🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Quân Khu Nam Đồng Ebooks Nhóm Zalo ebook©vctvegroup 30-05-2018 Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Mục lục Ngày gặp mặt Mười hai ngày đêm Thầy giáo 1 2 Buổi sáng thứ Hai 1 2 Trận đánh đầu tiên 1 2 3 4 Những trò quậy phá 1 2 Đi thăm thầy Toàn Mùa hè năm 1973 1 2 3 4 Âm mưu và tình yêu 1 2 3 4 5 6 Anh Sơn 1 2 Chiến thuật 1 2 Những lá thư giả mạo 1 2 Ghen 1 2 Giang Cận 1 2 3 4 Trận đánh cổng trường 1 2 Trận đánh trường Trưng Vương Giảng hòa Mùa hè năm 1974 1 2 3 Cô Ninh 1 2 Tình chị duyên em Chuyện bố con 1 2 3 Trận đánh trường Xã Đàn 1 2 3 Nghĩa vụ quân sự Về phép Hỏa Lò 1 2 3 Việt - Hương Xử án Quang Anh 1 2 3 Tha thứ Trước ngày ra trận 1 2 3 4 5 Những năm sau Lời kết Thay lời giới thiệu Tên của tập bản thảo khiến tôi không khỏi bật cười, thấy thú vị quá đi và lập tức muốn đọc. “Gã quân khu mặc cả bộ dõng, đi giày tá, giắt xéng trong người đến nhà người yêu…” lẫy lừng một thuở thời bao cấp là đây? Nhà xuất bản không cho biết tác giả của bản thảo là ai, nhưng bởi cái danh rất đặc hiệu và nổi như cồn ấy mà chưa bắt đầu đọc tôi vẫn đoán chừng được tác phẩm này dựng khung cảnh của thời nào và tác giả thuộc thế hệ nào trai Hà Thành. Thời Bao Cấp, ba chữ đó đè ám trong ký ức chỉ sau có Chiến Tranh, tới mức đến tận bây giờ thỉnh thoảng tôi còn bất chợt thấy mình đang ba lô lộn ngược xuôi tàu Bắc Nam đắp đổi sống qua ngày giữa cái nền văn minh “ba yêu rửa mặt bằng khăn” mà kinh hoàng vã mồ hôi hột choàng tỉnh và rồi mừng húm vì rằng chao ôi đây chỉ là một cơn bóng đè. Tuy nhiên, sau mấy mươi năm trời mà vẫn nằm mộng ngoái cổ nhìn về như vậy thì có nghĩa là ngoài sự khiếp hãi trong thâm sâu cõi lòng còn có cả nỗi nhớ nhung nữa, thậm chí buồn nhớ, thương nhớ những tháng năm cơ cực đó. Và cũng bởi vì thế, do những ấn tượng cùng những tình cảm trái ngược rất khó tả của mình đối với Thời bao cấp nên tôi luôn mong được đọc những tác phẩm văn học viết về nó. Tự truyện, hồi ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, gì cũng được, mà là về Thời bao cấp tôi đều thích đọc. Cố nhiên phải hay, mà hay thì hiếm. Theo như cách đọc và vốn liếng đọc của mình, tôi không lựa được nhiều tác phẩm kể chuyện Hà Nội những năm cuối cùng cuộc chiến hay được như cuốn này. Nhưng mà bảo rằng đây là tác phẩm viết về Thời hậu chiến bao cấp thì lại không hẳn. Tuổi trẻ học trò, thời thanh thiếu niên của đời người mới thực là đề tài của Quân khu Nam Đồng. Là một tự truyện, nhưng là “tự truyện tập thể”, nên tác phẩm này không theo giọng kể của ngôi thứ nhất, không có nhân vật xưng “tôi”. Mặc dù vậy, hòa mình vào hồi ức chung của anh em bạn hữu một thời khu gia binh, tác giả hiện hữu đậm nét qua cách nhìn và nghĩ, qua giọng văn và cách kể rất riêng. Có thể thấy ngay rằng tác giả của Quân khu Nam Đồng không phải một nhà văn, hoặc chí ít không phải là nhà văn chuyên nghiệp, bởi lẽ chuyên nghiệp viết văn thì không nhìn, không kể, không viết được như vậy. Phóng khoáng, mạnh bạo, dạn dĩ viết, không tự gò mình vào những khuôn phép văn chương, không tránh né những chông gai hầm hố của hiện thực từng có trong số phận con người và trong đời sống xã hội một thời, nhưng cũng không tô vẽ, bôi đen phủ hồng sự thật, tóm lại chân thực, hồn nhiên, tự nhiên nhi nhiên là đặc điểm nổi bật của văn phong tác giả. Tự nhiên nhi nhiên, không gợn một tỵ ty gì sự “hành văn”, đây là một tác phẩm viết rất hay và đầy xúc động về tuổi hoa niên. Tình mẹ con, tình cha con, tình thầy trò, tình bạn, tình huynh đệ chiến hữu cùng trường cùng phố, tình yêu đầu đời vô cùng non nớt mà sâu nặng thuở học trò, từ trong quá khứ thời gian khổ trở về dào dạt tâm hồn tôi khi đọc cuốn sách phải nói là rất lạ lùng này. • Bảo Ninh Ngày gặp mặt Khu tập thể quân đội Nam Đồng được xây dựng xong năm 1964, là một trong những khu gia binh lớn nhất Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ. Ban đầu, khu gồm tám dãy nhà bốn tầng, chủ yếu dành cho gia đình các sỹ quan cấp úy và cấp tá. Về sau, Bộ Quốc phòng xây thêm sáu dãy nhà một tầng giữa các dãy bốn tầng. Khoảng 500 gia đình sỹ quan sống ở đây. Thế nhưng những người gắn bó nhất với khu tập thể, không phải là các ông bố mặc quân phục thường xuyên xa nhà, mà là lũ con nít. Khi đến đây vào những năm 1964-1965, chúng đa phần chừng năm đến bẩy tuổi. Gắn bó với nhau suốt thời thơ ấu và thời niên thiếu. Cùng học, cùng chơi, cùng tranh một chỗ xếp hàng mua gạo, hứng nước, cùng nhau đánh lộn và… yêu khi lớn lên, bọn trẻ con trong khu tập thể có rất nhiều kỷ niệm chung. Sau hàng chục năm trời, giữa chúng vẫn duy trì một mối quan hệ khá đặc biệt. Chính vì thế, khi nghe tin Ban liên lạc ở Hà Nội thông báo tổ chức gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập khu tập thể, thành viên từ khắp mọi miền hưởng ứng rầm rầm. Hòa thông báo cho Việt ở thành phố Hồ Chí Minh về sự kiện này. Ban đầu Việt không muốn ra: “Tôi thấy các kỳ họp mặt khu Nam Đồng gần đây, đa phần là bọn trẻ, đang ở giai đoạn thích ‘mua một vé quay về tuổi thơ’. Mình tới, chúng cũng chẳng biết là ai”. Hòa động viên: “Quên ai thì quên, chứ sao mà quên được anh Việt, thành viên ‘khét tiếng’ một thời của Quân khu Nam Đồng? Mới ngày nào đó mà đã 50 năm qua rồi… Thực ra, bây giờ đâu có mấy người hiểu vì sao một khu tập thể kiểu mẫu của các gia đình quân nhân ngày ấy lại biến thành Quân khu?”. Việt trầm ngâm: “Bọn mình cũng đã trải qua đủ ngọt bùi cay đắng, nhưng phải thừa nhận, thời gian sống ở khu Nam Đồng là những ngày vui và đẹp nhất” - Việt tặc lưỡi rồi nói thêm: “Chẳng hiểu sao ngày đó, một lũ trẻ ranh mà dám xưng hùng, xưng bá với thanh niên Hà Nội”. Ngày gặp mặt, số người tới gấp đôi dự kiến, gần bảy trăm người. Rượu vào lời ra, quá khứ tràn về như thác lũ. Việt ngơ ngác giữa đám đông. Nó rời khu Nam Đồng đi bộ đội từ giữa năm 1974, sau đó vào thẳng Sài Gòn. Người thân xa nhau 20 năm gặp lại nhiều khi thành lạ, huống hồ Việt và nhiều người sau 40 năm mới nhìn thấy nhau. Cô hàng xóm sát nhà đấm nó thùm thụp vì tội không nhận ra em. Mà nhớ sao được, khi ngày xưa em nhí nhảnh ngây thơ, giờ tóc em bắt đầu điểm bạc. Việt cũng không nhận ra bạn Hạnh, học cùng lớp, ngồi trên một bàn. Cả bạn Trang, trước đây Việt hay sang nhà mượn truyện, giờ Việt cũng không nhận ra… Tóm lại, em nào, bạn nào nhận ra Việt thì nhận, nó hầu như chẳng nhận ra ai. Đặc biệt có một em rất xinh túm lấy Việt: “Ôi, anh Việt, nhớ em không? Hì, nhìn kiểu này chắc không nhớ rồi! Ngày xưa, anh em mình cởi truồng tắm chung với nhau… Vẫn không nhớ à? Ôi, chán cái anh này quá!”. Việt ngẩn người, cố lục tìm trong khắp các miền ký ức mà không ra đoạn ấy. Hồi đó tuy nghịch ngợm nhưng sống rất trong sáng, làm gì đã biết cởi truồng tắm chung với con gái. Nó ngượng nghịu: “Anh không nhớ. Nhưng… bây giờ mình cùng trở về quá khứ được không em?”. Cô em cười: “Anh quá đáng vừa chứ!”. Quá trưa, mọi người lần lượt ra về. Việt vẫn nấn ná ngồi uống. Nó vào Sài Gòn lâu nên nhiễm cái tật uống lai rai. Đám bạn học cũ cùng lớp nhắc Việt giữ sức để buổi tối chơi tiếp. Lần nào bạn bè vào Sài Gòn, Việt cũng đón tiếp thịnh soạn. Lần này nó ra Hà Nội, lại gặp dịp kỷ niệm năm mươi năm chung sống ở khu tập thể Nam Đồng, nhất định phải uống thêm một trận đã đời. Đến sáu giờ chiều, cả bọn có mặt đầy đủ ở điểm hẹn, nhưng không thấy Việt đâu. Gọi điện thoại mới biết nó vẫn đang nhậu với những đứa chưa chịu về, ở “Lê Thạch Quán”. May mà hai địa điểm gần nhau nên mười phút sau Việt cũng có mặt. Giọng nó có vẻ say: “Mấy chục năm không gặp, tôi nhìn ai cũng thấy lạ. Nhưng rất nhiều người nhận ra tôi và tới cụng ly. Ai cụng ly tôi cũng uống, không nhớ nổi uống bao nhiêu nữa… Vui thật! Gặp mọi người, nhớ lại bao nhiêu là chuyện…” Trong lúc mọi người tranh nhau nhắc lại kỷ niệm xưa, Hòa đề nghị: – Hay bọn mình viết lại chuyện Quân khu Nam Đồng ngày xưa để cho con cháu nó xem? Việt phản ứng: – Không được, các ông mà viết thể nào trong đó cũng có tôi. Chuyện tôi ngày xưa có gì hay ho đâu? Học thì dốt, suốt ngày đánh nhau, liên tục bị vào đồn công an… Thái Đen cũng không đồng tình: – Hai đứa con tôi từ bé đã ngang bướng, thích đánh nhau, giống hệt tôi hồi nhỏ. Vì vậy, ngoài việc giáo dục, tôi còn phải không cho chúng nó phát hiện ra đấy là gien của bố. Chuyện bọn mình kể cho nhau nghe thì được, nếu viết thành sách, phải cân nhắc. Hoàng hùa theo: – Đừng viết. Hơn ba chục năm nay, vợ tôi vẫn nghĩ tôi tuy ở khu Nam Đồng nhưng mà ngoan. Nếu viết thành truyện, vợ tôi đọc được, nó sẽ bảo tôi là đồ lừa đảo. Nó đâu biết chuyện tôi đã từng bị giam… Ngày đó biết tôi từng đi tù, đời nào nó lấy tôi. Khanh cũng có lý do riêng để phản đối: – Con lạy các bố, chuyện đã qua xin các bố hãy để cho nó ngủ yên. Cô Ba nhà con tuy là chính cung, nhưng hay ghen chuyện cũ lắm. Bây giờ kể hết chuyện yêu đương ngày trước, nó lại tra khảo con suốt ngày. Hà Tư lẩm bẩm, chẳng biết nó tán thành hay phản đối: – Nếu ngày xưa các ông biết sợ như thế, khu tập thể Nam Đồng đã chẳng biến thành Quân khu! Hòa nói: – Kể từ ngày bọn mình xưng hùng xưng bá, làm cho cái tên “Quân khu Nam Đồng” trở nên khét tiếng một thời, cũng hơn bốn mươi năm rồi. Ông Việt đang sống độc thân, nếu truyện được viết ra, có khi lại trở thành ngôi sao sáng để cho các quý cô chưa chồng tới cầu hôn. Ông Khanh cũng không nên sợ cô Ba ghen chuyện cũ. Nếu hay ghen, cô ấy đã chẳng chịu làm vợ thứ tư của ông. Còn vợ chồng ông Hoàng “ván đã đóng thuyền” ba thập kỷ, không lẽ bỏ nhau vì một chuyện từ đời nảo đời nào? Mà nếu có bị bỏ chăng nữa, ông kiếm đâu chẳng được một cô kém hai chục tuổi như vợ ông Khanh đây. Hà Tư đồng tình: – Theo tôi, nếu viết lại được đúng chuyện của bọn mình thì nên viết. Bọn mình ngày xưa cũng oai hùng lắm chứ… Việt nhún vai: – Oai gì cái chuyện có lớn mà chẳng có khôn, khi máu dồn lên mặt là vung dao vung gậy, rồi bị công an bắt nhốt. Nghĩ mà thương ông già tôi ngày ấy, liên tục phải lên đồn bảo lãnh cho con. Bây giờ kể lại những chuyện đánh đấm khi xưa, chỉ nêu gương xấu cho lũ trẻ. Hà Tư lắc đầu: – Hồi đó, mình đánh nhau nhưng nghĩa hiệp. Đánh nhau là để tự vệ, để tiêu diệt bọn xấu, để bảo vệ bạn bè… Việt cắt ngang: – Và để “được” đi tù nữa. Ông có nhớ vụ xử án năm 1974, tại hội trường khu tập thể Nam Đồng không? Giờ nghĩ lại những trận đánh của anh em mình ngày ấy còn thấy ghê, chứ đừng nói là viết lại. Hòa nói: – Nếu viết truyện về “Quân khu Nam Đồng” mà không kể về những trận đánh thì đâu còn là “Quân khu”? Bọn mình ngày đó đánh nhau cũng có hoàn cảnh và nguyên nhân của nó. Tôi nghĩ, sẽ rất thú vị nếu có một tác phẩm viết về “Những trận đánh của Quân khu Nam Đồng”. Thái Đen đề nghị: – Nếu các ông muốn thì phải viết sao cho có tính giáo dục, để còn cho con cái đọc. Đừng nói nhiều về các vụ đánh nhau. Hòa phản đối: – Muốn sách giáo dục con cái, ra hiệu sách mà mua. Chuyện bọn mình như thế nào, viết ra đúng như thế thì hãy viết. – Nhưng ai viết? – Khanh hỏi. – Chuyện về “Quân khu Nam Đồng” đâu có của riêng ai. Theo tôi, tất cả bọn mình, ai nhớ được gì về chuyện ngày xưa thì viết lại, nộp cho tôi. Tôi sẽ chịu trách nhiệm biên tập thành một cuốn hồi ký - Hòa đề xuất. Việt chối ngay: – Tôi không biết viết. Ngày xưa, đến thư tình tôi cũng phải nhờ ông Hòa viết hộ. Các ông không nhớ hồi đi học, tôi thuộc loại “chổng mông” vào văn học à? Hòa nói: – Bốn mươi năm qua rồi, tôi làm sao nhớ hết mọi chuyện. Nếu muốn có một cuốn truyện về “Quân khu Nam Đồng” thì tất cả các ông đều phải viết. Theo tôi, ông Việt chính là người có nhiều chuyện để kể nhất. Ông không biết viết thì gạch đầu dòng, như ngày xưa ông nhờ tôi viết thư tình. Tôi sẽ làm nhiệm vụ sắp xếp lại. Mấy tháng sau, Hòa thông báo cho mọi người đã thu được khá nhiều bài viết. Không ngờ mọi người hưởng ứng nhiệt tình như vậy. Có người nhớ gì viết nấy, như viết hồi ký. Có người viết dưới dạng truyện ngắn, với các nhân vật hư cấu. Có một số trùng lặp về nội dung hoặc tình tiết. Hòa quyết định biên tập lại cho gọn gàng. Cứ tưởng công việc nhẹ nhàng, hóa ra mất rất nhiều thời gian. Bản thảo “Những câu chuyện về Quân khu Nam Đồng” được gửi cho một số thành viên trong khu đóng góp. Đa phần ủng hộ, nhưng cũng có những ý kiến trái chiều. Người này thắc mắc sao không có tên mình trong đó? Người kia thấy có nhân vật hơi “phản diện” trùng tên mình, lập tức đòi bỏ chi tiết này, bổ sung tình tiết khác. Hòa vò đầu bứt tai. Cuối cùng, nhà biên tập “bất đắc dĩ” quyết định: Đổi hết tên nhân vật thật trong truyện. Có điều, trong khu tập thể có hàng nghìn cái tên, rất nhiều tên giống nhau, đặt tên không trùng người này cũng sẽ trùng người kia. Đành phải giải thích thêm đây là “truyện”, giống như “tiểu thuyết”, nên phải “hư cấu”, xin đừng hiểu nhầm giữa “nhân vật” với người thật việc thật… Mặt khác, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhìn lại ký ức, mọi thứ cứ lung linh và mờ ảo, giống như một buổi sáng mùa đông, chúng ta ngắm nhìn cảnh vật qua những lớp sương mù. Vì vậy, các tình tiết trong câu chuyện cũng có thể đôi điều không chính xác. Mười hai ngày đêm Tháng Tư năm 1972, có tin Mỹ sẽ cho máy bay ném bom trở lại miền Bắc. Toàn bộ học sinh Hà Nội phải về nông thôn sơ tán. Một số đi theo trại của cơ quan bố hoặc mẹ, như Hòa và Khanh tới Nhổn, Đính và Minh lên Vĩnh Yên… Một số khác như Việt, Ngọc, Hoàng sơ tán theo trường cấp ba Đống Đa về Chương Mỹ, Hà Tây. Chỉ có mấy ngày mà đám bạn bè mỗi đứa một nơi, chưa biết ngày nào trở lại. Không phải lần đầu đi sơ tán nên chẳng ai bỡ ngỡ. Miền quê luôn thú vị và hấp dẫn với đám trẻ con thành phố. Không gian rộng lớn, bầu trời bao la, hồ nước trong xanh, cánh đồng bát ngát, dòng sông hiền hòa… tha hồ chơi bời thỏa thích. Một buổi tối, Hòa ngồi dạy hai đứa em bài đồng dao: Đom đóm bay qua, Thầy tưởng là ma, Thầy ù thầy chạy. Ba thằng ba gậy, Đi rước thầy về. Bắt con lợn sề, Cho thầy chọc tiết, Bắt con cá diếc, Cho thầy bẻ mang, Bắt con tôm càng, Cho thầy bóc vỏ… Ông Lê Hồng Đào, chủ nhà, người Hòa vẫn gọi sau lưng là “ông ba quả”, đang ngồi uống nước, ngắt lời nó: – Anh đọc sai rồi. Phải đọc là: “Ba thằng bảy gậy, đi rước thầy về!”