🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sinh Ra Để Chạy Ebooks Nhóm Zalo SINH RA ĐỂ CHẠY Tác giả: Christopher McDougall Thể loại: Truyện dài - Tiểu thuyết, Văn học Nhà xuất bản: NXB Thế Giới Ebook: nguyenthanh-cuibap Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com LỜI GIỚI THIỆU Sinh ra để chạy không phải là một cuốn sách giáo khoa về chạy bộ. Bạn sẽ không tìm thấy những kiến thức chuyên sâu, có tính kỹ thuật của môn chạy bộ, hay các bài tập, hướng dẫn giúp bạn chạy nhanh hơn, xa hơn. Thay vào đó, tác giả Christopher McDougall lại dẫn dắt người đọc vào một câu chuyện vượt cả không gian và thời gian, tới các ngóc ngách tận cùng của Trái đất, đi ngược về lịch sử xa xưa của nhân loại, để tìm hiểu về chạy bộ như một trong những bản năng cơ bản nhất của con người. Đan quyện vào cuộc du hành xuyên thời gian, không gian đó, là câu chuyện về những cá nhân cụ thể, có đời sống xã hội bình thường như mỗi chúng ta, nhưng khi xỏ chân vào đôi giày chạy và lướt xuống đường mòn, họ bỗng lột xác thành dị nhân siêu đẳng, với khả năng chạy bộ ở cự ly siêu dài trong thời gian không tưởng. Và để đối chứng với những siêu nhân chạy bộ thời hiện đại ấy, Christopher đã tìm thấy một đối thủ hoàn hảo, một bộ tộc ẩn nấp sâu trong vùng núi cao Sierra ở Mexico, những người vẫn giữ được tác phong và lối sống thanh bạch như chính tổ tiên của họ hàng nghìn năm trước, người Tarahumara. Cao trào của cuốn sách, là một cuộc tỷ thí vượt thời gian, một giải chạy vô tiền khoáng hậu, giữa những người chạy bộ giỏi nhất thời hiện đại của nước Mỹ và những người thổ dân đại diện cho người chạy bộ nguyên thủy. Dù kể chuyện về những dị nhân siêu phàm nhất, nhưng tác giả Christopher McDougall đã khéo léo phản chiếu chính hình ảnh của bản thân mình, một người chạy bộ nhập môn, vào mạch kể. Do đó, bất kỳ ai đọc Sinh ra để chạy cũng sẽ tìm thấy ở đâu đó hình bóng của chính mình trong sách. Cuốn sách không chỉ là một cuộc phiêu lưu, một cuộc tìm hiểu cội nguồn của chạy bộ, mà còn lột tả những cảm xúc chân thực, những nỗi niềm suy nghĩ, những tình cảm buồn vui, những vỡ òa của các nhân vật xoay quanh từng bước chạy. Với những ai chưa từng chạy bộ, cuốn sách có thể là một lời giải đáp cho băn khoăn “chạy để làm gì?” hoặc “chạy bộ có gì hay?”, còn đối với những người đã trót đem lòng yêu môn chạy bộ, cuốn sách là một thiên sử thi, vừa lãng mạn, vừa hùng tráng, tràn đầy lòng tự hào của một giống loài “Sinh ra để chạy”. Hội những người thích chạy đường dài Việt Nam LDR là nguồn cảm hứng, động viên đối với người dịch, cũng như đã có những hỗ trợ quý báu giúp người dịch hoàn thành bản dịch cuốn sách này. Người dịch Nguyễn Kiến Quốc Chương 1 “Để sống với những bóng ma, bắt buộc phải về nơi hoang dã.” – Anne Michaels, Fugitive Pieces (Những mảnh vụn phù du) Đằng đẵng nhiều ngày, tôi lùng khắp dãy Sierra Madre, Mexico theo dấu một bóng ma được biết đến với cái tên Caballo Blanco – Ngựa Trắng. Cuối cùng, tôi dừng chân ở điểm cuối đường mòn, nơi rốt cuộc tôi có thể ngờ sẽ thấy anh ta – không phải giữa sâu thẳm chốn hoang sơ như người ta đồn đoán, mà trong sảnh tối tăm của một khách sạn cũ kỹ, ngay rìa thị trấn bụi mù miền sa mạc. “Sí, El Caballo está.” Cô lễ tân gật đầu. Có, Ngựa Trắng ở đây. “Thật không?” Sau quá nhiều lần phải nghe rằng vừa vuột mất anh ta, ở quá nhiều địa điểm kỳ quặc, tôi bắt đầu nghi ngờ rằng Caballo Blanco chỉ là một huyền thoại không hơn, một quái vật hồ Loch Ness được thêu dệt để đe trẻ nít và bịp mấy gã nước ngoài khờ khạo. “Anh ta luôn trở lại đây đúng năm giờ.” Cô nói thêm. “Như một nghi lễ.” Tôi không biết nên ôm chầm cô gái vì sung sướng hay đập tay mừng chiến thắng. Tôi nhìn đồng hồ. Tôi sắp tận mắt trông thấy bóng ma chỉ sau… mà khoan đã. “Nhưng đã hơn sáu giờ rồi.” Cô lễ tân nhún vai. “Có lẽ anh ta đã đi rồi.” Tôi ngồi sụp xuống chiếc ghế xô-pha cổ lỗ sĩ. Tôi hôi hám, đói mềm, và thảm bại. Tôi đã cạn kiệt sức lực, và cạn kiệt cả đầu mối. Có người nói Caballo Blanco là dân tị nạn; người khác lại nghe, anh là võ sĩ quyền anh bỏ trốn để trừng phạt bản thân sau khi đánh chết một đấu thủ trên võ đài. Không ai biết tên, tuổi hay lai lịch. Anh như những tay súng miền Viễn Tây, chỉ để lại dấu vết là các câu chuyện nhiều hư cấu hay một hơi khói xì gà thoảng qua. Những lời mô tả và những lần chạm trán xuất hiện ở khắp mọi nơi trên bản đồ; người dân ở những ngôi làng cách xa nhau đến phi lý lại thề thốt rằng cùng nhìn thấy anh một ngày và những lời mô tả về anh khác nhau một cách kỳ lạ, từ “hài hước và dễ gần” cho đến “kỳ quặc và khổng lồ”. Nhưng trong tất cả các phiên bản về huyền thoại Caballo Blanco, vẫn có một số chi tiết cơ bản giống nhau: Anh tới Mexico từ nhiều năm trước và chuyển vào sâu trong vùng Barrancas del Cobre hoang vắng – Copper Canyon – để sống giữa những người Tarahumara (trong tiếng Tây Ban Nha, “h” là âm câm nên từ này được đọc là: Ta-ra-u-ma-ra), một bộ lạc kỳ bí, có những vận động viên siêu phàm từ thời kỳ đồ đá. Người Tarahumara có lẽ là giống người khỏe mạnh và thanh thản nhất Trái đất, và là những người chạy bộ vĩ đại nhất mọi thời đại. Nói tới các cự ly siêu dài, chẳng gì có thể đánh bại một người chạy bộ Tarahumara – kể cả ngựa đua, báo đốm, hay vận động viên marathon Olympic. Có rất ít người từng nhìn thấy người Tarahumara thể hiện sức mạnh, nhưng những câu chuyện kỳ thú về sức bền bỉ siêu phàm và sự bình thản của họ đã vượt khỏi các hẻm núi từ nhiều thế kỷ trước. Một nhà thám hiểm thề rằng ông ta đã nhìn thấy một người Tarahumara tay không bắt hươu, sau khi rượt đuổi con vật dẻo dai “đến long móng guốc” và khiến nó gục chết vì kiệt sức. Một người phiêu lưu mạo hiểm khác thì kể anh ta phải mất tới 10 tiếng đồng hồ trên lưng một con la để vượt qua một đỉnh trong Copper Canyon; trong khi một người Tarahumara chạy bộ hết chính quãng đường đó chỉ vỏn vẹn 90 phút. “Thử thứ này xem!” Có lần, một người phụ nữ Tarahumara nói với một nhà thám hiểm kiệt sức đã quỵ ngã dưới chân một ngọn núi. Bà đưa cho anh một quả bầu đựng thứ chất lỏng sẫm màu. Anh uống vài ngụm, và sửng sốt khi cảm thấy nguồn năng lượng mới chảy rần rật trong mạch máu. Anh lại đứng lên và leo tới đỉnh núi như một Sherpa uống quá liều caffein. Người Tarahumara, theo như lời nhà thám hiểm đó sau này kể lại, còn giữ bí mật về công thức chế biến một loại thực phẩm cung cấp năng lượng đặc biệt, giúp họ giữ được thân hình thon gọn, mạnh mẽ vô địch: chỉ một vài miếng loại thực phẩm đó là đủ dinh dưỡng chạy cả ngày không cần nghỉ. Nhưng bất cứ bí mật nào người Tarahumara gìn giữ, họ đều giữ rất kín. Ngày nay, người Tarahumara vẫn sống trên rìa những vách đá còn cao hơn tổ chim diều hâu, tại một vùng đất không còn mấy người từng thấy. Barrancas là một thế giới đã mất, nằm ở vùng hoang sơ hẻo lánh nhất Bắc Mỹ, một kiểu Tam giác Bermuda trên cạn, nổi tiếng vì đã nuốt chửng những kẻ không biết lượng sức hay liều lĩnh lạc bước vào đây. Đầy rẫy hiểm nguy chực chờ dưới những hẻm núi này; có sống sót được trước lũ báo ăn thịt người, rắn độc hay sức nóng đến rộp da, thì bạn vẫn còn phải đối phó với “cơn sốt hẻm núi”, một nỗi sợ chết người do cảm giác hoang vắng dị thường của Barrancas mang lại. Càng đi sâu vào Barrancas, bạn sẽ càng cảm thấy như bị đóng chặt lại trong một hầm mộ. Những bức tường khép lại, những cái bóng trải rộng ra, lời thì thầm của những bóng ma văng vẳng; lối đi nào tưởng như cũng dẫn đến những vách đá dựng đứng. Những người đi khai khoáng trước đây đã từng rơi vào tình trạng điên loạn và tuyệt vọng như thế, để rồi nhiều kẻ đã tự tay cắt cổ chính mình, hoặc gieo mình xuống vách đá. Vì vậy, chẳng lạ khi có rất ít người từng nhìn thấy mảnh đất quê nhà của người Tarahumara, chứ chưa nói đến chuyện gặp được người dân bộ lạc này. Nhưng bằng cách nào đó, Ngựa Trắng đã tới được những nơi sâu thẳm của Barrancas. Và ở đó, như người ta kể lại, anh được người Tarahumara chấp nhận như một người bạn và như một linh hồn thân thiện; một con ma giữa những bóng ma. Anh chắc chắn đã rèn luyện được hai kỹ năng của người Tarahumara – khả năng giấu mình và sức chịu đựng khác thường – bởi vì mặc dù người ta trông thấy anh khắp nơi trong hẻm núi, nhưng có vẻ như không ai biết anh sống ở đâu hay có thể tiếp tục xuất hiện ở nơi nào. Nếu có ai đó giải thích được những bí mật cổ đại của người Tarahumara, như tôi được nghe kể, thì đó chính là kẻ lang thang cô đơn này trên vùng núi cao Sierra. Tôi bị ám ảnh bởi việc tìm Caballo Blanco tới mức lúc ngủ gật trên ghế xô-pha ở sảnh khách sạn còn tưởng tượng ra giọng nói của anh. “Chắc là giống như giọng gấu Yogi hỏi mua burrito ở Taco Bell.” Tôi thầm nghĩ. Một người như thế, một kẻ lang thang đi bất cứ đâu, nhưng chẳng phù hợp với bất kỳ chốn nào, hẳn chỉ sống trong tâm tưởng của bản thân và hiếm khi nghe thấy tiếng của chính mình. Anh chắc sẽ kể các câu chuyện cười kỳ cục, và tự làm mình cười phá lên. Anh hẳn phải có tiếng cười bùng nổ và một giọng Tây Ban Nha tồi tệ. Anh chắc phải ồn ào, nói nhiều và… và… Chờ đã. Tôi đang nghe thấy những âm thanh đó thật. Tôi mở choàng mắt và nhìn thấy một xác chết bụi bặm, đội chiếc mũ rơm tả tơi đang đùa cợt với cô lễ tân. Bụi đường bám thành vệt trên gương mặt hốc hác như những vệt sơn vẽ mặt của thổ dân đang nhạt bớt, và đám tóc rối bù cháy nắng thò ra dưới vành mũ, như được cắt tỉa bằng một con dao săn. Với bộ dạng háu chuyện trước mặt cô lễ tân đang uể oải, anh trông hệt như một kẻ bị lạc trên hoang đảo. “Caballo?” Tôi thốt lên. Cái xác chết kia quay người lại, mỉm cười, và tôi tự thấy mình như một thằng ngốc. Anh ta không tỏ vẻ gì là cảnh giác; mà bối rối, hệt như bất cứ một vị khách du lịch nào khi bất thần chạm trán một gã điên ngồi trên ghế xô-pha hét gọi “Ngựa!”. Đây không phải là Caballo. Chẳng có Caballo nào cả. Tất cả chỉ là một trò bịp, và tôi đã bị lừa. Thế rồi, cái xác cất tiếng: “Anh biết tôi à?” “Trời ơi!” Tôi lập cập đứng dậy. “Gặp được anh tôi mừng quá!” Nụ cười biến mất. Cặp mắt của cái xác phóng thẳng ra cửa, như muốn nói rằng chỉ sau một giây nữa, anh cũng sẽ phóng ra theo. Chương 2 Tất cả bắt đầu từ một câu hỏi đơn giản nhưng không ai đáp nổi. Câu hỏi năm từ này đã dẫn tôi đến với tấm ảnh một người đàn ông chạy rất nhanh trong chiếc váy ngắn cũn cỡn, và rồi kể từ đây, những người tôi gặp ngày một thêm kỳ quái. Không lâu sau đó, tôi dính líu đến một vụ giết người, các băng đảng ma túy, và cả một gã đàn ông cụt một tay, với cái chén pho mát kem buộc trên đầu. Tôi đã gặp một nữ kiểm lâm tóc vàng xinh đẹp, cởi bỏ hết quần áo và tìm thấy sự cứu rỗi linh hồn khi chạy khỏa thân trong những khu rừng Idaho, một nữ vận động viên lướt sóng trẻ tuổi, tóc thắt bím, chạy thẳng vào chỗ chết ngoài sa mạc. Một thần đồng chạy bộ yểu mệnh. Hai người khác suýt cũng mất mạng. Tôi tiếp tục tìm kiếm, và còn tình cờ gặp cả Người Dơi Chân Đất… Gã Khỏa Thân… Những người sống trong bụi rậm ở Kalahari… Người cụt móng chân… và cuối cùng là bộ lạc Tarahumara cổ xưa, cùng gã học trò bí ẩn của họ, Caballo Blanco. Cuối cùng, tôi đã có được câu trả lời, nhưng chỉ sau khi nhận ra mình đang ở ngay trong cuộc đua vĩ đại nhất thế giới ngày nay: Giải vô địch Đối kháng môn chạy bộ, cuộc tỷ thí đỉnh cao giữa những người chạy bộ cự ly siêu dài giỏi nhất thời đại chúng ta với những người chạy bộ siêu dài giỏi nhất mọi thời đại, trong cuộc đua 50 dặm trên những con đường mòn bí ẩn chỉ có dấu chân người Tarahumara. Tôi sẽ giật mình phát hiện ra rằng lời dạy cổ xưa của Lão Tử – “Kẻ khéo đi không để lại dấu vết” – không phải lời thuyết giảng sáo rỗng, mà thực sự là chỉ dẫn luyện tập nghiêm túc, cụ thể và thực tiễn. Tất cả bắt đầu vào một ngày tháng 1 năm 2001, khi tôi hỏi bác sĩ: “Tại sao chân tôi đau?” Tôi đã tới gặp chuyên gia hàng đầu về y học thể thao trong nước bởi có một cái que chọc vô hình nào đó cứ đâm thẳng vào gan bàn chân tôi. Tuần trước, khi đang chạy nhẹ nhàng khoảng ba dặm trên một con đường nông trại tuyết phủ, thì đột nhiên, tôi thét lên đau đớn, nắm chặt lấy bàn chân phải mà la hét chửi thề rồi ngã lăn xuống tuyết. Khi trấn tĩnh lại, tôi kiểm tra bàn chân, đinh ninh là đã đạp trúng mảnh đá nhọn, hoặc một cái đinh cũ kẹt trong lớp băng nào đó. Nhưng không hề có một giọt máu, thậm chí, giày cũng chẳng có lỗ thủng. “Chạy bộ chính là vấn đề của anh.” Bác sĩ Joe Torg khẳng định khi tôi lết vào phòng khám của ông ở Philadelphia vài ngày sau đó. Ông hẳn rõ hơn ai hết; bác sĩ Torg không chỉ gây dựng toàn bộ nền y học thể thao, mà còn là đồng tác giả cuốn The Running Athlete (Vận động viên chạy bộ), phân tích cụ thể bằng cách chụp X-quang tất cả các chấn thương có thể xảy ra khi chạy bộ. Ông kiểm tra X-quang và nhìn tôi tập tễnh đi loanh quanh, rồi kết luận rằng tôi đã làm thương tổn xương hộp, cụm xương nằm song song với hõm bàn chân mà tôi không hề biết là nó tồn tại, cho tới khi nó tự biến thành một que chích điện ngay trong bàn chân mình. “Nhưng tôi hầu như chẳng chạy mấy.” Tôi nói. “Tôi chỉ chạy mỗi lần khoảng hai đến ba dặm, cách một ngày chạy một lần. Và thậm chí tôi còn không chạy trên đường nhựa. Chủ yếu là đường đất.” Cũng chẳng ý nghĩa gì. “Cơ thể người không phải sinh ra để bị hành hạ như vậy.” Bác sĩ Torg trả lời. “Đặc biệt là cơ thể của anh.” Tôi hiểu ý ông. Với chiều cao 1,93 m, nặng 104 cân, tôi nhiều lần được khuyên rằng người có kích cỡ như tôi được tạo hóa sắp đặt đứng chắn dưới vòng bóng rổ hoặc đỡ đạn cho tổng thống, chứ không phải nện thân xuống nền đường. Và bước sang tuổi 40, tôi đã hiểu; trong năm năm từ khi ngừng chơi bóng rổ nửa sân và cố biến mình thành vận động viên marathon, tôi đã rách gân kheo (hai lần), bong gân Achilles (liên tục), lật cổ chân (cả hai bên, lúc bên này, lúc bên kia), đau hõm bàn chân (thường xuyên), phải đi giật lùi xuống cầu thang trên đầu ngón chân vì gót chân quá đau. Và bây giờ, điểm lành lặn duy nhất trên bàn chân tôi cũng tham gia nốt vào cuộc nổi loạn. Kỳ quặc là, với các hoạt động khác, tôi cứ như mình đồng da sắt. Là phóng viên cho tờ Men’s Health và một trong những người phụ trách đầu tiên của chuyên trang “Người không ngừng nghỉ” trên Esquire, phần lớn công việc của tôi là thử sức với các môn thể thao cực hạn. Tôi từng lướt ván xuôi những khúc sông có độ khó Cấp IV, trượt ván trên các đồi cát khổng lồ, đạp xe địa hình xuyên Badlands, Bắc Dakota. Tôi từng đi lấy tin ở ba vùng chiến sự cho Associated Press và ăn dầm nằm dề trong những khu vực hỗn loạn ở châu Phi, mà không hề hấn gì. Nhưng chỉ dợm chạy bộ vài dặm xuống phố, là tôi lại vật ra đất như thể vừa bị một kẻ lái xe ngang qua bắn hạ. Với bất kỳ môn thể thao nào khác, một chấn thương như vậy sẽ xếp tôi vào hàng phế phẩm. Trong chạy bộ, trường hợp như tôi lại là bình thường. Bất thường lại chính là những ai chạy bộ không bị chấn thương. Hằng năm, cứ 10 người chạy bộ thì có tám người bị chấn thương. Bất kể béo hay gầy, chạy nhanh hay chậm, nhà vô địch marathon hay người nổi hứng chạy cuối tuần, bạn đều có khả năng bị chấn thương đầu gối, ống đồng, gân kheo, hông hoặc gót chân. Lần tới, khi xếp hàng ở vạch xuất phát của một cuộc đua, hãy nhìn những người đứng bên trái hay bên phải bạn: theo số liệu thống kê, chỉ một người trong số các bạn có thể về đích mà vẫn dự được cuộc đua sau. Cho đến nay, chưa có cách nào để làm chậm lại sự tàn phá này; bạn có thể mua giày chạy bộ có lò xo thép đệm ở phần đế và các đôi giày Adidas đời mới điều chỉnh độ êm bằng vi mạch, nhưng tỷ lệ chấn thương lại không hề giảm bớt trong suốt 30 năm qua. Thậm chí, thực tế là còn tệ đi; tình trạng bong gân gót chân Achilles đã tăng khoảng 10%. Chạy bộ dường như là phiên bản thể thao của việc lái xe khi say rượu: bạn có thể bình an trong một thời gian, thậm chí có cả lúc vui thú, nhưng thảm họa luôn rình rập ngay sau mỗi lối rẽ. Các dữ liệu y học thể thao như đang đồng thanh cất lời chế nhạo: “Ngạc nhiên chưa!” Mà cũng không hẳn. Thế này thì đúng hơn: “Vận động viên chơi các môn thể thao có liên quan đến chạy bộ tạo áp lực khủng khiếp lên đôi chân.” Tập san Chấn thương Thể thao công bố. “Mỗi bước giẫm xuống tác động lên chân một lực lớn gấp đôi trọng lượng cơ thể. Cũng như gõ búa liên tục lên một tảng đá tưởng như không thể phá hủy, tảng đá rồi cũng tan thành bụi, mức va chạm phải chịu trong khi chạy bộ rồi sẽ phá hủy xương, sụn, cơ, gân và dây chằng của bạn.” Một bài báo của Hiệp hội các phẫu thuật gia Chấn thương Chỉnh hình Hoa Kỳ đã kết luận rằng chạy đường dài là “mối đe dọa nghiêm trọng đến tính nguyên vẹn của đầu gối.” Và thay vì “một tảng đá không thể phá hủy”, mối đe dọa nghiêm trọng đó lại dồn lên một trong những điểm nhạy cảm nhất trên cơ thể bạn. Bạn có biết bàn chân mình có những loại dây thần kinh nào? Nó giống như dây thần kinh nối với bộ phận sinh dục vậy. Bàn chân bạn chứa đầy nơ-ron thần kinh cảm nhận, luồn khắp các vị trí để thu nhận cảm giác. Chỉ cần kích thích nhẹ các dây thần kinh đó thì xung cảm giác sẽ phóng khắp toàn bộ hệ thần kinh; đó là lý do tại sao cù vào gan bàn chân lại làm cho hệ thống bị quá tải và khiến cả cơ thể co rút. Không khó để hiểu tại sao các nhà độc tài Nam Mỹ lại thích “chơi đùa” với bàn chân khi xử lý những kẻ cứng đầu. Bastinado, phương pháp trói nạn nhân và đánh vào gan bàn chân, được Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha phát triển và những kẻ tàn bạo bệnh hoạn nhất thế giới hân hoan đón nhận. Khmer Đỏ và người con trai độc ác Uday của Saddam Hussein là những kẻ đặc biệt ưa chuộng bastinado, bởi họ rành rẽ về giải phẫu học. Chỉ mặt và bàn tay là sánh được với bàn chân về khả năng truyền tín hiệu nhanh tới não bộ. Để cảm nhận những vuốt ve mềm mại nhất hay hạt cát nhỏ bé nhất, thì ngón chân có khả năng truyền tín hiệu tốt không kém môi hay đầu ngón tay. “Vậy, tôi không thể làm gì được hay sao?” Tôi hỏi bác sĩ Torg. Ông nhún vai. “Anh có thể tiếp tục chạy, nhưng rồi sẽ trở lại đây nhiều hơn vì cái này.” Ông nói, và gõ gõ móng tay vào ống tiêm to tướng đầy cortisone chuẩn bị tiêm vào gan bàn chân tôi. Ngoài ra, tôi cần có thêm các miếng đệm chỉnh hình (giá 400 đô-la) để nhét vào trong đôi giày kiểm soát chuyển động (giá 150 đô-la, mà thực ra là hơn, vì tôi sẽ cần phải dùng hai đôi để thay đổi, thành ra là 300 đô la). Nhưng đó cũng mới chỉ là để trì hoãn thêm thời gian trước khi nhận tờ hóa đơn thực sự tốn kém: hóa đơn thanh toán cho lần khám tiếp theo. “Anh biết tôi khuyên điều gì không?” Bác sĩ Torg kết luận. “Hãy mua một chiếc xe đạp.” Tôi cảm ơn, hứa sẽ nghe theo lời khuyên của ông, và ngay sau đó, lập tức lén đi gặp một bác sĩ khác. Tôi tự nhủ, bác sĩ Torg đã nổi danh nhiều năm qua. Vì vậy, có thể ông hơi bảo thủ với lời khuyên của mình và hơi vội vàng sử dụng cortisone. Một người bạn giới thiệu cho tôi vị bác sĩ chuyên chữa bệnh thể thao về chân, đồng thời là vận động viên marathon, tôi bèn đặt lịch ngay tuần sau đó. Vị bác sĩ này lại cho tôi chụp X-quang, rồi dùng ngón cái khám xét bàn chân tôi. “Có vẻ anh bị hội chứng xương hộp.” Ông kết luận. “Tôi có thể ngừng tình trạng viêm bằng cortisone, nhưng sau đó anh sẽ phải dùng lót chỉnh hình.” “Khốn nạn thật!” Tôi lẩm bẩm. “Torg cũng nói y như vậy.” Vị bác sĩ nọ đã chuẩn bị ra khỏi phòng lấy kim tiêm, nhưng nghe vậy liền dừng lại. “Anh đi gặp Joe Torg rồi à?” “Đúng vậy.” “Anh đã được tiêm cortisone rồi chứ?” “Vâng!” “Vậy anh đang làm gì ở đây?” Ông hỏi, bỗng nhiên tỏ ra mất kiên nhẫn và pha chút nghi ngờ, như thể nghĩ tôi thực sự thích việc bị đâm kim vào vùng mỏng manh nhất dưới bàn chân vậy. Có lẽ ông nghi ngờ tôi là một kẻ nghiện khổ dâm, vừa nghiện đau và nghiện cả thuốc giảm đau nữa cũng nên. “Anh biết bác sĩ Torg là bố già trong y học thể thao, phải không? Kết quả khám của ông ấy thường được mọi người rất tôn trọng.” “Tôi biết. Tôi chỉ muốn kiểm tra lại.” “Tôi sẽ không tiêm cho anh thêm lần nữa, nhưng ta có thể hẹn một buổi thử lót chỉnh hình. Và anh nên nghiêm túc suy nghĩ về việc tìm một môn thể thao khác ngoài chạy bộ.” “Nghe hay đấy!” Tôi nói. Vị bác sĩ này, một người chạy bộ giỏi mà tôi sẽ không bao giờ sánh được, vừa khẳng định lại lời phán quyết của một bác sĩ mà ông thừa nhận là cây đa cây đề trong ngành y học thể thao. Như vậy thì chẳng mong tranh luận gì được nữa. Vì vậy, tôi lại đi tìm một người khác. Không phải do tôi quá bướng bỉnh. Cũng không phải tôi thích chạy bộ đến phát điên. Nếu tính tổng quãng đường mà tôi từng chạy, thì phải đến một nửa số đó là lê lết trong đau đớn. Nhưng có một điều, mặc dù suốt 20 năm qua chưa đọc lại cuốn The World According to Garp (Thế giới theo lời kể của Garp), tôi vẫn không quên một cảnh nhỏ, mà chắc không phải là cảnh mà bạn đang nghĩ tới đâu. Tôi cứ nghĩ về cái cách Garp lao ra khỏi cửa giữa một ngày làm việc để chạy năm dặm. Cảm giác ấy có điều gì phổ quát, cái cách mà chạy bộ kết hợp hai xung động nguyên thủy nhất của loài người: sự sợ hãi và cảm giác hài lòng. Chúng ta chạy khi sợ hãi, chúng ta chạy khi ngây ngất, chạy trốn khỏi các rắc rối và chạy để tận hưởng niềm vui. Và khi mọi việc tồi tệ nhất, thì chúng ta thường chạy bộ nhiều hơn cả. Nước Mỹ đã ba lần chứng kiến phong trào chạy bộ đường dài bỗng nhiên dâng lên, và những lần bùng nổ đó luôn xuất hiện giữa một cuộc khủng hoảng cấp độ quốc gia. Đợt bùng nổ đầu tiên là trong Đại suy thoái, mở màn là cuộc chạy xuyên nước Mỹ của hơn 200 người chạy 40 dặm một ngày trong cuộc đua Great American Footrace. Sau đó, chạy bộ lại lắng xuống, và chỉ được nhen nhóm trở lại vào đầu những năm 70, khi nước Mỹ gắng gượng sau Chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh Lạnh, các cuộc bạo loạn sắc tộc, một tổng thống phạm tội, và cuộc ám sát ba nhà lãnh đạo được yêu mến. Và đợt bùng phát chạy dài thứ ba? Một năm sau cuộc tấn công Ngày 11 tháng 9, chạy đường mòn bỗng nhiên trở thành môn thể thao ngoài trời phát triển nhanh nhất nước. Có thể đó chỉ là ngẫu nhiên. Hoặc có một cái công tắc nào đó trong mỗi con người, được lập trình trước để kích hoạt kỹ năng sinh tồn đầu tiên và quan trọng nhất khi cảm thấy thú dữ tới gần. Nói về việc làm giảm căng thẳng và thỏa mãn xác thịt, thì chạy bộ là thứ bạn có trong đời trước khi quan hệ tình dục. Cả công cụ lẫn ham muốn đã có sẵn ngay từ đầu; tất cả những gì bạn cần làm là lao ra đường và chạy. Đó chính là điều mà tôi tìm kiếm; chẳng phải miếng nhựa đắt tiền nhét vào trong giày, không phải các mũi tiêm giảm đau hàng tháng, mà chỉ là một cách nào đó khiến tôi có thể lao ra đường mà không hành hạ bản thân mình. Không phải là tôi yêu chạy bộ, nhưng tôi muốn yêu được môn này. Và điều đó đưa tôi đến gặp vị bác sĩ thứ ba: Bác sĩ Irene Davis, chuyên gia về cơ sinh học và là người đứng đầu Phòng khám Chấn thương chạy bộ của Đại học Delaware. Bác sĩ Davis bắt tôi lên máy tập chạy, đầu tiên là với chân trần và sau đó là thử ba loại giày chạy khác nhau. Bà yêu cầu tôi đi bộ, chạy chậm và chạy hết sức. Rồi bà lại yêu cầu tôi chạy ngược chạy xuôi trên một tấm đệm đo lực, để đo sốc chấn động từ các bước chạy. Và rồi, tôi ngồi đó, kinh hoàng khi xem lại đoạn phim được quay. Tôi luôn nghĩ mình nhẹ nhàng và uyển chuyển như thổ dân Navajo đi săn. Tuy nhiên, cái gã trên màn hình lại trông như quái vật của Frankenstein đang tập nhảy Tango. Tôi nhảy nhót quá nhiều, đầu tôi còn biến mất khỏi khung hình. Cánh tay tôi thì chém từ trước ra sau như trọng tài bóng chày chĩa tay ra hiệu người chơi về chốt an toàn, còn bàn chân cỡ 13 của tôi thì dộng xuống đất nặng như thể đoạn phim quay trên nền nhạc trống bongo vậy. Như thể thế còn chưa đủ tệ hại, bác sĩ Davis sau đó còn cho tôi xem lại đoạn phim ở tốc độ chậm, để cả hai có thể ngồi thoải mái thưởng thức cách bàn chân phải của tôi xoắn lại, đầu gối trái ngả vào trong, còn lưng khòng xuống, co quắp tới mức nếu ai đó trông thấy, họ sẽ tức tốc nhét giẻ vào miệng tôi và gọi cấp cứu. Làm thế nào tôi có thể tiến nổi về phía trước với tất cả những chuyển động trồi lên hụp xuống, sàng qua sàng lại, và giãy giụa như cá mắc câu như vậy? “Được rồi!” Tôi nói. “Vậy, chạy như thế nào mới đúng?” “Đó là câu hỏi muôn thuở.” Bác sĩ Davis trả lời. Còn câu trả lời muôn thuở thì… chà, có phần lắt léo hơn. Tôi có thể sửa bước chạy thẳng thớm hơn và giảm được chấn động nếu tiếp đất giữa bàn chân, thay vì phần gót chân xương xẩu, nhưng, lại nhưng… có thể tôi sẽ chỉ đánh đổi những vấn đề này để rước lấy các rắc rối mới. Gò ép vụng về theo một dáng chạy mới có thể bất ngờ tạo áp lực lớn lên gót chân và gân Achilles, gây ra một loạt chấn thương khác. “Chạy bộ có hại cho chân.” Bác sĩ Davis nói, giọng đầy thương cảm. “Đặc biệt là với chân anh, anh chàng to xác ạ.” Vậy là tôi đã trở lại đúng điểm xuất phát. Sau nhiều tháng đi gặp các chuyên gia và tìm hiểu các tài liệu sinh lý học trên mạng, cuối cùng tôi lại thấy câu hỏi của mình dội ngược trở về: Tại sao chân tôi đau? Bởi vì chạy bộ có hại cho bạn. Tại sao chạy bộ có hại cho tôi? Bởi vì nó làm chân bạn đau. Nhưng tại sao? Linh dương không bao giờ bị đau ống đồng. Sói không bao giờ phải chườm đá đầu gối. Và tôi ngờ rằng 80% lũ ngựa hoang không tàn phế mỗi năm vì chấn thương. Điều này khiến tôi nhớ lại một câu cách ngôn của Roger Bannister, nhà nghiên cứu y học, đồng thời làm việc với tư cách nhà nghiên cứu lâm sàng, tác giả của nhiều câu châm ngôn, và cũng chính là người đầu tiên vượt qua được ngưỡng kỷ lục chạy một dặm trong bốn phút: “Mỗi buổi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức giấc.” Bannister nói. “Nó hiểu rằng mình phải chạy nhanh hơn con sư tử chạy nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị ăn thịt. Mỗi buổi sáng, một con sử tử thức dậy. Nó hiểu rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chạy chậm nhất, nếu không nó sẽ chết đói. Là sư tử hay linh dương không quan trọng – khi Mặt trời mọc, bạn phải bắt đầu chạy.” Vậy tại sao tất cả động vật có vú trên hành tinh này đều có thể dựa vào đôi chân mình, còn loài người chúng ta thì không? Và nghĩ kỹ hơn một chút thì, tại sao người như Bannister có thể hằng ngày lao ra khỏi phòng thí nghiệm, nện chân xuống nền đường rải xỉ than cứng với đôi dép da mỏng, không chỉ chạy ngày càng nhanh hơn, mà còn không bao giờ bị đau? Tại sao vài người trong chúng ta mỗi sáng khi Mặt trời mọc có thể chạy như chúa sơn lâm hay Bannister, trong khi đám còn lại cần cả vốc thuốc giảm đau ibuprofen chỉ để đặt bàn chân xuống sàn nhà? Tất cả đều là những câu hỏi thú vị. Nhưng tôi sắp sửa phát hiện ra rằng, những người duy nhất biết câu trả lời – những người là câu trả lời sống – lại không thích nói chuyện. Đặc biệt là không nói chuyện với một gã như tôi. Đó là vào mùa đông năm 2003, tôi đang có việc ở Mexico và tình cờ lật qua một quyển tạp chí du lịch bằng tiếng Tây Ban Nha. Bất ngờ, mắt tôi bị hút vào một tấm hình Chúa Jesus chạy xuống dốc đá. Đó có thể không phải Chúa Jesus, nhưng chắc chắn là một người đàn ông mặc áo choàng, đi dép xăng đan đang chạy nước rút xuống sườn núi đầy đá vụn. Tôi bắt đầu dịch từ lời tựa bức ảnh, dù không hiểu sao nó lại ở thì hiện tại; trông bức ảnh như kiểu minh họa cho huyền thoại lục địa Atlantis, một đế chế lụi tàn của những khối óc thông thái. Rồi đọc tiếp, tôi nhận ra mình đã đoán đúng gần hết, trừ phần “lụi tàn” và “huyền thoại”. Lúc đó, tôi đang ở Mexico theo dấu một ngôi sao nhạc pop mất tích và giáo phái bí mật đã tẩy não cô, để viết bài cho Thời báo New York, nhưng so với bài báo trên tay, bài viết của tôi thành ra tẻ nhạt. Đám ngôi sao đồng bóng đến rồi đi, nhưng người Tarahumara thì tồn tại mãi. Sống yên ổn trong thung lũng kỳ bí, bộ lạc nhỏ ẩn dật này đã giải quyết được hầu như mọi vấn đề của loài người. Bất kỳ điều gì – tâm trí, thể xác, hay linh hồn – họ đều đạt tới mức độ hoàn hảo. Cứ như thể họ đã bí mật biến hang động của mình thành lồng ấp sản sinh ra chủ nhân của giải Nobel, tất cả đều lao động cặm cụi để chấm dứt hận thù, bệnh tim mạch, cơn đau ống đồng hay các loại khí nhà kính. Ở vùng đất của người Tarahumara, không có tội ác, chiến tranh hay trộm cắp. Không có tham nhũng, béo phì, nghiện ngập, lòng tham, ngược đãi, bóc lột phụ nữ và trẻ em, bệnh tim, chứng cao huyết áp, hay phát thải carbon. Họ không bị tiểu đường, phiền muộn, thậm chí còn chẳng già đi; người 50 tuổi có thể chạy thắng cả thanh niên, cụ già 80 tuổi vẫn có thể chạy marathon trên triền núi. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư gần như bằng không. Sự tài tình của người Tarahumara còn vươn sang cả kinh tế học, họ tạo ra một hệ thống tài chính độc nhất, dựa vào rượu và hành động tử tế: thay cho tiền, họ trao đổi các ân huệ và các bình lớn chứa bia ngô. Bạn nghi ngại rằng bộ máy kinh tế chạy bằng cồn và ân huệ miễn phí sẽ biến thành lễ hội cướp bóc của một lũ say xỉn, như những con bạc cạn túi trong một bữa buffet, nhưng ở miền đất Tarahumara, cơ chế kinh tế này lại có hiệu quả. Sở dĩ như vậy bởi người Tarahumara cần cù và thật thà khác người; một nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng sau bao thế hệ chỉ biết thành thật, bộ não của người Tarahumara đã thực sự không thể hình thành lời nói dối. Như thể là những người tử tế nhất, hạnh phúc nhất trên hành tinh này vẫn là chưa đủ, người Tarahumara còn là những người bền bỉ nhất: thứ duy nhất có thể sánh với sự bình thản siêu phàm của họ, có vẻ như, chính là sức chịu đựng siêu đẳng của họ đối với cơn đau và lechuguilla, loại rượu tequilla nấu tại nhà từ xác rắn chuông và nhựa xương rồng. Theo lời kể của một số người từng tận mắt chứng kiến cơn say hết cỡ của người Tarahumara, các bữa tiệc tùng trở nên phấn khích tới mức các bà vợ bắt đầu xé áo nhau trong một cuộc đấu vật, còn một ông già đi xung quanh cười khúc khích và dùng lõi ngô đâm vào mông họ. Trong khi đó, các ông chồng ngồi bất động theo dõi bằng những ánh mắt vô hồn. Thành phố Cancún vào kỳ nghỉ xuân cũng không là gì so với vùng Barrancas dưới ánh trăng thu. Người Tarahumara sẽ tiệc tùng như vậy thâu đêm, rồi khua nhau dậy vào sáng hôm sau để tỷ thí trong một cuộc đua chạy bộ có thể kéo dài không chỉ hai dặm, không phải hai tiếng đồng hồ, mà là hai ngày trời. Theo sử gia người Mexico Francisco Almada, một nhà vô địch người Tarahumara đã từng chạy 435 dặm, tương đương với việc ra khỏi nhà chạy bộ qua thành phố New York và chỉ dừng lại khi gần tới Detroit. Những người chạy bộ Tarahumara khác thì được kể là đã chạy 300 dặm trong một lần chạy. Quãng đường đó tương đương với 12 cuộc chạy marathon liên tục khi Mặt trời mọc, lặn, rồi mọc trở lại. Và người Tarahumra không chạy trên những con đường nhựa, mà chạy lên chạy xuống các con dốc trên lối mòn trong thung lũng, được tạo ra bởi chính bàn chân họ. Lance Armstrong là một trong các vận động viên sức bền vĩ đại nhất, và đã phải gắng gượng lết hết được cuộc marathon đầu tiên của mình, sau khi phải ăn một túi gel năng lượng mỗi dặm. (Tin nhắn mà Lance gửi cho vợ cũ sau giải Marathon New York City: “Ôi. Chúa. Ơi. Ối. Khủng Khiếp.”) Vậy mà những người này lại có thể chạy 12 lần cự ly đó một lượt? Vào năm 1971, một nhà sinh lý học người Mỹ đã vượt núi vào Copper Canyon để rồi ngỡ ngàng bởi thể lực của người Tarahumara tới mức phải quay lại 2.800 năm trước mới có được thước đo phù hợp để xếp hạng cho họ. “Có lẽ từ thời người Sparta cổ đại tới nay mới có một giống người đạt tới ngưỡng thể lực cao như vậy.” Tiến sĩ Dale Groom đã kết luận trên tờ Amercian Heart Journal. Tuy nhiên, khác với người Sparta, những người Tarahumara lại hiền từ như bồ tát; họ không dùng sức mạnh phi thường của mình để chiến đấu, mà để sống hòa bình. “Xét về văn hóa, họ là một trong những bí ẩn chưa được giải đáp vĩ đại nhất.” Tiến sĩ Daniel Noveck, một nhà nhân chủng học tại Đại học Chicago chuyên nghiên cứu về người Tarahumara nói. Người Tarahumara bí ẩn tới mức, trên thực tế, họ chỉ được biết đến với biệt danh của mình. Tên thật của họ là Rarámuri – Người Chạy Bộ. Họ bị người Tây Ban Nha chiếm đất, những kẻ không hiểu được ngôn ngữ bộ lạc của họ, đặt cho cái tên “Tarahumara”. Cái tên lai căng đó gắn với họ, bởi vì người Rarámuri giữ nguyên bản sắc của mình, thà chạy đi chỗ khác còn hơn ở lại để tranh luận. Đáp trả các cuộc xâm lược bằng cách quay gót bỏ đi vẫn luôn là cách thức của người Rarámuri. Kể từ đội quân xâm lược mang giáp trụ của Cortés ầm ĩ tiến vào quê hương họ, cho tới các cuộc xâm lấn của kỵ binh Pancho Villa và trùm ma túy Mexico, người Tarahumara luôn đáp trả các cuộc tấn công bằng cách chạy xa hơn, nhanh hơn nữa sao cho không ai có thể đuổi kịp, rút chạy vào sâu hơn nữa trong vùng Barrancas. Trời ơi, họ chắc phải vô cùng có kỷ luật. Tôi nghĩ. Tập trung và chuyên tâm hoàn toàn. Các nhà sư Thiếu Lâm trong môn chạy bộ. Mà, cũng không hẳn vậy. Nói về chạy đường dài, người Tarahumara thích cách tiếp cận kiểu lễ hội Mardi Gras hơn. Từ chế độ dinh dưỡng, lối sinh hoạt, đến ý chí chiến đấu, họ sẽ là cơn ác mộng của các huấn luyện viên kiểu truyền thống. Từ khi trưởng thành, họ uống như thể đêm Giao thừa là sự kiện hằng tuần, nốc bia ngô quanh năm suốt tháng đủ để cứ ba ngày một lần lại ở trong trạng thái say xỉn hoặc chuếnh choáng. Không như Lance, người Tarahumara không nạp thêm các thức uống thể thao giàu điện giải. Họ không tái tạo cơ giữa các bài tập bằng thanh protein; trên thực tế, họ hầu như chẳng ăn chút protein nào, chỉ sống nhờ vào ngô, có gia giảm chút sơn hào là thịt chuột nướng. Đến ngày chạy đua, người Tarahumara cũng chẳng luyện tập hay giảm khối lượng. Họ chẳng căng giãn cơ hay khởi động. Họ chỉ dạo bước đến vạch xuất phát, cười nói và trêu đùa nhau… rồi chạy như điên trong 48 giờ tiếp sau đó. Tại sao họ lại không gặp chấn thương? Tôi thắc mắc. Cứ như lỗi đánh máy nào đó đã sắp các số liệu thống kê vào nhầm hàng cột: chẳng phải chúng ta, những kẻ có giày chạy với công nghệ hiện đại nhất và miếng lót chế tác riêng – lẽ ra mới là người có tỷ lệ thương tật bằng không, còn người Tarahumara – chạy nhiều hơn trên nền sỏi đá, với đôi giày thậm chí không thể gọi là giày – phải thường xuyên chịu thương tổn chứ? Chân họ chắc là bền bỉ hơn, vì họ đã chạy bộ suốt cuộc đời mình, tôi thử lý giải. Và rồi tôi lại nhận ra giả thuyết