🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Robinson Crusoe - Daniel Defoe Ebooks Nhóm Zalo MỤC LỤC Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Đoạn kết Chương 1 Tôi sinh năm 1632, tại thành phố York, trong một gia đình nề nếp, nhưng không phải là dân ở đó. Bố tôi người Bremen đến Hull lập nghiệp. Buôn bán phát đạt và trở nên giàu có, ông chuyển đến York. Tôi là con trai thứ ba và rất được nuông chiều, chẳng phải tập làm một nghề nghiệp gì. Chỉ có ngồi rồi, đầu óc tôi sớm quay cuồng với nhiều mơ ước viển vông, táo bạo. Bố tôi đã cao tuổi lắm; chưa bao giờ ông chịu để cho tôi phải dốt nát. Ông luôn luôn cố gắng cho tôi được hưởng một sự giáo dục trọn vẹn và tốt đẹp: tự ông đã giảng giải cho tôi, lại cho tôi đến học một trường công vào loại tốt nhất ở York. Ông chỉ mong muốn tôi học về luật. Nhưng chí hướng tôi lại khác hẳn. Ngày đêm tôi chỉ say sưa với cái thú đi biển, đến nỗi tôi đã ngang nhiên chống lại ý muốn và ngay cả những mệnh lệnh của chính bố tôi. Tôi lại cũng bỏ ngoài tai tất cả những lời răn đe, hoặc van lơn khẩn thiết của mẹ tôi và bà con xóm giềng. Mọi người đều phàn nàn lo lắng cho số phận của tôi và đoán trước rằng cuộc đời tôi sẽ gặp nhiều nỗi đắng cay khổ cực. Bố tôi vốn là người từng trải và nghiêm nghị. Ông thường khuyên bảo tôi nhiều điều quý báu, những mong giúp tôi từ bỏ cái ý định rồ dại mà tôi cứ bám vào dai như đỉa đói. Một buổi sáng, ông gọi tôi vào buồng riêng – vì ông bị đau thấp khớp nên ít ra ngoài – bàn thẳng với tôi về chuyện đó. Ông hỏi tôi vì cớ gì – đúng hơn, tại sao lại điên rồ – bỗng dưng muốn rời bỏ gia đình, rời bỏ quê hương đất nước. Ở quê nhà chắc chắn tôi sẽ được giúp đỡ. Nhờ sự chuyên cần và tài cán của chính mình, tôi sẽ có nhiều hy vọng trở nên giàu có, cuộc đời sẽ êm ấm đầy hạnh phúc, ông dùng lời lẽ rất khẩn thiết và thân tình khuyên tôi không nên lao vào cái kiểu ước mơ dại dột của tuổi trẻ, tự dưng chuốc lấy những nỗi khổ cực mà thiên nhiên và hoàn cảnh gia đình đã phòng ngừa cho. Ông bảo rõ rằng tôi không cần phải đi đâu xa để kiếm ăn, ông sẽ bao cho tôi đầy đủ. Ông kết luận rằng nhiệm vụ của ông là nói hết để đề phòng cho tôi mọi sự không may do một quyết định vô ý thức có thể gây ra, sau đó, ông sẽ không chịu trách nhiệm gì nữa. Nói tóm lại, vì ông muốn làm mọi việc để gây hạnh phúc cho tôi và xây dựng cuộc đời theo ý ông, nên ông không thể vui lòng cho phép tôi ra đi. Vì như thế chỉ là góp thêm vào tai nạn của tôi. Ông thẳng thắn tuyên bố với tôi rằng nếu cứ cứng đầu như thế thì suốt đời tôi sẽ phải suy nghĩ và hối hận đã coi thường lời khuyên bảo của ông; lúc đó, đừng có mong được ai giúp đỡ! Quả tình tôi đã xúc động rất chân thành trước những lời lẽ chí tình và thân thiết ấy. Liệu tôi có thể cứ trơ trơ như nước đổ đầu vịt mãi không? Thật thế, tôi đã nhất quyết sẽ không nghĩ gì đến những chuyến du lịch mà chỉ kiếm cách làm ăn ở ngay đây, theo ý muốn của bố tôi. Nhưng chán thay! Ý nghĩ khôn ngoan đó khác nào gió thoảng qua và để khỏi bị bố tôi ngăn cản, tôi lại quyết định sẽ lẳng lặng ra đi, không nói cho ông biết. Tuy nhiên, tôi chưa thực hiện sớm ý định ấy. Tôi cố gắng nấn ná kìm bớt cái sôi nổi quá đáng lúc đầu. Một hôm, thấy mẹ tôi có vẻ hồ hởi hơn mọi ngày, tôi bèn kéo bà ra nói chuyện riêng. Tôi nói rằng tôi quá mê say muốn đi cho biết đó đây, đến nỗi không thể nào bắt tay vào bất cứ một việc gì mà có đủ kiên tâm làm cho trọn vẹn; đúng ra thì tự bố tôi nên cho phép tôi ra đi, hơn là để tôi bắt buộc phải trốn nhà. Mẹ tôi bừng bừng nổi giận. Bà bảo rằng không thể nói với bố tôi về chuyện ấy được; ông đã hiểu quá rõ thế nào là lợi ích thiết thân nhất cho tôi, không đời nào ông lại ưng thuận làm một điều có hại cho tôi sau này. Về phần bà thì bà không hiểu được tại sao tôi lại còn có thể nghĩ tới chuyện đó, sau khi cha con đã bàn bạc hết nước hết cái với nhau. Quả là tôi đã coi thường những lời khuyên bảo thân thiết và nhiệt tình của bố tôi trước sau chỉ mong tôi làm theo lẽ phải! Phải chờ đến một năm sau tôi mới thoát ra khỏi sự ràng buộc đó. Tôi ương ngạnh bỏ ngoài tai tất cả những ý kiến khuyên tôi nên chọn lấy một nghề nào đó. Tôi lại thường phàn nàn với bố mẹ tôi rằng hai ông bà đã quá cứng rắn cản trở tôi thực hiện một điều mong muốn đã hoàn toàn chiếm lĩnh đầu óc tôi. Một hôm, trong khi đi chơi lang thang ở Hull – và cũng chẳng phải là lúc tôi có mơ ước bay bổng đi xa – tình cờ tôi gặp một người bạn sắp sửa đáp tàu của bố anh ta đi London bằng đường biển. Anh ta mời tôi cùng đi. Và để lời mời thêm hấp dẫn, anh ta dùng ngay kiểu nói của thủy thủ, có nghĩa là tôi không phải trả tiền tàu. Thế là chẳng hỏi gì bố tôi, hoặc mẹ tôi, mà cũng chẳng chịu bỏ chút công báo tin cho gia đình biết, tôi phó mặc cho sự việc lôi cuốn đi, muốn ra sao thì ra. Cũng chẳng đếm xỉa đến hoàn cảnh trước mắt, đến hậu quả sau này, tôi đến ngay chiếc tàu sắp nhổ neo đi London. Đó là ngày 1-9-1651, ngày xấu nhất trong đời tôi. Có lẽ không có một tay giang hồ trẻ tuổi nào bị rủi ro sớm như tôi và dai dẳng như tôi. Chiếc tàu vừa ra khỏi con sông Humber, gió biển đã trở mát và mặt biển cồn sóng lên dữ dội. Chưa từng đi biển, chuyến này tôi vừa say sóng lại vừa kinh hồn. Thể xác và tinh thần tôi như rơi tõm vào một cơn mê hoảng khủng khiếp không tả xiết. Tôi bắt đầu suy nghĩ chín chắn về việc làm nông nổi của mình, của một đứa con lêu lổng và ương ngạnh, thế là những lời khuyên nhủ khôn ngoan của bố mẹ, những giọt nước mắt của bố tôi, những lời cầu van của mẹ tôi, tất cả đều hiện ra rõ mồn một trong tâm trí tôi. Lương tâm tôi cắn rứt và trách tôi sao lại coi thường những bài học bổ ích đến thế để đến nỗi xa rời bổn phận làm con! Trong lúc ấy, bão chuyển mạnh thêm, biển động càng dữ dội. Thực ra thì chưa thấm vào đâu so với những lần tôi gặp sau này, và trước hết là với tình trạng mấy ngày sau, nhưng chừng đó cũng đủ cho một người lần đầu làm quen với sóng nước phải chết khiếp. Chốc chốc tôi lại ngỡ mình sẽ bị dìm sâu dưới những làn sóng bạc. Mỗi lúc chiếc tàu nhào xuống tôi lại tưởng nó chúi sâu tận đáy biển luôn, không nhô lên nữa. Trong cơn kinh hoảng, nhiều lần tôi tự hứa nếu tai qua nạn khỏi thì suốt đời sẽ không bao giờ đặt chân lên bất cứ một chiếc tàu biển nào để khỏi lại lâm vào tai nạn như lần này; tôi sẽ trở về thẳng với bố tôi và sống ngoan ngoãn theo đúng những lời khuyên bảo của ông. Những ý nghĩ lành mạnh và sáng suốt đó đã chiếm lấy tâm trí tôi suốt trong cơn bão và cả sau đó nữa. Ngày hôm sau, gió tạnh, biển trở lại yên lặng, tôi bắt đầu quen dần. Chiều đến, trời trong hẳn, gió lặng ngắt, hoàng hôn thật êm ả. Mặt trời lặn, không gợn chút mây và sáng hôm sau mọc lên cũng vậy. Gió nhẹ và êm, mặt biển phẳng lặng như một tấm gương, phản chiếu ánh mặt trời, tạo nên một cảnh tượng hết sức đẹp mắt. Ngày thứ sáu trong chuyến đi, chúng tôi đến cảng Yarmouth. Bị trái gió từ sau cơn bão, chúng tôi chưa đi được mấy đành phải ghé vào đó, nghỉ lại. Gió vẫn trái, theo chiều tây nam luôn bảy tám ngày. Suốt thời gian này tàu từ Newcastle cũng vào cảng, chỗ hẹn hò chung của tất cả những ai chờ một cơn gió thuận để vào cửa sông Thames. Nhưng đến ngày thứ tám, vừa sáng sớm, gió lại nổi lên dữ dội. Tất cả trai bạn trên tàu được lệnh hạ các cột buồm xuống, sắp xếp mọi thứ thật ngăn nắp và chèn thật kỹ cho tàu gọn nhẹ hơn. Đến trưa, biển nổi sóng kinh khủng. Mũi tàu luôn chúi xuống và sóng tràn qua tàu nhiều lần. Chủ tàu tức tốc ra lệnh thả neo cái; nhưng rồi chiếc tàu lại cũng bị đánh trôi đi, kéo lê cả neo. Bão táp càng khủng khiếp. Ngay các thủy thủ cũng phải kinh ngạc, vẻ sợ hãi lộ ra mặt. Ông chủ tàu xưa nay nổi tiếng là người cương nghị, sống chết quyết giữ tàu đến cùng, vậy mà lúc này cũng luôn luôn thốt ra những lời tuyệt vọng. Khi ông ra vào phòng riêng hoặc đi gần tôi, tôi nghe thấy những tiếng kêu “Trời ơi! Chết mất! Chẳng còn trông mong gì nữa!”. Trong tình trạng kinh hoàng mở đầu đó, tôi nằm dài trong buồng riêng ở phía lái, không động đậy, lạnh ngắt vì khiếp đảm. Tôi không thể nào nói được tâm trạng của mình lúc đó ra thế nào! Tôi hết sức xấu hổ nhớ lại tội lỗi đầu tiên của mình là đã lạnh lùng vứt bỏ một cách tàn nhẫn tất cả những lời hứa hẹn. Tôi bước ra khỏi buồng để dò xem tình hình bên ngoài. Chưa bao giờ thấy một cảnh khủng khiếp đến thế, sóng biển dồi lên cao như những trái núi ào tới ập lên chúng tôi liên hồi. Nhìn phía nào cũng chỉ thấy hoảng sợ. Hai chiếc tàu vụt qua gần chúng tôi có vẻ chở nặng, cột buồm gãy sát gốc như tiện. Một số người trên tàu chúng tôi lại la ầm lên là có một chiếc đã bị đắm cách đó khoảng một dặm biển. Hai chiếc khác, đứt neo, từ trong vịnh bị đánh tuốt ra biển cả, mất cả buồm, trôi lảo đảo trong sóng gió. Những chiếc tàu chở nhẹ thì bị tung quật hơn. Có vài chiếc vì không bị chính sức nặng của nó ghìm lại nên chạy vùn vụt bên cạnh chúng tôi, còn độc cánh buồm chéo nơi chót mũi. Vào quãng chiều, viên hoa tiêu và viên thuyền phó bàn với ông chủ tàu chặt cột buồm phía trước. Ông này không chịu, nhưng viên thuyền phó nói rõ cho ông hiểu rằng nếu không làm như thế, nhất định tàu sẽ đắm ngay. Cuối cùng, ông chủ tàu phải bằng lòng. Cột buồm trước vừa chặt gãy thì cột buồm sau bị gió quật đảo qua đảo lại dữ dội đến nỗi cũng phải chặt nốt, sàn tàu trống trơn từ đầu đến cuối. Các bạn thử nghĩ xem trong tình thế đó, tâm trạng tôi như thế nào! Tôi xưa nay chưa từng đi biển, một chút xíu tai họa không đáng kể, đối vối tôi cũng đã trở nên ghê gớm! Bây giờ nhớ lại những ý nghĩ hồi đó, nhớ lại những bài học rút ra được từ những tai nạn kể trên, nhớ lại sai lầm đã khiến tôi vẫn tiếp tục lao theo ý định đầu tiên quái ác của mình, tôi thấy tất cả những cái đó còn khủng khiếp hơn là khi đứng trước chính cái chết. Những ý nghĩ ấy, dồn thêm vào sự kinh khủng tất nhiên do cơn bão gây nên, đã xô tôi vào một tình trạng hoang mang khó tả. Vậy mà chúng tôi đâu đã được thoát nạn dễ dàng! Bão táp vẫn tiếp diễn hung hãn vô cùng; ngay các thủy thủ trên tàu cũng phải thú thật chưa bao giờ gặp một cơn bão tệ hại như thế. Chiếc tàu của chúng tôi thì chắc chắn nhưng chở quá nặng; thỉnh thoảng thủy thủ lại kêu lên là tàu sắp đắm mất rồi. Ấy thế mà cơn bão vẫn cứ vô cùng dữ dội, đến nỗi ông chủ tàu, viên thuyền phó và một số người khác đã thất vọng đến mức độ quỳ xuống cầu kinh, mỗi khi tưởng là tàu đắm. Đó là một hiện tượng hiếm thấy! Thế mà đã hết đâu! Vào khoảng nửa đêm, một người được cử xuống xem xét dưới hầm tàu bỗng kêu lên dưới đó có một lỗ hổng, rồi một người lại la rằng nước đã ngập tới bốn bộ. Thế là mọi người xúm lại bơm nước ra. Chỉ riêng hai tiếng “bơm nước” cũng đã khiến tôi kinh hoảng tột độ. Tôi ngã nhào xuống bất tỉnh. Lúc ấy thì ai lo phận nấy, chẳng thèm để ý đến tôi. Có ai đó gạt phắt tôi ra một bên, nhảy vào thay tôi ở tay bơm, để mặc tôi nằm sóng xoài, yên trí là tôi đã từ giã cõi đời. Mãi một hồi lâu tôi mới tỉnh lại. Mọi người càng ra sức bơm, nhưng nước cứ càng dâng lên cao; rõ ràng là chiếc tàu sẽ đắm. Tuy cơn bão đã có chiều dịu nhưng chiếc tàu không sao nổi trên mặt nước được, trước lúc có thể ghé vào một bến nào đó. Ông chủ tàu quyết định bắn súng đại bác cầu cứu. Một chiếc tàu khác vừa đi qua liền thả xuồng xuống. Cũng phải vất vả vô cùng chiếc xuồng ấy mới tiến dần đến gần chúng tôi, nhưng loay xoay mãi không áp nổi được vào mạn tàu, để chúng tôi có thể xuống được! Cuối cùng, những tay chèo đã cố gắng hết mức tới liều mạng họ để cứu mạng chúng tôi. Từ sau lái, chúng tôi quăng cho họ một chiếc dây thừng có buộc phao rồi tháo dây cho nó kéo dài mãi ra theo chiếc dây phao bập bềnh trên sóng. Đằng kia, họ cũng không quản hiểm nguy mệt nhọc, tìm cách bắt được đầu sợi dây thừng. Sau đó, chúng tôi hết sức lôi họ về phía lái tàu rồi kéo nhau xuống xuồng. Tất cả mọi người đều cố gắng hết sức chèo xuồng trở về tàu kia, nhưng không được. Thế là đành phải đồng ý với nhau rằng cứ để xuồng lênh đênh như thế này trên mặt biển, đồng thời hướng cho được mũi xuồng vào phía đất liền chừng nào tốt chừng ấy. Ông chủ tàu chúng tôi lại hứa rằng nếu xuồng có bị hư hỏng vì phải lướt trên bờ cát, ông sẽ xin bồi thường xứng đáng cho ông chủ tàu kia. Cứ như thế, khi chèo khi buông xuồng trôi theo gió thuận, chúng tôi hướng dần về phía bắc, cũng gần với Winterton Ness. Không đầy một khắc đồng hồ sau khi chúng tôi xuống xuồng, chiếc tàu bị đắm hẳn. Chỉ từ lúc đó tôi mới hiểu thế nào là một chiếc tàu bị đắm. Chúng tôi chèo cật lực để tiến dần vào bờ được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Khi xuồng nhô cao trên ngọn sóng thì từ xa trên bờ mọi người đã trông thấy nó. Có rất nhiều người đổ ra chạy dọc bờ biển, sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi trước khi chúng tôi vòng qua cột đèn biển ở Winterton để tiến lại gần. Bên kia, bờ biển lõm vào phía tây, phía Cromer, và như thế thì luồng gió mạnh cũng đã bị chắn bớt. Chính ở đó, mà cũng còn rất vất vả, chúng tôi sung sướng bước lên đất liền. Chúng tôi cuốc bộ về Yarmouth, được đối xử ân cần, và những người bị nạn thấy được yên ủi, nghĩa là rất nhân đạo. Tòa án đã cấp cho chúng tôi mọi chứng từ tốt cần phải có, các nhà buôn cùng các ông chủ tàu thì tặng chúng tôi khá nhiều tiền bạc để có thể về tới London hoặc trở về Hull, tùy ý mỗi người. Đáng ra tôi phải khôn ngoan tìm đường về Hull với gia đình. Đó là con đường tôi phải theo để được sung sướng. Chắc chắn bố tôi sẽ mổ bò ăn mừng. Nhưng thấy trong túi còn rủng rỉnh ít tiền, tôi lại đi bộ thẳng ra London. Chương 2 Tôi tới London. Ở đó cũng như trong khi đi đường, tôi đã phải suy nghĩ cân nhắc nhiều về tương lai, nghĩa là nên quay trở về với gia đình hay là lại cứ đi biển. Trong một thời gian khá lâu, tôi cứ phân vân không sao quyết định dứt khoát được nên chọn con đường nào. Tôi vẫn cứ càng chán ngấy mỗi khi nghĩ đến chuyện quay trở về nhà. Ngày tháng trôi dần; dấu vết cơn khủng khiếp vừa qua cũng theo đó mờ dần trong ký ức tôi. Thảng hoặc có lúc nào đó muốn quay trở về nhà, thì ý định mờ nhạt đó cứ càng mờ thêm, cuối cùng tới mức tôi quên khuấy đi không hề nghĩ đến chút nào nữa. Tôi bắt đầu sửa soạn một chuyến đi xa mới. Thế rồi tôi đáp một chiếc tàu đi về mạn bờ biển Châu Phi, theo cách nói thông thường của thủy thủ, tức là tôi đi Guinea. Trong tất cả những chuyến đi này, điều tai hại nhất là tôi đã không chịu xin làm một chân thủy thủ bình thường. Làm thủy thủ thì tất nhiên phải gánh vác nhiều công việc nặng nhọc, nhưng lại được học tập nghề đi biển. Như vậy, biết đâu tôi chẳng tiến lên được địa vị hoa tiêu, hoặc thuyền phó và có khi cả thuyền trưởng nữa. Nhưng khốn thay cho tôi, về mặt này cũng như mọi mặt khác, bao giờ tôi cũng cứ vơ lấy phần hẩm hiu nhất. Nghĩ mình có tiền lại diện sang, tôi chỉ thích xuống tàu như một “ông lớn”. Như vậy, tôi chẳng phải làm công việc gì mà cũng chẳng có cơ hội nào để học tập. Vừa tới London, dịp đâu may mắn tôi gặp ngay mấy người bạn tốt. Trước hết, tôi làm quen với một ông thuyền trưởng vẫn thường qua lại bờ biển xứ Guinea. Ông ta đã gặp nhiều phen thuận buồm xuôi gió nên định đi tiếp một chuyến nữa. Ông ta mời tôi cùng đi và tôi không bỏ lỡ dịp may hiếm có ấy. Tôi nhận lời mời và kết bạn thân tình với ông thuyền trưởng, một người chân thật và sòng phẳng. Tôi bèn đi chuyến ấy với ông ta. Theo lời ông khuyên tôi bỏ ra cầu may một món tiền là bốn chục đồng sterling để mua các thứ hàng lặt vặt bằng kim khí. Có