🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sống Thanh Thản Như Người Thụy Điển - Margareta Magnusson
Ebooks
Nhóm Zalo
Lời nói đầu
C
uộc sống là những chuyến tàu nối tiếp nhau. Chúng ta bước lên chuyến tàu này với hành trang đơn giản, và hẳn là chúng ta nên lên chuyến tàu kế tiếp với sự thanh thản nhẹ nhàng khi biết mình đã hoàn tất hành trình cũ một cách tốt đẹp, không để lại gánh nặng cho những người mà ta yêu thương.
Chúng ta thường chú trọng những việc khi mình còn sống mà quên rằng khi ta bước sang hành trình mới, những người mà ta yêu thương vẫn ở đây. Họ là những người sẽ đối mặt với tất cả những gì ta để lại – dẫu đó là niềm vui hay nỗi buồn. Bên cạnh đó, họ cũng là người phải xử lý mọi đồ đạc, vật dụng mà ta không thể mang theo trên chuyến tàu của mình. Tủ quần áo của bạn, nhà kho, bàn làm việc và đủ loại giấy tờ trong đó, sách vở, thư từ... mọi thứ trong căn nhà của bạn. Đừng để họ – những người mà bạn yêu thương – phải gánh vác việc dọn dẹp nặng nề khi bạn đã rời xa.
Với mong muốn đó, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc quyển sách Sống thanh thản như người Thụy Điển và khái niệm döstädning – dọn dẹp để chuẩn bị trước cho hành trình mới. Quyển sách này sẽ hướng dẫn bạn cách tinh giản ngôi nhà và cuộc sống của mình, chỉ để lại những gì thật sự mang lại niềm vui cho bạn và những người thân yêu. Đó chính là bí quyết để sống thanh thản của người Thụy Điển.
Bạn có thể thực hành döstädning khi cảm thấy mình chuẩn bị bước sang một hành trình mới, hoặc vào bất kỳ giai đoạn nào trong
đời – bởi vì đây là một lối sống mới, một lối sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh.
Hãy cùng döstädning để sống thanh thản và chuẩn bị cho ngày bước sang hành trình mới với hành trang gọn nhẹ.
- Ban biên tập First News
Lời giới thiệu
C
ó một điều chắc chắn ai cũng biết, đó là ai rồi cũng sẽ chết. Nhưng trước khi ngày đó đến, chúng ta có thể cố gắng làm hầu như bất cứ điều gì.
Bạn có thể đã nhận được quyển sách nhỏ này như một món quà từ các con, hoặc từ một người nào đó cũng đang ở trong tình trạng như bạn và tôi. Hoặc cũng có thể bạn đã mua cuốn sách này vì nó gợi lên điều gì đó. Bạn có quyển sách này là có lý do. Bạn đã thu thập và giữ quá nhiều thứ tuyệt diệu trong đời - những thứ mà gia đình hay bạn bè của bạn không định giá hết được, càng không thể thay bạn chăm sóc hay giữ gìn.
Hãy để tôi giúp bạn biến ký ức của người thân yêu khi nhớ về bạn là những yêu thương thay vì phiền não.
M.M
“Chuyện đó đâu có gì buồn”
T
ôi đang dọn dẹp mọi thứ để chuẩn bị trước cho ngày mình bước sang một hành trình mới, hay nói như người Thụy Điển chúng tôi là döstädning (trong tiếng Anh, nó có nghĩa là “death cleaning”). Trong tiếng Thụy Điển, dö là cái chết, còn städning là dọn dẹp; thuật ngữ này có nghĩa là bỏ đi những thứ không cần thiết và làm cho ngôi nhà của bạn đẹp hơn, gọn gàng hơn, ngăn nắp hơn khi bạn nghĩ thời điểm mình bước sang hành trình khác đang đến gần. Vậy nên từ lúc này trở đi, chúng ta sẽ dùng thuật ngữ döstädning xuyên suốt quyển sách này.
Chuyện này quan trọng đến mức tôi phải chia sẻ với bạn. Có thể tôi sẽ cho bạn vài gợi ý, vì đây là chuyện mà không sớm thì muộn tất cả chúng ta đều phải đối mặt. Chúng ta thật sự cần thực hiện chuyện này nếu muốn tiết kiệm thời gian quý báu cho chính bản thân mình và cho những người mình yêu thương sau khi ta không còn hiện diện bên cạnh họ được nữa.
Vậy döstädning chính xác là gì? Đối với tôi, đó là xem lại mọi vật dụng của mình và quyết định xem làm cách nào để bỏ bớt những món mình không còn cần nữa. Hãy nhìn xung quanh mà xem. Chắc chắn là có nhiều món đồ ở xung quanh bạn lâu đến mức bạn không còn nhìn thấy hoặc coi trọng chúng nữa.
Tôi nghĩ thuật ngữ döstädning khá mới với nhiều người, nhưng hành động döstädning thì không. Đó là từ được dùng khi bạn hoặc ai đó dọn dẹp đồ đạc thật cẩn thận và kỹ lưỡng để cuộc sống thoải
mái, dễ dàng và nhẹ nhàng hơn. Vì thế, dù döstädning thường được hiểu là hành động dọn dẹp chuẩn bị trước cho một hành trình mới, hay cái chết, nhưng rõ ràng chúng ta có thể döstädning mỗi ngày mà không nhất thiết phải liên quan đến cái chết hay tuổi tác. Chẳng hạn, có những lúc bạn hầu như không thể đóng ngăn kéo hộc tủ hay sập cửa kho chứa đồ lại được, thì khi đó chính là lúc bạn cần döstädning, cho dù lúc đó bạn ba mươi hay sáu mươi tuổi thì cũng vậy thôi.
Tôi nghĩ phụ nữ thường döstädning hơn cả, nhưng có lẽ công việc đó họ làm thường mỗi ngày nên ít ai nhận ra. Ở thế hệ chúng tôi, khi nói đến khái niệm döstädning, rõ ràng là phụ nữ thường döstädning cho chồng trước rồi mới döstädning cho bản thân mình.
Bản thân tôi coi cái chết đơn giản là một hành trình mới. Ở thời hiện đại ngày nay, rất nhiều người có cùng cái nhìn về cái chết như tôi. Tuy vậy, cũng có một số người không thể hiểu được cái chết. Họ thường để lại một mớ hỗn độn sau khi ra đi.
Nhiều người con trưởng thành không dám nói về cái chết với cha mẹ. Tôi thì lại nghĩ lẽ ra họ không nên e ngại chuyện đó. Không ai nên e ngại khi nhắc đến chuyện đó. Bởi vì cũng như rất nhiều chuyện khác, có nhìn thẳng vấn đề thì mới có sự chuẩn bị kỹ càng và tốt nhất. Tất cả chúng ta đều nên nói về cái chết. Nếu bạn cảm thấy chủ đề này quá khó tiếp cận, thì döstädning có thể là cách mở đầu câu chuyện khéo léo hơn.
Một ngày nọ, tôi nói với đứa con trai của mình là tôi đang döstädning và viết một quyển sách về chuyện này. Nó thắc mắc liệu
đó có phải là một quyển sách buồn và sẽ khiến tôi buồn theo khi viết không.
Không hề, tôi đã nói như vậy. Chuyện đó đâu có gì buồn – cả chuyện dọn dẹp lẫn viết sách.
Đôi khi tôi cảm thấy hơi khó chịu về sự vô ơn của mình đối với một số món đồ mà tôi muốn vứt bỏ. Vài món trong số đó đã mang lại lợi ích cho tôi. Nhưng tôi phát hiện việc dành thời gian cho những món đồ đó lần cuối rồi bỏ chúng cũng rất hữu ích. Mỗi món đồ có một lịch sử riêng, và việc nhớ lại lịch sử đó thường khá thú vị. Hồi còn trẻ, tôi không có thói quen dành thời gian ngẫm nghĩ ý nghĩa của một món đồ nào đó đối với cuộc đời mình, hoặc xuất xứ của nó, hay tôi có nó từ khi nào và làm sao lại có được. Sự khác biệt giữa döstädning và việc tổng vệ sinh nhà cửa nằm ở lượng thời gian. döstädning không phải là chuyện phủi bụi hay lau chùi, mà là một hình thức sắp xếp cố định có thể giúp cuộc sống hàng ngày của bạn trôi chảy hơn.
Giờ đây, khi không còn chạy quanh Stockholm, tận hưởng những gì thành phố này trao tặng, tôi có thời gian tận hưởng những gì căn hộ của mình đem lại, mà những điều đó chính là tấm gương phản ánh cuộc đời tôi.
Thế giới đầy những điều căng thẳng. Lũ lụt, núi lửa, động đất, cháy rừng và chiến tranh thay nhau diễn ra. Nghe đài và đọc báo mấy tin tức này càng làm tôi chán nản. Có lẽ tôi sẽ khô héo trước những tin tức này nếu không có được những người người bạn tốt, được trải nghiệm cuộc sống thiên nhiên, âm nhạc, những thứ đẹp
đẽ hoặc chỉ đơn giản là tận hưởng một ngày nắng ấm (thứ hiếm hoi ở vùng khí hậu bắc bán cầu này).
Tôi sẽ không bao giờ muốn viết một quyển sách có nội dung buồn; đã có quá đủ nỗi buồn trên đời này rồi. Vì thế, tôi hy vọng bạn sẽ thấy những câu chữ và suy nghĩ trong quyển sách bạn đang cầm trên tay bổ ích và có tính giải trí, có thể là đôi khi còn hài hước nữa.
Döstädning có thể hơi khó khăn. Có thể bạn phải thu hẹp không gian sống của mình vì lý do nào đó, có thể bạn trở thành người độc thân, hoặc bạn phải chuyển vào viện dưỡng lão. Những tình huống đó thường sẽ ảnh hưởng đến đa số chúng ta vào một lúc nào đó.
Xem lại toàn bộ đồ đạc của mình, nhớ lại lần cuối bạn sử dụng chúng và tạm biệt một số món là việc rất khó khăn đối với nhiều người chúng ta. Con người có khuynh hướng tích trữ hơn là vứt bỏ.
Tôi đã nhiều lần döstädning cho người khác, và tôi sẽ thấy thật tệ nếu để người khác phải döstädning cho mình.
Tôi có thể đảm bảo với bạn là việc ai đó qua đời đã đủ làm mọi sự đảo lộn rồi. Có rất nhiều câu chuyện buồn về việc anh em một nhà tranh giành một món đồ nào đó. Tình huống này không nhất thiết phải xảy ra, chúng ta có thể lên kế hoạch trước để giảm thiểu khả năng xuất hiện của các khoảnh khắc đáng buồn này.
Ví dụ, tôi có một chiếc vòng tay xinh xắn mà cha đã tặng mẹ hồi xưa. Theo di chúc của mẹ, chiếc vòng này được truyền lại cho tôi. Cách đơn giản nhất để tránh những phiền phức trong tương lai giữa các con tôi là bán chiếc vòng đi. Tôi nghĩ đó là một ý kiến rất hay.
Sau đó, tôi nói về việc bán đồ với các con, chúng đều ủng hộ quyết định của tôi. Mỗi đứa đều đã nhận được một món đồ gia truyền từ cha hoặc mẹ tôi. Và suy cho cùng, chiếc vòng này là của tôi, và tôi có toàn quyền với nó. Tiêu tốn những giây phút quý giá để bàn chuyện chiếc vòng tay với cả năm đứa con có vẻ không hợp lý. döstädning là để tiết kiệm những quãng thời gian như vậy.
Lý do tôi viết quyển sách này
H
iện tại tôi đang ở khoảng giữa tám mươi và một trăm tuổi. Ở độ tuổi này, tôi nghĩ mình có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm với bạn, vì tôi tin mọi người đều cần biết đến triết lý của döstädning – bất kể người đang già đi là cha mẹ, bạn bè hay người thân của bạn, hoặc đã đến lúc bạn döstädning cho chính mình.
Tôi đã chuyển nhà mười bảy lần, trong nước lẫn nước ngoài, nên tôi biết mình đang nói gì về việc quyết định giữ món nào và vứt món nào, cho dù đó một chuyến dọn nhà, dọn đến nước khác hay dọn lên Thiên Đường!
Thông thường, phụ nữ là người döstädning vì họ có xu hướng sống lâu hơn người bạn đời của họ. Tuy nhiên, đôi khi cũng có trường hợp như trong gia đình tôi chẳng hạn – mẹ tôi đã đi trước, để lại cha tôi cô độc.
Nếu bạn sống nhiều năm trong một căn nhà mà từ trẻ nhỏ đến người lớn, gia quyến và khách khứa đã đến chơi rồi ở lại và cảm thấy được chào đón, hẳn là bạn thường sẽ bận rộn đến mức không bao giờ nghĩ đến chuyện giảm bớt số lượng đồ đạc trong nhà.
Và thế là lượng đồ trong nhà nhanh chóng tăng lên cùng năm tháng. Dần dần, tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát và những món đồ đó trở thành gánh nặng khiến bạn mệt mỏi.
Sự mệt mỏi đến kiệt sức này có thể đột nhiên xuất hiện vào một ngày nào đó. Khi ai đó hủy cuộc hẹn đến nhà bạn chơi hoặc ăn tối
vào cuối tuần, thay vì thất vọng, bạn thở phào nhẹ nhõm vì có thể bạn quá mệt mỏi với việc dọn dẹp sau khi họ về. Vấn đề là bạn có quá nhiều thứ phải giải quyết. Đã đến lúc thay đổi cách sống, và không bao giờ là quá muộn để bắt đầu!
Thời gian quý giá và Hỗ trợ cha mẹ T
ất nhiên, thời nay mọi thứ rất khác so với thời tôi còn trẻ. Tôi không nói là mọi thứ tốt hơn xưa. Nhưng nhịp sống ngày nay rất nhanh. Nhiều gia đình trẻ đã lên lịch cho cuộc sống của mình đến từng chi tiết nhỏ để có thời gian làm những việc họ xem là quan trọng nhất.
