🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Siêu tăng trưởng Ebooks Nhóm Zalo SỰ SUY TÀN CỦA QUYỀN LỰC Tựa gốc: The End of Power Tác giả: Moisés Naím Dịch giả: Trần Trọng Hải Minh Phát hành: Bách Việt Nhà xuất bản Hồng Đức - 02/2017 —★— ebook©vctvegroup 16/06/2019 LỜI NÓI ĐẦU Cuốn Sách Này Ra Đời Thế Nào: Một Ghi Chú Cá Nhân Quyền lực có vẻ trừu tượng, nhưng với những ai hòa hợp với nó nhất - tức là những người nhiều quyền lực - sự luân chuyển thăng trầm của nó có thể mang ý nghĩa nội tại cực kỳ sâu sắc. Rốt cuộc, những ai ở vị trí nắm quyền lực lớn là những người ở vị thế tốt nhất để nhìn ra các hạn chế trong sự hiệu quả của mình và cảm thấy thất vọng - về khoảng cách giữa quyền lực họ kỳ vọng địa vị của mình sẽ mang lại và quyền lực thực sự mà họ có. Theo cách nhỏ mọn của bản thân, tôi đã trải qua những hạn chế tương tự vào tháng 2 năm 1989. Tôi được đề bạt, ở tuổi ba mươi sáu, làm Bộ trưởng Phát triển ở quốc gia quê nhà lúc đó còn dân chủ, Venezuela. Không lâu sau khi nhậm chức trong một chiến thắng áp đảo trong bầu cử, chúng tôi đối mặt với những cuộc bạo động ở Caracas - bắt nguồn từ sự lo lắng về những kế hoạch cắt giảm trợ cấp và tăng giá nhiên liệu của chúng tôi - làm tê liệt thành phố bởi bạo lực, nỗi sợ hãi và sự hỗn loạn. Bỗng nhiên, và bất chấp chiến thắng cũng như sự ủy nhiệm rõ ràng dành cho chúng tôi, chương trình cải cách kinh tế chúng tôi đã tranh đấu vì nó lại mang một ý nghĩa rất khác. Thay vì tượng trưng cho hy vọng và sự phồn vinh, giờ nó bị coi là nguồn gốc của bạo lực đường phố, đói nghèo gia tăng và sự bất bình đẳng sâu sắc hơn. Nhưng hiểu biết sâu sắc nhất tôi có lúc bấy giờ là điều tôi không hiểu đầy đủ mãi tới tận nhiều năm sau đó. Nó nằm trong khoảng cách rất lớn giữa cảm nhận và thực tế về quyền lực của tôi. Trên nguyên tắc, là một trong những Bộ trưởng quan trọng, tôi có quyền lực cực lớn. Nhưng trên thực tế, tôi chỉ có khả năng giới hạn trong việc triển khai các nguồn lực, huy động các cá nhân cùng tổ chức, và nói chung, khiến cho mọi thứ xảy ra. Những đồng nghiệp của tôi và ngay cả ngài Tổng thống cũng có cùng cảm giác tương tự, dù chúng tôi ghét thừa nhận rằng chính phủ của chúng tôi là một gã khổng lồ chân đất sét. Tôi có khuynh hướng đổ thừa điều này cho chính đất nước Venezuela: chắc chắn là cảm giác không có chút quyền lực nào của chúng tôi có liên quan tới định chế nổi tiếng yếu ớt và không thể hoạt động của đất nước này. Những điểm yếu như thế không thể là ở đâu cũng như nhau. Nhưng sau này tôi thấy rằng quả thật là ở đâu cũng như nhau, hay ít ra là gần như thế, với những ai được trải nghiệm quyền lực. Fernando Henrique Cardoso - cựu Tổng thống đáng tôn kính của Brazil và là người cha sáng lập cho thành công của đất nước - đã tóm tắt điều đó cho tôi. “Tôi luôn ngạc nhiên về việc mọi người nghĩ tôi quyền lực như thế nào”, ông nói khi tôi phỏng vấn ông cho cuốn sách này. “Ngay cả những cá nhân có thông tin tốt, am hiểu về chính trị cũng sẽ tới văn phòng của tôi và yêu cầu tôi làm những việc cho thấy họ giả định rằng tôi có nhiều quyền lực hơn hẳn so với tôi thực sự có. Tôi luôn tự nhủ, giá như họ biết quyền lực của bất cứ Tổng thống nào bị giới hạn ra sao. Khi tôi gặp các nguyên thủ quốc gia khác, họ thường chia sẻ những suy nghĩ tương tự trong vấn đề này. Khoảng cách giữa quyền lực thực sự của chúng tôi và những gì người ta kỳ vọng ở chúng tôi là nguồn gốc cho áp lực khó khăn nhất mà bất cứ người đứng đầu nhà nước nào phải đối phó”. Tôi đã nghe điều tương tự từ Joschka Fischer, một trong những chính trị gia được lòng dân nhất ở Đức và là một cựu Phó thủ tướng và Bộ trưởng ngoại giao. “Từ khi tôi còn trẻ, tôi đã hứng thú và bị quyến rũ bởi quyền lực”, Fischer nói với tôi. “Một trong những cú sốc lớn nhất của tôi là khám phá ra rằng tất cả những tòa nhà chính phủ đầy đe dọa và tất cả những vẻ bề ngoài khác của chính quyền thực ra là những nơi trống rỗng. Kiến trúc kiểu cung điện của các tòa nhà chính phủ che đậy sự thật về quyền lực thực sự của những người làm việc trong đó hạn chế ra sao”. Theo thời gian, tôi rút ra những quan sát tương tự không chỉ từ những người đứng đầu nhà nước và các Bộ trưởng, mà cả từ những lãnh đạo doanh nghiệp và người đứng đầu những quỹ và những tổ chức lớn trong nhiều lĩnh vực. Và mọi thứ nhanh chóng trở nên rõ ràng là có thứ gì đó hơn thế đang diễn ra - rằng không phải đơn giản mà những người có quyền lực ca thán về khoảng cách giữa quyền lực được cảm nhận và quyền lực thực sự của họ. Bản thân quyền lực đang bị tấn công một cách chưa từng có tiền lệ. Mỗi năm kể từ năm 1990, tôi đều tham dự cuộc gặp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, một nơi quen thuộc của những người quyền lực nhất thế giới trong kinh doanh, chính phủ, chính trị, truyền thông, các tổ chức phi chính phủ, khoa học, tôn giáo và văn hóa. Thật ra, tôi đã may mắn được tham dự và phát biểu ở gần như tất cả những diễn đàn quyền lực đặc biệt trên thế giới, bao gồm Hội thảo Bilderberg, một hội nghị thường niên của các ông trùm ngành truyền thông và giải trí ở Sun Valley, và các hội nghị hàng năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Những cuộc đối thoại mỗi năm với những người tham dự như tôi xác nhận linh cảm của tôi: những người nắm quyền lực đang trải qua sự hạn chế ngày càng tăng với quyền lực của mình. Các phản ứng trước sự thăm dò của tôi luôn chỉ về cùng một hướng: quyền lực đang trở nên yếu ớt hơn, ngắn ngủi hơn và bị hạn chế hơn. Nhưng đây không phải là một lời kêu gọi cảm thương cho những ai có quyền lực. Những người quyền lực ca thán về việc thiếu quyền lực chắc chắn không phải là lý do để lo lắng trong thế giới được-ăn-cả này của chúng ta. Thay vì thế, mục tiêu của tôi là phác họa ảnh hưởng của sự xói mòn quyền lực. Trong những trang sắp tới, tôi tìm hiểu quá trình xói mòn này - nguyên nhân, sự bộc lộ và hậu quả của nó - trên phương diện những ảnh hưởng của nó không chỉ tác động tới 1% trên đỉnh mà, quan trọng hơn, tầng lớp trung lưu lớn và đang ngày càng gia tăng cũng như những ai đang phải chật vật chỉ để kiếm sống qua ngày. Moisés Naím Tháng Ba 2013 CHƯƠNG MỘT SỰ SUY TÀN CỦA QUYỀN LỰC Đ ây là một cuốn sách về quyền lực. Cụ thể là bằng cách nào mà quyền lực - khả năng buộc người khác làm, hoặc không làm, điều gì đó - lại đang trải qua một sự chuyển đổi mang tính lịch sử và có thể làm thay đổi thế giới. Quyền lực đang trải rộng, và những tay chơi lớn, đã thiết lập quyền lực từ lâu đời, ngày càng bị thách thức bởi những tay chơi mới và nhỏ hơn. Và những ai nắm giữ quyền lực đang bị cương tỏa hơn trong những cách mà họ có thể sử dụng quyền lực. Chúng ta thường hiểu lầm hoặc hoàn toàn bỏ qua tầm vóc, bản chất và những hệ quả của sự chuyển đổi này. Thật dễ bị cám dỗ để tập trung chủ yếu vào ảnh hưởng của Internet và những công nghệ mới khác, vào các hướng chuyển giao quyền lực từ tay chơi này sang tay chơi khác, hay vào câu hỏi liệu quyền lực “mềm” của văn hóa có đang thay thế quyền lực “cứng” của quân đội hay không. Nhưng những góc nhìn đó không toàn diện. Thật ra, chúng có thể che mờ hiểu biết của chúng ta về những lực lượng cơ bản đang thay đổi cách quyền lực được giành lấy, sử dụng, nắm giữ và mất đi. Chúng ta biết rằng quyền lực đang chuyển từ cơ bắp sang trí não, từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông, từ những con quái vật tập đoàn khổng lồ sang những công ty khởi nghiệp lanh lợi, từ những nhà độc tài lâu năm sang người dân ở các quảng trường thị trấn và trên không gian mạng. Nhưng nói rằng quyền lực đang chuyển từ một châu lục hay quốc gia này sang một châu lục hay quốc gia khác, hay nó đang được phân tán giữa nhiều tay chơi mới, là không đủ. Quyền lực đang trải qua sự biến chuyển sâu sắc hơn nhiều, một sự biến chuyển đã không được nhận ra và hiểu biết một cách đầy đủ. Ngay cả khi những nhà nước, công ty, đảng chính trị, phong trào xã hội, và các định chế hay cá nhân những lãnh đạo đấu tranh vì quyền lực như họ đã làm qua biết bao thời đại, bản thân quyền lực - thứ mà họ đấu tranh trong tuyệt vọng để giành và giữ - đang dần biến mất. Quyền lực đang suy tàn. Nói đơn giản, quyền lực không còn giá trị như nó đã từng trong quá khứ. Trong thế kỷ XXI, quyền lực dễ có được hơn, khó sử dụng hơn - và dễ đánh mất hơn. Từ những văn phòng quản trị doanh nghiệp và chiến trường cho tới không gian mạng, cuộc chiến vì quyền lực vẫn quyết liệt hơn bao giờ hết, nhưng kết quả chúng mang lại ngày càng ít. Sự khốc liệt của những cuộc chiến đó che giấu bản chất ngày càng phù du của chính quyền lực. Hiểu được quyền lực đang mất đi giá trị của nó ra sao - và đối mặt với những thách thức khó khăn do điều này gây ra như thế nào - là chìa khóa để nắm được một trong những khuynh hướng quan trọng nhất đang định hình lại thế giới trong thế kỷ XXI. Nói như thế không có nghĩa là quyền lực đã biến mất, hay không có những người đang sở hữu rất nhiều quyền lực. Tổng thống Hoa Kỳ hay Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tổng giám đốc của J. P. Morgan hay Shell Oil, tổng biên tập tờ New York Times, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Giáo hoàng vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực to lớn. Nhưng ít hơn so với người tiền nhiệm của họ. Những người nắm giữ các cương vị đó trước kia không chỉ phải đối phó với ít kẻ thách thức và cạnh tranh hơn, họ còn chịu ít sự bó buộc hơn - dưới các hình thức hoạt động dân quyền, các thị trường toàn cầu và sự soi mói của giới truyền thông - trong việc sử dụng quyền lực mà họ có. Kết quả là những tay chơi quyền lực ngày nay thường trả giá đắt và nhanh chóng hơn cho những sai lầm của họ so với người tiền nhiệm. Phản ứng của họ với thực tế mới đó, tới lượt nó, đang định hình lại hành vi của những người mà họ có quyền lực chi phối, kích hoạt một chuỗi phản ứng chạm tới mọi khía cạnh của sự tương tác giữa con người với nhau. Sự suy tàn của quyền lực đang làm thay đổi thế giới. Mục tiêu của cuốn sách này là chứng minh tuyên bố quả quyết đó. BẠN ĐÃ BAO GIỜ NGHE NÓI TỚI JAMES BLACK JR.? Những lực lượng thúc đẩy sự suy tàn của quyền lực có nhiều hình thái, đan xen vào nhau và chưa từng có tiền lệ. Để hiểu tại sao, hãy hướng sự chú ý của bạn từ Clausewitz*, danh sách xếp hạng Fortune 500* và 1% dân số Mỹ chiếm phần lớn thu nhập quốc gia một cách bất công, sang xem xét trường hợp của James Black Jr., một kỳ thủ xuất thân từ một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở khu Bedford-Stuyvesant tại Brooklyn, New York. Vào lúc cậu mười hai tuổi, Black đã trở thành một Kiện tướng cờ vua, đẳng cấp mà không tới 2% trong 77.000 thành viên của Hiệp hội Cờ vua Hoa Kỳ có thể đạt tới - và chỉ 13 trong số các Kiện tướng là dưới mười bốn tuổi. [1] Đó là năm 2011, và Black có cơ hội tốt để trở thành một Đại kiện tướng - đẳng cấp do Liên đoàn Cờ vua Thế giới công nhận dựa trên thành tích của kỳ thủ ở những giải đấu với các kỳ thủ cũng có danh hiệu khác. Đại kiện tướng là danh hiệu cao nhất mà một kỳ thủ có thể đạt được. Một khi đạt được, danh hiệu đó có giá trị trọn đời.[2] Khi Black trở thành một Kiện tướng, cậu đang theo bước những Đại kiện tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ: Ray Robson đến từ Florida, đạt tới đẳng cấp đó vào tháng 10 năm 2009, hai tuần trước sinh nhật mười lăm tuổi của cậu.[3] Black tự học cờ vua bằng một bộ cờ nhựa rẻ tiền cậu mua ở cửa hàng Kmart và nhanh chóng chuyển sang các cuốn sách và chương trình vi tính dạy chơi cờ. Thần tượng của cậu là Mikhail Tal, nhà vô địch cờ vua thế giới người Nga vào những năm 1950. Điều tạo động lực cho Black, ngoài niềm vui với trò chơi này, là cách nó giúp cậu có được quyền lực. Như cậu từng trả lời với một phóng viên: “Tôi thích việc buộc đối thủ của mình phải tuân theo” - khó có thể tìm thấy tuyên bố nào rõ ràng hơn thế về sự khát khao quyền lực bẩm sinh.[4] Nhưng những thành tựu của James Black và Ray Robson không còn được coi là xuất chúng. Họ là một phần của một khuynh hướng toàn cầu, một hiện tượng mới đang quét qua thế giới vốn trước giờ kín cổng cao tường của cờ vua chuyên nghiệp. Các kỳ thủ đang học hỏi trò chơi này và đạt tới trình độ thượng thừa ở độ tuổi ngày càng nhỏ hơn. Chưa bao giờ có nhiều Đại kiện tướng cờ vua như hiện giờ: ngày nay có hơn 1200 người so với 88 người vào năm 1972. Và khi những người mới đánh bại các nhà vô địch đã thành danh thường xuyên hơn, thời gian thống trị trung bình của những kỳ thủ hàng đầu thế giới cũng ngắn lại. Hơn nữa, các Đại kiện tướng ngày nay có xuất thân đa dạng hơn nhiều so với những người tiền nhiệm. Như nhà văn D. T. Max bình luận: “Năm 1991, năm Liên Xô sụp đổ, 9 kỳ thủ hàng đầu thế giới đều tới từ Liên bang Xô Viết. Lúc bấy giờ, các kỳ thủ do Liên Xô huấn luyện đã giữ chức vô địch thế giới trong suốt bốn mươi trong bốn mươi ba năm trước đó”.[5] Giờ không còn thế nữa. Hiện tại có nhiều kỳ thủ hơn đủ sức leo lên đỉnh của các giải vô địch cờ vua, và họ tới từ các quốc gia và các khu dân cư rất đa dạng. Nhưng một khi đã đạt tới đỉnh cao, họ sẽ gặp khó khăn để trụ lại đó. Như Mig Greengard, một người chuyên viết blog về cờ vua, nhận xét: “Bạn có 200 gã đang đi lại trên hành tình này, những kẻ mà với một chút may mắn, đủ mạnh để đánh bại cả đương kim vô địch thế giới”.[6] Nói cách khác, trong số những Đại kiện tướng hiện giờ, quyền lực không còn như trước nữa. Làm thế nào có thể giải thích cho những thay đổi này trong hệ thống đẳng cấp của môn cờ vua? Một phần (nhưng chỉ cần một phần) câu trả lời: cuộc cách mạng kỹ thuật số. Trong một thời gian dài, các kỳ thủ được tiếp cận với các chương trình máy tính cho phép họ giả lập hàng triệu ván cờ đã được chơi bởi các kỳ thủ giỏi nhất thế giới. Họ cũng có thể sử dụng phần mềm để tìm hiểu những biến khả dĩ của từng nước đi. Lấy ví dụ, những kỳ thủ có thể chơi giả lập lại bất cứ ván cờ nào, tìm hiểu các nước đi dưới rất nhiều kịch bản khác nhau, và nghiên cứu các khuynh hướng của kỳ thủ cụ thể. Như thế Internet vừa mở rộng chân trời của kỳ thủ trên toàn thế giới - như câu chuyện của James Black đã chứng minh - vừa mở ra những khả năng mới cho kỳ thủ ở bất cứ độ tuổi và nền tảng kinh tế-xã hội nào. Vô số trang mạng cờ vua đem đến dữ liệu và cơ hội thi đấu cho bất kỳ ai có thể kết nối mạng.[7] Nhưng câu chuyện không chỉ là công nghệ. Hãy lấy ví dụ trường hợp của nhà vô địch trẻ người Na Uy Magnus Carlsen, một hiện tượng cờ vua khác đã trở thành kỳ thủ số 1 thế giới vào năm 2010, ở tuổi mười chín. Theo D. T. Max, người đã viết bài về anh cho tờ The New Yorker, thành công của Carlsen đến từ những chiến thuật khác thường và bất ngờ (dựa một phần trên trí nhớ phi thường của anh) hơn là sự huấn luyện dựa trên máy tính: “Vì Carlsen dành ít thời gian hơn so với đồng nghiệp trong việc tập luyện trên máy tính, anh ít máy móc hơn so với họ. Anh dựa nhiều vào phán đoán của bản thân. Điều đó khiến anh trở nên khó đoán đối với các đối thủ vốn tín nhiệm sự tư vấn của phần mềm và cơ sở dữ liệu”.[8] Sự phá hủy của cấu trúc quyền lực trong cờ vua thế giới cũng bắt nguồn từ những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, trong chính trị, trong các yếu tố nhân khẩu học và mô hình di cư. Biên giới mở và việc du hành rẻ hơn đã mang tới cho nhiều kỳ thủ hơn cơ hội được chơi trong những giải đấu ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tiêu chuẩn giáo dục cao hơn và sự phổ cập đọc viết, tính toán cùng phúc lợi y tế cho trẻ em đã tạo ra một cơ sở rộng lớn hơn cho những Đại kiện tướng tiềm năng. Và ngày nay, lần đầu tiên trong lịch sử, có nhiều người sống ở các thành phố hơn ở những nông trại - một sự phát triển mà, cùng với giai đoạn dài tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước nghèo kể từ những năm 1990, đã mở ra thêm khả năng mới cho hàng triệu gia đình mà trước đó cờ vua ở ngoài tầm với hay thậm chí là một thứ xa xỉ chưa từng được biết đến. Nhưng không dễ để trở thành một kỳ thủ đẳng cấp thế giới nếu bạn sống ở một nông trại biệt lập ở một nước nghèo không có điện, không có máy tính hay mất vài giờ mỗi ngày chỉ để kiếm cái ăn - hoặc để xách nước về nhà. Trước khi Internet có thể tạo ra phép màu quyền lực của nó, cần có sẵn rất nhiều điều kiện khác. TỪ BÀN CỜ VUA... TỚI MỌI THỨ QUANH TA Tất nhiên cờ vua là một sự ẩn dụ kinh điển cho quyền lực. Nhưng điều đã xảy ra với cờ vua là sự xói mòn, và trong một số trường hợp, sự biến mất hẳn của những rào giới hạn những nhà vô địch thế giới vào một nhóm nhỏ, chặt chẽ và ổn định. Những rào cản để hiểu được chiến thuật cờ vua và phát triển kỹ năng bậc thầy, cũng như những rào cản khác ngăn trở việc tiếp cận đỉnh cao, đã trở nên thấp hơn. Điều đã xảy ra với cờ vua cũng đang xảy ra với quyền lực nói chung. Sự hạ thấp những rào cản đang thay đổi chính trị và địa chính trị địa phương, sự cạnh tranh giành giật khách hàng và giành giật những tín đồ ở các tôn giáo lớn, sự kình địch giữa các tổ chức phi chính phủ, các định chế học thuật, các ý thức hệ, các trường phái tư duy triết học và khoa học. Nơi nào quyền lực là quan trọng, nơi đó quyền lực đang suy tàn. Một số dấu hiệu của sự chuyển đổi này rõ ràng một cách ngoạn mục, những dấu hiệu khác chỉ được khám phá bởi các phân tích chuyên môn và nghiên cứu học thuật. Hãy bắt đầu với địa chính trị. Số lượng các quốc gia có chủ quyền đã tăng gấp bốn lần từ những năm 1940. Hơn thế, các nước này giờ cạnh tranh, đấu tranh, hay thương lượng không chỉ với nhau mà còn với nhiều các tổ chức xuyên quốc gia hoặc phi quốc gia khác. Trên thực, sự ra đời của Nam Sudan năm 2011, quốc gia non trẻ nhất thế giới, được đỡ đầu bởi hàng chục tổ chức phi chính phủ, nhất là các nhóm Thiên Chúa giáo Phúc Âm như Samaritan’s Purse, do Franklin Graham, một trong các con trai của Billy Graham, mục sư lừng lẫy người Mỹ, điều hành. Thật vậy, khi quốc gia-nhà nước tiến hành chiến tranh ngày nay, quyền lực quân sự hiệu quả ít hơn so với trong quá khứ. Những cuộc chiến tranh không chỉ ngày càng thiếu cằn xứng, với những lực lượng quân đội lớn chống lại những lực lượng nhỏ hơn, phi truyền thống, chẳng hạn như quân nổi dậy, các phong trào ly khai và những tay súng dân quân. Phần thắng các cuộc chiến cũng dần nghiêng về phía yếu hơn về mặt quân sự. Theo một nghiên cứu đáng chú ý của Harvard, trong những cuộc chiến tranh không cân xứng nổ ra từ năm 1800 tới 1849, tỉ lệ phía yếu hơn (xét về số binh lính và vũ khí) đạt được các mục tiêu chiến lược của họ là 12%. Nhưng trong các cuộc chiến nổ ra từ 1950 tới 1988, phía yếu hơn chiến thắng thường xuyên hơn: 55%. Vì nhiều lý do khác nhau, kết quả của các cuộc xung đột không cân xứng thời hiện đại nhiều khả năng được quyết định bởi sự tác động qua lại của các chiến lược quân sự và chính trị đối địch nhiều hơn là chỉ bởi sức mạnh quân sự thuần túy. Vì thế, một đội quân lớn, hiện đại tự nó không còn bảo đảm khả năng một quốc gia đạt được các mục tiêu chiến lược. Một yếu tố quan trọng đằng sau sự chuyển đổi này là sự gia tăng khả năng gây thương vong cho đối thủ với chi phí thấp hơn của bên yếu thế so với chiều ngược lại. Sự sử dụng các thiết bị nổ tự tạo (IED) ở Afghanistan và Iraq làm ví dụ. Một viên tướng thủy quân lục chiến ở Afghanistan ước tính rằng IED gây ra 80% các tổn thất nhân mạng cho đơn vị của ông, và trong vài năm tham chiến ở Iraq, IED đã gây ra gần 2/3 thương vong cho lực lượng liên quân. Mức độ tổn thất nhân mạng này đủ để chiến thắng bất chấp khoản đầu tư đáng kể từ Lầu Năm Góc vào các biện pháp đối phó, bao gồm 17 tỉ đô la Mỹ được cơ quan này chi ra để mua 50.000 bộ gây nhiễu sóng radio với mục đích vô hiệu hóa các thiết bị điều khiển từ xa thô sơ (điện thoại di động, thiết bị điều khiển mở cửa ga ra) được sử dụng để kích hoạt các quả bom.[9] Các nhà độc tài và lãnh đạo các đảng phái cũng nhận thấy quyền lực của họ bị suy yếu và số lượng những nhân vật này cũng ít dần đi. Năm 1977, có tổng cộng 89 nước do những kẻ toàn trị cầm quyền. Tới năm 2011, con số này giảm xuống còn 22.[10] Ngày nay, hơn một nửa dân số thế giới sống ở các nền dân chủ. Có thể cảm nhận những biến động rung chuyển của Mùa xuân A-rập ở mọi ngóc ngách của thế giới nơi những cuộc bầu cử minh bạch không được tổ chức thường xuyên và một người, hay một nhóm người, cai trị đang tìm cách nắm giữ quyền lực vô hạn định. Ngay cả ở những nền chính trị còn chưa dân chủ hóa nhưng các đảng phái chính trị được phép hoạt động, hiện giờ các đảng thiểu số có số người đại diện nhiều gấp ba lần so với những năm 1980. Và khắp nơi, lãnh đạo các đảng phái đang rất lúng túng khi phải đối đầu với các ứng viên và nhà lãnh đạo nổi lên từ những địa hạt bên ngoài những căn phòng mờ khói, một sáo ngữ để chỉ sự dàn xếp chính trị từ trên cao. Khoảng một nửa các đảng chính trị lớn ở những nền dân chủ ổn định giờ sử dụng các kỳ bầu cử sơ bộ hay một phương pháp đại diện khác để giúp những thành viên bình thường có nhiều tiếng nói hơn trong việc lựa chọn người đại diện cho tiêu chuẩn của họ. Từ Chicago tới Milan và từ New Delhi tới Brasilia, chủ nhân của các cỗ máy chính trị sẽ sẵn lòng nói với bạn rằng họ đã mất khả năng đưa ra những lá phiếu và những quyết định mà người tiền nhiệm của họ coi là đương nhiên. Thế giới kinh doanh cũng đang bị khuynh hướng này tác động. Không có gì để nghi ngờ rằng thu nhập đang được tập trung và sự giàu có đang tích tụ vào những kẻ siêu giàu, và một số đang sử dụng tiền để đạt được quyền lực chính trị. Nhưng khuynh hướng đó, đáng báo động cũng như không thể chấp nhận được, không chỉ là lực duy nhất định hình nên cách vận hành của quyền lực giữa các lãnh đạo tập đoàn và những nhà đầu tư giàu có. Thật vậy, ngay cả 1% vẫn được tán dương ở Mỹ cũng không miễn nhiễm với những sự dịch chuyển bất ngờ trong sự giàu có, quyền lực và địa vị. Với sự gia tăng của bất bình đẳng trong thu nhập, cuộc Đại suy thoái cũng đã tạo ra một hiệu ứng hiệu chỉnh, ảnh hưởng một cách không cân xứng tới thu nhập của người giàu. Theo Emmanuel Saez, một giáo sư kinh tế học ở Berkeley, Đại suy thoái đã khiến thu nhập của 1% những người giàu nhất nước Mỹ giảm 36,3%, so với 11,6% thu nhập của 99% dân số Mỹ còn lại.[11] Steven Kaplan ở Trường Kinh doanh Booth, Đại học Chicago, đã tính toán tỉ lệ của thu nhập đại diện cho 1% giảm từ mức đỉnh 23,5% tổng thu nhập vào năm 2007 xuống còn 17,6% năm 2009 và, như dữ liệu của Saez cho thấy, đang tiếp tục giảm ở những năm tiếp theo. Thật vậy, như Robert Frank cho biết trên Wall Street Journal, “Những người có thu nhập cực cao đã chịu thiệt hại lớn nhất. Số người Mỹ kiếm được ít nhất 1 triệu đô-la Mỹ giảm 40% trong thời gian từ năm 2007 tới 2009, xuống còn 236.883 người, trong khi tổng thu nhập của họ sụt gần 50%, lớn hơn nhiều so với không tới 2% sụt giảm trong tổng thu nhập của những ai kiếm được 50.000 đô-la Mỹ hoặc ít hơn, theo số liệu từ Cơ quan Thuế vụ Hoa Kỳ”.[12] Tất nhiên, không điều nào trong số đó có nghĩa là sự tập trung thu nhập và sự giàu có ở nhiều nền dân chủ tiên tiến, nhất là ở Mỹ, đã không tăng mạnh. Nó đã tăng - và tăng khá mạnh. Nhưng thực tế này không thể che mờ sự thật là một số cá nhân và gia đình giàu có cũng chịu tổn thất nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế. Hậu quả là họ phải trải qua những sự suy giảm tài sản và quyền lực kinh tế nghiêm trọng. Hơn nữa, thu nhập cá nhân và sự giàu có không phải là nguồn gốc duy nhất của quyền lực. Những nhà lãnh đạo của các tập đoàn lớn thường có được nhiều quyền lực hơn việc “đơn giản” là giàu. Người đứng đầu các doanh nghiệp lớn ngày nay kiếm được nhiều hơn hẳn so với trước kia, nhưng nhiệm kỳ ở đỉnh cao cũng trở nên mong manh như của một nhà vô địch cờ vua. Năm 1992, các tổng giám đốc của danh sách Fortune 500 tại Mỹ có 36% cơ hội giữ được công việc của ông ta hay bà ta trong năm năm tiếp theo. Năm 1998, cơ hội đó giảm xuống 25%. Đến năm 2005, nhiệm kỳ trung bình của một tổng giám đốc ở Mỹ đã giảm xuống còn sáu năm. Và đây là xu hướng chung toàn cầu. Năm 2011, 14,4% các tổng giám đốc của 2500 công ty niêm yết lớn nhất thế giới đã rời cương vị của họ. Ngay cả ở Nhật Bản, nổi tiếng vì sự cứng nhắc tương đối ở các tập đoàn lớn, việc thay thế bắt buộc người đứng đầu các tập đoàn lớn đã tăng gấp bốn lần trong năm 2008.[13] Điều tương tự cũng xảy ra với chính các tập đoàn. Năm 1980, một tập đoàn ở Mỹ trong tốp năm doanh nghiệp đầu ngành chỉ có 10% rủi ro rơi ra khỏi vị trí đó trong năm năm tiếp theo. Hai thập kỷ sau đó, khả năng này đã tăng lên thành 25%. Ngày nay, một phép đếm đơn giản số công ty thuộc bảng xếp hạng 500 công ty hàng đầu Mỹ và toàn cầu vốn không tồn tại từ mười năm trước cho thấy những kẻ mới nhập cuộc đang dần thay thế những gã khổng lồ truyền thống ra sao. Trong ngành tài chính, các ngân hàng đang mất quyền lực và ảnh hưởng của mình vào tay những quỹ đầu tư mới và nhanh nhẹn hơn: trong sáu tháng cuối năm 2010, giữa những cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ, mười quỹ đầu tư hàng đầu - hầu hết không được công chúng nói chung biết tới - kiếm được nhiều hơn sáu ngân hàng lớn nhất thế giới cộng lại. Thậm chí quỹ lớn nhất trong số đó, vốn quản lý lượng tiền không đáy và có thể kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ, vận hành chỉ với vài trăm nhân viên. Trong khi đó, các tập đoàn đã trở nên dễ tổn thương hơn trước “các thảm họa thương hiệu” tấn công vào danh tiếng, doanh thu và mức định giá của họ. Một nghiên cứu thấy rằng rủi ro trong năm năm của một thảm họa như thế với các công ty sở hữu hầu hết các thương hiệu uy tín trên toàn cầu đã tăng mạnh trong hai thập kỷ qua, từ 20% lên mức cao ngất ngưởng 82%. BP, Tiger Woods và News Corporation của Rupert Murdoch đều nhận thấy tài sản giảm mạnh gần như sau một đêm bởi những sự kiện làm hoen ố danh tiếng của họ. Trong một bằng chứng khác của sự khuếch tán quyền lực trong kinh doanh, các thành viên của một giống loài mới, “những công ty đa quốc gia ở các nước nghèo” (tức các công ty từ những nước kém phát triển hơn), đã thay thế hay vượt qua một số những công ty lớn nhất thế giới. Đầu tư bắt nguồn từ các nước đang phát triển tăng từ 12 tỉ đô-la Mỹ năm 1991 thành 210 tỉ đô-la Mỹ năm 2010. Công ty thép lớn nhất thế giới, ArcelorMittal, có gốc gác là Mittal Steel, một công ty Ấn Độ được thành lập gần đây, năm 1989.[14] Khi người Mỹ uống nhãn hiệu bia Budweiser biểu tượng của mình, họ thực ra đang thưởng thức bia sản xuất bởi một công ty đã ra đời nhờ một cuộc sáp nhập năm 2004 giữa các hãng bia của Brazil và Bỉ mà tới lượt nó giành quyền kiểm soát Anheuser-Busch năm 2008, qua đó hình thành nên công ty bia lớn nhất thế giới. Tổng giám đốc của công ty này, Carlos Brito, là người Brazil. Những khuynh hướng này mở rộng ra ngoài các đấu trường quyền lực truyền thống - chiến tranh, chính trị, kinh doanh - sang hoạt động từ thiện, tôn giáo, văn hóa và quyền lực của các cá nhân. Số lượng tỉ phú đạt mức kỷ lục vào năm 2010 và mỗi năm, một số tên tuổi biến mất khỏi danh sách trong khi những cá nhân không được biết tới trước đó dồn dập đổ vào từ khắp năm châu bốn bể thế chỗ cho họ. Không còn là phạm vi riêng của một vài quỹ lớn và các tổ chức công và quốc tế, công tác thiện nguyện đã bùng nổ thành một chòm sao những quỹ nhỏ và những mô hình cho tặng mới, trong nhiều trường hợp, trực tiếp bắt cặp người đóng góp với người thụ hưởng, bỏ qua mô hình làm từ thiện cổ điển. Đóng góp từ thiện quốc tế của các cá nhân và tổ chức ở Mỹ đã tăng gấp bốn lần từ những năm 1990 và một lần nữa tăng gấp đôi từ 1998 tới 2007, đạt tới 39,6 tỉ đô-la Mỹ - lớn hơn 50% tổng số tiền cam kết hàng năm của Ngân hàng Thế giới. Ở Mỹ, số quỹ tăng từ 40.000 vào năm 1975 lên hơn 76.000 vào năm 2012. Các diễn viên, vận động viên và những nhân vật ủng hộ thường xuyên hạng A khác từ Oprah Winfrey và Bill Clinton tới Angelina Jolie và Bono đều là những người làm từ thiện siêu hạng. Và tất nhiên là những quỹ khổng lồ được tài trợ bởi Bill và Melinda Gates, Warren Buffet và George Soros đang làm đảo lộn cách thức làm từ thiện truyền thống trong thế giới của các quỹ lớn. Hàng nghìn các nhà tài phiệt công nghệ mới nổi và các giám đốc quỹ đầu tư cũng đang tiến vào thế giới của “việc cho đi” sớm hơn và dành ra những khoản tiền từ thiện lớn hơn nhiều so với thông lệ trước kia. “Ngành đầu tư thiện nguyện” đã dẫn tới một ngành kinh doanh mới với mục đích tư vấn, hỗ trợ và giải ngân những khoản tiền đó. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Ngân hàng Thế giới và Quỹ Ford không chỉ đối mặt với nhiều kẻ cạnh tranh hơn, những kẻ đã tận dụng Internet và các công nghệ khác để tạo lợi thế cho mình, mà còn nhiều sự soi mói hơn của dư luận và nhiều yêu cầu hơn do những nhà hoạt động, người thụ hưởng và các chính phủ sở tại đặt ra. Tương tự, quyền lực lâu đời của các tôn giáo lớn có tổ chức đang bị xói mòn với một tốc độ nhanh đáng kể. Lấy ví dụ, các nhà thờ thuộc Phong trào Ngũ Tuần đang phát triển ở các nước vốn từng là những căn cứ vững chắc cho các nhà thờ Vatican và Tin Lành chính thống. Ở Brazil, những người theo Phong trào Ngũ Tuần và Phong trào Linh Ân chỉ chiếm 5% dân số vào năm 1960 - so với 49% vào năm 2006 (Họ chiếm 11% ở Hàn Quốc, 23% ở Mỹ, 26% ở Nigeria, 30% ,ở Chile, 34% ở Nam Phi, 44% ở Philippines, 56% ở Kenya, và 60% ở Guatemala). Các nhà thờ Ngũ Tuần thường nhỏ và được thiết kế cho những tín đồ địa phương, nhưng một số đã mở rộng và vượt qua các biên giới. Những ví dụ bao gồm Igreja Universal do Reino de Deus (IURD) ở Brazil, có 4 triệu thành viên, và giáo hội Thiên Chúa Cứu chuộc (RCCG) ở Nigeria. Một mục sư Nigeria có một nhà thờ 40.000 thành viên ở Kiev, Ukraine. Trong khi đó, điều mà các chuyên gia gọi là “những nhà thờ hữu cơ” - tức những nhà thờ gắn bó với giáo dân bình thường, trực tiếp, không có hệ thống thứ bậc, đang nở rộ trong các cộng đồng - thách thức Giáo hội Công giáo và Giáo hội Anh ngay từ bên trong. Và Hồi giáo, vốn đã không có tính tập trung, đang tiếp tục phân rã khi các học giả và giáo sĩ Hồi giáo đưa ra những cách diễn giải mâu thuẫn nhau trên các chương trình truyền hình. Thêm vào đó những khuynh hướng tương tự quan sát được trong lao động, giáo dục, nghệ thuật, khoa học - thậm chí trong thể thao chuyên nghiệp - và bức tranh được hoàn tất. Đây là một bức tranh của quyền lực phân tán ngày càng nhiều giữa những tay chơi mới hơn, nhỏ hơn với gốc gác đa dạng và không ngờ tới, rất giống những gì chúng ta thấy trong cờ vua. Và những tay chơi này sử dụng một cuốn cẩm nang rất khác với cuốn mà các tay chơi truyền thống vẫn dựa vào. Tôi biết rằng lập luận rằng quyền lực đang trở nên mong manh và dễ tổn thương trái với quan điểm phổ quát vốn ngược lại - quan điểm rằng chúng ta đang sống ở một thời đại mà quyền lực đang trở nên tập trung hơn và những ai đang nắm quyền lực thì mạnh mẽ và vững chắc hơn bao giờ hết. Thật vậy, nhiều người nghĩ rằng quyền lực giống như tiền: có nó làm tăng cơ hội có thêm. Từ quan điểm này, chu kỳ tự kéo dài mãi mãi của sự tập trung quyền lực và của cải có thể được coi là động lực trung tâm của lịch sử loài người. Và chắc chắn là, thế giới đầy những người và những tổ chức sở hữu quyền lực ghê gớm và sẽ không đánh mất nó. Nhưng những trang sách sắp tới sẽ cho thấy nhìn thế giới qua lăng kính này che khuất nhiều khía cạnh quan trọng về cách mà mọi thứ đang thay đổi. Như chúng ta sẽ thấy, có nhiều thứ đang diễn ra hơn một sự dịch chuyển quyền lực đơn thuần từ một nhóm những tay chơi nhiều ảnh hưởng sang một nhóm khác. Sự chuyển đổi quyền lực mang tính tổng thể hơn và phức tạp hơn. Bản thân quyền lực đã trở nên dễ có hơn - và thật vậy, trong thế giới ngày nay, xuất hiện nhiều người đang nắm quyền lực hơn. Nhưng những giới hạn của quyền lực đã thấp xuống và một khi đạt được, quyền lực lại khó sử dụng hơn. Và có một sự giải thích cho điều này. ĐIỀU GÌ ĐÃ THAY ĐỔI? Quyền lực được củng cố là kết quả của những rào cản bảo vệ người đang nắm quyền khỏi các địch thủ. Những rào cản không chỉ ngăn cản những kẻ cạnh tranh mới trỗi dậy thành những kẻ thách thức đáng gờm mà còn gia cố cho sự áp đảo của những tay chơi đã nắm quyền. Những rào cản đó vốn đã tồn tại sẵn trong tất cả mọi thứ từ những quy định bầu cử cho tới các kho đạn dược của quân đội và lực lượng cảnh sát, tới nguồn vốn tư bản, quyền tiếp cận độc quyền với các tài nguyên, ngân sách quảng cáo, công nghệ độc quyền, những thương hiệu quyến rũ, và thậm chí cả thẩm quyền đạo đức của các lãnh đạo tôn giáo hay uy tín cá nhân của một số chính trị gia. Tuy nhiên, trong ba thập kỷ qua, các rào cản với quyền lực đã yếu đi với một tốc độ rất nhanh. Các rào cản giờ dễ bị xói mòn, lấn át và vượt mặt hơn. Các thảo luận về chính trị quốc nội và quốc tế, kinh doanh, chiến tranh, tôn giáo và nhiều lĩnh vực khác sẽ cho thấy, những nguyên nhân nền tảng cho hiện tượng này liên quan không chỉ tới những chuyển biến nhân khẩu học và kinh tế cùng sự lan truyền của công nghệ thông tin, mà còn tới những thay đổi chính trị và những sự chuyển đổi sâu sắc trong các kỳ vọng, giá trị và tiêu chuẩn xã hội. Những cuộc cách mạng công nghệ thông tin này (bao gồm nhưng không giới hạn ở Internet) đóng một vai trò rất ý nghĩa trong việc hình thành nên việc tiếp cận và sử dụng quyền lực. Nhưng giải thích căn bản hơn cho việc tại sao những rào cản với quyền lực trở nên yếu ớt hơn phải liên quan tới những chuyển đổi trong đa dạng các nhân tố như tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở nhiều nước nghèo, các hình mẫu về di cư, thuốc men và y tế, giáo dục, thậm chí là quan điểm và những tập tục văn hóa - nói một cách ngắn gọn, với những thay đổi trong quy mô, tình trạng và triển vọng của đời sống con người. Sau cùng, điều phần lớn mọi người phân biệt đời sống ngày nay của chúng ta với của tổ tiên không phải ở những công cụ hay những quy luật quản trị xã hội mà chúng ta sử dụng. Sự khác biệt là ở chỗ chúng ta đã trở nên đông đúc hơn nhiều trên hành tinh này, chúng ta sống lâu hơn, chúng ta có sức khỏe tốt hơn, chúng ta biết đọc và được giáo dục nhiều hơn, một số lượng lớn chưa từng có những người trong chúng ta không còn phải tuyệt vọng tìm kiếm cái ăn nữa và có nhiều thời gian lẫn tiền bạc hơn để theo đuổi những điều khác. Và khi chúng ta không hài lòng với địa điểm hiện giờ, chúng ta có thể di chuyển và thử sống ở một nơi khác dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn bao giờ hết. Khi khoảng cách giữa con người giảm còn mật độ gia tăng cùng với tuổi thọ và sự phong phú trong đời sống chúng ta, sự tiếp xúc của chúng ta với nhau cũng nhiều lên, tăng cường