. Hòa cãi: – Cháu đọc theo sách, sai làm sao được? Cái Lê Thị Mận, con gái “ông ba quả” ngồi cạnh, cũng chen vào: – Bố sai thì có. Con đọc sách cũng thấy đúng là “Ba thằng ba gậy”. Ở nhà này,“ông ba quả” không bao giờ thèm đếm xỉa tới ý kiến Lê Thị Mận, Lê Thị Bưởi và Lê Thị Lựu, dù chúng nó cũng “ba quả” như ông. Ông chỉ chăm chăm lắng nghe nhận xét của cậu út Lê Hồng Cam. Hòa thỉnh thoảng lại an ủi bọn con gái là nếu thiếu mấy đứa chúng nó, tên ông Đào với Cam ghép kiểu gì cũng không đủ một mâm ngũ quả trên bàn thờ. Ông bảo Hòa: – Sách sai! Anh cho tôi hỏi, anh có biết con cá diếc như thế nào không? Mặc dù chẳng biết hình thù cá diếc thế nào, Hòa vẫn nói: – Cháu biết. Mẹ cháu hay kho cho bọn cháu ăn. – Anh có biết tại sao trong bài này lại nói: “Bắt con cá diếc, cho thầy bẻ mang” không? Hòa trả lời bừa: – Chắc bài đồng dao này ám chỉ thầy bói chỉ nói giỏi mà không biết làm, cho thầy bẻ mang cá diếc để thầy quen lao động. – Không phải. Đây là bài đồng dao nói ngược. Ở quê, chúng tôi mổ cá diếc không bao giờ bẻ mang. Thầy bói là người bắt ma, trừ tà, không thể nào thấy đom đóm lại tưởng là ma. Lợn sề là nái đẻ, không đem chọc tiết, xẻ thịt. Còn tôm càng khi ăn đâu có ai bóc vỏ. Toàn bộ bài đồng dao anh vừa đọc, câu nào cũng nói ngược. Vì vậy, nếu “ba thằng ba gậy”, sẽ có một câu nói thuận lọt thỏm vào giữa. Từ thời các cụ, tôi thấy ở đây mọi người vẫn đọc “Ba thằng bảy gậy”. Hòa thấy bác chủ nhà nói cũng có lý, và nó rất khoái vì nhờ chuyện này nó biết thêm về cá diếc với lợn sề. Nhưng nó vẫn tin sách (làm gì có chuyện “ông ba quả” lại giỏi hơn sách), và tiếp tục dạy em theo sách… Cứ thế, mỗi ngày miền quê đem đến cho Hòa thêm những điều mới lạ. Dù đang chiến tranh, nhưng với bọn trẻ ở nơi sơ tán, đó là những ngày tháng yên bình. Mỗi khi máy bay Mỹ tới, kẻng báo động vang lên, cả lũ chạy xuống hầm trú ẩn, thò cổ ngắm những vệt khói trắng của tên lửa ngoằn ngoèo trên nền trời xanh lơ. Với tụi chúng, chiến tranh là một cái gì đó rất mơ hồ và ở xa tít tắp. Cho tới một ngày… Tối 18 tháng Mười hai năm 1972, khoảng bảy rưỡi, vừa ăn cơm xong thì có kẻng báo động. Hòa cố tình nhẩn nha trong nhà. Nó rất ngại xuống hầm buổi tối. Ở đời sống chết có số, nếu như bom rơi trúng cái hầm chữ A, được gác chéo bởi mấy cây tre, trên phủ sơ sài rơm trộn với bùn thì có tránh đằng trời. Nó sợ nhất đêm tối xuống hầm, dẫm phải bọn cóc, hoặc sờ phải nhái bén, ễnh ương, thi thoảng gặp cả rắn nữa. Nói chung, Hòa rất sợ những con da trơn trơn, nhơn nhớt như thạch sùng, thằn lằn, tắc kè, cóc, nhái… Về sau nó mở rộng thêm vào danh sách này bọn người lươn lẹo. Nó nghĩ bụng: Không xuống hầm chưa chắc đã chết vì bom, xuống hầm có khi lại chết vì rắn độc cắn. Tuy vậy, quy định báo động phải xuống hầm. Mọi người xuống cả, một mình ở trên cũng khó coi. Nhưng tối nay, không chỉ một hai hồi kẻng như mọi khi, kẻng liên tục, dồn dập… Tiếng đạn pháo, tiếng bom nổ, tiếng gầm rú của máy bay như một bản giao hưởng hỗn loạn trên bầu trời. Hòa lẩm bẩm: “Chết rồi, nó đánh Hà Nội”. Suốt đêm, mỗi lần nghe bom và súng nổ lẫn trong tiếng kẻng báo động, mọi người lại lốc thốc ra hầm. Khoảng hơn bốn giờ sáng, Hòa vừa chợp mắt, lại nghe bom nổ rầm rầm. Vừa buồn ngủ, vừa mệt và lười, nó trùm chăn kín đầu, phó mặc số mệnh. Nó vừa ngủ vừa thấp thỏm không biết bố mẹ ở Hà Nội có sao không? Rồi nó tự an ủi: Chắc gì Mỹ đã đánh vào Hà Nội. Các bên đang đàm phán ký kết Hiệp định Paris, chắc Mỹ chỉ thả bom đâu đó ở ngoại thành… Tiếng bom nghe gần lắm, chắc gần đây, nơi nó sơ tán, chứ không phải Thủ đô. Hôm sau đến trường, các thày cô thông báo đêm qua máy bay B52 Mỹ tấn công Hà Nội. Học sinh phải nghỉ học để gia cố các hầm trú ẩn. Cả ngày hôm đó hoàn toàn yên tĩnh. Thế nhưng tối đến, cũng khoảng ngoài bảy giờ rưỡi, kẻng báo động lại vang lên dồn dập. Lần này, tiếng bom và tiếng súng phòng không còn rền vang hơn đêm trước. Nhà cửa rung bần bật. Có cảm giác mặt đất rùng rùng chuyển động dưới bước chân của một đàn voi khổng lồ đang di chuyển chậm rãi, mỗi bước chân nện xuống là một tiếng bom rền. Cả đêm Hòa phải ở dưới hầm. Tới hơn năm giờ sáng hôm sau mới ngớt tiếng bom và súng. Mặt trời nhô ra, hắt ánh sáng vàng ệch trên những quầng mây xám xịt. Đến trường, nom đám bạn bè đứa nào cũng phờ phạc. Nhà trường thông báo nghỉ học tiếp. Về nhà, Hòa thấy chật ních người. Bà nội không đi sơ tán, nay được mẹ đưa lên cùng với cô Hương và hai đứa bé lít nhít con cô đang khóc inh ỏi. Hòa và hai em được ông chủ nhà sắp xếp nằm trên hai cái giường tre, giờ thêm bốn người nữa thành ra không đủ chỗ. Ba anh em nhường giường cho bà và mẹ con cô Hương, trải nilon nằm dưới đất. Ông chủ nhà luôn miệng xin lỗi bởi nhà chật quá. Hòa cũng cảm thấy hơi ngại. Mẹ con cô Hương không phải thành phần của trại, lên thế là sai quy định. Bác Dụ, trại trưởng đi qua trông thấy, tỏ ý không hài lòng nhưng cũng chẳng nói gì. Cô Hương cứ thanh minh cô chỉ ở nhờ mấy hôm, vì lúc này chẳng biết chạy đi đâu cả. Ít bữa nữa cơ quan cô thu xếp được chỗ sơ tán, cô sẽ chuyển đi ngay. Hà Nội vắng tanh. Trên khắp các ngả đường ra ngoài Thủ đô là những dòng người rồng rắn đi sơ tán. Sau hai đêm máy bay B52 ném bom, nếu không vì nhiệm vụ, ít người dám trụ lại. Đêm 20 và 21, cứ sau bảy rưỡi tối, máy bay Mỹ lại vào ném bom. Sang ngày 23 và 24 thì súng bắn, bom nổ cả đêm lẫn ngày. Nhiều lúc Hòa phát chán chả buồn xuống hầm trú ẩn. Nó thừa biết nếu một quả bom rơi xuống, cả ngôi nhà này cùng với hầm sẽ biến thành cái ao. Hòa rủ Khanh ra trận địa của đơn vị pháo cao xạ xin một chân phục vụ, làm tiếp đạn hay đưa nước, dù sao được tham gia đánh nhau cũng sướng hơn cảnh suốt ngày trốn xuống hầm như đám chuột. Nhưng tính Khanh vốn nhát chết nên chối đây đẩy. Sáng ngày 25, Minh và Đính nghe lỏm được tin Mỹ tuyên bố sẽ không ném bom ngày Nô-en nên từ Vĩnh Yên xuống, rủ Hòa và Khanh về Hà Nội chơi. Khanh không về, nó cho rằng không tin được bọn đế quốc Mỹ. Hòa thấy thế lại mừng, vì trốn một lúc hai thằng dễ lộ. Nó dặn Khanh ở lại lựa lời mà nói dối, đừng để bác Dụ biết nó đi Hà Nội. Về cái khoản nói dối như thật, Hòa hoàn toàn tin tưởng ở Khanh. Tới Hà Nội, ba đứa gặp Việt và Hoàng cũng trốn trường cấp ba nội trú từ Chương Mỹ Hà Tây về. Việt bảo trốn đi chơi những ngày này an toàn nhất, vì thầy cô giáo lúc nào cũng ngồi cạnh hầm trú ẩn, cứ thấy báo động là chui vào, đâu có thời giờ đi kiểm tra học sinh. Nó nghe trộm đài BBC, thấy Mỹ tuyên bố ngừng ném bom ngày Nô-en nên rủ Hoàng trốn về Hà Nội. Trừ Hoàng biết chỗ mẹ giấu chìa khóa, còn mấy đứa kia chẳng ai vào được nhà, nên cả bọn về nhà nó. Lục bếp không có gì chén được, Hoàng xúc mấy bơ gạo, mang xuống Ngã Tư Sở đổi bánh cuốn. Đến nơi, cửa hàng đóng im ỉm. Cả nhà bà bán bánh cuốn đã đi sơ tán. Hòa đói quá, đề xuất nấu cơm ăn với muối cũng được. Trong lúc Hoàng thổi cơm, Việt thấy ngoài sân có con gà mái gầy còm, nó bèn lùa vào hành lang, nhẹ nhàng khép góc, bắt sống. Hoàng nhìn thấy, nói ngay: – Gà nhà cô Hoa dạy toán đấy, thả ra đi. Việt toan thả, xong lại ngần ngừ: – Thả ra, có khi ngày mai bom Mỹ cũng giết chết nó. Chết vì bom, chắc gì đã được toàn thây… Hòa lẩm bẩm: – Cả nhà cô Hoa đi sơ tán hết, lấy đâu người cho nó ăn? Sớm muộn nó cũng chết vì đói. Minh đề xuất: – Nhân ngày Đức Chúa giáng sinh, mình nên hóa kiếp cho nó, để nó sớm được đổi đời. Hoàng vẫn ngần ngừ, Minh bồi tiếp: – Mình hóa kiếp cho nó để kiếp sau nó trở thành con công, con phượng, có khi nó còn cảm ơn mình. Hòa tán thêm: – Cô Hoa mà thấy mấy thằng cháu yêu của cô sắp chết đói giữa một thành phố đang là tâm điểm của mưa bom bão đạn thế này, chắc cô thịt luôn cả đàn gà nhà cô cho bọn mình ăn ấy chứ. Hoàng nghĩ ngợi… Cuối cùng, tình hàng xóm láng giềng của nó cũng bị đẩy lùi trước sự muốn ăn gà của chính mình. Nó bảo Minh: – Tao mổ xong, mày phải đem lông đi thật xa vứt nhé! Minh mặc cả: – Tao vứt lông thôi. Tí nữa ăn xong, thằng Việt phải đem vứt xương. Việt cười: – Ăn xong mày hãy đi vứt lông, tiện tay vứt luôn xương. Con gà mái tuy gầy nhưng đầy một bụng trứng, có quả đã hình thành vỏ cứng, chắc chỉ ngày một ngày hai là đẻ. Mấy đứa chia nhau những quả trứng ngon và bùi, vừa ăn vừa tự an ủi mình đã giúp không chỉ một con, mà là cả mẹ con, anh em nhà gà của cô Hoa kiếp sau được trở thành con công, con phượng. Sau đó, cả bọn lượn một vòng, qua nhà máy Cao su Sao Vàng, vào làng Nhân Chính xem những hố bom B52. Buổi tối, chúng đi chơi Nhà thờ Hàng Bột và Nhà thờ Lớn, tới khuya mới về, để bố mẹ có muốn đuổi ngay về nơi sơ tán cũng không đuổi được. Quả nhiên về nhà, đứa nào cũng chỉ bị mắng qua loa mấy câu và phải hứa sáng sớm hôm sau sẽ trở lại nơi sơ tán. Thế nhưng khi chưa kịp mắc màn đi ngủ, Đính đã gọi cả bốn đứa ra, thì thào: – Bố tao nói một thằng phi công khai: Mỹ dự định sẽ ném bom khu tập thể Nam Đồng, vì nơi này tập trung nhiều sỹ quan cao cấp của quân đội. Bố tao bắt phải đi ngay đêm nay. Lúc đó đã gần nửa đêm nên Hòa, Hoàng, Việt và Minh đều cảm thấy ngại. Hòa nói: – Mỹ đã thông báo không đánh ngày Nô-en mà? Tổng thống Mỹ chứ có phải bà bán kẹo kéo đâu mà nói rồi lại nuốt lời? Việt đồng tình: – Theo quy luật, nếu đánh đêm, nó thường bắt đầu đánh lúc 19 giờ 30. Bây giờ chưa đánh, chắc đêm mai mới đánh. Đính giải thích: – Ông già tao làm ở Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu. Thông tin của ông chắc là chính xác. Nó chỉ không đánh ngày Nô-en thôi. Qua nửa đêm là hết Nô-en. Chiều nay Bộ Tổng Tham mưu đã lệnh cho Quân chủng Phòng không-Không quân: Từ 19 giờ, tất cả bộ đội, vũ khí, tên lửa phải sẵn sàng chiến đấu. Việt lý sự: – Nó là Mỹ, nên ngày Nô-en phải tính theo giờ Mỹ. Trưa mai mới hết ngày Nô-en. Hòa cũng bàn lùi: – Đêm nay chưa chắc nó đã đánh, có đánh chưa chắc đã trúng, đánh trúng chưa chắc đã chết. Thôi, cứ để sáng mai đi. Đính có vẻ cũng ngại đi lúc nửa đêm. Nó nói với Việt: – Thế tao ngủ với mày nhé. Ông già tao kiên quyết bắt đi ngay đêm nay. Bà già tao vừa bị ông ấy đưa lên nhà bác ở phố Khâm Thiên để tránh rồi. Việt đồng ý ngay. Nó nói: – Sáng mai tao cũng phải báo cho ông bà già tao biết chuyện máy bay Mỹ sẽ ném bom khu tập thể Nam Đồng để liệu mà đi tránh. Đính dặn: – Chúng mày nói cũng được, nhưng chuyện này là bí mật quân sự, phải nhắc ông bà già chúng mày đừng nói lung tung, không là đi tù đấy. Hôm sau, cả bọn trở lại nơi sơ tán từ sớm tinh mơ. Đêm 26 tháng Mười hai, Thủ đô Hà Nội đã hứng chịu một trận bom B52 thảm khốc nhất trong lịch sử. Phố Khâm Thiên bị tàn phá nặng nề. Nhiều khối phố bị san phẳng. Có người nói: Mục tiêu Mỹ định đánh là khu tập thể Nam Đồng, nhưng do hỏa lực phòng không của ta dữ dội quá nên chúng ném bom lệch tọa độ. Nhìn từ trời cao, khu Khâm Thiên và khu tập thể Nam Đồng cách nhau chỉ một gang tay. Mẹ Đính mất trong đêm đó, tại phố Khâm Thiên. Thầy giáo 1. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận, kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Ngày 30 tháng Mười hai năm 1972, Ních-xơn tuyên bố ngừng ném bom vô điều kiện toàn miền Bắc, nhưng cũng phải chờ tới nửa cuối tháng Một năm 1973, đám học trò ở các trại sơ tán mới lục tục kéo về. Mới gần một năm xa nhà mà đám con trai đứa nào cũng dài như cây sào, còn bọn con gái thì phổng phao hẳn lên. Nhìn nhau, ai cũng thấy ngỡ ngàng. Bọn học sinh lớp tám khu Nam Đồng được bố trí học buổi sáng tại trường Phổ thông Công nghiệp cấp ba Đống Đa. (Buổi chiều khu trường này là của trường Trưng Vương). Học trò theo trường sơ tán ở Chương Mỹ được lấy làm nòng cốt, bổ sung thêm một số từ các nơi khác. Phần lớn bọn khu Nam Đồng được xếp vào 8D, cùng với các bạn ở khu tập thể Kim Liên và phố Tây Sơn. Riêng Hòa và Khanh bị xếp vào 8K. Hai đứa lên Ban giám hiệu xin chuyển lớp, bị đuổi về không thương tiếc. Hòa phải nhờ cô Hoa, mẹ cái Cúc, giáo viên dạy toán, ở cùng khu tập thể Nam Đồng giúp. Sau một tuần xin xỏ, cuối cùng hai đứa cũng được chuyển sang 8D. Do vừa sơ tán về, nhà trường có nhiều việc phải lo lắng, nên quản lý học sinh khá lỏng lẻo. Với đám học trò đang tuổi nghịch, đây là cơ hội để bày ra đủ các trò vui. Học được hai tuần, cô Hòa dạy môn Địa lý bị ốm. Cả lớp đang hỉ hả vì được nghỉ thì thấy một bác già áo đen, lưng hơi còng, đeo cặp kính to tướng xăm xăm bước vào: – Cho tôi xin hỏi, đây có phải lớp 8D không? Khanh nhanh nhảu: – Không phải đâu bác ạ. Bác có việc gì cần giúp không? Mời bác vào chơi nhà. Cả lớp cười ầm. Bác già áo đen nhìn quanh, rồi tiến tới chỗ Khanh, vì nó ngồi cạnh cửa ra vào. Một tay cầm quyển vở, một tay bác nâng cặp kính lên đọc như đánh vần: Nguyễn… Hồng… Khanh, lớp 8D, vở… Địa lý. Bác gật gù: – Đúng là lớp 8D rồi. Nào, mời Nguyễn Hồng Khanh lên bảng kiểm tra bài. Ngọc lẩm bẩm: – Chết chưa con, ai bảo trêu vào ông già Khốt-ta-bít. Dù Ngọc nói nhỏ, nhưng cũng đủ cho mọi người nghe thấy. Bác áo đen ngẩng ngay đầu lên, hỏi: – Em kia, vừa nói gì? – Thưa bác, cháu có nói gì đâu ạ - Ngọc chỉ Việt - không tin bác hỏi bạn này. Việt đứng dậy làm chứng luôn: – Cháu xin lấy danh dự đội viên thề: “Bạn Ngọc từ nãy đến giờ hoàn toàn im lặng”. – Em tên là gì? – Thưa bác, cháu tên Việt. – Sau em Khanh, mời đội viên Việt lên bảng kiểm tra. Nào, mời em Khanh. Khanh đứng lên, giọng rất lễ phép: – Thưa bác, cháu xin phép được biết quý danh và nghề nghiệp của bác. Theo quy định, chúng cháu không được phép trả lời những người lạ đi vào lớp. Bác áo đen gật gù: – Rất đúng. Tôi xin giới thiệu, quý danh của tôi là Hoàng, giáo viên môn Địa lý. Cô Hòa ốm nên tôi dạy thay. Mời quý em lên bảng… Hôm trước các em học bài phân bố khoáng sản ở các nước tư bản châu Âu. Đề nghị quý em cho biết đặc điểm phân bố khoáng sản ở các nước tư bản này? Cô Hòa rất ít khi kiểm tra miệng đầu giờ học, còn Khanh thì không học bài, nhưng thấy thầy vui vẻ, gọi mình là “quý em”, nên nó trả lời kiểu bốc phét. Nó xưa nay vẫn dẻo mỏ: – Thưa thầy, để làm rõ sự phân bố khoáng sản ở các nước tư bản Châu Âu, trước hết ta cần làm rõ đặc điểm của các nước này. Đây là những quốc gia chưa được ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lênin soi rọi, là nơi người dân không được hưởng tự do và dân chủ. Ở đó, chỉ có chiều tà, đêm tối mà không có bình minh, chỉ có gông cùm mà không có công lý… Kẻ đứng đầu các nước tư bản là đế quốc Mỹ, đang tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa, xâm lược nước ta… Nhìn bộ mặt tỉnh bơ và cái mồm xoen xoét, kéo nhằng chuyện nọ sang chuyện kia của Khanh, cả lớp bụm miệng cười. Khanh ngước lên trần nhà và cứ thế thao thao bất tuyệt những điều mọi người vẫn thấy trên đài, trên báo: —… Ngày nay, chúng ta mang trong tim lý tưởng của người cộng sản, nghĩa vụ của chúng ta là cùng với vô sản toàn thế giới liên hiệp lại, đấu tranh với chủ nghĩa tư bản cho tới ngày chúng diệt vong để mang lại thế giới đại đồng, tự do cho các dân tộc, hạnh phúc cho các mầu da… – Thôi, thôi… Thầy giáo ngắt lời. Nhưng Khanh vẫn cứ theo mạch, tiếp tục: – Máu chúng ta đổ xuống là để xây dựng nên một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh… – Thôi, thôi… xin quý anh dừng lại cho tôi nhờ. Đúng là một nhà hùng biện hay ho nhưng đầu óc rỗng tuếch, chẳng có “gờ ram” nào về địa lý cả. Tôi có kiểm tra kiến thức Chính trị của các anh chị đâu? Mời quý anh về chỗ. “Zê-rô!”. Nào, mời tiếp đội viên Việt lên bảng kiểm tra. – Thưa thầy, tiết học trước em bị ốm nên em không được học bài này… Thưa thầy, em đã chép lại bài và tự học thêm trong sách giáo khoa, thấy có nhiều chỗ khó, đọc không hiểu. Thưa thầy, thầy có thể giảng lại cho bọn em hiểu rõ hơn không ạ? Việt nói dối một cách sống sượng. Hai thứ mà nó không có chính là sách giáo khoa và vở ghi môn Địa lý. Thầy cũng không mắc bẫy nó: – Không thuộc bài chứ gì. “Zê-rô!”. Nào, mời tiếp anh kia, tên gì? Ngọc hả? Ông già Khốt-ta-bít mời quý anh Ngọc lên bảng kiểm tra. Ngọc lẩm bẩm: “Chết mẹ rồi!”. Rồi đứng dậy: – Thưa thầy, bài này rất khó, em học mãi không thuộc. Em xin nhận “zê-rô” ạ. – Sao hôm nay nhiều “zê-rô” thế nhỉ? Lớp trưởng đâu? Mai Phương đứng dậy. – Em nhận “zê-rô” hay lên bảng kiểm tra bài? – Thưa thầy, em xin được kiểm tra ạ. Mai Phương trả lời trôi chảy. Thầy giáo khen và cho ngay điểm 10. Nếu là cô Hòa thì có trả lời đúng hoàn toàn cũng chỉ cho đến 8. Đây là lần đầu tiên lớp có điểm 10 môn Địa lý. Mai Phương cầm lại quyển vở nhưng không chịu về chỗ, rụt rè đề nghị: – Thưa thầy, thầy có thể bỏ qua ba điểm “zê-rô” vừa rồi được không ạ? Thầy giương mục kỉnh lên nhìn Mai Phương. Nó nói tiếp: – Hôm nay là ngày đầu tiên chúng em được học thầy. Mở hàng bằng ba điểm “zê-rô” thì đen quá. – Vậy chúng ta mở hàng bằng màn “mỹ nhân cứu anh hùng” nhỉ? Nào, giở sách ra. Chúng ta học bài mới. Trống ra chơi vang lên, cả lớp vẫn ngẩn ra, tưởng chừng mới học được năm phút. Mọi người đều có cảm giác như vừa nghe thầy kể xong một câu chuyện, chứ không phải giảng bài Địa lý. Tính cách phóng khoáng, hài hước và phương pháp dạy của thầy đã chinh phục cả lớp. Những ngày tiếp theo, thầy vẫn dạy 8D vì cô Hòa ốm dài ngày. Giờ Địa lý của thầy trở thành giờ học được yêu thích nhất. Thậm chí học đuối như Ngọc mà môn của thầy nó cũng được một điểm tám. Không hiểu sao, chỉ nghe thầy giảng trên lớp, mọi người đều có cảm giác về nhà không cần học lại vẫn thuộc bài. 2. Thầy Hoàng dạy Địa lý thú vị bao nhiêu thì thầy Toàn dạy Văn chán bấy nhiêu. Khanh ca cẩm: “Thầy không nghĩ mình đang dạy cho những thanh niên chỉ một, hai năm nữa sẽ lần lượt cầm súng ra chiến trường, mà như dạy đứa trẻ lên ba. Mùa đông ăn cơm nguội còn dễ nuốt hơn bài giảng của thầy”. Tiết Văn chẳng đứa nào muốn nghe giảng. Làm sao mà nghe nổi những lời nhát gừng đọc từ sách giáo khoa, sau đó được bổ ra phân tích theo kiểu “chẻ chữ” một cách rề rà… Khanh nói nếu cho nó giảng, nó sẽ phân tích hay gấp mười thầy. Việt hưởng ứng nhiệt liệt và cho rằng nghe thầy giảng xong lại mất công tẩy rửa lời thầy đi để cho đầu óc trong sáng thì thà chẳng nghe còn hơn. Và một khi đã không thích học, giờ lên lớp sẽ biến thành giờ làm những việc khác. Sáng thứ ba có tiết Văn. Thầy ra đề: “Đế quốc Mỹ chỉ là con hổ giấy!” Hãy chứng minh nhận định trên. Thầy dặn cả lớp trật tự làm bài, cuối giờ sẽ chọn một số người để kiểm tra, rồi đi ra ngoài. Cho rằng đây là giờ làm bài tập, không chấm điểm, nên thầy vừa đi khỏi, Khanh với Hoàng nhảy sang bàn Việt và Hòa ngồi, đuổi thằng Nam và thằng Cường đi chỗ khác. Việt ném giấy chỉ đạo bọn Đính, Ngọc, Minh và Quốc “Tẩm” giấu tất cả dép của những đứa đang bỏ chân ra ngoài cho mát. Tụi này khi ngồi thường có thói quen để chân lên thanh giằng ngang của ghế băng. Cả lớp chỉ có Việt đi dép tông Trung Quốc, còn lại phần lớn dùng dép cao su. Khi Minh chuyển đôi dép đầu tiên cho Việt, Hòa gợi ý không cần lấy cả dép, chỉ lấy quai thôi. Mỗi chiếc dép cao su có bốn quai nên rút một phát là xong. Chẳng mấy chốc, cặp của Việt toàn quai dép. Nó bảo Khanh: – Mày văn hay chữ tốt, trong lúc bọn tao thu chiến lợi phẩm, mày viết ra một hai bài mẫu, để chẳng may thầy kiểm tra thì có cái mà đọc. – Chuyện vặt. Tao nhắm mắt cũng nghĩ ra một đống bài mẫu. Nào, chép đi: “Trải qua 4000 năm dựng và giữ nước, nhân dân ta đã bao lần đánh bại những kẻ thù hung hãn nhất. Dù kẻ xâm lược kéo từ phía Nam lên như Chiêm Thành, hay tràn từ phương Bắc xuống như Tống, Nguyên, Minh, Thanh… chúng đều bị cha ông ta giáng cho những đòn chí tử. Lịch sử đã chứng minh, kẻ thù hùng mạnh tới đâu, cũng không thể khuất phục ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, dù chúng là đế quốc Pháp, đế quốc Nhật hay đế quốc Mỹ. Trước Việt Nam, chúng chỉ là những con hổ giấy”. Xong phần mở bài, đến phần thân bài,“Thực vậy…”, chép xong chưa? – Mày đọc lại đi, tao mới chép tới đoạn Tống, Nguyên, Minh, Thanh… - Việt nói. Hòa góp ý: – Mày lạc đề rồi. Thầy yêu cầu chứng minh “Đế quốc Mỹ là con hổ giấy” chứ có bảo chứng minh đế quốc Pháp, Nhật là con hổ giấy đâu? – Mạnh như đế quốc Mỹ mà mình còn coi là hổ giấy, thì đế quốc Pháp với Nhật cũng chỉ là hổ giấy thôi. Nếu mày sợ lạc đề thì bỏ “đế quốc Pháp, đế quốc Nhật” đi. Hoàng bảo: – Làm thân bài sau. Mày làm cho tao một cái mở bài. – Chuyện vặt. Muốn bao nhiêu mở bài cũng có. Lấy bút chép đi: “Đất nước ta rừng vàng đầy quặng quý, biển bạc ăm ắp cá tôm, đồng ruộng phì nhiêu, mùa vàng trĩu hạt… vì vậy, kẻ thù luôn dòm ngó. Từ thuở dựng nước, cha ông ta đã bao lần phải cầm vũ khí, đứng lên bảo vệ quê hương. Lịch sử cho thấy, trước tinh thần và ý chí của dân tộc Việt Nam, mọi sức mạnh xâm lược đều tan chảy. Là một quốc gia non trẻ, mới thành lập trên hai trăm năm từ phương Tây xa xôi, người Mỹ không hiểu một chân lý giản dị: Chúng có thể khuất phục được những dân tộc yếu hèn, nhưng chúng sẽ gục ngã trước tinh thần và ý chí của một dân tộc anh hùng, đã được tôi luyện qua hàng ngàn năm đấu tranh giữ nước. Dù chúng là kẻ xâm lược hùng mạnh nhất trái đất này, tới Việt Nam, chúng chỉ là con hổ giấy”. Xong phần mở bài… Còn thằng nào cần mở bài nữa, tao đọc cho mà chép: “Ở vào một vị trí chiến lược vô cùng xung yếu, Việt Nam luôn là sự thèm khát của những kẻ thù xâm lược. Với âm mưu biến Việt Nam thành một bàn đạp tấn công phe xã hội chủ nghĩa, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa, chia cắt đất nước ta…” Khanh cứ thao thao, không để ý thầy Toàn đã đứng sau lưng nó từ lúc nào. Thầy bảo: – Sao lại mất trật tự và làm bài tập thể thế này. Mời cậu Khanh lên bảng, trình bày bài của mình cho mọi người nghe. Đang mải làm bài cho mọi người, trong vở Khanh làm gì có chữ nào. Nó cầm đại quyển vở toán của Việt đi lên bảng, mở hú họa một trang, nhìn chăm chú vào những con số và đọc: – Từ thuở Đinh, Lê, Lý, Trần xây nền độc lập, dân tộc ta đã trải qua lịch sử một ngàn năm giữ nước… Tuy là một nước nhỏ, nghèo nàn và lạc hậu, chúng ta đã lần lượt chiến thắng những kẻ ngoại xâm hùng mạnh hơn rất nhiều lần. Để làm được điều đó, ngoài lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm, chúng ta luôn có những chiến thuật, chiến lược hợp lý, không chủ quan khinh địch, không đánh giá thấp sức mạnh của kẻ thù… Khanh là đứa lợi khẩu. Khi nói, nó chỉ cần túm lấy một ý chính định hướng là có thể tán thao thao bất tuyệt, dù tán xuôi hay tán ngược. Bọn trong lớp khi tranh luận, dù biết nó sai lè nhưng vẫn không bẻ được lý sự của nó. Lần này Khanh bị thầy gọi bất ngờ, không kịp chuẩn bị, trước mắt lại là quyển vở Đại số, nếu không đọc trôi chảy, sợ thầy phát hiện chưa làm bài nên nó cứ thuận miệng đọc to những gì vừa đến trong đầu: – Đế quốc Mỹ là một kẻ thù vô cùng nguy hiểm. Chúng có vũ khí tối tân, chúng cầm đầu cả phe tư bản chủ nghĩa, chúng dã tâm làm bá chủ toàn cầu. Để thực hiện điều đó, một trong những tính toán của chúng là biến Việt Nam thành bàn đạp ở Đông Nam Á để tấn công phe xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, không một phút được lơ là. Chúng ta không nên coi đế quốc Mỹ là con hổ giấy, mà phải coi chúng là một con hổ thật. Một con hổ mạnh, tàn bạo và nguy hiểm nhất trong số những kẻ thù chúng ta từng đối mặt… Thầy ngắt lời Khanh: – Cậu lạc đề rồi. Tôi bảo cậu chứng minh đế quốc Mỹ là con hổ giấy, sao cậu nói ngược lại? Vì đế quốc Mỹ chỉ là con hổ giấy, nên chúng ta nhất định sẽ chiến thắng… Khanh cãi: – Thưa thầy, truyền thống của dân tộc ta là “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”. Đế quốc Mỹ càng hùng mạnh, chiến thắng của chúng ta càng vinh quang… – Cậu phải bám sát đề bài, không được nói ngược lại. – Thưa thầy, em nghĩ sao nói vậy. Hơn nữa, em thấy trong tài liệu của bố em, người ta cũng nói như thế. Thầy cau mặt: – Cậu đọc trong tài liệu nào? – Em đọc trong bản tin Thông tấn xã Việt Nam. MẬT - không phổ biến. – Ai cho phép cậu đọc tài liệu mật? Cậu lại đem tài liệu mật của bố cậu ra phổ biến trước lớp, như thế là tiết lộ bí mật quân sự. Bình thường thì Khanh sẽ cãi thầy đến cùng, nhưng lần này nó hớ. Nó định đem chuyện tài liệu mật của bố ra lòe thầy, không ngờ bị thầy dồn cho. Sợ cãi tiếp sẽ dẫn tới chuyện hai bố con làm lộ bí mật quân sự, nó cắm mặt nhìn xuống. Chẳng mấy khi Khanh rơi vào cảnh này. Hòa giơ tay xin phát biểu: – Thưa thầy, bạn Khanh nói thế là sai ạ. Thầy nhìn Hòa, gật đầu, nét mặt giãn ra. Hòa nói tiếp: – Chuyện bạn Khanh nói, không phải bạn ấy đọc trong bản tin “Thông tấn xã Việt Nam”. Hôm Chủ nhật bạn Khanh sang nhà em chơi, nghe lỏm chuyện bố em với mấy chú trong cơ quan. Bố em nói, hiện nay đang có quan điểm “gió Đông thổi bạt gió Tây”, đề cao