🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sống Thời Bao Cấp
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
“SỐNG THỜI BAO CẤP”
Được xuất bản theo hợp đồng trao quyền sử dụng tác phẩm giữa tác giả và Công ty TNHH Sách Phương Nam.
Mọi sao chép, trích dẫn phải có sự đồng ý của Công ty TNHH Sách Phương Nam.
https://thuviensach.vn
Tựa
Tôi thuộc thế hệ sinh ra, lớn lên và sống trọn vẹn trong thời bao cấp, thời của những tấn bi hài cười ra nước mắt. May mắn đất nước đã vượt qua thời ấy gần 30 năm. Chuyện thời bao cấp bây giờ nghe như kể chuyện cổ tích. Vâng, nó chính là “cổ tích” của một thời. Cổ tích từ thế giới lam lũ, khốn khổ mà cha ông của lớp trẻ hôm nay đã từng trải qua, đã từng chịu đựng, đã từng gồng mình lên để sống. Phải kể lại để lớp trẻ thấy ý chí của cha ông đã vượt qua cái cũ, cái lỗi thời, vượt qua cơ chế luật lệ hà khắc đã ngáng đường đi lên của mình như thế nào.
Mỗi người có những kỷ niệm riêng về thời bao cấp của mình. Người cho đó là thời dễ sợ, thời của những lạc hậu và bảo thủ. Người cho đó là thời của những ấu trĩ hồn nhiên, đáng trách nhưng không đáng giận. Người lại cho đó là thời dễ thương, đói nghèo nhưng ấm áp. Tôi chứng kiến thời bao cấp với cái nhìn của riêng tôi, vừa buồn cười vừa cay đắng, vừa giận vừa thương, vừa muốn quên đi vừa không thể không nhớ.
Ở đời có những thứ phải nhớ để không bao giờ lặp lại, trước khi chôn sâu vào dĩ vãng. Tôi viết cuốn tự truyện này để nhắc lại với bạn bè, người thân và gia đình tôi cái thời thật đáng ghét – thật đáng thương, thật đáng quên – thật đáng nhớ, giữa ngổn ngang những bi hài cay cực là những tấm lòng “sống để yêu nhau”. Tôi muốn gửi tới các con tôi và bạn bè của chúng, thế hệ 7x, 8x, 9x cái thời mà cha ông họ đã sống để họ yêu thêm thế hệ đi trước và tránh cho được những gì mà thế hệ trước đã lầm lạc.
Cuốn sách mà các bạn cầm trong tay là kí ức của riêng tôi, nó không thể đại diện cho kí ức của tất cả những ai đã sống trong thời này. Các bạn hãy xem đây là thời bao cấp dưới cái nhìn của tôi, trong trí nhớ của tôi mà thôi. Với người khác sẽ là cái nhìn khác, kí ức khác.
https://thuviensach.vn
Cuối cùng xin thưa, để các bạn trẻ có thể hình dung thời bao cấp như thế nào, trong cuốn sách nhỏ này, tôi đã đưa rất nhiều ảnh thời bao cấp. Những bức ảnh được sưu tầm từ bạn bè, báo chí và Internet mà tôi không thể biết tác giả. Xin cáo lỗi và cảm ơn các nhà nhiếp ảnh đã để lại cho đời những bức ảnh đáng nhớ của một thời đáng quên này.
Ngô Minh
https://thuviensach.vn
1. Chuyện làng tôi
Tôi sinh năm Kỷ Sửu (1949), đã sống trọn vẹn trong thời bao cấp với bao nhiêu vui buồn. Bây giờ cứ mỗi lần nghe ai kêu: “Chao ôi, răng mà khổ như thời bao cấp”, lòng tôi lại buồn và cứ nao nao nhớ. Cái thời của thiếu thốn và những tấn bi hài cười ra nước mắt. Nhiều chuyện lạ lùng, cười ra nước mắt của một thời khổ đau, nhiều chuyện độc đáo, chuyện thật như bịa. Nhưng đó lại là những năm tháng con người sống vô tư, trong sáng và thấm đẫm nghĩa tình.
Quảng Bình... khoai khoai toàn khoai!
Làng biển Thượng Luật của tôi ở góc biển Nam Quảng Bình, giáp huyện Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị, chỉ cách sông Hiền Lương 20 cây số. Thời Pháp, bản đồ gọi tên các làng ven biển này bao giờ cũng gắn với chữ “luật”: Thử Luật, Tùng Luật (Vĩnh Linh), Liêm Luật, Thượng Luật, Hòa Luật (Quảng Bình)... Liêm Luật, Thượng Luật và một phần Hòa Luật sau này được gọi là xã Ngư Thủy, miền quê đã sinh ra rất nhiều anh hùng. Đó là Anh hùng trồng phi lao trên cát Ngô Xuân Mốc; Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng (thường gọi là C Gái, pháo tầm xa, nòng dài 105 ly); Trung đội dân quân thôn Tây Thôn; Đồn Biên phòng Ngư Thủy anh hùng, mấy lần dân quân bắn rơi máy bay Mỹ.
Từ xa xưa đến thời bao cấp, dân làng tôi làm hai nghề chính: đàn ông đánh cá; đàn bà con gái bán cá và trồng khoai sắn. Khoai trồng trên cát trắng trong như thủy tinh, thế mà củ to và bột bở, thơm lắm. Người ta trồng khoai rất công kỹ. Phải xới cát thành vồng, cho các loại phân xanh gọi là “bổi” như lá dương liễu (phi lao), lá cỏ hôi, hay rong biển dạt vào bờ, băm nhỏ ra, cho xuống, sau đó cho phân chuồng lên trên rồi mới dâm ngọn khoai. Một tháng sau lại tưới nước phân, nước tiểu. Nhà nào cũng có cái thùng chứa nước tiểu. Ai cũng phải tiểu vào đấy, dù đêm khuya rét mướt.
https://thuviensach.vn
Có chuyện vui. Có bà đi chợ Mai bảy tám cây số, buồn tiểu vẫn cố nhịn về tiểu vào cái thùng tiểu nhà mình, để tưới khoai. Nhịn lâu quá, không nén được, tè cả ra quần. Mất cả bãi nước tiểu, tiếc đứt ruột, lại phải giặt quần!
Cái ăn hàng ngày chỉ khoai và cá. Khoai lang được chế biến ra nhiều món, tùy theo mùa. Mùa hạ thì khoai lang luộc, canh khoai lang, khoai lang nướng; mùa đông thì khoai khô nấu xéo, khoai gieo nấu nhừ, khoai gieo xéo xôi... Để có khoai khô, khoai gieo, mùa hạ thu hoạch khoai, nhà nào cũng phải thức đêm để thái khoai, sáng phơi ra ba bốn nong. Phơi bốn năm nắng khoai mới khô rồi đổ vào chum đậy kín dự trữ. Để có khoai gieo, người ta chọn củ khoai ngon, to, dài, luộc lên, bóc vỏ, thái lát, phơi khô. Khoai gieo có thể làm lương khô cho các chuyến đi dài ngày, vì chỉ cần bỏ vào nước cho mềm là ăn được, không cần nấu.
Tôi nhớ hồi còn bé, làng tôi có trồng một giống khoai lang có tên là Tân Kỳ. Khoai Tân Kỳ củ to, dài, có cạnh, vỏ màu hồng sen, bột hơi vàng, ăn rất thơm, làm khoai gieo rất ngọt. Sau này tôi lớn lên, lấy vợ ở chính quê hương đã sinh ra giống khoai ấy: huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An! Mới hay con người có nhiều dây mơ rễ má trong cuộc đời lắm...
Thời chưa có sổ gạo, cả làng tôi ít nhà có cơm ăn, nên mới có câu “Giêng Hai khoai cà”. Người ta nhại câu ca từ của Hoàng Vân trong bài hát Quảng Bình quê ta ơi: “Quảng Bình... khoan khoan hò khoan” thành “Quảng Bình... khoai khoai toàn khoai”! Câu hát ấy còn mãi cho đến bây giờ.
Có một chuyện vui
Từ nhiều đời nay, làng tôi quanh năm nghèo đói. Không có nhà nào lợp ngói. Đa phần nhà ở như nhà tạm, không khác nhà chị Dậu trong Tắt đèn. Nhà tôi gọi là “giàu nhất làng”, cũng chỉ là ngôi nhà rường ba gian hai chái lợp tranh. Để có tranh lợp nhà cũng không phải dễ, chỉ có ở vùng Vịnh Mốc, Vĩnh Linh, sát giới tuyến. Phải chạy thuyền buồm cả buổi sáng vào
https://thuviensach.vn
Vịnh Mốc mới mua được. Hầu hết làm nhà bằng cột dương (thân cây phi lao) gọt nham nhở, mái lợp hay phên che toàn bằng cỏ rười, một loại cỏ chỉ mọc ở những chỗ ẩm trên cát, hình ống nhỏ, cao khoảng hơn mét, bứt về kẹp thành tranh lợp nhà. Cả làng đua nhau bứt cỏ rười về lợp mái nhà, đến nỗi cỏ không lớn kịp nữa.
Thứ cỏ rười ấy cũng đã vào thơ Phùng Quán mới oai chứ: Cây cỏ rười chỉ mọc trên cát mặn
Nhà ngư dân cỏ lợp thay tranh
Bếp ngư dân cỏ cho lửa ấm
Khói cỏ rười mấy dặm biển còn thơm...
(Cây cỏ rười)
Nhà nào cũng giống nhà nào chỉ có nền cát. Không ai đắp nền nhà bằng đất thịt hay lót gạch, trong nhà cũng không có sàn hay ván, chỉ cát và cát và mấy chiếc giường tre ọp ẹp. Không câu nệ chỗ ngủ, đâu cũng được. Ngủ trên sân cát, ngủ ngoài bãi biển, ngủ trên thuyền... Chỉ một manh chiếu rách khi đắp khi trải, là ngủ.
Thời đó không nhà nào có hố xí. Ai muốn vệ sinh thì ra bãi cát, hay lội ra biển. Cát mênh mông, ghé vào đâu đó nơi gốc dương, gốc dứa dại là xong. Quận công không bằng ỉ... đồng, người ta bảo thế.
Trẻ con lên 10, 11 đi học lớp 2, lớp 3 rồi mà học xong là cởi tồng ngồng đi đánh khăng, bắt còng, bắt cáy dọc biển suốt ngày. Tóc đứa nào cũng vàng đỏ như tóc người Hàn Quốc. Đến nỗi mấy bà đi buôn bán với mạ tôi ở trong chợ Mai, Phù Chánh, Hưng Thủy ra làng tôi mua cá đã gọi tôi là “thằng Khôi tóc đỏ”. Chẳng riêng gì trẻ con, người lớn cũng tồng ngồng. Không biết từ bao giờ đàn ông làng tôi đi biển không mặc quần áo.
https://thuviensach.vn
Có lẽ vì nghèo quá, mỗi người chỉ có một bộ quần áo dài để mặc khi đi giỗ chạp. Gọi là quần áo cho vui, chứ thực ra toàn loại quần áo cắt may từ vải buồm rách, hay vải diềm bâu dệt thủ công mua ở chợ, vá chằng, vá đụp. Nhiều người chỉ độc mỗi quần đùi. Mùa đông gió rét nhà nghèo lấy những tay lưới trũ cũ rách thay chăn chống rét.
Ngư dân ra đến bờ sóng là cởi quần đùi ném vào thuyền cùng nhau “cất nôốc”[1], đưa thuyền ra biển. Thuyền ở trên bãi cát, muốn ra biển phải có cái đòn gỗ thật dài gọi là néo, dùng cái dây nài buộc vào thuyền, mỗi bên ba, bốn người “trần như nhộng”, ghé vai khiêng, vần xoay cho đến khi thuyền xuống bợc sóng[2], gọi là “cất nôốc”. Khi hàng người cất nôốc trần như nhộng ấy rướn lên đi theo nhịp hô “hai ba... này”, thì một hàng “thằng nhỏ” phía dưới cũng đung đưa theo nhịp. Buồn cười lắm.
Quê tôi gọi bố bằng bọ (một biến âm của từ bố), từ đó đàn ông có vợ đều gọi là các bọ. Cả ngày đi biển các bọ đều “trần như nhộng” như rứa cả. Vào đến bờ mới mặc quần, vì lúc đó có các cô các bà quang gánh ra bờ gánh cá. Có nhiều ông già (người dân biển 50, 56 tuổi đã gọi là già) cứ vắt cái quần đùi trên vai với “thằng nhỏ” lủng lẳng đi lên nhà. Không hổ ngươi (xấu hổ), ngượng ngập gì. Cũng chẳng ai nhìn ngó, cười cợt gì.
Làng có ông Khê đi biển về lúc nào cũng “trần như nhộng”, vắt quần đùi trên vai, vừa đi lên nhà vừa đằng hắng và huýt sáo. Ông Khê hắt xì hơi vang to đến cuối làng cũng nghe. Mỗi lần ông hắt xì hơi chục cái, ba ngày sau gió mùa Đông Bắc về, biển động. Trăm lần như một. Bọn trẻ con chúng tôi chạy theo ông trêu đùa, lấy que đánh khăng cời vào “thằng nhỏ” của ông, ông cũng chẳng mắng mỏ gì, chỉ cười khanh khách “cha mày”, “cha mày”. Chị Duyên, một phụ nữ thịt da màu mỡ nghịch ngợm nhất làng, thủ sẵn đôi đũa cái nhằm khi ông Khê đi biển về, chị đi ngang qua, giơ đũa gắp gắp cái “của quý” của ông. Ông kêu to: “Coi chừng hắn thức dậy!... Hắn thức dậy!”. Và “hắn” thức dậy thật. Con nít reo ầm lên, đàn bà con gái đỏ mặt tía tai vừa cười vừa chạy.
https://thuviensach.vn
Ơn sổ gạo
Làng tôi sống lắt lay hàng trăm năm như thế cho đến một ngày vô Hợp tác xã. Đó là đầu năm 1959. Một cuộc đổi đời. Ba Hợp tác xã nghề cá xã Ngư Thủy hồi đó có tên rất oách: Hợp tác xã Tương Lai, Hợp tác xã Quyết Thắng, Hợp tác xã Phấn Đấu. Tên oách thế nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có nghề bủa xăm (lưới trũ), câu mực, lưới rê, rồi nghề giã ruốc (khuyếc, ngoài Bắc gọi là con moi) ven bờ với loại thuyền nhỏ mà quê tôi gọi là bơ. Chỉ ra khơi cách bờ khoảng năm bảy cây số là hết cỡ, không ai dám đi khơi hơn vì sợ giông tố không chèo vô bờ kịp. Không đánh bắt được cá lớn, quanh năm chỉ có cá cơm bạc, cơm than, cá nục, cá trích, cá ve, cá duội và mực...
Điều hệ trọng nhất làm thay đổi chất lượng cuộc sống làng tôi là khi Chính phủ xếp ngư dân và diêm dân (dân làm muối) vào loại “tiểu thủ công nghiệp”, nên được cấp sổ gạo và tem phiếu vải. Đó là năm 1963. Ai là xã viên hợp tác đều được cấp sổ gạo, phiếu vải loại N, 4 mét một năm. Thấy có gạo, cả làng chen nhau xếp hàng nộp đơn vô hợp tác, chẳng phải vận động vận điếc gì. Đang khi không có gạo ăn, suốt ngày “khoai khoai toàn khoai”, tự dưng mỗi lao động đi biển được 21 ký gạo, lao động phụ ở nhà 11 ký, trẻ con 9 ký một tháng thì mừng như được vàng. Đó là một cuộc đổi đời ngoạn mục mà làng biển Thượng Luật quê tôi được bao cấp mang lại!
https://thuviensach.vn
Mỗi gia đình "tiểu thủ công nghiệp" thời bao cấp đều có một sổ gạo thế này
Dân biển xứ nghèo, gia đình nào cũng bảy tám đứa con lít nhít, ơn Đảng cho sổ gạo, có nhà một tháng được mua tới một tạ gạo. Giá gạo lại rẻ như cho, 4 hào một ký. Cá đi biển về hai phần nhập cho Nhà nước với giá bình quân cá to nhỏ từ 8 hào đến 1,2 đồng một ký. Tính ra một cân cá đổi được hai, ba cân gạo. Đánh được nhiều cá hay ít cá, mặc. Chẳng cần bám biển tăng năng suất. Gạo cứ đến tháng là kìn kìn gánh về. Ơn cái sổ gạo vô cùng. Nhà tôi lúc đó có anh Ngô Văn Khương, anh Ngô Tấn Ninh là lao động chính, mẹ là lao động phụ. Tôi và chú em út Ngô Minh Phục là trẻ con đi học, tổng cộng được 71 ký gạo. Cứ đầu tháng, cả làng quang gánh lũ
https://thuviensach.vn
lượt vượt hai động cát cao ngút trời là Động Thấp và Động Cao vào Cửa hàng Lương thực Chợ Mai trên Quốc lộ 1 mua gạo. Gạo đưa về nhà đổ đầy chum, đầy thạp.
Có gạo có vải, cuộc sống làng tôi nhờ đó mà khá hơn. Nhờ thế mà anh Chinh, một người dân Quảng Trị tập kết lấy vợ làng tôi mới mua cái máy may hành nghề may đo quần áo. Đó là cái máy may đầu tiên của làng. Hôm anh Chinh cho người khiêng máy về, trẻ con tồng ngồng chạy theo xem như rồng rắn. Tôi quan sát và nghĩ mãi không hiểu tại sao cái kim khâu cứ thụt lên thụt xuống thế mà nó xâu được chỉ và chạy thành đường may được. Làng toàn dân nghèo không có tiền, anh Chinh lấy công may ngoài tiền còn thay bằng khoai, sắn, gạo. Có người may bộ quần áo cho con đi học nợ tiền may hai ba năm chưa có trả.
Máy khâu thời bao cấp. Đây là máy khâu Thái, loại máy khâu xịn nhất lúc bấy giờ.
Thấy làng tôi được ăn gạo Nhà nước, không còn lo đói, bà con nông dân các làng nông nghiệp ở các xã bên đường Quốc lộ như Hưng Thủy, Dương Thủy, Sen Thủy, Tân Thủy... ức lắm. Họ viết thư phản đối lên huyện. Làm ruộng cực nhọc thật. Mùa đông rét căm căm cũng phải lội xuống ruộng cấy cho kịp thời vụ, đỉa bu từng chùm dưới chân, trên háng. Rồi bón lót, bón thúc, gặt đập, sàng sảy, đổ mồ hôi sôi nước mắt mà đến mùa thu hoạch một ngày công chỉ mấy lạng thóc. Thấy dân biển không vất vả bằng mà có gạo ăn, họ ức là phải. Ức cũng phải chịu. Đây là chủ trương của Chính phủ. Có kiện lên huyện, huyện cũng bó tay.
https://thuviensach.vn
Đói vẫn hoàn đói
Làng tôi là bãi ngang, chuyên làm biển lộng, gọi là đánh bắt vặt bằng các nghề như xăm trũ[3], đi câu mực, đi giạ ruốc. Thuyền ra biển chỉ vài ba cây số. Không kiếm được tiền nhờ nghề biển, dân làng lấy gạo, vải Nhà nước cấp cho đem ra chợ bán kiếm tiền chi tiêu. Có gạo có vải Nhà nước cấp, nhưng nhiều gia đình vẫn đói kém quanh năm, vẫn ở trong các ngôi nhà lợp tranh, lợp cỏ rười, cột gỗ dương lụp xụp. Khoai sắn là chủ yếu. Bữa cơm dọn ra chỉ nồi cơm độn sắn khoai với bát nước mắm. Gia đình nào khá hơn, trẻ con mỗi bữa được lưng bát cơm không độn. Nhiều gia đình phải thiếu ăn chạy khắp làng vay gạo.
