🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sài Gòn - Chuyện Đời Của Phố - Tập 1 Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Sài Gòn Có Nói Gì Đâu Đôi khi tôi vẫn tự hỏi, mối tơ duyên giữa tôi và Sài Gòn bắt đầu từ khi nào? Từ cái Tết đầu tiên tôi theo ba mẹ vô Sài Gòn ăn Tết với gia đình bên nội, hay từ thuở ba tôi còn là một thiếu niên thường xuyên trốn học đi xem phim ở rạp Văn Cầm, Phú Nhuận. Hay xa xăm hơn nữa, từ năm 1941, khi chàng trai trẻ - là ông nội tôi - lặn lội từ Quảng Bình vô Sài Gòn làm cậu chạy việc cho các bà phước ở dòng tu kín sau Nhà Bưu điện Thành phố, ít lâu sau lại trở thành anh bồi của một gia đình người Pháp trên đường Catinat với mức lương 40 đồng bạc Đông Dương? Dù thế nào, tôi với Sài Gòn hẳn đã có duyên, trước khi tôi về làm dâu một gia đình miền Nam lâu đời. Nhưng có một điều lạ lùng, đó là càng ngày tôi lại càng cảm thấy mình không phải là “người Sài Gòn”. Đó là một cảm giác hơi khó lý giải, bởi đối với tôi, khái niệm “người Sài Gòn” không hề được đóng trong một cái khung nhỏ hẹp nào. Không cần bạn phải sinh ra ở Sài Gòn, chỉ cần bạn cảm thấy mình là người Sài Gòn thì bạn chính là người Sài Gòn. Thế thôi! Vậy thì tại sao sau nhiều năm sống trong lòng thành phố mà tôi vẫn chưa cảm thấy Sài Gòn thuộc về mình, và ngược lại? https://thuviensach.vn Ảnh: Alex Lapuerta Mediavilla Đó là vì càng tiếp xúc với những thế hệ tiếp nối từng sinh ra, lớn lên và thậm chí chưa bao giờ bứt mình khỏi mảnh đất này trong suốt vài thế hệ thì tôi lại càng nhận ra rằng cái chất Sài Gòn của người Sài Gòn không dễ nắm bắt như những từ ngữ mà tôi thỉnh thoảng vẫn đọc đâu đó. Có lẽ chính vì vậy mà nhiều năm qua tôi vẫn luôn tự hỏi: cuối cùng thì linh hồn Sài Gòn nằm ở đâu? Vẻ đẹp của vùng đất này? Cái tinh thần cốt lõi của người Sài Gòn nằm ở đâu? Ở lối sống đô thị phóng khoáng của những năm trước 1975 hay vẻ lịch lãm duyên dáng vẫn còn đọng lại trong những hồi tưởng về thời thuộc địa? Hay chính là lối sống vội vã náo nhiệt và luôn biến đổi của thời hiện tại? Những câu hỏi đó, có thể nói là tôi đã tự trả lời được khi đọc xong bản thảo của tập sách này. Không hẳn là một tập tản văn hay sách ảnh, càng không mang tính nghiên cứu, nhưng Sài Gòn - Chuyện đời của phố lại chứa đựng rất nhiều hình ảnh, cảm xúc, đồng thời đầy ắp những tư liệu mới lạ. https://thuviensach.vn Bất kể sự e dè lẽ ra phải có khi nhận xét về tác phẩm của “người nhà”, tôi phải thừa nhận đây là một cuốn sách về Sài Gòn có giá trị và đáng đọc. Tác giả không phải là nhà văn mà là một nhà báo. Vì vậy độc giả sẽ gặp phải đôi chút bất lợi, nhưng bù lại, được tận hưởng khá nhiều phần thưởng từ điều đó. Bạn sẽ không tìm thấy những câu viết ngọt ngào về một “Sài Gòn chợt mưa chợt nắng” hay “những con đường có lá me bay”. Không có những quán cà phê sang trọng và lãng mạn. Những cảm xúc không được bày ra trên câu chữ mà chỉ lẩn khuất đâu đó giữa những câu chuyện kể. Đúng vậy, cuốn sách này đầy ắp những câu chuyện kể. Với sự tò mò cố hữu và kinh nghiệm 30 năm làm báo, tác giả đã ghi lại được nhiều câu chuyện thú vị nhằm trả lời cho những câu hỏi mà chính bản thân anh, cũng như không ít người sinh sống ở Sài Gòn nhiều năm từng thắc mắc: người được đặt tên cho Ngã ba Ông Tạ là ai? Họa sĩ ký tên Duy Liêm trên những bìa nhạc tờ được yêu thích trước đây đã sống và làm việc như thế nào? Lịch sử một gia tộc đã và đang sống ở Sài Gòn suốt nhiều đời nay?... Câu trả lời được ghi lại qua những cuộc gặp gỡ và trao đổi với các nhân chứng cụ thể chứ không chỉ nhờ tra cứu sách báo. Chính điều đó tạo nên giá trị về mặt tư liệu cho cuốn sách. Và có thể, bạn sẽ nhận ra rằng người Sài Gòn không chỉ là những người đã ra đi, hay trở về, mà còn là những người ở lại và chưa bao giờ rời xa. Người Sài Gòn, không chỉ là giới thượng lưu thường xuất hiện quanh những đoạn đường sang trọng khu quận Nhứt, mà còn là phần đông bình dân sống trong những con hẻm nhỏ ở Đa Kao, Thị Nghè, Phú Nhuận hay Chợ Lớn... Người Sài Gòn, không chỉ là các nghệ sĩ nổi danh thong dong tụ tập trong quán cà phê thời thượng, bàn chuyện thi văn nhạc họa, hay những cô gái xinh đẹp dạo phố trong tà áo lụa, mà còn là những con người không xuất hiện trước đám đông, chỉ lặng lẽ âm thầm dâng tặng đời mình cho thành phố này qua mấy thế kỷ thăng trầm. https://thuviensach.vn Người Sài Gòn không cống hiến tài năng hay công sức của mình cho thành phố như một lý tưởng. Họ cống hiến một cách tình cờ vì đã làm việc tất phải làm đến nơi đến chốn. Người Sài Gòn, họ không màng thổ lộ cho ai hay mình yêu sâu đậm ra sao và nhớ da diết thành phố của mình như thế nào. Người Sài Gòn, không để ý đến việc bạn viết “Sài Gòn” hay “Saigon”, cũng không quan tâm bạn nói giọng miền nào, miễn hiểu nhau là được. Người Sài Gòn không nhất thiết bắt bạn phải gọi đường phố theo tên mới hay cũ, miễn sao tìm thấy nhà là được. Bởi với họ, chẳng có gì phải cực đoan. Với những người Sài Gòn mà tôi biết, nếu có điều gì cực đoan thì đó chính là nghĩa khí. Đất Sài Gòn ưa chuộng những con người đàng hoàng và có nghĩa khí. Có nghĩa khí là sống làm sao để những người mà mình xem trọng không coi thường mình. Có nghĩa khí là dám nói dám làm. Dám làm dám chịu. Càng hiểu sâu về một Sài Gòn không nằm trên bề mặt của những bảng tên đường hay nhà hàng quán xá thì tôi càng thấy Sài Gòn giống một kim tự tháp, nếu đứng từ xa bạn chỉ nhìn thấy cái chóp nhọn, phần cao nhất nhưng có diện tích nhỏ nhất. Chỉ khi đến thật gần, thậm chí bước vào bên trong, bạn mới nhận ra phần chân đế của nó rộng lớn chừng nào. Nếu chúng ta nhìn Sài Gòn và chỉ thấy đỉnh cao lấp lánh ở ngay trước mắt, nghĩa là ta còn chưa đến đủ gần. Giống như phần chìm của một tảng băng, chính cuộc sống lặng lẽ trong dân gian lại chứa đựng cái chất Sài Gòn đậm đặc nhất. Bắt nguồn từ tấm linh hồn của đất Gia Định thuở xa xưa, nó vẫn đang âm thầm chảy như một mạch nguồn mạnh mẽ của đời sống Sài Gòn hôm nay, dù không dễ vẽ nên hình hài và cũng không mấy ai nhận thấy. Chắc chắn có một chút dáng dấp của “chất Sài Gòn” ấy trong cuốn sách này. Sự phong phú của các chi tiết cũng như giọng kể có chút lan man đời thường đôi khi khiến ta lạc lối. Không trau chuốt về câu chữ, nhưng bù lại, chất liệu thực tế https://thuviensach.vn ngồn ngộn bên cạnh những tấm ảnh hay tranh minh họa cũ, mới được sưu tập công phu, khiến cho việc đọc sách giống như bạn đang ngồi trong quán cà phê đầu hẻm, vừa nhìn cuộc đời trôi qua vừa nghe một người già kể những câu chuyện xưa nay, dắt dây nhau theo một cách khó ngờ. Trong đó, có người lạ và có cả người quen, có chuyện hấp dẫn, có chuyện lê thê. Nhưng chắc là không hề nhàm chán. Ít nhất, nếu bạn cũng giống tôi. Tôi không phải là người Sài Gòn. Dù giữa tôi và Sài Gòn có một mối tơ duyên. Tôi không hiểu hết Sài Gòn. Dù tôi đã sống với Sài Gòn rất nhiều năm tháng. Chính vì lẽ đó mà tôi luôn muốn lắng nghe, lắng nghe, những câu chuyện đời thường của phố. Kể cả khi tôi biết rằng, thực ra thì Sài Gòn có nói gì đâu, chỉ có tôi - một người từ nơi khác đến - mới thường gán cho Sài Gòn những cái nhãn “thế này” hay “thế nọ”. Sài Gòn có nói gì đâu. Vài thế kỷ đã trôi qua trên mảnh đất này, và Sài Gòn chỉ âm thầm sống. Đặng Nguyễn Đông Vy https://thuviensach.vn Lời Ngỏ Khi sắp hoàn tất cuốn sách này, tôi đọc được một tập sách nhỏ nhan đề Những xóm bình dân trong vùng Sài Gòn - Chợ Lớn xuất bản đúng 60 năm trước. Tác giả cho biết Sài Gòn lúc đó chỉ có khoảng 1,6 triệu người, trong đó xấp xỉ 1 triệu dân lao động sống dưới mức nghèo khổ. Phần lớn dân nghèo sống chen chúc trong các xóm bình dân như khu Bàn Cờ, xóm Cầu Muối, xóm Vĩnh Hội, xóm Lách, xóm Sở chữa lửa, xóm Chợ Đũi và xóm Đình Phú Thạnh… Họ sống rất gần trung tâm thành phố hoa lệ nhưng vẫn ở trong căn nhà lá hay vách ván, không có nhà vệ sinh riêng, hẻm ngõ thì bùn lầy nước đọng, điện câu nhờ, nước câu nhờ hay xài nước giếng. Tác giả tập sách xưa đã đặt câu hỏi cho 55 gia đình: Nếu hòa bình trở lại trên đất nước, họ sẽ ở lại đất Sài Gòn hay quay về quê hương? Trong hoàn cảnh đó, chỉ có 10 gia đình được khảo sát tỏ ý muốn ở lại, trong khi 31 gia đình mong mỏi trở về nguyên quán. Số còn lại đang lưỡng lự chuyện ở hay về. Xóm nhỏ nơi tôi sống thuộc vùng Phú Nhuận, nằm trong khoảng đường từ Đình Phú Nhuận đi tới chợ Lò Đúc mà cuốn sách có nhắc. Ba tôi, khắc khoải giữa cuộc sống đô thị tất bật, đã luôn mơ đến ngày về quê cũ, nơi từng được gọi là Nông Nại Đại phố trên sông Đồng Nai. Những tâm sự của ông bên chén rượu Ngũ Gia Bì với mấy ông bạn gốc Bắc, gốc Quảng Ngãi trong xóm đều giống nhau, mơ ước về cuộc sống êm đềm bên con sông quê hương mình. Nửa thế kỷ đã trôi qua, chúng tôi lớn lên, chứng kiến cuộc sống dần thay đổi. Nhà cửa ai nấy đã khang trang hơn, điện nước đầy đủ, trẻ nhỏ được đi học đàng hoàng. Suốt thời gian dài đăng đẵng đó, không có mấy người trở về quê cũ trừ khi hoàn cảnh bức bách lắm. Sài Gòn đã tìm cách giữ họ lại, những cư dân cũ. Hay họ đã tìm cách làm cho cuộc sống quanh họ tốt dần lên. Qua bao biến động, có lúc đến nỗi phải bỏ nước ra đi, nhiều người dân Sài Gòn có gốc gác tứ xứ khi từ nước ngoài quay về https://thuviensach.vn Tổ quốc vẫn nghĩ mình là dân Sài Gòn, chứ ít khi nhắc đến gốc gác xa nữa. Dù không là nguyên quán, Sài Gòn đã chính là quê hương của họ để quay về. Tôi tin hầu hết con cháu của 45 gia đình trong cuộc khảo sát khi xưa, đã từng lưỡng lự muốn ở lại hay rời Sài Gòn về quê, nếu sau 1975 không ra nước ngoài sinh sống thì có lẽ vẫn đang sống trên mảnh đất đô thị này. Bởi vì không dễ gì bỏ Sài Gòn ra đi nếu anh đã từng sống ở đây. Ở Sài Gòn lâu năm, dễ thấy khi người ta vỗ ngực xưng tên, có thể tự hào mình là “dân Cầu Muối”, “dân khu Mả Lạng”, “dân hẻm Cây Điệp”, “dân chơi Cầu Ba Cẳng” hay “dân Xóm Mới”, “dân Thủ Thiêm”… Không mấy ai xưng mình là “dân Sài Gòn” như một niềm tự hào, như một thứ giá trị. Người lục tỉnh khi nói về Sài Gòn, cũng chỉ gọi là “thành phố”: đi thành phố, về thành phố… Và ai đó lìa bỏ quê nhà để lên Sài Gòn sống, khi quay về cố hương có thể bị, hay được gọi là dân “Sè ghềnh” rồi. Thực ra, cũng không có gì là quan trọng! Nên có chút bất ngờ khi giá trị “người Sài Gòn” bây giờ càng lúc càng được bàn luận và đề cao nhiều như vậy, chẳng khác gì các niềm tự hào khác, như người Hà Nội, người Cố đô… Sài Gòn, bây giờ là Thành phố Hồ Chí Minh, lâu nay và sau này vẫn sẽ là một nơi tụ hội để sinh sống, làm việc, vui chơi, tìm