một số bà con thường vẫn thư từ qua lại thăm hỏi tôi đã giúp tôi món tiền ấy, những người này cũng có nài nỉ bố mẹ tôi bí mật gửi tiền để thỏa mãn chuyến đi đầu tiên của tôi. Có thể nói rằng trong tất cả các chuyến đi của tôi thì chuyến này là may mắn nhất, phần lớn nhờ ở nhiệt tình và sự giúp đỡ của ông bạn thuyền trưởng. Ngoài những món lợi về hàng hóa được chia khá nhiều, tôi còn được ông ta bày bảo cho khá đầy đủ về toán học và về nghề đi biển, biết ước lượng đúng con đường đi của một chiếc tàu và biết điều khiển buồm cho thuận hướng. Ông ta càng tận tình dạy bảo bao nhiêu thì tôi lại phấn khởi học tập bấy nhiêu; thành ra chuyến đi này đã rèn luyện tôi trở thành thủy thủ giỏi kiêm tay buôn tài. Kết quả tôi đã đưa về riêng phần mình được năm cân và chín lạng vàng vụn, giá trị ở London phải được ba trăm đồng sterling. Món hời ấy gợi cho tôi nhiều tham vọng to lớn và từ đó đã dẫn đến thất bại hoàn toàn. Vậy là tôi trở thành lái buôn đi Guinea thực thụ. Nhưng rủi thay, sau khi trở về được dăm bảy hôm thì ông bạn thuyền trưởng tốt ấy bị chết. Tuy vậy, tôi vẫn quyết định đi thêm một chuyến nữa. Tôi gửi bà vợ góa ông thuyền trưởng một món tiền là hai trăm đồng sterling. Tôi lại ra đi, cũng trên chiếc tàu ấy, cùng với ông thuyền trưởng mới là viên hoa tiêu trong chuyến trước. Không một chuyến đi nào khốn khổ hơn chuyến này. Nó đã gieo cho tôi những tai họa kỳ quái không ngờ. Trên đường đi tới quần đảo Canary, một buổi sáng tinh sương, bất ngờ chúng tôi bị một chiếc tàu cướp biển người Thổ Nhĩ Kỳ ở Sallee đuổi theo như bay. Thấy rõ cơn nguy, chúng tôi vội vàng kéo hết buồm lên chạy trốn. Nhưng bọn cướp biển càng ngày càng lại gần và chỉ vài giờ đồng hồ nữa là đuổi kịp. Chúng tôi chuẩn bị chiến đấu tự vệ. Trên tàu chúng tôi có mười hai khẩu đại bác, tàu cướp biển có tới mười tám khẩu. Khoảng ba giờ chiều, tàu cướp biển đến đúng tầm, bắt đầu tấn công và đã mắc sai lầm: đáng lẽ bắn thẳng vào phía lái tàu thì chúng lại nhằm vào sườn chúng tôi. Thế là chúng tôi cũng chĩa luôn tám khẩu đại bác ra bắn trả. Loạt đạn đầu tiên chúng tôi buộc kẻ địch phải lùi. Chúng bắn trả lại dữ dội, bồi thêm một loạt đạn của chừng hai trăm tay súng trường. Tuy vậy, chúng tôi vẫn giữ vững, chưa ai bị thương. Bọn cướp chuẩn bị đợt tấn công mới và chúng tôi sẵn sàng đánh trả. Nhưng bọn cướp lại đánh cả từ phía bên kia. Sáu chục tên xông lên sàn tàu đánh tập hậu, dùng búa hạ ngay tất cả những cột buồm và dây rợ. Chúng tôi đón chúng bằng súng ngắn, đoản đao, tạc đạn cùng mọi vũ khí có trong tay và đã hai phen hất chúng khỏi sàn tàu. Nhưng, hình như để khỏi phải kéo dài cái giai đoạn đen tối đó của cuộc đời tôi, chiếc tàu đã tả tơi, ba người trong bọn chúng tôi bị giết, tám người bị thương. Chúng tôi đành phải bó tay hàng và bị bắt làm tù binh giải về Sallee, một cửa biển của người Moors. Những cảnh đối xử với tôi ở đó cũng không đến nỗi kinh khủng như tôi vẫn tưởng. Riêng tôi lại không bị dẫn đi cùng với những người khác vào trong nội địa, nơi hoàng đế Moors ngự trị. Tên tướng cướp thấy tôi còn trẻ và lanh lẹ, bèn giữ riêng lại để hầu hạ nó. Chủ mới đưa tôi về nhà. Tôi hy vọng sẽ được đi theo hắn ra biển. Sớm muộn nhất định sẽ có ngày hắn bị một chiếc tàu chiến nào đó, Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha, bắt gặp và cầm tù. Đó là dịp tốt nhất cho tôi trở lại tự do. Nhưng tôi đã thất vọng. Mỗi lần đi biển, hắn bắt tôi ở lại trông coi nhà cửa, vườn tược, lúc trở về, hắn sai tôi ra ngủ ở buồng trên tàu để canh gác. Được hai năm, một dịp may mắn lạ lùng xảy đến khiến tôi lại có hy vọng tìm cách thoát thân. Dạo này lão chủ tôi ở nhà luôn vì thiếu tiền mộ thủy thủ. Vài ba tuần lễ một lần hắn lại đưa một chiếc thuyền lớn đi đánh cá trong vịnh. Mỗi chuyến đi, hắn đều đem theo tôi và một tên tay chân người Moors, để chèo thuyền. Cả hai chúng tôi thường bày trò vui giải trí cho hắn. Tôi lại tỏ ra rất thành thạo nghề câu cá nên dần dần càng được hắn mến. Thỉnh thoảng hắn lại sai tôi với một người bà con thân tín của hắn tên là Ismael và một chú nhỏ da đen tên là Xury ra vịnh đánh cho hắn một mẻ cá về ăn. Một lần đi đánh cá vào buổi sáng; trời đang trong trẻo yên tĩnh bỗng nhiên có một đám mù dày đặc bao phủ quanh thuyền; chúng tôi không trông thấy bờ nữa mặc dầu chỉ cách nửa dặm là cùng. Chúng tôi phải chèo tay, cũng không biết rõ đường đi của mình. Cứ thế suốt ngày và cả đêm, sáng hôm sau bỗng thấy mình lênh đênh giữa biển cả. Thì ra đáng lẽ vào bờ, chúng tôi lại ra xa ít nhất hai dặm biển. Cuối cùng cũng vào được bến yên ổn, mặc dầu gặp nhiều khó khăn nguy hiểm vì gió đã bắt đầu thổi mạnh và nhất là chúng tôi đã đói meo vì phải nhịn một ngày đêm. Tai nạn bất ngờ ấy đã khiến lão chủ tôi trở nên cẩn thận hơn. Hắn ta vẫn ra biển đánh cá luôn. Tôi đã nhiều lần tỏ ra có tài đánh cá nên lần nào cũng được đi theo hắn. Một hôm, hắn mời mấy ông khách quý người Moors đến chơi, định cùng nhau đi đánh cá ngoài biển tiêu khiển. Hắn sai đem xuống thuyền một số lớn thực phẩm, ba khẩu súng trường với đầy đủ thuốc đạn để thỉnh thoảng bắn chim biển trong khi câu. Tôi chuẩn bị mọi thứ chu đáo theo lệnh hắn. Hôm sau tôi chờ hắn trên thuyền, sẵn sàng đón tiếp khách quý. Nhưng tôi chỉ thấy hắn ra một mình. Hắn bảo mấy ông khách còn bận nên tạm hoãn cuộc đi biển đến một hôm khác. Nhưng hắn vẫn sai tôi cùng với Ismael và chú nhỏ da đen, đem thuyền ra biển như mọi lần đánh cho hắn một mẻ cá ngon để thết đãi mấy người bạn quý ăn cơm tối. Hắn căn dặn tôi đánh được cá về thì phải đem đến cho hắn ngay lập tức. Nghe xong, ý nghĩ đầu tiên của tôi là làm theo lệnh hắn. Nhưng sự tình cờ này cũng khơi lại cho tôi ý định tìm cách thoát khỏi vòng nô lệ. Tôi coi như mình sắp có một chiếc tàu nhỏ tự mình chỉ huy. Ngay sau khi hắn quay đi, tôi bắt tay vào soạn sửa mọi việc thật chu đáo, không phải để đi đánh cá mà là chuẩn bị cho một cuộc đi xa, mặc dầu tôi chưa biết sẽ đi theo các đường nào. Tất nhiên là phải chọn con đường nào đưa tôi ra khỏi cái chốn đày ải khổ nhục này, dù đi đến đâu thì đó cũng vẫn là con đường sáng sủa hơn. Việc trước tiên tôi tìm gặp ngay tên bà con người Moors của lão chủ. Viện cái cớ tưởng như rất đúng là cần chuẩn bị đầy đủ cho suốt cả thời gian ra khơi, tôi bảo hắn rằng không được đụng đến bánh của lão chủ vẫn để sẵn ở đó. Hắn trả lời là tôi nói rất đúng. Hắn đi bưng về một thúng lớn đầy bánh khô để chúng tôi ăn, lại thêm ba vò nước ngọt nữa. Tôi cũng đã biết rõ chỗ hầm chứa rượu. Trong khi tên Moors kia đương ở trên bờ, tôi bèn vào lấy luôn một số chai rượu đem ra thuyền. Như vậy, hắn sẽ nghĩ là rượu ấy đã đem xuống từ trước để cho chủ dùng. Tôi còn vác xuống một tảng sáp nặng trên năm chục cân, một cuộn dây gai to tướng, một cái rìu và một cái búa. Tất cả những thứ đó sau này quả là được việc vô cùng, nhất là tảng sáp dùng làm nến thắp. Tôi lại cài thêm một cái bẫy nữa và tên Moors đã sa bẫy như thế này: Tôi bảo nó: “Này, anh Ismael, ở đây đã có sẵn súng của ông chủ rồi! Thế thì liệu anh có thể kiếm được một ít thuốc súng và đạn ghém không? Chúng ta rất có thể kiếm riêng những con chim biển béo múp chứ. Và rõ ràng là cái đó ông ta vẫn cất khối ở trên tàu!” - Úi dà, được, – hắn trả lời, – tôi sẽ đi lấy ngay. Đầy đủ mọi thứ cần thiết, chúng tôi kéo thẳng buồm lên, đường hoàng ra khỏi cảng đánh cá. Bọn lính gác trên chòi canh ở cảng đều biết rõ chúng tôi nên cũng chẳng hỏi lý do chuyến đi của chúng tôi nữa. Ra được độ một dặm biển, chúng tôi hạ buồm và ngồi đánh cá. Gió thổi theo hướng bắc đông bắc, trái với ước mong của tôi. Nếu có gió nam thì thể nào tôi cũng đi được tới bờ biển Tây Ban Nha hoặc ít nhất cũng lọt được vào vịnh Cadiz. Nhưng dù là gió từ đâu tới, tôi nhất quyết phải thoát khỏi chốn tù ải, rồi sau sẽ liệu. Chúng tôi câu mãi chẳng được con cá nào, bởi vì mỗi lúc cá cắn câu thì tôi cố ý không kéo lên. Để cho Ismael khỏi thấy, tôi bảo hắn: - Ở đây chẳng làm ăn gì được cả! Ông chủ không đùa đâu! Không có nhiều cá cho ông ta thì khó mà ăn nói. Phải ra xa nữa mới được! Thằng cha ngờ nghệch ấy không lường trước mưu mẹo của tôi nên nghe theo ngay. Hắn đi thẳng lại đầu mũi thuyền kéo buồm lên theo hướng gió. Tôi ngồi giữa lái điều khiển cho thuyền chạy xa thêm chừng một dặm đường nữa để tính kế thoát thân. Sau đó, tôi cho dừng thuyền lại, làm như để sửa soạn đánh cá. Đột nhiên tôi chuyển tay lái cho chú bé Xury, bước thẳng lại gần Ismael lúc đó đang ngồi ở đầu mũi thuyền. Tôi giả vờ cúi xuống định nhặt một vật gì đằng sau hắn ta rồi bất thình lình luồn hai cánh tay vào giữa đùi hắn, hất mạnh hắn ra ngoài, rơi xuống biển. Hắn ngoi được ngay lên mặt nước, bơi giỏi như cá. Hắn gọi tôi, van tôi cho hắn lên thuyền, thề sống thề chết xin theo tôi đi khắp thế giới nếu tôi muốn. Hắn bơi theo rất nhanh cơ hồ đuổi kịp thuyền bởi lúc đó trời gần như lặng gió. Tôi không do dự, chạy ngay vào khoang thuyền lấy một khẩu súng ra ngắm thẳng vào hắn mà dọa: - Anh bạn ơi! Anh hãy nghe tôi! Tôi không hề muốn xử tệ với anh đâu, nhưng tôi cũng không thể giữ anh trên thuyền được. Anh có thừa sức để bơi vào bờ, mặt biển cũng êm lặng đấy. Anh hãy nhân dịp này mà bơi ngay đi và như thế là chúng ta chia tay nhau một cách thân ái. Nhưng nếu anh cứ liều mạng lại gần thuyền, tôi bắt buộc phải bắn vỡ đầu anh ra vì tôi nhất quyết phải giành cho được tự do đấy! Nghe tôi nói thế, hắn ta không nói năng gì nữa, thong thả bơi vòng trở lại và tiến thẳng vào bờ. Quả là một con cá kình lợi hại. Tôi chắc thế nào hắn ta cũng vào tới nơi dễ dàng. Giải quyết xong anh chàng Ismael, tôi quay lại, nghiêm giọng nói với Xury: - Này chú Xury! Nếu chú đồng tình với tôi trong việc này thì chúng ta cùng đi với nhau. Nếu không thì lại bắt buộc tôi cũng phải mời chú xuống biển thôi! Chú bé mỉm cười và nói với tôi những lời lẽ rất ngây thơ làm tiêu tan nốt chút nghi ngờ còn lại của tôi đối với chú. Chú ta hứa sẽ hết lòng với tôi và sẽ theo tôi đến cùng trời cuối đất. Trong lúc đó, tôi vẫn rất lo ngại gặp bọn người Moors. Sợ lại rơi vào tay họ, tôi không muốn dừng lại một tí nào, dù ghé vào bờ, hay thả neo ngoài biển. Tôi cứ giong thuyền chạy luôn không nghỉ suốt năm ngày đêm theo chiều gió thuận. Sau đó, gió lại trở chiều và chuyển qua hướng nam. Thế là tôi có thể yên lòng: nếu có chiếc tàu nào ở Sallee đuổi theo thì bây giờ chúng cũng phải bỏ dở cuộc săn mà quay về. Tôi bèn thử liều ghé vào bờ và thả neo ở cửa một con sông nhỏ xa lạ. Hai bên bờ sông có vẻ hoang vu, không thấy một bóng người hay vật. Nhưng tôi cũng không có ý muốn gặp ai cả; lúc này tôi chỉ cần nước ngọt thôi. Chiều đến, chúng tôi cho thuyền vào sâu trong cái cửa sông nhỏ ấy. Tôi định chờ trời tối sẽ bơi vào bờ tìm hiểu cảnh vật trên đất liền. Nhưng đêm vừa đến, chúng tôi nghe một thứ tiếng rất kinh khủng không biết của giống thú dữ gì gầm thét gào rú trên bờ. Thằng bé sợ chết khiếp, một hai van nài tôi đừng có vội lên bờ trước khi mặt trời mọc. Tôi nghe theo và bảo nó: “Không, Xury ạ, tôi cũng chẳng muốn lên bờ lúc này đâu!”. Tôi nói thêm: “Ban ngày lên bờ cũng có thể bị nguy hiểm, nếu gặp phải những người lạ cũng rất đáng sợ!”. “Vậy thì – chú bé trả lời – chúng ta cứ nổ vào họ những phát súng thật chính xác, họ sẽ bỏ chạy”. Chúng tôi thả neo ngay giữa sông, suốt đêm nằm im dưới thuyền. Chương 3 Dù sao đi nữa, chúng tôi cũng bắt buộc phải ghé lên một chỗ nào đó để kiếm nước ngọt, vì trong thuyền gần cạn cả rồi. Nhưng biết lúc nào mới lên được và lên ở chỗ nào? Thật là khó nghĩ! Xury bảo tôi để cho chú xách một cái vò lên bờ, chú sẽ tìm cho được nước đem về. Tôi hỏi vì sao chú lại đòi đi như thế, đáng lẽ ra tôi đi mà chú ở lại trên thuyền mới đúng. Câu trả lời của chú thật là chân thành và đầy tình thương mến, khiến tôi càng yêu quý chú bé vô cùng. Chú nói bập bẹ tiếng được tiếng mất nhưng thật là cảm động: - Ồ, để tôi lên cho! Nếu có thú dữ thì chúng ăn thịt tôi, còn ông không việc gì! Tôi bèn trả lời chú: - Được, được! Chú Xury thân yêu ơi! Cả hai chúng ta cùng đi nhé! Chúng tôi cùng lên bờ, chỉ đem theo súng và hai chiếc vò thôi. Sau đó cũng chẳng cần nhọc công như thế để lấy nước ngọt. Nước thủy triều dâng lên vào con sông này không đáng kể cho nên khi thủy triều xuống, chỉ cần đi vào quá cửa sông một chút là có nước ngọt rồi. Tôi cũng đã có đi một chuyến ven bờ biển vùng này. Tôi biết rằng quần đảo Canary và quần đảo Mũi Xanh cũng không xa đây lắm. Nhưng trong tay không có lấy một đồ dùng đo vĩ độ, đầu óc lại chẳng ghi nhớ được chút gì, nên chẳng làm thế nào mà tìm cho ra được những đất ấy và dò ra được hướng điều khiển thuyền tới đó. Nếu không bị trở ngại như thế, chắc chắn tôi đã ghé vào một trong những hòn đảo ấy khá dễ dàng. Bây giờ thì tôi hy vọng cứ men theo bờ biển cho tới khi đến chỗ người Anh thường lui tới buôn bán. Chắc chắn tôi sẽ gặp được một chiếc tàu của họ thường qua lại ở đó và họ sẽ giúp đỡ chúng tôi thoát khỏi khó khăn hiện nay. Ban ngày trời trong, nhiều lần hình như tôi đã nhìn thấy đỉnh nhọn trên hòn đảo Tenerife trong quần đảo Canary. Tôi rất muốn đánh bạo hướng ra phía biển cả, thử xem có thể đi tới đó được hay không! Đã hai lần tôi làm như thế đấy! Nhưng lần nào cũng vậy, gặp gió ngược và biển động khá nguy hiểm, tôi đành phải quay trở vào. Thế là lại men theo bờ như mấy lâu nay vậy! Từ khi rời cửa sông, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn phải ghé sát vào bờ để lấy nước ngọt. Sau khi giong buồm đi về phía nam được chừng mươi mười hai hôm, tôi nhận thấy trên bờ biển có người ở. Một đôi chỗ còn thấy những người đứng trên bờ nhìn thuyền chúng tôi đi qua. Họ đứng cũng gần và tôi có thể thấy đó là những người thổ dân da đen. Tôi rất muốn ghé lên bờ gặp họ, nhưng chú bé Xury, luôn luôn có những ý hay, lại khuyên tôi nên thận trọng. Tuy vậy, tôi cũng lái thuyền cho đi gần bờ để có thể nói chuyện với họ. Trong lúc đó thì họ cũng chạy dọc bờ biển. Tôi nhận thấy họ không cầm khí giới, trừ một người trong tay chỉ có một chiếc gậy nhỏ. Xury bảo đó chính là một ngọn giáo vắn, có thể phóng từ xa rất trúng đích. Bởi thế, tôi phải cẩn thận giữ cự ly đúng mức và dùng dấu hiệu để nói chuyện, ngỏ ý muốn xin chút gì ăn. Họ ra hiệu bảo tôi dừng thuyền và đi lấy thức ăn đưa đến. Tôi bèn hạ buồm rồi dừng thuyền. Ngay lúc đó, hai người trong bọn họ chạy về phía trong và không đầy nửa giờ đã quay trở ra, mang theo hai tảng thịt và một thứ hạt, có lẽ do họ trồng trọt. Chúng tôi chẳng biết là thịt gì, hạt gì nhưng cũng sẵn sàng nhận bởi vì trên thuyền đã hết nhẵn lương ăn. Lại còn phải nghĩ cách nào thuận tiện nhất để tiếp nhận, bởi vì tôi thì không muốn lên bờ chút nào, mà về phía họ thì hình như cũng có ý ngại giáp mặt chúng tôi. Sau họ dùng một cách hợp với cả hai bên: họ đem những thứ ấy ra bày cả trên bờ rồi rút lui đứng ở xa cho tới khi chúng tôi lên lấy đem tất cả xuống thuyền. Sau đó, tôi lại xin nước uống. Đầy đủ mọi thứ, chúng tôi lại kéo buồm lên và tiếp tục đi xuống phía nam trong chừng mười một ngày nữa. Suốt thời gian đó, không lúc nào tôi ghé vào bờ nữa. Tôi nhận thấy rõ ràng đất liền ăn dài ra biển ngay trước mặt, cách chừng bốn hoặc năm dặm. Trời yên biển lặng lạ lùng. Tôi phải đi một đường vòng dài để tới được chỗ mũi đất rồi vòng sang phía kia và thấy mình lại ở cách bờ độ hai dặm. Phía kia cũng lại có những hòn đảo khác. Tôi nhận ra ngay, và cũng rất đúng, là tôi đương đi giữa, một bên là Mũi Xanh và bên