🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Quán Gò Đi Lên - Nguyễn Nhật Ánh Ebooks Nhóm Zalo Chương 1 Quán Đo Đo nằm trên đường Nguyễn Hữu Cầu, kế chợ Tân Định, bề ngang bốn mét, bề sâu mười sáu mét ngăn làm ba, ngoài cùng là nơi bày bán, đằng sau vách ngăn là bếp, tít phía trong là phòng tắm và nhà vệ sinh. Gần bếp lò có một cái cầu thang gỗ dẫn lên căn gác lửng, chỗ ngủ của đám con gái, cũng là nơi treo móc đủ thứ áo quần đồng thời là nhà kho chứa đủ thứ lụn vụn như sợi cao lầu, bánh đa, tương ớt, các loại bánh ngọt... Đằng trước quán là khoảnh hiên xi măng nhỏ, buổi sáng ông bán thịt bày gánh bán thịt, bà bán rau trải ni-lông bán rau, chị bán thuốc đẩy xe ra bán thuốc. Đến trưa, khi ông bán thịt dẹp gánh, bà bán rau cuộn tấm ni-lông, chị bán thuốc đẩy xe lại chỗ gốc cây gần đó tránh nắng và khách ăn bắt đầu lục tục vô quán thì khoảnh sân nhỏ đó đích thị là giang sơn của thằng Cải. Nhét một đống thẻ có buộc dây thun trong túi quần, nó bắc cái ghế ngồi tréo mảy ngó ra, oai khủng khiếp. Hễ có khách đun đầu xe vô là nó lật đật đứng lên, nhanh nhẹn đón lấy tay lái, dựng xe giùm khách rồi chìa tấm thẻ ra: nó là sếp bãi giữ xe. Cải là một trong những thành viên của quán từ những ngày đầu. Quán ở quận 1 nhưng cô Thanh chủ quán lại ở quận 5. Mà thằng Cải cũng ở quận 5, chung dãy nhà tập thể với cô Thanh. Cô Thanh ở tầng một, mẹ con thằng Cải ở tầng trệt. Vì vậy mà quen nhau từ thời cố hỉ. Mẹ con thằng Cải là người Quảng Đông, xưa nay vẫn bán hủ tiếu ở ngay đầu hẻm. Sáng đẩy xe ra tối đẩy xe vào. Mẹ nấu, con bưng. Kể ra có đến chục năm trời. Dần dần xảy ra tình trạng con vẫn thừa sức bưng nhưng mẹ đã không còn sức nấu. Tới một ngày, mẹ thằng Cải quài tay ra sau lưng đấm bình bịch và buồn rầu kêu nó tắt bếp, dẹp nồi, đẩy xe vô nhà. Quán hủ tiếu dẹp tiệm từ đó. Cũng từ ngày đó, Cải ra quán Đo Đo. Quán Đo Đo những ngày đầu không chỉ có Cải. Hôm khai trương còn có con Kim. Con Kim trước đây là "lính" của cô Thanh, lúc áo gió buôn sang Nga còn thịnh. Đến thời buôn bán xập xệ, cô Thanh bỏ về nhà nằm, con Kim đi bán phân u-rê quấy quá một thời gian rồi cũng kiếm chỗ nằm nghiền ngẫm nỗi buồn thất nghiệp. Vì vậy, khi cô Thanh mở quán, ới một tiếng là con Kim tót ra ngay. Cũng như Cải, Kim là người Hoa. Chỉ khác một chi tiết: thằng Cải Quảng Đông, còn con Kim Quảng Tây. Chuyện trớ trêu cũng từ đó mà ra. Quán Đo Đo treo tấm bảng đằng trước, ghi hàng chữ to đùng "Chuyên bán các món ăn xứ Quảng". Quảng đây tức là Quảng Nam. Các món ăn ở đây dĩ nhiên cũng là các món Quảng Nam: mì Quảng, cao lầu, bánh bèo, bánh đập... Khách xứ Quảng đều là dân lưu lạc, thấy có cái quán quê hương ngay giữa Sài Gòn thì xúc động lắm. Đang chạy ngang, khách bóp thắng nghe cái rét. Vừa dừng xe, thấy thằng Cải nhiệt tình ra dựng xe giúp, khách càng hài lòng. Khách vỗ vai Cải, tỏ thân thiện: - Cháu người Quảng hả? - Dạ! - Cải lễ phép. Khách nhíu mày: - Người Quảng sao nói cái giọng ni. Nghe lạ hoắc à. - Dạ. Lông mày khách chợt dãn ra: - À, chắc cháu vô đây lâu rồi. - Dạ. Khách vỗ vai Cải thêm cái nữa: - Vậy hồi trước cháu ở huyện nào? Cải liếm môi: - Cháu sinh ở đây từ nhỏ. - Thế ba mẹ cháu? Trước đây ba mẹ cháu sống ở đâu? Cải thật thà: - Dạ, ở bên Tàu. Khách nhạc nhiên: - Ba mẹ cháu qua bển chi vậy? - Dạ, có qua lại gì đâu! Ba mẹ cháu là người Tàu mà. Mắt khách càng trố ra: - Người Tàu? Sao khi nãy cháu bảo cháu là người Quảng? - Dạ, Quảng là Quảng Đông đó chú! Cải gãi đầu ấp úng, cảm thấy mình có lỗi vì làm khách hụt hẫng. Khách hụt hẫng thiệt, chân bước vô quán đã bớt vẻ hăng hái. Khách buông phịch người xuống ghế, cầm thực đơn lên ghé mắt một hồi rồi đặt xuống. Món ăn thì đúng rồi. Toàn món Quảng Nam. Nhưng còn người Quảng Nam? Họ ở đâu trong cái quán này? Khách ngó vô trong, gọi lớn: - Chủ quán đâu? Cô Thanh đi chợ nên con Lan bán đồ khô vội vàng chạy ra: - Dạ, cô con đi vắng ạ. Cái giọng Nam Bộ đặc sệt của con Lan làm khách nhăn hí: - Mi là người Nam hả? - Dạ, con là người Bến Tre. - Thế chủ mi người ở đâu? - Dạ, người Củ Chi ạ. Khách thấy đầu mình ong ong: - Lạ quá hè! Quán bán các món xứ Quảng mà không có ai người Quảng! Con Lan láu táu chỉ ra sân: - Anh kia là người Quảng đó chú! Khách liếc xéo thằng Cải: - Thằng nớ Quảng Đông, nói làm chi! Con Lan nhíu mày ngoảnh đầu vô trong. Nhác thấy con Kim, nó mừng như bắt được vàng: - À, con quên! Nghe nói chị kia cũng là người Quảng! Rồi nó rối rít gọi: - Chị Kim, ra đây! Có chú này muốn hỏi chuyện chị nè! Con Kim hấp tấp chạy ra, chưa kịp mở miệng, khách đã hỏi ngay: - Cháu là người Quảng Đông hả? Con Kim không biết khách cà khịa, vui vẻ đáp: - Dạ không ạ. Khách hơi mừng mừng: - Mi uống nước máy Sài Gòn nhiều quá, giọng mi mất gốc rồi! Nhưng dù sao mi cũng là con cháu Quảng Nam. - Dạ, cháu không phải là người Quảng Nam! - Con Kim khờ khạo đính chính - Cháu là người Quảng Tây ạ! Khách hoàn toàn không chờ đợi một sự thật phũ phàng như thế. Con Kim vừa nói xong, khách ngã bật ra sau. May mà có cái lưng ghế giữ lại, nếu không khách đã lăn quay ra đất. Bữa đó khách kêu một tô mì Quảng, ăn nửa tô, buồn tình bỏ mứa nửa tô. Cô Thanh đi chợ về, ra sau bếp thấy đống chén trong thau có một tô mì ăn dở, liền nói với con Lệ: - Con nêm nếm lại nồi nhưn coi có vấn đề gì không! Sao khách chừa hết lại như vậy? - Không phải tại mì dở đâu cô ơi! - Con Lệ phân bua - Con nghe con Kim nói có ông khách Quảng Nam vô ngồi hỏi lòng vòng cả buổi, thấy trong quán không có ai là người đồng hương, ổng sầu đời bỏ về sớm đó cô! Nghe con Lệ tường thuật lại, cô Thanh thiếu điều té xỉu. Hóa ra chuyện buôn bán cũng phức tạp gớm. Khách đến ăn mà cũng quan tâm đến chuyện "nhân sự" y như cán bộ tổ chức, thiệt khó khăn cho cô quá. Cô Thanh ngẫm nghĩ một hồi rồi thở đánh thượt: - Mấy đứa đừng lo! Chuyện đó để cô tính! Chương 2 Ngoài các món ăn thông thường, quán Đo Đo còn bán chả, nem, tré. Người bỏ mối các thứ này là vợ chồng ông Khằng. Vợ chồng ông Khằng người Quảng Nam chính gốc, vô Sài Gòn mười mấy năm nay và sinh sống bằng nghề làm nem, chả, tré, cung cấp cho chợ Phạm Văn Hai, chợ Tân Bình và chợ Bàu Hoa. Cô Thanh "bổ sung nhân sự" bằng cách nói với ông Khằng: - Anh xem có thằng cháu nào lanh lợi giới thiệu cho tôi một đứa! - Trời, tôi có thằng cháu lanh lắm! Lại dễ thương hết biết! Để ngày mai tôi kêu nó tới làm cho chị! Chiều hôm sau, những người trong quán thấy một đứa con trai ăn vận tươm tất, mặt mày sáng sủa, tóc tai gọn gàng, xịt keo bóng loáng lò dò bước vô quán. Đó là thằng Lâm, người ông Khằng giới thiệu. Nhìn bộ tịch bề ngoài, con Lan tưởng thằng Lâm là sinh viên ôn tập nhiều quá nên đói bụng, đang tính mò vô quán bình dân kiếm thứ lót lòng, bèn chạy ra đon đả: - Dạ, mời anh vô trong nhà ngồi cho mát! Thằng Lâm cười: - Tôi muốn gặp bà chủ. Nụ cười của thằng Lâm đẹp mê hồn làm con Lan ngẩn ngơ. Nó cứ đứng ngó sững, chẳng chịu nhích chân khiến thằng Lâm phải lịch sự nhắc lại: - Chị làm ơn cho tôi gặp bà chủ. Tới lúc đó, con Lan mới choàng tỉnh. Nó nói cụt ngủn: - Anh theo tôi! Rồi lỏn lẻn quay đầu chạy vô nhà. Cô Thanh dòm Lâm: - Cháu kiếm cô có chuyện chi không? - Dạ, chú Khằng kêu con tới đây gặp cô! Cô Thanh ngỡ ngàng "à" lên một tiếng. Thì ra đứa con trai này là cháu ông Khằng. Nhưng ông Khằng nói tiếng Quảng nặng trịch mà sao thằng cháu giọng lại nhẹ tưng, ngộ ghê! Cô Thanh tò mò hỏi: - Cháu là chi của ông Khằng? - Dạ, chẳng là chi cả! Cô Thanh ngơ ngác: - Chẳng là chi là sao? Lâm mỉm cười: - Dạ, là không có bà con gì hết, thưa cô! Chú Khằng người Quảng Nam, còn cháu người Tây Ninh. - Trời! Cô Thanh buột ra một tiếng than, hai tay ôm cứng lấy đầu. Con Lan hớt hải chạy lại: - Cô trúng gió hả cô? Cô Thanh không đáp lời Lan. Cô buông tay ra, ngó thằng Lâm, giọng vẫn chưa hết bàng hoàng: - Chớ cháu không phải là cháu ông Khằng hả? - Dạ không ạ! Lâm ấp úng đáp, nụ cười vừa nở ra trên môi lập tức tắt ngóm. Thái độ của cô Thanh khiến nó tự dưng cảm thấy áy náy, bèn rụt rè giải thích: - Cháu chú Khằng là bạn học với con. Con hay đến nhà chơi. Mày cô Thanh nhíu lại: - Ủa, cháu còn đang đi học, lấy thì giờ đâu ra mà đi làm? - Dạ, con nghỉ học rồi, thưa cô. Vừa rồi con rớt đại học, sang năm con mới thi lại. Cô Thanh thở một hơi dài. Rồi cô ngước mắt nhìn ra cửa, bụng nghĩ lung. Thằng này không phải người Quảng Nam nhưng coi bộ lanh lợi, lễ phép, nói chuyện một điều "thưa cô", hai điều "thưa cô". Nó là sinh viên hụt nên trông có vẻ "trí thức" nữa. Nhưng "ăn tiền" nhất là miệng nó lúc cười trông tươi rói. Buôn bán mà tươi cười dứt khoát là ăn nên làm ra! Cô Thanh liếc con Lan: - Con thấy sao? Con Lan bị thằng Lâm hớp hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên, còn thấy trăng thấy sao gì nữa. Nó gật đầu cái rụp: - Con thấy được đó cô! Anh Lâm mà làm tiếp viên thì khách thích phải biết! - Chà, mi lẹ quá há! - Mới đó đã biết tên biết tuổi người ta rồi! Còn anh này anh nọ ngọt xớt nữa! Lan đỏ mặt: - Cô chỉ chọc con! Vừa nói con Lan vừa liếc thằng Lâm, thất vọng thấy thằng này đứng nghiêm trang quá. Hai tay Lâm buông thõng bên mép quần, đầu cúi xuống như đang nghĩ ngợi điều chi. Không biết ảnh có nghe thấy câu nói trêu của cô Thanh không hén? Con Lan bâng khuâng nghĩ, ngạc nhiên thấy lòng mình bữa nay sao chộn rộn quá. Từ bữa đó, quán Đo Đo bổ sung thêm thằng Lâm. Lâm "ngoại hình bắt mắt", ai nói gì cũng nhe hàm răng trắng bóng ra cười nên được bố trí chân chạy bàn, gọi văn hoa là tiếp viên. Nhưng ưu điểm tươi cười của tiếp viên Lâm vẫn không che lấp được khuyết điểm "Tây Ninh" của nó. Khách hỏi: - Cháu biết Đo Đo ở đâu không? Gặp đám con Kim, con Lan, con Lệ hay thằng Cải, chắc chắn tụi nó sẽ lắc đầu "Con không biết". Nhưng thằng Lâm là đứa hơn người. Nó sắp sửa là sinh viên đại học rồi chớ bộ! Cho nên nó tỉnh bơ: - Dạ, ở ngoài Trung đó chú. - Ở ngoài Trung nhưng ở đâu? Tỉnh nào? Huyện nào? Tới đây thì Lâm hết thản nhiên được nữa. Nó gãi gáy, lỏn lẻn: - Dạ, cái đó thì con không biết. Khách nhún vai, nặng lời: - Người của quán Đo Đo mà không biết Đo Đo nằm ở đâu! Tốt nhất nên đổi bảng hiệu đi cháu à! Nghe khách xài xể, thằng Lâm tức như bị bò đá. Mặt xám ngoét, vất vả lắm nó mới nặn ra được một nụ cười gượng gạo. Khách vừa ra khỏi cửa, nó ba chân bốn cẳng chạy đi kiếm cô Thanh: - Đo Đo nằm ở huyện nào tỉnh nào