🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Pasteur Và Koch Cuộc Đọ Sức Của Những Người Khổng Lồ Trong Thế Giới Vi Sinh Vật
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Dành tặng Jona, Leïla, Lucie, Mia, Jamara, Élio, Léa, Marn, Robin, Anine và Maieu
https://thuviensach.vn
LỜI GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI DỊCH
Nửa cuối thế kỷ XIX là thời đại của những khám phá khoa học kỳ diệu.
Hai nhà bác học Pháp và Đức, ông Louis Pasteur và Robert Koch, đã sáng lập ra khoa Vi trùng học. Họ cách nhau 20 tuổi, Louis Pasteur sinh ở Dole, Pháp, năm 1822; Robert Koch sinh ở Clausthal, Đức, năm 1843.
Cuộc chiến khốc liệt giữa nước Pháp và nước Phổ - nước Đức tương lai - với chiến thắng của Phổ và chiến bại của Pháp năm 1870, đặt hai nhà bác học trong hai tuyến đối lập, Pasteur suốt đời không bao giờ quên nỗi quốc hận này. Hơn nữa, trong cuộc thi đua để tìm nguyên nhân các bệnh truyền nhiễm, những vi sinh vật, họ không ngừng đua tranh, khi thì người này tìm thấy trước một vi sinh vật, khi thì người kia tìm thấy trước. Môn đệ của họ cũng thi đua tìm kiếm, nhưng với tinh thần khoan hòa hơn.
Hai ông này hệt như hai đại hiệp, luyện võ đến mức thượng thừa, chọi nhau từng hiệp một, không bao giờ khuất phục nhau.
Ông Pasteur mất rồi, ông Robert Koch đến thăm Viện Pasteur tại Paris, được tiếp đón long trọng, thăm mọi nơi… trừ lăng mộ của Pasteur!
Đó là cốt lõi của cuốn sách này.
Người dịch muốn chia sẻ với độc giả Việt Nam cuốn sách vô cùng hấp dẫn.
Mong đợi hồi âm của độc giả và đóng góp ý kiến về những chỗ không rõ của bản dịch nhằm nếu có cơ hội tái bản sẽ sửa lại.
Chân thành cám ơn!
https://thuviensach.vn
Paris, 2 tháng Giêng năm 2015 Vũ Ngọc Quỳnh
https://thuviensach.vn
VỀ HAI TÁC GIẢ
Annick Perrot là nguyên thủ thư danh dự của Bảo tàng Pasteur Paris.
Maxime Schwartz, cựu học sinh trường Polytechnique tại Paris, là một nhà sinh vật học phân tử, nguyên Tổng Giám đốc Viện Pasteur Paris.
Annick Perrot và Maxime Schwartz đã đóng góp trong thiết kế và xây dựng Bảo tàng Alexandre Yersin ở Nha Trang năm 2003, và một phần cho Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.
https://thuviensach.vn
GIỚI THIỆU VÀ DẪN NHẬP
LOUIS PASTEUR & ROBERT KOCH
và
CUỘC CÁCH MẠNG Y HỌC
VĨ ĐẠI THẾ KỶ 19
המכח הברת םירפוס תאנק
Sự ghen tị giữa các học giả sẽ làm tăng trưởng tri thức
Châm ngôn Talmud
(1)
Xin được lang thang đó đây về một ít câu chuyện cũ của một thời lịch sử rất có ý nghĩa đối với nhân loại. Lịch sử bao giờ cũng là một câu chuyện có tính nhân văn thú vị. Thế kỷ 19 là thế kỷ của những cuộc cách mạng lớn trong khoa học, công nghiệp và giáo dục đại học. Khoa học - các khoa học chính xác - bao gồm y học và hóa học có một bước tiến vĩ đại, thay đổi cuộc sống loài người triệt để chưa từng có. Cuộc cách mạng khoa học thứ hai của thế kỷ 19 mạnh mẽ hơn nhiều cuộc cách mạng cổ điển đầu tiên ở thế kỷ 17 với Kepler, Galilei và Newton. Thế giới được cách mạng một cách sâu rộng bởi khoa học, và cuộc cách mạng này là trung tâm của câu chuyện lịch sử của thế kỷ 19. Trong lĩnh vực y khoa và đời sống, ngày nay người ta dễ quên những chứng bệnh nguy hiểm như dịch tả, dịch hạch, lao, dại, bạch hầu, than, từng một thời hoành hành dữ dội thế nào trong lịch sử. Con người từng hoàn toàn bất lực về nguồn gốc, cách sinh sôi, cơ chế
https://thuviensach.vn
vận hành, truyền bệnh và cách chữa bệnh. Đó là một cuộc chiến mà con người không nhận diện được kẻ thù sống ở thế giới vi sinh mắt thường không thấy. Các cách giải thích “lãng mạn” hay thần bí đều không có nền tảng khoa học thực nghiệm. Y khoa trong thế kỷ 19 trải qua hai cuộc cách mạng quan trọng, thứ nhất là bệnh học tế bào (cellular pathology), được đặt nền móng bởi Matthias Schleiden, Theodor Schwann và Rudolf Virchow; thứ hai là thuyết mầm của bệnh (germ theory), vi trùng học (bacteriology) và huyết thanh học (serology) với Louis Pasteur và Robert Koch. Ngành y không còn là một “nghệ thuật” nữa, mà thành một khoa học chính xác. Cách điều trị của thời kỳ “dã man” của thế kỷ 18 nhường chỗ cho các điều trị khoa học tinh tế mới. Và các cuộc thay đổi có tính cách mạng của khoa học diễn ra trong các thể chế giáo dục đại học cũng được cách mạng qua mô hình đại học nghiên cứu của Đức, hay Humboldt, khiến cho việc phát triển và truyền bá thêm thuận lợi gấp bội.
Nhận thức dần dần rằng vi trùng chính là nguyên nhân gây ra bệnh và là mầm mống truyền bệnh chỉ được cụ thể hóa vào thế kỷ 19 tuy rằng từ ngàn xưa con người đã hình dung có các sinh vật nhỏ bé có thể gây ra bệnh hay truyền bệnh. Vào thế kỷ thứ nhất TCN, học giả La Mã Marcus Varro đã cho rằng những vùng đất sình lầy là nguy hiểm, “vì ở đó những con vật nhỏ bé sinh sôi, được truyền đi trong không khí, bay vào miệng và đi vào nội tạng, gây bệnh.” Thế kỷ 16, thời Phục Hưng, Girolamo Fracastorius, bác sĩ và học giả, người đã đặt cho bệnh giang mai cái tên syphilis, có một ý tưởng xuất thần, cho rằng môi trường xung quanh chúng ta chứa đầy các “mầm mống” có thể phát triển trong cơ thể con người và sinh ra bệnh. Người đương thời với ông, Gerolamo Cardano, kết luận rằng các “mầm mống bệnh chính là các sinh vật”. Còn tu sĩ dòng Tên người Đức
https://thuviensach.vn
Athanasius Kircher sống ở Roma thế kỷ 17 khám phá bằng một loại kính hiển vi còn thô sơ rằng dấm và sữa chua chứa đựng những “con sâu”, và máu những người chết vì bệnh dịch hạch chứa đầy những sinh vật nhỏ.
Không phải loài người sapiens thống lãnh thế giới như chúng ta thường nghĩ, mà các hệ vi sinh vật mới là ‘chúa tể’. Chúng ngự trị sinh quyển thế giới đã từ hơn hai tỉ năm qua. Chúng siêu nhỏ bé, nhưng có thể “ăn thịt” con người dễ dàng. Những trận dịch bệnh tàn phá cả thành phố, vùng và châu lục. Nặng nề nhất là trận dịch thế kỷ 14 được phương Tây gọi là “Cái chết Đen”, Black Death, tàn phá khu vực Âu-Á, nặng nề nhất là châu Âu, giết hại 30-60% dân số châu Âu, làm cho dân số thế giới giảm từ 450 triệu xuống còn 350-370 triệu. Thế giới không hồi phục lại dân số của thời gian trước Cái chết Đen cho đến thế kỷ 17. Cái chết Đen gây ra những hệ quả nghiêm trọng về tôn giáo, xã hội và kinh tế. Đó là loại bệnh dịch hạch (bubonic plague) gây ra bởi vi trùng Yersinia pestis, sau này được Alexandre Yersin tìm ra năm 1894 trong trận dịch ở Hồng Kông.
https://thuviensach.vn
Thần Apollo và Artemis bắn những mũi tên mang bệnh, một ý tưởng phổ biến cho rằng bệnh là sự trừng phạt của thần linh (Bảo tàng Louvre, Paris)
Ngay tại Liên bang Xô Viết, khi hệ thống y tế công cộng yếu ớt bị sụp đổ trong giai đoạn 1915-1922 vì những bất ổn chính trị, hàng triệu người chết vì các bệnh dịch tả, sốt ban, thương hàn. Năm 1919, khi sốt ban (typhus) hoành hành, Lênin tuyên bố tại Đại hội Đảng Bolshevik, rằng hoặc chủ nghĩa xã hội tiêu diệt chấy rận, hoặc chấy rận sẽ tiêu diệt chủ nghĩa xã hội.
https://thuviensach.vn
Nạn nhân của Cái chết Đen
Cho đến nửa sau thế kỷ 19, khoảng hai trăm năm sau lời tiên đoán về thuyết truyền bệnh của Fracastorius, một cuộc cách mạng vĩ đại trong y khoa và khoa học đã bóc trần những kẻ thù li ti nguy hiểm này, và phát minh ra được cách điều trị, ngừa bệnh, một cách vững chắc. Homo sapiens thiết kế một cuộc lật đổ sinh học từ những năm 1880 nhằm triệt hạ một số chúa tể sừng sỏ nhất. Loài người trên đường chiến thắng và loại bỏ những căn bệnh nguy hiểm nhất của quá khứ. Thomas Kuhn gọi đây là “Công việc dọn dẹp”. Với sự tiến bộ vượt bậc của y khoa và khoa học, tương quan lực lượng giữa con người và vi sinh vật thay đổi tận nền tảng. Các cuộc “tiến quân” của mầm bệnh cơ bản bị chặn đứng, dân số con người phát triển nhanh chóng.
https://thuviensach.vn
Trong cuộc chiến sống còn, nhiều nhà khoa học tên tuổi của nhiều quốc gia tham gia ở nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng hai người có công lớn nhất là Louis Pasteur của Pháp, và Robert Koch của Đức. Họ được xem như hai người khổng lồ, và những vị cứu tinh của nhân loại. Họ cùng nhau không những khai sinh ra một ngành khoa học mới, vi sinh vật học (microbiology), mà còn cách mạng ngành y học.
Những năm 1880 có thể được xem là giai đoạn bản lề, giai đoạn Pasteur và Koch và các nhà vi sinh học khác nhận thức được các hệ miễn nhiễm hoạt động thế nào, giải mã vai trò của vi sinh vật, và côn trùng trong cơ chế truyền bệnh, chế tạo các vắc-xin ngừa bệnh, và thuốc trị bệnh. Y tế công cộng phát triển mạnh mẽ nhằm phòng bệnh. Hàng loạt căn bệnh nguy hiểm được giải mã.
Các vắc-xin bắt đầu phát triển, vắc-xin ngừa bệnh than năm 1880, bệnh dại năm 1885, ngừa thương hàn năm 1897, ngừa lao năm 1921*, ngừa bạch hầu năm 1923, ngừa phong đòn gánh từ những năm 1890 nhưng đến những năm 1930 mới hoàn thành, ngừa sốt vàng da năm 1937, ngừa cúm năm 1945, ngừa bại liệt (polio) năm 1954, và ngừa sởi năm 1962.
Đó là chủng ngừa có tên BCG (Bacille Calmette-Guérin) của hai nhà nghiên cứu Pháp Albert Calmette và Camille Guérin. Thuốc điều trị lao hiệu quả đầu tiên là thuốc kháng sinh Streptomycin được người Mỹ Selman Waksman phát triển năm 1944. Ông được trao giải Nobel cho sáng chế này. Bệnh lao ngày nay tuy không phải bất trị, nhưng vẫn còn phát triển. Tròn một phần ba dân số thế giới bị nhiễm mầm bệnh, và cho đến 10 phần trăm trong đó sẽ phát bệnh lúc nào đó trong đời. Bệnh thường phát sinh mới tại các vùng của châu Phi, Nam Á, và trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Công nghiệp hóa và đô thị hóa của thế kỷ 19 nhanh chóng tạo ra một khối lượng lớn người suy dinh dưỡng và sống trong những điều kiện vệ sinh tệ hại ở các thành phố châu Âu và Mỹ, dễ làm mồi cho dịch bệnh.
https://thuviensach.vn
Thêm vào đó, các cuộc chinh phục của chủ nghĩa đế quốc đặt những người lính phương Tây vào nguy cơ mắc các bệnh như sốt rét, sốt vàng da, và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Đứng trước những thách thức đó, các quốc gia phương Tây càng phải động viên nhiều nguồn lực để làm sạch môi trường, khám phá và chế tạo các thuốc kháng sinh, và vắc-xin. Từ những năm 1880 trở đi, tương quan lực lượng giữa con người và bệnh dịch phát triển theo hướng có lợi cho con người đã thay đổi một cách cơ bản và không đảo ngược được.
(2)
Chúng ta nghe tương đối khá nhiều về những đóng góp của Pasteur. Ông thuộc giới tinh hoa của một nước Pháp phát triển hàng đầu ở châu Âu, được đào tạo thành nhà hóa học tại trường tinh hoa École Normale Superieure, cử nhân, rồi thạc sĩ, rồi tiến sĩ với hai luận văn về hóa và vật lý. Ông có một năng lực tư duy lý thuyết rất sắc bén. Năm 1865, mới 43 tuổi, ông phát hiện rằng, lên men là hiện tượng thực chất do các vi sinh vật (microbe) gây ra, một phát hiện cực kỳ quan trọng. Mỗi sự lên men là tác phẩm của một loại vi sinh vật nhất định. Không có nhiễm bẩn, các vi sinh vật không thể phát triển. Nó đánh tan quan điểm từ thời Trung cổ, vẫn còn được nhiều người trong thế kỷ 19 nghe theo, cho rằng bệnh có thể phát sinh tự phát (spontaneous generation) do vật chất vô cơ gây ra, chẳng hạn như giòi tìm thấy trong các vật thể thối rửa là xuất hiện và phát triển từ quá trình lên men hay thối rữa. Pasteur tuyên bố một cách vững tin: “Học thuyết tự sinh tự phát sẽ không bao giờ hồi phục lại được từ cái đòn chết người của thí nghiệm đơn giản này. Không có tình huống nào được biết mà ở đó người ta có thể xác nhận rằng các vi sinh vật xuất hiện trên thế giới
https://thuviensach.vn
mà không có phôi mầm, không có bố mẹ tương tự như chúng.” Và “Tôi lấy đi… những mẫm (germ) lơ lửng trong không khí. Do đó tôi lấy đi sự sống. Sự sống là mầm, mầm là sự sống.”
Khám phá của Pasteur làm cho quan điểm về sự hình thành vi trùng của bệnh thắng lợi, và đặt nền tảng cho các biện pháp ngừa bệnh về mặt sinh học trong tương lai, mở ra triển vọng cho nghiên cứu các mầm bệnh truyền nhiễm, và tìm ra phương pháp chữa trị. Có thể nói, Pasteur là hiện thân cho sự thay đổi căn bản của trực quan khoa học trong một lãnh vực nhất định của khoa học tự nhiên: Sự quá độ từ quan điểm thuần hóa học sang quan điểm sinh vật học khi cắt nghĩa các hiện tượng như lên men, sự thối rữa, và mưng mủ. Sự phát triển mạnh mẽ của hóa học trong thế kỷ 19, và ảnh hưởng của các nhà hóa học quan trọng, như Justus von Liebig của Đức, đã làm cho người ta tin rằng những quá trình nói trên là thuần tính chất hóa học, và sự xuất hiện các sinh vật nhỏ mà người ta có thể nhìn thấy qua kính hiển vi chỉ là một sản phẩm phụ, hay hệ quả của những thay đổi hóa học. Pasteur đã đảo ngược tình thế. Các quá trình hóa học của vật chất vô cơ không thể tạo ra sinh vật. Ngược lại, phải cần sinh vật - vi trùng hay nấm chẳng hạn - để cho vật chất vô cơ lên men hay thối rữa, và do đó, các bệnh nhất định xuất hiện ở người, động vật và cây cỏ. Phải có thủ phạm, mới có hậu quả.
Dựa trên khám phá đó của Pasteur, phương pháp tiệt trùng theo Pasteur, hay pasteurization để vinh danh ông, được ứng dụng cho sữa, vang, bia và thực phẩm. Quá trình “Pasteur-hóa”, đun bia hay vang lên 50 hay 60°C một thời gian ngắn, được áp dụng sau đó rộng rãi vào thực phẩm, kể cả cho các sản phẩm sữa. Từ 1863 trở đi, Pasteur có một ảnh hưởng rất lớn lên ngành công nghiệp Pháp, và tên tuổi ông trở thành quốc tế.
https://thuviensach.vn
Dựa trên các nhận thức của Pasteur, nhà giải phẫu Anh, Joseph Lister, đã phát triển nguyên lý sát trùng (antiseptie) năm 1867 cho việc điều trị vết thương, sau đó ứng dụng vào phẫu thuật, giúp họ có thể mổ mà không gây nhiễm trùng nguy hiểm đến tánh mạng. (Năm 1858 chẳng hạn, số người bị cưa chân chết do nhiễm trùng lên đến một phần ba.) Pasteur nổi tiếng vang dội thế giới, và được ngưỡng mộ nồng nhiệt nhất như một vị anh hùng và cứu tinh nhân loại*.
Một câu chuyện thương tâm của bác sĩ Ignaz P. Semmelweis, một người Hungary gốc Đức đã có những biện pháp đi trước các quy trình khử trùng của Pasteur, Koch, Lister. Ông nhận thấy tỷ lệ mắc bệnh sốt sản (puerperal fever hay childbed fever) gây tử vong có thể được giảm đáng kể nếu sử dụng khử trùng tay trong các bệnh viện phụ sản, và theo ông đề nghị, nên rửa tay với nước pha clo, và đã ứng dụng phương pháp này tại Bệnh viện phụ sản ở Vienna. Kết quả của ông là có thể giảm độ tử vong xuống dưới 1%. Mặc dù có nhiều công bố kết quả dưới ảnh hưởng của biện pháp rửa tay, ý tưởng của ông bị cộng đồng y khoa bác bỏ kịch liệt. Semmelweis không thể giải thích được phương pháp của ông, chỉ biết kết quả trong thực nghiệm rõ ràng là như thế. Một số bác sĩ cảm thấy bị xúc phạm khi bị buộc rửa tay. Năm 1865 Semmelweis bị cưỡng bức vào một bệnh viện tâm thần, nơi ông chết sau 17 ngày ở tuổi 47 vì chứng nhiễm khuẩn huyết sau khi bị đánh đập bởi những người bảo vệ ở đây. Phương pháp của ông được công nhận chỉ vài năm sau đó, sau khi Pasteur chứng minh thuyết mầm bệnh và Lister, căn cứ trên đó, thực hành các biện pháp khử trùng, với sự thành công lớn.
Năm sau, 1868, không may Pasteur bị đột quỵ làm tê liệt nửa thân bên trái, gây ảnh hưởng suốt đời ông. Lúc đó ông mới 45 tuổi. Nhưng đột quỵ không ngăn cản ý chí của ông. Mệnh lệnh của nghiên cứu và của tinh thần phụng sự cộng đồng giúp ông tiếp tục vững bước tiến lên trong một phần tư thế kỷ tới.
Khi nghiên cứu cách ngừa bệnh dịch tả gà và bệnh than, Pasteur khám phá ra một nguyên lý mới: một vi sinh vật được nuôi cấy và bị làm giảm độc lực, khi được tiêm vào một cơ thể sẽ không những không làm hại cơ thể đó, mà còn tạo ra hiệu ứng bảo vệ cơ thể đó đối với bệnh mà sinh vật
https://thuviensach.vn
đó gây ra, bằng cách giúp cho cơ thể phát triển sức đề kháng cao và chiến thắng bệnh, ông tiêm 50 con cừu với trực khuẩn than có độc lực mạnh (virulent) được nuôi cấy. Hai mươi lăm con không được tiêm chủng chết. Những con được tiêm chủng thì sống. Đó là nguyên lý tiêm chủng ngừa (vaccination), vắc-xin.
