🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Số 31 Đường Giấc Mơ - Lisa Jewell Ebooks Nhóm Zalo Giới thiệu nội dung: Một cuốn sách đem lại sự tự tin, tình yêu và cuộc sống. Nhiều năm nay, Leah và Toby sống cách nhau một con đường mà chưa hề chạm mặt nhau bao giờ... và Leah cực kỳ muốn nhìn trộm vào đằng sau cánh cửa ngôi nhà lập dị của Toby, nơi toàn những người thuê nhà kỳ quặc nhưng thú vị sinh sống. Cuối cùng, khi định mệnh mở cửa cho Leah bước vào ngôi nhà, cô ngạc nhiên nhận ra là có lẽ mình cũng cần Toby không kém gì Toby cần cô. Đôi lúc cuộc sống cần đến sự trợ giúp và với sự mơ mộng thấp thoáng cùng sức lôi cuốn đặc biệt, những giấc mơ của Toby và Leah đã có cơ may trở thành sự thật. Số 31 Đường Giấc Mơ là cuốn tiểu thuyết sâu sắc, ấm áp đến diệu kỳ sẽ mê hoặc và làm tâm hồn bạn thấy bình yên. Giới thiệu tác giả: Lisa Jewell sinh năm 1968 tại London, là một trong những tác giả thành công của thể loại chicklit ở Anh. Tác phẩm tiêu biểu: Ralph’s Party, Thirtynothing, After The Party, Số 31 Đường Giấc Mơ… Giải thưởng: giải Melissa Nathan Award For Comedy Romance (2008) dành cho cuốn Số 31 Đường Giấc Mơ. Lisa lớn lên ở miệt trên mạn bắc London cùng hai em gái, từng học và làm nhiều chuyên ngành khác nhau: ngành nghệ thuật tại Barnet College (2 năm), trong hai năm, ngành Minh họa thời trang và Truyền thông tại Epsom School of Art & Design (2 năm). Cô từng làm trợ lý PR trong 3 năm cho thương hiệu thời trang Warehouse; làm lễ tân và trợ lý giám đốc tại cửa hàng chính đóng trên đường Jermyn của nhãn hàng sơ mi cao cấp Thomas Pink trong bốn năm. Lisa viết tiểu thuyết đầu tay Ralph’s Party năm 1996 vì lý do đánh cuộc. Tác phẩm được hoàn thành năm 1997 và được nhà xuất bản Penguin xuất bản vào tháng 5 năm 1998, trở thành tiểu thuyết đầu tay bán chạy nhất trong năm. Từ đó đến nay cô đã có 11 tiểu thuyết và đều ở list sách bán chạy. Hiện cô đang sống ở Swiss Cottage, bắc London với chồng, Jascha, một tư vấn viên IT, hai con gái Amelie và Evie, cùng hai con mèo mướp màu ánh bạc, Jack và Milly. Mục Lục Lời cảm ơn Mở đầu Mười lăm năm trước 1. 2. 3. 4. 5. 6. 7. 8. 9. 10. 11. 12. 13. 14. 15. 16. 17. 18. 19. 20. 21. 22. 23. 24. 25. 26. 27. 28. 29. 30. 31. 32. 33. 34. 35. 36. 37. 38. 39. 40. 41. 42. 43. 44. 45. 46. 47. 48. 49. 50. 51. 52. 53. 54. 55. 56. 57. 58. 59. 60. 61. 62. 63. 64. 65. 66. 67. 68. 69. 70. 71. 72. 73. 74. 75. 76. 77. 78. 79. 80. 81. 82. 83. 84. 85. 86. Tặng Kay, người mẹ xinh đẹp của tôi (1944-2005) Những câu hỏi giản dị nhất cũng là những câu hỏi sâu sắc nhất. Ngươi sinh ra ở đâu? Nhà của ngươi ở đâu? Ngươi đi về đâu? Ngươi đang làm gì? Đôi khi hãy nghĩ về những câu hỏi ấy và để ý những câu trả lời của ngươi đổi thay. Richard Bach, Ảo ảnh: Những cuộc phiêu lưu của đấng cứu thế miễn cưỡng, 1977 Lời cảm ơn Xin cảm ơn các bạn trong Ban. Lần này tôi nhắc tới các bạn trước tiên để bù cho lần trước tôi đã quên cảm ơn các bạn. Tôi không biết các nhà văn khác xoay xở ra sao nếu họ không có được một chốn như của chúng ta để tìm đến mỗi khi mọi sự trở nên khó khăn (hoặc cảm thấy cô đơn, hoặc ngớ ngẩn, hoặc khó chịu). Tôi thực sự biết ơn các bạn. Cám ơn Sarah B, bởi, ngoài vô số những điều khác, đã nhận thấy rằng Leo cần phải là Leah. Cám ơn Judith vì sự thông thái, những lời khuyên, sự trung thành và khả năng biên tập tuyệt hảo. Cám ơn Mari, Liz, Rob, John, James, Naomi và tất cả mọi người ở Penguin, những người đã làm việc cật lực để những quyển sách của tôi trông bắt mắt, dễ đọc và phổ biến rộng rãi. Và một lời cảm tạ đặc biệt dành cho Louis Moore bởi tất cả những gì chị đã dành được cho tôi trong năm năm qua. Cám ơn chị vì tầm nhìn, đức tin và tình bằng hữu. Nhưng trên hết, cám ơn các chị em tôi, bố tôi và chồng tôi đã ở bên tôi suốt một năm qua, dẫu đôi khi thật khó tin rằng ngoài những trọng trách khác tôi lại phải viết thêm cả một cuốn sách. Không có mọi người, tôi không thể nào làm được điều ấy. Mở đầu Leah nhìn qua khe hở giữa hai tấm rèm để nhìn ngôi nhà đối diện bên đường. Tách biệt với hàng xóm láng giềng cả bởi vị trí và diện mạo, số 31 đường Thợ Bạc là một ngôi nhà kỳ dị đứng lẻ loi. Ngôi nhà ba tầng được cặp vợ chồng người thợ bạc về hưu xây cách đây một trăm năm mươi năm trên một mảnh đất được họ chọn lựa bởi từ đó có thể thưởng ngoạn toàn bộ quang cảnh nông thôn vùng Hertfordshire. Để tận hưởng cảnh quan, họ đã đặt làm một hàng hiên bằng sắt uốn cầu kỳ bao lấy toàn bộ tầng một của ngôi nhà. Ngày nay, ai đó ngồi ở hiên nhà chả còn thưởng thức được gì hơn ngoài mấy khoảnh vườn của những ngôi nhà nông thôn tầm thường thời Victoria ngay đối diện, và tiếp sau đó là mấy tầng phía trên của ba khối nhà cao tầng thô thiển, mọc lên giữa hoang dại của vùng Enfield. Vợ chồng người thợ bạc, một cặp lập dị, đã chọn trang trí phía ngoài căn nhà bằng những thứ gạch men màu sắc rực rỡ mà họ thu thập ở các chợ trời trong những chuyến du lịch khắp nơi trên thế giới. Hai bên cửa chính có ốp gạch trang trí hình chim công, và vì vậy ngôi nhà được dân địa phương gọi một cách không chính thức là Nhà Chim Công. Thực tế là, để mô tả cho mọi người biết chính xác cô sống ở đâu tại East Finchley, Leah thường nói rằng - bạn biết đấy, ngay đối diện với Nhà Chim Công. Ban đêm, khi sáng đèn, trông ngôi nhà hấp dẫn hơn. Nó khiến Leah nhớ tới cây đèn gốm trong phòng ngủ của mình khi cô còn nhỏ. Cây đèn hình nấm có trổ cửa sổ và cửa ra vào với những hình người bằng sứ sống bên trong. Cô thường ước ao được sống trong ngôi nhà nhỏ hình cây nấm ấy, thật tiện nghi, ấm cúng và an toàn. Nhà Chim Công cũng gợi cho cô cảm giác như vậy. Ngôi nhà thật mời gọi với những tấm kính màu và gạch men trang trí, những cây đèn lồng, mái đầu hồi và những con sư tử sứt mũi bằng xi măng. Trong lúc cô đang ngắm nhìn, cửa chính ngôi nhà bỗng mở ra, và Cô gái với Đàn Guitar xuất hiện. Cô và Amitabh đã đặt biệt hiệu cho tất cả mọi người sống ở Nhà Chim Công. Ngoài Cô gái với Đàn Guitar còn có Ông Lão Gầy, Chàng Gầy, Thiếu niên, Tiếp viên và Sybil (gọi như vậy bởi cô ta thay hình đổi dạng thường xuyên và khác biệt đến nỗi Leah và Amitabh tin chắc rằng cô ta bị mắc chứng rối loạn đa nhân cách). Cô gái với Đàn Guitar dừng lại ở bậc thềm cuối cùng và châm thuốc lá. Sau đó cô ta vén mớ tóc đen ra sau tai, khoác hộp đàn lên vai và rẽ về tay trái, theo hướng High Road, hai gót bốt nhọn hoắt tạo nên những âm thanh kim khí chói tai theo bước chân cô. Chàng Gầy nhìn theo cô ta, đêm nào cũng vậy, từ cửa sổ tầng hai. Khuôn mặt anh ta được ánh sáng từ màn hình máy tính chiếu rọi như mọi khi. Và trên khuôn mặt ấy, muôn thuở, là dáng vẻ của kẻ bị phụ bạc âm thầm. Anh ta có vẻ bề ngoài kỳ lạ, không phải là không hấp dẫn, nhưng dường như bị cố tình làm cho xấu nhất có thể. Tóc anh ta là một mớ những lọn xoăn không kiểm soát được, gần như tóc của người châu Phi. Và anh ta có hai bên tóc mai rậm rạp nối liền với ria mép chĩa ra ở hai bên má anh ta như thể cánh thiên thần. Hiếm khi anh ta rời khỏi máy tính và có lẽ Leah đã nhìn thấy anh ta ra khỏi nhà cả thảy năm lần kể từ khi cô dọn đến Đường Thợ Bạc. Leah chẳng biết ai vào với ai ở ngôi nhà đối diện bên đường. Cô không biết tên tuổi cũng chẳng biết quan hệ của họ. Cô cũng không biết ai là chủ ngôi nhà và tình cảnh của họ ra sao. Có phải ngôi nhà được chia thành những căn phòng trọ riêng biệt? Hay họ cùng thuê chung ngôi nhà? Có phải họ là thành viên của một gia đình kỳ lạ? Cô đã sống ở đối diện Nhà Chim Công từ gần ba năm nay, nhưng cô chưa bao giờ trò chuyện với bất kỳ ai sống trong ngôi nhà ấy. Thậm chí cũng chưa bao giờ gật đầu hay mỉm cười chào nhau. Leah là người có bản tính tò mò. Cô thích được biết cái gì là cái gì, ai là ai, mọi thứ ra sao và kết hợp với nhau thế nào. Nhưng cô cũng là một thị dân London tôn trọng không gian riêng của người khác, và biết mình biết người. Bởi thế cô ngồi đây mà nhìn, mà tự hỏi, mà chờ, bởi cô biết một ngày nào đó, bằng cách nào đó, cô sẽ tìm ra cách để trả lời mọi câu hỏi của mình. Mười lăm năm trước Mùng 1 tháng 8 năm 1990 Toby, Sáng mai Jemma và ta sẽ đi Cape Town. Xin lỗi vì bọn ta đã bỏ lỡ đám cưới của con tuần trước, nhưng ta nghĩ là con thông cảm cho ta. Ta gửi kèm theo đây một chùm chìa khóa. Ta mua cho con và Karen một ngôi nhà làm quà cưới. Peter đã mua được nó trong một cuộc đấu giá. Ta cũng chưa nhìn thấy ngôi nhà nhưng Peter đảm bảo với ta rằng đây là một món hời. Cần phải sửa sang lại đôi chút nhưng kết cấu của ngôi nhà còn ổn cả. Thế cũng vừa hay bởi ngôi nhà cũng chính là món thừa kế của con. Ta nghĩ tốt nhất là con có cái gì đó trong tay bây giờ; bởi trong tương lai ta sẽ sống ở nước ngoài và, một khi Jemma và ta bắt đầu một gia đình mới, chuyện ai hưởng gì sẽ trở nên phức tạp. Như thế này đơn giản hơn nhiều. Bất động sản đang là mốt đấy, Toby. Con đã ở trên bậc thang đầu tiên rồi đó. Ta có thể thấy khối thứ quan trọng đang diễn ra ở thị trường bất động sản London. Hãy tận dụng tối đa cơ hội đi. Peter nói là còn đôi chút khúc mắc. Ngôi nhà có một khách thuê vĩnh viễn. Ta chắc là Peter có thể bày cách cho con để giải quyết khách thuê này. Ta gửi kèm đây danh thiếp của Peter, nếu con cần ông ta giúp đỡ. Chúc con và Karen một ngày thứ Bảy tốt lành. Jemma và ta sẽ nâng một ly champagne mừng sức khỏe các con khi hoàng hôn buông xuống trên vịnh Camps. Ta cho là chẳng còn gì nhiều để mà nói ngoài việc chúc con may mắn. Reggie/Bố Vào tháng Tám năm 1990, Reggie Dobbs đã đi đến một kết luận cay đắng rằng việc nuôi dạy đứa con trai duy nhất là sự lãng phí hoàn toàn cả về thời gian, tiền bạc và tinh trùng của ông. Ông vẫn còn giật bắn cả mình mỗi khi nhớ lại việc mang thai cái thằng bé khổng lồ này đã ảnh hưởng thế nào đến thân hình trẻ trung, rắn chắc của cô vợ đầu và không thể nào tha thứ được cho thằng bé vì việc đó. Đứa trẻ sơ sinh to lớn ấy đã tiếp tục lớn lên với một tốc độ kinh khủng, lúc mười ba tuổi đã cao tới một mét chín và gầy như cây sậy, vô tích sự trong thể thao, mặt đầy mụn, trông chẳng đẹp đẽ tí nào. Toby rất tiếc chỉ thừa hưởng chiều cao chứ không phải nhan sắc của bà mẹ người mẫu. Thật đáng sợ khi phải nghển cổ lên để rồi bắt gặp ánh nhìn không tình cảm của thằng con trai to xác, bóng dáng của nó trùm lên ông như một con chim săn mồi ngoại cỡ. Họ gửi thằng bé vào trường nội trú khi nó được năm tuổi và cố gắng có thêm con, nhưng không thể. Rồi thì Angela qua đời, để lại Reggie tắc tị với thằng con trai duy nhất, một thằng vô tích sự hoàn toàn tự xưng là “nhà thơ”. Reggie bảo, “Nhà thơ?! Đội cái mũ ấy trông anh giống cái ấm trà thì có!” Nhưng chẳng hiểu sao, bằng một sự may mắn không ngờ nào đó, cái thằng con trai kỳ lạ ấy đã tìm được cho mình một người đàn bà - một người đàn bà sẵn sàng lấy nó làm chồng. Chẳng phải là một người đàn bà đẹp, nhưng cũng đủ để Toby cảm tạ trời đất lắm rồi. Ông muốn cho đôi trẻ một cái gì đó, bởi ông sẽ không còn là một phần trong cuộc sống của chúng nữa, nên ông đã ngồi với kế toán của mình và kết luận rằng con trai ông đáng giá 75.000 bảng, 3.000 bảng cho mỗi năm cuộc đời. Ông giao số tiền đó cho tay môi giới bất động sản và bảo anh ta tìm ra thứ gì tốt nhất có thể trong cuộc đấu giá. Và sau đó ông cùng cô vợ thứ ba bước vào khoang hạng nhất của chiếc 747, bay đi Cape Town, nơi một tay môi giới bất động sản khác đang chờ họ với chùm chìa khóa của một căn penthouse nhìn ra Đại Tây Dương. Reggie