Cá hợp tác đánh về, đội sản xuất có 46 hộ chia 46 phần bằng nhau. Chia ngay trên bãi cát. Cá lẫn với cát. Nhà nào cũng không rửa kỹ vì thiếu nước sinh hoạt, ăn cá nhai cát rào rạo, ê cả răng. Thời ấy, dân làng biển Thượng Luật của tôi “âm lịch” đến mức các thứ hải sản quý như đẻn (rắn biển), ghẹ (gọi là con vọ), hay cá khoai... nếu vướng vào lưới thì cho là xui, bắt ném trả biển, không bao giờ ăn. Cá khoai một thời tràn vào trong lộng, cạnh bờ, người ta xúc cả gánh, gánh lên đổ vào hố làm phân trồng khoai, hay bón cho cây dừa. Bây giờ thời kinh tế du lịch, một con đẻn dài 1 mét giá cả triệu đồng! Cá khoai giá 100 ngàn một ký, thèm cũng không mua được mà ăn! Nghĩ mà tiếc!
Một thời gian bà con ngư dân làng Lý Hòa ở Bố Trạch, Quảng Bình vào cắm trại đánh cá khơi. Họ mới bày cho cách cắm chà để đánh cá. Chà là cây tre cột vào rọ đá, dây thừng dài theo độ sâu của biển (sâu 21 hay 22 sải nước) thả xuống biển, chung quanh buộc các loại lá như lá dừa, nhử cá đến núp rồi bủa lưới xung quanh, mới đánh được loại cá nục, cá ngừ. Dân làng khấm khá lên. Khi ngư dân Lý Hòa về quê họ, làng cũng mất dần nghề bủa chà. Đói vẫn hoàn đói!
Còn cha gót đỏ như son
https://thuviensach.vn
Quê ngoại tôi ở làng biển Thử Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau này chính quyền mới đặt tên khác, dần dần sách vở không chép những tên làng rất hay và cổ xưa như Thử Luật, Thượng Luật ấy nữa. Tuy vậy, trong tâm khảm người dân truyền đời này qua đời khác, những tên làng ấy vẫn tồn tại.
Làng nội tôi là Thượng Luật, đi vô làng ngoại Thử Luật chỉ hơn 20 cây số. Đi bộ dọc bờ biển bốn tiếng đồng hồ là tới. Mạ tôi họ Đào (Đào Thị Tam), thời trẻ cùng bạn buôn bán với bà Tố và các bà ở Vĩnh Tú, Vĩnh Nam... đi buôn chè xanh, thơm (dứa), mít... từ Vĩnh Linh ra vùng biển Lệ Thủy. Bán chè, mít... rồi mua cá, mắm, nước mắm trở lại bán ở chợ Hồ Xá. Ba tôi (ông Ngô Văn Thắng) hồi đó mới có vợ. Năm 1934, mẹ già (bà vợ trước của ba tôi) bị mất do bệnh sau khi sinh con đầu lòng mới được năm ngày. Những ngày mẹ già mất, mạ tôi đang ở trọ trong nhà để bán hàng. Thương đứa bé mới sinh khóc nằng nặc, mạ tôi đã bồng ẵm, ru ngủ, rồi cho bú bằng sữa bò. Đó là chị Ngô Thị Vượng của tôi.
Cảm kích trước tấm lòng của mạ tôi, ba tôi mời bà làm “vú nuôi” của chị Vượng. Rồi ba tôi cưới mạ tôi, sinh ra được bốn người con trai nữa đặt tên là Ngô Văn Thạnh, Ngô Văn Thường, Ngô Văn Cường, Ngô Văn Cần. Năm 1956, ba tôi biết mình sắp bị hạn lớn nên lên xã xin đổi tên bốn anh em một lúc thành: Ngô Văn Khương, Ngô Tấn Ninh, Ngô Minh Khôi, Ngô Minh Phục. Ba tôi bắt anh em tôi phải gọi mạ bằng “vú”, không gọi bằng “mạ” như lũ trẻ trong làng. Sau này ba mất nhiều năm, anh em tôi mới đổi “vú” thành “mạ”.
Nhà tôi từ trước khi chưa vô hợp tác đã có hai con thuyền bằng gỗ lớn do ba tôi mua để thuê bạn nghề đi bủa xăm (lưới trũ), đi đánh cá rạn ngoài chà khơi ngoài 20 sải nước. Khi ba tôi trên 50 tuổi, ông không đi biển nữa mà anh cả tôi là Ngô Văn Khương đi cùng bạn nghề. Ba tôi suốt ngày đi dọc biển quăng chài bắt cá buôi, cá đối. Trong Cải cách ruộng đất, ba tôi bị quy sai là địa chủ, (ông bị đội cải cách ruộng đất bắn oan) sau đó đến Sửa
https://thuviensach.vn
sai sửa lại thành phần là trung nông. Nhà cửa và hai con thuyền, ngư cụ nhà tôi bị tịch thu, chia cho “người nghèo”. Người nghèo không có tiền để tu sửa, hai con thuyền lâu ngày bị nứt nẻ, mục nát, xăm lưới tả tơi, vì ngư dân chưa học được cách “làm chủ tập thể”!
Trong tâm trí của tôi, mạ tôi là người thuộc ca dao, thuộc truyện thơ Nôm thuộc hàng vô địch. Mạ có thể hát ru cháu suốt ngày mà không hề lặp lại các câu ru. Mạ hát toàn ca dao Vĩnh Linh, Quảng Trị: Ru em em thét cho muồi/ Ðể mạ đi chợ mua cồi bắp rang...; Còn cha gót đỏ như son/ Một mai cha chết, gót con đen sì; Mẹ già ham việc tiếc công/ Cầm duyên con lại thu đông mãn rồi; Trăng lên tới đó rồi tề/ Nói chi thì nói, em về kẻo khuya; Bướm vàng đậu đọt cau tơ/ Kiếm cái nơi mô nương tựa/ Chơ răng cứ vất vơ rứa hoài; Ra đi bố mẹ ở nhà/ Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai bưng... Tôi thuộc lòng và có thể chép hàng trăm câu ca dao mạ tôi đã hát như vậy.
Có lẽ tôi lớn lên hay làm thơ một phần là do thuộc nhiều ca dao xứ Quảng Trị mà mạ tôi hát... Hồi trẻ, ra làng Thượng Luật bán chè xanh, mạ tôi hay đi giã gạo và hát với đám trai gái trong làng. Có câu hát mạ hay hát: Rồi mùa toóc rạ rơm khô/ Bậu về quê bậu biết nơi mô mà tìm... Hồi nhỏ, trong tôi, quê ngoại chính là mạ, chính là những câu ru ấy...
Thuở nhỏ, lúc 10 – 12 tuổi, tôi hay được mạ cho đi theo vào chợ Hồ Xá. Mạ tôi triêng gióng gánh mắm, cá vào chợ bán, rồi mua chè xanh, thơm, dưa hấu, sắn... ra chợ Mai hay về làng biển bán. Mạ gánh hàng đi từ hai giờ sáng, đi đường Quốc lộ, qua Bàu Sen (Sen Thủy), qua truông Nhà Hồ dằng dặc, đến khi mặt trời lên hơn hai con sào mới vào đến chợ Hồ Xá. Bán xong, mua hàng rồi hai mẹ con về làng Thử Luật ở nhà dì Quế, dì ruột tôi, nghỉ đêm, mai mới đi bộ dọc bờ biển ra nhà. Dì Quế tên là Đào Thị Thy, khi có con, xóm làng hay gọi theo tên con gái đầu. Những ngày đó, tôi chỉ gánh bằng que tre hai đầu hai trái dứa mà nghe nặng trĩu.
Sự tích truông Nhà Hồ
https://thuviensach.vn
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, quê ngoại là một miền quê trù phú, cây trái tốt tươi, thơm phức bốn mùa. Đi chợ Hồ Xá với mạ, mạ kể cho tôi nghe sự nguy hiểm của truông Nhà Hồ. Vì đoạn truông dài này là những vùng rú rậm thường có bọn cướp ẩn náu trong rừng xông ra, sợ lắm. Mạ đọc ca dao: “Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang/ Phá Tam Giang ngày nay đã cạn/ Truông Nhà Hồ nội tán cấm nghiêm...”.
Tôi nghe mạ kể cũng sợ lắm, hỏi mạ: “Sao gọi là truông Nhà Hồ?”, “Sao gọi là chợ Hồ Xá?”. Mạ tôi không biết. Sau này tôi nghe bác sĩ Dương Đình Châu, một bác sĩ da liễu rất giỏi ở Huế, một người từng du học ở Mỹ trước năm 1975, am tường chuyện Đông Tây kim cổ, mới rõ sự tích những cái tên này.
Theo bác sĩ Dương Đình Châu, tên địa danh Hồ Xá, truông Nhà Hồ có từ thời Hồ Quý Ly vào thế kỷ XV (khoảng năm 1396 – 1400). Khi Hồ Quý Ly không chống nổi giặc Minh xâm lược, phải bỏ tòa thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa chạy về phía Nam. Hồ Quý Ly cùng con trai là Hồ Nguyên Trừng bị quân Minh bắt ở Hà Tĩnh đưa về Tàu. Một toán quân của Nhà Hồ chạy vào phía Bắc sông Minh Linh (tức sông Hiền Lương ngày nay), họ lập làng, thành dân khai khẩn ở đây. Cái làng họ lập đặt tên là làng Hồ, để kỷ niệm một thời loạn theo Nhà Hồ. Rồi làng Hồ có tên Xã Hồ. Sau này gọi lại là Hồ Xá. Truông Nhà Hồ là tên của lối chạy giặc nhọc nhằn, nguy khốn của lính Nhà Hồ...
Tôi thấy giả thuyết này rất có lý. Điều này cũng cắt nghĩa vì sao trong các gia phả tộc họ ở vùng này, tộc Hồ là một trong số ít những tộc họ thuộc bậc tiền hiền, rất đông đảo ở huyện Vĩnh Linh. Giáo sư – Tiến sĩ Tôn Thất Bình (Huế) cũng cho rằng, trước đây truông Nhà Hồ là một vùng đất rộng bạt ngàn, cây cối um tùm, từng là sào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm, ai đi qua đó cũng thường bị chúng bắt bớ, giết chóc để cướp của đòi tiền mãi lộ. Thời bấy giờ có quan Nội tán triều Nguyễn là Nguyễn Khoa Đăng, nổi tiếng thông minh. Biết được mối lo sợ của dân chúng, ông tìm
https://thuviensach.vn
cách đánh dẹp. Một hôm ông cho xe chở lúa và hàng hóa qua truông. Ông cho một người lính ngồi sẵn trong thùng xe chở lúa. Khi bị cướp, người lính ngồi trong thùng xe rải lúa ra dọc đường. Nhờ có dấu lúa rải này, ông đã lần ra sào huyệt của bọn cướp, quan quân tràn vào bắt gọn cả ổ. Từ đó truông Nhà Hồ trở nên yên bình.
Dẹp xong giặc truông Nhà Hồ, quan Nội tán lại tìm cách trị sóng thần phá Tam Giang. Một mặt ông sai người lặn xuống phá, đào bới mở rộng cửa phá trừ sóng dữ. Mặt khác ông cho loan báo trong dân chúng là quan Nội tán sẽ cho dùng súng thần công bắn sóng thần trừ họa. Đến ngày đã định, quan Nội tán đem súng hướng ra phá, ra lệnh bắn. Ba tiếng súng ầm ầm vang lên, khói bốc mù mịt. Những người chứng kiến đều sợ hãi quỳ sụp xuống. Nhưng bỗng trên mặt phá, một luồng đỏ như máu từ từ loang ra. Quan Nội tán bảo với mọi người là sóng thần đã bị trúng đạn chết, từ nay không phải lo sợ nữa. Thực ra thì người của ông đã bí mật lặn xuống và rải phẩm đỏ cho tan dần trong nước. Nhưng truông Nhà Hồ và phá Tam Giang vẫn là nỗi sợ của nhiều người, nhiều thời...
Đấu trí hai bờ Nam – Bắc sông Bến Hải
Vĩnh Linh, một huyện của tỉnh Quảng Trị ở phía Bắc sông Hiền Lương, được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xếp vào loại đặc khu, quan hệ với Trung ương như một tỉnh, gọi là đặc khu Vĩnh Linh. Thời bao cấp, khi hai miền còn chia cắt, cuộc sống dân Vĩnh Linh no đủ lắm. Mỗi lần vô ngoại, tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao làng nội cũng cát trắng, làng ngoại cũng cát trắng, mà khoai làng ngoại củ to hơn. Ăn một củ là no. Tôi hỏi dì Quế. Dì bảo, ở đây khoai trồng nhiều phân, lại có cả phân đạm do Nhà nước bán cung cấp nên khoai tốt. Hèn chi...
https://thuviensach.vn
Cầu Hiền Lương năm 1961.
Vì là “đầu cầu giới tuyến”, để thể hiện tính “ưu việt” của chế độ miền Bắc xã hội chủ nghĩa nên Vĩnh Linh được Nhà nước ưu tiên rất nhiều thứ. Dân có phiếu vải cung cấp mỗi người 5 mét một năm như cán bộ công nhân Nhà nước, được phân phối xe đạp theo giá “cung cấp”. Vì thế mà dân Hồ Xá nhiều người có xe đạp Thống Nhất đi trên đường. Đồng ruộng lúc nào cũng máy cày đỏ chót chạy suốt ngày đêm. Từ đó cũng sinh ra chuyện vòi vĩnh “Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà”. Tức là thợ lái máy cày luôn được Hợp tác xã đãi đằng, chăm sóc. Không đãi thì máy cày chạy chậm rì. Cả ngày không xong thửa ruộng.
Từ những năm 60 – 70 thế kỷ trước, đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải diễn ra những cuộc đấu trí “cân não”. Những cuộc đấu lí, đấu cờ, đấu loa, cả màu sơn cầu cũng “đấu”, diễn ra từ năm 1954 cho tới khi hết chiến tranh. Cuộc “đấu cờ” đầu giới tuyến kéo dài suốt 1.440 ngày đêm. Hễ bờ Nam tăng cao cột cờ, mở rộng lá cờ thì bờ Bắc cũng tăng cao cột cờ, mở rộng lá cờ. Cũng có những lúc, không đấu được với cờ của ta, Chính quyền Sài Gòn đã cho rải bom nhằm đánh sập, làm rách cờ phía bờ Bắc. Cờ được hạ xuống để vá và thay không biết bao nhiêu lần. Theo báo Dân Trí, “chỉ tính riêng từ tháng 5/1956 đến tháng 10/1967, lần lượt 267 lá cờ Tổ quốc đã được treo trên kỳ đài Hiền Lương”.
https://thuviensach.vn
Cờ hai bờ Nam – Bắc sông Bến Hải.
Loa phóng thanh được mắc đến từng thôn dọc sông Hiền Lương. Một dàn loa phóng thanh hướng về bờ Nam sông Bến Hải đấu với dàn loa công suất lớn. Việc đấu loa cũng diễn ra lâu dài và quyết liệt. Hễ bờ Nam tăng công suất loa thì bờ Bắc cũng tăng công suất. Công suất dàn loa lớn đến nỗi có thể làm vỡ tan cửa kính cách đó 100 mét.
Trước nhà trưng bày Vĩ tuyến 17 còn lưu lại những chiếc loa phóng thanh lớn.
https://thuviensach.vn
Dân Hồ Xá – Vĩnh Linh được nghe đài suốt ngày đêm. Cứ mỗi lần đài giới thiệu nghệ sĩ Châu Loan ngâm thơ là làng nào cũng náo nức tập trung đông nghịt ở sân kho hợp tác để nghe. Vì Châu Loan là người xã Vĩnh Giang ở ngay bờ Bắc sông Hiền Lương. Bà có giọng ngâm thơ đầy ma lực, hay hơn hẳn em gái là Châu Phụng ở đài Sài Gòn. Chúng tôi yêu bà và tự hào vì bà là đồng hương, đến nỗi ai không mê giọng ngâm của Châu Loan, chúng tôi đều cho là người xấu.
[1] Cất nôốc: (tiếng địa phương) nôốc là thuyền.
[2] Bợc sóng: (tiếng địa phương) nghĩa là bậc, chỗ đất liền tiếp nước.
[3] Xăm trũ: (tiếng địa phương) là lưới đánh cá cơm, cá trích.
https://thuviensach.vn
2. Thời đói kém cả làng
Có thể nói tôi vừa nứt mắt đã thấy bao cấp. Ăn bao cấp, mặc bao cấp, đi lại, họp hành, sinh sống, đều bao cấp. Một cuộc sống không có gì để so sánh. Chỉ biết đói khổ mà không biết vì sao. Cả tuổi thơ tôi, cái đói dai dẳng vào sâu cả trong giấc chiêm bao.
Hồi đó làng tôi không có Cửa hàng Mậu dịch Quốc doanh, chỉ có Hợp tác xã mua bán. Hợp tác xã mua bán làm ăn èo uột lắm. Có cái gì trên đưa về thì bán như vải, giấy học trò, xà phòng... Hết lại ngồi chờ. Có thời gian “trên” phân về cho Hợp tác xã mua bán Ngư Thủy mấy chục két bia chai nhãn hiệu Hà Nội. Mỗi chai năm hào. Ngư dân làng tôi cả đời chưa biết bia là gì, cũng mua uống thử. Ai uống vào cũng liền nhổ ra và kêu: “Oa chà... Như nước đái bò!”. Cửa hàng Hợp tác xã mua bán phải chở lên huyện trả lại cho mậu dịch huyện.
Hàng hóa, thứ cần mua, Hợp tác xã mua bán lại không có, còn thứ không cần nhiều, thứ lặt vặt đếm không hết. Thằng cháu nội thân của tôi là Q. (đã mất) nhiều năm làm kế toán trưởng của cái Hợp tác xã mua bán ấy. Nó không xơ múi được gì nhiều về kinh tế, bù lại nó được tham ô “bóng tối”. Vì ban đêm người bán hàng phải ngủ lại để canh hàng, nó ngủ với nữ nhân viên này sang nữ nhân viên khác..., đẻ ra tới vài đứa con rơi.
Những năm 1979 – 1986, chế độ bao cấp lên đến cực điểm. Cả nước đói kém. Kho Nhà nước trống rỗng. Không đủ lương thực để cung cấp nên chế độ sổ gạo của ngư dân bị cắt. Thế là làng tôi lại lâm vào cảnh đói kém, phải chạy ăn từng bữa... Chẳng biết làm gì để ra đồng tiền chi tiêu hàng ngày. Người dân quê tôi bảo: “Ở biển, cứ ướt dái là có cái ăn”. Đi dọc bờ sóng một vòng cũng kiếm được con gì đó ăn được. Nhưng rồi tới lúc nhúng ướt toàn thân cũng chẳng kiếm được gì. Mùa xuân, mùa hạ còn ra biển
https://thuviensach.vn
kiếm ít tôm cá. Mùa thu, mùa đông biển động, phải ngồi ở nhà, hết nhìn ra biển lại nhìn mặt nhau.
Chiếc xe đạp của anh Chóc
Ở làng Thượng Luật của tôi thời bao cấp có nhiều chuyện vui lắm. Vui nhất là chuyện anh Chóc tập xe đạp.