Tên tuổi Pasteur lại còn lên cao hơn khi ông áp dụng thành công nguyên lý chủng ngừa còn non trẻ lên người để chặn đứng bệnh dại chết người phát sinh từ những vết thương do chó dại cắn, đưa ra phương pháp chích ngừa và điều trị táo bạo. Cho tới năm 1885, chó dại gây ra hàng loạt những cái chết đau đớn và kinh hãi cho những ai bị nó cắn, nhất là cho trẻ em, không thuốc men nào có thể cứu được khi bệnh phát lên. Ý tưởng thiên tài của Pasteur là lợi dụng có một khoảng cách thời gian (3-5 tuần) từ lúc ủ bệnh đến khi phát bệnh, ông tiêm ngừa nạn nhân bằng loại vi khuẩn dại đã được làm suy yếu, giúp cho cơ thể có sức đề kháng để sau đó chiến đấu mạnh mẽ hơn và chiến thắng bệnh. Nguyên lý chích ngừa phổ biến xuất phát từ đó. Cậu bé 9 tuổi được cứu sống đầu tiên bằng phương pháp này là Joseph Meister. Ngay sau đó, cả thế giới chở hàng loạt bệnh nhân đến Paris!
Việc ứng dụng vắc-xin đầu tiên lên người, mặc dù đã thử nghiệm thành công nhiều lần trước đó lên động vật, là một quyết định rất khó khăn cho Pasteur, một vấn đề của lương tâm và trách nhiệm, ông phải hỏi ý kiến của hai đồng nghiệp, và mọi người đều cho rằng, không có con đường nào khác, không tiêm ngừa thì cậu bé cũng sẽ chết. Pasteur đành phải chấp nhận, và trải qua nhiều đêm mất ngủ.
https://thuviensach.vn
Minh họa Pasteur chiến thắng bệnh dại 1885 của báo Pháp Don Quichotte
Năm 1888, sau sự thành công vang dội của Pasteur trong điều trị bệnh dại, và để vinh danh những đóng góp to lớn của ông, Viện Pasteur chính thức được thành lập tại Paris, bằng tiền đóng góp quốc tế. Chỉ hai năm sau,
https://thuviensach.vn
1891, Viện Pasteur đầu tiên ở hải ngoại của Pháp được mở ra tại Sài Gòn, dưới sự chủ trì của bác sĩ Albert Calmette. Có tổng cộng hơn ba mươi Viện Pasteur chính thức được mở trên thế giới. Đó là mạng lưới chống dịch bệnh trên thế giới. Đội ngũ của Pasteur dự định mở một Viện Pasteur Mỹ tại Thành phố New York năm 1885, nhưng rồi bỏ kế hoạch này, và Mỹ không có những Viện Pasteur chính thức. Một số Viện Pasteur bán chính thức được thành lập sau đó bởi chính người Mỹ. Cho đến nay, Viện Pasteur đã có 10 nhà khoa học được giải Nobel. HIV, vi khuẩn gây ra bệnh AIDS, được tìm thấy ở Viện Pasteur năm 1983.
Vì sao Pasteur thành công? Ông tự nói: “Để tôi kể cho các bạn nghe bí mật nào đã dẫn tôi đến đích của tôi. Sức mạnh của tôi duy nhất nằm ở sự bền bỉ của tôi.” Vào ngày cuối trước khi mất, ông còn luyến tiếc công việc: “Tôi muốn trẻ lại, để sống với nhiệt tình sôi nổi nghiên cứu các bệnh mới.” và mãi mãi yêu thích lao động: “Một cá nhân khi đã quen với lao động cật lực có thể sau đó không bao giờ sống mà không có nó được. Lao động là nền tảng của tất cả mọi thứ trên đời này.”
Trong đấu tranh với Koch, Pasteur cũng vẫn giữ được tính nhân văn của mình, ông nói, nhà khoa học phải làm hãnh diện vừa cho tổ quốc mình, vừa cho nhân loại: “Khoa học không có tổ quốc, hoặc đúng hơn, tổ quốc bao gồm cả nhân loại […]. Nhưng nếu khoa học không có tổ quốc, nhà khoa học (vẫn) phải làm tất cả những gì để làm tăng lên niềm quang vinh cho tổ quốc của mình. Trong mỗi nhà bác học, quý vị luôn luôn tìm thấy một nhà ái quốc lớn. […] Quý vị, những người đại diện các kiến thức này của nhân loại, một cách gian khổ và tinh tế, để cho chúng trở thành vừa là khoa học và vừa là nghệ thuật; quý vị, những người tặng cho di sản con người của vũ trụ những gì đã gặt hái được một cách gian khổ; quý vị mà tên tuổi là danh
https://thuviensach.vn
dự của tổ quốc của quý vị, quý vị có thể hãnh diện nhận thấy rằng khi làm việc đó, quý vị đã xứng đáng với nhân loại.”
Năm 1892 một buổi lễ mừng sinh nhật Pasteur 70 tuổi diễn ra rất trọng thể tại đại giảng đường của Sorbonne. Nhiều nước có gửi đại diện đến. Trong khi nhiều đồng nghiệp của Koch gởi lời chào và ca ngợi nồng nhiệt đến Pasteur, như “Chúc mừng nồng nhiệt nhất đến nhà thông thái bất tử và ân nhân của nhân loại” (Behring), hay “Chúc mừng nồng nhiệt người chinh phục vĩ đại và yêu chuộng hòa bình của những lãnh vực mới và rộng trong khoa học sinh vật học, người không phải là bác sĩ nhưng đã khai sáng những người bác sĩ chúng tôi …” (Klebs), thì Koch chỉ viết vài lời ngắn ngủi: “Viện Nghiên cứu các Bệnh truyền nhiễm kính gửi nhà thông thái và thiên tài có những công trạng rất to lớn những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.”
Ba năm sau, 1895, khi Viện Hàn lâm Khoa học Berlin thăm dò muốn trao tặng ông huân chương “Pour le Mérite” của Phổ, Pasteur từ chối! Người ta nhớ lại sự kiện Pasteur từng trả lại bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Bonn.
Ông mất năm 1895, hưởng thọ 72 tuổi, không kịp chứng kiến giải Nobel ra đời năm 1901 để được vinh danh xứng đáng cho những đóng góp khai phá của ông. Nhà nước Pháp tổ chức quốc tang cho ông. Thư và điện tín khắp nơi trên thế giới gởi về Paris chia buồn. Một trong những điện tín đó được Koch ký tên với nội dung: “Trong sự xúc động sâu sắc về sự mất mát được cảm nhận ở tầm cỡ thế giới xảy đến cho Viện Pasteur trong hình hài của người sáng lập thiên tài của nó, Viện Nghiên cứu các Bệnh truyền nhiễm ở Berlin xin gởi lời phân ưu sâu sắc đến sự đau buồn chung.”
https://thuviensach.vn
Cần nói thêm, Pasteur là một thiên tài đa dạng. Ở tuổi 25, ông khám phá ra điều vĩ đại, là tính bất đối xứng (asymetry) của vật chất trong vũ trụ. Bằng nhiều thí nghiệm, ông đã đi đến quan điểm cho rằng chỉ có vật chất sống mới tạo ra những hỗn hợp bất đối xứng có tính quang hoạt (optically active, nghĩa là có năng lực xoay bề mặt của ánh sáng phân cực); và rằng một cuộc nghiên cứu tích cực các phân tử bất đối xứng sẽ giúp con người hiểu ra nguồn gốc của sự sống, ông nói: “Tiêu chuẩn đặc biệt này (tính bất đối xứng phân tử) có lẽ làm thành sự khác biệt duy nhất được xác định rõ nét ở hiện tại giữa hóa học của vật chất chết và sống.” Và với người bạn Chappuis, ông nói: “Tôi đang ở bên bờ của những sự huyền bí, và tấm màn che sự bí mật của chúng ngày càng trở thành mỏng hơn.” Điều huyền bí đó chính là sự sáng tạo ra sự sống. Ông nói thêm: “Sự sống được chi phối bởi những hoạt động bất đối xứng. Tôi có thể hình dung ra rằng tất cả loài sống là, vào buổi sơ khai, và trong cấu trúc của chúng, trong các dạng ngoài của chúng, là hàm số của sự bất đối xứng vũ trụ.” Năm 1874, ông đã tiên đoán trước Hàn lâm viện Pháp:
Vũ trụ là một hệ thống bất đối xứng. Tôi tin rằng sự sống như chúng ta biết, đã xuất hiện từ các quá trình bất đối xứng trong vũ trụ. Vũ trụ là bất đối xứng.
Rất táo bạo vào lúc ngành vật lý hạt còn rất phôi thai. Một trăm năm sau, bất đối xứng trở thành đề tài chiếm ngự ngành vật lý hạt, khi hai nhà vật lý trẻ tuổi gốc Trung Hoa Lee và Yang, cũng như bà Chien-Shiung Wu tại Mỹ, chứng minh rằng “Chúa thuận tay trái”. Vũ trụ có mầm mống bất đối xứng từ sâu thẳm, điều quyết định cho sự hình thành sự sống.
(3)
https://thuviensach.vn
Trong khi đó, Robert Koch, trẻ hơn Pasteur 20 tuổi, được đào tạo khiêm tốn để làm bác sĩ làng quê, sống và làm việc trong những điều kiện thiếu thốn, nhưng ông có thiên hướng của một nhà nghiên cứu. Ông là hình ảnh tượng trưng cho nước Đức đang vươn lên từ nghèo nàn và lạc hậu.
Pasteur tuy là người đã công bố công trình khai mở cho kỷ nguyên vi trùng học, nhưng con đường đi tới để thiết lập ngành vi trùng học thật sự còn phải được phát quang và định hướng; và các công cụ, phương pháp khoa học còn phải được tạo ra. Koch chính là người tiên phong hàng đầu làm việc đó qua các công việc nghiên cứu và khám phá trực khuẩn than và lao bằng những phương pháp và kỹ thuật rất đặc thù dành cho lãnh vực này.
Cơ thể con người chứa hàng tỷ vi sinh vật. Làm sao phân biệt được con nào gây ra bệnh? Đó là điều mà Koch làm được, một cách hệ thống. Những đóng góp quan trọng nhất của Koch là xác định được các vi trùng gây ra bệnh than (Bacillus anthracis, 1876, cho động vật như bò và cừu, cũng như người), lao (Mycobacterium tuberculosis, 1882), và dịch tả (Vibrio cholerae, 1883). Đó là những căn bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo của nhân loại, ông đã nghĩ ra những kỹ thuật để truy tìm mầm bệnh và xác định các tính chất đặc thù của chúng, bằng cách kết hợp ba lãnh vực: nhuộm, kỹ thuật kính hiển vi, và chụp ảnh để đưa các vi sinh vật nghi là mầm bệnh được lấy từ môi trường nuôi cấy lên kính hiển vi, nhuộm chúng rồi quan sát và chụp ảnh. Kỹ thuật nuôi cấy cũng là một sáng kiến của ông. Tất cả các kỹ thuật của ông trở thành những phương pháp nền tảng cho các phòng thí nghiệm vi trùng học hiện đại. Ông cũng phát triển một hệ thống tiên đề cho phép các bác sĩ thử một vi sinh vật có phải là một nhân tố gây ra bệnh hay không*. Khi Koch trình bày các phương pháp ảnh kính hiển vi, và môi
https://thuviensach.vn
trường nuôi cấy năm 1881 tại Hội nghị London, Pasteur có ấn tượng sâu sắc, nắm lấy tay Koch và nói: “Đây là một tiến bộ lớn, Monsieur.”
Koch đưa ra bốn tiên đề (postulates) để xác định một vi sinh vật có phải nhân tố gây ra một chứng bệnh hay không: 1) Vi sinh vật phải được tìm thấy hiện diện phong phú trong tất cả con vật có bệnh này, nhưng không hiện diện trong các con vật lành mạnh. 2) Vi sinh vật phải được trích ra từ một con vật bệnh và nuôi cấy trong một môi trường thuần chủng (pure culture, chỉ một loại). 3) Vi sinh vật được nuôi cấy này phải gây ra bệnh khi được đưa vào những con vật lành mạnh. 4) Vi sinh vật được trích ra từ con vật bị bệnh trong thí nghiệm (3), và được nuôi cấy lại trong môi trường thuần chủng phải là vi sinh vật ban đầu.
Con đường của Koch là khó khăn. Khám phá quan trọng đầu tiên của ông là trực khuẩn than và chu kỳ sống của nó vào năm 1876. Lúc đó ông vẫn còn là một bác sĩ làng quê vô danh tại thành phố Wollstein có khoảng 3.000 dân*. Chính tại đây ông bắt đầu một cuộc săn đuổi vi sinh vật gây bệnh. Đam mê của ông đã biến một phần phòng mạch của ông thành phòng thí nghiệm, và một phần nhà bếp thành phòng tối chụp ảnh. Còn chiếc kính hiển vi? Đó là quà tặng của vợ ông vào sinh nhật ông năm 1871 để nghiên cứu vi sinh vật lúc nhàn rỗi theo sở thích của ông.
Nằm đối diện với Berlin xa xa về phía Đông, bên kia sông Oder. Ngày nay thuộc Ba Lan, gần Poznan.
Trong những ngày học y khoa tại Göttingen, Koch có một người thầy nổi tiếng, Jacob Henle, một nhà giải phẫu, người mà 20 năm trước Pasteur đã phác họa thuyết nhiễm truyền bệnh (contagion theory) bằng vi sinh vật. Chắc chắn Koch chịu ảnh hưởng của Henle. Các nguyên lý của Koch một phần là của Henle.
Nhưng chính sự khám phá đầu tiên có ý nghĩa này sẽ giúp ông thoát khỏi sự cô lập đối với thế giới khoa học. Năm 1880, tức bốn năm sau, ông được bổ nhiệm làm thành viên thực thụ của Sở Y tế Đế chế và dọn lên
https://thuviensach.vn
Berlin, gần bệnh viện Charité. Ở đó ông được cung cấp một phòng thí nghiệm đàng hoàng, và hai trợ lý là hai nhà nghiên cứu tài năng, Georg Gaffky và Friedrich Loeffler. Chỉ hai năm sau tại đây, khám phá có tính chất cách mạng đã đến với ông: trực khuẩn lao và những đặc tính của nó.
Bệnh lao, một trong những căn bệnh đáng sợ nhất, vẫn là bí ẩn đến lúc đó. Bệnh này đã có thể tìm thấy trong các xác ướp của Ai Cập cổ đại. Ở châu Âu, lao chịu trách nhiệm cho một trong bảy cái chết. Bệnh lao được ví là “cái chết trắng”, hay “bệnh dịch trắng”, nó không chừa một ai, già cũng như trẻ, giàu cũng như nghèo, tuy nghèo thì dễ mắc bệnh hơn, và cướp đi sinh mệnh của hàng loạt người nổi tiếng, như Honoré de Balzac, Franz Kafka, Baruch Spinoza, Frédéric Chopin, Molière, Novalis, Bernhard Riemann, Maxim Gorky, Erwin Schrödinger,… Cái chết trắng được đưa rất nhiều vào kịch nghệ và tiểu thuyết như La Bohème, La Traviata, và Der Zauberberg (Núi thần). Ngay cả một số nhà nghiên cứu cũng bị chết theo. Chỉ trong một số ít trường hợp bệnh nhân có thể sống sót, khi bệnh còn nhẹ, và đi dưỡng bệnh ở các viện điều dưỡng. Thật là đáng sợ. Khi Koch bắt tay vào nghiên cứu, có những chứng cứ mạnh mẽ rằng bệnh lao là bệnh truyền nhiễm. Bác sĩ Pháp Jean Antoine Villemin đã chứng minh năm 1865 rằng lao là truyền nhiễm vào các động vật thí nghiệm, một kết quả được xác nhận đầy đủ bởi Edwin Klebs, Jutius Cohnheim và Carl Salomonsen. Nhưng không ai nhìn thấy sinh vật gây bệnh này, trong các mô hay nuôi cấy.
Ngày 24 tháng 3 năm 1882 Robert Koch gây kinh ngạc cho cộng đồng khoa học khi tuyên bố trước một nhóm nhỏ các nhà khoa học tại Viện Vệ sinh của Đại học Berlin (nay là Đại học Humboldt) rằng ông đã khám phá căn nguyên của bệnh lao: trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis. Những
https://thuviensach.vn
tin tức của khám phá của Koch liền lan tỏa nhanh chóng trên thế giới. Chỉ vài tuần sau, tại Anh, The Times dịch lại công bố kết quả của Koch, và sau đó tại Mỹ, tờ The New York Times. Koch phút chốc trở nên nổi tiếng và được dư luận xem là “Cha đẻ của ngành vi trùng học”. Tại thời điểm công bố khám phá trực khuẩn lao, bệnh này hoành hành tại châu Âu và châu Mỹ. Khám phá của Koch mở ra con đường chẩn đoán và điều trị. “Buổi tối năm kia vẫn luôn luôn là một trải nghiệm khoa học lớn nhất của tôi trong ký ức” như Paul Ehrlich, một đồng nghiệp tên tuổi của Koch, nhớ lại sau này.
Paul Ehrlich mô tả lại buổi ra mắt lịch sử đó “Tại buổi họp đáng nhớ này, Koch đã xuất hiện trước công chúng với một công bố đánh dấu khúc quanh trong lịch sử của một căn bệnh truyền nhiễm độc hại của con người. Với những lời giản dị và sáng sủa, Koch giải thích nguồn gốc hình thành bệnh của lao với một sự thuyết phục, trình bày nhiều bản kính của kính hiển vi, và những tư liệu khác”. Tờ The New York Times của Mỹ viết: “Đó là một trong những khám phá khoa học vĩ đại của thời đại.”
Năm 1883 dịch tả (cholera) lại hoành hành tại Ai Cập và Ấn Độ. Bệnh này có nguồn gốc Ấn Độ, và lan truyền sang châu Âu vào thế kỷ 19 thông qua sự thâm nhập người Anh vào Ấn Độ. Nhiều quốc gia gửi đoàn nghiên cứu đi tìm nguyên nhân. Koch dẫn đầu một đoàn đi nghiên cứu. Tại Alexandria ông khám phá vi trùng gây bệnh được gọi là Vibrio cholerae, có hình dấu phẩy, và tại Calcutta ông phát hiện có mối liên hệ giữa nước bẩn và phát sinh dịch bệnh. Koch trở về trong sự tiếp đón như một vị anh hùng*. Đoàn Pháp, được Émile Roux dẫn đầu, không may không đi đến kết quả, và một thành viên của đoàn, Louis Thuillier, lại còn bị thiệt mạng, nên đoàn rút về sau Ai Cập. Pasteur cảm thấy cay đắng.
https://thuviensach.vn
Thực ra trước Koch, năm 1854, một nhà khoa học Ý Filippo Pacini (1812-1883) tại Đại học Florence đã nhìn thấy dưới kính hiển vi loại vi trùng hình dấu phẩy này rồi, và gọi nó là Vibro. Nhưng ông bị cộng đồng khoa học quên lãng. Koch cũng không biết. Đến 82 năm sau ngày mất của Pacini, 1965, vi sinh vật này được chính thức đặt cho cái tên Vibrio cholerae Pacini 2854. Cũng năm 1854, bác sĩ quân y người Anh, John Snow, nhận ra rằng sự truyền nhiễm bệnh dịch tả có liên quan đến nước uống bị nhiễm bẩn phân. Nhưng lúc đó mầm bệnh vi sinh chưa được khám phá, nên nhận xét của Snow chỉ mới là giả thuyết. Koch là người khẳng định thêm một cách thuyết phục các kết quả của Pacini và Snow.
Koch được vua tưởng thưởng 100.000 Đức Mã. Những khám phá này dẫn tới việc nhà nước Đức đưa ra những biện pháp vệ sinh bao gồm cung cấp nước sạch, và các biện pháp về sức khỏe công cộng để giúp kiểm soát dịch bệnh đang phát triển ở Hamburg.