Đừng nghĩ có ai đó sẽ muốn – hoặc có khả năng – sắp xếp thời gian để quan tâm những điều mà bản thân bạn không quan tâm. Cho dù họ yêu bạn đến mức nào đi nữa, đừng để gánh nặng này cho họ.
Lần đầu tiên tôi biết đến döstädning là khi tôi phải dọn dẹp và sắp xếp lại căn hộ của cha mẹ sau khi mẹ tôi qua đời. Cha mẹ tôi đã kết hôn bốn mươi sáu năm, và cha tôi không có khả năng tự xử lý mọi chuyện khi chuyển đến căn hộ nhỏ hơn. Chúng tôi đã cùng nhau lựa những món đồ nội thất, chăn đệm, khăn trải, đồ gia dụng, các món lặt vặt và tranh ảnh để giúp ngôi nhà mới của ông vừa đẹp vừa thoải mái.
Mẹ tôi là một người phụ nữ rất ngăn nắp, khôn ngoan và thực tế. Bà bị bệnh trong một thời gian dài, và tôi tin bà đã dự đoán mình không còn nhiều thời gian nên đã lên kế hoạch trước cho chuyện này.
Khi bắt đầu dọn dẹp căn hộ của cha mẹ tôi, tôi tìm thấy những tờ ghi chú được gắn vào quần áo và nhiều món đồ khác: những mẩu giấy viết tay hướng dẫn cần làm gì với mọi thứ. Vài thùng đồ được
soạn sẵn để quyên góp; vài cuốn sách cần được gửi trả cho chủ. Một bộ đồ cưỡi ngựa cũ sẽ được gửi đến Bảo tàng Lịch sử, theo lời hướng dẫn ghi trên miếng giấy được đính trên ve áo khoác. Trên đó còn ghi cả tên của người tôi cần liên hệ ở viện bảo tàng.
Mặc dù những mẩu hướng dẫn nhỏ đó không chỉ đích danh tôi nhưng tôi vẫn cảm thấy được an ủi rất nhiều. Tôi có cảm giác như đang được mẹ dẫn dắt. Bà thật sự đã tự thực hiện một phần việc döstädning của mình. Tôi rất biết ơn mẹ, và sự kiện này đã trở thành tấm gương sáng về việc chịu trách nhiệm cho đồ đạc của mình nhằm giúp mọi sự dễ dàng hơn cho những người thân yêu sau khi ta ra đi.
Ở thời điểm đó, năm đứa con của tôi mới ở độ tuổi từ một đến mười một nên tôi cực kỳ bận rộn. Vì không có nhiều thời gian nên chúng tôi quyết định thuê nhân viên phụ trách đấu giá đến dọn dẹp và bán tất cả những món đồ cha tôi không cần hoặc không muốn dùng ở căn nhà nhỏ mới của ông. Thuê nhân viên đấu giá nghe có vẻ tốn kém và hơi xa xỉ nhưng thực tế thì không. Phí thuê được trừ vào tiền đồ bán được nên tôi và cha không tốn một xu nào. Trong tình huống đó thì đây là lựa chọn tối ưu cho chúng tôi. Công ty đấu giá hoặc môi giới nhà đất rất có ích khi bạn không có sự hỗ trợ từ bạn bè hay họ hàng.
Văn phòng bán đấu giá phải làm rất nhiều việc. Tôi nhớ khi họ bắt đầu thì tiến độ làm việc rất nhanh. Tôi đã phải dừng một số người khuân vác lại trong lúc họ mang đồ xuống nhà để nhìn món đồ đó lần cuối trước khi nó vĩnh viễn ra khỏi tầm mắt tôi. Nhưng tôi cũng không quá bận tâm nếu có quá nhiều món đồ được chuyển đến nhà bán đấu giá. Tôi có quá nhiều việc phức tạp và khẩn cấp
hơn cần xử lý – chẳng hạn như nhu cầu của các con, trạng thái tâm lý của cha khi chuyển nhà và nỗi tiếc thương của chúng tôi khi mẹ mất – đến mức không có thời gian để bận tâm về chuyện đồ đạc.
Bên cạnh đó, tôi đã đảm bảo là cha có đủ vật dụng cơ bản mà ông sẽ cần ở căn nhà mới, chẳng hạn như đồ gia dụng và nội thất, thế nên nếu phải chuyển nhiều đồ đến thế đi bán đấu giá thì cũng không có gì nghiêm trọng. Mục tiêu quan trọng nhất là giữ lại những món đồ đặc biệt mà cha tôi muốn có trong ngôi nhà mới. Chúng tôi giữ lại chiếc bàn làm việc yêu thích của ông (nơi ông đặt tấm ảnh chân dung của mẹ tôi), cùng với chiếc ghế yêu thích và vài bức tranh mà ông không muốn rời xa.
Bắt đầu như thế nào?
H
ãy chuẩn bị tinh thần là việc tinh gọn nhà cửa sẽ cần nhiều thời gian. Người già thường nghĩ thời gian trôi quá nhanh, nhưng thực tế là do chúng ta trở nên chậm chạp hơn. Thế nên nếu bạn đang ở những năm cuối cuộc đời thì đừng chờ quá lâu…
Công việc mới này của bạn sẽ không được hoàn thành nhanh hơn nếu bạn chờ đợi, nhưng chắc chắn là bạn sẽ quyết định cách buông bỏ đồ đạc dễ dàng hơn khi dành chút thời gian tập luyện và chuẩn bị. Hãy tin tôi, càng dành nhiều thời gian xem lại các món đồ của mình, bạn sẽ càng dễ quyết định giữ món nào và bỏ món nào. Càng thực hành, bạn sẽ càng ít mất thời gian cho việc này. Thậm chí bạn còn có được phần thưởng bất ngờ là cảm giác tuyệt diệu khi buông bỏ nhiều thứ.
Hãy bắt đầu bằng cách kiểm tra tầng hầm, gác mái hoặc tủ đồ cạnh cửa chính. Đó là những nơi lý tưởng để “bỏ tạm” mấy món đồ dư thừa. Tạm thời – mà thật ra thì nhiều món đồ đã nằm trong “kho tạm” hàng năm trời. Có khi bạn còn quên mất có gì trong đó. Vậy càng tốt, vì giờ đây khi quyết định bỏ bớt món gì thì bạn sẽ không cảm thấy nuối tiếc.
Hãy kiểm tra những khu vực lưu trữ này và bắt đầu lôi đồ đạc được cất giấu trong đó ra. Đó có thể là căn nhà búp bê hoặc bộ dụng cụ chơi khúc côn cầu, đa số là những món mà bản thân bạn không dùng đến nữa. Đôi khi gác mái nhà bạn chất đầy đồ đến mức bạn phải gửi đồ qua căn gác nhà người khác. Thật khủng khiếp! Bạn nghĩ ai sẽ dọn dẹp đống đồ đó khi bạn ra đi?
Hãy chia sẻ ý định của bạn với bạn bè và những người thân yêu. Có thể họ sẽ muốn giúp bạn, thậm chí là đến lấy những món đồ bạn không cần dùng nữa và phụ bạn khuân vác những món mà bạn không thể tự khuân được. Bạn sẽ thấy một hàng dài những người bạn thích (và không thích) đến để mang đi những quyển sách, quần áo và đồ dùng trong nhà.
Có thể một đứa cháu hoặc người quen nào đó của bạn sắp dọn ra ở riêng tại căn hộ mới. Hãy mời họ đến nhà, chỉ cho họ các món đồ của bạn và kể chuyện về chúng, kể cho họ nghe câu chuyện liên quan đến các món đồ này (hay thậm chí là chuyện đời bạn) mà họ chưa biết. Đồng thời, hãy chuẩn bị sẵn vài chiếc túi hoặc thùng để bỏ đồ vào trong lúc nói chuyện, như vậy họ có thể thuận tiện nếu muốn mang đồ đi.
Ảnh và thư từ
Đừng bắt đầu bằng việc dọn dẹp hình ảnh, thư từ hoặc các loại giấy tờ cá nhân. Xem lại hình ảnh và thư từ có thể mang đến cảm giác vui buồn lẫn lộn, và có một điều chắc chắn: nếu bắt đầu bằng việc dọn dẹp hình ảnh và thư từ, bạn sẽ bị mắc kẹt trong miền ký ức và khó có thể tập trung để dọn dẹp bất kỳ thứ gì khác.
Đối với hình ảnh và thư từ bạn đã giữ lại vì lý do gì đó, hãy đợi đến khi quyết định xong phải làm gì với các món đồ nội thất và các loại đồ đạc khác rồi hãy xử lý tiếp. Nhìn chung, đối với döstädning, kích thước của món đồ thật sự có ảnh hưởng. Hãy bắt đầu với những món đồ có kích thước lớn rồi sau đó mới đến các món nhỏ. Những bức ảnh chứa đựng cảm xúc lớn đến mức có thể cản trở quá trình döstädning của bạn, nhưng chúng cũng rất quan trọng vậy nên tôi sẽ dành riêng một chương trong quyển sách để nói về những món đồ đặc biệt này.
Giữ và không giữ những gì?
M
ục tiêu của döstädning không phải là bỏ những món đồ vốn đang giúp cuộc sống của chúng ta tiện nghi và thoải mái. Nhưng nếu bạn không thể kiểm soát được lượng đồ đạc của mình thì đó là lúc bạn biết mình đã tích trữ quá nhiều đồ.
Tôi cảm thấy thoải mái trong một ngôi nhà gọn gàng ở mức độ vừa phải. Tôi không muốn nhìn thấy những món đồ khiến mình khó chịu. Nếu có một chiếc ghế đẹp, tôi sẽ không đặt quần áo dơ lên đó. Cách bố trí nhà cửa của tôi hẳn phải sai ở đâu đó nếu tôi liên tục làm xáo trộn nơi mà ban đầu mình đã rất nỗ lực để trang trí và giữ cho ngăn nắp.
Cuộc sống sẽ dễ chịu và thoải mái hơn nếu chúng ta bỏ bớt những thứ dư thừa.
Phân loại và loại bỏ
K
hi quan sát căn nhà của mình, bạn có thể sẽ thấy rất nhiều đồ đạc chỉ có một điểm chung: chúng thuộc về bạn. Nhưng trên thực tế, đa số đồ đạc của bạn có rất nhiều điểm chung. Hầu hết mọi thứ trong nhà chúng ta đều được xếp vào nhiều nhóm khác nhau, ví dụ như đồ nội thất, quần áo, sách vở, vải vóc, v.v.
Tất nhiên mỗi nhà sẽ có những nhóm đồ đạc khác nhau. Người đánh golf, người làm vườn, cầu thủ bóng đá… – họ đều có những loại tài sản khác nhau. Một số nhóm đồ sẽ khó xử lý hơn khi bạn quyết định tinh gọn ngôi nhà của mình.
Hãy chọn một nhóm đồ mà bạn tin là mình có thể giải quyết dễ dàng. Nhóm dễ giải quyết là nhóm những món đồ phổ thông và không có quá nhiều mối liên hệ tình cảm. Lựa chọn nhóm dễ giải quyết để khởi đầu là rất quan trọng. Tôi không muốn bạn bỏ cuộc khi vừa mới bắt đầu.
Khi đã xử lý được một vài nhóm đồ thì bạn sẽ cảm thấy mọi việc dễ dàng hơn hẳn. Chẳng mấy chốc căn nhà của bạn sẽ trở nên dễ chăm sóc hơn rất nhiều. Tôi chắc chắn gia đình và bạn bè sẽ khuyến khích bạn tiếp tục công việc này.
Tôi luôn chọn quần áo làm nhóm đầu tiên. Đây là nhóm dễ xử lý đối với tôi vì tôi biết trong tủ quần áo có rất nhiều trang phục mà tôi hiếm khi hoặc không bao giờ dùng đến.
Khi döstädning cho người khác, chẳng hạn như cha mẹ, chồng hoặc mẹ chồng, tôi luôn bắt đầu từ quần áo. Quần áo thường có kích cỡ cụ thể, và trừ khi bạn biết người thân hay bạn bè nào mặc vừa kích cỡ đó, nếu không thì cách tốt nhất vẫn là đem cho hết.
Tuy nhiên, nếu bạn bắt đầu dọn dẹp từ tủ quần áo của mình, hãy phân loại toàn bộ quần áo thành hai chồng (trên giường hoặc trên bàn).
Chồng thứ nhất là những món quần áo bạn muốn giữ. Chồng thứ hai là những món quần áo bạn muốn bỏ.
Sau đó, bạn hãy xem lại chồng thứ nhất và lấy ra những món cần được sửa chữa đơn giản hoặc cần đem giặt. Số quần áo còn lại có thể được cất lại vào tủ.
Bạn có thể đem bỏ hoặc đem cho chồng quần áo thứ hai.
Khi nhìn các chồng quần áo của mình, tôi không thể tin nổi là mình đã mua hết đống đó. Nhưng tất nhiên trong số đó có không ít món là quà sinh nhật và quà Giáng Sinh. Một vài món quá chật, vài món khác lại quá rộng. Nếu thân hình bạn đã thay đổi nhiều trong năm qua, tôi đề nghị bạn hãy xếp những trang phục không còn mặc vừa vào chồng thứ hai.
Có lần tôi đã bỏ ra khỏi tủ quần áo hai cái đầm, năm chiếc khăn choàng, một áo khoác và hai đôi giày. Cháu tôi đã xin một đôi giày, và toàn bộ số đồ còn lại tôi tặng cho Hội Chữ Thập Đỏ. Thật tuyệt vời!
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận xã hội luôn ngầm mặc định chúng ta phải mặc trang phục phù hợp cho từng sự kiện khác nhau. Chúng ta cần trang phục cho ngày thường, các dịp lễ hội, cho ngày hạnh phúc và cho lúc buồn thương. Bên cạnh đó, hãy nhớ là quần áo giúp chúng ta thích nghi với các mùa và môi trường làm việc khác nhau.
