🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Quốc Gia Thăng Trầm - Ruchir Sharma
Ebooks
Nhóm Zalo
RUCHIR SHARMA
Tường Linh dịch
—★—
• THE RISE AND FALL OF NATIONS • QUỐC GIA
THĂNG TRẦM
LÝ GIẢI VẬN MỆNH CỦA CÁC NỀN KINH TẾ
PHƯƠNG NAM BOOKS & NXB THẾ GIỚI ebook©vctvegroup | 20-07-2021
Về tác giả
Ruchir Sharma là một trong những lãnh đạo cao cấp nhất tại Quỹ Quản lý Đầu tư Morgan Stanley, với hơn 20 tỷ đô-la tài sản thuộc quyền quản lý. Ông đi nhiều, dành ra một tuần mỗi tháng tại một quốc gia để gặp gỡ giới chính trị, CEO hàng đầu và các nhân vật địa phương khác.
Sharma đã là một cây viết thậm chí từ trước khi là một nhà đầu tư. Ông là cộng tác viên thường xuyên cho các trang quan điểm của Wall Street Journal, Financial Times và Times of India. Các tiểu luận của ông đã được đăng trên tạp chí Foreign Affairs, Time, New York Times, Foreign Policy, Forbes và Bloomberg View. Trong thập kỷ qua, ông đã dành nhiều thời gian làm cộng tác viên biên tập với Newsweek, nơi ông phụ trách một chuyên mục thường xuyên mang tên “Nhà đầu tư toàn cầu (Global Investor)”. Cuốn sách đầu tay của ông, Các quốc gia đột phá: Tìm kiếm phép mầu kinh tế tiếp theo (Breakout Nations: In Pursuit of the Next Economic Miracles) đã ra mắt và trở thành sách bán chạy số một ở Ấn Độ, sách bán chạy trên Wall Street Journal và được Foreign Policy bình chọn là một trong 21 cuốn sách phải đọc trong năm 2012.
Bloomberg nêu danh Sharma như một trong 50 người có ảnh hưởng nhất thế giới vào tháng 10-2015. Năm 2012, ông được Foreign Policy chọn là một trong các Nhà tư tưởng Hàng đầu Toàn cầu, và vào tháng 6-2013, tuần san Outlook hàng đầu của Ấn Độ đã
vinh danh ông là một trong 25 Người Ấn Độ Thông minh nhất Thế giới.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos đã chọn Sharma là một trong những Nhà lãnh đạo trẻ hàng đầu của thế giới vào 2007. Là một vận động viên chạy bộ đầy nhiệt huyết, ông thường xuyên tập luyện với cựu huấn luyện viên Olympic của mình và tranh tài trong các cuộc chạy nước rút.
Lời nói đầu
Vào chốn hoang dã
Suốt 25 năm qua, năm nào tôi cũng tham gia vào đoàn đi săn đến Ấn Độ hoặc châu Phi. Trong một lần đến châu Phi, tôi được nghe câu chuyện về một vị vua đã cho con trai ông vào rừng để tìm hiểu nhịp điệu của rừng già. Lần đầu xuất hành, giữa inh ỏi âm thanh của côn trùng và chim chóc, chàng hoàng tử trẻ chỉ nghe được tiếng gầm của sư tử và tiếng rống của voi. Chàng trở lại rừng nhiều lần và bắt đầu nhận biết những âm thanh khó nhận biết hơn, cho đến khi chàng nghe được cả tiếng sột soạt của một con rắn và tiếng lũ bướm đập cánh. Vua cha lệnh cho chàng hãy tiếp tục vào rừng cho đến khi cảm nhận được hiểm họa trong thinh lặng và ước vọng trong ánh bình minh. Để xứng vai một bậc trị vì, vị hoàng tử phải nghe được cả những gì chẳng phát ra tiếng.
Nhịp điệu của rừng xanh đã chẳng còn ở New York, nơi tôi sống, nhưng câu chuyện xa xưa của xứ Phi châu này lại rất phù hợp với một thế giới đã tái định hình bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Cuộc khủng hoảng này đã làm đảo lộn cả thế giới, làm gián đoạn các dòng mậu dịch lẫn tiền tệ, châm ngòi cho những cuộc động loạn chính trị, làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu và khiến thật khó để nhận ra ra quốc gia nào sẽ lớn mạnh và quốc gia nào sẽ suy vong trong một bối cảnh đã chuyển biến. Cuốn sách này nhằm gạn lọc những thông tin cường điệu và rối nhiễu để chọn ra những tín
hiệu rõ ràng nhất hầu tiên đoán sự trỗi dậy hoặc suy tàn của các quốc gia. Cuốn sách là một nỗ lực để phục hiện cuộc giáo hóa vị hoàng tử, cho những ai quan tâm đến nền kinh tế toàn cầu.
Những người trong giới tài chính toàn cầu thường tự xem họ là loài mèo lớn, những con thú săn mồi đang căng tai lắng nghe tiếng sột soạt trong khu rừng kinh tế. Nhưng ở châu Phi, sự khác biệt giữa họ nhà mèo và những loài khác bị xóa nhòa rất nhanh. Mỗi năm trên đồng bằng Mara – Serengeti ở Kenya và Tanzania, hơn một triệu con linh dương đầu bò nối đuôi nhau đi thành một vòng gần hai ngàn dặm đường mà chúng đã in dấu chân suốt bao thế hệ. Di chuyển trong làn mưa bên cạnh những con ngựa vằn và linh dương gazen, lũ linh dương đầu bò vụng về luôn bị đám sư tử, báo hoa mai và báo săn rình rập.
Cuộc tranh đấu trông có vẻ lộn xộn, nhưng sư tử tương đối chậm, hụt hơi và chụp dính chưa đến một phần năm số lần vồ mồi. Báo săn thì nhanh hơn, nhưng vì chúng nhỏ hơn và thường săn một mình, chúng buộc phải nhường lại nhiều con mồi đã hạ được cho bọn ăn xác thối đi thành bầy. Không quá một phần mười số báo săn sống được qua một tuổi. Sư tử sống lâu hơn một chút, nhưng nhiều con đực sớm bỏ mạng trong những trận giao chiến giành lãnh địa với các con đực khác. Chu trình sinh tử đối với lũ thú ăn thịt cũng tàn khốc không kém gì với con mồi, một thực tế có thể khiến những con sư tử tương lai của nền kinh tế toàn cầu phải chùn chí.
Tôi đã sống trong nỗi sợ về sự tồn vong của chính mình từ khi bước chân vào khu rừng này. Tôi đã khởi sự đầu tư khi còn là một chàng trai ngoài hai mươi vào giữa những năm 1990, khi Mỹ đang
bùng nổ tăng trưởng và các quốc gia mới nổi vẫn còn được xem như chốn hoang dã và lạ lẫm. Những cuộc khủng hoảng tài chính đã quét từ Mexico đến Thái Lan và Nga, gây ra những cuộc suy thoái đau đớn và làm xáo trộn thứ hạng của các nền kinh tế đang lên lẫn những nước dẫn dắt thế giới. Thiệt hại ngoài dự kiến trên các thị trường toàn cầu đã xóa sổ nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có nhiều cố vấn, đồng nghiệp và bạn bè của tôi.
Ngẫm lại, sự suy vong của các nhà lãnh đạo quốc gia (và các nhà đầu tư toàn cầu) đều diễn ra theo một mô thức. Ban đầu họ đi theo một con đường dẫn đến thành công về kinh tế hoặc tài chính, nhưng sau đó các con đường này chuyển hướng và dẫn đến bãi lầy. Điều này đã xảy ra trong các cuộc khủng hoảng ở những nền kinh tế mới nổi vào những năm 1990, trong cuộc phá sản dot-com 2000 – 2001, và một lần nữa vào năm 2008. Lần nào cũng thế, người ta cứ mải làm những việc họ vẫn làm những khi tốt đẹp, rồi bị nuốt chửng khi địa chấn bắt đầu xảy ra ngay dưới chân họ.
Chu kỳ phấn khích và thất vọng của thị trường thường làm nẩy ra sáo ngữ “hành vi bầy đàn”, nhưng ngay cả trong rừng, cuộc sống cũng đã phức tạp hơn khuôn mẫu ấy rồi. Một kiểu “trí tuệ bầy đàn” nhất định dẫn dắt lũ linh dương đầu bò, đảm bảo sự sinh tồn của quần thể ngay cả khi điều đó đồng nghĩa nhiều cá thể phải bỏ mạng sớm. Cuộc thiên di theo chu kỳ của linh dương đầu bò đã bị giễu nhại bằng câu cách ngôn xưa “cỏ bên kia đồi lúc nào cũng xanh hơn”, nhưng đàn thú thực ra đã đúng về việc nơi nào cỏ xanh hơn. Chúng đi theo những cơn mưa, vào đất Kenya ở phía Bắc trong mùa xuân, trở lại Tanzania ở miền Nam vào mùa thu.
Hiểm họa chí tử xảy đến hai lần mỗi năm vào lúc đàn thú phải vượt dòng Mara, để băng qua sông trong cuộc hành trình cả về phía Bắc lẫn phía Nam. Thông thường, để tránh thú dữ, đàn thú dựa vào hệ thống cảnh báo lâu đời – tiếng hét của khỉ đầu chó, và tiếng kêu gắt giọng của lũ chim hét cao cẳng trong rừng. Nhưng hệ thống này không hoạt động được trên bờ sông Mara, nơi đàn linh dương đầu bò quần tụ đến hàng vạn con, với hiểm họa ngay trước mắt: lũ cá sấu nổi lềnh bềnh, dòng sông cuồn cuộn nước mưa và bọn sư tử mai phục bên kia bờ.
Cắm đầu xuống đất, lũ linh dương đầu bò dường như cùng đồng thanh cất giọng với tiếng rống đặc trưng, chẳng khác gì các nhà phân tích ở Phố Wall trong một cuộc họp qua điện thoại, đang hội ý cho động thái kế tiếp. Đàn thú chờ một thành viên hành động. Nếu con vật này dấn một bước và lùi lại, nỗi sợ hãi sẽ làm tê liệt đám đông, nhưng ký ức của chúng chóng phai. Trong vòng vài phút một con khác lại thử sức, và nếu nó lao xuống nước, cả đàn sẽ lao theo – nhiều con rơi vào hàm cá sấu đang chực chờ và dòng nước chết người. Theo ước tính, khoảng 10% tổng số linh dương đầu bò bỏ xác mỗi năm, phần lớn trong lúc vượt sông.
Những người làm việc trong các thị trường toàn cầu từ New York đến Hong Kong có thể bị hút vào một nếp văn hóa đã được lập trình, như linh dương đầu bò, khiến họ không ngừng chuyển động. Mỗi ngày báo cáo nghiên cứu đổ dồn về các thủ đô tài chính này, thúc giục đám đông đuổi bắt cú lớn kế tiếp hoặc tháo chạy khỏi đợt điều chỉnh lớn tiếp theo. Sự thôi thúc hành động tạo nên một lực đồng tâm mới vào mỗi mùa hoặc mỗi quý, một xung lực chỉ có tăng thêm
kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hãy xem năm 2015. Trong quý đầu, người ta chỉ bàn đến việc mua vào hoặc bán ra trước cơn trỗi dậy của thị trường chứng khoán Trung Quốc, mà khi ấy dường như chỉ có diễn biến một chiều. Quý hai chỉ tập trung vào việc liệu Hy Lạp có kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống, và trong suốt quý ba, cơn hoảng loạn tài chính ở Trung Quốc chiếm lĩnh các cuộc trao đổi. Các báo cáo đôi khi đúng, và đôi khi sai, nhưng luôn luôn tiến về phía trước, quên đi những gì đã nói ngày hôm trước và lý do đã nói. Đôi lúc câu chuyện thay đổi mà dường như chẳng có nhịp điệu hay lý do gì cả.
Phố Wall có một câu nói lâu năm được ưa chuộng rằng chỉ có kẻ hoang tưởng và kẻ thích nghi nhất mới sống sót. Tôi sẽ diễn đạt khác một chút. Thách thức ở đây là làm thế nào để hướng một kẻ hoang tưởng khôn ngoan vào mục đích sinh tồn. Mỗi cuộc khủng hoảng được đón nhận như một lời hiệu triệu hành động mới, và khủng hoàng càng lớn thì hành động càng quyết liệt. Những năm sau 2008, nỗi sợ hãi những khoản thua lỗ lớn thêm nữa vẫn còn ám ảnh đến mức những tay chơi gạo cội nhất của Phố Wall hầu như giám sát lợi nhuận hằng tháng thay vì hằng năm, điều gây ra áp lực buộc giới quản lý tiền phải giao dịch liên tục, với hy vọng tránh được dù chỉ là một tháng tệ hại duy nhất. Chuyện này diễn ra bất chấp bằng chứng cho thấy lợi nhuận giờ đây thường đổ vào các nhà đầu tư giao dịch ít hơn, minh chứng cho câu đùa tếu “lười một chút mới tốt”.
Mùa hè 2014, sau nhiều chuyến đi săn, lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến một con họ mèo lớn bắt mồi ở Tanzania. Một buổi chiều
tà, tôi và các bạn hữu chợt bắt gặp một con báo săn đang thở hổn hển sau hai lần săn hụt trong ngày, theo lời kể từ hướng dẫn viên của chúng tôi. Suốt hai giờ tiếp đó, con báo mai phục ở nơi trú ẩn để lấy hơi; trong ánh tà dương dần phai, ngọn gió đổi chiều đã khiến mùi của nó không bay về phía một con linh dương đực đơn độc. Khi điều kiện chín muồi, con báo bắt đầu di chuyển, trườn chậm chạp, từng chút, thấp và khuất dạng trong lớp cỏ lùn trên thảo nguyên cho đến khi còn cách mục tiêu chưa đến năm mươi bộ. Khi ấy nó chợt tăng tốc lên đến sáu mươi dặm một giờ và – bằng một cú lao mình hình chữ chi trong tích tắc – vồ lấy con linh dương.
Ấn tượng hơn cả pha bùng nổ tốc độ chính là sự tĩnh lặng trước đó. Bọn mèo lớn được lập trình để sinh tồn bằng cách bảo tồn năng lượng, không phí sức vào việc di chuyển liên tục. Cảnh tượng thường thấy nhất ở sư tử chính là hình ảnh nó nằm chợp mắt; người ta cho rằng chúng ngủ 18-20 giờ mỗi ngày. Khi săn mồi thành công, họ nhà mèo cố gắng không tiêu hao nhiều sức lực vào việc tranh giành bữa ăn. Và chúng không hoảng sợ trước những xáo trộn của chu kỳ thời tiết. Trong những cơn mưa chiều dữ dội quét qua đồng bằng Masai Mara ở Kenya, tôi đã chứng kiến lũ thú hoang đứng yên vị và bất động như trời trồng – bọn thú săn mồi cách con mồi ngay trong tầm tấn công – cho đến khi cơn mưa chấm dứt. Bản năng của chúng dường như hiểu rằng mưa gió chỉ là một nhịp điệu bình thường trong ngày và nỗi sợ sẽ chỉ gây ra thêm hoảng loạn.
Rừng rậm là nơi ngụ cư của nhiều kẻ sống sót dạn dày, và không phải tất cả đều thuộc họ nhà mèo. Lối phòng vệ tốt nhất lại
thuộc về đám ăn cỏ vụng về, lũ voi và tê giác. Ngay cả một đàn sư tử cũng hiếm khi đọ với một con voi bảy tấn có cặp ngà dài sáu bộ. Bọn gián điệp tinh nhất có lẽ là linh dương đầu bò, với mạng lưới khỉ đầu chó và chim chóc của chúng. Những tay thợ săn cừ nhất có thể là linh cẩu mà, dù thường được mô tả là bọn ăn trộm xác thối, chính là một trong những loài thú săn mồi cỡ lớn thành công nhất. Khác với họ nhà mèo, linh cẩu có sức chịu đựng, có thể đuổi bắt hầu như bất kỳ động vật nào, và không chỉ nhắm đến con mồi già nua và ốm yếu. Đi theo bầy lên đến sáu mươi con, linh cẩu không sợ con mồi nào. Ở đồng bằng Serengeti, có lần tôi thấy một đàn sư tử đã phải nhường con mồi đã hạ được cho một bầy hai mươi con linh cẩu gan lì.
Từ lúc bước vào nghề, kinh nghiệm đau thương đã dạy tôi rằng bất cứ ai muốn thọ lâu hơn những chu kỳ năm năm về chính trị và kinh tế, không ngừng vùi dập nền kinh tế toàn cầu đều phải thấm nhuần một vài quy luật của rừng xanh. Chớ tiêu hao năng lượng với những số liệu lập lòe hằng ngày hoặc hằng quý. Hãy thích ứng với hoàn cảnh đang chuyển biến thay vì để cho bản ngã cản trở một cuộc triệt thoái chiến lược. Tập trung vào các xu hướng lớn, và theo dõi những ngã rẽ. Hãy xây dựng một hệ thống phát hiện những dấu hiệu chuyển biến quan trọng, ngay cả khi mọi người quanh ta đều đang tận hưởng xu thế hiện thời. Hơn 25 năm qua, tôi đã dành rất nhiều thời gian để thực nghiệm, cố gắng tạo dựng một hệ quy luật nhằm phát hiện những biến động trong tình hình kinh tế.
Những yếu tố để sinh tồn trong tự nhiên và ở Phố Wall cũng áp dụng cho sự sinh tồn của các quốc gia trong nền kinh tế thế giới.
Không có một hình mẫu độc nhất nào. Mọi quốc gia điều có cùng nguy cơ bị tổn hại bởi các chu kỳ bùng nổ và suy thoái, đều triệt tiêu hầu hết các đợt tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và cuối cùng biến những con báo săn phóng vùn vụt thành những con mèo kiệt sức. Làn sóng khủng hoảng sau cuộc suy thoái toàn cầu 2008 đã làm tê liệt nhiều nền kinh tế, cả yếu lẫn mạnh, cả đã phát triển lẫn đang phát triển. Noi theo các mô thức phát triển kinh tế lâu năm, các ngôi sao mới của kỷ nguyên mới lại nổi lên từ các quốc gia từng bị xem nhẹ như bọn ăn xác thối hay lũ ăn cỏ chậm chân, mà ngay cả sự trỗi dậy ban đầu của họ cũng chẳng được mấy ai nhắc tới. Bất cứ ai nỗ lực tìm hiểu những bước thăng trầm của các quốc gia đều phải nghiền ngẫm thực tế rằng nền kinh tế toàn cầu là một khu rừng náo nhiệt; những cuộc bùng nổ tăng trưởng, sa sút và phản kháng đều nằm trong nhịp điệu thường tình của nó. Những gì tôi viết sau đây là nhằm giúp ta xác định mười dấu hiệu nhận diện những chuyển động hệ trọng, đưa tình hình đi đến chỗ tốt đẹp hơn hoặc tệ hại hơn, gồm cả những chuyển động chẳng hề phát ra tiếng.
Dẫn nhập
Lẽ vô thường
Trong những năm Tiền khủng hoảng* – trước cuộc khủng hoảng 2008, thế giới tận hưởng đợt bùng nổ kinh tế chưa từng có trải từ Chicago đến Trùng Khánh. Mặc dù đợt bùng nổ này diễn ra chỉ vẻn vẹn bốn năm với một nền tảng mỏng manh, nhiều nhà quan sát xem đó là sự khởi đầu của một thời kỳ toàn cầu hóa vàng son. Dòng tiền, hàng và nhân lực sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ kỷ lục, làm gia tăng và lan tỏa sự thịnh vượng. Nhiều quốc gia nghèo sẽ đứng vào hàng ngũ các nước giàu. Sẽ có thêm nhiều công dân của họ thoát nghèo và có cuộc sống sung túc, thu hẹp khoảng cách giữa 1% và số còn lại. Với sức mạnh mới được phát hiện của chính mình, giới trung lưu đang trỗi dậy của toàn cầu sẽ gây áp lực lên các chế độ độc tài để nới lỏng ách kiểm soát, tổ chức những cuộc bầu cử đích thực và mở ra các cơ hội mới. Sự thịnh vượng đang trỗi dậy sẽ dẫn đến tự do chính trị và dân chủ, và lại mang đến thêm sự thịnh vượng.