Trực khuẩn bệnh dịch tả Vibrio cholerae được Koch tìm thấy năm 1883
Các khám phá của Koch đã truyền cảm hứng cho một thế hệ các nhà khoa học, tạo ra phong trào “săn lùng vi sinh vật” đã nhanh chóng “điểm mặt” các loại vi trùng gây ra bệnh của chúng, và mở đường cho điều trị và
https://thuviensach.vn
vắc- xin, như Pasteur đã làm. Trong vòng chỉ 30 năm, từ 1876 đến 1906, các vi trùng mầm bệnh của các căn bệnh chính của con người đã được đưa ra ánh sáng: bệnh than (Koch, 1877), sốt thương hàn (Erberth, 1880), lao (Koch, 1882), dịch tả (Koch, 1883), bệnh bạch hầu (Klebs và Löffler, 1883), phong đòn gánh hay uốn ván (Nicholaier, 1884), bệnh tiêu chảy (Escherich, 1885), viêm phổi (Fraenkel, 1886), bệnh viêm màng não (Weichselbaum, 1887), ngộ độc thực phẩm (do khuẩn Salmonella, Gaertner, 1888), dịch hạch (Yersin, 1894), bệnh kiết lỵ (Shiga, 1898), bệnh giang mai (Schaudinn & Hoffmann, 1903), bệnh ho gà (Bordet & Gengou, 1906).
Sau khi khám phá trực khuẩn lao làm ông phút chốc nổi tiếng thế giới, Koch tập trung vào việc tìm ra thuốc trị. Khi giữa những năm 1890 ông trình diện thuốc này, có tên Tuberculin, thế giới y học tưởng rằng con người đã có thần dược. Nhưng Koch đã thất bại và thiệt hại uy tín lớn. Tuy nhiên Tuberculin vẫn còn được sử dụng như phương pháp thử trên da nhanh chóng để kiểm tra xem một người có bị nhiễm vi trùng lao hay không. Nếu có, da sẽ phản ứng với kháng nguyên (antigen) bằng cách nổi một nốt sưng đỏ tại chỗ thử.
Với những kết quả của ông trong thập niên 1880, Koch đã góp phần quyết định cho hệ hình mới của ngành vi trùng học, và thuyết nguyên nhân (aetiology) của bệnh giành chiến thắng. Paul de Kruif, tác giả của bestseller The Micro Hunters (Những kẻ săn lùng vi sinh vật), viết: ‘‘Tôi xin được phép ngả mũ và cúi đầu kính cẩn trước Koch, con người đã chứng minh đích thực rằng các vi sinh vật là những kẻ thù gieo rắc chết chóc nhất của chúng ta, con người đã đưa cuộc săn lùng vi sinh vật đến thành khoa học, con người mà bây giờ là vị thuyền trưởng phần nào bị bỏ quên của một thời đại anh hùng tăm tối.”
https://thuviensach.vn
Năm 1891, ông được cử làm giám đốc một viện nghiên cứu mới xây về các bệnh truyền nhiễm, sau này được gọi là “Viện Robert Koch”, ông được trao giải Nobel về y học hay sinh lý học năm 1905, cho “những nghiên cứu và khám phá về bệnh lao”, có một tình tiết thú vị. Bố của Robert Koch là Herrmann Koch, một kỹ sư hầm mỏ, đã từng cùng với Alfred Nobel thí nghiệm loại chất nổ Nitroglycerin trong những hầm mỏ của vùng Harz nổi tiếng nơi gia đình Koch từng sinh sống. Lúc đó Robert Koch chỉ mới là một sinh viên nghèo kiểu “Trần Minh khố chuối” ở Göttingen. Đâu có gì để gợi lên rằng sinh viên nghèo kia 40 năm sau được quỹ của Alfred Nobel vinh danh từ lợi nhuận của việc kinh doanh chất nổ!
Năm 1907, để công nhận những thành tựu khai phá của ông, Quỹ Robert Koch ra đời tại Berlin để chống lại bệnh lao, phục vụ cho tiến bộ y học, nhất là nghiên cứu cơ bản các bệnh truyền nhiễm. Điều ngạc nhiên là vua thép Andrew Carnegie, là nhà hoạt động nhân ái quan trọng của Mỹ, đã hiến tặng số tiền rất lớn 500.000 Mác cho Quỹ này, trong khi vua Đức tặng 100.000.
Trong những năm cuối đời, ông được nhiều nơi trên thế giới mời đến nghiên cứu bệnh: Nam Phi để nghiên cứu dịch bò, Bombay để nghiên cứu dịch hạch (ông đã phát hiện chuột là nhân tố truyền bệnh), St. Petersburg (sốt phát ban), Dar es Salaam, Tanzania (sốt rét và sốt nước đen).
https://thuviensach.vn
Robert Koch được ví như một St. George mới diệt trừ quái vật.
https://thuviensach.vn
Không phải là người ăn nói hay, nhưng bằng tấm gương, ông có cả một thiên hà các học trò từ Tây sang Đông. Tại Đức, những học trò này, khác hơn các học trò của Pasteur, không quy tụ tại viện của ông, mà phân tán rải rác. Trong số 58 trợ lý của ông trong khoảng thời gian 1880-1910, có 20 trở thành giáo sư thực thụ, 10 giáo sư ngoại hạng hay danh dự, và hai thiếu tướng quân y. Năm 1908, ông được mời thăm Nhật Bản hai tháng, và được tiếp đón khắp nơi long trọng như một vị thánh. Tên ông cũng được đưa vào đền thờ. Người học trò thân thiết của ông là Shibasaburo Kitasato, người được nghi là đã cùng với Yersin tìm ra vi khuẩn bệnh dịch hạch ở Hông Kông, và là một trong hai người cùng với Emil Behring trước đó đã khám phá ra nguyên lý điều trị bằng huyết thanh liệu pháp chống bệnh uốn ván cũng như bạch hầu*. Trước đó, Koch đi thăm London, rồi New York, nơi Carnegie đọc một bài chào mừng ông rất nồng nhiệt.
Nhưng sau đó, Kitasato bị loại ra khỏi công việc nghiên cứu, chỉ một mình Behring được phép tiếp tục. Chính Kitasato là người đầu tiên khám phá kháng độc tố (antitoxin) ở bệnh uốn ván, Behring theo sau Kitasato với bệnh bạch hầu.
Koch mất năm 1910, hưởng thọ 66 tuổi. Khi ông mất, trong số tháng 6 của tạp chí Annales de l’Institut Pasteur, các học trò của Pasteur vinh danh Koch, “con người vĩ đại”, và ngưỡng mộ công trình của ông. Đối với họ, “Koch là một trong những người xây dựng ngành vi trùng học, trước ông chỉ có Pasteur”, và “Trong ông người ta không chỉ ngưỡng mộ một nhà khám phá vĩ đại, mà còn người thầy vĩ đại, thủ lĩnh của một trường phái. Các nhà vi trùng học tất cả các quốc gia là học trò của ông, vì họ đều sử dụng các phương pháp mà ông đã tìm ra, và các nghiên cứu của họ thường lấy các công trình của ông làm khởi điểm.”
https://thuviensach.vn
Tại New York năm 1908, Koch nói trước cử tọa: “Tôi đã lao động cật lực như có thể, và đã làm tròn nhiệm vụ và nghĩa vụ. Nếu sự thành công của tôi thật sự lớn hơn bình thường, thì đó là vì trong những cuộc du hành của tôi qua cánh đồng y học, tôi chợt đến những vùng đất mà vàng vẫn còn nằm lộ thiên bên vệ đường.” Ông cũng để lại nhận định có tính “châm ngôn”, đúc kết từ các quan sát của ông: “Nếu người ta quay mặt đi khỏi cảnh ngộ của người nghèo, thì các vi sinh vật sẽ thắng lớn.”
Từ năm 1982, ngày 24 tháng 3 được Tổ chức Y tế Thế giới lấy làm Ngày Lao quốc tế hay Ngày Thế giới phòng chống lao (World Tuberculosis Day), là ngày mà đúng 100 năm trước Koch công bố chính thức kết quả nghiên cứu của mình.
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
Koch trong bộ kimono. Trong thời gian Koch ở Nhật Bản, Kitasato tìm cách lấy được một mớ tóc của Koch từ một thợ hớt tóc. Khi Koch mất năm 1910, dù không tin có đời sau, Kitasato vẫn xin các sư của Đại điện thờ Izumo là điện thờ cổ xưa nhất từ đầu thế kỷ thứ tám của Nhật Bản cầu nguyện cho linh hồn thầy ông. Sau đó ông xây một điện thờ Shinto riêng trên khuôn viên của Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm của ông, đặt ảnh và mớ tóc của Koch vào đó để ngụ ý sự hiện diện của Koch. Mỗi năm vào ngày mất của ông (27.5) có lễ cầu nguyện, và mỗi ngày sinh nhật ông (11.12) Kitasato chủ trì một hội nghị về những đóng góp của Koch cho ngành y khoa. “Linh hồn của Koch có thể không còn nữa, nhưng qua những hoạt động của chúng ta, ông vẫn có mặt.”
(4)
Những đóng góp của Pasteur và Koch là hết sức vĩ đại, đã góp phần, như một hệ quả, vào cuộc Cách mạng vệ sinh, và phòng bệnh trên trên phạm vi toàn cầu. Ở Nhật Bản thời Minh Trị, ngay từ 1868, cuộc cách mạng y khoa Âu châu có tác động “thoát Trung”, chuyển hướng hoàn toàn việc đào tạo bác sĩ khỏi y học Trung Hoa thống lĩnh bấy lâu nay. Từ 1870, họ đi theo mô hình Đức. Nhưng ít ai biết rằng đằng sau đó có một cuộc “tranh hùng” dữ dội giữa hai người khổng lồ trong ngành vi sinh học. Định mệnh đã bắt họ làm công dân của hai quốc gia có nhiều hận thù và gây chiến tranh với nhau.
Năm 1806 Phổ, người đại biểu và lãnh đạo của các dân tộc Đức, bị thua trận hết sức đắng cay và nhục nhã trước Napoleon chỉ trong một đêm, vì quá lạc hậu về mọi lãnh vực: thể chế chính trị, kinh tế, khoa học, công
https://thuviensach.vn
nghiệp, giáo dục. Sau đó họ quyết tâm tiến hành Cuộc Đại cải cách rất quyết liệt trong lịch sử để lấy lại vị trí đã mất.
Pasteur, lớn hơn Koch 20 tuổi, đúng là hình tượng đại diện cho nước Pháp hàng đầu châu Âu: được đào tạo hàn lâm rất chính quy, sớm nổi tiếng thế giới, được ngưỡng mộ như một cây đại thụ, ngay cả tại Đức. Và ông cũng yêu quý dân tộc Đức.
Bảy mươi năm sau, cuộc chiến tranh Đức-Pháp 1870-1871 hao người tốn của, khiến 185.000 người chết, và 233.000 người bị thương, đã thay đổi cục diện, cũng như tương quan lực lượng của hai quốc gia, về khoa học, công nghệ, giáo dục, và quân sự. Nước Pháp thua Đức không kém phần nhục nhã như Đức từng nếm trải với Napoleon Bonapartre đầu thế kỷ. Vua Napoeleon III bị bắt cầm tù. Pháp mất vùng Elsass-Lothringen, và phải bồi thường trong vòng ba năm cho Đức một số tiền rất lớn năm tỷ franc (1 tỷ đô la). Đệ nhị đế chế Pháp bị sụp đổ, cũng như Đế chế Đức trước đây đã từng tan vỡ. Nội chiến xảy ra ngay tại Paris giữa lực lượng chính phủ và những người thuộc Công xã Paris. Nước Đức thống nhất dưới sự lãnh đạo của Phổ, lần đầu tiên trong lịch sử. Cuộc chiến 1870 không chấm dứt sự thù hận, mà còn tiếp tục nuôi dưỡng mầm mống của những cuộc xung đột sắp tới, không bao lâu sau khi Pasteur và Koch nằm xuống. Thế chiến thứ nhất 1914-1918 đã làm cho sự chia rẽ và hằn thù giữa giới tri thức Pháp và Đức càng thêm sâu sắc, mà Albert Einstein, như một vì sao vượt lên mọi chủ nghĩa quốc gia và cá nhân hẹp hòi, cố hàn gắn.
Cuộc chiến 1870 gây chấn thương nặng nề trong lòng Pasteur, một người ái quốc bốc lửa, cũng như cho giới trí thức Pháp nói chung. Nó chấm dứt ảo tưởng của nhân dân Pháp về vị trí cao ngất của thời huy hoàng về chính trị và khoa học của Napoleon Bonapartre và các cuộc chiến
https://thuviensach.vn
tranh của ông hơn nửa thế kỷ trước. Đồng thời Đức cũng trên đà tiến lên chủ nghĩa quân phiệt, mầm mống của những cuộc chiến tranh mới. Nietzsche đã tiên đoán trước, chiến thắng 1870/71 sẽ đưa nền văn hóa Đức đi xuống, chứ không phải đi lên.
Pasteur đâm ra thù hằn nước Đức vô hạn. Trước đây ông vui mừng đặc biệt về phần thưởng của phân khoa y của Đại học Bonn tặng ông danh hiệu Tiến sĩ danh dự y khoa, xem đó là sự xác nhận niềm tin của ông rằng những nghiên cứu ông đã mở ra những chân trời mới. Ông treo trong phòng làm việc để trang trí. Thì tháng 1 năm 1871, sau khi Viện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tại Paris bị trúng đạn của Đức, ông gửi trả lại bằng danh dự đó với lời lẽ đau khổ và phẫn nộ. Các nhà y khoa ở Bonn cũng không vừa, gửi lại ông lời lẽ khinh bỉ. Quá đau khổ trong lá thư tiếp theo, Pasteur viết một cách cay đắng: “Khi đọc lại thư của Quý Ngài và của tôi, trái tim tôi rỉ máu khi nghĩ rằng chúng ta, như Quý Vị và tôi, là những người đi tìm chân lý và tiến bộ cho tinh thần nhân loại mà lại phải sử dụng những ngôn từ như thế…”
Nước Đức của sách, âm nhạc, và đại học từng được ngưỡng mộ nay trong mắt giới trí thức Pháp trở thành một cường quốc quân sự tàn nhẫn. Trong những ngày đen tối này của đất nước, Pasteur kêu gọi lương tâm của chính nhân dân Pháp. Tại sao nước Pháp lần này không có những đứa con vượt trội như 1792* để làm những người cứu tinh? Bởi vì sự chăm sóc khoa học bị chểnh mảng, Pasteur nói, thiếu những phương tiện cần thiết cho đại học và nghiên cứu. Trong khi Đức phát triển các đại học nghiên cứu, thì Pháp sa vào ‘những cuộc cách mạng’, vào cuộc tìm kiếm vô ích một mô hình chính quyền tốt nhất. Chính lao động không vụ lợi của tinh thần mới quyết định trình độ trí thức, và tư thế đạo đức của quốc gia. Theo
https://thuviensach.vn
Pasteur, việc xây dựng trường tiểu và trung học sẽ không giúp ích gì nhiều nếu như tinh thần học thuật sống động ở các đại học thiếu vắng. Tai họa này hãy là dịp để nước Pháp ưu tư về những công việc chính yếu phải làm. Các đòi hỏi nhà nước Pháp phải xây dựng những đại học “kiểu-Đức” chỉ có kết quả sau sự củng cố chính trị của Đệ tam Cộng hòa năm 1880, và các nền tảng pháp lý sau đó.
1792 là năm Đệ nhất cộng hòa Pháp được thành lập sau chiến thắng đầu tiên của quân Pháp tại Valmy trước quân Phổ, diễn ra trong giai đoạn Cách mạng Pháp từ 1789-1799.
Lý do khiến Pasteur ghét Koch là vì trong mắt ông, Koch là đại biểu của chính nước Phổ mà ông thù ghét. Còn đối với Koch, nguồn gốc chính của sự không ưa Pasteur là tham vọng của một bác sĩ làng quê không của cải đang phải đối diện với một nhà bác học mà tên tuổi đã được thiết lập quá chắc chắn trên vũ đài khoa học thế giới trước khi ông bước vào. Koch có tham vọng đi lên, cũng như nước Phổ và Đức có tham vọng vươn lên. Ngay từ buổi gặp mặt đầu tiên ở Luân Đôn năm 1881, cả hai đều không muốn thừa nhận tên tuổi của nhau. Pasteur không nhắc đến công trình trực khuẩn than của Koch. Koch cũng không nhắc Pasteur trong khám phá các mầm vi trùng của ông!
Koch cảm thấy bị cái bóng quá lớn của Pasteur đè. Nhưng rồi, sự thành công có tính bứt phá của ông cũng giúp ông đặt chân lên vũ đài khoa học thế giới. Sau khi tìm được trực khuẩn Bacillus anthracis của bệnh than (anthrax) năm 1876, là một căn bệnh hiểm nghèo nhất cho gia súc thời bấy giờ, ông bắt đầu nổi tiếng thế giới. Lúc đó Koch mới 32 tuổi, sống tại ngôi làng nhỏ Wollstein với 3.000 dân, và làm việc trong những điều kiện thiếu thốn, thiếu kinh nghiệm trong việc công bố kết quả, chưa tự tin, và cô lập
https://thuviensach.vn
trong cộng đồng khoa học. Nhưng kết quả của ông thuyết phục, gây ngạc nhiên và sửng sốt cho các nhà khoa học.
Tại Hội nghị Y học London năm 1881, lần đầu tiên Pasteur và Koch giáp mặt, Pasteur, 59 tuổi, đang trên đỉnh cao của sự nổi tiếng, Koch 38 tuổi mới có chút tên tuổi với trực khuẩn than. Độ vênh của sự nổi tiếng quá lớn. Những hiềm khích đã được gieo mầm. Koch không sợ gây hấn.
Tại Hội nghị quốc tế năm sau tại Geneva, 1882, cuộc chiến giữa hai người khổng lồ bùng nổ. Cho đến đó, Koch khám phá thêm trực khuẩn của bệnh lao. Trực khuẩn này được gọi sau đó mang tên “Trực khuẩn Koch”, hay “Vi trùng Koch”. Bị thúc đẩy bởi tinh thần cạnh tranh quốc gia, và những lý do của tự ái cá nhân, bởi sự ngăn cách ngôn ngữ, sự căng thẳng giữa Pasteur và Koch đã biến thành một sự xung đột gay gắt.
Với khám phá trực khuẩn lao, Koch chính thức được mời tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ IV về Vệ sinh và Dân số tháng 9, 1882. Tại đây sẽ nổ ra “chiến tranh”. Như thường lệ, Pasteur bước lên khán đài, được hoan hô vang dội. Pasteur sử dụng tài hùng biện của mình để tấn công và đè bẹp Koch, trong khi Koch là người vụng về trong diễn tả, có khả năng viết nhiều hơn nói. Koch tránh “khẩu chiến” trên diễn đàn, và chọn “bút chiến” sau đó với Pasteur là “sở trường” của ông hơn. Ông cho rằng Hội nghị đã hoan hô Pasteur quá sớm. Koch tức tối nói rằng tại Hội nghị ở Gevena, Pasteur nhận được tất cả mọi sự khen ngợi và hoan hô, nhưng không đưa ra được kết quả nào mới, còn ông, người đã chứng minh được rằng Bacillus anthracis chính là mầm bệnh truyền nhiễm của bệnh than, và cũng là người đã khám phá trực khuẩn chịu trách nhiệm cho bệnh lao, thì không được hoan hô như thế. Cái bóng của Pasteur là khủng khiếp, và không chịu đựng nổi đối với Koch. Dư luận không công bằng với ông. Một trong
https://thuviensach.vn
những nguyên nhân khiến cho Koch muốn “điên lên” tại Hội nghị này, như người ta chỉ khám phá được vào năm 1925, là do Koch được một đồng nghiệp dịch sai cho ông một chữ trong bài diễn văn của Pasteur. “Recueil allemand”, ý nói tập hợp các thông báo khoa học của Koch từ sở y tế của vua Đức, bị dịch ra thành “orgueil allemand”, sự kiêu ngạo Đức! Làm sao không phải là mồi lửa cho thùng thuốc súng quốc gia và vị kỷ chủ nghĩa cho được?
Cuộc chạy đua trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt “ăn miếng trả miếng” giữa Koch và Pasteur, và dần dần lan tỏa đến cả hai trường phái Đức và Pháp với những phong cách và phương pháp khác nhau, nhưng thực tế bổ sung cho nhau.
Cuộc “tranh hùng” quyết liệt giữa Koch và Pasteur, những kẻ chế ngự thế giới vi sinh vật, lần đầu tiên được hai tác giả Pháp, bà Annick Perrot và ông Maxime Schwartz, viết thành sách. Quyển sách đưa ra ánh sáng nhiều chi tiết của cuộc tranh hùng, của những khám phá vĩ đại của Koch và Pasteur, và cuộc chạy đua của họ, mà số phận của họ gắn liền với số phận của hai đất nước Đức, Pháp thù nghịch nhau. Quyển sách bổ khuyết sự thâm thụt hiểu biết của bên này và bên kia sông Rhein về hai vị anh hùng của nhân loại.