Có thể bạn thuộc nhóm người may mắn sở hữu cả một phòng riêng chuyên chứa quần áo, nhưng như vậy cũng thật không may vì bạn sẽ có nhiều quần áo cần được đem ra phơi phóng, giặt giũ và chăm sóc… rồi đem bỏ.
Hồi còn trẻ, tôi nhớ mình từng đọc một bài viết rất hay về cách sắp xếp một tủ quần áo không cần chăm sóc nhiều. Số lượng quần áo không làm nên một con người chỉnh tề. Nội dung bài viết xoay quanh việc chọn lựa quần áo kỹ lưỡng và sắp xếp hợp lý. Tôi thật sự đã áp dụng lời khuyên này suốt cuộc đời mình. Tủ quần áo của bạn, cũng như bất kỳ nơi nào khác trong nhà bạn, cần nhất là được sắp xếp hợp lý – sao cho bạn có thể nhanh chóng và dễ dàng tìm được món đồ phù hợp khi cần.
Theo tôi, tất cả các món đồ trong tủ quần áo nên kết hợp được với nhau, và bạn có thể dễ dàng phối món này với món kia.
Bây giờ, nếu cần tinh gọn tủ quần áo của mình, bạn nên dành vài giờ đồng hồ xem xét cẩn thận để quyết định món nào bạn thật sự không cần đến. Chắc chắn sẽ có những món đồ bạn mua trong một phút bốc đồng và những món không kết hợp được với bất kỳ món nào khác trong tủ – khi quan sát tổng thể tủ quần áo, bạn sẽ dễ nhận ra những món này. Hãy chỉ giữ lại những món mà bạn cảm
thấy mình sẽ mặc, hoặc những món có sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ. Đôi khi một đôi vớ có màu sắc hoặc họa tiết nổi bật trên tông màu nền đơn giản hơn có thể mang lại cho bạn cái nhìn tươi mới và niềm vui khi mang.
Tôi có chiếc áo khoác thích hợp với mọi nơi mà cũng không thích hợp với bất kỳ nơi nào. Tôi mua chiếc áo đó từ một người phụ nữ tại chợ Trung Quốc hàng chục năm trước. Nó được tạo thành từ nhiều mảnh vải được chắp vá lại với nhau và thêu hình ảnh thần thú vui nhộn. Nó đầy màu sắc và được may rất tỉ mỉ – một tác phẩm tràn ngập niềm vui được ai đó giàu trí tưởng tượng làm ra từ vật liệu tái chế. Có phải người phụ nữ nhỏ bé ở chợ đã làm ra nó không? Có thể lắm. Tôi muốn giữ lại chiếc áo khoác đó vì nó làm tôi vui vẻ, và tôi mặc nó vào đêm Giáng Sinh.
Nhưng đây không phải là quyển sách về phong cách ăn mặc… hãy tiếp tục tìm hiểu, giặt giũ, dọn dẹp và sắp xếp nào!
Gọn gàng hơn
V
iệc döstädning sẽ dễ dàng hơn khi căn nhà được sắp xếp hợp lý. Khi nói “sắp xếp”, ý của tôi là mọi thứ đều có chỗ của nó. Sẽ rất khó dọn dẹp khi nhà của bạn là một mớ bừa bộn. Nhưng không bao giờ là quá muộn để xử lý sự bừa bộn này. Trong lúc phân vân không biết món đồ mình đang cầm trên tay nên được đặt vào chỗ nào, có thể bạn sẽ nhận ra mình không hề cần nó.
Nơi tôi ở có một câu lạc bộ tên là Senior Net. Đó là nơi những người đã về hưu – hay đúng hơn là bất kỳ ai trên năm mươi lăm tuổi có trình độ vi tính hạn chế – có thể được những người đã về hưu hoặc lớn tuổi khác có khả năng sử dụng vi tính tốt hơn hỗ trợ giải quyết những vấn đề liên quan đến máy vi tính. Người hỗ trợ tôi không hài lòng khi thấy các tập tin lộn xộn trong máy của tôi. Ông nhìn màn hình và nói, “Sắp xếp thế này chẳng khác nào đem bồn vệ sinh đặt giữa bếp”.
Thế là ông ấy giúp tôi sắp xếp lại các tập tin. Lúc đó tôi đã bảy mươi chín tuổi, nhưng tôi nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Sau đó tôi có thể sử dụng máy vi tính của mình thuận tiện hơn rất nhiều.
Chuyện tương tự cũng có thể xảy ra với bạn, trong ngôi nhà của bạn. Tất nhiên bạn không cần một chiếc máy vi tính mới có thể nhận ra điều này. Đây chỉ là một phép so sánh để dễ hình dung, vì trong máy vi tính thì mọi thứ đều rất logic và được sắp xếp hợp lý.
Khi trò “giấu chìa khóa” không còn vui H
ồi các con tôi còn nhỏ, trong các bữa tiệc sinh nhật, chúng tôi thường chơi một trò chơi mà người Thụy Điển chúng tôi hay gọi làgömma nyckeln, tức là “giấu chìa khóa”. Ôi, trò đó siêu vui! Tôi sẽ đem giấu chiếc chìa khóa – loại chìa khóa cũ và to đùng từ thế kỷ mười bảy – ở đâu đó trong nhà và để bọn trẻ đi tìm. Trò này tương tự trò trốn tìm, nhưng không có đứa trẻ tội nghiệp nào núp trong tủ chén và bị bỏ quên. Vậy là tôi giấu chiếc chìa khóa, và khi đứa nào đến gần chỗ giấu thì tôi sẽ nói, “Con đang ấm lên đó!”. Còn nếu chúng đi quá xa chỗ giấu, tôi sẽ la to, “Con đang bị lạnh đó!”.
Trò chơi này rất vui. Nhưng khi đã trưởng thành, bạn sẽ không vui chút nào khi thức dậy và không tìm ra cặp kính của mình. Và sẽ không ai ra tín hiệu “Bạn đang ấm lên” hay “đang lạnh đi” khi bạn đi tìm mắt kính. Đã đến lúc phải sắp xếp mọi thứ trong nhà ngăn nắp rồi!
Trong ngôi nhà mà bạn cư ngụ đã lâu, chuyện giữ mọi thứ ngăn nắp một chút có vẻ dễ. Dù vậy, tôi biết nhiều gia đình đang sống trong đống bừa bộn. (Mẹ sẽ không nêu tên các con ở đây, nhưng các con biết là mẹ đang nói đứa nào rồi đấy). Sự bừa bộn là nguyên nhân gây ra nỗi bực bội không cần thiết. Ngay cả trong một gia đình nhỏ, vẫn có các thành viên phải đi tìm từ đôi bao tay đến chìa khóa, giấy tờ hoặc điện thoại di động – đủ thứ trên đời.
Tất cả những món đồ được tìm đó đều có điểm chung. Lẽ ra chúng nên có vị trí riêng. Hãy sắp xếp chỗ cho mọi thứ trong nhà,
như thế bạn sẽ không có cảm xúc giận dữ, khó chịu hay tuyệt vọng mỗi khi rời nhà. Bạn sẽ không phải đứng ngay cửa và gào lên, “Món đồ đó đâu rồi?”.
Đa số mọi người lau dọn nhà mỗi tuần một lần. Trong lúc lau nhà hoặc hút bụi, có thể bạn sẽ phát hiện vài món đồ không nằm đúng vị trí. Bao tay trên cây đàn piano, cây lược trong bếp, chùm chìa khóa trên trường kỷ…
Hãy mang theo một chiếc túi hoặc mặc một cái tạp dề có túi lớn khi dọn dẹp nhà cửa. Mỗi khi nhìn thấy món đồ nào không nằm đúng vị trí, bạn hãy cho nó vào túi. Khi xong việc, hãy đưa tất cả những món bạn đã thu thập được cho mọi người trong nhà xem và yêu cầu họ trả chúng về đúng vị trí. Đôi khi số đồ “đi lạc” nhiều đến mức một chiếc túi là không đủ. Những gia đình gặp tình trạng này cần sắp xếp lại ngôi nhà của mình ngay lập tức. Tôi luôn dọn dẹp nhà cửa gọn gàng nên một chiếc tạp dề có túi là đủ. Tạp dề của tôi có màu sắc sặc sỡ và họa tiết vui mắt. Đó là chiếc tạp dề dễ thương đến mức tôi muốn mặc nó suốt, kể cả khi đi ăn tối.
Sẽ hữu ích nếu bạn đặt ở hành lang vài cái móc trên tường để treo chìa khóa, vài chiếc hộp hoặc giỏ để đựng bao tay, nón và khăn choàng cổ. Nếu nhà bạn có nhiều tầng, bạn có thể tiết kiệm thời gian bằng cách đặt ở chiếu nghỉ của mỗi cầu thang một chiếc giỏ để đựng những món đồ thường được đem lên đem xuống. Nhưng nhớ cẩn thận, coi chừng đạp trúng chiếc giỏ đó.
Khoảng mười năm trước, tôi từng có chuyến du lịch bằng thuyền cùng gia đình nọ trong vài ngày. Chúng tôi cần khóa cửa khoang thuyền mỗi khi lên bờ trong vài giờ, nhưng không ai có thể tìm ra nơi
đặt chìa khóa từ lần mở cửa trước đó. Ai giữ chìa khóa? Ai đã mở khóa lần trước? Xung quanh chúng tôi là những hòn đảo tuyệt đẹp, thế nhưng mọi chuyến đi chơi trên bờ đều bắt đầu trong bầu không khí tồi tệ vì cuộc “truy lùng” chiếc chìa khóa thất lạc! Hãy tưởng tượng một chiếc móc nho nhỏ phía trong cánh cửa khoang thuyền có thể làm những ngày trên thuyền của chúng tôi tươi sáng như thế nào!
Đôi khi những thay đổi dù nhỏ nhất cũng có thể mang lại hiệu quả tuyệt vời. Nếu bạn cứ gặp phải cùng một vấn đề hết lần này tới lần khác, hãy giải quyết nó.
Một chiếc móc treo tường sẽ chẳng tiêu tốn của bạn bao nhiêu tiền!
Một cách tiếp cận hiệu quả
L
ần thứ hai tôi tiếp xúc với việc döstädning là khi mẹ chồng tôi qua đời. Bà đã dọn đến một căn hộ nhỏ hơn nhà cũ rất nhiều và bỏ đi phần lớn những món đồ không còn cần thiết. Căn hộ nhỏ của bà luôn trông rất đẹp, vừa dễ thương vừa ấm cúng.
Mẹ chồng tôi quen một người phụ nữ có thể đến nhà giúp bà làm những việc bà không tự làm được. Mẹ chồng tôi gọi người phụ nữ đó là Bạch Tuyết. Chúng tôi chưa từng thấy chú lùn nào, nhưng rõ ràng Bạch Tuyết có phẩm chất cần cù chăm chỉ của các chú lùn.
Các con của tôi – cháu nội của bà – khi đó đang sống trong căn hộ riêng, nhưng chúng rất thích về thăm bà. Bà thường nấu bữa tối và kể cho chúng nghe về quãng thời gian bà và ông sống ở Nhật Bản nhiều năm trước, khi ông còn làm cho Công ty Swedish Match.
Vào giai đoạn đỉnh điểm của cuộc Đại Khủng Hoảng, cha mẹ chồng tôi cùng với con trai (chồng tôi, sinh năm 1932) phải trở về Thụy Điển.
Mẹ chồng tôi rất tháo vát và tài năng. Từ Nhật Bản trở về Thụy Điển vào những năm 1930, bà đã mở một cửa hàng nhỏ trên con đường chính của thành phố. Tại đó, bà bán tơ lụa, đồ sứ, các sản phẩm sơn mài mỹ nghệ, giỏ và nhiều mặt hàng khác được nhập khẩu từ Nhật. Tôi tin rằng bà là người đầu tiên ở Thụy Điển dùng giỏ cho nhiều việc khác hơn là để đựng đồ giặt ủi và đi hái nấm. Ví dụ, bà sẽ dùng giỏ để cắm hoa – một thói quen mà ngày nay đã trở nên
phổ biến (bạn đặt một cái lọ hoặc vật đựng phù hợp khác vào bên trong giỏ để có thể đổ nước vào đó và giữ cho hoa tươi).
Chẳng bao lâu sau, giới phụ nữ thượng lưu trong thành phố đều tìm đến cửa hàng của bà, nơi bà đặt tên là Núi Phú Sĩ. Mẹ chồng tôi có vô số câu chuyện vui vẻ – và không mấy vui vẻ – về việc bà đã được một số “quý cô” đối xử như thế nào khi bà phục vụ họ ở cửa hàng.
Trong những năm cuối đời của bà, mỗi lần chúng tôi ghé thăm hoặc mỗi dịp bà đến thăm nhà chúng tôi, bà đều tặng chúng tôi những chiếc đĩa sứ, khăn trải bàn tuyệt đẹp hay những xấp khăn ăn màu sắc dễ thương. Chuyện đó kéo dài suốt nhiều năm cho đến khi bà chuyển đến căn hộ nhỏ, nơi ở cuối cùng của bà. Đó là cách bà döstädning: theo thời gian, bà chậm rãi và lặng lẽ cho đi rất nhiều thứ một cách tinh tế. Đồng thời, bà đã mang đến nhiều thứ đẹp đẽ và hữu dụng cho ngôi nhà của những người bà yêu mến.
Khi đó tôi đã không nhận ra bà chu đáo đến mức nào. Tất nhiên, dù bà chu đáo như vậy thì vẫn còn những thứ cần giải quyết, nhưng khối lượng công việc được giảm đi rất nhiều. Đến tận hôm nay tôi vẫn biết ơn bà vì bà đã giúp mọi sự dễ dàng cho chúng tôi hơn khi đối mặt với sự ra đi của bà.
Những người hạnh phúc
T
ôi biết nhiều người có thể ngồi trong căn nhà bừa bộn và trông như thể họ rất hạnh phúc và hài hòa. Tôi thì thấy như vậy là rất buồn cười. Tôi không thể hiểu nổi những người này.