kiếm cơ hội thành công và trốn lánh những hệ lụy nặng nề của cuộc sống từ những nơi khác, để có thể làm lại cuộc đời. Có những giá trị cũ của Sài Gòn đã mai một, nhưng những giá trị mới vẫn đang hình thành và lớn dần. Cũng có những thứ kệch cỡm lố lăng cũ mất đi, thay vào đó là những thứ tương tự về tính chất, chỉ khác cách biểu hiện. Nhưng rất nhiều điều căn bản đã được giữ lại, ai cũng biết nên chẳng cần kể ra… Khi xem những tấm ảnh cũ ghi lại hình ảnh người dân đi lại trên đường phố Sài Gòn năm 1961, năm tôi sinh ra ở Phú Nhuận, tôi thấy lòng nao nao. Năm đó, má tôi rời bỏ căn nhà êm ấm của tuổi thơ được dựng lên từ nhiều đời của dòng họ Nguyễn ở vùng Khánh Hội, quận 4 để về Phú Nhuận sinh sống. Ba tôi xa quê Cù lao Phố, hòa nhập từ lâu vào cuộc sống Sài Gòn trong công việc thư ký Hiệu buôn Kim Phát ở chợ Bến Thành. Lúc đó, ông ngoại tôi, thư ký của văn phòng Sở https://thuviensach.vn Hỏa xa Đông Dương trên Đại lộ De la Somme (đường Hàm Nghi bây giờ) vừa mất không lâu. Trong mấy tấm ảnh đó, người Sài Gòn hiện ra thanh lịch nhiều và lam lũ cũng lắm. Số đông trên đường phố vẫn là người làm công ăn lương, buôn thúng bán bưng, phu khuân vác, đạp xích lô và đánh giày. Tất cả phảng phất hình ảnh những người thân của tôi đang kiếm sống mỗi ngày. Người thanh kẻ lịch được chụp ảnh trên đường phố trung tâm, đại diện cho một tầng lớp nhỏ trung lưu trở lên. Họ góp phần giữ tính cách của người Sài Gòn trong kinh doanh buôn bán và gìn giữ nếp sống lịch lãm nhưng không quá xa hoa, biết hưởng thụ nhưng có óc thực tế, vừa phải. Nhưng giới cần lao, đông đảo hơn mới chính là những người giữ lại các giá trị quan trọng như “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”, “trọng nghĩa khinh tài”, ghét thói “coi đồng tiền to như bánh xe bò” hay “làm ăn chụp giựt không có trước sau”… Họ lặng lẽ sống trong các xóm nhỏ, ban ngày ra đường kiếm sống, tối nằm nghe cải lương hay tin chiến sự. Họ sống giản đơn, sẵn sàng giúp nhau, đùm bọc nhau khi người cùng xóm gặp chuyện bất trắc. Họ là lực lượng chính khi muốn thay đổi cuộc sống bất công… Họ vô danh, nhưng sẵn sàng thể hiện sự chính trực của mình khi có chuyện trên đường, thể hiện quan điểm của mình trong một tiệm nước hay tiệm hớt tóc… Vì những điều được trải nghiệm trong suốt mấy chục năm sống trên mảnh đất chôn nhau này, tôi luôn thấy tò mò về Sài Gòn, thành phố gắn bó cả đời mình. Những vẻ đẹp của một bức tranh từng mê mải ngắm nhìn, giai điệu âm thanh từng nghe thấy, một ngôi nhà đẹp vẫn thường qua lại, một địa danh hay tên người gợi nhiều điều gần gũi, thúc giục tôi tìm hiểu như một hành trình tìm lại những cảm xúc hồi mới lớn, và thành những câu chuyện kể. Những người già trên bảy mươi hay tám mươi tuổi, đang sống ở Sài Gòn hay đã xa xứ từ lâu, kể cho tôi nghe những câu chuyện xưa lắc mà với họ như vừa mới đây. Chỉ là những câu chuyện cũ, không hề thể hiện chút gì tự hào quá mức, nhưng trong đó có hào khí, tích tụ từ cuộc sống dám làm dám chịu, lạc quan yêu đời, biết làm ăn giỏi giang và từng vượt qua thất bại để tồn tại. https://thuviensach.vn Tất cả những điều đó làm nên cuốn sách này, kết nối qua những bài viết từ những góc nhìn riêng hạn hẹp, với mong muốn nhỏ là cùng với bạn đọc lưu giữ thêm một chút ký ức về Sài Gòn, thành phố thân thương này, những ký ức mà khi viết ra được, chỉ mong sẽ không bị chìm lấp như bao vẻ đẹp đã mai một dần ở thành phố này. Phạm Công Luận Phú Nhuận, 2013 Trong quá trình thực hiện cuốn sách nhỏ này, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về tư liệu, hình ảnh từ nhiều nguồn trong nước và hải ngoại. Xin trân trọng cảm ơn các quý vị, thân hữu đã dành thời gian để tiếp chuyện, trả lời thư, đọc và góp ý bản thảo: Nhà nghiên cứu Lý Lược Tam, tức Lý Tân Thới (Chợ Mới, An Giang) Nhà nhiếp ảnh Đinh Tiến Mậu (Quận 3, TP.HCM) Họa sĩ Nguyễn Văn Tuyền (Thủ Dầu Một, Bình Dương) Họa sĩ Phạm Cung (Phú Nhuận, TP.HCM) Ông Trần Duy Sĩ (Hoa Kỳ) và gia đình họa sĩ Duy Liêm. Họa sĩ Phi Mai (Hoa Kỳ) Gia đình họ Nguyễn ở Ngã tư Bình Hòa (Bình Thạnh, TP.HCM): Bà Nguyễn Thị Gấm, ông Nguyễn Văn Luận, em Nguyễn Ánh Ngọc. Đặc biệt cảm ơn ông Nguyễn Hữu Danh (Hoa Kỳ). Gia đình cụ Nguyễn Khánh Đàm, đặc biệt là anh Nguyễn Lương Dân (Hà Nội) Anh Phan Anh Tấn (Hội An, Quảng Nam) Tác giả https://thuviensach.vn Nét thanh lịch của thiếu nữ Việt trong mẫu quảng cáo nữ trang của cửa hàng Harmacie Centrale số 153 đường Catinat (nay là Đồng Khởi), đăng trên https://thuviensach.vn tập san Xuân Việt Nam - Quý Tỵ - do Thư xã Đẹp Sài Gòn và Nùng Sơn thư xã Hà Nội xuất bản năm 1953. https://thuviensach.vn Con Đường Ký Ức Đường Lê Công Kiều nằm trên một góc khuất ở quận 1 và có thể tin rằng nhiều người sinh ra ở Sài Gòn vẫn chưa từng đến, dù nó rất gần chợ Bến Thành. Con đường nhỏ, lề hẹp, êm đềm vì không có mấy xe cộ. Đi trên đường Lê Công Kiều, dễ hoài nhớ con phố Tô Tịch ở Hà Nội, yên tĩnh và lặng lẽ dù sát bên phố Hàng Bông sầm uất. Những người sống ở con phố này vẫn nhớ ngày một vị Tổng thống tóc vàng đến từ đất nước hùng mạnh nhất thế giới đi dọc con phố để xem chợ đồ cổ bày dọc vỉa hè và trong các tiệm nhỏ. Tấm ảnh chụp ông Clinton trên phố vẫn còn gài phía trong tủ kính của dì Tám tóc bạc bày trên vỉa hè gần đường Nguyễn Thái Bình, sát bên mấy cái chung trà Arita, Noritake còn lại từ thập niên 1970, vốn dành cho sĩ quan Mỹ mua về làm quà sau khi mãn nhiệm. Chuyến đi dạo ngắn ngủi của ông đã góp phần tạo nên thương hiệu cho con phố nhỏ này. Dù nhiều bài báo cho rằng có tới tám mươi phần trăm số tiệm ở phố Lê Công Kiều bán những món gốm sứ hay tranh pháo giả cổ, giới sưu tầm cổ vật và yêu thích mỹ thuật vẫn xem đây là thiên đường của mình, bất kể việc họ từng nếm trải cảm giác “khi vò chín khúc, khi chau đôi mày” trước một món cổ vật thứ thiệt nhưng quá đắt tiền, hay một món gieo đầy hoang mang nhưng đã lỡ tiền trao cháo múc. Cổ vật luôn thu hút, nhưng những món phỏng cổ, giả cổ cũng có sức hấp dẫn vì đa dạng và được chế tác tinh xảo. Có thể thấy dấu ấn văn hóa khắp thế giới trên đồ bày bán ở đây. Đồ cổ Trung Hoa luôn ngự trị như một ông vua không ngai - nhiều nhất vẫn là dòng đồ non đầu thế kỷ 20 thời mạt Thanh - đặc biệt là sứ xanh trắng vì vẻ đẹp trong trẻo nhưng thu hút, lộng lẫy nhưng chân phương. Thỉnh thoảng, có thể bắt gặp gốm, sứ phương Tây lạ mắt, tuyệt đẹp như đồ Wedgwood xanh lam nhạt với những chi tiết chạm khắc tinh tế hay gốm Nhật Bản Imari, Satsuma đầy màu sắc. Đồ gỗ xưa ở đây không bày ngồn ngộn như khu bán đồ gỗ trên đường Pasteur đối diện café Terrace, nhưng lại có những món tinh túy nhất, được cẩn ốc https://thuviensach.vn xà cừ đẹp nhất, thường chỉ đặt trong một góc kín khuất dành cho khách quen xem. Tủ Huế được giao dịch riêng, vừa chạm lộng vừa cẩn xà cừ, có khi cẩn ngà, giá lên nhiều trăm triệu một cái tủ chia ô. Bộ bàn ghế Louis đầu thế kỷ 20 với những chi tiết chạm khắc đậm chất Nam bộ với trái điều, khổ qua, mít hay sầu riêng… lưu lạc từ những ngôi nhà xưa cùng niên đại với Huỳnh Phủ ở Bến Tre hay nhà cổ Bình Thủy, bàn bạc nhanh chóng qua điện thoại và xem hàng tại nhà. Một thế giới xưa cũ ngồn ngộn phơi bày, bàn toán Chợ Lớn và đèn măng xông Đức, dọc tẩu hút thuốc phiện và máy hát dĩa than đá. Nó kích thích những người hoài cổ từng chìm đắm trong những trang sách về văn hóa hay đã từng biết về một quá khứ huy hoàng của cha ông. Dăm ông về hưu xách tiền bán đất mua liền một loạt đồ sứ ký kiểu từ triều đình Huế đặt bên Tàu thế kỷ 18, 19 và có khi là “tân ký kiểu”, miệng lẩm nhẩm như đang ngà ngà say, đọc dăm câu thơ “Mó rận luận chơi thời sự, ngả lừa mừng thuở thái bình” hay bài Tam Thai Thính Triều, Phong Kiều Dạ Bạc… và mơ màng chuyện tham gia triển lãm với danh hiệu “Nhà sưu tầm cổ vật”. Vài người săn lùng tranh Thành Lễ trước 1975, và rước về được bức sơn mài rất đẹp “dội khẩu” từ năm Mỹ đánh Irac, có chữ ký Thành Lễ còn tươi mới. https://thuviensach.vn Đường Lê Công Kiều “xuất khẩu” niềm vui, sự hiếu kỳ, nỗi đam mê và vẻ đẹp ngất ngây. Ở đó có đủ “người tốt, kẻ xấu và tên vô lại” như trong một bộ phim cao bồi. Và nhân vật thứ ba thì luôn luôn có nhiều ở đây, ngồi đâu đó nơi quán cà phê cóc phía cột đèn góc Lê Công Kiều - Nguyễn Thái Bình hay cà phê Bảo tàng Mỹ thuật bên đường Phó Đức Chính, luôn quan sát những người nho nhã mới lân la ra phố. Họ sẽ dẫn dắt, nhận mua giúp và bày vẽ một số dấu hiệu nhận dạng đồ cổ ở cấp thấp nhất cho đến khi con mồi mắc bẫy ở những món đồ khủng mới sản xuất, nhưng được phủ một lớp thời gian giả mạo “tưởng như trăm năm” bằng các kỹ thuật độc đáo. Tuy nhiên cũng đừng nên bi quan. Bà Sáu H. - một người bán vỉa hè, cánh cửa nhập môn cho người mới chơi - sẵn sàng trao đổi dăm ba câu dù có chua chát nhưng có thể giúp người mới đến tỉnh táo lại. Và hai mươi phần trăm chủ tiệm còn lại - đa số thích trông mặt bắt hình dong khách mới ra “Kiều” (một cách gọi con phố này) để không mất thời giờ với những người vô bổ và ít tiền - luôn thẳng thắn “phán” về giá trị món đồ một cách rạch ròi. Mặc dù không dễ nhận ra họ khi bạn ra phố với tâm trạng đầy hoang mang và nghi ngờ, nhưng tin tôi đi, khi đã kết thân với một người chủ tiệm nằm trong số này, cuộc sống của bạn sẽ thú vị hơn rất nhiều khi có dịp vừa uống ly cà phê nóng buổi sáng cuối năm vừa nhẩn nha nói về vẻ đẹp của một bộ ấm chén ký kiểu hay cái dĩa Celadon Nguyên với màu xanh ngọc hút hồn. Đã lâu rồi, đường Lê Công Kiều thưa vắng những phụ nữ tay đeo túi xách đựng dăm món đồ lam Huế mua từ đất Bình Định, được cho là từ quân Tây Sơn đưa về sau khi ra Thăng Long cùng Vua Quang Trung. Họ mang đến đây nhiều ấm trà tuyệt đẹp tuy có chút sứt mẻ ở đầu vòi, miệng ấm nhưng giá rất khủng. Từ đây hình thành một lớp người săn lùng ngồi uống cà phê đầu đường Nguyễn Thái Bình từ sớm để canh mua những món đồ đẹp, trước khi người bán chào mời các chủ tiệm mạnh vốn. Có lúc nổi lên ở phố Lê Công Kiều cơn sốt mua cổ vật vớt từ các con tàu chìm vài trăm năm trước, đồ Khang Hy ở Vũng Tàu, đồ Minh phố ở biển Bình Thuận, sứ Ung Chính nhà Thanh ở vùng biển Cà Mau, đồ Chu Đậu thời Trần ở cù lao Chàm. Đây là dòng gốm sứ mậu dịch nên số lượng nhiều, được các mối lái từ miền Trung, miền Tây mang ra bán. Trừ những món đồ độc có số lượng ít, đa phần đồ biển có giá vừa phải nên giới chơi cổ vật gom được khá https://thuviensach.vn nhiều món có tuổi, như tách và ấm trà Ung Chính, dĩa Chu Đậu hình chim hoa hoặc dĩa lớn Minh phố… Ảnh: Nguyễn