Đọc lại trang sử này không làm giảm nhẹ những đóng góp của Pasteur và Koch, cũng như nhân cách họ. Họ là những con người không vượt ra khỏi thời đại về mặt con người. Họ yêu nước, nhưng muốn đóng góp cho nhân loại. Chủ nghĩa quốc gia thế kỷ 19 và 20 diễn ra trong thời kỳ của chủ nghĩa đế quốc là “bệnh sởi” phổ biến như Einstein gọi, mà giới trí thức hay mắc phải. Chúng ta thương cảm hơn là phê phán. Pasteur và Koch đại biểu cho hai trường phái tư duy khác nhau nhưng bổ sung cho nhau. Cuộc cạnh
https://thuviensach.vn
tranh của hai ông, và hai trường phái, chỉ thúc đẩy sự tiến bộ y học. Họ chống đối nhau dữ dội, nhưng cùng có một mục đích chung, là tiến hành cuộc “thập tự chinh” lịch sử nhằm tiêu diệt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của nhân loại, cả hai đều trở thành những người chiến thắng. Bệnh bạch hầu, căn bệnh nằm trong danh sách các căn bệnh định mệnh, chẳng hạn, đã từng giết hại mỗi năm cả vạn người, phần lớn là trẻ em, tại Pháp và Đức, đã bị hai nhóm học trò của Koch và Pasteur làm cho biến mất trong danh sách u ám năm xưa.
Chúng ta đã có độ lùi của khoảng cách để nhìn sự việc thông thoáng và vô tư hơn, cũng như cần nhìn cuộc cạnh tranh Pasteur-Koch qua lăng kính của xã hội phương Tây. Châu Âu đã từng trải bao nhiêu cuộc cạnh tranh khốc liệt: cạnh tranh tôn giáo, chính trị, khoa học, và ý tưởng. Chính cạnh tranh là yếu tố hàng đầu đã thúc đẩy sự tiến bộ của lịch sử phương Tây. Các nhà khoa học và văn học làm thành một “Cộng hòa Học thuật”, Republic of Letters, không biên giới quốc gia, tạo ra một “thị trường ý tưởng”, market of ideas, tự do trong sáng tạo và cạnh tranh, khiến cho học thuật không ngừng chuyển biến và xã hội đi lên. Mỗi cá nhân luôn luôn đi tìm cái mới, và tranh thủ sự công nhận của Cộng hòa. Cộng hòa Học thuật giữ được tính cởi mở, quốc tế, độc lập và chặt chẽ, cho đến những năm cuối thế kỷ 18, trước khi trở thành nạn nhân của các xu hướng quốc gia chủ nghĩa đang lên. Đó cũng là trường hợp Pasteur và Koch, hai “siêu sao” của thời đại, đã bị nhuốm màu chủ nghĩa ái quốc do bị cuốn hút vào sự tranh hùng khốc liệt của hai cường quốc đối đầu nhau. Thực tế, khoa học đã trở thành “đấu trường” của sự cạnh tranh quốc tế, và một cột trụ tối quan trọng của quyền lực nhà nước nhân dân. Albert Einstein trong bài “Thiên đường đã mất” viết khi nhìn lại cộng đồng học thuật Âu châu đã bị
https://thuviensach.vn
phá hỏng bởi sự chính trị hóa như thế nào: “Trong thế kỷ mười bảy các nhà khoa học và nghệ sĩ của cả châu Âu còn gắn kết chặt với nhau bằng một sợi chỉ chung nhuốm màu lý tưởng đến nỗi sự hợp tác của họ hầu như không bị ảnh hưởng bởi những sự kiện chính trị. Sự sử dụng chung ngôn ngữ La tinh vẫn còn kết chặt cộng đồng. Hôm nay nhìn vào tình hình này chúng ta thấy thiên đường năm xưa đã mất. Những sự cuồng nhiệt quốc gia đã phá hủy cộng đồng các học giả, và tiếng La tinh, ngôn ngữ trước đây đã đoàn kết tất cả lại, đã chết. Các nhà khoa học, những người đã trở thành những đại biểu của những truyền thống quốc gia quá khích, đã đánh mất tinh thần của cộng đồng.” Đó là hoàn cảnh mà Pasteur và Koch đã sống.
Quyển sách không phải chỉ trình bày cuộc đấu tranh giữa Pasteur và Koch, mà còn lật lại hồ sơ của cuộc cách mạng y học vào nửa sau thế kỷ 19 giúp đẩy lùi bệnh tật và thiết lập nên nền y học hiện đại như hôm nay chúng ta có, để hiểu tại sao chúng ta hôm nay sống an toàn trước bao căn bệnh hiểm nghèo của hơn 150 năm trước, để cảm ơn những người đã góp sức đưa cuộc cách mạng đến thắng lợi.
Cuộc cách mạng y khoa thế kỷ 19 là cuộc cách mạng các nguyên lý, thiết lập những cái mới, xóa bỏ các cái cũ mơ hồ, suy đoán, chấm dứt ảnh hưởng của y khoa thời cổ đại. Quyển sách này có thể được xem là một phần của giáo dục nhân văn bổ túc, để hiểu về cuộc khai phá của các thế hệ đi trước. Khoa học, ở các nguyên lý của nó, có thể được ví như ánh sáng dẫn đường. Tocqueville trong Nền dân trị Mỹ đã ưu tư về loại ánh sáng dẫn đường không thể thiếu này cho các hoạt động khoa học sáng tạo. Ông viết ra những điều đáng được suy nghĩ:
“Do sự bám chặt vào các ứng dụng thuần túy, các nguyên lý sẽ bị biến mất khỏi tầm nhìn, và khi các nguyên lý hoàn toàn bị quên lãng, các
https://thuviensach.vn
phương pháp không còn được phát minh ra, con người sẽ, không có thông minh, không có nghệ thuật, tiếp tục ứng dụng các quá trình đã học nhưng không còn hiểu nữa.”
Quyển sách có tính nhân văn, muốn đánh thức tất cả những ai hôm nay ý thức vì sao mình có cuộc sống không phải lo âu vì những căn bệnh hiểm nghèo của quá khứ, hay những người đang hành nghề y, về một thời kỳ đặc biệt trong cuộc chinh phục của con người trên đường mưu cầu hạnh phúc. Đặc biệt quyển sách dành cho các sinh viên y khoa trẻ, những người tiếp nối cuộc đấu tranh để bảo vệ sức khỏe và tính mệnh của cộng đồng và nhân loại.
Những điều mà nhà vi sinh vật học Claude E. Dolman nói về Koch cũng đúng cho cả Pasteur, và cả hai: “Sự yếu đuối của con người (có tinh thần nghiên cứu hoàn vũ của) Faust và những sự rắc rối của họ không làm giảm đi ý nghĩa của những phúc lợi lâu dài mà những khát vọng của họ đã tặng cho nhân loại.”
Nguyễn Xuân Xanh
Tháng 5, 2017
https://thuviensach.vn
LỜI TỰA
- Pasteur và Koch? Pasteur thì tôi biết, nhưng Koch là ai nhỉ? Và phải đọc tên ông ấy ra sao? “Coq?” “Koch?”
-Koch là người Đức. Chữ “Ch” của tên ông đọc theo tiếng Đức, với chữ “R” từ đáy cổ.
- Ông ấy là ai vậy?
- Thế con trực khuẩn Koch, ông (bà) có biết không?
- À phải rồi, nó là trực khuẩn của bệnh lao! Vậy ông ấy đã khám phá ra con vi trùng này, nhưng ông ấy làm sao sánh được với vĩ nhân Pasteur của chúng ta?
- Vĩ nhân Pasteur của chúng ta! Theo ông (bà) thì ông ấy đã làm những gì?
- À… vắc xin chống bệnh dại và… (im lặng)
Đây là mẩu đối thoại có thể diễn ra khi số đông người Pháp nhìn thấy hình bìa của cuốn sách này. Nói về Pasteur thì điều này có thể là quá cường điệu. Sau khi suy nghĩ vài phút, người đối thoại chắc cũng nhớ là Pasteur đã khám phá ra vai trò của các vi sinh vật trong những sự lên men, rằng ông đã bác bỏ lý thuyết tự sinh, ông đã cứu nghề nuôi tằm ở Pháp trước khi đề nghị dùng vắc xin chống bệnh than, một bệnh đã diệt những đàn bò và đàn cừu. Về Koch, liệu có mấy người Pháp biết ông đã làm được gì ngoài khám phá con trực khuẩn mang tên ông?
Còn phía bên kia sông Rhin*, phản ứng của người ta ra sao? Tên tuổi Pasteur dĩ nhiên người ta biết, nhưng giới hạn vào công trình của ông về
https://thuviensach.vn
vắc xin, còn ngài Koch là anh hùng dân tộc đã khám phá ra các vi khuẩn chịu trách nhiệm về bệnh lao và bệnh dịch tả, được coi là người sáng lập ra vi khuẩn học.
Tiếng Pháp là Rhin, tiếng Đức là Rhein, cả hai chữ này đều có nguồn gốc từ chữ Rẽnos của tiếng Gaul, một thứ tiếng Celtic cổ. Con sông này có đoạn dài hơn 200km chảy giữa biên giới hai nước Pháp-Đức. Cước chú của biên tập viên. Sau đây, các cước chú trong nguyên bản tiếng Pháp sẽ giữ nguyên, các cước chú của biên tập viên, được tìm từ nhiều nguồn, sẽ được ghi tắt BT. Một số nơi, để làm rõ ý chúng tôi có thêm từ ngữ vào bản dịch, được đặt trong dấu { }. (BT)
Cuốn sách này, trước hết, có tham vọng cho thấy nhận thức của người Pháp về sự nghiệp của Koch hạn chế đến đâu và cũng như nhận thức của người Đức về sự nghiệp của Pasteur.
Bên hai bờ sông Rhin, cũng như trên thế giới, nhiều người còn nhớ là hai nhà bác học đó đã từng là kỳ phùng địch thủ. Sự tranh đua đó đã lan tới những người cộng tác của họ, và chúng tôi sẽ nhắc đến nó. Một cuộc tranh đua dữ dội được thấy qua những trao đổi thư từ và đấu khẩu bạo lực hiếm thấy. Để hiểu điều này, ta phải phân tích bối cảnh quan hệ Pháp-Phổ vào thời đó, tiếp đó là Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870. Cuộc chiến đó đã biến Pasteur, một người thân nước Phổ thời trẻ, thành một nhà khoa học căm hận nước Đức tận tâm can. Còn Robert Koch, người bác sĩ nhỏ bé ở nông thôn, đã vươn lên đến đỉnh cao của danh vọng, chúng ta sẽ thấy ông chịu đựng khó khăn rất lớn {từ} sự cạnh tranh của Pasteur vĩ đại, người đã phủ bóng lên ông.
Người ta có thể suy luận là sự cạnh tranh đó vô bổ, vô ích. Ngược lại, nó đã tạo ra sự ganh đua mà khiến cho hai người chủ chốt này vượt lên chính mình. Công trình khoa học của hai nhà khoa học vĩ đại, và nói chung là hai trường phái Pháp và Đức, bổ túc nhau tuyệt vời. Nhờ những nhà
https://thuviensach.vn
khoa học này, hầu hết những bệnh truyền nhiễm trước đây đã từng tàn sát nhân loại {thì nay} bị khuất phục, ít nhất là trong những nước phát triển.
https://thuviensach.vn
Chương 1
Nước Đức chinh phục Pasteur
1852: Với bộ rơ-đanh-gốt* hoàn hảo, đôi kính gọng nhỏ bằng thép, bộ râu cắt gọn đủ để cho thấy vẻ trang nghiêm và đứng đắn từ vị giáo sư trợ giảng trẻ của môn hóa học, Louis Pasteur, tuổi 30, lên toa xe lửa đi ngang dọc nước Đức. Ông chỉ có một mục tiêu trong đầu: “Đến tận nguồn của axit raxêmic”. Để tìm ra nó, ông sẽ đi, “ông hứa”, đến cùng trời cuối đất. Ông có trong túi các thư giới thiệu của Eilhard Mitscherlich, nhà hóa học danh tiếng người Đức và của thầy ông, Jean-Baptiste Dumas, nhà hóa học người Pháp nổi danh không kém, đó là bửu bối đưa ông đến gặp những chủ xưởng của axít huyền bí này. Ngày 9 tháng 9, ông để lại ở Paris bà vợ Marie ông cưới ba năm trước, con gái nhỏ Jeanne 2 tuổi và Batitisse, Jean Baptiste, bé trai 10 tháng tuổi.
Áo khoác ngoài với phần trên bó sát, đuôi áo phía sau dài, vạt đằng trước ngắn ngang bụng (nên còn gọi là áo cắt vạt), thường có màu đen và đi cùng mũ chóp cao. Áo này là tiền thân của áo đuôi tôm. (BT)
Axit raxêmic là gì để Pasteur quyết tâm đi tìm vậy? Trong những năm học ở Trường Sư phạm cao cấp phố Ulm ở Paris, người thanh niên vùng Jura đã say mê tinh thể học. Đến mức anh chọn làm đề tài luận án hóa học và vật lý. Một trong những hợp chất đặc biệt của luận văn này là axit tatric lắng trong cáu rượu ở đáy các thùng ủ nơi diễn ra sự lên men trong suốt quá trình biến nước nho thành rượu vang. Axit tatric này có nhiều ứng dụng kỹ nghệ, đặc biệt là cầm các chất màu trên vải. Thời gian này, ngẫu nhiên năm 1844 ông Eilhard Mitscherlich người Đức khám phá ra rằng axit
https://thuviensach.vn
tatric do xưởng của nhà công nghiệp miền Alsace là Charles Kestner có những tính chất quang học đặc biệt khác với axit tatric thường*. Chất axit tatric đặc thù này được gọi là axit raxêmic. Năm 1848, Pasteur đã cho thấy là axit raxêmic trong thực tế là hỗn hợp của hai tatrat, các phân tử của chúng, theo ông, khác nhau bởi vị trí các nguyên tử của chúng trong không gian, phân tử này là hình ảnh phản chiếu của phân tử kia trong gương. Công trình nghiên cứu này ngay lập tức gây tiếng tăm cho Pasteur trong giới tinh tuyển của những nhà hóa học. Từ đó ông không ngừng nghiên cứu về axit raxêmic tiếng tăm… nhưng ông thiếu vật liệu vì nhà công nghiệp Charles Kestner, người không biết tại sao hợp chất đó lại hiện ra ở xưởng ông, cũng hết sạch rồi. Vì vậy Pasteur có ý định tìm axit raxêmic này ở những nhà công nghiệp khác, và hy vọng luôn thể khám phá ra bí mật sự cấu tạo của nó.
Trong cuốn Pasteur et ses lieutenants. Roux, Yersin et les autres của Annick Perrot và Maxime Schwartz có giải thích cặn kẽ những công trình nghiên cứu đầu tiên của Pasteur.
Mitscherlich được bổ nhiệm làm thành viên ngoại quốc của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp vào tháng 8 năm 1852, ông đến Paris cùng Gustav Rose, một nhà tinh thể học khác. Hai ông tỏ bầy cho Jean-Baptiste Biot* biết là họ muốn gặp nhà hóa học trẻ và xem những hóa chất của anh ta. Pasteur đáp ứng ngay và cho họ xem “những tinh thể trong hai tiếng rưỡi đồng hồ ở Collège de France”. “Họ rất hân hoan và không ngớt khen ngợi những công trình của tôi”, Pasteur thuật vậy. Rồi ông được mời đến bữa tiệc chiều ở nhà nam tước Louis Jacques Thénard, người đã tụ họp các nhà hóa học tinh anh, có Dumas*, Chevreul, Régnault, Pelouze,…
Jean-Baptiste Biot (1774-1842), nhà vật lý, toán học, nhà thiên văn, đã tìm ra nguồn gốc từ trên bầu trời của các thiên thạch, đã cùng Gay-Lussac tiến hành chuyến bay lên cao có tính khoa học đầu tiên trong khí cầu khí nóng để nghiên cứu về từ trường của trái đất. Năm 1820, ông cùng ông Félix
https://thuviensach.vn
Savart nghiên cứu về trường điện từ, những biến đổi của từ trường do một dòng điện gây ra tùy theo khoảng cách và phát biểu một định luật mang tên họ. Phần lớn nghiên cứu của ông là dành cho quang học. Những nghiên cứu của Pasteur gần đây về tinh thể học gây ấn tượng cho ông, ông vồn vã ủng hộ người học trò đầy hứa hẹn này và sẽ là cha đỡ đầu của cậu con trai Jean-Baptiste của Pasteur, được đặt tên này để vinh danh ông.
Jean-Baptiste Dumas (1800-1884), nhà hóa học trứ danh, người đã có đóng góp lớn về hóa học đại cương, hóa học hữu cơ. Ông là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học vào năm 1832, năm 1868 ông trở thành Thư ký trọn đời của viện đó, năm 1843 ông là thành viên của Viện Hàn lâm Y khoa, và năm 1875 ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp quốc, ông là giáo sư của Collège de France, tại Sorbonne, vị giáo sư xuất sắc, được sinh viên rất chú ý nghe giảng, họ chen chúc đến nghe ông thuyết trình, ông là một nhà chính trị, là dân biểu quốc hội, rồi thượng nghị sĩ trong ba mươi năm, và là Bộ trưởng Bộ Canh nông và Thương mại năm 1850-1851. Ông ủng hộ Pasteur trong nhiều dịp.
Khám phá của Pasteur về axit raxêmic gây ấn tượng mạnh mẽ cho Mitscherlich, ông ngợi khen Pasteur nồng nhiệt: “Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng về những tinh thể này vậy nên chúng tôi tin chắc là nếu ông không xem xét sự kiện đặc biệt đó bằng cách quan sát lại chúng, những khám phá của chúng tôi sẽ không ai biết trong một thời gian rất dài.” Và ông giới thiệu cho Pasteur biết về một chủ xưởng và người bạn, ông Fikentscher, ở Zwickau gần Leipzig, người có thể có hóa chất thần kỳ đó. Pasteur thấy kích thích mạnh, ông phải, đình ngay mọi việc, đi tìm axit này bất kỳ nơi đâu có nó. Sức mạnh lời thuyết phục hào hứng của ông đã lôi kéo được sự tán thành của những nhân vật xuất chúng của Viện Hàn lâm Khoa học là Jean-Baptiste Biot và Jean-Baptiste Dumas.
Ngay khi chuyến đi Đức được quyết định, Jean-Baptiste Dumas, người giám sát hoạt động xâm nhập này và ủng hộ tài chính cho Pasteur, đã trao cho Pasteur một nhiệm vụ khác nữa: “Ông ấy phải đi thăm tất cả các phòng thí nghiệm của người Đức và tất cả các cơ quan khoa học ở một phần nước Đức để so sánh với những gì có ở Pháp và, nếu cần, thu thập những gì có giá trị ở Đức.” Một hoạt động gián điệp công nghệ, có thể nói vậy!
https://thuviensach.vn
Nhưng cái axit được thèm muốn ấy lại bất trị hơn người ta tưởng lúc đầu, lùi xa khi nhà thám tử tiến tới.
Trong cuộc đi tìm ráo riết Chén Thánh, khi nào rảnh rỗi Pasteur lại chú ý đến quang cảnh chung quanh, ông ghi lại ấn tượng chuyến du lịch cho bà “Marie thân yêu” bằng vài lời bình luận ngắn gọn, chìm trong cả tràng những giải thích về những cáu rượu và những axit paratatric*. Chuyến đi dường như dài dằng dặc với ông, nhất là “mỗi lần ngưng ở ga xép tốn nhiều thời giờ”. Sự bất tiện được bù lại bằng “đường xe lửa Đức tuyệt vời”, ông ngồi thoải mái trong toa hạng hai {nhưng} “khá hơn hạng nhất ở Pháp” với giá rẻ hời và ít bị rung lắc. Sau Bruxelles, thành phố ông dừng lại bốn giờ để thăm thú, ông ngưỡng mộ Köln, nơi sông Rhin phô diễn vẻ đẹp của mình, rồi Hannover “thấm đẫm bầu không khí giàu sang và quý phái”, qua Magdeburg “chiến lũy quá đỗi lạ lùng”, đến Leipzig, nơi đánh thức lòng sùng bái Bonaparte nhiệt thành của cha ông*, “trận đánh nổi tiếng của Đế chế*”.