sức mạnh của phe xã hội chủ nghĩa. Nhưng nếu hiểu không đúng, coi đế quốc Mỹ là con hổ giấy mà chủ quan khinh địch thì sẽ nguy hiểm. Em cũng nghĩ đế quốc Mỹ không phải là hổ giấy… Thầy sầm mặt: – Cậu lên bảng kiểm tra bài. Hòa cầm quyển vở mới viết nguệch ngoạc được vài cái gạch đầu dòng lên bảng, nhưng đế của đôi dép cao su không bám vào chân nó. Trong lúc cùng với Việt chỉ đạo thu thập quai dép của bọn khác, Hòa không ngờ dép nó cũng bị đứa nào rút hết quai. Nó đành đi đất lên bảng. Cả lớp cười ầm. Thầy giáo nhìn xuống chân nó: – Sao cậu đi đất đến trường? – Em đi dép, nhưng bạn nào ăn cắp mất quai rồi ạ - Hòa nói và quay về bàn, lấy hai cái đế dép giơ lên cho thầy xem. Cả lớp đang cười Hòa, thấy vậy ai cũng ngó xuống chân mình và khắp nơi “thưa thầy, em bị mất dép”,“thưa thầy, dép em bị đứa nào ăn cắp hết quai…”, như một cái chợ. Quốc Tẩm đề nghị: – Thưa thầy, xin cho khám cặp để tìm quai dép, không thì hôm nay cả lớp phải đi đất về nhà. Quốc Tẩm chưa nói dứt lời thì nghe có tiếng vù vù, hai mớ quai dép được ném lên phía trước, bắn tung tóe. Cả lớp bò ra cười. Thầy giáo tức tối, yêu cầu lớp trưởng thu bài, rồi bỏ đi, tìm cô chủ nhiệm để phán ánh tình hình. Hôm sau trả bài, bọn Khanh, Hòa, Việt, Ngọc… đều được 1 điểm vì mới làm xong mở bài. Cả lớp có hai điểm 5, còn lại hầu hết là điểm 2 và 3. Cuộc tàn sát điểm số của môn Văn bắt đầu. Buổi sáng thứ Hai 1. Cô chủ nhiệm đã thông báo, giờ chào cờ sáng thứ Hai tuần này, một số học sinh lớp 8D sẽ bị phê bình trước toàn trường. Trong một thời gian ngắn, lớp 8D nổi lên như một hiện tượng cá biệt: Kỷ luật lỏng lẻo, học sinh hay bỏ tiết, coi thường thầy cô, có biểu hiện đứng trên tầng ba ném dép cao su vào thầy Nghĩa dạy môn Thể dục (nói là “có biểu hiện” vì chỉ phát hiện được chiếc dép ném đi từ phía lớp 8D), và kết quả học tập của lớp này rất thấp… Tối qua, cô Vân gặp cô Hoa, giãy nảy lên: “Chị nói con cháu chị ngoan, em nhận về, thế mà chúng nó kết bè, kết đảng phá lớp”. Cô hầm hầm: “Cái bọn tướng cướp ấy dám đóng đinh ngược từ dưới chiếc ghế băng, nhô lên trên, chọc thủng đít cô giáo Minh dạy toán. Em mà biết được đứa nào thì chết với em!”. Cô Minh có thói quen vào giờ kiểm tra mười lăm phút hay ngồi ghé xuống chiếc ghế băng bàn đầu. Bàn này có ba người, cái Cúc ngồi ngoài cùng, nhưng nó thường dịch vào trong. Cô Hoa gọi Khanh, Hòa, Ngọc, Việt tra hỏi. Cả bốn đứa đều thề sống, thề chết không làm, và không biết ai làm. Cô càu nhàu: “Không biết đứa nào chơi ác thế. May mà cái Cúc không ngồi phải, chứ nó con gái con đứa, chẳng may bị đinh đâm vào thì còn ra thể thống gì”. Thằng Ngọc kể công: “Trước tiết toán, em lên hỏi bài cái Cúc, nên nó ngồi dịch vào. Nếu không, có khi nó cũng bị đinh đâm rồi”. Việt làu bàu: “Nó bị đâm có khi lại may, vì như thế bọn mình không bị nghi oan”. Cô Hoa véo tai Việt: “Cái thằng này, sao mày lại mong cho con cô bị như thế?” Nhưng hôm đó, khi thầy hiệu trưởng chưa kịp phê bình lớp 8D thì bọn chúng lại mắc thêm một tội tày trời khác ngay trong lúc chào cờ. Thông thường, trong lễ chào cờ, sau khi anh Trường, bí thư Đoàn trường hô: “Chào cờ, chào!”, nhạc bài Tiến quân ca nổi lên và mọi người hát theo nhạc. Thế nhưng lần nào cũng vậy, ngoài thầy hiệu trưởng và vài thầy giáo đứng cạnh lẩm nhẩm hát, hầu như tất cả các thầy, cô giáo và học sinh, chẳng ai hát theo. Nếu không bắt mọi người phải hát khi chào cờ, không khí sẽ nghiêm trang hơn. Nhưng vì đây là quy định nên chẳng ai dám bỏ. Trước lúc chào cờ, Hòa hích Ngọc: – Hôm nay bọn mình hát Quốc ca thật to nhé. Việt đứng cạnh nghe thấy, phụ họa: – Đúng rồi, tao cũng sẽ hát thật to. Phải cho cả trường thấy lớp mình chấp hành nghiêm chỉnh các quy định thế nào. Sau khẩu lệnh “Chào cờ, chào!’’, như đã thỏa thuận, Ngọc cất tiếng hát, nhưng nó vào nhịp sớm hơn nhạc nên ngượng quá, im tịt luôn. Còn Hòa, vốn không biết hát. Lúc nãy nó tự nhiên nổi hứng, xúi mọi người hát to, chứ đâu có nói nó sẽ hát. Giọng nó mà cất lên thì đến trâu, bò cũng phải chạy. Dạo trước, Đính và Minh rủ Hòa đi học lớp ký xướng âm buổi tối. Mỗi lần nghe nó cất giọng, thầy giáo lại lắc đầu: “Nốt không thuộc, cao độ, trường độ hỏng cả!”. Từ đấy, Hòa không bao giờ thèm hát nữa. Nó quyết định “chổng mông” vào âm nhạc, giống như Việt “chổng mông” vào ngoại ngữ. Còn Việt vốn hát khá hay, lại là đứa có bản lĩnh, nên bình tĩnh chờ nhịp, bắt đúng nhạc và hát rất to. Tiếng hát nó nổi bật lên giữa những âm thanh rì rào, lý nhí. Hơn một nghìn giáo viên và học sinh ngơ ngác, nhìn đổ dồn về phía giọng ca. Thầy hiệu trưởng trợn ngược hai mắt, nhưng không dám dịch chuyển khi đang chào cờ. Nhạc vẫn nổi lên trầm hùng. Giờ thì ngoài Việt, cả trường không còn ai hát nữa. Tất cả đều mím chặt miệng để không cười thành tiếng. Việt bắt đầu thấy vấn đề trở nên nghiêm trọng, nhưng dừng hát lúc này cũng chết, nên nó vẫn phải tiếp tục. Đáng lẽ hát tới đoạn kết: “Nước non Việt Nam ta vững bền” là xong, thì nhạc lại chuyển sang bài “Trường ca”. Bài hát này của một thầy giáo trong trường sáng tác, là niềm tự hào của trường, vẫn được hát sau bài Quốc ca. Lúc này, cả trường chỉ mỗi mình Việt đơn ca, nên nó đành phải tiếp tục, chỗ nào không thuộc thì nó “èn en”, mà lại “èn en” to nên càng buồn cười: “Nối nghiệp người xưa, nay nơi đây dựng xây mái trường, rực sáng trong nắng ấm, muôn sắc áo với muôn… èn en. Cuộc đời lầm than, Bắc – Trung – Nam… èn en đứng dậy…”. Thầy hiệu trưởng tức nổ đom đóm mắt, nhưng vẫn phải đứng yên trong tiếng nhạc. Mọi người cười khùng khục trong cổ họng, Việt càng toát mồ hôi, nhưng vẫn không dám dừng. Khi Việt vừa hát xong câu kết: “Sướng vui thay ngày hội trường, chúng ta ca tình thầy trò, không bao giờ mờ phai trường Đống Đa!” thì thầy hiệu trưởng lao thẳng xuống, túm ngực nó lôi lên phòng họp Ban giám hiệu. Thầy bắt Việt ngồi viết kiểm điểm, rồi ra micro kể tội lớp 8D. Thầy kể tất cả các loại tội thầy đã ghi sổ, cộng thêm cái tội toàn trường vừa chứng kiến trong giờ chào cờ. Cuối buổi học Việt mới được thả về. Nó kể: – Thầy hiệu trưởng chửi tao một trận, bảo tao là thằng phản động, gây rối, bắt tao viết bản kiểm điểm. Ban đầu tao cũng nghĩ mình có tội, định kiểm điểm thành khẩn, nhưng đến khi ngồi viết lại thấy không ổn. Chẳng nhẽ trên giấy trắng mực đen, nhận mình là thằng phản động, cố ý phá hoại giờ chào cờ? Tội này có khi bị xếp vào loại phản quốc. Lớp mình, tao là chuyên gia về viết kiểm điểm nên kinh nghiệm ngấm vào máu, gặp lúc hiểm nghèo tự nhiên nó bùng phát, làm mình sáng suốt hẳn lên. Thế là tao quyết định phải kiểm điểm sao cho nghe thì thành khẩn, nhưng càng đọc lại càng thấy cái khuyết điểm đó cũng có nguyên do của nó, thậm chí ngẫm nghĩ một tí, lại thấy giống như ưu điểm. Hoàng cười hinh hích: – Mày viết thế nào mà đang khuyết lại biến thành ưu hả? – Tao viết: Theo quy định của nhà trường, khi chào cờ và hát Quốc ca, tất cả giáo viên và học sinh phải hát theo nhạc. Vì chỉ có thầy hiệu trưởng và vài thầy cô hát nho nhỏ, còn lại không ai chịu hát nên em quyết định hát to, đúng theo lời thầy hiệu trưởng vẫn thường xuyên nhắc nhở. Sau khi em hát, nhà trường yêu cầu phải làm kiểm điểm, vì vậy em xin nhận khuyết điểm. Đính lắc đầu: – Mày nói ngang phè. – Còn mày thì nói đúng giọng Thầy hiệu trưởng. Đọc xong, thầy hỏi tao: “Cậu viết thế này thì hóa ra nhà trường là phản động, kỷ luật cậu vì cậu hát Quốc ca đúng quy định à? Cậu nói cậu xin nhận khuyết điểm, thế cậu có biết khuyết điểm của cậu là gì không?”. Tao trả lời: “Em biết. Vì mọi người hát nhỏ, mà em… hát to. Theo em, dù là làm theo đúng quy định, nhưng khi mọi người không ai làm mà em làm một mình, để mọi người cười là không tốt”. Thầy vặn lại: “Cậu nói như thế thì hóa ra là cả trường sai, còn cậu đúng à?”. Tao vẫn lễ phép: “Em có cái sai của em. Nhưng những người không hát cũng có cái sai của họ. Chính thầy đã nhiều lần nhắc nhở trước toàn trường khi chào cờ phải hát theo nhạc, mà phải hát to. Hôm nay em cũng chỉ làm theo lời thầy dặn thôi”. Thế là thầy cáu: “Nhưng cậu hát kiểu phá đám, nghe nghêu ngao như đứa trẻ con”. – Trong bọn mình, mày là đứa hát hay nhất, sao lại bảo nghêu ngao? – Hòa xen vào. – Tao cũng nghĩ tao hát hay. Tự nhiên lúc đó, nhớ vụ mày với thằng Đính đi học ký xướng âm, tao nói: “Nhà trường có dạy nhạc và hát Quốc ca đâu, em phải xin bố mẹ tiền đi học ký xướng âm buổi tối ở số 2 Phố Điện Biên Phủ, sau đó tự luyện hát bài Quốc ca. Em hát được như thế là tốt rồi, mà em còn hát hay hơn rất nhiều bạn khác. Xin thầy tha cho em lần này, lần sau em sẽ không hát to nữa”. Thầy xuống giọng: “Ai bảo cậu không được hát to? Hát Quốc ca to là tốt. Nhưng vừa rồi cậu hát thiếu nghiêm túc, vừa hát vừa èn en”. – Lúc mày “èn en”, không ai nhịn được cười – Đính nói. – Tao trình bày: “Vì bài Trường ca có chỗ em không thuộc, nên mới èn en. Mà cũng do lúc đó mọi người cười nên em cuống… Cùng với phê bình em, xin thầy chấn chỉnh lại hoạt động chào cờ và hát Quốc ca của trường ta, yêu cầu các thầy, cô giáo, các bạn lớp trưởng, lớp phó, bí thư chi đoàn và quản ca phải gương mẫu hát trước”. Thầy bảo: “Ơ… tôi gọi cậu lên đây để phê bình cậu, hóa ra lại thành cậu phê bình tôi à?”. Lúc đó tao chợt nhớ thằng Đính có bác làm ở bộ phận tổ chức của Sở Giáo dục, nên nói phét thêm: “Bác em làm ở Sở Giáo dục nói là các nơi, ngoài Quốc ca người ta chỉ hát Quốc tế ca trong lễ chào cờ. Không hiểu sao trường Đống Đa lại hát thêm cả Trường ca?”. Thầy nhìn tao rồi hỏi: “Bác cậu làm ở… Sở Giáo dục Hà Nội à?”. Tao trả lời: “Bác em làm ở Phòng Tổ chức…”. May sau đó thầy không hỏi nữa, chứ hỏi thêm bác cậu tên gì là tao tắc tị. Rồi thầy cho tao về. Khi được thả, tao hỏi: “Thưa thầy, giờ chào cờ thứ Hai tuần tới, thầy bảo em nên hát to, hát nhỏ hay không hát?”. Thầy cáu: “Thôi, ông đi về cho tôi nhờ!”. 2. Nhưng buổi sáng thứ Hai tuần này, ngoài chuyện hát to trong Lễ chào cờ của Việt, ở lớp 8D còn xảy ra một vụ nghiêm trọng hơn nhiều. Câu chuyện bắt nguồn từ hai tuần trước. Giờ Văn, thầy ra đề cho cả lớp làm rồi xuống phòng giáo vụ ngồi. Việt nhờ Khanh làm bài hộ. Nó còn hứa sẽ đãi Khanh một que kem ở nhà hàng Hồng Vân - Long Vân. Khanh vốn văn hay chữ tốt, cứ viết cho mình một câu lại đọc cho Việt một câu, có lúc còn làm cho Việt chép không kịp. Khi trả bài, Khanh được 7 điểm, Việt được 6. Thầy phê vào bài của Việt: “Bố cục rõ ràng, hành văn trôi chảy, nhưng tiếc rằng em mượn văn người hơi nhiều. Nếu làm ở nhà chắc không thể cho điểm cao hơn!”. Chắc là do Khanh khoa môi múa mép theo giọng văn mùi mẫn của Tự Lực Văn Đoàn mà nó đang đọc. Việt vốn không quan tâm việc thầy nhận xét thế nào. Với nó 6 điểm là quá tốt. Nhưng Khanh đọc lời phê của thầy giáo thì khó chịu. Người ta nói “văn mình, vợ người”, dù gì thì Khanh cũng là tác giả, và nó cảm thấy bị xúc phạm. Chẳng biết nó bàn với Việt thế nào, giờ giải lao hai đứa xin gặp thầy. Việt lễ phép hỏi: – Thưa thầy, khi muốn chứng minh một vấn đề mà chỉ đưa ra lý lẽ, không có dẫn chứng thì có chấp nhận được không ạ? Trước thái độ nghiêm túc của hai đứa, thầy vui vẻ trả lời không được, và giải thích khá cặn kẽ. Nhưng cả hai đứa đâu có quan tâm thầy nói gì. Thừa lúc thầy nói chậm lại, Việt chìa bài kiểm tra ra: – Thưa thầy, bài của em thầy nói là “mượn văn người”, nhưng thực tế em làm trên lớp, không mượn của ai. Thầy có thể dẫn chứng em mượn của ai không ạ? Thầy nhìn Việt, cầm lấy bài văn của nó, đọc được mấy dòng thì mặt đỏ ửng, rồi chuyển sang tím đen, rút bút phê vào đấy hai chữ “hỗn xược” to đùng. Thầy đưa trả cho nó, nhưng tới nửa chừng lại rụt về, đút vào cặp và nói: “Tôi không chấp nhận thái độ láo lếu của cậu. Tôi sẽ nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm và bố mẹ cậu”. Việt trả lời: “Thưa thầy, bố mẹ em đều đang bận đánh Mỹ ở chiến trường”. Thầy càng cáu. Vào lớp, thấy thằng Ngọc đang nhe răng cười, thầy gọi nó lên bảng kiểm tra bài. Nó không trả lời được, thầy cho luôn điểm 0. Thằng Ngọc càu nhàu từ lúc tan trường đến tận khi về tới khu tập thể: “Đời chả có cái mẹ gì là công bằng cả. Ông ấy tức thằng Việt, ông ấy lại đè tao ra cho điểm 0.” Nói chung, kể từ hôm thầy cho cả lớp điểm kém, quan hệ thầy trò căng thẳng ra mặt. Càng căng, thầy càng cho nhiều điểm kém. Mọi người bảo nhau thầy định dùng điểm số khuất phục cả lớp, vì cứ cái đà này, điểm Văn năm nay trừ Khanh với mấy đứa con gái, còn lại sẽ dưới trung bình. Việt nói: “Bom đạn của đế quốc Mỹ chúng tớ còn chả sợ, sợ gì mấy điểm 0”. Đính bảo: “Cả lớp điểm kém, điều đó chỉ chứng tỏ thầy dạy dở”. Khanh phụ họa: “Macarenco nói: không có học trò dốt, chỉ có thầy giáo tồi!”. Với tư cách lớp phó phụ trách học tập, Giang Cận lên bục giảng lấy ý kiến mọi người: “Thầy Toàn dạy Văn quá kém, ảnh hưởng tới chất lượng học tập của lớp. Bạn nào đồng ý xin đổi thầy thì giơ tay?”