Đình Đó là thời gian vui vẻ đầu những năm 2000, người chơi có đồ đẹp để mua hằng tuần, không sợ gặp phải đồ giả. Dần dần đồ cạn kiệt do cuộc thu gom của các đại gia và nhà nước tăng cường chống thất thoát. Thị trường Lê Công Kiều im ắng và uể oải với đồ sứt mẻ, non tuổi. Cơn sốt gần đây nhất là đồ Biên Hòa với chủ lực là dòng đồ Trường Mỹ nghệ Biên Hòa trước thập niên 60 với những món lên tới ngàn đô, thu hút cả giới chơi cổ vật từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đây là một xu hướng mới nhưng dễ hiểu khi dòng đồ cổ Tàu cạn kiệt vì được người Trung Quốc qua thu gom, hoặc đã vào nhà người chơi nhưng mấy ai bán ra, và giới chủ tiệm đã phải sang Thái Lan, Campuchia mua về bán lại cho dân sưu tầm Việt. Đồ Biên Hòa thuần Việt lên ngôi là điều đáng mừng, nhưng vẫn là một xu hướng chơi mới cần có thời gian chiêm nghiệm. https://thuviensach.vn Tôi đi ngang qua phố Lê Công Kiều từ những năm 80 để sửa máy ảnh ở tiệm Phạm Thê rất nổi tiếng ở đây. Lúc đó đồ cổ không bán rầm rộ. Những năm cuối 1990, đầu 2000 có thể nói là thời hoàng kim của chợ đồ cổ Lê Công Kiều khi kinh tế khấm khá, khách du lịch đến nhiều và các cuộc triển lãm cổ vật ở bảo tàng đã kích thích người ta tìm về cổ vật như một thú chơi cao cấp. Bây giờ đường Lê Công Kiều im ắng hơn, và ngồi trong quán cà phê ngó ra đường phố, tôi mới nhìn sâu con phố nhỏ này. Dãy phố vẫn còn một ít nhà xây kiểu Tây từ thời còn mang tên đường Reims trước 1945. Đâu rồi nhà in Thạnh Thị Mậu, nơi học nghề của danh ca Sáu Thoòng “chuyên trị” vọng cổ một thời? Và đâu là tòa soạn báo Đại Việt tập chí (tập, không phải tạp) ở nhà số 5 của cụ Hồ Biểu Chánh những năm 1940, nơi cụ làm việc hàng ngày và có lần hứng chí mời anh em tòa soạn đi ăn ở đường Pellerin (Pasteur) gần đó. Thấp thoáng hình bóng cụ Phan Khôi lúc làm báo ở Sài Gòn xưa, năm 1924, tay cắp cặp, lơn tơn ghé vô nhà người quen rủ đi uống trà Bạch Mao hay Kỳ Chưởng. Con phố bán đồ cổ này không hề được nhắc trong mấy quyển sách viết về thú chơi đồ cổ của cụ Vương Hồng Sển, nhưng có thể đây là con đường mà tên cụ được nhắc đến nhiều nhất từ những đồ đệ tự nguyện của cụ. Lê Công Kiều, một con phố độc đáo và có khi là độc nhất ở Việt Nam, luôn bị nghi ngờ, có khi dè bỉu, nhưng vẫn luôn hấp dẫn như một huyền thoại, không ngừng làm gạch nối từ quá khứ đến hiện tại trong mắt khách vãng lai. Dù sao, nó vẫn là một trong những con phố đậm chất Sài Gòn nhất để nhớ về, cho những ai từng biết nó, khi đã xa Sài Gòn. https://thuviensach.vn Cụ Vương Hồng Sển tiếp khách phương Tây đến thăm Cụ và bộ sưu tập. Ảnh chụp lại tại nhà Cụ Sển trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Bình Thạnh. Hồn Đô Thị Trong muôn vạn bàn chân chen phố thị Ai thừa giờ nhớ một kẻ đi xa... (Nguyễn Nam Trân) Năm cùng tháng tận, chỉ còn dăm ngày nữa là Tết, người Sài Gòn thấy chộn rộn trong lòng một nỗi man mác khi nghe có gió chướng se lạnh thổi về. Xe bán dĩa nhạc có gắn loa đẩy vào các hẻm, nỉ non những bài hát xưa cũ lại khơi dậy cảm xúc mới, tưởng chừng như chìm sâu từ lâu trong cuộc sống lầm lụi. Sài Gòn thay đổi nhanh đến nỗi không kịp giữ lại những sắc màu làm nên chính nó. Đã phảng phất hình ảnh một góc Singapore ở Phú Mỹ Hưng, một góc Paris ở đâu đó quận Nhứt hay một khu phố thương mại sáng choang không kém Âu Mỹ. https://thuviensach.vn Giới trẻ nao nức về chúng, nhưng khi ra nước ngoài, ngụp lặn trong các khu thương mại lớn, ngoái lại nhìn thành phố của mình, họ tìm thấy được điều gì ở Sài Gòn để mà nhớ nhung? Tết sắp đến, sao tôi luôn nghĩ đến những người già. Nhớ ông Sơn Nam khi còn sống. Ông nhắc đến một câu chuyện khi mới về Sài Gòn kiếm sống sau 1954. Trong những ngày ông chưa có việc làm, vợ ông lên tìm và bảo: “Con bé ở nhà tội nghiệp, tôi dắt nó đi chợ. Đi ngang một cái tiệm có bán radio, nó đưa tui mấy đồng xu nói: Má ơi, con có tiền để dành, má mua cho con một miếng radio để Tết nghe cải lương”. Người cha tha hương thấy lòng se thắt trong cảnh ăn đong kiếm tiền gửi về cho vợ con ở quê nhà. Sài Gòn xưa cũ với vẻ hào nhoáng chỉ nằm trong ký ức của tầng lớp trung và thượng lưu. Những người nghèo chăm chỉ kiếm sống lang thang trên hè phố, ăn cơm rabiot (lâm vố) tức cơm thừa của lính Pháp được xào lại. Và họ cày cục kiếm tiền mướt mồ hôi sôi nước mắt. Những ngày giáp Tết thời tuổi nhỏ, theo ba đi lấy hàng ở Chợ Lớn, tôi thường thấy thấp thoáng những người đi bán dạo đồ “lạp vị”. Đó là món ăn mùa đông bên Tàu nhưng mấy chục, mấy trăm năm qua sống ở xứ nhiệt đới, người Hoa vẫn thèm nhớ hương vị quê hương. Ông chệt già, cao lòng khòng kiểu vóc người Quảng Đông bán hàng xâu vịt lạp, lạp xưởng gan, hay ba rọi phơi khô. Ông bán cả cải bẹ trắng phơi khô dùng để nấu canh. Một tay ông xách giỏ mây đựng đồ bán, tay kia ông cầm đùi vịt giơ cao. Vịt lạp có khi là nguyên con vịt ướp phơi khô, mở banh ra rất hấp dẫn. Có khi chỉ toàn đùi vịt ướp mật ong phơi khô, giá cao hơn nguyên con vịt. Lạp xưởng gan màu đen, nhẩn nhẩn khó ăn nhưng béo, là miếng gan heo nhét miếng mỡ, phơi khô hay miếng gan nhét bên trong khúc ruột già. Loại này về ăn ngay, để lâu sẽ hôi dầu. Loại đồ ăn bán dạo này dành cho giới bình dân, như nhà tôi, chứ không mấy khi ba tôi bỏ tiền mua đồ lạp vị ở mấy tiệm nổi tiếng hơn như tiệm Xảo Ích ở góc Nguyễn Trãi hay ở khu Đèn Năm ngọn, Soái Kình Lâm. https://thuviensach.vn Đi ngang qua khu Đề Thám, khu ngã tư quốc tế đầy khách du lịch Tây ba lô mà xưa kia dày đặc Tòa soạn báo tư nhân, tôi còn nhớ bà bán hột vịt lộn to lớn vẫn vung tay qua lại khu vực này. Bà này có chiều cao đáng nể, to lừng lững như một ông Tây với kích thước một mét chín, đã vậy trên đầu còn đội một cái thúng cao nghệu đựng hột vịt lộn và bì cuốn đã làm sẵn. Hai tay bà vung vẩy theo nhịp đi, miệng rao mà ai cũng cam đoan nghe đúng là “Ai… vật lộn không!!!”. Bà đi trước ông bán bánh tráng kẹo với giọng rao khàn khàn “Ai… chén kiểu không!!!”. Còn buổi chiều, một ông đẩy cái xe bán Chí mà phũ (Chi ma: mè. Phũ: nát) hay Lục tàu xá (đậu xanh nấu bột báng). Họ nấu bằng đường tán, ngọt thơm và không trộn bột vào chè như bây giờ. Nhưng đáng nhớ là những thiếu phụ người Tàu Thường Phước. Má tôi, dì tôi khi còn trẻ có se lông mặt chỗ họ trong những dịp nghỉ ngơi sau buổi chợ. Một bác sống ở Sài Gòn thuở đó kể rằng ở Trung Quốc có một huyện gọi là Thường Phước, thuộc tỉnh Quảng Đông có nhiều phụ nữ không chồng. Từ đầu thế kỷ 20, sau các biến động bên đó, họ tràn qua Sài Gòn sinh sống. Nghề chính của cộng đồng nhỏ này là đi làm thuê giúp việc nhà và giữ con nít cho giới nhà giàu, nhiều nhất là nhà mấy ông Tây... Họ là những người giúp việc chuyên nghiệp, sạch sẽ và trung thực, luôn mặc một kiểu trang phục giống nhau là áo xẩm dài gần đầu gối. Chỉ có những người giàu có ở Sài Gòn trước 1954 mới có thể mướn họ, ngoài dân Tây là số viên chức Việt làm cho Tây hay giới thương gia. Về già, các bà Thường Phước không đi làm thuê nữa mà sắm một cái rương nhiều ngăn bằng thiếc có mặt kiếng thủy tinh để đi bán dạo. Đây là gánh hàng xén mà họ gọi là “Hàng phá quải xí” (Hàng hóa quải thị - hàng hóa gánh ra chợ). Họ chỉ lang thang đi bán vào buổi sáng, chiều nghỉ. Bên trong những ngăn tủ của họ là kem đánh răng, gương lược, kim, chỉ, vòng đá cẩm thạch… Khi đi bán, họ bận áo vải đen dài. Do cùng hoàn cảnh tha hương, cùng số phận phụ nữ không chồng lạc loài kiếm ăn xứ người, họ gắn bó thương yêu nhau như ruột thịt. Họ hùn nhau mua một dãy phố trên lầu gần ngã tư Nguyễn Tri Phương – Trần Phú (Nguyễn Hoàng cũ), gần khu tẩm liệm Nhà thương Quảng Đông (nay là bệnh viện Nguyễn Tri https://thuviensach.vn Phương) và ở chung với nhau. Phía mặt tiền nhà, họ cho đúc hai chữ “Phát chân” như muốn thể hiện phương châm sống và làm việc cả đời của họ… Ngoài nghề chính là bán tạp hóa lúc tuổi xế chiều, các bà Thường Phước còn nghề phụ là se lông mặt cho những phụ nữ thích làm đẹp quanh khu vực giáp quận Nhứt và quận 5. Khi hành nghề, họ có một cục phấn dùng thoa lên mặt khách hàng cho nổi lông mặt, dùng sợi chỉ kéo căng ra và rà trên da mặt. Sợi chỉ khi kéo căng hay chùng sẽ tự xoắn lại và cuốn đi lông tơ trên mặt khách. Cứ thế, họ sống quanh quẩn trên đường phố giữa hai quận phồn thịnh nhất Sài Gòn cũ, cho đến lúc già yếu, qua đời trong sự chăm sóc của những người đàn bà Tàu đồng hương, không mơ gì có lần về lại cố quốc. Có những buổi trưa, đi qua phố là một ông đi chiếc xe đạp sừng trâu, mang theo một ống sáo thổi te te, loại ống sáo thẳng chứ không phải ống sáo ngang. Ai cũng biết đó là ông chuyên thiến heo. Một ông khác chưa thấy mặt đã nghe tiếng trống lắc tùng tùng của ông. Lão nhân này luôn mặc đồ đen, vai gánh một cái thùng vuông bằng gỗ. Đây là ông thợ nhuộm. Khi có khách, ông nấu thuốc nhuộm trong cái thùng có vỏ ngoài bằng gỗ bọc một thùng thiếc bên trong. Ông có hai cái cây bằng gỗ để trộn quần áo, xong dùng hai cây đó vớt ra để vắt đồ sau https://thuviensach.vn đó bỏ ra thau để xả. Nước nhuộm từ thảo mộc, luôn có mùi dễ chịu, không gắt nồng và sặc mùi hóa chất độc hại như bây giờ. Khi đến thăm bảo tàng tượng sáp ở Singapore tái tạo hình ảnh cuộc sống của người lao động thuở đảo quốc giàu có này đang tìm đường phát triển, tôi xúc động như thấy lại chính những người tha hương kiếm sống trên đường phố hay sông rạch Sài Gòn. Với thúng mủng quang gánh, nét mặt chân chất và cam chịu, họ lưu thông hàng hóa đi các nơi, nhận phần lợi về mình rất ít. Họ đông đảo nhưng âm thầm, đan dệt, tạo nên từng ngày cuộc sống thịnh vượng của đô thị. Tất cả như các nhân vật của đèn kéo quân, đi diễu hành trên sân khấu cuộc đời rồi biến mất ở góc khuất của chiếc đèn. Và khi họ quay lại, chỉ trên một mảnh ký ức hiếm hoi của ai đó. Khách thương hồ mang hàng hóa về Sài Gòn. Đến lúc nào đó, họ lên bờ và ở lại, thành công dân trên mảnh đất này, như một điều tự nhiên. Ảnh: Nguyễn Đình https://thuviensach.vn Nhà Cổ Ven Đường Đó là một căn biệt thự xưa rất đẹp nằm trên đường Nơ Trang Long, gần giáp đường Trần Quý Cáp, quận Bình Thạnh. Từ ngoài nhìn vô, nhà xây theo kiến trúc Tây phương kiểu thuộc địa với hành lang quanh nhà, nền cao, sảnh đón khách phía trước là nơi giao nhau của hai bậc thang uốn cong đi vào từ hai bên nhà. Vách tường nhà loang lổ qua thời gian, lấp ló những ô gạch men trang trí hình kỷ hà. Một hàng rào cây dày đặc che bớt những đôi mắt tò mò nhìn vào nhà. Thỉnh thoảng, có dáng một ông cụ bận đồ bà ba màu nâu đi chầm chậm qua lại bên trong, có