Tên gọi cũ của axit raxêmic dl-tatric. Việc Pasteur phân giải axit này thành các đối hình d- và 1- là một thí nghiệm cực kỳ quan trọng trong ngành hóa học tinh thể. Axit này chỉ được tìm thấy trong sản xuất công nghiệp của con người. (BT)
Thời trẻ, Pasteur được cha mình dạy dỗ trong tinh thần sùng bái Bonaparte, cha của ông vốn là cựu cận vệ của hoàng đế. {Cước chú thêm của biên tập: Sùng bái Bonaparte tiếng Pháp là bonapartiste chỉ người vừa ủng hộ Napoléon I và gia đình ông vừa ủng hộ thể chế của ông.}
Trận Leipzig, diễn ra từ ngày 16-19 tháng 10 năm 1813, giữa liên quân Nga, Phổ, Áo và Thụy Điển đánh bại quân Pháp, Ba Lan, Ý và quân Đức của Hợp bang Rhin (États confédérés du Rhin, 1806- 1813) do Napoléon I chỉ huy. Số lượng quân lên đến 600.000, trận đánh lớn nhất ở châu Âu cho đến trước Thế chiến I. Trận này quân Pháp thất bại, kéo theo việc Napoléon I bị buộc thoái vị. (BT)
Đến Zwickau, thành phố của công quốc Sachsen*, gần Leipzig, bên sông Mulde, ông đến thẳng mục tiêu đầu, đến nhà người chủ xưởng, ông
https://thuviensach.vn
Fikentscher. Pasteur hài lòng vì được tiếp đãi lịch sự. Nhất là ông này có học vấn cao, sáng suốt, không giữ lại một chi tiết nào, một bí mật sản xuất nào, trong khi Pasteur quen thuộc hơn với việc giữ lại phần nào của các nhà công nghiệp. Các vùng chung quanh Zwickau, nơi người bạn mới đưa ông đi dạo buổi chiều, gây ấn tượng cho ông hơn nữa. Ông thán phục sự giàu có của nền công nghiệp vùng này điều mà ông không ngờ tới và, trên thực tế, sự sung túc nếu không nói là giàu có của người dân: “Lần đầu tiên tôi thấy những mỏ than mênh mông và trong một mỏ có máy hơi nước khổng lồ nhất thế giới đi tìm {hút} nước từ mỏ ở 300m bên dưới mặt đất, nơi có 200 công nhân đang làm việc. Vùng này có hơn 60 mỏ than như vậy. Vì thế mà ngôi làng gần thành phố này là nơi giàu nhất nước Đức. Người dân quê nghèo nhất có 400.000 phờ-răng. Nhiều người là triệu phú. Ông Fikentscher dường như rất sung túc. Xưởng của ông thịnh vượng. Nó gồm những khu nhà mà {nhìn} từ xa và lên trên nơi chúng đang tọa lạc thì giống như tạo thành một ngôi làng nhỏ. Diện tích khoảng 20 hecta, đất được trồng trọt tốt. Đó là kết quả của vài năm lao động.*”
Chính là Sachsen-Coburg và Gotha (tiếng Đức: Sachsen-Coburg und Gotha) hay Sachsen-Coburg Gotha, là một công quốc Ernestine được cai trị bởi một chi của Gia tộc Wettin, bao gồm các lãnh thổ trong các bang Bavaria và Thuringia hiện nay của Đức. Công quốc này tồn tại từ 1826 đến 1918. Cả Zwickau và Leipzig đều thuộc Sachsen. Một số tên địa danh và tên người Đức trong bản gốc được viết bằng tiếng Pháp, chúng tôi đã chuyển lại bằng tiếng Đức. (BT)
Thư gửi bà Pasteur ngày 12 tháng 9 năm 1852.
Trên đường trở về Leipzig, những dịp viếng thăm các phòng thí nghiệm là cơ hội để ông gặp gỡ những giáo sư, nhà hóa học, nhà vật lý lỗi lạc, “có lòng tuyệt vời”, trao đổi với họ những ý kiến, kết quả, những tỏ bày và chỉ dẫn về tinh thể học, như các giáo sư Erdmann, Henkel, Neumann. Tất cả
https://thuviensach.vn
những người này đều rất cởi mở để cộng tác với Pasteur, không suy đi tính lại.
Nhưng axit raxêmic vẫn chưa thấy đâu…
Dường như các cáu rượu đợi ông ở Vienne, rồi ở Triest và ở Venise. Đã đến lúc đi tiếp cuộc hành trình. Ông nghỉ ở Dresden, xin thị thực, ghé qua bảo tàng, đánh một, hai hoặc ba dấu chéo {chấm điểm} cho bức tranh ông ưa thích, trước khi nhảy lên chuyến xe lửa kế tiếp. Đó là dịp con mắt sành sỏi của người nghệ sĩ cho phép ông {trở lại} thời trẻ, ở Arbois*, khi thiên hướng nghệ thuật chớm nở giữa trường trung học và xưởng thuộc da của gia đình. Ông còn nhớ chăng đến tuổi trẻ của ông và khoảng bốn mươi bức chân dung những người đồng hương vẽ bằng phấn màu, đã gây đôi chút tiếng tăm cho ông trong vùng Jura bản quán của ông? Ngày hôm sau, tại Freiberg, nhà khoáng chất học Breithaupt tiếp đãi ông “không như chúng ta làm ở Pháp”. Trong suốt nhiều tiếng đồng hồ, bằng sự hướng dẫn kiên nhẫn của ông này, Pasteur khám phá những mẫu khoáng chất và tinh thể đẹp nhất trong bộ sưu tập tuyệt diệu của thành phố. Khi đó, được thúc đẩy bởi nhiệt tình muốn xem hết, muốn khám phá hết, Pasteur nói chuyện với những giáo sư quảng bác khác, rồi đi thăm một mỏ, nơi đây ông thừa nhận đã học được “nhiều điều mà đáng lẽ ông phải biết từ lâu với tư cách một giáo sư hóa học.” Ông vui mừng với “sự chấp nhận trong tương lai có thể có được kiến thức từ những giáo sư quảng bác này của nước Đức.” Giao thiệp tốt đẹp với những vị này làm ông bay bổng trên mây. Ông tâm sự với bà Marie: “Tuy xa thể xác, nhưng gần tinh thần”, ông hăng say viết tiếp: “Cho em và cho khoa học trọn đời.”
Nơi Pasteur ở cùng gia đình, gia đình ông chuyển đến từ năm 1827 đến 1838, khi ông rời đây lên Paris học. Arbois cách Paris hơn 400km về phía đông nam, thuộc tỉnh Jura, vùng Bourgogne-
https://thuviensach.vn
Franche-Comté. Vùng này khá gần biên giới Thụy Sĩ và Ý. (BT)
Nhưng axit raxêmic vẫn chưa thấy đâu!
Ông đã sục tìm các nhà máy, các phòng thí nghiệm, các xưởng, các mỏ, các bộ sưu tập,… mà không tìm thấy, những chắc chắn là ông không bỏ cuộc, ông điềm nhiên tiếp tục con đường dài. Sau chuyến đi dài hai mươi bốn giờ, ông tới thành phố Vienne. Đón tiếp vẫn hoàn hảo “chiếu cố không có lời nào diễn tả được” ở nơi gặp gỡ. Đặc biệt là ông Redtenbacher đón tiếp ông như vậy, đưa ông đến xưởng, ngôi chánh điện nơi mà cuối cùng ông sẽ thấy axit raxêmic đáng thèm muốn… nhưng với số lượng rất ít ỏi và được các chủ xưởng coi là sunfat kali*! Pasteur nhận ra là “các chủ xưởng không hiểu những gì ông nói với họ.” Sau những cuộc viếng thăm đó, Pasteur đi đến kết luận là tất cả các cáu rượu đều chứa axit raxêmic, với lượng ít hay nhiều tùy nguồn gốc của nó (cáu rượu ở Áo và Hungarie chứa ít hơn ở Naples), và chất này bị loại bỏ trong các kỹ thuật lọc axit tatric. Vậy không cần đi tìm nó “tận cùng trời cuối đất.” Ông sẽ không đi Venise và Marie sẽ không có đăng-ten và san hô như đã hứa ở nơi nếp gấp một bức thư của bà.
K2SO4 (BT)
Trong khi chờ đợi thư phúc đáp, ông thăm viếng thành phố Vienne, say mê và sửng sốt trước “những khách sạn tráng lệ đầy rẫy những tác phẩm điêu khắc”, rung động trước “tuyệt phẩm đáng ngưỡng mộ nhất và đẹp nhất của Canova, lăng của bà quận công nước Áo Marie- Christine.” Ông tâm sự với bà Marie về giao thiệp với người dân bản xứ*: “Marie thân yêu, anh nghĩ là trong nước Pháp chúng ta đầy thành kiến với người ngoại quốc, về các tập quán, nền văn minh, thị hiếu, thành phố của họ […]. Những người lính Áo này, những người mà chúng ta thường chế giễu,
https://thuviensach.vn
mang những trang phục chỉnh tề và những sĩ quan của họ là những người đàn ông điển trai và lịch lãm nhất đời. Quân phục của họ đôi khi hấp dẫn, nhất là quân phục của những sĩ quan cao cấp. Và những người Áo thiếu văn minh* cho đến nỗi mỗi khi anh hỏi đường đi từ một người ăn mặc lịch thiệp, là được họ trả lời nhã nhặn bằng tiếng Pháp khá sõi.”
Thư gửi ngày 27 tháng 9 năm 1852
Vâng, độc giả đọc đúng vậy đó. Pasteur, lần này là ngoại lệ, tỏ ra hài hước khi nhắc lại thái độ của người Pháp đối với người Áo.
Trước khi trở về, điểm dừng chân cuối cùng ở Praha là cần thiết, ông Redtenbacher đã nói với ông về một xưởng sản xuất nhiều axit tatric và giới thiệu ông tiến sĩ Rassmann, nhà hóa học của nhà máy ở Praha đã nói ngay là ông ấy “từ lâu đã sản xuất axit raxêmic… từ axit tatric.” Pasteur sững sờ, ngợi khen ông ta, nhưng không khỏi nghi ngờ. Rồi thực tế ông cũng nhanh chóng nhận ra là Rassmann nhầm: “Ông ấy không bao giờ tạo ra được axit raxêmic từ axit tatric nguyên chất.” Một năm sau Pasteur biến đổi axit tatric thành axit raxêmic với một kỹ thuật độc đáo!
Trên đường về, Pasteur ngừng ở Darmstadt, nơi ông gặp ông Merck, giám đốc một xưởng hóa học mang tên ông, và ông Justus Liebig, người sẽ có xích mích với ông vài năm sau đó với công trình của ông về những sự lên men.
Cuộc tiếp xúc lần đầu với các nước Giéc-ma-ni {Đức} trong một tháng rất là tích cực. Pasteur ngạc nhiên thú vị về sự tiếp đón ân cần dành cho ông. Ngoài ra, ông cũng tự mãn là bên kia sông Rhin người ta cũng biết đến các công trình nghiên cứu của ông. Ông nói với thân sinh ông, người đã khiển trách chuyến đi này*: “Con rất ngạc nhiên là những nghiên cứu của con được người ta biết đến ở Đức. Nhờ nó mà con được tiếp đón ân
https://thuviensach.vn
cần và long trọng và con giành được những giao thiệp rất thích thú và cần thiết trong tương lai.” Và ông viết thêm: “Con muốn biết tiếng Đức hơn bao giờ hết.”
Thư gửi tháng 10 năm 1852.
Rất tiếc Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870 sẽ thay đổi hoàn toàn quan điểm của ông về nước Đức.
https://thuviensach.vn
Chương 2
Robert Koch, bác sĩ nông thôn
Khi đi từ phía tây ra phía đông “những nước Đức”, từ Westfalen đến Sachsen, Pasteur khám phá ra một lãnh thổ chưa là một Nhà nước. Từ những năm 1850, xứ này đã bắt đầu thay đổi dữ dội. Đó là sự bắt đầu đổi thay của nền kinh tế, của công nghiệp hóa tột bậc, mà những dấu hiệu sờ sờ của nó đập vào mắt du khách. Đặc biệt là các mỏ, những minh chứng cho một sự công nghiệp hóa đang tăng tốc với nhịp độ kỷ lục việc sản xuất than đá, máy móc, vải bông và, hòn đá tảng của thay đổi này, sự phát triển ngoạn mục của đường xe lửa.
Trên con đường xe lửa này, con đường dẫn ông từ Hannover đến Magdeburg, Pasteur chẳng thể đoán ra, vào khoảng sáu mươi cây số về phía nam, có dãy núi Harz, dấu mốc của những phù thủy và yêu ma, nhưng cũng là nơi giàu các mỏ bạc, chì và sắt. Ông không thể ngờ là lúc đó, một cậu bé 13 tuổi, tên là Robert, đang dõi cặp mắt cận thị của cậu lên những ngọn núi đó, nơi cậu sinh ra, và cảnh cậu thuộc lòng. Cha cậu, kỹ sư Hermann Koch, đang giám sát hoạt động khai mỏ ở vùng này. Ông ở Clausthal, thủ phủ của Oberharz.
Ngày 10 tháng 9 năm 1852, {họ} chỉ cách nhau vài dặm {khi} Louis, nhà bác học trẻ, sốt ruột đi gấp tìm Chén Thánh không chắc có thực, trong khi Robert, cậu học trò chăm chỉ, đi ngang dọc đồng quê, tìm hiểu cây cỏ. Con đường của họ sẽ gặp nhau vào một ngày nào đó, sau này. Trong thời gian đó, Pasteur chú ý đến những sự lên men và chứng minh rằng chúng có
https://thuviensach.vn
được là nhờ các vi thể hữu cơ. Ông sẽ xóa bỏ học thuyết tự sinh, xác định những nguyên nhân các bệnh của rượu vang, tiến vào nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm trong trường hợp rất đặc thù của loài tằm tơ. Về phần Robert Koch, ông trở thành bác sĩ và sự tò mò sẽ dẫn ông tới nghiên cứu hết sức mới mẻ về vi khuẩn học.
Hành trình nào đã đưa chàng trai Robert từ những ngọn núi Oberharz đến nghiên cứu các bệnh, các vi thể hữu cơ, dùng tên ông đặt cho một mầm gây bệnh hiểm nghèo.
Vùng đất mỏ khiến cho Pasteur mơ ước là chuyện thường nhật của Koch. Hermann Koch, một chuyên gia có tiếng, là người quản lý những mỏ ở Clausthal. Bà Mathilde, vợ ông là con gái của một thanh tra viên các mỏ sắt. Ngôi nhà rộng rãi với mặt trước màu hồng vì gia đình này đông con, có tới mười ba người (hai người sẽ chết yểu), hai bà cô độc thân và đám gia nhân. Gần hai mươi người sống ở đó trong nhiều năm. Mặc dù ông Hermann là người có địa vị, cuộc sống gia đình đơn sơ, đồ ăn thức uống đạm bạc. Họ sống {khác} xa lớp tư sản công nghiệp giàu có mà Pasteur đã gặp. Trong cái ổ đầy trẻ con này, bà Mathilde giữ quyền quản lý; với những người còn lại {bà} ít quản thúc, tự do tự trị.
Robert, sinh ngày 11 tháng 12 năm 1843, là người con thứ ba, học hành chăm chỉ, giỏi về toán học cũng như các môn khoa học, có lẽ hứa hẹn về tương lai của một “bác học”. Cậu giỏi tiếng Anh, vốn sẽ rất có ích cho nghề nghiệp mai sau, nhưng lại xoàng tiếng Pháp, điều không phải không có những hệ quả cho sự tiếp cận với nền khoa học Pháp. Thêm vào đó, có gu về âm nhạc, cậu chơi dương cầm và đôi khi hát trong đội hợp xướng của trường, và niềm đam mê cờ vua suốt đời không rời khỏi cậu. Người bác Eduard Biewend*, anh của bà Mathilde, quan tâm bổ túc cho giáo dục
https://thuviensach.vn
cổ điển, dẫn cậu đi theo trong những chuyến đi chơi dài dặc vào vùng rừng núi, rèn luyện óc quan sát của cậu. Họ học hỏi, họ thu hoạch, họ sưu tập đủ mọi thứ, các côn trùng, cây cỏ, hoa lá, đá sỏi… Eduard khai tâm cậu những khởi đầu hào hùng của thuật nhiếp ảnh, giải thích cách sử dụng những bản phim, cách pha chế những dung dịch, Robert sẽ nhớ tới kinh nghiệm này.
Hermann Carl Eduard Biewend (1814-1888) là một nhân vật quan trọng trong những năm đầu của nghề nhiếp ảnh ở Đức. Được đào tạo làm nhà hóa học, ông là giám sát viên của Phòng Đúc tiền của Nhà băng Hamburg từ năm 1843 đến 1876, khi nhà băng bị giải thể và ông nghỉ hưu. Giống như nhiều cá nhân có học thức và sung túc của thời đại này, Biewend cũng là một người chụp ảnh theo phương pháp Daguerre nghiệp dư. Các phương pháp chụp ảnh Daguerre nổi tiếng của ông được biết đến lần đầu ít nhất là từ 1846, chỉ 7 năm sau đó được phổ biến ra công chúng. (BT)
Rồi đến lúc trái tim rung cảm và lúc chọn nghề. Những rung động tình yêu lãng mạn ngọt ngào thuở niên thiếu {khiến} anh thổ lộ với một cô em họ cùng tuổi. Nhưng cô Agathe (Gödicke) khôn ngoan thấy tuổi 15 của họ thiếu chín chắn để giao ước với nhau. Bốn năm trôi qua, gia đình đông đúc này dạm hỏi các nơi, Robert mê một cô em họ khác tên là Emmy Fraatz. Cô ấy sẽ là vợ của Robert. Agathe, nhờ một trí nhớ như in, sẽ gửi hoa cho đến sinh nhật 66 tuổi của chàng!
Vào tuổi 19, dự tính tương lai ra sao? Robert mơ mộng làm thủy thủ, du lịch, đi khắp thế giới, nhưng đôi mắt cận thị của cậu làm giấc mơ tan biến, đeo kính là điều bất lợi cho cuộc sống trên tàu biển. Di cư sang châu Mỹ như ba người anh chàng chăng? Mẹ chàng lo lắng can ngăn chàng, trong khi người cha lại khuyến khích. Con tim có những lý lẽ của riêng nó. Chàng ở lại với Emmy, không xa mấy ngọn núi của chàng và đến đại học Göttingen gần bên để theo đuổi ghế giáo sư khoa học.
Sau một chút do dự, chàng quyết định chọn ngành y, nhận bằng tốt nghiệp năm 1866. Đại học Göttingen, rất nổi tiếng, có nhiều giáo sư lừng
https://thuviensach.vn
danh thời đó. Trong bài diễn văn nhân dịp được kết nạp vào Viện Hàn lâm Khoa học Berlin năm 1909, Robert phân tích những nguyên nhân thiên hướng của ông: “Nếu tôi xem xét sự nghiệp khoa học của tôi, đặc biệt là việc hướng về vi khuẩn học, tôi có quyền nói rằng tôi không tìm ra ở đại học một khuyến khích trực tiếp nào cho con đường đó, lý do đúng ra là ngành vi khuẩn học còn chưa có*. Nhưng tôi muốn tỏ lòng tri ân với các thầy tôi hồi đó, nhà giải phẫu học Henle, nhà lâm sàng học Hasse và trên hết là nhà sinh lý học Meissner, những người đã đánh thức trong tôi ham mê nghiên cứu khoa học.” Trong những người thầy vừa kể, đặc biệt có Jacob Henle. Trong cuốn sách in năm 1840, ông là một trong những người đầu tiên gợi ý là các bệnh dịch có thể do những thể hữu cơ tế vi {soi bằng kính hiển vi} chẳng hạn như các vi khuẩn gây ra. Giả thuyết mà những khả năng phóng to yếu kém của các kính hiển vi không ủng hộ (điều ông hối tiếc), ông đưa ra những Định đề hầu như giống hệt như những định đề mà Koch sẽ đưa ra vào gần bốn mươi năm sau, kèm theo bằng cứ để chứng minh, và chúng ta sẽ quay trở lại chuyện này. Tuy nhiên, vì thiếu phương tiện, Henle không có khả năng đưa ra luận chứng thực nghiệm để chống đỡ cho lý thuyết vi sinh vật của mình, lý thuyết mà ông dần dần không quan tâm nữa. Dù thế ông trở thành nhà giải phẫu bệnh học hàng đầu.