Nhưng đôi khi tôi cảm thấy ganh tỵ vì bản thân tôi không thể cảm thấy hạnh phúc trong một căn nhà có vẻ mới bị cuồng phong quét qua.
Khi có đến năm đứa con chỉ trong vòng mười năm, chúng tôi đã sắp xếp lại sảnh chính nhà mình tương tự như trong trường tiểu học Thụy Điển. Mỗi đứa trẻ có một màu sắc riêng, một hộc tủ đựng đồ nho nhỏ cùng màu và một cái móc quần áo. Quần áo ra đường của chúng đều được treo trên móc hoặc cất trong cái tủ nhỏ có khóa. Bọn trẻ sẽ không đem trang phục ngoài trời vào khu vực sinh hoạt trong nhà. Việc treo áo khoác lên móc và đặt găng tay vào đúng chỗ không mất nhiều thời gian bằng việc quăng chúng xuống sàn. Và điều tuyệt nhất là bọn trẻ có thể tự tìm đồ của mình mà không cần hỏi “Mẹ ơi! Mẹ có thấy…”.
Truy tìm những món đồ bị đặt sai chỗ không phải là cách sử dụng thời gian hiệu quả.
Khi nói đến döstädning, việc sắp xếp đồ đạc trong nhà không hợp lý cũng đồng nghĩa với việc bạn đang sử dụng thời gian của những người mà bạn yêu quý một cách bừa bãi và lãng phí. Họ sẽ không thể là những người hạnh phúc khi phải thay bạn sắp xếp lại mọi thứ. Vì vậy, hãy cố gắng giữ nhà cửa ngăn nắp và sắp xếp mọi
thứ gọn gàng trong suốt cuộc đời bạn, và chuyện döstädning sẽ dễ dàng hơn đối với mọi người.
Tham khảo ý kiến
Nếu quyết định tự tinh gọn ngôi nhà của mình, có thể bạn sẽ muốn chia sẻ điều này với ai đó, người không phải là thành viên trong gia đình và không có mối liên kết tình cảm nào với những món đồ mà bạn muốn bỏ.
Có thể bạn muốn nhận lời khuyên hoặc lắng nghe ý kiến của người có cùng cảnh ngộ (ngoài tôi), hoặc tìm hiểu quan điểm của người trẻ hơn. Tốt nhất là những người này có suy nghĩ khác với bạn. Điều này sẽ giúp bạn nhìn nhận việc mình làm – hay những tình huống khó xử khác – từ góc độ mới.
Hãy mời những người này đến nhà nếu các bạn không sống cách nhau quá xa. Đừng quên viết ra danh sách những món đồ mà bạn muốn hỏi ý kiến của họ. Không ai muốn chờ bạn vắt óc nghĩ ra điều mình muốn hỏi. Sau đây là một số câu hỏi tôi đặt ra khi döstädning:
Tổ chức từ thiện nào là lý tưởng nhất để tặng sách?
Bức tranh này không có giá trị thực tế nào nhưng nó đẹp quá. Liệu có ai muốn lấy nó không?
Tôi có thể để lại thanh kiếm samurai cũ cho cháu trai vị thành niên của mình không?
Đây không phải là những câu hỏi lớn hay hóc búa, mà là những câu hỏi khơi gợi sự tìm kiếm ý kiến của người khác.
Lần döstädning thứ ba
L
ần thứ ba tôi đón nhận thách thức döstädning không phải ở nhà ai khác mà là ngay trong căn nhà của mình. Người chồng đã chung sống cùng tôi bốn mươi tám năm qua đời sau một thời gian dài mắc bệnh, và tôi gặp khó khăn với việc vừa phải dọn dẹp đồ của ông ấy, vừa bắt đầu nghĩ xem phải sắp xếp đồ đạc của mình như thế nào để dọn đến nơi ở nhỏ hơn.
Khi có đôi có cặp quá lâu, bạn sẽ gặp khó khăn khi đối mặt với cuộc sống một mình. Người luôn ở bên cạnh tôi, cố vấn cho tôi mọi thứ, là chuyên gia giải quyết vấn đề mà tôi yêu thích đã không còn nữa. Ông ấy sẽ không bao giờ trở lại, sẽ không thể tiếp tục đồng hành cùng tôi. Sự mất mát không thể tránh khỏi này là một thực tế đau lòng mà mỗi người chúng ta sẽ gặp phải theo nhiều cách khác nhau, dù cho đó là sự mất đi người bạn đời, người bạn chí cốt hay người thân.
Tôi đã cố gắng thể hiện bản thân theo cách mà tôi tin là người khác muốn thấy: thể hiện là tôi sẽ không gục ngã và vẫn có thể sống tiếp phần đời còn lại khi không có ông ấy cạnh bên. Thế nhưng, theo một cách nào đó, tôi cảm nhận người bạn đời thương yêu của tôi vẫn luôn hiện diện trong ngôi nhà của chúng tôi, và điều này thật sự khiến tôi cảm thấy vô cùng khó khăn. Tôi nhận ra mình phải nhanh chóng tìm một nơi ở mới, nơi không có nhiều kỷ niệm và ký ức, nơi một mình tôi có thể chăm nom và quán xuyên khi tôi chỉ còn một mình – tốt nhất là không có khu vườn rộng hay quá nhiều bậc thang và phòng ốc cần dọn dẹp. Tôi không còn tận hưởng nổi, hoặc không
còn khả năng làm vườn, xúc tuyết… cũng không hứng thú với việc lau chùi dọn dẹp.
Thu vén đồ đạc của một căn nhà lớn có vườn rộng vào trong một căn hộ hai phòng có ban-công là việc không thể hoàn thành trong vài giờ. Các con tôi đã đến lấy vài bộ quần áo, sách vở, dụng cụ và đồ nội thất, nhưng tất nhiên vẫn còn rất nhiều thứ cần xử lý, phân loại, giữ lại hoặc bỏ đi.
Tôi liên hệ với công ty đấu giá, nơi xem xét các món đồ tôi muốn bỏ và định giá cho chúng. Tôi rao bán một số món. Sau đó tôi mời bạn bè, hàng xóm ghé xem có món nào họ muốn lấy hay không. Tiếp theo tôi vào từng phòng, lên danh sách những món còn lại trong phòng và ghi chú cụ thể xem sẽ làm gì với mỗi món. Cạnh chiếc đèn bàn, tôi ghi “Để cho Peter”; bức tranh thì “Tặng dì Ellen”. Đối với món đồ mà tôi không tìm được người phù hợp để tặng, tôi ghi “Gửi tổ chức từ thiện”.
Sau khi làm xong các việc đó, tôi dành một tuần cho mỗi căn phòng trong nhà để dọn dẹp sạch sẽ. Theo cách này, tôi cảm thấy mình có thể tự döstädning cho bản thân mà không phải vội vàng. Đương nhiên những nơi như phòng giặt đồ sẽ không cần đến một tuần để dọn sạch, nhưng như thế tôi sẽ có nhiều thời gian để xử lý những món đồ khác trong nhà để việc rời đi và bán nhà trở nên dễ dàng hơn. Mỗi lần dọn xong một căn phòng tôi đều cho phép mình nghỉ ngơi thật thoải mái.
döstädning cho bản thân
S
ẽ tuyệt làm sao nếu chồng tôi có thể đồng hành và hỗ trợ tôi dọn dẹp ngôi nhà của chúng tôi – lần döstädning thứ ba của tôi. Nhưng điều đó là bất khả thi. Khi đó chồng tôi đã qua đời.
Các con của tôi đều về nhà lo đám tang, nhưng chuyện döstädning lần đó mất gần một năm mới xong. Tôi thực hiện quá trình này theo nhịp độ phù hợp với mình. Tôi ghi nhớ những món đồ mà các con thích và giữ lại những món đó cho chúng, đồng thời dọn sạch những món mà không ai quan tâm đến.
Tôi biết nếu mình lên tiếng nhờ sự hỗ trợ của các con, chắc chắn chúng sẽ đến và giúp tôi hết mức có thể. Nhưng tôi đã không nói gì. Các con tôi có con nhỏ và làm việc ở Mỹ, châu Phi và Nhật Bản, tất cả đều cách rất xa căn nhà nhỏ bé của tôi ở miền duyên hải phía tây Thụy Điển. Bên cạnh đó, tôi ghét nhờ vả.
Một mình xem lại những món đồ ghi dấu quãng đời chung sống của chúng tôi (năm mươi năm hạnh phúc với vài lúc buồn và năm đứa con) khiến tôi thấy rất cô đơn. Lẽ ra vợ chồng tôi nên cùng nhau làm chuyện này từ năm sáu mươi lăm tuổi, hoặc sớm hơn, khi chúng tôi còn khỏe. Nhưng ai cũng nghĩ mình bất tử. Và đột nhiên người bạn đời của tôi qua đời.
Ngẫm lại, tôi nghĩ tự mình làm việc dọn dẹp này có thể là một điều tốt. Có lẽ quá trình này dễ dàng hơn khi tôi làm một mình. Nếu tôi dọn dẹp cùng chồng, hẳn là chúng tôi phải mất nhiều năm mới xong. Đàn ông thường có khuynh hướng giữ đồ thay vì bỏ đi, ngay
cả những món đồ nhỏ nhất. Họ nghĩ mọi món đồ dù nhỏ nhặt đều có thể phát huy tác dụng vào một dịp nào đó – và đôi khi thì điều này cũng đúng. Đó là chưa kể nếu các con của tôi đến giúp, chúng sẽ muốn giữ lại mọi thứ. Mọi thứ! Hoặc ít nhất là sẽ có cảnh chín người mười ý đối với việc nên giữ lại cái gì.
Vì thế, suy cho cùng thì tự mình dọn dẹp vẫn là tốt nhất. Mặt khác, nếu các con của bạn quá rảnh rỗi, hãy kéo chúng vào quá trình dọn dẹp này cùng với bạn.
Làm sao để thảo luận về döstädning? H
ồi tôi còn nhỏ, việc nói thẳng suy nghĩ của mình với người lớn tuổi hơn bị cho là không lễ phép, kể cả người đó là cha mẹ. Nếu người trẻ tuổi bàn luận khi không được người lớn hỏi ý kiến thì sẽ càng đáng phê bình hơn. Nói thẳng và nói thật bị xem là khiếm nhã.
Đó là lý do người lớn ở thời kỳ đó – thế hệ cha mẹ tôi và thế hệ trước đó nữa – không hề biết giới trẻ đang nghĩ gì. Cha mẹ và con cái đáng lẽ phải hiểu nhau, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Chuyện này thật vớ vẩn và đáng buồn – cơ hội để các thế hệ hiểu nhau hơn đã bị bỏ lỡ. Và cái chết cũng như sự chuẩn bị cho cái chết thường không được bàn đến.
Ngày nay chúng ta tin sự trung thực quan trọng hơn nhiều so với phép lịch sự. Tốt nhất là kết hợp cả hai. Tôi không nghĩ thế hệ trẻ ngày nay “khôn khéo” và bảo thủ như thế hệ của tôi đã từng, và đó có thể là tín hiệu tốt cho mọi người. Khéo léo là phẩm chất quan trọng để tránh gây tổn thương cảm xúc của người khác, nhưng vì ai cũng phải đối diện với cái chết – vào một ngày nào đó, nên có lẽ sự khéo léo là không quá cần thiết trong cuộc thảo luận mà chúng ta phải tìm cách thực hiện.
Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nói với cha mẹ, mà thật ra là với bất kỳ ai: Cha mẹ sẽ làm gì với tất cả những món đồ của mình khi không còn đủ sức khỏe hay hứng thú để chăm sóc chúng nữa?
Nhiều đứa con trưởng thành phải lo lắng về số tài sản mà cha mẹ của họ đã tích lũy suốt một thời gian dài. Họ biết là nếu cha mẹ
không tự xử lý thì họ, những người con, sẽ phải xử lý số đồ đạc đó thay cho cha mẹ.
Nếu cha mẹ bạn đã lớn tuổi và bạn không biết phải bắt đầu thảo luận chủ đề “làm gì với đồ đạc của cha mẹ”, tôi gợi ý bạn hãy đến thăm họ, ngồi xuống và nhẹ nhàng đặt ra những câu hỏi sau:
“Cha mẹ có rất nhiều món đồ đáng yêu, cha mẹ có nghĩ sẽ muốn làm gì với chúng sau này không?”
“Cha mẹ có thích khi sở hữu chừng này đồ đạc không?”
“Cha mẹ có nghĩ là cuộc sống có dễ dàng và ít mệt mỏi hơn khi bỏ bớt một số món mà cha mẹ đã sưu tầm từ xưa đến giờ không?”
“Chúng ta có thể cùng nhau làm điều gì đó từ từ để sau này không có quá nhiều thứ phải xử lý không?”
Người già thường gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng. Những tấm thảm, các chồng sách để trên sàn và các món đồ vương vãi khắp nhà có thể gây ra những rủi ro về an toàn. Có thể đây cũng là một cách để mở đầu câu chuyện. Hãy hỏi về những tấm thảm. Chúng có thật sự an toàn không?
Có lẽ đây là lúc sự “khéo léo” vẫn còn quan trọng – hãy hỏi những vấn đề trên một cách nhẹ nhàng và với thái độ quan tâm nhất có thể. Có thể trong vài lần đầu tiên bạn hỏi, cha mẹ của bạn sẽ né tránh hoặc chuyển đề tài, nhưng khơi gợi cuộc trò chuyện này là rất quan trọng. Nếu bạn không thể khiến cha mẹ nói về chuyện này, hãy cho họ có thời gian suy nghĩ và hỏi lại vào vài tuần hoặc vài tháng sau đó, có thể là theo một cách tiếp cận khác một chút.