khi mở cánh cửa gỗ nhìn ra ngoài rồi đóng lại. Dì Út của tôi, nay đã hơn bảy mươi tuổi, nhớ lại những năm cuối thập niên 1950, vẫn có vài người đàn ông xách súng đến rủ cha chồng của dì đi săn bắn trên rừng Lộc Ninh, Hớn Quản. Họ là những người con của ông Lê Minh Tri, chủ nhân căn nhà đó từ gần trăm năm trước. Con cháu cất nhiều căn nhà gần nhau sống trên khu đất dài cả ngàn mét của ông Tri, kéo từ ngã ba Trung Thành (Nơ Trang Long - Trần Quý Cáp) cho đến tận cầu Băng Ky. https://thuviensach.vn Lúc đó, nhà của ông Lê Minh Tri, được xây cao trên nền đất đắp từ hàng ngàn xe bò chở đất, là căn nhà tráng lệ, đẹp đẽ nhất ở khu vực Ngã Năm Bình Hòa. Gia đình này được truyền tụng là giàu có nhất vùng, nhà xây kiểu phương Tây từ đầu thế kỷ 20 trong khi các nhà khá giả khác gần đó như nhà ông Bang biện Nguyễn Văn Chỏi vẫn làm nhà gỗ ba gian. Giữa sáng mùa hè năm 2013, ông Lê Thành Công, tức Sáu Nhỏ, hiện là chủ nhân ngôi nhà, tiếp tôi ở phòng khách nhìn ra khoảnh vườn nhỏ tiếp giáp mặt đường Nơ Trang Long. Ông Sáu sinh năm 1931, tức 82 tuổi nhưng vẫn được hưởng phước là sống với mẹ ruột cho đến khi bà mất vài năm trước đây, thọ tới 103 tuổi. Ông nói: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá . Đó là nghề mang lại sự khá giả, nhưng không kéo được lâu vì rất nghiệt. Ông nội và cha tôi làm nghề khai thác lâm sản, có lúc hưng thịnh nhưng cũng có khi lao đao vì tranh chấp với những người có chức quyền thời Pháp thuộc và chế độ cũ đến nỗi suýt phải tù tội. Đến đời tôi thì không theo nghề đó nữa, có lẽ nhờ vậy mà còn giữ được căn nhà. Những đồng nghiệp của ông, cha tôi hầu như đều khánh tận, sạt nghiệp”. Ông Sáu còn nhớ lúc lên bảy tám tuổi, tuy là con nhà có của nhưng vẫn phải ăn mặc giản dị với quần ngắn, áo bà ba trắng đi học ở trường Tổng. Mỗi ngày, ông ra trước nhà đứng đợi xe bò, xe ngựa đi qua và xin quá giang đến trường. Gần đó là một cái hồ tắm và vui chơi của lính Pháp, xây hàng rào kín mít và không cho người Việt bén mảng tới. Có lần mẹ của ông phát hiện có cướp vào nhà, bà sợ hãi nên la thật to và lính Tây đang giải trí ở hồ bơi vác súng chạy đến khiến cướp sợ chạy mất. Ban ngày, chung quanh mát mẻ với cây cối xanh um, gần đó còn có vườn cao su và cái nghĩa địa lớn được đồn đại là rất nhiều ma. Tuổi thơ của ông đầy ắp chuyện ma, từ chuyện kể của anh cắt cỏ cho gia đình, rằng vẫn nghe tiếng hú từ khu mồ mả của người Tàu sau nhà, cho đến câu chuyện rất nhiều người tin là thỉnh thoảng có một cô đúng giờ Ngọ lại xuất hiện, ngoắc xe ngựa đi, luôn im lặng cúi đầu suốt chuyến đi, tóc xõa dài che mặt và trả bằng tiền vàng mã khiến mấy người xà ích không ai dám hỏi câu nào. https://thuviensach.vn Lớn lên, ông Sáu chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc từ căn nhà này, có lúc ông và cả gia đình phải rời xa nó. Do là căn nhà lớn và kiên cố trên con đường đi từ Bà Chiểu, thủ phủ Gia Định tới khu Đồng Ông Cộ, hết lính Nhật rồi tới lính Pháp mấy phen chiếm giữ ngôi nhà này để đóng quân kiểm soát một cửa ngõ vào Sài Gòn và ngăn chận du kích từ Đồng Ông Cộ đánh ra. Sau khi Pháp rút, nhiều năm gia đình ông vẫn chưa về được ngôi nhà, khi lính Cộng hòa trưng dụng. Sau năm 1975, gia đình ông mới trở về sống trên căn nhà của ông cha từ đó đến nay. https://thuviensach.vn Như mọi người già còn tỉnh táo, ông Sáu sống vui bằng cách ôn lại dĩ vãng đã qua. Ông nhắc lại món phở bò thật ngon mà bây giờ không thấy ai nấu kiểu như vậy nữa. Đó là món phở từ chiếc xe đẩy đậu bán ở chợ Tân Định đầu năm 1950 của một người Bắc, phở bò tái chín thơm ngon nấu với cà chua và rau răm. Ông nhớ nhất cây mai vàng trước sân nhà, vươn cao qua hàng rào. Cây lão mai, gốc to, hoa vàng dày đặc tuyệt đẹp mỗi độ xuân về và Tết nào cũng vậy, nhiều lượt người đến nhà ông, chỉ xin chụp ảnh với cây mai vàng. Vài năm trước, cây mai bị mục ruỗng từ bên trong và chết. Nghe đến chuyện cây mai, tôi nhìn lên trần nhà. Ngôi nhà bên ngoài đẹp đẽ nhưng nhìn kỹ đã có những mảng tường nứt phải vá lại bằng xi măng. Trần nhà nay đã rụng lớp xi măng, lộ ra sườn gỗ cũng đã mục, tưởng chừng có thể sớm sập bất cứ lúc nào. Trong nhà không còn mấy đồ nội thất mang dáng dấp của một thời phong lưu xưa kia. Ông Sáu cho biết do đang đợi xác định quy hoạch lộ giới con đường trước mặt nên gia đình vẫn chưa thể bắt tay vào sửa chữa lại. Căn cứ vào hiện trạng ngôi nhà, việc đó sẽ ngốn rất nhiều tiền của nếu muốn phục chế cho đàng hoàng. https://thuviensach.vn Khi bước ra khỏi cánh cổng, đọng lại trong tôi là cảm giác tiếc nuối và bâng khuâng. Một di tích vẫn còn rất đẹp, nhưng với những điều bất cập hiện nay, liệu còn có thể giữ được nguyên vẹn, dù tôi biết gia đình ông Sáu rất mong muốn điều ấy. Dường như có những mảnh linh hồn của đất Gia Định xưa dần mai một, khó mà giữ lại được trong xã hội tưởng chừng hiện đại nhưng xô bồ, thiếu cái nhìn sâu xa về duy dưỡng văn hóa này. https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Ảnh trong bài: Nguyễn Đình. https://thuviensach.vn Tìm Lại Giấc Mơ Căn nhà ngang độ bốn mét. Mặt tiền đá rửa, cầu thang đá mài. Giữa nhà, bộ sa lông gỗ gõ đỏ đóng theo kiểu hộp đơn giản, ngồi hơi ngả ra phía sau. Gạch bông mỗi cạnh hai tấc, hoa văn màu nâu đỏ, trầm lạnh nhưng sang trọng. Trên tường là bức sơn mài của hãng Trần Hà ở Bình Dương vẽ bầy nai thơ thẩn dưới những gốc cây tùng. Cái ti vi cửa lùa đứng vững chãi trên bốn chân đặt bên phải. Cuối phòng khách là bức tường ngang che cầu thang, kê sát tường là cái tủ buýp phê bằng cẩm lai cửa kính lùa, hai cánh cửa hai bên xoáy tròn những vân của gỗ Nu. Trên tủ đặt cái bình bông gốm Biên Hòa vẽ hình những cô gái áo dài tha thướt đi lễ lăng Ông Bà Chiểu và cái máy hát dĩa. Chủ nhà đặt cái dĩa hát lên mâm và cho kim xoay. Tiếng hát Phương Dung nghe như nức nở: “Mười năm mơ kết mây thành hoa trắng… mây vỡ hoa tan tàn giấc mơ hoa”. Anh bảo: “Từ khi quá tuổi bốn mươi tôi lại thích nghe những bài hát bị gọi là sến, mà ông Sơn Nam gọi là thứ Vọng cổ tân thời này. Nó làm tôi nhớ rất nhiều...” Căn nhà tôi đang ngồi không nằm trong một khu dân cư cũ ở khu Ngã Năm Bình Hòa, khu xóm Gà hay chợ Đa Kao. Nó mới mọc lên dăm năm ở một khu đất mới vốn là đất trồng hoa ở Gò Vấp. Nhưng khi ngồi vào chiếc ghế cũ kỹ, một cảm giác êm đềm của thời thơ trẻ sống ở Sài Gòn hơn bốn mươi năm trước trở lại. Nó gợi nhớ những căn nhà hồi xưa được xem là khá giả vì “nhà lót gạch bông, mái bằng, tường đá rửa…”, từ những bức tranh lạ treo trên tường không hề giống mớ lịch tờ lòe loẹt mà những nhà nghèo treo đầy tường từ dịp Tết. Chủ nhà pha trà ướp hoa lài, rót vào những cái tách Arita trắng in hình bông hồng đỏ nhạt đặt trên cái dĩa cùng bộ. https://thuviensach.vn Ảnh: Đức Trí Ảnh: Cristian Kerekes https://thuviensach.vn Chủ nhà vốn là một Việt kiều đã sống nhiều năm ở nước ngoài. Lâu nay, dù không phải là người chuyên chú chuyện sưu tầm, nhưng anh thích dành thời giờ rảnh lang thang chợ đồ cổ Lê Công Kiều. Ngày chủ nhật, anh ra uống cà phê sớm ở góc đường, lẳng lặng nghe những “chuyên gia” và lắm “nhà sưu tập” bàn tán, dẫn dắt người khác vào trận địa mê hồn này. Xong cử cà phê, anh đi dọc con đường với lòng háo hức không kém những lần anh đi mua yardsales ở nước ngoài. Anh nhanh chóng nhận ra trên con phố này có rất nhiều cửa hàng chưng thứ đồ giả cổ khá trâng tráo và bày những bức tranh sơn mài mới toanh nhưng vẫn khẳng định chắc chắn là tranh Thành Lễ. Anh thích thú nhìn cái ghế xoay bằng gỗ, lưng tựa có gắn thêm miếng gỗ tựa đầu có thể đưa lên hạ xuống. “Đây là cái ghế hớt tóc. Hồi nhỏ, tôi bé quá, ông thợ hớt tóc phải đặt ngang trên thành ghế một miếng gỗ để ngồi cao lên mới hớt được.” Anh ngắm nghía những cái đôn voi Biên Hòa. Nó mới quá và không gợi cảm chút nào. Dăm món đồ đồng khá quen thuộc. Thú vị nhất là khi anh phát hiện và mua được mớ tượng gỗ Phi Luật Tân. Hồi xưa gần nhà có một ông thầu khoán thường nhập về những tượng này để trang trí cho những căn nhà mới xây. Khi chủ nhà khui thùng ở ngoài sân, anh đứng bên hàng rào mê mẩn nhìn, thèm có được bức tượng con gấu đang bắt cá hay tượng một nông dân vác quầy chuối. Sau này, anh thấy thỉnh thoảng có vài cái tượng cũ giống như vậy được bày bán với giá không mắc trên vỉa hè đường Lê Công Kiều, có sứt mẻ chút ít nhưng vẫn có thể trưng bày được. https://thuviensach.vn Ảnh: Đức Trí Đó là những tháng anh bận rộn xây và trang trí nhà. Khi về nước, anh mang theo một số món trang trí như đèn bàn Tiffany, tượng đồng theo phong cách Art Nouveau và dăm cái dĩa Majolica mà anh thích. Nhưng sau đó anh cất hết vào tủ. Từ đó bắt đầu một cuộc săn lùng đồ đạc nhẩn nha nhưng quyết liệt. Trong tầm ngắm là những món đồ trang trí nhà những năm 1960, 1970 của Sài Gòn. Phần xây dựng căn nhà, anh tìm được ông thợ già còn nắm kỹ thuật làm đá mài, đá rửa để hướng dẫn thợ thi công. Phần gạch bông, anh phải đặt riêng một công ty chuyên làm gạch bông theo kiểu xưa để xuất sang Pháp. Tất cả tạo nên vẻ đẹp của nội thất ngôi nhà mà tôi đang ngắm nhìn. Nó không gợi cảm giác cũ kỹ và cũng không quá trầm lắng cổ xưa như bầu không khí trong một căn nhà rường dày đặc chi tiết. Chung quanh tôi là những chi tiết đơn giản, những đường thẳng và xiên của bàn ghế, chất mộc mạc của gốm Biên Hòa, tranh Thành Lễ với gam màu nâu điểm vàng. Cái đèn măng sông Đức treo lơ lửng với cái chụp trắng tinh. Tất cả tạo nên cảm giác thanh thoát, giản dị khá dễ chịu. Trong không gian đó, anh bạn chủ nhà vẫn còn phong độ nhưng đuôi mắt https://thuviensach.vn đã chớm có những nếp nhăn, ngắm nghía mãi cái vỏ dĩa hát bằng giấy bìa in hình những ca sĩ vang bóng một thời nay đã ở tuổi sáu bảy mươi. Nhiều khi tìm lại một giấc mơ tuổi nhỏ chỉ bằng vài tháng dạo chơi tìm kiếm và bằng một số tiền không lớn, không phải là mắc mỏ lắm khi người ta xây một mái nhà bình yên cho mình. Ảnh: Đức Trí Bìa Báo Xuân Xưa Những người sống ở Sài Gòn cách nay trên dưới nửa thế kỷ đều nhớ tranh của họa sĩ Lê Ngọc Trung tức Lê Trung. Ông chuyên vẽ tranh thiếu nữ và cô nào cũng giống cô nào, với cái đẹp mỡ màng của thiếu nữ sông nước miền Nam, hơi đậm đà ở vóc dáng, ngực nở eo thon, mắt to đen ướt rượt và sáng long lanh, môi trái tim dày mọng và lông mi dày đen cong vút. Có người bảo đó là nét đẹp của diễn viên Thẩm Thúy Hằng. Giới bình dân thích nét đẹp này lắm dù nó hơi siêu thực, khó kiếm. Do độ thu hút rộng rãi, tranh của Lê Trung ngự trị trên bìa báo Xuân miền Nam trước 1960. Hết