🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Phan Đình Phùng Nhà Lãnh Đạo 10 Năm Kháng Chiến (1886-1895) Ở Nghệ Tĩnh Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn Tên sách : PHAN ĐÌNH-PHÙNG MỘT NHÀ LÃNH-ĐẠO 10 NĂM KHÁNG-CHIẾN (1886-1895) Ở NGHỆ TĨNH Tác giả : ĐÀO TRINH-NHẤT Nhà xuất bản : TÂN VIỆT Năm xuất bản : 1950 ------------------------ Nguồn sách : tusachtiengviet.com Đánh máy : doraemin Kiểm tra chính tả : Phạm Thị Hồng Khánh, Nguyễn Chinh, love it, Vũ Thị Xuân Hương, Phạm kim Dung, Lưu Nguyễn Thị Hợp, Ngô Hương, Nguyễn Thanh Hải, Đỗ Thúy Nhi Biên tập chữ Hán – Nôm : Trần Tú Linh Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 04/08/2018 https://thuviensach.vn Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE 4U.ORG Cảm ơn tác giả ĐÀO TRINH-NHẤT và nhà xuất bản TÂN VIỆT đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. https://thuviensach.vn MỤC LỤC I. MỘT LÀNG NHIỀU MŨ CÁNH CHUỒN II. TOAN LIỀU CHẾT VÌ CHƯA ĐƯỢC ĐI THI III. RA LÀM QUAN IV. VIỆC LOẠN Ở TRONG TRIỀU SAU KHI VUA TỰ-ĐỨC MẤT V. VUA THUA CHẠY DÀI VI. THỜI THẾ TẠO ANH HÙNG VII. MẠT-LỘ CỦA THIÊN TỬ VIII. CAO THẮNG IX. Ở BẮC VỀ X. NÚI VỤ-QUANG XI. CHÂU-CHẤU ĐÁ VOI XII. MỘT NGƯỜI ĐÀN-BÀ XIII. VIỆC BẮT TUẦN-PHỦ ĐINH NHO-QUANG XIV. Ô-HÔ CAO-THẮNG XV. HOÀNG CAO KHẢI BỨC THƯ CỦA HOÀNG CAO KHẢI BỨC THƯ CỤ PHAN TRẢ LỜI XVI. NGUYỄN THÂN LUI VỀ NÚI ĐẠI-HÀM MỘT THẦY ĐỒ GAN TỰ XƯNG LÀ VUA XVII. ANH-HÙNG MẠT LỘ TƯỚNG SĨ ĐỀU TUỐT GƯƠM RA XIN ĐÁNH MÀ CHẾT ĐẤT BÙN LÀ VẬT ĐỠ ĐẠN CỦA TA XVIII. THIẾU CHÚT NỮA CỤ PHAN BỊ BẮT SỐNG XIX. VỤ QUANG SƠN HUYẾT CHIẾN https://thuviensach.vn XX. BA CHÌM BẢY NỔI CHÍN LINH-ĐINH XXI. CHẾT Ở GIỮA RỪNG https://thuviensach.vn VIỆT-NAM CHÍ-SÍ ĐÀO TRINH-NHẤT PHAN ĐÌNH-PHÙNG MỘT NHÀ LÃNH-ĐẠO 10 NĂM KHÁNG-CHIẾN (1886-1895) Ở NGHỆ TĨNH IN LẦN THỨ BA CÓ NHIỀU ĐOẠN BỎ THÊM TÀI-LIỆU TRƯỚC KIA CHƯA TÌM THẤY NHÀ XUẤT-BẢN TÂN VIỆT TRỊ SỰ – 20, AMIRAL COURBET (ÉTAGE N.2) SAIGON https://thuviensach.vn I. MỘT LÀNG NHIỀU MŨ CÁNH CHUỒN TRẬN đánh sau cùng với quân Pháp là trận ở Huế đêm 23 tháng 5 năm Ất-dậu (1885), quân đội chính qui của triều-đình Việt-nam cũng thất bại nốt. Thành mất vua chạy. Bây giờ chống với Pháp chỉ là văn-thân với dân-binh. Người này đánh một hai trận, nhóm kia giữ được đôi ba năm rồi cũng tan vỡ. Duy còn một người cố gắng cưỡng lại, triệu tập ít nhiều anh em đồng chí, rót dầu nhiệt-huyết vào trong cây đèn dân-tộc tự-lập, khêu cao ngọn lửa ái-quốc còn bừng đỏ lên ở một góc Hà-tĩnh – Quảng-bình mười năm sau nữa mới tắt. Ấy là Phan Đình-Phùng. Người làng Đông-thái, huyện La-sơn, tỉnh Hà-tĩnh. Phan Đình-Phùng sinh năm Đinh-mùi (1847), dòng dõi nhà nho. Đông-thái vốn là một làng nổi tiếng nhất trong tỉnh Hà-tĩnh, vì xưa nay có người đậu đạt lớn, làm quan to rất nhiều. Khởi lên từ đời nhà Lê, phát một ông Quận-công, nhà giàu có lớn, hay làm việc phúc-đức, dân trong địa phương đều được nhờ cậy, cho nên người ta sùng bái lắm, tôn ông là « Kiều Quận-công ». Đến đời gần đây, làng Đông-thái lại càng đại-phát, thi đậu hay làm quan cũng vậy. Tức như Quận-công Hoàng Cao-Khải, và hai tổng-đốc Hoàng Mạnh-Trí, Hoàng Trọng-Phu, ba cha con hiển-hách một thời ; còn nhớ lúc ông quận Hoàng bày tiệc thọ bẩy mươi, có người mừng câu liễn như vầy đúng lắm : « Con cái một nhà hai tổng-đốc, Pháp Nam hai nước một công-thần ». Họ Phan thì từ ông Phan Như-Tính, làm tổng-đốc tỉnh Hải-dương hồi còn thuộc về Nam-triều và chính là thầy học của cụ Phan Đình-Phùng cho https://thuviensach.vn tới các ông tiến-sĩ Phan Đình-Du, Phan Trọng-Mưu, Phan Huy-Nhuận v.v… đều là người đồng hương và đồng thời với cụ Phan. Người ta vẫn bảo hai cái thái-cực không gặp nhau. Đằng này chúng ta thấy hai cái thái-cực cùng ở một làng Đông-thái : Họ Hoàng phò-tá Bảo-hộ được vinh-hiển đến tột bậc, họ Phan chống-cự Bảo-hộ cũng quyết-liệt tột bậc ! Họ Phan, từ thủy-tổ ở đời Lê, truyền đến Đình-Phùng là 12 đời, mà đời nào cũng có người thi đậu lớn, làm quan to, cho nên người ta thuở trước đã từng đặt tên cho xóm họ Phan ở là « Ô-y hạng », tỏ ý là một xóm toàn người đậu đạt cao sang. Ông thân sinh ra Phan Đình-Phùng là Phan Đình-Tuyển, đậu phó-bảng khoa giáp-thìn (1814) về thời vua Thiệu-trị. Làm quan tới Phủ-doãn phủ Thừa-thiên, sau vâng mệnh vua sai ra Bắc làm chức Tán-lý quân-vụ giẹp giặc ở tỉnh Lạng-sơn, bị tử-trận. Phan Đình-Phùng có năm anh em đồng-bào. Anh cả là Phan Đình-Thông, đậu tú-tài, làm Phó-quản-đốc một đội thuyền chiến ; thứ hai là Phan Đình-Thuật, đậu cử-nhân làm Giáo-thọ, thứ ba là Phan Đình-Tuấn mất sớm : cụ tức là thứ tư ; còn người em út là Phan Đình-Vận, đậu Phó-bảng làm Tri-phủ. Cụ lại còn hai em khác mẹ nữa, nhưng không ai thành đạt gì. Phan Đình-Phùng phu-nhân là con gái một quan-phủ ở làng Thọ-tường cũng thuộc về tổng Việt-yên, lấy cụ sinh ra được bốn người con trai. Về sau, phu-nhân và mấy người con trai lớn, đều mất sớm về bệnh điên, nhằm lúc Phan đang cầm quân kháng-cự binh Pháp ở núi Vụ-quang, cho nên cụ đã có câu than-thở : « Mình sinh gặp phải lúc gia biến, quốc-biến, thê-biến, tử biến ». Trong bốn người con trai của cụ, duy có người sót lại là Phan Đình-Cừ có tiếng thông-minh can đảm. Phan Đình-Cừ tự là Bá-Ngọc, hồi nhỏ theo cụ ở luôn trong quân. Đến năm Bính-thân (1896), nghĩa là sau khi cụ mất một năm, thì trốn đi du-học ở https://thuviensach.vn Nhật-bản, đứng vào hạng thanh-niên anh-tuấn trong đám Việt-nam chí-chĩ vong mệnh qua Đông-kinh lúc bấy giờ. Nhiều người tưởng chắc mai sau Bá Ngọc có thể nối được chí lớn của cha. Nhưng về sau xoay đổi xu-hướng, có lẽ suy nghĩ việc nước không thể cứu lại được nữa, dầu có làm gì, chẳng qua cũng như « dạ tràng xe các biển đông, nhọc lòng mà chẳng nên công chuyện gì », rồi người ta thấy Nguyễn Bá-Trác về trước đưa Bá-Ngọc về sau, quy thuận chính-phủ Bảo-hộ. Tôi nhớ có một lần được gặp Bá-Ngọc ở Hà-nội, nét mặt tỏ ra người hiền-lành cứng cỏi ; nhưng hỏi chuyện chi cũng ngập-ngừng không muốn nói ra ; hình như có một tâm-sự gì uẩn-khúc khó nói lắm vậy. Lúc ấy sau cuộc Âu-chiến 1914-1918 vừa tan ít lâu. Cách sau đó một năm, nghe tin Bá-Ngọc lại đi sang Tàu, song lần này đi một cách đường hoàng. Không biết Bá-Ngọc lại đi như thế có mục-đích gì, chỉ biết cuối năm 1921, có tin ngoài báo về rằng một hôm Bá-Ngọc đang dạo chơi ở Hồng-khẩu công-viên tại Thượng-hải, thình-lình bị một người cầm súng lục chĩa ngay Bá-Ngọc mà bắn bảy phát chết tươi. Không nói, ai cũng đủ biết người bắn Bá-Ngọc chính là một người đồng-bào Việt-nam. Nhân đó, mà đương-thời có dư-luận phân-vân nổi lên, kẻ bàn vầy, người nói khác. Nhưng mà thôi ! chúng ta nên để người dưới suối vàng yên nghỉ là hơn. * Cụ Phan lại còn một bà vợ thứ nữa, tức là em ruột ông Lại-bộ Tham-tri Trần-Trạm. Bà này về ở với cụ sinh được một người con trai tên là Phan Đình-Cam mất sớm ; sau lại sinh hạ một người trai nữa, hồi 1925-1926, tôi tới Hà-tĩnh nghiên-cứu tài-liệu để viết cuốn sách này, được thấy bà và cậu thứ-nam đó ở làng Đông-thái. Sau đó tới giờ, tin-tức ra sao không rõ. Hồi cụ Phan cầm quân khởi nghĩa, những lúc lên ghềnh xuống thác, xông pha hòn đạn mũi gươm, sớm tối đều có bà truy-tùy ở trong quân cho tới khi chung cuộc, nên người ta gọi bà là « cô nguếch rừng ». Nguếch là https://thuviensach.vn một tiếng ở Nghệ-Tĩnh dùng để chỉ người đàn-bà nào đẻ con đầu lòng là gái ; rừng cốt để chỉ tỏ rằng bà theo hầu cụ Phan ở trong rừng rú vậy. * Đáng tiếc những giấy tờ và thủ-bút của họ Phan bị tiêu-tán thất-lạc hết sạch. Phần thì mất ngay trong lúc binh hỏa bôn-ba, phần thì mất bởi những dư-đảng bị hàng đầu bắt bớ, những nhà đồng-chí bị khám xét tịch-thâu. Có nhà phải ngậm-ngùi tự-động đốt đi, kẻo sợ liên-lụy. Phải biết, với khâm-sai Nguyễn-Thân lúc bấy giờ, một chữ của Phan Đình-Phùng còn nằm sót lại ở trong tay ai, cái đầu người ấy chỉ là củ chuối ! Thành ra công việc sưu-tầm tài-liệu nhiều nỗi gian-nan. Còn chăng, chỉ là năm ba mảnh đoạn-giản tàn-biên, mực đã mờ, giấy đã nát. Đến nỗi ống kính hòm ảnh phải từ-chối, không chịu bắt sáng, và nếu ta đưa lên nặng tay, sợ giấy rời-rã. Nhưng mấy cái di-tích mong-manh sứt mẻ ấy cũng còn lập-lòe chút ít tia sáng để cho kẻ sưu-tầm có thể hiểu thêm được ít nhiều về quân-sự bố-trí của cụ Phan. Và một đôi phần về ý-kiến cụ đối với thời-cuộc. * Có người nói sinh thời cụ Phan cũng nghiện nha-phiến. Tôi không thể tin. Mặc dầu bảo đó là sự mục-kích của một vị cố lão, người Bắc, đã truy tùy cụ Phan rất lâu và mới qua đời ở Hà-nội độ dăm năm nay. Những bậc kỳ-cựu đáng kính ở đất Lam-Hồng mà tôi đã được phỏng vấn, xưa kia hoặc đồng-niên cộng-sự, hoặc giao-thiệp thân-mật với cụ Phan, không nghe một ai nói cụ có cái ác-tật đó. Vẫn biết thuở ấy người Anh đã đem súng bắn đạn thuốc phiện vào nước Tầu (Nha-phiến chiến-tranh năm 1840) và tất người Tầu đã truyền bá sang bên ta rồi, nhưng vua ta có lệnh cấm đoán rất nghiêm. Thật thế, quân chủ Việt-Nam ngày xưa không nỡ lòng lợi dụng món thuế thuốc độc hại dân để làm một nguồn lợi cho công-khố. https://thuviensach.vn Hai triều Thiệu-trị, Tự-đức, vua nhiều lần hạ dụ cấm ngặt quan lại hút nha-phiến, ai không tuân lệnh có thể bị cách chức và kết án bị đồ, bị lưu. Cụ Phan là một nhà nho trì-trọng, một vị quan thanh-liêm mực-thước, không lẽ đâu tự hại sức khỏe mình và phạm phép nhà vua ? Hay là năm ba tháng trước khi anh-hùng mạt-lộ, cụ Phan ta ở quân-thứ mắc phải bênh lị trầm trọng, không chừng trong bộ-hạ có kẻ hiến kế dùng một vài điếu thuốc-phiện để họa may cứu nguy, rồi những người bàng-quang vì đấy tưởng rằng bình-thời cụ vẫn có cái lạc-thú ấy chăng ? https://thuviensach.vn II. TOAN LIỀU CHẾT VÌ CHƯA ĐƯỢC ĐI THI NHỮNG người được gần cụ Phan, đều nói cụ tướng mạo rất xấu, nếu cứ lấy ngoài da mà xét người, thì không có ai ngờ đâu về sau cụ làm nên được anh-hùng. Nhà tướng số nói cụ chỉ khác người được một quý tướng, là khi nằm ngủ thì mình-mẩy ửng đỏ hồng-hào lên, đó là một tướng lạ. Thuở còn nhỏ, đi học đần-độn tối-tăm, đến nỗi học trước quên sau, thầy học đã nói mai sau tất Phùng không làm gì nên thân. Nhưng cụ nhờ có tính rất tự-hùng, thấy anh em mình ai cũng thông-minh học giỏi, thì lấy làm phẩn-uất vô cùng, cố gắng học để theo kịp mới nghe. Thành ra ròng-rã trong bốn năm năm, trong tay không rời quyển sách, chân không bước ra đường, chỉ mài-miệt nơi án sách ngọn đèn, quyết chí lập được công-danh sự-nghiệp. Cậu bé thường nói với bạn đồng học : « Ta cố học để mai sau chiếm được khôi-nguyên mới nghe ». Chẳng qua cũng chí-khí khoa-cử như ai ! Cố-nhiên, thời-đại nào kỷ cương ấy. Thời-đại thường uốn chí-khí con người theo khuôn của nó, mấy ai hồ-dễ thoát được ra ngoài. Nước ta, từ đời nhà Trần, cách kén chọn nhân-tài, chỉ có từ-chương khoa-cử. Ai không ở trong vòng đó bước ra thì không thể là nhân-tài, mà cũng khó có ngõ nào để xuất-thân cho được. Cái lối từ-chương khoa-cử, truyền về đời sau, chẳng những không bớt đi mà lại càng thêm bày vẽ thịnh-hành lên mãi. Sau khi vua Gia-Long vừa thống-nhất trong nước xong, tức thời gươm dáo xếp xó, thi phú lên đàn. Vua quan làm gương và khuyến-khích dân : luôn mấy triều Minh-mạng, Thiệu-trị, Tự-đức, toàn là Thiên-tử thi-phú ; bầy tôi danh-vọng như Hà Tôn-Quyền, Doãn-Uẩn, toàn là quân-thần từ-chương. Vua tôi chỉ tưởng trong nước có bờ cõi, có nhân-dân, thế là trời Nam định phận, không biết bên ngoài có cường-lân, có địch-quốc, thường để mắt đến ta. Mọi việc khư-khư chẳng chịu cải-cách. Quan-ải không khai, cửa bể đóng https://thuviensach.vn chặt, thời-thế chẳng hiểu, võ-bị lôi-thôi, triều-đình chỉ lo ngâm thi đặt phú với nhau, tưởng đâu « mấy vần thi phú » cho hay, đủ sức trị dân giữ nước. Kén người, thì khinh võ-bị mà trọng văn-chương. Dạy dân, thì bỏ thực-học mà chuộng khoa-cử. Bởi thế, người đời ấy ai không học từ-chương không nên người, học mà không thi đậu cũng không nên người, thi đậu mà không làm được quan cũng không nên người. Giữa lúc thiên-hạ đâu đó văn-minh tiến-hóa rầm rầm, kẻ thì đang ra tay chinh-phục đất xa, người thì biết lo thân tự-cường cải-cách, thế mà ở nước mình, vua quan vẫn kềm giữ nhân-dân ở chặt trong vòng học cũ thói xưa. Người ta lo mở-mang những thương-mãi, những công-nghệ, những cơ-khí, những khoa-học, còn mình đây thì khi đứng, khi ngồi, khi tỉnh, khi mê, chỉ lo có một việc là từ-chương khoa-cử. Chính nhà vua có trách-nhiệm sửa nước dạy dân, ôm giữ mãi chế-độ từ-chương khoa-cử, buộc dân phải theo đó mà đi, bảo rằng ai đi đến chỗ « khoa hoạn » mới là tới mục-đích nhân-sinh, hễ ai đi trái con đường ấy, thì không ngõ xuất-thân nào khác. Tự-nhiên, những người ở dưới cái chế-độ giáo-hóa đó, bao nhiêu tư-tưởng, bao nhiêu hy-vọng, bao nhiêu chí-khí, đều quanh-quất sa-đà, ở trong có bốn chữ ; bốn chữ ấy chia ra làm hai đoạn, là : thi đậu và làm quan. Cụ Phan, sinh ra nhằm giữa hoàn-cảnh như thế, thì cách lập-chí xuất thân của cụ trừ khoa-cử ra, không còn có đường nào hơn, vậy ta thấy cụ có cái chí « học quyết khoa », chẳng nên lấy gì làm lạ. Vì lập-chí mai sau phải chiếm được giải khôi-nguyên, cho khỏi phụ lời mình đã nói cứng-cáp, đến nỗi có một phen Phùng đã liều chết. Năm 21 tuổi cùng em là Phan Đình-Vận, thọ-nghiệp với ông bác là Phan Đình-Tuân, đậu tú-tài, gặp giữa năm ấy có khoa thi, Phùng năn-nỉ bà thân-mẫu đến xin bác cho mình được cùng em đi thi. Ông bác nói : « Phùng học hãy còn kém sút, nó chưa đi thi khoa này được, hãy đợi khóa sau ». Cậu năn-nỉ xin đi thi không được, đâm ra bực mình phẫn-chí, lén sai đầy-tớ ra chợ mua một lượng hương-nhu là vị thuốc độc về, viện cớ mua để https://thuviensach.vn thử chế thuốc pháo, nhưng kỳ thật là đem trộn vào ly rượu, rồi gọi em là Phan Đình-Vận tới bảo rằng : « Sinh ra làm trai, cốt được học, học cốt đi thi, học mà không được đi thi, thì còn sống làm gì. Phen nầy anh liều chết cho rồi đời, nghe em ». Em sợ quá, kiếm lời an-ủi can-ngăn mãi, song anh không nghe, một hai đòi uống thuốc độc tự-tử mà thôi. Cực chẳng đã, Phan Đình-Vận phải chạy mau mau tìm kiếm bà thân-mẫu để nói cho bà nghe rằng anh Phùng đang uống rượu độc tự-tử. Trong khi ông Vận chạy đi kêu mẹ, Phùng đã uống thuốc độc mà mê-man bất-tỉnh rồi. Sau bà thân-mẫu tới, hô-hoán người nhà hàng xóm lại cứu-cấp. Họ lấy nước đậu xanh và cam-thảo cạy miệng ra mà đổ, một lúc lâu mới tỉnh. Ấy lúc nhỏ, vì chút khoa-danh mà Phan đã có can đảm khinh sinh liều chết đến thế, thảo nào sau ra làm quan, mắng Tôn-thất Thuyết giữa triều-đình, cùng là khởi-nghĩa trong mười năm trời, lấy sức châu-chấu đá voi, tỏ ra một người can-đảm đầy mình, làm việc gì cũng toàn là coi chết như không. Đến mãi khoa thi Bính-tí (1876) là năm cụ 39 tuổi, mới đậu cử-nhân. Qua năm sau (1877) vô kinh thi Hội, đậu Đình-nguyên Tiến-sĩ. Lời thề « thế nào cũng chiếm giải khôi-nguyên » ngày xưa, bây giờ làm được như nguyện vậy. Phan tuy đậu Tiến-sĩ, nhưng tài học cũng chỉ ở trong bờ cõi từ-chương cử-nghiệp mà thôi, không phải là một nhà học-vấn uyên-bác lỗi-lạc, hay khua bút múa văn như người ta. Cho nên sinh bình không có sự-nghiệp gì về văn-chương ; suốt đời không có câu đối nào tuyệt, bài thi nào hay, lưu-hành ở đương-thời và truyền-tụng về sau. Xem bài văn-sách thi Đình của cụ làm trong khoa thi đậu, cùng là sau này, những lúc cầm quân ở trong đám lửa giọc đạn ngang, rừng sâu núi thẳm, cũng có nhiều khi ngẫu hứng mà phát ra ngâm-vịnh, nhưng xem lời văn đều là thật-thà chất-phác thế thôi, không có vẻ chi hùng-hào hay xuất sắc như văn-chương của nhiều nhà nho khác. Có khi một vài câu liễn, bài thi của cụ, người ta có thể không lấy làm thích ý nữa là khác. https://thuviensach.vn Nhứt sanh cụ Phan lấy đức thuần-phác trung hậu làm gốc sự học, cho nên phát ra văn-chương cũng vậy. Lại được một tính-cách thật-thà mạnh dạn hơn người là điều gì biết thì nói biết, điều gì không biết thì nói ngay không biết, không có thói đấp-điếm lòe đời như ai. Đến nỗi khoa đi thi Đình, đầu bài chính tay vua ra, có vấn-đề nào cụ chưa học tới, chưa từng nghiên-cứu, thì trong bài làm, tới chỗ đó, cũng viết ngay rằng : « sĩ vị tằng đọc, bất cảm mạo tấu », nghĩa là : « chỗ này tôi chưa học, tôi không dám tâu càn ». Thế cho biết trong sự học của cụ có đức thận-trọng và tự-khiêm. Sau làm nên được bậc người oanh-oanh liệt-liệt trong mười năm trời, nước non ỷ-thác, bạn phục dân theo, chính vì có dũng-cảm, có nghĩa-khí, hơn là vì có cờ biển Tiến-sĩ. Bởi thế ta xem cụ, đừng trông vào phương-diện văn-học. Vì cụ cũng là ông Nghè, nhưng không phải ông Nghè hay chữ, mà cốt là ông Nghè yêu nước. https://thuviensach.vn III. RA LÀM QUAN SINH-BÌNH, cụ Phan vốn có hai tính-cách đặc-biệt là : thẳng và gan. Khi còn là học trò ở nhà quê, một làng bên cạnh đắp con dường đi xuyên thẳng qua làng Đông-thái, theo lẽ mê-tín phong-thủy của ta ngày xưa, thì việc mở con đường này tất-nhiên có hại cho cuộc lạc-nghiệp an-cư của dân Đông-thái ; nhưng không ai dám đứng lên cản trở. Cậu học trò Phùng ngang-tàng đảm-nhận việc ấy. Cậu xách gươm ra, ngồi lì ở bên đường, nói rằng hễ ai đi qua đường này thì chém chết. Thế mà con đường ấy sau phải bỏ rêu phong cỏ mọc, không ai lai-vãng nữa. Nhân có bổn-tính khảng-khái cang-cường như vậy, cho nên lúc ra làm quan, phàm gặp việc gì ngang tai trái mắt, mà thiên-lương bảo phải làm để sửa lại, là mạnh-bạo làm ngay, dẫu biết rằng làm việc đó sẽ có hại đến tước lộc hay nguy hiểm đến tính-mệnh mình cũng mặc. Cụ làm quan, không như những kẻ tham quyền cố vị kia, động gặp việc gì khó khăn – mà chính là việc nên làm và chính họ có sức làm được – thì co đầu thụt cổ lại không dám làm. Rất đỗi có khi không dám mở miệng ra để nói lẽ phải nữa. Trong ý họ chỉ lo sợ nếu như việc phải đó mà mình làm ra hay nói ra, e thiệt-hại cho vợ con mình, thân danh mình, sẽ mất cả áo ấm cơm no, lên xe xuống võng. Họ nghĩ thà cứ chiều đời ngậm miệng cho được vinh thân phì gia là hơn. Trái lại, cụ Phan không phải là hạng làm quan như thế. Bởi vậy, khi làm Tri-phủ Yên-khánh ở Ninh-bình, thấy một ông cố-đạo bản-xử hay ỷ thế tôn-giáo, hà-hiếp lương-dân, cụ Phan không kiêng-nể ngần-ngại gì, cứ việc hô lính đè cổ giáo-sĩ đó xuống hỏi tội và đánh thẳng tay. Giáo-sĩ bị trận đòn ấy tức là cụ Trần-Lục, tục gọi là cụ Sáu, mấy năm sau nhờ thế lực Pháp mà được triều-đình phong làm Tuyên-phủ-sứ có oai quyền lừng-lẫy một lúc ở vùng Phát-diệm-Ninh-Bình, ai cũng phải sợ. https://thuviensach.vn Người ta nói ông có cái đức giết người như rạ, không kém gì Tôn-thất Thuyết. Cụ Phan đánh một ông cố-đạo là đánh kẻ có tội hà-hiếp người, chớ không phải bầy tỏ thâm-ý ghét đạo Thiên-chúa. Bọn văn-thân ta lúc đó cùng có một ý nghĩ chung, cùng ôm một mối thù chung ; gặp đâu có nhà thờ là đốt phá, gặp đâu có ông « mặc áo dài thâm » là vặt râu, gọt đầu, bắt bước qua cây thánh-giá, thích chữ vào mặt, rồi giết chết. Bởi các ông văn-thân lầm tưởng phàm những người theo đạo Thiên chúa đều là quân nội-công của người Pháp và đạo Thiên-chúa là tả-đạo hoặc người. Ấy, đời xưa từ vua đến quan, từ quan đến dân, đều tin-tưởng như thế cho nên đã gây nên không biết bao nhiêu việc lương giáo đánh giết nhau, rắc-rối lôi-thôi mãi. Nhưng cụ Phan suy-nghĩ thế khác. Với kẻ thân-tín, cụ vẫn thường nói : « Đạo Thiên-chúa lấy Gia-tô làm trời, cũng như Thích-ca Mâu-ni là Trời của đạo Phật hay Khổng-phu-tử là Trời của nhà Nho. Hễ ai đã tín-ngưỡng điều gì, thì điều ấy là Trời của mình. Mình muốn người ta đừng xâm-phạm đến sự tín-ngưỡng của mình, thì mình đừng xâm-phạm đến sự tín-ngưỡng của người ta. Thiên-chúa cũng là một thứ tôn-giáo, mặc ai tin thì theo ». Còn như thuở ấy người ta bảo giáo-dân là quân nội-công của người Pháp, thì cụ nói : « Ấy là tại nước mình hèn yếu, không có nhân tài, không có tàu bền, súng lớn, quân mạnh tướng giỏi, chớ lỗi chi ở giáo-dân. Chồn mượn oai hùm, dê đeo da cọp, ấy là thường-tình của con người ta, có lấy chi làm lạ. Xứ nào mà không có loại người hèn ấy ». Giữa lúc nhà nho đều cố-chấp mà cụ Phan có tư-tưởng rộng lượng được thế, quả thật đạt-quan. Có người nói bởi cụ đã có dịp gặp-gỡ đàm-luận về vấn-đề ấy với Nguyễn Trường-Tộ, một danh-sĩ ở Nghệ theo đạo Gia-tô. Nhưng vậy mà có một giáo-sĩ cậy thế làm xằng và hiếp người bên lương thì cụ làm phận sự chăn dân, vẫn nọc kẻ ấy ra mà đánh, không tha. https://thuviensach.vn Sự thật ở đời bấy giờ, ngoài ra những ông chuyên tâm giảng đạo, bất can thế-sự ra, thật cũng có ít nhiều giáo-sĩ quá ỷ thế-lực người Pháp hùng cường sẵn lòng bênh-vực mấy ông, rồi mấy ông được trớn làm quá giới-hạn. Họ ỷ vào thế-lực đó để giữ-gìn quyền-lợi của nhà chung và tự-do truyền giáo, đã đành là lẽ tự-nhiên rồi, nhưng có nhiều ông được trớn rồi hà-hiếp những dân vô cô. Giáo-dân lại cũng ỷ thế mấy ông cố, ông cha mình để bắt nạt anh em đồng loại bên lương. Do đó mà đôi bên sinh ra lắm sự đánh giết nghịch thù lẫn nhau. Tình-tệ như vậy, khiến cho phận-sự làm quan phụ mẫu địa-phương, bảo cụ phải trừ-tệ an dân, dù một ông cố đạo có lỗi cũng không dung thứ. Như trên kia đã nói, cụ đánh một ông cố đạo chỉ là trị một kẻ « ỷ thế hiếp người », không phải có ác cảm gì với đạo Thiên-chúa như tất cả người đồng thời. Về sau cụ khởi nghĩa, có một lúc kéo cờ đề chữ « Bình-Tây Diệt Tả » là vâng theo huấn-lệnh của triều-đình lúc bấy giờ thường hạ chiếu khuyến khích bọn văn-thân đánh phá chém giết giáo-dân. Nhưng sau cụ suy-nghĩ thế là không nên, vì giáo-dân cũng là đồng-bào có thù-nghịch gì với mình đâu, cho nên khi đóng đại-binh ở núi Vụ-quang, cụ vẫn hiểu-dụ bọn giáo-dân rằng : « lương-dân hay giáo-dân đều là xích-tử của triều-đình, chớ nên vì lẽ gì mà hại lẫn nhau ». Xem thế thì cụ Phan thật không có lòng ghét đạo Thiên-chúa, chỉ ghét những giáo-sĩ hay giáo-dân nào ỷ thế làm càn đó thôi. Song, ở đời ấy, đánh một ông cố đạo, là một việc dễ làm, nhưng cũng là một việc khó xử. Dễ, là bọn văn-thân lúc ấy đang có thanh-thế to, bè-đảng lớn, thì đánh hay giết ngay một ông cố đạo, cũng như là đánh hay giết một người dân thường vậy thôi. Nhưng khó, là khó cho triều-đình trong việc giao-thiệp với nước Pháp. Một cớ trước hết, mà nước Pháp và nước Nam có cuộc giao-binh, sau thành ra cuộc bảo-hộ, là tự triều-đình ta làm ngăn trở việc truyền-giáo, bao nhiêu năm hạ chiếu thúc-giục quân-dân phải ngược sát giáo-dân. Triều-đình https://thuviensach.vn thấy trong mọi việc Pháp-Việt giao-thiệp đều có giáo-dân làm duyên-cớ ở trong, thì bảo : « À, quân này rước voi về dầy mồ », bèn ra tay cấm, giết đạo. Đến khi thấy vì cấm đạo giết đạo quá lố, mà việc giao-thiệp hai nước càng thêm nguy-hiểm khó-khăn cho mình, thì triều-đình lại bảo : « À, quân này mạnh gớm », bèn trở lại trị tội những quan những dân nào đã xâm-phạm đến người đạo. Triều-đình cốt làm vậy để chiều lòng người Pháp. Thế là, khi nào nước Pháp nhịn thì triều-đình ta làm tới, khi nào nước Pháp giận thì triều-đình ta thụt lui, tự triều-đình, không có chủ-trương nhất-định gì cả. Bởi thế, cụ Phan Đình-Phùng, Tri-phủ Yên-khánh vì cái lỗi đã đánh một ông cố đạo, mà bị triều-đình trị tội, phải triệu về kinh, sung vào viện Đô-sát, làm Ngự-sử. Năm ấy là năm Tự-Đức thứ 31. Cụ được về kinh sung vào chức này, lại càng nhằm chỗ thích-hợp với tính-cách thiên-nhiên là tính cang-trực. Gặp lúc bấy giờ việc nước lôi thôi, chính-sự rối bét, vua thì nằm cao ở chốn thâm-cung, giặc thì tung-hoành khắp trong bờ cõi, thế nước hồ-nguy, tinh dân khổ-sở, thế mà các quan đại thần, tiểu-thần, trong triều, ngoài quận, trên đã không giúp được vua yên nước, dưới lại không có lòng thương dân ; tóm lại các ông ấy chỉ biết lo có bản-thân và làm toàn những việc dối trên hiếp dưới, cơ-hồ không còn có kỷ cương phép-tắc gì nữa. Chức Ngự-sử đặt ra cốt để can-ngăn vua chúa sửa đổi tật hư, và hạch lỗi trăm quan về những việc làm bậy. Làm Ngự-sử về thời trị đã khó khăn, vì thấy nhiều ông Ngự-sử khiếp sợ oai-quyền, rõ biết vua sai quan lỗi mười mươi, mà không dám nói ; huống chi làm Ngự-sử thời loạn, khôn sống mống chết, nhưng mà trên thì khổ-gián được vua chúa, dưới thì nghiêm hặc được trăm quan, khiến ai nấy trúng khuôn phải phép, lợi nước an dân, như vậy Ngự-sử chẳng phải là chức khó lắm sao ? Cụ Phan thật là xứng đáng một quan Ngự-sử ở thời loạn. Vì gặp việc sai lầm cụ đều dám nói. Thứ nhất là việc tập bắn ở cửa Thuận-an. Nguyên là hồi ấy, nhà vua có lập ra một sở tập bắn ở cửa biển Thuận an, cách xa kinh-thành 14 cây số, bắt buộc tất cả các quan văn-võ đại-thần ở https://thuviensach.vn kinh đều phải ra đó tập bắn. Cái bản-ý của nhà vua lập ra trường tập bắn cho các quan, chắc vì lúc ấy trong nước đang có binh đao, nhà vua muốn rằng bất cứ quan dân, ai cũng có thể làm quân lính được cả, cho nên định luyện tập lấy một đội quân « các quan » để rồi ra hộ-vệ kinh-thành, chống-cự binh Pháp chăng ? Ai cũng đủ biết trong chốn triều miếu kinh-đô, ai làm nên đến bậc đại thần là vào hàng « các cụ » rồi. Đã làm bậc « các cụ », thì có oai-quyền to, thanh-thế lớn, không muốn cho ai nịnh-hót cũng có người nịnh-hót, không muốn ai sợ-hãi cũng có người sợ-hãi ; nhân vậy mà có thiếu gì kẻ bưng-bợ oai-quyền và khúm-núm ton-hót ở đằng sau các cụ. Các cụ nói câu gì, dù cho dở-khẹt cũng là nói gang-thép, các cụ làm việc gì dầu cho bậy-bạ cũng là việc làm hơn người. Rất đỗi là con cháu các cụ dốt mấy, rồi đi thi-cử cũng phải đậu, ngu mấy rồi cũng được viện lệ hay tập tước để làm quan. Tóm lại, các cụ ở đời bấy giờ tiếng là phò vua giúp nước mà kỳ thật là dối vua hại nước không biết bao nhiêu. Chính việc tập bắn ở Thuận-an là một chứng-cớ. Nhà vua đã định lệ, hễ cụ này bắn trúng mấy phát, cụ kia bắn trúng mấy phát, thì viên chấp-sự trông nom việc tập bắn phải ghi vào sổ hẳn-hoi để tâu vua xem. Các cụ đã quen áo dài vai rộng, võng lọng ngựa xe, đời nào mó tay đến khẩu súng tập bắn. Không may gặp lúc trong nước có nạn đao binh, nhà vua bắt buộc quan lớn cũng phải sắn tay áo lên, tập-tành cái nghề của tên lính, thì hình như là việc cực-chẳng-đã cho các cụ ; các cụ chỉ làm cho xong chuyện, khỏi trái mạng vua thì thôi. Có khi các cụ bắn mười phát đều lên mây xanh, không có được một phát trúng đích, thế mà viên chấp-sự cũng ghi vào sổ cho nhiều, làm như các cụ đều bắn giỏi cả. Việc tập bắn man-trá như vậy, các ông Ngự-sử ở Đô-sát-viện đều biết dư, nhưng ai cũng kiêng nể sợ-hãi các cụ, không dám đàn-hặc bao giờ. Duy đến cụ Phan không thèm kiêng-nể sợ-hãi ai, vì cụ suy-nghĩ : họ làm như thế là dối vua, bèn làm sớ tâu vua Tự-đức ngự giá ra cửa Thuận-an, để xem các quan tập bắn cho rõ hư-thực. Vua Tự-đức ngự ra xem, quả thấy trước kia sổ sách biên chép tâu lên là láo cả, trong bá-quan tập bắn mười phần chỉ có một https://thuviensach.vn hai phần bắn trúng mà thôi. Bởi vậy ngài châu phê rằng : « thử sự cửu bất phát, phùng Phùng nãi phát » (việc này lâu không có ai phát-giác ra, nay gặp Phùng mới phát), rồi thăng chức cho cụ làm Hình-khoa chưởng-ấn. Cả triều-đình bấy giờ, ông quan nào cũng phải kiêng-nể cụ về tính cương-trực cảm ngôn. Những việc cụ dám đàn-hặc bá quan hồi ấy còn nhiều, song cũng không quan-hệ chi mấy, cho nên lược đi. Vua Tự-đức thương cụ là người cương-trực, sau ngài giáng chỉ phái cụ làm quan Khâm-mạng ra thanh-tra tình-hình quan-lại ở Bắc-kỳ. Cụ đi thanh tra rồi, dâng sớ về tâu vua, hạch tội ông Thiếu-bảo Nguyễn-Chánh, kinh lược Bắc-kỳ, chỉ ôm tiết-việt vua ban làm món đồ bày trước mặt cho oai-vệ, còn sự lợi-hại của dân-gian, thật chẳng để tâm gì tới. Vua Tự-đức truyền cho cụ thâu lấy tiết-việt của Nguyễn-Chánh về, không cho làm Kinh-lược nữa. Ở ngoài Bắc trở về kinh, cụ Phan lại sung chức Ngự-sử. https://thuviensach.vn IV. VIỆC LOẠN Ở TRONG TRIỀU SAU KHI VUA TỰ-ĐỨC MẤT LÚC bấy giờ sáu tỉnh Nam-kỳ nhượng đứt rồi, quan Pháp đang hoạt động ở Bắc-kỳ và sắp can-thiệp đến Kinh-đô Huế. Thoạt tiên, Pháp can-thiệp đến kinh-đô là đánh Đà-nẵng, phá cửa Thuận-an, rồi yêu-cầu đặt Khâm-sứ. Chiều theo điều-ước ký ngày tháng 3 năm 1874, nước Pháp có quyền đặt một ông Khâm-sứ tại kinh-đô Huế để giao-thiệp với triều-đình ta. Nước Pháp đã chiếm đất Nam-kỳ và đã đánh phá hầu hết Bắc-kỳ rồi, còn một đất Trung-kỳ tha gì mà chẳng lấy nốt, duy còn muốn nhân-nhượng cho triều đình ta đôi chút, tức là cách « tiên lễ hậu binh », chờ lúc nào triều-đình ta ra mặt kháng-cự thì bấy giờ Pháp mới dùng đến võ-lực. Vậy ông Khâm-sứ đến đóng ở Huế trước hết là ông Rheinart (1875). Ông Khâm-sứ đến đóng đô ở Huế tức là một người thay mặt nước Pháp để thi-hành điều-ước với triều-đình ta. Nhưng triều-đình ta có coi điều-ước ra cái quái gì ; bất quá lúc bị thua trận quá, thì cũng nhắm mắt ký tên để làm kế hoãn binh mà thôi, vua quan mình bấy giờ xem điều-ước chẳng khác tờ giấy lộn và khoản kia khoản nọ như câu nói trò-đùa gì vậy. Vì thế, ông Khâm-sứ nào đến rồi cũng chán-nản. Ông Riheinart đến đóng ít lâu bỏ đi, ông Philastre tới thay (1878). Ông này cả ngày chỉ ham đọc sách bói toán, và chơi với ông Nguyễn Văn-Tường rất thân. Sau chính-phủ Pháp thấy triều-đình ta không giữ lời hứa chút nào, tưởng rằng ông Philastre không đủ nghiêm-ngặt để bắt buộc triều-đình Huế phải tôn-trọng điều-ước, cho nên ngày tháng 7 năm 1879 lại phái ông Riheinart tới thay một lần nữa. Trong hồi đó, giữa triều-đình ta và tòa Khâm-sứ có xẩy ra nhiều việc lôi thôi khó khăn ; nào là vua quan ta miệt-thị ông Khâm-sứ, nào là ngược đãi những người Pháp ở Huế, nào là giết đạo, v.v… làm cho người Pháp khó chịu, tức mình, những đó cũng kể là những việc nhỏ, duy có việc trái với https://thuviensach.vn điều-ước, khiến cho người Pháp bất-bình lắm, ấy là việc vua Tự-đức lại sai sứ sang triều-cống nước Tàu. Thật vậy, khoảng năm 1880, vua Tự-đức sai sứ-thần đem đồ phương vật sang triều-cống vua Thanh nước Tàu và xin Tàu cứu-giúp, trong ý vua quan ta tưởng rằng vua Thanh nước Tàu lúc bấy giờ đủ sức chống-cự nước Pháp mà cứu-viện cho nước Nam mình được. Chính phủ Pháp thấy vậy, nghi ông Riheinart làm không trọn trách nhiệm, là tại ông không biết tiếng Nam và phong-tục người Nam, cho nên trong sự giao-thiệp có nhiều điều ngăn trở hay là không rành. Rồi chính-phủ Pháp cử ông Champeaux đến thay làm Khâm-sứ. Ông Champeaux là người thạo tiếng Việt-Nam và hiểu thấu tính-tình phong-tục của người mình lắm. Nhưng khốn thay triều-đình mình, dù ông khâm-sứ nào tới mặc lòng, cũng gây sự lôi thôi với người ta. Rốt cuộc đến ông Champeaux cũng phải đi, rồi ông Riheinart lại tới Huế nữa. Đến năm 1882 trở đi, công cuộc giao-thiệp giữa hai nước càng thêm rắc-rối, có nhiều chỗ không thể nói được nữa. Thứ nhất là khi nghe cái tin quân Pháp hạ mất thành Hà-Nội rồi, triều-đình và bọn văn-thân càng lấy làm uất-ức, vì thấy đất-cát thành-trì của mình cứ mất lần mòn một cách nhục-nhã như vậy, thành ra bấy giờ không muốn hòa nữa. Tuy mình không có binh lực và khí-giới, nhưng ai nấy đều hăng-hái muốn liều chết mà đánh nhau rồi ra thế nào thì ra. Thấy lòng người phấn-khích như thế, nên chi ông Tôn-thất Thuyết – khi ấy làm Binh-bộ thượng-thư, có binh quyền trong tay lớn lắm – mới ngầm lén dự-bị để chống cự binh Pháp. Ông sai cắm cờ ở sông Hương để ngăn giới-hạn bên tòa sứ và bên Hoàng-thành ; lại xây đồn đắp lũy ở cửa Thuận-an, để phòng giữ mặt biển và luyện-tập binh lính cả ngày, chỉ chờ dịp cùng quân Pháp khai chiến. Vì thấy tình thế mỗi ngày càng thêm rắc rối không xong như vậy, cho nên đầu năm 1883, ông Rheinart bỏ Huế mà vô Sài-gòn. Ấy là cái triệu hai nước sắp sinh sự với nhau đó. Vua Tự-đức vốn là một bậc vua anh-minh, chỉ tiếc vì ngài ở chốn thâm cung, không hiểu chi về thời thế thiên-hạ, mà các quan phò-tá cận-thần đều là hạng hủ nho cố-chấp, không rành việc đời việc nước, không hề tri-kỷ tri- https://thuviensach.vn bỉ chút nào. Sự thật, chính vua Tự-đức không phải là người có tính cố-chấp. Ngài cũng biết thứ chi thích dùng thì dùng, dầu thứ đó là đồ chế-tạo của nước Pháp là nước đang cừu-địch với ngài cũng vậy, chứ không phải như mấy ông hủ-nho ta đời ấy, bất cứ thấy cái gì của tây là cũng làm bộ không dùng. Một việc này làm chứng-cớ rằng vua Tự-đức không có tính cố-chấp. Ngài ham-thích đi săn bắn. Tháng nào ngài cũng đi bắn đôi ba lần, và mỗi lần đi bắn đều được vịt-trời và hươu nai, cho nên ngài đã có tiếng là ông vua tài bắn. Thường khi ngài đi bắn như thế hay đem theo mấy khẩu súng tây và đi đôi giầy bằng cao-su đen của tây chế ra để lội xuống ruộng cho dễ. Xem vậy thì ngài có đạt-quan lắm, không ghét bỏ chi những đồ thích dùng, dầu cho là của địch-quốc. Ngài hay chữ và coi việc triều-chính rất siêng năng. Cả ngày ngự ở điện Cần-chánh làm việc, không lấy làm mỏi-mệt. Lại có tính-tình giản-dị, những lúc ngồi làm việc cặm-cụi, chỉ có hai con cung-nữ đứng hầu để dâng trà châm thuốc ; làm việc lâu lâu mệt-mỏi thì đứng dậy ra chỗ để-đầu hồ chơi ít bàn làm vui. Nói tóm lại, sau vua Gia-long là vua anh-hùng, đến vua Tự-đức có thể gọi là vua minh-triết. Nếu như gặp được nhiều đại-thần phụ chính là hạng thức thời và có trí, vẽ cho ngài về việc thời-thế họa-phúc, chỉ-dẫn giúp đỡ ngài trong việc cải-cách duy-tân, thì có lẽ nước Pháp đã sẵn lòng giúp sức cho ngài có thể làm vua Minh-trị nước Nhật-bản, mà dân mình dẫu có kém hèn đi nữa, cũng tiến tới sớm hơn ít chục năm, có thua ai cũng không đến nỗi thua sút cho lắm… Đáng tiếc thay, những người ở bên tả hữu nhà vua lúc bấy giờ, đều là hạng tư-tưởng cũ-rích, thời-thế mịt-mù, họ gặp buổi vận-hội gian-nan, quốc-sự nguy-biến là thế, mà vẫn cố-chấp mơ-màng không chịu tỉnh-ngộ. Chính họ đã dối vua hại nước chứ ai. Một viên đại tướng Pháp hồi đó là ông Le Myre de Villers, viết thư dâng vua Tự-đức có câu rằng : « Bọn tả-hữu của Hoàng-thượng đã làm cho Hoàng-thượng sai lầm việc nước », thật là một câu nói tóm tắt được cả tình-hình triều-chính nước ta hồi đó vậy. Phải, chính các cụ đại-thần dối vua hại nước đáo để. https://thuviensach.vn Nước ta lúc bấy giờ, trong dân-gian nảy ra lắm người thức thời hữu chí, lần mò vào kinh-đô dâng sớ cải-cách, một hai bầy tỏ, tâu xin nhà vua mau mau sửa đổi theo Âu-Mỹ, thì quốc-vận còn có thể vãn-hồi được. Nhưng chí-sĩ nào cũng bị các cụ triều-thần làm « kì đà cản mũi » còn kiếm cách hãm-hại người ta là khác. Những lúc ông Nguyễn Trường-Tộ 1tâu xin cải cách theo như Âu-châu và ông Bùi-Viện 2tâu xin thông-thương với nước Mỹ vua Tự-đức họp đình-thần lại giao cho bàn xét thi hành, vì tự ngài không muốn độc-đoán. Nhưng các cụ đình-thần chỉ sợ người khác tranh công cướp vị của mình, nên chỉ ra sức cản-trở nhà vua về việc lo toan cải-cách. Những chí-sĩ đương thời như ông Tộ ông Viện muốn thấy tổ-quốc mình duy-tân đã không được thấy, lại còn mang lấy cái họa sát thân vào mình nữa. Rất đỗi giữa khi quân Pháp đang đánh dẹp tứ tung ở Bắc-hà, đi đến đâu là đánh được ở đó, có thể mau lẹ dễ-dàng như chém cây khô, mà ở trong trào, các cụ có trọng-trách quốc-gia, chẳng ai có một mưu-chước gì để giúp vua cứu nước, chỉ tin cậy vào học thuật Khổng, Mạnh, trông mong vào sự cứu giúp của nước Tầu là một nước cũng đang suy-vi nát bét như tương. Thật thế, nước Tầu hồi đó, đang như con cá nằm trên thớt, chịu để cho liệt-cường Âu Mỹ chặt