của mình là phi lý. Bởi nếu vậy, đáng ra họ phải bị đau nhiều hơn, chứ không phải ít hơn. Nếu chạy bộ là không tốt cho chân, thì càng chạy nhiều phải càng tệ hại hơn chứ? Tôi gạt bài báo sang một bên, cảm thấy vừa tò mò, vừa bức bối. Tất cả mọi thứ về người Tarahumara đều phi lý, như trêu ngươi và khó hiểu đến khó chịu, như câu đố của một thiền sư. Những người mạnh mẽ nhất lại hiền lành nhất; những đôi chân tưởng chừng nát tan vì chạy bộ lại nhanh nhẹn nhất; những người khỏe nhất lại có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn nhất; bộ lạc ít học nhất lại thông thái nhất; những người làm việc mệt nhọc nhất lại có nhiều niềm vui nhất… Và chạy bộ thì có liên quan gì đến tất cả những điều này? Liệu có phải là tình cờ khi tộc người sáng suốt nhất thế giới lại đồng thời sở hữu khả năng chạy bộ đáng kinh ngạc nhất? Người ta trước đây thường leo lên dãy Himalaya để tìm học bí thuật, còn lần này, tôi nhận ra, mình chỉ cần vượt qua bên kia biên giới bang Texas. Chương 3 Tuy nhiên, tìm được điểm nào ở biên giới để vượt qua, lại khá phức tạp. Tạp chí Runner’s Worldgiao nhiệm vụ cho tôi đi vào vùng Barrancas để tìm người Tarahumara. Nhưng trước khi bắt đầu tìm kiếm những bóng ma, tôi cần tìm được người săn ma. Tôi được mách nước rằng Salvador Holguín là người duy nhất làm được việc này. Ban ngày, Salvador 31 tuổi là một nhân viên hành chính tại Guachochi, thị trấn vùng biên ngoài rìa Copper Canyon. Đêm đến, anh trở thành ca sĩ hát nhạc mariachi tại quán bar, và quả thực, nhìn anh cũng hợp với việc đó; với cái bụng bia và cặp mắt đen, vẻ điển trai lãng mạn, anh đích xác là hình ảnh một người có cuộc sống chia đôi, nửa cho bàn giấy và nửa cho ghế tròn quán bar. Anh trai Salvador lại là mẫu Indiana Jones của hệ thống trường học Mexico; năm nào anh cũng chất đầy lên lưng lừa nào bút chì, sách vở và lẻn vào vùng Barrancas để cung cấp cho các ngôi trường dưới lòng thung lũng. Vì Salvador luôn sẵn sàng tham gia mọi trò vui, nên anh thỉnh thoảng lại trốn việc đi theo anh mình trong các chuyến thám hiểm này. “Không hề gì đâu ông bạn!” Anh trả lời khi tôi tới gặp. “Chúng ta có thể đi gặp Arnulfo Quimare…” Nếu anh dừng ngay ở đó, thì tôi hẳn đã mừng. Trong khi đi tìm người dẫn đường, tôi mới hay Arnulfo Quimare là người Tarahumara chạy bộ vĩ đại nhất hiện còn sống, và anh đến từ một thị tộc gồm những người anh em họ, anh em ruột, anh em vợ cùng các cháu đều giỏi ngang ngửa mình. Đi thẳng đến các căn lều bí ẩn của họ tộc Quimare còn hơn cả những gì tôi mong mỏi. Duy có điều Salvador vẫn nói liên hồi. “… Tôi chắc chắn là mình biết đường.” Anh tiếp. “Tôi thực ra chưa bao giờ tới đó. “Pues, lo que sea.” Ôi dào, sao cũng được. “Chúng ta sẽ tìm được thôi. Kiểu gì cũng tìm được!” Thường thì, đó có vẻ là điềm xấu, nhưng nếu so với tất cả những người mà tôi từng trò chuyện, Salvador xem ra có vẻ lạc quan. Từ khi trốn chạy vào vùng đất không người 400 năm trước, người Tarahumara đã dành thời gian để biến nghệ thuật tàng hình của mình thành hoàn hảo. Đa phần người Tarahumara vẫn đang sống trong các hang động cheo leo trên vách đá, chỉ có thể leo lên bằng các cây sào dài; khi đã vào bên trong, họ sẽ rút cây sào ra và biến mất sau bờ đá. Những người khác lại sống trong các túp lều được ngụy trang tài tình tới mức, nhà thám hiểm người Na Uy Carl Lumhol từng giật thột khi đi qua cả ngôi làng Tarahumara mà tịnh không thấy bóng người hay nhà cửa. Lumhol thực sự là một tay lang thang cự phách ở vùng hẻo lánh, ông từng sống nhiều năm giữa đám săn đầu người ở Borneo trước khi tiến vào lãnh địa của người Tarahumara vào cuối những năm 1890. Nhưng bạn có thể thấy ngay sức chịu đựng ngoan cường của ông cũng bị mài mòn sau bao năm tháng lê thân qua các sa mạc và vách đá tử thần, để rồi cuối cùng, khi tới được trái tim xứ Tarahumara, vẫn chẳng tìm thấy ai. “Ngắm nhìn những rặng núi này sẽ cho ta cảm giác phấn chấn tinh thần, nhưng leo qua chúng lại làm kiệt quệ cả cơ bắp lẫn lòng nhẫn nại.” Lumhol đã viết như vậy trong Unknown Mexico: A Record of Five Year’s Exploration Among the Tribes of the Western Sierra Madre (Một Mexico chưa được biết đến: Ghi chép về năm năm thám hiểm các bộ lạc ở dãy Sierra Madre phía Tây). “Không ai, trừ những người từng vượt qua các ngọn núi ở Mexico, có thể hiểu hết nỗi nhọc nhằn và lo lắng khi tham gia một hành trình như vậy.” Và đấy là nếu như bạn có thể tới được những ngọn núi ấy. “Khi mới tới nơi, vùng đất của người Tarahumara cứ như thể không cách gì tiếp cận được.” Nhà biên kịch người Pháp Antonin Artaud đã cằn nhằn như vậy, sau khi ông ta phải vã mồ hôi mới nhích được từng xentimét trên đường vào Copper Canyon tầm sư học đạo. “Nhiều lắm cũng chỉ có vài lối mòn được đánh dấu sơ sài, mà cứ vài chục mét lại như thể biến mất vào lòng đất.” Khi Artaud và đội dẫn đường cuối cùng cũng phát hiện thấy một lối đi, họ cũng phải trấn tĩnh một lúc trước khi tiến bước: bởi người Tarahumara luôn theo phương sách tốt nhất để làm nản lòng những kẻ đuổi theo mình là đi tới những nơi mà chỉ có kẻ điên mới dám vào theo. Cứ như thế, họ đã tạo nên những lối mòn ngoằn ngoèo trên những địa hình dốc đứng mà việc đi theo chẳng khác nào tự sát. “Một bước sẩy chân,” nhà phiêu lưu Frederick Schwatka ghi vào sổ tay trong chuyến thám hiểm Copper Canyon vào năm 1888, “sẽ ném thẳng người leo núi xuống đáy vực sâu từ 60 đến 90 mét, chết không toàn thây.” Schwatka hoàn toàn không phải thi sĩ Paris kiểu cách, ông là một trung sĩ Lục quân Hoa Kỳ, từng vào sinh ra tử ngoài chiến trận và sau đó từng sống giữa cộng đồng người Sioux với tư cách một nhà nhân học nghiệp dư, nhờ vậy, ông biết thế nào là chết không toàn thây. Ông cũng từng kinh qua những vùng đất tệ hại nhất, trong đó có cả một cuộc thám hiểm khủng khiếp trong hai năm ở Vòng Bắc Cực. Nhưng khi tới Copper Canyon, ông đã phải sửa lại bảng xếp hạng của mình. Lướt nhìn biển hoang mạc chung quanh, Schwatka chợt dâng lên niềm ngưỡng mộ – “Trái tim dãy Andes hay các đỉnh của dãy Himalaya cũng không có nhiều cảnh quan hùng vĩ hơn tầng tầng lớp lớp núi non hoang dã chưa được biết tới của dãy Sierra Madre ở Mexico.” Và rồi ngay lập tức, ông bị kéo trở lại với nỗi hoang mang đến phát bệnh: “Làm thế nào nuôi dạy lũ trẻ trên những vách đá với tỷ lệ sống sót 100% hằng năm, đối với tôi, là một trong những điều bí hiểm nhất ở những con người kỳ lạ này.” Ngay cả ngày nay, khi mạng Internet đã thu hẹp thế giới lại thành một ngôi làng và các vệ tinh của Google cho phép bạn nhìn trộm sân sau nhà người lạ ở tận đầu kia đất nước, thì những người Tarahumara truyền thống vẫn sống lẩn quất như những bóng ma, hệt như 400 năm trước. Khoảng giữa những năm 1990, một nhóm thám hiểm đã dấn sâu vào vùng Barrancas và bất ngờ bối rối khi cảm nhận thấy những con mắt vô hình đang dõi bước: “Nhóm nhỏ của chúng tôi đã leo núi suốt nhiều tiếng đồng hồ xuyên qua Barranca del Cobre của Mexico – Copper Canyon – mà không thấy dấu vết con người.” Một thành viên của đoàn thám hiểm viết. “Và giờ đây, nơi trái tim thung lũng còn sâu hơn cả Grand Canyon, chúng tôi nghe thấy văng vẳng tiếng trống của người Tarahumara. Những nhịp trống ban đầu rất yếu ớt, rồi dồn dập mạnh lên. Tiếng vang vọng khắp các mỏm núi, thật khó biết họ có bao nhiêu người và ở đâu. Chúng tôi hỏi người dẫn đường về hướng đi. ‘¿Quién sabe?’ Cô nói. ‘Ai mà biết được? Người Tarahumara đã không muốn thì sẽ chẳng ai thấy nổi.’” Mặt trăng hãy còn trên cao khi chúng tôi khởi hành trên chiếc xe bán tải hai cầu đáng tin cậy của Salvador. Mặt trời vừa ló rạng, chúng tôi đã rời xa đường lớn, và đang xóc nảy trên con đường đất trông giống lòng suối hơn là một lối đi. Chiếc xe về số, nhích lên từng chút, chốc chốc lại chồm lên, lao xuống như con tàu giữa cơn bão biển. Tôi cố theo dấu vị trí hiện tại của mình bằng la bàn và bản đồ, nhưng đôi lúc cũng không dám chắc Salvador đang chủ đích rẽ hay chỉ đang né một tảng đá lớn. Và chẳng lâu sau thì chúng tôi đang ở đâu cũng không còn quan trọng nữa, vì đó không phải là phần thế giới đã được biết đến; chúng tôi vẫn đang đi ngoằn ngoèo dọc theo một lối nhỏ giữa rừng cây cối, nhưng trên bản đồ thì chẳng có gì ngoài rừng rậm chưa được đánh dấu. “Mucha mota por aquí.” Salvador nói, chỉ tay về phía các ngọn đồi xung quanh. Quanh đây, có rất nhiều cây cần sa. Bởi là vùng bất khả xâm phạm đối với cảnh sát, nên Barrancas trở thành căn cứ của hai băng đảng ma túy kình địch, Los Zeta và New Bloods. Tất cả đều là cựu binh đặc nhiệm Hoa Kỳ hung hãn. Băng Zeta khét tiếng với việc ném các cảnh sát không chịu hợp tác vào thùng dầu đang cháy, và đem tù binh của băng kình địch cho linh vật – hổ Bengal – ăn thịt. Sau khi nạn nhân ngừng la hét, những cái đầu cháy sém hoặc bị hổ gặm sẽ được cẩn thận thu hồi lại làm công cụ marketing; các băng đảng thích đánh dấu lãnh địa của mình, có lần đã cắm đầu hai viên cảnh sát phía ngoài một trụ sở công quyền với tấm biển đề dòng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha: HÃY HỌC CÁCH TÔN TRỌNG. Cùng trong tháng đó, năm cái đầu khác được ném lên sàn nhảy của một hộp đêm đông đúc. Ngay cả ra tới tận đây, ở rìa vùng Barrancas, mỗi tuần lại xuất hiện thêm sáu xác chết. Nhưng Salvador gần như chẳng bận tâm. Anh lái xe xuyên qua rừng, cất giọng khàn khàn ca cẩm về một cô ả Maria rắc rối nào đó. Đột nhiên, bài ca chết lặng. Anh tắt máy phát nhạc, nhìn trân trối vào một chiếc xe Dodge bán tải đỏ có cửa kính đen khói vừa lao ra từ màn bụi trước mặt chúng tôi. “Narcotraficantes.” Anh lẩm bẩm. Bọn buôn ma túy. Salvador cho xe ép sát vào mép vách đá bên phải và nhả bớt chân ga, giữ tốc độ ở mức gần như dừng hẳn, nhường đường chiếc Dodge màu đỏ. Anh cố sức ra hiệu rằng không có chuyện gì ở đây. Chúng tôi chỉ đang lo chuyện riêng, không liên quan gì đến ma túy. Chỉ là, chúng tôi không được dừng xe… bởi chúng tôi biết nói gì đây, nếu họ chặn chúng tôi lại, lùa ra khỏi xe, bắt chúng tôi đứng trước họng súng trường tấn công và giải thích rành rọt rằng chúng tôi đang làm cái việc quái quỷ gì ở giữa vùng đất cần sa của Mexico. Chúng tôi đâu thể nói sự thật; và giả như chúng tin, thì chúng tôi chết chắc. Những kẻ mà các băng đảng ma túy Mexico thù ghét ngang cảnh sát, chính là ca sĩ và đám phóng viên. “Ca sĩ” ở đây không phải là từ lóng chỉ mấy tay chỉ điểm; chúng ghét ca sĩ thực sự, các nhạc công đánh ghi-ta, diễn nhạc trữ tình. 15 ca sĩ đã bị các băng đảng ma túy xử tử trong vòng 18 tháng, trong đó có Zayda Peña, ca sĩ hát chính xinh đẹp 28 tuổi của ban nhạc Zayda y Los Culpables, người bị bắn sau một buổi hòa nhạc; cô thoát chết, nhưng nhóm sát thủ lại theo dấu đến tận bệnh viện và bắn chết cô khi cô còn đang hồi phục sau ca mổ. Chàng trai trẻ hào hoa Valentín Elizalde bị giết dưới làn đạn AK-47 ngay bên kia biên giới, ở McAllen, Texas, và Sergio Gómez bị giết không lâu sau khi được đề cử giải Grammy; bộ phận sinh dục của anh ta bị đốt, rồi bị bóp cổ cho đến chết và vứt xác ngoài đường. Người ta đồn đoán, họ bị giết bởi danh tiếng, vẻ đẹp và tài năng. Tầm ảnh hưởng của họ đã thách thức các tay trùm ma túy, và vì vậy, họ bị xử tử. Án tử kỳ quái với những ca sĩ nhạc trữ tình này vừa mang tính cảm xúc, vừa khó đoán, nhưng đối với phóng viên thì lại thuần túy công việc. Tin bài về băng đảng ma túy được đăng trên các báo Mỹ, khiến giới chính khách Mỹ xấu hổ và gây áp lực lên Cục phòng chống Ma túy, buộc họ phải điều tra gắt gao hơn. Bị chọc tức, băng Zeta ném lựu đạn vào phòng tin tức và thậm chí còn cử sát thủ qua biên giới Mỹ để hạ sát các nhà báo thích gây phiền hà. Sau khi 30 phóng viên bị giết trong vòng sáu năm, tổng biên tập tờ Villahermosa tìm thấy một cái đầu của gã tép riu trong băng ma túy bên ngoài văn phòng mình với tờ giấy cảnh cáo: “Tiếp theo là mày.” Tình trạng giết chóc này tệ tới mức, Mexico cuối cùng đã đứng hàng thứ hai, chỉ sau Iraq về số phóng viên bị giết hoặc bắt cóc. Và lúc này đây, chúng tôi đã bớt cho các băng đảng một đống rắc rối; một ca sĩ và một nhà báo lái xe thẳng vào sân sau nhà chúng. Tôi giấu ngay cuốn sổ tay vào túi quần và liếc nhanh ghế trước xem còn gì phải giấu đi không. Nhưng vô vọng, Salvador bày băng nhạc do ban của anh ta chơi khắp nơi, trong ví tôi có một tấm thẻ nhà báo đỏ tươi, còn dưới chân tôi là một ba lô chật cứng máy ghi âm, bút và máy ảnh. Chiếc xe Dodge màu đỏ lăn bánh sát cạnh xe chúng tôi. Đó là một ngày nắng chói, với ngọn gió mang hương gỗ thông dịu mát, nhưng tất cả cửa của chiếc xe kia đều đóng chặt, cho phép những người trong xe ẩn mình hoàn toàn sau những tấm kính đen. Chiếc xe kia chậm dần lại như bò trên đường. Cứ đi tiếp đi, tôi niệm thầm trong đầu. Đừng có dừng lại, đừng dừng lại, đừng, đừng… Chiếc xe bán tải dừng hẳn. Tôi liếc sang trái, thấy Salvador đang nhìn chăm chăm về phía trước, hai bàn tay khóa cứng trên vô lăng. Tôi lại phóng tầm mắt ra phía trước và không dám nhúc nhích. Chúng tôi ngồi im. Chúng ngồi im. Chúng tôi im lặng. Chúng im lặng. Sáu vụ án mạng trong vòng một tuần, tôi nghĩ bụng. Đốt cháy bộ phận sinh dục. Tôi thấy như đầu của mình lăn giữa những gót giày hoảng loạn trên một sàn nhảy nào đó ở Chihuahua. Thình lình, một tiếng rồ máy xé tan bầu không khí. Mắt tôi lại liếc sang trái lần nữa. Chiếc Dodge màu đỏ khổng lồ bắt đầu động đậy và lăn bánh tiếp. Salvador quan sát gương chiếu hậu cho tới khi chiếc xe chết chóc biến mất hẳn sau màn bụi. Sau đó, anh ta vỗ nhịp lên vô lăng và lại bật băng nhạc vang những tiếng yay-yay-yay của mình. “¡Bueno!” Anh ta hét. “¡Ándale pues, a más aventuras!” Tuyệt vời! Tiếp tục phiêu lưu nào! Các cơ bắp co cứng đến độ bóp vỡ hạt dẻ của tôi dần dần giãn ra. Nhưng chẳng được lâu. Vài giờ sau, Salvador lại đạp phanh. Anh lùi xe, rẽ gắt sang phải khỏi lối mòn, và bắt đầu băng giữa rừng cây. Chúng tôi càng lúc càng vào sâu trong rừng, lăn bánh trên thảm lá thông và xóc nảy trên những cái rãnh sâu tới mức đầu tôi cụng hẳn vào trần xe. Rừng càng tối, Salvador càng im lặng. Lần đầu tiên kể từ lúc chạm trán với Chiếc xe Chết chóc, anh phải tắt hẳn nhạc. Tôi cứ nghĩ anh đang tận hưởng sự tĩnh mịch nên cố ngả lưng ra và tận hưởng cùng. Nhưng cuối cùng, khi tôi phá vỡ bầu không khí bằng một câu hỏi, thì anh bực bội ra mặt. Tôi bắt đầu lơ mơ hiểu chuyện: chúng tôi bị lạc và Salvador không muốn thừa nhận điều này. Tôi quan sát anh kỹ hơn và nhận ra rằng anh đang đi chậm lại để xem xét các thân cây, như thể trên các cành cây đó có bản đồ chỉ đường được mã hóa. “Toi rồi!” Tôi nhận ra. Chúng tôi chỉ có một phần tư khả năng để lối rẽ này là đúng, ba khả năng còn lại là: quay trở lại lãnh địa của băng Zeta, lao xuống một vách đá trong bóng đêm, hoặc đi lòng vòng giữa chốn hoang vắng cho tới khi hết nhẵn kẹo Clif Bar và một trong số chúng tôi sẽ ăn thịt kẻ còn lại. Và sau đó, khi Mặt trời bắt đầu lặn, chúng tôi cũng hết luôn đường đi. Chúng tôi thoát ra khỏi rừng cây và thấy cả một khoảng không gian hoang hoải phía trước – một đứt gãy lớn tới mức phía bên kia vực rất có thể nằm ở múi giờ khác. Phía dưới trông như một vụ nổ ngày tận thế bị đông đá, cứ như một vị thần giận dữ đang phá hủy hành tinh này dở dang thì bỗng dưng đổi ý. Tôi đang nhìn vào 20.000 dặm vuông hoang mạc, bị cắt ngẫu nhiên thành các hẻm núi sâu, rộng hơn cả Grand Canyon. Tôi bước tới rìa vực, thấy tim mình loạn nhịp. Ngã xuống đây thì chắc rơi mãi không tới đáy. Xa xa phía dưới, lũ chim đang chao lượn. Tôi nhận ra dòng sông lớn chảy xiết dưới đáy vực sâu; nó trông như một mạch máu nhỏ xíu màu xanh trên cánh tay già nua. Bụng tôi quặn thắt. Làm thế quái nào chúng tôi xuống được dưới đó đây? “Ta sẽ làm được thôi.” Salvador trấn an tôi. “Người Rarámuri làm suốt ấy mà.” Khi thấy tâm trạng tôi có vẻ chẳng khá hơn là bao, Salvador an ủi thêm. “Này, thế cũng tốt đấy. Chỗ này dốc tới mức bọn buôn ma túy chẳng dám bén mảng dưới đó đâu.” Tôi không biết anh thực sự tin là vậy, hay chỉ đang nói dối để làm tôi vững dạ. Dầu gì chăng nữa, thì thà anh đừng nói vậy còn hơn. Chương 4 Hai ngày sau, Salvador đặt ba lô xuống, vuốt mồ hôi và cất tiếng. “Tới nơi rồi!” Tôi nhìn quanh. Chẳng có gì ngoài đá và xương rồng. “Tới đâu cơ?” “Aquí mismo.” Salvador nói. “Tới đây. Đây là nơi bộ tộc Quimare sinh sống.” Tôi chẳng hiểu anh ta đang nói gì. Trong mắt tôi, nơi đây trông như nửa tối của một hành tinh bị lãng quên mà chúng tôi vừa phải đi qua trong suốt mấy ngày trời. Sau khi bỏ lại chiếc xe bán tải ở rìa thung lũng, chúng tôi vừa trượt, vừa dò dẫm đi xuống đáy. Thật nhẹ nhõm vì cuối cùng chúng tôi cũng được bước đi trên đất bằng, nhưng chẳng được bao lâu; sau khi đi ngược dòng sông vào sáng hôm sau, chúng tôi càng lúc càng bị các tường đá cao vút siết chặt dần. Chúng tôi dấn bước, đội ba lô trên đầu khi lội ngược dòng nước sâu đến tận ngực. Mặt trời dần khuất lấp sau vách đá dốc đứng, cho tới khi chúng tôi phải dò dẫm xuyên qua bóng tối giữa tiếng nước chảy róc rách, tưởng như đang nhón bước chầm chậm dưới đáy biển sâu. Cuối cùng, Salvador cũng nhìn thấy một lỗ hổng trên bức tường trơn tuột, và chúng tôi trèo qua đó, bỏ lại dòng sông phía sau. Đến giữa ngày, thì tôi lại chỉ mong có bóng tối âm u như lúc trước; với ánh mặt trời thiêu đốt trên cao và chẳng có gì ngoài các tảng đá trần trụi xung quanh, thì việc kéo lê thân qua triền dốc cứ như leo lên một tấm phản bằng thép. Cuối cùng Salvador cũng dừng lại, ngồi xuống một tảng đá để nghỉ ngơi. Quỷ thật, anh ta bền bỉ quá. Tôi nghĩ. Mồ hôi túa ra trên khuôn mặt cháy nắng của Salvador, nhưng anh vẫn đứng vững. Vẻ mặt anh mong ngóng đến kỳ lạ. “¿Qué pasa?”Tôi hỏi. “Gì vậy?” “Họ ở chỗ này.” Salvador nói và chỉ tay lên một ngọn đồi nhỏ. Tôi vội vã đứng lên. Tôi đi theo anh xuyên qua một khe đá, thấy trước mặt là một lỗ hổng tối tăm. Ngọn đồi nọ thực chất là một túp lều nhỏ, được xây bằng các viên gạch làm từ bùn và tiệp vào sườn núi khiến nó như thể vô hình, cho tới khi bạn đứng ngay trên nóc. Tôi nhìn quanh lần nữa để xem mình còn bỏ qua căn nhà nào đó được ngụy trang hay không, nhưng khắp nơi chẳng có dấu hiệu của con người. Người Tarahumara thích sống biệt lập, thậm chí là biệt lập cả với nhau, đến mức các thành viên trong cùng một ngôi làng thậm chí chẳng chịu ở gần nhau trong khoảng cách có thể nhìn thấy khói bếp của nhà khác. Tôi mở miệng định cất tiếng gọi, rồi lập tức ngậm ngay lại. Ai đó đã đứng sẵn ở đó, ngay trong bóng tối và quan sát chúng tôi. Và rồi, Arnulfo Quimare, người chạy bộ Tarahumara đáng gờm nhất, bước ra. “Kuira-bá.” Salvador nói câu duy nhất trong tiếng Tarahumara mà anh biết. “Chúng ta là một.” Arnulfo đang nhìn tôi. “Kuira-bá.” Tôi lặp lại. “Kuira.” Arnulfo thì thầm, nhẹ như tiếng thở. Anh chìa tay ra để bắt tay theo kiểu Tarahumara, trượt nhẹ các đầu ngón tay qua nhau. Sau đó anh lại biến mất vào trong căn lều. Chúng tôi đợi, rồi… đợi thêm một lúc nữa. Chỉ có vậy thôi sao? Không một tiếng thì thầm nào bên trong lều, không một dấu hiệu nào cho thấy anh định trở ra. Tôi men theo góc lều để xem anh có chuồn ra phía sau hay không. Một người Tarahumara khác đang nằm ngủ dưới bóng râm của bức tường sau nhà, nhưng chẳng có dấu vết nào của Arnulfo. Tôi bước lại gần Salvador. “Anh ta có quay lại không?” “No sé.” Salvador nhún vai và nói. “Tôi không biết. Có thể chúng ta đã làm anh ta bực mình.” “Thật sao? Tại sao vậy?” “Ta không nên đột ngột đến đây.” Salvador tự đá đá chân mình. Anh đã quá phấn khích và vi phạm một quy tắc xã giao của người Tarahumara. Trước khi đến một cái hang của người Tarahumara, bạn phải ngồi xuống nền đất cách đó khoảng chục mét và chờ đợi. Sau đó, bạn phải nhìn theo hướng ngược lại một lúc, như thể chỉ tình cờ tha thẩn đi ngang qua. Nếu ai đó xuất hiện và mời bạn vào hang, vậy là tuyệt vời. Nếu không, bạn phải đứng lên và đi nơi khác. Bạn không nên đi thẳng vào, như Salvador và tôi đã làm. Người Tarahumara chỉ thích được nhìn thấy khi họ muốn; nhìn họ mà không được mời giống như xông thẳng vào phòng tắm có người. Thật may mắn, Arnulfo có vẻ là người độ lượng. Lát sau, anh quay lại, mang theo một giỏ chanh ngọt. Chúng tôi đến không phải dịp, anh giải thích; cả gia đình anh đang bị cúm. Người nằm phía sau túp lều là anh trai của anh, Pedro, hiện sốt cao tới mức chẳng buồn dậy nữa. Nhưng Arnulfo vẫn mời chúng tôi nghỉ ngơi. “Assag.” Anh nói. Xin mời ngồi. Chúng tôi ngồi sụm xuống dưới bóng cây tình cờ tìm được rồi bắt đầu bóc chanh, và đưa mắt nhìn dòng sông chảy xiết. Trong lúc chúng tôi ăn ngấu nghiến và phun hạt chanh xuống đất, thì Arnulfo chăm chú nhìn xuống mặt nước. Thỉnh thoảng, anh quay đầu lại và nhìn tôi dò xét. Anh không hề hỏi xem chúng tôi là ai hay tại sao lại đến đây; như thể anh muốn tự mình giải đáp. Tôi cố gắng không nhìn, nhưng thật khó rời mắt khỏi một gã điển trai như Arnulfo. Anh có nước da màu nâu như da thuộc, cặp mắt đen dị thường sáng lấp lánh với vẻ tự tin đáng kinh ngạc dưới mái tóc đen “úp nồi”. Anh khiến tôi nhớ đến thời kỳ sơ khởi của ban nhạc Beatles; với các thành viên ban đầu, quyện vào nhau thành một tổng hòa của sự lanh lợi, vui vẻ, điển trai theo kiểu lặng lẽ tràn đầy sức mạnh. Anh vận trang phục thường ngày của người Tarahumara, một chiếc váy ngắn đến đùi và cái áo đỏ rực lửa, gợn sóng như áo khoác cướp biển. Mỗi khi cử động, cơ bắp anh dịch chuyển và cuộn lại như kim loại nóng chảy. “Nhớ không, chúng ta từng gặp nhau rồi.” Salvador nói với anh bằng tiếng Tây Ban Nha. Arnulfo gật đầu. Ba năm liền, Arnulfo bỏ ra nhiều ngày vượt núi để có mặt ở Guachochi tham dự một cuộc đua 60 dặm xuyên qua thung lũng. Đó là một cuộc đua hằng năm của những người Tarahumara sống ở khắp các ngóc ngách của dãy Sierra, cùng vài người chạy bộ Mexico hiếm hoi sẵn sàng thử thách đôi chân và vận may với người dân bộ lạc. Ba năm liền, Arnulfo giành chiến thắng. Anh đoạt được danh hiệu từ anh trai Pedro và bám sát nút Arnulfo ở vị trí thứ hai và thứ ba là anh họ Avelado và anh rể Silvino. Silvino là trường hợp đặc biệt, một người Tarahumara đứng giữa lằn ranh của thế giới mới và cũ. Nhiều năm trước, một giáo sĩ dòng La San quản lý một ngôi trường nhỏ của người Tarahumara đã đi cùng Silvino tới cuộc đua marathon ở California. Silvino thắng giải và giành được số tiền đủ mua một chiếc xe bán tải cũ, một chiếc quần bò, và một dãy nhà mới cho trường học. Silvino để chiếc xe bán tải trên đỉnh thung lũng, thỉnh thoảng lại leo lên đó và lái tới Guachochi. Mặc dù tìm được mối kiếm tiền chắc cú như vậy nhưng anh vẫn không bao giờ quay lại các cuộc đua. Đối với phần còn lại của thế giới, người Tarahumara sống rất mâu thuẫn; họ xa lánh người lạ, nhưng lại bị thế giới bên ngoài quyến rũ. Theo cách nào đó, thì điều này có lý: khi bạn yêu thích việc chạy những cự ly dài đến phi thường, thì hẳn bạn sẽ bị cám dỗ bởi sự buông lơi, mặc cho đôi chân đưa bạn tới tận đâu. Một người Tarahumara từng có lần xuất hiện ở Siberia. Người ta không hiểu bằng cách nào mà anh ta lại lạc lên một con tàu hơi nước và lang thang qua các thảo nguyên nước Nga trước khi bị bắt và gửi trả về Mexico. Vào năm 1983, người ta bắt gặp một phụ nữ Tarahumara trong bộ váy truyền thống lòe xòe, đi lang thang trên một con phố tại Kansas; cô phải trải qua 12 năm trong một nhà thương điên trước khi một nhân viên xã hội nhận ra cô đang nói một thứ ngôn ngữ bị lãng quên, chứ không phải những lời lảm nhảm vô nghĩa. “Anh có định chạy đua ở Mỹ không?” Tôi hỏi Arnulfo. Anh tiếp tục nhai chanh và phun hạt. Một lúc sau, anh nhún vai. “Anh có tiếp tục chạy ở Guachochi không?” Nhai. Nhai. Nhún vai. Giờ thì tôi đã hiểu ý của Carl Lumhol khi nói về đàn ông Tarahumara, rằng họ rụt rè đến mức nếu không có bia thì bộ lạc này đã tuyệt chủng rồi. “Nghe có vẻ kỳ lạ,” Lumhol kinh ngạc, “tôi không do dự gì khi tuyên bố rằng trong suốt quá trình tồn tại, đàn ông Tarahumara man mọi quá rụt rè và khép nép trong việc thực hiện đặc quyền trong hôn nhân; và chủ yếu nhờ có bia mà chủng tộc này vẫn còn tồn tại và tăng trưởng.” Dịch ra là: Đàn ông Tarahumara chẳng có nổi can đảm để có chút lãng mạn với vợ mình nếu như không dìm chết sự rụt rè trong món bia tự ủ. Mãi sau này tôi mới biết mình đã tự làm hỏng việc khi mắc lỗi ngớ ngẩn thứ hai trong lúc làm thân với anh: Tra hỏi như cảnh sát. Không phải Arnulfo đang im lặng một cách khiếm nhã; mà chính tràng câu hỏi của tôi làm anh sợ. Đối với người Tarahumara, đặt câu hỏi trực diện là thể hiện quyền lực, là đòi hỏi sự sở hữu trong đầu họ. Họ chắc chắn sẽ không đột ngột mở lòng và chia sẻ bí mật với người lạ. Người lạ chính là lý do khiến người Tarahumra lẩn trốn tận nơi đây. Lần gần đây nhất người Tarahumara cởi mở với thế giới bên ngoài, thì thế giới bên ngoài đã xiềng xích họ và cắm đầu họ trên các cọc cao gần ba mét. Những người Tây Ban Nha đi tìm bạc chiếm cả đất đai và sức lao động của người Tarahumara – bằng cách chặt đầu tù trưởng của họ. “Người Rarámuri đã bị quây lại như lũ ngựa hoang và bị bắt làm nô lệ trong hầm mỏ.” Một sử gia viết. Bất kỳ ai chống đối sẽ bị sử dụng trong màn diễn trò kinh dị. Trước khi chết, tù nhân Tarahumara sẽ bị tra tấn để lấy thông tin. Đó là tất cả những gì người Tarahumara sống sót cần biết về chuyện sẽ xảy ra khi có người lạ hiếu kỳ tìm đến. Mối liên hệ giữa người Tarahumara và phần còn lại của thế giới sau đó còn tệ hại hơn nữa. Những thợ săn tiền thưởng miền Viễn Tây được trả 100 đô-la cho mỗi mảng da đầu của người Apache, nhưng không lâu sau, chúng nghĩ ra một cách tàn độc để tối đa hóa tiền thưởng và tối thiểu hóa rủi ro. Thay vì gây sự với những chiến binh có khả năng chống trả, chúng thảm sát người Tarahumara không có sức chống cự và đổi tiền thưởng bằng các mảng da đầu của họ. Người tốt thậm chí còn gieo rắc chết chóc nhiều hơn cả kẻ xấu. Các giáo sĩ dòng Tên với Kinh Thánh trên tay và bệnh cúm trong phổi, hứa hẹn về cuộc sống vĩnh hằng nhưng lại phát tán cái chết tức thì. Người Tarahumara không có kháng thể của bệnh này, nên dịch cúm Tây Ban Nha lan nhanh còn hơn lửa cháy, quét sạch các ngôi làng chỉ trong ít ngày. Một thợ săn Tarahumara rời nhà đi săn trong một tuần, khi quay lại chỉ thấy thây ma và ruồi nhặng. Không khó lý giải sự bất tin tưởng của người Tarahumara đối với người lạ lại kéo dài 400 năm và đưa họ tới đây, nơi trú ẩn tận đáy cùng Trái đất. Cũng vì vậy, vốn từ vựng miêu tả con người của họ cũng bị cắt xén triệt để. Trong tiếng Tarahumara, chỉ có hai loại người: Rarámuri, người chạy trốn khỏi rắc rối và chabochi, người gây ra rắc rối. Đó là một cách nhìn cay nghiệt với thế giới, nhưng với sáu xác chết bị ném xuống thung lũng mỗi tuần, thì khó lòng phán xét họ sai. Đối với Arnulfo, anh đã làm đúng phép xã giao khi mang chanh tới. Anh đã đảm bảo rằng những người khách phương xa được nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe, rồi sau đó, anh lại thu mình lại theo cách mà bộ lạc vẫn lánh vào thung lũng. Tôi có thể ngồi cả ngày và truy vấn anh đủ kiểu. Nhưng tôi sẽ không tài nào hiểu được anh. Chương 5 Đúng, anh phải ở dưới này rất lâu thì họ mới quen thân.” Đêm đó, tôi được nghe Ángel Nava López giải thích. Ángel đang quản lý ngôi trường dành cho người Tarahumara ở Munerachi, cách căn lều của nhà Quimare vài dặm xuôi theo hướng hạ lưu. “Años y años – phải mất nhiều năm. Như Caballo Blanco.” “Chờ đã!” Tôi ngắt lời anh ta. “Ai cơ?” Ángel giải thích Ngựa Trắng là một người đàn ông da trắng bóc, cao, gầy, nói chuyện lúng búng bằng thứ ngôn ngữ kỳ lạ, cứ bất thình lình hiện ra trên các ngọn đồi, đột ngột ló mặt trên đường mòn và lê bước vào làng. Anh xuất hiện lần đầu tiên cách đây 10 năm, không lâu sau bữa trưa, trong một chiều chủ nhật nóng bức. Người Tarahumara không có chữ viết, lại càng không có ghi chép về những lần chạm trán với những con người kỳ quặc, nhưng Ángel lại biết chắc như đinh đóng cột rằng cuộc chạm trán đó diễn ra ngày nào, năm nào và kỳ lạ đến đâu, bởi vì anh chính là người trong cuộc. Ángel vừa về đến nơi, sau khi đi quan sát các tường vách của thung lũng để theo dõi lũ trẻ quay trở về trường. Học sinh của anh ngủ lại trường trong tuần, tỏa đi vào thứ sáu và leo lên các ngọn núi cao để trở về nhà. Vào chủ nhật, lũ trẻ lại tung tăng đến trường. Ángel thích đếm học sinh khi chúng đi tới. Đó là lý do anh đứng ngoài trưa nắng, khi hai cậu bé phi như bay từ trên triền núi xuống. Hai cậu bé chạy hết sức bình sinh tới con sông, rồi vội vàng lội qua như ma đuổi. Và khi về tới trường, chúng bám chặt lấy Ángel như thể đã gặp ma thật. Chúng kể, khi đang đi chăn dê trên núi thì có một sinh vật kỳ dị phóng qua hàng cây phía trên. Sinh vật đó có hình dáng con người, nhưng lại cao hơn bất kỳ người nào chúng đã từng nhìn thấy. Nó trắng bệch và xương xẩu như một cái xác, có các lọn tóc màu lửa chĩa ra từ hộp sọ. Nó cũng chẳng mặc quần áo. So với thân mình trần truồng khổng lồ, sinh vật này chạy khá nhanh; nó biến mất vào bụi cây trước khi mấy cậu bé kịp nhìn kỹ. Mà lũ trẻ cũng chẳng dám ở lại để ngó thêm. Hai đứa bé cúp đuôi chạy một mạch về làng, bối rối vì không biết vừa nhìn thấy ai, hay cái gì. Nhưng sau khi tới chỗ Ángel, chúng bắt đầu trấn tĩnh lại, hít thở sâu và rồi nhận ra đó là ai. “Đó là chuhuí đầu tiên mà em thấy.” Một cậu bé nói. “Là ma à?” Ángel nói. “Sao em lại nghĩ nó là ma?” Lúc này, nhiều lão niên Rarámuri đã thong thả đi tới để hỏi chuyện. Lũ trẻ kể lại, mô tả dáng vẻ như bộ xương của sinh vật nọ, mớ tóc bù xù của nó, cách nó chạy trên đường mòn phía trên bọn chúng. Các cụ già nghe hết chuyện, rồi mới chấn chỉnh bọn trẻ. Những cái bóng trong thung lũng có thể chơi khăm bất kỳ ai, nên chẳng lạ gì khi trí tưởng tượng của lũ trẻ lại đi xa đến thế. Tuy vậy, chúng không nên làm cho đám nhóc ít tuổi hơn hoảng sợ bằng các câu chuyện kỳ dị. “Nó có bao nhiêu chân?” Các cụ già hỏi. “Hai ạ!” “Nó có nhổ nước bọt vào các cháu không?” “Không ạ!” À, vậy là rõ rồi. “Đó không phải là ma.” Các cụ đáp. “Đó chỉ là một ariwará.” Linh hồn người chết, vậy có lý hơn nhiều. Ma là cái bóng độc ác đi lại vào ban đêm, bò bằng bốn chân, giết cừu và nhổ nước bọt vào mặt con người. Nhưng linh hồn người chết lại không làm hại ai và chỉ giải quyết nốt chuyện vướng bận trần gian. Ngay cả với cái chết, người Tarahumara vẫn tôn thờ sự trốn chạy. Sau khi chết, linh hồn họ lang thang khắp nơi để lấy lại từng dấu chân, sợi tóc do cái xác để lại. Người Tarahumara cắt tóc bằng cách kéo căng tóc qua một chạc cây rồi dùng dao cứa đứt, vì vậy, các đụn tóc thừa cần phải thu lại hết. Sau khi linh hồn người chết đã xóa hết dấu vết của mình trên mặt đất, nó mới có thể đi vào cõi vĩnh hằng. “Chuyến đi đó kéo dài ba ngày.” Các cụ già nhắc nhở mấy đứa nhỏ. “Nếu là phụ nữ, thì mất bốn ngày.” Vì vậy, dĩ nhiên ariwará sẽ trông hơi bù xù, với đám tóc bị cắt rời cắm ngược trở lại đầu; và đương nhiên nó sẽ đi nhanh hết sức, vì chỉ có vài ngày để hoàn thành bộn việc. Nghĩ lại thì bọn trẻ thật phi phàm khi nhìn thấy được một ariwará, vì linh hồn người Tarahumara thường chạy rất nhanh, tất cả những gì nhìn thấy chỉ là một đám bụi cuốn lên trên mặt đất. Ngay cả khi đã chết, các cụ già nhắc nhở bọn trẻ, họ vẫn là Người Chạy Bộ. “Các cháu sống được là vì cha các cháu có thể chạy đuổi được một con hươu. Cha các cháu sống được là vì ông nội các cháu có thể chạy nhanh hơn một con ngựa chiến của người Apache. Khi bị trì xuống bởi sapá (thân xác) này mà còn chạy nhanh được đến vậy, thì các cháu thử tưởng tượng xem mình sẽ lướt nhanh thế nào khi vứt bỏ nó đi?” Ángel ngồi nghe và băn khoăn rằng có nên chỉ ra một khả năng khác hay không. Ángel là một trường hợp không điển hình ở Munerachi, một người Mexico lai Tarahumara, đã rời khỏi thung lũng ít lâu và đi học ở một ngôi làng Mexico. Anh vẫn đi dép xăng đan truyền thống của người Tarahumara và buộc tóc bằng dây koyera, nhưng không giống các cụ già xung quanh mình, Ángel mặc quần dài vải thô thay vì mặc váy. Con người bên trong anh cũng đã thay đổi. Mặc dù vẫn thờ các vị thần của người Tarahumara, nhưng anh vẫn băn khoăn không biết sinh vật kỳ lạ chạy trên hoang mạc đó liệu có phải chỉ là một chabochi lang thang từ thế giới bên ngoài vào hay không. Dù vậy đi nữa, thì đi cùng đường với một hồn ma lang thang vẫn có vẻ an toàn hơn. Chưa ai từng đi sâu vào tận đây, trừ khi có chuyện chẳng đừng. Có thể là một kẻ ngoài vòng pháp luật? Một ẩn sĩ đi tìm ảo mộng? Hay một gã đào vàng hóa điên vì sức nóng? Ángel nhún vai. Một chabochi đơn độc có thể là bất kỳ ai trong số những kẻ nói trên và vẫn không phải là người đầu tiên xuất hiện trong lãnh thổ của người Tarahumara với một trong các lý do đó. Như một định luật tự nhiên (hoặc siêu nhiên, nếu bạn cứ nhất định nghĩ như vậy), những điều kỳ quặc thường xuất hiện ở nơi con người hay biến mất. Rừng rậm châu Phi, các hòn đảo ngoài Thái Bình Dương, các vùng đất hoang ở Himalaya – cứ nơi nào có các đoàn thám hiểm mất tích, là nơi đó lại xuất hiện các sinh vật cổ xưa, những người xếp đá kiểu Stonehenge, bóng dáng của người tuyết, và các chiến binh Nhật không chịu đầu hàng. Vùng Copper Canyon cũng chẳng phải ngoại lệ, và theo cách nào đó, thì còn tệ hơn. Sierra Madre là đường nối của một dãy núi chạy liên tục từ Alaska tới Patagonia. Một tay liều lĩnh với đủ mánh tìm đường có thể cướp nhà băng ở Colorado rồi lẩn trốn vào Copper Canyon, chạy tắt qua đường mòn vắng vẻ và hoang mạc mà không đụng mặt người nào trong vòng 10 dặm. Là chỗ trú ẩn lộ thiên an toàn nhất trên lục địa, theo lẽ tự nhiên, đất Copper Canyon không chỉ sản sinh mà còn thu hút cả những kẻ dị thường. Vài trăm năm qua, vùng thung lũng này đã là nơi trú ngụ của đủ các thành phần bất hảo: băng cướp, ẩn sĩ, sát nhân, kẻ ăn thịt người, chiến binh da đỏ Comanche, kẻ cướp người da đỏ Apache, những người đi khai khoáng bị hoang tưởng, và phiến quân của Pancho Villa đều đã thoát khỏi vòng truy đuổi bằng cách lẩn trốn vào vùng Barrancas. Geronimo từng trốn vào Copper Canyon khi lẩn tránh kỵ binh Hoa Kỳ. Cả người được anh ta bảo trợ, Nhóc Apache, kẻ có khả năng “lướt như bóng ma trên hoang mạc”, theo lời một nhà chép sử, cũng từng lẩn trốn ở đây. “Hắn không theo một quy luật nào. Không ai biết lần sau hắn xuất hiện ở đâu. Cảm giác hoang mang luôn thường trực khi bạn chăn gia súc, hay đi khai mỏ. Mỗi cái bóng, mỗi tiếng động nhẹ, đều có thể là Nhóc Apache đang tiến lại để ra tay hạ sát. Một cư dân luôn sống trong lo lắng ở vùng này đã miêu tả chính xác nhất: ‘Thường đến lúc thấy được Nhóc Apache thì đã là quá muộn.’” Đuổi theo họ vào trong mê cung này đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro không bao giờ quay ra được nữa. “Ngắm thiên nhiên nơi đây thật là hùng vĩ; nhưng đi lại trong đó thì chẳng khác nào địa ngục.” Đại úy Kỵ binh Hoa kỳ John Bourke đã viết như vậy sau khi suýt mất mạng trong một cuộc truy đuổi Geronimo bất thành trong vùng Copper Canyon. Tiếng lách cách của một viên sỏi lăn có thể vang vọng khắp nơi đến loạn trí, nó mỗi lúc một to hơn chứ không chìm xuống, nó nảy qua phải, qua trái rồi trên đầu. Tiếng loạt soạt của hai cành bách cọ vào nhau có thể khiến cả đại đội kỵ binh vội vàng rút súng, cái bóng của chính họ vặn xoắn ma quái trên vách khi họ hoảng loạn tìm khắp hướng. Tiếng vọng và những hình ảnh tưởng tượng thót tim không chỉ khiến Copper Canyon trở nên ma mị; sự dằn vặt này có thể nhanh chóng chuyển thành nỗi dày vò khác, đến mức thật khó để không tin rằng vùng Barrancas được bảo vệ bởi các linh hồn giận dữ có khiếu hài hước tàn độc. Sau nhiều ngày chịu đựng ánh mặt trời tàn nhẫn thiêu đốt, những người lính có thể sẽ phấn khởi khi nhìn thấy một vài đụn mây đen. Nhưng chỉ trong vài phút, họ sẽ bị kẹt trong một cơn nước lũ mạnh hơn vòi cứu hỏa, và tuyệt vọng chạy tán loạn, bấu lên các gờ tường đá trơn trượt. Đó chính xác là cách mà kẻ nổi loạn người Apache tên là Massai đã quét sạch một tiểu đội kỵ binh: “Bằng cách dụ họ vào một hẻm núi cạn vừa đúng lúc một cơn mưa giông miền núi cuốn qua.” Vùng Barrancas hiểm ác tới mức, ngay cả một ngụm nước cũng có thể giết chết bạn. Thủ lĩnh da đỏ Apache Victorio thường dẫn các toán kỵ binh Hoa Kỳ vào một cuộc đuổi bắt kiểu mèo vờn chuột ở sâu trong thung lũng, và rồi phục sẵn gần một hố nước. Các kỵ binh chắc chắn biết rằng anh ta đang ở đó, nhưng không thể ngăn nổi chính mình. Bị lạc lối và điên loạn bởi sức nóng, họ thà nhận một cái chết nhanh chóng từ một viên đạn vào đầu hơn là dần dần chết ngạt với cái lưỡi khát khô sưng phồng trong miệng. Ngay cả những tay cừ khôi nhất trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ cũng không chống cự nổi vùng Barrancas. Khi các đạo quân của Pancho Villa tấn công một thị trấn ở New Mexico vào năm 1916, Tổng thống Woodrow Wilson đã đích thân ra lệnh cho cả Pershing Xì dách (Black Jack Pershing) và George Paon phải lùa hắn ra khỏi hang ổ ở Copper Canyon. 