🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sức Mạnh Của Sự Trầm Lắng - Jennifer B. Kahnweiler Ebooks Nhóm Zalo Lời tựa “Trong các buổi đánh giá năng lực định kỳ ở công ty, tôi đều được khuyên nên nói lên tiếng nói của mình nhiều hơn và bớt nhốt mình trong văn phòng đóng kín cửa. Cấp trên của tôi luôn nói rằng tôi cần thể hiện nhiệt huyết nhiều hơn nữa để tăng khả năng thuyết phục khi trình bày các ý tưởng của mình. Các đồng nghiệp thì chia sẻ rằng tôi cần thể hiện ‘tinh thần làm việc nhóm’ nhiều hơn và đừng chỉ là một ‘cái máy báo cáo’. Tin tôi đi, tôi đã cố làm theo lời khuyên của họ. Nhưng dường như việc cố gắng phát triển các kỹ năng đó chỉ càng khiến tôi cư xử không giống mình chút nào. Tôi cảm thấy làm như vậy, tôi sẽ ít có sức ảnh hưởng đến người khác hơn thay vì nhiều hơn như mọi người vẫn nghĩ. Làm thế nào để tôi có thể làm nên điều khác biệt mà vẫn là chính mình?” Sari thở dài và nhún vai với vẻ vô cùng thất vọng khi đặt câu hỏi trên với tôi trong một buổi thảo luận ở công ty cô do tôi dẫn dắt. Tôi đã nhiều lần nhận được câu hỏi tương tự và lần nào tôi cũng có cảm giác buồn khi đưa ra câu trả lời. Thực tế là những người hướng nội thường liên tục được yêu cầu phải thích nghi với môi trường làm việc chủ yếu dành cho người hướng ngoại, một môi trường mà ở đó tinh thần hướng ra bên ngoài và sự thể hiện bản thân được đề cao. Văn hóa tổ chức ủng hộ những người nói về thành tích của bản thân, những người dành nhiều thời gian đi ra ngoài và mở rộng các mối quan hệ thay vì ngồi một mình trầm tư suy nghĩ, và những người luôn nỗ lực để mình là người đầu tiên trình bày ý tưởng hoặc lên tiếng và được người khác lắng nghe. Nếu là người hướng nội, có lẽ bạn sẽ hiểu được cảm giác của Sari - hoang mang và mất tự tin khi bị đánh giá thấp. Tôi muốn bạn biết rằng bạn không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy và chúng ta có giải pháp cho vấn đề này. Giải pháp này không chỉ tôn vinh giá trị của bạn mà còn giúp bạn phát huy hết khả năng để làm nên điều khác biệt một cách đột phá và tức thì ở nơi làm việc. Sức mạnh của sự trầm lắng mang đến cho bạn giải pháp để làm được điều đó và chỉ cho bạn thấy rằng giải pháp ấy luôn sẵn có ở ngay chính í nơi bạn cảm thấy thoải mái nhất: ở sâu bên trong con người bạn. Quyển sách này không nhằm chỉ dẫn người hướng nội phải thích nghi như thế nào trong thế giới chủ yếu dành cho những người hướng ngoại và quảng giao. Thay vào đó, nội dung sách xoay quanh việc chúng ta có thể học hỏi được gì từ những Người Ảnh hưởng Hướng nội1 ở xung quanh chúng ta. Họ là những người đang tạo ra sự khác biệt tương đương hoặc đôi khi lớn hơn so với các đồng nghiệp hướng ngoại của họ. Chỉ là họ tạo ra sự khác biệt theo một cách thầm lặng đến mức chỉ một số ít người nhận ra. Rất nhiều quyển sách viết về cách tạo ảnh hưởng đã không thuyết phục được độc giả vì quá đề cao cách thức của người hướng ngoại khi khuyên rằng để thu phục được người khác, chúng ta cần tự tán dương ý tưởng của bản thân, đưa ra những lập luận sắc bén, đồng thời mau chóng và quyết liệt thuyết phục người khác làm theo ý mình. Qua nhiều năm làm việc với các đồng nghiệp thuộc kiểu người hướng nội và nghiên cứu quá trình ì một cá nhân tạo ra sức ảnh hưởng của mình, ì tôi ngày càng tin rằng người hướng nội có thể trở thành người có sức ảnh hưởng lớn lao, chỉ cần họ ngừng cố gắng bắt chước những người hướng ngoại mà thay vào đó, tận dụng và phát huy tối đa những ưu thế hướng nội bẩm sinh của mình. Là người hướng nội, có lẽ bạn đã từng thử làm theo cách thức của người hướng ngoại, vậy bây giờ bạn hãy thử sống theo bản tính trầm lắng của người hướng nội xem sao. Bạn có thể trở thành người có sức ảnh hưởng lớn lao nếu bạn biết khai thác những thế mạnh tự nhiên của mình, và tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm điều đó trong phần tiếp sau đây của quyển sách. Bạn sẽ nhận ra được những ưu điểm của bản thân và học được cách nâng cao và phát huy những ưu điểm đó. Bạn sẽ hiểu biết sâu hơn về cách thức giúp những người hướng nội như bạn thành công trong việc tạo sức ảnh hưởng của bản thân. Nếu bạn sẵn sàng phát huy những thế mạnh bẩm sinh của mình thông qua việc thực hành có ý thức, bạn sẽ hoàn thiện được các kỹ năng cốt lõi, phát triển những cảm nhận hay nhận thức bậc cao và tăng cường sự tự tin để có thể tác động đến mọi kiểu người và mọi sự việc xảy ra. Kết quả là xác suất thành công của bạn trong việc tạo ra sức ảnh hưởng sẽ tăng cao đáng kể nhờ đi theo một cách tương tác khác thay vì một mực theo cách của người thuộc típ A2 kiểu phương Tây truyền thống. Có thể bạn có xu hướng sống theo kiểu của người hướng ngoại nhiều hơn - tiếp nhận năng lượng từ người khác và thế giới bên ngoài. Tại sao bạn không thử sống theo kiểu trầm lắng của người hướng nội? Đọc hết quyển sách này, bạn sẽ hiểu sâu hơn về cách làm thế nào những người hướng nội thành công trong việc tạo ra sức ảnh hưởng của bản thân. Bạn sẽ nhận ra việc học hỏi từ những người hướng nội là cơ hội tốt để bạn khám phá ra làm thế nào để cân bằng lại cách thức gây ảnh hưởng (có phần khoa trương) hiện thời của mình. Nếu bạn sẵn sàng thử nghiệm với một khía cạnh khác của con người mình, bạn sẽ nâng cao tầm ảnh hưởng của bản thân và nhờ đó, bạn sẽ tạo được những tác động lớn hơn trong nhiều tình huống khác nhau. Bạn sẽ có khả năng gây chú ý đúng ở mức bạn mong muốn bởi vì bạn là người chủ động thử cái mới. Lời giới thiệu Bạn có phải là nhân viên của một công ty? Hay bạn là thành viên của một tổ chức phi lợi nhuận đang phải cạnh tranh với các tổ chức khác để tìm kiếm nguồn tài trợ? Bạn đang làm việc cho một cơ quan chính phủ và bạn thường xuyên làm việc với các nhà thầu? Bạn là người đang khởi nghiệp hay là một người làm việc tự do đang cần bán sản phẩm hay dịch vụ nào đó? Công việc chuyên môn của bạn thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật hay khoa học? Hoặc có thể bạn đang hoạt động trong lĩnh vực bán hàng, marketing, quản lý dự án, giáo dục, y tế, pháp lý, nhân sự hay hành chính? Có một sự thật là dù làm bất cứ công việc gì, chúng ta cũng cần phải có khả năng gây ảnh hưởng đến người khác. Dù ở Seoul hay Seattle, phương Đông hay phương Tây, môi trường làm việc đầy cạnh tranh ngày nay đòi hỏi bạn phải xử lý nhiều tình huống khác nhau và thuyết phục đủ loại người, không phải chỉ thi thoảng mà nhiều lần trong ngày. Mặc dù sự ảnh hưởng đôi khi cần thiết để giải quyết những vấn đề to lớn và nắm lấy những cơ hội lớn lao nhưng đôi khi cũng có nghĩa là tạo ra những thay đổi nhỏ từng bước một. Những nhà nghiên cứu nổi tiếng như Jay Conger, tác giả của quyển The Necessary Art of Persuasion (tạm dịch: Nghệ thuật thuyết phục thiết yếu), đã khám phá ra rằng việc trình bày ý tưởng để thuyết phục người khác hợp tác hay ủng hộ là một quá trình, chứ không phải một hành động nhất thời. Tạo ra ảnh hưởng không phải là thúc ép mọi người nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của bạn, mà là học hỏi từ người khác và cùng nhau thảo luận để đi đến một giải pháp chung. Cách tiếp cận này rất phù hợp với khí chất của người hướng nội vì nó đòi hỏi tính kiên nhẫn, sự bền bỉ cũng như khả năng lên kế hoạch. Nếu ai trong chúng ta cũng cho rằng cách duy nhất để công việc đạt kết quả là nói thật nhiều để gây chú ý và ra sức biến mình thành trung tâm, chúng ta sẽ mất cơ hội lắng nghe, học hỏi và phản hồi một cách thấu đáo. Có lẽ xã hội của chúng ta đang bắt đầu nhận thức được điều này. Dù ở mức độ chậm, thậm chí một số người còn phản đối, nhưng những người hướng ngoại đang dần nhận ra rằng nếu chúng ta không lắng nghe ý kiến của những người hướng nội, nhiều khả năng chúng ta sẽ để lỡ mất tri thức và những đóng góp của hơn một nửa dân số thế giới. Sự ra đời của quyển sách được xuất bản gần đây nhất của tôi, The Introverted Leader: Building on Your Quiet Strength (tạm dịch: Người lãnh đạo hướng nội: Phát huy thế mạnh trầm tĩnh của bạn) vào năm 2009, quyển sách đầu tiên về người lãnh đạo hướng nội kéo theo một “cơn bão” sách, trong đó có quyển Quiet: The Power of Introverts in a World that Can’t Stop Talking (tạm dịch: Sự trầm tĩnh: Sức mạnh của người hướng nội trong một thế giới nói không ngừng) của Susan Cain cùng rất nhiều bài báo và bài viết trên mạng xã hội nói về những thế mạnh của người hướng nội. Tôi đã rất hài lòng khi theo dõi những cuộc bàn luận về chủ đề đó diễn ra khắp nơi. Hơn thế, mặc dù người hướng ngoại sẽ không bao giờ hiểu được người hướng nội thật sự cảm thấy như thế nào, nhưng bản thân họ đã bắt đầu nhận ra những khác biệt giữa họ và những người hướng nội trên bình diện cá nhân. Họ đến gặp tôi để nhờ ký tặng trên quyển sách The Introverted Leader họ mua cho con trai, cho người bạn đời hay anh chị em của họ, những người mà họ chưa bao giờ thấu hiểu. Chúng ta hy vọng những kết nối cá nhân như thế này sẽ khơi nguồn cho sự thay đổi lớn hơn. Tuy nhiên, động cơ mạnh mẽ nhất thúc đẩy xu hướng nhìn nhận lại Sức ảnh hưởng của người hướng nội có lẽ chính là những đóng góp hữu ích của xu hướng đúng đắn đó cho sự thành công trong môi trường làm việc không ngừng đổi mới hiện nay. Có bốn xu hướng cho thấy bây giờ chính là thời điểm để xác định lại giá trị của sức ảnh hưởng thầm lặng của người hướng nội: 1. Mô hình tổ chức phẳng3 mà phần lớn các doanh nghiệp ngày nay áp dụng với mạng lưới tương tác phức tạp giữa người bán, nhà cung cấp và khách hàng đồng nghĩa với việc bạn phải có khả năng thuyết phục để đảm bảo ý tưởng của mình được người khác lắng nghe, bất kể bạn có tính cách như thế nào hay chức vụ của bạn là gì. Đã qua rồi cái thời bạn có thể trông đợi cấp trên hay người phụ trách cao nhất làm việc đó thay bạn. Bạn phải thiết lập những mối quan hệ sống còn và tự mình truyền đạt những thông điệp then chốt. 2. Xu hướng vươn ra toàn cầu đòi hỏi bạn phải tìm ra nhiều cách thức khác nhau để tăng mức độ ảnh hưởng đến những nhóm đồng nghiệp và khách hàng ngày càng trở nên đa dạng. Ví dụ, cách tiếp cận từ tốn và ít khoa trương sẽ hiệu quả với các đồng nghiệp châu Á hơn thay vì tạo ấn tượng theo kiểu các đồng nghiệp phương Tây có tính cách hướng ngoại. Bạn có thể sử dụng những kỹ năng của Người Ảnh hưởng Hướng nội để tạo nên sự khác biệt khi tiếp xúc với những người đến từ các nền văn hóa đánh giá cao lối tiếp cận trầm tĩnh. 3. Thế giới ảo đang phát triển từng ngày và chưa bao giờ phổ biến đến thế. Trong xã hội hiện nay, bạn hầu như không thể tạo ảnh hưởng đến một số đông người trên một phạm vi rộng lớn mà không sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số một cách có chủ đích. Người hướng nội, đặc biệt là những người rất cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội, có thể sẽ là những người thành công ở sân chơi này. Mạng xã hội lôi cuốn họ vì ở đó họ có thể phát huy thế mạnh của mình và quản lý việc giao tiếp với mọi người tốt hơn. Vì đã dành thời gian tìm hiểu và học cách sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, bạn cũng như những Người Ảnh hưởng Hướng nội đã sẵn sàng để có thể ngay lập tức tạo ra những thay đổi cho tương lai nhanh hơn so với những người có tầm ảnh hưởng nhưng thờ ơ với các công nghệ này. 4. Sự cạnh tranh ngày càng tăng trong hoạt động kinh doanh và cơ hội việc làm đồng nghĩa với việc các công ty luôn tìm kiếm những nhà cung cấp và nhân viên có khả năng mang đến cho họ những phương cách mới mẻ và đột phá. Có một sự thật là cách thức quảng bá bản thân và thuyết phục theo kiểu khoa trương nhắm đến người hướng ngoại thật sự đã lỗi thời. Ngày nay, bạn sẽ nổi bật trong đám đông nếu bạn là người giỏi động viên người khác và tận tâm lắng nghe thay vì không ngừng huyên thuyên. Bởi vì cách thức tạo ảnh hưởng thầm lặng vốn đã là cách hành xử tự nhiên của bạn nên những xu hướng trên càng tạo động lực thúc đẩy bạn nâng cao các kỹ năng cốt lõi. Thời của những người hướng nội như bạn đã đến. Tôi viết quyển sách này nhằm giúp bạn cùng hàng triệu người hướng nội khác nhận ra, phát triển và làm nổi bật những ưu thế tạo ảnh hưởng bẩm sinh của mình để thu hút sự chú ý. Những người hướng nội, trong đó có bạn, chiếm khoảng 50% dân số thế giới, và các bạn hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho các tổ chức và cộng đồng trên toàn cầu. Tôi rất ủng hộ việc bạn cảm thấy tự hào khi có thể phát huy thành công những điểm mạnh của mình và tích cực trau dồi khả năng làm nên điều khác biệt mà không cần phải khoa trương. Tôi tin rằng khi những xu hướng trên ngày càng phát triển rõ nét, thời thế sẽ đổi thay và những người hướng ngoại sẽ nhận ra mình cần học hỏi những thế mạnh tạo ảnh hưởng thầm lặng từ những người hướng nội mà họ gặp. Nhiều người hướng ngoại đã nhận ra rằng họ sẽ trở thành người có tầm ảnh hưởng hiệu quả, linh hoạt và thích ứng tốt hơn khi họ sẵn sàng học hỏi thêm nhiều phương thức gây ảnh hưởng khác vào “bộ kỹ năng tạo ảnh hưởng” của mình. Tôi phải thú nhận điều này: tôi chính là một người hướng ngoại như thế. Tôi đã nhận ra mình cần phải học cách làm thế nào để làm nên điều khác biệt mà không cần quá ồn ào, khoa trương. Suốt một thời gian dài xây dựng sự nghiệp, tôi luôn có một niềm tin thiếu cơ sở rằng cách tiếp cận của người có tính cách loại A, vốn coi trọng khả năng hùng biện và việc thể hiện bản thân trước đám đông, sẽ giúp tôi đạt được nhiều thành tựu. Tôi là một diễn giả, chuyên gia huấn luyện cấp quản lý và là một tác giả viết sách. Công việc của tôi là gây ảnh hưởng để thuyết phục mọi người thử áp dụng những cách thức mới mẻ trong cuộc sống của họ. Dĩ nhiên, tôi từng nghĩ điều này đồng nghĩa với việc tôi luôn hoạt động bên ngoài và luôn sẵn sàng là trung tâm của sự chú ý. Tôi di chuyển rất nhanh, ứng biến linh hoạt và luôn nghĩ ra cách để thu hút sự chú ý của người khác. Khi sự nghiệp của tôi tiến triển tốt, tôi trở thành đại diện cho kiểu người New York quyết đoán và khá ồn ào, khoa trương. Tuy vậy, ít ai biết từ nhỏ tôi vẫn thường lặng lẽ quan sát mọi người. Cha tôi, Alvin Boretz, là một nhà biên kịch phim điện ảnh và truyền hình, và những cuộc trò chuyện trong bữa tối của cả nhà thường xoay quanh chủ đề con người, động cơ và cách hành xử của họ. Vì công việc của cha tôi phụ thuộc vào khả năng tinh tế chọn lọc ra các sắc thái lời thoại cho kịch bản nên việc rút ra ý nghĩa từ nội dung các cuộc trò chuyện mà chúng tôi góp nhặt được trong cuộc sống hằng ngày là đề tài thú vị không dứt của cả gia đình. Hơi khác thường nhưng bốn người hướng ngoại chúng tôi thường ngồi yên lặng ở nhà hàng Cairo’s, một nhà hàng Ý địa phương, lắng nghe những cuộc trò chuyện ngẫu nhiên xung quanh mình. Trên đường về nhà, chúng tôi chia sẻ với nhau những nội dung câu chuyện mình nghe lỏm được từ các thực khách trong nhà hàng và bàn luận sôi nổi về