. Trừ Mai Phương và mấy đứa con gái, cả lớp hưởng ứng rầm rầm. Thứ Hai tuần này, sau lễ chào cờ, mọi người lên lớp đã thấy thầy Toàn ngồi đó, vẻ mặt thẫn thờ, nước mắt rơm rớm. Trên bảng một dòng chữ in hoa, viết vội, cố tình làm người ta không nhận ra nét chữ: “Toàn dạy dốt. Cút đi!”. Lớp trưởng Mai Phương lặng lẽ cầm giẻ lên bảng xóa mấy chữ đó. Không khí căng thẳng, nặng nề. Cả lớp nhìn nhau, cố đoán xem đứa nào viết? Tất cả những thằng đầu gấu và những thằng ghét thầy nhất đều tham gia chào cờ, không ở lớp để viết dòng chữ này. Đành rằng thầy dậy không hay và đang đàn áp mọi người bằng điểm số, nhưng cái vụ viết khẩu hiệu đuổi thầy kiểu này có vẻ đi quá giới hạn. Hòa cân nhắc và quyết định phá tan sự yên lặng: – Thưa thầy, mặc dù thầy cho chúng em nhiều điểm kém, không thích lớp chúng em, và chúng em cũng có điều không phải với thầy, nhưng chúng em không viết những chữ đó. – Cậu có chắc người khác vào đây viết không? - Thầy hỏi. Hòa ngắc ngứ: – Thưa thầy… tất cả chúng em hôm nay chào cờ dưới sân trường và đều lên lớp sau thầy. Cái Thư đứng lên: – Em là người trực nhật. Khi em làm vệ sinh xong và xuống sân chào cờ, trên bảng chưa có dòng chữ này. – Thôi, chúng ta đừng bàn ai là người viết nữa. Dù sao, đã xảy ra chuyện này, tôi cũng không thể tiếp tục dạy các em được. Tôi xin gửi lớp trả nhà trường - thầy nói và buồn bã xách cặp ra cửa, vừa đi vừa lau nước mắt. Thầy đi được mười phút thì cô Vân xồng xộc vào lớp. Cô bắt lớp trưởng báo cáo tình hình, ra lệnh truy bằng được thủ phạm. Tất nhiên chẳng ai nhận mình viết. Cô bắt Giang Cận đứng dậy: “Hôm trước, cậu lên trước lớp, hô hào đổi thầy? Có phải cậu viết không?”. (Chẳng hiểu sao cô biết chuyện này? Từ trước tới nay, mọi sinh hoạt ở lớp đều được giữ kín như bưng. Ngay cả đứa gần cô giáo nhất là Mai Phương, lớp trưởng, dù biết khối trò nghịch ngợm của bọn con trai nhưng cũng không bao giờ mách lẻo). Giang Cận trình bày, sáng nay nó tới trường và ở luôn dưới sân để chào cờ. Khi lên lớp, nó đã thấy dòng chữ đó rồi. Hòa nói: “Thưa cô, ngoài bạn Thư đến sớm trực nhật, hôm nay không ai lên lớp trước giờ chào cờ. Bạn Thư đã khẳng định khi rời lớp xuống chào cờ, trên bảng chưa có dòng chữ đó. Có thể là bạn nào lớp khác không thích thầy, nhân lúc lớp không có ai, vào viết lên bảng.”. Khanh đứng lên: “Thưa cô, dòng chữ đấy ở trong lớp mình, dù cho người lớp khác viết, lớp mình vẫn bị mang tiếng, vì vậy chúng em sẽ đến xin lỗi thầy…”. Nó ngập ngừng rồi nói thêm: “…dù chúng em không viết”. Cô Vân vẫn đang cơn giận dữ: “Các cậu chẳng cần phải xin lỗi cái việc mà các cậu không làm. Nếu muốn chứng tỏ mình không có lỗi, hãy tìm kẻ nào viết mấy chữ đó ra đây… Tại sao trường chúng ta lại có cái loại học sinh đốn mạt như thế này cơ chứ?”, giọng cô nghẹn lại vì tức. Giờ giải lao, bọn con trai khu Nam Đồng túm tụm hỏi nhau thằng nào viết? Ai cũng nghĩ ngoài chúng nó, làm gì có đứa nào dám to gan viết mấy chữ đó. Nhưng tất cả đều khẳng định không viết. Khanh nói: “Tuy bọn mình không ai thích thầy, nhưng nhất tự vi sư, bán tự vi sư, đâu có thèm làm cái trò bỉ ổi, ném đá giấu tay đó”. Hòa cũng thắc mắc không biết đứa nào viết. Khanh bảo: “Nhưng dù đứa nào viết thì cô chủ nhiệm cũng nghĩ là mấy thằng mình”. Phải đến hai năm sau, Hòa mới biết ai viết dòng chữ đó. Nó thực sự bất ngờ. Một người mà có nằm mơ nó cũng chả hình dung được. Trận đánh đầu tiên 1. Hòa bị mất bút. Xin tiền mẹ mua cái mới thì ngại. Buổi chiều Hòa hỏi vay Quốc Tẩm hai đồng. Chẳng biết ai đặt ra cái tên Quốc “Tẩm”? Nó đô con, đẹp trai, mắt “bồ câu trâu” to và lông mày rậm, chẳng tẩm (quê mùa) chút nào. Hòa vừa ăn cơm tối xong thì Quốc Tẩm đến, giọng bức xúc: – Ban nãy mẹ tao kiểm ví tiền, thấy mất một đồng, thế là đổ cho tao lấy… lát nữa mày sang, nói là mày mới cho tao vay một đồng nhé. – Mày ăn cắp tiền của mẹ mày à? – Tao có ít tiền riêng, tiết kiệm từ lâu rồi, nhưng không nói để thỉnh thoảng còn xin. Mẹ tao thấy tao có tiền nên nghi ngờ. Hòa nhận lời. Khoảng mười lăm phút sau, sang nhà Quốc Tẩm, thấy bố nó, chú Quân, đang lúi húi ngoài bếp. Dãy nhà lẻ khu tập thể Nam Đồng, bếp nhà nào cũng ở gần cửa ra vào, dùng chung cho hai hộ gia đình. Hòa thừa biết Quốc Tẩm đang đợi, nhưng vẫn lễ phép: – Cháu chào chú, Quốc có nhà không ạ? – Có đấy. Cháu vào chơi! Quốc Tẩm đang ngồi cãi nhau với mẹ, giọng vẫn còn thổn thức. Hòa làm vẻ ngỡ ngàng, khẽ hỏi: – Có chuyện gì thế hả Quốc? – À, đấy… nào, nào… mẹ thử hỏi thằng Hòa xem nào? Cô Thủy, mẹ Quốc Tẩm ngồi thừ một lát rồi hỏi: – Thế mày bảo tao hỏi Hòa cái gì mới được chứ? – Nào, hực…hực… mẹ thử hỏi có đúng nó cho con vay một đồng để mua dép không nào? – Thế Hòa cho Quốc vay loại tiền gì, tiền cũ hay mới? Hòa nhớ chiều nay khi vay Quốc Tẩm hai đồng, thấy nó rút ra ba tờ tiền mới, liền nói: – Dạ, tiền mới ạ. – Mới như thế nào hả cháu? Hòa cảm giác có chuyện gì đó không ổn. Nó nghĩ bụng: “Không khéo lại thành đồng lõa với đứa ăn cắp thì bỏ mẹ”. – Dạ, gọi là mới nhưng cũng có nếp nhăn rồi ạ. Cháu vo lại nên cũng bị nhàu… Lúc đấy chú Quân từ ngoài vào. Chú đi về phía tủ, cầm ra một tập tiền mới loại một đồng, kéo Hòa ngồi xuống giường: – Đây, cháu xem nhé, cô lĩnh hai tập tiền mới ở ngân hàng, mỗi tệp có mười đồng. Tiền đánh số theo seri của nó. Đây, từ TU 649491, TU 649492… đến 649500, có đúng không nào? – Vâng ạ. Nhưng cháu vẫn chưa hiểu chú muốn nói gì? – Thế này nhé, cháu xem đồng tiền của Quốc: TU 649493. Vậy thì dĩ nhiên đồng tiền này phải ở đây rồi. Cô Thủy xen vào: – Đáng lẽ tôi cũng không để ý, nhưng tôi thấy cả tệp tiền đều bị quăn ở mép, mà đồng này cũng bị quăn hệt như vậy, lắp vào vừa khít nên tôi mới nghi. Hòa nghĩ bụng: “Thế này thì còn cãi cái mẹ gì nữa!”. Chú Quân vẫn ôn tồn: – Ở nhà, thỉnh thoảng cô chú vẫn cho Quốc tiền. Tính nó giống mẹ, tiền cứ hay vứt lung tung, nhiều khi tiền nọ lẫn vào tiền kia. Thôi, bỏ chuyện này đi. Hòa nóng hết cả mặt, tự nhủ chả cái dại nào giống cái dại nào, bỗng dưng lại đi dính vào chuyện ăn cắp tiền, mà lại còn ăn cắp hết sức ngu ngốc. Nó chào bố mẹ Quốc Tẩm rồi hai đứa ra khu tập xà kép giữa Nhà 3 và Nhà 5. Việt, Khanh, Ngọc, Tường đang tập xà ở đó. Hòa bảo Quốc Tẩm: – Lần sau đừng lôi tao vào các loại việc kiểu này nữa. Mà mày lấy tiền của mẹ mày làm gì hả? Quốc Tẩm thú nhận: – Tao bị bọn đầu gấu ngoài cổng trường lột mất đôi dép. Tao còn mấy đồng, thấy mẹ tao vừa lĩnh tiền, rút lõi ba đồng, định để mua dép. May mà chiều đưa mày hai đồng, chứ còn cả ba đồng thì không còn đường cãi. – Tao nghĩ bố mày nói thế để mày đỡ ngượng thôi, chứ ông ấy biết thừa mày ăn cắp. Nhớ từ giờ đừng lôi tao vào cái loại chuyện này. 2. Đã hơn nửa tháng, kể từ ngày bị trấn lột mất chiếc mũ cối Trung Quốc mới tinh bố vừa cho, không đêm nào Việt ngủ ngon giấc. Cảm giác ức và nhục luôn làm nó tức nghẹn cổ. Hôm đó, vừa ra khỏi cổng trường, nó bị hai thằng chặn lại. Một thằng nhấc chiếc mũ trên đầu, thằng còn lại giật cặp, lục lọi và lấy chiếc bút máy. Việt run lẩy bẩy. Nó đứng yên, mặc cho hai thằng kia muốn lấy gì thì lấy. Bản năng tự vệ của nó hoàn toàn tê liệt. Giờ nghĩ lại, nó thấy xấu hổ, chẳng hiểu sao lúc đó mình hèn đến thế. Nó đã hình dung ra đủ việc phải làm để cướp lại chiếc mũ. Trong giấc mơ, nó thấy mình là người hùng, hiên ngang chặn đường, túm cổ hai thằng ăn cướp, đánh lấy đánh để và giật lại chiếc mũ. Nhưng cứ đến khi đội mũ lên đầu, thì nó giật mình tỉnh dậy, mồ hôi toát ra đầm đìa, chân tay vẫn đang run lên, không biết vì tức hay vì sợ nữa. Mà không chỉ có Việt, hầu như cả lớp đều bị mấy thằng đầu trọc trấn lột. Bọn con trai thì im như thóc. Bọn con gái thì vừa khóc vừa đi báo với bảo vệ. Nhưng hai ông bảo vệ già làm gì nổi một lũ ăn cướp? Cô chủ nhiệm còn thấp bé hơn cả học sinh, đẩy khẽ một cái đã ngã, bảo vệ nổi ai? Phản ánh cho Ban giám hiệu thì thầy hiệu trưởng nói đã báo công an rồi. Việt gặp Hòa, kể về việc bị trấn lột. Hòa cũng bị cướp chiếc bút máy mới, được bố tặng khi vào cấp ba. Chiếc bút là tài sản giá trị nhất của nó từ trước tới nay. Hơn nữa, là kỷ niệm của bố. Hòa vừa tiếc, vừa nhục. Mỗi khi nó nghĩ lại cảnh bị lục cặp lấy mất bút, nỗi uất ức lại trào lên. Hòa rất muốn trả thù và đòi lại bút, nhưng chưa biết phải làm thế nào. Cả tuần nay nó cứ suy nghĩ mãi về chuyện này. Việt bàn: – Tao định nói với bố tao báo công an. Nếu không, mình có cái gì mới, chúng nó lại cướp mất. Hòa lắc đầu: – Lấy đâu công an đi theo bảo vệ mình cả ngày? Công an về, nó lại đánh mình, cướp của mình. Tao nghĩ mãi rồi, chỉ còn mỗi cách đánh nhau với chúng nó. – Bọn nó có dao, dân đầu trộm đuôi cướp. Tao sợ mình không đánh nổi. – Nếu tất cả bọn lớp mình cùng đánh, làm gì không đánh được. Nó dùng dao thì mình dùng gậy. Năm thằng cầm gậy vụt một thằng cầm dao, chắc gì nó đã đâm được mình? – Nhưng anh em mình toàn thằng nhát, thấy nó rút dao ra là chạy hết. – Nếu còn sợ thì không dám đánh. Tao nghĩ, nếu muốn đánh, đầu tiên phải làm cho anh em mình không sợ chúng nó, sau đó mới bàn tới chuyện đánh như thế nào? – Cứ cho là bọn mình không sợ và quyết tâm đánh. Rồi sao nữa? – Kiểu gì cũng phải có vài thằng cảm tử, liều mạng đánh trước để khuấy động bọn còn lại. Đã đánh nhau, phải có thằng đi đầu. Việt hăng hái: – Vậy mình rủ chúng nó cùng bàn nhé. – Ừ, gọi tất cả bọn con trai khu Nam Đồng lớp mình, rủ thêm bọn Bích Bọp, Hà Tư, Thái Đen nữa. 3. Theo hẹn của Việt, tám giờ tối, khoảng hai chục thằng có mặt ở bể nước Nhà 2. Quốc Tẩm cho biết thằng cầm đầu ở khu tập thể Văn Chương. Hội này có khoảng bảy, tám đứa. Nó nói: – Bọn này ghê lắm, dân đi tù về, đầu trộm đuôi cướp, cầm dao đâm người không ghê tay, bọn mình không đánh được đâu. Hòa hỏi: – Ai bảo mày bọn nó là dân đi tù về? Quốc Tẩm bảo: – Trông cái đầu trọc lốc, mắt gườm gườm như thế, chắc chắn vừa đi tù về. – Mày có biết nó đi tù về tội gì không, hay chỉ đoán bừa? Quốc Tẩm không nói gì. Việt hiểu ý Hòa nên hùa theo: – Mày bảo chúng nó đâm người không ghê tay? Mày có nhìn thấy nó đâm ai không? Quốc Tẩm nói: – Phải nhìn xa chứ, đợi cho đến lúc nó đâm cho một nhát vào bụng thì còn nói làm gì. Tao thấy nó dắt dao ở lưng. Việt nhìn Quốc Tẩm: – Mày nghĩ cứ thằng nào mang dao là dám đâm người à? - Nó vén áo, rút từ sau lưng ra một lưỡi lê AK lấp loáng - Giờ tao đang cầm dao trong tay, mày có nghĩ là tao dám đâm không? Quốc Tẩm nhìn Việt: – Mày mà dám…? Việt xỉa luôn lưỡi lê vào bụng Quốc Tẩm, nhưng nó cũng cẩn thận để mũi lê không chạm vào người. Quốc Tẩm theo phản xạ, lùi lại, nhưng hai chân vấp vào nhau, ngã bổ chửng. Việt nói: – Đúng, lúc này thì tao chưa dám. Nhưng nếu bọn kia có dao mà chưa từng đâm ai, thì chúng nó hơn gì tao? Tất cả ồn ào. Hòa lên tiếng: – Chúng mày yên, để thằng Việt nói tiếp. – Ý tao thế này: Tụi nó chỉ có bốn thằng trấn lột với mấy đứa đi theo, vậy thì việc gì mình phải sợ? Tao nghĩ chẳng qua bọn mình hèn nên chúng nó bắt nạt. Bọn mình có hai chục thằng, to cũng bằng chúng nó, tại sao không đánh lại? Bích nói: – Có mẹ gì mà phải bàn nhiều. Nó cướp nữa thì đánh bỏ mẹ nó đi. Một thằng không đánh được thì tất cả cùng đánh. Khanh phụ họa: – Đến đế quốc Mỹ bố mẹ mình còn đánh được, chẳng nhẽ mình lại không đánh được mấy thằng đầu đường xó chợ này? Việt gật đầu: “Vậy thống nhất từ mai, nếu bọn nó cướp là mình xúm vào đánh nhé”. Hòa đề nghị: – Từ sáng mai, tất cả bọn mình đi học cùng nhau, và chỉ mặc quần áo bộ đội, hay ít nhất cũng mặc áo bộ đội. Chúng mày nghĩ xem, thấy hai chục thằng trông như bộ đội, muốn xông vào cướp cũng thấy ngán. Ngọc rụt rè: – Ông già tao là liệt sỹ, nhà tao lấy đâu ra quần áo bộ đội? Việt nói ngay: – Tao cho mày một cái áo. Hòa thấy cần khẳng định lại một lần nữa: – Nếu từ mai nó chặn đường cướp, tất cả anh em sẽ cùng xông vào đánh nhé. Khanh ngần ngừ rồi hỏi: – Mày nói “tất cả anh em”, nhưng lúc đó ai xông vào trước? Hay lại thằng nọ đưa mắt ra hiệu cho thằng kia: “Mày xông vào trước đi!” Việt thấy hôm qua Hòa tính trước chuyện này không thừa. Nó nói: – Tao! Còn thằng nào tình nguyện không? Hoàng, Bích, Hà Tư xung phong. Bích hỏi: – Vừa rồi thằng Việt giả định nó không đánh bằng dao. Nếu nó rút dao ra thì làm thế nào? Việt rút lưỡi lê ra: – Tao cũng rút dao. Bích nói: – Mày có lưỡi lê, nhưng bọn tao lấy đâu lưỡi lê? Hơn nữa, đã rút lê ra chả nhẽ không đâm? Đâm nó chết thì mình bị đi tù, nó không chết mình cũng bị đuổi học. Việt vẫn khăng khăng: – Theo tao, bọn mình vẫn phải đánh bằng vũ khí. Mình là học sinh, chúng nó là dân trộm cướp chuyên nghiệp, lại có dao. Phải dùng vũ khí mới đánh lại được. Chúng mày bàn xem nên chọn vũ khí gì cho phù hợp? Khanh gợi ý: – Chúng mày học rồi mà quên à,“Buổi đầu không một tấc sắt trong tay, tre là tất cả, tre là vũ khí…” Cứ theo truyền thống dân tộc thôi. Kiếm một ít tre đực già, loại làm cán cuốc, dài năm mươi phân. Có cái đó, dao cũng chẳng sợ. Hòa lắc đầu: – Loại tre mày nói ở Hà Nội kiếm đâu ra… Tốt nhất mình ra chỗ công trường, kiếm lấy mấy thanh sắt tròn phi 10, cưa làm từng đoạn ngắn, khoảng mấy chục phân. Cứ nhằm tay cầm dao của nó vụt, nó sẽ không đâm được mình. Khanh bổ sung: – Ngoài gậy sắt, bọn mình mỗi thằng thủ thêm hai cục đá. Nếu thằng nào nhát, không dám xông vào đánh thì có thể đứng ngoài, rình lúc thuận tiện, ném vào đầu chúng nó. Cái này gọi là “ném đá giấu tay”, vừa hiệu quả, lại vừa không sợ bị đi tù hay đuổi học. Cả bọn nhao nhao, mỗi thằng một ý. Việt thấy tinh thần mọi người lên cao, nó phân công luôn: – Nếu chúng mày nhất trí thì bây giờ Quốc Tẩm với Ngọc ra chỗ công trường, lấy mấy thanh sắt tròn phi 10. Thằng nào nhà có cưa sắt về lấy ra đây để cưa, chia cho mỗi đứa một đoạn. Mai ngày đầu tuần, chúng nó thường hay chặn đường trấn lột. Tao sẽ nhờ ông Phan Bắc và ông Việt Thanh đi cùng bọn mình đến trường một vài buổi. Chiều nay tao đã ướm thử và các ông ấy nhận lời rồi. Lứa trường Trỗi khu mình, tao thấy hai ông này phong độ và dễ gần. Những ngày đầu, có một hai đại ca chống lưng cũng yên tâm hơn. Cả bọn thống nhất. Tất cả vào việc. Cưa sắt xong đã gần một giờ sáng. Có mấy đứa bố mẹ thấy về muộn, cho em ra gọi. Chưa đánh nhau nhưng đứa nào cũng thấy phấn khích và hồi hộp. 4. Sớm hôm sau, hai anh Phan Bắc và Việt Thanh đi cùng cả bọn tới trường. Hơn hai chục thằng quần áo bộ đội xanh lè, giống như hai tiểu đội đang hành quân, trông cũng oai. Đã đông, lại có thanh sắt trong người, đứa nào cũng tự tin. Đúng như Việt dự đoán, vừa qua ngã tư Ô Chợ Dừa được một đoạn đã thấy ba thằng đứng đó, chắc vẫn định chặn đường cướp đồ bọn học sinh như mọi khi. Bình thường, chúng nó đã xông vào lục cặp vài đứa rồi, nhưng hôm nay thấy lũ học sinh khép na khép nép mọi ngày bỗng chốc biến thành hơn hai chục chú bộ đội con, ba đứa lùi vào phía bờ tường, giương mắt nhìn. Việt thấy thằng đội mũ cối, tự nhiên nóng bừng mặt, nhảy ra quát: “Ê, thằng kia, sao hôm nọ mày lột mũ của tao?”