Tết, cái bìa diễm lệ đó được dán trên vách cho https://thuviensach.vn có vẻ “sang trọng” đến khi nó úa vàng vì khói bếp hay màu thời gian mà vẫn chưa bóc ra. Tuy nhiên, đến đầu thập niên 1960, tuy bìa báo Xuân có tranh Lê Trung vẫn còn được ưa chuộng, nhưng một khuynh hướng mới đã bắt đầu ló dạng và lớn dần lên, là bìa báo Xuân đăng ảnh màu của các nghệ sĩ sân khấu, ca nhạc, điện ảnh. Lúc đó, phong trào tân nhạc, điện ảnh và sân khấu cải lương đang phát triển ở miền Nam, thu hút nhiều trai thanh gái lịch tham gia. Đã vậy, kỹ thuật in ấn phát triển, các thiết bị máy ảnh, phim màu từ nước ngoài nhập về nhiều hơn nên tạo thuận lợi cho khuynh hướng này, kéo dài cho đến 1975. Khuynh hướng đăng ảnh nghệ sĩ trên báo chí, nhất là dịp Tết, mạnh đến nỗi, trong bài viết của thi sĩ Đông Hồ trên tạp chí Sáng Dội Miền Nam số Tết Nhâm Dần năm 1962 có nêu rằng: “Sách mà dám cho phát hành vào dịp áp Tết là nguy hiểm lắm, cũng bằng tự giết mình, vì sách sẽ bị bao nhiêu mỹ nhân của tranh bìa, tranh phụ bản đè tràn, chôn ngập mất…” (bài Chuyện câu đối Tết giữa kinh thành Sài Gòn, trang 10) https://thuviensach.vn Tranh của Họa sĩ Lê Trung in trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn giữa thập niên 1960. Thời đó, tuy có nhiều người chụp ảnh nghệ sĩ nhưng các báo lớn ở Sài Gòn chỉ tập trung vào hai tiệm uy tín là tiệm Bình Minh đường Bùi Thị Xuân, quận Nhứt của đạo diễn Lê Dân học từ bên Pháp về. Tiệm thứ hai là Photo Viễn Kính của ông Đinh Tiến Mậu ở số 277 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), quận 3. Có người còn nhớ ảnh của hai nghệ sĩ Thanh Nga và Thanh Thúy trên bìa tờ báo Xuân Dân Tộc 1961 do tiệm Bình Minh chụp. Nghệ sĩ Thanh Nga lúc đó mới mười chín tuổi, còn ca sĩ Thanh Thúy cũng chỉ mới mười tám. Tên của Thanh Nga đã nổi như cồn từ tám năm trước đó và vừa mới được đưa lên bảng hiệu thành Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Còn Thanh Thúy chỉ vừa xuất hiện tại phòng trà Việt Long của Đức Quỳnh vào cuối năm 1959 nhưng nhanh chóng nổi lên với giọng hát liêu trai và được ca ngợi bằng các mỹ danh như Tiếng Hát Lúc Không Giờ, Tiếng Hát Khói Sương. Chọn hai ca sĩ này làm bìa báo trong lúc sáng danh như vậy, chính là chiêu thu hút độc giả khôn ngoan của các chủ báo. https://thuviensach.vn Nhiếp Ảnh Gia Của Nghệ Sĩ Sài Gòn https://thuviensach.vn Ông Đinh Tiến Mậu, chủ Photo Viễn Kính nổi tiếng nay vẫn còn khỏe mạnh và đang sống ngay căn nhà cũ. Ông cho tôi xem những bìa báo và Lịch Xuân mà ông đã chụp suốt những năm đó. Với máy ảnh hiệu LINHOF của Đức, ông dùng chụp ảnh tại studio và chụp ngoại cảnh tùy theo yêu cầu của chủ báo hay nghệ sĩ. Lúc này, hãng Kodak có một đại lý bán phim chụp ảnh tại đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) nên ông có chỗ cung cấp phim đen trắng để chụp ảnh hằng ngày. Đến gần Tết, nhu cầu chụp ảnh màu tăng lên, ông lấy thêm phim dương bản Ektachrom để chụp bìa báo Xuân. Trước Tết hơn một tháng, các báo ông thường cộng tác như Phụ Nữ Ngày Nay, Phụ Nữ Diễn Đàn... đã bắt đầu đặt hàng chụp ảnh bìa. Vốn quen việc chụp ảnh nghệ sĩ, ông chỉ cần hẹn và chuẩn bị phim ảnh nên công việc khá nhanh chóng. Đó là những đợt chụp tuy khá bận rộn vất vả nhưng vui và đáng nhớ. Cuối năm 1967, chuẩn bị cho báo Tết năm Mậu Thân 1968, ông cùng một nhà văn lên Đà Lạt chụp ảnh nghệ sĩ Thanh Nga làm bìa báo Xuân Tia Sáng. Điều ông nhớ nhất, dù đang là nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu, nghệ sĩ Thanh Nga làm việc rất nghiêm túc. Cô luôn đến đúng hẹn, rất chịu khó tạo dáng để chụp. Khi tạm nghỉ, cô nói chuyện vui vẻ và gần gũi với mọi người trong nhóm. https://thuviensach.vn Ảnh: PCL Giống như những lần trước chụp ở studio, cô thích bận áo dài nền nã với nhiều màu sắc. Giọng nói của Thanh Nga vang, sang trọng nhưng dịu dàng. Đi theo cô là một người giúp trang điểm. Giống như Thanh Nga, nghệ sĩ Bạch Tuyết là một nghệ sĩ khá nghiêm túc trong công việc. Cô cư xử dễ chịu, không làm cao, sẵn sàng đi chụp ngoại cảnh khi có yêu cầu. Cô thích chụp tranh phim (có kết cấu như truyện tranh với chất liệu là những bức ảnh chụp diễn viên đang diễn xuất). Khi chụp ảnh trong studio thì rất thuận tiện với máy có chân chống, đèn pha… nhưng khi ra ngoại cảnh thì khó khăn vì đang lúc chiến tranh, kiếm chỗ vắng vẻ mà an ninh thật khó. Lúc đó, nơi lý tưởng là khu Suối Lồ Ồ ở Dĩ An gần Biên Hòa. Bức ảnh nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng bận áo tắm đăng trên Lịch Xuân 1967 báo Phụ Nữ Ngày Mai đã được chụp ở đây, phía sau là con suối nhòe nét. Ngoài báo Xuân, các tờ báo còn tranh thủ dịp Tết ra Lịch sách hay Lịch tờ để bán. Những năm như vậy, ông Mậu rất bận rộn. Năm 1966, ông chụp hàng loạt ảnh cho Lịch báo Phụ Nữ Ngày Mai với ảnh của Minh Hiếu, Ngọc Hương, Kim Loan (sau đổi tên Mộng Tuyền), Kim Nga… Bộ ảnh này chụp trang phục tự do. Đến 1967, báo này ra bộ ảnh táo bạo hơn với các nghệ sĩ mặc áo tắm và bức ảnh Thẩm Thúy Hằng nói trên làm bìa. Bên trong là ảnh diễn viên múa Thu Thủy, nghệ sĩ Bạch Tuyết, Ánh Hoa, Tuyết Nhung, Kim Tuyến... mặc áo tắm một hoặc hai mảnh. Một thời đã qua. Khi nhìn lại các tờ báo Xuân, ông Mậu nhớ lại thời trẻ làm việc hăng say của mình. Ông vẫn nhớ nét đẹp rực rỡ của ca sĩ Minh Hiếu, mệnh danh là Liz Taylor của Việt Nam, vẻ đoan trang dịu dàng của Thanh Nga, sang trọng của diễn viên Kiều Chinh, tươi tắn của ca sĩ Thanh Lan, nét bốc lửa của ca sĩ Diễm Thúy. Các nam ca sĩ hầu như không hề lên bìa báo Xuân, nhưng họ thường đến chụp ảnh tại studio của ông. Nghệ sĩ Út Trà Ôn cao to, phong độ. Nghệ sĩ Hùng Cường vui tính, dáng điệu hào hoa. Các ngôi sao xinh đẹp ngày xưa đã luống tuổi, dấu ấn thời gian phủ trên nhan sắc. Nhiều người không còn https://thuviensach.vn nữa. Chỉ còn lại hình ảnh của họ, trong những tấm ảnh đen trắng, dăm tờ lịch cũ mà ông còn lưu lại. https://thuviensach.vn Ca sĩ Diễm Thúy Ca sĩ Hà Thanh Nghệ sĩ Thanh Nga https://thuviensach.vn Ban hợp ca Thăng Long Đệ nhất danh ca cổ nhạc Út Trà Ôn https://thuviensach.vn Nghệ sĩ cải lương Thành Được, giọng ca vọng cổ đỉnh cao của sân khấu miền Nam. Nghệ sĩ cải lương Thanh Tú https://thuviensach.vn Nghệ sĩ Hùng Cường, một tài năng bao trùm các lĩnh vực cải lương, tân nhạc và điện ảnh miền Nam https://thuviensach.vn Ban Hợp Ca Thăng Long Bức ảnh này được ông Đinh Tiến Mậu chụp tại studio Viễn Kính. Bối cảnh chỉ là hai giàn đèn, một bục gỗ đặt nằm ngang. Cách bố trí kẻ đứng người ngồi bên hai chiếc đèn cao thấp tạo nên nhịp điệu cho bức ảnh. Ba nghệ sĩ, là ba anh em ruột, đều có vóc dáng cao ráo khá lý tưởng. Thái Thanh bận áo vạt dài chứ chưa cao lên gần đầu gối như thập niên 1970. Hoài Trung, Hoài Bắc gây ấn tượng với phong thái gentlemen trong những bộ vest được may rất khéo, đồng hồ dây da, giày cột dây mũi nhọn, tay áo cài khuy manchette, tóc chải ngược (kiểu tóc Tango thịnh hành trước đây chăng?) lộ vầng trán cao, sáng đẹp. Khi nhìn bức ảnh này, tai tôi như vẳng tiếng ngựa hí trong bản Ngựa phi đường xa, tiếng ngân dài bất tuyệt trong bản Ô mê ly của Hoài Trung Phạm Đình Viêm. Giọng ca Thái Thanh, với tiếng ca trong vắt cao vút trữ tình là giọng ca duy nhất xứng đáng với từ Diva, không thể tranh cãi được. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương tức Hoài Bắc, với chất giọng "trầm ấm và dội sâu", "hơi nhừa nhựa như phảng phất men rượu và khói thuốc"[1], tuy chỉ viết hơn 50 ca khúc nhưng tài năng có thể sánh ngang với những nhạc sĩ nổi tiếng nhất với nhiều bài tuyệt hay như Người đi qua đời tôi, Nửa hồn thương đau, Đêm cuối cùng, Ly rượu mừng... và Trường ca bất hủ Hội trùng dương. Thành lập từ thời kháng chiến chống Pháp, sau đó vào Sài Gòn, ban Thăng Long đã "tạo một luồng sinh khí mới cực kỳ phong phú và tràn ngập tinh thần sáng tạo"[2]. Đến đầu thập niên 1960, ban Thăng Long cùng với ban kịch Dân Nam là hai nhóm biểu diễn nghệ thuật nổi như cồn và thu hút dân Sài Gòn nhiều nhất. Sài Gòn tự hào từng có ban hợp ca sáng chói từ những người gốc Bắc xa quê hương, góp phần quan trọng tạo nên diện mạo một âm nhạc của Sài Gòn. Và tôi tin họ đã luôn yêu quý Sài Gòn trong suốt cuộc đời họ. https://thuviensach.vn Một Cuộc Thi Hoa Hậu Năm 1960, báo Phụ Nữ Ngày Mai ở Sài Gòn có tổ chức cuộc thi Hoa hậu bằng hình ảnh. Báo này do ông Nguyễn Đức Khiết làm chủ nhiệm, đứng ra tổ chức nhằm mục đích tuyển lựa hình ảnh một thiếu nữ Việt duyên dáng và ăn ảnh nhất. Người dự thi phải gửi về tòa báo hai ảnh bán thân 6x9 phía sau ghi rõ họ tên, biệt hiệu và tuổi, kèm theo phiếu dự thi. Ảnh dự thi được đăng báo, độc giả gửi phiếu bầu chọn về. Tối ngày 1 tháng 9 năm 1960, vương miện đã được trao cho các thí sinh đoạt giải tại Câu lạc bộ Báo chí Sài Gòn. Người được giải cao nhất là cô Nguyễn Thị Kim Sang, 17 tuổi, nữ sinh lớp đệ Tam (lớp 10 ngày nay) trường Huỳnh Khương Ninh, Đa Kao. Cô được tặng một huy chương vàng trị giá 12.000 đồng. Cô Mộng Yến, 19 tuổi, nữ sinh lớp đệ Nhị trường Nguyễn Văn Khuê trúng giải nhì với huy chương vàng trị giá 5.000 đồng. Cô Mai Xuân Phượng, nữ giáo viên ở Phan Thiết, 19 tuổi, giải ba huy chương vàng trị giá 3.000 đồng. https://thuviensach.vn Theo bài báo tường thuật cuộc thi này, Hoa hậu Kim Sang phát biểu khiêm tốn "Em rất hân hạnh và sung sướng nhận Giải thưởng Hoa hậu Phụ nữ Ngày Mai. Em biết đây là một sự may mắn cho riêng em vì còn nhiều chị em khác vì lý do nào đó không gửi ảnh dự thi". Nhìn lại bức ảnh thiếu nữ Sài Gòn xưa hơn 50 năm trước vẫn thấy nét đẹp hiện đại bên cạnh vẻ thùy mị. Mũi cao, lông mày đã tỉa gọn, áo dài cổ cao. Các cô đạt giải đều có học, tự tin, tượng trưng cho lớp phụ nữ Sài Gòn mới của nửa sau thế kỷ 20. Hoa hậu ảnh báo Phụ nữ Ngày Mai, cô Nguyễn Thị Kim Sang. https://thuviensach.vn Xuân Phượng, Kim Sang, Mộng Yến (từ trái qua). Ảnh: Văn Mười, báo Thế giới tự do năm 1960, không rõ số Giai Nhân Một Thuở Có lần đến Thượng Hải, sau mấy ngày rảo quanh khu Phố Đông và các trung tâm thương mại, tôi rút ra kết luận rằng số phụ nữ xinh đẹp ở đây chiếm tỉ lệ cao so với các thành phố mà tôi từng ghé qua ở Trung Quốc. Với mày cong, mắt hơi xếch, da trắng hồng, họ như từ tranh Tố nữ Tàu xa xưa bước ra. Chân họ cao và bắp chuối thon thả, khác với đôi chân có bắp chuối tròn lẳn mà tôi thấy khá nhiều ở các cô gái bên Nhật. Đó phải chăng là nét đẹp phổ biến của con gái Thượng Hải? Anh phiên dịch bảo “Là dân Thượng Hải, nghĩa là có thể mang gốc gác ở đâu đó trên khắp Trung