🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Rừng Sát- Về Việc Bị Kiểm Duyệt Ở Việt Nam Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn Table of Contents Tựa Cuốn sách về một điệp viên không hoàn hảo GIÁP LÁ CÀ TẠI HÀNG RÀO VĂN CHƯƠNG BUÔN BÁN CON TIN KHÔNG ĐÁNG BỊ GIẾT NHỮNG CƠ CHẾ KIỂM SOÁT VĂN CHƯƠNG ĐIỆP VIÊN HOÀN HẢO? NHỮNG THÓI QUEN THỜI CHIẾN https://thuviensach.vn RỪNG SÁT: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam Tác giả: Thomas A. Bass Dịch giả: Phạm Nguyên Trường Nguồn: Bản PDF của Cải Soát và chỉnh: Vancuong7975 Ebook: QuocSan. https://thuviensach.vn Cuốn sách về một điệp viên không hoàn hảo Khi nghe Thomas A. Bass, một tác giả và giáo sư văn chương ở New York, kể rằng cuốn sách của ông về Phạm Xuân Ẩn đang được dịch để xuất bản tại Việt Nam, thú thật tôi đã không chú ý lắm. Lại một cuốn nữa ư? Trong khoảng mười năm gần đây, sách báo, tài liệu, phim ảnh về nhà tình báo tài ba của Việt Nam, một “điệp viên hoàn hảo” như nhan đề một cuốn sách cũng của một giáo sư Mỹ, liên tục ra đời và chỉ khác nhau ở chỗ ngày càng rầm rộ hơn, hoành tráng hơn, thậm chí cũng giật gân hơn, có lẽ để làm ông còn hoàn hảo hơn. Song ở đất nước lạm phát cả kẻ thù lẫn anh hùng này, cách chắc chắn nhất để triệt hạ sức hấp dẫn của một nhân vật là bắc loa phóng thanh ca ngợi người đó từ sáng đến tối. Nếu cứ tiếp tục như thế, một lúc nào đó tác phẩm duy nhất còn thiếu về Phạm Xuân Ẩn sẽ là cuốn Giết một anh hùng như thế nào. https://thuviensach.vn Khi được nghe kể tiếp là cuốn sách của Thomas A. Bass gặp rắc rối với kiểm duyệt, tôi thầm nghĩ, một học giả phương Tây định in sách ở Việt Nam, dù chỉ viết, chẳng hạn, về trang phục trên đầu người Việt, khăn, lá, mũ, nón, cũng phải chuẩn bị tinh thần chơi mèo vờn chuột với kiểm duyệt. Chuyện đó ông phải hiểu. Mà trái khoáy nhất là trí thức phương Tây càng thiên tả, thậm chí thân cộng hay cộng sản nòi, càng bị xét nét. Chắc ông cũng biết chuyện những trí thức Pháp và Đức từng đi theo Việt Minh đều lần lượt nếm mùi nghi kị của Việt Minh; đến tờ tạp chí văn hóa của Đảng Cộng sản Pháp Les Lettres françaises một thời còn bị ngờ là “thế lực phản động”, có lẽ lỗi của nó là hay hơn mức các cán bộ văn hóa Việt Nam cho phép. Tôi rất hay tự hỏi, điều gì sẽ còn lại dai dẳng nhất, sau khi tất cả những giáo điều cộng sản, những u mê, ấu trĩ và cuồng tín, những thói quen, nếp hằn và thông lệ khủng khiếp của chế độ ấy qua đi. Có lẽ là sự nghi kị, ngờ vực đó. Chúng ta chỉ còn cách kiên nhẫn. Tôi rộng rãi cho nó một lịch trình ít nhất là một nửa thế kỉ. Thomas A. Bass có vẻ không muốn đợi lâu đến thế. Khi tôi gần như đã quên hẳn câu chuyện còn bỏ dở, ông thông báo, đầy buồn phiền, rằng cuốn sách của ông bị kiểm duyệt tệ hại và ngỏ ý xem tôi có thể giúp được gì không. Tôi rất sẵn lòng viết thư cho nhà xuất bản của ông ở Việt Nam, Nhã Nam, hỏi han, chuyển sự buồn phiền từ New York qua ngả Berlin về Hà Nội, hi vọng, ấn tượng của cá nhân tôi về công ti xuất bản này là rất dễ chịu. Tôi an ủi ông rằng Nhã Nam là một lựa chọn tốt. Nếu có thể, họ đã in cuốn sách của ông không sót một dấu phẩy và còn cộng thêm một dấu chấm than tán dương. Song kiểm duyệt là môn thể thao tinh thần ở những quốc gia hậu cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, nó đòi hỏi một tinh thần “thượng võ” có thể gọi là mỉa mai, nhưng cũng có thể gọi là thuần túy thực dụng. Tác giả của Deng Xiaoping and the Transformation of China , ông Ezra Vogel, một giáo sư Harvard, cho rằng bản dịch tác phẩm của ông ở Trung Quốc giữ được 90% thì vẫn hơn là 0%, nếu nó không được xuất bản. Nó đã được xuất bản, và bán được gần 700.000 cuốn. Bộ phim Tử địa Skyfall chấp nhận cắt phăng cảnh một nhân viên bảo vệ ở Thượng Hải bị bắn gục; Đặc vụ áo đen 3 chấp nhận hi sinh cảnh toàn bộ nhân viên một nhà hàng Tàu là bọn giặc ngoài hành tinh. Bù lại bằng thị phần của Hollywood ở Trung Quốc, những https://thuviensach.vn tổn thất đó xem ra rất nhỏ. Vấn đề là sức chịu đau của từng người. Tôi chịu đau kém, nói đúng ra là không thể chịu nổi dù chỉ một nhát cắt, nên việc xuất bản ở Việt Nam là không đặt ra, trừ khi đã tự xử lí mình trước để tránh tay người ngoài. Nhưng Thomas A. Bass còn vượt xa tôi. Chỉ cần nhìn thấy cái kéo kiểm duyệt là ông đã rên rỉ. Tiếng la của ông khiến tôi tò mò và bắt đầu đọc. The Spy Who Loved Us. The Vietnam War and Pham Xuan An’s Dangerous Game quả nhiên là một cuốn sách khác về Phạm Xuân Ẩn. Với tất cả thiện cảm dành cho cuộc chiến đấu giành độc lập của người Việt và sự ngưỡng mộ không che giấu cho nhà tình báo vĩ đại, Thomas A. Bass quan tâm đến con người Phạm Xuân Ẩn đằng sau anh hùng Phạm Xuân Ẩn, đến những bí ẩn của một nhân cách đa diện đằng sau những bí mật của một cuộc đời hai mặt, đến những xung đột nghiêm trọng đằng sau trò chơi hai mang, đến những hoàn cảnh và số phận người Việt đằng sau các bản tin thời sự, đến những câu hỏi sẽ ám ảnh thời hậu chiến ngay đằng sau những sự kiện còn nóng hổi của Chiến tranh Việt Nam, đến điều chưa và không thể nói ra đằng sau những phát ngôn chính thức, đến sự thật khó khăn đằng sau những lớp hỏa mù dày đặc. Ông vẽ chân dung của một điệp viên không hoàn hảo trong một thời đại đầy lỗi lầm. Đôi khi tôi có cảm giác, tác giả không mong gì hơn là Phạm Xuân Ẩn chỉ là một nhân vật tiểu thuyết và Chiến tranh Việt Nam chỉ là một hư cấu. Nhưng cả hai đều thuộc chắc nịch vào hiện thực, một hiện thực kéo dài mà đến lượt mình, tác giả của cuốn sách cũng bị cuốn vào và cuối cùng ông đã chấp nhận kiểm duyệt để điệp viên của mình trong vai “kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” được ra mắt tại Việt Nam tháng Ba năm nay. Bù lại là một thương lượng làm giàu cho chúng ta, người đọc, người chứng kiến bước chuyển, dù quá chậm, quá gian nan, của Việt Nam về hướng cởi mở hơn, tự do hơn, đỡ ngại ngần ngờ vực nghi kị hơn. Nhã Nam đồng ý để tác giả công bố bản dịch trọn vẹn, không kiểm duyệt, trên mạng, sau sáu tháng phát hành bản bị kiểm duyệt tại Việt Nam. https://thuviensach.vn Pro&contra sẽ lần lượt đăng tải phần so sánh những chỗ bị kiểm duyệt và phần hiệu đính, cũng như toàn bộ bản dịch đã được khôi phục và bổ sung. Và cùng với nó là những ghi chép của Thomas A. Bass về câu chuyện xuất bản cuốn sách của ông ở Việt Nam, “ghi lại công việc của các nhà kiểm duyệt, ghi lại những ưu tư và lo lắng của họ”, như “một cái máy đo địa chấn văn học”. Như chương vĩ thanh, nếu một ngày Điệp viên yêu chúng ta được xuất bản tại Việt Nam, nguyên vẹn. Phạm Thị Hoài Đó là những ngày đen tối ở Việt Nam, khi các nhà văn, nhà báo, các blogger, và tất cả những người dám chỉ trích nhà cầm quyền đều bị tuyên án tù nhiều năm. Thời nở rộ ngắn ngủi của văn học Việt Nam, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, giai đoạn được gọi là Đổi Mới đã qua từ lâu. Sau hai mươi năm bút đỏ và nhà tù, các nhà kiểm duyệt đã xóa sổ cả một thế hệ nhà văn Việt Nam, đẩy họ vào cõi im lặng hay chốn lưu vong. https://thuviensach.vn Chính tôi đã phải chiến đấu suốt năm năm qua với các nhà kiểm duyệt Việt Nam, vì họ đã tìm cách cắt xén, viết lại, và sau đó ngăn chặn việc xuất bản bản dịch tiếng Việt cuốn The Spy Who Loved Us (2009), một trong những tác phẩm của tôi. Như bài báo trên New Yorker xuất bản năm 2005 đã nói, cuốn sách kể về Phạm Xuân Ẩn, một nhà báo của miền Nam Việt Nam, và là một điệp viên cộng sản hoạt động rất hiệu quả trong một thời gian dài, từ những năm 1940 cho đến khi ông qua đời năm 2006 khiến ông trở thành một trong những điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Học ngành báo chí ở Mĩ và dùng nghề viết báo làm vỏ bọc, ông trở thành phóng viên của tờ Time trong suốt cuộc Chiến tranh Việt Nam và đã từng giữ chức trưởng văn phòng đại diện của tờ báo này ở Sài Gòn một thời gian ngắn. Được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ chiến trường, đi theo các cuộc hành quân, và phân tích tin tức chính trị và quân sự, ông đã chuyển cho quân đội Bắc Việt những thông tin cực kì quí giá. https://thuviensach.vn Sau chiến tranh, những người cộng sản chiến thắng đã phong ông là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và đưa ông vào hàng tướng lĩnh. Ông trở thành đề tài cho các nhà viết tiểu sử, và sự thực là, sáu cuốn tiểu sử đã được xuất bản, trong đó có một cuốn viết bằng tiếng Anh, của nhà sử học Larry Berman ở Georgia State University. Cuốn sách nhan đề Perfect Spy (2007) miêu tả Phạm Xuân Ẩn là một người yêu nước, một nhà phân tích chiến lược, người đã quan sát cuộc chiến tranh từ xa, cho đến khi ông nghỉ hưu và dành thời giờ tiếp đón những nhân vật nổi danh, từ Morley Safer đến Daniel Ellsberg. Tác phẩm của tôi về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn thì phiền hà hơn. Tôi đã đi đến kết luận rằng người đàm đạo tuyệt vời này đã tạo ra một vỏ bọc thứ hai là điệp viên. Tự xưng là một người bạn của phương Tây, một người đàn ông trung thực, không bao giờ nói dối (mặc dù cả cuộc đời ông là một sự lừa gạt), Phạm Xuân Ẩn đã làm việc cho ngành tình báo quân sự Việt Nam, không chỉ trong Chiến tranh Việt Nam, mà còn kéo dài suốt ba mươi năm sau chiến tranh. Đồng thời, những kẻ môi giới quyền lực của miền Bắc cũng không tin ông, một người cực kì thông thái xuất thân từ miền Nam, vì ông đã thẳng thắn tấn công vào sự tham nhũng và thiếu năng lực của chính quyền cộng sản Việt Nam. Ông bị đố kị, chậm thăng chức trong quân đội và nhiều năm trời bị cảnh sát theo dõi. Ban đầu, có thể chính phủ Việt Nam đã hài lòng trước triển vọng xuất bản không chỉ một mà hai cuốn sách do các tác giả Mỹ viết về người “Điệp viên hoàn hảo” của họ, nhưng càng đọc cách diễn giải của tôi về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn thì các nhà kiểm duyệt càng lo lắng, và cuốn sách càng phải bị cắt bỏ và viết lại, nếu muốn có giấy phép xuất bản. Sau nhiều lần từ chối những đề nghị của một số nhà xuất bản về việc dịch cuốn sách của tôi, trong đó có Nhà Xuất bản Công an Nhân dân (một cơ quan của Bộ Công an Việt Nam) và Nhà Xuất bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (một trong những cơ quan kiểm duyệt lớn nhất cả nước), tháng 7 năm 2009 tôi đã ký hợp đồng với Nhã Nam, một nhà xuất bản có uy tín; Jack Kerouac và Annie Proulx, Umberto Eco và Haruki Murakami nằm trong https://thuviensach.vn danh sách các tác giả đã được nhà xuất bản này dịch. Nhã Nam là một nhà xuất bản độc lập, một trong số ít nhà xuất bản tại Việt Nam không liên kết với các bộ hoặc cơ quan kiểm duyệt nhà nước nào. Nhã Nam đôi khi bị phạt vì xuất bản những cuốn sách “nhạy cảm”, và sách của họ có lúc bị thu hồi và đem cán thành giấy vụn. Sau này tôi mới biết rằng danh nghĩa độc lập của Nhã Nam không đảm bảo được cho sự độc lập của nó, nhưng phải ghi nhận là công ty này đã thông báo cho tôi về mọi hành động kiểm duyệt tác phẩm The Spy Who Loved Us trong suốt năm năm qua. Nhiều tác giả không để ý đến những bản dịch tác phẩm của họ. Họ ủy cho những người đại diện bán quyền xuất bản và sau đó hầu như không buồn liếc qua khi bản dịch xuất hiện trong tiếng Đức hay tiếng Trung. Tôi có một kế hoạch khác đối với bản dịch tiếng Việt tác phẩm của mình. Tôi ngờ rằng nó sẽ bị kiểm duyệt và muốn theo dõi quá trình này. Tôi đã đề nghị đại diện của tôi đưa vào hợp đồng điều khoản nói rằng nếu chưa được tôi đồng ý thì cuốn sách sẽ không được xuất bản và phải thảo luận với tôi về những thay đổi đối với nội dung tác phẩm. Những điều khoản khác khiến cuốn sách này thành một cái gì đó tương tự như một cái máy đo địa chấn văn học. Tôi muốn nó ghi lại công việc của các nhà kiểm duyệt, ghi lại những ưu tư và lo lắng của họ, để cuối cùng tôi sẽ biết chính phủ Việt Nam lo ngại và muốn ngăn chặn điều gì. Quá trình dịch tác phẩm của tôi sang tiếng Việt bắt đầu vào tháng 3 năm 2010, đấy là hôm tôi