Anh Chóc là chủ tịch xã, lấy chị Hổ, con bác ruột tôi. Chủ tịch xã Ngư Thủy mỗi lần đi họp ở Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy phải mang xắc-cốt đi bộ 20 cây số vượt hai động cát cao lên Thượng Phong. Phải dậy từ hai giờ sáng, đi bộ đến 7 giờ mới kịp vào họp. Họp xong, lại lóc cóc đi bộ về 20 cây số nữa. Cực lắm. Thương cán bộ, thương nghiệp huyện ưu tiên cấp cho anh Chóc chiếc xe đạp Thống Nhất.
Thời ấy, chiếc xe đạp Thống Nhất là cả một gia tài. Anh Ngô Văn Ngoãn là anh con cô con cậu với tôi. Năm nay (2016), anh 82 tuổi. Hồi năm 1967, anh là cán bộ thủy sản ở Hải Phòng. Anh cũng được cấp một chiếc xe đạp Thống Nhất với giá 190 đồng (lương công chức cán sự 3 là 64 đồng, tốt nghiệp trung cấp ra trường, được biên chế chính thức là 56 đồng một tháng). Nghĩa là giá xe đạp cao gấp ba lần tháng lương cán sự 3. Chiếc xe đạp được cấp chỉ có khung, lốp, xích, líp, phanh, bàn đạp. Không có phóc-pa-ga, gác-đờ-bu, chắn xích. Muốn có phải thêm vài ba chục đồng nữa, cửa hàng sẽ lắp thêm hoàn thiện cho. Như vậy giá chiếc xe đạp Thống Nhất lên tới 220 đồng. Anh Ngoãn được đi du học ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, anh bán lại cho người khác chiếc xe được 800 đồng. Chừng ấy tiền có thể dựng được cái nhà rường cột gỗ ba gian hai chái lợp ngói ở làng tôi. Đúng là một gia tài!
https://thuviensach.vn
Xe đạp Thống Nhất nam và nữ. Xe đạp cũng phải đăng kí biển số xe
Xe đạp cũng phải có giấy chứng nhận sở hữu kèm với biển số xe như ôtô, xe máy
Anh Chóc là người có xe đạp đầu tiên của làng cát Thượng Luật. Cấp không, tiền huyện trả. Giá xe đạp Thống Nhất hồi đó hơn 200 đồng một chiếc, bằng 5 tháng lương cán bộ mới vào biên chế Nhà nước. Anh chị tôi làm sao có chừng ấy tiền để mua. Cầm cái phiếu cấp xe đạp mới, anh Chóc mừng hết lớn luôn.
Anh Chóc đi lên huyện nhận xe đến bốn ngày mới về. Đầu tiên là đến Cửa hàng Công nghệ phẩm chợ Tréo trình giấy phân phối xong, nhận xe, rồi dắt xe sang Công an huyện đăng ký xin cấp biển số xe. Xe đạp hồi bao
https://thuviensach.vn
cấp phải đăng ký biển số như ô tô, không đăng ký sẽ không được lưu hành. Vì chưa bao giờ đi xe, anh Chóc đi đâu cũng phải dắt xe theo. Mà dắt cũng khó vì ống chân hay bị bàn đạp đập vào đau điếng. Biển số xe đạp thời bao cấp 15cm x 7cm, số chữ ký hiệu địa phương, ví dụ Quảng Bình thì in QB, rồi số thứ tự xe. Người ta thường gắn biển đăng ký ở dằng ngang khung xe nam hoặc sau yên ngồi xe đạp nữ.
Thời bao cấp, không riêng gì xe đạp, cả máy chữ, máy thu thanh (gọi là đài) đều phải đăng ký và được cấp giấy phép mới được sử dụng. Những thứ đó ai không đăng ký sẽ bị tịch thu, dễ bị quy là phản động. Thời kỳ đầu bao cấp (từ 1954 – 1960), người dân không có máy đánh chữ, tất cả máy chữ thu được thời Pháp đều được sung công, đưa vào sử dụng ở các cơ quan Nhà nước. Ngay cấp xã cũng không có máy chữ, chỉ có các phòng ban huyện trở lên mới có loại máy chữ quý hiếm này. Vì thế, tất cả các văn bản đánh máy bằng giấy pơ-luya đều được coi là của chính quyền, không cần biết có dấu đỏ hay không.
Thời bao cấp, cả máy chữ, máy thu thanh (gọi là đài) đều phải đăng ký và được cấp giấy phép mới được sử dụng
Đăng ký xe, gắn biển số xong, anh Chóc phải dắt xe 20 cây số từ Mũi Viết qua đường Quốc lộ 1A, đến Thanh Thủy, rồi Hưng Thủy, mới vượt
https://thuviensach.vn
Động Cao, Động Thấp (tên của hai dãy núi cát) về làng biển. Làng tôi thời ấy chỉ có cát, chưa có đường cấp phối hay đường nhựa như bây giờ để tập xe. Cả làng không một ai biết đi xe đạp, trừ anh Ngoạn nhưng anh Ngoạn cũng đã ra khỏi làng, du học Bắc Triều từ lâu rồi. Tới thời chống Mỹ, người ta làm đường cấp phối cho C Gái kéo pháo, nhờ đó dân làng có đường đất tập xe đạp, nhiều người mới biết đi xe đạp.
Dắt xe đạp đi 20 cây số, vác nó lội cát thêm mấy cây, mang được chiếc xe đạp về làng quả là một kì công. Anh Chóc mang xe về nhà. Có cái xe để trong nhà, khách tới ngắm cũng oai ra phết. Ngắm mãi cũng chán, không biết đi xe đạp, đi họp vẫn phải cuốc bộ. Dân làng gặp anh hỏi trêu: “Ủa, xe đạp mô không lấy đi?”. Anh ngượng muốn chết. Hai tháng sau, anh Chóc quyết định tập đi xe đạp.
Để mọi người khỏi thấy, đêm trăng mờ mờ, anh Chóc dắt xe xuống bãi sóng, chờ thủy triều xuống mới tập xe trên cát ướt. Bãi cát ướt ấy cứng chặt không khác gì đường nhựa. Mấy đứa con reo hò đẩy phía sau. Anh vừa ngồi lên xe, vừa đạp bánh xe lăn được mấy vòng thì chiếc xe như con ngựa bất kham lao vùn vụt ra bợc sóng. Cả người cả xe rơi xuống biển, ướt như chuột lụt.
Anh Chóc tập xe đạp là một sự kiện của làng tôi. Dân làng đổ ra bờ biển đứng xem. Khi thấy chủ tịch xã ngã sóng soài, mọi người vỗ tay rần rần. Anh Chóc ngượng quá, vác xe đạp lủi thủi về nhà. Từ đó anh không tập xe ở bãi biển nữa. Anh nghĩ ra một cách tập xe mới. Anh lấy dây thừng treo hai đầu chiếc xe lên xà ngang nhà, rồi trèo lên tập đạp và bẻ tay lái trên không trung giống y chang đang đi trên đường vậy, trông quyết tâm lắm. Hàng ngày, vào hai buổi sáng – chiều, anh Chóc trèo lên tập đạp xe hơn tiếng đồng hồ mới nghỉ.
Đạp xe treo như vậy được 15 ngày đã nhuyễn chân rồi, anh Chóc tin tưởng là mình đã đi được xe đạp. Vào lúc có giấy huyện triệu tập họp, anh Chóc vác xe 7 cây số đường cát vào Chợ Mai, định đạp xe thủng thẳng dọc
https://thuviensach.vn
Quốc lộ 1A lên huyện. Nhưng, anh vừa dấn bàn đạp trèo lên, chưa kịp đạp cái nào, chiếc xe đã lao như tên bắn xuống ruộng. Cả người cả xe ngập trong bùn nhoe nhoét. Anh tức quá, văng tục, rồi không thèm họp nữa, vác xe về treo lên xà nhà như cũ, không bao giờ màng tới nữa.
Chiếc xe đó khi máy bay Mỹ ném bom xăng, bom bi đốt làng tôi để trả thù cho tàu chiến của chúng bị C Gái bắn cháy, nó bị thiêu cùng với ngôi nhà của anh Chóc. Âu cũng là một kỷ niệm nhớ đời. Mỗi lần nhớ lại chuyện tập xe của anh Chóc, tôi lại cười tủm tỉm một mình.
Mạ tôi “phá bỏ” bao cấp
Mạ tôi là người đầu tiên trong làng biết phá thế bao cấp. Mạ tôi chẳng biết gì là bao cấp với kinh tế thị trường, mạ chỉ biết mỗi câu: “Đói thì đầu gối phải bò”.
Mạ tôi không biết chữ. Anh em tôi bày mãi mạ mới biết ký chữ ký của mình. Nhưng mạ đã cung cấp cho bà con làng tôi bao nhiêu niềm vui, hơn cả Hợp tác xã mua bán.
Cảnh dựng lại một Cửa hàng Hợp tác xã mua bán ở nông thôn.
Tháng 3 âm lịch năm 1956, ba tôi bị đội cải cách ruộng đất quy là địa chủ và bị xử tử hình. Địa chủ mà chỉ có hai chiếc thuyền và mấy vàng lưới trũ, mấy vàng câu và gian nhà rường lợp tranh ba gian hai chái. Giá trị không bằng cái xe máy tay ga bây giờ. Mạ khóc hết nước mắt. Bà bị bất ngờ vì ba mạ tôi từng nuôi cả trung đội bộ đội Việt Minh huyện hàng tháng
https://thuviensach.vn
trong nhà. Ba tôi bỏ tiền mua hai khẩu móc-chê (súng cối 60 ly), súng trung liên cho dân quân xã Hưng Đạo đánh Pháp. Mạ từng bỏ lựu đạn dưới gánh cá, gánh vào chợ Chè ở Hồng Thủy giả đi bán cá, để dân quân diệt thằng đồn trưởng đồn Hòa Luật. (Mạ tôi được tặng bằng khen trong kháng chiến chống Pháp do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký).
Sau khi gia đình được “sửa sai”, trả lại thành phần trung ngư, nhưng không trả lại nhà cửa và các thứ tài sản bị đội tịch thu chia “quả thực” cho người nghèo cốt cán trong làng. Nhà tôi năm miệng ăn, mạ thấy tình thế khó sống liền xin Ủy ban nhân dân xã mở một cái quán hàng nhỏ, nhưng chính quyền không cho. Mạ đành làm người ăn mày dọc biển. Hàng ngày mạ vác cái rổ con đi dọc bãi biển xin cá. Ngư dân có tập tục là các sản phẩm của biển làm được về không nên ăn một mình, phải san sẻ cho những người ăn xin, vì đây là lộc biển. Nhờ vậy mạ con tôi có cái ăn qua ngày, không chết đói. Đi ăn xin như thế thấy nhục quá, mạ chuyển sang nghề chạy chợ. Chạy chợ là suốt ngày đôi quang gánh trên vai, không mở cửa hàng tư nhân nên chính quyền không cấm.
Ở đâu cũng có những khẩu hiệu vần vè nhắc nhở mọi người giữ bí mật, nâng cao cảnh giác
Mạ buôn chè xanh, thơm (dứa), quả mận quân, mít xanh, mít chín... từ chợ Huyện, quê ngoại Vĩnh Linh, gánh về làng biển đổi cá cho bà con trong làng. Cá ngừ, cá thu cắt miếng kho, các loại cá cơm, cá duội, cá nục... phơi
https://thuviensach.vn
làm cá khô hoặc làm mắm nêm, nước mắm... rồi gánh đi chợ Tréo, chợ Mai, chợ Hôm Trạm, chợ Chè khắp huyện Lệ Thủy lội bộ năm sáu mươi cây số. Từ làng tôi đi chợ Tréo gần 20 cây số, phải trèo động cát tới 6 cây số, gánh nặng phải đi 5 tiếng đồng hồ mới kịp giờ họp chợ. Mạ tất bật suốt ngày, phải dậy từ hai giờ sáng, đến tối mịt mới về. Về nhà lại bán muối, dầu hỏa thắp sáng, nến cúng... cho bà con trong làng. Cả làng tôi thiếu cái gì là đến “nhà mụ Vượng” (tên mạ tôi là Đào Thị Tam, ở quê tôi gọi tên phụ nữ có chồng theo tên con đầu, chị đầu của tôi tên là Ngô Thị Vượng, lúc đó đã đi lấy chồng, ở nhà chồng), khuya mấy cũng mua được.
Mỗi dịp Tết mạ tôi gánh đến cho người làm ruộng miền nông (khu vực nông nghiệp, quê tôi gọi là kẻ roọng[4] – ruộng) những chai nước mắm ngon, gọi là nước mắm chắt, nước mắm nhĩ, tức là loại nước mắm cốt từ trong chượp chắt ra, nhĩ ra tự nhiên. Rồi những con mắm nục, mắm trích thính thơm phức, những khúc cá ngừ, cá thu kho thơm lựng. Tết mạ gánh về cho bà con làng biển Thượng Luật nghèo là bó chè xanh, quả thơm, quả mít chín, gạo nếp, và bao nhiêu thứ kẹo bánh cho trẻ con như: kẹo bi, kẹo bột đậu bọc giấy bóng xanh đỏ tím vàng, kẹo cứt gà (kẹo nấu bằng đường thủ công tẩm bột nâu, đen đen trăng trắng như viên cứt gà khô trên cát); các thứ bánh để thờ trên bàn thờ ngày Tết như bánh in bọc giấy bóng xanh đỏ, bánh ít; lá dong, lá chuối bán cho các nhà gói bánh chưng, bánh tét.
Ngày Tết, cửa hàng Nhà nước đóng cửa, vì cửa hàng chủ nghĩa xã hội, kinh doanh buôn bán kiếm lời được cho là hành vi xấu xa. Sáng mùng Một Tết, mạ tôi làm các loại bánh, gánh ra chỗ vui chơi xuân bán cho thanh thiếu niên. Mạ làm bánh nổ bằng thóc nếp rang cho nổ bung, sảy vỏ rồi cho vào nấu với nước đường, thêm tí va-ni, tí bột đao, ép khuôn cắt thành từng vuông nhỏ, hoặc vắt tròn như quả mận. Ăn ngọt mà giòn rụm. Mạ còn nấu bánh đúc bằng gạo mùa mới gặt. Nấu cho nhuyễn, thêm gia vị tiêu hành rồi đổ ra cái mâm thau, đợi bánh nguội, cắt thành từng miếng hình thoi, xếp vào thúng lót lá chuối, gánh đi bán. Bánh đúc chấm nước lèo ăn no vẫn thòm thèm.
https://thuviensach.vn
Thời bao cấp “đói kém cả làng” ấy, mấy anh em tôi nhờ có mạ đi buôn bán mà bữa ăn có cơm, có thịt, cá, có bún, bánh mướt để ăn, có kẹo cu đơ, kẹo “cứt gà”... để cho mấy đứa con hàng xóm. Đặc biệt là nhờ mạ đi chợ hay vô hiệu sách ở chợ Tréo, chợ Huyện mua sách về, mấy anh em tôi có sách để đọc. Tủ sách nhà tôi có cả mấy ngàn cuốn sách, trường học ở xã cũng không thể nhiều sách như thế! Có lẽ nhờ cái tủ sách ấy mà tôi lớn lên có kiến thức rộng hơn, sâu hơn các bạn cùng làng đi học để làm người viết văn, viết báo... Giá ai cũng như mạ tôi, biết bỏ bao cấp từ sớm thì dù có chiến tranh, cuộc sống vẫn không đến nỗi nào.
Ngư phủ Trung Quốc
Kể chuyện thời bao cấp ở làng mà không kể chuyện các “đồng chí ngư dân” Quảng Đông, Trung Quốc đã ăn cơm, uống nước làng tôi thì uổng lắm.
Đó là mùa đông năm 1967. Tôi đang học lớp 9 ở trường cấp ba của huyện, Chủ nhật về nhà với mạ. Đang đêm, đài quan sát của dân xã phát hiện ra một chiếc tàu lớn đang tiến dần vào vùng biển làng tôi. Đài quan sát tưởng là tàu chiến Sài Gòn từ miền Nam ra hay tàu Mỹ từ biển Đông vào khiêu khích. Biển đang mùa động, sóng to lắm. Mấy trung đội dân quân xã Ngư Thủy được lệnh báo động thức sẵn sàng chiến đấu suốt đêm. Làng tôi chỉ cách cảng Cửa Việt 30 cây số, ở đó tàu chiến của Mỹ và quân đội Sài Gòn rất nhiều loại tàu hiện đại. Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy cũng hướng bốn khẩu súng 85 ly nòng dài vào con tàu lạ, đã đo đạc xác định tọa độ, phương vị rất cẩn thận... Tất cả sẵn sàng chờ nổ súng.
Nếu ta nổ súng thì chiếc tàu tan tành ngay. Nhưng thấy dáng con tàu vật vờ trên sóng như đang trôi, không có vẻ gì là sắp đánh nhau cả. Chị Ngô Thị The, đại đội trưởng C Gái bàn với chính trị viên Ngô Thị Thản chờ đợi, chưa ra lệnh nổ súng. Trời sáng dần. Con tàu trôi vào gần bờ hơn, rồi mắc cạn. Người trên tàu lố nhố. Từ trên tàu họ ném xuống một chiếc thuyền nan nhỏ với hai người chèo vào bờ. Đại đội trưởng dân quân xã lúc
https://thuviensach.vn
đó là anh Nguyễn Văn Thược từ hầm quan sát cử hai dân quân mang súng AK xuống bờ sóng gặp họ. Hơn ba mươi người cứ giơ hai tay lên trời như thể đầu hàng. Rồi họ hoa tay múa chân nói tiếng xì lồ xì lào, chẳng ai nghe được gì cả.
Mọi người đoán chắc là người Trung Quốc hoặc Đài Loan gì đó. Vì phim Trung Quốc chiếu ở làng cũng nói những thứ tiếng như thế. Mấy anh dân quân đi gọi ông Ngô Văn Toản, ông anh con cô con cậu với tôi và ba đứa học sinh cấp ba là tôi, Nguyễn Văn Bạo, Ngô Văn Vựng đang học tiếng Trung ở trường cấp ba Lệ Thủy vào chỗ con tàu mắc cạn để “đối thoại”. May ngày đó là Chủ nhật, chúng tôi về nhà. Bác Toản thì viết thứ chữ Hán cũ, họ chẳng hiểu gì cả. Mấy đứa tôi mới học tiếng Trung, họ nói mình chẳng nghe được gì, nhưng có câu họ nói họ là người Trung Quốc, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì chúng tôi nghe được (Ửa sư chung cứa rấn, Trung hóa rấn mín cung hứa quớ).
Chúng tôi đề nghị xã lên trường cấp ba mời thầy Ngữ về. Thầy người Hà Nội, dạy tiếng Trung Quốc, thầy sẽ nói chuyện được với họ. Hôm sau thầy Ngữ đạp xe về. Thầy bảo họ có 37 người, trong đó 36 người là ngư phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, một người là giáo viên dạy tư tưởng Mao Trạch Đông của tàu. Ngư phủ Quảng Đông không biết tiếng Bắc Kinh, họ nói tiếng Quan thoại. Chỉ ông thầy giáo dạy tư tưởng Mao trên tàu mới biết tiếng Bắc Kinh. Ông nói chuyện với thầy Ngữ.