không để lại cho Toby địa chỉ liên lạc hay số điện thoại, ông chỉ lẳng lặng biến đi. Thảng đôi khi Reggie cũng nghĩ đến Toby, nhất là sau khi có thêm con. Ông tự hỏi không biết Toby và Karen có con cái gì không và ông đã lên chức ông nội chưa. Ông tự hỏi không biết Toby có hạnh phúc, không biết Toby có sống được bằng mấy bài thơ bần cùng hay đã trưởng thành và biết chịu trách nhiệm về mình. Ông hoài nghi lắm về điều đó. Nhưng phần lớn thời gian ông chẳng nghĩ ngợi gì về Toby sất. Phần lớn thời gian Reggie uống vodka, ăn đồ ăn giàu dưỡng chất, lẩn tránh gia đình mình và tự hỏi bao giờ mình sẽ chết. Mùng 2 tháng 9 năm 1990 Toby, Hỏng rồi. Hôn nhân không phải như em nghĩ. Em đã trông đợi nhiều hơn chứ không phải chỉ có anh, em và một ông già hôi hám loanh quanh trong căn nhà lớn và ẩm ướt mà chẳng có lấy một xu. Em nghĩ là em đã nhận ra rằng em không yêu anh đủ nhiều để sống với anh trong túng thiếu. Em đã tưởng là em yêu anh nhiều lắm, nhưng hóa ra không phải. Em xin lỗi em đã không nhận ra điều ấy sớm hơn, nhưng em nghĩ cũng cần phải có một hành động kịch tính như kết hôn với anh để em có thể loại ra khỏi đầu mình cái quan điểm ngốc nghếch và lãng mạn quá mức về anh. Anh là một người đàn ông tốt, Toby ạ, nhưng đối với em anh chưa đủ. Đừng ghét em nhé. Karen xx Một căn phòng của riêng mình? Một nhà thơ ở Finchley, sống cô độc ngoài dự kiến trong một ngôi nhà lớn kiểu Victoria, có bốn phòng ngủ trống cần cho thuê. Dùng chung bếp và các phòng tắm. Giá thuê thỏa thuận nhưng hợp lý. Ưu tiên nghệ sĩ, diễn viên. Hãy hồi đáp cho tôi và nói rõ tại sao bạn cần sống ở đây. Tháng Mười một năm 1990 Nhà thơ Cô đơn thân mến, Em tên là Ruby Lewis, mười sáu tuổi và em là ca sĩ. Tuần trước mẹ đã đuổi em ra khỏi nhà vì gã chồng xấu xí của mẹ cứ không thôi đánh đập em. Hình như lỗi tại em thì phải. Hiện nay em đang sống cùng với một người đàn ông. Anh ta ba mươi hai tuổi và cứ nghĩ là em đã hai mươi. Em không thích anh ta lắm nhưng anh ta lại sống ở Camden, thật tuyệt. Dù sao đi nữa, em thực sự muốn đến sống trong ngôi nhà của anh bởi mọi thứ có vẻ thật là tuyệt và anh có vẻ rất tuyệt và cũng bởi vì em không thể trang trải được tiền thuê nhà một cách đúng nghĩa. Một ngày nào đó, em sẽ trở thành ca sĩ nổi tiếng nhất thế giới và rồi em sẽ mua đền anh một chiếc xe Lamborghini. Hãy làm ơn cho em đến sống ở chỗ anh nhé. Anh sẽ không phải hối tiếc đâu. Thân mến, Ruby xxxx Tháng Tư năm 2002 Thưa ông, Tên tôi là Joanne Fish và tôi là một diễn viên. Tôi ba mươi mốt tuổi, độc thân và hiện đang sống ở New Cross. Tôi không có kinh nghiệm lắm về việc thuê nhà chung. Nhưng tôi bị lôi cuốn bởi quảng cáo của ông vì hiện tại tôi đang ở một thời điểm lý thú và bất ngờ trong cuộc đời, một ngã ba đường. Quảng cáo của ông đập vào mắt tôi như thể một tấm biển hiệu bằng đèn neon trên một con đường dài dằng dặc và quanh co. Tôi nhận thức được rằng ông hẳn phải nhận được cả ngàn bức thư phúc đáp và nhiệm vụ của tôi là thể hiện mình thú vị ra sao và đang có nhu cầu đến thế nào so với chín trăm chín mươi chín người còn lại, vậy nên tôi phải cố gắng hết mức có thể. Tôi đã có một cuộc đời lý thú. Tôi đã từng sống ở nước ngoài cũng như nhiều nơi ở trên đất nước này, trong đó có Luton (!) và Đảo Man. Tôi đã kinh qua nhiều công việc khác nhau, từ công việc tuyệt nhất cho đến công việc vớ vẩn nhất. Có lần tôi đã trải qua cả mùa hè để gắn mắt lên những quả bóng bằng bông trong một nhà máy sản xuất thú bông quảng cáo. Tôi cũng đã từng dành cả một mùa hè hỗ trợ cho một diễn viên nổi tiếng tập vai diễn trong khi cô ấy đang bị mắc chứng bệnh mất trí nhớ nhẹ. Tôi không phải loại người ưa sống bầy đàn, nhưng tôi cũng thích sự hiện diện của người khác và chính vì thế mà ngôi nhà của ông rất hấp dẫn tôi. Căn hộ của tôi cách âm quá tốt và sống một mình làm tôi đôi khi nhớ những âm thanh của sự tồn tại. Hiện tôi đang làm nghiên cứu cho một vai diễn trong một bộ phim sẽ bấm máy vào cuối năm nay. Đó là một vai nhỏ nhưng quan trọng và đạo diễn là một người rất nổi tiếng. Rất tiếc là dự án này còn đang trong vòng bí mật nên tôi không thể đưa ra thêm thông tin nào khác. Điều ấy có nghĩa là tôi sẽ không có thu nhập thường xuyên cho đến khi bộ phim bắt đầu bấm máy (mặc dù đôi khi tôi sẽ nhận làm các công việc tạm thời). Chính vì vậy khả năng được thanh toán tiền thuê nhà trên cơ sở linh hoạt đến thật không thể nào đúng lúc hơn. Tôi cũng là một người sạch sẽ, gọn gàng, lịch sự và không hút thuốc. Tôi mong nhận được hồi âm của ông. Kính thư, với lòng tin tưởng, Joanne Elisabeth Fish. Tháng Hai 2004 Ông/Bà thân mến, Tôi phải thú thực là thường thì tôi không đọc Private Eye nhưng ai đó đã bỏ nó lại trong toa lét ở cơ quan nên tôi nghĩ là tôi sẽ xem lướt qua một chút và quảng cáo của ông/bà đã lọt vào mắt tôi. Không phải cho tôi đâu, ông/bà biết không, vì tôi đã có vợ, ba con và một căn nhà ở Hainault, mà là cho một người bạn của tôi, tên cậu ấy là Con. Con làm việc với tôi ở Condé Nast[1]. Cậu ấy làm trợ lý cho phòng thư tín ở đây, từ khoảng một năm nay. Cậu ấy tử tế, hơi cô độc nhưng đáng tin cậy. Cậu ấy chưa bao giờ nghỉ lấy một ngày. Cậu còn rất trẻ, tôi nghĩ độ mười tám tuổi, và chuyện là mẹ cậu đã chuồn đi Thổ Nhĩ Kỳ và bỏ cậu lại một mình. Bà ngoại đã nuôi dạy cậu ấy lớn khôn và khi bà mất thì mẹ cậu quay trở về, hứa hẹn đủ điều, thuê một căn hộ xa hoa cho hai bọn họ ở, để rồi hai tháng sau bà ta lại mất tăm. Khổ thân, cậu ấy chẳng thể nào kham nổi tiền thuê nhà nên phải dọn ra ngoài, đã một tuần nay. Tôi nghĩ là cậu ấy cũng tá túc mấy hôm ở nhà bạn gái, nhưng rồi cô ta cũng đuổi cậu ấy ra nốt. Tôi không rõ bây giờ cậu ấy ở đâu nữa nhưng không thể không nhận thấy rằng trông cậu ấy chẳng được chỉnh tề như mọi khi. Và bắt đầu có cái mùi, ông/bà biết đấy, cái mùi bụi bặm. Tôi đoán là cậu ấy ngủ vạ ngủ vật. Cậu ấy xem báo, tìm quảng cáo cho thuê phòng trọ nhưng với mức lương ở đây, cậu ấy chẳng thể nào thuê được một chỗ tử tế. Tôi cũng đã thử thuyết phục cậu ấy về nhà tôi ở nhưng cậu ấy quá kiêu hãnh để chấp thuận, và, thực tình mà nói, đằng nào thì chỗ chúng tôi cũng chẳng có phòng cho cậu ấy đâu. Tôi biết trong quảng cáo có nhắc đến những người làm nghệ thuật, sáng tạo và Con thì không phải là người như vậy, nhưng cậu ấy còn trẻ, mới bước vào đời và đây là thời điểm trong cuộc sống có thể khiến cậu ấy nên người hay hỏng. Khi trạc tuổi cậu ấy, tôi giao du với đám bạn xấu, chơi thuốc, đua xe, đánh lộn, đại loại thế. May cho tôi là đã gặp được Chrissie và phải lòng cô ấy. Cô ấy đã chỉ cho tôi con đường đúng đắn hơn để thành người, ông/bà biết không? Cô ấy đã cứu vớt tôi. Có lẽ ông/bà cũng sẽ cứu vớt được Con. Mong ông/bà xem xét cho thấu đáo, hợp tình. Kính thư, Nigel Cadwallader Tháng Chín năm 2004 Toby thân mến, Rất vui được gặp anh tối hôm trước. Tôi chỉ muốn cám ơn anh một lần nữa vì những gì anh đã làm cho Con. Tôi rất sợ phải nghĩ đến những gì có thể xảy ra với Con nếu như anh đã không cưu mang nó và cho nó một chỗ trú ngụ. Anh thật là tốt. Tôi viết thư cho anh vì hiện tại tôi đang gặp một chút khó khăn. Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết. Chỉ biết rằng tôi cũng sắp trở thành người vô gia cư, chưa kể đến chuyện thất nghiệp, trừ phi tôi tìm được một nơi để tá túc. Con bảo rằng nó vui lòng để tôi đến ở cùng phòng với nó nhưng cũng nói là tôi phải viết cho anh, một cách chính thức. Bởi anh thích làm mọi chuyện một cách đúng đắn, và tôi tôn trọng điều đó. Vậy liệu anh có đồng ý để tôi đến ở cùng với Con một thời gian không? Tôi sẽ trả tiền trọ cho anh và chắc cũng chỉ ở đó khoảng vài tuần thôi, cho tới lúc tôi ổn định hẳn ở quê hương và tìm được một công việc. Lúc này tôi thực sự cần được ở bên Con, sau tất cả những gì đã xảy ra với nó khi tôi bỏ ra nước ngoài. Tôi cảm thấy vô cùng tội lỗi và tôi cần phải bù đắp cho nó thật nhiều. Tôi sẽ nợ anh mãi mãi nếu như anh cho phép tôi được ở bên Con một thời gian trong ngôi nhà đẹp đẽ của anh. Trân trọng, Melinda McNulty 1. Các buổi sáng sớm là thời gian duy nhất Toby cảm thấy ngôi nhà thuộc về mình. Mọi người đều còn đang ngủ. Không có chuyện ai đó sắp tra khóa vào cửa, tiếng bước chân xuống cầu thang, hay những giọng nói vọng qua các bức tường. Chỉ có anh, trong bộ pyjama, rây bột vào chậu, đều đặn gõ cái rây bột vào lòng bàn tay. Sáng nào Toby cũng làm bánh mì. Đó là một nghi thức, một điều mà Karen từng làm mỗi ngày khi họ còn ở bên nhau. Buổi sáng đầu tiên sau khi cô bỏ đi, anh đã đi xuống bếp và ngay lập tức bắt đầu nhào bột, cố gắng một cách tuyệt vọng tái tạo hình ảnh cuộc hôn nhân thất bại của họ. Anh thậm chí còn chẳng động đến chúng, chỉ để chúng nguội dần trên khay hàng ngày cho các khách trọ của anh thưởng thức. Toby ngủ kém và cảm giác sầu muộn cố hữu của anh được phủ thêm một lớp dày mỏi mệt. Còn ba ngày nữa là bước sang năm mới và cuộc sống như đã đóng đinh đâu vào đó rồi. Anh vẫn mắc kẹt trong ngôi nhà như cái lăng mộ này, vây quanh bởi những người anh không biết và không muốn biết. Anh vẫn còn kết hôn với một người phụ nữ mà anh không còn gặp nữa từ hồi anh mới hai lăm tuổi. Anh vẫn là một nhà thơ chưa bao giờ ra nổi một tập thơ và anh vẫn chẳng có lấy một xu. Một chồng hóa đơn nằm trên bàn làm việc của anh trên gác, chưa mở và chưa thanh toán. Bên cạnh chồng hóa đơn là một chồng thư từ chối của các nhà xuất bản và các đại diện văn chương. Và bên cạnh đó là một lá thư của công ty môi giới nhà đất thông báo với anh rằng, dường như, thiên hạ đang xếp hàng dưới phố, chờ mua cho được một ngôi nhà như của anh, kèm theo thư là các ví dụ minh họa một số ngôi nhà mà công ty đã bán gần đây với giá tiền nghe phi lý. Mặc dù Toby rất cảm kích là họ đã thông báo cho anh một thực tế như vậy, nó chẳng có ích gì cho anh. Ngôi nhà của anh đầy những người không có ý định chuyển đi và anh cũng không hề có ý định buộc họ làm như thế. Toby đã nhào xong bột, nhồi nó vào khuôn thiếc và đẩy vào trong cái lò nướng hiệu Aga. Anh có thể nghe thấy âm thanh đều đều của chiếc radio báo thức của ai đó vang lên trên gác và anh vội vã đi về phòng của mình, trước khi lỡ bắt gặp ai đó. Anh liếc nhìn các đồ vật khi đi băng qua căn nhà. Đôi giày thể thao của Con nằm dưới bàn sofa trong phòng TV, đôi tất cuộn tròn trong giày như hai con chó đang ngủ. Ấn bản Now nằm trên tay ghế sofa và một nửa cốc trà lõng bõng nằm trên sàn. Chiếc áo khoác đăng ten đen của Ruby vắt trên lưng ghế bành và phấn phủ hiệu Clarins của Joanne nằm trong một hộp nhựa nhỏ trên bàn nước cạnh bát đựng ngũ cốc của Ruby. Một cây thông Noel nhỏ bằng nhựa với đầu lá phát sáng nhiều màu, nhấp nháy tuyệt vọng trong ánh sáng ban mai. Đôi bốt nhọn của Ruby nằm trên sàn nhà, chiếc đứng, chiếc nằm như thể đồ say rượu. Toby nhặt một chiếc bốt lên và nhìn nó đầy lưu luyến. Đây là thế giới của anh, đã bao năm qua. Một thế giới thuộc về sở hữu, nhịp điệu, kịch tính mùi vị và thói quen của những người khác. Sự hiện diện của anh không để lại dấu ấn gì trong sự vận động của ngôi nhà. Cứ như thể anh không tồn tại. Sống một mình thì sẽ ra sao nhỉ, anh tự hỏi, trở về nhà và thấy mọi sự vẫn y nguyên như trước khi đi? Không bao giờ phải lấy một cái xoong chưa rửa ra khỏi bồn để có thể lấy cho mình một cốc nước uống, không bao giờ bị đánh thức bởi tiếng ngáy của ai đó hoặc tiếng động của một ai đó đang làm tình? Biết một ai theo cách họ muốn thể hiện bản thân