Thế rồi đến năm 2008. Những năm Tiền khủng hoảng đã nhường chỗ cho những năm Hậu khủng hoảng*. Đến Hậu khủng hoảng, sự kỳ vọng về một thời vàng son đã nhường chỗ cho một thực tại mới. Sự hô hào về toàn cầu hóa đã nhường bước cho những bàn tán về “giải toàn cầu hóa”. Bức tranh lớn trở nên phức tạp và mâu thuẫn, bởi không phải tất cả mọi dòng chảy trong toàn
cầu hóa đều bị chậm lại hoặc đảo chiều. Dòng chảy thông tin, được đo bằng lượng truy cập Internet, chẳng hạn, vẫn tăng mạnh. Dòng chảy nhân lực, được đo bởi lượng du khách và hành khách hàng không, đang tăng mạnh. Nhưng về tổng thể lượng di dân kinh tế dịch chuyển từ các nước nghèo sang các nước giàu đã giảm, bất chấp cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra vào năm 2015 về người tị nạn Hồi giáo từ Syria và Iraq. Và dòng tiền vốn ảnh hưởng trực tiếp nhất đến sự tăng trưởng kinh tế – dòng vốn giữa các quốc gia và kim ngạch giao thương hàng hóa và dịch vụ – đã giảm mạnh.
Các quốc gia đã quay vào trong, tái thiết lập các rào cản thương mại và tự cách ly với các nước láng giềng. Trong thập niên 2010, lần đầu tiên kể từ thập niên 1980, thương mại toàn cầu đã tăng trưởng chậm hơn so với kinh tế toàn cầu. Các ngân hàng quốc tế lớn đã thu mình lại trong biên giới bản quán của họ, e ngại cho vay ra nước ngoài. Sau khi tăng mạnh trong hơn ba thập kỷ, các dòng vốn đã đạt đến mức đỉnh cao lịch sử 9 ngàn tỷ đô-la và chiếm 16% nền kinh tế toàn cầu trong 2007, sau đó giảm xuống còn 1,2 ngàn tỷ đô-la tức 2% của kinh tế toàn cầu – mức của năm 1980.
Khi tiền cạn kiệt và thương mại suy giảm, sự tăng trưởng kinh tế cũng chịu chung số phận. Các nền kinh tế quốc gia thường hứng chịu suy thoái, nhưng vì luôn có những quốc gia đang tăng trưởng nhanh đâu đó trên thế giới, nền kinh tế toàn cầu hiếm khi suy thoái toàn bộ. Do đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) định nghĩa một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu không theo mức tăng trưởng GDP âm mà theo sự sụt giảm của mức tăng trưởng thu nhập, số việc làm bị mất đi và các yếu tố khác khiến cả thế giới cảm thấy đang bị một cuộc
suy thoái bao vây. Theo IMF, đã có bốn lần như vậy: vào giữa những năm 1970, đầu những năm 1980, đầu những năm 1990 và giai đoạn 2008 – 2009. Trong cả bốn trường hợp, tăng trưởng GDP toàn cầu đều giảm xuống dưới 2%, so với mức tăng trưởng dài hạn 3,5%.* Tăng trưởng toàn cầu cũng giảm xuống dưới 2% vào 2001, khi bong bóng công nghệ Mỹ vỡ. Thế nên, trên thực tế, có thể nói rằng đã có năm cuộc suy thoái trên toàn thế giới kể từ 1970, và chúng đều có một điểm chung. Tất cả đều bắt nguồn từ Mỹ.
Nhưng cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu kế tiếp có khả năng là “sản xuất tại Trung Quốc”, quốc gia mà trong những năm gần đây đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đóng góp lớn nhất vào mức tăng hằng năm của GDP toàn cầu. Năm 2015, do sự trì trệ kinh tế ở Trung Quốc, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng ở mức chỉ 2,5%, và đến cuối năm đã đứng bên bờ vực của một cuộc suy thoái nữa. Sự trì trệ của Trung Quốc đang tác động hết sức mạnh mẽ đến các quốc gia cùng mới nổi khác. Nếu không tính Trung Quốc, các quốc gia mới nổi khác đang tăng trưởng với mức trung bình chỉ trên 2%, tức chậm hơn cả nền kinh tế giàu có hơn nhiều của Mỹ. Thu nhập bình quân của các quốc gia nghèo và trung bình này không còn bắt kịp với nền kinh tế hàng đầu thế giới. Từ Brazil đến Nam Phi, các nền kinh tế mới nổi đang tụt xuống trên bậc thang phát triển. Cảm giác về vận hội mà sự thịnh vượng toàn cầu tạo ra đã biến thành một cuộc tranh giành để tìm một ngách hẹp sinh tồn.
Thế giới đã đổ vỡ. Niềm hy vọng sự thịnh vượng sẽ mang đến tự do và dân chủ đã phai nhòa. Theo Freedom House, kể từ 2006, năm nào số lượng các nước sa sút về các quyền chính trị cũng vượt quá
số các nước đạt được bước tiến. Tính chung, 110 quốc gia, tức hơn một nửa tổng số các nước trên thế giới, đã tổn thất về tự do trong suốt mười năm qua.[1] Con số các nền dân chủ đã không thay đổi đáng kể, nhưng nạn đàn áp lại đang gia tăng ngay cả ở các nước vẫn duy trì sự hiện diện của bầu cử, như Nga chẳng hạn. Chẳng còn mấy nhà quan sát lập luận rằng sự thịnh vượng ở Trung Quốc sẽ dẫn đến dân chủ. Thay vì vậy họ chỉ ra sự trỗi dậy của một hình thức chủ nghĩa toàn trị mới mẻ và ngày càng quyết liệt, mà đi đầu là Nga và Trung Quốc và để lại dấu ấn ở các chế độ bác bỏ dân chủ như một giá trị phổ quát, bênh vực cho các hình thức đàn áp chính trị nhẹ tay hơn rằng đó là biểu hiện của đặc trưng văn hóa dân tộc.
Đòn giáng mạnh vào sự thịnh vượng và không khí chính trị bình lặng trên toàn cầu xảy ra vào khoảng 2010, khi nạn trì trệ kinh tế lan từ Mỹ và châu Âu sang thế giới mới nổi. Trong thập kỷ trước đó, trên thế giới có trung bình khoảng 14 đợt biến động xã hội lớn mỗi năm, nhưng sau năm 2010 con số này đã tăng lên đến 22, mà trong nhiều trường hợp đã được hun đúc bởi cơn thịnh nộ của tầng lớp trung lưu trước sự bất bình đẳng gia tăng và đối với những chế độ già cỗi đã trở nên nhũng nhiễu và tự mãn trong thời kỳ sung túc Tiền khủng hoảng.
Làn sóng lớn đầu tiên của phong trào nổi dậy diễn ra vào Mùa xuân Ả Rập, khi các cuộc biểu tình, được thổi lửa bởi giá lương thực tăng cao, đã dấy lên niềm hy vọng rằng các nền dân chủ mới sẽ bén rễ ở Trung Đông. Những kỳ vọng ấy đã tiêu tan bởi sự trở lại của chế độ độc tài ở Ai Cập và sự bùng nổ nội chiến từ Libya tới Syria. Đến 2011, cuộc nổi dậy đã lan rộng sang các quốc gia mới nổi lớn
hơn. Những cuộc biểu tình này được thúc đẩy bởi sự bất bình về kinh tế kết hợp với sự trì trệ toàn cầu: bởi lạm phát tại Ấn Độ, nạn chính trị thân hữu ở Nga, mức lương và điều kiện làm việc ở Nam Phi. Tình trạng bất ổn này lên đến đỉnh điểm vào mùa hè 2013, khi hàng triệu người tham gia các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố khắp các nền kinh tế ngôi sao đang lu mờ – Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kịch tác gia người Mỹ Arthur Miller từng nhận xét rằng một thời đại đi đến điểm cáo chung “khi những ảo tưởng cốt lõi của nó cạn kiệt”.[2] Ngày nay các ảo tưởng về việc khuếch trương sự thịnh vượng vốn đã định hình thời kỳ Tiền khủng hoảng rốt cục đã tắt lịm. Ảo tưởng tan biến cuối cùng chính là niềm tin rằng cuộc bùng nổ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ kéo dài vô tận, vực dậy các quốc gia từ Nga đến Brazil, từ Venezuela đến Nigeria, vốn lâu nay vươn lên chủ yếu nhờ xuất khẩu hàng nguyên liệu cho Trung Quốc. Nhu cầu không ngừng gia tăng của Trung Quốc ngỡ sẽ làm nên một “siêu chu kỳ” khiến giá hàng nguyên liệu gia tăng và sự thịnh vượng cứ nảy nở từ Moscow tới Lagos. Đến 2011, cốt truyện này bắt đầu trở nên đáng ngờ, khi giá đồng và thép bắt đầu giảm. Ảo tưởng đã hoàn toàn sụp đổ vào cuối năm 2014, khi giá dầu giảm hơn một nửa chỉ trong vòng mấy tháng.
Không gì minh họa sự vô thường của các xu hướng toàn cầu sắc nét bằng số phận của các quốc gia mới nổi được bàn tán rầm rộ nhất vào những năm 2000, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Giới tiếp thị đã gom các nước này thành cụm từ viết tắt BRIC, để diễn tả ý niệm rằng bốn đại cường này sắp sửa thống trị nền kinh tế toàn cầu. Ngày nay, cụm từ này thường đồng nghĩa với tính từ chỉ suy
vong hoặc sụp đổ, bị nhạo thành “ý niệm đầu tư hết sức lố bịch – bloody ridiculous investment concept”, hoặc đảo thành một từ viết tắt mới CRaB* để diễn tả vị thế bẽ bàng của Trung Quốc, Nga và Brazil hiện tại. Trong thời Hậu khủng hoảng, tỷ lệ tăng trưởng GDP hằng năm của Trung Quốc đã giảm từ 14% xuống dưới 5% theo ước tính riêng,[3] Nga từ 7% xuống -2% và Brazil từ 4% xuống -3%. Trong nhóm BRIC ban đầu, chỉ mỗi Ấn Độ có hy vọng tăng trưởng trong những năm 2010 với mức gần bằng như trước đó trong thập niên 2000.
Sự phiền muộn của thời Hậu khủng hoảng đã trầm trọng hơn bởi màu hồng của cuộc bùng nổ tăng trưởng trước đó và bởi quá ít nhà quan sát nhìn thấy cuộc khủng hoảng ập đến. Thế giới đã trông mong vào một thời vàng son bất tận để rồi chuốc lấy những ngày tháng khốn khó. Thế giới đã dự đoán nhu cầu gia tăng ở tầng lớp trung lưu mới nổi để rồi thay vì thế, ở nhiều nước, nhu cầu của một tầng lớp trung lưu đang phẫn nộ lại giảm sút. Trong bối cảnh toàn cầu căng thẳng này, nỗi sợ hãi quen thuộc về lạm phát đã nhường chỗ cho nỗi sợ về giảm phát, tức giá cả sụt giảm, mà trong một số trường hợp thậm chí còn nguy hại hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Những cái tên hấp dẫn của thời Tiền khủng hoảng đã hoàn toàn chẳng còn chút gì tính thời thượng nữa. Khi các dòng tiền khô cạn và đảo chiều, đồng tiền của các quốc gia mới nổi suy yếu đột ngột. Sau khi thu hút dòng vốn dương mỗi năm suốt từ khi có số liệu vào 1978, thế giới mới nổi chứng kiến dòng vốn chảy ngược ra lần đầu tiên năm 2014 và trong cuộc vỡ đập năm 2015, với dòng vốn tháo lui đồ sộ đến hơn 700 tỷ đô-la. Tổn thất đột ngột về nguồn tài chính
khiến cho các quốc gia này càng khó trả nợ nước ngoài hơn. Nhiều quốc gia mới nổi đang tích cực tìm đường thoát nợ giờ đây lại sa tiếp vào nợ nần, trở thành những kẻ đi vay khốn đốn. Ở đỉnh cao của bùng nổ tăng trưởng thời Tiền khủng hoảng, vào 2005, IMF chẳng phải tiến hành một hoạt động cứu hộ nào và đã tính đến chuyện đóng cửa bộ phận cứu trợ tài chính, nhưng năm 2009 họ đã hoạt động rầm rộ trở lại và kể từ đó đã phát động từ 10 đến 15 chương trình trợ giúp mới mỗi năm, từ Hy Lạp đến Jamaica.
Trong thời Hậu khủng hoảng, những hiểm họa của tăng trưởng được thừa nhận rộng rãi hơn. Cuộc bành trướng toàn cầu khởi sự từ 2009 đi vào giai đoạn yếu kém nhất trong lịch sử sau Thế chiến II. Năm 2007, ngay trước khủng hoảng tài chính, cứ 20 nền kinh tế mới nổi thì có một bị chậm lại về tốc độ tăng trưởng. Đến năm 2013, tỷ lệ đó là bốn phần năm, và sự “trì trệ đồng bộ” này đã bước vào năm thứ ba, dài nhất trong thời gian gần đây. Tình trạng này còn lâu hơn cả cuộc trì trệ đồng bộ đã tác động vào thế giới mới nổi sau vụ khủng hoảng đồng peso của Mexico năm 1994, hoặc cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, hay vụ phá sản dot-com năm 2001 hoặc thậm chí cả cuộc khủng hoảng năm 2008.[4] Trong lúc sự trì trệ lan tỏa, cuộc săn tìm những ngôi sao tiếp theo của thế giới mới nổi đã nhường bước cho một thực tế: tăng trưởng kinh tế không phải là một đặc quyền thiên phú. Các vùng trọng yếu trên thế giới, gồm cả đế chế Byzantine và châu Âu trước cuộc cách mạng công nghiệp, đã từng trải qua những giai đoạn dài hàng trăm năm hầu như không tăng trưởng.
Tại Goldman Sachs, các nhà nghiên cứu rà soát lại 150 năm ở các quốc gia từng trải qua những thời kỳ dài tăng trưởng dưới mức trung bình và có thu nhập bình quân thua kém các nước ngang hàng. Họ tìm thấy 90 trường hợp đình lạm như thế kéo dài ít nhất sáu năm, trong đó 26 trường hợp kéo dài hơn mười năm. Những cuộc suy trầm này đã giáng vào nhiều nước, từ Đức vào những 18 năm 1860 và 1870 cho đến Nhật Bản những năm 1990 và Pháp những năm 2000. Cuộc đình lạm lâu nhất kéo dài 23 năm và giáng vào Ấn Độ từ năm 19 , trong khi cuộc lâu thứ hai kéo dài 22 năm tại Nam Phi, bắt đầu hồi 1982. Những cuộc đình lạm này không nổi tiếng bằng và không được nghiên cứu cặn kẽ như các “phép mầu” tăng trưởng của châu Á thời hậu chiến đã diễn ra trong nhiều thập niên và đưa Nhật Bản (trước 1990) cùng một số nước láng giềng vươn lên vị thế nước giàu. Nhưng dù sao các cuộc đình lạm cũng phổ biến không kém các phép mầu và có lẽ còn phổ biến hơn trong thời Hậu khủng hoảng.
Điều hệ trọng cần hiểu là không thể dựa vào chính chu kỳ kinh tế này để dự báo sự hồi phục tại các quốc gia một cách khả đoán và tuyến tính. Khi suy thoái vượt quá một ngưỡng nào đó, một nền kinh tế có thể mất khả năng tự hiệu chỉnh. Ví dụ, một cuộc suy thoái bình thường sẽ làm gia tăng thất nghiệp và suy giảm mức lương, để rốt cục dẫn đến một chu kỳ mới của sự tuyển dụng và hồi phục. Tuy nhiên, nếu cuộc suy thoái này quá dài và sâu, nó có thể hủy hoại kỹ năng của lực lượng lao động, gây ra tình trạng phá sản lan rộng, và tiêu hủy năng lực công nghiệp, dẫn đến một sự suy sụp thậm chí lâu hơn nữa. Thuật ngữ thông dụng để chỉ hiểm họa này là “hiện tượng
trễ”, vốn mô tả một giai đoạn mà sự tăng trưởng chậm hoặc âm dẫn đến một sự tăng trưởng chậm hơn nữa thay vì sự phục hồi. Trong thời Hậu khủng hoảng đầy trì trệ, người ta có nỗi sợ mới là một số nước giờ đây có thể kẹt trong tình trạng này.
Bản chất phù du và chật vật của sự tăng trưởng mạnh mẽ giờ đây đã được nhìn thấy rõ, và nó đặt ra một câu hỏi đơn giản. Làm thế nào, trong một thế giới vô thường, ta có thể dự đoán những quốc gia có nhiều cơ may sẽ tăng tiến hoặc suy vong? Đâu là những dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy vận mệnh của một quốc gia sắp chuyển biến, và làm thế nào nhìn ra những dấu hiệu đó? Để giúp định hướng trong một thế giới thường tình – một môi trường dễ gặp phải sự bùng nổ tăng trưởng, sa sút và phản kháng – cuốn sách này vạch ra mười quy luật để nhận diện liệu một quốc gia đang tăng trưởng, suy thoái hay chỉ đi luẩn quẩn. Các quy luật này hợp thành một hệ thống để nhận diện sự chuyển biến và được áp dụng phù hợp nhất cho các quốc gia mới nổi, một phần do thể chế kinh tế và chính trị ở các quốc gia này chưa vững, khiến các nơi này dễ bị tổn thương trước biến động chính trị và tài chính. Tuy nhiên, như tôi sẽ chỉ ra, nhiều quy luật cũng áp dụng thỏa đáng cho thế giới phát triển. Nhận diện mô thức: nguyên lý của các quy luật
Tất cả quy luật đều dựa trên một vài nguyên lý cơ bản. Nguyên lý đầu tiên là lẽ vô thường. Ở đỉnh điểm của cuộc bùng nổ tăng trưởng vào thập niên 2000, một loạt các lực toàn cầu – nguồn tiền dễ vay từ các ngân hàng phương Tây, giá hàng nguyên liệu tăng mạnh và thương mại toàn cầu nhảy vọt – làm tăng gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. Quy mô của cuộc bùng nổ này là chưa
từng thấy, đến 2007, số nước tăng trưởng kinh tế cao hơn 5% đã đạt đến 100, tức 5 lần mức sau chiến tranh – nhưng các nhà dự báo cho rằng biến cố kỳ dị này là một bước ngoặt. Ngoại suy từ các xu hướng hiện thời, họ tính ra rằng nếu tất cả các nền kinh tế nóng vẫn cứ nóng như thế, thu nhập bình quân của nhiều quốc gia mới nổi sẽ sớm bắt kịp hoặc “hội tụ” với mức của các nước giàu.
Hình thức dự báo đường thẳng này chẳng có gì mới. Trong những năm 1960 Manila được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chọn làm nơi đặt trụ sở chính một phần dựa trên lập luận rằng sự tăng trưởng nhanh chóng ở Philippines đã biến nước này thành tương lai của châu Á. Đến thập niên tiếp theo, dưới chế độ độc tài của Ferdinand Marcos, sự tăng trưởng chững lại, nhưng trụ sở của ADB vẫn nằm mãi ở Manila. Trong những năm 1970, lối diễn dịch ngoại suy tương tự đã khiến một số học giả và các nhà phân tích tình báo Mỹ dự đoán rằng nền kinh tế của Liên Xô rồi sẽ trở nên lớn nhất thế giới. Ấy thế mà nó lại sụp đổ vào cuối những năm 1980. Trước lúc ấy các nhà dự báo đã lại trao thế kỷ tiếp theo vào tay Nhật Bản, nhưng nước này cũng lại trở thành một ngôi sao kinh tế vụt tắt nữa.
