🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sào Huyệt Của Những Ông Trùm Ebooks Nhóm Zalo JAMES B.STEWART SÀO HUYỆT CỦA NHỮNG ÔM TRÙM Bản quyền tiếng Việt © 2014 Công ty Sách Alpha Kim Diệu, Khương Duy dịch NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG - XÃ HỘI Ebook thực hiện dành cho những bạn chưa có điều kiện mua sách. Nếu bạn có khả năng hãy mua sách gốc để ủng hộ tác giả, người dịch và Nhà Xuất Bản Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Danh sách nhân vật Khi làn sóng phạm tội trên Phố Wall đã gần lên tới cực điểm, cuối năm 1985 Tại Kidder, Peabody, New York Martin Siegel, Chuyên viên Ngân hàng Đầu tư Ralph DeNunzio, Giám đốc Điều hành Al Gordon, Chủ tịch John, T. Roche, Tổng giám đốc Robert Kranz, Luật sư Richard Wigton, Trưởng phòng Cổ phiếu giá thấp Timothy Tabor, Chuyên viên giao dịch Cổ phiếu giá thấp Peter Goodson, Trưởng phòng Sáp nhập và Mua lại (M&A) John Gordon, Chuyên viên Ngân hàng đầu tư Hal Ritch, Chuyên viên Ngân hàng đầu tư Tại Ivan F. Boesky Corporation, New York Ivan F. Boesky, Nhà buôn Cổ phiếu giá thấp Stephen Conway, Chuyên viên Ngân hàng đầu tư Lance Lessman, Trưởng phòng Nghiên cứu Michael Davidoff, Giao dịch viên trưởng Reid Nagle, Giám đốc Tài chính Setrag Mooradian, Kế toán trưởng Tại Drexel Burnham Lambert, Beverly Hills Michael R. Milken, Trưởng bộ phận Chứng khoán lợi nhuận cao Lowell Milken, Luật sư Richard Sandler, Luật sư James Dahl, Nhân viên bán hàng Gary Winnick, Nhân viên bán hàng Warren Trepp, Giao dịch viên trưởng Terren Peizer, Giao dịch viên Cary Maultasch, Giao dịch viên Bruce Newberg, Giao dịch viên Charles Thurnher, Kế toán viên Lorraine Spurge, Trị sự Lisa Ann Jones, Trợ lý giao dịch Tại Drexel Burnham Lambert, New York Dennis B. Levine, Giám đốc Ngân hàng đầu tư Fred Joseph, Giám đốc điều hành Donald Engel, Cố vấn Stephen Weinroth, Nhân viên Ngân hàng đầu tư David Kay, Đồng Chủ nhiệm bộ phận M&A Leon Black, Đồng Chủ nhiệm bộ phận M&A Tại Goldman, Sachs, New York Robert Freeman, Trưởng bộ phận Cổ phiếu giá thấp Robert Rubin, Giám đốc điều hành tương lai Frank Brosens, Chuyên viên giao dịch Cổ phiếu giá thấp David Brown, Chuyên viên Ngân hàng đầu tư Tại Lazard Frères, New York Robert Wilkis, Chuyên viên Ngân hàng đầu tư Randall Cecola, Chuyên viên Phân tích Felix Rohatyn, Chuyên viên Ngân hàng đầu tư Tại Shearson Lehman Brothers, New York Ira Sokolow, Chuyên viên Ngân hàng đầu tư J. Tomilson Hill III, Đồng Chủ nhiệm bộ phận M&A Steve Walters, Đồng Chủ nhiệm bộ phận M&A Peter Solomon, Chuyên viên Ngân hàng đầu tư Tại Bank Leu, Nassau, Bahamas Bernhard Meier, Chuyên viên ngân hàng Bruno Pletscher, Chuyên viên ngân hàng Tại Merrill Lynch, New York Stephen Hammerman, Luật sư trưởng Richard Drew, Phó Chủ tịch, phụ trách tuân hành Các nhà đầu tư chính yếu Carl Icahn, Chuyên gia săn doanh nghiệp và Chủ tịch tương lai của hãng Hàng không Trans World John Mulheren, Giám đốc công ty Chứng khoán Jamie Henry Kravis, Giám đốc, Công ty Kohlberg Kravis Robert Tại Watchtell, Lipton, Rosen & Katz, New York (cung cấp dịch vụ luật cho Goldman, Sachs) Martin Lipton, Hội viên Ilan Reich, Hội viên Lawrence Pedowitz, Hội viên Tại Paul, Weiss, Rifkind, Wharton & Garrison, New York (cung cấp dịch vụ luật cho Michael Milken và Dennis Levine) Arthur Liman, Hội viên Martin Flumenbaum, Hội viên Tại Williams & Connolly, Washington, D.C (cung cấp dịch vụ luật cho Michael Milken) Edward Bennett Williams, Hội viên Robert Litt, Hội viên Tại Cahill, Gordon & Reindel, New York (cung cấp dịch vụ luật cho Drexel Burnham) Irwin Schneiderman, Hội viên Thomas Curnin, Hội viên Tại Fried, Frank, Harris, Shriver & Jacobson, New York và Washington (cung cấp dịch vụ luật cho Boesky Harvey Pitt, Hội viên Leon Silverman, Hội viên Tại Mudge Rose Guthrie Alexander & Ferdon, New York (cung cấp dịch vụ luật cho Siegel; về sau đã chuyển sang Fried Frank) Jed Rakoff, Hội viên Audrey Strauss, Hội viên Tại Robinson, Lake, Lerer & Montgomary, New York (tư vấn quan hệ công chúng cho Michael Milken) Linda Robinson, Hội viên Kenneth Lerer, Hội viên Tại Văn phòng Thẩm phán Liên bang, New York Rudolph Giuliani, Thẩm phán tối cao Hoa Kỳ Benito Romano, Phó của Giuliani, Thẩm phán tối cao Hoa Kỳ tương lai Charles Carberry, Trợ lý Thẩm phán tối cao, Chủ nhiệm tương lai của bộ phận Điều tra gian lận Bruce Baird, Trợ lý Thẩm phán tối cao, Chủ nhiệm tương lai của bộ phận Điều tra gian lận John Carroll, Trợ lý Thẩm phán tối cao Jess Fardella, Trợ lý Thẩm phán tối cao Tại Uỷ ban Chứng khoán, Washington, D.C. John Shad, Chủ tịch Gary Lynch, Trưởng bộ phận Thi thành John Sturc, Trợ lý Trưởng bộ phận Thi hành Leo Wang, Luật sư Peter Sonnenthal, Luật sư Lời giới thiệu Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Khởi đầu lặng lẽ, lấy đà và biến thành một dòng thác lũ nhanh chóng sinh sôi ra hàng triệu, hàng tỷ lợi nhuận, sự thành công vang dội tới nỗi dường như không có một thế lực nào có thể ngăn cản, chi phối hay dung túng. Nhiều nhà đầu tư bị mờ mắt bởi khúc ca mê đắm lòng người của nó: lợi nhuận cao hơn với rủi ro thấp hơn. Lợi nhuận lớn hơn trong khi mức rủi ro phải chịu lại thấp hơn suốt nhiều thế kỷ đã qua luôn là chiếc Chén Thánh trong tay các thầy phù thủy tài chính. Một điều mà các học thuyết kinh tế đã chứng minh quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro tuân thủ theo nguyên tắc - lợi nhuận cao hơn luôn đi kèm với mức rủi ro cao hơn. Điều này được coi như một chân lý. Các nhà đầu tư đổ tiền vào các vụ đầu tư tiềm ẩn rủi ro cao luôn đòi hỏi phải thu được những khoản lời lớn hơn để bù đắp cho nguy cơ thua lỗ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó quy luật này cũng có thể có ngoại lệ mà từ lâu đã trở thành đề tài hấp dẫn lôi cuốn các nhà kinh tế học và các nhà đầu tư. Trong những trường hợp như thế, những giáo sư lỗi lạc của các trường đại học danh giá đã tuyên bố rằng cuối cùng, thứ ngoại lệ ấy cũng đã được phát hiện. Sự tồn tại của thứ sản phẩm tài chính mới với khả năng phát tán nhanh chóng gây ra những hệ lụy trên diện rộng. Khi hàng tỷ đô la được ném vào thị trường, giá trị tài sản đặc biệt là bất động sản tăng lên vùn vụt. Tại các bữa tiệc rượu, trong các phòng thay đồ và cả các câu lạc bộ bài bridge, người ta nói về giá trị “ngất trời” của các dinh thự cùng danh mục cổ phiếu đang nắm trong tay. Hãng đấu giá Sotheby thì công bố những “siêu” kỷ lục trong các cuộc bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Người giàu ngày càng giàu hơn và khoảng cách giữa họ và những người nghèo cũng ngày một rộng ra. Chính phủ thu được nhiều thuế hơn mà chẳng cần động chân động tay hoặc nếu có chỉ làm rất ít. Nới lỏng quản lý không chỉ trở thành câu thần chú của những đảng viên Cộng hòa, mà còn là bùa hộ mệnh của các đảng viên Dân chủ. Thế rồi tất cả sụp đổ. Giới chuyên nghiệp mắc sai lầm. Điều này một lần nữa nhắc nhở các nhà đầu tư chân lý ‒ lợi nhuận cao luôn gắn liền với rủi ro cao. Những giá trị tăng lên vùn vụt chỉ là ảo tưởng và đơn thuần chỉ là sự xuất hiện hiện tượng bong bóng kinh tế mới trong lịch sử mà thôi. Tất nhiên, theo quy luật bong bóng cuối cùng rồi cũng nổ bung. Hệ thống ngân hàng lung lay và buộc chính phủ phải ra tay can thiệp nhằm cứu vãn tình thế ‒ một điều chưa từng có tiền lệ. Nền kinh tế chìm sâu vào suy thoái ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Đại Khủng Hoảng năm 1929. Đến khi thiệt hại to lớn cứ thế tăng lên, mảng tối của giai đoạn bùng nổ kinh tế hiện ra: hoạt động phi pháp bao trùm trên phạm vi rộng lớn tới mức không tiền khoáng hậu. Bức tranh về cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở trên gợi nhớ tới những sự kiện lịch sử vào những năm 2008-2009. Một loại sản phẩm tài chính mới ‒ nợ có đảm bảo bằng tài sản (CDO) ‒ một loại chứng khoán kết hợp một loạt các sản phẩm tín dụng lại với nhau làm bảo chứng, sau đó phát hành ra thị trường bán đến tay các nhà đầu tư với mục tiêu phân tán lợi nhuận và rủi ro. Thị trường dành cho những loại chứng khoán như vậy bùng nổ cho đến khi những khoản vay của người đi vay thế chấp trở thành dưới chuẩn, với việc ghi nợ căn cứ vào những tiêu chuẩn hết sức lỏng lẻo và người vay bắt đầu không thể trả nợ đúng hạn với tỷ lệ báo động ở mức chưa từng thấy. Hiện tượng này đã đe dọa cấu trúc của những khoản nợ vốn được coi là an toàn được xây dựng dựa trên các khoản thế chấp trước đó trên diện rộng. Hệ lụy phát sinh bắt đầu từ một cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn, trận bão này đã biến thành một làn sóng khủng hoảng tài chính trên quy mô toàn cầu, một sự kiện mà nhiều người gọi tên là Đại Suy Thoái. Tuy nhiên, câu chuyện trên đây không chỉ đề cập riêng đến chuỗi sự kiện hồi năm 2008-2009. Ở một chừng mực nào đó, câu chuyện này còn đề cập đến những gì đã xảy ra từ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 của giai đoạn bùng nổ ‒ đổ vỡ được tiếp năng lượng bởi trái phiếu lãi suất cao. Giống như vay thế chấp dưới chuẩn, trái phiếu trả lãi suất cao rốt cuộc cũng bị mất khả năng thanh toán với tỷ lệ báo động, gây ra làn sóng đổ vỡ thị trường chứng khoán vào năm 1987, làm tiêu tan rất nhiều khoản tiết kiệm và vay nợ biến giai đoạn 1990-1992 trở thành giai đoạn suy thoái chuyển tiếp đen tối nhất kể từ sau Đại Khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp trong giai đoạn này cao hơn mức thất nghiệp của năm 2009. Trái phiếu trả lãi suất cao – loại trái phiếu sinh lời cao do các công ty có mức tín nhiệm thấp phát hành được bảo chứng bằng các tài sản đảm bảo dưới chuẩn. Loại chứng khoán này phổ thông hơn hình thức vay nợ có đảm bảo bằng tài sản và những chứng khoán phái sinh tinh vi khác (những tác nhân đã gây ra một sự đổ vỡ ghê gớm mười năm sau đó). Chúng được phát hành ra dựa trên nền tảng giả thuyết (sai lầm) tương tự - tạo ra những khoản lời cao hơn với rủi ro thấp hơn. Giống nhiều nhà kinh tế đoạt giải Nobel, những người thường được viện dẫn để biện minh cho đánh giá lợi nhuận ‒ rủi ro đối với các loại chứng khoán bảo chứng bằng tài sản thế chấp dưới chuẩn, trái phiếu trả lãi suất cao cũng có cơ sở học thuật của riêng nó: Năm 1953, W. Braddock Hickman, giáo sư kinh tế tại Đại học Princeton xuất bản cuốn đầu tiên trong bộ sách gồm ba tập viết về lịch sử trái phiếu doanh nghiệp, mang tựa đề “Các chuẩn mực thống kê về hoạt động đầu tư trái phiếu công ty từ năm 1900” (Statistical Measures of Corporate Bond Financing Since 1900). Mục tiêu nghiên cứu của Hickman nhằm chứng minh rằng những khoản lời thu được từ trái phiếu trả lãi suất cao là cao hơn nhiều so với nguy cơ vỡ nợ thực tế. Sau đó, Hickman trở thành Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại Cleveland trước khi qua đời do đau tim vào năm 1970. Không mấy ai đọc tác phẩm của Hickman nhưng nghiên cứu của ông đã gây ấn tượng sâu sắc với một sinh viên kinh doanh trẻ tuổi tại Đại học California ở thành phố Berkeley, người đã phát triển tác phẩm của Hickman thành cuốn cẩm nang về trái phiếu trả lãi suất cao với cơ chế lãi cao đi kèm rủi ro thấp. Người này tên là Michael R. Milken. Hiện tượng vươn lên chạm tới đỉnh cao của sự giàu có và quyền lực rồi sau đó rơi xuống như sao băng của của Milken sẽ được miêu tả chi tiết ở câu truyện sau đây. Câu truyện này được tái bản một lần vào đầu thập niên 1990. Ở cương vị trưởng bộ phận kinh doanh trái phiếu trả lãi suất cao của ngân hàng Drexel Burnham Lambert, Milken đã gây dựng một đế chế trái phiếu trả lãi suất cao, tác động tới đời sống của hầu hết người dân Mỹ, từ những quý ông giàu có trên Phố Wall cho tới những công dân bình thường. Trái phiếu trả lãi suất cao đã tiếp tay cho những vụ thâu tóm doanh nghiệp thô bạo, đẻ ra hàng triệu những kẻ săn lùng công ty và sản sinh ra mạng lưới gồm các chủ nhà băng, luật sư, các chuyên gia thời sự, các cố vấn ủy nhiệm, nhà đầu tư chứng khoán và các giao dịch viên – trong đó, kẻ thì ủng hộ, người thì phản đối chúng. Những cuộc thâu tóm tàn nhẫn ấy đã tạo ra những cái tên nổi đình nổi đám như Ivan Boesky và Carl Icahn, những người sau đó được đưa vào danh sách những nhân vật giàu nhất thế giới. Ở phạm vi rộng hơn, các công ty cùng giá cổ phiếu đã bắt đầu được định giá ở mức giá hợp lý giúp chúng có thể được bán ra trong những cuộc thâu tóm sử dụng trái phiếu trả lãi suất cao, chính điều này đã đẩy thị trường tới những đỉnh cao khủng khiếp vào mùa thu năm 1987. Ở chiều ngược lại, trái phiếu trả lãi suất cao thúc đẩy việc cung cấp tín dụng một cách dễ dàng cho hàng triệu người đi vay từ các quỹ tiết kiệm và vay nợ mới được thả lỏng do bãi bỏ quy định trong cả nước. Những quỹ kiểu như Hiệp hội Tiết kiệm và Cho vay Lincoln đặt trụ sở tại Phoenix của Charles Keating chính là một trong những khách hàng lớn nhất của trái phiếu Milken. Quỹ này vừa tự phát hành trái phiếu của mình, lại vừa mua lại trái phiếu từ những khách hàng khác của Milken. Những người đi vay rủng rỉnh tiền nhờ các khoản tín dụng lỏng lẻo đã góp phần đẩy giá nhà cửa tăng vọt. Khi các quỹ tiết kiệm và cho vay đổ những khoản đầu tư mới của mình vào thị trường bất động sản, giá cả tăng vọt và ngành xây dựng thăng hoa nhờ bùng nổ trào lưu xây cất hàng loạt. Kết quả là một bong bóng kinh điển: Các nhà đầu tư bị môt chuyên gia bán hàng bậc thầy – là Milken chứ chẳng phải ai khác ‒ huyễn hoặc tin rằng giá của trái phiếu trả lãi suất cao, cổ phiếu và bất động sản chỉ có thể tăng chứ không giảm. Những tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ dần biến mất trong khi những tiêu chuẩn khác được đề ra với mục tiêu hỗ trợ cho trái phiếu trả lãi suất cao của Milken đang lưu hành. Thị trường dường như cũng minh chứng cho điều này khi giá cả cứ tăng liên tục. Để rồi, như chúng ta thấy, tất cả đều vỡ tung. Từ đống đổ nát ấy xuất hiện các manh mối sự tương phản của bong bóng tài sản. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã làm lộ diện một loạt thành phần bất hảo, những tội phạm bị phán quyết, trong số đó táo bạo và thành công một cách trơ tráo hơn cả là Bernie Madoff. Madoff quản lý một trong những quỹ đầu cơ thuộc thế hệ đầu trong giai đoạn bùng nổ đầu thiên niên kỉ mới. Các quỹ đầu cơ loại này đa phần không chịu sự giám sát và quản lý gì, được thiết kế riêng cho những nhà đầu tư “mạnh gạo, bạo tiền” một cách tinh vi và khôn khéo, chúng hội tụ hầu hết các chiến lược đầu tư có thể tưởng tượng được trên đời, từ đầu tư vào hàng hóa, các vụ thâu tóm sáp nhập đến chọn mua cổ phiếu theo kiểu cũ. Quỹ đầu cơ của Madoff có tham vọng trở thành một cỗ máy sử dụng chiến lược giao dịch để tạo lợi nhuận cao một cách bền vững trong mọi điều kiện thị trường tốt hay xấu. Trên thực tế, quỹ đầu cơ Madoff lại hoạt động theo cơ chế gian lận kiểu Ponzi kinh điển, một trong những thủ đoạn tài chính cũ nhất nhưng lại tồn tại lâu bền nhất, trong đó tiền thu về từ nhóm các nhà đầu tư mới được dùng để trả cho các khoản hoàn lại cho các nhà đầu tư cũ. Trò lừa đảo của Madoff có thể hơi thiếu tính độc đáo, nhưng xét về sức bền và quy mô, nó đã xác lập kỷ lục mới. Trong lời bào chữa tội trạng của mình, Madoff thừa nhận rằng quỹ đầu cơ của ông ta không hề tham gia bất cứ hoạt động giao dịch nào sinh lời mà bản chất là trò gian lận kiểu Ponzi bắt đầu từ năm 1991, thật tình cờ đây lại chính là thời điểm Milken bắt đầu thi hành án phạt của mình với sáu tội danh nghiêm trọng mà ông ta đã thừa nhận. Hiếm có trò gian lận Ponzi nào kéo dài được đến 17 năm, bởi dòng tiền đầu tư mới sẽ bị khô cạn khi những yêu cầu hoàn trả liên tục tăng lên và chất chồng lại. Thế nhưng công cụ quỹ đầu cơ lại tỏ ra rất phù hợp cho việc che đậy hành tung hoạt động của một cơ chế lừa đảo kiểu Ponzi. Khác với trái phiếu và các hình thức đầu tư khác, đầu tư chứng chỉ quỹ đầu cơ có thể tiếp diễn liên tục không giới hạn. Madoff đã khôn ngoan sắp đặt các khoản lợi nhuận vừa đủ cao khiến các nhà đầu tư giữ được bình tĩnh và không tự nguyện rút tiền của mình về, nhưng lại không quá cao để thu hút sự chú ý ngoài ý muốn. Thậm chí có những quý, Madoff đã báo cáo những khoản lỗ nho nhỏ. Sau khi Madoff bị bắt giữ, rất nhiều người chỉ trích cho rằng các nhà đầu tư lẽ ra phải biết rằng những khoản đầu tư mong muốn của Madoff – khoảng 10% hàng năm, trong cả những năm phát đạt và ảm đạm của thị trường chứng khoán – là siêu thực. Tuy nhiên, có rất nhiều giám đốc quỹ đầu cơ còn báo cáo những con số lợi nhuận cao hơn thế, mà không có ai đặt câu hỏi về độ minh bạch của các báo cáo đó. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chẳng mấy nhà đầu tư muốn rút vốn ra khỏi tay Madoff mà ngược lại, rất nhiều người thậm chí đầu tư thêm vào, có những người còn tỏ lòng tin tưởng ông ta và trút hết những khoản tiết kiệm cả đời của mình vào quỹ. Đến lúc hạ màn, giữa một làn sóng các khoản đền bù cùng những lời tự thú lâm li gửi tới hai cậu con trai, dự tính Madoff đang quản lý khoảng 65 tỷ đô la. Thực tế, tất thảy số tiền này đều biến mất hay chỉ còn là hoang tưởng trả khiến sự kiện này trở thành vụ lừa đảo quy mô lớn nhất trong lịch sử tài chính. Madoff thừa nhận bản cáo trạng với mười một tội danh và bị tuyên án 150 năm tù, mức án cao nhất trong khung hình phạt. Madoff không hề đề cập tới bất cứ một tình tiết giảm nhẹ nào cả. Ông ta nói trước lúc bị tuyên án rằng “Tôi đã để lại một gia sản chỉ toàn sự hổ thẹn cho gia đình và con cháu, đúng như lời một vài nạn nhân của tôi đã nói. Đó là thứ mà tôi sẽ phải chung sống trong suốt quãng đời còn lại.” Khi nhắc đến nạn nhân của vụ lừa đảo, ông ta nói thêm, “Tôi xin lỗi. Tôi biết lời xin lỗi cũng chẳng giúp gì được cho các ông bà.” Cuộc khủng hoảng tài chính đã góp phần lật đổ đế chế Madoff do một làn sóng yêu cầu hoàn trả lợi nhuận của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Madoff lại đứng ngoài chuỗi sự kiện gây ra các bong bóng tín dụng cũng như sụp đổ của nó. Ở khía cạnh này, Madoff khác biệt hẳn với các nhân vật trung tâm của tác phẩm này. Mặc dù kỹ năng huyền thoại của Ivan Boesky với vai trò một nhà buôn cổ phiếu giá thấp rốt cuộc trở thành hão huyền, nhưng chí ít anh ta đã thực sự tham gia vào hoạt động thâu tóm sáp nhập, đôi lúc khá thành công, góp phần hình thành văn hóa giao dịch thỏa thuận điên rồ tạo nền cho sự hình thành và phát triển của trái phiếu lãi suất cao. Milken thậm chí còn vượt xa cả Madoff cho dù Madoff bị kết án nhiều tội trạng hơn. Mặc dù không cần bàn cãi thêm về những tội danh, nhưng tội lỗi mà Milken gây ra lại hầu như chỉ là ngẫu nhiên trong việc hình thành và duy trì đế chế của ông ta. Sẽ quá ư giản đơn và thiếu chính xác nếu chỉ coi Milken là một tên tội phạm thông thường. Thế nhưng những âm mưu tội ác lại vận hành nhịp nhàng êm ái quá mức với những hoạt động kinh doanh hợp pháp của Milken để hình thành và duy trì thế độc quyền trái phiếu trả lãi suất cao của anh ta. Nhìn rộng ra, chính việc tiếp năng lượng cho bong bóng tín dụng trái phiếu trả lãi cao đã góp phần tạo ra khủng hoảng mang tính hệ thống trên toàn thị trường, khác hẳn với bất cứ thứ gì Madoff đã làm. Còn quá sớm để biết được liệu một nhân vật giống như Milken có lộ diện giữa đống đổ nát mà bong bóng tín dụng để lại hay không, mặc dù không nhân vật nào có thể thống trị các loại chứng khoán hình thành nhờ sự đảm bảo của các khoản thế chấp và thị trường tài chính phái sinh như cách Milken đã làm với trái phiếu trả lãi suất cao. Rất nhiều cuộc điều tra tội phạm được tiến hành từ năm 2009. Một trong những vụ đình đám nhất tập trung vào Joseph Cassano, người đứng đầu Financial Products Corp., một bộ phận của đế chế bảo hiểm AIG. AIG đã buộc phải trông cậy vào hàng tỷ đô la cứu trợ của nhà nước sau khi các công cụ tài chính phái sinh do công ty của Cassano phát hành bắt đầu xuống dốc, khiến báo cáo hoạt động kinh doanh của AIG ngập trong hàng tỷ đô-la thua lỗ. (Cassano không hề bị truy tố, ông ta phủ nhận mọi hành vi sai trái.) Cassano rời AIG vào năm 2008 sau khi bỏ túi được 315 triệu đô-la tiền lương thưởng. Giống như việc Milken chuyển địa bàn hoạt động của mình đến Beverly Hills nhằm thoát khỏi sự giám sát từ trụ sở New York của Drexel, Cassano cũng điều hành hoạt động kinh doanh từ London. Các lãnh đạo tối cao của AIG ở New York cũng bị tách xa khỏi những gì xảy ra ở bộ phận Sản phẩm Tài chính của họ, bộ phận đã sản sinh ra những khoản lợi nhuận khổng lồ trong thời hoàng kim. Trước khi được AIG chiêu nạp hồi năm 1987, Cassano đã có cơ hội học hỏi từ một bậc thầy khi làm việc cho Milken ở Beverly Hills. Mặc dù Milken đã bị tuyên án 7 năm tù, nhưng sau đó được Chánh án Tòa án Quận Miền Nam New York, Kimba Wood giảm nhẹ án phạt. Lời khai của Milken cáo buộc Alan Rosenthal, cựu lãnh đạo Drexel, đồng thời là bằng hữu lâu năm của Milken, chính là một trong những căn cứ cho quyết định giảm nhẹ hình phạt với Milken mà Chánh án Wood đã đưa ra. Một Bồi thẩm đoàn đã kết tội Rosenthal gian lận tiền thưởng liên quan đến một quỹ hưu trí, nhưng lại tuyên bố trắng án đối với bốn tội danh khác nghiêm trọng hơn của ông ta. Milken được trả tự do sau khi thi hành án chưa tới hai năm. Ông ta được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt nhưng đã được điều trị thành công. Từ đó trở đi, ông ta tham gia các hoạt động từ thiện và đầu tư kinh doanh, ông ta làm việc rất cần mẫn nhằm đánh bóng danh tiếng của mình. Ông ta duy trì địa vị giàu sang phú quý và được Tạp chí Forbes xếp hạng 158 trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ năm 2009 với tổng tài sản ước tính khoảng 2 tỷ đô-la. Sau khi được trả tự do, Milken chưa từng công khai thừa nhận hay ngỏ lời xin lỗi đối với những hoạt động phạm pháp của mình. Bất chấp lệnh cấm vĩnh viễn với lĩnh vực chứng khoán, Milken chẳng mấy chốc đã lại tham gia hoạt động giao dịch thỏa thuận. Milken tư vấn cho các khách hàng lâu năm như hãng truyền thông MCI Communications, tập đoàn truyền thông News Corp., và Turner Broadcasting với các thương vụ bị trì hoãn, thu về gần 100 triệu đô-la tiền phí. Năm 1998, Milken đối diện với các cáo buộc mà Ủy ban Chứng khoán đưa ra đối với vai trò của ông trong hai vụ giao dịch, bao gồm một vụ giữa MCI và News Corp., là vi phạm quy định hòa giải. Milken đồng ý bồi thường 47 triệu đô-la tiền phí và lợi tức, nhưng không thừa nhận hay phủ định các cáo buộc ấy. Cuộc điều tra liên quan cũng bị hủy bỏ mà không có cáo buộc nào được ghi nhận. Sau đó, Milken đã gửi đơn xin ân xá lên Tổng thống Bill Clinton và theo một số nguồn tin, đơn xin của ông ta đã gần như được chấp thuận. Tuy nhiên, khi những thông tin về vụ viêc này bị rò rỉ ra ngoài, Ủy ban Chứng khoán đã phản ứng bằng một công văn phản đối gửi tới Nhà Trắng trong đó đoạn đầu viết: “Chưa từng có mấy người dính dáng đến nhiều sự vụ gây xói mòn lòng tin của công chúng đối với thị trường của chúng ta như thế.” Nó chỉ ra rằng “hầu như ngay sau khi được phóng thích, Milken đã bí mật khởi động lại các hoạt động với vai trò nhà môi giới.” Sau khi Ủy ban Chứng khoán bắt đầu điều tra những hoạt động này, họ đã có “những bằng chứng rõ ràng” để chứng minh “Milken đã đưa ra bằng chứng giả mạo và đánh lạc hướng điều tra” và “ngụy tạo những bằng chứng giả mạo và đánh lạc hướng điều tra về các đối tượng khác…” Milken và các luật sư trước sau đều phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào liên quan đến những thương vụ thỏa thuận của ông ta sau khi mãn hạn tù hay việc dàn xếp công tác điều tra của Ủy ban Chứng khoán sau đó. Tuy vậy, tháng Một năm 2001, ngày làm việc cuối cùng của Tổng thống của Clinton trên cương vị tổng thống, nhà tài phiệt lưu vong Marc Rich đã được ân xá trong khi Milken thì không. Sự phẫn nộ của công chúng xung quanh quyết định ân xá cho Marc Rich gần như đã làm tiêu tan những nỗ lực tương tự đối với trường hợp của Milken. Khi viết đến những dòng cuối cùng cuốn Sào huyệt của những ông trùm năm 1991, tôi kết thúc với một câu hỏi: Liệu chuyện này có xảy ra lần nữa hay không? Gần hai mươi năm sau, chúng ta đã biết câu trả lời: nó đã lại xảy ra lần nữa. Điều này làm nảy sinh một câu hỏi tương tự: có phải chúng ta buộc phải lặp lại lịch sử theo sự an bài? Tôi tin rằng câu trả lời ẩn dưới những trang giấy này suy cho cùng không chỉ đơn thuần là câu chuyện về giao dịch nội gián hay những vụ thâu tóm doanh nghiệp tàn nhẫn, mà còn liên quan đến bản chất con người. Trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi, bối cảnh đã chuyển sang thành tín dụng thế chấp dưới chuẩn, chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản và những công cụ tài chính phái sinh đặc biệt. Sức mạnh của những khoản tiền khổng lồ cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó – luật lệ, quy tắc, đạo đức nghề nghiệp, thậm chí luân thường đạo lý – một lần nữa lại được phơi bày rõ nét. Để rồi theo thông lệ, người ta lại kêu gọi cải cách để xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng. Bản tính cố hữu của con người vẫn vậy, lịch sử cho thấy cứu cánh duy nhất cho khủng hoảng là kết hợp việc tạo lập hiệu lực pháp lý với việc thực thi và cưỡng chế. Mặc dù một số người đồng ý với quan điểm cực đoan cho rằng thị trường tự do sẽ chữa lành mọi tật bệnh, nhưng hầu như không một ai có suy nghĩ sẽ tin tưởng vào điều này sau những thương tổn kinh tế trầm trọng kéo theo từ vụ Milken-Boesky cho đến cuộc khủng hoảng tín dụng thế chấp dưới chuẩn. Ai là người có thể bám chặt vào những nguyên tắc thị trường tự do trong khi nhận thức rằng có những tình huống mà chỉ có sự can thiệp của nhà nước mới bảo vệ được thị trường tự do khỏi hiểm họa từ chính nó. Luật Chứng khoán và Giao dịch Chứng khoán ban hành năm 1933-1934 có hiệu lực trên diện rộng mang tính “phòng bệnh” là chủ yếu và điều chỉnh không quá chi tiết. Việc ngăn cản những hành vi phạm pháp trong cuộc khủng hoảng 2008-2009 là hoàn toàn bất lực. Điều luật Sarbannes-Oxley, được Quốc hội thông qua nhằm ứng phó với sự vụ Enron và WorldCom, cũng không thể làm được gì nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ thế chấp có sức tàn phá ghê gớm hơn nhiều cùng sự suy thoái sau đó. Thế nhưng Quốc hội lại tỏ ra có sức chống chịu đối với những giải pháp tình thế mang tính viễn kiến. Tuy nhiên, cần dành thời gian theo dõi tiếp để xem liệu cuộc khủng hoảng có thúc đẩy chính quyền Obama đưa ra những cải cách rộng hơn về hoạt động điều chỉnh nền kinh tế trước những nguy cơ vận động hành lang của Phố Wall hay không. Như câu chuyện sẽ được kể trong cuốn sách này, về lý thuyết không có khuôn khổ điều chỉnh nào phát huy tác dụng thực sự khi hành vi phạm pháp không bị phát giác và không bị kiểm soát, nó sẽ lan tràn dữ dội, đặc biệt khi đồng tiền đã trở thành động cơ chính. Câu nói “Ai cũng đang làm thế cơ mà” trở thành một thứ bùa chú nhằm hợp lý hóa rất hữu hiệu. Xuyên suốt các sự kiện trong cuốn sách kéo dài từ giữa thập niên 1980 đến những năm 1990, kể từ cuối thời Tổng thống Reagan cho đến nhiệm kỳ của Tổng thống George H. W. Bush, thực thi pháp luật luôn là ưu tiên hàng đầu của đảng Cộng hòa. Đến thời điểm Tổng Thống George W. Bush bước vào nhiệm sở năm 2001, Ủy ban Chứng khoán đã chỉ còn là cái bóng của chính mình trong quá khứ, thiếu thốn nhân sự, bộ phận thi hành pháp luật của Uỷ ban rã rời nản chí. Trong khi chính quyền Bush còn đang mải bận tâm với chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, thì Ủy ban Chứng khoán thất bại trong việc phát hiện ra trò gian lận kiểu Ponzi của Madoff bất chấp một loạt những cảnh báo và kiến nghị về giải pháp. Ủy ban Chứng khoán cũng thất bại trong việc giám sát sự bùng phát của các vụ đầu tư chứng khoán phái sinh đã nhấn chìm AIG. Hoạt động giám sát các ngân hàng đầu tư của Ủy ban Chứng khoán cũng thất bại khi ngăn chặn sự sụp đổ của gần như tất cả các ngân hàng lớn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan này. Thậm chí các ngân hàng đầu tư như Morgan Stanley và Goldman Sachs cũng buộc phải trở thành các ngân hàng cổ phần nằm dưới quyền kiểm soát của Cục Dự trữ Liên bang mới có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Việc thực thi pháp luật đòi hỏi ý chí chính trị với thái độ thận trọng thường trực. Giữa biển người mênh mông, thế giới này sẽ luôn tìm ra được một Dennis Levine, một Ivan Boesky thậm chí là một “thiên tài” hiếm hoi kiểu Michael Milken. Nhưng liệu những kẻ ấy có được phép đẩy hệ thống tài chính cùng nền kinh tế thế giới vào tình thế hiểm nghèo hay không lại tùy thuộc vào tất cả chúng ta – những người còn lại. Lời tựa Martin A. Siegel vội vã băng qua Sân bay Quốc gia ở Washington, D.C và lẩn vào một trạm điện thoại gần cửa trượt phía Đông. Suốt nhiều năm trở lại đây, các trạm điện thoại, thường ở phi trường, đã đóng vai trò như những văn phòng tức thời của anh ta. Anh vẫn thường than phiền về việc thường xuyên vắng mặt, xa cách vợ và ba đứa con, trong khi phải sống một cuộc sống đầy áp lực với cương vị của một giám đốc ngân hàng đầu tư số một nước Mỹ. Ngày 12 tháng Năm năm 1986 cũng bắt đầu hệt như bao ngày khác. Sớm hôm ấy, anh ta bay từ New York tới Washington để viếng thăm một khách hàng quan trọng là ngài Martin Marietta, một trong những nhà thầu quân sự hàng đầu nước Mỹ. Cách đây vài năm, anh ta đã giúp Marietta ngăn cản đề nghị thâu tóm của Tập đoàn Bendix, và thương vụ ấy đã đưa Siegel lên hàng ngôi sao. Anh ta trở thành một trong những nhà chiến lược thâu tóm được săn đón nhiệt tình nhất ở Mỹ. Cuộc viếng thăm Marietta diễn ra êm đẹp với chỉ một gút mắc phiền toái duy nhất. Chủ tịch công ty, Thomas Pownall, đang rầu rĩ về một vụ kiện giao dịch nội gián mới xảy ra. Pownall buộc phải ra tòa làm nhân chứng cho Paul Thayer, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời Reagan, người bị buộc tội giao dịch nội gián do làm rò rỉ thông tin tuyệt mật mà ông ta lượm lặt được khi còn là giám đốc của Anheuser-Busch tới rất nhiều người, trong đó có cô nhân tình ở Dallas. Pownall cùng giới tài phiệt Mỹ được một phen kinh hồn táng đởm. Ông ta vẫn thường làm ăn với Thayer ở Bộ Quốc phòng, và hai người trở thành bạn bè của nhau. “Thật không thể tin nổi, đúng không?” Ông thốt lời bình luận với Siegel. Siegel gật đầu và gạt ngay những ý nghĩ về Thayer sang một bên. 38 tuổi, điển trai như tài tử điện ảnh, da ngăm, chắc khỏe, Siegel mới vừa chuyển về làm việc tại Tập đoàn Drexel Burnham Lambert, một công ty kinh doanh trái phiếu rủi ro có thế lực. Anh ta đã sẵn sàng để bước lên nấc cao hơn trên chiếc thang danh vọng. Đến lúc này, Siegel gọi về văn phòng của mình tại New York. Mới 2 giờ 45 phút chiều, anh ta tự hỏi thị trường chứng khoán đang hoạt động ra sao. Anh ta ghét bị ngăn cách với hệ thống truyền tin tinh vi của mình, từ những màn hình máy tính cho đến hệ thống dịch vụ truyền tin. Thư ký của Siegel, Kathy, nhanh chóng báo cáo tóm tắt tình hình rồi bắt đầu đánh dấu vào rất nhiều cuộc gọi cần hồi đáp ngay trong ngày. Đột nhiên một hồi chuông dồn dập vang lên ở băng điện báo Dow Jones ngay phía ngoài văn phòng của Siegel, tín hiệu cho biết một thông báo tin tức quan trọng sắp xuất hiện. Kathy chuyển sang băng điện báo và sửng sốt ngạc nhiên lúc dòng tiêu đề hiện ra. “Uỷ ban Chứng khoán (SEC) cáo buộc quan chức Drexel Burnham Lambert với tội danh giao dịch nội gián”, cô đọc lớn. Trong khi Kathy đợi chờ băng điện báo hiện toàn bộ nội dung, Siegel cảm giác như thế giới gần như hoàn hảo của mình đang sụp đổ. Mất hết những gì anh ta đã quần quật làm ra trong suốt cuộc đời mình. Khoản bồi thường trị giá 3,5 triệu đô-la và khoản lời trị giá 2 triệu đô-la mà anh ta đã kiếm được khi chuyển tới Drexel từ Tập đoàn Kidder, Peabody mới hồi đầu năm. Thủ đoạn thâu tóm và sáp nhập béo bở mà anh ta đã tung hứng với cỗ máy in tiền trái phiếu lãi suất cao của Michael Milken. Những khách hàng sáng giá như Martin Marietta, Goodyear và cả Lear Siegler, mới đây thôi còn lũ lượt lao vào sử dụng những dịch vụ của Drexel và của anh ta. Căn biệt thự trên bãi biển ở Connecticut với những sân quần vợt riêng cùng bể bơi. Căn hộ bốn phòng ngủ sang trọng trong khu Quảng trường Gracie xa hoa ở Mahattan. Chiếc trực thăng bay tới Manhattan. Những bản lý lịch sáng choang trên các mặt báo cùng tạp chí. Đột nhiên hình ảnh của nhà đầu cơ ăn chênh lệch Ivan Boesky, người từng là bạn tâm giao và là bậc thầy của Siegel, chợt lóe lên trước mắt, anh chợt rùng mình. Không lẽ Boesky sẽ khiến cuộc đời mình tiêu tan. “Ôi Chúa ơi!” Kathy thốt lên khi tấm băng chạy hết nội dung. “Là Dennis! Là Dennis Levine! Anh ta bị bắt rồi!” Siegel yêu cầu thư ký của mình tiếp tục đọc. “Ủy ban Chứng khoán cáo buộc Dennis Levine, một giám đốc điều hành của Tập đoàn Drexel Burnham Lambert, tội danh giao dịch nội gián, vì có dính líu đến một âm mưu mua bán chứng khoán dựa trên các thông tin nội bộ được thu thập trong khoảng thời gian năm năm anh ta làm việc với vai trò một chuyên viên ngân hàng đầu tư,” cô đọc tiếp. “Drexel Burnham nói sẽ hợp tác đầy đủ với Ủy ban Chứng khoán trong quá trình điều tra…” Dennis Levine nguyên là một chuyên viên ngân hàng đầu tư ở văn phòng ngay kế bên. Siegel toát mồ hôi hột. Tất cả những gì anh ta có thể nghĩ đến là một họng súng chĩa thẳng vào đầu mình, cò súng đã được kéo lên, và kỳ diệu biết bao, thay vào giết anh ta, viên đạn đã giết chết Dennis Levine, tên béo ục béo ịch, hăm hở thái quá, khuếch khoác bản thân và não nề vô lực ấy. * * * Tại văn phòng Drexel Burnham Lambert ở Beverly Hills, lúc ấy mới xế trưa theo múi giờ chuẩn Thái Bình Dương, giờ cao điểm của một ngày giao dịch. Michael Milken ngồi ở trung tâm của một chiếc bàn giao dịch khổng lồ hình chữ X, các giao dịch viên và nhân viên bán hàng trung thành của anh ta tỏa ra trên các trục. Trong lúc say sưa rà soát những dữ liệu giao dịch trên màn hình máy tính của mình, anh ta với lấy hai chiếc điện thoại đang reo lên – mỗi cái áp một bên tai. Đây chính là tâm điểm của trật tự kinh tế mới, kinh đô của đế chế trái phiếu trả lãi suất cao mà Milken đã xây dựng nên. “Này, Mike,” tiếng một giao dịch viên gọi Milken khi thông tin về Levine được truyền tới. “Xem này.” Chỉ vài tuần trước đó, Levine mới xuất hiện lần đầu tiên trong một bữa sáng xoay quanh chủ đề mua lại và sáp nhập tại chương trình hội thảo thành công rực rỡ của Mikken về trái phiếu trả lãi suất cao năm 1986, chương trình này được biết đến như một “Vũ hội của loài thú ăn thịt”. Milken ngưng nói chuyện điện thoại, ghé mắt nhìn vào thông điệp trên màn hình, sau đó tiếp tục công việc thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. “Giống như một vụ tai nạn xe hơi tồi tệ thôi ấy mà,” một trong các nhân viên bán hàng nhún vai. “Ông sẽ phải giảm hoạt động mất mấy ngày sau đó lại tẹt ga phóng vù vù như thường.” Chẳng có gì có thể chặn bước cơn càn quét mang tên Drexel. * * * Ivan Boesky, nhà đầu cơ ăn chênh lệch huyền thoại, đi ra từ phòng họp ở trụ sở của mình trên Đại lộ số Năm, bước xuôi trên hành lang cùng ông ta là một đám nhân viên. Đột nhiên Jeffrey Hennig, một trong các giao dịch viên của Boesky lao ra khỏi văn phòng của mình, huơ mẩu băng điện báo trên tay. Anh ta thét to về phía Boesky, “Ông đọc tin về Dennis Levine này chưa?” Boesky lập tức dừng bước và quay lại hỏi: “Dennis nào cơ?”