Thế nhưng Pasteur đã công bố nghiên cứu về sự lên men sữa vào năm 1858.
Nếu, trong thời gian vẫn đang học hành ở Göttingen, Robert Koch thỉnh thoảng trở về Clausthal thì có thể ông đã gặp… Alfred Nobel. Nhà hóa học Thụy Điển đã lưu lại ở đó từ năm 1864 đến 1865 sau khi ông được báo cho biết là ở các mỏ vùng Oberharz người ta đã tìm thấy phương pháp để ổn định chất nitrôglixêrin và làm chất này đỡ nguy hiểm hơn. Quả nhiên một kỹ sư làm trong các mỏ này có ý tưởng trộn nitrôglixêrin, rất không ổn
https://thuviensach.vn
định với cát thô (pochsand), thu được từ chiết xuất quặng, làm chất này dễ xử lý hơn. Hermann Koch nhận lời tiếp đón Alfred Nobel để ông ấy có thể quan sát các thử nghiệm mà Hugo Koch, anh của Robert, có phần đóng góp. Chuyến thăm này vô cùng lợi ích cho Nobel, vì chính đi chuyến này mà sau khi về ông có sáng kiến thay pochsand bằng kieselguk (đất tảo nâu điatômaxê*) có công hiệu hơn, và ông đã sáng chế ra đinamit như vậy. Rất biết ơn ông Hermann Koch về chuyến thăm vô cùng bổ ích đó, ông biếu hai anh Robert một số vốn để giúp họ khai thác mỏ ở châu Mỹ, nơi họ di cư đến. Nếu Robert Koch đã thực sự gặp Alfred Nobel trong dịp đó, thì không nghi ngờ gì ông chắc chắn là người duy nhất đoạt giải Nobel đã gặp người sáng tạo ra giải mang tên mình.
Còn gọi là điatomit hay D.E, là một loại đá trầm tích xilicat xuất hiện tự nhiên, mềm, dễ dàng bị nghiền thành bột màu trắng. Thành phần hóa học đặc trưng của nó gồm 80-90% điôxít xilic, 2-4% nhôm và 0,5-2% ôxít sắt. (BT)
Sau khi có bằng tốt nghiệp, Koch trải qua ba tháng ở nhà thương Charité ở Berlin, ông tham dự khóa học của Rudolf Virchow*, hầu như chắc chắn là thầy thuốc có tiếng nhất ở nước Đức, một uy quyền không ai tranh cãi, người mà ông sẽ chống đối quyết liệt hai mươi năm sau. Ít có thời gian để thỏa mãn sở thích nghiên cứu, sở thích được đánh thức ở Göttingen, và hai bài báo đăng trong khóa nghiên cứu chẳng khỏa lấp nỗi niềm hy vọng của ông. Mục tiêu trước mắt là cưới Emmy, bảo đảm cho mình đôi chút sung túc, và vì thế phải nhanh chóng kiếm tiền và ổn định cuộc sống. Đúng lúc đó nhà thương ở Hamburg thông báo tuyển vị trí phụ tá. Dịch tả đang hoành hành thành phố này. Ông làm quen với bệnh này, học ghi nhận những triệu chứng lâm sàng của nó. Trong dịp này, ông thấy ở những bệnh nhân bệnh dịch tả phẩy khuẩn mà ông sẽ nhận dạng mười bảy năm sau, vẽ nó, nhưng không hiểu ý nghĩa của nó.
https://thuviensach.vn
Rudotf Virchow (1821-1902) là một trong những người sáng lập ra giải phẫu học bệnh học hiện đại. Thuyết bệnh học tế bào làm ông vang danh thế giới. Theo thuyết này, thì phải tìm trong tế bào nguyên lý của quá trình bình thường cũng như bệnh tật: chúng bắt nguồn từ các tế bào của cơ thể. Từ đó, ông phủ nhận thuyết vi sinh vật {gây} bệnh tật. Ngoài những công trình đồ sộ của ông về y khoa và về sinh học, về bệnh giun xoắn, về viêm, về ung thư…, những hoạt động khoa học khác của ông rất phong phú, chẳng hạn như về nhân học, về dân tộc học, về vệ sinh công cộng. Là một nhà chính trị, ông đã tham gia xây dựng Đảng Tiến bộ Đức năm 1861 và ông đã chống đối lại Bismarck.
Trong khi Koch ngụ cư ở Hamburg, chiến tranh giữa Áo và Phổ bùng nổ ngày 16 tháng 6 năm 1866. Ngay từ tháng tám, bằng Hiệp ước Praha, Bismarck sáp nhập toàn bộ thành phố Hannover và một số lãnh thổ khác vào nước Phổ để lập ra Hợp bang Bắc Đức. Biên giới đã thay đổi. Nghiễm nhiêm, Koch thành người Phổ.
Không may, như là người trợ giáo, theo đôi mắt ý trung nhân của ông thì chức trách của ông ở nhà thương Hamburg không đủ lợi lộc để Robert đưa ra một quyết định chấp thuận, ông nhận một chức trong trường dành cho trẻ con trì độn ở một cái làng bé nhỏ vùng Langenhagen phía bắc Hannover. Có đồng lương cố định, ông mở một phòng mạch bác sĩ ở nông thôn để mở rộng hoạt động, người bác sĩ sẽ nhanh chóng được dân làng tin cậy. Nay tiền thu nhập cho phép ông cưới Emmy. Đám cưới cử hành ngày 16 tháng 7 năm 1867 tại một nhà thờ ở Clausthal. Người tham dự rất đông phản ánh danh tiếng hai gia đình, ông Hermann Koch, ông “chủ” các mỏ trong vùng, phụ thân Emmy, người nắm các chức vụ quan trọng trong giáo hội Phúc âm của thành phố.
Đôi vợ chồng son sống ở một căn hộ lớn với bảy phòng ở Langenhagen. Robert tậu một cỗ xe mui gập, với một ngựa, rồi hai ngựa, cho phép ông mở rộng phạm vi khách hàng tại gia của ông, và cùng lúc tăng uy tín trong dân chúng.
https://thuviensach.vn
Ngoài hành nghề y, Robert tiếp tục vun bồi niềm đam mê đã được người bác Eduard khắc ghi bằng cách thu thập và phân tích những mẫu lượm được từ thiên nhiên. Tuy nhiên ông ngày càng chú ý tới các vi thể hữu cơ, thứ mà ông có thể quan sát với một kính hiển vi tương đối sơ sài. Nhà vi sinh vật học tương lai nảy mầm từ đó.
Cuộc sống vui thú điền viên này hẳn đã có thể kéo dài nếu chức vụ của Robert ở trường Langenhagen không bị bãi bỏ, vì các lý do tài chính và hành chính… và nếu Emmy không phát hiện ra nàng có mang.
Một giai đoạn rất khó khăn xảy đến với Robert, ông vừa 25 tuổi. Nhìn vào hoàn cảnh mới, ông cố gắng hết lần này đến lần khác, cũng như di chuyển nhiều lần. Vào tháng 6 năm 1868, ông mở phòng mạch ở Braetz, gần Frankfurt an der Oder*, nhưng ông không thể đương đầu với một bác sĩ đã vững chân tại đó. Ông bỏ cuộc sau ba tháng và đi đến Niemegk, gần Postdam, không xa Berlin. Trong thời gian đó, ở Clausthal, nơi cô tạm lánh về nhà bố mẹ, Emmy, trong đau đớn tột độ, đã sinh con gái Gertrud mà sau này sẽ là niềm hãnh diện của Robert suốt đời. Cô bé sẽ là Trudy nhỏ bé của bố.
Frankfurt an der Oder, là một thị trấn ở Brandenburg, bên sông Oder của Đức đối diện bên kia là thị trấn Slubice của Ba Lan, vốn cũng từng thuộc Đức. Frankfurt an der Oder được dùng để phân biệt với Frankfurt am Main thành phố lớn nhất bang Hesse miền Trung nước Đức. (BT)
Gia đình ngụ cư ở Niemegk* trong một thời gian ngắn. Dân địa phương thích lang băm hơn là bác sĩ, tình hình tài chính vẫn không sáng sủa. Những khó khăn làm nản lòng bắt đầu gây căng thẳng cho cặp vợ chồng. Vào tháng 7 năm 1869, họ rời Niemegk đến Rakwitz (ngày nay là Rakoniewice thuộc Ba Lan), một thị xã nhỏ ở tỉnh Posen hồi đó thuộc về nước Phổ (nay là Poznan thuộc Ba Lan). Chính phủ Phổ, với một chính sách khôn khéo,
https://thuviensach.vn
khuyến khích việc định cư của những bác sĩ Đức trong các lãnh thổ bị sáp nhập, một cách mềm dẻo áp đặt ảnh hưởng của Đức. Người bác sĩ trẻ thích ứng dễ dàng, học tiếng Ba Lan, giao hảo với xã hội trong vùng. Một nam tước bản xứ, một đại địa chủ, vụng về táy máy súng lục và bị thương. Việc nhanh nhẹn cẩn thận chữa cho ông ta gây danh tiếng cho Robert.
Một thị trấn cách Berlin chừng 80km về phía tây nam. (BT)
Rất hay bị hối thúc, Robert làm việc nhiều quá mức. Trong lá thư viết tháng 12 năm 1869 cho ông thân sinh, Robert kể là ngày sinh nhật của mình, ông đã tiến hành năm cuộc thăm khám khác nhau trong vùng quê ấy và ông đứng từ 4 giờ rưỡi sáng cho đến 23 giờ rưỡi đêm! Dù nhịp độ dồn dập, ông vẫn xoay xở dành chút thì giờ cho các quan sát khoa học, nuôi một đám các loài vật, chơi nhạc, đến các tiệm ăn địa phương và rất thường đến các quán bia gọi là Bierstuben*. Nổi danh vì lối sống lành mạnh, phần nào, gây thiện cảm nơi các khách hàng của ông. Cũng như ở Langenhagen mấy năm trước, hạnh phúc đã đến và tương lai sáng sủa. Nhưng định mệnh lại giáng xuống một lần nữa. Năm 1870, Chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ.
Tiếng Đức. (BT)
https://thuviensach.vn
Chương 3
Tiếng giậm của giầy ống
Những năm 1865-1870 phát sinh nhiều sự kiện cho Pasteur. Thời gian khó khăn đó đem lại thỏa mãn cho nhà khoa học, nhưng để lại những vết thương không thể nguôi ngoai cho người đàn ông trong ông. Năm 1857 ông được bổ nhiệm làm đốc học và quản lý hành chính Trường Sư phạm. Tính khí độc đoán cùng thiếu mềm dẻo của ông đưa đến xung đột công khai với các học trò, buộc ông phải từ bỏ chức vụ quản lý hành chính vào năm 1867.
Năm 1865, lời kêu gọi khẩn thiết từ Jean-Baptiste Dumas, thầy hóa học cũ của ông ở Sorbonne, người nay đã trở thành thượng nghị sĩ vùng Gard - “Sự khốn cùng vượt mọi tưởng tượng.” - lôi Pasteur ra khỏi phòng thí nghiệm. Vấn đề là nghiên cứu căn bệnh đang diệt những con tằm tơ và tàn phá nghề nuôi tằm, trong khi nước Pháp sản xuất 10% tơ tằm của thế giới. Lúc đầu Pasteur do dự - ông hoàn toàn không biết gì về loài tằm tơ - sau ông nhận lời, một phần nhỏ bởi lòng biết ơn, nhưng cũng bởi bổn phận, và chủ yếu là bởi sự thử thách. Nhà bác học có linh tính trước việc có thể có vi sinh vật liên quan đến căn bệnh này không? Pasteur lao vào nghiên cứu này, nghiên cứu mà ông theo đuổi trong suốt những lần trở đi trở lại vùng Alès*.
Alès là một thị trấn thuộc tỉnh Gard trong miền Occitanie ở phía nam nước Pháp. Trong lịch sử, thị trấn này là một trong những thị trường quan trọng nhất của tơ tằm sống và kén tằm ở miền Nam nước Pháp. (BT)
https://thuviensach.vn
Công việc này chồng chất khó khăn, khó khăn không nhỏ là con tằm tơ không phải mắc một bệnh, mà hai bệnh, bệnh tằm gai và bệnh tằm bủng. Ông phải mất năm năm làm việc bền bỉ và khó nhọc mới tìm được cách giải quyết vấn đề này. Về bệnh tằm gai, nó báo hiệu bằng những chấm đen như rắc hạt tiêu trên mình con tằm và những con bướm trưởng thành, Pasteur nhận xét là những con bướm cái truyền bệnh cho tằm con. Ông phát triển một kỹ thuật, được gọi là sản xuất kén tằm, bao gồm cách ly những con tằm cái khi sinh nở, và hủy những trứng (trúng tằm) này ngay khi kiểm tra thấy những con tằm cái ấy xuất hiện các chấm đen. Như vậy chỉ những trứng tằm khỏe mạnh mới được giữ lại để cho nở ra những con tằm không mắc bệnh. Với bệnh tằm bủng, sẽ khó khăn hơn. Trong trường hợp bệnh này, bệnh được truyền qua phân của những của những con tằm bị bệnh. Ngày nay chúng ta gọi là sự truyền phân-miệng. Pasteur đề nghị những phương pháp vệ sinh nhằm tránh sự nhiễm này. Theo ông, tác nhân của bệnh là một con trực khuẩn mà ông sẽ nhận diện và nó có một đặc tính lạ lùng: nó biến thành những quả cầu nhỏ chiết quang, đề kháng mạnh với môi trường bên ngoài, hoạt động như một hạt {trứng} của các vi khuẩn, gọi là các bào tử. Việc xác định vi khuẩn này là tác nhân của bệnh tằm bủng ngày ấy {vẫn} bị tranh luận*, nhưng nó có hai hậu quả. Một mặt, những biện pháp vệ sinh được Pasteur đề nghị sẽ có công hiệu, dù tác nhân lan truyền là khác và, mặt khác, chứng minh này về sự hình thành bào tử ở vi khuẩn sẽ là trung tâm của tranh cãi giữa Pasteur và Koch. Công việc về tằm tơ đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời nghiên cứu của ông, con sâu bé nhỏ dẫn Pasteur vào nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, lĩnh vực mà ông sẽ không bao giờ rời bỏ.
https://thuviensach.vn
Hình như có nhiều bệnh có những triệu chứng của bệnh tầm bủng, bệnh ỉa chảy của loài tằm tơ. Chúng được cho là do bởi các loài vi khuẩn khác nhau, thậm chí do virus.
Cùng thời gian đó, về mặt riêng tư, nhiều bi kịch liên tiếp xảy đến với Pasteur. Tháng 9 năm 1865, Louis và vợ Marie mất đi người con gái út mới hai tuổi của họ là Camille. Năm sau, vào tháng 5 năm 1866, đến lượt cô gái Cécile, mười ba tuổi. Trước hai người đó có Jeanne, mất năm 1859, ông bà chỉ còn hai người con: Jean-Baptiste sinh năm 1851 và Marie Louise, sinh năm 1858. Tháng 10 năm 1868, Pasteur bị tai biến mạch máu não, có thể do hậu quả của những tai họa dồn dập hoặc làm việc quá mức. Người ta tưởng là ông sẽ mất. Nhưng ông sống sót, dù nửa thân trái bị tê liệt một phần. Năng lực thể chất của ông sẽ không bao giờ còn như trước nữa, nhưng năng lực tinh thần của ông vẫn y nguyên và lòng nhiệt tình với công việc không suy suyển. “Laboremus, laboremus”, ông thường nói vậy (“Phải làm việc”)*.
Pasteur cũng nói: “Làm việc, chỉ có nó mới mang lại niềm vui” lập lại lời của J. B. Biot.
Do nghiên cứu của ông về những sự lên men, Hoàng đế Napoleon III trao cho ông nhiệm vụ nghiên cứu những bệnh của các rượu vang. Pasteur dành hết mình cho việc tìm ra các căn nguyên và phương cách chữa trị. Quan sát nhiều hầm rượu, khảo sát những người trồng nho, ông đạt được nhiều tiến triển lớn sau hai năm làm việc. Napoléon III muốn biết tình hình nghiên cứu của ông và cho mời ông đến Cung điện Compiègne*. Lời mời tâng bốc trái tim người sùng bái Bonaparte và người nhạy cảm với danh dự và sự công nhận của những nhà quyền quý trong thế giới này. Ông đến một trong những cuộc tiếp đón ở Compiègne, từ 29 tháng 11 cho đến 6 tháng 12 năm 1865, có người giúp việc trẻ của Trường Sư phạm đi cùng, tạm gọi là người hầu buồng. Trong những cuộc tiếp đón, Napoléon III và hoàng
https://thuviensach.vn
hậu Eugénie hội họp khoảng trên trăm nhân vật thuộc đủ mọi phía. Pasteur tham gia vào nhiều cuộc giải trí dành cho các quý khách. Không chỉ ngưỡng mộ những y phục của các quý bà xinh đẹp, xúc động trước vẻ duyên dáng của hoàng hậu, ông còn vô cùng thỏa mãn với việc được hai vị tôn chủ đánh giá cao kỹ thuật {tiệt trùng gọi là} pasteurisation cho phép bảo quản rượu. Điều này gây thu hút! Napoléon III rất lưu tâm và cam đoan với Pasteur: “Trẫm rất vui lòng là tên trẫm gắn với những khám phá lý thú này.” Ông sẽ thực hiện mong muốn này trong lời tựa cuốn sách Nghiên cứu về rượu vang. Những bệnh của rượu, nguyên nhân của bệnh, các phương pháp bảo quản rượu và lão hóa rượu. Thế là ông được chính quyền tôn phong.
Château de Compiègne là một lâu đài của Pháp, một dinh thự hoàng gia được xây dựng cho vua Louis XV và được Napoléon khôi phục. Compiègne là một trong ba trụ sở của chính quyền hoàng gia, hai cái kia là Versailles và Fontainebleau. Hiện nay nó tọa lạc tại Compiègne thuộc tinh Oise ở bắc Pháp và mở cửa cho công chúng. (BT)
Ta không ngạc nhiên thấy hoàng đế mời ông, trong khi ông nghiên cứu về tằm tơ, thử nghiệm đại trà phương pháp sản xuất kén tằm ở một điền trang thuộc sở hữu của nhà vua được {dùng để} trồng dâu, Villa Vicentina*, ở vùng biển Adriatique, nơi ông lưu trú bẩy tháng*. Vùng đất rộng lớn đó trước thuộc về bà Elisa Bacciochi, em gái Napoleon đệ nhất, sau con gái bà để lại cho thái tử*. Đó là nơi nghỉ lý tưởng sau khi ông bị tai biến mạch máu não nguy kịch. Hơn nữa lại sinh lợi: “Nuôi những con tằm tơ ở Villa Vicentina rất thành công”, như trong thư ông viết ngày 18 tháng 6 năm 1870 cho ông Sainte-Claire Deville. Quy trình sản xuất kén tằm của ông tuyệt hay, nhà vua và vùng nuôi tằm tri ân ông. Một thành công như vậy rất xứng một ghế ở Thượng nghị viện… nhưng những biến cố sẽ
https://thuviensach.vn
quyết định khác và sắc lệnh đã được đệ trình sẽ không bao giờ được công bố.
Ngày nay, Villa Vicentina là thị trấn thuộc tỉnh Udine, trong miền Friuli-Venezia Giulia thuộc đông bắc nước Ý, cách Trieste 35km về phía tây bắc, cách thành phố Udine 30km về phía đông nam. Villa Ciardi nằm trong địa giới của thị trấn, là khu nghỉ dưỡng mùa hè của Elisa Bonaparte Baciocchi. Pasteur và gia đình nghỉ ở đây từ tháng 11 năm 1869 đến tháng 7 năm 1870. (BT)
Trong một khung cảnh lý tưởng cho một người sùng bái Bonaparte như Pasteur. Bằng chứng là lá thư bà Pasteur gửi một bà bạn: “Chúng tôi sống giữa những kỷ vật của gia đình Napoléon I. Bố và mẹ ở phòng của hoàng cô Elisa. Jean-Baptiste ở phòng của thân vương Jérôme, trong bàn ăn Pasteur ngồi trước tượng bán thân của ngài Napoleon, tôi ngồi trước bức họa quận chúa Bacciochi thời nhỏ, Jean-Baptiste trước hình ngài Napoléon ra khỏi mồ ở Saint-Hélène, cô bé Zizi (Marie-Louisel ngắm những nét cao quý của bà Laeitia, và trước mọi người, chúng tôi ăn mỳ ống và cháo ngô không chút bối rối.” Trích từ Madame Pasteur, Desquand A., Dole, Dmodo Éditions.