các tham vọng và cơ hội của chúng ta. Tất nhiên, y tế, giáo dục và sự thịnh vượng ngày nay còn lâu mới là phổ quát cho tất cả. Nghèo đói, bất công, chiến tranh, bệnh dịch và những khổ ải kinh tế và xã hội vẫn còn dai dẳng. Nhưng những thống kê chung về tuổi thọ, tỉ lệ biết chữ, tử vong trẻ em, dinh dưỡng, mức thu nhập, trình độ học vấn, và sự phát triển của con người cho thấy thế giới đã thay đổi về cơ bản - cùng với những quan điểm và thái độ - theo những cách ảnh hưởng trực tiếp tới các điều kiện mà qua đó ta đạt được, nắm giữ và để mất quyền lực. Ba chương tiếp theo sẽ phát triển chi tiết ý tưởng này. Chương 2 trình bày một tư duy rõ ràng và thực tế về quyền lực, có thể được áp dụng cho mọi lĩnh vực. Chương này thảo luận những cách thức mà quyền lực có thể được thực thi, giải thích sự khác biệt giữa các khía cạnh của quyền lực như ảnh hưởng, sự thuyết phục, sự ép buộc hay quyền hành, và cho thấy quyền lực ẩn náu như thế nào đằng sau những rào cản để bành trướng và tập trung - cho tới khi chính những rào cản đó bị xói mòn và không còn đáp ứng tính năng che chắn nữa. Chương 3 giải thích tại sao quyền lực trở nên lớn mạnh trong rất nhiều địa hạt khác nhau. Tại sao, tôi đặt câu hỏi, trong thực tế quyền lực trở nên cân bằng với quy mô của tổ chức hỗ trợ cho quyền lực đó? Tại sao những tổ chức lớn, phân cấp và tập trung hóa trở thành những phương tiện áp đảo mà thông qua đó quyền lực đã - và chủ yếu vẫn đang - được thực thi? Sự đồng nhất của quyền lực với quy mô của tổ chức đã đạt tới đỉnh điểm của nó trong thế kỷ XX. Và nó là một viễn cảnh vẫn ngự trị trong những cuộc tranh luận và đối thoại ngày nay, bất chấp thực tế giờ đã thay đổi rõ ràng. Chương 4 trình bày chi tiết bằng cách nào những thay đổi lớn trong đời sống của chúng ta đã tạo ra những thách thức mới khiến việc thiết lập và bảo vệ những rào cản của quyền lực nhằm cản trở các đối thủ giờ khó khăn hơn. Những thay đổi này bắt nguồn từ ba sự chuyển đổi mang tính cách mạng định nghĩa thời đại của chúng ta: cuộc cách mạng Nhiều Hơn, có đặc điểm là sự gia tăng tất cả mọi thứ từ số lượng quốc gia tới quy mô dân số, các tiêu chuẩn sống, tỉ lệ biết chữ và số lượng các sản phẩm trên thị trường, cuộc cách mạng Di Động, điều đã khiến con người, hàng hóa, tiền bạc, các ý tưởng, và các giá trị di chuyển với một tốc độ không thể tưởng tượng nổi tới mọi ngóc ngách của hành tinh (bao gồm những nơi từng rất xa xôi và không thể tiếp cận) và cuộc cách mạng Tinh Thần, phản ánh những thay đổi lớn trong tư duy, kỳ vọng và hy vọng đi kèm với sự chuyển đổi đó. Một số khía cạnh của ba cuộc cách mạng này sẽ quen thuộc với người đọc, nhưng điều không quen thuộc, và chưa được nghiên cứu sâu sắc, là mỗi cuộc cách mạng đó khiến quyền lực dễ đạt lấy và khó sử dụng hay giữ được ra sao. Chương 4 trình bày chính xác bằng cách nào mà những cuộc cách mạng mang tính nền tảng và diễn ra đồng thời này hạ thấp những rào cản với quyền lực và làm tăng sự khó khăn trong việc sử dụng quyền lực một cách hiệu quả. Kết quả của nó đã ngăn cản triệt để những tổ chức lớn, tập trung hóa của thời hiện đại với khối tài sản khổng lồ, khiến chúng không còn bảo đảm được sự thống trị mà trong nhiều trường hợp thậm chí có thể trở thành yếu tố bất lợi với tổ chức đó. Thật vậy, những tình huống mà trong đó các thể thức khác nhau của quyền lực được bộc lộ - bao gồm sự ép buộc, sự tuân phục, sự thuyết phục và sự xui khiến - đã thay đổi theo hướng tạo ra giới hạn ở một mức độ nào đó với, hoặc loại bỏ hoàn toàn, lợi thế của quy mô. SỰ SUY TÀN CỦA QUYỀN LỰC: CÓ PHẢI LÀ ĐIỀU MỚI KHÔNG? CÓ ĐÚNG KHÔNG? THẾ THÌ SAO? Những thay đổi chúng ta vừa tìm hiểu đã làm lợi cho những kẻ sáng tạo và những kẻ mới chân ướt chân ráo bước vào nhiều lĩnh vực - bao gồm, thật không may, cướp biển, khủng bố, những kẻ nổi dậy, tin tặc, bọn buôn người, kẻ làm hàng giả và tội phạm mạng.[15] Những thay đổi đã tạo ra cơ hội cho các nhà hoạt động vì dân chủ - cũng như cho các đảng chính trị ngoài lề với nghị hình hẹp hoặc cực đoan - và mở ra con đường thay thế tiến tới sức ảnh hưởng chính trị có thể vượt qua hay phá vỡ cấu trúc nội tại cứng nhắc và chính thức của giới chính trị chủ lưu truyền thống, cả ở những quốc gia dân chủ và những nước với chế độ hà khắc. Ít người dự liệu được rằng, khi một nhóm nhỏ những nhà hoạt động Malaysia quyết định “chiếm giữ” quảng trường Dataran ở Kuala Lumpur vào mùa hè năm 2011, qua đó bắt chước cuộc cắm trại Indignados (“những người căm phẫn”) ở Puerta del Sol, Madrid, một phong trào tạo cảm hứng cho cuộc biểu tình Chiếm Phố Wall và gây ra những động thái tương tự ở 2.600 thành phố trên toàn thế giới. Dù những thay đổi chính trị vững chắc sản sinh ra từ các phong trào “Chiếm giữ” cho tới giờ khá khiêm tốn, ảnh hưởng của chúng cũng đáng ghi nhận. Như Todd Gitlin, nhà viết biên niên sử những năm 1960 đã quan sát, “Những sự thay đổi to lớn trong cuộc đối thoại của dư luận cần tới ba năm để phát triển trong những năm sáu mươi xa xưa - về chiến tranh tàn bạo, về sự giàu có không chấp nhận nổi, về nền chính trị băng hoại và về nguy cơ dân chủ bị đàn áp - chỉ mất ba tuần trong năm 2011”.[16] Xét về tốc độ, ảnh hưởng và hình thức tổ chức mới theo chiều ngang*, những phong trào Chiếm Giữ cũng bộc lộ sự xói mòn của độc quyền - mà các đảng chính trị truyền thống một thời từng có - qua những kênh mà các thành viên xã hội vẫn lan đi sự giận dữ, hy vọng, và những yêu cầu của họ. Ở Trung Đông, Mùa xuân A rập bắt đầu vào năm 2010 không có dấu hiệu gì dịu đi và thật ra tiếp tục lan ra - với những tiếng vọng có thể cảm thấy được bởi các chế độ toàn trị khác trên toàn thế giới. Như đã nói trước đó, những điều tương tự cũng đang xảy ra trong thế giới kinh doanh. Các công ty nhỏ và vô danh từ những nước chỉ vừa mở cửa thị trường đã nhảy cóc, đôi khi thâu tóm cả những tập đoàn toàn cầu khổng lồ và những thương hiệu uy tín được xây dựng hàng thập kỷ bởi các đại gia sừng sỏ lâu năm của ngành. Trong địa chính trị, các tay chơi nhỏ - dù là những nước “nhỏ” hay các thực thể phi nhà nước - đã giành được những cơ hội mới để phủ quyết, can dự, làm đổi hướng và nói chung là ngăn cản những nỗ lực được sắp đặt của các “cường quốc” và những định chế đa phương lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chỉ nêu vài ví dụ: Ba Lan đã phủ quyết chính sách hạn chế carbon của Liên minh Châu Âu (EU), những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil làm chệch hướng những cuộc thương lượng của các cường quốc với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này, những tiết lộ các bí mật ngoại giao của Mỹ từ Wikileaks, Quỹ Gates cạnh tranh quyền lãnh đạo với Tổ chức Y tế Thế giới trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết và những kẻ phá bĩnh đủ kiểu và đủ quy mô trong những cuộc thương lượng toàn cầu về thương mại, biến đổi khí hậu cùng vô số vấn đề khác. Những “tay chơi nhỏ” mới mẻ và ngày càng tương thích này rất khác nhau, các lĩnh vực họ cạnh tranh cũng khác. Nhưng chúng có chung một điểm là không còn cần quy mô, tầm cỡ, lịch sử hay truyền thống lâu đời để ghi dấu ấn. Chúng đại diện cho sự nổi lên của một dạng quyền lực mới - hãy gọi đó là quyền lực vi mô - điều mà trước kia ít có cơ hội thành công. Ngày nay, theo cuốn sách này lập luận, điều đang thay đổi thế giới ít liên quan hơn tới cuộc cạnh tranh giữa những tay chơi hạng nặng, mà là sự nổi lên của những quyền lực vi mô và khả năng của chúng trong việc thách thức những tay chơi hạng nặng. Sự xói mòn của quyền lực không đồng nghĩa với sự tuyệt chủng của những tay chơi hạng nặng đó. Các chính phủ lớn, quân đội lớn, doanh nghiệp lớn và trường đại học lớn sẽ bị hạn chế và cương tỏa hơn bất cứ bao giờ trước kia, nhưng họ chắc chắn vẫn có vai trò quan trọng và những hành động lẫn quyết định của họ vẫn có sức nặng to lớn. Chỉ là không còn nhiều như trước nữa. Không còn nhiều như họ hằng mong muốn nữa. Và không còn nhiều như họ kỳ vọng nữa. Và mặc dù có thể cho rằng việc những kẻ nắm quyền lực còn ít quyền lực hơn so với trước kia là điều tốt lành thuần khuyết (rốt cuộc thì quyền lực dẫn tới sự băng hoại, không đúng sao?), sự hạ cấp của họ cũng tạo ra sự bất ổn, hỗn loạn và tê liệt khi đối phó với những vấn đề phức tạp. Những chương tiếp theo cũng sẽ cho thấy sự xói mòn quyền lực đã tăng tốc ra sao, bất chấp những khuynh hướng có vẻ như trái ngược, như “những kẻ to lớn trở lại” và những vụ cứu trợ “quá lớn để phá sản” vào cuối thập kỷ vừa qua, sự gia tăng liên tục của ngân sách quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc và sự chênh lệch ngày càng tăng trong thu nhập và sự giàu có trên toàn thế giới. Thật ra, sự suy tàn của quyền lực là một vấn đề quan trọng hơn và ảnh hưởng rộng lớn hơn nhiều so với những khuynh hướng lẫn sự phát triển bề mặt hiện đang tràn ngập những cuộc tranh luận giữa các nhà hoạch định chính sách cùng những nhà phân tích. Cụ thể, cuốn sách này nhắm vào hai trong số những cuộc đối thoại lớn thông thường về quyền lực. Một vấn đề gắn kết với Internet như một lời giải thích cho những thay đổi trong quyền lực, đặc biệt là trong chính trị và kinh doanh. Còn vấn đề kia là sự ám ảnh với những thay đổi của địa chính trị, nơi mà sự suy yếu của một số quốc gia (đặc biệt là Mỹ) và sự vươn lên của những nước khác (đáng chú ý là Trung Quốc) đang cho thấy khuynh hướng chủ đạo làm thay đổi thế giới ở thời đại của chúng ta. Sự suy tàn của quyền lực không bị thôi thúc cụ thể bởi Internet nói riêng và bởi công nghệ thông tin nói chung. Internet và các công cụ khác, không thể tranh cãi, đã làm biến đổi chính trị, các hoạt động xã hội, kinh doanh và tất nhiên, quyền lực. Nhưng quá thường xuyên, vai trò cơ bản này bị thổi phồng và bị hiểu sai. Công nghệ thông tin mới chỉ là công cụ - để có thể tạo ra ảnh hưởng, công cụ cần có người dùng, và tới lượt họ, người dùng cần mục tiêu, hướng dẫn và động cơ. Facebook, Twitter và những tin nhắn văn bản là nền tảng trao quyền lực cho những người biểu tình trong Mùa xuân A rập. Nhưng những người biểu tình và những tình huống tạo động cơ cho họ xuống đường được thôi thúc bởi bối cảnh ở trong và ngoài nước, không liên quan gì tới các phương tiện thông tin mới mà họ có. Hàng triệu người đã tham gia những cuộc biểu tình lật đổ Hosni Mubarak ở Ai Cập - nhưng lúc cao điểm, trang Facebook được cho là đã giúp làm bùng lên các cuộc biểu tình chỉ có 350.000 thành viên. Thật ra, một nghiên cứu gần đây về lượng truy cập trên Twitter trong những cuộc nổi dậy ở Ai Cập và Libya cho thấy: hơn 75% những người đã nhấp vào những đường dẫn trên Twitter liên quan tới những cuộc biểu tình sống ở bên ngoài thế giới A-rập.[17] Một nghiên cứu khác, của Viện Hòa bình Mỹ, cũng tìm hiểu những hình mẫu sử dụng Twitter trong Mùa xuân A-rập, kết luận rằng truyền thông mới “không có vẻ đóng một vai trò trọng đại trong cả hành động tập thể ở trong nước hay sự phát tán ra khu vực” của cuộc nổi dậy.[18] Yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất thúc đẩy cuộc biểu tình là thực tế nhân khẩu học của những thanh niên ở các nước như Tunisia, Ai Cập và Syria - những người khỏe mạnh hơn và được giáo dục tốt hơn bao giờ hết nhưng vẫn thất nghiệp và bất mãn sâu sắc. Hơn nữa, những công nghệ thông tin tương tự trao quyền lực cho những công dân bình thường cũng đã mang tới những con đường mới cho sự giám sát, áp bức và kiểm soát tập thể - lấy ví dụ, giúp cho Iran xác định và bỏ tù những người tham gia cuộc “Cách mạng Xanh” còn trong trứng nước. Nhưng cũng sẽ là sai lầm nếu bác bỏ vai trò quan trọng của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội, trong những thay đổi chúng ta đang chứng kiến, hay giải thích những thay đổi chỉ như kết quả của một sự áp dụng rộng rãi hơn những công nghệ đó. Đừng nhầm lẫn sự suy tàn của quyền lực với bất cứ sự chuyển đổi quyền lực “thời thượng” nào mà các nhà phân tích và bình luận đã mổ xẻ kể từ sự suy yếu của Mỹ và sự vươn lên của Trung Quốc, đã trở thành một tiên đề cho sự chuyển đổi địa chính trị ở thời đại của chúng ta - một tiên đề đã được ăn mừng, bị chê bai và bị cảnh báo, với những mức độ khác nhau, tùy vào quan điểm của tác giả. Đánh giá sự suy yếu của châu Âu đi đôi với sự vươn lên của khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và “phần còn lại” đã trở thành một trò chơi ưa thích của những chuyên gia và những nhà bình luận chuyện thế giới nghiệp dư. Nhưng trong khi sự kình địch giữa các quốc gia là chủ lưu mạnh mẽ (đã luôn như thế), sự chú ý vào việc ai đang xuống và ai đang lên là một sự xao nhãng lớn và nguy hiểm. Điều đó là một sự xao nhãng vì mỗi nhóm những kẻ thắng cuộc mới sẽ phát hiện ra điều không lấy gì làm dễ chịu: đó là những ai nắm quyền lực trong tương lai sẽ thấy quy mô của quyền lực đó bị hạn chế và sự hiệu quả của quyền lực đó bị giới hạn, theo những cách mà họ không ngờ tới và những người tiền nhiệm của họ chưa từng trải qua. Hơn nữa, hiệu ứng tích lũy của những thay đổi này đã làm tăng tốc độ xói mòn của tính hợp pháp và chuẩn mực đạo đức một cách rõ ràng. Sự suy giảm được ghi nhận rõ ràng trong lòng tin vào những lời tuyên bố và những cơ quan nhà nước bộc lộ khuynh hướng đó. Không chỉ các nhà lãnh đạo xã hội bị coi là dễ tổn thương hơn, mà cả những ai từng một thời cho rằng quyền lực đó là không thể bị thách thức cũng đã ý thức hơn về những khả năng khác nhau và tìm cách hòa hợp chúng với sự hài lòng cá nhân của họ. Ngày nay, chúng ta hỏi không chỉ chúng ta có thể làm gì cho đất nước mình, mà còn hỏi đất nước, ông chủ, người cung cấp thức ăn nhanh hay hãng hàng không ưa thích có thể làm gì cho chúng ta. Sư thất bại trong việc nhìn xa hơn những cuộc đấu tranh của thời điểm hiện tại để thấy sự suy tàn rộng lớn hơn của quyền lực sẽ đi kèm với một giá đắt. Điều đó góp phần vào sự hỗn loạn, ngăn cản tiến bộ trong những vấn đề then chốt và phức tạp đòi hỏi sự chú ý khẩn thiết của chúng ta, từ sự lan tràn những cuộc khủng hoảng tài chính, thất nghiệp, và nghèo đói cho tới sự cạn kiệt tài nguyên cùng biến đổi khí hậu. Chúng ta sống trong một thời đại mà, thật ngược đời, chúng ta ý thức nhiều hơn về những vấn đề đó và hiểu chúng rõ hơn bao giờ hết, nhưng chúng ta có vẻ không thể đối phó với chúng một cách quyết đoán và hiệu quả. Sự suy tàn của quyền lực là lý do tại sao. NHƯNG QUYỀN LỰC LÀ GÌ? Một cuốn sách về quyền lực đòi hỏi một định nghĩa về quyền lực - và cũng quan trọng không kém, một lý do để giải quyết chủ đề cơ bản nhưng lại bị lảng tránh nhiều nhất. Quyền lực đã tập trung hành vi và lôi kéo sự cạnh tranh kể từ buổi bình minh của xã hội. Với Aristotle, quyền lực cùng của cải và tình bạn là ba yếu tố mang tới hạnh phúc cho một người. Tiền đề rằng con người tìm kiếm quyền lực một cách tự nhiên ở mức độ cá nhân, rằng những kẻ cai trị tìm cách củng cố và mở rộng lãnh địa của họ, là một vấn đề gần như được nhất trí chung trong triết học. Vào thế kỷ XVI, Niccolo Machiavelli đã viết trong The Prince (Quân vương), cuốn sách chỉ dẫn của ông về nghệ thuật cai trị, rằng việc giành lấy đất đai và sự kiểm soát chính trị “thực ra là điều rất tự nhiên và thông thường, và con người luôn làm như thế khi họ có thể”.[19] Vào thế kỷ XVII, nhà triết học người Anh Thomas Hobbes đưa vấn đề tiến thêm một bước nữa trong Leviathan, luận thuyết kinh điển của ông về bản chất của con người và xã hội: “Tôi cho rằng khuynh hướng chung của toàn bộ loài người là khát khao bất diệt và không ngừng nghỉ về quyền lực, mà chỉ kết thúc sau khi họ chết”, Hobbes viết.[20] Hai thế kỷ rưỡi sau đó, năm 1885, Friedrich Nietzsche viết, qua giọng nói của nhân vật người hùng ở tựa cuốn sách Thus Spake Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế): “Ở bất cứ nơi nào tôi thấy một vật sống, ở đó tôi thấy khát khao quyền lực; và thậm chí trong ý chí của công bộc, tôi cũng thấy ý chí trở thành ông chủ”.[21] Điều này không có nghĩa là cuộc sống con người chỉ sục sôi bởi một mình quyền lực. Chắc chắn tình yêu, tình dục, đức tin cùng những thôi thúc và cảm xúc khác cũng có vai trò của chúng. Nhưng chắc chắn, quyền lực là một sứ mệnh tạo động lực cho con người mãi mãi. Và sẽ luôn luôn, quyền lực cấu trúc xã hội, giúp cai quản các mối quan hệ và điều hòa sự tương tác giữa các con người các cộng đồng và quốc gia. Quyền lực có vai trò lớn trong mọi lĩnh vực mà chúng ta đấu tranh, cạnh tranh hay tổ chức: chính trị quốc tế và chiến tranh, chính trị trong nước, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, tôn giáo, hoạt động xã hội như từ thiện và các hoạt động khác, những mối quan hệ xã hội và văn hóa đủ loại. Có thể tranh luận rằng quyền lực cũng đóng vai trò lớn trong mối quan hệ yêu đương và gia đình gần gũi nhất của chúng ta, cũng như trong ngôn ngữ của chúng ta hay thậm chí qua những giấc mơ của chúng ta. Những chiều kích sau cùng nằm ngoài trọng tâm của cuốn sách này, nhưng điều đó không có nghĩa chúng nằm ngoài những khuynh hướng mà tôi tìm cách giải thích. Sự tiếp cận ở đây mang tính thực dụng. Mục tiêu là để hiểu cần điều gì để có được quyền lực, giữ quyền lực và mất quyền lực. Điều này đòi hỏi một định nghĩa thực tế, và đây là một định nghĩa như thế: Quyền lực là khả năng chỉ đạo hay ngăn cản dòng những hành động tương lai của những nhóm và cá nhân khác. Hay nói cách khác, quyền lực là những gì chúng ta thực thi với những người khác khiến họ hành xử theo những cách mà nếu không họ đã không hành xử như thế. Quan điểm về quyền lực một cách thực dụng này không mới hay gây tranh cãi. Mặc dù quyền lực vốn là một chủ đề phức tạp, nhiều định nghĩa thực dụng mà các nhà khoa học xã hội đã sử dụng giống với định nghĩa được nêu ra ở đây. Lấy ví dụ, cách tiếp cận của tôi gợi lại một tài liệu kinh điển và được trích dẫn rất nhiều, được viết năm 1957 bởi nhà khoa học chính trị Robert Dahl, “Khái niệm quyền lực”. Theo sự tóm tắt của Dahl: “A có quyền lực lên B tới mức độ mà anh ta có thể khiến B làm thứ gì đó mà nếu không B sẽ làm khác đi”. Những cách khác nhau để thực thi quyền lực, và những biểu hiện khác nhau của quyền lực như sự ảnh hưởng, sự thuyết phục, sự ép buộc và quyền hành - mà chương tới sẽ đề cập đến - xảy ra bên trong bối cảnh này: một bên khiến hay không thể khiến một bên khác hành động theo một cách nhất định.