Bạn cũng có thể hỏi qua điện thoại, hoặc nói rằng có vài món đồ trong nhà họ mà bạn muốn xin và hỏi xem bạn có thể lấy chúng ngay luôn không. Họ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi cho bớt vài món đồ, và chuyện đó sẽ giúp họ thấy việc tự döstädning cho chính mình cũng không quá nặng nề, có khi còn thú vị.
Nếu bạn quá e ngại việc tỏ ra hơi “kém lễ phép” với cha mẹ và không dám đề cập đến chủ đề này hoặc đặt ra những câu hỏi giúp họ nghĩ xem họ sẽ muốn xử lý đồ đạc của mình thế nào, đừng ngạc nhiên khi sau này bạn sẽ bị mắc kẹt với mớ đồ đó. Người mà bạn yêu thương sẽ mong muốn được thừa kế vài món đồ đáng yêu từ bạn, chứ không phải tất cả đồ của bạn.
Phải chăng người Viking nắm giữ bí mật về döstädning? Đ
ôi khi tôi nghĩ việc sống và chết ở thời kỳ của tổ tiên chúng tôi, những người Viking, có lẽ dễ dàng hơn nhiều. Khi chôn cất người thân, họ cũng chôn theo nhiều đồ vật của người đó. Họ làm vậy nhằm đảm bảo người chết không thiếu thứ gì ở môi trường mới. Điều này cũng để bảo đảm những người thân còn sống không bị ám ảnh với linh hồn của người đã khuất vì thường xuyên nhìn vật nhớ người. Rất thông minh.
Bạn có thể tưởng tượng hành động đó trong bối cảnh ngày nay không? Với tất cả các món skräp (“đồ tạp nham” trong tiếng Thụy Điển) mà người ta sở hữu ngày nay, họ sẽ phải được chôn trong ngôi mộ có kích thước bằng bể bơi chuẩn Olympic thì mới có thể mang theo hết đồ đạc sang thế giới bên kia!
Chỉ nhớ những khoảnh khắc hạnh phúc C
a sĩ Anni-Frid Lyngstad của nhóm ABBA từng hát những lời này, “Chỉ nên nhớ những khoảnh khắc hạnh phúc và quên đi chuyện u sầu…”. Dành thời gian cho những khoảnh khắc hạnh phúc để chúng trở thành ký ức đẹp về sau là rất quan trọng.
Thụy Điển có bờ biển dài, và đi thuyền là hoạt động phổ biến. Gia đình tôi từng đi thuyền và nói về chuyện tàu thuyền rất nhiều. Bữa tối của chúng tôi thường xuyên trở thành những cuộc đua thuyền thật sự. Nhiều dụng cụ trên bàn ăn đã biến thành những con thuyền trong trí tưởng tượng của chúng tôi. Muỗng và nĩa tấn công nhau, còn lọ mù tạc trở thành điểm đánh dấu. Lọ tiêu và hũ muối cạnh tranh khốc liệt để về đích.
Chúng tôi trò chuyện và nhắc đến cuộc đua thuyền sau cùng và cười ầm lên khi nhớ đến những sai lầm của mình khi dong buồm, và sau đó, khi nhớ đến chồng tôi, cha của lũ trẻ, chúng tôi đã khóc.
Khi chuẩn bị chuyển nhà, tôi hỏi những đứa con đã trưởng thành của mình xem có ai muốn lấy chiếc bàn mà trên đó từng diễn ra biết bao cuộc đua thuyền tưởng tượng không. Tất cả chúng đều từ chối. May mắn thay, ngay lúc tôi nghĩ đến chuyện tặng chiếc bàn cho tổ chức từ thiện thì một đứa con trai của tôi chuyển đến căn hộ mới và cần một cái bàn, thế là chiếc bàn kỷ niệm được chuyển đến đó và đến nay nó vẫn còn đó. Tôi rất vui vì con mình sẽ nhớ về những cuộc đua thuyền đầy tiếng cười đã diễn ra trên chiếc bàn đó và nó có thể sẽ tạo ra những cuộc đua mới với gia đình nhỏ của mình.
Tuy nhiên, nếu gia đình tôi không có ai muốn lấy chiếc bàn, thì chiếc bàn vẫn là món đồ đẹp cho ai đó. Bạn có thể hy vọng và chờ đợi ai đó muốn nhận món đồ nào đó trong nhà của bạn, nhưng bạn không thể đợi mãi. Đôi khi bạn phải cho đi những món đồ mà mình yêu quý và tin rằng chúng sẽ đến được với những người có thể tạo ra nhiều kỷ niệm mới với món đồ đó.
Chiếc thuyền nhỏ
V
ài năm sau khi các con dọn ra ngoài sống riêng, chúng tôi vẫn giữ lại chiếc thuyền nhỏ bằng gỗ từng được dùng để dạy bọn trẻ cách lái thuyền. Chiếc thuyền nhỏ này không gây ra phiền phức gì và chúng tôi không thật sự muốn bỏ nó – một phần vì nó lưu giữ rất nhiều kỷ niệm đẹp, và một phần vì chúng tôi nghĩ sẽ khá thú vị nếu giữ nó lại cho các cháu của mình. Thế nên chúng tôi muốn giữ lại chiếc thuyền nhỏ này.
Ở sau vườn, chúng tôi có căn nhà kho màu đỏ đúng kiểu Thụy Điển với các ô cửa trắng. Chiếc thuyền nhỏ được cất giữ trong nhà kho đó để đợi các cháu tôi ra đời. Chiếc thuyền gỗ khá dễ bị tác động bởi thời tiết; may là trong nhà kho không quá ẩm thấp mà cũng không quá khô, nhờ đó chiếc thuyền được cất giữ an toàn và cẩn thận.
Nhưng cuối cùng chúng tôi đã bán chiếc thuyền vì không có đứa cháu nào đặc biệt hứng thú với việc lái thuyền. Chúng tôi rất buồn. Mặc dù đều được học lái thuyền ở trường nhưng bọn trẻ chỉ thích các buổi học về kỹ năng sống sót trong nước khi thuyền bị lật úp. Đó là một bài học cần thiết, nhưng phần lái thuyền lại không hề khiến chúng hứng thú.
Chiếc thuyền nhỏ của chúng tôi có tên là Optimist, loại thuyền buồm nhỏ dành cho người mới tập lái thuyền. Nếu chiếc thuyền nhỏ đó biết nói, người ta sẽ kinh ngạc trước những câu chuyện của nó:
câu chuyện về chiến thắng và chiến bại, chuyện về các đại dương và những hòn đảo mà nó đã đưa người lái thuyền đến.
Tôi đặc biệt nhớ hành trình lái xe đến Pháp để tham dự cuộc đua thuyền. Chúng tôi có năm đứa con đi cùng, một đứa bạn của chúng và bốn chiếc thuyền Optimist – một chiếc được đặt trên nóc xe còn ba chiếc nằm trên xe kéo sau xe. Khi chúng tôi đến thành phố Ghent nước Bỉ, trời đã tối và chúng tôi không thể biết phải đi tiếp như thế nào.
Chúng tôi nhìn thấy một sĩ quan cảnh sát ngồi trên chiếc xe mô tô đậu ven đường. Chồng tôi dừng xe, hạ kính cửa sổ và hỏi đường đi. Viên cảnh sát nhìn mấy con thuyền của chúng tôi và lũ nhóc tò mò đang ngồi trong xe. Anh thổi còi và đột nhiên ba chiếc mô tô cảnh sát nữa xuất hiện. Chúng tôi được đưa ra khỏi thành phố Ghent bởi hai xe cảnh sát dẫn đường phía trước và hai xe hộ tống phía sau. Bạn có thể tượng tượng chúng tôi đã xúc động như thế nào không? Chuyện này chắc chắn sẽ không thể xảy ra nếu không có chiếc thuyền nhỏ (và bạn bè của nó).
Thế nên bạn có thể hiểu chúng tôi đã gặp khó khăn thế nào khi phải bỏ chiếc thuyền đó đi. Nhưng bài học chúng tôi rút ra từ chuyện này là đừng lưu luyến những món mà không ai còn muốn giữ lại.
Việc của phụ nữ
Đ
ôi khi tôi tự hỏi đàn ông sẽ xoay xở thế nào khi góa vợ. Đàn ông thuộc thế hệ của tôi thường khá dở việc nhà, đặc biệt nếu họ được vợ chiều quá mức. Họ thậm chí còn không biết luộc trứng chứ đừng nói đến khâu cái nút áo. Chồng tôi có thể làm được những việc đơn giản hằng ngày như nấu ăn hay khâu vá đơn giản. Cha của tôi, một bác sĩ, cũng có thể làm sạch số cá ông bắt được rất gọn gàng, cứ như ông vừa phẫu thuật cho chúng vậy. Món cá phi-lê bảo đảm không dính miếng xương nào hết! Nhưng ông ấy có biết nấu không? Không hề.
Trong suốt một thời gian dài, giải pháp tốt nhất cho người đàn ông góa vợ là tìm gấp một người vợ mới – người có thể giặt giũ, ủi đồ và giải cứu họ khỏi “nguy cơ” chết đói.
Tôi nghĩ thế hệ đàn ông sau này có thể xoay xở tốt hơn khi không còn vợ. Ở Thụy Điển, nhiều đàn ông trẻ hứng thú với việc thêu thùa may vá, một số là những đầu bếp thiện nghệ và có thể tạo ra hương vị khiến ai cũng phát thèm. Và họ không ngu ngốc đến mức phí thời gian ủi nguyên chiếc áo sơ-mi khi có ý định mặc thêm chiếc áo len bên ngoài – họ biết là chỉ cần ủi cổ áo và tay áo là đủ. Khi thế hệ đàn ông này già đi, những kỹ năng này sẽ giúp ích cho họ rất nhiều.
Tôi đoán döstädning được xem là việc của phụ nữ. Phụ nữ coi sóc nhà cửa và có khuynh hướng sống thọ hơn. Phụ nữ chúng tôi
cũng thường là người dọn dẹp cho chồng con nên cũng quen với chuyện này rồi.
Phụ nữ thuộc thế hệ chúng tôi được dạy không gây trở ngại, không để sự hiện diện của mình làm phiền mọi người xung quanh. Điều này hoàn toàn khác với đàn ông, những người cho rằng việc chiếm dụng mọi không gian là hiển nhiên. Con gái tôi thường nói tôi quá lo lắng về chuyện làm phiền người khác đến mức nỗi lo lắng đó trở thành thứ gây phiền phức. Đàn ông không có suy nghĩ như tôi, nhưng họ nên có suy nghĩ đó. Vì đàn ông cũng có thể gây trở ngại cho người khác.
Đừng quên chăm sóc bản thân
T
rong lúc döstädning, đừng quên chăm lo cho cuộc sống hiện tại của mình: nhà cửa, vườn tược và bản thân.
Nếu bạn quyết định tinh gọn nhà cửa, hãy nhớ đừng vội vàng. Nếu có thể, hãy thong thả và thực hiện theo nhịp độ phù hợp với mình. Quá trình này có thể thú vị nhưng đôi khi cũng gây mệt mỏi, và quan trọng là bạn đừng làm quá lố.
Khi nhớ đến khoản tiền mà bạn tiết kiệm được khi tự döstädning và khoảng thời gian mà bạn tiết kiệm cho gia đình và bạn bè khi họ không phải dọn dẹp cho bạn, bạn sẽ cảm thấy nỗ lực này là hoàn toàn xứng đáng.
Đồng thời, có thể bạn cũng sẽ giống như tôi, nhận ra rằng mình có nhiều món đồ giá trị và muốn tặng chúng cho người khác để họ có thể sử dụng và chăm sóc chúng tốt hơn. Tuy nhiên, bây giờ không phải là lúc để mắc kẹt trong miền ký ức. Việc lên kế hoạch cho tương lai quan trọng hơn nhiều! Hãy hướng đến cuộc sống dễ dàng và an yên hơn trong tương lai – bạn sẽ thích nó đấy!
Hãy xem dọn dẹp như một công việc bình thường hàng ngày. Đồng thời hãy tận hưởng những việc bạn thích làm. Làm việc thiện nguyện, đi bộ, chơi bóng hay chơi bài cùng bạn bè và gia đình. Một người bạn của tôi than phiền rằng chơi bài không còn vui khi hai trong bốn người chơi đã từ bỏ cõi trần. Chuyện đó tất nhiên là buồn rồi. Nhưng chơi cùng những người trẻ tuổi hơn cũng tốt mà, và họ trân trọng tình bạn của bạn cũng như bạn trân trọng tình bạn của họ.
Bên cạnh đó, họ sẽ không nói về vấn đề nghễnh ngãng tai hoặc mấy chuyện gây ức chế khác trong khi chơi bài.
Bạn cũng cần thời gian để khám sức khỏe – gặp bác sĩ nhãn khoa, nha khoa và bác sĩ riêng. Những việc này cần thời gian.
Trong quá trình döstädning, tôi quen biết một số người rất thú vị, hài hước và tử tế khi tôi phải liên hệ với nhà bán đấu giá, những người mua bán cổ vật, tiệm bán đồ qua sử dụng và các tổ chức từ thiện.
Quá trình già đi chắc chắn không thích hợp với người yếu đuối. Vì vậy bạn không nên chờ quá lâu mới bắt đầu thu vén nhà cửa. Sớm hay muộn thì bệnh tật cũng sẽ tìm đến, và lúc đó bạn sẽ biết ơn vì có thể tận hưởng những thứ bạn còn có thể xử lý được mà không phải khổ sở với gánh nặng của việc có quá nhiều thứ phải trông nom và quá nhiều đống bừa bộn phải dọn dẹp.
Nhiều lúc tôi rất nhớ khu vườn của mình. Nhưng tôi phải nói rằng việc thưởng thức khu vườn của người khác sẽ dễ dàng hơn nhiều. (Và nếu có người muốn học hỏi hay nói về chuyện làm vườn, họ có thể hỏi và lắng nghe chia sẻ của bạn – bạn vẫn còn đủ kiến thức và kinh nghiệm mà).