Hoa. Anh đừng mơ tìm thấy nhiều gái đẹp ở Tô Châu hay Hàng Châu như trong câu “Trên có thiên đàng, dưới có Tô - Hàng”. Thượng Hải đã thu hút những người xinh đẹp nhất về đây cả rồi”. Quả đúng như vậy, các cuộc di dân trên khắp thế giới đã phá vỡ tính nhất quán về phong tục, cách sống trong cư dân từng khu vực. Những đô thị phồn https://thuviensach.vn thịnh thường thu hút người tài giỏi, sáng láng, trẻ trung và xinh đẹp từ mọi miền. Bởi thế khi bàn về nét đẹp của các giai nhân trên đất Sài Gòn, một đô thị với tuổi đời chỉ hơn 300 năm, thì đừng so sánh nét đẹp người Sài Gòn với người vùng khác mà phải hiểu đó là giá trị tổng hợp từ nhiều vùng miền tạo nên. Ảnh: thiếu nữ Sài Gòn trên bìa 4 tạp chí Sáng Dội Miền Nam số Tết Nhâm Dần 1962. Thanh niên Sài Gòn thường xuýt xoa khi ngắm nét đẹp quý phái của các bạn gái xứ Huế có họ Công Tằng, Công Huyền dù khi đến nhà họ chơi, nghe cô nói chuyện với ba mẹ thì hoàn toàn không hiểu nổi một câu. Con gái Bắc sống dọc đường Lê Thánh Tôn, Quận Nhứt, khu Ông Tạ hay xứ Bùi Chu Phát Diệm dọc đường Lê Văn Sĩ duyên dáng kiểu con gái Bắc và tất nhiên không phải cô nào cũng như trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên “nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền…” . Người đẹp khu dệt vải ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình thì giọng vẫn đặc sệt Quảng Nam, gò má hơi cao, mặt hơi vuông làm ngẩn ngơ học trò nam Trung học Nguyễn Thượng Hiền gần đó. Tuy là nơi quần tụ, nhưng những đặc điểm phóng khoáng của vùng đất mới cũng hình thành những nét chung của người đẹp trên đất Sài Gòn. Khác với nét https://thuviensach.vn đài các của thiếu nữ Hà Nội hay vẻ thùy mị thướt tha của con gái Huế, những thiếu nữ Sài Gòn luôn gây ấn tượng bởi sự trẻ trung và tự tin. Nhiều người cho rằng dù có mặc áo dài thướt tha, họ vẫn đi đứng uyển chuyển, chân bước dài, hai tay vung vừa phải. Họ đi nhanh nhưng dáng vẫn mềm mại, nữ tính. Nét riêng đó có thể hình thành từ cuộc sống nhộn nhịp của Sài Gòn từ khi chuyển mình thành Hòn ngọc Viễn Đông cuối thế kỷ 19. Cũng có thể do thời tiết Sài Gòn không có mùa lạnh để mà co ro, lặng lẽ hay trầm ngâm trên đường đi. Cuộc sống xô bồ nơi thị thành khiến họ thoải mái và tự nhiên. Tuy vậy, đừng đánh giá sai lầm về họ nếu chỉ nhìn bề ngoài. Những thiếu nữ Sài Gòn xưa có thể ngồi ăn hàng ngoài đường rất hồn nhiên nhưng cử chỉ không hề suồng sã. Họ cũng có thể ăn mặc thoáng mát với quần short, áo không tay hay jupe ngắn nhưng không có nghĩa là chơi bời buông thả. Họ có thể không ngại chạy thử một loại xe mới, đánh tennis, bơi thuyền, thậm chí tham gia một trận đá bóng nhưng không hề tỏ mình là “có cá tính”. Họ dễ bắt chuyện nhưng không dễ làm thân, rất cởi mở vui vẻ khi làm quen nhưng không dễ “cưa đổ” như nhiều chàng tưởng bở. https://thuviensach.vn Giới trẻ học đường cách nay bốn mươi năm bảo nhau “con gái Bắc xinh học Trưng Vương, con gái Nam đẹp học Gia Long (nay là Nguyễn Thị Minh Khai)”. Các cô học trường Tây như Regina Pacis, Regina Mundi, Marie Curie đa số nhà khá giả, nhiều cô là con cái địa chủ Tây Nam bộ, nói tiếng Pháp như gió, dạn dĩ và ăn mặc rất chic, nhảy đầm một cây. Giới trẻ Sài Gòn ngắm nhau khi bát phố ngoài đường Lê Lợi, Tự Do mỗi chiều cuối tuần, nhưng dễ nhất vẫn là ở những buổi giao lưu văn nghệ các trường vào dịp giáp Tết. Lúc đó, mỗi trường đều làm nội san Xuân in bằng máy quay Ronéo, xong đóng tập đem bán gây quỹ tặng các bạn nghèo. Những nữ sinh xinh xắn và có tài ăn nói được chọn để lập nhóm đi bán nội san ở các trường khác. Khoảnh khắc đó thật vui khi đang giữa mùa mát trời ở Sài Gòn, các cô gái xinh bất ngờ vào lớp khiến bầy trai trẻ ngồi chộn rộn. Nhan sắc Sài Gòn được nhận diện ngay từ thời đi học và sau nhiều năm, rất nhiều người còn nhớ những lúc như vậy. https://thuviensach.vn Người đẹp vì lụa. Sài Gòn cũng có lụa Hà Đông để làm dịu cái nắng nhiệt đới như Nguyên Sa nói (không hiểu thứ lụa này từ đâu ra khi đất nước đang chia cắt?). Tuy nhiên, vẻ đẹp của Sài Gòn trước hết từ tà áo dài. Áo dài những năm 50, 60 không hề bị nhẹ thể như bây giờ. Các ca sĩ thời thượng nhất vẫn thích trình diễn trong bộ áo dài. Áo dài đi làm, đi dạo phố Bonard (Lê Lợi) hay Catinat (Đồng Khởi). Áo dài đi mua hàng siêu thị Nguyễn Du giữa những năm 1960. Màu sắc nào dường như cũng có pha thêm màu trắng cho dịu đi. Trang điểm vừa phải vì ai trang điểm đậm sẽ bị quy là giao du với lính Mỹ hay bán ở Snackbar (nơi ăn chơi). Mắt kẻ viền ở mí trên, đánh bóng với màu xanh, nâu hay tím nhạt. Và lúc này có thêm một sự cách tân nữa khi các cô mặc áo dài với quần tây may ống thẳng, rồi lại với quần xéo bằng hàng mềm, rất tốn vải vì xếp xéo để cắt. Diện và tha thướt hơn thì may bằng hàng mouseline mỏng, có lót bằng vải đen hay trắng. Mãi sau 1975, mốt áo dài bận với loại vải này vẫn được chuộng, có điều nó quá mỏng khiến bọn nam sinh cấp 3 chúng tôi phải sững sờ khi nhìn thấy các cô giáo mặc lên lớp (!). https://thuviensach.vn Khoảng giữa những năm 1960, các mốt thời trang khác như jupe hay mini jupe và các thứ váy đầm cập nhật nhanh chóng. Nhiều người nước ngoài đã ngỡ ngàng khi thấy thời trang Sài Gòn theo sau phương Tây chỉ một vài tháng. Và với mode, con gái Sài Gòn chấp nhận cái mới nhanh chóng rồi sau đó tự gạn lọc và tìm cách tạo nét riêng chứ không thích mặc giống nhau hay na ná nhau. Đối với họ, trời đất đủ rộng để không cần bó hẹp vào sở thích của tập thể. Hình ảnh người đẹp Sài Gòn còn gắn với hình ảnh chiếc xe. Có thể những năm 1950, nhóm xe Mobylette hay các loại xe của Đức như Goebel, Puch hay Sachs chưa làm được chuyện này vì dáng cứng, hợp với đàn ông. Đến giai đoạn sau, chiếc Vespa của Ý dù do đàn ông cầm lái vẫn tạo nên vẻ đẹp của… các cô khi họ được các đấng hào hoa chở trên yên sau (như trong phim Kỳ nghỉ hè ở Roma do Gregory Peck và Audrey Hepburn đóng). Chiếc Vespa của Ý màu xám và của Pháp hiệu A.C.M.A màu vàng gọn nhẹ, kiểu dáng thanh tú và có bánh xe sơ cua để vi vu từ Sài Gòn ra tắm biển Vũng Tàu mà chẳng cần đi ô tô. Lúc đó, các cô ngồi sau xe luôn ngồi một bên, hai tay ôm eo người chở. Dáng ngồi chéo đầy nữ tính vừa nhu mì vừa thể hiện nét đẹp hình thể rất rõ. Sau này, khi Honda Nhật nhập vào miền Nam, các cô bận áo dài đi làm cưỡi honda dame dành cho phụ nữ, đôi chân khép phía trước dễ dàng và tà áo được vắt lên phía trước để https://thuviensach.vn không nhăn. Trời nắng nên luôn đeo kính mát, găng tay trông rất sang, và nhiều cô cài băng đô khiến khuôn mặt sáng lên, tóc gọn đi. Nhưng được ca ngợi vẫn là dáng các cô đi Vélo Solex. Nguyên Sa viết: “Sài Gòn phóng solex rất nhanh. Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants. Có nghe hơi thở cài vương miện. Lên tóc đen mềm nhung rất nhung...” Hình ảnh đó lay động trái tim nhiều chàng trai Sài Gòn thời ấy, và vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức họ cho đến ngày nay. Nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh với vẻ đẹp trong trẻo và quyến rũ. Bà nằm trong số diễn viên ít ỏi có vai diễn trong phim truyền hình Mỹ và điện ảnh Hollywood. Trong đó, nổi bật là vai diễn trong phim The Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội) của Wayne Wang (1993). https://thuviensach.vn Ảnh trong bài: Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu Ca sĩ Minh Hiếu có nét đẹp phảng phất diễn viên điện ảnh Mỹ Liz Taylor. Theo ông Đinh Tiến Mậu, cô Minh Hiếu có nét đẹp nổi trội nhất trong số nữ nghệ sĩ ông đã chụp chân dung. https://thuviensach.vn Nghệ sĩ Thanh Nga Ca sĩ, diễn viên điện ảnh Thanh Lan https://thuviensach.vn “Minh tinh điện ảnh” Thẩm Thúy Hằng Sách Đẹp Cách nay mấy năm, qua trang web bán sách xưa ở Pháp, tôi mua được cuốn Tân bản L’Art à Hué in năm 1930. Sách được đóng bìa cứng, gáy đóng bằng da trừu mịn màng theo kiểu xưa, giấy in trắng ngà, dày, cứng cáp và in ấn hình ảnh sắc sảo. Điều khiến tôi vui là phía trong bìa sau còn dán tờ hóa đơn màu hồng của Nhà Morin Frères d’ Annam rất nổi tiếng (kinh doanh chính là khách sạn ở Huế và Đà Nẵng đầu thế kỷ 20). Hóa đơn ghi rõ sách được mua tại Huế vào 20 tháng 1 năm 1942 theo chi phiếu số 153 với giá 5,5 đồng bạc Đông Dương. Bên cạnh hóa đơn có dán nhãn tên nhà đóng sách Nguyen – Van – Chau, địa chỉ là 159 phố Douaumont Saigon (nay là đường Cô Giang, quận 1) cùng một địa chỉ khác ở Phnôm Pênh. Quyển sách được xuất bản ở Huế, trôi dạt sang Pháp và cuối cùng đã trở về chính quán của mình, sau nửa thế kỷ tha hương có lẽ. Được xuất bản chính thức 2 lần, năm 1919 và năm 1930 (gọi là Tân bản – Nouvelle Edition), cuốn Nghệ thuật Huế là một trong những đặc san chuyên khảo https://thuviensach.vn nằm trong bộ Tập san Đô thành Hiếu cổ (Bulletin Des Amis Du Vieux Huế)[3]. Quyển sách này đến nay vẫn được giới chơi sách săn lùng cùng với quyển Musée Khai Dinh (Bảo tàng Khải Định) là một sách chuyên khảo khác cùng nơi xuất bản. Trong quyển Thú chơi sách, Vương Hồng Sển kể lại một câu chuyện mà ông cảm thấy đau lòng. Ông có đủ các quyển Đặc san của bộ báo là hai quyển nói trên, cùng quyển thứ ba là Khảo về nha phiến (L’ Opium). Do rất thích ba cuốn này nên ông đóng bìa đỏ có mạ vàng cẩn thận. Đến năm loạn lạc 1945, khi ông chạy vào làng Hòa Tú ở Sóc Trăng, lính Tây bắn phá khiến cả nhà lại chạy vào rừng. Đến khi quay trở về, tủ sách của ông bị lục phá tơi bời, sách bị nông dân xé lấy giấy để hút thuốc. Ông khổ tâm nhất là khi thấy mấy thanh niên tá điền mang theo túi da còn rành rành tựa ba cuốn sách mà ông cưng nhất nói trên. Dù sao, khác với bộ Kỹ thuật của người Annam của Henri Oger in trên giấy dó vô cùng hiếm hoi, bộ Nghệ thuật Huế không đến nỗi hiếm. Nó có mặt trong một số tủ sách nổi tiếng ở Huế, Sài Gòn. Ấn bản đầu tiên năm 1919 khó tìm trong nước nhưng vẫn có thể tìm ở các nhà buôn sách hiếm nổi tiếng trên thế giới, nhất là ở Pháp. Đọc bản dịch sang tiếng Việt của quyển Nghệ thuật Huế (Nhà xuất bản Thuận Hóa), chúng ta bắt gặp bài thơ của V. Muraire khá cảm xúc, có những câu: "Giữa các màu xanh cổ, cẩn xà cừ ngà voi Một ông quan thất vận đọc lại pho sách cũ Ông ngâm nga thời qua, thời oanh liệt ngày trước" Bài thơ mở đầu thật cuốn hút, báo trước nội dung hấp dẫn của quyển sách. Quả thật, nó có nhiều bài viết hay về nghệ thuật Huế và tranh vẽ có ích cho ai nghiên cứu hay muốn tìm hiểu về nghệ thuật Huế trong kiến trúc và mỹ thuật đầu thế kỷ 20. Hầu hết bài viết đều của Linh mục Léopold Cadière và có duy nhất một bài