🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Quà Của Bố Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn THÔNG TIN EBOOK Tên sách: Quà Của Bố Tác giả: Trần Đình Dũng Thể loại: Tạp bút Nhà xuất bản Phụ Nữ © 06/2010 The Happiness Project #-16NF TVE-4U Read Freely - Think Freedom Thực hiện: Teacher.anh, Lichan, Hanhdb Hoàn thành: 12/2015 https://thuviensach.vn DỰ ÁN HẠNH PHÚC The Happiness Project # 16-NF Hạnh phúc luôn tồn tại xung quanh chúng ta, điều quan trọng ta phải biết nắm bắt, kéo nó về phía mình để đem lại an lành cho bản thân, cho cuộc sống! Cuốn sách này là một niềm vui nhỏ bé chúng tôi muốn dành tặng đến bạn, người đọc ạ! "Hãy nhớ rằng không có hạnh phúc trong sự sở hữu hay sự thâu nhận, mà chỉ có trong sự trao tặng. Hãy mở rộng vòng tay - Hãy chia sẻ - Hãy ghì ôm. Hạnh phúc là một loại nước hoa, mà khi bạn rưới lên những người khác, thế nào cũng có một vài giọt dính trên người bạn." Og Madino https://thuviensach.vn GÓI LẠI NHỮNG THƯƠNG YÊU Gấp cuốn tạp bút Quà Của Bố (QCB) lại, tôi chỉ muốn hít thở một hơi thật sâu, cho lồng ngực căng tràn những cảm xúc từ sách dần lắng dịu.. Những dòng chảy nghịch chiều nhau như một bản giao hưởng rộn ràng niềm vui lại có ít nhiều khoảng lặng, những nốt trầm lỗi nhịp... Không khuôn phép, đạo mạo như các loại sách giáo dục, Trần Dình Dũng đã viết QCB như những lời tự sự cho chính mình, và cho hai con. Từng mẩu chuyện nhỏ đời thường, như những mảnh ghép hình kết thành bức tranh sinh động về mái ấm của ba bố con Trần Đình Dũng. Ngôi nhà chỉ có 3 người, khuyết mất một góc, nên chỉ có thể là một tam giác, một tam giác cân, với bố là đỉnh, cân đều cho hai con - giữa yêu thương và dạy dỗ, giữa chăm sóc và trải nghiệm, giữa chiều chuộng và nghiêm khắc. Anh ví von "Nhà thiếu cha như nhà thiếu nóc. Nhà thiếu mẹ như nhà thiếu vách. Nhà thiếu con như nhà rỗng không". Trong QCB, Bố Dũng đóng cả hai vai: nóc nhà và vách nhà. Có lẽ vì thế mà bố Dũng được các bạn của con gái nhận xét là "tình cảm". Cái "tình cảm" mà không phải ông bố nào cũng có được, và chính bé Ti, con gái Bố Dũng cũng nhận ra điều đó: "- Bố ơi, bạn con nói bố tình cảm - Là sao? - Lúc bố hỏi con có muốn bố ngồi cùng không? Con có cần gì không? Bố ở ngay đây, cần gì gọi bố nhé. Bạn con nói bố của bạn ấy không như thế. - Ừ, ai cũng thương con, nhưng mỗi người có một cách thể hiện. Thế con nói với bạn sao? - Con nói bố bạn là bình thường, bố tớ là bất thường. - Bất thường? Con nói bố khùng hả? - Dạ, nhưng con thích bố khùng vậy hoài." Có ai mà không yêu thương con, nhưng có lẽ ở Bố Dũng, tỉ lệ ấy phải nhân gấp đôi. Bố Dũng yêu hai con bằng trái tim ấm áp và nhạy cảm của https://thuviensach.vn mẹ, tinh tế và hóm hỉnh của bố. Anh bảo "Bố yêu con, vừa đủ để làm mọi điều nhỏ nhặt, và cũng vừa đủ để leo mãi con dốc dài của cuộc đời...Vừa đủ để lo lắng mỗi khi con nóng sốt. Vừa đủ để sợ hãi mỗi khi con đi chơi về muộn. Bố yêu con vừa đủ để đắp chăn cho con hằng đêm, ngồi chơi với con hằng giờ. Bố yêu con, vừa đủ để mỉm cười một mình, vì nhớ con". Bố cũng yêu con vừa đủ để cùng con đạp xe trong mưa, cùng xì xụp hai tô mì gõ bốc khói. Vừa đủ để cùng con ngồi vỉa hè ăn gỏi bệt "Con gái sung sướng trộn trộn trộn, gắp gắp gắp, nhai nhai nhai. Ông bố hướng dẫn con thêm tuyệt chiêu húp húp húp" Trong ngôi nhà nóc-vách là một của anh, hạnh phúc đến từ những việc rất nhỏ, là cả nhà cùng nhau chế biến và thưởng thức món "Vetula" mỗi cuối tuần, là cả ngày hì hụi sơn sơn, phết phết của hai bố con, là khi con gái khum khum đôi bàn tay múp míp đút cho bố miếng bánh tráng me ngào nhỏ xíu xiu... là khi con trai lúc 12 tuổi đã tự thú: " Con có nói dối bố. Nhưng lúc con ôm bố và nói thương bố là con nói thật đó." Bố Dũng luôn tự nhận mình là một ông già lẩm cẩm, một ông bố bất bình thường, một ông bố nông cạn. Nhưng tôi nghĩ anh là một ông bố cầu toàn, anh chăm chút cho con hơn cả một bà mẹ - từ cắt móng tay, móng chân, đến tắm gội, chải đầu, khám răng, ủ ấm...anh còn là một ông bố luôn dạy dỗ và hướng dẫn hai con - từ vệ sinh thường thức, kỹ năng sống mạnh mẽ năng động, đến những đạo lý sống đẹp ở đời. Anh dạy con trong mọi thời điểm, lúc sơn xong một cánh cửa, khi dựng một cây thông, khi gặp hoài đèn đỏ, hay khi học cùng con. Hay nhất là cách dạy con của anh - không áp đặt, không đặt yêu cầu của bố cho hai con, khuyến khích các con làm điều các con thích, ủng hộ các con sống với giấc mơ của mình, không bao giờ ngăn cấm hoặc chỉ trích chê bai. Bố Dũng như một hướng dẫn viên tận tâm, tận tình luôn đồng hành cùng hai con, trang bị "tận răng" cho hai con hành trang vào đời, chỉ mong các con sống trung thực và mạnh mẽ, biết ước mơ, có chính kiến, biết lựa chọn để quyết định. Tôi đã lặng người xót xa khi đọc đoạn thư bố viết khi bước vào tuổi dậy thì, dạy con cách chăm sóc cơ thể trong chu kỳ kinh nguyệt. Bố Dũng đã https://thuviensach.vn vào vai "mẹ" rất tròn, anh đã không để con gái phải bỡ ngỡ hay thiệt thòi vì thiếu mẹ. Thiếu Mẹ, cái vách nhà tưởng chừng như đã được bố Dũng đóng thay trọn vẹn cho hai con, nhưng với chính mình, tôi đã thấy đau đáu trong anh một nỗi buồn ẩn giấu, buồn vì không thể chia sẻ, buồn vì phải gồng mình làm điểm tựa duy nhất cho hai con, buồn vì cảm thấy hụt hẫng khi con trưởng thành đã trốn khỏi vòng ôm của bố, buồn vì không thể kiềm chế những áp lực của bản thân mà trút vào hai con. Đã có những đêm anh không ngủ được, đi vào phòng hai con nhìn con ngủ, ôm con, hôn con, hít hà mùi con, rồi lặng lẽ chờ trời sáng. "Kẻ độc hành, tưởng như nương tựa bầy đàn lại ẩn chứa sự tách mình trong đồng loại...Bố chẳng thể nào nói về nỗi buồn của mình, nó được quấn chặt nhiều lớp vải thô, như đồ sơn mài được làm cốt. Mọi người chỉ có thể nhìn thấy hào quang ánh sáng, nước sơn bóng lộn, nhưng không nhìn thấy những tấm vải quấn chặt cốt gỗ, không làm cho nứt nẻ bung tróc với sự thay đổi của thời tiết, thời gian. Bố cho con nửa sự thật, các con chỉ nhìn thấy bố vui cười, nhiều bạn, đi đến đâu cũng gặp người quen, ăn ngon mặc đẹp. Các con chẳng bao giờ biết bố mất ngủ trong đêm, chẳng bao giờ biết bố buồn, chẳng bao giờ biết bố khóc" Có lẽ tôi đã cùng khóc với bố Dũng, như đã từng cười với ba bố con anh khi đọc QCB. Cảm ơn món quà cho hai con của anh đã trở thành món quà quý cho cộng đồng, bằng lối viết nhẹ nhàng dí dỏm, nhưng sâu sắc và có tính giáo dục cao, anh đã trải lòng mình trên từng con chữ để QCB đi vào lòng bạn đọc, để con cái có thể hiểu và trân trọng hơn những vòng ôm và cả những la rầy của bố mẹ - cũng là để bố mẹ soi lại chính mình trong cách yêu thương và dạy dỗ con. Hạnh phúc là thương yêu và được thương yêu Hạnh phúc là có bà, có bố, có hai con. @Lichan - Happiness Project https://thuviensach.vn Quy luật của muôn đời, nước mắt chảy xuống Để rồi khi có con mới thấu hiểu được tình mẹ... Thương yêu kính tặng Mẹ https://thuviensach.vn Vô ngôn Trong muôn vạn thứ tình yêu trên cõi đời, có lẽ tình yêu thương con cái là vô bờ bến nhất. Một thứ tình cảm không gì so sánh được, không lý do và không cần đáp trả. Những ông bố, bà mẹ, khi mang đến cho thế giới này một sinh linh, cũng mang trên vai mình một gánh vác nặng trĩu - gánh nặng "trồng người". Những đứa trẻ lớn lên, không chỉ mang hình hài của bố mẹ cho, mà còn mang cả tinh thần, trí tuệ và tình yêu của hai đấng sinh thành. Chúng sẽ thành người hạnh phúc, thành công hay trở nên thui chột, bất hạnh... tùy thuộc vào "bản sắc" của tình yêu và sự giáo dục của cha và mẹ. Thật khó để dừng mắt lại trước những câu chữ, những cảm xúc cứ dập dồn như sóng của Trần Đình Dũng. Tôi ngạc nhiên vì Dũng không viết văn, bởi nếu Dũng viết, chúng ta sẽ có thêm một nhà văn viết bằng tâm huyết của mình. Nếu anh yêu nghề viết như yêu con cái, có lẽ nhà văn này cũng trở nên "rồ dại" như chính tình yêu của mình đối với các con! Không biết bạn đọc sẽ có cảm giác gì? Nhưng "rồ dại, điên cuồng" là những từ tôi có thể nghĩ ra khi đọc những bài Dũng viết cho con. Dưới ngòi bút của Dũng - đúng hơn là dưới cảm xúc của Dũng, bản thân anh hiện ra như một "người tình, người bạn, người anh, người nô lệ" với cách cư xử và tình yêu "độc đáo" mà anh dành cho hai sinh linh bé bỏng của mình. Quả thật, tôi chưa thấy ai yêu con như cách Dũng viết, Dũng suy nghĩ và hành động. Bản thân anh cũng biết điều này và trong một số bài viết, anh có xin lỗi con vì hiểu được mình sẽ làm đứa trẻ mất đi điều gì trong cuộc sống sau này (Bố có lỗi với con). Với trái tim một người mẹ, tôi cứ ước rằng những hình ảnh "người tình, người bạn, người anh, người nô lệ" của Dũng sẽ bớt đi một chút, để hình ảnh "người cha" được lớn hơn. Người cha với ý nghĩa che chở, giáo dục và răn đe con mình với rất nhiều nghiêm khắc. Để mai này, anh không phải hối hận rằng sau khi ngập chìm trong tình yêu của cha, các con anh sẽ hẫng hụt https://thuviensach.vn khi bước vào một thế giới muôn mặt - nơi tình yêu có thể phải đánh đổi bằng nỗi đau của cả đời người. Tôi thật xót xa khi đọc bài Bố có lỗi với con và bài Gửi người yêu con tôi. Không hiểu sao tôi cứ lo rằng, liệu với tình yêu ấy, Dũng có chen vào cuộc đời của các con khi chúng lớn sau này để lựa chọn, góp ý, cấm cản... khi chúng bắt đầu yêu? và với tình yêu của bố vĩ đại như thế, liệu hai đứa trẻ có bằng lòng chấp nhận một thứ tình yêu khác chắc chắn có rất nhiều "biến cố" xảy ra hay sẽ so sánh và thụt lùi, co cụm và trở thành người cô đơn ngắm nhìn thế giới tình yêu của đại đồng trước mặt? Nhưng đó chỉ là chút lo xa của tôi "một người mẹ - khi thấy một ông bố "lấn sân" cả trong những tình huống hai đứa trẻ cần sự giáo dục, sự vỗ về của người mẹ. Vẫn còn những bài khác mà Dũng dạy dỗ, khuyên bảo các con một cách... "tỉnh táo" (có phần quá tỉnh táo, có lẽ do công việc của anh là CEO chăng?). Nhưng tôi không thích những bài này lắm vì nó mang quá nhiều cảm xúc, suy tư của "một người từng trải" khi luận giải vấn đề với một đứa trẻ con. Tôi đặc biệt thích bài Cây thông Noel nó nói lên hình ảnh người cha rõ nhất. Tôi xót xa, đồng cảm với Dũng khi đọc Xin lỗi con và ứa nước mắt khi đọc Bố yêu con vừa đủ, bởi vì qua đó, tôi thấy lại được hình ảnh yêu thương của cha mình. Viết lời giới thiệu cho một cuốn sách mà bản thân nó đã thể hiện được hết tâm tư, tình cảm của tác giả, đã chuyên chở, trao đến tận tay bạn đọc những thương yêu, lo lắng của một đấng sinh thành dành cho con cái của mình, như thế có thừa lắm không? Vì thế, tôi chỉ viết lên những dòng này như cảm nhận của một người đọc, một người mẹ, với sự thấu hiểu lý do "rồ dại" trong yêu thương con cái của Dũng. Tôi ước rằng hai đứa trẻ hạnh phúc trong tình yêu của bố Dũng ngày hôm nay sẽ mãi luôn hạnh phúc như bố các cháu mong muốn khi đã trưởng thành. Và trên tất cả mọi điều, tôi chúc cho Dũng nhận được tình yêu của hai đứa trẻ - vĩnh viễn trên cõi đời này, qua tất cả tháng năm. PHẠM THỊ NGỌC LIÊN https://thuviensach.vn 14-12-2009 https://thuviensach.vn Lời tác giả Tôi xuất bản quyển tạp bút "Quà của Bố" lần đầu với sự động viên giúp đỡ của bạn bè và học trò, nhưng trong thâm tâm, tôi không nghĩ là quyển sách sẽ nhận được sự đón nhận nồng nhiệt như thế. Chỉ sau mười sáu ngày sách đã hết. Cùng lúc với những thư cảm ơn và lời khen ngợi, là sự hối thúc của nhiều người muốn tôi tái bản sách. Và tôi đã mạnh dạn tái bản quyền tạp bút này, với niềm hy vọng sẽ tiếp tục lan tỏa tình yêu thương đến các gia đình, để từng người con biết cha mẹ mình đã thương yêu mình như thế nào, để từng người cha người mẹ biết cách nói chuyện và chia sẻ tâm tình với con mình, để chúng ta luôn được sống trong lòng bác ái vị tha. Tôi cảm ơn bạn đọc, bạn bè, học trò, đồng nghiệp, gia đình... những người nổi bật và lặng thầm, những người tôi biết và biết tôi, đã thương yêu và quí mến quyển tạp bút đơn sơ này. Trần Đình Dũng https://thuviensach.vn YÊU THƯƠNG Bố yêu các con nhiều như hơi thở; như những lần bố chớp mắt trong đời... "Bồ nhí" Từ ngày có bồ nhí, ta nói, thiệt là cực trần thân. Mưa, bồ nhí nhắn tin hỏi đang làm gì ở đâu với ai, lại còn: "Làm sao cân đong được mưa để biết ở đây nhiều hơn ở kia hén?". Bó tay, hỏi tui tui biết hỏi ai? Nhưng nàng có quyền hỏi, vì nàng là bồ nhí. Nói về chuyện nhắn tin, mình phải luôn là người nhắn cuối cùng, sau khi nàng tám sạch bách chuyện, nàng chịu im lặng thì xong, coi như thoát. Nàng còn tám, còn phải trả lời. Nhưng nàng có quyền tám, vì nàng là bồ nhí. https://thuviensach.vn Đại gia chọn một em bồ nhí chân dài đến vai. Mình còn nghèo hèn học đòi đeo bám, chọn ngay một em bồ nhí chân mỗi tuần một dài ra. Đã thế em lại còn giở chứng xưng tên - gọi bạn với mình. Lúc nào cũng thỏ thẻ: "B làm cho T cái này nhoa, muoah muoah". Căng đấy, từ chối được với những cú "muoah muoah" ép phê như thế này có mà thánh. Nhưng nàng có quyền muoah muoah, vì nàng là bồ nhí. Kề tai hỏi nhỏ nàng: "Có biết tui thương mấy người lắm lắm không?". Nàng hất tóc quay ngoắt đi, ban phát một tiếng "hứ" rõ to, vài phút sau ỏn https://thuviensach.vn ẻn ôm cổ: "Dạ biết". "Có biết tui thích mấy người lắm không?". "Dạ biết". "Biết rồi có khoái không?", "Dạ hông, quê, hề hề hề". Nhưng nàng có quyền chọc quê, vì nàng là bồ nhí. Cuộc đời này, thiệt là hổng