kia là những hòn đảo cũng mang tên ấy. Tuy thế, tôi vẫn chưa tính ra được là nên hướng về phía nào, bởi vì nếu bất ngờ nổi lên một cơn gió, chỉ hơi to một chút cũng đủ cho tôi xôi hỏng bỏng không! Phân vân như thế lại càng thêm mơ hồ. Tôi bèn trao tay lái cho Xury, chui vào khoang ngồi nghỉ. Bỗng nhiên, chú bé kêu lên: “Ông chủ, ông chủ! Tôi thấy ở kia có một chiếc tàu có buồm” và chú bé tỏ vẻ sợ hãi vô cùng đến nỗi không thể tự chủ được nữa. Chú ta rất dễ dàng tin rằng đó là chiếc tàu của lão chủ ở Sallee đuổi theo chúng tôi. Nhưng tôi thì lại rất vững dạ và biết rằng khoảng cách đã quá xa tới mức không còn phải sợ gì về phía ấy nữa. Tôi nhảy vụt ra khỏi khoang và thấy rõ ràng không những chiếc tàu mà còn nhận ra đó là tàu Bồ Đào Nha nữa. Mới đầu, tôi tưởng là tàu đi buôn ở Guinea, nhưng sau theo dõi hướng đi, tôi thấy rõ là nó đi nơi khác và không có ý định vào gần bờ. Thấy thế, tôi căng hết buồm lên và chèo cật lực để tiến nhanh ra khơi, hy vọng lại gần được chiếc tàu lớn, may ra có thể liên lạc được với những người trên đó. Sau khi đã dùng tất cả mọi cách có thể làm được, tôi thấy mình không thể nào đuổi kịp chiếc tàu kia. Càng ngày họ càng bỏ xa tôi trước khi tôi có thể làm một dấu hiệu nào báo cho họ biết. May thay, đúng vào lúc tôi đã dốc cạn tài năng sức lực để đẩy nhanh con thuyền chạy theo, và bắt đầu mất hết hy vọng, hình như những người trên tàu đã nhận ra chúng tôi qua kính viễn vọng. Có lẽ họ cho là một chiếc thuyền sống sót của một chiếc tàu châu Âu nào đó đã bị đắm. Họ hạ bớt buồm để tàu chạy chậm lại cho chúng tôi theo kịp. Điều đó khiến tôi phấn khởi hẳn lên. Trên thuyền có một lá cờ nhỏ, tôi đem treo rủ ngay lên cao báo hiệu chúng tôi đương gặp nạn, và tôi bắn một phát súng. Họ đều nhận ra cả hai thứ tín hiệu ấy, sau đó họ có nói là trông thấy khói mặc dầu không nghe thấy tiếng nổ. Thứ hai là họ cuốn buồm lại và có lòng nhân đạo dừng tàu lại chờ tôi, nhờ thế chỉ ba giờ đồng hồ sau, tôi đến được với họ. Họ dùng các thứ tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp để hỏi tôi là ai, nhưng khốn thay, tôi lại chẳng hiểu được một thứ tiếng nào họ nói cả. Sau cùng, một thủy thủ người Scotland làm trên tàu, lại nói chuyện với tôi. Tôi trả lời anh ta rằng tôi là người Anh chính tông, và mới thoát cảnh nô lệ người Moors ở Sallee. Thế là mọi người vui vẻ mời tôi lên tàu kèm theo tất cả những thứ ở dưới thuyền và đón tiếp rất niềm nở. Chiếc thuyền của tôi còn tốt nguyên, ông thuyền trưởng đã nhận thấy thế và ngỏ ý muốn mua lại để dùng. Ngoài ra, ông rất mến Xury và muốn tôi nhường chú bé lại cho ông. Tôi cân nhắc mãi, sau cũng đồng ý, một phần vì chính Xury cũng thích cuộc sống thủy thủ… Chuyến đi này rất may mắn. Chúng tôi yên ổn đi đến Brazil. Sau chừng hai mươi hai ngày, chúng tôi ghé vào vịnh Các Thánh. Tôi rất cảm kích về sự đối xử quá rộng rãi của ông thuyền trưởng. Trước hết, ông không hề lấy một xu nhỏ tiền tàu. Ông còn bảo trả lại cho tôi đầy đủ và nguyên vẹn tất cả những thứ gì tôi đã đem lên tàu. Ông nhận mua lại tất cả những thứ gì tôi muốn bán, như là một hòm đầy chai rượu, hai khẩu súng và tất cả chỗ sáp còn lại. Nói tóm lại, tất cả đã đem lại cho tôi ngót nghét hai trăm đồng vàng làm vốn cho tôi xuống đất Brazil. Ông thuyền trưởng lại giới thiệu tôi với một người bạn rất sòng phẳng cũng như chính ông. Ông bạn này có một trại trồng trọt và một xưởng chế biến đường. Tôi sống cùng ông ta một thời gian, nhờ thế đã học được cách trồng mía và làm đường. Những tay chủ trại ở đây sống cũng phong lưu và làm giàu cũng dễ dàng. Thấy vậy, tôi bèn quyết định nếu không có gì trở ngại về việc giấy tờ thì sẽ sinh cơ lập nghiệp ở đây và trở thành chủ trại như kẻ khác. Tôi tính đến việc rút số tiền còn gửi lại hồi trước ở London và sẽ dùng nó để mở mang cơ nghiệp. Tôi có một người bạn láng giềng người Bồ Đào Nha, sinh ở Lisbon, bố mẹ là người Anh. Tên anh ta là Wells. Những hoạt động kinh doanh của anh ta cũng đương nằm trong tình trạng na ná như tôi. Trại của anh ta kề ngay trại tôi và chúng tôi ăn ở với nhau rất tốt. Mỗi chúng tôi đều chỉ có một số vốn nhỏ và suốt hai năm trời trồng trọt, nói cho đúng, chỉ vừa đủ nuôi thân. Nhưng sau đó thì cũng bắt đầu khấm khá lên, đất đai đã sinh lợi rõ ràng. Năm thứ ba, chúng tôi trồng thuốc lá và mỗi người lại có một khoảnh đất rộng đã thục, sẵn sàng qua năm sau là trồng được mía. Nhưng chúng tôi vẫn thiếu người giúp việc, và hơn lúc nào hết, tôi lại tiếc chú bé Xury. Nhưng than ôi! Cũng chẳng có gì lạ nếu tôi lại phạm sai lầm, tôi vốn có bao giờ làm được cái gì là đúng! Tôi chẳng tìm ra cách gì chữa được cho nỗi khổ cực của tôi ngoài cách tiếp tục vùi đầu vào công việc. Tôi đã tự chuốc lấy một việc làm quá xa lạ với tài trí mình và hoàn toàn trái ngược với cuộc sống đã mang tới cho tôi bao nhiêu là lạc thú! Chính vì cuộc sống ấy mà tôi đã từ bỏ gia đình bố mẹ, và coi thường mọi lời khuyên bảo khôn ngoan. Thỉnh thoảng lòng lại nhủ lòng: “Quả là mình rất có thể làm ngay trên đất nước Anh cái việc mình đương làm ở đây, ngay bên cạnh hai thân và bè bạn, cũng như là ở đây giữa những người xa lạ và thổ dân. Cứ như thế này thì tội gì phải vượt qua biển cả mênh mông, đi xa trên một ngàn sáu trăm dặm đường trường! Phải chăng chỉ cốt để đến cái chốn chim kêu vượn hú này mà mình đã dứt tình với những xứ sở khác trên mặt đất, dù ở đó người ta cũng đã biết đến mình đôi chút?”. Viên thuyền trưởng đã cứu tôi giữa biển cả và từ đó đã trở thành bạn thân thiết của tôi, lúc này còn ở lại đây ba tháng vừa để cho tàu ăn hàng vừa để sửa soạn mọi thứ cần thiết cho một chuyến đi mới. Một hôm, nghe tôi tâm sự về số vốn ít ỏi còn giữ lại ở London, ông ta đã chân thật khuyên tôi như sau: “Ông bạn người Anh ơi, ông có thể giao cho tôi một bức thư gửi cho người nào đó đương giữ tiền của ông ở London. Ông yêu cầu người ấy gửi tài sản của ông tới Lisbon bằng các thứ hàng hóa thích hợp với thổ dân ở đây. Tôi xin hứa sẽ đưa về cho ông đầy đủ khi tôi quay trở lại. Nhưng kể ra thì ông cũng nên nghĩ kỹ xem, mọi sự trên đời này đều tùy thuộc vào lòng người và lòng Trời. Tôi khuyên ông hãy chỉ nên rút ra một trăm đồng sterling, theo như ông nói thì là một nửa số vốn đó, và cứ liều thử một chuyến đầu xem sao. Nếu mọi việc đều trót lọt, lần sau ông lại rút nốt nửa kia cũng theo cách ấy; nếu không may bị mất chuyến này, ông vẫn còn nửa kia để dùng khi cần đến”. Tôi viết cho bà vợ góa viên thuyền trưởng trước kia một bức thư kể rất tỉ mỉ những cơn chìm nổi của tôi cùng với tất cả những lời căn dặn cần thiết để bà có thể gửi tiền cho tôi. Nhận được thư, ngoài việc gửi tiền của tôi, bà còn lấy tiền riêng gửi tặng ông thuyền trưởng Bồ Đào Nha, bạn tôi, một món quà là hai mươi nhăm đồng sterling, cảm ơn ông đã có lòng nhân đạo cứu giúp tôi. Một nhà buôn ở London chuyển số tiền đó thành hàng hóa và gửi đến Lisbon cho ông thuyền trưởng. Ông này đã thuận buồm xuôi gió mang về Brazil cho tôi đầy đủ. Tôi sướng run lên khi được tin chuyến tàu chở hàng đã cập bến và tôi cảm thấy chuyến này mình phất to rồi. Ông thuyền trưởng lại đem hai mươi nhăm sterling, món quà của bà góa gửi tặng ông, thuê cho tôi một người giúp việc, trả tiền trước sáu năm liền. Ông đưa người ấy đến cho tôi và không chịu nhận một chút gì trả lại. Đối với một sự giúp đỡ to lớn như vậy, ông chỉ xin một ít thuốc lá trồng ở ngay trại tôi. Sau bốn năm sống ở Brazil, tôi đã có của ăn của để. Tôi học tiếng địa phương và giao thiệp rộng với những bạn chủ trại khác cũng như với những tay buôn lớn ở cảng St. Salvador gần đó. Trong khi trò chuyện, tôi vẫn kể lại cho họ nghe hai chuyến đi Guinea của tôi. Tôi nhắc lại tỉ mỉ cách buôn bán ở đó, cách đổi lấy vàng vụn, ngà voi và nhiều vật báu khác bằng những thứ rất tầm thường như là giường nằm kiểu nhỏ, nồi niêu, bát đĩa, dao, kéo, đục, búa, gương soi và nhiều thứ lặt vặt khác nữa. Lần nào cũng thế, mọi người đều hết sức chăm chú nghe câu chuyện của tôi. Một hôm, ba người bạn chủ trại tới tìm tôi ngỏ ý muốn làm một chuyến buôn ở Guinea. Họ sẽ chuẩn bị một chiếc tàu và muốn nhờ tôi cùng đi trên chuyến tàu đó với nhiệm vụ tổng quản lý để điều khiển mọi việc mua bán đổi chác. Lúc trở về, chia hàng, tôi sẽ được hưởng một phần ngang với mỗi phần của họ mà không phải bỏ vào đó một xu nhỏ vốn nào. Máu tham mới thấy hơi đồng đã mê! Thật là khó mà từ chối nổi món lợi đó. Tôi vui vẻ nhận lời với điều kiện là họ bảo đảm trông coi chu đáo cái trại của tôi trong khi tôi đi vắng. Họ sẽ được hưởng cái trại đó nếu tôi không may bị thiệt mạng ngoài biển khơi. Sau khi tuyển mộ thủy thủ xong, hàng hóa đã bốc lên đầy đủ, mọi việc đều ổn thỏa đúng như lời giao ước giữa tôi và ba người bạn, tôi xuống tàu để dấn thân vào cuộc khổ ải sắp tới. Hôm ấy là ngày mồng 1 tháng 9 năm 1659, đúng là ngày tám năm trước đây ở Hull, tôi đã bước chân xuống tàu lần đầu tiên, bất chấp những lời khuyên bảo của bố mẹ. Chiếc tàu của chúng tôi chở được chừng một trăm hai mươi ton nô[1]. Trên tàu có sáu khẩu đại bác và mười bốn người. Chúng tôi chỉ chở độc những thứ hàng hóa để trao đổi như là đồ thủy tinh, xoong, chảo, và nhất là những cái gương xinh xắn, những con dao, kéo, búa và một số vải hoa. Chúng tôi giong buồm lên, đi dọc bờ biển hướng theo phương bắc, dự định sẽ vòng sang bờ biển châu Phi sau khi đã lên tới mười, hoặc mười một nam vĩ độ. Đó là con đường hàng hải hồi ấy người ta hay dùng. Suốt thời gian đi dọc bờ biển, trời rất tốt mặc dầu thời tiết nóng bức vô cùng. Lên tới ngang mũi đất Thánh Augustino, chúng tôi dần dần quay mũi ra khơi. Khi không còn trông thấy đất liền nữa, chúng tôi hướng về bắc đông bắc, vượt đường xích đạo sau mười hai ngày đi trên mặt biển. Theo những tính toán mới nhất thì chúng tôi đương ở vị trí bảy độ và hai mươi phút bắc vĩ độ. Bỗng dưng một cơn dông tố nổi lên làm cho chúng tôi hoàn toàn lạc hướng. Bắt đầu ở đông nam, cơn dông chuyển thành gần như tây bắc, rồi dừng lại ở đông bắc. Tới đây, nó trở nên mãnh liệt vô cùng, làm cho suốt mười hai hôm liền, chúng tôi chỉ biết trôi xuôi theo chiều cơn gió hung dữ. Suốt thời gian đó, lúc nào tôi cũng nơm nớp lo bị vùi thây dưới lớp sóng cuồn cuộn, và thật ra cũng không có ai trên tàu dám tự yên ủi rằng mình sẽ thoát cơn nguy. Cuối ngày thứ mười hai, sức gió đã giảm. Viên thuyền trưởng ước lượng vị trí chiếc tàu và nhận thấy chúng tôi đang ở vào quãng mười một bắc vĩ độ, nhưng cách xa mũi đất Thánh Augustino hai mươi hai tây kinh độ. Như vậy là tàu đã trôi giạt lại bờ biển ở Guiana hoặc phía bắc nước Brazil, phía trên sông Amazon, ngược về phía sông Orinoco thường gọi là “sông Lớn”. Viên thuyền trưởng hỏi ý kiến tôi bây giờ nên đi đường nào. Chiếc tàu đã bị hư hỏng trầm trọng và nước vào cũng khá nhiều nên không thể đi xa được nữa. Chúng tôi cùng nghiên cứu lại bản hải đồ châu Mỹ và quyết định đi vòng ra khơi, tiến về phía đảo Barbados trong quần đảo Caribbee để ghé lại, hy vọng có thể dễ dàng cập bến sau mười lăm ngày. Bây giờ nếu tàu không được sửa chữa, người không được nghỉ ngơi thì khó lòng mà sang tới châu Phi được nữa. Quyết định như thế, chúng tôi đổi đường và chuyển về bắc tây bắc. Nhưng hành trình của chúng tôi lại chấm dứt một cách khác. Đương đi ở vị trí mười hai độ mười tám phút bắc vĩ độ, chúng tôi lại vấp phải một cơn bão thứ nhì hung hãn không kém cơn bão trước. Bão cuốn chúng tôi về phía tây, xa hẳn xã hội loài người. Cơ sự này nếu có thoát nạn sóng nước thì cũng đến sa vào tay những thổ dân chứ mong gì được may mắn trở về quê nhà. Thật là tuyệt vọng! Chương 4 Trong cơn nguy khốn đó, gió vẫn thổi vô cùng dữ dội. Trời vừa sáng, một người trong bọn chúng tôi bỗng kêu lên: “Đất liền!”. Chúng tôi ra khỏi phòng để xem đó là xứ nào và hiện đang lênh đênh ở miền nào trên quả đất thì chiếc tàu đâm sầm vào một dải cát. Tàu đứng sững ngay lại, sóng tràn vào ào ạt; chúng tôi chỉ còn chờ chết nữa thôi. Chúng tôi đứng sát với nhau tựa vào thành tàu để tránh sức sóng quật mãnh liệt. Trong những trường hợp như thế, người ta hốt hoảng đến tột bực. Chúng tôi thật mù mịt chẳng biết mình ở vào xứ nào, mà cũng chẳng biết mình bị đâm vào đất nào! Đó là một hòn đảo hay là đất liền? Có người ở hay là hoang vu? Gió vẫn thổi dữ dội mặc dầu đã có phần nhẹ hơn trước. Chúng tôi cũng chẳng còn trông mong gì ở chiếc tàu. Có thể chỉ trong chốc lát là nó bị sóng đập tan ra từng mảnh, trừ phi tự nhiên cơn bão bỗng dưng ngớt ngay đi. Chúng tôi đứng yên nhìn nhau, chờ chết, nhất là lúc này đây chúng tôi chẳng xoay xở gì được cả. Chúng tôi chỉ còn một chút hy vọng, đó là chiếc tàu chưa bị vỡ – trái với phỏng đoán – và ông chủ tàu cho biết gió đã bắt đầu dịu dần. Trời đã hửng, nhưng tình cảnh chúng tôi vẫn chưa bớt phần gay go; chiếc tàu bị mắc cạn và đâm quá sâu vào trong cát, chẳng còn hy vọng đưa nó ra được nữa. Bây giờ chỉ còn chờ xem sống chết ra sao mà thôi. Trước khi bão nổi lên một chút, có một chiếc tàu đi sau chúng tôi. Chiếc tàu đó va vào bánh lái tàu chúng tôi mạnh đến nỗi chính nó bị nứt ra một kẽ hở. Sau đó, nó bị rạn thêm, hoặc là chìm hẳn, hoặc trôi bạt đi đâu không rõ. Thành thử cũng chẳng có trông chờ gì ở nó nữa. Trên tàu vẫn còn một chiếc xuồng, nhưng sóng gió lay tàu mạnh quá, không sao đem xuống được. Sóng gió quật mạnh, thân tàu kêu răng rắc. Ai nấy đều cho là tàu sắp vỡ đến nơi rồi. Trong cơn tiến thoái lưỡng nan, may sao người hoa tiêu tìm được cách lấy xuồng. Chúng tôi xúm lại giúp anh ta hạ xuồng xuống biển, ngay sát thành tàu. Tất cả anh em chúng tôi đều xuống xuồng, trao phó tính mạng cho Trời, bỏ mặc chiếc tàu cho biển cả hung dữ. Mặc dầu cơn dông đã dịu đi nhiều, sóng biển vẫn dồn lên rất cao và đập dữ dội vào bờ. Tai nạn khủng khiếp đã đến! Biển động ghê gớm. Chiếc xuồng khó mà chịu đựng được nữa, nhất định chúng tôi sẽ bị dìm sâu dưới sóng, vả lại chúng tôi cũng không còn lấy một cánh buồm; mà dù có còn cũng không thể nào dùng được. Chúng tôi cố gắng chèo cật lực vào bờ, vẻ mặt người nào cũng thiểu não như đương đi đến chỗ hành tội. Ai cũng hiểu rằng hễ xuồng đến gần bờ thì sẽ phải chịu đựng những đợt sóng đập dữ dội mà vỡ tan ra thành muôn ngàn mảnh. Thôi thì dầu sao đi nữa, chúng tôi cũng cứ liều, may ra sống sót cũng nên! Gió đẩy chúng tôi vào bờ, chúng tôi hết sức chèo cho xuồng đi thêm nhanh, không ngờ tai nạn khủng khiếp lại càng đến nhanh. Chúng tôi chèo, hay nói cho đúng là trôi, được chừng một dặm rưỡi thì một làn sóng lớn như một quả núi cuồn cuộn đuổi theo. Phút chốc nó đổ xuống chúng tôi dữ dội vô cùng. Chiếc xuồng bị hất ngược, chúng tôi bắn ra khỏi xuồng, chìm nghỉm dưới vực nước, mỗi người một ngả chẳng còn kịp gọi nhau. Bị cuốn xuống sâu dưới nước, tôi hoang mang lo sợ vô cùng. Tuy là một tay bơi lội giỏi, tôi vẫn không thể nhoai người lên để thở một chút. Ngọn sóng vồ lấy tôi, cuốn vào đất liền rồi dịu đi, để tôi nằm trơ nửa nổi nửa chìm trên cát, gần chết vì ngạt thở và uống nước quá nhiều. Nhìn thấy đất liền gần mình hơn là đã dự đoán, tôi tỉnh táo lại ngay và khỏe hơn lên. Tôi vùng đứng dậy, cố sức chạy thật nhanh vào phía bờ, trước khi một đợt sóng khác có thể ào tới và cuốn tôi trở ra. Nhưng không kịp nữa! Phía sau, biển cả hung hãn dâng lên cao và dữ dội như một kẻ địch nguy hiểm mà tôi không thể đọ sức. Tôi cố gắng nín hơi, nhoai người lên trên mặt sóng để có thể thở tự do và bơi thẳng được vào. Đáng lo nhất là sau khi đưa tôi về phía đất