10 năm sau, Báo Đốm Pancho vẫn nhởn nhơ. Ngay cả khi có lực lượng hùng hậu, Paon và Pershing vẫn lúng túng trước 10.000 dặm hoang mạc, với nguồn thông tin duy nhất là người Tarahumara, những người thường xuyên biến mất khi mới chỉ nghe thấy một tiếng hắt xì. Kết quả là: cả Tướng quân Xì dách lẫn Tướng quân Gạo cội, Đẫm máu và Gan lì, những người có thể hạ gục quân Đức trong hai cuộc Thế chiến, đều phải chịu thúc thủ trước vùng Copper Canyon. Dần dần, các nhà chức trách Mexico đã tìm ra được một chiến lược tỉnh táo hơn. Họ nhận ra rằng, địa ngục dành cho người truy đuổi cũng chẳng tốt đẹp hơn cho kẻ bị truy đuổi. Bất kỳ điều gì xảy đến với những kẻ trốn chạy trong đó – cơn đói, thú dữ tấn công, cơn loạn trí, hay bản án chung thân dưới hình thức giam hãm tự nguyện trong cô độc – đều đáng sợ hơn bất kỳ hình phạt nào của hệ thống toà án Mexico. Vì vậy, thường thì nhà chức trách liên bang sẽ ghìm cương ngựa, để mặc lũ kẻ cướp đã vào tới vùng thung lũng tự thử vận may với nhà tù do chúng tự tạo ra. Nhiều người mạo hiểm đã thử bước chân vào đây và không bao giờ quay trở ra, tạo nên danh tiếng cho thung lũng này, như Tam giác quỷ Bermuda trên bộ. Nhóc Apache và Massai đã cưỡi ngựa theo Lối mòn Bạch cốt vào Copper Canyon lần cuối cùng và không ai còn nhìn thấy họ nữa. Năm 1914, Ambrose Bierce, nhà báo chuyên trang nổi tiếng và là tác giả cuốn sách bán chạy The Devil’s Dictionary (Từ điển Ác quỷ) lên đường tới một điểm hẹn gặp Pancho, nhưng rồi bị cuốn theo sức hút của Copper Canyon và mất dạng. Cứ thử tưởng tượng Anderson Cooper biến mất khi đang làm nhiệm vụ cho CNN, bạn sẽ hình dung được cuộc tìm kiếm Bierce lớn tới mức nào. Nhưng chẳng ai tìm thấy nổi một dấu vết. Có phải những linh hồn lạc lối vùng thung lũng đã phải chịu chung một số phận nghiệt ngã, hay các số phận nghiệt ngã cứ chồng lấn lên nhau? Chẳng ai hay biết. Ngày trước, họ có thể bị giết bởi sư tử núi, bọ cạp, rắn cạp nong, cơn khát, cái lạnh, cơn đói hoặc cơn sốt thung lũng, còn ngày nay, bạn có thể thêm một viên đạn bắn tỉa vào danh sách này. Kể từ khi các băng đảng ma túy chuyển vào vùng Copper Canyon, chúng bảo vệ mùa màng của mình bằng các ống ngắm viễn vọng mạnh tới mức có thể thấy rõ chiếc lá lay động ở cách đó vài dặm. Điều đó khiến Ángel băn khoăn rằng liệu anh có thể nhìn thấy sinh vật kia được hay không. Ngoài đó, quá nhiều thứ có thể giết chết kẻ này, và chuyện đó rất dễ xảy ra. Nếu sinh vật đó không biết cách giữ khoảng cách với các cánh đồng cần sa, thì anh thậm chí sẽ chẳng kịp nghe thấy tiếng súng đã bắn nát đầu mình. “¡Hoooooolaaaaaa! ¡Amigoooooooooos!” Bí ẩn về gã lang thang cô độc đượclàm sáng tỏ còn sớm hơn Ángel mong đợi. Khi đang nheo mắt dưới nắng để theo dõi đám học sinh trở về trường, anh nghe thấy một tiếng hú vang và nhìn thấy một kẻ trần truồng đang huơ tay, chạy dọc xuống đường mòn về phía dòng sông. Nhìn gần hơn, hóa ra sinh vật đó không hoàn toàn khỏa thân. Nhưng gọi là có mặc quần áo thì cũng không phải, và chắc chắn là không theo tiêu chuẩn ăn mặc của người Tarahumara. Là tộc người không thích bị nhìn thấy, nhưng người Tarahumara lại khá ăn diện. Đàn ông thì khoác áo choàng màu sáng, phủ lên một miếng vải quấn quanh phần thân dưới, rủ xuống như một chiếc váy ngắn, cả trước lẫn sau. Họ buộc tất cả lại với nhau bằng một cái khăn màu cầu vồng, và trang trí thêm bằng một chiếc khăn quấn đầu cùng màu sắc. Phụ nữ Tarahumara trông còn lộng lẫy hơn, với váy ngắn sặc sỡ và áo choàng đồng màu, làn da nâu sậm được trang điểm thêm bằng các chuỗi vòng đeo cổ và vòng đeo tay làm từ các viên đá màu san hô. Bất kể đang mặc bộ đồ leo núi diêm dúa cỡ nào, thì chắc chắn bạn vẫn sẽ cảm thấy mình cứ như đang khỏa thân khi đứng trước người Tarahumara. Ngay cả xét theo tiêu chuẩn thời trang của những người đi khai khoáng bị sức nóng Mặt trời làm cho điên loạn, thì sinh vật kia vẫn ăn mặc quá tồi tàn. Anh ta chỉ mặc một chiếc quần cộc màu nâu đất của dân chabochi, xỏ xăng đan, và đội chiếc mũ bóng chày cũ rìn. Chỉ có vậy. Không ba lô, không áo xống, và có vẻ như chẳng có thức ăn, bởi vì ngay khi chạy đến chỗ Ángel, anh ta hỏi xin ‘agua’ (nước) bằng thứ tiếng Tây Ban Nha ngọng nghịu và làm động tác xúc xúc vào miệng – chắc anh ta muốn ăn gì đó? “Assag.” Ángel nói với anh bằng tiếng Tarahumara và ra hiệu ngồi xuống. Ai đó mang ra một cốc pinole, loại cháo ngô của người Tarahumara. Kẻ lạ mặt húp sụp một hơi. Xen giữa những tiếng ừng ực, anh ta cố gắng nói chuyện. Anh khua khoắng và thè lưỡi thở hổn hển. “¿Corriendo?” Người thầy giáo hỏi. Anh vừa mới chạy à? Sinh vật kia gật đầu. “Todo día.” Anh nói bằng thứ tiếng Tây Ban Nha bồi. “Suốt cả ngày.” “¿Por qué?” Ángel hỏi. “¿Y a dónde?” Tại sao? Và chạy đi đâu? Sinh vật nọ bắt đầu tuôn ra một câu chuyện dài, khiến Ángel cảm thấy thích thú như thể đang xem trình diễn nghệ thuật, nhưng câu chuyện đó chẳng mạch lạc chút nào. Từ những gì Ángel rút ra được, gã lang thang cô độc này hoặc là hoàn toàn mất trí, hoặc chẳng hề cô đơn chút nào; anh tuyên bố rằng mình có một người đồng hành còn bí ẩn hơn nữa, một kiểu chiến binh người Apache mà anh gọi là Ramón Chingón – “Ray, gã Đểu cáng Xấu xa.” “¿Y tú?” Ángel hỏi. “Còn tên anh là gì?” “Caballo Blanco.” Anh nói. Ngựa Trắng. “Pues, bueno.” Người thầy giáo nhún vai đáp. Vậy là được rồi. Ngựa Trắng không ở lại lâu; sau khi uống thêm chút nước và ăn xong bát pinole thứ hai, anh chào tạm biệt và lại chạy ngược lên đường mòn. Anh giậm chân và hí lên như ngựa hoang khi rảo bước, làm bọn trẻ thích thú, cười phá lên và đuổi theo cho tới khi anh biến mất một lần nữa vào hoang vu. “Caballo Blanco es muy amable,” Ángel kết lại, “pero un poco raro.” Ngựa Trắng là người tốt, nếu anh hợp với mấy gã quai quái. “Vậy, anh nghĩ rằng anh ta vẫn ở ngoài đó?” Tôi hỏi. “Gã đó, claro.” Ángel nói. “Anh ta vừa ở đây hôm qua. Tôi đã cho anh ta uống nước bằng cái cốc đó.” Tôi nhìn quanh. Chẳng có cái cốc nào cả. “Cái cốc vừa ở đó mà.” Ángel quả quyết. Từ những điều Ángel lượm lặt được trong nhiều năm qua, Caballo sống trong một căn lều tự dựng lên đâu đó bên kia núi Batopilas. Mỗi khi xuất hiện ở trường của Ángel, anh luôn đến với đôi chân chỉ xỏ xăng đan, áo quàng trên lưng (nếu có), và một túi cháo ngô khô vắt trên hông, như người Tarahumara. Dường như, anh kiếm ăn luôn ở vùng đất mà mình chạy, sống dựa vào korima, một trong các nền tảng của nền văn hóa Tarahumara. Korima đọc gần giống như karma (nghiệp) và có ý nghĩa tương tự, chỉ khác là nó ở hiện tại, ở đây và ngay lúc này. Nghĩa vụ của bạn là phải chia sẻ tất cả những gì chia sẻ được, ngay lập tức và không được trông mong gì: một khi món quà đã rời tay, thì ngay từ đầu nó cũng chưa từng là của bạn. Người Tarahumara không có hệ thống tiền tệ, vì vậy korima là cách họ giao thương: nền kinh tế của họ dựa trên việc trao đổi các ân huệ và thỉnh thoảng là các thạp bia ngô. Dáng vẻ, cách ăn mặc, cũng như cách nói năng của Ngựa Trắng hoàn toàn không giống người Tarahumara, nhưng sâu thẳm bên trong, anh là một trong số họ. Ángel đã nghe nói về những người chạy bộ Tarahumara dùng túp lều của Ngựa Trắng làm trạm nghỉ trong các chuyến đi dài xuyên qua vùng thung lũng. Đổi lại, Ngựa Trắng luôn được mời ăn, mời nghỉ khi đi qua làng của Ángel trong các cuộc chạy lang thang. Ángel vẫy cánh tay, khoát mạnh ra đằng xa – vượt qua con sông, qua đỉnh thung lũng, về phía vùng đất không phải của người Tarahumara, nơi chẳng có điều gì tốt đẹp. “Ở đó, có một ngôi làng tên là Mesa de la Yerbabuena.” Anh nói. “Anh có biết nơi đó không, Salvador?” “Ừm…” Salvador lí nhí. “Anh có biết điều gì đã xảy ra với nó không?” “Ừ hữ…” Salvador đổi giọng như muốn nói: Ừ, tất nhiên là biết. “Những người chạy bộ giỏi nhất phần lớn đến từ Yerbabuena.” Ángel nói. “Họ từng có một con đường mòn rất tốt, có thể chạy được quãng đường rất dài chỉ trong một ngày, xa hơn nhiều so với quãng đường mà anh có thể đi được từ đây.” Thật không may, lối mòn đó tốt tới mức chính phủ Mexico cuối cùng quyết định trải nhựa lên và biến nó thành đường. Xe tải bắt đầu xuất hiện ở Yerbabuena, và mang theo các loại thực phẩm mà người Tarahumara hiếm khi dùng – nước ngọt có ga, sô cô la, gạo, đường, bơ, bột mì. Người dân Yerbabuena bắt đầu thích ăn tinh bột và bánh kẹo, nhưng họ cần tiền để mua những thứ đó, do vậy, thay vì làm việc đồng áng, họ bắt xe tới Guachochi để rửa bát và làm công ban ngày, hoặc bán đồ lưu niệm tại nhà ga ở Divisadero. “Đó là chuyện từ 20 năm trước.” Ángel nói. “Bây giờ, ở Yerbabuena chẳng còn người chạy bộ nào nữa.” Câu chuyện về Yerbabuena làm Ángel sợ, bởi mới có tin đồn rằng chính quyền đã tìm ra cách làm đường dọc theo nền thung lũng và đi thẳng vào khu định cư này. Ángel không hiểu nổi tại sao họ lại muốn làm đường ở đây. Người Tarahumara không muốn vậy và họ là những người duy nhất sống ở nơi này. Chỉ có bọn buôn ma túy và đám lâm tặc hưởng lợi từ các con đường trong Copper Canyon, điều này khiến cho nỗi ám ảnh muốn làm đường ở vùng hẻo lánh của chính quyền Mexico có vẻ lạ lùng, nhưng cũng chẳng mấy ngạc nhiên, khi nghĩ xem bao nhiêu binh sĩ và chính trị gia dây dưa với dân buôn ma túy. “Đó chính là điều Lumhol lo sợ.” Tôi tự nhủ. Một thế kỷ trước, nhà thám hiểm có tầm nhìn xa ấy đã cảnh báo rằng người Tarahumara đang có nguy cơ biến mất. “Các thế hệ sau sẽ chẳng tìm thấy ghi chép nào khác về người Tarahumara ngoài những gì mà các nhà khoa học thời nay khơi gợi từ miệng họ và từ việc nghiên cứu các công cụ, phong tục của họ.” Ông đoán định. “Ngày nay, họ nổi lên như một di tích thú vị của một thời đại đã trôi qua từ lâu; một đại diện trong giai đoạn quan trọng bậc nhất của lịch sử loài người; một trong những bộ lạc nguyên thủy phi thường từng viết nên lịch sử nhân loại.” “Nhiều người Rarámuri không tôn trọng truyền thống được như Caballo Blanco đâu.” Ángel than phiền. “El Caballo sabe – Ngựa Trắng hiểu.” Tôi ngồi sụp xuống bên bức tường ngôi trường của Ángel, chân giật giật, còn đầu thì căng ra vì kiệt sức. Để tới được đây, tôi đã liểng xiểng lắm rồi, vậy mà, có vẻ như cuộc săn tìm mới chỉ bắt đầu. Chương 6 Cứ như trò bịp vậy.” Salvador và tôi khởi hành vào sáng hôm sau, đua với Mặt trời về phía rìa thung lũng. Salvador đi nhanh khủng khiếp, chẳng thèm để ý các chỗ ngoặt gấp và lấy tay cào thẳng lên vách núi như tội phạm bò lên tường trại giam. Tôi cố sức bám theo, mặc dù ngày càng tin mình bị lừa. Càng bỏ xa ngôi làng của Ángel, cái ý nghĩ rằng câu chuyện về gã Ngựa Trắng chỉ là hàng phòng thủ cuối cùng chống lại những kẻ bên ngoài đến đây tìm kiếm bí mật của người Tarahumara càng trỗi lên. Như mọi phi vụ lừa bịp vĩ đại, câu chuyện về một gã Độc Hành trên vùng núi cao Sierra nằm lửng lơ giữa hoàn hảo và hoang đường; tin tức về một môn đệ đến từ thế giới hiện đại thực hành theo phương thuật Tarahumara còn hơn những gì tôi trông đợi, khiến nó hấp dẫn đến khó tin. Gã Ngựa Trắng có vẻ giống lời đồn đại hơn, khiến tôi nghĩ Ángel vì mệt mỏi với những câu hỏi nên đã sáng tác ra một nhân vật hư cấu thế thân, rồi trỏ chúng tôi về phía đường chân trời, biết rằng chúng tôi sẽ phải vượt hàng trăm dặm khó khăn trước khi tỉnh ngộ. Tôi không bị hoang tưởng. Đây không phải lần đầu tiên một câu chuyện phù phiếm được dùng để phủ một màn khói hư ảo lên những Người Chạy Bộ. Carlos Castaneda, tác giả của cuốn Don Juan nổi tiếng vào thập niên 60, đã không hề do dự kể về những người Tarahumara khi miêu tả các pháp sư Mexico với sự uyên thâm và sức bền đáng kinh ngạc. Nhưng trong nỗi cảm thông day dứt, Castaneda đã cố tình gọi nhầm tên bộ lạc này thành Yaquis. Rõ ràng là Castaneda đã cảm thấy rằng, trong trường hợp sách của ông làm dấy lên một cuộc xâm lược của đám híp pi mê xương rồng đất Mễ, thì người Yaquis mạnh mẽ sẽ tự bảo vệ mình tốt hơn nhiều so với người Tarahumara hiền hậu. Nhưng dù có nghi ngờ rằng mình vừa bị lừa kiểu Castaneda, thì tôi vẫn bị một sự kiện bất thường thôi thúc dấn bước vào cuộc săn tìm này. Ángel đã cho chúng tôi trọ lại một đêm trong căn phòng trống duy nhất của anh, một túp lều đắp bùn nhỏ bé, được dùng như trạm xá của trường. Sáng hôm sau, trước khi chúng tôi rời đi, anh nhã nhặn mời bữa sáng có món đậu và bánh ngô nặn bằng tay. Buổi đó trời se lạnh và khi chúng tôi ngồi ngoài, hơ tay trên những cái bát nghi ngút khói, một lũ trẻ con túm tụm đi ra khỏi phòng học, ngang qua chỗ chúng tôi. Không để bọn trẻ phải chịu lạnh trên ghế ngồi, thầy giáo đã cho chúng nghỉ để làm nóng người theo kiểu Tarahumara – đồng nghĩa với việc tôi may mắn được chứng kiến rarájipari, trò chơi chạy bộ của người Tarahumara. Ángel đứng lên và chia bọn trẻ ra làm hai đội, trai gái lẫn lộn. Sau đó, anh ta lấy ra hai quả bóng bằng gỗ, mỗi quả to bằng một quả bóng chày, và tung từng quả về từng đội. Anh giơ sáu ngón tay, nghĩa là chúng sẽ chạy sáu lượt từ trường xuống bờ sông, với tổng cự ly khoảng bốn dặm. Hai cậu bé thả quả bóng xuống và cong bàn chân đỡ quả bóng lên, bóng được giữ thăng bằng trên các ngón chân. Chúng chầm chậm cong người thấp xuống và… ¡Vayan! Đi! Hai quả bóng bay vụt qua chỗ chúng tôi, tâng khỏi bàn chân của hai cậu bé như thể bị bắn đi từ súng ba-zô-ka, và lũ trẻ chạy ào theo bóng dọc đường mòn. Hai đội có vẻ khá ngang tài ngang sức, nhưng tôi sẵn sàng đặt cửa cho bên được dẫn dắt bởi Marcellino, một cậu bé 12 tuổi trông như Đuốc Sống; màu áo đỏ tươi phất phơ sau lưng cậu như ngọn lửa và chiếc váy trắng phấp phới quanh đôi chân như một làn khói. Đuốc Sống đuổi kịp bóng của đội mình khi bóng còn đang lăn. Cậu lấy ngón chân quặp nó lên một cách tài tình và đá tung nó xuống đường mòn mà hầu như không hề làm chậm đi nhịp chạy. Cách chạy của Marcellino kinh ngạc đến mức khó mà cảm nhận hết ngay lập tức. Hai bàn chân của cậu nhảy nhót như điên loạn giữa các viên đá, nhưng tất cả phần cơ thể phía trên đôi chân lại tĩnh lặng, gần như không chuyển động. Nhìn từ phần hông trở lên, bạn sẽ nghĩ rằng cậu bé đang trượt pa tanh. Với chiếc cằm ngẩng cao và mớ tóc đen xõa ra trên trán, trông cậu như vừa bước thẳng ra từ áp phích Steve Prefontaine trên tường phòng ngủ của các ngôi sao điền kinh trường trung học Mỹ. Tôi thấy như vừa tìm thấy được Tương lai của Chạy Bộ Hoa Kỳ, sống cách đây 500 năm trước. Một đứa trẻ tài năng và đẹp đẽ nhường vậy sinh ra để được in hình trên các hộp ngũ cốc. “Sí, de acuerdo.” Ángel nói. Có, tôi nghe thấy anh rồi. “Chạy bộ đã ăn vào máu cậu bé. Cha nó là một nhà vô địch vĩ đại.” Cha của Marcelino, Manuel Luna, có thể đánh bại gần hết người tham gia trận rarájipari xuyên đêm, phiên bản người lớn của trò chơi mà tôi đang được chứng kiến. Ángel giải thích, môn bóng rarájipari là trái tim và tâm hồn của người Tarahumara; mọi điều làm nên sự độc đáo của người Tarahumara đều được phô bày trong “sức nóng” của một trận rarájipari. Trước tiên, hai ngôi làng sẽ gặp nhau và dành cả đêm để đặt cược, đồng thời cụng ly tesgüino, loại bia ngô tự ủ, nặng đến rộp cả họng. Khi Mặt trời mọc, đội bóng của hai làng sẽ bắt đầu thi đấu, với khoảng từ ba đến tám người chạy bộ mỗi bên. Người chơi sẽ chạy ngược xuôi trên một dải đường mòn dài, đưa bóng của mình lên phía trước như cầu thủ bóng đá dẫn bóng bứt phá. Cuộc đua có thể kéo dài đến 24, thậm chí là 48 giờ, tùy thuộc vào thỏa thuận từ đêm hôm trước. Thế nhưng, các cầu thủ chẳng bao giờ được ra nghỉ hay ngơi bước. Với quả bóng nảy tưng tưng và 32 cái chân di chuyển như điện xẹt, họ hầu như chỉ đứng trên đầu ngón chân, lúc thì dâng lên, đổi hướng hay chạy hình chữ chi. “Chúng tôi nói rarájipari là trò chơi của cuộc sống.” Ángel nói. “Anh không biết nó khó khăn đến thế nào. Anh không biết bao giờ nó kết thúc. Anh không thể điều khiển nó. Anh chỉ có thể điều chỉnh.” Và, anh nói thêm, không ai có thể vượt qua cuộc chơi đó một mình. Ngay cả một siêu sao như Manuel Luna cũng không thể chiến thắng nếu không có cả một ngôi làng phía sau. Bạn bè và gia đình tiếp năng lượng cho các đấu thủ bằng pinole. Khi đêm xuống, dân làng sẽ đốt acate, các cành thông nhiều nhựa, và những người chạy bộ đua xuyên màn đêm dưới ánh đuốc. Để chịu đựng nổi một thử thách như vậy, bạn phải hội tụ đủ phẩm chất của người Tarahumara – sức mạnh, lòng kiên trì, khả năng hợp tác, lòng quyết tâm và sự kiên định. Và hơn hết, bạn phải yêu chạy bộ. “Thằng nhóc đó sẽ giỏi không kém gì cha nó.” Ángel nói, gật gật đầu về phía Marcelino. “Nếu được tôi cho phép, nó có thể chơi như vậy suốt cả ngày.” Khi Marcelino tới bờ sông, cậu vòng lại và chuyền bóng tới một cậu bé sáu tuổi đã mất một chiếc xăng đan và đang loay hoay với dây lưng. Trong vài khoảnh khắc huy hoàng, Nhóc Một Giày dẫn đầu đội của mình và vui sướng về điều đó, cậu bé vừa nhảy nhót trên một chân trần vừa cố giữ cho váy khỏi tuột xuống. Đó là lúc tôi bắt đầu cảm nhận được sự vĩ đại của rarájipari. Chính vì đường mòn khấp khểnh và các vòng lặp lại, trò chơi này tự thân nó có khả năng làm cân bằng. Quả bóng nảy khắp nơi như viên bi trong trò pinball, nhờ đó, những đứa trẻ chậm chạp hơn vẫn có thể theo kịp mỗi khi Marcelino phải moi quả bóng ra từ một kẽ đá. Sân chơi có khả năng tự cân bằng, khiến ai cũng bị thách thức và không ai bị đẩy ra ngoài cuộc. Lũ trẻ cả trai lẫn gái thi nhau chạy ào ào lên và xuống con dốc đường mòn, nhưng không ai màng đến chuyện thắng thua; không có tranh cãi, chẳng có phô diễn, và đáng chú ý nhất là, không có chỉ đạo. Ángel và thầy giáo đang vui vẻ theo dõi trận đấu và tập trung cao độ, nhưng không hò hét chỉ dẫn. Họ thậm chí còn không cổ vũ. Bọn trẻ tăng tốc khi cao hứng, giảm tốc khi bớt phấn khích, và thỉnh thoảng dừng lại lấy hơi dưới bóng cây khi chạy quá sức và bắt đầu hổn hển. Nhưng khác với hầu hết các đứa trẻ khác, Marcelino dường như không chậm lại. Cậu chẳng hề biết mệt, lướt ngược lên hay đổ dốc nhẹ nhàng, hai chân cậu khua theo nhịp bước ngắn kinh ngạc nhưng chuyển động vẫn mượt mà, không giật cục. Cậu khá cao so với đám trẻ con Tarahumara, và có nụ cười mỉm lướt qua trên mặt giống Michael Jordan trong khoảnh khắc hồi hộp của trận đấu, khi đồng hồ đang tiến gần đến giờ kết thúc. Trong lượt chạy cuối của đội mình, Marcelino tung một cú đá đưa bóng đi chéo vào một tảng đá phía bên trái, tính toán hướng bóng nảy, và chạy đúng đến vị trí trí để nhận đường chuyền của chính mình, đỡ bóng khi đang ở trên không và chạy nốt quãng gần 50 m còn lại, trên mặt đường mòn khấp khểnh đá như dưới lòng sông, chỉ trong vài giây. Ángel cầm xẻng gõ vào một thanh sắt. Trận đấu kết thúc. Lũ trẻ lại trở vào trong trường, mấy đứa lớn hơn thì bê củi để tiếp cho đống lửa ngoài trời. Một vài đứa đáp lại lời chào của chúng tôi; nhiều trong số chúng lần đầu tiên nghe tiếng Tây Ban Nha khi bắt đầu đi học. Tuy nhiên, Marcelino bước ra khỏi hàng và tiến lại gần. Ángel kể cho cậu bé về dự định của chúng tôi. “Que vayan bien.” Marcelino nói. Chúc lên đường may mắn. “Caballo Blanco es muy norawa de mi papá.” Norawa? Tôi chưa từng nghe từ này bao giờ. “Ý cậu bé là gì?” Tôi hỏi Salvador. “Caballo là huyền thoại mà bố cậu ta biết à? Hay là câu chuyện ông ta hay kể?” “Không!” Savaldor nói. “Nowara nghĩa là amigo.” “Caballo Blanco là bạn tốt của bố cháu à?” Tôi hỏi. “Sí.” Marcelino gật đầu, trước khi biến mất vào trong trường. “Ông ấy thực sự là một người tốt.” Được rồi! Tôi thầm nghĩ vào buổi chiều sau đó. Có thể Ángel muốn lừa chúng tôi, nhưng cậu bé Đuốc Sống thì tin được. Ángel nói rằng Caballo có thể đang đi đến thị trấn Creel, nhưng chúng tôi phải thật khẩn trương: nếu không bắt kịp anh, thì chẳng thể biết được anh sẽ xuất hiện ở nơi nào sau đó. Ngựa Trắng thường biến mất trong vài tháng; không ai biết anh đi đâu và khi nào anh quay lại. Nếu bỏ lỡ, thì chúng tôi có thể không còn cơ hội nữa. Và Ángel chắc chắn đã không nói dối về một chuyện, khi tôi cảm thấy sức mạnh lạ lùng ở đôi chân mình: ngay trước khi bắt đầu chuyến leo ra khỏi thung lũng, anh đưa cho tôi một cái ca thiếc méo mó chứa đầy một thứ gì đó mà anh hứa là sẽ có ích. “Anh sẽ thích nó cho mà xem.” Anh trấn an tôi. Tôi ngó vào cái ca. Trong đó có một thứ chất lỏng nhầy nhớt, trông giống bánh pudding gạo nhưng không có gạo, và bong bóng có đốm đen mà tôi tin chắc là trứng ếch đang ấp dở. Nếu đang ở bất kỳ nơi nào khác, tôi sẽ nghĩ đây là một trò đùa; như kiểu một đứa trẻ múc cặn bẩn trong bể cá rồi lừa tôi nếm thử. Tôi đoán, đó là một loại rễ cây lên men trộn với nước sông – nghĩa là nếu mùi vị của nó không quật ngã tôi, thì đám vi khuẩn sẽ lo việc đó. “Tuyệt!” Tôi nói và nhìn quanh xem có cây xương rồng nào để lén đổ xuống. “Nó là cái gì vậy?” “Iskiate.” Nghe có vẻ quen quen… và tôi sực nhớ ra. Ngài Lumhol kiên cường đã từng bước lảo đảo vào một căn nhà người Tarahumara để xin thức ăn giữa chuyến thám hiểm gian nan. Ngọn núi mà ông phải lên tới đỉnh trước khi Mặt trời lặn đã phủ bóng trước mặt. Lumhol khi ấy đã kiệt sức và tuyệt vọng, không còn chút sức lực nào để leo lên nữa. “Chiều hôm đó, tôi bước vào hang đúng lúc một người phụ nữ đang làm thức uống này.” Sau này, Lumhol viết. “Tôi mệt lử và không biết làm cách nào leo lên triền núi để tới chỗ cắm trại ở độ cao 600 m. Nhưng sau khi được thoả mãn cơn đói khát với một chút iskiate,” ông viết tiếp, “tôi lập tức thấy một nguồn sinh lực mới, và chính tôi cũng phải ngỡ ngàng khi leo được đến độ cao đó mà không cần vận hết sức. Kể từ đó, tôi luôn coi iskiate là người bạn thiết thân, vừa củng cố sức mạnh, vừa làm tỉnh táo, tới mức có thể gọi nó là một khám phá mới.” Red Bull tự chế! Cái này thì tôi nhất định phải thử. “Tôi sẽ để dành nó.” Tôi nói với Ángel. Tôi trút chỗ iskiate vào một bình nước đeo hông chứa khoảng nửa bình nước đã khử trùng bằng mấy viên i ốt, rồi bỏ vào đó thêm khoảng hai viên nữa cho chắc. Tôi đã mệt lử, nhưng không giống như Lumhol, tôi chưa tuyệt vọng đến mức sẵn sàng chấp nhận rủi ro bị tiêu chảy mãn tính do nhiễm khuẩn. Nhiều tháng sau, tôi biết được rằng iskiate còn được biết đến với cái tên chia fresca – “chia mát lạnh”. Nó được chế bằng cách hòa tan hạt chia vào nước, thêm chút đường và một vắt chanh. Xét về giá trị dinh dưỡng, một muỗng lớn chia tương đương sinh tố làm từ cá hồi, rau chân vịt, và hormone tăng trưởng. Dù rất nhỏ nhưng các hạt này có hàm lượng cao omega-3S, omega-6S, protein, canxi, sắt, kẽm, chất xơ và các chất chống oxy hoá. Nếu phải chọn một loại thức ăn duy nhất để sống sót trên đảo hoang, bạn không thể tìm thấy thứ gì tốt hơn hạt chia, ít nhất là nếu bạn quan tâm đến việc tạo cơ bắp, hạ cholesterol, và giảm nguy cơ các bệnh tim mạch; sau một vài tháng ăn hạt chia, bạn thậm chí có thể bơi từ đảo hoang vào đất liền. Chiatừng được quý trọng tới mức người Aztec thường dâng thứ hạt này lên cho nhà vua để tỏ lòng kính trọng. Những người chạy bộ Aztec đã từng ăn hạt chia khi tham gia chiến trận, và người Hopis thì nạp năng lượng bằng hạt chia khi tham gia các cuộc chạy huy hoàng từ Arizona tới Thái Bình Dương. Bang Chiapas của Mexico thực ra được đặt tên theo loại hạt này. Nó từng đứng thứ hạng ngang với ngô và đậu trong nông sản hàng hóa. Mặc dù có giá trị cao như vậy, nhưng chia lại dễ trồng kỳ lạ; nếu bạn có một Chia Pet (hình nộm con thú dùng để trồng chia), bạn chỉ cần thêm vài bước đơn giản để tạo ra một mẻ thức uống ma thuật. Và sau khi viên i-ốt đã tan đủ để đánh liều thử vài ngụm, tôi mới phát hiện ra rằng thứ đồ uống ma thuật ấy ngon ghê gớm. Dù lẫn cả vị thuốc i-ốt, nhưng món iskiate vẫn trôi xuống như rượu punch hoa quả thoảng vị chanh dễ chịu. Cũng có thể, đó là cảm giác phấn khích với cuộc săn tìm, dẫu thế trong vài phút, tôi đã có cảm giác thực sự tuyệt vời. Ngay cả cơn đau đầu nhẹ suốt buổi sáng do ngủ trên nền đất lạnh đêm trước cũng biến mất luôn. Salvador liên tục thúc bách, chạy đua với ánh nắng tới rìa thung lũng. Chúng tôi suýt nữa thì kịp. Nhưng khi còn khoảng hai giờ leo thì Mặt trời biến mất, bóng đêm phủ khắp thung lũng, tối tới mức chỉ còn thấy đủ các sắc thái đen. Chúng tôi tranh luận xem có nên trải túi ngủ ra và cắm trại qua đêm ngay tại đó hay không, nhưng thức ăn và nước uống thì đã hết từ hơn một giờ trước, còn nhiệt độ đang tụt xuống âm độ. Nếu có thể lần đường trèo lên thêm khoảng một dặm nữa, chúng tôi sẽ tới được rìa thung lũng đủ ánh sáng để ra được bên ngoài. Rồi chúng tôi quyết định thử phương án thứ hai. Tôi ghét cái ý nghĩ phải nằm run rẩy cả đêm trên một đoạn đường mòn ngay rìa vách đá. Trời tối tới mức, tôi chỉ có thể bám theo Salvador nhờ tiếng ủng lạo xạo của anh. Làm thế nào anh có thể tìm thấy các lối rẽ trên những chỗ ngoặt dốc mà không rơi khỏi bờ đá, tôi thực sự không muốn biết. Nhưng anh đã chứng minh là tôi sai bằng khả năng dò đường siêu phàm khi lái xe xuyên qua rừng cây, vì vậy, tôi phải chấp nhận im lặng, tập trung chú ý tới tất cả các chuyển động của anh và… và… Chờ đã. Tiếng ủng lạo xạo của anh đâu rồi? “Salvador?” Không có tiếng trả lời. Chết tiệt! “Salvador!” “¡No pases por aquí!” Anh gọi vọng từ đâu đó phía trước tôi. Đừng đi lối này! “Có chuyện gì….” “Calla.” Im đi. Tôi nín bặt, đứng yên trong bóng tối và không hiểu thứ quái quỷ gì đã xảy ra. Vài phút trôi qua. Không có tiếng động nào của Salvador. “Anh ta sẽ quay lại.” Tôi tự nhủ. “Anh ta chắc chắn đã phải hét lên nếu bị ngã. Mình chắc sẽ phải nghe thấy gì đó. Một tiếng va đập. Một điều gì đó. Nhưng quái thật, mãi mà anh ta….” “Bueno.” Một tiếng hét vọng tới từ đâu đó phía trên tôi và dịch về bên phải. “Đằng này ổn rồi. Nhưng đi từ từ thôi!” Tôi xoay về phía giọng nói và nhích dần về phía ấy. Bên trái, tôi cảm thấy nền đất tụt sâu xuống. Salvador suýt nữa thì bước thẳng vào khoảng không nào, tôi không muốn biết. Khoảng 10 giờ đêm hôm đó, chúng tôi lên tới rìa vách núi và chui vào túi ngủ, lạnh thấu xương và mệt rã rời. Sáng hôm sau, chúng tôi tỉnh dậy trước khi Mặt trời mọc và đi thật nhanh về chỗ chiếc xe bán tải. Khi bình minh lên, chúng tôi đã đi được một quãng trên con đường mòn xóc nảy, uốn lượn, con đường được đồn là của gã Ngựa Trắng. Mỗi lần gặp một nông trang hay một ngôi làng nhỏ, chúng tôi đều dừng lại để hỏi xem có ai biết Caballo Blanco hay không. Và tất cả mọi nơi – trong khu làng mạc ở Samachique, trong ngôi trường ở Huisichi – chúng tôi đều thấy người ta trả lời giống nhau: Sí, tất nhiên! Anh ta vừa đi qua tuần trước… một vài ngày trước… ngày hôm qua… Các anh vừa bỏ lỡ anh ta xong… Chúng tôi tới một khu lều lá lụp xụp và dừng lại để tiếp thêm thực phẩm. “Ahhh, ten cuidado con ese.” Bà già đứng phía sau quầy trong một cái lán bên lề đường nói khi đưa cho tôi một túi khoai tây phủ bụi và một lon Coke ấm bằng đôi bàn tay gầy, run rẩy. “Cẩn thận với gã đó. Tôi đã nghe kể về Caballo. Anh ta là một võ sĩ hóa điên. Có ai đó chết, nên anh ta bị mất trí. Anh ta có thể tay không giết chết anh đấy. Và,” bà ta nói thêm, đề phòng tôi quên mất, “anh ta bị điên.” Nơi cuối cùng người ta nhìn thấy anh là thị trấn mỏ cũ kỹ Creel, nơi một người phụ nữ ở quầy bán taco bảo chúng tôi rằng cô vừa nhìn thấy anh sáng nay, đi bộ trên đường ray xe lửa ra phía rìa thị trấn. Chúng tôi đi theo tới tận cuối đường ray, vừa đi vừa hỏi thăm, cho tới khi đến được tòa nhà cuối cùng: khách sạn Casa Pérez. Ở đó, tôi vừa hồi hộp, vừa lo lắng, khi biết anh phải có mặt ở đây vào đúng lúc này. Có thể, chuyện tôi ngủ quên trên chiếc ghế xô-pha trong góc phòng là một điều hay. Nhờ đó, ít nhất là, tôi được ẩn mình trong bóng tối và ngắm nhìn gã lang thang cô độc kia kỹ lưỡng một chút – trước khi anh nhìn thấy tôi và phóng chạy mất vào hoang vu. Chương 7 May thay, tôi đứng gần cửa hơn. “Này! Ờ…, anh có biết Ángel không?” Tôi lắp bắp khi bước ra đứng chắn giữa Caballo và lối thoát duy nhất của anh ta. “Thầy giáo ở ngôi trường của người Tarahumara? Còn Esidro ở Huisichi? Và, ừm… Luna, Miguel Luna…” Tôi liên tục bắn ra những cái tên, hy vọng anh sẽ nhận ra cái tên nào đó trước khi huých tôi văng vào tường và chạy trốn lên những ngọn đồi phía sau khách sạn. “… À, không phải, là Manuel. Không phải Miguel Luna. Là Manuel. Con anh ta nói rằng anh ta và anh là bạn. Marcelino? Anh biết Marcelino chứ?” Nhưng tôi càng nói, thì anh càng cau có, cho tới khi trông như muốn đe dọa. Tôi lập tức ngậm miệng. Tôi đã có bài học sau thất bại ở khu nhà của Quimare; có thể anh sẽ dịu bớt nếu tôi giữ im lặng và cho anh cơ hội để đánh giá tôi. Tôi đứng yên trong khi anh ta nheo mắt nhìn tôi dưới viền chiếc mũ rơm của nông dân Mexico, tỏ vẻ nghi ngại và khinh miệt. “Ờ!” Anh làu bàu. “Manuel là một người bạn. Còn anh thì là thằng quái nào?” Vì không chắc điều gì đã khiến anh trở thành kẻ bất kham như vậy, nên tôi bắt đầu trình bày rằng tôi không phải là những ai. Tôi bảo mình không phải cảnh sát hay nhân viên Cục Phòng chống Ma túy. Tôi chỉ là một nhà văn và một người chạy bộ dính chấn thương, muốn học hỏi bí quyết của người Tarahumara. Nếu anh là một kẻ đang lẩn trốn, thì đó là việc của anh. Có chăng, điều đó chỉ làm tăng tính tin cậy trong câu chuyện về anh ta mà thôi: bất kỳ ai có thể trốn tránh luật pháp trong suốt chừng ấy năm mà không có bất kỳ phương tiện lẩn trốn nào ngoại trừ đôi chân mình, thì ắt hẳn đã phải học theo người Rarámuri. Tôi có thể bỏ qua các nghĩa vụ của mình với luật pháp đủ lâu để nghe hết câu chuyện lẩn trốn độc nhất trên đời ấy. Vẻ cau có của Caballo chẳng hề giảm – nhưng anh cũng không cố tránh tôi để đi ra. Mãi sau đó, tôi mới phát hiện ra rằng mình đã vô cùng may mắn chạm trán anh ở một thời điểm lạ kỳ trong cuộc đời kỳ lạ của anh: theo cách của riêng mình, Caballo Blanco cũng đang đi tìm tôi. “Được rồi, ông bạn!” Anh nói. “Nhưng giờ tôi phải đi kiếm ít đậu đã.” Anh ta dẫn tôi ra khỏi khách sạn và đi dọc xuống một ngõ hẻm bụi bặm, tới một cánh cửa nhỏ không có biển hiệu gì hết. Chúng tôi bước qua một cậu bé đang chơi với chú mèo con trên bậu cửa và vào một phòng khách nhỏ. Một người phụ nữ lớn tuổi ngước nhìn lên từ một chiếc bếp ga cũ kỹ trong hốc tường kề đó, bà đang khuấy một nồi đậu hầm thơm ngào ngạt. “Hola, Caballo!” Bà cất tiếng chào. “¿Cómo está, Mamá?” Caballo đáp lời. Chúng tôi ngồi bên một chiếc bàn gỗ ọp ẹp trong phòng khách. Anh kể mình có “mamá” ở khắp thung lũng, đó là các bà già sẵn lòng cho anh ăn đậu và bánh ngô với giá chỉ vài xu giữa các cuộc chạy lang thang. Mặc dù Mamá có vẻ bình thản, nhưng tôi có thể hiểu tại sao người Tarahumara lại kinh hãi khi Caballo xuất hiện lần đầu và phóng qua các cánh rừng của họ. Kỳ tích chạy bền không tưởng dưới ánh mặt trời không khoan nhượng đã biến Caballo thành một kẻ hoang dã. Anh cao trên một mét tám, nước da vốn sáng màu nhưng đã bị nắng gió tô vẽ loang lổ thành các sắc khác nhau, từ màu hồng trên mũi cho đến màu hạt dẻ dưới cổ. Với chân tay dài và cơ bắp săn gọn, anh trông như một bộ xương quái thú; quẳng Kẻ hủy diệt vào vạc axit, thì ta sẽ có Caballo bò ra. Ánh nắng chói chang trên sa mạc làm mắt anh thường xuyên nheo lại, khiến gương mặt anh chỉ có hai trạng thái biểu cảm: hoài nghi hoặc thích thú. Dù nói bất kỳ điều gì trong phần còn lại của buổi tối hôm đó, thì tôi cũng không thể biết anh nghĩ tôi hài hước hay toàn nói nhăng nói cuội. Một khi Caballo chú ý đến bạn, anh thực sự rất chú tâm; anh chăm chú nghe như người thợ săn đang theo dấu con mồi, như thể cố gắng đọc ra điều gì từ chính giọng bạn chứ không phải chỉ từ lời lẽ bạn đang nói. Mặc dầu vậy, kỳ lạ là khả năng nghe giọng địa phương của anh vẫn dở tệ hại – sau hơn một thập kỷ ở Mexico, tiếng Tây Ban Nha của anh vẫn bập bẹ như đang phát âm từ thẻ tập đọc. “Tôi bực anh vì…” Caballo bắt đầu nói, nhưng đột nhiên dừng lại, mắt lồi lên vẻ đói khát, khi thấy Mamá đặt mấy cái bát lớn trước mặt chúng tôi và loay hoay thêm vào đó rau mùi, ớt xanh jalapeños và vài vắt chanh. Cái nhìn hầm hè mà anh tặng tôi lúc ở khách sạn không phải vì tôi đang đứng chắn giữa anh và tự do; mà là vì tôi đang chắn giữa anh và đồ ăn. Sáng hôm đó, Caballo định thực hiện một chuyến leo núi ngắn tới hồ nước nóng tự nhiên trong rừng, nhưng ngay khi nhìn thấy một vệt đường mòn xuyên qua rặng cây mà trước đây anh chưa từng thấy, thì vụ leo núi và hồ nước nóng lập tức bị lãng quên. Anh bắt đầu chạy, và chạy mãi nhiều giờ sau đó. Anh đụng một quả núi, nhưng thay vì quay lại, anh lại gò lưng leo lên độ cao gần một cây số, tương đương với việc leo lên đỉnh tòa nhà Empire State hai lần liền. Cuối cùng, anh cũng tới được lối quay về Creel, và buổi ngâm mình thư giãn trong nước nóng đã biến thành một cuộc chạy marathon đường mòn gian khổ. Lúc bị tôi tóm trong khách sạn, anh chưa ăn chút gì từ lúc Mặt trời mọc và sắp lả đi vì đói. “Tôi luôn bị lạc và phải trèo dốc dựng đứng, với chai nước cắn giữa hai hàm răng, và lũ chim ó lượn vòng trên đầu.” Anh nói. “Thật tuyệt.” Một trong những điều đầu tiên và quan trọng nhất mà anh học được từ người Tarahumara là khả năng vọt chạy đi bất kỳ lúc nào, giống như việc con sói sẽ làm khi đánh hơi được một con thỏ. Đối với Caballo, chạy bộ đã trở thành cách di chuyển ưu tiên số một, như dân ngoại thành lái ô tô; đến bất kỳ nơi nào, anh cũng bước đi với tâm trạng phấn chấn, lên đường và mang theo rất ít đồ đạc, như những thợ săn thời Đá mới và chẳng quan tâm đến chuyện sẽ đi tới điểm nào hoặc xa tới tận đâu. “Nhìn này!” Anh nói, chỉ tay vào cái quần leo núi cũ mèm và đôi xăng đan Teva đáng vứt vào thùng rác từ lâu. “Tôi chỉ ăn mặc như vậy thôi, và tôi luôn luôn mặc như vậy đó.” Anh ngừng lại, xúc món đậu cay đổ vào miệng, và nhồi đám thức ăn đó xuống bằng cách tu một hơi dài từ chai Tecate. Caballo đánh sạch một bát và được Mamá tiếp thêm nhanh tới mức anh chẳng chậm lại một nhịp, đưa tay từ bát, lên miệng, tới chai bia với hiệu suất tối ưu, như thể bữa tối này không phải là điểm kết thúc của một buổi tập dài, mà là phần tập luyện tiếp theo vậy. Âm thanh mà anh phát ra từ phía bên kia bàn nghe như tiếng bơm xăng vào bình xăng xe: xúc, nhồm nhoàm, nhồm nhoàm, ừng ực, xúc, nhồm nhoàm, nhồm nhoàm, ừng ực… Thỉnh thoảng, anh lại ngẩng đầu lên và kể tiếp một đoạn ngắn theo mạch câu chuyện, sau đó lại cắm đầu vào bát. “Đúng rồi, anh bạn, tôi từng là võ sĩ, hạng năm trên thế giới.” Rồi lại quay lại với cái thìa. “Anh làm tôi nổi cáu vì thình lình từ đâu chui ra. Ở đây có đủ các vụ bắt cóc và giết người. Toàn những vụ bẩn thỉu dính đến ma túy. Một người quen của tôi bị bắt cóc, vợ anh ta trả một khoản tiền chuộc lớn, song anh ta vẫn bị giết. Tởm lắm. May là tôi chẳng có gì hết. Tôi chỉ là gã lạ mặt lang thang, chạy bộ cùng người Rarámuri khiêm nhường.” “Xin lỗi!” Tôi định mở lời, nhưng thấy anh đã cắm mặt vào món đậu. Tôi chưa muốn làm Caballo khó chịu với những câu hỏi, dù nghe anh kể chuyện chẳng khác nào đi xem một bộ phim nghệ thuật tua nhanh; những tổn thương, những chuyện đùa, ảo tưởng, những hồi tưởng, hận thù, tội lỗi từ những hận thù đó, những mảnh tri thức cổ xưa luôn ám ảnh – tất cả đều tuôn ra vừa mờ ảo vừa chóng vánh khó mà nắm bắt hết được. Anh kể một câu chuyện, rồi lại nhảy sang câu chuyện khác, rồi bỏ qua và chuyển sang câu chuyện thứ ba, quay trở lại để sửa một chi tiết trong câu chuyện thứ nhất, phàn nàn về một gã trong câu chuyện thứ hai, rồi lại xin lỗi vì đã phàn nàn về gã kia bởi vì, gã đã dành cả cuộc đời mình để kiểm soát cơn giận dữ, và đó lại là cả một câu chuyện khác… Tên anh là Micah True, theo lời anh kể, đến từ bang Colorado. À, mà thực ra là California. Và nếu như tôi thực sự muốn hiểu được người Rarámuri, tôi đáng nhẽ phải có mặt ở đây khi một ông già 95 tuổi leo 25 dặm qua một ngọn núi. Biết tại sao ông ấy có thể làm được điều đó không? Vì chẳng ai từng nói là ông không thể làm được. Chưa từng ai nói với ông rằng ông nên chờ chết trong một trại dưỡng lão. Anh bạn ạ, hãy sống như chính mình mong đợi. Giống như lúc anh tự đặt tên mình theo con chó cưng. Cái tên “True” thực ra bắt nguồn từ đó, tên con chó già của anh. Anh chẳng bao giờ xứng với con chó già ngoan ngoãn tên True, nhưng đó cũng lại là một câu chuyện khác… Tôi chờ đợi, cào cào móng tay lên nhãn chai bia, và băn khoăn liệu anh có lúc nào dịu bớt xuống để tôi kịp hiểu anh đang nói gì. Dần dần, tay thìa của Caballo cũng chậm lại và dừng hẳn. Anh tu hết chai bia Tecate thứ hai và ngồi ngả ra, thỏa mãn. “Guadajuko!” Anh cười nhe răng và nói. “Từ đó đáng để học đấy. Theo tiếng Rarámuri, nó nghĩa là ‘ngầu’.” Tôi đẩy tiếp chai Tecate thứ ba sang phía bên kia bàn. Anh nheo mắt nhìn vẻ nghi ngại, như dưới ánh mặt trời chói chang vậy. “Tôi không chắc đâu!” Anh đáp. “Cả ngày đã chẳng ăn gì rồi. Tôi không bền sức được như người Rarámuri đâu.” Nhưng anh cầm chai bia lên rồi nhấp một ngụm. Leo trèo khát khô cả ngày lên đỉnh núi cao vút. Anh tu ừng ực một hơi dài, rồi ngả người thư giãn trên ghế, gác chân lên và đan tay trước cái bụng phẳng lì của mình. Có điều gì đó vừa lóe lên trong đầu anh; tôi có thể cảm nhận được trước khi anh tiếp tục nói. Có vẻ như anh cần nốt chỗ bia cuối cùng để thả lỏng, hoặc cần phải xả nốt chút cảnh giác cuối cùng trước khi đi vào câu chuyện chính. Vì khi Caballo mở miệng lần này, tôi như bị mê hoặc. Anh nói chuyện đến tận khuya, kể một câu chuyện kinh ngạc trải suốt 10 năm từ khi anh biến mất khỏi thế giới bên ngoài, trong đó có bao nhiêu nhân vật kỳ dị, những chuyến phiêu lưu sửng sốt, và những trận so găng quyết liệt. Và, ở cuối câu chuyện đó, là một kế hoạch. Một kế hoạch táo bạo. Một kế hoạch, mà tôi dần dần nhận ra, là có cả tôi trong đó. Chương 8 Để thấu hiểu tầm nhìn của Caballo, bạn phải quay lại đầu thập niên 90, khi một nhiếp ảnh gia chuyên chụp cảnh hoang dã đến từ bang Arizona tên là Rick Fisher tự hỏi mình một câu hỏi hiển nhiên: nếu như người Tarahumara là những người chạy bộ bền bỉ nhất, thì tại sao họ không tung hoành khắp các giải đấu khó nhằn nhất trên thế giới? Có lẽ, đã đến lúc họ cần gặp Fisherman – Ngư Ông. Ai cũng sẽ có lợi, Fisher nhìn ra điều đó. Mấy thị trấn lười biếng hay được lên sóng truyền hình vì có các cuộc đua kỳ quặc, Ngư Ông sẽ biến thành Thợ Săn Cá Sấu đi tìm các Bộ lạc Mất tích, còn người Tarahumara được lăng xê tột đỉnh và trở thành mật ngọt của giới truyền thông. Tất nhiên, người Tarahumara là đám người rụt rè trước công chúng nhất hành tinh, và suốt nhiều thế kỷ qua đã trốn tránh khỏi các mối dây dưa với thế giới bên ngoài, nhưng… Thực ra, Fisher sẽ phải lo đối phó với vướng mắc đó sau; còn hiện giờ, anh có vài rắc rối rất khó nhằn. Chẳng hạn, anh chẳng biết chút gì về chạy bộ, và hầu như không nói được tí tiếng Tây Ban Nha nào, chứ đừng nói đến tiếng của người Rarámuri. Anh không biết phải tìm người chạy bộ Tarahumara ở đâu, và cũng chẳng biết phải thuyết phục họ thế nào để họ đi theo, rời bỏ chỗ trú ẩn an toàn trong các hang động và đi thẳng vào hang ổ của Quỷ Râu Rậm. Và, đó mới chỉ là các tiểu tiết: giả sử như anh ta tập hợp được một đội điền kinh gồm toàn người Tarahumara, thì làm cách nào anh có thể đưa họ ra khỏi vùng thung lũng mà không có xe cộ, và vào được nước Mỹ mà không có hộ chiếu? May thay, Fisher có một số biệt tài hữu dụng. Đứng đầu bảng là khả năng dò đường như gắn sẵn GPS trong đầu. Fisher giống như chú mèo nhà bất thình lình xuất hiện tại nhà ở Wichita sau khi bị lạc trong chuyến đi nghỉ tận Alaska. Khả năng đánh hơi tìm đường xuyên qua vùng thung lũng rối rắm của anh có thể nói là không có đối thủ trên cả hành tinh này, và gần như là bản năng thuần túy. Fisher chưa từng nhìn thấy thứ gì sâu hơn một cái rãnh trước khi rời vùng trung tây đến Đại học Arizona, nhưng khi tới nơi, anh ngay lập tức lao mình vào những nơi không ai dám đến. Khi còn là sinh viên, anh đã bắt đầu khám phá dải thung lũng Mogollon rắc rối như mê cung của bang Arizona, cả gan đi vào đây ngay sau khi trưởng nhóm thám hiểm Phoenix’s Sierra Club vừa mất mạng trong đó vì một cơn lũ quét chẳng hiếm gặp. Fisher, hoàn toàn không có kinh nghiệm và đồ nghề của Hướng đạo sinh, chẳng những đã sống sót, mà còn quay trở lại với những bức ảnh đẹp mê hồn của một vùng kỳ ảo dưới lòng đất. Ngay cả Jon Krakauer, nhà thám hiểm tài ba và là tác giả của cuốn Into Thin Air (Tan biến), cũng phải thán phục. “Rick Fisher hoàn toàn có thể tuyên bố chủ quyền cao nhất đối với dải thung lũng Mogollon và vô số những bí ẩn trong đó.” Krakauer đã kết luận như vậy từ đầu sự nghiệp của Fisher, sau khi Fisher dẫn ông tới “một lát cắt mê hoặc của Trái đất, không như bất kỳ nơi nào mà người ta từng thấy” – một thế giới kiểu Willy Wonka1 với các hồ nước xanh như ngọc, các tòa tháp pha lê màu hồng, và những thác nước ngầm dưới đất. 1 Nhân vật ông chủ nhà máy sôcôla kỳ dị trong cuốn sách thiếu nhi kinh điển Charlie và nhà máy sôcôla của Roald Dahl. (BTV) Điều này lại gợi nhắc tới một số kỹ năng khác của Rick Fisher: khi nói tới việc lôi kéo công chúng và thuyết phục người ta làm những điều đáng ra không nên làm, Fisher có thể khiến các mục sư giảng đạo trên ti vi phải hổ thẹn (và nếu quả thực họ biết hổ thẹn). Hãy nghe Krakauer kể lại câu chuyện kinh điển của Ngư Ông, chuyện Fisher thực hiện một chuyến đi bằng bè ở Copper Canyon khoảng giữa những năm 1980. Fisher thực sự không rõ mình sẽ đi tới đâu, nhưng anh bị cám dỗ bởi so sánh của Krakauer, “chuyến thám hiểm vào vùng thung lũng đó cũng tương tự như khám phá Himalaya.” Vậy mà anh ta vẫn xoay xở để thuyết phục được hai người bạn – một chàng trai và cô bạn gái của anh này – đi cùng. Mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ… cho tới khi Fisher chẳng may dừng chiếc bè lại ngay cạnh một cánh đồng bồ đà. Bất thình lình, một tên lính gác của băng ma túy xuất hiện với khẩu súng trường đạn đã lên nòng. Không hề gì. Fisher chỉ việc rút ra một mớ bài báo về mình mà anh mang đi khắp nơi (đúng vậy, ngay cả trên bè mảng ướt nhẹp xuyên qua vùng đất nguy hiểm không nói tiếng Anh ở Mexico). Thấy chưa! Các anh không muốn gây rắc rối cho tôi đâu. Tôi, ờ, nói thế nào nhỉ – importante! ¡Muy importante! – Tôi quan trọng lắm đấy! Tên lính gác lúng túng, đành phải để họ chèo bè qua, để rồi sau đó, Fisher lại cập bến vào một nơi cắm trại khác của dân buôn ma tuý. Sự việc lần này nghiêm trọng hơn. Nhóm của Fisher bị bao vây bởi một đám côn đồ – thiếu đàn bà giữa chốn hoang vu – đang say xỉn và cực kỳ thèm khát. Một trong bọn chúng tóm lấy cô gái người Mỹ. Khi bạn trai cô cố kéo cô lại, anh ta bị dộng một nòng súng vào ngực. Và Fisher nổi đóa. Lần này, thay vì khoe đám tranh ảnh, bài báo; anh nổi điên lên. “Chúng mày là muy malos hombres!” Anh hét lên trong cơn giận dữ tột đỉnh, gọi đám côn đồ là “quân mất dạy” với vốn tiếng Tây Ban Nha của trẻ con cấp hai. “¡Muy muy malos!” Anh tiếp tục gào thét lên cho tới khi, theo lời kể của Krakauer, đám buôn ma túy cuối cùng phải ngăn gã điên gào thét bằng cách xô anh sang một bên và bỏ đi. Fisher vừa thoát án tử bằng cách cào mặt ăn vạ – và tất nhiên, anh phải đảm bảo rằng nhà báo Krakauer biết việc này. Fisher thích tự lăng xê mình, điều này không có gì phải nghi ngờ, và vì vậy, anh tìm đủ cớ để khuếch trương danh tiếng. Trong khi hầu hết những nhà thám hiểm miền hoang dã trong những năm 80 đang hướng lên trên, đua với Reinhold Messner để leo lên 14 đỉnh cao nhất trên dãy Himalaya, thì Rick Fisher lại rúc sâu xuống các vương quốc lạ kỳ dưới nền đất. Dựa trên các ghi chép của Đại uý Frederick Bailey, điệp viên người Anh tình cờ phát hiện ra một thung lũng ẩn mình ở Tây Tạng vào những năm 1930 khi đang do thám các nhóm phiến loạn ở châu Á, Fisher đã giúp tìm ra Kintup trong truyền thuyết, một thác nước gầm gào che giấu lối vào hang động sâu nhất hành tinh. Từ đó trở đi, Fisher mò vào được tới những thế giới đã mất trên năm lục địa, lướt qua các vùng chiến sự và những đám phiến quân sát nhân để đi tiên phong trong việc leo sâu xuống lòng đất ở Bosnia, Ethiopia, Trung Quốc, Namibia, Bolivia và lại Trung Quốc nữa. Các điệp viên, những viên đạn réo, những vương quốc từ thời tiền sử… ngay cả Ernest Hemingway cũng sẽ phải nín lặng và nhường bước khi Fisher bước vào trong quán bar. Nhưng dù đã đi được tới những đâu, Fisher vẫn luôn quay lại quê hương để theo đuổi mối tình sâu đậm nhất của mình: cô hàng xóm quyến rũ, Copper Canyon. Trong một chuyến thám hiểm vào Barrancas, Fisher và vị hôn thê, Kiy Williams, đã làm bạn với Patrocinio López, một chàng trai Tarahumara trẻ tuổi lang thang vào thế giới hiện đại khi một con đường lấy gỗ lấn vào mảnh đất quê hương anh. Patrocinio đẹp trai như tài tử Hollywood và chơi loại đàn hai dây chabareke của người Tarahumara rất giỏi, sẵn lòng làm việc với Quỷ Râu Rậm tới mức Văn phòng Du lịch của Chihuahua lấy anh làm gương mặt cho Copper Canyon Express, chuyến tàu cổ điển hạng sang thường nổi còi dừng lại dọc vùng Barrancas, du khách ngồi trong các toa tàu có điều hòa, được chăm sóc bởi các nhân viên phục vụ đeo nơ, trong khi nhìn ngắm thiên nhiên hoang dã phía dưới. Công việc của Patrocinio là tạo dáng trên các bức áp phích với một cây vĩ cầm tự đẽo bằng tay (một di sản thủ công từ thời thổ dân còn làm nô lệ cho người Tây Ban Nha), ngụ ý rằng người Tarahumara dưới thung lũng chỉ là một đám người hiền hậu suốt ngày chơi vĩ cầm. Rick và Kiy ngỏ ý nhờ Patrocinio dẫn họ tới xem một trận rarájipari, môn chạy đua dẫn bóng cổ đại của người Tarahumara. Có thể. Patrocinio trả lời, trước khi thể hiện rằng anh đã hòa nhập với thế giới hiện đại đến mức nào. Nếu ông bà sẵn sàng trả tiền. Anh đề nghị với Rick và Kiy rằng sẽ kêu gọi một số người chạy bộ, nếu họ cho ngựa chở thực phẩm vào cho cả làng anh. Được chứ? Đồng ý. Rick và Kiy cung cấp thực phẩm, và Patrocinio tổ chức một cuộc đua nảy lửa. Khi Rick và Kiy vào làng, họ không phải chỉ được thấy một trận đấu hữu nghị quy mô nhỏ. Thay vào đó, là 34 người đàn ông Tarahumara không mặc gì ngoài mớ khố vải và dép xăng đan, đang được các thầy lang xoa bóp trước cuộc đua và ăn nốt cốc iskiate cuối cùng. Sau tiếng hô của già làng, họ lao đi, chạy dọc xuống đường mòn nền đất dài 60 dặm, cả đám người cuồng nhiệt gần như mất kiểm soát, không khoan nhượng, chạy từ sáng sớm tới đêm khuya, ào qua Rick và Kiy với tốc độ và đội hình chặt chẽ như có thần giao cách cảm với nhau, chẳng khác nào đàn chim sẻ di cư. Ôi! ĐÂY mới thực sự là chạy bộ! Kiy, một người chạy bộ đường dài dày dạn kinh nghiệm, cũng bị mê hoặc. Cô lớn lên được ngắm nhìn cha mình, Ed Williams, dù cho ông sống ở vùng hạ lưu sông Mississippi, vẫn trở thành một tay đua chạy bộ đường núi không ai ngăn cản nổi. Bằng chứng về sự đáng gờm của Ed là trong tất cả các giải đua chạy bộ trên thế giới, ông thích nhất là giải Leadville Trail 100 khét tiếng, cuộc đua cự ly siêu marathon 100 dặm được tổ chức ở bang Colorado mà ông ta đã hoàn thành 12 lần. Và đến nay, ở tuổi 70, ông vẫn tiếp tục chạy bộ. Một cuộc hôn phối đẹp đẽ đang hình thành trong đầu Rick: Patrocinio có thể kiếm người chạy bộ và cha vợ tương lai của anh, Ed, có thể giúp anh móc nối với nội bộ giải đua danh tiếng này. Tất cả những gì còn lại mà anh phải làm là kêu gọi tài trợ ngô để dụ dỗ người Tarahumara, và tìm một công ty sản xuất giày để cung cấp cho họ thứ gì đó bền chắc hơn mấy đôi xăng đan kia, và rồi… Fisher tiếp tục vạch kế hoạch, mà hoàn toàn không hay mình đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho một thất bại. Chương 9 Làm bạn với cơn đau, bạn sẽ không bao giờ đơn độc. - Ken Chlouber, Người khai mỏ ở Colorado và là người kiến tạo giải đua Leadville Trail 100 Sơ hở lớn trong kế hoạch của Rick Fisher chính là việc giải đua Leadville được tổ chức ở Leadville. Nằm trong một thung lũng khoảng hai dặm đi ngược lên rặng núi Colorado Rockies, Leadville là thành phố cao nhất Bắc Mỹ và trong nhiều ngày, đó còn là thành phố lạnh nhất (đến mức sở cứu hỏa không thể rung chuông vào mùa đông, sợ rằng nó sẽ vỡ vụn). Ngay từ lần đầu nhìn thấy những đỉnh núi đó, những người đầu tiên đến định cư đã thấy lạnh run. “Vì ở đó, trước những cặp mắt ngỡ ngàng, mờ mờ đằng xa là hiện tượng địa chất kỳ vĩ và bí hiểm nhất hành tinh.” Christian Buys, sử gia Leadville, kể lại. “Họ như đến một hành tinh khác. Nơi này xa xôi và đáng sợ đối với bất kỳ ai, nhưng cũng khơi gợi nguồn đam mê thám hiểm bậc nhất.” Tất nhiên, từ đó tới nay mọi việc đã được cải thiện: đội cứu hỏa bây giờ dùng còi hiệu. Còn những chuyện khác thì… “Leadville trở thành quê hương của thợ mỏ, con nợ, và những kẻ đểu cáng.” Theo lời của Ken Chlouber, một gã bá vơ, chuyên đi thuần dưỡng ngựa hoang, cưỡi xe Harley, từng là thợ mỏ cứng cựa, khi anh ta tạo nên giải đua Leadville Trail 100, vào năm 1982. “Những người sống ở độ cao hơn 3.000 m có khí chất khác biệt.” Dù biết họ bền bỉ đến mấy đi nữa nhưng khi nghe đến ý tưởng của Ken, bác sĩ hàng đầu ở Leadville cũng phải nổi đóa. “Anh không thể để người ta chạy 100 dặm trên độ cao này được.” Bác sĩ Robert Woodward phản đối. Ông tức giận tới mức đã chĩa ngón tay vào mặt Ken, tất nhiên là số phận ngón tay đó chẳng thể tốt đẹp gì. Nếu bạn đã từng nhìn thấy Ken, với đôi ủng mũi thép chứa đôi bàn chân cỡ 13 và cái nhăn mặt rúm ró như tảng đá mà anh ta thường xuyên trưng ra để kiếm sống, bạn sẽ hiểu ngay rằng đừng có dại mà đưa tay lại gần mặt anh ta, trừ khi đang say be bét hoặc cực kỳ nghiêm túc. Bác sĩ Woodward lúc đó không say. “Anh sẽ giết chết bất cứ kẻ nào ngu ngốc đi theo anh!” “Đếch sao!” Ken đáp trả. “Giết bớt vài người sẽ làm chúng ta nổi tiếng trở lại trên mặt bản đồ.” Không lâu trước cuộc tranh cãi nảy lửa của Ken và bác sĩ Woodward vào ngày mùa thu năm 1982 lạnh lẽo đó, mỏ Climax Molybdenum đã bị đóng cửa, và hầu hết mọi người ở Leadville mất việc. “Moly” là chất khoáng làm gia tăng độ bền chắc cho thép, dùng trong sản xuất tàu chiến và xe tăng, vì vậy, khi Chiến tranh Lạnh dịu xuống, thì thị trường chất moly cũng hạ nhiệt. Gần như chỉ sau một đêm, Leadville không còn là thị trấn náo nhiệt với cửa hiệu kem lâu đời trên con phố chính cổ kính, mà biến thành thành phố tuyệt vọng, đói việc nhất Bắc Mỹ. Cứ mười người lao động ở Leadville thì có tám người làm việc ở mỏ Climax, và hai người còn lại thì phụ thuộc vào tám người này. Từng tự hào là nơi có thu nhập trên đầu người cao nhất bang Colorado, nơi này bỗng chốc trở thành vùng nghèo nhất bang. Thành phố đã ở tình trạng không thể tồi tệ hơn. Và rồi nó đã trở nên tệ hại hơn nữa. Những người hàng xóm của Ken suốt ngày say xỉn, đánh đập vợ mình, rồi rơi vào trầm cảm, hoặc phải bỏ xứ mà đi. Một dạng rối loạn tâm thần quy mô lớn xảy ra trên khắp thành phố, màn đầu của một xã hội văn minh tàn lụi: người ta mất công việc vốn mang lại miếng cơm manh áo; để rồi, sau các vụ đâm chém, bắt bớ, những lời cảnh báo tịch biên tài sản, họ mất luôn cả khát vọng cuộc đời. “Số người thu dọn đồ đạc và bỏ đi lên đến con số hàng trăm.” Bác sĩ John Perna, người phụ trách phòng cấp cứu Leadville, nhớ lại. Phòng cấp cứu của ông bận rộn như trạm quân y dã chiến và phải đối mặt với đủ chấn thương mới. Thay vì các chấn thương kiểu sái chân, kẹp nát ngón tay do tai nạn lao động, bác sĩ Perna phải cắt bỏ ngón chân của thợ mỏ say ngất ngoài trời tuyết, và gọi cảnh sát cho các bà vợ đi cấp cứu giữa đêm với xương gò má bị vỡ, mang theo lũ trẻ con sợ hãi. “Chúng tôi đang trượt dần vào tình trạng chán nản chết người.” Bác sĩ Perna kể. “Và cuối cùng, chúng tôi phải đối mặt với sự biến mất của cả thành phố.” Quá nhiều thợ mỏ đã bỏ đi, và số công dân cuối cùng của Leadville còn chẳng ngồi kín mảng khán đài lộ thiên ở sân bóng trong một giải đấu cỡ nhỏ. Niềm hy vọng duy nhất của Leaville là du lịch, và nó cũng vô vọng nốt. Kẻ ngu ngốc nào lại đi nghỉ ở một nơi có đến chín tháng lạnh giá, chẳng có sườn núi nào đáng để trượt tuyết, và không khí thì loãng đến mức ngay cả hít thở thôi cũng đã là bài tập cardio. Vùng nông thôn của Leadville thì khắc nghiệt tới mức, Sư đoàn Sơn cước số 10 tinh nhuệ của lục quân thường lấy làm nơi luyện tập tác chiến Alpine (chiến đấu trên núi tuyết khắc nghiệt). Tồi tệ hơn nữa, tai tiếng của Leadville cũng đáng sợ như địa lý của nó. Trong nhiều thập kỷ, nơi đây là thành phố man dại nhất tại Miền Tây hoang dã, “một cái bẫy chết người,” như một sử gia từng ghi lại, “mà còn vỗ ngực huênh hoang về sự suy đồi của bản thân.” Holliday, một nha sĩ biến chất thành con bạc tay lăm lăm súng, thường hay giao du tại quán rượu với gã bạn Wya Earp, nổi danh với tài bắn nhanh và cuộc đọ súng ở O.K Corral. Jesse James cũng thường lẻn đến nơi này, bị cuốn hút bởi các toa tàu chở vàng và những nơi lẩn trốn tuyệt hảo trong các ngọn núi gần đó. Đến tận cuối những năm 1940, lính đặc nhiệm của Sư đoàn Sơn cước số 10 vẫn bị cấm đi vào trung tâm Leadville; họ có thể đáng sợ đối với quân phát xít Đức, nhưng chẳng là gì với đám bợm bạc cũng như gái điếm sát nhân, những tay trùm kiểm soát State Street. Leadville quả thực là một nơi khắc nghiệt, Ken biết rõ điều này. Ở đây, đàn ông rất khó nhằn, và phụ nữ còn ghê gớm hơn nữa, và… Khốn thật! Tất cả chỉ có vậy. Nếu điều đáng giá duy nhất còn lại của Leadville là sự gan góc, thì phải lấy chính nó làm thế mạnh. Ken đã nghe nói về một gã ở California, một thổ dân tóc dài miền sơn cước tên là Gordy Ainsleigh, con ngựa của gã bị què ngay trước khi diễn ra sự kiện thi đấu sức bền ngựa đua lần đầu trên thế giới, giải đua ngựa đường mòn Western States Trail Ride. Gordy vẫn quyết định thi đấu. Gã xuất hiện tại vạch xuất phát với đôi giày thể thao và chạy bộ hết 100 dặm xuyên qua Sierra Nevada. Gã uống nước từ các con suối, được bác sĩ thú y kiểm tra sức khỏe tại các trạm y tế, và hoàn thành trước thời gian giới hạn 24 giờ cho đám ngựa, mà vẫn còn thừa 17 phút. Hẳn nhiên, Gordy không phải kẻ điên khùng nhất California, năm sau, một người chạy bộ khác xuất hiện trong cuộc đua ngựa… và năm tiếp sau đó nữa… cho tới năm 1977, người đua đã đông hơn cả ngựa, và giải Western States đã trở thành giải chạy bộ 100 dặm đầu tiên trên thế giới. Ken chưa từng chạy marathon, nhưng nếu một gã lập dị nào đó ở California có thể chạy hết 100 dặm, thì nó có khó lắm không? Thêm nữa, một cuộc đua bình thường sẽ chẳng mấy ý nghĩa; nếu muốn trụ được, Leadville cần một sự kiện với sức mạnh khiếp hãi, để bật lên giữa các cuộc đua 26,2 dặm nhàng nhàng như nhau. Vì vậy, thay vì một giải marathon, Ken đã tạo ra một con quái vật. Để hình dung thứ mà Ken nghĩ ra, bạn hãy thử chạy giải Boston Marathon hai lần liền với một chiếc tất nhét trong miệng và sau đó leo lên đỉnh Pikes Peak. Xong chưa nào? Tuyệt! Bây giờ, làm lại tất cả các việc đó một lần nữa, lần này, nhắm mắt. Về cơ bản thì giải Leadville Trail 100 là như vậy: gần bốn cuộc marathon, một nửa trong số đó là trong bóng đêm, cộng thêm việc phải leo gần 800 m ở quãng giữa. Điểm xuất phát giải Leadville cao gấp đôi độ cao mà các máy bay bắt đầu phải điều chỉnh áp suất trong khoang, và từ điểm đó, bạn chỉ có đi lên cao hơn. “Bệnh viện kiếm bộn tiền từ chúng tôi.” Ken Chlouber vui vẻ xác nhận, sau 25 năm kể từ cuộc đua đầu tiên và cuộc tranh cãi nảy lửa giữa anh ta với bác sĩ Woodward. “Đó là dịp cuối tuần duy nhất mà tất cả giường trong khách sạn và phòng cấp cứu đồng thời kín chỗ.” Ken biết rõ điều này. Anh đã chạy tất cả các giải Leadville, dù đã phải nhập viện do mất nhiệt trong lần chạy thử đầu tiên. Các tay đua giải Leadville thường xuyên ngã khỏi bờ dốc, vỡ mắt cá, bị phơi quá lâu ngoài trời, gặp các chứng loạn nhịp tim kỳ lạ và say độ cao. May thay, giải Leadville chưa từng lấy mạng ai, có thể là bởi nó thường ép người ta đến nước đầu hàng, trước khi họ kịp gục ngã. Dean Karnazes, tự xưng là “Người chạy siêu marathon”, đã không thể hoàn thành giải đua trong hai lần đầu tiên; sau khi chứng kiến anh ta bỏ cuộc hai lần, người Leadville tặng cho anh ta biệt danh: “Ofer” (“O fer one, O fer two… “ – “Trắng tay lần một, trắng tay lần hai…”). Hằng năm, chưa đến một nửa số người tham dự hoàn thành được giải này. Không có gì ngạc nhiên, một giải đua với số người thất bại nhiều hơn số người hoàn thành sẽ thu hút đám vận động viên rất khác thường. Trong năm năm liền, nhà vô địch giải Leadville là Steve Peterson, thành viên của một giáo phái tâm thức bậc cao tên là Divine Madness (Cơn điên loạn thần thánh), giáo phái tìm kiếm niết bàn thông qua các bữa tiệc tình dục, chạy bộ đường mòn cực hạn, và cung cấp dịch vụ lau dọn nhà cửa giá rẻ. Một huyền thoại của giải Leadville là Marshall Ulrich, một ông trùm ngành thức ăn cho chó, một người nhã nhặn, và đã gọt giũa bản thân bằng cách phẫu thuật gỡ bỏ móng chân. “Đằng nào thì nó cũng rụng suốt.” Marshall nói. Khi Ken gặp Aron Ralston, người leo núi đã tự cắt bỏ bàn tay bằng một lưỡi dao cùn trong bộ dụng cụ đa năng vì kẹp tay vào một tảng đá lăn, Ken đã đưa ra một lời đề nghị kinh ngạc: nếu Aron muốn chạy giải Leadville, anh sẽ không phải đóng phí. Hết thảy đều sửng sốt. Nhà đương kim vô địch muốn trở lại thi đấu trong giải cũng phải đóng tiền. Đại tông sư anh hùng Ed Williams vẫn phải trả tiền. Ken cũng phải trả tiền. Nhưng Aron lại được chạy miễn phí – Tại sao? “Anh ta chính là tinh hoa của Leadville.” Ken nói. “Chúng ta có một khẩu hiệu: bạn mạnh mẽ hơn bạn nghĩ, và bạn có thể làm được nhiều hơn bạn tưởng. Người như Aron, anh ta cho đám còn lại chúng ta thấy mình có thể làm được gì nếu quyết tâm nỗ lực hơn nữa.” Bạn có thể nghĩ rằng Aron tội nghiệp đã phải chịu đựng đủ rồi, nhưng chỉ hơn một năm sau tai nạn, anh đã nhận lời đề nghị của Ken. Với cánh tay giả vung vẩy bên mình, Aron đến vạch đích sớm hơn thời gian 34 tiếng giới hạn của giải và về nhà với một mặt thắt lưng bạc, và là minh chứng rõ hơn cho lời Ken về chuyện làm thế nào hoàn thành được giải Leadville này: Bạn không cần phải nhanh. Bạn chỉ cần không biết sợ hãi. Chương 10 Thật hoàn hảo! Leadville chính là buổi trình diễn hoang dại, dữ dằn đến nghẹt thở mà Rick Fisher đang tìm kiếm. Như thường lệ, anh muốn phải thật nổi đình nổi đám, và một ngày hội như giải Leadville chính là cơ hội. Có lẽ nào ESPN lại không nhẩy cẫng lên khi quay được cảnh những anh chàng đẹp trai mặc váy, phá tan kỷ lục của một cuộc đua huyền thoại nổi danh là giải chạy ăn thịt người? Tất nhiên là phải cắn câu rồi! Vì vậy, tháng 8 năm 1992, Fisher lại rồ máy, quay trở lại làng của Patrocinio trên chiếc Chevy Suburban cũ kỹ. Anh lấy được giấy thông hành từ Bộ du lịch Mexico, và có một khoản trả công bằng ngô cho các tay đua. Trong khi đó, Patrocinio dụ dỗ được năm người cùng làng tin tưởng vào gã chabochikỳ lạ và sốt sắng với cái tên chẳng thoát nổi khỏi miệng họ. Tiếng Tây Ban Nha không có âm “sh”, vì vậy Fisher nhanh chóng được thưởng thức óc hài hước tinh ranh của người Tarahumara khi được đội hình mới thành lập gọi bằng cái tên Pescador – Ngư Ông (the Fisherman). Dĩ nhiên, như vậy dễ phát âm hơn; nhưng nó cũng đồng thời mô tả chính xác tính cách tham lam của anh này, với cơn thèm khát câu được con cá lớn luôn tỏa ra như từng đợt hơi nóng phả ra từ mui xe ô tô đang nổ máy. Thây kệ. Fisher chẳng quan tâm. Họ cứ việc gọi anh là Tiến sĩ Óc Ngắn cũng được, miễn là họ nghiêm túc khi cuộc đua bắt đầu. Ngư Ông tống đội chạy của mình lên chiếc Chevy và giẫm ga tiến đến Colorado. Vào ngày diễn ra giải đua, ngay trước bốn giờ sáng, đám đông ở vạch xuất phát tại Leadville đã phải cố kiềm chế để không nhìn chòng chọc vào năm người đàn ông mặc váy, đang loay hoay với đám dây buộc xa lạ của đôi giày bóng rổ bằng vải đen mà Ngư Ông đã kiếm cho họ. Những người Tarahumara thay nhau rít vài hơi cuối từ điếu thuốc lá màu đen, rồi rụt rè di chuyển về cuối đoàn đua trong khi 290 người còn lại đồng thanh hô Ba… hai… Bùùùùm! Thị trưởng Leadville nổ phát đạn ra hiệu lệnh xuất phát từ khẩu súng săn nòng loe cỡ lớn cũ kỹ và những người Tarahumara lao vào cuộc đua để thể hiện tài năng. Nhưng chỉ được một lúc. Chưa chạy được nửa đường, tất cả các tay đua Tarahumara đều bỏ cuộc. Khốn kiếp thật! Fisher gằn lên vào bất cứ cái tai nào mà anh túm được. Đáng lẽ tôi không nên bắt họ đi mấy đôi giày đó, và chẳng ai nói cho họ biết rằng họ sẽ được ăn tại các trạm tiếp tế. Tất cả là lỗi của tôi. Họ chưa nhìn thấy đèn pin bao giờ, vì thế, họ cứ bị hút theo mấy ánh đèn đó như những ngọn đuốc… Ôi dào, chuyện xưa như Trái đất. Vẫn là câu chuyện về người Tarahumara gây thất vọng, vẫn là những lý do kiểu Tarahumara cũ nhách. Chỉ có vài sử gia điền kinh thực sự bị ám ảnh bởi môn này mới biết rằng, Mexico từng đưa một cặp vận động viên người Tarahumara đến thi đấu nội dung marathon tại Olympic năm 1928 ở Amsterdam và cả kỳ Olympic 1968 tại Mexico City. Cả hai lần, người Tarahumara đều không giành được tấm huy chương nào. Lý lẽ của những lần đó là cự ly 26,2 dặm quá ngắn, cuộc dạo chơi marathon ngắn ngủi đó đã kết thúc trước khi họ có cơ hội cài sang số cao. Có thể là như vậy. Nhưng nếu những người này thực sự là siêu nhân tốc độ như đồn đại, tại sao họ không bao giờ chiến thắng được ai? Không ai quan tâm khi bạn ném rổ ba điểm bách phát bách trúng ở sân sau. Quan trọng là bạn phải thể hiện được điều đó trong trận đấu. Và trong suốt một thế kỷ, người Tarahumara chưa bao giờ thi đấu ở bên ngoài mà không gây thất vọng. Fisher băn khoăn mãi về điều này trên chặng đường dài trở về Mexico, và rồi, một ý nghĩ lóe lên. Tất nhiên rồi! Cũng giống như tại sao bạn không thể nhặt bất kỳ năm đứa trẻ trong một sân trường ở Chicago và rồi mong đợi chúng đánh bại được đội Bulls: không phải cứ là người Tarahumara thì bạn sẽ là người chạy bộ Tarahumara vĩ đại. Patrocinio cố sức giúp Fisher bằng cách tuyển mộ những người chạy bộ sống gần con đường mới trải nhựa, vì anh nghĩ họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi bị đám người bên ngoài vây quanh, và cũng dễ dàng hơn để tập hợp họ cho chuyến đi. Nhưng cũng như điều mà Ủy ban Olympic Mexico đáng lẽ phải nhận ra nhiều năm trước, những người Tarahumara dễ tuyển mộ nhất có thể không phải là những người đáng tuyển mộ. “Cứ thử thêm lần nữa!” Patrocinio giục giã. Các nhà tài trợ của Fisher đã quyên cả núi ngô cho làng của Patrocinio, và anh không muốn mất món của trời cho ấy. Lần này, anh mở rộng đội hình ra khỏi làng mình. Anh đi sâu vào trong vùng thung lũng – và quay trở lại kịp thời. Lần này là một đội hình Tarahumara kỳ cựu. Quả là “kỳ cựu” theo nghĩa đen. Ken không thấy ấn tượng mạnh với đội Tarahumara mới xuất hiện ở giải Leadville tiếp theo. Người đội trưởng lần này trông như yêu tinh Keebler đã giải nghệ sớm về bãi biển Miami: đó là một ông già 55 tuổi, thấp bé, mặc váy choàng màu xanh dương điểm những bông hoa màu hồng lấp loáng, thêm nụ cười vô tư lự, một chiếc khăn hồng và cái mũ len kéo sụp xuống che hết đôi tai. Một người khác thì khoảng ngoài 40, còn hai đứa trẻ nhút nhát đứng sau thì trông chỉ như con của anh ta vậy. Cả đội hình lần này còn được trang bị tệ hơn năm ngoái; ngay khi đội Tarahumara đến nơi, họ lập tức biến mất vào bãi rác của thị trấn, và xuất hiện trở lại với những dải lốp cao su được chế thành dép xăng đan. Lần này thì không lo mấy vụ xây xát chân nữa nhé. Chỉ vài giây trước khi cuộc đua bắt đầu, đám người Tarahumara lại biến mất. Lại đúng tinh thần thi đấu năm ngoái. Ken ngao ngán; cũng như lần trước, những người Tarahumara lại bẽn lẽn giấu mình phía sau đoàn đua. Khi tiếng súng vang lên, họ lại tà tà chạy ở cuối đoàn. Và họ cứ ở vị trí sau cùng như vậy, thờ ơ và chẳng màng kết quả… … cho đến dặm thứ 40, khi Victoriano Churro (ông già trông như yêu tinh Keebler trong bộ đồ lam nhạt) và Cerrildo Chacarito (gã chăn dê bốn mươi mấy tuổi) bắt đầu nhẹ nhàng, gần như lãnh đạm, rảo chân dọc theo lề đường mòn, và vượt qua vài tay đua mỗi lần, khi họ bắt đầu bước vào ba dặm leo núi lên tới Hope Pass. Manuel Luna đuổi kịp, khóa đội hình vào bên cạnh họ và ba người lớn tuổi dẫn dắt đám người Tarahumara trẻ hơn như một đàn sói đi săn. Heeya! Ken hú lên như một tay cưỡi bò khi trông thấy những người Tarahumara quay trở lại về phía mình sau chỗ quay đầu ở dặm thứ 50. Có điều kỳ lạ gì đó đang diễn ra; Ken có thể nhận ra từ vẻ mặt lạ lùng của họ. Anh ta đã quan sát từng tay đua giải Leadville trong suốt thập kỷ qua, và chẳng ai trong số họ lại có vẻ mặt… bình thản đến vậy. 10 giờ liên tục chạy trên núi hoặc làm bạn quỵ ngã, hoặc phải để lại vết hằn trên gương mặt bạn, không có ngoại lệ. Ngay cả những người chạy cự ly siêu dài cừ khôi nhất ở thời điểm này cũng phải cúi gằm xuống, bước nặng nề, tập trung một cách nhọc nhằn vào nhiệm vụ gần như bất khả thi là đưa chân này lên trước chân kia. Nhưng còn ông già kia thì sao? Victoriano thì sao? Hoàn toàn bình thản. Như thể ông vừa tỉnh dậy sau khi chợp mắt, xoa xoa bụng và quyết định thể hiện cho đám trẻ biết người lớn chơi trò chơi này như thế nào. Tới dặm thứ 60, những người Tarahumara như đang tung cánh. Giải Leadville bố trí cứ khoảng 15 dặm lại có một trạm tiếp tế, nơi những người hỗ trợ có thể bổ sung cho vận động viên của họ thức ăn, tất khô và pin nhưng những người Tarahumara chạy nhanh tới mức, Rick và Kiy chẳng kịp lái xe vòng quanh núi để đuổi kịp họ. “Họ như thể mang theo cả mặt đất dưới chân mình.” Một khán giả thốt lên. “Cứ như một đám mây, hay sương mù bay qua sườn núi.” Lần này, Đội Tarahumara không còn là hai người dân bộ lạc thiểu số cô đơn trôi dạt giữa biển vận động viên Olympic. Họ cũng chẳng phải là năm thổ dân ngơ ngác trong đôi giày vải đáng sợ, không phải những người đã thôi chạy bộ từ khi người ta san ủi con đường tiến vào làng. Lần này, họ khóa theo đội hình đã được tập luyện từ khi còn nhỏ, với những cựu binh dày dạn và mưu lược chạy phía trước và đám nai con hăm hở bám sát theo sau. Họ chạy với những bước chân vững chắc và hoàn toàn tự tin vào bản thân. Họ là Người Chạy Bộ. Cùng lúc đó, một cuộc thi sức bền khác đang diễn ra cách vạch đích vài dãy nhà. Hằng năm, đám dân chơi ở Sixth Street của thị trấn Leadville lại kéo nhau ra tiệc tùng suốt kỳ nghỉ cuối tuần, cố gắng thi gan với các tay đua chạy bộ. Họ bắt đầu cụng ly từ lúc phát súng báo hiệu bắt đầu cuộc đua vang lên, và uống liên tục cho tới khi cuộc đua chính thức kết thúc, 30 giờ sau đó. Giữa các lần cạn ly Jäger và Jell-O, họ cũng đồng thời thực hiện một chức năng cố vấn hệ trọng cho cuộc đua: báo hiệu cho những người tính giờ ở vạch đích bằng cách hò reo ầm ĩ ngay khi nhìn thấy một tay đua hiện ra từ bóng đêm. Lần này, đám say xỉn đó suýt nữa làm hỏng việc; vào lúc hai giờ sáng, Victoriano già nua cùng với Cerrildo khẽ lướt vèo qua – “như một đám sương mù bay qua sườn núi” – tới mức gần như chẳng ai hay. Victoriano chạm đến dải băng đầu tiên, còn Cerrildo chỉ chậm hơn vài giây. Manuel Luna, dù đôi xăng đan mới đã đứt rời ở dặm thứ 83 và khiến đôi chân rớm máu, vẫn băng lên qua lối mòn đầy sỏi đá quanh hồ Turquoise để cán đích ở vị trí thứ năm. Người về đích đầu tiên không phải là người Tarahumara cán đích sau Victoriano gần một giờ đồng hồ – với khoảng cách gần sáu dặm. Những người Tarahumara đã không chỉ lội ngược dòng từ vị trí cuối cùng lên dẫn đầu, mà còn phá một loạt kỷ lục giải đua. Victoriano là người chiến thắng cao tuổi nhất trong lịch sử, chàng trai 18 tuổi Felipe Torres là người về đích trẻ tuổi nhất, và đội Tarahumara là đội duy nhất nắm được ba trong số năm vị trí dẫn đầu – mặc dù hai người về đích đầu tiên của đội này có độ tuổi cộng gộp lên tới gần 100. “Quá sức kinh ngạc!” Một vận động viên dự thi kỳ cựu tên là Harry Dupree đã trả lời tờ Thời báo New York. Sau khi đã tham gia giải Leadville 12 lần, Dupree nghĩ rằng chẳng còn điều gì có thể khiến anh ngạc nhiên trong giải đua này hơn thế. Và sau đó anh được chứng kiến Victoriano và Cerrildo lướt qua mình. “Họ là mấy người đàn ông nhỏ bé, chạy bằng những đôi xăng đan và chưa từng tập luyện cho cuộc đua này. Và họ đã hạ gục những người chạy bộ đường dài cừ khôi nhất thế giới.” Chương 11 Tôi đã bảo mà!” Rick Fisher hoan hỉ. Anh ta đã đúng về một chuyện khác nữa: đột nhiên, tất cả mọi người đều muốn giành phần từ Người Chạy Bộ. Fisher hứa hẹn rằng Đội Tarahumara sẽ trở lại vào năm sau, và cây đũa thần đó đã biến Leadville, từ một giải đua sức bền khó nhằn, ít tên tuổi thành một sự kiện truyền thông lớn. ESPN giành được quyền phát sóng; Wide World of Sports phát số đặc biệt “Những Tay Đua Siêu Đẳng Này Là Ai”; hãng bia Molson ký hợp đồng tài trợ cho giải Leadville. Hãng giày Rockport Shoes trở thành nhà tài trợ chính thức của đội chạy bộ duy nhất trên thế giới ghét giày chạy bộ. Các phóng viên từ các tờ Thời báo New York, Sports illustrated, Le Monde, Runner’s World và nhiều tờ báo khác liên tục gọi Ken và đặt ra cùng một câu hỏi: “Liệu có ai đánh bại được những gã này không?” “Có!” Ken đáp. “Annie làm được.” Ann Trason. Một giảng viên 33 tuổi dạy môn khoa học ở trường đại học cộng đồng đến từ California. Nếu bạn nói rằng có thể nhận ra Ann giữa đám đông, thì ắt hẳn bạn phải là chồng cô ấy, hoặc bạn đã nói dối. Ann hơi thấp, hơi gầy, có dáng vẻ uể oải, gần như vô hình sau mớ tóc mái màu nâu lông chuột – chuẩn hình dung về một giảng viên khoa học ở trường đại học cộng đồng. Cho đến khi tiếng súng hiệu lệnh xuất phát vang lên. Nhìn Ann phóng vọt đi tại điểm xuất phát cũng giống như nhìn chàng phóng viên rụt rè Clark Kent2 tháo bỏ cặp kính và khoác lên tấm áo choàng siêu nhân màu đỏ. Cằm ngẩng cao, hai bàn tay nắm lại, mái tóc dập dờn như dải khói sau đuôi máy bay phản lực, phần tóc mái bị thổi ngược ra sau, làm lộ ra cặp mắt báo màu nâu lấp lánh. Trong trang phục thường ngày, Ann chỉ nhỉnh hơn một mét rưỡi; còn khi mặc quần chạy bộ, cô như biến thành người mẫu Brazil, với đôi chân thon gọn và lưng thẳng như nghệ sĩ múa ba lê, phần bụng màu nâu rám nắng, rắn rỏi đến mức gậy bóng chày quật vào cũng phải gãy nát. 2. Vỏ bọc đời thường của siêu anh hùng Superman trong loạt comic-phim cùng tên của hãng DC Comics (BTV). Ann từng chạy đua ở sân vận động hồi học phổ thông, nhưng đã chán ốm việc chạy vòng vòng như chuột lang trên đường chạy hình ô van nhân tạo. Vì vậy, khi vào đại học, cô từ bỏ môn chạy bộ để theo học ngành hóa sinh (đối với cô, chạy trong sân còn chán hơn cả bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học). Trong nhiều năm liền, cô chạy chỉ để khỏi hóa điên. Khi não như phát nổ vì học hành, hay sau khi tốt nghiệp và bắt đầu làm nghiên cứu ở San Francisco, Ann lại giải tỏa căng thẳng bằng một buổi chạy ngắn quanh công viên Golden Gate. “Tôi yêu chạy bộ chỉ vì thích cảm giác gió luồn qua tóc.” Cô nói. Cô chẳng màng đến các cuộc đua, mà chỉ bị cuốn theo cảm giác thoát khỏi cảnh tù túng. Chẳng lâu sau, cô bắt đầu giải tỏa căng thẳng bằng cách chạy bộ quãng dài chín dặm đến phòng thí nghiệm mỗi buổi sáng. Và khi cô nhận ra rằng chân mình lại khoẻ khoắn hoàn toàn vào lúc kết thúc giờ làm, cô lại chạy về nhà. Rồi sau đó, khi quen nếp chạy 18 dặm một ngày trong tuần làm việc, thì sẽ chẳng có gì to tát khi thư giãn trong một ngày thứ bảy lười biếng với một buổi chạy 20… hay 25… hay 30 dặm… Vào một ngày thứ bảy, Ann dậy sớm và chạy 20 dặm. Cô nghỉ ngơi ngay trong bữa sáng, rồi lại quay ra chạy tiếp 20 dặm nữa. Cô phải làm mấy việc vặt liên quan đến đường ống nước trong nhà, nên sau khi chạy xong cuộc thứ hai, cô lôi đống dụng cụ ra và bắt tay vào việc. Cuối ngày, cô cảm thấy rất hài lòng với bản thân; cô đã chạy 40 dặm và tự mình giải quyết được một việc khá rắc rối. Và để tự thưởng cho bản thân, cô chạy thêm 15 dặm nữa. 55 dặm trong một ngày. Các bạn cô băn khoăn lo lắng. Có phải Ann mắc chứng rối loạn ăn uống? Hay chứng ám ảnh về vận động? Hay cô đang chạy trốn khỏi một cơn dằn vặt tâm lý vô thức? “Các bạn tôi thường bảo tôi không nghiện ma túy, mà là nghiện endorphins.” Ann nói và cách cô đáp lời bạn bè cũng chẳng làm họ yên dạ: cô thích nói với họ rằng chạy nhiều dặm như vậy trên núi “rất thơ mộng.” Rõ rồi. Chạy điên cuồng một mình trên đường mòn, mệt rã, thậm chí đổ máu, lại giống như nhấm nháp sâm-panh dưới ánh trăng. Nhưng đúng là như vậy, Ann quả quyết, chạy bộ rất thơ mộng; và tất nhiên, bạn bè cô chẳng thể hiểu được điều này, vì họ chẳng bao giờ làm thử. Đối với họ, chạy bộ là hành xác hai dặm để ních vừa chiếc quần bò cỡ 6. Họ leo lên bàn cân, cảm thấy thất vọng, rồi đeo tai nghe vào, cắm cúi chạy cho xong. Nhưng bạn không thể gồng mình kiểu đó trong suốt năm giờ, mà phải thả mình nhẹ nhàng vào chạy bộ, như trườn người vào một bồn tắm nước nóng, cho tới khi cơ thể không chống cự cơn sốc nữa và bắt đầu tận hưởng. Thư giãn thả lỏng đúng mức thì cơ thể của bạn sẽ quen với nhịp điệu đều đặn như đưa nôi đó, tới mức bạn gần như quên rằng mình đang di chuyển. Và khi bạn vượt ngưỡng trạng thái trôi chảy nhẹ nhàng, nửa như đang lơ lửng đó, thì ánh trăng và rượu sâm-panh sẽ xuất hiện: “Bạn sẽ hoà nhịp với cơ thể mình, và biết khi nào có thể gắng thêm và khi nào cần phải thả lỏng.” Ann thường giải thích như vậy. Bạn phải chú ý lắng nghe hơi thở của chính mình; nhận biết được bao nhiêu giọt mồ hôi đang rịn ra trên lưng. Bạn phải đảm bảo rằng mình uống đủ nước mát, kèm theo đồ ăn nhẹ có muối, và thường xuyên thành thực tự vấn bản thân, rằng mình đang cảm thấy thế nào. Còn gì vui thú hơn là quan tâm tinh tế tới cơ thể của chính mình. Và vui thú có được tính là thơ mộng? Chỉ chạy chơi cho vui mà Ann đã đạt được số dặm nhiều hơn đa phần vận động viên marathon chuyên nghiệp. Vì vậy, tới năm 1985, cô nhận ra đã tới lúc thử sức với những người chạy bộ thực thụ. Giải Marathon L.A chăng? Hừm, cô thà trở thành chuột lang chạy vòng quanh sân vận động trường học còn hơn là tốn ba giờ đồng hồ chạy quanh các tòa nhà trong thành phố. Cô muốn tham gia một cuộc đua hoang dại và thú vị để có thể đắm mình trong đó, y như cách mà cô vẫn thường làm với các cuộc dạo chơi trên núi. Vụ này thú vị đây! Cô nghĩ, khi nhìn thấy mẩu quảng cáo trong một tờ tạp chí thể thao địa phương. Cũng như Western States, giải American River Endurance Run 50 dặm là một cuộc đua ngựa không có ngựa, một cuộc đua việt dã kiểu trên một đường đua trước đây là lối đi của kỵ sĩ cưỡi ngựa qua thôn trang. Nhiệt độ nóng bức, đường đầy dốc và cơ man hiểm hoạ. (“Cây sồi độc mọc khắp lối đường mòn.” Các tay đua được cảnh báo như vậy. “Bạn có thể sẽ gặp cả ngựa hoang và rắn chuông. Tốt hơn cả là đầu hàng chúng.”) Kể cả tránh được nanh rắn hay vó ngựa, thì bạn vẫn phải chuẩn bị tinh thần cho một cú thốc thẳng mặt luôn đón đợi: sau 47 dặm chạy đường mòn, bạn sẽ đụng phải một con dốc cao hơn 300 m ở ba dặm cuối cùng. Tóm lại: giải đua đầu tiên của Ann sẽ là một cuộc marathon kép, có điểm xuyết thêm vết rắn cắn và ánh mặt trời thiêu đốt cháy da. Vậy là yên tâm không lo nhàm chán. Và, chẳng ngạc nhiên, Ann chật vật đủ đường khi bắt đầu giải siêu marathon đầu tay. Nhiệt kế chỉ mức nhiệt độ trong phòng tắm hơi, và cô còn quá tay mơ để nhận ra rằng đáng nhẽ phải mang theo một chai nước khi chạy dưới sức nóng hơn 42 độ của ngày hôm đó. Cô cũng chẳng biết tí gì về tính toán tốc độ (liệu cô sẽ chạy hết chặng đua trong bảy giờ? Mười? Hay mười ba?) và còn nghèo nàn hơn về chiến thuật chạy giải đua đường mòn (những gã đi bộ lên dốc và chạy vọt qua cô khi xuống dốc bắt đầu làm cô nổi cáu. Chạy cho ra dáng đàn ông xem nào, lũ khốn!) Nhưng khi cảm giác bất ổn qua đi, cô bắt đầu thả mình vào nhịp chân đều đặn đưa nôi của mình. Đầu cô ngẩng cao, tóc mái hất ra sau, và cô lấy lại được sự tự tin của một con linh miêu. Tới dặm thứ 30, hàng tá tay đua bắt đầu lảo đảo chùn chân dưới sức nóng, như lún vào một cái bánh nướng mới ra lò. Mặc dù bị mất nước trầm trọng, Ann dường như chỉ trở nên mạnh mẽ hơn, tới mức trên thực tế, cô đã đánh bại tất cả các nữ vận động viên khác trong giải và phá kỷ lục ở nội dung nữ, hoàn thành độ dài bằng hai cuộc marathon trên đường mòn chỉ với bảy giờ chín phút. Chiến thắng gây sốc đó chỉ là khởi đầu cho một chuỗi thành tích rực rỡ. Ann tiếp tục trở thành nhà vô địch nữ của giải Western States 100 – được coi như giải Super Bowl của môn chạy đường mòn – 14 lần, một kỷ lục được bảo vệ suốt ba thập kỷ và khiến Lance Armstrong, tay đua bảy lần vô địch giải Tour de France trông chỉ như một ánh sáng lóe lên rồi vụt tắt. Và thậm chí chỉ là một ánh sáng mờ nhạt: Lance chẳng bao giờ đạp xe mà không có đội ngũ chuyên gia bám sát để theo dõi lượng calo nạp vào và liên tục phân tích từng chặng vào tai nghe của anh, trong khi Ann chỉ có chồng cô, Carl, chờ đợi trong rừng với một chiếc đồng hồ Timex và nửa cái bánh kẹp thịt gà tây. Và không như Lance, người chỉ tập luyện để canh điểm rơi vào một giải duy nhất hằng năm, Ann điên cuồng với các cuộc đua. Có giai đoạn, cô chạy trung bình hai tháng một giải siêu marathon, cứ như vậy liên tục trong vòng bốn năm. Cường độ hành xác ấy đáng ra đã đánh quỵ Ann, nhưng cô đã hồi phục như một dị nhân; cô dường như vừa chạy vừa tái tạo năng lượng, và trở nên mạnh mẽ hơn ở những thời điểm đáng nhẽ ra phải bị suy yếu. Cứ mỗi tháng trôi qua, cô chạy càng nhanh thêm, và chỉ có một trận cảm cúm mới khiến cô vuột mất kỷ lục hoàn hảo: cô đã chiến thắng 24 giải đua trong suốt bốn năm đó, và chỉ tụt xuống vị trí thứ hai ở giải đua 60 dặm khi mà đáng nhẽ cô phải nằm bẹp trên ghế xô-pha với khăn giấy hỉ mũi cùng bát xúp nóng. Tất nhiên, có một điểm yếu trên giáp trụ của cô. Chắc chắn phải có. Chỉ có điều… chưa ai tìm thấy nó. Ann cứ như một tay lực sĩ trong gánh xiếc, dễ dàng hạ gục gã đàn ông đáng gờm nhất thị trấn: cô chiến thắng cả trên đường nhựa lẫn đường mòn… trên đường bằng phẳng lẫn núi non lởm chởm… ở châu Mỹ, châu Âu và châu Phi. Cô đã phá kỷ lục thế giới các cự ly 50 dặm, 100 km và 100 dặm, lập thêm 10 kỷ lục thế giới nữa trên cả đường chạy sân vận động và đường nhựa. Cô vượt qua kỳ sát hạch cự ly Marathon Olympic, chạy với tốc độ 6 phút 44 giây một dặm trong 62 dặm và vô địch ở World Ultra Title, và sau đó chiến thắng cả giải Western States lẫn Leadville trong cùng một tháng. Nhưng có một danh hiệu cứ liên tục tuột khỏi tay cô: trong nhiều năm, Ann không thể vô địch chung cuộc ở bất kỳ một cuộc đua cự ly siêu dài danh tiếng nào. Cô đã đánh bại tất cả các vận động viên nam và nữ ở nhiều cuộc thi nhỏ hơn, nhưng ở các giải thi đấu đỉnh cao, luôn luôn có một người đàn ông nào đó về đích trước cô vài phút. Không thể để như vậy mãi được. Vào năm 1994, cô biết, thời cơ của mình đã tới. Chương 12 Mọi sự trở nên kỳ cục ngay khi chiếc Chevy bụi bặm của Rick Fisher dừng bánh ở ngoài trụ sở giải đua Leadville và hai người đàn ông mặc áo choàng trắng như pháp sư bước ra khỏi xe. “Này!” Ken Chlouber cất tiếng gọi khi bước ra ngoài để chào đón họ. “Các quái vật tốc độ đây rồi!” Ken chìa tay ra và cố gắng nhớ cách phát âm từ “chào mừng” vừa học được từ thầy giáo tiếng Tây Ban Nha ở trường trung học trong thị trấn. “Ờ… Bee en benny…” Anh ta mở lời. Một trong hai người mặc áo choàng mỉm cười và cũng chìa tay ra. Bất thình lình, Fisher chen ngay vào giữa. “Không!” Fisher nói. “Anh không được đụng chạm vào họ như sai khiến, nếu không anh sẽ phải trả giá. Trong văn hóa của họ, đó là tội hành hung.” Cái quái gì! Ken thấy máu sôi lên trong não. Có muốn biết hành hung là thế nào không? Thử giật tay thằng này lần nữa xem. Fisher chắc chắn không bao giờ quan tâm đến chuyện bắt tay lúc năn nỉ Ken tìm giúp chỗ trọ cho mấy người này. Giờ thì sao nào, Fisher nắm trong tay nhà vô địch và túi tiền tài trợ của Rockport; tất cả mọi người phải đối xử với họ như ông hoàng sao? Ken chực tống mũi ủng bọc thép vào mông Fisher, nhưng rồi chợt nghĩ đến điều gì đó, gã thở hắt ra, thư giãn, rồi tự nhủ rằng mình đã hơi nóng giận. Ann chắc chắn đang khiến anh ta lo ngại. Ken nghĩ. Đặc biệt là cách mà truyền thông chơi trong vụ này. Các câu chuyện trên bản tin đã thay đổi đột ngột từ khi Ann xác nhận sẽ có mặt ở Leadville. Thay vì băn khoăn không biết người Tarahumara liệu có chiến thắng hay không, câu chuyện giờ đây lại chuyển thành: không biết đội của Rick Fisher có bị bẽ mặt lần nữa hay không. “Người Tarahumara coi việc thua phụ nữ là nhục nhã” là tiêu đề được nhắc đi nhắc lại trên mặt báo. Đó trở thành một câu chuyện có sức hút khó cưỡng: cô giáo nhút nhát đang dũng cảm đi tới rặng núi Rocky để thi đấu với các đấng trượng phu thổ dân đất Mễ, và bất kỳ ai khác nữa, dù là nam hay nữ, dám chen vào giữa cô và dải băng chiến thắng ở một sự kiện thể thao lớn như vậy. Dĩ nhiên, vẫn có một cách để Fisher giảm áp lực từ truyền thông cho Đội Tarahumara: anh ta chỉ cần ngậm miệng. Chưa từng có ai nhắc đến tính ngạo nghễ nam nhi của người Tarahumara cho tới khi Fisher kể cho các phóng viên. “Họ không chịu thua phụ nữ.” Anh nói. “Và sẽ chẳng chịu thua từ lần này đâu.” Đó là một tiết lộ có sức hấp dẫn – đặc biệt là với người Tarahumara, những người chẳng hiểu anh đang nói gì. Thực ra xã hội người Tarahumara rất bình đẳng; đàn ông dịu dàng và tôn trọng phụ nữ, và người ta thường xuyên trông thấy họ địu con đằng sau lưng, giống như các bà vợ. Đàn ông và phụ nữ đua riêng biệt, điều đó là sự thật, nhưng chủ yếu vì lý do hậu cần: các bà mẹ với đàn con cần chăm bẵm không thể tự do chạy nhảy hai ngày liền trong các hẻm núi được. Họ phải ở gần nhà, vì vậy, các cuộc đua của họ thường ngắn hơn (và theo tiêu chuẩn của người Tarahumara, “ngắn” có nghĩa là từ 40 đến 60 dặm). Phụ nữ vẫn được tôn trọng như người chạy bộ cừ khôi, và thường giữ nhiệm vụ cho’kéame – sự kết hợp giữa đội trưởng và người cầm cái – khi những người đàn ông chạy đua. So với những người đàn ông Mỹ tôn sùng giải Bóng bầu dục, thì đàn ông Tarahumara như người hâm mộ ban nhạc nữ Lilith Fair. Fisher đã từng một lần phải hổ thẹn vì cả đội hình của anh bỏ cuộc giữa chừng. Giờ đây, nhờ lần nhỡ miệng kia mà anh đã đứng vào giữa tâm điểm truyền thông của Cuộc chiến Giới tính, mà rất có thể, anh sẽ thua. Kỷ lục cá nhân của Ann tại Leadville hai năm về trước chỉ chậm hơn thời gian 20 giờ 3 phút của Victoriano khoảng 30 phút, và cô đã tiến bộ vượt bậc kể từ lúc đó. Hãy xem giải Western States; cô đã rút ngắn được đến 90 phút chỉ trong vòng một năm. Không ai có thể nói trước được rằng cô sẽ làm gì khi xuất hiện tại Leadville, khi đang ngùn ngụt quyết tâm giành chức vô địch. Hơn nữa, Ann đang có lợi thế: Victoriano và Cerrildo không dự giải năm nay (họ phải trồng ngô và không có thời gian để tham gia một cuộc chạy chơi đùa khác nữa), vì vậy Fisher đã mất đi hai tay đua cự phách nhất. Ann đã từng vô địch giải Leadville hai lần, vì vậy, không giống mấy tay mơ Fisher mới tuyển mộ được, cô có lợi thế to lớn nữa là nắm rõ từng khúc ngoặt gây bối rối trên đường chạy. Chỉ cần bỏ lỡ một điểm đánh dấu tại giải Leadville, bạn có thể sẽ phải lang thang nhiều dặm trong bóng tối mới bắt lại được vào đường đua. Ann cũng có khả năng thích nghi khí hậu rất nhanh với những cao độ lớn, và cô biết rõ hơn ai hết cách phân tích và giải quyết vấn đề hậu cần cho một cuộc chạy đua cự ly 100 dặm. Về bản chất, giải đua siêu dài là một phương trình nhị phân, tạo nên từ hàng trăm câu hỏi dạng có/không: Ăn ngay bây giờ hay chờ thêm? Lao nhanh xuống con dốc này, hay giảm tốc độ, để dành cơ tứ đầu cho đoạn đường bằng phẳng? Có nên kiểm tra xem cái gì đang gây ngứa ngáy trong tất, hay bỏ mặc để chạy tiếp? Cự ly siêu dài sẽ khiến mọi vấn đề dù nhỏ nhất biến thành rắc rối lớn (một vết rộp dẫn đến một chiếc tất đẫm máu, từ chối một thanh PowerBar có thể gây mụ mẫm đầu óc tới mức chẳng thể chú ý được mốc đánh dấu đường chạy), vì vậy, chỉ cần một câu trả lời sai là có thể làm cuộc đua bị đổ bể. Nhưng điều này không bao giờ xảy ra với Ann, cô học trò tài năng; cứ vào các cuộc chạy siêu dài là cô lại hoàn thành xuất sắc các bài trắc nghiệm này. Nói ngắn gọn: Người Tarahumara rất đáng khen vì đã thể hiện là những tay nghiệp dư có khả năng gây sửng sốt, nhưng lần này, họ phải chạm trán với dân chuyên nghiệp đỉnh cao trong bộ môn này (đúng theo nghĩa đen; Ann hiện đã là vận động viên chuyên nghiệp do Nike tài trợ). Người Tarahumara đã có được khoảnh khắc tỏa sáng ngắn ngủi với tư cách là các nhà vô địch giải Leadville; còn bây giờ, họ trở lại đây với thế cửa dưới. Điều này lý giải sự có mặt của những người mặc áo choàng trắng phù thủy. Tuyệt vọng trong việc thay thế hai cựu binh vắng mặt, Fisher đã đi theo Patrocinio lên một ngôi làng trên ngọn núi Choguita cao hơn 2.700 m. Ở đây, anh tìm được Martimano Cervantes, một bậc thầy môn bóng chạy 42 tuổi và truyền nhân, chàng trai Juan Herrera 25 tuổi. Choguita khá lạnh vào buổi đêm và bị ánh mặt trời thiêu đốt vào ban ngày, vì vậy, ngay cả khi chạy bộ, người Tarahumara ở làng Choguita vẫn giữ ấm cơ thể bằng các tấm áo choàng len dài gần đến gót chân. Mỗi khi họ sải bước chạy xuống đường mòn, trong tấm áo choàng tung bay, trông họ như những ảo thuật gia, hiện ra từ một làn khói. Juan và Martimano có vẻ nghi ngại. Họ chưa từng rời làng, và chuyến đi này hứa hẹn một khoảng thời gian dài cô đơn giữa lũ Quỷ Râu Rậm. Fisher đã dập ngay ý định phản đối của bọn họ; anh có tiền và sẵn sàng trả hậu hĩnh. Năm đó, mùa đông trên cao nguyên tại Choguita khô hạn và mùa xuân còn tồi tệ hơn, và anh biết rằng nguồn thực phẩm của họ đã xuống thấp đến mức nguy hiểm. “Hãy đến và chạy đua cùng chúng tôi.” Fisher hứa hẹn. “Và tôi sẽ cung cấp cho làng một tấn ngô, nửa tấn đậu.” Ừm. 50 bao tải ngô cũng chẳng phải quá nhiều cho một ngôi làng… nhưng ít nhất là nó được đảm bảo. Nếu họ có bạn bè đi cùng, thì chắc sẽ ổn thôi. Chúng tôi còn có một số người khác cũng chạy rất nhanh, họ bảo Fisher. Có thể thêm vài người đi cùng không? Không được, Fisher đáp. Chỉ mình hai anh thôi. Ngư Ông thực ra đang bí mật thực hiện một mưu đồ khác: bằng việc chọn những người chạy bộ từ càng nhiều ngôi làng khác nhau càng tốt, anh hy vọng sẽ làm chính những người Tarahumara cạnh tranh với nhau. Họ sẽ cắn xé lẫn nhau và giành chiến thắng ở Leadville trong cuộc cạnh tranh này. Đây là mưu kế ranh ma – và hoàn toàn lầm lạc. Nếu Fisher biết rõ hơn về văn hoá của người Tarahumara, anh sẽ hiểu rằng chạy đua không làm chia rẽ các ngôi làng; mà khiến họ đoàn kết lại. Đó chính là cách mà các bộ tộc ở xa nhau thắt chặt tính gắn kết và tình thân giữa những người cùng bộ lạc, và cũng giúp tất cả mọi người trong hẻm núi đều trong tình trạng sẵn sàng tương trợ khi có tình huống khẩn cấp. Tất nhiên, đua là phải có tính cạnh tranh, nhưng nó chỉ như một ván bóng chạm trong gia đình vào buổi sáng ngày Lễ Tạ ơn. Người Tarahumara xem cuộc đua như một lễ hội của tình bằng hữu; còn Fisher thì lại cho rằng đó là một trận đánh. Nam đấu với nữ, làng nọ đấu làng kia, giám đốc giải đua đấu với người quản lý đội – chỉ sau vài phút kể từ lúc tới Leadville, Fisher đã trù tính bão tố trên cả ba mặt trận. Và sau đó anh thực sự bắt tay vào việc. “Này, tôi chụp chung một bức ảnh với họ được không?” Một tay đua dự giải hỏi khi nhìn thấy những người Tarahumara trong thị trấn trước khi cuộc đua diễn ra. “Tất nhiên rồi!” Fisher đáp. “Anh có 20 đô chứ?” “Để làm gì?” Tay đua kia giật mình hỏi lại. Vì những tội ác chống lại nhân loại. Vì một thực tế là “người da trắng” đã đối xử không ra gì với người Tarahumara và những tộc người thiểu số khác suốt nhiều thế kỷ qua, Fisher giải thích. Và nếu anh không thích điều này, thì rất tiếc: “Tôi chẳng quan tâm chút nào đến cộng đồng chạy bộ siêu dài.” Fisher sẵn sàng nói vậy. “Tôi không quan tâm đến người da trắng. Tôi thích người Tarahumara nện một trận ra trò vào đám mông trắng.” Mông trắng? Chắc phải rất lâu rồi Fisher không ngoái lại để ngắm cái bàn tọa của chính mình. Và anh ta đang làm gì ở đây cơ chứ: một giải đua, hay một cuộc chiến? Chẳng ai có thể tới trò chuyện với những người Tarahumara, thậm chí chẳng thể vỗ vai họ và nói “Chúc may mắn” mà không bị gã Ngư Ông chen vào giữa. Ngay cả Ann Trason cũng nhận thấy có cả một bức tường thù địch chắn trước mặt cô. “Rick cố gắng cô lập những người Tarahumara một cách không cần thiết.” Sau này, cô phàn nàn. “Anh ta còn chẳng để cho chúng tôi nói chuyện với họ.” Các quan chức của hãng Rockport cảm thấy bối rối. Họ vừa ra mắt một loại giày chạy đường mòn, và toàn bộ chiến dịch marketing được xây dựng xoay quanh giải Leadville. Loại giày đó thậm chí còn được đặt tên là Leadville Racer. Khi Rick Fisher kêu gọi họ tài trợ (“Hãy nhớ là chính anh ta tìm đến chúng tôi”. Tony Post, phó chủ tịch hãng Rockport kể với tôi như vậy), Rockport đã làm rõ rằng người Tarahumara sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá. Rockport sẽ rót tiền, và đổi lại, người Tarahumara sẽ phải đi những đôi giày màu vàng đó, đi trước đám đông, xuất hiện trong một số mẩu quảng cáo. Như vậy có được không? Hoàn toàn nhất trí, Fisher hứa hẹn. “Rồi, tôi đến Leadville và gặp cái gã kỳ lạ này.” Tony Post kể tiếp. “Anh ta luôn nóng nảy một cách thiếu kiềm chế. Thật mâu thuẫn. Mấy người hết sức hiền lành lại nằm dưới sự quản lý của một kẻ đại diện tồi tệ bậc nhất của văn hóa Mỹ. Như thể…” Post ngừng lời để hồi tưởng lại, và trong sự im lặng đó, bạn gần như có thể nghe thấy được cơn bừng tỉnh trong đầu ông. “Như thể anh ta ghen tỵ vì họ đang thu hút hết những sự chú ý.” Và cứ thế, với các cuộc chiến cứ âm ỉ vây quanh, người Tarahumara dập điếu thuốc và rón rén ngại ngần lách qua các tay đua khác để đi đến điểm xuất phát, là mặt trước toà án Leadville, nơi mà trước đây họ treo cổ những tên trộm ngựa. Giữa bạt ngàn những cái ôm, những cái bắt tay, tình bằng hữu của những người chuẩn bị cùng vào sinh ra tử mà các tay đua khác chia sẻ cho nhau trong loạt đếm ngược cuối cùng, những người Tarahumara trông thật cô độc. Nụ cười hòa nhã của Manuel Luna biến mất và gương mặt anh ta rắn lại như gỗ sồi. Juan Herrera chỉnh lại chiếc mũ Rockport và xỏ chân vào đôi giày Rockport mới màu vàng chóe có đế dày như ủng leo núi giá 110 đô-la. Martimano Cervantes thì thu mình vào tấm áo choàng trong cái lạnh về đêm trên núi Rocky. Ann Trason bước lên trước mặt họ, làm các động tác thả lỏng, và nhìn sâu vào màn đêm phía trước. Chương 13 Kẻ nào quý trọng thân thể mình hơn cả việc chiếm lấy thiên hạ thì có thể giao cho việc cai trị thiên hạ được. - Lão Tử, Đạo đức kinh Bác sĩ Joe Vigil, 65 tuổi, đang một mình trực chiến. Ông áp bàn tay quanh cốc cà phê khi chờ đợi luồng sáng đèn pin đầu tiên chiếu xuyên qua rừng về phía mình. Không còn huấn luyện viên cao cấp thế giới nào khác ở quanh Leadville, bởi lẽ, chẳng vị huấn luyện viên cao cấp nào hiểu nổi điều gì đang diễn ra trong cái nhà thương điên lộ thiên khổng lồ trên rặng núi Rocky này. Những kẻ thích hành xác, lũ khốn đồi bại hoặc bất cứ cái tên nào khác mà họ tự nhận – những người này thì liên quan gì đến chạy bộ chân chính hay chạy thi Olympic? Hầu hết các huấn luyện viên chính quy đều xếp hạng môn chạy bộ siêu dài trong khoảng nằm đâu đó giữa ăn thi và khổ dâm giải trí. Tuyệt thật! Vigil nghĩ trong lúc đang giậm chân liên tục để chống chọi cái rét. Các người cứ đi ngủ đi, và để cái lũ ngợm này cho tôi. Bởi ông biết chắc rằng lũ người kỳ dị này sắp làm nên một điều gì đó thật khác biệt. Bí quyết thành công của Vigil nằm ngay trong cái tên (Vigil: Canh gác buổi đêm): không huấn luyện viên nào thận trọng hơn ông trong việc dò tìm những chi tiết nhỏ nhặt quan trọng. Ông vẫn luôn như vậy trong suốt đời mình, kể từ khi còn là một cậu nhóc Latin nhỏ thó loi nhoi chơi bóng bầu dục trong một giải bóng trung học chẳng có nổi mấy người gốc Latin, chứ đừng nói đến những người thấp bé. Joey Vigil không thể đọ cơ bắp với những tảng thịt bên đối phương, vì vậy, ông dùng khoa học để đánh bại họ. Ông nghiên cứu các mẹo đòn bẩy, thúc tới, và tính toán thời gian, tìm cách đặt bàn chân sao cho có thể vọt lên từ tư thế xuống tấn như một cái đe có lò xo nén. Khi tốt nghiệp đại học, cậu nhỏ gốc Latin ấy đã là một hậu vệ hàng đầu trong giải All-Conference. Sau đó, ông chuyển sang điền kinh và sử dụng cái mũi thính như chó săn để trở thành bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử chạy đường dài của nước Mỹ. Bên cạnh bằng tiến sĩ y khoa và hai bằng thạc sĩ, Vigil còn theo đuổi nghệ thuật thất truyền của môn chạy đường dài, vào sâu tới tận vùng xa xôi hẻo lánh của nước Nga, lên những ngọn núi cao ở Peru, vượt xa khỏi vùng cao nguyên Rift Valley của Kenya. Ông muốn biết tại sao các vận động viên nước rút của Nga lại bị cấm không được chạy bước nào trước khi có thể nhảy xuống từ cái thang cao sáu mét với chân trần, và làm cách nào những đứa trẻ chăn dê sáu tuổi ở Machu Picchu leo được lên đỉnh Andes với một thực đơn chết đói chỉ có sữa chua và thảo dược, và tại sao các vận động viên chạy bộ Nhật Bản được Suzuki và Koide huấn luyện có thể biến chuyển ảo diệu từ đi bộ chậm sang chạy marathon nhanh. Ông đã săn tìm những bậc thầy nhiều tuổi và moi móc từ bộ óc của họ, tìm cách lôi ra những bí mật trước khi biến mất xuống mồ sâu. Đầu ông chẳng khác nào Thư viện Quốc hội về tri thức chạy bộ, mà nhiều trong số đó đã hoàn toàn biến mất trên đời. Những nghiên cứu của ông đã mang lại thành quả tuyệt vời. Ở trường ông, Đại học Adams State tại Alamosa, Colorado, Vigil đã đứng ra phụ trách chương trình chạy việt dã đang thoi thóp và biến nó thành một nỗi kinh hoàng trong giới chạy bộ. Những tay đua việt dã của trường Adams State đã giành được 26 danh hiệu quốc gia trong 33 năm, trong đó có một cuộc phô diễn sức mạnh phi thường ở giải vô địch toàn quốc: năm 1992, những vận động viên chạy bộ của Vigil đã giành năm vị trí đứng đầu trong Giải vô địch NCAA Division II, một thành tích chưa từng xuất hiện. Vigil cũng đã huấn luyện Pat Porter, giúp anh tám lần giành danh hiệu tại USA Cross Country (nhiều gấp đôi người giành huy chương vàng Olympic Frank Shorter, gấp bốn lần so người giành huy chương bạc Olympic Meb Keflezighi), và ông đạt kỷ lục 14 lần nhận danh hiệu Huấn luyện viên Trường đại học Cấp quốc gia của năm. Năm 1988, Vigil được bầu làm huấn luyện viên cho đội tuyển chạy đường dài Hoa Kỳ đi thi đấu tại Olympic Seoul. Và điều đó giải thích tại sao, lúc này, Joe Vigil già nua lại là huấn luyện viên duy nhất ở Mỹ đứng run rẩy trong khu rừng lạnh giá vào lúc bốn giờ sáng, chờ đợi được nhìn thấy một cô giáo dạy môn khoa học và bảy người đàn ông mặc váy. Vậy đấy, đối với chạy bộ siêu dài, chẳng điều gì là có vẻ có lý, và khi Vigil không thể giải thích được, thì ông hiểu rằng ông đang bỏ sót điều gì đó hết sức quan trọng. Chẳng hạn, hãy xem xét so sánh này: tại sao hầu hết tất cả các nữ vận động viên tham gia Leadville đều về đích và chỉ có chưa đến một nửa số vận động viên nam hoàn thành được giải đua này? Mỗi năm, hơn 90% nữ vận động viên chạy bộ mang được mặt thắt lưng hoàn thành giải về nhà, trong khi 50% đám nam giới lại phải tìm cách vin đủ lý do. Ngay cả Ken Chlouber cũng không thể giải thích được tỷ lệ hoàn thành cuộc đua cao ngất trời của nữ giới, nhưng anh ta cũng tận dụng rất giỏi điều này: “Tất cả những người dẫn tốc độ của tôi đều là nữ.” Chlouber nói. “Và họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.” Hãy thử một vấn đề khác: nếu bỏ người Tarahumara trong cuộc đua năm ngoái, thì bạn có gì? Câu trả lời: một người phụ nữ lao qua dải băng vạch đích. Trong số những ồn ào về người Tarahumara, một trong số ít điểm mà Vigil quan tâm là Christine Gibbons suýt nữa về đích thứ ba. Nếu chiếc xe của Rick Fisher không hỏng quạt tản nhiệt ở Arizona, thì một người phụ nữ chỉ thiếu 31 giây để giành chức vô địch chung cuộc. Tại sao điều đó có thể xảy ra? Chưa từng có người phụ nữ nào đứng trong tốp 50 người chạy một dặm nhanh nhất thế giới (kỷ lục thế giới cho chạy một dặm của nữ, 4 phút 12 giây, đã bị nam giới đánh đổ từ cách đây một thế kỷ, và bây giờ thì thường xuyên bị đánh đổ bởi các cậu trai trung học). Một phụ nữ có thể len vào vị trí 20 người đứng đầu trong một giải marathon (năm 2003, kỷ lục thế giới của Paula Radcliffe 2 giờ 15 phút 25 giây vẫn chậm hơn 10 phút so với kỷ lục thế giới của nam giới 2 giờ 04 phút 55 giây do Paul Tergat xác lập). Nhưng trong các cuộc đua siêu dài, phụ nữ lại giành được nhiều giải cao. Tại sao, Vigil thắc mắc, mà khoảng cách giữa các nhà vô địch nam và nữ lại nhỏ đi khi cuộc đua kéo dài thêm – đáng nhẽ phải ngược lại mới đúng? Chạy siêu dài dường như nằm trong một vũ trụ khác, nơi mọi định luật trên Trái đất đều bị vô hiệu hóa: nữ giới mạnh hơn nam giới; người già mạnh hơn người trẻ; những gã sống thời đồ đá đi dép xăng đan lại mạnh hơn hết thảy. Và cự ly chạy tổng cộng nữa chứ! Sức ép đè lên chân họ vượt qua mọi kỷ lục. Chạy 100 dặm mỗi tuần đáng nhẽ phải là đường đi thẳng vào bệnh viện chấn thương chỉnh hình, nhưng những người chạy bộ siêu dài kỳ quặc này lại thực hiện cự ly đó trong một ngày. Vài người trong số họ còn chạy gấp đôi số đó mỗi tuần khi tập luyện và vẫn chẳng bị đau. Liệu có phải môn chạy siêu dài có tính tự chọn lọc, Vigil băn khoăn, có phải môn này chỉ thu hút những người chạy bộ với cơ thể không thể bị phá vỡ? Hay những người chạy bộ siêu dài đã tìm ra bí quyết để chạy được số dặm không tưởng? Vì vậy, Joe Vigil đã phải lê thân mình ra khỏi giường, ném vào xe một bình giữ nhiệt chứa cà phê, và lái xe xuyên màn đêm để đến xem những thiên tài về cơ thể học này trình diễn. Ông nghi ngờ rằng, những người chạy bộ siêu dài cừ khôi nhất thế giới đang sắp sửa tìm ra được những bí mật mà người Tarahumara chưa từng quên lãng. Giả thuyết của Vigil đã đưa ông đến với một quyết định rất quan trọng, một điều có thể khiến cuộc sống của ông đảo lộn, và ông hy vọng, có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người khác nữa. Ông cần phải nhìn thấy người Tarahumara để xác nhận một điều. Đó không phải là tốc độ của họ; ông còn hiểu rõ chân cẳng của họ hơn chính bản thân họ. Điều mà Vigil thèm khát, là nhìn được vào trong đầu của họ. Bất thình lình, ông hít sâu một hơi. Có thứ gì đó vừa lướt ra khỏi những rặng cây. Thứ đó trông giống như những con ma… hay nhà ảo thuật, hiện ra từ một làn khói. Ngay từ khi tiếng súng khai cuộc vang lên, Đội Tarahumara đã khiến tất cả bất ngờ. Thay vì đeo bám ở cuối đoàn như hai năm vừa qua, họ lao lên theo đội hình, nhảy lên vỉa hè Sixth Street để len qua đám đông và nắm các vị trí dẫn đầu. Họ chạy nhanh – Có vẻ quá nhanh! Don Kardong, vận động viên marathon Olympic 1976 và là tay bút kỳ cựu cho tờ Runner’s World, thầm nghĩ khi quan sát từ bên lề. Năm ngoái, Victoriano đã thể hiện sự khôn ngoan khi kiềm chế bằng cách chậm rãi vượt lên từ vị trí cuối cùng lên vị trí thứ nhất, tăng tốc dần dần khi đến gần vạch đích. Đó là cách để chạy cự ly 100 dặm. Nhưng Manuel Luna đã bỏ ra cả năm trời để nhớ lại cách chạy đua của những người không thuộc bộ tộc này, và anh đã thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến lại cho đồng đội. Anh ta nói với họ rằng, đường chạy mở rộng dưới ánh đèn và rồi bất ngờ thắt cổ chai vào một lối mòn độc đạo tối tăm khi tiến vào rừng. Nếu không ở trong nhóm chạy trước, bạn sẽ kẹt lại sau một bức tường người vì các tay đua sẽ dừng lại và loay hoay với đèn pin, sau đó sẽ kẹt hàng một trên lối mòn. Tốt nhất là tăng tốc sớm để tránh chỗ kẹt, Luna khuyên đồng đội, rồi hạ tốc độ xuống sau. Bất chấp tốc độ nguy hiểm đó, Johnny Sandoval đến từ thị trấn Gypsum, Colorado gần đó, bám chặt Martimano Cervantes và Juan Herrera. Mặc mọi người phát điên lên vì Ann và đám người Tarahumara, anh ta nghĩ, mình sẽ lẻn lên giành chiến thắng. Sau khi về thứ chín trong giải năm ngoái với thời gian 21 giờ 45 phút, Sandoval đã có một năm luyện tập tuyệt vời. Anh đã lặng lẽ đến Leadville suốt mùa hè, chạy từng chặng của cuộc đua nhiều lần cho tới khi thuộc lòng hết các lối rẽ ngoặt, từng cái rãnh, và các điểm băng qua suối. Chạy trong 19 giờ thì có thể chiến thắng, Sandoval tính toán, và đã sẵn sàng để thực hiện điều này. Ann Trason dự định sẽ dẫn đầu, nhưng tốc độ tám phút một dặm ngay khi vừa xuất phát thì quả là điên rồ. Vì vậy, cô hài lòng khi giữ những ánh đèn nhấp nhô của Đội Tarahumara trong tầm mắt khi họ tiến vào khu rừng quanh hồ Turquoise, tự tin rằng cô sẽ dần bắt kịp họ không lâu sau đó. Đường mòn phía trước tối tăm, đầy đá và rễ cây chằng chịt, và điều này phù hợp với một trong những thế mạnh dị thường của Ann: cô yêu các buổi chạy đêm vô cùng. Ngay từ hồi đại học, nửa đêm chính là khoảng thời gian yêu thích để cô cầm một chiếc đèn pin, rủ thêm một người bạn và chạy quanh khuôn viên tĩnh lặng, khi cả thế giới thu lại trong ánh sáng lấp lóa của ngọn đèn bé nhỏ. Nếu ai đó có thể rút thời gian bằng cách chạy như mù trên một con đường mòn hiểm hóc, thì đó chính là Ann. Khi tới trạm tiếp tế đầu tiên, Sandoval và những người Tarahumara đã bứt lên với khoảng cách hơn nửa dặm. Sandoval ghi danh tại trạm, xem thời gian – khoảng 1 giờ 55 phút cho 13,5 dặm – và lao ngay trở lại đường mòn. Tuy nhiên, những người Tarahumara, lại rẽ vào bãi đỗ xe và chạy về phía chiếc xe thùng của Rick Fisher. Họ cởi tung mấy đôi giày Rockport màu vàng như thể trong đó đầy kiến lửa. Rick và Kiy, đúng theo kế hoạch, đang đứng đó với các đôi huaraches của họ. Trình diễn sản phẩm như vậy là đủ rồi. Những người Tarahumara quỳ xuống, cuốn dây da vòng quanh phần mắt cá, rồi vòng cao lên bắp chân, điều chỉnh độ chặt lỏng như thể lên dây đàn ghi ta. Đó là cả một nghệ thuật, tinh chỉnh vừa vặn một miếng cao su dưới lòng bàn chân chỉ với một sợi dây da sao cho nó không xộc xệch hay lỏng lẻo trong suốt 87 dặm đường mòn đầy sỏi đá. Rồi họ bật dậy và chạy đi, bám sát gót Johnny Sandoval. Khi Ann Trason tới trạm tiếp tế, Martimano Cervantes và Juan Herrera đã khuất khỏi tầm mắt. Tốc độ này thì bệnh thật! Sandoval nghĩ, khi ngoái lại nhìn. Có ai nói cho mấy gã này biết rằng ở đây trời vừa mưa liền hai tuần qua không? Sandoval biết rằng họ đang hướng thẳng tới một vùng sình nhớp nháp quanh các bãi lầy Twin Lakes và dọc xuống nửa sau đầy bùn của Hope Pass. Dòng sông Arkansas đang gầm vang sẽ là một vấn đề rắc rối; họ sẽ phải nhích lên, tay nọ chồng tay kia, dọc theo một sợi dây an toàn để vượt qua, rồi bò lên đỉnh Hope Pass ở độ cao 600 m. Sau đó chạy vòng lại và lặp lại đường đua một lần nữa để quay về đích. Được rồi, thế này là tự sát! Sandoval quyết định khi anh vượt qua mức 23,5 dặm trong 3 giờ 20 phút. Mình sẽ giữ sức và hạ gục mấy gã này khi họ xuống sức. Anh ta để Martimano Cervantes và Juan Herrera chạy trước – và gần như ngay lập tức, bị Ann Trason vượt qua. Cô ta chui ra từ chỗ quái quỷ nào vậy? Ann phải biết rõ chứ; đây là tốc độ đi tới diệt vong. Tới điểm đánh dấu 30 dặm ở khu cắm trại Half Moon, Martimano và Juan đã sẵn sàng ăn sáng. Kiy Williams đặt vào tay họ những cái bánh burrito nhân đậu mỏng dính. Họ lại vui vẻ vừa chạy vừa ăn và nhanh chóng bị mảng rừng già quanh núi Elbert nuốt chửng. Ann chạy tới đó chỉ sau vài phút, bực mình và quát tháo. “Carl đâu? Anh ta ở chỗ quái nào vậy?” Lúc đó đã là 8 giờ 20 phút sáng và cô đã sẵn sàng giảm bớt cân nặng bằng cách bỏ lại đèn đeo trán cùng áo khoác. Nhưng mặc dù cô chạy chậm hơn nhiều so với tốc độ kỷ lục, chồng cô vẫn chưa tới được trạm tiếp tế. Kệ xác anh ta; Ann giữ lại đống đồ chạy đêm, và biến mất theo lối mòn của những người Tarahumara vô hình. Ở dặm thứ 40, đám đông đứng vòng quanh căn nhà trạm cứu hỏa bằng gỗ cổ kính trong ngôi làng Twin Lakes với các túp lều nhỏ, nhìn ngó đồng hồ. Những tay đua dẫn đầu chắc sẽ không xuất hiện sau khoảng… “Cô ấy kìa!” Ann vừa lên đến đỉnh đồi. Năm trước, Victoriano phải mất 7 giờ và 12 phút để tới được đây; Ann thì chưa cần tới sáu tiếng. “Chưa từng có phụ nữ nào dẫn đầu đoàn đua ở vị trí này của giải.” Sco Tinley nói với vẻ nghi hoặc, anh là người hai lần vô địch cuộc thi ba môn phối hợp Ironman, lúc đó đang làm bình luận viên truyền hình cho chương trình Wide World of Sports của đài ABC. “Chúng ta đang chứng kiến cuộc trình diễn khó tin của lòng can đảm trong thể thao hiện đại.” Chưa đầy một phút sau, Martimano và Juan tiến ra khỏi rặng cây và lao xuống đồi theo cô gái. Tony Post của hãng giày Rockport bị choáng ngợp bởi cảnh đó, ông chẳng màng đến khoảnh khắc đội của ông không những đang thua mà còn quăng đi đôi giày do chính ông trả tiền từ lúc nào. “Thật sửng sốt!” Post nói, ông từng là một vận động viên marathon có thứ hạng quốc gia, với kỷ lục khoảng hơn 2 giờ 20 phút. “Chúng tôi kinh ngạc, nhìn người phụ nữ này vươn lên nắm vị trí kiểm soát.” Thật may, chồng của Ann lần này đã có mặt đúng giờ. Anh đưa cho Ann một quả chuối, rồi dẫn cô vào trong trạm cứu hỏa để thực hiện kiểm tra y tế. Tất cả các tay đua giải Leadville phải kiểm tra mạch và cân nặng ở điểm mốc 40 dặm, vì cân nặng sụt giảm quá nhanh là dấu hiệu sớm của tình trạng mất nước nghiêm trọng. Chỉ khi bác sĩ Perna cho phép, họ mới được gieo mình vào cái cối xay thịt phía trước: ở đó, lừng lững bên kia bãi lầy, là cuộc leo gần 800 m lên đỉnh Hope Pass. Ann tranh thủ ăn chuối trong khi một cô y tá tên là Cindy Corbin điều chỉnh cái cân. Chỉ một lát sau, Martimano bước lên chiếc cân bên cạnh Ann. “¿Cómo está, Mamá?” Kiy Williams hỏi Martimano, đặt tay lên lưng anh để khích lệ. Anh cảm thấy thế nào sau gần sáu giờ liên tục chạy trên đồi cao ngất, với tốc độ nhanh không tưởng? “Hãy hỏi xem anh ta cảm thấy thế nào khi bị phụ nữ đánh bại.” Ann nói vọng sang. Vài tiếng cười e dè cất lên trong phòng, nhưng Ann thì không; cô gườm gườm nhìn Martimano như thể cô là võ sĩ đai đen còn anh ta là chồng gạch. Kiy nhìn lại với ánh mắt đe dọa, nhưng Ann lờ đi và tiếp tục khóa cặp mắt vào Martimano. Martimano quay sang nhìn Kiy với vẻ ngơ ngác, nhưng Kiy quyết định không dịch lại. Trong suốt nhiều năm chạy bộ siêu dài và chạy dẫn tốc độ cho cha mình, đây là lần đầu tiên Kiy từng nghe thấy một tay đua chế nhạo một tay đua khác. Không giống như hầu hết mọi người trong phòng lúc đó nghe thấy, một đoạn băng miêu tả sự kiện này sau đó cho thấy điều Ann nói thực ra là: “Hãy hỏi xem anh ta cảm thấy thế nào khi thi đấu với một phụ nữ.” Nhưng dù cho lời lẽ chính xác của cô có thể còn phải tranh cãi, nhưng thái độ của cô thì không thể nhầm lẫn: Ann không chỉ chiến thắng bằng cách nỗ lực chạy, cô chiến thắng bằng nỗ lực ganh đua. Cuộc đọ sức này sẽ trở thành trận đấu sinh tử. Khi Martimano xuống khỏi chiếc cân, Ann len qua và vội lao ra cửa. Cô cài chiếc túi bụng – vừa chứa thêm gel carbohydrate, găng tay, và một chiếc áo mưa, đề phòng gặp phải mưa tuyết hoặc những đợt gió lạnh cóng trên đỉnh rặng cây – và bắt đầu chạy xuôi xuống con đường hướng về ngọn núi tuyết phủ. Cô chạy ra quá nhanh, Martimano và Juan vẫn còn đang cắn mấy lát cam trong khi Ann đã đi tới chỗ ngoặt và khuất khỏi tầm mắt. Chuyện gì xảy ra với cô vậy? Câu nói móc mỉa, rồi việc ra đi trong vội vã – Ann còn chẳng có thời gian thay áo, tất khô, hay nhồi thêm calo xuống cổ họng. Và hơn nữa là tại sao cô lại vượt lên dẫn đầu? Dặm thứ 40 mới chỉ là hiệp đầu trong một cuộc chiến rất dài. Khi vọt lên dẫn đầu, bạn sẽ dễ bị hạ; bạn từ bỏ hết mọi yếu tố bất ngờ, và trở thành tù nhân của tốc độ của chính mình. Ngay cả những đứa trẻ học cấp hai thi chạy cự ly một dặm cũng hiểu rằng chiến thuật thông minh nhất là ngồi trên vai của người dẫn đầu, chỉ chạy nhanh hết sức khi bắt buộc phải làm, sau đó tăng tốc và vượt lên ở vòng cuối cùng. Một ví dụ kinh điển: Steve Prefontaine. Pre tăng tốc quá nhanh hai lần trong cùng một cuộc đua ở kỳ Olympic năm 1972; cả hai lần, anh ta đều bị bắt kịp. Ở vòng cuối, Pre chẳng còn lại gì và để tuột mất huy chương khi về đích thứ tư. Trận bại lịch sử đó đã cho ta một bài học: không ai từ bỏ vị trí truy đuổi nếu như không bị buộc phải làm như vậy. Trừ khi bạn là kẻ ngốc, hoặc một kẻ liều mạng – hoặc bạn là Garry Kasparov. Trong giải Vô địch Cờ vua Thế giới năm 1990, Kasparov mắc một lỗi tai hại và mất luôn quân hậu ngay ở đầu ván cờ quyết định. Các kiện tướng cờ vua khắp thế giới rên lên đau đớn; tay chơi trên bàn cờ nay trở thành mồi ngon để bị triệt hạ (một người quan sát kém lịch thiệp của tờ Thời báo New York nhạo báng). Nhưng, đó không phải là lỗi; Kasparov đã cố tình hy sinh quân cờ mạnh nhất của mình để có được lợi thế tâm lý mạnh hơn nhiều. Anh cực kỳ lợi hại khi bị dồn đến chân tường, bị ép phải tung ra những đòn hiểm ác, và trở nên ngẫu hứng để tìm lối thoát. Anatoly Karpov, đối thủ xứng tầm của anh, đã quá bảo thủ khi dồn ép Kasparov ngay từ đầu ván đấu, và Kasparov đã tự tạo áp lực lên bản thân mình bằng canh bạc với quân hậu – và giành chiến thắng. Đó là điều mà Ann đang làm. Thay vì săn đuổi những người Tarahumara, cô đã lựa chọn chiến lược đầy rủi ro, nhưng cũng tràn đầy hứng khởi, đó là để người Tarahumara phải săn đuổi mình. Xét cho cùng thì, ai thèm muốn chiến thắng hơn: con vật ăn thịt hay con mồi? Con sư tử có thể thất bại và trở lại cuộc săn vào một ngày khác, nhưng con linh dương thì chỉ được sai sót đúng một lần. Để đánh bại những người Tarahumara, Ann biết rằng cô cần nhiều hơn là sức mạnh ý chí: cô cần nỗi sợ. Khi vượt lên dẫn đầu, bất kỳ tiếng răng rắc của cành cây nào phía sau lưng cũng sẽ khua cô nhanh hơn về vạch đích. “Đứng vào vị trí dẫn đầu đồng nghĩa với việc hành động thật dữ dằn và phải thật tự tin.” Roger Bannister đã có lần ghi chép. “Nhưng nỗi sợ cũng đóng vai trò trong đó… phải tuyệt đối không được lơi lỏng, và phải để sự thận trọng tan đi theo gió.” Ann có đủ sự dữ dằn và tự tin. Giờ đây, cô đã quẳng đi hết thận trọng và để nỗi sợ trỗi lên cầm cương. Lần đầu tiên, chạy bộ siêu dài được chứng kiến canh bạc với quân hậu. Chương 14 Cô ấy thật điên rồ! Cô ấy… thật đáng sợ. Huấn luyện viên Vigil là một người luôn bị ám ảnh bởi các dữ liệu khô khan, nhưng khi chứng kiến Ann lao đi trên rặng Rocky với kế hoạch liều mạng của mình, ông lại thấy yêu cái thực tế rằng chạy bộ siêu dài chẳng có khoa học gì hết, không có sách vở, không có hướng dẫn tập luyện, và chẳng có kiến thức phổ thông. Chính cái kiểu tự sáng tạo hoàn toàn tự do mới đem lại những bước đột phá, và Vigil hiểu điều này (Columbus, ban nhạc The Beatles, hay Bill Gates chắc cũng hân hoan tán thành). Ann Trason cùng đồng bọn như những nhà khoa học điên khùng quậy phá với đống chai lọ trong phòng thí nghiệm dưới lòng đất, lờ đi tất thảy trong môn thể thao này và được tự ý thách thức tất cả các nguyên tắc đã từng biết về giày dép, thức ăn, cơ sinh học, cường độ tập luyện… tất cả mọi thứ. Và bất kỳ đột phá nào họ tìm ra cũng đều có lý. Với những người chạy bộ siêu dài, Vigil luôn cảm thấy nhẹ nhõm như đang làm việc với mẫu vật thí nghiệm thuần khiết nhất. Ông không bị lừa bịp bởi những trò biểu diễn siêu năng lực tầm phào, như sức bền bỉ “thần kỳ” của các tay đua xe đạp giải Tour de France, hay sức mạnh phi thường của một tay chày đầu quả dưa bất thình lình đánh toàn những cú home-run ăn điểm, hay tốc độ bùng nổ của những nữ vận động viên chạy nước rút giành được năm huy chương vàng trong một kỳ Olympic trước khi vào tù vì gian lận sử dụng steroid. “Ngay cả nụ cười tươi sáng nhất,” một người quan sát nói về nỗi nhục nhã ê chề của nữ hoàng điền kinh Marion Jones, “cũng có thể đang che giấu một lời nói dối.” Vậy, ta có thể tin vào ai? Dễ thôi, nụ cười của những gã khùng chạy trong rừng. Những người chạy bộ siêu dài chẳng có lý do gì để gian lận, vì họ chẳng đạt được lợi lộc gì: không danh tiếng, chẳng giàu sang, không huy chương chiến thắng. Chẳng ai biết họ là ai, hay quan tâm xem ai chiến thắng trong cuộc du ngoạn kỳ lạ trong rừng của họ. Họ còn chẳng giành được giải thưởng bằng tiền; tất cả những gì bạn giành được khi chiến thắng trong một cuộc chạy đua siêu dài là cái mặt thắt lưng giống y như của người về đích thứ bét. Vì thế, là một nhà khoa học, Vigil có thể tin tưởng vào những dữ liệu từ một cuộc đua siêu marathon; và với tư cách một người hâm mộ, ông có thể tận hưởng cuộc trình diễn mà không hề có chút coi thường hay nghi hoặc. Ann Trason không có EPO (hormone dùng để doping máu) trong máu, không có máu mua trộm giấu trong tủ lạnh, và chẳng có các ống tiêm steroid đồng hóa mua từ Đông Âu trong tài khoản FedEx. Vigil biết rằng nếu ông có thể hiểu được Ann Trason, ông sẽ biết một người cừ khôi có thể làm nên điều gì. Nhưng nếu có thể hiểu được người Tarahumara, ông sẽ biết tất cả mọi người có thể làm gì. Ann hít từng hơi thở sâu và run bắn. Lượt chạy thúc lên đỉnh Hope Pass quả thật đau đớn, nhưng cô liên tục tự nhắc nhở mình rằng từ lần Carl chửi mắng cô, chưa ai từng đánh bại cô trong một cuộc leo dốc nữa. Khoảng hai năm trước, cô và Carl đang chạy trong một ngày mưa, Ann bắt đầu cằn nhằn về ngọn đồi trơn trượt, tưởng chừng như kéo dài mãi phía trước. Carl mệt mỏi vì phải nghe phàn nàn nên đã rủa xả cô bằng từ ngữ thậm tệ nhất mà anh có thể nghĩ ra. “Đồ hèn!” Ann sau này kể lại. “Đồ hèn! Ngay từ khi đó, tôi quyết định sẽ tập luyện để trở thành người leo dốc giỏi hơn anh ta.” Và không chỉ giỏi hơn Carl, mà phải là hơn bất kỳ ai khác; Ann đã biến mình thành một con sơn dương leo dốc khoẻ tới mức các con dốc trở thành nơi yêu thích của cô để tung ra đòn quyết định và bứt phá trong các cuộc đua. Nhưng giờ đây, khi tiến gần tới đỉnh Hope Pass, cô liếc lại phía sau và thấy Martimano và Juan đang từ từ rút ngắn khoảng cách, lướt đi nhẹ nhàng trong những tấm áo choàng phấp phới quanh mình. “Chúa ơi!” Ann hổn hển. Cô đang cúi gập người về phía trước tới mức gần như có thể lôi mình lên dốc bằng tay. “Tôi không hiểu tại sao họ làm được như vậy.” Xa hơn chút nữa phía dưới núi, Manuel Luna và phần còn lại của Đội Tarahumara cũng đang đuổi theo. Họ bị tản ra trong những dặm đầu tiên bởi tốc độ nhanh đến giật mình, nhưng lúc này – như một đám chất nguyên sinh của người ngoài hành tinh tụ lại và mạnh hơn mỗi khi bạn đập tan chúng ra thành từng mảnh – họ lại đang khóa chặt lại thành đội hình sau lưng Manuel Luna. “Chúa ơi!” Ann thốt lên lần nữa. Cuối cùng, cô cũng lên tới đỉnh. Quang cảnh thật hùng vĩ; nếu Ann quay người lại, cô có thể nhìn thấy toàn bộ 45 dặm đầy cây dại trải dài từ chỗ cô đứng tới tận Leadville. Nhưng cô thậm chí còn chẳng dừng lại để uống lấy một ngụm nước. Cô đang có trong tay con át chủ bài, và cô phải dùng tới nó ngay bây giờ. Cô bị chóng mặt vì không khí loãng và hai gân kheo đang gào thét, nhưng Ann dấn bước thẳng qua đỉnh và bắt đầu rảo chân xuống dốc. Đây là một biệt tài của cô: dùng địa hình để hồi phục khi đang di chuyển. Sau lượt đổ dốc đứng đầu tiên, đợt xuống dốc ở mặt lưng núi nhanh chóng chuyển thành quãng ngoặt quay đầu bằng phẳng hơn, và Ann có thể ngả người ra, lỏng bớt chân, và thả mình để trọng lực làm việc. Một thoáng sau, cô đã bắt đầu cảm thấy những chỗ giật giật ở bắp chân dịu bớt và sức mạnh dần trở lại với phần đùi. Khi tới đáy con dốc, đầu cô đã lại ngẩng cao và tia sáng lấp lánh lại xuất hiện trong cặp mắt báo. Đã đến lúc bật động cơ phản lực. Ann rẽ khỏi lối mòn lầy lội và tiến lên mặt đường cứng rắn, đôi chân cô guồng nhanh và lỏng khỏi hông khi cô tăng tốc vào ba dặm cuối trước khi tới điểm quay đầu. Trong khi đó, Juan và Martimano lại bị phân tâm một chút. Ngay khi vừa qua khỏi rặng cây phía trên, họ giật mình nhìn thấy một đàn quái vật kỳ dị, lông lá – trong đó có cả súc vật. “XÚP ĐÂY, CÁC ANH!” Một giọng khàn khàn từ đâu đó trong đàn quái thú hướng về phía những người Tarahumara đang ngơ ngác. Những người Tarahumara vừa trạm chán lần đầu với một bộ lạc man dại khác: nhóm Hopeless Crew. 12 năm trước, Ken Chlouber đã vận động đủ láng giềng để lập ra hơn nửa tá trạm tiếp tế, nhưng từ chối không đưa ai lên đỉnh Hope Pass; ngay cả gã thợ mỏ gai góc vốn vui thích với tỷ lệ nhập viện cao của giải đua này cũng cho rằng việc làm đó là bất nhân. Một người tình nguyện trên Hope Pass sẽ buộc phải đưa đủ đồ tiếp tế lên núi để cho đoàn người chạy bộ bệ rạc lần lượt kéo nhau lên ăn, uống, sơ cứu, và phải cắm trại hai đêm trên đỉnh một ngọn núi tuyết với những cơn gió mạnh thổi ào ào. Không thể nào; nếu Ken đưa bất kỳ ai lên đó, anh ta sẽ phải trả cả núi tiền nếu người đó không bao giờ đi xuống. May thay, một nhóm nông dân chăn lạc đà không bướu ở Leadville nhún vai và nói, ầy, có quái gì đâu. Nghe như một buổi tiệc tùng vậy. Họ chất lên lưng lũ lạc đà đủ thức ăn và rượu để sống sót hết cuối tuần, và cắm cọc dựng lều ở độ cao gần 3.900 m. Từ đó trở đi, nhóm Hopeless Crew phát triển thêm và trở thành một đội tám mươi mấy con người mạnh mẽ gồm cả chủ lạc đà và bạn bè của họ. Trong hai ngày, họ chống chọi với những trận gió dữ đội và những ngón tay bị bỏng lạnh để cung cấp đồ cứu thương và xúp nóng, đưa những tay đua bị chấn thương xuống bằng lạc đà, và họ vẫn tiệc tùng trong suốt thời gian đó như một bộ tộc người tuyết dễ thương. “Hope Pass là một nơi khủng khiếp kể cả trong một ngày đẹp trời.” Ken nói. “Nếu không có lũ lạc đà đó, chúng tôi hẳn đã mất rất nhiều người.” Juan và Martimano rụt rè đập tay đáp trả khi họ chạy qua đám Hopeless Crew đã khàn cả giọng. Họ dừng lại để uống nước, khu trại của đám dân du mục vẫn trong tầm mắt (và cả mấy cốc mì rất ngon mà ai đó dúi vào tay họ nữa), rồi nhanh chân chạy xuống mặt sau quả núi. Ann đã hoàn toàn ra khỏi tầm mắt. Ann tới mốc 50 dặm vào lúc 12 giờ 05 trưa, nhanh hơn gần hai giờ so với thời gian của Victoriano năm ngoái. Carl đưa thêm cho cô đồ uống thể thao và gel carbohydrate Cytomax, rồi đeo cái túi bụng của mình lên và thắt nút dây giày. Theo luật của giải Leadville, một “cửu vạn” có thể chạy cùng với một tay đua trong 50 dặm sau, đồng nghĩa với việc Ann sẽ có đội hỗ trợ ngay bên mình từ đây cho đến tận vạch đích. Người dẫn tốc độ tốt có thể trợ giúp rất nhiều trong cuộc đua siêu dài, và Ann có được một trong những người giỏi nhất: Carl không chỉ đủ nhanh để hối thúc cô, mà còn đủ dày dạn kinh nghiệm để kiểm soát trong trường hợp đầu óc của Ann mất tỉnh táo. Sau khoảng 20 giờ chạy bộ liên tục, một tay đua siêu dài có thể bị tê liệt đầu óc đến mức không thay nổi pin cho đèn đeo trán, hoặc nhầm lẫn các chỗ đánh dấu đường mòn, và thậm chí, như trong trường hợp không may của một tay đua giải Badwater năm 2005, nhầm lẫn rằng cơn nhu động ruột sắp xảy ra, trong khi nó lại đang thực sự diễn ra rồi. Và đó vẫn là các tay đua còn tỉnh táo. Đối với những người còn lại, ảo giác không có gì xa lạ; một người chạy bộ siêu dài đã từng liên tục hò hét và nhảy tránh vào rừng cây mỗi khi nhìn thấy một ánh đèn pin, vì cho rằng đó là một đoàn tàu đang chạy tới. Một người khác lại vui vẻ với người đồng hành là một cô nàng nóng bỏng mặc bộ bikini màu bạc, trượt trên giày patin song hành với anh ta nhiều dặm liền dọc theo Thung lũng Chết cho tới khi cô ta tan vào màn hư ảo của cái nóng. Người ta nói rằng trong năm đó tại giải Badwater, có sáu trong số 20 tay đua gặp phải ảo giác, bao gồm cả một người nhìn thấy các xác chết đang phân huỷ trên đường và “quái vật chuột biến đổi gien” bò trên đường nhựa. Một người dẫn tốc độ hoảng hồn sau khi cô thấy tay đua của mình chăm chú nhìn vào khoảng trống và nói với không khí rằng: “Tôi biết bạn không phải là thật.” Vì vậy, một người dẫn tốc độ bền bỉ có thể cứu vãn cuộc đua của bạn; một người dẫn tốc độ tỉnh táo có thể giữ tính mạng cho bạn. Tiếc thay cho Martimano, lúc đó, hy vọng lớn nhất của anh là gã tóc bù xù kỳ quặc mà anh gặp trong thị trấn sẽ xuất hiện – và thực sự có thể chạy được. Đêm trước ngày đua, Rick Fisher đã dẫn Đội Tarahumara đi ăn mì spaghei tại sảnh VFW của thị trấn Leadville, hy vọng có thể tuyển mộ được vài người dẫn tốc độ. Đây không phải điều dễ dàng; dẫn tốc độ rất khó và chẳng được ai để tâm, thông thường chỉ có người thân trong gia đình, những gã ngu ngốc, và bạn cực kỳ thân thiết mới bị dụ dỗ làm việc này. Nhận làm người dẫn tốc độ đồng nghĩa với việc đứng run rẩy giữa nơi hẻo lánh hàng giờ liền cho tới khi tay đua của bạn xuất hiện, sau đó xuất phát lúc hoàng hôn và tham gia một cuộc chạy xuyên đêm qua các ngọn núi heo hút. Bạn sẽ đổ máu trên ống chân, nôn oẹ xuống giày, và thậm chí chẳng nhận được một chiếc áo giải mặc dù hoàn thành hai cuộc marathon liên tục trong một đêm. Các yêu cầu của công việc này bao gồm cả việc phải thức canh trong khi tay đua của bạn tranh thủ chợp mắt giữa đống bùn lầy; chọc thủng một vết rộp giữa khe mông của cô ta bằng móng tay bạn; nhường áo khoác ngay cả khi bạn đang đánh đàn răng, bởi vì môi của cô ta tím ngắt. Trong bữa tối với món spaghei, Martimano liên tục đánh mắt với một người dân bản địa tóc dài và chẳng hiểu sao, gã này cười phá lên. Martimano cũng cười; anh thấy gã tóc xù kia hay ho và ngộ nghĩnh. “Tôi chạy cùng nhé, người anh em!” Tóc Xù nói. “Anh có hiểu không đấy? Tú và yo. Anh mà cần cửu vạn, thì có tôi đây.” “Ôi, ôi, gượm đã!” Fisher chen ngang. “Anh chắc là mình chạy đủ nhanh để theo những người này chứ?” “Anh có mang lại ân huệ gì cho tôi đâu!” Tóc Xù nhún vai. “Anh còn có ai đang xếp hàng nhận làm việc này nữa chắc?” “Ờ!” Fisher nói. “Đành vậy.” Và đúng như đã hứa, Tóc Xù đang hú hét và vẫy tay ở trạm tiếp tế vào buổi chiều hôm sau, khi Juan và Martimano chạy tới điểm quay đầu ở mốc 50 dặm. Họ uống một hơi dài nước mát, lấy một ít pinole và bánh burritos nhân đậu mỏng từ Kiy Williams. Rick Fisher cũng đã kiếm được một người dẫn tốc độ khác, một người chạy siêu dài thuộc loại cừ khôi đến từ San Diego, cũng đã từng học theo cách thức của người Tarahumara từ lâu. Bốn người chạy bộ trao đổi những cái bắt tay kiểu Tarahumara – khẽ chạm các đầu ngón tay – và quay lại hướng về Hope Pass. Ann đã khuất khỏi tầm mắt. “Thắng yên vào nào!” Tóc Xù nói. “Hãy cùng đi bắt mụ bruja.” Juan và Martimano hầu như chẳng hiểu anh ta nói gì, nhưng nắm được đúng ý: Tóc Xù đang gọi Ann là một mụ phù thuỷ. Họ nhìn kỹ lại xem anh ta có nói thật hay không, rồi quyết định rằng anh ta đang đùa cợt, và bắt đầu cười to. Gã này đúng là một cú hích tốt. “Phải đấy, cô ta là bruja, nhưng vậy cũng hay.” Tóc Xù nói tiếp. “Chúng ta có các mojo mạnh hơn. Các anh có hiểu từ đó không, mojo? Không à? Chẳng sao! Chúng ta sẽ săn bruja đó như một con hươu. Như một con venado. Đúng vậy, venado. Hiểu chứ? Ta sẽ săn đuổi bruja như một con venado. Poco a poco – dần từng tí một.” Nhưng bruja không chùn bước. Tới thời điểm lên đỉnh Hope Pass lần thứ hai, Ann đã nới rộng khoảng cách từ bốn phút lên tận bảy phút. “Tôi đang hướng lên Hope Pass, và cô ta bay vọt qua tôi từ hướng ngược lại – vèo!” Một tay đua trong giải Leadville tên là Glen Vaassen sau này kể lại với tạp chí Runner’s World. “Cô ta đang ngon trớn.” Cô ta lần ngược lại xuống tới đáy của điểm ngoặt và lao xuống đi xuyên qua dòng sông Arkansas, cố gắng chống đỡ để không bị quét xuống hạ lưu trước con nước cao tận ngang hông. Lúc đó là 2 giờ 31 phút chiều, khi cô và Carl trở lại trạm cứu hoả Twin Lakes ở mốc 60 dặm. Ann đăng ký tên, kiểm tra y tế, và lê ngược lên con dốc đất cao ba mét để tới được đầu đường mòn. Khi Tóc Xù và những người Tarahumara đến nơi, Ann đã đi khỏi đó được 12 phút. Tình cờ, Ken Chlouber cũng vừa đi đến trạm tiếp tế Twin Lakes và chuẩn bị ra ngoài khi Juan và Martimano bắt đầu đoạn đường quay trở về. Tất cả mọi người trong trạm cứu hỏa đều náo loạn về tốc độ kỷ lục của Ann và việc cô càng ngày càng bỏ xa ở vị trí dẫn đầu, nhưng khi Ken quan sát Juan và Martimano rời khỏi trạm cứu hoả, anh bỗng ngẩn ra vì một chuyện khác: khi hai người này leo lên con dốc đất, họ vừa leo vừa cười. “Tất cả mọi người đều đi bộ lên con dốc đó.” Chlouber nghĩ, khi Juan và Martimano khuấy tung bụi đất trên con dốc như đám trẻ con đùa nghịch trong đống lá. “Tất cả mọi người đều như vậy. Và chắc chắn là chẳng ai lại vừa chạy lên dốc vừa cười như thế.” Chương 15 Da thịt quanh cơ thể tôi mềm ra và thư giãn, như một thử nghiệm trong nhạc nền có mục đích. - Richard Brautigan, Trout Fishing in America (Câu cá hồi ở Mỹ) Trông họ mới vui làm sao!” Huấn luyện viên Vigil kinh ngạc thốt lên. Ông chưa bao giờ thấy điều này. “Kỳ lạ thật!” Niềm vui sướng và lòng quyết tâm thường là hai cảm xúc đối kháng với nhau, vậy mà những người Tarahumara này lại tràn ngập cả hai sắc thái, cứ như việc chạy đến chết làm họ tràn trề sức sống hơn vậy. Vigil hăng hái ghi chép lại (Hãy nhìn cách họ chạy với ngón chân hướng xuống dưới, chứ không hướng lên trên, giống như các vận động viên thể dục dụng cụ đang tập trên thảm. Và lưng họ nữa! Họ có thể đội cả xô nước mà chẳng sánh ra ngoài một giọt. Đã bao nhiêu năm mình dặn học trò phải giữ thẳng lưng và chạy từ phần thân giữa cơ thể như vậy?) Nhưng chính những nụ cười mới làm ông chấn động. Đây rồi! Vigil nghĩ, và cảm thấy ngây ngất. Mình đã tìm thấy rồi! Có điều, ông vẫn không chắc chắn là mình tìm thấy điều gì. Phát hiện ông hằng mong đợi giờ đây đang ở ngay trước mắt, nhưng ông vẫn không thực sự nắm bắt được. Ông chỉ có thể cảm nhận được chút ánh sáng hé lộ, như tìm thấy bìa một cuốn sách quý hiếm trong một thư viện chỉ được chiếu sáng bằng ánh nến. Nhưng dù “nó” là gì chăng nữa, thì ông cũng biết đó chính xác là điều mình đang tìm kiếm. Vài năm qua, Vigil đã bị thuyết phục rằng bước đột phá tiếp theo trong thể thao sức bền của nhân loại sẽ đến từ một lĩnh vực mà ông sợ hãi khi tiến vào: Tâm tính. Không phải kiểu “tâm tính” mà các huấn luyện viên khác suốt ngày ra rả. Vigil không phải đang nói đến “khí phách” hay “sự thèm khát” hoặc “kiểu khí chất bên trong”. Điều ông muốn nói đến lại hoàn toàn trái ngược. Quan điểm của Vigil về tâm tính không phải là tính bền bỉ cứng rắn. Đó là lòng thương cảm. Lòng tốt. Tình yêu. Đúng vậy: Tình yêu. Vigil hiểu rằng điều này nghe có vẻ ủy mị ướt át, và đừng hiểu nhầm, chính ông đã từng cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều khi bám lấy các thông số định lượng cụ thể như chỉ số VO2 tối đa, hay các bảng kế hoạch tập luyện có tính chu kỳ. Nhưng sau khi dành ra gần 50 năm nghiên cứu sinh lý học về phong độ, Vigil đã đi tới một kết luận không dễ chịu chút nào, rằng tất cả các câu hỏi dễ dàng đã được trả lời hết, ông càng ngày càng học được ít điều mới mẻ hơn. Ông có thể cho bạn biết chính xác một thiếu niên Kenya đã tập chạy được nhiều hơn bao nhiêu dặm so với thiếu niên Mỹ khi bắt đầu tập luyện (18.000 dặm chạy tập). Ông đã phát hiện ra tại sao các vận động viên chạy nước rút người Nga lại nhảy xuống từ thang (ngoài việc làm rắn chắc thêm cơ mặt ngoài chi dưới, thì chấn động đó sẽ dạy cho các dây thần kinh phản ứng nhanh hơn, làm giảm nguy cơ chấn thương trong luyện tập). Ông cũng đã phân tích được bí mật về chế độ ăn uống của những người nông dân Peru (sống ở trên độ cao lớn có tác động kỳ lạ đối với hệ trao đổi chất) và ông có thể nói chuyện hàng giờ về tác động của một phần trăm nhất định trong hiệu quả tiêu thụ oxy. Ông đã hiểu rõ về cơ thể, vì vậy, bây giờ thì đến bộ não. Đặc biệt là: Làm thế nào bạn có thể khiến ai đó thực sự muốn làm những điều như thế này? Làm cách nào bạn bật được công tắc bí mật biến chúng ta trở lại thành Người Chạy Bộ Bẩm Sinh như trước đây? Không phải tìm kiếm ở tận đâu trong lịch sử xa xưa, mà chính trong cuộc đời của bạn thôi. Bạn có nhớ không? Khi còn là một đứa trẻ và phải bị quát mắng thì bạn mới chịu chậm bớt? Bạn chơi mọi trò với tốc độ nhanh nhất, chạy như điên khi đá ống bơ, hay chơi đuổi bắt ở sân sau nhà hàng xóm. Một nửa của niềm vui khi làm bất cứ điều gì là làm điều đó với tốc độ kỷ lục, như thể đó là lần cuối cùng trong đời bạn có thể bị than phiền vì chạy quá nhanh vậy. Đó mới thực sự là bí mật của người Tarahumara: họ chưa từng quên tình yêu dành cho chạy bộ. Họ nhớ được rằng chạy bộ chính là nghệ thuật đỉnh cao đầu tiên của nhân loại, là hoạt động sáng tạo theo cảm hứng nguyên thủy. Rất lâu trước khi chúng ta nguệch ngoạc vẽ lên trên vách hang động, hay vỗ theo nhịp vào những thân cây rỗng, chúng ta đã hoàn thiện nghệ thuật kết hợp hơi thở, trí não và các cơ bắp thành chuyển động tự thân tiến lên phía trước, vượt qua địa hình hoang dã. Và khi tổ tiên của chúng ta cuối cùng cũng vẽ nên những bức tranh đầu tiên trong hang động, thì các hình vẽ đầu tiên là gì? Một vết cắt xuống, hình tia sét xuyên qua một hình ảnh – Người Chạy Bộ. Chạy đường dài được tôn sùng vì nó thiết yếu; đó là cách chúng ta sống sót, phát triển và nhân rộng ra khắp hành tinh này. Bạn chạy để kiếm ăn và để tránh bị ăn thịt; bạn chạy để tìm kiếm bạn tình và gây ấn tượng với nàng, và cùng nàng, bạn lại chạy để xây dựng một cuộc sống mới. Bạn phải yêu thích chạy bộ, nếu không, bạn sẽ chẳng còn sống để yêu bất kỳ thứ gì khác. Và cũng như mọi điều khác mà chúng ta yêu thích – tất cả những gì ta hay gọi một cách uỷ mị là “đam mê” và “ham muốn” – nó thực sự là một điều tất yếu được lập trình sẵn về mặt di truyền. Chúng ta sinh ra để chạy; chúng ta sinh ra bởi vì chúng ta chạy. Tẩt cả chúng ta đều là Người Chạy Bộ, điều mà người Tarahumara luôn hiểu rõ. Nhưng, theo cách tiếp cận của Mỹ thì – ôi chao. Thối rữa từ bên trong. Quá nhiều thứ nhân tạo và gượng ép, Vigil tin như vậy. Mọi thứ đều hướng về chuyện thành tích, và làm sao giành được nó ngay: những tấm huy chương, hợp đồng tài trợ với Nike, hay cặp mông đẹp đẽ. Nó không còn là một nghệ thuật nữa; tất cả là làm ăn, là đổi chác trần trụi. Không lấy gì làm lạ khi có nhiều người ghét chạy bộ đến vậy. Nếu bạn nghĩ rằng nó chỉ là một phương tiện để đi đến một điểm kết thúc nào đó – một khoản đầu tư để trở nên nhanh hơn, thon thả hơn, giàu có hơn – thì việc gì phải gắn bó với nó nếu bạn không nhận đủ lợi ích từ vụ đổi chác này? Nhưng mọi việc không phải vẫn luôn như vậy – đã có lúc, chạy bộ là điều tuyệt vời. Hồi những năm 70, các vận động viên marathon của Mỹ rất giống với người Tarahumara, họ như một bộ lạc gồm toàn những kẻ bơ vơ bị cách ly với bên ngoài, chạy vì tình yêu và tin tưởng vào bản năng cùng với những dụng cụ đơn giản. Cắt bỏ phần trên của một đôi giày chạy những năm 70, bạn sẽ có một chiếc xăng đan: những đôi giày cũ của Adidas và Onitsuka Tigers chỉ bao gồm một lớp đế phẳng và dây buộc, chứ chẳng có kiểm soát chuyển động, nâng đỡ hõm chân hay miếng lót gót. Người ở thời những năm 70 chẳng biết đến mấy khái niệm “tiếp đất má ngoài” và “tiếp đất má trong”; mấy từ ngữ dùng trong các cửa hàng chạy bộ đó còn chưa được phát minh ra. Việc tập luyện của họ cũng thô sơ như những đôi giày vậy. Họ chạy quá nhiều: “Chúng tôi chạy hai lần một ngày, thỉnh thoảng thì ba lần.” Frank Shorter nhớ lại. “Tất cả những gì chúng tôi làm là chạy – chạy, ăn và ngủ.” Họ cũng tập quá nặng: “Bài tập thông thường là để cho các vận động viên chạy cạnh tranh với nhau, chạy thi hằng ngày dưới hình thức các cuộc đua xe tự phát ngoài đường.” Một người quan sát miêu tả. Và họ quá thân thiện với nhau để có thể gọi là đối thủ cạnh tranh. “Chúng tôi thích chạy cùng nhau.” Bill Rodgers, một thủ lĩnh chạy bộ hồi những năm 70, từng bốn lần vô địch giải Boston Marathon, hồi tưởng. “Chúng tôi tận hưởng niềm vui với chạy bộ và chẳng phải chịu áp lực.” Họ vô tư tới mức chẳng nhận ra rằng họ đáng ra phải bị kiệt quệ, tập quá sức, và bị chấn thương. Thay vào đó, họ chạy nhanh; rất nhanh. Frank Shorter giành được huy chương vàng Olympic năm 1972 và huy chương bạc năm 1976, Bill Rodgers được xếp hạng vận động viên marathon số một thế giới trong ba năm, còn Alberto Salaza chiến thắng ở giải Boston, New York, và giải siêu marathon Comrades. Tới đầu những năm 80, câu lạc bộ điền kinh Greater Boston đã có khoảng nửa tá vận động viên có khả năng chạy marathon với thành tích 2 giờ 12 phút. Sáu người, trong một câu lạc bộ nghiệp dư, trong một thành phố. 20 năm sau, bạn chẳng thể tìm thấy một vận động viên có khả năng chạy được marathon 2 giờ 12 phút trên khắp cả nước. Nước Mỹ còn chẳng thể có nổi một vận động viên đạt ngưỡng 2 giờ 14 phút để đạt tiêu chuẩn dự Olympic 2000; chỉ duy nhất Rod DeHaven đỗ vớt vào Thế vận hội với tiêu chuẩn “B” 2 giờ 15 phút. Anh ta về đích ở vị trí 69. Vậy thì, điều gì đã xảy ra? Tại sao chúng ta từ người đứng đầu, lại trở thành những kẻ thua cuộc và bị bỏ lại phía sau? Đương nhiên, khó có thể xác định một nguyên nhân đơn lẻ nào trong cái thế giới hỗn tạp này, nhưng nếu bắt buộc phải chọn, thì câu trả lời phù hợp nhất có thể được tóm tắt như sau: Lẽ dĩ nhiên, sẽ có nhiều người đưa ra lý do để bào chữa, rằng người Kenya có một dạng biến đổi gien gì đó về các sợi cơ, nhưng đây không phải chuyện tại sao người khác chạy nhanh hơn; mà vấn đề là tại sao chúng ta chạy chậm đi. Và thực tế là, môn chạy bộ đường dài của nước Mỹ đã rơi vào một vòng xoáy diệt vong khi chuyện tiền nong xuất hiện trong bức tranh toàn cảnh. Các kỳ Olympic bắt đầu mở cửa cho các vận động viên chuyên nghiệp từ sau Olympic 1984, đồng nghĩa với việc các hãng sản xuất giày có thể lôi môn chạy bộ đường dài ra khỏi “chốn hoang dã” và đưa vào khu bảo tồn “được trả lương”. Vigil đã đánh hơi thấy ngày tận thế đang cận kề, và ông đã cố gắng cảnh báo học trò. “Có hai vị nữ thần trong trái tim các bạn.” Ông nói. “Nữ thần Thông Thái và Nữ thần Giàu Sang. Tất cả mọi người đều nghĩ rằng họ phải trở nên giàu có trước, rồi sự khôn ngoan sẽ tới. Vì vậy, họ chỉ lo đuổi theo đồng tiền. Nhưng họ đã nhầm. Bạn phải dâng trái tim mình cho nữ thần Thông Thái trước, dâng cho nàng toàn bộ tình yêu, sự quan tâm chăm sóc, nữ thần Giàu Sang sẽ ghen tỵ và theo đuổi bạn.” Hay nói cách khác, đừng đòi hỏi bất kỳ điều gì từ chạy bộ, và bạn sẽ có được nhiều hơn cả những gì bạn tưởng tượng. Vigil chẳng phải đang vỗ ngực về tính thanh cao của sự nghèo khó, hay mơ tưởng về một cộng đồng những vận động viên marathon rỗng túi sống khắc kỷ như những thầy tu. Thậm chí, ông còn chẳng biết chắc là mình có thực sự tìm thấy mấu chốt của vấn đề hay không, chứ đừng nói là nghĩ ra được giải pháp. Tất cả những gì ông muốn, là tìm ra Người Chạy Bộ Bẩm Sinh – một người nào đó chạy bộ thuần tuý chỉ vì niềm vui, như một người nghệ sĩ đang đắm chìm trong cảm hứng – và nghiên cứu xem anh ta, hay cô ta tập luyện, sống và suy nghĩ như thế nào. Dù suy nghĩ đó là gì, thì có thể Vigil sẽ tìm cách cấy nó vào văn hóa Mỹ như một hạt giống báu vật truyền đời và quan sát nó lại được mọc lên một cách hoang dại một lần nữa. Vigil đã có một mẫu vật hoàn hảo. Đã từng có một anh lính người Séc, một chàng trai hiền lành nhút nhát, chạy bộ với dáng xấu khủng khiếp đến mức “như vừa bị dao đâm trúng tim”, theo lời một cây bút thể thao. Nhưng Emil Zatopek yêu chạy bộ nhiều đến mức ngay khi còn là lính trơn trong trại huấn luyện, anh từng nhiều lần vớ lấy cây đèn pin và biến vào rừng để chạy 20 dặm một lượt giữa đêm khuya. Với đôi bốt quân đội. Giữa mùa đông. Sau một ngày dài toàn các bài huấn luyện bộ binh. Khi tuyết rơi quá dày, Zatopek thường giậm chân tại chỗ trên đống quần áo bẩn đang giặt, để vừa tập bài sức bền, vừa giúp cho quần áo trắng tinh. Ngay khi tuyết tan đến mức đủ để ra ngoài, anh liền hóa điên; anh sẽ chạy 400 m hết tốc lực, lặp đi lặp lại, 90 lần liền, nghỉ giữa các lần bằng cách chạy chậm 200 m. Kết thúc buổi chạy, anh đã thực hiện xong một bài tập tốc độ dài 33 dặm. Hỏi về tốc độ chạy, anh sẽ nhún vai; anh chẳng bao giờ tự bấm giờ. Để luyện tập cho khả năng bứt phá, anh ta cùng vợ, Dana, thường chơi đuổi bắt với một mũi lao, phóng mũi lao đó cho nhau qua một sân bóng, như thể đang chơi môn đĩa ném Frisbee hình que hết sức nguy hiểm. Một trong những bài tập yêu thích của Zatopek kết hợp tất cả các tình yêu của anh vào một: anh chạy chậm xuyên qua rừng, chân đi bốt quân đội, và cõng người vợ yêu thương vô bờ bến trên lưng. Đương nhiên, tất cả những việc đó chỉ làm uổng phí thời gian. Người Séc giống như đội tuyển xe trượt tuyết của Zimbabwe; họ chẳng có truyền thống, chẳng có huấn luyện viên, chẳng có tài năng thiên bẩm, chẳng có cơ hội chiến thắng. Nhưng việc bị gạt ra ngoài lề lại mang đến sự tự do; chẳng có gì để mất, nên Zatopek được thoải mái thử mọi cách để giành chiến thắng. Hãy xem giải marathon đầu tiên của anh: mọi người đều biết rằng cách tốt nhất để chuẩn bị cho cuộc chạy 26,2 dặm: chạy các cự ly dài với tốc độ chậm. Mọi người, chỉ trừ Emil Zatopek; anh tập bằng các lượt chạy nước rút 100 m. “Tôi đã biết cách để chạy chậm rồi!” Anh đưa ra lý do. “Tôi nghĩ rằng vấn đề là làm thế nào để chạy nhanh.” Dáng chạy gớm ghiếc, nhìn như đang giãy chết của anh là dấu chấm hết rành rành trong sách giáo khoa điền kinh (“Hình ảnh khủng khiếp đáng sợ nhất kể từ quái vật Frankenstein.”… “Anh ta chạy cứ như bước tiếp theo sẽ là bước cuối cùng vậy.” … “Anh ta trông như đang đánh vật với một con bạch tuộc trên một băng tải đang chạy”), nhưng Zatopek chỉ cười xoà. “Tôi không đủ tài năng để vừa chạy vừa tươi cười!” Anh nói. “Thật may đây không phải là trượt băng nghệ thuật. Bạn được tính điểm theo tốc độ, chứ không phải động tác.” Và Chúa ơi, anh mới thích tán chuyện làm sao! Zatopek coi những cuộc thi cứ như những cuộc hẹn hò tốc độ vậy. Ngay cả khi đang ở giữa cuộc đua, anh vẫn thích tán dóc với những người chạy bộ khác và thử vốn tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Đức lõm bõm của mình, khiến một vận động viên người Anh phải lên tiếng phàn nàn. Những lần gặp mặt bạn bè phương xa, đôi khi anh có nhiều bạn mới trong phòng khách sạn tới mức phải nhường giường và đi ra ngoài ngủ dưới một gốc cây. Có lần, ngay trước một giải đua quốc tế, anh đánh bạn với một vận động viên người Úc đang cố phá kỷ lục 5.000 m của Úc. Zatopek chỉ đăng ký nội dung chạy 10.000 m nhưng anh đã nghĩ ra một kế hoạch; anh bảo anh chàng người Úc kia bỏ cuộc đua và xếp hàng cạnh Zatopek trong nội dung thi của mình. Zatopek dành nửa đầu cuộc đua 10.000 m để dẫn tốc độ cho người bạn mới đạt được kỷ lục, sau đó tăng tốc để lo việc của mình, và giành chiến thắng. Nhưng, đó đúng là kiểu của Zatopek; các cuộc đua với anh giống như lang thang vào quán rượu. Anh thích thi đấu tới mức thay vì giảm khối lượng và chọn điểm rơi, anh nhảy vào bất kỳ giải đua nào. Trong một khoảng thời gian hừng hực nhiệt huyết cuối những năm 40, Zatopek tham gia các giải đấu gần như cứ hai tuần một lần trong vòng ba năm liền và không bị thua lần nào, với 69 lần chiến thắng liên tục. Và ngay cả với một lịch đua dày đặc như thế, anh vẫn chạy trung bình 165 dặm một tuần trong suốt thời gian tập luyện. Khi đến dự Olympic 1952 tại Helsinki, Zatopek chỉ là chàng hói 30 tuổi, không có huấn luyện viên, sống trong căn hộ chung cư vùng Đông Âu cũ kỹ và tù túng. Vì đội Séc quá mỏng, nên Zatopek được tùy ý lựa chọn nội dung thi đấu. Anh chọn tất cả. Anh xếp hàng ở nội dung 5.000 m và giành chiến thắng với một kỷ lục Olympic mới. Sau đó, anh lại ra xếp hàng tiếp ở nội dung 10.000 m, và giành huy chương vàng thứ hai, với một kỷ lục mới nữa. Anh chưa từng chạy cự ly marathon trước đó, nhưng có quái gì; với hai huy chương vàng, anh chẳng có gì để mất, vì thế, sao không chơi nốt cho xong và thử hết sức xem sao? Sự thiếu kinh nghiệm của Zatopek đã nhanh chóng hiển hiện. Đó là một ngày nóng, vì vậy, Jim Peters, vận động viên người Anh, người đang giữ kỷ lục thế giới, quyết định dùng sức nóng để dạy cho Zatopek một bài học. Ở mốc 10 dặm, Peters đã đạt thời gian thấp hơn 10 phút so với chính tốc độ đạt kỷ lục thế giới của mình, và bứt xa khỏi đoàn đua. Zatopek không chắc là có ai chịu nổi tốc độ nhanh đến rộp da như vậy. “Xin lỗi!” Anh nói, khi chạy sánh vai với Peters. “Đây là lần đầu tôi chạy marathon. Chúng ta có đang chạy nhanh quá không?” “Không!” Peter đáp. “Quá chậm.” Nếu Zatopek ngu ngốc đến mức đi hỏi, thì anh cũng đủ ngốc để hứng chịu bất kỳ câu trả lời nào. Zatopek ngạc nhiên. “Quá chậm?” Anh hỏi lại. “Anh có chắc tốc độ này là quá chậm không?” “Đúng vậy!” Peter nói. Và sau đó anh ta ngỡ ngàng. “Được rồi. Cảm ơn anh.” Zatopek tin Peters và phóng đi. Khi ra khỏi đường ống và chạy vào sân vận động, anh được chào đón bằng những tiếng gầm vang của sân vận động: không chỉ từ khán giả, mà cả các vận động viên từ mọi quốc gia xúm lại quanh đường chạy để cổ vũ. Zatopek lao qua dải băng vạch đích với kỷ lục Olympic thứ ba của mình, nhưng khi các đồng đội của anh ùa tới để chúc mừng, họ đã quá muộn: các vận động viên chạy nước rút của Jamaica đã nhấc bổng anh lên vai và đưa anh vào khu vực sân trong. “Ta hãy sống sao cho khi ta chết, đến người làm dịch vụ tang lễ cũng phải cảm thấy tiếc thương.” Mark Twain từng nói. Zatopek đã tìm ra cách để chạy mà khi giành chiến thắng, ngay cả các đối thủ cũng cảm thấy vui mừng. Bạn không thể trả tiền cho ai đó để chạy với một niềm vui có tính lây lan như vậy. Bạn cũng chẳng thể cưỡng ép họ làm, như Zatopek đã chứng minh. Khi Hồng quân tiến vào Prague năm 1968 để đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ, Zatopek đã buộc phải lựa chọn: đi theo những người Xô viết và thực hiện vai trò một đại sứ thể thao, hoặc dành quãng đời còn lại để cọ nhà xí trong một khu mỏ uranium. Zatopek đã chọn nhà xí. Và cứ như thế, một trong những vận động viên được yêu thích nhất thế giới đã biến mất. Cùng thời điểm đó, tình cờ, đối thủ của anh trong việc giành danh hiệu người chạy bộ đường dài vĩ đại nhất thế giới cũng đang phải chịu trận. Ron Clarke, một chàng trai người Úc tài năng dị thường, với vẻ đẹp u tối và mơ màng như Johnny Depp, lại là kiểu người mà Zatopek có quyền ghen ghét. Trong khi Zatopek phải tự rèn luyện bằng cách chạy trên tuyết vào buổi đêm sau khi tan gác, anh chàng người Úc xinh trai lại được tận hưởng những buổi chạy nhẹ nhàng dưới ánh mặt trời, dọc theo các bãi biển ở bán đảo Mornington và được dạy bảo bởi các huấn luyện viên lão luyện. Tất cả những gì Zatopek mong ước có được, thì Clarke có thừa: Tự do. Tiền bạc. Nét thanh lịch. Tóc. Ron Clarke là một ngôi sao – nhưng vẫn chỉ là một kẻ thua cuộc dưới con mắt của dân tộc mình. Mặc dù đã phá được 19 kỷ lục ở tất cả các cự ly từ nửa dặm cho tới sáu dặm, “gã tắc thở” vẫn chưa bao giờ dành được danh hiệu quan trọng nào. Mùa hè năm 1968, anh bỏ lỡ cơ hội cuối cùng: trong lượt chạy chung kết cự ly 10.000 m tại Thế vận hội Mexico, Clarke bị hạ gục bởi cơn chóng mặt độ cao. Đoán trước được rằng có cả một trận sỉ nhục đang đợi tại quê nhà, Clarke hoãn chuyến trở về bằng cách nhã nhặn ghé qua Prague để thăm hỏi người chưa từng thất bại. Cuối buổi gặp mặt, Clarke liếc thấy Zatopek lén bỏ thứ gì đó vào vali của mình. “Tôi nghĩ chắc mình đang tuồn một thông điệp gì đó ra thế giới bên ngoài giúp ông, vì vậy, tôi không dám mở cái gói đó ra cho tới khi máy bay đã hoàn toàn rời khỏi mặt đất.” Clarke kể. Zatopek tạm biệt anh với một cái ôm thật chặt. “Bởi vì cậu xứng đáng.” Clarke thấy thật dễ chịu và xúc động; người thầy già nua đang phải đối mặt với những vấn đề tồi tệ hơn nhiều, nhưng vẫn vui vẻ tặng cậu trai trẻ một cái ôm như khi đứng trên bục chiến thắng, điều mà cậu vừa vuột mất. Mãi sau đó anh mới phát hiện ra rằng Zatopek lúc đó không phải đang nói về cái ôm; trong vali của mình, Clarke tìm thấy chiếc huy chương vàng Olympic cự ly 10.000 m của Zatopek. Việc Zatopek tặng nó cho người thay mình đứng vào sách lưu giữ kỷ lục là vô cùng cao thượng; việc trao tặng nó đúng vào thời điểm mà anh sắp sửa mất hết mọi thứ trong cuộc đời mình, là một hành động cảm thông tột bậc. “Lòng nhiệt tình, sự thân thiện, tình yêu cuộc sống của ông soi chiếu qua từng cử động.” Ron Clarke, sau này khi vượt qua được thời điểm khó khăn, đã nói. “Không có ai, và chưa từng có ai, vĩ đại hơn Emil Zatopek.” Vì vậy, đây là điều mà huấn luyện viên Vigil đang cố làm rõ: Zatopek là một người vĩ đại tình cờ chơi môn chạy bộ, hay một người vĩ đại vì chạy bộ? Vigil không chắc về câu trả lời, nhưng linh tính mách bảo ông rằng có một mối liên hệ giữa khả năng yêu thương và khả năng yêu chạy bộ. Điều kiện là hoàn toàn giống nhau: cả hai đều phụ thuộc vào việc từ bỏ các ham muốn của riêng mình, gạt sang một bên những gì bạn muốn và trân trọng những gì bạn đang có, kiên nhẫn, vị tha và không đòi hỏi. Tình dục và tốc độ – chẳng phải hai yếu tố này đều là biểu trưng cho hầu hết sự tồn tại của chúng ta; chúng ta đã không thể sống sót nếu không chạy; và có thể chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu như giỏi hơn ở yếu tố này có thể làm ta cừ khôi hơn ở yếu tố kia. Hãy nhớ, Vigil là một nhà khoa học, không phải thầy tu giảng đạo. Ông ghét việc lan man sang những chuyện kiểu như Phật tọa đài sen, nhưng ông cũng không định lờ nó đi. Ông phải tìm ra mối liên kết giữa những gì mà mọi người cho là sự tình cờ, và càng nghiên cứu kỹ mối liên hệ cảm xúc này, ông càng thấy nó hấp dẫn hơn. Liệu có phải là tình cờ mà trong ngôi đền của những người chạy bộ chuyên tâm nhất bao gồm cả Abraham Lincoln (“Ông có thể đánh bại tất cả các chàng trai trong cuộc đua chạy bộ”) và Nelson Mandela (một vận động viên trường đại học nổi bật trong môn chạy việt dã, người mà ngay cả khi bị cầm tù, vẫn tiếp tục chạy bảy dặm mỗi ngày trong xà lim)? Có thể Ron Clarke đã không thi vị hóa khi mô tả Zatopek – có thể con mắt tinh nhạy của anh ta đã hoàn toàn chính xác: Tình yêu cuộc sống của ông soi chiếu qua từng cử động. Đúng! Tình yêu cuộc sống! Chính xác là như vậy! Đó là điều khiến tim Vigil đập rộn lên khi ông nhìn thấy Juan và Martimano vô tư chạy ngược lên con dốc đó. Ông đã tìm thấy Người Chạy Bộ Bẩm Sinh của mình. Ông đã tìm thấy cả một bộ lạc toàn những Người Chạy Bộ Bẩm Sinh, và từ những gì ông đã được thấy, họ vừa vui tươi lại vừa đẹp đẽ như ông mong đợi. Vigil già nua đứng một mình trong rừng cây, đột nhiên cảm nhận một luồng sinh khí bất tử. Ông nhen nhóm một kế hoạch to lớn. Không phải là chạy thế nào; mà là sống thế nào, bản chất giống loài và ý nghĩa của sự tồn tại của chúng ta. Vigil đã đọc về Lumhol, và tại thời điểm đó, những lời lẽ của nhà thám hiểm vĩ đại đã bộc lộ ra kho báu ẩn giấu: đó là ngụ ý của Lumhol khi ông gọi những người Tarahumara là “người kiến tạo lịch sử nhân loại.” Có lẽ, tất cả những rắc rối của chúng ta – tất cả những bạo lực, sự trì trệ, đau ốm, nỗi muộn phiền và lòng tham mà chúng ta không thể vượt qua được – bắt đầu khi chúng ta ngừng sống như Người Chạy Bộ. Từ chối bản chất tự nhiên của mình, nó sẽ bùng nổ theo một cách khác, xấu xí hơn. Sứ mệnh của Vigil đã rõ ràng. Ông phải lần tìm ngược lại con đường, từ chỗ chúng ta đã trở thành như thế nào, quay về chỗ người Tarahumara vẫn luôn sống ra sao từ trước tới nay, và tìm ra điểm mà chúng ta bị lạc bước. Tất cả các bộ phim hành động đều miêu tả sự hủy diệt của nền văn minh theo kiểu thảm họa đột ngột, một cuộc chiến tranh hạt nhân, một vệt sao chổi chết chóc, hay một cuộc nổi dậy của người máy biết tư duy nhưng biến cố lớn thực sự có thể đang nhen nhóm ngay trước mắt chúng ta: vì tình trạng béo phì bị mất kiểm soát mà cứ ba đứa trẻ sinh ra tại Mỹ thì có một đứa có nguy cơ bị tiểu đường – đồng nghĩa với việc, chúng ta có thể sẽ là thế hệ người Mỹ đầu tiên sống lâu hơn chính con cái của chúng ta. Có thể người Hindu cổ đại giỏi hơn Hollywood khi tiên đoán rằng thế giới sẽ diệt vong không phải với một vụ nổ lớn mà là một cái ngáp dài. Thần phá hủy Shiva sẽ tận diệt nhân loại bằng cách… chẳng làm gì hết. Ngài cứ tiếp tục lười biếng. Ngài hút dần sức lực từ nguồn máu nóng của ngài khỏi cơ thể chúng ta. Để mặc chúng ta trở thành những con ốc sên. Tuy nhiên, huấn luyện viên Vigil cũng chẳng điên rồ. Ông không định đề nghị chúng ta chạy hết vào hẻm núi với người Tarahumara để sống trong hang và ăm thịt chuột. Nhưng hẳn phải có những kỹ năng có thể truyền thụ được, phải không nào? Những nguyên tắc cơ bản Tarahumara có thể tồn tại và cắm rễ được trên đất Mỹ? Bởi vì Chúa ơi, hãy tưởng tượng xem ta sẽ thu được những gì. Nếu bạn có thể chạy bộ hàng thập kỷ và không bao giờ bị chấn thương… và chạy được hàng trăm dặm mỗi tuần, tận hưởng từng dặm một… thấy nhịp tim mình hạ bớt, cảm giác căng thẳng cũng như cơn giận dữ mờ nhạt đi trong khi năng lượng của bạn trào dâng? Thử tưởng tượng tội ác, cholesterol, và lòng tham tan biến, khi một dân tộc gồm những Người Chạy Bộ Cuối Cùng đã tìm lại được bước chạy của mình. Hơn cả những học trò tham gia Olympic, cao hơn những thành tích và kỷ lục của chính ông, đây mới là di sản của Joe Vigil. Ông chưa có tất cả các câu trả lời – nhưng nhìn thấy những người Tarahumara vụt qua trong những tấm áo choàng phù thủy, ông biết mình có thể tìm thấy chúng ở đâu. Chương 16 Thật buồn cười, vì Tóc Xù cũng đang nhìn vào cùng khung cảnh đó và tất cả những gì anh thấy là một người đàn ông trung niên với một cái đầu gối bị quỷ ám. Tai của Tóc Xù nghe thấy vấn đề trước tiên. Nhiều giờ liền, anh đã nghe tiếng loạt soạt nhẹ nhàng từ các đôi xăng đan của Juan và Martimano, nghe như tay trống đang gõ nhịp bằng chổi. Phần đế dép không giống như đập xuống nền đất mà giống vuốt ve hơn, cào nhẹ ra sau mỗi khi bàn chân của họ đá cao lên phía mông và vòng trở ra trước cho bước chạy tiếp theo. Giờ này qua giờ khác: soạt… soạt… soạt… Nhưng khi họ chạy xuống núi Elbert trên con đường mòn độc đạo về phía mốc 70 dặm, Tóc Xù phát hiện thấy một lỗi nhỏ trong nhịp chạy ấy. Martimano dường như đang nâng niu một chân, đặt nó xuống cẩn thận hơn, thay vì vung nó mạnh như trước. Juan cũng nhận ra; anh liên tục liếc nhìn Martimano với vẻ không yên tâm. “¿Qué pasa?” Tóc Xù hỏi. “Sao vậy?” Martimano không trả lời ngay lập tức, chủ yếu là vì ông đang tập trung rà soát lại 12 giờ vừa qua để xem liệu mình có thể chỉ ra đích xác nguyên nhân gây ra cảm giác đau này hay không: liệu có phải vì ông đã chạy 13 dặm với giày chạy đường mòn lần đầu tiên trong đời? Hay là vì ông đã dùng chân đó làm trụ xoay ở các chỗ ngoặt gấp trong bóng tối? Hay là do bị trượt chân trên các tảng đá trơn nhãy dưới lòng sông chảy xiết? Hay là tại… “La bruja.” Martimano nói. Chắc chắn là do mụ phù thuỷ. Quang cảnh bên trong trạm cứu hỏa bỗng nhiên hiện ra mồn một. Ánh mắt nhìn chòng chọc của Ann, mấy câu nói gì đó mà cô quát về phía ông, những ánh mắt kinh sợ của mọi người, còn Kiy thì không chịu dịch lại ra tiếng Tây Ban Nha, lời nhận xét của Tóc Xù – tất cả đã rõ. Ann đã nguyền rủa ông. “Tôi đã vượt qua cô ta.” Martimano sau này nói. “Nhưng sau đó cô ta đã yểm bùa chú lên đầu gối của tôi.” Martimano đã sợ những điều như thế này từ khi gã Ngư Ông từ chối đưa thầy pháp của họ theo. Ở quê nhà Barrancas, các pháp sư bảo vệ iskiate và pinole khỏi phép thuật phù thuỷ, và chống lại tất cả các bùa chú yểm lên hông, đầu gối, mông của người chạy bộ bằng cách xoa vào các chỗ đó những viên đá nhẵn cùng thảo dược nghiền nát. Nhưng ở Leadville, người Tarahumara không có pháp sư nào bên cạnh và hãy xem điều gì đã xảy ra: lần đầu tiên sau 42 năm, đầu gối của Martimano gặp rắc rối. Khi Tóc Xù hiểu được điều gì đang xảy ra, anh ta bỗng cảm thấy một cơn trào dâng cảm xúc. Anh nhận ra, họ không phải là thần thánh, họ chỉ là con người. Và như mọi người khác, thứ mà họ yêu thích nhất có thể mang lại cho họ nỗi buồn và sự băn khoăn. Chạy 100 dặm cũng làm cho người Tarahumara bị đau; họ phải đối mặt với những nghi ngờ, và phải cố gắng bịt miệng con quỷ đang ngồi trên vai họ, thỏ thẻ vào tai họ những lý do tuyệt vời để bỏ cuộc. Tóc Xù quay sang Juan, lúc này đang bị giằng xé giữa việc tung vó chạy đi hay ở lại với người thầy của mình. “Đi trước đi!” Tóc Xù nói với Juan và người dẫn tốc độ của anh ta. “Tôi sẽ lo cho anh ấy. Hãy chạy và hạ gục mụ phù thuỷ đó như săn một con hươu!” Juan gật đầu và nhanh chóng biến mất ở một lối rẽ trên đường mòn. Tóc Xù nháy mắt với Martimano. “It’s tú y yo, amigo.” Chỉ còn tôi với anh thôi, anh bạn. “Guadajuko.” Martimano nói. Thế cũng được. Cái cảm giác được chạm đến vạch đích làm Ann ngứa mũi. Lúc Juan tới trạm tiếp tế Halfmoon ở dặm thứ 72, Ann đã gần như tăng gấp đôi quãng cách biệt; cô chạy trước 22 phút và chỉ còn 28 dặm nữa. Để hòa được với Ann, Juan sẽ phải rút bớt gần như một phút mỗi dặm, và anh sắp tới đoạn tồi tệ nhất để bắt đầu nỗ lực: đoạn đường dài bảy dặm trải nhựa. Ann, với kinh nghiệm chạy đường nhựa và đôi giày Nike có đệm khí, sẽ có khả năng co đôi chân dài và tung cánh. Juan, người chưa từng chạy trên nền nhựa đen cho tới tận ngày hôm đó, sẽ phải đối phó với mặt đường lạ bằng đôi xăng đan tự chế. “Chân anh ấy sắp phải chịu trận rồi.” Người dẫn tốc độ của Juan nói vọng tới một nhóm ghi hình bên lề đường. Ngay khi Juan rời khỏi đường đất và chạm đến nền cứng, anh chùng gối và thu ngắn bước chạy, hấp thụ chấn động nhiều hết mức có thể bằng chuyển động nén lên xuống chân. Juan điều chỉnh tốt tới mức, trên thực tế, người dẫn tốc độ đang ngỡ ngàng của anh bị tụt lại phía sau, không theo kịp nổi. Juan một mình rượt đuổi theo Ann. Anh chạy hết bảy dặm tới Fish Hatchery trong thời gian gần như đúng bằng khoảng thời gian anh chạy đoạn đó buổi sáng, rồi rẽ trái vào lối mòn lầy lội dẫn đến Dốc leo Powerline đáng sợ. Nhiều tay đua giải Leadville sợ dốc Powerline không kém gì Hope Pass. “Tôi từng nhìn thấy có người ngồi khóc bên vệ đường.” Một người từng tham gia giải Leadville nhớ lại. Nhưng Juan trườn lên đó như thể anh đã chờ nó suốt cả ngày, chạy thẳng lên các chỗ dốc gần như dựng đứng vẫn buộc hầu hết các tay đua phải chống tay vào đầu gối mà leo. Phía trước, Ann đang tiến dần lên tới đỉnh, nhưng cặp mắt của cô đang díp lại vì kiệt sức, như thể cô chẳng thể nhìn nổi đoạn cuối của con dốc nữa. Hết chỗ rẽ này đến chỗ ngoặt khác, Juan dần dần thu hẹp khoảng cách – cho tới khi bất ngờ, anh ta co chân và bắt đầu nhảy lò cò. Tai hoạ ập tới; dây buộc một trong hai chiếc xăng đan của anh bị đứt, và anh chẳng có gì để thay thế. Trong lúc Ann đang leo lên đỉnh núi, Juan ngồi xuống một tảng đá và xem lại đoạn dây buộc. Anh xỏ lại dây dép, và nhận ra còn vừa đủ dây để giữ phần đế dính vào bàn chân. Anh cẩn thận buộc sợi dây ngắn đó, thử chạy vài bước. Ổn rồi! Trong khi đó, Ann đã tới chặng cuối cùng. Cô chỉ còn 10 dặm đường mòn nền đất quanh Hồ Turquoise trước khi những tiếng hò hét của đám tiệc tùng Sixth Street thúc cô lên dốc và về đích. Lúc đó mới hơn tám giờ tối và cây cối quanh cô bắt đầu chìm vào bóng đêm – đúng lúc đó, có thứ gì đó lao vút khỏi rặng cây sau lưng cô. Nó tiến tới cô nhanh tới mức, Ann chẳng kịp phản ứng; cô đứng ngây ra giữa lối mòn, hoảng hốt tột độ, khi Juan phóng vọt qua phía trái cô bằng một bước chạy và trở lại lối mòn trong bước tiếp theo, tấm áo choàng trắng tung bay khi anh ta lao vụt qua Ann và biến mất trên đường mòn. Anh ta thậm chí trông chẳng có vẻ gì mệt mỏi! Cứ như đang… vui chơi vậy! Ann đã bị nghiến nát, cô quyết định bỏ cuộc. Cô chỉ còn cách đích chưa đến nửa giờ, nhưng vẻ phơi phới của người Tarahumara, điều khiến Joe Vigil ngây ngất, đã khiến cô nhụt chí. Vừa mới đây, cô còn cảm thấy như sắp chết đến nơi mới giữ được vị trí dẫn đầu, còn gã này trông như có thể giật khỏi tay cô vị trí đó bất kỳ lúc nào. Thật nhục nhã; lúc này cô nhận ra rằng, ngay khi cô chơi bài Đánh cược Quân Hậu, Juan đã đánh dấu cô để hạ gục. Cuối cùng, chồng cô đã giúp cô tiếp tục di chuyển, vừa kịp lúc; Martimano và đám người Tarahumara còn lại đang tiến lên rất nhanh phía sau. Juan qua vạch đích sau 17 giờ 30 phút, lập ra kỷ lục mới cho giải Leadville với 25 phút cách biệt. (Anh cũng lập một kỷ lục mới khác bằng cách bẽn lẽn chui qua dải băng thay vì chạm ngực, vì chưa từng thấy nó bao giờ.) Ann về đích gần nửa giờ sau, với thời gian 18 giờ 06 phút. Ngay sau lưng cô, Martimano cùng với cái đầu gối bị yểm bùa, về đích thứ ba, và Manuel Luna cùng những người Tarahumara còn lại ào về với các vị trí thứ tư, năm, bảy, mười và mười một. “Một giải đua kinh ngạc!” Sco Tinley nói lạc cả giọng với khán giả truyền hình khi chĩa chiếc micro vào mặt Ann Trason. Cô chớp mắt dưới ánh sáng của chiếc camera, trông như sắp ngất xỉu, nhưng cuối cùng vẫn thốt ra được vài lời hiếu chiến cuối cùng. “Đôi khi,” cô nói, “phải nhờ có đàn bà thì một người đàn ông mới có cơ hội thể hiện hết sức.” Ồ, nói đi cũng phải nói lại! Những người Tarahumara có thể đáp rằng; nhờ có sự liều lĩnh quả cảm của Ann, định một mình đánh bại cả một đội toàn những nhà bác học trong chạy bộ đường dài, mà cô đã tự phá tan kỷ lục tại Leadville của chính mình, bớt thêm hơn hai tiếng đồng hồ, và thiết lập một kỷ lục mới của nữ mà chưa ai từng phá nổi. Nhưng những người Tarahumara chẳng được tự do nói bất kỳ điều gì lúc này, kể cả khi họ sẵn sàng muốn chia sẻ. Họ rời khỏi đường đua và bước thẳng vào một mớ bòng bong rắc rối. Đó đang nhẽ là thời khắc của họ. Cuối cùng, sau nhiều thế kỷ kinh hoàng bị săn đuổi để lấy mảng tóc da đầu, bị bắt làm nô lệ vì sức khỏe, và bị hiếp đáp vì đất đai của họ, người Tarahumara đã được kính trọng. Họ đã chứng tỏ được bản thân, mà không ai có thể chối cãi được, là những người chạy bộ siêu dài vĩ đại nhất Trái đất. Thế giới sẽ nhìn nhận rằng họ có những kỹ năng tuyệt hảo xứng đáng để học hỏi, một phong cách sống đáng để gìn giữ, và một mảnh đất quê hương xứng đáng được bảo tồn. Joe Vigil phấn khích đến mức sẵn sàng để bán nhà và bỏ việc; Giờ đây, Leadville đã xây một cây cầu nối nước Mỹ với nền văn hóa Tarahumara, ông đã sẵn sàng thực hiện kế hoạch ấp ủ từ lâu. Ở tuổi 65, ông đằng nào cũng sắp nghỉ hưu ở Đại học Adams State. Ông và vợ mình, Caroline, sẽ chuyển đến sống tại vùng biên giới Mexico ở bang Arizona, nơi ông định lập ra một cơ sở nghiên cứu về người Tarahumara. Có thể mất thêm vài năm, nhưng trong thời gian đó, ông sẽ quay trở lại Leadville mỗi mùa hè và thắt chặt thêm mối quan hệ của mình với các tay đua Tarahumara. Ông sẽ bắt đầu học ngôn ngữ của họ… cho họ chạy trên máy tập cùng với dụng cụ đo nhịp tim và lượng khí oxy tiêu thụ tối đa… thậm chí, có thể tổ chức các cuộc hội thảo cùng với các vận động viên Olympic của ông! Vì đó là phần thú vị nhất. Ann đã ở đó cùng với họ, vậy thì bất kỳ điều gì mà những người Tarahumara đang làm, chúng ta đều có thể học hỏi được! Tất cả thật là đẹp đẽ. Trong vòng vài phút. Đừng hòng dùng một bức hình nào người Tarahumara của tôi, Rick Fisher tuyên bố khi Tony Post và các nhà chức trách khác của hãng Rockport ùa tới để chúc tụng, các anh phải bỏ thêm tiền. Tony Post bàng hoàng. “Anh ta thực sự lên cơn. Anh ta xông tới cứ như nổi trận lôi đình, kiểu người sẵn sàng hạ sát đối phương. Cũng không hẳn là như thế!” Post vội thêm. “Anh ta như một gã nóng đầu, sẵn sàng tranh luận đến cùng và không bao giờ chịu nhận là mình sai.” “Anh ta quả thực là rất khó chịu.” Ken Chlouber nói thêm. “Anh ta lúc trước chẳng khó chịu như vậy, cho tới khi có các nhà tài trợ lớn và đám phóng viên truyền hình, và sau đó anh ta bắt lỗi Rockport vì sử dụng đoạn phim về những người thổ dân này. Anh ta làm cho tôi khốn khổ với tư cách là giám đốc giải, anh ta chỉ vì bản thân mình, và chẳng chăm lo cho họ chút nào.” Phản ứng của Fisher là nổi cơn điên, y như cách anh ta đã từng làm hồi bị bao vây bởi đám buôn ma túy trong Copper Canyon và chỉ thoát nạn bằng cách phát rồ. “Đây là một cuộc đua đã bị sắp đặt!” Fisher phàn nàn. “Họ đã có một cô nàng tóc vàng, mắt xanh mà họ muốn về nhất, và cô ta đã không giành được chiến thắng.” Fisher tố cáo rằng tất cả các nhà báo đều đã bị mua chuộc trong một cuộc chè chén suốt ba ngày do ban tổ chức giải Leadville tài trợ tại khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Aspen. Fisher kể với tôi, một nhà báo thậm chí còn cố gắng hối lộ anh ta, muốn đưa Fisher tiền để bắt Juan ghìm chân và hòa với Trason. “Tay nhà báo này, khá tên tuổi, nói rằng sẽ là thảm họa nếu Juan vô địch, và thực tế là, trong con mắt của những người chạy bộ da trắng, đó là một thảm hoạ kinh khủng nếu người Tarahumara giành chiến thắng.” Tại sao? “Bởi vì cái ý nghĩ bệnh hoạn của Mỹ cho rằng phụ nữ có thể cạnh tranh với đàn ông.” (Khi hỏi tên nhà báo đó, Fisher từ chối trả lời.) Việc buộc tội Ken Chlouber và “những người tên tuổi trong giới truyền thông” âm mưu chống lại ngôi sao thu hút khán giả của sự kiện nghe chẳng hợp lý chút nào, nhưng Fisher mới chỉ đang khởi động. Anh ta còn tố cáo rằng một trong các tay đua của mình bị tuồn cho một lon Coke có độc, khiến người này “sụm suống và ốm thập tử nhất sinh,” trong khi một người khác lại bị quấy rối tình dục bởi “một gã da trắng” nào đó, lợi dụng việc xoa bóp sau giải để lùa tay xuống dưới váy của người Tarahumara kia và xoa “bộ phận sinh dục của anh ta.” Đối với Rockport, Fisher tố cáo rằng gói tài trợ của công ty này là đáng tức giận, thậm chí là tội ác. “Họ hứa sẽ đặt một nhà máy sản xuất giày ở Copper Canyon… toàn bộ thương vụ đó chỉ là tham nhũng bẩn thỉu… khi Rockport xem lại sổ sách, họ phát hiện ra rằng họ đã bị lừa và tổng giám đốc công ty này đã bị buộc thôi việc…” Những người Tarahumara nhìn đám chabochi gào thét vào mặt nhau. Họ nghe thấy những tiếng nói giận dữ, và nhìn thấy những cái chém tay thù hận hướng về phía mình. Những người Tarahumara không biết người ta đang nói gì, nhưng họ đã hiểu được thông điệp. Khi đối mặt với nỗi giận dữ và sự thù địch, những vận động viên vĩ đại nhất thuộc thế giới ngầm này lại phản ứng theo cách mà họ vẫn luôn làm; họ trở lại hẻm núi quê hương, tan đi như một giấc mộng và mang theo những bí mật của mình. Sau thành tích của mình năm 1994, người Tarahumara không bao giờ trở lại Leadville nữa. Nhưng có một người đã đi theo họ. Cũng chẳng ai nhìn thấy anh ta ở Leadville nữa. Đó chính là người bạn mới kỳ lạ của người Tarahumara, Tóc Xù – người sau đó sớm được biết với cái tên Caballo Blanco, kẻ lang thang cô độc của vùng núi cao Sierra. Chương 17 Và bây giờ nếu không có những người man rợ nữa, thì chúng ta sẽ là gì? Họ chính là lời giải đáp. - Constantine Cavafy, “Đợi chờ những người man rợ” Đó là chuyện cách đây 10 năm.” Caballo kết lại. “Còn tôi thì vẫn ở đây suốt từ khi ấy.” Mamá đã tống khứ chúng tôi ra khỏi nhà hàng trong phòng khách của bà từ nhiều giờ trước để đi ngủ. Caballo vừa kể chuyện vừa dẫn tôi xuống các con phố vắng vẻ của thị trấn Creel rồi đi vào một quán rượu trong ngõ hẻm. Chúng tôi lại ở đó cho tới khi đóng cửa. Khi Caballo đưa tôi từ năm 1994 đến được thời điểm hiện tại, thì đã là hai giờ sáng và đầu tôi thì đang quay cuồng. Anh đã kể cho tôi nghe nhiều hơn mức tôi mong đợi, về khoảng thời gian huy hoàng của người Tarahumara trên các cung đường chạy bộ siêu dài nước Mỹ. Anh còn mách nước cho tôi cách để kiếm thêm thông tin từ việc tìm Rick Fisher, Joe Vigil và những người khác. Nhưng trong tất cả những câu chuyện đó, anh chưa bao giờ trả lời câu hỏi duy nhất của tôi: Anh là ai? Cứ như thể anh chưa từng là gì trước khi chạy bộ xuyên rừng với Martimano – hoặc anh đã làm nhiều việc mà không muốn nhắc tới. Mỗi lần tôi dò hỏi, anh lại lảng tránh bằng một câu cợt nhả hoặc đáp lấy lệ và đóng chặt chủ đề bằng cánh cửa hầm ngục (“Tôi kiếm đâu ra tiền á? Tôi làm cho mấy người giàu những việc mà họ không muốn tự làm”). Sau đó, anh lại chuyển sang huyên thuyên về chuyện khác. Các lựa chọn của tôi rất rõ ràng; tôi có thể đeo bám lẵng nhẵng rồi làm anh nổi cáu, hoặc cố gắng kiềm chế để được nghe những câu chuyện ly kỳ. Tôi được biết sau giải Leadville năm 1994, Rick vẫn tiếp tục cơn cuồng nộ. Vẫn còn các giải đua và những người chạy bộ Tarahumara khác, nên chẳng lâu sau Fisher đã tập hợp được đội hình mới và dẫn dắt họ hết từ thất bại này đến thảm họa khác, y như một cuộc đi phượt đường trường của một cậu trai trung học. Đầu tiên, Đội Tarahumara bị đuổi khỏi giải đua 100 dặm Angeles Crest Endurance Run ở California vì Fisher cứ liên tục xông vào khu vực dành riêng cho các tay đua trong lúc đang thi đấu. “Tôi chẳng muốn loại tay đua.” Giám đốc giải đua phân trần. “Nhưng Rick không cho chúng tôi lựa chọn.” Sau đó, ba tay đua Tarahumara lại bị loại sau khi về đích ở vị trí thứ nhất, nhì và thứ tư ở giải Utah Wasatch Front 100 vì Fisher từ chối đóng phí tham dự giải. Tiếp đó là giải Western States, nơi Fisher lại phô diễn cơn thịnh nộ một lần nữa. Ở đó, anh cáo buộc những tình nguyện viên của giải đã bí mật đánh tráo các mốc dấu chỉ đường để lừa người Tarahumara và – chuyện này thì có thật – lấy trộm máu của họ. (Tất cả tay đua tham gia giải Western States đều được yêu cầu cung cấp mẫu máu để phục vụ nghiên cứu khoa học về sức bền, nhưng riêng Fisher thì không hiểu sao lại đánh hơi thấy một âm mưu và lại làm ầm ĩ mọi chuyện. “Máu của người Tarahumara rất rất hiếm.” Người ta kể lại rằng anh cứ khăng khăng như vậy. “Giới y học chỉ muốn trộm lấy nó để làm thí nghiệm về di truyền.”) Tới lúc đó, ngay cả người Tarahumara cũng phát ngán chuyện phải dây dưa với gã Ngư Ông. Họ cũng nhận ra rằng anh ta liên tục có những chiếc xe SUV mới toanh và đẹp đẽ, trong khi họ chỉ nhận được vài bao tải ngô cho hàng tuần đằng đẵng xa nhà và hàng trăm dặm chạy đường núi. Một lần nữa, làm việc với đám chabochi khiến người Tarahumara lại cảm thấy mình như nô lệ. Và đó là dấu chấm hết cho Đội Tarahumara. Họ giải tán đội – mãi mãi. Micah True (hoặc bất kỳ cái tên nào khác mới là tên thật) cảm thấy gần gũi với người Tarahumara và căm ghét hành vi của đám đồng hương người Mỹ, tới mức anh cảm thấy phải sửa chữa những lỗi lầm ấy. Ngay sau khi chạy dẫn tốc độ cho Martimano trong giải Leadville năm 1994, anh đã dùng lời lẽ thuyết phục để lên sóng đài phát thanh ở Boulder, Colorado, đề nghị tất cả mọi người ai có áo khoác cũ thì hãy mang đến để quyên góp. Sau khi đã có một đống áo, anh đóng gói hết lại và lên đường đến Copper Canyon. Anh chẳng có chút manh mối nào về việc phải đi tới đâu, nên khả năng tìm thấy anh bạn Martimano chẳng nhiều hơn so với việc Shackleton sống sót và trở về từ Nam Cực. Anh lang thang qua sa mạc, xuyên qua các hẻm núi, nhắc đi nhắc lại cái tên Martimano với bất kỳ ai mình gặp, và cuối cùng, anh khiến chính mình và cả Martimano phải ngỡ ngàng bằng việc có mặt trên đỉnh một ngọn núi cao hơn 2.700 m, ngay giữa làng của Martimano. Người Tarahumara chào đón anh theo cái kiểu kiệm lời cố hữu: họ hầu như không nói chuyện gì với anh, nhưng mỗi buổi sáng khi Caballo thức dậy, anh lại thấy một đống tortilla và pinole mới nấu ở chỗ mình cắm trại. “Người Rarámuri không có tiền, nhưng không ai nghèo khó.” Caballo nói. “Ở Mỹ, khi hỏi xin một ly nước, người ta sẽ đưa bạn đến trại tế bần. Ở đây, người ta dẫn bạn vào nhà và cho ăn uống. Bạn muốn cắm trại ở bên ngoài, thì họ sẽ nói: ‘Tất nhiên là được, nhưng anh không thích vào nằm ngủ trong nhà cùng chúng tôi hơn sao?’” Nhưng Choguita trở lạnh vào ban đêm, quá lạnh đối với một gã gầy còm đến từ California (mà cũng chẳng biết có phải anh thực sự đến từ đó hay không nữa), vì vậy, sau khi đã cho hết đống áo khoác, Micah vẫy tay adiós Juan và Martimano, rồi một mình rời khỏi đó, đi sâu vào những nơi ấm áp trong hẻm núi. Anh lang thang qua hang ổ của bọn buôn ma túy và những kẻ liều mạng khác mà chẳng hề hay biết, tránh được các bệnh tật và cơn sốt vùng hẻm núi, rồi cuối cùng cũng phát hiện ra một nơi yêu thích, ngay tại khúc uốn dòng chảy của một con sông. Anh khuân đá tới để dựng lều, và nó trở thành nhà của anh. “Tôi quyết định phải tìm được nơi tốt nhất trên thế giới để chạy, và đã thấy nó ở đây.” Anh ta nói khi chúng tôi trở lại khách sạn đêm hôm đó. “Quang cảnh đầu tiên làm tôi ngơ ngẩn. Tôi quá phấn khích, chẳng thể chờ đợi thêm để được chạy trên những lối mòn đó. Tôi đã bị choáng ngợp, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng đây là chốn hoang vu. Tôi vẫn phải chờ đợi một thời gian.” Anh cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác. Lý do anh chạy dẫn tốc độ ở Leadville mà không dự giải là bởi vì đôi chân anh đã bắt đầu phản chủ sau tuổi 40. “Tôi từng gặp rắc rối với chấn thương, đặc biệt là với mấy sợi gân mắt cá.” Micah nói. Mấy năm trước đó, anh đã thử đủ các phương thuốc khác nhau – bó, xoa bóp, các đôi giày đắt tiền có lớp lót hỗ trợ – nhưng chẳng ích gì. Khi tới vùng Barrancas, anh quyết định bỏ qua logic và tin tưởng rằng người Tarahumara biết rõ những gì họ đang làm. Anh không định mất thời gian tìm hiểu bí mật của họ; mà cứ nhắm mắt đưa chân làm theo, và hy vọng vào kết quả tốt nhất. Anh vứt các đôi giày chạy và bắt đầu chuyển sang đi xăng đan. Anh bắt đầu ăn sáng bằng pinole (sau khi học cách nấu món này theo kiểu cháo yến mạch với nước và mật ong), và mang món pinole khô trong một túi đeo hông khi đi chạy xuyên qua vùng hẻm núi. Anh bị ngã những cú nhớ đời và vài lần suýt không thể tự lết về lều, nhưng vẫn nghiến răng, rửa các vết thương dưới dòng sông buốt giá, và bụng bảo dạ rằng mình đang bỏ ra các