. “Levine,” Hennig đáp. “Đây này.” Jeffrey Hennig chìa băng điện báo công bố cáo buộc của Ủy ban Chứng khoán với Levine ra. Boesky đọc lướt qua mẩu giấy, rồi trả lại Jeffrey Hennig. “Tôi chưa bao giờ nghe về tay này,” ông nói, rồi quả quyết bước đi. * * * Nhiều năm sau, khi nghĩ lại ngày hôm ấy, Siegel mới nhận ra rằng mình đã lầm. Viên đạn giết chết Levine cũng giết chết anh ta. Nó giết cả Ivan Boesky lẫn Michael Milken. Cũng viên đạn ấy đã phá tan cơn lốc thâu tóm và cơn sốt kiếm tiền ghê gớm nhất trong lịch sử Phố Wall, và nó cũng phơi bày âm mưu tội ác khủng khiếp nhất mà giới tài chính từng biết tới. Thập kỷ Tham tàn còn mất bốn năm nữa mới phân rõ trắng đen rạch ròi, nhưng sau ngày 12 tháng Năm năm 1986 ấy, nó bắt đầu phải chịu phận bi đát. Kể cả đến lúc này, cũng khó có thể nắm bắt chính xác được mức độ nghiêm trọng và phạm vi của tội ác đã bại lộ, bắt đầu từ giữa thập niên 1970, trong các thể chế thị trường và tài chính của nước Mỹ. Nó làm lu mờ bất cứ tội ác tài chính nào có thể đem ra so sánh, từ vụ Siêu Trộm Tàu Hỏa cho tới những âm mưu thao túng cổ phiếu mở đường cho sự ra đời của các điều luật về chứng khoán quốc gia trước đó. Tầm cỡ của những khoản lời phi pháp kếch xù đến mức không thể hiểu nổi trong con mắt của những kẻ người trần mắt thịt. Dennis Levine, con cá nhỏ, thú nhận khoản lợi nhuận lên tới 12,6 triệu đô-la. Ivan Boesky đồng ý chi 100 triệu đô-la cho các tài sản bị tước quyền và những khoản phạt khác; giờ đây cũng không ai dám chắc rằng số tiền đó có ngấp nghé tổng số những khoản thu bất chính của anh ta trong suốt nhiều năm không. Và rồi còn có cả Michael Milken, người gây ra những tội ác còn phức tạp, ngoài sức tưởng tượng và tham tàn hơn nhiều so với cáo buộc giao dịch nội gián thuần túy. Trong năm 1986, Milken kiếm được 550 triệu đô-la tiền lương thưởng từ một doanh nghiệp vốn đã dính líu hoạt động phi pháp suốt nhiều năm trời. Khi cuối cùng đã thừa nhận sáu tội danh nghiêm trọng, Milken đồng ý bồi thường 600 triệu đô-la – một khoản tiền thậm chí còn lớn hơn nhiều so với ngân sách thường niên của toàn bộ Ủy ban Chứng khoán. Đây không phải những sự việc tình cờ riêng lẻ. Chỉ xét riêng về mức độ và tác động tiềm tàng, âm mưu do Milken đầu sỏ đã làm lu mờ hết thảy những tội ác còn lại. Những trò biển lận tài chính là “chuyện thường ngày” trên Phố Wall hồi thập niên 1980. Một điệp khúc chung của hầu hết những bị cáo trong vụ scandal này đó là sẽ thật bất công nếu chỉ khởi tố một cá nhân trong khi có quá nhiều kẻ cũng phạm những tội danh này, nhưng lại chưa bị luật pháp rờ đến. Thứ luật im lặng tạo điều kiện cho tội ác ăn sâu bám rễ và đua nở tưng bừng trên Phố Wall, thậm chí cả trong nội bộ những cơ quan, tổ chức tiềm lực và đáng kính nhất – tiếp tục bao che cho rất nhiều kẻ có tội. Vậy nhưng, quá sa đà vào những khoản lợi lộc bẩn thỉu của các cá nhân riêng lẻ, sẽ lại là mạo hiểm đánh mất bức tranh tổng thể. Trong làn sóng tội ác này, quyền sở hữu của toàn bộ các tập đoàn đã được thay tên đổi chủ, thường là bằng sức mạnh vũ lực, với nhịp độ chóng vánh chưa từng thấy. Những cái tên đình đám – như Carnation, Beatrice, General Foods, Diamond Shamrock đã biến mất không dấu vết trong những cuộc thâu tóm, sản sinh ra đủ loại hoạt động tội phạm và những trò vi phạm các điều luật chứng khoán. Những công ty khác, như Unocal và Union Carbide, sống sót ngoi ngóp nhưng cũng gần như bị phá tan tành. Hàng nghìn nhân công mất việc làm, công ty oằn mình gánh đủ các khoản nợ phải trả cho những thỏa thuận, hy sinh lợi nhuận để chi trả tiền lãi phát sinh từ các khoản vay và hơn thế nữa, rất nhiều công ty cuối cùng cũng bị ép buộc phải tuyên bố phá sản hoặc tái cơ cấu. Những người giữ phiếu nợ cùng cổ đông còn mất nhiều hơn thế. Chỉ lòng tham không thôi sẽ không thể gây ra thiệt hại khủng khiếp nhường ấy. Đây là cái giá phải trả của lòng tham gắn chặt với mãnh lực thị trường – thứ quyền năng không thể bị kiềm thúc bởi những cơ chế kiểm soát và cân bằng của thị trường tự do, hoặc kể cả bởi nỗi âu lo rằng một ngày kia sẽ bị tóm gọn. Và những hệ quả kinh tế của các tội ác này, dù tàn tệ đến đâu, cũng không thể che giấu thách thức mà chúng đặt ra với năng lực thực thi pháp luật, hệ thống tòa án của cả quốc gia, và hơn tất cả, là với ý niệm về sự công bằng và ngay thẳng – chính là nền tảng của xã hội văn minh. Nếu thực sự tồn tại những con người tin rằng bản thân mình quá sức giàu có và quyền năng tới mức vượt trên pháp luật, vậy thì những kẻ ấy có thể được tìm thấy trong lòng và xung quanh Phố Wall hồi những năm 1980. Nếu tiền có thể mua được công lý ở nước Mỹ, vậy thì Milken và Drexel đã sẵn sàng để làm điều đó, và quả thực họ đã làm thế. Họ thuê riêng những luật sư cùng cố vấn quan hệ công chúng đắt giá nhất, giỏi giang nhất và quyền lực nhất ‒ những người mà thành công đáng sợ của họ đã xoay chuyển những tranh luận công khai trở thành một phiên tòa của riêng các luật sư công và các công tố viên chứ không còn là phiên tòa của những kẻ bị cáo buộc phạm tội nữa. Thế nhưng Milken và Drexel đã thất bại, nhờ những nỗ lực mang tính anh hùng nhất thời của những luật sư công với chi phí bèo bọt cho một lượng công việc quá tải, những người đã cống hiến phần lớn sự nghiệp của mình để lật tẩy những vụ bê bối. Ở đây phải đặc biệt kể đến Charles Carberry và Bruce Baird ở văn phòng luật sư Manhattan U.S và cả Gary Lynch, trưởng bộ phận thi hành pháp luật tại Ủy ban Chứng khoán. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ không thành công hoàn toàn. Tình trạng phạm tội lan tràn trên Phố Wall sau một thập niên thi hành luật lỏng lẻo đến mức đôi khi lấn át cả tài xoay xở của họ. Không phải tất cả những kẻ đáng bị truy tố đều bị buộc tội, và sai lầm vẫn diễn ra. Thế nhưng thành công hơn hết thảy của họ trong việc kết tội những thủ phạm chính yếu và tiếp thêm động lực cho các điều luật chứng khoán chính là cống hiến đáng kể cho hệ thống tư pháp của nước Mỹ. Đây là câu chuyện đầy đủ về những kẻ phạm tội từng thống trị Phố Wall, cách họ chiếm lĩnh những đỉnh cao tiền tài, quyền lực và danh tiếng, và cả chuyện họ đã bị phát hiện và đưa ra công lý như thế nào. Cho dù đã có sự công khai sát sao song hành cùng những vụ kiện chống lại những nhân vật này, nhưng chưa có mấy phần trong câu chuyện ấy được đưa ra công chúng. Milken, Boesky, Siegel và Levine, nhờ việc thừa nhận tội trạng để giảm nhẹ mức phạt, đã tránh được những phiên xử công khai đầy đủ. Câu chuyện trong cuốn sách này được xây dựng dựa trên hơn bốn năm thu thập, bao gồm các cuộc phỏng vấn, rà soát một khối lượng tài liệu khổng lồ, tư liệu đại bồi thẩm đoàn và các bản tường thuật khác, những ghi chép phỏng vấn luật sư, ghi chép của những người tham dự khác. Trong thời đại có xu hướng ngợi ca chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, câu chuyện này càng thể hiện rõ rằng thị trường tài chính nước Mỹ thực ra đã bại hoại từ bên trong và biến chất hòng phục vụ mục đích phạm pháp. Ở mức độ cơ bản nhất, chủ nghĩa tư bản Mỹ nở rộ bởi tất cả mọi người, dù giàu dù nghèo, đều nhận định rằng thị trường bù đắp công lao xứng đáng cho những hành động táo bạo, sáng tạo đột phá, lao động cần cù và thông minh nhạy bén. Các điều luật chứng khoán được thi hành nhằm giúp bảo vệ quy trình ấy, bảo vệ tính minh bạch của thị trường và khuyến khích xây dựng nguồn vốn – thông qua việc mang lại một sân chơi bình đẳng, trong đó mọi người đều được mưu cầu thời vận của mình. Vi phạm luật chứng khoán không phải những tội ác không-có-nạn-nhân. Khi những kẻ giao dịch nội gián thu được đủ các khoản lời từ trên trời rơi xuống nhờ hối lộ nhân vật nào đó để moi những bí mật doanh nghiệp, trong khi giá cả bị thao túng và hàng khối cổ phiếu được lén lút thu gom, thì lòng tin của chúng ta đặt vào sự công bằng ngầm ẩn của thị trường cũng vỡ vụn. Chúng ta đều là những nạn nhân. Quyển 1. QUA MẶT LUẬT PHÁP 1. Martin Siegel, thành viên nhỏ tuổi nhất của lớp vừa mới tốt nghiệp Khoa Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Harvard, đến nhận công việc tại hội sở của hãng Kidder, Peabody & Co. tại số 20 Phố Exchange Place, Manhattan tháng Tám năm 1971. Sáng hôm ấy, anh chàng Siegel 23 tuổi dạo qua những dãy hành lang, ngước mắt nhìn lên những tấm chân dung của Henry Kidder, Francis Peabody, Albert R. Gordon và nhiều người khác, treo phía trên những tấm thảm treo tường cùng những dải thảm trải sàn kiểu phương Đông đã hơi sờn. Siegel gắng nhập tâm hình ảnh của những nhân vật xa lạ này cùng thế giới kiêu sa của sự thịnh vượng lâu đời và thứ quyền lực khôn ngoan thận trọng. Anh chàng chẳng có mấy thời gian để trầm ngâm suy tưởng. Anh cùng người vợ mới cưới thậm chí còn chưa dỡ đồ đạc ra trước khi anh lao vào một dự án bất kể ngày đêm hòng giành được một thương vụ bao tiêu từ Hiệp đoàn cho vay hế chấp Liên bang. Người cộng sự của Siegel trong dự án này chẳng để lại mấy ấn tượng cho anh ta, ngoài cái tên Theodore Roosevelt đệ Tứ hay đệ Ngũ gì đấy; Siegel có nhớ được gì bao giờ. Năm 1971, khi cuộc chiến ở Việt Nam vẫn gây công phẫn và thôi thúc thái độ phản kháng đối với giới cầm quyền, chẳng mấy sinh viên tốp đầu chịu học trường kinh doanh, càng chẳng cần nhắc tới Phố Wall cho uổng. Siegel, một trong những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất tại lớp, có quyền lựa chọn hầu như tất cả mọi ngân hàng đầu tư cùng các hãng chứng khoán đình đám nhất. Anh đã gửi đơn ứng tuyển tới 22 nơi; tất thảy đều tỏ ra hào hứng đón chào. Kidder, Peabody với tổng số vốn lên tới khoảng 30 triệu đô-la hiếm khi được xếp vào danh sách 20 hãng đầu tư hàng đầu nước Mỹ. Trên thang bậc tôn ti ở Phố Wall, Kidder, Peabody thuộc hạng hai, hay gọi là nhóm “chủ chốt”. Nó không được xếp vào hàng đẳng cấp “đặc biệt” trong đó có Salomon Brothers, First Boston, Morgan Stanley, Merill Lynch hay Goldman, Sachs. Dù làn gió đổi mới đã tràn tới rõ rệt từ hồi năm 1971, Phố Wall vẫn bị chia tách giữa hai phe gồm các công ty “Do Thái” với các công ty WASP (của người da trắng theo đạo Tin Lành). Hồi mới sơ khởi, khi các tập đoàn và ngân hàng chính yếu còn phân biệt đối xử công khai với người Do Thái, thì Phố Wall đã thực hiện việc tưởng thưởng cho các công trạng cùng hành động táo bạo. Những ngân hàng đầu tư như Goldman, Sachs, Lehman Brothers và Kuhn Loeb (danh tiếng lẫy lừng bởi được gây dựng lên bởi bàn tay những tài phiệt Do Thái gốc Đức) đã cùng góp mặt trong danh sách WASP những công ty có tên tuổi danh tiếng nhất: như Morgan Stanley – kết quả sản sinh từ đế chế tài chính J. P. Morgan – hay First Boston, Dillon, Read và Brown Brothers Harriman. Gã khổng lồ Merrill Lynch Pierce Fenner & Smith, một sự dị thường theo nghĩa nào đấy, đã có thời từng bị coi là một ngân hàng đầu tư “Thiên chúa giáo”. Kidder, Peabody duy trì vị trí ổn định trong đội ngũ WASP. Siegel chính là người Do Thái đầu tiên mà ngân hàng thuê làm việc cho mảng tài chính của mình. Siegel vốn cũng đang kiếm tìm một công việc đa dạng cũng như mang lại hứng khởi. Chỉ lĩnh vực ngân hàng đầu tư mới mang tới sự thịnh vượng bắt nguồn từ một phán quyết thị trường về việc phát hành một cổ phiếu mới hay tuyên bố một vụ sáp nhập quy mô lớn. Anh đã thu hẹp lựa chọn của mình xuống còn ba hãng: Goldman, Sachs, Shearson Hayden Stone và Kidder, Peabody. Một nhân viên chuyên trách tuyển dụng của Goldman gọi điện, và hỏi rằng nếu Goldman đưa ra đề nghị tuyển dụng, liệu anh có chấp thuận? Siegel chẳng hứa hẹn gì. Shearson Hayden Stone đưa ra mức lương hậu hĩnh nhất – 24 nghìn đô-la một năm. Kidder, Peabody chỉ đề nghị mức lương 16 nghìn đô-la. Nhưng Siegel đã nhìn thấy những cơ hội có một không hai ở đó. Ngân hàng này toàn những thành viên già cội, nhưng lại có hẳn một danh sách các khách hàng “danh tiếng” rất hùng mạnh. Siegel phác ngay viễn cảnh leo thang chóng vánh lên đỉnh cao của mình. Hơi hướm tinh hoa kiểu quý tộc của Kidder, Peabody đã quyến rũ Siegel. Là một trong những ngân hàng đầu tư lâu đời nhất nước Mỹ, hãng được thành lập ở Boston dưới tên gọi Kidder, Peabody & Co. vào năm 1865, ngay trước khi cuộc Nội Chiến kết thúc. Thuở mới khai lập, Kidder dồn hầu hết vốn liếng vào cơn bùng nổ đường sắt, và chủ yếu là cho Atchinson, Topeka & Santa Fe. Trong số các khách hàng của nó còn có mặt cả hai gương mặt đáng kể chống lưng cho giới quyền lực, đó là hãng Thép Hoa Kỳ và Điện thoại & Điện tín Hoa Kỳ. Hãng Kidder, Peabody hiện đại nằm dưới quyền cai trị của Albert H. Gordon, con trai của một thương lái đồ da giàu có người Boston, tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard. Năm 1929, khi hãng này tan tác bởi sự sụp đổ của thị trường, Gordon, một tay buôn trái phiếu trẻ tuổi ở Goldman, Sachs đã đầu tư 100 nghìn đô-la tiền vốn riêng vào hãng này. Cùng với hai cổ đông nữa, anh ta đã giành được hãng về tay mình vào năm 1931. Ngài Gordon là người không biết mỏi mệt, một kẻ cuồng tín, thể chất tráng kiện với nguồn năng lượng bất tận cùng phong thái đại trí thức không thể chê trách gì, đã chuyển hội sở của hãng từ Phố Wall về Boston và bắt đầu xây dựng danh sách khách hàng. Ông sở hữu một lợi thế: danh tiếng của Kidder, Peabody, đối lập hoàn toàn với rất nhiều đối thủ cạnh tranh của nó – duy trì trạng thái “không tì vết” đáng kể sau sự kiện sụp đổ thị trường. Cơn chấn động do sự sụp đổ của thị trường và cuộc Đại Khủng hoảng đã khơi mào cho một cuộc vận động cải cách trong Quốc hội, đưa đến kết quả là các cuộc thẩm vấn Nghị viện được tiến hành dưới tay cố vấn đặc biệt Ferdinand Pecora, bắt đầu vào năm 1932. Qua loạt thẩm vấn đầy vẻ miệt thị mà Pecora thực hiện với một vài chuyên viên ngân hàng đầu tư hàng đầu Phố Wall, công chúng Mỹ đã được biết về giao dịch nội gián, về hành vi thao túng giá cổ phiếu và đầu cơ trục lợi thông qua cái gọi là tín thác đầu tư. Hầu hết những vụ lạm dụng bị phanh phui đều dính dáng đến chuyện thông tin được đặt vào một số ít thành phần được ưu ái và bị che giấu trước đông đảo công chúng đầu tư. Đó không chỉ là những thông tin tác động trực tiếp tới giá cổ phiếu, ví như mức giá đề nghị trong các vụ sáp nhập và thâu tóm, mà còn là những thông tin có thể được khéo léo biến thành lợi thế trong ngành nghề: Ví dụ, chênh lệch thực sự giữa giá chào mua và giá chào bán, hay danh tính của những người mua vào những khối cổ phiếu lớn cùng động cơ thực sự ẩn sau động thái thu mua ấy. Tiếp sau làn sóng thoái vốn rộng khắp trong công chúng cùng cơn thịnh nộ của những người theo chủ nghĩa dân kiểm, Quốc hội đã phê chuẩn những văn bản pháp lý mang tính lịch sử, Luật Chứng khoán vào năm 1933 và Luật Giao dịch Chứng khoán vào năm 1934. Một cơ quan liên bang mới, Ủy ban Chứng khoán được thành lập nhằm thực thi những quy định ấy. Quốc hội cho rằng việc thi hành những điều luật chứng khoán mới của mình quan trọng tới mức họ còn thông qua cả các điều chỉnh hình sự tương ứng. Nhờ việc tách riêng hoạt động ngân hàng thương mại với hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, huy động vốn, phân phối cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác, các điều luật chứng khoán đã tạo tiền đề cho nghiệp vụ ngân hàng đầu tư hiện đại hình thành. Dưới sự chèo lái của Gordon, Kidder, Peabody đã tập trung vào chức năng bảo lãnh phát hành của mình. Công ty chính là người tiên phong trong việc mở ra chi nhánh tại các thành phố của nước Mỹ. Ý tưởng ở đây, như Gordon vẫn thích ví von, là “tự mở con đường dẫn tới thành công”. Trong phần lớn lịch sử hoạt động kinh doanh của mình, Kidder, Peabody luôn duy trì mức vốn chủ sở hữu dưới sự kiểm soát chặt chẽ, thể hiện bằng việc Gordon sở hữu phần lớn công ty cùng lợi nhuận của nó. Khi công ty chuyển thành tập đoàn hồi năm 1960, cấu trúc sở hữu đã thay đổi đôi chút, lúc này Gordon đơn thuần trở thành cổ đông lớn nhất của hãng. Ông rất chi li khó tính trong việc trao quyền cổ đông vào tay các thành viên trong ban lãnh đạo của hãng. Kidder, Peabody cứ thế phát đạt, nếu không muốn nói là đầy ngoạn mục, dưới trướng lãnh đạo đầy bảo thủ của Gordon. Kiên quyết né tránh một cuộc khủng hoảng vốn lần nữa, Gordon khẳng định rằng các lãnh đạo cấp cao của Kidder nên tái đầu tư các khoản thu nhập của mình vào công ty. Việc này đã mang lại cho hãng nguồn vốn để vượt qua sự sa sút bất ngờ về quy mô giao dịch và lợi nhuận làm khuynh đảo Phố Wall vào năm 1969. Một phó chủ tịch của Kidder, Ralph DeNunzio, người từng là phó chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán New York và góp phần dàn xếp vụ sáp nhập các công ty “cây đa cây đề” như Goodbody & Co. và du Pont. DeNunzio đã tiếp quản vị trí chủ tịch sở giao dịch vào năm 1971, cũng là năm Siegel tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard. Dòng dõi xuất thân của Siegel khá khiêm tốn, trái ngược với bộ sậu lãnh đạo của Kidder, Peabody. Cha và chú của anh sở hữu ba tiệm giày ở Boston, những cửa hàng dựa vào các nhà cung cấp Hoa Kỳ và được nhắm riêng cho thị hiếu của tầng lớp trung lưu và dân lao động. Hồi cuối thập niên 1960, đầu 1970, các cửa tiệm bị hủy hoại bởi những chuỗi cửa hàng được hưởng lợi từ hoạt động quảng bá trên toàn quốc và nguồn cung nước ngoài giá rẻ. Điều này thực sự đau đớn với Siegel, người chưa từng chứng kiến một ai làm việc vất vả mà thu về quá ít ỏi như cha mình. Lớn lên ở Natick, một khu ngoại ô của Boston, Siegel hầu như chẳng được gặp cha mình, ông làm việc cả bảy ngày một tuần, và thường ngủ đêm luôn trong thành phố. Không giống như cha của các bạn mình, cha của Siegel chưa từng chơi bóng với anh bao giờ. Siegel chẳng khá khẩm gì với các môn thể thao ở trường; cậu đi học sớm một tuổi, vậy nên thua thiệt về thể chất so với các bạn cùng lớp. Nhưng khi trở thành tân học sinh trường trung học, Siegel lại đạt thành tích học tập xuất sắc. Cậu đã nghĩ rằng mình muốn trở thành một nhà du hành vũ trụ. Vào năm thứ nhất trung học, khi Siegel được chấp thuận tham gia chương trình vừa học vừa làm tại Học viện Kỹ thuật Rensselaer, một trường đại học về khoa học và kỹ thuật, anh trở thành thành viên đầu tiên của gia đình bước chân vào đại học. Anh tiếp tục đạt kết quả học tập ưu việt kể cả khi đã làm việc bán thời gian, sau đó theo học tiếp một chương trình thạc sỹ về kỹ thuật hóa học năm 1968. Anh biết sẽ chẳng bao giờ giàu có nếu cứ nai lưng làm việc ở vị trí một kỹ sư vô danh tiểu tốt trong phòng thí nghiệm của một công ty, vậy nên anh nộp đơn vào Trường Kinh doanh Harvard và được chấp thuận nhập khóa học bắt đầu từ tháng Chín năm 1969. Tình trạng bất ổn tràn vào các khu học xá nước Mỹ suốt những năm cuối thập niên 1960 không tác động mấy lên Siegel, nhưng tại trường Harvard, anh đã bị bắt trong một cuộc vận động phản đối chiến tranh sau vụ xâm lược Campuchia do Mỹ cầm đầu hồi năm 1970 và vụ giết hại sinh viên tại Kent State do Lực lượng Vệ binh Quốc gia ở Ohio thực hiện. Anh đã tham gia cuộc biểu tình ngồi phản đối chiến tranh tại Harvard Yard, hút xì gà tẩm ma túy nhẹ vài lượt. Thế nhưng, anh vẫn thấy khó chịu khi các sinh viên làm mọi cách để hủy bỏ cuộc thi cuối kỳ năm đó. Anh vẫn thực hiện bài thi của mình, và đưa ra nguyện vọng là đem bài thi về nhà, sau đó nộp lại qua thư. Với luận án thạc sỹ của mình, Siegel tìm cách giải quyết một vấn đề nghiêm trọng trong việc kinh doanh cửa hàng giày của cha mình. Giải pháp của anh đó là: Các cửa hàng của cha nên được chuyển thành các cửa hàng cao cấp chuyên dụng, nhắm tới những phụ nữ giàu có và lưu tâm tới thời trang. Việc này sẽ giúp tránh được tình trạng cạnh tranh ngày càng gay gắt với toàn bộ phần còn lại của thị trường. Cha của