với thế giới chứ không phải nhìn thấy cái bụng bèo nhèo của người lạ khi họ ở nhà. Liệu như thế thì có đáng kể gì hơn không nhỉ? Liệu anh có cảm thấy mình sống động hơn chăng? Anh leo hai bậc, đôi khi ba bậc thang để đi về phòng mình, và nhẹ nhàng đóng cửa lại sau lưng. 2. Từ cửa sổ phòng ngủ, Ruby nhìn theo Con ra khỏi nhà để đi làm. Bước chân cậu ta hơi nhún nhảy theo kiểu thanh niên mới lớn trong đôi giày thể thao. Mái tóc màu sẫm của cậu vuốt keo bóng mượt và chiếc quần jeans cậu mặc tụt xuống dưới eo lưng nhưng không trễ đến tận mông. Cậu ta là một thanh niên mang vẻ điển trai dễ thương, làn da không tì vết, thân hình cân đối và đôi mắt màu lam sẫm đến ngỡ ngàng. Thế nhưng Ruby lại không thấy cậu hấp dẫn. Cô không khoái đàn ông trẻ. Cô thích những người đàn ông lớn tuổi hơn. Không phải mấy ông già, chỉ là những người đàn ông phong trần hơn, với vài nếp nhăn, như một cuốn sách cũ. Cũng cái lối mà người ta nhìn một đứa trẻ và cố gắng đoán gương mặt nó khi trưởng thành, cô thích nhìn một người đàn ông chín chắn và tưởng tượng ra thời trai trẻ của anh ta. “Em đang nhìn cái gì ngoài ấy thế?” Ruby quay lại và mỉm cười với người đàn ông nằm trên giường cô. Paul Fox. Người tình bốn mươi lăm tuổi với những nếp nhăn của cô. “Không nhìn gì,” cô đùa. Cô ngồi xuống mép giường. Một bàn chân của Paul thò ra khỏi tấm chăn. Cô túm lấy ngón chân cái của anh ta bằng ngón cái và ngón trỏ của mình, đưa nó vào giữa hai hàm răng và cắn, thật mạnh. “Ái.” Paul rụt chân vào trong chăn. “Sao thế?” “Đó là vì tội anh đã lờ tịt em đi đêm qua.” “Cái gì cơ?” Lông mày anh ta nhíu lại. “Anh biết mà. Eliza vừa bước vào là ngay lập tức anh làm như không biết em là ai nữa.” “Ồ. Chúa ơi. Ruby - cô ấy là bạn gái của anh mà.” “Vâng. Em biết. Nhưng như thế cũng chẳng tử tế lắm, phải không?” Quan hệ của Ruby và Paul vẫn luôn luôn là một sự kết hợp không chính thức giữa thi thoảng công việc và vui thú không ràng buộc. Anh ta đã dành cho cô một vai phụ kì quặc trong một vở diễn của anh ta. Họ gặp nhau một, hai lần trong tuần để làm tình hoặc uống nước, hoặc cả hai. Hàng tháng anh ta trả cho cô một tấm séc nhỏ mà anh ta gọi đùa là “lương tháng”, đủ để cô sống qua ngày, đủ mua băng vệ sinh và rượu vodka, bởi anh ta thích thế và có tiền để làm thế. Đó là một mối quan hệ dễ dãi, vui vẻ cả đôi bên, tồn tại từ năm năm qua. Ruby không trông mong gì hơn ở Paul cả. Dẫu vậy, cô cũng không thể không khó chịu một chút vì Paul đã không phải lòng cô sau năm năm quan hệ. Và cô cũng không thể không cảm thấy như bị lừa dối khi sáu tháng trước Paul đã phải lòng một bà mẹ hai con, bốn mươi hai tuổi ở Ladbroke Grove, chủ doanh nghiệp tư nhân và một ruộng nho ở Tuscany. “Nào,” Paul thở dài, ngồi dậy. “Anh không hề biết là đêm qua cô ấy sẽ đến. Cô ấy đã bảo là không tìm được người trông trẻ...” “Cái gì cơ?” “Lúc đầu cô ấy bảo cô ấy sẽ đến xem ban nhạc biểu diễn, và rồi người trông trẻ không đến được và...” “Và thay vào đó anh đã mời em.” “Ừ, thì đúng thế.” “Tử tế quá.” “Jesus, Ruby...” “Jesus - Ruby - cái gì? Em chán thế này lắm rồi. Toàn bộ cái trò này chán chết.” “Ruby. Thôi nào.” “Không. Em sẽ không thôi. Anh và em. Chúng mình từng ngang hàng với nhau. Chúng mình giống nhau. Nhưng kể từ khi anh gặp Eliza em bỗng trở thành cái thứ rác rưởi lấp chỗ trống trong đời anh.” “Như thế không đúng tí nào cả.” “Và đừng có nói cái kiểu ấy. Kiểu nhãi ranh Mỹ mới lớn ấy. Anh bốn mươi lăm tuổi rồi đấy. Nghe nực cười quá.” Ruby thấy chột dạ khi những lời ấy buột ra. Cô biết mình đang làm quá, nhưng không dừng lại được. Cô liếc nhìn bóng mình trong gương. Ruby có sẵn trong đầu một hình ảnh về bản thân mình. Đó là hình ảnh một cô gái tóc nâu khói với đôi mắt đen và làn da trắng kem, mang dáng vẻ của một người đàn bà vừa mới làm tình hay đang nghĩ đến chuyện làm tình. Thường thì hình bóng trong gương luôn phản chiếu chính xác điều cô đợi nhìn thấy. Nhưng cũng có lúc không được như vậy. Và bây giờ là một trong những lúc như thế. Màu trang điểm nhòe ra dưới mắt. Đôi khi màu trang điểm nhòe ra như vậy, trông cô gợi tình và nguy hiểm hơn. Nhưng lúc này đây, nó khiến cô trông mệt mỏi và hơi cẩu thả. Tóc cô thiếu sức sống và bẩn - đáng ra cô phải gội đầu hôm qua, nhưng cô ngại - và cô có một cái mụn lớn trên cằm. Cô tự hỏi không biết trông Eliza ra sao vào buổi sáng. Và rồi cô nhận ra rằng chẳng quan trọng gì chuyện đó, bởi vì Paul đang say đắm cô ta và dù thế nào đi chăng nữa trông cô ta sẽ luôn xinh đẹp đối với anh ta. Có tiếng gõ cửa. Ruby thở dài nhẹ nhõm và kéo hai vạt áo choàng vào nhau. “Ruby. Là anh đây, Toby.” Cô thở dài và mở cửa. “Xin chào. Xin lỗi nhé, anh chỉ ờ... ồ, chào anh, Paul.” Toby nhìn qua vai Ruby và cười gượng gạo với Paul. Paul giơ một tay lên chào và đáp lại bằng một nụ cười cũng gượng gạo chẳng kém. Trông anh ta thật ngớ ngẩn, nằm giữa đống gối viền lông marabou và cái chăn phủ bằng lông báo giả của Ruby, với bộ ngực vạm vỡ lông lá và chòm tóc xám. Ngớ ngẩn và như thể anh ta không thuộc về chốn này. Anh ta trông như, Ruby bỗng dưng thảng thốt nhận ra, một anh chàng đẹp trai ngốc nghếch đang ngoại tình ngu dại. Cô nuốt khan lặng lẽ. “Vâng, anh đang định hỏi em về tiền thuê nhà. Tự hỏi không biết em có thể viết một tấm séc cho anh hôm nay được không. Chỉ là vì, có mấy cái hóa đơn, và nếu anh không gửi séc thanh toán cuối tuần này, thì, ờ, thì sẽ không có nước nóng nữa. Hay sưởi nữa. Thế thôi.” “Thôi được,” Ruby thở dài, “thôi được. Tối nay em sẽ đưa séc cho anh.” “Phải, chả là, tuần trước em cũng nói vậy, rồi chẳng thấy em đưa. Từ cuối tháng Mười một đến giờ, em chưa thanh toán tiền nhà, và trước đấy thì em cũng không trả đủ và...” “Toby. Em sẽ đưa séc cho anh. Tối nay. Được chưa?” “Thôi thì. Cũng được. Em hứa chứ hả?” “Hứa mà.” “Tốt. Thôi được rồi. Gặp lại em sau. Gặp anh sau nhé, Paul.” “Chào anh, Toby.” Ruby đóng cửa, quay lại và mỉm cười với Paul. Anh ta lật chăn ra và cười cười vẻ mời mọc. “Rất tiếc, bạn thân mến.” Cô lật cái chăn lại che thân hình trần truồng của anh ta và lấy một cái chun buộc tóc ở trên bàn trang điểm. Cô vuốt tóc ra sau và buộc túm lại. “Em không có hứng.” Paul nhìn cô vẻ tổn thương. “Tàu nhanh cũng không được à?” “Không. Tàu nhanh cũng không.” Cô nháy mắt với anh ta, cố gắng giảm bớt sự thẳng thừng trong lời từ chối. Cô không có hứng làm gì cả. Cô biết là một cuộc Đối Thoại Nghiêm Túc sắp sửa xảy ra, nhưng cô không muốn làm thế lúc này. Lúc này cô chỉ muốn tắm một cái. Lúc này cô chỉ muốn cảm thấy sạch sẽ mà thôi. 3. Con lôi cuốn sách giới thiệu bóng bẩy ra khỏi phong bì, và lật giở các trang để xem một cách nôn nóng, ghi nhận trong chớp mắt các hình ảnh. Bầu trời xanh thẳm, những cây cọ, bãi biển màu kem mịn màng. Nhưng đây không phải là một cuốn sách giới thiệu về du lịch. Đây là cuốn sách giới thiệu về Trường Đào Tạo Bay Right Path ở Durban, Nam Phi. Con ngắm nhìn những chàng trai tóc húi cao, áo sơ mi với cầu vai trắng lóa, ngồi trong những khoang lái nhỏ bé gắn hàng ngàn nút bấm, đèn tín hiệu, núm điều khiển và cần gạt, cảm giác hào hứng của cậu dâng trào. Rồi, trước khi người ta kịp hỏi cậu đang xem cái gì đó, cậu cất quyển sách giới thiệu vào phong bì và đi lên tầng tám. Ban thời trang Vogue trông cũng như mọi văn phòng thông thường khác, ở đó có những dãy bàn làm việc với máy tính, máy in và thùng đựng rác. Ở đó có trần giả gắn đèn neon, tiếng máy fax và điện thoại reo không ngớt. Trông nó giống một phòng làm việc thông thường nhưng nó lại chẳng thông thường chút nào. Con phần nào rất hứng thú với thời điểm trong ngày khi cậu được gọi đi đẩy xe ở ban thời trang Vogue, nhưng cũng phần nào sợ hãi giờ phút ấy. Cậu thích được ngắm nhìn các cô gái, mảnh dẻ như ngó sen, mỏng manh như làn khói với những bộ quần áo nghiêm trang và làn da hoàn hảo. Cậu thích cái lối họ ngồi sau bàn làm việc, đôi chân mảnh mai vắt chéo lên nhau, gõ gõ những ngón tay nuột nà lên bàn phím. Cậu thích những đôi giày đế bằng mũi nhọn của họ, những thứ phụ kiện thời trang lạ mắt, khăn quàng, nhẫn và áo khoác len, trông khác hẳn những cô gái mà cậu quen ở nhà. Và cậu thích lối nói chuyện của họ, cái giọng khàn khàn ám khói thuốc Marlboro Light và những ngữ nghĩa đặc biệt mà họ đem đến cho những ngôn từ tầm thường. Đối với cậu, họ như hiện ra từ những giấc mơ - nửa rõ nét, nửa mờ ảo, không hẳn người trần mắt thịt. Họ làm cậu phấn khích. Và họ khiến cậu mờ nhạt hơn. Cậu bực mình vì họ tồn tại độc lập hoàn toàn với cậu. Cậu tổn thương vì cậu có thể di chuyển qua chỗ họ với chiếc xe đẩy, mà như không hiện hữu, ngay cả với những cô xấu nhất. Họ đưa cho cậu các bưu kiện và thư từ. Họ hỏi cậu những câu hỏi ngốc nghếch về thời gian và cước phí. Họ chỉ giao dịch với cậu qua một mẩu giấy mà thôi. Trong thế giới của cậu, bên ngoài những cánh cổng hào nhoáng của tòa nhà Condé Nast, Con cũng là một tay chơi. Cậu tụ tập với đám bạn trong quán rượu vào tối thứ Sáu, và con gái, những đứa con gái xinh xẻo, vây lấy cậu, liếc nhìn cậu, ước ao được cậu để ý đến. Còn ở đây, cậu chỉ là một thằng phát thư. Một trong những cô gái mảnh dẻ ấy đang tiến lại phía cậu, tay cầm một cái túi Jiffy màu trắng cỡ lớn. Cô có mớ tóc vàng mỏng manh, như giấy Xuyến Chỉ, và làn da mịn màng, nhợt nhạt. Cô mặc một áo khoác bằng da lộn, chiết eo, màu bánh quy, viền lông to bản, bên ngoài một chiếc áo ren. Cô có đôi mắt xanh thẳm. Con chưa bao giờ gặp cô. “Ừm,” cô mở lời, đưa cho cậu cái phong bì, “phải chuyển cái này qua đường thư bảo đảm. Liệu thứ Sáu người ta có nhận được không?” Con cầm lấy bưu phẩm từ tay cô và kiểm tra. Gửi cho ai đó ở Nam London, “Được, không vấn đề.” “Tuyệt quá.” Cô đáp. Và sau đó, như có phép màu, cô mỉm cười. Không phải một nụ cười mà thường thường mấy cô gái được giáo dục chu đáo này dành cho cậu, không phải là một cử động cơ mặt đã được tập luyện để cái miệng nhếch lên, mà là một nụ cười rạng rỡ như mặt trời thực sự. “Cám ơn anh,” cô nói, vẫn mỉm cười, “Xin lỗi... anh tên gì nhỉ?” Con cảm thấy sự kinh ngạc dấy lên bên trong cậu chuyển thành sự ửng hồng trên má. Cậu lưỡng lự một giây, không chắc chắn về câu trả lời cho câu hỏi ấy, “Connor,” rồi cậu cũng nói ra. “Con.” “Con,” cô gái nhắc lại, hơi nghiêng đầu qua một bên. “Em tên là Daisy.” Daisy, cậu nghĩ. Hoàn hảo quá. Trông cô quả giống như vậy. Một bông hoa không màu mè, giản dị, bé nhỏ và đẹp đẽ. “Tên thật đẹp,” cậu nói, cảm thấy sự nóng bừng ngượng nghịu đã dịu đi. “Cám ơn anh,” cô gái lại mỉm cười. Hàm răng của cô không đều lắm, nhưng trắng bóng. “Các chị của em tên là Camelia và Mimosa. Chắc hẳn em đã là một đứa trẻ sơ sinh rất tầm thường.” Con cười vang. Cậu để ý thấy cô gái ngồi bên chiếc bàn làm việc gần cậu nhất ngước nhìn lên vì âm thanh tiếng cười của cậu. Khuôn mặt cô ghi lại một sự kiện mà cô không hiểu rõ lắm. Rồi cô ta quay đi. Daisy nói, “Hôm nay là ngày làm việc đầu tiên của em. Em phụ trách công văn giấy tờ nên chắc anh sẽ còn bị em làm phiền nhiều về mấy thứ đó.” Con lắc đầu. “Có gì đâu.” “Thế thì tốt,” cô đáp. Và rồi cô quay trở lại chỗ ngồi của mình. Con thả cái túi giấy Jiffy màu trắng vào trong xe đẩy, đẩy xe về phía cửa ở đằng xa. Khi cậu đi qua bàn làm việc của Daisy, cô ngẩng lên nhìn cậu và cười. Cô thì thầm nói “Tạm biệt” và vẫy tay với cậu. Cậu cũng vẫy tay đáp lại, trái tim nhảy nhót trong lồng ngực y như một chú cá hồi. Khi cánh cửa khép lại phía sau lưng và cậu còn lại