liền, ngọn sóng lại rút lui và sẽ có thể cuốn tôi trở ra biển cả. Đợt sóng thứ nhì này đổ ào lên đầu tôi và vùi tôi xuống dưới một cây nước cao chừng hai mươi đến ba mươi bộ. Tôi có cảm giác bị cuốn đi rất xa, rất mạnh và rất nhanh vào phía đất liền. Tôi bèn nín thở, bơi cật lực để được gần bờ thêm chút nữa. Nhưng vì cố gắng quá sức, tôi gần như bị ngạt. Vừa may tôi thấy mình như nổi dần lên, đầu và tay nhô ra khỏi mặt nước, trong người dễ chịu hẳn. Mặc dầu chỉ nhô lên được chừng hai giây đồng hồ, tôi cũng đã kịp thở và trấn tĩnh trước khi lại bị dìm sâu xuống nước. Lần này thì tôi không đến nỗi ngột ngạt quá lâu nữa. Đợt sóng vừa dịu đi và bắt đầu rút lui ra biển cả, tôi đã vùng chạy miết lên phía trước để khỏi lại bị cuốn đi lần nữa; tôi đứng im một chút, thở lấy sức và chờ cho nước rút ra hết, rồi chạy cật lực về phía bờ. Tuy vậy gian nan vẫn chưa hết, tôi còn bị vùi dưới hai đợt sóng mạnh nữa. Sóng lại cuốn và đẩy tôi tới phía trước, đưa tôi lại gần bờ thêm. Đợt sóng thứ nhất trong hai đợt này thật tai hại quá chừng. Nó cuốn tôi vào đất liền, ném vào một mỏm đá, mạnh đến nỗi tôi choáng váng bất tỉnh. Sườn và ngực bị đập mạnh vào đá, tôi nghẹt thở mất một lúc. Nếu sóng dồn đến tới tấp thì chắc chắn tôi đã bị chết ngạt. Nhưng tôi đã tỉnh lại trước khi đợt sóng sau xô tới. Vừa thấy sóng sắp sửa nhào đến, tôi cắn răng bám chặt lấy một mỏm đá, nín thở cho tới khi ngọn sóng rút lui trở ra. May sao đất liền cũng đã gần, sức sóng đã giảm nên dù sóng dồn qua dồn lại trên đầu, tôi vẫn bám chặt được vào mỏm đá. Ngọn sóng vừa rút lui, tôi không bỏ lỡ dịp tốt, chạy thẳng vào được gần bờ, đợt sóng sau tuy vẫn vượt qua đầu tôi nhưng không cuốn tôi trở ra được nữa. Tôi chỉ còn phải chạy tiếp một chặng đường nữa là đến bờ. Tới nơi, tôi trèo lên một mỏm đất, ngồi bệt xuống cỏ, tránh những ngọn sóng bất lực đương hung hăng nhào tới và réo ầm ầm chưa chịu buông tha tôi. Thế là thoát nạn. Tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi và sung sướng, chẳng khác gì được cứu sống sau một cơn ốm thập tử nhất sinh. Tôi đi đi lại lại trên bờ biển, lòng vui dào dạt, tỏ nỗi vui sướng của mình bằng nhiều cử chỉ bây giờ cũng không nhớ lại được nữa. Nhớ tới các bạn cùng đi trên tàu, tôi ngậm ngùi vô hạn. Có lẽ chỉ còn một mình tôi sống sót. Từ khi bị nạn, tôi chẳng còn thấy bóng dáng một ai hoặc một vết tích gì của họ, ngoài bốn cái mũ, vài chiếc giày rách bị sóng ném vào bờ. Tôi ngoảnh lại nhìn về phía chiếc tàu mắc cạn. Mặt biển vẫn đầy những con sóng bạc đương réo lên hung hãn. Chiếc tàu lại còn ở cách rất xa nên tôi chỉ có thể thấy mờ mờ bóng dáng nó. Bất giác tôi kêu lên: “Trời ơi! Sao mà mình lại có thể vào được đất liền thế này?” Nghĩ tới hoàn cảnh may mắn của mình, tôi thấy vững dạ thêm. Tôi bắt đầu nhìn xung quanh xem mình hiện ở nơi nào, mình phải lo tới việc gì trước. Thế là tôi lại thấy ngao ngán quá, vì thực ra chưa có gì đáng mừng. Trái lại, tình cảnh tôi còn bi đát lắm: ướt lạnh không có quần áo thay, đói không có ăn, khát không có uống, đau yếu không có thuốc thang; trong tay chỉ có mỗi một con dao nhỏ để giữ mình. Như vậy hỏi còn có thể nhìn thấy gì ngoài cái cảnh mình sẽ bị chết đói hoặc làm mồi cho thú dữ? Cách giải quyết tạm thời và tốt nhất là tôi trèo lên một cây cao trông giống như cây thông nhưng cành lá rườm rà mà thân lại có gai mọc gần đó. Tôi quyết định ngủ trên đó cho qua một đêm, chờ xem ngày hôm sau cái chết sẽ đến như thế nào với tôi, bởi vì hiện tại tôi vẫn không thấy gì ngoài cái chết. Tôi đi sâu vào đất liền chừng một phần tư dặm đường để tìm nước uống. Gặp một dòng nước ngọt chảy róc rách, tôi mừng rỡ cúi xuống uống lấy uống để. Sau khi uống nước thỏa thuê và nhai một nhúm thuốc lá cho quên đói, tôi trèo lên cây tìm một chỗ nằm thật chắc chắn để dẫu có ngủ mê cũng không thể rơi xuống đất được. Tôi chặt một đoạn gậy ngắn đem theo phòng thân. Vì mệt quá nên vừa tới nơi là tôi nằm vật xuống ngủ thiếp đi một giấc dài. Chính giấc ngủ này đã giúp tôi lấy lại sức khỏe. Chắc không mấy ai đã có thể ngủ một giấc ngủ ngon lành như tôi lúc ấy, trên một chỗ nằm khá cheo leo. Sáng bạch tôi mới dậy. Trời trong xanh, bão đã tan, mặt biển không còn hung hãn như hôm qua nữa. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy thủy triều lên cao đã nâng chiếc tàu của chúng tôi lên khỏi dải cát và đưa nó giạt vào gần ghềnh đá mà hôm qua tôi đã bị mấy phen quật vật lao đao. Từ chỗ tôi ngồi đến đó chỉ chừng một dặm biển. Thấy chiếc tàu vẫn có vẻ chưa suy suyển, tôi mong có thể ra đó, may ra tìm được một vài thứ cần thiết cho cuộc sống của tôi từ nay. Vừa tụt xuống khỏi “giường”, tôi nhìn quanh một lần nữa và thấy ngay chiếc xuồng đã bị gió và thủy triều đẩy giạt vào bờ, ở bên phải tôi, cách chừng hai dặm biển. Tôi cứ men dọc mãi theo bờ biển, định đi tới đó. Nhưng tôi gặp ngay một cái phá[2] rộng chừng nửa dặm biển chắn ngang đành quay trở về, chờ dịp khác. Vả lại mục tiêu chính của tôi hôm nay vẫn là chiếc tàu, hy vọng tìm ngay ở đó được chút gì ăn uống tạm. Quá trưa một tí, mặt biển phẳng lặng, nước triều xuống cạn đến mức tôi có thể đi bộ ra cách con tàu còn độ một phần tư dặm biển mới phải bơi. Lòng tôi lại càng thêm chua xót ngậm ngùi. Rõ ràng là nếu chúng tôi cứ ở yên trên tàu thì chắc chắn là sẽ bảo toàn tính mạng. Ít nhất chúng tôi cũng có thể yên ổn lên được đất liền; bản thân tôi sẽ không đến nỗi cơ cực như bây giờ, một thân một mình trơ trọi. Những ý nghĩ đó làm cho tôi ứa nước mắt. Nhưng khóc thì cũng chẳng giảm nhẹ đau khổ được mấy chút, tôi quyết định ra chỗ chiếc tàu, nếu có thể ra được. Trời nắng gay gắt. Tôi cởi hết quần áo rồi nhảy xuống nước, bơi đi. Nhưng khi tới bên sườn tàu, tôi mới thấy khó lên quá. Bây giờ tàu nằm ghếch trên một dải cát và nhô khỏi mặt nước khá cao, ven sườn lại chẳng có gì để bấu víu mà lên được. Tôi bơi quanh tàu hai vòng và cuối cùng gặp được “cứu tinh”; đó là một đoạn thừng treo lủng lẳng ở phía trước. Tôi phải cố gắng lắm mới nắm được mẩu thừng mà trèo lên phía mũi. Tới nơi, tôi thấy chiếc tàu bị vỡ một mảnh lớn tướng, nước tràn vào ngập gần hết cả khoang hầm. Nó nằm chúi vào sườn một dải cát thoai thoải cho nên lái thì nhô lên thật cao mà mũi lại tụt xuống quá thấp, gần chìm nghỉm trong nước. Như vậy, sàn tàu nằm cao hơn mặt nước, và tất cả những thứ gì để trên đó đều còn khô ráo cả. Việc trước tiên là sục sạo khắp nơi xem cái gì đã hư hỏng, cái gì còn tốt. Trước hết, tôi mừng rỡ thấy tất cả thực phẩm trên tàu đều còn khô ráo và nguyên lành. Bụng đói meo, tôi lấy bánh khô nhét đầy túi rồi vừa ăn vừa làm những việc khác, vì tôi không thể bỏ phí một chút thì giờ nào. Tìm được trong phòng viên thuyền trưởng một ít rượu mạnh, tôi uống ngay một ngụm lớn để cho tinh thần thêm vững mà đương đầu với tất cả những khó khăn trong những ngày sắp tới. Vừa bước ra khỏi phòng viên thuyền trưởng, tôi nghe văng vẳng có tiếng cào cửa, tiếp đó là một thứ tiếng rên ư ử. Tôi kinh ngạc, nửa sợ nửa mừng. Ai đó? Các bạn đồng hành đều cùng xuống xuồng với tôi và đều đã bỏ mình dưới biển cả rồi! Tôi lắng nghe và đoán ra những tiếng đó phát ra từ khoang hầm. Quả nhiên xuống tới đó thì nghe thấy rõ hơn. Tôi cảm động mở tung cửa hầm để giải thoát cho người bạn khốn khổ. Một cái bóng vụt ra, nhảy bổ vào tôi. Đó là con chó trên tàu. Tội nghiệp, nó bị mệt lả và đói mèm nên chỉ sủa được vài tiếng rất yếu ớt. Nó quấn quýt lấy tôi như gặp chủ cũ. Tôi quăng cho nó miếng bánh đương ăn dở và ngồi xuống vuốt ve nó: “Thôi, mày lên đảo với tao cho có bầu có bạn!”. Nhưng nhiều việc cấp bách không cho phép tôi ngồi với nó lâu hơn nữa. Tôi ném cho nó thêm mấy miếng bánh khô rồi quay trở lại với công việc của mình. Tôi không thể cứ ngồi khoanh tay mặc thời gian trôi đi mà mơ ước viển vông. Nhu cầu cấp bách đã đốc thúc và khuyến khích tôi phải cố gắng bắt tay vào việc ngay. Trên tàu có rất nhiều trục buồm, vài ba cột buồm dự trữ và mấy phiến gỗ lớn. Tôi bèn lấy ngay mấy thứ đó, vốn cũng không lấy gì làm nặng quá, đẩy xuống nước buộc chặt vào một sợi dây thừng để chúng khỏi trôi đi. Xong xuôi tôi tụt xuống theo sườn tàu, kéo những cây gỗ ấy lại, buộc bốn khúc dài nhất vào nhau thật chặt, thành hình một chiếc bè. Tôi đặt ngang trên đó mấy mảnh ván ngắn để có thể đi lại được. Nhưng bè còn nhẹ quá chưa thể chở nặng. Tôi lại trèo lên tàu cưa thêm một cái trục lớn thành ba đoạn, rồi nhọc nhằn lắm mới đem buộc được vào cho bè nặng thêm. Cứ nghĩ rằng mình sẽ có thể thu thập được nhiều vật dụng cần thiết, tôi lại càng hăng hái và làm được những việc vượt sức tôi rất nhiều. Chẳng mấy chốc tôi đã có một chiếc bè tạm đủ sức chở một chuyến khá nặng. Bây giờ chỉ còn chọn xem phải chở gì và làm thế nào để đồ đạc khỏi bị ướt. Nhưng tôi cũng chẳng phải suy tính lâu! Trước hết, tôi ném xuống bè tất cả những tấm ván đã tìm thấy trên tàu. Tiếp đến, sau một phút đắn đo, cân nhắc xem cái gì cần thiết trước, tôi lấy ngay ba chiếc hòm rỗng lớn buộc dây ròng xuống. Tôi xếp đầy thức ăn vào cái hòm lớn nhất, bánh mì, gạo, ba bánh phó mát Hòa Lan, năm súc thịt dê khô và một ít lúa mì vẫn dùng để nuôi gà trên tàu, nhưng gà đã bị thịt dần hết từ lâu rồi. Tôi cũng tìm được một ít lúa mạch các loại trộn lẫn với nhau, nhưng tiếc thay chuột đã ăn hoặc nhằn mất cả lõi, chỉ còn lại trấu. Tôi đành chỉ lấy về tất cả những thứ gì hiện nay tôi không thể thiếu, trong đó phải có một số đồ dùng để làm việc khi lên đất liền. Sau khi tìm kiếm rất lâu, tôi vớ ngay được cái hòm đựng đồ nghề của bác thợ mộc. Quả là một kho tàng quý báu, hơn hẳn một chiếc tàu chở đầy vàng. Tôi ròng ngay cái hòm ấy xuống bè, cũng chẳng cần kiểm lại nữa vì tôi đã biết đại khái trong đó có những gì rồi. Sau những dụng cụ quý giá ấy, tôi sục tìm ngay khí giới và đạn dược. Trong buồng viên thuyền trưởng có hai khẩu súng trường rất tốt và một cặp súng ngắn; tôi cho ngay mấy cây súng xuống bè cùng với hai túi thuốc súng, một bao đạn ghém và hai thanh gươm cũ đã gỉ. Tôi biết trên tàu còn có ba thùng thuốc súng nữa, nhưng không rõ người pháo thủ xếp vào đâu. Nhưng rồi tôi cũng moi ra được sau khi sục sạo không thiếu một ngóc ngách nào. Đáng tiếc là một thùng đã bị ngấm nước; còn hai thùng kia vẫn khô ráo và đang tốt; tôi đem luôn lên bè cùng với súng đạn. Như vậy, tạm thời tôi cũng đã có đủ mọi thứ cần thiết; bây giờ chỉ còn lo đưa chiếc bè yên ổn vào cho tới bờ. Bè không buồm, không bơi chèo, không tay lái; một cơn gió bất chợt đến cũng đủ đánh chìm tất cả chuyến tài sản mới của tôi; thật đáng ngại. Bè đi được một quãng thì tôi nghe tiếng chó sủa trên tàu. Thì ra tôi đã bỏ quên con vật đáng thương ấy. Trong khi tôi bận túi bụi vào những công việc kể trên thì nó sục sạo khắp hầm tàu để tìm chuột cho nên lúc tôi xuống bè thì không thấy nó. Tôi giơ tay vẫy. Nó nhảy từ trên tàu xuống biển, bơi vào bờ và tới nơi trước cả bè. Lúc bè cập bến, tôi đã thấy nó ngồi chồm chỗm trên bờ để đón. Bè trôi yên ổn đã được chừng một dặm biển, nhưng tôi thấy nó cứ dần dần xuôi giạt xa quá phía đất liền tôi lên hôm trước. Tôi nghi đâu đây có một dòng nước và hy vọng tìm được một cái vịnh hoặc một cửa sông có thể làm bến để dỡ đồ đạc xuống dễ dàng. Bè đương trôi vào một cửa sông nhỏ thì vấp phải một dải cát ngầm, bị kênh lên, các đồ vật tí nữa đổ nhào về phía sau mà rơi xuống nước. Tôi vội nhảy xuống, giữ chặt lấy mấy cái hòm, nâng lên, nhưng không đủ sức kéo bè trở lui được. Tôi đành cứ đứng giữ như thế, trên nắng dưới nước, chừng nửa tiếng đồng hồ. Nước triều lên và nâng dần chiếc bè lên theo. Chờ cho chiếc bè lại nằm ngang trên mặt nước tôi mới dám bỏ tay ra. Bè nổi dần lên, trôi trên dải cát; tôi dùng sào chống dần cho nó đi sâu vào hẳn bờ. Tôi nhắm một cái vũng nhỏ bên bờ sông phía tay phải để đưa bè vào. Bờ đá dốc, tí nữa bè lại bị lật. Tôi phải chờ cho nước thủy triều dâng lên thật cao, tràn qua bờ, mà chống bè theo lên. Tới nơi, tôi làm vội một cái neo tạm thời để giữ cho bè nằm nổi trên một bãi đất bằng phẳng. Nước triều rút, bè từ từ hạ xuống, nằm yên ổn trên đất với đủ mọi thứ tôi đã chở về. Mọi việc xong xuôi, tôi bèn đi thăm dò khoảng đất, đồng thời cũng tìm một chỗ thuận lợi để ở và để cất đặt mọi thứ đồ dùng cho cẩn thận khỏi mất mát, hư hỏng. Tôi cũng chưa phân biệt rõ đây là đất liền hay chỉ là một hòn đảo, có người ở hoặc hoang vu, có thú dữ hay không? Cách chỗ tôi chừng một dặm biển có một quả núi rất cao và lởm chởm, nổi bật hẳn lên trước một dãy núi khác ở phía bắc. Tôi mang một khẩu súng trường và một khẩu súng ngắn, kèm thêm một cái túi thuốc súng và một bao đạn ghém, rồi lên đường trèo lên đỉnh núi cao để khám phá vùng đất đó. Sau bao nhiêu nhọc nhằn mới lên tới nơi, tôi càng đau xót cho số phận mình. Tôi thấy rõ ràng hiện nay mình đang bơ vơ trên một hòn đảo trơ trọi giữa biển cả mênh mông, không còn mảnh đất nào khác mấy mỏm đá ở xa tít mù khơi. Cách đảo lớn này chừng ba dặm đường về phía tây chỉ có hai hòn đảo khác nhỏ hơn nhiều. Tôi bị cầm tù trong một hòn đảo thật hoang vu. Tôi có thể tin chắc rằng ở đây không có dân cư mà chỉ có thú dữ. Nhưng tôi cũng chưa thấy bóng con thú dữ nào. Tôi chỉ gặp rất nhiều giống chim lạ mà cũng chẳng biết giết chúng để làm gì! Lúc trở về, tôi bắn rơi một con chim rất to đang đậu trên một cây cao ở ngay bìa khu rừng lớn. Có lẽ đó là phát súng đầu tiên ở đây từ khi khai thiên lập địa. Tiếng nổ chưa dứt, từ khắp nơi đã bay ra tới tấp hằng hà sa số các loại chim đủ các giống, ầm ầm ào ào không biết bao nhiêu tiếng kêu, tiếng chí choé, đủ giọng đủ kiểu đến lạ. Con chim bị bắn có lẽ là một loại diều hâu, màu lông và mỏ thì giống, nhưng cựa và móng thì lại khác, thịt thì hăng hắc khó chịu, chẳng được tích sự gì. Thôi thì biết thêm được tí nào hay tí ấy! Tôi trở về chiếc bè và bắt tay vào việc dỡ đồ đạc. Tôi mải mê với công việc đến nỗi đêm đến lúc nào không hay, thành thử chưa kịp nghĩ đến thu xếp nơi ăn chốn ngủ, dù là tạm thời. Tôi không dám nằm liều xuống đất mà ngủ, chỉ sợ bất ngờ có thú dữ tới vồ, mặc dầu cũng chưa có gì tỏ ra đáng ngại về mặt đó. Tuy vậy, tôi cũng xếp tạm một bức rào bằng những hòm và ván lấy ở tàu về; rồi dựng tạm một chiếc lều nho nhỏ bên trong để ngủ cho qua tối hôm đó. Tôi cũng chưa nghĩ ra cách sẽ kiếm ăn thế nào trên hòn đảo hoang vu này trừ vài ba con thú giống như thỏ rừng chạy ra lúc tôi bắn con chim. Tôi lót vội cho con chó một cái ổ ngay bên cạnh; như vậy tôi thấy vững dạ hơn. Thỉnh thoảng nó rên ư ử như đương nằm mơ thấy lại những cảnh hãi hùng vừa qua. Vào quãng nửa đêm nó vùng dậy sủa lên mấy tiếng; tôi cầm súng đứng dậy nhìn ra ngoài nhưng không thấy động tĩnh gì lại nằm xuống để ngủ đến sáng. Tôi ước tính còn có thể lấy ở chiếc tàu về được nhiều thứ rất cần thiết, đặc biệt là dây chão, vải buồm. Tôi lại tìm cách trở ra tàu. Tôi biết chỉ một cơn bão nữa nổi lên là đủ phá vỡ tan tàu ra ngay, nên tôi hoãn tất cả mọi công việc khác để đi vài chuyến nữa. Tôi để chiếc bè cũ ở nhà; ra tàu tôi sẽ lấy ván đóng một cái khác vững vàng hơn. Tôi bèn chờ nước thủy triều xuống để đi ra như lần trước. Nhưng lần này tôi cởi hết quần áo ngay từ trong lều, chỉ mặc áo lót rách, quần đùi và mang dép nhẹ. Chương 5 Tới nơi, tôi đóng ngay chiếc bè. Kinh nghiệm lần trước giúp tôi khéo tay hơn. Chiếc bè này không cồng kềnh như chiếc trước mà cũng không phải chở nặng quá. Tuy nhiên tôi vẫn mang về được rất nhiều thứ có ích. Tôi tìm thấy trong kho đồ mộc mấy