nhận được một email nói rằng: “Tôi là Nguyễn Việt Long của Công ty Nhã Nam, hiện đang hiệu đính bản dịch tác phẩm The Spy Who Loved Us. Tôi muốn trao đổi với ông về bản dịch.” Ông Long bắt đầu bằng cách hỏi tôi có biết dấu chính xác ở tên người ông của Phạm Xuân Ẩn không. Tiếng Anh không có dấu, nhưng trong tiếng Việt thì dấu rất quan trọng, và tôi đánh giá cao sự quan tâm đến từng chi tiết của ông ta. Đáng tiếc là, phần còn lại của email lại có giọng điệu gây gổ hơn. “Ông có một số sai lầm,” ông ta viết, trước khi sửa chữa một loạt sai sót. Nhiều sai sót mà ông ta đưa ra thực ra không phải là sai sót, mà là cách lí giải hoặc đánh giá, hay là những vấn đề còn gây tranh cãi trong các tài liệu https://thuviensach.vn lịch sử. Đại loại cũng tương đương với kiểu “bình luận bóng chày chuyên sâu”, với những chi tiết rối mù, cốt để các học giả chỉ xoay quanh tiểu tiết mà quên đi điểm chính. Ví dụ, Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (vị Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa) có trở thành quan đầu tỉnh ở tuổi 25 hay không? Điều này phụ thuộc vào ngày sinh của ông ấy, và là câu hỏi không dễ trả lời. Người Việt có thói quen giấu ngày tháng năm sinh của mình, đây cũng là cách để tránh tà ma, cải thiện lá số và thu hút bạn tình trẻ. Một tình tiết mơ hồ đối với một tác giả người Mỹ hóa ra lại là vấn đề lớn đối với người Việt. Nếu giả định rằng Ngô Đình Diệm là một con rối của Mỹ, một con chó chỉ đường cho những tên đế quốc xâm lược, thì việc cuối cùng mà người ta muốn là ghi nhận những thành tích của ông ta khi ông ta còn trẻ. Vì vậy mà người ta phủ nhận sự kiện ông là quan đầu tỉnh trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam, và phức tạp hóa vấn đề đến mức tác giả thà bỏ luôn lời khẳng định đó còn hơn là tiếp tục tranh cãi. Trả lời câu hỏi của người đại diện về văn học của tôi, ngày 15 tháng 3, ông Long cho biết: “Sẽ bị kiểm duyệt (chắc chắn), cuốn sách khá nhạy cảm. Nhưng xin đừng lo lắng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nói chuyện với tác giả và sẽ làm hết sức mình để bảo vệ được càng nhiều càng tốt sự nguyên vẹn của tác phẩm.” Ông Long tìm cách cho in vào dịp 30 tháng Tư một ngày tốt, vì nó đánh dấu sự cáo chung của Chiến tranh Việt Nam. Sau khi đại diện của tôi nhắc rằng theo hợp đồng thì ông ta phải gửi cho tôi xem bản dịch trước khi in, ông Long đã lỡ hẹn gửi bản dịch lần thứ nhất. Sau đó ông còn lỡ hẹn nhiều lần nữa, và cuối cùng, sáu tháng sau, tháng 9 năm 2010, tôi nhận được một bản bông. Điều đầu tiên tôi nhận thấy là có quá nhiều chú thích, trong một cuốn sách mà ban đầu không có một chú thích nào. Tôi đã tập hợp được một nhóm bạn bè, các học giả, dịch giả, một cựu nhân viên CIA và một nhà ngoại giao Mỹ với vợ là người Việt để soát bản dịch. Những hồi âm của họ khiến tôi phải tỉnh ngộ. Hình như, rất nhiều các chú thích bắt đầu bằng: “Tác giả nhầm” (“The author is wrong.”). Sau đó, người ta sửa “những sai lầm” của tôi. https://thuviensach.vn Rõ ràng là, tôi đã hiểu sai chức năng của các biên tập viên Việt Nam. Ngay cả trước khi đến tay các nhà kiểm duyệt, những người ban phát giấy phép xuất bản ở Việt Nam, cuốn sách của tôi đã phải được người trong nhà nhào nặn lại. Ông Long sẽ cho nó cú đấm thôi sơn đầu tiên, và càng cắt gọt hữu hiệu thì ông ta càng được các quan chức nhà nước đánh giá cao, để những người này có thể đậy nắp chiếc bút đỏ của họ lại và chuyển sang kiểm duyệt những tác phẩm quan trọng hơn. https://thuviensach.vn GIÁP LÁ CÀ TẠI HÀNG RÀO VĂN CHƯƠNG Tôi viết thư cho ông Long, yêu cầu ông ta bỏ các chú thích. Anh chàng tội nghiệp này bây giờ chẳng khác gì một con chuột bị kẹt giữa một tác giả khó tính và các nhà kiểm duyệt khắt khe không kém. Khi chúng tôi thả bước vào những điểm tinh tế của lịch sử và địa lý Việt Nam, người biên tập viên của tôi và tôi viết cho nhau những bức thư rất dài. Bản chất của cuộc trao đổi thư tín này được minh họa bằng Rừng Sát (Swamp of Assassins), cũng là tình tiết đầu tiên được Long chú thích. Nằm ở Đông Nam Sài Gòn, tiếp giáp công đường vận chuyển chính của thành phố ra biển, Rừng Sát là rừng ngập mặn vùng triều và nhiều năm trời đã là nơi trú ẩn của những toán cướp Bình Xuyên. Người Pháp đã sử dụng những toán cướp trên sông này nhằm trợ giúp những chiến dịch xâm lược của họ tại Việt Nam. Bảy Viễn, người cầm đầu những toán cướp này, đã được phong cấp tướng và được giao quản lí Sài Gòn như một thái ấp riêng. Ông ta là chủ của Xóm Bình Khang, một nhà thổ lớn nhất châu Á, với 1.200 nhân viên. Ông ta quản lí sòng bạc Đại Thế giới (Grande Monde) ở Chợ Lớn và sòng bạc Kim Chung (Cloche d’Or) ở Sài Gòn. Một viên trung úy của Bảy Viễn được cử làm đô trưởng cảnh sát cho một khu vực 60 dặm từ Sài Gòn đến Vũng Tàu (Cap Saint Jacques). Hoạt động mang lại nhiều lợi nhuận cho Bảy Viễn, một phần được chia cho chính phủ Pháp là buôn bán thuốc phiện, với thị trường trải dài từ Lào đến tận Marseille. Trong Chiến tranh Việt Nam, Rừng Sát trở thành khu vực tập kết của cộng sản, và những tên cướp sông đó đã đóng vai cộng sản trong một thời gian ngắn, trước khi trở cờ chạy sang phía bên kia. Trước khi lui về sống ở Paris, nơi người ta có thể thấy ông dắt con hổ cổ tròng dây xích của mình tản bộ dọc đại lộ Champs Elysees, Bảy Viễn thường lánh về Rừng Sát mỗi khi không khí chính trị ở Sài Gòn trở nên quá nóng. Đấy là năm 1955, khi điệp viên huyền thoại Edward Lansdale tới thành phố này. Để hất cẳng Pháp khỏi thuộc địa này và thay thế bằng một chính phủ trung thành với Mỹ, Lansdale tung ra một chiến dịch quân sự https://thuviensach.vn chống Bình Xuyên. Để kiểm soát Sài Gòn, các đơn vị quân đội Việt Nam đã chiến đấu nhằm giành giật từng ngôi nhà của bọn cướp. Số binh sĩ tham gia vào trận chiến kéo dài một tuần này còn nhiều hơn trong trận Mậu Thân nổi tiếng năm 1968. Năm trăm người thiệt mạng, hai ngàn người bị thương, và 20.000 người mất hết nhà cửa. Trận đánh ủy nhiệm giữa Pháp và Mỹ này đánh dấu bước chuyển từ Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất sang Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Phạm Xuân Ẩn nói rằng tất cả những gì ông biết về nghề gián điệp đều nhờ học từ Edward Lansdale. Lansdale là người bảo trợ ông, khi ông bắt đầu sự nghiệp tình báo quân sự, chính Lansdale đã đề nghị ông sang Mĩ học nghề báo. Do tầm quan trọng của Rừng Sát đối với cả thực dân, cộng sản cũng như những tên cướp và các nhà tình báo cho nên tôi đã lục rất nhiều tài liệu lưu trữ để kiểm tra lại vị trí của nó trong lịch sử Việt Nam. Đó là lý do vì sao tôi đặc biệt khó chịu khi thấy một chú thích nói rằng: “Tác giả nhầm”. Không được gọi là Rừng Sát mà phải là Rừng Sác, ông Long nói, và bằng cách đó ông ta đã biến Rừng của những Sát thủ (Swamp of Assassins) thành Rừng cây bụi ven biển (Forest of Seacoast Shrubs). (Rừng có nghĩa là forest, nhưng khi nói về rừng ngập mặn thì người ta có thể gọi là swamp, đầm. Sát là kết hợp từ Hán Việt có nghĩa là giết, như trong ám sát.) Chính phủ đã đổi tên khu đầm này, vì tên chính xác của nó từ xưa đến nay không phải như thế. Tại sao? Bởi lẽ người miền Nam đã bóp lệch ngôn ngữ của đất nước và vô tình cho thấy sự thiếu hiểu biết của họ kéo dài nhiều thế kỷ. Người miền Nam phát âm những từ có đuôi “t” thành “k” hoặc “c”. Như vậy là, do nhầm lẫn mà Rừng Sác đã trở thành Rừng Sát vì người miền Nam không thể phát âm chính xác và thường lẫn lộn khi có hai từ nghe giống nhau. Chắc chắn là, đằng sau việc đổi tên này, các quan chức cộng sản còn tỏ ra thận trọng về việc đã sử dụng Rừng Sát làm bàn đạp trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Họ không muốn bị người ta nhầm, coi họ cũng là những sát thủ sống ở đầm lầy. Vấn đề có thể đã được giải quyết bằng cách nói rằng khu vực này thường được gọi là X và bây giờ được gọi là Y. Nhưng các nhà kiểm duyệt Việt https://thuviensach.vn Nam không làm việc theo cách đó. Họ có một cái nhìn toàn cục về lịch sử. Họ quay lại quá khứ nhằm sửa chữa những sai lầm theo lối hồi tố. Thậm chí trong bài diễn văn được trích dẫn, Bảy Viễn và Lansdale sẽ buộc phải nói về rừng cây bụi ở ven biển. Dễ hình dung là khi những thác ngộ niên đại và thuật ngữ cộng sản được chèn vào các tài liệu lịch sử thì sẽ sinh ra kiểu văn chương thiếu tự nhiên như thế nào. Vậy là tôi không có lựa chọn nào khác, ngoài tiến hành một chiến dịch chứng minh rằng: “Biên tập viên nhầm” (The editor is wrong.) Tôi gửi cho ông Long một loạt bản đồ của Pháp và Việt Nam, trong đó có bản đồ năm 1955 của Việt Nam, thể hiện những hoạt động quân sự chống những toán cướp Bình Xuyên. Tôi gửi cả những bản đồ lấy từ các đơn vị hải quân Mỹ hoạt động trong khu vực này, một bản sao đoạn văn của Tổng thống Richard Nixon gửi Nhóm Tuần tra Đặc khu Rừng Sát, và bản báo cáo năm 1974 về Rừng Sát của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ. Tôi gửi một bản đồ vệ tinh của Google năm 2010, với khu vực được đánh dấu là Rừng Sát, và tôi thậm chí còn gửi một bức ảnh chụp một chiếc xe buýt đang rời khỏi thành phố Hồ Chí Minh, với điểm đến dự kiến của nó được đánh dấu rõ ràng là Rừng Sát. Ông Long phúc đáp bằng những “bằng chứng” riêng của mình, trong đó có web site của Resort và Restaurant Rừng Sác, và mấy tờ quảng cáo những dự án về nhà ở đã được tài trợ, tôi đoán là, bởi những người lãnh đạo Đảng ở địa phương. Tôi khẳng định luận cứ bằng cách gửi thêm nhiều email hơn, cho đến khi ông Long viết: “Tôi đồng ý loại bỏ hoàn toàn chú thích về Rừng Sát”. Khi thảo luận về các chú thích còn lại, ông Long và tôi lại trở về với cuộc chiến giáp lá cà tại hàng rào của văn chương. Mỗi cuộc trao đổi email đều biến thành một tái bản của Rừng Sát, cho đến khi ông Long đề nghị “bỏ những chú thích sai hoặc những chú thích liên quan đến sai lầm của ông”, tôi vui lòng chấp nhận đề nghị đó. Sau đó chúng tôi chuyển sang thảo luận về nhan đề cuốn sách. The Spy Who Loved Us có thể được dịch là The Spy Who Loved America (Điệp viên yêu nước Mỹ), hoặc, trữ tình hơn, là America’s Best Enemy (Kẻ thù https://thuviensach.vn tốt nhất của nước Mỹ), trừ khi các nhà kiểm duyệt không chấp nhận những nhan đề này. Ông Long giải thích: “Kẻ thù tốt nhất của nước Mỹ” là nhan đề tốt, nhưng có phần nhạy cảm. Tại sao lại là “kẻ thù tốt nhất?” Điều đó có hàm ý rằng Phạm Xuân Ẩn không hoàn toàn trung thành với sự nghiệp cách mạng hay không?” Sau khi suy nghĩ kĩ hơn về “quan điểm đúng đắn”, ông Long thừa nhận rằng “vấn đề phức tạp hơn chúng ta nghĩ lúc đầu”. Sau đó tôi nhận được thư nói rằng “Điệp viên yêu nước Mỹ” đã bị “cơ quan quản lí xuất bản” của Việt Nam “bác bỏ ngay tức thì”. Trong thời gian đó, những người giúp tôi xem lại bản thảo (tất cả đều muốn giữ kín danh tính) đã lập ra danh sách những cụm từ, câu, và đoạn văn đã bị cắt bỏ hay cắt xén. Tôi gửi danh sách này cho ông Long và được ông trả lời: “Tôi đảm bảo với ông rằng người dịch đã không bỏ bất kỳ câu hay đoạn văn nào. Anh ấy chỉ đánh dấu những từ nhạy cảm mà thôi. Tất cả những chỗ bị bỏ hay sửa đổi đều là của tôi.” Tháng 10 năm 2010, ông Long viết thư nói rằng ông ta đã “mệt vì dự án này” và chán nản vì cuốn sách đã bị hai nhà xuất bản của nhà nước từ chối. Ông đang tìm cách xin giấy phép từ nhà xuất bản thứ ba, nhưng mọi người nói với ông ta rằng Đại hội XI sắp tới, mùa Xuân năm 2011, là “giai đoạn nhạy cảm” đối với việc xuất bản ở Việt Nam. Đây là thời điểm tế nhị, “khi tất cả mọi người đều không có động tĩnh gì để tránh những vụ rắc rối”, ông ta nói. Trong thư viết cho người đại diện của tôi vào tháng 12 năm 2010, ông Long nói: “Chúng tôi thông cảm với sự sốt ruột của tác giả! Tuy nhiên, tình hình còn tồi tệ hơn là ông tưởng tượng. Một nhà xuất bản nữa của nhà nước đã từ chối cấp giấy phép xuất bản cho bản dịch của chúng tôi. Rõ ràng là, đây là cuốn sách rất nhạy