một mình trong hành lang bên ngoài, Con thở hắt ra và đứng dựa vào tường. Cậu cố gắng giải mã những gì đang diễn ra trong mớ hỗn độn những thông điệp giữa trái tim và bộ óc, nhưng chẳng có kết quả gì. Cậu có một cảm giác kỳ quặc là một điều gì đó rất có ý nghĩa vừa diễn ra, rằng cuộc đời của cậu vừa tới một bước ngoặt, rằng bỗng dưng cậu đứng trước những chọn lựa. Và tất cả chỉ bởi một cô gái xinh đẹp tên là Daisy đã mỉm cười với cậu. Con đứng thẳng người lên khi nghe thấy tín hiệu thang máy, và nhanh chóng đẩy xe về phía ban điểm tin. 4. Đêm hôm trước tuyết rơi, và cả đường Thợ Bạc phủ đầy băng óng ánh. Vì vậy khi Leah ra khỏi nhà vào buổi sáng ngày thứ Năm và nhìn thấy Ông Lão Gầy nằm sấp mặt trên vỉa hè, chân tay sõng soài như thể đang tạo một hình thiên thần trong tuyết, ngay lập tức cô đưa ra giả thiết là ông già bị trượt chân và ngã. Hầu như sáng nào Leah cũng nhìn thấy Ông Lão Gầy ra khỏi nhà. Ông lão có một thời khóa biểu rất cố định, ông mất khoảng ba phút để ra được tới bậc cửa trước, dựa dẫm gần như hoàn toàn vào cái gậy chống xù xì bằng gỗ gụ. Ở bậc thang cuối cùng, ông già dừng lại một lát, tay chống vào đầu con sư tử bằng xi măng. Rồi ông lấy từ trong túi chiếc áo khoác bằng vải tuýt màu xám (ông mặc quanh năm) một chiếc khăn tay to tướng màu trắng và lau lấy lau để cái mũi. Bất kể thời gian hay thời tiết nào trong năm, ông đều bị sổ mũi. Sau đó ông gập chiếc khăn tay to tướng lại thành hình tam giác, đút nó trở vào trong túi áo khoác và bắt đầu nghi lễ kiểm tra vỉa hè đằng trước nhà. Bất kỳ một trang báo lưu lạc hay một đầu mẩu thuốc lá nào đều bị xua xuống rãnh bằng những đường gạt quả quyết của cây gậy chống, sau đó ông lão bắt đầu lên đường. “Xin chào,” cô đi một cách thận trọng qua con đường lầy lội. “Xin chào. Ông không sao chứ ạ?” Ông Lão Gầy chẳng đáp lời. Leah cúi xuống và hét vào tai ông lão. “Ông có sao không? Ông có cần cháu giúp ông một tay không?” Người đàn ông nằm bất động và Leah bắt đầu nghi ngờ rằng có điều gì đó hoàn toàn không ổn ở đây. Cô nắm lấy tay ông già và quỳ xuống bên ông, lần tìm mạch ở cổ tay. Sự rung động mà cô cảm nhận được qua đầu ngón tay giống như khi một chiếc xe tải đi qua lằn giới hạn tốc độ. Leah không biết đó là chuyển động do dòng máu ông già lưu thông hay chỉ là một nốt sần dưới da. Cô thả tay ông xuống và liếc nhìn về phía cửa ra vào ngôi nhà của ông già. Cô chống tay đứng dậy. “Để cháu đi kiếm ai đó,” cô hét lên. “Cháu sẽ đi nhanh thôi.” Cô chạy vội vàng về phía Nhà Chim Công và đập thật mạnh lên cửa ra vào. Có bóng ai đó hiện ra sau lớp kính màu lốm đốm bẩn trên cửa và rồi anh ta đứng đó, ngay trước mặt cô. Chàng Gầy, cùng với râu ria, tóc tai và một vẻ mặt hơi hoảng hốt. “Có chuyện gì thế?” “Ờ, ông già,” cô bắt đầu nói, “ông già nằm ở đằng kia,” cô chỉ tay về phía sau lưng. “Tôi nghĩ ông già chết rồi.” “Ôi, Jesus.” Anh ta ngó qua lưng cô để nhìn cái cơ thể nằm sấp trên vỉa hè. “Ồ, cứt thật. Để tôi... Chúa ơi, tôi phải lấy giày đã.” Anh ta liếc nhìn đôi bàn chân dài và xương xẩu không thể tưởng. “Chờ tôi chút. Chỉ một giây thôi. Chờ tôi.” Anh ta quay đi, nhưng rồi lại quay phắt lại. “Cô đã gọi cứu thương chưa?” “Chưa.” Leah lắc đầu. “Rồi. Có thể cần phải làm thế. Tôi nghĩ vậy. Rồi. Giày. Tôi quay lại ngay đây.” Cô đang dở câu chuyện giải thích điều gì đã xảy ra với ông già cho một người phụ nữ nói giọng phương bắc, người đã trả lời điện thoại khá nhanh chóng và khôi phục lại lòng tin của Leah đối với dịch vụ cấp cứu, thì Chàng Gầy chạy trở ra hành lang, chân đi đôi ủng cao su. Anh đi theo cô xuống bậc thềm để ra ngoài vỉa hè. Leah nói với người phụ trách tổng đài: “Ông cụ nằm úp sấp mặt xuống đất, tôi cũng không rõ là ông ấy có còn thở hay không.” Cô liếc nhìn người đàn ông gầy guộc đang quỳ xuống bên cạnh ông già và ghé tai vào miệng ông. Anh nhún vai. “Không,” Leah nói tiếp, “chúng tôi không chắc, ông cụ cao tuổi lắm rồi.” “Chín mươi bảy rồi,” Chàng Gầy nói, cầm cổ tay ông già lên để tìm mạch. “Ông cụ đã chín mươi bảy rồi.” “Jesus,” cô nói với người trực tổng đài, “ông cụ chín mươi bảy tuổi.” Nửa tiếng sau người ta tuyên bố là Gus Veldtman đã qua đời và đưa ông cụ đến Bệnh Viện Đa Khoa Barnet, nơi sau đó người ta xác định chắc chắn là ông cụ đã qua đời vì một cơn đau tim nặng. Leah và Chàng Gầy đứng trên vỉa hè dõi theo chiếc xe cứu thương. Chiếc xe cứu thương không còi, không đèn, yên ắng chạy về phía High Road tạo cảm giác bi thảm ngột ngạt. Chẳng phải vội vàng nữa. Cái chết không còn cần sự khẩn cấp nữa. “Ồ,” Leah nói, mắt nhìn đồng hồ, “tôi nghĩ là tôi phải đi thôi.” “Tới chỗ làm hả cô?” “Phải đấy,” cô gật đầu, “tôi quản lý một cửa hàng, ở trên mạn Broadway.” “À, thế à? Cửa hàng gì vậy?” “Một cửa hàng quà tặng,” cô mỉm cười, “một cửa hàng quà tặng toàn màu hồng.” “Ra thế,” anh gật đầu, “ra thế.” “Vậy, tôi còn có thể giúp gì được anh nữa không?” Cô nói vô vọng. “Không.” Anh đưa tay lên xoa mặt. “Không đâu. Giờ thì chỉ có vậy thôi, phải không nhỉ? Tôi sẽ gọi cho người thân của ông cụ. Họ sẽ giải quyết mọi việc còn lại, tôi đoán vậy. Chỉ đơn giản là tiếp tục những việc phải làm thôi, tôi nghĩ thế.” Anh nhún vai và đút tay vào túi quần. “Nhưng xin cám ơn... xin lỗi, cô tên là gì nhỉ?” “Leah.” “Leah.” Anh gật đầu. “Còn tôi tên là Toby.” Anh chìa bàn tay to như chiếc găng đánh bóng chày ra cho cô. “Toby,” cô nhắc lại, nghĩ thầm Toby không nằm trong số tất cả những cái tên mà cô đã tưởng tượng ra cho Chàng Gầy. “Buồn cười thật đấy,” cô nói, “tôi đã sống ở bên kia đường đối diện với anh từ gần ba năm nay và cuối cùng tôi cũng bắt chuyện với anh vì có người qua đời.” Cô nhún vai. “London là như thế, phải không?” Toby gật đầu đồng tình. “Vậy thì, ông ấy là ai thế? Gus ấy mà? Tôi luôn nghĩ rằng đấy là ông của anh.” Toby cười, căng thẳng. “Cô nghĩ vậy sao?” “Phải. Nhưng bằng vào phản ứng của anh đối với...” - cô làm một cử chỉ về phía điểm trên vỉa hè nơi ông già qua đời - “tôi đoán là tôi nhầm.” “Không. Gus không phải là ông tôi. Gus là một khách trọ vĩnh viễn của tôi mà thôi.” “À, tôi hiểu rồi. Vậy ra anh sở hữu ngôi nhà này?” “Đúng vậy,” anh gật đầu. “Nhà tôi đấy.” “Và những người khác sống ở đây - họ là...?” “Những khách thuê nhà không vĩnh viễn.” Toby bắt đầu có vẻ không được thoải mải lắm với cuộc đối thoại. “Tôi xin lỗi. Điều cuối cùng mà anh cần bây giờ là tôi hỏi han anh đủ thứ. Chỉ là vì - tính tôi rất tò mò và ngôi nhà của anh đã khiến tôi tò mò từ mấy năm nay rồi. Tôi cứ tự hỏi mọi người là ai và biết nhau như thế nào và... ờ, vậy thôi. Tôi nên để anh đi. Và nếu anh có cần gì, anh biết tìm tôi ở đâu rồi đó. Đừng ngại - cứ nhờ tôi.” Toby mỉm cười. “Cám ơn cô. Tôi sẽ làm vậy. Và Leah này?” “Gì vậy?” “Cám ơn cô, rất nhiều đấy.” “Vì sao chứ?” “Vì đã có mặt ở đây. Cám ơn cô.” Anh quay đi, bước lên các bậc thang để trở về ngôi nhà to lớn đặc biệt của mình. Leah cũng quay đi, tiến về phía bến xe buýt. Nhìn lại cái mảng vỉa hè lạnh lẽo nơi ông già Gus đã trút hơi thở cuối cùng, cô bất chợt thấy thoáng bóng ai lướt từ phòng này sang phòng khác, như một bóng ma. Cánh cửa sập lại và cô bừng tỉnh khỏi giấc mơ. Đã đến giờ đi làm rồi. 5. Toby đẩy cửa bước vào phòng Gus. Trước đây anh mới chỉ vào phòng của Gus hai lần - một lần để xem ông cụ còn sống không khi không thấy ông xuất hiện trong bữa sáng (ông già vấp phải giày của mình và bị trật xương mắt cá) và một lần khác để xem ông liệu ông có còn sống không khi không thấy ông xuất hiện trong bữa tối (ông già chẳng may uống nhầm thuốc ngủ thay vì thuốc đau đầu và từ giờ trà chiều đã ngủ gục mà vẫn mặc nguyên áo khoác ngoài và đi giày). Căn phòng bồi giấy dán tường với hoa văn kẻ sọc khủng khiếp màu rượu chát và màu kem và trên tường treo mấy bức tranh sơn dầu xấu xí được chiếu sáng bằng đèn gắn tường kim loại. Rèm cửa hơi rủ bằng vải bông hoa màu xanh lam và tấm thảm trải nhà là một mớ tồi tàn, màu hồng ảm đạm. Giữa trần treo một chiếc đèn chùm bằng đồng. Chỉ còn mỗi một bóng duy nhất sáng. Chiếc giường đôi trũng ở giữa như một chiếc võng được phủ bằng vải màu rượu chát và một lớp chăn len dày. Căn phòng tỏa ra một thứ mùi, không phải thứ mùi mà người ta quen đợi, mùi của sự già cỗi, mùi của cô đơn, mà là mùi sữa lên men và mùi của một con mèo già. Mùi sữa lên men có thể được giải thích bởi việc Gus ngày nào cũng ăn một gói bích quy làm từ sữa lên men. Mùi của mèo già thì chẳng thể có giải đáp nào hợp lý. Toby đi về phía bàn làm việc của Gus. Chiếc bàn được kê ở sát cửa sổ và trông xuống mảnh vườn sau nhà và mái nhà tắm trải nhựa đường bên dưới. Gus có hẳn một cái máy chữ kiểu cổ. Toby không thể nhớ ra lần cuối cùng anh nhìn thấy một cái máy chữ khi nào. Ông già cũng có hàng chồng sách, giấy tờ và một bộ sưu tầm những chiếc hộp thiếc cũ, nhỏ xinh dùng để đựng thuốc ngửi. Trên bàn cũng có một tập bản thảo. Rõ ràng là bản thảo đã rất cũ rồi và chi chít những vết bút chì đã phai màu và những chỗ chỉnh sửa bằng bút mực. Quần áo của Gus treo trên những chiếc móc kim loại nặng trịch cứ va leng keng vào nhau trong một chiếc tủ bằng gỗ dán kiểu năm 1920 khi Toby kéo một chiếc quần. Và ở đó, ở đáy tủ quần áo, có một cái khay nhựa màu đỏ đựng đầy cát cho mèo. Một cục cứt mèo duy nhất nằm chòi ra khỏi chỗ cát màu xám, trông còn tươi. Ở phía bên kia tủ là một cái chén màu xanh đựng đầy những viên màu nâu nâu, một bát nước đầy và một túi to đựng thức ăn sẵn cho mèo hiệu Science Diet. “Anh đang làm gì thế?” Toby nhảy dựng lên và thót cả tim. “Khỉ thật.” Đó là Ruby. Cô đang ăn một quả chuối. “Xin lỗi. Em cứ tưởng anh nghe thấy tiếng em vào.” “Nhìn xem này,” anh nói, chỉ vào bên trong tủ. Cô nhìn qua vai anh. “Khiếp!” Cô nhăn mặt. “Anh biết. Và còn tươi nữa. Em có biết là ông cụ nuôi mèo không?” Cô nhún vai. “Giờ em mới biết đấy. Nó đâu nhỉ?” Cả hai người đồng thời nhìn quanh phòng. Ruby ăn nốt quả chuối và thản nhiên thả cái vỏ vào trong thùng rác của Gus. Toby để ý thấy hành động đó, thầm ghi nhớ nó như một lý do nữa khiến anh nên thôi phải lòng cô. Giờ đây anh có khoảng từ ba mươi đến bốn mươi lý do tại sao anh nên thôi thầm thương trộm nhớ Ruby Lewis. Cô đã ngủ với hơn năm mươi người đàn ông. Và ít nhất là với một phụ nữ. Cô để mặc những mẩu móng chân bị cắt rơi ra sàn nhà tắm. Cô gọi các cô bạn gái của mình là “cưng yêu” và “kẹo ngọt”. Cô luôn luôn sập cửa ra vào khi về nhà vào ban đêm, kể cả khi Toby đã hơn một trăm năm mươi lần lịch sự đề nghị cô đừng làm vậy. Cô chửi thề quá nhiều. Cô hút thuốc quá nhiều. Cô chẳng bao giờ chuyển lại lời nhắn qua điện thoại cho mọi người. Hiếm khi cô trả tiền nhà. Cô là trung tâm vũ trụ của chính mình. Cô tin tưởng vào Chúa trời (khi điều ấy có ích cho cô). Cô để nguyên tăm bông và bông tẩy trang dính đầy mỹ phẩm trên giá phòng tắm. Cô gọi anh là “Tobes”. Cô đầu mày cuối mắt với bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. Cô có một đốm vàng trên một trong mấy cái răng cửa. Cô đọc loại tạp chí với những tiêu đề kèm dấu chấm than và ra sức buôn chuyện với anh về mấy mẩu tin ngồi lê đôi mách về những người được cho là nổi tiếng mà anh chưa hề nghe nói đến. Cô chỉ giặt giũ một tháng một lần và sau đó giăng đầy các máy sưởi trong nhà với toàn bộ tủ quần áo của cô, khiến cho Toby buộc phải nhìn chòng chọc vào quần lót của cô (xấu một cách kinh ngạc) trong khi ăn tối. Cô nghĩ rằng nhạc cổ điển chán ngắt. Cô nghĩ rằng văn học cổ điển chán ngắt. Cô nghĩ rằng kênh Radio 4 chán ngắt. Cô nghĩ là ở ru rú trong nhà thật chán ngắt. Và hơn hết, cô nghĩ là Toby chán ngắt. Cô thường xuyên nói với anh điều đó “Chúa ơi, Tobes, anh thật là chán ngắt,” bất cứ khi nào anh mon men nói đến một chủ đề nghiêm túc, quan trọng hoặc hơi mang tính gia đình một chút. Cô cười vào tóc anh và những quần áo anh mặc, thỉnh thoảng vỗ mông anh qua lớp quần jeans và chế nhạo sự kém đầy đặn của cơ thể anh ở phần ấy. Cô kinh khủng, thực sự, về nhiều mặt. Một cô gái kinh khủng. Nhưng, Chúa ơi, cô rất xinh đẹp và, Chúa ơi, tài năng tuyệt vời. “Có khi ở dưới gầm giường?” cô gợi ý. “Cái gì cơ?” Toby bừng tỉnh khỏi sự mơ màng. “Có thể con mèo trú ngụ ở đó.” “Ồ. Đúng đấy. Phải.” Bất ngờ cô quỳ xuống, chống tay và đầu gối lên sàn nhà, trong một tư thế khiến Toby liên tưởng tới thứ mà anh xem trên internet đêm qua. Anh liếc nhìn cặp mông ôm gọn trong lớp vải bò của cô đang ngoáy qua ngoáy lại như đèn tìm kiếm. “Ồ, Chúa tôi. Không thể tin được.” “Cái gì nào?” “Xin chào,” cô thì thào với cái gì đó dưới gầm giường. “Đừng có xấu hổ thế. Không sao mà.” Toby thôi không nhìn dán vào cặp mông của cô và quỳ xuống cùng với cô trên sàn. “Nhìn kìa,” cô chỉ vào một góc. “Ở kia kìa.” Toby chớp mắt và một đôi mắt khác cũng chớp lại với anh. “Ồ, Chúa tôi.” Họ thành công trong việc dụ dỗ con mèo ra bằng cách lắc lắc bát thức ăn và tạo ra đủ loại âm thanh ngớ ngẩn. “Trong đời em chưa bao giờ nhìn thấy con mèo nào bé như con này.” Ruby nói, nhìn con mèo cắn khẽ khàng những miếng đồ ăn hiệu Science Diet. Trông nó như một bức minh họa hơi điên rồ về loài mèo. Nó có một cái đầu to tướng gắn vào thân hình còm cõi và những sợi lông đen dài lơ thơ. Trông như thể nó còn già hơn cả Gus. Bản năng tự nhiên của Toby khiến anh muốn nuôi nấng con vật tội nghiệp, nhưng có cái gì đó trong bộ lông cóc cáy, và đám xương nhô lên trên thân mình nó làm anh mất hứng. “Em không thể tin là ông già lại nuôi một con mèo ở đây bằng ấy năm. Sao ông già phải giấu diếm nhỉ?” “Ai mà biết được. Có thể là người chủ cũ không chấp nhận bất kỳ loại thú nuôi nào ở đây. Có khi ông cụ nghĩ anh sẽ bắt ông cụ đem cho nó đi.” “Thật bi thảm, phải không? Trông nó như bị còi xương hay gì đó.” “Trông nó gớm quá.” Toby chặc lưỡi và lắc đầu. “Ồ, nhưng mà trông nó cũng dễ thương và xinh xắn theo kiểu riêng của nó đấy chứ, anh có nghĩ vậy không?” “Không hẳn.” Toby đứng lên và duỗi hai chân. “Làm gì với nó bây giờ nhỉ?” “Em không muốn nó đâu nhé,” Ruby nói, hơi co rúm người lại. “Anh cũng thế.” “Phải cho nó biến đi thôi.” “Cái gì - giết nó đi á?” “Không!” Ruby nhìn anh vẻ bực mình. “Đem nó vào trung tâm nuôi dưỡng. Hoặc tương tự gì đó.” “Ồ Chúa ơi,” Toby thở dài bởi lại thêm một việc nữa vào danh sách Những Điều Anh Cần Phải Làm Bởi Vì Gus Đã Qua Đời. Sáng nay anh đã mất cả tiếng đồng hồ cố gắng tìm ra người chắt họ của Gus. Cô này đã chuyển nhà khoảng mười lần, dường như vậy, kể từ lần cuối Gus chuyện trò với cô ta. Rồi chẳng biết thế nào mà cuối cùng anh lại thấy mình nhận tổ chức một “tiệc uống nho nhỏ” sau lễ tang của Gus tuần sau, hãi thật, thực sự hãi thật. Tiếp đó, anh sẽ phải tìm khách thuê lại căn phòng của Gus. Một căn phòng có lẽ cần phải được trang trí lại toàn bộ, bởi anh ngờ rằng chẳng có ai tầm tuổi dưới sáu mươi lại có thể ưa thích được cái lối trang trí nhà ván gỗ thời những năm 1970 mà Gus đã sử dụng cho căn phòng. Và giờ đây anh còn phải giải quyết cái con mèo bé nhỏ kỳ quặc mà có lẽ Gus đã giấu diếm trong phòng mình từ mười lăm năm nay. Ruby đứng dậy và đi vơ vẩn về phía chiếc tủ ngăn kéo. “Em tự hỏi không biết ông già có những đồ đạc gì nhỉ,” cô nói, lười biếng mở một ngăn kéo ra. “Ruby!” Toby nói nghiêm khắc. “Em không được tự tiện dòm ngó đồ đạc của ông già.” “Tại sao lại không nhỉ? Ông già đã chết rồi. Ồ, Chúa tôi. Jesus - nhìn những thứ này đi!” Cô quay phắt lại, tay nắm chặt một mẩu vải hoa màu cam sáng. “Cái gì thế?” “Quần đùi của Gus đấy!” mặt cô tươi hơn hớn. “Ý em là, mua những của này ở đâu mới được nhỉ?” Cô giơ chúng lên ánh sáng và săm soi. Toby liếc nhìn quanh gian phòng lần nữa. Trái tim chợt lỗi nhịp. “Anh không thể tin được là ông cụ đã qua đời.” “Em cũng vậy.” Ruby đút chiếc quần màu cam vào chỗ cũ và đóng ngăn kéo lại... “Chín mươi bảy năm,” Toby thở dài. “Ông cụ đã mang theo chín mươi bảy năm cuộc đời xuống mộ. Tất cả những kinh nghiệm. Tất cả những cảm xúc. Những người ông yêu thương, những chỗ ông đã đi qua - thế là hết.” Anh búng ngón tay và gục đầu xuống. “Ước gì anh đã chuyện trò với ông cụ nhiều hơn. Ước gì ông cụ đã truyền lại những câu chuyện ấy cho anh. Anh có thể gìn giữ chúng cho ông. Em biết đấy.” “Ồ, thôi đừng ủy mị nữa đi.” Ruby đá mũi giày vào đùi anh. “Đó là một ông lão tồi tệ không ra gì. Ông lão chẳng muốn chia sẻ những câu chuyện của mình với ai cả. Một lần em đã thử nói chuyện với ông ấy rồi. Chẳng ích gì. Em nói cho anh biết anh cần cái gì này,” cô vươn vai và ngáp dài. “Một chút đồ uống mạnh.” “Nhưng còn chưa tới năm giờ mà.” “Đúng vậy, nhưng cho tới khi em chuẩn bị xong đồ uống và quay lại thì cũng đến năm giờ. Vả lại, bên ngoài trời đã tối rồi. Cũng như đêm rồi còn gì nữa. Rượu Rum với cô ca nhé? Hay là Gin với Tonic? Hay cái gì đó mạnh hơn nữa? Em có một chai rượu trắng đấy?” Toby ngước nhìn Ruby, khuôn mặt anh tự động biểu lộ sự không bằng lòng. Nhưng rút cuộc anh cũng mặc. Anh cũng chả buồn đóng vai ông già nghiêm khắc, ngày hôm nay. “Được một cốc vang đỏ thì hay quá,” anh nói, vẻ mặt dịu xuống. “Ngoan.” Cô tươi tắn nhìn anh. Sau đó cô ra khỏi phòng và Toby nhìn theo cô. Ruby Lewis. Tình yêu của đời anh. Con mèo nhỏ chui tọt trở lại dưới gầm giường vì có tiếng sập cửa ở dưới nhà và Toby đứng dậy. Anh đi về phía cửa sổ và nhìn qua những mái nhà. Dưới đất tuyết đã tan, nhưng trên các mái nhà và vòm cây, tuyết còn phủ như lớp kem mỏng trang trí. Sáng ngày mai, tuyết sẽ tan hết, biến đi dưới những cống, những rãnh, mang theo ký ức của một ngày tuyết lạnh tháng Giêng. Tuyết ở London cũng giống như cuộc sống vậy: hôm nay còn ở đó, mai đã đi xa. Có nghĩa lý gì đâu? Ruby đã trở lại, nắm trong tay một chai rượu Cava và hai chiếc ly đế cao. “Em tìm thấy cái này trong tủ lạnh. Em nghĩ nó là của Melinda đấy.” “Ồ, Chúa tôi, chị ấy sẽ điên tiết lắm đấy.” “Phải,” Ruby nháy mắt. “Em biết vậy. Nhưng cũng hợp cảnh mà.” Cô bật nút chai và rót rượu vào hai ly. “Vì Gus,” cô nói, tay giơ cao cái ly. “Một lão già tồi tệ, nực cười, nhưng dẫu sao ông lão cũng luôn luôn đóng nắp bồn cầu sau khi dùng và không bao giờ để phân dính lại bên trong bồn.” “Vì Gus. Và vì tương lai. Ước gì nó cũng tươi sáng như màu quần đùi lót của ông già.” 6. Đêm hôm ấy, Leah nằm thao thức lâu hơn thường lệ. Tâm trí cô đầy ắp hình ảnh của Gus, của Toby, của những chú công và vỉa hè lạnh lẽo. Làm sao một người có thể sống trong một căn nhà toàn người lạ, không vợ, không gia đình như thế? Làm sao mà một người lại đến nỗi hoàn toàn đơn côi đến vậy? Và nếu như cô có qua đời vào tuổi chín mươi bảy, cô trầm ngâm, cô cũng sẽ chẳng có lấy một đứa chắt gái đến mà nhận thi hài. Em trai cô, Dominic, là dân đồng tính và trừ phi có một điều phi thường nào đó xảy ra với những chất xúc tác trong não bộ của cậu ta, không có cơ hội duy trì nòi giống nào cho cậu ta hết. Rồi sẽ chẳng có cháu trai, cháu gái nào để mà tiếp tục sinh con đẻ cái, mà làm dây mơ, rễ má với cô lúc tuổi già. Tất cả phụ thuộc hết vào cô. Cô liếc nhìn dáng hình Amitabh đang say giấc. Như mọi khi, anh đã đạp tung chăn ra và nằm sấp, những âm thanh rít khe khẽ qua hai lỗ mũi anh. Leah trở mình, nằm chống khuỷu tay để ngắm nhìn anh kỹ lưỡng hơn. Cô nhìn đường xẻ trên sống mũi anh, và đường nét của vầng trán. Cô chạm lòng bàn tay vào mớ tóc dày của anh. Và rồi, không đừng được, cô nghiêng người và hôn khẽ lên đôi má thân thương của anh. “Jesus!” anh giật nẩy mình. “Cái gì! Cái gì thế hả?” “Không có gì đâu,” Leah đáp, lui người ra. “Không có gì đâu. Em chỉ hôn anh, thế thôi.” “Tại sao?” “Bởi vì... em không biết nữa. Em chỉ muốn hôn thôi.” “Jesus. Gần hai giờ sáng rồi. Sao em còn thức?” Cô nhún vai. “Em chẳng ngủ được. Chuyện ông cụ đó. Ông Gus. Em không thể thôi không nghĩ đến ông cụ.” “Ồ, Chúa ơi.” Amitabh thở dài và kéo chăn trùm lên người. “Anh làm thế nào được nhỉ?” cô nói. “Ý em là, hàng ngày anh nhìn thấy cảnh ấy. Người già, đơn côi, từ giã cuộc đời. Liệu nó, em không biết nữa, liệu nó có ảnh hưởng gì đến anh không?” Amitabh đã từng là y tá bên lão khoa. Anh không xa lạ gì với những điều này. “Ồ. Chúa ơi. Leah. Không phải lúc này chứ. Xin em đấy.” “Nhưng liệu đơn độc thì tốt hơn hay là tệ hơn nhỉ? Không biết đông con nhiều cháu thì buồn hơn hay là chẳng con cái gì thì tệ hại hơn nhỉ?” “Này em, sáng mai chúng ta hãy nói chuyện này nhé?” Anh cầm lấy cổ tay cô chiếu lệ. “Em không muốn cuối đời lại cô độc đâu,” cô nói. “Em thực sự không muốn đâu.” “Không lo đâu. Em là một người rất tốt tính. Em sẽ không cô độc đâu.” “Đúng thế, nhưng tốt tính cũng chẳng phải là đảm bảo để em có thể lập gia đình, có con cái cũng như bạn bè sẽ không từ giã cuộc đời trước em, phải không?” “Nhưng cũng có ích chứ.” “Hừm.” Leah nằm xuống giường và kéo chăn đến tận cằm. Chỉ mười giây sau là hơi thở của Amitabh đã trở nên nặng nề. Và thêm mười giây nữa là anh đã chìm hẳn vào giấc ngủ. Leah lại nhìn anh lần nữa và bỗng dưng biết mình sẽ phải làm gì. Điều đó thật hiển nhiên. Cô chưa bao giờ cảm thấy chắc chắn đến thế trong đời. “Am, Amitabh,” cô lay vai anh khe khẽ. “Am.” “Ồ, lạy Chúa! Gì nào?” Anh quay người lại và nhìn cô đầy vẻ quy kết. “Em yêu anh.” Anh nhướn một bên mày. “Không. Ý em là, em thực sự yêu anh. Và em muốn ở bên anh mãi mãi. Anh biết đấy. Cho tới khi em từ giã cuộc đời. Em muốn cưới anh.” “Cái gì cơ?” “Em muốn lấy anh.” “Không, em không muốn đâu.” “Có, em có muốn mà. Anh sẽ cưới em chứ?” “Ồ. Chúa tôi. Em nghiêm chỉnh đấy, phải không?” “Vâng.” “Jesus,” vẻ mặt anh dịu lại, “Leah. Bây giờ muộn lắm rồi. Anh không thể...” “Không sao đâu,” cô nói, vuốt mớ tóc đang xòa xuống mặt anh. “Anh không cần trả lời em bây giờ. Cứ ngủ đi. Hãy nghĩ về điều đó.” “Việc này liên quan đến chuyện ông cụ phải không? Em bị khủng hoảng hay là gì đó hả?” “Không,” cô nói. ‘Thực đấy. Không đâu. Nó chỉ khiến em phải suy nghĩ. Vậy thôi, về chuyện cái gì là quan trọng, về chuyện em muốn gì. Và em muốn anh. Mãi mãi.” “Để sáng mai nói chuyện nhé.” “Vâng. Để đến sáng mai.” 7. Wallace Beaton là một người đàn ông vẻ cũ kỹ trong bộ complet màu xám và chiếc cà vạt màu xanh cổ chai, ông ta ngồi sau chiếc bàn to cỡ một cái bàn ăn và lật giở giấy tờ với những ngón tay dài, khô khốc, “Ông Veldtman đã chỉ định anh là người thừa kế mọi tài sản của ông ấy.” “Tài sản ư?” “Phải. Ông Veldtman đã để lại cho anh mọi tài sản cá nhân của ông ấy, tôi cho là, chúng đều ở nhà anh?” Toby nghẹn thở khi nghĩ một cách buồn bã về mấy thứ đồ đạc từ thời tiền chiến và bộ sưu tập hộp đựng thuốc ngửi. “Vâng. Phải đấy.” “Và quyền giám hộ con mèo của ông ấy.” “Ồ. Chúa ơi. Thật sao?” “Đúng vậy. Với chỉ định nghiêm ngặt là con mèo phải ở với anh. Cho tới khi nó chết. Hoặc anh qua đời.” Toby lại nghẹn thêm lần nữa. “Và nếu tôi chết thì sao?” “Thì cần phải gửi nó tới chỗ người chắt của ông Veldtman ở đảo Guernsey. Rồi. Tiếp theo.” Ông ta lôi ra một tập giấy nữa và hắng giọng, “Ông Veldtman có một, ờ... một cuốn tiểu thuyết được in.” “Ông ấy