. Hoàng rút thanh sắt trong bụng phang thẳng vào cái mũ cối. Quốc Tẩm giật ngay chiếc mũ, đội lên đầu. Hà Tư co chân đạp, Bích xông đến, cứ thế đá lấy đá để. Thằng này nằm co như con tôm, hai tay ôm chặt đầu, mồm liên tục: “Em xin các anh, em xin các anh…”. Quốc Tẩm nhìn quanh, phát hiện một thằng đi đôi dép đúc Trung Quốc, giật áo Hà Tư: “Thằng kia đi dép của tao”. Hà Tư tiến lại, chỉ mặt: “Tháo dép ra trả!”. Thằng này vội vã tháo dép. Quốc Tẩm chỉ thằng mặc áo kẻ còn lại: “Thằng có cái bút này nữa, chắc là hôm nọ nó trấn của thằng Hòa”. Hà Tư tát đốp đốp hai cái vào khuôn mặt xám ngoét: “Lấy bút ra”. Nó ngoan ngoãn tháo cái bút, hai tay đưa cho Hà Tư. Hà Tư chuyển cho Quốc Tẩm. Hòa thấy ba thằng đang chết run chết rét, xông vào đánh nữa cũng chả oai phong gì, nhưng nếu không động chân động tay, sợ bọn nó bảo mình chỉ biết vạch ra cho thằng khác làm, nên cũng tát vào mặt thằng áo kẻ một cái lấy lệ. Việt rút lưỡi lê AK trong bụng ra, dứ dứ: “Lần này bọn tao tha. Từ nay về sau cấm chúng mày lảng vảng đến trường này, nghe chưa!”. Tất cả mọi việc diễn ra trong khoảng mấy phút. Người đi đường chưa biết có chuyện gì thì cái khối hai chục thằng mặc quần áo bộ đội đã đi qua, ba thằng vừa bị đánh cũng nhanh chóng lủi mất. Đàn anh Phan Bắc cười: “Chúng mày chơi cái kiểu này thì từ mai khỏi cần bọn anh đưa nữa”. Không hẹn nhưng hai giờ chiều cả bọn đã tụ tập đông đảo ở đầu Nhà 1, sôi nổi bàn luận về chiến tích buổi sáng. Lũ con nít cũng vây quanh, háo hức như nghe kể chuyện cảnh giác tối thứ Bảy trên đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Hưng Sứt khua chân múa tay, kể đi kể lại rất hùng hồn và chi tiết, như người trực tiếp tham gia các sự kiện, tuy nó không hề ở đó, mỗi lần kể lại thêm một tình tiết mới, chẳng biết có thật không, nhưng làm câu chuyện li kỳ thêm, hấp dẫn hơn. Việt, Hoàng, Hà Tư, Bích… được nhìn với ánh mắt khâm phục. Dù sao đây cũng là trận đầu ra quân mà kết quả thật vẻ vang. Tất cả đều thấy mình thật oai hùng. Quốc Tẩm thắc mắc, không biết bọn kia ngày mai có kéo đồng bọn đến trả thù không? Đại đa số cho rằng có cho kẹo thì hội đấy cũng chẳng dám. Riêng Hòa tán thành ý kiến của Quốc Tẩm. Nó bảo hôm nay quân mình hơn hai chục thằng, trang bị gậy sắt với lưỡi lê, có hai đại ca đi kèm, đánh ba thằng làm gì chả dễ, ngày mai cẩn thận đề phòng vẫn hơn. Việt tuyên bố: “Ngày mai vẫn trong tình trạng chiến tranh. Nếu chúng nó phục thù, sẽ cho chúng nó biết thế nào là Quân khu Nam Đồng!”. Việt nói bâng quơ, không ngờ về sau cái tên Quân khu Nam Đồng trở nên nổi tiếng và sẽ còn được nhắc đi, nhắc lại mãi. Kiểm kê lại các chiến lợi phẩm, chỉ có mỗi chiếc bút máy đòi lại là của Hòa. Đôi dép đúc không phải của Quốc Tẩm. Cái mũ cối cũng không phải của Việt, lại bị Hoàng đập bẹp. Việt nói: “Cái mũ của tao mới hơn” và đưa cho Hoàng, để nhớ lần sau đánh ai thì không được đánh vào mũ. Quốc Tẩm thì chẳng rời đôi dép khỏi chân. Nó bảo: “Đôi này giống đôi của tao, nhưng mới hơn”. Tối hôm đó, Hòa gặp Quốc Tẩm: – Tao lấy được bút rồi, trả lại mày hai đồng vay hôm nọ. Theo tao, mày nên trả lại mẹ mày tiền. Đằng nào thì mày cũng đã lấy được dép, không cần tiền để mua nữa. Cứ kể sự thật và xin lỗi, chắc mẹ mày sẽ bỏ qua. – Bây giờ nói lại ngại lắm. Dù sao chuyện này cũng đã qua rồi. – Nếu mày không trả lại, dù không nói, bố mẹ mày vẫn biết mày là đứa lấy trộm. Trả lại, cả mày và bố mẹ mày sẽ thấy nhẹ người hơn. Quốc Tẩm cầm hai đồng Hòa đưa, nhưng vẫn có vẻ ngần ngừ. Nó nghĩ hôm trước mẹ nó mới nghi nó lấy trộm một đồng, nay trả lại thì thành ra tội ăn trộm ba đồng. Hòa đi được mấy bước còn ngoái cổ lại bảo Quốc Tẩm: - Mình là con nhà lính, làm chuyện gì cũng phải đàng hoàng… Nếu mày không vượt qua được lần này, thì sau này mày sẽ lại tiếp tục ăn cắp tiền của mẹ mày nữa. Những trò quậy phá 1. Sau vụ bị phê bình trước toàn trường vào giờ chào cờ, trong mắt các thầy cô, lớp 8D, cầm đầu là hội khu Nam Đồng, đã trở thành lớp cá biệt, cần được dạy dỗ tới nơi tới chốn. Một nhóm cô giáo trường Đống Đa ở trong khu tập thể Nam Đồng, đứng đầu là cô Quý dạy môn Sinh vật, càng thấy mình phải có trách nhiệm hơn. Lũ trẻ này là con cháu của bạn bè và đồng đội của chồng các cô, những người đồng sinh cộng tử suốt hai cuộc kháng chiến, nay mình là người dạy dỗ mà để chúng nó hư hỏng, cô nào cũng thấy mình có trách nhiệm. Thời gian gần đây, theo như thông báo của công an đồn Ô Chợ Dừa, bọn trẻ này bắt đầu lập thành bè đảng, mang dao búa đánh người gây thương tích, trấn lột mũ, dép, bút của thanh niên địa phương. Cô Quý cho rằng tình hình đã trở nên nghiêm trọng và quyết định ra tay hành động. Đầu tiên, cô gặp riêng cô Vân, giáo viên chủ nhiệm 8D, bàn chuyện phối hợp giáo dục. Trước hết phải đập tan tư tưởng băng đảng. Bố chúng nó là bộ đội chứ chúng nó có phải bộ đội đâu mà lúc nào cũng mặc quân phục, vỗ ngực xưng là “Quân khu Nam Đồng”. Tiếp theo, cô đến từng nhà vận động các gia đình không cho con cái mặc quần áo bộ đội đi học. (Việc này cũng gây khó khăn cho nhiều gia đình. Số vải tiêu chuẩn mua theo phiếu mỗi năm quá ít, nay không cho mấy thằng con trai lớn lộc ngộc mặc quần áo bộ đội thì vải đâu may quần áo mới cho chúng?). Sau đó, các cô tới trường, đề nghị cô Vân cấm những đứa mặc quần áo bộ đội vào lớp. Bọn con trai khu Nam Đồng nhao nhao phản đối. Dân “Quân khu” mà không mặc quần áo bộ đội thì còn gì là Quân khu? Tối thứ Bảy, cả bọn hẹn nhau ra chỗ tập xà ở sân Nhà 5 bàn cách đối phó. Việt đề nghị thứ Hai này cả bọn mặc áo may ô đi học, tất nhiên là không mặc may ô ba lỗ. Khổ nỗi nhiều đứa không kiếm đâu ra áo may ô cộc tay. Hòa đề xuất: “Đã vậy, bọn mình kiếm một loạt quần áo rách rưới mặc đến trường, làm sao trông càng giống người ăn xin càng tốt”. Khanh bổ sung: “Nếu quần hay áo không rách thì phải xé cho rách ra, rồi vá chằng vá đụp lại. Nếu chưa đủ xấu, thì những chỗ hay rách như mông, khuỷu tay, đầu gối… phải lấy vải cũ vá phủ lên, như quần áo dân ta trong nạn đói năm 1945”. Việt kết luận: “Rồi, thế nhé. Mai cấm thằng nào mặc áo lành đi học. Thứ Hai có giờ chào cờ, phải để toàn trường thấy tác hại của việc cấm mặc quần áo bộ đội. Chúng mày nhớ lúc hát Quốc ca phải hát thật to cho mọi người nhìn về phía lớp mình”. Bàn nhau thế, nhưng đến lúc đi kiếm quần áo mới thấy việc tìm quần áo cũ, theo tiêu chí giống ăn mày, hóa ra cực khó. Dễ gì mà kiếm được loại trang phục giống quần áo nông dân những năm đói vạ đói vật ấy. Chỉ còn mỗi cách lựa bộ cũ kỹ nhất, xé ra vá lại, hoặc đắp những mảnh vải cũ khác lên. Nhà Khanh bố mẹ đi công tác nên cả bọn tụ tập ở đấy để gia công. Cái Châu và cái Cúc cũng lên vá giúp. Sợ bọn này nhân cơ hội biểu diễn tài nữ công gia chánh, Việt yêu cầu chúng nó phải làm sao cho đường kim mũi chỉ càng ngoằn ngoèo càng tốt. Nhưng màn trình diễn thời trang chỉ thực sự ấn tượng khi Hòa đề xuất cả bọn đổi quần áo cho nhau, thằng cao mặc quần áo ngắn, đứa thấp mặc quần áo dài. Mặc lên, đứa nhìn cũn cỡn, đứa trông lụng thụng, như bù nhìn rơm. Cả bọn cười lăn cười lộn với loại trang phục độc nhất vô nhị này. Kết quả, sáng thứ Hai, bọn con trai lớp 8D khu Nam Đồng trông như một lũ ăn mày. Tất cả đứng nghiêm, hùng dũng hát Quốc ca vang dội sân trường. Vì đã hợp luyện tối hôm trước nên chúng hát rất to, đều và nét mặt vô cùng nghiêm túc. Không có lý gì để bắt bẻ chúng trong việc hát vang bài Tiến quân ca, nhưng nhìn vào lũ rách rưới ấy, không ai nhịn được cười. Một số thầy cô giáo trẻ ngó chúng, hát không nổi bài Quốc ca. Hòa nói nhỏ: “Cấm chúng mày cười nhé. Cười là chết đấy!”. Mặt thầy hiệu trưởng đỏ như gà chọi, mặt cô Vân chủ nhiệm tái xanh, còn mặt cô Quý thì tím ngắt. Sau giờ chào cờ, mười mấy thằng được bốc lên phòng họp Ban giám hiệu ngay lập tức. Câu đầu tiên của thầy hiệu trưởng là: “Các cậu có muốn học ở cái trường này nữa hay thôi?”. Hòa lễ phép: – Thưa thầy, xin thầy cho biết chúng em làm gì sai ạ? – Cậu không biết sai gì hả? Nhìn lại bộ dạng các cậu xem? Ai cho phép các cậu ăn mặc như thế này đến trường? – Thưa thầy, nội quy của trường mình không cấm học sinh mặc quần áo vá đi học. – Quần áo vá? Cái các cậu đang mặc mà gọi là quần áo à? Gọi là đống giẻ rách thì đúng hơn! – Thưa thầy, chúng em là con bộ đội, nhà nghèo, không có tiền mua quần áo đẹp. Thưa thầy, tuy nó hơi cũ, nhưng đều được vá cẩn thận, không có chỗ nào hở da hở thịt. – “Vá cẩn thận…!” - thầy đay lại và tiến lên tóm lấy áo Khanh - Cậu thử nhìn xem, cái thứ vá chằng vá đụp thế này mà gọi là áo à? Các cậu cố ý diễn trò phải không? Khanh giữ tay thầy: – Ấy chết, em xin thầy nhẹ tay! Thầy mà giữ chặt là nó toạc ra đấy. Áo của em mục lắm, em cố gắng hết sức mới vá được như thế này. Thưa thầy, mẹ em đang đi công tác dài ngày. Em nhờ bố em vá nhưng bố em đầu hàng. Mẹ em bảo ngoài bắn súng, bố em chẳng làm cái gì nên hồn. Nếu bố em vá thì còn xấu hơn thế này nhiều… Cô Vân chủ nhiệm bỏ giờ dạy, theo cả bọn lên phòng họp Ban giám hiệu, nghe Hòa và Khanh nói, tức quá hét lên: – Cậu Hòa, cậu Khanh, không được hỗn. Im ngay! – Thưa cô, tại thầy hỏi nên chúng em mới trả lời ạ. – Dạ, cô bảo im thì em im ạ. – Lếu láo. Sao tôi nói một câu, các cậu cãi hai câu là thế nào? Còn cậu Ngọc, ai cho phép cậu mặc áo may ô đến trường. Ngọc vốn phản ứng chậm chạp. Lúc này cô chủ nhiệm lại đang cáu nên nó chẳng biết nói sao. Hòa đỡ lời: – Thưa cô, em thấy nhiều bạn đi học cũng mặc áo dệt kim Đông Xuân ngắn tay. Thầy Nghĩa giáo viên Thể dục cũng mặc áo kiểu này đi dạy. Áo bạn Ngọc chỉ hơi cũ một chút thôi. – Tôi không hỏi cậu. Cậu Ngọc, ngẩng mặt lên! Cậu có nghe rõ tôi hỏi không? – Dạ, có - Ngọc lí nhí - thưa cô, nhà em nghèo, chỉ có áo bộ đội mặc đi học. Tại nhà trường cấm mặc áo bộ đội nên em không biết mặc cái gì. Em đi mượn, chỉ mượn được cái này thôi ạ. – Thưa cô, nhà bạn Ngọc là gia đình liệt sĩ, có ba anh em còn đi học, má bạn ấy đã về hưu, suốt ngày đau ốm, nên nghèo lắm. Bạn ấy chỉ có hai cái áo bố để lại mặc. Vì nhà trường cấm mặc áo bộ đội nên phải đi mượn cái áo này – Hòa lại xen vào. – Cái gì? - thầy hiệu trưởng trợn mắt - nhà trường nào cấm các cậu mặc áo bộ đội đi học? – Báo cáo anh - cô Vân đỏ mặt - là em thống nhất với mấy chị không cho các cậu này kết thành hội “Quân khu”, mặc quần áo bộ đội đi đánh nhau. – Thế để các cậu ấy mặc đống giẻ rách này thì các cậu ấy không kết thành hội, không đánh nhau à? Khu Nam Đồng toàn tướng tá cả, các ông ấy thừa quần áo cho con thì để chúng nó mặc. Nội quy nhà trường, luật pháp Nhà nước đâu có cấm các cậu ấy mặc áo bộ đội đi học. Nước mình ở đâu chẳng đầy áo bộ đội. Trường mình cũng có mấy thầy mặc áo bộ đội đấy thôi. Cái chính là lành cho sạch, rách cho thơm… chứ không được ăn mặc nhếch nhác như thế này. Người ngoài nhìn vào, họ coi trường chúng ta ra cái thể thống gì. Các cậu đến trường thì cũng phải giữ thể diện cho nhà trường chứ. Thôi, hôm nay nghỉ, về nhà thay cái đống gớm ghiếc này đi. Cả bọn nhìn nhau, khoái chí vì đấu tranh thắng lợi, lại còn