cảm trong thời điểm hiện nay. Mọi thứ bây giờ đều bị treo lên đó.” Khi ông Long viết thư cho tôi, nói rằng một loạt nhà xuất bản đã từ chối cấp giấy phép, tôi mường tượng quá trình này cũng tương tự như Random House phải làm việc về cuốn sách với Nhà Xuất bản của Lầu Năm góc. Nếu Nhà Xuất bản của Lầu Năm góc không chịu thì Random House phải đến Nhà Xuất bản của Bộ An ninh Nội địa hay Cục Điều tra Liên bang (FBI). https://thuviensach.vn Những cuộc đàm phán phải kéo dài và làm người ta nhục nhã, và trong một nền văn hóa xin-cho như ở Việt Nam, đấy chắc chắn là những cuộc đàm phán khá tốn kém. Tôi chờ đợi suốt năm 2011, đợi Đảng Cộng sản đưa ra những nhà cầm quyền mới. Tháng 2 năm 2012, tôi viết thư cho ông Long, chúc ông một năm Thìn nhiều hạnh phúc và đề nghị ông vui lòng gửi cho tôi danh sách tất cả các cơ quan chính phủ từng tham gia vào việc kiểm duyệt cuốn sách của tôi. Một tháng sau, ông ta trả lời và xin lỗi vì không còn giữ được liên lạc. Ông ta cho biết đã rời Nhã Nam để làm biên tập viên ở một nhà xuất bản chuyên in sách toán học cho trẻ em. Tôi cảm thấy lương tâm cắn rứt vì sợ rằng mình có thể là nguyên nhân của sự thay đổi công việc của ông ta. “Về giấy phép xuất bản cuốn The Spy Who Loved Us”, ông ta viết, “Nhã Nam đã xin phép và vẫn tiếp tục xin một số nhà xuất bản cấp giấy phép, chứ chưa bao giờ ngừng như ông có thể nghĩ. Tôi đã hỏi thông tin mới nhất và người ta nói rằng những người lãnh đạo ở Nhã Nam vẫn hy vọng là cuốn sách sẽ được xuất bản.” “Chính thức thì chỉ có những nhà xuất bản của nhà nước mới được phép in sách”, ông Long giải thích. “Vì vậy, muốn xuất bản thì công ty tư nhân (không phải quốc doanh), ví dụ như Nhã Nam, phải tham gia vào cái gọi là liên doanh xuất bản, nhằm được sự bảo trợ của nhà xuất bản của nhà nước và phải trả phí xuất bản cho nhà xuất bản này.” “Về mặt kỹ thuật, ở Việt Nam không có kiểm duyệt”, ông nói, “nhưng các giám đốc hay tổng biên tập của các nhà xuất bản đôi khi yêu cầu bỏ những đoạn nhạy cảm, hoặc thậm chí họ nhát đến mức bỏ hẳn, không in cuốn sách (đây là trường hợp của chúng tôi). Hành động như thế, chúng tôi gọi là tự kiểm duyệt, và nó là nút thắt theo kiểu Gordian của ngành xuất bản Việt Nam.” Ông Long gửi kèm bản sao Luật Xuất bản của Việt Nam, dày hai mươi hai trang, nói rõ trong Điều 5.2, “Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản”. Phần còn lại của bộ luật này mâu thuẫn với Điều 5.2 https://thuviensach.vn đó, vì nó đưa ra những thứ “bị cấm trong hoạt động xuất bản”. Trong đó có “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 10), “kích động chiến tranh xâm lược”, “truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, hoặc phá hoại thuần phong mỹ tục”. Những mục khác được dành cho công tác bảo vệ Đảng, quân sự, quốc phòng và bí mật quốc gia. “Xuyên tạc sự thật lịch sử”, đặc biệt là “phủ nhận thành tựu cách mạng” cũng bị cấm. Ông Long nói với tôi rằng biên tập viên mới của tôi ở Nhã Nam là cô Nguyễn Thị Thu Yến, dường như đang vừa là biên tập vừa là người phụ trách đàm phán hợp đồng với nước ngoài. Sau nhiều tháng trao đổi email, ông Long và tôi đã chuẩn bị xong bản bông thứ hai, xóa hết các chú thích và chỉnh lại ít nhất là những chỗ mà các vị cố vấn của tôi và tôi có thể tìm ra. Nhưng bản thảo vẫn bị lược bỏ và viết lại hàng chục chỗ khác. Tất cả những đoạn phê phán Trung Quốc đều bị gỡ bỏ. Cũng như vậy, những đoạn nói về các trại cải tạo, về nạn hối lộ, tham nhũng, sai lầm của Đảng Cộng sản, và những chủ đề “nhạy cảm” khác. Đáng tiếc là, chẳng bao lâu sau, bản của ông Long được thay bằng một bản khác, phiên bản chính thức được cấp phép. Một lần nữa, tôi lại hiểu sai bản chất của ngành xuất bản ở Việt Nam. Sau bấy nhiêu tháng, cuốn sách của tôi vẫn chưa được kiểm duyệt. Nó mới trải qua quá trình xem xét tiền kiểm duyệt mà thôi, nhưng công việc xóa bỏ những đoạn nhạy cảm vẫn chưa bắt đầu. https://thuviensach.vn BUÔN BÁN CON TIN Tháng 6 năm 2012, tôi nhận được email của Thu Yến, thông báo rằng The Spy Who Loved Us (hoặc bất kì nhan đề nào khác) cuối cùng đã được chấp thuận để đưa vào xuất bản. Nhà xuất bản Lao Động, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội của Việt Nam, đã trở thành đối tác xuất bản của chúng tôi. Giống như bùa thuật nhằm dọa nhát những nhà kiểm duyệt khác ít thế lực hơn, Lao Động sẽ đứng tên trên bìa sách. Có một số nhượng bộ nhất định, cô Yến thừa nhận. “Sau một thời gian rất dài xin giấy phép xuất bản, cuối cùng chúng tôi nhận được kết quả khả quan của Nhà xuất bản Lao Động”, cô viết. “Để cuốn sách của ông được xuất bản thì phải cắt và viết lại một số đoạn, không thể làm khác. Tuy nhiên có điều đáng mừng là những điểm này được biên tập khá tốt về tiếng Việt và văn chương.” Không có trang in thử nào được gửi kèm. Thay vào đó, cô Yến gửi cho tôi một miêu tả về văn bản đã được kiểm duyệt. “Vì tác phẩm của ông có nội dung quá nhạy cảm, tôi hy vọng ông có thể coi những thay đổi này ở khía cạnh tích cực nhất, để tác phẩm của ông có thể đến với độc giả của chúng tôi. Kèm theo email của cô Yến là một văn bản dài mười hai trang, liệt kê ít nhất là 333 chỗ bị cắt. Từng câu, từng đoạn văn, thậm chí từng trang bị xóa sạch. Bắt đầu với nhan đề tác phẩm và cho đến cả lời cảm ơn cuối cùng. Những sự kiện lịch sử cũng như nhiều tên người bị xóa bỏ. Võ Nguyên Giáp, vị tướng vĩ đại của Việt Nam, người đã giành thắng lợi trong trận Điện Biên Phủ, không còn là một nguồn trích dẫn nữa. Đại tá Bùi Tín, người đã tiếp nhận sự đầu hàng của chính quyền miền Nam Việt Nam năm 1975, bị xóa sạch khỏi văn bản và thậm chí xóa khỏi cả lời cảm ơn. Những trường đoạn mô tả quan hệ qua lại của Phạm Xuân Ẩn với Đảng, với quân đội, với Trung Quốc, và cảnh sát cũng bị xóa sạch. Nhiều đoạn bông đùa hoặc có chút mỉa mai cũng bị cấm. “Ở Việt Nam anh không viết sự thật được đâu”, một trong những cố vấn của tôi, cựu giáo sư văn chương, hiện sống tại Hoa Kỳ, nói. “Đất nước tôi bị lạc trong những lời dối trá. Con người nằm trong trung tâm tác phẩm của https://thuviensach.vn anh, nhưng bây giờ nó đã bị tước hết các chi tiết khiến câu chuyện trở thành đặc thù và hấp dẫn.” “Người cộng sản muốn những phát ngôn từ chính miệng anh”, bà nói. “Sự tuyên truyền chính thống của họ sẽ có vẻ xác thực hơn nếu nó được một người phương Tây viết ra. Anh là công cụ của họ. Anh có thể phản đối và đàm phán để có được những nhượng bộ nhỏ, nhưng cuối cùng, họ sẽ thắng. Bao giờ họ cũng thắng.” “Bây giờ ngay cả chữ nghĩa trong tác phẩm của anh cũng xấu xí”, bà nói, “mờ mịt chứ không rõ ràng. Nhiều thuật ngữ được mượn từ tiếng Trung. Nói cách khác, đấy là cái mà người Pháp gọi là langue de bois, tiếng lóng của bộ máy quan liêu. Cộng sản nghĩ rằng dùng những từ đó thì họ là bề trên. Họ muốn kiểm soát mọi thứ, thậm chí cả suy nghĩ của anh.” Sau khi so sánh phiên bản tác phẩm của tôi ở Nhà Xuất bản Lao Động với bản thảo của ông Long, bà nói: “Có quá nhiều thứ mà các nhà kiểm duyệt không thích, họ lập tức cắt, cắt, cắt. Chỉ nhìn cái bản thảo này là tôi đã phát điên đầu rồi”. Phạm Xuân Ẩn không được phép “yêu” nước Mỹ hay yêu thời kỳ ông học ngành báo chí ở California. Ông chỉ được phép “hiểu” nước Mỹ. Câu nói đùa của ông, rằng ông không bao giờ muốn trở thành điệp viên và coi đấy là “việc của lũ chó săn”, đã bị xóa hẳn. Lời tuyên bố của ông rằng mình sinh ra ở thời khắc bi thảm trong lịch sử Việt Nam, khi sự phản bội hiện diện khắp nơi, cũng bị cắt. Chiến dịch quyên góp vàng do Hồ Chí Minh tổ chức năm 1946, khi ông kêu gọi mọi người đóng góp những khoản hối lộ lớn nhằm thuyết phục quân đội Trung Quốc phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam, bị xoá sạch trơn. Gia đình của Phạm Xuân Ẩn không được phép “di cư từ Bắc vào Nam”. Ông cũng không được phép tham gia nam tiến. Đó là công cuộc tiến về phương Nam diễn ra trong lịch sử Việt Nam, kéo dài hàng trăm năm, khi người Việt đi dọc dãy Trường Sơn, chiếm lãnh thổ của người Thượng, người Chăm, người Khmer, và các dân tộc “thiểu số” khác. Đoạn ca ngợi nền văn học Pháp bị xóa. Phạm Xuân Ẩn không được phép nói rằng người Pháp đã vẽ ra bản đồ của nước Việt Nam hiện đại. Ý kiến của ông rằng chủ https://thuviensach.vn nghĩa cộng sản là một lý tưởng không tưởng, không thể đạt được trong cuộc đời thực, cũng bị cắt. Lời ông khen Edward Lansdale là một điệp viên tuyệt vời, ông học nghề từ chính ông này cũng bị cắt. Trong toàn bộ tác phẩm, cuộc xâm lăng của miền Bắc được làm giảm bớt đi, trong khi mức độ man rợ của miền Nam thì bị thổi phồng lên. Đảng viên cộng sản luôn luôn đi đầu trong khi dân chúng thì vui vẻ theo sau. Những cố gắng của Phạm Xuân Ẩn nhằm phân biệt giữa cuộc chiến đấu vì nền độc lập của Việt Nam và cuộc chiến đấu vì chủ nghĩa cộng sản đã bị cắt. Chúng tôi mới đọc đến trang 38 thì bạn tôi nói: “Họ muốn giết tác phẩm này. Họ hoàn toàn không thích nó”. Những cuộc thảo luận về chiến dịch Cải cách Ruộng đất và và quyền sở hữu tập thể của cộng sản. Cộng sản không còn chịu trách nhiệm về việc phục kích và sát hại người giáo viên trung học cũ của Phạm Xuân Ẩn vào năm 1947 nữa. Thay vào đó là “một cuộc phục kích” của những kẻ vô danh nào đó. Ý kiến của John F. Kennedy và Robert, em trai ông này, khi tới thăm Việt Nam năm 1955. Những đoạn nói về mấy hòn đảo của Việt Nam và những mỏ dầu ở ngoài khơi hiện đang tranh chấp với Trung Quốc. Lời tuyên bố nói rằng lực lượng hải tặc của Bảy Viễn đã chiến đấu vì cộng sản trước khi chạy sang phía bên kia. “Càng ngày họ càng hoang tưởng hơn”, bà nói. Chúng tôi lập được một danh sách dài các lỗi dịch thuật, những từ mà các biên tập viên Việt Nam của tôi đã hoặc là hiểu lầm hoặc cố tình không hiểu, đấy là những từ như: Người viết thuê, sự phản bội, hối lộ, dối trá, khủng bố, tra tấn, tổ chức bình phong, dân tộc thiểu số và trại cải tạo. Người Pháp không được phép dạy người Việt Nam bất cứ điều gì. Người Mỹ cũng thế. Việt Nam chưa bao giờ tạo ra người tị nạn. Nó chỉ sinh ra những người định cư ở nước ngoài. Những đoạn nói rằng chủ nghĩa cộng sản là “vị thần đã thất bại”. Ý kiến của Phạm Xuân Ẩn rằng ông là bộ não Mỹ được ghép vào cơ thể Việt. Đoạn phân tích của ông về cách thức mà cộng sản thay nhà nước cảnh sát của Ngô Đình Diệm bằng nhà nước cảnh sát của mình. Câu chuyện về tổn thất đầu tiên của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, sự kiện ông A. Peter Dewey, sĩ quan của lực lượng OSS, vô tình bị cộng sản https://thuviensach.vn giết năm 1945, đã bị xóa. Các sĩ quan quân đội Việt Nam bị tẩy khỏi chiến dịch. Không được nói Tết Mậu Thân là một thất bại quân sự. Không được kể chuyện chó bị thui. Những lỗi lầm trong lĩnh vực tình dục, tình nhân, hôn nhân ép buộc tất cả đều biến mất khi các quan chức cộng sản dính vào. Những đoạn viết về Sài Gòn trong những tuần ngay sau khi chiến tranh kết thúc, trong đó có tình trạng thiếu lương thực và thắt chặt an ninh quốc gia bị xóa sạch. Ngay cả lệnh cấm chọi gà cũng không được nhắc tới. Những đoạn viết về thuyền nhân bỏ trốn sau năm 1975 - cắt. Những đoạn viết về Việt Nam chiến đấu chống Campuchia năm 1978. Những đoạn viết về Việt Nam đánh nhau với Trung Quốc năm 1979. Mong muốn cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn: Hỏa táng và đem tro cốt rắc trên sông Đồng Nai, đã bị cắt (Thay vào đó, người ta đã tổ chức tang lễ cấp nhà nước với một bài diễn văn ca ngợi do người đứng đầu ngành tình báo quân sự đọc.) Khi đọc đến cuối cuốn sách, chúng tôi thấy nhiều trang ghi chú và nguồn tài liệu đã không còn. Bảng chỉ mục (index) cũng biến mất. Nếu còn, chắc nhiều từ trong phần này đã chuyển sang nghĩa hoàn toàn ngược lại. “Nhờ trời, hết rồi”, bà bạn tôi nói. “Cuốn này làm tôi bạc cả tóc và bị nhiều cơn ác mộng”. Bản thảo của Nhà Xuất bản Lao Động đưa ra một lời đánh đố. Trả lời như thế nào đây? Các bạn cố