cuộc sống cũng như các mối quan hệ của họ. Những người hướng nội nói rất ít nên chúng tôi được dịp tha hồ suy đoán về cuộc sống của họ. Những gia đình có tính cách trầm lặng, khép kín như thế, vì rất khác với chúng tôi nên đặc biệt hấp dẫn tôi. Tôi hay tự hỏi cuộc sống của họ đã diễn ra như thế nào. Khi bắt đầu phát triển sự nghiệp của mình, tôi tiếp tục quan sát để tìm hiểu người hướng nội. Tôi vẫn giữ thói quen quan sát mọi người nhưng thường bị thu hút bởi người hướng nội, những người đôi khi gặp khó khăn khi nắm giữ vị trí quản lý, mặc dù họ vốn đã có sẵn mọi tiềm lực cần thiết để đảm nhận vị trí đó. Vì vậy, tôi đã viết quyển The Introverted Leader: Building on Your Quiet Strength như một quyển cẩm nang giúp những con người tài năng này đảm nhiệm tốt những trọng trách trong khi vẫn là chính mình. Trong quá trình nghiên cứu để viết quyển sách và trải qua không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi cho đến khi sách được xuất bản, tôi ngày càng bị cuốn hút vào những câu chuyện và trải nghiệm của người hướng nội. Càng trò chuyện, lắng nghe, tư vấn và viết về người hướng nội, tôi càng đánh giá cao khả năng nhận thức và hiểu biết của họ. Tôi nhận ra thứ ngôn ngữ trầm lắng của người hướng nội thật khác biệt với tính cách cởi mở bẩm sinh của tôi, và tôi nhận ra mình có thể học hỏi, tiếp thu những nét tính cách và cách hành xử của người hướng nội, phối hợp với tính cách bẩm sinh của mình để tạo ra sức ảnh hưởng lớn hơn. Chẳng hạn, thay vì đợi đến phút chót rồi mới hối hả đăng nhập để tham dự một cuộc họp trực tuyến, tôi sẽ ngồi vào bàn làm việc, mở sẵn máy tính và dành chút thời gian yên tĩnh trước cuộc họp để nhìn ra ngoài trời ngắm cỏ cây và nghĩ về mục tiêu của ngày hôm đó. Hoặc thay vì ngẫu hứng vào Facebook đăng một dòng trạng thái, tôi có thể nghĩ về những việc cần làm sắp tới. Hoặc khi đang trong giai đoạn gặp khó khăn với một mối quan hệ, tôi có thể viết ra suy nghĩ của mình để có sự nhìn nhận sáng suốt hơn về bản thân trong mối quan hệ đó. Nhìn chung, tôi nhận ra bên trong tôi có một sự chuyển biến mạnh mẽ khi tôi đi sâu vào khám phá mặt tính cách ít nổi trội hơn của mình. Khi chọn khai thác nội lực của bản thân, tôi nhìn mọi việc thấu suốt hơn, vận dụng khả năng sáng tạo tốt hơn và trở nên cân bằng hơn. Nói theo cách của các nhà tâm lý học theo trường phái của Carl Jung4, tôi đang giải phóng một sức mạnh chứa đầy công lực bằng cách khai thác mặt tính khí ít nổi trội hơn của mình. Tôi chợt nhận ra mình đã chịu ảnh hưởng từ chính những người hướng nội mà lúc ban đầu tôi định gây ảnh hưởng đến họ. Được truyền cảm hứng từ những Người Ảnh hưởng Hướng nội mà tôi đã có cơ hội gặp gỡ và chịu ảnh hưởng, tôi chuyển hướng mục tiêu đến việc tìm ra câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào những người hướng nội thành đạt này đã làm nên điều khác biệt. Cụ thể, họ thách thức nhằm thay đổi thực trạng như thế nào; họ kích thích những cách tư duy mới mẻ hay truyền cảm hứng để giúp người khác vươn lên ra sao? Họ tận dụng những sức mạnh nội tại nào để mang lại thay đổi? Họ từng bước làm thế nào để tác động lên người khác? Trong quá trình tôi làm nghề, hàng ngàn người tôi đã tiếp xúc giúp tôi hiểu sâu thêm về trải nghiệm của người hướng nội và cho tôi những ý tưởng để tìm ra lời giải đáp cho các câu hỏi trên. Những buổi thảo luận trong lớp, những câu hỏi mọi người đặt ra cho tôi vào cuối mỗi buổi diễn thuyết cũng như những vấn đề nảy sinh trong các buổi huấn luyện của tôi đều giúp tôi củng cố thêm kiến thức và mở mang tầm nhìn. Trong vai trò một tác giả viết sách đồng thời là một nhà báo, tôi đã gặp rất nhiều người hướng nội. Tôi viết về họ, phỏng vấn họ cho các bài viết về chủ đề người hướng nội tại môi trường làm việc trên các ấn phẩm như tạp chí Forbes, Bloomberg Business Week và The Wall Street Journal. Thông qua những cuộc trò chuyện ngoài lề, các e-mail trao đổi qua lại với những người hướng nội và những bình luận của họ trên blog của tôi, tôi ngày càng hiểu biết sâu sắc hơn về cách trải nghiệm thế giới của người hướng nội và những phương thức họ dùng để khai thác các thế mạnh bẩm sinh của mình nhằm kết nối với mọi người một cách hữu hiệu. Tôi cũng may mắn khi kết nối được với một cộng đồng những Người Ảnh hưởng Hướng nội. Đặc biệt, tôi đã hỏi các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực và tổ chức về cách thức tạo nên sức ảnh hưởng của họ. Thường thì họ gửi cho tôi câu trả lời qua e-mail. Sau đó, tôi gọi điện thoại cho họ thêm vài lần để phỏng vấn nhằm mở mang thêm hiểu biết. Với bản tính khiêm nhường, họ chia sẻ với tôi rất nhiều cách thức họ đã áp dụng để giúp nhiều cá nhân và tổ chức làm nên sự khác biệt. Là những người hướng nội coi trọng sự riêng tư, nhiều Người Ảnh hưởng Hướng nội yêu cầu tôi không dùng tên thật của họ. Vì lý do đó, tôi đã thay tên của một số người bằng một tên giả. Nhiều người khác đồng ý cho tôi sử dụng tên thật của họ trong sách. Tôi cố gắng ghi lại một cách đầy đủ nhất những câu chuyện đã truyền cảm hứng cho tôi trên con đường tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi cốt lõi của mình: “Người hướng nội tạo ảnh hưởng bằng cách phát huy những thế mạnh trầm lắng bẩm sinh của mình như thế nào?”. Tiếp đó, tôi đúc kết các câu trả lời mình nhận được thành Sáu thế mạnh của người hướng nội được đưa vào từng chương trong sách. Với sáu thế mạnh này, tôi hy vọng bạn sẽ thu nhận được những hiểu biết theo cách độc đáo của riêng mình về việc làm thế nào để trở thành Người Ảnh hưởng Hướng nội như bạn mong muốn. Chương 1 Đừng cố bắt chước người hướng ngoại “Hãy hạ giọng và tăng sức mạnh cho lập luận của bạn.” - Barbara McAfee, tác giả kiêm ca sĩ Bạn có biết... Những ý tưởng tuyệt vời nhất thường nảy sinh những khi bạn ở một mình và tâm hồn đang lắng sâu? Một e-mail thuyết phục có thể khiến một dự án được xúc tiến nhanh hơn một cuộc trao đổi theo đúng bài bản? Lắng nghe điều không được nói ra quan trọng hơn lắng nghe điều được nói ra? Những Người Ảnh hưởng Hướng nội - những người đạt được thành công mà không cần dùng đến những chiêu thức gây khiêu khích - đã học được những bài học trên bằng chính trải nghiệm của mình. Như những gợn sóng trên mặt hồ, họ chẳng gây ồn ào mà vẫn tạo ra tác động mạnh mẽ. Khi cần tạo ảnh hưởng, người hướng nội tập trung suy nghĩ thật cẩn trọng và thấu đáo. Họ không cần quá ồn ào hay khoa trương. Với bản tính trầm lắng và khiêm nhường, người hướng nội luôn đảm bảo những người họ cần tác động đến hiểu được thông điệp họ muốn truyền tải. Thế nhưng, họ thường bị công ty và đồng nghiệp, những người tin rằng lời nói luôn chiếm ưu thế, coi thường và đánh giá thấp. Nếu là một người hướng nội, hẳn bạn cũng từng cố gắng học theo những đồng nghiệp hướng ngoại của mình khi bạn muốn gây ảnh hưởng đến người khác. Tôi đoán cách tiếp cận đó chẳng giúp ích cho bạn: nó khiến bạn mệt mỏi, cảm thấy thiếu tự tin vì không đủ lý lẽ và rốt cuộc thì cách thức này cũng không mang lại hiệu quả. Trái với lời khuyên trong phần lớn những quyển sách nói về cách tạo ảnh hưởng, giải pháp dành cho bạn không phải là cố gắng trở thành người hướng ngoại. Tuy vậy, tôi tin bạn sẽ trở thành một người có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn khi bạn ngừng bắt chước người hướng ngoại và thay vào đó, bạn biết tận dụng tối đa những ưu thế hướng nội bẩm sinh của mình. Qua những câu chuyện và bí quyết được chia sẻ bởi những Người Ảnh hưởng Hướng nội thành công, quyển sách này sẽ hướng dẫn bạn làm thế nào để nhận diện, phát huy và vận dụng những thế mạnh bẩm sinh của mình để có thể tạo ra sự khác biệt lớn mà không cần khoa trương. Bạn sẽ học được cách nhận ra sức mạnh nội tại của mình, khai thác sự thông tuệ của nguồn năng lượng đó và kết nối sâu sắc với thế giới bên ngoài. Những trở ngại người hướng nội cần vượt qua Có một điều không thể phủ nhận là ngày nay, cách tiếp cận gây chú ý theo kiểu hướng ngoại đang chiếm ưu thế trong môi trường làm việc. Cách thức này phủ nhận thiên hướng của hơn một nửa dân số thế giới và dựng lên những chướng ngại cho người hướng nội khi họ muốn khẳng định sức mạnh của sự trầm tĩnh. Bạn đã từng gặp trở ngại nào trong số những trở ngại sau đây chưa? Áp lực khi làm việc nhóm Vào những năm 1980, các công ty đi theo xu hướng khai thác hiệu quả làm việc nhóm và phương pháp quản lý này nhanh chóng phát triển, từ đó dẫn đến thực tế ngày nay là hầu hết các vị trí công việc đều đòi hỏi khả năng làm việc nhóm. Bạn và những đồng nghiệp làm việc cùng bạn thường được tổ chức thành một “nhóm”, còn người quản lý trực tiếp của bạn được gọi là “trưởng nhóm”. Ở nơi làm việc, mọi người được bố trí ngồi cùng các thành viên trong nhóm của mình. Chúng ta thực hiện phần lớn công việc của mình trong “những buổi họp nhóm”; chúng ta lên ý tưởng thông qua các cuộc thảo luận nhóm; mỗi thành viên phấn đấu hoàn thành mục tiêu của nhóm; và hầu hết nhân viên thường chỉ chắc chắn mình được tuyển vào sau khi đã gặp gỡ và được sự tán thành của tất cả thành viên trong nhóm. Đối với người hướng nội, cách làm việc xem trọng tinh thần đội nhóm này khiến họ gặp khó khăn. Việc phải liên tục giao tiếp và tìm cách hòa nhập với người khác không chỉ làm họ cạn kiệt năng lượng mà còn lấy đi không gian riêng tư bên ngoài và cả trong nội tâm của họ, trong khi đó là nơi giúp họ khai thác tối đa khả năng tư duy của mình. Là người hướng nội, bạn biết rõ rằng mình cần được ở một mình để suy tư và sáng tạo. Khi áp lực này gia tăng, nhiều người hướng nội đề cập đến việc “trốn vào nhà vệ sinh để có không gian riêng”. Trên thực tế, trong một cuộc khảo sát tôi thực hiện trên một trăm người hướng nội, có bốn trong năm người được hỏi trả lời rằng họ thấy “kiệt sức vì phải giao tiếp với người khác”. Nếu phải chịu áp lực giao tiếp cả ngày với những người xung quanh, Người Ảnh hưởng Hướng nội sẽ khó có được khoảng thời gian yên tĩnh để nuôi ý tưởng và chuẩn bị kế hoạch cho công việc của mình. Áp lực khi cần dùng lời nói để thể hiện thành tích và trình bày ý tưởng Trong hầu hết các tổ chức, việc kể ra các thành tích mình đạt được góp phần tạo nên “thương hiệu” cá nhân của bạn. Mọi người biết đến bạn và đánh giá cao những giá trị bạn đem lại cho tổ chức nhờ vào việc bạn nói về bản thân và những thành tựu của mình. Vấn đề là những người không “khoe khoang” (hầu hết người hướng nội đều như thế) sẽ cảm thấy bản thân như vô tình đứng ngoài cuộc. Nếu họ không có được một cấp trên thường xuyên yêu cầu họ tham gia đóng góp ý kiến, khen ngợi tài năng hay khiến mọi người chú ý đến họ, mọi người hẳn sẽ chẳng còn biết đến sự tồn tại của họ. Văn hóa doanh nghiệp ngày nay không đề cao tính khiêm nhường. Hạn chế đặc trưng này thường khiến người hướng nội không tạo được sự chú ý. Những ý tưởng tuyệt vời của họ thường không được lắng nghe. Trong môi trường làm việc nhóm, họ có thể là người nghĩ ra những giải pháp thông minh nhất nhưng dường như không tìm thấy cơ hội để trình bày các ý tưởng của mình. Thậm chí trong những cuộc đối thoại giữa chỉ hai người với nhau, đặc biệt là với một người hướng ngoại, họ cũng không biết làm thế nào để “chen” ý tưởng của mình vào giữa cuộc đối thoại sao cho người đối diện phải lắng nghe. Do không quen với việc nói về bản thân, những người trầm tính thường không ở trong tầm chú ý của mọi người. Và có rất ít đồng nghiệp hướng ngoại nghĩ đến việc khuyến khích người hướng nội chia sẻ ý tưởng. Vì vậy mà người hướng nội hay gặp khó khăn khi cần thu hút sự chú ý của mọi người và tận dụng sự chú ý đó để tác động đến tình huống. Áp lực khi phải hành xử như người hướng ngoại Nhiều nền văn hóa châu Á đánh giá cao khả năng kiềm chế, không thể hiện cảm xúc. Tuy nhiên, chốn công sở ở phương Tây lại không chấp nhận những khuôn mặt “vô cảm” hay những người có tính cách quá trầm lặng. Có vẻ như để hòa nhập, bạn phải trở nên sôi nổi và hoạt ngôn. Nhưng nếu đây không phải là phong cách của bạn? Thật đáng tiếc. Nếu muốn thành công, bạn buộc phải “đóng kịch”. Oliver Goldsmith, nhà văn người Ireland ở thế kỷ mười tám, từng miêu tả tính cách một nhân vật như sau: “Trên sân khấu, anh ta tự nhiên, đơn giản và lan tỏa sức ảnh hưởng. Nhưng khi rời sân khấu, anh ta bắt đầu diễn”. Người hướng nội cũng thường thể hiện tương tự như vậy. Họ “đóng vai” hạnh phúc, hòa đồng và bộc lộ cảm xúc, trong khi thậm chí họ không cảm thấy như vậy. Trong quyển Quiet: The Power of Introverts in a World that Can’t Stop Talking, tác giả Susan Cain có nhắc đến áp lực của người hướng nội khi phải sống theo “lý tưởng hướng ngoại” (xem kiểu sống hướng ngoại là chuẩn mực). Một Người Ảnh hưởng Hướng nội đã mô tả những cuộc phiếm đàm tại các sự kiện của giới kinh doanh là “những âm thanh ồn ào thể hiện cái tôi ganh đua”. Susan Cain nói rằng khi tham gia những sự kiện ấy, cô cảm thấy không còn là chính mình. Trong khi đó, để thay đổi thực trạng và truyền động lực cho người khác phát triển, chúng ta phải sẵn sàng thể hiện con người thật của mình. Người hướng nội cảm thấy chùn bước trong nỗ lực tạo ảnh hưởng khi họ bị người khác đánh giá là khó hiểu và khi chính họ cũng cảm thấy kiệt sức trước áp lực phải “thể hiện mình”. Áp lực khi cần đưa ra quyết định nhanh chóng Từ việc trả lời câu hỏi trong cuộc họp cho đến phản hồi một e mail bất ngờ từ khách hàng, môi trường làm việc ngày nay buộc chúng ta phải nhanh chóng đưa ra quyết định. Rất nhiều tổ chức đánh giá cao một e-mail phản hồi ngay thay vì phản hồi sau khi đã suy nghĩ thấu đáo. Tốc độ của công nghệ và xu thế cạnh tranh ngày càng tăng trên toàn cầu đã đẩy nhanh nhịp độ công việc. Giờ đây, người ta không còn dành thời gian để suy ngẫm một vấn đề nan giải từ nhiều góc độ. Thời của những câu hỏi như “Nếu… thì sẽ thế nào?” và cơ may quay lại thu thập thêm dữ liệu trước khi ra quyết định đã không còn nữa. Những khách hàng tiềm năng mà chúng ta đang ra sức bán ý tưởng và sản phẩm cho họ chỉ muốn thấy kết quả tức thì. Thật không may, người hướng nội lại một lần nữa ở tình thế bất lợi. Họ thấy bức bối khi không thể làm chậm lại quy trình ra quyết định hiện thời. Họ cảm thấy không có đủ thời gian để xử lý các quyết định trong đầu và có sự chuẩn bị cần thiết để đạt kết quả tốt nhất. Vì thế, họ thường bị gắn mác là “chậm chạp” hay “đi sau thời đại” và không nhận được sự tôn trọng xứng đáng. Trong khi cân nhắc để ra quyết định và phân tích tình huống, người hướng nội thường không nhận ra dấu hiệu cho thấy họ có nguy cơ tụt lại phía sau. Cái giá phải trả cho sự “chậm trễ” đó là họ đánh mất cơ hội tác động đến việc ra quyết định. Trở ngại khi giới hạn riêng tư bị thu hẹp Tương tự như việc thăm dò ý kiến một cách vô ích tại các sự kiện xã hội, những trang mạng xã hội như Facebook đang gây áp lực, buộc chúng ta phải