Chuyển đến nơi nhỏ hơn
G
ần đây tôi có đọc trên báo thông tin về một tổ chức mới chuyên thu dọn đồ đạc và sắp xếp không gian sống mới, nhỏ gọn hơn cho những người lớn tuổi theo đúng ý của họ. Tôi nghĩ đây là ý tưởng hay, nhưng thấy mức phí mà tổ chức này thu thì tôi lo lắng về số tiền trên hóa đơn cuối cùng – hãy cẩn trọng, quá trình döstädning đòi hỏi rất nhiều thời gian.
Việc thuê chuyên gia như vậy cũng khiến quá trình dọn dẹp diễn ra quá nhanh – vì họ thu phí theo giờ và bạn không muốn thanh toán quá nhiều – đến mức tâm trí bạn không có được khoảng lặng cần thiết để suy nghĩ thấu đáo và lên kế hoạch cho nơi ở mới. Đừng quên là bạn có thể sống ở đó thêm nhiều năm nữa. Đó là lý do hợp lý để xem xét thật kỹ lưỡng các món đồ của bạn và cân nhắc xem mình muốn giữ lại món nào.
Có nhiều cách để thực hiện việc này. Có thể là bạn đã có phương thức lý tưởng để tham khảo, nếu không thì sau đây là cách tôi vẫn làm để việc tinh gọn nhà cửa trở nên dễ dàng hơn.
Tôi đặt tên cho mỗi căn phòng hay không gian trong nhà, rồi tôi viết cái tên đó lên mẩu giấy có các cột “Đem cho”, “Bỏ”, “Để lại” và “Chuyển đi”. Việc này giúp tôi không bỏ sót món nào khi các tổ chức khác nhau (hội người già, hội Chữ Thập Đỏ…) đến lấy đồ.
Khi tôi bán nhà, người chủ mới muốn mua và giữ lại một số món đồ nội thất. Tôi xếp những món đồ này trong cột “Để lại”, đồng thời dán cho chúng tấm thẻ “Để lại” màu đỏ.
Không lâu sau tôi tìm được một căn hộ hai phòng ở một thị trấn khác, nơi mà tôi đã biết rõ từ hồi còn trẻ. Hai đứa con của tôi đang sống ở thị trấn này, và tôi cũng có vài người bạn ở đây. Tôi không có ý định tự mình đóng gói hành lý, vận chuyển và dọn nhà. Giờ là lúc so sánh bảng báo giá của ít nhất là hai công ty dọn nhà, nhưng trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng, tôi muốn có thêm sự chuẩn bị.
Sắp xếp nơi ở mới
T
rước khi thuê công ty dọn nhà, tôi đến nơi ở mới của mình và cẩn thận đo đạc mọi không gian ở đó. Sơ đồ căn hộ mà bên môi giới nhà đất cung cấp hiếm khi có số đo chính xác, và việc có số đo chính xác là rất quan trọng. Hãy tưởng tượng cảnh nhân viên vận chuyển hì hục khuân cái tủ quần áo lớn lên mấy tầng lầu rồi mới phát hiện nó dài hơn nơi cần đặt năm xăng-ti-mét. Chuyện này thật sự lãng phí thời gian và gây bực bội cho cả bạn lẫn nhân viên vận chuyển.
Vì thế, đầu tiên tôi mua một xấp giấy vẽ và phác thảo sơ đồ căn hộ trên đó. Tôi cũng đo đạc mọi món đồ nội thất mà tôi hy vọng sẽ vừa với căn hộ nhỏ của mình, sau đó tôi minh họa chúng dưới dạng hình tam giác và hình chữ nhật trên tờ giấy khác. Tôi ghi tên món đồ lên từng hình và cắt chúng ra.
Bây giờ thì việc bố trí nội thất trong căn hộ mới trở nên dễ dàng hơn nhiều vì tôi chỉ việc sắp xếp các hình chữ nhật và hình tam giác lên sơ đồ nhà mà tôi đã phác thảo trước đó. Chắc chắn là không có đủ chỗ cho tất cả các mẩu “nội thất” tôi đã cắt, nhưng điều quan trọng nhất là tôi có thể xác định món đồ nào thật sự có chỗ phù hợp trong ngôi nhà mới của tôi.
Những món đồ nào không phù hợp sẽ trải qua quy trình như những món đồ khác mà tôi đã bỏ đi. Tôi hỏi các con trước, rồi đến công ty đấu giá, bạn bè và hàng xóm…
Trước ngày dọn nhà, tôi kiểm tra lần cuối để đảm bảo tất cả những món đồ cần để lại đều được đánh dấu cẩn thận, để công ty vận chuyển không lấy nhầm những món tôi đã xác định là mình không cần, hoặc những món không phù hợp với căn hộ mới. Chuyện này cũng quan trọng như việc thông báo chuyển địa chỉ thư tín và sang tên trên đồng hồ điện, nước cho người chủ mới.
Quá trình chuyển nhà diễn ra nhẹ nhàng vì tôi đã biết vị trí thích hợp cho toàn bộ đồ đạc của mình. Tôi rất vui và hài lòng vì một khi đã chuyển đồ vào thì tôi không phải nhờ người khác thay đổi vị trí các món đồ trong nhà.
T
Nhà
ôi dọn từ bờ Tây Thụy Điển sang Stockholm mười năm trước. Tôi đã đúng khi quyết định không vội vã dọn nhà. Tôi dành thời gian lên kế hoạch chuyển nhà và cẩn thận suy nghĩ về tương lai mình mong muốn.
Căn hộ mới của tôi nằm trong tòa nhà có khoảng sân nội bộ rất đáng yêu với nhiều mảng xanh, cây cối và hoa. Tòa nhà có khu vực ngồi thư giãn ngoài trời, sân chơi trẻ em, bãi dựng xe đạp và nhà để xe ô-tô cho ai cần, một nhà khách để ai cần có thể thuê ở trong vài ngày với mức giá hợp lý, phòng giặt đồ đầy đủ tiện nghi và có vị trí thuận tiện cho những ai di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng. Tìm hiểu các tiện ích cần thiết trước khi mua hay thuê nơi ở mới là rất quan trọng.
Tôi không nghĩ mình sẽ chuyển nhà lần nữa, nhưng khi đã bước qua tuổi tám mươi và đang ở ngưỡng một trăm tuổi thì tôi nghĩ lập danh sách các món đồ mình có sẽ không có hại gì. Tôi có quá nhiều quần áo và sách, tôi không cần đến mười sáu cái đĩa khi bàn ăn chỉ đủ chỗ cho sáu người. Ngoài ra, tôi chắc chắn là số lượng khăn ăn và khăn trải bàn cũng có thể giảm đi đáng kể.
Tôi mua chiếc máy hủy giấy nhỏ và dễ sử dụng. Tôi đang chờ đến lúc xem lại những lá thư cũ và những món giấy tờ không còn quan trọng nữa – giấy tờ từ công việc kinh doanh mà vợ chồng làm hồi xưa, giấy tờ tài chính và giao dịch ngân hàng, cùng với những xấp hóa đơn đã thanh toán được bấm vào nhau bằng kim bấm. Nếu
có điều gì đó mà tôi học được từ döstädning thì đó chính là tôi ghét kim bấm.
Chồng tôi là người rất ngăn nắp – đây là đức tính tốt, nhưng bây giờ thì mớ kim bấm trở thành vấn đề. Tôi phải gỡ từng cái kim một để chúng không làm hỏng chiếc máy hủy giấy. Băng dính hẳn sẽ giúp mọi chuyện dễ dàng hơn cho tôi. Hãy nhớ điều này khi bạn muốn bấm giấy lại với nhau.
Vài suy nghĩ về sự tích lũy và nhiều thứ khác T
ôi đã dành cả cuộc đời mình để vẽ tranh. Là một nghệ sĩ, bạn phải có khả năng chia tay các tác phẩm của mình. Đó gần như là chuyện không thể tránh khỏi. Tôi đã bán và tặng toàn bộ tác phẩm của mình, với tốc độ từ từ như lúc tôi sáng tác chúng. Khi phải tinh gọn đời sống, tôi có rất nhiều tranh mà bản thân mình không hài lòng. Tôi đã giữ những bức tranh đó lại vì muốn cải thiện chúng. Căn hộ mới của tôi không có đủ chỗ cho những bức tranh này, thế nên tôi bỏ chúng đi. Tôi đã đốt hết số tranh đó.
Có thể việc phải bỏ đi các tác phẩm nghệ thuật của mình trong suốt cuộc đời đã khiến tôi không đa sầu đa cảm khi phải bỏ đi những món đồ khác.
Thật đáng ngạc nhiên, và cũng có chút lạ lùng, khi biết mình đã tích lũy biết bao nhiêu thứ trong suốt cuộc đời.
Đồ đạc
Các thiết bị hiện đại như máy pha cà phê cao cấp, máy xay tốc độ cao, chảo và nồi thông minh đầy trong bếp của chúng ta, trong khi ta vẫn giữ lại chiếc máy pha cà phê cũ, cây đánh trứng và xoong nồi. Trong phòng tắm bạn có thể có những hộp phấn mắt mới nhất đủ dùng trong mười năm hoặc đủ loại sơn móng tay của mùa trước. Tủ thuốc luôn đầy ắp những hộp vitamin bổ sung mà không ai còn uống, hoặc những lọ thuốc đã hết hạn sử dụng.
Thậm chí khăn trải bàn và tấm trải giường cũng chạy theo thời trang. Chúng ta mua những cái mới trong khi cái cũ vẫn còn dùng tốt.
Chúng ta cảm thấy phong cách được yêu thích hồi năm ngoái là chất liệu gỗ và tre sậm màu cần được thay bằng phong cách Bắc Âu trắng và tối giản của năm nay với những sọc thẳng đơn giản. Nếu không làm vậy, chúng ta cảm thấy như thể mình sẽ không thể sống trong ngôi nhà này. Chuyện này thật lãng phí, nhưng cũng không phải là vấn đề lớn nếu chúng ta nhớ bỏ đi những món đồ cũ trước khi mua mới.
Xu hướng tiêu thụ không có chừng mực mà ai trong chúng ta cũng có phần tạo ra này cuối cùng sẽ hủy hoại hành tinh của chúng ta.
Nếu sống ở thành phố lớn, nơi người ta thay đổi đồ dùng nhà bếp và phòng tắm thường xuyên như tôi thay chiếc áo len cũ của mình, bạn sẽ thấy những đống rác lớn trên vỉa hè đầy những bồn tắm, chậu rửa chén và bồn cầu. Và khi người chủ mới muốn tạo dấu ấn riêng cho căn hộ, mọi thứ sẽ lại thay đổi – và sự thay đổi này sẽ duy trì trong một hoặc hai năm!
Khi đã sống gần trăm năm, bạn sẽ thấy không có bao nhiêu người trong độ tuổi này có mong muốn hay đủ năng lượng để thực
hiện việc cải tạo lớn như vậy. Họ cũng không quan tâm đến việc để lại dấu ấn của mình theo cách này. Đây là một ích lợi nữa của việc döstädning: suy nghĩ nhiều hơn về cách tái sử dụng, tái chế và làm cho cuộc sống của mình đơn giản hơn cũng như tinh gọn hơn một chút (hoặc nhiều). Sống tinh gọn là một sự giải thoát.
Quần áo
Khi già đi, phong cách sống của bạn thay đổi, và nhu cầu của bạn về một số kiểu trang phục cũng vậy. Tôi chắc chắn bạn sẽ vui vẻ bán hoặc tặng những trang phục và phụ kiện phù hợp với hoạt động trượt tuyết, múa ba-lê hoặc lặn biển khi bạn nhận ra rằng mình không còn dùng đến chúng nữa.
Tôi từng trượt tuyết trong bộ bikini vào một ngày mùa đông đầy nắng. Thật kỳ lạ khi nghĩ đến chuyện đồ bơi có thể phù hợp với vùng núi Alps, trong khi giày trượt tuyết chắc chắn không thể dùng đi bơi. Vậy bạn sẽ giữ món nào khi già đi? Tất nhiên là bộ đồ bơi rồi.
Dù ở độ tuổi nào thì con người cũng mua rất nhiều trang phục. Không phải vì chúng ta cần, mà vì trang phục mới giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc trong chốc lát. Chúng ta cảm thấy thoải mái hơn, quyến rũ hơn, và chúng ta thích ý nghĩ rằng bộ đồ mới phù hợp với mình một cách hoàn hảo.
Đàn ông ở độ tuổi của tôi thường không gặp rắc rối với vấn đề có quá nhiều trang phục. Họ mặc đồ cứ như đồng phục vậy. Nhưng đàn ông trẻ tuổi ngày nay dường như hứng thú nhiều hơn với quần áo và thời trang. Vì thế cuối cùng họ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tinh gọn tủ quần áo của mình hệt như phụ nữ ngày nay.
Tôi để ý ngày nay dường như không ai còn khâu vá quần áo nữa, và những cái quần đắt tiền nhất là những cái có nhiều lỗ rách và miếng vá. Có lẽ đã đến lúc để thế hệ mới học cách may vá và sửa
đồ, vì điều này sẽ có ích cho hành tinh chúng ta. Những cửa hàng bán quần áo đã qua sử dụng xuất hiện ở mọi nơi. Tôi nghĩ rằng điều này thật tuyệt! Bây giờ người ta còn gọi đó là xu hướng “vintage” hoài cổ đấy. Nhưng bạn sẽ nói gì khi một người khách xuất hiện trong bộ trang phục cũ của bạn? Tôi thật sự phải làm quen với ý nghĩ đó và vẫn chưa hình dung ra cách xử trí nếu nó xảy ra với tôi một ngày nào đó.
Gần đây tôi có tham gia một bữa tiệc có nhiều người trẻ. Một phụ nữ bước vào với bộ đồ rất đẹp. Tôi tán thưởng và cô ấy rất tự hào khi cho hay đó là đồ đã qua sử dụng – tự hào như thể đó là bộ đồ của Dior vậy. Cho nên có thể xã hội đang thay đổi. Có chút hy vọng cho hành tinh của chúng ta rồi đây!