Siegel đã đồng ý về nguyên tắc, nhưng rồi em trai ông, người đảm trách việc mua hàng cho chuỗi cửa tiệm bị trụy tim. Cha Siegel thì không có biệt nhãn hay bản năng gì trong việc bán lẻ đồ thời trang cao cấp. Tuy nhiên, luận văn của Siegel thì giành được “điểm cộng tuyệt đối”, tương đương với điểm A+ của Harvard. Vào ngày Quốc khánh Mỹ, 4 tháng Bảy năm 1970, Siegel kết hôn với Janice Vahl, một sinh viên âm nhạc đến từ Rochester mà anh đã gặp hai năm trước. Sau khi Siegel chấp thuận lời đề nghị của Kidder, Peabody, anh và Janice chuyển tới New York, trả 212 đô-la mỗi tháng tiền thuê một căn hộ một phòng ngủ vừa phải trên Phố 72 khu Đông Manhattan. Siegel đến với Phố Wall và hoạt động ngân hàng đầu tư đầy tự nhiên; năng lượng và động lực của anh, như anh đã tiên đoán, là một luồng không khí mát lành phả vào Kidder, Peabody. DeNunzio, giờ là giám đốc điều hành của Kidder, Peabody, là người đầu tiên tỏ ra ưu ái đặc biệt với chàng nhân viên mới này. Ông cũng có xuất thân khiêm nhường và cảm thấy thoải mái hơn với những nhân viên bán hàng và giao dịch “đầu tro mặt muội” so với đám chủ ngân hàng đầu tư thuộc tầng lớp trên. Siegel bắt đầu làm việc với một vài giao dịch sáp nhập và thâu tóm, bởi không ai khác ở Kidder, Peabody hào hứng động tay vào. Những vụ thâu tóm thô bạo đã sinh ra một thứ vết nhơ không sạch sẽ gì. Chúng gây ra mối ác cảm, đặc biệt là với những nhân vật đại diện cho đám người đi tấn công. Việc này đôi khi còn khiến những khách hàng khác tỏ ra xa lánh. Rất nhiều ngân hàng đầu tư và công ty luật WASP ưa đẩy những công việc tương tự cho các hãng khác, hầu hết là các công ty Do Thái. Nhưng những thứ này lại chẳng khiến Siegel mảy may phiền lòng. Thương vụ thâu tóm đầu tiên của anh đến ngay sau khi Điều luật Williams được thông qua, trong đó tuyên bố những quy trình mới nhằm bảo vệ các cổ đông khỏi những mánh khóe thâu tóm. Thương vụ này vốn là một vụ chào mua Atlantic & Pacific Tea Co. không thành công của Charles Bluhdorn – một nhân vật hám lợi của hãng Gulf + Western, khách hàng lâu năm của Kidder, Peabody. Bluhdorn, vốn thân thiết với DeNunzio, đã khen ngợi công việc của Siegel và DeNunzio đảm bảo rằng Siegel sẽ được giao nhiệm vụ với một khách hàng lớn khác, Victor Palmieri của hãng địa ốc Penn Central. Đến năm 1974, nhận thấy tình trạng thiếu hụt quan điểm chuyên môn trong lĩnh vực mình, Siegel đã chấp bút cho một cuốn giáo khoa về nghiệp vụ sáp nhập và thâu tóm sử dụng trong nội bộ Kidder, Peabody; cuốn tài liệu đã được các đồng nghiệp hoan nghênh chào đón. Chỉ trong vòng hai năm, anh đã được thăng chức trợ lý phó chủ tịch. Trong khi sự nghiệp của Siegel cất cánh, thì những khía cạnh còn lại của cuộc sống lại mỗi lúc một phiền toái. Việc làm ăn của cha Siegel tiếp tục xấu đi; hầu như hàng tuần Siegel đều bay tới Boston để trợ giúp. Cuộc hôn nhân của anh gặp trục trặc. Janice tham gia ban nhạc Bel Canto ở New York và muốn theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Siegel, vốn không mặn mà gì với nhạc kịch, chẳng khích lệ gì được cho vợ. Đến tháng Hai năm 1975, họ ly thân. Một khoảng thời gian ngắn trước đó, ngân hàng và chủ nợ chính của cha Siegel đã dừng hoạt động kinh doanh giày của ông. Công ty của Robert Siegel đệ đơn phá sản. Ông chủ chuỗi cửa hàng bán lẻ từng một thời kiêu hãnh và tràn trề sinh lực, giờ đây, ở tuổi 47, là một kẻ trắng tay. Ông thử buôn bán địa ốc nhưng chẳng ích chi. Ông thử làm công việc tu sửa nhà cửa và cuối cùng “cập bến” với công việc bán vật liệu lợp mái ở Sears. Siegel quan sát những điều đó với thái độ cảnh giác bởi cha anh dường như có ý định tự kết liễu đời mình. Anh để ý rằng cha mình bắt đầu sống câu dầm qua ngày đoạn tháng dựa vào những đứa con trai và con gái mà ông đã chẳng có đủ thời gian dành cho chúng. Siegel bị ám ảnh với ý nghĩ rằng điều gì đó tương sự có thể sẽ xảy đến với anh. Anh thề rằng anh sẽ không bao giờ sa sút đến độ thành một gã tán gia bại sản. * * * Sau sự lụn bại của cha mình, Siegel càng dành toàn tâm toàn ý cho công việc, thường xuyên làm việc tới 100 giờ đồng hồ mỗi tuần. Vừa cạnh tranh với Gordon, giờ đây vẫn là chủ tịch danh dự của hãng, Siegel cũng ráo riết rèn luyện sức khỏe. Một trong những đồng nghiệp ở hãng, cựu đô vật toàn Mỹ tên là Scott Christie, đã gọi điện liên hệ giúp anh đăng ký một chương trình tập luyện tại Câu lạc bộ Điền kinh New York. Một lần, Christie, Siegel và John Gordon, con trai của Al Gordon đứng với nhau ở hành lang trong công ty, khi ấy Siegel khoe khoang rằng anh có thể chống đẩy 50 lần một phút. Christie xiết chặt lấy bắp tay của Siegel và đảo mắt đầy ranh mãnh. “Thể hiện đi kìa, Marty.” Chỉ chờ có thế, để nguyên cả áo xống cà vạt, Siegel nhào xuống sàn. Anh chống đẩy liền 50 cái trong chưa đầy một phút. Anh chàng Martin Siegel bảnh trai đã trở thành cậu bé vàng của Kidder, Peabody. Anh tậu một chiếc Alfa-Romeo mui trần và một căn nhà trên bờ biển ở Fire Island, một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Long Island. Anh phóng khoáng, tự chủ và ưa giao du. DeNunzio, vốn lập dị và không có lợi thế về ngoại hình, đã khôn ngoan nhận thấy ở Siegel khả năng thu hút và chăm sóc khách hàng, nhược điểm chủ yếu của DeNunzio. Ông đưa Siegel lên làm phó chủ tịch chính thức vào năm 1974, và chẳng mấy chốc, Siegel đã được báo cáo công việc trực tiếp với DeNunzio. Khi Gould Inc., khách hàng của Kidder, Peabody đưa ra một mức giá đệm bằng tiền mặt cho một nhà sản xuất van vào đợt Giáng sinh năm 1975, DeNunzio đã phân công Siegel làm việc với nhà tài phiệt huyền thoại của hãng Lazard Frères – Felix Rohatyn, người đại diện của công ty mục tiêu. Thoạt tiên, Siegel rất dè dặt bởi anh còn mải nể sợ Rohatyn. Sau đó, trong một cuộc họp, Rohatyn xin phép đi vào nhà vệ sinh. Siegel liền nghĩ bụng: “Ôi trời, ông ta cũng là người!” Không có lý do gì Siegel lại không thể trở thành một huyền thoại, như Rohatyn. Tháng Tư năm 1976, luật sư chuyên về thâu tóm, Joseph Flom (đồng sáng lập hãng Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom) đã mời Siegel đến thực hiện một bài giới thiệu về chủ đề “xác định mục tiêu thâu tóm” tại một cuộc thảo luận nhóm. Siegel lấy làm hân hạnh lắm, mặc dù anh biết chẳng khó khăn gì để trở thành một chuyên gia. Bất cứ ai đã từng giải quyết một kiểu giao dịch sau khi Đạo luật Williams có hiệu lực đều được coi là đạt chuẩn để trở thành chuyên gia. Siegel thậm chí còn cảm thấy vinh dự hơn nữa khi anh gặp thành viên cuộc thảo luận: Ira Haris, một trong những chuyên viên ngân hàng đầu tư hàng đầu của Salomon Brothers; Robert Rubin, một ngôi sao đang lên như diều tại Goldman, Sachs; John Shad, người đứng đầu E. F. Hutton; Arthur Long, cố vấn về tín thác hàng đầu; Theodore Levine, luật sư hành pháp của Ủy ban Chứng khoán; và cả Arthur Fleischer, một luật sư lỗi lạc về thâu tóm tại Fried, Frank, Harris, Shriver & Jacobson; và, ngồi ngay kế bên Siegel chính là đối thủ mạnh nhất của Flom trong lĩnh vực thâu tóm, Martin Lipton, nhà sáng lập của Wachtell, Lipton, Rosen & Katz. Cùng làm việc với nhau, ý kiến chuyên môn của nhóm bao quát tất cả hoạt động của các vụ thâu tóm áp chế – một lĩnh vực đang nổi lên, lĩnh vực mà sau đó đã biến đổi diện mạo của giới doanh thương tư nhân Mỹ đến mức không ai trong số họ từng mơ tới. Ngành công nghiệp Mỹ từng trải qua những giai đoạn hợp nhất trước đó, mà gần đây nhất là vào giai đoạn những năm 1960, khi thứ trào lưu phân tán rủi ro mang tính nhất thời đã đưa đẩy nhiều công ty lớn vào các thương vụ sáp nhập với tiền tài trợ thông qua việc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong thập kỷ bùng nổ thị trường. Những cuộc thâu tóm ấy phần lớn đều hữu hảo. Trước đó, những tập đoàn độc quyền của kỷ nguyên Morgan đã được sản sinh nhờ hàng loạt cuộc sáp nhập (một vài trong số đó bị cưỡng ép không-lấy-gì-làm-nhẹ-nhàng bởi chính tay nhà tài phiệt khét tiếng này). Tuy vậy, không một dạng thỏa thuận nào trong số này thực sự sánh ngang được với sự bùng nổ của trào lưu thâu tóm áp chế bắt đầu từ những năm 1970 và đạt đỉnh điểm trong thập niên 1980, chỉ trừ một khía cạnh mấu chốt: chúng mang lại những cơ hội kiếm lời lớn trên thị trường chứng khoán. Siegel để ý thấy rằng Lipton hí hoáy ghi chép mau lẹ trong khi những người khác thực hiện bài giới thiệu của mình. Thế rồi, khi đến lượt Harris phát biểu, Lipton dúi tờ giấy ra trước mặt anh ta, và rõ ràng là Harris đọc bài phát biểu của Lipton. Thì ra đây chính là cung cách hoạt động của “câu lạc bộ” M&A (Sáp nhập & Mua lại), Siegel nghĩ bụng. Sau bài giới thiệu của Siegel, Lipton đứng ở phía sau để tán dương anh. Sau việc này, hai người thường xuyên trò chuyện về các mẹo mực sáp nhập – mua lại và tán chuyện phiếm với nhau. Họ hợp thành một cặp thật tréo ngoe; Siegel hào hoa phong nhã cùng Lipton béo tốt đẫy đà với mái tóc mỏng dính đi kèm đôi kính gọng tối màu nặng trịch. Nhưng Siegel đã nhận ra sự tinh thông ngành nghề của Lipton và trở thành một học trò đầy háo hức. Lipton và Flom đã phát triển một kiểu thỏa thuận ứng trước phí tư vấn với khách hàng của mình. Các công ty khách hàng muốn đảm bảo chắc canh ta rằng công ty luật luôn sẵn sàng tham gia bất cứ một sự kiện nào mà họ trở thành mục tiêu của một cuộc bỏ thầu thâu tóm áp chế sẽ phải trả cho các luật sư một khoản phí ứng trước đáng kể hàng năm. Trong trường hợp họ bị tấn công từ phía một khách hàng khác của Lipton hay Flom, khách hàng tấn công đã chấp thuận từ trước rằng sẽ bỏ qua mọi xung đột quyền lợi, ngầm hiểu là các luật sư sẽ bảo vệ đối tượng “bị tấn công”. Rất nhiều tập đoàn chủ chốt cuối cùng đã ký kết làm ăn với Lipton và Flom, thậm chí kể cả khi vài thành viên trong ban lãnh đạo có thét gào khó chịu. Những luật sư này tính chi phí chặt chẽ theo từng tiếng đồng hồ, né tránh cả những chi phí phát sinh bất ngờ. Những khoản ứng trước cho Lipton và Flom giống với một chính sách bảo hiểm hơn, bởi chúng không nhất thiết đòi hỏi công việc thực tế đi kèm. Giới cầm quyền nhìn nhận động thái bỏ qua mọi bất đồng từ trước với thái độ ghê tởm. Thế nhưng bản thân các khách hàng cơ hồ lại chẳng phiền lòng chút nào, một thứ thước đo quyền lực không chính thức mà Lipton và Flom có thể nắm chắc. Siegel lúc này nghĩ rằng Kidder, Peabody nên bắt đầu thực hiện những thỏa thuận tương tự. Đến thời điểm diễn ra cuộc thảo luận nhóm vào năm 1976, Siegel đã hoàn toàn chắc canh ta rằng làn sóng sáp nhập sẽ còn tiếp diễn, thậm chí tăng lên. Những đối thủ lớn hơn, như Morgan Stanley, Salomon và First Boston đã khuếch trương thanh thế về năng lực tấn công trong các thương vụ sáp nhập và mua lại của mình. Siegel nghĩ rằng Kidder, Peabody hoàn toàn có cơ hội chống lại. Anh bắt đầu tiến hành thăm viếng các khách hàng doanh nghiệp tiềm năng, rao bán thứ mà anh gọi là “sản phẩm chống lại đấu thầu của Kidder, Peabody”. Anh lập luận rằng chỉ trong vòng bảy ngày – như quy định trong Luật Williams – để đưa ra động thái đáp trả lại một vụ đấu thầu thâu tóm áp chế, các công ty buộc phải chuẩn bị sẵn sàng từ trước với đầy đủ những chiến lược tự vệ được suy tính thấu đáo. Điều này đồng nghĩa với việc ứng trước cho Kidder, Peabody – và chi một khoản tạm ứng phí tư vấn như những khoản chi cho Lipton và Flom – để đảm bảo các luật sư luôn sẵn sàng và vì lợi ích của hãng. Lipton giới thiệu Siegel với những nhân vật hàng đầu trong cộng đồng M&A gắn bó khăng khít, và đặt cả tăm tiếng của mình vào kế hoạch của Siegel. Sự thăng tiến thực sự của Siegel đến vào tháng Năm năm 1977, khi tờ Business Week ca tụng anh như chuyên gia chống thâu tóm hàng đầu. Sau khi miêu tả thành công của anh trong vài thương vụ cỡ bự, bài báo còn nhân tiện đề cập rằng anh bảnh trai đến mức được coi là “người tình của nữ minh tinh Greta Garbo.” Bài báo có đăng kèm một bức ảnh, và thốt nhiên Siegel ngập giữa những lời đề nghị từ các chị em kiếm tìm đối tượng hò hẹn. Siegel quá ư sửng sốt vì câu chuyện trong bài báo, vốn chẳng có vai trò gì ghê gớm, lại mang đến vị thế cùng tính chính thống lập tức như vậy. Bộ phận sao lục của Kidder, Peabody lập tức hoạt động hết công suất, gửi bản sao bài báo cho tất cả các khách hàng giàu có tiềm năng. Từ năm 1977 trở đi, cứ mỗi năm, chỉ riêng Siegel đã liên hệ với 200 đến 300 khách hàng. Mục tiêu của anh là các công ty quy mô vừa (điển hình là những công ty có mức doanh thu từ 100 đến 300 triệu đô-la một năm) vốn không đủ tiêu chuẩn để nhận được dịch vụ từ những ngân hàng đầu tư lớn hơn. Đây là những doanh nghiệp dễ lung lay trước một lời đề xuất thâu tóm áp chế từ phía một công ty lớn hơn. Sản phẩm của Siegel bán ra ngon lành. Cuối cùng anh đã mời được 250 công ty chi ra cho Kidder, Peabody khoản phí ứng trước lên tới sáu con số hằng năm. Sự cạnh tranh chủ yếu của anh đến từ Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư lớn hơn và quyền lực hơn rất nhiều, ngân hàng này đã quyết định sẽ khoanh vùng hoạt động chống thâu tóm như một nghiệp vụ riêng của mình, cho dù là do những nguyên nhân hơi khác. Vào thời điểm đó, Goldman đã biến nghiệp vụ đó thành một chính sách nhằm né tránh vai trò đại diện cho những kẻ bỏ thầu hung hãn. Có trong tay danh sách khách hàng đáng thèm muốn gồm các công ty tăm tiếng trên Phố Wall, Goldman không muốn liều mình đẩy khách hàng ra xa bởi nguyên do họ đại diện cho ai đó được coi là “kẻ săn doanh nghiệp”. Các dịch vụ ngân hàng đầu tư truyền thống dành cho các khách hàng lâu đời này chính là thành phần tất yếu trong công việc làm ăn sinh lời của Goldman. Siegel rất muốn giành được một khách hàng từ tay Goldman. Vào năm 1977, Peter Sachs, người sau đó trở thành trưởng bộ phận Sáp nhập và mua lại (M&A) tại Goldman, đã bay tới vùng Bờ Tây để gặp gỡ Steve Sato, chủ tịch Tập đoàn Ivac, một doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế vừa mới trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công thâu tóm từ hãng Colgate Palmolive. Sachs, theo lời kể của vị chủ tịch nọ, chỉ khuếch khoác về “sự tinh thông kiểu Goldman”. Khi Siegel đến gặp Sato, anh dành phần lớn thời gian lắng nghe các mục tiêu của Sato đối với công ty mình. Vị chủ tịch này vốn mang dòng dõi Nhật Bản. Mặc dù Siegel chưa từng nếm thử món cá sống trong đời, nhưng anh vẫn cùng thưởng thức món sushi với Sato ở nhà ông. Để tỏ lòng cảm ơn Siegel, Sato nói với anh, “Tôi không ngờ là anh lại lắng nghe thực sự. Tất cả những gì Goldman nói với tôi chỉ là Goldman vĩ đại tới mức nào.” Siegel nhận ra rằng chiến thuật hiệu quả nhất chính là để mặc Goldman đưa ra bài giới thiệu về mình, điển hình là nhấn mạnh rằng Goldman sẽ có được giá hời nhất nếu công ty mục tiêu được bán đi. Lúc bấy giờ Siegel mới bước vào. “Thuê tôi đi,” anh thúc giục. “Tôi sẽ gắng hết sức để quý công ty được độc lập tự chủ. Tôi muốn quý công ty trở thành khách hàng tương lai của mình.” Trên thực tế, hầu hết các công ty rút cục đều bị bán, đó là do thế yếu tất nhiên của các mục tiêu thâu tóm, và việc rao bán tận nơi của Siegel không thể nào cạnh tranh nổi với quy mô, tầm thống trị và danh tiếng về chất lượng của Goldman. Nhưng thông điệp của Siegel lại thường thuyết phục được các vị lãnh đạo ở những công ty mục tiêu rằng anh luôn khắc ghi lợi ích của họ ‒ thay vì những khoản phí ngân hàng đầu tư sẽ thu về được nếu công ty buộc phải bị bán đi. Năm 1977, Siegel đưa ra một chiến thuật sắc sảo nhưng gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên lại chiếm được sự mến chuộng từ rất nhiều chủ doanh nghiệp. Chiến thuật đó là “sách lược chiếc dù vàng”. Chiếc dù vàng, về căn bản là một hợp đồng tuyển dụng béo bở dành cho các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp, thanh toán cho các quan chức ấy mức chi phí chia tách cao cắt cổ khi xảy ra thâu tóm. Và khả năng là, những hợp đồng ấy nhằm mục đích ngăn chặn những cuộc thâu tóm áp chế bằng cách làm cho những cuộc thâu tóm đó trở nên tốn kém. Trên thực tế, những hợp đồng ấy sẽ làm cho các lãnh đạo cấp cao thêm phần giàu có. DeNunzio quá sức kinh ngạc trước thành công của Siegel, mặc dù Siegel đã làm việc vô cùng cần mẫn và đi lại nhiều đến mức chẳng mấy khi ông gặp mặt anh. DeNunzio điều hành Kidder, Peabody theo lối gia trưởng mà ông đã học được từ Gordon, thường là tự mình sắp xếp tất cả các khoản lương thưởng. Năm 1976, Siegel kiếm được hơn 100 nghìn đô-la, khoản tiền được coi là đế vương, đặc biệt là đối với một người mới chỉ vừa 28 tuổi. Đến năm 1977, Siegel đã được bổ nhiệm chức giám đốc ở Kidder, Peabody, giám đốc trẻ tuổi nhất trong lịch sử hãng, không kể Al Gordon, người sở hữu hãng ngay từ đầu. Chẳng bao lâu sau đó, DeNunzio gọi Siegel vào văn phòng mình. “Marty này, cậu vẫn độc thân đấy,” ông nói. DeNunzio ngừng lại, và Siegel không biết điều gì đang chờ đợi mình. “Cậu có một chiếc mui trần hiệu Alfa Romeo và cậu có hẳn một căn nhà ở Fire Island. Thế là quá nhiều.” Ông đang định ám chỉ gì đây? Siegel cho rằng DeNunzio có ý nói là phong cách của anh quá ư kém đứng đắn trong mắt một số khách hàng của Kidder, Peabody, hay có lẽ là với các giám đốc khác, nhưng DeNunzio không nói cặn kẽ hơn và Siegel thì không dám chắc gì cả. “Có một căn nhà đang rao bán ngay phía bên kia đường, đối diện nhà tôi ở Greenwich,” DeNunzio nói tiếp. Greenwich chính là khu nội ô đậm chất WASP, đậm chất thượng lưu da trắng, và sang trọng bậc nhất ở Connecticut, một pháo đài của các hội nhóm cùng các thành phần đáng kính theo lệ thường. Nơi đó còn có sự “góp mặt” của một vài nhân vật nhạt nhẽo nhất, khổ hạnh nhất mà Siegel từng biết tới. Thêm vào đó, anh không thể tưởng tượng nổi việc sống ngay trong tầm mắt dò xét của DeNunzio. Nhưng Siegel vẫn đi xem ngôi nhà. Sau đó, anh quay trở vào chiếc xe thể thao gây đàm tiếu của mình và lái suốt dọc đường cao tốc liên bang số 95 trong đúng một tiếng rưỡi đồng hồ. Anh nhận ra mình đang ở Westport, anh liền gọi một tay môi giới địa ốc từ một bốt điện thoại công cộng. Đằng nào thì anh cũng đã nghĩ đến việc bán ngôi nhà ở Fire Island. Người môi giới đưa anh tới một căn nhà cũ bên dòng sông nhỏ ở phía nam thị trấn, Siegel thích nó. Anh mua căn nhà, dành các dịp cuối tuần để sửa sang. Siegel nói với DeNunzio rằng anh đã để tâm đến lời khuyên của ông và mua một ngôi nhà ở Connecticut. Đó là vùng Westport hơi