Lần đầu tiên tôi thấy người Trung Quốc. Trời đất ơi, trong tâm trí tôi lúc đó, Trung Quốc là nước giàu có và rất vĩ đại. Cán bộ xã nói chuyện với dân hay nhắc: “Liên Xô, Trung Quốc là hai người anh vĩ đại của phe xã hội chủ nghĩa, luôn luôn vì đứa em Việt Nam...”. Tôi lúc đó đã từng đọc Tây du ký, Hồng lâu mộng, Thủy hử, Rừng thẳm tuyết dày..., đọc thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ... nên yêu văn học Trung Quốc lắm. Thế mà tất cả ngư phủ Trung Quốc ấy trước mắt tôi đều gầy nhom và đen nhẻm, y như người suy dinh dưỡng. Trừ anh giáo viên dạy tư tưởng Mao Trạch Đông mặc quần áo ít
https://thuviensach.vn
mảnh vá hơn, còn tất cả ngư dân trên tàu không có lấy một bộ quần áo nào lành lặn. Mỗi người hai bộ vá chằng vá đụp. Cứ như là áo quần họ may từ giẻ rách vậy. So với họ, ngư dân làng Thượng Luật của tôi tươm tất hơn nhiều.
Sau khi biết nơi tàu họ dạt vào là đất thuộc về Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người nào cũng rút trong túi trên ngực áo ra, giơ cao cuốn Mao tuyển bìa đỏ chót, nhỏ bằng bàn tay, giấy láng coóng. Nghe thầy Ngữ nói, người Trung Quốc khi đọc Mao tuyển, nhảy xuống biển không cần phao cũng nổi, không chết bao giờ. Nhưng trước mắt tôi, hình ảnh cuốn Mao tuyển đỏ chót sang trọng và những tấm thân tàn đói rách của họ sao mà phản cảm. Tôi bỗng nhiên thương những ngư phủ ấy. Nghe nói sau đó họ được xã đưa lên huyện. Huyện Lệ Thủy may cho họ mỗi người hai bộ quần áo đàng hoàng rồi đưa xe chở ra tỉnh để trả họ về nước bằng con đường ngoại giao. Còn con tàu mắc cạn thì nằm lại đó, bị cát biển lấp lần. Sau này hình thành một xóm dân ở đó, gọi là xóm Tàu.
Ðội nữ pháo binh Ngư Thủy, còn gọi là C Gái.
Sau này, thấy cảnh Trung Quốc xua 60.000 quân rầm rộ tấn công sáu tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, đốt phá, giết người man rợ, rồi chiếm quần đảo Hoàng Sa, chiếm đảo Gạc Ma ở Trường Sa của ta, nhớ lại việc bà con dân làng Thượng Luật mình đối đãi tử tế với ngư phủ Trung Quốc mà ức!
https://thuviensach.vn
Thông tin như dân Quảng Nam, Quảng Ngãi đi đánh bắt xa bờ ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc đâm chìm, người bị giết, tài sản bị bọn cướp tịch thu... ngày càng nhiều. Bây giờ, đêm đêm dân quân làng tôi lại phân công nhau thức canh gác biển, đề phòng bọn Tàu xâm nhập...
Phim về làng
Chuyện rất ấn tượng nữa thời bao cấp ở làng tôi là xem phim. Những ngày đó ở Quảng Bình có nhiều đội chiếu bóng lưu động, ví như đội chiếu bóng lưu động số 17 (còn gọi là số 175), đội chiếu bóng số 111... Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã kể: “Thời này các đội chiếu bóng di chuyển bằng xe ba gác hoặc đòn khiêng, chiếu phim ở vùng nào dân vùng đó chịu trách nhiệm vận chuyển. Nghe tin có phim, địa phương liền cắt cử dân công đi đón đội chiếu bóng, có khi phải đi năm bảy ngày, trèo đèo lội suối mới đem được phim về, vất vả lắm nhưng tuyệt không ai kêu ca. Có phim là phúc đức rồi, nhiều nơi vùng sâu vùng xa chẳng hề biết phim trú là gì”.
Một góc Rạp Tháng 8 Hà Nội
Đúng như vậy. Thường một năm vài lần đội đem phim về chiếu ở xã tôi. Đó là một ngày hội của làng. Các thôn Liêm Lấp, Liêm Vàng, Tây Thôn, xa 17, 18 cây số, trẻ con, người lớn cũng bới cơm ra trung tâm xã, tức làng Thượng coi phim. Mỗi lần phim về, Hợp tác xã phải cử 12 thanh
https://thuviensach.vn
niên trai tráng vượt 7 cây số động cát lên Quốc lộ 1A, khiêng vác máy nổ, máy chiếu, màn ảnh về. Hai đêm chiếu phim xong lại khiêng máy vượt Động Cao, Động Thấp lên trả cho chiếc ô tô đang chờ ở đó để họ chở đoàn chiếu phim đi chỗ khác.
Đoàn chiếu phim về, xã phải làm cơm cho họ ăn. Ngày xưa chẳng có tiệc tùng bia bọt gì, chỉ con gà, xị rượu quê là ổn!
Mỗi khi phim về, mạ tôi nấu cơm sớm để anh em tôi đi xem. Loa phóng thanh thông báo: “Hôm nay đội chiếu bóng lưu động số 175 sẽ phục vụ bà con hai bộ phim thời sự và phim truyện...”. Chúng tôi háo hức ra bãi từ khi chưa tắt mặt trời để giành chỗ ngồi trước. Ngồi mãi đến gần tám giờ tối người ta mới loa: “Buổi chiếu bóng xin phép được bắt đầu”. Máy chạy rè rè. Màn ảnh sáng lên. Gió biển lay cái màn ảnh phần phật như lá cờ đang kêu gọi. Đứa nào cũng mừng rơn, ngóng cổ lên màn hình.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã kể rất đúng tình trạng phim ảnh thời này, tôi xin chép ra đây để mọi người cùng đọc: “Rất ít khi được xem phim tâm lý của Đông Đức hay Ba Lan vì các phim này được xem là phim đồi trụy. Thỉnh thoảng vẫn lọt ra vài phim, hôn nhau chán chê, chàng ấn nàng xuống rồi chuyển sang cảnh “xong rồi”, chỉ thế thôi nhưng dân chúng sướng mê man. Đôi khi chàng kéo tay nàng hoặc bế xốc nàng chạy vào buồng trong rồi chuyển sang cảnh “xong rồi”. Bất kì khi nào đến đoạn chàng kéo nàng vào buồng trong, thể nào cũng có vài chục người cả con nít lẫn thanh niên chạy rật rật ra sau màn chiếu, hy vọng mục sở thị cái buồng trong ấy, hi hi”.
“Bà Thiển ở sau nhà mình chưa bao giờ đi xem phim, thằng cu Hải con bà khóc lên khóc xuống đòi đi cho bằng được. Bà chạy sang nhà mình hỏi mạ mình, nói phim có hay không thím. Mạ mình mắt trợn tay khua, nói oa chà, phim không hay thì cái chi hay. Bà Thiển nghe nói vậy là dắt cu Hải đi liền. Bữa đó chiếu phim chiến đấu Liên Xô, mới xem bà thích lắm, nói cha tổ, răng mà tài rứa hè. Được vài ba phút, bom nổ pháo bắn tứ tung, bà
https://thuviensach.vn
hoảng hồn vội vàng kéo thằng Hải ra về, nói ẻ quẹt không xem nữa, về mau không tên bay đạn lạc”.
Còn rất nhiều chuyện vui tương tự. Mỗi tội mở đầu buổi chiếu bao giờ ông chủ tịch xã cũng phát biểu “huấn thị” bà con. Huấn thị là “mốt thời đại” của lãnh đạo thời đó. Mấy vị lãnh đạo thôn, xã nói như đọc thuộc lòng sách chính trị, y như ông lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh nói với họ. Hồi đó ông Hoài là chủ tịch xã. Ông Hoài tên họ đầy đủ là Nguyễn Quang Cháu. Làng tôi gọi ông Hoài là gọi theo tên con gái lớn của ông. Ông là một trong những chủ tịch xã Ngư Thủy quê tôi có tài hùng biện nhất. Ông có thể nói vo suốt đêm, suốt ngày. Ông làm chủ tịch xã lâu nhất, từ sau Cải cách ruộng đất đến Chiến tranh phá hoại (1965) mới thôi. Nên bà con làng xã chịu “bệnh nói” của ông dài nhất. Nhất là lũ trẻ chúng tôi khi có phim lưu động về. Ông mở đầu cuộc nói bằng cái đằng hắng, rồi lên giọng: “Hôm nay tôi xin nói với bà con ba điểm cần quán triệt... Điểm thứ nhất là...”. Ông nói tới chục cái “điểm thứ nhất là...” rồi sáu bảy lần “điểm thứ hai là...” hết hơn tiếng đồng hồ.
Tôi ngủ quên lúc nào không biết. Anh Ninh lay tôi dậy thì nghe ông đang nói “điểm cuối cùng...”. Tôi nghe đến mấy lần “điểm cuối cùng” thì ngủ luôn ở bãi chiếu phim cho đến sáng, anh lay cũng không dậy được nữa. Sáng dậy mới biết hôm qua mình đi xem phim. Hàng chục lần như thế. Không có lúc nào bọn trẻ chúng tôi thức đến khi có phim truyện cả. Sau này về quê, gặp ông Hoài đã già, tôi nhắc lại chuyện coi chiếu phim, nghe ông phát biểu “huấn thị”. Ông cười khề khề: “Nghề chủ tịch xã là nghề nói mà, nghề nói mà...”.
[4] Kẻ roọng: (tiếng địa phương) đó là cách người làng tôi gọi người miền nông.
https://thuviensach.vn
3. Ký ức học trò
Sau hòa bình năm 1954, xã tôi hoàn toàn không có trường lớp. Phong trào bình dân học vụ không về tới làng tôi. Cả làng tôi mù chữ, đúng hơn làng tôi chỉ có cát và cá, không có chữ. Trong làng có đôi ba người biết chữ đã theo cách mạng hoạt động, hòa bình lập lại đều công tác ở huyện. Ba năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tức là năm 1957, làng tôi vẫn không có trường học. Duy nhất có anh Ngô Văn Khương được ba tôi cho đi học văn hóa vùng tự do Dương Thủy cách nhà 8 cây số từ năm 1952. Mỗi sáng ôm sách vở đi 8 cây số đến lớp. Anh tôi học hết lớp 4 thì bỏ học. Rứa mà được cho là người có học nhất làng.
Người thầy đầu tiên
Người khai sinh ra “nền giáo dục” ở xã tôi là thầy Quảng Bá Hùng, người Hội An, Quảng Nam. Thầy Quảng Bá Hùng tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm Hải Dương, xung phong vào Quảng Bình nhận công tác. Về vùng gió Lào cát trắng, vùng đất “Ô Châu ác địa” (Quảng Bình là đất Ô Châu/ Ai đi đến đó quẩy bầu về không) đã khổ rồi, thầy lại tình nguyện về xã biển góc Nam tỉnh đang mù chữ để mở trường, càng gian khổ gấp bội.
Được Phòng Giáo dục huyện thông tin là có thầy Hùng về mở trường, chủ tịch xã cùng bà con cô bác lên tận Động Cao đón. Ai cũng hồ hởi phấn khởi. Cả làng tôi không ai có xe đạp. Thầy nghèo, mới ra trường, cũng không có xe đạp, thầy phải cuốc bộ leo hai động cát cao từ làng Thượng Luật vào Quốc lộ 1A hết 7 cây số, lên huyện thêm 13 cây số nữa để họp, để nhận lương, để xin ý kiến ở Phòng Giáo dục. Tháng nào cũng phải cuốc bộ ba bốn lần như vậy. Đời tôi không thấy thầy nào chấp nhận đi dạy vất vả như thầy Hùng.
https://thuviensach.vn
Thầy Hùng ở nhà của o (cô) ruột tôi tên là Ngô Thị Cọt. Tên Cọt vì o là con út. O coi thầy như con. Làng tôi nghèo lắm, nhà nào cũng ăn khoai, sắn với mắm, cơm lưng bát chỉ dành cho trẻ nhỏ. O dượng cũng ăn khoai, nhưng bao giờ cũng dành cho thầy mỗi ngày một bát cơm nhỏ với quả trứng hay con cá đối. Thầy không chịu ăn cơm, chỉ ăn khoai với sắn như o dượng. Thầy cùng với thầy Trần Đình Thôi, cũng người Quảng Nam, cùng bà con cả tháng trời chặt gỗ dương (phi lao), cắt cỏ rười đánh thành tranh để lợp trường. Chặt những cây gỗ dương to, xẻ ra đóng bàn ghế. Mồ hôi mồ kê thầy ướt đẫm nhưng lúc nào cũng cười rất tươi. Thầy hô bài chòi (một hình thức văn nghệ dân gian quê thầy) rất hay, đánh bóng chuyền rất giỏi. Thầy có cái đàn măng-đô-lin, buổi chiều nào cũng mang xuống biển ngồi đàn hát với học trò, làm cho làng biển heo hút quê tôi bỗng nhiên sôi động hẳn lên.
Giờ dạy học đầu tiên của trường cấp một Ngư Thủy (hồi đó cấp một gồm các lớp 1, 2, 3, 4 theo hệ 10 năm của Liên Xô), thầy Hùng phải cầm tay từng học trò viết từng nét chữ cái a, bờ, cờ, i tờ, tờ i ti... Lứa học trò được thầy Quảng Bá Hùng “khai sáng” như Ngô Tấn Ninh, Ngô Phú Cường, Ngô Minh Tuân, Ngô Văn Chắc, Ngô Thanh Phơ, Nguyễn Ngọc Mạnh (2 anh Phơ, Mạnh bộ đội đã hi sinh ở chiến trường Khu 5 trong chống Mỹ)... Đó là “thế hệ vàng” của làng tôi. Do nhà nghèo, không ai được học lên cấp ba, đại học, nhưng ai cũng mê đọc sách, làm thơ, bàn luận văn chương sâu sắc, lại biết đàn sáo, và có hoa tay, trang trí đám cưới, cắt khẩu hiệu rất giỏi.
Thầy Hùng viết chữ rất đẹp, lại nắn nót cẩn thận. Thầy bảo: “Cái chữ là nết người. Các em phải học viết chữ cho đẹp, đàng hoàng”. Học trò đua nhau viết theo thầy. Thầy chỉ dạy ở Ngư Thủy 7 năm (1957 – 1963), nét chữ của thầy đã truyền qua bao nhiêu thế hệ học trò làng biển, ai cũng viết chữ đẹp, bay bướm. Đến các em học sinh hôm nay vẫn viết giống nét chữ thầy Hùng 50 năm trước.
https://thuviensach.vn
Thầy Hùng còn đi biển đánh cá, kéo khuyếc với bà con ngư dân làng. Thầy dẫn học trò đi trồng cây phi lao trên cát để chắn gió, để “có màu xanh mà nương tựa”. Năm 1960, xã tôi có ông Ngô Xuân Mốc được phong Anh hùng Lao động vì có thành tích trồng cây chắn cát. Thầy Hùng ra nhà Anh hùng Mốc xin cây phi lao giống, rồi thầy đào hố, chặt bổi, nhồi phân bò, phân lợn bằng tay, học trò thì xách cây phi lao bỏ xuống hố. Dân làng tôi ai cũng tặc lưỡi khen: “Thầy Hùng cao ráo, đẹp trai mà lao động không sợ bẩn”. Rừng dương (phi lao) thầy Hùng cùng học sinh trường cấp một Ngư Thủy và bà con trồng dạo đó, đến thời chống Mỹ đã thành gỗ cho C Gái làm trận địa, dân quân làng làm công sự chiến đấu, bà con làm hầm trú ẩn suốt chục năm ròng đánh Mỹ.
Cảm động nhất là chuyện thầy Hùng đưa cây dừa về trồng ở làng tôi. Hồi đó, một lần thầy Quảng Bá Hùng đi dự Hội nghị Chiến sĩ thi đua của Ty Giáo dục Quảng Bình ở Đồng Hới, thấy người ta đang trồng hàng dừa kết nghĩa Bình – Trị – Thiên bên bờ sông Nhật Lệ, thầy liền liên hệ xin được sáu quả dừa giống đưa về làng Thượng Luật. Thầy hì hục khuân cõng dừa giống lên xe, gùi dừa vượt gần chục cây số Động Cao, Động Thấp đưa về làng tôi trồng. Thầy hì hục đào hố, xúc phân trồng dừa ở nhà o tôi hai cây, ở nhà tôi hai cây, còn hai cây trồng ở trụ sở hợp tác. Từ đó làng tôi nhân giống “dừa thầy Hùng” lên, nhà nào cũng vài ba cây dừa. Hai cây dừa ở nhà tôi do thầy trồng đến giờ vẫn còn. Mạ tôi đã ở dưới bóng hai cây dừa đó 28 năm ròng. Tôi đã làm bài thơ Cây dừa vườn mạ:
Vườn mạ bây giờ cát xóa
chỉ còn cây dừa như dây neo kiên nhẫn nối biển bờ
như dây diều mong manh thả lên trời
những cánh lá rách bươm và chùm trái ngọt...
... Mạ ơi
https://thuviensach.vn
Vườn mạ tháng năm góc trời trắng xóa
chỉ còn cây dừa như ngọn đuốc xanh...
Sau này tôi hỏi thầy, tại sao thầy không xin giống cây gì cho nhẹ mà xin cây dừa giống để mang vác cho nặng? Thầy bảo: “Làng phải có bóng mát mới thành làng. Hơn nữa thầy trồng dừa là bởi nhớ quê hương Hội An lắm. Mỗi lần ngắm dừa đỡ nhớ quê”. Cây dừa cũng là kỷ niệm của thầy đối với làng Thượng Luật... Sau này thầy kể, hồi ấy thầy nhớ Hội An đến mức, có lúc trong đầu gợn lên ý nghĩ: Hay mình ăn cắp một chiếc thuyền để chèo về quê, như khi ăn cắp thuyền chèo ra Bắc năm nào...
Học trò của thầy bây giờ đã 70, 73 tuổi cả rồi, ai cũng cháu nội cháu ngoại cả rồi, ngồi với nhau ai cũng nhắc về thầy với một lòng ngưỡng mộ, biết ơn sâu sắc. Ai cũng say sưa kể những kỷ niệm xúc động. Năm 2012, gần ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, anh Ngô Tấn Ninh, anh trai tôi bảo tôi: “Chú đưa anh đi một chuyến vô Hội An thăm thầy Hùng, kẻo thầy già rồi mà mình cũng đã 70 rồi...”. Thế là chúng tôi đi Hội An thăm thầy Quảng Bá Hùng...
Gặp thầy, tôi mới biết năm 1955 không phải thầy ra Bắc theo diện tập kết thời 20 tuổi, thầy hoạt động cách mạng bí mật ở Hội An, bị địch bắt. May nhờ có cơ sở giúp đỡ, trốn tù thoát ra được. Khi đó thầy 22 tuổi. Câu chuyện thầy trốn tù ra Bắc cũng li kì lắm. Thầy và 7 người đồng chí trẻ cùng trốn tù ra, bí mật chuẩn bị gạo mắm, ăn cắp một chiếc thuyền của ngư dân ở Cửa Đại chèo ra biển khơi để ra Bắc. Chèo ra tận ngoài phao số 0 để tránh bị địch bắt lại. Có lần sóng lớn suýt đánh chìm thuyền, anh em buộc dây vào nhau thành một khối để có chết thì cùng chết. Lênh đênh mười mấy ngày mới đến cửa sông Nhật Lệ, rồi tìm cách liên lạc với Ban Thống nhất Trung ương. Thầy ra Bắc một mình, gia đình vẫn ở lại xã Cẩm Thanh, Hội An. Vì ra Bắc theo đường vượt biển nên nhiều năm thầy bị tổ chức nghi ngờ. May thầy được Nhà nước cho đi học trung cấp sư phạm. Để đánh tan sự nghi kỵ, tốt nghiệp, thầy xung phong vào Quảng Bình dạy.
https://thuviensach.vn
Thầy Hùng là Người thầy đầu tiên, người thầy Quảng Nam khai sáng giáo dục Ngư Thủy quê tôi. Thầy vẫn hứa sẽ có một lần ra thăm quê vợ và về làng biển Thượng Luật thăm bà con cùng những lứa học trò xưa, thăm “cây dừa vườn mạ”. Khi tôi in xong bộ sách tuyển Ngô Minh tác phẩm, tôi gửi tặng thầy Quảng Bá Hùng một bộ. Nhận được sách, thầy điện cho tôi, giọng nghẹn ngào: “Học trò xưa của thầy giỏi lắm. Cám ơn em đã nhớ đến thầy!”. Ôi, thầy ơi, thầy Quảng Bá Hùng làng Thượng Luật ai mà chẳng nhớ... Cái thời bao cấp đói kém ấy, thầy là một thần tượng của Ngư Thủy quê em...