được nghỉ học. Hòa nghĩ nhân dịp này phải cho thầy hiệu trưởng thấy bọn Quân khu Nam Đồng là những đứa hiếu học. Nó nói: – Thưa thầy, xin thầy cho chúng em được học ngày hôm nay. Nếu nghỉ học sẽ bị…“lỗ hổng kiến thức”. Chúng em hứa từ mai sẽ không mặc… cái đống này nữa. – Thôi, được rồi. Các cậu về lớp. Cô Vân ở lại tôi trao đổi một chút. Ra khỏi phòng, Việt bảo: – Thầy vẫn còn nhớ lần trước cãi nhau với tao về vụ hát to nên lờ đi không bắt bẻ bọn mình vụ hát Quốc ca ban nãy. Từ nay về sau, giờ chào cờ chúng mày nhớ hát Quốc ca to nhé, coi như ủng hộ thầy. Về tới lớp, cả bọn đang hớn hở vì thắng lợi ngoài sức tưởng tượng thì cô Vân hầm hầm bước vào, yêu cầu tất cả học sinh nam mở cặp cho cô và lớp trưởng kiểm tra. Hoàng bị phát hiện trong cặp có một chiếc búa. Nó cãi đấy là búa nó làm trong giờ học Kỹ thuật công nghiệp ở xưởng, nhưng bị lỏng cán nên mang đi, định giờ ra chơi xuống xưởng sửa lại. Dù mọi người xác nhận giờ học dưới xưởng cả lớp đều phải làm búa, cô Vân vẫn tịch thu và bắt Hoàng làm kiểm điểm về tội mang vũ khí đi học. Ngọc cũng bị phát hiện trong cặp có một chiếc kìm nhỏ. Đấy là cái kìm chuyên dụng, dùng để bóp vỡ thân cây cảnh, nó tranh thủ làm trong giờ học Kỹ thuật công nghiệp, định bụng khi nào về thăm nơi sơ tán sẽ tặng cho bác chủ nhà. Cái kìm quá bé, không thể coi là “hung khí”, nhưng cô Vân vẫn tịch thu và Ngọc phải kiểm điểm vì tội “làm việc riêng trong giờ Kỹ thuật công nghiệp”. Trong lúc Hoàng đang thanh minh với cô giáo, mấy thằng nhanh tay mở cặp, lấy búa giấu vào cặp bọn con gái. Lớp trưởng Mai Phương trong lúc đang cùng cô giáo đi khám cặp người khác thì cặp nó bị Khanh giấu búa vào. Từ đấy trở đi, bọn con gái trong lớp hay được nhờ giữ hộ vũ khí cho bọn con trai khu Nam Đồng. Trừ Mai Phương với cái Diệp, không đứa nào từ chối. Hình như ít nhiều chúng nó cũng có một tí hãnh diện vì học chung với một lũ “Quân khu” nổi tiếng. Chúng phát hiện bọn này ngoài đường đánh nhau ghê gớm thế nhưng với các bạn gái trong lớp lại rất nhút nhát và tử tế. Và từ ngày bị bọn này đánh lại, chẳng đứa nào dám đến lớp trấn lột như trước nữa. 2. Khu tập thể Nam Đồng có tổng cộng trên 500 hộ gia đình bộ đội, mỗi gia đình trung bình có ba đứa con, nhưng chỗ để chơi thì quá ít. Ngoài đá bóng, đá cầu, câu cá trộm ở Ao Ông Thử…, có một trò nữa mà bọn con trai say mê là chơi “bắn bùm”. Có bao nhiêu đứa cũng chơi, chia đều hai phe. Bên này hô “chiến tranh!”, bên kia hô “bùng nổ!”, và cuộc chơi bắt đầu. Dãy chuồng gà bẩn thỉu, đầy con mạt, con dĩn bỗng chốc biến thành những chiến lũy tin cậy. Ngày đó, hầu như nhà nào cũng nuôi gà. Có những nhà nuôi tới hơn chục con và làm chuồng khá vững chãi. Những thằng không chịu luồn lách vào các chuồng gà để ẩn nấp đều dễ dàng bị bắn chết. Có thằng chui vào nóc chuồng gà nằm cuộn tròn cả tối, chấp nhận cho mạt với dĩn đốt để tiêu diệt đối phương. Có thằng nằm phục trong gầm chuồng gà để chiến đấu và phát hiện ra một quy luật thú vị là gà buổi tối không ỉa. Cứ tối đến chúng lại làm bạn với gà nên hai bên thành thân. Nằm buồn, thò tay vào sờ gà, thấy âm ấm, thinh thích. Lũ gà cũng để yên, không kêu toáng lên như lúc đầu. Sau hôm cấm bọn trẻ mặc quần áo bộ đội đến trường thất bại, các cô giáo ở khu Nam Đồng bắt đầu kiểm soát chúng nó kỹ hơn. Các cô muốn thay mặt bố mẹ giúp đỡ bọn trẻ, mong chúng nó trở thành con ngoan trò giỏi. Thời buổi chiến tranh, các ông bố bà mẹ bận trăm công nghìn việc, mấy khi có thời gian ngó ngàng tới con cái. Đấy là chưa kể nhiều gia đình có bố, và đôi khi cả mẹ, đi chiến trường biền biệt, vài năm mới về, hay thậm chí không bao giờ trở về, dù muốn cũng chẳng có cơ hội dạy con. Thành thử bọn trẻ lớn lên theo bản năng, học tất cả cái tốt từ nhà trường, bè bạn và không ít những thứ xấu từ đủ các nơi. Rồi những năm sơ tán, theo trường, theo trại, việc giám sát của gia đình, nhà trường lỏng lẻo nên nhiều đứa quen thói tự do, tự mình đưa ra các quyết định cho mình. Một sớm một chiều gò chúng nó vào kỷ luật là việc vô cùng khó. Do đó, mỗi sự kiểm tra, giám sát của các cô giáo đều vấp phải sự phản ứng, từ ngấm ngầm đến công khai. Sự kiên nhẫn và lòng tốt nào cũng có giới hạn. Nói mãi chúng không nghe, các cô tức lên, xử lý bằng điểm. Về nguyên tắc đâu có gì sai. Không học bài thì điểm phải kém. Điểm kém, thầy cô ghét, chán chẳng muốn học. Chán học lại càng nhiều điểm kém hơn. Dù chúng nó ức cô giáo đến mấy cũng không làm gì được cô. Nhưng với gà của nhà cô lại là chuyện khác… Trong lúc chơi bắn bùm, Khanh và Ngọc bò vào chuồng gà nhà cô Quý, được coi là người vạch ra chiến dịch cải tạo lũ học sinh nghịch ngợm. Khanh đề xuất bẻ chân gà trả thù. Nó tính mỗi điểm 1 của cô là một cái chân gà. Ba điểm 1 là ba chân gà. Ngọc không bị điểm 1 nào nhưng lại có hai điểm 0, nó tính bằng bốn chân gà. Khanh không đồng ý, bảo điểm 0 với 1 cũng như nhau. Hai thằng dùng dao nạy nan chuồng, lặng lẽ bế từng con gà ra, vuốt ve cho nó im lặng rồi bóp miệng, quấn chun vào mỏ để nó không kêu, khóa hai cánh vào nhau để nó hết đường giãy, sau đó bẻ gẫy chân. Bẻ đủ năm chân của ba con gà to nhất, tương ứng với năm điểm kém, hai thằng nhét gà trả lại chuồng. Bọn gà không đứng được, nằm ngửa tênh hênh, bắt đầu giãy giụa loạn xạ. Khanh và Ngọc lộ chỗ, bị “bắn bùm” chết ngay. Mặc dù sớm bị loại khỏi cuộc chơi, nhưng hai thằng rất hỉ hả. Cả đám không ai hiểu vì sao hôm nay bị bắn chết mà hai thằng tỏ ra khoái chí thế? Nhưng cùng lũ trẻ con với nhau, những trò nghịch kiểu đó chả bao giờ bí mật được lâu. Một lát sau, cả bọn đã biết nguyên do. Thế là chúng nhao nhao đếm số điểm kém thời gian qua để tính sổ với các cô giáo trong khu bằng chân gà. Vịt với ngan cũng được coi như gà. Hôm đó chơi bắn bùm ở Nhà 3 nên chỉ xử lý chuồng gà của cô Quý và cô Phượng. Riêng cô Hoa, chúng nó vẫn xếp cùng phe, gà nhà cô được an toàn. Hòa bảo: “Mỗi điểm kém tính một cái chân. Mình bẻ cả hai chân thì người ta chỉ còn nước làm thịt. Mỗi con bẻ một chân thôi, để nó còn nhảy lò cò đi kiếm ăn”. Hoàng đề nghị: “Bắt thêm con sống thiến của ông Hồi “Tai gỗ” tầng bốn. Lão này cậy làm tổ trưởng, suốt ngày nói cạnh khóe tao, phải bẻ chân gà nhà lão ấy cho bõ ghét”. Sáng hôm sau, khi xuống mở cửa chuồng và cho gà ăn, cô Quý, cô Phượng và ông Hồi Tai gỗ kêu ầm lên. Ban đầu nghĩ gà bị chuột cắn, nhưng sau xem kỹ chỗ chân gẫy, mọi người bắt đầu nghi ngờ có đứa phá hoại. Cô Quý đoán ngay chỉ có bọn lớp 8D làm chuyện này. Cô báo cho cô Vân, đề nghị tìm cho ra thủ phạm. Giờ sinh hoạt lớp hôm đó, cô Vân mắng bọn con trai khu Nam Đồng một trận, bắt thành khẩn nhận khuyết điểm, nhưng mặc cô nói mỏi mồm, bọn chúng vẫn giả câm giả điếc. Khanh lẩm bẩm, tự an ủi theo kiểu dân làng Vũ Đại trong truyện Chí Phèo: “Cô mắng cả bọn khu Nam Đồng, nhưng chắc cô chừa mình ra”. Ngọc gật gù: “Chắc cô cũng trừ cả tao nữa”. Việt hôm qua không chơi bắn bùm nên không tham gia bẻ chân gà, lầu bầu: “Nghe cái giọng của cô giáo là thừa biết bà ấy nhằm vào tao. Không nhẽ tao đứng dậy đề nghị: Khi nói, xin cô hướng cái nhìn sang bạn Khanh và bạn Ngọc”. Tối hôm sau, khu chuồng gà Nhà 3 được ông Hồi “Tai gỗ” lắp một bóng điện sáng choang. Cả bọn mất cả chỗ chơi bắn bùm. Đêm rằm, trăng sáng dãi dề trên các tán cây. Gió mát. Không có gì chơi cũng buồn. Cả bọn rủ nhau ra sân Nhà 5 tập xà. Tới nơi, thấy Đính và Minh đang lúi húi ở gốc cây, Minh gọi: “Ngọc, mày có đái được không?”. Ngọc đáp: “Chim tao chỉ làm mỗi nhiệm vụ đái, chả nhẽ lại không đái được”. Minh bảo: “Nhanh lên, ra đái vào đây. Bọn tao đang đổ dế. Con dế này to lắm”. Cả bọn thi nhau đái, cuối cùng con dế đen trũi cũng phải chui ra. Con này đúng là một dũng tướng, cỡ Quan Vân Trường, chỉ tội ướt nhoẹt và khai mù. Khanh đề xuất: “Tao biết một tổ dế to lắm, có năm con, trong đó có một con thuộc loại tướng soái”. Minh bảo: “Mỗi tổ dế chỉ có một con thôi, lấy đâu ra năm con”. Khanh nói: “Tao đảm bảo sau khi đổ dế, có ít nhất ba con chui ra. Đi theo tao. Nếu không đúng, tao đãi bọn mày mỗi thằng một que kem Tràng Tiền”. Tất cả bán tín bán nghi, theo Khanh sang đầu Nhà 3, phía cầu thang hướng Hà Đông. Ngọc bảo: “Chim hết nước rồi, làm sao đái được nữa”. Khanh giải thích: “Loại dế này không dùng chim, mà dùng tay”. Nó nhặt mấy hòn gạch, đưa mỗi thằng một hòn: “Tao hô một – hai – ba thì chúng mày cùng ném vào cửa nhà cô Quý nhé, coi đấy là tổ dế, để trả thù cho thằng Việt bị nghi oan sáng nay. Bao giờ dế ra khỏi hang thì bọn mình chạy”. Nó nói xong hô luôn “một, hai, ba!”. Cả bọn ném rầm rầm vào cửa nhà cô Quý. Một phút sau, đèn bật sáng. Cô Quý cùng chồng, một trong hai người ở khu tập thể Nam Đồng sau này được phong quân hàm thượng tướng, cùng con trai lò dò ra. Cả bọn cắm đầu chạy. Vừa chạy Khanh vừa nói: “Có ba con dế chui ra, tao không phải chiêu đãi nhé”. Mặc dù chạy nhưng cả bọn vẫn thấy mình thật oai hùng. Tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, hét ra lửa trước binh hùng tướng mạnh mà chúng nó chẳng coi vào đâu. “Đổ dế” nhà cô Quý xong cả bọn lại về Nhà 5 tập xà. Tập chán, Hoàng rủ mọi người sang Nhà 6 bẻ chân gà nhà cô Thục dạy môn Hóa học. Nó đã điều tra ra vị trí chuồng gà nhà cô. Nhưng kiểm lại thấy có mỗi Ngọc và Hoàng bị cô cho điểm 1. Sau khi phân tích, thấy đây là điểm kiểm tra một tiết, do hai thằng học dốt chứ không phải điểm kém do các tội như quên mang vở, không chép bài, bị hỏi trong giờ học không trả lời được vì nói chuyện riêng… nên cả bọn hơi phân vân. Ở nông thôn, con trâu là đầu cơ nghiệp, còn với các gia đình khu Nam Đồng thời đó, con gà con lợn là nguồn thu nhập vô cùng quan trọng. Nhiều gia đình, một nửa thu nhập trông vào đấy. Nhà nào cũng nuôi gà, nuôi lợn nhưng đâu có được thưởng thức thịt của chúng. Gà nuôi chủ yếu để lấy trứng. Nhưng trứng nhiều khi cũng bị đem bán. Còn lợn thì đương nhiên để bán rồi. Ngay cả trường hợp nó bị chết do điện giật, bị xổng chuồng rơi từ trên gác xuống tầng một, cũng phải gọi người ngoài chợ vào, bán rẻ cho họ, chứ không gia đình nào dám mổ ăn. Cùng lắm chỉ giữ lại một cái chân giò hay ít thịt thủ. Vì cùng cảnh ngộ, nên đứa nào cũng có tình cảm với bọn gà, lợn. Phải tiêu diệt chúng mà không có lý do chính đáng, làm sao không day dứt lương tâm? Hòa nói: – Tao nghĩ rồi, đòn trừng phạt đau nhất là trừng phạt kinh tế. Vì thế khi trừng phạt cũng nên đúng người đúng tội. Nhà tao có con gà mái đẻ bị chết mà mẹ tao bỏ cả ăn. Nay bọn mình bẻ chân một lúc nửa đàn gà nhà người ta, nghĩ cũng hơi quá đáng. – Mình trả thù kiểu khác đi, đừng làm hại gia súc nữa… – Việt lên tiếng. – Tao đâu có hại gia súc, đây là gia cầm – Khanh cãi. – Ừ, thì cả gia cầm lẫn gia súc. Trong khu mình, ngoài sân nhà nào chả nuôi gia cầm, còn trong nhà thì gia súc. Hôm nay chúng mày bẻ chân gà, mai chúng mày sẽ bẻ chân lợn… Ở đây có mấy nhà không nuôi lợn đâu? Tiền bán một con lợn bằng mấy tháng lương cả bố lẫn mẹ mình cộng lại. Nhiều nhà lợn còn sướng hơn người. Bố thằng Quốc Tẩm gọi lợn nhà nó là “thủ trưởng lợn”. Cô Chung cạnh nhà tao còn nhường cả phòng tắm cho lợn. Lợn có khăn mặt riêng, buổi sáng được lau mặt như người. Cả nhà có mỗi cái quạt tai voi cũng dành cho lợn. Hôm nào mất điện là mấy đứa con gái phải dùng quạt nan, thay nhau quạt cho nó. Vì lợn ở trong phòng tắm, nên khi tắm, mấy đứa con gái phải tắm chung với lợn và tiện thể tắm luôn cho nó. Tao đảm bảo lợn nhà cô Chung sạch nhất khu. Khanh gật gù: – Nghe mày tả, tao cũng muốn làm lợn nhà đó. – Chắc gì đã sạch bằng lợn nhà tao – Ngọc cãi – Nhà tao gọi lợn là “cụ”. Cụ ăn xong còn được súc miệng bằng nước sạch, lau mồm bằng khăn. Cụ mà ở bẩn, bị dịch lăn quay ra là má tao ốm theo luôn. Nhà tao chỉ có mấy đồng lương hưu của bà già với ít tiền tuất của ông già, nếu không trông vào gà và cụ, lấy gì mà ăn. Năm ngoái, cụ đói quá, dũi lở cả vữa trát tường rồi gặm dây điện, bị giật quay lơ ra. Tao hô hấp nhân tạo mười lăm phút mà cụ vẫn chết. —Vậy là cái hôn đầu đời của mày đã dành cho lợn - Khanh nhận xét. Việt nói: – Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Bọn mình bị trù dập, trả thù là chính đáng. Nhưng trả thù thì thiếu gì cách… như “đổ dế” chẳng hạn. Mình làm hại súc vật là đánh vào cuộc sống khốn khó của gia đình các quân nhân đang hy sinh thân mình cho đất nước. Tao đề nghị từ nay không tấn công gia súc, gia cầm nữa… Trừ của lão Hồi “Tai gỗ”. Hôm nay lão cứ nói bóng nói gió là cái trò đêm qua chỉ có tao làm. Cái gì tao không làm mà đổ oan cho tao thì tao phải làm cho biết. Mình bẻ thêm chân con gà béo nhất của lão để cảnh cáo. Hòa phẩy tay: – Mình đã quyết định làm việc nhân đạo thì không để thù hận xen vào, dù thù hận có cao như núi. Thôi, tha cho lão. Lão ấy cũng đáng thương, là thương binh chống Pháp, bị bắn cụt tai, phải sống nhờ con rể, cả ngày chỉ có mỗi nhiệm vụ chăm gà. Lão ấy thà cho mày bẻ chân chứ không muốn chân gà của lão bị bẻ. Việt vẫn hậm hực: – Không bẻ chân thì cũng phải vật đổ chuồng gà nhà lão cho đỡ tức. Cả bọn kéo nhau ra vật đổ chuồng gà ông Hồi, rồi khí thế bốc lên, vật đổ gần hết các chuồng gà khác. Mấy đứa em lau nhau vẫn ra xem các anh chơi bắn bùm cũng xông vào, giúp một tay. Nhìn đống chuồng gà ngổn ngang, Việt nghĩ, sáng mai thấy chuồng gà nhà nó không đổ, thể nào mọi người cũng nghi nó làm chuyện này… Cuối cùng, tất cả các chuồng gà đều bị vật đổ, trừ chuồng gà nhà cô Hoa. Đi thăm thầy Toàn Sáng thứ Hai đầu tuần, thi hết học kỳ môn Địa lý. Hòa đã thỏa thuận với Việt là nó sẽ học về phân bố khoáng sản của Anh, Pháp, còn Việt học của Hoa Kỳ, vì hai nội dung đó, thể nào cũng thi một. Việt đồng ý. Trước khi đọc đề thi, Hòa hỏi Việt đã thuộc chưa? Việt bảo: “Cũng tương đối, không có cái gì tuyệt đối cả!”