hướm phóng túng, chứ không phải là Greenwich. “Cách ông một tiếng rưỡi đồng hồ là khoảng gần nhất tôi có thể chấp nhận được rồi,” Siegel trêu đùa. Về sau, khi chuyển tới một căn nhà xa hoa hơn nhiều ở ngay miệt duyên hải, Siegel đã bán căn nhà Westport cho “cây đinh” của Đài CBS – Dan Rather. Một ngày nọ, không bao lâu sau khi Siegel mua căn nhà ở Connecticut, thư ký của anh báo rằng anh có một cuộc gọi từ Ivan Boesky. Anh mới chỉ mới biết đến tiếng Ivan Boesky trong vai trò một nhà buôn cổ phiếu rẻ tiền, một trong rất nhiều người gọi điện đến bởi lúc này tiếng tăm của anh đang lên trong giới nghiệp vụ M&A. Nhưng Siegel cũng biết rằng Boesky cũng là một khách hàng giao dịch của Kidder, Peabody. Anh nhận cuộc gọi. Siegel bị ấn tượng bởi sự nhạy bén thị trường của Boesky, kiến thức của anh ta về các mánh khoé thâu tóm và các chiến lược đầu cơ chứng khoán. Họ trở thành bạn bè mặc dù chưa từng gặp mặt ngoài đời. Trong thế giới dị thường của Phố Wall, những quan hệ bằng hữu thân thiết có thể được phát triển hoàn toàn trên điện thoại. Dần dà Siegel bắt đầu coi Boesky là một người mà anh có thể thảo luận chiến lược, trao đổi ý kiến và tán chuyện cùng. Anh cần thông tin như vậy bởi anh không có một chuyên gia buôn bán cổ phiếu rẻ tiền nào ở Kidder, Peabody để hướng đến. Hãng này vốn có truyền thống tránh xa các thương vụ đầu cơ ăn chênh lệch giá, cũng không có bộ phận chuyên trách. DeNunzio và Gordon tin rằng đầu cơ ăn chênh lệch không lấy gì làm sạch sẽ, và chỉ gắng sức moi móc thông tin nội bộ và châm ngòi cho những mâu thuẫn về lợi ích bên trong các hãng. Thế nhưng những nhà buôn cổ phiếu rẻ tiền như Boesky lại đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn với các chuyên viên ngân hàng có tham gia các thương vụ M&A. Trước đây, các nhà buôn cổ phiếu rẻ tiền đã giao dịch hòng tranh thủ sự chênh lệch giá cả giữa các thị trường khác nhau, ví như London và New York. Đó là cách làm ăn thủ cựu và gần như không-chút rủi-ro để kiếm những khoản lợi nhỏ. Nhưng họ càng lúc càng táo bạo hơn, đầu tiên là mua dồn dập những mã cổ phiếu mà chắc canh ta sau đó sẽ trở thành đối tượng của các vụ bỏ thầu thâu tóm được công bố chính thức; cuối cùng họ bắt đầu mua cả những mã cổ phiếu mà họ chỉ mới nghi ngờ rằng sẽ trở thành mục tiêu của các cuộc bỏ thầu thâu tóm. Khi họ dự tính đúng, những khoản lợi nhuận sẽ vô cùng ghê gớm. Lượng hóa tác động nảy sinh từ các cuộc thu mua hàng loạt những mã cổ phiếu của các vụ bỏ thầu thâu tóm thực sự hay mới chỉ là lời đồn đã trở thành một phần then chốt trong công việc của Siegel. Những người mua bán cổ phiếu giá cao cũng là các nguồn thông tin về những manh mối, mánh khóe của các bên cho đến các luồng dư luận xung quanh những vụ bỏ thầu đang còn treo lơ lửng, tất cả những tin tức này đều có thể được sử dụng nhằm thu hút các khách hàng đang có nhu cầu bảo vệ. Những người mua bán cổ phiếu giá cao thường có xu hướng thô bỉ, dễ bị kích động, láu cá khôn ranh, dữ dằn và chỉ quan tâm đến mục tiêu truy cầu lợi nhuận nhanh chóng. Ngày làm việc của họ được xác định bởi những khoảng căng như dây đàn giữa thời điểm tiếng chuông mở cửa thị trường chứng khoán điểm cho đến lúc vang lên chuông đóng cửa, trong suốt thời gian ấy, họ hò hét các lệnh mua bán qua điện thoại, dập những ký hiệu cổ phiếu vào hệ thống kết nối giao dịch điện tử, quét qua những màn hình thể hiện tỉ mỉ các dữ liệu biến đổi liên tục và sắp xếp các cuộc gọi tới hết thảy những nguồn thông tin tiềm năng mà họ có thể tưởng tượng ra. Hết giờ, họ thường sẽ xả hơi ở những bar rượu như Harry’s, ngay gần Quảng trường Hanover và trụ sở của Kidder, Peabody, hay, nếu họ có một ngày may mắn, địa điểm sẽ là những nhà hàng đắt tiền ở Manhattan. Một ngày năm 1979, Siegel giãi bày với Boesky rằng anh đang yêu. Chuyện tình có nguy cơ trở thành một vụ lùm xùm nho nhỏ ở Kidder, Peabody. Hồi cuối những năm 1970, làn sóng sinh viên tốt nghiệp các trường kinh doanh dành cho nữ giới đã tràn tới Phố Wall. Jane Day Stuart đã đầu quân về Kidder, Peabody ngay sau khi cô ghé qua các văn phòng tài chính doanh nghiệp. Tốt nghiệp Trường Kinh doanh Columbia, cô thông minh, tóc vàng, thanh mảnh, duyên dáng, thời thượng và đã yên bề gia thất. Kidder, Peabody từ lâu đã duy trì một luật cấm bất thành văn đối với chuyện tình công sở. Vụ dan díu với nhân viên thời vụ mùa hè đã hủy hoại sự nghiệp của một chuyên viên ngân hàng đầu tư nọ. Nhưng đến cuối năm 1978, Stuart và chồng ly dị. Không bao lâu sau đó, Siegel và Stuart có dịp chơi tennis với nhau. Đến tháng Tám năm 1979, họ chuyển về sống chung. Khi các đồng nghiệp gắng sức cảnh báo Siegel, anh gạt họ sang một bên, nói rằng anh không hứng thú gì lắm với các quy định này nọ của hãng, mà cũng chẳng mấy bận tâm xem liệu anh có giành được quyền điều hành hãng hay không. Khi Henry Keller, trưởng bộ phận tài chính của tập đoàn biết được về chuyện tình cảm này, ông đến gặp DeNunzio ngay, xúi giục rằng DeNunzio nên đưa mối quan hệ ấy tới hồi kết ngay lập tức. DeNunzio không mảy may động tĩnh. Rất nhiều người không hề hay biết, rằng con trai của DeNunzio, David, cũng đang có một mối quan hệ tình cảm ngay tại hãng. Thái độ bao dung của DeNunzio được ngầm hiểu là một dấu hiệu của thời thế thay đổi và cũng là thước đo quyền lực không chính thức của Siegel. DeNunzio dường như cũng thấy nhẹ nhõm bởi hóa ra những tháng ngày độc thân của Siegel đã không còn nhiều nữa. Một vài bè bạn cùng bà con họ hàng của Stuart ở Baltimore phản đối chuyện cô cưới hỏi với kẻ mang nguồn gốc Do Thái, kể cả là người vốn vô thần như Siegel. Nhưng cô khăng khăng đắm đuối yêu đương, thậm chí một số đồng nghiệp nam của cô cũng bóng gió ác ý rằng cô chỉ sử dụng khả năng tinh thông kinh doanh của mình để đổi chác chuyện hôn nhân mà thôi. Cô và Siegel đã lẳng lặng kết hôn vào tháng Năm năm 1981 và bắt đầu phác ra những kế hoạch cho một ngôi nhà mới và rộng lớn hơn ở Westport. Chẳng bao lâu sau đám cưới của họ, Boesky gọi điện mời Siegel và Jane Day tới nhà anh ta ở Hạt Westchester dùng bữa tối. Đó là lời mời ngoài đời thực đầu tiên mà Boesky đưa ra với vợ chồng Siegel, một bữa tối nho nhỏ dành cho ba cặp đôi: Boesky và Seema, vợ anh ta; nhà tài phiệt Theodore Forstmann, người luôn tính Boesky là một trong số các nhà đầu tư trong phe cánh của ông, tới cùng tình nhân; và vợ chồng Siegel. Siegel quyết định mang theo cả một bản sao kế hoạch nhà cửa của anh cho ông bà Boesky xem cùng. Theo những chỉ dẫn của Boesky, vợ chồng Siegel chạy xe từ Manhattan ngược lên hướng bắc trong khoảng 45 phút, băng qua những thị trấn giàu có Bedford và Mount Kisco. Nơi này vốn là một khu bất động sản rộng lớn, với những rặng đồi uốn lượn rậm rạp cây cối và vài căn nhà phong cách tiền Cách-mạng. Từ đường quốc lộ, người ta chỉ nhìn thấy thấp thoáng vài căn nhà lớn, và cơ ngơi của gia đình Boesky thì lùi sâu vào trong nữa trên khoảnh đất rộng tới 200 héc-ta khiến khách khứa đến chơi đôi khi lạc lối hoang mang giữa một mê cung những đường chạy xe cùng đường phụ dẫn vào từ các lối cổng. Vợ chồng Siegel đánh xe vào con đường chạy giữa những hàng cột rộng và một căn nhà canh cửa, họ ngưng lại khi viên bảo vệ trong một chiếc xe bán tải vẫy họ dừng xe. Siegel bước tới chỗ viên bảo vệ, tự giới thiệu và được cho phép đi vào – nhưng trước đó, anh đã kịp ngỡ ngàng khi nhìn thấy sắc xám xanh của thép lóe lên từ một khẩu súng lục cỡ lớn nằm gọn trong chiếc bao dắt quanh người viên canh cửa. Khi họ tiến gần đến căn nhà, vợ chồng Siegel được một phen sửng sốt. Phía sau khoảnh sân trải cuội mọc lên một dinh thự đồ sộ xây gạch đỏ theo phong cách Georgia. Cơ ngơi này trước đây thuộc quyền sở hữu của Charles Revson, người sáng lập hãng Revlon. Xa xa, băng qua những khoảng vườn được xén tỉa gọn gàng với rải rác những bức tượng kiểu Hy Lạp là một khu bể bơi trong nhà rất rộng. Một bên là bể bơi hoành tráng, bên kia là một sân bóng quần, và ở một bên nữa, là sân quần vợt với một khối bong bóng lớn có thể được bơm phồng lên để thành không gian giao đấu trong nhà vào mùa đông. Cặp đôi Siegel được bà chủ Seema Boesky đón tiếp ngay từ cửa ra vào, đó là một người phụ nữ da ngăm đầy hấp dẫn và rất hoạt khẩu, gây ấn tượng lập tức với họ bằng vẻ ấm áp và thân thiện. Seema dẫn hai vợ chồng qua các gian phòng trang trí theo phong cách truyền thống với giấy dán tường tuyệt đẹp, những gờ bao tinh tế, những tấm thảm Aubusson quý hiếm và các món đồ cổ đắt tiền. Các bức tường chứa toàn những thứ mà trước con mắt không mấy thành thạo của Siegel, đúng là nghệ thuật chính cống; Seema hóa ra là một nhà sưu tập nhiệt thành các bức tranh và cổ vật Mỹ. Họ tiếp tục dạo qua các khu vườn và bể bơi trong nhà, nơi thảm trải được rập nổi với khối họa tiết lớn là cụm chữ IFB lồng vào nhau. Boesky đúng là vị chủ nhà bặt thiệp, ăn vận không chê vào đâu được, với bộ vest ba mảnh đúng điệu và áo sơ mi trắng, càng tôn lên nước da rám nắng quanh năm. Khi được hỏi tại sao ngày nào cũng mặc một bộ cánh như thế, Boesky có lần đã đáp, “Tôi đã có đủ những quyết định cho cuộc đời mình rồi.” Mái tóc vàng ánh bạch kim của Boesky được xén và rẽ cẩn thận. Đôi gò má cao cùng đôi mắt sắc khiến anh ta trông có vẻ quả quyết, thậm chí là dữ tợn, nhưng anh ta lại rất thoải mái và ân cần trong vai trò người thiết đãi bữa tối, chỉ một mực chăm chút đến các vị khách còn bản thân thì ăn rất ít. Jane Day nhắc đến kế hoạch thiết kế nhà cửa của họ, Seema thốt lên ngay, “Chị phải có hẳn một căn bếp thật lớn vào. Tôi sẽ chỉ cho chị thấy bếp nhà tôi.” Gian bếp nhà Boesky còn rộng hơn toàn bộ diện tích căn hộ ở Manhattan của vợ chồng Siegel. Siegel quá sức ấn tượng với những dấu hiệu của sự giàu có. Boesky ắt hẳn phải thành công với các thương vụ đầu cơ ăn chênh lệch hơn Siegel nhận biết rất nhiều. Siegel quyết định rằng anh sẽ không trưng ra các bản vẽ anh đã mang theo nữa. Giờ đây vợ chồng họ có vẻ đơn sơ khiêm tốn quá chừng. Sau đó, khi bữa tối đã xong, Siegel kéo Boesky ra một chỗ và nói rằng anh để ý thấy viên cảnh vệ ở lối vào dinh thự có một khẩu súng ngắn. “Lên đạn sẵn sàng rồi đấy.” Boesky đáp lời. “Trong nghề của tôi, anh cần an ninh nghiêm ngặt.” * * * Lance Lessman liếc mắt qua những dãy bàn của bộ phận nghiên cứu nhỏ nằm trong văn phòng của Ivan F. Boesky Co. tại trung tâm tài chính Manhattan. Bên trong góc làm việc có quây kính của Boesky, Lessman có thể nhìn thấy mắt ông chủ đang nhướn lên, đầu tiên là hướng lên sàn giao dịch, nơi các lệnh mua bán của ông ta được thực hiện, rồi đến khu vực nghiên cứu của Lessman. Thốt nhiên cặp mắt của Boesky dán chặt vào Lessman. Điện thoại nội bộ trên bàn Lessman reo lên như điên. “Ai đang bán,” Boesky gầm lên. Lessman điên cuồng quét mắt qua màn hình máy tính của mình, kiếm tìm những động thái giá cao và lượng mua lớn trong các cổ phiếu riêng lẻ hòng phát hiện ra ai đã thu hút sự chú ý của ông chủ mình. “Ai đang bán?” Boesky thét lớn. “Thế quái nào cậu lại không biết hả?” Giờ thì điện thoại nội bộ đã reo váng khắp cả văn phòng. Mỗi bàn đều có một chiếc loa nối với bàn điều khiển do chính Boesky vận hành. Anh ta có thể kích hoạt mỗi loa cá nhân hay mở toàn bộ hệ thống để đưa ra những thông báo trong toàn văn phòng. Giờ thì anh ta đã triệu tập tất cả mọi người vào cuộc đàm thoại. “Tôi cần trợ giúp. Tôi cần trợ giúp.” Anh ta nhắc lại với tông giọng lớn và hạch hỏi hơn. “Ai đang mua? Tôi cần ngay lập tức. Ai đang mua?” Dạo gần đây Boesky thậm chí còn hay gắt gỏng hơn. Chỉ vài tuần trước đó, vào năm 1981, Boesky đã làm cả văn phòng chấn động với một tuyên bố đột ngột: Anh ta thanh lý Ivan F. Boesky Co., rút toàn bộ lợi nhuận của mình ra. Khủng hoảng thị trường bạc Hunt gây ra sự tuột dốc của thị trường chứng khoán đã giáng một đòn mạnh vào Boesky, anh ta quyết định xử lý gấp toàn bộ lợi nhuận còn lại của mình. Anh ta muốn tận dụng thuế suất gây vốn dài hạn ưu đãi dành cho các cổ đông đã rút toàn bộ lợi tức của mình và không tham gia kinh doanh nữa. Nhưng, để có được thuế suất ấy, anh ta cần ai đó duy trì hoạt động của hãng. Những nỗ lực gần đây của anh ta hòng ép các phó tướng trong hãng tiếp quản toàn bộ phần hùn vốn còn lại và đảm trách tất cả các phần nợ đã dẫn tới những cuộc cãi vã nảy lửa của hãng. Khi bọn họ chùn lại, Boesky sa thải ngay lập tức. Chỉ trong một thời gian ngắn năm đó, Boesky đã mất hai chiến lược gia hàng đầu, trưởng bộ phận giao dịch và trưởng bộ phận nghiên cứu. Chẳng mấy người thực lòng nghĩ rằng Boesky sẽ rửa tay gác kiếm khỏi các thương vụ đầu cơ ăn chênh lệch. Bất chấp sự đình đốn của anh em nhà Hunt, Boesky vẫn là một thành công mang tính hiện tượng. Ivan F. Boesky C. được thành lập năm 1975 với 700 nghìn đô-la tiền vốn do mẹ vợ Boesky và chồng bà đầu tư. Giờ đây tổng số vốn của hãng đã tăng lên tới gần 90 triệu đô-la. Buôn cổ phiếu giá rẻ chính là lẽ sống của Boesky. Những khoản lời lãi đã mang lại cho anh ta cả một cơ ngơi ở Westchester và một biệt thự ở Manhattan. Một chiếc limousine có tài xế riêng đưa anh ta đến sở mỗi buổi sáng. Những nỗ lực không ngừng nghỉ cuối cùng cũng mang tới cho anh ta thái độ tôn trọng miễn cưỡng từ ông bố vợ, người từng tin rằng con gái ông đã cưới phải một gã thấp kém hơn nàng. Boesky cơ hồ cũng chia sẻ với ông nhạc nỗi khinh bỉ dành cho gia đình và xuất thân của chính anh ta. Anh ta không ngừng gắng gỏi đánh bóng lai lịch của mình cùng những mối liên hệ gia đình trong các cuộc trò chuyện với đồng nghiệp ở New York. Anh ta thường bóng gió rằng anh ta đã tốt nghiệp từ Cranbrook, một trường dự bị đại học danh tiếng ngay phía bên ngoài Detroit, quê hương bản quán của anh ta, và rồi cả Đại học Michigan nữa. Những người khác thì cứ ngỡ rằng Boesky đã từng học ở Harvard, bởi anh ta khoa trương quá nhiều về vai trò hội viên Câu lạc bộ Harvard của mình. Anh ta còn khoe rằng cha mình làm chủ một chuỗi cửa hàng đặc sản nấu sẵn ở Detroit. Trong suốt tuổi thơ của mình, gia đình Boesky sống trong một căn nhà kiểu Tudor rộng rãi, nơi sau đó được coi là một khu phụ cận đẹp đẽ dành cho tầng lớp trung-thượng lưu. William Boesky, cha của Ivan, vốn nhập cư từ Nga hồi năm 1912 và sở hữu một chuỗi vài quán bar tên là Brass Rail chứ không phải chuỗi cửa hàng đặc sản nấu sẵn (cơ nghiệp của chú anh ta). Để gia tăng lợi nhuận, Brass Rail đã giới thiệu những màn biểu diễn khiêu vũ ngực trần và thoát y. Trong mắt rất nhiều người, chuỗi quán bar này đã đẩy nhanh thêm nữa sự suy đồi của các khu phụ cận. Boesky làm việc cần mẫn khi còn đi học, anh ta bán kem trên một chiếc xe tải. Anh ta thường xuyên bị cảnh sát địa phương tóm đi vì bán hàng quá hạn giới nghiêm là 7 giờ tối như quy định trong giấy phép của mình. Anh ta có học ở Cranbrook trong hai năm, mặc dù không hề tốt nghiệp. Bảng thành tích học tập của anh ta chẳng lấy gì làm rực rỡ, nhưng anh ta rất xuất sắc với môn đấu vật, anh ta nhịn đói để hạ thấp hạng cân và ép mình tập luyện cho đến khi có thể thực hiện được 500 cú chống đẩy cùng một lúc. Anh ta kiên trì tập thể hình với bạn thân nhất của mình, một sinh viên người Iran chuyển tiếp tên là Hushang Wekili. Khi là sinh viên năm thứ hai, Boesky đã giành chức vô địch Craig ở trường như một tay đô vật ngoại hạng. Boesky thường dùng những nét tương đồng từ đấu vật để miêu tả công việc của mình trong vai trò một thương lái cổ phiếu giá rẻ. “Đấu vật và buôn cổ phiếu giá rẻ đều là những môn thể thao đơn thương độc mã, trong đó anh sống hay chết tùy thuộc vào thành tích thi đấu của chính mình, và việc đó được thể hiện hết sức rõ rệt”, anh ta đã nói vậy với phóng viên Connie Bruck trong một bài phỏng vấn năm 1984 trên Atlantic Monthly. Trong môn đấu vật, anh ta cũng tìm thấy một ẩn dụ cho cuộc đời mình. “Có những lần tôi thấy mình như sụp xuống, nhưng tôi không gục ngã, và kiểu tập trung toàn bộ sức lực ấy, tôi nghĩ, chính là những gì tôi đã học được [từ môn đấu vật]… Có rất nhiều lần trong đời mà chúng ta có thể bị đánh bại. Người ta cảm giác bị đả bại, bị phá hủy, bị làm cho nản lòng thoái chí, và họ đành chịu buông xuôi bỏ mặc. Nhưng tôi thì không.” Khi Boesky lựa chọn một logo công ty cho hoạt động giao dịch cổ phiếu giá rẻ của mình, anh ta đã yêu cầu thợ chạm sao chép lại tấm huy chương đấu vật ở Cranbrook của mình, trên đó có hình hai người đàn ông Hy Lạp cổ điển, ở trần, đang trong một thế đấu vật. Và đó là biểu tượng của Ivan F. Boesky Corp., còn Boesky vô cùng tự hào về điều đó. Không phải tất cả mọi người đều chia sẻ sự nhiệt thành ấy với Boesky. “Trông cứ như cái thứ gì lấy ra từ Cung điện Ceasar ấy,” là lời bình luận của một nhân viên công ty. Sau Cranbrook, Boesky chuyển tới trường Mumford High trong khu trung tâm thành phố (đã trở thành bất hủ nhờ Eddie Murphy trong bộ phim Beverly Hills Cop). Anh ta chưa từng tốt nghiệp đại học. Anh ta làm các bài tập lớn tại Đại học Wayne State ở Detroit, ở Đại học Michigan và cả Đại học Đông Michigan, nhưng rồi anh ta bỏ sang Iran, một phần là để ở gần ông bạn Wekili, ngay trước khi tốt nghiệp. Chính xác Boesky đã làm những gì ở Iran vẫn còn là một bí ẩn. Về sau anh ta có xác nhận rằng mình làm việc cho Cục Thông tin Hoa Kỳ (USIA), giảng dạy tiếng Anh cho người Iran. Nhưng các dữ liệu nhân sự của USIA trong giai đoạn đó lại không hề đề cập đến một Ivan Boesky nào cả. Trong một cuộc trò chuyện hồi mới bắt đầu quen biết, Boesky kể với Siegel rằng anh ta làm việc ở Iran như một điệp viên ngầm cho Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA). Sau khi từ Iran trở về, Boesky đã ứng tuyển vào Trường Luật Detroit, một trường luật không mấy danh giá, nơi không đòi hỏi phải có bằng đại học trong thủ tục ghi danh. Anh ta tốt nghiệp năm năm sau đó, vào năm 1964, sau hai lần bỏ ngang. Khi Boesky mới 23 tuổi, cha anh ta đã trao cho anh ta quyền sở hữu phần vốn góp trong chuỗi Brass Rails. Tất cả các đơn xin việc vào các công ty luật của Boesky đều bị từ chối. Bảng thành tích học tập rời rạc chắp vá của Boesky khiến việc anh ta lọt vào mắt xanh của Seema Silberstein càng trở thành một chuyện sửng sốt. Cha của Seema – Ben Silberstein chính là một thương gia phát triển địa ốc giàu có ở Detroit. Nhưng các đồng nghiệp nói rằng chính Seema mới là người phải lòng Boesky và theo đuổi sau khi gặp gỡ Boesky hồi tháng Sáu năm 