Tiếng Pháp: prince impérial, ở đây chỉ người con của Hoàng đế Napoleon III, là Napoléon Eugène Louis Jean Joseph Bonaparte (1856-1879). (BT)
Đến tháng 7 năm 1870, ông phải nghĩ đến việc quay trở về Paris. Trên đường về, ông ghé qua Vienne, Müchen, nơi ông muốn gặp nhà hóa học Đức Liebig, người chống đối dai dẳng nhất về vấn đề những sự lên men. Ông muốn thuyết phục ông ta bằng mọi giá. Quả nhiên ông đã chứng minh qua những thí nghiệm quyết định là mỗi một loại lên men đều bắt nguồn từ một mầm men đặc thù và sự lên men là một hiện tượng của sự sống. Mười ba năm sau, niềm tin của ông Liebig rằng sự lên men có liên quan đến “sự thối rữa” của các nấm men đang hiện diện không hề thay đổi, đặc biệt là lên men giấm. Pasteur chứng minh là rượu vang biến thành giấm do tác động của một “thực vật nhỏ*”, Mycoderma aceti. Liebig vẫn khẳng định một thực vật hay một động vật thối rữa là cần thiết cho sự lên men. Tóm lại ông phủ nhận sự tồn tại của các men và khả năng phá hủy và biến đổi. Nhà hóa học già nua hơn hậu sinh hai mươi tuổi tiếp ông lễ phép, nói là bị bệnh và tránh mọi đối thoại. Vấn đề này không được tranh luận.
https://thuviensach.vn
Thật ra là vi khuẩn.
Dừng ở Strasbourg những ngày đầu tháng 7 năm 1870, ông lo lắng cho gia đình về dịch đậu mùa ở Paris, lo về hiệu lực của những mũi tiêm chủng* cho con gái ông, về “những tin không mấy yên tâm” do ông Sainte Claire Deville gửi từ Paris, ông thấy chăng những hiểm nguy phát sinh từ những ảo vọng của chính giới Pháp? Ông nghe chăng “những tiếng giậm của giày ống” mà chỉ có tai thính của nhạc sĩ Offenbachs hình như đã nghe thấy một năm trước*? Cuối cùng ông đã nghe theo Nam tước Stoffel*, anh em họ bà Pasteur, sĩ quan tùy tùng của hoàng đế, được gửi tới Berlin với tư cách tùy viên quân sự của đại sứ quán Pháp? Sự sáng suốt của người này báo trước giông tố đang thành hình. Nhưng ông này bị coi là quá bi quan, ông gây phiền phức với những báo cáo quá chính xác về sự tổ chức hoàn hảo của nước Phổ. Ông bị nghi là “kẻ cuồng nước Phổ* bị Bismarck ám.*”
Thời đó khi chúng ta nói về tiêm chủng {vaccination}, nó chỉ có hiệu lực tạo ra một sự miễn dịch chống lại bệnh đậu mùa bằng nhiễm truyền một bệnh ở động vật {ngưu đậu}, gọi là vắc xin.
Vở ca kịch Les Brigands, ngày 10 tháng 12 năm 1869.
Eugène Stoffel (1821-1907) là một quân nhân, kiến trúc sư và văn sĩ người Pháp. Vào tháng 12 năm 1866 ông đeo lon trung tá và được phái đến Berlin làm tùy viên quân sự, ở vị trí này ông đã ghi lại các quan sát của mình về nước Phổ, tự mình hoạt động như một gián điệp thực sự, và tiên đoán về khả năng chiến tranh. (BT)
Tiếng Pháp: prussomane, có lẽ được ghép từ hai chữ “prussienne” hoặc “prussien” nghĩa là (thuộc) Phổ và chữ “maniaque” nghĩa là “kẻ bị ám ảnh”, “kẻ cuồng”. (BT)
Trích từ Madame Pasteur, Desquand A.
Trở về Paris ngày 15 tháng 7, Pasteur gặp lại đồng nghiệp và bạn là ông Sainte-Claire Deville, đau đáu trước nhóm học trò: “Ôi! Các bạn trẻ tội nghiệp của tôi, chúng ta sắp chịu cơn binh lửa rồi!” Ông cũng vừa quay trở
https://thuviensach.vn
về sau một nhiệm vụ ở Đức, đã thấy tình hình thực tế, thấy quân đội Phổ tập trung ở biên giới, điều mà hình như Pasteur đã không thấy.
Ngày 19 tháng 7, nước Pháp tuyên chiến với nước Phổ. Một cạm bẫy mà Bismarck đã giăng sẵn cho Napoléon III. Từ mười năm nay, Bismarck đã mơ ước tập hợp và gắn kết các mảnh lãnh địa Đức đặt dưới sự điều khiển của vương quốc Phổ. Một ám ảnh.
Nước Đức, từ thời Trung cổ, khác với nước Pháp và nước Anh, vẫn là một nước chia rẽ, một hợp bang gồm khoảng bốn mươi quốc gia tha thiết với độc lập của mình. Vào đầu thế kỷ XIX, tinh thần ấy đã thay đổi. Những chấn động do các cuộc chiến tranh thời Cách mạng*, theo sau là áp lực bạo tàn của sự thống trị dưới thời Napoleon, khơi dậy ý niệm quốc gia. Các đường nét của tình cảm dân tộc sẽ định hình dưới quyền chỉ huy của Bismarck.
Thời kỳ Cách mạng hay Thời kỳ các cuộc Cách mạng từ năm 1774 đến năm 1884 trong đó có rất nhiều phong trào cách mạng có ý nghĩa xảy ra trên nhiều phần của châu Âu và châu Mỹ. Thời kỳ này đánh dấu sự thay đổi trong chính quyền từ quân chủ chuyên chế qua các nhà nước lập hiến và cộng hòa chủ nghĩa. Thời kỳ Cách mạng bao gồm một số cuộc cách mạng lớn: Cách mạng Mỹ (1774), Cách mạng Pháp (1789), Cách mạng châu Âu (1848). (BT)
Otto von Bismarck là người ủng hộ trung thành nhất của Wilhelm I, Vua của vương quốc Phổ*. Ông được bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 1862, sự tín nhiệm hoàn toàn của vua dành cho ông khiến ông có quyền hành hầu như tuyệt đối. Trong những thời kỳ, nhanh chóng, “bằng sắt và bằng lửa”, ông mở đường cho ý niệm đã định hình của ông: thống nhất nước Đức, khẳng định quyền lực của Phổ.
Tiếng Pháp: Guillaume, tiếng Latinh: “Rex Guilelmus” (với Rex nghĩa là “vua”; “Guilelmus” trong tiếng Latinh trung kỳ (cũng ghi là Willelmus, Willelmus)), tiếng Anh: William hoặc Williame, tiếng
https://thuviensach.vn
Hà Lan: Willem, tiếng Đức: Wilhelm; ở đây là vua Wilhelm Friedrich Ludwig, hay Wilhelm I, König (vua) của Phổ từ 1861, Kaiser (hoàng đế) của Đức từ 1871. (BT)
Chiến thắng áp đảo, “như sấm sét” của nước Phổ giành được ở Sadowa năm 1866 qua một chiến dịch chớp nhoáng đã loại nước Áo cồng kềnh và giấc mộng bá chủ “Đại quốc Đức” của họ. Không lãng phí thời gian, Bismarck thiết lập ngay lập tức {hợp bang} Bắc Đức gồm: Hannover*, Kurhessen, Nassau, Schleswig-Holstein, và các bang của Hợp bang bắc Main. Lãnh thổ này trải dài từ Saar đến Memel*, đó là mầm mống của Đế chế Đức tương lai.
Ta đã thấy thời điểm này Koch trở thành người Phổ.
Lãnh thổ vương quốc Phổ trải rất rộng, từ Saar ở phía tây, giáp biên giới Pháp đến vùng Niemen hay Neman (tên con sông người Đức gọi là die Memel) với thành phố Königsberg của triết gia I. Kant mà ngày nay là Kaliningrad thuộc Nga. (BT)
Năm 1865 ở Biarritz, Napoléon III bảo đảm với Bismarck là sẽ trung lập khoan dung trong cuộc chiến Áo-Phổ, và thương lượng khoản đền bù đất đai, {như} “tiền trà nước”, ông nghĩ có thể mua Luxembourg, sở hữu riêng của Willem III*, vua nước Hà Lan. Ông trả giá 5 triệu tiền florins, số tiền có thể giúp ông vua này trong lúc ngân khố đang bị thâm thủng lớn.
Willem Alexander Paul Frederik Lodewijk (1817-1890), là vua của Hà Lan và Đại Công quốc Luxembourg từ năm 1849 cho đến khi qua đời vào năm 1890. (BT)
Bismarck giả đò chấp nhận dự định này, khôn khéo tiết lộ những thỏa thuận bí mật và trình bày như là cuộc xâm lược của Pháp, ông gặt hái điều ông mong muốn. Niềm oán hận của dư luận Đức đối với nước Pháp, đã ấp ủ từ thời xâm chiếm của Napoléon I, bác ruột của hoàng đế đương triều, bùng nổ dữ dội. Giới ngoại giao Pháp nổi điên lên. Hai bên tiến hành động viên. Sự can thiệp của nước Anh tháo ngòi khủng hoảng, đề nghị một hiệp
https://thuviensach.vn
ước, Hiệp ước Londres*, ký vào năm 1867, tuyên bố Luxembourg trung lập và tránh một cuộc chiến đã được tuyên bố suýt xảy ra.
Traité de Londres 1867; Londres là cách ghi của tiếng Pháp cho thành phố Luân Đôn hay London (trong tiếng Anh). (BT)
Trong cuộc thương lượng không may và vụng về, Napoléon III đã mắc lừa một Bismarck tinh tế và mưu mẹo. Sự đối đầu giữa nước Pháp và nước Phổ ngày càng tăng. Bismarck muốn chiến tranh, vì theo ông đó là phương tiện công hiệu nhất kết chặt sự thống nhất nước Đức… Ông giật dây, từ mánh khóe đến thủ đoạn, tìm cách khiêu khích Napoléon III, khích động ông ấy thành kẻ xâm lược. Niềm tự hào quốc gia ở cả hai bên biên giới đủ sôi sục cho một tia lửa thổi bùng đám cháy. Dịp tốt bất ngờ tới: Ngôi vua nước Tây Ban Nha bỏ trống đưa đến bức điện thành phố Ems, cái sẽ châm thùng thuốc súng.
Trái ngược với lời khuyên của nhà vua, Bismarck áp đặt sự ứng cử của ông hoàng Léopold de Hohenzollern- Sigmaringen* cho ngôi vua Tây Ban Nha. Phản ứng của nước Pháp, chờ đợi ngài thủ tướng, không chậm trễ, chống lại tham vọng của Phổ, mối đe dọa quá rõ rệt của việc quay trở lại của đế quốc của Karl V*! Từ sự thống nhất của Đức, mối nguy hiểm của sự bao vây,… {thêm} Hohenzollern là quá nhiều! Các trao đổi ngoại giao diễn ra rất nhanh. Cũng may, bằng sự khôn ngoan, người cha của Léopold khuyên ông này khước từ. Giai đoạn này hẳn có thể ngưng ở đây và làm những cái đầu nóng nảy bình tĩnh hơn. Nhưng về phía Pháp, những người hiếu chiến, trong đó có hoàng hậu và công tước Gramont*, bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đòi người Phổ chính thức từ bỏ mưu đồ ngai vàng Tây Ban Nha trong tương lai. Nhà vua Napoleon chịu theo. Đại sứ, bá tước Benedetti*, phải có được lời cam đoan của vua Wilhelm I, lúc đó đang nghỉ
https://thuviensach.vn
dưỡng ở thành phố nước khoáng Ems, gần Koblenz. Nhà vua bực dọc. Nhà vua đã chấp nhận sự rút lui của Léopold, ngài không thể cam kết trong tương lai được. Benedetti cố nài. Vẫn khước từ, kiên quyết và lịch sự, việc coi như đã kết thúc. Ngày 13 tháng 7, Bismarck nhận được bản tường thuật {ở dạng} điện tín của ngày hôm ấy. Dịp may bất ngờ thứ hai. Bismarck, với ngọn bút xảo quyệt, gạt bỏ, cắt xén và cho ra một bản tường thuật khô khốc, xấc xược, khiêu khích: “Tin tức về sự khước từ của ông hoàng kế vị Hohenzollern từ bỏ ngai vàng đã được chính phủ hoàng gia Tây Ban Nha công bố chính thức với chính phủ hoàng đế Pháp. Từ đó, đại sứ Pháp lại gửi thư đến Ems, đến Nhà vua, xin phép điện tín về Paris, là Nhà vua cam kết, vĩnh viễn, không bao giờ ưng thuận nếu gia tộc Hohenzollern còn quay lại dự tuyển, về việc ấy Nhà vua từ chối chấp nhận đại sứ Pháp và qua viên sĩ quan tùy tùng, cho biết là Ngài không còn gì để nói với đại sứ*”.
Nhánh Công giáo của gia đình trị vì ở Phổ. {Cước chú thêm của biên tập: ông hoàng Leopold Hohenzollern (1835-1905) là trưởng nhánh Swabia của gia tộc Hohenzollern. Leopold là anh trai của vua Carol I của Rumani và là cha của vua Ferdinand của Rumani sau này. Swabia (tiếng Đức: Schwaben) là một vùng văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ ở tây nam nước Đức. Cái tên này bắt nguồn từ Công quốc Swabi trung đại, một trong các công quốc gốc của người Đức, hiện diện trên lãnh thổ của Alemannia (người Đức), mà các cư dân của họ được gọi là Alemanni hoặc Suebi. Lãnh thổ này, nói khái quát, bao gồm tất cả các khu vực của người Đức, nhưng theo cách chặt chẽ trong dân tộc học hiện đại thì gồm Vòng cung Swabia của Đế chế La mã Thần thánh, hiện nay là các vùng Bavaria và Baden-Württemberg. Đế chế La mã Thần thánh, tồn tại từ năm 962 đến 1806, yêu sách trở thành người kế tục chính thức Đế chế La mã cổ đại; và đánh nhau liên miên với người Pháp. Các hoàng đế của Đế chế La mã Thần thánh do các Kufürst/électuer/elector bầu nên. Chính vì đây là ông hoàng gốc gác Phổ, cùng với đó là nỗi sợ về sự phục hồi Đế chế La mã Thần thánh, nên người Pháp mới phản ứng chống lại.}
Tiếng Pháp Charles Quint (1500-1558) vua của Tây Ban nha (từ 1516) và Đế chế La mã Thần thánh (từ 1519), cũng như Vương triều Habsburg Hà Lan (từ 1506). Ông tự nguyện rút lui khỏi các vương vị này và các vị trí khác bằng một loạt sự từ bỏ từ năm 1554 đến 1556. Qua thừa kế, ông nắm quyền cai trị các lãnh thổ rộng lớn ở Tây, Trung và Nam Âu và các thuộc địa Tây Ban Nha ở châu Mỹ và
https://thuviensach.vn
châu Á. Kết quả lãnh thổ của ông lên đến gần 4 triệu kilômét vuông và là vương quốc đầu tiên được mô tả là “mặt trời không bao giờ lặn trên vương quốc”. (BT)
Tiếng Pháp: duc de Gramont, đây là Antoine X Alfred Agénor de Gramont. (BT)
Vincent Benedetti, nhà ngoại giao Pháp, bạn thân của Hoàng đế Napoleon III và là một trong những nhân vật trung tâm khích động Chiến tranh Pháp-Phổ. (BT)
Nguyên văn tiếng Đức: “Nachdem die Nachrichten von der Entsagung des Erbprinzen von Hohenzollern der kaiserlich französischen Regierung von der königlich spanischen amtlich mitgeteilt worden sind, hat der französische Botschafter {Benedetti} in Ems an Seine Majestät den König {Wilhelm I.} noch die Forderung gestellt, ihn zu autorisieren, daß er nach Paris telegraphiere, daß S.M. der König sich für alle Zukunft verpflichte, niemals wieder seine Zustimmung zu geben, wenn die Hohenzollern auf Ihre Kandidatur wieder zurückkommen sollten. Seine Majestät hat es darauf abgelehnt, den französischen Botschafter nochmals zu empfangen, und demselben durch den Adjutanten vom Dienst sagen lassen, daß Seine Majestät dem Botschafter nichts weiter mitzuteilen habe.” Trong bản tiếng Đức: “der französische Botschafter in Ems an Seine Majestät den König” nghĩa là “đại sứ Pháp ở Ems đến chỗ đức Vua” chứ không phải Đại sứ Pháp viết thư/gửi thư lên đức Vua”. (BT)
Bismarck hoan hỉ: “Chuyện này sẽ gây phản ứng ở bên kia như miếng vải đỏ vẫy trước mặt con bò mộng Pháp.” Báo chí ở Paris bóp méo thêm tin tức, nếu cần, bằng việc dịch - có mục đích? - chữ Đức adjudanten vốn có nghĩa là “sĩ quan tùy tùng” thành “thượng sĩ*”, trong trường hợp này là Anton Wilhelm Fürst Radziwill, xuất thân từ một gia đình quý tộc Phổ lâu đời.
Tiếng Pháp: adjudant. Ở đây cho thấy tai hại của dịch sai, nó có thể dẫn đến chiến tranh. (BT)
Để một thượng sĩ trả lời hoàng đế Pháp như thế! Cả nước Pháp phẫn nộ. Phe muốn chiến tranh thắng, dù Thiers và Gambetta tìm cách trì hoãn lại.
Tuy thế, quân đội Pháp thực sự chưa sẵn sàng: Napoleon ý thức về điều đó, còn Bismarck, về phần mình, tin chắc vậy. Bộ tham mưu, háo hức chiến trận, quên đi thất bại nặng nề của cuộc viễn chinh Mexique, chỉ còn
https://thuviensach.vn
nhớ tới những chiến thắng: Magenta, Sébastopol, Bắc kỳ, Angiêri*. Và họ có cây súng Chassepot! Cây súng thần diệu có thể xả đạn 11mm từ 150 đến 1.200m*.
Ở đây đề cập đến một loạt các cuộc chiến của Pháp. Chiến tranh Pháp-Mexico lần thứ hai diễn ra vào năm 1861-1866, trong đó quân Pháp phải rút lui vào năm 1866. Trận chiến Magenta diễn ra vào ngày 4 tháng 6 năm 1859 trong cuộc chiến giành độc lập lần thứ hai của nước Ý, kết quả liên minh Pháp-Sardinia (tiền thân của nước Ý ngày nay) dưới quyền chỉ huy của Napoleon III chiến thắng trước quân Áo của Marshal Ferencz Gyulai. Cuộc chiến Crưm 1853-1856, nước Nga thất bại trước liên quân Anh, Pháp, Đế quốc Ottoman và vương quốc Sardinia trong cuộc vây hãm thành phố Sebastopol. Ở đây có lẽ các tác giả đã nhầm lẫn với các cuộc xâm chiếm Nam kỳ (Cochinchine) bắt đầu từ năm 1859, đến năm 1862 chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, đến 1867 thì chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam kỳ. Cuộc chiến ở Bắc kỳ diễn ra giữa Pháp và Đại Nam xảy ra sớm nhất là năm 1873 (xâm lược Bắc kì lần thứ nhất) và Pháp thất bại. Nước Pháp xâm chiếm Angiêri trong các năm 1830-1847. (BT)
Đặt theo tên người chế tạo ra nó là Antoine Alphonse Chassepot, tên trong biên chế của quân đội Pháp là “Fusil modèle 1866”, có cấu trúc khóa nòng và đạn như các súng trường đầu thế kỷ 20. Vỏ đạn bằng giấy chứa đầu đạn, thuốc nổ, hạt nổ; vị trí hạt nổ tâm đáy vỏ đạn. Đây là một trong những loại súng đầu tiên nạp đạn từ phía sau. Súng này gặp nhiều phiền toái do tắc giấy, sau này người Pháp dùng khẩu Gras 1874 có vỏ đạn kim loại, do viên sĩ quan Basile Gras cải tiến. Người Đức có khẩu Dreyse kém hiệu quả hơn. Súng Chassepot được người Pháp dùng để xâm chiếm Bắc kỳ Việt Nam. (BT)
Gọng kìm của cạm bẫy khép chặt lại. Nước Pháp không thể lùi nữa. Pháp tuyên chiến; điều mà Bismarck mong muốn. Thủ tướng Émile Ollivier nói đầu lưỡi là ông “chấp nhận hậu quả với niềm tin.” Trong khi thống chế hiểu chiến Leboeuf vỗ ngực “Chúng ta sẵn sàng, rất sẵn lòng, nếu chiến tranh kéo dài một năm, chúng ta sẽ không thiếu dù chỉ một khuy ống ghệt”. Nhân dân Paris biểu lộ nhiệt huyết của họ trước quảng trường Tuileries. Sau động viên, hai bên tham chiến kiểm điểm lực lượng quân sự của họ (ngoài những khuy ống ghệt!): 800.000 ngàn lính Pháp, chuẩn bị sơ sài, so với 1,2 triệu lính Đức và Phổ, tuân giữ kỷ luật! Súng Chassepot đối
https://thuviensach.vn
mặt với pháo Krupp*! Chúng ta có thể nói gì về chiến lược: liều lĩnh ở người Pháp, toan tính nơi người Phổ! Hai lực lượng đối lập đang sẵn sàng, một bên ứng biến ngẫu hứng, một bên được tổ chức rất mực. Chiến tranh có thể bắt đầu!