túi đinh và sắt nhọn, một cái khoan lớn, có đến hơn chục cái búa, rìu và một hòn đá mài. Tôi để riêng ra cùng với mấy thứ khác của người pháo thủ, như vài thanh sắt, hai thùng đạn, bảy khẩu súng và thêm vào đó một khẩu súng săn, một ít thuốc súng, một túi lớn đựng đầy đạn ghém cỡ nhỏ. Mấy thùng thuốc súng sao mà đồ sộ và nặng thế! Tôi phải đục thùng lấy thuốc súng ra dần dần, chia thành nhiều gói đem bỏ lên bè. Công việc ấy cũng làm tôi mất thêm một số thì giờ. Vào đến đất liền với ngổn ngang trăm thứ như thế, tôi dựng ngay một cái lều nhỏ bằng tấm vải buồm lấy ở tàu về và những cọc nhọn đã chuẩn bị sẵn sàng. Tôi mang vào trong lều tất cả những thứ có thể bị hỏng vì mưa nắng ngoài trời. Sau đó, tôi xếp những hòm và thùng rỗng, cái này chồng lên cái kia, thành một bức lũy vây quanh chiếc lều để bảo vệ tài sản của tôi, chống những cuộc tấn công của bất cứ kẻ địch nào. Tôi lại dựng mấy tấm ván phía trong và một cái hòm rỗng bên ngoài để chặn lối ra vào. Sau khi luồn hai khẩu súng ngắn xuống dưới gối và đặt khẩu súng săn bên cạnh mình, hôm ấy là buổi đầu tiên tôi được đặt mình xuống giường, đánh một giấc hết sức ngon lành cho tới khi trời sáng rõ. Tối hôm qua tôi bị mệt và nhọc đến mức không ngủ được mấy chút, rồi cả ngày hôm nay lại làm việc không nghỉ, suốt ngày ra tàu lấy các thứ về rồi lại chuyển lên bờ đưa về lều. Kho chứa đồ của tôi có thể coi là một tài sản lớn nhất riêng cho một con người. Tuy nhiên tôi vẫn chưa thỏa mãn. Chiếc tàu còn đứng vững ngoài kia thì tôi còn phải ra mà lấy cho kỳ hết tất cả những gì có thể đem về được. Ngày nào tôi cũng ra tàu vào lúc nước triều rút, hôm lấy về thứ này, hôm đem về thứ kia. Đặc biệt trong chuyến đi thứ ba, tôi lấy về tất cả những đồ dùng đi biển: dây chão loại nhỏ, sợi gai bện thừng, một tấm vải thô và cả cái thùng thuốc súng bị thấm nước. Cái gì có thể lấy về được là tôi không từ. Tôi không quên tất cả những lá buồm các cỡ, từ cái to nhất đến cái nhỏ nhất, trong hoàn cảnh này, nếu không dùng làm buồm thì cũng dùng làm vải thô. Tôi cắt thành từng mảnh đem dần về. Sau năm sáu chuyến đi như thế, tưởng rằng trên tàu chẳng còn gì đáng giá nữa, đột nhiên tôi vớ được một thùng lớn đầy bánh khô, ba thùng rượu mạnh, một hộp đường đen và chừng một thùng bột mì rất mịn. Cả chừng ấy thứ vẫn tốt nguyên, chưa bị nước mặn làm hỏng. Thật là thích thú quá chừng! Tôi vội vàng lấy hết bánh khô trong thùng ra đem gói vào trong những miếng vải buồm đã cắt sẵn, rồi bỏ lên bè chở vào bờ. Chuyến này cũng yên ổn và rôm rả không kém những chuyến trước. Ngày hôm sau, tôi lại đi một chuyến nữa. Những chuyến trước, tôi đã lấy tất cả những gì có thể mang đi được một cách tương đối nhẹ nhàng. Lần này tôi nhằm vào những dây chão lớn. Tôi bắt đầu chặt những dây lớn nhất thành từng đoạn vừa sức tôi kéo đi, rồi chất hai dây chão, một dây tam cố[3] và đồ sắt, linh tinh thành một đống. Tôi lại cưa hai cái trục buồm lớn ra đem kết thành một cái bè lớn, chuyển tất cả cái đống nặng nề đó lên rồi chèo đi. Nhưng bản thân chiếc bè đã nặng quá lại chở quá sức, cho nên khi tới cái vũng hôm trước, tôi không điều khiển nổi bè nữa. Thế là bè bị lật, hất tôi và tất cả đồ đạc xuống nước. Tuy chính mình không bị tai nạn gì vì bè đã gần vào tới bờ, nhưng chuyến này tôi bị thiệt hại khá nhiều, nhất là các đồ sắt định dùng vào một số việc cần thiết. Cũng may nước triều xuống cạn, tôi vớt được lên bờ hầu hết những đoạn dây chão và một ít đồ sắt. Tôi cứ phải lặn xuống ngoi lên mãi nên mệt nhoài. Từ hôm đó, tôi vẫn tiếp tục mỗi ngày một chuyến ra tàu để lấy tất cả những gì có thể chở về được. Tôi đã lên đất được mười ba ngày và ra tàu được mười một chuyến. Tôi đã lấy về tất cả những thứ mà sức một con người đơn độc có thể lấy và đem đi được. Tôi tin chắc rằng nếu trời cứ tốt, mặt biển cứ lặng, tôi sẽ lấy về được tất cả chiếc tàu, từng mảnh từng phần một. Tôi trở ra chuyến thứ mười hai, nhưng biển bắt đầu động nên không đóng bè chở thêm được. Bất ngờ tôi lục trong ngăn kéo viên thuyền trưởng được một số tiền vàng đủ các loại, mươi chiếc dao cạo và một tá dao ăn. Tôi định bỏ số tiền lại vì bây giờ nó vô dụng quá chừng, nhưng sau tôi cũng đem gói lại cùng với dao vào một miếng vải buồm. Tôi ôm lấy cái gói, nhảy xuống biển bơi vào bờ trước khi mặt biển nổi sóng lớn. Tôi cũng không ngạc nhiên lâu. Một ý nghĩ chợt đến đã an ủi tôi: may mà mình không bỏ phí một chút thì giờ nào, không ngại khó khăn, không sợ mệt nhọc, đã lấy được hết mọi thứ cần thiết dù ít dù nhiều. Bây giờ nếu có còn chút thì giờ nào nữa cũng chẳng còn gì đáng kể mà lấy. Từ nay tôi phải lo tìm cách ổn định cuộc sống, đề phòng kẻ hung dữ, giả thử có trên đảo này bất chợt đến, như người hoặc thú rừng. Tôi cân nhắc mãi những kinh nghiệm làm nhà và các kiểu nhà, không biết bây giờ nên đào một cái hang sâu hay dựng một túp lều. Cuối cùng tôi quyết định làm cả hai thứ. Tôi cũng muốn giới thiệu với các bạn toàn bộ “dinh cơ” của tôi vì chắc cũng có nhiều điều đáng được các bạn chú ý. Trước hết, tôi nhận thấy chỗ ở tạm của tôi bây giờ không thích hợp để làm nhà vì vừa thấp vừa lầy lội, lại chẳng gần nguồn nước ngọt nào. Tôi bèn đi tìm một chỗ ở tốt hơn. Trong hoàn cảnh này, tôi thấy cần phải kết hợp cho được nhiều mặt thuận lợi. Trước hết, cần có đủ điều kiện để bảo đảm sức khỏe tốt, gần nước ngọt, tránh được ánh nắng gay gắt ở xứ này. Mặt khác, những điều kiện để tự bảo vệ chống những cuộc tấn công bất ngờ của kẻ thù cũng không thể thiếu. Sau nữa, tôi lại muốn có thể nhìn được ra ngoài biển cả để nếu thấy chiếc tàu nào qua lại sẽ tìm cách thoát khỏi đảo vắng. Hy vọng này tuy mỏng manh nhưng tôi vẫn quyết tâm bám chặt lấy. Tôi tìm được một miếng đất bằng phẳng, nằm sát chân một ngọn núi cao. Sườn núi phía này thẳng đứng như tường, không dễ gì đi từ trên cao mà xuống đến chỗ tôi ở được. Bên dưới có một chỗ lõm vào giống như một cửa hang. Nhưng bên trong chẳng có hang động, hoặc đường hẻm. Tôi dựng nhà trên nền đất ngay trước chỗ lõm ấy. Một khoảng đất rộng chừng năm mươi sải và dài gấp đôi, trải ra trước mặt như một tấm thảm xanh, ba bề dốc thoai thoải về phía bờ biển. Làm nhà ở đó tức là phía bắc tây bắc ngọn núi, hàng ngày tôi có thể tránh nắng cho đến lúc mặt trời sắp lặn. Trước khi dựng lều, tôi vạch một đường vòng cung, bán kính từ chỗ đất lõm thẳng ra chừng mười sải còn đường kính chạy theo chân núi thì dài hai mươi sải. Theo đường vòng cung, tôi trồng hai dãy cọc gỗ thật chắc chắn, chôn sâu xuống đất rất vững, cao hơn mặt đất chừng năm bộ rưỡi và đẽo nhọn ở trên. Hai lớp rào trong ngoài cách nhau chỉ chừng sáu tấc bộ. Xong xuôi, tôi lấy những đoạn dây chão đã cắt đem đan lại thật sít nhau, vào giữa những cọc hàng rào, từ chân lên đến ngọn. Tôi lại đóng thêm những cọc gỗ khác cao chừng hai bộ rưỡi, áp chặt vào những cọc trước, để đỡ phía trong. Công trình ấy vững chãi đến mức không thể có người, hoặc con vật nào phá vỡ hay vượt qua được. Tôi đã dồn vào đó biết bao nhiêu công sức, nhất là để cưa xẻ những cọc gỗ rồi kéo từ bến vào, dựng lên mà chôn sâu xuống. Tôi không làm cổng, nhưng lại làm một cái thang nhỏ để trèo qua rào, rồi kéo luôn thang vào bên trong. Như thế, chắc chắn tôi được bảo vệ rất cẩn mật để chống với mọi kẻ địch và từ ngày đó tôi mới được ăn ngon ngủ yên. Nhưng kể cũng thừa, vì suốt một thời gian dài về sau, thực tế chẳng thấy có kẻ thù nào đáng kể. Chính trong cái chỗ trú ẩn đó, hoặc gọi là cái pháo đài cũng được, tôi đã chuyển vào tất cả lương thực, khí giới, nói tóm lại, tất cả tài sản của tôi. Bên trong, tôi dựng một chiếc lều lớn có hai lớp mái để chống những trận mưa như trút và dai dẳng ở miền này. Trước hết, tôi dựng một túp lều trung bình, rồi làm một cái khác lớn hơn trùm lên, sau đó lại căng thêm một lớp vải nhựa đem từ tàu về. Từ đó, một thời gian rất lâu, tôi không ngủ trên cái giường đem ở tàu lên nữa. Sẵn có chiếc võng rất êm của người hoa tiêu trước kia thường dùng trên tàu, tôi đem mắc trong lều để ngủ, vì tôi thích ngủ võng hơn. Tôi lại cất vào trong lều tất cả những loại thức ăn có thể bị mưa làm hỏng. Sau khi đã chuyển hết mọi thứ vào bên trong, tôi bịt kín hàng rào lại. Từ đó, tôi chỉ dùng cái thang để ra vào như trên kia đã nói. Công việc ấy xong xuôi, tôi bắt đầu đào sâu vào trong núi. Đào được bao nhiêu đất, tôi đều chuyển qua lều đem ra đổ vào chân hàng rào, dần dần thành một sân đất nện, cao hơn bên ngoài đến một bộ rưỡi. Chẳng bao lâu tôi đã đào xong một cái hang, vừa dùng làm chái, vừa dùng làm hầm chứa đồ, ngay sau lều. Tôi đã phải tốn rất nhiều tâm sức mới hoàn thành toàn bộ những công trình đó. Ấy thế mà dạo ấy lại còn một số việc bất ngờ xảy đến làm tôi lo lắng thêm nữa. Một hôm, trong thời gian đầu, tôi đương suy nghĩ về cách dựng lều và đào hầm, một đám mây đen và dày kéo đến rồi một cơn bão nổi lên. Bỗng nhiên, một tia chớp vụt sáng lòe và tiếp đó một tiếng sét nổ dữ dội. Sét nổ sau chớp là lẽ tất nhiên, cho nên tôi không sợ hãi gì. Nhưng một ý nghĩ vụt nảy ra cũng nhanh như chớp: “Không biết thuốc súng của mình ra sao rồi đây! Không còn thuốc súng thì mình kiếm ăn thế nào được!”. Tôi lo ngại quá chừng, chỉ sợ kho thuốc súng có thể bị sét đánh nổ tung lúc nào không biết. Ý nghĩ đó day dứt tôi đến nỗi vừa dứt cơn bão, tôi vội tạm ngừng ngay tất cả công việc dựng hàng rào và lặt vặt khác để lo cất giấu thuốc súng. Tôi gấp rút làm những cái bao và những cái hộp để bỏ thuốc súng, chia thành nhiều gói cất ở nhiều nơi không cho bắt lửa, lỡ khi có một gói bị cháy. Như vậy muôn một có xảy ra chuyện gì thì tôi không bị mất tất cả thuốc súng. Tôi đã mất đến nửa tháng trời để hoàn thành công việc đó và tôi ước tính số một trăm rưỡi cân thuốc súng của mình đã chia thành chừng một trăm gói nhỏ. Riêng cái thùng thuốc súng đã bị ướt thì không có gì đáng lo ngại nữa nên tôi đem cất vào trong cái hang mới đào, cao hứng tôi gọi là nhà bếp. Tôi giấu những gói kia vào những hốc đá thật khô ráo, và tất nhiên tôi hết sức chú ý để khỏi quên. Mặc dầu bận bịu như thế, không ngày nào tôi không đi dạo bên ngoài ít nhất là một lần, hoặc để giải trí hoặc để săn bắn kiếm thịt tươi, hoặc cũng để biết thêm dần cảnh vật trên đảo. Mỗi lần đi ra, tôi đều đem theo con chó. Nó chạy quanh quẩn bên tôi, sục vào bụi đuổi chim hoặc thú ra cho tôi bắn. Lúc tôi ngồi nghỉ, nó nằm im bên cạnh, thỉnh thoảng ngước mắt nhìn tôi rất âu yếm. Có nó, tôi cảm thấy bớt được một phần cô quạnh. Trong buổi đi dạo đầu tiên, gặp mấy con dê đực, tôi thích thú vô cùng. Nhưng rồi thích thú ấy cũng giảm bớt đi sau khi tôi thấy giống dê ở đây là một loại dê rừng, tinh khôn và chạy rất nhanh, khó lòng lại gần được chúng! Tuy thế tôi cũng không nản lòng; tôi tin thể nào thỉnh thoảng cũng bắn được một vài con. Quả nhiên về sau tôi đã bắn được chúng. Chú ý nghiên cứu theo dõi lối đi đường về của bầy dê, tôi nhận thấy mỗi khi tôi ở trong cánh đồng cỏ mà chúng ở trên núi thì chúng tỏ vẻ hoảng sợ, bỏ chạy trốn nhanh như biến. Nhưng khi chúng xuống gặm cỏ trong cánh đồng mà tôi đứng trên núi thì hình như chúng lại không để ý gì đến tôi. Tôi kết luận rằng có thể do một sự cấu tạo đặc biệt, mắt chúng luôn luôn nhìn xuống nên không thể thấy được dễ dàng những vật đứng cao quá tầm mắt. Từ đó về sau, hễ muốn săn dê, tôi lại leo lên núi để đứng cao hơn, và như thế thì muốn bắn bao nhiêu con cũng được. Ngay phát súng đầu tiên, tôi hạ được một con dê cái còn nuôi con, thành ra cũng không được hài lòng. Khi dê mẹ ngã xuống, dê con cứ đứng bên mẹ; lúc tôi vác con dê mẹ lên vai đưa đi thì con dê con cứ theo tôi mà về tới hàng rào. Tôi đặt con dê mẹ xuống, bế con dê con lên, trèo qua hàng rào, đưa nó vào bên trong, hy vọng có thể nuôi được nó. Nhưng nó không chịu ăn uống gì cả, nên buộc lòng tôi phải giết thịt nó vậy. Bữa đó tôi chẳng thấy ngon miệng chút nào. Cái nguồn thịt tươi ấy cung cấp thức ăn cho tôi trong một thời gian khá lâu. Tôi ăn uống rất dè sẻn, hết sức tiết kiệm lương thực, nhất là bánh khô, được chừng nào tốt chừng ấy. Tôi đã có nhà cửa hẳn hoi. Bây giờ cần phải thu dọn một góc để chất củi đốt. Nhưng tất cả những việc đó, từ cách thức mở rộng hang, đến những thứ thêm thắt dần vào cho cuộc sống được thoải mái và có nhiều thuận lợi hơn, sau này tôi sẽ có dịp nói nhiều đến. Bây giờ tôi muốn nói lên những điểm thuộc về con người của tôi, những ý nghĩ thay đổi trong đầu óc tôi trước một cuộc sống lạ lùng ít ai có thể tưởng tượng được. Thực tế hiện ra trước mắt tôi thật là khủng khiếp: sau một cơn bão dữ dội trên một chiếc tàu bị trôi giạt, tôi bị ném vào hòn đảo hoang vu, cách xa những đường hàng hải hàng trăm dặm. Tôi cảm thấy cuộc đời tôi sẽ mãi mãi bị chôn vùi trong cảnh ngộ éo le bi thảm này. Nghĩ như thế, nhiều lúc tôi hai dòng nước mắt chảy dài xuống má than thân trách phận, buồn thay cho mình phải đày đọa thống khổ tới nông nỗi này. Nhưng tiếp theo những ý nghĩ yếu đuối ấy, bao giờ cũng có ngay những ý nghĩ khác lạc quan hơn. Một buổi đi dạo trên bãi biển, súng cắp dưới cánh tay, con chó chậm rãi đi theo sau từng bước, tôi suy nghĩ rất nhiều về hoàn cảnh hiện tại của mình. Ngay lúc đó, lý trí vốn biết cân nhắc điều hơn lẽ thiệt, đã trỗi dậy chống lại những lời than vãn bi quan đó. Tôi tự nhủ: “Này, mình hiện đương ở trong một hoàn cảnh bi đát, đúng thế! Nhưng những bạn cùng tàu của mình hiện nay ở nơi nào! Chẳng phải là tất cả có mười một người trên tàu đó sao? Vậy thì mười người kia đâu rồi? Cớ sao họ lại không sống sót, mà mình lại không chết? Vì sao chỉ có một mình ta thoát nạn? Đàng nào hơn? Ở đây hay là dưới đó? (đồng thời, tôi chỉ tay xuống biển). Liệu có nên nhìn nhận mọi sự việc cả mặt tốt lẫn mặt xấu không? Chẳng lẽ những điều may mắn đã được hưởng lại không thể an ủi ta về những điều đau lòng được sao?” Hơn nữa, nhìn lại, tôi thấy mình đã được thừa hưởng một tài sản khá lớn. Số phận tôi sẽ ra sao nếu không có chiếc tàu đã mắc cạn trên dải cát ngầm giữa biển, khiến tôi có thể ra lấy tất cả tài sản đó đem về cất trong kho? Không có sự may mắn đó thì tôi biết làm thế nào mà tự tạo lấy những vật dụng cần thiết cho đời sống? Bất giác tôi nói to lên: “Mình sẽ ra sao? Ừ, mình sẽ ra sao nếu không có khẩu súng này, không có đạn dược để săn bắn, không có đồ dùng để làm việc, không có quần áo để che thân, không có giường để nằm, không có lều để ở?”