1960. Một người bà con của Seema, thẩm phán tòa án quận, đã thuê anh ta làm thư ký trong vòng một năm. Chẳng bao lâu sau, Seema và Boesky kết hôn và chào đón đứa con đầu lòng, Billy. Khi một đồng đội đấu vật của Boesky ở Cranbook làm việc tại hãng Bear, Stearns ở New York kể cho Boesky nghe về chuyện buôn cổ phiếu giá rẻ, anh ta đã quyết định sẽ gây dựng cơ đồ của mình trên Phố Wall. Các đồng nghiệp vẫn còn nhắc lại những cảm giác của Boesky hồi đó rằng Detroit quá chật chội và hạn hẹp cho những tham vọng của anh ta. Bố vợ của Boesky cắt đặt cho Ivan và Seema dọn vào ở một căn hộ thanh nhã trên Đại lộ Park. Boesky nhận vị trí nhân viên học việc tại L. F. Rothschild trong vỏn vẹn một năm. Anh ta chuyển sang First Manhattan, lần đầu tiên nếm thử mùi vị của giao dịch cổ phiếu giá cao thực sự, rồi sau đó chuyển sang Kalb Voorhis. Anh ta lập tức làm thua lỗ của hãng này 20 nghìn đô-la chỉ trong một thương vụ và bị sa thải. Boesky tỏ vẻ khinh miệt một doanh nghiệp đưa vào bộ nhớ một khoản mất mát nhỏ mọn đến vậy. Sau một giai đoạn cầu bơ cầu bất ngắn và một cú thử đột nhập vào đầu tư mạo hiểm, anh ta đã gia nhập một hãng thành viên quy mô nhỏ của Sàn Giao dịch Chứng khoán New York, mang tên Edwards & Hanly. Và thật đáng ngạc nhiên, với lai lịch công việc, kinh nghiệm hạn chế cùng thành tích nghèo nàn như vậy, thế mà Edwards & Hanly lại trao cho Boesky toàn quyền thành lập và điều hành bộ phận giao dịch cổ phiếu giá rẻ. Gần như ngay lập tức, Boesky đã tạo ra cả một cơn khuấy động trong thế giới nhỏ hẹp của mua bán cổ phiếu giá rẻ. Sử dụng đòn bẩy tài chính tối đa, trước sau chỉ mua theo tài khoản ký quỹ, Boesky đã xoay xỏa để chuyển đổi khoản vốn khiêm tốn ban đầu của Edwards & Hanly thành 1 triệu đô-la và thậm chí đến mức 2 triệu đô-la, đủ lớn để có thể đẩy giá một mã cổ phiếu. Anh ta được coi là có tính cách táo bạo và liều lĩnh. Một lần, vì bán non số cổ phiếu chưa thực sự vay mượn trước khi bán (và nhờ đó gia tăng đòn bẩy tài chính của mình), anh ta bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ tuyên phạt và phải bồi thường khoản tiền 10 nghìn đô-la. Một vài thủ đoạn của Boesky phần nào đã gây ra sự sụp đổ của Edwards & Hanly. Đến năm 1975, hãng này đã phá sản. Quá mệt mỏi với việc phải nài xin vị trí nào đó tại một hãng danh tiếng, Boesky quyết định tự thành lập cơ ngơi làm ăn riêng cho mình, chủ yếu tập trung vào cổ phiếu giá rẻ. Anh ta khiến các đồng nghiệp cùng ngành rúng động bằng việc đăng quảng cáo trên tờ Wall Street Journal, tìm kiếm nhà đầu tư và tán tụng lợi nhuận tiềm năng trong giao dịch cổ phiếu giá rẻ – một điều mà các thành viên trong “giới” ít mong muốn những người khác chú ý nhất, bởi lo sợ sẽ thu hút thêm đối thủ cạnh tranh. Boesky mạnh dạn phân bổ 55% lợi nhuận của hãng về phía các nhà đầu tư, chỉ giữ lại 45% cho bản thân. Tuy thế, anh ta lại chỉ định các nhà đầu tư phải chịu tới 95% trong bất cứ khoản thua lỗ nào. Anh ta không thu hút đủ số vốn như tham vọng của mình. Chính tiền bạc đến từ gia đình nhà vợ đã cung cấp cho anh ta đủ vốn để đi tiếp. Từ ngày đầu tiên Ivan F. Boesky Co. chính thức hoạt động vào năm 1975, Boesky đã đến sở bằng xe limousine. Nếu anh ta cần thứ gì đó cấp tốc, anh ta sẽ không ngần ngại trả tiền cho các nguồn chuyển phát nhanh của riêng mình. Anh ta ăn vận theo lối mà anh ta cho là hình ảnh của một nhà tài phiệt thành đạt trên Phố Wall: bộ vest màu đen ba mảnh đúng điệu, chiếc sơ mi trắng cổ cồn, một dây chuyền vàng lủng lẳng từ túi áo vest. Trông cứ như là một chiếc chìa khóa Phi Beta Kappa. Boesky không tiêu phí tiền bạc vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng của chính công ty mình. Nó tọa lạc trong một phòng duy nhất tại một tòa nhà văn phòng cũ kỹ trên Phố Wall. Căn phòng nhỏ đến mức một chuyên gia kiểm toán giao dịch chứng khoán đã yêu cầu Boesky phải chuyển đến trụ sở nào rộng rãi hơn. Boesky rất ghét nhân viên rời khỏi bàn làm việc vào bữa trưa, nên anh ta đã chọn việc đặt suất ăn trưa giao tại văn phòng, chốt mức hạn định là 5 đô-la một người. Một trong những nhân viên của anh ta là kế toán được thuê quản trị “phòng hậu cần” của hãng. Là con trai của một người Armenia nhập cư, Setrag Mooradian đã từng làm việc tại Oppeheim, Appel, & Dixon, được biết đến trong giới giao dịch cổ phiếu giá rẻ dưới tên gọi OAD. Một công ty kế toán chuyên nghiệp về các cổ phiếu giá rẻ tốt hơn bất cứ công ty kế toán nào khác. Mặc dù chưa bao giờ kể với Boesky, nhưng Mooradian từng bị phán quyết nặng nề vì vi phạm các quy định về vốn. Điều đó gây khó khăn cho anh ta khi đi tìm việc, và anh ta luôn rất biết ơn Boesky vì đã thuê mình. Boesky yêu cầu Mooradian phải có mặt tại công ty vào 7 giờ sáng, không chậm trễ, khi chiếc limousine riêng của anh ta đỗ xịch trước cửa ra vào của tòa nhà. Nếu Boesky không đến sở, anh ta sẽ gọi điện đến vào 7 giờ 01 phút; nếu không có ai trả lời, anh ta sẽ lao đến trong cơn thịnh nộ. Một lần, nhiều năm sau đó, Boesky gọi điện vào văn phòng đúng lúc đang diễn ra một cuộc diễn tập cứu hỏa. Không ai trả lời cuộc gọi ngay lúc ấy. Ngày hôm sau, một tờ giấy ghi nhớ xuất hiện trên bàn của tất cả mọi người, “Ngày hôm qua, vào hồi 3 giờ 15 phút buổi chiều, tôi đã gọi điện”, tờ thông báo bắt đầu. “Điện thoại của tôi đã reo 23 hồi. Tôi biết là có chuông cảnh báo cháy. Đương nhiên, tôi không muốn các anh chị phải mạo hiểm mạng sống của mình. Nhưng tôi bày tỏ lòng trân trọng với những người nán lại trong văn phòng.” Boesky không thích việc các nhân viên của anh ta nghỉ ngơi trọn vẹn hẳn một ngày. Anh ta không bao giờ đến sở vào ngày thứ Sáu sau dịp lễ Tạ ơn, khi hầu hết các văn phòng ở Manhattan đều hạn chế nhân viên đến mức tối thiểu. Nhưng không nhân viên nào ở công ty anh ta được phép nghỉ. Boesky điểm danh bằng cách gọi điện thành nhiều lượt – có những trường hợp, lên tới 10 lần với mỗi nhân viên – đến mức những người khác trong văn phòng cứ ngỡ là Boesky cũng đi làm như thường. Anh ta cũng từ chối việc trả tiền lương trước 3 giờ chiều các ngày thứ Sáu, sau khi ngân hàng đã đóng cửa. Khi nhân viên phàn nàn, anh ta giải thích rằng anh ta không muốn gây ra “chia rẽ” giữa các nhân viên vì chuyện nhảy xổ vào giành giật tiền mặt và séc lương ngay giữa ban ngày ban mặt. Nhưng họ thì ngờ rằng anh ta muốn có thêm khoản lãi dôi dư tích lũy vào dịp cuối tuần. Ngay từ ban đầu, Boesky đã thường xuyên mắng mỏ mọi người. Sau vài tai nạn kiểu vậy, Mooradian đề nghị Boesky ngừng la hét. “Tôi là chủ ở đây”, Boesky đáp. “Tôi được quyền la hét”. Boesky trông đợi Mooradian làm việc thường xuyên tới 9 hay 10 giờ đêm. Một lần vợ Mooradian phát hiện ra chồng mình đã thức trắng tới 5 rưỡi sáng để gắng hoàn thành phần việc mà Boesky yêu cầu. “Ông ta không làm thế này mãi được đâu”, Mooradian bảo với vợ. Nhưng năm tháng trôi qua, dường như Boesky càng lúc càng cần ít thời gian ngủ hơn và trở nên hạch hỏi hơn. Một mẹo mực ưa thích của anh ta là gọi cho Mooradian với một câu hỏi rối rắm. “Tôi sẽ gọi lại cho ông”, Mooradian sẽ trả lời như vậy. “Tôi sẽ giữ máy chờ anh”, Boesky đáp. Boesky đôi khi làm việc cả ngày ngay tại cơ ngơi của mình. Gần biển hiệu “Phố Wall” mà anh ta đặt trên cột đèn nhà là cả một văn phòng phức hợp với đầy đủ thư ký và tất cả các thiết bị giao dịch thị trường và thông tin liên lạc mà anh ta cần đến để kết nối liên tục với thị trường. “Anh có thể tin nổi ông chồng tôi không?” Seema nói với Mooradian. “Ông ấy luôn diện đúng bộ cánh công sở để bước vào văn phòng ngay chính tại nhà mình.” Một buổi sáng, các nhân viên của Boesky đến công ty và phát hiện ra một con chó nhỏ giống sục Wierton đang chạy nháo nhào khắp nơi. Boesky đã mua một con thú nuôi làm quà bất ngờ cho Seema, nhưng cô vợ đã cấm con chó vào nhà. Vậy nên Boesky để con chó ở trong văn phòng, và tài xế của anh ta, Johnny Ray có thể để mắt đến nó vào ban đêm và dịp cuối tuần. Chẳng mấy chốc, Boesky và con chó nhỏ đã không thể rời nhau. Anh ta thậm chí còn đưa cả nó đến các buổi họp với các nhà đầu tư. Nhưng chỉ một tuần sau, Lessman và mọi người nghe thấy một tiếng thét đinh tai phát ra từ văn phòng Boesky. Họ nhao tới và trông thấy ánh nhìn hằn học trên khuôn mặt Boesky. Còn con chó thì rất lúng túng. Ngay phía trước bàn của Boesky, trên tấm thảm màu be không chút tì vết, con chó đã thể hiện đầy thuyết phục rằng nó vẫn chưa được dạy dỗ để đại tiểu tiện đúng phép tắc. Boesky dẹp đống lộn xộn ấy đi. Và không ai còn trông thấy con chó lần nào nữa. Boesky còn có một đặc tính khác người nữa, ấy là, thói quen ăn uống. Có những ngày dường như anh ta chẳng bỏ gì vào bụng, cứ như thể anh ta đang luyện tập ráo riết để ép cân cho môn đấu vật vậy. Bữa sáng, anh ta thích gọi một chiếc bánh sừng bò. Anh ta sẽ uể oải rờ đến cái bánh, và rồi ăn một lát nhỏ xíu. Một đồng nghiệp vẫn nhớ có lần, khi Boesky cắn một miếng hẳn hoi, anh ta liền trêu, “Ivan, ăn tham như heo thế.” Trông Boesky vẻ sững sờ lắm, rồi anh ta bỏ cái bánh xuống. Boesky thường mời các nhà đầu tư bộn bạc hùn vốn với mình dùng bữa trưa tại phòng ăn riêng ngay trong công ty. Một buổi chiều, Meshulam Riklis, chủ tịch Tập đoàn Rapid-American, người cấp vốn cho sự nghiệp điện ảnh của cô vợ trẻ tuổi hơn anh ta rất nhiều, tên Pia Zadora – có lịch hẹn bữa trưa. Boesky cho người gọi điện trước để tìm hiểu xem Riklis muốn ăn gì, sau đó đặt hẳn một bữa tiệc linh đình tại Câu lạc bộ 21. Lúc nhập tiệc, Boesky rất rầu lòng bởi Riklis hình như chẳng hào hứng thưởng thức đồ ăn cho lắm. “Tôi phải có mặt ở câu lạc bộ thể hình trong vài tiếng nữa”, Riklis phân bua. “Tôi phải luyện tập đến nơi đến chốn với huấn luyện viên riêng.” “Việc gì phải tập luyện?” Boesky hỏi. “Thoải mái đi. Ăn thêm vào.” Riklis ngưng lại. “Ivan, anh không biết lấy phải một cô vợ trẻ hơn mình nhiều là thế nào đâu.” Nhưng sau đó, Riklis ăn uống phấn chấn hơn và ông ta đầu tư 5 triệu đô-la phần hùn với Boesky. Boesky thì chỉ ăn mỗi một quả nho. Như đã thề thốt, Boesky “nghỉ hưu” vào đầu năm 1981, rút toàn bộ phần lợi tức của anh ta trong Ivan F. Boesky Co. Không thể thuyết phục bất cứ thành viên cấp cao nào trong hãng nhận quyền điều hành (hầu hết đã tự xin thôi việc hoặc bị sa thải), Boesky tuyển một chuyên viên giao dịch cổ phiếu giá rẻ từ Morgan Stanley, tên là Steve Royce, để tiếp quản toàn bộ hãng với tên mới là Bedford Partners. Nhà đầu tư lớn nhất chính là Seema, người chuyển 8 triệu đô-la cổ phần trong Boesky Co. sang công ty mới cải tổ. Mặc dù Boesky không hề có một xu nào góp vốn trong Bedford, anh ta vẫn cứ liên lạc điện thoại với Royce hàng ngày, thường là sáu tới tám lượt, đưa ra các quyết định đầu tư cứ như thể anh ta vẫn nắm quyền điều hành vậy. Boesky đã bắt tay gần như ngay lập tức vào việc gây vốn cho một công ty giao dịch cổ phiếu rẻ tiền mới, Ivan F. Boesky Corp. Là một tập đoàn chứ không phải một công ty cổ phần hữu hạn, thực thể kinh doanh mới của Boesky có cấu trúc quyền sở hữu phức tạp hơn nhiều, chia ra thành cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi. Các nhà đầu tư chủ yếu chỉ nhận được cổ phần ưu đãi và lợi nhuận được dành phần lớn cho các cổ đông phổ thông (chủ chốt là Boesky) và phần thua lỗ thì đánh vào cổ đông ưu đãi. Boesky chiêu nạp Lessman, một trong vài nhân viên còn ở lại từ công ty ban đầu – vào cuộc chiến chinh bất tận nhằm săn tìm vốn từ các nhà đầu tư. Chiếc limousine của Boesky đã đưa hai người tới vô số cuộc họp với những nhân vật giàu có và những con người dắt lưng bạc vạn, hòng tìm kiếm khoản đầu tư tối thiểu là 2 triệu đô-la. Ngoài khoản lợi nhuận dự kiến dựa trên hiệu quả hoạt động của nhà đầu tư vốn trước đó, Boesky còn đưa ra một ưu thế độc đáo: quyền tiếp cận trực tiếp với anh ta. Anh ta hứa sẽ chuyển tiếp những thông tin tối mật trên thị trường, nhờ vậy các nhà đầu tư được tùy nghi sử dụng trong danh mục đầu tư của riêng họ. Chiến dịch không được thành công như mong đợi, bất chấp tỷ lệ phân chia lợi nhuận đầy ấn tượng mà Boesky đã tích lũy cho các nhà đầu tư trước đó. Một ngày nọ, Lessman liều lĩnh gợi ý rằng chính tỷ lệ phân chia lợi nhuận và thua lỗ đã khiến các nhà đầu tư cụt hứng. “Thỏa thuận gì mà không ngửi được”, Lessman nói còn Boesky thì gườm gườm. Lessman còn thử đầu tư chút ít vốn vào tập đoàn mới. Lessman nói với Boesky rằng anh ta mới được thừa kế khoảng 500 nghìn đô-la và muốn đầu tư vào công ty. Boesky vẫn chỉ đưa ra cho anh ta những điều khoản cứng rắn vốn vẫn đem ra chào mời những người ngoài. “Nhưng tôi đang làm việc cho anh cơ mà”, Lessman cự lại. “Tại sao tôi lại không được hưởng phần lợi nhuận của mình?” Mặt mũi Boesky đanh lại, giọng anh ta quay ngoắt. “Tôi chả cần cái nửa triệu bèo bọt của cậu” anh ta nói lạnh tanh. “Thế thì tại sao anh lại cần 25% lợi nhuận của tôi?” Lessman cãi lại. “Cút xéo!” Boesky gầm lên, đuổi Lessman ra khỏi văn phòng và đẩy cửa cái rầm. Cuối cùng, năm 1981 công ty mới cũng chính thức đi vào hoạt động với số vốn dưới 40 triệu đô-la, ít hơn nhiều so với những gì Boesky kỳ vọng. Boesky, Lessman – giờ là trưởng bộ phận nghiên cứu và Michael Davidoff, một chuyên viên giao dịch mà Boesky thuê về từ Bedford Partners đã gây dựng trụ sở của mình trong một văn phòng còn bỏ trống của công ty luật Fried, Frank, Harris, Shriver & Jacobson ở Manhattan, nơi luật sư chủ chốt của Boesky, Stephen Fraidin là thành viên góp vốn. Mặc dù làm việc trong trụ sở gần sát nhau như thế, Boesky vẫn thích phô trương rằng ngoài bản thân ra, không ai biết được tất cả hoạt động làm ăn của anh ta. Boesky còn cẩn thận đề phòng các nhân viên của chính mình. Lessman được chỉ dạy để trả lời các cuộc gọi của Royce và chia sẻ các kết quả nghiên cứu với anh ta. Một buổi tối muộn, Royce gọi đến và bảo, “Ivan cần biết tình hình tài chính của anh” trong một cổ phiếu nào đó. Lessman tìm kiếm trên màn hình máy tính và nói cho Royce biết. Chỉ lát sau, Boesky đã gọi điện cho Lessman, và Lessman nhân tiện nhắc đến chuyện Royce vừa mới gọi đến và anh ta đã tiết lộ tình hình tài chính. Một khoảng im lìm trên điện thoại. Rồi Ivan gào toáng lên, “Tôi phải tống cổ cậu ngay vì vụ này. Đừng có bao giờ tiết lộ tình hình tài chính thêm lần nào nữa.” “Tôi nghĩ là Royce ở trong cùng công ty với mình mà”, Lessman trả lời lúc Boesky đã dập cộp ống nghe xuống. Chẳng bao lâu sau, Royce lại gọi điện cho Lessman vào buổi đêm để tìm kiếm thông tin về tình trạng cổ phiếu. Lessman từ chối, nói là Boesky đã ra lệnh cho anh ta không được nói. Điện thoại lại đổ chuông. Lần này Boesky nhiếc móc Lessman thậm tệ vì đã không trả lời câu hỏi của Royce. Cuối cùng, Royce gọi điện để hỏi về tình hình tài chính của Boesky cho vụ Marathoil Oil, sau này trở thành một đối tượng thâu tóm đầy tiềm năng; đây là thông tin vô cùng nhạy cảm. Lessman, lo lắng không biết làm thế nào để khỏi rơi vào tình thế khó xử, đành trả lời cho Royce, nhưng đã nói giảm đáng kể so với tình thế thực tế. Thế rồi Boesky gọi điện về từ một bữa tiệc tối. Lessman tự hào khoe với Boesky rằng Royce đã dò hỏi tin tức từ anh ta, và rằng anh ta đã khéo léo đánh lạc hướng Lessman. “Đồ khốn kiếp!” Boesky gào lên. “Anh biến tôi thành thằng dối trá à!” Hóa ra chính Boesky đã cung cấp cho Royce một thông tin khác, nhưng cũng chệch hướng tương tự. Đầu óc Lessman quay cuồng. Tại sao Boesky lại phải nói dối với một người đang điều hành tiền vốn của chính vợ anh ta kia chứ? Một thời gian ngắn sau, Lessman buộc phải gọi về nhà cho Boesky vào buổi tối từ Bedford, và Billy, cậu cả của Boesky, nghe điện thoại. “Chú Lance đây”, Lessman nói với giọng chán nản. “Ba mày hành chú tơi tả rồi đấy.” Câu trả lời của Billy gây ấn tượng sâu sắc với Lessman. “Nói nghiêm túc về ba cháu nhé”, Billy nói giọng âu sầu. “Ông ấy điên hoàn toàn.” * * * Joseph, khi ấy 41 tuổi, một cựu võ sĩ quyền anh nghiệp dư thân hình chắc nịch với mái tóc xám, đã giành được công việc ở bộ phận tài chính của Drexel với một tuyên bố táo bạo: “Cho tôi mười lăm năm, tôi sẽ mang đến cho ông một công ty hùng mạnh và thành đạt như Goldman, Sachs vậy.” Lời hứa hẹn này sau đó dường như trở nên lố bịch hết sức, chẳng gợi lên được điều gì ngoài một cuộc cách mạnh chống lại tình thế giậm chân tại chỗ của công ty trên Phố Wall. Năm 1974, Goldman, Sachs ngự trên đỉnh cao của Phố Wall. Năm đó, Drexel, Burnham chỉ đạt được tổng doanh thu là 1,2 triệu đô-la. Vốn của nó quá mỏng. Thị trường chứng khoán thì đang trong tình trạng đình đốn. Và bất chấp cái tên Drexel lừng lẫy, Drexel Burnham đại khái chỉ được xếp loại công dân hạng hai trên Phố Wall mà thôi. Drexel Burnham về căn bản chính là Burnham & Co., một công ty môi giới trọng-tâm-hướng-vào-bán-lẻ được thành lập hồi năm 1935 bởi Tubby Burnham, cháu người sáng lập nhà máy chưng cất rượu I. W. Harper, và một vài nhân vật tàn dư của Drexel Firestone xưa cũ, có thể truy nguyên nguồn gốc từ gia tộc Drexel đình đám ở Philadelphia và đế chế J. P. Morgan phản Sê-mit không biết xấu hổ. Năm 1971, Burnham & Co. sáp nhập với Drexel và trở thành một cặp đôi kỳ quặc. Nhân viên của Burnham chủ yếu là người Do Thái, những giao dịch viên bất chấp luật lệ, những người sống sót nhờ tài nghệ bán hàng của mình. Ngược lại, Drexel lại có mối ác cảm truyền thống với những mánh khóe bán hàng hoàn toàn mang tính lưu manh để rồi danh sách khách hàng doanh nghiệp cứ giảm sút liên tục do đó ngày càng ủng hộ các công ty có hệ thống phân phối hung hãn. Drexel cứ thế lung lay, tồn tại chủ yếu nhờ danh tiếng bấy lâu và vị thế từng có là một công ty “trụ đỡ” chủ yếu trên Phố Wall. Quả thực, Tubby Burnham tìm đến Drexel và tiến tới sáp nhập chủ yếu nhằm nhấc công ty của ông lên khỏi nhóm trụ đỡ thứ yếu và thu hút nhiều phi vụ bao thầu hơn. Burnham đến thăm các vị chủ tịch của Goldman, Sachs và Morgan Stanley. Lời chúc phúc cùng thiện chí của những nhân vật này chính là yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại của những công ty sáp nhập trong thế giới Phố Wall vốn vẫn theo truyền thống hội nhóm. Họ đồng ý phê chuẩn với một điều kiện: Cái tên Drexel đáng kính sẽ phải đứng trước, bất kể cán cân quyền lực trong nội bộ công ty ra sao. Thế là Drexel Burnham & Co. đã ra đời. Những kẻ sống sót ở hai công ty này đa phần vẫn cứ lảng xa nhau, kể cả đến lúc này, khi đã được ba năm kể ngày sáp nhập. Trong