Chẳng kinh nghiệm nào trong số đó giúp ngăn được một đợt phấn khích mới vào đầu những năm 2000, về sự trỗi dậy của BRIC, hoặc BRICS (bởi một số người gộp cả Nam Phi (South Africa) vào nhóm này), và siêu chu kỳ hàng nguyên liệu. Khi cơn cuồng đạt đến đỉnh điểm vào khoảng 2010, mô thức lịch sử về giá cả hàng nguyên liệu – rằng giá có xu hướng sốt cao trong một thập niên, sau đó suy giảm trong hai thập niên – lại chuẩn bị được tái khẳng định. Ngày
nay đề tài các quốc gia này sẽ đảm nhiệm vai trò cường quốc kinh tế cấp khu vực dường như chỉ còn là một ký ức nhạt nhòa. Sự nhìn nhận lẽ vô thường của thế giới này sẽ dẫn ta đến nguyên lý thứ hai, đó là không bao giờ dự báo các xu hướng kinh tế quá xa trong tương lai. Các xu hướng toàn cầu hóa đã trồi sụt suốt từ khi Thành Cát Tư Hãn đảm bảo việc giao thương dọc Con đường Tơ lụa hồi thế kỷ 12, và các chu kỳ kinh doanh, công nghệ và chính trị góp phần định hình sự tăng trưởng kinh tế đều ngắn hạn, thường khoảng năm năm. Các nhiệm kỳ tuyển cử cũng vậy, trung bình dài khoảng năm năm, và có thể đưa lên các nhà lãnh đạo có đầu óc cải cách với tiềm năng xốc lại những nền kinh tế trì trệ. Kết quả là, bất kỳ dự báo nào vượt xa hơn một hoặc hai chu kỳ tiếp theo – năm đến tối đa mười năm – hầu như cũng đều phá sản. Điều này cũng khiến cho đề tài gần đây về thời đại của châu Á hoặc thậm chí thế kỷ của châu Phi trở nên vớ vẩn.
Một trong các mục tiêu của sách này là giúp chúng ta tránh bàn về nền kinh tế thế giới trong tương lai vô định, mà dựa vào một mốc thời gian thực tiễn hơn từ 5 đến 10 năm và có khả năng nhận diện những cuộc bùng nổ tăng trưởng, suy sụp và phản kháng kế tiếp. Những dự đoán cho 20 năm hoặc 100 năm sắp tới là bất khả thi do các đối thủ mới về kinh tế có thể trỗi dậy trong vòng 5 năm, như Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 1980, như các nước Đông Âu trong những năm 1990 và nhiều nước châu Phi trong những năm 2000. Trong bất kỳ khoảng thời gian 5 năm nào, một công nghệ mới có thể đột nhiên xuất hiện, như Internet trong những năm 1990 và kỹ thuật sản xuất số như in 3D hiện nay.
Trong thời hậu chiến, thậm chí 28 giai đoạn tăng trưởng lâu nhất ở mức “siêu nhanh” – với GDP bình quân đầu người cao hơn 6% một năm – đã kéo dài trung bình chưa đến một thập niên.[5] Vì vậy, chuỗi này diễn ra càng lâu thì càng sớm kết thúc. Khi một quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, hoặc Ấn Độ có được một thập kỷ tăng trưởng mạnh, các nhà phân tích chớ nên tìm lý do khiến chuỗi tăng trưởng này tiếp diễn mà hãy tìm thời điểm chu kỳ này đảo chiều.
Xu hướng tin rằng giai đoạn tốt đẹp sẽ kéo dài mãi được khuếch đại bởi một hiện tượng gọi là “khởi điểm thiên lệch”. Các cuộc đàm luận có xu hướng nảy nở dựa trên khởi điểm (tức điểm tựa) của câu chuyện. Vào những năm 2000, những người ủng hộ cạnh tranh kinh tế toàn cầu đều tin rằng sự tăng trưởng GDP hằng năm ở mức hai chữ số là bình thường đối với Trung Quốc và rằng tỷ lệ cao hơn 7% là mức chuẩn ở các nền kinh tế mới nổi. Các tỷ lệ siêu cao ấy là chưa từng có nhưng đã trở thành khởi điểm để đàm luận. Năm 2010, quan điểm cho rằng thế giới mới nổi sắp chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng trung bình giảm xuống 4% là quá thấp so với khởi điểm, và dường như phi lý, mặc dù 4% là tỷ lệ tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế mới nổi trong thời hậu Thế chiến II. Nói chung, khởi điểm của dự báo dựa trên dữ liệu xác đáng càng xa trong quá khứ thì khả năng xác định mô thức vững chắc nhất trong lịch sử sẽ càng cao. Các mô thức bùng nổ tăng trưởng và sụp đổ được mô tả trong sách này đều dựa trên nghiên cứu của riêng tôi, gồm cơ sở dữ liệu của 56 nền kinh tế mới nổi sau chiến tranh đã chèo chống để duy trì tỷ lệ tăng trưởng 6% trong ít nhất một thập kỷ.
Thói quen dựa vào khởi điểm được chọn sai và không khả thi còn bị trầm trọng hóa bởi hiện tượng “củng cố thiên lệch”, tức xu hướng thu thập chỉ dữ liệu nào giúp xác nhận niềm tin hiện tại của chính mình. Trong suốt thời kỳ lạc quan dễ dãi của những năm 2000, người ta đã củng cố thiên lệch rất nhiều về cơn cuồng BRICS, thế mà trong hầu hết các thời kỳ, xu hướng tư duy trí tuệ phổ biến vẫn theo hướng bi quan. Chắc chắn rủi ro ngày nay còn lớn hơn, khi khó mà thuyết phục mọi người rằng một quốc gia nào đó có cơ hội vươn lên, do tình hình gian nan chung trên toàn cầu. Trong bất kỳ giai đoạn nào, câu hỏi cần đặt ra không phải là câu hỏi điển hình: Thế giới sẽ ra sao nếu các xu hướng hiện tại cứ duy trì? Mà phải là: Điều gì sẽ xảy ra nếu mô thức thông thường vẫn đúng và các chu kỳ tiếp tục đảo chiều mỗi 5 năm hoặc đại loại? Nói cách khác, các quy luật đều là trò chơi xác suất, dựa trên các mô thức có tính chu kỳ của một thế giới vô thường.
Với các nhà phê bình nào cho rằng viễn cảnh 5 đến 10 năm phản ánh một thế giới quan kiểu Phố Wall hẹp và ngắn hạn, hãy gượm đã. Các chương sách này sẽ cho thấy những cuộc tăng trưởng dài hạn tồn tại được là do các nhà lãnh đạo đã tránh những sự thái quá, vốn gây ra bong bóng tín dụng và đầu tư, khủng hoảng tiền tệ và ngân hàng, và lạm phát phi mã – các thể loại đổ vỡ giúp kết liễu những phép mầu kinh tế. Các quy luật này cũng chính là định hướng nghiêm ngặt để có sự thành công kinh tế dài hạn.
Ở các nước như Brazil và Ấn Độ, người ta thường nghe thấy lập luận cho rằng nếu chính phủ tập trung quá hẹp vào tăng trưởng kinh tế thì y tế, giáo dục và các chỉ số phát triển con người khác cũng sẽ
bị ảnh hưởng. Nhưng đây là một ý niệm sai lầm. Các quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cũng thường có thành tích tệ hại nhất về phát triển con người. Mỗi năm, Liên Hiệp Quốc đều công bố Chỉ số Phát triển Con người (HDI) để xếp hạng các quốc gia theo các thông số giáo dục như số năm đi học, thông số y tế như tuổi thọ, và các thông số cơ sở hạ tầng cơ bản như tỷ lệ dân có điện và nước. Thứ hạng tổng thể của một quốc gia theo HDI thường liên hệ rất mật thiết với thứ hạng của nước đó về thu nhập bình quân đầu người, vốn là kết quả của bề dày tăng trưởng dài hạn. Ấn Độ chẳng hạn, đứng thứ 135 trong 187 quốc gia trong danh sách mới nhất. Chỉ mười nước có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn lại xếp cao hơn về phát triển con người. Chỉ năm nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn lại xếp thấp hơn về mức phát triển.
Ấn Độ đã tăng về thứ hạng, nhưng chỉ sau khi nền kinh tế của họ tăng trưởng. Hồi 1980, khi chỉ có 124 quốc gia trong HDI, Ấn Độ đứng thứ 100. Trong những thập kỷ tiếp theo, nền kinh tế của Ấn Độ đã tăng trưởng 650%, trong khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chưa đến 200%, và kết quả là Ấn Độ đã thăng bậc trong bảng xếp hạng HDI. Nước này đang đứng thứ 89 trong số 124 quốc gia thuở ban đầu, tăng 11 bậc. Tuy nhiên, các nước có thành tích kinh tế mạnh mẽ hơn còn thăng bậc nhiều hơn. Kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng đến 2.300%, và thứ hạng HDI của nước này đã tăng 30 bậc, từ 92 lên 62. Những bước tiến này cũng không giới hạn trong số các nước nghèo nhất. Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 700%, và thứ hạng HDI của họ đã tăng 30 bậc, từ 45 lên 15. Dĩ nhiên có
những trường hợp ngoại lệ – người dân Nam Phi có tuổi thọ ngắn một cách bất thường so với một quốc gia có thu nhập trung bình ở mức 6.500 đô-la, một phần do tỷ lệ giết người cao và đại dịch AIDS. Ở các nước bị tụt hậu so với các nước đồng đẳng về các chỉ số phát triển cụ thể, tập trung vào các vấn đề này là hợp lý. Tuy nhiên, nói chung, nếu một quốc gia tập trung để tăng trưởng, sự phát triển sẽ nối gót.
Khoa học phi thực tiễn
Sự thất vọng của công chúng với nghề kinh tế học ngày càng dâng cao, vì ngành này đã không lường trước được không chỉ các sự kiện của năm 2008 mà còn của cả nhiều cuộc khủng hoảng làm chấn động thế giới trước và sau đó. Các nhà kinh tế bị công kích ngay trong chính hàng ngũ của mình bởi đã quá câu nệ học thuật và quá chú trọng vào các mô hình và lý thuyết toán học tinh vi, cứ như thể con người luôn hành động theo lý trí và dựa vào dữ liệu cũ vốn thay đổi quá chậm chạp để kịp nắm bắt những gì sắp xảy đến. Dù đang tham gia chính trường, ngoại giao hoặc thương trường, hoặc chỉ là công dân tâm huyết, những người có đầu óc thực tế không thể bắt tay hoạch định nếu không tiên đoán được tương lai một cách bài bản. Cuốn sách này dành cho những người thực tế như vậy. Họ hoài nghi về thuyết định mệnh nhưng có nhu cầu nhìn ra tương lai và nhận diện những sai lầm của dự báo kinh tế.
Càng ngày kinh tế học càng bị xem như một ngành khoa học phi thực tiễn. Với một số học giả, dự báo là một trò trí não và phần thưởng cho họ đến từ việc công bố những ý tưởng lớn. Kết quả thường là một thế giới quan một chiều hoặc mang tính ý thức hệ.
Một số trí thức Mỹ và châu Âu cho rằng nền văn hóa Hồi giáo quá lạc hậu để thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng. Một số người phe cực hữu tin rằng mọi hành động của chính phủ đều xấu về lý thuyết. Những người theo chủ nghĩa tự do thường gắn sự tăng trưởng mạnh mẽ cho các thể chế dân chủ, một lập luận không lý giải được nhiều thứ, trong đó có sự bùng nổ tăng trưởng dài lâu ở châu Á từ 1980 đến 2010, khi hầu hết các chế độ trong khu vực đều không cởi mở.
Các nhà kinh tế và tác gia thường đề cao quá mức tầm quan trọng của một yếu tố tăng trưởng đơn lẻ – sự thách thức của vị trí địa lý xa xôi, lợi thế của các thể chế tự do hay yếu tố nhân khẩu học thuận lợi của dân số trẻ và đang tăng – như chìa khóa để hiểu sự thăng trầm của các quốc gia. Những yếu tố này, chủ đề hấp dẫn của những cuốn sách bán chạy nhất gần đây, thường quan trọng để định hình sự tăng trưởng lâu dài, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, không một yếu tố đơn lẻ nào đủ sức đóng vai trò dấu hiệu cho thấy một nền kinh tế có thể chuyển biến trong năm năm tiếp theo ra sao. Ví dụ, “lời nguyền dầu hỏa” là có thật: Ở những nước nghèo chưa sẵn sàng tận hưởng vận may dầu mỏ, các cuộc phát hiện mỏ dầu lớn thường khiến nảy sinh tham nhũng và làm chậm sự phát triển. Nhưng ác cảm với các quốc gia dầu mỏ tham nhũng có thể che mắt các nhà dự báo về xác suất cao khi giá dầu thế giới bước vào thập kỷ bùng nổ, nhiều nền kinh tế dầu mỏ sẽ bùng nổ theo.
Hiểu lý thuyết kinh tế là điều quan trọng, nhưng quan trọng không kém là phải biết cách áp dụng chúng và kết hợp với điều gì và trong những tình huống nào. Tỷ lệ tăng trưởng của một nền kinh
tế là tích của nhiều thừa số, và mối tương quan giữa các thừa số này sẽ chuyển dịch theo thời gian, khi một quốc gia trở nên thịnh vượng hơn và khi các điều kiện toàn cầu thay đổi. Hầu hết các nhà dự báo chính thống hiểu rõ điều này, nhưng đều đưa ra các hệ thống phức tạp đến mụ mẫm. Các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và IMF xét hàng chục đến hàng trăm hệ số tác động có ý nghĩa về mặt thống kê đối với sự tăng trưởng, gồm mọi thứ từ tỷ lệ sinh viên theo học ngành luật cho đến “mức độ chia tách chủng tộc – ngôn ngữ”, và việc liệu nước đang xét đến có là cựu thuộc địa của Tây Ban Nha hay không.
Các nhà dự báo thực tiễn cần phải loại bỏ dữ liệu không hướng về tương lai, không đáng tin cậy và không cập nhật. Người dân ở các nước phát triển, vốn lo lắng về tình trạng quá tải thông tin, có thể ngạc nhiên về sự gian nan ở các nước đang phát triển để có được thông tin hiện hành xác đáng về các vấn đề cơ bản như quy mô của nền kinh tế và về việc những con số này đã bị chỉnh sửa sai lệch ra sao. Đầu năm 2014 Nigeria công bố số liệu GDP chính thức là 500 tỷ đô-la, gần như tăng gấp đôi quy mô của nền kinh tế chỉ sau một đêm. Sự chuyển biến này chẳng thu hút được bao nhiêu chú ý, bởi những người quan sát các thị trường mới nổi đều ít nhiều vô cảm với các tấn tuồng về thống kê. Chỉ một năm trước đó, Ghana đã công bố một số liệu sửa đổi lớn ngang ngửa, tự biến mình từ một nước nghèo thành một quốc gia trung bình. Bình luận về các sửa đổi thường xuyên của cục thống kê Ấn Độ với số liệu kinh tế chính thức, cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Y. V. Reddy có lần bông
đùa với tôi rằng trong khi tương lai bao giờ cũng bất định, ở Ấn Độ, ngay cả quá khứ cũng không đáng tin.
Số liệu xuất phát từ các nước mới nổi có độ linh hoạt lạ thường và có cách biến ảo để đáp ứng lợi ích của những đấu thủ lớn. Ở Trung Quốc, các nhà phân tích hoài nghi về số liệu tăng trưởng GDP chính thức đã thử đối chiếu chúng với các chỉ số khác, như lưu lượng hàng hóa và điện năng tiêu thụ. Cách phối kiểm đó có thể khá đáng tin cậy, chỉ có điều năm 2015 có tin cho biết giới chức đã chỉ thị cho các nhà phát triển địa ốc bật đèn sáng ngay cả trong những căn hộ trống. Mục đích là để làm gia tăng dữ liệu tiêu thụ điện năng hầu giúp xác nhận số liệu tăng trưởng kinh tế chính thức. Đây là một trường hợp kinh điển của Quy luật Goodhart, rằng khi một chỉ số trở thành mục tiêu, nó sẽ không hữu ích nữa, một phần 26 do quá nhiều người muốn tác động để số liệu đáp ứng chỉ số đó.[6]
Một nguồn dữ liệu hữu ích và kịp thời là giá cả trong thị trường tài chính toàn cầu, mà trong thời điểm bình thường sẽ thể hiện chính xác sự tiên đoán chung xác đáng nhất của thế giới về triển vọng của một nền kinh tế. Điều mà James Surowiecki gọi là “trí tuệ của đám đông” là có giá trị, và thị trường là hiện thân của điều đó, từng giây phút, dựa vào sự lây lan cảm xúc, nhưng không phải vào những chỉnh sửa lộn bậy.[7] Việc giá đồng sụt giảm mạnh đã gần như luôn luôn là dấu hiệu đáng ngại cho nền kinh tế toàn cầu, khiến kim loại cơ bản này có biệt danh “Tiến sĩ Đồng” trong giới tài chính. Ở Mỹ, một trong số vài quốc gia mà việc cho vay hầu hết được thực hiện thông qua trái phiếu và các sản phẩm thị trường tín dụng khác hơn là qua ngân hàng, các thị trường tín dụng đã bắt đầu phát ra tín hiệu
nguy cấp từ lâu trước khi xảy ra ba cuộc suy thoái vừa qua, vào 1990, 2001 và 2007. Thị trường tín dụng cũng có lúc phát tín hiệu giả, nhưng hầu như đó là chuông báo khá đáng tin cậy.
Bất chấp những cơn hưng phấn và hoảng loạn định kỳ, thị trường chứng khoán cũng có bề dày thành tích về dự đoán xu hướng kinh tế. Hồi 1966, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Samuelson đã châm biếm rằng thị trường chứng khoán đã “dự đoán được chín trong số năm cuộc suy thoái vừa qua”, và các cây viết có ý chê bai năng lực tiên đoán của thị trường thường dẫn lời ông. Nhưng Samuelson đã không còn ấn tượng về các kinh tế gia chuyên nghiệp, những người mà thực chất có thành tích còn tệ hơn cả thị trường. Trong một lưu ý năm 2014 Ned Davis Research đã cho thấy rằng mặc dù đã trượt vài lần, tức những lần dự báo hụt về suy thoái, thị trường này vẫn luôn dự báo xác đáng về cả những giai đoạn tốt và xấu của nền kinh tế. Tính từ năm 1948, chỉ số chuẩn S&P 500 Index bắt đầu đảo chiều giảm trung bình bảy tháng trước đỉnh của tăng trưởng, và bắt đầu đảo chiều tăng trung bình bốn tháng trước đáy của suy thoái. Mặt khác, Ned Davis xem xét lịch sử của các nhà dự báo chuyên nghiệp, vốn thường xuyên được hỏi ý kiến bởi chi nhánh Philadelphia của Cục Dự trữ Liên bang và thấy rằng nhóm các nhà kinh tế học chính thống này “chẳng xác định được lần nào” trong bảy cuộc suy thoái gần nhất, tính từ năm 1970.[8] Tại Mỹ, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia là cơ quan lưu dữ kiện chính thức về các cuộc suy thoái kinh tế, và trung bình họ tuyên bố tình trạng suy thoái kinh tế tám tháng sau khi suy thoái thực sự diễn ra.
Nếu không có các chỉ số thị trường, riêng số liệu không thể cho biết viễn cảnh thực tế của bất cứ quốc gia nào. Hầu hết các nhà kinh tế thường bỏ qua bất kỳ hệ số nào quá mềm để định lượng hoặc tích hợp vào mô hình dự báo, thậm chí cả yếu tố cơ bản như nền chính trị. Thay vào đó, họ nghiên cứu “chính sách” thông qua số liệu cứng, như mức chi tiêu của chính phủ và lãi suất. Nhưng số liệu không thể phản ánh được nguồn năng lượng phát ra từ thái độ không dung tha của một tân lãnh đạo với những doanh nghiệp nạn độc quyền, những kẻ nhận hối lộ hoặc công chức quan liêu. Không nước nào có thể coi thành tựu kinh tế là điều nghiễm nhiên, nên các nhà lãnh đạo phải nỗ lực cho điều đó và họ phải nỗ lực liên tục. Vì thế, các quy luật của tôi đưa ra cách tổng hợp để đọc dữ liệu cứng với những thứ như tín dụng, giá cả và dòng tiền, cũng như các dấu hiệu chuyển biến mềm về chính trị và chính sách.