có cái dại nào giống cái dại nào. Tự nhiên có con bồ nhí, mà lại rất nhí nữa mới tinh quái chứ. Chắc hiếm người có được con bồ nhí giống mình, cách tuần lại thò bàn tay ngọc ngà ra: "B cắt móng tay cho T", với một chất giọng chẳng thèm làm nũng, chẳng thèm nhõng nhẽo, xem như đó là chuyện đương nhiên, là đặc ân nàng ban phát cho kẻ nô lệ tôi đòi. Nhưng nàng có quyền ban phát đặc ân đó, vì nàng là bồ nhí. 45.000 phút Tuần sau con nghỉ hè rồi. Thế là đã hết năm năm tiểu học, chuẩn bị qua trung học. Thời gian trôi nhanh quá con nhỉ. Mới ngày nào bố đưa con đến trường buổi đầu tiên, con còn bỡ ngỡ với trường, với lớp, với những khuôn mặt mới. Bố còn lo lắng cho chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện bạn, chuyện thầy cô... Năm năm con đi học, bố chợt nhẩm tính những con số vô hồn, để vui đến giật mình vì có một hằng số vĩnh cửu và tuyệt đối. Năm năm con đi học, chín tháng mỗi năm, vậy là bốn mươi lăm tháng học. Mỗi tháng con học hai mươi ngày, vậy là chín trăm ngày học. Mỗi ngày hai lần đưa đón, vậy là một ngàn tám trăm lần đi về. Mỗi lần đi về, mình mất hai mươi lăm phút, vậy là bốn mươi lăm ngàn phút đón đưa. Bốn mươi lăm ngàn phút đón đưa con, bố luôn hân hoan, vui sướng. Dù cho mưa nắng, kẹt xe, khói bụi ngập đường,lô cốt tắc nghẽn. Dù cho bố có những buổi thức khuya làm việc, sáng thức dậy với đôi mắt đỏ kè, dắt xe ra khỏi nhà quên trước quên sau. Nhưng bố vẫn luôn vui và ngập tràn hạnh phúc với việc đưa đón con. https://thuviensach.vn Bốn mươi lăm ngàn phút đón đưa, con đường chúng ta đi đã trở nên quá quen thuộc. Những hẻm nhỏ ngõ tắt tránh kẹt xe chúng ta đã quá rành rõi. Những ngã tư đèn đỏ, dừng lại, bố vẫn thường len lén cầm bàn tay nhỏ xinh của con. Những tiếng còi chói tai của xe bus và các loại xe điên rồ khác cũng chỉ làm vòng tay con thắt chặt hơn qua eo bụng bố. Bốn mươi lăm ngàn phút đón đưa, bao câu chuyện nhí nhố cười đùa. Bao lần mình im lặng đi suốt đoạn đường để rồi chỉ nghe vỏn vẹn hai từ: "Chào bố/ Chào con", và bố chạy tiếp vào vòng đua cuộc đời. Bốn mươi lăm ngàn phút đón đưa, con gái bố lớn lên, cao hơn, tóc dài thêm. Mình bắt đầu chuyển đề tài đường phố sang người lạ, để tám chuyện, để cười vui. Đã có những lúc con hỏi: "Chở con đi học hoài thế này bố có chán không". Câu trả lời bố đã nói một lần với con, và sẵn lòng lặp lại hàng triệu lần: "Bố chưa bao giờ, dù chỉ là một khoảnh khắc rất nhỏ, chán con hoặc chán việc đưa đón con đi học". Bốn mươi lăm ngàn phút đón đưa, bố ngạc nhiên vì bố vẫn chưa tìm ra điều thứ hai trong đời mình. Có một tỉ lệ thương yêu tuyệt đối như thế, nếu https://thuviensach.vn ta viết thành phân số, ta sẽ có tử số bằng không và mẫu số là bốn mươi lăm ngàn. Con ạ, bố không biết chán con, dù cho mẫu số là số tỉ tỉ tỉ... Bố yêu thương con tuyệt đối, con gái cưng ạ! Con gái của bố Năm nay con gái khác rồi, con gái sẽ làm người lớn. Con gái hết thích màu hồng rồi, con gái bắt đầu thích màu tím lavender. Con gái đọc sách và xem phim Chạng vạng, rồi con gái ngồi thẫn thờ, nhìn mông lung. Con gái không thích bố len lén cầm tay con gái mỗi khi xe dừng đèn đỏ. Con gái bắt đầu đeo nhẫn ở ngón cái, không thích đeo ở ngón giữa. Con gái nổi mụn lấm tấm trên trán, tóc con gái tỏa mùi thơm thơm. Con gái vẫn để bố cắt móng tay, móng chân cho con gái, nhưng con gái không thích nằm cùng phòng bố buổi tối. Con gái không thích ngồi trong lòng bố khi coi ti vi nữa, con gái thích ở riêng một mình trong phòng con gái. Con gái không biết là bố đã để dành tiền cho con gái rồi đó, vừa đủ để mua cho con gái một bó hoa màu tím lavender, vừa đủ để mời con gái một bữa ăn tối dưới ánh nến lung linh, để con gái chia tay tuổi thơ và bước vào thế giới người lớn. Ngoái nhìn Mỗi sáng, từ nhiều năm qua, bố luôn là người đưa con đến lớp. Hết lớp tiểu học của con trai, đến lớp con gái. Phần thưởng của mỗi lần đưa con đi học là khoảnh khắc con ngoái lại nhìn bố trước khi nhảy chân sáo khuất sau cổng trường. Có đôi khi con quên ngoái nhìn, bố tự nhủ, ngày mai sẽ nhớ. https://thuviensach.vn Có nhiều khi con ngoái nhìn, bố luôn nghĩ, đây có thể là hình ảnh cuối cùng bố nhìn thấy con. Bố yêu khoảnh khắc con ngoái nhìn bố, nhoẻn miệng cười, xong tiếp tục bước. Bố luôn chăm chút cho từng khoảnh khắc với tên gọi Đầu Tiên và Cuối Cùng. Phút đầu tiên trong ngày con cười với bố, giờ cuối cùng trong ngày con nắm tay bố cùng đọc kinh sau khi bố chải tóc cho con. Ngày đầu tiên đến lớp, con là người cuối cùng tan trường khi bố đón con muộn, mắt con đỏ hoe không khóc. Lá thư đầu tiên con viết cho bố, lần cuối cùng ngủ gật trước tivi làm bố phải bế con lên phòng. Ngày đầu tiên con đi xe đạp, bố chạy lúp xúp phía sau giữ xe. Buổi cuối cùng mình đi chiếc ô-tô quen thuộc trước khi bố bán xe cho người xa lạ... Có đôi khi, bố tự quan trọng hóa chuyện ngoái nhìn, vì đó là khoảnh khắc của quyến luyến, trân trọng, tiếc nuối, thiết tha. Có đôi khi, thiếu sự ngoái nhìn, bố xót xa vì một chút buồn, trống rỗng, có cảm giác như bị phụ bạc, thờ ơ, bỏ rơi, chấm hết. Cái ngoái nhìn của con, với nụ cười và ánh mắt long lanh, sáng rực nổi bật trong hàng chục khuôn mặt trẻ thơ trước cổng trường, luôn là hình ảnh yêu thương và ngập tràn một ngày làm việc của bố. Có lúc, bố biết con ngoái nhìn bố, nhưng bố đã xoay lưng đi, trông có vẻ nhẫn tâm. Nhưng thực chất, đó là khoảnh khắc bố con mình không cùng tần số. Con nên biết rằng bố luôn nhìn con, từng ngày, mỗi ngày, suốt đời bố. Có lúc tiễn một người đi xa, chỉ một cái ngoái nhìn làm đọng lại một dáng hình bất diệt. Có khi đưa một người đến gần, chỉ thiếu một lần ngoái lại, bóng hình dễ phôi pha. Có những cái ngoái nhìn không đồng điệu, gây nỗi hoang mang nghi ngại, chỉ vì thiếu cơ duyên may mắn của sự trùng hợp, làm người ta xa nhau vĩnh viễn. Có những cái ngoái nhìn toàn thân, chỉ để lưu lại trong ký ức một bóng hình mà mình biết mãi mãi không còn nữa. Có những cái ngoái nhìn khép nép, e lệ, giấu kín. https://thuviensach.vn Có những cái ngoái nhìn dò xét, nghi ngờ, phòng thủ, quan sát, giữ miếng. Và cũng có những cái ngoái nhìn đẹp vĩnh cửu. Gấp áo quần con Bưng bê thau quần áo lấy từ máy giặt ra, leo lên sân thượng phơi, mang quần áo đã khô vào phòng, ngồi gấp, vuốt, thẳng thớm, để theo từng chồng riêng biệt, mang cất vào tủ riêng mỗi đứa. Dường như đã lâu rồi không làm việc đơn giản này. Dành thời gian đọc sách, nghe nhạc, ngồi quán tám chuyện vĩ mô chiến lược, kế hoạch quản lý, giáo trình giảng dạy... toàn là chuyện vớ vẩn, ngớ ngẩn, đao to búa lớn, giải quyết khâu oai. Bỗng dưng lại bỡ ngỡ, lạ lẫm với những việc đã từng làm từ nhiều năm trước. Quần áo con khô cong, thơm mùi nắng. Những cái áo quần lộn trái cho khỏi bạc màu, vội vã, ống quần còn vón cục túm tròn, ẩm ẩm, phơi lại. Gấp từng cái, săm soi, mòn đít, bung chỉ, đứt nút, vớ mòn, áo học, áo ngủ, áo nhà, áo phố... Đã có những lúc bố la lối om xòm vì con mặc đồ đi học trong nhà, mặc đồ ngủ ra đường và mặc short đi ngủ. Đã có lúc bố bực bội hét toáng lên vì con thay quần ống trong ống ngoài, vứt nửa trên nửa dưới cạnh giường, ném nửa trong nửa ngoài sọt giặt... Ừ bố vô lý, ừ bố có lý, ừ bố mang tính kỷ luật thời nội trú trường dòng về nhà mình. Ừ thì các con ngộp thở với ông bố phát xít... Nhưng bố biết các con yêu thương bố. https://thuviensach.vn Tỉ mẩn tần mần gấp áo quần con, đo chiều dài của áo quần bằng bàn tay, cảm giác bâng khuâng, con mau lớn quá. Mới ngày nào còn bé tí, bố phơi đồ của con tung bay chấp chới những tã trắng hình tam giác, những bao tay bao chân bé xíu xiu, những áo thun trắng mỏng, những băng rốn dài ngoẵng, những nón mũ giữ ấm đầu... Bây giờ, quần áo con đã dài rộng thế này, chỉ riêng cái quần lót của con trai đã to bằng bốn cái quần đùi con mặc ngày xưa! Thời gian trôi nhanh quá, quần áo con lớn dần theo con. Bố nhớ bàn chân hồng hồng bé xíu huơ huơ khi con khóc vì ướt đít. Nhớ bàn tay con bé https://thuviensach.vn tí cầm chặt ngón tay bố khi bú bình, nhớ khuôn mặt con khi no sữa ngủ say. Bố nhớ lúc cô hộ lý tắm cho con, bố đã xem kỹ từng ngón tay ngón chân, từng phần trên cơ thể bé bỏng của con, để an tâm biết rõ con bình thường khỏe mạnh, để trút bỏ nỗi lo này, để ôm vào nỗi lo khác. Cảm ơn mẹ con đã mang nặng đẻ đau, sinh ra con mạnh khỏe, lành lặn. Cảm ơn mẹ con đã thức đêm ngủ ít, đau lưng, lo toan, vất vả, đút ăn, cho bú, dỗ con, lau đít, thay tã, từng ngày từng giờ trong suốt thời ấu thơ của con. Cảm ơn mẹ con đã chảy xệ người, bù xù tóc, quên trang điểm, không nước hoa... đã dành trọn vẹn thời gian, suy nghĩ, tình cảm cho con. Bố yêu con vừa đủ "Ta yêu em như yêu tuổi ngây thơ..." (Ngô Thụy Miên) Bố yêu con, vừa đủ để nhớ con khi bố vừa đi xa, phone cho con khi bố đến miền đất lạ, để dành con là người cuối cùng bố chào, vì khi đó bố được ôm con lâu nhất. Bố yêu con, vừa đủ để làm mọi điều nhỏ nhặt, và cũng vừa đủ để leo mãi con dốc dài của cuộc đời. Bố yêu con, vừa đủ để sống tốt cho con và mong mình sống ít lại để con sống nhiều hơn. Luôn tìm tòi điều hay nghĩa đẹp trong cuộc sống, để gom góp làm hành trang giá trị cho con vào đời. Bố yêu con, vừa đủ để mỗi khi con đi toilet công cộng, bố luôn là người kín đáo đưa vào tay con tờ giấy, đi theo con đến cửa, đứng ngoài chờ con, thỉnh thoáng gọi vọng vào, để con yên tâm, con luôn có bố. Cuộc sống vốn dĩ quá nhiều những kẻ tà ma quỷ quái. Bố sợ nhỡ có điều gì xảy ra, dù là bé nhất, sẽ làm tổn thương tâm lý suốt đời con. Bố yêu con, vừa đủ để tạo thành thói quen đưa mắt nhìn qua con mỗi mười phút, để yên tâm rằng con vẫn còn đó, vui tươi, hạnh phúc, an toàn, mạnh khỏe, hòa đồng, bình an. https://thuviensach.vn Bố yêu con, vừa đủ để gọi "Con yêu" mà không cần lý do, không cần nhờ vả, sai bảo, không cần khuyên nhủ, can gián. Không cần bất cứ điều kiện gì, chỉ thích gọi tên con, kèm theo hai từ "con yêu". Bố yêu con, vừa đủ để đặt con ngồi ngoan trên yên xe, quấn áo mưa kín kẽ, bố đi bộ bì bõm trong mưa trong nước ngập, để chân con không lấm nước đen, để con cười khoe răng sún mỗi khi bố gọi con là công chúa và bố đang làm công việc của phò mã. Con hiểu rằng chiếc xe đang là con mã của bố con mình. https://thuviensach.vn Bố yêu con, vừa đủ để bối rối mỗi khi con ngân ngấn nước mắt. Vừa đủ để bồn chồn mỗi khi con buồn buồn ít nói. Vừa đủ để lo lắng mỗi khi con nóng sốt. Vừa đủ để sợ hãi mỗi khi con đi chơi về muộn. Bố yêu con, vừa đủ để đắp chăn cho con hàng đêm, ngồi chơi với con hàng giờ, những trò chơi bố không có chút kiến thức. Bố nào có biết gì về Barbie, Teddy, đồ hàng, may vá thêu thùa... Bố yêu con, vừa đủ để gửi cho con post card với dòng chữ ghi vội, mà không cần phải đi xa, không cần phải có lý do để gửi. Chỉ là một buổi chiều lang thang nhà sách, bỗng nhiên nhớ con, gửi con một tấm thiệp. Hai ngày sau thiệp đến, lại chính bố nhận, mang để dưới gối con. Bố yêu con, vừa đủ để cố gắng sắp xếp những ngón tay thô kệch vụng về làm thủ công cắt dán, vì con muốn có hình ảnh Hanah Montana. Bố yêu con, vừa đủ để cười mỉm một mình, vì nhớ con. Vetula Vetula là món ăn độc nhất vô nhị, người sành ăn nhất cũng khó có thể tìm được. Nó mang một mùi vị đặc trưng khó tả và biến tấu vô cùng rộng. Chỉ có thể so sánh món Vetula với món nấm truffle của Pháp, Ý. Tôi và hai nhóc may mắn được ăn món Vetula dường như định kỳ hàng tuần. Vetula là món thường dùng vào buổi trưa, được chế biến bởi hai con, bếp trưởng là con trai và phụ bếp là con gái. Hai nhóc cũng đeo tạp dề (trông hết sức chuyên nghiệp). Tạp dề của con trai ngắn cũn cỡn, tạp dề của con gái dài tới mắt cá chân (có lẽ vì đứa thì quá cao, đứa còn quá thấp). Thông thường khi thực hiện món này sẽ luôn có cằn nhằn, cãi vã và một chút hờn dỗi của cả hai nhóc (đặc biệt là phụ bếp). Lý do chính là công thức pha chế đặc biệt linh hoạt, không lần nào giống lần nào. Thời gian chuẩn bị món ăn mất khoảng 30 phút, chi phí cho ba người ăn (theo thời giá hiện nay, khoảng 20.000 đồng). https://thuviensach.vn Nguyên liệu chính: - Rau cải, rau muống, bắp cải, đậu đũa, đậu cô ve, khổ qua... nói chung là loại rau củ quả nào cùng được. - Đậu hủ kho (hoặc chiên), cá chiên (hoặc kho) lóc bỏ xương, thịt heo kho, thịt gà ram... nói chung là các loại đạm, đạm gì cùng được. - Cơm, mì, hủ tiếu, bún... nói chung là tinh bột, bột gì cũng được. Cách làm: Nổi lửa lớn, bỏ nồi không dính lên, cho chút dầu ăn vào, cho tất cả những nguyên liệu trên vào, trộn đều, nêm thêm nước tương Maggi cho vừa ăn. Trình bày: Xới vào đĩa, rắc ít tiêu, dùng nóng với tương ớt. Khuyến cáo: Món sẽ ngon hơn khi dùng với trà đá đặc biệt, loại xuất khẩu. Ghi chú: Món Vetula, theo định nghĩa của hai nhóc, là chữ viết tắt của Vét Tủ Lạnh. Chạy show trong mưa Ngày Chủ nhật bình yên, tắt điện thoại, dành trọn thời gian cho con. Đưa con gái đi chơi Sở Thú. Con gái muốn thế với lý do: "Lớn lên, con sẽ không đi Sở Thú nữa. Con nghe nói Sở Thú sắp dời đi, bố đưa con đi nhé!". Bố không muốn và không thể từ chối con, đặc biệt trong ngày 1-6. Đến nơi, có event của công ty sữa, người đông, cơ man nào là người. Nắm tay con tung tẩy: "Ti à, nếu lỡ đi lạc, con sẽ làm gì?". "Dạ con đi ra cổng, đón taxi về nhà rồi gọi điện thoại cho bố. Con sẽ không khóc