ư?” “Phải. Xuất bản bằng tiếng Hà Lan từ năm 1930. Và đã được tái bản mười hai lần kể từ đó. Ông Veldtman có một tài khoản nhuận bút với một công ty đại diện ở Hague. Ông ấy cũng chỉ định anh là người thừa kế gia tài văn chương của mình và mọi khoản tiền sẽ được thanh toán trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của anh.” “Ôi, thật ấy à?” “Đúng vậy. Nhưng để ông có một cái nhìn cụ thể hơn, tiền nhuận bút của ông Veldtman trong sáu tháng qua là 5.26 bảng Anh. “Ồ. OK. Nhưng vẫn tuyệt, phải không nào? Có một gia tài văn chương.” “Phải.” Wallace Beaton cười gượng. “Cũng hay đấy.” “Và, ờ, có thế thôi phải không ạ?” Wallace Beaton nhún vai. “Có thế thôi.” “Rồi. Có điều là khi tôi nói chuyện với chắt của cụ Gus trên điện thoại tuần trước, cô ấy có nói riêng với tôi là Gus có thể có những cổ phiếu và cổ phần nào đó?” “Thật ấy à?” “Đúng thế. Cô ấy có nói rằng ông già cũng là một người khá ham mê chơi cổ phiếu hồi còn trẻ.” “Ở đây không có bằng chứng nào về việc ấy cả,” ông ta nói và phẩy những ngón tay dài phía trên chồng giấy tờ trên bàn. “Có thể ông ấy đã bán chúng đi. Hoặc có thể,” ông ta nói, mắt hơi ánh lên, “ông ấy giữ chúng dưới đệm giường cũng nên.” Toby kéo mạnh một góc đệm của Gus và ngó nghiêng bên dưới. Anh chẳng tìm thấy gì ở dưới góc giường gần chỗ anh đứng nên anh trèo hẳn lên đệm để có thể kéo mấy góc xa hơn. Rút cuộc anh cũng nhìn thấy một cái gì đó, nhét ở phía sau dát giường. Một cuốn sổ bìa bọc vải xanh lam đã cũ sờn. Trông nó giống như một cuốn vở, hoặc một cuốn nhật ký. Anh ngả hẳn người xuống giường để kéo nó ra. Đó là một cuốn vở dày, bên trong kẹp nhiều mẩu giấy. Trên bìa cuốn vở có khắc biểu tượng mạ vàng “Regal” bằng chữ kiểu cách. Toby ngồi xuống và mở cuốn vở ra. Cuốn vở có mùi lá ướt và mùi vải bố ẩm. Trên trang đầu tiên có một dòng chữ viết tay ngoằn ngoèo “Tài sản riêng của Augustus Veldtman”. Toby lật nhanh qua các trang để có thể nhận biết đây là dạng nhật ký gì và nhanh chóng nhận ra cái anh đang có trong tay là, về cơ bản, tất cả những gì diễn ra trong đầu Gus Veldtman: lời bài hát, thơ, danh mục mua sắm, các tài khoản, thư từ, các đoạn nhật ký, những suy nghĩ, những lời trích dẫn, hóa đơn và các bản nháp, vẫn còn cả những hóa đơn từ chục năm về trước, có những dòng ghi chú nhỏ - bên bản liệt kê, cạnh gói dăm bông nướng mật ong nhãn hiệu Waitrose là mấy từ “cũng tạm được”. Nhãn hiệu của món sandwich kẹp pho mát và dưa chuột muối được bóc ra và kẹp vào trong cuốn nhật ký cùng dòng chữ: “Làm mình phát ốm. Phải gửi thư cho nhà sản xuất để đòi bồi thường.” Có danh sách những loại thuốc mà ông cụ từng uống, những cuốn sách ông đã đọc, những bữa ông đã ăn. Có rất nhiều vé xe buýt và đơn thuốc của bác sĩ, và những bưu thiếp của ai đó tên là Michael sống ở Đức (“Tôi nghĩ đến anh thường xuyên, bạn của tôi, đặc biệt là vào thời gian này trong năm.”) Phần lớn nội dung của cuốn vở lặt vặt và lặp đi lặp lại, nhưng cứ cách vài trang lại có điều gì đó lọt vào mắt Toby. Một trang hoàn toàn để trống trừ một ý nghĩ bất chợt, đóng khung bằng hàng loạt dấu hỏi: “Hôm nay có hai chiếc bàn chải đánh răng để trong cốc ở phòng tắm. Chúng nằm bên nhau như thể chúng đang ân ái.” Ở một trang khác, ít súc tích hơn, là mô tả chi tiết tình trạng nhà bếp ông cụ nhìn thấy vào buổi sáng: “Một núi bát đĩa bẩn làm mình liên tưởng tới tháp nghiêng Pisa bị vấy bẩn bởi chất thải của cả đàn ngỗng, bề mặt dính đầy những mẩu thức ăn thiu. Trên sàn nhà là cả một vệt dài cái mà mình chắc là bãi nôn của ai đó. Mình phát ốm khi biết là người ta có thể sống cái kiểu này.” Một đoạn khác mô tả một cảnh gặp gỡ với Ruby ở trong hành lang: “Cô gái săm soi mình như ngựa giống săm soi một con la, trước khi quay trở về phòng nơi một trong những gã đàn ông vô dụng của cô ta đang nằm đợi. Và chỉ vài phút sau là tai mình lại bị tra tấn bởi những âm thanh đau đớn phát ra từ cuộc giao phối cuồng loạn của cô ta.” Cũng có khá nhiều đoạn nói về một ai đó tên là Boris. “Boris tiếp tục lờ tịt mình đi. Cứ làm như là trò chơi đó sẽ khiến mình phải lưu ý đến nó không bằng, nhầm rồi.” “Đó là lỗi của Boris. Một cá thể ích kỷ và bất lịch sự. Mình hy vọng nó chết sớm đi cho rồi.” “Boris và mình đã có một tiếng hít thở không khí trong lành ở trong vườn hôm nay. Nó ngồi bên chân mình và cả hai cùng ngắm nghía nụ hoa dạ hương lan xanh thắm vươn lên ngạo nghễ giữa giá lạnh tháng Hai.” Phải cho tới khi Toby đọc được đoạn: “Hình như Boris có vấn đề về tiêu hóa. Phân của nó lỏng và có mùi thật khó chịu. Hôm nay mình buộc phải thay chậu cát cho nó đến năm lần,” thì anh mới hiểu ra rằng Gus nói về con mèo của ông cụ. Toby lại kéo góc đệm lên lần nữa và nhìn qua khe hở của thang giường. Boris ngước nhìn anh. “Xin chào, Boris,” Toby nói. Con mèo vụng về nhìn đi chỗ khác. “Gus bảo với ta rằng mày là đồ ích kỷ và bất lịch sự.” Con mèo quay đi và cuộn tròn như một quả bóng. “Và có lẽ ông ấy có lý đấy.” Và cùng lúc ấy anh nhìn thấy nó. Một túi vải màu đen nằm giữa hai thanh gỗ. Buộc vào túi bằng một sợi dây chun, là một chiếc phong bì đề tên anh. Anh mở nó ra và lôi ra một bức thư, đánh máy trên loại giấy mỏng, rạn: Toby thân mến, Vậy là, cuối cùng bác cũng ra đi. Bác thật sự mong rằng cái chết của bác sẽ không làm phiền cháu quá, rằng bác sẽ không lay lắt mãi vì một chứng bệnh dai dẳng hoặc loại bệnh dịch kinh khủng nào. Nếu có thế, thì bác xin lỗi cháu. Bác đã chọn sống đơn độc, và nếu sự chọn lựa ấy đã khiến cháu phải chịu trách nhiệm về bác, làm cháu phát phiền, phát chán, thì bác xin cháu thứ lỗi. Bác đã di chúc để lại cho cháu tất cả những tài sản đơn sơ của bác và con mèo còm cõi của bác nữa. Cháu làm gì với tài sản của bác cũng được, nhưng hãy tử tế với con mèo nhé. Và dĩ nhiên, còn cả “gia tài” văn chương của bác nữa - ha! - nếu như nó còn tí nào giá trị. Ngoài ra, và quan trọng hơn cả, bác đã hoàn thành điều mà tất cả những người già cả không tin tưởng giao phó cho ai quản lý tiền bạc của mình đều làm, đó là tích trữ toàn bộ tiết kiệm của đời người ở dưới đệm giường. Bác không rõ con số chính xác, nhưng đó cũng là một khoản kha khá. Bác muốn cháu thừa hưởng nó, nhưng với một điều kiện. Và ĐIỀU NÀY HẾT SỨC QUAN TRỌNG. Cháu là một người tốt, nhưng thiếu phương hướng. Những con người sống trong nhà của cháu không hề coi trọng cháu và sự rộng rãi của cháu. Họ đang níu chân cháu. Điều lo ngại lớn nhất của bác về cháu, Toby ạ, là cháu cũng sẽ kết thúc cuộc đời như bác, cô độc, bị hiểu lầm, không được coi trọng và bác sợ rằng điều đó sẽ dễ dàng xảy ra quá. Bác xin cháu, Toby, hãy sử dụng tiền của bác để sống cuộc đời mà cháu muốn sống. Bán nhà đi, rũ bỏ mọi ràng buộc. Ngôi nhà chỉ là vữa, là gạch thôi. Hãy sửa sang ngôi nhà, rồi sau đó hãy chữa trị tâm hồn cháu. Bác không tin có sự tồn tại sau cái chết nên bác đành phải đặt lòng tin vào cháu để cháu thực hiện những yêu cầu của bác. Nhưng cháu là người đàn ông đáng tin cậy nhất mà bác được biết, nên bác tin tưởng rằng cháu sẽ làm như vậy. Chúa phù hộ cháu. Bạn của cháu, Augustus Veldtman Toby cố gắng hít vào, thở ra thật chậm, cố gắng làm cho tim mình đập bình tĩnh lại. Và rồi anh cầm chiếc túi lên, rút dây buộc túi ra và ngó vào trong. Anh nhìn thoáng nhìn thấy ánh đỏ và anh đóng chiếc túi lại. Màu đỏ - chẳng phải đó là màu của tờ năm mươi bảng hay sao? Anh lại mở chiếc túi và lôi ra một tờ. Đó là một tờ năm mươi bảng, mới cứng, bóng bẩy và thơm tho. Anh lại lôi thêm một tờ nữa ra. Rồi một tờ nữa. Anh đổ toàn bộ các thứ ở trong túi ra giường, cả một biển những tờ tiền màu đỏ. Không có tiền, mười, hai mươi hay năm bảng. Chỉ có toàn tiền năm mươi bảng. Anh bịt tay lên miệng, để khỏi bật ra một tiếng kêu, một tiếng rên hay tiếng rít nào. “Bình tĩnh nào,” anh tự nhủ với mình. “Hãy bình tĩnh nào.” Anh hít một hơi thật sâu và bắt đầu đếm tiền. Năm phút sau anh dừng lại. 62.550 bảng Anh. Sáu mươi hai ngàn năm trăm năm mươi bảng Anh. Chậm rãi và có hệ thống, anh sắp những cọc tiền lại vào trong túi, đút chiếc túi vào trong áo khoác, với bước chân nhẹ nhàng như của loài mèo hoang, anh đi về phòng ngủ của mình. 8. Amitabh chẳng vòng vo gì khi từ chỗ làm trở về nhà tối ngày hôm sau. Ngay sau khi cởi bỏ khăn áo mùa đông, anh đưa Leah vào ngồi trong ghế sofa, tắt TV, cầm tay cô lên và nói, “Leah, anh yêu em. Nhưng anh sẽ không cưới em.” Leah thở dài. “Em biết mà.” “Anh thực sự rất xin lỗi.” Cô đưa tay lên vuốt tóc và lại thở dài. Cô chẳng nghĩ ra điều gì để nói. “Đó không phải là lỗi của em.” “Phải.” “Chỉ là, anh không thể đối xử với bố mẹ anh như vậy.” “Cái gì cơ?” “Điều ấy sẽ thực sự giết chết họ.” Leah nhìn anh bối rối. Bố mẹ Amitabh yêu quý cô. Bố mẹ Amitabh luôn luôn nghĩ rằng cô là người thú vị. Amitabh ngừng lời và thở dài. “Nghe này,” anh nói, “anh đã ba mươi tuổi. Ở tuổi hai mươi, người ta có thể phí thời gian vô bổ...” “Phí thời gian vô bổ ư?” Leah cảm thấy dạ dày mình thắt nút lại. “Chúa ơi, không, không phải là phí thời gian vô bổ. Anh không có ý nói thế. Chỉ là, anh với em. Cái...” Anh khoát tay quanh gian phòng. “Cái này không bao giờ sẽ...” “Chúa ơi, Am - ý anh muốn nói gì?” Trái tim cô đang đẩy adrenalin đi khắp cơ thể với lưu lượng lớn. “Anh muốn nói là, anh không thể lấy em được. Không phải bây giờ. Không bao giờ. Bố mẹ anh có thể chấp nhận em là bạn gái anh, nhưng không bao giờ chấp thuận em là vợ của anh.” Leah có nghe thấy những lời nói ấy, nhưng không tài nào hiểu được ý nghĩa của chúng. “Cái gì?” cô nói. “Bởi em là người da trắng ư?” “Đúng vậy. Bởi vì em là người da trắng. Bởi vì em là người Thiên Chúa giáo. Bởi vì em không nghề ngỗng. Bởi vì em trai em là người đồng tính. Bởi vì em uống rượu. Bởi vì em chửi thề.” “Ồ, Chúa tôi.” “Anh nghĩ em đã biết những điều ấy. Anh đã nghĩ rằng em chấp nhận như vậy.” “Không,” cô nói trong tê dại. “Em không biết.” “Vậy em nghĩ thế nào?” “Em không biết,” cô nói. “Em không nghĩ gì. Em cứ nghĩ bố mẹ anh thích em.” “Hai cụ có thích em.” “Vậy tại sao...” “Mọi chuyện phải thế thôi Leah. Chỉ có thế.” “Vậy nếu chúng ta không cưới nhau nữa? Chẳng lẽ chúng ta không thể tiếp tục sống như hiện tại hay sao?” Amitabh ngước nhìn lên trần nhà và thở hắt ra. “Mọi chuyện không đơn giản như vậy.” “Tại sao lại không? Nếu vấn đề chỉ là ở chỗ bố mẹ không muốn anh cưới một cô gái người Anh, thì đừng cưới em thôi.” “Nhưng, anh sẽ phải cưới một ai đó.” “Tại sao?” “Để có gia đình. Anh phải có một gia đình.” “Anh không cần phải kết hôn thì mới có một gia đình.” “Có,” anh ngừng lời và thở dài, “anh cần phải kết hôn.” Leah nghẹn lời khi cuối cùng bỗng nhiên mọi sự trở nên rõ ràng. “Vậy ý anh là ba năm vừa qua của chúng ta chỉ là một... giai đoạn?” “Không. Dĩ nhiên là không phải rồi. Anh chỉ không nghĩ thấu đáo mọi chuyện mà thôi. Anh còn trẻ. Anh nghĩ là anh còn khối thời gian. Anh cũng không nghĩ là em với anh lại bền lâu đến vậy...” Leah nhìn chằm chằm vào anh. Vào người xa lạ mà ba năm qua cô đã cùng chia sẻ cuộc đời. Như thể bỗng dưng anh thú nhận với cô là anh đã có gia đình, hoặc là một kẻ khủng bố hoặc là một điệp viên. Trong bao năm qua cô đã đọc đầy những câu chuyện về những cặp đôi đa sắc tộc ở trong tình huống tương tự thế này, cô đã nhìn thấy họ trong chương trình truyền hình Kilroy, và cô luôn luôn tự tin rằng chuyện ấy không bao giờ xảy ra với cô và Amitabh bởi bố mẹ anh yêu quý cô và chấp thuận họ là một đôi. Và thực lòng mà nói, trừ một vài lần