Đây là những nguyên lý cơ bản: Tránh dự báo theo đường thẳng và thảo luận mù mờ về thế kỷ mới. Hãy hoài nghi về các lý thuyết chỉ dựa vào một yếu tố đơn lẻ áp đảo. Dẹp bỏ mọi loại thành kiến, dù về chính trị, văn hóa hay “điểm tựa”. Tránh giả định rằng quá khứ gần là tiền đề cho tương lai xa, và hãy nhớ rằng sự xáo trộn và khủng hoảng là lẽ thường. Hãy nhận thức rằng bất kỳ nền kinh tế nào, dù thành công hay đổ vỡ đến đâu, đều sẽ có khuynh hướng trở lại với tỷ lệ tăng trưởng trung bình dài hạn trong nhóm thu nhập của nó chứ không ở mãi tình trạng nóng (hoặc lạnh) bất thường. Hãy để mắt đến sự tăng trưởng cân bằng, và tập trung vào một bộ chỉ số cơ động có thể quản trị được nhằm dự đoán sự đảo chiều trong chu kỳ. Nghệ thuật thực tiễn
Những quy luật này đã lộ diện qua 25 năm lăn lộn của tôi 28 nhằm nỗ lực tìm hiểu những xung lực của sự đổi thay, cả về lý thuyết lẫn trong đời thực. Tôi phát triển các quy luật này để chính tôi và những người trong nhóm của mình dõi mắt tập trung vào những gì quan trọng. Khi viếng thăm một quốc gia, chúng ta thu thập những ấn tượng, câu chuyện, cứ liệu và số liệu. Mặc dù kiến thức nằm trong mọi sự quan sát, chúng ta phải biết những gì có lai lịch đáng tin cậy để mách với chúng ta về tương lai của một quốc gia. Các quy tắc này hệ thống hóa tư tưởng của chúng ta và đã được trắc nghiệm lùi để xác định những yếu tố hiệu quả và không hiệu quả. Việc loại bỏ những gì không thiết yếu sẽ giúp cuộc bàn luận đi vào yếu tố xác đáng nhằm đánh giá liệu một quốc gia sẽ thịnh vượng hay sa sút.
Tôi đã thu hẹp danh sách dài dằng dặc các hệ số tăng trưởng xuống còn một mức đủ lớn để theo dõi được các lực gây chuyển biến hệ trọng nhất, nhưng cũng đủ nhỏ để có thể quản lý được. Về lý thuyết, sự tăng trưởng trong một nền kinh tế có thể được phân tích theo nhiều cách, nhưng một số cách hữu ích hơn những cách còn lại. Sự tăng trưởng có thể được định nghĩa là tổng chi tiêu của chính phủ, chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư xây dựng nhà xưởng hoặc nhà cửa, mua máy tính và các thiết bị khác, và kiến thiết đất nước theo các cách khác. Khoản đầu tư thường chiếm một phần nhỏ hơn nhiều trong kinh tế so với khoản tiêu thụ, thường khoảng 20%, nhưng nó là chỉ số quan trọng nhất của sự thay đổi, bởi vì sự bùng nổ và sa sút trong đầu tư thường dẫn đến các cuộc suy thoái và phục hồi. Tại Mỹ chẳng hạn, mức đầu tư dao động gấp sáu lần so với mức tiêu thụ, và trong thời gian suy thoái điển hình nó
giảm hơn 10%, trong khi mức tiêu thụ không hẳn giảm, tỷ lệ tăng trưởng chỉ chậm lại vào khoảng 1%.
Sự tăng trưởng cũng có thể được phân tích như tổng sản lượng của nhiều ngành khác nhau, như nông nghiệp, dịch vụ và chế tạo. Trong số này, ngành chế tạo đã giảm trên toàn thế giới – giờ đây chưa đến 18% của GDP toàn cầu, giảm từ mức hơn 24% vào 1980 – nhưng vẫn là lực quan trọng nhất tạo ra sự thay đổi, bởi vì lâu nay nó là nguồn chính tạo ra việc làm, phát kiến và sự gia tăng năng suất. Thế nên các quy luật này đề cập nhiều đến đầu tư và các nhà máy, ít hơn nhiều về người tiêu dùng và nông dân. Một số người nói ngành chế tạo đang đi theo cách của nông nghiệp, do máy móc chủ yếu đang thay thế nhân dụng, và các quy luật của tôi đang tiến hóa để xét đến sự chuyển dịch này. Nhưng hiện nay sản xuất vẫn là trung tâm để hiểu được sự thay đổi kinh tế.
Đây không phải là luận điểm để quẳng đi sách giáo khoa, mà chỉ nhằm chú trọng vào các lực thay đổi có phẩm tính tiên đoán mạnh nhất. Ta thử xét một trường hợp, sách giáo khoa nói về tầm quan trọng của tiền tiết kiệm trong việc thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng, vì ngân hàng rót khoản tiết kiệm của các hộ gia đình và công ty vào các khoản đầu tư cho cầu đường, nhà xưởng và công nghệ mới. Nhưng tiền tiết kiệm là vấn đề gà hay trứng: hoàn toàn không rõ ràng cái nào có trước, sự tăng trưởng mạnh hay tiết kiệm lớn. Tương tự, sách này đi sâu vào các đề tài quen thuộc với nhiều người, như tác động của sự đầu tư và nợ nần quá mức, những tai họa của lạm phát và sự bất bình đẳng, và những bất thường của chu kỳ chính trị. Nhưng có hàng trăm cách để theo dõi và đo lường
các yếu tố này, và vấn đề mà tôi cố gắng giải quyết là, ví dụ, làm sao để phân tích chính xác gánh nặng nợ của một quốc gia và làm sao để hiểu nợ nần báo hiệu sự chuyển biến tốt lành hay tệ hơn.
Tôi tránh các yếu tố quan trọng với sự tăng trưởng dài hạn nhưng lại không hiệu quả trong vai trò báo hiệu sự thay đổi. Ví dụ, giáo dục là cách ưa thích nhất của tất cả mọi người để tăng năng lực cho lực lượng lao động và nâng cao năng suất, nhưng các quy luật của tôi ít chú ý đến nó. Những gặt hái từ sự đầu tư vào giáo dục quá chậm và khác nhau đến mức nó gần như vô dụng trong vai trò dự báo sự thay đổi kinh tế trong thời gian năm đến mười năm. Nhiều nghiên cứu đã gắn sự bùng nổ tăng trưởng sau Thế chiến II tại Mỹ và Anh với sự ra đời của giáo dục công đại trà, nhưng sự thay đổi đó đã bắt đầu từ trước Thế chiến I. Một nghiên cứu mới đây của bộ phận chiến lược tại Trung tâm về Đô thị đã cho thấy các thành phố của Anh phát triển nhanh nhất trong những năm 2000 chính là những nơi đã đầu tư nhiều nhất cho giáo dục – vào đầu những năm 1900. Nhà kinh tế học Eric Hanushek tìm thấy trong một báo cáo năm 2010 rằng một chương trình cải cách giáo dục
20 năm có thể làm nền kinh tế tăng trưởng một phần ba – nhưng sự gia tăng ấy chỉ ghi nhận được 75 năm sau khi khởi sự chương trình cải cách.
Trong nhiều trường hợp hậu chiến, nền kinh tế cất cánh tại các quốc gia lạc hậu về giáo dục như Đài Loan và Hàn Quốc. Như chuyên gia về châu Á Joe Studwell đã chỉ ra, tại Đài Loan 55% dân số mù chữ vào 1945, và tỷ lệ này vẫn còn cao ở mức 45% vào 1960. Hàn Quốc vào 1950 có tỷ lệ người biết chữ ngang với
Ethiopia. Ở Trung Quốc, khi nền kinh tế bắt đầu cất cánh vào những năm 1980, giới chức địa phương đã rót rất nhiều vào đường sá, nhà máy và các khoản đầu tư khác vốn có tác động nhanh đến sự tăng trưởng, vì sự nghiệp của họ phụ thuộc vào việc tạo ra con số tăng trưởng cao ngay lập tức. Giáo dục đi sau.
Đầu tư vào giáo dục thường được xem như một nghĩa vụ thiêng liêng, như thiên chức làm mẹ, và ít ai đặt câu hỏi về việc liệu nó có đảm đương được sứ mệnh. Ở một số nước, các khoản chi rất đồ sộ vào hệ thống đại học hầu như không có tác động kinh tế, ngay cả về lâu dài. Quốc gia mới nổi mà dân số có số năm đi học trung bình cao nhất (11,5) và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học cao nhất (6,4%) là Nga, nơi mà di sản ưu việt của thời kỳ Liên Xô về giáo dục khoa học và công nghệ vẫn chưa tác động đến nền kinh tế. Nga vẫn còn phụ thuộc vào nguyên liệu thô, và mặc dù có vài công ty Internet năng động, nước này thiếu một ngành công nghệ cao đáng nói tới và đã là một trong những nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất thế giới trong những năm 2010.
Tôi cũng thấy nhiều cuộc khảo sát chẳng ích gì khi cố gắng khoa học hóa việc đo lường một số yếu tố có thể đóng góp vào năng suất. Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tập trung vào 12 hạng mục cơ bản, nhưng nhiều yếu tố là những lực tác động chậm như thể chế và giáo dục. Phần Lan chẳng hạn, đã ở nhóm đầu hệ thống xếp hạng của diễn đàn suốt một thời gian dài, và vào 2015 nước này được xếp hạng tư thế giới và hạng nhất ở hàng chục tiểu thể loại khác nhau, từ các trường tiểu học cho đến chính sách chống độc quyền. Phần Lan cũng là nước Liên minh châu Âu
đứng đầu cuộc khảo sát. Tuy nhiên, nước này đã hồi phục chậm nhất từ cuộc khủng hoảng 2008, chậm hơn nhiều so với Mỹ, Đức và Thụy Điển, và gần ngang hàng với các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Nam Âu. Phần Lan đã trả giá vì để cho các khoản nợ và lương tăng nhanh và phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu gỗ và các nguyên liệu thô khác vào một thời điểm mà giá toàn cầu của các mặt hàng này suy sụp. Trường tiểu học tốt không giúp gì cho Phần Lan khi các lực thay đổi quan trọng hơn đang phát tác.
Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra bảng xếp hạng các nước về mọi thứ từ chất lượng đường sá cho đến số ngày làm thủ tục lập doanh nghiệp, và các thứ hạng này đã trở nên rất phổ biến. Điều đó tạo ra một rắc rối, vì không ít quốc gia đã bắt đầu thuê cố vấn giúp họ nâng cao thứ hạng (một ví dụ khác về tác động của Quy luật Goodhart). Năm 2012 Tổng thống Vladimir Putin đặt mục tiêu nâng thứ hạng của Nga về “thuận lợi cho kinh doanh” từ 120 lên top 20 trong vòng sáu năm, và ông đã sớm thấy kết quả. Đến 2015, Nga đã được xếp hạng 51 – cao hơn 30 bậc so với Trung Quốc, và 60 bậc so với Brazil và Ấn Độ. Điều đó đặt ra một câu hỏi: Nếu kinh doanh ở Nga dễ dàng đến thế, tại sao không ai làm ăn ở đó? Moscow vào năm 2015 càng thù nghịch và cô lập với giới kinh doanh quốc tế, hơn nhiều so với Trung Quốc, Brazil hay Ấn Độ. Tôi cố gắng tối đa tránh dựa vào các con số dễ bị thao túng và tuyên truyền chính trị.
Các lực tạo chuyển biến quan trọng nhất dao động tùy theo năm và tùy theo nước. Trong thời Hậu khủng hoảng, câu chuyện kinh tế nổi trội là về nợ nần: những quốc gia đã cố gắng nhiều nhất để trả bớt nợ dồn từ trước 2008, và con số đáng ngạc nhiên các nước đã
sa lầy sâu hơn vào nợ trong nỗ lực chống lại sự tăng trưởng chậm do mắc nợ gây ra. Nhìn chung, giờ đây thế giới có gánh nặng nợ lớn hơn so với năm 2008, một vấn đề thực sự. Nhưng chương đầu tiên của tôi không bàn quy luật về nợ – mà bàn về người và dân số, vốn dĩ có thể có một tác động lớn hơn trong tương lai.
Một cách đơn giản khác là định nghĩa tỷ lệ tăng trưởng kinh tế như tổng số giờ người ta làm việc và sản lượng theo giờ tức năng suất. Nhưng năng suất khó đo lường, và kết quả không ngừng bị chỉnh sửa và tranh luận. Mặt khác, số giờ làm việc phản ánh sự tăng trưởng trong lực lượng lao động, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng dân số, vốn khá dễ dàng tính toán được. Khác với các dự báo kinh tế, dự báo dân số phụ thuộc vào một vài hệ số đơn giản – chủ yếu là sinh suất và tuổi thọ – và có hồ sơ lưu trữ chính xác. Trước thời điểm bắt đầu thiên niên kỷ mới, Liên Hiệp Quốc đã có tổng cộng 12 lần dự báo dân số toàn cầu vào năm 2000 kể từ những năm 1950, và tất cả dự báo, ngoại trừ một lần, đều sai biệt chưa đến 4%. Quy luật đầu tiên đề cập đến tác động kinh tế của sự tăng trưởng dân số, và hầu hết các quy luật khác đều liên quan cách này hay cách khác với năng suất. Nhưng tôi không sử dụng dữ liệu tăng trưởng năng suất một cách trực tiếp bởi vì chúng không đáng tin cậy.
Theo một nghĩa nào đó, xu hướng dân số đã là một nửa câu chuyện. Từ 1960, nền kinh tế toàn cầu, gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, có tỷ lệ tăng trưởng trung bình hằng năm khoảng 3,5%.* Một nửa của con số đó xuất phát từ sự tăng trưởng dân số, mà cụ thể hơn là sự tăng trưởng lực lượng lao động, tức nhiều người hơn làm việc nhiều giờ hơn. Nửa còn lại xuất phát từ tăng
năng suất. Tỷ lệ 50-50 này vẫn đang duy trì, với một thay đổi đáng buồn, đó là cả hai vế của phương trình đều sụt giảm. Tác động của dân số rất đơn giản: một sự suy giảm 1% về tăng trưởng lực lượng lao động sẽ làm sút đi khoảng 1% tăng trưởng kinh tế. Đó là những gì đã xảy ra trong thập kỷ vừa qua. Sự tăng trưởng GDP toàn cầu có xu hướng giảm sút và giờ đây đang thấp hơn 1% so với mức trung bình dài hạn trước khủng hoảng. Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 2005, sự tăng trưởng trong lực lượng lao động toàn cầu, ở độ tuổi từ 15 đến 64, đã chậm lại còn 1,1%, từ mức 1,8% trong suốt năm thập kỷ trước. Các tác động của mối đe dọa mới này từ dân số đối với nền kinh tế thế giới là u tối nhưng không đồng đều giữa các quốc gia. Dân số trong độ tuổi lao động đang giảm tại Đức và Trung Quốc; nó đang tăng, nhưng rất chậm, tại Mỹ; và nó vẫn đang bùng nổ ở Nigeria, Philippines và vài nước khác. Sự tăng trưởng chậm chạp của dân số thế giới có thể hạn chế nhưng không ngăn chặn được sự thăng trầm liên tục của các quốc gia.
Các quy luật còn lại liên quan cách này hay cách khác đến một nửa còn lại của câu chuyện tăng trưởng toàn cầu, vốn gắn kết phần nào với các con số tăng trưởng năng suất. Ở đây bức tranh toàn cầu cũng xuất hiện một cách lẫn lộn. Từ 1960 đến 2005, tỷ lệ tăng trưởng năng suất trung bình hằng năm là khoảng 2%, nhưng tỷ lệ đó đã tụt giảm gần trọn 1% trong 10 năm qua. Cũng như tỷ lệ tăng trưởng dân số, tỷ lệ tăng trưởng năng suất chính thức được ghi nhận đã giảm với nhiều mức độ khác nhau, từ ít hơn 1% ở Mỹ đến hơn 2% ở Hàn Quốc và gần 4% ở Hy Lạp. Nhưng trong khi sự suy
giảm nhân khẩu học là không thể chối cãi, cuộc tranh luận đang diễn ra gay gắt xem liệu sự suy giảm năng suất có thật không. Tăng trưởng năng suất là tổng của những cải tiến khó định lượng về kỹ năng của người lao động, về số lượng và năng lực của các công cụ mà họ sử dụng, và về một yếu tố bí ẩn khó nắm bắt – mức độ thuần thục mà người lao động vận dụng những công cụ này.* Yếu tố bí ẩn đó, vốn có thể chịu tác động bởi mọi thứ từ kinh nghiệm sử dụng máy tính cho đến công tác quản trị hiệu quả hơn hoặc đường sá tốt hơn để công nhân đi làm nhanh hơn, là phần mơ hồ nhất của bài tính khó khăn này. Những người hoài nghi công nghệ nói rằng sự sụt giảm năng suất trong thập kỷ qua phản ánh thực tế rằng hầu hết các đổi mới gần đây đều chỉ là những bước tiến tương đối nhỏ trong truyền thông và giải trí: Twitter, Snapchat và đại loại. Ngay cả trong việc đào tạo công nhân, những tiến bộ này cũng nâng cao năng suất ít hơn nhiều so với những phát kiến trước kia như điện năng, động cơ hơi nước, xe ô-tô, máy tính hoặc máy điều hòa không khí, vốn là một sự thúc đẩy mạnh mẽ năng suất của con người trong khung cảnh văn phòng ngột ngạt.
Những người lạc quan đáp lại rằng các chỉ số tăng trưởng năng suất không ghi lại được các khoản tiết kiệm chi phí và thời gian tạo ra theo các công nghệ mới, từ trí tuệ nhân tạo cho đến các kết nối băng thông rộng ngày càng mạnh và “Internet vạn vật” non trẻ. Tại Mỹ chẳng hạn, chi phí truy cập Internet băng thông rộng vẫn không đổi trong nhiều năm, nhưng các đường kết nối băng thông rộng đã trở nên nhanh hơn nhiều và tích hợp vào di động – một sự tiết kiệm thời gian rất lớn không được nêu ra trong dữ liệu về tăng trưởng
năng suất.[9] Nếu những người lạc quan nói đúng, sự tăng trưởng năng suất đang nhanh hơn đáng kể so với những gì hiện đo được, và sự tăng trưởng kinh tế cũng vậy. Dù bên nào đúng, cả hai đều sẽ phải đồng ý rằng vẫn dễ hơn khi đo lường sự gia tăng dân số, yếu tố tác động rõ ràng hơn vào nền kinh tế. Người đi làm ít hơn có nghĩa là tăng trưởng kinh tế ít hơn, và sự tác động này đã trở nên rõ ràng hơn trên toàn thế giới trong năm năm qua.
Tất cả các quy luật đều cố gắng nắm bắt mối tương quan tinh vi giữa các khoản nợ, đầu tư và các yếu tố quan trọng khác cần có để giữ cho một nền kinh tế vận hành tốt. Trong cuốn sách này, tôi hy vọng độc giả sẽ thấy rõ mười quy luật này kết hợp với nhau thành một hệ thống ra sao. Nói tóm gọn về câu chuyện dự báo, một nền kinh tế hầu như sẽ bắt đầu tăng trưởng ổn định khi quốc gia ấy đang trỗi dậy từ khủng hoảng, đã rơi khỏi tầm ngắm của thị trường và truyền thông toàn cầu, và đã chọn một nhà lãnh đạo dân chủ với sứ mệnh cải cách. Nhà lãnh đạo đó sẽ tạo ra các điều kiện kinh doanh để thu hút đầu tư sản xuất, nhất là vào nhà xưởng, đường sá và công nghệ, điều sẽ tăng cường mạng lưới cung ứng và do đó giúp kiềm chế lạm phát. Xác suất để một cuộc bùng nổ tăng trưởng đi đến hồi kết sẽ gia tăng khi một quốc gia trở nên quá sung túc và các công ty tư nhân và cá nhân chồng chất nợ để mua hàng xa xỉ, đặc biệt là hàng xa xỉ nhập khẩu. Giai đoạn lãng phí này sẽ khiến quốc gia đó không thể thanh toán cho nước ngoài, trong lúc gia tăng cách biệt giữa các tỷ phú và người dân, và giữa nông thôn với thủ đô của nước đó, gây ra một phản ứng chính trị khốc liệt làm sụp đổ chế độ giờ đây đã già cỗi, để sau đó chu kỳ ấy có thể bắt đầu lại.