khi dạo bước qua công ty, Burnham nói với Joseph rằng lần đầu tiên ông ta gặp người đứng đầu Drexel khi vụ sáp nhập diễn ra, ông ta đã rằng trong số hơn 200 nhân viên của công ty, người Do Thái chiếm bao nhiêu. Ông được cho biết là có tổng cộng 3 người. Một trong số đó, Burnham nói, chính là người mà ông muốn Joseph gặp: Michael Milken. Joseph bắt tay với chàng trai trẻ sôi nổi, mảnh khảnh với đôi mắt tối màu, sâu hoắm. Joseph thoáng tự hỏi tại sao một người như Milken lại dừng chân ở Drexel Firestone, nhưng ngược lại Milken lại không ấn tượng gì lắm. Họ không làm việc trực tiếp với nhau. Joseph điều hành lĩnh vực ngân hàng đầu tư ở phạm vi lớn hơn, còn Milken là trưởng bộ phận chứng khoán chuyển đổi và chứng khoán ở mức dưới chuẩn đầu tư, về sau kiêm nhiệm thêm cả bộ phận trái phiếu lãi suất cao. Anh ta báo cáo công việc cho Edwin Kantor, giao dịch viên lâu năm của Burnham, còn những vấn đề liên quan đến thù lao, thì trực tiếp với Burnham. Để khích lệ Milken, người vẫn luôn càm ràm rằng anh ta bị những thành viên áo sơ mi cổ cồn dòng dõi WASP ở Drexel đối xử như công dân hạng hai, Burnham cho phép Milken tự thành lập bộ phận giao dịch trái phiếu kiểu bán-tự-trị của riêng anh ta. Năm 1975, Burnham đã dành riêng cho Milken một khoản thù lao đáng kể, coi như để khuyến khích anh ta mang lại thành tích cao hơn. Cũng giống như mọi công ty khác trên Phố Wall, Drexel trả mức lương tương đối thấp, và hầu hết các khoản thù lao nhân viên nhận được đều đến dưới hình thức tiền thưởng. Nhưng phần tiền thưởng của Milken thì hào phóng đến mức bất thường. Milken và nhóm nhân viên của anh ta được thưởng 35% trên tổng lợi nhuận của toàn công ty căn cứ vào hoạt động của họ. Milken được toàn quyền dàn xếp các khoản tiền trong nội bộ nhân viên dưới quyền, và giữ phần còn lại cho bản thân anh ta. Burnham còn cung cấp thêm cho Milken khoản “chi phí giới thiệu cơ hội” chiếm khoảng 15% đến 30% tổng lợi nhuận cho bất cứ thương vụ nào được Milken hoặc người của anh ta mang về cho công ty. Burnham trả tiếp 35% lợi nhuận cho những người trực tiếp thực hiện thương vụ và 30% lợi nhuận cho bất cứ ai giành được khách hàng. Công ty chỉ giữ lại tỷ lệ khiêm tốn là 35% để trang trải tổng chi phí và phần lợi nhuận của các cổ đông. Hệ thống phân phối thù lao cho Milken là một bí mật nghiêm ngặt của công ty. Mất khoảng chừng một năm kể từ khi gặp gỡ, Joseph và Milken bắt đầu hiểu kha khá về nhau, chủ yếu là bởi Milken rất hào hứng với việc gia tăng tiền chi cho hoạt động chỉ chỏ nhờ việc tìm kiếm các mẹo mực áp dụng với các thương vụ tài chính doanh nghiệp mới mẻ đầy tiềm năng ở Joseph. Joseph không phải một kẻ hợm mình, nhưng lúc đầu, anh ta có xu hướng đánh đồng Milken với đám người chuyên giao dịch ở Burnham, rất nhiều trong số đó chẳng hiểu gì mấy về thế giới bên ngoài chốn quê nhà xô bồ chen chúc của họ ở Brooklyn hoặc Queens. Bản thân nguồn gốc xuất thân của Joseph cũng rất khiêm tốn, sinh trưởng ở Roxbury, một khu phụ cận thuần lao động ở Boston. Cha mẹ anh ta đều là dân Do Thái chính thống và người cha lái taxi để kiếm tiền mưu sinh. Nhưng Joseph thì đã có được lớp vỏ che đậy tinh tế là một sinh viên giành học bổng tại Đại học Harvard và tiếp đó là Trường Kinh doanh Harvard. Anh ta đã gia nhập E. F. Hutton & Co., được John Shad (chủ tịch tương lai của Ủy ban Chứng khoán Mỹ) tuyển dụng và trở thành cổ đông trong công ty chỉ sau bốn năm. Sau đó, anh ta chuyển tới Shearson, giúp thương thuyết vụ sáp nhập của công ty này với Hayden Stone, và được đề bạt chức giám đốc điều hành, vị trí cao thứ hai trong công ty. Drexel là một bước “thụt lùi” so với Shearson, nhưng Joseph muốn quay trở lại với những thương vụ ngân hàng đầu tư tại chỗ, và nuôi mộng xây dựng một công ty quyền lực từ đống đổ nát và được lưu danh cùng nó cho đến muôn đời hậu thế. Joseph đã chứng kiến đủ những biến thiên thăng trầm tràn qua Phố Wall để rồi luôn vững tin rằng trên thực tế, mọi thứ thuộc về trật tự xưa cũ đều hết sức mong manh. Tuy thế, tại Drexel, anh ta có xuất phát điểm thấp. Bộ phận tài chính doanh nghiệp tại Drexel chỉ gồm 19 người; và Joseph đã kịp sa thải mất bảy. Trong năm đầu tiên anh ta làm việc tại công ty, toàn bộ tiền thưởng dành cho bộ phận chỉ vẻn vẹn 15 nghìn đô-la. Joseph cảm thấy rằng mình phải chỉnh đốn toàn bộ nền văn hóa của công ty. Không bao lâu kể từ khi vào làm, anh ta đã chủ trì bữa tối đầu tiên, sau đó trở thành thông lệ hàng năm của công ty, dành cho các nhân viên mới tại nhà hàng Windows on the World trên đỉnh Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York. Anh ta cảm thấy mình có trách nhiệm xác lập sự minh bạch khi giúp các nhân viên ngân hàng đầu tư mới mẻ này thấm nhuần động lực của thành công. “Các bạn sẽ vấp phải những cám dỗ”, anh ta cảnh báo các thính giả của mình. Anh ta đề cập đến việc tiếp cận những thông tin tuyệt mật về các kế hoạch, cổ phiếu, trái phiếu bán ra, những kế hoạch sáp nhập của khách hàng. “Nếu các bạn nhắm mắt làm theo những cám dỗ ấy, bạn sẽ bị tóm liền. Tôi đảm bảo. Họ sẽ tóm ngay lấy dây giày các bạn. Và tại Drexel này, chúng tôi sẽ không để lọt bất cứ kẽ hở nào cho những việc như thế.” Kể từ lần gặp đầu tiên, Joseph không phải mất nhiều thời gian để hiểu tại sao Burnham lại hào hứng để anh ta tiếp cận với Milken đến vậy. Milken không phải một giao dịch viên như bao kẻ khác trong công ty. Thực tế, anh ta là một trong những nhân viên được trả lương cao nhất. Bắt đầu với nguồn vốn 2 triệu đô-la vào năm 1973, Milken đã tạo ra được tỷ lệ hoàn vốn choáng ngợp là 100%, kiếm về những khoản thưởng lên tới gần 1 triệu đô-la cho bản thân và các nhân viên của mình. Và anh ta đã làm được việc đó trong một lĩnh vực mà Joseph không tường hiểu cũng như vẫn luôn bị coi là đáng ghê tởm: cổ phiếu dưới chuẩn, mang lại lợi nhuận cao. Thị trường trái phiếu Mỹ nằm dưới quyền thống trị của hai “đại gia” xếp hạng tín nhiệm, Moody và Standard & Poor, những người khổng lồ trong suốt nhiều thế hệ đã soi đường chỉ lối cho các nhà đầu tư đo lường rủi ro trong các thương vụ đầu tư lợi tức cố định. Giá trị của những thương vụ đầu tư này phụ thuộc vào năng lực của một công ty phát hành chứng khoán nào đó có thể thực hiện được việc chi trả lãi suất đã hẹn khi trái phiếu đáo hạn thanh toán hay không, và tiếp đến là thanh toán khoản gốc. Trái phiếu doanh nghiệp có giá trị cao nhất của những tập đoàn như AT&T hay IBM được S&P xếp loại AAA. Những công ty có bảng cân đối kế toán kém hơn hoặc gặp phải những vấn đề khác sẽ có mức xếp hạng thấp hơn. Một số doanh nghiệp thì bị đánh giá rủi ro cao đến mức không được xếp loại nữa. Tỷ lệ lợi nhuận trên trái phiếu doanh dao động lên xuống cùng với xếp hạng thị trường với Bộ Tài chính Mỹ và rủi ro có thể nhận biết được của công ty phát hành, nên xếp hạng nợ càng thấp, lãi suất mà các công ty phải trả để thu hút nhà đầu tư sẽ càng cao. Giữa thập niên 1970, những loại trái phiếu xếp hạng thấp và không xếp hạng như vậy không nhiều, và nhìn chung, các nhà đầu tư cũng không đụng tay vào chúng. Những ngân hàng đầu tư tầm cỡ cũng không hứng thú gì với chúng; bởi chúng quá khó bán, và quá mạo hiểm đối với thanh danh của các công ty, cũng như nhiều khả năng sẽ khiến các công ty niêm yết chính thống và được xếp hạng cao lảng tránh. Hầu hết những trái phiếu có lãi suất cao lúc bấy giờ chỉ là phiếu khoán từng được xếp hạng của những công ty đã tụt dốc trong những lần làm ăn khốn đốn (mà Phố Wall vẫn gọi những trái phiếu này là “thiên thần sa ngã”). Milken đã bị cuốn vào vùng nước tối tăm này của Phố Wall. Không giống như Joseph, Milken sinh trưởng trong một gia đình thuộc tầng lớp trung thượng lưu tương đối dễ chịu. Encino, California, một thị trấn ở Thung lũng San Fernando, phía bắc Los Angeles là nơi sinh sống của một cộng đồng người Do Thái đông đúc – một Hội đạo Do Thái tọa lạc gần nhà Milken – nhưng dân cư ở đây cũng đồng nhất gần giống hệt như toàn bộ vùng Nam California đang phát triển thần tốc này. Cha của Milken là một kế toán. Từ lúc lên 10, Milken đã bắt đầu giúp cha mình phân loại, cân đối sổ sách, và sau này là hỗ trợ cả việc hoàn thuế. Từ khi học lớp 1, Milken đã làm các bạn cùng lớp phải sửng sốt kinh ngạc vì khả năng thực hiện những phép tính nhân nhẩm phức tạp. Milken đạt được thành tích cao và rực rỡ tại Trường Trung học Birmingham, gần Van Nuys và tốt nghiệp năm 1964. Học sinh trường Birmingham đa phần đều là người da trắng tầng lớp trung lưu. Rất nhiều các bậc phụ huynh, giống như cha mẹ của Milken, đều có nguồn gốc di cư từ vùng Trung Tây và Đông thuần công nghiệp. Họ yêu thể thao, cuồng mộ lướt sóng, tạo kiểu tóc phồng, cuồng nhiệt với Beach Boys và lái xe vòng vòng không biết chán khắp vùng. Milken tràn trề năng lượng, có thiên hướng học hành hơn hết thảy và rất háo hức được bạn bè thừa nhận tài năng. Anh ta được bầu làm đội trưởng đội cổ vũ, một vị trí tuyệt vời chỉ sau “ngôi sao thể thao”. Anh ta hoạt động năng nổ trong hội sinh viên và được bình chọn là gương mặt nổi tiếng nhất. Anh ta hẹn hò với một cô bạn cùng lớp xinh đẹp, hoạt bát tên là Lori Anne Hackel, một người bạn trong lớp học môn khoa học xã hội từ hồi lớp 7. Trong số bạn học cùng lớp của Milken còn có ngôi sao màn bạc tương lai Sally Field và siêu đại diện Hollywood Michael Ovitz. Đại học California ở Berkeley là một thay đổi đột ngột đối với Milken. Tại thời điểm anh ta tốt nghiệp năm 1968, trường này là tâm điểm của các phong trào phản chiến và phản văn hóa của sinh viên. Milken, vốn vẫn điềm nhiên tĩnh tại giữa dòng chính thống ở trường trung học, đột nhiên lại trở thành một kẻ lạc lõng. Anh ta là thành viên của hội Học sinh đại học đa phần Do Thái, tên gọi Sigma Alpha Mu (Sammy), trong khi các hội học sinh đang bị thất sủng. Anh ta không uống rượu, không sử dụng ma túy marijuana, cũng không dùng thuốc kích dục LSD. Anh ta theo học chuyên ngành quản trị kinh doanh chứ không phải xã hội học hay tâm lý học – những khoa thời thượng lúc bấy giờ, và còn học hành hết sức chăm chỉ. Anh ta được kết nạp vào hội Phi Beta Kappa. Còn đời sống xã hội của anh ta, phần lớn chỉ tập trung vào Lori, cũng đang học tập tại Berkeley. Họ kết hôn ngay sau khi tốt nghiệp. Chẳng bao lâu sau, Milken và Lori chuyển về Philadelphia, nơi Michael ghi danh vào trường kinh doanh Wharton danh giá thuộc Đại học Pennsylvania. Milken làm thêm vào mùa hè và làm bán thời gian trong suốt năm học tại văn phòng ở Philadelphia của công ty Drexel Firestone (công ty tiền thân đặt trụ sở ở Philadelphia). Sau khi tốt nghiệp loại ưu, Milken ở lại Drexel, và đi làm hàng ngày từ một khu ngoại ô Philadelphia – Cherry Hill, N.J., tới trụ sở của Drexel tại Manhattan. Anh ta dường như rất ngây thơ về trật tự phân hạng trên Phố Wall, đa phần mù tịt về tầm quan trọng của tăm tiếng lâu đời. Anh ta cũng chẳng quen chẳng biết ai trong trong cộng đồng Morgan Stanley hay Goldman, Sachs. Milken không quan tâm gì đến thông lệ vẫn duy trì bấy lâu nay ‒ đó là những cử nhân đầy hứa hẹn của trường kinh doanh đều đầu quân vào lĩnh vực ngân hàng đầu tư – tài chính doanh nghiệp chứ không phải bán hàng hay giao dịch. Tại Drexel, Milken bắt đầu ở lĩnh vực nghiên cứu, tiếp đến là bán hàng và giao dịch, nơi anh ta dần tập trung gần như toàn bộ sức lực cho chứng khoán xếp hạng thấp và không xếp hạng, thứ sau này trở thành hệ tiêu chuẩn riêng của ạnh ta. Vài năm sau, “huyền thoại” Milken ngày càng thành công và Drexel “thêm mắm dặm muối” rằng Milken là một “thiên tài” đã có công khám phá ra lợi nhuận tiềm năng của một công cụ sau này được biết đến rộng rãi với cái tên đầy miệt thị “trái phiếu rác” lãi suất cao. Nhưng Milken chẳng bao giờ giấu giếm bí mật về thực tế rằng nền tảng kiến thức của thứ lợi nhuận anh ta tìm thấy trong trái phiếu xếp hạng thấp là do người khác cung cấp. W. Braddock Hickman đã thực hiện một phân tích bước ngoặt về trái phiếu xếp hạng thấp và không được xếp hạng mà Milken đọc được khi còn học ở Berkeley. Trong một phân tích sâu về kết quả hoạt động của trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 1900-1943, Hickman đã chứng minh rằng một danh mục các trái phiếu xếp hạng thấp trong dài hạn được đa dạng hóa sẽ mang lại tỷ lệ lợi nhuận cao hơn nhiều mà không phải gánh chịu mức độ rủi ro lớn như danh mục gồm các trái phiếu lãi suất cao, được xếp hạng tốt. Một nghiên cứu về trái phiếu được thực hiện trong giai đoạn 1945-1965 cũng rút ra kết luận tương tự. Sau đó, trong những cuộc chuyện trò đầu tiên với Joseph, Milken – một thiên tài bán hàng, ra sức thuyết giảng về chân lý chứng khoán lãi suất cao của mình. Joseph thật sự bị ấn tượng; anh ta đề nghị mượn tập tài liệu nghiên cứu của Hickman. Còn Milken vẫn cứ tiếp tục nói. Vấn đề duy nhất của trái phiếu xếp hạng thấp chính là tính thanh khoản thấp của nó, anh ta lập luận. Hầu hết khách hàng của Drexel vẫn chưa sẵn lòng đầu tư tài sản của mình vào trái phiếu lãi suất cao, nhưng Milken đã bắt đầu tiến tới. Anh ta đương đầu với thái độ miễn cưỡng và ngần ngại mạo hiểm của nhà đầu tư bằng việc nghiên cứu tỉ mỉ những triển vọng kinh doanh ngầm của tất cả những công ty phát hành cổ phiếu bị xếp hạng thấp mà anh ta có thể tiếp cận. Anh ta khiến Joseph phải ngạc nhiên vì sự tinh thông cả những khía cạnh “bí truyền” của rất nhiều lĩnh vực kinh doanh, tất cả chỉ nhằm mục đích dự đoán khả năng mang lại lợi nhuận cũng như thanh toán khoản gốc khi đáo hạn của một công ty nào đó. Đó là một nhiệm vụ lớn; rõ ràng là chưa hề có một nghiên cứu nào về những công ty dạng này được thực hiện trước đó tại Phố Wall, nơi mà các bộ phận nghiên cứu chỉ tập trung gần như toàn bộ vào cổ phiếu của các công ty giao dịch rộng rãi. Milken tự xoay sở với nghiên cứu của mình, luôn mang theo những cặp tài liệu căng phồng vì giấy tờ kết quả nghiên cứu và cả những dữ liệu khác tới tất cả mọi nơi. Anh ta sử dụng những kết quả nghiên cứu của mình để thuyết phục các nhà đầu tư “đánh bạc” vào các loại chứng khoán lãi suất cao mà Milken tin chắc rằng sẽ bóp lại các khoản chi tiêu và kết quả đúng là như thế. Trong số các khách hàng triển vọng của Milken còn có cả những công ty khách hàng đầy tiềm năng của Drexel. Các công ty bảo hiểm với những khối tài sản lớn đặc biệt hào hứng với việc đầu tư sinh lời. Joseph cũng tham gia với Milken trong vô số cuộc viếng thăm để truyền bá chân lý “lợi nhuận cao”. Ở mỗi trạm dừng, Milken đều trình bày đầy đủ những lập luận của mình: Thị trường trái phiếu quá kiêng dè mạo hiểm; một danh mục đầu tư đa dạng hóa tốt sẽ mang lại doanh lợi tốt hơn; tính thanh khoản sẽ tăng lên khi nhiều công ty làm theo thông điệp của Milken; và khoản tiền lời sẽ vượt tiền bù rủi ro. Đó là một thông điệp đơn giản nhưng hiệu quả. Và càng lúc, nó càng có tác dụng. Trong số những thành công ban đầu của Milken có một nhóm các nhà tài phiệt giàu có, phần lớn là người Do Thái, những người đã mua lại được các công ty bảo hiểm. Không ai trong số những người này thuộc giới “quyền cao chức trọng” của Phố Wall. Họ không hề lo lắng gì về thứ tiếng xấu đi kèm với các phiếu khoán xếp hạng thấp, và họ thích ý tưởng mới mẻ của Milken. Saul Steinberg, Meshulam Riklis và Carl Lindner trở thành những kẻ cải đạo trước nhất, và Lindner, một thành phần phi Do Thái đến từ Cincinnati, thậm chí còn trở thành một “thủ lĩnh” của xu hướng này. Khi doanh thu thường niên của họ đạt hoặc vượt mức dự kiến của Milken, họ càng lúc càng trở thành những người bảo lãnh nặng ký cho Milken và các khách hàng của Drexel. Về phần mình, Milken tỏ ra không mảy may bận tâm tới việc Lindner là mục tiêu trong một vụ điều tra của Ủy ban Chứng khoán, chưa từng tốt nghiệp trung học và bị cả cộng đồng Cincinnati hắt hủi, ông ta thậm chí còn bị nhiều thành viên Phố Wall coi là một tên hạ đẳng. Hoặc như Steinberg, kẻ đã giật khỏi tầm kiểm soát của Công ty Bảo hiểm Reliance và gây ra một vụ thâu tóm bất thành với Ngân hàng Chemical trứ danh, vụ việc đã gây phẫn nộ trong toàn giới ngân hàng danh giá và cả những đồng minh ngân hàng đầu tư của chính hãng này. Hay như Riklis, khởi nghiệp với vị thế một người Israel nhập cư nghèo túng, kiếm tiền nhờ vào rạp chiếu phim và rượu mùi. Những nhân vật này đã năm lần bảy lượt bị Phố Wall cự tuyệt. Họ sẽ không bao giờ nào quên rằng Milken đã coi họ như những khách hàng thực sự. Đầu năm 1977, công việc làm ăn của Milken đã khống chế tới 25% thị phần chứng khoán lãi suất cao – một tỷ lệ đáng sửng sốt. Đó thực sự là công ty duy nhất duy trì hoạt động tạo lập thị trường chủ động mà vẫn rất lưu tâm tới việc tăng cường tính thanh khoản của thị trường. (Một nhà tạo lập thị trường chính là chìa khóa cho tính thanh khoản, có trách nhiệm đảm bảo với người nắm giữ một loại cổ phiếu nào đó rằng bất kể khi nào người đó muốn chuyển đổi cổ phiếu thành tiền mặt, nhà tạo lập cũng sẽ đều thực hiện như ý nguyện. Ngược lại, nhà tạo lập thị trường sẽ bán lại chứng khoán, giữ lại phần chênh lệch giữa giá “mua vào” và “bán ra” và coi đó là lợi nhuận của mình. Sàn Giao dịch Chứng khoán New York và thị trường giao dịch trực tuyến NASDAQ đều đơn thuần là những tổ chức tạo lập thị trường đã được thể chế hóa, cung cấp thêm một dịch vụ phụ trội nữa là giá giao dịch được niêm yết.) Những ngân hàng khác, như Lehman Brothers, thủ lĩnh thị trường trái phiếu lãi suất cao, sẽ bao thầu một vài trái phiếu mới được phát hành và quản lý những trái phiếu đã bao thầu trước đó, nhưng đây chủ yếu là dịch vụ cung cấp cho những khách hàng có sẵn; những công ty khác thì không mấy mặn mà với việc trở thành nhà tạo lập thị trường chủ động. Vậy nên, trên thực tế, Milken đã trở thành nhà tạo lập thị trường cho trái phiếu lãi suất cao. Anh ta có một trí nhớ siêu phàm, biết rõ ai phát hành trái phiếu gì, các trái phiếu đó mang lại lợi nhuận ra sao, giá trị của chúng khi đáo hạn thế nào, và còn những ai khác muốn có được chúng. Càng lúc, khách hàng của Milken càng đặt lòng tin vào những nghiên cứu cũng như sự tinh thông thị trường của anh ta, đến mức khi anh ta thúc giục họ đầu tư vào một đợt phát hành nào đó, họ liền làm theo ngay. Họ không cần để ý đến việc thiếu vắng giá niêm yết, hay những điều Milken truyền bá là gì – miễn là kiếm được tiền. Và cũng không ai ngoài Milken và đám