Lưu ý đối với quần áo trẻ em
Hồi tôi còn nhỏ, gia đình tôi có một cô thợ may riêng – đó là chuyện bình thường lúc bấy giờ. Việc của cô ấy là sửa quần áo cho vừa với kích cỡ của chị em tôi, đôi khi là may luôn quần áo mới. Cô ấy đến nhà vào sáng sớm để lấy số đo của chúng tôi trước khi chúng tôi đến trường. Mỗi mùa cô sẽ ở lại làm việc tại nhà chúng tôi vài ngày.
Tôi đã khâu vá rất nhiều cho các con của mình, và tôi vẫn chưa quên tất cả những cái đít quần mà mình đã vá vào mùa đông khi bọn trẻ không thể tìm ra miếng bìa cứng để ngồi lên khi trượt tuyết từ trên đồi xuống.
Đôi khi việc cho đi quần áo của con là rất khó khăn. Đối với tôi, lý do là vì chúng nhỏ xíu và đáng yêu quá, và thật sự rất thú vị khi có thể đưa chiếc áo bé xíu cho chàng thanh niên nay đã cao gần hai mét xem và nói, “Đây là áo của con nè”.
Sau đó, khi chàng thanh niên cao gần hai mét đó làm cha, sẽ thật tuyệt khi anh ta có thể nhìn thấy con của mình trong bộ đồ mà chính anh ta đã mặc. Quần áo trẻ con ngày xưa có chất lượng tốt hơn ngày nay. Tôi còn nhớ mẹ tôi đã làm quần áo cho các con tôi như thế nào. Bà may chúng từ loại vải mềm, cùng loại với vải làm khăn tay, và các đường may đều nằm ở mặt ngoài để tránh làm trầy da em bé. Tôi giữ lại vài món quần áo trẻ con đó trên gác xép, để dùng trong trường hợp tôi đủ may mắn được gặp những đứa cháu của mình. Và khi những đứa cháu mãi không xuất hiện, tôi sẽ lấy hộp đồ xuống và nhắc nhở những đứa con lười biếng của mình về mong ước của tôi. Và việc đó đã hiệu quả. Giờ đây tôi có tám đứa cháu, và không còn đồ trẻ em trên gác xép.
Nhưng nếu gia đình nhỏ của bạn không cần quần áo trẻ em, đương nhiên cách tốt nhất là hãy đem số quần áo cũ đó cho từ thiện.
Sách
Gia đình tôi thích đọc và giữ sách. Một mùa Giáng Sinh không có món quà nào là sách thì rất đáng thất vọng.
Sách nhìn chung khá khó bán lại. Tôi đề nghị bạn hãy cho gia đình và bạn bè xem qua những quyển sách mà bạn có thể không cần nữa và để họ lấy những quyển họ thích. Đôi khi những quyển sách còn có vài dòng ghi chú do những người mà bạn quen biết tự tay ghi lên. Những quyển sách này thường khó bỏ đi vì yếu tố tình cảm. Tôi gợi ý bạn hãy đọc quyển sách và những ghi chú đó lần cuối trước khi cho đi. Khi mua sách cũ, tôi thường tìm những quyển có ghi chú ai đó ghi trên lề. Điều đó giúp quyển sách có thêm dấu ấn. Vì vậy đừng ngại tặng đi những quyển sách có ghi chú trên đó.
Nếu bạn cũng như tôi là có nhiều quyển sách về cùng một chủ đề nào đó, ví dụ như nghệ thuật, nấu ăn, làm vườn, khoa học hoặc hàng hải – bạn có thể tìm ai đó muốn mua cả bộ.
Bên cạnh những quyển sách để đọc và thưởng thức, nhiều gia đình Thụy Điển còn giữ một bộ bách khoa toàn thư trên kệ sách. Ngày nay, với sự phát triển của Internet, tôi cảm thấy không còn cần thiết hay có đủ chỗ cho các bộ bách khoa toàn thư trên kệ sách trong căn hộ mới nữa. Vì vậy, khi chuyển nhà, tôi đã gọi điện cho trường học gần nhà và họ rất vui khi đến nhận hai mươi tám (tôi nghĩ vậy) quyển sách to và nặng của tôi. Chuyện đó khiến tôi hạnh phúc đến mức tôi đã tặng họ luôn cả cái kệ sách.
Tôi chỉ giữ những quyển sách mà tôi chưa đọc, hoặc những quyển mà tôi thường mở ra đọc lại. Trong trường hợp của tôi thì số sách đó chủ yếu là sách nghệ thuật và sách tham khảo, như từ điển và tập bản đồ chẳng hạn.
Khi tôi dọn dẹp để chuyển nhà, vấn đề lớn nhất của tôi với sách là những quyển Kinh Thánh. Tôi gọi cho nhà thờ địa phương nhưng họ không muốn nhận thêm, dù đó là quyển sách cổ có gáy da. Họ cũng không tư vấn tôi nên làm gì với chúng. Tôi giữ lại hai quyển – ai đó đã ghi lên mặt trong bìa sách ngày sinh và ngày mất của những người trong gia đình của tôi và chồng tôi từ rất lâu rồi. Những quyển còn lại tôi phải vứt bỏ. Không hiểu sao tôi cảm thấy rất tồi tệ về chuyện đó. Tôi đoán là do những quyển Kinh Thánh đó rất có ý nghĩa với những người có mối liên hệ với tôi theo cách nào đó, dù tôi chưa từng gặp họ. Chúng từng được trân trọng vào thời mà sách có ý nghĩa rất lớn đối với người sở hữu – rất lâu trước khi Harry Potter và những quyển sách bán chạy khác ra đời.
Ở Stockholm, ngày mười bốn tháng Tám hàng năm là hội sách thường niên. Cả con đường chính ở trung tâm thành phố chật ních những chiếc bàn để những quyển sách mà người ta muốn bán. Đó là một ngày tuyệt vời cho những người muốn bỏ bớt sách và những người muốn có thêm sách. Nếu nơi bạn ở không có hoạt động nào tương tự, có thể bạn sẽ muốn góp phần tạo ra một sự kiện hay chương trình nào đó tương tự.
Nhà bếp
M
ột đứa con gái của tôi có đặt tấm biển trong bếp với nội dung: “Tôi hôn giỏi hơn làm bếp!”. Đó là thông tin cảnh báo dành cho khách khứa của nó – họ có thể sẽ có một buổi tối đầy ngạc nhiên, có lẽ là cả nghĩa tốt lẫn xấu. Tôi thích nấu nướng. Tuy không phải là đầu bếp xuất sắc nhưng tôi đã thu thập nhiều dụng cụ làm bếp trong suốt cuộc đời mình, và giờ đây tôi phải nghĩ xem nên làm gì với chúng.
Hồi còn sống ở châu Á, tôi đã mua rất nhiều dụng cụ làm bếp hữu ích, đẹp và không giống bất cứ thứ gì tôi từng thấy trước đó. Ví dụ như những chiếc muỗng sứ rất thích hợp để ăn súp nóng vì không làm phỏng môi người ăn. Một vài cái muôi làm từ vỏ dừa khô, rất phù hợp khi dùng với món súp, món hầm và rau trộn. Tôi cũng có dụng cụ lọc trà được tết từ sợi tre, trông mong manh và đẹp đến mức không thích hợp dùng hằng ngày, nhưng thật sự rất tinh xảo. Sau hơn hai mươi năm, những món đồ đó vẫn rất đẹp. Những món nho nhỏ như vậy có thể dễ dàng được tặng cho bất kỳ ai.
Nhưng tôi cũng có cái chảo to đùng! Nó làm từ thép cán siêu mỏng, đen như than và rất tuyệt khi dùng để chiên xào đồ ăn, đặc biệt là các món của châu Á. Một cái chảo như vậy cần được chăm sóc cẩn thận, rửa sạch, phơi khô kỹ sau mỗi lần sử dụng và đôi khi nếu thời tiết quá ẩm thấp thì phải bôi một ít dầu chống gỉ sét.
Có lần tôi được mời dự tiệc trà ở Singapore. Mọi người đều phải đội nón – đó là điều bắt buộc. Tôi đã không đội nón trong suốt hai mươi năm và không có sẵn nón. Tôi không biết phải làm sao.
Và rồi tôi thấy cái chảo của mình đang được treo trong bếp. Tôi đội nó lên đầu, cài hoa lan lên mặt trước để trang trí, lấy một sợi dây thô tìm được trong nhà để làm quai nón và cột nó vòng qua dưới cằm. Bạn có tin hay không thì tùy, nhưng tôi đã giành giải nhất và nhận được phần quà là một chai nước hoa Schiaparelli rất đẹp. Thật bất ngờ!
Một đứa con trai của tôi đã đem cái chảo đó về nhà. Gia đình nó thích nấu ăn, và tôi tin là thức ăn làm từ cái chảo này sẽ có hương vị đặc biệt. Hơn nữa, ở nhà chúng có bếp ga và có thể sử dụng cái chảo theo đúng cách sử dụng ban đầu của nó, trên bếp lửa hoặc dùng khi đi cắm trại. Biết rằng gia đình con trai có đủ điều kiện để sử dụng chiếc chảo quý giá này, tôi cảm thấy dễ dàng hơn khi trao cái chảo cho chúng. Nghĩ về ngôi nhà mới mà các vật dụng của mình sẽ được bài trí hay sử dụng ở đó là rất quan trọng khi bạn dọn dẹp. Đừng trao các món đồ cho những người không thích chúng hoặc không có nơi phù hợp cho chúng. Đó sẽ là gánh nặng cho họ, và có thể họ sẽ khó nói lời từ chối vì nghĩ rằng điều đó sẽ làm tổn thương bạn.
Nếu bạn không bán, quyên góp từ thiện hoặc bỏ đi món đồ nào đó thì việc tìm hiểu kỹ để chọn được ngôi nhà mới phù hợp với món đồ đó sẽ mang lại cảm giác thỏa mãn cho cả bạn lẫn người nhận. Thật vui khi biết một món đồ sẽ được phát huy tác dụng ở ngôi nhà mới.
Khi bạn dọn dẹp các món dụng cụ bàn ăn, sẽ có hai tình huống sau: bạn đang chuyển đến căn nhà nhỏ hơn, trong trường hợp này bạn cần cân nhắc về khả năng chứa đồ ở nơi đó; hoặc bạn không chuyển nhà nhưng có quá nhiều chén bát, dĩa, ly, tách, muỗng, nĩa hơn nhu cầu sử dụng của mình.
Nếu bạn vẫn còn thích tiếp đón khách đến nhà, tôi đề nghị bạn hãy giữ lại một bộ chén dĩa có số lượng tương ứng với số khách mà bạn có thể mời. Tương tự với dao, nĩa, muỗng, ly và tách. Nếu bạn muốn trang trí bàn ăn, hãy dùng hoa hay khăn ăn giấy thay vì dùng nhiều chiếc dĩa với khăn ăn vải đủ màu sắc.
Tôi đã giữ lại, và vẫn sử dụng, một số chiếc dĩa sứ đặc biệt từ Nhật Bản mà sau này tôi sẽ đem cho các con. Những chiếc dĩa đơn giản hơn và số ly thủy tinh thừa được đem cho từ thiện.
Sách dạy nấu ăn và các công thức gia truyền
Hồi căn bếp của tôi rộng rãi hơn bây giờ, tôi có một kệ dành riêng cho sách dạy nấu ăn. Ngày nay tôi toàn lên mạng Internet để tìm công thức nấu ăn. Tôi gõ tên món ăn mình muốn nấu vào Google và có được rất nhiều cách nấu khác nhau, mỗi cách còn có hình ảnh minh họa trông hấp dẫn hơn cả trong sách. Thật tuyệt vời!
Giờ đây tôi chỉ còn lại hai quyển sách dạy nấu ăn. Khi nói “quyển sách”, ý tôi là quyển sách mà bạn có thể cầm, lật ra và nghiền ngẫm trong lúc tìm cách nấu món nào đó. Một trong số đó là quyển sách mà tôi đã tự viết ra sau nhiều năm dài, với nhiều công thức nấu ăn mà tôi có được từ bạn bè và gia đình, hoặc cắt từ trong báo. Tôi đã từ từ bỏ bớt kha khá công thức trong đó – những món mất nhiều thời gian nấu và mấy công thức bánh ngọt. Tôi không còn thích
đứng lâu trong bếp nữa và cũng không có niềm đam mê với bánh ngọt, hay đúng hơn là không thích – mặc dù bọn trẻ rất mê món này.
Tuy vậy, tôi vẫn giữ lại những viên ngọc quý, chẳng hạn như món bánh thịt của mẹ tôi, món gaffelkakor (một kiểu bánh quy có dấu ấn hình chiếc nĩa trên bề mặt) của mẹ chồng tôi, món mứt hoa hồng của bà hàng xóm Andréa, cùng vài món tủ khác có thể đem lại sự hứng thú cho ai đó vì quá ngon, hoặc vì đó là công thức khó tìm, hoặc vì chúng chứa đựng những kỷ niệm mà những người tôi yêu thương có thể sẽ muốn tái hiện lại ở căn bếp nhà họ.
Ba trong số các công thức tôi lưu lại là những công thức mà tôi tìm được trong ngăn tủ bếp của cha mình từ rất lâu trước đây. Những công thức đó được viết tay rất cẩn thận bởi người đầu bếp từng sống với chúng tôi khi tôi còn nhỏ. Bà ấy rất tử tế và tôi còn nhớ việc mình được ngồi trong bếp, quan sát bà nấu nướng. Bà cho tôi phần thưởng là những trái nho khô, có lẽ là để giữ cho tôi yên lặng dù chỉ trong chốc lát. Ba công thức của bà hướng dẫn nấu món dưa muối, cá trích chiên giòn và thịt nướng kiểu Pháp. Mọi công thức còn lại đều được bà lưu giữ trong đầu.