Pháo Krupp (ở đây là Krupp C64), do công ty Krupp của Đức chế tạo là khẩu súng nạp đạn bằng khóa nòng phía sau, sử dụng đạn đường kính 8cm, khối lượng 1,81 kg, tầm bắn 3.800m. Pháo này từng được triển lãm trong Triển lãm thế giới Paris 1867 và các chuyên gia vũ khí Pháp đã thấy sự ưu việt của nó trong trình diễn tại Bỉ năm 1868 nhưng người Pháp đã bỏ qua vì cho nó là quá cồng kềnh, không hiệu quả và chiến tranh là chuyện không liên quan gì đến tiến bộ khoa học công nghệ! (BT)
https://thuviensach.vn
Chương 4
Chiến tranh
Khi Pasteur từ Villa Vicentina trở về Trường Sư phạm, ngôi trường này đang sôi sục. Học trò của trường nhanh chóng đáp lời sự tổng động viên dù {được giấy} cam kết mười năm miễn quân dịch. Hiệu trưởng Bouillier và viên chức hành chính Bertin, bạn Pasteur và là người kế nhiệm ông ở vị trí này, nghĩ là thay vì bỏ không tòa nhà rộng rãi thì biến thành một nhà thương dành cho học trò trường sư phạm bị thương. Jean-Baptiste, con trai Pasteur sắp sửa thi luật, gia nhập bệnh viện quân y Val-de-Grâce*, được thăng chức y tá quân đội. Tháng 8 năm đó, gia đình Pasteur đầy lo âu. Tin tức những tai họa dồn dập. Và không may cho Jean-Baptiste, khi tiếp xúc hàng ngày với những người bị thương và ốm ở phòng bệnh, cậu bị nhiễm sốt thương hàn*. May mắn là cậu chóng bình phục. Nhưng không thể để cậu ở nhà thương hậu tuyến. Pasteur can thiệp để con trai ra tiền tuyến.
Tu viện Val-de-Grâce được xây theo lệnh của Hoàng hậu Anne, vợ của vua Louis XIII, nhằm thực hiện lời hứa vinh danh Đức Mẹ đồng trinh Mary. Sau thời gian dài kết hôn mà không có con, bà đã câu xin nếu Thượng đế ban cho một người con thì bà sẽ xây dựng một “ngôi đền lộng lẫy”. Năm 1638, tận 23 năm sau ngày cưới bà mới sinh hạ được vua Louis XIV tương lai. Một tháng trước khi sinh bà giao cho François Mansart thiết kế tu viện. Vào năm 1645 tu viện chính thức được xây dựng. Năm 1793 một phần tu viện được biến thành bệnh viện quân y. (BT)
Bệnh nguy hiểm đã gây tử vong cho hai chị em của cậu.
Những ảo tưởng của nước Pháp tan thành mây khói. Chỉ hai mươi ngày là đủ rồi. Hào hoa và anh hùng sớm bị nhận chìm trong những thất trận nặng nề và đẫm máu do sự bất tài của bộ tham mưu. Thông cáo về những
https://thuviensach.vn
cuộc thất trận đầu tiên làm dân chúng bàng hoàng. Tháo chạy tán loạn ngày càng mau. Thống chế Mac Mahon*, nhà chiến lược do dự, lờ ngờ, đi từ thất thế đến thảm bại, Thống chế Bazaine* bị dồn vào đường cùng, bị nhốt trong thành Metz (sự vây hãm sẽ kéo dài), quân đội Phổ tiến lên… Hoàng đế đau bệnh, đích thân đến cứu Metz đang bị vây hãm và đến lượt Ngài bị vây ở Sedan. Sau ba ngày chiến đấu kịch liệt, kháng cự đến cơ hội cuối cùng, giờ thảm bại đã điểm. Ngày 2 tháng 9, Napoléon đầu hàng. Ngày mồng 3, Ngài bị bắt làm tù binh, rời Pháp vĩnh viễn, bị giam ở Phổ. Ngày mồng 4 tháng 9, Léon Gambetta tuyên bố Ngài bị truất phế. Đế chế bị quật ngã. Nền Cộng hòa đệ tam được công bố. Và chiến tranh tiếp tục…
Thái công Mac Mahon, công tước Magenta (1808-1893), là chính trị gia và tướng lĩnh Pháp, tham gia các cuộc chiến Sébastopol và Magenta, ông làm tổng thống thứ hai của Đệ tam Cộng hòa. (BT)
François Achille Bazaine (1811-1888) là một tướng lĩnh Pháp, tham gia các cuộc chiến Sébastopol, Magenta, Mêhicô. Ông là thống chế giao nộp đội quân 180.000 người có tổ chức cuối cùng của quân Pháp cho quân Phổ vào ngày 27 tháng 10 năm 1870 ở thành Metz, vì việc này ông bị chính quyền Đệ tam Cộng hòa tuyên tử hình, sau đày chung thân tại Tây Ban Nha và ông chết ở đó vào năm 1888. Ông vẫn được xem là anh hùng quân đội. (BT)
Sự khâm phục hoàng đế của Pasteur không suy suyển, tuy ông kinh ngạc về sụp đổ không ngờ được. Hôm sau, ngày mồng 5 tháng 9 năm 1870, ông viết thư cho Thống chế Vaillant: “Đau đớn làm tôi tan nát. Tất cả ảo vọng của tôi đều đã tan biến. Ngài biết tôi tận tâm cho lợi ích chung và cho Đế chế. Xin ngài một ân huệ là khi ngài viết thư cho Hoàng hậu hãy nhắc đến tên tôi trong số những người mãi mãi nhớ tới lòng tốt của Bà và của Hoàng đế. Mặc dù có những la ó vô ích và ngu xuẩn nơi đường phố, những kẻ bất lực hèn nhát gần đây, Hoàng đế có thể bình tĩnh chờ đợi với lòng tin vào lời phán xét của hậu thể. Triều đại của Ngài sẽ vẫn là một trong những triều đại vinh quang nhất của lịch sử chúng ta. Hạnh phúc lớn
https://thuviensach.vn
lao cho tôi hẳn sẽ là được giới thiệu gia đình tôi với Hoàng hậu trước khi bà rời nước. Ngài dễ hiểu là ý thức về sự kín đáo nên tôi không xin ân huệ đó.”
Chứng liệt của Pasteur miễn cho ông khỏi gia nhập toán quân nào. Không có ích trên mặt trận, ông tiếp tục công việc và trước sự nài nỉ thân tình của Bertin, {rằng} rời xa Paris là thích hợp hơn. Thông cáo về sự sụp đổ của Đế chế quyết định điều đó. Ngày mồng 5 tháng 9, ngày mà ông nói: “đau đớn làm tôi tan nát”, ông rời Paris. Đó là khởi đầu của những hành trình và biến cố sẽ đưa ông đến địa điểm đầu tiên ở Arbois!
Với Pasteur tin tức bùng nổ ở mức không thể hiểu nổi đến độ sững sờ. Cha ông, người lính cận vệ của Đế chế Thứ nhất sẽ nghĩ sao? Trái tim sùng bái Bonaparte của ông rỉ máu, bị đè nặng với “những tai họa của tổ quốc thân yêu của chúng ta. Tôi hết sức tránh suy tư về những vực thẳm không thoát được đang xoáy sâu dưới chân của ta.” Lòng ái mộ của ông dành cho dân tộc Đức bị thâm thù quét sạch. Tuy nhiên, với sự tỉnh táo, ông bày tỏ ý kiến về nguyên nhân những tai họa đó*: “Những chỉ huy quân đội thật không biết gì về lực lượng tương ứng của hai quốc gia! Ôi! Những nhà bác học của ta có lý khi tiếc là ngành giáo dục của ta nghèo nàn, nguyên nhân chính của tất cả tai họa hiện nay là đó […]. Tôi muốn nước Pháp kháng cự đến người chót, đến thành trì cuối cùng! Tôi muốn chiến tranh kéo dài đến giữa mùa đông để môi trường thiên nhiên giúp chúng ta cho những kẻ xâm lược phá phách chết rét, chết thảm và chết bệnh. Tất cả các tác phẩm của tôi cho đến hết đời này sẽ đều có đề từ: Căm thù nước Phổ. Báo thù. Báo thù.”
Thư gửi Rolin, học trò ông, ngày 17 tháng 9 năm 1870.
https://thuviensach.vn
Trong thời gian đó, Robert Koch, bác sĩ ở Rakwitz ra sao?
Theo kế hoạch được Bismarck phác họa, tất cả các lãnh địa Đức sát cánh sau nước Phổ, nước bị tấn công, giữ vị trí phòng thủ. Cần phải tuốt gươm ra chống lại kẻ tấn công mà theo ông ta đã chiếm đoạt bất chính Alsace và Lorraine*!
Alsace (tiếng Đức: Elsass) và Lorraine (tiếng Đức: Lothringen) từng thuộc về Đế chế La mã Thần thánh của người Đức cho mãi đến cuối thế kỷ 18, trước khi chuyển qua người Pháp qua các cuộc chiến tranh và sáp nhập. Alsace và Lorraine cùng với Champagne-Ardenne ngày nay tạo thành miền Grand Est của Pháp, giáp biên giới Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Luxembourg. (BT)
Cũng như Pasteur là người thân Đức thời trẻ, gia đình Robert Koch cũng có phần gắn bó với nước Pháp, ông Herrmann, cha của Robert đã là kỹ sư mỏ trong một thời gian ở nước này và con trai trưởng Adolf được sinh ở đó năm 1840. Nhưng khi đã tuyên chiến, nhất quyết phải tham gia: đó là vấn đề danh dự. Ba người anh của Robert, Hugo, Albert và Ernst tự nguyện nhập ngũ. Bị thúc đẩy bởi biến động này, Robert cũng muốn tòng quân. Không may ông bị cận thị nặng nên nhận được dấu “miễn quân dịch” trên sổ quân bạ. Lòng ái quốc là lý do để vượt qua sự từ chối kiên quyết đó và, nhờ ảnh hưởng của ông thầy Virchow, ông được bổ dụng làm bác sĩ quân đội trong một nhà thương vùng nông thôn ở Mayence (Mainz) vào tháng 8 năm 1870. Ông sớm được phái đến Saint-Privat-la-Montagne, nơi ông chứng kiến những tàn phá đầu tiên do chiến tranh gây ra. Ông thuyên chuyển lần nữa đến Ay gần thành phố Metz, nơi ông hơi chán chường và nói là muốn đi xem các vùng khác của nước Pháp, ông đến Neufchäteau gần thành phố Nancy, rồi tới Orleans. Trên đường đến Orleans, sau khi qua Nemours*, dường như ông nghe thấy tiếng súng đại bác ở Paris, ông hy vọng cuộc vây hãm thủ đô Pháp sẽ thành công mau chóng và kết thúc
https://thuviensach.vn
chiến tranh. Lòng phấn khởi những ngày đầu được dấy lên bởi thắng lợi nhanh chóng của những đội quân của Đức và Phổ dịu đi nhiều, nhường cho hy vọng vào một ngày giải ngũ sắp đến. Trở lại với gia đình, tìm lại phòng mạch.
Ở đây là một loạt các địa danh Koch đã đi, về phía tây nước Pháp mà điểm xa nhất là Orléans cách biên giới nước Đức hơn 500km về phía tây. Nemours đã rất gần Paris, chỉ cách chừng 80km về phía nam. (BT)
Tuy nhiên cuộc chiến tranh này cho phép ông {có} nhiều quan sát và nhận xét bổ ích cho sự đào tạo y khoa của ông. Như ông viết cho cha ông, ông học hỏi nhiều trong suốt đợt tham dự ngắn vào chiến dịch quân sự hơn là nếu làm việc sáu tháng ở một nhà thương dân sự. Tại nhà thương Neufchäteau, ông tập quen với bệnh thương hàn và nhất là với những biến chứng do thương tích chiến tranh gây ra. Ông có dịp nhận thấy những lợi ích của tiêm chủng ngừa đậu mùa - loại tiêm chủng duy nhất thời đó. Quả nhiên binh lính Đức, những người được tiêm chủng có hệ thống, ít mắc bệnh trong dịch đậu mùa ở chiến dịch, trong khi binh lính Pháp, không được chủng, mắc bệnh trầm trọng.
Ở nơi trú ẩn tại Arbois, những tin đồn về các sự biến thỉnh thoảng lại đến chỗ Pasteur. Jean-Baptiste đi dưỡng bệnh và khi khỏi bệnh, trở về quân đoàn. Tin tức thường trái ngược nhau, điều duy nhất chắc chắn là quân Phổ đang tiến đến gần Jura. Arbois không còn an toàn, Pasteur dự tính “Nếu phải trốn lũ dã man này” thì sang Thụy Sĩ, rất gần, trong khi Jules Raulin, học trò ông, đề nghị ông đến ẩn náu ở Pont-Gisquet, trong tỉnh Gard.
Cuộc chiến, vẫn luôn vậy, Pasteur mong muốn “không giới hạn”. Jean Baptiste và người anh em họ Joseph Vichot đang giữa cuộc hỗn chiến, trong một quân đội không được sửa soạn, nhưng {chiến đấu} anh dũng
https://thuviensach.vn
bằng mọi giá. Pasteur lo sợ vì “rối loạn như thế”, vẫn tiếp tục hy vọng*: “Tin tức từ Paris và từ Thống chế Bazaine tương đối tốt. Bazaine có thể trở thành vị cứu tinh chúng ta. Lính mới của chúng ta thua, nhưng những cuộc đụng độ này sẽ khiến họ dày dạn trận mạc hơn.” Than ôi, ngày 27 tháng 10, Bazaine, sau này sẽ bị cáo buộc là phản bội và liên hệ bí mật với kẻ thù, ký đầu hàng ở Metz.
Thư gửi Raulin ngày 20 tháng 10 năm 1870.
Sự thất thủ của Metz cho phép quân đội Đức đang vây thành ấy ào tới Orléans để đối diện với các đội quân Pháp được tập trung khẩn cấp. Những bức điện đồn thổi khi dữ, khi lành. Tập đoàn quân Loire dưới sự chỉ huy của Aurelle de Paladines và của ngài Chanzy dũng cảm*, anh dũng tranh giành từng tấc đất với quân Đức, nhưng chính Tập đoàn quân này sẽ bị đè bẹp vào ngày 2 tháng 12 ở Loigny và mất Orléans vào ngày mồng 4. Meung-sur-Loire, Beaugency thất thủ. Tất cả vùng bị chiếm đóng. Tập đoàn quân Lome “niềm kiêu hãnh, hy vọng và sự cứu nguy cuối cùng cho nước Pháp”, phải rút lui sâu hơn về miền nam.
Louis Jean-Baptiste d’Aurelle de Paladines (1804-1877) tham gia cuộc chiến Sébastopol, chỉ huy Tập đoàn quân Loire. Antoine Eugène Alfred Chanzy (1823- 1883) một tướng lĩnh Pháp, nổi tiếng vì các thành công của ông trong cuộc chiến Pháp-Phổ và là toàn quyền ở Angiêri. Ông chỉ huy Quân đoàn XVI của Tập đoàn quân Loire, được mệnh danh là Chanzy dũng cảm. (BT)
Ngày mồng 5, quân lính Đức vào Orléans, với âm nhạc đi trước. Một phần đội quân ấy dựng các trại ở khách sạn Orléans và cung điện của giám mục Dupanloup. Họ dùng nhà thờ lớn để chứa số rất đông tù nhân và để bảo vệ họ trước cái lạnh đã trở nên khắc nghiệt tới mức mà sông Loire cuốn theo những tảng nước đá. Trạm quân y lưu động được dựng trong cung điện của giám mục.
https://thuviensach.vn
Koch không có mặt trong trạm quân y lưu động vào đầu tháng 12 ấy. Ông vẫn còn ở Neufchâteau. Dù những người anh ông đã tham chiến ở xung quanh Orléans, ông chỉ đến đó ngày vào 13 tháng 1 và ông không được điều động tới cung điện của giám mục mà tới một nhà thương ở ngoại ô Bannier. Ông chỉ cách Saint-Pryvé-Saint-Mesmin vài cây số, nơi có điền sản của gia đình bà Marie Pasteur, Feuillants, vừa bị quân đội chiếm đóng phá tan tành.
Ông lưu lại ở Orléans ít ngày. Ngày 16 tháng 1, tướng quân y cho ông biết là ông có thể được giải ngũ, những người dân ở Rakwitz đang cần bác sĩ của họ, nhưng khuyến khích ông ở lại cho đến khi chiến tranh chấm dứt, điều sắp đến rồi. Sợ mất chỗ làm, Koch chấp nhận giải ngũ. Với ông chiến tranh đã chấm dứt.
Trước khi trở về với Emmy, bà không thích việc chồng đi xa, Robert đến Clausthal thăm mẹ đang bị bệnh, ông hôn bà mẹ lần cuối. Bà bị viêm phổi, không bao lâu sau đó thì mất vào ngày 13 tháng tư, thọ có 52 tuổi, có lẽ bị kiệt sức sau mười ba lần có mang.
https://thuviensach.vn
Chương 5
Nước Pháp bại trận, Pasteur tổn thương
Đầu năm 1871, mùa đông lạnh giá khắc nghiệt tiếp tục, các tin tức quân đội Phổ chiếm đóng vùng Orléans gây thêm mối lo sợ cho bà Pasteur. Feuillants, điền sản của gia đình bà ở Saint-Pryvé-Saint-Mesmin, bị chiếm đóng và cướp phá. Bà Danicourt, dì của bà Marie Pasteur, vừa mất ở Orléans, nơi bà cư trú với một cô cháu khác. Sự tàn phá tai hại có phải là nguyên cớ không? Pasteur {bày tỏ} phẫn nộ trong thư gửi Cribler, con gái dì Danicourt: “Người mẹ tuyệt vời của chị chết giữa sự xâm chiếm của bọn cướp bỉ ổi. Có quá đáng và vượt sức chịu đựng con người không? Không, không. Chị hãy can đảm. Giờ giải phóng sẽ đến […]. Tôi không khỏi buồn khi nhớ tới Feuillants, nơi tiếp đón chân thành và ân cần như thế, vĩnh viễn vắng mặt người là linh hồn ở đó, và nay bị bọn giặc dữ dằn làm ô uế và tàn phá.”
Năm 1871 lại đẩy thêm Pasteur vào giữa tâm bão và chạm tới những gì ông quý nhất.
Những dàn pháo của quân thù, đặt trên các cao điểm của xã Châtillon*, nhằm hướng Paris, nhả đạn mỗi ngày. Đạn pháo cối rớt như mưa trên thành phố. Ngày mồng 5 tháng 1, một quả pháo cối rớt cạnh Trường Sư phạm; đêm ngày 8 đến 9 Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên bị trúng đạn. Thực là quá mức. Cụ già Chevreul* tố cáo sự lăng nhục này ở Viện Hàn lâm Khoa học: “Vườn thảo dược, được thành lập ở Paris theo chỉ dụ của vua Louis XIII vào tháng 1 năm 1626, trở thành Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên qua sắc luật
https://thuviensach.vn