Từ trường làng lên trường huyện
Thời bao cấp khổ thế nhưng chúng tôi học chăm chỉ lắm. Thầy cô giáo dạy dỗ học trò rất tận tình, tuy trình độ có hạn. Năm 1962, tôi học lớp 5 trường làng, cuối năm được chọn đi thi học sinh giỏi của tỉnh. Anh Ngô Tấn Ninh lúc đó học lớp 7 từ Vĩnh Linh chuyển ra, cũng được trường chọn đi thi học sinh giỏi. Địa điểm thi ở trường cấp hai xã Tân Thủy, cách làng tôi 8 cây số. Hai anh em phải vượt động cát cao, đi bộ tiếng rưỡi đồng hồ mới tới chỗ thi. Mạ tôi gói cho hai anh em một mo cơm không độn, coi như phần thưởng học giỏi. Hai anh em đến nơi thì trống đã điểm vào lớp, rồi mải mê làm bài, nộp bài xong đi về, trèo lên đến động cát cao mới sực nhớ gói cơm của mạ!
Đó là lần đầu tiên tôi ra khỏi làng, tiếp xúc với thiên hạ ngoài làng mình. Tới năm lớp 7, tôi cũng được trường chọn đi thi học sinh giỏi toàn tỉnh, rồi được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi toàn quốc (tức toàn miền Bắc). Vì chiến tranh, cả huyện Lệ Thủy chỉ có hai học sinh đi thi là tôi và một cô bé ở trường Phong Thủy. Hai đứa được bố trí ngồi trong một phòng thi rộng thênh thang. Bài thi toán khó đến mức các thầy được vào phòng thi tự do mà không thầy nào bày cho học trò được bài toán nào cả.
Tôi nhớ có đề toán như sau: “Các công nhân khai thác gỗ của ngành lâm nghiệp có một công thức tính chu vi khối gỗ rất đơn giản, nhanh chóng
https://thuviensach.vn
(họ cho công thức – tôi quên mất rồi!). Em hãy chứng minh công thức ấy là gần đúng”. Tôi làm toát mồ hôi đến bốn tiếng đồng hồ mới xong bài này. Vì thi học sinh giỏi toàn quốc tổ chức tại huyện, quy định làm bài bốn tiếng, giám thị cho làm đến lúc nào xong thì nộp. Thế mà không đứa nào trúng giải. Bù lại sau khi thi xong, được thầy Vương Công Tân, người Hoa Thủy, dạy toán và là giáo viên chủ nhiệm của tôi năm lớp 7, dắt về quán ở chợ Tréo làm một bữa cháo bánh canh cá tràu (cá lóc), nhớ đời!
Quảng Bình “hai giỏi”.
Năm 1965, tôi học xong lớp 7 trường làng, được chuyển thẳng lên cấp ba. Từ làng tôi lên trường cấp ba Lệ Thủy sơ tán ở làng Cổ Liễu, xã Liên Thủy gần 20 cây số. Xã tôi có bốn đứa đi học cấp ba là Ngô Văn Vựng, Nguyễn Quang Bạo, Nguyễn Văn Xuân ở Tây Thôn và tôi. Mỗi lần đi học, Xuân phải bới cơm khoai, mắm đi từ đêm hôm trước, ra làng Thượng Luật ngủ để mai cùng đi. Vất vả lắm. Mới một học kỳ, Xuân tuyên bố: “Tau không gượng được rồi. Bỏ học mất thôi!”. Rứa là nó bỏ học. Nó bỏ học cũng đúng thôi. Nhà nó chỉ một mẹ một con. Nó đi học, mẹ nó già mần răng mà làm đủ khoai, gạo, cá cho nó bới đi học! Còn ba đứa đeo đẳng cho đến tốt nghiệp cấp ba năm 1968!
https://thuviensach.vn
Lên huyện học, một tuần mạ bới cho tôi 12 lon gạo và một ruột tượng khoai khô. 12 lon gạo một tuần, tức mỗi tháng tôi bới 12 ký gạo đi học, chưa kể về ăn ở nhà ngày Chủ nhật. Trong khi đó tiêu chuẩn của tôi chỉ có 9 ký. Thức ăn gồm một lọ ruốc chưng, một bì cá khô, chai nước mắm. Tất cả áo quần, sách vở, gạo, khoai, mắm ruốc được gánh bằng một que gỗ dương khô, to bằng cánh tay người lớn, dài khoảng mét rưỡi. Que dương này đến nơi chặt thành sáu khúc chẻ ra để làm củi đun trong sáu ngày.
Mang vác chừng ấy gạo củi, áo quần, sách vở đi bộ 20 cây số mới đến trường. Nhiều bữa mưa lụt, nước lũ dâng ngập cả cánh đồng Lệ Thủy, mấy đứa phải bọc tất cả vào tấm nilon bơi ba bốn cây số từ Quốc lộ 1A đến nơi trọ. Có lần ba đứa tôi, Bạo và Vựng đi ngang cái cống giữa đồng, lũ lụt đã làm trôi mất tấm ván dùng để bắc đi lại qua cống. Đằng sau lưng chúng tôi có mấy em gái đi học xã Tân Thủy, Dương Thủy cũng sắp đến cống. Chúng tôi vội vàng bắc mấy que dương sang cống. Sang cống rồi rút que dương lại làm đòn gánh thủng thẳng đi như không có gì xảy ra. Các em Dương Thủy thấy chúng tôi chơi khó, điên lên thi nhau kêu ơi ới: “Cho chúng em qua với, ơi các anh đeo hụ... ơi!”. Ý (nói lái) các cô muốn nói xấu chúng tôi đi học mang cả hũ mắm theo. Tức lắm. Chúng tôi tính bỏ đi cho đáng kiếp mấy cô ngoa ngoắt kia. Nhưng rồi cũng quay lại bắc cầu cho các bạn qua cống, sợ trễ giờ học của họ, dù sao các em cũng học cùng trường.
Một tháng 12 ký gạo hấp thêm khoai nữa mà ăn bữa nào cũng thấy đói meo, giờ học cuối bụng cứ sôi sùng sục. Có lẽ do ăn ít đạm quá. Bữa ăn nào cũng cơm với ít mắm. Giữa buổi học bụng đã tóp lại, sôi réo. Đang tuổi lớn mà. Chúng tôi ở trọ trong nhà cụ Huấn, làm nghề đánh bắt cá trên sông, ở thôn Cổ Liễu. Hàng ngày tôi mượn niêu nhỏ của bà cụ già để nấu cơm. Cơm của cụ trắng, thơm, bữa nào cũng còn dính trong niêu vài ba thìa. Tôi không rửa niêu mà đổ gạo vào nấu luôn để mong cho bát cơm của mình đầy thêm.
https://thuviensach.vn
Tôi nhớ cụ Huấn ở thôn Cổ Liễu, xã Liên Thủy vì cụ là con người quắc thước, rất ngay thẳng và có nhiều câu nói rất hình ảnh. Có lần cụ vác sào và lưới từ dưới bến thuyền lên, trông thấy chúng tôi nấu ăn chụm củi nhiều, lửa to quá, cụ hét: “Răng lửa đỏ vang trời rứa bay!”. Có lần lụt về, cụ đi buộc đò dưới bến lên. Tôi hỏi, lụt ra răng? Cụ khoát tay: “Chà, nước chảy xoắn tóc!”. Những hình tượng mà cụ Huấn nói đó cứ ám ảnh tôi hoài và ảnh hưởng đến văn chương tôi sau này về cách dùng từ.
Đêm thức đốt đèn dầu hỏa học đến khuya, đói quá phải uống nước lã thật no mới ngủ được. Buổi sáng chẳng ăn gì vì không đứa nào chịu thức dậy nấu cơm. Đói và đói, cứ mong đến chiều thứ Bảy để về với mạ. Có lần nhà trường phân phối cho học sinh mỗi đứa hai lạng rưỡi đường kính. Chúng tôi bàn nhau nấu chè ăn một bữa cho đã. Thằng Vựng thèm đường quá bảo: “Thôi đưa ra pha nước uống đi rồi mai nấu cháo trắng ăn, vào trong bụng nó trộn nhau sẽ thành chè giống như người tù trong tiểu thuyết Vượt Côn Ðảo nấu cơm sống để ăn vậy”. Có lý! Ba thằng pha nước đường uống bằng hết. Nửa đêm đau bụng Tào Tháo đuổi chạy chí chết.
Đi học thời chiến
Năm 1965, Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trục đường Quốc lộ 1A dọc các xã Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy của huyện Lệ Thủy là nơi máy bay đánh phá ác liệt nhất. Mỹ ngày càng leo thang chiến tranh phá hoại trên miền Bắc, khắp nơi có bom rơi đạn nổ, đặc biệt vùng Khu 4 quê tôi không lúc nào ngớt bom. Chỉ vài năm tất cả các cây cầu đều bị đánh sập. Máy bay ném bom cả ngày lẫn đêm. Nhiều lần chúng tôi đi học bị bom chặn, phải ẩn nấp chui nhủi trong bờ cát. Nguy hiểm lắm. Mạ tôi lo quá, chép miệng bảo tôi: “Máy bay như ri, e nghỉ học vài năm đã con...”. Nhưng tôi vẫn đi học trên con đường ấy mỗi tuần...
Tới năm lớp 9, niên khóa 1967 – 1968, cả trường cấp ba Lệ Thủy được lệnh sơ tán ra huyện Tuyên Hóa. Học trò được cấp tiền ăn và sổ gạo y như công nhân viên chức. Từ Lệ Thủy đến Tuyên Hóa gần 150 cây số, gần
https://thuviensach.vn
ngàn học sinh và thầy cô giáo phải hành quân đi bộ vượt rừng, vượt suối, leo đèo, cũng đào bếp Hoàng Cầm y như bộ đội vượt Trường Sơn. Chúng tôi đi theo đường núi có giao liên dẫn, mất cả tuần mới đến Đồng Lê, thị trấn huyện Tuyên Hóa. Từ đây lên Ngư Hóa phải vượt qua đèo Mồng Gà, một con đèo cao tới 1.500 thước, mây phủ trắng đỉnh. Đứng trên đỉnh đèo nhìn ra xa chỉ thấy mây trùng điệp như biển sóng.
Lớp học nhà hầm ở Quảng Bình.
Thấy mây ở dưới chân mình bồng bềnh như sóng biển, bỗng nhớ quê, nhớ mạ. Bài thơ lục bát tôi làm hôm đó có câu kết:
Nhớ quê con mượn vần thơ
Nhìn mây con đứng thẫn thờ: Biển ơi!
https://thuviensach.vn
Cầu khỉ Quảng Bình thời chiến tranh.
Tôi học năm lớp 10 (cuối cấp ba) ở Ngư Hóa bên sông Rào Trổ. Cả lớp con trai ở lán chung, còn con gái thì ở nhà dân. Không hiểu sao trẻ con ở đây lại gọi bố, mẹ là anh, chị. Trường sơ tán gần đường 12A, đường 20, những trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ, lớp học nhà hầm lúc nào cũng gầm rú tiếng máy bay trên đầu, át cả tiếng giảng bài của thầy. Chúng bỏ bom đường 20 – đèo Mụ Giạ dội về rung lớp. Nhưng trùm lên tất cả là cái đói. Tiêu chuẩn mỗi tháng 13 ký gạo, chỉ ăn 20 ngày là hết vèo. Tuổi mười chín đôi mươi có bao nhiêu ăn hết vèo bấy nhiêu. Ngày Chủ nhật, bọn con trai cả lớp rủ nhau đi bộ 20 cây số ra tận Kỳ Lạc, Kỳ Sơn (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) mua thêm khoai sắn. Tuy vậy, mỗi khi có bạn ốm, chúng tôi vẫn biết để dành gạo đi mò cua bắt cá ngoài Rào Trổ về nấu cháo cho bạn, còn mình đi hái rau tàu bay, đào củ mài ăn qua bữa.
Căn bệnh lạ lùng
https://thuviensach.vn
Nhà hầm ở Quảng Bình thời chiến tranh phá hoại.
Xa nhà. Sống tập thể trong những chiếc lán tạm bợ. Đói mà vui. Nhiều kỷ niệm lắm. Thời đó trai gái thương nhau như anh em một nhà. Tình thầy trò mặn mà thắm thiết lắm.
Thầy giáo dạy thể dục tên là Hải, có cây súng hơi. Sáng nào thầy cũng đi săn gà rừng thật sớm. Thầy săn gà rừng rất thiện nghệ. Hễ thầy xách súng vào rừng, thế nào cũng xách về ba bốn con gà rừng. Thầy là anh của bạn Nguyễn Thị Liên cùng lớp. Tôi học cùng tổ với Liên và Hoa nên thường xuyên được ăn thịt gà rừng. Có bữa đi săn gà rừng về, thầy Hải gọi mấy đứa con trai lớp xách vô mấy con cho mấy đứa ốm nấu cháo bồi dưỡng. Chuyện hi hữu. Một đêm trăng vùng núi mờ ảo, thằng Lê Quang Cảnh thức dậy đi tiểu, thấy con mang đang ăn cỏ triền đồi gần lán, nó vào lấy súng thể thao của lớp, bò trườn mai phục, bắn được con mang. Cả lớp hân hoan xẻ thịt chia về từng bếp ăn, liên hoan cả ngày vui như Tết. Học sinh thời bao cấp, bữa ăn có miếng thịt là hiếm lắm!
Khu 4 mùa hè nắng kinh khủng, đặc biệt vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình luôn luôn nhiệt độ trên 40 độ. Đã nắng nóng lại gió Lào. Không gian khô nóng bỏng rát. Càng quạt càng nóng. Buổi trưa không biết nằm hay ngồi hay đi. Kiểu gì cũng nóng. Vừa xuống suối nhúng nước xong, lên bờ đã
https://thuviensach.vn
khô rang. Nóng từ trong ruột nóng ra, rất khó chịu. Chiến tranh làm thần kinh ai nấy căng thẳng, cùng với nắng nóng kinh hoàng đã sinh ra chứng bệnh lạ lùng gọi là bệnh Hysteria, chứng cuồng loạn tập thể. Bệnh này con gái hay mắc, có lẽ do con gái thần kinh không vững bằng con trai.
Giăng dây thẳng hàng và nuôi bèo hoa dâu được coi là phương pháp khoa học tiên tiến, áp dụng triệt để trong phong trào “hai giỏi” ở Quảng Bình thời chiến tranh.
Một trưa, tôi vừa dưới suối đi lên lán, đi qua lán nữ thấy ồn ào nháo nhác loạn cả lên. Các cô lên cơn điên đột xuất, cởi áo tụt quần đuổi nhau chạy quanh lán, la hét rầm trời. Thầy giáo đến chỉ biết há hốc mồm đứng nhìn. Có đứa thấy thầy giáo liền cười sằng sặc, miệng nói tay chỉ: “Ha ha... Ta biết rồi. Ta biết rồi. Thầy đến để yêu ta. Ha ha ha”. Tội nghiệp con Tuyên, cởi phăng quần áo lao xuống sông Rào Trổ. May thằng Thanh Hà phát hiện ra, đuổi theo bồng lên, không thì chết đuối rồi. Sau vụ đó, bọn con trai phải phân công nhau túc trực cả chục ngày đêm liền, nếu không các em sẽ chạy xuống Rào Trổ trầm mình. Thương chúng nó quá.
https://thuviensach.vn
Đôi dép quê và lí lịch xấu
Có hai chuyện đi học thời bao cấp không thể không kể là đôi dép quê và lí lịch học trò. Đó là những kỷ niệm khó quên.
Dép thời bao cấp có bốn loại “sang trọng” xếp thứ tự như sau: dép đúc cao su Trung Quốc, dép rọ nhựa Hải Phòng, dép nhựa trắng Tiền Phong, dép tông Lào (hay tông Thái). Mỗi loại là mốt thời thượng một thời. Những năm chiến tranh 1965 – 1970 là dép đúc cao su Trung Quốc, 1970 – 1975 là dép nhựa Tiền Phong, sau chiến tranh những năm 1980 – 1985 là dép rọ nhựa Hải Phòng, 1985 – 1990 là dép tông Lào (hay tông Thái). Bốn loại trên là vũ khí tán gái hàng đầu tùy theo từng thời mà lũ con trai quê kiểng nghèo khổ như chúng tôi dù có nằm mơ cũng không có.
Vũ khí “tán gái” thời bao cấp
Đi học cấp ba trên huyện, sáng sớm thứ Hai phải đi từ hai, ba giờ sáng. Chiều thứ Bảy cứ nhấp nhổm về. Mắt thứ Hai, tai thứ Bảy. Ở làng đi học quanh năm chân đất, không có dép. Mạ tôi bảo: “Lên miền nông phải có dép, đất thịt mưa trơn trượt, bổ (ngã) chết. Hơn nữa đi chân đất họ cười cho”. Thời bao cấp ở làng tôi, Cửa hàng Hợp tác xã mua bán không bán dép. Đàn ông đàn bà gì cũng tự đục đẽo làm đôi dép bằng gỗ lấy từ sạp
https://thuviensach.vn
thuyền cũ, quai bằng dây chuối xe lại để đi trên cát, vừa chống lún vừa chống nóng. Anh Ninh đi kiếm hai miếng cao su là lốp xe ô tô cũ bị bão sóng đánh vào bờ, cắt thành đôi dép cho tôi đi học. Quai dép thì đục lỗ xỏ bằng dây lưới. Tôi đi đôi dép tự tạo ấy suốt ba năm học cấp ba, đến khi ra Hà Nội học đại học mới mua dép mới.
Tôi nhớ mình ném đôi dép “quê” với cái nón cời ở thùng rác bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Rồi mấy đứa cùng làng đi đại học chụp ảnh kỷ niệm: tôi, Nguyễn Quang Bạo và mấy đứa khóa sau là Ngô Văn Sắng, Ngô Văn Khởi, Ngô Văn Cầm... Đó là lứa học sinh đậu đại học đầu tiên của làng tôi! Tôi vẫn giữ tấm ảnh ấy trong album ảnh kỷ niệm của mình.
Dép quê dễ dàng cởi bỏ nhưng lý lịch khó lòng gỡ bỏ được. Hồi đó ở miền Bắc, quan niệm về lý lịch nặng nề lắm. Ai có bố mẹ hoặc anh chị em đi vô Nam, hoặc làm lính cho Pháp, đi làm cho chính quyền thời Pháp... cũng liệt vào hạng “lý lịch xấu” không thể đi học, đi làm công chức Nhà nước, ngay cả đi bộ đội. Tôi thuộc loại học sinh lý lịch rất xấu, vì là con địa chủ bị xử bắn, nhưng được đi học đại học là nhờ thầy Ngô Mạnh Quát.