. Nghĩ thế, tôi lại thấy phấn khởi hơn. Tôi được hưởng tất cả những thứ đó, dư dật đến mức một ngày nào đó hết thuốc đạn, khẩu súng trở thành vô ích. Khi đó, chắc chắn tôi vẫn cứ có đủ mọi thứ để sống trong nhiều năm. Ngay từ buổi đầu, tôi đã tính trước cách đối phó với mọi trở ngại khó khăn có thể xảy đến, không những chỉ tới ngày thuốc đạn thiếu hẳn, mà cả đến khi sức tôi bị yếu, lực tôi bị hao. Thật ra, không phải bỗng chốc tôi đã nghĩ tới tình trạng đột nhiên thuốc đạn bị tiêu tan sạch trong chớp mắt. Thuốc súng của tôi có thể bị sét đánh nổ tung. Vì thế mỗi lúc chớp giật sấm rền lại nhắc lại cho tôi mối lo hôm trước. Con chó thấy tôi đã vui trở lại thì cũng sủa lên mấy tiếng như để hưởng ứng thái độ ấy và mừng rỡ nhảy nhót quanh tôi. Khốn nạn cho nó, từ nãy đến giờ thấy chủ mặt ủ mày chau thì nó cũng cứ lủi thủi bước theo như chia buồn với tôi vậy. Tiếng sủa của con vật trung thành sao lúc này làm cho tôi ấm lòng thế! Tôi ngồi xuống, móc túi lấy một miếng bánh khô, bẻ đôi chia cho nó một nửa và nói chuyện với nó như với một người bạn chí thiết. Giờ đây, tôi nghĩ cũng cần nhắc lại cảnh sống của tôi, một đời sống cô đơn, âm thầm vắng vẻ, một cuộc sống có một không hai trên thế gian này. Tôi sẽ kể lại từ đầu theo thứ tự thời gian. Tôi đặt chân lên đảo này vào ngày 30 tháng 9. Giữa tiết thu phân[4], mặt trời chiếu ánh nắng thẳng vào đầu. Theo ước tính thì chỗ tôi ở hiện nay có thể là bắc vĩ độ 9 độ 22 phút. Chương 6 Đặt chân lên đảo được mười hai hôm, tôi đã lo vì thiếu giấy, bút, mực, rồi đây mình có thể quên không tính được thời gian. Như vậy, tôi cũng sẽ không phân biệt được chủ nhật với những ngày khác, nếu không kịp thời tìm cách bổ cứu. Để tránh những sự sai lầm sau này, ngay trên bờ biển, đúng vào chỗ tôi đặt chân lên đất lần đầu tiên, tôi dựng một cây cột vuông vắn trên khắc một dòng chữ: “TÔI ĐẶT CHÂN LÊN ĐẢO NGÀY 30 THÁNG 9 NĂM 1659” Ở bốn mặt cái cột, mỗi ngày tôi vạch một vạch nhỏ; cứ bảy ngày tôi lại vạch một đường dài gấp đôi, và cứ vào mồng một đầu tháng, một đường dài gấp đôi nữa. Cứ thế tôi bảo đảm quyển lịch đều đặn suốt thời gian sống trên đảo vắng. Trong cái kho chứa vật dụng đem từ dưới tàu lên, còn có những thứ tưởng như không cần thiết cho lắm nhưng thật ra rất được việc cho tôi, ví dụ ngòi bút, mực và giấy, mấy cái com-pa, những dụng cụ về toán học, ống viễn kính, bản đồ và nhiều sách về hàng hải, một số sách linh tinh, v.v… Rất nhiều thứ còn để lộn xộn, tôi chưa có thì giờ lựa ra xem cái gì dùng được, cái gì bỏ đi. Tôi lại không thể không nhắc tới con chó trên tàu đã theo tôi về đảo ngay từ chuyến bè thứ nhất. Nó đã sống bên tôi như một người bạn tốt và một người giúp việc tận tình; có gì đem về được cho tôi dùng là nó cố gắng lấy về. Theo bản năng, nó đã tìm hết cách để sống với tôi thật là thân mật. Với con vật trung thành ấy, tôi chỉ còn một mơ ước mà ai cũng biết là không bao giờ thực hiện được, là làm cho nó biết nói. Kể ra kho vật liệu của tôi cũng đã tích lũy khá nhiều thứ rồi đấy. Nhưng dù bao nhiêu chăng nữa, tôi vẫn còn thiếu nhiều đồ dùng trong đó phải tính đến kim khâu, kim đính và chỉ để vá may, cái xẻng, cái cuốc, cái mai để đào và đổ đất đi nơi khác. Do thiếu thốn đồ dùng như thế nên tôi hoàn thành chậm mọi công việc. Tôi phải mất gần một năm trời mới làm xong hẳn cái hàng rào. Những chiếc cọc rào ấy nặng quá thể! Tôi phải bỏ nhiều công phu mới dựng lên được. Lại còn mất bao nhiêu thì giờ để đẵn từ trong rừng, đẽo gọt và nhất là đem được về tới nhà. Tính ra mỗi cái cọc cũng đã lấy đứt đi của tôi hai ngày tròn vừa chặt vừa kéo, lại thêm một ngày nữa để chôn sâu xuống đất. Khó khăn như vậy nhưng không lúc nào tôi nản chí. Thì giờ và tài trí sức lực không dốc vào bảo vệ cuộc sống thì tôi còn dùng để làm gì nữa! Ngày mồng 1 tháng 11. – Tôi bắt đầu dựng lều dưới chân đồi. Tôi cố thu xếp cho lều được rộng rãi và tôi chôn cọc để chống lều lên cho chắc chắn. Xong xuôi, tôi mắc võng vào hai cái cọc và hôm đó tôi ngủ võng. Ngày mồng 3. – Tôi xách súng ra dạo bên ngoài và bắn được hai con chim trông giống như vịt giời, thịt rất ngon. Buổi chiều, tôi đóng một cái bàn. Sáng sớm mồng 4. – Tôi lại tiếp tục việc theo bản chia thời gian đã vạch ra mấy hôm nay. Tôi quyết tâm giữ đúng giờ giấc hàng ngày như làm việc, đi chơi săn bắn bên ngoài, ngủ và giải trí. Tôi sắp đặt thì giờ như sau: buổi sáng nếu trời không mưa, tôi xách súng ra ngoài chừng vài ba tiếng đồng hồ; sau đó tôi làm việc cho tới quãng mười một giờ rồi ăn trưa rất đơn giản, có gì ăn nấy. Tôi nghỉ trưa cho tới hai giờ chiều, bởi vì ở đây buổi trưa rất nóng, chẳng làm ăn gì được. Ngủ dậy, tôi lại làm việc cho đến chiều. Suốt ngày mồng 4 và cả ngày hôm sau, tôi hì hục đóng cho được một cái bàn gỗ. Thật tình, tôi cũng chỉ là anh thợ quèn, nhưng dần dần về sau, nhờ thời gian và nhu cầu tôi trở thành lành nghề. Tôi nghĩ rằng bất cứ ai, khi đã lâm vào cảnh ngộ như tôi, sớm muộn cũng sẽ được hai ông thầy ấy đào tạo cho trở nên khéo chân khéo tay như thế. Ngày 17. – Tôi bắt đầu đào sâu vào sườn núi sau lều để mở mang nhà cửa cho rộng rãi và thoải mái hơn. Chắc các bạn còn nhớ tôi còn thiếu ba thứ đồ dùng để làm việc, đó là một cái cuốc, một cái xẻng và một cái xe cút-kít, hoặc một cái thúng. Tôi đành tạm bỏ dở công việc và tìm hết cách thay thế bằng những đồ dùng mới, tự làm lấy. Không có cuốc, tôi đã dùng một thanh sắt làm xà beng tuy hơi nặng, nhưng được việc ra trò. Nhưng đến cái xẻng, dụng cụ cần thiết nhất thì tôi vẫn chưa có cách gì thay thế. Ngày hôm sau, 18 tháng 11. – Tôi vào rừng tìm được một cây gỗ, giống loại “thiết mộc”[5] ở Brazil. Tôi đã mất nhiều công sức, chặt mẻ cả lưỡi rìu mới được một đoạn. Khúc gỗ nặng quá chừng! Tôi lại phải một phen bở hơi tai mới đem được về đến nhà. Gỗ đã cứng như sắt, lại thêm tay chân vụng về, dụng cụ thô sơ, cho nên tôi vất vả vô cùng. Tuy vậy, mỗi lúc một tí, tôi cũng đẽo gọt tạm thành một dụng cụ, nửa xẻng nửa mai, nhưng lưỡi thì không viền sắt cho nên không bền được như xẻng sắt; tuy nhiên nó cũng rất được việc. Tôi vẫn còn thiếu một cái thúng hoặc một chiếc xe cút-kít. Tôi phải bỏ cái việc đan thúng vì không tìm được một loại cành cây nào dẻo như miên liễu để uốn mà đan. Tôi bèn nghĩ cách làm xe cút-kít nhưng lại gặp khó khăn là không biết cách làm bánh và rèn trục sắt. Thế là tôi lại đành phải bỏ cái mộng làm xe. Tôi bèn đóng một cái thùng giống như cái chậu đựng vữa của thợ nề để chuyển đất đào trong hang đem đổ ra ngoài. Làm cái thùng này không mất nhiều công phu như cái xẻng; tuy vậy hai thứ này với cái xe làm thử đã lấy của tôi hết bốn ngày tròn, trừ những lúc xách súng đi dạo buổi sáng kiếm thức ăn tươi. Ngày 23 tháng 11. – Tôi tiếp tục công việc đào hang. Suốt mười tám hôm liền, ngày nào tôi cũng cố gắng làm việc để bảo đảm đúng kế hoạch đã định. Tôi đào cái hang cho rộng và sâu thêm để có thừa chỗ xếp đặt thứ tự và gọn gàng tất cả “gia tài”. Ngày 10 tháng 12. – Tôi đương đứng nhìn lên trần và yên trí là chắc chắn rồi, thì bỗng nhiên đất đổ ập xuống ở một góc gần đó. Tôi hết cả hồn vía vì nếu lúc ấy tôi đứng ở đó thì cũng đã được “mồ yên mả đẹp” rồi! Tôi lại mất rất nhiều công sức để sửa chữa lại chỗ đó. Trước tiên là phải chuyển ra ngoài cho hết đống đất đổ; sau đó, đây là việc quan trọng hơn, lại phải lót ván và chống cái trần cho chắc chắn để từ nay về sau khỏi xảy ra tai nạn như thế nữa. Ngày 17 tháng 12. – Từ hôm nay cho đến ngày 20, tôi lo lót ván và đóng đinh vào những cái cọc chống để treo tất cả những thứ gì có thể treo lên được. Bắt đầu từ đó, tôi có thể tự hào rằng mọi thứ trong nhà đều đã ngăn nắp và có trật tự. Ngày 20 tháng 12. – Tôi đem tất cả đồ đạc vào hang, thu dọn nhà cửa. Tôi lấy ván đóng một cái bàn đặt trong bếp để xẻ và thái thịt. Dạo này, ván cũng bắt đầu hiếm rồi. Ngày 27 tháng 12. – Tôi bắn chết một con dê con và làm một con khác què chân; con chó đuổi theo con dê què, bắt được nó và giữ lại cho tôi buộc dây dắt về nhà. Về tới nơi, tôi nắn ngay chân cho nó và băng bó lại. Tôi chăm chút săn sóc nó rất chu đáo nên nó thoát chết; cái chân bị thương cũng lành mạnh như ba chân kia. Ở với tôi ít lâu thì nó quen dần và yên tâm gặm cỏ trong bờ rào, không hề tìm cách trốn. Thấy thế, tôi nảy ra ý nghĩ nuôi gia súc để bảo đảm lương ăn khi hết thuốc súng và đạn ghém. Mồng 1 tháng 1 năm 1660. – Trời vẫn còn nồng nực lắm. Tuy vậy, cứ sáng tinh mơ hoặc quãng chiều chiều, tôi vẫn xách súng ra ngoài. Lần này, đi sâu vào những thung lũng ở khoảng giữa đảo, tôi đã gặp vô số dê rừng; nhưng chúng nó đã quá quen sống hoang nên khó lại gần lắm. Có một lần, tôi xuỵt con chó đuổi theo, nhưng lũ dê quay đầu giơ sừng chống cự khiến con chó đâm ra lúng túng. Tôi không dám bắn sợ làm con chó bị thương. Ngày mồng 3. – Tôi bắt đầu “xây lũy” vây quanh nhà. Lúc nào tôi cũng nơm nớp sợ bị tấn công bất ngờ, cho nên luôn luôn bồi đắp thêm cho bờ lũy ngày càng dày, càng vững. Những ngày mưa cản trở công việc của tôi nhiều. Tuy mưa không dai dẳng suốt ngày, nhưng nhiều khi cũng kéo đến hàng tuần, hàng tháng. Bức lũy chưa xây đắp xong, tôi chưa có thể sống yên ổn được. Những cọc gỗ dùng vào việc này, tôi đã làm to hơn cần thiết, nên cũng khó mà tin và cũng khó mà nói được là đã tốn bao nhiêu công sức vào mỗi việc làm, nhất là đưa chúng từ rừng về rồi chôn sâu xuống đất. Làm xong bức lũy, tôi lại trồng một lớp cỏ che bên ngoài. Bây giờ thì dầu có ai bước chân lên đảo, chắc cũng không thể nhận thấy ở đây có một cái nhà và đang có người ở. Tôi rất sung sướng đã đạt được kết quả đó và sau này tôi sẽ nói đến thêm nữa. Ngày nào tôi cũng không quên vào rừng săn, trừ khi trời mưa phải ở lại nhà. Trong những cuộc đi dạo thường xuyên như thế, tôi đã tìm được rất nhiều thứ bổ ích. Tôi gặp một loại bồ câu rừng không ở trên cây như giống gầm ghì, mà lại chui vào làm tổ trong hốc đá. Tôi bắt mấy con chim non đưa về định nuôi cho quen; nhưng vừa lớn lên, chúng đã bay đi mất, không con nào trở về chuồng nữa. Tôi lại còn thiếu một vật rất cần thiết, đó là nến. Tôi rất khó chịu vì thiếu nến, như thế là cứ phải đi ngủ ngay từ chập tối, thường vào quãng bảy giờ. Phương pháp độc nhất để thoát nạn ngủ sớm là lúc nào giết thịt dê thì tôi để dành mỡ lại. Sau đó, tôi lấy đất sét nặn một cái đĩa nhỏ đem phơi khô, lấy một sợi dây gai làm bấc. Tôi đã có một cái đèn, mặc dầu ánh sáng chỉ leo lét, không sáng bằng ánh nến. Có ánh lửa ban đêm, tôi làm thêm được nhiều việc, tránh được những lo nghĩ vẩn vơ, căn nhà thêm sáng sủa, ấm áp. Trong khi lục lọi các thứ, tình cờ tôi thấy một cái bao gai đựng thóc cho gà vịt ăn trên tàu. Bao nhiêu lúa mì đều đã bị chuột nhằn hết, chỉ còn độc trấu và bụi. Định dùng bao gai vào việc khác nếu tôi không nhầm, thì là để đựng thuốc súng lúc chia nhỏ thành từng bao đề phòng sét đánh. Tôi bèn đem đổ tất cả trấu với những gì còn lại trong đó vào chỗ chân núi, ngay bên cạnh bức lũy. Tôi đổ trấu và thóc lép ấy một thời gian ngắn trước mùa mưa; rồi không để ý đến nữa, chỉ chừng một tháng sau, là tôi quên hẳn. Nhưng vừa lúc đó, tôi lại thấy có lơ thơ vài mầm mạ mọc lên; tôi cho là những loại cỏ dại nào đó nên cũng bỏ qua. Được ít lâu, tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy mười hai bông lúa đã vừa chớm chín, một thứ lúa mạch rất ngon không khác giống lúa mạch ở châu Âu. Tuyệt hơn nữa là lúa cũng mọc tốt như loại ở nước Anh vậy. Thoạt tiên tôi kinh ngạc quá đỗi, không hiểu vì đâu lúa mì không cần giống mà cũng mọc lên được thế này? Đã có lúc tôi nghĩ có lẽ trời thương tôi nên bỗng dưng sinh ra lúa mì để nuôi sống tôi trên đảo hoang. Nhưng sau nhớ lại là mình đã rũ một cái bao gai ở đấy và cái bao gai ấy vẫn đựng thóc cho gà ăn thì tôi thấy ngay chẳng có phép lạ gì trong câu chuyện này cả. Tuy nhiên cũng thật là bất ngờ mà có những bông lúa ấy. Đúng là một sự may mắn hiếm có! Tình cờ sao lại còn sót mười hai hột lúa chắc trong cả một bao lúa đã bị chuột nhằn hết nhẵn; tình cờ sao tôi lại đem rũ bao gai vào chỗ bóng râm dưới núi nên lúa mới có thể nảy mầm. Ví thử tôi rũ cái bao gai vào một chỗ khác thì mấy mầm lúa kia có thể bị nắng thiêu héo khô, hoặc bị nước mưa cuốn đi chứ còn đâu nữa! Âu cũng là một điều may mắn mà tôi không thể bỏ qua! Thôi thì còn gì hơn nữa! Chắc các bạn cũng tưởng tượng được vào quãng cuối tháng sáu, mùa lúa chín, tôi đã “gặt” rất cẩn thận những bông lúa đầu tiên ấy! Tôi cất kỹ từng hạt lúa và định sẽ gieo tất cả số lúa đó, hy vọng rồi đây sẽ gặt được nhiều, đủ để làm bánh nuôi thân. Phải trải qua bốn năm trời ròng rã, tôi mới được dịp vuốt ve cái bánh mì đầu tiên. Tới lúc đó, tôi sẽ nói chuyện nhiều với các bạn hơn. Sở dĩ kéo dài thời gian như thế là vì thiếu kinh nghiệm nên lúc đầu gieo giống bị hỏng gần hết. Ngoài số lúa mạch, tôi còn có chừng ba chục bông lúa tẻ nữa. Tôi cũng cất đặt cẩn thận số thóc này để gieo như lúa mạch và cũng định dùng nó làm lương ăn. Khác với lúa mạch, gạo tẻ có thể vừa dùng làm bánh vừa dùng làm thức ăn. Tôi đã biết cách nấu thức ăn bằng gạo hột chứ không cần phải giã thành bột như lúa mạch. Tôi làm việc luôn tay suốt ba bốn tháng trời để xây bức lũy và đắp kín nó vào hôm 14 tháng 4 sau khi đã quyết định dùng thang để ra vào qua lũy. Tôi không chừa cổng, sợ từ xa người ta có thể nhận thấy chỗ ở của tôi. Chương 7 Ngày 16 tháng 4. – Chiếc thang đã xong, tôi dùng thang trèo lên bờ lũy, sau đó tôi kéo thang lên đặt vào phía trong, ở một chỗ đã định. Như thế thì không còn cách nào lọt vào, trừ phi leo qua bờ lũy. Bức lũy vừa xong, được một hôm, thì ngày hôm sau, chỉ một tí nữa là tất cả cơ nghiệp của tôi tiêu tan, và có thể là mạng tôi cũng không còn nữa. Sự việc xảy ra như sau: Đang lúi húi sau lều, bỗng nhiên tôi giật nảy mình khiếp vía vì thấy đất đổ ầm ầm từ trần hang và từ đỉnh núi chênh vênh phía trên đầu tôi. Hai cột chống trong hang nứt toác ra thật kinh khủng! Chưa hiểu đầu đuôi ra sao, tôi nghĩ cũng chẳng có gì lạ; có lẽ chỉ là một đám đất đá bị rơi, như đã xảy ra một lần rồi. Nhưng sợ bị đất vùi và ở trong này cũng chẳng yên ổn, tôi chạy vội lại chỗ cái thang, trèo nhanh qua bức lũy rồi chạy ra thật xa để tránh những hòn đá tảng cứ như đang thi nhau lăn từ trên núi xuống đầu tôi. Vừa đặt chân xuống phía ngoài lũy, tôi biết ngay là có một trận động đất kinh khủng. Ba lần tôi thấy đất chuyển động ngay dưới chân cách nhau chừng tám phút, và cả ba lần đều chuyển ghê gớm, có thể làm cho những toà nhà vững chãi đồ sộ nhất cũng phải đổ nhào. Một hòn núi cách tôi chừng nửa dặm bị sạt hẳn một phía, đổ ầm ầm xuống tựa sấm vang. Biển cả như cũng giật mình trước hiện tượng kỳ lạ này và tôi đoán rằng ở dưới đáy biển lại còn chuyển động dữ dội hơn trên hòn đảo của tôi nữa. Đất chuyển như thế làm cho tôi choáng váng như đi biển trên một chiếc tàu bị phong ba. Từ thuở lọt lòng, tôi chưa hề nghe, hoặc thấy những chuyện thế này; tim tôi như ngừng đập, tất cả mọi bộ phận trong người hầu như tê liệt. Nhưng tiếng núi đá đổ ầm ầm đã lôi tôi ra khỏi cơn mê hoảng và lại càng khiến tôi thêm kinh sợ hãi hùng. Một hình ảnh khủng khiếp vụt hiện ra trong óc tôi: một quả núi nào đó gần chỗ tôi ở có thể đổ nhào lên trên lều và vùi lấp dưới đống đất đá hỗn độn tất cả tài sản của tôi, và ôi thôi! Thế là sẽ không còn gì nữa hết! Sau ba lần đất chuyển mà không thấy xảy ra chuyện gì nữa, tôi dần dần trở lại bình tĩnh. Tuy nhiên tôi vẫn chưa dám trèo qua lũy mà vào nhà, sợ bị chôn sống bất thình lình. Tôi ngồi phịch xuống đất, im lặng, buồn nản và hoang mang không biết mình nên làm gì bây giờ. Một hơi thở nóng khẽ phả vào sau gáy tôi. Tôi quay lại, thì ra con chó đã đứng ở đó từ bao giờ không biết. Có lẽ nó phải chật vật lắm mới theo tôi đến đây được vì nó leo thang rất vất vả. Mỗi lần ra vào tôi đều phải bế nó lên trên bức lũy rồi nhảy xuống bên kia. Lần này vì hốt hoảng quá, tôi bỏ quên nó, không biết nó ra bằng cách nào. Nó giương đôi mắt sợ hãi nhìn tôi để chờ sự che chở của chủ; nhưng chính tôi trong lúc này cũng được vững dạ thêm vì có nó bên cạnh. Trời đất tối mù, mây kéo dày đặc như sắp mưa. Một lát sau, gió nổi lên càng ngày càng to, được chừng nửa giờ thì chuyển thành một cơn dông dữ dội. Sóng biển réo ầm ầm, dồn lên trắng xóa, vỗ dồn dập vào bờ. Cây cối đổ ngổn ngang; trên mặt đất đang bị một cơn bão lớn tàn phá rất khủng khiếp. Sau chừng ba giờ đồng hồ, cơn bão dịu dần; sau ba giờ nữa gió nhẹ hẳn và bắt đầu một trận mưa vuốt mặt không kịp. Trong mưa to gió lớn, tôi vẫn hoang mang tâm trí, bủn rủn tay chân. Tôi