cởi mở nội tâm với thế giới bên ngoài. Giới hạn riêng tư bị thu hẹp tạo ra một không gian sống không thoải mái cho người hướng nội, những người vốn thích tìm hiểu người khác trước khi bộc bạch tâm tư của mình. Họ phải đấu tranh mỗi ngày với tình trạng quá tải thông tin (tiếng Anh: too much information - viết tắt là TMI). Những người hướng nội có hiểu biết đều nhận thức được rằng để trở nên có sức ảnh hưởng đến người khác, họ cần xây dựng các mối quan hệ. Chỉ là họ muốn từ từ tìm hiểu người khác thay vì đề cập thẳng vào chuyện cá nhân. Áp lực phải chia sẻ và kết nối với người khác theo nhịp độ nhanh mỗi ngày khiến họ căng thẳng, cạn kiệt năng lượng và thách thức cả những mối quan hệ mà họ đang tìm cách vun đắp theo cách riêng của mình. Bị ngắt lời Trong số những rào cản cho quá trình tạo ảnh hưởng của người hướng nội, việc bị ngắt lời có lẽ là trở ngại khiến họ nản chí nhất. Trong môi trường coi trọng sự hoạt ngôn như xã hội phương Tây, ngắt lời người khác là chuyện không tránh khỏi. Nếu một người hướng nội nói nhỏ giọng hoặc tạm ngừng trong khi đang nói, người khác sẽ ngay lập tức chen vào giành quyền phát biểu. Ngay cả khi một người hướng nội đang nói với âm lượng bình thường, trình bày ý tưởng với lý lẽ rất thuyết phục đã được chuẩn bị trước, những người hướng ngoại có thể vẫn muốn ngắt lời họ. Với thói quen “nghĩ gì nói nấy”, người hướng ngoại xem việc ngắt lời người khác đơn thuần là cách họ đóng góp thêm cho ý tưởng thú vị của người nói. Nhưng đối với người hướng nội, sự chen ngang đó như một tấm chăn cách âm chặn mất tiếng nói của họ. Người hướng nội sẽ cảm thấy ý tưởng của họ, thay vì đang được tập thể lắng nghe, giờ đây bị lấn lướt bởi người “ăn to nói lớn” nhất ở đây. Kết quả là người hướng nội mất tinh thần và không còn cảm hứng để tiếp tục đưa ra ý tưởng mới. Không chỉ vậy, người hướng nội còn cảm thấy áp lực khi ở trong “trận chiến chen ngang”. Nhiều người hướng nội là người châu Á chia sẻ rằng những lúc ấy, tâm trí họ bị giằng xé bởi hai tiếng nói trái ngược nhau: một bên là truyền thống giáo dục của gia đình, “phải luôn nhã nhặn và lễ độ”, và một bên là sự kỳ vọng của cấp trên, “cần năng nổ, hoạt bát” và mạnh dạn đưa ra ý kiến trong các cuộc họp. Yêu cầu của môi trường làm việc tạo ra sự mâu thuẫn sâu sắc cho người hướng nội, những người có thói quen tư duy thấu đáo, tận dụng những khoảng lặng trong cuộc trò chuyện không phải để nói mà là để nghĩ. Họ không chỉ phải chấp nhận việc bị ngắt lời mà họ còn được kỳ vọng phải áp đặt lên người khác một phong cách mà ngay bản thân họ cũng cảm thấy thật khó để thích nghi vì nó trái ngược với bản tính của họ. *** Nếu bạn cũng đang gặp phải những trở ngại này và trong bạn khởi lên cảm giác bất an thì hãy nhớ rằng bạn không hề đơn độc. Bạn chỉ là một trong những người hướng nội bị mắc kẹt trong một thế giới mà người hướng ngoại chiếm ưu thế. Thay vì tìm cách né tránh những trở ngại này khi đi trên “xa lộ” dành cho người hướng ngoại, bạn hoàn toàn có thể chọn một hướng đi trực tiếp, hiệu quả và dễ chịu hơn. Hãy chấp nhận và làm theo bản tính của bạn để đón nhận những kết quả tuyệt vời hơn. Những người hướng nội khác đã làm được điều này: họ bước ra thế giới, trình bày những giải pháp tương lai cho căn bệnh ung thư, đưa ra câu trả lời cho vấn đề nóng lên toàn cầu hay các biện pháp chấn chỉnh nền giáo dục... Bạn hoàn toàn có thể làm được những điều tương tự. Những đặc điểm tính cách của người hướng nội Tôi hy vọng đã giúp bạn nhận ra rằng người có tầm ảnh hưởng không nhất thiết phải là người hướng ngoại. Bạn vẫn có thể thành công bằng cách chấp nhận và sống đúng với bản chất hướng nội của mình. Nhưng trước tiên, chúng ta cần hiểu khái niệm “người hướng nội”. Ngày nay, cụm từ này được sử dụng rộng rãi nhưng rất ít người thật sự hiểu ý nghĩa của nó. Hãy bắt đầu bằng một câu hỏi cơ bản: Khi cần nạp lại năng lượng, bạn có xu hướng muốn ở một mình nơi yên tĩnh không? Nếu câu trả lời là có, rất có thể bạn là người hướng nội. Nói chính xác hơn, “hướng nội” và “hướng ngoại” là hai thuật ngữ chỉ đặc điểm tính cách của con người và cũng nói lên nguồn kích thích và phát sinh năng lượng của mỗi người. Trong khi người hướng ngoại nạp năng lượng thông qua sự tương tác với người khác và tham gia vào các sự kiện bên ngoài thì người hướng nội tìm thấy năng lượng từ bên trong. Chúng ta cũng cần phân biệt tính hướng nội với tính nhút nhát. Tính nhút nhát được hình thành từ nỗi sợ hoặc lo lắng nảy sinh trong môi trường xã hội, còn “hướng nội” đơn giản mô tả nguồn năng lượng (từ bên trong). Xu hướng cơ bản tìm nguồn năng lượng từ bên trong này được thể hiện qua những đặc điểm tính cách của người hướng nội mà tôi quan sát được sau đây. Hãy thử xem bạn có những đặc điểm này không nhé: Thoải mái khi ở một mình Người hướng nội có nhu cầu và thích dành thời gian để ở một mình. Ở nơi làm việc, họ thích những không gian yên tĩnh, riêng tư hơn và thích thực hiện các dự án độc lập (làm một mình) hoặc theo nhóm nhỏ. Nghĩ trước, nói sau Người hướng nội luôn suy nghĩ trước khi nói. Thậm chí trong những cuộc trò chuyện thông thường, họ cũng cẩn thận cân nhắc lời của người khác và dừng lại để suy ngẫm trước khi trả lời. Họ biết cách tận dụng sức mạnh của những khoảng dừng. Kiềm chế cảm xúc bên trong Người hướng nội hiếm khi bộc lộ hay hành động theo cảm xúc. Họ có thể khó đoán và vì vậy, cảm xúc của họ thường bị người khác hiểu sai. Chú trọng chiều sâu Người hướng nội chú trọng chiều sâu hơn chiều rộng. Họ thích đào sâu vào một vấn đề hay một ý tưởng trước khi chuyển sang vấn đề hay ý tưởng mới. Họ thường bị cuốn hút bởi những cuộc trò chuyện có chiều sâu thay vì những câu tán gẫu hời hợt. Họ biết khi nào cần thấu hiểu người khác và khi nào không cần dành quá nhiều năng lượng cho việc đó. Thích viết hơn nói Người hướng nội thường thích viết hơn nói. Trong công việc, họ chọn cách giao tiếp qua e-mail thay vì điện thoại và thích viết báo cáo hơn trình bày ý tưởng. Hành xử kín đáo Người hướng nội thường trầm tĩnh và dè dặt. Họ nói chuyện nhẹ nhàng và chậm rãi. Họ không có nhu cầu trở thành trung tâm chú ý. Thay vì vậy, họ thích sống ngoài “tầm ngắm” của mọi người. Thậm chí trong những cuộc trò chuyện sôi nổi, họ cũng thường giữ phong thái điềm tĩnh, đứng ngoài quan sát. Giữ kín chuyện riêng Người hướng nội ghét trở thành “cuốn sách mở”. Họ giữ kín các vấn đề cá nhân, chỉ chia sẻ thông tin một cách chọn lọc với một số ít người. Mặc dù vậy, họ cũng chỉ chia sẻ sau khi đã hiểu rõ những người này và cảm thấy thoải mái khi ở cạnh họ. Trong công việc, họ cũng thận trọng như thế và giữ kín những ý tưởng cũng như các mối quan hệ của mình. Những đặc điểm tính cách này không tốt và cũng chẳng xấu, chỉ đơn thuần là những nét tính cách đặc trưng của người hướng nội. Không may là trong xã hội ngày nay, các phẩm chất đó thường bị hiểu sai, bị đánh giá thấp và xem thường. Nhưng trớ trêu thay, đây lại chính là những phẩm chất thường góp phần tạo nên những người hướng nội thành công nhất, ngay cả trong một thế giới mà cho đến nay mọi người vẫn tin rằng phải khoa trương ầm ĩ mới có thể làm nên điều khác biệt. Chương 2 Sáu thế mạnh của Người Ảnh hưởng Hướng nội “Một biểu hiện của người có tầm ảnh hưởng là dám đi ngược lại những xu hướng đối lập và bằng cách đó, tạo nên sự thay đổi.” - Madeline Albright, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Ấn bản được phát hành ngày 18 tháng Tư năm 2012 của tạp chí Time đã giới thiệu một trăm nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Trong bài báo có đoạn: “Trước khi mi-crô và ti-vi ra đời, các nhà lãnh đạo đứng trước đám đông và phải cố hết sức nói thật to để mọi người có thể nghe thấy. Ngày nay, họ chỉ cần đăng tải thông điệp của mình lên mạng xã hội và chỉ trong nháy mắt, hàng triệu người đã đọc được. Sức ảnh hưởng của cá nhân chưa bao giờ được tạo ra dễ dàng và cũng nhanh chóng bị lãng quên hơn thế”. Rõ ràng, sự ảnh hưởng đã thay đổi về bản chất cùng với công nghệ. Nhưng về cốt lõi, khái niệm “sức ảnh hưởng” vẫn là “khả năng hay uy lực của một người để người đó trở thành người truyền động lực hoặc tác động đến hành động, hành vi và ý kiến của người khác”, theo định nghĩa của từ điển Webster. Tôi tin rằng những người có sức ảnh hưởng tạo ra sự khác biệt bằng việc thách thức nhằm thay đổi thực trạng5, khởi xướng những lối tư duy mới, tạo ra thay đổi hoặc truyền cảm hứng cho người khác phát triển. Người có sức ảnh hưởng nỗ lực hết mình trong mọi môi trường làm việc, từ sân khấu hoặc diễn đàn cho đến bệnh viện. Họ làm những công việc khác nhau, từ nhân viên hành chính, tác giả viết sách cho đến phụ huynh hay nhà hoạt động cộng đồng. Có khi họ là những người nắm giữ những vị trí quyền lực truyền thống: một nhà lãnh đạo chính trị với khát vọng lớn lao, một học giả cống hiến trọn đời cho những khái niệm hoặc tư tưởng mới, một nhà quản lý truyền động lực cho nhân viên, khuyến khích họ phát triển và khai thác mọi nguồn lực, hay người đứng đầu tổ chức giữ vai trò đốc thúc để các dự án đi đến thành công. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người có sức ảnh hưởng không nhất thiết phải giữ chức vị cao. Họ đơn giản là những người truyền động lực để tạo ra sự thay đổi, sự phát triển và thành tựu: họ có thể là một thành viên có nhiều sáng kiến tuyệt vời của một tổ chức, một quản lý cấp trung có năng lực dẫn dắt một dự án đi đến thành công, một nhân viên có khả năng thuyết phục lãnh đạo cấp cao thay đổi quyết định, và cũng có thể là một thực tập sinh yêu nghề và sáng tạo, giúp biến nhà hàng nơi mình học việc trở thành địa điểm ăn trưa yêu thích mới của các nhân viên văn phòng. Trên thực tế, những người sử dụng tài năng bẩm sinh và những kỹ năng học hỏi được để gây ảnh hưởng đến người khác chính là những người đưa thế giới của chúng ta đi lên ở những tầm mức lớn, nhỏ khác nhau. Trong số họ có cả những người hướng ngoại và người hướng nội - những người tạo ra sự khác biệt thông qua một quá trình mà tôi gọi là Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng. Người tạo ảnh hưởng thầm lặng là những ai? Khi Tim Cook đảm nhiệm vị trí CEO (Tổng Giám đốc Điều hành) của Apple từ cuối năm 2011 sau khi Steve Jobs bị bệnh và qua đời, ông có nhiều trọng trách phải gánh vác. Phong thái cẩn trọng và kín đáo của ông rất khác với người tiền nhiệm; còn trước kia, trong vai trò COO (Giám đốc Vận hành), tính cách điềm tĩnh và tự chủ của Tim Cook cũng giúp cân bằng lại cá tính có phần khoa trương của Jobs. Khi còn là Giám đốc Vận hành, Cook từng thực hiện một số thay đổi lớn trong hoạt động của Apple và những thay đổi đó đã góp phần tạo ra những thành quả khổng lồ cho công ty. Sau khi người đồng nghiệp đáng kính qua đời, Cook đi theo đường hướng lãnh đạo của riêng mình và nhận được nhiều lời ngợi khen từ cộng đồng công nghệ. Một phóng viên của tạp chí Fortune đã mô tả một cuộc họp với các nhà đầu tư mà ở đó, Cook đã thể hiện thương hiệu “người có tầm ảnh hưởng mang phong thái trầm tĩnh” của riêng mình. “Điều gây ấn tượng nhất đối với các nhà đầu tư của Apple ngày hôm đó là khi CEO Tim Cook bước vào phòng họp trong khi Giám đốc Tài chính (CFO) Oppenheimer của Apple đã phát biểu được khoảng hai mươi phút, ông lặng lẽ ngồi xuống một chiếc ghế ở cuối phòng và đã làm một điều mà mọi người cho là khác thường với cương vị một CEO: đó là ngồi bên dưới và chăm chú lắng nghe. Ông không một lần kiểm tra e-mail và cũng không ngắt lời người đang phát biểu. Sau khi vị CFO kết thúc bài phát biểu, Tim Cook, người lúc đó đã ở vị trí Tổng Giám đốc Điều hành của Apple được năm tháng, mới đứng dậy để đưa ra nhận xét. Ông đường hoàng bước lên trước khán phòng và ngay lập tức trở thành trung tâm của sự chú ý với phong thái không kiểu cách, đi thẳng vào vấn đề rất đặc trưng của mình. Một trong các nhà đầu tư cho biết: ‘Ông ấy hoàn toàn làm chủ tình huống, biết mình là ai và biết mình muốn đạt được điều gì. Ông thẳng thắn trả lời mọi câu hỏi, không vòng vo hay tránh né bất kỳ vấn đề nào’”. Bạn có nghĩ Tim Cook là một người hướng nội không? Tôi thì có đấy. Ông chọn ngồi ở cuối phòng và cho rằng không nhất thiết phải trở thành trung tâm của sự chú ý. Phong cách của ông là tập trung vào chiều sâu và không cầu kỳ. Dù có bản tính vô cùng trầm lặng, nhưng rõ ràng ông vẫn là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Bằng cách chọn tạo ra sự khác biệt bằng phong thái trầm tĩnh nhưng hiệu quả của mình, Cook giúp khởi xướng những lối tư duy mới và đưa Apple không ngừng đi lên. Ông đã dẫn dắt một công ty rất thành công và đầy sáng tạo như Apple vượt qua giai đoạn vừa mất đi người sáng lập đầy tính biểu tượng của mình và mở ra một tương lai mới dựa trên nền tảng đổi mới không ngừng. Vì những lý do đó, tôi xem ông là Người Ảnh hưởng Hướng nội - người mang lại sự thay đổi và duy trì đà phát triển cho tổ chức với phong cách hướng nội điển hình. Giống như những Người Ảnh hưởng Hướng nội khác, đặc điểm cốt yếu trong phong cách cá nhân của Cook là tính khiêm nhường. Jody Wirtz, Giám đốc Điều hành của một ngân hàng thương mại và là một trong những Người Ảnh hưởng Hướng nội được nhắc đến trong quyển sách này, cũng thể hiện tính khiêm nhường tương tự khi trả lời câu hỏi phỏng vấn của tôi “Ông có tự nhận thấy mình là người có tầm ảnh hưởng không?”. Câu trả lời của Wirtz là: “Có lẽ cô nên hỏi những người xung quanh tôi. Nhưng nếu quả thật tôi là một người có sức ảnh hưởng thì đó là nhờ thông qua việc tư duy, tôi đã tìm thấy những chân lý đúng đắn và có khả năng trình bày hoặc chứng minh những điều đó theo cách có thể thuyết phục được người khác và mang lại lợi ích cho họ”. Mặc dù có bản tính khiêm nhường, nhưng Cook và Wirtz cùng nhiều người hướng nội khác vẫn được mọi người công nhận vì phong cách tạo ảnh hưởng hiệu quả của họ. Eleanor Roosevelt, Charles Darwin, Mahatma Gandhi, Abraham Lincoln và Rosa Parks cũng là những người hướng nội có tầm ảnh hưởng lớn lao. Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể đến Warren Buffett, Condoleezza Rice, Steven Spielberg, J. K. Rowling và Mark Zuckerberg. Mặc dù có nhiều quyển sách viết về những kỹ thuật và phương pháp tạo ảnh hưởng, nhưng phần lớn đều có xu hướng tán dương những cách thức tạo ảnh hưởng mang tính hướng ngoại, vốn là những trở ngại đáng kể đối với người hướng nội. Các chiến lược tạo ảnh hưởng này chủ yếu hướng đến việc chinh phục lòng người bằng cách đặt mình ở vị trí trung tâm, nói lời hay ý đẹp để quảng bá cho điều gì đó, trình bày những lập luận sắc bén và dùng lời nói để thuyết phục người khác làm theo ý mình. Tạo ảnh hưởng theo cách thức của người hướng nội không phải là dùng lời nói suông, vẽ ra một viễn cảnh hấp dẫn để dành lấy sự ủng hộ từ người khác. Cách người hướng nội tạo ảnh hưởng thường tinh tế, không dễ nhận thấy và khác với những phương thức dùng ngôn từ để gây chú ý. Đúng như mọi người thường nghĩ, chúng ta có thể tìm thấy phần lớn những Người Ảnh hưởng Hướng nội trong các lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật và khoa học, nhưng cũng có nhiều Người Ảnh hưởng Hướng nội làm việc trong các ngành marketing, quản lý dự án, giảng dạy, y tế, pháp lý, quản lý nhân sự và quản trị doanh nghiệp nhỏ. Người Ảnh hưởng Hướng nội cũng làm trong lĩnh vực bán hàng và cung cấp dịch vụ. Trong các tổ chức phi lợi nhuận đòi hỏi khả năng cạnh tranh để dành được tài trợ và thời lượng phát sóng, bạn cũng có thể tìm thấy những Người Ảnh hưởng Hướng nội. Điểm chung của họ là cách tiếp cận vấn đề hiệu quả dựa trên cách thức hành xử tự nhiên của người hướng nội. Và tôi gọi cách tiếp cận đó là Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng. Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng: Kết hợp sáu thế mạnh của người hướng nội Qua nhiều năm quan sát và các cuộc phỏng vấn với nhiều Người Ảnh hưởng Hướng nội, tôi đã đúc kết được sáu thế mạnh mà người hướng nội cần phát huy để trở thành người có tầm ảnh hưởng: 1. Dành thời gian để tĩnh lắng 2. Chuẩn bị 3. Lắng nghe thấu đáo 4. Trao đổi có trọng tâm 5. Viết lách 6. Sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng Hình 2.1 - Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng Bản thân mỗi thế mạnh đã là một đòn bẩy để tạo ảnh hưởng; khi các thế mạnh được kết hợp với nhau, sức ảnh hưởng cộng hưởng sẽ tăng gấp bội. Người hướng nội thường kết hợp các thế mạnh vào Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng như trong Hình 2.1. Dù theo trình tự nào, quá trình này cũng bắt đầu bằng thế mạnh Dành thời gian để tĩnh lắng. Người Ảnh hưởng Hướng nội bắt đầu công cuộc tạo ảnh hưởng ở nơi mà họ có thể suy ngẫm và nạp lại năng lượng tốt nhất: đó là thời gian tĩnh lắng. Sự tĩnh lắng cung cấp năng lượng, giúp tăng khả năng tự nhận thức và khơi nguồn sáng tạo. Người hướng nội thường xuyên quay trở về trạng thái tĩnh lắng để tái tạo năng lượng và suy tư. Thế mạnh tiếp theo là Chuẩn bị. Sự chuẩn bị chu đáo giúp Người Ảnh hưởng Hướng nội sẵn sàng cho mọi loại tình huống bằng cách trau dồi hiểu biết và chuẩn bị để ứng phó với bất kỳ chướng ngại nào có thể xảy ra. Khi có chiến lược và luôn chuẩn bị sẵn các câu hỏi, họ sẽ ngày càng thoải mái và tự tin hơn trong những nỗ lực tạo ảnh hưởng đến người khác của mình. Sự kết hợp giữa hai thế mạnh Dành thời gian để tĩnh lắng và Chuẩn bị tạo nên cốt lõi vững chắc cho các thế mạnh khác. Với sự tự tin có được nhờ khai thác hai thế mạnh then chốt này, Người Ảnh hưởng Hướng nội phát triển vượt ra khỏi những suy nghĩ giới hạn của mình và hòa nhập vào những hoạt động tương tác với người khác. Trên cơ sở đó, họ sẽ tiếp tục vận dụng một hay nhiều hơn trong bốn thế mạnh còn lại để gây tác động đến tình huống. Họ có thể khai thác một thế mạnh bẩm sinh của mình là Lắng nghe thấu đáo để xây dựng mối quan hệ và sự thấu hiểu lẫn nhau với người khác. Họ cũng có thể chọn cách tương tác song phương, giữa hai người với nhau, hay trong một nhóm nhỏ. Bằng cách này, họ khai thác thế mạnh Trao đổi có trọng tâm, là những cuộc đối thoại có mục đích rõ ràng, giúp họ giải quyết vấn đề và giải tỏa những bất đồng với người khác. Trong tình huống phù hợp, người hướng nội cũng chọn khai thác một thế mạnh tự nhiên khác của họ là Viết lách. Với thế mạnh này, họ trình bày những luận điểm mạch lạc và xác thực của mình để trở nên nổi trội hơn những người khác. Cuối cùng, Người Ảnh hưởng Hướng nội cân nhắc về khả năng và mức độ mà các nền tảng mạng xã hội có thể mang lại lợi ích cho sự nghiệp của họ. Họ tận dụng thế mạnh Sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng để tiếp cận hoặc mở rộng phạm vi tạo ảnh hưởng của mình. Với bản tính kiên nhẫn và bền bỉ, Người Ảnh hưởng Hướng nội không cảm thấy nhất thiết phải chọn con đường ngắn nhất để đến đích. Dù kết hợp các thế mạnh một cách có trình tự, Người Ảnh hưởng Hướng nội vẫn thường lặp lại xoay vòng các thế mạnh. Họ quay lại Dành thời gian để tĩnh lắng và Chuẩn bị khi cần nạp thêm năng lượng hay nuôi dưỡng lòng tự tin, quay lại Lắng nghe thấu đáo khi cần nắm thêm thông tin để điều chỉnh kế hoạch hay bổ sung ý tưởng, hoặc vận dụng đan xen Trao đổi có trọng tâm - tương tác bằng lời - và Viết lách. Hãy nhớ rằng để trở thành Người Ảnh hưởng Hướng nội, bạn không nhất thiết phải sở hữu cả sáu thế mạnh. Mỗi Người Ảnh hưởng Hướng nội khai thác bằng cách kết hợp các thế mạnh của mình theo những cách thức khác nhau tùy theo tính cách, nhu cầu và hoàn cảnh. Nói cách khác, Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng không phải là một công thức đòi hỏi chúng ta phải sử dụng tất cả các thế mạnh một cách đồng đều trong từng tình huống. Chương 3 có một bài kiểm tra giúp bạn đánh giá Chỉ số ảnh hưởng thầm lặng (Quiet Influence Quotient - QIQ) của mình. Đây là thước đo mức độ hiệu quả của bạn khi vận dụng sáu thế mạnh của người hướng nội trong việc tạo ra ảnh hưởng. Và trong các chương tiếp theo, bạn sẽ khám phá từng thế mạnh trong sáu thế mạnh đó. Bạn sẽ được chia sẻ nhiều câu chuyện, nhận được những lời khuyên thiết thực, và thậm chí hiểu được khi nào thì việc lạm dụng một thế mạnh sẽ gây trở ngại cho bạn. Nếu biết phát huy các ưu thế bẩm sinh của người hướng nội, bạn sẽ làm nên điều khác biệt bằng mong muốn thay đổi thực trạng, bằng việc khởi xướng lối tư duy mới, tác động để tạo ra sự thay đổi và truyền cảm hứng giúp người khác tiến bộ theo những cách thức giúp phát huy được các tố chất bẩm sinh và khơi dậy niềm đam mê trong bạn. Niềm đam mê không nhất thiết phải được thể hiện bằng những lời nói hùng hổ hay ngôn ngữ hình thể đầy tính biểu cảm. Niềm đam mê cũng có thể được biểu hiện bằng ngọn lửa rực cháy bên trong mỗi người. Với Người Ảnh hưởng Hướng nội, ngọn lửa bên trong làm bừng lên lòng can đảm, óc sáng tạo, tính bền bỉ và sự thôi thúc giúp tạo nên sức ảnh hưởng ở họ. Khi đọc những câu chuyện và câu trích dẫn trong quyển sách này, bạn hãy lưu ý và sẽ thấy những biểu hiện khác nhau của niềm đam mê khơi dậy sự khao khát làm nên điều khác biệt ở Người Ảnh hưởng Hướng nội. Chẳng hạn trong Chương 6, bạn sẽ gặp Elisha Holtzclaw, một y tá chuyên chăm sóc các trẻ em bị ung thư. Lòng nhiệt huyết ở trong cô - một phẩm chất điển hình mà ta thường thấy ở những Người Ảnh hưởng Hướng nội - được bộc lộ rất rõ ràng trong lời cô chia sẻ: “Tôi yêu công việc của mình và tình yêu ấy luôn sẵn có trong tim tôi. Bởi vì bản tính của tôi phù hợp với công việc ấy. Đó là sứ mệnh của tôi”. Tôi chúc bạn có thể hiểu thấu và sống bằng cả trái tim, tận dụng tốt nhất những thế mạnh bẩm sinh của mình và làm nên điều khác biệt theo một cách không ồn ào nhưng mạnh mẽ và độc đáo của riêng bạn. Chương 3 Chỉ số ảnh hưởng thầm lặng (QIQ) “Điều tôi muốn làm nhất là trở nên có sức ảnh hưởng.” - Philip Johnson, kiến trúc sư Là người hướng nội, bạn có muốn biết mình có khả năng ảnh hưởng như thế nào không? Hãy bắt đầu bằng bài kiểm tra dưới đây để xác định Chỉ số ảnh hưởng thầm lặng (QIQ) của bạn. Đây là công cụ giúp bạn nhận biết bạn đang vận dụng sáu thế mạnh của mình hiệu quả đến đâu trong việc tạo ra ảnh hưởng, và giúp bạn đánh giá sự tiến bộ của chính mình sau khi áp dụng các ý tưởng trong sách. Dựa trên những hành động thể hiện các thế mạnh đặc trưng của Người Ảnh hưởng Hướng nội, bài kiểm tra chỉ số QIQ cũng sẽ cho bạn biết mình có sự tương đồng đến mức nào với Người Ảnh hưởng Hướng nội. Bạn sẽ tự đánh giá bản thân bằng cách chọn tần suất bạn làm những điều dưới đây theo thang điểm từ 1 (không bao giờ) đến 5 (hầu như luôn luôn). Lưu ý: cố gắng đừng nghiền ngẫm và phân tích quá kỹ câu hỏi. Câu trả lời nảy ra đầu tiên trong trí bạn thường là câu trả lời chân thật nhất. Ngoài ra, bạn hãy tránh làm một nhà phê bình quá khó tính hay quá dễ tính. Thay vào đó, hãy trả lời các câu hỏi một cách khách quan nhất có thể. Cách tính điểm và giải thích kết quả Hãy tính tổng số điểm tương ứng với các con số bạn đã khoanh tròn. Các phổ điểm dưới đây phản ánh chỉ số QIQ ước lượng của bạn. Lưu ý: Đây không phải một bài kiểm tra chính xác theo kiểu khoa học hay “đã được chuẩn hóa”. Thay vào đó, bạn hãy xem đây là một công cụ tự đánh giá nhanh giúp bạn nhìn ra những thế mạnh nào được bạn thường xuyên sử dụng nhất, thế mạnh nào cần được phát huy nhiều hơn và tổng quan về các thế mạnh của bạn. Hãy xem bài kiểm tra là một chỉ dẫn và là điểm xuất phát của quá trình bạn thu thập hiểu biết từ quyển sách. Tiếp theo, hãy dành thời gian so sánh tần suất bạn vận dụng từng thế mạnh để tạo ảnh hưởng. Hình 3.1 cho thấy những câu hỏi khảo sát (được ghi chú bằng số thứ tự câu hỏi) tương ứng với mỗi thế mạnh. Hãy điền số điểm của bạn tương ứng với câu trả lời cho từng câu hỏi khảo sát ở mỗi dòng dành cho mỗi thế mạnh trong bảng 3.1. Nếu muốn, bạn có thể tạo một biểu đồ cột để so sánh điểm số giữa sáu thế mạnh với nhau. Hình 3.1 Hãy đọc bảng giải thích sau để biết ý nghĩa của điểm số từng dòng tương ứng với từng thế mạnh: Cách sử dụng chỉ số QIQ khi đọc quyển sách này Đừng để bị choáng ngợp bởi phần đánh giá chỉ số QIQ, và tất nhiên, cũng đừng lo lắng về điểm số của bạn. Đó là kết quả kiểm tra ban đầu giúp bạn tự đánh giá nhanh và bạn chỉ vừa bắt đầu đọc quyển sách này thôi! Hãy xem đây là một gợi ý giúp bạn nhìn nhận lại những khía cạnh nào của bản thân cần được bạn ưu tiên tập trung năng lượng để phát triển. Và hãy nhớ rằng bạn không cần phải xuất sắc ở cả sáu thế mạnh trong mọi tình huống. Trước khi đọc từ Chương 4 đến Chương 9, hãy nhìn vào điểm số của bạn ở từng thế mạnh trong phần đánh giá chỉ số QIQ. Nếu kết quả đánh giá ở một thế mạnh là Rất tốt hoặc Tốt, bạn nên đọc lại chương sách tương ứng với thế mạnh đó theo hướng mở rộng thêm những cách thức bạn đã sử dụng. Bạn cần đặc biệt chú ý đến các phần nói về việc lạm dụng từng thế mạnh để đảm bảo bạn sẽ không sử dụng thái quá một thế mạnh nào để thế mạnh đó không bị biến thành điểm yếu. Nếu ở một thế mạnh cụ thể, bạn được đánh giá là Trung bình hay Cần cải thiện nhiều, hãy dành nhiều thời gian đọc chương sách đề cập đến thế mạnh đó, bao gồm cả những lời khuyên và bí quyết đi kèm. Bạn nên đặc biệt chú ý đến những thế mạnh cần được cải thiện và được đề cập trong phần mô tả công việc hiện tại của bạn, hoặc bạn tự mình nhận thấy đó là thế mạnh cần phát huy trong công việc. Ví dụ, nếu bạn là nhân viên kinh doanh, Lắng nghe thấu đáo và Trao đổi có trọng tâm có thể là hai thế mạnh cần được ưu tiên phát triển. Nếu đối tượng cần tương tác của bạn ở phạm vi một tập đoàn lớn hay toàn cầu, Viết lách và Sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng sẽ là những thế mạnh bạn cần chú trọng hơn. Bất kể thế mạnh nào bạn cần ưu tiên phát triển, bạn cũng sẽ khám phá ra nhiều điều hữu ích trong quyển sách, đặc biệt từ Chương 4 đến Chương 9, nơi bạn sẽ thu thập được những hướng dẫn hành động cụ thể để bắt tay vào thực hiện ngay hôm nay. Những hướng dẫn hành động này sẽ giúp bạn phát huy những thế mạnh tương ứng. Bất kể bạn quyết định khai thác thế mạnh nào trước tiên, những lời khuyên bổ sung sau đây sẽ giúp bạn nâng cao chỉ số QIQ: Tìm nơi để luyện tập. Sau khi bạn đã chọn ra được một thế mạnh tạo ảnh hưởng mà bạn cần ưu tiên phát triển, hãy tìm những cơ hội để vận dụng nó. Ví dụ, nếu cảm thấy khi nghe người khác nói, bạn thường bỏ lỡ những thông điệp sâu sắc mà họ muốn truyền đạt thông qua giọng nói và ngôn ngữ hình thể (câu hỏi số 8 trong bài kiểm tra), hãy cân nhắc và sắp xếp thời gian biểu để tập quan sát nhiều hơn. Nơi xếp hàng ở siêu thị, phòng tập thể hình hay quãng đường đi bộ đến nơi làm việc đều có thể trở thành những “phòng thí nghiệm” để bạn quan sát, thử nghiệm và học hỏi. Khích lệ bản thân. Mỗi khi bạn thử nghiệm thành công một cách thức tạo ảnh hưởng mới, hãy cổ vũ chính mình bằng lời khen “Làm tốt lắm!”. Bước ra khỏi vùng an toàn luôn là việc không dễ dàng, nên bạn cần ghi nhận sự tiến bộ của bản thân ngay từ thành tích nho nhỏ đầu tiên, cho dù bạn còn lúng túng hoặc chưa thể hiện hoàn hảo như mong muốn. Hãy lấy cảm giác hoàn thành làm động lực. Nhận ra cách thức tạo ảnh hưởng nào là hiệu quả. Hãy ghi nhận mỗi khi bạn thực hiện tốt một kỹ năng. Sự ghi nhận này sẽ là một bệ phóng cho bạn. Thường thì bạn vận dụng một cách dễ dàng và tự nhiên những thế mạnh mang lại cho bạn điểm cao trong bài kiểm tra ở trên. Hãy tiếp tục phát huy những thế mạnh đó trong việc tạo ảnh hưởng cũng như nhắc nhở bản thân về những tố chất bẩm sinh mà bạn may mắn có được, nhất là vào những khi bạn không cảm thấy hào hứng với việc tạo ảnh hưởng đến người khác. Nhờ người khác đưa ra ý kiến phản hồi. Bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn để trở thành Người Ảnh hưởng Hướng nội thành công nếu bạn yêu cầu và nhận được những ý kiến phản hồi từ những người bạn làm việc cùng hoặc gặp gỡ thường xuyên. Tạo điều kiện để mọi người có thể giúp bạn hoàn thiện bằng cách cho họ biết bạn muốn hướng đến điều gì. Chẳng hạn, nếu bạn cần cải thiện khả năng viết lách, hãy nhờ một người bạn có chỉ số QIQ cao đưa ra những nhận xét trung thực về một e-mail hay một đề xuất của bạn, xem e-mail hay đề xuất đó có chỗ nào chưa rõ ràng không. Bạn chỉ có thể cải thiện một kỹ năng nào đó khi bạn biết thực trạng của nó như thế nào. Những ý kiến phản hồi từ người khác sẽ thúc đẩy sự tiến bộ và giúp xây dựng lòng tự tin. Chú ý đến phản ứng của người khác. Hãy để ý đến cảm nhận của chính mình khi bạn vận dụng một thế mạnh tạo ảnh hưởng mới. Chẳng hạn, bạn có thể sẽ cảm thấy không thoải mái lúc mới bắt đầu luyện tập kỹ năng Trao đổi có trọng tâm nếu bạn thường sử dụng khả năng viết lách để tạo ảnh hưởng đến mọi người. Hãy ghi nhận những thành quả bạn đạt được bằng cách thức tạo ảnh hưởng mới này. Đồng thời, hãy quan sát phản ứng của mọi người. Ví dụ, khi bạn vừa đề xướng việc trò chuyện hay trao đổi, đồng nghiệp của bạn có thể sẽ rất ngạc nhiên và thậm chí hơi cảnh giác. Mọi người, kể cả bạn, thường sẽ chỉ mất một thời gian ngắn để làm quen với việc này. Các bước cần làm tiếp theo Những lời khuyên trong quyển sách này sẽ càng hiệu quả với bạn nếu bạn cần vận dụng nó cho một thử thách cụ thể mà bạn đang đối mặt trong quá trình tạo ảnh hưởng. Trước khi đi vào chi tiết, hãy dành một khoảng thời gian yên tĩnh để suy nghĩ về những câu hỏi sau đây và ghi lại câu trả lời của bạn. Trong những phần sau của quyển sách, tôi cũng sẽ thường xuyên đưa ra những câu hỏi này để nhắc bạn suy ngẫm và trả lời. 1. Trong công việc, có tình huống nào khiến bạn muốn mình có sức ảnh hưởng nhiều hơn không? Hãy kể lại tình huống đó ở đây. 2. Ai (hay