Thầy Quát người Thừa Thiên tập kết, là bí thư chi bộ trường cấp ba Lệ Thủy, dạy chính trị. Thầy biết lý lịch tôi là không thể đi học đại học được. Đầu mùa tuyển sinh năm 1968, thầy đã cuốc bộ đi hơn 350 cây số từ trường sơ tán ở Ngư Hóa, Tuyên Hóa về đến làng Thượng Luật, xã Ngư Thủy, góc biển Nam Quảng Bình quê tôi, thay mặt hội đồng tuyển sinh trường thuyết phục Ủy ban xã: “Cho em Ngô Minh Khôi đi học đại học, vì nó là học sinh xuất sắc nhất trường cả văn và toán”.
Thầy còn đề nghị với xã ký hồ sơ: “Đồng ý cho đi học nước ngoài”! Sau này tôi nghe kể lại, lúc đó vì nể thầy Quát quá, ông Toàn Chủ tịch xã đã ký hồ sơ cho tôi đi học đại học ở nước ngoài. Nhưng thầy vừa rời xã là Ủy ban xã gửi công văn lên ban tuyển sinh tỉnh: “Cho em Ngô Minh Khôi đi học đại học trong nước”. Có lẽ chỉ có thời bao cấp mới có người thầy yêu quý học trò, vì tương lai của sự nghiệp giáo dục một cách vô tư như
https://thuviensach.vn
rứa. Thầy giáo “thời mở cửa” bây giờ chắc không ai làm cái việc “không công” cho học sinh như vậy đâu. Tôi ghi nhớ công ơn thầy suốt đời. Thầy Quát hơn 87 tuổi mới mất. Thầy mất năm 2013. Nhà thầy ở bên hồ Tĩnh Tâm, Huế. Mỗi dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm, cựu học sinh cấp ba Lệ Thủy ở Huế vẫn tổ chức tặng quà cho các thầy dạy mình đang ở Huế.
Học hành thời bao cấp cực nhọc, đói rách, vất vả, gian nguy thế, nhưng cái lớp 10 của tôi năm ấy có tới bốn đứa sau này là nhà văn Việt Nam. Đó là Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ (mất năm 2011), Đỗ Hoàng và tôi. Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình còn có Lê Đình Ty (mất năm 2013 vì tai nạn giao thông), Phạm Hữu Xướng, Trần Khởi...
Cuộc trường chinh ra Thủ đô
Nhận được giấy báo tôi trúng vào Đại học Thương Mại, mạ tôi mừng lắm. Mạ vừa cười vừa khóc. Bà con họ hàng tôi cũng mừng, trưa chiều đều có người ghé nhà chơi, chúc mừng. Có lẽ họ nghĩ tôi đi đại học, tức cái dớp “con địa chủ” được xóa. Không mừng sao được khi đời mạ cực khổ, oan khuất, lại có con trai là một trong những người đi đại học đầu tiên của làng, của xã. Mừng nữa là con lại đi học Đại học Thương Mại, học ngành buôn bán ấy dễ kiếm tiền, làm giàu. Nhưng sau này mới hay, tôi học Thương Mại mà không biết gì về buôn bán, rồi đêm ngày lao theo chuyện thơ văn, báo chí, không mang về cho mạ được đồng nào...
Để cho tôi đi đại học an toàn, mạ thức đêm, lụi cụi xâu kim, may hai cái quần đùi mới, ở phía trong quần khâu hai cái túi nhỏ để đựng tiền. Mạ bảo: “Ra phố lớn kẻ cắp như rươi, không như làng mình mô!”. Mạ nhét ngàn đồng tiền Cụ Hồ vào trong cái túi nhỏ rồi khâu vào bên trong quần đùi cho tôi mặc. Ngàn đồng lúc ấy đủ mua một căn nhà rường lớn. Mạ dặn khi tắm thì lấy tiền ra, nhét vào cái quần có túi nhỏ ở trong. Còn nhỏ chưa biết tiêu tiền tôi không mấy quan tâm lời mạ dặn, cũng chẳng lo nghĩ về chuyện mất tiền. Có lẽ vì đang tuổi học trò, chưa biết kiếm được đồng tiền vất vả
https://thuviensach.vn
như thế nào, cứ vô tư quên hẳn chuyện có món tiền lớn mẹ bới cho. Đến khi ra tới trường đại học mới nhớ, may không mất.
Đoàn học sinh cấp ba Lệ Thủy được gọi vào Đại học Thương Mại Hà Nội có tôi, Nguyễn Văn Bạo và Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Diệt, người Liên Thủy. Để ra Hà Nội học đại học, chúng tôi phải đi bộ 11 ngày mới đến Nam Đàn, Nghệ An. Thời bao cấp ở miền Bắc, người ta cấm tiệt các quán bán hàng dọc đường. Tư nhân buôn bán bị xếp vào loại tư lợi xấu xa, gọi là “bọn tiểu thương”. Chúng tôi đi dọc đường suốt ngày không gặp quán bán quà bánh, nước nôi gì. Đói, khát cũng phải gắng đến làng mới xin được nước uống.
Đi cả ngày đường đói bụng, khát khô cổ, mãi đến tối mịt mới ghé nhà dân mượn nồi nấu cơm. Có lần đã tối, chúng tôi ghé vào một gia đình ở Nam Đàn, không nhớ xã gì. Cả bốn đứa vô ý đặt ba lô ngồi ở ngay thềm nhà gian giữa. Mượn nồi nấu cơm họ không cho. Mãi đến khi một cô gái trong nhà (chắc là con dâu) đi ra nói với chúng tôi: “Gian giữa là gian thờ. Phụ nữ, con gái không ngồi ở đây được!”. Thế là Diệt và Hoa phải mang ba lô xuống chái bếp. Lúc đó mới mượn được nồi nấu cơm. Hiểu thêm một nét tập tục!
Mấy đứa mang ba lô cứ đi lang thang. Hỏi có xe ra Hà Nội không, người ta bảo phải lên Đô Lương mới có. Sáng mai lại đeo ba lô hành quân. Lên Đô Lương chờ một ngày không có xe, ăn tô phở “không người lái” nhạt phèo, chẳng mùi vị gì.
Cả bốn đứa lại ôm bụng đói đi bộ về ngã ba Yên Lý. Đang đi trong đêm bỗng có chiếc xe ca ghé sát bên, tay lơ xe quát: “Đi Hà Nội không?”. Mừng quá. Một chuyến đi sóng gió. Bây giờ tuyến Hà Nội – Vinh xe chạy chỉ bốn tiếng đồng hồ, hồi đó chúng tôi phải đi tới hai ngày. Khi đi mạ mua cho tôi một chiếc nón lá Quy Hậu mới cứng, ra đến hồ Hoàn Kiếm, chiếc nón te tua thành nón cời!
https://thuviensach.vn
Dù gì chúng tôi cũng đã ra Thủ đô, thấy hồ Hoàn Kiếm, thấy điện đường sáng trưng và ngút ngàn xe đạp. Thấy cả tàu điện, phương tiện giao thông từ bé tới giờ tôi mới biết. Thủ đô đối với tôi lúc đó thật vô cùng vĩ đại và sang trọng.
Tàu điện Hà Nội thời bao cấp. (Ảnh: Eva Lindskog)
https://thuviensach.vn
4. Thời sinh viên
Sinh viên thời bao cấp sướng hơn sinh viên thời nay, dù đói khổ hơn. Nghe có vẻ lạ nhưng đúng là như vậy. Sinh viên thời nay mọi thứ phải tự lo lấy, từ học phí, sách vở đến nơi ăn chốn ở. Sinh viên thời xưa mọi thứ Nhà nước đều lo cho cả, trừ tiền ăn. Mỗi tháng nộp 18 đồng là hàng ngày xách bụng đến nhà ăn khỏi phải lo nghĩ gì. Nhiều trường đến bát đũa cũng không phải sắm. Đến bữa đến nhà ăn xếp hàng lấy cơm, ăn xong để bát đũa đấy có người rửa cho.
Chúng tôi thuộc sinh viên các tỉnh Khu 4 như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, vì chiến tranh nên được Nhà nước cấp học bổng bình quân 22 đồng một tháng, nộp tiền ăn hết 18 đồng, còn 4 đồng tiêu vặt. Sinh viên miền Nam, trước và sau giải phóng, được cấp học bổng 35 đồng (nên nhớ vàng thời đó 80 đồng một chỉ). Nộp 18 đồng tiền ăn, còn lại tiêu nhòe không hết. Tất cả đều Nhà nước lo. Bao cấp mà.
Bữa ăn sinh viên
Tùy theo khả năng quản lý của các trường đại học tốt hay kém mà bữa ăn sinh viên ngon hay dở, nhưng nói chung tiêu chuẩn sinh viên giống nhau, sinh viên ăn uống không khác nhau là mấy. Một mâm bốn người, mỗi người hai bát cơm, nửa cái bánh mì, một lát thịt hay đậu phụ, một hai môi canh. Vậy thôi, trường nào cũng thế. Đang tuổi lớn, chừng ấy cơm canh chưa được một góc dạ dày, bữa nào ăn xong cũng vẫn còn thòm thèm.
Về sau này, kể từ năm 1978 trở đi, bữa cơm sinh viên không sang như thế nữa. Anh Nguyễn Ngọc Tiến viết rất đúng: “Tùy theo thời kỳ, có khi phải ăn độn ngô, bo bo, sắn khô nhưng ở Hà Nội chủ yếu là độn mì. Buổi sáng mỗi sinh viên nội trú xuống nhà ăn nhận một cục luộc (bột mì nhào nước nặn giống như bánh bao sau đó cho vào chảo luộc) vừa cứng vừa khô
https://thuviensach.vn
rất khó nuốt. Bữa trưa cơm độn với mì sợi, bữa chiều mì sợi độn với cơm. Ngày nào cũng như ngày nào nên sinh viên than:
Một ngày hai bữa cơm mì
Năm năm đại học còn gì là xuân.
Bữa ăn trường Thương Mại có mấy ngàn sinh viên một lúc, ồn ào náo nhiệt lắm. Tiếng đũa bát leng keng. Cả bếp ăn có một thùng rô-mi-nê “nước mắm”. Gọi nước mắm cho oai, thực ra là nước gạo rang và muối để sinh viên nào thiếu thức ăn thì dùng thêm. Một bữa ăn cơm, một bữa ăn mì ổ. Không gì chán bằng mì ổ ăn với canh rau muống, đói thì ăn được tất. Ngày hai bữa bánh mì, canh rau muống chiến đấu cho hết năm năm đại học. Trường không có phòng ăn rộng, các lớp phải bê cơm ra sân, ra đường ngồi xổm mà ăn. Cuộc sống sinh viên thời bao cấp đơn giản lắm. Học thì học chính trị Mác – Lênin sang trọng, tưởng cải tạo cả thế giới, ăn thì như ăn mày, suốt ngày bụng lép kẹp, sôi réo. Ăn uống đã thiếu thốn, bạn đến chơi phải báo thêm cơm, có ngày Chủ nhật tôi báo thêm đến hai ba suất. Mỗi suất cơm bị trừ 0,225kg tem lương thực. Cuối tháng, nhà bếp trừ tem phiếu có khi hết ba bốn ngày ăn. Lúc đó mà không còn tiền ra mua mì ngoài phố, thì coi như nhịn đói. Tôi đã nhịn đói như thế nhiều lần.
Thời khốn khó đó, may bếp ăn của trường Đại học Thương Mại được Công ty Thực phẩm nông sản Hà Nội bán “ưu tiên trong ngành”, bán cho ít thứ thực phẩm thuộc loại không đưa vào cung cấp tem phiếu được như xương bò, xương lợn, lòng bò, lòng lợn, nên bữa ăn thỉnh thoảng có tươi hơn trường khác. Tất nhiên là chỉ lòng chay thôi. Vì tim cật thuộc loại quý, ưu tiên cung cấp cho các bệnh viện. Bởi thế mà bữa ăn nào cũng có món lòng xào với su hào, bí xanh, còn lại chỉ tuyền canh rau muống lõng bõng.
May tôi học giỏi, được thầy xếp làm cán sự nhiều môn học của lớp, hay dạy “phụ đạo” cho các anh cán bộ đi học, nên các anh rất thương. Mỗi khi đói, tôi chạy đến chỗ anh Phạm Đô Lương, cán bộ thương nghiệp Nghệ
https://thuviensach.vn
An đi học, anh nấu mì sợi cho ăn. Anh Lương không ở tập thể giường đôi như chúng tôi. Không biết bằng cách nào, anh xin được trường cho ở trong một phòng toilet ở tầng hai không sử dụng. Anh kêu thợ đến trám cái lỗ cầu rồi sửa thành cái phòng đủ kê chiếc giường đơn và cái bàn nhỏ. Cán bộ đi học có lương, cứ học đến khuya là anh bật đèn dầu, nấu mì sợi. Nhờ anh Lương mà tôi không bị đói. Bây giờ anh Lương ở với con cháu ở Ba Lan. Thỉnh thoảng anh lại điện thoại về kể chuyện thời sinh viên chúng tôi bụng lúc nào cũng lép kẹp, thương quá mà không mần răng được. Festival Huế năm 2014, anh về Việt Nam và vô Huế chơi. Vợ chồng tôi cảm động lắm.
Gram là đơn vị đo lường, tương đương 1/1000kg, thời bao cấp gọi là gam. Bạn có hình dung 25 gam gạo là bao nhiêu không? Không đầy một vốc.
Thời bao cấp cuộc sống sinh viên vất vả, nghiêm ngặt thế, nhưng bù lại tốt nghiệp ra trường là được bố trí công tác ngay. Vì thời đó các cơ quan, công ty không cần hạch toán lời lỗ về nhân sự như bây giờ. Sinh viên ra trường học giỏi, học kém không quan trọng, ai cũng có sẵn việc làm ở
https://thuviensach.vn
đâu đó. Chỉ băn khoăn là được ở thành phố, tỉnh lẻ hay đi miền núi thôi. Cứ cầm cái bằng trình tổ chức Sở, công ty là được nhận ngay. Muốn xin về đâu cũng được. Tất cả đã được kế hoạch hóa từ khi mới nhập học. Đó là điều khác biệt lớn so với sinh viên hiện nay. Học xong gia đình phải chạy xin việc có khi phải mất chi phí để có được cái chân tập sự. Có khi mất toi cả tiền mà cái chân hợp đồng cũng không được.
Chuột sa chĩnh gạo
Thời buổi đói kém nếu rơi vào môi trường nào có cái ăn, được ăn thêm chút đỉnh là mừng lắm. Các trường đại học ở miền Bắc thời tôi đi học đều có quy định: Ngày Chủ nhật các chị em nhà bếp nghỉ, các lớp sinh viên phải phân công nhau nấu ăn. Phải vắt than, nhen lò, vo cả tạ gạo một lúc. Đến phiên lớp nào nấu ăn thì xoong cơm lớp đó được chia đầy hơn. Phía trên lại được gác thêm miếng cháy. Mỗi tuần các lớp cọ rửa nhà vệ sinh một lần, phân công nhau mà làm. Vất vả mà được ăn no, ai cũng thích. Mỗi lần đến phiên trực bếp, ai nấy mừng như chuột sa chĩnh gạo.
Sinh viên được ấm bia hơi, đời lên hương!
Có một thứ chuột sa chĩnh gạo khác, ấy là “đi lò bánh mì”. Sinh viên nào bị kỷ luật nặng (như hủ hóa, ăn cắp...), nhà trường không đuổi học mà cho đi làm lò bánh mì hoặc giúp các chị nhà bếp một năm hay vài năm tùy
https://thuviensach.vn
theo mức kỷ luật nặng nhẹ. Hết thời hạn “lao động cải tạo” sẽ học lại với khóa sau. Cái từ “đi lò bánh mì” trở thành một thành ngữ để chỉ những sinh viên bị kỷ luật. “Đi lò bánh mì” tất nhiên được ăn bánh mì thả cửa, còn “lấy” được khối bánh mì đem về cho bạn bè cùng lớp. Thời trẻ mấy ai lo nghĩ, dù bị “lao động cải tạo” nhưng được nghỉ học, được ăn no là mừng lắm.
Tính tôi thích đọc sách. Bốn năm đại học tôi đã ngốn gần như hết tất cả sách ở thư viện trường Đại học Thương Mại. Trừ buổi học trên lớp, còn lại hầu như tôi lên thư viện suốt buổi. Mải đọc sách, đến quá giờ cơm, về nhà bếp chẳng còn suất cơm nào, nhà bếp đóng cửa lặng ngắt. Mấy lần như thế, đói quá, tôi nghĩ ra một cách là ăn chung mâm với bọn con gái trong lớp như Nga, Mùi, Loan, Chắt, Nghiên. Sáu đứa một mâm. Ăn với con gái có hai cái sướng. Thứ nhất là mình không phải rửa xoong nồi, bát đĩa. Thứ hai là khi lỡ đi thư viện về muộn thì chúng nó chạy lên gọi hoặc đưa cơm về phòng giúp. Quan trọng nhất là con gái ăn ít, tính hay nhường nhịn, nhờ thế tôi luôn được ăn no. Mấy thằng không được con gái cho ăn chung nhìn tôi với ánh mắt đầy ghen tị, chúng gọi tôi là “bọ sa chĩnh gạo”.
Năm 1968, trường Đại học Thương Mại sơ tán ở huyện Kim Động, Hưng Yên. Ở nông thôn xa Thủ đô, không có lò bánh mì, sinh viên phải ăn bữa cơm, bữa mì luộc. Đến bữa ăn, sáu đứa một xoong canh rau muống lỏng bỏng, gọi là “canh toàn quốc” và đĩa bánh mì luộc màu cháo lòng. Bưng ra đặt giữa đất, sáu đứa ngồi xổm xung quanh. Mỗi đứa một cục mì luộc to bằng nắm đấm. Không có bột nở, mì cứng như đất sét, vừa nhai vừa húp canh rau muống sồn sột.
Có lần tôi gắp rau muống chực bỏ vào mồm, chợt phát hiện ra con đỉa to bằng ngón tay bám vào cọng rau, nó co lại như viên bi xám xịt. Tôi rùng mình. Trong mâm toàn con gái, tôi không dám kêu, nhẹ nhàng gắp con đỉa bỏ xuống chân, tiếp tục ăn như không có vấn đề gì xảy ra. Gần cuối bữa ăn, tôi mới gắp con đỉa giơ lên thông báo cho cả mâm biết: “Tớ đã nhai con đỉa
https://thuviensach.vn
đánh sật”. Bọn con gái rú lên, vứt bát đĩa ôm mặt chạy ra gốc cây nôn ọe. Nhưng hình như vì đói quá nên ăn được chút mì luộc, canh rau vào đến dạ dày đã bị tiêu hóa hết, chúng nó chỉ nôn khan. Từ đó mỗi lần ăn canh rau muống, bọn con gái phải khoắng tìm xem có đỉa không mới chịu ăn. Tôi thì cứ mong có con đỉa nào để tụi con gái bỏ ăn, mình tôi “chén” cả mâm cơm.
Hà Nội đi sơ tán năm 1972
Một lần tôi sa chĩnh gạo thật. Suốt thời sinh viên chưa có khi nào tôi no đủ như thời được làm quản lý bếp ăn tập thể.
