, cho dù phải đương đầu với thác lớn, sóng dữ hay bão táp, chúng ta cũng vẫn có thể bình an vô sự. Cuộc đời này thắng thua là chuyện thường tình, đâu đâu cũng đầy rẫy những thách thức, vì thế cho dù có khi chịu thua thiệt một chút cũng không sao. Hãy nghe theo lời mách bảo của trái tim để không cảm thấy hổ thẹn với cuộc đời. Nói về sự yên bình, thực ra ở đây không chỉ là nói về sự yên tĩnh, ôn hòa đơn thuần. Chúng ta có thể dùng bức tranh dưới đây để minh họa cho sự yên bình. Một hôm, vị giáo sư của Học viện Mĩ thuật đột nhiên yêu cầu sinh viên của mình tự do vẽ một tác phẩm thể hiện sự “yên bình”. Hơn một trăm sinh viên sau một hồi suy nghĩ kĩ lưỡng và phát huy sự sáng tạo đã nộp tác phẩm của mình. Theo yêu cầu của thầy, mỗi tác phẩm đều cố gắng thể hiện sự yên bình, có tác phẩm vẽ phong cảnh làng quê với chim chóc tự do bay lượn trên bầu trời trong xanh, trâu bò hiền hòa gặm cỏ trên đồng cỏ bao la vô tận, một làng quê nhỏ bé ẩn hiện sau rặng núi; có tác phẩm vẽ người mẹ xinh đẹp ôm đứa con bé bỏng đang say ngủ, khuôn mặt bà mẹ nở nụ cười hiền từ, dường như đang khe khẽ hát ru con… mỗi bức tranh đều khiến người xem cảm thấy trào dâng niềm vui sống, không chỉ thể hiện kĩ thuật vẽ tranh điêu luyện mà dường như còn toát lên rất rõ sự yên bình và ôn hòa. Nhưng dường như giáo sư không thấy hài lòng, ông lật giở từng bức tranh mà khuôn mặt không chút biểu cảm. Đột nhiên, mắt ông bừng sáng. Ông cầm lên một bức tranh và vui mừng nói: “Tìm được rồi! Chính là nó! Đây mới chính là sự yên bình thực sự!” Mọi người đua nhau vây quanh, tò mò xem rốt cuộc tác phẩm nào có thể khiến giáo sư ngạc nhiên vui mừng đến vậy. Thì ra đó là bức tranh vẽ bầu trời mây đen giăng kín, cuồng phong kéo đến, mặt biển cuộn sóng dữ dội đập vào những tảng đá ngầm tối đen, bầu trời xuống thấp đến bức bối; nhưng ở một góc của bức tranh, có một căn nhà gỗ nhỏ bình yên bên bờ biển, ngọn lửa trong bếp lò bập bùng ấm áp, người ngư dân miệng ngậm tẩu thuốc, đôi mắt khép hờ nằm trên ghế nghỉ ngơi, một chú mèo con ngoan ngoãn nằm dưới chân, người vợ trẻ bên cạnh đang cúi đầu khâu lưới đánh cá, dưới ánh lửa, khuôn mặt của cô thật dịu dàng và xinh đẹp. Sự yên bình thực sự không phải là trạng thái hoàn toàn không có sự hỗn loạn hay phiền não, mà giống như trong bức tranh kia, mặc dù mưa gió bão bùng nhưng con người vẫn có thể giữ được sự yên bình trong tâm hồn. Để giữ được tấm lòng yên bình, thanh thản, ở đây ý tôi không phải là khuyên bạn lẩn tránh trước hiện thực, tránh xa cuộc sống ồn ào, mà là khuyên bạn hãy giữ lấy sự tĩnh lặng của tâm hồn, giữ được sự thuần phác của mình giữa dòng đời hối hả. Thái Căn Đàm – tác gia nổi tiếng đời nhà Thanh (Trung Quốc) cho rằng: Sự bình tĩnh có được trong môi trường yên tĩnh không phải là sự yên tĩnh thực sự, chỉ khi trong môi trường ồn ào mà vẫn giữ được sự yên tĩnh trong tâm hồn thì đó mới là sự yên tĩnh thật sự phù hợp với bản tính tự nhiên của con người; vui vẻ vào lúc đáng vui không phải là sự vui vẻ thực sự, chỉ khi trong môi trường gian khổ mà vẫn giữ được tâm trạng lạc