và không đi với người lạ". Bố luôn luôn chuẩn bị cho con những tình huống xấu nhất. Con gái hỏi: "Bố ơi, sao bà cố chết mà con không buồn? Có gì sai không hả bố?". "Không sai con ạ, vì con không có kỷ niệm với bà cố. Người ta chỉ có thể yêu thương hoặc ghét nhau khi có ký ức để hoài niệm, để người ra đi nhận được nỗi buồn vui của người ở lại. Có lẽ nếu bố chết, con sẽ buồn nhiều, vì con có nhiều kỷ niệm với bố. Con sẽ nhớ bố tập con chạy xe đạp, https://thuviensach.vn lúc bố chải tóc cho con, cắt móng tay, móng chân cho con. Con sẽ nhớ tiếng gọi "Dũng sĩ ơi!" và bố sẽ vào chùi đít cho con, xong rồi bố vỗ mông con bép bép". Con gái không nói gì, chỉ nắm tay bố chặt hơn. Ngày Chủ nhật bình yên, chụp cho con gần trăm tấm ảnh chân dung. Con đang chậm rãi chia tay tuổi thơ, bắt đầu có dáng vẻ của thiếu nữ. Từng ánh mắt, nụ cười, từng sợi lông măng trên má con lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Hai bố con ăn trưa ở Rex. Đưa con về, mưa bay bay nhè nhẹ, hỏi con gái: "Mặc áo mưa hay tắm mưa hả con?", biết trước câu trả lời: "Tắm mưa bố nhé!", chạy xe chậm lại, để mưa vỗ vào mặt, vào mắt, để mưa vuốt mềm tóc con. "Vui quá bố ơi, con thích lắm, cảm ơn bố nhen!", con gái ôm cánh tay bố, áp nhẹ má vào. Mưa nhẹ, mưa trở nặng hạt, con ướt, con lạnh, con thích. Vui. Về đến nhà, lệnh cho con gái: "Tắm ngay nhé, gội đầu nhé, đừng sấy tóc nhé, lau khô tóc nhé, ngủ đi nhé... ". Con trai đang dán mắt vào HBO. "Nhóc, tắm mưa không?", nhóc hí hửng: "Dạ, có!". Thế là hai bố con, hai xe đạp, chạy trong mưa. Nặng hạt, vỗ đập. Từng guồng đạp, thư thái, ung dung, nhàn hạ, dọc bờ kênh Nhiêu Lộc, vào trung tâm Sài Gòn, ra sân bay, nước rê theo vệt xe, đường vắng, rất vắng. Choàng tay khoác vai con trai, chuyển xích líp sang chế độ nhẹ, thong dong dầm mình trong mưa. Con trai nhe ràng cười ướt sũng. Hai bố con dừng lại ở một hàng mì gõ, hai tô bốc khói xì xụp vài nghìn đồng. Người ướt đẫm, tiền ướt đẫm, nước nhỏ giọt giọt theo từng nhịp đũa. Đứng lên nhìn ghế sũng nước, lại lao mình ra mưa. Ngớt hạt, tạnh mưa, về đến nhà, no căng. Cũng may là chỉ có hai con, nếu sáu đứa có lẽ ông bố vỡ bụng vì ăn, buồn ngủ díu mắt, vì mưa. Con gái ngủ say. Ngày Chúa nhật yên bình. https://thuviensach.vn Hai đỉnh cao, một vực sâu Một ngày thứ Bảy khó quên, đối diện hai đỉnh cao và một vực sâu. Ừ, thì chưa chắc đã là cao là sâu với nhiều người. Nhưng đối với gã đàn ông nhạy cảm có nhiều vết xước trong quá khứ thì chỉ cần nhu nhú đã là cao, chỉ cần hõm hõm đã là sâu. Đỉnh: Một giấc ngủ sâu thăm thẳm. Lâu thật lâu rồi, từ nhiều năm rồi mới có một giấc ngủ quên đời như thế. Ngủ say sưa, ngủ chảy nước miếng, ngủ không vẫy tai, ngủ không trở mình, ngủ không nói mơ, ngủ mê ly mê tơi, ngủ trôi thời gian, ngủ không kiềm chế... Lại còn được khuyến mãi một giấc mơ... tuyệt đẹp. Ngủ mà vẫn tắm đẫm trong âm nhạc, trôi từ Without You (Ayo), sang Do That To Me One More Time (Jheena Lodwik). Giấc mơ đưa mình đi trên cung đường vô định xuyên giữa rừng nguyên sinh ngập nắng chiều. Đỉnh: Nhận lời làm bản kế hoạch chiến lược phát triển thương hiệu cho một doanh nghiệp sắp-sửa-thành-blue chip. Gửi phác thảo outline và proposal thì nhận được điện thoại của sếp-siêu-bự: "OK em, anh chuyển hết tiền một lần cho nó máu nhé". Tài khoản nhảy một phát thêm tám con số không. Vực: Cho con gái đi chơi xa lần đầu, đi một mình với mấy cô bé cùng học. Không có bố đi kèm, không có bố ngồi chờ chở về, sau khi phone hỏi chủ nhà điểm đến, số lượng người cùng đi, thành phần, khu vực đến, tình hình xe cộ, an toàn, an ninh, lo đủ thứ chuyện nhưng chẳng ai biết mình lo. Con bé hớn hở đến suýt mất ngủ đêm hôm trước. Hai bố con ăn sáng ở Bánh cuốn Tây Hồ, qua cafe Manga cho con đọc truyện tranh, tám linh tinh đồng thời ôn lại mấy "bài võ" cho con. - Con à, nếu có ai ôm con mà con không thích, con sẽ làm gì? - Dạ con sẽ nói con khát nước, con xin đi uống nước. Con không nói là con cần đi nhà vệ sinh. - Nếu có ai rủ con đi ra chỗ vắng góc tối nơi ít người, con sẽ làm gì? - Dạ, con sẽ từ chối hoặc con sẽ rủ mấy đứa bạn con theo. https://thuviensach.vn - Nếu có ai ôm con quá chặt, sờ soạng người con thì con sẽ làm gì? - Dạ con sẽ không vùng vẫy, không la hét, không chống cự, vì như thế sẽ đánh động thú tính nơi con người. Con sẽ thả lỏng người, hít thở thật sâu, nhìn thẳng vào mắt người đó và nói thật chậm, thật rõ: "Bố cháu sẽ cắt chú ra từng lát mỏng". Con gái hứa 16 giờ về, 18 giờ vẫn chưa thấy. Gọi điện các nơi không có ai trả lời, chỉ biết chờ đợi một cách thụ động. Nỗi lo sợ vô hình tăng lũy tiến với thời gian, nghĩ đến tất cả các khả năng và những giải pháp. 18 giờ 20 phút, điện thoại số lạ: "Alô, bố ơi, con đây, con xin lỗi bố, con đang về". Cố gắng giữ giọng bình thường để hỏi thăm linh tinh cho con vui. Khi mình còn bé, chắc bà cụ ở nhà cũng nhiều lần lo thắt ruột như thế, nước mắt luôn chảy xuống. Tội nghiệp "nàng" của mình ghê. Lavender ơi Lavender! Tím nội tâm tím buồn tím thương nhớ Tím lớn rồi không còn hồng tuổi thơ Màu xanh cốm đã trở về kỷ niệm Tím thẫn thờ vương vấn chút mộng mơ Ta đã buồn, một nỗi buồn xuyên thời gian. Ta thẩm thấu nỗi buồn từ đất, từ mây, từ trời, từ gió. Ta biết buồn khi chưa biết nói yêu, ta vẫn buồn khi tuổi đã về chiều. Ta mong như bọt biển, hút trọn nỗi buồn, để lại khoảng không yên bình, thanh thản, tươi sáng cho con, vì con là cuộc sống của ta, con là niềm vui và hạnh phúc vỡ òa. Một buổi chiều cuối tháng Ba, Lavender dịu dàng đứng cúi chào trước sân khấu rộng. Mái tóc buông xõa cùng nụ cười e ấp, màu đen tuyền óng ả của tóc hòa quyện cùng màu đen thẫm của đại dương cầm, nổi bật lên màu tím lavender. Lavender ơi, từng ngón tay thơm từng búp măng tròn, trôi dạt nốt nhạc réo rắt cung trầm bổng. Đôi hài búp bê như kìm hãm sự thăng hoa của tình https://thuviensach.vn thương hạnh phúc. Lavender ơi Lavender, ta yêu con nhiều như hơi thở, nhiều như những lần ta chớp mắt trong đời. https://thuviensach.vn Nói nhảm trong lúc buồn Lại mất ngủ. Gần như đã là thói quen, với tay cho đĩa nhạc vào máy, trông chờ những giọng ca của màn đêm Emi Fujita, Jean Frye Sidwell, Dina Blade Linginston Taylor... Bỏ nhầm đĩa. Trỗi lên Tạ từ trong đêm, Chiều mưa biên giới, Lẻ bóng, Kiếp nghèo... với giọng ca Thanh Tuyền. Một thoáng chênh vênh, mất cân bằng. Rồi bỗng từ từ, chầm chậm, từng chút một, từng lời nhạc đưa ký ức về khu trại gia binh đầy bụi đất những năm còn chiến tranh. Buồn. Tuổi thơ đầy ắp những chuyện buồn. Lại hoài niệm về tuổi thơ, thế là dấu hiệu của tuổi già rồi. Tự bảo mình già thì nghe chối tai quá, mới tí tuổi đầu, tóc chúm chím ít muối, râu lắc rắc ít bột mì. Chưa già, chưa già, nhất định chưa già. Mình tự nhận mình là một lão khó tính. Khó tính đến cay độc gắt gỏng, khó theo kiểu chả ai chịu nổi. Mình thường bảo bọn trẻ con: "Ăn cơm không được khua đũa, nhai hết rồi nói, không thể vừa nhai vừa nói vừa cười như thế. Nhấc ghế lên, không kéo ầm ĩ. Nhấc dép lên, không nhấc được dép làm sao nhấc được cuộc đời... ". Có hôm còn cay cú hơn: "Hai cụ có thể vui lòng không làm vãi cơm ra bàn được không ạ!". "Các cụ" tròn xoe mắt, cười toe. Cũng may là cả nhà vẫn thương nhau, vẫn nghêu ngao hát: "Mẹ đi vắng, bố sang chơi nhà dì í a... bố làm cái gì không biết... bố làm cái gì ai biết... thấy bố về nhà rất vui... thấy bố về nhà rất tươi... ". Tuần trước, trong bữa cơm, tự nhiên con bé nhìn quanh quất, có phần ngạc nhiên bối rối, sau đó nhẹ nhàng đưa bàn tay lên nhặt hạt cơm đang dính trên má bố. Ôi chao, tôi già thật rồi, cơm dính vào mép cũng chả hay, đến nỗi con gái phải xấu hổ giúp. Tuần trước nữa, ăn xong cơm rồi húp vội bát canh, canh trào ra cả khóe miệng, rơi vãi đầy trên áo. Già thật rồi, không thể chối cãi. Con bé đứng phắt lên lấy khăn cho bố, ngồi xuống, im lặng, chẳng bình luận gì. Từ hôm ấy, mỗi bữa cơm đều có khăn ăn nơi bố ngồi. https://thuviensach.vn Chiều hôm kia, cậu bạn đến nhà chơi, mở cửa ra "Chào em... ", Và tịt, hoàn toàn tịt, không thể nhớ được tên cậu ấy, đầu óc bắt đầu đóng băng như bã đậu. Chịu thua, không thể nhớ tên, hèn, chả dám hỏi em tên gì. Con bé kéo tay nói nhỏ: "Hưng". "Ồ... chào Hưng, em khỏe không?". Ừ, thì cái gì đến sẽ đến, sớm hay muộn gì cũng đến. Nhờ nó đến mà mình đọc được những dấu hiệu thương yêu chăm sóc của một người phụ nữ chín tuổi bốn tháng. Bánh tráng me ngào Đón con ở trường tiểu học. Con gái chạy ra xe, đôi tay múp míp khum khum bẽn lẽn đưa cho bố: "Con để dành cho bố nè". Mở ra, một phần tư cái bánh tráng màu đỏ, bé tí như lá chùm ruột, bên trên có chút me ngào nâu thẫm. Con bé đút vào mồm bố: "Ngon không bố?", "Ừm, ngon thật, lâu lắm rồi bố không ăn món này. Phải đến ba mươi năm, ồ, hơn thế, hơn ba mươi năm". Cái bánh tráng màu đỏ, bên trên có me ngào, gần như trường tiểu học nào cũng có, gần như đứa học trò nào cũng biết. Hơn ba mươi năm rồi mới nếm lại, nếm với tâm hồn tinh khôi của con gái, nếm với ký ức tuổi thơ, nếm với những dại khờ của tuổi người lớn. Bố ăn cái món này khi bố bé hơn con. Ngày ấy thỉnh thoảng bà nội cho bố năm đồng, đồng tiền kẽm có khía viền ngoài như hoa mai. Năm đồng mua được năm cái, nhưng bố chỉ mua hai, còn ba đồng uống xi rô đá nhận. Một cái ly xanh ve có những bong bóng li ti dưới đáy, mấy sợi mít vàng ươm nằm dưới cùng, đá bào nhuyễn nhận chặt, rưới xi rô đỏ lòm lên, ăn xong toét miệng ra cười, miệng cũng đỏ theo luôn... - Bố kể chuyện hồi xưa dễ thương quá. - Không, con dễ thương hơn, vì con để dành bánh cho bố. - Không, bố dễ thương hơn, bố dễ thương như là... - Không bằng con, con dễ thương như là... https://thuviensach.vn - Bố dễ thương như là... - Con dễ thương như là... Suốt quãng đường về, hai bố con tranh nhau đưa ra hiện tượng, sự kiện để chứng minh người kia dễ thương hơn. Mây, lá, nước, gió, mưa, biển, trời, xe, đường, người... tất cả đều được vận dụng. - Con dễ thương như là con dễ thương. - Bố tự nói bố khùng đi. (Con bé không được nói người lớn khùng, như thế là hỗn, vì thế, khi nó có cảm giác người lớn khùng, nó luôn bảo người lớn tự nói). - Ừ, bố khùng. - Nhưng bố khùng dễ thương. - Khùng mà dễ thương? Vậy là con khùng dễ thương hơn. Lại tiếp tục so sánh coi ai khùng dễ thương hơn. Suốt đoạn đường về nhà, bất chấp kẹt xe, tiếng còi. Tám với con gái Nghĩ hoài không ra một cái gì làm quà tặng sinh nhật con gái: Barbie, đồng hồ đeo tay, giày dép, quần áo, cặp sách, đồ chơi... Vào nhà sách Xuân Thu mua cho con quyển Những người phụ nữ lừng danh giới. Ngồi bệt trước cửa Nhà hát Thành phố, viết lời đề tặng cho con gái trong nắng chiều xiên khoai: "Con gái thương của bố! Tặng con quyển sách này nhân sinh nhật lần thứ 9 của con. Có vài điều hiếm hoi trên đời miễn phí. Một trong số đó là tình yêu thương của bố dành cho con. Một trong những điều còn lại là ước mơ. Hãy ước mơ, con nhé!" Bố. Tiệc tan, bạn con gái về. Lui cui dọn dẹp xong vào phòng con, nằm bên cạnh, tám với con bé. https://thuviensach.vn - Con mời mười bạn, chỉ đến có bốn, con có buồn không? - Dạ, có. Bố ơi, bạn con nói bố tình cảm. - Là sao? - Lúc bố hỏi con có muốn bố ngồi cùng không? Con cần gì không? Bố ở ngay đây, cần gì gọi bố nhé... Bạn con nói bố của bạn ấy không như thế. - Ừ, ai cũng thương con, nhưng mỗi người có một cách thể hiện. Thế con nói với bạn sao? - Con nói bố bạn là bình thường, bố tớ là bất thường. - Bất thường? Con nói bố khùng hả? - Dạ, nhưng con thích bố khùng vậy hoài. - Bố ơi! - Hửm? - Con thích gọi vậy thôi, không có gì. Con ngủ đây! - Trời ơi, chắc tui cắn con nhỏ này thiệt quá! - (Đưa tay ra cầm tay bố) Bố đang biến thành người khổng lồ xanh hay thành samurai Jack? - Ngủ đi cưng! Chủ nhật tươi hồng Sáng, đoạn đường đầy công an, dân phòng giăng giăng từ Nguyễn Thị Minh Khai qua đến nhà thờ Đức Bà. Chạy loanh quanh mãi không tìm được chỗ gửi xe, đến khi nhét được đồng chí Vespa già nua vào cổng trường Hòa Bình thì đã quá 9 giờ 30. Hai bố con lại có lý do để bỏ lễ. Bố dẫn nhóc đi dọc theo vỉa hè, ngược về hướng lãnh sự quán Trung Quốc. Hướng dẫn nhóc cách tránh những trò chơi tụ tập của người lớn, những hậu quả của hành vi xốc nổi. Cho nhóc xem mấy anh mấy chú đang tận tình quay phim chụp ảnh, cận cảnh lia vào mặt những kẻ hiếu kỳ và lý do của những việc làm đó... Giải thích đội hình chống bạo động, an ninh đang tác nghiệp, chuyện gì đang xảy ra, nguyên nhân và hậu quả... Hai bố con, một cao một https://thuviensach.vn lùn, đi lách xuyên qua nhóm trật tự, vào được Diamond Plaza để window shopping. Hai bố con khoác vai đi dung dẻ dọc Đồng Khởi huyên thuyên đủ chuyện trời ơi đất hỡi trong một buổi sáng Chủ nhật tươi hồng. - Bố à, GL 550 có cái mặt hầm hố và duyên hơn 450. - Ừ công nhận, nếu có tiền mình mang về ngay trong hôm nay, con nhỉ. - Bố nhìn kìa, Porche Cayenne kìa, được quá hả bố! - Sao bố thấy nó nhỏ quá. - Tại vì đồng tử của bố to ra rồi. Bố, con thấy có mấy chiếc Segway, đẹp lắm. - Ừ mình đi ra trước chợ Bến Thành coi, ở đó có cửa hàng trưng bày. - Ti vẫn còn tin là có ông già Noel đó bố. Sáng nay thức dậy Ti bảo ông già chưa đến lấy thư. - Con xem như ông già Noel có thật, đừng làm em buồn nhé... Hai bố con dừng lại mua hai bịch nước, vừa đi vừa hút, lại tám chuyện