gặp đầu tiên, cô hiếm khi để ý đến việc Amitabh là người Ấn Độ. “Vậy là chúng ta sẽ chia tay?” Anh gật đầu. Nhún vai. Lại gật đầu lần nữa. “Anh nghĩ vậy.” Leah bắt đầu khóc. 12 tháng Giêng năm 2005 Toby, Lâu lắm rồi. Ta xin lỗi đã không liên lạc với con nhưng cuộc sống là như thế. Jemma và ta đang làm thủ tục ly dị. Cô ta sẽ ở lại Cape Town với bọn trẻ (bọn ta có hai thằng con trai, 12 tuổi và 9 tuổi) và ta thì đang dọn đến ở Johannesburg. Ta có vài công chuyện ở London vào cuối tháng Ba và ta sẽ về ở căn hộ của ta ở Chelsea vài tuần. Ta muốn gặp lại con. Ta muốn được thấy con đã nên người ra sao, sau đoạn khởi đầu đời không lấy gì làm hứa hẹn. Và ta muốn thấy ngôi nhà ta đã mua cho con dạo trước giờ như thế nào. Nếu con có chút nào khôn ngoan thì hẳn là con đã tận dụng cơ hội của thị trường bất động sản và tiến khá xa rồi đó. Peter nói với ta rằng trong thị trường hiện nay ngôi nhà này nếu ở trong tình trạng tốt phải có giá khoảng nửa triệu bảng, đủ để bao cấp sự nghiệp “thơ ca” cho con. Ta vẫn theo dõi thường xuyên trang giới thiệu sách của tờ Times trong những năm qua, đợi chờ tên con được nhắc đến, nhưng, than ôi, vẫn chưa thấy gì! Dù sao thì - ta mong được nghe toàn bộ chuyện đời con trong những năm vừa qua. Ta vẫn không thôi hy vọng rằng có khả năng con sẽ khiến ta tự hào. Ta tin rằng con sắp bước sang tuổi bốn mươi, độ tuổi mà người đàn ông biết liệu anh ta có thể coi mình là người thành đạt hay không khi lưỡi hái tử thần nghiệt ngã đến tìm. Ta sẽ liên lạc với con, thông qua Peter. Mọi sự tốt lành, Reggie (Bố) 9. Toby gần như không thể nào biết chắc được các thành viên khác nhau trong căn nhà của mình sẽ làm gì vào thời gian nào trong ngày, nên tìm được một thời điểm ngôi nhà hoàn toàn trống để anh có thể mời một nhân viên bất động sản đến để định giá ngôi nhà là cả một thách thức. Nhưng vài ngày sau khi nhận được lá thư của bố, tình cờ anh được biết rằng Ruby phải dự một buổi tổng duyệt, Joanne và Con đi làm còn chị Melinda thì ẩn mình trong một salon ở Crouch End để nhuộm tóc highlight. Nhân viên bất động sản có mặt ở nhà anh sau năm phút tên là Walter. Anh ta để ria mép. “Nào, tôi phải nói thực là đây là một cơ hội hết sức thú vị,” đó là những lời đầu tiên anh ta thốt lên khi bước vào nhà và bắt tay Toby. “Chẳng mấy khi có một ngôi nhà như thế này trên thị trường.” Anh ta đưa mu bàn tay lông lá quẹt dòng mồ hôi trán và viết cái gì đó vào cuốn sổ khổ A5. “Ồ, vâng,” anh ta nói, liếc nhìn tiền sảnh. “Ồ, vâng, vâng, vâng. Quả là tuyệt. Vậy ông là chủ nhà, thưa ông Dobbs?” “Vâng, đúng thế.” “Và ông đã sở hữu ngôi nhà này lâu chưa?” “Gần mười lăm năm.” Toby nghẹn lời. Sự kết hợp giữa bộ complet của Walter, hàng ria mép và cuốn sổ khiến cho anh cảm thấy như mình đang bị một thám tử hỏi cung trong bộ phim của những năm 1970. Walter gật đầu đồng tình. “Tôi phải báo trước với ông là,” Toby nói, cảm thấy Walter bắt đầu hưng phấn quá mức, quá sớm, “tôi không chăm chút ngôi nhà cẩn thận lắm đâu. Sẽ cần phải sửa chữa khá đấy.” “À, ra vậy, hãy xem qua ngôi nhà nào.” Toby dẫn anh ta đi khắp ngôi nhà. Vì không có nhiều thời gian chuẩn bị, anh chẳng có cơ hội dọn dẹp, sắp xếp ngôi nhà cho gọn gàng, và đủ các đồ vật linh tinh nằm cẩu thả khắp nơi: giày, cốc nước, giấy tờ, lược, phong bì trống, các đĩa CD, bánh mì nướng cũ, một cây cảnh đang được đổi chậu giữa chừng trên một tờ báo nằm trên bàn ăn. Sự kết hợp tản mát những tồn tại riêng rẽ của năm con người. “Tôi e là ngôi nhà hơi bừa bộn. Tôi sống chung với vài người nữa và họ không có nhà.” “Ồ, vậy là ông không sống ở đây một mình?” “Không, tôi sống cùng với vài người bạn.” “Tôi hiểu rồi. Không gia đình, không con cái?” “Không, chỉ toàn người lớn với nhau.” Anh cười căng thẳng. Walter không nói gì nhiều trong lúc họ đi xem nhà, chỉ viết gì đó vào cuốn sổ và đôi lúc phát ra những âm thanh hài lòng. Toby cảm thấy có lỗi khi mở cửa phòng của các “khách thuê” để Walter quan sát. Anh chưa bao giờ, trong bất kỳ tình huống nào, bước chân vào phòng của họ. Anh cố gắng hết sức để không nhìn vào cái gì hết. Phòng của Ruby, không ngoài dự đoán, là phòng bừa bộn nhất. Các cửa sổ treo những tấm khăn lụa viền đăng ten và chăng những dây đèn nhấp nháy đầy bụi bặm. Sàn nhà phủ đầy quần áo, sách vở và đĩa nhạc. Giường của cô chưa được trải dọn và chất đầy gối và đồ lót. Một gạt tàn đầy nằm trên bàn trang điểm, chung quanh là những thứ đồ trang điểm cũ kỹ, và một đống đồ trang sức. Trông như căn phòng của một sinh viên hoặc một ai đó vừa mới tách nhà ra ở riêng và còn chưa biết cách chăm sóc bản thân. Căn phòng bốc lên mùi dục tình quên lãng và mùi thuốc lá. Phòng của Con và Melinda gần như trống trải và tối giản. Giường của Melinda đã được trải dọn với chăn gọn gàng và hai chiếc gối phồng. Tấm đệm của Con trải trên sàn thì bừa bộn. Một tấm ván gỗ đặt ở bên trái cửa sổ có trang trí dòng chữ “Clarabel” và một bức vẽ màu đen một cô gái xinh đẹp đầu đội mũ và đang hút thuốc. Clarabel là một nghệ sĩ biểu diễn bị mắc chứng trầm cảm kinh niên, đã từng sống ở đây sáu tháng hồi năm 1996, và đã cưới một vận động viên điền kinh người Nga rồi chuyển đến sống ở St. Petersburg. Thật kỳ lạ khi nhìn thấy bức chân dung tự họa theo trường phái tiên phong hơi khó chịu ngó trừng trừng vào anh ở giữa căn phòng đơn sơ của Con và Melinda. “Ở đây có bao nhiêu phòng tắm?” Walter nói, đi về phía phòng của Joanne. “Hai phòng,” Toby đáp. “Mỗi tầng một phòng.” “Tốt,” anh ta lại hỏi. “Có phòng ngủ nào có phòng tắm riêng không?” “Không. Tôi e là không.” Toby đẩy tay nắm cửa phòng Joanne xuống và ngạc nhiên nhận thấy là cửa phòng bị khóa. “À,” anh nói, quay ra đối diện với Walter. “Ờ, cửa khóa thì phải.” Walter gật đầu. “Joanne - một cô gái rất coi trọng sự riêng tư,” Toby nói, một cách vô ích. Ở trên gác, Toby chỉ cho Walter xem căn phòng chật đồ đạc của chính anh, căn phòng trang trí màu mè của Gus, xin lỗi vì mùi con mèo già và giải thích rằng chủ nhân của nó vừa mới qua đời. Cho tới khi anh dẫn Walter ra khu vườn phía sau nhà và để ý thấy đống phân hữu cơ nằm chình ình trên thảm cỏ từ cuối mùa hạ năm trước, đám cỏ dại mọc ra từ mọi vết nứt, những chiếc lốp xe đạp cũ, cái máy tập rỉ sét và chiếc tủ lạnh cũ kỹ màu nâu bẩn, Toby cảm thấy hoàn toàn chán nản. Cần phải xin thứ lỗi cho biết bao nhiêu điều. Anh không thể tưởng tượng ra Walter rao bán căn nhà của anh trên thị trường dù với giá năm mươi bảng chứ đừng nói là năm trăm ngàn bảng. Anh mời Walter một tách trà và ngồi lại với anh ta bên chiếc bàn trong bếp. “Phải nói là,” Walter mở đầu, “ngôi nhà đẹp đấy.” “Ông nghĩ vậy thật sao?” “Ồ, không còn nghi ngờ gì về điều đó hết. Nhưng, như ông đã nói, việc bảo dưỡng ngôi nhà có một số vấn đề. Đó là chưa kể đến chuyện trang trí và lối sống nữa.” “Lối sống ư?” “Phải. Bởi đó chính là vấn đề cơ bản. Tôi có thể rao bán ngôi nhà của ông ra thị trường ngay ngày mai, nguyên trạng. Và có thể, nếu chúng ta tìm được khách mua, hay đúng hơn, là một nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận bỏ công sức, nhìn ra được tiềm năng của ngôi nhà phía sau những vấn đề về thẩm mỹ hiện tại, chúng ta có khả năng bán với giá khoảng chừng bảy trăm năm mươi ngàn bảng.” Toby nín thở. “Nhưng. Nếu như ông có thể tái cơ cấu lại ngôi nhà, thay lại toàn bộ bếp, các phòng tắm, làm một số việc căn bản trong vườn. Và quan trọng hơn cả, là giải tán được những người sống cùng nhà với ông và tạo cho ngôi nhà một bầu không khí của một tổ ấm gia đình đàng hoàng, chúng ta có thể đòi giá cao hơn nhiều.” “Nhiều là bao nhiêu?” “Ồ, tôi có thể nói là, ngôi nhà này, được trang trí lại, hiện đại và sẵn sàng để một gia đình có thể chuyển vào ở ngay, thì tôi có thể ra giá trên thị trường khoảng chín trăm ngàn bảng. Thậm chí có thể là một triệu bảng.” “Không?” Toby chớp mắt. “Chắc chắn không thể nhiều đến thế.” “Ồ, có, chắc chắn đấy. Có khi còn cao hơn nữa tùy thuộc vào chất lượng việc cải tạo nhà.” “Chúa tôi ơi.” Toby thở thật sâu và đưa tay giật giật râu. “Ngôi nhà này độc nhất vô nhị, ông Dobbs à. Trong khu vực này không có ngôi nhà nào như thế cả. Người ta sẵn sàng trả thêm tiền cho sự độc nhất vô nhị.” “Vậy, nếu tôi rao bán nhà bây giờ, ông nghĩ điều gì sẽ xảy ra?” “Tôi đoán là ta sẽ bán ngôi nhà cho một nhà đầu tư. Có thể người đó sẽ chia ngôi nhà ra thành hai hoặc ba căn hộ. Hoặc cho một gia đình có sở thích tu sửa nhà cửa.” “Và nếu như tôi tự cải tạo căn nhà và giải quyết với những người thuê nhà... ý tôi là, những người bạn?” “Thì ông có thể ra giá cao hơn nhiều và lãi nhiều hơn.” “Và ông sẽ làm gì, nếu ông ở địa vị tôi?” “Này, nếu mà tôi sẵn tiền mặt trong tay, thì tôi sẽ chọn cách thứ hai. Gần như chắc chắn đấy.” “Ông sẽ làm vậy ư?” Walter gật đầu, nhấn mạnh. “Còn phải nói. Nhưng có điều là ông phải làm ngay. Lúc này thị trường bất ổn lắm. Hãy giải quyết mấy người thuê nhà đi, cho thợ xây đến làm và rao bán ngôi nhà. Tối đa lợi nhuận của ông.” “Phải rồi,” Toby nói, nhìn chăm chăm vào sự hoang dại sau vườn qua cửa sổ nhà bếp và cảm thấy nỗi lo lắng không thể nào chế ngự được nhảy nhót bên trong anh. “Phải. Thế thì tôi sẽ làm như vậy.” Sau khi Walter ra về, Toby làm một việc mà anh chưa bao giờ làm trước đây. Anh lên một danh sách. Bỗng dưng có quá nhiều điều phải xem xét, quá nhiều thứ phải làm, và anh nghĩ nếu như anh viết chúng ra thì có lẽ anh sẽ dễ kiểm soát chúng hơn. Những việc phải làm 1. Mua ghế sofa mới. 2. Cắt tóc. 3. Mua tất mới. 4. Xem xét bếp. 5. Xem xét nhà tắm. 6. Gọi thợ xây đến báo giá. 7. Gọi thợ điện, nước đến báo giá. 8. Gọi thợ trang trí nội thất đến báo giá. 9. Giải quyết với những người thuê nhà. 10. Bán nhà. 11. Chuyển đến Cornwall (?) 12. Cố gắng có được hợp đồng xuất bản thơ (?) 