hở cô? Cô Thanh ngẩn tò te: - Cô đâu có biết! Lâm như không tin vào tai mình. Mồm nó há hốc: - Cô không nói giỡn đó chớ? - Cô không nói giỡn. Lâm sửng sốt: - Thế sao cô đặt tên quán là Đo Đo? - Cái này là do ông chồng cô đặt. Ổng kêu ổng sinh ở Đo Đo, đặt cái tên này làm kỉ niệm. - Nguy rồi! - Lâm bứt tai - Cô phải về hỏi chú ngay Đo Đo thuộc tỉnh nào, huyện nào. Khi nãy có một ông khách hỏi Đo Đo ở đâu, con kêu con không biết, ổng liền sẩm mặt biểu mình đổi tên quán. - Lãng xẹt! - Cô Thanh hậm hực nói. Nhưng cô Thanh chỉ hậm hực lúc đó thôi. Ngày hôm sau, cô tập hợp cả quán lại, nghiêm nghị nói: - Mấy đứa nghe nè! Hôm qua cô "điều tra" ra rồi! Đo Đo là tên một cái làng thuộc xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Mấy đứa ráng nhẩm cho thuộc, khách có hỏi thì biết đường mà trả lời nghe chưa? Con Lệ lo lắng: - Vừa xã vừa huyện vừa tỉnh khó nhớ lắm cô ơi! Con thấy cô nên bỏ quách xã và huyện đi, chỉ ráng nhớ cái tỉnh thôi! - Không được! - Thằng Lâm phản đối, nó vẫn còn cay đắng chuyện hôm qua - Chỉ nhớ mỗi tên tỉnh, rủi khách hỏi tới, mình biết đường đâu mà mò? Con Lan bô bô, mặt tươi hơn hớn vì được dịp bênh thằng Lâm: - Anh Lâm nói đúng đó cô! Phải học đủ hết xã huyện tỉnh, y như trong giấy khai sinh vậy mới được! Con Lệ "xì" một tiếng: - Sao không nói là y như trong giấy kết hôn luôn đi! Thấy con Lệ xỏ xiên mình, mặt con Lan thoạt xanh thoạt đỏ, nhưng nó chưa kịp "phản công", cô Thanh đã dàn hòa: - Thôi, cô quyết định bỏ cái xã. Chỉ lấy cái huyện và cái tỉnh thôi! Sau cái "quyết định" về "đơn vị hành chính" đó, mấy đứa trong quán đứng đâu, ngồi đâu mồm miệng cũng mấp ma mấp máy y như niệm thần chú: "Đo Đo là tên một cái làng ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam". Thằng Cải ngồi ngoài hiên coi xe, con Lệ đứng trong bếp coi nồi nhưng cũng gật gù lẩm nhẩm suốt ngày. Nhưng cái câu coi bộ ngắn ngủn vậy mà khó thuộc quá chừng. Chỉ có mỗi con Lệ và thằng Lâm là nhập tâm. Nhưng con Lệ coi như không tính, nó đứng suốt ngày bên bếp lò không ló mặt ra ngoài, ai mà hỏi tới nó. Rốt cuộc chỉ có Lâm là đối đáp trôi chảy. Còn con Lan, nghe khách hỏi: - Cháu có biết Đo Đo ở đâu không? Nó mừng húm: - Dạ biết ạ. - Ở đâu? - Dạ, Đo Đo là tên một cái làng ở... ở... Đang đáp ro ro, bỗng nhiên con Lan đâm ngắc ngứ. Nó tụng suốt ngày cái huyện Thăng Bình, cái tỉnh Quảng Nam trên môi, vậy mà khi có người hỏi tới, nó bỗng quên ngang xương. Khách mỉm cười: - Ở đâu vậy cháu? Con Lan càng quýnh: - Dạ, chú chờ con một chút. Đó là tên một cái làng... ở... ở... Mắt nó đột nhiên lóe lên: - A, con nhớ ra rồi! Ở Quảng Bình! Khách mếu xệch miệng: - Sao cháu lại dời cái làng Đo Đo ra tuốt ngoài Quảng Bình? Chú là người làng Đo Đo đây mà! - Ủa, không phải Quảng Bình hả chú? - Con Lan hồn nhiên - Vậy chớ nó nằm ở đâu cà? Đó là do con Lan chỉ nhớ mang máng mỗi chữ "Bình" và chữ "Quảng" trong "bài học địa lý" của cô Thanh. Thằng Cải còn tệ hơn. Khách hỏi nó, nó cúi đầu ngẫm nghĩ một hồi rồi vỗ trán: - Chậc, cái này cô con dạy rồi mà con học hoài không thuộc chú ơi! Nghe "lời khai thành thật" của nó, khách đã muốn xô ghế đứng lên. Đã vậy, nó còn hăng hái chỉ tay ra đường: - Hình như nó ở đâu ngoài Bắc đó chú! Con Lan bê cái làng Đo Đo từ Quảng Nam đem ra Quảng Bình dù sao cũng không đến nỗi dời xa quá. Quảng Bình vẫn còn thuộc miền Trung, nghĩa là còn châm chước được. Thằng Cải dời tuốt ra miền Bắc thì đúng là quá đáng. Khách ngửa cổ nhìn lên trần nhà, thống thiết: - Trời ơi là trời! Tiếng than của khách nghe mới não nùng làm sao! Cô Thanh phiền muộn chứng kiến tất tần tật những màn bi hài kịch lâm ly đó. Không thể để khách ghé quán ăn uống phải chịu đựng đau khổ nhiều hơn nữa, tối đó cô lại tích cực âm thầm "điều tra". Và sáng hôm sau cô lại tập hợp mọi người, thông báo kết quả: - Từ nay trở đi, nếu khách hỏi Đo Đo ở đâu, mấy đứa không cần nói huyện nói tỉnh chi cho dài dòng. Cứ nói ở Quán Gò đi lên là được rồi. Vừa ngắn gọn vừa dễ hiểu. Con Lệ thắc mắc: - Quán Gò ở đâu hở cô? - Chắc ở loanh quanh đâu chỗ đó. Cô cũng chẳng biết. Ông chồng cô nói vậy thì cô chỉ biết vậy. Nói xong, cô Thanh cười hì hì. Biết hỏi tới cũng chẳng ăn thua gì, mọi người liền tự động giải tán. Thực bụng thì chẳng đứa nào tin tưởng cái câu thần chú "Quán Gò đi lên" cho lắm. Một địa danh bí hiểm như Đo Đo mà chỉ giải thích bằng mấy chữ ít ỏi và tầm thường kia thì chắc chẳng kết quả gì. Không ngờ ngày hôm sau, gặp câu hỏi quen thuộc đó, thằng Lâm rụt rè: - Dạ, ở Quán Gò đi lên! Khách liền toét miệng cười hể hả: - Chà, thằng này còn biết cả Quán Gò nữa, giỏi quá ta! Khiến thằng Lâm ngạc nhiên một cách sung sướng. Chương 3 Lâm sung sướng một thì con Lan và thằng Cải sung sướng mười. Con Lan đã thôi sợ nhầm Quảng Nam thành Quảng Bình. Còn Cải cũng thôi lộn miền Trung ra miền Bắc. Tụi nó đi đứng đã hiên ngang hơn, đối đáp cũng dõng dạc hơn. - Cháu có biết Đo Đo ở đâu không? Nghe khách hỏi, Cải toét miệng cười: - Dạ ở Quán Gò đi lên đó chú! Con Lan làm tàng hơn. Nó nhướn lông mày: - Ủa, Đo Đo mà chú không biết hả? Ở chỗ Quán Gò đi lên đó! Nghe cái giọng của nó, cứ tưởng nó là người làng Đo Đo thứ thiệt, ít nhất cũng tám đời. Nhưng con Lan chỉ ra oai được một hai lần. Lần thứ ba, nó gặp một ông khách cắc cớ: - Vậy chớ Quán Gò ở đâu hả cháu? Tới đây thì con Lan bí rị. Nó không chờ đợi một câu hỏi vặn như vậy, bèn chớp chớp cặp lông mi dài, lỏn lẻn: - Quán Gò hả? Quán Gò... ở Đo Đo đi xuống chớ đâu! Biết con Lan ranh mãnh nhưng khách không giận, chỉ phì cười. Cười xong, khách gật gù, giọng thân tình: - Tụi mi là người Nam, không biết Đo Đo ở đâu cũng phải. Ngay ở Quảng Nam cũng có người biết người không. Cái làng đó nhỏ xíu hà. Khách nhịp tay lên bàn: - Miễn sao tụi mi cố nấu nướng cho ngon, đừng làm mất mặt dân xứ Quảng là tốt rồi! Con Lan "dạ" một tiếng, định đi vô. Nhưng nó vừa dợm bước, khách đã gọi giật: - Khoan đã! Còn một chuyện nữa. Con Lan nơm nớp quay lại: - Chuyện gì hở chú? Khách khoa tay một vòng. - Quán này chuyên bán các món ăn xứ Quảng mà từ trên xuống dưới từ ngoài vô trong không có lấy một người Quảng kể cũng kỳ. Mi nói chủ mi ráng kiếm vài đứa Quảng Nam nghe. Con Lan khoe: - Dạ, chồng của cô con là người Quảng đó chú. - Chồng của cô mi thì kệ chồng của cô mi! - Khách hừ mũi - Tao góp ý là góp ý cho cái quán chứ đâu có góp ý chuyện chồng con của cô mi! Thấy khách bực mình, con Lan thè lưỡi một cái rồi co giò vọt mất. Cô Thanh nghe con Lan méc lại, mỉm cười: - Ổng nói đúng đó. Để cô điện thoại ra ngoài Quảng kêu con Gái nhỏ vô. Con Lan tò mò: - Gái nhỏ là ai vậy cô? - Cháu cô. Nó kêu cô bằng mợ. Con Gái nhỏ ở Kế Xuyên, em con Gái lớn. Con Gái lớn đã có chồng, không bỏ nhà đi được nên cô Thanh mới rủ con Gái nhỏ. Con Gái nhỏ bốc điện thoại, nghe mợ nó kêu vô Sài Gòn phụ buôn bán thì mừng quýnh, xung phong đi liền. Nó chưa kịp hỏi han kỹ lưỡng đã vội buông cái ống nghe xuống, láu táu quay sang mẹ nó "Để con vô trong nớ phụ cho cậu mợ", lý do chính đáng đến mức mẹ nó chỉ còn biết gật đầu. Con Gái nhỏ thiệt ra đâu có rảnh. Nó đang đứng coi một tiệm uốn tóc nho nhỏ. Nhưng nó bỏ tuốt. Nó đóng cửa tiệm, đón xe đò dông thẳng vô Sài Gòn, hai mươi tiếng đồng hồ sau đã có mặt tại quán Đo Đo. Vô thành phố lớn bán nhà hàng dù sao cũng hơn là làm chủ cái tiệm uốn tóc xập xệ ở ngoài quê. Ngồi trên xe, con Gái nhỏ háo hức nghĩ. Và nó thấy bụng dạ nôn nao dễ sợ. Nhưng khi tới nơi thì nỗi háo hức của nó xẹp lép. Quán Đo Đo không phải là nhà hàng bề thế, nguy nga như nó xem trên ti-vi. Lại chẳng sang trọng, đẹp đẽ như các cửa hiệu, thời trang hay mỹ phẩm nó xem quảng cáo trên báo. Đó chỉ là một quán ăn bình thường. Mà bán quán ăn thì cực lắm, con Gái nhỏ nhắm bộ chịu không thấu. Lần đó, con Gái nhỏ lưu lại thành phố trước sau tổng cộng bảy ngày, hai ngày ngồi ở quán phụ với mợ, năm ngày đi chơi lông nhông, chụp hình chụp hiếc ở Đầm Sen, Sở Thú, Suối Tiên. Cà nhỏng đúng một tuần, coi như đi du lịch, nó đòi về. Trước khi về, nó nói: - Mợ đừng lo! Con về ngoài quê sẽ tìm cho mợ một đứa giỏi hơn con gấp mười lần. Tưởng con Gái nhỏ nói cho qua, không ngờ ba ngày sau, nó gửi con Cúc theo xe đò vô. Hôm con Cúc đi xe ôm lù lù tới quán, xách giỏ lầm lì bước vô, mọi người tưởng nó câm. Ai hỏi gì, nó cũng trả lời bằng cách lắc đầu hoặc gật đầu. Chỉ khi cô Thanh hỏi, nó mới chịu mở miệng. Đối đáp vài câu, cô Thanh thốt nhiên nhìn sững nó: - Con là người Quảng thiệt hả? - Dạ thiệt. Giọng cô Thanh chưa hết nghi ngờ: - Ngoài đó, con ở đâu? - Dạ con ở Kế Xuyên, kế nhà con Gái nhỏ. Sợ cô Thanh không tin, con Cúc "khai" thêm: - Con kêu ba nó bằng cậu đó cô. Cô Thanh nhíu mày: - Vậy sao cô nghe giọng con lạ quá. Không ra giọng Quảng lắm. Con Cúc nghe cô Thanh nói vậy, mặt mày bất giác đỏ lựng. Nó đảo mắt nhìn quanh, thấy tụi thắng Cải, thằng Lâm, con Lan, con Kim đứng bu bốn phía, cả con Lệ trong bếp cũng ngừng chặt thịt ngóc cổ ngó ra, và cả bọn đang thô lố mắt nhìn nó như nhìn một con vật gì kỳ quái, nó càng lúng túng. Nó đưa tay quẹt mũi, đầu cúi gằm: - Tại... tại... Con Cúc nói cả buổi chỉ được mấy tiếng "tại, tại". Tụi thằng Lâm, con Lan ngứa miệng quá sức nhưng có cô Thanh ngồi đó, không đứa nào dám hó hé. Cô Thanh cũng sốt ruột không kém gì tụi nó. Cô cố giữ giọng dịu dàng: - Con muốn gì cứ nói, đừng ngại! Quạt máy treo hai bên tường quay vù vù, mát rượi nhưng trên trán con Cúc lúc này mồ hôi rịn ra hột nào hột nấy bằng hột đậu. Mồ hôi chảy ròng ròng xuống cổ khiến con Cúc có cảm tưởng thằn lằn đang chun vô áo. Nó nhột nhạt quá chừng nhưng không dám đưa tay lau, chỉ ngúc ngoắc đầu cho đỡ ngứa: - Tại... tại... Trong một thoáng cô Thanh nghĩ: Hay con nhỏ này bị câm? Nếu không chắc nó mắc tật cà lăm. Cô đứng lên, giọng đã hết kiên nhẫn: - Nếu con không muốn nói thì thôi. Cô phải đi làm công chuyện đây! - Con nói mà cô! - Con Cúc cuống quít - Để con nói! Cô Thanh ngồi xuống: - Con nói đi! Con Cúc lí nhí: - Tại trước khi con đi, con Gái nhỏ bắt con sửa giọng. Nó nói "ở trong nớ, người ta nói giọng khác ngoài mình, nghe văn minh lắm. Mi cứ trọ trẹ cái giọng nhà quê, người ta không hiểu đâu"... Con Cúc mới nói tới đó, thằng Cải và con Lan đã ôm bụng cười bò. Con Kim ý tứ hơn, quay mặt đi chỗ khác lấy tay bụm miệng. Thằng Lâm ý tứ hơn nữa, chạy tuốt ra ngoài hè, ngồi