năm xé ba chia nhau, chính mình lo bề tự cứu còn không xong, có hơi sức tài giỏi gì cứu ai cho được. Chẳng qua có bọn Cờ đen, là bọn giặc cỏ ở bên Tầu, chạy tràn sang đất Bắc ta, thế mà nhà vua trông cậy vào chúng để chống cự với binh Pháp hùng-cường mới kỳ, khiến cho chúng thừa dịp phá hại dân ta rất là khổ sở. Cũng chính các cụ triều thần hủ-bại xui giục nhà vua hạ chỉ giết hại giáo-sĩ và giáo-dân, lại càng gây thêm oán thêm thù ra với người Pháp nữa. Lời của ông Le Myre de Villers đã nói trên kia là phải lắm. Kể cho hết cái tình-cảnh khó khăn của vua Tự-đức hồi bấy giờ, ai cũng lấy làm ái-ngại cho ngài ; trên thì có đức bà Từ-dụ Thái-hậu cấm-đoán, dưới thì có quần-thần trở-ngăn, trong mọi công việc, thành ra quốc-gia đại sự, ngài bị trên ngăn dưới cản, không thể chủ-trương quyết-đoán ra thế nào được cả. * Tệ nhất là trong vương triều có bọn quyền-thần. https://thuviensach.vn Đối với việc Pháp-Việt giao-thiệp hồi ấy, trong triều chia ra làm hai đảng : một đảng chủ hòa, một đảng chủ đánh. Đảng chủ hòa yếu, đảng chủ đánh mạnh. Đảng chủ hòa thì đã cố-nhiên rồi, còn đảng chủ đánh cũng chỉ vu-vơ, mơ-màng, chẳng có thực-lực mà cũng chẳng trông cậy vào đâu chắc chắn ; bất quá ngoài thì trông nhờ giặc Cờ đen, trong thì trông vào một cửa bể Thuận-an, và một vạn quân cấm-vệ, súng đạn lương-thực tích-trữ được một năm, tưởng đâu như thế là đủ chống với quân Pháp rồi. Đầu đảng chủ đánh là ông Nguyễn Văn-Tường và ông Tôn-thất Thuyết. Ấy, mỗi đảng có một cái chủ-kiến khác, thành ra xung-đột nhau. Hồi tháng năm năm 1883, việc trong nước đang rối bét như thế, mà triều-đình ta còn bầy ra lễ « Phất-thức » tức là một lễ lau chùi những ấn-tín của nhà vua, trong dịp vui mừng. Nào có gì đáng mừng đâu, chỉ có nghe tin ông Đại-tá Henri Rivière đã chết, và quân Pháp đã rút ra ngoài thành Hà-nội, thế mà triều-đình coi như thắng trận lớn lắm, nên mới làm lễ Phất-thức để ăn mừng vậy. Ông thượng-thư Trần Tiễn-Thành – cũng là một vị trọng-thần ở trong triều và thuộc về đảng chủ hòa – thấy vậy tranh-biện với ông Thuyết giữa triều-đình rất dữ. Ông nói rằng : « Bày đặt làm lễ này làm chi vô ích. Tôi đây là con lai khách 3 mà tôi không dám tin rằng người Tầu có thể địch với quân Pháp được ». Ông Tôn-thất Thuyết mắng giữa mặt rằng : « Ông là khách mà ông khinh-bỉ đồng-bào của ông, rõ đồ vô-sĩ. » Ông Tôn-thất Thuyết là quyền thần hồi bấy giờ ; ở trong triều, ông không còn kiêng-nể ai hết, nhân thế mà gây ra bao nhiêu chuyện sau này. Nhất là cuộc phế-lập liên-tiếp, sau khi mua Tự-đức thăng-hà. * Vua Tự-đức hiếm-hoi, không có con trai. Ngài có nuôi ba người con của hai ông anh em ngài là Thoại-thái-vương và Kiên-thái-vương làm con nuôi. Khi lâm-chung, ngài triệu ba ông Tôn-thất Thuyết, Nguyễn Văn-Tường và Trần Tiễn-Thành tới dặn-dò việc lớn nhà-nước, và di-chiếu lập con nuôi https://thuviensach.vn lớn là ông Dục-đức (con Thoại-thái-vương) lên làm vua. Ngài nói rằng : « Việc lớn nhà-nước phó-thác cho ba khanh hãy tận-trung tận-lực, đừng có phụ lòng trẫm tin-cậy ». Ngài vừa thở vừa nói câu ấy, đứt nối từng tiếng, mà hai hàng nước mắt ứa ra. Ba ông cùng khóc phụng chiếu. Vua Tự-đức thăng hà. Ngày ấy là ngày 19 tháng 7 năm 1883 (ngày 16 tháng 6 năm Quý-mùi). Nhưng sau khi vua Tự-đức nằm xuống rồi, thì ông Thuyết và ông Tường hùa nhau khuấy rối việc nước, hết sức lộng quyền, độc ác. Trước hết là các ông ấy bỏ ông Dục-đức. Khi vua Tự-đức thảo tờ di-chiếu lập ông Dục-đức, và trao cho ba ông Thuyết, Tường, và Trần Tiễn-Thành làm Phụ-chính đại-thần, trong có hớ một câu khiến cho ông Thuyết và ông Tường vịn lấy câu đó làm cớ mà giết ông Dục-đức và lập ông khác được. Nguyên trong tờ di-chiếu ấy có câu rằng : « Ông Dục-đức hãy còn trẻ tuổi, mà phóng-đãng vô-đạo, đáng lẽ không lập, nhưng vì không có tự-quân, cho nên phải lập » v.v… Đến lúc các ông ấy họp đình-thần để bàn và cử ông Trần Tiễn-Thành đứng lên tuyên-đọc tờ di-chiếu, ông Trần Tiễn-Thành tự nghĩ nếu mình đọc rõ câu kia ra, thì có ngại đến danh-dự của ông Dục-đức làm vua sắp lên ngôi, cho nên đến câu : « Ông Dục-đức hãy còn trẻ tuổi, mà phóng-đãng vô đạo, đáng lẽ không lập, nhưng… » thì ông đọc nhỏ tiếng. Câu ấy là câu cốt tử để ông Thuyết làm việc phế lập, nay đọc nhỏ tiếng đi sao được ? Ông mắng ông Trần Tiễn-Thành khi mạn đình-thần, cho là vào bè với ông Dục đức, bèn sai ông Nguyễn Trọng-Hợp tuyên đọc tờ di-chiếu ấy to tiếng lên. Ông Nguyễn Trọng-Hợp đọc xong, ông Thuyết đứng dậy nói rằng : « Như vậy thì không thể lập được ông Dục-đức, mà phải lập ông khác, vì theo trong di-chiếu ông Dục-đức là người phóng-đãng vô-đạo không xứng-đáng làm vua ». Trong bụng hai ông Thuyết và Tường bấy giờ đã định lập ông Văn lãng-công tên là Hương-Dật, vì nghe như ông Văn-lãng-công đã có vận- https://thuviensach.vn động với hai ông nọ rồi. Vì thế sau khi vua Tự-đức mất, ông Thuyết xoay ra mặt phế-lập ngay, song còn lo triều-thần có ai phản-đối lại chăng, cho nên ông phải lấy oai hiếp phục. Lúc ấy binh-quyền trong tay ông nắm, thành ra động việc gì ông cũng giơ võ-lực ra. Nội triều, trừ ông Trần Tiễn-Thành và một vài ông nữa, còn thì đều là thủ-túc của ông ; vì sợ khiếp oai võ của ông, nên không ai dám trái ý. Ngay bữa họp đình-thần để quyết-nghị việc bỏ ông Dục Đức và tôn ông Văn-lãng-công, ông Tôn-thất Thuyết đem 300 cấm-binh (lính trong cung cấm) ra dàn ở trước triều để thị oai, và dặn chúng rằng : « Nếu ai dám ho-he nói gì, thì cứ xem cái ám-hiệu của ta, bảo làm thế nào thì cứ thế mà làm ». Hễ ông vỗ tay xuống bàn một cái, thì trói lại ; hễ ông vỗ tay xuống bàn một cái rồi giơ tay lên một cái là chém. Ông làm dữ như thế thì còn ai dám nói ? Từ các cụ đại-thần cho đến các thuộc-quan đều ngồi thủ tay vào bọc, ngậm miệng như hến cả. Thế mà có một ông quan nhỏ dám nói. Người ấy là quan Ngự-sử Phan Đình-Phùng. Lúc ở giữa triều-đình, thấy Tôn-thất Thuyết trở mặt chuyên-quyền, tính bỏ vua nọ lập vua kia như thế, cụ Phan tức giận, đứng lên toan nói, nhưng các bạn đồng-liêu nhút-nhát của cụ sợ thay cho cụ, nên họ ở phía sau níu áo lại, ra hiệu bảo cụ đừng nói cương-trực mà chết. Cụ Phan giật mạnh quá, đứt ngang thân áo đại-trào, rồi hầm-hầm nói lớn tiếng với Tôn-thất Thuyết : « Đức tiên-hoàng vừa mới nhắm mắt, mà ngài đã làm việc trái nghịch di-chiếu như thế, thật không còn đạo nghĩa nhân-thần một chút nào. Bây giờ triều-đình tất phải tuân theo di-chiếu mà lập ngài Dục-đức lên ngôi mới được. Huống chi tân quân chưa có lỗi gì, chưa chi đã làm việc phế lập như ngài định làm càn rỡ đó sao cho phải lẽ ? » Sẵn cơn thịnh-nộ, cụ Phan còn mắng nhiếc Tôn-thất Thuyết nhiều điều nặng-nề nữa. Tôn-thất Thuyết căm giận tái mặt tím gan, nhưng bề ngoài ông chỉ cười lạt. Giận là thế thường ; cười lạt được như vây mới thật là hiểm-sâu. https://thuviensach.vn Trong khi cụ Phan đang nói chưa dứt lời, Tôn Thất Thuyết vỗ bàn một cái thật mạnh rồi đưa tay cao lên để ra hiệu. Bọn cấm binh ngó thấy, liền xông vào lôi cụ Phan ra toan chém ngay. Nhưng Thuyết chợt nghĩ lại sao đó không biết, liền ra lệnh cho cấm-binh dẫn cụ Phan giam lại trong ngục để sau sẽ xử. Cả triều đình thấy vậy hoảng-hồn hết vía, còn ai dám hé môi nữa đâu. Thế rồi Tôn Thất Thuyết lập ngay ông Văn lãng-công lên làm vua, kỷ nguyên Hiệp-hòa. Ngày đó là ngày 30 tháng 7 năm 1883. Còn ông Dục Đức thì Thuyết giam trong ngục tối, mỗi bữa chỉ cho ăn một nắm cơm, mà không cho uống nước. Rồi mấy ngày sau, Thuyết không cho ăn miếng gì, để ông Dục Đức chết đói trong ngục. Đến cụ Phan thì sau mười ngày, Thuyết thả ra, nhưng cách-tuột hết chức vị. Cụ chỉ còn nguyên cái danh vị tiến sĩ của mình mà thôi. Cụ Phan thấy triều-chính lăng-loàn quyền-thần hống-hách, bên ngoài thì cường-địch càng ngày càng tấn tới, thời-thế càng ngày càng đảo-điên, chính là một buổi đời loạn nước nguy, tự nghĩ người nhân-nhân quân tử nếu không làm gì bổ-cứu được thì cũng phải lo giữ mình trong-sạch, khôn-khéo lắm mới khỏi nhơ danh, khỏi bị họa. Bởi vậy, sau khi như miếng mồi được thả ra rồi, cụ nghĩ chốn kinh-thành không thể ở nấn-ná được, vì sợ nửa chừng Tôn-thất Thuyết hối-hận lại bắt giam hay là hại ngầm biết đâu, nên cụ phải mau thoát thân đào nạn. Liền bữa sau giả cớ đi chơi, rồi lén lên đường trở về cố-quận, lo cày-cấy năm ba mẫu ruộng ở khoảng Châu-giang-Mặc lĩnh để di-dưởng tháng ngày, đợi xem thời cuộc. Nhưng mà lẽ thường xưa nay, trời sắp muốn giao-phó một việc lớn lao hệ-trọng cho ai, bao giờ trước hết cũng dày-vò hành-hạ người ấy phải đói khát khổ-sở, gặp toàn những bước khốn-đốn, hiểm-nguy, điên đầu rối trí, thật là não-nề chê-chán đã sẽ hay. Thân-thế cụ Phan ở trong cảnh đó. Bao nhiêu bước nguy, nỗi khổ cụ gặp phải lúc này, hình như ông trời chủ-ý dày-vò đáo để trước khi thời-thế sắp giao phó một việc khó khăn hệ- https://thuviensach.vn trọng cho cụ phải gánh-vác vậy. Đó là việc sau. Bây giờ chúng ta hãy nên theo đuổi cho hết công việc rối-loạn trong triều, vì là việc này đối với phong-trào văn-thân do cụ Phan chủ-trương nay mai vẫn có dính-dấp nhân-quả với nhau. Xong việc phế ông Dục-đức, lập vua Hiệp-hòa rồi, Tôn-thất Thuyết tính ngay đến việc chống-cự binh Pháp. Vì lão tưởng đâu tài-năng của lão và binh-lực nước ta lúc bấy giờ có thể làm việc lấp biển vá trời đó được. Nói cho phải, lúc ấy người đồng-chí của Thuyết ở trong triều cũng đông. Ngoài ra những bậc đại-thần Nguyễn Văn-Tường, võ-tướng như Trần Xuân-Soạn, Ông Ích-Khiêm, Thuyết có trong tay rất nhiều người là bộ-hạ, là phe đảng, là vây cánh, ai nấy đều hăm-hở hiến thân liều mạng chống đỡ non sông. Trái lại duy có một mình ông Trần Tiễn-Thành phản-đối ra mặt, ông nói rằng người Pháp hùng-cường thế kia, thà mình chịu khuất-phục trước đi còn hơn, bày đặt chống cự làm chi thêm hư hại việc nước và chết oan mạng dân một cách vô ích. Thuyết tức giận đỏ mặt, giữa triều mắng nhiếc Trần Tiễn-Thành là mặt chuột, còn sống ở đời làm chi ? Hôm sau Thuyết sai hai tay lực-sĩ đến tận nhà riêng của Trần tiễn Thành ở xóm Đông-ba, nói gạt rằng có chiếu mạng khẩn-cấp ; Trần Tiễn Thành tưởng thật, vừa ở trên lầu bước xuống bị chém chết tươi. Chỉ có một cây đinh trong con mắt đã nhổ đi rồi, từ đó Thuyết ở trong triều có thế-lực oai-quyền lấn trên đè dưới, muốn tác oai tác phúc gì cũng tự ý, không phải kiêng-nể ai, cũng không ai can-ngăn được nữa. Người ta nói hồi đó Thuyết oai-nghiêm dữ-dội đến nỗi đêm hôm ở trong thành, nhất là gần quanh bộ Binh là chỗ Thuyết ở, chó không dám sủa, con nít không dám khóc. Nếu xét cho công bằng – cố nhiên theo nghĩa tương-đối mà nói – Thuyết cũng là một bậc người có tài chí đương thời, tính rất cương-cường võ-đoán, hễ đã nhất-định làm một việc gì thì cả quyết theo đuổi làm đến https://thuviensach.vn cùng, không chịu lui, không chịu khuất, cũng không kể gì là hay dở thành bại. Chính nhiều người Pháp cũng khen ngợi tấm lòng trung-trực của Thuyết. Nếu như sau lúc chống cự rồi thất thế bại binh, Thuyết chịu ra hàng phục Bảo-hộ, có lẽ cũng được Bảo-hộ trọng đãi, chứ không như Tường đòn xóc hai đầu, vừa bị khinh-bỉ, vừa bị đi đày kia đâu. Nói cho phải, người Pháp có độ-lượng tử-tế với kẻ cừu-địch mình, ai biết cũng phải cảm-động. Nhưng Thuyết không có ý chịu khuất-phục lúc nào. Trước khi đối chiến với người Pháp, Thuyết hãy ra tay giết Đạo. Ông A. Delvaux là người trong hội Ngoại-quốc Truyền-giáo (Société des Missions Étrangères) tại Paris có thuật đầu-đuôi chuyện Tôn-thất Thuyết giết đạo ở trong một tập báo « Đô-thành hiếu-cổ » (Bullentin des Amis Vieux Huế) hồi năm 1916 như vầy : « Cuối năm 1882, bọn văn-thân vẫn truyền hịch kín đi các nơi, xúi ngầm nhân-dân khuấy-phá công-việc điều đình tử-tế của ông đại tá Henri Rivière và khuyên-bảo nhau chớ có tin-tưởng người ta ta cám-dỗ ngon-ngọt, cũng đừng thèm khuất thân đầu phục ai một cách yếu-hèn. Đám quan-quyền và sỹ-phu nước Nam lúc này cố bưng-bít che-đậy những chỗ súc hèn thua trận của họ đi, mà đổ riệt tội-lỗi cho dân theo đạo đã làm tay trong bán đứng quốc-gia cho người Pháp. Làm gì người Pháp thì họ không làm nổi, bèn xoay ra mặt cừu-thù sát-hại dân Đạo gọi là quân nội-công của người Pháp. Trong tờ hịch truyền khắp mọi nơi, có câu này : « họ trừ-khử được quân tả-đạo nội công đó, thì tự-nhiên người Pháp thành ra trơ-trọi, yếu thế, như cua mất càng, không bò không kẹp được nữa ». Lại có tờ hịch khác nói rằng hồi quân Pháp đánh thành Hà-nội chính người theo đạo đã bắt thang cho binh Pháp leo vào thành ». Một đoạn khác ông A. Delvaux chép : « Ngày tháng 9 năm 1883, văn-thân ở Huế lại càng làm dữ. Triều-đình nước Nam ngó thấy đất nước ngày càng thất thủ dần mòn, bèn âm-thầm mưu-tính đủ cách để ngăn trở công cuộc chinh-phục của binh Pháp. Chủ mưu chính là Tôn-thất Thuyết, Binh-bộ thượng-thư và Nguyễn văn Tường, Hộ-bộ thượng-thư, hai người này lấy oai-quyền ép buộc tất cả triều-thần https://thuviensach.vn phải khuất phục hai cái định kế của họ như vầy : Trước hết mật dụ văn-thân khắp trong nước hẹn nhau một ngày cùng nổi lên, giết hết giáo-dân, vì họ cho giáo-dân là quân nội-ứng, nhờ đấy binh Pháp mới xâm-chiếm được nước Nam. Sau khi giết hết giáo-dân rồi thì triều-đình rời đi một nơi nào xa xôi hiểm-trở, có thành-trì kiên-cố, địa-thế quanh co, để binh Pháp không đánh tới nơi được. Tôn-thất Thuyết đã lựa chọn miền thượng du tỉnh Quảng trị, một là Cam-lộ, hai là Tân-sở, lấy một chỗ để nay mai dời kinh đô triều đình lên đóng ở đó. Cái kế-hoạch bàn tính như vậy, quả nhiên về sau Thuyết có thực hành nhiều ít. « Thuyết và Tường lại sai hai người thủ-hạ thân tín là Hầu Chuyên và Phò-mã Cát đi dạo khắp các làng xã trong hạt Thừa-thiên, chiêu-mộ thêm quân-lính, đặt ra một toán lính mới, gọi là là lính đoạn-kết có khí-giới hẳn hoi và chỉ chuyên có một việc là đi tróc-nã sát-hại những người theo đạo Thiên-chúa. Ngay đầu tháng 9 năm ấy, toán lính mới này chia nhau đi luông tuồng lục-lạo khắp tỉnh Thừa-thiên, sát hại dân đạo không biết bao nhiêu mà nói ». Tới một đoạn khác nữa : « Sáng ngày 29 tháng 11 năm 1883, Thuyết tính sai lính đoạn-kết đi tìm giết dân đạo ở chung quanh kinh thành. Hẹn rằng hễ nghe trong thành bắn lên một phát súng thần-công làm hiệu-lệnh, thì lính đoạn-kết cứ việc thẳng tay chém giết, từ cố-đạo đến con chiên, chẳng dung thứ ai. Nhưng Tường lo sợ rằng nếu mình làm dữ quá tất nhiên binh Pháp không nhịn, rồi hóa ra đánh nhau thật thì nguy-hiểm cho mình ; bởi vậy Tường khuyên-can Thuyết hãy cố dè-dặt, chớ táo-bạo quá không nên. « Tuy vậy, mật lệnh truyền đi đã lỡ, thành ra những nhà có đạo ở chung quanh kinh-thành, đã bị đồ-đảng của Thuyết vây bọc sẵn-sàng từ lúc trời chưa hừng sáng. Nhưng sau chờ đợi mãi không nghe hiệu súng thần-công, nên chúng tản-tác bỏ đi. Còn Hầu-Chuyên thì đã đem lính đi từ chiều hôm trước, ra tay tàn-phá chém giết dân đạo ở các làng phía nam Thừa-thiên rất là thảm khốc. https://thuviensach.vn « Rồi ngày 13 tháng chạp năm 1883, lại có hịch của Văn-thân truyền khắp dân-gian xúi giục người ta nên rèn-đúc khí-giới để trị tội « những kẻ nội công của binh Pháp ». « Họ định qua sang năm 1884, từ mồng hai cho đến mồng 8 tháng giêng, khắp nơi lại hè nhau nổi lên giết đạo một chuyến nữa. « Nhưng sau triều-đình nước Nam sợ làm tàn-nhẫn quá thì việc giao thiệp với người Pháp thành ra trắc-trở khó lòng chăng, cho nên lại vội-vàng hạ lệnh cho các nơi phải thôi đi không được khuấy-nhiễu sát hại dân đạo nữa. Tuy vậy mặc lòng, mấy nơi ở xa chưa tiếp được lệnh mới này, văn-thân cứ việc sát hại cố đạo và dân đạo nhiều lắm ». Cái phong-trào nghịch-thù chống cự người Pháp do Tôn-thất Thuyết xướng khởi và chủ-trương đại-khái như thế. Nói cho ngay, nước mình từ hồi đang nói đây, các tướng lĩnh Pháp đối với triều-đình nước Nam vốn có chủ tâm lấy chính-sách ôn-hòa để thâu phục lần hồi thong thả, chứ không muốn bức-bách quá bằng binh lực nữa đâu. Việc nước đã đến lúc này rồi, cần có mấy tay ngoại-giao cho giỏi thì có lợi cho nước hơn là có Tôn-thất Thuyết. Tại Thuyết chủ-trương xúi-giục triều-đình làm những việc khinh thường hòa-ước và tàn-sát giáo-dân thế kia, gây nên tội nghiệp cho mấy viên gạch Thuận-an bể nát, mà các cụ lớn cụ nhỏ trong triều hoảng vía kinh hồn : một đoàn 5 chiếc tàu binh Pháp cực chẳng đã phải kéo tới bắn cửa Thuận, diệu võ dương oai. Bao nhiêu đồn to lũy lớn ở đây, vừa mới xây thêm có, sửa cũ có, triều đình tưởng là vững bền vô-địch chẳng dè chỉ trong có hai đêm ngày, đều bị bắn phá đổ nát tan-tành ; nào quân, nào tướng, nào ngựa, nào voi, chết thôi ngổn-ngang, chạy thôi té đái. Rất đỗi có một chiếc tàu trận của nước Pháp tặng cho triều-đình ta hồi nào chỉ để nằm mốc meo ở cửa Thuận, không biết lợi dụng mới thảm ! Triều-đình sợ cuống-quýt với nhau, tính chỉ có một cách lại vòng tay xin hòa, bèn sai Nguyễn-trọng Hiệp và Trần-đình Túc ra tận cửa Thuận, https://thuviensach.vn năn-nỉ cầu hòa với Thủy-sư Đô-thống Courbet và ông Harmand. Tướng lĩnh Pháp lại rộng-lượng cho hòa, thế mà Tôn-thất Thuyết chưa chịu biết sức mình, vẫn một mực lộng-quyền, tự đắc. Giữa lúc trong nước có những việc ngược sát giáo-dân, và ở trước cửa kinh-thành có việc Thuận-an thảm-bại như vậy, triều-đình lại xảy ra một việc nội biến gớm ghê : vua Hiệp-hòa bị Tôn-thất Thuyết giết chết. Vua Hiệp-hoà tuy ở ngôi vua, nhưng không biết gì đến công việc nhà nước, tối ngày chỉ quanh-quẩn vui thú với mấy ả cung-nữ mỹ-miều, lại lấy của kho ra xài-phá, sửa sang cung-điện riêng ở Kim-luông. Đang lúc nhà nước có việc hoạn-nạn nguy-vong tứ phía, dân-gian khổ-sở trăm bề, mà có