do người khác tên là Edmond Gras viết. https://thuviensach.vn Bản in 1930 của tôi có 222 phụ bản bên cạnh 167 trang viết (bản 1919 chỉ có 157 trang viết). Đầu trang sách là lời đề tặng của tác giả gửi tới ba nhân vật: cựu Toàn Quyền Đông Dương Albert Sarraut, lúc đó đang là Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa, Vua Khải Định và M.J.E. Charles, cựu Công Sứ ở Trung Kỳ. Về nội dung, mở đầu là bài Mỹ thuật ở Huế nêu cái nhìn tổng quan của L.M Cadière. Sau đó là bài về “Thành phố, nhà cửa, bàn ghế, hàng thêu…” của E. Gras. Tiếp theo có các bài của ông Cadière bao gồm “Các mô típ trang trí có tính hình học”, “Mẫu chữ Hán”, “Tĩnh vật", “Hoa và lá, cành và quả”, “Động vật”, “Điêu khắc” và “Phong cảnh”. Các hình vẽ được thể hiện tỉ mỉ, màu sắc từng bức tranh rất đẹp, từ hơn chín mươi năm qua vẫn đủ hấp dẫn người xem, tạo được ấn tượng mạnh mẽ về sự tinh tế của nghệ thuật chạm khắc, hội họa thời nhà Nguyễn qua bàn tay nghệ nhân xứ Huế và cả nước tập trung về kinh đô đầu thế kỷ 20. Theo nhà văn Sơn Nam, cuốn L'art à Hué là tư liệu chuẩn mực về kiểu thức, thiết kế họa tiết trang trí cho các chùa chiền lăng tẩm của cả Sài Gòn và đất Nam bộ thời bấy giờ. https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Bìa và các trang minh họa trong L’art à Hué . Phía trên là nhãn hiệu nhà đóng sách Nguyễn Văn Châu ở đường Cô Giang, quận 1, nổi tiếng từ trước năm 1945. https://thuviensach.vn Tranh minh họa trong cuốn L’art à Hué ___________________________________ https://thuviensach.vn Chú thích: [1] Theo Hồ Trường An. [2] Theo Hồ Trường An. [3] Tập san Đô thành Hiếu cổ do một số quan cai trị người Pháp, các giáo sĩ và các giáo sư, cả Pháp lẫn Việt viết. Chủ đề các bài trong Tập xoay quanh Cố đô Huế xưa cũng như Triều đình nhà Nguyễn. Tập san ra được đúng 31 năm, từ 1914 tới 1944 và trở thành tài liệu nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới. Nhà xuất bản Thuận Hóa những năm gần đây đã dịch sang tiếng Việt một số tập. https://thuviensach.vn Đóng Sách Đẹp, Nghề Mai Một Thời Trung Cổ ở phương Tây, sách đã bắt đầu được đóng một cách tỉ mỉ, tính mỹ thuật cao nếu qua tay một nghệ nhân giỏi. Các nhà sưu tầm sau này săn lùng chúng trong các cửa hàng sách hiếm, các phiên đấu giá và họ xem chúng là bảo vật. Họ sưu tầm những bìa sách đóng cho các vua chúa hay những người chơi sách nổi tiếng của một giai đoạn lịch sử, sưu tầm sách trang trí đẹp, những sách có chữ ký, những cuốn sách đóng bằng da dê thuộc (maroquin) hay da cừu thuộc (vélin), bìa bằng gỗ hay da in hình nổi, bìa sơn hay khảm, bìa làm theo những hình thức đặc biệt, sách đựng trong hộp hình trái tim… Có người tiêu phí những món tiền khổng lồ để mạ vàng và trang trí bìa sách bằng da dê. Ở Việt Nam chắc chắn chưa có một ngành đóng sách đạt tới mức tinh tế và cao cấp như vậy. Người Pháp sống ở Việt Nam trước 1954 có nhu cầu bọc sách bằng bìa da chắc cũng chấp nhận trình độ đóng sách đủ để bảo quản cuốn sách chắc chắn trong khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, hơn là đòi hỏi mức độ mỹ thuật điêu luyện như ở chính quốc của họ. Giới đóng sách mua da nhập từ nước ngoài, mua da thuộc của người Hoa trong Chợ Lớn để phục vụ cho khách đóng sách đa số là dân Tây và những người Việt có học, hoặc đang làm việc cho Pháp. Tôi tìm thấy vài dòng quảng cáo trên trang 6 tờ báo Nông Cổ Mín Ðàm năm 1915: “Nhà Đóng sách J. VIẾT-LỘC & CIE ở đường d”Ormay, số 61, Saigon. Lê văn Ngàn kế vị. Kính cùng chư quý vị đặng rõ, kể từ ngày 15 tháng sáu langsa, chúng tôi mới làm hùn thêm đặng lo tấn tới và mở mang cuộc đóng sách và cuộc buôn bán thuở nay của mấy thầy Viết-Lộc và Công-ty. Vậy xin trong lục châu (lục tỉnh?) cùng châu thành Saigon Chợ lớn tưởng tình anh em chúng tôi trước sau cũng vậy mà giúp sức cho người nam ta cho tấn tới theo đường thương mãi.” Người Pháp mở đầu việc mua vải thổ cẩm trên Đà Lạt, Ban Mê Thuột về bọc sách. Vải thổ cẩm có sợi chỉ nổi, nhiều màu, tạo sắc thái lạ tuy không bền bằng da. Những thợ đóng sách lớn tuổi ở Sài Gòn nhận xét người Pháp thích https://thuviensach.vn đóng sách bìa da, mạ chữ vàng, làm gân kỹ lưỡng. Những người Mỹ ở Việt Nam trong suốt thời gian trước 1975 không chú trọng việc này. Đâu còn mấy dấu vết của nghề đóng sách xa xưa ở Sài Gòn! Ảnh: Derrick Neill Nhà Nguyễn Văn Của, một nhà in nổi tiếng về in và đóng sách mỹ thuật của Sài Gòn xưa được nhắc nhiều, cũng không còn lại gì ngoài cái tên và chút vết tích bên ngoài trên tầng áp mái của tòa nhà này (mặt tiền nhìn ra đường Nguyễn Du ngó thẳng qua hông Bưu điện Thành phố) còn hàng chữ nổi “Nguyễn Văn Của” nay đã bị che khuất bởi các bảng hiệu. Nhà in này là phần nối theo cửa hông Nguyễn Du của bót Catinat cũ... Trước 1975, Sài Gòn đã nhập bìa simili giả da nên hầu như không có mấy chỗ đóng bìa da như khoảng thời gian thập kỷ 40, 50 trở về trước. Nhưng trước đó, sách có bìa bọc gấm và da cừu đã quen thuộc với giới chơi sách rồi. Thời Pháp thuộc, nhà đóng sách Nguyễn Văn Châu ở đường Cô Giang quận 1 đóng nhiều loại này cho người Pháp và giới đọc sách Việt có tiền. Có quyển bọc toàn da, có quyển chỉ bọc gáy và bốn cạnh vuông bằng da, chừa lại bìa bằng carton. https://thuviensach.vn Sau nửa thế kỷ hoặc hơn, bìa nhiều quyển sách không hề suy suyển bởi thời gian, chữ mạ vàng phai không đáng kể, không bị xộc xệch do được may kỹ. Đóng bằng da đương nhiên là mắc tiền, chỉ dành cho sách quý. Đầu năm nay, tôi gặp được bà Trần Thị Hai, còn gọi là Bà Hai Công Lý, năm nay đã 87 tuổi, một người mà giới xuất bản, chơi sách từ thời trước 1975 đều biết tiếng. Bà là em họ ông Nguyễn Văn Châu, chủ cơ sở đóng sách Nguyễn Văn Châu nói trên, gọi mẹ của ông bằng cô ruột. Bà và chồng làm việc cho ông Châu từ trước 1945. (Ông Văn Thơ, một chủ hiệu đóng sách có tiếng trước kia ở đường Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ cũng từng làm việc cho ông Châu). Ông Nguyễn Văn Châu được gọi là Paul Châu, dân Công giáo và Paul là tên Thánh. Thời gian làm việc với ông, bà Hai Công Lý nhớ là đã đóng rất nhiều sách cho các bác sĩ, y sĩ người Pháp, Tây đầm đủ cả từ Nhà thương Grall, nay là Bệnh viện Nhi đồng II… Họ chơi sách kỹ, thích làm gáy sách lưng cong bọc simili hay da bò, có nổi gân. Sau 1954, công việc làm ăn của ông Châu khó khăn, ông về Giáo xứ Bùi Môn ở Hóc Môn sinh sống, tiếp tục làm nghề đóng sách độ nhật và mất tại đó trước 1975. Phần bà Hai cùng chồng mở cửa hiệu ở góc đường Lê Hồng Phong - Nguyễn Trãi và đóng sách, bế hộp cho các hiệu thuốc Nhành Mai - Võ Văn Vân. https://thuviensach.vn Ảnh: Angel Simon Bà Hai Công Lý, chủ cơ sở chuyên đóng sách bìa cứng cho ông Khai Trí. https://thuviensach.vn Dụng cụ đóng sách. Ảnh: Stillkost Anh Võ Văn Rạng, thợ đóng sách ở quận 3 được giới chơi sách xưa Sài Gòn tín nhiệm. https://thuviensach.vn Đầu thập niên 1960, gia đình bà Hai may mắn có cơ hội thay đổi cuộc sống từ nghề đóng sách. Ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách Khai Trí lớn nhất miền Nam chọn gia đình bà để giao việc đóng toàn bộ sách bìa cứng cho các cuốn sách và bộ báo có giá trị của Nhà sách Khai Trí, còn bìa mềm do một cơ sở khác đảm nhận. Các bộ Tự điển lớn, bìa cứng như tự điển Nguyễn Văn Khôn, báo bộ đóng tập… đều do gia đình bà Hai đóng. Ông Nguyễn Hùng Trương có một nhà kho lớn chứa sách đặt trong con hẻm 193 đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) gần nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi. Để thuận lợi công việc, ông tặng cho gia đình bà Hai một căn nhà dài 22 mét, bề ngang rộng 4 mét sát bên cái kho đó và giao chìa khóa kho để quản lý, tiện ra vào lấy sách đem đóng. Ông Nguyễn Hùng Trương đã không chọn nhầm người. Gia đình bà Hai luôn chu toàn công việc, rất kỹ lưỡng, chuyên cần, lại đúng hẹn nên rất được tin cậy. Ông bà yên tâm nuôi tám người con nhờ nghề này và từ đó, giới làm sách gọi bà là Bà Hai Công Lý. Con trai bà Hai, anh Lê Hoàng Vân theo nghề của gia đình từ nhỏ cho đến gần đây mới thôi nghề. Một người bạn của anh là Võ Văn Rạng ở đường Lê Văn Sĩ, quận 3 từng đến học nghề của gia đình bà Hai nay trở thành người đóng sách bìa cứng được cộng đồng sachxua.net, nơi tập họp giới chơi sách có uy tín nhất Việt Nam tin cậy và giới thiệu cho nhau khi muốn đóng bìa để bảo quản sách quý. Bác Thân, một độc giả mê sách ở Sài Gòn lại có cách riêng của mình để làm đẹp quyển sách, khi nghề đóng sách đẹp đã mai một dần. Trước 1975, có người nhập da cừu từ nước ngoài về để bán làm khăn lau xe hơi. Do xé ra từ mảng da lớn nên mỗi miếng da thường không có khổ ngay ngắn, mỗi cạnh vài tấc. Sau khi lau một thời gian, miếng da sờn lớp lông mịn nên người ta bỏ đi, có người nhặt nhạnh đem bày bán ở vỉa hè đường Pasteur, gần Quán nước mía Viễn Đông khu chùa Chà Và. Bác Thân mua về giao cho tiệm đóng sách. Tiệm chiều khách, nhận miếng da, cắt theo khổ sách và bọc sách rất đẹp. Họ nhận luôn cả những miếng gấm mà bác cắt ra từ quần áo cũ may bằng gấm Thượng Hải, Hồng Kông óng ả, để bọc bìa sách tạo vẻ đẹp rất phương Đông và cổ điển, hợp cho loại sách về văn hóa. https://thuviensach.vn Ảnh: Đức Trí Nghề đóng sách ở Sài Gòn, theo Tự điển phân loại nghề nghiệp Việt Nam quyển 2 (Bộ Lao Động VNCH 1973) trang 183, là nghề có mã số 9-26, bao gồm đóng sách và tạp chí bằng tay hay bằng máy đóng sách. Họ lắp khuôn chữ hay hình vào cần in, nung nóng cần in, đặt giấy sáp hóa học lên vị trí ấn định, ép cần in lên giấy sáp hóa học (giấy sáp có màu sắc khác nhau như vàng, bạc…) Nhà đóng sách Văn Thơ góc Điện Biên Phủ, gần Hai Bà Trưng là tiệm đóng sách mạ chữ vàng trên gáy và bìa sách rất đẹp. Bộ chữ dùng bằng đồng. Theo ông chủ hiện nay, là con lớn cụ chủ cũ đã mất, trước đây bộ chữ đồng nhập ngoại rất sắc sảo và chịu nhiệt cao nên chữ in rất đẹp, hiện nay, bộ chữ bằng chì, kém chịu nhiệt nên chữ khó đẹp bằng trước kia. Sách vừa đóng xong thường được đặt một miếng giấy carton bên trong cuốn sách. Có lẽ để trong quá trình keo dán khô dần, sách không bị căng kéo từ phía gáy. Kinh nghiệm của ông Vương Hồng Sển nêu trong cuốn Thú chơi sách là cần chọn màu sắc bìa phù hợp với nội dung quyển sách, nội dung buồn thì bìa nên trầm sâu, không thể lòe loẹt vui tươi. Ông Sển than là không phân biệt nổi các thứ https://thuviensach.vn da đóng sách, có lẽ do điều kiện xã hội lúc đó (và cả bây giờ) không có mấy ai có nhu cầu đóng sách đẹp nên nghề đóng sách không phát triển, nguyên liệu nhập không nhiều