🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Quý Ngài Tài Năng - Patricia Highsmith Ebooks Nhóm Zalo CHƯƠNG 1 T om liếc qua vai, thấy người đàn ông ấy vừa ra khỏi Green Cage và đang tiến về phía anh. Tom rảo bước vội vã. Không nghi ngờ gì nữa, ông ta đang bám theo anh. Tom đã chú ý đến ông ta từ năm phút trước, khi ông ta cẩn thận quan sát anh từ chiếc bàn đang ngồi, như thể còn hơi phân vân, hơi thôi. Ông ta trông đã đủ quả quyết để khiến Tom phải vội vàng nốc cạn cốc rượu của mình rồi trả tiền và trốn ra ngoài. Đến góc phố, Tom khom người và chạy băng qua Đại lộ số Năm. Quán Raoul ở trước mặt. Anh có nên mạo hiểm vào uống một ly nữa? Thách thức số mệnh và phó mặc hết thảy? Hay anh nên cố đi đến Đại lộ Park, cố gắng trốn thoát ông ta bằng cách len lỏi qua những con hẻm tối tăm? Anh tiến vào Raoul. Khi tiến về một chỗ trống ở quay bar, anh tự động nhìn xung quanh xem có người quen nào không. Có một gã to con tóc đỏ mà anh luôn quên tên, ngồi cùng bàn với một nàng tóc vàng. Gã tóc đỏ vẫy tay, Tom yếu ớt giơ tay lên đáp lại. Anh vắt chân lên một cái ghế đẩu và quay mặt ra cửa một cách thách thức, nhưng vẫn giữ vẻ dửng dưng thấy rõ. “Cho một ly gin và tonic nhé,” anh bảo người pha rượu. Liệu đây có phải là kiểu người mà họ dùng để săn lùng anh? Phải hay không phải, hay phải? Trông ông ta không hề giống cảnh sát hay thám tử. Trông ông ta như một doanh nhân, người cha mẫu mực, ăn mặc chỉn chu, khỏe khoắn, thái dương hơi xám xịt, có phần do dự. Liệu đây có phải là kiểu người mà họ dùng riêng cho loại việc này không, có thể bắt chuyện với bạn trong một quán rượu, rồi bùm! - một tay giữ vai bạn, tay còn lại chìa phù hiệu cảnh sát. Tom Ripley, anh đã bị bắt. Tom nhìn ra cửa. Ông ta đây rồi. Ông ta ngó quanh, nhìn thấy anh và ngay lập tức rời mắt đi. Ông ta cởi chiếc mũ rơm và ngồi xuống ở góc quầy bar. Chúa ơi, ông ta muốn gì? Chắc chắn ông ta không phải một lão biến thái, Tom nghĩ đến lần thứ hai, dù chỉ đến giờ trí não vặn vẹo của anh mới mò mẫm tìm ra cái từ đó, cứ như cái từ ấy có thể bảo vệ anh, vì với anh thà ông ta là kẻ biến thái còn hơn là một cảnh sát. Với bọn biến thái, anh chỉ cần nói, “Không, cảm ơn,” mỉm cười và bỏ đi. Tom ngồi vững trên ghế đẩu, chuẩn bị tinh thần. Tom thấy ông ta ra dấu hoãn với người pha rượu và đi vòng về phía anh. Ông ta đến đây rồi! Tom nhìn ông ta đăm đăm, tê liệt. Chắc họ không phạt quá mười năm đâu nhỉ, Tom nghĩ thầm. Có thể là mười lăm năm, nhưng với biểu hiện tốt - Trong giây phút đôi môi ông ta hé ra chuẩn bị nói, Tom cảm thấy tuyệt vọng, hối hận cùng cực. “Xin lỗi, cậu có phải Tom Ripley không?” “Đúng thế.” “Tôi là Herbert Greenleaf. Bố của Richard Greenleaf.” Dù ông ta có chĩa súng vào Tom thì cũng không khiến anh thấy khó hiểu như nét mặt của ông ta hiện giờ. Đó là khuôn mặt hữu hảo, tươi cười và tràn trề hy vọng. “Cậu là bạn của Richard, phải không?” Cái tên thoáng gợi lên liên tưởng trong đầu anh. Dickie Greenleaf. Một anh chàng tóc vàng cao ráo. Tom nhớ anh ta có kha khá tiền. “Ồ, Dickie Greenleaf. Đúng rồi.” “Vậy chắc cậu cũng quen Charles và Marta Schriever. Họ là người đã kể cho tôi về cậu, rằng cậu có thể - ừm - Cậu nghĩ chúng ta có thể ngồi xuống nói chuyện không?” “Được,” Tom đồng ý và cầm cốc rượu của mình lên. Anh đi theo ông ta tới một chiếc bàn trống ở cuối căn phòng nhỏ. Trì hoãn án, anh thầm nghĩ. Tự do! Sẽ không có ai bắt giam anh hết. Ông ta đến vì vấn đề khác. Bất kể nó là gì thì cũng không phải tội trộm cắp nguy hiểm hoặc giả mạo thư từ hoặc bất kể là cái tên gì mà họ gọi nó. Có thể Richard đang vướng vào một rắc rối nào đó. Có thể ông Greenleaf cần sự giúp đỡ hoặc một lời khuyên. Tom biết phải nói gì với những ông bố như vậy. “Trước đó tôi không chắc cậu đúng là Tom Ripley,” ông Greenleaf nói. “Tôi nghĩ mình mới chỉ gặp cậu đúng một lần trước đây. Cậu từng tới nhà chúng tôi một lần với Richard đúng không?” “Cháu nghĩ là vậy.” “Hai người nhà Schriever cũng miêu tả về cậu cho tôi. Chúng tôi đều đang cố gắng liên lạc với cậu, vì họ muốn chúng ta gặp ở nhà họ. Có người nói cho họ là thỉnh thoảng cậu cũng tới quán rượu Green Cage. Đây là buổi tối đầu tiên tôi thử tìm cậu, vậy nên tôi cho rằng mình may mắn.” Ông ta mỉm cười. “Tuần trước tôi đã viết một bức thư cho cậu, nhưng chắc cậu không nhận được nó.” “Cháu không nhận được.” Marc không chuyển thư cho anh, Tom nghĩ thầm. Khỉ thật. Biết đâu lại có một tấm séc từ cô Dottie thì sao. “Khoảng một tuần trước cháu đã chuyển đi,” Tom nói thêm. “Ồ, tôi hiểu rồi. Trong thư tôi cũng không nói gì nhiều. Chỉ là tôi muốn gặp và nói chuyện với cậu. Nhà Schriever nghĩ cậu khá thân với Richard.” “Cháu có nhớ anh ấy.” “Nhưng bây giờ cậu không viết thư cho nó à?” Ông ta trông thất vọng. “Không. Cháu nghĩ phải vài năm rồi cháu không gặp lại Dickie.” “Nó đã tới châu Âu hai năm rồi. Nhà Schriever rất tán thưởng cậu và nghĩ rằng cậu có thể có chút ảnh hưởng với Richard nếu cậu viết thư cho nó. Tôi muốn nó về nhà. Nó có nhiều trách nhiệm ở đây - nhưng hiện giờ nó lờ đi tất cả những gì mà tôi hoặc mẹ nó cố gắng nói với nó.” Tom cảm thấy khó hiểu. “Chính xác thì nhà Schriever đã nói gì?” “Họ nói - rõ ràng hơi phóng đại - rằng cậu và Richard từng là bạn rất thân. Tôi đoán họ mặc định là cậu vẫn viết thư cho nó. Cậu thấy đấy, tôi biết rất ít về bạn bè của Richard…” Ông ta liếc cốc rượu của Tom, như thể muốn ít nhất cũng phải mời anh uống gì đó, nhưng cốc của anh vẫn gần đầy. Tom nhớ đã từng tới dự một bữa tiệc cocktail ở nhà Schriever với Dickie Greenleaf. Có thể gia đình nhà Greenleaf thân thiết với nhà Schriever hơn anh và đó hẳn là lý do dẫn đến chuyện này, bởi vì anh chỉ mới gặp nhà Schriever không quá ba đến bốn lần trong đời. Và lần cuối cùng, Tom nghĩ, là buổi tối anh giải quyết vụ thuế thu nhập hộ Charley Schriever. Charley là một đạo diễn truyền hình, lúc ấy đang rối tung rối mù với cả đống tài khoản hành nghề tự do của mình. Charley đã nghĩ anh đúng là thiên tài khi xử lý xong số thuế của anh ta và đưa ra con số thấp hơn con số mà anh ta đã tính ra, thấp hơn một cách hoàn toàn hợp pháp. Có lẽ điều đó đã thúc đẩy Charley giới thiệu anh cho ông Greenleaf. Qua đánh giá trong buổi tối hôm đó, Charley có thể đã nói với ông Greenleaf rằng anh là người thông minh, bình tĩnh, thành thực một cách thận trọng và rất sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Đúng là một sai lầm nhỏ. “Tôi chắc là cậu không còn quen ai khác thân thiết với Richard để có thể tạo ra đôi chút ảnh hưởng với nó nhỉ?” Ông Greenleaf hỏi một cách khá tội nghiệp. Có Buddy Lankenau, Tom nghĩ, nhưng anh không muốn tròng công việc tầm phào này lên cổ Buddy. Cháu sợ là không,” Tom nói, lắc đầu. “Vì sao Richard không về nhà?” “Nó nói thích sống ở bên đấy hơn. Nhưng hiện giờ mẹ nó ốm khá nặng - chà, đó đều là những rắc rối gia đình. Tôi xin lỗi khi làm phiền cậu thế này.” Ông ta buồn bực đưa tay lên vuốt mái tóc xám mỏng được chải chuốt gọn gàng. “Nó nói nó đang vẽ. Việc đấy chẳng có hại gì hết, nhưng nó không có tài năng để trở thành họa sĩ. Dù vậy, nó rất có tài thiết kế thuyền, nếu nó chịu để tâm vào đấy.” Ông ta ngẩng lên khi một người bồi bàn đến hỏi họ. “Cho một cốc scotch và soda. Loại Dewar. Cậu uống thêm chứ?” “Không, cảm ơn,” Tom nói. Ông Greenleaf nhìn Tom đầy tiếc nuối. “Cậu là người bạn đầu tiên mà Richard sẵn lòng lắng nghe. Những người khác đều tỏ thái độ như thể tôi đang cố gắng can thiệp vào cuộc đời nó.” Tom có thể dễ dàng hiểu được điều đó. “Cháu ước là mình có thể giúp được,” anh nói một cách lịch sự. Giờ anh đã nhớ ra tiền của Dickie đến từ một công ty đóng thuyền. Những chiếc thuyền buồm nhỏ. Không nghi ngờ việc bố anh ta muốn anh ta về nhà và tiếp quản doanh nghiệp gia đình. Tom mỉm cười với ông Greenleaf, nụ cười có lệ, rồi uống cạn cốc rượu. Tom đã dịch ra mép ghế, sẵn sàng cất bước, nhưng nỗi thất vọng ở bên kia bàn gần như sờ thấy được. “Anh ấy đang ở chỗ nào của châu Âu?” Tom hỏi, không hề quan tâm anh ta ở chỗ quái nào. “Trong một thị trấn có tên là Mongibello, phía Nam Naples. Nó kể với tôi là ở đấy thậm chí còn chẳng có một cái thư viện nào. Nó chỉ dành thời gian để bơi thuyền và vẽ vời. Nó đã mua một ngôi nhà ở đó. Richard cũng có nguồn thu nhập riêng - không quá lớn, nhưng rõ ràng là đủ để sống ở Ý. Dù biết mỗi người có một sở thích khác nhau, nhưng tôi chẳng thể thấy được điểm gì hấp dẫn của nơi đó.” Ông Greenleaf mỉm cười một cách dũng cảm. “Tôi không thể mời cậu một cốc rượu sao, Ripley?” Ông ta hỏi khi người bồi bàn mang scotch pha soda ra. Tom muốn đi. Nhưng anh ghét bỏ lại ông ta một mình với cốc rượu. “Cảm ơn chú, cháu nghĩ cháu sẽ xin một cốc,” anh nói và đưa cho người bồi bàn cốc của mình. “Charley Schriever kể với tôi rằng cậu làm việc trong ngành bảo hiểm,” ông Greenleaf nói một cách thoải mái. “Đó là chuyện trước đây. Cháu…” Nhưng anh không muốn kể rằng mình đang làm việc cho Cục Thuế vụ, chưa phải lúc này. “Cháu đang làm trong phòng kế toán của một doanh nghiệp quảng cáo.” “Ồ?” Suốt một phút cả hai đều không nói gì. Đôi mắt của ông Greenleaf dán chặt vào anh với vẻ khao khát và thảm thương. Nhưng anh có thể nói cái quái gì đây? Tom thấy tiếc vì đã nhận lời mời rượu. “Mà Dickie bao nhiêu tuổi rồi đấy nhỉ?” Anh hỏi. “Nó hai lăm rồi.” Mình cũng vậy, Tom nghĩ, Dickie hẳn đang vui chơi thỏa thuê bên đó. Có thu nhập, có nhà, có thuyền. Vì sao anh ta lại muốn trở về đây chứ? Khuôn mặt của Dickie ngày một trở nên rõ ràng hơn trong ký ức anh: anh ta có nụ cười tươi tắn, mái tóc vàng với những lọn xoăn tít, một khuôn mặt vô tư lự. Dickie thật may mắn. Bản thân anh đang làm gì ở tuổi hai lăm chứ? Sống vật vờ qua ngày. Không tài khoản ngân hàng. Lần đầu tiên trong đời phải trốn tránh cảnh sát. Anh giỏi toán học. Vì sao không có chỗ nào trả tiền cho anh vì điều đó? Tom nhận ra rằng toàn bộ cơ bắp của mình đã căng lên, vỏ hộp diêm trong các ngón tay đã bị bóp lệch, gần như ép phẳng lỳ. Anh thấy chán, chán chết đi được, chán, chán! Anh muốn quay lại quầy bar, một mình. Tom hớp một ngụm rượu. “Cháu rất vui được viết thư cho Dickie, nếu chú cho cháu địa chỉ của cậu ấy,” anh nói nhanh. “Cháu chắc là cậu ấy sẽ nhớ ra cháu. Bọn cháu đã cùng tham dự một bữa tiệc cuối tuần ở Long Island, theo cháu nhớ. Dickie và cháu đã ra ngoài bắt những con trai và tất cả mọi người cùng thưởng thức chúng trong bữa sáng.” Tom mỉm cười. “Vài người trong đó thấy khó ở và nó không phải một bữa tiệc tưng bừng cho lắm. Nhưng cháu nhớ cuối tuần đó Dickie đã nói về việc đi châu Âu. Hẳn là cậu ấy đã đi ngay.” “Tôi nhớ rồi!” Ông Greenleaf nói. “Đó là cuối tuần cuối cùng Richard ở đây. Tôi nghĩ nó đã kể với tôi về vụ trai sò đó.” Ông ta cười khá to. “Cháu cũng đã tới căn hộ của gia đình chú vài lần,” Tom tiếp tục, bắt đầu chìm đắm vào câu chuyện. “Dickie đã khoe với cháu mô hình tàu trên bàn trong phòng cậu ấy.” “Đó chỉ là trò trẻ con!” Ông Greenleaf cười toe toét. “Nó đã bao giờ chỉ cho cậu các mô hình chi tiết của nó chưa? Hoặc bản vẽ của nó?” Dickie chưa hề khoe, nhưng Tom vẫn cười tươi, “Rồi! Tất nhiên là rồi. Các bức vẽ bằng mực. Vài bức trong đó vô cùng thú vị.” Tom chưa từng nhìn thấy chúng, nhưng bây giờ anh có thể mường tượng ra các bức vẽ kỹ thuật tỉ mỉ tới từng đường tàu, then cài, con vít, hình dung Dickie đang cười, giơ chúng lên cho anh nhìn và anh có thể lải nhải thêm vài phút mô tả chi tiết cho ông Greenleaf thấy vui, nhưng kiềm chế lại. “Đúng vậy, Richard có tài với những thứ đó,” ông Greenleaf nói với vẻ thỏa mãn. “Cháu cũng nghĩ vậy,” Tom đồng tình. Sự chán chường của anh đã chuyển sang chế độ khác. Tom hiểu cảm giác ấy. Thỉnh thoảng anh cũng cảm thấy vậy ở các bữa tiệc, nhưng thường là vào những khi anh phải ăn tối với một người mà anh còn chẳng muốn ăn cùng ngay từ đầu và rồi buổi tối cứ kéo dài lê thê. Giờ anh có thể lịch sự một cách điên khùng trong khoảng một tiếng nữa, nếu tình thế bắt buộc, trước khi một cảm xúc nào đó trong anh bùng nổ và khiến anh tháo chạy khỏi cửa. “Cháu rất tiếc vì hiện giờ không rảnh rỗi lắm, không thì cháu rất sẵn lòng tới châu Âu và xem xem liệu có thể thuyết phục Richard không. Có lẽ cháu có thể tác động tới anh ấy,” anh nói, chỉ vì đó là điều ông Greenleaf muốn nghe. “Nếu cậu nghiêm túc nghĩ vậy - tức là, tôi không rõ liệu cậu có định đi châu Âu hay không.” “Cháu không.” “Richard luôn chịu ảnh hưởng lớn từ bạn bè. Nếu cậu hoặc ai đó quen nó như cậu có thể xin nghỉ phép, tôi thậm chí sẽ đưa họ tới đó để nói chuyện với nó. Đằng nào thì mấy cậu đi cũng tốt hơn tôi đi. Nhưng chắc cậu không thể xin nghỉ phép với công việc hiện thời đâu nhỉ?” Tim Tom nhảy dựng lên. Anh ra vẻ ngẫm nghĩ. Đó là một khả năng đấy chứ. Có gì đó trong anh đã đánh hơi thấy nó và nhảy bổ về phía nó trước khi não bộ kịp nhận ra. Công việc hiện thời: không có. Đằng nào anh cũng có thể sắp phải rời thành phố. Anh muốn rời New York. “Có thể cháu đi được đấy,” anh nói một cách cẩn trọng, vẫn tỏ vẻ cân nhắc, như thể đang ước lượng cả nghìn ràng buộc lớn nhỏ có thể ngăn trở mình. “Nếu cậu đi thì tôi rất sẵn lòng lo liệu mọi chi phí, chắc chắn là vậy. Cậu có thật sự nghĩ là mình có thể sắp xếp được không? Giả dụ vào mùa thu này chẳng hạn?” Hiện giờ đã là giữa tháng Chín. Tom nhìn chiếc nhẫn vàng khắc dấu cũ mòn trên ngón út của ông Greenleaf. “Cháu nghĩ là có thể. Cháu sẽ rất vui được gặp lại Richard - nhất là nếu chú nghĩ cháu có thể giúp được gì.” “Có chứ! Tôi nghĩ nó sẽ nghe cậu. Chưa kể đến thực tế là giờ cậu không thực sự biết rõ về nó - nên nếu cậu gắng sức cho nó thấy tại sao cậu nghĩ nó nên về nhà, nó sẽ biết cậu chẳng có ý vụ lợi gì hết và sẽ nghe theo cậu.” Ông Greenleaf dựa lưng vào ghế, nhìn Tom tán thưởng. “Buồn cười là, đối tác của tôi - Jim Burke và vợ ông ta năm ngoái đã ghé qua Mongibello trong kỳ nghỉ bằng du thuyền. Ông ta nói Richard đã hứa sẽ về nhà vào mùa đông. Mùa đông năm ngoái. Jim đã chịu thua nó. Làm gì còn cậu trai hai lăm nào chịu lắng nghe lời một ông già sáu mươi nữa chứ? Chắc cậu sẽ thành công khi chúng tôi đã thất bại!” “Cháu hy vọng là vậy,” Tom khiêm tốn nói. “Cốc nữa nhé? Làm một cốc brandy ngon tuyệt vời thì sao?” CHƯƠNG 2 Q uá nửa đêm Tom mới bắt đầu về nhà. Ông Greenleaf đã đề nghị đưa anh về bằng taxi, nhưng Tom không muốn ông nhìn thấy nơi anh sống - một căn nhà bằng đá nâu bẩn thỉu nằm giữa đường số 3 và số 2 với một tấm biển PHÒNG CHO THUÊ treo lủng lẳng bên ngoài. Suốt hai tuần rưỡi qua, Tom đã sống cùng Bob Delancey, một chàng trai mà anh không thân lắm, nhưng là người duy nhất trong đám bạn bè người quen của Tom ở New York sẵn lòng cho anh ở nhờ khi anh không còn chỗ nào để ở. Trước khi nhờ Bob anh cũng chưa hề nhờ một người bạn nào khác và thậm chí còn không kể cho bất cứ ai biết về nơi anh đang sống. Ưu điểm duy nhất của nhà Bob là ở đó anh có thể nhận các lá thư gửi cho George McAlpin mà ít bị người ngoài phát hiện. Còn nhược điểm thì đầy rẫy: cái nhà vệ sinh bốc mùi và không bao giờ khóa được cửa ở cuối hành lang, căn phòng đơn cáu bẩn trông như thể đã bị cả nghìn người khác nhau sử dụng, nhưng đám người đó chỉ biết bỏ lại chất bẩn của mình mà chẳng bao giờ chịu nhấc tay lên dọn dẹp, các chồng báo Vogue và Harper’s Bazaar trơn tuột và những cái bát to bự chảng bằng thủy tinh màu khói vờ sang chảnh nằm la liệt khắp nơi, chứa đầy những sợi dây, bút chì, đầu thuốc lá và hoa quả thối rữa! Bob là một thợ thiết kế cửa sổ làm việc tự do cho các cửa hàng và trung tâm mua sắm, nhưng lúc này công việc duy nhất mà thỉnh thoảng anh ta làm là trang trí cho các cửa hàng đồ cổ ở Đại lộ Số Ba và một trong những cửa hàng ấy đã đưa những cái bát bằng thủy tinh xám cho cậu ta thay tiền công cho một việc gì đấy. Tom đã thấy sốc trước vẻ nhớp nhúa của chỗ này và còn sốc hơn vì thậm chí mình quen một người sống như thế này, nhưng anh cũng biết mình sẽ không ở đây lâu. Và giờ ông Greenleaf xuất hiện. Luôn có thứ gì đó xuất hiện. Đó là triết lý sống của Tom. Ngay trước khi bước lên các bậc thềm của căn nhà, Tom dừng lại và cẩn thận nhìn cả hai hướng. Không có gì ngoài một bà già đang dắt chó đi dạo và một ông già vừa bước ra khỏi góc Đại lộ Số Ba. Nếu có một cảm giác khiến anh ghét thì đó chính là cảm giác bị theo dõi, bởi bất cứ ai. Và gần đây anh luôn thấy điều đó. Anh chạy lên các bậc thềm. Sự nhớp nhúa giờ thật khó chịu, anh nghĩ khi đi vào phòng. Ngay khi lấy được hộ chiếu, anh sẽ lên thuyền tới châu Âu, có thể là trong khoang hạng nhất. Những người phục vụ sẽ mang đồ đến khi anh ấn nút! Ăn diện cho bữa tối, dạo bước vào một phòng ăn lớn, trò chuyện với mọi người ngồi cùng bàn như một quý ông! Anh nghĩ mình có thể tự chúc mừng bản thân trong tối nay. Anh đã cư xử đúng mực. Ông Greenleaf hẳn không thể phát hiện là anh đã giở mánh để được nhận lời mời tới châu Âu. Ngược lại mới đúng. Anh sẽ không làm ông ta thất vọng. Anh sẽ cố hết sức với Dickie. Ông Greenleaf cũng là một người đứng đắn, có vẻ ông ta mặc định rằng tất cả những người khác trên thế giới này cũng đứng đắn giống như mình. Tom gần như đã quên những người như vậy còn tồn tại. Anh chậm rãi cởi áo khoác và tháo cà vạt, quan sát từng cử động của bản thân như thể đang quan sát một người nào đó. Anh tự thấy sửng sốt vì bây giờ mình đứng thẳng hơn nhiều, khuôn mặt trông cũng khác hẳn. Một trong những lần ít ỏi trong đời anh thấy hài lòng với bản thân. Anh thò một tay vào trong tủ đồ chật ních của Bob và hùng hổ gạt các móc áo sang hai bên để có chỗ treo áo cho mình. Rồi anh vào phòng tắm. Chiếc vòi cũ kỹ rỉ sét phun nước vào rèm tắm và rồi phun một luồng nước xoáy thất thường khác khiến anh khó mà dùng để làm ướt người được, nhưng vẫn tốt hơn ngồi trong cái bồn tắm bẩn thỉu. Sáng hôm sau anh tỉnh dậy, Bob không có ở đó và khi liếc sang giường bên, Tom nhận ra là đêm qua anh ta không về nhà. Tom nhảy ra khỏi giường, đi tới chỗ bếp ga và đun cà phê. Sáng nay Bob không ở nhà cũng tốt. Anh không muốn kể cho anh ta về chuyến đi châu Âu. Gã lười biếng bẩn thỉu ấy sẽ chỉ thấy đó là một chuyến đi miễn phí. Có lẽ cũng không kể cho cả Ed Martin, Bert Visser và tất cả những gã vô công rồi nghề khác mà anh quen. Anh sẽ không kể cho một ai hết và anh cũng sẽ không khiến ai đi tiễn mình. Tom bắt đầu huýt sáo. Tối nay anh được mời tới ăn tối ở căn hộ của gia đình Greenleaf trên Đại lộ Park. Mười lăm phút sau, đã tắm rửa, cạo râu, mặc comple và đeo cà vạt kẻ sọc để trông thật bảnh bao như trong ảnh chụp hộ chiếu, Tom đi đi lại lại trong phòng với một cốc cà phê đen trong tay, chờ thư sáng. Sau khi nhận thư, anh sẽ tới Radio City để xử lý vụ hộ chiếu. Chiều nay anh nên làm gì? Tới tham quan vài buổi triển lãm nghệ thuật nào đó, để tối nay còn trò chuyện về chúng với gia đình Greenleaf? Nghiên cứu một chút về công ty tàu Burke-Greenleaf để ông Greenleaf biết là anh quan tâm đến công việc của ông ta? Tiếng uỵch của chồng thư vọng vào qua ô cửa sổ để mở và Tom đi xuống gác. Anh chờ tới khi người đưa thư đã bước xuống thềm và khuất khỏi tầm mắt mới lấy bức thư gửi cho George McAlpin xuống khỏi mép hộp thư nơi nó vừa được nhét vào. Tom xé nó ra. Một tờ séc trị giá một trăm mười chín đô năm mươi bốn xu rơi ra, thanh toán cho người thu tiền của Cục Thuế vụ. Bà Edith W.Superaugh tử tế! Trả tiền mà không than vãn lấy một lời, thậm chí còn không gọi điện. Đúng là điềm lành. Anh lại lên gác, xé phong bì thư của bà Superaugh và thả nó vào trong một túi rác. Anh đút tấm séc của bà ta vào một phong bì giấy Manila ở túi trong của một cái áo khoác của anh trong tủ. Nó nâng tổng số tiền bằng séc của anh lên một nghìn tám trăm sáu mươi ba đô mười bốn xu, anh tính nhẩm. Tiếc là anh không thể đổi chúng thành tiền mặt. Sao chẳng có thằng ngu nào trả bằng tiền mặt, hay viết séc cho George McAlpin nhỉ? Tom có một tấm thẻ căn cước của một người làm việc vặt mà anh đã tìm được đâu đó. Ngày phát hành ghi trên thẻ cũng đã lâu rồi và anh có thể thử đổi, nhưng anh sợ là không thể đổi séc thành tiền mặt được, kể cả khi anh giả mạo một bức thư ủy quyền, bất kể số tiền là bao nhiêu đi nữa. Vậy nên thực ra tổng số tiền đấy chỉ là một trò đùa. Một môn thể thao lành mạnh. Anh không trộm tiền của ai hết. Trước khi đi châu Âu anh sẽ hủy đống séc đi, anh nghĩ. Còn bảy đối tượng tiềm năng nữa trong danh sách của anh. Anh có nên thử một lần cuối với những người này trong mười ngày trước khi ra khơi? Tối qua trên đường đi bộ về nhà, sau khi gặp ông Greenleaf, anh đã nghĩ là nếu bà Superaugh và ông Carlos de Sevilla trả tiền thì anh sẽ ngừng. Ông de Sevilla chưa trả tiền - anh cần dọa thật dữ qua điện thoại để khiến ông ta sợ, Tom nghĩ - nhưng bà Superaugh thì quá dễ dàng, anh thấy cám dỗ muốn thử thêm chỉ một lần nữa thôi. Tom lấy một hộp đựng văn phòng phẩm màu hoa cà ra khỏi va li của anh trong tủ. Có vài tờ giấy trong chiếc hộp này, bên dưới là một tập các mẫu đơn khác nhau mà anh lấy từ văn phòng Thuế vụ khi còn làm thư ký kho ở đó vài tuần trước. Ở dưới đáy là danh sách các đối tượng tiềm năng của anh – những người đã được cẩn thận sàng lọc, sống ở khu Bronx hoặc Brooklyn và không muốn mất thời gian đi tới tận văn phòng New York, những nghệ sĩ, nhà văn và những người hành nghề tự do không có thuế thu nhập, kiếm được từ bảy tới mười hai nghìn đô một năm. Trong khoảng đó, Tom cho rằng người ta hiếm khi thuê người quyết toán thuế chuyên nghiệp để tính thuế cho họ, trong khi họ kiếm đủ tiền để có thể bị buộc tội nộp thiếu hai đến ba trăm trong khoản thuế dự tính một cách hợp lý. Có William J. Slatterer, phóng viên; Philip Robillard, nhạc sĩ; Frieda Hoehn, người vẽ tranh minh họa; Joseph J. Gennari, nhiếp ảnh gia; Frederick Reddington, nghệ sĩ; Frances Karrnegis - Tom có linh cảm tốt về Reddington. Ông ta là một họa sĩ vẽ truyện tranh. Ông ta chắc hẳn sẽ lơ mơ chẳng biết gì hết. Anh chọn hai biểu mẫu có tiêu đề THÔNG BÁO SAI PHẠM TRONG VIỆC NỘP THUẾ, đặt một tờ giấy than ở giữa và bắt đầu sao chép nhanh dữ liệu dưới tên Reddington trong danh sách của anh, Thu nhập: $11.250. Giảm trừ: 1. Khấu trừ: $600. Tín dụng: không. Tiền gửi: không. Lợi tức (anh thoáng ngập ngừng) $2,16. Số tiền phải nộp: $233,76. Sau đó anh lấy một tờ giấy đánh máy được đóng dấu theo địa chỉ văn phòng trên Đại lộ Lexington của Sở Nội vụ trong tập đựng giấy than, gạch chéo địa chỉ và gõ xuống bên dưới: Thưa ông, Do số lượng thư đến văn phòng trên Đại lộ Lexington đã quá tải, thư của ông vui lòng gửi tới: Cục Điều chỉnh thuế Người nhận George McAlpin 187 đường E.51 New York 22, New York. Xin cảm ơn. Ralph F. Fischer Giám đốc Cục Điều chỉnh thuế. Tom ký ngoáy vào thư. Anh cất các mẫu đơn đi phòng trường hợp Bob đột ngột bước vào và nhấc điện thoại lên. Anh đã quyết định thông báo sơ qua cho ông Reddington. Anh lấy số điện thoại của ông ta và gọi điện. Ông ta ở nhà. Tom giải thích vắn tắt tình hình và biểu lộ sự ngạc nhiên khi ông Reddington chưa hề nhận được thông báo từ Cục Điều chỉnh thuế. “Đáng ra nó phải được gửi đi cách đây vài ngày,” Tom nói. “Chắc chắn mai ông sẽ nhận được nó. Ở đây chúng tôi đang hơi bận rộn.” “Nhưng tôi đã đóng thuế,” giọng nói hoảng hốt từ đầu dây bên kia. “Tất cả đều…” “Những chuyện đó vẫn thường xảy ra, ông biết đấy, khi thuế được tính theo công việc tự do mà không có thuế thu nhập. Chúng tôi đã kiểm tra thu nhập của ông rất cẩn thận, ông Reddington. Không có sai sót nào hết. Và chúng tôi không muốn đập trát đòi nợ tới văn phòng ông làm việc hoặc văn phòng đại diện hoặc bất kể…” Đến đây anh bật cười. Một tiếng cười thân thiện thường đem lại hiệu quả bất ngờ. “… nhưng chúng tôi sẽ phải làm vậy trừ phi ông trả trong vòng bốn mươi tám giờ tới. Tôi rất tiếc vì thông báo không đến tay ông từ trước. Như tôi đã nói, hiện giờ chúng tôi khá là…” “Tôi có thể nói chuyện với ai ở đó về số tiền này nếu đến tận nơi?” Ông Reddington hỏi một cách lo lắng. “Số tiền đó quá lớn!” “Tất nhiên là có người tiếp ông.” Đến thời điểm này, giọng Tom luôn trở nên hòa ái. Giọng anh như một cụ già sáu mươi có lẻ, vui vẻ, tốt bụng, người sẽ hết sức kiên nhẫn nếu ông Reddington đến, nhưng cũng sẽ cương quyết không chịu giảm lấy một đồng, bất kể ông Reddington có lải nhải, giải thích thế nào. George McAlpin đại diện cho Cục Thuế của Hoa Kỳ đây, thưa ngài. “Tất nhiên, ông có thể nói chuyện với tôi,” Tom dài giọng, “nhưng tuyệt đối không có sai lầm nào hết, ông Reddington. Tôi chỉ nghĩ giúp ông tiết kiệm thời gian. Ông có thể tới nếu muốn, nhưng tôi có toàn bộ hồ sơ của ông ngay trong tay đây.” Im lặng. Ông Reddington sẽ không hỏi anh bất kỳ điều gì về các giấy tờ hết, có thể vì ông ta không biết bắt đầu hỏi từ đâu. Nhưng nếu ông Reddington định yêu cầu anh giải thích thì Tom có cả đống thuật ngữ rối rắm về thu nhập ròng so với thu nhập lũy kế, số dư nợ so với khoản tạm tính, lợi tức sáu phần trăm một năm lũy kế từ ngày đáo hạn thuế cho tới khi thanh toán trên bất kỳ số dư nào thể hiện thuế trên tờ khai gốc, những thuật ngữ mà anh có thể diễn giải bằng giọng nói chậm rãi nhưng không thể xen ngang như một chiếc xe tăng Sherman vậy. Cho tới giờ, chưa một ai đòi tự mình tới để nghe giải thích kỹ hơn hết. Ông Reddington cũng đang dần cam chịu. Tom có thể nghe rõ điều đó trong sự im lặng bên kia. “Được rồi,” ông Reddington nói bằng giọng đầu hàng. “Tôi sẽ đọc thông báo khi nhận được nó vào ngày mai.” “Được, ông Reddington,” anh nói và dập máy. Tom ngồi yên đó một lúc, cười khúc khích, hai lòng bàn tay gầy đan vào nhau giữa hai đầu gối. Rồi anh nhảy bật dậy, cất máy đánh chữ của Bob đi, chải gọn mái tóc màu nâu sáng trước gương và khởi hành tới Radio City. CHƯƠNG 3 “C hào Tom, chàng trai của tôi!” Ông Greenleaf nói bằng một giọng hứa hẹn sẽ có rượu martini hảo hạng, một bữa tối ngon lành và một chiếc giường để ngủ lại nếu anh quá mệt không về nhà nổi. “Emily, đây là Tom Ripley!” “Cô rất vui được gặp cháu!” Bà nói một cách ấm áp. “Rất vui được gặp cô, cô Greenleaf.” Bà gần như giống hệt những gì anh đoán - tóc vàng, khá cao ráo mảnh dẻ, ra chiều trang trọng vừa đủ để anh cư xử đứng đắn, nhưng cũng có cái tính thiện chí cả tin với tất cả mọi người hệt như ông Greenleaf. Ông ta dẫn họ vào phòng khách. Phải, anh đã từng tới đây với Dickie. “Cậu Ripley đây làm việc trong ngành bảo hiểm,” ông Greenleaf kể và Tom nghĩ hẳn trước đó ông đã uống vài ly rượu, hoặc tối nay ông hết sức lo lắng, vì hôm qua Tom đã miêu tả khá chi tiết về đại lý quảng cáo nơi anh nói mình đang làm việc. “Không phải là một công việc thú vị gì,” Tom khiêm tốn nói với bà Greenleaf. Một cô hầu vào phòng mang theo một khay đựng martini và bánh ngọt. “Cậu Ripley đây từng tới đây rồi,” ông Greenleaf nói. “Cậu ấy đã tới cùng Richard.” “Ồ, thật vậy sao? Nhưng cô không nghĩ là mình đã từng gặp cháu.” Bà mỉm cười. “Cháu là người ở đây à?” “Không, cháu đến từ Boston,” Tom nói. Điều này là thật. Khoảng ba mươi phút sau - thật đúng lúc, Tom nghĩ, vì nhà Greenleaf khăng khăng bắt anh uống hết ly martini này đến ly martini khác - họ chuyển từ phòng khách sang phòng ăn, nơi một chiếc bàn được dọn sẵn cho ba người với nến, khăn ăn màu xanh sậm rộng và nguyên một con gà nấu đông. Nhưng trước đó là món salad cần tây trộn xốt kiểu Pháp. Tom rất thích nó. Anh khen thành lời. “Richard cũng thế!” Bà Greenleaf nói. “Nó luôn thích cái cách đầu bếp của chúng tôi nấu món đó. Tiếc là cháu không thể mang một ít cho nó.” “Cháu sẽ mang món này theo cùng mấy đôi tất,” Tom nói, mỉm cười và bà Greenleaf bật cười. Bà đã bảo anh là bà muốn anh mang cho Richard vài đôi tất len hiệu Brooks Brothers, loại mà Richard vẫn luôn dùng. Cuộc trò chuyện thật tẻ nhạt, bữa tối lại rất ngon lành. Để trả lời cho một câu hỏi của bà Greenleaf, Tom kể là anh đang làm việc cho một công ty quảng cáo có tên là Rothenberg, Fleming và Barter. Khi nhắc lại, anh cố tình nói trệch thành Reddington, Fleming và Parker. Ông Greenleaf có vẻ không chú ý đến sự khác nhau đó. Tom nhắc lại cái tên đầu tiên lần thứ hai khi anh và ông nói chuyện riêng trong phòng khách sau bữa tối. “Cậu đã đi học ở Boston à?” Ông Greenleaf hỏi. “Không, thưa chú. Cháu đã học ở Princeton một thời gian, rồi cháu tới thăm một người cô khác ở Denver và đi học đại học ở đó.” Tom chờ đợi, hy vọng ông Greenleaf sẽ thấy tò mò về Princeton, nhưng ông không hỏi. Tom có thể thảo luận về hệ thống lịch sử giảng dạy, các quy tắc trong khuôn viên trường, không khí ở các buổi khiêu vũ cuối tuần, xu hướng chính trị của tổ chức sinh viên, bất kỳ điều gì. Cuối hè vừa rồi, Tom đã rất thân thiết với một sinh viên năm ba của trường Princeton, người chẳng nói về điều gì khác ngoài Princeton, do đó Tom đã hỏi han hết điều này tới điều khác, dự đoán rằng rồi một ngày anh có thể sẽ dùng đến lượng thông tin này. Tom đã kể với gia đình Greenleaf rằng anh được cô Dottie ở Boston nuôi lớn. Cô đã đưa anh đến Denver năm anh mười sáu tuổi và thật ra thì anh chỉ học xong trung học ở đó, nhưng có một thanh niên tên là Don Mizell ở trọ trong nhà của cô Bea ở Denver từng theo học ở Đại học Colorado. Tom cảm thấy như thể mình cũng từng tới đó học. “Cháu có học ngành gì cụ thể không?” Ông Greenleaf hỏi. “Chủ yếu cháu chia thời gian cho kế toán và viết văn,” Tom mỉm cười đáp, hiểu rằng đó là một câu trả lời vô vị đến mức chắc chẳng có ai hỏi sâu hơn. Bà Greenleaf mang vào một quyển album ảnh và Tom ngồi cạnh bà trên ghế sô-pha trong khi bà lật từng trang một. Richard dò dẫm đi những bước đầu tiên, Richard trong một bức ảnh màu to nguyên một trang, mặc đồ và tạo dáng như bức tranh Cậu bé Xanh dương*, với những lọn tóc vàng xoăn dài. Album này chẳng hề có sức hấp dẫn đối với anh cho tới đoạn Richard khoảng mười sáu tuổi, chân dài, mảnh dẻ, tóc gợn sóng. Theo Tom thấy, anh ta hầu như không thay đổi mấy trong khoảng từ mười sáu đến hai ba, hai tư tuổi, thời điểm các bức hình ngừng lại và Tom sửng sốt vì nụ cười rạng rỡ, ngây ngô ấy vẫn như hồi nào. Tom không thể ngăn mình nghĩ rằng hoặc Richard chẳng thông minh lắm, hoặc là anh ta thích được chụp ảnh và nghĩ mình trông đẹp trai nhất với khuôn miệng ngoác đến tận mang tai, một biểu cảm cũng không thông minh gì cho lắm. “Cô vẫn chưa dán được chỗ ảnh này vào,” bà Greenleaf nói, đưa cho anh một tập ảnh rời. “Tất cả đều được chụp ở châu Âu.” Những bức ảnh này thú vị hơn. Dickie trong một chỗ có vẻ là một quán cà phê ở Paris, Dickie trên bãi biển. Trong vài bức ảnh anh ta đang cau mày. “Tiện thể, đây chính là Mongibello,” bà Greenleaf nói, chỉ bức ảnh chụp Dickie đang kéo một chiếc thuyền có mái chèo lên cát. Nền bức ảnh là một ngọn núi đá trơ trọi và một dãy nhà trắng nhỏ dọc bờ biển. “Còn cô gái này là người Mỹ duy nhất sống ở đó.” “Marge Sherwood,” ông Greenleaf nói thêm. Ông ngồi đối diện, nhưng đang rướn người để theo dõi màn khoe ảnh một cách chăm chú. Cô gái có mái tóc vàng ngắn, rối nhẹ, mặc một bộ đồ tắm trên bãi biển, hai tay ôm lấy đầu gối, trông khỏe khoắn và vô tư - loại người tử tế. Có một bức ảnh khá đẹp chụp Richard mặc quần đùi, ngồi trên lan can nhà. Anh ta đang mỉm cười nhưng không phải cái kiểu cười cũ Tom đã thấy. Richard trông đĩnh đạc hơn trong các bức ảnh ở châu Âu. Tom nhận thấy bà Greenleaf đang nhìn chằm chằm xuống tấm thảm trước mặt. Anh nhớ lại khoảnh khắc lúc ở bàn ăn bà đã nói, “Cô ước gì mình chưa từng nghe đến châu Âu!” và liếc nhìn anh đầy lo âu rồi mỉm cười, như thể trạng thái cảm xúc bột phát ấy đã từng xuất hiện trước đây. Giờ thì anh thấy bà đang khóc. Ông Greenleaf đứng dậy đi tới bên bà. “Cô Greenleaf,” Tom dịu dàng nói, “Cháu muốn cô biết rằng cháu sẽ làm mọi việc có thể để đưa Dickie về nhà.” “Chúa phù hộ cho cháu, Tom, Chúa phù hộ cho cháu.” Bà nắm chặt bàn tay Tom đang đặt trên đùi. “Emily, em có nghĩ là đã đến giờ mình đi ngủ rồi không?” Ông Greenleaf cúi xuống hỏi bà. Tom đứng dậy theo bà Greenleaf. “Cô hy vọng cháu sẽ quay lại đây thăm cô chú trước khi đi, Tom,” bà nói. “Từ khi Richard đi, cô chú hiếm khi được đón người trẻ tuổi tới chơi nhà. Cô nhớ những con người sôi nổi ấy quá.” “Cháu rất vui được tới đây lần nữa,” Tom nói. Ông Greenleaf đưa bà ra khỏi phòng. Tom vẫn đứng đó, hai tay buông hai bên, đầu ngẩng cao. Qua tấm gương lớn trên tường, anh có thế nhìn thấy bản thân: lại là chàng trai trẻ chính trực, đáng mến. Anh vội vàng ngoảnh đi. Anh đang làm một việc đúng đắn, cư xử phải phép. Vậy nhưng anh vẫn cảm thấy tội lỗi. Vừa nãy khi anh nói với bà Greenleaf rằng, Cháu sẽ làm tất cả những gì có thể… Anh thật lòng. Anh không cố lừa lọc ai hết. Anh cảm thấy mình bắt đầu đổ mồ hôi và cố gắng thả lỏng. Anh lo về cái gì vậy? Tối nay anh đã cảm thấy rất tuyệt! Khi nói về cô Dottie - Tom đứng thẳng, liếc nhìn cửa, nhưng nó chưa mở lại. Đó là thời điểm duy nhất trong tối nay mà anh cảm thấy không thoải mái, không thực, như hay cảm thấy những lúc nói dối, vậy nhưng thật ra đó lại là điều duy nhất anh nói thật: Bố mẹ cháu đã mất khi cháu còn rất nhỏ. Cháu được người cô nuôi nấng ở Boston. Ông Greenleaf đi vào phòng. Bóng ông dường như đang rung rung và ngày một phình to. Tom chớp mắt, bỗng thấy sợ ông, thôi thúc muốn tấn công ông trước khi anh bị tấn công. “Chúng ta thử một ít brandy nhé?” Ông nói, mở một tấm ván cạnh lò sưởi. Như một bộ phim vậy, Tom nghĩ thầm. Chỉ một phút nữa thôi, ông Greenleaf hoặc giọng ai đó sẽ vang lên, “Được rồi, cắt!” và anh sẽ lại thả lỏng, thấy mình quay lại trong quán Raoul với cốc gin pha tonic trước mặt. Không, quay lại Green Cage mới đúng. “Đã đủ chưa?” Ông Greenleaf nói. “Đừng uống nếu cậu không muốn.” Tom gật đầu mơ hồ và ông thoáng trông có vẻ bối rối, rồi rót hai cốc brandy. Cảm giác sợ hãi ớn lạnh chạy dọc cơ thể Tom. Anh nghĩ tới tai nạn ở hàng dược phẩm tuần trước, dù chuyện đó đã qua và anh cũng không thật sự sợ hãi, anh tự trấn an bản thân, không phải bây giờ. Có một hàng dược phẩm trên Đại lộ Số Hai, anh đã đưa số điện thoại của họ cho những người đòi gọi lại cho anh để trao đổi về thuế thu nhập. Anh đã biến nó thành số điện thoại của Cục Điều chỉnh thuế nơi anh chỉ có mặt từ ba rưỡi đến bốn giờ chiều ngày thứ Tư và thứ Sáu. Vào tầm thời gian đó, Tom lượn lờ quanh bốt điện thoại trong cửa hàng, chờ chuông reo. Khi người bán hàng nhìn anh nghi ngờ vào lần thứ hai anh tới đó, Tom đã nói rằng mình đang chờ cuộc gọi của bạn gái. Thứ Sáu tuần trước khi anh nghe máy, một giọng nam đã nói, “Mày biết chúng tao đang nói về chuyện gì phải không? Chúng tao biết mày sống ở đó, nếu mày muốn chúng tao tới chỗ mày… Chúng tao có đồ cho mày nếu mày có đồ cho bọn tao.” Một giọng nói kiên quyết nhưng rất mơ hồ, khiến Tom nghĩ rằng đó là một trò lừa và không thể đáp lại một câu nào. Rồi, “Nghe đây, chúng tao đang tới đây. Tới nhà mày đấy.” Chân Tom nhũn như chi chi khi ra khỏi bốt điện thoại rồi anh thấy người bán thuốc chăm chăm nhìn anh, mắt mở to hoảng hốt và câu chuyện đột nhiên có nghĩa: anh ta bán ma túy, sợ Tom là cảnh sát đến tìm thông tin về anh ta. Tom đã phá ra cười, vừa đi vừa cười ầm lên, bước chân lảo đảo, bởi chân anh vẫn mềm nhũn từ nỗi sợ của chính anh. “Đang nghĩ đến châu Âu à?” Giọng ông Greenleaf hỏi. Tom nhận cốc rượu mà ông chìa ra mời anh. “Vâng,” Tom nói. “Tôi hy vọng cậu tận hưởng chuyến đi của mình, Tom, cũng như gây được chút ảnh hưởng lên Richard. À mà, Emily quý cậu lắm. Bà ấy tự nói vậy với tôi. Tôi còn không phải hỏi gì.” Ông Greenleaf lăn cốc brandy trong hai bàn tay. “Vợ tôi bị bệnh bạch cầu, Tom.” “Ôi. Đó là một bệnh rất nghiêm trọng phải không?” “Phải. Bà ấy có thể không sống nổi một năm nữa.” “Cháu rất tiếc khi nghe về điều đó,” Tom nói. Ông Greenleaf rút một tờ giấy ra khỏi túi áo. “Tôi có danh sách tàu đây. Tôi nghĩ tuyến Cherbourg quen thuộc là nhanh nhất và cũng thú vị nhất. Cậu sẽ bắt tàu hỏa đến cảng rồi lên tàu biển tới Paris, sau đó lại đi tàu giường nằm qua dãy Alps tới Rome và Naples.” “Thế cũng được ạ.” Anh bắt đầu cảm thấy hấp dẫn rồi đấy. “Cậu sẽ phải đón một chuyến xe buýt từ Naples tới ngôi làng của Richard. Tôi sẽ viết cho nó về cậu - tất nhiên không nói cậu là phái viên của tôi,” ông nói thêm, mỉm cười, “nhưng tôi sẽ bảo rằng chúng ta đã gặp nhau. Richard hẳn sẽ cho cậu ngủ nhờ, nhưng nếu vì lý do nào đó mà nó không thể, thì cũng có vài khách sạn trong thị trấn. Tôi đoán cậu và Richard sẽ quen thân thôi. Giờ về tiền nong…” Ông Greenleaf mỉm cười hiền hậu. “Tôi đề nghị đưa cậu sáu trăm đô la bằng séc du lịch ngoài tấm vé khứ hồi. Thế có hợp ý cậu không? Sáu trăm hẳn sẽ giúp cậu sống qua khoảng hai tháng và nếu cậu cần thêm thì tất cả những gì cậu phải làm là đánh điện cho tôi, chàng trai. Trông cậu không giống một thanh niên ném tiền qua cửa sổ.” “Khoản tiền đó đã đủ dư dật rồi, thưa chú.” Ông Greenleaf ngày một thư giãn và vui vẻ khi uống rượu, còn Tom thì ngày một im lìm và chua chát. Tom muốn ra khỏi căn hộ này. Vậy nhưng anh vẫn muốn tới châu Âu và muốn được ông Greenleaf tán thành. Thời gian ngồi trên ghế sô-pha còn khổ sở hơn cả lúc trong quán bar tối qua, khi anh còn buồn chán, vì bây giờ cả sự đổi đời cũng không đến. Vài lần Tom đã cầm cốc rượu đứng dậy, bước tới chỗ lò sưởi rồi quay lại và khi anh nhìn vào gương, anh thấy hai khóe miệng mình trễ xuống. Ông Greenleaf đang hào hứng kể lại lúc ông và Richard ở Paris, năm Richard mười tuổi. Chẳng có gì thú vị. Nếu mười ngày tới có vấn đề gì bên phía cảnh sát thì ông Greenleaf có thể cho anh ở nhờ, Tom nghĩ. Anh có thể bảo ông rằng anh đã phải gấp rút cho thuê lại căn hộ của mình, hoặc bịa một cái cớ nào đó và trốn ở đây. Tom thấy thật khó chịu, như sắp ốm đến nơi. “Chú Greenleaf, cháu nghĩ mình nên về rồi.” “Bây giờ à? Nhưng tôi muốn cho cậu xem… Thôi, kệ đi. Để lần khác.” Tom biết anh nên hỏi, “Cho cháu xem cái gì vậy?” và tỏ ra kiên nhẫn trong lúc ông khoe khoang thứ đó, nhưng anh không thể. “Tôi muốn cậu ghé thăm mấy con thuyền, tất nhiên rồi!” Ông Greenleaf hồ hởi nói. “Khi nào thì cậu ra ngoài được? Tôi đoán là chỉ trong giờ ăn trưa nhỉ. Tôi nghĩ cậu nên biết để kể cho Richard nghe dạo này mấy con thuyền trông như thế nào.” “Vâng… cháu có thể tới trong giờ ăn trưa.” “Cứ gọi cho tôi ngày nào cũng được. Cậu đã có danh thiếp với số điện thoại riêng của tôi rồi đấy. Nếu cậu báo trước cho tôi nửa tiếng thì tôi sẽ cho người tới đón cậu ở văn phòng và chở cậu đi. Chúng ta sẽ ăn sandwich trong lúc đi xem một vòng và rồi tài xế sẽ chở cậu về.” “Cháu sẽ gọi cho chú,” Tom nói. Anh cảm thấy chỉ cần ở thêm một phút nữa thôi trong căn phòng mờ mờ ảo ảo này thì anh sẽ ngất xỉu ra mất, nhưng ông Greenleaf lại nở nụ cười vui vẻ, hỏi xem anh đã đọc một cuốn sách của Henry James chưa. “Cháu rất tiếc phải nói là chưa, quyển đấy thì cháu chưa đọc,” Tom nói. “À, không quan trọng.” Ông Greenleaf mỉm cười. Họ bắt tay nhau, cái bắt tay chặt cứng mãi không chịu ngừng từ ông Greenleaf, rồi mới xong xuôi. Nhưng Tom nhìn thấy nét đau đớn, sợ hãi vẫn nằm nguyên trên mặt anh khi anh đi thang máy xuống. Anh dựa vào góc buồng thang máy với vẻ rũ rượi, dù biết rằng ngay khi tới sảnh là anh sẽ lao ra khỏi cánh cửa đó và chạy một mạch về nhà. CHƯƠNG 4 M ỗi ngày trôi qua, không khí của thành phố ngày một lạ lẫm hơn. Như thể có thứ gì đó vừa rời khỏi New York - cái chất riêng hoặc tầm quan trọng của nó - thành phố như đang trình diễn cho mình anh xem, một màn trình diễn tráng lệ với những chuyến xe buýt, taxi, dòng người vội vã trên vỉa hè, hiệu ứng hình ảnh đến từ tất cả các quán rượu trên Đại lộ Số Ba, các mái vòm đậm chất điện ảnh được thắp sáng dưới ánh nắng ban ngày, hiệu ứng âm thanh đến từ những chiếc còi réo rắt và giọng nói muôn người, những lời nói mà chẳng vì bất kỳ mục đích gì. Như thể khi tàu anh rời bến vào thứ Bảy, cả thành phố New York sẽ đổ sụp xuống một tiếng bộp như một đống bìa các-tông trên sân khấu. Hoặc có thể anh đang sợ. Anh ghét nước. Trước đây anh chưa từng đi đường thủy bao giờ, trừ lần từ New York tới New Orleans rồi lại quay lại New York, nhưng lúc đó anh đang làm việc chủ yếu dưới boong tàu và hầu như không nhận ra mình đang đi trên nước. Vài lần anh lên boong, hình ảnh mặt nước ban đầu đã làm anh kinh sợ, rồi thấy nôn nao và anh lại chạy ngay xuống dưới boong, nơi mà, trái ngược với những gì người ta nói, khiến anh cảm thấy khỏe hơn. Bố mẹ anh đã chết đuối trong vịnh Boston và Tom luôn nghĩ rằng chuyện đó ảnh hưởng tới anh, vì trong trí nhớ của mình, anh vẫn luôn sợ nước, cũng chưa từng học bơi. Bụng Tom cảm thấy nôn nao, trống rỗng khi nghĩ rằng chỉ chưa đầy một tuần nữa, sẽ có một lớp nước sâu ngàn mét dưới chân anh và không nghi ngờ gì, phần lớn thời gian, anh sẽ phải nhìn thấy nó vì hoạt động chủ yếu của hành khách trên tàu đều diễn ra trên boong. Và anh cảm thấy bị say sóng thì thật không thời thượng. Anh chưa từng bị say sóng, nhưng trong mấy ngày qua, vài 1ần anh đã gần trở nên như vậy, mỗi khi nghĩ đến chuyến hải trình tới Cherbourg. Anh đã báo cho Bob Delancey rằng một tuần nữa anh sẽ chuyển đi, nhưng không nói đi đâu. Đằng nào thì Bob cũng không có vẻ gì hứng thú. Họ rất ít khi gặp nhau ở ngôi nhà trên đường 51. Tom đã tới nhà của Marc Priminger trên đường 45 Bờ Đông - anh vẫn giữ chìa khóa – để lấy nốt vài món đồ mà anh bỏ quên, thậm chí còn tới vào thời điểm mà anh nghĩ là Marc không có nhà, nhưng Marc đã về cùng bạn trọ mới, Joel, một chàng trai gầy gò làm việc cho một nhà xuất bản. Trước sự không mời mà tới của Tom, Marc đã bày ra vẻ khéo léo “Cứ làm gì tùy thích” cho Joel xem, nếu không phải có Joel ở đó thì Marc hẳn đã chửi bới anh bằng một giọng điệu thô lỗ đến cả một tay thủy thủ người Bồ cũng chẳng dùng. Marc (tên ông ta là Marcellus cơ đấy) là một gã xấu xí, khờ khạo, có khoản thu nhập riêng và thú vui giúp đỡ những chàng trai trẻ đang gặp khó khăn tài chính tạm thời bằng cách cho ở nhờ trong ngôi nhà hai tầng, ba buồng ngủ của mình. Ông ta thích đóng vai Chúa bằng cách chỉ bảo cho họ phải làm gì hay không được làm gì ở nhà ông ta và đưa ra những lời khuyên, thường là vô giá trị, về cuộc sống và công việc. Tom đã ở đó ba tháng, phân nửa khoảng thời gian đó Marc ở Florida và cả ngôi nhà dành trọn cho riêng anh, nhưng khi Marc quay lại, ông ta đã làm um lên về vài mảnh đồ thủy tinh vỡ - Marc lại đóng vai Chúa, Người Cha Nghiêm Khắc - và Tom đã giận đến mức, đúng một lần duy nhất, anh đứng lên vặc lại ông ta. Và thế là Marc đã đuổi anh đi, sau khi thu sáu mươi ba đô tiền đồ thủy tinh vỡ. Lão già hà tiện! Tom nghĩ ông ta đáng ra phải làm một bà giúp việc già nua ở một trường nữ sinh mới hợp. Tom thấy hối hận một cách cay đắng vì đã từng gặp Marc Priminger và anh càng sớm quên được đôi mắt lợn ngu đần, quai hàm to bè, đôi bàn tay xấu xí với những cái nhẫn lòe loẹt (cứ vẫy vẫy trong không khí, ra lệnh cho mọi người làm cái này cái kia) của Marc, thì anh càng hạnh phúc. Người duy nhất trong số bạn bè của anh mà anh cảm thấy muốn kể về chuyến đi châu Âu của mình là Cleo và anh tới gặp cô vào ngày thứ Năm trước khi lên tàu. Cleo Dobelle là một cô gái tóc đen cao ráo, mảnh dẻ, độ tuổi tầm hai ba đến ba mươi, Tom cũng không rõ. Cô sống với bố mẹ ở quảng trường Grade và vẽ những đường nét nhỏ xinh - thật ra là cực kỳ nhỏ - để trang trí cho những món đồ bằng ngà còn không to hơn tem thư, phải nhìn qua kính lúp mới thấy và Cleo cũng dùng kính lúp khi vẽ. “Các họa sĩ khác phải mất cả đống không gian để cất các bức tranh sơn dầu! Nhưng thử nghĩ xem, toàn bộ các tác phẩm hội họa của em có thể đựng trong một hộp thuốc lá, vậy mới tiện làm sao!” Cleo nói. Cô sống ở khu phòng riêng thông với một phòng tắm và bếp nhỏ ở sau căn hộ của bố mẹ cô và căn hộ của Cleo lúc nào cũng khá tối vì ánh sáng chỉ chiếu vào một khoảng sân nhỏ xíu mọc đầy cây lá lĩnh, nhưng giờ chính chúng lại chắn hết toàn bộ nguồn sáng. Cleo luôn bật đèn, dù ánh đèn chỉ sáng mờ mờ, tạo cho căn phòng một cảm giác đêm tối bất kể vào thời điểm nào trong ngày. Ngoại trừ buổi tối họ quen nhau thì Tom chỉ nhìn thấy cô mặc những cái quần nhung ôm người đủ màu sắc và những chiếc áo lụa kẻ sọc tươi sáng. Họ đã thu hút lẫn nhau ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên và Cleo mời anh tới nhà cô ăn tối ngay hôm sau. Cleo luôn rủ anh tới nhà và chẳng hiểu sao chưa bao giờ có ý nghĩ rằng anh nên mời cô ăn tối hoặc đi nghe nhạc hoặc làm bất kỳ một hành vi thông thường nào mà một chàng trai nên dành cho một cô gái. Cô không mong đợi anh mang tặng hoa hoặc sách hay kẹo khi anh tới ăn tối hoặc uống cocktail, dù thỉnh thoảng Tom vẫn mang cho cô một món quà nhỏ, vì nó làm cô vui. Cleo là người độc nhất mà anh có thể kể chuyện mình sắp tới châu Âu cũng như lý do của chuyến đi ấy. Anh kể cho cô. Cleo mê mẩn, đúng như anh đã biết. Đôi môi đỏ hé ra trên khuôn mặt dài, hơi nhợt nhạt của cô và cô đập tay lên cặp đùi mặc quần nhung, thốt lên, “Tom yêu dấu! Thật tuyệt quá đi! Giống hệt một câu chuyện của Shakespeare ấy!” Đó cũng chính là điều Tom nghĩ. Đó đúng là những điều anh cần một người nói ra hộ. Cleo ồn ào quanh anh cả tối, hỏi xem anh có cái này cái kia chưa, Kleenex rồi thuốc cảm rồi tất len vì mùa thu ở châu Âu đã bắt đầu mưa rồi, cả chuyện anh đã tiêm chủng chưa. Tom nói rằng mình cảm thấy đã chuẩn bị khá kỹ càng. “Nhưng đừng tới tiễn anh nhé, Cleo. Anh không muốn có người đưa tiễn.” “Tất nhiên là không rồi!” Cleo nói, thấu hiểu. “Ôi, Tom yêu dấu, em nghĩ nó sẽ vui lắm! Anh sẽ viết thư kể cho em về tất cả những gì diễn ra với Dickie chứ? Anh là người duy nhất em quen có lý do để tới châu Âu đấy.” Anh kể cho cô về chuyến thăm xưởng đóng tàu của ông Greenleaf ở Long Island, các dãy bàn kéo dài hàng dặm với đống máy móc chế tạo những linh kiện kim loại sáng bóng, phủ véc ni và đánh bóng gỗ, các vũng cạn với khung tàu đủ kích cỡ. Anh gây ấn tượng với cô bằng các thuật ngữ mà ông Greenleaf đã dùng - vành viền hầm tàu, ki đứng, sống phụ, nẹp ke hông. Anh tả lại bữa tối thứ hai ở nhà ông Greenleaf, khi ông tặng anh một chiếc đồng hồ đeo tay. Anh khoe nó với Cleo, không phải là một món đồ quá hào nhoáng đắt tiền, nhưng vẫn rất tuyệt vời và đúng phong cách mà Tom hẳn sẽ chọn cho mình - mặt trắng trơn với các con số La Mã màu đen thanh lịch trên viền vàng đơn giản và quai da cá sấu. “Chỉ vì tình cờ mấy hôm trước anh nói rằng mình không có đồng hồ,” Tom nói. “Ông ấy thật sự coi anh như con trai.” Và Cleo cũng là người duy nhất anh quen mà anh có thể bộc bạch điều đó. Cleo thở dài. “Đàn ông! Bọn anh ẵm trọn mọi may mắn trên đời. Một chuyện như thế sẽ chẳng tài nào xảy ra với phụ nữ. Đàn ông thật tự do!” Tom mỉm cười. Anh vẫn thường nghĩ rằng ngược lại mới đúng. “Có phải đùi cừu đang cháy không?” Cleo la toáng lên và bật dậy. Sau bữa tối, cô cho anh xem năm hay sáu bức tranh mới nhất gì đấy: hai bức chân dung lãng mạn của một chàng trai mà cả hai đều quen, mặc áo sơ mi trắng mở cổ, ba bức tranh phong cảnh kỳ ảo của một vùng rừng rậm, lấy cảm hứng từ những chùm lá lĩnh ngoài cửa sổ. Lông của những con khỉ con trong các bức tranh được vẽ đẹp đến sửng sốt, Tom nghĩ thầm. Cleo có rất nhiều cọ mà chỉ có một sợi lông trên đó, đến những cái đấy cũng đa dạng từ loại tương đối thô cho tới siêu mảnh. Họ uống gần hết hai chai Medoc từ tủ rượu của bố mẹ cô, Tom buồn ngủ tới mức có thể ngủ cả đêm ngay trên sàn nơi anh đang nằm - họ thường ngủ cạnh nhau trên hai tấm thảm gấu lớn trước lò sưởi, đó cũng là một điểm tuyệt vời nữa của Cleo, cô chẳng bao giờ mong muốn hay kỳ vọng anh tiến tới với mình và anh cũng chưa từng làm vậy - nhưng Tom vẫn lê thân dậy lúc mười hai giờ kém mười lăm và ra về. “Em sẽ không gặp lại anh đâu nhỉ?” Cleo nói một cách chán nản ở cửa. “À, chắc khoảng sáu tuần nữa là anh quay lại thôi,” Tom nói dù không hề nghĩ vậy. Đột ngột, anh rướn người tới và đặt một nụ hôn thân ái lên đôi má trắng ngà của cô. “Anh sẽ nhớ em đấy, Cleo.” Cô siết nhẹ vai anh, sự động chạm thể xác duy nhất mà cô từng trao cho anh theo anh nhớ. “Em sẽ nhớ anh,” cô nói. Ngày hôm sau, anh xử lý nhiệm vụ mà bà Greenleaf giao ở tiệm Brooks Brothers, một tá đôi tất len đen và áo choàng tắm. Bà không hề gợi ý màu sắc cho áo choàng tắm mà nói sẽ để anh chọn. Tom chọn một chiếc bằng vải flannel màu nâu sẫm với dây lưng và ve áo màu xanh navy. Nó không phải chiếc áo choàng tắm đẹp nhất trong cửa hàng, theo ý Tom, nhưng anh cảm thấy đó chính là món mà Richard sẽ chọn và Richard sẽ rất thích nó. Anh thanh toán tất và áo choàng tắm bằng tài khoản của nhà Greenleaf. Anh nhìn thấy một chiếc áo sơ mi bằng lanh nặng nề với hàng khuy gỗ mà anh rất thích, hẳn cũng có thể dễ dàng gán nó vào tài khoản thanh toán của nhà Greenleaf, nhưng anh không làm vậy. Anh tự mua bằng tiền của mình. CHƯƠNG 5 S áng hôm khởi hành, buổi sáng mà anh đã mong ngóng với cảm giác phấn khích hồ hởi, khởi đầu một cách thật đáng ghê tởm. Tom đi theo nhân viên phục vụ tàu tới khoang của anh, đang tự khen mình vì thái độ cứng rắn không cho Bob tới tiễn đã có hiệu quả và vừa bước vào phòng thì một tiếng nổ ầm ĩ vang lên. “Sâm-panh đâu rồi, Tom? Chúng tôi đợi lâu lắm rồi đấy!” “Trời ơi, căn phòng này nhếch nhác quá! Sao cậu không xin họ lấy một phòng tử tế vào?” “Tom yêu dấu, chiếm lấy em nhé?” Câu nói đến từ bạn gái của Ed Martin, người mà chỉ nhìn thôi Tom còn chẳng chịu nổi. Rồi tất cả cùng xuất hiện, chủ yếu là đám bạn ồn ào của Bob, nằm ngả ngớn trên giường, trên sàn, đủ mọi nơi. Bob đã biết việc anh sắp ra khơi, nhưng Tom chẳng bao giờ ngờ được là anh ta lại làm một chuyện như thế này. Phải tự chủ lắm Tom mới không dùng giọng băng giá để thốt lên, “Chẳng có chai sâm-panh nào hết.” Anh cố gắng đón tiếp tất cả bọn họ, cố gắng mỉm cười, dù anh chỉ muốn òa khóc như đứa trẻ. Anh nhìn Bob hằm hằm, nhưng anh ta đã phê rồi. Hiếm có gì có thể chọc anh nổi điên, Tom tự bào chữa cho mình, nhưng đây là một trong số đó: những sự bất ngờ ồn ào như thế này, lũ vô công rồi nghề, lũ trưởng giả học làm sang, lũ thô lỗ mà anh tưởng anh đã bỏ lại phía sau khi đi lên thuyền, chúng đang xả rác ra căn phòng mà anh sắp ở suốt năm ngày tới! Tom tới chỗ Paul Hubbard, con người đáng kính duy nhất trong phòng và ngồi xuống cạnh anh ta trên chiếc ghế sô-pha ngắn, được gắn cố định vào sàn. “Chào Paul,” anh nói nhỏ. “Tôi rất tiếc về tất cả chuyện này.” “Thế à!” Paul chế giễu. “Anh sẽ đi bao lâu? - Có chuyện gì vậy, Tom? Anh ốm à?” Thật kinh khủng. Tiếng ồn, tiếng cười, tiếng các cô gái thử giường và ngó nghiêng phòng vệ sinh cứ vang lên không ngớt. Tạ ơn Chúa vì gia đình Greenleaf đã không tới tiễn anh! Ông Greenleaf đã phải tới New Orleans công tác, còn bà Greenleaf, khi Tom gọi điện chào tạm biệt vào sáng nay, đã nói là bà cảm thấy không đủ khỏe để ra thuyền. Cuối cùng, Bob hoặc ai đó lôi một chai whiskey ra và tất cả bắt đầu uống bằng hai cái cốc trong phòng tắm trước khi người phục vụ mang theo một khay đựng cốc bước vào. Tom không uống. Mồ hôi vã ra như tắm, đến mức anh phải cởi cả áo khoác ra để không làm hỏng nó. Bob lại gần và dúi một cái cốc vào tay anh, anh ta không hề có vẻ đùa cợt tí nào, Tom nhận ra và cũng biết lý do vì sao - anh đã nhận sự giúp đỡ của Bob suốt một tháng qua, ít nhất anh cũng nên có vẻ mặt dễ chịu, nhưng mặt anh cứ lạnh như băng, không thể nào bày ra vẻ dễ chịu nổi. Anh nghĩ, cho dù sau chuyện này tất cả bọn họ có ghét anh đi nữa thì anh mất gì nào? “Em vừa chỗ này đấy, Tom yêu dấu,” một cô gái nói. Cô ta đã lách người vào trong một cái tủ quần áo hẹp chỉ đựng vừa cái chổi. “Tôi muốn nhìn thấy cảnh Tom bị bắt quả tang đưa một cô gái vào trong phòng!” Ed Martin nói, phá ra cười. Tom trừng mắt nhìn anh ta. “Ra khỏi chỗ này và hít thở chút không khí đi,” anh lầm bầm nói với Paul. Những người khác còn bận ồn ào đến mức chẳng ai chú ý đến việc họ bỏ đi. Họ đứng ở lan can gần đuôi tàu. Hôm ấy là một ngày âm u, thành phố nằm bên tay phải chưa gì trông đã như một mảnh đất xa xôi, xám xịt mà anh đang nhìn từ giữa biển - trừ một vài tên khốn trong phòng riêng của anh. “Anh đã trốn ở đâu vậy?” Paul hỏi. “Ed đã gọi điện báo cho tôi biết anh sắp đi xa. Đã mấy tuần rồi tôi không gặp anh đấy.” Paul là một trong những người nghĩ anh làm việc cho Hiệp hội Báo chí. Tom bịa ra một câu chuyện hay ho về một nhiệm vụ mà anh được phái đi. Có thể là ở Trung Đông, Tom nói. Anh làm ra vẻ bí mật lắm. “Dạo này tôi cũng hay phải làm việc ban đêm,” Tom nói, “đó là lý do tôi không xuất hiện mấy. Anh thật vô cùng tử tế khi tới đây tiễn tôi.” “Sáng nay tôi không có lớp,” Paul rút tẩu thuốc ra khỏi miệng và mỉm cười. “Dù vậy kiểu gì tôi cũng phải đến. Bịa ra bất cứ cái cớ cũ rích nào để đến đây!” Tom mỉm cười. Paul dạy nhạc tại một trường nữ sinh ở New York để kiếm sống, nhưng anh ta thích soạn nhạc trong thời gian rảnh. Tom không nhớ mình gặp Paul như thế nào, nhưng vẫn nhớ chuyện đã tới căn hộ của anh ta ở Khu Đường Ven Sông để dùng bữa trưa vào một ngày Chủ nhật cùng vài người bạn nữa, Paul đã chơi một vài tác phẩm của mình trên đàn piano và Tom mê mẩn nó. “Cho tôi mời anh một cốc rượu nhé? Hãy xem chúng ta có tìm được quán bar nào không,” Tom nói. Nhưng đúng lúc ấy một người phục vụ bước ra, đánh chiêng và hét lên, “Mời những người đi tiễn lên bờ! Tất cả những người đi tiễn mời lên bờ!” “Đó là tôi rồi,” Paul nói. Họ bắt tay, vỗ vai, hứa sẽ viết thiệp cho nhau. Rồi Paul ra về. Đám bạn của Bob hẳn sẽ ở lỳ tới phút cuối, anh nghĩ, có lẽ phải bị đuổi mới chịu đi. Tom đột ngột rẽ ngoặt và chạy lên một cầu thang hẹp. Ở đầu cầu thang, anh gặp một tấm biển DÀNH RIÊNG CHO KHOANG PHỔ THÔNG móc trên một sợi dây xích, anh vắt chân qua nó và bước lên boong. Chắc họ sẽ không từ chối cho một hành khách ở khoang hạng nhất đi vào khoang hạng hai đâu, anh nghĩ. Anh không thể nhìn thêm lũ bạn của Bob một lúc nào nữa. Anh đã trả nửa tháng tiền thuê nhà cho anh ta và còn tặng anh ta một món quà tạm biệt là một cái áo sơ mi và cà-vạt xịn. Bob còn muốn gì nữa? Phải đến khi con tàu di chuyển Tom mới dám quay về phòng. Anh cẩn trọng bước vào trong. Trống không. Tấm chăn màu xanh dương trang nhã đã được trải phẳng lại. Gạt tàn sạch sẽ. Không hề có dấu hiệu cho thấy họ đã từng ở đây. Tom thả lỏng và mỉm cười. Đây mới là dịch vụ chứ! Truyền thống lâu đời tốt đẹp của Cunard Line, sự thành thạo của người Anh! Anh nhìn thấy một giỏ hoa quả lớn trên sàn nhà cạnh giường. Anh háo hức xé chiếc phong bì trắng nhỏ ra. Tấm thiệp bên trong viết: Chúc thượng lộ bình an và cầu trời phù hộ cho cậu nhé, Tom. Chúng tôi chúc những điều tốt đẹp nhất đến với cậu. Emily và Herbert Greenleaf Chiếc giỏ có quai cao và hoàn toàn nằm trọn dưới lớp giấy bóng kính - táo, lê, nho, vài thanh kẹo và vài bình rượu nhỏ. Tom chưa từng được nhận một giỏ quà tiễn biệt. Đối với anh, chúng luôn là thứ có giá trên trời mà anh chỉ nhìn thấy đằng sau những ô cửa sổ của cửa hàng hoa và rồi cười mỉa mai. Giờ thì anh thấy nước mắt dâng trào và đột ngột anh úp mặt vào giữa hai tay, òa khóc nức nở. CHƯƠNG 6 T om là người khá điềm đạm và rộng lượng, nhưng hoàn toàn không có ý muốn giao du. Anh thích dành thời gian để ngẫm nghĩ và chẳng bận tâm đến việc gặp gỡ bất kỳ một ai trên tàu hết, không một ai, dù khi chạm mặt những người ngồi cùng bàn, anh vẫn sẽ niềm nở thăm hỏi và mỉm cười với họ. Anh bắt đầu vai diễn trên tàu, vai một thanh niên đứng đắn đảm đương một công việc hệ trọng trước mặt. Anh lịch lãm, đĩnh đạc, thanh lịch và chuyên chú. Anh chợt nổi hứng muốn đội một cái mũ và đã mua một chiếc màu xám xanh bảo thủ bằng len mềm của Anh trong cửa hàng bán đồ cho nam giới. Anh có thể kéo vành lưỡi trai xuống che gần hết mặt khi muốn ngủ trên chiếc ghế ngoài ban công, hoặc tỏ vẻ như đang ngủ. Mũ là món trùm đầu linh hoạt nhất, anh nghĩ thầm và tự hỏi vì sao trước đây mình chưa từng nghĩ đến việc đội nó? Anh có thể trông giống một quý ông vùng nông thôn, một thằng du côn, một người Anh, người Pháp, hoặc một gã người Mỹ lập dị, tùy thuộc vào cái cách anh đội mũ. Tom tự giải trí với nó trước tấm gương trong phòng. Anh luôn nghĩ mình có một khuôn mặt nhàm chán nhất thế giới, một khuôn mặt hết sức dễ quên với vẻ ngoan ngoãn mà đến anh cũng không hiểu nổi, đi cùng một vẻ sợ hãi mơ hồ mà anh chẳng bao giờ có thể xóa sạch. Một khuôn mặt của kẻ phục tùng, anh nghĩ. Chiếc mũ thay đổi toàn bộ ấn tượng đó. Nó đem lại cho anh vẻ nông thôn, Greenwich, Connecticut, vùng quê. Giờ anh là một chàng trai có thu nhập riêng, có thể là mới rời Princeton chưa lâu. Anh mua một cái tẩu thuốc để hợp với cái mũ. Anh đang khởi đầu một cuộc sống mới. Tạm biệt đám người hạng hai mà anh đã giao du cùng và để họ lởn vởn xung quanh mình trong suốt ba năm qua ở New York. Cảm giác của anh lúc này cũng giống như những người nhập cư khi họ bỏ lại mọi thứ sau lưng để tới một đất nước xa lạ, bỏ lại bạn bè, họ hàng, những sai lầm trong quá khứ và giong buồm tới nước Mỹ. Không ràng buộc! Bất kể có chuyện gì xảy ra với Dickie thì anh cũng sẽ làm tròn bổn phận, ông Greenleaf sẽ biết điều đó và sẽ trân trọng anh vì điều đó. Khi đã tiêu hết tiền của ông Greenleaf, anh có thể sẽ không quay lại Mỹ. Anh có thể kiếm một công việc thú vị trong một khách sạn chẳng hạn, nơi họ cần một con người tươi sáng, duyên dáng biết nói tiếng Anh. Hoặc anh có thể trở thành người đại diện cho một công ty châu Âu nào đó và đi lại khắp nơi trên thế giới. Hoặc ai đó có thể xuất hiện, cần một người thanh niên giống như anh, biết lái xe ô-tô, tính toán nhanh nhẹn, đem lại niềm vui cho người bà hoặc hộ tống con gái của người đó tới buổi khiêu vũ. Anh rất tháo vát và thế giới thì thật rộng lớn! Anh thề với mình sẽ dính chặt lấy công việc một khi kiếm được. Kiên nhân và bền bỉ! Hướng về tương lai! “Cậu có cuốn The Ambassadors của Henry James không?” Tom hỏi nhân viên phụ trách thư viện của khoang hạng nhất. Cuốn sách không có trên giá. “Tôi xin lỗi, chúng tôi không có cuốn đó, thưa ngài,” nhân viên nói. Tom thấy thất vọng. Đó là cuốn sách mà ông Greenleaf từng hỏi anh đã đọc chưa. Tom cảm thấy mình buộc phải đọc nó. Anh tới thư viện của khoang phổ thông. Anh thấy quyển sách trên giá nhưng khi định mượn nó và đưa số buồng của mình ra thì nhân viên phục vụ lại xin lỗi anh vì khách khoang hạng nhất không được phép lấy sách từ khoang thường. Tom đã lo sợ điều đó. Anh vui vẻ cất cuốn sách lại, dù việc đi lướt qua giá sách và luồn nó vào dưới áo cũng dễ, rất dễ thôi. Sáng nào anh cũng đi dạo vài lần quanh boong tàu, hết sức chậm rãi, để những người đang thở phì phò chạy bộ buổi sáng luôn vượt qua anh hai đến ba lần trước khi anh hoàn thành hết một vòng, rồi anh mới ngồi xuống chiếc ghế trên boong của mình để uống nước canh thịt và ngẫm nghĩ thêm về số mệnh. Sau bữa trưa, anh chỉ quanh quẩn trong buồng, đắm mình trong sự riêng tư và thoải mái của nó, hoàn toàn không làm gì cả. Thỉnh thoảng anh ngồi trong phòng viết, trầm ngâm viết thư tay trên tàu cho Marc Priminger, Cleo và gia đình Greenleaf. Bức thư gửi tới gia đình Greenleaf bắt đầu bằng lời chào hỏi lịch sự và cảm ơn giỏ hoa quả tiễn biệt và căn phòng thoải mái. Rồi anh tự giải trí bằng cách thêm một đoạn văn tưởng tượng cho tương lai về việc đã tìm được Dickie và sống cùng anh ta trong căn nhà ở Mongibello, về tiến triển chậm rãi nhưng vững chắc của anh trong việc thuyết phục Dickie về nhà, về việc bơi lội, câu cá, ngồi quán cà phê. Anh bị cuốn vào việc đó tới mức nó trải dài tám đến mười trang giấy và do anh biết mình sẽ không bao giờ gửi chúng đi, nên anh lại viết về việc Dickie không có tình cảm gì với Marge (anh phân tích kỹ lưỡng tính cách của Marge), nên cô nàng không phải là thứ giữ chân Dickie, dù bà Greenleaf đã nghĩ vậy, v.v. Anh chỉ dừng lại khi chiếc bàn phủ kín giấy và tiếng báo hiệu giờ ăn tối vang lên lần đầu tiên. Một buổi chiều khác, anh viết một lời nhắn lịch sự cho cô Dottie: Cô thân mến, (điều mà anh rất hiếm khi gọi bà qua thư và cũng chưa bao giờ gọi trước mặt) Như cô nhìn thấy trên giấy, cháu đang đi biển. Một đề nghị kinh doanh bất ngờ mà hiện giờ cháu không thể giải thích chi tiết được. Cháu đã phải rời đi khá đột ngột nên không thể tới Boston và cháu xin lỗi vì có lẽ phải mất vài tháng hoặc thậm chí là vài năm nữa cháu mới trở về. Cháu chỉ muốn cô đừng lo lắng và đừng gửi séc thêm cho cháu nữa, cảm ơn cô. Cảm ơn cô rất nhiều vì tấm séc cuối cùng cách đây tầm một tháng. Cháu không nghĩ là sau đó cô gửi thêm tấm séc nào. Cháu khỏe mạnh và cực kỳ hạnh phúc. Yêu cô, Tom Không cần thiết phải gửi lời chúc sức khỏe. Cô Dottie khỏe như vâm vậy. Anh viết thêm: Tái bút: Cháu không biết địa chỉ của cháu là gì, nên không thể cho cô biết ngay được. Điều đó khiến anh cảm thấy khá hơn, vì nó rõ ràng đã cắt đứt liên lạc của anh với bà. Anh không bao giờ cần phải báo cho bà về nơi ở của mình nữa. Không còn những bức thư bới móc cạnh khóe, những so sánh ẩn ý về anh và bố anh, những tấm séc tủn mủn với những khoản tiền kỳ cục như sáu đô và bốn mươi tám xu hay mười hai đô và chín mươi lăm xu, như thể bà còn lại một ít tiền sau khi trả các hóa đơn gần nhất, hoặc hoàn trả một món đồ nào đấy cho cửa hàng và quăng món tiền đấy cho anh, như mẩu bánh vụn. Xét đến số tiền cô Dottie có thể gửi cho anh với khoản thu nhập của bà thì số séc đó đúng là một sự sỉ nhục. Cô Dottie quả quyết rằng việc nuôi dạy anh tốn nhiều tiền hơn so với con số bố anh để lại trong quỹ bảo hiểm và có thể đúng là vậy, nhưng bà có cần phải nhắc đi nhắc lại điều đó trước mặt anh không? Có người nào lại liên tục lôi chuyện này ra nói trước mặt một đứa trẻ cơ chứ? Rất nhiều họ hàng và thậm chí cả người lạ còn nuôi hộ trẻ con mà chẳng lấy đồng nào, thậm chí còn thấy hân hoan. Sau bức thư gửi cô Dottie, anh đứng dậy và đi dạo quanh boong để hạ hỏa. Viết thư cho bà luôn khiến anh tức điên lên. Anh ghét phải lịch sự với bà. Vậy nhưng đến tận bây giờ, anh vẫn luôn phải cho bà biết anh ở đâu, vì anh vẫn luôn cần đến số séc tủn mủn của bà. Anh đã phải viết một cơ số thư về việc thay đổi địa chỉ cho cô Dottie. Nhưng lúc này anh không cần tiền của bà nữa. Anh sẽ khiến mình độc lập, mãi mãi. Bất chợt anh nghĩ tới một ngày mùa hè năm anh khoảng mười hai tuổi, trong một chuyến du lịch xuyên đất nước với cô Dottie cùng một bà bạn của bà và họ kẹt cứng không thể di chuyển trên một đoạn đường ở đâu đó. Đó là một ngày mùa hè nắng gắt, khi anh đang cầm theo phích nước ra ngoài để lấy nước đá ở một trạm xăng theo lệnh của cô Dottie thì đột nhiên dòng xe bắt đầu nhúc nhích. Anh nhớ mình đã chạy thục mạng giữa những chiếc xe khổng lồ đang nhích lên, lúc nào cũng trong tình trạng sắp chạm tay tới cửa xe của cô Dottie nhưng lại không bao giờ thật sự chạm vào được. Bà liên tục nhích xe lên phía trước nhanh hết mức có thể, không sẵn lòng đợi anh dù chỉ một phút, chỉ hét vọng ra ngoài cửa sổ, “Nhanh lên, nhanh lên con rùa!” Đến lúc anh bắt kịp xe và chui vào, hai hàng nước mắt giận dữ và phẫn nộ chảy dọc má, bà lại bông đùa nói với bạn mình rằng, “Ẻo lả! Nó ẻo lả từ lúc lọt lòng. Hệt như ông bố nó!” Đúng là kỳ diệu vì dưới sự đối xử đấy mà anh lớn lên khỏe mạnh như bây giờ. Và anh tự hỏi, điều gì đã khiến cô Dottie nghĩ rằng bố anh là kẻ ẻo lả? Liệu bà có thể, hay đã bao giờ kể lại một chuyện gì chưa? Chưa. Nằm trên chiếc ghế trên boong tàu, tâm trạng dịu lại bởi vẻ hào nhoáng sang trọng xung quanh và bởi những món đồ ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng, anh thử nhìn lại quá khứ của mình một cách khách quan. Bốn năm qua phần lớn là lãng phí, không thể phủ nhận điều đó. Những công việc lung tung, những khoảng thời gian dài không có việc làm và tình trạng thoái chí tất yếu vì không có tiền, rồi bắt đầu giao du với những kẻ ngu ngốc, ngớ ngẩn để không phải cô đơn, hoặc vì họ có thể tạm thời cung cấp cho anh một thứ gì đó, như Marc Priminger chẳng hạn. Đó không phải là một thành tích đáng tự hào, xét đến việc anh đã tới New York với đầy hoài bão. Anh đã muốn trở thành diễn viên và ở tuổi hai mươi anh còn quá mơ hồ về những khó khăn, những đào tạo cần thiết, hoặc thậm chí là tài năng cần có. Anh cứ nghĩ mình có tài và tất cả những gì mình cần làm là trình diễn cho một nhà sản xuất nào đó vài vở trào phúng độc thoại - như bà Roosevelt viết “Ngày của tôi” sau một chuyến thăm bệnh viện dành riêng cho các bà mẹ đơn thân - nhưng ba lời cự tuyệt đầu tiên đã giết chết toàn bộ dũng khí và hy vọng của anh. Khi không còn tiền để dành, anh phải nhận việc trên thuyền, ít nhất nó cũng đưa anh rời khỏi New York. Anh đã sợ cô Dottie gọi cảnh sát tìm anh ở New York, dù anh chẳng hề làm gì sai ở Boston, chỉ bỏ trốn để tự tìm lối đi riêng trong thế giới như hàng triệu trai trẻ khác đã làm trước anh. Anh nghĩ sai lầm chính của mình là chẳng bao giờ chịu gắn bó với bất kỳ công việc gì, như việc làm kế toán trong trung tâm mua sắm đáng ra có thể phát triển hơn, nếu không phải anh thấy hoàn toàn nản lòng bởi sự thăng tiến chậm chạp ở đó. Anh đổ lỗi một phần cho cô Dottie vì đã gây ra tính thiếu kiên nhẫn của mình, chưa bao giờ bà khen ngợi anh hồi nhỏ vì những công việc mà anh gắn bó - như việc giao báo lúc mười ba tuổi. Anh đã được tặng huy chương bạc từ tờ báo cho giải thưởng “Lịch Sự, Dịch Vụ Xuất sắc và Đáng Tin Cậy.” Như thể đang nhìn lại một người khác để nhớ lại mình lúc ấy, một thằng nhóc còi cọc, yếu ớt, suốt ngày thòng lòng nước mũi, vậy mà vẫn giành được một huy chương cho sự lịch sự, dịch vụ xuất sắc và đáng tin cậy. Cô Dottie luôn ghét những lúc anh bị cúm, bà hay lấy khăn tay và gần như vặn mũi anh để lau nước mũi. Tom rúm người lại trong ghế ngồi trên boong khi nghĩ tới cảnh đó, nhưng anh làm vậy một cách thanh lịch, chỉ như chỉnh lại nếp nhăn trên quần. Anh nhớ lời thề bỏ trốn khỏi cô Dottie mà mình đã lập ra ngay từ năm lên tám, những cảnh tượng bạo lực mà anh đã tưởng tượng ra - cô Dottie cố nhốt anh trong nhà nên anh đấm bà, đẩy bà xuống đất, bóp cổ bà, cuối cùng giật cái ghim cài áo rõ bự ra khỏi bộ đồ của bà và dùng nó đâm vào họng bà cả triệu lần. Anh đã bỏ trốn năm mười bảy tuổi và bị đưa về, nhưng anh đã lặp lại hành động đó năm hai mươi tuổi và thành công. Sự ngây ngô của anh mới đáng sửng sốt và đáng thương hại làm sao, anh biết quá ít về cách thế giới vận hành, như thể anh đã dành quá nhiều thời gian căm ghét cô Dottie và vạch kế hoạch trốn thoát bà đến mức không có đủ thời gian để học tập và trưởng thành. Anh vẫn nhớ cảm giác khi bị sa thải khỏi công việc ở nhà kho ngay trong tháng đầu ở New York. Anh mới chỉ có công việc đó trong chưa đầy hai tuần vì không đủ khỏe để nhấc thùng cam tám tiếng một ngày, nhưng anh đã cố hết sức, đến mức bất tỉnh khi làm việc và khi họ đuổi anh, anh vẫn nhớ cảm giác bất công kinh khủng khiếp mà mình cảm thấy. Lúc ấy anh đã quyết định rằng thế giới này đầy rẫy những gã như Simon Legree và bạn phải là một con thú hoang hung hãn như những gã khỉ đột làm việc cùng anh ở nhà kho, không thì sẽ chết đói. Anh nhớ rằng ngay sau đó, anh đã trộm một ổ bánh mỳ từ một quầy bánh hảo hạng và mang nó về nhà, ngấu nghiến nó, cảm thấy thế giới này nợ anh một ổ bánh mỳ và nhiều hơn thế nữa. “Anh Ripley?” Một trong số những người phụ nữ Anh ngồi cùng trên ghế sô-pha với anh trong phòng khách vào giờ uống trà ngày hôm kia, giờ đang cúi xuống nói với anh. “Chúng tôi tự hỏi không biết anh có muốn cùng nhập hội chơi một ván bài bridge trong phòng giải trí không? Chúng tôi sẽ bắt đầu sau mười lăm phút nữa.” Tom lịch sự ngồi thẳng dậy. “Rất cảm ơn cô, nhưng tôi nghĩ mình thích ở ngoài này hơn. Bên cạnh đó, tôi chơi bài bridge cũng không giỏi lắm.” “Ôi, chúng tôi có ai giỏi đâu! Được thôi, lúc khác nhé.” Cô ta mỉm cười và bỏ đi. Tom lại ngồi ngả xuống, kéo mũ trùm xuống mắt và khoanh tay quanh bụng. Sự tách biệt của anh, anh biết, đang gây ra vài lời bàn tán giữa các hành khách. Anh đã không nhảy với một cô nào trong số mấy nàng ngớ ngẩn cứ mải nhìn anh đầy hy vọng và cười khúc khích suốt các buổi khiêu vũ sau bữa tối hàng ngày. Anh hình dung ra các lời đoán già đoán non của các hành khách khác: Anh ta là người Mỹ à! Tôi nghĩ vậy, nhưng anh ta không hành xử giống một người Mỹ nhỉ? Phần lớn người Mỹ thật là ồn ào. Anh ta thì lại hết sức nghiêm nghị, đúng không và cũng không thể quá hai ba tuổi được. Anh ta hẳn đang có một chuyện rất quan trọng choán hết tâm trí. Đúng vậy. Chuyện hiện tại và tương lai của Tom Ripley. CHƯƠNG 7 P aris chỉ là những vệt ảnh lờ mờ ngoài cửa sổ ga tàu, từ mặt tiền sáng đèn của một quán cà phê, mái hiên đầy vệt mưa, đến bàn ghế ngoài vỉa hè, các hàng rào cây vuông vức, hệt như một bức tranh minh họa quảng bá du lịch. Sau đó chỉ còn là một chuỗi các nhà ga dài mà anh đang theo chân những người khuân vác hành lý nhỏ con chắc nịch trong bộ quần áo xanh và cuối cùng cũng tới được con tàu giường nằm sẽ chở anh tới tận Rome. Mình có thể quay lại Paris vào một lúc khác, anh nghĩ thầm. Anh hăm hở muốn ngay lập tức đến Mongibello. Sáng hôm sau khi thức dậy, anh đã tới Ý. Một chuyện rất dễ chịu đã xảy ra lúc ấy. Tom đang ngắm nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ thì nghe tiếng vài người Ý ở ngoài hành lang phía buồng của anh nói gì đó có từ “Pisa.” Một thành phố đang lướt qua ở bên kia tàu. Tom liền ra ngoài để nhìn nó rõ hơn, tự động tìm kiếm tháp nghiêng, dù hoàn toàn không dám chắc liệu thành phố này có phải Pisa hay liệu cái tháp đó có thể nhìn thấy từ chỗ anh hay không. Nhưng kia rồi! - một hình trụ trắng nhô lên giữa những căn nhà bằng đá phấn thấp lè tè quây quần thành thị trấn và nó nghiêng thật, nghiêng ở một góc mà anh nghĩ hẳn là không thể khả thi! Anh luôn mặc định rằng góc nghiêng của tháp nghiêng Pisa bị phóng đại. Giờ trông thấy nó rồi, anh cho đó là điềm lành, là dấu hiệu cho thấy nước Ý sẽ giống như kỳ vọng của anh, mọi chuyện giữa anh và Dickie sẽ diễn ra tốt đẹp. Anh tới Naples vào chiều muộn hôm đó và phải tới tận mười một giờ sáng hôm sau mới có chuyến xe buýt tới Mongibello. Một thằng nhóc tầm mười sáu tuổi mặc bộ đồ bẩn thỉu và đi bốt, nhằng nhẵng bám lấy anh ở ga tàu khi anh đang đổi tiền, đề nghị anh điều gì đó mà chỉ Chúa mới biết, có thể là gái, thuốc. Bất chấp mọi phản đối của Tom, nó chui hẳn vào taxi cùng anh và hướng dẫn lái xe đi đâu đó, lải nhải và giơ một ngón tay lên như thể sẽ giúp anh dàn xếp ổn thỏa mọi chuyện, cứ chờ mà xem. Tom đầu hàng và ngồi bực bội trong góc, hai tay khoanh lại. Cuối cùng taxi dừng lại trước một khách sạn lớn nhìn ra vịnh mà Tom hẳn sẽ thấy sợ cái sự nguy nga tráng lệ đó nếu không phải ông Greenleaf là người trả tiền. “Santa Lucia!” Thằng nhóc nói một cách hân hoan, chỉ ra biển. Tom gật đầu. Sau cùng thì, nó có vẻ hữu hảo. Tom trả tiền cho lái xe và đưa cho thằng bé tờ một trăm lia, anh ước lượng nó rơi vào khoảng mười sáu xu lẻ và là một khoản tiền boa phù hợp ở Ý, theo một bài báo về nước Ý mà anh đã đọc trên tàu. Khi thằng bé trông có vẻ bực bội, anh cho nó thêm một trăm nữa và nó vẫn trông bực bội, anh vẫy tay đuổi nó và vào khách sạn, theo sau những người xách hành lý đã mang hành lý của anh vào. Tối hôm đó Tom dùng bữa ở một nhà hàng trên nước có tên Zi’ Teresa, được người quản lý nói tiếng Anh của khách sạn giới thiệu. Anh đã phải rất vất vả để gọi món và món đầu tiên được đưa lên là bạch tuộc phiên bản nhỏ, có màu tím đậm như thể bị nấu trong thứ mực được dùng để viết thực đơn. Anh nếm thử đầu của một xúc tu và nó dai nhanh nhách khó chịu hệt như sụn vậy. Món thứ hai, một đĩa đủ loại cá rán, cũng là một sai lầm. Món thứ ba - anh khá chắc là một loại tráng miệng - là vài con cá đỏ nhỏ xíu. A, Naples! Món ăn không quan trọng. Anh cảm thấy ngà ngà say. Xa xa bên tay trái, một mặt trăng hình bán nguyệt trôi trên đỉnh núi Vesuvius nhấp nhô. Tom bình thản ngắm nhìn nó, như thể đã thấy nó cả nghìn lần rồi. Qua vùng đất ấy, sau ngọn núi Vesuvius là ngôi làng của Richard. Mười một giờ sáng hôm sau anh lên xe buýt. Con đường men theo bờ biển và đi qua vài ngôi làng nhỏ nơi họ tạm dừng nghỉ ngơi - Torre del Greco, Torre Annunciata, Castellammare, Sorrento. Tom háo hức nghe tên các ngôi làng mà người lái xe đọc lên. Từ Sorrento, con đường chuyển sang một đường mòn hẹp bám theo một vách đá mà Tom đã thấy trong các bức hình ở nhà Greenleaf. Thi thoảng anh thấp thoáng thấy những ngôi làng nhỏ xuôi theo dòng nước, những ngôi nhà trông như vụn bánh mỳ trắng, đầu người như những đốm nhỏ bơi gần bờ biển. Tom nhìn thấy một tảng đá cuội ở giữa đường, rõ ràng là nó đã rơi từ trên vách đá xuống. Người lái xe hờ hững bẻ lái tránh đi. “Mongibello!” Tom bật dậy và kéo vali từ trên giá xuống. Anh còn một chiếc vali khác trên nóc xe, cậu bé phụ xe giúp anh mang nó xuống. Rồi xe buýt đi tiếp còn Tom đơn độc ở vệ đường, vali nằm dưới chân. Nhiều ngôi nhà nằm rải rác dọc núi và nhiều nhà khác ở phía dưới có mái in bóng trên mặt nước xanh ngắt, vẫn theo dõi đống vali, Tom đi vào một ngôi nhà nhỏ bên kia đường có biển BƯU ĐIỆN và hỏi người đàn ông sau cửa sổ xem nhà của Richard Greenleaf ở đâu. Anh nói bằng tiếng Anh mà không nghĩ ngợi gì, nhưng ông ta có vẻ hiểu, vì ông ta ra ngoài và chỉ đường rất chi tiết bằng tiếng Ý từ ngôi nhà trên đường mà Tom xuống xe. “Sempre seeneestra, seeneestra!” Tom cảm ơn ông ta, hỏi xem liệu anh có thể để hai vali của mình trong bưu điện một lúc được hay không và có vẻ ông ta cũng hiểu điều đó nên giúp Tom mang chúng vào. Anh phải hỏi thêm hai người nữa về chỗ ngôi nhà của Richard Greenleaf và có vẻ ai cũng biết đến nó, người thứ ba còn chỉ nó ra cho anh - một căn nhà hai tầng rộng rãi có cửa sắt, hàng hiên nhô ra khỏi vách đá. Tom rung chiếc chuông kim loại cạnh cửa. Một người phụ nữ Ý đi ra khỏi nhà, lau tay vào tạp dề. “Ông Greenleaf?” Tom hỏi một cách hy vọng. Người phụ nữ vui vẻ trả lời anh rõ dài bằng tiếng Ý và chỉ ra phía biển. “Jew,” có vẻ chị ta liên tục nói từ đó. “Jew.” Tom gật đầu. “Cảm ơn.” Anh có nên đi xuống biển trong bộ dạng này, hay nên tỏ ra thoải mái hơn và mặc đồ bơi vào? Hay anh nên đợi tới giờ uống trà hoặc cocktail? Hay anh nên thử gọi điện cho anh ta trước? Anh không mang đồ bơi theo và chắc chắn ở đây anh phải có một bộ. Tom vào một trong các cửa hàng nhỏ gần bưu điện, có treo áo sơ mi và quần đùi bơi trước những ô cửa sổ bé tí tẹo và sau khi thử vài chiếc quần nhưng không vừa người, hay ít nhất không đủ tư cách để coi là quần bơi, anh mua một chiếc màu vàng đen chẳng to hơn quần lọt khe là mấy. Anh gấp gọn đống quần áo vào bên trong áo mưa và dợm bước chân trần ra khỏi cửa. Anh nhảy bổ vào trong. Nền sỏi nóng như than vậy. “Giầy? Dép?” Anh hỏi người đàn ông trong cửa hàng. Ông ta không bán giầy. Tom lại xỏ đôi của mình vào và băng qua đường tới bưu điện, định bỏ chỗ quần áo mới mua vào vali, nhưng cửa ở đó đã khóa. Anh đã từng nghe nói rằng ở châu Âu thỉnh thoảng có những chỗ đóng cửa từ trưa tới bốn giờ chiều. Anh quay người và đi xuống một con đường rải sỏi mà anh cho là dẫn ra biển. Anh bước xuống hàng chục bậc thang dốc rồi lại đi tiếp một con đường trải sỏi cũng dốc không kém, qua các cửa hàng, các ngôi nhà, thêm vài bậc thang nữa, cuối cùng cũng tới một vỉa hè rộng rãi nhô hẳn lên trên mặt biển. Ở đây có hai hàng cà phê và một nhà hàng có bàn ngoài trời. Vài thiếu niên người Ý rám nắng đang ngồi trên băng ghế gỗ ở rìa vỉa hè chăm chú quan sát anh khi anh đi ngang qua. Anh thấy xấu hổ với đôi giày nâu khổng lồ dưới chân và làn da trắng bệch như ma. Cả mùa hè anh không tới một bãi biển nào. Anh ghét biển. Có một lối đi bộ bằng gỗ ngang qua bãi biển, Tom biết đi bộ trên con đường ấy sẽ nóng cháy da, bởi vì tất cả mọi người đang nằm trên một cái khăn hoặc một thứ gì đó khác, nhưng anh vẫn cởi giày ra và đứng một lúc trên mặt gỗ nóng rực, bình tĩnh quan sát các nhóm người ở gần. Không có ai trong số đó trông giống Richard. Các luồng gió nóng hôi hổi ngăn anh nhận diện những người ở tít đằng xa. Tom nhón một chân ra bãi cát và rụt lại. Rồi anh hít sâu, chạy nốt lối đi bộ, lao qua bãi cát và sung sướng ngâm chân vào làn nước nông mát lạnh ở bờ biển. Anh bắt đầu đi bộ. Tom nhìn thấy anh ta từ cách đó khoảng một dãy nhà - Dickie, không thể nhầm vào đâu được, với làn da rám nắng và mái tóc vàng lượn sóng trông sáng hơn Tom nhớ. Anh ta ở cạnh Marge. “Dickie Greenleaf à?” Tom hỏi, mỉm cười. Anh ta ngẩng lên. “Phải?” “Tôi là Tom Ripley. Tôi đã gặp anh ở Mỹ vài năm trước. Có nhớ không?” Dickie trông có vẻ ngơ ngác. “Tôi nghĩ bố anh đã bảo sẽ viết thư kể về tôi cho anh.” “À, phải rồi!” Dickie nói, chạm vào trán như thể anh ta đúng là ngớ ngẩn khi quên mất điều đó. Anh ta đứng dậy. “Tom gì ấy nhỉ?” “Ripley.” “Đây là Marge Sherwood,” anh ta nói. “Marge, đây là Tom Ripley.” “Chào cô.” Tom nói. “Chào anh.” “Anh ở đây bao lâu?” Dickie hỏi. “Tôi cũng chưa chắc,” Tom nói. “Tôi chỉ vừa tới đây. Tôi phải ngắm nghía chỗ này đã.” Dickie đang quan sát anh, không hoàn toàn tán thành, theo Tom cảm nhận. Hai cánh tay Dickie khoanh lại, đôi chân rám nắng thon thả bám chặt xuống mặt cát nóng rực nhưng nó có vẻ không làm anh ta bận tâm. Tom đã xỏ chân vào giày. “Thuê nhà à?” Dickie hỏi. “Tôi chưa biết,” Tom nói một cách ngập ngừng như thể đang cân nhắc việc đấy thật. “Đây là thời điểm tốt để thuê một căn nhà đấy, nếu anh đang tìm nhà cho mùa đông,” cô gái nói. “Các du khách mùa hè gần như đã đi hết. Chúng tôi có thể cần đến vài người Mỹ ở đây trong mùa đông.” Dickie không nói gì cả. Anh ta đã ngồi lại xuống cái khăn choàng lớn cạnh cô gái và Tom cảm thấy anh ta đang chờ anh nói lời tạm biệt và bỏ đi. Tom đứng ngây như phỗng ở đó, cảm thấy nhợt nhạt, trần truồng như ngày anh chào đời. Anh ghét đồ bơi. Cái quần này còn quá hở nữa. Tom tìm cách lôi bao thuốc lá từ túi áo khoác bên trong áo mưa ra, mời Dickie và cô gái. Dickie rút một điếu và Tom dùng bật lửa của anh để châm nó lên. “Có vẻ anh không nhớ tôi ở New York,” Tom nói. “Tôi không thể nói là mình nhớ,” Dickie nói. “Tôi đã gặp anh ở đâu?” “Tôi nghĩ - không phải là ở nhà Buddy Lankenau sao?” Không phải, nhưng anh biết Dickie quen Buddy và đó là một thanh niên hết sức đáng mến. “À,” Dickie nói, mơ hồ. “Tôi hy vọng anh sẽ bỏ qua cho tôi. Ký ức về nước Mỹ của tôi dạo này mờ nhạt lắm.” “Chắc chắn là vậy,” Marge nói, giải cứu Tom. “Nó ngày càng tệ hơn. Anh tới đây lúc nào vậy, Tom?” “Mới khoảng một tiếng trước. Tôi chỉ vừa cất đống hành lý ở bưu điện.” Anh cười. “Anh có muốn ngồi xuống không? Có một cái khăn nữa đây này.” Cô ta trải một cái khăn trắng nhỏ hơn ở bên cạnh, trên cát. Tom nhận nó với vẻ cảm kích. “Tôi đi dầm mình cho mát đây,” Dickie nói, nhỏm dậy. “Em cũng vậy!” Marge nói. “Xuống cùng nhé, Tom?” Tom đi theo họ. Dickie và cô gái bơi ra khá xa - cả hai có vẻ đều là những tay bơi lội cừ khôi - còn Tom ở gần bờ và đi vào sớm hơn nhiều. Khi Dickie và cô gái quay về chỗ cái khăn, anh ta nói như thể bị cô ta xúi giục, “Chúng tôi đi đây. Anh có muốn tới nhà ăn trưa cùng chúng tôi không?” “Ôi, có chứ. Cảm ơn nhiều.” Tom giúp họ thu dọn khăn, kính râm và tờ báo Ý. Tom cứ ngỡ họ sẽ chẳng bao giờ tới nơi. Dickie và Marge đi trước anh, bước lên những bậc thềm đá dài bất tận một cách đều đều và chậm rãi, hai bậc thang một. Mặt trời đã làm Tom kiệt sức. Các cơ bắp ở chân anh run rẩy trên cầu thang dài vô tận. Vai anh hồng rực và dù đã mặc áo sơ mi vào để chống nắng nhưng anh vẫn có thể cảm thấy mặt trời như đang thiêu đốt qua tóc mình. Đầu anh quay mòng mòng và anh thấy nôn nao khó chịu. “Cảm thấy khó ở à?” Marge hỏi, hoàn toàn không hụt hơi tí nào. “Ở lại đây lâu thì anh sẽ quen thôi. Anh phải nhìn chỗ này trong chảo lửa tháng Bảy cơ.” Tom chẳng còn hơi sức đâu mà đáp lại. Mười lăm phút sau anh cảm thấy khỏe hơn nhiều. Anh đã được tắm nước lạnh và đang ngồi trên một cái ghế bành mây êm ái ở hiên nhà Dickie với một ly martini trong tay. Theo gợi ý của Marge, anh mặc lại đồ bơi, với áo khoác chùm ra ngoài. Bàn tiệc trên hiên đã được dọn cho ba người trong khi anh đi tắm và Marge đang ở trong bếp, nói chuyện với bà giúp việc bằng tiếng Ý. Tom tự hỏi cô ta có sống ở đây không. Chắc chắn là căn nhà đủ rộng. Nó được trang trí rất thoáng, theo Tom thấy, theo phong cách pha trộn giữa đồ cổ Ý và đồ theo kiểu phóng túng Mỹ rất dễ chịu. Anh đã bắt gặp hai bức tranh Picasso gốc trong hành lang. Marge đi ra hiên và mang theo ly martini của mình. “Nhà tôi ở đằng kia.” Cô chỉ. “Nhìn thấy nó chứ? Nhà màu trắng trông vuông vắn với mái nhà màu đỏ sậm hơn căn ở kế bên.” Nhận ra nó giữa các căn nhà khác là việc làm vô vọng, nhưng Tom vẫn giả vờ đã thấy. “Cô ở đây lâu chưa?” “Một năm rồi. Suốt mùa đông năm ngoái và đó đúng là một khoảng thời gian kinh khủng. Suốt ba tháng trời, ngày nào cũng mưa trừ một ngày duy nhất!” “Thật sao?” “Ừ.” Marge nhấp ly martini và mãn nguyện nhìn về phía ngôi làng nhỏ của mình. Cô ta cũng đã mặc lại bộ đồ tắm màu cà chua và choàng áo sơ mi kẻ sọc ra ngoài. Tom thấy cô ta trông cũng không xấu và thậm chí còn có một cơ thể đẹp, với ai thích kiểu người có dáng dấp rắn rỏi. Riêng với anh thì không. “Tôi nghe nói Dickie có một con thuyền,” Tom nói. “Đúng rồi, Pipi. Tên đầy đủ là Pipistrello. Có muốn xem nó không?” Cô ta lại chỉ về một thứ không tài nào nhìn rõ được ở cuối cầu cảng nhỏ xíu mà họ nhìn thấy từ góc hiên. Các con thuyền trông đều khá giống nhau, nhưng Marge nói rằng thuyền của Dickie lớn hơn phần lớn các con khác và có hai cột buồm. Dickie ra ngoài và rót cho mình một ly cocktail từ bình rượu trên bàn. Anh ta mặc một chiếc quần bông trắng nhàu nhĩ và áo sơ mi bằng vải lanh màu cam vàng hệt như màu da anh ta. “Xin lỗi vì không có đá. Tôi chưa mua tủ lạnh.” Tom mỉm cười. “Tôi đã mang cho anh một chiếc áo choàng tắm đấy. Mẹ anh nói là anh từng hỏi mua một cái. Mang cả tất nữa.” “Anh biết mẹ tôi à?” “Tôi tình cờ gặp bố anh ngay trước khi rời New York và ông đã mời tôi tới nhà ăn tối.” “À? Thế mẹ tôi thế nào?” “Tối hôm đó bà có vẻ khỏe mạnh. Nhưng tôi thấy bà rất dễ mệt.” Dickie gật đầu. “Tuần này tôi nhận được một bức thư báo rằng bà đã khỏe hơn. Ít nhất thì bây giờ không có khủng hoảng trầm trọng nào, đúng không?” “Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ cách đây vài tuần bố anh đã rất lo lắng.” Tom ngập ngừng. “Ông ấy cũng khá lo vì anh không về nhà.” “Ông Herbert đấy lúc nào chẳng lo lắng về một chuyện gì đó,” Dickie nói. Marge và bà giúp việc mang từ bếp ra một đĩa spaghetti nóng hổi, một bát salad bự và một đĩa bánh mỳ. Dickie và Marge bắt đầu trò chuyện về việc mở rộng của một nhà hàng nào đó gần biển. Người chủ sở hữu đang nới rộng hàng hiên để có thêm chỗ cho mọi người nhảy nhót. Họ thảo luận về nó một cách chi tiết, từ tốn, như những người trong một thị trấn nhỏ hóng hớt mọi thay đổi nhỏ nhặt của hàng xóm. Tom chẳng biết nói gì để góp chuyện được. Anh dành thời gian đánh giá nhẫn của Dickie. Anh thích cả hai cái: một chiếc nhẫn mặt đá chữ nhật màu xanh lục lớn vòng vàng ở ngón giữa của bàn tay phải và ở ngón út bàn tay trái là một chiếc nhẫn khắc huy hiệu, to và lộng lẫy hơn chiếc mà ông Greenleaf đeo. Dickie có bàn tay dài, xương xương, cũng hơi giống tay anh, Tom nghĩ thầm. “À mà cha anh còn dẫn tôi tới tham quan xưởng đóng tàu của Burke-Greenleaf trước khi tôi đi,” Tom nói. “Ông kể với tôi là ông đã thay đổi nó rất nhiều kể từ lần cuối anh đến. Tôi thấy khá ấn tượng.” “Tôi đoán ông cũng mời anh làm việc. Luôn tìm kiếm những thanh niên hứa hẹn.” Dickie xoay dĩa vòng vòng và đút một cuộn mỳ Ý gọn gàng vào miệng. “Chuyện đó thì không.” Tom cảm thấy bữa trưa này không thể tệ hơn nữa. Ông Greenleaf có báo cho Dickie rằng anh sắp tới răn dạy anh ta về những lý do anh ta nên trở về không? Hay Dickie chỉ đang có tâm trạng cáu kỉnh? Chắc chắn Dickie đã thay đổi kể từ lần cuối Tom gặp anh ta. Dickie mang ra một chiếc máy pha cà phê sáng bóng cao tầm sáu mươi phân và cắm nó vào một chỗ trên hiên. Chẳng bao lâu sau họ đã có bốn tách cà phê, một tách được Marge mang vào trong bếp cho người giúp việc. “Anh đang ở khách sạn nào thế?” Marge hỏi Tom. Tom mỉm cười. “Tôi chưa tìm được cái nào. Cô có gợi ý nào không?” “Miramare là tốt nhất đấy. Nó nằm ngay cạnh Giorgio. Còn đúng một khách sạn khác là Giorgio, nhưng…” “Họ bảo Giorgio có pulci trong giường,” Dickie cắt lời. “Đó là bọ chét. Giorgio rẻ lắm,” Marge nói thành thật, “nhưng dịch vụ thì…” “Không có cái đó luôn,” Dickie đế thêm. “Hôm nay anh có vẻ vui nhỉ?” Marge nói với Dickie, hẩy một mẩu pho mát xanh về phía anh ta. “Nếu vậy thì tôi sẽ thử Miramare xem,” Tom nói, đứng dậy. “Tôi phải đi rồi.” Cả hai đều không mời anh ở lại. Dickie tiễn anh ra cửa. Marge ở lại hiên. Tom tự hỏi liệu hai người đó có qua lại với nhau không, giống một chuyện tình kiểu ngày xưa, khi người ta không còn phương án nào tốt đẹp hơn, không nhất thiết phải thể hiện quá lộ liễu ra bên ngoài, bởi vì cả hai đều không mấy hứng thú. Marge mê mẩn Dickie, Tom nghĩ thầm, nhưng anh ta thì không thể thờ ơ với cô ta hơn bà giúp việc người Ý năm mươi tuổi đang ngồi đó. “Một lúc nào đấy tôi rất muốn được xem các bức vẽ của anh,” Tom nói với Dickie. “Được thôi. Tôi đoán chúng tôi sẽ gặp lại anh thôi nếu anh còn ở đây,” và Tom nghĩ anh ta chỉ đế thêm câu đấy vì nhớ ra anh mang cho anh ta áo choàng tắm và tất. “Bữa trưa rất tuyệt. Tạm biệt, Dickie.” “Tạm biệt.” Cánh cửa sắt kêu loảng xoảng. CHƯƠNG 8 T om thuê một phòng ở Miramare. Bốn giờ chiều anh mới lấy được vali ra khỏi bưu điện và anh chỉ còn đủ sức để treo bộ vest đẹp nhất của mình lên trước khi đổ ập xuống giường. Giọng mấy cậu bé người Ý đang tán gẫu dưới cửa sổ vọng lên rõ mồn một như thể chúng đang ở trong phòng cùng anh và tiếng cười khúc khích láo toét của một đứa trong số đó vang lên ngắt quãng giữa những câu nói liến thoắng, khiến Tom đau khổ quằn quại. Anh tưởng tượng cảnh chúng thảo luận về cuộc gặp gỡ thất bại của anh với ngài Greenleaf và đưa ra những phỏng đoán hoài nghi về những gì có thể xảy ra tiếp theo. Anh đang làm gì ở đây thế này? Anh không có bạn bè nào ở đây và cũng không biết ngôn ngữ của họ. Giả như anh bị ốm thì sao? Ai sẽ chăm sóc anh đây? Tom nhỏm dậy, biết rằng anh sắp ốm, cũng biết rõ khi nào anh sẽ ốm, nhưng vẫn cố lết vào phòng tắm. Anh phải tống hết bữa trưa cùng con cá ở Naples ra, anh nghĩ thầm. Anh quay về giường và ngay lập tức chìm vào giấc ngủ. Khi anh tỉnh dậy chệch choạng và mệt lả, thì ngoài trời vẫn sáng và đồng hồ mới trên tay anh chỉ năm giờ ba mươi phút. Anh tới bên cửa sổ và nhìn ra xung quanh, tự động tìm kiếm ngôi nhà lớn có hàng hiên chòi ra ngoài của Dickie giữa những căn nhà hồng và trắng lốm đốm trên mảnh đất chập chùng trước mặt. Anh tìm thấy những lan can màu đỏ quạch vững chắc của hàng hiên. Marge có còn ở đó không? Họ đang tán gẫu về anh à? Anh nghe có tiếng cười vọng lên qua những âm thanh đường phố ồn ào, nó căng thẳng và sang sảng, đậm chất Mỹ như một câu nói ở Mỹ. Trong một thoáng anh nhìn thấy Dickie và Marge khi họ băng qua một khoảng trống giữa các ngôi nhà và đường chính. Họ rẽ vào góc phố và Tom đi ra cửa sổ bên hông để nhìn rõ hơn. Hai người đi vào một con hẻm cạnh khách sạn, ngay dưới cửa sổ phòng anh. Dickie mặc quần dài trắng và áo sơ mi màu gạch nung, còn Marge mặc váy và áo sơ mi. Tom nghĩ chắc cô ta đã về nhà. Hoặc không thì cô ta có quần áo ở nhà Dickie. Dickie nói chuyện với một người Ý trên cầu cảng gỗ nhỏ, đưa chút tiền cho anh ta rồi người này chạm vào vành mũ và tháo thuyền ra khỏi cầu cảng. Tom nhìn Dickie giúp Marge lên thuyền. Cánh buồm trắng bắt đầu được kéo lên. Phía bên trái sau lưng họ, mặt trời vàng cam đang chìm dần xuống mặt nước. Tom có thể nghe tiếng cười của Marge, một tiếng hét bằng tiếng Ý của Dickie về phía cầu cảng. Tom nhận ra anh đang chứng kiến một ngày bình thường của họ - ngủ trưa sau bữa trưa muộn, có thể là vậy, rồi rong chơi trên thuyền buồm của Dickie lúc hoàng hôn. Sau đó ăn khai vị ở một quán cà phê trên bãi biển. Họ đang tận hưởng một ngày hết sức thường nhật, chẳng bận tâm đến sự xuất hiện của anh, như thể anh không tồn tại. Vì sao Dickie lại muốn trở về với những chuyến tàu điện ngầm, taxi, những nhân viên cứng nhắc và công việc văn phòng sáng đi chiều về cơ chứ? Thậm chí một chiếc xe có tài xế riêng và các chuyến nghỉ dưỡng ở Florida và Maine thì có gì hấp dẫn? Còn chẳng vui bằng dong thuyền ra khơi trong bộ cánh cũ mèm và chẳng cần giải trình cho bất kỳ ai về cách anh giết thời gian, có nhà riêng với một bà giúp việc tử tế hẳn sẽ chăm lo mọi mặt đời sống cho anh ta. Và vẫn còn tiền để đi du lịch, nếu muốn. Tom ghen tị với anh ta và thương xót bản thân đến thống khổ. Trong thư, bố của Dickie hẳn đã nói tất cả những gì có thể khiến anh ta phản cảm với anh, Tom nghĩ. Nếu anh chỉ tình cờ ngồi xuống một trong các quán cà phê ngoài bãi biển và vô tình làm quen với Dickie thì mọi chuyện sẽ tốt hơn bao nhiêu cơ chứ! Anh hẳn có thể đã thuyết phục được Dickie về nhà, nếu khởi đầu theo cách ấy, nhưng giờ thì vô dụng thôi. Tom tự rủa mình vì hôm nay đã quá vụng về và thiếu hài hước. Chẳng có gì mà anh tuyệt vọng thèm muốn lại đạt kết quả tốt cả. Anh đã nhận ra điều đó nhiều năm nay rồi. Anh nghĩ mình sẽ tạm nghỉ vài ngày. Dẫu thế nào đi nữa, bước đầu là phải khiến Dickie quý anh. Đó là điều anh mong mỏi hơn bất kỳ điều gì khác trên thế giới này. CHƯƠNG 9 T om để ba ngày trôi đi. Đến tầm trưa ngày thứ tư anh mới xuống bãi biển và thấy Dickie một mình ở đó, vẫn ngồi chỗ Tom đã thấy anh ta lần đầu tiên, trước mặt những tảng đá xám xịt chạy từ đất liền vắt ngang bờ biển. “Sáng tốt lành!” Tom gọi. “Marge đâu rồi?” “Chào. Chắc là cô ấy làm việc muộn một chút. Cô ấy sẽ xuống đây thôi.” “Làm việc à?” “Cô ấy là một nhà văn.” “À.” Dickie hít điếu thuốc lá Ý đang ngậm ở khóe môi. “Anh đã trốn ở đâu vậy? Tôi cứ tưởng anh đi rồi.” “Ốm,” Tom nói một cách hờ hững, ném khăn tắm xuống cát, nhưng không để quá gần khăn của Dickie. “À, bệnh dạ dày khó chịu thường gặp à?” “Chơi vơi giữa sống sót và phòng vệ sinh,” Tom nói, mỉm cười. “Nhưng giờ tôi khỏe rồi.” Thật ra thì mấy ngày trước anh yếu đến mức còn chẳng ra nổi khách sạn, nhưng anh đã bò vòng quanh phòng trên sàn, theo các vệt nắng chiếu qua cửa sổ, để lần tới xuống biển trông anh không còn trắng bệch nữa. Và anh dùng nốt chỗ sức lực nhỏ nhoi còn lại để học một quyển sách hội thoại tiếng Ý mà anh đã mua trong sảnh khách sạn. Tom bước xuống nước, tự tin đi tới tận chỗ nước dâng tới eo rồi mới dừng lại, vẩy nước qua vai. Anh hạ người xuống cho tới khi nước dâng tới cằm, nổi ở đó một lúc rồi chậm rãi đi vào. “Tôi có thể mời anh một ly rượu ở khách sạn trước khi anh về nhà không?” Tom hỏi Dickie. “Và cả Marge nữa, nếu cô ấy đến. Tôi muốn đưa áo choàng tắm và tất cho anh, anh biết đấy.” “À, đúng rồi. Cảm ơn nhiều, tôi cũng muốn làm một ly.” Anh ta tiếp tục đọc tờ báo Ý. Tom duỗi người trên khăn tắm của mình. Anh nghe tiếng đồng hồ của làng điểm một giờ. “Không có vẻ là Marge định xuống rồi,” Dickie nói. “Tôi nghĩ mình sẽ đi với anh luôn.” Tom nhỏm dậy. Họ đi bộ về Miramare, hầu như không nói gì với nhau, chỉ trừ việc Tom mời Dickie ăn trưa cùng và Dickie từ chối vì theo lời anh ta người giúp việc đã chuẩn bị bữa trưa ở nhà. Họ lên phòng của Tom, Dickie mặc thử áo choàng tắm và ướm đôi tất lên bàn chân trần. Cả hai món đều đúng kích cỡ và như Tom đã dự đoán, Dickie hết sức hài lòng với chiếc áo choàng tắm. “Còn đây,” Tom nói, lấy từ ngăn kéo tủ ra một chiếc hộp vuông được bọc giấy cửa hàng thuốc. “Mẹ anh còn gửi cả thuốc nhỏ mũi cho anh nữa.” Dickie mỉm cười. “Tôi không cần đến nó nữa. Do bệnh xoang. Nhưng tôi vẫn sẽ cầm chúng hộ anh.” Giờ thì Dickie đã nhận được tất cả, Tom nghĩ thầm, tất cả những gì anh mang đến. Tom biết anh ta vẫn sẽ từ chối lời mời uống rượu của anh. Tom đi theo anh ta ra cửa. “Anh biết đấy, bố anh rất lo lắng việc anh không về nhà. Ông ấy còn nhờ tôi khuyên bảo anh, việc mà tất nhiên là tôi sẽ không làm, nhưng tôi sẽ phải kể lại một điều gì đó cho ông. Tôi đã hứa sẽ viết thư cho ông.” Dickie đặt tay lên tay nắm cửa và quay người lại. “Tôi không biết bố tôi nghĩ tôi đang làm gì ở đây - uống rượu tới chết chắc. Có lẽ mùa đông này tôi sẽ bay về nhà vài ngày, nhưng tôi không có ý định ở lại đó. Ở đây tôi hạnh phúc hơn. Nếu tôi quay lại đó sống, bố tôi sẽ ép tôi làm việc ở Burke-Greenleaf. Tôi không thể vẽ nữa, dù tình cờ là tôi lại thích vẽ, nhưng tôi nghĩ sống thế nào là chuyện của tôi.” “Tôi hiểu. Nhưng ông đã nói sẽ không cố ép anh làm việc trong công ty của mình nếu anh quay về, trừ phi anh muốn làm việc trong bộ phận thiết kế và ông cũng nói anh thích công việc đó.” “À, bố tôi và tôi đã thảo luận về chuyện đó rồi. Dẫu sao vẫn cảm ơn anh, Tom, vì đã chuyển lời cũng như chuyển đồ. Anh thật tốt bụng.” Dickie chìa tay ra. Tom không thể ép mình bắt lấy bàn tay ấy. Đây chính là rìa của sự thất bại theo định nghĩa của ông Greenleaf và thất bại với Dickie. “Tôi nghĩ mình phải kể cho anh một chuyện này nữa,” Tom mỉm cười nói. “Bố anh đã đặc biệt cử tôi tới đây để bảo anh về nhà.” “Ý anh là gì?” Dickie cau mày. “Trả tiền cho anh à?” “Đúng vậy.” Đây là cơ hội cuối cùng của anh, hoặc khơi gợi được sự thích thú của Dickie hoặc đẩy anh ta ra xa hơn, hoặc khiến Dickie phá ra cười hoặc anh ta sẽ bỏ ra ngoài và đóng sập cửa lại đầy ghê tởm. Nhưng nụ cười đang đến, hai khóe miệng dài của anh ta nhếch lên, hệt như Tom vẫn nhớ về nụ cười của Dickie. “Trả tiền cho anh! Ai mà ngờ được! Ông ấy đang dần tuyệt vọng, đúng không?” Dickie đóng cửa lại. “Ông ấy đã tiếp cận tôi trong một quán bar ở New York,” Tom nói. “Tôi đã bảo ông ấy là tôi không thân với anh, nhưng ông ấy quả quyết rằng tôi sẽ giúp được ông nếu tới đây. Tôi đã bảo là tôi sẽ cố gắng.” “Làm sao ông ấy lại biết anh?” “Qua nhà Schriever. Tôi cũng không thân với nhà đó lắm, nhưng thế đấy! Họ nghĩ tôi là bạn cũ của anh và có thể giúp ích cho anh rất nhiều.” Họ phá ra cười. “Tôi không muốn anh nghĩ tôi là người cố lợi dụng bố anh,” Tom nói. “Tôi định sớm tìm một công việc ở châu Âu và cuối cùng tôi sẽ có thể trả lại ông tiền đi lại của tôi. Ông ấy đã mua vé khứ hồi cho tôi.” “Ôi, đừng bận tâm! Nó sẽ được kê vào danh mục chi phí của công ty Burke-Greenleaf. Tôi chỉ có thể hình dung ra cảnh bố tôi tiếp cận anh trong một quán bar! Quán nào thế?” “Raoul. Thật ra là, ông đi theo tôi từ Green Cage.” Tom quan sát khuôn mặt của Dickie tìm dấu hiệu cho thấy anh ta nhận ra Green Cage, một quán bar rất nổi, nhưng chẳng có dấu hiệu quen thuộc nào. Họ uống rượu trong quán bar của khách sạn ở dưới tầng. Họ nâng ly vì ông Herbert Richard Greenleaf. “Tôi vừa nhớ ra hôm nay là Chủ nhật,” Dickie nói. “Marge đã tới nhà thờ. Anh nên tới ăn trưa cùng chúng tôi. Hôm nay chúng tôi có món gà. Anh biết đấy, đó là một truyền thống từ xưa của người Mỹ, ăn gà vào Chủ nhật.” Dickie muốn ghé qua nhà của Marge để xem cô ta còn ở đó không. Từ đường chính họ đi lên vài bậc thang dọc theo một bức tường đá, băng qua một khoảng vườn nhà ai đó, rồi lại leo thêm vài bậc thang nữa. Nhà của Marge chỉ có một tầng và trông khá xập xệ, một bên là khu vườn lộn xộn, hai cái xô và một vòi phun nước vứt chỏng chơ trên lối vào. Đại diện duy nhất của vẻ nữ tính là bộ đồ tắm màu cà chua và một chiếc áo lót treo trên bệ cửa sổ. Qua một cửa sổ đang mở, Tom thoáng thấy một chiếc bàn bừa bãi với chiếc máy đánh chữ đặt bên trên. “Chào!” Cô ta nói khi ra mở cửa. “Chào, Tom! Suốt thời gian qua anh đã ở đâu vậy?” Cô ta định mời họ uống rượu, nhưng phát hiện ra chỉ còn nửa đốt ngón tay rượu gin trong chai Gilbey của mình. “Không quan trọng, chúng ta sẽ về nhà anh,” Dickie nói. Anh ta dạo bước quanh căn phòng khách kiêm phòng ngủ của Marge một cách thoải mái, như thể phân nửa thời gian anh ta sống ở đây. Anh ta cúi nhìn một chậu hoa trồng một cái cây nhỏ xíu nào đó và nhẹ nhàng chạm ngón trỏ vào lá. “Tom có một chuyện hài hước lắm để kể cho em đây,” anh ta nói. “Kể cho cô ấy đi, Tom.” Tom hít một hơi và kể lại. Anh khiến nó trở nên cực kỳ buồn cười và Marge cười như một người mấy năm rồi chẳng có gì vui để cười. “Khi thấy ông đi theo vào Raoul, tôi đã chuẩn bị trèo qua cửa sổ sau quán!” Miệng anh thao thao bất tuyệt, gần như độc lập với não bộ. Trong đầu anh còn đang ước lượng vị thế của mình đã tăng lên bao nhiêu đối với Dickie và Marge. Anh có thể thấy điều đó trên mặt họ. Con đường lên đỉnh đồi tới nhà Dickie cảm giác như chỉ dài bằng phân nửa lúc trước. Mùi gà nướng thơm phức bay ra từ ban công. Dickie pha martini. Tom tắm rồi đến Dickie tắm và anh ra ngoài rót cho mình một cốc rượu, hệt như lần đầu tiên, chỉ có điều giờ đây bầu không khí đã hoàn toàn thay đổi. Dickie ngồi xuống một cái ghế bành bằng mây và vắt hai chân qua tay vịn. “Kể thêm cho tôi đi,” anh ta nói, mỉm cười. “Anh làm kiểu công việc gì? Anh đã nói anh định kiếm việc mà.” “Sao thế? Anh có việc cho tôi à?” “Không thể nói là có.” “À, tôi có thể làm nhiều việc lắm - phục vụ, chăm trẻ, kế toán - không may tôi lại có khiếu với những con số. Bất kể say đến đâu đi nữa thì tôi vẫn biết liệu người phục vụ có đang lừa mình không. Tôi có thể giả mạo chữ ký, lái trực thăng, điều khiển quân xúc xắc, nhại lại hầu hết tất cả mọi người, nấu ăn - và độc diễn trong một hộp đêm nếu người tiêu khiển thường ngày bị ốm. Tôi có nên kể tiếp không?” Tom đổ người về phía trước, dùng tay đếm các tài năng của mình. Anh có thể kể mãi không hết. “Độc diễn là gì?” Dickie hỏi. “À…” Tom bật dậy. “Ví dụ như thế này nhé.” Anh tạo dáng với một tay chống hông, một chân chìa ra. “Đây là phu nhân Assburden đang thử nghiệm tàu điện ngầm của Mỹ. Bà chưa từng đi tàu điện ngầm ở Luân Đôn, nhưng bà muốn mang về một chút trải nghiệm Mỹ.” Tom diễn tả tất cả bằng kịch câm, tìm một đồng xu, phát hiện ra nó không chui lọt vào khe, mua vé, phân vân xem nên đi cầu thang nào xuống, ra vẻ hoảng hốt trước tiếng ồn và chuyến đi dài dằng dặc, rồi lại phân vân không biết làm sao ra khỏi chỗ này - đến đoạn này thì Marge đi ra và Dickie thuật lại với cô rằng đó là một người phụ nữ Anh đang đi tàu điện ngầm, nhưng Marge có vẻ không hiểu và hỏi “Gì cơ?” - rồi anh đi qua một cánh cửa mà theo vẻ mặt co rúm lại vì hãi hùng của bà ta chỉ có thể là cửa phòng vệ sinh nam, vẻ hãi hùng ngày một tăng lên cho tới khi bà ngất xỉu. Tom ngất một cách thanh lịch trên lan can hiên. “Tuyệt vời!” Dickie la lên, vỗ tay. Marge không cười. Cô ta đứng đó trông có phần ngơ ngác. Cả hai đều không thèm giải thích cho cô ta hiểu. Đằng nào thì trông cô ta cũng không có vẻ có khiếu hài hước, Tom nghĩ. Tom hớp một ngụm martini, hết sức hài lòng với bản thân. “Một lúc nào đó tôi sẽ diễn một vở khác cho cô,” anh nói với Marge, nhưng chủ yếu để ám chỉ với Dickie rằng anh vẫn còn thứ để diễn. “Bữa tối sẵn sàng chưa?” Dickie hỏi cô ta. “Anh đói ngấu rồi.” “Em đang chờ món ác-ti-sô trời đánh đó xong. Anh biết cái lỗ đằng trước rồi đấy. Nó khiến mọi thứ chỉ chớm sôi.” Cô ta mỉm cười với Tom. “Dickie rất cổ hủ trong một số chuyện, Tom ạ, nhất là những việc mà anh ấy không phải mó vào ấy. Vẫn chỉ có một cái bếp củi ở đây và anh ấy còn không chịu mua tủ lạnh hay thùng đá nữa chứ.” “Mấy thứ đó là một trong những lý do tôi trốn khỏi Mỹ,” Dickie nói. “Chúng chỉ là đồ thừa ở một đất nước có quá nhiều người giúp việc. Ermelinda sẽ làm gì với bản thân bà ấy nếu chỉ mất nửa tiếng để nấu xong bữa cơm chứ?” Anh ta đứng dậy. “Vào đây, Tom, tôi sẽ cho anh xem vài bức tranh của tôi.” Dickie dẫn đường vào một căn phòng rộng mà Tom đã nhìn qua hai lần trên đường đi tắm. Trong phòng có một cái tràng kỷ dài dưới hai khung cửa sổ và một cái giá vẽ lớn ở chính giữa nhà. “Đây là một trong những bức vẽ Marge tôi đang làm dở dang.” Anh ta ra dấu về bức tranh trên giá? “À,” Tom nói với vẻ hứng thú. Nó chẳng đẹp đẽ gì theo ý anh, mà có lẽ ai cũng nghĩ vậy thôi, vẻ hào hứng điên cuồng trong nụ cười của cô ta có phần hơi lệch lạc. Da đỏ như da người Anh-điêng. Nếu không phải Marge là cô gái duy nhất quanh đây tóc vàng thì anh hẳn đã chẳng nhận ra được bất kỳ sự tương đồng nào. “Và đây - rất nhiều tranh phong cảnh,” Dickie nói với nụ cười có vẻ chê trách, rõ ràng là anh ta muốn Tom nói gì đó khen ngợi, vì anh ta rất tự hào về chúng. Tất cả đều lộn xộn, hấp tấp và giống nhau đến mức đơn điệu. Hầu như bức nào cũng có sự kết hợp của màu đỏ gạch và xanh dương đậm, mái nhà và núi màu đỏ gạch, biến màu xanh dương sậm. Đó cũng là sắc xanh anh ta tô lên mắt của Marge. “Nỗ lực siêu thực của tôi đấy,” Dickie nói, đặt một bức tranh khác lên đầu gối. Tom nhăn mặt, tự thấy xấu hổ thay. Lại là Marge, không nghi ngờ gì, dù ở đây cô ta mang mái tóc dài như rắn và tệ nhất là hai đường chân trời trong mắt cô ta, một bên thì chứa cảnh những ngôi nhà và đồi núi thu nhỏ của Mongibello, bên còn lại thì chứa bãi biển đầy những hình người màu đỏ nhỏ xíu. “Tôi thích bức tranh đó đấy,” Tom nói. Ông Greenleaf nói đúng. Vậy nhưng Tom đoán nó khiến Dickie có việc để làm, giúp anh ta tránh xa rắc rối, cũng giống như cái cách nó trao cho cả nghìn họa sĩ nghiệp dư tệ hại khắp nước Mỹ việc để làm. Anh chỉ thấy tiếc vì Dickie cũng rơi vào nhóm đó, bởi vì anh hy vọng anh ta giỏi giang hơn thế. “Tôi sẽ không bao giờ khiến cả thế giới phát điên lên với tư cách một họa sĩ,” Dickie nói, “nhưng tôi tìm được rất nhiều niềm vui từ nó.” “Vậy à.” Tom muốn quên sạch các bức tranh lẫn chuyện Dickie vẽ. “Tôi có thể tham quan ngôi nhà được không?” “Đương nhiên! Anh chưa thấy phòng khách nhỉ?” Dickie mở một cánh cửa trong hành lang dẫn vào một căn phòng rất rộng rãi có lò sưởi, ghế sô-pha, giá sách và ba lối ra - một ra hiên, một ra mảnh đất ở cạnh nhà và một tới vườn trước. Dickie nói rằng vào mùa hè anh ta không dùng căn phòng này, bởi vì anh ta thích để dành nó như một sự thay đổi quan cảnh trong mùa đông. Nó giống hang ổ của mọt sách hơn là phòng khách, Tom nghĩ. Nó làm anh ngạc nhiên. Anh đã coi Dickie là một thanh niên không thông minh lắm và hẳn là dành phần lớn thời gian chơi bời. Có thể anh đã sai. Nhưng anh không nghĩ mình sai khi cho rằng hiện giờ Dickie đang thấy nhàm chán và cần một người chỉ cho anh ta cách vui vẻ. “Trên gác có gì?” Tom hỏi. Trên gác thật đáng thất vọng. Phòng ngủ của Dickie trong một góc nhà phía trên hiên trống trải và trơ trọi - giường, tủ kéo, ghế bập bênh trông lạc lõng và lẻ loi trong không gian rộng rãi - giường cũng hẹp, chẳng rộng hơn một cái giường đơn là bao. Ba căn phòng còn lại trên tầng hai còn chẳng được bày biện đồ đạc gì, hoặc có thể là chưa bày xong. Một căn phòng trong đó chỉ có củi và một chồng khung tranh bỏ đi. Chắc chắn là không có dấu vết của Marge ở bất kỳ đâu, chứ chưa nói đến trong phòng ngủ của Dickie. “Lúc nào đó hãy đến Naples với tôi nhé?” Tom hỏi. “Tôi đã không có cơ hội ngắm nhìn nó nhiều trên đường tới đây.” “Được thôi,” Dickie nói. “Marge và tôi sẽ tới đó chiều thứ Bảy. Tối thứ Bảy nào chúng tôi cũng ăn tối ở đó và tự thưởng cho mình một chuyến taxi hoặc carrozza* quay lại. Đi cùng đi.” “Ý tôi là vào ban ngày hoặc một ngày trong tuần để tôi có thể tham quan kĩ hơn,” Tom nói, hy vọng tránh đưa Marge đi du ngoạn cùng. “Hay là anh vẽ cả ngày à?” “Không. Mỗi thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu đều có một chuyến buýt lúc mười hai giờ. Tôi nghĩ chúng ta có thể đi ngay ngày mai, nếu anh thấy thích.” “Cũng được,” Tom nói, dù anh vẫn không dám chắc việc Marge sẽ không đòi đi cùng. “Marge theo Công giáo à?” Anh hỏi khi họ xuống cầu thang. “Hết sức sùng kính! Cô ấy đã cải đạo vì một gã người Ý mà cô ấy chết mê chết mệt cách đây sáu tháng. Hắn ta dẻo mỏ thật! Hắn ta ở đây vài tháng, nghỉ ngơi sau một tai nạn trượt tuyết. Marge tự an ủi bản thân vì để mất Eduardo bằng cách theo đạo của hắn ta.” “Tôi cứ tưởng cô ấy yêu anh cơ.” “Tôi á? Đừng ngớ ngẩn thế!” Bữa ăn đã sẵn sàng khi họ ra đến ngoài hiên. Thậm chí còn có cả bánh quy nóng ăn cùng bơ, do Marge làm. “Anh có biết Vic Simmons ở New York không?” Tom hỏi Dickie. Vic có cả một hội nghệ sĩ, nhà văn và vũ công ở New York, nhưng Dickie không biết nhân vật này. Tom hỏi anh ta về hai, ba người nữa, cũng không quen thuộc. Tom hy vọng Marge sẽ ra về sau khi uống cà phê, nhưng không. Khi cô ta tạm rời khỏi hiên, Tom hỏi, “Tôi có thể mời anh ăn tối ở khách sạn của tôi tối nay không?” “Cảm ơn. Mấy giờ nhỉ?” “Bảy rưỡi nhé? Để chúng ta còn dư thời gian uống cocktail? - Sau cùng thì đó cũng là tiền của bố anh mà,” Tom mỉm cười nói thêm. Dickie phá ra cười. “Được thôi, cocktail và một chai rượu vang hảo hạng. Marge!” Marge đang quay lại. “Chúng ta sẽ ăn tối ở Miramare, lời chúc mừng của Bố Greenleaf!” Vậy là Marge cũng đi theo và Tom chẳng thể làm gì được. Sau cùng thì đó là tiền của bố Dickie. Bữa tối hôm đó khá dễ chịu, nhưng sự hiện diện của Marge ngăn Tom nói về bất kỳ việc gì anh muốn và anh thậm chí còn chẳng buồn tỏ ra dí dỏm như vốn có của mình khi có mặt của Marge. Marge quen vài người trong phòng ăn, sau bữa tối, cô ta cáo lỗi và mang cà phê sang một bàn khác ngồi. “Anh sẽ ở đây bao lâu?” Dickie hỏi. “À, ít nhất một tuần, tôi áng vậy,” Tom đáp. “Bởi vì…” Gò má Dickie hơi hồng lên. Chai rượu vang khiến anh ta vui vẻ hẳn. “Nếu anh ở lại đây một thời gian nữa thì sao không ở với tôi? Ở khách sạn chẳng để làm gì, trừ phi anh thật sự thích nó hơn.” “Cảm ơn anh rất nhiều,” Tom nói. “Có một chiếc giường trong căn phòng người giúp việc mà anh chưa vào. Bà Ermelinda không ngủ qua đêm. Tôi chắc chắn chúng ta có thể xoay xở được với chỗ đồ đạc rải rác trong nhà, nếu anh muốn.” “Tôi chắc chắn là mình muốn vậy chứ. Tiện đây, bố anh cho tôi sáu trăm đô la tiêu xài và tôi vẫn còn khoảng năm trăm đô. Tôi nghĩ hai ta nên tìm chút niềm vui với số tiền đó, anh thấy sao?” “Năm trăm đô!” Dickie nói, như thể chưa từng thấy cả cục tiền như vậy trong đời. “Chúng ta có thể mua một con xe nhỏ với số tiền đó đấy!” Tom không tán thành ý tưởng mua xe. Nó không có gì vui vẻ, theo ý anh. Anh muốn bay tới Paris. Anh thấy Marge đang trở lại. Sáng hôm sau anh chuyển vào. Dickie và Ermelinda đã kê một cái tủ đứng và vài cái ghế trong một căn phòng trên gác, anh ta còn treo vài bản sao bức tranh khảm của nhà thờ St. Mark lên tường. Tom giúp Dickie mang chiếc giường sắt hẹp từ phòng người giúp việc lên gác. Họ làm xong trước mười hai giờ, hơi lâng lâng vì chai rượu vang trắng đã uống lúc làm việc. “Chúng ta vẫn tới Naples chứ?” Tom hỏi. “Chắc chắn rồi.” Dickie xem đồng hồ. “Mới mười hai giờ kém mười lăm. Chúng ta vẫn kịp chuyến xe buýt lúc mười hai giờ đấy.” Họ chẳng mang gì theo ngoài áo khoác và quyển séc du lịch của Tom. Xe buýt đang tiến đến đúng lúc họ tới bưu điện. Tom và Dickie đứng cạnh cửa, chờ mọi người xuống xe; rồi Dickie nhảy lên, xô thẳng vào một chàng trai có mái tóc đỏ và mặc cái áo thể thao nổi bần bật, một người Mỹ. “Dickie!” “Freddie!” Dickie hét lên. “Anh đang làm gì ở đây!” “Tới gặp anh chứ gì nữa! Và gặp cả nhà Cecchi nữa. Họ sẽ cho tôi ở nhờ mấy hôm.” “Ch’elegante! Tôi sẽ tới Naples với một anh bạn. Tom?” Dickie gọi Tom lại gần và giới thiệu hai người. Tên của anh chàng người Mỹ là Freddie Miles. Tom nghĩ anh ta thật gớm ghiếc. Anh vốn ghét màu tóc đỏ, đặc biệt là kiểu tóc đỏ màu cà rốt với nước da trắng bệch đầy tàn nhang này của anh ta. Freddie có đôi mắt màu nâu đỏ to, nó có vẻ cứ lúc lắc trong đầu anh ta như thể bị lác, hoặc có thể anh ta chỉ là kiểu người không chịu nhìn người mình nói chuyện cùng. Anh ta cũng thừa cân nữa. Tom tránh xa anh ta, chờ Dickie nói chuyện xong. Anh nhận thấy họ đang làm xe buýt bị trễ. Dickie và Freddie vẫn đang tán gẫu về việc trượt tuyết, hẹn nhau một dịp nào đó tháng Mười hai ở một thị trấn mà Tom chưa từng nghe đến. “Đến mùng hai sẽ có khoảng mười lăm người bọn tôi ở Cortina,” Freddie nói. “Một bữa tiệc rộn ràng thật sự như năm ngoái vậy! Ba tuần, nếu chúng ta đủ tiền!” “Nếu chúng ta đủ sức!” Dickie nói. “Gặp lại anh tối nay nhé, Fred!” Tom lên xe buýt ngay sau Dickie. Không còn ghế ngồi và họ bị nhồi giữa một chàng trai gầy gò, đầy mùi mồ hôi và hai phụ nữ nông dân còn hôi hơn. Đúng lúc họ sắp ra khỏi làng thì Dickie nhớ ra Marge vẫn tới ăn trưa như thường lệ, vì hôm qua họ cứ nghĩ việc Tom dọn vào sẽ hủy chuyến đi tới Naples. Dickie hét lên bảo người lái xe dừng lại. Xe buýt dừng gấp với một tiếng phanh kin kít làm tất cả mọi người đang đứng chới với và Dickie thò đầu qua cửa sổ, gọi, “Gino! Gino!” Một thằng nhóc trên đường chạy tới để lấy tờ một trăm lia mà Dickie chìa ra. Anh ta nói gì đó bằng tiếng Ý và thằng nhóc đáp lại, “Tôi đi ngay, thưa ông” rồi lao đi, Dickie cảm ơn lái xe và và xe buýt lại lên đường. “Tôi đã bảo thằng nhóc báo cho Marge rằng tối nay chúng ta sẽ quay lại, nhưng chắc là muộn,” anh ta nói. “Tốt.” Xe buýt thả họ xuống một quảng trường rộng rãi, huyên náo ở Naples và đột nhiên họ bị vây quanh bởi các xe nhỏ bán nho, quả vả, bánh nướng, dưa hấu và bị những thanh thiếu niên cầm bút máy và đồ chơi máy hét vào mặt. Mọi người nhường đường cho Dickie. “Tôi biết một chỗ ăn trưa ngon lắm,” Dickie nói. “Pizza Naples chính hiệu. Anh thích pizza chứ?” “Có chứ.” Cửa tiệm pizza nằm trên một con phố quá hẹp và dốc cho xe ô tô chạy. Các chuỗi hạt cườm treo ngoài cửa, mỗi bàn có một bình rượu vang và cả quán chỉ có đúng sáu cái bàn, đây đúng là nơi bạn có thể ngồi hàng giờ và uống rượu vang mà không bị làm phiền. Họ ngồi đó tới năm giờ, khi Dickie bảo đã tới lúc đến khu phố mua sắm Galleria. Anh ta xin lỗi vì không đưa anh tới viện bảo tàng nghệ thuật, nơi có tranh gốc của da Vincis và El Grecos, nhưng họ có thể tham quan vào lúc khác. Dickie đã dành phần lớn buổi chiều kể về Freddie Miles và Tom thấy nó nhạt nhẽo hệt như khuôn mặt của Freddie vậy. Freddie là con trai của chủ một chuỗi khách sạn người Mỹ và là một nhà soạn kịch - tự xưng, theo Tom đoán, vì anh ta chỉ mới viết đúng hai vở và cả hai đều chưa được trình diễn ở Broadway. Freddie có một căn nhà ở Cagnessur-Mer và Dickie đã ở cùng anh ta vài tuần trước khi tới Ý. “Đây là điều tôi thích,” Dickie nói một cách hòa ái ở Galleria, “ngồi ở bàn và ngắm dòng người qua lại. Nó có tác động tới cách anh nhìn cuộc sống. Người Anglo-Saxon đã phạm phải một sai lầm lớn khi không ngắm nhìn dòng người từ một chiếc bàn trên vỉa hè.” Tom gật đầu. Anh đã từng nghe tới chuyện đó. Anh đang chờ một câu nói uyên thâm nữa từ Dickie. Dickie đẹp trai. Trông anh ta khá đặc biệt với khuôn mặt dài, góc cạnh, đôi mắt thông minh, lanh lợi, vẻ kiêu hãnh trong dáng điệu, bất kể anh ta đang mặc cái gì trên người. Anh ta đang đi một đôi sandal xộc xệch và mặc chiếc quần trắng khá ố vàng, nhưng vẫn ngồi đó như thể sở hữu Galleria, nói tiếng Ý với người phục vụ khi người đó mang ly espresso của họ ra. “Xin chào!” Anh ta chào một cậu bé Ý đi ngang qua. “Xin chào, Dickie!” “Cậu ta đổi séc du lịch của Marge vào mỗi thứ Bảy,” Dickie giải