Quyển sách nấu ăn thứ hai mà tôi giữ lại là quyển tôi có từ lúc còn ở Singapore. Tôi đã cùng bạn bè tổng hợp công thức nấu ăn thành quyển sách này để bán lấy tiền gây quỹ từ thiện. Quyển sách có phần te tua của tôi đầy ắp những công thức nấu ăn ngon lành từ những người phụ nữ – và một người đàn ông – đến từ khắp nơi trên thế giới. Có một món gỏi đến từ Nam Phi, cà ri cừu từ Malaysia, bánh nướng từ tỉnh Värmland của Thụy Điển và cả hướng dẫn pha chế một ly Singapore Sling hoàn hảo. (Cá nhân tôi thì nghĩ món đó có vị như ai đó đã vét sạch cả chạn bếp để tìm các nguyên liệu –
nhưng tôi đoán là nó hợp với các hương vị đa dạng trong cuốn sách). Rồi còn có món bánh quy Mexico, bánh mì lúa mạch đến từ đất nước Tiệp Khắc cũ và nhiều món nữa. Rất nhiều người trong số những người đóng góp công thức thường xuyên mời khách đến nhà dự tiệc và rõ ràng là họ rất tự hào khi giới thiệu những món ăn có nguồn gốc từ quê nhà. Đó là một bộ sưu tập công thức nấu ăn tuyệt vời và phong phú. Việc đọc quyển sách này đưa tôi đến một chuyến du lịch vòng quanh thế giới qua hương vị và gợi nhớ những con người thú vị mà tôi quen biết trong quãng thời gian đó.
Khi trở về quê nhà, tỉnh Bohuslän ở bờ Tây Thụy Điển, tôi nghĩ đến việc sưu tầm công thức nấu ăn mà phụ nữ địa phương trân trọng và giấu kín. Thật hay khi nấu những món ăn sử dụng nguyên liệu địa phương và công thức được truyền tay qua nhiều thế hệ. Giờ đây tôi không nghĩ là mình còn đủ thời gian để làm việc đó, nhưng biết đâu độc giả nào đó sẽ đón nhận gợi ý này và bắt tay vào thực hiện. Ngay lập tức! Thời gian là rất quan trọng. Những phụ nữ đó có khi còn lớn tuổi hơn tôi nữa.
Tôi nhận ra việc bỏ đi những quyển sách dạy nấu ăn được in ấn đàng hoàng là khá dễ dàng, bất kể chúng hữu ích ra sao trong những năm tháng qua. Công thức nấu ăn cá nhân và các câu chuyện mới là thứ tôi muốn giữ lại để tiếp tục thưởng thức.
Hàng xóm cạnh nhà tôi trong những năm ở Bohuslän là Andréa. Bà là một góa phụ rất tháo vát, đồng thời là một người bạn tốt và chân thành. Tôi từng vẽ một bức tranh về bà qua hình ảnh cây dương đào nở hoa. Nó gợi nhớ đến cây mộc lan nhưng lớn hơn và nở hoa dày đặc. Mạnh mẽ và xinh đẹp – giống như Andréa vậy. Bà ấy có rất nhiều công thức nấu ăn tuyệt vời, và tôi sẽ chia sẻ một số
với bạn ngay bây giờ: mứt hoa hồng ngâm, rượu làm từ củ cải đỏ và bánh nướng phô mai theo kiểu Bohuslän.
Mứt hoa hồng ngâm
1 kg quả tầm xuân
600 ml nước
150 ml giấm trắng
500 gram đường
5 – 10 mẩu đinh hương
1 thanh quế, nghiền nát
Cắt đôi quả tầm xuân rồi dùng muỗng nhỏ múc phần ruột bên trong ra. Đun nóng nước, giấm, đường và các loại gia vị. Khi nước sôi, cho quả tầm xuân đã được làm sạch vào và tiếp tục đun đến khi quả mềm. Giã đinh hương và nghiền nát quế. Đổ hết vào trong lọ và đậy nắp lại. Món này không cần được cất trong tủ lạnh.
Rượu củ cải đỏ
4 lít nước
1 kg củ cải đỏ
2 kg đường
250 gram nho khô
100 gram men
2 lát bánh mì lúa mạch hoặc bánh mì khác
(không dùng bánh mì trắng)
Nấu củ cải trong nước đến khi mềm. Chắt nước ra và đổ hết vào tô. Cho thêm đường và nho khô. Rải đều men trên các lát bánh mì, tương tự như cách bạn thường phết bơ lên bánh mì. Đặt các lát bánh mì lên phần nước củ cải này. Đậy kín và để đó trong một tháng. Thỉnh thoảng hãy khuấy một chút (khoảng một tuần một lần). Sau đó hãy chắt nước vào trong chai và thưởng thức nhé!
Bánh phô mai Bohuslän
4 lít sữa
600 ml kem sữa béo
400 ml bơ sữa
8–10 quả trứng gà
50 gram đường
Trộn tất cả các nguyên liệu trong một cái khay lớn. Từ từ làm nóng hỗn hợp và dùng muỗng gỗ liên tục đảo đều hỗn hợp từ dưới lên. Đừng để hỗn hợp sôi. Hãy quan sát hỗn hợp thật cẩn thận. Khi nó bắt đầu vón hạt, hãy lấy khay ra khỏi bếp và để yên khoảng năm, mười phút. Hâm nóng hỗn hợp một lần, nhớ không để hỗn hợp sôi.
Dùng muỗng múc hỗn hợp vào khuôn. Khuôn bánh phô mai thường có nhiều lỗ nhỏ để phần chất lỏng dư có thể chảy ra. Nếu thích, bạn có thể rắc một ít đường vào giữa các lớp bánh trong quá trình đổ vào khuôn. Để hỗn hợp yên trong khoảng bốn giờ đồng hồ.
Nếu không thêm đường thì bạn có thể ăn món bánh này với món cá trích ngâm hoặc cá hồi xông khói. Còn món bánh phô mai có đường sẽ là món tráng miệng ngon lành và hợp với mứt dâu đen.
Một chiều nọ, Andréa mời tôi qua nhà để thử món rượu củ cải đỏ. Nó có màu hổ phách tuyệt đẹp và mùi vị rất ngon, dịu ngọt và ấm nồng. Hôm đó bà ấy kể cho tôi nghe về phong tục của các bà vợ góa của ngư dân. Kể từ khi chồng bà qua đời, mỗi sáng bà đều lấy phần cháo còn thừa và đặt ở nơi con thuyền của ông thường neo đậu. Lập tức sẽ có một con chim hải âu bay đến và ăn hết những gì bà đem ra. Bà nói rằng chú chim đó chính là linh hồn của chồng mình. Tôi luôn nghĩ về điều này mỗi khi nhìn thấy hải âu.
Chồng tôi được chôn cất vào một ngày đầu hè rực rỡ. Mấy đứa cháu gái trông rất nghiêm trang trong những bộ đầm sáng màu. Mấy đứa cháu trai thì leo lên đứng trên thành của ngôi mộ. Ai đó đọc bài thơ của Frans G. Bengtsson, một nhà thơ Thụy Điển mà chồng tôi rất thích. Bài thơ kết luận rằng hải âu khi bay luôn biết tìm chỗ để nghỉ ngơi; nhưng trái tim con người, ràng buộc với sự sống trên mặt đất, không bao giờ có thể trải nghiệm sự bình yên đích thực khi còn sống.
Trên lối đi rải sỏi gần mộ của chồng tôi, một chú chim hải âu non chầm chậm bước qua. Tôi bất giác mỉm cười.
Đồ đạc, và nhiều đồ đạc hơn
N
hững món đồ đẹp đẽ như chú chim bằng gỗ mà tôi mang về từ châu Phi, những món kỳ lạ như chú heo biết hát có nam châm, hay những món ngộ nghĩnh như chú gấu vẫy tay chạy bằng năng lượng mặt trời đều là những món tôi rất yêu thích. Điểm yếu của tôi chính là những món đồ linh tinh. Tôi phải mất chút thời gian mới hiểu là chúng ta có thể tận hưởng các món đồ mà không cần sở hữu chúng. Dù đôi khi chuyện này rất khó thực hiện, nhưng hãy tập cho bản thân thỏa mãn với việc chỉ nhìn ngắm đồ mà không mua – điều này sẽ mang lại sự hài lòng và cũng là thói quen tốt. Bạn thật sự không thể đem hết mọi thứ bên mình, do đó, có lẽ sẽ tốt hơn khi cố gắng không sở hữu chúng.
Tất cả các món đồ tôi đề cập ở trên đều nhỏ gọn và dễ tặng. Nếu được ai đó mời đến nhà ăn trưa, bạn đừng mua hoa hay quà mà hãy tặng gia chủ một trong những món đồ của bạn.
Đôi khi xem lướt mấy quyển tạp chí thiết kế nội thất, tôi thấy mệt mỏi. Nhiều ngôi nhà có nội thất trông như được mua từ cùng một cửa hàng vậy. Màu sắc nhợt nhạt, đơn điệu, thiết kế thì hoàn hảo đến từng chi tiết và vì thế mà chẳng có cái nào có nét riêng gì hấp dẫn cả. Có quá nhiều món đồ trang trí được sắp xếp như diễu hành, hoặc theo một cách sắp đặt kỳ quặc. Tôi tự hỏi không biết có ai muốn lau bụi cho chúng không.
Nhưng cũng có nhiều ngôi nhà có cách bài trí nội thất đáng học hỏi. Đẹp đẽ, tinh tế và thông thoáng. Đó là những căn nhà thật sự
truyền cảm hứng và dễ dọn dẹp. Tôi vẫn cố gắng học theo cách bài trí đó. Tôi so sánh và có thể suy nghĩ lại về không gian sống của mình, và sau đó có lẽ tôi sẽ bỏ bớt một số món đồ khác nữa!
Nếu đó là bí mật, hãy cứ giữ kín
(Hay cách döstädning đối với những món đồ nguy hiểm và bí mật)
Liên quan đến chuyện dọn nhà của cha tôi, có một số thứ khiến ông lo lắng. Ông là bác sĩ và lưu giữ tất cả hồ sơ bệnh án của bệnh nhân tại văn phòng. Tất nhiên ông cần bỏ chúng đi một cách an toàn. Tất cả hồ sơ đều được ông viết tay hoặc gõ bằng chiếc máy đánh chữ Remington nhỏ. Hồi đó máy vi tính còn chưa được phát minh. Nhờ đó chúng tôi dễ dàng hủy toàn bộ tài liệu của ông mà không để lại dấu vết gì. Chúng tôi đốt hết số giấy tờ đó trong một thùng dầu tại ngôi nhà vùng ngoại ô của mình.
Một vấn đề khác là thùng đồ nằm sâu trong ngăn bàn làm việc của ông. Cái thùng đó chứa một lượng lớn chất arsenic. Nó đã ở đó gần ba mươi năm ròng, kể từ thời kỳ người Thụy Điển chúng tôi còn lo sợ sự xâm lược của người Đức. Chúng tôi không hiểu nổi tại sao cha lại giữ nó lâu như vậy. Có thể là ông đã quên mất nó. Cũng có thể ông ấy nghĩ có sẵn ít thuốc độc trong nhà cũng không sao. Ông dược sĩ ở nhà thuốc có chút bối rối khi tôi đưa cho ông ấy khối arsenic, nhưng cuối cùng ông ấy cũng nhận.
Trong khi dọn dẹp ngôi nhà của cha mẹ, có một thứ thật sự khiến tôi không biết làm sao. Mẹ tôi có một ngăn tủ lớn chứa đầy đồ dùng bằng vải. Những chiếc khăn tắm và khăn ăn mới được giặt sạch sẽ được đặt dưới cùng để bảo đảm mọi thứ đều được sử dụng luân phiên. Ở trong cùng, phía sau các sợi dây cột gối, tôi phát hiện bí mật đen tối của bà. Ở đó có vài gói thuốc lá.
Bí mật đen tối là gì? Tôi nghĩ đó là những tật xấu. Ngày nay chúng ta lệ thuộc vào điện thoại di động, trò chơi điện tử và nhiều thứ khác, mà khác với thuốc lá, những thứ này không lộ ra sau khi chúng ta chết.
Nhưng có những người nhét đầy tủ quần áo bằng những chai rượu gin và whiskey rỗng mà họ đã lén uống sạch. Và có rất nhiều điều mà người ta hay bàn tán với nhau sau khi ai đó qua đời.
Có thể ông nội cất bộ đồ lót nữ dưới đáy tủ quần áo, và có thể bà nội lại có bộ dụng cụ kích dục trong tủ của bà. Nhưng giờ đây những chuyện đó có ý nghĩa gì không? Họ không còn ở đây với chúng ta nữa; nếu chúng ta đã yêu quý họ thì đó không phải là chuyện đáng để chúng ta phải lo lắng. Hãy để mỗi người chúng ta có những sở thích nho nhỏ, miễn là chuyện đó không làm hại ai.
Tuy nhiên, có lẽ chúng ta nên tự döstädning một chút bằng cách giảm bớt những món đồ “bí mật” này trước khi từ giã cõi đời. Đây sẽ là món quà ý nghĩa dành cho những người chúng ta yêu thương, những người có thể sẽ döstädning cho chúng ta.
Vì thế, hãy cứ giữ món đồ chơi tình dục yêu thích của bạn nhưng vứt hết mấy chục món tương tự đi.
Thật vô nghĩa khi giữ lại những món đồ có thể gây sốc hoặc khiến gia đình buồn phiền sau khi mình đã mất.
Có thể bạn còn giữ những lá thư, tài liệu hoặc nhật ký có chứa những thông tin hay câu chuyện mà bạn không bao giờ muốn người thân phải xấu hổ vì chúng. Mặc dù chúng ta có vẻ đang sống trong nền văn hóa mà ai cũng nghĩ mình có quyền biết tất cả các bí mật,