Chương cuối của sách này phác thảo cách phân loại thứ bậc các nước mới nổi và đã phát triển theo mười quy luật tại một thời điểm cụ thể. Thứ bậc này thay đổi liên tục, vì vậy chương cuối chỉ đơn thuần cung cấp một phác họa về cách hoạt động của các quy luật như một hệ thống. Phương pháp này không cam kết về sự chắc chắn trong một thế giới vô thường, và mục tiêu tối đa mà nó có thể hy vọng đạt được là nâng cao xác suất nhận diện những sự chuyển biến tiếp đến trong chuỗi thăng trầm không ngừng của các quốc gia. Nó là một hệ thống nắm bắt sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu như một môn nghệ thuật thực tiễn hơn là một ngành khoa học phi thực tiễn. Không có dự báo chung chung cho năm 2050, chỉ có một nỗ lực khách quan nhằm xác định triển vọng hợp lý nhất cho năm đến mười năm tới. Mục đích nhằm hướng dẫn một người thực tiễn nhận diện sự thăng trầm của các quốc gia, theo thời gian thực.
Phương pháp luận
Đối với các phân tích về tăng trưởng GDP trong sách này, tôi đã sử dụng các nguồn dữ liệu khác nhau dựa vào khoảng thời gian mình xem xét. Ví dụ, nếu phân tích chỉ trong vòng những năm 1980, tôi sẽ có khuynh hướng sử dụng cơ sở dữ liệu IMF WEO, vì chúng được cập nhật hai lần mỗi năm và theo chuẩn mực nghiên cứu học thuật. Nếu phân tích ở giai đoạn xa hơn, tôi sẽ tìm đến hệ thống dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, có thể tra cứu ngược về đến những năm 1960. Với khảo sát tăng trưởng bình quân đầu người, điều cần thiết cho công việc tổng hợp, tôi sẽ dùng các bảng dữ liệu Penn World vì nguồn dữ liệu ngược về đến thời điểm năm 1950. Còn lại một vài thông tin rơi vào khoảng thời gian trước năm 1950, tôi đã sử dụng cơ sở dữ liệu Maddison. Ngoài ra, trong toàn bộ cuốn sách, số liệu về nợ như một phần của GDP đã dựa trên dữ liệu các khoản nợ được loại trừ trong khu vực tài chính, để tránh trường hợp phải tính hai lần.
Chương 1
Con người là quan trọng
Nguồn nhân lực có đang gia tăng?
Thoạt đầu, tôi không nghĩ có lắm bí ẩn đối với sự phục hồi ì ạch của toàn cầu. Sau 2008, khi Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái sâu và thế giới nhanh chóng lao theo, các nhà kinh tế cho rằng sự phục hồi sẽ rất chậm bởi vì đây là một “cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống”, chứ không phải một cuộc suy thoái thông thường, và tôi đã tin theo. Nghiên cứu của họ cho thấy rằng sau một cuộc khủng hoảng tàn phá hệ thống tài chính, nền kinh tế thường tăng trưởng yếu trong bốn đến năm năm thậm chí sau khi suy thoái đã kết thúc. Nhưng từng năm trôi qua – năm, sáu rồi bảy năm – nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục vận hành yếu hơn so với dự kiến. Đến 2015, vẫn chưa có khu vực trọng yếu đơn lẻ nào trên thế giới mà sự tăng trưởng kinh tế quay trở lại mức trung bình Tiền khủng hoảng. Tôi bắt đầu tin rằng sự phục hồi chậm chạp này là không bình thường. Nó là một bí ẩn: Sự tăng trưởng đâu rồi?
Các nhà kinh tế đã đưa ra nhiều lý do để giải thích tại sao cả thế giới lại ì ạch trong cuộc hồi phục yếu nhất của thời kỳ hậu chiến. Hầu hết những lời giải thích đều tập trung vào việc những cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng có thể ức chế nhu cầu của nền kinh tế ra sao, khi người tiêu dùng và các công ty phải vất vả để trang trải nợ và dần dần lấy lại niềm tin để tiêu tiền. Những người
khác thì đổ lỗi cho nhu cầu yếu trong khi bất bình đẳng thu nhập gia tăng, chính sách chèn ép đối với quy định cho vay của ngân hàng, hoặc triệu chứng nào đó về rối loạn căng thẳng Hậu khủng hoảng. Mặc dù tất cả những lập luận này đều phần nào có lý, không có bằng chứng rõ rệt về tác động của các yếu tố này đối với sự tăng trưởng kinh tế. Ở Mỹ, có những dấu hiệu rõ ràng rằng nhu cầu của người tiêu dùng hoàn toàn hồi phục vào 2015: doanh số xe ô-tô đã đạt mức cao mới và sự tăng trưởng việc làm đạt tỷ lệ cao, nhưng mức tăng trưởng GDP chủ đạo vẫn còn khá thấp so với tỷ lệ trước khủng hoảng. Như thường thấy trong những câu chuyện ly kỳ, có lẽ các thám tử đã truy tìm sai chỗ.
Tôi và nhóm của mình đã chuyển hướng từ chỗ quan tâm đến các lập luận chủ yếu tập trung vào cầu sang các luận điểm liên quan đến cung, khía cạnh của nền kinh tế giúp cung ứng lao động, vốn và đất đai, các yếu tố đầu vào cơ bản để tăng trưởng. Chúng tôi tìm ra một thủ phạm bất ngờ. Trong tất cả các yếu tố, một nguyên nhân hệ trọng làm mất đà tăng trưởng chính là sự suy giảm nguồn cung nhân lực. Phát hiện này hoàn toàn đối chọi với nỗi sợ quen thuộc rằng công việc của con người đang bị thay thế bởi sự trỗi dậy của robot và trí tuệ nhân tạo, đến mức thoạt đầu nó khó được chấp nhận. Làm thế nào nhân lực thiếu hụt lại là vấn đề nếu công nghệ đã khiến họ trở nên lỗi thời? Nhưng ít ra trong trường hợp này, số liệu không nói dối.
Sự sa sút về tăng trưởng dân số đã diễn ra trước cuộc khủng hoảng năm 2008, và thực tế, nó có thể giải thích khá ổn thỏa cho cuộc phục hồi gây thất vọng dai dẳng từ đó đến nay. Như chúng ta
đã thấy, một trong những cách đơn giản để đo lường tiềm năng tăng trưởng của một nền kinh tế là thêm vào tỷ lệ tăng trưởng năng suất và tỷ lệ tăng trưởng nhân lực, và trong khi cả hai đều giảm trên toàn thế giới, sự suy giảm năng suất lại gây tranh cãi rộng rãi, vì nhiều chuyên gia cho rằng số liệu thống kê chính thức đã không tính đến tác động của các công nghệ kỹ thuật số mới mẻ. Tại Mỹ, theo số liệu chính thức, năng suất tăng trưởng với tốc độ trung bình 2,2% từ 1960 đến 2005 trước khi chậm lại còn 1,3% trong mười năm qua. Đà trì trệ dân số thậm chí còn ấn tượng hơn và không cần bàn cãi. Trong năm thập kỷ trước 2005, lực lượng lao động Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm 1,7%, nhưng chậm lại chỉ còn 0,5% trong thập kỷ qua. Nói tóm lại, lời giải thích rõ ràng nhất về sự thiếu hụt tăng trưởng kinh tế tại Mỹ là mức suy giảm khoảng 1% của tỷ lệ tăng trưởng lực lượng lao động, mà trong đó phần lớn là do sự tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 64.
Thế giới vẫn còn vang vọng nỗi sợ về những kịch bản “quả bom dân số”, rằng lượng người sẽ vượt xa nguồn cung thực phẩm và các nguồn lực khác, với hậu quả choáng váng. Những kịch bản ấy dựa trên dự báo thường được trích dẫn của Liên Hiệp Quốc cho năm 2050, nêu rằng dân số sẽ tăng thêm 2,4 tỷ, từ 7,3 tỷ lên 9,7 tỷ người. Con số gần 10 tỷ nghe có vẻ cao đến mức đáng sợ, nhưng dự báo của Liên Hiệp Quốc thực ra đã xét đến sự trì trệ đáng kể về tỷ lệ tăng trưởng dân số. Trẻ em đang được sinh ra ít hơn, người trẻ bước vào nhóm thuộc độ tuổi lao động ít hơn, trong khi tổng dân số đang gia tăng chủ yếu là do con người sống thọ hơn. Bối cảnh chung này quả là nguy hại cho sự tăng trưởng kinh tế.
Suốt phần lớn thời kỳ hậu Thế chiến II, dân số toàn cầu tăng trung bình gần 2% mỗi năm, có nghĩa là nền kinh tế thế giới cũng có thể kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tỷ lệ căn bản gần 2% – và thêm một vài điểm phần trăm nữa khi sản lượng của công nhân cũng gia tăng. Thế rồi vào khoảng 1990 mức tăng trưởng dân số toàn cầu sa sút. Tỷ lệ tăng trưởng từ đó đã giảm một nửa chỉ còn 1%. Sự khác biệt giữa 1% và 2% nghe có vẻ không nhiều, nhưng nếu tỷ lệ tăng dân số vẫn ở mức 2% kể từ 1990, dân số toàn cầu hiện nay sẽ là 8,7 tỷ, chứ không phải 7,3 tỷ. Thế giới sẽ không bị lão hóa quá nhanh, và chúng ta sẽ không phải bàn về tác động của dân số đối với sự tăng trưởng kinh tế.
Tác động kinh tế của sự suy giảm tỷ lệ tăng trưởng dân số phải mất thời gian để lộ diện, vì phải mất một thời gian để trẻ sơ sinh lớn đến độ tuổi lao động, tuổi 15. Tất nhiên, ở nhiều nơi phải đến khi 20 hoặc 25 tuổi người ta mới thực sự bắt đầu làm việc, tùy thuộc họ ăn học ở trường trong bao lâu. Vì vậy, phải mất 15 năm trở lên để sự suy giảm tỷ lệ sinh có tác động rõ rệt vào vai trò của dân số đối với mức tăng trưởng kinh tế, một thực tế đã trở nên ngày càng rõ trong năm năm vừa qua.
Sự sụt giảm tỷ lệ tăng trưởng dân số toàn cầu là kết quả về sau của các chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt được triển khai ở thế giới mới nổi trong những năm 1970, nhất là chính sách một con mà Trung Quốc đề ra vào 1978. Ở các nước mới nổi và phát triển, sự trì trệ tăng trưởng dân số còn được thúc đẩy bởi đà gia tăng sự thịnh vượng và trình độ học vấn ở nữ giới, mà nhiều
người đã quyết định theo đuổi sự nghiệp và có ít con hơn hoặc không có con.
Cội rễ của sự chuyển dịch nhân khẩu học này nằm ở những thay đổi cơ bản về tử suất và sinh suất trong nửa thế kỷ qua. Từ 1960 tiến bộ về khoa học và y tế đã cho phép con người sống thọ hơn. Trên toàn thế giới, tuổi thọ trung bình của con người đã được nâng từ 50 vào 1960 lên 69, và mức này vẫn đang tăng lên. Hiện tại, hầu hết sự tăng trưởng dân số toàn cầu đang diễn ra ở những người trên 50, và đến nay phân khúc tăng trưởng nhanh nhất của dân số là nhóm trên 80. Toàn bộ dân số sẽ tiếp tục tăng trưởng, mặc dù với tỷ lệ giảm đi nhiều, thậm chí trong khi phân khúc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế – những người trong độ tuổi lao động – vẫn tiếp tục giảm.
Giai đoạn từ năm 1960 cũng đã chứng kiến một sự suy giảm tỷ lệ sinh, khi số ca sinh trung bình ở mỗi phụ nữ đã giảm từ mức 4,9 xuống 2,5 trên toàn thế giới. Ở các quốc gia mới nổi, mức sụt giảm còn mạnh mẽ hơn nữa do được hậu thuẫn bởi các chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt. Tỷ suất sinh ở Ấn Độ và Mexico, hai quốc gia từng là tâm điểm của nỗi sợ về nạn nhân mãn thần tốc, đã giảm mạnh từ hơn 6 xuống 2,5 hoặc thấp hơn kể từ 1960. Cả hai nước này hiện nay rất gần với tỷ suất sinh thay thế 2,1 – tỷ lệ mà dưới đó thì dân số rốt cục bắt đầu giảm. Do tỷ suất sinh của thế giới đang lùi về mức tới hạn 2,1, ngày càng nhiều quốc gia đang rơi xuống dưới mức sinh thay thế. Gần một nửa số người trên trái đất đang sống ở một trong 83 quốc gia mà trung bình phụ nữ có ít hơn
hai con, từ Trung Quốc, Nga, Iran và Brazil cho đến Đức, Nhật và Mỹ.[1]
Dân số trong độ tuổi lao động đã giảm ở một số nước tiên tiến, bao gồm Nhật, Ý và Đức, và trong khi sự suy giảm này lộ rõ trong nhiều năm qua, quá trình tương tự hiện đang hoặc sắp diễn ra thậm chí còn nhanh hơn ở nhiều quốc gia lớn mới nổi, gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ. Chưa hết, tỷ lệ tăng dân số toàn cầu được dự trù sẽ tiếp tục giảm trong thập kỷ tới và xa hơn nữa. Điều này làm thay đổi triển vọng kinh tế của hành tinh chúng ta một cách cơ bản.
Sự trì trệ tăng trưởng dân số đã gây ra chấn động kinh tế trong xã hội, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các thế hệ, giới tính, quốc tịch và thậm chí cả cuộc tranh đua của người với máy. Khi Liên Hiệp Quốc mới đây công bố dự báo dân số ở mức gần 10 tỷ người vào năm 2050, những người hoang mang đã nhắc lại lời cảnh báo của họ về nạn nhân mãn. Một số theo thuyết tân Malthus* về nhân mãn đã lo sợ rằng sự tăng trưởng dân số sẽ vượt xa tỷ lệ tăng trưởng nguồn cung thực phẩm, khiến hành tinh này bị đói. Một số theo thuyết tân Luddite* lại lo sợ rằng “sự trỗi dậy của robot” sẽ khiến nhân công trở nên lỗi thời, một hiểm họa hết sức đáng sợ nếu dân số đang bùng nổ. Và một số thế lực chống nhập cư ở châu Âu và Mỹ ủng hộ việc xây dựng các bức tường biên giới để ngăn chặn cơn “triều dâng” những con người mà một Bộ trưởng Nội các Anh đã gọi là “những di dân tuyệt vọng đang cướp phá cùng khắp”.
Điều mà tất cả những lời cảnh báo này bỏ sót là mặc dù dân số 10 tỷ có vẻ như rất đông, tỷ lệ tăng trưởng chậm mới là điều hệ trọng đối với nền kinh tế, gồm cả nguồn cung thực phẩm. Sự tăng
trưởng dân số chậm có nghĩa là sẽ bớt áp lực với toàn bộ chuỗi sản xuất, để không phải cung ứng quá nhiều quần áo, nhà ở hoặc thực phẩm. Trang trại sẽ không phải gia tăng sản lượng cấp tốc như trước để kịp nuôi tất cả mọi người, và họ sẽ phải khuếch trương chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, đối tượng tiêu thụ ít hơn thậm chí đến một phần ba lượng calorie so với giới trẻ. Tôi không định xem nhẹ rắc rối thực sự của nạn đói ở nhiều nước, nhưng nguyên nhân kinh tế của các vấn đề này không phải là dân số. Với hầu hết các nước, hiểm họa kinh tế chính yếu không phải là có quá đông người mà là có quá ít người trẻ, và sự xuất hiện của robot có thể lại giúp làm dịu tình trạng thiếu lao động sắp xảy ra. Robot nông nghiệp có thể là giải pháp cho các nông dân sắp nghỉ hưu.
Trong một thế giới mà ngày càng nhiều nước phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, những tranh cãi hiện thời về người nhập cư “cướp phá” sẽ lùi bước cho – hoặc có lẽ song hành với – các chiến dịch rầm rộ để thu hút hoặc đánh cắp nhân công và nhân tài từ các nước khác. Đối với các nước đang đối diện với tình trạng nhân lực lão hóa và sụt giảm nhanh chóng, họ không quan tâm người nhập cư đến theo diện “di dân kinh tế” để tìm kiếm cơ hội hay “tị nạn chính trị” chạy trốn chiến tranh hoặc khủng bố: nhóm nào cũng sẽ giúp làm tăng quy mô nhân lực. Áp lực để thu hút hoặc lưu giữ người lao động sẽ trở nên đặc biệt gay gắt trong thế giới mới nổi, nơi có tỷ lệ sinh sản giảm nhanh hơn và tuổi thọ tăng nhanh hơn nhiều so với trước kia, khi các nước giàu như Anh hay Mỹ còn ở các giai đoạn đầu phát triển kinh tế.
Với triển vọng kinh tế của một quốc gia, câu hỏi nhân khẩu học chính yếu là: nguồn nhân tài có đang gia tăng? Quy tắc đầu tiên để tìm kiếm câu trả lời là nhìn vào sự tăng trưởng dự kiến của dân số trong độ tuổi lao động trong vòng năm năm tiếp theo, bởi người lao động (chứ không phải người về hưu hoặc học sinh) là động lực của sự tăng trưởng. Quy tắc thứ hai là nhìn vào biện pháp mà các quốc gia đang tiến hành để đối phó với sự tăng trưởng dân số đang chậm lại. Một trong các cách là cố gắng khích lệ phụ nữ sinh nhiều con hơn, một cách tiếp cận không mấy hiệu quả. Cách khác là thu hút người trưởng thành – gồm cả người về hưu, phụ nữ và di dân kinh tế – tham gia hoặc tái tham gia vào lực lượng lao động. Các nước thành công lớn sẽ nằm trong số những quốc gia có mức tăng trưởng mạnh mẽ về dân số trong độ tuổi lao động hoặc có nỗ lực hiệu quả nhất để thu hút nhân tài mới vào lực lượng lao động.
Thử thách với tỷ lệ 2% dân số
Để nắm rõ hơn cơ cấu nhân khẩu học sẽ kiềm tỏa các nền kinh tế quốc gia ra sao trong những năm tới, tôi đã nghiên cứu xu hướng dân số ở các nước trong danh sách của tôi về phép mầu tăng trưởng hậu chiến – 56 trường hợp mà một quốc gia đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ít nhất 6% trong ít nhất một thập kỷ. Tôi thấy rằng trong những cuộc bùng nổ tăng trưởng này, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của dân số trong độ tuổi lao động là 2,7%. Nói cách khác, một phần quan trọng của sự tăng trưởng ở các nền kinh tế thần kỳ này có thể được lý giải thích bởi yếu tố càng ngày càng có nhiều người trẻ đến tuổi lao động. Mối liên hệ rõ rệt giữa một cuộc bùng nổ dân số và phép mầu kinh tế đã diễn ra với hàng chục
trường hợp, từ Brazil trong những năm 1960 và 1970 đến Malaysia từ những năm 1960 suốt cho đến những năm 1990. Về tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động cần thiết để có cơ may bùng nổ kinh tế, hóa ra 2% là một mức chuẩn thỏa đáng. Với ba phần tư các nền kinh tế thần kỳ này, dân số trong độ tuổi lao động đã tăng với tốc độ trung bình ít nhất 2% một năm trong suốt thời gian bùng nổ tăng trưởng dài cả thập kỷ. Như vậy, một đất nước khó có thể có được sự bùng nổ tăng trưởng dài cả thập kỷ nếu dân số trong độ tuổi lao động tăng trưởng với tỷ lệ thấp hơn 2%. Và một sự thay đổi rõ rệt trong thế giới Hậu khủng hoảng là hiện nay có rất ít quốc gia có dân số tăng nhanh cỡ đó. Trong những năm 1980 mới đây, 17 trong 20 nền kinh tế mới nổi lớn nhất có tỷ lệ tăng dân số trong độ tuổi lao động trên 2%, nhưng con số đó đã giảm đều từ 17 xuống còn chỉ 2 vào những năm 2010, Nigeria và Ả Rập Saudi. Và con số này vẫn đang giảm. Đến thập kỷ tiếp theo, từ 2020 đến 2030, sẽ chỉ còn mỗi một quốc gia, Nigeria. Một thế giới có ít quốc gia đông dân và tăng trưởng dân số nhanh sẽ chứng kiến ít phép mầu kinh tế hơn.