Những năm trường sơ tán ấy, vì tôi thuộc loại học giỏi nhất lớp, trường lại thiếu cán bộ, nên có thời gian sáu tháng, trường phân công tôi làm “Quản lý bếp ăn tập thể”. Quản lý bếp hàng ngày nhập gạo, thịt, củi người ta mua về. Rồi xuất gạo, thịt, mì chính, mì sợi rồi bí xanh, bí đỏ, củi... có trong kho cho các chị cấp dưỡng nấu. Tôi hàng ngày xuất đủ tiêu chuẩn gạo của sinh viên trong mỗi bữa ăn. Ai cũng khen cơm nhiều hơn trước. Nhưng không hiểu sao lượng gạo trong kho cuối tháng kiểm kê vẫn cứ thừa ra cả mấy chục ký. Thì ra gạo hút ẩm lớn lắm.
https://thuviensach.vn
Bảng thông báo thường treo trước cửa hàng cho dân biết. Rất công khai.
Từ đó tôi gia tăng thêm khẩu phần gạo của mỗi người. Mới biết những người làm quản lý bếp ăn sinh viên trước đây hàng tháng được phần chênh lệch gạo do hút ẩm ấy lớn lắm, mà không ai biết. Rồi mì chính, mỡ, các chị nấu ăn bịt miệng lọ đựng mì chính mà vẫy, chẳng ai biết các chị diễn trò “vẫy” mì chính. Mỡ cũng thế. Mỡ hóa học (chứ không phải mỡ lợn thực) của Liên Xô viện trợ, các chị cũng lấy cái thìa cà phê múc vào lọ mỡ rồi ném lên chảo xào rau, nghe xèo xèo là được. Đến phiên làm quản lý nhà ăn, tôi theo sát việc bỏ mì chính vào canh, mỡ xào... Nhờ thế canh ngon hơn, rau xào béo hơn. Sinh viên thích lắm. Thế mà cuối mỗi tháng kiểm kê tôi vẫn thấy thừa cả cân mì chính, vài cân mỡ! Mới biết vì sao các ông quản lý ai cũng sung sướng, thậm chí giàu có.
Nhớ phở
Thời sinh viên Hà Nội, tôi mê nhất là phở. Nhớ về Hà Nội, cái đầu tiên tôi nhớ là phở. Xin bạn đọc cho phép tác giả hồi ức một đoạn về phở cho đỡ nhớ Hà Nội. Lại nhớ thời sinh viên với những cái Tết phở. Sinh viên miền Trung lễ, Tết đều ở lại trường, chiến tranh bom đạn không về quê được. Tết chẳng có gì, chúng tôi hay tổ chức đi ăn phở. Chỉ có phở là rẻ nhất, có thể đãi nhau được. Đi ra cửa hàng ăn quốc doanh để ăn phở và còn để trộm bát, thìa. Mang theo cái túi đựng sách, liếc mắt nhìn quanh không có ai là thủ luôn mấy cái thìa, có khi cả bát tương ớt rồi nhanh chóng phóng
https://thuviensach.vn
ra đường. Tất nhiên sinh viên chỉ đủ tiền để đi ăn phở “không người lái” ở cửa hàng ăn uống Cầu Giấy. Phở “không người lái” ba hào một bát, giống như phở múc cho trẻ em một hai tuổi bây giờ (trong tùy bút Phở nổi tiếng, cụ Nguyễn Tuân gọi là “phở nhi đồng”).
Năm hào mua được một bát phở mậu dịch. Đây là ảnh đăng báo. Sự thật phải xếp hàng mua ticker, lấy được ticker lại xếp hàng lấy phở. Tôi chưa bao giờ thấy bát phở mậu dịch đầy vun như trong ảnh.
Bát phở không có thịt bò tái nạm gì cả, chỉ có ít bánh phở chan ít nước dùng lõng bõng. Nhưng nước dùng là thứ nước ninh từ xương bò thứ thiệt nên rất ngọt, thơm. Phở năm hào người xếp hàng đông chật. Phải xếp hàng mua vé xong mới xếp hàng lấy phở. Tay cầm cái vé mỏng như số phận, hàng chục cánh tay con trai con gái thò vào cái ô cửa nhỏ xíu chờ hàng giờ, cho đến khi bàn tay búp măng đeo nhẫn vàng chóe của cô mậu dịch viên lạnh lùng đưa bát phở ra, không thấy mặt mũi cô xinh xẻo ra sao, cũng đã thấy hởi lòng hởi dạ. Sung sướng vì cái mùi thơm ngào ngạt, quyến rũ của nước phở.
https://thuviensach.vn
Một quán phở vỉa hè thời bao cấp. (Ảnh: Eva Lindskog)
Những năm tháng ấy, mỗi lần tôi đi ngang cửa hàng ăn uống quốc doanh Cầu Giấy, nghe “mùi phở” bay ra, lại theo quán tính thò tay vào túi xem có còn đồng nào không. Không có tiền thì đứng tần ngần nuốt nước miếng một lúc, rồi đi thật nhanh như chạy trốn cái sự quyến rũ... Có lần thiếu tiền tiêu vặt, tôi gửi thư về nhà xin tiền. Hai tháng sau, tôi nhận được cái măng-đa 50 đồng với hai chữ của anh trai Ngô Tấn Ninh viết: “Biển cạn”. Tôi đọc mà khóc rưng rưng vì nhớ quê, thương mạ quá. 50 đồng hồi đó là gần bằng lương cán sự 2 rồi đấy!
Ðã có những quán ăn phục dựng lại quán ăn thời bao cấp ở Hà Nội, gây được sự chú ý của mọi người. Ðặc biệt những ai đã trải qua thời bao cấp.
Phở ngoài, tức phở ở các quán phở tư nhân, mới đúng là phở. Có ba loại, phở một đồng, phở đồng rưỡi và phở hai đồng. Chỉ có các đại gia mới
https://thuviensach.vn
ăn phở hai đồng, sinh viên công chức nghèo chỉ dám mơ phở một đồng ăn kèm hai cây quẩy là đã lắm rồi. Những lúc có tiền, tôi thường tìm đến các quán phở bò gốc như phở Thìn ở Lò Đúc, phở Bát Đàn... Đến được các quán phở này chẳng khác gì được đi dự đại tiệc, cảm giác lâng lâng còn mãi đến giờ.
Tôi có bốn năm là sinh viên Hà Nội và 15 năm làm phóng viên báo Thương Mại (Hà Nội) thời bao cấp, cứ vài ba tháng lại ra cơ quan một lần, đâm ra ghiền phở. Bốn năm học đại học, miền Trung bom đạn nên Tết chúng tôi không được về. Mấy đứa Vĩnh Linh, Quảng Bình ở lại ăn Tết ở trường. Sáng nào chúng tôi cũng đạp xe về Hà Nội “ăn Tết phở”. Ba ngày Tết ăn phở đã đời. Mỗi đứa chịu một bữa. Phở một tô một đồng hai hẳn hoi, chứ không phải phở “không người lái” ba hào. Ăn tô phở nóng kèm thêm mấy cái quẩy, đằm cái bụng vốn hay xấu đói của tuổi trẻ.
Một quán phở Hà Nội được ưa thích
Phở Thìn ở đầu phố Lò Đúc. Chỗ đặt bàn chế biến phở ngay cửa ra vào, mùi phở thơm ngào ngạt phố. Phía trong là hai dãy bàn gỗ màu đen, như bàn học trò. Khách đứng ở cửa chờ múc phở, trả tiền rồi bưng vào phía trong ngồi bàn ăn rất đàng hoàng. Phở Thìn là phở bò, không bỏ bột ngọt mà nước dùng vẫn ngọt lịm. Ở Hà Nội, phở Thìn đã sinh sôi ra nhiều quán ở nhiều nơi, hương vị phở Thìn ở đâu cũng như nhau. Phở Bát Đàn (49 phố Bát Đàn) không có rau sống, giá kèm theo như ở Sài Gòn, Huế. Người ta
https://thuviensach.vn
múc tô phở nóng hổi, điểm xuyết vài cọng hành hoa lên trên rất mát mắt. Bưng bát phở Bát Đàn thịt bò thái tươi rói, thơm ngậy, nước dùng ngọt vị xương hầm, dậy mùi phở Hà Nội truyền thống, lúc nào tôi cũng thấy xúc động. Trên bàn có lọ tương ớt cay nồng, nước mắm, miếng chanh cốm chua gắt để quý khách dùng theo khẩu vị.
Người ăn phở Bát Đàn mấy chục năm nay vẫn phải xếp hàng như xếp hàng mua thực phẩm thời bao cấp. Có buổi sáng tôi thấy người xếp hàng cả trăm mét phố. Đến khi bưng được bát phở trên tay, nhìn quanh chỗ ngồi đã hết. Đi ăn phở Bát Đàn phải rủ nhau hai ba người. Người giữ chỗ, người xếp hàng lấy phở. Có lần nhà thơ Trần Quang Đạo rủ tôi và nhà thơ Hoàng Cát đi ăn phở Bát Đàn. Thương binh chân giả Hoàng Cát phải xếp hàng dài tới ba chục mét. Còn tôi và Trần Quang Đạo trai trẻ nhanh hơn thì đứng chờ người ra ăn xong để chiếm ghế. Vất vả, mồ hôi mồ kê, nhưng ai cũng xuýt xoa thỏa lòng vì được thưởng thức món phở đầu bảng: phở Hà Nội.
Ở phố Mai Hắc Đế, Hà Nội, có một quán phở rất chật chội, không cắm bảng hiệu, nhưng người ăn đông nghẹt. Ở đây rất ít ghế, nhiều người phải bưng bát phở đứng ăn. Bán phở là một bà già nhanh nhẹn. Bà vừa múc phở vừa luôn mồm hỏi: “Béo hay gầy?”... “Béo hay gầy?”. Tức là hỏi người ăn thích thứ phở có thêm mỡ gầu hay chỉ thịt thôi. Khách hàng trả lời “béo”, bà thái thêm cho một lát mỡ gầu bò. Ăn miếng mỡ gầu nghe béo giòn đầu chân răng.
Nhớ phở Hà Nội lại nhớ cách ăn phở của Phùng Quán. Mỗi khi ra Hà Nội, dù cơ quan có phòng khách, tôi cũng về “chòi ngắm sóng” của Phùng Quán bên Hồ Tây trú ngụ ở đó. Anh Quán rất giỏi ẩm thực, sành làm bếp, nhưng vì nghèo nên anh có cách chế biến, cách ăn của riêng mình: Rẻ mà sang! Anh bảo: “Món gì của Hà Nội anh cũng nấu nướng được, trừ phở”. Vì thời gian của anh là để uống rượu với bạn bè và để viết. Anh không có thời gian để chăm lo cho nước dùng suốt đêm được. Mà cái thơm ngon đặc trưng của phở, bao nhiêu bổ béo của phở là ở trong cái nồi nước dùng ấy.
https://thuviensach.vn
Thấy tôi thích phở, sáng nào anh cũng đèo xe đạp chở tôi đi ra chợ Châu Long, có khi ra phố Bát Đàn ăn phở. Anh bảo mình chỉ cần mua một bát phở nhỏ, bưng ra húp hết nước, rồi bưng bát đến cô hàng “cho anh xin ít nước nữa!”. Bao giờ người bán phở cũng sẵn lòng. Ăn như thế “lời gấp đôi”. Nói rồi anh vuốt râu cười...
Chuyện yêu đương
Ký ức sinh viên thời bao cấp sâu đậm nhất là chuyện yêu đương. Yêu thì không ai cấm, nhưng nhất định không được hôn. Nam nữ chưa cưới mà hôn nhau để cho người khác thấy được xếp vào đạo đức xấu, ba lăng nhăng, không đứng đắn. Hôn nhau để người khác thấy là một hành vi đáng xấu hổ, ô uế. Sinh thời nhà thơ Xuân Diệu đã phê phán dân ta có tính xấu: “Hôn trong bóng tối, tè giữa đường cái quan”.
Khu chung cư của trường ngăn đôi rõ ràng nam riêng nữ riêng. Từ chín giờ rưỡi đêm cấm con trai sang khu con gái. Tôi yêu một cô gái người Vinh cùng lớp bốn năm ròng rất ít khi được hôn. Khi mô thèm hôn quá phải giả vờ rủ nhau đi truy bài buổi chiều ở tận Nghĩa trang Mai Dịch (Từ Liêm, Hà Nội, nơi trường Đại học Thương Mại đóng). Ở đó không có ai. Hôn một cái thật nhanh rồi dắt nhau về.
Thời kỳ đầu bao cấp, đồng hồ Poljot, dép nhựa Tiền Phong, xe đạp Favorit và đài Sony bốn băng là vũ khí xịn nhất để tán gái. Chỉ có đại gia mới có
https://thuviensach.vn
cả bốn thứ này, còn sinh viên thì đến dép nhựa Tiền Phong cũng không có. Mỗi lần đi chơi với bạn gái phải đi mượn.
Anh bạn quê Hải Phòng tên là Khoa, học ở lớp Kinh doanh hàng Công nghệ phẩm 4. Anh yêu cô Sò, người Hải Dương. Cô gái tên khó nghe nhưng rất trắng trẻo, dễ ưa. Nghỉ hè năm thứ ba, sinh viên về hết rồi, hai đứa còn nán lại. Tối đó anh chị lên sân thượng khu chung cư sinh viên hôn nhau say đắm. Tưởng không có ai trông thấy, hóa ra có ông bảo vệ lên cầu thang kiểm tra gì đấy, thấy anh chị hôn nhau, ông lặng lẽ về báo với Đoàn trường. Hôm sau anh chị bị Đoàn trường mời lên viết bản kiểm điểm. Viết một lần không được, viết lần thứ hai. Viết đến lần thứ ba, phải công nhận là “hôn nhau” họ mới tha cho về hè. Nghỉ hè xong, trở lại trường, Chi đoàn lớp bắt đầu kiểm điểm tiếp. Họp lên họp xuống năm đêm liền. Cuối cùng anh chị phải hứa không hôn nhau nữa mới thôi. Khoa ức lắm. Sau vụ đó, nó bảo tôi: “Tao mà biết môi con Sò là của Đoàn trường, tao thèm vào!”. Tôi cũng ức cho bạn lắm. Tôi không thể hiểu được sao người ta lại ghét yêu nhau đến thế. Sinh viên tuổi mười tám đôi mươi đã là người lớn rồi mà, sao cấm yêu?
Sinh viên chuyện đúp vì yêu, đuổi học vì yêu trường nào cũng có. Nhiều khóa vào rất đông, ra trường không đầy một nửa. Thời đấy học thật, thi thật nên sinh viên đỗ vào đại học đều học giỏi trở lên. Ít ai đúp hay bị đuổi học vì học dốt, hầu hết bị kỉ luật vì vi phạm đạo đức mà phần lớn là vì yêu.
https://thuviensach.vn
5. Hà Nội thời bao cấp
Tháng 6/2006, ở Bảo tàng Dân tộc học có cuộc trưng bày rất độc đáo có tên Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp đông nghịt người xem, kéo dài đến 6 tháng. Mới hay chỉ mới qua 20 năm thôi, những hiện vật thời bao cấp đã trở thành cổ vật hấp dẫn. Ở đó người ta treo cả đoạn đồng dao về thời hàng hóa thiếu thốn ở Hà Nội: Nhất gạo nhì rau – Tam dầu tứ muối – Thịt thì đuôi đuối – Cá biển mất mùa – Ðậu phụ chua chua – Nước chấm nhạt thếch – Mì chính có đếch – Vải sợi chưa về – Săm lốp thiếu ghê – Cái gì cũng thiếu. Ban tổ chức cuộc trưng bày đã phục dựng một cửa hàng lương thực cũ ở lối vào không gian trưng bày, phía trên là câu nói quen thuộc: “Mặt buồn như mất sổ gạo”. Cuộc trưng bày Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp ấy đầy tâm cảm và rất nhân văn.
Tôi thực sự xúc động, muốn gặp để cảm ơn người có sáng kiến cuộc trưng bày đó. Cuộc trưng bày đã gợi nhớ cho tôi không biết bao nhiêu kỷ niệm về Hà Nội thời bao cấp. Thời đó tôi sống bốn năm sinh viên ở Hà Nội, là công dân Hà Nội. Tôi quen nhiều gia đình bạn bè ở Thủ đô nên có nhiều ký ức thời bao cấp ở Hà Nội lắm. Dân Hà Nội là những người xoay xở giỏi nhất trong thời bao cấp. Họ không chịu thua số phận. Bất kỳ bi kịch nào người Hà Nội cũng bấm bụng vượt qua trong khi ngoài mặt vẫn hớn hở, thản nhiên đùa cợt với khổ đau. Cái thời mà người ta chỉ dám mơ những giấc mơ nhỏ bé: bưng bát cơm trắng dẻo, cắn miếng giò ngập răng... dường như là câu chuyện của cổ tích từ một thời xa lắm. Nhưng chưa xa đâu. Với tôi, nó mới hôm qua đây thôi.
https://thuviensach.vn
Một góc phố Hà Nội thời bao cấp.
Nhà ở: bi kịch thứ nhất
Hà Nội đất chật người đông, nhà ở là vấn đề nan giải đầu tiên. Ngày nay có hàng chục khu chung cư cao tầng mọc lên, mỗi chung cư có hàng ngàn căn hộ, vấn đề nhà ở không còn bức bối nữa. Hà Nội thời bao cấp có hai khu chung cư là khu Nguyễn Công Trứ và khu Kim Liên. Sau đó có thêm tiểu khu Trung Tự được xây dựng khoảng những năm 1970, tới năm 1980 có thêm khu Thanh Xuân. Mấy chục năm chỉ có mấy khu chung cư đó thôi. Thời bao cấp không ai có tiền để mua đất làm nhà. Nếu có tiền cũng không dám phô trương của cải. Tất cả chấp nhận chui rúc trong những căn hộ chật hẹp Nhà nước cấp cho.
https://thuviensach.vn
Một chung cư Hà Nội thời bao cấp.
Gia đình thằng Thuận, bạn sinh viên Đại học Thương Mại của tôi, ở phố Khâm Thiên có bốn người, hai ông bà và hai người con lớn tồng ngồng chỉ ở trong một căn phòng 9m2 mấy chục năm ròng. Phải làm thêm cái gác xép bằng gỗ mới đủ chỗ ngủ. Ăn học ngay trên giường. Thế mà anh em nhà Thuận ai cũng tốt nghiệp đại học, người anh lớn là tiến sĩ bảo vệ ở nước ngoài. Bố thằng Thuận bảo, muốn có nhà rộng hơn phải lên chức. Cứ lên một chức thì sẽ được đổi nhà, được phân nhà mới rộng hơn. Từ Nghệ sĩ Ưu tú được phong lên Nghệ sĩ Nhân dân như nhà thơ Lê Huy Quang lập tức được đổi nhà rộng hơn. Anh Quang kể với tôi như vậy.
Ở khu Trung Tự, cán bộ trung cấp sổ C mới được phân một căn hộ có 2 phòng với diện tích 4 – 5 m2/người, gồm 2 loại: 24m2 và 28m2(cả khu phụ bếp, nhà xí, nhà tắm), gọi là căn hộ “khép kín”. Thằng Thuận dắt tôi đến thăm nhà bạn hắn ở khu Trung Tự. Gia đình cả hai ông bà sổ C, có 7 nhân khẩu (bà ngoại, vợ chồng và 4 người con đang là sinh viên). Năm 1975, được Nhà nước cấp cho căn hộ chung cư 28m2. Đến năm 1982, hai người con của ông bà lập gia đình, có con cũng ở chung trong căn hộ đó. Vậy là căn hộ chỉ 28m2 mà bốn thế hệ cộng sinh (gọi là Tứ đại đồng
https://thuviensach.vn
đường). Tiếng trẻ con cười khóc oe oe suốt ngày. Phục nhất là chật thế mà họ còn chăn nuôi lợn, gà, chim cút... trong khu công trình phụ. Mùi phân lợn thối um nhà. Mình ngồi tí chút đã không chịu nổi, rứa mà họ vẫn chịu đựng được năm này qua năm khác.