ông vua ham vui ích-kỷ như thế, cũng là vận số quốc-gia đến lúc bại-vong xui-khiến ra vậy. Phải biết Tôn-thất Thuyết lập vua Hiệp-hòa lên, chẳng qua như là tô một pho tượng trong chùa để cho dân có chỗ thắp nhang vái lạy, thế thôi ; còn quyền bính ở trong tay Thuyết và Tường cả. Hai người quyền-thần bảo thế nào thì vua Hiệp-hòa phải nghe thế. Vua chỉ có việc « gật đầu » mà thôi. Vua Hiệp-hòa bị đè đầu đè cổ quá sức, cũng có ý tức mình, bèn mưu với bọn cận-thần giết Tường và Thuyết. Ngài cũng khôn lắm, biết hai ông ấy thân mật với nhau, nay nếu trừ được một đi, còn một thì cũng không làm được việc gì và có trừ đi nốt cũng dễ ; mà ngài lại khôn hơn nữa, là muốn mượn tay ông nọ để trừ ông kia. Trước hết ngài muốn làm cho hai ông ấy ngờ vực ghen-ghét lẫn nhau, mới triệu riêng ông Tường vào trong điện mà khen ngợi công lao ngỏ ý rằng nếu chịu giết ông Thuyết đi thì sẽ phong thưởng thế này thế khác. Vô phúc cho ngài, ông Tường không chịu. Ngài mới cầu ông Khâm-sứ đóng ở Huế hồi đó là ông Champeaux. Lại vô phúc cho ngài : ông Tường biết chuyện. Ngài sai người đem mật thư cho ông Champeaux tán-tụng người Pháp, và năn-nỉ ông Champeaux làm thế nào vì ngài mà trừ hai kẻ quyền-thần ấy đi kẻo ngài làm vua như vậy cực-khổ lắm. Ông Tường bắt được, giết đứa đi thư, rồi cùng ông Thuyết họp đình-nghị, bắt vua Hiệp-hòa bỏ ngục, rồi ép uống thuốc độc chết. Hôm ấy là ngày 28 tháng 11 năm 1883. Vua Hiệp-hòa làm vua được bốn tháng. https://thuviensach.vn Hai ông tôn người con ông Kiên-thái-vương là Ưng Đồng mới có 14 tuổi lên làm vua, tức là vua Kiến-Phúc. Sau khi tôn vua Kiến-Phúc lên rồi, ông Thuyết yên tâm ở bề trong, vì thanh-thế ông càng to, trong triều không ai làm gì được nữa ; bây giờ chỉ có việc giết đạo và tìm cách đánh-đuổi người Pháp. Đối với ông Khâm sứ Pháp tại Huế, Thuyết công-nhiên ra mặt khinh-bỉ và đe giết chết, đến nỗi ông Khâm-sứ sợ, chỉ quanh ở trong giới-hạn nhượng-địa, không dám thò mặt ra đến ngoài. Tháng 6 năm 1884, quân Pháp đem năm chiếc tàu chiến đến cửa Thuận-an yêu-cầu chiếm Mang-cá (là một chỗ hiểm-yếu trong kinh-thành) chiếu theo điều-ước. Triều đình phải phái hai ông khâm-sai đem phẩm-vật ra cửa Thuận-an khao quân, và xin hẹn trong 12 hôm, sẽ để cho quân Pháp đóng tại Mang-cá. Hẹn thế nhưng mới có bẩy hôm thì vua Kiến-phúc thuận cho 100 lính Pháp – một trăm chứ không được hơn – vào đóng tại Mang-cá, quân Pháp kéo vào đóng ngay. Vua Kiến-phúc làm việc ấy, ông Thuyết với ông Tường giận lắm, vì hai ông đang rắp đánh người Pháp, mà Mang-cá là chỗ hiểm-yếu trong kinh thành, có quan-hệ về đường võ-bị nhiều lắm ; nay quân Pháp đến đóng ở đó, không khác gì chẹn giữa cổ mình. Thế rồi vua Kiến-Phúc tự-nhiên chết. Người ta nói rằng chính tay ông Tường giết. Hình như mấy hôm đó vua Kiến-phúc bị cảm, ông Tường vào thỉnh an, tâu là có biết làm thuốc, xin để cho bốc một thang. Thang thuốc ấy tức là thanh kiếm của ông Tường giết vua : vua ngự chén thuốc ấy rồi mất, vì trong có bỏ thuốc độc. Ngày mồng một tháng 8 năm 1884, hai ông tôn em ruột vua Kiến-phúc là Ưng Lịch lên làm vua, kỷ-nguyên Hàm-nghi. Nhưng ông Khâm-sứ Pháp thử thời là ông Rheinart không chịu công nhận. Ông Thuyết sai đóng hết cả cửa thành lại, tỏ ý rằng nhận hay không ông cũng không cần. Sang nửa tháng sau, quân Pháp đến thị-uy đông quá, ông Thuyết phải mở cửa thành để vua Hàm-nghi tiếp-kiến Khâm-sứ Pháp tại https://thuviensach.vn điện Cần-chánh. Bản điều-ước hai nước Pháp-Việt ký từ bao lâu, mà chưa thi-hành, thì nay đem ra thi-hành. Cuộc bảo-hộ thành-lập. https://thuviensach.vn V. VUA THUA CHẠY DÀI HỒI đang nói đây (1884 bước qua 1885), tiếng là người Pháp đã lấy binh-lực chinh-phục được cả Trung-Bắc lưỡng-kỳ và chiếu theo điều-ước 1884, triều-đình nước Nam phải nhìn-nhận nước Pháp định cuộc bảo-hộ rồi, nhưng mà cuộc bảo-hộ mới thực-hiện về danh-nghĩa thì có, về tinh-thần thì chưa. Nghĩa là lúc bấy giờ nước Nam chịu mất chủ-quyền, mà phần lớn dân tâm sĩ-khí đang hăng máu ái quốc, chưa chịu khuất-phục. Có hai lẽ cốt yếu. Trước hết, người Nam thuở ấy vẫn chưa nhận biết được những cái thực-lực văn-minh hùng-cường của người Pháp, mặc dầu mình giao-phong ở đâu bại tẩu ở đó, tỉnh kia thành nọ kế tiếp trước sau thất-thủ như cách con tằm lá dâu. Chắc có độc-giả phải lấy làm lạ, sao vừa mới xa cách tám chục năm trước nào phải lâu gì, chính người Pháp qua đây đóng thuyền đúc súng, khiển tướng điều binh giùm cho vua Gia-long mới thắng nổi Tây-sơn, vậy thì cái thực-lực văn-minh hùng-cường của người Pháp, lẽ nào người Nam không biết cho được ? Song đấy chỉ là một việc quan-hệ riêng với nhà vua, cứu giúp riêng cho nhà vua nọ đang tranh hành với nhà vua kia, thành ra dân chúng đâu có hay biết. Đến lúc binh Pháp sang chinh-phục, làm cho ta đất tiêu lần mòn, trận thua điên-đảo, mà ta vẫn tưởng lầm và đổ trút những nguyên-nhân ấy tự đâu, chứ chưa biết và chưa chịu rằng người mạnh ta yếu, người hay ta dở, người giỏi ta hèn. Tới đó và đối với thực-lực của người, sĩ-phu ta một đàng, dân chúng ta một ngả, vẫn có những quan-niệm coi thường, những cảm-giác xem khinh lạ lắm. Sĩ-phu thì tự-đắc tự tin về những phép tắc Nghiêu-Thuấn Khổng-Mạnh, và học-thuật « Tử-viết Thi-vân », ngoài ra, nhất thiết cái gì khác lạ đều coi https://thuviensach.vn là di-địch. Cứ xem một bài « Biện di luận » của ông Võ Phạm-Khải can vua Tự đức mưu toan cải-cách, cũng đủ biết tư-tưởng của cả sĩ-phu ta ở đương-thời. Chính bài đó là vua Tự-đức xiêu lòng, không biết nghe lời của chí-sĩ Nguyễn Trường-Tộ tâu xin cải-cách duy-tân để vãn thời cứu quốc. Việc nguy-vong của quốc gia và thực-lực của người Pháp sờ-sờ trước mắt đó rồi, nhưng sĩ-phu vẫn nghĩa mình là hay là giỏi hơn. Còn dân-chúng càng không thấy thực-lực của người, đến nỗi tưởng rằng cắm cây nhọn dưới sông – làm như kế của Trần Hưng-Đạo đánh quân Nguyên ở Bạch-đằng giang ngày xưa – chắc làm tầu trận Pháp phải thủng đáy mà chìm. Thấy người Pháp cao lớn vạm-vỡ, cho là nặng-nề, chắc họ không biết bơi lội, không thể chạy mau ; thấy đồ của người Pháp dùng để ăn bằng sắt, không phải đũa bát như mình, thì cho là mường mán ; thấy súng đạn của người Pháp bắn mau như biến mà trúng đâu chết đó thì cho là họ có thuật quỷ phép ma v.v… Trong khi người mình còn chưa nhìn ra sự thật, chưa chịu sức mình hèn, tự-nhiên cuộc bảo-hộ tuy định rồi mà nhân-tâm sĩ-khí chưa thể trấn phục được cũng là lẽ thường. * Sau nữa, dân-tộc mình tự xưa vốn có cái tinh-thần chiến-đấu tự-tồn, trên con đường lịch-sử đằng đẵng mấy ngàn năm, đã từng bao phen chống Nguyên, cự Minh, biết sự thắng bại. Dầu có lúc bại cũng chiến-đấu tới cùng, không khi nào chịu bỗng chốc vòng tay khuất-phục. Cái tinh-thần đó của người Việt-nam chính ông Đại-úy Gosselin và nhiều quan binh khác có dự vào cuộc chinh-phục nước Nam đều thẳng ngay nhìn nhận. Bởi vậy, sau khi triều-đình thúc-thủ vô phương và thừa nhận bảo-hộ rồi, dân-tâm sĩ-khí vẫn chưa chịu hàng-phục. Còn bát gạo nào ở trong kho, viên đạn nào ở nòng súng, người mình còn muốn đem trút ra hết, chừng nào thật là thế cùng sức kiệt sẽ hay. https://thuviensach.vn Thừa có cái nhân-tâm sĩ-khí ấy, văn-thân các tỉnh nổi lên tứ-tung, trong lúc ở kinh-thành Tôn-thất Thuyết hoặc tự biết hay không tự biết là bàn-cờ tất thua, cũng nhất-định đi một nước cờ chót rồi mới chịu để cho người ta chiếu bí. Đối với người Pháp, như ai nấy đã rõ : bao giờ Tôn-thất Thuyết cũng là người chủ đánh tới cùng, không muốn cho triều-đình ký hòa-ước, không muốn cho quân Pháp vô đóng ở Trấn-bình-đài (tức là Mang cá), không muốn cho nước Pháp đặt cuộc bảo-hộ ở kinh-đô. Nhưng vì tình-thế hồi bấy giờ, triều-đình sợ thua quá, cho nên điều gì cũng chịu nhượng-bộ người Pháp, thế là không hợp với ý muốn của Thuyết chút nào. Phải biết rằng Thuyết không ưa người Pháp ra mặt, không thèm giấu-diếm gì. Tuy thế, người Pháp cũng đem lòng yêu mến quí trọng ông ta là con người có trung, có dũng, cho nên đã cậy người – vì ông thù-ghét đến nỗi không muốn giáp mặt người Pháp bao giờ – lấy thời-thế, lấy nghĩa-lý, lấy tước-lộc, lấy oai quyền dụ-dỗ, để cho ông phục theo, nhưng không hề lấy thứ gì khiến ông động lòng đổi ý đi được. Nhất là từ khi binh Pháp chiếm mất Trấn-bình-đài và lập trại đóng quân trong thành, thì cái khí cừu-phẫn huyết-chiến của của ông ta càng phừng-phừng bốc lên không thể dằn được nữa. Ông ta thường nói luôn miệng với kẻ tả hữu : « Phen này ta quyết sống thác với Tây mới được ! » Trên kia đã nói Trấn-bình-đài là một nơi hiểm-yếu của kinh-thành và rất có quan-hệ về đường võ-bị. Thật thế, chỗ ấy có cái hình thế quanh co hiểm-trở, trên có đồi đống lấn áp, dưới có sông nước thông vào, có đủ cả mọi sự cần dùng trong việc thủ thành và dụng võ. Triều-đình ta lập ra chỗ đó để đóng quân, chứa khí-giới, cốt để chống giữ kinh-thành, coi như là cuống họng của kinh-thành vậy. Nay binh Pháp chiếm giữ mất Trấn-bình-đài, tức là chận mất cuống họng kinh-thành, không còn cựa-quậy được nữa. Huống chi Thuyết nghĩ rằng cuộc bảo-hộ nay lại thành-lập, thế là từ đây vua mất quyền, quan mất quyền, dân mất quyền ; hồi nào mình đang ngất-ngưởng làm chủ-nhân, bây giờ phải xuống làm kẻ tùng-phục, Thuyết lấy làm phẫn- https://thuviensach.vn uất khó chịu lắm. Thành ra một hai Thuyết quyết tâm phải chống-cự binh Pháp một phen, thân mình chết cũng bỏ. Nhưng Thuyết dự-bị một cách chắc-chắn đã, rồi mới khai chiến. Trước khi định đánh, đã tính sẵn sàng đến bước lui. Ông ta triệu-tập hết các tướng sĩ lại bộ Binh mà nói rằng : « Lúc này quốc-gia mới chính là lúc cần dùng đến trái tim và tay súng của bọn ta, vậy bọn ta phải cố sức làm sao, họa may có lôi kéo thời-thế lại được, chứ không lẽ chưa chi đã bó tay mà chịu. Coi kìa, cái giường mình nằm thuở nay, người ta xa lạ ở đâu tới leo lên nằm ngủ ngáy khò, làm sao mình chịu được ! » Thế rồi một mặt ông sai lập sơn-phòng tại Cam lộ (thuộc tỉnh Quảng trị) đem vàng bạc tiền gạo lên chứa tại đó rất nhiều, phòng sau này đánh có thua thì lấy chỗ đó làm chỗ lui chân. Một mặt ông mở trường tập võ, truyền lệnh cho các vệ, các doanh đều phải ngày đêm luyện-tập siêng-năng, để nay mai nhà nước dùng đến. Lại lo rèn khí-giới, đúc súng-đạn rõ nhiều, sai đào hang đắp ụ ở trong kinh-thành. Tóm lại, nhất thiết cái gì cần dùng quan-hệ cho việc nước dùng binh, Thuyết đều lo dự-bị sẵn-sàng. Rồi Thuyết cùng Tường bàn tính việc đánh. Tường nói rằng : « Nước ta bao nhiêu năm nay gặp việc binh-đao luôn mãi, rường mối ngã-nghiêng, dân-gian khổ sở lắm rồi. Ngay năm mới rồi (là năm 1883) binh Pháp đánh phá tan-tành cửa Thuận-an, tâm-khí của quân ta đã nao-núng khiếp sợ lắm. Nay đánh nhau ngay giữa kinh-thành, tuy mình cậy có thành cao hào sâu, nhưng mà súng đạn của người ta ghê-gớm, bắn tới đâu thì ngọc đá đều cháy tan tới đó ; chúng ta bây giờ sinh sự khai-chiến, sợ làm phiền-lụy cho Thánh-thượng, và cực-khổ cho quan quân, tưởng không có ích-lợi gì mà còn có hại nữa ». Vẫn biết thời-cuộc rối-ren đến như thế, nhưng sao trước kia, việc gì Tường cũng tán-thành cho Thuyết, đến bây giờ nói tới việc đánh thì Tường lại can khéo, tức là có ý lảng ra. Tuy là hiểu thời thế mặc lòng nhưng cũng bởi nay ý hướng của Tường đã thay-đổi. Trước kia ông thấy trong triều có Thuyết mạnh thì ông theo, nhưng nay nước Pháp đã thành-lập bảo-hộ rồi, thì https://thuviensach.vn bảo-hộ mạnh, ông bỏ Thuyết mà theo bảo-hộ. Ông vẫn thậm-thụt ra vào bên tòa Khâm luôn, mục-đích chỉ lo giữ vững cái thân-danh phú-quý của mình thì thôi, nước còn thành còn, ông cũng là Thượng-thư, nay nước mất thành mất, ông cũng vẫn là Thượng-thư, có thiệt thòi chi mà lo nghĩ đến việc khác nữa. Thuyết nghe Tường khuyên-can, biết là Tường đã biến tâm rồi. Ông quyết hành-động một mình. * Lại còn một nguyên-nhân này khiến cho ông càng mạnh lòng quyết chiến. Ngày 19 tháng 5 năm Dậu (1885) là giữa năm mất kinh thành, Thủy-sư đô-đốc Pháp là ông De Courcy đem 1500 quân từ Bắc-kỳ vào Huế, cần phải chuyển đệ bức quốc-thư của Chính-phủ bên Pháp gửi sang cho vua nước Nam. Trước khi ông tư giấy qua triều-đình, xin triều-đình phải thiết đại-triều để tiếp-kiến Pháp sứ. Ông rõ biết trong triều-đình bấy giờ, Thuyết và Tường là hai người trọng-yếu, cho nên trước hết ông mời Tường và Thuyết qua bên tòa Khâm-sứ để tương kiến và thương-thuyết việc nước đã. Thuyết nói thác là mình có bệnh không chịu đi, duy có Tường và Phạm Thận-Duật sang, nhưng Đô-đốc De Courcy không chịu, cố đòi cho được Thuyết sang mới nghe. Thuyết sợ mình qua bị trúng kế gì chăng, nên nhất-định không đi. Đô đốc De Courcy giận lắm, trong ý muốn có ngày đem quân sang tận bộ Binh để bắt Thuyết. Nghe tin này Thuyết cũng giận, ngày đêm thường lấy đạo quân Phẫn-nghĩa để phòng thân, và nghĩ bụng rằng nó đã định bắt mình, thì mình đánh nó trước xem sao ! Thuyết bèn nghiêm sức cho các quân dinh phải kiểm-soát quân lính và súng đạn cho sẵn-sàng cần kíp. Lúc ấy Tường và cả đình-thần thấy vậy đều tưởng rằng Thuyết làm thế để phòng thân đấy thôi. Nhưng có biết đâu Thuyết đã chủ-trương quyết chiến. Bao nhiêu kẻ tù-tội, ông đều tha ra hết, cho ăn chơi mấy ngày, rồi lựa chọn rèn tập thành một đạo quân cảm-tử, cho đi tiên-phong. Đến tối hôm 22 https://thuviensach.vn tháng năm, ông mật truyền cho quân ở các vệ, các dinh chia làm hai đạo tấn công hai nơi. Một đạo thì sai em ông là Tham-biện Tôn-thất Trắc (ông này nguyên ở sở sơn-phòng tại Cam-lộ, ông mật triệu về) quản lĩnh, ước-hẹn đến nửa đêm thì đem quân qua sông Hương-giang, hội với ông Đô-đốc Thủy-sư để đánh tòa Khâm-sứ. Một đạo thì ông tự quản lĩnh, hội với Chưởng-vệ đạo quân Phẫn-nghĩa là Trần Xuân Soạn để đánh Trấn-bình-đài. Sắp đặt mưu cơ đâu đó, Thuyết truyền lệnh cho ba quân đến canh hai ăn cơm, canh tư khai chiến. Ông ra hiệu lệnh cho tướng-sĩ như thế này : « Giết cho hết, đừng có để cho thằng nào sống sót nghe ! Vì chúng cả gan chọc tức ta ; có chăng chỉ để cho một hai đứa sống, để về báo tin cho người chúng biết rằng ta thắng trận mà thôi ». Cứ theo nhiều người nói thì cái mưu đánh của Thuyết, quả Tường không dự vô mà cũng không biết chi hết. Nhưng ngẫm-nghĩ cho kỹ, chắc hẳn Tường biết, đã qua mật báo cho tòa Khâm-sứ hay rồi, nếu không thì sao quân Pháp đã biết mà dự-bị trước. Đến canh tư, ông Thuyết tự dẫn một đạo quân đánh Trấn-bình-đài, tiếng súng đại-bác bắn vang cả kinh thành. Nhân-dân đương ngủ lặng-lẽ, bỗng tiếng súng nổ liên-thanh, làm ai cũng giật mình kinh sợ, náo-động dữ dội. Binh Pháp xuống hầm mà núp, chớ không thèm đánh, thỉnh-thoảng chỉ bắn một vài phát súng đại-bác để đáp lại, cốt chờ cho sáng mới đánh. Vì lúc ấy còn đêm khuya, quân Pháp không biết quân Nam ở chỗ nào, thật số bao nhiêu vả lại cũng chưa mấy thuộc đường đất, thành ra đánh ban đêm không tiện. Có người biết vậy, đến hiến kế với Thuyết làm sao xe được mấy khẩu súng đại-bác, lén đem tới chỗ quân Pháp đang núp ẩn mà bắn xả vào, thì giết chết được ráo. Nhưng Thuyết lại sợ là kẻ đồng mưu phản quốc, định dụ cho quân mình vào chỗ mai-phục sao đó, nên chi không nghe. Thuyết cứ việc hô quân bắn mãi. Quân ta bắn hoài, bắn hủy, mà không nghe quân Pháp động tĩnh gì, thì tưởng dại-dột rằng quân Pháp ở Trấn-bình-đài chết cả rồi, cho https://thuviensach.vn nên Thuyết vội vàng sai Chưởng-vệ Trần Xuân-Soạn báo tin vào trong cung rằng : quân Pháp ở Trấn-bình-đài đã bị quân ta giết hết, thỉnh thoảng nghe có đôi ba tiếng súng đại-bác, ấy là súng của tàu Pháp đóng ngoài thành bắn vào thị-oai đó thôi. Một mặt Thuyết lại sai vần súng đại-bác lên mặt thành, nhắm tòa Khâm-sứ mà bắn thẳng sang, làm hư hại mất nhiều chỗ. Còn đạo quân của Tôn-thất Trắc cũng bắn phá ở xung-quanh tòa sứ rất là dữ-dội. Quân ta bắn cố mãi, đến nỗi kho thuốc súng tại Trướng-định gần hết, Thuyết bèn sai quân chạy về báo Tường hay, Tường trả lời rằng : « Tao có biết thuốc đạn ở đâu, hay ra nói với quan Tướng ở vườn Hậu-bô (tức là Thuyết, khi đó đang đốc quân ở vườn Hậu-bô), để ông ấy liệu sao thì liệu… » Còn bao nhiêu thuốc đạn, Thuyết vẫn cứ hô quân bắn vào Trấn-bình đài, bắn sang tòa Khâm-sứ mãi. Quân Pháp vẫn im lặng, không động tĩnh gì cả. Mãi đến tảng-sáng, quân ta hết sạch đạn rồi, không còn gì mà bắn nữa. Bấy giờ quân Pháp ở Trấn-bình-đài và bên kia sông mới khởi thế phản công. Bao nhiêu súng đại-bác ở trên đài, và ở tàu chiến đậu ngoài sông, đều chĩa mũi vào trong thành mà bắn : đạn bay như mưa rào, tiếng vang như sấm dậy. Thôi thì nhà cửa đổ tan, quân dân bị đạn chết ngổn-ngang, trong thành đầy tiếng kêu trời, tiếng khóc lóc… Quân Pháp ở dưới thủy, lại kéo lên bộ, đánh sâu mãi vào, làm cho hai đạo quân của ta trong ngoài đều bị đánh cả, thành ra tán-loạn, mạnh ai lấy tìm đường chạy thoát thân, chen lấn xô đạp lẫn nhau mà chết thêm một mớ nữa. Sáng hôm ấy (24 annam), vào khoảng 9 giờ, Tường biết tất nhiên Thuyết bại trận rồi, vội vàng chạy vào trong cung tâu việc nguy cấp, xin vua Hàm-nghi và Tam-cung mau mau xuất thành, chạy lên Khiêm-lăng để tạm lánh. Tin này làm chấn động trong cung, vì ai cũng tưởng – theo lời Thuyết báo tiệp hồi khuya – Trấn-bình-đài đã khôi phục và tây ở tòa Khâm, bên kia Hương-giang, đã bị quân ta tàn sát rồi mà. Trên từ mấy bà Thái-hậu và https://thuviensach.vn Hoàng-đế, dưới các thị-vệ cung-nhân, bỗng dưng nổi lên trận mưa nước mắt, tiếng khóc vang động nội cung. Nhiều người vừa gào khóc, vừa mắng chửi Thuyết hại nước báo đời. Ai nấy quơ gói hành-trang không kịp. Trong lúc quá ư nguy-cấp vội-vàng, đức Hàm-nghi chỉ kịp đem theo ấn Quốc-bảo và một ít vàng bạc