quan thì mới được coi là niềm vui thực sự phù hợp với bản tính tự nhiên của con người. Qua đó có thể thấy, sự yên bình thanh thản thực sự phải được xuất phát từ nội tâm chứ không phải phụ thuộc vào môi trường. Có nhiều người luôn tìm kiếm sự bình yên, thanh thản cho tâm hồn và cuộc sống nhưng suốt đời vẫn không có được. Xét từ một góc độ khác có thể thấy, cho dù gặp khó khăn trở ngại hay bất an thế nào đi nữa, chỉ cần chúng ta luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp là sẽ có thể tìm thấy được sự yên tĩnh cho tâm hồn. Xét cho cùng, chẳng phải phía trước có bóng đen là bởi vì phía sau có ánh sáng hay sao? Rất nhiều lúc, sự tĩnh lặng của tâm hồn được thể hiện qua sự bình thản. Sự bình thản ở đây chính là tâm thái có thể bình tĩnh tiếp nhận tất cả mọi thực tế của cuộc sống, dù tốt dù xấu. Sự bình tĩnh này thực sự là một trí tuệ lớn. Kinh nghiệm thực tế nói với chúng ta rằng, người kiên cường, bình tĩnh thì sẽ luôn nhận được sự tôn kính của người khác, bởi vì họ chẳng khác nào cây đại thụ um tùm xum xuê dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, tựa như núi đá đứng sừng sững trong mưa bão, và mang trong mình một tâm hồn yên bình mà kiên cường. Trong cuộc sống, chúng ta không khó để nhận thấy rằng, rất nhiều người vì không thể làm chủ được tâm thái của mình mà đã tự phá vỡ đi cuộc sống vốn yên bình, hạnh phúc; số người thật sự có thể giữ được trạng thái tâm lí bình ổn thì rất ít. Có một chàng trai trẻ và một ông lão râu tóc bạc phơ cùng ngồi câu cá bên bờ sông. Hai người ngồi rất gần nhau, điều kì lạ là cần câu của ông lão lúc nào cũng có cá cắn câu, còn chàng trai thì ngồi cả ngày mà chẳng câu được gì. Cuối cùng, không kìm nén được nữa, chàng trai bèn hỏi ông lão: “Ông ơi, mồi câu của chúng ta giống nhau, chỗ ngồi câu cũng giống nhau, vì sao ông có thể dễ dàng câu được cá, còn cháu thì không câu được gì ạ?” Ông lão cười và nói: “Đó là bởi vì nội tâm của chúng ta không giống nhau. Nhìn bề ngoài, việc làm của hai chúng ta giống nhau, nhưng thực chất thì khác. Cháu đang câu cá, còn ta đang thả câu. Khi cháu câu cá thì chỉ một lòng muốn câu được cá, luôn nhìn chằm chằm xem cá có nuốt mồi câu của cháu không, vì thế khi cháu thấy cá không mắc câu liền cảm thấy nôn nóng, tâm trạng không ngừng thay đổi, cá bị tâm trạng nôn nóng ấy làm cho sợ hãi mà bỏ ra xa. Còn ta, ta đang thả câu, thả câu và câu cá không giống nhau. Khi ta thả câu, ta không cần biết đến sự tồn tại của bản thân ta, cũng không cần biết đến sự tồn tại của cá, cá đến ta không vui, cá đi ta cũng chẳng buồn, tim ta tĩnh như nước, không chớp mắt, cũng không nóng vội, cá không cảm nhận được sự tồn tại của ta, vì thế chúng chẳng cần phải trốn chạy khỏi ta.” “Không cần biết đến sự tồn tại của ta, không cần biết đến sự tồn tại của cá” là một cảnh giới. Đối với ông lão, thả câu là để tu thân dưỡng tính, ngoài điểm này ra, ông lão còn thu hoạch được rất nhiều cá. Còn đối với chàng trai, trong lòng anh ta chỉ hướng đến cá mà không để tâm tới việc câu cá, vì vậy cuối cùng chẳng thu hoạch được gì.