Nhà văn Phùng Quán và cô giáo Vũ Thị Bội Trâm thành vợ chồng từ năm 1962 nhưng không có nhà ở, phải ở nhà mẹ nuôi bên Nghi Tàm. Năm 1981, chị Vũ Thị Bội Trâm mới được Sở Giáo dục Hà Nội và trường Chu Văn An phân cho một góc xép, nguyên là cái xưởng trường phía Hồ Tây làm nhà ở cho gia đình. Sau 20 năm lấy vợ, nhà văn Phùng Quán mới có một căn “xép” để vợ chồng ở chung. Cái góc xép ấy là chỗ gá tạm đằng sau bức tường của trường. Cỡ 35m2, nhưng có không gian, có đường đi lối lại, có đất trồng rau, nên cũng đàng hoàng hơn các hộ sổ C ở chung cư. Sau này anh Phùng Quán tự đục đẽo làm thêm cái gác quay ra Hồ Tây, anh gọi là “chòi ngắm sóng” khoảng 6m2 nữa. Năm nào tôi cũng từ Huế ra tá túc, uống rượu, đọc sách, ngủ trên cái chòi đó cả tuần.
Vòi nước chung cư: bi kịch thứ hai
Nước là tấn bi kịch tiếp theo của Thủ đô thời bao cấp. Có quá ít vòi nước ở những khu chung cư. Luôn luôn thấy cảnh hàng dãy xô chậu kéo dài vài trăm thước xếp hàng trước các vòi công cộng ngoài phố, liên tục từ bốn giờ sáng đến một giờ đêm. Ở các khu tập thể có một cái bể nước luôn luôn đông nghịt người vào giờ bơm nước, kẻ tắm gội, người giặt giũ. Nhiều khu tập thể cái bể nước ấy còn là bể nước ăn của cả khu. Mọi người mang thùng xếp hàng hứng nước, xách về nấu nướng, có biết đâu tối hôm trước nhiều kẻ nhảy vào bể tắm lén.
https://thuviensach.vn
Cảnh thường thấy ở vỉa hè Hà Nội thời bao cấp.
Trong blog của mình, bạn Quang Cần kể: “Em được bu giao nhiệm vụ lấy nước. Thế là cứ hết giờ học là ba chân bốn cẳng về, nào có dám chơi với lũ bạn... Xếp hàng là cả một nghệ thuật, vừa nói chuyện vừa để ý lấy chân đá thùng nước nhà mình lên trước hứng nước. Bác nào không để ý có mà mãi tít đằng tắp nhé. Mà xếp hàng không cẩn thận thì đánh nhau cãi nhau như chơi chả đùa. Ngày nào cũng tập thể lực vài thùng nước đầy – toàn thùng tôn thùng sắt nhé – có lẽ vậy nên giờ mẹ cháu chê còi”.
Thằng Thuận bạn tôi cũng giống Quang Cần, “chuyên gia” xếp hàng lấy nước. Thực ra đó là công việc của đám thanh niên mới lớn ở Hà Nội. Những người có sức khỏe và dư thời gian mới đảm đương được việc này, vì không phải chỉ xếp hàng lấy nước mà còn đánh nhau để giành chỗ. Chung cư thằng Thuận, vòi nước chung của cả tổ dân phố ở đầu xóm, cả ngày đêm lúc nào cũng có người đứng xếp hàng chờ lấy nước. Nước thì chảy ri rỉ như trêu ngươi. Hứng được một xô 20 lít mất cả tiếng đồng hồ. Tôi không hiểu phòng chật như thế, nước hiếm như thế, thằng Thuận và cả nhà nó tắm ở đâu và tắm lúc nào, mà thấy người nào cũng sạch sẽ, thơm tho.
https://thuviensach.vn
Cảnh xếp hàng lấy nước thời bao cấp. (Ảnh: Eva Lindskog)
Ở chỗ anh Phùng Quán, cả khu mấy chục gia đình chỉ có một vòi nước. Anh tự bắt một đường nhánh ống nước riêng vào cổng. Vòi nước mở suốt ngày đêm vẫn không bao giờ đầy cái thùng tô-nô nhỏ. Được cái là không phải xếp hàng lấy nước, thoát được cảnh xếp hàng lấy nước khác nào thoát được bi kịch lớn. Tôi ra Hà Nội hay ở nhờ nhà anh Phùng Quán là nhờ cái vòi nước. Ở nhờ những gia đình phải xếp hàng lấy nước áy náy lắm. Đến nước uống cũng không dám uống thoải mái, còn như tắm đành nhịn, một lần tắm mất hẳn một thùng nước. Hứng được một thùng nước không dễ dàng gì, chẳng ai dám làm phiền gia chủ.
Xếp hàng: bi kịch thứ ba
Ở Hà Nội, những năm 60, 80 của thế kỷ trước, hình tượng nổi bật nhất là xếp hàng. Mua bất cứ gì cũng phải xếp hàng. Bây giờ, cứ hình dung đến cảnh xếp hàng, nhiều bà nội trợ còn nổi da gà. Xếp hàng căng thẳng nhất là mua gạo và thực phẩm. Có khi đứng mỏi rời chân cả buổi, cả ngày mới đến phiên mình. Xếp hàng là việc chán nản cực nhọc nhất. Không gì khó chịu bằng đứng xếp hàng, trở bên nào cũng chạm người, chân mỏi, lưng đau. Ớn
https://thuviensach.vn
nhất là mùi mồ hôi. Phải đứng bên cạnh người mồ hôi nách thì ôi thôi... Rồi chen lấn, xô đẩy, rồi cãi vã nhau khi một người đến sau tự nhiên chen ngang. Vất vả thế, nhưng nhiều khi đến phiên mình thì cô mậu dịch viên hét lên: “Hết!”. Thế là tiu nghỉu ra về, ngày hôm sau lặp lại y như vậy.
Dân Hà Nội thời đó có thói quen cứ đến ngày Chủ nhật, con cái đi học, đi làm tập trung về đầy đủ, các gia đình Hà Nội bao giờ cũng tổ chức bữa “ăn tươi”. Ăn tươi gia đình thời đó có khi thua bữa ăn thường bây giờ. Chỉ có thêm đĩa thịt xào với hành tây, hành tây nhiều hơn thịt; đĩa đậu phụ rán chấm mắm tôm; rau sống; mấy cái bánh đa và can bia hơi. Đó là bữa ăn rất quan trọng đối với mỗi gia đình Hà Nội, để tụ họp, cố kết con cháu.
Muốn có bữa ăn tươi phải lo dự trữ tem phiếu mua thịt, cá, đậu phụ, rau từ đầu tuần. Một bữa ăn tươi có khi mất nửa tháng thực phẩm tem phiếu. Có tem phiếu rồi phải phân công nhau thức dậy thật sớm đạp xe đi xếp hàng mua thực phẩm, mua dầu đun bếp.
Xếp hàng mua rau thời bao cấp.
Xếp hàng ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, lâu ngày thành quen. Cho đến đầu năm 2015 này, có nhiều quán phở như phở Thìn,
https://thuviensach.vn
phở Bát Đàn người ăn cũng xếp hàng dài vòng vèo cả dãy phố rất kiên nhẫn và nghiêm chỉnh. Nói rằng xếp hàng đã trở thành một nếp sống, một nét văn hóa đẹp, văn minh của Thủ đô quả không sai, nhưng xếp hàng thời bao cấp thì cực quá.
Tôi đã từng cùng thằng Thuận đi xếp hàng mua thịt, mua dầu, mua gạo, mua vé tàu hỏa, xếp hàng lấy nước... nhiều lần. Thôi thì đủ kiểu. Người xếp cục gạch có ghi số nhà hay tên người, có người đưa con nhỏ đứng xếp thay mẹ, cũng được mọi người tôn trọng như người lớn đứng xếp. Vì mẹ bận xếp hàng mua thứ khác ở cửa hàng khác, nên đến phiên đứa bé lại phải lùi cho người sau lên. Đến khi mẹ nhớ ra con thì trời đã tối mịt. Con trẻ khóc hết nước mắt, lại không có mẹ nên không mua được hàng. Thế là công toi. Từ đó xuất hiện nghề xếp hàng thuê... Những người không có nghề nghiệp gì, để kiếm sống, họ xếp hàng thuê cho nhiều gia đình một lúc, rồi ăn thù lao một lần xếp năm hào, một đồng. Xếp hàng cũng thành một nghề, mỗi ngày cũng kiếm được vài chục đồng. Tính ra lương tháng hơn cán bộ Nhà nước.
Xếp hàng gửi xe đạp trước khi xếp hàng vào mua hàng thời bao cấp. (Ảnh: Eva Lindskog)
https://thuviensach.vn
Mỗi lần đến kỳ đong gạo mới vui làm sao: Nhà nhà xếp hàng, người người chen chúc. Có gia đình dậy từ ba, bốn giờ sáng cử người ra xếp, thậm chí xếp bằng cả những cục gạch. Có khi xếp được sổ rồi, nhìn thấy một chồng cao ngất ngưởng, cứ thấp thỏm lo mất sổ. Nếu chẳng may bị mất sổ gạo, tháng đó phải chạy ngược chạy xuôi để lo tạm cấp, trước khi làm được sổ mới... Với tất cả những gia đình hồi đó, sổ gạo còn quý hơn vàng. Từ đó mới có thành ngữ: “Mặt như mất sổ gạo”. Cái mặt thất thần, tái xám, ngây ra là “mặt mất sổ gạo”! “Mất sổ gạo” là cụm từ chỉ sự phụ thuộc vào tem phiếu thời bao cấp. Mất sổ gạo hay mất bất kỳ loại tem phiếu nào cũng đều là thảm họa.
“Ma trận” tem phiếu: bi kịch thứ tư
Tem phiếu thì nhiều loại lắm, không ai nhớ hết. Đó là một “ma trận”. Sinh viên Đại học Thương Mại ngày ấy không được học tí gì về các loại tem phiếu, ù ù cạc cạc lắm. Ừ mà lạ thật. Cái trường đại học dạy mua bán, trong lúc ngoài đời mua bằng tem phiếu mà chẳng dạy sinh viên lấy một giờ. Chúng tôi suốt ngày học chính trị: Kinh tế chính trị, Triết học Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Kinh tế thương mại xã hội chủ nghĩa... Chẳng học về mẹo mực kinh doanh, marketing, quảng cáo, dự toán... gì cả.
Có cả tem phiếu mua phụ tùng xe đạp
https://thuviensach.vn
Sinh viên trường Thương Mại còn rối mù, nói gì đến dân. Bố thằng Thuận đưa cho tôi xem một tập dày tem phiếu, sổ mua hàng gia đình được bọc kỹ trong cái bao da, cất ở két sắt, vì tem phiếu là sự sống của cả gia đình. Nhiều thứ không đếm hết. Ông bảo: “Bà nó mà vắng nhà một vài tháng là gay go, vì không biết thứ tem phiếu nào thì mua ở cửa hàng nào!”. Nhưng tem phiếu là tiền, nên phải cất kỹ trong tủ có khóa. Tem phiếu nhiều thứ quá nên có lần nhà văn Phùng Quán đùa với chị Bội Trâm: “Em phải ăn cho khỏe để sống lâu, chứ em mà chết trước thì anh không biết thứ tem phiếu nào là mua cái gì. Rồi bố con chết đói mất thôi!”. Thế rồi anh đi trước chị Trâm thật.
Phiếu vải thời bao cấp
Tôi xin kể lòng thòng đôi chút về “ma trận” tem phiếu để bạn đọc trẻ hôm nay hình dung thời bao cấp ấy Nhà nước lo ăn, lo mặc, lo ở đến tận mỗi người dân phức tạp như thế nào. Phải nói những chuyên gia ngồi ở văn phòng Bộ Nội thương, nghĩ ra đủ loại tem phiếu, bìa, sổ mua hàng, phân chia chi li từng hạng bậc thời đó thật thông thái. Chế độ cung cấp bằng tem phiếu ấy mới đảm bảo công bằng xã hội, mới huy động được lương thực thực phẩm để phục vụ bộ đội ở chiến trường. Người đông của ít, nếu không phân chia như thế, xã hội sẽ loạn lạc ngay.
https://thuviensach.vn
Tem vải từ một thước tới một tấc.
Về thực phẩm có phiếu thịt, phiếu đường, tem mì chính, tem bìa đậu phụ, bìa mua cá, rồi bìa mua nước mắm, xì dầu, rau... Sổ gạo cấp cho từng đối tượng, loại 24 ký, 15 ký, 13 ký, 11 ký, 9 ký... 24 ký là tiêu chuẩn quân đội hoặc lao động nặng nhọc như thợ lò. 15 ký là công nhân. Cán bộ công chức 13 ký. 11 ký, 9 ký là trẻ con. Có sổ rồi còn kèm theo tem mua lương thực lưu động loại 5 ký, 1 ký, 225 gam, 50 gam, 25 gam để cấp cho người đi công tác, đi họp, đi mua bánh mì. Đến họp các cuộc hội nghị, người ta không thu tiền mà thu tem gạo, mỗi bữa ăn thu 225 gam.
https://thuviensach.vn
Tem đường, tem thịt thời bao cấp
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lần đầu tiên ra Hà Nội họp năm 1973, khi đó anh là Giám đốc Sở Văn hóa Quảng Trị mới giải phóng. Sáng sớm anh ra phố chơi, thấy người ta xếp hàng mua bánh mì, anh cũng xếp. Xếp hơn tiếng đồng hồ, đến phiên mình, anh giơ tờ tiền 1 đồng ra. Cô bán hàng gắt: “Tem đâu?”. Nhà văn mới ở miền Nam ra, không hiểu tem là gì. Bỗng anh nhớ ra, mở cái ví lấy ra con tem thư đưa cho cô bán bánh mì. Cô mậu dịch viên cười nắc nẻ, nhìn nhà văn đứng nghệch mặt ra như nhìn người trên trời rơi xuống, vui vẻ nói: “Đó là tem thư bố ơi, phải là tem lương thực cơ. Không có tem mời bố tránh mau ra cho người khác mua”. Hoàng Phủ tiu nghỉu lủi mất.
Thời mới sáp nhập ba tỉnh Bình – Trị – Thiên, giới văn nghệ tổ chức Đại hội Văn nghệ Bình – Trị – Thiên lần thứ nhất. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
https://thuviensach.vn
lúc đó là cán bộ văn phòng hội được cử làm một việc rất quan trọng: Thu tem phiếu các hội viên ở xa về để báo cơm cho họ! Tem gạo quan trọng thế đấy! Nên nhớ lương thực không chỉ là gạo mà còn có ngô, mì, khoai, sắn, bo bo. Để dân an tâm khi cửa hàng lương thực bán ngô thay gạo, các báo của Nhà nước in bài của các nhà dinh dưỡng học phân tích (theo định hướng) ngô nhiều chất bổ, chất đạm hơn gạo. Không biết sự thật thế nào, nhưng đọc báo, người đang mua ngô thay gạo cũng yên tâm đôi phần. Có nghĩa là cả một bộ máy các nhà khoa học và nhà báo đều được huy động để cổ vũ, bảo vệ chế độ cung cấp của Nhà nước!
Người đẻ cũng có phiếu bồi dưỡng.
Thiết yếu cho sự sống con người sau gạo là vải. Phiếu vải cung cấp cho cán bộ công chức Nhà nước mỗi người 5 mét một năm, nhân dân 4 mét một năm. Phiếu 5 mét gọi là “phiếu cung cấp”, còn phiếu 4 mét gọi là phiếu thường! Nghĩa là chỉ đủ may một bộ quần áo dài và chiếc quần đùi. Phiếu cung cấp 5 mét được mua vải tốt hơn, giá rẻ hơn. Tấm phiếu vải “cung cấp” 5 mét có 16 ô, có 2 ô 1 mét, 3 ô nửa mét, 5 ô 0,2 mét, 4 ô 0,1 mét, 2 ô 0,05 mét. Phiếu vải 4 mét có 14 ô phiếu, cũng được phân ra chi tiết 1 mét, 50 phân, 30, 20, 10, 5 phân. Phiếu vải nào cũng có thêm mấy ô phụ đánh số A, B, C, D để mua màn, chăn bông, hay vải màn để vệ sinh trong “những ngày” phụ nữ. Chi li lắm. Người ta nhại Kiều để đùa vui, nhưng thật chính xác:
https://thuviensach.vn
Bắt cởi trần phải cởi trần
Cho may ô mới được phần may ô.
Phiếu mua phụ tùng xe đạp chia ra từng ô: lốp, săm, phanh, pô-tăng, vành, chắn bùn, chắn xích, bàn đạp, may-ơ trước, may-ơ sau, đùi đĩa, yên, nồi trục... lại có thêm 4 ô dự phòng đề phòng khi hư đột xuất. Tem phiếu, sổ mua hàng lại phân ra nhiều loại, nhiều cấp như A1, A, B, C, D, E, N, I, TR1, TR2. Cán bộ Nhà nước đa phần là phiếu E: vải cung cấp 5 mét một năm, gạo 13 ký một tháng, thịt 0,5 ký một tháng. Nhân dân thì phiếu N: vải 4 mét, thịt ba lạng... TR là tem phiếu trẻ em, chia ra TR1, TR2 để phân biệt độ tuổi: thịt 3 lạng. I là tem phiếu công nhân. Ngoài phiếu thịt còn có tem thịt cơ động ghi rõ từng loại 1 ký, 0,5 ký, 0,1 ký... dành cho người hay đi công tác. Khi cửa hàng thực phẩm thiếu thịt thì người ta bán trứng hay đậu phụ thay thịt. 20 quả trứng vịt thay ô phiếu 1 ký thịt. Có khi 2 ký đậu phụ thay 5 lạng thịt. Cửa hàng bán thứ gì phải mua thứ ấy, không ai dám không mua hay chê bai, cãi cọ gì. Tất cả mua bán đều răm rắp theo sự chỉ huy của cô mậu dịch viên. Nên thời đó ai được làm mậu dịch viên cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm, công nghệ phẩm là oách lắm, có giá lắm!
https://thuviensach.vn
Phiếu mua chất đốt thời bao cấp.
Bìa mua phụ tùng xe đạp.
Quạt điện chỉ cấp cho các vị từ cấp Thường vụ Ban thường trực Quốc hội, Bộ, Thứ trưởng, các chuyên gia nước ngoài, các đoàn ngoại giao. Những tiêu chuẩn vải, gạo sinh đẻ sau này có giảm đi: Gạo 8 ký, vải tã lót 4 mét. Đài (radio) phải có giấy phép đăng ký, được cấp sổ mua pin nghe đài. Có anh chồng làm ở Bộ Ngoại giao, đi công tác nước ngoài thời gian dài, phải ra cửa hàng sang tên giấy mua pin, ở nhà vợ mới được mua pin nghe đài theo giá cung cấp!
Thời đó tiêu chuẩn thịt phiếu E, N mỗi lần mua được ít quá, đa số gia đình mua mỡ để xào nấu, chỉ trẻ con mới được ăn tí thịt. Đến xào bằng mỡ cũng phải đắn đo suy nghĩ. Thế mới có câu ca dao xa xót:
Hôm nay mồng tám tháng Ba
Chị em phụ nữ đi ra đi vào
Hai tay hai củ su hào
Miệng luôn lẩm bẩm: Nên xào hay kho?
https://thuviensach.vn