vấn của tôi đưa ra hai giải pháp. Hoặc là chôn vùi dự án này, hoặc biến nó thành một vụ trao đổi con tin. Nhã Nam và Lao Động sẽ được phép xuất bản tác phẩm này, nhưng đổi lại, họ phải cho tôi bản thảo ban đầu và để tôi xuất bản trên mạng. Để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán, tôi đã xem lại hợp đồng ký với Nhã Nam ba năm trước đó. Công ty này cam kết sẽ chỉ thực hiện “những thay đổi nhỏ trong văn bản gốc của tác phẩm”, và những sửa đổi này “sẽ không làm thay đổi đáng kể ý nghĩa hoặc không làm thay đổi đáng kể văn bản”. Tôi đề nghị người đại diện của tôi ở New York gửi thông báo cho đại diện phụ của chúng tôi ở Bangkok, cảnh báo Nhã Nam rằng họ đã vi phạm hợp đồng vì lấy tác phẩm tuyên truyền thay thế cho bản dịch. https://thuviensach.vn Cùng với tiền bản quyền gửi cho tôi chậm trễ vì “vô tình quên” Nhã Nam bắt đầu trở lại với “những chỗ cắt xén và thay đổi mà không thể nào làm khác được”. Họ muốn gọi tác phẩm là Điệp viên hoàn hảo, nhưng bây giờ cô Yến đồng ý trở lại với nhan đề mà ông Long và tôi đã thỏa thuận. “Việc bản dịch bị kiểm duyệt là những điều hai bên đã thấy ngay từ đầu”, cô viết cho đại diện của tôi như thế vào tháng 7 năm 2012. “Mức độ kiểm duyệt có thể gây sốc cho tác giả (cũng như chúng tôi). Nhưng ở đây chúng tôi thường xuyên gặp những chuyện kiểu như vậy, và chúng tôi biết hoàn cảnh ở đất nước chúng tôi. Chúng tôi đã tiếp xúc với 7 nhà xuất bản quốc doanh khác nhau, và, cuối cùng, chỉ có Nhà Xuất bản Lao Động cấp giấy phép xuất bản, kèm theo những đoạn bị cắt và sửa chữa.” Việc tôi hủy bỏ hợp đồng xuất bản là “biện pháp giải quyết dễ dàng nhất”, cô Yến kết luận, nhưng “như thế thì sẽ bất công đối với chúng tôi và những dự định trung thực của chúng tôi. Chúng tôi sẽ rất thất vọng”, cô nói. Những cuộc trao đổi con tin của tôi cũng tiến triển không thuận lợi. Cô Yến đòi kiểm duyệt cả bản sẽ đăng trên mạng, và bằng cách đó, mở rộng quyền bá chủ của Việt Nam ra khắp thế giới. Nhưng cuối cùng cô rút lại, chỉ yêu cầu công bố trên mạng sau khi cuốn sách đã phát hành ở Việt Nam được 6 tháng. Chúng tôi cũng đồng ý rằng trên trang tác quyền sẽ in một tuyên bố nói rằng: “Đây là bản dịch một phần tác phẩm The Spy Who Loved Us. Có những đoạn trong tác phẩm này đã bị lược bỏ hoặc viết lại.” Cuối năm, khi tôi vẫn chưa được nhận bản bông để đọc lại và giấy phép xuất bản của chúng tôi sắp hết hạn, thì nhận được thư của cô Yến: “Tại sao ông lại đồng ý làm việc với Nhã Nam, nếu ông không tin tưởng biên tập viên Việt Nam của ông? Có phải chúng tôi không đáng tin bằng những người bạn của ông?” Tôi hình dung những chiếc móng tay của cô đang cào lên bàn phím trong lúc đánh máy. “Chúng tôi không thích nghe ý kiến của những người ngoại cuộc nữa. Thế là không chuyên nghiệp.” Tháng 6 năm 2013 cô Yến gửi thư cho tôi, thông báo rằng Nhã Nam vẫn đang tìm cách giữ giấy phép xuất bản, và họ hy vọng sẽ báo tin vui cho tôi một ngày không xa. Cô nói thêm rằng những người đọc cuốn sách gần đây https://thuviensach.vn nhất ở Việt Nam tỏ ra “sợ” cho dự án này. Tuần sau tôi được cô Yến đề nghị “kết bạn” trên Facebook. https://thuviensach.vn KHÔNG ĐÁNG BỊ GIẾT Qui trình kiểm duyệt ở Việt Nam được nhà báo Phạm Đoan Trang viết trên blog vào tháng 6 năm 2013 và được tạp chí The Irrawaddy Magazine trích đăng một số đoạn. Phạm Đoan Trang giải thích là hàng tuần, “ở Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và ở Thành phố Hồ Chí Minh thì bộ phận phía Nam của ban này lại triệu tập một cuộc họp ‘định hướng’ với lãnh đạo của những tờ báo lớn trong nước”. “Không phải là ngẫu nhiên khi tất cả các lãnh đạo báo đều là đảng viên. Quan chức Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an cũng có mặt… Tại các cuộc họp này, ai đó ở Ban Tuyên giáo sẽ đánh giá hoạt động của các tờ báo trong tuần vừa qua, biểu dương tờ nào biết phục tùng, khiển trách và đôi khi phạt những tờ nào đi chệch hướng.” Những chỉ đạo cho “các đồng chí biên tập, lãnh đạo báo chí” tại các cuộc họp này đôi khi cũng bị rò rỉ ra giới blogger (các diễn đàn trực tuyến, nơi người Việt ngày càng tìm đến để được thông tin nhiều hơn). Ở đây người ta biết rằng không được đưa tin về các ứng cử viên chính trị độc lập, thí dụ như nữ diễn viên Hồng Ánh; không được gọi nhà hoạt động bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ, người bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, là “Tiến sĩ Vũ”. Thông tin về sự cố khách du lịch nước ngoài chết trong một vụ đắm tàu ở Hạ Long, về quyết định xây nhà máy điện hạt nhân của chính phủ Việt Nam, về việc Trung Quốc khai thác bauxite từ một mỏ khoáng sản lớn ở dãy Trường Sơn cũng bị ỉm đi. Các cuộc giao ban định hướng hàng tuần là những cuộc họp bí mật và những cuộc thảo luận tiếp theo trong tuần được thực hiện trực tiếp hoặc qua điện thoại. “Do không có bằng chứng vật chất nào về những định hướng như thế, cho nên khi bị chỉ trích là bịt miệng báo chí về chuyện này chuyện nọ, các quan chức của Bộ Thông tin Truyền thông có thể trả lời một cách rất nghiêm túc rằng Việt Nam bị các thế lực thù địch vu khống, bôi nhọ”, Phạm Đoan Trang viết. Nhưng những lời phủ nhận đó đã thành bức xúc khi https://thuviensach.vn một băng ghi âm bí mật của một trong những cuộc họp như thế được đài BBC phát vào năm 2012. Ban Tuyên giáo coi các phương tiện truyền thông Việt Nam là “tiếng nói của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội”. Cách tiếp cận này được quy định trong Luật Truyền thông của Việt Nam, trong đó có yêu cầu các phóng viên “tuyên truyền đường lối và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và những thành tựu của đất nước và thế giới về văn hóa, thành tựu về khoa học và kỹ thuật” của Việt Nam. Phạm Đoan Trang kết luận bài báo của mình với một nhận xét châm biếm. “Việt Nam không nằm trong số các nước nguy hiểm đối với nhà báo,” cô nói. “Nhà nước không cần phải giết nhà báo để có thể kiểm soát truyền thông, bởi vì nói chung, các nhà báo có thẻ của Việt Nam không được phép làm việc gì để đến mức phải bị giết.” Một người nữa am hiểu về kiểm duyệt tại Việt Nam là David Brown, một cựu nhân viên ngoại giao, nay quay lại Việt Nam làm biên tập viên tiếng Anh cho một tờ báo trực tuyến của Việt Nam. Trong một bài báo đăng trên Asia Times vào tháng Hai năm 2012, Brown mô tả cách thức “Tổng biên tập và lãnh đạo xuất bản kéo đến cuộc họp với Bộ Thông tin và Ban Tuyên giáo của Đảng vào thứ Ba hàng tuần, nơi họ và các đồng nghiệp ở những tờ khác được cảnh báo về “những vấn đề nhạy cảm.” Brown mô tả những “lĩnh vực không được chạm tới”, tức là những đề tài mà báo của ông không được phép đề cập. Những đề tài cấm kỵ gồm tin tức không hay về Đảng Cộng sản, về chính sách của chính phủ, chiến lược quân sự, quan hệ với Trung Quốc, quyền của các dân tộc thiểu số, nhân quyền, dân chủ, những lời kêu gọi đa nguyên chính trị, tin tức ám chỉ các sự kiện cách mạng ở những nước cộng sản khác, phân biệt giữa Bắc và Nam, và những câu chuyện về người tị nạn Việt Nam. Một trong những đề tài mà tờ báo này được phép nói là nạn tội phạm, và báo chí ở Việt Nam cũng chẳng hiền lành gì, Brown nói. Trong thực tế, các nhà báo có thể là những người khá hữu ích cho chính phủ bằng cách phơi bày những vụ tham nhũng và hành động phi pháp của các quan chức cấp thấp. “Nhằm duy trì lượng độc https://thuviensach.vn giả, họ tích cực theo đuổi các vụ bê bối, điều tra các ‘tệ nạn xã hội’ và đấu tranh cho người bị áp bức. Tham nhũng đủ mọi loại, ít nhất là ở các địa phương, cũng là một món được chuộng.” Một chuyên gia nữa về kiểm duyệt ở Việt Nam là cựu phóng viên BBC Bill Hayton, bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 2007 và vẫn còn bị cấm nhập cảnh. Trên tạp chí Forbes năm 2010, Hayton đã viết về những hạn chế đối với hoạt động chính trị ở Việt Nam, Điều 4 của Hiến pháp tuyên bố: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác, Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Nói cách khác, Đảng muốn gì thì được nấy và Đảng ghét gì thì ngăn chặn cái ấy. “Ở Việt Nam không có những phương tiện truyền thông độc lập, hoạt động theo pháp luật”, Hayton nói. “Mọi ấn phẩm đều là của một cơ quan nào đó của nhà nước hay của Đảng Cộng sản.” Để chúng ta không nghĩ rằng nền văn hóa Việt Nam đã đông cứng ngay tại chỗ, Phạm Đoan Trang, Brown, Hayton và những nhà quan sát khác nhắc nhở rằng tuy vậy các quy tắc vẫn liên tục thay đổi và được diễn giải lại. “Việt Nam… là một trong những xã hội năng động và nhiều khát vọng nhất trên hành tinh này”, Hayton nói. “Đó là nhờ sự cân bằng kỳ quặc giữa kiểm soát và buông lỏng của Đảng, nó được thể hiện qua việc phá rào”. Vì vậy, nếu “không chống Đảng hay chĩa mũi quá sâu vào những vụ tham nhũng của các quan chức cấp cao thì tổng biên tập và nhà báo có thể được Đảng nâng đỡ”, ông nói. Trong một số trường hợp, thậm chí các nhà báo nhúng mũi sâu hơn cũng có thể được nâng đỡ, tùy vào việc ai là người kiểm soát sự rò rỉ tin tức và nhằm mục đích gì. Quá trình kiểm soát sự rò rỉ có kiểm soát này được Geoffrey Cain, một người theo dõi hiện tượng kiểm duyệt ở Việt Nam, trình bày trong luận án thạc sĩ, hoàn thành năm 2012 tại Viện Nghiên cứu phương Đông và châu Phi của Đại học London. Cain viết rằng ở Việt Nam, https://thuviensach.vn Đảng Cộng sản sử dụng các nhà báo và những người cầm bút khác như một “lực lượng cảnh sát phi chính thức”. Họ giúp chính quyền trung ương giữ cho các quan chức địa phương tuân thủ đường lối, hạn chế việc nhận hối lộ và kiểm soát những khía cạnh khác của đời sống xã hội mà nếu không thì sẽ không thể nào nắm được. Đây là một kiểu “độc tài mềm dẻo”, với đặc điểm gồm “hàng loạt hành động xuôi ngược đủ kiểu, và ‘tình trạng mập mờ được sử dụng “như một công cụ để thống trị”. Hiện tượng mà ở Việt Nam thường được mô tả như một cuộc chiến giữa “phe cải cách” và “phe bảo thủ” thực ra là phương pháp khiến cái xã hội ngày càng hướng tới thị trường này có thể cùng lúc “vừa áp bức, vừa đáp ứng”. Theo cách giải thích này, các nhà báo và blogger đã tự biến mình thành “cảnh sát phi chính thức”, giúp chính phủ kiềm chế những kẻ trục lợi của thị trường tự do. Những cơ chế “hợp pháp” cho việc bắt giữ các nhà báo và các blogger, những người vượt qua ranh giới hoặc vô tình bị rơi vào khu vực mà những qui định thường xuyên thay đổi coi là có tội, trong đó có Điều 88C Bộ Luật Hình sự, cấm “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và Điều 79 Bộ Luật Hình sự, cấm “hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Người ta có thể bị bắt vì những nguyên nhân khác, từ “trốn thuế” đến “ăn cắp bí mật quốc gia và bán cho người nước ngoài”. (Đây là tội được gán cho nhà văn Dương Thu Hương khi bà gửi một bản thảo cuốn sách của mình cho một nhà xuất bản ở California.) Những biện pháp đàn áp khác nằm trong Luật Báo chí năm 1990 (sửa đổi năm 1999). Luật này bắt đầu bằng lời tuyên bố: “Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội” (Điều 1). “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân” (Điều 2). Sau đó là Luật Xuất bản năm 2004, cấm “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt https://thuviensach.vn Nam”, cấm “truyền bá tư tưởng phản động” và “tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại”. Rồi đến một loạt các điều luật và quy định trong các nghị định và “thông tư” khác nhau, trong đó có Nghị định số 56 về “Hoạt động văn hoá thông tin”, cấm “phủ nhận thành tựu cách mạng”, Nghị định số 97 về “quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet”, cấm sử dụng internet nhằm “làm tổn hại đến uy tín của cá nhân và các tổ chức”, Thông tư số 7 của Bộ Thông tin, giới hạn các blog vào “những thông tin mang tính chất cá nhân” và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến phải thực hiện chế độ báo cáo định kì về người