chợt nhớ lại rằng gió và mưa như thế này là một hiện tượng tự nhiên tiếp theo cơn động đất. Như vậy là động đất đã chấm dứt rồi, tôi có thể thử trở về nhà xem sự thể ra sao. Ý nghĩ ấy giúp tôi tỉnh táo lên và trận mưa cũng giúp tôi thêm vững dạ. Tôi vào trong lều ngồi; nhưng chưa ấm chỗ đã lại lo ngay ngáy là mưa to như vậy có thể làm sập lều như chơi. Thế là tôi đành phải chui vào ngồi trong hang mặc dầu cứ giật mình thon thót, chỉ lo đất đá trên trần bất ngờ rơi ầm ầm xuống đầu. Cơn mưa như trút nước đã bắt buộc tôi phải moi một cái cống xuyên qua bức lũy để cho nước thoát ra ngoài khỏi tràn vào ngập cả hang. Tạm yên thân trong nhà được một chặp và tin chắc cơn động đất đã chấm dứt hẳn rồi, tâm trí tôi bắt đầu tỉnh táo hơn. Muốn cho tinh thần thêm hăng hái, tôi uống một hớp rượu mạnh để lấy lại sức. Nhưng dù sao, cũng như trong nhiều trường hợp khác, tôi uống rất dè dặt vì ngoài số rượu lấy được trên tàu, tôi chẳng còn nguồn nào cung cấp cho nữa. Trời vẫn mưa luôn suốt đêm và cả hôm sau; tôi không thò mặt ra khỏi nhà được nữa. Nhưng bây giờ đã tỉnh táo hơn nhiều rồi, tôi bèn nghĩ ngay xem nên làm thế nào cho ổn. Tôi suy đi tính lại: hòn đảo có thể bị động đất, vậy thì nhất thiết tôi không nên làm nhà trong hang đá. Trái lại, tôi phải tìm cách dựng một nếp nhà nhỏ ở một chỗ quang đãng, trống trải. Ở đó tôi cũng sẽ làm một bức lũy để đề phòng mọi sự tấn công. Nếu tôi cứ bám vào cái hang núi thì chẳng bao lâu nó sẽ trở thành mồ chôn tôi thôi! Suy nghĩ như vậy, tôi trù tính dỡ cái lều ở chỗ cũ đi. Trong hai ngày sau, 18 và 19 tháng 4, tôi không nghĩ gì ngoài việc tìm một chỗ tốt để dời nhà. Nỗi lo sợ bị chôn sống vẫn luôn luôn làm cho tôi mất ăn mất ngủ; mặt khác, tôi cũng không dám ngủ bên ngoài bức lũy, vì trống trải và sơ hở, nhưng mỗi khi nhìn chung quanh mình thấy đồ đạc xếp đặt ngăn nắp, chỗ ở kín đáo và thoải mái, lại thêm một bức lũy kiên cố, đề phòng được những cuộc tấn công từ bên ngoài, quả thật tôi cũng không muốn dời đi nơi khác tí nào. Ngày 30 tháng 4. – Từ lâu tôi đã thấy bánh khô vơi đi nhiều. Tôi bèn kiểm lại và bắt đầu tự hạn chế mỗi ngày chỉ ăn một miếng bánh nhỏ thôi. Quả là một nỗi đau lòng! Ngày mồng 1 tháng 5. – Buổi sáng nhìn ra ngoài biển lúc nước triều xuống, tôi thấy một vật gì khá to nằm trên bờ, nhìn hơi giống thùng rượu. Lại gần thì ra một cái thùng gỗ nhỏ cùng với vài ba mảnh vỡ của chiếc tàu bị sóng đánh giạt vào bờ trong cơn bão vừa qua. Tôi nhìn về phía chiếc tàu và thấy hình như nó nhô lên trên mặt nước cao hơn dạo trước. Tôi xem xét kỹ càng cái thùng ở trên bờ và thấy đó là một thùng thuốc súng, nhưng vì ngấm nước, thuốc đã vón lại và cứng như đá. Tuy vậy tôi cũng cứ lăn nó rất cẩn thận vào phía trong bờ để tránh nước rồi tôi lần theo bãi cát đi ra phía tàu. Đến gần, tôi thấy chiếc tàu đã thay đổi vị trí rất lạ kỳ. Mũi tàu trước kia bị vùi sâu dưới cát, bây giờ nhô cao hơn lên chừng sáu bộ. Phần sau lái kia bị bão đánh vỡ ra từng mảng và rời ra khỏi tàu sau khi tôi đã moi hết chuyến cuối cùng thì nay như bị đảo lại và nằm nghiêng hẳn chỉ thấy một phía. Ở mặt trước, có nhiều đống cát thật cao; khi nước triều xuống, tôi có thể đi bộ ra trèo lên trên đó mà đi tới tàu, không phải bơi mất nửa dặm như trước. Thoạt tiên tôi cũng ngạc nhiên về sự thay đổi vị trí này, nhưng tôi biết ngay nguyên nhân là do trận động đất. Cũng vì bị ảnh hưởng nhiều lần đất chuyển, chiếc tàu bị nứt rạn nhiều và lại vỡ ra to hơn hồi trước. Do đó ngày nào cũng có rất nhiều thứ trong tàu bị sóng biển lôi ra và đưa dần vào bờ, nằm lăn lóc trên bãi cát. Bây giờ tôi tạm hoãn việc dời nhà. Công việc chính của tôi là thử tìm xem có cách nào vào được trong tàu không. Nhưng khoang tàu đầy tràn những cát, không thể vào được. Tuy thế, kinh nghiệm từ trước tới nay dạy cho tôi không bao giờ nên chán nản; tôi quyết định phá vỡ chiếc tàu đắm này ra thành từng mảnh và đem về, thể nào cũng dùng được nó vào một số việc cần thiết. Ngày mồng 3 tháng 5. – Tôi đem cưa ra cắt đôi một cái xà chống ở sàn tàu dưới. Sau đó, tôi gạt và moi dần ra được khá nhiều cát ở phía trên cao. Nhưng vừa lúc nước triều lên, tôi phải tạm dừng công việc. Ngày mồng 4. – Tôi đi câu và được một con cá heo nhỏ. Tôi có một cái cần câu lớn buộc một sợi dây gai gỡ ở thừng ra nhưng lại thiếu lưỡi câu; tuy vậy tôi cũng kiếm được khá nhiều cá, thừa ăn thừa để. Tất cả kỹ thuật chế biến chỉ là đem phơi khô để cất ăn dần. Mỗi lần tôi đi câu, con chó đều lon ton chạy theo. Từ sau hôm động đất, tôi khoét rộng thêm cái cống ở chân lũy cũng là để cho nó chui ra chui vào cho tiện. Thấy tôi sửa soạn đi câu, nó chui ra trước, đứng dưới chân thang chờ, cái đuôi ve vẩy ra chiều mừng rỡ. Có gì đâu! Mỗi bận như thế, chú ta đều được một bữa no nê những ruột và đầu cá. Nó cũng rất khôn, không bao giờ đụng đến cá phơi; hơn nữa nó lại còn canh giữ cá rất cẩn thận, không cho bọn mèo rừng hoặc quạ bén mảng đến. Ngày mồng 5. – Tôi lại ra làm việc ở chiếc tàu vỡ. Tôi cưa một cây cột nữa rồi tháo ở boong tàu ra ba tấm ván gỗ thông lớn đem ghép lại thả xuống nước cho trôi theo thủy triều vào bờ. Những ngày 10, 11, 12, 13, 14 tháng 5. – Hôm nào tôi cũng ra làm việc ở chiếc tàu vỡ. Tôi tháo ở đó ra được nhiều cột kèo, vô số ván và chừng vài ba trăm cân đồ sắt. Ngày 15 tháng 5. – Tôi đem theo hai chiếc búa thử xem có thể chặt được một tảng chì cuốn chăng! Tôi đặt lưỡi một chiếc búa lên tảng chì rồi lấy chiếc kia giọt xuống. Nhưng tảng chì ngập sâu dưới nước đến một bộ rưỡi, tôi đành phí công. Tôi tiếp tục công việc đến rằm tháng sáu. Hàng ngày tôi vẫn dành thì giờ đi kiếm thức ăn đều đặn vào lúc thủy triều lên để khi thủy triều xuống thì ra chiếc tàu. Cứ như thế, tôi đã khuân về được cơ man là ván nhỏ, ván lớn và đồ sắt, kể cũng đủ để đóng một chiếc tàu nếu tôi biết cách đóng một chiếc như thế. Tôi lại còn cắt được một thỏi chì cuốn ra từng khúc mà lấy về được đến non một trăm cân. Ngày 16 tháng 6. – Trong khi ra bờ biển, tôi gặp một con rùa; đó là con rùa thứ nhất tôi thấy từ khi bước chân lên đảo. Tuy nhiên, không phải ở đây hiếm rùa. Sau này tôi biết phía bên kia hòn đảo nhiều rùa không kể xiết, tha hồ mà bắt. Ngày 17 tháng 6. – Suốt ngày hôm nay, tôi làm thịt rùa và nấu nướng. Tôi moi trong bụng nó ra được một buồng trứng lớn. Từ khi lạc lên đảo hoang đến giờ, tôi chỉ ăn có độc vị thịt chim và thịt dê, thành ra thịt rùa đối với tôi quả là lạ miệng và thơm ngon tuyệt trần. Con chó cũng được chia một phần thịt rùa; có lẽ nó cũng thấy lạ miệng và hoan nghênh không kém. Nó ngốn sạch trơn cả xương xẩu và từ đó trở đi, nó giúp tôi tìm bắt rùa rất đắc lực. Ngày 18 tháng 6. – Trời mưa tầm tã suốt ngày, tôi phải bó chân ngồi nhà. Mưa có vẻ lạnh lẽo và tôi thấy như ớn rét: đó là một triệu chứng bất thường ở miền nhiệt đới này. Ngày 19. – Tôi thấy trong người mệt mỏi lắm và tôi run lên như khi trời mùa đông lạnh. Ngày 20. – Suốt đêm tôi không chợp mắt được tí nào, lại bị một cơn sốt và đầu nhức như búa bổ. Ngày 21. – Tôi mệt quá sức. Tôi vô cùng lo sợ khi nghĩ tới cảnh khổ nhất định không tránh được: bị ốm và không thể trông mong sự giúp đỡ của một ai. Trong cơn khủng hoảng đó, tôi làm một việc mà tôi chưa hề làm kể từ ngày gặp cơn phong ba ngày xưa, đó là cầu nguyện Thượng đế. Nhưng đó chỉ là những lời cầu nguyện khô khan vô nghĩa đến nỗi tôi cũng chẳng hiểu tôi đã nói gì và tại sao tôi lại nói như thế. Quả thật lúc ấy tôi như mê man, lòng dạ cứ như một mớ bòng bong. Ngày 22 tháng 6. – Tôi thấy bệnh đã bớt; nhưng nỗi lo âu về bệnh hoạn vẫn làm cho tâm trí tôi bối rối vô chừng. Ngày 23. – Tôi lại mệt mỏi quá chừng; ớn rét, run cầm cập và nhức đầu không thể tả. Ngày 24. – Tôi đỡ nhiều. Ngày 25. – Bệnh sốt rét lại vật tôi một cơn chí tử và kéo dài luôn bảy tiếng đồng hồ. Đầu hết lạnh thì nóng bất thường; cuối cùng, mồ hôi vã ra như tắm và người lả hẳn đi. Ngày 26. – Tôi lại thấy đỡ hơn. Nhớ ra thức ăn đã hết, tôi gượng dậy xách súng đi ra ngoài để săn. Tôi thấy mình yếu quá chừng. Tuy thế tôi cũng bắn được một con dê nhưng lôi về khó khăn quá! Tôi quạt than nướng vài miếng ăn cho qua bữa; nếu đem hầm lên mà húp nước súp thì hơn, nhưng nồi niêu chẳng có nên đành chịu nhịn. Ngày 27. – Cơn sốt lại vật tôi dữ dội. Tôi phải nằm bẹp trên giường suốt cả ngày không ăn uống gì cả. Tôi khát khô họng nhưng sức yếu quá không thể đứng dậy đi lấy nước uống được. Tôi mê man bất tỉnh, tôi lâm râm cầu Trời khấn Thánh. Dần dần tôi tỉnh cơn mê nhưng trong người vẫn còn yếu quá, tôi cứ phải nằm và thỉnh thoảng lại rền rĩ: “Trời ơi, cứu tôi với!”. Tôi nhớ mường tượng đã nằm và kêu rên như thế khoảng vài ba tiếng đồng hồ cho tới lúc “dứt cơn” rồi tôi ngủ luôn mãi tới khuya mơi dậy. Vừa mở mắt ra, tôi thấy trong mình đã dễ chịu mặc dầu đang rất yếu và khát nước xé họng. Nhưng làm thế nào bây giờ? Tôi vẫn nằm trên giường cho tới sáng. Chẳng còn một giọt nước nào trong nhà, thế là tôi đành nằm thao thức mà chịu khát. Không lúc nào tôi thiết tha mong có một người bạn bên cạnh bằng lúc này. Tôi cảm thấy nỗi cô đơn của tôi đã đến cực độ. Con chó thân yêu và có nghĩa thật đấy, nhưng chẳng giúp gì được cho tôi. Từ khi tôi bị ốm, suốt ngày đêm nó cứ quanh quẩn bên giường không rời tôi nửa bước. Con vật có vẻ hiểu thấu tâm trạng tôi và cũng hiểu cả sự bất lực của nó, tôi ốm, nó không kiếm giùm được thức ăn; tôi khát, nó không lấy giùm được nước uống. Những lúc cơn sốt rét lên, tôi ôm lấy nó cho thêm ấm người và ấm lòng; trong cảnh ngộ éo le này, nó vẫn là chỗ dựa rất quý của tôi về tình cảm. Ngày 28 tháng 6. – Trong mình đã khoan khoái đôi chút sau một giấc ngủ yên lành; cơn sốt cũng đã dứt hẳn rồi, tôi bèn đứng dậy. Tôi biết mình chưa khỏi hẳn và cơn sốt rét có thể trở lại ngày hôm sau. Tôi cần phải lợi dụng lúc này để lấy lại sức khỏe phần nào và chuẩn bị nước uống ngay bên cạnh mình khi cơn sốt trở lại. Trước tiên, tôi lấy đầy một chai nước đem để trên bàn, cạnh giường nằm. Để cho nước đỡ nhạt tôi pha thêm một phần chai rượu mạnh. Tôi cắt một miếng thịt dê đem nướng lên, nhưng chẳng ăn được mấy tí. Tôi muốn ra ngoài đi dạo một chút nhưng trong mình quá yếu. Tôi thấy buồn và lòng se lại khi nghĩ đến tình cảnh khốn đốn của mình, lo sợ ngày mai cơn sốt rét lại trở lại. Buổi chiều, tôi nướng ba cái trứng rùa và ăn theo kiểu lòng đào để lấy lại chút sức. Ăn xong, tôi gắng đi dạo một chút nhưng sao mà trong người mệt đến thế! Tôi mệt đến nỗi không mang nổi khẩu súng nữa. Vì vậy tôi không đi xa. Tôi ngồi phệt xuống đất và nhìn ra mặt biển lúc đó bằng phẳng và yên lặng. Tôi ngồi như thế, suy nghĩ một lúc lâu. Rồi tôi đứng dậy, tư lự và buồn rầu, chậm rãi trở về, trèo qua bức lũy vào nhà và định đi nằm. Nhưng tâm trí hoang mang đến cực độ nên tôi rất khó ngủ; tôi đành phải ra ngồi trên ghế. Trời đã tối, tôi thắp đèn lên. Cơn sốt bắt đầu đe dọa làm cho tôi lo lắng lạ thường. Trong cơn lo lắng, tôi chợt nghĩ ra rằng người Brazil lúc bị bệnh sốt rét hầu như chẳng dùng thuốc gì ngoài thuốc lá hút. Tôi lại nhớ đương còn một cuộn thuốc lá cất trong một cái hòm nào đó, nhiều lá đã vàng và một số đương xanh. Tôi bèn đứng ngay dậy khỏi ghế và, như có linh tính, tôi đi thẳng lại đúng cái hòm đựng vị thuốc cứu tinh. Tôi mở hòm ra và thấy ngay cuộn thuốc lá quý báu đó. Tôi không biết cách dùng thuốc lá để chữa bệnh mà cũng không hiểu nó có công hay phạt đối với cơn sốt của tôi. Tuy nhiên tôi cũng thử dùng nhiều cách, tin chắc bằng cách này hoặc cách khác, thể nào tôi cũng khỏi bệnh. Trước tiên tôi lấy một lá thuốc bỏ vào miệng nhai. Thuốc lá nặng và đương xanh, tôi lại không quen dùng theo cách này nên choáng váng cả đầu óc. Sau tôi lấy một lá khác ngâm vào rượu mạnh và cứ nằm nghỉ mà uống chừng một hai giờ đồng hồ một lần. Cuối cùng tôi sấy lá thuốc trên than hồng cho khói bốc lên và tôi áp mũi lại thật gần để xông cho đến khi không chịu nổi nóng hoặc sặc hơi mới thôi. Đêm cũng đã khuya và hơi thuốc lá nặng quá làm cho tôi choáng váng đầu óc nên tôi thấy buồn ngủ. Trước khi đi ngủ tôi cứ để nguyên ngọn đèn cháy trong hang cho sáng sủa một chút phòng khi cần lấy gì cũng dễ dàng. Tôi ngủ li bì suốt đêm hôm đó, suốt cả ngày hôm sau, suốt cả đêm hôm sau và suốt cả một buổi chiều hôm sau nữa. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy trong người thanh thản hẳn lên, hăng hái và khoan khoái lạ lùng. Tôi đứng dậy và thấy mình khỏe hơn mấy hôm trước, bụng thấy đói và muốn ăn. Nói tóm lại, tôi không còn bị cơn sốt day dứt nữa và khỏe dần lên. Ngày 30 tháng 6. – Theo sự tiến triển của bệnh sốt rét thì là ngày tạnh cơn. Tôi lại mang súng đi ra dạo bên ngoài một quãng. Tôi bắn được một cặp chim biển, nom hơi giống loại ngỗng trời. Tôi xách chim về nhà nhưng chưa muốn ăn thịt chim nên tôi chỉ ăn tạm vài ba quả trứng rùa, món ăn mà tôi rất thích. Buổi tối, tôi lại dùng phương thuốc đã chữa cho tôi dứt cơn, đó là thuốc lá dầm trong rượu mạnh. Tuy nhiên lần này tôi có rút bớt ít nhiều; mỗi lần uống đã ít hơn trước, lại không nhai thuốc lá mà cũng không xông mũi bằng khói như trước nữa. Thế nhưng ngày hôm sau, mồng 1 tháng 7, tôi lại thấy mình không được khỏe khoắn như là tôi đã tưởng; tôi thấy hơi ớn lạnh; tuy thế cũng không còn gì đáng ngại. Ngày mồng 2 tháng 7. – Tôi lại dùng thuốc theo cả ba cách, và lần này tôi lại uống tăng rượu ngâm thuốc lên gấp đôi. Hơi thuốc lại bốc lên đầu làm tôi choáng váng không kém lần trước. Ngày mồng 3. – Cơn sốt rét dứt hẳn, nhưng cũng phải vài ba tuần lễ nữa tôi mới thật lại sức. Từ mồng 4 đến 14 tháng 7. – Công việc chính hàng ngày của tôi là mang khẩu súng ra dạo bên ngoài. Ngày nào tôi cũng đi ra nhưng tôi không đi lâu, chỉ vừa đủ cho một người ốm mới khỏi bệnh và đương cố gắng lấy lại sức khỏe. Thật cũng khó mà lường được tôi đã mất sức tới mức độ nào và tôi đã yếu đi như thế nào. Phương thuốc trị bệnh của tôi quả là mới mẻ vô cùng và có lẽ từ trước tới nay chưa ai dùng nó để chữa sốt rét cả. Kinh nghiệm của tôi thật ra chưa đủ bảo đảm để phổ biến cho bất kỳ ai, bởi vì một mặt nó có chữa khỏi bệnh thật đấy nhưng mặt khác nó cũng góp sức với bệnh làm cho tôi suy nhược đi nhiều. Trong một thời gian khá lâu, nó vẫn còn gây ra tình trạng hỗn loạn như lên cơn kinh, giật chân, giật tay, rùng mình rùng mẩy. Những cuộc đi dạo thường xuyên như thế đã cho tôi kinh nghiệm quý báu là nó gây cho tôi nhiều tai hại. Đó là một nguyên nhân bệnh sốt rét của tôi. Nó cũng lại giúp tôi rút ra được một nhận xét cần thiết cho bản thân là không gì có hại cho sức khỏe bằng đi ra ngoài trời trong mùa mưa, nhất là khi cơn mưa lại kèm một cơn bão hay một cơn dông. Hơn nữa, về mùa khô ráo, thỉnh thoảng bất chợt có cơn mưa thì bao giờ cũng kèm theo dông tố, cho nên mưa về mùa này nguy hiểm hơn và đáng sợ hơn là mưa tháng 9 và tháng 10. Chương 8 Mãi đến hôm 15 tháng 7 tôi mới mở một cuộc thăm dò xứ sở của tôi, một cuộc thăm dò kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay. Tôi bắt đầu đi ra cái vịnh nhỏ, chỗ ghé tất cả những chuyến bè chở vật liệu lấy ở tàu về. Tôi đi men theo bờ sông. Đi ngược dòng độ hai dặm đường, tôi nhận thấy nước thủy triều không lên tới đó nữa và chỉ còn lại một dòng suối nhỏ, nước mát và ngọt, ngon lạ thường. Dạo này về mùa hè, tiết trời khô ráo, có nhiều chỗ gần như cạn hết nước, tuy nhiên cũng còn đủ chút ít để nối tiếp cho dòng nước chảy rì rì. Tôi hết sức chú ý tìm cây sắn mà người châu Mỹ ở miền khí hậu này, vẫn dùng làm bánh ăn, nhưng tìm đâu cũng không thấy. Tôi gặp những cây lô hội[6] tuyệt tốt nhưng cũng chưa biết có thể dùng vào việc gì; tôi lại gặp khá nhiều bụi mía, nhưng chỉ là loại mía dại cằn cỗi thiếu chăm sóc. Tôi tìm được nhiều thứ quả, đặc biệt là dưa bở mọc lổn nhổn khắp mặt đất và nho treo nặng trĩu trên cây đầy những chùm quả chín mọng vừa dịp hái. Món quà tự nhiên đó làm cho tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng vô kể. Tuy nhiên, tôi cũng hạn chế được lòng ham muốn và chỉ ăn vừa chừng món nho chín, mặc dầu nho ở đây ngon ngọt vô cùng, ăn vào đến đâu biết đến đó. Ăn xong, tôi hái nho xếp thành từng đống. Mùa đông được ăn nho khô thì tuyệt thú. Tối hôm đó tôi nghỉ lại ở vườn nho. Tôi chọn một cây cao và um tùm, trèo lên, tìm một chỗ chắc chắn, đánh một giấc suốt đến sáng. Hôm sau, tiếp tục đi thêm bốn dặm đường nữa về phía bắc, tôi tới một khoảng đất trống trải, có một dòng suối nhỏ chảy qua, nước mát rượi và trong suốt. Hai bên bờ suối cây cỏ tốt tươi, trăm hoa đua nở, khác nào một vườn cây được chăm sóc chu đáo đương khoe tươi dưới một bầu trời xuân vĩnh viễn. Tôi thong thả đi dọc thung lũng, say sưa ngắm cảnh, quên cả những nỗi phiền muộn đang giày vò tâm trí. Tôi gặp rất nhiều cây ca-cao, cam, chanh và chanh yên, tuy đều hoang dại nhưng mọc rất tốt; nhiều cây cũng đã có quả. Tôi hái một ít chanh tuy còn xanh nhưng ăn cũng ngon mà lại rất lành; về sau tôi thích vắt nước chanh vào nước uống làm cho nước thêm ngon, thơm, mát và lành hơn. Tôi lại phải tích trữ một số nho và chanh để dùng trong mùa rét. Tôi chất được hai đống nho và một đống vừa chanh vừa chanh yên lẫn lộn. Xong xuôi, tôi hái thêm một ít cả mấy thứ quả đem về, dự định sẽ trở lại một ngày gần đây. Sau ba ngày du lịch, tôi trở về nhà, tức là chỗ cái lều và hang đá của tôi, nhưng chưa tới nơi, bao nhiêu nho hái về đều đã chín nẫu ra và đè lên nhau nặng quá nên dập hết cả, chẳng được việc gì nữa. Còn chanh yên thì vẫn ngon lành, chỉ tiếc tôi hái về có ít. Hôm sau là ngày 19, tôi trở lại vườn, mang theo hai cái bị mới đan xong để đựng quả. Nhưng tôi rất ngạc nhiên thấy đống nho ngon lành hôm qua xếp rất cẩn thận như thế mà giờ đã hỏng hết: nho bị tha đi kéo lại vương vãi khắp nơi, một phần lại bị nhấm dở, hoặc bị ăn mất! Chắc có những loài thú rừng ở quanh quẩn đâu đấy đã đến phá hoại… Thế là không thể đánh đống nho lại đó mà cũng không thể bỏ vào bị mang về; một đằng thì làm mồi cho thú rừng, một đằng thì để đè lên nhau đến bẹp và nát hết. Tôi bèn nghĩ ra một cách thứ ba và tốt nhất: tôi hái thật nhiều chùm nho, đem treo lên cành cây để phơi nắng cho khô chín đi. Còn chanh yên và chanh thì tôi hái mặc sức để đem về nhà, cho tới lúc vác nặng è cổ ra mới thôi. Trên đường về tôi lại say sưa ngắm cảnh thung lũng: sản vật thật dồi dào, địa thế thật đáng yêu, lại ẩn sau những rừng cây và những ngọn đồi nhỏ nên dễ tránh được dông tố do gió đông đem tới. Từ nhận xét đó, tôi nghiệm ra rằng chỗ tôi ở hiện nay quả là một nơi tồi tàn nhất trong hòn đảo. Thế là tôi nghĩ ngay đến chuyện dời chỗ ở. Tôi sẽ kiếm trong cái thung lũng phì nhiêu này một khoảng đất thuận tiện để dựng nhà rồi sẽ đắp một bức lũy kiên cố để phòng ngự. Tôi nuôi cái mộng ấy trong óc đã lâu lắm; cảnh đẹp miền đất mới lại càng kích thích mơ ước của tôi. Nhưng dần dần, suy đi tính lại, hết xa đến gần, tôi nghĩ rằng “dinh cơ” của tôi hiện nay ở rất gần bờ biển lại có những thuận lợi khác; biết đâu dông tố và biển cả đã ném tôi lên hòn đảo này lại chẳng đem đến cho tôi những người bạn xấu số như tôi và cũng bằng cách ấy? Hy vọng ấy kể cũng khá mỏng manh nhưng không phải là mất hẳn. Ngược lại, nếu rút lui vào “đóng đô” giữa những ngọn núi cao và những rừng cây ở giữa đảo thì tôi chỉ siết chặt thêm sợi dây trói buộc tôi lại đây; hy vọng thoát ra khỏi cảnh cô đơn này, hiện nay đã khá mỏng manh lúc đó sẽ tiêu tan hẳn! Và tôi kết luận không nên dời chỗ ở nữa. Tuy nhiên, vì quá say sưa với cảnh đẹp, tôi đã nán lại chỗ vườn quả cho đến cuối tháng 7. Sau đó, mặc dầu đã sáng suốt quyết định không dời chỗ ở nữa, tôi vẫn cố gắng để thỏa mãn ước mơ của mình một phần nào. Tôi dựng một nếp trại nhỏ ở giữa một vòng hàng rào khá rộng, gồm hai lớp ván ghép với nhau cao vừa tầm tay tôi với. Giữa hai lớp rào tôi cắm rất nhiều cành nhỏ; những cành này về sau nảy mầm mọc thành cây cao, cành lá xum xuê che kín cả bức lũy. Một đôi khi tôi ngủ hai ba tối liền trong bức lũy mới đó. Tôi cũng dùng thang để ra vào qua hàng rào như ở nhà bên kia. Từ đó, tôi cho mình là chủ nhân của hai dinh cơ: một lâu đài dựng trên bờ biển để lo liệu việc liên lạc với bên ngoài và đón những chuyến tàu cập bến; một “trại” lập ở nông thôn để lo việc trồng trọt, gặt lúa, hái nho! Tôi ở lại trại cho mãi đến mồng 1 tháng 8 mới làm xong mọi việc. Từ hôm đó tôi bắt đầu được hưởng kết quả lao động của mình cho tới mùa mưa. Thế rồi lại phải tạm thời rời nhà mới, trở về nhà cũ để tránh mưa một thời gian. Ở trại, mặc dầu tôi có dựng một chiếc lều bằng vải buồm thật căng, không kém chiếc lều trước, nhưng lại không có một tảng núi đá cao và thẳng đứng làm bức thành che mưa to gió lớn mà cũng không có một cái hang để trú ẩn trong khi bão táp phong ba. Tôi đã nói rằng cái trại đã hoàn thành vào đầu tháng 8 và từ đó, tôi bắt đầu được hưởng những điều thích thú do nó đem lại. Tôi vừa làm xong trại thì mưa giội xuống liên tiếp, từ ngày 14 tháng 8 cho đến rằm tháng 10. Tuy thỉnh thoảng mưa cũng có tạm ngớt, nhưng nhiều lúc lại có những trận khác liên tiếp đến rất dữ dội, tôi phải nằm lì trong hang đá hàng mấy ngày liền. Từ ngày 14 tháng 8 cho đến ngày 26, trời mưa không ngớt. Suốt thời gian đó tôi không thể bước chân ra ngoài được, phần vì mưa to, phần vì không dám dầm mưa sợ bị ốm. Chính trong thời gian “cấm cung” dài dằng dặc đó, tôi thấy lương thực bắt đầu cạn. Nhân trời hửng được một chút, hai lần tôi đi liều ra ngoài chốc lát cũng bắn được một con dê rừng và bắt được một con rùa lớn lắm. Thật là đại tiệc! Tôi phân phối những bữa ăn của tôi như sau: “bữa sáng tôi ăn một chùm nho; bữa trưa, một miếng thịt dê hoặc thịt rùa nướng (vì không may tôi chẳng có cái nồi, cái niêu nào để nấu hay hầm cả); chiều đến vài ba quả trứng rùa cũng đủ thành một bữa tối ngon lành”. Để tiêu khiển trong khi bị bó chân ở nhà vì mưa, tôi làm một vài thứ đồ dùng cần thiết. Mỗi ngày tôi lại dành vài ba tiếng đồng hồ để mở rộng hang đá. Tôi cứ đào sâu về một phía sườn núi, lâu dần xuyên ra được bên ngoài làm thành một lối ra vào thảnh thơi phía sau bức lũy. Thoạt tiên, tôi cũng lo ngại như vậy thì hang có bề trống trải. Từ trước đến nay quả thật tôi được phòng thủ rất kín đáo, thế mà bây giờ tôi rất có thể chạm trán ngay với kẻ địch từ phút đầu tiên. Nhưng thực ra chỉ sợ bóng sợ gió thế thôi, chứ từ khi bước chân lên đảo đến nay, kể cũng đã lâu rồi, tôi chỉ gặp mấy chú dê xồm là những con vật to và dữ nhất. Ngày 30 tháng 9 đến nhắc lại cho tôi cái buổi phiêu bạt thảm hại trên đảo vắng! Tôi tính những nét khắc trên cột gỗ và thấy được ba trăm sáu mươi lăm ngày. Tôi coi hôm đó như là một ngày ăn chay, chiều đến, tôi mới ăn một mẩu bánh khô và một chùm nho trước khi đi ngủ. Một thời gian ngắn sau, mực viết gần cạn. Tôi bắt buộc phải tiết kiệm hết sức nên chỉ ghi lại những trường hợp đặc biệt trong cuộc sống của tôi chứ không còn viết được nhật ký chi tiết về mỗi sự việc xảy ra nữa. Một năm qua, tôi cũng đã nắm được tình hình thời tiết ở đây và phân biệt được mùa khô ráo với mùa mưa rõ ràng để chuẩn bị công ăn việc làm cho thích hợp. Hiện nay tôi đã có vài chục bông lúa mì và lúa tẻ như các bạn đã biết; tôi bèn đem gieo mỗi thứ một ít. Tôi dùng cuốc và xẻng gỗ đào xới đất thật kỹ rồi chia làm hai mảnh để gieo hai thứ lúa. Kết quả là không được một hạt thóc nào, bởi vì luôn mấy tháng sau là mùa khô, đất không đủ nước cho mạ nảy mầm. Tới mùa mưa mới mọc được dăm cây lèo tèo thì cũng dần dần cằn đi mà chết. Mặc dầu thất bại, tôi vẫn không nản lòng. Tôi đoán ngay vì nắng hạn nên lúa mới chột đi như thế. Lần này tôi rút kinh nghiệm và tiếp tục gieo nốt chỗ hạt giống còn để dành lại. Tôi chọn một mảnh đất tốt ở gần trại, đào xới thật kỹ rồi chờ đến tháng 3 thì gieo giống dăm hôm trước ngày xuân phân. Nhờ được mưa phùn trong hai tháng liền, lúa mọc rất khỏe và trổ bông rất đều. Tôi vui sướng đón tiếp “mùa gặt” đầu tiên, thu về được mỗi thứ lúa một đấu hạt khô và chắc, mẩy. Từ đó tôi trở thành một nhà nông có kinh nghiệm nắm vững thời vụ gieo hạt giống và cách chăm bón cây lúa. Năm nào tôi cũng gieo giống hai lượt và gặt hai mùa, dần dần có đủ lúa mì làm bánh và gạo để làm thức ăn như trên kia đã nói. Tôi lại tiếp tục cuộc du lịch đi tìm hiểu đất đai. Tôi đã lập một cái trại mới và ở đó tôi có thể nhìn thẳng về phía sau hòn đảo ra tận bờ biển. Bây giờ tôi muốn đi thẳng ra chỗ bờ biển phía ấy. Tôi đem theo con chó, xách cây súng săn và một cái búa, bỏ vào bị vài ba chùm nho, một số đạn ghém và thuốc súng nhiều gấp bội ngày thường, rồi lên đường. Vượt qua thung lũng, tôi thấy ngay biển về phía ấy. Lúc bấy giờ rất tốt trời, tôi thấy ở xa xa có một dải đất. Không hiểu đó là một hòn đảo hay đất liền, nhưng tôi thấy nó cao lắm, kéo dài từ tây đến tây tây nam và ít nhất cũng còn cách tôi đến vài ba chục dặm đường. Tất cả những điều hiểu biết của tôi chỉ có thể giúp tôi ước đoán và nhận định rằng dải đất đó thuộc về châu Mỹ và có thể là nó ở liền ngay những thuộc địa Tây Ban Nha. Cũng có thể ở đó chỉ có những giống người thổ dân còn dã man. Nếu tôi đặt chân lên đó, rất có thể sẽ gặp một sự không may và bi đát hơn là hoàn cảnh hiện tại. Nghĩ như thế, tôi cho là mình đã may mắn phiêu bạt lên hòn đảo này và tôi cũng phó mặc theo số phận. Dải đất đó chưa làm cho tôi phải áy náy chút nào và tôi cứ tạm thời yên tâm với cuộc sống hiện tại. Phía bên này hòn đảo có vẻ khác hẳn phía tôi ở. Phong cảnh thật là thanh tú. Thung lũng và đồng bằng đều một màu xanh ngắt, đây đó điểm những bông hoa sặc sỡ muôn màu. Rừng cây cao và rậm. Tôi gặp nhiều đàn vẹt và cũng muốn bắt lấy một con để nuôi cho quen mà dạy cho nó nói. Tôi vung gậy lên ném trúng một chú vẹt non và bắt được nó. Tôi nhặt lên áp vào ngực và săn sóc nó rất cẩn thận nên chỉ một lúc sau nó hồi tỉnh và khỏe mạnh như cũ. Tôi bèn đem nó về nhà. Cũng mất vài ba năm tôi mới dạy được nó nói. Tôi đã tập được cho nó gọi tên tôi rất thân mật. Về sau xảy ra một việc, tuy không có gì đặc biệt nhưng chắc cũng có thể giúp vui các bạn phần nào; vậy khi tới đoạn đó tôi sẽ xin nhớ kể lại. Suốt trong cuộc du lịch, tính theo đường chim bay, không bao giờ tôi đi quá hai dặm đường một ngày. Nhưng tôi có ý muốn đi quanh co cốt để tìm được nhiều điều bổ ích, thành ra mỗi buổi chiều khi tới chỗ nghỉ chân thì trong người cũng đã khá mỏi mệt. Thế là tôi trèo lên một cây cao hoặc nằm giữa hai gốc cây gần nhau, rào thêm ít cành cây nữa là yên tâm ngủ. Tới bờ biển, tôi lại thêm thích thú với cảnh vật ở phía bên này hòn đảo. Tất cả những điều tai nghe mắt thấy càng làm cho tôi yên trí rằng thì ra từ trước đến nay, mình đã chọn lấy phần khô cằn nhất. Trong một năm rưỡi trời, bờ biển phía kia chỉ cung cấp cho tôi được có ba con rùa biển; ở bên này thì hàng đàn hàng lũ, đổ đi không hết. Ở đây khắp nơi nhan nhản những chim đủ các loại, cũng có nhiều giống rất lạ nhưng thịt ăn rất ngon, mặc dầu tôi không biết tên trừ giống chim “mang tơi” thường thấy ở châu Mỹ. Tôi có thể bắn thả cửa nhưng vì muốn tiết kiệm thuốc đạn, tôi chỉ mong hạ lấy một chú dê để ăn được nhiều và lâu hơn. Ở đây quả là có nhiều dê hơn bên kia nhưng khó đến gần chúng quá, bởi vì đất thì bằng phẳng và thấp, chúng nó trông thấy tôi rất dễ dàng chứ không như khi tôi đứng trên đá cao hoặc trên núi nhìn xuống. Khi trở về, tôi tìm một con đường khác, hy vọng có thể biết được toàn thể hòn đảo. Nhưng tôi đã lầm. Vừa đi sâu vào chừng vài ba dặm đường, tôi đã gặp một thung lũng rộng, xung quanh có một dãy đồi cao bao bọc. Trên đồi, cây cối rậm rạp đến nỗi không thể nào tìm ra được đường đi ngoài cách nhắm theo hướng mặt trời. Loanh quanh mãi không kiếm ra được một con đường khác, tôi đành quay trở lại phía bờ biển để về nhà theo đường cũ. Trong chuyến đi này, con chó của tôi bắt gặp một con dê con và nó đã vồ ngay lấy. Tôi chạy ngay lại và chật vật lắm mới cứu được con vật bé nhỏ thoát khỏi hàm răng con chó. Tôi rất muốn đem nó về nhà, vì tôi vẫn ao ước bắt được một đôi dê non đem về nuôi; sau này chúng sinh sôi nảy nở thành một bầy dê nhà, tôi sẽ có đủ thức ăn, tiết kiệm được thuốc đạn. Tôi làm một cái vòng quấn quanh cổ nó, lấy một đoạn thừng buộc vào rồi dắt nó đi theo. Thật cũng đã bở hơi tai với nó mới dắt được nó về trại. Tới nơi, tôi thả ngay nó vào trong đó cho nó gặm cỏ rồi vội vàng trở về nhà cũ sau một tháng trời xa vắng. Nói sao cho hết nỗi vui sướng của tôi khi về tới ngôi nhà cũ thân mến, được nghỉ ngơi thoải mái trên cái võng êm ái. Chuyến đi mới rồi, ban ngày thì không định trước được đường đi, ban đêm thì thiếu chỗ nghỉ ngơi yên ổn, cho nên tôi mệt quá. Bây giờ trở về tôi cảm thấy nếp nhà cũ của tôi thật đúng là tổ ấm và không thiếu một thức gì. Tất cả mọi vật xung quanh đều khiến tôi thêm hồ hởi. Tôi tự nhủ: còn ở trên đảo ngày nào, không bao giờ tôi đi xa nhà lâu như thế này nữa. Tôi ở lại nhà suốt một tuần lễ, phần để tận hưởng cái thú êm ấm được nghỉ ngơi, phần để lấy lại sức sau một chuyến đi dài. Sau đó, tôi nghĩ ngay đến con dê con đáng thương còn bị nhốt ở trong trại. Tôi đến tìm ngay và cho nó ăn. Khi nó ăn xong, tôi lại buộc nó như lần trước và dắt đi. Trong trại cũng ít cỏ nên chú ta đói, mất cả hung hăng phá bĩnh và trở nên ngoan ngoãn đi theo tôi như một con chó đến nỗi tôi cũng chẳng cần phải cầm chừng và dắt nữa. Tôi săn sóc nó rất chu đáo, luôn luôn cho ăn và vuốt ve nó hàng ngày. Một thời gian ngắn, nó đã quen tôi và trở nên dễ thương, dễ mến; nó không còn muốn rời tôi ra nữa và tôi cũng liệt nó vào hàng gia súc cùng với con chó và con vẹt. Chương 9 Sau tiết thu phân lại đến mùa mưa. Ngày 30 tháng 9 là ngày kỷ niệm hai năm tôi đặt chân lên đất này và tôi vẫn chưa có thêm một tia hy vọng ra khỏi hòn đảo. Tôi tổ chức kỷ niệm ngày hôm đó cũng trang nghiêm như lần trước. Lại một dịp nữa để ôn lại quãng đời hai năm qua so với ngày tôi mới đặt chân lên đảo. Trước kia, lúc đi săn hoặc đi chơi ngoài đồng nội, tôi thường nghĩ tới cảnh cực khổ của mình và có những khi trên bãi cát, tôi đứng lặng đi và đau đớn thấy mình trơ trọi một thân, bị cầm tù trong vòng vây vĩnh viễn của biển cả. Những ý nghĩ đó cũng thường đến giữa lúc tôi bình tĩnh nhất. Như một cơn bão táp, nó xô tôi vào chỗ hoang mang hỗn loạn, khiến tôi cứ vặn tay mà khóc như một đứa trẻ. Một đôi lần, những cử chỉ ấy bật ra giữa lúc tôi đang làm việc. Thế là tôi ngồi phịch xuống, thở dài não nuột, mắt dán xuống đất hàng hai ba giờ đồng hồ liền. Như thế chỉ càng khổ não thêm. Nếu tôi có thể khóc lên, gào lên được, có lẽ tôi nhẹ người hơn vì đã trút được gánh nặng. Nhưng bây giờ thì tâm hồn tôi lại rất thư thái và chứa chan biết bao nhiêu ý nghĩ khác, sáng sủa và yêu đời hơn. Dạo này, tôi lại thường hay chú ý tới dải đất xa xa ở trước đảo và hễ nghĩ đến nó là trong lòng tôi lại rạo rực một ước mơ thầm kín, mong sao đặt chân lên đó được. Chính thế, tôi vẫn nghi trên dải đất ấy không có người ở và nó nằm vào một doi đất liền. Như vậy thì