bệt xuống đất cười ngặt nghẽo. Còn cô Thanh thì dở cười dở mếu: - Trời đất, con Gái nhỏ ở không ở còn bầy đặt xúi bậy. Ai khiến nó làm khôn kia chớ! Cô nhìn con Cúc, chắt lưỡi: - Cô cần là cần cái đứa nói giọng Quảng Nam cho ra cái quán Quảng Nam. Chớ mấy đứa nói giọng Sài Gòn ở trong này thiếu chi, mắc mớ gì cô phải kêu tụi bay vô! Mặt con Cúc xanh mét như tàu lá chuối. Giọng nó nhòe nước mắt, không phải vì buồn tủi mà vì mắc cỡ với mấy đứa loi choi trong quán và vì tức con Gái nhỏ: - Con đâu có biết. Con Gái nhỏ biểu răng thì con làm rứa... Trong nháy mắt, con Cúc đã trở lại cái giọng thứ thiệt của nó. Nó nói đặc sệt giọng Quảng làm cô Thanh mừng rơn: - Đúng rồi đó! Đây mới đúng là cái giọng nguyên chất của mi. Giá trị lắm. Cũng như nước mắm Nam Ô vậy. Mi biết nước mắm Nam Ô không? - Dạ, biết cô! - Thấy giọng nói của mình được ví với loại nước mắm số một Quảng Nam, con Cúc hồ hởi - Nước mắm Nam Ô ngon nhứt ngoài con mà. Cô Thanh cười: - Nhưng nước mắm Nam Ô chỉ ngon là lúc chưa pha kìa. Pha nước lạnh vô, dở ẹc liền. Con Cúc coi vậy chớ thông minh lắm. Nghe thoáng qua, nó hiểu liền: - Dạ, từ nay con sẽ không thèm nghe lời con Gái nhỏ nữa. Con cứ nói cái giọng thiệt của con. Khổ nỗi, lúc con Cúc pha giọng, tụi thằng Cải, con Lan cười nôn ruột bao nhiêu thì khi con Cúc trở lại cái giọng "nước mắm Nam Ô nguyên chất" của nó, tụi này lại muốn khóc thét lên bấy nhiêu. Khách đòi mua bánh bèo đem về, con Cúc kêu con Lệ: - Chị kiếm cho em cái bô! Chữ "cái bao" qua cái giọng nguyên chất của con Cúc biến thành "cái bô" khiến con Lệ thừ ra mất một lúc. Rốt cuộc, tuy không hiểu con Cúc kiếm một cái bô làm chi, con Lệ vẫn vào toilét cầm cái bô đem ra: - Nè. Con Cúc ré lên: - Trời, lấy cái ni đựng bánh bèo cho khách răng được? Con Lệ nhíu mày: - Chớ sao mày kêu tao lấy cái bô? - Không phải cái bô ni, cái "bô" tê tề! Con Cúc nói "cái bô", con Lệ đã ngẩn tò te, nó nói "cái bô tê tề" thì con Lệ đã muốn xỉu lắm rồi. - Muốn lấy cái gì thì mày chỉ đi! - Con Lệ ôm ngực - Thiệt tao khổ cho mày quá! Con Cúc không đợi con Lệ nói đến lần thứ hai. Nó rảo quanh nhà bếp một vòng, mắt láo liên. Nhác thấy mớ bao ni-lông nhét trong cái giỏ toòng teng trên vách, nó thò tay rút một cái rẹt, mặt mày tí tởn: - Cái "bô" ni nề! - Trời đất! - Con Lệ trợn mắt kêu trời - Cái bao mà mày kêu cái "bô", ông nội tao cũng không hiểu nữa là tao! Con Cúc cười hí hí: - Tại cô Thanh kêu em nói giọng "nước mắm Nam Ô nguyên chất" chớ bộ! Cũng như Lệ, những ngày đầu mấy đứa trong quán đến dở cười dở khóc với cái giọng "nước mắm Nam Ô" của con Cúc. Có lần, đang giờ nghỉ trưa con Cúc kêu thằng Lâm đưa giùm tờ báo, thằng này liền khệ nệ vác cái ghế bố đem tới. ấy là do con Cúc nói chữ "báo" mà ra chữ "bố". Lần khác, con Cúc khen con Lan "hăng gớm", nhưng nó nói "hăng" thành "hen" nên con Lan tưởng con nhỏ này chê mình "ho hen" liền quay ngoắt lại, xù lông nhím lên. Bữa đó nếu không có con Lệ can gián kịp thời thì trong quán đã xảy ra chuyện lớn rồi. Đó là nói lúc con Cúc mới vô làm. Sau một tuần, nghe con Cúc chuyện trò lốp xốp riết, tụi thằng Lâm, con Lan dần dần quen tai, không những không hiểu lầm, mà còn thấy hay hay. Nhưng cho tới cái sự kiện sau đây thì tụi loi choi trong quán mới nể con Cúc, mới thấy nó có một vai trò quan trọng trong quán chớ không phải chơi. Đó là hôm khách xứ Quảng vào mua ba cây tré. Sau khi lễ phép lắng tai nghe, thằng Lâm "dạ" một tiếng rõ to rồi vào trong bếp cầm ra... ba cái chén. Khách lắc đầu: - Không phải chén. Lấy cho chú ba cái tré! Khách nói đặc giọng Quảng, Lâm được con Cúc "tập huấn" một tuần rồi mà vẫn nghe "tré" thành chén, đứng ngơ ngác một lúc rồi lại quay vào trong đổi ba cái chén khác ngập ngừng đem ra. Khách nhún vai: - Cháu đem mấy cái chén này ra làm chi? Thấy thằng Lâm đứng trơ thổ địa, con Lan xăng xái chạy lại: - Chú kêu cái gì hả chú? - Lấy cho chú ba cái tré! Trình độ "thẩm âm" của con Lan chẳng khá hơn Lâm là bao. Nó nhìn ba cái chén trong tay Lâm rồi ngước lên nhìn khách: - Thì ba cái chén đây nè! Hay là chú muốn đổi ba cái chén khác? Khách lắc đầu, thở đánh thượt, nhìn vẻ mặt biết đã ngán ngẩm lắm. Thấy khách nhỏm đít định đứng dậy, con Lệ quýnh quíu đẩy lưng con Cúc: - Mày ra nghe xem khách nói gì! Tụi kia nó nghe không ra! Con Cúc ở nhà quê mới chân ướt chân ráo vô thành phố, còn nhát hít. Nó chỉ lanh lợi trong chu vi cái bếp, chớ chỗ khách khứa ngồi ăn, hổm rày nó đâu dám ló mặt ra. Đối với nó, bên ngoài bức vách ngăn là một thế giới khác. Cái thế giới xô bồ đó lạ lẫm với nó quá sức. Vì vậy khi cô Thanh phân công nó làm tiếp viên chung với thằng Lâm, nó lắc đầu quầy quậy, chỉ xin ở trong bếp làm "trợ lý" cho con Lệ, gọi nôm na là phụ bếp. Và từ ngày đó, nó chí thú ôm cứng cái bếp lò, không rời đi đâu lấy một bước. Bữa nay cũng vậy, bị con Lệ thúc vô lưng, Cúc bám cứng cái bàn chặt thịt: - Í, em không dám ra ngoài nớ đâu! Con Lệ nạt: - Cô Thanh đi chợ, cả quán này chỉ có mình mày có thể nghe được khách nói gì, mày không ra thì ai ra? Con Cúc biết con Lệ nói phải, nhưng lòng vẫn run. Nó ngần ngừ một thoáng rồi nắm tay Lệ: - Vậy thì chị cùng ra với em! Con Lệ cốc đầu Cúc: - Lớn tồng ngồng rồi mà y như con nít! Con Cúc là nhân vật chính. Nhưng khi tiến ra ngoài thì nó đùn con Lệ đi trước, còn nó thập thò sau lưng. Con Lệ ngọt ngào hỏi khách: - Dạ thưa, chú kêu món gì ạ? Khách đã định xô ghế đứng lên, bỗng thấy con Lệ bước tới ngoan ngoãn dạ thưa, giọng nói lại có pha đường phèn ngọt xớt, bèn bấm bụng nhắc lại yêu cầu: - Chú kêu ba cái tré, sao nãy giờ chẳng thấy chi hết? Thằng Lâm, con Lan thường xuyên tiếp xúc với khách còn nghe không ra, con Lệ quanh năm chôn chân trong bếp sức mấy nghe nổi. Nó đứng ngẩn, tai dỏng lên. Ở sau lưng, con Cúc thì thầm: - Ổng hỏi mua ba cây tré đó! - Rồi sợ con Lệ không hiểu, con Cúc nói thêm - Nem, chả, tré đó mà! Con Lệ được mách nước, mừng rơn. Nó nói như reo, phải khó khăn lắm nó mới không nhảy tưng tưng trước mặt khách: - Dạ, con hiểu rồi. Con hiểu rồi. Chú chờ một chút. Để con vô lấy. Con Lệ quày quả đi vô, mắt long lanh, mặt mày rạng rỡ, nom bộ tịch chẳng khác chi học trò đi thi vừa tìm ra cách giải một bài toán khó. Bữa đó, nhìn khách cầm ba cây tré giơ lên trước mặt với vẻ hả hê, mấy đứa trong quán thầm cảm ơn con Cúc quá xá. Cô Thanh đi chợ về, nghe tụi nhóc thuật lại liền lôi con Cúc ra biểu dương: - Đó, con đã thấy sự lợi hại của con chưa? Con Cúc lỏn lẻn: - Lợi hại gì đâu, cô! Tuy ngoài miệng nói vậy chớ trong bụng con Cúc khoái lắm. Rồi để phát huy "sự lợi hại" của mình hơn nữa, kể từ bữa đó Cúc siêng năng đi ra đi vô hơn. Bức vách ngăn phòng ngoài với nhà bếp đối với con Cúc bây giờ đã không còn là ranh giới cấm kị nữa. Chương 4 Con Cúc không ngờ nó mới lượn ra lượn vô có hai ba ngày đã khiến hồn vía thằng Lâm lơ lơ lửng lửng. Ngay cả Lâm cũng không ngờ. Nhà Lâm ở tuốt Tây Ninh, ba mẹ sống bằng nghề trồng mía, chẳng khấm khá bao lăm. Nó học hết phổ thông, đùm đề khăn gói xuống Sài Gòn ở nhà bà dì ôn thi đại học. Rớt cái bịch, nó không thèm về quê, ở lại thành phố vừa kiếm việc làm vừa ôn tập chờ sang năm thi lại. Lâm là đứa có chí. Nó tự nhủ nếu không vào được đại học, nó quyết không trở về nhà. Nó bắt chước người xưa, nếu công chưa thành danh chưa toại thì dứt khoát "một đi không trở lại". Để thực hiện chí lớn, ngay ngày đầu tiên lò dò tới quán Đo Đo, nó ôm theo một lô sách vở, nhét đầy trong ba lô. Lâm ban ngày chạy bàn, ban đêm ngủ luôn tại quán. Khi người khách cuối cùng bước ra, nó lụi thụi đi kéo cửa, bấm ổ khóa. Sau khi lau bàn lau ghế đâu đó xong xuôi, nó chun vào nhà vệ sinh tắm rửa thay đồ rồi leo lên ghế bố, lấy sách vở ra nằm học. Ban ngày, những lúc vắng khách, nó cũng tranh thủ ôn bài. Nó nhét dấm dúi dăm cuốn sách vào cái kệ đựng chai lọ lỉnh kỉnh ở góc nhà, hễ rảnh rỗi là lôi ra tụng niệm. Một cái đứa ham học như thế, có chí như thế thì đâu có nghĩ đến chuyện "nhi nữ tình trường". Thằng Lâm biết thừa con Lan bán đồ khô mê nó tít thò lò nhưng nó cứ phớt tỉnh, ra vẻ ta đây còn con nít lắm, mặc dù năm nay nó mười tám tuổi, bằng tuổi với con Lan. Ấy vậy mà ngắm nghía con Cúc chừng ba bữa, thằng Lâm thấy bụng dạ mình có điều chi đó không ổn. Tối, nằm học bài, mắt dán vô trang sách nhưng đầu óc nó cứ nghĩ vẩn vơ tới con Cúc lúc này đang nằm ngáy khò khò bên cạnh con Lệ, con Lan trên căn gác lửng. Nói cho đúng ra, hồi con Cúc mới từ ngoài quê vô, thằng Lâm không để ý mấy. Bữa đầu tiên, nghe con Cúc sửa giọng, nó chỉ buồn cười. Đến khi con Cúc trở lại cái giọng nguyên chất thì nó hơi bực, vì hễ con Cúc nói một câu nó phải hỏi đi hỏi lại đến bốn năm câu, mỏi miệng muốn chết. Hơn nữa, con Cúc tuy là chị em cô cậu với con Gái nhỏ nhưng hoàn cảnh hai đứa khác xa nhau. Trong khi con Gái nhỏ mở tiệm uốn tóc quanh năm ngồi trong mát thì con Cúc vẫn bốn mùa mười hai tháng loay hoay ngoài ruộng, phụ ba mẹ nhổ cỏ, gặt lúa, bón phân. Nó dang nắng suốt nên trông nó đen đúa nhếch nhác, sánh với vẻ trắng trẻo tươm tất của con Gái nhỏ thì rõ ràng thua xa lắc xa lơ. Hôm đầu tiên, con Cúc mang nguyên cái ngoại hình như vậy tấp vô quán Đo Đo, biểu thằng Lâm để ý sao được. Nhưng bán quán một thời gian, không còn dãi nắng dầm sương, nước da con Cúc dần dần trắng ra. Nó ăn uống lại được nên ngày càng mũm mĩm, trông xinh xắn hẳn. So với con Cúc một tháng trước đây, con Cúc bây giờ đúng là khác xa một trời một vực. Nhưng con Cúc có đẹp lên cũng chẳng liên quan gì đến thằng Lâm, nếu nó cứ chun hoài trong bếp. Đằng này, từ ngày phát hiện ra "khả năng phiên dịch" của mình qua vụ "ba cái tré", lại được cô Thanh khen ngợi, khuyến khích, hễ rảnh tay rảnh chân là con Cúc tót ra ngoài phụ con Lan bán hàng, phụ thằng Lâm bưng bê, dọn dẹp. Chỉ có vậy thôi mà thằng Lâm sinh mất ăn mất ngủ. Lâm mất ngủ còn bởi nó biết con Cúc chẳng có tình ý gì với nó. Một bữa, thấy con Cúc ngồi quạt lò nướng bánh đa một mình ngoài hiên, Lâm mon men lại gần gợi chuyện: - Em năm nay mấy tuổi hả Cúc? - Mười bảy. Còn anh Lâm mấy tuổi? - Anh mười tám. Vậy Cúc phải kêu anh bằng anh hén? Con Cúc cười: - Thì trước giờ em vẫn kêu anh bằng anh chớ bằng chi! Con Cúc nói "bằng" thành "bèn", nhưng lúc này thằng Lâm chẳng còn tâm trí đâu để cười cợt cái giọng "nước mắm Nam Ô" của con Cúc, thậm chí dạo này nó thấy