[22] Quyền lực có thể là một động cơ quan trọng mà tất cả chúng ta đều có trong sâu thẳm con người, như các nhà triết học nói với chúng ta. Nhưng là một lực cho hành động, nó vốn có tính chất liên hệ. Sử dụng những đơn vị đại diện là không đủ để đo đếm quyền lực, chẳng hạn như ai có quân đội lớn nhất, ngân khố dồi dào nhất, dân số lớn nhất hay tài nguyên phong phú nhất. Không ai đi loanh quanh với một lượng quyền lực cố định và có thể định lượng được, vì trong thực tế, bất cứ quyền lực của cá nhân hay thể chế nào cũng thay đổi tùy theo tình huống. Để quyền lực có thể hoạt động đòi hỏi sự tương tác hay trao đổi giữa hai hay nhiều bên hơn: ông chủ và công bộc, kẻ cai trị và công dân, sếp và nhân viên, cha mẹ và con cái, giáo viên và học sinh, hay một sự kết hợp phức tạp của các cá nhân, đảng phái, quân đội, công ty, định chế, thậm chí là quốc gia. Khi mà các tay chơi di chuyển từ tình huống này sang tình huống khác, khả năng của mỗi tay chơi chỉ đạo hay ngăn cản những hành động của những người khác - nói cách khác, quyền lực của họ - cũng chuyển đổi. Các tay chơi và những đặc điểm của họ càng ít thay đổi, sự phân phối cụ thể quyền lực càng trở nên ổn định. Nhưng khi số lượng, bản sắc, các động cơ, các khả năng và các đặc điểm của những tay chơi thay đổi, sự phân chia quyền lực cũng sẽ thay đổi theo. Đây không chỉ là một vấn đề trừu tượng. Ý tôi là quyền lực có một chức năng xã hội. Vai trò của nó không chỉ là áp đặt sự thống trị hay tạo ra những kẻ chiến thắng và thua cuộc: nó còn tổ chức các cộng đồng, xã hội, thị trường, và thế giới. Hobbes đã giải thích điều này rất hay. Vì khát khao quyền lực là nguyên thủy, ông lập luận, con người về cố hữu là xung đột và cạnh tranh. Nếu để mặc cho con người thể hiện bản chất của mình mà không có sự hiện diện của quyền lực để ngăn cản hay chỉ đạo họ, họ sẽ đấu tranh cho tới khi không còn lại gì để đấu tranh. Nhưng nếu họ tuân theo một “quyền lực chung”, họ có thể dồn những nỗ lực của họ vào việc xây dựng xã hội, chứ không chỉ hủy hoại nó. “Trong khoảng thời gian mà con người sống không có một quyền lực chung để ràng buộc tất cả họ, họ ở trong một điều kiện được gọi là chiến tranh”, Hobbes viết, “và đó là một cuộc chiến tranh mà mỗi người chống lại mỗi người”.[23] SỰ SUY TÀN CỦA QUYỀN LỰC: Ý NGHĨA ĐƯỢC MẤT LÀ GÌ? Sự sụp đổ của những rào cản với quyền lực đang mở ra cánh cửa cho những tay chơi mới theo kiểu đã làm thay đổi môn cờ vua, và như những chương sắp tới sẽ nêu chi tiết, đang làm thay đổi những lĩnh vực lớn khác trong sự cạnh tranh của con người. Những tay chơi mới này là những quyền lực vi mô đã được đề cập ở trên. Quyền lực của họ là một loại mới: không phải là thứ quyền lực to lớn, lấn át và thường có tính ép buộc của những tổ chức lớn và chuyên môn, mà là phản quyền lực tới từ việc có thể chống đối và hạn chế những gì những tay chơi lớn đó có thể làm. Đó là một quyền lực tới từ sự sáng tạo và chủ động, đúng, nhưng cũng từ phạm vi mới được mở rộng của các ngón chơi như quyền phủ quyết, sự trì hoãn, sự đổi hướng và sự can thiệp. Chiến thuật kinh điển của chiến tranh du kích giờ xuất hiện và hiệu quả trong rất nhiều lĩnh vực khác. Điều này có nghĩa là chúng có thể mở ra những chân trời mới không chỉ cho những kẻ sáng tạo cấp tiến mà cả những kẻ cực đoan, ly khai và những ai không cam kết với lý tưởng chung tốt đẹp. Và sự đông đúc của tất cả những tay chơi này, điều vốn đã rõ ràng và đang tăng tốc, làm dấy lên những quan ngại trọng yếu về việc điều gì sẽ xảy ra nếu sự suy tàn của quyền lực tiếp tục bị phớt lờ và bỏ qua. Chúng ta đều biết quá nhiều sự tập trung quyền lực dẫn tới nguy hại cho xã hội, không chỉ trong những địa hạt bề ngoài có vẻ là tập trung vào làm những điều tốt - hãy chứng kiến những bê bối làm khổ sở Giáo hội Công giáo. Và điều gì xảy ra khi quyền lực bị phân tán, khuếch tán và phân rã một cách sâu sắc? Những nhà triết học đã biết câu trả lời: sự hỗn loạn và vô chính phủ. Cuộc chiến của tất cả chống lại tất cả mà Hobbes tiên liệu là phản đề của một xã hội tốt đẹp. Và sự suy tàn của quyền lực đe dọa tạo ra chính kịch bản đó. Một thế giới mà các tay chơi có đủ quyền lực để ngăn cản sự khởi xướng của tất cả mọi người, nhưng không ai có quyền lực để áp đặt những hành động tốt đẹp hơn là một thế giới mà những quyết định không được đưa ra, được đưa ra quá muộn, hoặc bị phớt lờ tới một thời điểm không còn hiệu quả nữa. Không có được sự dễ đoán và ổn định đi kèm theo những luật lệ và quyền hành chung được chấp nhận, ngay cả những người sáng tạo nghệ thuật, âm nhạc và văn học với tinh thần tự do nhất cũng sẽ không còn khả năng sống một cuộc đời viên mãn, bắt đầu với khả năng tiếp tục tồn tại một cách ổn định, có hệ thống dựa trên thành quả lao động của họ (tức là với một hình thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nào đó). Những thập kỷ kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được bởi các đảng phái chính trị, doanh nghiệp, nhà thờ, quân đội và các định chế văn hóa đối mặt với mối đe dọa tiêu mòn. Và quyền lực càng trở nên khó nắm giữ, cuộc sống của chúng ta càng trở nên bị chi phối bởi những động cơ và nỗi sợ ngắn hạn, và chúng ta càng không thể hoạch định những hành động và lên kế hoạch cho tương lai. Sự kết hợp của những rủi ro như thế có thể dẫn tới sự cô lập. Những định chế quyền lực đã ở cùng chúng ta quá lâu, những rào cản quyền lực truyền thống đã quá cao, tới mức chúng ta xây dựng ý nghĩa cuộc sống của chúng ta - những lựa chọn về việc làm gì, chấp nhận gì, thách thức gì - ở trong những khuôn khổ đó. Nếu chúng ta trở nên quá cô lập, sự suy tàn của quyền lực có thể trở thành sự hủy hoại. Một cách khẩn cấp, chúng ta cần hiểu và nhận diện bản chất và những hậu quả của sự suy tàn này. Thực ra, mặc dù những rủi ro đã được đề cập trên đây còn chưa tới mức một sự hỗn loạn hoàn toàn, chúng rõ ràng đã can thiệp vào khả năng chúng ta giải quyết một số vấn đề lớn của thời đại. Từ biến đổi khí hậu tới giải trừ vũ khí hạt nhân, các cuộc khủng hoảng kinh tế, sự cạn kiệt nguồn lực, những dịch bệnh, nghèo đói dai dẳng của “hàng tỉ người dưới đáy”, chủ nghĩa khủng bố, nạn buôn người, tội phạm mạng và hơn nữa, thế giới đang đối mặt với những thách thức ngày càng phức tạp đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên và nhiều tay chơi đa dạng hơn bao giờ hết để giải quyết. Sự suy tàn của quyền lực là một khuynh hướng đáng hồ hởi theo hướng nó mở ra không gian cho những dự án kinh doanh mới, những công ty mới, và trên toàn thế giới, những tiếng nói mới và nhiều cơ hội hơn. Nhưng những hậu quả của nó với sự ổn định là đầy nguy hiểm. Làm sao chúng ta có thể tiếp tục chào đón những tiếng nói và ý tưởng, sự sáng tạo và chủ động đa nguyên, mà không đồng thời đẩy chính chúng ta vào một trạng thái tê liệt có thể xóa sạch sự tiến bộ cực kỳ nhanh chóng? Hiểu sự suy tàn của quyền lực là bước đầu tiên chúng ta hướng tới việc tìm ra con đường tiến lên phía trước trong một thế giới đang được tái sinh. CHƯƠNG HAI HIỂU VỀ QUYỀN LỰC Quyền Lực Vận Hành Thế Nào Và Làm Sao Để Giữ Được Nó Đ ồng hồ báo thức của bạn bật lúc 6:45 sáng, sớm hơn nửa tiếng so với bình thường, vì sếp của bạn khăng khăng rằng bạn phải tham dự một cuộc họp mà bạn nghĩ là vô ích. Bạn hẳn đã cãi lại, nhưng tuần tới là đến lúc đánh giá cuối năm về bạn và bạn không muốn làm hỏng cơ hội thăng tiến của mình. Một quảng cáo xuất hiện trên đồng hồ radio của bạn về chiếc xe Toyota Prius mới: “Chi phí theo số dặm tốt nhất trong các xe ở Mỹ”. Bạn đã ngán lắm rồi việc phải trả quá nhiều mỗi tuần để đổ đầy bình xăng. Nhà Jones bên cạnh có một chiếc Prius, tại sao bạn lại không? Trừ việc bạn không có đủ tiền để đặt cọc. Trong bữa sáng với con gái bạn, bạn để ý thấy nó - bất chấp đề nghị của bạn tuần trước cho phép nó nghe nhạc bằng tai nghe nếu ăn ngũ cốc thay vì Cocoa Puffs - đang ngồi đó đeo tai nghe và đang ăn. . Cocoa Puffs. Bạn và vợ bạn cãi nhau xem ai sẽ phải về sớm từ chỗ làm để đón con gái ở trường. Bạn thắng. Nhưng bạn thấy mặc cảm tội lỗi và đồng ý dắt chó đi dạo như một sự nhượng bộ an ủi. Bạn ra ngoài với con chó. Trời mưa. Nó không chịu đi. Và bạn tuyệt đối không thể làm gì để ép nó. Khi chúng ta ra những quyết định lớn nhỏ mỗi ngày trong đời, là những công dân, người lao động, người tiêu dùng, nhà đầu tư, hay thành viên của một hộ gia đình hay gia đình, chúng ta phải liên tục nghĩ tới phạm vi - và những giới hạn - trong quyền lực của chính chúng ta. Dù thách thức là tăng lương hay lên chức, làm công việc của chúng ta theo một cách nhất định, thúc ép một quan chức được bầu bỏ phiếu cho một dự luật mà chúng ta thích, lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ với người bạn đời, hay ép một đứa con ăn uống cho đúng, chúng ta luôn, ý thức hay không, đo đếm quyền lực của chúng ta: đánh giá năng lực của chúng ta khiến những người khác cư xử như chúng ta muốn. Chúng ta kìm hãm quyền lực của những người khác và những tác động khó chịu và bất tiện của nó: cách mà sếp, chính phủ, cảnh sát, ngân hàng, hay nhà cung cấp điện thoại hay truyền hình cáp của chúng ta xui khiến chúng ta hành xử theo một kiểu nhất định, làm những thứ nhất định, hay thôi làm những thứ khác. Và chúng ta thường tìm kiếm quyền lực, đôi khi một cách tự chủ. Đôi khi, việc thực hiện quyền lực quá tàn bạo và dứt khoát tới mức không thể chấp nhận được. Dù Saddam Hussein và Moammar Qaddafi đã chết, những nạn nhân của họ chắc chắn vẫn rùng mình mỗi khi nhắc tới tên họ - một trải nghiệm được chia sẻ bởi những người sống sót của các tội ác tàn bạo rất lâu sau khi những kẻ thủ ác đã bị bắt giữ. Quá khứ hay hiện tại, chúng ta cảm thấy sự hiện diện của quyền lực, ngay cả khi nó được sử dụng một cách tinh ý hay chỉ được phô diễn. Tuy vậy, bất chấp quy mô mà quyền lực là một phần của cuộc sống hàng ngày và tâm trí của chúng ta, nó vẫn trốn tránh sự hiểu biết của chúng ta. Trừ trong trường hợp cực đoan khi chúng ta bị cưỡng ép một cách thô bạo bằng những sự đe dọa như còng tay, phạt tiền, giáng chức, lăng nhục, đánh đập hay những hình phạt khác, chúng ta có khuynh hướng trải nghiệm quyền lực như một sự ép buộc về cảm xúc hơn là một lực lượng hữu hình. Chính xác vì quyền lực là nguyên thuỷ, căn bản trong đời sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta hiếm khi dừng lại để phân tích nó thấu đáo - để xác định chính xác nó nằm ở đâu, nó hoạt động như thế nào, nó có thể đi xa tới đâu và điều gì ngăn nó đi xa hơn nữa. Có lý do rất hợp lý cho điều đó: quyền lực khó đong đếm. Thật ra, nói một cách chặt chẽ, nó là không thể đong đếm. Bạn không thể cộng nó lại và xếp hạng nó. Bạn chỉ có thể xếp hạng những thứ có vẻ là đại diện, nguồn gốc và biểu hiện của quyền lực. Ai có nhiều tiền nhất trong ngân hàng? Công ty nào có thể mua một công ty khác, hay công ty nào có tài sản lớn nhất trong bảng cân đối kế toán? Quân đội nào có nhiều binh lính hay xe tăng hay máy bay chiến đấu nhất? Đảng chính trị nào giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử gần nhất hay kiểm soát nhiều ghế trong Quốc hội nhất? Những thứ đó có thể đo đếm và ghi nhận được. Nhưng chúng không thể đo được quyền lực. Chúng chỉ là sự đại diện. Là những thước đo quyền lực, chúng không đáng tin cậy và ngay cả khi được tập hợp lại, chúng không kể được hết câu chuyện về một ai đó hay một thứ gì đó giàu quyền lực ra sao. Dẫu vậy, quyền lực lan tỏa khắp nơi, từ hệ thống các quốc gia tới các thị trường và nền chính trị - thật vậy, trong bất cứ tình huống nào mà con người hay những tổ chức cạnh tranh, hoặc các cá nhân tương tác. Bất cứ khi nào sự cạnh tranh nổ ra, sự phân chia quyền lực tồn tại, và nó luôn liên hệ mật thiết với trải nghiệm của con người. Dù không phải là động cơ duy nhất đằng sau trải nghiệm đó, khát khao quyền lực chắc chắn là một trong những động cơ quan trọng nhất. Vậy làm sao chúng ta có thể trao đổi một cách hữu ích về quyền lực? Nếu chúng ta muốn hiểu quyền lực được giành lấy, sử dụng hay đánh mất như thế nào, chúng ta cần một phương pháp trao đổi không mơ hồ, phóng đại hay sai lạc. Thật không may, hầu hết các cuộc đối thoại của chúng ta về quyền lực chưa bao giờ thực sự thoát khỏi những cạm bẫy đó. NÓI VỀ QUYỀN LỰC NHƯ THẾ NÀO Có một cách để trò chuyện về quyền lực có kết quả. Đúng, bản thân quyền lực một phần là vật chất và một phần là tâm lý, một phần hữu hình và một phần ảnh hưởng tới sự tưởng tượng của chúng ta. Là thương phẩm hay sức mạnh, quyền lực khó định rõ và khó định lượng. Nhưng với tư cách một động cơ định hình nên một tình huống cụ thể, nó có thể được ước lượng, những hạn chế và phạm vi của nó có thể được đánh giá. Lấy ví dụ một bức ảnh chân dung nghi lễ nhóm các nhà lãnh đạo nhà nước và chính phủ tập hợp tại hội nghị thượng đỉnh G8 đầy ảnh hưởng. Ở đây có Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Ý và những người đồng cấp với họ. Mỗi người trong số họ đều “đang nắm quyền”. Theo nghĩa đó, họ ngang hàng. Và thực ra, mỗi người trong số họ có rất nhiều quyền lực. Liệu quyền lực đó có tới từ uy tín của vị trí của họ, từ lịch sử và từ nghi lễ đi kèm nó không? Hay từ chiến thắng của họ trong một cuộc bầu cử? Từ việc họ chỉ huy một lực lượng dân sự và quân sự lớn? Từ khả năng họ chỉ đạo, với một cái vẩy ngòi bút, việc chi tiêu hàng tỉ đô-la tiền thuế thu được từ sức lao động và nền thương mại của người dân nước họ? Rõ ràng, đó là một sự pha trộn những yếu tố trên và những yếu tố khác nữa. Đó là quyền lực như một lực lượng - hữu hình, nhưng khó thể phân tách và định lượng. Giờ, cũng với bức ảnh đó trong tâm trí, tưởng tượng về phạm vi và những giới hạn những nhà lãnh đạo đó tận hưởng hay phải đối đầu trong những tình huống khác nhau. Điều gì đã xảy ra trong chính cuộc gặp thượng đỉnh? Những vấn đề nào đã được thảo luận, những thỏa thuận nào đã được thương lượng và trong mỗi trường hợp, ai sẽ chiến thắng? Liệu Tổng thống Mỹ, thường được gọi là “người quyền lực nhất thế giới”, có phải lần nào cũng thắng? Những liên minh nào được hình thành, và ai đưa ra những nhượng bộ nào? Rồi hãy tưởng tượng mỗi nhà lãnh đạo trở về đất nước của ông ta hay bà ta và đưa ra nghị trình quốc nội ở thời điểm đó: cắt giảm ngân sách, xung đột lao động, tội ác, nhập cư, bê bối tham nhũng, triển khai quân đội và bất cứ thứ gì khác đang xảy ra ở khu vực cụ thể đó. Một số nhà lãnh đạo nắm được nhóm đa số vững mạnh trong Quốc hội, những người khác phụ thuộc vào các liên minh mỏng manh. Một số người, nhờ cương vị của họ, có phạm vi quyền lực rộng bằng các sắc lệnh hành pháp, những người khác thì không. Một số người được hưởng uy tín cá nhân lớn và tỉ lệ ủng hộ cao, những người khác bị bao vây bởi bê bối hay dễ tổn thương về chính trị. Quyền lực hiệu quả của họ được diễn giải thực tế thành hành động liên quan tới vị trí mà họ đang nắm giữ - phụ thuộc vào tất cả những tình huống đó và đa dạng tùy theo từng vấn đề. Ngay cả nếu chúng ta không thể định lượng quyền lực, chúng ta có thể nắm khá rõ ràng về việc quyền lực vận hành ra sao. Quyền lực vận hành trong mối quan hệ với những người khác. Chúng ta càng định nghĩa chính xác các tay chơi và những được mất liên quan, quyền lực càng hiện ra rõ rệt: không còn là một lực lượng được định nghĩa mơ hồ nữa, nó có thể được coi là người phân xử một danh mục những hành động, khả năng định hình và làm thay đổi một tình huống, với một phạm vi được định nghĩa và những giới hạn thực sự. Và nếu chúng ta hiểu quyền lực vận hành ra sao, thì chúng ta có thể hiểu điều gì khiến nó hoạt động tốt, dẫn đến khả năng tự duy trì và tự tăng trưởng. Và ta cũng hiểu điều gì khiến nó thất bại, dẫn đến sự phân tán, suy thoái hay thậm chí tan biến. Trong một tình huống cụ thể, quyền lực bị kìm hãm hay hạn chế tới một mức độ nào? Mỗi tay chơi có khả năng nào để thay đổi tình hình? Bằng cách tìm hiểu sự cạnh tranh hay xung đột trong những trường hợp hoạt động thực tế, chúng ta có thể bắt đầu hiểu được các sự kiện đang hướng về đâu. Ngày nay, như chúng ta sẽ thấy trong những trang sắp tới, sự tích lũy và thực thi quyền lực đang hướng vào những vùng nước chưa được vẽ bản đồ. QUYỀN LỰC VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO Trong Chương 1, tôi đã đưa ra một định nghĩa thực tế: Quyền lực là khả năng chỉ đạo hay ngăn cản dòng