tùy thân. Ông Hữu-quân Đô-thống Hồ Hiển phò xa giá ra cửa tây nam chạy lên phía tây do ngả Kim-luông. May quá, xa giá vừa chạy ra khỏi thành được một lát, thì binh Pháp từ Trấn-bình-đài và bên tòa Khâm tiến vào đến nơi. Nghe mấy ông già bà cả mục-kích cái cảnh thành phá quốc-vong, nay còn sống sót, thuật chuyện rằng sáng hôm ấy chính một người đàn-bà Pháp, vợ một thiếu-úy, cỡi ngựa cầm đầu một toán lính á-rập, xông pha lửa đạn mà tiến vào thành trước hết, leo lên kỳ-đài (cột cờ) ta, hạ cờ đuôi nheo xuống, kéo cờ tam sắc lên. (Hồi này bên Pháp quân-chủ đã đổ, Đệ-tam Cộng-hòa đã thành-lập rồi). Chừng quan-lại nhân-dân trong thành ngó lên kỳ đài thấy hiệu cờ tây bay phất-phới, tự-nhiên biết là quân mình thua, thành mình vỡ rồi, ai nấy kinh-hoàng thất sắc, thôi thì kẻ gào người réo, lưng cõng tay bồng, kéo nhau đào nạn, ào-ào như nước chẩy. Chỉ chen lấn dày đạp lẫn nhau mà chết thiếu gì. Bấy giờ quân Pháp kéo vào trong thành, sẵn đang hăng máu, tha hồ chém giết, đốt phá tứ tung. Trước hết đốt tiêu bộ Lại của Tường, bộ Binh của Thuyết ; rồi tới các dinh trại, các kho lương-thực, kho thuốc súng, khói lửa bay lên nghi-ngút lưng trời, hai ngày hai đêm chửa tắt. Sau khi hoàn toàn chiếm lĩnh được kinh-thành rồi, người Pháp phân binh nghiêm giữ cung điện và các cửa thành, rồi băng bó cứu chữa cho những quân-sĩ nhân-dân bị thương-tích, bố thí tiền gạo cho những người còn sống sót ở trong thành, dùng nhân-công ấy sửa sang lại các chỗ tàn phá và chôn cất tử-thi. Nhân dịp này, nhiều anh bắt được vàng bạc châu báu chôn giấu trong nhà người ta mà trở nên giàu có lớn. Có kẻ mượn thế cố đạo đi đâu cũng lọt, rồi lỏn vào tới trong cung cấm mà rinh cả những mâm vàng chén ngọc ra nữa. Những đồ quý, vật lạ trong cung truyền lại bao nhiêu đời, lúc này bị thất lạc tiêu tán đi nhiều lắm. https://thuviensach.vn Tôi nhớ có bài vè thất-thủ kinh-thành tả rõ công chuyện nghe rất ai-oán não-nùng, đến nỗi mười mấy năm trước đây nhà đương-cuộc phải cấm hát ngoài đường. Vì có một anh chàng đui làm nghề hát dạo, mỗi khi ngồi đâu cất tiếng hát vè này thiên-hạ tựu lại rất đông ; nhất là tiếng hát não-nùng quá, khiến cho người ta cảm-động đầy gan, âm-thầm gạt lụy. Từ năm Ất-dậu thất thủ kinh-thành trở đi, hàng năm cứ đến ba ngày 22, 23, và 24 tháng 5 ta, đã thành ra tục lệ, nhà nào ở trong thành cũng bày nhang đèn trầu rượu, giấy tiền, vàng bạc ra trước cửa để cúng vái cô-hồn những quân-sĩ trận-vong, nhân-dân tử-nạn lúc đó. * Chúng ta đã hơi đi xa câu chuyện cốt-yếu rồi, giờ nên trở lại. Nói về Nguyễn Văn-Tường hồi ấy cũng theo phò xa-giá Tam-cung và Hoàng-thượng chạy ra cửa tây nam, quân-sĩ đi theo hộ-vệ chỉ có độ một trăm người. Quần-thần chỉ có năm bảy ông biết tin theo kịp mà thôi. Duy có Hoàng-thượng và Tam-cung ngồi võng lính khiêng chạy tất-tả, còn bao nhiêu người tùy-tùng đều chạy bộ theo. Rất đỗi các công chúa, cung nhân, đầu tóc rũ rượi, cẳng không mang giầy, vừa chạy theo xa-giá vừa khóc rưng rức, tình cảnh rất là đau thương. Khi qua đò Kẻ-vạn rồi lên đến Kim-luông, Tường định phò xa-giá tạm dừng lại trong nhà thờ đạo Thiên-chúa tại đó. Chắc trong ý Tường muốn lén báo tin cho quân tây biết, để mời xa-giá trở về cung, vì nước dầu mất còn cũng thế, không lẽ để một ngày nào không vua. Nhưng ông Hữu-quân Đô thống Hồ Hiển thấy rõ ý Tường muốn mãi chúa cầu vinh, liền rút gươm ra toan chém bay đầu Tường. May phúc, Tường sợ chạy tuột vào giáo-đường trốn biệt không dám ra nữa. Ngoài này, Hữu-quân Hồ Hiển sợ chậm-trễ thì Tường kịp báo tin tây biết, nên ông lật đật phò-hộ xa-giá chạy về ngả trường thi ở làng La-chử. Thuyết thua chạy, cùng với Trần Xuân-Soạn đuổi kịp xa-giá ở đây. Thế là bấy giờ bầy tôi tòng vong quanh-quẩn chỉ có mấy người là, Đại-tướng Tôn-thất Thuyết, Chưởng-vệ Trần Xuân-Soạn, Tham-biện Tôn-thất Trắc, https://thuviensach.vn Hiệp-biện Phạm Thận-Duật, Tham-tri Trương-văn-Đễ và một trăm tên lính theo hầu xa-giá. Mãi đến trưa, xa-giá mới tới làng Văn-Xá, rồi nội chiều hôm ấy ra tới Quảng-trị, đóng tại hành-cung. * Tường chạy vào nhà thờ Kim-luông, cầu-khẩn ông Giám-mục Caspar đem mình ra hàng với Đô-đốc Courcy, khi ấy là viên thống-tướng các đạo quân Pháp đánh hạ kinh-thành ta. Đô-đốc Courcy ưng cho Tường hàng-phục để cho người thay mặt triều-đình nước Nam mà giao-thiệp, kẻo lúc ấy vua tôi chạy ráo trong triều không còn ai. Qua hôm sau, hai bên mở cuộc hòa-nghị, lại cứ chiều theo điều-ước đã ký mà thi-hành. Nghĩa là nước Nam phải phục nước Pháp bảo-hộ. Rồi đó, Tường sai ông Thị-lang Phạm Hữu-Dụng ra hành tại Quảng trị tâu vua Hàm nghi về việc hòa nghị và xin vua trở về kinh-đô nhưng Thuyết cản-ngăn, không cho vua về. Tường xin Đô-đốc Courcy khoan hạn cho mình trong hai tháng thì mời vua trở về được. Rồi thì lão làm tờ hịch, truyền đi khắp nơi, kể công-đức của người Pháp, và khuyên dân đừng có bạo-động phản-đối nữa. Sau hai tháng trời, Đô đốc Courcy thấy vua Hàm-nghi càng đi xa, văn-thân vẫn bạo-động và biết rõ Tường là người phản-trắc-gian-tà, làm hại hết bên này, lại làm hại bên khác, ông bèn nổi giận, kết án Tường khổ sai chín năm, và tức thời đày qua đảo Tahiti. Mấy tháng sau Tường chết tại đó 4. Cho hay những kẻ làm tôi phản-phúc dẫu ở dân-tộc quốc-gia nào người ta cũng không dung. Nhất là người Pháp có tính ngay thẳng ưa mấy người nghịch thù đối mặt với mình, còn kẻ luồn cúi sau lưng, thì khinh-ghét lắm. * Vua Hàm-nghi vẫn chạy dài. Cái tin thành mất vua chạy truyền ra đến các tỉnh làm cho lòng người rất náo-động. Tỉnh Bình-định đang độ khoa thi, học-trò nghe tin ấy phá trường mà ra, để tỏ lòng căm phẫn. Từ Quảng-nam vào mãi tới Phú-yên, quân lính hiệp với văn-thân nghĩa-sĩ nổi lên đuổi cả quan lại triều-đình đi, tự xưng là vâng theo dân-ý, rồi kéo nhau đốt phá các nhà có đạo rất dữ dội. https://thuviensach.vn Còn từ Quảng-trị trở ra cho đến Nghệ-Tĩnh và Thanh-Hóa cũng vậy. Tóm lại, phong-trào công-phẫn hồi ấy như là lửa cháy dầu sôi vậy. Ngày 27, vua Hàm-nghi chạy lên tới Sơn-phòng tỉnh Quảng-trị (tức là Sơn-phòng Cam-lộ mà Tôn-thất Thuyết đã lập sẵn khi trước) hạ chiếu cần vương 5đi các nơi, nhân tâm cảm-động, thương xót lắm ; suốt một giải Trung-kỳ cho mãi đến ngoài Bắc, văn-thân ứng nghĩa có, giặc cướp thừa cơ có, nhao-nhao nổi lên, thành ra cả nước rối-loạn hết sức, chỉ duy có một hạt Thừa-thiên là được yên-ổn mà thôi, vì nhờ có binh Pháp giữ được trị-an. Bước qua đầu tháng sáu, ngài vẫn ở Sơn-phòng Cam-lộ còn Tam-cung thì vẫn lưu tại hành-cung 6ở tỉnh thành Quảng-trị, không theo lên Cam-lộ. Lúc ấy việc nước không có người chủ-trương ; triều-thần mời Tam-cung về, Tam-cung trở về Huế ; ngày ấy là hôm mồng hai tháng sáu. Người Pháp thấy vua Hàm-nghi lánh mặt chạy dài như vậy, sợ khó trấn-định được lòng người, cho nên phái quân đi truy-nã riết. Thời thế hồi đó đã thay đổi hẳn rồi, tuy những người trung-nghĩa nặng lòng thương vua mến nước còn nhiều, song những kẻ biết tùy thời để mưu cuộc phú-quý công danh cũng không phải ít. Thành ra tung-tích vua Hàm-nghi chạy trốn tới đâu người Pháp đều biết tin-tức hết thẩy ; ngài chạy phía trước, binh-lính bảo-hộ theo dấu truy-tầm phía sau, rất là khẩn-bức. Tôn-thất Thuyết phải đem vua chạy tuột lên Bảo-đài là chỗ giáp giới tỉnh Quảng-bình để trốn. Nhưng nghe quân Pháp càng truy-nã riết, tới ngày 11 tháng sáu, ngài lại phải trở về đóng ở Sơn-phòng Cam-lộ nữa. Nhưng ở đây liệu bề không yên thân được lâu nên cách mấy hôm sau ngài cùng các tướng-sĩ tòng vong 7trèo qua Mai-lĩnh lên Lao-bảo rồi xuyên đường rừng núi hiểm-hóc mà tới Hàm-thao về phía bắc Khung-giang. Từ đấy về Sơn-phòng tỉnh Hà-tĩnh chỉ cách có bẩy ngày đường, thế là vua Hàm-nghi chạy nạn càng ngày càng xa kinh-đô rồi vậy. Đất mình, nước mình mà vua Hàm-nghi mười mấy ngày nay chưa có chỗ nào đặt chân cho vững. Ngài tới Hàm-thao là cốt hạ chiếu cho văn-thân tỉnh Hà-tĩnh ra tiếp-giá tại Sơn-phòng và định lấy chỗ ấy làm căn-cứ, để lo việc khôi phục. Nhưng chưa kịp tới Sơn-phòng Hà-tĩnh thì lại nghe tin đồn quân https://thuviensach.vn Pháp đuổi theo sắp đến, thành ra Thuyết lại lật-đật đem ngài chạy đi chỗ khác. Thật là « vua thua chạy dài ». 8 https://thuviensach.vn VI. THỜI THẾ TẠO ANH HÙNG THẬT THẾ, cụ Phan Đình-Phùng là một bậc anh-hùng do thời thế tạo nên. Nếu hồi bấy giờ, cuộc đời chẳng đổi, người Pháp không đến, cứ để cho con cháu Hồng-Bàng làm chủ non sông Nam-Việt thì thiên cổ ai biết Phan Đình-Phùng ? Nếu hồi bấy giờ, trong triều không xảy ra những việc Thuyết và Tường chuyên-quyền sinh-sự, giết vua nọ, lập vua kia, mà cụ Phan không có dịp nói, thì bất quá từ chức Ngự-sử, khéo lắm mười mấy năm sau lên đến Thượng-thư là cùng, rồi già về hưu, cất nhà tậu ruộng, uống rượu ngâm thơ, lại lo gây dựng cho mấy cậu ấm, rồi cùng với cỏ rác cùng nát, thì thiên cổ ai còn nói đến Phan Đình-Phùng ? Nếu hồi bấy giờ, Nam-kỳ chưa mất, Bắc-kỳ chưa tan, mà Thuyết Tường không tàn-bạo chém giết kẻ có đạo, và không kình-địch người Pháp, tất nhiên thành chưa mau tan, nước chưa mau mất, mà vua Hàm-nghi cũng không việc gì phải chạy, vậy thì thiên-cổ làm gì cần có Phan Đình-Phùng ? Lại nếu như hồi bấy giờ, mà dân-khí kém hèn, lòng người sợ hãi, đến nỗi bóng cờ tiếng súng của nước Pháp văn-minh hùng-cường bay đến chỗ nào, ai nấy đều cúi sát mặt đất cả, thì thiên-cổ làm gì biết được Phan Đình Phùng ? Nhưng mà thời-thế cốt đào-tạo cụ Phan trở nên một người anh-hùng, cho nên ở vào hoàn-cảnh nào, từ sinh ra đời cho đến lúc ra làm quan, lúc về làm ruộng ở nhà, toàn là những cơ-hội xui-khiến cụ phải ra để làm một việc của nhân-tâm thời-thế trao cho. Đến đây, thời-thế sắp phiền cụ tới nơi rồi. Khi vua Hàm-nghi tới Hàm-thao, định từ đây đi lên Sơn-phòng Hà-tĩnh nên mới hạ chiếu cho bọn văn-thần Hà-tĩnh tiếp giá, nhưng nghe quân Pháp đuổi gần tới nơi, Tôn-thất Thuyết phải lật đật đem ngài lánh đi chỗ khác. https://thuviensach.vn Nay đây mai đó, mãi tới tháng 10, ngài mới lui về đến miền thượng-du tỉnh Quảng-Bình. Năm ấy ngài mới có 15 tuổi, đối với thời-cuộc cũng chưa có cảm-giác gì mấy ; chỉ biết nhà tan nước mất là thương, thân mình giãi gió dầm sương, bơ-vơ lưu-lạc là khổ, chứ không biết chủ-trương ứng-phó với cảnh-ngộ ra sao. Cho nên bị đuổi rất nguy, mà nên chạy đi đâu, nên làm thế nào, nhất thiết ngài đều theo Thuyết chủ-trương ; ngài chỉ như một chiếc thuyền con lênh-đênh trên mặt sóng, mà Thuyết là người cầm chèo bẻ lái vậy. Sự thế đến cùng rồi, Thuyết nghĩ bây giờ chỉ còn trông cậy có dân, nghĩa là muốn lấy dân-khí dân-tâm chống với tàu bền súng lớn ; ấy tức là cái khí-giới cuối cùng của Thuyết định chống với người Pháp. Nhưng mà dân lúc đó, khác nào như lá rụng ở trong rừng ban đêm, tất phải ai có sức thu thập lại cho thành đống, thì mới chụm lửa mà đốt lên cho sáng được. Ông bèn nghĩ ngay đến người mà hồi xưa ở trong triều mắng ông mà ông đã định chém, là : Phan Đình-Phùng. Tôn-thất Thuyết có thể gọi là một bậc người « ở đời trị thì làm năng thần 9, ở đời loạn thì làm gian-hùng » được. Xem như việc đối với Phan Đình Phùng thì đủ biết. Lúc còn quyền cao chức trọng ở trong triều, ông làm việc gì sai lầm, ai dám bẻ-bác ông, ông chẳng giết ; ông bỏ tù một viên Án sát ở ngoài Bắc là Tôn-thất Bá, vì ông này dám nói là thế-lực của người Pháp 8 phần thì mình chỉ có 2, làm sao chống nổi ; ông giết cả một viên quan ở bộ Binh là ông Chuyên vì ông này đi đâu cũng nói bô bô rằng : « Khiêm khùng, Thuyết ngu » 10; ông giết đến cả ông thượng-thư Trần Tiễn Thành, vì ông này ngăn-cản không cho ông chống cự với người Pháp. Ấy là kể những người có thế-lực to và danh-vọng lớn cả, mà Thuyết còn không tha ; hễ ai phạm đến Thuyết thì tất mất mạng. Cụ Phan Đình-Phùng hồi ấy, ngôi bất quá Ngự-sử, lại không có bè đảng gì to, khiến cho Thuyết đủ sợ, thì Thuyết muốn giết lúc nào chẳng xong. Thế mà vì việc giết vua nọ, bỏ vua kia, cụ Phan mắng Thuyết giữa triều-đình là kẻ phản-thần mà Thuyết không giết, chỉ cách-chức đuổi về thôi, ý hẳn Thuyết có chủ kiến sao đó. Giết vua là việc nhỏ, là việc ở triều, hay ở trong nhà ông (vì ông là người hoàng-tộc), https://thuviensach.vn còn cứu quốc là việc lớn, là việc của cả dân cả nước ; ông khinh việc nhà mà trọng việc nước, cho nên ai như cụ Phan Đình-Phùng bảo ông giết vua là bậy, thì ông tha, còn ai như mấy ông trên kia, bảo ông đừng chống với binh Pháp, thì ông giận lắm, tất là ông giết. Ông biết rằng : cụ Phan Đình-Phùng chỉ có cái tư-tưởng giết vua là khác ông, nhưng còn có cái tư-tưởng khác, thì thật là ám-hợp với ông, ấy là tư-tưởng chống với người Pháp tới cùng, dầu tự biết sức mình thua cũng vậy. Ông không giết một người bạn đồng-chí, chắc hẳn biết trước rằng thời-thế sau này sẽ cần dùng đến người như thế. Còn cụ Phan cũng biết rằng Thuyết đối với mình có chỗ dụng tâm sâu sắc là thế nào, cho nên dầu bị cách chức mà không oán ; đối với việc triều đình, Thuyết đã làm ngang-tàng quá thì cụ khinh, nhưng đối với việc cứu nước của Thuyết tính làm thì cụ vẫn trọng. Sau khi cụ về nhà-quê làm ruộng được ít lâu, Thuyết đem ngay một cái trách-nhiệm nặng-nề trao cho, là cử cụ làm Tham-biện Sơn-phòng tỉnh Hà-tĩnh, tức là bảo cụ dự-bị sẵn-sàng để chống-cự binh Pháp nay mai ; một chỗ đó biết Thuyết và cụ là bạn tri-kỷ vậy. Hồi cụ làm tham-biện Sơn-phòng Hà-tĩnh là năm Thân (1884). Đến tháng chạp năm ấy, bà cụ thân-sinh mất cụ xin nghỉ về để cư-tang. Thế nhưng mắt cụ để luôn đến thời cuộc ; mấy tỉnh ở ngoài Bắc-kỳ mất, cụ biết ; quân Pháp chiếm Mang-cá, cụ biết ; cửa Thuận-an mất, cụ biết ; kinh-thành thất thủ, vua Hàm-nghi chạy, cụ biết. Bấy nhiêu cái tin thảm-thiết đến nơi, làm cho cụ bồn-chồn, bảo với tả hữu rằng : Thời-thế không cho ta ngồi yên đây ! Vào khoảng tháng sáu tháng bảy năm Dậu (1885) cụ nghe tin vua Hàm nghi chạy ra tới miền thượng-du tỉnh Quảng-bình, liền phái một ông cử ở trong làng là Phan Cát-Su đi lên miền thượng-du tỉnh Hà-tĩnh để đón, dặn rằng khi nào xa-giá tới nơi thì kíp về báo tin cho biết. Đến ngày tháng 10 vua Hàm-nghi đến nơi, cụ cùng các ông bạn đồng-chí là Phan Quang-Cư, Phan Khắc-Hòa, Hoàng Xuân-Phong, Ngụy Khắc-Kiều, Phan Trọng-Mưu tới hành-tại bái yết, khóc mà tâu rằng : « Để cho thành tan nước mất Thánh thượng mông-trần 11là tội ở lũ thần-hạ. Xin thánh-thượng yên lòng, lũ thần https://thuviensach.vn hạ nguyện hết sức cần-vương cứu quốc, dẫu chết cũng không từ, miễn để Thánh-thượng sớm được hồi cung ». Vua Hàm-nghi phong cho cụ làm Tán-lý Quân-vụ, thống-tướng các đạo Nghĩa-binh. Cụ tạ ơn lui ra, cùng với ông Thuyết bàn đại-sự nhà-nước. Ông Thuyết hỏi đến kế-sách tiến-hành, cụ nói rằng : « Không nói thì chắc tướng-quân cũng biết, thời-cuộc bây giờ khó-khăn lắm rồi, vì trong thời-cuộc này tướng-quân đã trải lắm. Xứ Nam-kỳ là chân tay của nước nhà, nhân-tâm đã khá, tiền-của lại nhiều, nếu chân tay mất thì thân-thể không cựa-quậy được nữa. Từ ngày sáu tỉnh trong Nam-kỳ mất, thực lực của nước mình tổn-hại lắm rồi, tôi đã biết rằng việc đời, đành để cho nó lấn tới hoài, không thể nào cưỡng nổi. Trước sau gì thì từ Khánh-hòa trở ra Bắc, người tây cũng lấy cả, nhưng nếu trước kia ta đừng thất sách mà giết hại bọn giáo dân và đừng ngăn-trở họ về việc thông-thương để làm cái cớ gây hờn cho họ, thì họ chưa lấy cớ đâu dùng binh mà bức-bách ta nguy vong sớm đến thế. Ta nhân thời giờ đó, có thể tự-tỉnh tự-cường được, đâu có đến nỗi mất Bắc-kỳ rồi mất đến cả kinh-thành. « Đến bây giờ, khắp trong nước đâu cũng có gót chân người tây, họ kéo đi đâu như gió lướt ở trên cỏ mọc ở dưới, làm cho người phần thì sợ hãi, phần thì chán-nản đã lắm. Lại thêm những đứa tiểu-nhân, dựa theo thế ngoài để ăn-hiếp anh em cùng giống, khiến cho bọn dân vô-cố chạy không có đường, kêu không có ngõ, thật là cực-khổ. Phương chi trong nước bị nạn binh-cách bao nhiêu năm nay, kho-tàng sạch không, mùa-màng mất mãi, quân-lính bị thương vẫn chưa lành, khí-giới không được lấy khẩu súng tốt, nếu có bao nhiêu người chí-sĩ đi nữa, nhưng quân-lương lấy vào đâu, quân khí lấy vào đâu, hòng chống lại cường địch cho được ? Tình-thế ấy đủ chứng-tỏ cho tướng-quân hiểu rằng thời-cuộc nước ta bây giờ khó-khăn tới đâu. Nhưng ta may được một thứ khí-giới còn mạnh, ấy là lòng người. Lòng người dầu sao cũng vẫn còn trông-cậy được. Tôi nay mà nhận cái trách nhiệm nặng-nhọc này, là trông vào lòng người thôi. https://thuviensach.vn « Lòng người đã đành là một võ-khí mạnh rồi, nhưng nếu người ta cứ đưa súng bền đạn tốt ra mà bắn mãi vào đầu mình thì mình lấy gì chống-đỡ. Thế tất mình cũng phải có khí-giới. Đồ súng-đạn của ta làm sao địch lại được họ ? Muốn địch lại được họ, tất cũng phải có một thứ súng đạn ngang với họ mới được. Nhưng hiện nay trong nước mình vật-liệu không có, người làm chưa có, thì phải trù-biện ở ngoại-quốc về. Đã trù-biện khí-giới, lại phải cầu-cứu cả viện-binh nữa. Nhưng nước cứu-viện cho mình không phải là nước Tầu, vì nước Tầu đang lo việc nhà họ cũng rối-bét chưa xong, ta không thể tin-cậy được. Cứ theo ý tôi xem ra, thì tất phải nước Xiêm. Tôi cũng không tin là nước Xiêm có thể địch nổi với tây để cứu mình, nhưng mà nhờ họ mua khí-giới và cho mượn binh, thì cũng giúp cho mình có được thanh thế. Vả chăng nước họ đối với mình là một nước sui-gia 12thì họa may họ còn lấy chân-tình mà giúp ta chăng ? Còn tôi, thì rồi đây tôi cũng phải ra ngoài Bắc một lúc để hiệu-triệu cho bọn chí-sĩ ngoài ấy hưởng-ứng, vậy mới gây-dựng được thế-lực to, và may ra mới thành-công lớn được. « Muốn làm một việc lớn như thế này, phải có