cái giọng đó sao mà thân thương mặn mà quá xá. Lâm chỉ so bì: - Nhưng em cũng kêu anh Cải bằng anh vậy. Con Cúc là gái quê chất phác. Nó không hiểu thằng Lâm nói vậy là có ý bất bình, liền tươi tỉnh gật đầu: - Thì kêu bằng anh chớ răng. Anh Cải lớn hơn em tới ba tuổi lận mà. Sự vô tâm của con Cúc khiến Lâm tức sôi. Nó tính nói "Nếu lớn hơn ba tuổi thì kêu bằng chú quách" nhưng rồi thấy xúi bậy con Cúc như vậy là quá đáng nên cuối cùng nó làm thinh. Nó làm thinh nhưng mặt xụ xuống một đống. Lâm xụ mặt để mong con Cúc nhìn thấy và thắc mắc "Anh đang buồn chuyện chi rứa?" để nó có cớ nói xa nói gần. Con Cúc nhìn thấy và thắc mắc thiệt. Nhưng thắc mắc của nó chẳng ăn nhập gì đến mơ tưởng của Lâm: - Tro bay vô mắt anh hả? Câu hỏi của con Cúc khiến Lâm muốn khóc thét. Đã vậy, con Cúc còn nói thêm bằng giọng hết sức chân thành: - Anh ngồi xích ra đi. Hay anh vô nhà ngồi, xớ rớ ngoài ni chi cho nắng. Con Cúc đã nói vậy, thằng Lâm chẳng có cớ chi để bày tỏ nỗi lòng. Nó chán nản thở hắt một cái rồi thất thểu quay trở vô nhà, mặt chảy dài như bánh đa nhúng nước. Con Lan bán đồ khô ngó ra, dòm bộ tịch thằng Lâm tưởng thằng này mượn tiền mà con Cúc không cho, liền xán lại: - Anh cần bao nhiêu, em cho anh mượn? - Cái gì? - Thằng Lâm không hiểu. Con Lan chớp cặp lông mi dài: - Ủa, chớ không phải anh đang kẹt tiền hả? Miệng Lâm méo xẹo: - Kẹt đâu mà kẹt! Lan toàn đoán mò không hà! Thấy vẻ mặt thằng Lâm khó coi quá, con Lan liền lảng đi chỗ khác, mày nhíu lại: Vậy chớ ảnh buồn chuyện chi cà? Thắc mắc đó làm con Lan thẫn thờ suốt cả buổi chiều. Chưa có bữa nào nó thối lộn tiền cho khách nhiều như bữa đó. Thằng Lâm thực ra đâu phải đứa lòng gang dạ sắt. Sự quan tâm của con Lan làm nó cảm động lắm, chỉ có điều nó không lộ ra đó thôi. Dù sao cảm động cũng không phải là rung động, Lâm biết rõ điều đó. Hai thứ đó khác nhau xa lắc, cũng như bánh bèo khác với bánh ít vậy. Phải chi đứa ân cần hỏi han mình không phải là con Lan mà là con Cúc thì hay biết mấy! Lâm bần thần nghĩ, thấy chuyện tình cảm sao mà nhiêu khê quá. Sau bữa đó, ba ngày liền hễ vắng khách là thằng Lâm xề lại chỗ chiếc bàn ngoài cùng, ngồi chóng cằm ngó ra. Nó ngó và nó ganh tị với cái "vị trí béo bở" của thằng Cải. Cải là sếp bãi giữ xe, suốt ngày bắc ghế ngồi tréo mảy trước hiên. Mà hổm rày con Cúc lại hay đem lò than ra ngoài trước ngồi nướng bánh, nghĩa là ngồi sát rạt bên thằng Cải. Hồi trước, tụi con Cúc con Lệ nướng bánh nướng thịt đằng sau bếp. Nhưng từ ngày khách than cay mắt thì cô Thanh kêu tụi nó đem lò than ra trước hiên ngồi nướng cho khói khỏi luẩn quẩn trong nhà. Thế là thằng Cải tự nhiên trở thành "hàng xóm" của con Cúc. Nói chính xác thì Lâm chỉ ganh tị với "vị trí" của Cải chớ không phải ganh tị với chính Cải. Bởi xem ra thằng Cải chẳng có ý tứ gì với con Cúc. Thậm chí, Lâm còn tính nhờ Cải làm "nhịp cầu giao lưu" giùm mình. Chuyện đó coi bộ không khó khăn chi, nhất là từ hôm thằng Cải quyết định buổi tối ngủ luôn tại quán chớ không về nhà như trước. Chuyện thằng Cải ngủ đêm lại quán bắt nguồn từ một nguyên nhân rất buồn cười. Tháng đầu tiên, không hiểu sao quán Đo Đo chỉ đông khách vào ngày thứ bảy và ngày chủ nhật. Không phải đông vừa vừa mà đông nghẹt. Khách kéo tới nườm nượp, đứng chen lấn vòng trong vòng ngoài khiến mấy đứa trong quán chạy tới chạy lui lính quýnh như gà mắc đẻ. Ai đi ngang quán Đo Đo vào thời khắc đó, chắc tưởng chủ quán sắp cơi lầu tới nơi. Nhưng oái oăm thay, quán mở cửa bảy ngày nhưng chỉ thực sự đông khách vào hai ngày cuối tuần. Còn từ thứ hai đến thứ sáu, khách khứa lèo tèo, có bữa vắng ngắt. Một hôm chồng cô Thanh ghé chơi, nói chuyện với đám con Lan, con Lệ một hồi bỗng phát hiện mình là người khách duy nhất trong quán, liền lấy bộ nghiêm trang, cúi đầu, hai tay chắp trước ngực: - Nam mô A di đà phật! Con Lan là đứa đối đáp lanh lợi. Biết chồng cô Thanh có ý ghẹo quán vắng như chùa Bà Đanh, nó vẫn tỉnh khô: - Không dám, không dám, mời thí chủ ngồi! Thí chủ muón dùng chi cứ bảo bần ni một tiếng! Con Lan vừa nói vừa cười nhưng nếu dòm kỹ sẽ thấy miệng nó cười méo xẹo. Thoạt đầu không ai trong quán nắm được cái quy luật "đông-vắng, vắng-đông" đó. Thằng Cải cũng vậy. Ngày chủ nhật nó coi xe đến phờ người, tối về nhà nghe mẹ hỏi: - Quán bán được không Cải? Nó quệt mồ hôi trán, hớn hở khoe: - Đông lắm má à! Mẹ nó không tin: - Quán mới mở chưa được một tháng mà đông? Giọng điệu nghi ngờ của mẹ làm Cải tự ái: - Má không tin thì mời má ra chơi. Con không nói xạo đâu. Ngày hôm sau, mẹ thằng Cải đi xích-lô ra thiệt. Ra ngay vào lúc quán không có một mống khách, còn thằng Cải thì đang ngồi ngáp vặt trước hiên. Cải nửa thức nửa ngủ, nhác thấy xích-lô trờ tới trước quán, liền mừng rỡ bật dậy. Nhưng khi nhận ra người ngồi trên xe là mẹ mình, Cải tái mét mặt. Mẹ nó vừa lúi húi xuống xe, chưa kịp hỏi tiếng nào, nó đã vội chạy lại hoảng hồn xua tay: - Trời, má ra đây làm chi. Má về đi, bữa nay quán nghỉ bán để... sửa ống nước. - Chớ sao hôm qua con kêu má ra? Mặt thằng Cải nhăn hí: - Con đâu có kêu má ra bữa nay. Bữa khác kìa. - Bữa khác là bữa nào? Thằng Cải gãi gáy: - Con cũng chưa biết. Để từ từ con sắp xếp. - Hừ, sắp xếp. Mày chỉ nói xạo là giỏi! Mắng xong, mẹ nó giận dỗi quay ra đường, ngoắc xích lô, leo lên đi thẳng. Thằng Cải đứng chết trân có đến mười phút. Tới phút thứ mười một, nó xồng xộ bước vô quán, hậm hực hỏi: - Hồi sáng, ai mở cửa quán? Thấy mặt mày thằng Cải khác lạ, con Kim rụt rè: - Có chuyện gì vậy anh Cải? Mặt thằng Cải vẫn khó đăm đăm: - Kim trả lời Cải đi đã! Sáng nay người nào mở cửa? - Kim không biết. Anh hỏi con Lan thử coi! Con Lan đi vắng, Cải xông vào nhà bếp, níu áo con Lệ: - Hồi sáng Lệ mở cửa quán phải không? - Vô duyên! - Lệ giật tay ra - Tự nhiên lại nắm tay nắm chân người ta! Con Kim đứng ngoài cười hí hí: - Nắm chân đâu mà nắm chân! Chỉ nắm tay thôi! Cải sầm mặt liếc con Kim: - Cải không giỡn với Kim à nghen! Rồi nó quay sang Lệ, tiếp tục cật vấn: - Lệ nói cho Cải biết đi! Hồi sáng ai mở cửa quán vậy? - Tao mở! Tiếng thằng Lâm thình lình vang lên chỗ ngách cửa. Cải quay phắt lại: - Mày mở hả? - Ừ. Cải cau mặt: - Từ ngày mai trở đi, mày đừng mở cửa nữa. Vía mày nặng lắm. Thằng Lâm giương mắt ếch: - Vía nặng là sao? - Là xui chứ là sao! - Cải vung tay giải thích - Để người nặng vía mở cửa, quán sẽ ế suốt ngày. Thằng Lâm nhăn nhó: - Nhưng tao không mở thì ai mở? Tao là con trai, lại ngủ ngay dưới nhà, chẳng lẽ để đàn bà con gái ngủ trên gác leo xuống mở giùm? Lý do thằng Lâm đưa ra nặng ký quá cỡ khiến thằng Cải ngẩn tò te có đến một lúc. - Tao sẽ mở! - Cuối cùng, Cải nói, giọng quả quyết. Thằng Lâm ngạc nhiên: - Nhưng mày đâu có ngoài quán? - Kể từ tối nay, tao sẽ ngủ luôn tại quán, không về nhà nữa. Nói là làm, tối đó thằng Cải ở lại phụ thằng Lâm lau bàn lau ghế và quét rửa sàn nhà đến tận khuya, sau đó nó kéo hai cái bàn sát lại đặt chắn ngay cửa rồi tót lên nằm. Thằng Cải chọn cái vị trí như vậy ý chừng là để ngăn cản những đứa khác giành quyền mở cửa với mình. Thằng Cải thiệt lo xa quá. Chỉ có nó quan tâm đến chuyện vía nặng vía nhẹ chớ những đứa kia xem ra chẳng tha thiết gì đến ba cái chuyện thuộc thẩm quyền của "cõi trên" đó. Và cũng vì thằng Cải quá coi trọng chuyện đó nên đôi khi nó làm nhiều trò khó coi chết đi được. Thường lệ, cứ khoảng năm rưỡi, sáu giờ sáng là cả quán thức dậy. Trong khi thằng Cải mở cửa, quét hiên thì thằng Lâm quét nhà, xếp bàn kê ghế, con Lan sắp lại các lọ nước mắm, mắm ruốc, mắm cái, tương ớt, chuối chần và các loại bánh bày trên kệ đồ khô, còn con Cúc và con Lệ thì lặt rau, gói bánh ít, bằm tôm thịt làm nhưn bánh bèo, nấu nước sôi... Một hôm, Cải thức giấc như mọi khi. Nhưng khác với mọi khi là tự dưng nó mắc tiểu quá. Vì vậy, thay vì lập tức mở cửa thì nó phóc xuống khỏi bàn, chui tọt vô toi-lét. Đang tè nửa chừng, chợt nghe tiếng động ngoài cửa sắt, Cải giật bắn mình. Chết rồi, đứa nào mở cửa! ý nghĩ vừa nhoáng lên trong óc, Cải không đợi trút hết "bầu tâm sự", đã cà nhắc chạy ra. Thấy thằng Cải một tay kéo quần, một tay huơ loạn xạ, miệng la bài hãi: - Dừng lại, dừng lại! Để đó cho Cải mở! Đám con gái lấy tay che mắt, miệng la rần: - Trời! Coi anh Cải kìa! Con Cúc ré lên, đúng giọng "nước mắm Nam Ô nguyên chất": - Ui cha, mắc tịt quá! Anh Cải làm chi dị òm rứa! Mà thiệt ra đâu có chuyện gì kinh thiên động địa: Chỉ là do thằng Lâm lui cui quét nhà, chổng mông đụng nhầm cánh cửa thôi. Kể từ bữa đó, sáng ngủ dậy hễ thấy Cải biến vô toi-lét, không đứa con gái nào dám xớ rớ đến chỗ cửa. Tụi nó sợ bất cẩn gây nên tiếng động, thằng Cải sẽ thình lình tông cửa đâm bổ ra như lần trước. Bây giờ nhớ lại chuyện đó, dẫu đang buồn nẫu ruột trước sự thờ ơ của con Cúc, Lâm cũng không khỏi phì cười. Lâm cười và nghĩ: Dù sao nhờ vậy mà tối tối mình mới có dịp gần gũi với thằng Cải. Gần gũi thì không thể không tâm tình. Mình sẽ tâm tình. Tâm tình thì không thể không nhờ vả. Mình sẽ nhờ vả. Nhờ vả thì không thể không nhận lời. Mình sẽ nhận lời. à, không phải mình nhận lời mà thằng Cải nhận lời. Cải nhận lời coi như đoạn đường chông gai từ trái tim mình đến trái tim con Cúc rút ngắn được một nửa. Ý nghĩ đó làm Lâm phấn khởi quá xá, và nó bày tỏ sự phấn khởi đó bằng cách toét miệng cười một mình lần nữa. Mấy bữa nay thấy thằng Lâm buồn buồn như có tâm sự chi, con Lan đâm buồn theo. Nó đứng bán hàng mà mắt cứ dòm chừng thằng Lâm. Nãy giờ, len lén theo dõi, thấy thằng này thoắt vui thoắt buồn, đang xịu mặt như sắp khóc bỗng nhe răng ra cười như đười ươi, con Lan lo sốt vó: Hay thần kinh ảnh có chi trục trặc? Chương 5 Gọi căn gác lửng là chỗ ngủ của đám con gái vì trừ con Kim tối chạy xe về nhà, còn con Lệ, con Lan, con Cúc ban ngày đứng bán, ban đêm sau khi dọn dẹp, tắm rửa đâu đó xong xuôi, tụi nó phủi chân chun hết lên gác, ngủ đùn cục trên đó. Ở nhà dưới, sau khi tổng vệ sinh thằng Lâm trải chiếc ghế bố dọc kệ đồ khô, tót lên nằm học bài một chặp rồi mới liu thiu đi vào giấc ngủ. Nhưng từ ngày thằng Cải ngủ luôn tại quán, Lâm xách chiếc ghế bố lại nằm cạnh chiếc bàn của Cải cho có bạn. Nói "cho có bạn" là nói cho oai, nói theo sách vở, chớ thiệt ra tuy nằm kế nhau nhưng hai đứa chẳng chuyện trò bao lăm. Thằng Cải là đứa ham nói ba thứ chuyện trời ơi đất hỡi nhưng cứ mỗi lần day