sử dụng “sáu tháng một lần và báo cáo đột xuất theo yêu cầu”, và Dự thảo Nghị định năm 2012 về “Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng”, trong đó yêu cầu các công ty nước ngoài cung cấp thông tin bằng tiếng Việt phải “lọc và loại bỏ những nội dung bị cấm”. Dự thảo năm 2012 này được thông qua vào năm sau, đó là Nghị định 72, cấm việc truyền bá các “thông tin tổng hợp” trên trang thông tin điện tử cá nhân, giới hạn các trang này vào việc “trao đổi thông tin của cá nhân” và khiến các cá nhân sử dụng nó để chuyển tải tin tức hoặc bình luận về các sự kiện chính trị thành bất hợp pháp. Lên án đạo luật này là “vô nghĩa và vô cùng nguy hiểm”, tổ chức Phóng viên Không Biên giới, trong một thông cáo báo chí tháng 8 năm 2013, nói rằng Nghị định 72 chỉ có thể được thực thi với “sự giám sát thường xuyên và trên diện rộng của chính phủ đối với toàn bộ hệ thống internet… Mục tiêu hầu như không che đậy của Nghị định này là bằng mọi giá phải giữ được quyền lực của Đảng Cộng sản, biến tin tức và thông tin thành độc quyền của nhà nước.” Việt Nam vay mượn khá nhiều kỹ thuật theo dõi Internet từ Trung Quốc, lân bang phía Bắc. Theo Văn bút Quốc tế, Trung Quốc đã bắt giam hàng chục tác giả, trong đó có ông Lưu Hiểu Ba, người được trao Giải Nobel Hòa bình. Tương tự Trung Quốc, Việt Nam nằm gần cuối bảng xếp hạng tự do báo chí. Tổ chức Freedom House xếp truyền thông Việt Nam vào hạng “không tự do”. Năm 2014, tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt https://thuviensach.vn Nam đứng thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí (giữa Iran và Trung Quốc). Năm 2013, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo xếp Việt Nam đứng thứ năm trong số những nước bắt giam nhiều nhà báo nhất, ít nhất mười tám nhà báo đã bị cầm tù. Gần đây, một cuộc đàn áp tàn bạo các blogger và những người biểu tình chống Trung Quốc đã đưa hàng chục người vào tù, với những bản án kéo dài tới mười hai năm. Những người hoạt động vì dân chủ và nhân quyền, các nhà văn, blogger, nhà báo, những người phản đối chính sách đất đai và những người tố cáo, tất cả đều rơi vào chiếc lưới toàn trị của Việt Nam. https://thuviensach.vn NHỮNG CƠ CHẾ KIỂM SOÁT VĂN CHƯƠNG Tháng 3 năm 2014 không người nào có thể cho tôi biết chắc chắn, và, trên thực tế, mãi đến tháng 5 năm 2014 mới có giấy phép xuất bản bản dịch tiếng Việt tác phẩm The Spy Who Loved Us xuất hiện tại Hà Nội. Đến lúc này, ngay cả tên tác phẩm của tôi cũng bị kiểm duyệt. Nó bị rút xuống thành Z.21, bí danh của Phạm Xuân Ẩn, như thể cuốn sách, cũng như nhân vật chính của nó, sẽ tìm cách lặng lẽ đi qua các địa hình đang biến đổi của những cuộc chiến tranh văn hóa ở Việt Nam. Tôi nhận được bản liệt kê những đoạn bị kiểm duyệt lần chót và đang ngồi xem những đoạn bị cắt thì nhận được email nói rằng cuốn sách đã được xuất bản. Như thế là vi phạm hợp đồng, nhưng tôi quyết định không làm căng mục này vì bây giờ tôi được tự do trong sáu tháng để công bố phiên bản không bị kiểm duyệt của mình trên mạng. Các trang web là nơi nền văn học Việt Nam chuyển đến, vì mạng lưới u ám của an ninh giám sát, của những vụ phạt tiền, của lưu vong và nhà tù bủa vây ngày càng chặt các nhà báo, blogger, nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà văn và nhà thơ của đất nước này, thậm nhà thơ ở Việt Nam cũng có thể gặp rắc rối, như tôi nhanh chóng nhận ra trong chuyến thăm Việt Nam. Tôi tận dụng chút dư luận dấy lên nhân việc cuốn sách của tôi được ra mắt (trong đó có bài giới thiệu đăng ngay trang bìa tờ Tuổi trẻ) để lên lịch cho một chuyến đến Đông Nam Á. Tôi muốn gặp các nhà kiểm duyệt mà tôi đã đấu khẩu suốt năm năm qua, hoặc ít nhất là người nào sẽ đứng ra và nói chuyện với tôi. Tôi tới Hà Nội bằng một chuyến bay đêm từ Paris cuối tháng Năm và bắt đầu bơi qua bầu chướng khí của cái nóng và ẩm nhiệt đới, trước khi tìm được chỗ trú chân ở Khách sạn Nhà Thờ, gần Nhà thờ Lớn trong khu phố cổ Hà Nội. Tôi lên lịch cho cuộc gặp Nguyễn Việt Long, biên tập viên đầu tiên của tôi ở Nhã Nam. Tôi cũng lên lịch gặp Nguyễn Nhật Anh và Vũ Hoàng Giang, Giám đốc và Phó giám đốc công ty này. Sau đó, tôi được biết rằng có hai người nữa, cũng có vai trò trong vụ này, muốn nói chuyện với tôi. Đó là Nguyễn Thế Vinh, biên tập viên ở Nhà Xuất bản https://thuviensach.vn Hồng Đức, một nhà xuất bản quốc doanh, người lập danh mục cuối cùng những đoạn văn bị kiểm duyệt và sau đó cấp giấy phép xuất bản cho tác phẩm của tôi. Một người nữa đồng ý gặp tôi là ông Dương Trung Quốc, một nhà sử học và là đại biểu Quốc hội Việt Nam, người hình như đã thương thảo về mặt chính trị để cuốn sách của tôi hay chí ít là một phiên bản nào đó của cuốn sách được xuất bản ở Việt Nam. Người dịch Z.21 là một nhà báo ở Hà Nội tên là Đỗ Tuấn Kiệt. Căn cứ vào công việc của ông (đáng tiếc là khi tôi ở Hà Nội thì ông lại đi vắng), có thể thấy ông Kiệt là người nói tiếng Bắc, phương ngữ chiếm ưu thế ở Việt Nam, nay pha đầy những thuật ngữ Mác, Lênin mượn từ tiếng Tàu. Người miền Nam thấy ngôn ngữ này nhức tai. Đấy không phải là ngôn ngữ mà Phạm Xuân Ẩn, nhân vật chính trong cuốn sách của tôi, từng nói, và, quả thực, ông thường chế giễu kiểu nói năng ấy. Năm 1978 ông phải học 10 tháng ở Trường Đảng mang tên Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội, như một cách “cải tạo” một nỗ lực bất thành nhằm dạy ông những thuật ngữ này. “Tôi đã sống quá lâu trong hàng ngũ kẻ thù”, ông nói. “Nên họ đưa tôi đi tái chế.” Sau khi cuốn sách của tôi được dịch, ông Long, biên tập viên của tôi, bắt đầu công việc kiểm duyệt nó một cách khá nghiêm túc. Suốt mấy năm ròng, trong khi ông tìm cách xin giấy phép xuất bản, và hết nhà xuất bản này đến nhà xuất bản khác không chịu cấp giấy phép thì nội dung tác phẩm cũng ngày càng bị sửa chữa nhiều hơn. Rốt cuộc, tôi đoán rằng dự án này đã nhuốm mùi nguy hiểm. Đây là thứ không ai muốn dây vào, nếu người ta đánh giá cao sự nghiệp biên tập viên báo Công an hay ở Bộ Nội vụ. Bản thân ông Long chắc hẳn đã bắt đầu bị tình nghi. Sau đó, ông rời ngành xuất bản sách thương mại và chuyển sang biên tập sách toán cho học sinh. Ông Long và tôi hẹn gặp nhau tại khách sạn của tôi. Ông bấm chuông và bước vào phòng với vẻ lo lắng. Ông ngồi ở rìa ghế sofa, xin lỗi vì đến trễ, và cuối cùng cũng đồng ý uống một ly bia. Trạc ngũ tuần, tóc đen phủ mái đầu vuông vắn, ông Long mặc loại đồng phục thường gặp ở cán bộ Việt Nam: Kính to tròn, áo sơ mi trắng cộc tay với cây bút cài trên túi ngực, đồng hồ kim loại lủng lẳng ở cổ tay, quần xám, và đi dép. Ông ngó quanh, https://thuviensach.vn như thể đang tìm thiết bị nghe lén, và bắt đầu trả lời câu hỏi của tôi một cách vòng vo, một thói quen ngấm vào con người trong một nhà nước cảnh sát. Ông Long học kĩ thuật ở Liên Xô cũ, chuyên ngành của ông là điều khiển học hoặc hệ thống điều khiển lò phản ứng hạt nhân, đặc biệt là lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt mà Bắc Việt chiếm được sau khi Mỹ rút vào năm 1975. Tốt nghiệp Viện Kĩ thuật Điện Moskva, ông Long đã tự học tiếng Anh trong năm năm sống ở Nga. Sau khi tán gẫu về việc ông chuyển từ điều khiển học sang lĩnh vực xuất bản, chúng tôi bắt đầu nói về cuốn sách của tôi. “Cuộc chiến về việc biên tập cuốn sách của ông khá gay go”, ông ta nói. “Tôi đã bị kẹt ở giữa, bị cả tác giả lẫn cấp trên o ép. Chế độ nói rằng đây là cuốn sách nhạy cảm. Bạn có thể gặp nhiều rắc rối nếu xử lý không phù hợp dự án kiểu này. Đấy là tất cả những điều tôi có thể nói với ông.” “Theo luật, ở Việt Nam không có nhà xuất bản tư nhân”, ông Long nói. “Vì vậy, mỗi khi xuất bản sách, Nhã Nam đều phải liên kết với một nhà xuất bản của nhà nước. Chúng tôi đã đưa cuốn sách của ông đến nhiều nhà xuất bản, nhưng tất cả đều từ chối. Cuối cùng, Hồng Đức đã đồng ý cấp phép xuất bản. Họ là một nhà xuất bản có thế lực.” “Tại sao họ lại có thế lực?”, tôi hỏi. Ông Long cười ngượng ngập. “Cứ biết họ có thế lực là được rồi. Tôi chỉ có thể nói thế thôi”. Sau đó tôi biết rằng Hồng Đức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam, một trong những nhà kiểm duyệt chính của nước này. “Thế còn những đoạn bị cắt?”, tôi hỏi “Người dịch đã dịch toàn bộ cuốn sách”, ông ta nói. “Sau đó chúng tôi bỏ những đoạn buộc phải bỏ. Chúng tôi không thể để nguyên như vậy. Xuất bản cuốn sách của ông là việc rất khó. Phải kiểm duyệt rất nhiều đề tài, và không có cách nào khác ngoài xóa hẳn.” https://thuviensach.vn Khi tôi đề nghị đưa ra ví dụ, ông nhắc đến đại tá Bùi Tín, người đã trốn ở lại Pháp năm 1990 để phản đối tình trạng mất dân chủ tại Việt Nam, và Tướng Giáp, trước khi qua đời năm 2013, người từng viết thư phản đối ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam. “Những vấn đề như thế thì mọi người đều biết, nhưng không được phép đề cập”, ông nói. “Nếu chúng xuất hiện trong tác phẩm thì không thể có giấy phép xuất bản.” “Làm sao anh biết cái gì cần kiểm duyệt, cái gì không?” “Chúng tôi phải biết. Chúng tôi quan sát. Có thể có người nghĩ khác, nhưng chúng tôi biết việc mình cần làm. Nhiều việc phụ thuộc vào thời gian”, ông ta nói. “Chúng tôi đã xuất bản một cuốn sách chống Trung Quốc của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau đó, khi các nhà chức trách biết thì chúng tôi bị cấm xuất bản các đầu sách khác của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nói chung, chúng tôi không thể công bố bất cứ điều gì xấu về Trung Quốc. Ví dụ, chiến tranh biên giới năm 1979 giữa Việt Nam và Trung Quốc là đề tài chúng tôi không được phép đề cập.” Ông Long ho lục cục sâu trong cổ họng. Ông từ chối ly bia thứ hai. Một lần nữa ông nhìn quanh phòng, nhưng không tìm thấy gì khiến ông trông đỡ khổ sở hơn. “Kiểm duyệt thường kín tiếng”, ông bảo. “Dù không chính thức bị cấm, nhưng tất cả các cuốn sách đã xuất bản đều có thể đột nhiên biến mất khỏi quầy.” “Xuất bản cuốn sách của ông là việc rất khó”, ông nhắc lại một lần nữa. “Đây là cuốn sách khó khăn nhất đối với tôi.” Tôi hỏi ông Long có phải là đảng viên không. Ông thì không, nhưng anh trai của ông là đảng viên. “Vào Đảng thì được nhiều quyền lợi chính trị”, ông nói. “Nó giúp người ta thăng tiến trong các cơ quan nhà nước”. Ông không chịu uống một ly bia nữa và bảo bây giờ phải đi lấy xe máy rồi về nhà. Ông chúc mừng tôi về việc cuốn sách của tôi đã ra mắt. “Đấy thật ra không phải là cuốn sách của tôi”, tôi nói và nhắc đến bốn trăm đoạn đã bị cắt xén. https://thuviensach.vn “Bốn trăm không phải là quá nhiều”, ông nói. “Chúng tôi có một thành ngữ bằng tiếng Việt: ‘Đầu xuôi đuôi lọt’. Trong lần tái bản tới, có thể một số đoạn sẽ được phục hồi.” Khi lách nhanh ra khỏi cửa, ông Long có vẻ lo lắng vì đã nói quá nhiều trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của chúng tôi. Tôi chúc ông thành công trong công việc mới của mình. “Lương khá hơn”, ông khẳng định với tôi như thế. Sáng hôm sau, lên taxi đến Quận Cầu Giấy ở phía Tây thành phố, tôi đi qua nhiều hồ nước rải rác khắp trung tâm Hà Nội để đến một đại lộ ba làn đường, trụ sở của Nhã Nam chiếm trọn một tòa nhà cổ có những cửa chớp mở ra ban công với lan can sắt bên ngoài. Đã mười giờ sáng, một tấm màn màu xám nóng và ẩm trùm lên thành phố. Cửa hàng sách ở tầng trệt của Nhã Nam đầy những bản dịch Proust, Kundera, Nabokov, và tôi thích thú khi thấy một chồng sách của tôi đặt cạnh Lolita. Tôi tự giới thiệu với lễ tân và được dẫn lên lầu để gặp Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc công ty, và Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc. Tối hôm trước tôi đã gặp ông Giang. Ông đến dự buổi nói chuyện của tôi ở Cinematheque Hà Nội mà tôi không biết trước và sau đó thì ông ra gặp tôi và tự giới thiệu về mình. Khi ông Giám đốc Nhã Nam tặng tôi một bó hoa sen màu tím, tôi bỗng e rằng những nhận xét của tôi tối hôm trước