thiên-thời, phải có địa lợi, phải có nhân-hòa. Đất Hà-tĩnh tiếng có núi cao rừng sâu, nhưng không phải có địa-lợi, vì bề ngoài không ra được biển mà bề trong thì là vào rừng, vào rừng là đường chết, nếu sau này bị bốn mặt bọc vây, ở giữa tuyệt lương thì nguy lắm. Song việc đó tôi đã tính rồi. Duy được có nhân-hòa là quý hơn cả, tôi dám làm đại-sự là chỉ trông-cậy vào đó mà thôi, còn thiên-thời thì tôi không dám nói đến ». Thuyết nghe cụ rất lấy làm kính phục, vỗ vai cụ mà nói : « Thiên-thời thì ai dám chắc. Song ngài cứ vì nước hết sức, việc cầu-viện rồi có tôi lo ». * Cụ phụng-mệnh trở về, liền phát tờ hịch đi khắp các nơi, kéo cờ khởi nghĩa ngay ở làng cụ là làng Đông-thái. Trong hịch-văn, đại-ý nói cụ phụng-mệnh vua cử nghĩa-binh để chống với cường-địch, cứu lại quốc-gia, song việc đó là việc chung của mọi người https://thuviensach.vn làm dân, tự mình cụ không gánh-vác nổi, vậy xin những bậc anh-hùng chí sĩ, ở trong bốn biển chín châu, cùng ra tài ra sức cứu nước mới được v.v… Lời hịch-văn đơn-sơ mà thống-thiết, khiến cho ai xem cũng phải động mối thương-tâm, coi hình như là tờ hịch của ông Lạc tân-vương ở đời nhà Đường ngày xưa đánh bà Võ-hậu vậy. Nhân thế mà chỉ trong có một tuần, nghĩa-sĩ ở các nơi hưởng-ứng theo cụ có đến năm sáu ngàn người, đều thề hết sức theo cụ chỉ-huy, liều mình vì vua vì nước. Cụ bèn lấy ngay nhà cụ ở làm « nghĩa-sĩ-đường » tụ-họp nghĩa-quân, làm lễ tuyên-thệ, rồi chia binh ra từng đồn-trại đóng khắp trong tổng Việt yên. Đồn trại nào cũng đều có kỷ-luật, và có quân thám-tử hẳn-hoi, cách sắp-đặt điều-khiển rất là nghiêm-minh. Nơi địa-đầu làng Đông-thái lập ra một cái xưởng lớn để đúc súng và chế thuốc đạn – theo lối của ta – và rèn gươm đao nữa. Trong xưởng này bao giờ cũng một trăm người thợ làm việc suốt đêm ngày, để mau có đủ khí-giới cho quân dùng. Một vùng chỗ đó, trước kia có cái quang-cảnh cũng như mọi chỗ khác, nghĩa là ban ngày trông thì làng xóm bao la, ruộng lúa, bờ tre man-mác, kẻ đi chợ-búa, người việc cày cấy ; đến đêm thì bốn bề đen tối, tịch-mịch một màu, bất quá thỉnh-thoảng nghe có tiếng chó sủa cầm canh, gà đua gáy sáng mà thôi. Thế mà nay đổi ra hẳn một cái cảnh khác : cờ quạt rợp trời, chiêng trống dậy đất, gươm đao sáng quắc, đèn đuốc thâu đêm ; người ta trông thấy hình như ai cũng nô-nức tấm lòng, cho đến ngọn cỏ cành cây, hình như cũng nhấp-nháy muốn động cả. Nhiều ông già, bà cả được mục-kích hồi ấy, thuật lại rằng : Vui nhất là trông thấy cái quang-cảnh những người nghe cụ khởi nghĩa-binh mừng-rỡ múa hát, nào kẻ thì dắt trâu gánh gạo đến để khao quân, nào kẻ thì nách thước tay đao đến để vào ngũ, làm cho đường-sá đi lại tấp nập ngày đêm, biến hẳn quang-cảnh nhà quê ủ-rũ vắng-vẻ kia, trở nên một nơi hùng-tráng vô cùng, khí-phách vô cùng !… Lúc bấy giờ, anh-hùng chí-sĩ ở bốn phương về theo cụ rất đông ; người trong làng thì như ông Tiến-sĩ Phan Trọng-Mưu 13, ông cử Phan Cát-Su, Phan Quang-Cư, còn văn-thân ở hai tỉnh Hà-tĩnh và Nghệ-an thì có Thám hoa Nguyễn Đức-Đạt, Hoàng-giáp Nguyễn-Quý, Tiến-sĩ Nguyễn Xuân-Ôn, https://thuviensach.vn Đinh Văn-Chất, Cử-nhân Nguyễn-Hanh, hai anh em ông ấm Lê-Ninh, ông Phó-bảng Võ Nguyễn-Hạnh, ông Cử-nhân Thái Vĩnh-Chính, Cao-Đạt v.v… nhân vậy mà thanh-thế của cụ thành ra to. Chính-phủ bảo-hộ và triều-đình phải chú-ý đến. * Hồi đó trong triều đã lập vua khác rồi, là vua Đồng-khánh (lên ngôi ngày 6 tháng 8 năm Dậu, sau thất-thủ kinh-thành ba tháng) em ruột vua Hàm-nghi. Cuộc bảo-hộ đã xếp-đặt đâu đó xong rồi. Nhất-thiết mọi việc quốc-gia, triều-đình phải theo chính-phủ bảo-hộ chỉ-bảo. Các tỉnh một giải Trung-kỳ, tỉnh nào cũng tùng-phục, duy có tỉnh Quảng-bình là còn độc-lập, vì vua Hàm-nghi còn trốn-tránh ở đó, nên bọn văn-thân còn dựa vào chủ-nghĩa cần-vương mà làm kịch-liệt. Lúc này Hoàng-Phúc làm dữ nhất, Hoàng-Phúc tức là gia-thần của ông Thuyết, có võ-nghệ giỏi, lại có hai đứa thủ-hạ là Chít và Én cũng giỏi lắm. Triều-đình phái ông Phan Đình-Bính (tức ông ngoại vua Duy-tân) ra tiễu trừ không xong. Chính-phủ bảo-hộ muốn trấn-phục nhân-tâm, bèn phiền vua Đồng khánh ngự-giá ra tỉnh Quảng-Bình để chiêu-phủ dân-tâm, và dụ vua Hàm nghi ra thú luôn thể. Vua Đồng-khánh đem 200 lính tây và 800 lính ta, có cơ-nghi oai-vệ lắm, từ kinh khởi giá ngày 16 tháng 5 năm Bính-tuất (1886), nhưng ngự-giá đi cũng chẳng được gì, nên đến tháng 8 thì về. Sau đến ông Hoàng Kế-Viêm ra làm Khâm-sai, hết sức chiêu-phủ, làm cho đảng-vũ của Hoàng-Phúc lìa tan hết cả. Hoàng-Phúc buồn mà chết, bấy giờ mới yên. Tiếng rằng yên, nhưng mà tỉnh Quảng-Bình, chỗ này còn kẻ xưng hùng, chỗ kia còn người khởi-nghĩa, đều làm thanh-thế cho cụ Phan Đình Phùng, thành ra cái gốc phản-đối người Pháp ở Quảng-Bình lại chuyển sang Hà-tĩnh. Triều-đình bèn phái ông thương-tá Hà-tĩnh là Lê Kính-Hạp làm Tiễu-phủ-sứ hội với quân Pháp để đi tiễu. * https://thuviensach.vn Trận đầu-tên của cụ Phan Đình-Phùng ra binh là đánh phá mấy làng có đạo. Cái cớ cũng là tự mấy ông cố đạo gây nên trước. Nói cho phải, thuở trước có lắm ông cố đạo tuy miệng nói là chỉ chuyên-tâm có việc tôn giáo mà thôi, nhưng cũng lôi-thôi xen-lộn vào việc chính-trị, hoặc ỷ sức mạnh hiếp-bức người ta. Nếu không vậy thì ngày xưa chẳng làm gì có việc lương giáo đánh giết nhau mà cũng không đến nỗi có điều gì ác-cảm nhau. Thật thế, các ông ấy giảng đạo, song nếu « con chiên » có việc gì kiện-cáo với lương-dân, tức thời các ông mang « bộ áo dài thâm » vào, rồi thân-hành lên quan phủ huyện kêu nài và dọa nạt quan phủ huyện phải xử cho con chiên được kiện. Nếu quan không bênh-vực theo ý muốn của các ông thì các ông hâm-dọa lên nói với quan công-sứ để tìm cách ám hại. Các nhà truyền giáo, không ở trong bờ cõi tôn-giáo của mình, lại lấn sang vòng chính-trị, dầu ở xã-hội nào cũng là chuyện lôi-thôi bất-bình, không trách nào bây giờ các nước Âu-châu phân biệt quyền tôn-giáo và nhà nước riêng hẳn ra cũng phải. Trong hồi Pháp-Việt đang giao-thiệp với nhau, các ông ấy ỷ-thế người Pháp bênh-vực mà làm nhiều cử-động làm cho người mình sinh thù, sinh ghét, làm cho nước Pháp bận lòng quá. Có khi chính các ông làm đà cho giáo-dân làm bậy, rồi mỗi chuyện gì cũng đổ cho bọn văn-thân ; cái tình-tệ ấy nói sao cho hết. Công-sứ tỉnh Nghệ hồi đó là ông Duranton đã thuật lại việc lương giáo xung-đột ở Huế như sau này, để làm chứng-cớ : « Các ông cố đạo gọi dân đến dụ-dỗ, hễ đứa nào chịu theo đạo thì lĩnh sáu đồng bạc. Những đứa đã ngửa tay lấy tiền dụ-dỗ đút-lót cho nó đi đạo như thế, thì có phải là hạng người ra hồn gì đâu ». Chúng nó lĩnh tiền xong, rồi về làng dọa nạt anh em đồng-bào mình rằng : « Bây liệu hồn ! Chúng tao đây đã có người tây đỡ đầu, dễ bây dám há miệng chửi tao một câu, hay là gây-gổ với chúng tao một chút, là chúng tao nướng xác bây cháy ra tro và lấy hết của cải bây ». Trời ơi ! Hâm-dọa người ta như thế rồi chúng nó làm thật. Vả chăng, sự thật chúng nó vì nghèo đói quá, nên phải tìm một cách để kiếm ăn. Đêm tối https://thuviensach.vn chúng nó chụm lửa tự đốt tiêu cơ-nghiệp nhà tranh vách nát khốn-nạn của chúng đi, rồi la làng chói lói rằng bọn văn-thân – hay là dân lương – đã đốt nhà và lấy hết cả của-cải chúng nó. Thế là chúng lấy được tiền của nhà-nước bồi thường cho mà đám dân lương bị giá-họa vu-oan kia thì bị tội. Đại-khái, cái tình-tệ giữa dân lương-giáo nước ta hồi trước như thế. Cụ Phan Đình-Phùng mà đánh phá hai làng giáo-dân cũng vì mấy ông cố đạo ở hai làng đó xui-giục giáo-dân, định đến ám hại cụ. Rồi độc-giả sẽ coi việc này ra sao ? Chúng tôi đã nói, cụ Phan xuất binh trước hết là đánh phá hai làng có đạo, nguyên-nhân bởi mấy ông cố đạo ở đấy ám-hại văn-thân. Nguyên một đêm kia, vào khoảng canh ba, quân thám-tử của cụ đi tuần-phòng các dinh-trại bắt được ba tên dân đạo là người ở hai làng Định trường và Thọ-ninh (cùng thuộc trong một tổng với cụ) đang núp lén trong bụi tre gần bên trường đúc khí-giới. Nghĩa-quân bắt được và khám-xét chúng nó, thấy đứa nào cũng có giắt hỏa-hổ ở trong mình, họ liền giải ba đứa về đồn nộp. Cụ Phan hội chúng-tướng lại tra xét thì chúng xưng rằng : cố của chúng nó xui-biểu chúng nó tới lén đốt hết cả đồn-trại nghĩa-binh ở Đông-thái đi. Tức thời cụ sai chém ba thằng ấy rồi hạ lệnh cho mấy toán nghĩa-binh đang đêm kéo đến bao vây đánh phá hai làng Định-trường và Thọ-ninh. Lệnh truyền nghiêm lắm ; chỉ đánh phá nhà thờ, nhà cố, đừng xâm-phạm nhà dân. Nghĩa-quân đánh riết lắm, mấy ông cố đạo phải sai người liều chết trốn ra khỏi trùng vây mà đi báo, để quân Pháp đóng đồn gần đó về cứu-viện. Quân Pháp về tới. Nghĩa-quân đón đầu giao-chiến được hai giờ đồng-hồ rất là hăng-hái. Nhưng vì hầu hết nghĩa-binh chỉ là hạng tráng-đinh nhiệt-huyết, vừa mới triệu-tập, chưa được huấn-luyện gì, cũng chưa quen việc đánh nhau, lại thêm súng đạn lúc này còn là kiểu súng của ta, cách bắn chậm-chạp lôi thôi, tự-nhiên không sao địch lại súng Pháp, thành ra ứng chiến được hai giờ là nhiều rồi, nghĩa-binh phải thua chạy. Quân Pháp thừa thắng đánh rốc tới đại-đồn Đông-thái, đốt phá tan-tành. Dân cư làng này bị tán-phá tử thương và trốn làng bỏ đi nhiều lắm. https://thuviensach.vn Cụ Phan thu-thập tàn-quân lại, an-ủi tướng-sĩ rằng : « Được thua là sự thường của binh-gia, tướng-sỉ ta đừng nên vì thế mà ngã lòng thối chí ». Rồi cụ kéo quân tới đóng ở đất hai huyện Hương-sơn và Hương-khê, nay ở chỗ này mai dời chỗ khác, không thể nhất định là chỗ nào, làm cho quân Pháp phải đi tiễu-trừ lắm nỗi khó-nhọc, tốn-hao. Chẳng những chưa dẹp được cánh quân cụ Phan, mà thanh-thế cụ lại càng to, và phong-trào văn-thân lại càng ùn-ùn nổi lên tứ phía. Sang đầu năm Tuất (1886), Phan đóng quân ở làng Phụng-công về huyện Hương-sơn. Còn anh là ông Phan Đình-Thông thì đóng ở Thanh chương, tỉnh Nghệ. Không ngờ Phan Đình-Thông bị tên thủ-hạ là Nguyễn Sử làm phản ; nó làm nội-ứng, nửa đêm, thừa lúc ông Phan Đình-Thông đang ngủ, dẫn quân lính Bảo-hộ đến vây đồn, trong lúc thảng-thốt ông bị bắt sống giải về tỉnh Nghệ. Tổng-đốc tỉnh Nghệ lúc ấy là Nguyễn-Chính, vẫn còn ghi nhớ chuyện cũ, thù-hiềm cụ Phan, hồi làm Ngự-sử, đã dâng sớ hạch tội y làm Kinh-lược Bắc-kỳ, chỉ hư-trương nghi-vệ và tác oai tác phúc xằng, không chăm lo việc dân việc nước giữa lúc gian-nan. Câu chuyện cũ này, một đoạn trên xa, chúng tôi đã nói. Vì sự hạch tội ấy vua Tự-đức bãi chức Kinh-lược của Nguyễn-Chính. Sau nhờ Bảo-hộ phục chức, cho làm Tổng đốc Nghệ-an. Nay bắt được anh cụ Phan, Nguyễn-Chính toan chém tức thời cho đã cơn giận và trả thù xưa. Nhưng rồi tấm lòng mưu lập đại-công biểu va ngừng tay lại, trong trí suy-tính làm sao chiêu dụ được Phan Đình-Phùng ra hàng, thì mình lập công-lao với Bảo-hộ to lớn, tự-nhiên cái ngôi cực-phẩm triều-đình ở trong túi áo. Chừng nào chiêu-dụ mà Phan Đình-Phùng không chịu ra hàng thì bấy giờ sẽ giết Phan Đình-Thông cũng chưa muộn. Nghĩ vậy rồi, Nguyễn-Chính một mặt sai kẻ tâm-phúc đi dò tung-tích cụ Phan ở miền Hương-sơn, Hương-khê để dỗ cụ ra quy-thuận. Hồi đó, ông Tiễu-phủ-sứ Lê Kính-Hạp, nguyên trước là anh em bạn thân với cụ, nhưng sau Bảo-hộ sai đem quân đi đánh cụ, cảnh-ngộ hai người gần giống như Ngũ-Tử-Tư và Thân-Bao-Tư ở đời Đông-Châu. Nhân dịp anh https://thuviensach.vn cụ bị bắt, Lê Kính-Hạp muốn lấy lẽ cốt-nhục tình-thâm, bèn viết gửi cụ một bức thư chữ Hán cứng-cáp gọn-gàng mà hay, xin dịch ra quốc-văn như vầy : Bác Phan, Tôi với bác xa cách bấy lâu nay, tấm tình thương nhớ, chắc cũng bồi hồi như nhau, điều đó không cần phải nói. Duy có điều phải nói là mấy lúc gần đây tôi đi qua làng Đông-thái ngó thấy đền thờ cùng là phần-mộ các đứng tiên-quân bác nghiêng-ngả điêu-tàn không ngờ tôi sụt-sùi nước mắt mà khóc. Này bác Phan ơi ! Ngày nay trong họ hàng làng xóm được an hay nguy chỉ can-hệ ở nơi bác, tính-mạng ông anh bác mất hay còn, cũng chỉ can-hệ ở nơi bác. Thôi thì tấc lòng trung của bày tôi đối với vua, tới đó bác cũng đủ chứng tỏ với quỷ thần rồi, không lo ai chê mình vào đâu được nữa 14. Còn HIẾU và ĐỂ cũng là cái gốc lớn của đời người ta, có lẽ nào bậc người khoa-giáp như bác mà học chưa tới nơi hay sao ? Huống chi là nuôi ong tay áo, nọc ở trong mình 15tấm gương ấy không phải đâu xa, kỳ thật nó sờ-sờ ở trước con mắt bác rồi đó. Núi Hồng sông Lam 16có vô số cảnh non nước tốt đẹp có thể làm nơi vắng-vẻ thanh-cao cho bác ở để tu-dưỡng chí-tiết của bác được. 17 Thôi nên về đi thôi ! Tôi xin nói thật. Cụ Phan tiếp được thư này, cười mà nói rằng : « Mấy anh đồ nho hèn nhát, động một chút là đem cửa-nhà mổ-mả ra để dọa-nạt người ta ». Nhân dịp cụ nói với chúng-tướng rằng : « Tôi từ khi cùng chư-tướng khởi binh cần-vương, đã có chủ-tâm là bỏ cả việc gia-đình quê-quán ra ngoài, không nghĩ gì đến nữa. Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to, nên giữ, là đất Việt-Nam : tôi chỉ có một ông anh rất to, đang bị nguy-vong, là cả mấy mươi triệu đồng-bào. Nếu về mà sửa-sang phần-mộ của mình, thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ ? Về để cứu vớt ông anh của mình, thì bao nhiêu anh em trong nước ai cứu ? Tôi bây giờ thề chỉ có một cái chết mà thôi… » https://thuviensach.vn Nói vậy rồi cụ không thèm viết thư trả lời, chỉ nhắn kẻ đưa thư về nói lại với Lê Kính-Hạp rằng : « Nếu ai có làm thịt anh ta, thì nhớ gửi cho ta bát nước canh ! » Chúng-tướng nghe đều ứa nước mắt. Cụ không chịu bãi binh quy-hàng, tức là ông Phan Đình-Thông bị hại, không cần phải nói. Từ đấy cụ cùng tướng-sĩ đóng đồn trong rừng, trên núi, thường dùng cách đánh du-kích, vì chưa đủ sức đương-trường đối chiến. Bảo hộ phái quân-lính đi tập-nã hoài. Nghĩa-binh cũng giao chiến nhiều trận, có trận được, trận thua, nhưng kể ra thì cái bước lui nhiều, mà bước tới rất ít. Vì quân lính Bảo-hộ tới đâu cũng có kẻ truyền-báo và trợ-lực rất là nhanh-nhẹn. Còn nghĩa-quân thì đánh nhau không quen, khí-giới lại xấu, chỉ trông cậy được là ở lòng người mà thôi, nên chi không địch được với quân Bảo-hộ là phải. Qua năm Hợi (1887), Phan nghĩ mình cô-lập không xong, bèn quyết kế ra Bắc-kỳ để hiệu-triệu đám văn-thân chí sĩ ở ngoài ấy cùng nổi lên làm thanh-viện. Khi đi, cụ dặn-dò chúng-tướng hãy khoan đừng nên bạo-động để đợi cụ về sẽ hay. https://thuviensach.vn VII. MẠT-LỘ CỦA THIÊN TỬ TRÊN ĐỜI, có ai sung-sướng bằng ông vua đắc chí ! Trên đời có ai khổ-sở bằng ông vua mất ngôi ! Khi đắc-chí, nào cung, nào điện, nào quan, nào quân, nào vàng-bạc châu-báu, quấn-quít quanh mình, nói một tiếng là lệnh dậy cả muôn dân, thét một tiếng là oai vang trong bốn bể ; vẻ-vang biết chừng nào ! Khi mất ngôi thì trốn, thì chạy, thì ăn sương uống gió, giãi nắng giầm mưa, chiếc thân trôi-nổi, nghe chim kêu vượn hót, càng như gợi mối thương tâm, rất đỗi là tiếng lá động suối reo, cũng tưởng chừng có quân nghịch đuổi kịp, khổ-sở biết chừng nào ! Tình-cảnh của vua Hàm-Nghi như thế. Ái-ngại thay, ngài là một ông vua còn nhỏ tuổi, gặp phải lúc việc nước khó-khăn, đến nỗi thành mất nhà tan, đem thân đi trốn, vất-vả cực-khổ trăm bề ! Nhiều khi giọc đường vua tôi khóc-lóc với nhau, nông-nỗi lưu-ly, không biết thế nào mà nói cho hết. Thoạt-tiên ra đi, thì còn có ít nhiều văn-võ hỗ tòng, quân gia hầu-hạ, rồi chẳng may giữa đường tan-tác chia lìa : nào Phạm Thận-Duật bỏ về, nào hữu-quân Hồ-Hiển bị bệnh chết ; đếm số quân lính thì lúc trước đi theo còn được một trăm người, nhưng sau thấy khổ-sở quá, chúng nó bỏ đi hầu hết. Sau rốt lại chỉ trơ-trọi có cha con Tôn-thất Thuyết, và chưởng-vệ Trần Xuân-Soạn, cùng mười mấy tên lính đi theo mà thôi. Thôi thì sớm no chiều đói, ăn uống không bữa nào toàn, nay đó mai đây, ở đâu không dám định hẳn, vì quân Pháp đuổi riết đằng sau lưng, làm cho nhà vua cứ chạy dài mãi… Ta đã biết hồi tháng 10 năm Dậu (1885, tức là giữa năm mất kinh thành) ngài tới miền thượng du Hà-tĩnh triệu cụ Phan Đình-Phùng ra khởi binh cần-vương, đến ngày 16 tháng ấy quân Bảo-hộ đuổi gấp quá, ông Thuyết phải đưa ngài chạy miết lên Voi-tấn, chính là miền trên tỉnh Quảng bình, giáp với xứ Lào. Chỗ biên-cương này là một xứ Mọi. Trương Quang Ngọc làm thổ-tù. Rồi ngài tạm trú ở đó. https://thuviensach.vn Được ít lâu, Thuyết ngó thấy ở đấy cũng tạm được yên thân nhà vua rồi, còn sự cứu-vong thì Thuyết tự liệu sức mình không thể làm gì được, tất phải cầu ngoại-viện họa là. Nhưng Thuyết không sang cầu-viện Xiêm theo như kế-sách của cụ Phan đã bày tỏ hồi trước ; Thuyết đi sang Tầu, vì lão còn tin vào thế-lực nước Tầu nhiều lắm. Thuyết tâu vua Hàm-nghi đành trốn ở đất Mọi, và để hai người con ở lại hộ-vệ, còn mình thì cùng chưởng-vệ Trần Xuân-Soạn dắt nhau sang Tầu để cầu viện binh. Vua Hàm-Nghi nương-náu ở đất Mọi được hơn một năm, tuy ăn uống khổ-sở, nhưng mà được điều yên-ổn. Chính-phủ bảo-hộ cố tâm bắt cho được ngài, nhưng vẫn chưa tìm được ra tông-tích, đã hơi có ý chán-nản, không biết rồi ra có bắt được hay không và đến bao giờ ? Hữu chí cánh thành, việc gì cũng thế : lần hồi Bảo-hộ cũng dò ra tông-tích mà bắt sống được vua Hàm-nghi, vì có bộ-hạ và lũ Mọi phản ngài để lập công với người Pháp. Lối sau này, nghĩa là sau khi Thuyết đã sang Tầu rồi, tình-cảnh ngài lại càng khổ-sở bội phần. Còn sót lại ít nhiều tả hữu tòng-vong cũng bỏ ngài lần lần mà đi, bởi chúng thấy vua bây giờ nông-nỗi chìm-đắm như thế, chắc cũng không còn trông có ngày nào lại trở về làm vua nữa được, vậy thì còn theo làm chi cho mệt xác ? Thành ra chúng rủ nhau đi lần hồi, bỏ ngài trơ vơ, duy còn người con ông Thuyết là Tôn-thất Thiếp theo hầu ngài một cách trung-thành cung-kính như trước. Khổ-sở lâu ngày quá không chịu nổi, ngài đâm ra bệnh thương-hàn, làm cho thân-thể gầy còm ốm-yếu. Tội nghiệp ! mỗi khi hơi có tin báo-động, thì có một thằng mọi trung-thành phải lật đật cõng ngài chạy, vì tự ngài không đi được nữa. Nhưng cái mồi vinh-hoa phú-quý nó xui khiến người ta dễ-dàng làm việc phản-trắc, đến quân Mọi cũng không khác gì ai ! Lúc bấy giờ ngài trốn ở một làng Mọi là Khê-ta-bao, ở miền trên châu Tuyên-hóa, tỉnh Quảng-bình. Chính-phủ bảo-hộ phái ông đại tá Boulangier chuyên việc đem quân đi tầm-nã, nhưng đã sáu tháng trời không tìm thấy tung-tích đâu cả. https://thuviensach.vn Trương-Quang-Ngọc, là thổ-tù ở miệt Khê-ta-bao và chính hồi ấy vua Hàm-Nghi đang nương-náu trong nhà nó. Mồi phú-quý động tâm, Ngọc cùng một tên đồng-đảng là Nguyễn Đình-Thanh lặn-lội đi báo tin cho quân lính Bảo-hộ biết, rồi dẫn ông Boulangier về bắt vua Hàm-Nghi. Đại-tá Boulangier lén dẫn quân tới vây bọc túp nhà ngài ở, lúc ấy mới độ 7 giờ tối. Ngài và hai người tùy-tùng đang gối đầu vào thanh gươm mà ngủ say lắm, vì bụng đói, sức mệt. Chợt thấy quân Pháp tới, thầy trò vùng tỉnh dậy, thì quân Pháp đã nhẩy vào trong, nắm chặt lấy tay ngài, ngài biết là thằng Ngọc phản, giận lắm mắng nó rằng : « Thằng Ngọc, mày giết tao đi, còn hơn đem tao nộp cho Tây ». Ông Tôn-thất Thiếp thấy sự thế hỏng mất rồi, bèn tuốt gươm ra, định bụng một là giết viên quan võ Pháp để giải-cứu cho vua, một là giết vua đi để cho ngài được trọn danh-tiết, chứ không muốn cho ngài bị bắt. Song viên quan Pháp lanh mắt, ngó thấy cử-chỉ ấy, chĩa súng ra bắn ông Thiếp chết ngay. Vua Hàm-Nghi bị bắt giữa hôm 26 tháng 6 năm Mậu-tí (1888). Bấy giờ ngài đã 18 tuổi. Quân Pháp dẫn ngài về tỉnh-lị Quảng-bình rồi cho 80 tên lính Pháp hộ vệ ra chợ Huyện. Trong lúc đi đường, ngài thở-than chửi mắng nọ kia luôn miệng. Tới chợ Huyện, quân Pháp đem xuống đò, để đưa về Huế, định cho ngài giáp mặt vua Đồng-khánh. Nhưng ông Khâm-sứ Rheinart nghĩ là sự gặp mặt này vô-ích, nên khi đưa về tới cửa Thuận-an, thì chính-phủ Bảo-hộ sai dẫn ngài xuống ngay pháo-thuyền « Comète » chạy thẳng vào Saigon. Rồi từ Saigon có tầu khác, đem sang an-trí ở xứ Algérie. Sang đây ít lâu, ngài kết-hôn với một thiếu-nữ Pháp, sinh-hạ ba người con. Công chúa Như Mai học trường Canh-nông ở Paris mấy năm trước đây thi đậu kỷ-sư số một, là con đầu lòng. Người con trai thì hiện làm võ-quan trong quân-đội Pháp. Có tin nói ngài thiên-cư sang Ba-lê ít lâu rồi qua đời, cách nay vài năm. Việc bắt được vua Hàm-Nghi phát-sinh vào hồi tháng 10 tây năm 1888 (Mậu-tí) nghĩa là sau khi thất-thủ kinh-thành 3 năm và sau khi Phan Đình- https://thuviensach.vn Phùng ra Bắc một năm. Còn Tôn-thất Thuyết bỏ vua ở giữa đường, tách mình đi sang Tầu, nói là đi cầu viện. Sang Tầu rồi, chẳng biết rằng ông có nói chuyện cầu-viện gì được với quan quyền Mãn-Thanh không, hay là biết tình thế nguy-hiểm cô cùng rồi, nên kiếm chuyện tìm đường trốn-tránh lấy thân vậy thôi. Nhiều người Pháp – trong đó Đại úy Gosselin là một – chê Thuyết hèn-nhát vì cái cử-chỉ bỏ vua giữa đường tách mình đào-nạn như thế. Nhưng họ ngợi-khen hai người con trai của Thuyết-Đạm và Thiếp – là thanh-niên anh hùng. Có người nói rằng Thuyết định đi cầu-viện thật tình, nhưng mới sang Tầu ít lâu, nghe được tin vua Hàm-nghi bị bắt, thì đành ở lại nương-náu tại Long-châu (thuộc tỉnh Quảng-tây, giáp-giới nước ta), rồi sau chết già ở đó. Nghe nói hồi ông chết ở Long-châu, có người Tầu hay là người Việt nam chí-sĩ vong-mệnh nào đó không biết, làm câu câu liễn điếu như vầy : « Quý bất khả ngôn, thiên cổ trung hồn lai Tượng quận ; Tôn vô di thượng, bách niên tàn cốt táng Long-châu ». Hai câu này, cứ xem cho kỹ, tuy bề-ngoài có ý tâng bốc Thuyết những là tôn-quý như vua, tận trung với chúa, nhưng mà bề trong hình như có ngụ ý mỉa-mai Thuyết một cách kín đáo. https://thuviensach.vn VIII. CAO THẮNG TRONG lịch-sử họ Phan hoạt-động cách-mạng, Cao-Thắng ở một địa vị rất là quan-hệ, cho nên muốn biết rõ Phan, không thể không biết Cao Thắng. Khi cụ Phan khởi-nghĩa, hào-kiệt bốn phương về theo, phần nhiều là người có võ-nghệ và có tài năng, nhưng mà cầu lấy một người có trí, có dũng, có ân, có oai, có cơ-mưu, có thao-lược, nói tóm lại đủ tài làm tướng, thì không ai bằng Cao-Thắng. Cao-Thắng là chân tay của cụ ; Cao-Thắng là hình-ảnh của cụ. Ban đầu thất-bại, cụ chạy ra Bắc để khuyến-khích anh em đàng-ngoài nổi lên làm thanh-ứng, khi ấy các tướng chản-nản, ba quân lìa-tan, việc cách-mạng thành ra một đám lửa nguội tro tàn, cơ-hồ đến tắt. Thế mà có người thổi được đống lửa nguội tro tàn ấy lại cháy bùng lên, ấy là Cao Thắng. Lúc cụ trở về, mà thanh-thế lại mạnh, tướng-sĩ lại đông, lương thực lại nhiều, súng đạn lại sẵn, nhờ đó mà chống cự được với quân Pháp trong mấy năm trời nữa, là vì có Cao-Thắng. Bởi thế cho nên người ta có thể nói được rằng : thí-dụ như xây một bức tường, cụ Phan đắp nền móng, mà Cao Thắng chồng-chất mãi gạch đá cho cao chót-vót lên ; thí-dụ như ta làm một ngôi nhà, cụ Phan dựng cột, nhưng mà Cao Thắng lợp ngói quét vôi, và treo tranh, bài cảnh ở trong cho được lịch-sự. Thế nghĩa là trong việc cần-vương cách-mạng lúc bấy giờ cụ Phan vẽ kiểu, mà Cao Thắng là thợ làm vậy. Quả thế. Sau khi cụ đã thất-bại ra Bắc rồi, các tướng võ và quân-sĩ tan lạc, việc cần-vương đến đó hầu như lá rụng hoa rơi, không mong gì có cơ quật-khởi. Chính cụ Phan ra Bắc cũng nằm hơn một năm trời như là người đã té nhào xuống, muốn dậy mà chưa biết đến bao giờ dậy nổi. Ấy thế mà Cao Thắng nâng cụ dậy được, lại huyết-chiến được bảy tám năm nữa, đến chết mới thôi, như vậy thì Cao Thắng thật là người có trí, có tài. Việc quật-cường đó, ông làm ra thế nào, ta cần nên biết. https://thuviensach.vn * Cao Thắng là người ở xóm Nhà-nàng, làng Lê-đông, huyện Hương sơn, tỉnh Hà-tĩnh. Ông là con một nhà bình-dân tầm-thường, dáng người thấp nhỏ, ngón chân ngón tay đều ngắn, cho nên người ta bảo ông có tướng ngũ-đoản (năm cái ngắn), sau tất là người huyết chiến sa-trường, bất-đắc kỳ-tử. Người rất thông-minh lanh-lẹ, thuở nhỏ có đi học chữ, nhưng tính không ưa khua bút múa văn, để làm một nhà danh-sĩ ; chỉ muốn học võ-nghệ và binh-thư, để sau làm một tay chiến-tướng, cho nên cả ngày chỉ tập võ và thích đi săn bắn, lấy thế làm vui ; có người em tên là Cao Nữu cũng vậy. Hồi năm Giáp-tuất (1874) là năm Tự-đức thứ 27 tỉnh Hà-tĩnh có giặc Cờ-vàng, tức là giặc Đội-Lựu nổi lên, định tranh cướp thiên-hạ với nhà Nguyễn. Cao-Thắng lúc bấy giờ còn nhỏ tuổi quá, nhưng đã tình-nguyện đi theo. Chưa đầy một năm, Đội-Lựu chết, giặc Cờ-vàng tan, triều đình sai quân đi nã-bắt những dư-đảng rất ngặt, Cao-Thắng sợ, phải trốn-tránh lẩn lút khốn-khổ. Lúc đó, anh thứ hai cụ Phan là ông Phan Đình-Thuật, mới đậu cử-nhân, ngó thấy Cao Thắng mới 13 hay 14 tuổi, đã đi theo giặc, chắc vì có cảnh ngộ sao đó, không phải chủ tâm phản bạn triều-đình gì. Nay giặc bị đánh tan, dư đảng tới một thằng nhỏ như thế cũng sợ bị quan làng tróc-nã, đến nỗi đào tẩu trốn-tránh cực-khổ, làm cho ông Thuật động lòng thương-hại, ông bèn tìm cách che-chở cho Cao-Thắng khỏi bị bắt, và đem về nhà nuôi. Được 8 năm, ông Phan Đình-Thuật mất thì Cao Thắng lại về làng ở. Về làng, nhưng cũng không lo đường sinh-nghiệp gì cả, sẵn trong mình có nghề võ, nên cùng với em và một người bạn tâm-huyết là Nguyễn-Kiểu, tối ngày chỉ ham tập quyền múa kiếm làm vui. Nguyễn-Kiểu tụ-họp mấy chục tên thủ hạ đi ăn-cướp, nay làng này mai làng khác những nhà giàu-có nội vùng, khổ-sở với bọn ông, muốn bắt ông, nhưng sợ ông giỏi quá không sao bắt được. Tuy chính Cao-Thắng không ăn cướp của ai, nhưng cũng mang tiếng là đầu-đảng ăn-cướp. https://thuviensach.vn Kỳ thực, Cao Thắng vốn là người có chí-khí to, chẳng qua thác-tính vào đám lục-lâm, để chờ có thời-cơ sẽ ra vì nước hiệu-lực, không phải có ý muốn chung thân mai-một ở giữa khoảng cỏ xanh nước biếc đâu. Cuối năm Ất-dậu (1885) cụ Phan khởi nghĩa, anh em ông cùng với Nguyễn-Kiểu đem 60 tên thủ-hạ ra xin theo. Cụ phong cho làm chức Quản cơ và bảo sau sẽ trọng-dụng, vì biết ông là người có tài to. Quả-nhiên, ông giúp cụ trong việc quân, mới đầu đã tỏ ra người có tài giỏi. Cụ Phan rất yêu mến. Năm ấy ông mới có 20 tuổi. Sau khi cụ Phan chạy ra Bắc rồi, các tướng sĩ đều giải-tán hết, duy còn ông cùng mấy người anh em đồng-chí là Cao-Nữu, Cao-Đạt và Nguyễn Niên, thu-nhặt lấy ít nhiều tàn quân về ẩn-phục ở trong những rừng núi thuộc làng Lệ-động, là làng của ông để mưu cách khôi-phục. Lúc này bạn thân của ông là Nguyễn-Kiểu đã chết rồi. Ông nghĩ rằng dùng binh mà không có tiền nhiều thì làm trò gì được, cho nên trước hết ông nghĩ cách lấy tiền cho nhiều. Thủ-đoạn ông lấy tiền khi ấy có gì khó đâu ? Chỉ đem một vài chục tên lâu-la xuống núi, xem làng-xóm nào có nhà giàu thì xông vào đốt-phá, cướp, là lấy được tiền ngay, rồi lại đem quân vào rừng ẩn-phục, ai làm gì nổi. Nhưng ông không làm. Một là biết rằng : đóng ở rừng núi như vậy là trốn tránh qua thời mà thôi, chứ không phải là nơi dụng võ. Hai, nếu dùng lối cướp-bóc thì làm náo-động dân-gian, lỡ ra đến phải đốt nhà giết người thì mang tiếng cho đạo quân nhân-nghĩa. Ba, thời bấy giờ là thời loạn-lạc, nhà nào có tiền cũng bỏ làng trôi-giạt đi xa để trốn-tránh hoặc là chôn cất đi, mà chính ở vùng đó cũng không có mấy nhà giàu, thì lấy tiền vào đâu. Bởi thế ông dùng thủ-đoạn « làm tiền » bằng một cách khác là cách bắt cóc. Trong nghề lục-lâm có cái lối bắt sống những người nhà giàu về giam, rồi bắt đem tiền lại chuộc cho về gọi là cách bắt cóc, từ xưa ở xứ mình đã có rồi. Ông cho thủ-hạ đi dò-la mãi, biết rằng hôm ấy có một chiếc thuyền chở mấy chục người hàng vải đi chợ Tràng (tức là chợ tỉnh Nghệ bây giờ) bèn https://thuviensach.vn đem 20 tên kiện-nhi ra đón ở địa-phận làng Triều-khẩu (thuộc phủ Hưng nguyện, là phủ sở tại tỉnh Nghệ) để bắt. Khi thuyền đi ngang, ông chèo xuồng con ra đánh chìm và bắt sống cả bọn lái buôn đem về giam ở làng Nam-kim (thuộc huyện Nam-đàn tỉnh Nghệ), chính là làng của vợ ông. Dẫn họ về, ông biểu dụ rằng : « Ta bắt các ngươi cũng là một việc cực chẳng-đã, vì hiện nay nghĩa-binh thiếu tiền hoạt-động, cần có các ngươi giúp-đỡ nhiều ít. Vậy các ngươi viết thư về cho gia-nhân, hạn trong một tháng đem tiền lại chuộc thì ta tha về ». Trong một tháng, người nhà bọn kia đem tiền đến chuộc, ông tha cho về cả. Ông thu được 6000 đồng bạc. Ông bắt cóc bọn hàng vải lấy được 6000 đồng bạc, có một chỗ dụng tâm sâu lắm, khổ lắm, là cốt lấy tiền để đúc súng. Vì thế, sau khi đã lấy được món tiền rồi thì ông đi tìm thợ. Tìm được bọn thợ, nhưng bảo họ lên núi làm việc cho mình, là kẻ cướp, thì cũng là việc khó khăn, cho nên ông lại phải giở lối cũ ra, là cách bắt cóc. Ông tự đem mấy chục tên kiện-nhi, về hai làng Trung-lương và Vân-trung (thuộc huyện Can-lộc, tỉnh Hà-tĩnh), là hai làng làm nghề thợ rèn, bắt hết bao nhiêu thợ rèn trong làng ấy dẫn về Lệ-động, ở trong một khu rừng sâu để đúc súng. Đúc trong một tháng trời, được 200 khẩu súng hạt nổ của ta, thứ súng phải nhồi thuốc ở ống súng, rồi chỗ cò máy để hạt nổ, hễ nhận con cò máy có lửa bật ra thì đạn mới chạy. Cái mục đích của ông đến đó đã đạt được một ít. Lúc bấy giờ, quân-giới thì ông đã có 200 khẩu súng mới đúc, tướng-tá thì có như các ông Cao-Nữu, Cao-Đạt, Nguyễn-Niên, quân-lính thì mới mộ thêm được 400 người. Trong 400 lính ấy, ông chia làm hai đoàn : một đoàn là lính súng ; súng bao giờ cũng nạp đạn sẵn, nhưng hễ lúc lâm trận thì 100 khẩu súng bắn một hiệp trước, xong rồi nạp đạn thì lại đến 100 khẩu khác bắn một hiệp sau, cứ luân-phiên như thế, thành ra khi đánh trận, lúc nào cũng có tiếng súng nổ liên-thanh, khiến cho địch-quân không biết nghĩa- https://thuviensach.vn binh nhiều súng hay ít. Ấy, Cao-Thắng dùng binh có cơ-mưu đại-khái như thế. Súng có, quân có, tướng có, là lúc thanh-thế của ông đã hơi to, đi đến đâu cũng có ít người địch lại. Giá ông phải là người tầm-thường, chỉ lo khiết thân ẩn-độn không chịu thần-phục người Pháp, như bọn Điền Hoành ngày xưa cùng 3000 tử-sĩ ở chốn hải-tần không chịu thần-phục nhà Hán, thì khí giới ấy, binh-lực ấy, nay đóng núi này, mai qua rừng khác, nay cướp làng nọ, mai cướp làng kia, để lấy lương ăn, cứ như thế mãi cũng có thể tung-hoành ở trong chốn núi Hồng sông Lam được trọn đời mãn kiếp, làm một người lục-lâm-anh-hùng, ai đánh giẹp cũng khó. Nhưng mà cái chí-khí của ông to. Ông còn nghĩ đến vua, đến nước, đến anh em đồng-loại, đến chủ-tướng cũ là cụ Phan ; nói tóm lại, chí-khí của ông là làm thế nào cho « nước Nam của người Nam », cho nên ông không lấy khí-giới đó, tướng sĩ đó, làm tự-túc, mà muốn cho khí-giới còn mạnh hơn, tướng sĩ còn đông hơn nữa. Ông là một người biết lượng sức mình, lại có tính quả-quyết. Ông tự biết rằng sức quân của mình, sức súng của mình còn yếu quá chừng, ăn cướp thì được, đánh với quân Pháp chưa được, cho nên đêm ngày thường lo gây dựng thế nào cho thực-lực của mình to lên. Bấy giờ, vấn-đề lương-thực, chẳng phải lo nữa, là vì oai danh ông lúc ấy to, dân-gian quanh miền đã sợ, ông muốn bao nhiêu gạo, bao nhiêu tiền, chỉ viết giấy đi các chủ nhà giàu, khiến họ tự phải đem tiền gạo lại nộp, không mấy khi phải dùng võ-lực. Song còn một việc khiến cho ông phải lo nghĩ nhất, là vấn-đề khí-giới kiểu tây. Ông đã từng bỏ ăn quên ngủ, nằm nghĩ đến một tháng trời, băn khoăn về vấn-đề khó-khăn này : « Đã làm thì tất phải làm to, mà những kiểu súng của ta, là kiểu súng ăn-mày thế này, nào chùi súng, nào nạp thuốc mất công phu và thời-giờ nhiều lắm, làm sao địch lại được với quân Pháp. Có muốn đánh với họ, tất phải có khí-giới như họ mới được ». https://thuviensach.vn Ông nghĩ rằng làm theo như kiểu súng tây cũng chẳng khó-khăn gì, tuy mình không có tài sáng-tạo, nhưng có tài bắt-chước được thừa, vì thế ông nghĩ mưu kế làm sao cho có một khẩu súng tây để ăn cắp kiểu. Làm thế nào lấy được một khẩu súng tây để ăn cắp kiểu ? Khó quá ! Bảo rằng mua được, nhưng đường-sá phần thì mắc nghẽn, phần thì xa-xôi, đi đâu mà mua. Bảo rằng đánh một đồn nào gần đó để cướp lấy một khẩu về, nhưng đồn nào cũng giữ-gìn nghiêm-nhặt, đánh đã chắc gì lấy nổi. Chỗ này, ông suy-nghĩ gần muốn héo gan nát ruột, mà không biết làm thế nào. Ông vẫn nói rằng : « Hễ ai tìm được cho ta một khẩu súng kiểu tây, thì ta thưởng cho 1000 đồng bạc ». Ai lấy được ? Nhưng mà người có chí-khí thường được trời giúp đỡ. Thật thế, trong khi ông đang nghĩ quẩn nghĩ quanh, nghĩ đến cách mua, nghĩ đến cách cướp, nghĩ mãi chưa biết làm thế nào, thì chợt có tên lính vào bẩm rằng : có một người lạ mặt, xin vào yết kiến để bẩm việc cơ-mật. Ông cho vào. Ấy là người đem kiểu súng tây lại cho ông. Binh gia nói : « Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên » (tính việc ở người, thành việc ở trời), e có lẽ phải. Cao-Thắng muốn kiếm một khẩu súng của tây để bắt-chước chế-tạo, nhưng đang lo nghĩ ao-ước không biết lấy ở đâu có một khẩu súng Pháp để làm kiểu bây giờ, bỗng dưng trời xui-khiến một người khách lạ mặt tới ngay giữa quân-môn giúp cho ông được như nguyện. Người lạ mặt vô bẩm rằng : « Nghe nói có lệnh của tướng-quân truyền ra : hễ ai lấy được một khẩu súng tây đem nộp, thì sẽ được trọng thưởng 1000 đồng bạc. Nếu bây giờ tôi lấy dâng cho tướng-quân, không những một khẩu súng tây, mà tới 15 khẩu lận, thì tướng-quân thưởng cho bao nhiêu ? » Cao-Thắng mừng lắm : « Thôi, thế thì trong trại ta bao nhiêu tiền bạc, ta cho nhà ngươi lấy hết ». Thật ra lúc bấy giờ, ông cũng đã có một vài vạn bạc ở trong quân. https://thuviensach.vn Người lạ mặt truyền cho tả hữu lui ra ngoài, rồi mật-bẩm diệu-kế. Té ra y có một người bà con đi lính tập ở tỉnh Nghệ-an mới viết thư về nhà nói rằng : tới ngày mai đây có hai viên quan binh ở tỉnh thành Nghệ-an dẫn 14 tên lính tập chở mấy hòm bạc lên đồn Phố (thuộc hạt Hương-sơn) để phát lương cho binh-lính. Lẽ tự-nhiên toán lính ấy có súng. Đó là một cơ-hội trời giúp tướng-quân. Vậy tướng-quân nên sắp-đặt cho nghĩa-binh mai-phục ở giữa đường, đánh toán lính tập mà cướp lấy súng của họ là được ngay, nào có khó gì ? Cao Thắng được tin cơ-mật này, hết sức mừng-rỡ, đưa tay lên trán và nói : « Thật là trời giúp ta phen này ! » Tức thời, một mặt Cao-Thắng cầm giữ người khách lạ mặt hảo-tâm đó ở lại trong dinh chơi, một mặt hội chư-tướng lại để thương-nghị cách cướp súng. Ông thì quyết kế là kéo hết quân mình ra đón đường liều đánh một trận tử-chiến. Nhưng ông Cao-Đạt vừa khoát tay vừa nói : « Không nên ! Anh tính kế làm như vậy là đem cả nghĩa-binh và bản-thân anh vào chỗ hiểm nguy tổn-hại mà chắc là không xong việc. Quân ta chưa phải là quân thiện chiến, vả lại thứ súng cũ-kỹ của mình bây giờ còn lôi-thôi quá, đạn bắn ra nổ không mạnh, đi không xa, tôi tưởng ngày nay nếu quân ta đem toàn lực ra đánh nhau đường trường cũng sợ không địch lại với 15 khẩu súng kia. Vậy thì không những ta làm đã chẳng thành-công mà lại còn mang hại đến thanh thế của quân ta lúc ban đầu nữa. Theo ngu-ý của em, việc này ta phải dùng mưu thì hơn, quyết không nên dùng lực. Em xin dâng kế « Xuất kỳ bất ý công kỳ vô bị » 18 anh nghĩ sao ? » Cao Thắng suy-nghĩ một lát, gật đầu khen phải. Nguyên là con đường từ tỉnh Nghệ-an đi lên đồn Phố (chỗ đó là làng Phố-châu, chính là huyện-lỵ Hương-sơn đóng bây giờ thuộc về tỉnh Hà-tĩnh) có nhiều chặng phải đi xuyên qua núi rừng rậm-rì, hiểm-trở. Giữa đường có một hòn núi trọc chận ngang, không có cây cối nào rậm