qua, thấy thằng Lâm mải mê cắm mắt vào tập, Cải lại nín thinh. Cải không muốn ba cái chuyện bá láp của mình ảnh hưởng đến chuyện học hành nghiêm túc của bạn. Nhưng tối nay chẳng giống chút gì với những buổi tối trước đó. Thấy thằng Lâm lọ mọ leo lên ghế bố mà lưng quần không nhét theo cuốn tập nào, Cải đã lấy làm lạ. Đến khi thấy thằng này nằm day qua day lại một hồi như bị kiến cắn rồi ngóc cổ nhìn sang chỗ nó nằm, Cải càng ngạc nhiên hơn nữa. Nó vờ nằm im xem thử thằng Lâm làm gì. - Cải này! - Thấy thằng Cải trơ ra như cục gạch, Lâm gọi khẽ. Thằng Cải nghe rõ mồn một nhưng cứ lì ra, không thèm cựa quậy. Lâm nghiêng tai nghe ngóng một hồi rồi lại gọi, lần này vừa gọi nó vừa lay: - Cải, Cải! Mày ngủ chưa vậy? Cải đáp, cố nén cười: - Tao ngủ rồi. Nghe Cải mở miệng, Lâm mừng húm: - Mày còn thức hả? - Tao nói tao ngủ rồi mà. - Ngủ con khỉ! Mày mở mắt ra đi! Cải mở mắt: - Chi vậy? - Tao có chuyện muốn nói với mày. Thằng Cải làm khó: - Sáng mai nói đi! - Không được! - Lâm nhăn nhó - Chuyện này chỉ có thể nói ban đêm chớ không nói ban ngày được. Cải quay sang bạn: - Bộ mày định rủ tao đi ăn trộm nhà hàng xóm hả? - Tao không giỡn! - Lâm tặc lưỡi - Tao có chuyện cần nhờ mày thiệt mà. - Nhờ tao? - Ừ, nhờ mày. Nghe vậy, thằng Cải bật ngay dậy. Nó ngồi xếp bằng trên bàn: - Mày định nhờ chuyện gì vậy? Khi nãy Lâm mong thằng Cải ngồi lên đến chết được. Nhưng đến khi Cải ngồi lên vểnh tai sẵn sàng nghe thì nó lại đâm lúng túng. Thấy thằng Lâm bỗng dưng ngượng ngập như con gái mới về nhà chồng, Cải thò lỏ mắt: - Nhờ chuyện gì sao mày không nói? Lâm cười khổ: - Chuyện này khó nói lắm. - Khó nói thì đừng nói nữa! - Cải ngả lưng xuống bàn, giọng tỉnh rụi - Tao đâu có ép mày nói! Cải mới giỡn chơi một chút mà thằng Lâm đã phát hoảng. Nó quýnh quíu thò tay đỡ lưng Cải, miệng rối rít: - Để tao nói, để tao nói! - Vậy thì mày nói đi! Cải lại ngồi lên, miệng tủm tỉm. Lâm hít vào một hơi để lấy bình tĩnh. Rồi nó nhìn thằng Cải, nghiêm trang nói: - Tao hỏi thiệt mày nghen! Cải cau mặt: - Thì hỏi đi! Vòng vo hoài! - Mày thấy tao thế nào? Thằng Lâm hỏi một câu không đâu vào đâu làm thằng Cải ú ớ: - Thì tao thấy mày cũng giống hệt... mọi ngày thôi! - Thấy vậy thì thấy làm gì! - Lâm nhăn như bị - ý tao muốn hỏi là mày thấy tao có... bảnh trai không? Cải cười: - Bảnh. Mặt thằng Lâm tươi rói: - Thiệt không? - Thiệt. Thằng Lâm muốn chắc ăn, lại gặn: - Thiệt trăm phần trăm chớ? Cải hừ giọng: - Mệt mày quá! Lâm liếm môi: - Vậy nếu mày là con gái, mày có để ý tao không? - Không. Câu trả lời ngắn gọn và khẳng khái của thằng Cải làm Lâm chưng hửng: - Mày khen tao bảnh trai sao mày lại không để ý? Cải cười hì hì: - Tại vì hiện nay tao đang để ý một đứa khác chớ sao! - Đứa nào vậy? - Bí mật. - Ở trong quán này hả? - Lâm tò mò, bụng nơm nớp sợ thằng Cải nhảy vô thương con Cúc. Nhưng Cải vẫn lấp lửng: - Tao không nói đâu. Lâm ngần ngừ một thoáng rồi đánh bạo thăm dò: - Không phải con Cúc chớ? - Không phải... Đang nói, Cải đột nhiên ngó sững thằng Lâm: - À, thì ra mày thương con Cúc... Thằng Cải buột miệng oang oang làm Lâm tái mét mặt. Nó ngoảnh cổ lấm lét nhìn lên căn gác lửng rồi quay lại đưa ngón tay lên miệng suỵt khẽ: - Mày nói nho nhỏ giùm tao chút, thằng khỉ! Cải nói nho nhỏ: - Mày thương con Cúc, đúng không? Lâm nuốt nươc bọt: - Đúng. - Mấy bữa nay mày bồn chồn đi ra đi vô là vì nó, đúng không? - Cải tiếp tục lào thào. Lâm đỏ mặt thú nhận: - Đúng. Cải nhún vai: - Vậy thì mày lộn rồi! Nghe thằng Cải phán một câu chắc nịch, Lâm hoang mang áp tay lên ngực: - Lộn chuyện gì? Cải nghiêm mặt: - Mày thương con Cúc sao nửa khuya mày không đập nó dậy mà lại đập tao? - Dẹp mày đi! - Lâm méo xệch miệng - Tao đang có chuyện buồn mà mày giỡn hoài! Cải cười: - Chính vì biết mày buồn, tao mới giỡn cho mày vui! Lâm chép miệng, cố nặn vẻ mặt rầu rầu: - Mày không làm tao vui nổi đâu! Muốn cho tao vui, chỉ có một cách... - Cách gì? Chỉ đợi có vậy, Lâm "hiến kế" ngay: - Mày nói với con Cúc giùm tao một tiếng. Nói tao thương nó. Cải không ngờ thằng Lâm nhờ một chuyện quá xá khó như vậy. Nó chỉ tay vô ngực, mắt trợn tròn: - Tao nói. - Ừ, mày nói. Cải lắc đầu quầy quậy: - Không được, nhất định không được! Tao không dám nói đâu! - Mày định giết tao hả Cải? Lâm lại giở bộ mặt đưa đám định làm thằng Cải động lòng. Nào ngờ Cải gật đầu cái rụp: - Ừ, giết mày coi bộ dễ hơn tỏ tình giùm mày nhiều! Thấy thằng Cải cứ khăng khăng, Lâm tức muốn xịt khói lỗ tai. Nhưng nhắm bộ tức cũng chẳng ăn thua gì, nó bèn chơi trò "có qua có lại": - Mày ngốc quá! Mày giúp tao bữa nay, mai mốt mày gặp khó khăn gì thì tao giúp lại! Cải không ngờ thằng Lâm đưa ra một điều kiện hấp dẫn đến vậy, liền thuỗn mặt nghĩ ngợi. Hiện nay Cải đang để ý một người. Nó chỉ mới để ý đây thôi, tình cảm còn lớt phớt bề ngoài, chưa ăn vô tới xương như thằng Lâm nên nó chưa cảm thấy bức xúc lắm. Nhưng biết đâu sẽ có ngày mình rơi vô hoàn cảnh giống như nó, Cải chột dạ nhủ bụng. Tính lợi tính hại một hồi, nó thở đánh thượt: - Thôi được, sáng mai tao sẽ tìm cách nói giúp mày. Lâm cười sung sướng: - Cảm ơn mày, Cải! Thật tao chưa thấy ai tốt bụng... - Khỏi nịnh! - Cải cắt ngang - Miễn mai mốt mày nhớ "trả ơn" tao là được rồi! - Nhất định rồi! - Lâm huơ tay - Tao sẽ nói với con Kim... Cải cắt ngang lần thứ hai: - Đừng đoán mò! Người tao để ý không phải là con Kim! Lâm lỏn lẻn: - Tao chỉ ví dụ thôi mà! Trưa hôm sau, con Cúc bê cái lò than ra ngồi nướng bánh cạnh thằng Cải như thường lệ. Nhưng khác thường lệ là con Cúc thấy thằng Cải bữa nay sao chẳng giống thằng Cải mọi hôm chút xíu nào. Thằng Cải mọi hôm trò chuyện liến thoắng, tự nhiên, mồm miệng lúc nào cũng bép xép như tép nhảy. Còn thằng Cải bữa nay nói không nói, cứ ngồi dòm nó lom lom nhưng mỗi khi nó nhìn sang thì lại lật đật ngoảnh mặt đi. Hai ba lần như vậy, con Cúc lạ lùng nhủ: ảnh làm răng rứa hè? Nhưng vốn tính vô tâm, con Cúc nghĩ thoáng một cái rồi thôi, chẳng thắc mắc chi nhiều, lại cúi đầu nướng bánh. Con Cúc không biết lúc này bụng thằng Cải đang nóng như lửa đốt, còn nóng hơn cái lò than trước mặt nó nhiều. Cải lãnh sứ mạng nặng nề là tỏ tình giùm thằng Lâm nhưng từ nãy đến giờ nó chưa biết phải bắt đầu cái sứ mạng khó khăn đó như thế nào. Đã mấy lần, thấy con Cúc ngồi một tay quạt lò một tay cầm cái bánh đa trở qua trở lại, bộ tịch lọm cọm, hiền lành trông giống hệt mấy bà già bán hàng xén nó thường gặp trên chợ Bàu Hoa, thằng Cải hơi hơi yên tâm, nhưng cứ đúng lúc nó dợm mở miệng thì con Cúc lại day sang khiến nó hoảng vía ngó lơ chỗ khác. Cải tức mình lắm. Nó không hiểu tại sao mình lại nhát hít như vậy. Khi nhận lời với thằng Lâm, nó đinh ninh chuyện này chẳng phức tạp chi. Tỏ tình cho chính mình có khi còn ngán, chứ tỏ tình giùm người khác thì việc quái gì phải sợ. Vậy mà Cải lóng nga lóng ngóng gần hết buổi trưa vẫn chưa hó hé được tiếng nào. Thằng Cải sốt ruột một thì thằng Lâm sốt ruột mười. Lâm ngồi trong góc nhà hồi hộp ngó ra, chờ cả buổi thấy thằng Cải vẫn câm miệng như hến, nó tức muốn hộc xì dầu. Nó mong thằng Cải ngoảnh đầu ngó vô để huơ tay múa chân làm hiệu nhưng Cải chẳng thèm liếc mắt vô trong lấy một cái khiến nó càng thêm quạu. Đến khi thấy con Cúc nướng gần hết chồng bánh đa, đang lui cui nướng cái cuối cùng, thằng Lâm không bụng dạ nào ngồi yên được nữa. Nó giả bộ đi ra ngoài sửa lại tấm bảng thực đơn kê trước hiên, và lúc đi ngang sau lưng Cải, nó lén đá vô mông thằng này một cái. Cú đá của thằng Lâm là cú đá có ý nhắc nhở nhưng nãy giờ đang sùng thằng bạn vô tích sự này nên cú đá của Lâm có hơi quá đà. Thằng Cải không đề phòng, đang ngồi lơ mơ nghĩ cách tỏ tình, thình lình bị thằng Lâm đá đít, liền giật mình "ối" lên một tiếng và ngã nhào vô lò than đỏ hừng hực trước mặt. - Í, coi chừng anh Cải! Con Cúc kinh sợ ré lên, mặt cắt không còn hột máu. Con Lan, con Kim ở trong quán cũng chồm dậy hét lên thất thanh: - Úi cha! Chết anh Cải rồi! Nhưng thằng Cải đúng là chưa tới số chết. Thằng Lâm sau khi tung một cước tính bỏ đi luôn, nghe con Cúc la hoảng, liền giật mình ngoảnh lại. Thấy thằng Cải sắp ngã dúi vô lò than, nó sởn gai ốc, quýnh quíu nhảy lại và hối hả tung thêm một cước nữa. Lần này Lâm nhắm ngay cái lò than. "Binh" một tiếng, cái lò bắn ra xa, lật úp, tro than văng tung tóe như núi lửa phun, còn Lâm thì ôm chân nhảy lò cò, mặt méo đi vì đau đớn. Con Lan ba chân bốn cẳng chạy ra, lật đật đỡ lưng thằng Lâm, miệng rối rít: - Anh có sao không? Để em lấy dầu xức cho anh nghen! Lẽ ra trong tình hình nước sôi lửa bỏng như vậy, con Lan phải hỏi han săn sóc thằng Cải mới đúng, nhưng một là trước nay nó chỉ quan tâm đến thằng Lâm, lăm lăm chờ dịp bày tỏ tình cảm với thằng này, hai là thằng Cải đã có con Cúc "phụ trách" rồi. Lúc này hai đứa nó đang ôm nhau nằm dồn cục dưới đât chứ đâu! Số là lúc thằng Cải bị thằng Lâm đá văng vô lò than, con Cúc điếng người hét giật và chồm tới định đỡ thằng Cải. Không dè đến phút chót, cái lò than bị thằng Lâm đá bay đi chỗ khác, thành thử thằng Cải ngã sấp vô người con Cúc. Hai đứa không còn cách nào khác là ôm chầm lấy nhau té lăn ra đất. Thằng Lâm biết đó là chuyện bất đắc dĩ nhưng thấy thằng Cải ôm con Cúc lâu quá không chịu ngồi lên thì cáu lắm. Đợi con Lan xức dầu xong, nó cà nhắc bước lại kéo cổ áo thằng Cải: - Đủ rồi! Ngồi dậy đi mày! Cải nhăn nhó: - Ngồi không nổi! Đau quá! - Xạo đi! Té nhẹ hều mà đau! - Nhẹ cái đầu mày! - Cải chà tay vô hông - Dập be sườn tao rồi đây nè! Lâm sầm mặt: - Ngồi dậy không nổi thì thả tay ra! Đến lúc này Cải mới sực nhớ là mình đang ôm cứng con Cúc, liền luống cuống bỏ tay ra, mặt đỏ bừng. Còn con Cúc nãy giờ hồn vía lên mây, chẳng còn nhớ mình đang phiêu diêu tận thế giới nào. Thằng Cải buông tay ra một hồi, nó mới dần dần hoàn hồn và lồm cồm bò dậy. Tối đó, Lâm gắt Cải: - Mày tỏ tình giùm tao vậy đó hả? - Tao sắp... - Sắp cái con khỉ! - Lâm cự nự - Tao biểu mày giúp tao bày tỏ nỗi lòng với con Cúc chớ có biểu mày ôm nó cứng ngắc đâu! Mày tỏ tình giùm tao hay tỏ tình cho mày vậy? Cải ấp úng thanh minh: - Tao đâu có cố ý. - Hừ, không cố ý mà nằm bệt dưới đất cả buổi! - Lâm chưa nguôi giận - Biết vậy tao để mày thành con heo quay cho rồi! - Tại mày chứ bộ! - Thấy thằng Lâm lằng nhằng hoài, Cải bực mình vặc lại - Hết chỗ đá rồi hay sao mà lại đá vô mông