những hành động tương lai của những nhóm và cá nhân khác. Định nghĩa này rất rõ ràng, và còn hơn nữa, nó tránh được những đơn vị đại diện dễ gây hiểu lầm như kích cỡ, nguồn lực, vũ khí và số người ủng hộ. Nhưng nó quả cần phân tích tỉ mỉ hơn. Rốt cuộc, những hành động của người khác có thể bị chỉ đạo hay ngăn cản theo nhiều cách. Trên thực tế, quyền lực được biểu hiện thông qua bốn phương tiện. Hãy gọi chúng là những kênh quyền lực. ✔ Sức mạnh của Cơ bắp: Kênh đầu tiên của quyền lực là rõ ràng và quen thuộc nhất. Vũ lực - hay đe dọa sử dụng vũ lực - là một công cụ thô thiển mà qua đó quyền lực được thực thi trong những hoàn cảnh cực đoan nhất định. Cơ bắp có thể dưới dạng một quân đội chinh phục, một lực lượng cảnh sát với còng tay và nhà tù, một kẻ bắt nạt ở sân trường, một con dao kề cổ, một đầu đạn hạt nhân để răn đe, hay khả năng của ai đó khiến công ty của bạn phá sản, sa thải bạn khỏi công việc của mình, hay trục xuất bạn khỏi một giáo hội. Nó cũng có thể dưới dạng sự kiểm soát độc quyền một số nguồn lực quan trọng có thể được đưa ra hay từ chối cung cấp (tiền bạc, dầu mỏ, các cử tri). Sự hiện diện của sức mạnh cơ bắp không phải lúc nào cũng xấu. Chúng ta đều vui mừng với một lực lượng cảnh sát bắt những kẻ tội phạm ngay cả việc làm điều đó nhiều khi đòi hỏi sử dụng vũ lực. Việc sử dụng bạo lực hợp pháp là một quyền mà công dân trao cho nhà nước đổi lấy sự bảo vệ và ổn định. Nhưng dù quyền đó ở trong tay những bạo chúa hay những lãnh đạo đầu óc sáng suốt, sức mạnh cơ bắp rốt cuộc vẫn dựa trên sự ép buộc phục tùng. Bạn phục tùng vì nếu không, bạn sẽ lãnh hậu quả tồi tệ hơn hậu quả của việc phục tùng. ✔ Sức mạnh của Quy tắc: Tại sao những người Công giáo đi dự thánh lễ, người Do Thái làm lễ Sabbath, người Hồi giáo cầu nguyện năm lần mỗi ngày? Tại sao nhiều xã hội yêu cầu những người già làm trung gian hòa giải các xung đột và coi quyết định của họ là công bằng và khôn ngoan? Điều gì khiến con người tuân theo Luật Vàng* và kiềm chế không làm hại những người khác ngay cả khi không có luật pháp hay sự trừng phạt nào để ngăn cản họ? Câu trả lời có thể được tìm thấy trong những giá trị đạo đức, truyền thống, giá trị văn hóa, kỳ vọng xã hội, niềm tin tôn giáo và những giá trị được truyền qua nhiều thế hệ hay được dạy cho trẻ nhỏ ở trường học. Chúng ta sống trong một vũ trụ của những quy tắc mà chúng ta đôi khi theo và đôi khi không. Và chúng ta cho phép người khác dẫn dắt hành vi của chúng ta qua những lời răn dạy quy tắc đó từ họ. Kênh quyền lực này không tạo sự ép buộc, thay vào đó, nó kích hoạt cảm xúc về nghĩa vụ đạo đức của chúng ta. Có lẽ ví dụ tốt nhất là Mười điều răn của Chúa: qua chúng, một quyền lực tối cao và không thể thách thức nói một cách rành mạch với chúng ta phải cư xử ra sao. ✔ Sức mạnh của Lời rao hàng: Bạn hẳn đã nghe nhiều về sức mạnh của quảng cáo. Nó được ghi nhận khi mọi người chuyển từ McDonald’s sang Burger King hay khi doanh số của Honda tang lên trong khi doanh số của Volkswagen giảm xuống. Hàng tỉ đô-la đã được đổ vào việc quảng cáo trên các chương trình truyền hình và phát thanh, trên các bảng quảng cáo và những trang web, trong các tạp chí, trò chơi điện tử hay bất cứ phương tiện khả dĩ nào, để bộc lộ mục đích lôi kéo mọi người làm điều mà nếu không thì họ đã không làm: mua sản phẩm. Lời rao không cần sức mạnh hay quy tắc đạo đức. Thay vào đó, nó khiến chúng ta thay đổi suy nghĩ, cảm nhận của chúng ta. Nó thuyết phục chúng ta rằng một số sản phẩm hay dịch vụ đáng được lựa chọn so với những thứ thay thế. Lời rao hàng chỉ là năng lực thuyết phục những người khác nhìn tình huống theo một hướng thúc đẩy các mục tiêu hay lợi ích của người thuyết phục. Các tay môi giới bất động sản, vốn lôi kéo người mua tiềm năng định giá những tiện nghi của việc sống trong một khu dân cư cụ thể, không sử dụng vũ lực, không viện dẫn tới đạo đức, hay không thay đổi cấu trúc của tình huống (bằng cách giảm giá chẳng hạn). Họ sẽ thay đổi hành vi của khách hàng bằng cách điều chỉnh cảm nhận của họ về tình huống đó. ✔ Sức mạnh của Phần thưởng: Đã bao nhiêu lần bạn nghe thấy ai đó nói “Có cho tiền tôi cũng không làm”? Nhưng thường thì điều ngược lại mới đúng: mọi người chấp nhận những khoản tiền để làm những thứ mà nếu không được trả, họ đã không làm. Bất cứ cá nhân nào có thể cung cấp những phần thưởng đáng thèm muốn có lợi thế lớn trong việc khiến những người khác hành xử theo những cách thích hợp với lợi ích của anh ta. Anh ta có thể thay đổi cấu trúc của tình huống. Dù là dưới dạng đề nghị cung cấp nhiên liệu cho Bắc Triều Tiên để đổi lấy việc thanh tra các lò phản ứng hạt nhân của nước này, hay bổ sung hàng trăm triệu đô-la cho ngân sách viện trợ để mua sự ủng hộ của một nước khác, hay cuộc đấu giá giành giật một nhân viên ngân hàng, ca sĩ, giáo sư hay bác sĩ phẫu thuật hàng đầu, việc sử dụng những lợi ích vật chất để lôi kéo hành vi có lẽ là cách làm phổ biến nhất của quyền lực. Bốn kênh đó - cơ bắp, quy tắc, lời rao và phần thưởng - là những gì mà các nhà khoa học xã hội gọi là những kiểu hình lý tưởng: chúng riêng biệt rõ ràng về mặt phân tích và là sự diễn giải cực đoan cho mỗi loại hình mà chúng đại diện. Nhưng trên thực tế - hay chính xác hơn, khi quyền lực được thực thi trong những cảnh huống cụ thể - chúng thường được pha trộn và kết hợp, chúng hiếm khi đứng tách biệt. Lấy ví dụ, quyền lực của tôn giáo vốn được thực thi qua nhiều kênh. Giáo lý hay quy tắc đạo đức, dù được ghi lại trong những văn kiện cổ xưa hay được diễn giải bởi một người giảng đạo hay nhà thông thái của tôn giáo đó sau này, là một phần quan trọng giúp một nhóm đức tin có tổ chức thu hút những tín đồ - cùng với cam kết của họ về thời gian và niềm tin, sự hiện diện của họ ở các buổi lễ, các phần đóng góp của họ và sức lao động của họ. Nhưng khi các nhà thờ, đền đài và giáo đường cạnh tranh nhau để có tín đồ, họ thường làm thế trên cơ sở một lời rao - như một dạng quảng cáo. Thật vậy, rất nhiều định chế đức tin tiến hành những chiến dịch tỉ mỉ được quản lý bởi những công ty quảng cáo chuyên môn hóa cao độ. Và họ cũng đề nghị các phần thưởng - không chỉ phần thưởng phi vật chất về việc được cứu rỗi linh hồn như hứa hẹn, mà thỉnh thoảng cả những lợi ích hữu hình như sự tiếp cận ngân hàng việc làm của giáo đoàn, dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ, những buổi tối hẹn hò cho ai độc thân, hay khả năng tiếp cận mạng lưới các thành viên ở vị trí cao. Trong một số xã hội, bản thân việc tham gia tôn giáo là bị bắt buộc bằng sức mạnh cơ bắp. Lấy ví dụ, luật pháp ở một số quốc gia nhất định yêu cầu những dạng hành vi nhất định và trừng phạt những hành vi khác, bắt buộc về chiều dài váy áo của phụ nữ Hồi giáo và của bộ râu ở đàn ông, hay rút phép thông công của những bác sĩ thực hiện việc phá thai. Tuy vậy, mỗi một trong bốn kênh đó - cơ bắp, quy tắc, lời rao, và phần thưởng - vận hành theo một cách khác nhau. Và hiểu được những sự khác biệt đó mang tới cái nhìn sơ bộ về cấu trúc hạt nhân của quyền lực. Sự công thức hóa của tôi với bốn kênh này gắn liền với bộ khung phân tích đầy thuyết phục được trình bày lần đầu bởi một học giả xuất sắc về kinh doanh và quản trị người Nam Phi: Ian MacMillan thuộc Trường Kinh doanh Wharton ở Đại học Pennsylvania (xem Hình 2.1). Trong cuốn Strategy Formulation: Political Concepts (tạm dịch: Xây Dựng Chiến Lược: Các Khái Niệm Chính Trị), xuất bản năm 1978, MacMillan muốn giảng giải cho sinh viên kinh doanh về những sự phức tạp của quyền lực và thương lượng. Ông quan sát rằng trong bất cứ sự tương tác quyền lực nào, một bên thao túng tình huống theo cách ảnh hưởng tới hành động của bên kia.[1] Nhưng nhiều kiểu thao túng sẽ xuất hiện tùy thuộc vào câu trả lời cho hai câu hỏi: ✔ Thứ nhất, liệu sự thao túng có làm thay đổi cấu trúc của tình huống hiện tại, hay thay vào đó nó làm thay đổi sự đánh giá của bên thứ hai với tình huống đó? ✔ Thứ hai, liệu sự thao túng có mang tới cho bên thứ hai một sự cải thiện, hay liệu thay vì thế nó khiến bên thứ hai chấp nhận một kết quả không phải là một sự cải thiện? Vai trò tương đối của cơ bắp (sự ép buộc), quy tắc (nghĩa vụ), lời rao (sự thuyết phục) và phần thưởng (sự lôi kéo) xác định câu trả lời cho các câu hỏi đó trong bất kỳ tình huống đời thực nào. HÌNH 2.1 PHÂN LOẠI QUYỀN LỰC CỦA MACMILLAN Ép buộc thông qua cơ Thay đổi Lôi cuốn thông qua phần thưởng: bắp: động cơ tăng lương, giảm giá thực thi luật lệ, áp bức, bạo lực Thay đổi sở thích Thuyết phục thông qua lời rao: quảng cáo, chiến dịch Tuân thủ thông qua quy tắc: nghĩa vụ tôn giáo hay truyền thống, sự thuyết phục đạo đức Nguồn: Phỏng theo Ian MacMillan, Strategy Formulation: Political Concepts, 1978. Cách tiếp cận của giáo sư MacMillan có ba lợi thế lớn. Thứ nhất, nó đi thẳng vào mặt thực tế của quyền lực - ảnh hưởng của nó lên những tình huống, quyết định và hành vi đời sống thực. Trong đánh giá của ông về quyền lực, MacMillan không bị che mờ bởi hình ảnh của những nhà lãnh đạo đứng chụp hình trên thảm đỏ, chủ trì một buổi lễ ở văn phòng của họ. Thay vì thế, ông đặt câu hỏi (a) những công cụ nào sẵn có cho mỗi nhà lãnh đạo - và cho các đối thủ và đồng minh của ông ta hay bà ta - trong việc xử lý một thách thức cụ thể, và (b) việc thay đổi tình huống đó tồn tại phạm vi và giới hạn nào. Thứ hai, vì cách tiếp cận của ông mang tính chiến lược và tập trung vào quyền lực như một động lực, nó có thể áp dụng được - ngoài phân tích địa chính trị, quân sự hay mối kình địch giữa các doanh nghiệp - cho gần như bất cứ lĩnh vực nào khác. Là một học giả trong lĩnh vực kinh doanh, MacMillan thiết kế khung phân tích dựa trên bối cảnh lĩnh vực của mình - kinh doanh và quản trị - và tìm hiểu những động lực quyền lực bên trong các công ty. Nhưng không có lý do gì mà cách tiếp cận của ông không thể được áp dụng cho những lĩnh vực khác - vốn là điều tôi làm trong cuốn sách này. Lợi thế lớn thứ ba trong cách ông nhìn quyền lực là nó cho phép chúng ta phân biệt các khái niệm như quyền lực, sức mạnh, vũ lực, quyền hành và ảnh hưởng. Lấy ví dụ, mọi người thường nhầm lẫn giữa quyền lực và ảnh hưởng. Ở đây, khung khái niệm của MacMillan rất hữu ích. Cả quyền lực và ảnh hưởng có thể thay đổi hành vi của người khác, hay cụ thể hơn, khiến người khác làm hay ngăn họ làm một số điều. Nhưng sự ảnh hưởng tìm cách thay đổi cảm nhận về tình huống, chứ không phải bản thân tình huống.[2] Nên khung phân tích của MacMillan cho thấy ảnh hưởng là một tập hợp con của quyền lực, theo nghĩa là quyền lực bao gồm không chỉ những hành động thay đổi tình huống, mà còn cả những hành động thay đổi cách tình huống đó được cảm nhận. Ảnh hưởng là một dạng quyền lực, nhưng quyền lực rõ ràng có thể được thực thi thông qua những phương tiện khác ngoài ảnh hưởng. Để minh họa: Tán dương phẩm chất của một khu dân cư, để thay đổi cảm nhận của một người mua về giá trị của thỏa thuận theo hướng dẫn tới việc đạt được thỏa thuận khác với việc đạt được mục tiêu đó thông qua hạ giá căn nhà. Một tay môi giới bất động sản thay đổi cảm nhận của người mua có ảnh hưởng để làm điều đó, trong khi một người chủ nhà giảm giá bán căn nhà có quyền lực thay đổi cấu trúc của thỏa thuận. TẠI SAO QUYỀN LỰC CHUYỂN GIAO HAY ỔN ĐỊNH Hãy nghĩ về quyền lực như là khả năng của những tay chơi khác nhau ảnh hưởng tới kết quả của một tình huống mặc cả. Bất cứ sự cạnh tranh hay xung đột nào - dù là một cuộc chiến tranh, một trận chiến giành thị phần, những cuộc thương lượng ngoại giao, việc lôi kéo giáo dân của các giáo hội đối địch, thậm chí một cuộc thảo luận xem ai là người rửa bát sau bữa tối - đều xoay quanh việc phân chia quyền lực. Sự phân chia đó phản ánh năng lực của những bên cạnh tranh dựa vào sự kết hợp của cơ bắp, quy tắc, lời rao và phần thưởng để khiến đối phương hành động theo cách mà họ muốn. Đôi khi sự phân chia quyền lực ở trạng thái ổn định, thậm chí trong một thời gian dài. “Trạng thái cân bằng của các cường quốc” kinh điển ở châu Âu vào thế kỷ XIX là một ví dụ điển hình: châu lục này tránh một cuộc chiến tranh tổng lực, còn đường biên giới của những quốc gia và đế quốc thay đổi ít hoặc chỉ thay đổi do thỏa thuận. Tương tự là thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh: Mỹ và Liên Xô, sử dụng rất nhiều cơ bắp và cũng rất nhiều phần thưởng, xây dựng và duy trì tầm ảnh hưởng toàn cầu, bất chấp những xung đột địa phương đây đó, ổn định một cách ấn tượng. Cấu trúc của các thị trường đồ uống cola (Coke và Pepsi), hệ điều hành (PC và Mac) và máy bay chở khách đường dài (Boeing và Airbus), mỗi thị trường đều có một cặp tay chơi áp đảo và một vài kẻ cạnh tranh nhỏ, là những ví dụ khác của việc phân chia quyền lực khá ổn định - hay ít ra là không nhiều biến động. Nhưng ngay khi một bên mới nhanh chóng bộc lộ cơ bắp một cách hiệu quả hơn, viện dẫn truyền thống hay quy tắc đạo đức theo một cách cám dỗ hơn, trình bày một lời rao hàng thuyết phục hơn, hay đề nghị một phần thưởng lớn hơn, quyền lực sẽ chuyển giao và tái tổ chức lại bối cảnh, có thể là theo những cách quyết liệt. Đó là lúc mọi thứ trở nên thú vị - khi những cơ hội xuất hiện , những ngành kinh doanh chuyển đổi, những hệ thống chính trị bị đảo lộn và những nền văn hóa tiến hóa. Thật ra, khi có đủ những thay đổi xảy ra đồng thời, cuộc sống hàng ngày của tất cả chúng ta sẽ thay đổi. Nhưng điều gì khiến cho sự phân phối quyền lực thay đổi? Nó có thể xảy ra với sự trỗi dậy của một tay chơi mới tài năng, phá vỡ trật tự cũ như Alexander Đại Đế hay Steve Jobs, hay của một sáng tạo có tính chất chuyển đổi như bàn đạp ngựa, kỹ thuật in ấn, con chíp điện tử hay YouTube. Nó có thể xảy ra qua chiến tranh, tất nhiên. Và những thảm họa thiên nhiên cũng có thể là nguyên nhân: bão Katrina, lấy ví dụ, đã dẫn tới việc những trường nội trú địa phương từng một thời rất hùng mạnh ở New Orleans bị gạt ra ngoài lề và sự nổi lên của phong trào trường công lập mới trong thành phố. Cũng đừng loại trừ vận may hay sự tình cờ: một kẻ đương nhiệm không thể lung lay có thể phạm một sai lầm chiến lược hay một sai lầm cá nhân ngớ ngẩn dẫn tới một sự sụp đổ hàng loạt. Hãy nghĩ tới Tiger Woods hay David Patraeus. Đôi khi, bệnh tật và tuổi tác đơn giản bắt kịp kẻ quyền lực và thay đổi sự phân phối quyền lực chóp bu của một công ty, chính phủ, quân đội hay một môn thể thao. Mặt khác, không phải mọi sáng tạo thông minh đều có khả năng lôi kéo. Không phải mọi doanh nghiệp được điều hành tốt với một sản phẩm đáng thèm muốn và kế hoạch cẩn thận đều đạt được những cơ hội tài chính và bán hàng nó cần để tạo ra dấu ấn. Một số tập đoàn hay định chế khổng lồ tỏ ra dễ tổn thương trước những kẻ cạnh tranh mới nhanh nhẹn, nhưng những hãng khác có vẻ rũ bỏ chúng dễ như thể đập ruồi. Sẽ không bao giờ có thể đoán được mọi cuộc chuyển giao quyền lực. Sự sụp đổ của Liên Xô, sự bùng phát của Mùa xuân A-rập, sự suy sụp của những tờ báo khổng lồ trước kia như Washington Post và sự nổi lên đột ngột của Twitter như một nhà cung cấp thông tin xác nhận cho sự không thể đoán biết được những chuyển đổi quyền lực nào đang đợi ở ngã rẽ tiếp theo. TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHỮNG RÀO CẢN VỚI QUYỀN LỰC Dù việc tiên đoán trước sự chuyển giao quyền lực là một cố gắng ngớ ngẩn, việc hiểu được những khuynh hướng làm thay đổi hoặc sự phân phối quyền lực hoặc bản chất của nó thì không. Điểm mấu chốt là hiểu được những rào cản với quyền lực trong một lĩnh vực cụ thể. Công nghệ, luật pháp, vũ khí, vận may hay tài sản độc nhất nào khiến cho những tay chơi khác khó giành được quyền lực đang nằm trong tay những kẻ có quyền? Khi những rào cản như thế được dựng lên và giữ vững ở đó, những kẻ nắm quyền được bảo vệ và củng cố sự kiểm soát của họ. Khi những rào cản đó bị hạ thấp hoặc bị dỡ bỏ, những tay chơi mới giành được lợi thế và có thể thách thức cấu trúc quyền lực hiện hữu. Sự xói mòn với bất cứ rào cản quyền lực nào càng mạnh, những tay chơi mới càng trở nên bất thường và khó lường, họ càng nhanh chóng có cơ hội vươn lên. Xác định những rào cản tới quyền lực và liệu chúng đang được dựng lên hay hạ xuống, hạn có thể giải quyết phần lớn của câu đố về quyền lực. Những doanh nghiệp độc quyền, những chế độ độc tài quân sự, những xã hội chính thức ưu ái một sắc tộc hay niềm tin tôn giáo cụ thể, những thị trường tràn ngập quảng cáo của một sản phẩm thống trị, những các-ten* như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), những hệ thống chính trị như nước Mỹ trong đó hai đảng trên thực tế kiểm soát quá trình bầu cử và những đảng nhỏ không thể có chỗ đứng - tất cả đều là những tình huống mà các rào cản tới quyền lực đều rất cao, ít ra là hiện thời. Nhưng một số thành trì có thể bị tấn công - hoặc vì bức tường phòng ngự quanh chúng không còn mạnh mẽ như vẻ ngoài, vì chúng không được chuẩn bị cho những kẻ tấn công kiểu mới, hay quan trọn không kém, vì những kho báu chúng bảo vệ đã mất đi giá trị ngay từ đầu. Trong những tình huống như thế, các con đường thương mại giờ sẽ bỏ qua chúng, do chúng không còn được các đạo quân cướp bóc quan tâm nữa. Lấy ví dụ, những người sáng lập Google không đặt mục tiêu làm xói mòn sự thống trị của New York Times hay các công ty truyền thông hùng mạnh khác, nhưng thực tế chính đây là điều họ đạt được. Những kẻ nổi dậy sử dụng các thiết bị nổ tự tạo ở Afghanistan, hay những băng cướp biển Somalia sử dụng những con tàu gỉ sét và súng AK-47 để bắt cóc các con tàu lớn ở Vịnh Aden, đang vây hãm thành trì từng bảo đảm sự thống trị của quân đội và hải quân trang bị công nghệ tối tân. Kết quả không chỉ là sự chuyển giao quyền lực của quân đội và hải quân đó, mà còn là sự thách thức với chính bản chất của quyền lực. Rào cản của quyền lực có thể phân biệt những tình huống bề mặt nhìn giống nhau. Một nhóm nhỏ các công ty có thể đủ sức kiểm soát hầu hết thị phần trong một ngành cụ thể vì chỉ họ sở hữu những nguồn lực cần thiết, một sản phẩm hấp dẫn hay một công nghệ có một không hai. Ngoài ra, họ có thể vận động hành lang thành công hay mua đứt các chính trị gia để tạo ra những luật lệ và quy định khiến các đối thủ khó khăn hơn, hoặc không thể, tiến vào thị trường. Công nghệ độc quyền, sự tiếp cận với các tài nguyên, những sự bảo hộ bằng luật lệ và mối quan hệ với một tay trong tham nhũng là bốn kiểu lợi thế rất khác nhau. Rõ ràng, chuyển giao quyền lực xảy ra khi việc kiểm soát tài nguyên khan hiếm nhất định vốn giới hạn sự cạnh tranh ở một thị trường cụ thể, những tài nguyên thay thế được tìm ra khiến vai trò rào cản của nó đối với những tay chơi khác giảm, hay một công nghệ mới giúp nhiều kẻ cạnh tranh khác dễ dàng tiến vào thị trường hơn. Trong khi những chuyển giao như thế đại diện cho một ý tưởng nổi tiếng trong thế giới kinh doanh, ý tưởng đó ít được áp dụng thường xuyên trong chính trị và cho sự kình địch giữa các quốc gia-nhà nước, các giáo hội, hay những người làm từ thiện. Lấy ví dụ, hãy xem xét một hệ thống nghị viện trong đó một số đảng nhỏ có ghế và có thể tham gia vào việc hình thành một liên minh cầm quyền. Liệu có một ngưỡng, như ở Đức, rằng một đảng cần phải kiếm được 5% tổng số phiếu trên toàn quốc để có đại diện trong Quốc hội? Liệu có thể thay vào đó là quy định rằng một đảng phải có được tỉ lệ số phiếu tối thiểu trong một số vùng khác nhau? Hay hãy nhìn vào sự cạnh tranh giữa các trường đại học hàng đầu. Liệu việc đánh giá xếp hạng các trường có khó khăn, hay nhà tuyển dụng và các trường sau đại học không còn quan tâm nhiều đến thứ hạng trường của những cử nhân đại học mà họ sẽ chiêu mộ? Những rào cản với quyền lực có thể ở dưới dạng những luật lệ và quy định dễ hoặc khó viết lại hoặc phá hủy. Chúng có thể ở dưới dạng chi phí - của những tài sản chủ chốt, nguồn lực, sức lao động, việc làm, tiếp thị - tăng lên hoặc hạ xuống. Chúng có thể dưới dạng khả năng tiếp cận những cơ hội tăng trưởng - những khách hàng, người lao động, nguồn tư bản, những người theo tôn giáo mới. Chi tiết thay đổi theo từng lĩnh vực. Nhưng như một quy tắc chung, những quy định đó càng nhiều và càng chặt chẽ, chi phí cho việc mô phỏng theo lợi thế của những kẻ nắm quyền lại càng cao, và những tài sản chủ chốt càng hạn chế hay khan hiếm, rào cản ngăn những tay chơi mới giành được chỗ đứng, chứ đừng nói tạo dựng một lợi thế bền vững cho chính họ, càng cao. BẢN ĐỒ THIẾT KẾ: GIẢI THÍCH SỨC MẠNH THỊ TRƯỜNG Khái niệm về những rào cản tới quyền lực có nguồn gốc từ kinh tế học. Cụ thể, tôi đã phỏng theo ý tưởng những rào cản gia nhập ngành - một khái niệm phân tích mà các nhà kinh tế học sử dụng để nắm rõ sự phân phối, hành vi cùng triển vọng của các công ty trong một ngành - và áp dụng nó vào sự phân phối quyền lực. Mở rộng khái niệm theo hướng đó là hợp lý: rốt cuộc, ý tưởng về những rào cản gia nhập ngành được sử dụng trong kinh tế học để giải thích một loại quyền lực cụ thể - quyền lực thị trường. Như chúng ta đã biết, trạng thái lý tưởng của kinh tế học là sự cạnh tranh hoàn hảo. Trong cạnh tranh hoàn hảo, nhiều công ty khác nhau làm ra những hàng hóa có thể thay thế hoàn hảo cho nhau và người tiêu dùng quan tâm tới việc mua tất cả những hàng hóa mà họ làm ra. Không có chi phí giao dịch, chỉ có chi phí đầu vào, tất cả các công ty được tiếp cận thông tin giống nhau. Cạnh tranh hoàn hảo mô tả một môi trường trong đó không công ty đơn lẻ nào có thể tự mình tạo ảnh hưởng lên giá cả những hàng hóa trong thị trường của nó. Tất nhiên, thực tế rất khác. Hai công ty, Airbus cùng Boeing, thống lĩnh thị trường máy bay lớn đường dài, và một số nhỏ những nhà sản xuất chế tạo các máy bay nhỏ hơn. Nhưng có vô số các công ty sản xuất áo phông và tất chân. Cực kỳ khó khăn để một nhà sản xuất máy bay mới gia nhập thị trường. Tuy nhiên, tập hợp một vài thợ may hay thợ khâu trong một xưởng, là bạn có thể sản xuất áo phông. Một nhà sản xuất áo phông mới có thể cạnh tranh với những tên tuổi lớn, hay ít ra là tìm thấy một góc nhỏ mà trong đó hãng có thể thịnh vượng. Một nhà sản xuất thương hiệu máy bay mới phải đối mặt với khả năng kém hấp dẫn hơn. Những ngành với cấu trúc ổn định và hẹp, nơi kẻ có quyền nắm chắc quyền lực và những đối thủ mới gặp khó khăn, chung đặc điểm là có quyền lực thị trường rất lớn. Nói một cách dễ hiểu, điều đó có nghĩa là năng lực không cần cạnh tranh mà vẫn kiếm được lợi nhuận. Trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, nếu bạn bán trên giá chi phí biên (chi phí sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm nữa, được giả định rằng giống nhau với tất cả các nhà sản xuất trong ngành đó), sẽ không ai mua, bởi tất cả những đối thủ cạnh tranh khác sẽ bán giá thấp hơn bạn. Một công ty sở hữu càng nhiều sức mạnh thị trường, nó càng có thể thiết lập giá mà không phải lo lắng về các đối thủ. Sức mạnh thị trường càng chiếm ưu thế giữa những công ty trong một lĩnh vực hay thị trường cụ thể, trật tự thứ bậc càng bền vững. Sự khác biệt trong “bảng xếp hạng” doanh nghiệp trong một lĩnh vực như chăm sóc và vệ sinh cá nhân - nơi thứ hạng của những công ty như Procter and Gamble, Colgate Palmolive và các công ty hàng đầu khác hầu như đã không thay đổi trong vài thập kỷ - và ngành máy tính cá nhân, nơi bảng xếp hạng liên tục thay đổi thường liên quan rất lớn tới quyền lực thị trường. Quyền lực thị trường rốt cuộc mang tính loại trừ và đương nhiên là phản cạnh tranh. Nhưng ngay cả với những công ty đã tận hưởng một vị thế bên trong thành lũy, được bảo vệ bởi rào cản hạn chế sự gia nhập của những tay chơi mới, một đời sống dễ dàng hay thậm chí là sự sống còn của công ty đó còn lâu mới được bảo đảm. Những đối thủ hiện hữu có thể giành được quyền lực thị trường và hướng nó chống lại họ, tận dụng sự áp đảo của họ trên thị trường để mua đứt các công ty đó hay đẩy họ tới chỗ phá sản. Sự thông đồng hay loại trừ thường thấy giữa những công ty hoạt động trong những lĩnh vực hay các quốc gia mà sự cạnh tranh công khai là khắc nghiệt và quyền lực thị trường ngự trị. Chủ doanh nghiệp thích tán dương sự cạnh tranh, nhưng giám đốc điều hành của một công ty áp đảo sẽ quan tâm nhiều hơn hẳn tới việc bảo vệ được quyền lực thị trường. Những xem xét này cũng thường áp dụng một cách hữu ích cho động cơ quyền lực giữa những kẻ cạnh tranh trong các lĩnh vực khác - tức là cho những nhân tố không phải là các doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Tiếp tới chúng ta áp dụng bộ ý tưởng này để minh họa điều sẽ xảy ra với những lĩnh vực tương đương “quyền lực thị trường” trong xung đột vũ trang, chính trị đảng phái và các hoạt động khác. RÀO CẢN GIA NHẬP: CHÌA KHÓA TỚI SỨC MẠNH THỊ TRƯỜNG Đâu là những nguồn gốc của sức mạnh thị trường? Trong thế giới kinh doanh, điều gì khiến những công ty nhất định đạt được sự thống trị và duy trì vị thế không thể thách thức trong một thời gian dài? Tại sao một số lĩnh vực tạo ra sự vươn lên của những công ty độc quyền, lũng đoạn do hai doanh nghiệp, hay một nhóm nhỏ các công ty có thể thông đồng việc định giá hay tiếp cận với giới làm luật, trong khi những ngành khác vẫn thân thiện với hàng loạt các công ty nhỏ cạnh tranh quyết liệt với nhau? Tại sao thứ bậc của các công ty trong một số ngành gần như không thay đổi qua thời gian, trong khi ở những ngành khác lại thay đổi liên tục? Với những chuyên gia tổ chức doanh nghiệp muốn tìm hiểu các công ty đạt được lợi thế so với các đối thủ ra sao, nhân tố khiến một tay chơi mới gặp khó khăn trong việc tham gia một lĩnh vực cụ thể và cạnh tranh thành công là cực kỳ quan trọng. Họ có thể soi sáng về cách quyền lực được giành lấy, nắm giữ, sử dụng và mất đi như thế nào, dù là trong một thị trường hay ở nơi khác. Một số rào cản gia nhập có nguồn gốc từ những điều kiện cơ bản. Chúng có thể liên quan tới đặc điểm kỹ thuật của ngành đó: chế tạo nhôm chẳng hạn, đòi hỏi những nhà máy luyện khổng lồ, xây dựng tốn kém, tiêu tốn nhiên liệu. Những điều kiện cơ bản cũng có thể phản ánh cách một ngành bị trói buộc vào vị trí địa lý cụ thể ra sao. Lấy ví dụ, liệu nó có đòi hỏi nguồn lực tự nhiên chỉ được tìm thấy ở một vài nơi? Hay liệu sản phẩm có cần phải được xử lý hay đóng gói gần với nơi nó sẽ được bán, như trong trường hợp của xi-măng, hay nó có thể được trữ đông lạnh, như với tôm từ Trung Quốc hay thịt cừu từ New Zealand hay rau củ từ Mexico, và chở đi khắp thế giới? Liệu có cần một nhóm những kỹ năng chuyên môn hóa cao độ, như một tiến sĩ vật lý, hay người thành thạo ngôn ngữ lập trình máy tính? Tất cả những câu hỏi này chỉ ra những yêu cầu giải thích tại sao việc mở, lấy ví dụ, một nhà hàng, công ty cắt cỏ hay công ty lau dọn lại dễ hơn gia nhập ngành sản xuất thép, nơi bạn không chỉ cần vốn, thiết bị đắt tiền, một nhà máy lớn, những đầu vào đắt đỏ và cụ thể, mà còn có thể phải gánh chịu chi phí vận chuyển khổng lồ. Những rào cản khác với việc gia nhập có nguồn gốc từ luật lệ, các giấy phép và thương hiệu. Những ví dụ bao gồm tư cách thành viên ở các hội luật sư, giấy phép hành nghề bác sĩ, việc thanh tra quy hoạch, vệ sinh cùng các cơ sở, giấy phép bán rượu và những rào cản khác một người có thể phải đối mặt khi cố mở một nhà hàng. Những rào cản như thế - dù xuất phát từ quy mô, sự tiếp cận với tài nguyên chủ chốt, sự tiếp cận với công nghệ chuyên môn hóa hay những đòi hỏi pháp lý và luật lệ - là những rào cản cấu trúc mà bất cứ công ty nào muốn cạnh tranh trong thị trường phải đối mặt. Ngay cả với công ty đã hoạt động trong một thị trường cụ thể, những rào cản này vẫn khó thay đổi - dù các công ty tăng trưởng lớn mạnh thường có thể ảnh hưởng lên môi trường luật pháp của họ. Bên cạnh rào cản cấu trúc thường trực còn có thêm rào cản chiến lược. Những kẻ đang nắm quyền lực tạo ra những rào cản chiến lược để ngăn đối thủ mới xuất hiện và ngăn đối thủ hiện hữu tăng trưởng. Những ví dụ bao gồm các thỏa thuận tiếp thị độc quyền (ví dụ, thỏa thuận giữa AT&T và Apple khi iPhone lần đầu ra mắt), những hợp đồng dài hạn ràng buộc nhà cung cấp với người bán (ví dụ, nhà sản xuất dầu và nhà máy lọc dầu), sự thông đồng và ấn định giá (ví dụ, nỗ lực nổi tiếng những năm 1990 của Archer Daniels Midland và các công ty khác nhằm ấn định giá phụ gia cho thức ăn gia súc) và vận động hành lang các chính trị gia để khai thác những lợi thế riêng từ chính phủ (ví dụ, một giấy phép điều hành sòng bạc độc quyền trong một vùng nhất định). Chúng cũng có thể bao gồm hoạt động quảng cáo, khuyến mãi đặc biệt, quảng bá sản phẩm, những đợt giảm giá thường xuyên cho người tiêu dùng và các phương tiện tiếp thị tương tự, khiến việc gia nhập trở nên khó khăn cho những đối thủ cạnh tranh tương lai. Thật ra, khó phá vỡ được rào cản đó, ngay cả với sản phẩm gây phấn khích nhất, khi bạn cần một ngân sách quảng cáo cực kỳ đắt đỏ để những khách hàng tiềm năng biết rằng sản phẩm của bạn tồn tại, và ngân sách còn lớn hơn để thuyết phục họ thực sự thử nó.[3] TỪ NHỮNG RÀO CẢN GIA NHẬP TỚI NHỮNG RÀO CẢN VỚI QUYỀN LỰC Vì thế không có gì ngạc nhiên khi không ít sự nhiệt tình cạnh tranh, không chỉ trong kinh doanh mà cả trong các lĩnh vực khác, được đầu tư vào việc dựng lên hay phá vỡ những rào cản với quyền lực - tức là, ảnh hưởng tới cuộc chơi bằng cách thay đổi những luật lệ và yêu cầu của nó. Điều này đặc biệt đúng trong chính trị, nơi các đảng phái và ứng cử viên thường xuyên tiêu tốn cực kỳ nhiều năng lượng trong những cuộc chiến phân định các khu vực bầu cử (hành động nổi tiếng ở Mỹ qua thuật ngữ “gerrymandering”, tức hành vi cố ý điều chỉnh các ranh giới địa lý của khu vực bầu cử để giành ưu thế), hay xử lý cơ cấu về cân bằng giới tính trong Quốc hội và những danh sách ứng viên, như ở Argentina và Bangladesh, nơi một hạn ngạch các ghế trong Quốc hội được dành cho phụ nữ. Ở Ấn Độ, nơi những người Dalit (từng là đẳng cấp thấp nhất trong xã hội, được biết tới là đẳng cấp của “những người không thể đụng đến”) có những ghế được dành sẵn trong Quốc hội và nghị viện vùng, những cuộc chiến chính trị và pháp lý quyết liệt đã nổ ra liên quan tới việc mở rộng lợi ích cho nhóm người được gọi là Những giai cấp tụt hậu khác (OBCs). Ở nhiều nước, những nhà lãnh đạo với xu hướng toàn trị đã tìm cách loại trừ đối thủ chính trị trong khi duy trì một bức bình phong dân chủ bằng cách thúc đẩy thông qua những cải cách trong luật bầu cử, “vô tình” loại bỏ những đối thủ bằng các tiểu tiết. Những cuộc chiến liên quan tới đóng góp của doanh nghiệp cho chính trị, quảng cáo chính trị, việc tiết lộ thông tin và quyền tiếp cận phát sóng thường hiểm độc hơn nhiều so với những cuộc chiến về chính sách. Các đảng phái vốn bất đồng kịch liệt trong câu hỏi chính sách lớn lại có thể sát cánh bên nhau để bảo vệ các điều luật trao cho họ, cùng nhau, phần chia những chiếc ghế trong Quốc hội lớn hơn. Rốt cuộc, một cuộc bầu cử thất bại luôn có thể lật ngược lại, nhưng những luật lệ mới sẽ thay đổi cuộc chơi.[4] Cuối cùng, những rào cản với quyền lực cản trở các tay chơi mới triển khai đủ cơ bắp, quy tắc, lời rao, và phần thưởng, hay sự kết hợp của những thứ đó, để đạt được một vị thế cạnh tranh, và ngược lại, cho phép những công ty, đảng phái, quân đội, giáo hội, tổ chức, trường đại học, tờ báo và liên đoàn lao động (hay bất cứ loại tổ chức nào khác liên quan) đang nắm quyền duy trì sự áp đảo của họ. Trong nhiều thập kỷ, thậm chí là thế kỷ, những rào cản với quyền lực là chỗ trú ẩn cho nhiều quân đội, tập đoàn, chính phủ, đảng phái, các định chế xã hội và văn hóa lớn. Hiện giờ, những rào cản đó đang bị lung lay, xói mòn, rò rỉ hay không còn thích hợp. Để đánh giá sự chuyển đổi này sâu sắc ra sao, nó xoay chuyển dòng thủy triều lịch sử như thế nào, chúng ta cần xem xét lại tại sao và như thế nào mà quyền lực trở nên to lớn từ đầu. Chương tiếp theo giải thích bằng cách nào, vào thế kỷ XX, thế giới đi tới chỗ - theo suy nghĩ thông thường - mà quyền lực đòi hỏi quy mô và không tồn tại cách nào tốt, hiệu quả và bền vững hơn để thực thi quyền lực là thông qua những tổ chức thứ bậc và tập trung lớn. CHƯƠNG BA QUYỀN LỰC TRỞ NÊN TO LỚN NHƯ THẾ NÀO Sự Vươn Lên Không Thể Nghi Ngờ Của Một Giả Định H ãy tự chọn cho bạn thời gian câu chuyện bắt đầu. Liệu đó có phải là năm 1648, khi Hòa ước Westphalia dẫn đường cho nhà nước-quốc gia hiện đại, thay thế cho trật tự hậu trung cổ của những nhà nước-thành bang và những lãnh địa chồng lấn lên nhau? Liệu đó có phải là năm 1745, khi một quý tộc và quan chức thương mại Pháp tên là Vincent de Gournay được cho là đã nghĩ ra từ bureaucracy (hệ thống quan liêu)? Hay có lẽ là năm 1882, khi một nhóm nhỏ những ty công dầu khí ở Mỹ hợp lại thành hãng khổng lồ Standard Oil - giữa sự trỗi dậy của những ngành kinh doanh mới quy mô lớn khác, báo trước một làn sóng sáp nhập kỳ vĩ một thập kỷ sau đó sẽ kết thúc thời hoàng kim của chủ nghĩa tư bản nhỏ, địa phương, công ty hộ gia đình để thiết lập một trật tự mới dựa trên những tập đoàn khổng lồ? Dù là cột mốc nào, vào đầu thế kỷ XX, chúng và những tiến bộ vượt bậc khác - tất cả nói chung đều được cho là phản ánh sự tiến bộ của con người, khoa học và sức sáng tạo - đã củng cố một sự nhất trí diện rộng về cách tích lũy, nắm giữ và thực thi quyền lực. Và vào khoảng giữa thế kỷ, sự to lớn đã chiến thắng. Các cá nhân, thợ thủ công, công ty gia đình, thành bang, hay nhóm rời rạc những người với khuynh hướng giống nhau không còn có thể đứng vững trước những lợi thế choáng ngợp của các tổ chức lớn. Giờ quyền lực đòi hỏi kích cỡ, quy mô và một tổ chức mạnh mẽ, tập trung, phân chia thứ bậc. Dù tổ chức được nói tới là General Motors, Giáo hội Công giáo hay Hồng quân, câu hỏi thực dụng về cách tổ chức để giữ được quyền lực tối đa đã có câu trả lời rõ ràng: trở nên to lớn hơn. Để hiểu ý tưởng về sự to lớn bén rễ như thế nào, chúng ta phải bắt đầu với một số cơn lốc lịch sử. Đặc biệt, chúng ta phải dành thời gian để làm quen với bậc thầy về lịch sử kinh doanh người Mỹ, cha đẻ ngành xã hội học hiện đại người Đức và kinh tế gia người Anh giành giải Nobel nhờ việc lý giải tại sao trong kinh doanh, lớn hơn thường là tốt hơn. Kết hợp lại, những công trình tương ứng của họ soi rọi không chỉ việc tạo ra hệ thống quan liêu hiện đại đã khiến việc thực thi quyền lực hiệu quả như thế nào, mà còn cách những tập đoàn thành công nhất thế giới - cũng như các tổ chức từ thiện, giáo hội, quân đội, đảng chính trị và trường đại học - sử dụng việc thực thi quyền lực qua hệ thống quan liêu để ngăn cản các đối thủ và thúc đẩy lợi ích của chính mình. Các sử gia đã xác nhận mầm mống của hệ thống quan liêu hiện đại nằm trong những hệ thống chính quyền từ thời Trung Quốc, Ai Cập và La Mã cổ đại. Trong cả hoạt động quân sự và hành chính, người La Mã đã đầu tư mạnh mẽ vào các tổ chức quy mô lớn, phức tạp, tập trung. Sau đó rất lâu, Napoleon Bonaparte và nhiều người ở châu Âu, hấp thu những bài học của thời đại Khai sáng, sẽ gắn kết với nền hành chính tập trung và chuyên nghiệp hóa như một cách tiến bộ và duy lý để vận hành một chính phủ. Tiếp thu mô hình đó và phỏng theo những ví dụ của Mỹ và châu Âu, Nhật Bản thời Minh Trị tập hợp một nền quan liêu chuyên nghiệp - bao gồm, trên hết, Bộ Công nghiệp, được thành lập vào năm 1870 - để tái cấu trúc lại xã hội và bắt kịp với phương Tây. Tới Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, quốc gia-nhà nước với một chính phủ và cơ quan nhà nước thống nhất là hình mẫu trên toàn thế giới, bao gồm cả những thuộc địa. Ở Ấn Độ chẳng hạn, nhà cầm quyền người Anh đã thành lập Cơ quan Dân sự Ấn Độ (Indian Civil Service), sẽ tiếp tục hoạt động sau khi Ấn Độ độc lập, với vai trò Cơ quan Hành chính Ấn Độ (Indian Administrative Service) đầy uy tín, một con đường sự nghiệp rất được giới học thức tinh hoa thèm muốn. Dù là thị trường tự do hay xã hội chủ nghĩa, cai trị bởi một đảng hay nền dân chủ linh hoạt, các quốc gia khắp thế giới trong thế kỷ XX chia sẻ cam kết với một nền hành chính tập trung lớn - đó chính là hệ thống quan liêu. Điều tương tự cũng xảy ra trong đời sống kinh tế. Được thúc đẩy bởi công nghệ, những yêu cầu với nền công nghiệp quy mô lớn cùng luật lệ mới, các công ty nhỏ phải nhường đường cho những công ty lớn, nhiều phòng ban, phân chia thứ bậc và vận hành theo kiểu hành chính, một giống loài chưa tồn tại trước năm 1840. Trong giai đoạn mà các học giả gọi là phong trào sáp nhập lớn lần thứ nhất ở Mỹ - thời kỳ kéo dài một thập kỷ từ 1895 tới 1904 - không dưới 1800 công ty nhỏ đã biến mất trong làn sóng sáp nhập. Những cái tên quen thuộc của nhiều thương hiệu lớn ngày nay có nguồn gốc từ thời kỳ đó. General Electric được thành lập từ lần sáp nhập vào năm 1892. Coca-Cola cũng được thành lập năm đó, và Pepsi năm 1902. Công ty Điện thoại và Điện tín Hoa Kỳ (tiền thân của AT&T) được thành lập năm 1885. Westinghouse, năm 1886. General Motors, năm 1908, và vân vân. Tới năm 1904. 