Tag Heuer (nhãn hiệu của nhóc) và Jaeger le Coultre (nhãn hiệu của bố), chuyện bài thi học kỳ một, chuyện băng nhóm trong trường, chuyện tình cảm học đường, chuyện Lambogini màu vàng chạy ngang trường nhóc học chiều hôm qua... Tìm mua cho nhóc một sợi dây nịt làm quà Giáng sinh, tìm không ra. Nhóc khó tính quá, gout vừa già vừa cổ điển vừa tinh vi... Ghé cửa hàng này coi một tí, của hàng kia sờ mó một chút, nhóc tươm mồ hôi đầy áo, cao nổi bật giữa đám đông lú nhú... Xem Segway, nhóc leo lên chạy thử, khoái chí ....9.600USD, nhìn nhau cười: - Khi nào mình có tiền bố hén! - Ừ sau khi bố mua nhà nè, để dành tiền cho con và em học đại học nè, rồi mình muốn mua gì mình mua, không cần phải suy nghĩ. Hai bố con dừng lại ở hẻm bé tí đường Nguyễn Thái Bình, gọi hai đĩa cơm bình dân, hai ly trà đá. Nhường cho con miếng thịt to, bố ăn đậu hũ dồn thịt. Một buổi sáng đẹp, đi bên cạnh người thanh niên của mình, nói chuyện cười đùa với cậu trai trẻ của mình, khoác vai, vỗ mông, cụng đít, cười khoe https://thuviensach.vn răng, tung tăng băng qua đường không nhìn đèn đỏ... Vui lắm. Lời con trẻ ♦ Nếu sau này bố chết, con sẽ đi thăm bố mỗi trưa Chủ nhật, sau khi con chơi điện tử xong nha bố (con trai, lúc 10 tuổi). ♦ Nếu bố chết, con sẽ mua thêm một miếng đất bên cạnh, sau này con chôn con bên cạnh bố. (con gái, lúc 6 tuổi). ♦ Người lớn hay ép suy nghĩ của mình cho con nít, và không biết tha thứ (con trai, 10 tuổi, không nói, tìm trong sách và gạch dưới dòng chữ này, để trong phòng bố). ♦ Ước gì bố trẻ bằng anh Hai, nhưng khôn như bố bây giờ, để nói chuyện với con, chơi với con và sống với con lâu, thật lâu (con gái, lúc 8 tuổi). ♦ Ước gì cái kính con đeo có tráng một lớp giống như lá bạc hà, không đọng nước (con trai, lúc 11 tuổi). ♦ Ước gì có cái máy ghi lại suy nghĩ, nhỏ bằng bàn tay, có màn hình, xem như xem phim, con gửi cho bố một ngày một cuộn phim, để bố biết con nhớ về bố nhiều như thế nào (con gái, lúc 9 tuổi). ♦ Hôm nay con đang ngồi học, tự nhiên nhớ bố nước mắt chảy ra, mà không phải con khóc (con gái lúc 8 tuổi). ♦ Con ghét người lớn quá, người lớn bỏ con đi hoài, tại sao bố phải đi công tác hả bố? (con trai, lúc 7 tuổi). ♦ Con có nói dối bố. Nhưng lúc con ôm bố và nói thương bố là con nói thật đó (con trai, lúc 12 tuổi). ♦ Con thích bố cười, lúc đó nhìn bố hiền (con gái, lúc 8 tuổi, con trai gật gù). ♦ Hôm nay con được tuyên dương người tốt việc tốt trước toàn trường đó bố. Thầy hiệu phó đọc tên con, và thông báo con trả lại 500 đồng bạn nào đánh rơi (con trai, lúc 6 tuổi). https://thuviensach.vn ♦ Bố ơi con nhớ mẹ lắm, con muốn mẹ về (con gái, mới tuần trước). Chiếc hộp kỳ diệu Hôm nay, lúc các con đi vắng, bố lại mở chiếc HỘP KỲ DIỆU ra xem, lại cười một mình. Lúc nào mở chiếc HỘP KỲ DIỆU ra, bố cũng bồi hồi, xúc động, cười, cân bằng và bình an. https://thuviensach.vn Lúc nào bố cũng có cảm giác các con đứng sau lưng, rình rập bố, và cười nhạo bố mỗi khi bố ngắm nghía chiếc HỘP KỲ DIỆU. Ừ, HỘP KỲ DIỆU chỉ là cái hộp phim Kodak cũ, màu đen, nắp xám. Hộp đựng loại film ảnh mà bây giờ ít người dùng vì ai cũng sử dụng máy kỹ thuật số. Trong chiếc HỘP KỲ DIỆU đó chứa đựng niềm vui và sự cân bằng của bố, bí mật của bố con mình. Trong chiếc HỘP KỲ DIỆU đó chứa hai cái cuống rốn khô và bốn cái răng sữa của hai con. Hai cái cuống rốn đen thui, khô quắt, không biết được cái nào anh cái nào em. Bố vẫn nói đây là gia tài của bố. Bố đã kể các con nghe bao câu chuyện về cái rốn, những câu dân ca, những chuyện cười hả hê, những thành tựu khoa học chung quanh cái rốn. Bố đã từng biểu diễn rốn cười rốn khóc bằng cách dùng ngón tay túm phần da rốn kéo lên kéo xuống. Rồi ba bố con mình thỉnh thoảng lại cụng rốn với nhau... https://thuviensach.vn Ngày con trai rụng răng sữa, đưa cái cửa sổ ra xấu hổ mỗi khi nói cười, phụng phịu bảo: "Bố ơi, bạn con nói con sún". Ông bố nâng mặt con lên trên đôi bàn tay, thì thầm: "Bạn con không bao giờ biết được điều này... ". Vừa nói, ông bố vừa thổi vào khe răng của con tiếng gió vi vi vo vo vù vù. Con trai cười sung sướng vì biết được mình đang sở hữu một nhạc cụ tuyệt diệu của tạo hóa. Thế là mỗi khi đón con từ trường học về, bố luôn luôn phải "thổi nhạc vào răng". Đến bây giờ bố vẫn chưa tìm được từ hay hơn để diễn tả. Bố nhớ hoài "thổi nhạc vào răng", đó là cách con yêu cầu bố làm. Ngày con gái cười khoe răng sún, hai cái răng cửa vội vã chia tay bay về trời làm mây. Bố kể với con thế đấy. Con đã khóc khi anh Hai chọc phá, bảo con là cô bé ham ăn, ăn mất cả răng mình. Con còn nhớ bố đã mở cuộc thi ăn spaghetti không được há miệng không? Con gái của bố là người thắng cuộc. Bố đã nói nhỏ với con, chỉ con cách cho sợi mì vào "cửa sổ", hút một hơi, sốt cà chua dính vào mũi con, làm anh Hai cười sặc sụa. Chiếc HỘP KỲ DIỆU chứa đựng kỷ niệm về các con, về chúng ta. Mỗi khi mở ra, bố mỉm cười an nhiên. Sợi tóc Sáng, chải tóc cho con gái, tóc con rụng nhiều. Xót. Bác sĩ bảo tóc rụng là bình thường, rụng rồi sẽ mọc lại. Lúc mọc không thấy, chỉ thấy sáng nào, tối nào cũng vài mươi sợi. Xót. Bác sĩ bảo ngày con làm thiếu nữ, tóc con sẽ nhiều hơn, dầy hơn, đẹp hơn. Biết thế, nhưng vẫn... Xót. Ngày ngày nhìn tóc con rơi rụng, bất lực nhìn, mân mê sợi tóc trên tay, thương lắm bé ơi! https://thuviensach.vn Tóc màu gì? Vàng, nâu, đen, hoe, hồng, đỏ, ủng? Sai. Tóc màu cầu vồng. Mỗi sáng lóe bảy sắc màu trên tóc con, óng ánh ngay tầm mắt, trên đường đưa con đi học. Mỗi sáng, tóc con đều khoe bảy sắc màu, lung linh, sóng sánh. Thuở mới biết yêu, tôi đã từng giữ lại một sợi tóc người ta rơi, đính vào trang giấy trắng, ghi lại ngày tháng vô tình. Tôi vẫn ghét cùng cực sợi tóc vướng vào thức ăn. Ghét lắm, ghét lắm, nói hoài với chị giúp việc: Hết sức cẩn thận, đừng để tóc lẫn vào rau. Vậy mà có lúc, vướng sợi tóc dài thật dài, đen thật đen. Không bực, không giận. Vì biết đó là tóc con. Thương lắm bé ơi! Đến rồi hả con? Con gái thương yêu! Bố có ba câu nói quan trọng dành cho ba thời điểm quan trọng của cuộc đời chúng ta. Ngày hôm qua bố đã sử dụng một câu rồi. "Đến rồi hả con?", bố đã hỏi khi nhìn thấy con lúng túng, bối rối. Con vội vàng "Dạ" rồi bẽn lẽn khép cửa phòng riêng. "Đến rồi hả con?", bố đã hỏi lúc 14 giờ 10 phút ngày 11 tháng 9 năm 2009. Có lẽ con là người phụ nữ hiếm hoi sẽ nhớ được chính xác thời điểm mình bước qua ngưỡng cửa của thế giới người lớn. "Đến rồi hả con?", điều đơn giản bình thường ai ai cũng trải qua, ấy thế mà nó cũng là nguyên nhân để bố lâng lâng vui và lâng lâng buồn. Bố vui vì con lớn và có chút buồn vì con không còn bé thơ. Bố đã từng ôm ghì con https://thuviensach.vn vào lòng và năn nỉ con đừng lớn nhé, cứ mãi thế này để bố được ôm con. Bố đúng là dở hơi, con nhỉ! Bố đã đưa con đi cắt tóc, khoảnh khắc con chờ đợi bấy lâu nay. Đích thân chú Lũ tiệm Đông Kinh cắt cho con. Bố muốn con có kỷ niệm đẹp trong đời. Bố muốn con hạnh phúc khi nghĩ về tuổi thơ của mình. Bố muốn con vui với những gì con có. Con đã là thiếu nữ rồi đấy. Cậu thanh niên sấy tóc cho con vừa bắt đầu mở lời vo ve đã đóng sập mồm khi nhìn ánh mắt bố. https://thuviensach.vn Bố tặng con một tấm thiệp với lời chúc thân thương, một bó hoa lavender tím man mác, ôm nhẹ vai con và thì thầm: "Bố luôn hãnh diện vì con". "Đến rồi hả con?" là ngày con gái bước vào ngưỡng cửa của thế giới người lớn. https://thuviensach.vn "Con đi an vui nhé!" là ngày con bước vào cổng trường đại học ở một nơi rất xa. "Con về hạnh phúc nhé!" là ngày con từ giã bố để về nhà chồng, sống cuộc đời của riêng mình. Mỗi lần nói ra một câu như thế, tuổi bố càng nhiều hơn, quỹ thời gian càng ngắn lại, tình yêu của bố dành cho con càng cao ngất, sự trống trải bên trong bố càng sâu thêm. Yêu thương con, luôn luôn và mãi mãi. Thư gửi người sắp lớn Thư được viết tay, bằng bút mực, bỏ vào phong bì dán kín, bên ngoài có dòng chữ: Con sẽ mở ra khi nghĩ mình muốn làm người lớn nhé! Ngày... tháng... năm... Con gái thương của bố, Bố nghĩ rằng con sắp làm người lớn. Làm người lớn sẽ có nhiều vui buồn, bâng khuâng, lo toan, vất vả, nhưng cũng thú vị và không thể tránh được. Con sẽ có những thay đổi tâm lý, sẽ suy tư hơn. Sẽ tự hỏi về mình và về mọi việc quanh mình, sẽ mất dần sự hồn nhiên trẻ thơ. Sẽ thích điều trước đây chưa bao giờ thích và sẽ ghét điều trước đây chưa bao giờ ghét. Barbie sẽ trở thành kỷ niệm và Teddy sẽ trở thành vật trang trí. Nghe kỳ cục nhưng nó là vậy đó. Bố muốn kể con nghe câu chuyện về đóa hoa hướng dương, loại hoa mà con rất thích. Trước khi đóa hoa hướng dương nở tươi đón nhận ánh sáng mặt trời và rực rỡ khoe cánh lung linh, đóa hoa đã phải trải qua giai đoạn chồi-nụ-nứt bung. Mỗi một giai đoạn như thế, có lẽ đóa hoa cũng ngỡ ngàng, bối rối và có chút lo lắng. Con cũng thế, con gái cưng của bố ạ. Một đêm thức dậy, con sẽ thấy ngực mình nhức nhức, mùi mồ hôi mình khang khác. Bên ngoài cửa sổ https://thuviensach.vn phòng con nắng sẽ lung linh hơn. Con nhạy cảm hơn với tiếng động, ánh sáng và có thể con sẽ khó chịu với tiếng nước róc rách. Khi điều đó đến, hãy vui con nhé, vì con đang bước một bước đầu tiên vào thế giới người lớn. Con sẽ xinh hơn, tóc con sẽ mượt mà hơn, sẽ lớn nhanh hơn, quần áo sẽ chật và ngắn nhanh hơn. Con sẽ thích thích, ghét ghét, nhớ nhớ, vui vui... chợt đến chợt đi... Hãy tiếp tục viết nhật ký, ghi lại suy nghĩ, tình cảm của mình như con vẫn làm nhiều năm nay, bé cưng nhé. Rồi con sẽ gặp một tình huống mà bất cứ những phụ nữ nào cũng phải gặp. Đừng sợ, đừng e ngại, đừng bối rối, đừng lo lắng con nhé. Nó sẽ đến mà không báo trước, trong lúc con ngủ, trong khi con học, trong lúc con chơi, trong khi con cười... https://thuviensach.vn Con có nhớ quảng cáo của "Xì Tin" không. Đó là lúc con sẽ sử dụng rồi đấy. Chuẩn bị sẵn một cái trong cặp, hoặc trong phòng tắm của con, hoặc trong ngăn tủ bí mật của con. Sẽ cần đến nó, bố nghĩ rằng con biết cách sử dụng, nếu không biết, hãy mạnh dạn hỏi, con nhé! Trường hợp đó, y học gọi là chu kỳ kinh nguyệt, mỗi tháng xảy ra một lần, kéo dài khoảng bốn ngày. Trong thời gian đầu của con, sẽ không đều đặn, tháng có tháng không, khi nhiều khi ít. Tất cả những điều đó là bình thường, con ạ. Con sẽ thấy một ít (hoặc nhiều hơn một ít) màu khác ở đáy quần lót. Bố tin rằng không phải vì con té ngã hoặc vì con sâu chui vào, đó chỉ là dấu hiệu cho thấy bé cưng của bố đang bắt đầu làm thiếu nữ. Khi điều đó xảy ra, con chỉ cần vào phòng vệ sinh, thay quần lót, rửa cái hoa, lắp băng vệ sinh loại mỏng vào đáy quần, mặc lại vào, thế thôi, đơn giản. Khi con bước ra khỏi phòng vệ sinh, hít một hơi dài, ngẩng mặt lên, ưỡn vai ra và mỉm cười: "Mình đã là người lớn" Tất cả những điều đó là bình thường, con đừng quá sợ và quá lo lắng nhé. Bố chỉ có thể nói với con là: "Chào mừng con vào thế giới người lớn". Bố yêu thương con thật nhiều, bây giờ và mãi mãi về sau. E-mail cho con gái - Bố ơi, một ngày bố có bao nhiêu cái e-mail hả bố? - Công việc thì chừng 60, trực tiếp bố giải quyết chừng 25, còn lại chỉ là thông báo để biết. Mail cá nhân thì khi có khi không. Có chi không con? - Thiệt hả bố? Sao nhiều vậy bố? - Ừ, bố phải đi làm mà, sao con lại hỏi thế? - Vì từ lúc tạo địa chỉ e-mail tới giờ, con chưa nhận được cái e-mail nào hết, cả năm rồi đó bố. Nếu đăng ký vào trang web của Hanah Montana hoặc Barbie, con chỉ nhận được một cái mail chào mừng. - Con có muốn bố gửi mail cho con không? - Dạ có, con thích lắm đó bố! https://thuviensach.vn - Con có muốn bố thông báo cho các cô chú bạn bố gửi mail cho con không? Bố không biết các cô chú sẽ nói gì với con, nhưng con sẽ phải trả lời mail khi nhận được. - Dạ, con thích lắm. Có hộp thư mà không nhận được cái thư nào, thấy nó buồn buồn sao đó bố... Từ hôm nay, ông bố bắt đầu viết thư cho con gái, một tuần hai lần. Chằn tinh Xem hình em bé, rồi lại được đi thăm đầy tháng Gia Hân, bế em bé trên tay, bỗng nhận ra mình là một con chằn tinh già nua, mập ú, xấu xí. Mình thích bồng bế, vuốt ve làn da đỏ hồng mịn màng của em bé. Bên dưới lớp da mỏng tang như giấy quyến đó là những bông sữa trăng trắng, tròn tròn, đôi bàn tay bé tí quơ quơ, đôi bàn chân bé xíu chao chao. Mình thích ngắm ngấu nghiến sự yếu ớt phập phồng của sinh linh bé nhỏ, cảm nhận cái bụng căng tròn, cái rốn đen đen, cái cổ ngập ngừng gật gù, đôi mắt tinh anh đen sẫm nhìn không chớp. Thích cả cái mùi thơm ấu nhi, chắc mình là chằn tinh thiệt rồi. Nghe mùi thơm con trẻ, tự nhiên nuốt nước miếng, thèm cắn một cái, cắn không ngập răng, cắn vừa đủ độ bập vào, dây dây cù cưa cù nhày. Sợ em bé đau nên chỉ dám bập bằng môi, dùng môi làm vật độn che bớt hàm răng thô bạo sắc cạnh lúc nào cũng chực chờ ngấu nghiến thịt trẻ thơ. Mình thích đôi bàn chân bé tí, những ngón chân ngoe nguẩy vung vẩy theo một trình tự bất kỳ. Mình cũng thích đôi bàn tay, những ngón thon dài vụng dại. Thích đưa ngón tay khổng lồ đen đúa lông lá của mình vào lòng bàn tay em bé. Em bé nắm chặt lại, ngón tay em bé bao quanh ngón tay mình như những sợi dây tơ hồng mũm mĩm. Vì là chằn tinh nên mình chả quan trọng chuyện giới tính của con mồi, trai gái đều dùng được. Mình thích dúi cái mũi vào nách bọn trẻ để chúng cười ngặt nghẽo, thích cù vào mông để chúng ưỡn người cau có, thích vuốt https://thuviensach.vn vuốt những sợi tóc lơ thơ để chúng nằm qua một bên, đưa cái thóp phập phồng hồi hộp. Vì là chằn tinh nên mình có thể bế trẻ con bằng một tay. Tay kia làm được nhiều việc cần thiết còn lại: lau chùi, đút bú, vuốt ve, đánh đập, ngắt nhéo, vỗ về... Nghĩ đến chuyện cắn trẻ con, tội nghiệp bé Ti nhà mình quá. Ông bố lúc nào cũng sẵn sàng cắn con bé, chơi đùa với con một chút sau là "Ui da, bố cắn con đau quá bố!", "Sao bố không thấy đau?", "Bố cắn mà bố đau sao được". Mắt lại rơm rớm đỏ hoe, đau ít nhõng nhẽo nhiều... "Nếu bố cắn mà con nói đau, bố sẽ cắn nữa. Nếu con muốn bố không cắn tiếp, con hãy nói: Ôi sung sướng quá!", "Không chịu, bố ăn gian... ". Một lúc sau, và những lần sau đó, giọng con gái cất lên, đau đớn, bực bội, khó chịu, gắt gỏng, cau có: "Ôi... sung... sướng... quá!". Ta là chằn tinh, chuyên ăn thịt trẻ con đây... Xin lỗi con Bữa cơm tối lạnh tanh. Bố xin lỗi hai con vì thái độ của bố hôm nay im lặng, hằn học, nóng nảy, cáu gắt, gầm gừ... Hai con như bị khủng bố tinh thần, im lặng ăn, im lặng học, im lặng ngủ, im lặng đi... Một dòng không khí đặc quánh trĩu nặng, đông cứng trong nhà mình, tưởng chừng có thể xắn ra được từng khối. Bố thương hai con quá, lại phải chịu đựng tính khí bất thường của bố, lại phải gánh vác sự mệt mỏi của bố. Bố vào phòng hai con, buồn quá. Hai khuôn mặt ngủ bình yên như một sự tha thứ. Bố ngồi vân vê từng ngón tay con gái, vuốt má con, luồn tay vào mớ tóc dày cứng của con trai. Bố muốn nói lên bằng lời, xin lỗi con, bố sẽ điều chỉnh. Bố biết các con sẽ cười và nhẹ nhàng cho qua, nhưng trong bố, chẳng thể nào nhẹ nhàng cho qua. Chưa bao giờ con gái bị đánh đòn thực sự. Một lần duy nhất bị phát vào mông bằng tờ báo cuộn lại, tiếng kêu to làm con gái giật mình khóc sưng cả https://thuviensach.vn mắt. Con trai vẫn bị bố bắt nằm sấp, quất roi vào mông. Chưa bao giờ bố đánh đòn con vì sự tức giận của bố. Bố phải đánh đòn con bằng lỗi của con. Bố vẫn nhớ cảm giác vừa buồn vừa xấu hố khi vào chợ mua roi mây để đánh đòn con! Có hai điều bố tuyệt đối không làm, không bao giờ làm. Đó là đánh con trong lúc con ăn và trong khi con ngủ. Bố xin lỗi con, cả ngày hai đứa đi học, chỉ có bữa cơm tối bên nhau, bố đã để cảm xúc cuộc đời len vào hai con, để hai con sợ hãi, xa lánh, né tránh, bố càng thêm đau. Đêm, lại mất ngủ, lại phải uống thuốc, lại phải kiềm chế những cơn điên chợt đến chợt đi, đè nén những cơn đau chợt ẩn chợt hiện. Sự ngu xuẩn của người lớn là đặt nỗi buồn không đúng chỗ. Con ơi, bố có thể là con thú đối với cuộc đời, nhưng bố luôn luôn và mãi mãi là bố của các con, luôn yêu thương và chăm sóc con vô điều kiện, không cần lý do, không cần suy nghĩ. Xin lỗi hai thiên thần của bố! Một nửa sự thật Một nửa mẩu bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không là sự thật Con ạ, bố gần như luôn luôn nói với con và bà nội một nửa sự thật, đối với tất cả những gì liên quan đến bố. Khi bố thất nghiệp, bố không dám nói với con, với bà nội, vì bố sợ mang lại gánh nặng vô hình cho người thân. Bố nói rằng bố bận rộn lắm, vẫn ra khỏi nhà buổi sáng và về lại buổi chiều, bố ngồi đâu đó, một mình, nghĩ và nghĩ. Có lẽ con sẽ ngạc nhiên khi biết sau mỗi lần bố đánh đòn anh Hai, bố ngẩn ngơ mất vài ngày. Bố buồn vì nhìn anh Hai đau đớn dưới ngọn roi, nhìn vết tím trên đùi anh Hai, miếng cơm trong miệng đắng nghét. Bố không hung dữ và mạnh mẽ như hình ảnh con nhìn thấy. https://thuviensach.vn Bố chẳng thể nào nói về nỗi buồn của mình, nó được quấn chặt nhiều lớp vải thô, như đồ sơn mài được làm cốt. Mọi người chỉ có thể nhìn thấy hào quang ánh sáng, nước sơn bóng lộn, nhưng không nhìn thấy những tấm vải quấn chặt cốt gỗ, không làm cho nứt nẻ bung tróc với sự thay đổi của thời tiết, thời gian. Hôm vừa rồi, bố trình bày thành công một đề tài có các quan to sếp bự, ai cũng vỗ tay, hồ hởi, phấn khởi. Bố vui và hãnh diện lắm, bố ao ước có một ai đó trong số người thân của mình bên cạnh, để cùng vui, để chia sẻ, để bố được khoe cái trẻ thơ của mình. Bố đã ra hành lang, hút một hơi thuốc, im lặng. Ngày xưa, khi bà nội đi buôn hàng chuyến, lúc bố chín-mười tuổi, bố ở nhà một mình, tự chăm sóc, tự học, tự lo, tự làm người lớn và làm con nít, tự làm con trai và làm con gái... Bố ít được gặp bà nội, bà về khi bố đã ngủ, đi khi bố chưa thức dậy. Bố nhớ bà nội dùng giấy khai sinh của bố để chen lấn mua vé xe, vì thế bố mang giấy khai sinh vào trường bị nhà trường trách mắng. Bố phải đi xin giấy phép đi đường và khai báo tạm vắng cho bà nội. Bố đi chợ, nấu ăn, chăm nom nhà cửa, lại còn nuôi được bầy gà vịt và trồng một vườn chuối. Lúc bố thái chuối cho vịt ăn, ngón tay cái bên trái đã bị con dao thái chuối cắt vào, sâu hoắm, máu đỏ cả một khoảng sân, lem lên cả thành giếng... Bố ở nhà một mình, làm mọi chuyện một mình, và nói với bà nội một nửa sự thật. Khi bà nội hỏi: "Con có sợ không?", bố đã trả lời dõng dạc: "Dạ, không". Thật ra, bố có sợ, bố sợ ma con ạ, hình như đứa nhỏ nào ở tuổi bố, hoàn cảnh bố cũng thế. Nhà là những miếng ván bóc ra từ thùng đạn đại liên ghép lại, mái tole thiếc tole nhựa chen lẫn thấp lè tè, chống nóng bằng bao cát may lại căng bên dưới mái tole. Thời đó cúp điện hàng đêm, chỉ có điện vào chiều đến chập tối, tạo ra một thứ ánh sáng vàng vọt của bóng đèn tròn không đủ điện thế. Bố sợ ma. Bà nội bảo để ngọn đèn dầu hột vịt giữa nhà vặn tim nhỏ để thấy đường đi tè buổi tối, không bị cháy nhà. Ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu tim nhỏ hắt bóng mờ ảo lên vách gỗ, tạo ra những hình ảnh chuyển động theo trí tưởng tượng tuổi thơ. Bố sợ ma, sợ những hình ảnh mình nghĩ ra sau khi đọc say mê ngấu nghiến những https://thuviensach.vn trang sách Một trăm ngôi mộ giả của Tần Thủy Hoàng, Truy tìm mộ Tào Tháo, Pharaon và những lời nguyền, Ông Bảy thầy pháp, Con quỷ một giò, Thuyết Đường... Những Triệu Cao, Lý Tư, Tôn Tẩn, Bàng Quyên về cùng bố trong đêm. Bố sợ ma nhưng bà nội không bao giờ biết điều đó. Bố cho con nửa sự thật, các con chỉ nhìn thấy bố vui cười, nhiều bạn, đi đến đâu cũng gặp người quen, ăn ngon mặc đẹp. Các con chẳng bao giờ biết bố mất ngủ trong đêm, chẳng bao giờ biết bố buồn, chẳng bao giờ biết bố khóc. (Có chủ quan không nhỉ? Hình như con biết, và con giỏi giấu sự biết của mình). Những khi mưa đêm, bố thường không ngủ được. Tiếng mưa đêm ầm ì, xa vắng, buồn và cô độc. Bố nhớ khi còn bé, mưa đêm nhà dột, bố phải dậy, hứng nước. Nếu mưa to hơn, bố phải đội nón ra dời mấy ổ gà vì sợ nước trôi, dời củi vì sợ ướt, dời thau chậu vì sợ nước cuốn đi. Bố đã ngồi co ro nghe mưa và chờ mưa qua. Bố đã khóc vì sợ và đã ngủ say trong sự co ro tuổi thơ của mình. Bây giờ nhà mình không nghe được tiếng mưa đêm gõ nhịp dồn dập khoan thai lên mái tôn, các con ngủ say bình yên, bố lại mất ngủ vì thói quen vô thức của mình. https://thuviensach.vn Hạnh phúc Hạnh phúc là duỗi chân, vươn tay cầm ly rượu sóng sánh ánh nâu sẫm, xoay xoay trong tay, nếm nếm từng ngụm nhỏ. Hạnh phúc là ngồi quán khuya không còn khách, mình ta tận hưởng sự tĩnh lặng trong đêm. Hạnh phúc là nằm co ro ngủ dưới chân con, vươn tay ra có thể chạm vào đôi chân chắc nịch to đùng của con trai, ngủ lịm trong tiếng rì rầm mưa đêm. Hạnh phúc là thức giấc trong chăn ấm, con trai đi học sớm, choàng chăn qua đắp cho bố trước khi ra khỏi phòng. Im lặng cuộn mình hít hà hơi con, nồng nồng đượm đượm mùi thằng đàn ông sắp lớn. Hạnh phúc là thả hồn thơ thẩn trong phòng con trai. Lãng đãng nhìn quần áo giày vớ treo giăng khắp phòng, sách tập, bút viết, tạp chí ngổn ngang, hỗn độn như trận động đất vừa tràn qua. Khuất sau chồng đĩa nhạc là lá thư mình đã viết cho con trai từ lâu rất lâu. Hạnh phúc là khoảnh khắc đi công tác xa về, con gái ôm chầm, choàng tay qua cổ. Tóc con quấn vào mặt, vào tay, tiếng con rưng rưng nấc nghẹn: "Con nhớ bố quá bố ơi". Lặng người như trĩu, cảm giác mắc nợ con một tấm lòng. Hạnh phúc là giữ lời hứa với con gái, năm ngày để râu không cạo, cho con làm cô tiên hóa phép biến bố từ ông già lang thang thành hoàng tử chói lòa. Hạnh phúc là tài khoản trống rỗng, lo lắng với các khoản chi đầy ắp đầu năm học của hai con. Bỗng tin nhắn 997 thông báo tiền đã chuyển về, thở phào nhẹ nhõm. Hạnh phúc là học trò thì thầm với nhau khi viết bản đánh giá sau khóa học: "Thoáng tay vào chúng mày, để thầy còn có chút sữa về nuôi con". Hạnh phúc là được sống hòa lẫn nhưng không hòa tan với đa vùng miền. Hạnh phúc là thương yêu và được yêu thương. https://thuviensach.vn Hạnh phúc là khoảnh khắc sợ mất điều mình đang giữ, để cố giữ nó tinh khôi như vốn có. Gỏi bệt Chiều qua, đón con gái, rẽ qua Hai Bà Trưng góc Võ Thị Sáu, dừng lại vỉa hè, chống xe, khóa cổ, hai bố con ngồi bệt ăn gỏi đu đủ. Quán không bàn ghế, không bảng hiệu, không đồng phục, không tiếp thị. Cũng không gọi là quán, chỉ đơn giản là "Gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám". Người ta lót sẵn bìa simili lên bậc thềm, không cần gọi, tự nhiên xuất hiện hai đĩa khô bò trên tay. Con gái sung sướng trộn trộn trộn, gắp gắp gắp, nhai nhai nhai. Ông bố hướng dẫn con thêm tuyệt chiêu húp húp húp. Xì xụp hai bố con đánh chén, giành nhau đổi nhau từng mẩu khô bò đen đen, từng mảnh đậu rang vàng vàng, từng cọng rau thơm xanh xanh. Lại còn cụng dĩa, cụng đũa, cụng mũi. Ngắm người, ngắm xe, ngắm cây, ngắm lá. Nghe con, nghe khách, nghe chiều, nghe tiếng còi xe. https://thuviensach.vn Con gái muốn xin thêm chút tương ớt, bố lười gọi, trút phần của mình cho con. Đổi lại, bố xin con miếng bánh phồng giòn ruộm. Hai bố con xuýt xoa: thơm ngon, chua ngọt, cay mặn, toe lưỡi, toe môi... Bố gọi: "Em ơi, tính tiền!". Cô bán hàng nói vọng lại: "Thầy ơi, có mấy cô chú học trò trả tiền cho thầy rồi". Chết rồi. Thầy giáo ngồi vỉa hè, mặc quần shorts, tranh ăn với con, cười hô hố, húp xì xoạp. Thầy giáo bị soi mà không biết. Con gái cười tủm tỉm: "Bố oai ghê, đi đâu cũng gặp người quen, ngồi vỉa hè mặc quần đùi cũng có người trả tiền ăn". Quê ơi là quê! https://thuviensach.vn Lặng Hai giờ sáng, đi vào phòng con gái, nhìn con ngủ, kéo chăn lên đắp, vén tóc xõa vào mặt, hôn con thật nhẹ, sợ con thức giấc, khe khẽ vân vê từng ngón tay con. Ngồi nhìn con ngủ say. Lên lầu, vào phòng con trai, nằm gối đầu lên tay con, hít cái mùi chua chua của mồ hôi, ôi ôi của giày vớ bẩn. Lại xuống phòng con gái, ôm con thật chặt, Ti ơi, bố thương con nhiều lắm, nhiều lắm! Con gái trở mình. https://thuviensach.vn Nhích người ra, chỉ để lại bàn tay chạm vào vai con. Đêm yên lặng. Không internet. Không nhạc. Không sách. Không ti vi. Không đèn. Ngồi trong bóng đêm. https://thuviensach.vn Chờ sáng. Trẻ con Cuối năm, người bạn béo rủ đi xem bói: "Ngốc ơi, con gái tớ bảo chỗ này hay lắm, đi không?" Mình nhận lời trong trạng thái vô thức, có chút hồ hởi. Hai đứa béo như hai con tê giác lồm cồm bò lên tầng gác vừa tối vừa hôi vừa dốc ngược vừa bé tí, để chiêm ngưỡng và lắng nghe lời phán của thầy bói. Thầy bói là một người đàn bà trạc ngoài ngũ tuần, béo, bẩn, móng tay dài đen kìn kịt, quần tà lỏn cháo lòng, áo may ô ngả màu theo năm tháng không kèm giảm sóc, hàng họ ngỗn nghện tuôn trào. Buồn cười người bạn béo, một người lừng lẫy Bắc-Nam, xuyên suốt Đông-Tây, thế mà ngồi thành kính nuốt từng lời phán dạy. Chuyện tình duyên gia đạo, chuyện xưa chuyện nay... Đến phần mình, nghe trong sự uể oải. Cuộc đời, sự nghiệp của một con người lại thể hiện trên những lá bài sờn rách cũ mèm thế này ư? Nghe trong sự thờ ơ, vài điều trong quá khứ, vài điều về tương lai... Có vài chi tiết gây chú ý: "Sắp có người trả tiền cho cậu, số tiền cậu nghĩ là đã mất, tôi cam đoan với cậu như thế. Lá bài này nói như vậy, nếu không có cậu đến đây gặp tôi"... Chuyện này cần chú ý. Có người trả mình tiền. "Nhưng cậu phải chú ý cẩn thận chuyện trong nhà. Năm nay cậu xui lắm, con gái cậu có thể bị phỏng. Nặng nhẹ tui chưa biết, nhưng có phỏng". Thầy bói nói mà, chờ đó! Nhưng sắp có tiền, sắp có tiền! "Cậu có một tình yêu lớn, nhưng nó làm cậu tan nát". Chuyện xem bói mau chóng đi vào quên lãng, vì đổi job, vì cổ phần cổ phiếu, vì Tết, vì ham ăn ham chơi... Đột nhiên có cuộc điện thoại lúc 10 giờ đêm: "Chào anh, em là H. Anh khỏe không? Chắc anh quên em rồi, đã bốn năm rồi còn gì. Mai anh em mình café ở Terrace nhé". https://thuviensach.vn Hàn huyên câu chuyện, và cuối cùng, tin nổi không: "Anh cho phép em trả lại. anh số tiền... Em tính toán rồi anh ạ, em xin lỗi anh, xin lỗi anh nhiều và cảm ơn anh cũng rất nhiều. Em quá khó khăn và anh lại quá tốt với em". Hey, một dãy số có sáu số không phía sau! Được đấy! Vui, cả ngày liên hoan ầm ĩ, trả nợ chút này, mua thêm chút kia, còn dư chút đỉnh... Chợt lạnh người. Bà ấy đã nói đúng một phần. Còn chuyện con bé bị phỏng thì sao? Trời ạ, tôi ghét phải biết trước tương lai. Ước đừng có cuộc điện thoại xin trả tiền. Ước gì tiền có thể mua được sự bình an... Suốt năm ngày liên tục, hì hục các chương trình huấn luyện phòng cháy chữa cháy, phòng phỏng - không chữa phỏng cho hai nhóc. Nào là tập cho hai nhóc thoát hiểm khi nghe mùi khói, bấm giờ khi hai nhóc chạy ra. Thằng anh phải cầm tay và đưa