tao! Lâm nghiến răng: - Ai biểu mày ngồi câm miệng hến cả buổi chi! - Trời đất! - Cải giơ hai tay lên trời - Bộ mày tưởng chuyện đó dễ nói lắm hả? Phải lựa đúng thời cơ chớ! - Thời cơ với chẳng thời cơ! - Lâm bĩu môi - Mày là đồ gan sứa thì có! - Ừ, tao gan sứa đó! - Cải giận dỗi đáp, vừa nói nó vừa kéo mền trùm kín đầu, vẻ muốn chấm dứt câu chuyện - Ngày mai, mày tự mình nói chuyện với con Cúc đi, tao không nói giùm đâu! Thái độ quyết liệt của thằng Cải khiến Lâm bất giác lo lắng. Bây giờ nó mới hối hận là đã trách cứ thằng Cải quá đáng. Thực ra Lâm thừa biết mọi chuyện đều do nó mà ra. Nó đá thằng Cải lộn nhào vô lò than suýt chết, Cải không lôi ba đời nhà nó ra nguyền rủa đã là may, thế mà nó lại hung hăng lên án ngược lại nạn nhân của nó, đúng là bậy bạ quá sức. Để bớt bậy bạ, Lâm lắc Cải: - Cải nè. Cải hất tay Lâm ra: - Đừng đụng vô đồ gan sứa này. Lâm cười xí xóa: - Tao lỡ lời mà, giận tao làm chi tội nghiệp! - Tao không giận mày! - Tiếng thằng Cải phát ra từ dưới tấm mền - Nhưng tao nhất quyết không bao giờ tỏ tình giùm mày nữa! Miệng thằng Lâm mếu xệch: - Mày nói vậy khác chi mày giết tao! Chẳng thà mày cứ giận tao nhưng vẫn nhất quyết tỏ tình giùm tao, như vậy tao thấy dễ thở hơn! Kiểu ăn nói nhí nhố của thằng Lâm khiến Cải đang rúc dưới tấm mền cũng phải phì cười. Nó thò đầu ra: - Khi nãy mày lỡ lời thiệt hả? Lâm mừng quýnh: - Ừ, tao lỡ lời. - Vậy tao không phải là đồ gan sứa hả? Lâm gật đầu: - Mày không phải là đồ gan sứa. - Đồ gan sứa chính là mày hả? Cú phản đòn của thằng Cải khiến Lâm ngẩn ra: - Hỏi kiểu gì dễ xa nhau vậy mày? Cải tỉnh khô: - Nếu mày tự nhận mình là đồ gan sứa, tao mới có lý do để giúp mày. Nếu mày là người can đảm thì mày tự tỏ tình lấy, còn mượn tao nói giùm làm chi! Biết rơi vào thế kẹt, Lâm đành thở dài: - Mày nói đúng. Tao chính là đồ gan sứa. Cải toét miệng cười: - Nếu mày đã là đồ gan sứa, tao làm gì kệ tao, mày không được thúc giục hay huơ tay đá chân như hồi sáng nghe chưa! - Ừ, tao sẽ không huơ tay đá chân. - Cũng không được ghen tuông bậy bạ. - Tao sẽ không ghen tuông bậy bạ. - Cho dù tao lỡ tay... ôm nhầm con Cúc một lần nữa. Lâm bí xị: - Cho dù mày lỡ tay. - Nhớ nha? - Nhớ. Lâm nói nhớ mà người nó xụi lơ như chết rồi. Chương 6 Trưa hôm sau, "hiện trường" vẫn giống y chang hôm trước. Thằng Cải ngồi tréo mảy trên chiếc ghế thấp, chùm thẻ giữ xe một nửa giắt túi một nửa lủng lẳng bên hông. Con Cúc ngồi quạt lò nướng bánh kế bên. Thằng Lâm ngồi chóc ngóc trong quán ló mắt ngó ra. Bữa nay, Cải quyết tâm phải làm tròn sứ mạng thằng Lâm ủy thác. Nó phải chứng tỏ cho thằng Lâm thấy nó không phải là đồ gan sứa. Hôm qua, mặc dù cuối cùng thằng Lâm rút lời lại nhưng Cải biết trong tâm thằng này vẫn khi dể nó. Chỉ tại không biết nhờ ai nên thằng Lâm phải nhờ đến nó đó thôi. Cải chứng tỏ quyết tâm bằng cách vừa nhác thấy con Cúc bê lò than từ trong nhà đi ra chưa kịp ngồi xuống, nó đã tằng hắng: - Cúc nè! - Dạ. Con Cúc lui cui kê lò, ứng tiếng đáp. Nghe con Cúc "dạ" một tiếng ngọt xớt và hiền khô, thằng Cải thấy yên tâm lắm. Nó sắp xếp ý tứ trong đầu đâu ra đó rồi bình tĩnh tiếp: - Bữa nay Cải muốn nói với Cúc một chuyện quan trọng. Con Cúc nghe nói có chuyện quan trọng thì ngước mắt ngó lên: - Chuyện chi mà quan trọng rứa anh Cải? Khổ nỗi, con Cúc ngó lơ thì không sao, còn hễ nó nhìn chằm chặp vô mặt, thằng Cải lại đâm lóng ngóng. Nó nuốt nước bọt: - À, thiệt ra thì cũng không quan trọng gì lắm... Con Cúc cười hí hí: - Có chuyện chi anh Cải nói phứt ra đi, lúc kêu quan trọng lúc kêu không, nghe khó hiểu quá! Tiếng cười của con Cúc làm Cải thêm lúng túng. Nó bối rối gãi đầu: - Ờ... ý Cải muốn nói là... Cúc nhích cái lò ra xa một chút... để chỗ đó sợ có ngày Cải té nhào vô lần nữa. Con Cúc tưởng thiệt liền lom khom nhấc cái lò nhích qua bên trái, cách thằng Cải thêm một quãng. Trong khi đó Cải tiếp tục gãi đầu sồn sột, may mà đầu nó sạch sẽ, nếu không chí rận chắc đã rớt lộp độp. Đã vậy, nghe thằng Lâm ngồi ho khan đằng sau lưng, Cải càng quýnh dữ. Trưa hôm qua, lúc Cải "thi hành nhiệm vụ" thì thằng Lâm chun tuốt vô góc nhà ngồi quan sát. Bữa nay, Lâm quyết ngồi ngay cái bàn ngoài cùng, sát sau lưng thằng Cải và con Cúc. Ngồi chỗ đó Lâm có thể dỏng tai nghe ngóng để kịp thời động viên thằng Cải nếu thằng này nửa chừng nhụt chí. Còn nếu thấy Cải bắt đầu trơn tru "Anh Lâm ảnh nhờ Cải nói với Cúc là..." thì Lâm sẽ len lén rút lui êm. Lâm đã tính rồi, lúc đó nó sẽ chui tuốt vô trong bếp kín đáo ngó ra xem con Cúc phản ứng ra sao. Khi nãy thấy thằng Cải hùng hồn "Cải muốn nói với Cúc một chuyện quan trọng", Lâm mừng rơn, đã nhỏm đít định đứng dậy. Nhưng hóa ra thằng Cải chỉ hùng hổ được mỗi câu đầu. Đến câu thứ hai nó xuôi xị khiến thằng Lâm xuôi xị theo. Chính vì vậy, Lâm mới vờ ho húng hắng để vực dậy tinh thần thằng Cải. Tiếng ho của thằng Lâm coi vậy chớ lợi hại lắm. Nó ho tới "tua" thứ ba thì Cải nghiến răng day sang con Cúc: - Cúc nè. - Dạ. - Chuyện khi nãy í mà. - Chuyện khi nãy răng? - Chuyện khi nãy chưa phải chuyện quan trọng mà Cải định nói với Cúc đâu. - Ủa, rứa hả? - Con Cúc chớp chớp mắt, ngạc nhiên - Chớ chuyện anh Cải muốn nói là chuyện chi? Cải gồng mình hít một hơi dài: - Thiệt ra đây không phải là chuyện của Cải. Con Cúc càng nghe càng không hiểu mô tê gì: - Ủa, không phải chuyện của anh Cải thì anh Cải nói với em làm chi? - Chuyện của người khác. Nhưng người khác nhờ... Thằng Lâm lúc này tư thế giống hệt mèo đang rình chuột. Nó mọp người xuống bàn, đầu nghiêng một bên, tai vểnh lên. Nghe thằng Cải vòng vo Tam Quốc lâu lắc, nó hơi bực. Nhưng đến khi Cải chuẩn bị nói tới chỗ quan trọng, nó lại cắn chặt môi và hồi hộp nín thở lắng nghe. Nhưng đúng vào lúc thằng Cải sắp hoàn thành sứ mạng trọng đại thằng Lâm giao thì chuông điện thoại reo um khiến cả thằng Cải lẫn con Cúc giật mình ngoảnh cổ ngó vô trong. Thằng Lâm chửi lầm rầm trong bụng và lót tót chạy lại nhấc máy. Hóa ra ba con Cúc ở ngoài quê gọi vô: - Dạ, dạ, có. Bác đợi một chút. Đáp xong, thằng Lâm lật đật đặt ống nghe xuống và hấp tấp phóng ra cửa, hí hửng lập công: - Cúc, vô nghe điện thoại kìa. Ba em gọi đó! Thằng Lâm nói chưa hết câu, con Cúc đã quýnh quíu co giò chạy, tay vẫn cầm cái bánh đa nướng dở. Lâm ngó theo, thắc mắc không biết gia đình con Cúc có ai đau ốm bệnh hoạn gì không mà nhằm lúc trưa trờ trưa trật ba nó lại gọi vô. Bụng lo lắng, Lâm quên cả ngồi. Nó cứ đứng trơ giữa cửa, nhíu mày ngó vô trong. Đợi con Cúc buông máy xuống, lững thững đi ra, thằng Lâm nôn nóng xán lại: - Ba em gọi vô có chuyện gì không vậy Cúc? Con Cúc cười: - Dạ, không có chi. Ba em chỉ hỏi thăm sức khỏe em thôi. - Hỏi thăm sức khoẻ sao nói chuyện cả buổi vậy? - À, ba em còn dặn dò em đủ thứ nữa. Lân ngần ngừ một thoáng rồi liếm môi hỏi: - Khi nãy ba em có hỏi ai kêu em vô nghe điện thoại không? - Có! - Con Cúc gật đầu - Ba em hỏi ai vừa nhấc máy, em kêu là anh. Lâm hồi hộp: - Ba em có hỏi gì về anh không? - Có. Ba em hỏi anh là ai, em nói anh làm chung với em. - Rồi sao nữa? - Rồi ba em hỏi nhà anh ở đâu, em kêu nhà anh ở Tây Ninh, ban ngày đứng bán tối ngủ luôn tại quán. Thấy ba con Cúc hỏi thăm mình cặn kẽ, thằng Lâm mừng thầm trong bụng. Ông già chắc có thâm ý gì mới điều tra gia cảnh mình từng li từng chút như vậy, không duyên không cớ chẳng ai lại đi hỏi ba chuyện râu ria chi cho mệt. Nghĩ vậy, thằng Lâm long lanh mắt nhìn con Cúc, tí tởn thăm dò tiếp: - Ba em còn nói gì nữa không? Con Cúc thật thà: - Có. Ba em biểu em tối ngủ chung nhà với đàn ông con trai phải coi chừng, đừng để mấy đứa lưu manh dụ dỗ, lường gạt. Ba em kêu ở thành phố bọn bất lương nhiều lắm! Thằng Lâm không ngờ cái câu tiếp theo lại xoay ra như vậy. Con Cúc nói xong cả buổi rồi, đã đi ra ngoài ngồi nướng tiếp cái bánh đa gần xong rồi mà thằng Lâm vẫn còn đứng chết trân tại chỗ, mặt mày sượng ngắt. Thằng Cải không biết thằng Lâm đang quê độ, thấy con Cúc bước ra liền hăm hở tiếp tục câu chuyện bỏ dở: - Để Cải nói tiếp cho Cúc nghe nha. Người ta nhờ Cải... Thằng Lâm tay chân nhấc không nổi chứ tai nó đâu có điếc. Thấy thằng Cải nhiệt tình quá mức, nó hoảng hồn. - Cải! - Lâm gọi giật. Thằng Cải đang được trớn, sắp sửa hoàn thành sứ mạng, đột ngột bị phá bĩnh thì cáu lắm. Nó ngoảnh vô trong, bực mình: - Gì? Lâm ngoắt: - Vô đây tao nói cái này cho nghe! Cực chẳng đã, Cải phải chống tay đứng dậy, uể oải đi vô. - Tao sắp sửa nói giùm mày được rồi, tự dưng lại kêu tao vô đây! - Cải cằn nhằn. Lâm nhún vai: - Chính vì biết mày sắp nói ra điều đó, tao mới ngoắt mày vô đây cho mày đừng nói! - Bộ mày tính giỡn chơi hả Lâm? - Cải sửng sốt - Khi nãy mày còn ngồi sau lưng tao ho hắng um sùm để giục tao nói cho lẹ kia mà! - Khi nãy khác bây giờ khác! - Lâm cười khổ - Bây giờ tao mà nói thương nó, nó sẽ nghĩ tao là đồ lưu manh chuyên dụ dỗ lường gạt đàn bà con gái liền! Tất nhiên thằng Cải chẳng biết mô tê gì. Nó không nghe được lời dặn dò của ba con Cúc nên mắt cứ trố ra: - Sao không dưng mày lại nghĩ chi đen tối vậy? Lâm trả lời bằng cách níu tay Cải: - Mày ngồi xuống đây đi! Đợi thằng Cải ngồi xuống, Lâm đảo mắt ngó quanh một vòng rồi hạ giọng thì thào thuật lại cuộc nói chuyện vừa rồi giữa nó với con Cúc. - Ba nó vừa cảnh giác nó phút trước, phút sau mình nhảy vô mình nói thương, khác chi mình chứng minh ba nó nói đâu có đó! - Cuối cùng, Lâm tặc lưỡi kết luận. - Ừ há! - Cải gãi đầu, rồi nó gật gù - Mà ba con Cúc cũng hay thiệt! Hình như ổng có linh cảm con gái sắp bị đồ lưu manh dụ dỗ nên đúng vào lúc quan trọng nhất ổng lại gọi vô cản trở! Lúc đầu Lâm tưởng thằng Cải tỏ thông cảm với mình nên thằng Cải nói tới đâu nó gục gà gục gặc tới đó. Đến khi Cải nói hết câu thì Lâm mới biết mình bị trác, liền ngầu mắt lên: - Bộ mày muốn tao đá mày văng vô lò than một lần nữa hả Cải? Chương 7 Sau sự cố bất ngờ đó, Lâm quyết định tạm thời án binh bất động. Lâm định chờ cho mọi chuyện nguôi nguôi, với hy vọng con Cúc đang ở tuổi ham ăn ham ngủ sẽ mau chóng quên đi những lời dặn dò khủng khiếp của ba nó. Thực ra Lâm không phàn nàn gì ba con Cúc. Bậc làm cha làm mẹ nào có con đi xa mà chẳng lo lắng. Lo lắng quá ắt sẽ hình dung ra đủ thứ cạm bẫy đang chờ đợi con mình. Hồi Lâm mới đặt chân xuống Sài Gòn, mẹ nó cũng căn dặn nó không thiếu chuyện gì. Mẹ nó lúc nào cũng nơm