78 tập đoàn kiểm soát hơn một nửa sản lượng trong ngành kinh doanh của riêng họ và 28 công ty kiểm soát hơn 4/5.[1] Bình luận về sự đảo lộn mà những tổ chức mới này đại diện, một Henry Adams đầy ngờ vực đã nhận xét rằng “những quỹ tín thác và các tập đoàn đại diện cho phần lớn hơn của quyền lực mới được tạo ra từ năm 1840, và chúng vô cùng đáng ghét vì sức mạnh mãnh liệt và vô đạo đức của mình. Chúng có tính cách mạng, gây khó khăn cho tất cả những thông lệ và giá trị cũ, giống như hàng đoàn tàu chạy bằng hơi nước trên đại dương gây khó chịu cho một đàn cá trích”.[2] “Cuộc cách mạng quản trị” này, như sử gia về kinh doanh vĩ đại Alfred Chandler đặt tên, cũng lan từ nơi ông gọi là “mảnh đất gieo hạt”, nước Mỹ, sang phần còn lại của thế giới tư bản. Nền công nghiệp ở Đức ngày càng bị thống trị bởi những công ty lớn như AEG, Bayer, BASF, Siemens, và Krupp - nhiều trong số đó ra đời ở thế kỷ XIX - mà chính chúng cũng kết hợp thành những quỹ tín thác chính thức và không chính thức còn lớn hơn. Ở Nhật Bản, với sự giúp đỡ từ chính quyền, những zaibatsu* vừa thành lập đã mở rộng sang những ngành mới như dệt, thép, đóng tàu và đường sắt. Chandler lập luận một cách thuyết phục rằng việc sử dụng động cơ hơi nước ngày càng tinh vi trong ngành sản xuất chế tạo ở thế kỷ XIX cũng như sự phổ biến của điện và các sáng kiến khác trong quản trị dẫn tới cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai, sản sinh ra những công ty lớn hơn nhiều so với những công ty đã nổi lên trong cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỷ trước. Những nhà máy công nghiệp mới này sử dụng nhiều hơn hẳn vốn, lao động và những người quản lý. Kết quả là, tăng trưởng về quy mô trở thành điều kiện tiên quyết cho thành công trong kinh doanh và to lớn trở nên đồng nghĩa với sức mạnh của doanh nghiệp. Trong tác phẩm đầy ảnh hưởng của ông (được đặt tên thật hợp The Visible Hand (tạm dịch: Bàn Tay Hữu Hình)), Chandler lập luận rằng bàn tay hữu hình của các giám đốc đầy quyền lực đã thay thế bàn tay vô hình của các lực lượng thị trường là động cơ chính cho kinh doanh hiện đại.[3] Quyền lực và quyết định của các giám đốc chuyên nghiệp này, người dẫn dắt những công ty khổng lồ hay những đơn vị khổng lồ trong các công ty đó, định hình nên các hoạt động và đầu ra kinh tế nhiều không kém, nếu không muốn nói là hơn, so với giá cả được xác định bởi sự trao đổi trên thị trường. Sự nổi lên và thống trị của những công ty công nghiệp lớn này dẫn tới việc Chandler xác định ba mô hình riêng biệt của chủ nghĩa tư bản, mỗi mô hình gắn với một trong ba thành trì của chủ nghĩa tư bản ở thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai: (a) “chủ nghĩa tư bản cá nhân” được hình thành ở Vương quốc Anh, (b) chủ nghĩa tư bản cạnh tranh (hay quản lý) phổ biến ở Liên bang Mỹ, và (c) “chủ nghĩa tư bản hợp tác” của Đức.[4] Theo quan điểm của Chandler, ngay cả những công ty công nghiệp lớn thành công ở Anh cũng bị suy yếu bởi bản chất gia đình của một đế chế doanh nhân thống trị sở hữu và quản lý chúng: chúng thiếu động cơ, sự nhanh nhạy và tham vọng của những đồng nghiệp Mỹ. Ngược lại, việc tách biệt sự sở hữu và quản lý mà Chandler gọi là “chủ nghĩa tư bản quản trị” đã cho phép các công ty Mỹ áp dụng hình thức tổ chức mới - đáng chú ý là cấu trúc đa bộ phận, hay “Mô hình M”* - vốn ưu thế hơn hẳn trong việc huy động và phân bổ vốn, thu hút tài năng, sáng tạo và đầu tư vào sản phẩm lẫn tiếp thị. Mô hình M, vốn đòi hỏi một sự liên kết của các nhóm bán-độc-lập phụ trách sản phẩm cũng như các nhóm địa lý trong một tổng hành dinh trung tâm, cho phép xử lý các hoạt động quy mô lớn hiệu quả hơn và tạo ra những tập đoàn tăng trưởng nhanh hơn. Ngược lại, khuynh hướng của các công ty Đức hợp tác với những liên đoàn lao động dẫn tới hệ thống mà Chandler gọi là “chủ nghĩa tư bản hợp tác”, dần dần được biết đến với tên gọi “đồng quyết định”. Các công ty Đức cố gắng hết sức để thêm vào nhiều bên có lợi ích liên quan trong cấu trúc quản trị của công ty ngoài những cổ đông và những giám đốc cấp cao. Dù ba hệ thống này có nhiều điểm khác nhau, chúng có một điểm chung cực kỳ quan trọng: trong từng trường hợp, quyền lực doanh nghiệp nằm ở những công ty quy mô lớn. Kích cỡ dẫn tới quyền lực và ngược lại. Dù chúng ta gọi nó là Kinh doanh lớn, Chính phủ lớn hay Lao động lớn, chiến thắng của những tổ chức to lớn, tập trung này xác nhận và củng cố giả định chung ngày càng phổ biến rằng lớn là tốt nhất. Và rằng đạt được quyền lực trong bất kỳ lĩnh vực tương quan nào là nhiệm vụ phù hợp nhất với một kiểu tổ chức hiện đại và duy lý nhất định, hiệu quả nhất khi ở cấu trúc tập trung và to lớn. Và nếu ý tưởng này tiếp nhận được sức mạnh của sự thông thái, một lý do chủ chốt là bởi nó đã tìm thấy sự ủng hộ về học thuật mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế học, xã hội học và khoa học chính trị. Tất cả sự ủng hộ đó xuất phát, về cơ bản, từ công trình đầy ảnh hưởng của một nhà khoa học xã hội lừng lẫy: Max Weber. MAX WEBER, HAY TẠI SAO KÍCH CỠ LẠI QUAN TRỌNG Max Weber còn hơn một nhà xã hội học người Đức. Ông là một trong những học giả xuất sắc nhất ở thời của mình, một bộ óc phi thường về kinh tế học, lịch sử, tôn giáo, văn hóa và hơn thế nữa. Ông viết về lịch sử kinh tế và pháp luật phương Tây, những nghiên cứu về tôn giáo Ấn Độ, Trung Quốc và Do Thái, về quản trị nhà nước, đời sống đô thị và cuối cùng, một kiệt tác, Economy and Society (Nền Kinh Tế Và Xã Hội), xuất bản năm 1922, hai năm sau khi ông qua đời. Ông cũng là, như nhà khoa học chính trị và xã hội học Alan Wolfe đã nhận xét, “học giả hàng đầu trong những câu hỏi về quyền lực và quyền hành trong thế kỷ XX”,[5] và vì vấn đề đó mà chúng ta gặp ông ở đây. Thật vậy, Weber và những học thuyết của ông về hệ thống quan liêu là cực kỳ quan trọng để hiểu quyền lực có thể được sử dụng thực tế như thế nào. Sinh năm 1864, Weber trưởng thành ở nước Đức khi quốc gia này đang thống nhất từ hàng loạt những công quốc khu vực, dưới sự thúc đẩy của Thủ tướng Phổ Otto von Bismarck, và biến thành một quốc gia công nghiệp hiện đại. Weber, dù là một trí thức, tham gia vào quá trình hiện đại hóa này trong nhiều vai trò khác nhau - không chỉ như một học giả mà còn như một cố vấn cho thị trường chứng khoán Berlin, một nhà tư vấn cho các nhóm cải cách chính trị và một sĩ quan dự bị trong quân đội của hoàng đế.[6] Ông được dư luận chú ý lần đầu với nghiên cứu gây tranh cãi về thân phận những người lao động trong nông nghiệp Đức bị mất nhà cửa vì những người di cư Ba Lan, trong đó ông tranh luận rằng những điền trang lớn của người Đức nên được phân ra thành những mảnh đất giao cho người lao động để khuyến khích họ ở lại với đất đai. Sau khi nhận một vị trí ở Đại học Freiburg, ông một lần nữa lại làm dấy lên tranh luận với những đề xuất đưa nước Đức theo con đường của “Chủ nghĩa đế quốc tự do” để xây dựng những cấu trúc chính trị và thể chế cần thiết cho một nhà nước hiện đại.[7] Năm 1898, sau một cuộc tranh cãi nảy lửa trong gia đình gây nên cái chết của cha ông, Weber bị đột quỵ và mắc chứng suy nhược thần kinh khiến ông không thể giảng dạy nữa. Trong giai đoạn hồi phục một cơn suy nhược, vào năm 1903, ông được Hugo Munsterberg, một giáo sư Harvard về tâm lý học ứng dụng, mời gia nhập những học giả quốc tế trong một hội nghị ở St. Louis, Missouri. Weber đã chấp nhận, bị lôi cuốn bởi sự hấp dẫn của nước Mỹ và điều ông từng coi là những hình thức kinh tế và chính trị còn tương đối kém phát triển, cơ hội để tìm tòi sâu hơn về Thanh giáo (tác phẩm ảnh hưởng nhất của ông, The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism (Nền Đạo Đức Tin Lành Và Tinh Thần Của Chủ Nghĩa Tư Bản), sẽ xuất hiện không lâu sau đó), kèm theo một khoản thù lao hậu hĩnh. Như sử gia người Đức Wolfgang Mommsen sau này viết, chuyến đi sẽ “có tầm quan trọng mấu chốt trong tư duy xã hội và chính trị của ông”.[8] Tới nước Mỹ năm 1904, Weber đã mở rộng chuyến thăm giảng dạy của ông thành một đợt thực nghiệm quan sát và thu thập thông tin lớn khắp quốc gia này. Ông dành hơn 180 giờ trên tàu hỏa trong một khoảng thời gian gần ba tháng, ghé thăm New York, St. Louis, Chicago, Muskogee, Oklahoma (để thấy đất nước của người da đỏ), Mt. Airy, North Carolina (nơi ông có bà con) và những nơi lặt vặt khác (cuộc gặp với William James chẳng hạn, ở Cambridge, Massachusetts). Weber đã đi từ một quốc gia hiện đại tới một đất nước còn hiện đại hơn. Thật vậy, như Weber đánh giá nước Mỹ, nó đại diện cho “lần gần nhất trong lịch sử lâu dài của loài người mà quá nhiều điều kiện ưu ái để một sự phát triển tự do và kỳ vĩ tồn tại”.[9] Mỹ là xã hội tư bản quyết liệt nhất mà Weber từng thấy, ông nhận ra nó là dự cảm cho tương lai. Những tòa nhà chọc trời ở New York và Chicago với ông là “những thành trì của tư bản”, ông choáng ngợp bởi cầu Brooklyn và bởi những xe lửa, xe điện, thang máy của cả hai thành phố. Nhưng Weber cũng có nhiều điều để chê bai nước Mỹ. Ông bị sốc vì điều kiện lao động, sự thiếu an toàn ở nơi làm việc, tình trạng tham nhũng lan tràn trong các quan chức thành phố và lãnh đạo lao động, sự bất lực của các công chức nhà nước điều hành toàn bộ đống hỗn loạn và đuổi theo nền kinh tế năng động. Ở Chicago, mà Ông gọi là “một trong những thành phố khó tin nhất”, ông đã lang thang qua những bãi nuôi gia súc, những dãy nhà tập thể và những con phố, chứng kiến cư dân của thành phố làm việc và vui chơi, ghi nhận trật tự của dân địa phương theo sắc tộc (người Đức làm bồi bàn, người Ý chuyên đào đất, còn người Ireland là những chính trị gia) và quan sát các phong tục địa phương. Thành phố, ông nhận xét, “giống như một cơ thể sống với lớp da được bóc tách, nhìn thấy những ruột gan đang hoạt động”.[10] Sự phát triển tư bản đang vận động nhanh, ông ghi nhận thêm, mọi thứ “đối lập với văn hóa của chủ nghĩa tư bản sẽ bị hủy diệt với một sức mạnh không thể ngăn cản”.[11] Điều Weber thấy ở Mỹ đã xác nhận và củng cố những ý tưởng của ông về tổ chức, quyền lực và quyền hành - ông sẽ tiếp tục viết ra một bộ tác phẩm đồ sộ giúp ông đạt tới danh tiếng “cha đẻ của khoa học xã hội hiện đại”. Học thuyết của Weber về quyền lực, được trình bày trong Economy and Society, bắt đầu với quyền hành - cơ sở mà trên đó “sức mạnh chi phối” được giải thích và thực hành. Dựa trên kiến thức bách khoa bản thân về lịch sử toàn cầu, Weber lập luận rằng, trong quá khứ, phần lớn quyền hành là “truyền thống” - tức là được thừa kế bởi những người nắm quyền và được chấp nhận bởi những thần dân của kẻ nắm quyền. Một nguồn thứ hai của quyền hành là “sức lôi cuốn”, mà qua đó một lãnh đạo cá nhân được những người đi theo cho rằng sở hữu tài năng đặc biệt. Nhưng hình thức thứ ba của quyền hành - và hình thức phù hợp với thời hiện đại - là quyền hành “quan liêu” và “duy lý”, có cơ sở là luật pháp và được thi hành bởi một cấu trúc hành chính có thể thực thi những luật lệ rõ ràng và nhất quán. Nó dựa trên, Weber viết, “lòng tin vào hiệu lực của quy chế pháp lý và thẩm quyền theo chức năng trên cơ sở những luật lệ được tạo ra một cách duy lý”. Và vì thế, Weber tin rằng, điểm mấu chốt để thực thi quyền lực trong xã hội hiện đại là sự tổ chức quan liêu. Hệ thống quan liêu với Weber không phải là từ có ý nghĩa tiêu cực như ngày nay. Nó mô tả hình thức tổ chức tiến bộ nhất con người đã đạt được và phù hợp nhất cho sự phát triển trong một xã hội tư bản chủ nghĩa. Weber đã điểm lại những đặc điểm cơ bản của sự tổ chức quan liêu: những công việc cụ thể với các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và phạm vi quyền hành chi tiết cũng như một hệ thống giám sát, hỗ trợ rõ ràng, cùng sự thống nhất trong mệnh lệnh. Những tổ chức như thế dựa rất nhiều vào các tài liệu và hệ thống liên lạc qua văn bản, vào việc huấn luyện nhân sự dựa trên đòi hỏi với từng vị trí và những kỹ năng mà công việc đó cần. Điều quan trọng là hoạt động bên trong của tổ chức quan liêu dựa trên sự áp dụng luật lệ toàn diện và nhất quán cho tất cả mọi người, bất chấp hoàn cảnh kinh tế xã hội hay các mối liên hệ gia đình, tôn giáo và chính trị. Vì thế, sự tuyển dụng, trách nhiệm và thăng tiến dựa trên năng lực và kinh nghiệm - chứ không phải, như trong quá khứ, trên cơ sở các mối liên hệ gia đình hay quan hệ cá nhân.[12] Nước Đức đã ở tiền phương của những nỗ lực tại châu Âu trong việc tạo ra dịch vụ dân sự hiện đại, bắt đầu với nước Phổ ở thế kỷ XVII và XVIII. Vào thời kỳ của Weber, quá trình đó được tăng tốc, song song với những phát triển ở các nước khác làm giảm phạm vi của sự bảo trợ dựa trên mối quan hệ thân quen, ủy ban Cơ quan Dân sự Anh, được thành lập năm 1855, là một ví dụ như thế. Một ví dụ khác là ủy ban Cơ quan Dân sự Mỹ, được thành lập năm 1883 để kiểm soát việc vào làm ở các cơ quan Liên bang. Và năm 1874 chứng kiến bước đầu tiên hướng tới một cơ quan dân sự quốc tế, với sự thành lập Liên minh Bưu chính Quốc tế. Trong chuyến đi Mỹ của mình, Weber cũng chứng kiến cuộc cách mạng song song trong các phương pháp và sự tổ chức quan liêu ở những người tiên phong mới trong lĩnh vực kinh doanh. Ở những bãi chăn nuôi gia súc ở Chicago, nơi các nhà máy đóng hộp đứng ở tiền tuyến của sự cơ giới hóa và chuyên môn hóa dựa trên dây chuyền lắp ráp với nhiệm vụ cho phép ban quản lý thay thế những lao động thiếu kỹ năng bằng những công nhân khéo léo, Weber bị kích thích cao độ bởi “mức độ quyết liệt trong công việc”.[13] Nhưng ngay giữa “lò mổ hàng loạt và những biển máu”, đầu óc phán đoán của ông vẫn hoạt động: Từ khoảnh khắc khi con bò ngơ ngác vào khu vực giết mổ, nó bị đánh bằng một cái búa và đổ gục, rồi nó ngay lập tức bị chụp lấy bởi một cái kẹp bằng sắt, bị nhấc bổng lên và bắt đầu hành trình, nó liên tục chuyển động - qua những công nhân mới liên tục, những người moi ruột và lột da nó, vân vân, nhưng luôn (trong nhịp điệu của công việc) bị cột chặt vào cỗ máy kéo con vật đi qua họ... Ở đó, một người có thể theo dõi con vật từ chuồng cho tới khi nó biến thành xúc xích và thịt hộp.[14] Với những giám đốc, sản xuất công nghiệp quy mô lớn trong một thị trường ngày càng quốc tế hóa đòi hỏi lợi thế của sự chuyên môn hóa và thứ bậc quan liêu, hay như Weber liệt kê: “sự chính xác, tốc độ, sự rõ ràng, kiến thức về từng phần công việc, sự tiếp nối, sự suy xét khôn ngoan, sự lệ thuộc chặt chẽ, sự giảm bớt những va chạm tạo ra chi phí về vật chất và con người”.[15] Điều tốt cho một chính phủ tiên tiến cũng tốt cho kinh doanh tiên tiến. “Thông thường”, Weber viết, “những doanh nghiệp tư bản rất lớn và hiện đại tự chúng là những mô hình không gì sánh được của sự tổ chức quan liêu chặt chẽ”.[16] Nêu ra hàng loạt ví dụ, Weber rốt cuộc chứng tỏ rằng những cấu trúc duy lý, được chuyên nghiệp hóa, phân chia thứ bậc và tập trung đang nổi lên trong mọi lĩnh vực, từ những đảng chính trị tới những liên đoàn lao động thành công, “những cấu trúc thuộc về nhà thờ”, và những trường đại học lớn. “Việc quyền hành được thực thi ở khu vực ‘tư’ hay ‘công’ không phải là vấn đề với đặc điểm của hệ thống quan liêu”, Weber viết. “Nơi nào mà hệ thống hành chính quan liêu đã được thực thi hoàn toàn”, ông kết luận, “một hình thức của quan hệ quyền lực được xác lập và trên thực tế là không thể lay chuyển”.