em ra, hai đứa không được chạy một mình. Nào là chìa khóa nhà luôn đặt đúng vị trí để có thể với tay ra lấy mà không phải đi tìm. Nào là hệ thống báo khói, nào là chỉ dẫn in ra dán vào bếp gas, microwave. Nào là dặn dò cách nấu ăn, cách phòng ngừa những khả năng bị phỏng... Hai đứa nhỏ choáng với ông bố tâm thần, hoang tưởng, sợ hãi. Ông bố miệng thì giải thích, chân chạy thử, tay chỉ trỏ. Hai nhóc làm theo. Buồn cười vì đây lại là trò chơi thú vị bố mới sáng tác. - Chạy thoát hiểm, cúi đầu thấp nếu có khói, bỏ hết tất cả lại không mang gì theo, chỉ cần thoát ra ngoài... Lần chạy thử đầu tiên, 13 phút, lần thứ nhì 7 phút, lần thứ ba 4 phút. - Thế là được rồi, cố nhanh lên con nhé... Cái gì thế này? Bố đã bảo là không mang gì ra, cố mà chạy thoát thân. Nhiều người chết ngu ngốc vì mớ tài sản vớ vẩn. Lo cứu mạng người thôi. Nhớ không? Sao con không nghe lời bố? Thằng anh trầm giọng xuống: - Bố à, con gấu mềm này mẹ mua cho Ti hồi sinh nhật. https://thuviensach.vn Con bé mắt đỏ hoe. Bố bối rối. Im lặng... Im lặng... Ông trời, hai đứa nhỏ là cả cuộc đời tôi. Nếu có xảy ra chuyện gì, xin hãy xảy ra cho tôi, với tôi, chính tôi. Xin đừng xảy ra với con tôi, xin hãy trừng phạt tôi với những gì tôi đáng phải chịu. Nếu hai đứa nhỏ nhà tôi có chuyện gì, tôi biết tôi sẽ sụp nát, đổ vụn. Phát tâm nguyện ăn chay, không bỏ lễ, làm điều thiện trong ba mươi ngày, với một niềm hy vọng - điều bình an cho con. Chả biết bao giờ mình mới làm người lớn nữa. Nhà Nhà thiếu cha như nhà thiếu nóc, chưa gọi là hoàn chỉnh, nắng mưa đều đưa đầu chịu báng, thiếu sự che chở, nép kín, bảo bọc. Nhà thiếu mẹ như nhà thiếu vách, chỉ có được cái mái che, còn lại là trống hoác tứ bề, một cơn gió cũng lao xao, trống trải, mênh mông. Nhà thiếu con là nhà rỗng không. Một căn nhà có nguy nga lộng lẫy, vườn tược cắt tỉa, cổng cao rào kín, vật liệu đắt tiền, nhưng thiếu con, căn nhà rỗng, không bàn ghế, giường tủ, bếp núc. Thiếu nóc, người ta không gọi là nhà. Thiếu vách, người ta gọi là chỗ trú tạm. Thiếu vật dụng, người ta gọi là hoang vắng. Nóc ngói không thể phủ vách lá. Tường đất, mái lá không thể chứa đựng sập gụ, trường kỷ. Điều kỳ diệu là khi túng quẫn, người ta bán nhà, nhưng người ta thường mang vật dụng theo mình. Điều kỳ diệu là tất cả những căn nhà bỏ hoang, nóc nhà thường rệu rã xuống cấp nhão nát trước vách nhà. https://thuviensach.vn Điều kỳ diệu là người ta có thể quét vôi sơn phết vách nhà, chẳng ai tô điểm nóc nhà. Đố Thằng anh đố cô em gái: - Anh Hai đố Ti, bà Âu Cơ khác những người phụ nữ thời nay ở chỗ nào? Ti thiệt thà: - Bà ấy có quá nhiều con. - Sai, biết sao không? - Sao hả anh Hai? - Cái tí của bả bự khổng lồ, và có 100 cái vòi. Mấy hôm sau: - Ti đố anh Hai, bà Eva có cái gì khác mình? Thằng anh vò đầu bứt tai, nghĩ không ra. - Bả mọc ra từ xương sườn ông Adam, đúng không? - Sai, ừ mà cũng đúng, nhưng không phải ý của Ti. Thằng anh gắt giọng: - Đúng rồi thì thôi, còn ý gì nữa! Con em mặt xìu lỉu, giọng hờn dỗi: - Ti định nói là bả không có cái rốn. Nếu có 2012 (Viết sau khi cùng xem phim 2012 với các con) Nếu có 2012, bố sẽ không bắt tụi con dầm mình trong tuyết, nhúng mình trong nước, trải mình qua những con sợ hãi tột cùng. Nếu có 2012, bố sẽ đưa tụi con lên đỉnh Yellow Stone, để cùng ngắm khoảnh khắc khai thiên lập địa, để cùng chạm vào nhau lần cuối và tan ra mãi mãi. https://thuviensach.vn Nếu có 2012, chúng ta sẽ hưởng thụ được cảm giác sống cùng người thân và chết cùng người thương. Chúng ta luôn ở bên nhau, từ giây đầu tiên đến phút cuối cùng của cuộc đời. Nếu có 2012, bố sẽ không phí hoài một cuộc điện thoại chỉ để nói với con rằng bố yêu thương con, vì tụi con đã được tắm mát vùng vẫy thỏa thuê từng ngày trong tình yêu thương của bố từ ngày con vừa chào đời. Nếu có 2012, bố sẽ không lãng phí tiền để mua một suất tồn tại, bố không đưa tụi con trở về thuở hồng hoang sống như bộ lạc. Số tiền đó sẽ dùng làm chuỗi ngày tươi vui hạnh phúc cho tụi con và tất cả những ai có thời gian muốn tận hưởng cùng con cái của mình. Nếu có 2012, bố sẽ không khóc, bố sẽ ung dung điềm tĩnh và vui đùa cùng tụi con. Bố sẽ kể con nghe vài nghìn năm sau nhân loại sẽ tìm thấy ba bộ xương hóa thạch của bố con mình dính chặt lấy nhau, tay cầm tay, miệng vẫn cười, yêu thương, gắn bó. Khi ấy loài người sẽ đưa mình vào viện bảo tàng và gọi mình là nhân chứng tình thương. Nếu có 2012, bố vẫn chải tóc, cắt móng tay chân con, vẫn ngoáy rốn con, vẫn cụng bụng với con, vẫn hôn con và cắn con. Nếu có 2012, hình ảnh cuối cùng đọng lại trong võng mạc của bố là bóng dáng của con, vật thể bố chạm vào cuối cũng là bàn tay con, mùi thơm cuối cùng bố cảm nhận được là mùi mồ hôi của con. Nếu có 2012, chúng ta không phải nói lời từ biệt nhau. Lời cuối cùng bố sẽ nói, vẫn như mọi ngày: "Bố yêu thương con, nhiều, hoài, mãi!". Cánh cửa cuộc đời Trước Tết, hai bố con cùng sơn lại cánh cửa ra vào. Chuẩn bị sơn, cọ, giấy lót, hai bố con, mỗi người phụ trách một cánh cửa. Hai chú béo cùng nhễ nhại mồ hôi, cùng tám chuyện trên trời dưới đất. Với thằng nhóc thì dường như cả thế giới đều lõm một lỗ to đùng, đó là ô tô. Xe nào, công suất bao nhiêu, ai mua, giá thế nào, thuế má ra sao... Đã https://thuviensach.vn thế nhóc còn khoe con là thành viên của Ô-tô Sài Gòn. Em Ti cũng là thành viên, khi nhóc anh post bài vở hình ảnh, nhường máy lại cho em gái vào khen tưng bừng. Thằng anh hướng dẫn con em cách khen cho nó có mùi Ô tô Sài Gòn. Em Ti vừa tiếp nước uống vừa tham gia công nghệ... tám: "Con cũng là thành viên, có nick đàng hoàng, mà con chỉ khen anh Hai thôi". Thiệt là bó tay với con tui. Gần ba giờ sau, hai cánh cửa sơn hoàn tất. Bố dọn dẹp rồi bảo con ngắm nghía tác phẩm của mình. Vết cọ không đều, loang lổ chỗ đậm chỗ nhạt. Nhóc có biểu hiện chán nản, muốn bỏ cuộc nửa chừng. Sơn rơi vãi tùm lum, văng tung tóe... Nói chung là tác phẩm của con xấu hơn tác phẩm của bố. Và đây là phần chính câu chuyện: - Con trai nhìn nhé, cánh cửa như cuộc đời con, mỗi nhát cọ là một ngày sống, con chỉ có thể có một cuộc đời/tác phẩm hoàn chỉnh nếu từng ngày/từng nhát cọ của con được chăm chút. Chẳng ai làm Thánh Gióng và chẳng ai làm tiến sĩ sau một đêm. Cánh cửa của bố đẹp hơn, chỉ vì bố có kinh nghiệm sống hơn con. Bằng tuổi con, có lẽ bố sơn cánh cửa còn xấu hơn con bây giờ. Người ta chỉ có thể chán nản và thất vọng với chính mình khi họ không cố gắng và luôn so sánh với người bên cạnh. Con nhìn vào cánh cửa bố sơn, con nói là phần của con xấu, nhưng bố lại muốn con nhìn cách khác. https://thuviensach.vn Con chỉ có một cánh cửa để sơn, một cuộc đời để sống. Nếu nó loang lổ xấu xí, không ai chịu thay con, không có cơ hội để làm lại. Nếu con cố tình làm lại từ đầu, cũng được, nhưng những người cùng sơn cửa với con đã đi làm việc khác, cao hơn, xa hơn, đẹp hơn. Con có thể học cách tính số lượng sơn, tính số thời gian cần sơn, cách pha sơn... Nhưng điều quan trọng là cách con sơn cánh cửa, cẩn thận, chăm https://thuviensach.vn chút, kiểm soát... Tất cả những điều đó như cuộc đời mình. Con biết ăn gì, ở đâu, bao nhiêu tiền, với ai, nhưng cách con ăn thể hiện chính con người con. Con biết cách làm ra tiền, nhưng cách con sống với đồng tiền làm ra nói lên giá trị của con. - Nhưng mình có thể thuê người khác sơn cửa cho mình mà bố. - Đúng, nhưng mình không thể thuê người khác sống cuộc đời của mình. - Bây giờ con sơn lại hay sao bố? - Không con, cứ để vậy. Với con, đó là bài học suốt năm nay. Với bố, đó là tác phẩm của con trai mình, dù vụng về ngây ngô, đó cũng là của con. Bố thích để vậy, ngày nào bố con mình cũng nhìn thấy. Cuối năm mình cùng sơn lại nhé, lần sau bố biết là con sẽ làm đẹp hơn. Nhóc cười và hích vào mông bố: - Bố khôn vậy mà sao bố không giàu? - Ai nói với con bố không giàu? Có nhiều người ở nhà triệu đô, đi xe tiền tỉ, chắc gì họ có hai đứa con giống con và Ti, chắc gì họ có thời gian để sơn cửa cùng con trai mình. Tối, lên phòng con trai, hai bố con nằm dài cùng nghe Beatles. Vui ghê. https://thuviensach.vn KỲ VỌNG Bất cứ điều gì con có, một ai đó sẽ vượt qua. Nhưng nếu con trung thực, chẳng bao giờ có ai trung thực hơn, vì bản chất sự trung thực là trung thực. Bước chân đầu đời Ngày con lẫm chẫm tập đi, bước chân con vụng về, ngón chân cái cong lên, lòng bàn chân úp xuống, con đứng chựng, con bước chập chững, từng bước chân nhỏ bé là niềm vui vỡ òa trong cuộc đời bố. Ngày con tập tễnh bước những bước chân đầu tiên, vất vả, khó nhọc, liêu xiêu, ngắn ngủi, từng bước một, đơn giản, nhỏ bé. Ngày con lóng ngóng tập đi, con không thể nào có những bước dài vững chãi, không thể nào có những bước đẹp khoan thai, nhưng bố biết và mọi người đều biết, điều đó sẽ đến với thời gian. Ngày con lũm chũm tập đi, con bước một vài bước rồi lại ngồi bệt xuống khóc nhè. Đôi lúc con hớn hở cười toe khoe bốn cái răng sữa bé tí. Ngày con lon ton tập đi, bố mang vào chân con đôi giày chít chít, để mỗi bước chân con đều phát ra tiếng động vui tai, để con hào hứng với những thành quả đầu tiên trong đời mình. Bước chân đầu tiên của con vĩ đại như bước chân đầu tiên của nhân loại đặt lên nền đất xốp cung hằng. Bước chân đầu tiên của con đủ để bố sung sướng phát rồ. Bố nhúng chân con vào mực, ấn vào giấy, để lưu giữ hình ảnh bàn chân con, bước đi đầu tiên của con. Con đã ngã, vấp, đau, khóc, nản, chán... nhưng con không bỏ cuộc, con vẫn đứng lên, đi tiếp, đi tiếp... để rồi vài tuần sau, vài tháng sau, con là đứa bé chạy nhảy tung tăng chân sáo khắp nơi. https://thuviensach.vn Đó là bài học đầu đời mà tạo hóa vô tình làm hành trang cho con vào cuộc sống. Bước đi, vấp ngã, vụng về, đau đớn, chao đảo... nhưng hãy bước tiếp, bước tiếp, từng bước một... và đừng bỏ cuộc, đừng bao giờ bỏ cuộc. Chuỗi ngày phía trước của đời con luôn luôn là chuỗi ngày tập đi. Con sẽ phân vân, bối rối, vụng về. Con sẽ lúng túng, hoang mang, sợ hãi. Và có thể bố sẽ không có ở bên con để đưa tay ra nâng đỡ, bố không đi thụt lùi để con bước tới. Dưới chân con có thể là chông gai mà không phải là đôi giày chít chít. Hãy bước tiếp, từng bước một, bước đi bằng đôi chân của mình. Rồi đôi chân ấy sẽ cứng cáp, chai sạn, mạnh mẽ... Và kết quả là con có thể đi vững, đi giỏi, đi đẹp. Bước chân đầu đời của con là bài học suốt đời của con, con yêu ạ. Nguyên tắc trừ hai (-2) Con thương yêu! Từ cảm nhận và trải nghiệm của riêng bố về cuộc sống và sự giao thoa trong cộng đồng, bố rút gọn dễ nhớ là nguyên tắc Trừ hai. Khi hiểu và vận dụng nguyên tắc Trừ hai này, hy vọng con sẽ có cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản. Tất cả những gì con đang có, tại thời điểm con đang có, nếu con nhận biết được và hưởng thụ được, thế giới gọi đó là Hạnh Phúc. Với tất cả những gì con đang có: vật chất, tinh thần, tình cảm, sức khỏe, điểm mạnh, thế yếu, những mối quan hệ xã hội... và con biết cách gìn giữ, hưởng thụ, bày tỏ, bộc lộ đúng với giá trị thật của nó, bố gọi là trừ không (-0), sẽ là sự TRUNG THỰC. Đã nhiều lần bố nói với con, nếu con giàu sẽ có người giàu hơn, nếu con giỏi sẽ có người giỏi hơn, nhưng nếu con trung thực, sẽ chẳng bao giờ có ai trung thực hơn con. Sự trung thực là giá trị sống của con người và là bản lĩnh sống của chính con, dám đối diện với nó là sức mạnh của bản ngã, không phải ai cũng làm được. https://thuviensach.vn Nếu con thể hiện và hưởng thụ những gì con đang có, trừ đi hai đơn vị (-2), bố sẽ gọi đó là KHIÊM TỐN. Tức là mình sử dụng 80% những gì mình đang có, mình bày tỏ, bộc lộ và chia sẻ nguồn lực có kiểm soát. Điều đó tạo một vị thế tiềm ẩn, một sức mạnh chưa khai phá, một thế lực ngầm che giấu, một đường rút lui an toàn, một quỹ dự phòng kín đáo. Đó là phong cách sống của mỗi người, điều đó tạo một vùng đệm để mình không bỗng chốc trở thành kẻ khoe khoang, bốc đồng, không để lại những lỗ hổng trên con đường mình đi... Đây là một nghệ thuật sống đẹp và sống đầy. Nếu con bày tỏ những gì con đang có, trừ thêm hai đơn vị (-2-2), bố sẽ gọi đó là KHÔN NGOAN. Tức là mình sử dụng 60% những gì mình đang có, mình biết mình sẽ làm gì với 40% còn lại, có định hướng, có mục đích, có phương pháp, có tính kỷ luật bản thân. Không phải tất cả đều sống với định hướng 60-40 thế này suốt đời, tùy từng giai đoạn của cuộc sống, tùy từng thời điểm của cuộc đời, tùy thời cuộc, thế thời phải thời thế. Vì thế, nó được gọi là khôn ngoan. Nếu con lại tiếp tục trừ thêm hai đơn vị, (-2-2-2), bố sẽ gọi đó là TINH QUÁI. Điều này bố không khuyến khích con làm, nhưng khuyến khích con nhận biết để sống và dè chừng những kẻ tinh quái khác. Người ta có mười nhưng người ta chỉ sử dụng bốn, số còn lại là mượn lực của những người xung quanh. Những kẻ tinh quái thường là những kẻ cơ hội, xu thời, láu lỉnh, tiểu xảo... Ta không gọi tốt hay xấu, ta chỉ cần biết để sống phù hợp. Vậy đó con ạ. Cuộc sống muôn màu muôn mặt, khôn cũng chết dại cũng chết, biết thì sống. Nếu con biết ai đó tiếp tục trừ thêm hai đơn vị (-2-2-2-2), tức là họ có mười phần nhưng chỉ sử dụng có hai phần, tám phần còn lại không nhận ra, giấu kín hoặc lãng phí, bố sẽ gọi đó là những kẻ NGU ĐẦN. Phàm những kẻ ngu đần, thế giới quan sẽ hạn hẹp, càm ràm xét đoán với hiện tượng