Nói cho cùng, sự bùng nổ tăng trưởng kinh tế không phải lúc nào cũng đòi hỏi phải bùng nổ dân số: trong một phần tư các trường hợp nêu trên, các nước đã nỗ lực có được một thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng mà không có sự tăng trưởng dân số 2%. Nhưng hầu hết đều đã làm được như vậy trong những hoàn cảnh bất thường. Một số nước đã khá thịnh vượng, như Chile và Ireland vào những năm 1990, khi sự cải cách kết hợp với đầu tư mới đã làm tăng năng suất và bù đắp cho sự tăng trưởng dân số yếu. Các nước khác đang
trở lại bình ổn kinh tế trong giai đoạn tái thiết, như Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong những năm 1960, cũng như Nga một thập kỷ sau sự sụp đổ của Liên Xô, với một cú huých từ giá dầu tăng cao. Ngày nay không một nước nào có thể trông mong một cú huých tương tự, khi giá cả hàng nguyên liệu đang sụt giảm và tình trạng bất ổn chính trị đang lan rộng.
Điều này chẳng phải là điềm lành cho thế giới mới nổi, nơi mà ngày càng nhiều nước phải đối mặt với viễn cảnh tăng trưởng dân số yếu hoặc âm. Trong suốt những năm 2010, tất cả các nền kinh tế mới nổi lớn đều được dự báo có tỷ lệ tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động dưới mức 2%, bao gồm Ấn Độ, Brazil, Mexico, Indonesia và Thái Lan. Dân số trong độ tuổi lao động cũng đã suy giảm ở ba quốc gia mới nổi lớn: Ba Lan, Nga và quan trọng nhất là Trung Quốc. Tại đó, tỷ lệ tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động dao động dưới 2% vào năm 2003, sau đó giảm dần cho đến khi trở thành số âm lần đầu tiên vào năm 2015.
Sự suy giảm dân số giờ đây đứng đầu danh sách các nguyên do, cùng với các khoản nợ nặng nề và đầu tư quá mức, để hoài nghi việc Trung Quốc có thể duy trì tỷ lệ tăng trưởng GDP nhanh. Kể từ 2010, cơn sốt tín dụng đã khiến các khoản nợ của Trung Quốc tăng lên khoảng 300% GDP, một đề tài đã được bàn luận rộng rãi. Sự bùng nổ đầu tư vốn thúc đẩy đà tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc bắt đầu chùng lại và giờ đây bỏ lại những đô thị địa ốc ma trên khắp cả nước. Tuy nhiên, hậu quả của quả bom giảm dân số cũng gây nguy hại đến sự tăng trưởng không kém.
Xác suất để tạo ra sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở một quốc gia có dân số giảm là gần như không thể, hoặc như Ủy ban Châu Âu đã cảnh báo vào 2005, “Chưa bao giờ trong lịch sử có sự tăng trưởng kinh tế mà không có sự tăng trưởng dân số”.[2] Dựa trên hồ sơ của gần 200 quốc gia tính từ 1960, có 698 trường hợp có đủ dữ liệu về tăng trưởng dân số và tăng trưởng GDP trong suốt một thập kỷ. Trong những trường hợp này, có 38 trường hợp dân số trong độ tuổi lao động của một quốc gia suy giảm trong thập kỷ, và tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của các nước này là chỉ 1,5%. Và chỉ có 3 trong số 698 trường hợp mà một quốc gia có dân số giảm lại duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6% hoặc hơn. Cả ba nước đều là các quốc gia nhỏ trỗi dậy sau một thời kỳ bất ổn chính trị, hỗn loạn hậu chiến hoặc sụp đổ hậu Liên Xô: Bồ Đào Nha trong những năm 1960, Gruzia và Belarus từ 2000 đến 2010. Số liệu này cho thấy tỷ lệ tăng trưởng trung bình 6% hoặc hơn là vô cùng khó đối với Trung Quốc, mặc dù mục tiêu chính thức vẫn đang được đề ra vượt trên ngưỡng đó.
Ở vài quốc gia đông dân khác, dân số trong độ tuổi lao động đang tăng trưởng với tỷ lệ gần hoặc trên 2%, gồm Philippines và một số nước mới nổi với nền kinh tế quá nhỏ để lọt vào nhóm 20 nước đứng đầu, như Kenya, Nigeria, Pakistan, và Bangladesh. Dân số các nước này cũng được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong thập kỷ tiếp theo, vì vậy họ có lợi thế về nhân khẩu học trong cuộc cạnh tranh. Với họ, bí quyết là phải tránh rơi vào bẫy ngộ nhận về “lợi tức nhân khẩu”, tức quan niệm cho rằng sự tăng tưởng dân số sẽ tự động mang lại sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Nó
chỉ mang lại điều đó khi các nhà lãnh đạo chính trị tạo ra các điều kiện kinh tế cần thiết để thu hút đầu tư và tạo ra việc làm. Trong thập niên 1960 và 1970, việc dân số tăng nhanh ở châu Phi, Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn tới nạn đói, tỷ lệ thất nghiệp cao và nội chiến. Sự tăng trưởng dân số nhanh thường là một điều kiện tiên quyết cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng nó không bao giờ đảm bảo sẽ có sự tăng trưởng nhanh.
Ở hầu hết các nước, trước những năm 2000, tỷ lệ tăng trưởng dân số cao là bình thường nhưng thường không dẫn đến một phép mầu kinh tế. Trong nghiên cứu của tôi, hơn 60% trong số 698 trường hợp này có tỷ lệ tăng dân số trong độ tuổi lao động hơn 2%, nhưng chỉ một phần tư số đó đạt được phép mầu kinh tế hoặc có được tỷ lệ tăng trưởng bình quân 6% hoặc hơn trong cùng thập kỷ.
Các quốc gia mà sự bùng nổ dân số không mang lại phép mầu kinh tế bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt các thập kỷ từ 1960 đến 2000, và Philippines trong suốt các thập kỷ từ 1960 đến 2010. Ngày nay thậm chí cả Kenya cũng không thể giả định rằng tỷ lệ tăng trưởng dân số hàng đầu thế giới của họ – dự kiến ở mức 3% từ 2015 đến 2020 – sẽ mặc nhiên biến nước này thành một nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Thế giới Ả Rập cho ta một bài học cảnh báo. Tại đó từ 1985 đến năm 2005, dân số trong độ tuổi lao động tăng trưởng với tỷ lệ trung bình hằng năm hơn 3%, tức nhanh gần gấp đôi so với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, chẳng có thặng dư kinh tế gì cả. Đầu những năm 2010, nhiều nước Ả Rập gánh chịu tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cực kỳ cao: hơn 40% ở Iraq và hơn 30% ở Ả Rập Saudi, Ai
Cập và Tunisia, nơi từ đó phát sinh bạo lực và tình trạng hỗn loạn của Mùa xuân Ả Rập. Ở Ấn Độ, nơi người ta kỳ vọng rất cao về tăng trưởng nhân khẩu học, 10 triệu người trẻ tuổi sẽ gia nhập lực lượng lao động mỗi năm trong thập kỷ tiếp theo, nhưng cho đến gần đây, nền kinh tế này vẫn đang tạo ra chưa tới 5 triệu việc làm mỗi năm.
Mặc dù các cuộc thảo luận về tăng trưởng dân số nhanh có xu hướng tập trung vào các nước lớn mới nổi, nhân lực gia tăng cũng là yếu tố rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển. Trong những thập kỷ gần đây, Mỹ đã trở thành nền kinh tế năng động và linh hoạt nhất trong các nền kinh tế phát triển, sáng tạo hơn nhiều so với châu Âu, ít bảo thủ hơn nhiều so với Nhật Bản. Nhưng nhiều lợi thế gần đây của họ có thể được truy nguyên từ yếu tố có nhiều người trẻ tham gia lực lượng lao động. Hơn 30 năm qua, dân số trong độ tuổi lao động đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều tại Mỹ so với các đối thủ công nghiệp lớn khác: nhanh gấp hai lần Pháp và Anh, nhanh gấp năm lần so với Đức, và nhanh gấp mười lần so với Nhật Bản. Cú thúc nhân khẩu học đó giúp giải thích vì sao Mỹ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong cùng kỳ. Ở Đức và Anh chẳng hạn, nếu loại trừ yếu tố dân số tăng trưởng chậm, thu nhập bình quân đầu người đã tăng trưởng nhanh như của Mỹ. Hơn 30 năm qua, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ trung bình nhanh hơn 0,9% so với Đức, và dân số trong độ tuổi lao động của nước này cũng tăng trưởng nhanh hơn đúng 0,9%. Nếu không như vậy thì cuộc đua này lẽ ra đã hòa.
Dự báo dân số của thế giới phát triển nghe khá nản lòng trong giai đoạn 2015 – 2020. Trong số mười nền kinh tế phát triển lớn
nhất, dân số thuộc độ tuổi lao động dự kiến sẽ vẫn không thay đổi tại Pháp, suy giảm một chút ở Tây Ban Nha, và sụt giảm nhanh chóng với tỷ lệ 0,4% một năm hoặc hơn ở Ý, Đức và Nhật Bản. Dự báo về Mỹ ít ảm đạm hơn, với tỷ lệ tăng trưởng dân số ở mức 0,2%, cũng gần giống như mức của Anh và Canada. Tin tức tốt lành nhất cho các nước phát triển, tiếc thay, lại chỉ giới hạn trong các nước nhỏ, dẫn đầu là Singapore và Úc. Tại đó dân số vẫn đang tăng trưởng với tốc độ ổn thỏa, nhưng đối với nền kinh tế toàn cầu, các nước này quá nhỏ để bù đắp cho sự tăng trưởng yếu kém ở tất cả các nước lớn hơn.
Trợ cấp sinh con
Cuộc đua chống lại đà trì trệ tăng trưởng dân số đã mở màn. Nhiều quốc gia trong thập kỷ qua đã nhận ra mối đe dọa kinh tế và đã tiến hành các bước để xử trí. Vào năm 2014 Đan Mạch đã sửa đổi chương trình giáo trình giáo dục giới tính ở trung học để cảnh báo thiếu niên về những nguy cơ nếu trì hoãn quá lâu thời điểm sinh con. Theo Liên Hiệp Quốc, 70% các nước phát triển ngày nay đã triển khai các chính sách thúc đẩy tỷ lệ sinh sản của họ, tăng lên từ mức khoảng 30% trong năm 1996. Đồng thời, số lượng các quốc gia mới nổi có chính sách kiểm soát tỷ lệ tăng trưởng dân số đã chững lại kể từ những năm 1990, ở mức khoảng 60%.
Do tỷ lệ sinh ở nhiều nước đang tụt xuống dưới mức sinh sản thay thế 2.1, các nước có chính sách trợ cấp cho mẹ đang tập trung chủ yếu vào việc khuyến khích phụ nữ có nhiều hơn hai con, và ở một số quốc gia, các trợ cấp này thậm chí còn áp dụng rộng rãi hơn với đứa con thứ ba, thứ tư và thứ năm. Nhiều quốc gia đã nỗ lực
thưởng tiền mặt và các hình thức ưu đãi khác để phụ nữ sinh thêm con, một hình thức nhà nước can thiệp vào quá trình sinh sản thường không hiệu quả và gây tranh cãi.
Năm 1987 Singapore đã đi tiên phong trong những nỗ lực này, phát động chiến dịch với khẩu hiệu “Sinh ba con hoặc nhiều hơn nếu đủ khả năng”. Các hình thức khuyến khích mà chính phủ đưa ra, gồm cả trợ cấp nằm viện, không tác động gì mấy đến tỷ lệ sinh. Lúc ấy tôi đang học tập tại Singapore và còn nhớ mọi người bông đùa về chuyện trợ cấp cho các thai phụ gốc Hoa đang xếp hàng nườm nượp để sinh mổ cho con vào ngày đẹp 8-8-88. Canada cũng đưa ra chính sách ưu đãi sinh con trong năm đó, 1988, nhưng rút lại vài năm sau một phần do – cũng như các nước khác đã nhận thấy – nhiều phụ nữ hưởng ứng các khoản tiền thưởng đều rất nghèo, và con cái của họ đã tạo gánh nặng lớn cho chi phí phúc lợi.[3]
Khi Bộ trưởng Ngân khố Úc Peter Costello công bố khoảng tiền thưởng sinh con đầu tiên ở nước này vào năm 2005, ông đã kêu gọi phụ nữ “ngồi xuống mà suy nghĩ về dân số đang lão hóa”, và không ít đồng bào của ông đã lo âu và hưởng ứng. Sáu năm sau, Úc cắt các khoản tiền thưởng này, một phần vì những ưu đãi tỏ ra không ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ sinh, nhất là khi xét đến các biến động lớn hơn trong xã hội. Tại hầu hết các quốc gia giàu có, phụ nữ đi làm đều hoãn sinh con đến ngoài tuổi ba mươi để theo đuổi sự nghiệp – và hậu quả là họ đang sinh ít con hơn.
Tại Pháp, chính quyền xã hội chủ nghĩa của Thủ tướng Lionel Jospin đã cố gắng xử trí vấn đề này bằng cách làm cho tiền thưởng sinh con trở nên hậu hĩnh đến độ hấp dẫn cả phụ nữ đi làm. Kế
hoạch này, được công bố vào 2005, đã bị cánh hữu công kích bởi làm thâm thủng thêm ngân sách vốn đã âm, và bị cánh tả chê bai là thiên vị cho người giàu. Tuy nhiên gói này đã được phê duyệt, gồm các ưu đãi dư dật nhằm vào chỉ các bậc cha mẹ có đứa con thứ ba quý hóa: trợ cấp bổ sung về nhà ở, giảm thuế, tăng 10% lương hưu và giảm giá vé đi xe lửa 75%. Các bậc cha mẹ này cũng sẽ được trợ cấp hằng tháng hơn 400 đô-la cho đứa con thứ ba, và có lẽ quan trọng nhất, nếu một trong hai người nghỉ việc để chăm đứa con thứ ba, họ sẽ nhận được khoản trợ cấp 1.200 đô-la một tháng. Khoản đó dường như làm suy giảm lực lượng lao động ngày hôm nay, nhằm gia tăng vào ngày mai. Đáp lại sự chỉ trích, Peter Brinn, một trong những kiến trúc sư trưởng của kế hoạch này tại Pháp, đã bênh vực cho chính sách trợ cấp sinh con là “chi tiêu cho tương lai”. Tuy nhiên, đến 2015, Pháp cũng đã cắt giảm đáng kể các khoản tiền thưởng sinh con.
Khi sự suy giảm quy mô dân số bắt đầu tác động vào thế giới mới nổi, Chile gần đây đã trở thành một trong những quốc gia mới nổi đầu tiên đưa ra tiền thưởng sinh con. Mặc dù có tiếng là một nền văn hóa Thiên Chúa giáo bảo thủ với cơ cấu gia đình đông đúc, Chile đã có tỷ suất sinh thấp hơn nhiều so với mức thay thế. Vào 2013 chính phủ đã phản ứng với nỗi sợ ngày càng tăng của quả bom suy giảm dân số bằng cách công bố chính sách thưởng cho việc sinh con. Tự bộc bạch rằng bản thân quan ngại về tỷ lệ sinh sụt giảm nhiều hơn về thảm họa thiên nhiên như trận động đất ở Chile hồi tháng 2-2010, Tổng thống Sebastián Piñera đã công bố khoản thưởng một lần tăng dần 200 đô-la cho đứa con thứ ba, 300 đô-la
cho đứa thứ tư và 400 đô-la cho đứa thứ năm. “Sự sụt giảm tỷ lệ sinh một cách đột ngột và gay gắt này thể hiện một mối nguy nghiêm trọng, một mối đe dọa nghiêm trọng, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiến thiết quốc gia của chúng ta”, Piñera cảnh báo.
Vào khoảng thời gian này, Trung Quốc – trọng điểm của mọi kế hoạch về dân số – đang xem xét lại chiến dịch lâu năm của họ nhằm kiểm soát tỷ lệ sinh sản thông qua chính sách một con, điều đã góp phần mạnh mẽ gây ra vấn đề lão hóa của nước này. Chính sách một con này đã khích lệ nhiều bố mẹ phá bào thai nữ để đảm bảo sinh con trai, dẫn đến một xã hội mất cân bằng giới tính trầm trọng. Nam thanh niên đông hơn hẳn các cô gái, và nhiều người không thể tìm được vợ. Các chính sách kiểm soát dân số hà khắc đã tác động lớn lao đến lực lượng lao động, dự kiến sẽ hụt đi một triệu lao động mỗi năm trong những thập kỷ tới. Cuối năm 2015 Trung Quốc rốt cục đã tuyên bố kết thúc chính sách một con.
Thật khó dự đoán sẽ có những lệch lạc gì khi áp dụng các chính sách quyết liệt vận động phụ nữ sinh hai, ba hoặc nhiều con hơn – với một việc phức tạp như sự sinh sản của con người, không thể thay đổi một cách có thể đoán được. Một bài viết mới đây của các nhà nhân khẩu học Hans-Peter Kohler và Thomas Anderson đã giải thích tại sao mức độ suy giảm tỷ lệ sinh ở châu Âu lại khác biệt rất lớn giữa các nước. Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, phụ nữ tham gia đông đảo vào lực lượng lao động, nhưng chuẩn mực xã hội thay đổi chậm hơn so với nền kinh tế công nghiệp. Đàn ông vẫn được coi là trụ cột mưu sinh, và phụ nữ vẫn được kỳ vọng gánh trách nhiệm nuôi con và nội trợ. Các vai trò giới tính cơ bản bắt đầu
thay đổi trong những năm 1960, khi văn hóa bắt đầu bắt kịp với kinh tế – nhưng ở một số nước nhanh hơn so với những nước khác. Ở Pháp, Anh và các nước Bắc Âu, các bà mẹ thấy dễ dàng đi làm việc trở lại, một phần do các dịch vụ chăm sóc trẻ thuận lợi. Trong các nền văn hóa truyền thống hơn như Đức và Ý, nơi mà quan niệm cũ về vai trò giới tính phôi pha chậm hơn, nhiều phụ nữ đã chọn cách không sinh con, và tỷ lệ sinh ngày nay là cực kỳ thấp.
Tác động từ sự can thiệp của nhà nước vào quá trình sinh sản của con người do đó có thể vừa chậm, vừa không thể dự đoán trước, một phần do độ trễ văn hóa và những thiên kiến giới tính khác biệt nhau tùy từng nước. Trung Quốc không có ý định làm cho chính sách một con của họ ưu ái nam giới – thật vậy, họ đã cố gắng ngăn cấm bác sĩ tiết lộ giới tính của thai nhi – nhưng truyền thống của một xã hội vẫn còn xoay quanh những người con trai cả đã làm lệch sự tác động. Đến năm 2014, sự mất cân bằng giới tính đã đạt đến đỉnh điểm mới: 121 bé trai được sinh ra ứng với mỗi 100 bé gái. Trong những chuyến thăm Bắc Kinh và Thượng Hải vào đầu những năm 2010, tôi nghe nói Trung Quốc đang trở về lại thế kỷ 19, khi nạn giết trẻ sơ sinh nữ tràn lan đã tạo ra sự mất cân bằng giới tính tương tự, mà theo một số tư liệu đã gây ra những vụ thảm sát “có nguyên nhân testosterone nam tính” thời Thái Bình Thiên Quốc (1850 – 1864). Câu chuyện này là nửa thật nửa đùa, nhưng sự mất cân bằng giới tính là một mối quan ngại thực sự. Ở các nước khác, các khoản trợ cấp để sinh thêm con nhiều khả năng cũng sẽ gây ra những hậu quả ngoài ý muốn của riêng chúng. Khó có thể xem kiểu chiến dịch này là dấu hiệu tích cực cho bất kỳ nền kinh tế nào.