nớp sợ nó bị tụi xấu dụ dỗ, y như ba con Cúc vậy. Mẹ nó dặn nó tránh xa các quán xá. Mẹ nó không cho nó uống cà phê. Mẹ nó không cho nó uống nước ngọt. Muốn uống cà phê cho tỉnh ngủ đặng ôn bài thì mua cà phê bột về pha, còn đi đường có khát cháy cổ thì ráng chạy về nhà hoặc tấp vô nhà bạn bè xin nước uống! Mẹ nó dặn nó vậy. Đó là do mẹ nó nghe người ta nói bọn xì ke ma túy thường chui vô quán phục sẵn trong đó, đợi tay nào ngờ nghệch dẫn xác vô, sẽ lân la lại gần giả bộ làm quen rồi lén bỏ thứ bột trắng quỉ quái kia vào trong nước uống. Nạn nhân vô tình uống miết sẽ đâm ghiền, sau đó sẽ tự nguyện làm theo sự sai phái của bọn chúng. Lâm bây giờ đã thành "cựu binh" ở đất Sài Gòn, mẹ nó đã thôi viết thư căn dặn mỗi tuần như trước. Nhưng cứ nhớ lại chuyện đó là Lâm thấy tức cười và thương mẹ vô cùng. Vì vậy mà Lâm rất thông cảm với tâm trạng của ba con Cúc. Lâm chỉ buồn chính con Cúc. Ba nó dặn nó thì nó cứ lẳng lặng mà tiếp thu, tự nhiên đem nói huỵch toẹt ra làm chi. Nói thẳng vô mặt Lâm như vậy có khác nào muốn ám chỉ Lâm là hạng người bất lương cần phải đề cao cảnh giác. Nhưng nỗi buồn của thằng Lâm chỉ thoáng qua. Trong thâm tâm nó tự an ủi rằng con Cúc là đứa lù khù, nó hỏi thì con Cúc nói chớ thiệt ra chẳng có ẩn ý chi. Hơn nữa, trong những ngày đó Lâm lại có niềm vui lãnh tháng lương đầu tiên. Cầm xấp tiền trên tay, nó sung sướng ngắt ra làm hai, một nửa để dành, một nửa nhét túi tiêu xài. Tiêu xài gì đây? À, đúng rồi, mình phải mua một cái đồng hồ. Quán xá mà không có được cái đồng hồ day mặt ra đường thì trông chẳng khí thế chút nào. Nghĩ là làm, tối đó Lâm chạy ra cửa hàng xách về một cái đồng hồ bự chảng, nhờ thằng Cải đóng đinh rồi lọ mọ bắt ghế leo lên treo ngay giữa quán. Sáng hôm sau, cô Thanh nhìn thấy cái đồng hồ chễm chệ trên vách, ngạc nhiên hỏi: - Đồng hồ ở đâu ra vậy tụi bây? Con Lan khoe: - Anh Lâm mua đó cô. Cô Thanh nhìn Lâm: - Con mua cái đồng hồ bao nhiêu để cô gửi lại tiền! - Khỏi, cô! - Lâm hùng dũng - Tháng lương đầu tiên, con mua làm kỷ niệm mà! Thấy thằng Lâm oai phong quá, thằng Cải nhất quyết không chịu thua. Ngày hôm sau nó lụi hụi khiêng về quán cái bàn thờ xanh xanh đỏ đỏ, ông địa ngự một bên ông thần tài ngự một bên. Nó "chỉ đạo" cô Thanh: - Buôn bán mà không thờ mấy ông này không xong đâu cô! Ông địa bộ dạng dân dã, áo xanh quần đỏ, đầu chít khăn, râu tóc đen nhánh, ngồi phơi cái bụng chang bang, tay cầm một thỏi vàng nén sáng chóe, ngó bắt sướng con mắt. Ông thần tài vận áo thụng đỏ, đầu đội mão đỏ, tóc râu bạc phơ, nom đạo mạo tiên phong đạo cốt nhưng vẫn không chịu thua ông địa, nghĩa là tay vẫn cầm khư khư một thỏi vàng. Từ ngày có cái bàn thờ, sáng sáng thằng Cải phải làm thêm một nhiệm vụ quan trọng là pha cà phê mời ông địa và ông thần tài uống. Riêng ông địa có thêm khoản thuốc lá 555 đúng kiểu bình dân thoải mái. Thằng Cải đặt trước mặt hai ông một ly cà phê đen, bật hộp quẹt châm thuốc rồi nhét vào tay ông địa. Xong, nó đốt nhang lầm rầm khấn vái. Chẳng ai nghe rõ Cải nói gì trong miệng, chỉ biết đại khái nó khấn cho quán Đo Đo ngày một ăn nên làm ra. Cải khấn suốt một tuần, khách khứa chẳng đông lên bao lăm. Một hôm, cô Thanh đang dọn dẹp kế bên, thấy Cải nhắm mắt lào thào, bèn hiếu kỳ lắng tai nghe: - ... Xin ơn trên phù hộ cho chủ của con là Lâm Thiên Thanh làm ăn phát đạt, tiến vô như nước... Mới nghe thằng Cải khấn tới đó, cô Thanh bật la hoảng: - Trời ơi là trời! Ai nói với con tên cô là Lâm Thiên Thanh hả Cải? Thằng Cải quay lại, mặt ngớ ra: - Ủa, tên cô không phải là Lâm Thiên Thanh hả? Con tưởng ai tên Thanh cũng đều là Lâm Thiên Thanh hết chớ! Cô Thanh nhăn hí: - Sao con lại có ý nghĩ kỳ quặc như vậy? Cải giương mắt ếch: - Có gì kỳ quặc đâu cô! Dì của con cũng bán quán, cũng tên là Lâm Thiên Thanh mà. - Dì của mi thì kệ dì của mi! Cô Thanh lắc đầu, ngán ngẩm: - Đâu phải ai bán quán, ai tên Thanh cũng là Lâm Thiên Thanh. Tên của cô là Nguyễn Thị Thanh, lần sau có khấn thì khấn cho đúng tên cô, nhớ chưa? - Dạ nhớ. Thằng Lâm đứng bên cười hì hì: - Hèn chi hổm rày quán mình vắng mà quán của dì thằng Cải lại đắt như tôm tươi! Đó là những chuyện buồn cười xảy ra trong quán Đo Đo sau kỳ lương đầu tiên. Đám con gái xài tiền theo kiểu khác. Con Lệ xách tiền đi may áo mới, mặc dù quanh năm nó chỉ luẩn quẩn trong bếp, không đi xa cái lò quá hai mét. Con Lan chơi sang hơn, ra tiệm ảnh chụp vài pô kiểu cọ, ý chừng để mai mốt đem khoe thằng Lâm. Con Kim đi làm bằng xe Dream, tiền lương chỉ đủ để nó đổ xăng và ăn vặt. Kim đi làm không phải vì sinh kế, nó chỉ muốn giúp cô Thanh, "sếp" cũ của nó. Riêng con Cúc không thèm lãnh lương. Ngày phát lương, nó nói với cô Thanh: - Cô cứ giữ đó giùm con. Con dồn nhiều nhiều, mai mốt về phép, con đem về cho gia đình! Thằng Lâm nghe con Cúc nói vậy, càng thương hơn, càng thấy mình... không chọn lầm người. Vì vậy, mấy hôm sau nghe con Cúc hỏi mượn tiền, nó móc túi đưa liền: - Em cứ xài thoải mái, không cần trả làm chi! - Ý, anh Lâm nói rứa răng được! - Con Cúc giảy nãy - Em chỉ mượn thôi, rồi mai mốt em trả lại anh đàng hoàng! Lâm khoát tay: - Em đừng băn khoăn chuyện đó. Em cứ coi tiền của anh cũng giống như... tiền của em vậy! Nghe thằng Lâm nói vậy, con Cúc lấy làm lạ quá sức. Nó là đứa chất phác, đâu có đủ trình độ hiểu được cái ý nghĩa thâm thúy đằng sau câu nói "trữ tình" đó. Cho nên thằng Lâm kêu nó đừng băn khoăn, nó càng băn khoăn tợn. Nó không hiểu tại sao thằng Lâm lại biểu nó coi tiền của thằng Lâm giống như tiền của nó. Ngẫm nghĩ một hồi, như chợt hiểu ra, con Cúc sáng mắt lên: - Ừm anh Lâm nói rứa nghe cũng phải! Tiền giống tiền mà! Thằng Lâm nghe con Cúc nói câu thứ nhứt, bụng nó như mở cờ, nó tưởng con Cúc hiểu được tình ý của nó và sẵn sàng đáp lại. Nhưng đến khi con Cúc nói câu thứ hai thì thằng Lâm dở cười dở mếu. Mắt cụp xuống, Lâm làu bàu bực bội: Thiệt mình chưa thấy ai ngốc như con nhỏ này! Mình đúng là một thằng ngốc mới cất công đi tán tỉnh một con ngốc! Cũng may cho Lâm, nếu nó biết con Cúc mượn tiền của nó để đi mua lốp xe cho thằng Cải thì nó sẽ còn nguyền rủa mình tơi tả hơn nữa. Thiệt ra con Cúc chỉ tội nghiệp thằng Cải chứ chẳng yêu iếc gì. Hổm rày, Cúc ngồi nghe thằng này tâm sự chuyện gia đình, mủi lòng muốn rớt nước mắt. Cải sống với mẹ mười mấy năm nay, tình mẫu tử có thể nói là thiêng liêng đằm thắm vô hạn. Mẹ nó tính tình nóng nảy, sáng la chiều mắng nhưng Cải vẫn một mực yêu thương và lễ phép với mẹ. Đùng một cái, mẹ nó chìa ra trước mặt nó một xấp giấy tờ chứng minh nó là con nuôi chớ không phải con ruột. Lẽ ra mẹ thằng Cải không tiết lộ sự thật phũ phàng đó ra làm chi. Bà đã giữ kín bí mật đó bao nhiêu năm nay rồi. Nhưng mẹ ruột thằng Cải đang sống ở nước ngoài thình lình viết thư về bày tỏ ý định bảo lãnh Cải xuất cảnh theo diện đoàn tụ. Thế là mẹ nuôi nó lôi chuyện đó ra ánh sáng và bắt nó ký giấy. Nhưng Cải nhất định không ký. Từ bé đến lớn, nó chỉ biết và gắn bó với mỗi một bà mẹ nuôi, lại quen sống ở Việt Nam rồi, nay bắt nó rời bỏ khung cảnh quen thuộc để chuyển đến một đất nước xa lạ sống với một bà mẹ xa lạ, nó đâu có chịu. Thế là giữa Cải và bà mẹ nuôi xảy ra xung đột dữ dội. Mấy bữa nay thấy ngày nào thằng Cải cũng vác bộ mặt đưa đám ngồi thu lu bên cạnh, con Cúc thắc mắc dò hỏi, mới hay ra nỗi đau của Cải. Nhưng dù bị mẹ chì chiết, đánh mắng, Cải vẫn một mực hiếu thảo. Sau khi mua cái bàn thờ ông địa, tiền còn lại Cải đem về đưa hết cho mẹ. Vì vậy chiếc xe đạp cà tàng của Cải cái lốp mòn vẹt cả tháng nay vẫn chưa thay được. Con Cúc thấy vậy, xót ruột quá mới mượn tiền thằng Lâm đặng mua lốp xe cho Cải. Con Cúc lạ nước lạ cái, có biết đường sá chi đâu mà đi một mình, bèn mượn con Kim chở đi. Con Kim là đứa ưa làm khôn. Trên đường đi, nó nghiêm nghị nói với con Cúc: - Ở quán Đo Đo, em nói giọng "nước mắm Nam Ô nguyên chất" thì không sao, vì khách vô quán đa số là người Quảng. Nhưng đi ra ngoài em nói cái giọng nặng trịch đó, không ai hiểu gì đâu! Con Kim làm con Cúc chột dạ: - Chết rồi! Rứa em phải làm răng hả chị? Mới hù một phát đã được con Cúc rối rít "xin ý kiến", con Kim khoái chí lên mặt: - Em đừng lo! Chỉ cần để ý một chút thôi. Cố đừng nói "bao gạo" thành "bô gộ", "bằng phẳng" thành "bèn phẻn" hay "nham nhám" thành "nhôm nhốm" là được! Con Kim là dân Quảng Tây, nói tiếng Việt còn đơn đớt nhiều chỗ, nhưng gặp con Cúc nhà quê, nó vẫn làm oai khủng khiếp. Con Cúc là đứa lờ khờ, lại nhát gan, nghe "thầy dùi" dặn sao làm vậy. Dọc đường nó lẩm nhẩm "học đánh vần" muốn trẹo quai hàm. Tấp vô tiệm bán phụ tùng xe đạp, nghe chủ tiệm hỏi: - Mua gì đó mấy cháu? Con Cúc nhíu mày, cố vận dụng "bài học": - Dạ, bán cho con một cái "láp xe độp"! Khổ thân con Cúc, nó luống cuống quá mức nên càng ráng nói cho "chuẩn" lại càng trật chìa. - Cháu mua cái gì? - Chủ quán không hiểu, nghiêng tai hỏi lại. Cúc càng toát mồ hôi: - Dạ, cái... "láp xe độp". Chủ quán trợn mắt, tính hỏi tiếp lần thứ ba thì đứa con trai đứng bên nhanh nhẩu "thuyết minh": - Chỉ hỏi mua cái lốp xe đạp đó ba! - Trời đất! - Chủ quán giơ hai tay lên trời - "Lốp xe đạp" thì nói "lốp xe đạp" đại cho rồi, còn bày đặt nói lái là "láp xe độp"! Thiệt oan cho con Cúc, nó có định nói lái nói liếc gì đâu! Con Kim biết con Cúc bị oan nhưng không nghĩ ra cách gì thanh minh giùm bạn ngoài cách đứng ôm bụng cười. Cúc ít khi nổi nóng, nhưng lúc này đang mắc cỡ chưa biết chun đi đâu, ngoảnh sang thấy con Kim nhe răng khỉ ra cười, nó đâm quạu. - Có chi hay mà cười! Tại chị xúi tui chớ ai! Nghe con Cúc xưng "tui", biết nó đang nổi khùng, con Kim lật đật nổ máy xe, giả lả: - Em ngồi lên chị chở về. Con Cúc không nói không rằng, lẳng lặng leo lên ngồi đằng sau con Kim. Nó ngồi trơ như cục gạch, từ đó cho đến lúc về tới quán. Lúc xuống xe, nó đột ngột phát biểu một câu đầy vẻ dứt khoát: - Giọng mình răng mình cứ nói y như rứa là chắc ăn nhứt! Để rút ra được cái "triết lý" sâu sắc đó, chắc từ nãy đến giờ con Cúc suy nghĩ ghê lắm! Chương 8 Chuyện con Cúc mua cái láp xe độp, à quên, cái lốp xe đạp tặng thằng Cải khiến thằng Cải cảm động bao nhiêu càng khiến thằng Lâm tức ói máu bấy nhiêu. Lâm không ngờ con Cúc coi bề ngoài nhu mì nhủ mỉ như vậy lại là đứa bụng dạ thâm hiểm độc ác quá chừng. Nó dám hỏi mượn tiền của mình để mua quà cho "người yêu" của