mà không đoái hoài đến bản chất, rên rỉ khóc lóc với những điều vụn vặt chợt đến chợt đi... Kẻ ngu đần nói về con người. Kẻ tinh quái nói về sự việc. Kẻ khôn ngoan nói về cơ hội. https://thuviensach.vn Kẻ khiêm tốn nghe cả ba kẻ kia. Kẻ trung thực được cả bốn nhóm người trên chọn làm chỗ dựa. Chọn lựa và quyết định là do con. Amateur pianist Cô giáo dạy piano cho con gái thông báo, con được chọn biểu diễn ở khán phòng A, Nhạc viện Thành phố, song tấu cùng violin. Con gái hớn hở khoe bố trong ánh mắt long lanh, mồ hôi lấm tấm trên trán, giọng xúc động: "Bố ơi, con được chơi trên cây đàn grand, Steinway and Sons". Nhận được thông báo của cô, con mừng và run đến nỗi mấy ngón tay lạnh lạnh, co co, run run, tươm tươm mồ hôi. Nâng bàn tay con trong lòng bàn tay thô ráp của bố, thương quá bé cưng ơi. Niềm vui của con và niềm tự hào của bố. Con gái cần mẫn luyện ngón, tập bài, sau khi thuần thục mới bắt đầu học cách thả hồn vào và duỗi người ra. Ông bố ngồi nghe, nhắm mắt, nói với con: "Bố cảm nhận đoạn này hơi ráp, đoạn này hơi vội, đoạn này tình cảm, đoạn này có chút bối rối... ". Ông bố, với bản tính luôn nhìn đời bằng đôi mắt nghi kỵ, dặn dò con gái, để con bé không hụt hẫng, thất vọng: "Nếu, giả sử nếu, có một lý do gì đó xảy ra, làm cho buổi diễn không thực hiện được, hoặc thay người, hoặc đàn hỏng, hoặc khán phòng có chương trình khác, hoặc vì bất cứ điều gì, con cũng không nên buồn, không nên thất vọng nhé. Bố hy vọng buổi biểu diễn của con sẽ thực hiện được và thành công, bận gì thì bận, bố cũng đi dự". Trong cái sống đã mang mầm cái chết. Trong cái có đã hàm chứa cái không. Trong cái được đã ẩn mình cái mất. Con sẽ học cách đương đầu với sự thay đổi đột ngột, để ít đau, để đừng sụp ngã. Lúc con gái tập đàn, ông bố nhắc nhở: Con gái, có một số chi tiết con cần làm chủ từng bước một. Làm chủ bài nhạc bằng cách thuộc lòng từng https://thuviensach.vn nốt, từng khung, từng dấu nhấn nhá. Làm chủ cảm xúc mình, nhúng mình vào bài nhạc bằng cách cảm âm và tưởng tượng. Làm chủ cây đàn mới với phím ghế, pedal, màu sắc, vị trí bằng cách ngồi vào đàn, im lặng, quan sát, cảm nhận. Làm chủ không gian biểu diễn bằng cách bước đến, bao nhiêu bậc thang, độ cao, góc nhìn của khán phòng, dàn đèn trên cao, hướng đi vào cánh gà, từ đàn đến vị trí nhận hoa là bao nhiêu bước chân, mỉm cười, cúi chào... Bố hy vọng con sẽ có buổi biểu diễn đầu đời đẹp lung linh với sự hướng dẫn của ông bầu khó tính dễ thương là bố. Đường tương lai của con rộng mở, hàng nghìn cánh cửa luôn chực chờ bàn tay con xoay nắm cửa, con có sự chọn lựa cho cuộc đời mình. Ngày nào còn có bố, con còn một người bạn hướng dẫn tận tình, chăm sóc chu đáo, một chỗ dựa vững chắc. Hãy khóc, hãy cười, hãy hân hoan tột đỉnh, hãy đau khổ cùng cực với người thân yêu của con. Vì với cuộc đời, có lẽ, con sẽ tìm cách giấu kín chính mình. Cây thông Noel Giáng sinh năm nào nhà mình cùng có cây thông Noel, cây thông mà cách đây nhiều năm chú Hưng mang đến biếu khi bố nhận chú vào làm việc. Giáng sinh nào mấy bố con mình cũng lắp đặt và trang trí cây thông, từ chân đế vững chãi, cành to bên dưới, cành nhỏ bên trên, tận cùng là một ngôi sao lấp lánh. Rồi mình treo lủng lẳng trái châu, kim tuyến, những gói quà nho nhỏ. Rồi mình giăng đèn nhấp nháy lập lòe. Rồi mình để những gói quà đầy màu sắc dưới gốc thông. Rồi, gần như năm nào cũng thế, mình nghe CNN đưa tin cây thông cao nhất thế giới luôn luôn nằm ở Time Square. https://thuviensach.vn Rồi các con lại tranh nhau chí chóe về việc khi nào đón Giáng sinh ở đâu. Đứa chọn Paris, đứa chọn New York, lại đổi sang London, Viena, Rome, Prague, Moscow, kể cả một bộ lạc châu Phi nào đó... rồi cùng cười khì để biết rằng đó vẫn là sự tưởng tượng, mơ ước. Bố đã từng kể cho các con nghe lịch sử hình thành của tập tục trang trí cây thông, hang đá, và ngôi sao trên ngọn thông, năm nào bố cũng kể lại chuyện này. Thế nhưng, năm nay, các con đã bắt đầu lớn, bố chợt nhớ hình như bố chưa diễn dịch cho các con nghe ẩn ý của cây thông Giáng sinh, theo kiểu riêng của mình. Con vẫn luôn nhìn thấy một quy tắc là Gốc thông vững chãi - cành to bên dưới - cành bé bên trên - ngôi sao trên ngọn. Con có biết bố nhìn thấy gì không? Bố nhìn thấy cách bố dạy dỗ các con, yêu thương các con và hy vọng vào tương lai các con qua hình tượng cây thông nhà mình. Gốc thông luôn vững chãi, cũng giống như giá trị sống của gia đình, như tình yêu thương trân trọng, như nền tảng xây dựng tính cách, tình cảm của người làm cha làm mẹ dành cho con mình. Mọi nhánh, cành, hoa, lá đều đâm chồi nảy lộc trên nguồn gốc vững chãi này. Nếu thiếu nó, sự còi cọc, đổ ngã gần như là điều tất yếu. Gốc phải luôn luôn vững, như nếp nhà, như thói quen đã thiết lập từ khi con còn chập chững những bước đầu tiên trong đời. Cành to bên dưới cành bé bên trên, với tuổi thơ lớn lên từng ngày, các con sẽ có hàng nghìn ước mơ - sở thích - trải nghiệm - vươn lên trong quá trình phát triển tính cách. Bố đã khuyến khích các con làm điều các con thích, bất cứ điều gì. Bố ủng hộ các con sống với giấc mơ của mình, bất cứ giấc mơ gì. Có thể hôm nay con muốn làm nhà thiết kế thời trang, ngày mai bỗng mơ làm bác sĩ, ngày kia bỗng chăm chú tìm hiểu về máy ảnh... Không bao giờ bố ngăn cấm hoặc chỉ trích chê bai, vì các con đang lớn, đang vươn cao. Những tán lá rậm rạp của ước mơ quá khứ sẽ làm con mạnh mẽ, tự tin trong tương lai. Càng lớn lên, thú vui, sở thích, ước mơ sẽ tự động rơi rụng dần để con vươn lên cao với một hoặc vài đam mê. Cũng giống như tán lá https://thuviensach.vn bé dần trên cao, nhưng vẫn cùng chủng loại, cùng tính chất, cùng định hướng của đời mình. Nhiều người vẫn thích tỉa cành, cắt lá khi cây còn non. Bố nghĩ điều đó có thể đúng vài mươi năm trước, khi sự chọn lựa và lượng thông tin còn ít ỏi. Bây giờ cần nêu định hướng, cung cấp đủ không gian, thời gian, điều kiện ánh sáng, dinh dưỡng và chăm chỉ bắt sâu bệnh trên tán lá. Cây sẽ lớn mạnh theo cách riêng của mình, vươn cao, tự chọn lọc, tự đào thải, tự cắt bỏ và những gì còn lại là tinh túy. https://thuviensach.vn Ngôi sao trên cùng, sự tỏa sáng của tính cách của nhân cách và của sự thành đạt, nếu may mắn, và đó là điểm cuối cùng cao nhất của cây thông Noel, cũng là điểm vươn đến đích ngắm của một đời người, không nhất thiết phải được đo đạc bằng giá trị vật chất hoặc bằng cấp mà có thể là phẩm chất của con Người. Mẹ Teresa không giàu, đức Ghandi không quyền lực, Phạm Xuân Ẩn không nhiều bằng cấp... nhưng nhân cách của những con người đó là ngôi sao tỏa sáng. Bố linh tinh lung tung lang tang, từ chuyện cây thông Noel lại diễn dịch sang hàng loạt chuyện không tưởng khác. Đừng để ý nhé, bố luôn luôn và mãi là lão già lẩm cẩm. Bạn gái đầu đời Con trai đưa cô bạn gái về nhà, lên phòng chào bố và có vẻ hiên ngang: "Dạ, đây là M., bạn con". Cô bạn nhỏ cũng e lệ cúi đầu chào. Ông bố, theo phản ứng tự nhiên, tia một phát, scan từ đầu đến chân, tóc, mắt, trang phục, tay chân, trang sức... 14 tuổi, còn quá sớm để có bạn gái, nhưng không cấm cản được. Xã hội văn minh, con người trưởng thành sớm hơn. Cấm cản thì chúng nó sẽ dẫn nhau ra công viên và kết thúc ở nhà nghỉ. Quan niệm trai - gái của mình có thể khác với bọn trẻ con bây giờ. Không thể áp dụng cái chủ quan xưa cũ, mình thay đổi mình để làm bạn với con, thầm mong con vẫn là con mình. Sau phần thủ tục chào hỏi, con trai và "cô bạn gái" lên sân thượng tám chuyện. Ông bố tự pha cho mình một ly capuccino, đi lên đi xuống "canh chừng", chỉ sợ thằng con nông nổi vào phòng riêng đóng cửa. Hai đứa vẫn hồn nhiên tám chuyện trên trời dưới đất, thế mới thấy ông bố lo bò trắng răng. Khi cô bạn nhỏ đi về, ông bố bảo con trai: Con trai ơi, bố gặp chút được không? Nhóc vào phòng bố, cười cười, có chút bẽn lẽn. https://thuviensach.vn Con trai nè, cô bé M. này được xem như là người bạn gái đầu tiên của con nhỉ? Vì từ trước đến giờ con chưa mời cô bạn gái nào về nhà mình. Bố nói chuyện với con về việc này được không, như là chia sẻ kinh nghiệm thôi. Nhóc ngồi lên cạnh bàn, mặt có phần vui và rạng rỡ (công nhận thằng nhóc mình đẹp giai). Từ bây giờ đến lúc con lấy vợ, bố nghĩ con sẽ có rất nhiều bạn gái, ừm... sẽ rất nhiều. Có người con thích và có người thích con. Người bạn gái đầu tiên bao giờ cũng là kỷ niệm ngọt ngào nhất, giữ cho nó đẹp nhất con nhé. Nhóc vẫn giữ nụ cười thật tươi, hàm răng trắng bóng, đều tăm tắp. Chơi với bạn, dù trai hay gái, thẳng thắn và trung thực là điều cần thiết nhất, đừng bao giờ nói dối, dù cho bất cứ lý do gì, điều kiện gì. Khi chia tay https://thuviensach.vn một người bạn, con sẽ buồn nhiều, rất buồn, nhưng con cần biết là người bạn của con buồn nhiều hơn con... Thời thanh niên, bố có nhiều bạn gái, người bố thích và người thích bố, nhiều... "Cùng lúc hả bố?", nhóc nhướng mắt lên, cười khoái chí: "Bố xấu". Ừ, bố cũng công nhận lúc đó bố xấu. Có lúc mọi việc ồ ạt đến cùng một lúc, trở tay không kịp. Nhiều người thích mình, thế là... mình thích hết... "Vậy là bố dở...". Khà khà, con trai giỏi, lúc bố bằng tuổi con, bố không nghĩ được như con, bố không biết chuẩn bị và phản ứng với cuộc sống. Bố thật sự khoái cách nghĩ của con, trưởng thành lắm. Tóm lại, con trai nè, chơi biết điểm dừng, chơi biết giới hạn. Biết sai mà vẫn cố tình làm sai hoặc không biết kiểm soát, không tự kỷ luật bản thân, để hối tiếc, con sẽ hối tiếc cả một cuộc đời. Bố luôn luôn làm người bạn của con nhé. Mình là hai thằng đàn ông, vừa người lớn vừa con nít, như thế dzui hơn. Nhóc xoa đầu bố và phán: "Công nhận bố dễ thương. Bố kể con nghe về người bạn gái đầu tiên của bố đi, lúc đó bố bao nhiêu tuổi, bố nói chuyện gì, bà nội có la bố không... ". Ai cha, chủ đề khó đây... Để xem... mình thích người ta mà người ta không thích mình, và ngược lại, như thế thì không thể gọi là bạn gái. Đúng nghĩa là bạn gái phải là cả hai bên cùng thích nhau, có cảm tình với nhau và có thời gian dành cho nhau, đúng không? Nếu thế thì.... Điện thoại bàn làm việc reo. Con trai cười cười: "Con tha cho bố lần này... " rồi đi ra khỏi phòng, khép cửa lại. Ông bố rút tay ra khỏi túi quần, ngón tay vẫn còn để trên phím tắt của điện thoại di động. Số 2, gọi nhà, những lúc cần ngắt cuộc trao đổi một cách nhẹ nhàng... Ngồi lại, cảm giác lâng lâng thật dễ chịu. Nguyên tắc Bốn - Một https://thuviensach.vn Con trai! Lại viết cho con, một điều vừa cũ vừa mới vừa lạ vừa quen, tạm gọi là nguyên tắc Bốn — Một, có khác với nguyên tắc Trừ hai bố đã nói, con nhé! Hôm vừa rồi thi đấu tennis, được giải nhì đơn nam, con có chút buồn bực vì "Cái thằng thắng con nó ăn may". Ừ thì thi đấu cũng có phần may rủi, sự thiên vị chút chút của trọng tài, sức ép tâm lý từ cổ động viên, độ nẩy của bóng, quen lạ của sân và hàng ti tỉ lý do khác. Điều bố muốn con quan sát là: Tỉ lệ con giao bóng ăn điểm trực tiếp trong thi đấu chỉ đạt 20%. Tỉ lệ con giao bóng ăn điểm trực tiếp trong đối kháng là 40%. Tỉ lệ con giao bóng ăn điểm trực tiếp trong giao hữu là 60%. Tỉ lệ giao bóng ăn điểm trực tiếp trong tập luyện là 80%. Nguyên tắc vàng: 20-40-60-80. Như thế, để tăng tỉ lệ thành công giao bóng ăn điểm trực tiếp trong thi đấu lên 80% (gấp bốn lần) thì khi tập luyện, con sẽ phải cố gắng ít nhất gấp bốn lần. Không phải ngẫu nhiên mà những tên tuổi lớn như Nadal, Federer, Agasi, Sampras... trở nên vô địch đầu bảng. Bố tin rằng họ đã dành thời gian tập luyện gấp bốn lần so với những nhà thể thao bình thường khác. Nguyên tắc này áp dụng tuyệt đối đúng trong cuộc sống. Bố gọi là nguyên tắc Bốn — Một. Mỗi ngày, mọi ngày, mỗi việc, mọi việc, con đều cố gắng gấp bốn lần chỉ để đạt được một phần. Nếu chỉ làng nhàng làm cho có, làm lấy lệ, chỉ cố gắng một phần, con chỉ đạt được 1/4 kết quả. Con làm bài tập toán, lý, hóa ở nhà nhiều gấp bốn lần, hy vọng được một lần thành công khi con đi thi. Mà trùng hợp là, những kỳ thi chính thức cùng chỉ diễn ra có một lần, nếu không tính đến thi lại. Con sẽ phải nỗ lực gấp bốn lần bình thường, để chinh phục được người con gái con thực sự yêu, nếu con không muốn người con gái đó yêu thằng con trai khác. Con phải nỗ lực 400% mới có thể hy vọng có được 100% học bổng vào trường đại học danh tiếng. https://thuviensach.vn Con phải giỏi gấp bốn lần mức lương con chờ đợi, khi ấy, con mới có thể nhận được một công việc con mong muốn. Cuộc sống cạnh tranh, người ta không trả lương cao cho người bình thường. Đội Việt Nam chinh phục Everest thành công, bố tin rằng họ đã cố gắng gấp bốn lần, bằng nghị lực, tinh thần, ý chí... chỉ để được một lần ghi tên vào lịch sử chinh phục nóc nhà thế giới. Học, làm, chơi, yêu, chinh phục, giải trí... mọi hoạt động trong cuộc sống cuộc đời, đều như thế. Đơn giản phải không con, gieo bốn gặt một, gieo gì gặt đó. Cố gắng nhé, con trai! Hồn - Vía Con gái thỏ thẻ hỏi: - Bố ơi, vía là gì hả bố? Giải thích cho con gái, cố dùng ngôn từ dễ hiểu, bỏ qua những khái niệm triết học tâm linh bá láp bá xàm rằng, thì, là, mà... Nói thế này cho gọn con nhé: Ngày con còn bé, mỗi khi khen con điều gì đó như ăn ngoan, chóng lớn, béo tốt, ị đùn nhiều... bố thường bắt đầu bằng chữ trộm vía. Anh Hai con khôn lanh đối đáp người ngoài, tinh ma