những ai) là người đóng vai trò then chốt trong tình huống đó? 3. Hãy kể hai hay ba khó khăn chính bạn gặp phải trong tình huống đó. 4. Cho đến nay, bạn đã thử nghiệm những hành động hoặc cách ứng xử nào? Kết quả bạn nhận được là gì? 5. Kết quả mỹ mãn cho tình huống này là gì? Nếu bạn đạt được kết quả đó thì mọi thứ sẽ khác đi so với tình huống hiện tại như thế nào? 6. Hãy xem lại điểm số QIQ của mình. Bạn có thể sẽ thử vận dụng một hay hai thế mạnh nào cho thử thách tạo ảnh hưởng này không? Bất kể thử thách trong công việc bạn đang phải đối mặt hôm nay khó khăn đến mức nào, cách thức tạo ảnh hưởng trầm lắng theo kiểu của người hướng nội sẽ giúp bạn tạo ra những hiệu ứng tốt trong công việc, mang đến cho bạn sự công nhận xứng đáng và góp phần đem lại giá trị lớn cho tổ chức của bạn. Những mối quan hệ của bạn sẽ gắn kết sâu sắc hơn. Bạn sẽ nhận ra công sức bạn dành cho việc trau dồi những thế mạnh vốn có của mình sẽ được đền đáp ngay ở hiện tại và trong tương lai. Nhưng bạn cần thực hiện từng bước một. Hãy bắt đầu từ bước đầu tiên của Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng. Đó cũng là nơi bạn được tận hưởng những khoảnh khắc lắng sâu nhất trong ngày và là giây phút bạn nảy ra nhiều ý tưởng nhất trong tuần: thời gian tĩnh lắng của bạn. Chương 4 Thế mạnh #1: Dành thời gian để tĩnh lắng “Thật bất ngờ và thú vị khi khám phá ra rằng khi ở một mình, bạn không hề cô đơn.” - Ellen Burstyn, diễn viên Julie Irving là một chuyên viên hành chính hỗ trợ cho hơn sáu mươi người làm việc ở Battelle Energy Alliance, một nhà thầu cho Trung tâm Thí nghiệm Quốc gia Idaho tại thành phố Idaho Falls, bang Idaho, Hoa Kỳ. Năm 2009, Julie được trao giải thưởng Chuyên viên Hành chính Sáng tạo của Hiệp hội Quản lý Hoa Kỳ (American Management Association) vì đã tình nguyện khởi xướng và điều hành chương trình lái xe an toàn bằng cách khắc phục điểm mù của công ty cô và cho cả cộng đồng. Chương trình này thu hút hơn mười ngàn người lớn và trẻ em đến các sự kiện ở phạm vi khu vực và địa phương. Chương trình giáo dục an toàn giao thông do Julie lên ý tưởng và triển khai chắc chắn đã tác động đến nhiều người và cứu được nhiều sinh mạng. Động lực khiến cô theo đuổi cuộc hành trình này bắt đầu từ việc con gái cô suýt gây ra một tai nạn ô-tô thảm khốc. Julie kể lại: “Hôm ấy, tôi nhận được cú điện thoại từ con gái. Con bé đang gặp rắc rối với một vụ tai nạn. Không ai bị thương nhưng diễn biến tai nạn nghe khá khó tin. Con gái tôi kể rằng mình đã đâm vào một chiếc ‘xe tải quái vật6’ trong lúc lùi chiếc Dodge Durango. Khi tôi hỏi vì sao con không kiểm tra gương chiếu hậu trước khi lùi xe thì con bé đáp: ‘Con đã kiểm tra rồi nhưng con không nhìn thấy chiếc xe tải. Nó rơi vào điểm mù của con’. Dù rất tin tưởng con gái mình, nhưng tôi phải thừa nhận câu chuyện này có vẻ hơi khó tin. Thế nên tôi quyết định lên mạng và nghiên cứu về các tai nạn có liên quan đến việc lùi xe. Những gì tôi phát hiện được đã dẫn dắt tôi chọn một hướng đi lạ thường không chỉ thay đổi cuộc đời tôi mà còn tác động đến hàng ngàn cuộc đời khác”. Nhận ra vấn đề an toàn giao thông bằng cách khắc phục điểm mù cho ô-tô chưa được quan tâm ở tầm cỡ quốc gia, Julie kiên trì theo đuổi chiến dịch của mình. Cô bắt đầu bằng việc tìm hiểu trên mạng về vấn đề an toàn giao thông liên quan đến điểm mù. Cô tìm thấy một đoạn video mô tả một dòng xe đang lưu thông, trong đó vài chiếc ô-tô được chất đống đồ đạc phía sau. Video này cho thấy những đống đồ này ở ngoài tầm mắt người lái. Do tò mò, Julie đã tự mình thử nghiệm. Cô đặt những món đồ ở phía sau xe của mình, mỗi món đồ được chất chồng cao từ ba đến hai mươi mét. Khi cô đã ngồi trong xe và chỉnh gương chiếu hậu trong xe cũng như gương chiếu hậu hai bên cánh cho phù hợp, cô thật sự kinh ngạc khi nhận ra mình không nhìn thấy cả chiếc xe đạp đua lẫn chiếc xe ba bánh mà cô vừa đặt ở phía sau xe, trong khoảng cách hơn mười mét. Julie chia sẻ phát hiện mới này với những người thân trong gia đình, nhưng cô không muốn dừng lại ở đó. Cô mong có thể đóng góp nhiều hơn “với hy vọng ngăn chặn các thảm kịch xảy ra”. Cô làm các tấm áp phích và những tập sách nhỏ để phân phát cho các gia đình nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này. Ngoài ra, cô cùng với ban phụ trách an toàn của công ty còn tham gia những buổi thuyết trình có tương tác về các giải pháp an toàn giao thông liên quan đến điểm mù khi điều khiển xe ô-tô, trước tiên hướng đến khán giả là hàng trăm đồng nghiệp trong một hội nghị cấp khu vực của công ty, sau đó cô nhắm đến một cộng đồng lớn hơn. Cô đã cùng các tình nguyện viên tuyên truyền vấn đề này cho hơn mười ngàn người lớn và trẻ em. Mặc dù động cơ khiến cô làm việc này xuất phát từ sự cố tai nạn của con gái, nhưng niềm khao khát được làm công việc mang tầm ảnh hưởng đã ươm mầm trong cô vào những phút giây tĩnh lặng dưới bầu trời sao vào mỗi cuối ngày. Julie nhớ lại: “Tôi luôn cảm thấy tinh thần cạn kiệt vào cuối ngày. Khoảng thời gian được tĩnh lắng là thời khắc tôi mong chờ nhất trong ngày. Đó là khoảng thời gian thiết yếu để thể chất và tinh thần của tôi được nạp lại năng lượng. Tôi thường dành thời gian để tĩnh lắng vào buổi chiều tối, khi tôi đã làm xong những việc mình cho là quan trọng nhất và nhất thiết phải hoàn thành trong ngày hôm đó. Đó là những giây phút còn lại trong ngày để tôi thư giãn và phục hồi, thường là trong bồn nước nóng”. Cô nói tiếp: “Thời gian tĩnh lắng cũng là lúc tôi suy nghĩ và chiêm nghiệm… nuôi dưỡng ước mơ, lên kế hoạch, đối mặt với cảm giác buồn bã hay thất vọng, tìm cách vượt qua những nỗi sợ và xử lý những vấn đề rắc rối. Tôi nhận ra chính trong những khoảng thời gian tĩnh lắng này, tôi thường nảy ra những suy nghĩ và ý tưởng độc đáo, những cách lý giải hay câu trả lời mà trước đó tôi chưa từng nghĩ tới… Việc ngắm sao và bầu trời luôn mang đến cho tôi cảm giác sảng khoái và khiến tôi mỉm cười”. Và có vẻ như việc ngắm bầu trời sao cũng truyền cho Julie niềm cảm hứng để tạo ra điều khác biệt lớn lao trên Trái Đất. Bạn thu xếp thời gian biểu, dành ra thời gian để tĩnh lắng và sử dụng nó như thế nào? Bạn làm thế nào để thoát khỏi sự lặng lẽ, khô khan đến khó chịu của việc nhận và trả lời tin nhắn, e-mail và cả những câu hỏi chen ngang của sếp hay đồng nghiệp làm ngắt quãng dòng suy nghĩ với những ý tưởng chỉ vừa lóe lên của bạn? Nhà toán học người Pháp Blaise Pascal từng nói: “Mọi đau khổ của con người đều bắt nguồn từ việc họ không thể ngồi một mình trong một căn phòng yên tĩnh”. Trên thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng thiền định (có lẽ là hình thức trải nghiệm sâu sắc nhất thời gian tĩnh lắng) có tác dụng làm hạ huyết áp và việc thở chậm giúp giảm lo âu. Điều này rất quan trọng bởi vì sự căng thẳng, mất tập trung, buồn rầu và lo lắng có thể là những trạng thái tinh thần ngăn cản bạn trở thành người có tầm ảnh hưởng như bạn mong muốn. Nếu bạn muốn nâng tổng điểm QIQ của mình, hãy bắt đầu bằng việc ưu tiên dành thời gian để tĩnh lắng và tận dụng nó tối đa. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng bạn sẽ cải thiện được khả năng ảnh hưởng đến người khác bằng cách cho mình một khoảng thời gian và không gian tách biệt với mọi người. Là người hướng nội, bạn cần ở một mình, hay ít nhất bạn cần có một khoảng thời gian chủ động không tương tác với người khác, để bạn có thể phát huy được hết tiềm năng của mình. Có lẽ bạn cũng ý thức rõ rằng bản thân muốn và có nhu cầu được ở một mình. Người hướng nội sẽ cảm thấy mệt mỏi khi dành phần lớn thời gian tiếp xúc với mọi người và thường nhạy cảm hơn trước những loại tác nhân gây kích thích khác nhau bao gồm tiếng ồn, sự chuyển động và ánh sáng. Dành thời gian để tĩnh lắng là thế mạnh nền tảng của người hướng nội để từ đó họ có thể phát huy các thế mạnh khác. Do đó, đây là thế mạnh mà chúng ta cần đi sâu vào tìm hiểu trước tiên. Hãy nhớ rằng mặc dù Dành thời gian để tĩnh lắng là thế mạnh mà Người Ảnh hưởng Hướng nội thường dùng làm bước khởi đầu cho quá trình tạo ảnh hưởng, nhưng đó cũng là khoảng thời gian tạm lắng giúp phục hồi năng lượng mà chúng ta có thể áp dụng lặp đi lặp lại trong suốt quá trình tạo ảnh hưởng của mình. Vai trò của Dành thời gian để tĩnh lắng trong việc tạo ảnh hưởng Việc Dành thời gian để tĩnh lắng góp phần vào khả năng gây ảnh hưởng tới người khác của bạn bởi nó giúp bạn khơi thông nguồn sáng tạo, giữ cho nguồn năng lượng trong bạn luôn dồi dào, gia tăng khả năng thấu hiểu chính mình và người khác của bạn, đồng thời giúp bạn duy trì sự tập trung. 1. Khơi thông nguồn sáng tạo Khi ưu tiên dành thời gian để tĩnh lắng, bạn sẽ cải thiện được khả năng vận dụng kiến thức cũng như kỹ năng và kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề và phát triển các ý tưởng. Theo định nghĩa, người có tầm ảnh hưởng là những người thường thúc đẩy những lối tư duy mới. Khoảng thời gian tĩnh lắng giúp các ý tưởng sáng tạo trong tâm trí bạn được chắt lọc và bộc lộ rõ nét hơn. Não phải - phần bán cầu não ít theo khuôn mẫu hơn, thiên về thực nghiệm hơn, sáng tạo hơn, phát triển về trí tưởng tượng hơn và “kém kỷ luật” hơn não trái - sẽ có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của nó khi bạn ở trong trạng thái thư giãn. Những ý tưởng hay ho khiến bạn trở nên khác biệt, khiến bạn trở thành người có sức ảnh hưởng - những ý tưởng mà mỗi khi bạn nói ra, mọi người phải ngừng lại và lắng nghe - được nuôi dưỡng trong những khoảnh khắc bạn ở một mình như thế. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy chúng ta thường nảy ra những ý tưởng xuất sắc nhất khi đang ở một mình, trong không gian tĩnh mịch. Susan Cain, tác giả quyển Quiet: The Power of Introverts in a World that Can’t Stop Talking, viết rằng trạng thái được tĩnh lặng một mình thật sự là chất xúc tác cho sự đổi mới và đột phá, bởi vì đã từ lâu, người ta xem nó gắn liền với tính sáng tạo và tính siêu việt. Theo Susan Cain, những thiên tài sáng tạo như Steve Wozniak (người chế tạo ra chiếc máy tính đầu tiên), nhà tự nhiên học Charles Darwin, và nhà văn Madeleine L’Engle, đều nuôi dưỡng mơ ước của mình trong những khoảng thời gian tĩnh lắng. Sharon Begley7, một nhà báo chuyên viết về khoa học, cũng có cùng quan điểm. Trong một bài đăng trên tạp chí Newsweek, bà viết: “Những quyết định mang tính sáng tạo thường nảy sinh khi não bộ của chúng ta suy nghĩ một cách vô thức về một vấn đề thay vì tiếp cận trực diện vấn đề và phân tích nó. Chính vì vậy, chúng ta thường dễ nảy ra những suy nghĩ sáng tạo khi thư thái ngâm mình trong bồn tắm chứ không phải vào những lúc đang bị ngập trong một đống dữ liệu”. Những Người Ảnh hưởng Hướng nội cho biết bản thân họ có kinh nghiệm thực tế về điều này. Vinay Kumar, cựu nhân viên kinh doanh và hiện đang là một chuyên viên huấn luyện cấp quản lý, giải thích việc dành thời gian để tĩnh lắng góp phần giúp anh phát triển óc sáng tạo của mình ra sao: “Hầu hết các ý tưởng mà tôi có được để viết ra và chia sẻ đều nảy sinh từ sâu thẳm bên trong vào những lúc tôi đang chạy bộ hay đi bộ đường dài… Đó là những lúc tiềm thức của tôi dường như hoạt động mạnh mẽ nhất”. 2. Giữ năng lượng luôn dồi dào Người hướng nội nạp lại năng lượng bằng cách dành thời gian để ở một mình, đó là lúc các giác quan của họ ít bị tác động hơn. Là người hướng nội, bạn cần thời gian yên tĩnh một mình để khi ở với mọi người, bạn thật sự có mặt và sống trọn vẹn. Nếu thể chất và tinh thần bị suy kiệt, bạn sẽ rất khó có đủ sự tập trung để nghĩ ra những cách thức làm thay đổi thực trạng và truyền động lực cho người khác. Hãy gác lại mọi việc và dành nhiều thời gian nhất có thể để tái tạo năng lượng cho đến khi bạn phục hồi. Các tác giả là những người gây ảnh hưởng bằng cách khơi gợi và kích thích chúng ta suy nghĩ khác đi thông qua ngôn từ mà họ sử dụng. Rất nhiều tác giả là người hướng nội và họ đã học được cách giữ gìn năng lượng để dùng cho công việc viết lách hao hơi tổn sức. Chẳng hạn như nhà văn Stephen King thường dành các buổi sáng cho công việc viết lách nghiêm túc vì khi đó năng lượng trong ông dồi dào nhất. “Buổi sáng là khoảng thời gian tôi dành để viết quyển tiểu thuyết mới. Vào buổi chiều, tôi viết và trả lời thư sau giấc ngủ trưa. Buổi tối là thời gian để đọc sách, sinh hoạt với gia đình, xem những trận đấu bóng chày của câu lạc bộ Red Sox trên ti-vi và xử lý những chỗ cần hiệu chỉnh gấp trong sách. Về cơ bản, buổi sáng là thời gian tôi ưu tiên cho việc viết lách.” Một điều không thể phủ nhận là cách sắp xếp thời gian biểu này đã giúp Stephen King có một sự nghiệp sáng tác phong phú và đa dạng, tạo được tầm ảnh hưởng đến hàng triệu độc giả trên khắp thế giới. 3. Gia tăng khả năng thấu hiểu chính mình và người khác Khi sử dụng thời gian yên tĩnh để bình tâm suy nghĩ, bạn sẽ biết mình thật sự là ai. Bạn sẽ ý thức rõ về bản thân hơn khi dành thời gian cho những suy nghĩ và cảm xúc khởi lên. Bạn có thể nhận thức được động cơ của những suy nghĩ và cảm xúc, khai thác các giá trị của bản thân, nhận ra những điểm mạnh và tìm cách khắc phục những điểm yếu của mình. Việc nhận thức rõ về bản thân giúp bạn đưa ra những chọn lựa đúng đắn hơn trong cách bạn tạo ảnh hưởng đến người khác và cách phản ứng với những người muốn tạo ảnh hưởng đến bạn. Một giám đốc điều hành (CEO) danh tiếng của một công ty truyền thông lớn chia sẻ rằng những ý tưởng đột phá có sức ảnh hưởng lan rộng của anh thường nảy sinh trong khoảng thời gian mười lăm phút anh đi bộ từ trạm xe buýt đến văn phòng. “Tôi hình dung một tình huống cụ thể, cách tôi tiếp cận tình huống đó và làm chủ cuộc trò chuyện như thế nào. Ví dụ, tôi có thể quyết định rằng lần này, mình không cần phải thể hiện bản thân nhiều, cứ để cuộc trò chuyện diễn ra và tự nhiên sẽ có động lực.” Ví dụ trên cho thấy sự bình tâm suy nghĩ trong khoảng thời gian yên tĩnh cho bạn tâm thế sẵn sàng để tương tác với mọi người một cách hiệu quả nhất. Nếu bạn luôn ở trong trạng thái tâm bị kích động, hành động không ngơi nghỉ hay liên tục bị phân tâm, bạn sẽ thấy rất khó tập trung suy nghĩ về người khác và hiểu được góc nhìn cuộc sống của họ. Nhưng trong không gian riêng tư của mình, bạn có thể cân nhắc về lập trường của người khác trước khi trực tiếp tương tác với họ. Ann, trợ lý pháp lý lâu năm của một công ty thời trang hàng đầu, thường chọn cách đi bộ để tập thể dục và dành thời gian yên tĩnh cho bản thân. Trong một lần đi bộ, cô quyết định sẽ bắt chuyện với một đồng nghiệp “rất khó gần và nóng tính” bằng cách hỏi thăm về cậu con trai nhỏ của cô ấy. Những dịp trò chuyện này đã giúp họ nhận ra đôi bên có những mối quan tâm chung và trở thành bước ngoặt trong mối quan hệ của họ, mở ra cho Ann cơ hội tạo ảnh hưởng và giúp cô ấy tháo gỡ được những vướng mắc trong một dự án đang gặp khó khăn. Nói một cách ngắn gọn, với quyết định đúng đắn được đưa ra trong khoảng thời gian tĩnh lắng của mình, Ann đã thành công khi khiến cho người phụ nữ quyền lực này thay đổi suy nghĩ, bằng cách phát triển mối thân tình và tạo lòng tin với cô ấy. 4. Duy trì sự tập trung Dành thời gian để tĩnh lắng, dù chỉ vài phút hoàn toàn tĩnh lắng, có thể giúp bạn tăng khả năng tập trung và tính hiệu quả, nhờ đó bạn mới có thể tìm ra những cách thức tối ưu nhằm thay đổi thực trạng và tác động đến các tình huống hay kết quả một cách tốt nhất. Adam, từng là một tay đua trượt tuyết, là một ví dụ minh chứng cho điều này. Anh bắt đầu chơi thể thao từ khi còn rất nhỏ, và vào thời điểm anh bắt đầu học đại học, khả năng trượt tuyết của anh đã có thể sánh ngang với nhà vô địch Olympic Bode Miller. Adam giải thích rằng trước mỗi cuộc đua, anh thường hình dung trong đầu từng chặng một, nên trước khi xuất phát anh đã ở trong tâm thế sẵn sàng. Adam thực hiện bài luyện tập khả năng tập trung này trong khoảng thời gian tĩnh lắng trước khi bước vào thi đấu. Giờ đây, khi làm công việc tư vấn cho cấp quản lý các doanh nghiệp, anh áp dụng phương pháp tương tự trong không gian yên tĩnh của phòng họp tại công ty khách hàng. Để chuẩn bị cho cuộc họp với khách hàng trước khi bắt đầu mỗi dự án, anh ôn lại một lượt bài thuyết trình trong đầu. Giống như những gì anh đã làm trong cuộc đua trượt tuyết nhiều năm trước, anh luôn lường trước những diễn biến sắp tới. Anh hình dung những câu hỏi khó, những điều bất lợi hay trở ngại có thể xảy ra và quyết định xem mình sẽ phản ứng như thế nào vào những lúc như vậy. Nhờ khả năng tập trung mà anh đã trau dồi được trong những khoảng thời gian tĩnh lắng, Adam đã xây dựng được một cách thức tạo ảnh hưởng đầy thuyết phục với phong thái trầm tĩnh rất hiệu quả của riêng anh, và kết quả là khách hàng thường nghe theo các đề xuất của anh. Việc Dành thời gian để tĩnh lắng để rèn luyện khả năng tập trung cũng vô cùng cần thiết đối với Jane, người phụ trách chương trình tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Công việc của cô là đối phó với những nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm, và cô chia sẻ: “Mọi việc đều cấp bách bởi vì tính mạng của nhiều người phụ thuộc vào chúng tôi và chúng tôi luôn cảm thấy như mình vừa lái một chiếc máy bay vừa phải hoàn thiện thiết kế của nó vậy”. Cô kể lại một tình huống khi cô phải tìm mọi cách thuyết phục một phòng ban khác đồng thuận với đề xuất của cô. Trước buổi họp với một nhóm nhỏ những người huấn luyện đồng cấp để thuyết phục họ, cô âm thầm nghiền ngẫm trong đầu các ý tưởng để chuẩn bị cho phần trình bày của mình. Trong tâm thế sẵn sàng đó, cô đi thẳng vào việc thảo luận với các thành viên về các giải pháp khả dĩ. Bước chuẩn bị tâm thế ban đầu này giúp cô dẫn dắt cuộc thảo luận đi theo hướng tập trung vào giải pháp. Kết quả là Jane đã tận dụng rất hiệu quả những đóng góp của nhóm để củng cố cho ý kiến đề xuất của mình. Như tôi đã nói, tập trung là một phương thức chuẩn bị tinh thần không thể thiếu trong số những phương thức chuẩn bị sẽ được đề cập trong Chương 5. Mỗi thế mạnh của người hướng nội đều góp phần tạo nên sức ảnh hưởng của họ trong một sự phối hợp tự nhiên, không phân biệt thế mạnh nào là nổi trội, nhưng chỉ có thế mạnh Dành thời gian để tĩnh lắng mới có thể giúp bạn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng. Làm thế nào để thế mạnh Dành thời gian để tĩnh lắng giúp bạn tạo ảnh hưởng Người Ảnh hưởng Hướng nội sử dụng nhiều cách thức hiệu quả khác nhau để có được thời gian dành cho việc tĩnh lắng và biến nó thành khoảng lặng suy tư của họ. Không có một cách thức nào là đúng đắn duy nhất cho tất cả mọi người để nạp năng lượng và bình tâm suy nghĩ, và trong số những người hướng nội được phỏng vấn trong quyển sách này, mỗi người đều có cách dành thời gian để tĩnh lắng khác nhau. Nhiều người dùng cách tạo một “khung cấu trúc” bằng cách lập thời gian biểu nhằm phân bổ năng lượng hợp lý để có thể ưu tiên cho việc dành thời gian để tĩnh lắng, làm chủ công nghệ (thay vì bị nó chi phối) và hướng vào bên trong nội tâm để thấu hiểu bản thân. 1. Tạo khung cấu trúc và ưu tiên dành thời gian để tĩnh lắng Lập thời gian biểu và ưu tiên tuyệt đối cho khoảng thời gian tĩnh lắng. Hãy xem thời gian tĩnh lắng là một cuộc hẹn với chính mình, như mọi cuộc hẹn quan trọng của bạn với bất kỳ ai. Hãy tham khảo kinh nghiệm của Wally Bock, người tự nhận mình là “người hướng nội có vài nét tính cách của người hướng ngoại”. Là một tác giả có sức viết đáng nể, đồng thời là một chuyên viên huấn luyện kỹ năng lãnh đạo đầy lôi cuốn, ông đánh giá cao việc được ở một mình. Khi bàn về việc có nên gia nhập vào các hội nhà văn hay không, ông hài hước nói rằng mình không hợp với “cuộc sống bầy đàn”. Bock giải thích rằng ông thích viết lách hơn là nói về công việc viết lách. Mỗi buổi sáng, ông dành ba tiếng đồng hồ để viết và trong thời gian đó, ông không rời khỏi bàn làm việc. Ông viết blog và đăng các bài viết của mình trên các trang mạng xã hội một cách có hệ thống. Ông ảnh hưởng đến người khác bằng cách tương tác trực tuyến với mọi người và ủng hộ ý tưởng của các đồng nghiệp. Gần đây, ông đã vượt qua mốc một ngàn bài đăng trên blog và có hơn chín ngàn người theo dõi trên Twitter. Như vậy, Wally Bock đã tạo ra sức ảnh hưởng to lớn nhờ những khoảng thời gian tĩnh lắng được ông ưu tiên đưa vào thời gian biểu của mình. MỘT MÌNH GIỮA ĐÁM ĐÔNG Ava, một người đại diện bán hàng sành điệu làm việc ở thành phố, có dịp đón tiếp Lauren là đồng nghiệp đến từ một thị trấn nhỏ. Trong chuyến đi thăm khách hàng, hai người ghé vào một quán cà phê Starbucks địa phương. Hóa ra Lauren chưa từng đến những cửa hàng thời thượng như thế này bao giờ. Khi ra khỏi Starbucks, Lauren đã hỏi Ava vì sao hầu như tất cả mọi người ở đây đều dùng “laptop và tai nghe”. Cô thắc mắc tại sao họ đến một nơi vốn dành cho việc tụ họp như quán cà phê nhưng lại không phải để gặp gỡ nhau. Vì đã quá quen với việc ngồi yên tĩnh một mình ở nơi đông người, Ava bất ngờ khi nghe câu hỏi này. Cô giải thích khái niệm “một mình giữa đám đông” cho cô bạn đồng nghiệp đang rất bối rối về điều này. Dành thời gian để tĩnh lắng không nhất thiết là phải ở một mình trong không gian vật lý. Đôi khi việc đó là bất khả thi. Và trên thực tế, nhiều người hướng nội vẫn làm việc rất hiệu quả khi bên cạnh hay xung quanh họ có những người khác. Chỉ cần họ không phải giao tiếp với người khác là được. Trong một quán cà phê chẳng hạn, năng lượng của những người xung quanh, sự cố gắng tập trung và mong muốn chú tâm hoàn toàn vào việc đang làm càng nâng cao giá trị của thời gian tĩnh lắng. Cũng giống như tham gia một buổi thiền tập thể hay ngồi trong thư viện với nhiều người, việc ở cùng những người khác có thể mang lại cảm giác thoải mái khó lý giải, giúp xây dựng sự tự tin và tạo điều kiện để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về bản thân và người khác. Dậy sớm. Giống như nhà văn Stephen King, bạn có thể tận dụng thời gian buổi sáng để có được sự khởi đầu có lợi thế. Sophia Dembling, một blogger nổi tiếng và là tác giả của quyển sách The Introvert’s Way (tạm dịch: Cách thức của người hướng nội), đã thu hút được hơn hai triệu lượt xem trên trang blog mang tên Introvert’s Corner(tạm dịch: Góc dành cho người hướng nội) của cô. Cô nói: “Tôi làm việc một mình, vì thế tôi dễ dàng có được thời gian để tĩnh lắng. Thực tế là tôi có rất nhiều thời gian như vậy! Tuần trước, nhà tôi có khách đến chơi và ở lại… nên thỉnh thoảng vào buổi sáng, tôi không rời khỏi giường ngay lập tức. Tôi mang máy tính lên giường. Và tôi tận hưởng một chút thời gian cho riêng mình trước khi thức dậy và đi ra ngoài chạm mặt họ. Tôi quý mến khách của mình, nhưng tôi không thích có đông người!”. Tập thói quen ăn trưa một mình. Bạn có cảm thấy tội lỗi khi ăn trưa một mình không? Đừng cảm thấy tội lỗi. Những lúc nghỉ ngơi như thế này là cơ hội để bạn được ở một mình. Dùng thời gian nghỉ trưa để cân bằng lại và nạp năng lượng có thể là một phương cách lý tưởng, nhất là nếu bạn không làm việc đó hằng ngày. David, người làm công việc quản lý của một công ty phần mềm, là một ví dụ cho việc này. Anh nói rằng anh luôn ăn tối một mình vào những ngày anh đã dành nhiều thời gian gặp gỡ và tương tác với mọi người. Bằng cách đặt một quyển sách trước mặt, anh ngăn được những vị khách tiếp theo có thể ghé qua. Những phút giải lao trong giờ làm việc. Bởi vì việc giao tiếp với mọi người có thể khiến bạn cạn kiệt năng lượng, hãy nhớ rời đi, dù chỉ trong vài phút, khỏi văn phòng, hội nghị hoặc bất kỳ nơi nào bạn đang làm việc. Thậm chí chỉ một cuộc đi bộ ngắn ở ngoài trời hoặc dọc theo hành lang cũng hữu ích cho bạn. Bạn sẽ cảm thấy bản thân trở lại là một con người có sức ảnh hưởng, tươi mới và đầy năng lượng. Chọn môi trường làm việc tối ưu. Hãy nghĩ xem bạn làm việc ở đâu sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất. Với sự phát triển của công nghệ và việc các công ty có những quy định thoáng hơn về thời gian và không gian làm việc, bạn có nhiều lựa chọn cho môi trường làm việc hơn bạn nghĩ. Một môi trường làm việc linh hoạt có thể cho bạn thời gian để tĩnh lắng như mong muốn. Hãy thử thỏa thuận với cấp trên của bạn về khả năng làm việc tại nhà vài ngày trong tuần, hoặc nếu văn phòng làm việc của bạn được thiết kế theo kiểu mở8, hãy đăng ký sử dụng một phòng họp khi bạn cần thời gian để tĩnh lắng. 2. Làm chủ công nghệ Tắt các thiết bị. Hãy mạnh dạn và thử xem sao. Tắt nguồn các thiết bị điện tử hoặc tắt thông báo của tất cả ứng dụng trong suốt thời gian bạn cần tĩnh lắng. Và tốt nhất bạn chỉ nên bật lại sau một khoảng thời gian được định sẵn. Người hướng nội thậm chí vẫn thấy cực kỳ khó khăn khi phải kiểm tra các thiết bị điện tử vào những thời gian nhất định. Tuy nhiên, sự gián đoạn liên tục vẫn là những mối phân tâm khủng khiếp vì chúng phá vỡ những khoảng thời gian mà họ đã dành riêng để tư duy và sáng tạo. Phần lớn mọi người nghĩ rằng phải mất từ bốn đến mười lăm giây để tâm trí tập trung trở lại sau mỗi e-mail gây gián đoạn. Hãy tìm những ứng dụng (app) và chương trình phần mềm giúp bạn xử lý vấn đề này. Các ứng dụng và chương trình này có thể giúp bạn xếp lịch cho việc đăng bài trên mạng xã hội, hẹn giờ để tắt truy cập Internet và thậm chí là quản lý hộp thư đến. CÁC TỔ CHỨC CÓ THỂ HỖ TRỢ NHÂN VIÊN DÀNH THỜI GIAN ĐỂ TĨNH LẮNG NHƯ THẾ NÀO Chương trình Cách làm việc mới của Microsoft là ví dụ cho thấy nhiều tổ chức đã nhận ra nhu cầu có được những khoảng thời gian yên tĩnh của nhân viên. Tất cả nhân viên thuộc trụ sở ở bên ngoài thành phố Amsterdam của công ty công nghệ khổng lồ này đều có văn phòng làm việc tại nhà mà vẫn có thể tham gia các cuộc họp và hợp tác làm việc cùng nhau. Khi các chuyên viên nghiên cứu ở Viện Quản lý Rotterdam đo lường tác động của chương trình này, họ nhận ra sau năm năm, chỉ số cân bằng công việc và cuộc sống của đội ngũ nhân viên Microsoft đã tăng 40%, đồng thời năng suất làm việc của họ cũng được cải thiện đáng kể. Báo cáo cho biết: “Giờ đây, không ai còn cần đến một văn phòng cố định nữa và tòa nhà đã được thiết kế để phù hợp với việc tổ chức các hoạt động khác nhau. Nó không còn là một văn phòng theo kiểu truyền thống. Thay vào đó, đây là một không gian làm việc cho phép các nhân viên có thể ngồi ở các khu vực khác nhau tùy theo nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, văn phòng còn là nơi hội họp, nơi mọi người tương tác với đồng nghiệp, đối tác và khách hàng”. Cách tiếp cận theo hướng cân bằng như thế này, với những lựa chọn đáp ứng được thiên hướng của cả người hướng nội lẫn người hướng ngoại, giúp tạo ra một môi trường làm việc khuyến khích sự giao tiếp cẩn trọng, thấu đáo và có chủ đích, đồng thời nuôi dưỡng tính sáng tạo và khả năng đưa ra quyết định - chính là những dấu hiệu nhận biết của người có sức ảnh hưởng. Hạn chế các yếu tố kích thích. Chúng ta cần tập thích ứng với môi trường sống của mình nhằm tạo điều kiện cho việc dành thời gian để tĩnh lắng. Người hướng nội thường chọn ánh sáng dịu, sử dụng máy tạo tiếng ồn trắng9 làm át đi những tiếng ồn chói tai hoặc tạp âm và tạo bầu không khí yên lắng, tĩnh lặng. Nếu các yếu tố kích thích gây nhiễu thời gian tĩnh lắng của bạn, bạn nên tránh xa các nhà hàng hay những nơi ồn ào, đông đúc. Thay vào đó, hãy chọn ở trong không gian yên ắng của nhà mình hoặc một góc kín đáo nào đó trong công viên. Tắt toàn bộ âm thanh. Hãy thử đi dạo mà không đeo tai nghe hoặc lái xe mà không bật radio. Hãy sử dụng nút bịt lỗ tai hoặc tai nghe chặn tiếng ồn khi đi máy bay. Sự yên lặng cho phép trí óc và cơ thể bạn có được sự nghỉ ngơi cần thiết giúp phục hồi năng lượng và để những ý tưởng sáng tạo được nảy sinh. Cách đây vài năm, tôi từng đi tàu Amtrak10 từ Baltimore đến thành phố New York. Sau một ngày dài, khi đã yên vị ở chỗ ngồi của mình trong toa tàu đông đúc, tôi lập tức có một cảm giác rất khác với những chuyến đi trên tàu vé tháng trước đây ở miền Đông Bắc. Cảm giác rất khác đó là gì vậy? Tôi bỗng nhận ra không có ai ở đây nói như hét vào điện thoại di động hay trò chuyện ầm ĩ cả. Tôi nhìn quanh và thấy người thì đang chợp mắt hay mơ màng nhìn ra cửa sổ, người thì đang đọc sách, viết lách hay chỉ ngồi lơ đãng. Đây đích thực là “chuyến tàu để tĩnh lắng”! Sau khi đã tận hưởng chuyến đi bình yên đến tuyệt diệu này, tôi bước xuống ga Penn một cách khoan khoái và đứng vẫy taxi với tâm thế sẵn sàng tận dụng mọi khả năng gây ảnh hưởng của mình. 3. Hướng vào bên trong Tập thể dục. Hãy đứng dậy và vận động nào. Dành thời gian để tĩnh lắng không nhất thiết là bạn phải ngồi yên một chỗ. Trên thực tế, nhiều người xem việc tập thể dục là một hoạt động chủ yếu trong khoảng thời gian tĩnh lắng của mình. Josh là một giám đốc vận hành ngoài ba mươi tuổi tại một công ty Fortune 10011 và là một ông bố có tính cách hướng nội của ba đứa con. Đối với anh, việc gánh vác nhiều trách nhiệm dường như khá dễ dàng. Anh ấy lấy năng lượng từ đâu để tạo ra sức ảnh hưởng trong mọi mặt như thế? Josh chia sẻ rằng anh tranh thủ vận động bất cứ khi nào có thể. Sau những giờ giải lao ngắn, anh thấy mình có khả năng tập trung làm việc tốt hơn. Anh nói: “Đó là cách để tôi phục hồi và nạp lại năng lượng”. Việc anh chọn vận động là cách để tĩnh lắng đã tiếp thêm cho anh năng lượng, giúp anh tạo ra sức ảnh hưởng. Sức ảnh hưởng đó được thể hiện thông qua những chương trình mang tính đột phá anh đã mang đến cho các nhóm hỗ trợ nguồn lực kinh doanh12 trong công ty, dự án biên soạn sách học tiếng Nhật dành cho doanh nhân và các chương trình huấn luyện đa văn hóa giúp cải thiện khả năng giao tiếp với các đồng nghiệp ở nước ngoài. Anh thậm chí còn đưa kế hoạch học cao học vào danh sách những hoạt động truyền cảm hứng của anh. Viết nhật ký. Hãy ghi lại những suy nghĩ, nhận thức, mơ ước, niềm vui và cả những nỗi lo âu của mình vào sổ tay hoặc trên máy tính. Quá trình Viết lách - thế mạnh thứ năm của Người Ảnh hưởng Hướng nội - giúp bạn suy nghĩ thông suốt và có tác dụng như một hình thức thiền. Vinay Kumar, từng là nhân viên kinh doanh và hiện đang là chuyên viên huấn luyện cấp quản lý, đã chia sẻ rằng khi ông càng cố ép mình phải suy nghĩ, tâm trí ông càng trống rỗng. Nhưng khi đầu óc tĩnh lắng, các ý tưởng lại tuôn trào. Vinay khiêm nhường giải thích: “Tôi không thông minh đến mức lúc nào cũng có nhiều ý tưởng mỗi khi cần viết. Những ý tưởng cứ chợt nảy ra vào những lúc ta không ngờ tới. Trong trường hợp của tôi, những suy nghĩ cứ lởn vởn trong đầu cho đến khi được tôi viết ra. Ngay khi tôi viết chúng ra, đầu óc tôi trống rỗng trở lại và thế là các ý tưởng mới xuất hiện”. Từng là nhân viên kinh doanh và người huấn luyện cấp quản lý, Vinay ủng hộ người hướng nội và thường thách thức cách nghĩ thông thường bằng việc viết những lời khích lệ cho nhiều người hướng nội trong cộng đồng của ông. Tương tự, nhà văn Randy Peterson cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những công cụ hữu ích giúp tâm tĩnh lắng. Ông chiêm nghiệm: “Khi muốn trở nên sáng tạo, tôi mở nhạc cổ điển, chuẩn bị một tập giấy ghi chú màu vàng và một cây bút máy (thay vì bút bi) rồi ngồi xuống cạnh lò sưởi và phác thảo mọi thứ tôi nghĩ ra trong đầu. Mùi thơm của giấy mực mang lại cảm hứng”. Đừng quên hít thở. Hãy rũ bỏ mọi chỗ còn ứ đọng trong cơ thể, làm những động tác duỗi người và tập trung vào hơi thở. Hãy đếm “1, 2, 3” cho mỗi lần hít vào và thở ra. Bạn sẽ ý thức hơn về hơi thở của mình và nhờ đó, bạn sẽ dễ dàng đưa tâm mình vào trạng thái tĩnh lắng. Hít thở có chủ đích cũng giúp bạn sống với giây phút hiện tại. Bạn quên đi những việc đã xảy ra ngày hôm qua và cũng không trông đợi về những gì sẽ xảy đến với bạn vào ngày mai. Bằng hơi thở có ý thức, bạn có thể tập trung vào những suy nghĩ tích cực và sâu sắc nhất. Chợp mắt một lúc. Hãy tìm thời gian và nơi thích hợp để chợp mắt một lúc vào ban ngày. Nhiều người có tầm ảnh hưởng rất tin tưởng vào sức mạnh diệu kỳ của những giấc ngủ ngắn, vì tiềm thức của họ hoạt động tối ưu trong khi ngủ. Chia sẻ của David, một chuyên viên phần mềm, cho thấy mối liên hệ này: “Tôi là một người hướng nội và tôi sắp thăng tiến lên vị trí lãnh đạo. Công việc đòi hỏi tôi phải thường xuyên phát biểu trước đám đông, làm công tác huấn luyện và chủ trì các cuộc họp. Tôi thường tìm cách nghỉ ngơi sau những cuộc họp hoặc buổi huấn luyện dài. Tôi ngủ khoảng hai tiếng để lấy lại sức”. Lạm dụng thế mạnh Dành thời gian để tĩnh lắng Bất kỳ thế mạnh nào nếu bị lạm dụng cũng có thể trở thành điểm yếu. Cuộc sống cần có sự cân bằng. Điều này giải thích tại sao việc dành quá nhiều thời gian để tĩnh lắng có thể tác động tiêu cực đến khả năng tạo ảnh hưởng của bạn. Cụ thể, thời gian tĩnh lắng kéo dài có thể dẫn đến việc các ý tưởng trở nên khô cằn, động lực giảm sút, từ đó khiến bạn đánh mất tầm nhìn và cơ hội. 1. Ý tưởng trở nên khô cằn Khi dành quá nhiều thời gian để tĩnh lắng, bạn nảy ra nhiều ý tưởng đến mức rốt cuộc bạn sa vào tình trạng óc sáng tạo bị tê liệt. Những ý tưởng của bạn có thể rất tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu chúng cứ nằm trong đầu bạn và bạn không làm gì để biến chúng thành hành động, chúng sẽ chỉ là những ý tưởng mà thôi. Hàng triệu quyển sách không có cơ hội được viết ra và hàng triệu phát kiến không thể trở thành hiện thực vì những người nghĩ ra chúng mãi cứ đắm chìm trong những phút giây tĩnh lắng thay vì bước ra ngoài chia sẻ chúng với những người khác. 2. Động lực giảm sút Pin chỉ cần được sạc lại trong một thời lượng nhất định. Sạc pin sau khi pin đã đầy là việc làm vô ích và không đem lại hiệu quả tích cực nào. Mặc dù mỗi người hướng nội cần một lượng thời gian để tĩnh lắng khác nhau, nhưng hầu hết họ đều đồng ý rằng việc lạm dụng thế mạnh Dành thời gian để tĩnh lắng sẽ làm cạn kiệt năng lượng của họ. Ngoài ra, việc này còn có thể dẫn đến tình trạng cô lập hoặc thậm chí trầm cảm. Tôi sẽ lấy ví dụ từ một vấn đề rất phổ biến hiện nay là tình trạng thất nghiệp kéo dài, sau quá trình quan sát một nhóm người mà tôi đã làm việc cùng qua nhiều đợt suy thoái kinh tế. Tôi nhận thấy khi các ứng viên xin việc có nhiều tiềm năng này đã dành quá nhiều thời gian ngồi trước máy tính để gửi hồ sơ xin việc đi khắp nơi, họ mất hết động lực và cạn kiệt năng lượng. Tuy nhiên, khi họ làm việc để giúp đỡ người khác bằng tinh thần thiện nguyện, nỗi buồn trong họ tan biến; họ không còn tập trung tâm trí vào vấn đề của mình, và họ tràn đầy năng lượng trở lại. Rõ ràng việc dành quá nhiều thời gian yên tĩnh để nghiền ngẫm về hiện trạng khó khăn đã không tiếp thêm cho họ động lực, mà khoảng thời gian ngồi ở nhà còn bòn rút đi năng lượng cần có nhằm giúp họ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. 3. Đánh mất tầm nhìn Mặc dù ý thức về những điểm mạnh và điểm mù của bản thân giúp bạn trở thành người có sức ảnh hưởng hiệu quả, nhưng việc dành quá nhiều thời gian sống với thế giới nội tâm có thể phản tác dụng. Kết quả là bạn chỉ theo sau chỉ trích những quyết định mình vừa đưa ra, nghi ngờ hay chất vấn khả năng của chính mình và trì hoãn hành động. Rốt cuộc, bạn có thể đánh mất tầm nhìn và làm hao mòn khả năng tạo ra sự khác biệt và thay đổi của chính mình. Tĩnh lắng vào bên trong bao lâu là quá nhiều? Hãy ghi nhớ cụm từ hữu ích sau đây khi bạn cân nhắc cần bao nhiêu thời gian tĩnh lắng là đủ cho việc nhận thức về bản thân: “Nhìn lại chính mình nhưng đừng nhìn quá lâu”. Khi bạn nhận ra mình chỉ đang lẩn quẩn với chừng ấy suy nghĩ và không nhận biết thêm điều gì mới mẻ về chính mình, đó là lúc bạn cần ngừng chơi bản nhạc tinh thần ấy lại. Việc cứ mãi loanh quanh phân tích chính mình có thể khiến bạn bị sa vào việc đào bới quá khứ - điều này rất có thể sẽ ngăn bạn hướng tới hành động thiết thực. 4. Đánh mất cơ hội Việc tĩnh tại một mình quá lâu cũng góp phần làm bạn đánh mất cơ hội rèn giũa bản thân và tiến triển trong sự nghiệp. Quá trình đó diễn ra như sau: cái gọi là “khoảng cách nhận thức” sẽ xuất hiện - đó là sự khác biệt giữa điều bạn muốn mọi người nhìn nhận về bạn và điều mọi người thật sự nhìn thấy ở bạn. Giả dụ bạn dành rất nhiều thời gian ở một mình cho các dự án. Thật không may là câu nói “xa mặt cách lòng” đúng ở hầu hết mọi nơi làm việc. Khi không trực tiếp nhìn thấy bạn, nhiều khả năng các đồng nghiệp sẽ nghĩ rằng bạn đã trở nên xa cách, tự phụ, hoặc bạn đang bất mãn về việc gì đó. Đáng tiếc là nhận thức sai lầm này có thể khiến các mối quan hệ trong công việc trở nên căng thẳng cũng như làm giảm khả năng gây ảnh hưởng đến người khác của bạn. Hãy xem xét ví dụ sau. Văn phòng hành chính của một trường đại học nọ có sáu nhân viên. Năm người trong số đó không chia sẻ những thông tin quan trọng cho người còn lại là Jaya. Họ cho rằng cửa phòng cô luôn đóng kín, có nghĩa là cô không quan tâm đến các cuộc thảo luận của đồng nghiệp. Nhưng sự thật thì ngược lại, Jaya cần nắm thông tin, nhưng cô cũng cần thời gian nghỉ ngơi. Việc không nắm được những thông tin quan trọng đã làm ảnh hưởng không tốt đến độ tín nhiệm của cô trong khoa. Thật không may, nhu cầu có không gian và thời gian riêng tư của Jaya lại khiến nhiều người hiểu lầm là cô sống tách biệt trong khi cô hoàn toàn không mong muốn điều đó. Sau khi hai bên chân thành thổ lộ suy nghĩ của mình, họ đã xóa bỏ ranh giới và cuối cùng đã tìm ra cách để chia sẻ với nhau những thông tin quan trọng trong khi vẫn tôn trọng nhu cầu có thời gian để tĩnh lắng của Jaya. Một yếu tố khác có thể khiến cho việc lạm dụng thế mạnh Dành thời gian để tĩnh lắng làm bạn đánh mất cơ hội là bạn quá tin tưởng rằng mình sẽ mở mang tầm nhìn trong khoảng thời gian tĩnh lắng. Việc bạn gắn chặt mình vào một tầm nhìn cụ thể nào đó sẽ làm bạn chới với khi thực tế diễn ra. Cuộc sống ngoài đời thực không bao giờ hoàn toàn đúng như chúng ta mường tượng. Rất nhiều tình huống có thể xảy ra, và chúng ta không muốn ôm khư khư một cách nhìn sự việc để rồi không thể ứng biến khi thực tế diễn ra. Sarah, một nhân viên mua hàng, từng tin rằng cô có thể thuyết phục được người trưởng nhóm chấp nhận đề xuất của mình. Cô đã hình dung chi tiết cuộc họp trình bày ý tưởng và nhiều lần mường tượng ra viễn cảnh thành công trong đầu. Không may là khi cuộc họp thật sự diễn ra, phần trình bày của cô bị ngắt quãng bởi những câu hỏi chen ngang từ một chuyên gia được mời tham dự vào phút chót. Vì quá bất ngờ trước việc này nên Sarah mất cảnh giác, không giữ được bình tĩnh và rơi vào tình trạng bồn chồn, lo lắng, khiến cô không thể tập trung để nghe các câu hỏi. Kết quả là cô đã đánh mất cơ hội để ý tưởng của mình được duyệt. Các bước cần làm tiếp theo Dành thời gian để tĩnh lắng không phải điều gì xa xỉ chỉ rất ít người làm được, mà đây là một lựa chọn chăm sóc bản thân thiết yếu giúp bạn có thêm nội lực để tác động đến phần lớn công việc và cuộc sống gia đình của bạn. Nếu bạn đã có thể thu xếp và biết sử dụng khoảng thời gian tĩnh lắng, hãy tiếp tục phát huy điều đó. Còn nếu bạn hiện chưa dành đủ thời gian cho bản thân theo cách đó, hãy thử xem sao. Việc tận dụng thế mạnh này sẽ giúp bạn khai thác các thế mạnh khác của người hướng nội và tạo nền tảng để bạn đạt chỉ số QIQ cao. Hãy đẩy mạnh quyết tâm Dành thời gian để tĩnh lắng bằng cách tập trung vào năm điểm chính mà bạn rút ra được trong chương này: 1. Những ý tưởng khiến bạn nổi bật và trở thành người có sức ảnh hưởng khác biệt thường nảy sinh khi bạn ở một mình. 2. Chỉ một vài phút tĩnh lắng sâu cũng có thể giúp bạn tăng khả năng tập trung và mức độ hiệu quả để bạn có thể thúc đẩy mọi việc tiến triển và thách thức nhằm thay đổi thực trạng. Sức Mạnh Của Sự Trầm Lắng - 85 3. Hãy thay đổi một số thói quen nhằm ưu tiên cho việc dành thời gian để tĩnh lắng. Hãy thử ăn trưa một mình và nạp lại năng lượng bằng những phút nghỉ giải lao trong ngày, tập thể dục hay chợp mắt một lúc. 4. Để tận dụng tối đa thời gian tĩnh lắng, hãy tắt các thiết bị công nghệ. 5. Cần nhớ, việc dành quá nhiều thời gian để tĩnh lắng có thể sẽ làm cạn kiệt năng lượng của bạn và khiến các ý tưởng tuyệt vời chỉ dừng lại ở những ý tưởng trong đầu bạn. Hãy dành thời gian để tĩnh lắng rồi quay trở lại thế giới thực để tiếp tục gây ảnh hưởng đến con người và các tình huống có thể xảy ra. Tiếp theo, hãy suy ngẫm những câu hỏi dưới đây để hiểu biết sâu hơn về thế mạnh Dành thời gian để tĩnh lắng: 1. Lần gần nhất bạn dành thời gian yên tĩnh để suy nghĩ thấu đáo một sự việc phức tạp, một vấn đề hay một cơ hội là khi nào? Trong thời gian tĩnh lắng đó, bạn có bình tĩnh hơn hay nhìn nhận vấn đề với góc nhìn mới mẻ hơn không? 2. Ở đâu thì bạn có thể tập trung suy nghĩ và lên kế hoạch mà không bị phân tâm? Những hoạt động nào giúp bạn tĩnh lắng hiệu quả? 3. Dành thời gian để tĩnh lắng giúp ích cho bạn như thế nào trong việc xử lý tình huống thử thách tạo ảnh hưởng mà bạn hiện đang phải đối mặt - tình huống mà bạn đã đề cập ở Chương 3? 4. Dành thời gian để tĩnh lắng đem lại lợi ích cho bạn, giúp bạn cải thiện chỉ số QIQ, và suy cho cùng thì điều đó cũng có ích cho tổ chức nơi bạn làm việc. Nhưng chúng ta sẽ làm gì sau khi đã đạt được sự nhận thức thấu đáo, năng lượng dồi dào và khả năng tập trung nhờ việc khai thác thế mạnh Dành thời gian để tĩnh lắng? Chúng ta sẽ vận dụng những điều đó để khai thác thế mạnh cốt lõi tiếp theo, Chuẩn bị. Chương 5 Thế mạnh #2: Chuẩn bị “Trực giác đóng vai trò quan trọng trong mọi việc chúng ta làm, nhưng nếu không có sự chuẩn bị hết mình, mọi việc chúng ta làm đều vô nghĩa.” - Tim Cook, CEO của Apple Jake là một người hướng nội và là phó giám đốc phụ trách tiếng Anh của một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận lớn. Được công nhận là một quản lý tài giỏi, Jake sở hữu những phẩm chất của một Người Ảnh hưởng Hướng nội. Thế mạnh giúp anh tạo ra sức ảnh hưởng thầm lặng là Chuẩn bị. Hãy lấy tình huống giải quyết vấn đề của Jake sau đây làm ví dụ. Trong giai đoạn thử nghiệm một chương trình huấn luyện giáo viên mới, Jake cần thuyết phục phần lớn các đơn vị đối tác trong vùng đồng ý cho giáo viên của họ sử dụng các tài liệu đã được đổi mới và cải tiến. Anh phải đối mặt với hai trở ngại chính: một là các đơn vị giáo dục và giáo viên của họ vốn đã cảm thấy quá tải với chương trình hiện tại, và hai là các đối tác này lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra khi đồng ý áp dụng một chương trình chưa hoàn thiện. Hầu hết các đơn vị giáo dục đều nói rằng họ muốn đợi cho đến khi mọi khúc mắc được giải quyết rồi mới quyết định đầu tư thời gian và công sức cần thiết để khởi động chương trình giảng dạy mới. Jake đã thận trọng suy nghĩ về những lý lẽ phản đối nói trên và lên một kế hoạch để các đơn vị giáo dục trong vùng trở thành những đối tác phát triển trọng yếu. Đầu tiên, anh làm một video giới thiệu ngắn với các nhân vật là người que. Yêu cầu đặt ra là đoạn video phải vừa sâu sắc vừa hài hước để có được sự đồng cảm của người xem, đồng thời phải nêu ra được vấn đề cần giải quyết. Jake gửi video trên cho một loạt các đơn vị đối tác tiềm năng mới. Tiếp theo, anh hẹn gặp riêng để trình bày trực tiếp với những người có tiếng nói chủ chốt trong các đơn vị đó về tầm nhìn của anh đối với chương trình. Sau mỗi buổi gặp riêng đó, Jake yêu cầu họ gửi một bản đề xuất để anh xem xét thử nghiệm cho từng đơn vị. Mỗi bước chuẩn bị trên đều nhằm mục đích tạo ra sự hào hứng và khích lệ lối suy nghĩ mới rằng việc tham gia vào một chương trình giáo dục thử nghiệm mang lại ý nghĩa như thế nào. Jake và sếp của anh đã xem xét tất cả những thách thức và cùng nhau xác định các bước hành động nhằm đạt đến kết quả là thu hút các đơn vị giáo dục trong vùng cùng tham gia chương trình thử nghiệm. “Trước đây, chúng tôi chủ yếu nhờ lãnh đạo cấp cao chọn ra một đối tác trong khu vực”, Jake giải thích. “Bằng cách mở rộng cơ hội cho mọi người, quá trình này dường như dân chủ hơn, đồng thời tạo điều kiện cho từng đơn vị trong vùng thể hiện lòng nhiệt huyết của riêng họ khi trực tiếp tham gia chương trình… Điều đó khiến họ cảm thấy mình đóng góp nhiều hơn và háo hức muốn là người đầu tiên sử dụng nguồn tài nguyên này dù chương trình vẫn chưa hoàn thiện. Họ càng thêm tin rằng việc hợp tác với chúng tôi là một ý hay. Kết quả là tôi không phải tốn quá nhiều lời lẽ để thuyết phục họ, bởi vì vào thời điểm chúng tôi cùng ngồi xuống để bàn bạc, họ đã khá chắc chắn rằng bản thân muốn theo đuổi chương trình này và tin rằng chương trình sẽ giúp họ đi trước các khu vực khác một bước.” Sự chuẩn bị cẩn trọng và chu đáo của Jake có khiến bạn liên tưởng đến kinh nghiệm tiếp cận một cơ hội hoặc vượt qua một thử thách của chính mình không? Chuẩn bị - thế mạnh đặc trưng của người hướng nội - rất hữu ích khi bạn muốn thuyết phục hoặc gây ảnh hưởng đến người khác. Trong khi những người ảnh hưởng hướng ngoại thường giỏi ứng biến, Người Ảnh hưởng Hướng nội hiếm khi bỏ qua bước Chuẩn bị. Họ dành thời gian tĩnh lắng để cân nhắc về mục đích cần đạt, tiếp đó vạch ra một kế hoạch và chiến thuật gây ảnh hưởng kỹ lưỡng đến từng chi tiết và tạo ra tác động nhằm thúc đẩy sự thay đổi bằng một cách thức kiên trì và đầy tính kỷ luật. Tóm lại, chính cách tiếp cận có phương pháp và có chiến lược này đóng góp đáng kể vào việc làm tăng sức ảnh hưởng của người hướng nội. Thế mạnh Chuẩn bị thường được phối hợp rất tốt với thế mạnh Dành thời gian để tĩnh lắng. Hai thế mạnh này, khi được kết hợp cùng nhau, tạo thành thế mạnh cốt lõi để từ đó các thế mạnh khác được phát huy. Nếu bạn muốn tăng chỉ số QIQ của mình, hãy tập trung khai thác thế mạnh Chuẩn bị vì nó có thể giúp bạn phát huy được các thế mạnh khác. Và nếu điểm số của bạn ở thế mạnh Chuẩn bị thấp hơn mong đợi, đừng vội vàng chuyển sang một thế mạnh khác. Hãy bắt đầu từ thế mạnh Chuẩn bị hoặc thế mạnh Dành thời gian để tĩnh lắng, vì nếu không thật sự tập trung khai thác thế mạnh Chuẩn bị, bạn sẽ không thể nào vận dụng tốt bốn thế mạnh còn lại. Vai trò của Chuẩn bị trong việc tạo ảnh hưởng Là thế mạnh then chốt làm tăng khả năng tạo ảnh hưởng thành công, Chuẩn bị giúp bạn trở thành một chuyên gia, có khả năng thuyết phục người khác bằng cách chứng minh được giá trị của đề xuất mình đưa ra, có khả năng thu hút người khác cùng tham gia vào kế hoạch của mình và trở nên tự tin hơn. 1. Trở thành một chuyên gia Người Ảnh hưởng Hướng nội biết rõ điều mình đang trình bày hoặc chia sẻ. Tại sao ư? Vì họ luôn cẩn thận tìm hiểu và dành thời gian nghiên cứu kỹ chủ đề mình sẽ trình bày. Chẳng hạn, một ứng viên xin việc có sự chuẩn bị trước bằng cách tìm hiểu về ngành nghề, công ty và công việc thì sẽ gây ấn tượng tốt với người tuyển dụng. Mollie, một chuyên viên hành chính, từng có cuộc hẹn phỏng vấn với trưởng khoa Châu Á học của một trường đại học. Trước buổi phỏng vấn, cô chủ động tìm hiểu về những đề tài nghiên cứu mà ông quan tâm. Tại buổi phỏng vấn, cô đặt cho ông một câu hỏi liên quan đến sự phát triển của các gia đình Trung Quốc hiện đại và nhờ đó, buổi phỏng vấn có một khởi đầu tốt đẹp và đã diễn ra suôn sẻ. Ngay sau đó, cô nhận được thư đồng ý tuyển dụng. Với tính kiên nhẫn đặc trưng, Người Ảnh hưởng Hướng nội hiểu rằng việc tạo ra sự thay đổi không thể một sớm một chiều đem lại kết quả, mà là một quá trình nhiều bước và ở nhiều cấp độ, đòi hỏi sự học hỏi không ngừng về lĩnh vực của mình. Ashley, một nhân viên bán bảo hiểm, biết rằng để có thể hiểu và phối hợp tốt với đồng nghiệp, để kết nối thành công với một khách hàng tiềm năng hay một đối tác có nhiều triển vọng, cô cần phải đầu tư thời gian và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Cô chia sẻ: “Hoạt động bán hàng không chỉ diễn ra khi tôi gặp gỡ khách hàng với bản đề xuất trong tay mà nó đã được chuẩn bị qua nhiều năm… Nếu bạn hiểu rõ lĩnh vực của mình và mang đến cho khách hàng tiềm năng những sản phẩm, thông tin hoặc giải pháp có giá trị, họ sẽ trân trọng thời gian bạn dành cho họ. Một lúc nào đó họ sẽ tìm đến bạn”. Những thành công mà nhóm bán hàng của cô đạt được trong hai mươi năm là bằng chứng cho thấy chiến lược này hiệu quả. 2. Chứng minh được giá trị của đề xuất mình đưa ra Người hướng nội dành thời gian để thu thập những dữ liệu phù hợp để có thể trình bày thuyết phục một lối tư duy mới mẻ hay một phương hướng hành động mới. Derrick, một biên tập viên có thâm niên của một công ty xuất bản, là người đóng vai trò quyết định trong việc chọn sách để xuất bản thông qua một quá trình tuyển chọn khắt khe. Anh thường nghiên cứu nhiều nguồn để có được cái nhìn bao quát và thấu đáo trước khi giới thiệu một quyển sách. Anh đọc các bài viết trên tạp chí, những văn bản về chính sách, các tài liệu trên Internet và nhiều nguồn khác để củng cố lập trường lựa chọn của mình. Trong trường hợp ai đó có quan điểm trái chiều, những bằng chứng của bên thứ ba nói trên sẽ giúp anh đưa ra lý lẽ phản biện và có cách xử lý phù hợp với quan điểm đối lập của ban đề tài. Vì biết rõ anh luôn chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tham gia cuộc họp, các đồng nghiệp thường tôn trọng những nhận định, đánh giá của anh và thường lắng nghe kỹ lưỡng các luận điểm được anh trình bày thấu đáo. Một Người Ảnh hưởng Hướng nội khác là Jody Wirtz, Giám đốc Điều hành của một ngân hàng thương mại, người tự nhận mình không có sẵn các tố chất của một người bán hàng. Thay vì thuyết trình theo kiểu phô trương, anh chứng minh giá trị của những ý tưởng của mình thông qua hai công đoạn nghiên cứu. Đầu tiên và quan trọng nhất, anh phân tích để hiểu khách hàng trước khi tìm cách thuyết phục họ mua sản phẩm. “Không có một ý tưởng, sản phẩm hay giải pháp nào phù hợp cho tất cả mọi người. Dù tài giỏi đến đâu, bạn sẽ không bao giờ thuyết phục được một khách hàng của Nordstrom chuyển sang mua sắm ở Wal-Mart và ngược lại.” Công đoạn thứ hai là chứng minh giá trị của sản phẩm, bằng cách nhận diện được sự khác biệt giữa ý tưởng, sản phẩm hay giải pháp của mình với ý tưởng, sản phẩm hay giải pháp của người khác. Điều đó có nghĩa là anh cần nghiên cứu về tính cạnh tranh và suy nghĩ làm thế nào để truyền đạt đến khách hàng những điểm mạnh và điểm yếu tương đối của sản phẩm của mình. Khi đã dành thời gian chuẩn bị chu đáo trước khi gặp một đối tượng khách hàng cụ thể để chứng minh giá trị sản phẩm của mình, anh thường thuyết phục thành công khách hàng đó. 3. Thu hút người khác cùng tham gia vào kế hoạch của mình Người Ảnh hưởng Hướng nội hiếm khi đạt được mục tiêu nếu chỉ một mình tự thân vận động. Hầu hết người hướng nội đều nhận ra rằng khả năng tạo ra sự khác biệt của họ sẽ tăng lên gấp bội khi họ có thể thu hút người khác cùng tham gia vào kế hoạch của mình một cách có chiến lược. Sự đóng góp công sức của người khác không chỉ khiến công việc nhẹ nhàng hơn, mà nhiều cái đầu sẽ góp thêm nhiều ý tưởng và giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của bạn. Và hãy nhớ rằng bạn gây tác động được đến mọi người chính nhờ việc bạn lôi cuốn họ cùng tham gia vào công việc của mình, vì vậy, chỉ riêng hành động nhờ ai đó giúp đỡ cũng đã làm tăng sức ảnh hưởng của bạn. Tuy nhiên, bạn cần có sự chuẩn bị, lên kế hoạch và khả năng quản lý mọi việc để có thể thu hút người khác một cách đúng lúc và hiệu quả. Đôi khi, để đạt được mục tiêu, Người Ảnh hưởng Hướng nội chỉ cần nhờ đến sự giúp sức của một người - một người phù hợp và xuất hiện đúng thời điểm - để tác động đến ai đó. Để sở hữu được bản quyền của bộ ba tác phẩm rất ăn khách Hunger Games (tựa tiếng Việt: Đấu trường sinh tử), nhà sản xuất Nina Jacobson đã phải giành được lòng tin và sự đồng tình của nhà văn chuyên viết cho tuổi mới lớn Suzanne Collins. Sau khi dành rất nhiều thời gian tự mình liên lạc và trao đổi trực tiếp với Collins qua điện thoại cũng như thông qua đại diện của cô ấy, Jacobson đã nhờ một người bạn chung của hai người là nhà văn kiêm đạo diễn Peter Hedges đứng ra bảo đảm cho mình. Jacobson nhớ lại: “Peter, người đã thực hiện bộ phim Dan In Real Life (tạm dịch: Dan trong đời thực) cho hãng phim Touchstone hồi tôi còn làm việc ở Disney, từng cùng Suzanne tham dự một chương trình dành cho những người viết sáng tạo tại North Carolina. Vì vậy, tôi đã nhờ Peter thay mặt tôi gọi cho Suzanne và trao đổi về việc hợp tác, để cô ấy biết được thành ý của tôi, rằng tôi thật sự nghiêm túc chứ không phải chỉ nhằm mục đích xã giao”. Cách tiếp cận của Jacobson đã có hiệu quả. Cô đã thuyết phục được nhà văn Suzanne Collins chuyển nhượng quyền tác giả cho cô và nhờ đó, cô đã tiến hành sản xuất một bộ phim bom tấn chinh phục hàng triệu lượt khán giả trên toàn thế giới. Cũng có khi, Người Ảnh hưởng Hướng nội cần đến sự góp sức, tham gia của nhiều người vào dự án của họ. Selah Abrams, người mà bạn sẽ gặp lại trong Chương 9, là một kỹ sư trầm tính ngoài ba mươi tuổi, đang làm việc cho một tổ chức truyền thông lớn. Nhưng đó chỉ là một trong vô số vai trò mà anh đảm nhiệm. Anh hợp tác với các công ty ở Nam Phi để tạo ra một mạng lưới gồm cả trăm ngàn người khởi nghiệp trong ngành công nghiệp giải trí, tạo nên sự phát triển thành công tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Những nhà lãnh đạo mới (New Leaders Council) chuyên hỗ trợ các nhà doanh nghiệp trẻ. Chưa hết, anh còn là người khởi xướng việc thành lập nhóm hỗ trợ nguồn lực kinh doanh NextGen cho công ty của mình, gồm những người trẻ rất năng động thuộc thế hệ Y13. Trong mỗi dự án nói trên, Selah xây dựng mối quan hệ với những người mà anh gọi là “đồng khởi xướng”, đó là những người đóng vai trò chủ chốt trong tổ chức của anh, những người sẵn sàng cùng anh bảo trợ cho những nỗ lực phục vụ cộng đồng. Là người luôn nhanh chóng ghi nhận công lao của người khác trong thành công của mình, Selah không bao giờ dùng từ Tôi khi thảo luận về các dự án anh đề xuất. “Ngay cả khi tôi làm việc nhiều hơn, tôi vẫn luôn dùng từ ‘chúng ta’. Tôi cảm thấy thật không hay khi ai đó nhận hết công trạng về mình.” Khi chuẩn bị nội dung thuyết trình liên quan đến các hoạt động cộng đồng, anh thường nhấn mạnh sự góp sức của tập thể. “Tôi thường thử đề đạt trước những ý tưởng của mình với những người khác để xem họ phản hồi thế nào và tôi luôn cân nhắc về lợi thế của việc có ai đó cùng đồng hành hoặc thậm chí làm người phát ngôn chính cho ý tưởng của mình.” Với bản tính khiêm nhường và chiến lược thu hút nhiều người cùng tham gia, Selah đã vận dụng hiệu quả khả năng tác động đến người khác, tạo ra sự thay đổi. 4. Củng cố sự tự tin Người hướng nội thường mắc hội chứng “bán giá thấp bản thân”, có nghĩa là họ kín tiếng về những thành tích của mình đến mức mọi người không biết rõ giá trị tiềm năng của họ. Những đồng nghiệp hoạt ngôn hơn của họ thường dễ nổi bật và thăng tiến hơn trong công việc. Có hơn 80% người hướng nội cho rằng người hướng ngoại thường vượt trội trong công việc14. Trên thực tế, nếu liên tục không được trọng dụng trong các dự án và bị phớt lờ trong các cơ hội thăng tiến, người hướng nội có thể dần mất niềm tin vào bản thân. Tuy nhiên, khi nội lực và sự tự tin được củng cố thông qua thói quen chuẩn bị trước mọi việc, người hướng nội sẽ sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống cần đến khả năng gây ảnh hưởng, đặc biệt là những tình huống mà họ có cơ hội tạo ra sự đột phá bằng mong muốn thay đổi thực trạng. Khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng một kế hoạch với từng đường đi nước bước được đúc kết từ những thành tựu trong quá khứ, người hướng nội sẽ cảm thấy tự tin. Đối với nhiều người, trong đó có nhà cố vấn quản lý Adam mà chúng ta đã gặp ở Chương 4, các bài tập rèn luyện tinh thần trong thời gian tĩnh lắng giúp họ tự tin hơn rất nhiều. Nhiều người khác củng cố lòng tự tin để sẵn sàng đón nhận thử thách mới bằng cách ghi ra một danh sách những thành tựu gần đây của mình và xem đó là cách để tự lên tinh thần. Danh sách này nhắc họ nhớ rằng bản thân họ thật sự có đủ những tố chất để thành công. Jean Paul là nhân viên kinh doanh của một công ty công nghệ. Anh nhận ra rằng mình thường thể hiện tốt hơn trong các cuộc họp nếu có sự chuẩn bị trước. Anh nói: “Việc nắm rõ vấn đề sẽ được trao đổi hay thảo luận trong cuộc họp thật sự giúp tôi tham gia hiệu quả hơn… Khi hiểu rõ chủ đề được bàn luận, tôi cảm thấy thoải mái hơn ngay cả khi đó chỉ là một cuộc trò chuyện”. Như một số những Người Ảnh hưởng Hướng nội khác, anh thường mường tượng trong đầu diễn biến của cuộc trò chuyện hoặc cuộc họp sắp tới để có nhận định trước về vấn đề và cảm thấy tự tin. Việc tự hỏi đối phương sẽ phản ứng như thế nào giúp anh nhận định vấn đề sâu sắc và tự tin hơn khi gặp khách hàng. Sự thay đổi chiến lược này giúp anh có mặt trọn vẹn trong cuộc gặp với khách hàng, tạo cảm hứng giúp khách hàng tư duy sáng tạo về vấn đề của họ và về giải pháp anh đề xuất. Ngay cả những nhà quản lý hàng đầu cũng chuẩn bị cho khả năng gây ảnh hưởng của mình bằng những cách thức giúp họ tự tin hơn. Doug Conant, cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành công ty Campbell Soup, thường ghé thăm trước các địa điểm diễn ra cuộc họp và “dẫn theo một người bạn để giúp tự tin”. Ông giải thích: “Người bạn đó của tôi phải là người am hiểu về tình huống mà chúng tôi đang đối mặt và có khả năng làm tăng giá trị cho cuộc thảo luận”. Conant gọi người bạn đó là “người bạn cảm ứng”, người giúp ông cảm thấy thoải mái đồng thời tập trung vào mục đích và nội dung của cuộc họp. Chuẩn bị thế nào để tạo ảnh hưởng Người Ảnh hưởng Hướng nội thường lên kế hoạch một cách có chiến lược và thấu đáo nên họ có thể nắm chính xác cần chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng cho các cuộc họp, cuộc gặp để trao đổi, sự kiện, buổi thuyết trình và các cơ hội gây ảnh hưởng khác. Việc chuẩn bị của họ được chia thành bốn bước chặt chẽ sau đây: thu thập thông tin và tìm hiểu mong muốn của những người mà mình muốn gây ảnh hưởng, vạch ra chiến lược, làm chủ bản thân và luyện tập. 1. Thu thập thông tin và tìm hiểu mong muốn của những người mình muốn gây ảnh hưởng Thu thập những gì bạn biết. Hãy thu thập những thông tin hiện có và sắp xếp chúng lại cho có hệ thống. Woody Allen, đạo diễn phim kiêm nhà biên kịch danh tiếng có tính cách hướng nội, dùng một cái hộp để cất những mảnh giấy chứa các ý tưởng. Khi cần lấy cảm hứng cho một dự án mới, ông thường lấy ra và đọc lại những tờ ghi chú đầy ngẫu hứng này. Cách chuẩn bị tùy hứng này hiệu quả với ông, và rõ ràng ông đã gây ảnh hưởng đến hàng triệu người bằng những bộ phim có sức lay động mạnh mẽ của mình. “Hộp ý tưởng” của bạn là gì? Nó nằm trong mục Ghi chú (Notes) của ứng dụng Outlook, trong một thư mục gồm các tập tin trong máy tính của bạn, là quyển sổ tay gối đầu giường của bạn, hay ứng dụng ghi âm trong chiếc điện thoại thông minh của bạn? Một chiếc hộp ý tưởng có thể ở bất kỳ hình thức nào, chỉ cần bạn chọn kiểu hộp ý tưởng phù hợp nhất với mình. Thẩm định trước. Các doanh nghiệp luôn tiến hành việc thẩm định trước (nghiên cứu hoặc phân tích tình hình hoặc đối tác trước một thương vụ) để biết đích xác dự án mà họ sắp tham gia cụ thể là như thế nào. Tương tự, Người Ảnh hưởng Hướng nội, vì muốn biết mình sẽ đối mặt với những gì trong buổi trao đổi hay cuộc họp sắp