Một hướng giải pháp hứa hẹn hơn tập trung vào việc nỗ lực huy động thêm người cho lực lượng lao động. Điều đó có nghĩa là mở cửa cho những người đủ điều kiện thể chất và tinh thần nhưng không có việc làm chính thức. Trong khi dân số dịch chuyển chậm chạp, các biện pháp tái cơ cấu lực lượng lao động có thể có tác động nhanh, vì ta không phải chờ 15 đến 20 năm để thế hệ sau lớn lên. Các dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ có thể giúp phụ nữ có con đi làm trở lại. Việc mở cửa cho di dân kinh tế có thể làm gia tăng dân số trong độ tuổi làm việc ngay lập tức. Và việc đi ngược lại phong trào giảm tuổi nghỉ hưu xuống ngũ tuần trong thế kỷ 20 ở nhiều nước công nghiệp có thể nhanh chóng huy động được một thế hệ bị lãng quên trở lại làm việc. Để quan sát những chuyển biến khả dĩ về quy mô chất lượng nhân lực lao động, chủ yếu hãy quan sát các biến động về số công dân cao tuổi, phụ nữ, di dân và thậm chí cả người máy tham gia vào lực lượng lao động.
Giải phóng những người về hưu ngoài ý muốn
Trong những thập kỷ gần đây, tác động ngày càng lớn của sự suy giảm dân số đã bị khuếch đại bởi sự suy giảm trên toàn cầu về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động – tức tỷ lệ người lớn ở độ tuổi lao động đang làm việc hoặc đang tìm việc làm. Có một số ngoại lệ lớn về sự sụt giảm nhân lực này, vốn bao gồm Đức, Pháp, Nhật Bản và Vương quốc Anh, nhưng Mỹ là nước đang chứng kiến sự sụt giảm lớn hơn. Trong 15 năm qua, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Mỹ đã giảm từ 67% xuống 62%, mà phần nhiều diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nếu không có sự suy giảm đó, lực lượng lao động Mỹ đã có thêm 12 triệu người lao động trong năm 2015.
Mặc dù một phần của sự chuyển dịch này có thể là hiện tượng thoáng qua, phản ánh con số hàng triệu nhân công thất nghiệp đã từ bỏ quá trình tìm việc do thất vọng vào những thời điểm cực độ của cuộc đại suy thoái, sự suy giảm mức độ tham gia này vẫn sẽ xảy ra bởi quá trình lão hóa. Tại Mỹ, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã giảm từ trên 80% một chút đối với người ở độ tuổi 45 xuống đến dưới 30% đối với người ở độ tuổi 65, và mức này dự kiến sẽ tiếp tục giảm ở hầu hết các nước khi thế giới lão hóa.
Các nước nhanh nhạy hơn đang suy tính lại toàn bộ quan niệm về “tuổi nghỉ hưu”, một khái niệm chưa hề có trước những năm 1870. Trong các thời kỳ trước đây, người ta làm việc cho đến khi cơ thể hoặc trí não hết khả năng, và người ta chuẩn bị cho tuổi già lẩn thẩn bằng cách sinh thật nhiều con, với hy vọng rằng ít nhất một đứa sẽ chăm sóc họ. Thế rồi một công ty hỏa xa ở miền Tây Canada nêu ra một câu hỏi dường như nhỏ nhặt nhưng hóa ra đầy nguy hại: Bao nhiêu tuổi là quá già để lái tàu lửa an toàn?[4] Câu trả lời khi ấy là 65, con số đã trở thành độ tuổi nghỉ hưu chính thức ở nhiều nước. Thậm chí khi những người lớn tuổi vẫn linh lợi ở tuổi 70 hay 80, hạn mức tuổi tác vẫn cản trở họ.
Các khoản phúc lợi hưu trí đầu tiên của chính phủ, được đưa ra nhằm làm giảm sự bất ổn tài chính ở tuổi già, đã xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 ở Đức, vào thời Bismarck. Lúc ấy tỷ lệ sinh ở châu Âu cao hơn nhiều so với mức sinh sản thay thế, và tuổi thọ thấp hơn nhiều, do đó dân số trong độ tuổi lao động tăng trưởng nhanh chóng về con số tuyệt đối và so với dân số cao niên. Với một nguồn cung lao động ngày càng gia tăng để tài trợ cho một số lượng người nghỉ hưu
hạn hẹp, kế hoạch hưu niên của Bismarck khi ấy – đánh thuế người trẻ để trả tiền hưu cho người già – đã phát huy hiệu quả. Tình thế xoay chuyển. Dân số trong độ tuổi lao động chững lại, nhưng kế hoạch hưu niên theo kiểu Bismarck vẫn được duy trì, bất chấp những chỉ trích rằng chúng đã trở thành các chương trình đa cấp không bền vững. Không thể tuyển dụng đủ người trẻ để đóng góp tiền hưu cho người nghỉ hưu, những người đã trở nên hài lòng một cách hơi quá với kế hoạch này. Khi tôi đến thăm Vienna vào tháng 10-2013, một viên quản lý khách sạn vui tươi người Áo đã 52 bảo tôi trong lúc tán gẫu rằng, bởi vẫn còn khỏe mạnh ở tuổi 58, bà
đang mong về hưu sau hai năm, khi bà sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí công ích gần bằng mức lương cuối cùng của mình. Bà dự định thay thế công việc bằng cách nhảy tango, đạp xe xuyên Áo và tham gia các cuộc trượt tuyết mạo hiểm ở vùng hẻo lánh.
Ngay cả những nước giàu nhất cũng nhận ra rằng họ không còn kham nổi những năm hưu trí đến quá sớm. Để hình dung quốc gia nào dễ bị tổn thương nhất do quá trình lão hóa và phí tổn đi kèm, chỉ cần so sánh số lượng người trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 với số người phụ thuộc lớn hơn 64 hoặc nhỏ hơn 15 tuổi – còn gọi là tỷ lệ phụ thuộc. Những thay đổi về tỷ lệ phụ thuộc nói lên rất nhiều về tiềm năng tăng trưởng của một nền kinh tế, qua việc cho biết tỷ lệ dân số đang bước vào những năm làm ra của cải, tiết kiệm tiền và đóng góp vào quỹ vốn để đầu tư, chứ không phải tiêu xài lương hưu. Trong cuộc bùng nổ kinh tế thời hậu chiến, tốc độ tăng trưởng GDP của Hàn Quốc đã tăng hoặc giảm theo từng năm tương hợp
rất chặt chẽ với những thay đổi của tỷ lệ phụ thuộc. Sự tăng trưởng GDP của Trung Quốc cũng đạt đỉnh trong năm 2010, cùng năm mà tỷ lệ phụ thuộc chạm đáy ở mức một người phụ thuộc ứng với mỗi ba người làm việc và bắt đầu tăng lên.
Con số này ngày nay ẩn chứa rất nhiều kịch tính, nhất là ở các vùng lão hóa như châu Âu, nơi mà quy mô dân số trong độ tuổi lao động so với dân số cao tuổi đã giảm một nửa kể từ những năm 1950 và dự kiến sẽ giảm tiếp một nửa trong 30 năm tới. Quá trình lão hóa, vốn đã tác động đến các nước tiên tiến nhất, dự kiến sẽ diễn ra thậm chí còn nhanh hơn ở những nước mới nổi, một lần nữa do sự sụt giảm gay gắt tỷ lệ sinh và sự gia tăng nhanh chóng tuổi thọ. Trên thế giới, con người trung bình ngày nay sống thọ hơn 19 năm so với hồi 1960, nhưng ở Trung Quốc, người ta trung bình sống thọ hơn 30 năm và qua đời ở tuổi 75. Bước tiến này là đáng kể, nhưng có cái giá của nó. Ngày nay, tỷ lệ dân số Trung Quốc trên 65 tuổi đang trên đà tăng gấp đôi từ 7 lên 14% từ năm 2000 đến năm 2027. Để so sánh, quá trình nhân đôi này mất 115 năm ở Pháp và 69 năm tại Mỹ.
Các xu hướng dân số tác động đến kinh tế chủ yếu qua việc làm tăng hoặc giảm lượng nhân công, nhưng nó còn có một tác động thứ cấp về năng suất. Trong những năm gần đây các nước có dân số tăng trưởng nhanh hơn cũng thường cho thấy năng suất tăng trưởng nhanh hơn. Khi tỷ lệ phụ thuộc giảm, với nhiều người tham gia vào lực lượng lao động và kiếm sống một cách độc lập, thu nhập của một quốc gia tăng lên, và điều đó tạo ra một lượng vốn lớn hơn, có thể được sử dụng để đầu tư vào những phương cách nhằm tiếp
tục nâng cao năng suất. Theo nhà nhân khẩu học Andrew Mason, lợi tức nhân khẩu học thứ cấp này là một sự thúc đẩy quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đông và Đông Nam Á, nơi có tỷ lệ tiết kiệm tương đối cao hơn và lực lượng lao động tương đối lớn.[5]
Hơn nữa, một lực lượng lao động có kinh nghiệm hơn cũng thường hiệu quả hơn. Các quốc gia có lợi thế tốt nhất là những nước có biện pháp giữ người lớn tuổi trong lực lượng lao động và nằm ngoài dân số “phụ thuộc”. Năm 2007, Đức tăng tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67 đối với nam giới và phụ nữ, một biện pháp sẽ được triển khai dần. Hầu hết các quốc gia châu Âu khác đều noi theo, trong đó có Ba Lan. Trong năm năm tới, dân số trong độ tuổi lao động của Ba Lan được dự đoán sẽ giảm hơn 3 điểm phần trăm xuống còn 66%, mức giảm mạnh nhất ở bất kỳ nước lớn nào, trong khi dân số già tiếp tục bùng nổ. Cuộc chiến về việc nâng tuổi nghỉ hưu và các vấn đề đặc thù khác của xã hội cao niên giờ định hình các cuộc tranh luận chính trị, trong khi các doanh nhân Ba Lan đã bắt đầu tìm cách khai thác cơ hội từ người cao tuổi. Nhà dưỡng lão mà người Ba Lan gọi Nhà Cao niên Bình an đã được nhân rộng trên khắp xứ này. Các nước châu Âu như Ý và Bồ Đào Nha cũng đã thay đổi độ tuổi nghỉ hưu theo đà tăng tuổi thọ, và những nước khác cũng đang tranh luận về việc nghỉ hưu ở tuổi 70 hoặc cao hơn. Có những nước chống lại – đặc biệt là Pháp – nhưng việc đẩy lùi tuổi nghỉ hưu là một bước tiến lớn cho các nền kinh tế già nua, và mỗi năm lùi lại được sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ đô-la chi phí lương hưu và làm chậm tác động của quả bom suy giảm dân số.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nều cho rằng nhà nước có thể soạn chính sách để ép tất cả người lao động lớn tuổi tiếp tục làm việc. Tại Mexico, tuổi nghỉ hưu chính thức là 65, nhưng nam giới Mexico điển hình nghỉ hưu ở tuổi 72. Ở Pháp, tuổi nghỉ hưu chính thức cũng là 65, nhưng người Pháp điển hình thực sự nghỉ hưu trước 60. Thay đổi độ tuổi nghỉ hưu chính thức và mức độ trợ cấp hưu trí có thể khuyến khích người ta ở lại làm việc, nhưng không thể tạo ra những sự thay đổi tức khắc trong văn hóa chức nghiệp. Ở hầu hết các nước, độ dài “những năm tháng vàng” của tuổi hưu trí tiếp tục kéo dài, đè nặng lên nền kinh tế. Ở 34 nước công nghiệp thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), từ Trung Quốc và Hàn Quốc đến Mỹ và Anh, khoảng cách giữa độ tuổi trung bình nghỉ hưu cho đến độ tuổi mà người đó qua đời hiện là 15 năm, tăng lên đều từ mức 2 năm hồi 1970.
Chi phí để trả lương hưu đang tăng đến mức nặng nề, mà có lẽ không ở đâu nhiều như Brazil, nơi nam giới trung bình nghỉ hưu ở tuổi 54 và phụ nữ trung bình ở tuổi 52 – sớm hơn so với bất kỳ quốc gia thành viên OECD nào. Trong khi đó, lương hưu trung bình lên đến 90% mức lương cuối cùng của người về hưu, so với mức trung bình 60% của OECD. Brazil là một trong những nước mà sự mất cân đối ngày càng tăng giữa người lao động và người về hưu đe dọa nhiều nhất cơ cấu lao đao của hệ thống hưu trí kiểu Bismarck. Trên mặt trận này, chính phủ cũng đang phải vật lộn với những ảnh hưởng của quả bom suy giảm dân số.
Điều gì đã xảy ra với phụ nữ trong lực lượng lao động?
Sự tham gia vào lực lượng lao động của phụ nữ trên toàn thế giới, tiếp thêm sinh lực cho phần lớn thời hậu chiến, đã đình trệ trong 20 năm qua, với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trung bình của phụ nữ dừng ở mức khoảng 50%. Thông thường phụ nữ tham gia lực lượng lao động với tỷ lệ rất cao ở các nước nông nghiệp nghèo, nơi mà việc nuôi ăn gia đình huy động tất cả nhân lực ra đồng. Tỷ lệ tham gia sau đó giảm xuống khi các nước công nghiệp hóa và chuyển dịch sang nhóm thu nhập trung bình, và một số phụ nữ chuyển sang làm việc nhà, rời khỏi lực lượng lao động chính thức. Cuối cùng, nếu đất nước ấy trở nên giàu hơn nữa, nhiều gia đình có nguồn lực để cho phụ nữ theo học đại học – và từ đó họ thường gia nhập lực lượng lao động với số lượng lớn.
Để nắm được những nền kinh tế nào có cơ hội nhiều nhất – hoặc ít nhất – trong việc tạo ra sự tăng trưởng thông qua bồi đắp lực lượng lao động nữ, ta có thể so sánh các nước trong cùng nhóm thu nhập. Trong số các nước giàu, theo một nghiên cứu năm 2015 của Citi Research, mức phụ nữ tham gia lực lượng lao động trải từ gần 80% ở Thụy Sĩ đến 70% ở Đức và ít hơn 60% ở Mỹ và Nhật Bản. Nhìn thấy lợi ích cho chính mình, Nhật Bản đang thức tỉnh trước điều này. Kể từ khi lên nắm quyền vào 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã thừa nhận công khai vai trò của phụ nữ trong việc khắc phục vấn đề lão hóa nghiêm trọng của Nhật Bản, và ông đã tích hợp “Womenomics (Kinh tế phụ nữ)” như một trọng tâm trong kế hoạch hồi sinh nền kinh tế. Womenomics bao gồm cải thiện dịch vụ chăm sóc trẻ em và chế độ nghỉ phép chăm con, cắt “khoản phạt hôn nhân” vốn đánh thuế cao hơn với người thứ hai có thu nhập trong
gia đình, và khích lệ các công ty Nhật đưa nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí điều hành. Trong ba năm đầu tiên thuộc nhiệm kỳ của Abe, khoảng 800.000 phụ nữ đã tham gia lực lượng lao động, và ông tuyên bố chiến dịch của mình cũng đã đưa nhiều phụ nữ vào các vị trí quản lý cao cấp.
Tại Canada, một nỗ lực để mở cửa cho phụ nữ đã mang lại kết quả chóng vánh. Vào 1990, chỉ 68% phụ nữ Canada tham gia lực lượng lao động; hai thập kỷ sau con số này đã tăng lên đến 74%, phần lớn dựa vào các cải cách bao gồm cắt giảm thuế cho người thứ hai có thu nhập và các dịch vụ mới để chăm sóc trẻ. Một sự bùng nổ thậm chí ngoạn mục hơn nữa về số lượng phụ nữ đi làm đã xảy ra ở Hà Lan, nơi tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động đã tăng gấp đôi kể từ 1980 lên đến mức 74% ngày nay, do kết quả của chính sách nghỉ hộ sản tăng cường dành cho cha mẹ và trào lưu bố trí công việc linh hoạt, bán thời gian. Trong thời gian ngắn, Hà Lan đã nhanh chóng bắt kịp và vượt qua Mỹ trong việc vận dụng năng lực của phụ nữ.
Bất kể các chiến dịch này năng nổ đến đâu, tất cả các quốc gia đều có tỷ lệ tham gia của nam cao hơn so với nữ, mặc dù sự cách biệt giới tính này khác biệt rất lớn tùy theo quốc gia. Các quốc gia có khoảng cách giới nhỏ nhất, ít hơn 10%, bao gồm Na Uy, Thụy Điển, Canada và Việt Nam. Việt Nam có vẻ là một thành viên bất ngờ trong danh sách, nhưng các khoảng cách về giới này liên quan đến văn hóa chính trị, và nhiều nước xã hội chủ nghĩa hay cộng sản, gồm Trung Quốc, đã có những biện pháp đồng bộ để huy động phụ nữ vào lực lượng lao động. Điều đó cũng đúng ngay cả ở Nga,
nước có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động tương đối cao mặc dù pháp luật thời Liên Xô đã phong tỏa hơn 450 nghề bị xem là “quá vất vả đối với phụ nữ”. Vladimir Putin đã giải tỏa những hạn chế này khi lên nắm quyền vào 2000, và tòa án Nga đã phán quyết giữ nguyên quyết định đó mới 2009. Trong một khảo sát năm 2014 tại 143 quốc gia mới nổi, Ngân hàng Thế giới thấy rằng 90% có ít nhất một đạo luật hạn chế các cơ hội kinh tế đối với phụ nữ. Các đạo luật này bao gồm lệnh cấm hoặc hạn chế phụ nữ sở hữu tài sản, mở tài khoản ngân hàng, ký kết hợp đồng, tham gia tố tụng, đi lại một mình, lái xe hoặc kiểm soát tài chính gia đình.[6]
Những hạn chế này đặc biệt phổ biến ở Trung Đông và Nam Á, các vùng có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động thấp nhất thế giới, lần lượt là 26% và 35%. Khoảng cách về giới vượt quá 50 điểm ở Pakistan, Iran, Ả Rập Saudi và Ai Cập, và các rào cản đối với phụ nữ đi làm thường nằm ở chính sách luật lẫn tập quán văn hóa. Trong một bài đăng trên tạp chí New Yorker, Peter Hessler kể về một doanh nhân Trung Quốc mở một nhà máy điện thoại di động tại Ai Cập, nhưng đã phải đóng cửa trong vòng một năm một phần vì các nữ nhân viên của ông – mặc dù có tinh thần làm việc tích cực – đã bị tập quán văn hóa Ai Cập buộc phải từ chối làm ca đêm và nghỉ việc một khi lập gia đình.[7] Ở những nước lớn như Ấn Độ, nơi có chưa đến 30% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, các con số tổng thể cũng che giấu những điểm lạc hậu đáng kinh ngạc. Ở bang Bihar tại Ấn Độ, trong tổng dân số 100 triệu người, chỉ có 2% phụ nữ làm các công việc chính thức và được xem như thuộc lực lượng lao động.
Rào cản văn hóa là có thật nhưng không phải không thể vượt qua. Mỹ Latin, nơi có tiếng dung dưỡng một số nền văn hóa nổi trội về nam tính nhất trên thế giới, cũng đang có những bước tiến nhanh chóng để đưa phụ nữ vào lực lượng lao động. Từ 1990 đến 2013 chỉ có năm nước đạt mức tăng tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động trên 10%, và tất cả đều là các nước Latin. Đứng đầu là Colombia, nơi tỷ lệ phụ nữ trưởng thành tham gia lực lượng lao động tăng đến 26 điểm phần trăm, theo sau là Peru, Chile, Brazil và Mexico.