và đa dạng, làm sao mà có để so sánh, đánh giá. Có một quan niệm phổ biến trong giới chơi sách ở Việt Nam. Đó là khi mua một quyển sách dù cũ hay mới, họ thích có một ấn bản càng nguyên vẹn càng tốt. Họ không thích sách đóng bìa vì cho rằng chỉ có sách bị hư gáy hay rách bìa mới phải đóng lại bìa. Trong khi đó, với giới chơi sách phương Tây, theo Quyển sách, nghề xuất bản và nghề bán sách do Lê Thái Bằng dịch từ phần Le Livre tập 18 bộ Bách khoa toàn thư Pháp, Viện Đại học Huế xuất bản năm 1962 thì “chín phần mười trước khi được bày vào tủ của một người sưu tập sách khó tính, sách phải qua tay người thợ đóng bìa lại”. Có lẽ nghệ thuật đóng sách thủ công nguyên thủy là một nghệ thuật hoàn toàn khác với kỹ thuật đóng sách ở ta lâu nay, vừa thô giản, vừa thiếu tinh tế nên làm cuốn sách không nâng cao giá trị mà có khi là ngược lại. Ảnh: Đức Trí https://thuviensach.vn Nhà Sách Ở Đường Sabourain Năm 1939, có một thanh niên Hà Nội cùng gia đình lên xe lửa xuyên Việt đi từ miền Bắc vào Nam để lập nghiệp. Đến Sài Gòn, anh tìm mua một căn phố ở đường Sabourain, nhìn ra cửa Tây chợ Bến Thành và mở một cửa hiệu bán sách đặt theo tên mình - Nhà sách Nguyễn Khánh Đàm. Con đường này vốn tấp nập từ khi chợ Bến Thành được xây vào năm 1914. Tên đường đặt theo tên ông Gustave Sabourain, là chủ đồn điền cà phê cao su ở Nam Kỳ đầu thế kỷ 20 và là hội viên, thư ký của Hội Tam Điểm tại Sài Gòn. Từ thập niên 1920, đã có Nhà in Tín Đức thư xã ở số 37-38-39 trên đường này, xuất bản nhiều sách tiểu thuyết lịch sử của Phạm Minh Kiên, Tân Dân Tử… là những tác phẩm của thuở ban đầu trong văn học quốc ngữ Việt Nam, cũng như các truyện Tàu Thủy Hử, Tam quốc diễn nghĩa, Nhạc phi diễn nghĩa và các sách tiếng Pháp. Tuy chỉ tồn tại trong vòng sáu năm, Nhà sách Nguyễn Khánh Đàm có ý nghĩa không nhỏ trong đời sống văn hóa Sài Gòn thời đó. Năm 2010, tại Hà Nội có mở cuộc triển lãm Lịch sử báo chí Việt Nam lần thứ ba, và lần này, cái tên Nhà sách Nguyễn Khánh Đàm được nhắc lại nhiều lần trên các báo đài, với vị thế là Nhà tổ chức triển lãm Báo chí Việt Nam lần đầu tiên trên toàn cõi Việt Nam. Cuộc triển lãm năm 1943 tại Sài Gòn đã giúp người đọc trong nước và cả người Pháp tại thuộc địa biết đến nền báo chí tuy non trẻ của nước Việt. Dù chỉ mới bắt đầu từ năm 1865 với tờ Gia Định báo của Trương Vĩnh Ký nhưng đã nở rộ rất nhiều ấn phẩm từ Bắc chí Nam. Cuộc triển lãm này cũng là chặng dừng chân để tạm tổng kết một chặng đường phát triển của nền báo chí Việt. Ông Nguyễn Khánh Đàm là em ruột nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân. Theo anh Nguyễn Lương Dân, cháu đích tôn của ông Nguyễn Khánh Đàm đang sống ở Hà Nội, ông Đàm có tính cách khác với ông anh ruột. Trong khi ông Nguyễn Tuân quảng giao thì ông Đàm lại có tính trầm lặng, ít nói. Vốn là em rể ông Vũ Đình Long, chủ nhà xuất bản Tân Dân, ông Đàm vào Sài Gòn mở Nhà sách với mục đích tạo lập việc kinh doanh ở một thị trường vốn rất sôi động việc đọc, kinh doanh sách báo (tuy vậy đến giờ con cháu ông không rõ liệu công việc này có phải là bình phong để hoạt động cách mạng hay không?). Theo gia đình, ông https://thuviensach.vn Nguyễn Khánh Đàm là một nhân vật của ngành kinh doanh sách báo chứ không phải là nhà văn như một vài tờ báo đã đưa tin. Nhìn vào số hình ảnh ít ỏi còn lại từ gia đình cung cấp, vốn đã hư hao rất nhiều, chúng ta vẫn thấy Nhà sách Nguyễn Khánh Đàm bảy mươi năm trước đã ra vẻ một nhà sách bề thế, hiện đại so với thời bấy giờ qua cách trưng bày. Phía dưới bảng hiệu được đắp nổi bằng thạch cao, bên góc trái ông cho đặt một kệ bày báo từ thấp lên cao. Bên trong nhà sách, ngoài các tủ kệ trưng bày sách phô gáy ra ngoài, có một số sách bày trang bìa trực diện để gây chú ý. Giữa nhà sách là một tủ kệ thấp có khung kính, đặt những ấn phẩm đặc biệt. Theo Hồi ký Nguyễn Bính, một vì sao sáng của nhà thơ Hoàng Tấn, đây chính là nơi mà nhà thơ Nguyễn Bính đã bày bán đấu giá tập thơ do chính ông viết tay Lỡ bước sang ngang. Trong Nhà sách còn có trưng bày quần áo, có vẻ là đồng phục của học sinh. Rõ ràng, từ lúc đó, ông Khánh Đàm đã thể hiện cung cách làm ăn chuyên nghiệp khi trở thành Đại lý phân phối sách báo của Nhà xuất bản Tân Dân vốn đang thịnh với hàng loạt những tờ báo, tạp chí nổi tiếng như Tiểu thuyết Thứ bảy, Truyền Bá, Ích Hữu, Tao Đàn, Phổ thông Bán Nguyệt san … Ông lại biết tổ chức sự kiện tạo thanh thế và uy tín như tổ chức triển lãm báo chí, biết cách chọn địa điểm mở nhà sách, bày biện để thu hút người đọc xứ Nam kỳ. Nhà sách này đáp ứng đúng nhu cầu người đọc trong Nam đương thời, ưa chuộng báo chí và văn chương từ miền Bắc vốn đang phát triển mạnh với Nam Phong Tạp chí, Tri Tân, Tiểu thuyết Thứ bảy, Phong Hóa, Ngày Nay … cũng như nhiều cây bút mà xứ Nam kỳ rất kính nể như Tản Đà, Nguyễn Bính, Lê Văn Trương cho đến nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Ngoài ra, Nguyễn Khánh Đàm còn mở thêm hai quầy báo (kiosque) ở đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn ngày nay) để bán sách báo cho khách vãng lai nữa. Các yếu tố này giúp việc bán sách báo thời gian đầu phát triển rất tốt. Trong bài Chuyện câu đối Tết giữa kinh thành Sài Gòn (trang 10, tạp chí Sáng Dội Miền Nam số Tết Nhâm Dần năm 1962), thi sĩ Đông Hồ đã thuật lại lời ông Nguyễn Khánh Đàm kể về chuyện phát hành sách báo bận rộn vào dịp Tết ở Sài Gòn năm 1940 như sau: https://thuviensach.vn “Tôi phải cho dựng thêm hai cái lều bán sách lẻ ở bùng binh trước chợ Bến Thành mà không kịp cung cấp. Cứ một bức điện gửi đi Hà Nội đòi thêm báo, thì đồng thời cũng có một bức điện đi Huế đòi gửi thêm sách, có khi sáng một bức, chiều một bức…” Chân dung ông Nguyễn Khánh Đàm https://thuviensach.vn Qua tấm ảnh mờ nhoè này còn thấy mặt tiền nhà sách với cột báo trưng bày bên góc trái Danh thiếp in tiếng Pháp của ông Đàm hiện gia đình còn giữ được. https://thuviensach.vn Ông Khánh Đàm (phải) cùng ông Cảnh, một người bạn thân thiết trên xe lửa từ Sài Gòn đi Phnompenh năm 1939. Vị trí Nhà sách Nguyễn Khánh Đàm do chính tay ông ghi chú trên ảnh. Cuộc triển lãm báo chí Việt Nam lần thứ nhất tổ chức ngay tại Nhà sách đã gây được tiếng vang nên có báo ở Hà Nội phải cử phóng viên vào theo dõi. Phải https://thuviensach.vn đợi đến 23 năm sau, mới có cuộc trưng bày báo chí lần thứ hai diễn ra vào năm 1966, cũng tại Sài Gòn. Thời gian này, ông Nguyễn Khánh Đàm còn làm được một việc quan trọng cho ông anh của mình, nhà văn Nguyễn Tuân. Ông đã lên tiếng bảo vệ danh dự ông anh khi có kẻ mạo danh anh trai mình đi lừa gạt, mượn danh nhà văn để vay tiền rồi không trả. Thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, ông Đàm đã đâm đơn kiện tên lừa đảo này và nay câu chuyện còn được nhiều báo nhắc tới. Trong sáu năm làm ăn kinh doanh, ông Nguyễn Khánh Đàm được tiếng là thương người. Do Nhà sách lớn nên ông có từ 15 đến 20 nhân viên phục vụ tùy thời điểm. Chỉ huy đội ngũ này là bà Vũ Thị Vân, vợ ông Đàm, chuyên ngồi tại Nhà sách quản lý và lo thu chi để ông tập trung việc tổ chức nguồn sách và phân phối. Nếu có đám cưới mà cô dâu chú rể đều cùng là nhân viên của Nhà sách, hai ông bà sẽ tặng cho một căn nhà để sinh sống. Những năm xảy ra đói kém, ông bà tổ chức nấu cơm đem ra phố phát chẩn cho người nghèo đói. Năm 1944, ông Nguyễn Khánh Đàm lên Đà Lạt mở thêm hiệu sách thứ hai. Giai đoạn này Đà Lạt đã phát triển cơ sở vật chất như một thành phố với các kiến trúc lớn như khách sạn Langbian Palace, ga Đà Lạt, dinh Toàn quyền... và các cơ sở văn hóa và giáo dục cũng bắt đầu phát triển, một số trường học thu hút học sinh đến từ khắp Việt Nam và cả Đông Dương. Năm 1938, khi nhà ga xe lửa hoàn thành, du khách tìm đến thành phố nghỉ dưỡng này ngày một đông và chỉ đến năm 1944, Đà Lạt gần như là thủ đô của Liên bang Đông Dương khi hầu hết các công sở quan trọng đều chuyển về đây (theo Wikipedia - Lịch sử Đà Lạt). Theo các con ông Đàm đang sống ở Hà Nội, có thể do việc hoạt động bí mật, như truyền bá tư tưởng mới nên ông mới nhắm đến Đà Lạt, và không có ý định ở lâu vì ông chỉ thuê nhà mở Nhà sách, không mua hẳn như ở Sài Gòn. Năm 1945, ông Nguyễn Khánh Đàm tham gia cướp chính quyền tại Đà Lạt. Nhà sách Nguyễn Khánh Đàm cũng ngưng hoạt động từ đó. Đến năm 1949, ông ra Thanh Hóa và công tác tại Lớp dự bị Văn khoa khu IV ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Theo bài viết “Lớp dự bị đại học văn khoa khu IV thời kháng chiến chống Pháp” của phó giáo sư Đặng Thị Hạnh thì lớp học khai giảng tháng 9 năm https://thuviensach.vn 1949, có Thư ký văn phòng là ông Nguyễn Khánh Đàm bên cạnh hai giáo sư là Đặng Thai Mai và Cao Xuân Huy. Cùng khoảng thời gian này, ở Sài Gòn, theo Hồi ký Nguyễn Hiến Lê thì căn nhà số 12 đường Sabourain (nhiều bài viết cho là số 14 hay 16 đều không chính xác) đã trở thành trụ sở Nhà xuất bản Phạm Văn Tươi, một nhà xuất bản phát triển rất nhanh và biến thành nơi tụ tập của làng văn làng báo Sài Gòn thời đó. Sau khi tham gia công tác cách mạng tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Khánh Đàm lên chiến khu Việt Bắc và đến năm 1954 thì về tiếp quản Hà Nội rồi sống hẳn tại đó. Năm 1975, ông Nguyễn Khánh Đàm cũng có lúc vào sống ở Nha Trang rồi lại ra Hà Nội cho đến khi mất năm 1985, hưởng thọ 71 tuổi. Ông Nguyễn Khánh Đàm những năm cuối đời. https://thuviensach.vn Nhà văn Nguyễn Tuân, anh ruột ông Nguyễn Khánh Đàm. Ảnh trong bài: Gia đình ông Nguyễn Khánh Đàm cung cấp “Thơ Thới Nhìn Núi Nam…” Từ thuở nhỏ, tôi đã thích lân la chơi với các ông già, nhất là những người từng trải qua một cuộc đời phong phú, nhiều mối quan hệ quen biết và chứng kiến nhiều thăng trầm của nhân gian. Tôi thấy được cá tính chung ở các vị trưởng lão là khoan hòa, thích kể chuyện, nhìn người và việc luôn sắc sảo và độ lượng. Trong số đó, có nhà văn Sơn Nam và ông Lý Lược Tam mà tôi gọi là Chú Tám. Những năm 1990, thỉnh thoảng tôi đến thăm nhà văn Sơn Nam ở căn phòng bé xíu ông thuê trên đường Phan Văn Trị, Gò Vấp. Căn phòng hẹp, bề ngang khoảng hai mét, một bên để giường xếp, một bên để cái bàn, trên bàn là máy đánh chữ cổ lỗ sỉ mà ông vẫn dùng để gõ bài, ở giữa là lối đi len lách. Nhà văn lừng lẫy gắn với những tập sách in rất đẹp, những bộ phim được giải này, giải kia như Người tình, Mùa len trâu, sống giản dị đến mức vô cùng tận. Khi tôi đến, ông chậm rãi khoác vào người cái áo sơ mi, che cái áo thun ba lỗ cũ kỹ. Tôi ngồi https://thuviensach.vn