có thể là quá bộc trực. Nguyễn Nhật Anh, một người đàn ông mảnh khảnh mặc chiếc áo thun đen, quần jeans, đi dép, trông như một người suốt ngày lê la ở quán cà phê hơn là tổng biên tập của một nhà xuất bản lớn. Nổi tiếng vì sự thính nhạy về văn chương, ông Anh ngồi làm việc tại một cái bàn đầy sách và bản thảo. Cộng sự của ông, ông Giang, mặc một chiếc áo polo hở cổ, là một người cao lớn, đẹp trai, với nụ cười sẵn sàng trên môi và một hình xăm nhỏ ở cổ tay trái. Tôi hình dung là trong công việc của công ty, ông Anh chịu trách nhiệm về học thuật còn ông Giang thì phụ trách khâu bán hàng. Sau này tôi mới biết rằng nhiều bản thảo chất đống trên bàn làm việc của ông Anh thực ra là các hợp đồng xuất bản, trong khi ông Giang có sở thích văn học riêng, và, quả thật, là người đã thu xếp để cuốn sách của tôi được xuất bản. https://thuviensach.vn Cô Thu Yến, biên tập viên mà tôi đấu khẩu trong suốt mấy năm qua, không được mời tham dự cuộc họp này. Cô vẫn ngồi làm việc ở phòng hợp đồng, trong khi một người phiên dịch khác đã được thuê cho buổi họp này, đấy là một người phụ nữ Việt Nam còn trẻ, từng làm quản lý văn phòng tại một công ty luật của Mỹ. Trong khi ông Anh có dáng bác học và ông Giang lúc nào cũng mỉm cười, thảo luận về sự tế nhị của ngành xuất bản ở Việt Nam thì phần dịch của người phụ nữ trẻ cứ ngắn dần, ngắn dần và cuối cùng gần như bỏ hẳn, không dịch nữa. May là, tôi đã mang theo người phiên dịch của mình và sau đó, buổi chiều, chúng tôi phải mất vài giờ để dựng lại cuộc nói chuyện. Tôi ngồi lên chiếc đi văng trong văn phòng của ông Anh. Bên ngoài cửa chớp, ve sầu trên cây ồn ào kinh người. Ông Giang đã báo trước với tôi trong một email về “hệ thống kiểm duyệt chặt chẽ và khá nặng tay của các nhà xuất bản quốc doanh ở Việt Nam. Ông không thể hình dung được hết đâu”. Tôi được mời một tách trà xanh và sau đó chúng tôi bắt đầu thảo luận về kiểm duyệt nói chung ở Việt Nam và cụ thể là trong trường hợp của tôi, kiểm duyệt được thực hiện như thế nào Ông Anh nói trước, trả lời dài dòng, trang trọng cho các câu hỏi của tôi, sau đó ông Giang tiếp tục, khi ông Anh quay sang chiếc máy pha cà phê espresso để cạnh bàn làm việc và pha cho mình một tách. Tôi định xin cho mình một tách nhưng quyết định làm người lịch sự và tiếp tục uống trà. Ông Anh miêu tả cách thức mà các nhà kiểm duyệt kiểm soát cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Ví dụ các nhân vật chính trị phải được kính trọng. Không được gọi người sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Hồ Chí Minh. Mà phải gọi là Bác Hồ để cùng một lúc Bác vừa là một nhân vật lịch sử, vừa là người thân trong các gia đình Việt Nam. “Kiểm duyệt là một vấn đề rất nan giải”, ông Anh nói. “Trong thực tế, chúng tôi không có một hệ thống hoặc một bộ quy tắc để thực hiện nó. Chúng tôi chỉ biết rằng nhiều nhà xuất bản không dám ra cuốn sách của ông.” https://thuviensach.vn Các cửa ra vào và cửa sổ trong phòng của ông Anh mở ra một hàng hiên nhìn ra đường phố, nhưng chúng vẫn bị đóng kín để khỏi nóng. Ngoài cái bàn, chất đầy sách vở, và một bàn cà phê, còn chất nhiều sách vở hơn, trong phòng không còn gì ngoài chiếc đi-văng mà tôi đang ngồi và những bức tường màu xanh trần trụi. “Cùng chủ đề này đã có một cuốn khác được xuất bản, nên chúng tôi nghĩ mình sẽ có cơ hội hơn”, ông nói. “Chúng tôi tin chắc rằng có thể in được cuốn sách của ông.” Tôi hỏi ông Anh vì sao lại giao cuốn sách cho một người miền Bắc dịch, có thể người đó không hiểu những sự tế nhị và thậm chí cả những câu đùa của nhân vật chính là người miền Nam. “Sự khác biệt cũng như trong âm nhạc thôi”, ông ta nói. “Các ca sĩ cùng hát một bài, nhưng diễn tả theo những cách khác nhau. Khi dịch cuốn The Things They Carried (Những thứ họ mang) của Tim O’Brien, chúng tôi đã cố gắng dùng đúng phương ngữ miền Nam. Nhưng trong trường hợp của ông, chúng tôi nghĩ đây là một cuốn sách chính trị, không phải là tác phẩm hư cấu. Độc giả của loại sách này là người miền Bắc, và phải làm sao cho nó dễ hiểu đối với họ.” Tôi đề nghị Anh và Giang nói cụ thể hơn về việc kiểm duyệt cuốn sách của tôi. Họ thuật lại quá trình mà bây giờ ai cũng biết, bắt đầu là việc dịch, do một người rất hiểu nguyên tắc của cuộc chơi này phân công. Sau đó chuyển bản thảo đến biên tập viên, người sẽ loại bỏ tất cả những phần “nhạy cảm”. “Làm sao ông ấy biết phải loại bỏ cái gì?” “Đấy là công việc của ông ấy mà”, ông Anh nói. “Ông Long là chuyên gia về cơ chế kiểm soát, người ta gọi là điều khiển học, và những nguyên tắc tương tự áp dụng vào văn học. Trong kiểm duyệt xuất bản có một số cơ chế kiểm soát đã biết, nhưng cũng có rất nhiều cơ chế chưa biết. Chúng tôi dựa vào kinh nghiệm của biên tập viên trong việc cắt cúp các bản thảo. Anh ta biết cái gì có thể không qua được kiểm duyệt.” https://thuviensach.vn “Tiến trình đó đầy nguy hiểm, không chỉ với tác giả mà còn với nhà xuất bản”, ông Anh nói. Đang nói chuyện thì ông ta tụt dép ra và để chân trần xuống nền gạch cho mát. Trên đầu, cái quạt trần lùa không khí nóng bức vòng quanh căn phòng. Mùa Xuân này, nhiệt độ ở Hà Nội lúc nào cũng hơn 37 độ. Ông Anh kể cho tôi nghe câu chuyện về tập thơ của Trần Dần, được Công ty xuất bản năm 2006. Từ khi dính vào vụ Nhân văn-Giai phẩm hồi những năm 1950, tất cả các tác phẩm của Trần Dần đều bị cấm. Đó là phiên bản Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông theo kiểu Việt Nam, tức là thanh trừng các nhà văn, nghệ sĩ, nhạc sĩ và những người bị liệt vào danh sách đen, bị bỏ tù, và bị cấm đoán suốt 50 năm. Một trong những nghệ sĩ đó là Văn Cao, năm 1945 đã sáng tác bài Quốc ca của Việt Nam. Từ 1957 đến 1986, người Việt thấy mình rơi vào tình huống khá kì quặc: được phép chơi nhạc bài Quốc ca do Văn Cao sáng tác, nhưng không được hát. Mãi đến khi một số từ được thay thì Quốc ca mới được hát trở lại. Văn Cao đã ngừng sáng tác từ lâu, và bằng cách đó, ông đã gia nhập đội ngũ những nghệ sĩ Việt Nam bị buộc phải im tiếng hay lưu đày từ những năm 50 đến nay có hàng trăm người như thế. Mao đã chết từ lâu và Cách mạng Văn hóa của ông ta đã mất uy tín, Nhã Nam nghĩ rằng bây giờ in tác phẩm của nhà thơ Trần Dần thì cũng an toàn. Họ có được giấy phép của một nhà xuất bản quốc doanh ở Đà Nẵng và in một tuyển tập thơ của ông, khi những biện pháp cấm đoán có phần nới lỏng. “Cảnh sát đến hội chợ sách và tịch thu toàn bộ sách của chúng tôi”, ông Anh nói. “Sau đó họ lục soát văn phòng của chúng tôi và tiêu hủy nhiều hơn nữa. Thật kinh hoàng. Chúng tôi đã tưởng sẽ bị đóng cửa và ngừng kinh doanh.” “Điều gì đã xảy ra vậy?” Tôi hỏi. Ông Anh hạ thấp giọng và nhắc đến tên của một cơ quan là A25. “Bây giờ là A87”, ông Giang sửa lại. https://thuviensach.vn Nhiều cơ quan chính quyền tên bắt đầu bằng chữ A, viết tắt của “an ninh”, và A25 nay là A87, Cục An ninh Thông tin Truyền thông thuộc Bộ Công an là bộ phận làm việc với các nhà xuất bản. “Gì thì cũng là An ninh Văn hóa, gọi là Cục An ninh Văn hóa”, ông Anh nói. “Địa chỉ của họ thế nào?”, tôi hỏi. “Họ không có địa chỉ đâu”, ông ta nói, ngụ ý họ có mặt khắp nơi. Rồi bằng những câu ngắn gọn, hai người trao đổi với nhau về điều đã xảy ra. Cuộc trao đổi này không được dịch. “Không có một tổ chức duy nhất nào chịu trách nhiệm kiểm duyệt”, ông Anh nói. “Việc đó liên quan đến rất nhiều người”. Một lần nữa, ông nhắc đến Bộ Công an. Ông Giang nói đến Bộ Thông tin và Truyền thông. “Đó là cơ quan phụ trách xuất bản”, ông ta nói. Ông Anh đưa thêm vào danh sách này cơ quan an ninh quốc gia và các tổ chức khác. “Nó giống như một đám mây”, ông ta nói. “Họ có mặt khắp nơi. “Thường thì họ không bắt biên tập viên”, ông ta nói. “Chỉ những người cầm bút bị bắt thôi, nhưng, nói chung, biên tập viên biết trước khi nào mình sẽ gặp rắc rối.” Tôi đề nghị họ nói cụ thể hơn về việc kiểm duyệt trong quá trình xuất bản cuốn sách của tôi. Và thế là lần đầu tiên tôi được nghe nhắc đến Nguyễn Thế Vinh. Ông Vinh là người chốt danh sách những đoạn phải cắt trong cuốn sách của tôi và cấp giấy phép xuất bản. Nghe hai người kia nói, tôi nghĩ ông Vinh là một trọng lượng đáng kể trong giới xuất bản. Vốn là cựu giám đốc của nhiều công ty khác nhau, bây giờ ông Vinh làm biên tập viên ở Nhà Xuất bản Hồng Đức, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhà xuất bản này không chỉ cấp phép xuất bản cuốn sách của tôi mà còn đưa biểu tượng của mình lên trang bìa. Quả thật, trên bìa cuốn sách có hai biểu tượng: của Nhã Nam là một cậu bé (hay cô bé) đang đọc sách trên lưng trâu, và của Hồng Đức là chữ H trắng nằm trong chữ Đ đen. https://thuviensach.vn Tôi còn được biết một tình tiết thú vị nữa về ông Vinh. Ông là người xin giấy phép xuất bản cho cuốn Perfect Spy (Điệp viên hoàn hảo) của Giáo sư Berman. Bản dịch tiếng Việt tác phẩm này là cú bôi trơn cho cuốn của tôi, và còn ai có thể làm tốt hơn ông Vinh, người từng làm công việc tương tự trước đó. Trong khi ông Anh pha cà phê thì ông Giang tiếp tục câu chuyện. “Cuốn sách của ông đã bị năm hoặc sáu nhà xuất bản từ chối”, ông ta nói. “Các nhà xuất bản khác từng ngó qua thì lại muốn sửa chữa, thay đổi rất nhiều. Họ cứ đòi phải cắt thêm, thêm nữa. Chúng tôi phản đối những đoạn sữa chữa đó, cho đến khi Nguyễn Thế Vinh đồng ý xuất bản.” “Thế ông ta đòi sửa những gì?” tôi hỏi. Ông Anh đi đi lại sau cái bàn viết. Ông Giang nhíu mày, khiến mặt ông sầm xuống. “Lúc nào gặp ông Vinh, xin ông không đưa ra những câu hỏi quá cứng rắn”, ông ta nói. “Nó có thể ảnh hưởng đến ông Vinh và cơ hội để cuốn sách của ông vẫn được bày bán”. “Ai đề nghị ông Vinh tham gia vào việc này?”, tôi hỏi. “Ông Giang đã tiếp cận với ông ấy”, ông Anh nói. Tôi có thể thấy hai vị này đang lo vì đã tiết lộ với tôi hơi quá nhiều chi tiết như vậy. Bây giờ, cả hai ngồi, tay khoanh trước ngực. “Nhà Xuất bản Hồng Đức muốn viết lời giới thiệu cho tác phẩm của ông”, ông Anh nói. “Nhưng chúng tôi đã bác bỏ đề xuất đó.” Tôi có thể tưởng tượng ra bài giới thiệu của Hồng Đức, là sự lặp lại của những mỹ từ thường gặp về Phạm Xuân Ẩn, một điệp viên “hoàn hảo”, một cán bộ cộng sản không chút tì vết, nhưng vẫn gặt hái biết bao tung hô từ những người phương Tây hâm mộ. Tôi thành thật biết ơn các biên tập viên đã giải thoát tôi khỏi cú khó xử đó. “Ông Vinh đã đứng ra nhận trách nhiệm cá nhân đối với việc xuất bản tác phẩm này của ông”, ông Anh nói “Ông muốn nói là, tuy vậy nó vẫn có thể bị kiểm duyệt?”. https://thuviensach.vn “Cuốn sách của ông có thể bị tịch thu vào ngày mai”, ông ta nói. “Không ai biết rắc rối có thể đến từ đâu. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu tiêu cực nào, nhưng bao giờ cũng có một ai đó có thể tìm thấy những chỗ nhạy cảm trong một cuốn sách nào đó.” “Các ông muốn tôi tránh đề cập đến những đề tài nào khi tôi còn ở Việt Nam?”, tôi hỏi. “Xin ông nhớ cho rằng ông Vinh có danh tiếng và sự nghiệp”, ông Anh nói. Bây giờ mọi người đều đã biết quan điểm của tôi về kiểm duyệt một công việc xấu xa mà kẻ mạnh dùng để lừa kẻ yếu nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi không cần phải nhắc lại những điều đã nói. “Ông không nên quá thẳng thắn với ông Vinh”, ông Anh nói. “Ông ấy chỉ làm theo chỉ đạo của nhà xuất bản.” “Ông cũng nên biết rằng cuốn sách của ông là một thực thể sống”, ông Giang nói. “Nó có thể được tái bản, lần sau có thể bổ sung những đoạn bị cắt trong phiên bản đầu tiên.” Tôi đảm bảo với ông Anh và ông Giang rằng tôi sẽ cố hết sức mình để không xúc phạm bất cứ ai. Hai ông này đều biết rằng cuốn sách của tôi trong phiên bản tiếng Việt không bị kiểm duyệt sẽ được phát hành trên Internet. “Hiện nay ở Việt Nam chúng tôi không có tiêu chuẩn nào cả”, ông Giang nói. “Chúng tôi không biết quyền của mình là gì, mà cũng không biết kiểm duyệt đang đi theo hướng nào. Nhưng hệ thống của chúng tôi đang thay đổi. Chúng tôi hy vọng ông hiểu rằng chúng tôi có thể cải thiện. Có thể làm tốt hơn. Chúng tôi đang học cách hoạt động trong môi trường xuất bản quốc tế.” “Nếu cuốn sách của ông được tái bản, chúng tôi muốn khôi phục các chi tiết bị cắt”, ông ta nói. “Ông có quan điểm tích cực về Việt Nam. Mọi người đều biết như thế. Vì vậy, chúng tôi mong ông hãy kiên nhẫn. Hãy cho chúng tôi thời gian để giải quyết mọi việc. Mọi người coi ông là một chuyên gia https://thuviensach.vn về Việt Nam, một nhà phê bình, đôi khi là một nhà phê bình cứng rắn, nhưng công bằng. Việt Nam học đó có thể là từ thích hợp đối với những việc ông đang làm.” “Mỗi năm các ông xuất bản bao nhiêu cuốn sách ‘có vấn đề’?”, tôi hỏi. “Trong nghề này, chúng tôi thường xuyên làm việc với những cuốn sách phức tạp”, ông Anh nói. “Nghề này nó vậy. Nhưng cuốn của ông là một trường hợp đặc biệt. Đây là cuốn khó nhất. Tôi đã định bỏ. Tôi nghĩ rằng chẳng có hi vọng gì. Tôi là người nóng tính, và cuốn này lại quá khó. Tôi đã buông tay. ‘Cuốn sách này sẽ không bao giờ được xuất bản!’ Tôi nói. Nhưng, các đồng nghiệp của tôi kiên nhẫn hơn tôi. ‘Hãy đợi’, họ bảo tôi. ‘Hiện vẫn còn cơ hội’. Nhờ ông Giang và bà Thu Yến mà cuốn sách của ông mới xuất hiện đấy. Họ là những người kiên trì.” “Tôi thấy mình như một con tin kẹt giữa hai đội quân đang giao chiến vậy”, ông Anh nói. “Tôi bị bắn từ cả hai hướng. Tác giả thì phản đối cắt cúp. Các nhà kiểm duyệt thì đòi cắt. Có những tác giả hiểu cách hoạt động của hệ thống này, ví dụ như Milan Kundera. Ông ấy từng sống dưới chế độ kiểm duyệt. Ông ấy hiểu vấn đề của chúng tôi và đồng ý để chúng tôi làm những việc cần làm khi chúng tôi xuất bản sách của ông ấy. Nếu ông động viên chúng tôi thì sẽ có lợi hơn.” “Thay mặt nhà xuất bản, chúng tôi muốn nói với ông rằng chúng tôi vui mừng vì cuốn sách của ông đã được xuất bản”, ông Giang nói. Tôi ngờ rằng ông ta lấy làm tiếc vì đã so sánh tôi không hay ho gì với Milan Kundera. Thực ra, tôi thấy thật tức cười khi một người tị nạn từ nước Tiệp Khắc cộng sản sẵn lòng chấp nhận bị kiểm duyệt ở nước Việt Nam cộng sản. “Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam và Hoa Kỳ tham gia vào những cuộc đàm phán khó khăn”, tôi nói. Ông Anh và ông Giang thích câu nói đùa này. “Tôi rất mừng vì chúng ta đạt được một kết cục vui vẻ”. Chúng tôi bắt tay nhau, và sau đó người ta đề nghị tôi ngồi tại bàn của ông Anh để ký sách tặng các nhân viên của Nhã Nam. Xem ra, mọi người trong công ty đều muốn có một cuốn biết đâu trước khi nó biến khỏi kệ. Suốt giờ ăn trưa người ta còn tiếp tục mang sách vào phòng của ông Anh để tôi ký. https://thuviensach.vn ĐIỆP VIÊN HOÀN HẢO? Cho đến nay, đã có sáu cuốn sách viết về Phạm Xuân Ẩn, ba cuốn bằng tiếng Việt, một cuốn bằng tiếng Pháp, và hai cuốn bằng tiếng Anh. Tiểu sử “chính thức” do ông kể, cuốn Điệp viên hoàn hảo, được xuất bản ở Mĩ năm 2007 và một năm sau đó thì được dịch sang tiếng Việt. “Chúng tôi đã bôi đỏ cả cuốn sách”, một người am hiểu về xuất bản ở Việt Nam cho biết. Nói cách khác, các nhà kiểm duyệt Việt Nam đã tô đậm thêm màu yêu nước trong bức chân dung đã được chọn lọc của một anh hùng dân tộc. Ngay từ nhan đề trở đi, người ta đã hiểu rằng Điệp viên hoàn hảo miêu tả Phạm Xuân Ẩn là một người vì dân tộc và một nhà ái quốc của Việt Nam. Cuốn sách này cũng khẳng định rằng ông đã vui vẻ nghỉ hưu khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Vấn đề là, dường như đó không phải là sự thật. Mỗi điệp viên đều có một vỏ bọc, họ giấu cuộc đời đằng sau vỏ bọc đó trong khi phải sống hai cuộc đời, còn trường hợp của Phạm Xuân Ẩn là những bốn cuộc đời, vì, có lúc ông làm việc cho Phòng Nhì (Deuxième Bureau) của Pháp, lúc thì làm việc cho CIA, lúc thì làm việc cho cơ quan tình báo của cả miền Nam lẫn miền Bắc Việt Nam. Công tác gián điệp cho Pháp được thực hiện ngoài giờ làm việc, lúc đó ông đóng vai người kiểm duyệt tại bưu điện, xử lí những điện tín của Graham Greene gửi cho tờ Paris Match. Công việc của ông cho người Mỹ thì bao gồm cả việc ông được Edward Lansdale và những nhân viên CIA khác đào tạo về chiến tranh tâm lý trong những năm 1950. Công việc ông làm cho tình báo miền Nam Việt Nam, nơi ông từng là cánh tay phải của trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, được coi là đã chấm dứt năm 1962, khi ông Tuyến bị sa thải sau một cuộc đảo chính bất thành. Nhưng ông vẫn giữ liên lạc với Trần Kim Tuyến, người vẫn là lão làng trong việc “kích hoạt những cuộc đảo chính”. Ông đã cung cấp thực phẩm và thuốc men cho ông Tuyến khi điệp viên bậc thầy này bị quản thúc tại gia (chắc chắn trong những lô quà gửi có cả thông tin nhét kèm). Sau đó, ông còn giúp ông Tuyến một lần cuối cùng nữa. Ông đã cứu mạng sống cho ông https://thuviensach.vn Tuyến. Bức ảnh nổi tiếng năm 1975 chụp chiếc máy bay trực thăng cuối cùng của Mỹ rời mái nhà số 22 đường Gia Long cho thấy một cái thang ọp ẹp bắc lên trực thăng. Người cuối cùng trèo lên thang nhờ sự can thiệp của người từng là cánh tay phải của mình là Trần Kim Tuyến. Vì sao Phạm Xuân Ẩn lại giúp trùm tình báo miền Nam trong một thời gian dài thoát khỏi tay cộng sản? “Tôi biết rồi sẽ gặp rắc rối”, Phạm Xuân Ẩn nói với tôi. “Đó là trùm tình báo, một nhân vật quan trọng cần phải bắt ngay, nhưng ông ấy là bạn tôi. Tôi mắc nợ ông ấy.” Ai biết được những ràng buộc nào của lòng trung thành đã giúp vào chuyện này, hay bao nhiêu câu hỏi khó trả lời sẽ không bị đặt ra nữa, khi ông Tuyến bay thoát, sang sống lưu vong ở Anh. Phạm Xuân Ẩn đã dùng vỏ bọc là một nhà báo trong suốt 20 năm, nhưng khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, vỏ bọc này mất giá trị thì ông xây dựng được vỏ bọc thứ hai đóng vai một chiến lược gia tầm cỡ thế giới vui hưởng tuổi hưu và suốt ngày tán gẫu với các nhà báo và du khách phương Tây khác. Tôi vừa được xem đoạn phim nữ diễn viên Hollywood Tiana Silliphant, một người Việt tị nạn, phỏng vấn Phạm Xuân Ẩn năm 1988. Lúc đó Tiana đang thu thập tài liệu cho bộ phim tài liệu có tên Từ Hollywood đến Hà Nội. Trong cuộc phỏng vấn, Phạm Xuân Ẩn tình cờ ngồi trên bậc thềm trước nhà ông, đằng sau không phải một mà là hai con béc giê Đức canh chừng. Tiana hỏi thẳng về những người mà ông đã phản bội và những người bạn đã bỏ mạng vì hoạt động gián điệp của chính ông. Phạm Xuân Ẩn nhướn tròn mắt rồi đảo ngang liếc dọc. Người ta thấy ông đưa ra câu trả lời ngay tại trận, bằng cách bắt đầu lái câu chuyện nhằm xây dựng vỏ bọc thứ hai của mình. “Tôi đã nghỉ hưu trong quân đội cách đây vài tuần”, ông nói. “Tôi không bao giờ phản bội bất kì ai.” Phạm Xuân Ẩn nói trong băng thu âm rằng ông nghỉ hưu trong quân đội năm 1988. Nhưng, cũng trong băng thu âm, ông lại nói rằng đã nghỉ hưu năm 2002 và một lần khác thì nói là năm 2005. Khi khách thấy một chiếc TV lớn, màn ảnh phẳng, trong phòng khách nhà ông, thì ông nói đó là quà hưu trí do “bạn bè” ở Tổng cục II cơ quan tình báo quân sự Việt Nam tặng. https://thuviensach.vn Có nhiều khả năng là Phạm Xuân Ẩn không bao giờ nghỉ hưu, ông vẫn là một thành viên của cơ quan tình báo cho đến khi qua đời. Dưới vỏ bọc đầu tiên, đóng vai một nhà báo, ông làm điệp viên từ những năm 1950 cho đến khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Dưới vỏ bọc thứ hai, đóng vai một chiến lược gia đã nghỉ hưu, ông làm điệp viên thêm ba mươi năm nữa thậm chí còn lâu hơn giai đoạn đầu trong sự nghiệp của mình. Những gì mà ông, một nhân viên tình báo vẫn còn hoạt động, đã làm trong thời gian này thì hiện chưa ai biết, nhưng chắc chắn là ông đã viết báo cáo về những người khách đến thăm ông và đưa ra các phân tích chính trị mà ông rất thành thạo. Với những câu chuyện đầy vẻ châm biếm về sự thất bại của những người cộng sản trong việc “cải tạo” ông, Phạm Xuân Ẩn đã đánh lạc hướng mọi nghi ngờ rằng ông vẫn là một điệp viên đang hoạt động. Mãi sau khi ông qua đời, khía cạnh này của cuộc đời ông mới được tiết lộ, qua bài diễn văn mà Tướng Nguyễn Chí Vịnh lúc đó đang lãnh đạo Tổng cục II đọc tại lễ tang Phạm Xuân Ẩn. Tướng Vịnh nói về “thành tựu quân sự đặc biệt” của Phạm Xuân Ẩn, khi ông sống “trong lòng địch”, và liệt kê một loạt huân, huy chương quân sự, mỗi tấm đều thể hiện một câu chuyện quan trọng về cuộc đời ông. Theo một tham chiếu vắn tắt trong cuốn Điệp viên hoàn hảo, Phạm Xuân Ẩn đã được tặng mười huân huy chương khác nhau. Nhưng thực ra, tổng cộng là mười sáu, trong số đó có sáu huân huy chương được trao sau năm 1975. Mười bốn trong tổng số và bốn trao sau năm 1975 là những huân huy chương chiến công. Đấy không phải là vì những thành tích trong việc phân tích chiến lược, mà là vì những chiến công quân sự cụ thể. Phạm Xuân Ẩn được trao huân huy chương cho những đóng góp chiến thuật ở nhiều trận đánh khác nhau, từ Ấp Bắc năm 1963 và Ia Đrăng năm 1965 đến Tết Mậu Thân năm 1968 và tiếp theo là Chiến dịch Hồ Chí Minh, dẫn đến kết thúc cuộc chiến tranh năm 1975. Ông có những thành tích gì để được trao thêm bốn huân chương chiến công sau năm 1975, điều đó không ai biết. Không tính đủ số huân huy chương của Phạm Xuân Ẩn, lờ đi tầm quan trọng của chúng, và bỏ qua sự kiện là nhiều tấm đã được trao sau năm 1975 https://thuviensach.vn là một phần của chiến dịch nhằm biến Phạm Xuân Ẩn thành một “điệp viên hoàn hảo”, một nhân vật ôn hòa tương tự như Hồ Chí Minh tách khỏi sự bạo lực kinh hoàng khắc họa nên những cuộc chiến tranh chống thực dân của Việt Nam. Trong Điệp viên hoàn hảo, những khía cạnh khác trong sự nghiệp của Phạm Xuân Ẩn đã bị cắt bớt hoặc lấp liếm đi. Những lời chỉ trích của ông về sự bất tài và tham nhũng của cộng sản, những lời nhận xét chua chát của ông về ảnh hưởng của Nga ở Việt Nam, những lời tấn công của ông trước sự can thiệp của Trung Quốc vào những vấn đề quốc gia, câu chuyện của ông về việc bị đưa đi “cải tạo” năm 1978, và sự phản đối của ông đối với phe thân Trung Quốc đang nắm quyền đã được làm nhẹ bớt đi. Những tình tiết giải thích lý do vì sao vợ và bốn người con của ông được đưa sang Mĩ năm 1975 và một năm sau lại được đưa về Việt Nam cũng được giảm nhẹ hoặc bỏ qua. Trong phiên bản dành cho công chúng thưởng thức, và theo tường thuật của người viết tiểu sử “chính thức” của Phạm Xuân Ẩn thì vào thời điểm chiến tranh kết thúc, ông vẫn ở Sài Gòn để chăm sóc mẹ bị ốm. Trong thực tế, các cơ quan tình báo Việt Nam đã lập kế hoạch đưa Phạm Xuân Ẩn tới Mĩ để tiếp tục làm gián điệp cho cộng sản. Khi kế hoạch này bị Bộ Chính trị bác bỏ thì ông mới buộc phải ở lại Việt Nam và đưa gia đình trở về. Thông tin về những hoạt động thời hậu chiến của Phạm Xuân Ẩn cho thấy Việt Nam đã có kế hoạch và chắc chắn là thành công trong việc cài gián điệp vào Mĩ trong giai đoạn kết thúc chiến tranh. Nó cũng cho thấy sự rạn nứt giữa các cơ quan tình báo và Bộ Chính trị mà bộ máy tuyên truyền của Việt Nam muốn bôi xóa bằng câu chuyện về người mẹ bị ốm. Khi những mảng tối được ghép trở lại vào cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn, các nhà kiểm duyệt chắc chắn sẽ phản đối câu chuyện chưa hoàn hảo về ông. Thật vậy, họ sẽ mất năm năm để viết lại câu chuyện và đấu tranh để nó càng gần với phiên bản chính thức thì càng tốt. Nước cờ của Nhã Nam đã sai. Một cuốn sách của một người phương Tây viết về Phạm Xuân Ẩn được dịch và xuất bản ở Việt Nam không có nghĩa là cuốn thứ hai sẽ dễ dàng được thông qua. Thật vậy, như gần đây chúng ta được biết, ngay cả phiên https://thuviensach.vn bản đã “tô hồng” cuộc đời của Phạm Xuân Ẫn cũng khó lọt. Điều này được tiết lộ trong một bức điện tín của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2007, do Wikileaks công bố năm 2011. Bức điện do một quan chức trong Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh đi cho biết bản dịch tiếng Việt tác phẩm Điệp viên hoàn hảo, dù được một nhà xuất bản quốc doanh ấn hành, suýt nữa thì bị các nhà kiểm duyệt ở Bộ Công an nghiền thành bột. Họ phản đối “nhiều lời phàn nàn của Phạm Xuân Ẩn rằng Việt Nam chỉ đơn giản là thay một bạo chúa này bằng một bạo chúa khác Liên Xô và những lời phê phán của ông về chính sách thời hậu chiến”. Các biên tập viên đã gặp rắc rối vì đã “ủng hộ việc xuất bản cuốn sách, trong đó, một trong những anh hùng nổi tiếng nhất của đất nước đã tung ra những lời tấn công mãnh liệt vào chính sách của chính phủ Việt Nam thời hậu chiến và tính chất khép kín của xã hội Việt Nam”. Theo bức điện của vị lãnh sự thì “phe ủng hộ cải cách trong chính phủ Việt Nam “chỉ giành được” thế thượng phong đối với “phe chống đối cải cách” khi đích thân Chủ tịch nước Việt Nam ủng hộ việc xuất bản cuốn sách này. Những câu chuyện về kiểm duyệt ở Việt cho thấy chế độ thượng tôn luật pháp được thay thế bằng chế độ thượng tôn luật rừng như thế nào. Những kẻ nắm quyền sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ đặc quyền của họ. Tôi thì lo lắng về những chuyện đó, nhưng nhiều người lại ngáp khi tôi nói với họ về việc kiểm duyệt ở Việt Nam. “Ông hi vọng gì nhỉ?”, họ nói. “Có gì đáng ngạc nhiên đâu”. Ngay cả những người bạn Việt Nam của tôi cũng đầu hàng số phận và có một niềm tin kỳ lạ rằng họ có thể đọc được những gì ẩn giữa hai hàng chữ”. “Tôi có thể đoán được tác phẩm bị cắt ở chỗ nào”, nhà văn Bảo Ninh khẳng định với tôi. “Chúng tôi biết những gì bị cắt. Chúng tôi chỉ không thể nói về những điều này mà thôi”. Thật khó lập luận để chống kiểm duyệt khi sự vô liêm sỉ lan tràn, nhưng Amartya Sen, người từng được Giải Nobel về kinh tế, gần đây đã có một nỗ lực đáng trân trọng. Trong một tiểu luận viết cho tạp chí Chỉ số Kiểm duyệt (Index on Censorship) năm 2013, Sen đã lên án Ấn Độ, quê hương ông, vì ý tưởng bắt chước Trung Quốc, một đất nước dường như đang là hình mẫu về https://thuviensach.vn việc các chính phủ độc tài có thể đánh đổi tự do cá nhân lấy tăng trưởng kinh tế. Sen khẳng định quan điểm ngược lại, rằng “tự do báo chí là tối quan trọng đối với sự phát triển”. Tự do ngôn luận có “giá trị tự thân”, ông nói. Nó là “điều kiện thiết yếu của nền chính trị có kiến thức”. Nó cho “những người kẻ yếu thế và bị xao lãng” một tiếng nói, và nó vô cùng cần thiết cho sự “hình thành những ý tưởng mới”. Dường như lúc này Trung Quốc vẫn đang khá thành công, nhưng Sen - nhà kinh tế học với công trình đoạt giải về sự khan hiếm nhắc nhở chúng ta, điều gì sẽ xảy ra khi lấy tuyên truyền thay thế thông tin. “Hệ thống độc tài nào cũng có những điểm dễ tổn thương khó tránh”, ông viết. Trong thời gian qua, hiện tượng này xảy ra ở Trung Quốc, với những cuộc cải cách ruộng đất trong giai đoạn Đại Nhảy vọt, khiến nước này phải trải qua một trong những nạn đói khủng khiếp nhất trên thế giới. “Nạn đói ở Trung Quốc giai đoạn 1959-1962… làm ít nhất 30 triệu người thiệt mạng khi chế độ bất lực không hiểu chuyện gì đang diễn ra và áp lực của công chúng như trong một nền dân chủ vận hành bình thường lại không hiện diện để chống lại chính sách của chính phủ.” “Những sai lầm của chính sách vẫn được duy trì suốt ba năm diễn ra nạn đói khủng khiếp đó”, Amartya Sen nói. “Hệ thống kiểm duyệt và kiểm soát truyền thông của nhà nước đã che giấu thông tin hoàn hảo đến mức chính phủ cũng bị bộ máy tuyên truyền của chính mình lừa bịp và tưởng rằng đất nước có 100 triệu tấn gạo nhiều hơn là trong thực tế. Cuối cùng, đích thân Chủ tịch Mao đã đọc một bài phát biểu nổi tiếng năm 1962, phàn nàn về “thiếu dân chủ”, một sự thiếu với hậu quả chết người. Ấn Độ và những nước khác trên thế giới có thể muốn noi theo Trung Quốc, khi nước này có tốc độ tăng trưởng lên đến hai con số, nhưng Amartya Sen cho rằng chỉ có ngu mới đi áp dụng các biện pháp bài dân chủ, tức những biện pháp làm suy yếu chính hệ thống toàn trị và khiến chúng dễ tin vào những lời dối trá của chính mình. https://thuviensach.vn NHỮNG THÓI QUEN THỜI CHIẾN Ông Nguyễn Thế Vinh, biên tập viên của Nhà Xuất bản Hồng Đức, là người kiểm duyệt cuối cùng mà tôi gặp trong chuyến thăm Việt Nam của tôi. Tôi đã đến một hội chợ sách ở Hà Nội để kí tặng sách và sau đó ngồi bàn chủ tọa buổi thảo luận về cuốn sách của tôi. Cạnh tôi là ông Vinh, khô khan, thích sách hơn thích tác giả, như nhiều biên tập viên khác, và một quý ông nữa, ông Dương Trung Quốc, người cũng dự phần trong việc xuất bản cuốn sách của tôi. Ông Quốc là một nhà sử học và một nhà chính trị. Tôi không biết ông viết kiểu lịch sử nào, nhưng là một đại biểu Quốc hội Việt Nam thì ông Quốc - một người niềm nở, trông như một Bill Clinton của Việt Nam hẳn là một nhà chính trị thành công. Tôi tìm cách che giấu sự khó chịu vì hầu hết buổi tối hôm đó được dành để thảo luận về Phạm Xuân Ẩn, như một “điệp viên hoàn hảo”. Xin nhớ rằng, ông Vinh đã biên tập và kiểm duyệt cả hai cuốn, cả tiểu sử “chính thức” của Phạm Xuân Ẩn lẫn tác phẩm của tôi. Người ta bảo tôi là nên giữ mồm giữ miệng và đừng làm hỏng việc bán cuốn sách của tôi. Cực hình này kéo dài suốt bữa tối, tôi thì vẫn giữ mồm giữ miệng, trong khi ông Vinh và ông Quốc đánh chén một bữa thịnh soạn. Dù đã cắt gọt tác phẩm của tôi lần cuối, nhưng hai vị này là những người có thế lực để tác phẩm này được xuất bản. Tôi nợ họ mấy đồng nhuận bút, mà tôi nghĩ rằng sẽ đem tặng cho vài trong hàng triệu sinh linh nghèo túng trong cộng đồng Việt sau chiến tranh ở hải ngoại. Lúc chúng tôi chuyển từ món rau xào sang cá hấp thì lưỡi tôi đã đủ trơn để bắt đầu nói về đề tài kiểm duyệt. “Theo luật thì ở Việt Nam không có kiểm duyệt”, ông Vinh nói. “Chủ yếu là chúng tôi tự kiểm duyệt.” Ông Quốc, nhà chính trị, đồng ý với người bạn văn chương của mình. “Ở Việt Nam, kiểm duyệt nằm trong não trạng của tất cả mọi người”, ông nói. “Biên tập viên đã cắt gọt tác phẩm của bạn, chứ không phải là chính phủ.” Tôi đề nghị họ lí giải sâu hơn, vì sao một đất nước không có bộ máy kiểm duyệt lại kiểm duyệt được nhiều người cầm bút đến như thế. “Tất cả https://thuviensach.vn các nhà xuất bản đều của nhà nước”, ông Vinh nói. “Mọi người làm việc trong hệ thống đều hiểu điều đó. Vì mục tiêu cao hơn của dân tộc, họ phải hy sinh một cái gì đó. Ở Việt Nam chúng tôi có câu: Giết lầm còn hơn bỏ sót”. Ông Quốc để một nụ cười lan ra trên mặt, trước khi nhẹ nhàng nhắc bạn. “Anh nói cứ như chính trị viên”, ông bảo. Cũng trong buổi tối hôm đó, rồi ông Quốc sẽ gợi ý vì sao cuốn sách của tôi cuối cùng đã được ấn hành sau năm năm bị chặn. “Những cuốn tiểu sử tự thuật của Phạm Xuân Ẩn đều là tác phẩm tốc ký”, ông nói. “Người ta in những gì ông ấy bảo họ in. Cuốn sách của ông khác hẳn. Nó được ghi chép và nghiên cứu, nhưng quan trọng hơn, nó nắm bắt được con người của Phạm Xuân Ẩn. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ rằng phải xuất bản tác phẩm này.” Tôi nhận lời khen, nhưng lưu ý rằng cuốn sách xuất bản ở Việt Nam không thực sự là tác phẩm của tôi. Đó chỉ là một đoạn quảng cáo để bán, còn một bản dịch tiếng Việt hoàn chỉnh chỉ có thể lưu hành ở bên ngoài, khi cuốn sách được dịch lại và phát hành ở Berlin, trong một file lưu trữ ở một chiếc máy tính được gia cố nhằm chống lại những cuộc tấn công của các nhà kiểm duyệt của Việt Nam. Việc Việt Nam có các nhà kiểm duyệt tìm cách với tay ra khắp thế giới và vô hiệu hóa đến cả máy tính ở Berlin khiến những nhân viên này ít hiền lành hơn nhiều so với điều mà ông Vinh muốn tôi tin. Trong trường hợp này, các nhà kiểm duyệt không làm việc như những người làm vườn tự do, cắt tỉa tạo dáng cây cảnh trong đầu óc họ, mà như những nhà hoạt động chính trị thực hiện mệnh lệnh tấn công người ở nước ngoài. Khi chúng tôi chuyển từ cá sang thịt nướng thì ông Quốc tỏ ý là ông sẽ cho tôi biết riêng một thông tin quan trọng. Sau khi chiến tranh kết thúc, Phạm Xuân Ẩn không chỉ tiếp tục làm việc như một điệp viên, mà còn làm việc đó ở cấp cao nhất. “Sau chiến tranh, ông ấy là hiệu trưởng Trường Tình báo Quân sự ở thành phố Hồ Chí Minh”. Tám tháng ở Trường Đảng https://thuviensach.vn Nguyễn Ái Quốc năm 1978 ở Hà Nội là để chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng này. Tôi không thấy bằng chứng nào chống lưng cho phát ngôn này, và, quả thực, tôi ngờ rằng đấy là một phần của chiến dịch tuyên truyền nhằm biến Phạm Xuân Ẩn thành một cán bộ hoàn hảo. Lời tuyên bố này lại càng vô lí hơn, vì lúc trước, cũng trong buổi tối hôm đó, ông Quốc đã thừa nhận rằng Phạm Xuân Ẩn là người miền Nam, từng làm việc cho Mỹ, các đồng nghiệp miền Bắc không bao giờ tin ông. “Những người như Phạm Xuân Ẩn không được chính phủ tin cậy”, ông nói. “Có rất nhiều câu hỏi về ông ấy.” Rõ ràng là còn lâu những câu hỏi này mới tìm được câu trả lời. “Ít nhất là bảy mươi năm nữa thì các tài liệu ở Việt Nam mới được giải mật”, ông Quốc nói. Sau đó, để xác minh phát ngôn của ông Quốc về việc Phạm Xuân Ẩn từng là hiệu trưởng Trường Tình báo của Việt Nam, tôi đã đến thăm Bùi Tín trên căn buồng áp mái một phòng của ông ở Paris. Bùi Tín cũng là một phóng viên tình báo nổi tiếng. Ông là Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, khi viết một bài xã luận vào mùa Xuân năm 1990, ca ngợi sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ và việc đưa các cải cách dân chủ vào thế giới cộng sản. Lúc đó ông sắp bị Bộ Chính trị đang chuẩn bị ký thỏa thuận liên minh bí mật Việt-Trung sa thải. (“Thoả thuận Thành Đô tháng 9 năm 1990 là khởi đầu của quá trình thực dân hóa do Trung Quốc tiến hành ở Việt Nam”, Bùi Tín nói.) Để tránh bị bắt, Bùi Tín để vợ và hai người con ở Hà Nội và bay sang Paris dự hội nghị các biên tập viên báo chí cộng sản. Sau hội nghị, ông không trở về nước. Ông nghĩ rằng một hoặc hai năm nữa tình hình sẽ hoàn toàn thay đổi. Lực lượng tiến bộ của Việt Nam sẽ giành được thế thượng phong và sẽ đưa cải cách dân chủ vào nước này. Hai mươi lăm năm sau, Bùi Tín vẫn còn ở Paris, trong khi vợ ông từ năm 1990 đến nay ông chưa gặp lại bà lần nào vẫn nằm “dưới sự giám sát chặt chẽ” ở Hà Nội. Là đại tá quân đội và người thân tín của Tướng Giáp, đồng thời là đồng nghiệp báo chí, kết bạn với Phạm Xuân Ẩn sau khi hai người gặp nhau năm 1975, Bùi Tín là một nguồn đáng tin cậy để thẩm định thông tin do ông https://thuviensach.vn Quốc đưa ra. “Đúng, Phạm Xuân Ẩn đã viết báo cáo về những người khách đến thăm”, Bùi Tín khẳng định, và “thỉnh thoảng người ta cũng đề nghị ông ấy giảng dạy cho những tình báo viên của Bộ Nội vụ được đào tạo ở Sài Gòn. Nhưng ông ấy chưa bao giờ làm to, chưa bao giờ làm hiệu trưởng Trường Tình báo. Chính phủ coi ông ta là một công cụ thú vị. Ông ta là một món đồ trang trí để họ chơi và ngắm nghía. Dùng ông ta để tuyên truyền thì tốt, nhưng họ không bao giờ tin ông ta.” Bất chấp những phát ngôn đáng ngờ của ông Quốc, tôi đã thân với ông hơn, khi chúng tôi uống hết vại bia này đến vại bia khác và kết thúc buổi tối với những cái tăm cắm miệng, tín hiệu rằng đã ăn uống thỏa thuê. Ông Quốc còn làm tôi ngạc nhiên bằng một lời thú nhận khác. Khác với ngày xưa, ông nói, chính phủ Việt Nam không còn là tập hợp của những người khổng lồ về trí tuệ và những thiên tài quân sự. “Chính phủ Việt Nam bây giờ không đủ thông minh để có thể cho phép một Phạm Xuân Ẩn làm những việc mà ông ấy đã làm”, ông nói. “Phải dũng cảm và thông minh thì mới chỉ huy được một nhà tình báo như thế. Nói bằng tiếng Anh thế nào nhỉ? ‘Nạn nhân đầu tiên của chiến tranh là sự thật’. Ở Việt Nam, chúng tôi vẫn còn những thói quen của thời chiến.” Lúc này, bạn bè vui vẻ sau khi đã chén tạc chén thù, đồng ý với nhau về hầu như tất cả mọi thứ, những người kiểm duyệt tác phẩm của tôi và tôi bắt đầu nâng cốc chúc mừng nhau, nào, cạn li. Bản tiếng Việt “Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam” Copyright © 2014 Phạm Nguyên Trường & pro&contra & Thomas A. Bass https://thuviensach.vn