và to, chỉ mọc toàn là lau sậy rất cao, chính giữa có một con đường độc đạo. Ông Cao Đạt hiến https://thuviensach.vn kế rằng chỉ nên lựa chọn mấy chục tráng-sĩ, cầm đoản-đao mai-phục ở hai bên rừng lau sậy, chờ khi nào toán lính tập kia nghễu-nghện đi qua, thì ta nổ một tiếng pháo làm hiệu, rồi hai bên tráng-sĩ nhảy bổ ra, xuất kỳ bất ý mà đánh, tất được toàn thắng. Cao-Thắng y kế, và muốn bản-thân làm việc khó-khăn này, cho nên tức khắc xếp đặt công việc để ngày mai chính ông thân dẫn cả bọn Cao-Đạt, Cao-Nữu, Nguyễn-Niên cùng hai mươi tên quân cảm-tử, nai nịt gọn gàng, cầm đoản đao ra mai-phục tại đó. Quả nhiên, xế-chiều hôm ấy, một toán gồm hai viên quân quan Pháp và 15 tên lính tập mang súng và khiêng hòm bạc, kéo nhau đi ngang qua rừng sậy đã nói trên. Bởi con đường độc đạo nhỏ hẹp, họ phải đi hàng một, lẻ-tẻ từng người, trong trí không ngờ đâu giữa bãi lau-sậy này mà có sự bất-trắc. Tiếng giày đi cồm-cộp đàng xa, đủ làm dấu hiệu để báo tin phục binh hay trước. Tới chừng họ đi vào giữa khoảng nghĩa binh mai-phục Cao Thắng nổi pháo lên làm hiệu, tráng-sĩ mai-phục hai bên nhẩy ra, miệng vừa hò-hét, tay vừa khoa đao, cứ mỗi người nhắm ngay một kẻ bên nghịch mà chém tung-hoành loạn đả. Tội-nghiệp cả hai viên tiểu-tướng Pháp và 15 chú lính tập đều bị chém ngã hết, không sót một người nào, không ai kịp trở tay. Vì họ đang đi đường mệt-nhọc, lẻ-loi, bỗng-dưng bị chém một cách thình lình như thế, làm sao không chết. Thế là Cao Thắng lấy được 17 khẩu súng, trong đó có hai khẩu súng kiểu hai lòng và 600 viên đạn, mấy nghìn đồng bạc nữa, mà phía mình không nhỏ một giọt máu, cũng không nhọc-nhằn sức khỏe bao nhiêu. Trở về sơn-trại, ông mời người khách lạ mặt kia để trọng thưởng. Nhưng khách nói rằng : « Thấy tướng-quân làm việc nghĩa-hiệp, tôi vẫn hâm-mộ, trời bèn xui-khiến tôi đem lại cơ-hội giúp cho tướng-quân được thành-công đó thôi. Tôi nào có công cán gì mà thưởng, vả lại tôi có phải vì ham số tiền thưởng mà tới đây bao giờ, hôm qua tôi hỏi thưởng bao nhiêu là nói chơi vậy mà. Số tiền thưởng này tôi xin để lại tướng-quân nuôi binh-sĩ, đúc khí-giới, thế là tôi mừng. Trước khi từ-biệt tôi xin hiến tướng-quân bốn https://thuviensach.vn chữ « tiền đồ bảo trọng »19, xin ghi nhớ cho. Luôn dịp, tôi có một bức thư kín đây, hễ ngày nào cụ Phan về, thì phiền tướng-quân trình cụ giúp tôi, ngày nay hãy khoan mở ra ». Cao-Thắng muốn hỏi tên họ, nhưng khách cũng không chịu nói, chỉ cười lạt rồi đứng dậy vái dài một vái, ra đi. Người này là thần-tiên chăng ? Là ẩn-sĩ chăng ? Là hiệp-khách chăng ? Là gì không ai biết. Thuở giờ Cao-Thắng chỉ ước mong có một khẩu súng tây để làm kiểu, nay đã được thỏa-mãn sự mình mong-ước rồi vậy. Cao-Thắng gọi thêm rất nhiều thợ rèn, rồi kéo lên núi sâu, bắt đầu công việc chế tạo. Ông tự tháo một khẩu ra từng mảnh, để xem từ cơ-quan thước tấc cho đến công dụng những thế nào, rồi đêm ngày ông ngồi một bên, đốc thúc bọn thợ rèn, cứ lấy từng mảnh ở súng tây, theo đúng hình-thức dài vắn rộng hẹp như thế nào mà rèn đúc. Mấy lần đầu còn hư-hỏng lôi-thôi. Nhưng hư-hỏng thì ông lại bắt phá hết ra mà rèn đúc lại. Rèn đi đúc lại mãi mới được. Công-việc đúc súng này làm luôn trong mấy tháng ròng rã, được cả thảy 350 khấu súng giống y súng tây. Duy có thuốc đạn thì còn phải dùng thuốc ta. Ta nên biết Cao-Thắng rèn-đúc được 350 khẩu súng kiểu tây, thật có công-phu khó-khăn to lớn bằng rèn-đúc mấy mươi vạn khẩu. Thật thế, lúc bấy giờ, ông ta chỉ là một đám giặc cỏ, phải lẩn-lút ở trong núi biếc rừng xanh, nào đã dám ra mặt chán-chường, vậy thì lấy đâu được sắt, lấy đâu được đồng, lại lấy đâu được máy mà đúc, lấy đâu được thuốc nổ để mà chế ra đạn. Thế mà ông làm được đủ cả, là nhờ ông có trí-xảo cơ-mưu và có nghị-lực nhẫn-nại lắm. Ruột gà trong súng, thì ông dùng cây gọng dù uốn lại mà làm ; sắt, thì ông cho người đi khắp các chợ và các miền nhà quê, mua những móng lừa, móng ngựa, các thứ sắt vụn, và những cày hư cuốc bể, của các nhà nông, đem về đập ra mà rèn ; còn bì đạn thì ông góp-nhặt những mâm đồng, nồi đồng, đập giẹp ra thật mỏng rồi cuốn lại. Sợ thiếu những nguyên-liệu cần dùng, nên ông hạ lệnh cho các dân làng chung quanh, chia bớt những đồ đồng trong nhà mình cho nghĩa-binh và đem lên sơn-trại nộp để làm quân-giới. https://thuviensach.vn Ấy đó, Cao-Thắng chỉ nhờ có những tài-liệu góp-nhặt như thế, mà rèn đúc được súng đạn hẳn-hoi, thủy-chung chỉ dùng sức người, không có máy móc gì hết. Tới đây, không những súng cũ và súng mới đã được hơn 500 khẩu, mà lương tiền cũng dồi-dào, và số quân-lính mộ thêm cũng tăng lên đến gần 1000 người. Cao-Thắng tự biết lúc này mình đã có gốc hơi vững, tức là có các cơ-sở để tấn-phát mãi lên và có thể bắt đầu mưu-tính việc lớn. Nhưng phải có người danh-vọng oai-quyền để làm chủ, cầm quân mới được. Người đó đương thời, còn ai hơn là ông chủ-tướng cũ hiện đang lưu-lạc ẩn-cư ngoài Bắc : ấy là Phan Đình Phùng. Cao-Thắng bèn sai người tâm-phúc ra Bắc-hà rước cụ Phan về. Phong trào võ-lực phản-đối ở ba tỉnh Nghệ-an, Hà-tĩnh, Quảng-bình, đã tịch-mịch ít lâu, giờ lại nổi lên đùng-đùng và kéo dài ra được mấy năm nữa. Lần này có tổ-chức, có khí-giới, có kỷ-luật, có oai-danh, chính có người Pháp thẳng ngay đã nhìn nhận sự thật như thế. Một võ-quan Pháp dự vào cuộc đánh giẹp ở Nghệ-tĩnh hồi bấy giờ là Đại-úy Gosselin, về sau viết ra cuốn sách có giá-trị tựa là « Nước Nam » (Empire d’Annam) chương 313, có đoạn nói về Phan Đình-Phùng đại-khái như vầy : « Cuộc biến loạn của Phan Đình-Phùng cầm đầu, tràn-lan rất mau và có thanh-thế lớn. Sánh lại những đám phản-đối nổi lên về trước không thấm vào đâu. « Nhưng vì phương-lược cai-trị, vả lại cũng không muốn làm xôn-xao kinh-hãi dư-luận bên tây, cho nên ở đây người ta rán giấu-nhẹm được chừng nào càng hay, không nói rõ cho bên tây biết. « Lúc đó, người chủ-tướng cầm đầu cả 4 tỉnh miền Bắc-Trung nổi lên đánh lại binh ta, chứng tỏ ra một người có tài-năng tổ-chức lạ-lùng : lại thêm ông ta có cái địa-vị đậu Đình-nguyên, thành ra nhân-dân quy-phục hết thẩy, vì dân này vốn trọng học-vấn và kính-mộ danh-nho. https://thuviensach.vn « Té ra từ trước tới đây chúng ta không hay Phan Đình-Phùng biết sắp đặt tập-rèn quân-lính theo như kỷ-luật và binh-pháp Âu-châu : cho nên quân lính mặc y-phục giống hệt một thứ với lính tập bản-xứ của ta, lại mang khí giới là súng kiểu 1874 do ông bí-mật chế-tạo lấy rất nhiều, nhưng chế-tạo ở chỗ nào không ai biết, tới nay chúng ta chẳng hề tìm ra. « Tôi có đem nhiều khẩu súng đó về tận bên tây ; xem nó giống đủ mọi vẻ như súng của các xưởng binh-khí nước ta chế-tạo, đến nỗi tôi đưa cho các quan-binh pháo-thủ ta xem, các ông phải sửng-sốt lạ-lùng, chỉ hiềm vì nó khác với kiểu súng ta có hai chỗ này thôi : ruột gà không đủ sức mạnh và trong lòng súng không có xẻ rãnh (rayures), vì đó mà đạn bắn ra không xa, không mạnh. Tuy vậy, mặc dầu, những súng đó đã từng bắn chết ít nhiều lính khố-xanh, cai-đội Pháp và lính tập, vì thật ra lúc bấy giờ chỉ có lính khố-xanh ra xông-pha đánh giẹp đám loạn này, ta phải nói rằng lính ấy đã xuất-lực và thành công một cách vẻ-vang ». Ta xem Đại-úy Gosselin đã từng mục-kích và phải nhìn-nhận sự thật như thế, đủ biết đương-thời nghĩa-binh cụ Phan cầm đầu không phải giặc cỏ, hay cuộc phản-đối tầm-thường. Kỳ thật có tổ-chức, có khí-giới, có lực lượng ít nhiều, ta nên biết những thành-tích ấy do một tay lược-thao kỳ-xảo của thượng-tướng-quân Cao-Thắng. https://thuviensach.vn IX. Ở BẮC VỀ Sau lúc làng Đông-thái bị phá. Phan phải kéo tàn-quân lên đóng ở hai hạt Hương-sơn, Hương-khê ; lại sau lúc ở Hương-sơn, Hương-khê thất bại nữa, cụ chạy ra ngoài Bắc, có nhiều người cho thế là việc lớn hư-hỏng tan tành mất rồi. Cụ chạy, thế là cuộc phản-đối tiêu hết !… Nhưng mà nó chưa tiêu hết đâu. Sự thiệt, trước khi bước chân lên đường ra đi Bắc-hà, Phan có định sẵn hai cái chủ-kiến, hai cái cơ-mưu, thế nào rồi cũng thực-hành được một : Hoặc là hiệu-triệu anh em kiện-nhi chí-sĩ ở Bắc-hà nổi lên để gây nên thinh thế tương-ứng với cụ ở đàng trong và chia bớt cái mảnh-lực của binh-lính Bảo-hộ đi ; hoặc là trông mong tin-cậy một người anh-tài được cụ thanh nhãn là Cao-Thắng tướng-quân, ở nhà có thể tom góp sức tàn, rồi lại đánh trống mở cờ, quật-cường phen nữa. Vả chăng, có xét kỷ cái tình-thế của cụ hồi bấy giờ, mới biết là không thể không thua, đã thua không thể không chạy, đã chạy không thể không ra Bắc. Song, trước khi muốn xét ra những cái nguyên-do này vì đâu, tôi tưởng chúng ta hãy nên nhìn biết cái tâm-tích của cụ Phan một chút đã, vì cụ trước kia vốn là người chủ hòa kia, thế sao về sau lại trở ra một người khác hẳn : liều gan ra mặt chống cự với người Pháp tới cùng ? Thật vậy, cụ là người hiểu biết thời-thế, không phải như hạng nhà nho hủ-lậu cố-chấp ở đồng thời, đại-khái như Võ-phạm Khải là tác-giả bài luận « Biện di » chẳng hạn. Ta xem hồi năm 1877, cụ là một thầy cử-nhân vô kinh thi Đình, chính vua Tự-đức ra đầu bài thi Đình-đối, có đoạn hỏi về thiên-hạ đại-thế như vầy : « Các nước Thái-tây họ làm thế nào mà nước họ mỗi ngày một thêm hưng vượng phú-cường ? ». Tới một đoạn khác, ngài hỏi về quốc-gia đại-sự lúc bấy giờ : « Nước Phú-lãng-sa vốn là một nước trọng tín-nghĩa, cho nên đem https://thuviensach.vn trả lại ta bốn tỉnh Bắc-kỳ mà An-nghiệp (Francis Garnier) đã lấy hồi năm 1873, còn sáu tỉnh trong Nam-kỳ, phải chi Phú-lãng-sa cũng đem trả nốt cho ta, rồi hai nước lại giao-hảo buôn bán với nhau không hay hơn ư ? Nhưng vì lẽ gì nước Phú-lãng-sa vẫn lần-khần chưa chịu trả lại, và nay nếu như nước ta muốn thâu-phục 6 tỉnh Nam-kỳ lại thì nên làm thế nào ? » Trong bài Đình-đối của Phan viết hồi đó, đã bàn xa xét rộng về nguyên nhân cường-thịnh của các nước Thái-tây, vì họ vốn có thông-minh vụ-thực, lại biết trọng khoa-học thực-tế, cho nên nhất thiết việc gì cũng xét cho cạn lẽ, làm cho tới nơi, không chịu hồ-đồ biếng-nhác như mình. Cụ lại đem nước Nhật-bản ở phương Đông mình ra làm chứng ; vì Nhật sớm biết duy tân tự-cường, thành ra họ có cơ chắc-chắn một mai sánh vai nối gót được với các nước Âu-châu. Ta nên bết hồi cụ Phan nói đây, Nhật-bản đã bắt đầu công cuộc duy-tân được mười năm rồi. Xem vậy, thì ra đang lúc sĩ phu nước nhà còn đang say mê chìm-đắm ở giữa cái nguồn học-vấn từ-chương hủ-lậu, cố chấp, mà cụ Phan đã hiểu biết đại-khái về tình-thế thiên hạ như thế, đâu phải là người không thức thời ? Còn câu hỏi thứ hai thì cụ trả lời rằng : « Sự thế Bắc-kỳ và Nam-kỳ khác nhau. Người Phú-lãng-sa phải trả bốn tỉnh Bắc-kỳ, vì tự họ đã trái với điều-ước mà lấy bướng của ta. Còn như sáu tỉnh Nam-kỳ thì đã có điều ước triều-đình ký nhường cho họ, cho nên họ còn lần-khân kiếm cớ mà không chịu trả. Vả chăng họ giữ lấy sáu tỉnh ấy mà không trả, là vì có hai lẽ : một là để cho vững-vàng hòa-ước ở giữa hai quốc gia, vì nước Phú-lãng-sa cùng ta, tuy có tình cũ nghĩa xưa mặc lòng, nhưng mà ngày nay họ băng qua muôn ngàn dặm tới đây, buổi đầu chưa tin được tấm lòng ta chân giả thế nào, để cho mạnh cái thế-lực địa-vị của họ, và để làm căn-cứ cho cuộc hòa của ta. Hai là sáu tỉnh đàng trong vốn là nơi đất ruộng tốt, thóc lúa nhiều, hèn chi họ có lòng ham tiếc không trả. Nay muốn thâu phục lại, thì điều cần trước hết xin triều-đình bỏ hẳn tấm lòng ngờ-vực đi. Ngày xưa Khổng-tử làm tướng nước Lỗ, mà nước Tề đem những đất ruộng đã xâm-chiếm trả lại cho nước Lỗ, chỉ vì ngài lấy lòng chí-thành đối-đãi, khiến cho cảm-động https://thuviensach.vn được nước Tề vậy. Thế thì sự-thế nước nhà ngày nay, triều-đình cũng nên lấy lòng chí-thành mà đối với nước Phú-lãng-sa thử coi. Vả lại, muốn làm việc lớn, đừng thèm kể gì những sự tốn hao nho nhỏ, có vậy mới nên việc lớn được. Nếu xem trong ý người Phú-lãng-sa thiệt lòng ham lợi không buông, thì ta có cách lấy món lợi khác cho tương-đương, xấp-xỉ mà xin đổi chác với họ, ví-dụ như lấy thuế cửa biển trao quyền cho họ mà đổi lấy Nam kỳ, có lẽ họ chịu, hoặc là xin bồi-khoản thêm nhiều cho họ, rồi trả lần hồi, cũng là một cách, v.v… » Trong lúc ai nấy cũng xui vua Tự-đức lấy binh-lực để thâu phục sáu tỉnh nam-kỳ, mà trái lại, cụ Phan thì hiến kế ôn-hòa và có phương-lược như thế, chúng-tỏ ra cụ là người chịu hòa ngay từ ban đầu, vốn không có ý gì sanh sự hay là dùng binh đối với người Pháp vậy. Đến lúc cụ làm quan ở trong trào, ông Tôn-thất Thuyết sanh sự nghịch thù chống-chọi người Pháp luôn, cụ Phan cũng không phụ-họa cản-ngăn hay nói gì tới, nghĩa là cụ không muốn đứng vào phương-diện ấy. Lại như sau khi đã bị cách chức về làng ở, định lấy cái thú điền-viên làm nơi chung lão, không muốn quan-tâm gì đến việc đời nữa. Vì cụ biết rằng : Sự mất nước là tại vua quan mình dở, dân-chúng mình hèn, vận-số nước mình đến lúc phải bị hành phạt, vậy thì cuộc bảo-hộ là do lịch-sử đã xếp-đặt xong quách đi rồi, mà cũng có thiên-ý khiến vậy, còn cưỡng làm gì nữa. Cưỡng, làm gì có người ; cưỡng, làm gì có sức ? Cụ vẫn nói với các bạn đồng tâm rằng : « Phải chi hồi trước mà vua mình cũng biết thời-thế, biết lo-lắng về việc duy-tân như vua Minh-trị nước Nhật-Bản kia ; bọn quan-lại mình đừng có ươn-hèn khốn-nạn quá, và lại có một số đông người thức thời chí-sĩ như hạng Nguyễn-trường Tộ, cố sức duy tân biến pháp, thì làm gì đến nỗi mất nước ». Nay nước đã mất rồi, người ta trở lại đổ tội cho Nho-giáo, nhưng cụ Phan nói không phải tội ở Nho-giáo, mà tại nơi ta học Nho-giáo không phải đường. Nho-giáo gốc ở nước Tàu, mà chính nước Tàu cũng khốn-đốn, ta theo nước Tàu cũng đắm-đuối theo, là vì mình và Tàu chỉ ôm riết lấy Nho-giáo theo phái Châu-tử, cố-chấp, bảo thủ quá, thành ra trì-trệ mà không tiến-hóa được. Đến lúc người Pháp qua https://thuviensach.vn lấy đất nọ phá thành kia lung-tung, mà sĩ-phu mình còn chưa tỉnh-ngộ. Xem Nhật-Bản kia, họ cũng theo Nho-giáo đó chứ gì, nhưng họ được lợi hơn, vì họ biết cái học-thuyết Vương-dương-Minh phải tùy-thời biến-thống ; cho nên đến khi tiếp-xúc với Tây-phương một chút, là họ động lòng tri-bỉ tri-kỷ mà tự-cường tấn-hóa ngay. Bao nhiêu triệu người chỉ vì học sai và cố-chấp hủ-bại, đã té nhào xuống cả rồi, dẫu mình cụ có chí nâng dậy, nhưng lấy sức đâu mà nâng cho nổi. Song le, cụ không chịu thần-phục người Pháp, là vì cụ đã chịu người Pháp về võ-lực thì thôi, chớ không muốn đem thân ra cho sự « thay nhà đổi chủ » nó làm lụy được mình, dù biết là có ích ngay cho mình cũng vậy. Cụ chỉ muốn tự-cao tự-khiết lấy mình mà thôi. * Thế sao cụ lại khởi-nghĩa. Đó lại là vấn-đề khác. Ta xem như trên kia đã nói, cụ Phan thật là người có chủ-kiến, và tâm tích của cụ đối với thời-cuộc bấy giờ, thật là rõ-ràng lắm, nhưng sau cụ khởi-nghĩa là vì có hai cớ. Trước là vì có mạng vua. Sau là vì có lòng người. Cái gốc luân-lý dựng nước của ta ngày xưa có ba điều cốt-tử : một là vua, hai là thầy, ba là cha. Ba điều cốt-tử ấy có nặng nhẹ trên dưới khác nhau : vua rồi mới đến thầy, thầy rồi mới đến cha. Vua là một bậc chí-đại chí-tôn, thay quyền Trời để thống-trị chúng-sinh muôn vật. Đã biết có Trời tất phải biết có vua. Đối với vua, hễ ai là người làm dân, cũng phải tôn sùng, vì cho rằng tấc cỏ ngọn rau, miếng cơm manh áo, đều là ơn vua ban cho, muốn báo đáp lại cái ơn ấy, tất phải tôn vua mới được. Bởi cái quan-niệm ấy thành ra vua bảo gì tôi cũng phải nghe. Ai vâng mạng vua, thì là nghĩa-sĩ, là trung-thần, mọi người đều phải kính ; ai trái mạng vua là loạn-thần là tặc-tử, người nào cũng có quyền giết chết đi. Sợi giây luân-lý vô-thượng đó trói https://thuviensach.vn những người gọi là « dân » đã chặt, mà trói những người là « quan » lại càng chặt hơn. Vì sao ? Vì quan đối với vua, còn mắc một cái ơn nặng hơn nữa, là vì vua cho cơm, cho áo, cho phấn, cho son ; mang cái ơn ấy, tức là mang một món nợ rất to, không thế nào trốn tránh mà không trả được. Đã được vào hạng mang nợ phấn son, cơm áo của vua, thì tất phải hiểu cái nghĩa « Vua lo, tôi nhục ; vua nhục, tôi chết » cho nên hễ vua bảo gì tôi cũng phải nghe, tức là để trả cái khoản nợ phấn ấy, son ấy, cơm ấy, áo ấy. Giữa đời cụ Phan Đình-Phùng, nền quân-chủ nước nhà đang cao, đang thịnh, nhất ban nhân-dân ai cùng thờ luân-lý tôn vua, cụ không được không tôn ; huống chi cụ lại còn một tầng nặng hơn các người khác, là ở vào bậc người trải qua mấy đời chịu ơn phấn son cơm áo của vua, vậy vua bảo điều chi phải, cụ không được không vâng mạng. Trong khi đang ngồi xem việc đời, có người đến gọi bảo : « làm ! » mà người ấy lại là ông vua mất thành, mất nước, đang đội gió bụi, nhuốm tuyết sương, vậy theo cái nghĩa « Vua lo, tôi nhục ; vua nhục, tôi chết », thế nào cụ cũng phải vâng. Lại còn một lẽ già hơn nữa : Sao đức Hàm-Nghi không chạy đi đâu, mà chạy ra hai tỉnh Quảng-bình và Hà-tĩnh, là biết hai tỉnh ấy còn chỗ nương-dựa được. Sao vua Hàm-Nghi không bảo ai làm, mà bảo cụ, vì biết cụ là con nhà thế-thần, có đảm-lược, có tài-năng, có thể làm được. Ơn tri-ngộ nặng, lòng ủy-thác to đến thế, khiến cụ lại càng phải vâng mạng mà khởi-nghĩa cần-vương. Mạng vua đến, thế là cái tư-tưởng chủ hòa của cụ, đã biến thành ra cái tư-tưởng chủ đánh rồi. Đánh được thua, chưa biết đâu, nhưng cũng là để chứng tỏ cho người ta biết rằng : dân tộc Việt-nam này có sức phản-động và quyết tranh-đấu tới cùng. Cụ vâng mạng vua, không phải là vâng liều đâu. Khi vua truyền lệnh cần-vương, và khi cụ tâu rằng : « vâng », là trong bụng đã có chủ-trương lắm, đã tìm được chỗ nương-dựa để làm được cái vâng ấy, đã tìm được cái https://thuviensach.vn