nó thì đúng là quá quắt! Lâm đau đớn nghĩ, cảm thấy như có ai cầm dao bằm tới bằm lui trái tim mình hệt như con Lệ đang nghiến răng nghiến lợi bằm thịt chan chát trong bếp vậy. Lâm đau nhứt là hổm rày nó quá tin tưởng thằng Cải, giao thằng Cải "phụ trách" việc tỏ tình giùm nó. Nhưng té ra thằng Cải gần gũi con Cúc không phải là để tỏ tình cho mình mà để tỏ tình cho nó. Hèn gì nó cứ làm bộ ấp a ấp úng, việc mình giao nó nhẹ hều mà nó làm hoài không xong. Hèn gì bữa trước nó ôm con Cúc cứng ngắc mà con Cúc không la lấy một tiếng. Rõ ràng hai đứa nó có tình ý với nhau lâu rồi, không sai chạy vào đâu được. Lâm tức lắm, nhưng chỉ tức ngấm ngầm. Nó không dám lộ ra mặt, sợ mấy đứa chung quanh kêu nó là đồ nhỏ mọn. Nhưng tối tối, nó không trò chuyện với thằng Cải nữa. Nó cũng không thèm nằm cạnh chiếc bàn của Cải như mọi bữa. Nó lôi chiếc ghế bố về vị trí cũ dọc kệ đồ khô, hễ tót lên là chúi mũi vô tập, làm như trên đời ngoài chuyện học ra nó không còn quan tâm đến chyện chi nữa. Nhìn bộ tịch thằng Lâm, Cải biết tỏng thằng này đang giận mình vụ cái lốp xe. Nhưng Cải không thèm thanh minh, mặc cho thằng Lâm làm mình làm mẩy. Cải tuy không học cao bằng Lâm, ngoại hình cũng không có vẻ "trí thức" như Lâm, nhưng nó cũng có tự ái của nó chớ. Thằng Lâm hiểu lầm nó thì thằng Lâm ráng chịu. Thằng Lâm không thèm hé môi, nó cũng dứt khoát không thèm mở miệng. Chỉ có con Cúc là vô tư. Gặp thằng Lâm, nó vẫn toét miệng cười nói vui vẻ khiến thằng này ngày nào cũng phải nhe răng ra gượng gạo đáp lễ, rầu muốn chết. Cứ tưởng cuộc chiến tranh lạnh giữa thằng Lâm và thằng Cải sẽ kéo dài cho đến ngày tận thế hoặc ít nhất cũng tới khi con Cúc lấy chồng thằng Lâm lấy vợ thì đùng một cái, tình hình bỗng nhiên thay đổi. Quán Đo Đo gần đây khách khứa bỗng đông dần lên, không hiểu do thằng Cải thay cái tên Lâm Thiên Thanh lạ hoắc lạ huơ bằng tên Nguyễn Thị Thanh mỗi khi khấn khứa hay do quán mở lâu ngày, tiếng lành đồn xa, khách khứa lần hồi tìm đến. Thoạt đầu là đám choai choai. Một buổi tối, mười mấy đứa cả trai lẫn gái ầm ầm kéo vô quán, ồn ào náo loạn như đám giặc. Thằng Lâm thấy khách xông vô một lúc mười mấy mạng, bụng quýnh lên: - Dạ, mấy anh chị ngồi chung hay ngồi riêng? - Ngồi chung chớ! - Một đứa con trai cười - Đi chung dĩ nhiên phải ngồi chung rồi! Nghe vậy, thằng Lâm loay hoay kê bàn. Nó là đứa nhanh nhẹn, nhưng lúc này vẫn thấy tay chân sao chậm chạp lề mề quá. Đám khách loi choi đứng nghẹt cửa quán cười nói nhí nhố và luôn miệng giục càng khiến nó thêm hoảng. Con Lan chạy lại phụ thằng Lâm ngay từ đầu nhưng hì hà hì hụi cả buổi ba cái bàn sắp vẫn chưa xong. Bàn trong quán cái dài cái ngắn, gặp khách đi ăn theo đoàn, phải lựa đúng những cái bàn cùng loại, xoay dọc lại kê thành một dãy dài. Quán chật, bình thường xoay trở đã khó, khi cuống lên càng lướng vướng hơn. Bí thế, thằng Lâm ngó ra cửa, hét tướng: - Cải! Mày ngồi trơ mắt ếch ra đó hả? Vô phụ một tay coi! Thằng Cải chạy vô, cười hì hì: - Tao tưởng mày không bao giờ nhờ đến tao nữa chớ! Thằng Lâm mặt hầm hầm: - Mày đừng có ăn nói xóc hông tao! Tuy miệng nói vậy nhưng thấy thằng Cải ra tay gọn lẹ, nhoáng một cái dãy bàn đã kê xong, bụng Lâm cũng nguôi nguôi. Đợi khách "an tọa" đâu vào đó, Lâm bước lui ra sau một bước, niềm nở: - Các anh chị kêu món gì? - Chờ một chút! - Đứa con trai tóc quăn ngồi đầu bàn giơ tay lên đáp, mắt vẫn dán chặt vô tờ thực đơn - Để tui này "nghiên cứu" kỹ lưỡng đã! Nhìn bộ tịch thằng này, Lâm đoán nó nếu không là "thủ lĩnh" thì cũng là "thủ quỹ" của cả bọn. Lâm rời ghế nhà trường chưa tới một năm, còn lạ gì cái phong cách đi ăn tập thể của đám học trò. Thằng tóc quăn lấy ngón tay trỏ rà dọc tờ thực đơn, thận trọng tỉ mỉ như máy ra-đa rà mìn. Dòm vẻ mặt căng thẳng của thằng này, Lâm biết thừa nó đang rà cột giá cả. Nếu rà cột món ăn, chả ai lại mặt nhăn mày nhíu như thế. Hơn nữa, thằng tóc quăn vừa rà vừa lẩm bẩm: - Tám ngàn... mười hai ngàn... mười ngàn... bảy ngàn... Thốt nhiên nó reo lên như thể vừa lượm được cục vàng ai để quên trong tờ thực đơn: - A, đây rồi! Mấy đứa khác chồm tới: - Gì vậy? - Bánh bèo... một ngàn rưỡi một chén... Nói xong, thằng tóc quăn ngước nhìn Lâm: - Cho tụi này mười bốn chén bánh bèo. Mười bốn chén bánh bèo vị chi hăm mốt ngàn, chưa bằng hai phần bánh đập thịt nướng. Lâm tính nhẩm trong đầu, giọng thất vọng: - Các anh chị còn kêu thêm món gì nữa không ạ? Một đứa con gái trong bàn bật kêu: - Í, có món gì năm trăm kìa! Thằng tóc quăn liếc mắt vào tờ thực đơn trên tay, cười hề hề: - Đó là món khăn lau, ăn không được đâu mà ham! Đứa con gái không chịu thôi: - Thế còn món hai ngàn rưỡi? - À, món... chè đậu ván. Một đứa khác nheo mắt: - Chè đậu ván là chè gì? Kêu thử xem sao! Thằng tóc quăn lắc đầu: - Để bữa khác đi. Bữa nay không đủ tiền. Rồi không đợi đồng bọn có ý kiến, nó lại nhìn Lâm: - Cho chín ly trà đá đi! Lâm tưởng thằng này nói lộn, liền cẩn thận hỏi lại: - Dạ, chín ly hay mười bốn ly ạ? Thằng tóc quăn cười: - Chín ly thôi. Tụi này uống chung. Lâm thở đánh thượt, lếch thếch đi vô. Thấy cô Thanh ngồi cạnh con Kim chong mắt ngó ra, Lâm càu nhàu: - Đi nguyên một hội mười mấy người, báo hại mình xếp bàn kê ghế muốn chết, rốt cuộc kêu có mười bốn chén bánh bèo với chín ly trà đá, cô nghĩ có dễ quạu không? Cô Thanh mỉm cười: - Con đừng có vô duyên. Tụi nó là học trò, làm gì có tiền, con phải thông cảm chớ. Người ta đến với mình là quý rồi con à. Không phải thằng Lâm không thông cảm. Nó từng là học trò, từng đi ăn uống kiểu này, nó biết chớ. Nhưng từ lúc phát hiện con Cúc mượn tiền của mình để mua lốp xe tặng thằng Cải, ngực thằng Lâm lúc nào cũng như chèn đá, gặp chuyện gì nó cũng bực dọc, cáu gắt. May mà cô Thanh kịp thời chỉnh nó, nếu không nó còn nổi quạu với đám khách lóc chóc này thêm mấy lần nữa. Nhất là khi Lâm bưng cái mâm đựng mười bốn chén bánh bèo ra, thấy cạnh mỗi chén có đặt một cái siêu, cả bàn gần như chồm hết dậy, nháo nhác nhìn: - Í, cái cây gì kìa! - Tăm xỉa răng gì mà to đùng vậy? - Ngộ quá! Đây chắc là Thanh Long Đao của Quan Vân Trường! Thằng tóc quăn ngó Lâm: - Dọn cái cây này ra chi vậy anh? Thằng Lâm cố nặn một nụ cười: - Dạ, để ăn bánh bèo. - Ăn cách sao, anh chỉ tụi này với? Thằng Lâm lầm lì cầm cái siêu lên. Người Quảng ăn bánh bèo bằng cái siêu. Cái siêu vót bằng tre, mũi nhọn, lưỡi mỏng và cứng, trông hao hao con dao găm. Những ngày đầu, thằng Lâm và mấy đứa trong quán tập sử dụng cái siêu toát mồ hôi hột. Con Lan thấy khó quá, mấy lần tính bỏ ngang, bị cô Thanh nạt: - Con phải tập cho nhuyễn, rủi khách hỏi, mình biết đường mà hướng dẫn chớ. Nhờ vậy mà bữa nay thằng Lâm có dịp trổ tài trước đám khách lạ. Lâm vung cái siêu rạch hai nhát gọn gàng theo hình chữ thập, xẻ chén bánh bèo làm tư. Rồi nó kề cái siêu vào miệng chén, ngoáy một vòng ngoạn mục. Cái bánh bèo lập tức tách ra khỏi trôn chén. Trước những cặp mắt thô lố của khách, Lâm chích cái siêu vào chén bánh bèo, dích một góc tư giơ lên: - Ăn vậy đó. Ba bốn cái miệng trầm trồ: - Hay quá! - Coi bộ khó dữ à! Vừa xuýt xoa, đám con trai con gái vừa hào hứng cầm lên mỗi đứa một cái siêu sục vào chén bánh, thi nhau ngoáy tít. Bàn ăn bỗng chốc hỗn độn không thể tả. Đứa thì bặm mối đánh vật với chén bánh bèo, nạy cách gì cũng không lên. Đứa thì hất tung cái bánh ra bàn, lăn lông lốc. Tiếng cười đùa la hét vang lên muốn sập quán. Rốt cuộc, chỉ vài đứa là học được cách dùng siêu. Số còn lại la trời: - Khó quá bà con ơi. Lấy giùm tụi này mấy cái muỗng đi anh. - Ừ, lấy muỗng múc ăn coi bộ chắc cú hơn! Thằng Lâm lắc đầu, quày quả đi vô lấy muỗng. Nhưng đám khách choai choai này dù sao cũng còn đỡ, nghĩa là tuy nhí nhố ồn ào, nói thì nhiều ăn chẳng bao nhiêu nhưng dù sao vẫn gọi là có ăn. Đám lóc chóc sáng nay mới làm thằng Lâm sôi gan. Bốn đứa hai nam hai nữ vô quán, kéo ghế cái rột, đoạn vớ tờ thực đơn ngồi đọc cả buổi như đọc tiểu thuyết. "Đọc" xong, bốn đứa ngó nhau, lắc đầu: - Mấy món này lạ quá, biết đường đâu mà ăn. Đứa con gái ngước lên kệ đồ khô, nói: - Thôi, mua bánh ăn đi! Đứa con trai gật đầu: - Phải đó! Nó nhìn Lâm: - Ở đây có bánh gì hả anh? Con Lan đứng cạnh nhanh nhẩu trả lời thay: - Có bánh đúc, bánh đập... - Eo ôi, bánh gì hết "đúc" lại tới "đập"! Nghe ghê quá! Đứa con gái rụt cổ, cắt ngang. Rồi nó chỉ tay lên phong bánh vuông vuông y như bánh xà phòng trên kệ: - Còn bánh kia là bánh gì? Con Lan lễ phép: - Dạ, bánh nện. Lần này không chỉ con nhỏ mà cả ba đứa bạn nó đều ôm bụng cười: - Quán gì bán toàn các thứ bánh "khủng khiếp" vậy nè trời. Mới "đập" chưa xong đã lại "nện" rồi, ai chịu thấu! - Thế còn bánh này? Con nhỏ cố nín cười, rướn người chỉ bịch bánh trăng trắng nho nhỏ nom "hiền lành" nằm cạnh phong bánh nện. Con Lan nãy giờ sùng lắm nhưng cố giữ bình tĩnh: - Bánh này hả? Dạ, bánh này là bánh nổ! Bốn đứa kia lập tức rú lên: - Ối trời, đụng thứ dữ rồi. Chuồn lẹ tụi mày ơi. Nói xong, trước cặp mắt sững sờ của những người trong quán, đứa con trai lên tiếng lúc nãy đứng bật dậy co giò chạy trước. Ba đứa kia ngơ ngác một thoáng rồi lật đật co giò chạy theo. Sự cố xảy ra quá đột ngột khiến con Lan đứng như trời trồng, miệng ú ớ như bị ai bóp cổ. Còn thằng Lâm thì mặt tái đi vì giận. Mãi một lúc nó mới nhúc nhích được và lần vô chỗ cô Thanh ngồi. - Cô thấy đó! - Lâm gầm ghè, nó tiếc không có lửa trong miệng để phun ra - Khách khứa kiểu này thì ai chịu nổi! Cô Thanh tủm tỉm: - Tụi nó đùa một chút cho vui, chấp nhứt làm chi! - Thiếu gì kiểu không đùa lại đùa cái kiểu đó! - Lâm vẫn chưa nguôi bực bội - Chỗ người ta làm ăn chớ có phải sân khấu hài đâu! Con Lan bước tới sau lưng thằng Lâm: - Anh Lâm nói đúng đó cô! Con nghi chắc có ai thuê mấy đứa kia tới phá mình quá! - Con đừng có nói bậy! - Cô Thanh nạt - Tụi nó bỏ đi ra chẳng qua vì không ăn được mấy món lạ thôi chớ không có ý gì đâu! Thấy cô Thanh bênh mấy đứa giặc con kia chằm chặp, Lâm tức mình bỏ đi ra đằng trước. Nó ngồi xổm xuống cạnh thằng Cải: - Thiệt tao tức muốn lòi con mắt luôn Cải ơi! Cải cười cười: - Chuyện mấy đứa vừa rồi đó hả? - Chớ còn ai vô đây! - Tức làm quái gì cho mệt! Tự nhiên Cải nói tạt ngang: - Trong bọn có một con nhỏ dễ thương ác! - Dẹp mày đi! - Lâm nổi cáu - Con nhỏ đó đem liệng cho sấu ăn là vừa! Cải cười: - Liệng cho sấu uổng lắm! Liệng cho tao đi!