Các lý do dẫn đến sự bùng nổ tăng trưởng này thì phức tạp, nhưng một trong số đó là hệ thống giáo dục Latin đã mở cửa cho phụ nữ; ở Colombia, Profamilia, một tập đoàn tư nhân được thành lập vào những năm 1970 bởi các phụ nữ giàu có, đã đóng một vai trò quan trọng. Profamilia đối đầu với Giáo hội Thiên Chúa giáo đầy quyền lực và vận động cho sự phổ biến rộng rãi các biện pháp tránh thai, để phụ nữ có quyền trì hoãn việc sinh con hầu ưu tiên cho sự nghiệp. Tỷ lệ sinh sản đã giảm mạnh, trong khi tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động tăng vọt. Ở nhiều nước, tất cả những gì các nhà lãnh đạo cần làm để gặt hái thành quả kinh tế từ phụ nữ đi làm là dỡ bỏ các hạn chế hiện có, vốn dễ dàng hơn rất nhiều so với việc cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ đầy tốn kém hoặc cho bố mẹ nghỉ phép chăm con.
Văn hóa không thay đổi ngay lập tức, nhưng luật thì có thể. IMF nói rằng khi các nước cho phụ nữ quyền mở tài khoản ngân hàng, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động tăng đáng kể trong bảy năm tiếp theo.[8] Tuy nhiên, nguồn nhân tài nữ giới chưa được khai thác vẫn còn đồ sộ. Nhiều quốc gia đang bắt đầu nhận ra họ có lợi đến mức
nào khi khích lệ phụ nữ đi làm. Những nước có lợi nhiều nhất có thể chính là các nước gặp vấn đề tệ hại nhất về lão hóa và có tỷ lệ phụ nữ tham gia thấp nhất, gồm Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở Mỹ, phụ nữ tham gia lực lượng lao động với số lượng kỷ lục trong phần lớn thời kỳ hậu chiến, nhưng xu hướng ấy đạt đỉnh điểm vào khoảng 2003 và lâu nay đang đi xuống. Một lý do khả dĩ là Mỹ có mức thuế đặc biệt hà khắc đối với gia đình, cộng với mức chi tiêu thấp bất thường về các dịch vụ chăm sóc trẻ. Đây cũng là quốc gia công nghiệp duy nhất không có chính sách quốc gia để đảm bảo những người mới làm bố mẹ được nghỉ thai sản có lương.
OECD gần đây ước tính rằng việc loại bỏ sự cách biệt giới tính – tức làm cho tỷ lệ phụ nữ trưởng thành đi làm cũng nhiều như nam giới – sẽ dẫn đến một sự gia tăng tổng thể về GDP đến 12% tại các quốc gia thành viên từ 2015 đến 2030. Sự tăng trưởng GDP này sẽ đạt đỉnh gần đến 20% ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc và hơn 20% ở Ý, nơi có chưa đến 40% phụ nữ tham gia lực lượng lao động chính thức. Một phân tích tương tự vào 2010 bởi Booz and Company cho thấy việc thu hẹp khoảng cách về giới ở các nước mới nổi có thể mang lại lợi ích lớn hơn nữa về GDP trước 2020, dao động từ mức tăng 34% ở Ai Cập đến 27% ở Ấn Độ và 9% ở Brazil.
Cuộc chiến thu hút di dân
Một động lực cơ bản của sự tăng trưởng dân số vẫn đang ở mức ổn định trong những thập kỷ gần đây. Kể từ 1960, tỷ suất sinh toàn cầu đã giảm mạnh, và tuổi thọ đã tăng từ 50 lên 69 và vẫn đang tăng, nhưng tỷ lệ di cư vẫn gần như không đổi. Nửa thế kỷ trước đây, di dân chiếm khoảng 3% dân số toàn cầu, và vào năm 2012 họ
vẫn chiếm khoảng 3%. Và bất chấp tất cả những nỗi sợ bùng phát vào năm 2015 bởi làn sóng gồm hơn 1 triệu người tị nạn đổ vào châu Âu từ các nước đang bị chiến tranh tàn phá như Syria, Iraq và Afghanistan, các đợt tăng vọt này hầu như chỉ có thể kéo dài cho đến khi tình trạng bạo lực địa phương chấm dứt. Xu hướng căn bản khác còn mạnh mẽ hơn nữa chính là sự suy giảm mức tăng dân số trong độ tuổi lao động ở thế giới mới nổi, vốn đang làm giảm dòng di dân kinh tế từ các nước này sang các nước phát triển. Từ 2005 đến 2010 con số di dân thuần từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển đạt tổng cộng 16,4 triệu người, nhưng từ 2010 đến 2015, tổng số này giảm gần 5 triệu.
Trong thực tế, ít nhất trước khi phong trào chống nhập cư lên ngôi ở châu Âu và Mỹ vào 2015, cuộc cạnh tranh để thu hút lao động nước ngoài đã nóng lên. Theo Liên Hiệp Quốc, số lượng quốc gia công khai tuyên bố các kế hoạch nhằm nỗ lực tăng quy mô dân số “thông qua nhập cư” đã tăng hơn gấp đôi lên mức 22 nước vào 2013, từ 10 nước chỉ ba năm trước đó. Để biết những nước nào đang làm tốt việc thu hút người nhập cư, hãy để mắt đến các quốc gia đang tăng hoặc giảm dân số nhiều nhất, do kết quả của con số di dân thuần. Từ 2011 đến 2015 những nước gia tăng nhiều nhất trong các nước phát triển là Úc, Canada, Mỹ và Đức.
Có lẽ bất ngờ lớn rơi vào Đức, nước mà vào 2015 đã gây chú ý trên toàn cầu do thái độ phản ứng ngày càng gay gắt đối với dòng người tị nạn chiến tranh, với thậm chí những cuộc tấn công đốt phá các trung tâm tị nạn địa phương và việc các phần tử phát xít tung hô “Heil Hitler”. Thủ tướng Angela Merkel mất tín nhiệm trong dân
chúng một phần do chính sách mở rộng cửa cho dân nhập cư của bà. Tuy nhiên, nếu không có một lực nâng tích cực từ lượng di cư thuần, dân số của Đức lẽ ra đã giảm sau năm 2011. Từ 2011 đến 2015, mức di dân thuần đã làm tăng dân số của Đức thêm 1,6% – một con số trùng khớp với mức tăng tại Mỹ, nơi được coi là vùng đất của những người nhập cư.
Dù dòng di dân tạo nên một sự bù đắp lớn cho nền kinh tế Đức, mức này vẫn tương đối nhỏ so với tốc độ suy giảm dân số. Từ 2014 đến 2015, số di dân mới đã tăng vọt hơn gấp tám lần, lên đến khoảng một triệu, nhưng lẽ ra Đức sẽ còn phải nhận thậm chí nhiều hơn – khoảng 1,5 triệu – mỗi năm từ 2015 đến 2030 để duy trì tỷ lệ cân bằng hiện nay giữa số người đi làm so với những người về hưu. Nói vậy không phải là đề nghị Đức có thể hoặc cứ đơn thuần nhận hơn một triệu người tị nạn một năm, bởi vì có những thách thức để hội nhập bấy nhiêu người vào nền kinh tế một cách nhanh chóng. Nói vậy chỉ để kịch tính hóa quy mô của vấn đề lão hóa tại Đức, khi sự mất cân bằng giữa người già và người trẻ đang diễn ra thậm chí còn nhanh hơn tốc độ dòng người tị nạn ập đến vào 2015. Tình trạng này cũng điển hình cho nhiều nước công nghiệp: ngay cả khi chấp nhận một mức gia tăng đông đảo, con số di dân cũng chỉ bù đắp được một phần quả bom suy giảm dân số.
Nằm ngoài cuộc khủng hoảng người tị nạn, Canada và Úc đã chứng kiến sự gia tăng còn mạnh mẽ hơn cả Đức, do dòng di dân, đối với dân số của họ, với tổng mức tăng lần lượt là 3,3% và 4,3% kể từ 2011. Trong những năm gần đây dân số của Úc đã tăng nhanh hơn so với bất kỳ quốc gia phát triển lớn nào, chủ yếu vì họ đã cởi
mở với chính sách di dân có trật tự. Hai phần ba mức tăng trưởng dân số của nước này là do người nhập cư, mà hầu hết đến từ Ấn Độ và Trung Quốc. Dân số Úc đang lão hóa và sự tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, nhưng nếu nước này vẫn mở cửa – một điều khó đoan chắc tại thời điểm 2015, do phong trào chống nhập cư đang gia tăng mạnh mẽ – đà giảm tốc kinh tế sẽ chậm hơn rất nhiều so với hầu hết các nước giàu khác.
Nhật Bản lại ngược với Úc, đóng chặt cửa hết mức có thể so với một quốc gia hiện đại. Chưa đến 2% dân số của nước này được sinh ra ở nước ngoài, so với 30% của Úc. Cho đến gần đây, tính chất quốc đảo này được xem là một lợi thế cạnh tranh; vào những năm 1980 các nhà phân tích trong và ngoài Nhật Bản đã nhìn thấy “sự hài hòa” của một nền văn hóa đơn sắc và không có xung đột sắc tộc như một lý do cho tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Yasuhiro Nakasone và các nhà lãnh đạo chính trị khác đã công khai nhìn nhận xã hội “thuần nhất” là điều thiết yếu đối với bản sắc và sức mạnh của Nhật. Gần đây nhất, vào 2005, Bộ trưởng Nội vụ Taro Aso – người về sau trở thành Phó Thủ tướng, đã tôn vinh ý tưởng về nước Nhật như “một chủng tộc, một nền văn minh, một ngôn ngữ và một nền văn hóa”.
Một số quan chức chính phủ cao cấp vẫn giữ ý niệm đó, nhưng quan điểm của họ đã va chạm với sự nhận thức ngày càng lớn mạnh trong chính quyền Abe rằng Nhật Bản sẽ là một nền văn minh cô đơn, chùn bước nếu không chào đón di dân kinh tế. Thủ tướng Abe đã tăng lượng thị thực dành cho người nhập cư, và con số này ngày càng tăng. Nhưng ngay bây giờ Nhật Bản đang có mức di dân
nhập cư thuần hằng năm vào khoảng 50.000 người, và họ sẽ phải tăng con số này lên gấp khoảng mười lần để bù đắp cho đà suy giảm dân số theo dự kiến cho đến năm 2030. Nói cách khác, Nhật Bản sẽ buộc phải trở nên rất giống như nước Úc.
Hàn Quốc là một nền văn hóa nữa đồng nhất về sắc tộc từng nhìn nhận sự đồng nhất là nguồn gắn kết về mặt chính trị và kỷ luật trong lực lượng lao động. Tuy nhiên, nước này đã thay đổi nhanh hơn nhiều so với Nhật Bản trước sự suy giảm rõ rệt tương tự về dân số trong độ tuổi lao động. Cú sốc của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998 buộc Hàn Quốc phải suy nghĩ lại đường lối cô lập của mình. Từ mức khoảng một phần tư triệu người nhập cư tại Hàn Quốc trước cuộc khủng hoảng, kể từ 2000, dân số nhập cư đã tăng 400% lên đến 1,3 triệu, so với mức tăng chỉ 50% ở Nhật Bản. Chính phủ Hàn Quốc hiện nay khuyến khích chủ nghĩa đa văn hóa như một chính sách chính thức. Giới chức cơ quan di trú tự hào về những nỗ lực sâu rộng của họ nhằm thu hút nhân tài, và Liên Hiệp Quốc đã ca ngợi hệ thống của Hàn Quốc cấp phép làm việc cho người nước ngoài trong những ngành thiếu hụt lao động. Mặc dù dân số trong độ tuổi lao động đang suy giảm, mức này lẽ ra đã giảm nhanh gấp bốn lần nếu không có dòng người nhập cư. Chưa hết, kể từ khi nhậm chức vào 2013, Tổng thống Park Geun-hye đã hứa hẹn những động thái mới để giải quyết vấn đề lão hóa bằng cách thu hút người nước ngoài trẻ tuổi đến làm việc tại Hàn Quốc.
Những chiến dịch nhằm tuyển dụng di dân kinh tế này tương phản với những nỗ lực vô tổ chức của Thái Lan ở gần đó, nước giờ được gọi là “lão già của Đông Nam Á” vì là nước duy nhất trong khu
vực mà dân số trong độ tuổi lao động được dự đoán sẽ giảm trong vòng năm năm tới. Được dẫn dắt bởi một viên chức chuyển nghề biệt danh “ông Condom”, Thái Lan trong những năm 1970 đã thúc đẩy một chương trình kiểm soát sinh đẻ mà một số người giờ đây cho rằng đã thành công quá mức cần thiết. Cảnh sát phát bao cao su cho người đang tham gia giao thông, và giới tăng lữ gia trì cho bao cao su trong chùa. “Ông Condom” – tên thật là Mechai Viravaidya – giúp thắt ống dẫn tinh miễn phí tại chuỗi nhà hàng Cabbages and Condoms của mình và nổi tiếng thế giới bằng cách trưng những nắm bao cao su trong các cuộc tọa đàm của Ngân hàng Thế giới. Tỷ lệ sinh đã giảm mạnh, từ sáu con với một phụ nữ trung bình vào 1970 xuống dưới mức sinh thay thế vào đầu những năm 1990.
Phụ nữ không phải là câu trả lời cho Thái Lan, vì tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ của họ đã cao hơn 70% – đến nay là cao nhất trong số các nước có mức thu nhập như Thái Lan, do nền văn hóa tự do của Thái Lan. So với những nước khác ở Đông Nam Á, xã hội Phật giáo an hòa này cũng cởi mở một cách bất thường với người nước ngoài, với gần 4 triệu người nhập cư, chiếm hơn 5% dân số, so với chưa đến 1% ở Philippines và Indonesia. Không có gì lạ khi bắt gặp ở Thái Lan những doanh nhân nước ngoài điều hành các công ty lớn – một điều hiếm thấy ở các nước láng giềng nặng chủ nghĩa dân tộc hơn như Indonesia hoặc Malaysia. Người lao động nhập cư – chủ yếu là Phật tử từ Myanmar, Lào và Campuchia – cũng di chuyển dễ dàng để ra vào Thái Lan, nhưng họ đến một cách tự ý, chứ không do được tuyển mộ và cũng không bị bài xích.
“Đó là một câu chuyện cổ Thái. Không phải một chính sách chủ động”, một nhà kinh tế tại Bangkok nói với tôi trong chuyến thăm thành phố này vào tháng 10-2013. “Về chuyên môn, nhiều người nhập cư đang có mặt bất hợp pháp, nhưng có ai quan tâm đến luật pháp?” Để chống lại nạn lão hóa, Thái Lan sẽ cần quan tâm hơn nữa trong việc chào đón người nhập cư.
Trong số các quốc gia lớn mới nổi, các nước hưởng lợi lớn gần đây từ di dân là Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Nam Phi, những nước đã trở thành thỏi nam châm cấp khu vực để thu hút người tị nạn và người tìm việc. Từ 2011 đến 2015 dân nhập cư làm tăng 1% dân số của Nam Phi, 1,5% của Malaysia, và lên đến 2,5% của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong năm 2014, thậm chí trong khi các đảng cánh hữu khắp Tây Âu đang hô hào trục xuất người nhập cư và người tị nạn, Thổ Nhĩ Kỳ đã lặng lẽ gia hạn giấy tờ cho hơn 1 triệu người tị nạn, mà nhiều người trong số họ đến từ Syria. Ít nhất một số nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận ra cơ hội nhập khẩu sức lao động và nhân tài, gồm nhiều bác sĩ và chuyên gia có trình độ trong dòng người tị nạn. Năm 2014, theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, một phần tư các doanh nghiệp mới ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được khởi nghiệp bởi người Syria, và các khu vực phát triển nhanh nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là những nơi mà người tị nạn đã định cư.[9]
Hưởng lợi chất xám, chảy máu chất xám
Khi cuộc cạnh tranh thu hút lao động nóng lên, sự tranh đua giành lao động có tay nghề cao sẽ đặc biệt khốc liệt. Tính đến 2014, hai phần ba các nước thành viên của OECD gần đây đã triển khai, hoặc đang trong quá trình triển khai, các chính sách nhằm gia tăng
người nhập cư có tay nghề. Các chương trình này đã tạo nên sự gia tăng đến 70% lượng người nhập cư có trình độ đại học sống tại các quốc gia OECD, nâng tổng số lên đến 35 triệu người vào năm 2000. Mặc dù phong trào chống di dân dâng lên mạnh mẽ năm 2015, cuộc cạnh tranh âm thầm để thu hút nhân tài nước ngoài vẫn tiếp diễn.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã hưởng lợi từ việc giành được chất xám, giúp thúc đẩy nguồn sinh lực kinh doanh của xã hội Mỹ. Ngày nay người nhập cư chiếm 13% tổng số dân Mỹ, nhưng họ chiếm đến 25% tổng số các chủ doanh nghiệp mới và 30% số những người làm việc tại Thung lũng Silicon. Trong 25 công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ vào năm 2013, 60% được thành lập bởi những người nhập cư thuộc thế hệ đầu tiên hoặc thứ hai. Steve Jobs tại Apple: thế hệ thứ hai từ Syria. Sergey Brin tại Google: thế hệ đầu tiên từ Nga. Larry Ellison tại Oracle: thế hệ thứ hai từ Nga. Jeff Bezos tại Amazon: thế hệ thứ hai từ Cuba. Trong khi nhiều nhà sáng lập này có nguồn gốc di dân từ các nước chìm trong chiến tranh hoặc vấn nạn kinh tế, khá nhiều người xuất thân từ các gia đình đã rời bỏ các nền kinh tế được điều hành một cách chặt chẽ ở châu Âu, gồm Đông Đức cũ (Konstantin Guericke tại Symantec), Pháp (Pierre Omidyar tại eBay) và Ý (Roger Marino tại EMC).
Trong những năm gần đây, các ông trùm Thung lũng Silicon ngày càng quan ngại việc Mỹ đóng cửa với người nước ngoài có tay nghề cao, đẩy nước này vào thế bất lợi trong cuộc chiến giành nhân tài. Từ 2000, Mỹ đã cho phép ngày càng nhiều người nước ngoài đến theo học chứ không làm việc. Số lượng visa sinh viên đã tăng lên đến gần nửa triệu trong khoảng thời gian đó, nhưng số lượng visa
việc làm hoặc H1B vẫn giữ ổn định ở mức khoảng 150.000. Mỹ đã tiễn 350.000 sinh viên tốt nghiệp về quê nhà mỗi năm, chủ yếu về lại Ấn Độ và Trung Quốc, và các đối thủ cạnh tranh đã quần đảo ở California để săn nhân tài mới ra lò.
Hồi 2013, nhà phân tích công nghệ Mary Meeker đã lan truyền bức ảnh một biển quảng cáo mà chính phủ Canada đặt trên quốc lộ 101, huyết mạch chính đi qua Thung lũng Silicon, với khẩu hiệu nhại theo lời hứa của Tổng thống Barack Obama về chính sách đối ngoại “xoay trục sang châu Á”. Biển quảng cáo này ghi, “Gặp vấn đề H1B? Hãy xoay trục sang Canada”. Trước khi tới thăm vùng vịnh San Francisco vào mùa hè 2013, Bộ trưởng của Canada về quốc tịch, di trú và đa văn hóa, Jason Kenney, cho biết ông sẽ loan tin Canada đang “mở cửa cho người mới” và “sẽ không xin lỗi” về việc săn trộm tài năng. “Nếu quý vị không định liệu được hệ thống nhập cư của mình, chúng tôi sẽ mời những người giỏi nhất và sáng giá nhất sang phía Bắc biên giới”, ông nói.
Khó tìm được lời tuyên chiến nào quyết liệt hơn thế trong cuộc chiến giành nhân tài toàn cầu. Một cách để xác định kẻ chiến thắng là hãy tìm những nước mà người nhập cư chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng trong số sinh viên tốt nghiệp đại học, yếu tố cho thấy đất nước ấy đã giành được nhân tài có học thức. Mức giành được này đáng kể nhất ở Anh, Canada và đặc biệt là Úc, nơi dân nhập cư chiếm 30% tổng dân số nhưng chiếm đến 40% sinh viên tốt nghiệp đại học. Sự cách biệt 10% ấy biểu thị cho mức lợi nhuận chất xám đầy ý nghĩa. Tại Mỹ và Nhật, người nhập cư chiếm tỷ trọng như nhau trong dân số có trình độ đại học và dân số nói chung, vì vậy