khoản để đầu tư. “Phải chịu đau đớn thì mới biết khiêm nhường. Phải trả giá thì mới hiểu đòn đau.” Caballo nói. “Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng mình phải tôn trọng Sierra Madre, bởi vì dãy núi này sẽ thải anh ra sau khi đã nhai anh đến nhừ nát.” Đến năm thứ ba ở đây, Caballo đã chạy trên những lối mòn mà nếu không có con mắt của người Tarahumara, chúng gần như vô hình vậy. Lòng dạ ngổn ngang vì hoang mang lo lắng, anh vẫn dấn thân qua mép những gờ dốc xuống lởm chởm, dài hơn, dốc hơn và ngoằn ngoèo hơn bất kỳ dốc trượt tuyết cấp độ kim cương đen nào. Anh đã trượt, bò trườn, và lao dốc xuống nhiều dặm, gần như không kiểm soát, phụ thuộc hoàn toàn vào phản xạ đã được trui rèn trong vùng hẻm núi, và trong thâm tâm, vẫn tiếp tục chờ đợi tiếng rắc của một cái sụn đầu gối, vết rách gân kheo, hay chứng viêm bỏng rát của sợi gân gót chân bị tàn phá mà anh vẫn nghĩ sẽ xuất hiện bất kỳ lúc nào. Nhưng chúng lại không hề xuất hiện. Anh chẳng hề bị đau nữa. Sau vài năm trong hẻm núi, Caballo đã mạnh mẽ hơn, khỏe khoắn hơn, và nhanh hơn hẳn. “Cách tiếp cận của tôi với chạy bộ đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi đến đây.” Anh bảo. Để kiểm nghiệm, anh thử chạy trên một lối mòn xuyên qua các dãy núi mà thông thường người ta phải mất ba ngày đi ngựa; anh đã chạy hết chỉ với bảy tiếng đồng hồ. Anh không chắc là tại sao mình đạt được điều này, và những chiếc xăng đan, hay món pinole và korima đã đóng vai trò như thế nào, nhưng… “Này!” Tôi ngắt lời. “Anh có thể dạy tôi được không?” “Dạy gì cơ?” “Làm thế nào để chạy được như vậy ấy.” Có gì đó trong nụ cười của anh khiến tôi lập tức thấy hối hận. “Ờ, tôi sẽ dẫn anh chạy.” Anh ta nói. “Gặp tôi ở đây, lúc Mặt trời mọc.” “Ngờ… ! Ngờ…..!” Tôi cố gắng gọi, nhưng chỉ phát ra tiếng thở hổn hển. “Ngựa”, cuối cùng tôi cũng thốt ra lời, và nó kịp lọt vào tai của Caballo Blanco ngay trước khi anh biến mất sau một lối rẽ lên dốc. Chúng tôi xuất phát từ các quả đồi sau thị trấn Creel, trên một lối mòn nhiều đá và lá thông, dốc lên, xuyên qua đám cây rừng. Chỉ chạy chưa tới 10 phút mà tôi đã ngáp ngáp không khí. Điều khiến tôi cảm thấy ngộp không phải là chuyện Caballo chạy quá nhanh; mà có vẻ như thân thể anh rất nhẹ, chỉ cần dùng ý chí để nâng mình lướt lên dốc chứ chẳng cần cơ bắp. Anh quay lại và thủng thẳng chạy xuống. “Được rồi, anh bạn, bài học số một. Theo sát sau tôi này.” Anh ta bắt đầu chạy nhẹ, lần này thì chậm hơn, và tôi cố gắng bắt chước tất cả các động tác của anh. Hai cánh tay tôi lơ lửng cho tới khi bàn tay ở tầm ngang xương sườn; các bước chạy của tôi chia nhỏ ra; lưng tôi dựng thẳng tới mức gần như có thể nghe thấy tiếng cột sống kẽo kẹt. “Đừng cố gắng chống cự lại đường mòn!” Caballo nói vọng qua vai. “Hãy đón nhận những gì nó mang tới cho anh. Nếu anh có thể lựa chọn bước một bước hay hai để vượt qua đám đá, thì hãy bước thành ba.” Caballo đã dành nhiều năm trời để dò đường trên các lối mòn, tới mức anh còn đặt biệt danh cho các tảng đá dưới chân: một số được gọi là ayudantes, người nâng đỡ, cho bạn điểm tựa để bật tung về phía trước; một số khác là “lưu manh,” trông giống như ayudantes nhưng lại lăn đi một cách xảo trá khi bạn giẫm lên nó để bật nhảy; một số nữa là chingoncitos, lũ khốn nạn chỉ rình rập để làm bạn ngã sấp mặt. “Bài học số hai.” Caballo gọi. “Hãy nghĩ như thế này: Dễ dàng, Nhẹ nhàng, Trơn tru và Nhanh. Anh hãy bắt đầu với Dễ dàng, vì ban đầu anh cũng sẽ chỉ làm được như vậy mà thôi, và làm được như vậy cũng đã khá rồi. Sau đó hãy tập để trở nên Nhẹ nhàng. Làm sao để không phải nỗ lực nữa, như kiểu anh chẳng bận tâm quái gì đến việc ngọn đồi đó cao thế nào, hay phải chạy xa bao nhiêu. Khi anh đã tập luyện lâu tới mức quên rằng mình đang tập luyện, thì hãy chuyển sang Trơn tru. Và anh cũng sẽ chẳng phải lo nghĩ gì đến cấp độ cuối cùng đâu. Khi đã thực hiện được ba mức đầu, tự khắc anh sẽ được Nhanh.” Tôi chú ý nhìn vào đôi bàn chân đi dép xăng đan của Caballo, cố gắng bắt chước theo kiểu chạy lạ mắt, kiểu chạy như đang nhón chân của anh. Tôi cứ cúi nhìn như vậy mãi, tới mức không nhận ra rằng chúng tôi đã ra khỏi khu rừng. “Ồ!” Tôi thốt lên. Mặt trời vừa ló rạng phía trên dãy Sierra. Mùi khói gỗ thông lan tỏa trong không khí, bốc lên từ những ống khói méo mó trên các túp lều gỗ thông ở rìa thị trấn. Xa xa, những tảng đá khổng lồ dựng đứng như những bức tượng trên đảo Phục Sinh, mọc lên từ bình nguyên, với những ngọn núi tuyết phủ làm nền. Nếu như không phải đang hớp lấy hớp để không khí, thì chắc hẳn cảnh tượng ấy sẽ khiến tôi ngộp thở. “Tôi đã bảo mà!” Micah hả hê. Chúng tôi đã tới chỗ vòng lại, và mặc dù biết rằng sẽ là ngu ngốc nếu như tôi cố chạy nhiều hơn tám dặm, nhưng con đường mòn này vẫn mang lại nhiều cảm hứng đến mức tôi thấy ghét việc phải quay về. Caballo hiểu rất rõ cảm nghĩ của tôi lúc đó. “Tôi cũng cảm thấy như vậy trong suốt 10 năm.” Anh nói. “Và bây giờ tôi vẫn chỉ đang học hỏi thôi đấy.” Nhưng lúc đó anh đang vội; ngày hôm đó, anh phải quay về lều và chỉ có vừa đủ thời gian để về kịp trước khi trời tối. Đó là lúc anh bắt đầu giải thích việc đang làm ở Creel. “Anh biết không,” Caballo bắt đầu, “rất nhiều chuyện đã xảy ra từ sau giải Leadville năm đó.” Chạy bộ siêu dài trước đây chỉ là một nhúm người kỳ quặc chạy trong rừng với đèn pin, nhưng trong vài năm qua, nó đã trở thành một cuộc xâm lăng của Những Tay Súng Trẻ. Ví dụ như Karl Meler, người liên tục nghe bài hát “Strangelove” từ chiếc iPod của mình trong khi thắng giải Hard rock 100 ba lần liên tiếp; và “Diva Đường Đất”, Catra Corbe, cô gái trẻ trung, xinh đẹp, theo phong cách Goth, toàn thân xăm trổ như hình ảnh trong ống kính vạn hoa, người từng có lần, chỉ để giải trí, đã chạy hết 211 dặm đường mòn John Muir xuyên qua Công viên Quốc gia Yosemite rồi quay lại, chạy hết quãng đường trở về; hay Tony “Khoả Thân” Krupicka, gã này hầu như chẳng chịu mặc gì ngoài chiếc quần đùi thiếu vải, ngủ nhờ trong tủ của một người bạn trong suốt một năm trời luyện tập, để rồi giành chiến thắng tại giải Leadville 100; hay Anh Em Người Bay nhà Skaggs huyền thoại, Eric và Kyle, đã đi nhờ xe tới Grand Canyon trước khi lập một kỷ lục mới cho chuyến chạy bộ khứ hồi nhanh nhất từ rìa bên này tới rìa bên kia. Những Tay Súng Trẻ này muốn điều gì đó mới mẻ, dữ dằn, hoang dại, và họ gia nhập bộ môn chạy đường mòn theo từng đoàn lớn, để tới năm 2002, môn này đã trở thành môn thể thao ngoài trời phát triển nhanh nhất nước Mỹ. Họ không chỉ yêu việc chạy đua trong giải; mà còn say mê cảm giác hồi hộp khi khám phá cả một chân trời mới của lòng can đảm ngay trong chính bản thân mình. Thánh chạy siêu dài Sco Jurek đã tổng kết tín ngưỡng không chính thức của thế hệ Những Tay Súng Trẻ này bằng cách trích dẫn câu nói mà William James luôn đề ở cuối tất cả các thư điện tử: “Vượt qua ngưỡng cực hạn của sự mỏi mệt và nỗi gian nan, ta có thể sẽ tìm thấy sự thanh thản và cả sức mạnh, nhiều tới mức nằm mơ cũng không thấy; những nguồn sức lực đó chưa từng được ghi nhận, bởi lẽ, ta chưa bao giờ ép mình vượt qua được trở ngại.” Khi Những Tay Súng Trẻ này tiến vào rừng, họ mang theo tất cả những kiến thức về khoa học thể thao từng được biết tới trong suốt cả thập kỷ qua. Ma Carpenter, một người chạy bộ đường núi ở Colorado Springs, dành hàng trăm giờ trên một chiếc máy chạy bộ để đo đạc các biến đổi về dao động cơ thể, chẳng hạn như khi thực hiện động tác uống một ngụm nước (để rồi đưa ra kết luận rằng cách có hiệu quả cao nhất về cơ sinh học để mang theo chai nước là kẹp dưới nách, chứ không phải cầm trên tay). Carpenter sử dụng một máy mài loại dùng dây đai và một lưỡi dao cạo thẳng để loại bỏ bớt từng phần nghìn ounce khỏi giày chạy, nhấn giày vào bồn tắm, rồi nhấc ra để đo khả năng thoát nước cũng như độ nhanh khô của giày. Năm 2005, áp dụng những hiểu biết luôn ám ảnh bản thân ấy, Carpenter đã phá kỷ lục giải Leadville – về đích với thời gian choáng váng 15 giờ 42 phút, nhanh hơn người Tarahumara nhanh nhất đến gần hai tiếng đồng hồ. Nhưng, liệu người Tarahumara có thể làm được những gì nếu như bị thúc ép? Đó chính là điều mà Caballo muốn biết. Victoriano và Juan đã chạy như những người thợ săn, theo cách mà họ từng được truyền dạy: chỉ cần chạy đủ nhanh để bắt được con mồi chứ không cần nhanh hơn nữa. Ai biết được họ có thể chạy nhanh tới mức nào khi đối đầu với một kẻ như Carpenter? Và không ai biết họ có thể làm tốt tới đâu khi chạy ở địa hình quê hương họ. Là một nhà đương kim vô địch, chẳng phải họ có quyền được hưởng lợi thế sân nhà, ít nhất một lần sao? Nếu người Tarahumara không thể quay trở lại nước Mỹ, Caballo lập luận, thì người Mỹ sẽ phải đến với người Tarahumara. Nhưng anh biết những con người e dè khủng khiếp, chuyên chui lủi trong hẻm núi này sẽ biến mất sau các ngọn đồi nếu bị bao vây bởi một đám người chạy bộ Mỹ hỏi han luôn mồm và những chiếc camera kêu lạch xạch. Tuy nhiên – và đây chính là ý tưởng mà Caballo đang nung nấu – nếu như anh tổ chức một cuộc đua theo kiểu Tarahumara thì sao? Đó sẽ là một đại nhạc hội của những tay gảy ghi ta cổ điển – một tuần lễ dành cho biểu diễn, trao đổi các bí kíp, học hỏi phong cách và kỹ thuật của nhau. Vào ngày cuối cùng, tất cả các tay đua sẽ hiện nguyên hình trong một cuộc tỷ thí dài 50 dặm dành cho các nhà vô địch. Đó là một ý tưởng tuyệt vời – và, dĩ nhiên, cũng hoàn toàn có thể sẽ thất bại thảm hại. Sẽ chẳng có người chạy bộ hàng đầu thế giới nào chấp nhận rủi ro ấy. Đó không chỉ là điểm chấm hết cho sự nghiệp, mà là tự vẫn. Để đến được vạch xuất phát, họ sẽ phải lẻn qua bọn trộm cướp, leo núi vượt qua vùng đất dữ, theo dõi kỹ từng ngụm nước, từng miếng đồ ăn. Nếu bị thương, họ coi như xong đời, có thể không phải là ngay lập tức, nhưng cái chết sẽ là điều khó tránh. Sẽ phải mất vài ngày mới tới được đường cái gần nhất, và mất nhiều giờ mới đến được nguồn nước sạch, mà cũng chẳng có chiếc máy bay trực thăng nào len lách nổi giữa những vách đá chật hẹp này để giải cứu. Mặc kệ: Caballo đã bắt đầu thực hiện kế hoạch. Đó là lý do duy nhất anh có mặt ở Creel. Anh đã phải rời lều ở tận đáy cùng hẻm núi, để đi tới thị trấn mình chán ghét, vì nghe nói rằng có một chiếc máy tính bàn kết nối dial-up ở phía sau một cửa hàng kẹo tại Creel. Anh biết sơ sơ về máy tính, có một tài khoản thư điện tử, và đã bắt đầu gửi đi các thông điệp ra thế giới bên ngoài. Và vai trò của tôi xuất hiện ở đó. Lý do duy nhất khiến “gã thổ dân nước ngoài” này quan tâm khi tôi đánh úp anh ở khách sạn là bởi tôi xưng là phóng viên. Có thể, một bài báo về cuộc đua này sẽ thực sự thu hút được một vài tay đua. “Vậy, anh định mời những ai?” Tôi hỏi. “Mới chỉ một gã thôi.” Anh ta nói. “Tôi chỉ muốn mời những người chạy bộ có tinh thần phù hợp, những nhà vô địch thực sự. Vì vậy, tôi gửi thư tới Sco Jurek.” Sco Jurek? Người bảy lần vô địch giải Western States và ba lần đoạt danh hiệu Người chạy bộ siêu dài của năm? Caballo chắc đang say thuốc khi nghĩ rằng Sco Jurek sẽ tới đây để đua với một đám vô danh tiểu tốt, ở một chốn cũng vô danh nốt. Sco là người chạy bộ siêu dài hàng đầu đất nước, thậm chí, có thể là hàng đầu thế giới. Khi Sco Jurek không tham gia giải, anh giúp Brooks thiết kế giày chạy đường mòn là biểu trưng của hãng này, giày Cascadia, hoặc tổ chức các hội trại chạy bộ luôn kín chỗ, hoặc đưa ra quyết định xem sẽ chạy giải nổi tiếng nào tiếp theo ở Nhật, Thụy Sĩ, Hy Lạp, hay Pháp. Bản thân Sco Jurek như một công ty kinh doanh mà sự sinh tồn hay tàn lụi của nó phụ thuộc vào sức khoẻ của Sco Jurek – nghĩa là công ty này sẽ không bao giờ muốn tài sản lớn nhất của nó chấp nhận rủi ro bị đau ốm, bị bắn, hoặc bị đánh bại trong một cuộc đua ngẫu hứng cò con, ở một xó xỉnh tại Mexico, nơi có những tay súng bắn tỉa tuần tiễu. Nhưng Caballo đã đọc được ở đâu đó một cuộc phỏng vấn Jurek và ngay lập tức cảm thấy như tìm được anh em. Theo cách riêng của mình, Sco cũng bí ẩn gần như Caballo vậy. Trong khi những ngôi sao chạy siêu dài thấp kém hơn rất nhiều như Dean Karnazes và Pam Reed tự tâng bốc trên truyền hình, viết những cuốn hồi ký vẻ vang, và (như trong trường hợp của Dean) quảng cáo cho một loại đồ uống thể thao bằng cách cởi trần chạy trên một máy chạy bộ, được quay bằng máy camera từ trên cao ở quảng trường Thời Đại, thì người chạy bộ siêu dài vĩ đại nhất nước Mỹ lại gần như vô hình. Anh cứ như một con mãnh thú chạy đua thuần chủng, điều này giải thích hai thói quen kỳ lạ của anh: tại thời điểm xuất phát của mỗi giải chạy, anh luôn cất lên một tiếng thét ghê rợn, và sau khi giành chiến thắng, anh ta sẽ lăn lộn dưới đất như một con chó săn lên cơn tăng động. Sau đó, anh ta sẽ đứng dậy, phủi bụi, và lại biến mất về Seale cho tới khi tiếng thét lâm trận của anh lại một lần nữa vang vọng trong màn đêm. Đó chính là kiểu nhà vô địch mà Caballo đang tìm kiếm; không phải những tay khoe mẽ, chỉ muốn lợi dụng người Tarahumara để khoa trương thương hiệu bản thân, mà là một môn đệ thực thụ của môn thể thao này, người có khả năng nhìn nhận tính nghệ thuật và đánh giá cao nỗ lực ngay cả ở những người chạy bộ chậm nhất. Mặc dù Caballo chẳng cần thêm bất kỳ bằng chứng nào về sự xứng đáng của Sco Jurek, nhưng anh vẫn có được nó: vào cuối buổi phỏng vấn, khi được yêu cầu kể tên các thần tượng của mình, Jurek đã nhắc đến cái tên Tarahumara. “Để lấy cảm hứng,” bài báo viết, “anh ta nhắc lại một câu ngạn ngữ của thổ dân Tarahumara: ‘Khi bạn chạy trên mặt đất và chạy cùng với đất, bạn có thể chạy mãi mãi.’” “Anh xem!” Caballo quả quyết. “Anh ta có một linh hồn Rarámuri.” Nhưng, chờ đã… “Kể cả nếu Sco Jurek đồng ý tham dự, còn những người Tarahumara thì sao?” Tôi hỏi. “Họ có đồng ý không?” “Có thể!” Caballo nhún vai. “Người tôi muốn có mặt là Arnulfo Quimare.” Chuyện này sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết rằng Arnulfo thậm chí sẽ chẳng buồn trò chuyện với người ngoài, chứ đừng nói tới việc ở gần một nhóm người như vậy trong một tuần và dẫn họ qua những lối mòn bí mật trên mảnh đất quê hương anh. Tôi ngưỡng mộ thị hiếu và tham vọng của Caballo, nhưng rất nghi ngờ tính thực tế của người này. Không một người chạy bộ ở Mỹ nào biết anh là ai, và hầu hết người Tarahumara đều không dám chắc anh ta là thứ gì. Vậy mà anh ta vẫn mong đợi tất cả bọn họ tin tưởng mình? “Tôi tin chắc là Manuel Luna sẽ tới.” Caballo nói tiếp. “Có thể có cả con anh ta nữa.” “Marcelino?” Tôi hỏi. “Ừ!” Caballo nói. “Nhóc đó cừ đấy.” “Cậu ta quá cừ ấy chứ!” Trong đầu tôi vẫn in hình ảnh cậu thiếu niên Đuốc Sống lao đi trên lối mòn đường đất ngày hôm ấy, nhanh như ngọn lửa lan theo dây ngòi nổ. Chà, nếu vậy, thì ai thèm quan tâm xem Sco Jurek hay bất kỳ mấy gã nổi đình đám nào khác có đến hay không cơ chứ? Cơ hội được chạy cùng với Manuel, Marcelino, Caballo đã là quá tuyệt vời rồi. Cách Caballo và Marcelino chạy là kiểu di chuyển gần với bay lượn nhất của con người. Tôi đã được nếm thử nó một chút trên những lối mòn ở Creel, và vẫn muốn được thưởng thức nhiều hơn nữa; cứ như bạn vỗ hai cánh tay thật mạnh và nhấc mình được khoảng một phân khỏi mặt đất vậy, sau khi làm được điều đó, thì bạn còn nghĩ được điều gì khác nữa, ngoài việc thử làm lại? “Mình làm được!” Tôi tự nhủ. Caballo đã ở đúng vị trí của tôi lúc này khi mới tới đây; anh là một gã đàn ông ngoại tứ tuần với đôi chân bệ rạc, và chỉ trong một năm, anh đã lướt như bay trên các đỉnh núi. Nếu điều đó có hiệu quả với anh, thì tại sao lại không được với tôi? Nếu áp dụng được các kỹ thuật mà anh đã chỉ dạy, liệu tôi có đủ sức chạy 50 dặm xuyên qua Copper Canyon hay không? Cuộc đua này thực sự khó có thể xảy ra, trên thực tế là không thể. Nó sẽ chẳng xảy ra đâu. Nhưng nếu nhờ một điều kỳ diệu nào đó mà anh có thể xoay xở, thu xếp được một giải đua như vậy với những người Tarahumara chạy giỏi nhất trong thế hệ này, thì tôi muốn được có mặt ở đó. Khi trở về tới Creel, Caballo và tôi bắt tay nhau. “Cảm ơn vì bài học!” Tôi nói. “Anh đã dạy tôi rất nhiều.” “Hasta luego, norawa.” Caballo trả lời. Hẹn gặp lại, anh bạn. Rồi anh lại lên đường. Tôi nhìn theo. Có điều gì đó buồn bã kinh khủng nhưng đồng thời gây cảm hứng ghê gớm khi thấy nhà tiên tri của môn nghệ thuật chạy bộ đường dài quay lưng lại với mọi thứ trên đời, trừ ước mơ của chính mình, để đi về với “nơi tuyệt vời nhất trên thế giới để chạy bộ.” Một mình. Chương 18 Anh đã bao giờ nghe nói về Caballo Blanco chưa?” Sau khi trở về từ Mexico, tôi gọi cho Don Allison, tổng biên tập kỳ cựu của tạp chí UltraRunning. Caballo đã hé lộ về quá khứ của mình hai chi tiết đáng để lần theo: anh ta từng là một kiểu võ sĩ chuyên nghiệp gì đó, và từng giành chiến thắng trong một số giải chạy siêu dài. Đối với thi đấu võ thuật thì việc dò thông tin cực kỳ khó khăn. Có cả đống chuyện ly kỳ về kỷ luật luyện tập cùng vô số lời đồn thổi, nhưng trong chạy bộ siêu dài, tất cả mọi con đường đều dẫn tới Don Allison ở Weymouth, Massachuses. Là trung tâm xác nhận tất cả các lời đồn, kết quả các giải đua, và các ngôi sao đang lên trong môn thể thao này, Don Allison biết tất cả mọi người, tất cả mọi thứ, và đó là lý do tại sao lời đầu tiên thốt ra từ miệng ông lại khiến tôi thất vọng: “Ai cơ?” “Tôi nghĩ anh ta còn có tên khác là Micah True.” Tôi nói. “Nhưng tôi không chắc đó thực sự là tên anh ta hay tên con chó của anh ta.” Im lặng. “A lô?” Tôi nói. “Ờ, chờ đã!” Cuối cùng thì Allison cũng đáp lời. “Tôi đang tìm cái này. Vậy anh ta có thật hay không?” “Ý ông là, anh ta có nghiêm túc không à?” “Không, anh ta có thật không? Anh ta thực sự tồn tại à?” “Có, anh ta có thật. Tôi đã tìm thấy anh ta ở tận Mexico.” “Được rồi!” Allison nói. “Vậy, anh ta có bị điên không?” “Không, anh ta…” Đến lượt tôi ngập ngừng. “Tôi không nghĩ vậy.” “Có một gã tên như vậy gửi cho tôi vài bài báo. Nhưng tôi phải nói với anh rằng mấy bài đó không đăng được đâu.” Chuyện trở nên hấp dẫn rồi đây. UltraRunning chẳng giống như một tạp chí, mà giống những lá thư dông dài của các thành viên trong gia đình gửi cho nhau thay vì thiệp chúc mừng Giáng sinh. Khoảng 80% của mỗi số ra chỉ toàn là các danh sách, tên người, thời gian, kết quả các cuộc đua mà chưa ai từng nghe nói tới, ở những nơi ít người biết, và chỉ toàn là người chạy bộ siêu dài mới có thể tìm thấy. Bên cạnh các báo cáo về giải đua, mỗi số ra đều có vài bài do người chạy bộ tự nguyện viết, nêu ý kiến về các nỗi ám ảnh gần nhất của họ, như “Dùng cân để xác định nhu cầu uống nước tối ưu cho bạn” hoặc “Kết hợp giữa đèn đeo trán và đèn pin thường.” Đơn giản là, bạn phải cố gắng lắm mới bị từ chối đăng bài ở UltraRunning, điều đó khiến tôi cảm thấy sợ khi phải hỏi rằng, Caballo, cô độc một mình trong căn lều như tên khủng bố Unabomber, đã tuyên bố những gì. “Có phải… anh ta… dọa nạt gì không?” “Không! Allison nói. “Chỉ là, những gì anh ta viết không phải chỉ về chạy bộ. Nó như một bài thuyết giảng về tình anh em, về nhân quả và những kẻ lạ mặt tham lam.” “Trong đó có nhắc gì đến giải chạy của anh ta không?” “Có, trong đó có nói về giải chạy với người Tarahumara. Nhưng theo tôi thấy, thì anh ta là người duy nhất tham gia. Anh ta, và khoảng ba người thổ dân nữa.” Huấn luyện viên Vigil cũng chưa từng nghe nói đến Caballo. Tôi hy vọng rằng may ra họ đã gặp nhau ở giải Leadville hùng tráng ngày đó, hoặc sau này ở vùng Barrancas. Nhưng ngay sau giải Leadville, cuộc đời của huấn luyện viên Vigil đã có một lối rẽ bất ngờ và kịch tính. Nó bắt đầu với một cuộc điện thoại: một người phụ nữ trẻ ở đầu dây bên kia, hỏi rằng liệu huấn luyện viên Vigil có thể giúp cô đạt tiêu chuẩn dự Olympic hay không. Cô từng thi thố hồi đại học, nhưng rồi lại chán môn chạy bộ tới mức bỏ hẳn và thay vào đó, nghĩ đến chuyện mở một hiệu cà phê bánh ngọt. Trừ khi huấn luyện viên Vigil cho rằng cô nên tiếp tục cố gắng…? Vigil là bậc thầy tạo cảm hứng, nên biết ngay cần phải nói gì: Hãy quên đi. Đi mà làm món mochaccino ấy. Deena Kastor (sau này là Drossin) nghe có vẻ ngọt ngào, nhưng cô chẳng có lý do gì để nghĩ tới chuyện làm việc với Vigil. Là một cô gái trên bãi biển California, cô đã quen với việc chạy ra khỏi nhà, dọc theo các lối mòn Santa Monica dưới nắng trời Thái Bình Dương ấm áp. Còn những gì Vigil đang thực hiện lại là công việc của các chiến binh Sparta thực thụ – một chương trình kiểu người mạnh nhất sẽ sống sót, kết hợp khối lượng tập luyện chết người với những ngọn núi ở Colorado gió thổi lạnh cóng. “Tôi đã cố gắng làm cô ấy nản lòng, bởi vì Alamosa không phải một thị trấn ở California.” Vigil sau này kể lại. “Nơi đó hẻo lánh, ở tận trên núi, và rất lạnh – đôi khi xuống tới âm 30 độ. Chỉ có những người dữ dằn nhất mới có thể sống sót được trên đó để chạy bộ.” Khi Deena vẫn quyết tâm có mặt, Vigil đã đủ tử tế và thưởng cho lòng cương quyết của cô bằng bài kiểm tra sức khỏe cơ bản, cũng như tiềm năng luyện tập. Kết quả kiểm tra cũng chẳng làm Vigil thay đổi ý định: cô chỉ thuộc hạng xoàng. Nhưng huấn luyện viên Vigil càng đẩy cô đi, thì Deena càng cảm thấy hứng thú hơn. Dán trên tường văn phòng của Vigil là một công thức ma thuật để chạy nhanh, mà theo Deena, thì chẳng hề liên quan gì đến chạy bộ: nó bao gồm những câu như “Hãy thực hành sống dư dật bằng cách cho đi” và “Cải thiện các mối quan hệ cá nhân” hay “Hãy thể hiện tính toàn vẹn trong hệ thống giá trị của bạn”. Lời khuyên của Vigil về dinh dưỡng cũng chẳng có tính thể thao hay khoa học gì cả. Chiến lược dinh dưỡng của ông cho một vận động viên marathon Olympic tiềm năng là: “Hãy ăn như một người nghèo khổ.” Vigil đang xây dựng một thế giới Tarahumara thu nhỏ của riêng mình. Cho tới khi hoàn thành công việc còn đang dang dở và dời bản doanh về Copper Canyon, ông sẽ cố gắng hết sức để tái tạo lại Copper Canyon ngay ở Colorado. Nếu Deena muốn nghĩ đến chuyện luyện tập với Vigil, thì cô phải sẵn sàng tập luyện như người Tarahumara. Điều đó đồng nghĩa với việc phải sống thanh đạm và quan tâm xây đắp cho phần tâm hồn không kém gì phần thể chất. Deena hiểu được điều này, và hăm hở muốn bắt đầu. Huấn luyện viên Vigil tin rằng phải trở thành một người khỏe mạnh trước khi trở thành người chạy bộ mạnh mẽ. Đời nào cô chịu từ bỏ? Vì vậy, huấn luyện viên Vigil miễn cưỡng cho cô một cơ hội. Năm 1996, ông bắt đầu cho cô tham dự vào hệ thống tập luyện mang hơi hướng Tarahumara của mình. Trong vòng một năm, cô thợ bánh nhiệt huyết này đã bước chân trên con đường trở thành một trong những người chạy bộ đường dài vĩ đại nhất lịch sử nước Mỹ. Cô đã nghiến nát các đường đua, giành nhiều chức vô địch quốc gia về chạy việt dã, và tiến lên phá kỷ lục Hoa Kỳ ở nhiều cự ly khác nhau, từ ba dặm cho tới marathon. Trong Thế vận hội 2004 tại Athens, Hy Lạp, Deena đã vượt qua cả người giữ kỷ lục thế giới, Paula Radcliffe, để giành huy chương đồng, huy chương Olympic đầu tiên cho một vận động viên marathon người Mỹ trong suốt 20 năm. Mặc dầu vậy, nếu hỏi Joe Vigil về các thành tích của Deena, thì đối với ông, đứng đầu danh sách sẽ luôn là danh hiệu Vận động viên Nhân đạo của năm mà cô giành được năm 2002. Cứ thế từng chút một, huấn luyện viên Vigil dấn sâu vào chạy bộ đường dài của Mỹ, và càng ngày càng xa các kế hoạch về Copper Canyon của mình. Trước Thế vận hội 2004, ông được đề nghị thiết lập một trại huấn luyện cho các vận động viên tiềm năng Olympic trên vùng núi cao California tại Mammoth Lakes. Khối lượng công việc quá lớn với một người đàn ông 75 tuổi, và Vigil đã phải trả giá: một năm trước Thế vận hội, ông bị một cơn đau tim và cần phẫu thuật bắc cầu mạch vành ba chỗ. Vigil nhận ra rằng, cơ hội cuối cùng để được học hỏi từ những người Tarahumara đã trôi qua. Như vậy, chỉ còn một nhà nghiên cứu cuối cùng trên thế giới còn đang theo đuổi nghệ thuật chạy bộ bí ẩn của người Tarahumara: Caballo Blanco, với các khám phá được lưu giữ trong bộ nhớ của các nhóm cơ trên thân thể. Khi bài viết của tôi đăng trên tạp chí Runner’s World, nó đã nhen nhóm lên một mối quan tâm đáng kể về người Tarahumara. Thế nhưng, chuyện cả một đoàn các vận động viên chạy đường mòn hàng đầu sẵn sàng đăng ký tham dự giải đua của Caballo đã không xảy ra. Thậm chí, thực tế là chẳng có nổi một người. Điều đó có thể phần nào là do lỗi của tôi. Tôi cảm thấy không thể miêu tả anh một cách chân thực mà không dùng những từ ngữ kiểu như “trông giống xác chết”, hoặc nhắc đến chuyện những người Tarahumara nói rằng anh “có gì đó hơi kỳ quặc.” Hậu quả là, dù hào hứng phát điên lên vì giải chạy này, thì bạn vẫn phải suy nghĩ lại về việc đặt mạng sống của mình vào tay một gã cô độc bí ẩn, với một cái tên giả, chỉ làm bạn với những người sống trong hang và ăn thịt chuột, mà chính họ cũng cho rằng anh không ổn lắm. Và chuyện càng khó khăn hơn khi khó đoán định giải đua này diễn ra ở đâu, vào lúc nào. Caballo lập một trang web riêng, nhưng việc trao đổi các mẩu tin với anh cũng giống như chờ đợi một cái chai đựng thư dạt vào bờ biển vậy. Để kiểm tra thư điện tử, Caballo phải chạy hơn ba mươi dặm qua một quả núi và lội qua một con sông để tới thị trấn nhỏ bé Urique, nơi anh phải thuyết phục một giáo viên cho phép dùng chiếc máy tính cũ mèm của trường, với một đường kết nối dial-up duy nhất. Anh chỉ có thể thực hiện chuyến đi khứ hồi hơn 60 dặm đó trong thời tiết tốt, nếu không sẽ phải chịu rủi ro mất mạng do trượt ngã khỏi một vách đá trơn nhẫy nước mưa, hoặc bị kẹt lại giữa những con suối gầm thét. Dịch vụ điện thoại mới chỉ đến được Urique năm 2002, vì vậy, việc duy trì vận hành cũng rất giới hạn; và Caballo, sau khi mệt nhoài với chuyến chạy đường mòn, có thể đến Urique chỉ để nhận ra rằng đường dây điện thoại đã bị mất liên lạc nhiều ngày qua. Có lần, anh ta không kịp kiểm tra tin nhắn vì bị chó hoang tấn công và phải hủy chuyến đi để đi tìm thuốc tiêm phòng dại. Chỉ cần nhìn thấy cái tên “Caballo Blanco” xuất hiện trong hòm thư là tôi lại thấy nhẹ nhõm. Cùng với cách mà anh thờ ơ với các rủi ro, Caballo cũng sống một cuộc sống cực kỳ nguy hiểm. Mỗi lần anh chạy đều có thể là lần chạy cuối cùng. Anh vẫn thích tin rằng đám sát thủ buôn ma túy đã đánh dấu anh là một gã “thổ dân nước ngoài” vô hại, nhưng ai mà biết được những tên sát thủ đó nghĩ gì? Hơn nữa, anh còn bị một thứ bùa ám bất tỉnh kỳ lạ: thỉnh thoảng, Caballo lại bất ngờ ngất xỉu. Ngay cả khi sống ở nơi có dịch vụ 911, thì những lần bất tỉnh ngẫu nhiên đó đã rất rủi ro. Còn ở đó, nơi hoang vu rộng lớn của vùng Barrancas, một gã Caballo bất tỉnh nhân sự sẽ chẳng ai bắt gặp. Anh ta đã từng có lần suýt chết khi bị ngất ngay khi vừa chạy tới một ngôi làng. Khi tỉnh dậy, anh ta thấy có một miếng băng dầy sau gáy và tóc dính bê bết máu. Nếu ngất sớm hơn nửa giờ, thì chắc chắn anh đã nằm bẹp đâu đó giữa nơi hoang vắng với một vết nứt trên hộp sọ. Ngay cả khi sống sót được trước những tay xạ thủ bắn tỉa và chứng bệnh huyết áp đầy phản trắc của mình, thì cái chết vẫn luôn cận kề ngay gần đôi chân của anh. Chỉ cần đánh giá sai một hòn đá chingoncito trên một lối mòn Tarahumara hẹp như sợi chỉ nha khoa ấy, thì thứ duy nhất mà Caballo để lại sẽ là âm vọng từ tiếng thét của anh trước khi biến mất dưới khe núi. Nhưng chẳng có gì ngăn được Caballo. Chạy bộ như thể là niềm khoái lạc duy nhất trong đời anh, và anh thưởng thức nó không như một bài tập, mà giống như một bữa yến tiệc. Ngay cả khi căn lều của anh gần như bị phá huỷ hoàn toàn bởi một trận lở đất, Caballo vẫn kịp chạy một lượt trước khi dựng lại mái che trên đầu mình. Nhưng tới mùa xuân, tai họa ập đến. Tôi nhận được bức thư điện tử này: này, amigo, tôi đang ở Urique sau một cuộc chạy đầy biến cố và đã phải lê lết. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi tự làm hỏng bét mắt cá chân trái của mình rồi. Tôi không quen chạy trên đế giày nữa, vì cái tội huênh hoang nên mới ra nông nỗi này đây, vì tôi cố đi giày và để dành dép xăng đan nhẹ lúc chạy nhanh và chạy giải! Mới chạy được 10 dặm từ Urique en La Sierra, tôi biết cái tiếng “khục” đó là không hay rồi, sau đó tôi đã phải bò xuống Urique trong đau đớn, vì tôi chẳng có lựa chọn nào khác ngoài quay trở về đó, và chân trái của tôi giờ như bị bệnh chân voi vậy! Chết tiệt! Tôi ngờ rằng tai nạn của anh chính là do lỗi của tôi. Ngay trước lúc tạm biệt nhau ở Creel, tôi nhận ra rằng chúng tôi có cùng cỡ chân, vì vậy, tôi lôi một đôi giày chạy đường mòn mới của Nike ra khỏi ba lô và tặng nó cho Caballo như quà cảm ơn. Anh buộc dây giày và đeo chúng trên vai, cho rằng chúng có thể sẽ hữu ích lúc nào đấy, chẳng hạn như khi đôi xăng đan bị hỏng. Anh đã rất lịch sự không đổ lỗi khi thông báo về tai nạn của mình, nhưng tôi chắc chắn rằng khi đề cập đến chuyện bị trật cổ chân vì chạy nhảy trên lớp đế dày, anh muốn nhắc đến đôi giày tôi tặng. Lúc này, tôi cảm thấy tội lỗi khôn cùng. Tôi đã phá Caballo trên mọi phương diện. Đầu tiên, tôi đã vô tình đặt một quả bom nổ chậm bằng cách đưa cho anh đôi giày đó, và rồi tôi đã viết một bài báo khiến tính cách lập dị của anh ta trở nên nổi bật quá mức, làm cho việc quảng bá gặp trở ngại. Caballo đang liều lĩnh với mạng sống của chính mình để thực hiện việc này, và giờ đây, sau nhiều tháng nỗ lực, có thể, người duy nhất có mặt ở giải đua ấy sẽ là tôi: người chạy bộ kém cỏi, đáng xấu hổ, kẻ chỉ mang đến cho anh đau khổ. Caballo đã tự lừa dối bản thân với những cuộc chạy lang thang, nhưng khi anh nằm đó, bị thương và bất lực ở Urique, thì thực tại đã đổ ập xuống. Chắng ai có thể sống theo cách của anh mà không trông giống như một gã quái gở, và bây giờ anh đang phải trả giá: chẳng ai chịu tin lời anh. Chính bản thân anh cũng không chắc là liệu có thuyết phục được những người Tarahumara tin tưởng vào mình hay không, và họ gần như là những người duy nhất trên đời này biết anh ta. Vậy thì cố gắng để làm gì? Tại sao anh lại theo đuổi một giấc mơ mà tất cả mọi người đều cho là một trò đùa cợt? Nếu như không tự làm trật mắt cá chân, thì hẳn là anh đã phải mất rất nhiều thời gian để chờ đợi câu trả lời cho câu hỏi đó. Thế nhưng, chính trong lúc đang nằm bẹp tại Urique để chờ chấn thương hồi phục, anh nhận được lời nhắn của Chúa. Ít nhất, đó cũng là Đức Chúa trời duy nhất mà anh vẫn hằng cầu khẩn. Chương 19 Tôi luôn bắt đầu các giải đua này với những mục tiêu cao ngất, như thể mình sắp làm nên điều kỳ diệu. Và khi cơ thể đã rệu rã tới một điểm nào đó, các mục tiêu sẽ được đánh giá lại, và hạ thấp xuống tới điểm thực tế của tôi hiện tại – lúc này đây, điều tôi hy vọng nhất chỉ là đừng có nôn xuống giày mình. - Kỹ sư vật lý hạt nhân và người chạy bộ siêu dài EPHRAIM ROMESBERG, sau khi chạy tới ngưỡng 65 dặm trong giải chạy Siêu marathon Badwater. Vài ngày trước đó, trong một căn hộ nhỏ bé ở Seale cùng vợ mình và một núi chiến lợi phẩm, người chạy bộ siêu dài vĩ đại nhất nước Mỹ cũng đang đối mặt với những giới hạn của cơ thể mình. Cơ thể đó trông vẫn rất tuyệt, đủ khiến phụ nữ phải ngoái nhìn mỗi khi Sco Jurek và cô vợ tóc vàng duyên dáng của anh, Leah, đạp xe quanh khu Capitol Hill, đến các hiệu sách, quán cà phê và nhà hàng đồ chay Thái. Một cặp dân chơi trẻ tuổi đẹp đôi, trên xe đạp địa hình mà họ dùng thay cho xe hơi. Sco cao ráo, cơ bắp gọn gàng, cặp mắt nâu biểu cảm và nụ cười như ca sĩ trong các ban nhạc trẻ. Anh chưa cắt tóc kể từ lần được Leah húi cua trước khi anh giành chiến thắng lần đầu tiên ở giải Western States, và rồi sáu năm sau, trên đầu anh lại là những lọn tóc xoăn như những vị thần Hy Lạp, cứ bồng bềnh mỗi khi anh chạy. Vì sao một anh chàng loẻo khoẻo, từng bị gọi là “Gã Cà Giật”, lại trở thành ngôi sao chạy siêu dài, là điều vẫn khiến những ai biết anh từ thời niên thiếu ở Proctor, Minnesonta không hiểu nổi. “Bọn tôi bắt nạt cậu ta lên bờ xuống ruộng.” Dusty Olson, ngôi sao thể thao của Proctor hồi anh và Sco còn niên thiếu, kể lại. Trong các cuộc chạy việt dã, Dusty cùng đám bạn thường ném cả đống bùn vào Sco và chuồn mất. “Anh ta chẳng bao giờ đuổi kịp.” Dusty nói. “Không ai hiểu được tại sao anh ta lại chạy chậm như vậy, vì Gã Cà Giật đó tập luyện chăm chỉ hơn bất kỳ ai khác.” Sco cũng chẳng có nhiều thời gian để tập luyện. Khi Sco còn đang học phổ thông, mẹ anh đã mắc phải bệnh đa xơ cứng. Lúc đó, vì là anh cả trong ba anh em, Sco có nhiệm vụ chăm sóc mẹ sau khi tan học, dọn dẹp nhà cửa, và đi gom củi nhóm bếp lò trong khi người cha đi làm. Nhiều năm sau đó, các tay chạy bộ siêu dài kỳ cựu thường tỏ vẻ không bằng lòng với những tiếng thét của Sco tại vạch xuất phát, hay các cú nhảy kiểu kung-fu vào các trạm tiếp tế của anh. Nhưng một khi trải qua thời niên thiếu nhọc nhằn, và chứng kiến mẹ mình chìm dần vào cơn ác mộng đau đớn, thì có lẽ bạn sẽ không thể kiềm chế được niềm vui khi được bỏ lại hết mọi thứ và rảo chân chạy lên các ngọn đồi. Sau khi mẹ của Sco phải chuyển hẳn vào bệnh xá, anh thường phải cô đơn một mình vào các buổi chiều trống trải, với trái tim nặng trĩu. Thật may mắn, đúng vào lúc Sco cần một người bạn, thì Dusty lại cần một người đồng đội. Họ là một cặp đôi kỳ cục, nhưng lại ăn rơ đến lạ lùng; Dusty thèm khát phiêu lưu mạo hiểm, còn Sco thì muốn bỏ trốn thực tại. Dusty ham mê vô độ với các cuộc thi đấu. Ngay sau khi giành chức vô địch giải trượt tuyết kiểu Nordic quốc gia và giải chạy việt dã khu vực, anh đã thuyết phục Sco cùng tham gia giải chạy đường mòn Minnesota Voyageur Ultra – 50 dặm. “Tôi lừa mãi, anh ta mới chịu tham gia.” Dusty kể lại. Sco chưa từng chạy được tới nửa cự ly đó, nhưng do quá nể Dusty nên anh không dám từ chối. Giữa chừng cuộc đua, giày của Dusty bị tuột ra và kẹt lại dưới bùn. Trước khi anh kịp lôi được chiếc giày lên thì Sco đã biến mất. Anh ta đã xé toang các cánh rừng và về đích giải chạy siêu dài đầu tiên của mình với vị trí thứ nhì, trước Dusty hơn năm phút. “Cái quái gì đang xảy ra vậy?” Dusty tự hỏi. Đêm đó, điện thoại của Dusty đổ chuông liên tục. “Tất cả đám bạn đều trêu chọc tôi, họ nói rằng: ‘Đồ kém cỏi! Cậu bị Gã Cà Giật cho hít khói!’” Ngay cả Sco cũng ngạc nhiên không kém. Vậy là, anh nhận ra, cuối cùng tất cả nỗi buồn đau cũng mang lại ích lợi gì đó. Nỗi tuyệt vọng khi chăm sóc một người mẹ chẳng bao giờ có thể khỏe lên, nỗi