[17] THẾ GIỚI ĐÃ ĐI THEO WEBER NHƯ THẾ NÀO Một trong những chất xúc tác dẫn tới sự lan nhanh của hệ thống quan liêu là việc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất bùng nổ, cuộc xung đột mà Weber ban đầu ủng hộ, nhưng rồi hối tiếc một cách cay đắng. Việc động viên tổng lực hàng triệu đàn ông và hàng triệu tấn vật chất đòi hỏi những sáng tạo quản trị trên chiến trường và trong hậu cần. Lấy ví dụ, do tính cố định của chiến tranh qua các chiến hào, việc cung ứng đạn dược có lẽ là yếu tố hạn chế quan trọng nhất với các chiến dịch. Một mặt trong thách thức mang tính tổ chức này là sản lượt đạn pháo 75 li của Pháp. Những nhà lập kế hoạch trước chiến tranh đặt mục tiêu sản lượng 20.000 viên đạn pháo mỗi ngày. Không lâu sau khi chiến tranh bùng nổ, họ tăng sản lượng lên 100.000 mỗi ngày - vẫn chỉ mới đạt một nửa mức sản lượng đáp ứng được yêu cầu. Tới năm 1918, hơn 1,7 triệu đàn ông, phụ nữ và cả thanh thiếu niên (bao gồm tù nhân chiến tranh, thương binh và người nước ngoài bị bắt lính) làm việc chỉ riêng ở các nhà máy đạn dược của Pháp. Như sử gia William McNeill nhận xét, “Vô số những cấu trúc quan liêu trước đó đã hoạt động ít nhiều độc lập với nhau trong bối cảnh quan hệ thị trường, hợp nhất lại thành một công ty duy nhất trên toàn quốc phục vụ việc tiến hành chiến tranh” - một quá trình diễn ra ở mọi quốc gia tham chiến.[18] Weber qua đời vì bệnh viêm phổi hai năm sau khi cuộc chiến kết thúc. Nhưng mọi chuyện xảy ra ở những thập kỷ sau cái chết của ông chỉ xác nhận các nhận định của ông về sự áp đảo mang tính nền tảng của những hệ thống quan liêu, quy mô lớn. Weber đã rất háo hức chứng tỏ sự hiệu quả của những hệ thống như thế ở các tổ chức ngoài quân đội hay kinh doanh, và điều này thực sự đã được chứng tỏ là đúng. Mô hình quản trị đó nhanh chóng bén rễ trong lĩnh vực như từ thiện chẳng hạn, khi cũng những nhà tư bản lớn tiên phong của kinh doanh hiện đại đã tạo ra nhiều quỹ từ thiện thống lĩnh việc làm từ thiện trong một thế kỷ. Tới năm 1916, có hơn 40.000 triệu phú ở Mỹ, tăng so với con số một trăm vào những năm 1870. Những nhà tài phiệt như John D. Rockefeller và Andrew Carnegie phối hợp với các nhà cải cách xã hội để bỏ tiền cho các trường đại học và tạo ra những định chế độc lập như Viện Nghiên cứu Y khoa Rockefeller, đã trở thành hình mẫu cho các định chế tương tự. Tới năm 1915, nước Mỹ đã có 27 quỹ vì mục đích chung, một sáng tạo độc đáo của người Mỹ, với những chuyên gia bên trong tổ chức tiến hành nghiên cứu độc lập với hàng loạt vấn đề xã hội và đưa ra những chương trình để cải thiện chúng. Tới năm 1930, con số đó đã phình lên hơn 200. Sự vươn lên của những quỹ độc lập về nguồn tài chính đi kèm với sự phát triển của từ thiện số đông, đặc biệt là ở những lĩnh vực như y tế cộng đồng, nơi những nhà cải cách vận động cộng đồng cho đi vì những mục tiêu xã hội rộng lớn. Năm 1905 chẳng hạn, không tới 5000 người Mỹ đóng góp thời gian và tiền bạc để chống lại bệnh lao, một tai họa chiếm tới 11% các ca tử vong trên toàn nước Mỹ. Tới năm 1915, được lãnh đạo bởi những tổ chức như Hiệp hội Quốc gia Nghiên cứu và Phòng ngừa Bệnh lao (được thành lập năm 1904), đã có tới 500.000 người quyên góp, rất nhiều trong đó tham gia vào chiến dịch nổi tiếng “dấu ấn Giáng sinh”, một sự sáng tạo từ Đan Mạch trở nên phổ biến ở Mỹ nhờ nhà cải cách Jacob Riis.[19] Tất cả những điều này liên quan gì tới quyền lực? Mọi thứ đều liên quan. Là không đủ nếu chỉ quản lý những nguồn lực lớn, mang lại quyền lực như tiền bạc, vũ khí hay những người ủng hộ. Những nguồn lực này là điều kiện tiên quyết cần thiết cho quyền lực, nhưng thiếu cách quản trị hiệu quả, quyền lực chúng tạo ra sẽ ít hiệu quả hơn hay ngắn ngủi hơn, hoặc cả hai. Thông điệp trung tâm của Weber là nếu thiếu một tổ chức đáng tin cậy, hoạt động tốt, hay theo cách nói của ông, thiếu một hệ thống quan liêu, quyền lực không thể được thực thi một cách hiệu quả. Nếu Weber giúp chúng ta nắm được lý luận và cách vận hành của hệ thống quan liêu trong thực thi quyền lực, kinh tế gia người Anh Ronald Coase sẽ giúp chúng ta hiểu những lợi thế kinh tế mà chúng mang tới cho các công ty. Năm 1937, Coase công bố một sự đột phá về mặt khái niệm giải thích tại sao những tổ chức lớn không chỉ duy lý theo học thuyết về hành vi tối đa hóa lợi nhuận mà thật ra, chúng thường chứng tỏ là hiệu quả hơn so với những tổ chức thay thế. Không phải ngẫu nhiên mà, trong khi vẫn còn là một sinh viên đại học, giai đoạn 1931-1932, Coase đã tiến hành nghiên cứu cho tài liệu đầy ảnh hưởng của ông, “The Nature of the Firm” (Bản chất của Công ty), ở Mỹ. Trước đó, ông thấy thích thú với chủ nghĩa xã hội, những điểm giống nhau trong cơ cấu tổ chức giữa các công ty Mỹ và Liên Xô, và cụ thể, với câu hỏi tại sao những ngành lớn, nơi quyền lực tập trung cao độ, nổi lên ở cả hai phía của sự chia rẽ mang tính ý thức hệ.[20] Lời giải thích của Coase - sẽ giúp ông giành giải Nobel Kinh tế nhiều thập kỷ sau đó - vừa đơn giản vừa có tính cách mạng. Ông nhận xét rằng các công ty hiện đại đối mặt với rất nhiều chi phí mà những chi phí này sẽ thấp hơn khi công ty đưa những hoạt động chức năng của họ vào bên trong thay vì phải xử lý với các công ty khác một cách độc lập. Những chi phí như thế bao gồm chi phí cho việc soạn thảo và thực thi các hợp đồng bán hàng - những chi phí mà ban đầu Coase gọi là “chi phí tiếp thị” và sau đó gọi lại là “chi phí giao dịch”. Cụ thể, chi phí giao dịch giúp giải thích tại sao một số công ty tăng trưởng bằng cách mở rộng theo chiều thẳng đứng - có nghĩa là bằng cách mua lại những hãng cung cấp và nhà phân phối cho họ - trong khi những công ty khác thì không. Lấy ví dụ, các nhà sản xuất dầu lớn thích sở hữu các nhà máy lọc dầu nơi dầu của họ được tinh chế, do điều này thường ít rủi ro và hiệu quả hơn so với việc dựa vào quan hệ thương mại với những nhà máy lọc dầu độc lập mà công ty dầu khí không thể kiểm soát được hành động. Ngược lại, một hãng bán lẻ quần áo lớn như Zara và những công ty máy tính như Apple hay Dell ít thấy hấp dẫn hơn trong việc sở hữu những cơ sở sản xuất làm ra các sản phẩm của họ. Họ ký lại hợp đồng (“thuê ngoài”) giao việc sản xuất cho một công ty khác và tập trung vào công nghệ, thiết kế, tiếp thị và bán lẻ các sản phẩm của họ. Khuynh hướng hoạt động thông qua một công ty mở rộng theo chiều thẳng đứng được thúc đẩy bởi cấu trúc thị trường nơi những người mua và người bán hoạt động trong những giai đoạn khác nhau của ngành và bởi những kiểu đầu tư cần để tiến vào ngành. Nói ngắn gọn, chi phí giao dịch xác định hình thái, kiểu mẫu tăng trưởng và rốt cuộc, chính bản chất của các công ty.[21] Dù kiến thức của Coase đã trở thành cột trụ quan trọng của kinh tế học nói chung, ảnh hưởng chính ban đầu của nó là trong lĩnh vực tổ chức công nghiệp, vốn tập trung vào những nhân tố kích thích hoặc cản trở sự cạnh tranh giữa các công ty. Ý tưởng cho rằng chi phí giao dịch quyết định kích cỡ, thậm chí là bản chất của một tổ chức, có thể được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác ngoài ngành kinh doanh để giải thích tại sao không chỉ những tập đoàn hiện đại mà cả các cơ quan chính phủ, quân đội và giáo hội trở nên to lớn và tập trung. Trong tất cả những trường hợp trên, làm vậy là duy lý và hiệu quả. Chi phí giao dịch cao tạo ra động cơ mạnh mẽ đưa những hoạt động quan trọng bị kiểm soát bởi những lực lượng bên ngoài vào bên trong tổ chức, vì thế làm nó lớn lên. Và tương tự, chi phí giao dịch càng khiến việc các tổ chức tăng trưởng bằng cách mở rộng theo chiều thẳng đứng là duy lý, thì sự tăng trưởng này càng là một trở ngại khó khăn cho những địch thủ mới tìm cách giành được chỗ đứng. Chẳng hạn, là khó khăn hơn cho đối thủ mới thách thức một công ty hiện hữu đang kiểm soát nguồn lực chính là các tài nguyên thô, hay đã thu được những kênh phân phối hay chuỗi bán lẻ chính. Điều tương tự được áp dụng cho tình huống trong đó một quân đội độc quyền kiểm soát việc cung ứng vũ khí và công nghệ, còn quân đội thứ hai buộc phải phụ thuộc vào ngành chế tạo vũ khí của một quốc gia khác. Như thế, chi phí giao dịch mà một vài tổ chức có thể tối thiểu hóa, thông qua “thu nhận” hay kiểm soát nhà cung cấp hoặc các nhà phân phối, đóng góp thêm rào cản với những đối thủ mới tiềm tàng nói riêng và rào cản để giành được quyền lực nói chung - và quy mô được thúc đẩy bởi sự tích hợp theo chiều thẳng đứng cung cấp một rào cản bảo vệ khá cao cho kẻ đang nắm quyền bởi vì những tay chơi mới hơn, nhỏ hơn có ít cơ hội hơn để cạnh tranh và thành công. Đáng chú ý là cho tới những năm 1980, nhiều chính phủ bị cuốn hút bởi việc “tích hợp” theo chiều thẳng và sở hữu lẫn vận hành các hãng hàng không, nhà máy luyện kim, nhà máy xi măng và ngân hàng. Thật vậy, sứ mệnh vì sự hiệu quả và tự trị của chính phủ thường che giấu những động cơ khác như tạo ra việc làm ở lĩnh vực công và tạo cơ hội cho việc phân phát bổng lộc, tham nhũng, phát triển cục bộ và vấn vân. Dù không thường được nhận định như thế, chi phí giao dịch thực ra là những yếu tố xác định quy mô của một tổ chức và nhiều khi là quyền lực của chính nó. Như được thảo luận dưới đây, do bản chất của chi phí giao dịch là thay đổi và ảnh hưởng của nó là giảm dần, những rào cản được sử dụng để bảo vệ kẻ quyền lực khỏi những kẻ thách thức đang rơi rụng. Và điều này xảy ra không chỉ trong địa hạt của cạnh tranh kinh doanh. HUYỀN THOẠI KHÔNG CÓ THẬT VỀ QUYỀN LỰC CỦA GIỚI TINH HOA? Trong quá trình và ở kết quả, Chiến tranh Thế giới Thứ hai đã gia cố cho phương trình của quy mô và quyền lực. “Kho đạn của nền dân chủ”, nước Mỹ, đã nạp năng lượng cho chiến thắng của quân Đồng minh, cũng giúp nền kinh tế Mỹ tăng gần gấp đôi về quy mô trong thời gian diễn ra cuộc chiến và nuôi dưỡng những tập đoàn khổng lồ là mẫu mực cho sản xuất hàng loạt. Và ai là những người chiến thắng cuối cùng trong cuộc xung đột nếu không phải là Mỹ và Liên Xô - những quốc gia trải khắp một châu lục, không phải những đảo quốc như Nhật Bản, hay thậm chí là Anh, điêu tàn và rơi xuống hạng hai vì chi phí của cuộc chiến. Vào cuối cuộc chiến, nhu cầu tiêu dùng của Mỹ vốn bị kìm hãm trước đó, được hỗ trợ bởi những khoản tiết kiệm thời chiến và nhiều chương trình mới, rộng rãi của chính phủ, đã cho phép các công ty tăng trưởng lớn hơn bao giờ hết. Mở rộng hơn và đáng ngại hơn, khi Cuộc chiến tranh Tốt đẹp chuyển cảnh sang điều mà John F. Kennedy gọi là “cuộc đấu tranh dài, ảm đạm”, cuộc tranh giành quyền làm chủ giữa phương Tây và phương Đông, đã tiếp sức cho những thế lực an ninh khổng lồ ở cả hai phía lằn ranh Chiến tranh Lạnh, mỗi bên được hướng dẫn bởi ý thức hệ của riêng mình, với những mệnh lệnh của hệ thống quan liêu trải rộng không chỉ thuần túy quân sự, mà sang cả khoa học, giáo dục và văn hóa. Như sử gia Derek Leebaert viết trong The Fifty-Year Wound (tạm dịch: Vết Thương Năm Mươi Năm), bản kết toán rộng lớn của ông về chi phí của Chiến tranh Lạnh, “Tình trạng khẩn cấp của việc thích thú sự to lớn là đứa con của thời kỳ công nghiệp hóa trước đó, của sự bất ổn an ninh cực đoan mà cuộc Đại Suy thoái gây ra cho những tổ chức nhỏ, và bởi chứng hợp tác khổng lồ của Chiến tranh Thế giới Thứ hai: những liên đoàn lớn, những doanh nghiệp lớn, chính phủ lớn với ít mối bận tâm cho thị trường”.[22] Rất nhanh chóng, chủ nghĩa biểu tượng của kích thước và quy mô - ý tưởng rằng những dự án có nhiều khả năng thành công và trụ lại nhất theo cách nào đó là những dự án lớn nhất - được chuyển tải thành một hình ảnh phổ biến gần như ở bất cứ đâu. Như tòa văn phòng lớn nhất thế giới (theo diện tích sàn), Lầu Năm Góc, được xây dựng trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, từ năm 1941 tới 1943, là biểu tượng hoàn hảo cho nguyên tắc này trong những năm 1950 và 1960. Tương tự là nền văn hóa tầm thường cũ kỹ nổi tiếng ở IBM, có đặc điểm là thứ bậc và định chuẩn được nhấn mạnh để ủng hộ mục tiêu của kỹ thuật tiên tiến. Năm 1955, General Motors, một trong những hãng ứng dụng sớm và là ví dụ kiểu mẫu của cấu trúc quản trị Mô hình M, trở thành doanh nghiệp Mỹ đầu tiên có doanh thu hơn 1 tỉ đô-la Mỹ trong năm, cũng như là tập đoàn lớn nhất ở Mỹ, doanh thu của nó chiếm một tỉ lệ trong tổng thu nhập quốc dân (khoảng 3%). Công ty cũng tạo việc làm cho hơn năm trăm nghìn người lao động ở riêng nước Mỹ, đưa ra cho người tiêu dùng tám mươi lăm mẫu mã khác nhau để lựa chọn, và bán khoảng 5 triệu xe hơi và xe tải.[23] Những nguyên tắc sản xuất hàng loạt cũng được mở rộng sang nhiều ngành như xây dựng nhà ở bởi các doanh nhân như Bill Levitt, cựu công nhân xây dựng của hải quân Mỹ, người đã tiên phong trong việc phát triển ngoại ô bằng cách xây dựng hàng nghìn căn nhà trong tầm chi trả của giai cấp trung lưu. Nhưng chiến thắng bề ngoài của những tổ chức khổng lồ đã sản xuất ra sự dồi dào hàng hóa và dịch vụ trong Chiến tranh Lạnh cũng làm dấy lên lo ngại. Những nhà phê bình trong lĩnh vực kiến trúc như Lewis Mumford than phiền rằng các thị trấn kiểu Levitt quá đơn điệu và những căn nhà quá rời rạc để tạo ra một cộng đồng thực sự. Irving Howe, nhà bình luận văn học và xã hội, phê phán những năm hậu chiến là “Thời đại của sự rập khuôn”, và năm 1950, nhà xã hội học David Riesman đã kêu ca về sự mất mát của chủ nghĩa cá nhân dưới áp lực từ các định chế trong cuốn sách nhiều ảnh hưởng của ông The Lonely Crowd (Đám Đông Cô Đơn).[24] Và không chỉ có từng đó quan ngại đó được nêu lên. Khi những tổ chức lớn bén rễ ở mọi lĩnh vực, dường như củng cố sự kìm kẹp của chúng với nhiều mặt của cuộc sống con người, các nhà phê bình xã hội lo ngại rằng kết cấu thứ bậc mà chúng thiết lập sẽ trở thành vĩnh viễn, chia rẽ tầng lớp tinh hoa kiểm soát chính trị và kinh doanh với tất cả những người khác, tập trung quyền lực vào một nhóm hay một giai cấp cai trị và cùng lúc, logic không thể khác của quy mô khiến các tổ chức ngày càng trở nên lớn hơn, nuốt chửng lẫn nhau nếu cần thiết, thông qua các cuộc sáp nhập hay chia sẻ sự giàu có trong những các-ten và xanh-đi-ca*. Với một số người, sự mở rộng của các chương trình chính phủ từ quân đội tới chi tiêu xã hội, cùng sự tăng trưởng của hệ thống quan liêu có nhiệm vụ quản lý hành chính chúng - một lần nữa, không chỉ với cánh tả hay các xã hội xã hội chủ nghĩa - là một xu hướng đáng lo không kém. Những người khác coi sự tập trung quyền lực chủ yếu là một sản phẩm của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Cách này hay cách khác, những nỗi sợ đó lặp lại niềm tin của Karl Marx và Friedrich Engels, những người đã tranh luận trong Tuyên ngôn Cộng sản (1848) rằng các chính phủ ở xã hội tư bản là sự mở rộng về mặt chính trị của những nhóm lợi ích chủ kinh doanh. “Quyền lực nhà nước”, họ viết, “không gì khác là một ủy ban quản trị những vấn đề của toàn bộ giai cấp tư sản”.[25] Trong những thập kỷ sau đó, đông đảo những người đi theo đầy ảnh hưởng đã thúc đẩy nhiều cuộc biện luận có cùng chủ đề cốt lõi đó. Những người theo chủ nghĩa Marx tranh luận rằng sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản mang tới cùng nó sự gia cố những chia rẽ giai cấp và, thông qua chủ nghĩa đế quốc và sự phát tán vốn tư bản tài chính khắp thế giới, sự lặp lại của những chia rẽ đó cả trong những quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Nhưng sự nổi lên của những tổ chức phân chia thứ bậc lớn tập trung vào một bài phê bình cụ thể mắc nợ Weber, vì luận điểm trung tâm của nó, và mắc nợ Marx, vì lập luận của nó. Năm 1951, nhà xã hội học ở Đại học Columbia, C. Wright Mills, đã xuất bản một nghiên cứu với tựa đề White Collar: The American Middle Classes (tạm dịch: Cổ Cồn Trắng: Giai Cấp Trung Lưu Mỹ).[26] Giống như Ronald Coase, Mills rất hứng thú với sự trỗi dậy của các tập đoàn quản trị lớn. Ông tranh luận rằng những công ty đó, khi theo đuổi quy mô và hiệu quả, đã tạo ra một tầng lớp rộng lớn những công nhân thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, cơ giới hóa làm tê liệt trí tưởng tượng, và rốt cuộc, khả năng tham gia đầy đủ vào xã hội của họ. Nói ngắn gọn, Mills lập luận rằng, một công nhân tập đoàn tư bản điển hình bị cô lập với đời sống. Với nhiều người, sự cô lập này được thể hiện trong lời cảnh báo in trên những thẻ đục lỗ Hollerith, mà nhờ IBM và các công ty xử lý dữ liệu khác, trở thành biểu tượng và đại diện ở khắp nơi của đời sống bị quan liêu hóa trong những năm 1950 và 1960: “Đừng Gấp, Đâm Xiên hay Cắt Xé”. Năm 1956, Mills phát triển hơn nữa lập luận này trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, The Power Elite (tạm dịch: Nhóm Tinh Hoa Đầy Quyền Lực). Trong đó, ông xác định những cách thức mà, theo ông, quyền lực ở Mỹ bị thâu tóm vào trong tay một “đẳng cấp” thống trị áp đảo trong các vấn đề kinh tế, công nghiệp và chính trị. Đúng là, Mills lập luận, đời sống chính trị Mỹ dân chủ và đa nguyên, nhưng bất chấp điều này, sự tập trung quyền lực chính trị và kinh tế đặt tầng lớp tinh hoa vào một vị trí mạnh mẽ hơn bao giờ hết để duy trì quyền uy của họ.[27] Những ý tưởng này biến Mills thành một