quỷ quái với bạn bè nhưng luôn cứng đờ đắng họng khi đứng trước bố, như thế gọi là bị át vía. Thế nhưng bố vẫn thường khen hai con là người có tâm hồn. Vậy Hồn là gì và Vía là gì? Hồn là tính thương yêu, giận hờn, ghét bỏ, buồn vui, cảm nhận cuộc sống, là những suy nghĩ, tình cảm bên trong của mình. Vía là cách thể hiện vô thức bên ngoài tạo ra tầm ảnh hưởng của mình đối với thái độ, hành vi người khác. Hồn có thể bổ túc cho Vía, nhưng không chắc Vía đã bổ sung cho Hồn. Con gái bố có cả Hồn và Vía, vừa đủ để chinh phục bố, vừa đủ để bố thay đổi trong khoảnh khắc vì con. Con có nhớ lần bố nóng giận khủng https://thuviensach.vn khiếp, chuẩn bị đánh đòn anh Hai. Khi bố quay qua nhìn con, con đang ngồi trên salon, ngước nhìn bố, ánh mắt trong veo, không sợ hãi, không oán trách. Sự tinh khôi trong vắt đã hoàn toàn khuất phục bố. Bố đã nguội ngay và không nói được lời nào. Anh Hai thoát đòn. Bố nhớ mãi ánh mắt của con. Đó gọi là vía đấy con ạ, bố vẫn thường nói bố phải vía con rồi. Có những người át vía người khác, gặp nhau là nín thin, im re, lúng túng chẳng biết nói gì, cư xử sao cho phải phép. Có những người phải lòng người khác vì tâm hồn cao quý, độ lượng, bao dung, vị tha. Sự tinh tế, độ nhạy cảm, mức rung động, chiều sâu của trí tuệ... tạo ra Hồn thâm sâu cao ngất. Sự tinh anh thần thái, bộ dạng bên ngoài, hành vi, thái độ, cách thể hiện... tạo ra Vía lấn át uy dũng. Hồn và Vía không phụ thuộc (hoặc nếu có, rất ít) vào tiền tài, danh vọng, tuổi tác, kinh nghiệm. Có những người sang trọng giàu có, bước xuống xe đắt tiền nhưng mình chỉ mỉm cười vô nghĩa. Họ không toát lên Hồn và Vía, họ chỉ có cái vỏ đầy tiền. Nhưng cũng có những người mà thoạt nhìn, mình đã cảm thấy quý mến, tôn trọng một cách vô thức, không gọi tên, không định nghĩa. Đó là mình bị cái hồn hoặc cái vía của họ chinh phục. Mình có thể tạo ra Hồn cho mình bằng sự rèn luyện tu dưỡng, trau dồi tâm đức. Nhưng mình không thể tạo ra vía cho minh, trừ trường hợp mình cố làm cho ra vẻ để lấn áp người khác. Nhưng, phần lớn đó là "tránh voi chẳng xấu mặt nào" chứ hoàn toàn không phải người khác bị mình át vía. Hồn và Vía có thể chỉ là cảm nhận chủ quan của mình, tùy thuộc vào tấm lòng của chính mình để hấp thụ sự lan tỏa từ người đối diện. Ông già Noel Giáng sinh 2007, khách sạn Caravelle có sáng kiến mời ông bà Santa Clause từ Thụy Điển sang gặp gỡ trẻ em Việt Nam. Nghe nói hai người này có tên trong hiệp hội ông già Noel thế giới. https://thuviensach.vn Với con gái, đây là ông già Noel thật, từ vùng cực Bắc giá tuyết mang quà đến cho trẻ em Việt Nam. Vì thế, con gái nô nức nóng lòng đến ngày Giáng sinh để đi gặp ông già Noel nhận quà. Với con trai, đã vài năm nay con tự biết ông già Noel chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Người lấy thư trong đêm và mang quà để dưới gốc cây thông đêm Giáng sinh đều là bố. Con trai vẫn im lặng cười, ngấm ngầm thỏa hiệp với bố cho em gái hưởng thụ thêm tuổi thơ ngây. Bố có hứa đưa con gái đến Caravelle vui chơi cùng các bạn và chờ đón ông già Noel. Bố đi công tác về muộn, chuyến bay bị delay từ nước ngoài. Con chờ bố trong tâm trạng im lặng và nhẫn nhịn. Bố quên mất câu chuyện về ông bà Santa Clause đang ở Caravelle, cho đến khi con gái nhắc "Hôm nay hết rồi bố ạ". Bố vội vã chở con đi ngay lập tức, hai bố con mình đã chạy rất nhanh, luồn lách các loại. Vừa chạy xe bố vừa gọi điện thoại cho toàn bộ những mối quan hệ từ quan đến lính đang làm việc ở khách sạn để sắp xếp cho con gặp ông bà Santa. Mình đã được thu xếp để gặp ông bà Santa ở lầu 3, không phải ở lobby vì đã muộn. Con gái đứng chờ trong sự nô nức, hồi hộp, hớn hở, vui sướng, hạnh phúc... "Con phải nói gì hả bố, con nên làm gì hả bố?". Con gái bồn chồn đi tới đi lui, thỉnh thoảng quay qua ôm chầm lấy bố "Con cảm ơn bố nhiều lắm nhé". Hai lần cửa thang máy mở ra, hai lần đều là khách trọ, hai lần con gái rịn mồ hôi tay. Đến lần thứ ba: "Hô hô hô... Merry Christmas... ". Hai áo choàng màu đỏ cùng bước ra, tóc trắng như mây, râu trắng như cước, kính lão tuột trễ trên sống mũi đỏ au. Ông đi trước, bà đi sau trong tiếng chuông leng keng leng keng. Con gái mừng rỡ chạy ào tới: Con chào ông già Noel, Merry Christmas, chúc ông bà mạnh khỏe. Con gái ôm chầm lấy ông già, mừng líu lưỡi... Ông già Noel lấy trong túi ra hai cây kẹo mút, trao cho con gái. Ông bố chụp vài tấm hình cho con, để ông bà về phòng nghỉ vì đã muộn rồi. Suốt quãng đường về nhà, con gái mừng vui nói cười: Thế là ông già Noel có thật bố nhỉ. Con đã được cầm tay, sờ râu và nói chuyện với ông già Noel. Ông già Noel hiền và đẹp quá hả bố, thế mà các bạn con nói là không https://thuviensach.vn có, chỉ là mấy chú sinh viên đi làm thêm... Sao ông biết con thích kẹo mút mà cho con hả bố... Đêm đó con đã thao thức rất khuya, giấc ngủ đến với con nhẹ nhàng cùng nụ cười. Khi đắp chăn cho con trước khi rời phòng con, bố nhìn con ngủ rạng rỡ và mãn nguyện. Tóc con dài và dầy che nửa khuôn mặt bầu bĩnh, tay con vẫn cầm hai cây kẹo mút. Con gái không dám ăn hai cái kẹo mút, để trong hộp giấy, cất cẩn thận, ngày nào cũng chăm chút mở ra, thì thầm với cái kẹo, sống với giấc mơ của mình. Cho đến một buổi tối, con gái lặng người chết điếng khi phát hiện hộp rỗng không. Con mách bố trong sự uất ức thất thần: "Bố ơi, anh Hai ăn hết hai cây kẹo ông già Noel cho con rồi". Và con òa lên khóc nức nở... Con trai của bố, khoảnh khắc đó bố nóng giận khủng khiếp. Con còn nhớ những gì bố đã nói với con đêm đó không, trong lúc bố ôm em vào lòng, dỗ em. Bố đã cố nén mình để giữ bình tĩnh, vì bố biết con trai vẫn còn là một đứa trẻ. Con lại chủ quan chuyện ông già Noel là không thật. Vấn đề không còn là hai cái kẹo. Con đã tước mất giấc mơ của em con. Con đã gieo vào ký ức em con một kỷ niệm xấu không bao giờ tẩy xóa được. Con đã vô tình lấy đi điều không thể bù đắp. Bố có thể dỗ em, con có thể mua trả lại hai cái kẹo. Nhưng mãi mãi chúng ta không bao giờ có được hai cái kẹo mút của ông già Noel cho Ti. Không bao giờ quên được tiếng khóc của Ti, giọng nói của Ti, ánh mắt của Ti và mãi mãi hai cái kẹo của ông già Noel đã bị con ăn mất. Bố biết con trai hối lỗi, ăn năn, ước gì, phải chi... Thế đấy, những gì bố thường nói với con không bao giờ sai và không bao giờ thừa. Hãy để lại ký ức đẹp cho người thân của mình, hãy kiểm soát thái độ, hành vi để đừng bao giờ nói lời hối tiếc. Con gái cưng của bố, sau này lớn lên, khi con biết ông già Noel chỉ là một câu chuyện tuổi thơ, bố mong con nhìn phần vui của câu chuyện. Hai bố con mình đã chạy rất nhanh, đón ông già ở lầu 3 khách sạn Caravelle và con đã được ông già Noel ôm vào lòng. Lúc đó đã gần nửa đêm. https://thuviensach.vn Cảm ơn chỉ trích Con ơi! Nũng nịu, nhõng nhẽo với bố, bố chỉ hơi cao giọng là con đã nước mắt lưng tròng. Con có biết rằng cuộc đời sòng phẳng và cay nghiệt không bao giờ có chỗ cho những người như thế không? Bố đã thường tự nói với mình rằng, người quản lý giỏi là người có thể làm việc hiệu quả với người mình không thích. Người lãnh đạo giỏi là người đứng vững trước mọi chỉ trích. Và bây giờ, bố muốn tâm sự với con là nếu có ai đó khen con đẹp, ngoan, hiền, giỏi, xinh, khéo, con sẽ vui và hớn hở vì những mỹ từ vô hình tổng quát. Con sẽ hài lòng khoan khoái vì những khái niệm mơ hồ tạo cảm giác dịu ngọt. Nhưng con không biết có khả năng điều đó không thật, có khả năng là điều đãi bôi, có khả năng là bẫy rập của những toan tính. Nếu có ai đó la mắng, chửi bới, chê bai, trách móc, con sẽ muộn phiền, cau có vì những hắc từ châm chích, cụ thể rõ ràng không tránh được. Nhưng con cần biết rằng có khả năng đó là những lời thật, những bài học không mất học phí. Con sẽ biết điều chỉnh và vươn lên từ những sai lầm (nếu có) và/hoặc những lời chỉ trích sống sượng của người khác. Những lời chỉ trích là những bài học bổ ích, vô giá và miễn phí, ai đó đang thể hiện chính họ cho con đọc và cảm nhận. Nếu họ đúng, con sai, con biết mình phải điều chỉnh, sửa chữa những gì. Nếu họ sai, con đúng, con biết con phải ngẩng cao đầu, bước tiếp. Hãy cẩn thận với những lời khen tặng và mở lòng với những lời chỉ trích, chê bai của cuộc đời, con nhé. Yêu thương con thật nhiều, rất nhiều. Lần đầu Con trai ạ, làm đàn ông, chúng ta sẽ có lúc đến thăm nhà bạn gái lần đầu. https://thuviensach.vn Lần đầu bao giờ cũng bỡ ngỡ, bối rối, lúng túng... Nếu chúng ta biết cách cư xử đúng mực, hy vọng lần đầu sẽ dễ thương và có được kỷ niệm đẹp. Nếu không biết cách làm như thế nào, chúng ta có thể sẽ để lại vết hằn khó phai trong ký ức, có thể có những tổn thương tâm lý khó hàn gắn, có thể có những vết rách thương đau. Bố nghĩ một cách chủ quan, đến thăm nhà bạn gái lần đầu, con nên biết và chuẩn bị tâm lý tốt để trải qua bốn giai đoạn như sau: Làm quen: Nói như thơ Nguyễn Bính, chỉ nên đứng lại ở rìa dậu mồng tơi xanh rờn mà trao đổi câu chuyện, không ầm ầm sấn sổ đòi vào nhà người ta, ai biết mình là ai mà tiếp đón. Cái cảm giác làm quen bao gồm nhiều chiều sâu tinh tế, không chỉ đơn giản biết tên tuổi, nhà cửa, việc làm là đã có thể gọi là quen biết. Quen biết còn nhiều hơn như thế. Mỗi một cuộc tiếp xúc đều là một lần khám phá để quen thêm, biết thêm những gì tưởng chừng đã quen, đã biết. Đó có thể là thông tin, đó cũng có thể là cảm nhận, để tìm sự phù hợp giữa người và người. Cúi chào: Đến nhà người ta, không vào vội, dừng lại ngay bậc thềm, đừng vội bước qua ngạch cửa ngay cả khi được mời. Đây là phần thăm viếng để biết nhau, bạn con có lẽ chưa tiếp khách tại gia, nên bạn ấy cũng cần phải học cư xử phù hợp. Đến cửa nhà, dợm bước một chân vào, ngưng lại, chào hỏi làm quen và cảm nhận. Chẳng có gì phải vội vã, chẳng có gì phải hấp tấp, cứ từ từ nhẹ nhàng. Đã làm bạn thân quen với nhau đủ để mời nhau về thăm nhà thì con cũng cần phải biết cách thăm. Không thể vừa nhận được lời mời là lao vào nhà người ta như bão lốc, cười nói ầm ĩ, nằm lăn lê bò toài, chạy sục sạo khắp nhà... Thoái lui: Sau phần cúi chào, cần phải rút lui có trật tự. Vì gia đình người ta, sau khi đã hườm hườm biết mặt mũi vóc dáng, phần nào đoán được tính cách khách, sẽ tự điều chỉnh nhịp sống để chuẩn bị đón tiếp cẩn thận, không hụt hẫng, không bối rối, không xảy ra những điều đáng tiếc. Với bước thoái lui hợp lý, con để lại một ấn tượng điềm tĩnh, trân trọng, Án binh: Khi đã vào nhà người ta rồi, nhất là lần đầu, nên ngồi im, đừng táy máy đi lung tung. Đừng ra vẻ ông chủ nhỏ ban ơn ra lệnh với nô lệ bằng https://thuviensach.vn cách hùng hùng hổ hổ phô diễn kiến thức, kỹ thuật, bằng cấp. Gia đình nhà người ta cần có thời gian làm quen với sự hiện diện của con, mặc dù biết rõ mười mươi từ người lạ sẽ thành người quen. Kể cả gặp trường hợp gia chủ khó ở tự nhiên nổi tam bành đuổi cổ khách ra, con hãy ung dung nhẹ nhàng bước ra, vẫn mỉm cười và cảm ơn gia chủ đã cho thăm nhà, tỏ bày thiện ý kết thâm giao. Nếu không bao giờ vào thăm nhau nữa cũng đã biết nhau, gìn giữ cẩn trọng hình ảnh đẹp về nhau. Yên tâm, chẳng có chủ nhà nào đuổi khách sau khi đã giao lưu thăm viếng chân tình. Phải biết chờ đợi và chờ đợi. Tất nhiên, trong suốt cả bốn giai đoạn, điều cần phải có là nói chuyên, giao tiếp, thông tin, cảm nhận. Cười nhưng không đùa, vui nhưng không cợt, ý nhị không sỗ sàng... Lắng nghe không còn là khái niệm của tai. Con hãy hình dung ai đó bước vào nhà, không nói không rằng, không một lời hỏi thăm, không một lời cảm nhận, sẽ chán biết chừng nào. Sau khi từ giã, phải biết nói lời cảm ơn, đừng sợ bị đánh giá là khách sáo. Đó là điều cần thiết. Hãy cảm ơn bằng lời nói, bằng ánh mắt, bằng ngữ điệu chân tình. Con thử nghĩ coi, người ta chăm chút làm cơm lên cỗ mời mình, mình ngồi xuống nhồm nhoàm nhai nhai gắp gắp, ngậm một miệng thức ăn vừa cười vừa nói, ra chừng phàm phu tục tử, người ta sẽ không cho ăn nữa, hoặc nếu có, chỉ là bổn phận trách nhiệm mà không phải niềm vui dâng tặng. Thế nhé con trai, thăm nhà bạn là một sự dâng tặng và cách hưởng thụ cuộc sống đấy con ạ! Đèn đỏ Đón con trai từ Phú Mỹ Hưng về nhà, đi qua cơ man nào là ngã tư. Điều đặc biệt hôm nay là tất cả các ngã tư đều đỏ đèn. Qua năm đèn đỏ đầu tiên, con trai ngạc nhiên: - Sao đỏ hoài vậy bố? Đi đường khác đi bố! https://thuviensach.vn - Ừ, có ngày này ngày kia con à. Khi một cái đỏ, có khả năng đỏ suốt con đường. Nhiều khi đi gặp đèn xanh, con không để ý, đến khi gặp đèn đỏ, con thấy khó chịu. Cuộc sống cũng vậy, mọi người làm mười điều tốt cho mình, mình thường quên, nhưng ai làm một điều xấu cho mình, mình luôn nhớ. Biết thế để tự điều chỉnh, nhóc nhé. - Sao lúc nào bố cũng nhìn sự việc như một ông đồ vậy? - Vì đối với bố, các con mới thực sự là học trò. Trách nhiệm và niềm vui của bố là theo học trò này đến cuối đời. https://thuviensach.vn Năm đèn đỏ kế tiếp, con trai bắt đầu có dấu hiệu bực dọc: - Sao mình đổi đường rồi mà vẫn đỏ hoài vậy nè! - Có lẽ con vẫn nhìn thấy tai nạn va quẹt xảy ra trước mặt mình, ở một góc phố nào đó, đúng không. Có lẽ vô tình con gặp một người bạn ở một ngã tư nào đó. Có lẽ vô tình con thấy một chiếc xe đắt tiền nào đó chạy vút qua, để rồi trầm trồ bảo mình may mắn đã nhìn thấy... Đèn đỏ ở ngã tư, đôi https://thuviensach.vn