đồng nghiệp cánh hẩu của anh ta nắm được cấu trúc giá cả của thị trường này – kể cả khoảng chênh lệch ngày càng tăng cao giữa giá mua và giá bán. Milken có thể phát đạt ghê gớm như chúng ta thấy, một phần bởi thị trường của anh ta gần như hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Việc làm ăn của anh ta được dàn xếp phần lớn trong các thương vụ được gọi là “chào bán thứ cấp”. Trong những giao dịch kiểu này, một công ty bảo hiểm quy mô lớn có thể quyết định bán ra một lượng trái phiếu lớn mà nó đã giành được từ đơn vị phát hành lần thứ nhất; rất có thể Drexel sẽ mua lại lượng trái phiếu ấy, sau đó chào bán lại cho mạng lưới những người mua trái phiếu của nó. Những vụ chào bán ấy không cần phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán, và cũng không hề có danh mục niêm yết nào công khai giá cả của các đợt chào bán ấy. Thế giới trái phiếu lãi suất cao chính là phiên bản tài chính giống như thuở sơ khởi của biên giới nước Mỹ; một thứ công lý tàn bạo mà những kẻ mạnh bòn rút từ những kẻ yếu. Một hôm, Gary Winnick, nhân viên bán hàng tại văn phòng Manhattan của Drexel mua vài trái phiếu trong bản kê của Milken cho một trong số các khách hàng của mình. Winnick kiếm được 1/8 điểm chênh lệch giá, nói cách khác, đó là sai biệt giữa giá mà khách hàng trả cho anh ta với giá anh ta mua từ Milken. (Một “điểm” tương đương với 10 đô-la cho mỗi 1.000 đô-la số tiền danh nghĩa trong giá của một trái phiếu, tức là 1%. Như vậy, 1/8 điểm tính trên khoản chênh lệch giá của 1 triệu đô-la sẽ là 1.250 đô-la.) Winnick đã phát khùng khi biết rằng chênh lệch giá của Milken là 30 điểm, và rằng Milken đã giữ lại đến 297/8 lại cho bản thân mình. Winnick quá bàng hoàng thấy Milken lại tham tàn đến vậy. Suy cho cùng, họ là đồng nghiệp kia mà. Winnick đến gặp Kantor, sếp của Milken và kêu ca phàn nàn. Nhưng Kantor không hề phản ứng gì. Đến năm 1976, Winnick đã đi đến kết luận rằng Milken đã kiếm ra quá nhiều tiền cho công ty đến nỗi không ai dám khép anh ta vào kỷ cương nữa. Đối với Milken, thương vụ này cũng chỉ như biết bao nhiêu giao dịch khác, và càng bóp nặn được đối tác giao dịch bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Trong nhiều năm sau đó, các đồng nghiệp ở bàn giao dịch của Milken đã luôn phải kinh ngạc chứng kiến vẻ hài lòng, thậm chí là hân hoan mà anh ta thể hiện khi xiết thêm được một phân điểm nữa từ một đối tác giao dịch ngờ nghệch nào đó. Chỉ có trong giao dịch, thứ kiến thức thượng thặng mới được vận dụng để tạo ra lợi nhuận với nỗi hoan hỉ tức thời đến thế. Chẳng mấy người vượt mặt được Milken, bởi anh ta chỉ đánh quả với thứ kiến thức thượng thặng; còn khi thấy ai đó trội hơn mình, Milken sẽ đi tìm và gắng thuê người đó về. Ví dụ, Warren Trepp là trưởng bộ phận giao dịch trái phiếu tại Dean Witter khi anh ta bán non vài mã chứng chỉ quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT). Một trong số những người của Milken đứng ở phía bên kia các cuộc giao dịch. Giá trị của REIT sụt giảm nghiêm trọng, gây ra những tổn thất ghê gớm cho Milken và mang lại một khoản lợi nhuận lớn cho Trepp. Milken yêu cầu người của mình tìm cho ra tên của người giao dịch cho Dean Witter, sau đó tìm đến và lôi kéo người đó về Drexel. Trepp đã trở thành trưởng giao dịch riêng cho Milken. Khi công việc làm ăn của Milken tấn tới, thì Joseph cũng như vậy, nếu không muốn nói là với mức độ phi thường. Joseph hành động nhanh chóng để cải thiện chất lượng đội ngũ nhân viên ngân hàng đầu tư ở Drexel, đưa về vài người đã tuyển dụng trước đây ở Shearson, trong đó có John Kissick, Herbert Bachelor, Fred McCarthy, John Sorte và David Kay, người mà Joseph giao trách nhiệm quản lý bộ phận sáp nhập và mua lại mới còn trong trứng nước. Và anh ta còn kéo về cả Leon Black ‒ một tân sinh viên trường kinh doanh ngạo mạn, béo mập và cứng đầu. Cha của Black, người đứng đầu United Brands đã bị bắt trong một vụ lùm xùm khi Leon còn đang theo học Trường Kinh doanh Harvard, Black cha đã tự sát bằng cách nhảy khỏi cửa sổ văn phòng. Trong một nỗ lực hòng mang lại cho Drexel một “mũi nhọn” trong việc thu hút các thương vụ ngân hàng đầu tư, Joseph quyết định tập trung vào một số lĩnh vực đang tăng trưởng và những công ty nhỏ lẻ bị các ngân hàng đầu tư lớn tảng lờ. Drexel bắt tay nghiên cứu về các cổ phiếu OTC, kể cả khi công tác nghiên cứu không mang lại lợi nhuận ngay lập tức cho công ty. Cả nhóm vẫn gắng xoay xỏa để thực hiện đủ các vụ giao dịch, đến mức, tới năm 1977, khoản thưởng tài chính doanh nghiệp đã lên tới 1 triệu đô-la. Cùng năm đó, Joseph cầu viện Milken, trình bày rằng khách hàng của mình là Texas International cần gây vốn nhưng tỷ suất vay nợ đã cao đến mức không bao giờ có được xếp hạng đầu tư nữa. Liệu Drexel có thể thực hiện một đợt phát hành lợi nhuận cao, do Drexel bao thầu và được chào bán trực tiếp ra công chúng – một đợt phát hành lần đầu mới hoàn toàn, hay nói cách khác, không phải là chào bán lần thứ hai – thứ trụ cột chính trong hoạt động của Drexel. Milken nói anh ta sẽ thử xem sao. Sau đó, anh ta đã dễ dàng thu được 30 triệu đô-la cho đợt phát hành này, với mức phí bao thầu ghê gớm là 3%. Cũng trong năm đó, Milken đã thực hiện tiếp sáu đợt phát hành nữa cho các công ty không có cách nào khác để gây vốn. Cũng khoảng thời gian ấy, anh ta tuyên truyền ý tưởng về những quỹ cộng đồng lợi nhuận cao đầu tiên, cho phép các nhà đầu tư nhỏ lẻ đầu tư vào một danh mục trái phiếu lãi suất cao đa dạng. Giấc mơ thanh khoản của Milken đã gần như đơm hoa kết trái. Nền tảng cho một cuộc cách mạng về tài chính đã thành hình, ngay trước mũi giới quyền cao chức trọng Phố Wall, những người vốn gớm ghét trái phiếu xếp hạng thấp. Trong khi đó, Winnick, theo lệnh của Kantor, đã chuyển tới bộ phận trái phiếu xếp hạng cao tại trụ sở Drexel trên khu trung tâm. Anh ta cũng giao dịch một vài sản phẩm lợi nhuận cao của Milken và nhanh chóng trở thành nhân viên bán hàng có năng suất hàng đầu không nằm trong bộ phận trái phiếu lãi suất cao ở Drexel. Anh ta làm việc quên cả giờ giấc. Một buổi tối thứ Sáu, anh ta có nói với Milken rằng vợ chồng anh ta sẽ xem xét vài căn nhà ở Hạt Weschester vào cuối tuần, và Milken đã nói rất bí hiểm, “Đừng mua bán gì vội.” Chẳng bao lâu sau, Milken đề nghị Winnick sang làm việc cho mình – tại Thành phố Century, kề ngay Beverly Hills, ở California xa xôi. Sau đó Gregory, cậu con trai hai tuổi của Milken gặp vấn đề về sức khỏe, còn cha Milken thì mắc bệnh ung thư. Quyết định chuyển nhà chắc canh ta không phải là do Milken muốn sống tại một nơi có khí hậu trong lành hơn hay muốn ở gần gia đình và các bạn bè thuở thơ bé, mặc dù đó cũng là một trong những nhân tố. Có thể thấy rất rõ ràng là thành công của Milken chẳng dính dáng gì đến Drexel, nhưng mọi thành công của Drexel lại phụ thuộc hoàn toàn vào Milken. Ngài Burnham xui xẻo, chủ tịch danh dự của công ty chẳng hiểu gì mấy ngoại trừ lĩnh vực môi giới bán lẻ ngày càng mang lại ít lợi nhuận; động thái khôn ngoan nhất của ông chỉ là nhận ra tiềm năng của Milken và nới rộng dây buộc cho anh ta thỏa sức tự tung tự tác. Kantor thậm chí còn có ít ảnh hưởng hơn, anh ta chỉ là một nhân viên giao dịch theo lối cũ, bị cản trở bởi những phép toán vi tính hóa và những chiến lược tinh vi được thế hệ mới phát triển. Milken không hứng thú gì với những tranh cãi về sở thích gây ảnh hưởng chính trị này nọ của bọn họ. Tại sao không nhẹ nhàng dời đi, sử dụng Drexel như một chiếc ô che, mà lại gây dựng cả một hệ thống giao dịch tự trị hoàn toàn dưới tầm kiểm soát của Milken? Như Milken giãi bày với Winnick và những người khác, anh ta thật sự có ý định sử dụng California để mở rộng trái phiếu lãi suất cao vào tất cả các lĩnh vực kinh doanh sinh lời, từ bao thầu và giao dịch cho tới sáp nhập và mua lại. Trái phiếu lãi suất cao đơn giản là một cách thức mới mẻ để gây vốn – thứ vốn có thể đưa vào sử dụng cho bất cứ chức năng truyền thống nào của ngân hàng đầu tư. Miễn là cấu trúc lương thưởng dành cho anh ta vẫn nguyên xi đâu đấy – và nào có ai ở Drexel dám ho he thay đổi gì – phần lớn lợi nhuận của công ty rốt cuộc vẫn cứ nằm trong tầm kiểm soát của anh ta. Cho đến lúc đó, các nhân viên của anh ta ở New York đã kiếm được quá nhiều tiền, nhiều hơn bất cứ ai ở Drexel, đến mức tất thảy bọn họ đều tình nguyện theo chân Milken chuyển địa điểm. Milken và gia đình mua một căn nhà trước kia từng thuộc sở hữu của cặp tài tử Clark Gable và Carole Lombard, ngay tại bản quán của anh ta – Encino. Milken tiến hành hoạt động làm ăn trong các văn phòng nhỏ trên Đại lộ Ngôi sao ở Century City vào năm 1978 với 15 nhân viên, trong đó có cả Winnick. Khi họ chuyển đến, các văn phòng trở nên quá nhỏ hẹp; Milken ngồi ngay sát cạnh Trepp, trưởng bộ phận giao dịch. Ở đó anh ta có thể nghe ngóng được mọi giao dịch viên và nhân viên bán hàng trong ngày giao dịch. Dưới sự điều hành của Milken, tất cả mọi người đều phải nhất nhất tuân theo những quy định và tiêu chuẩn của anh ta. Ngày làm việc bắt đầu chính xác vào lúc 4 giờ 30 phút sáng (tức là 7 giờ 30 phút sáng tại New York) và tiếp tục cho đến 8 giờ tối (11 giờ đêm tại New York). Điện thoại đổ chuông không ngừng. Với hai chiếc điện thoại riêng, Milken thường thực hiện nhiều cuộc đàm thoại cùng một lúc. Còn ở sàn giao dịch thì vang lên tiếng ồn ào láo nháo liên tục, với các câu hỏi, bình luận thốt ra rào rào không dứt. Sau khi thị trường đóng cửa (vào lúc 1 giờ chiều theo múi giờ California), Milken ngay lập tức sắp xếp các cuộc họp, chạy ào ào từ phòng hội thảo này sang phòng hội thảo khác. Tất cả đều đầy chật những khách hàng hy vọng được tiếp cận trực tiếp với anh ta. Đôi khi, Milken có mặt ở văn phòng trước giờ làm việc dự kiến. Khi các nhân viên đến sở vào lúc 4 giờ 30 phút sáng, họ thường thấy các tờ giấy nhắc việc của Milken đã để sẵn trên bàn, phác ra cho họ lịch làm việc ngày hôm ấy. Đến năm 1981, Milken phát hiện ra một nhân viên bán hàng giống hệt như Trepp, một người bán hàng cừ như cách Trepp giao dịch. Anh ta là James Dahl, xét về bề ngoài, anh ta không có mấy nét tương đồng với Milken hay những người khác ở Drexel. Dahl là một nhân vật kiểu WASP, mặc dù không phải sản phẩm của nhóm những trường đại học Ivy League cao quý, anh ta là con trai của một người môi giới bất động sản sinh nhai chật vật trong một khu phụ cận của giới trung và hạ lưu ở Miami. Anh ta tốt nghiệp Đại học Bang Florida ở Tallahassee với tấm bằng danh dự và giành được học bổng theo tiếp tại trường kinh doanh của đại học này, sau đó tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh. Anh ta bảnh trai, với mái tóc vàng hơi dài, đôi mắt xanh lục cùng làn da rám nắng mang chút hơi hướm Beach Boys và một nụ cười thu hút. Milken chẳng thể hiện điều gì chứng tỏ rằng những phẩm chất như thế gây ấn tượng với mình, nhưng các đồng nghiệp nói rằng Milken dường như bị thu hút hoàn toàn bởi những khía cạnh ở Dahl mà anh ta còn thiếu – như thể việc thuê Dahl về làm việc chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng anh ta có thể lôi kéo được một người dường như là hiện thân của giấc mơ Mỹ, một phiên bản minh tinh Robert Redford của giới kinh doanh trái phiếu. Sau một loạt cuộc phỏng vấn vào 5 giờ sáng, đầu tiên là ở Los Angeles và sau đó là trong bữa sáng tại Plaza Hotel ở New York, Milken đã hỏi Dahl về vợ con, rồi anh ta hy vọng có mấy đứa, anh ta làm gì trong thời gian rỗi, hoàn cảnh gia đình, và cả việc cha anh ta làm gì để kiếm sống. Milken không hề hỏi Dahl xem anh ta học ở đâu, và giành được thành tích này nọ thế nào. Rõ ràng Milken đã kết luận rằng Dahl có những phẩm chất căn cốt mà mình đang kiếm tìm: một kẻ khát khao kiếm tiền, một thành phần tận tụy với các giá trị gia đình. Dahl khi đó đang chưa làm việc ở đâu, anh ta từng làm việc ở Citibank, Lehman Brothers, và một chi nhánh giao dịch vừa mới đóng cửa gần đây của Ngân hàng First Penn. Sau đó anh ta chuyển tới Công ty Giao dịch miền Tây, cũng bết bát lụn bại. Anh ta quay trở lại Florida, khi một người bạn giới thiệu với Milken. Bất chấp thành tích không mấy khả quan của các ông chủ trước đây, Dahl vẫn kiếm được kha khá cho bản thân ‒ 450 nghìn đô-la tại chi nhánh của Ngân hàng Penn. Milken thuê anh ta với mức lương 20 nghìn đô-la một tháng, cùng lời hứa hẹn rằng anh ta sẽ được ngồi ngay kế bên ông chủ. Với Dahl, cũng như với mọi nhân viên dưới quyền, Milken đều đòi hỏi lòng tận tụy và trung thành tuyệt đối. Không ai được rời khỏi văn phòng để đi ăn; các bữa ăn được bố trí sẵn hàng ngày gồm cả bữa sáng, bữa trưa và thường là bữa tối nữa. Để ngăn chặn bất kỳ động thái mất tập trung nào, Milken thuê vài phụ nữ đi lượm đồ đem giặt khô cho các giao dịch viên và nhân viên bán hàng, rồi tới bưu điện, chờ tại nhà họ để đón thợ sửa chữa và nhân viên giao nhận, chăm sóc thú nuôi. Chẳng được bao lâu từ lúc bắt đầu đi làm, Dahl, khi ấy vẫn còn đang phải điều chỉnh sự thay đổi về giờ giấc, bắt đầu rời khỏi văn phòng sau khi thị trường đóng cửa vào thứ Sáu. “Anh đi đâu thế?” Milken gay gắt hỏi. “Tôi mệt quá, tôi về nhà để đọc báo cáo nghiên cứu đây,” Dahl trả lời. Milken thất kinh trước sức chịu đựng kém cỏi đến thế. “Đọc ở đây này, rồi hẵng về nhà rồi ngủ một giấc,” anh ta nói. Dahl ngoan ngoãn quay trở lại bàn mình. Trong một dịp khác, Dahl rời văn phòng sau khi nhận được tin mẹ anh ta được chẩn đoán ung thư. “Anh đi đâu thế hả?” Milken lại hạch hỏi. Dahl phân bua rằng anh ta quá lo lắng, cả dì và bác anh ta đều mất vì ung thư, anh ta muốn về thăm mẹ. Milken có vẻ cáu kỉnh. “Thế khi nào anh mới quay lại?” anh ta hỏi. Anh ta không hề thể hiện chút vẻ quan tâm hay thông cảm nào. Vài năm sau đó, khi vợ của Dahl sinh thiếu tháng và đứa trẻ qua đời chỉ sau hai tiếng đồng hồ, Dahl tan nát cõi lòng có mặt tại bàn làm việc ngay buổi sáng hôm sau, quá chắc canh ta rằng Milken sẽ chẳng hề bận tâm đến nỗi đau buồn của anh. Anh ta đã biết rằng Milken không mong đợi điều gì khác. Không ai có nổi chút đời sống riêng tư trong văn phòng này. Mỉa mai thay, trái ngược với những lời đầu môi chót lưỡi mà Milken vẫn thuyết giảng về sự chung thủy trong hôn nhân và các giá trị gia đình, bầu không khí căng thẳng và nóng nung giữ chân các nhân viên xa khỏi gia đình, và sinh ra nhan nhản những phi vụ ái tình nội bộ giữa các giao dịch viên và các thư ký, trong đó có cả mối quan hệ giữa Trepp với trợ lý điều hành riêng của Milken, Jeannette. Milken dường như mù tịt về chuyện đó cho đến tận lúc họ tuyên bố đính hôn. Một trong những thư ký ở văn phòng còn giữ một cuốn nhật ký ghi chép tỉ mỉ những lần quan hệ tình dục của cô ta với đàn ông trong văn phòng. Một trong những ghi chép gây tranh cãi nhất miêu tả chi tiết đến rợn tóc gáy về cách cô ta mơn trớn ái ân với một nhân viên bán hàng và sử dụng chất kích thích. Những tình tiết như vậy là chuyện thường ngày. Một vài trợ lý giao dịch trong văn phòng thậm chí còn phẫu thuật ngực, và nguồn chi trả chính là các nhân viên bán hàng và giao dịch viên ngay trong công ty Drexel. Một lần năm 1984, nhân viên của Milken thuê một vũ nữ thoát y đến mừng sinh nhật anh ta. Cô nàng đến vào giờ giao dịch, dần dần trút hết xiêm y trong khi uốn éo nhún nhảy quanh bàn của Milken, sau đó trườn đến gần anh ta, lắc lư bộ ngực phì nộn của cô ta trước mặt Milken. Ngay lúc ấy, điện thoại của Milken réo lên. Đó là một khách hàng muốn thực hiện giao dịch. Để né tránh nàng vũ nữ, Milken chúi xuống dưới gầm bàn và vẫn khư khư giữ chặt ống nghe. Cô ả liền lần theo bàn tay và đầu gối anh ta trong khi Milken hoàn thành cuộc giao dịch. Milken chẳng mấy khi giao du với mọi người trong công sở, và, chắc canh ta là chẳng dành mấy thời gian cho vợ, hai đứa con trai và một cô con gái của mình, mặc dù anh ta vẫn có mặt trong những sự kiện thể thao quan trọng, những dịp hội hè ở trường và huấn luyện cho đội bóng rổ của các con trai. Trong một chuyến đi nghỉ với cả nhà ở Hawaii, Milken thuê ba cụm phòng trong khách sạn: một cho anh ta và Lori, một cho lũ trẻ, phòng thứ ba mang chức năng của phòng làm việc. Anh ta làm việc trong tất cả các ngày nghỉ từ 3 giờ sáng đến 8 giờ sáng theo giờ Hawaii, tức là giờ mở cửa của thị trường chứng khoán ở New York. Milken thường chỉ rời khỏi bàn làm việc trong giờ làm vì những lý do không liên quan đến công việc mỗi năm một lần, khi đưa vợ đi ăn trưa nhân dịp kỷ niệm ngày cưới. Còn bình thường anh ta ăn ngay tại bàn làm việc, chủ yếu là đồ ăn vặt. Anh ta dường như chẳng tập tành thể thao bao giờ. Thậm chí những lúc không ở công sở, anh ta cũng thường nhốt mình trong phòng làm việc tại nhà; những cuộc gọi đến đó, kể cả khuya khoắt đêm hôm hay vào dịp cuối tuần, cũng đều được trả lời không chậm trễ. Vào các buổi tiệc tùng sinh nhật, anh ta dành hầu hết thời gian chơi với lũ trẻ. Milken là một kẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo và có thể chỉ trích không khoan nhượng, đặt nghi vấn về một cuộc giao dịch liên tục, quan tâm đến dù chỉ là một phân điểm nhỏ xíu. Anh ta hỏi đi hỏi lại cùng một câu, rầy rà một giao dịch viên đến mức người đó trở nên ngu độn. Nhưng sau khi Trepp chứng tỏ với Milken rằng mình đã đúng trong vụ giao dịch có tranh chấp, anh ta bảo Milken “đừng có càm ràm tôi nữa”, và Milken gần như đã làm thế thật. Một lần Dahl hỏi Milken tại sao lại chỉ trích nhiều đến thế và chẳng khen ngợi ai bao giờ. “Làm gì có đủ thì giờ mà ngồi túm tụm tâng bốc lẫn nhau,” Milken trả lời hằn học. “Chúng ta không cần nói về thành công. Chúng ta chỉ cần nói về thất bại của mình thôi.” Trong bầu không khí này, những cử chỉ thiện ý có vẻ rất bình thường ở nơi khác lại thành ra đáng nhớ. Một lần, khi Winnick chuẩn bị cho một đợt nghỉ ngơi hiếm hoi ở Ý, Milken đã gửi cho anh ta một món quà chúc thượng lộ bình an và một tờ giấy nanh ta chúc nghỉ ngơi vui vẻ. Khi họ chuyển tới vùng Los Angeles, Milken đã mở rộng giới hạn khoản vay cá nhân cho gần như tất cả nhân viên để họ có thể mua được cửa nhà tử tế. Khi Dahl và vợ anh ta tổ chức lễ kỷ niệm ngày cưới ở Palm Springs, họ đã nhận được một lẵng hoa lớn và một tấm thiệp ghi rằng “Chúc mừng lễ kỷ niệm. Mike và Lori.” Milken còn đến tận bệnh viện thăm và hỗ trợ tài chính cho người anh sau đó đã mất của một nhân viên hỗ trợ văn phòng.