13. Li dị. 14. Thôi không phải lòng Ruby nữa. 15. Tìm ai đó xứng đáng để yêu. 16. BẮT ĐẦU SỐNG. 10. Leah khó lòng tin được là cuối cùng cô lại làm việc trong một cửa hàng mang tên Chim Ruồi Hồng. Lúc đầu khi người phụ nữ ở trung tâm giới thiệu việc làm nhắc đến cái tên này, cô cứ nghĩ chị ta nói đùa. “Chim gì cơ?” “Phải,” chị ta nói, “tôi biết. Chị sẽ hiểu khi chị nhìn thấy nó.” Đó là cửa hàng mà vẻ nữ tính mãnh liệt và kiên định nhất ở London. Mặt tiền cửa hàng sơn màu hồng kẹo ngọt và các cửa sổ chăng dây đèn nhấp nháy với chao bằng lông chim. Trong cửa hàng bán những mặt hàng mà chỉ riêng phụ nữ muốn mua, ví như khung ảnh khảm đá hay giấy viết thư tẩm nước hoa. Trên trần nhà treo đèn chùm được đính đầy đồ trang sức và những chiếc lồng chim bằng tre sơn trắng. Trên tường treo những chiếc gương kiểu Venice và những chiếc mũ mềm nhung màu mận hoặc màu chanh leo. Cửa hàng bán đồ lót bằng chất liệu the nguyên chất đặt trong những chiếc hộp lót sa tanh và trên nắp hộp gắn những nụ hồng. Những con mèo bông mặc áo lông và đi giày cao gót. Những tấm thiệp sinh nhật được làm thủ công đính hạt kim sa và đá lóng lánh. Những chiếc gối làm từ da cừu Mông Cổ nhuộm màu tùng lam. Những chiếc bút trang trí bằng lông marabou và màu hoa cà lấp lánh. Đó là một sự suy đồi đường mật ở mức gần như bệnh hoạn. Leah lại không phải kiểu phụ nữ ưa màu hồng. Leah thích đi những đôi giày hầm hố và mặc những chiếc quần jeans bền, có thể mặc được lâu. Cô gần như không trang điểm và không sử dụng nước hoa. Điểm duy nhất mà cô thỏa hiệp với nữ tính là mái tóc được cô thả dài và dợn sóng, và móng tay cô được cắt tỉa cẩn thận, sáng bóng. Thực sự cô cũng không cần đến son phấn. Cô có khuôn mặt nhỏ nhắn của một cô gái thôn dã chỉ cần tô điểm thêm chút viền mắt và một ít phấn hồng lên hai má. Có lẽ nhờ vậy mà Ruth muốn nhận cô vào làm. Có lẽ bà ta đã không liếc nhìn xuống đôi bốt gót to khụ của cô hay chút bùn còn vương trên gấu chiếc quần tây nghiêm chỉnh duy nhất của cô. Có lẽ bà ta cũng đã không để ý đến chuyện Leah mặc áo phông có in logo. Có lẽ bà ta chỉ chăm chú vào khuôn mặt dễ thương và mái tóc nữ tính của cô và quả quyết ngay rằng Leah là một chú Chim Ruồi Hồng bẩm sinh. Dù vì bất cứ lý do nào, thì rốt cuộc cô cũng được nhận vào làm. Leah đã quản lý cửa hàng của Ruth năm năm nay, từ khi Ruth chuyển đến sống ở L.A và mở chi nhánh Chim Ruồi Hồng II ở Beverly Hills. Leah cũng khá thích công việc ở đây. Đó là một thứ thuốc giải với mùi hương ngọt ngào cho cuộc đời xù xì của cô. Thật dễ chịu khi bước vào cửa hàng mỗi sáng, rời bước khỏi vỉa hè xám xịt bên ngoài để bước vào hang động màu hồng thơm ngát này. Nhưng mười năm trước, nếu ai đó nói với cô rằng ở tuổi ba mươi lăm, cô không chồng, không có nhà riêng, và quản lý một cửa hàng quà tặng ở Muswell Hill thì hẳn cô đã đá cho kẻ đó một phát. Thế mà giờ này cô đang ở đây, bán những thứ đồ vô bổ với giá đắt quá thể cho phụ nữ từ trẻ tới già và bám víu vào - cô có thể cảm thấy nó một cách rõ nét như chuyến tàu đang đến hôm nay - một gờ đá không hơn của một cuộc khủng hoảng về sự tồn tại, chỉ bằng mấy đầu móng tay nhẵn bóng của mình. Tiếng chuông cửa của Chim Ruồi Hồng vang lên lúc ba giờ chiều, vừa lúc Leah mở ấn bản mới của Heat ra và sắp sửa tấn công món salad mỳ Ý. Cô nhét vội cái hộp nhựa xuống dưới quầy thu ngân và liếc nhìn ra cửa. Đó là Toby. Anh mặc một chiếc áo len cổ cao đan vặn thừng màu kem với một chiếc quần jeans bó và quàng khăn màu đỏ. Đầu anh đội một chiếc mũ len đan trơn màu xám. Đôi giày của anh to tướng và bóng loáng, nhưng không hiểu bằng cách nào đó mà bộ đồ anh mặc trông vẫn khá hợp, kể cả với hàm râu của anh. Cô mỉm cười khi nhìn thấy anh; cô không thể đừng được. “Xin chào,” anh nói, nhìn xuống cô đang đứng khuất sau chiếc ô giấy Trung Hoa. Cô nhìn trả lại anh. “Chào anh.” “Là tôi đây mà,” anh nói, vẻ xin được thứ lỗi, “Toby đây.” Cô gật đầu mỉm cười. “Vâng, tôi biết chứ.” “Vậy,” anh nói, cặp mắt căng thẳng nhìn chung quanh cửa hàng, “đây là nơi cô làm việc?” “Ờ. Đúng thế. Đây... đây là thế giới màu hồng và bồng bềnh của tôi.” Cô khoát tay chỉ ra xung quanh. “Đẹp đấy chứ. Tôi đã đi bộ qua đây hàng triệu lần và chẳng bao giờ ghé vào.” “Vâng, hoặc anh thuộc dạng người hoặc bị đèn nhấp nháy chao lông vũ hấp dẫn hoặc không hề.” “Tôi không biết nữa,” anh nói và liếc nhìn chung quanh. “Tôi khá thích một số đồ ở đây. Những cái gối này thật tuyệt.” Anh xem giá một chiếc gối đính kim sa màu ngà và hơi chớp mắt. “Ồ, Chúa tôi,” anh nói, “cho một cái gối ư?” “À, vâng.” Leah gật đầu. “Và anh không muốn biết giá gốc của nó là bao nhiêu đâu.” “Không,” anh đồng tình, “có lẽ là tôi không muốn biết đâu.” Tiếng chuông cửa lại vang lên và họ cùng quay ra nhìn bà già mặc áo choàng len bước vào. Leah mỉm cười với bà ta. “Tôi hy vọng cô không lấy làm phiền vì tôi đường đột tới đây mà không báo trước. Chỉ là, tôi cũng không biết nữa, thật sự, nhưng tôi cảm thấy hơi lạ vì không gặp lại cô sau sự việc xảy ra ngày hôm trước. Và cô có nói là cô làm việc trong một cửa hàng quà tặng màu hồng và tôi tình cờ đi qua đây và đoán rằng đây hẳn phải là cửa hàng quà tặng màu hồng mà cô đã bảo. Vậy là tôi nghĩ tôi nên ghé vào để chào cô. Và cảm ơn cô. Một lần nữa.” “Vì cái gì chứ?” “Vì cô đã rất bình tĩnh, từ tốn và tự chủ trong khủng hoảng.” “À, phải. Ít nhất thì tôi cũng rất giỏi trong khủng hoảng.” “Phải lắm. Sự thực là cô rất giỏi.” “Vậy. Đã tổ chức tang lễ chưa ạ?” “Rồi. Hôm thứ Ba.” “Và tang lễ ra sao?” “Ồ, thảm lắm,” anh nói, mỉm cười. “Kinh khủng. Trời mưa cả ngày và họ hàng của ông cụ thì khiếp lắm.” “Ồ, trời ơi,” Leah đáp, mỉm cười với anh. “Phải, nhưng kể từ hôm trước cũng có khối điều thú vị đã xảy ra.” “Thật á?” “Đúng vậy. Thực sự là cuộc sống của tôi gần như đảo ngược hoàn toàn.” “Chúa tôi. Thật vậy ư. Như thế nào cơ?” “Chuyện là...” Toby ngừng lời và liếm môi. Rồi anh lại vuốt chòm râu má và nheo mắt. Leah theo dõi anh một cách tò mò. “Anh ổn cả chứ?” “Này nhé, tôi hy vọng là cô không nghĩ rằng tôi kỳ quặc. Nhưng tôi có nhớ rằng cô đã nói cô là người tò mò về con người. Trong khi đó, tò mò lại hoàn toàn không phải là điểm mạnh của tôi. Và tôi đang ở trong một tình thế khó xử lạ kỳ và tôi cần phải, Chúa ơi, nói thế này nghe Mỹ quá và điên rồ quá, nhưng tôi thực sự cần phải chia sẻ. Và tôi biết rằng chúng ta là những người xa lạ, nhưng tôi cũng chẳng còn ai khác để tôi có thể trò chuyện thoải mái về những việc này...” “Anh muốn nói chuyện với tôi hả?” “Phải,” anh gật đầu. “Về vấn đề của anh?” “Ờ, vâng.” “Hay lắm,” cô mỉm cười, tuột xuống khỏi ghế, “đi uống cà phê đi.” Họ tới quán cà phê có tên gọi Hồng Ngọc trong Cát Bụi. Toby gọi một cốc cappuccino và Leah dùng trà bạc hà với một lát bánh pho mát. Cô ngước nhìn Toby. Anh có hàng ria mép bằng bọt cà phê và bột sô cô la dính trên râu. Cô cưỡng lại ý muốn dùng khăn giấy để lau chúng đi cho anh và cô mỉm cười với anh. “Ờ, chuyện là thế này. Gus đã để lại cho tôi một số tiền. Sau khi chết.” “Ồ, dĩ nhiên là thế.” “Phải. Và bây giờ, như một bước ngoặt lạ lùng của số mệnh, người bố xa lạ của tôi sắp trở về London để gặp tôi và, nói thực, tôi đã thôi không còn hy vọng gặp lại ông cho tới khi chết, không bao giờ nghĩ mình sẽ nhìn thấy ông nữa. Giờ tôi đã bốn mươi tuổi. Tôi nghĩ đây là cơ hội cuối cùng để tôi, cô biết đấy, tạo dựng cuộc đời mình, bởi vì tôi đã bị mắc kẹt ở trong cái lối mòn khủng khiếp này, bị đè bẹp, tôi nghĩ vậy. Và lúc này tôi có cả động cơ lẫn phương tiện để làm một điều gì đó, để sửa sang lại ngôi nhà và bán nó đi. Nhưng có một trở ngại.” “Có trở ngại sao?” “Phải. Những người thuê nhà của tôi. Tôi cần phải giải tán họ.” “À đúng vậy...” “Vâng. Tôi cần họ chuyển đi. Và như vậy thì tôi có thể sửa chữa lại ngôi nhà, bán nó đi trước khi bố tôi trở về.” “Là khi nào vậy?” “Cuối tháng Ba. Mười tuần nữa.” “Được rồi. Vậy thì anh chỉ việc bảo họ chuyển đi?” “Là vì...” Toby ngừng lời, rồi thở dài. “Ồ, Chúa ơi, tôi không biết nữa, thật là thảm hại, tôi biết rõ mình cần phải làm gì, nhưng vì một lý do nào đó tôi không thể buộc mình làm vậy. Vì một lý do nào đó tôi cho rằng mình chịu trách nhiệm về tất cả bọn họ.” “Nhưng tại sao chứ?” “Bởi vì, à, bởi vì tất cả bọn họ đều mất phương hướng.” “Mất phương hướng ư?” “Phải, tất cả bọn họ, và ở những mức độ khác nhau. Và lý do duy nhất khiến họ sống ở nhà tôi là bởi vì họ chẳng còn chỗ nào khác mà đi nữa. Không bạn bè, không gia đình, không có một tổ ấm an toàn. Và nếu như tôi buộc họ ra đi, thì rồi cái gì sẽ đến với họ? Họ sẽ ra sao?” “Ờ, phải đấy, nhưng đó chắc chắn đâu phải là vấn đề của anh, phải không?” “Ừm, không, về lý thuyết thì không, nhưng tôi cảm thấy có trách nhiệm ở một mức độ nhất định. Suy cho cùng, chính tôi là người mời họ tới sống chung. Chính tôi là người đã đăng quảng cáo trên báo, đã lựa chọn họ trên cơ sở nhu cầu thực sự của họ. Làm vậy sẽ gần giống như đuổi họ ra khỏi nhà của chính họ. Và buồn cười nhất là tôi vẫn thường nghĩ chính Gus là người khiến tôi không thể bán ngôi nhà, khiến tôi không thể thay đổi cuộc sống. Nhưng giờ ông cụ đã mất rồi và tôi nhận ra rằng không phải chỉ là ông cụ. Chính là tất cả bọn họ.” “Vậy thì anh định sẽ làm gì?” “Chính xác vấn đề là chỗ đó. Cách duy nhất khiến tôi có thể thoải mái yêu cầu họ chuyển đi là tôi phải chắc chắn rằng họ có một nơi nào khác để đi, một người nào khác để ở cùng. Tôi chỉ có thể yêu cầu họ chuyển ra nếu như tôi biết được là tất cả họ...” “Hạnh phúc?” “Đúng vậy. Chính xác đấy. Là tất cả bọn họ đều hạnh phúc. Mà tôi thì chẳng biết gì nhiều về những người sống bên tôi ngoại trừ nhãn hiệu ngũ cốc ăn sáng của họ. Tôi không thích hỏi han mọi người. Nó khiến tôi cảm thấy không thoải mái. Nhưng nếu như tôi không thể tìm hiểu thêm về những người thuê nhà của mình, tôi sẽ không có cơ hội thỏa mãn nhu cầu của họ. Và trong khả năng của mình, một người có tính tò mò tự nhiên như cô, tôi tự hỏi liệu cô có thể giúp tôi, hoặc ít nhất là tư vấn cho tôi cách để tiếp cận những suy nghĩ bên trong đầu họ.” “Anh muốn tôi dạy anh cách thóc mách ư?” “Ồ, vâng, tôi nghĩ là...” “Ôi, dễ lắm. Anh chỉ cần hỏi thật nhiều câu hỏi mà thôi.” “Ồ, Chúa ơi. Những câu hỏi thế nào?” “Tôi không biết nữa. Chỉ cần hỏi xem họ ra sao. Họ dự định gì. Kế hoạch của họ thế nào.” “Thật ấy à?” anh chớp mắt. “Nhưng liệu rồi họ có nghĩ rằng tôi can thiệp quá không?” “Không, dĩ nhiên là không. Người ta thích được hỏi về bản thân lắm.” “Họ thích à? Tôi thì không hề.” “Không, ờ, không phải tất cả mọi người. Nhưng đa số là thế. Và tôi cũng có thể giúp anh thêm, nếu anh muốn.” “Cô có thể ư?” “Ừm. Tôi có thể cố gắng chuyện trò với họ. Tìm hiểu đôi chút. Anh biết không?” Toby nhìn cô ngỡ ngàng. “Cô sẽ làm điều đó vì tôi ư?” “Tất nhiên là tôi sẽ làm chứ. Tôi đã nói với anh rồi. Tôi tò mò khủng khiếp mà.” Cô mỉm cười, bởi những ý nghĩ vừa ùa đến trong trí tưởng tượng của cô. Ba năm qua cô đã quan sát những người này từ phía bên đường, ba năm băn khoăn không biết họ là những người thế nào, họ làm gì và tại sao họ sống ở đó, và bây giờ có người nhờ cô tìm hiểu về những việc đó. Một cách chính thức. “Ừm, nếu cô vui lòng làm việc đó, thì, ồ, thật là tuyệt quá. Và thực tế là, tuần sau là sinh nhật tôi, lần thứ ba chín. Và tôi đang nghĩ có lẽ tôi sẽ mời mấy người ra quán và, có thể, nếu tôi làm vậy, có lẽ cô cũng muốn đi cùng luôn. Tạo cơ hội để cô...” “Để tôi thóc mách?” “Phải,” anh mỉm cười. “Và bạn, ờ, bạn trai? Chồng cô?” Leah nhìn anh vẻ dò hỏi. “Tay bác sĩ. Tay người châu Á đó?” “Ồ, Amitabh. Bạn trai cũ của tôi. Chúng tôi chia tay rồi.” “Ồ. Chết thật. Xin lỗi. Tôi, ơ...” “Và anh ấy là y tá, chứ không phải là bác sĩ.” “Ồ. Phải rồi. Tôi chỉ định nói rằng, cô có thể rủ anh ấy đi cùng. Nhưng, rõ ràng là, à... Tôi không biết gì hết.” “Thật tình. Thành thật mà nói... Không có gì đâu. Chúng tôi mới chia tay tuần trước. Khi tôi gợi ý là chúng tôi làm đám cưới thì bỗng dưng anh ấy trở nên hết sức Ấn Độ với tôi. Nói rằng bố mẹ anh ấy sẽ từ anh ấy. Vậy là, thế thôi.” “Tôi lấy làm tiếc về việc đó.” “Vâng,” Leah nhún vai, cố gắng kiềm chế để không rơi nước mắt và khiến Toby lúng túng. “Chuyện không hay vẫn xảy ra mà. Tôi cố gắng trở nên triết học một chút về chuyện đó.” “Phải rồi. Phải rồi, cách tốt nhất đấy. Hoàn toàn đấy.” Cả hai người im lặng một lát. Leah liếc nhìn Toby. Anh đang nhìn qua cửa sổ mơ màng, bất động. “Được rồi, bây giờ,” cô nói, mỉm cười, “đây là cơ hội hoàn hảo để anh tập thóc mách đấy. Một người tò mò sẽ muốn biết nhiều hơn về chuyện chia tay của tôi.” Toby nhìn chằm chằm vào cô, không hiểu gì. “Vậy thì - hãy hỏi tôi vài câu hỏi đi nào.” “Câu hỏi như thế nào chứ?” “Câu hỏi về chuyện chia tay ấy mà.” “Ồ, vâng, nhưng mà cô vừa kể với tôi tại sao cô chia tay rồi mà. Còn gì để hỏi nữa đâu?” “Này nhé, ví dụ như, anh có thể hỏi xem chúng tôi yêu nhau đã bao lâu rồi?” “Phải. Được thôi. Vậy thì, cô và anh ấy yêu nhau lâu chưa?” “Không! Không hỏi như thế. Cách anh hỏi phải tạo cảm giác là anh thực sự quan tâm. Ví dụ như: Ồ, không, thật tệ quá. Hai người yêu nhau lâu chưa?”