. Đúng như dự đoán, phần lý thuyết hỏi về khoáng sản Hoa Kỳ, còn phần vẽ bản đồ là phân bố khoáng sản nước Pháp. Bản đồ thì Hòa, Việt đã bàn nhau vẽ trước hơn chục cái, đủ tất cả các nước, để rơi vào cái nào thì rút cái đấy ra. Không ngờ thầy lại đi ký vào từng tờ giấy thi một. Chắc là các khóa trước gian lận bị lộ, báo hại các khóa sau. Thầy canh khá nghiêm ngặt nên chẳng làm thế nào lấy tài liệu ra được. Quay cóp phần lý thuyết thường dễ hơn, vì chỉ liếc mắt đọc mấy dòng rồi cất đi, chứ vẽ bản đồ thì phải dùng thước kẻ dọc, kẻ ngang, chia tọa độ, rồi lại phải điền các ký hiệu mỏ sắt, mỏ đồng nhỏ li ti. Hòa cố dựa vào trí nhớ, liếc dọc liếc ngang xem bài bạn bên cạnh, vẽ ra một cái hình lục lăng, trông giống con rùa rụt cổ. Việt cắm cúi vẽ theo. Sang lý thuyết, đến phần Việt tuyên bố đã “thuộc tương đối” thì nó lại tắc tị và chống chế: “Tao đã học thuộc rồi nhưng giờ cuống nên quên hết cả”. Hòa lầu bầu: “Như vậy chỉ còn trông chờ vào việc tao có nhớ được chữ nào không”. Việt biết thân, ngồi yên chờ Hòa viết được chữ nào thì chép. Nó còn thì thầm: “Chỗ nào mày “chấm” thì tao “phẩy”, để bài hai đứa không sai giống nhau đến cả dấu chấm, phẩy”. Hòa ngao ngán: “Bài thi này không đến nỗi zê-rô, nhưng điểm kém là chắc”. Đối với Việt, nhận điểm kém là bình thường. Còn Hòa trước đây vốn là học sinh giỏi, năm nay sa sút thảm hại nên cũng cảm thấy buồn. Lại còn môn Văn nữa. Hòa đã bị ba điểm 0 về những tội không đâu, như không soạn bài trước ở nhà, hoặc không chú ý nghe giảng, thầy gọi lên không trả lời được. Nói chung, Hòa xác định học kỳ này, môn Văn của nó sẽ bị điểm dưới trung bình. Nhưng nó vẫn tự tin với trình độ và sự cẩn thận đề phòng của mình, học kỳ hai nó sẽ không để thầy có cớ đè nó được. Còn Việt thì chết về môn Văn là cái chắc, nhất là sau vụ nghe Khanh xui đi kiện thầy. Cuối buổi học, cái Cúc bảo Hòa và Việt: – Bọn mày ở lại nói chuyện một tý. Hòa bảo Khanh, Ngọc, Hoàng cùng ở lại. Cái Cúc nói: – Mẹ tao nói vợ thầy Toàn ốm nặng lắm. Hay là bọn mình đến thăm thầy. Hoàng phản ứng: – Bọn mình đang tìm cách xin đổi thầy. Nay đến thăm, mọi người lại tưởng mình sợ, mình đến nịnh. Việt cũng ngần ngại: – Mình đến, có khi thầy lại nghĩ mình nhân lúc nhà thầy có việc, đến xin điểm. – Mẹ tao nói nhà thầy nghèo lắm, hai vợ chồng và sáu đứa con nhỏ, chỉ trông vào đồng lương giáo viên của thầy. Nay vợ thầy ốm, tiền phải dành chạy chữa, nên bọn trẻ con cũng chẳng có gì mà ăn. Tao chỉ nói lại ý mẹ tao là nên đến thăm thầy thôi, còn tùy chúng mày. Hòa nói: – Tao nghĩ chuyện nào đi chuyện đấy. Mình đến thăm, đừng nói đến chuyện khác là được. Khanh bảo: – Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, vợ thầy ốm, mình đến thăm có gì mà ngại. – Mình có phải mua quà gì không? Thăm người ốm mà? Hay là mình mua mấy quả trứng gà – Hoàng hỏi. Khanh hăng hái: – Gà nhà tao đang đẻ, tao góp ba quả. Nhà thằng nào có gà đẻ thì về lấy một, hai quả góp vào. Rủ hết cả bọn lớp mình ở trong khu đi thăm thầy. Hòa nói: – Thầy ghét mấy thằng mình nhất. Bọn mình thăm thầy trước rồi về bảo chúng nó thăm sau. Việt bảo: – Để tao xúc mấy bơ gạo, đổi ít bánh cuốn cho bọn trẻ con ăn. Chiều hôm đó trời mưa, đường lầy lội, cứ một lát là đất lại kẹt đầy chắn bùn xe đạp, phải xuống kiếm que chọc nên đứa nào cũng lấm lem. Ngọc đi xe “cởi truồng” (không có chắn bùn) nên không phải chọc, nhưng thay vào đó, nó bị bùn bắn đầy từ lưng đến cổ. Việt lẩm bẩm: “Đúng là chuyến đi bão táp”. Nhà thầy ở cuối làng Nhân Chính. Hỏi một hồi cũng ra. Nhưng tới nơi, cả bọn đều lặng người, không ngờ nhà thầy lại nghèo đến thế. Đành rằng ở khu tập thể Nam Đồng, các gia đình trung bình có từ năm đến sáu người cũng chỉ ở phòng từ mười ba đến mười tám mét vuông, nhưng dù sao cũng tử tế, khang trang, là niềm mơ ước của biết bao gia đình ngày đó. Nhà thầy Toàn chỉ là một căn lều nhỏ, lợp mái tôn, mưa dột tí tách, phải hứng bằng mấy chiếc chậu và ca uống nước đặt trên sàn. Vách nhà là dăm tấm liếp tre, buộc vào mấy cái cột. Giường vợ thầy nằm bề bộn đủ thứ, phía trên căng hai tấm ni lông. Chăn chiếu, đồ đạc được dồn lên giường cho đỡ ướt. Bọn trẻ lốc nhốc sáu đứa trứng gà trứng vịt, hai đứa ngồi ở góc giường, bốn đứa ngồi trên tấm phản. Nhà có độc một chiếc ghế thầy đang ngồi, cạnh cái bàn nhỏ để chấm bài. Thấy cả bọn đến thăm, thầy cũng bất ngờ, luống cuống nhìn quanh, không biết mời mọi người ngồi vào đâu. “Trời nắng, khách đến thì bảo bọn trẻ đi chơi. Trời mưa, chúng nó ở nhà, các em thông cảm”… Cuối cùng, thầy dồn cả sáu đứa lên giường với mẹ, mời mọi người ngồi lên phản. Thầy cho biết hồi sơ tán, nhà bị trúng bom, chưa có điều kiện dựng lại. Thầy cười buồn: “Nhà thầy toàn con trai, ông bà cứ bảo đẻ cố lấy đứa con gái. Vẫn biết sáu đứa là nhiều, nhưng quê thầy có những nhà bốn, năm đứa con trai đi bộ đội mà có đứa nào về đâu… Thôi thì trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Việt ngồi ghé vào thành giường, lấy phong lương khô quân dụng ra chia cho mấy đứa trẻ con. Thời buổi này kiếm đâu ra bánh kẹo, lương khô B702 được xếp vào loại ngon nhất rồi, chỉ những đứa con nhà bộ đội mới có. Bọn trẻ ăn một loáng đã hết phong lương khô, Việt định lấy gói bánh cuốn phát cho chúng ăn tiếp nhưng Hòa đưa mắt, ra hiệu “để lát nữa”. Hòa thay mặt cả bọn, xin lỗi thầy về thái độ học tập thời gian vừa qua, và hứa sẽ cố gắng học tốt môn Văn. Thầy cũng cảm động. Thầy nói: “Các em là những học sinh duy nhất đến thăm thầy. Thầy không cho ai biết nhà cả, sao các em tìm được?”. Việt ra hiệu cho Hòa giải thích, nhưng Hòa lờ đi. Ban đầu, cả bọn chỉ định tới thăm thầy một lát, nhưng rồi cứ ngồi nói từ chuyện nọ tới chuyện kia, hết cả chiều. Có nói chuyện thân mật với thầy, mới thấy tính tình thầy cũng dễ chịu, cách nói chuyện của thầy mộc mạc, chân chất. Về tới nhà, Hoàng nói với Hòa: – Tao thấy vợ thầy ốm nặng lắm. Tối nay mày sang nhà tao, nói mẹ tao tới khám cho vợ thầy. Mẹ tao là bác sỹ quân y, mẹ tao có thể cho vợ thầy thuốc tốt. – Sao mày không tự nói? – Mẹ tao tin tưởng mày hơn tao, vì nghĩ mày ngoan. Mày nói thể nào mẹ tao cũng nghe. Hòa cười: – Tao ngoan quá đi chứ, đâu đầu bò đầu bướu như mày. – Xì… mày chỉ được cái nhìn hiền, học giỏi nên dễ đánh lừa người ta, chứ ngoan cái mẹ gì! Việt gợi ý: – Tao thấy hình như nhà thầy không có gạo. Bọn trẻ con nói hai hôm nay phải ăn khoai. Chúng mình về mỗi thằng xúc mấy bơ gạo cho thầy… Tháng này, mình sẽ không xúc trộm gạo của nhà đi đổi bánh cuốn nữa. Ngọc nói: – Vậy thằng nào có gì biếu thầy được, đưa hết cho thằng Hoàng, để khi nào mẹ Hoàng đến khám bệnh cho vợ thầy thì đưa luôn. Hòa lắc đầu: – Mình đưa như thế thầy sẽ ngại. Trước tiên cứ nhờ mẹ thằng Hoàng tới khám cho vợ thầy đã. Cái gì mình biếu thầy thì chờ hôm thầy đi dạy, sẽ cử một đứa đưa đến, không cần cho thầy biết là chúng mình biếu. Từ hôm đấy trở đi, thái độ học tập môn Văn của cả bọn tốt hẳn lên. Nhiều đứa ở lớp ngạc nhiên, không hiểu sao đám con trai khu Nam Đồng hầu như tiết học nào cũng nghịch, nhưng cứ đến giờ học Văn lại rất ngoan ngoãn. Đặc biệt hơn nữa, chúng nó không thể nào hiểu nổi tại sao dạo này đối với thầy, bọn “đầu gấu” ấy tỏ ra rất thân thiện. Việt không bao giờ kể với ai lần nó trốn học, đi đưa thuốc cho vợ thầy, bị cô Vân tình cờ trông thấy. Cô phê bình nó trước lớp và bắt làm kiểm điểm, cam kết không tái phạm, yêu cầu lấy cả chữ ký của phụ huynh. Việt làm tất cả, lặng lẽ nghe bố mẹ mắng khi đọc và ký vào bản kiểm điểm. Thầy cũng không biết Việt đến nhà. Nó nghĩ: “Mình nói ra sự thật, có khi còn bị mọi người hiểu sai, và làm thầy khó xử”. Năm đó, nó bị hạnh kiểm loại “thường”. Có thể cái tội trốn học hôm đó cũng là một trong những giọt nước làm tràn ly. Mùa hè năm 1973 1. Vèo một cái đã hết năm lớp 8. Kết quả học tập của bọn con trai lớp 8D khu Nam Đồng cực kỳ tồi tệ. Cũng may các thầy cô xóa cho hàng loạt điểm kém. Các điểm 1, điểm 0 do quên mang vở, không soạn bài, nói chuyện riêng, thậm chí cả kiểm tra miệng… đều được ân xá. Thế nhưng ngoài Giang Cận vẫn giữ được phong độ, cho dù giảm từ loại A1 (xuất sắc) xuống A2 (giỏi), nhóm học sinh giỏi ngày trước như Khanh, Hòa cũng chỉ ở mức trung bình, không đạt nổi loại khá là A3. Bọn Việt, Hoàng, Ngọc mỗi đứa thi lại ba môn. Số còn lại, đứa nào cũng có môn phải thi lại. Một nửa bọn chúng bị hạnh kiểm loại “thường”. Dù nhiều hay ít, đứa nào cũng có một thoáng buồn. Hòa an ủi mọi người: – Tao thấy người ta nói những đứa thời học phổ thông hiền lành, chăm chỉ, thầy cô bảo gì nghe nấy, sau này vào đời thường chẳng ra gì. Các bậc vĩ nhân ngày bé thường học kém do hiếu động và mải chơi. Việt tán đồng: – Sau này nhớ lại, sẽ không ai đánh đổi những năm tháng sôi động của tuổi học trò lấy một bảng điểm tốt. Người ta chỉ nhớ thời đó mình bẻ được bao nhiêu chân gà, đổ dế nhà cô Quý mấy lần, thắng được bao trận đánh, đâu có ai nhớ mình phải thi lại mấy môn. Chỉ bằng vài câu lý sự, cả bọn lại vui như tết. Với tuổi trẻ, nỗi buồn thường qua đi rất nhanh. Lúc nào chúng cũng tìm ra phép thắng lợi tinh thần theo kiểu AQ. Đi học ai cũng thích nghỉ hè, nhưng nghỉ được một tuần là cả bọn bắt đầu thấy chán, vì chẳng có trò gì chơi. Chả nhẽ tối nào cũng “bắn bùm”. Việt đề xuất trò “duyệt binh”. Một là đi bộ để rèn luyện sức khỏe. Hai là nâng cao hình ảnh “Quân khu Nam Đồng”. Đi duyệt binh có nghĩa là kéo một lô một lốc đi bộ từ khu tập thể, ngược lên Ô Chợ Dừa hoặc xuôi xuống Ngã Tư Sở, theo nhịp “mốt hai mốt”. Chỉ khác bộ đội duyệt binh gõ đế giày xuống đường nghe cộp cộp rất oai phong, còn bọn khu Nam Đồng “duyệt binh” thì kéo lê dép và guốc mộc quèn quẹt trên mặt đường để khuấy động vi trùng và bụi. Mỗi lần bọn này đi qua, các bà bán hàng quán dọc phố nhăn nhó như khỉ phải mắm tôm, tay bịt mũi, mồm lẩm ba lẩm bẩm, chẳng hiểu nói cái gì…? Và hầu như lần duyệt binh nào, trên đường đi, bọn chúng cũng phát hiện ra những điều cần uốn nắn của thanh niên Hà Nội. Những đứa ăn mặc càn quấy, thái độ nghênh ngang đều nhanh chóng biến mất khi thấy chúng. Cả bọn thống nhất với nhau không bắt nạt người lương thiện. Mọi hành động liên quan đến vũ lực đều phải xuất phát từ chính nghĩa. Nói thì nghe to tát, nhưng đại khái có thể hình dung qua các câu chuyện kiểu dưới đây. Hôm đó, duyệt binh hai vòng nên hơi mỏi chân. Lúc về, cả bọn ngồi nghỉ trên mấy tấm bê tông trước cổng khu. Có ba anh thanh niên đi tới, vừa đi vừa nói chuyện. Cả ba đều ăn mặc lịch sự. Việt gật gù: —Tao đố chúng mày tìm được cớ để đánh ít nhất một trong ba thằng kia. Cả bọn ngồi soi không ra cớ gì. Riêng Khanh bảo: – Vấn đề là mình mạnh hơn để có thể chơi chúng nó mà không bị đánh lại, chứ kiếm cớ thì khó mẹ gì. Nói đoạn nó trườn khỏi tấm bê tông, ra chặn đường ba thanh niên, hất hàm hỏi: – Các anh có biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Hoặc do ba anh đang mải nói chuyện, hoặc do ghét một thằng bé con ăn nói xấc xược, nên không trả lời. Khanh tiếp tục bằng một giọng ôn tồn: – Trông các anh lịch sự thế mà vô giáo dục nhỉ? Câu hỏi của tôi bằng tiếng Việt, có đủ chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ, âm lượng vừa đủ. Các anh thì không câm, sao không trả lời? – Ơ, cái thằng mất dạy này! Ăn nói láo lếu, tao tát cho mày một cái bây giờ! – “Tát như thế này á?” - Khanh làm động tác vả thẳng vào mặt một người, nhưng nó chỉ đánh tới nửa chừng thì dừng lại, để không mắc lỗi “tự dưng đánh người lương thiện”. Theo phản xạ, anh kia vung tay trái ra gạt, tay phải đánh vào vai Khanh. Thế là nó sừng sộ: “Ơ, tao đang nói chuyện tử tế, sao mày vô cớ đánh tao. Anh em ơi, đánh bỏ mẹ thằng này đi!”. Mấy đứa đổ xô ra, nhưng Việt cản lại. Nó nói với Khanh: – Tao chỉ đố mày tìm ra cớ “chính nghĩa” để đánh thôi, chứ có bảo mày đánh người đâu? Mày tìm ra cớ thật, nhưng cái cớ của mày hơi phi nghĩa. Thôi, xí xóa chuyện này. Khanh lầu bầu: – Đã kiếm cớ đánh người mà lại còn đòi cớ chính nghĩa. Nghe vô lý bỏ mẹ! Ba anh thanh niên đứng giữa hơn chục thằng Quân khu, nghe chúng nó nói với nhau, coi như không có mình, cứ ngẩn người ra. Một anh lên tiếng: