🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ông Chủ Nghèo Khó Hay Nhân Viên Giàu Có - James Altucher
Ebooks
Nhóm Zalo
Có 100 triệu người làm thuê khắp nước Mỹ. 3 tỷ người làm thuê trên toàn thế giới. Cuốn sách này dành tặng họ.
Lời mở đầu
CUỐN SÁCH NÀY DÀNH CHO AI? K
hi tôi mới cho ra đời cuốn Tôi lựa chọn chính mình1, nhiều người đã viết thư cho tôi và hỏi, “sẽ thế nào nếu tôi không phải là chủ doanh nghiệp?”
1 Sách gốc: Choose Yourself, đã được Alpha Books xuất bản dưới nhan đề Tôi lựa chọn chính mình.
Không phải ai cũng là chủ doanh nghiệp. Tôi cũng là người làm công, thường xuyên thì chẳng khác nào làm chủ doanh nghiệp.
Tôi lựa chọn chính mình ra đời vào lúc tôi trải qua thời điểm tồi tệ nhất, không chỉ về tài chính mà cả về thể chất, tình cảm, tâm lý và tinh thần.
Đó là cách tôi tự hồi phục. Đó là cách tôi tự cứu vớt đời mình, theo đúng như nghĩa đen. Tôi gọi đó là thực hành thường nhật và miêu tả chi tiết cách tôi vận dụng nó, không chỉ để tồn tại, mà còn để thăng tiến.
Bạn là chủ doanh nghiệp hay người làm công không phải là vấn đề. Bạn có thể lựa chọn, tiến tới và thay đổi cuộc đời. Mỗi ngày tôi mang nguồn năng lượng của mình đến với thế giới, trước hết bằng cách tập trung nỗ lực xem tôi có thể gây dựng nguồn năng lượng bên trong mình như thế nào.
Tâm thế “nhân viên giàu có” đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng cuộc đời mà bạn muốn được sống, bất kể bạn làm công cho chính mình hay làm công cho người khác.
Những tập đoàn đông đảo “nhân viên giàu có” sẽ thay đổi cả thế giới. Những người sở hữu tâm thế nhân viên giàu có trước hết lựa chọn bản thân mình, và từ vị trí thuận lợi ấy, làm tất cả những gì họ mong muốn.
Cuốn sách này dành cho những người muốn làm điều mình mong muốn. Những cá nhân muốn theo đuổi giấc mơ cuộc đời. Và cho cả những người cùng cộng tác, và được họ truyền cảm hứng.
CỤ THỂ HƠN, CUỐN SÁCH NÀY DÀNH CHO:
CÁC NHÀ QUẢN LÝ
Thành công của bạn được xác định bằng thành công của những người làm việc cho bạn. Nếu nhân viên của bạn thấu hiểu doanh nghiệp, thương hiệu, những nhu cầu của bạn, nhu cầu của sếp bạn, đến mức họ tự thấy tiền đồ của chính mình gắn chặt với việc thỏa mãn những nhu cầu ấy, thì bạn sẽ thành công.
Sau rốt, nhà quản lý đang lèo lái một con tàu. Bạn không thể can thiệp đến thời tiết. Bạn chỉ có thể đảm bảo rằng tất cả mọi người đang làm những việc cần phải làm để tận dụng tối đa thời tiết tốt lành và có thể chống chọi những lúc mưa giông gió giật.
Nhân viên nghèo khó sẽ nhảy khỏi tàu khi gặp tiết xấu trời, sẽ làm việc chiếu lệ khi mưa thuận gió hòa, và lúc nào cũng rắp tâm nổi loạn.
Nhân viên giàu có muốn hỗ trợ bạn cán đích và đi xa hơn thế. Văn hóa nhân viên giàu có sẽ tạo ra nhiều của cải cho doanh nghiệp của bạn, và cho mọi thành viên của tổ chức ấy, bao gồm cả khách hàng, các cổ đông sẽ lưu tâm chú ý và nhận thấy điều đó.
NHÂN VIÊN
Rất nhiều người băn khoăn “Liệu tôi nên ở lại với công việc này hay nên tự khởi nghiệp?”
Điều đó không phải là vấn đề. Bạn thu hoạch được từ chính những gì bạn đầu tư.
Nếu bạn đầu tư tâm thế của nhân viên giàu có, bạn có thể thu hoạch được của cải (cả về sức khỏe, tâm trí, thể chất và tài khoản ngân hàng).
Nếu bạn mang tới tâm thế nhân viên nghèo khó, thì rốt cuộc bạn sẽ nghèo khó.
Có câu chuyện kể về hai người đàn ông tới xin thụ giáo một vị thiền sư.
Người đầu tiên nói: “Tôi đang suy nghĩ việc chuyển đến xứ này. Nơi đây thế nào?”
Vị thiền sư đáp: “Thế xứ sở cũ của ngài ra sao?”
Người đầu tiên nói: “Tệ hại lắm. Ai cũng thù nghịch. Tôi ghét nơi đó.”
Thiền sư đáp: “Xứ này cũng hệt vậy thôi. Tôi không nghĩ ngài nên chuyển tới đây.”
Người đầu tiên rời đi, người thứ hai bước vào.
Người này thưa chuyện: “Tôi đang tính chuyển tới đây. Xứ này thế nào?”
Vị thiền sư lại đáp: “Chốn quê cũ của ông thế nào?”
Người đàn ông thứ hai đáp: “Tuyệt vời! Ai cũng thân thiện và tôi rất hạnh phúc. Chỉ là giờ tôi muốn thay đổi chút thôi.”
Vị thiền sư nói: “Xứ này cũng giống hệt như thế. Tôi cho là ngài sẽ thích nơi đây.”
Cuốn sách này tập trung vào việc giúp bạn trở thành người đàn ông thứ hai – người luôn lạc quan phát huy trong bất cứ tình huống nào, người sẽ dệt nên sự sung túc đủ đầy từ bất cứ công việc/vị trí nào, thay vì chỉ ơ hờ ghé tạm cho đến lúc lại cảm thấy bất mãn và buộc phải rời đi.
CHỦ DOANH NGHIỆP
Tại sao một chủ doanh nghiệp phải đọc cuốn sách viết về chuyện trở thành một nhân viên giàu có?
Làm chủ doanh nghiệp, nghĩa là bạn vẫn đang làm việc. Chỉ là bạn tạo ra việc làm mà thôi!
Và công việc của bạn còn khó khăn hơn nhiều, bởi ai cũng biết tỷ lệ khởi nghiệp thất bại là 85%! Không có cách nào thoát khỏi con số thống kê đó.
Tôi đã tìm hiểu kỹ lưỡng hàng trăm công ty. Đầu tư vào khoảng 30 doanh nghiệp. Tự khởi nghiệp 20 lần. Tôi đã có kinh nghiệm 85% thất bại của riêng mình, đôi khi vô cùng đau đớn.
Tôi ước sao mình sớm biết những nguyên tắc được vạch ra trong cuốn sách này.
Chúng ta vẫn thường viết về những điều phải vất vả lắm mới học được. Tôi đã phải dành hai chục năm, hoặc hơn, để học được những nguyên tắc này qua hàng chục tình huống, và nhờ phân tích hàng nghìn ví dụ khác nữa.
Nhân viên giàu có biến thành chủ doanh nghiệp thành công, những người – ngược trở lại – sẽ biết cách biến nhân viên của mình trở thành những nhân viên giàu có.
Điều này thật tuyệt. Chính nó tạo nên giá trị và sự đổi mới trên thế giới.
Đó chính là thành công.
TÂM THẾ NHÂN VIÊN GIÀU CÓ Đ
ến một thời điểm nào đó, ta thức tỉnh.
Với tôi, đó có thể là lúc cha bảo với tôi rằng sau một năm nhà trẻ, sẽ đến một năm mẫu giáo lớn, sáu năm tiểu học, sáu năm trung học, bốn năm đại học, thêm ba năm sau đại học, chừng bốn mươi năm làm việc – rồi nghỉ hưu. “Cũng như ông nội ấy,” cha nói. Khi ấy, tôi mới ba tuổi.
Hoặc đó có thể là thời điểm sếp la hét vì một sơ suất nho nhỏ tôi gây ra – và sếp còn chưa hề hay biết tôi vừa nhận được lời mời làm việc từ công ty mơ ước của tôi. Giữa cơn la ó, tôi đã có thể giơ tay lên và dõng dạc cất lời, “Được rồi. Tôi thôi việc.” Đó là một khoảnh khắc thật đã.
Một thời điểm nữa là khi tôi thôi việc để gia nhập công ty tôi đã tự gây dựng mười tám tháng trước đó. Một thời điểm khác, tôi nhận ra mình đã hoang phí cơ nghiệp của mình khi bán công ty đi và mất hết tiền của.
Rất nhiều lần, tôi từ người làm công thành chủ doanh nghiệp, trở lại làm công, rồi lại thành chủ doanh nghiệp. Chưa từng làm gì đến nơi đến chốn. Chưa từng thấu tỏ điều gì. Có gì ở đây để thấu tỏ? Rằng đã chẳng còn gì.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp đã nhường chỗ cho cái-gọi-là nền Công nghiệp Tri thức, giờ đây nền Công nghiệp Tri thức lại nhường chỗ cho đứa con đẻ hoàn toàn mới mẻ sinh ra từ những chuyển dịch kiến tạo mang tính lịch sử – nền Kinh tế Ý tưởng. Không phải lúc nào tôi cũng sẵn sàng cho điều này. Tôi đánh mất phương hướng. Đã bao lần tôi dằn vặt,“Sao mình lại gặp chuyện này NỮA vậy!?” Và tần suất tôi lặp lại câu hỏi này càng
lúc càng lớn. Thế giới đang biến đổi chóng mặt và tôi không hiểu phải hành động thế nào.
Tôi sợ hãi.
Sự chuyển dịch ấy là gì vậy?
Sự chuyển dịch ấy có thể được tóm gọn lại: mọi việc có thể thuê làm bên ngoài sẽ được thuê làm bên ngoài. Bất cứ thứ gì có thể thế chỗ bằng công nghệ sẽ đều bị thế chỗ bằng công nghệ. Tất cả độc giả của cuốn sách này ít nhiều đều lớn lên trong nền kinh tế công nghệ và một phần của nền kinh tế tri thức. Nhưng công nghiệp đã được chuyển sang thuê làm bên ngoài, ở những vùng xa xôi trên thế giới, hoặc là chuyển cho rô bốt. Và giờ đây, tri thức cũng đã được thuê bên ngoài. Những tu sĩ sống trong các tu viện hẻo lánh biệt lập lao tâm khổ tứ hàng năm trời vì một cuốn sách, và rồi máy in Gutenberg loại bỏ nhu cầu cần những người như họ, gần như mọi kỹ năng – kể cả những kỹ năng phải trả giá bằng việc học hành khổ luyện – đều được thuê làm ở một nơi nào đó. Con ngựa nhường chỗ cho xe hơi. Đầu ghi hình nhường chỗ cho video phát trực tiếp. Hiệu sách nhường chỗ cho Amazon. Một vài câu chuyện trong số đó thật buồn. Tôi nhớ cảm giác lang thang trên lối đi giữa các hiệu sách trong khu mua sắm. Tôi luyến tiếc những sảnh chơi điện tử với các trò như Asteroids và Pac-Man. Tôi thực lòng hoài niệm những ngày truyền hình chỉ có ba kênh và ta phải tìm ra đúng chương trình để xem cho thỏa chí. Tôi tiếc cảm giác buồn chán, chỉ vạ vật trên giường và mơ mộng về tương lai, hoặc dong xe trên những con đường ngoại ô yên bình kiếm lũ bạn chơi cùng. Rồi ngồi ở nhà với ông bà vào tối thứ Bảy, cười ngặt nghẽo lúc xem phim “The Golden Girls” vì đó là điều giúp ông bà và tôi thêm gắn bó với nhau. Giờ đây, tụi trẻ và bố mẹ có quá nhiều thứ để quan tâm, một mắt dán vào điện thoại, mắt kia dán lên tivi với ti tỉ kênh, còn một con mắt nữa, ai biết chỗ nào?
Cưỡng lại sự đổi thay thì thật ngu ngốc. Chẳng khác nào bảo mặt trời không nên mọc buổi mai nữa, bởi ánh bình minh rút ngắn giấc ngủ của tôi. Không thể cứ ngủ vùi trước những gì đang xảy đến. Vài năm trước tôi viết một bài đăng blog với nhan đề “10 lý do bạn buộc phải thôi việc.” Bài đăng này có hàng triệu lượt xem trên nhiều nền tảng khác nhau. Nhiều người thích bài viết này vì cảm thấy không hạnh phúc với công việc của mình VÀ rằng có gì đó tốt đẹp hơn dành cho họ. Mọi người viết cho tôi, “Tôi biết mình có thể thực hiện được mục tiêu đích thực dành cho mình, miễn rằng tôi biết được mục tiêu ấy là gì.”
Choose Yourself, cùng bạn đồng hành The Choose Yourself Guide to Wealth (tạm dịch: Chỉ dẫn hướng tới sự giàu sang) chứa đựng phần lớn giải pháp.
Một bình chứa nước không thể đựng thêm nước nếu nó đã đầy hoặc chứa toàn nước bẩn. Đó chính là tôi trong tình cảnh tuyệt vọng nhất. Nước dơ hầy, nổi váng. Không ai thèm uống. Không ai thèm dung nạp tôi. Tôi buộc phải dốc sạch bình chứa. Tôi ly hôn và khánh kiệt, mất cả gia đình và khốn khổ khốn nạn. Giải pháp duy nhất là không làm thuê, cũng không làm chủ doanh nghiệp, mà là một kiểu lai, như tôi sẽ gọi trong cuốn sách này, một “nhân viên giàu có,” chính là dạng kết hợp của cả hai tâm thế này. Nó nắm trong tay những công cụ chuẩn xác để sống sót và tiến lên trong nền kinh tế ngày nay.
Trước đây, tôi đã viết về những việc cần làm để xả sạch bình chứa, để trở nên trong lành hơn và bắt đầu xây dựng những kỹ năng ấy. Trong cuốn sách này, tôi cung cấp thêm những chi tiết về việc phát triển tâm thế “nhân viên giàu có” quan trọng ra sao và tâm thế ấy có thể vận dụng để làm bệ phóng đưa ta đến với thành công và hạnh phúc. Liệu nó có giống hệt với Tôi lựa chọn chính mình? Đây chính là phần thêm vào. Bạn lựa chọn chính mình khi bạn nhận ra lớp mạng che phủ là những ảo ảnh tấn công ta hằng ngày từ mọi phía của một xã hội luôn tìm cách kiểm soát nhưng lại ngụy trang dưới lốt muốn giúp đỡ ta. Mọi
người sẽ cười cợt, chống đối, và rốt cuộc, vì không còn lựa chọn nào khác, phải tôn trọng và tưởng thưởng cho những người biết lựa chọn chính mình.
NGUYÊN TẮC CƠ BẢN:
Mỗi ngày đều tập trung vào 1% cải thiện điều tôi gọi là “Thực hành thường nhật.”
SỨC KHỎE THỂ CHẤT:
Một thứ, như anh bạn Tom Rath của tôi viết trong Are You Fully Charged? (tạm dịch: Bạn đã sạc đầy chưa?), nói cho cùng chính là “ăn uống, di chuyển, ngủ.” Ăn uống tử tế hơn. Di chuyển tử tế hơn. Ngủ tử tế hơn. Điều này không có nghĩa là “Ăn uống tuyệt hảo.” Chỉ đơn giản là, tuần này ăn uống lành mạnh hơn một chút so với tuần trước. Như Tom diễn đạt,“Ta đều biết cái gì là tốt, cái gì là hại với bản thân. Hãy nhìn vào phần ăn của mình và chỉ cần đảm bảo rằng những thứ tích cực chiếm ưu thế hơn phần tiêu cực. Và áp dụng tương tự với việc ngủ (8 tiếng thì tốt hơn 2 tiếng) cũng như di chuyển. Di chuyển trở nên đặc biệt quan trọng trong xã hội chúng ta: mỗi xu hướng đều làm tăng số giờ đồng hồ ta ngủ mỗi tuần so với thế hệ cha mẹ chúng ta. Thêm nhiều công việc dạng tĩnh, nhiều nguồn giải trí tĩnh hơn. Thậm chí kiến trúc nơi làm việc cũng khích lệ ta ngồi yên và di chuyển ít đi. Như thế không có nghĩa là bạn phải chạy đến phòng gym và tập tành mỗi ngày. Như Nassim Taleb nhắc trên kênh phát thanh trực tuyến của chúng tôi, “nhiều người lái xe hai dặm đến phòng gym chỉ để đi bộ hai dặm trên máy chạy.” Chỉ cần đi bộ thôi. Hôm nay ráng đi nhiều hơn một chút so với hôm qua.
SỨC KHỎE CẢM XÚC:
Tránh dành thời gian với những người làm bạn thấy chán nản. Dành thêm thời gian với những người bạn yêu thương và thương yêu bạn. Như thế không có nghĩa là tránh xa khỏi
g y ạ g g
những người bạn không thích. Bạn vẫn có thể mở lòng với họ. Nhưng bạn không phải thết họ bữa tối kèm sâm-panh mỗi ngày.
SỨC KHỎE TRÍ NÃO:
Rèn luyện “cơ bắp ý tưởng” như đã bàn luận trong mọi cuốn sách của tôi, cùng với cuốn Become an Idea Machine – Because Ideas are the Currency of the 21st Century2 của Claudia. Chính điều này đã biến đổi đáng kể cuộc đời tôi cứ mỗi sáu tháng một lần.
2 Alpha Books mua bản quyền và xuất bản với nhan đề Mỗi ngày 10 ý tưởng rèn luyện “cơ bắp” sáng tạo.
SỨC KHỎE TINH THẦN:
Xin nhắc lại, không cực đoan. Muốn vậy không cần bạn phải cầu nguyện hay thiền định 8 tiếng một ngày. Chỉ đơn thuần là “Biết ơn.” Bạn có thể thực hành điều này thường xuyên cỡ nào mỗi ngày? Hôm nay có thể nhiều hơn chút so với hôm qua? Lần đầu tiên tôi viết những điều gần giống đoạn trên, một người phụ nữ hồi đáp rằng “lòng biết ơn” và “nỗi đau cảm xúc” không thể ở chung trong đầu cô cùng một lúc. Ý tưởng ở đây đích xác là thế. Ta chỉ có một khoảng thời gian hữu hạn trên chiếc phi thuyền bé tí phóng vụt qua dải thiên hà này. Tại sao lại phí hoài dù chỉ một khoảnh khắc vào sự đớn đau. Giờ đây, tôi phải thường xuyên hứng chịu nhiều nỗi đau, đủ nhiều để biết tôi phải chọn cách ứng xử ra sao: Tôi có thể ngưng lại một giây, để tâm đến điều đó, và cố gắng thay thế những tiếc nuối và âu lo ấy bằng lòng biết ơn. Hãy tưởng tượng cơ thể chúng ta như những tảng đá lớn. Như Michelangelo đã nói, mỗi tảng đá lớn đều chứa đựng trong đó một bức tượng.
Thực hành thường nhật chính là cách ta sử dụng tảng đá – bản thân mình, tất cả những nơi nào ta cảm thấy bị khóa chặt, và biến những tảng đá ấy trở thành tác phẩm nghệ thuật. Trên
thực tế, có bốn tảng đá: thể chất, cảm xúc, trí tuệ và tinh thần, và bốn tác phẩm nghệ thuật ta từ tốn bắt tay vào chạm khắc sẽ làm nên viện bảo tàng của riêng ta. Ta đào sâu hơn nữa vào chính bản thân mình và thốt nhiên ta nhìn thấy nghệ thuật và thi ca bên trong đó. Tất cả trở nên thật choáng ngợp. Ta thốt lên, “Tôi chẳng thể ngờ bản thân tôi lại sở hữu điều này.” Tôi chưa từng biết mình có những đam mê ấy. Tôi chưa từng biết mình có sức mạnh như thế. Tôi chưa từng biết mình có những tài năng và khả năng nói “có” với những điều đúng đắn và “không” với những điều sai lầm.
Đây là giai đoạn đầu tiên của việc Lựa chọn chính mình, khi tìm ra vẻ đẹp, tìm thấy ánh sáng, nội tâm ta có thể soi rọi và mang lại tầm nhìn cho tất cả những điều khác. Giai đoạn kế tiếp là khi ta nhận biết những người gác cổng với đúng bản chất của họ. Chính là những người quản lý, chỉ với một câu “Anh bị sa thải,” họ có thể gây ra cho ta biết bao nhiêu tổn thương tình cảm và thống khổ tiền bạc.
Hay những người gác cổng ngăn trở các cuốn sách của ta được xuất bản, hay những kẻ từ chối mua hàng của ta đúng vào lúc ta chỉ cần một lượt bán cuối cùng này thôi. Hay những người gác cổng không đời nào chịu thừa nhận nghệ thuật và những đam mê của ta, buộc ta phải làm việc trong những nhà máy theo nghĩa bóng, miễn sao ta trả bớt được những khoản nợ nần chồng chất vì ta nghĩ đó chính là những “món nợ” mà xã hội đòi hỏi ở ta (thế chấp, vay nợ học phí…)
Giai đoạn hai này chính là sự mở đầu cho nền Kinh tế Ý tưởng.
Đến giờ ta đã biết việc sản xuất và công nghiệp có thể thuê ngoài hoặc sao chép. Đến giờ ta đã biết máy tính đã thay thế quản lý cấp trung trên quy mô lớn. Chúng ta cũng đang khám phá ra rằng, thậm chí tri thức cũng có thể thuê ngoài. Ngay bây giờ, tôi đang chuyển một vài dự án lập trình ra thuê ngoài cho nhiều người ở các quốc gia khác nhau, một dự án dịch thuật, vài dự án
nghiên cứu và vài dự án thiết kế. Có các kỹ năng đã không còn cần thiết ở những nền kinh tế phát triển hàng đầu.
Nhưng một thứ không thể thuê ngoài, đó là Ý tưởng. Chúng ta đang lần đầu chuyển đổi sang nền “Kinh tế Ý tưởng” thuần khiết. Như tôi từng đề cập đến trong cuốn The Choose Yourself Guide to Wealth, ý tưởng chính là tiền tệ thực sự của thế kỉ 21. Không gì có thể thay thế năng lực sáng tạo của bạn, tạo ra viễn kiến và rồi thực thi viễn kiến ấy theo cách hiệu quả nhất.
Rất nhiều người cho rằng “Lựa chọn chính mình” tự động đồng nghĩa với việc trở thành một doanh nhân.
Điều này hoàn toàn không đúng. Kinh doanh, hẳn nhiên, có thể sinh lời lớn. Ta chứng kiến biết bao câu chuyện mỗi ngày về những người tạo lập một công ty và rồi một năm sau, họ bán lại với giá hàng tỷ đô la cho Facebook hay Google. Mẫu người hùng trong xã hội hiện đại trở thành Mark Zuckerberg hay Elon Musks, những người cơ hồ chộp lấy ý tưởng sáng tạo từ trên trời rồi đưa vào hiện thực ở công ty họ và kiếm được hàng tỷ đô la và giúp đỡ hàng tỷ người khi họ làm việc đó. Do thu nhập sa sút và thiếu sự ổn định tài chính ở chỗ làm, ai cũng nghĩ là họ BUỘC phải trở thành doanh nhân thì mới thành công và tìm thấy hạnh phúc cuộc đời được.
Điều đó không đúng. Cuốn sách này tập trung lý giải tại sao điều đó không đúng và làm thế nào bạn có được tâm thế nhân viên giàu có và tận hưởng thành công mà chỉ số ít (ngay lúc này, chỉ rất ít) người có được tâm thế này và bộ kỹ năng song hành cùng nó. Vấn đề là: bất bình đẳng thu nhập ngày càng lớn hơn. Không thể phủ nhận điều đó. Nhưng đây không phải sự phân biệt giữa người chủ và nhân viên. Đây là sự khác biệt giữa những người có tâm thế nhân viên giàu có với những người có tâm thế nhân viên nghèo khó.
Tôi đã làm nhân viên, rồi làm chủ doanh nghiệp biết bao lần. Mỗi vị trí lại có cái hay, cái dở riêng. Tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời ở vị trí nhân viên, giúp tôi thực hiện những mơ ước của mình, kiếm ra tiền ở cả chỗ làm và việc phụ thêm, có tự do để đưa ra vô số lựa chọn trong cuộc đời. Tôi cũng đã có những trải nghiệm đi làm thuê, khi tôi nôn nóng chờ đến lúc bị “bắt quả tang” làm việc xấu để có thể quay lưng bỏ đi và kiếm tìm những cơ hội mới.
Tôi đã nếm trải nỗi bấp bênh hơn ở vai trò chủ doanh nghiệp. Chớ quên rằng kinh doanh chẳng khác nào sở hữu một công việc với tỷ lệ thất bại tới 85%. Không có cách nào dự đoán hay tránh khỏi tỷ lệ thất bại đó. Một khi đã nhảy xuống bể đó, tứ bề tối tăm đến nỗi bạn chẳng thể thấy được có con cá mập nào đang rập rình chén thịt bạn không. Nhưng 85% khả năng cá mập đã chực sẵn ở đó. Điều này rất đáng sợ, tôi đã từng bị cá đớp và xé xác tan tành. Nhân tiện, tôi không hề nói rằng chớ có trở thành chủ một doanh nghiệp. Nhưng một triệu phú trung bình có tới 14 nguồn thu nhập khác nhau.
Mục đích của sáng nghiệp trong nền Kinh tế Ý tưởng không phải là tạo ra rủi ro cho bản thân bạn và nhà đầu tư, mà là giảm thiểu rủi ro ấy. Một phần để giảm bớt rủi ro ấy là lựa chọn bản thân và gắn kết hết mình vào nền Kinh tế Ý tưởng bất kể bạn là nhân viên hay làm chủ. Cũng giống như những cơ hội lập nghiệp tốt, có nhiều cơ hội để tìm thấy những công ty phù hợp, nơi bạn có thể là một người làm-thuê-kiêm-làm-chủ (entre
ployee). Nghĩa là những công ty là một phần của nền Kinh tế Ý tưởng sẽ tạo điều kiện cho bạn thành công và làm giàu ngay tại vị trí công việc đó thay vì vùng vẫy trong “lò sát sinh” khởi nghiệp.
Tôi đã phải làm việc này rất nhiều lần để có thể sinh tồn. Khi bạn đóng vai trò sáng nghiệp, điều đó đồng nghĩa với vài thứ: Bạn đóng vai trò thiết yếu đến nỗi thành công tài chính của bạn
ngay lập tức gắn chặt với thành công của những nỗ lực bạn bỏ ra ở công ty.
Bạn có những việc làm thêm, thậm chí duy trì cả một công ty bên ngoài và mọi người chẳng hề thấy phiền lòng (thật ra, đây chính là cách tôi khởi sự việc làm ăn đầu tiên, vẫn duy trì công việc toàn thời gian suốt 18 tháng trong khi gây dựng cơ nghiệp đầu tiên của mình.) Bạn xây dựng thêm nhiều nguồn thu nhập ở những công việc phụ thêm, đến mức “việc chính” chỉ là một nguồn thu nhập mà thôi. Cuốn sách này sẽ chỉ cách cho bạn.
Người ta có thể nói: “Tôi làm gì có thời gian cho cả việc chính LẪN việc làm thêm.” Có chứ. Giờ bạn đừng lo về chuyện đó.
Sáng nghiệp là từ chỉ chung việc tự khởi nghiệp công ty của riêng bạn. Còn nhân viên là từ chỉ làm việc cho ai đó.
Nhưng có tồn tại một phổ rộng. Nếu bạn đóng vai trò sáng nghiệp và có tư duy nhân viên giàu có, khi đó bạn sẽ phát huy tối đa ưu điểm của cả hai. Cái gọi là tính ổn định của một công việc rõ ràng đã trở thành chuyện tưởng tượng, nhưng làm-thuê kiêm-làm-chủ đã loại bỏ được hầu như toàn bộ nguy cơ bị sa thải. Hay bị gắn chặt với kiểu trả lương hai-tháng-một-lần không thật sự phản ánh đúng giá trị bạn mang lại cho công ty – bất kể là công ty của chính bạn, của ai đó, hay một công ty bạn đang dần gây dựng phần sở hữu của mình trong đó, từng chút từng chút một.
Từ khi bắt đầu áp dụng những kỹ thuật này và viết về chúng, tôi chưa từng phải hối hận. Và tôi nhận được hàng trăm lời xác nhận thành công. Trước khi có được tâm thế “Làm thuê giàu có”, tôi đã rất chật vật. Tôi e sợ sếp mình. Tôi e sợ cả đồng nghiệp. Tôi e sợ những diễn biến trong nền kinh tế vì tôi đâu có gì để bấu víu nếu mọi thứ sụp đổ, như một sự thực không thể tránh khỏi. Tôi vẫn nhớ mình đang nằm trên võng khi nhận ra mình lại sắp phải bán nhà mà không hề biết sẽ làm gì cho ra
tiền. Lúc đó trời mưa nhưng tôi sợ phải đi vào trong nhà và vờ cư xử như bình thường khi ở cạnh cả gia đình. Tôi không nghĩ mình sẽ quyết định trở thành một nhân viên giàu có sau đó. Thật ra, thất bại liên tiếp xảy ra sau khoảnh khắc ấy. Tôi đánh mất tất cả và đời tôi trở thành một địa ngục trần gian, đến tận khi tôi tính chuyện tự sát sau nhiều đêm không ngủ, còn đầu óc đánh gục tôi trong từng suy nghĩ. Cuối cùng, tôi đành từ bỏ. Sao phải tranh đấu nữa. Dù chỉ trong một khắc này thôi, hãy mạnh mẽ lên!
Không có gì thay đổi vì khoảnh khắc ấy. Nhưng tôi cảm giác như một gánh nặng đã được nhấc khỏi vai mình. Và từng chút một, tôi dần phát triển những nguyên tắc này, rất nhiều trong số đó từng phát huy tác dụng với tôi trước kia nhưng tôi đã quên bẵng. Nhiều điều trong số đó tôi học được trong một quá trình dài. Mỗi ngày tôi đều không ngừng áp dụng chúng. Mỗi ngày không hẳn đều tốt đẹp hơn ngày trước đó. Mỗi ngày vẫn như mọi ngày, nhưng tôi thấy thêm một phần nghệ thuật nữa bên trong tảng đá được trao vào tay tôi. Và sống vì điều đó thật xứng đáng.
BẮT ĐẦU CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH MỘT NHÂN VIÊN GIÀU CÓ TỪ CHÍNH NƠI BẠN ĐANG ĐỨNG
N
ếu cuốn sách này khiến bạn chú ý, xin chúc mừng, bạn ở đúng nơi rồi đấy. Hoặc bạn đang làm một công việc bạn không thích, hoặc vừa bị sa thải. Hoặc có lẽ bạn đang
không chắc liệu mình nên từ bỏ hay bắt đầu tự kinh doanh. Tiền bạc và sáng tạo có thể lẫn lộn với nhau. Nhiều người trong chúng ta từng ở những vị trí khác nhau trong khoảng đó, điều đó ổn thôi. Bất kể bạn đang ở đâu, đây là một điểm lý tưởng để bắt đầu.
Ta sẽ bắt đầu với ba vị trí hiển nhiên hơn, là những việc một nhân viên giàu có sẽ làm nếu cô ấy mới được tuyển hôm nay, nếu anh ta bị sa thải hôm nay, và tại sao ta phải tạm gắn bó với một công việc đáng chán một thời gian, cho đến khi tâm lý “nhân viên giàu có” trọn vẹn nổi lên. Chúng ta hãy bắt đầu thôi!
10 ĐIỀU MỘT NHÂN VIÊN GIÀU CÓ SẼ LÀM NẾU VỪA BỊ SA THẢI
C
ảm giác tệ hại nhất là khi đột nhiên bạn bị mời vào phòng họp, và ở đó chỉ có vẻn vẹn sếp của bạn cùng một người đến từ bộ phận nhân sự mà bạn mới gặp một lần trước đây, vào ngày đầu tiên đi làm.
Khi việc đó xảy ra với tôi, não tôi không tài nào hiểu nổi nhưng trái tim tôi đã tan thành trăm mảnh. Tôi biết.
Họ bảo hoặc tôi chịu giảm 50% lương hoặc tôi sẽ bị sa thải. Trong trường hợp tôi bị sa thải, họ sẽ đền bù việc cắt đứt hợp đồng. Tôi không thích phương án nào cả. Tôi còn các trách nhiệm phải gánh. Tôi trông cậy vào đồng tiền kiếm được. Tôi sợ chết khiếp. Tôi đâu ngờ chuyện này. Chuyên viên nhân sự nói: “Tôi phải tuyên bố chính thức với anh rằng đây là quyết định cuối cùng.” Tôi sợ phải về nhà. Không phải vì vị chua chát của ngày hôm sau đã sớm lan trên đầu lưỡi, mà là nỗi khiếp hãi những gì tôi sẽ nghĩ đến khi choàng tỉnh giấc giữa đêm.
Tôi biết tôi sẽ tỉnh dậy giữa đêm khuya với nỗi sợ hãi, cô đơn và bất an. Tại sao họ muốn sa thải tôi? Tôi biết tôi sẽ tỉnh dậy, hoảng loạn và kinh hoàng.
Tôi có một tháng để đưa ra quyết định. Nên tôi làm theo cách của mình và đưa ra hành động điển hình “Kiểu-của-James”!
Tôi không đưa ra quyết định. Tôi không hề đến chỗ làm trong suốt một tháng đó. Một ngày nọ, tôi mới nghe nói rằng ở đó mọi người ghét tôi vì họ nghĩ tôi quá kiêu căng.
Đến cuối tháng, họ thông báo rằng tôi bị sa thải, nhưng tôi không được hưởng khoản bồi thường phá vỡ hợp đồng vì đã bỏ làm cả tháng đó. Họ chờ 32 ngày để nói với tôi nốt phần cuối cùng. Khoản bồi thường này đáng lẽ đã giúp tôi sống được trong vòng sáu tháng.
Giờ thì tôi chết lặng. Tôi gọi bộ phận Nhân sự. Tôi gọi điện lên Tổng giám đốc. Tôi gọi cho các bạn tôi ở đó. Tôi khóc lúc nói chuyện với người trực tổng đài. Hóa ra tôi không còn bạn bè gì ở đó nữa. Còn thư ký của Tổng giám đốc nói ông ta sẽ gọi lại ngay cho tôi nhưng ông ta chẳng hề làm thế. Tôi chẳng thể làm gì được. Tôi ngu ngốc, bị đuổi việc, và gần như trắng tay.
Một lần nữa.
Tôi ghét bị đuổi việc. Và tôi ghét phải ghét bị đuổi việc. Như thể tôi phải van nài ai đó rất xem thường tôi, rằng làm ơn cho tôi được nô dịch lần nữa. Xin làm ơn! Xin cho tôi được khom lưng uốn gối và rồi ông bà có thể đuổi việc tôi thêm lần nữa, lần nữa nữa lúc bốc đồng. Tôi thậm chí sẽ nhận giảm lương 50%, tôi xin nhận bất cứ thứ gì ông bà cho là xứng với một con chó. Tôi thậm chí còn làm không công! Tôi nói với họ như vậy đấy. Tôi cần tiền. Cần ngay lập tức. Tôi có hai lựa chọn: hoảng loạn hoặc hành động.
Khi bạn hoảng loạn, bạn sống trong những suy nghĩ của chính mình. Bạn ngồi đó và rà soát lại mọi phương án sẽ xảy đến với mình. Nhưng bạn không thể di chuyển. Bạn luôn có hai lựa chọn: hoặc hoảng loạn, hoặc bình tĩnh hành động. Một hôm tôi rời khỏi phòng và đến một tiệm bán bánh kẹp. Tôi ăn một chiếc bánh kẹp xúc xích rồi trở về nhà và nhìn trân trân ra ngoài cửa sổ đến hết ngày. Tôi đông cứng. Nỗi hoảng loạn khiến bạn đông cứng. Không ai đi vào đầu bạn và đuổi nỗi kinh hoảng đi. Nhưng hành động sẽ đẩy nỗi kinh hoảng ra khỏi đầu bạn.
Tôi không muốn đưa ra lời khuyên. Tôi chỉ muốn kể cho bạn nghe những hành động tôi đã thực hiện.
Lần khác, tôi điều hành một công ty bị mua lại. Những người chủ mới muốn tôi phải sa thải nhân viên. Tôi từ chối. Cuối cùng họ đuổi việc tôi. “Anh làm tôi phát chán,” một trong những người điều hành mới nói với tôi.
Tôi không thể đuổi việc ai cả, tôi không đủ can đảm. “Anh phải làm việc đó,” sếp mới nói. “Không còn cách nào khác, đây chính là tình huống mà chế độ nô lệ vẫn có hiệu lực, và anh buộc phải làm theo lời tôi nói.” Người đó giờ đây là một nhà sản xuất phim nổi tiếng. Một trong những bộ phim của ông ta thu về hơn 300 triệu đô la. Vậy là công việc đó của tôi kết thúc.
Mọi chuyện chẳng đi đến đâu khi bạn cứ phải chiều theo ý muốn của kẻ khác. Bất kể bạn đang tự kinh doanh hay đi làm thuê. Một khi có người mua chuộc bạn để làm việc gì đó (trả lương chính là một dạng mua chuộc, nếu bạn chỉ đang làm việc vì tiền chứ không vì ý nghĩa nào hết), bạn liền trở thành một tù nhân.
Bất cứ ai cũng có thể trở thành tù nhân. Có nhiều người rất vui lòng được làm cai ngục cho bạn. Ai cũng muốn có phần. Ai cũng muốn có miếng. Họ kiếm phần cho mình, bỏ mặc bạn chảy máu. Mới gần đây, một công ty tôi quen biết lâm vào cảnh làm ăn sa sút. Tôi có nhiều bạn ở đó. Tôi không muốn họ bị hoảng loạn. Tôi không muốn họ cảm thấy nỗi sợ hãi ấy.
Tôi viết cuốn sách này, một phần, bởi nỗi sợ đó. Tôi hy vọng mọi người đọc cuốn sách này và hiểu rằng dù là người làm thuê, ta cũng có thể lựa chọn bản thân ĐỒNG THỜI đạt được sự thành công và thăng tiến.
10 ĐIỀU MỘT NHÂN VIÊN GIÀU CÓ SẼ LÀM NẾU ĐƯỢC TUYỂN DỤNG HÔM NAY
N
gười phụ nữ bước ngay bên cạnh tôi vẫn còn sống chỉ một giây trước thôi, rồi chiếc taxi trờ lên vỉa hè Phố 42 giữa Đại lộ 6 và 7, tông vào cô ấy và quẹo hướng, giờ
người phụ nữ ấy nằm sõng soài trên đường, người đầy máu. Việc này xảy ra ngay ngày đầu tiên, hoặc ngày thứ hai khi tôi bắt đầu làm việc tại HBO. Tôi cố gọi 911 ở bốt điện thoại trả tiền (vẫn còn bốt điện thoại công cộng vào tháng 8 năm 1994) rồi tôi phải đi ngay. Người phụ nữ ấy đã chết. Tôi còn phải đi làm. Tôi yêu HBO như con yêu cha mẹ vậy. Tôi muốn họ công nhận tôi. Và hôn tôi chúc ngủ ngon mỗi đêm.
Trước khi nhận được lời mời làm việc, tôi xem HBO cả ngày. Cậu bạn Peter và tôi dán mắt vào HBO hay MTV suốt 10 tiếng liền tù tì. Khoảng 1 giờ chiều tôi sẽ chạy qua nhà cậu ấy rồi đến 10 giờ đêm chúng tôi sẽ nhìn nhau và thốt lên: “Bọn mình vừa làm quái gì thế nhỉ.” Tất tần tật từ “The Larry Sanders Show” trên HBO cho đến “Beavis & Butthead” trên MTV. Chúng tôi không ngừng được. Tôi yêu các sản phẩm đó. Tôi muốn được làm ở nơi đó.
Nhìn lại, tôi mới thấy những gì mình làm hồi bấy giờ chính là nguyên tắc đầu tiên mà một nhân viên giàu có tuân thủ khi muốn làm việc ở nơi nào đó, tôi yêu sản phẩm đó. Những nguyên tắc còn lại đến với tôi sau này, khi tôi bị cuộc đời xô ngã hết lần này đến lần khác. Khó khăn lắm tôi mới ngộ ra được. Thật tốt là bạn không phải làm vậy; sau đây là 10 nguyên tắc, tất cả đã được hệ thống hóa và sẵn sàng mang lại lợi ích cho bạn:
Nguyên tắc 1:
Ả Ẩ
YÊU SẢN PHẨM
Bạn phải yêu sản phẩm hiện thời của công ty. Nếu bạn làm việc tại HBO, hãy yêu những chương trình ở đó. Xem tất tật không chừa chương trình nào. Không viện cớ bỏ qua. Nếu bạn làm việc tại WD-40, hãy hiểu rõ mọi công dụng của chai chống gỉ sét đa năng WD-40. Hãy nghĩ thêm vài công dụng khác chưa ai từng nghĩ đến. Nếu bạn làm việc tại Otis Elevators, phải hiểu rõ mọi thuật toán xem thang máy quyết định dừng lại ở tầng nào và khi nào. Nếu bạn làm việc tại Goldman Sachs, hãy đọc mọi cuốn sách về lịch sử của hãng, nghiền ngẫm mọi thương vụ họ đã thực hiện, nắm rõ các sở thích của Lloyd Blankfein3 và ông đã vươn lên từng nấc thang bằng cách nào. Bạn phải yêu sản phẩm như thể Derek Jeter4 mê chơi bóng chày vậy.
3 Lloyd Craig Blankfein là Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Goldman Sachs, bắt đầu nắm giữ vị trí này từ năm 2006 đến nay. (DG)
4 Derek Jeter, sinh năm 1974, là cựu cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp ở vị trí chặn ngắn (shortstop), huyền thoại của đội bóng chày New York Yankees, Mỹ. (DG)
Khi mới bắt đầu làm việc ở HBO, tôi đã mượn băng VHS5 từ thư viện của hãng mỗi ngày. Tôi xem mọi chương trình suốt mười năm gần nhất. Có thời gian rảnh, tôi lại thức khuya và xem tivi. Tôi theo dõi mọi danh hài. Tôi thậm chí còn xem những trận so găng quyền anh vốn đã làm nên danh tiếng HBO thuở đầu. Chính việc này dẫn tôi đến với…
5 VHS (Video Home System) là một chuẩn của công nghệ thu hình analog trên băng cassette. (DG)
Nguyên tắc 2:
HIỂU RÕ LỊCH SỬ
Tại HBO, tôi đã tìm hiểu được chuyện Michael Fuchs (phụ trách chuyên mục HBO Thể thao thời bấy giờ, sau là Giám đốc điều hành của HBO) đã phát sóng trận quyền anh đầu tiên trên vệ tinh vào năm 1975. Cả chuyện Jerry Levin (Giám đốc điều hành của HBO, sau là Giám đốc điều hành của Time Warner) sử dụng vệ tinh để truyền tín hiệu đến các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Đó là lần đầu tiên việc này diễn ra. Ted Turner6 được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ sự kiện này đến nỗi ông đã biến TBS – công ty truyền hình địa phương của mình thành một đài truyền hình quốc gia, và phần còn lại đã đi vào lịch sử.
6 Robert Edward “Ted” Turner III, một trong những nhân vật truyền thông hàng đầu của nước Mỹ thế kỷ 20, người sáng lập CNN – kênh truyền hình cáp chuyên tin tức 24/24 đầu tiên trên thế giới vào năm 1980. (DG)
Nguyên tắc 3:
NẮM RÕ LAI LỊCH CỦA CÁC NHÂN VẬT ĐỨNG ĐẦU
Tại HBO tôi tìm hiểu mô hình tổ chức một cách đầy sùng kính. Chức danh của tôi là “chuyên gia phân tích lập trình, phòng Công nghệ thông tin”, vậy mà tôi vẫn hỏi han khắp nơi: John Billock đã trở thành trưởng bộ phận Marketing như thế nào (ví dụ, ông đã đi từ nhà nọ sang nhà kia để bán thuê bao dài hạn HBO ở Lousiana khi Showtime mới bắt đầu vài chục năm về trước.) Rồi sếp của sếp của sếp của sếp tôi đã làm ở đâu trước khi tới HBO? (Pepsi). Phụ trách bộ phận Chương trình tự sản xuất bắt đầu sự nghiệp như thế nào? (Ông vốn là một cây hài độc thoại, sau là Giám đốc điều hành của HBO, trước khi bị buộc từ chức vì siết cổ bạn gái tại một bãi đỗ xe Las Vegas). Việc đó chẳng khác nào đọc về nguồn gốc xuất thân của các siêu anh hùng vậy. Tôi là một cậu nhóc hâm mộ cuồng nhiệt còn anh hùng thần tượng của tôi chính là những vị sếp kia. Tôi muốn trở thành một người như thế. Hoặc cừ hơn.
Tương tự như vậy: biết rõ đồng nghiệp của bạn, biết những mơ ước và tham vọng của họ. Bắt tay vào làm việc trước họ hai tiếng đồng hồ. Nếu họ cần giúp đỡ, hãy sẵn lòng. Bạn có đến hai tiếng dư ra mỗi ngày kia mà. Bạn có thể làm bất cứ việc gì.
Nguyên tắc 4:
LÀM RẠNG RỠ CHO SẾP
Tất cả nhiệm vụ của bạn trong đời chính là làm sếp được nở mày nở mặt. Bạn không quản bản thân mình. Bạn chỉ muốn sếp được thăng chức, tăng lương, thưởng thêm… Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ kiếm được nhiều hơn sếp mình. Do đó, sếp bạn kiếm được càng nhiều, càng thành đạt hơn, bạn cũng thành đạt hơn theo. Đó là cách duy nhất để vươn lên. Làm việc chăm chỉ, ghi hết công trạng mọi việc bạn làm cho sếp. Chớ giành lấy một phân một mảnh công cán. Rồi cuối cùng, ai cũng sẽ biết công trạng đó thuộc về người nào. Ngay cả lúc đó, hãy vẫn cảm ơn sếp vì mọi thứ và quy công trạng trở lại cho sếp. Sau đây là cách để làm sếp bạn được nở mày nở mặt:
Đi làm trước sếp hai tiếng đồng hồ. Nghĩa là bạn phải thức dậy và đến sở từ 5 giờ sáng. Hai tiếng đồng hồ làm thêm mỗi ngày, 500 giờ làm việc mỗi năm. Không có đồng nghiệp nào cạnh tranh nổi với bạn. Hãy cùng sếp đi ra xe, hoặc miệt mài rèn luyện khi sếp đã ra về. Bạn phải nắm rõ các mục tiêu, ý tưởng, kế hoạch, cả những rắc rối gia đình của sếp... Và, xin nhắc lại, trao cho sếp công trạng trong mọi việc. Và thường xuyên tỏ lòng biết ơn sếp vì cơ hội được thực hiện công việc bạn đang làm.
Nguyên tắc 5:
QUEN BIẾT MỌI THƯ KÝ
Nói ra thật sáo rỗng, nhưng chính các thư ký điều hành công ty. Họ kiểm soát mọi lịch trình. Họ phân phát mọi đặc ân. Hãy đưa
càng nhiều thư ký đi ăn trưa càng tốt. Không phải chỉ phòng ban của bạn, mà mọi thư ký ở phòng ban khác.
Đặc biệt lưu ý đến bộ phận Nhân sự, hoặc phòng “Phụ trách lao động” vì họ biết mọi chuyện đàm tiếu. Họ nắm rõ mọi chuyện đang xảy ra. Làm việc này cũng không khó gì. Trước hết, phòng Nhân sự cung cấp cho bạn mọi tài liệu giới thiệu khi bạn mới gia nhập công ty. Hãy mời những người đó đi ăn sau khi bạn đã ổn định ở chỗ làm được vài tuần. Nếu có người viết một bản tin cập nhật nội bộ công ty, hãy mời người đó đi ăn trưa. Hãy mời thư ký của sếp của sếp của sếp của sếp bạn đi ăn trưa. Không ai nghĩ là bạn đang qua mặt họ đâu. Bạn đang mời một thư ký đi ăn trưa thôi mà, đâu có gì to tát. Với tôi, đây là việc vô giá ở mọi công ty tôi từng làm việc.
Nguyên tắc 6:
KIỂM CHỨNG GIÁ TRỊ CỦA BẠN
Liên tục kiểm chứng giá trị của bạn trên thị trường. Thị trường việc làm cũng giống như mọi thị trường khác. Có cung và cầu. Và bạn là một sản phẩm bày bán ở một chợ phiên lớn mà thôi. Mỗi năm bạn cần phải khám phá xem giá trị của bản thân trên thị trường là bao nhiêu. Vì một lý do: cách hay nhất để được tăng lương và thăng chức là phải di chuyển lên trên, chứ không phải sang ngang.
Tiếp nữa, bạn không muốn bị “chết vai”. Một người bạn tốt của tôi đã làm tại bộ phận marketing ở HBO suốt 17 năm. Tôi chủ trì một bữa tối và mời cô ấy, có cả Giám đốc điều hành của một đại lý quảng cáo đang tuyển người, và tôi. Vị giám đốc này là một trong những bạn thân nhất của tôi. Vậy mà cô không thể thuê người bạn HBO của tôi làm việc. “Cô ấy bị chết vai quá rồi,” vị giám đốc nói. “Cô ấy sẽ không thể từ bỏ lối làm việc kiểu HBO ra khỏi đầu.”
Khi còn làm việc ở HBO, tôi liên tục nói chuyện với mọi người ở các công ty khác. Tôi ăn trưa với những người đứng đầu ở Showtime. Tôi biết nhiều người ở mọi phòng ban khác nhau của Time Warner. Tôi luôn luôn mời mọi người dùng bữa trưa hoặc bữa sáng. Tôi còn nhận được lời mời làm việc từ ngành ngân hàng. Tôi cố gắng thử sức ở vài bộ phận khác nhau tại HBO. Mỗi lần tôi nhận được lời mời làm việc, tôi lại được tăng lương và đề bạt ở HBO, đôi khi rất đáng kể (tăng lương tới 35%). Các sếp cũng oán tôi vụ này lắm, nhưng rồi trở lại “Nguyên tắc 4”, thường thì họ cũng được tăng lương mà.
Cũng phải nói thêm rằng, tôi rất rụt rè. Nếu đi dự tiệc, tôi luôn đứng chôn chân một góc và chẳng biết phải nói gì.
Tôi nghĩ có nhiều người hướng nội. Nhưng bí mật ở đây là: người hướng nội có một kỹ năng mạnh mẽ. Họ có thể lắng nghe. Không mất nhiều công sức mới mời được ai đó đi ăn trưa. Chỉ cần gửi một email.
Và rồi bạn lắng nghe. Chẳng mấy chốc, bạn đã nghe chuyện của tất cả mọi người. Và họ rất vui được tâm sự với bạn. Bạn sẽ biết được vấn đề của họ. Bạn sẽ biết có thể giúp đỡ họ ra sao, rồi bạn sẽ làm vậy. Đó là cách bạn trở nên quan trọng không thể thiếu được.
Nguyên tắc 7:
NGHIỀN NGẪM CÁC CHIẾN DỊCH MARKETING
Nghiền ngẫm mọi chiến dịch marketing. Ví dụ, vào năm 1996, HBO đã đổi câu khẩu hiệu của mình thành “It’s not TV. It’s HBO.” Câu khẩu hiệu này được sử dụng suốt 13 năm. Trước đó, khẩu hiệu là “Simply the Best”, rồi “Something Special’s On.” Khi họ đổi sang “It’s not TV”, Eric Kessler, trưởng bộ phận marketing đã tổ chức một cuộc nói chuyện giải thích họ đã tìm ra câu khẩu hiệu này như thế nào. Tất cả nhân viên dưới quyền ông đều có mặt trong khán phòng. Và cả tôi, đến từ phòng Công nghệ thông
ặ g p g p g g g ệ g tin. Không ai đi cùng với tôi. Tôi biết rõ mọi câu khẩu hiệu HBO từng sử dụng.
Nguyên tắc 8:
TÌM HIỂU TOÀN BỘ NGÀNH CỦA MÌNH
Điều gì khiến HBO khác biệt với Showtime, hay Cinemax? Hay một kênh truyền hình cáp miễn phí? Hay các kênh phát sóng nói chung? Tôi đã đọc mọi cuốn sách về lịch sử truyền hình tôi có thể tìm được. Tôi sẽ đến nghe các buổi giảng bài tại Viện bảo tàng Phát thanh và Truyền hình trên Phố 52. Tuyệt nhất là buổi các thành viên của chương trình MTV “The Real World”7 chủ trì hội thảo. Sau buổi hội thảo, tôi theo chân một nhóm thính giả suốt 30 dãy phố trong khi họ trò chuyện về bài giảng và chương trình. Tôi muốn chen vào biết bao lần. Họ sẽ trở thành những người bạn thân mới của tôi. Chúng tôi sẽ tổ chức tiệc tùng quanh các buổi chiếu “The Real World”. Nhưng tôi e dè quá và cuối cùng họ tản ra mỗi người một hướng, còn lại tôi chơ vơ một mình. Jessica Reif Cohen là chuyên gia phân tích truyền thông của Merrill. Tôi lại không biết gì về cổ phiếu. Nhưng tôi đọc mọi thứ cô viết và sẽ quét hết lượt tờ Thời báo Phố Wall (WSJ) để tìm những chỗ nhắc đến tên cô.
7 Tên chương trình truyền hình thực tế của kênh MTV, lên sóng từ năm 1992 đến 2013, lâu nhất trong lịch sử truyền hình. Nội dung xoay quanh cuộc sống mỗi ngày của 7 đến 8 nhân vật được lựa chọn ngẫu nhiên tại một thành phố hoàn toàn mới mẻ. (DG)
Khi tôi cố gắng chào bán Reset, công ty đầu tiên của tôi. Tôi gọi cho mọi tên tuổi trong ngành. Omnicom, Razorfish, Agency.com… Tôi đọc mọi tài liệu lưu trữ của Ủy ban Chứng khoán Liên bang (SEC) để nắm được mọi sắc thái trong tất cả hoạt động giao dịch và cấp vốn của họ. Khi gây dựng Stockpickr, tôi ám ảnh với cơ chế hoạt động của Yahoo Finance và cách mà
nàng (Yahoo Finance là “nàng”, và tôi yêu nàng) phân phối lượng truy cập đến tất cả các kênh truyền thông của mình. Với HBO, điều đó thật lôi cuốn vì có lúc, Giám đốc điều hành của Showtime, Time Warner, Universal, Viacom, Fox Sports… đều là cựu lãnh đạo của HBO.
Nguyên tắc 9:
TRỞ THÀNH CHÍNH CÔNG TY
Tôi chỉ là một lập trình viên quèn ở phòng Công nghệ thông tin. Phòng tôi cách xa các hoạt động kinh doanh thông thường của công ty đến nỗi họ thậm chí còn bố trí chúng tôi ở một tòa nhà khác. Nhưng tôi chẳng nề hà. Tôi chính là HBO. Đó là phương châm của tôi. Tôi chăm chú tới mọi khía cạnh hoạt động của công ty, tôi biết bất cứ ý tưởng nào tôi nảy ra cũng là một sáng kiến cho công ty. Chí ít là tôi cảm thấy thế (còn không chắc có ai nghĩ thế không). Tôi không bao giờ nói, “Tôi nghĩ là”, mà thường nói “Chúng ta nên làm điều này”. HBO và tôi là “chúng ta”. Không thể tách rời.
Bạn chưa thể thăng tiến được chừng nào bạn chưa có cảm giác đồng nhất với công ty bạn làm việc. Tuy vậy, bí quyết là: khi bạn có một ý tưởng nào đó, hãy đảm bảo là bạn biết cách thực thi ý tưởng đó, thật chi tiết. Những chỉ dẫn thực thi rõ ràng đáng giá hàng triệu đô la. Và tôi đặc biệt nhấn mạnh điều này, nếu bạn thực thi được một ý tưởng hay, bạn có thể kiếm được hàng triệu đô la, hoặc hơn, từ đó.
Nguyên tắc 10:
RỜI BỎ
Mọi điều tốt đẹp sẽ đều đi đến hồi kết. Từ ngày đầu tiên bạn bắt đầu, bạn đã phải lên kế hoạch rời đi. Không giống như nguyên tắc 6 nhằm hiểu rõ giá trị của bản thân, bạn cố gắng khám phá giá trị lương bổng trong doanh nghiệp của mình. Rời bỏ có
nghĩa khác. Điều đó nghĩa là bạn sẽ rời đi mãi. Nếu bạn đã thuần thục các nguyên tắc từ 1 đến 9 ở một công ty nào đó, thì bạn đã hiểu đủ về doanh nghiệp và ngành của mình để gây dựng cơ nghiệp riêng. Để trở thành một đơn vị cạnh tranh, hoặc một nhà cung cấp dịch vụ. Mà bạn đã có sẵn nguồn khách hàng rồi vì danh sách liên hệ và mạng lưới mở rộng của bạn tràn ngập các tên tuổi trong ngành. Nếu bạn không ngừng suy nghĩ như một chủ doanh nghiệp ngay từ giây phút đầu tiên bạn bước vào nơi làm việc, bạn sẽ liên tục tìm kiếm những khoảng thiếu hụt mà bạn có thể lấp đầy. Đây chính là cách bạn nhảy xuống vực sâu. Bạn đảm bảo là dưới vực đó đã có sẵn một khách hàng chờ đợi bạn.
Tôi đã làm mọi việc sai cách trong vài tháng đầu tiên ở HBO. Tôi không biết gì về thành phố New York. Tôi không hiểu gì về văn hóa doanh nghiệp. Tôi mặc cùng một bộ com lê suốt năm ngày liên tục cho đến khi nhận ra chẳng có ai đóng bộ như thế, và tôi không bao giờ mặc nữa. Tôi không có bộ kỹ năng cần thiết để tồn tại ở vị trí của mình (đến nỗi họ phải gửi tôi đến một trường bổ túc lập trình, dù tôi đã có bằng chuyên ngành lập trình VÀ còn theo học thạc sĩ khoa học máy tính). Tôi quá ám ảnh với Internet mà HBO thậm chí còn chưa sở hữu HBO.com vào thời điểm đó. Sếp của sếp của sếp tôi còn bảo với sếp tôi, “tách anh chàng khỏi Internet để làm việc thực tế chút đi.”
Một lần sếp đến bàn làm việc của tôi, và nói trong lúc mọi người đang dỏng tai nghe từ các góc làm việc khác,“chúng tôi muốn anh thành công ở đây nhưng anh cần phải biết việc thêm, nếu không sẽ chẳng đi đến đâu cả.” Tôi đã vô cùng xấu hổ, mọi người xung quanh chẳng thể bắt được ánh mắt tôi cả vài tuần sau đó. Tôi là xác sống. Ngày nào tôi cũng chắc là mình sắp bị đuổi việc.
Nhưng tôi đã sống sót. Mỗi ngày, kể từ đó.
10 LÝ DO NHÂN VIÊN GIÀU CÓ SẼ Ở LẠI VỚI CÔNG VIỆC CỦA MÌNH: NGAY LÚC NÀY…
T
ôi đã từng rất yêu công việc của mình. Mê mẩn nó. Tôi làm việc cho hãng giải trí tôi yêu thích nhất trên đời.
Tôi được trả lương để làm việc ở đó. Tôi kết bạn ở chỗ làm. Dịp cuối tuần chúng tôi còn tụ tập chơi bài. Thậm chí còn đi du lịch vào kỳ nghỉ cùng nhau. Sếp cũng la hét nhưng tôi có thể tảng lờ. Tôi đã từng yêu công việc tôi làm khi đó. Còn gì thú vị bằng việc được trả lương để phỏng vấn gái làng chơi và đám buôn ma túy lúc 3 giờ sáng ở những khu nhớp nhúa nguy hiểm nhất New York. Tôi từng bị người ta cầm dao đuổi chạy. Có lần tôi còn bị ném chai vào người. Tôi bị bảo vệ ở các câu lạc bộ trai giả gái đuổi tới bến. Và nhiều chuyện vui nữa! Tất cả đều được trả tiền.
Để tôi nói cho bạn biết điều gì hay hơn thế, vì tôi không thể ngạo mạn đến nỗi nghĩ rằng không còn gì tuyệt hơn thế. Đi bộ trên mặt trăng mới tuyệt hơn thế. Hoặc trở thành một chú hề trong gánh xiếc hoành tráng. Hoặc một ảo thuật gia đường phố nổi tiếng. Còn thì chẳng mấy việc được như thế. Tôi luôn viết về “mười lý do bỏ việc.” Đương nhiên tôi vẫn tin vào điều đó. Bạn nên rời bỏ việc của mình.
Nhưng có lẽ không phải hôm nay.
Không phải điều gì cũng đen trắng rạch ròi. Ví dụ, nhiều năm sau đó, khi tôi phải buôn bán từng ngày để kiếm sống, có những hôm tôi đi làm và bị MẤT tiền. ÔI TRỜI!
Đôi khi vào buổi sáng, tôi sợ sẽ mất tiền đến độ tôi đi sang nhà thờ Công giáo ngay bên đường và cầu Chúa rằng cổ phiếu tương lai của Nasdaq sẽ lên giá sáng hôm ấy. Tôi là người Do Thái nên làm vậy chẳng ích gì. Làm thế cũng chẳng ích gì ở công sở. Ở công sở, bạn làm việc và rồi họ trả lương cho bạn hai tuần một lần. Đó là phép màu có thực. Mọi người thường nghĩ rằng phương án thay thế cho một công việc chính là làm chủ doanh nghiệp. Điều đó cũng không đúng nốt. Chủ doanh nghiệp là một người có việc làm, nhưng đó là việc làm anh ta tự tạo cho mình. Một ngày, anh ta thức giấc và tự nhủ,“Mình sẽ tạo ra một ứng dụng để kết nối tất cả những người thuận tay trái trên một trang mạng hẹn hò.” Rồi anh ta huy động vốn, thuê người làm, tạo ứng dụng, tìm cách bán ứng dụng đó.
Một chủ doanh nghiệp cũng có việc làm. Nhưng khác biệt là: làm việc thông thường, bạn có thể đắp đổi qua ngày (có lẽ không mấy vui vẻ nhưng vẫn đắp đổi được) mãi mãi. Nhưng một chủ doanh nghiệp có cơ may thất bại rất cao. Bạn sẽ chọn điều gì? Tôi không muốn mọi người cứ ở lì một chỗ làm việc. Việc làm ổn định cũng có vài điểm hay. Ta không thể nào bỏ qua được. Sau đây là vài điểm để cân nhắc. Tôi kết lại với lựa chọn thay thế.
A) MỨC LƯƠNG ỔN ĐỊNH
Có thể sẽ giảm xuống theo thời gian, và có thể bạn sẽ bị sa thải đột ngột, nhưng chí ít, nó cũng ổn định trong một khoảng thời gian.
B) TÌNH BẠN
Tình bạn này không bền vững mãi mãi. Một khi bạn rời bỏ chỗ làm, có thể bạn sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa. Thậm chí có thể bạn không thật lòng thích họ. Nhưng khi còn ở chỗ làm, bạn luôn có cơ hội học hỏi từ những người xung quanh. Bạn càng chịu khó giúp đỡ mọi người và tìm hiểu ý nghĩa trong công việc
họ làm, bạn sẽ càng cảm thấy hài lòng với công việc của mình. Và bạn càng trở nên quan trọng không thể thiếu.
C) CƠ HỘI THĂNG CHỨC
Tôi không rõ thăng chức là tốt hay xấu. Nhưng trong khoảng chừng 1 đến 2 ngày, bạn sẽ tự nhủ,“Họ thích mình! Họ thực sự thích mình!”
D) TIỀN GIẢ
Nếu bạn vươn lên thật cao trong công việc, thì như thể cả công ty là tài khoản ngân hàng giả mạo của bạn vậy. Họ trả cho các chuyến du lịch, máy tính, rồi rất nhiều bữa tối của bạn nữa. Thậm chí họ còn chi trả cho một vài bạn bè của bạn nữa.
E) TÔN TRỌNG!
Nếu bạn trở thành Giám đốc điều hành, mọi người sẽ tôn trọng bạn. Trở thành Giám đốc điều hành của một doanh nghiệp lớn không dễ chút nào. Tôi sẽ nói cho bạn biết, bạn sẽ phải làm những gì để trở thành Giám đốc điều hành của một công ty lớn:
• Bạn phải làm việc trong thật nhiều phòng ban của công ty để biết mọi người làm những gì.
• Bạn phải xây dựng mối quan hệ với các thành viên khác trong hội đồng quản trị, để đến thời điểm thích hợp họ sẽ bầu bạn làm Giám đốc.
• Đi nghỉ cùng những khách hàng lớn nhất, có thế bạn mới trở thành người quan trọng không thể thiếu được. Đi nghỉ cũng không phải chuyện tệ đâu.
• Xây dựng mối liên hệ giữa các phòng ban khác nhau. Luôn là người “đứng ở hậu trường”. Bạn biết chuyện gì xảy ra sau đó
không? Đứng ở hậu trường sẽ trở thành đứng tại tiền cảnh và bạn chính là Giám đốc điều hành.
• Kiếm ra thật nhiều tiền cho công ty. Việc này nghe chừng khó. Nhưng chỉ cần ký được hợp đồng với một, hai khách hàng lớn, hoặc đối tác phân phối lớn, hoặc tung ra thật nhiều sản phẩm, một trong số đó có thể sẽ thành công. Cứ cố gắng đủ lâu, rồi bạn sẽ kiếm thật nhiều tiền về cho công ty.
• Hứa quá lố và làm quá độ. Đôi khi người ta ghét như vậy. Họ muốn hứa ít và làm nhiều. Chớ làm vậy. Như thế ngốc lắm! Đa số các công việc đều không có gì khó để mà hứa lèo, vì suốt bao nhiêu năm, những nhân viên trước bạn đều hứa ít rồi. Mà công việc đâu có khó đến vậy. Gì cơ… Bạn đang cố phóng một phi thuyền lên mặt trăng ư? Cứ hứa quá lố và làm quá độ, rồi bạn sẽ liên tục được thăng chức vì chẳng ai làm giống bạn cả.
F) BẠN CÓ ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ LẬP MỘT KẾ HOẠCH MA QUỶ
Lúc có việc làm, tôi đã đồng thời khởi lập công ty của mình. Tôi cũng cố gắng chào bán các chương trình truyền hình. Tôi làm rất nhiều việc phụ thêm. Các sếp của tôi chẳng đếm xỉa gì, vì tôi luôn hứa quá độ và làm quá lố. Tôi thành lập công ty vào năm 1996. Công ty mới cần tôi bỏ ra ít nhất tám tiếng một ngày. Nhưng phải đến tận tháng 8 năm 1997, tôi mới dừng hẳn việc làm toàn thời gian để gia nhập công ty mới. Như tôi đã nói trước đó, mất 18 tháng.
Tại sao việc đó lại diễn ra lâu như thế?
Vì đó là cách cuộc sống vận hành. Bạn đâu có khởi phát việc gì đó và đột nhiên tất cả đều thay đổi. Bạn khởi phát thứ gì đó, đảm bảo nó đúng đắn, thử nghiệm, xây đắp lên, loại bỏ mọi nguy cơ, rồi mới nhảy.
Làm chủ doanh nghiệp KHÔNG PHẢI là chấp nhận rủi ro, mà là LOẠI BỎ mọi rủi ro. Làm chủ doanh nghiệp, hay có nhiều nguồn
thu nhập khác nhau suy cho cùng sẽ an toàn hơn chỉ có một công việc, nhưng chỉ khi bạn sử dụng công việc ấy để loại bỏ mọi rủi ro. Trở thành chủ doanh nghiệp mà không có nhiều nguồn thu nhập khác nhau và không tính toán đến mọi rủi ro trước nhất, thì chỉ là tự sát.
G) LÀM MỘT NGƯỜI LÀM-THUÊ-KIÊM-LÀM-CHỦ
Có thể bạn thích những người bạn làm việc cùng, và bạn thích những gì bạn đang làm. Ước gì tôi được như bạn. Với công việc của mình, bạn có thể làm những điều bạn không thể làm ở đâu khác. Bạn có thể kết nối thành công tài chính (hoặc các thành tựu khác) của bản thân với thành công của cả công ty lớn. Nếu bạn tìm ra cách làm được như vậy, bạn có thể gắn bó mãi với công việc đó và chứng kiến nó lớn mạnh. Nếu bạn không tìm ra cách nào làm vậy, bạn PHẢI THÔI VIỆC.
Nhưng chỉ sau khi đã loại bỏ mọi rủi ro.
Tôi từng luôn tìm cách thuyết phục HBO tách riêng các phòng ban hoặc công ty mới mà tôi có thể hỗ trợ hoạt động. Nhưng chẳng ích gì. Không ai thèm nghe tôi. Nhưng tôi đã cố thử. Một ví dụ tuyệt vời chính là Craig Silverstein nổi tiếng toàn cầu. Gượm đã! Bạn không biết ông ấy ư? Ông ấy là một lập trình viên quèn ở Khan Academy. Nhưng trước đó, ông là nhân viên đầu tiên tại Google. Giờ ông là một tỷ phú. Thành công của ông hoàn toàn gắn chặt với thành công của Google.
H) XẢ HƠI MÙA HÈ
Mùa hè đầu tiên tôi làm việc toàn thời gian đúng là thiên đường. Hầu hết các quản lý đều xả hơi dịp hè. Hạn chót của mọi dự án đều chậm lại. Văn phòng của tôi ngay cạnh một công viên, thế là tôi ngồi lì trong công viên và chơi cờ cả ngày.
Là một chủ doanh nghiệp, bạn không có nghỉ hè đâu. Bạn thậm chí còn chưa được nghỉ vào 3 giờ sáng. Tôi thức dậy lúc 3 giờ
sáng và cố tính toán xem sẽ phải trả lương cho sáu tháng tới ra sao. Điều này hao tốn rất nhiều công sức.
I) BẠN ĐƯỢC ĐỔI VIỆC
Trung bình, một người lao động Mỹ gắn với một công việc trong ba năm. Con số này ngày càng nhỏ lại. Mọi người nhảy việc vòng vòng. Thu thập thêm nhiều kinh nghiệm. Gặp gỡ thêm nhiều người. Kiếm thêm nhiều tiền (mong là vậy). Và rồi, khi có đủ các mối quan hệ và kinh nghiệm, họ có thể xác lập cho mình điều kiện có nhiều dòng thu nhập. Có thể điều đó nghĩa là họ bắt đầu thực hiện các buổi nói chuyện. Dựa vào các kinh nghiệm làm việc và kiến thức trong ngành. Có thể làm tư vấn. Có thể họ học những kỹ năng mới và bắt đầu sử dụng những kỹ năng đó để giúp người khác. Bởi nếu có lương ổn định, họ có thể xây dựng các việc làm thêm ngoài giờ và bắt đầu kiếm tiền. Tôi đã làm vậy, hai lần. Tôi cũng sẽ làm thế, hôm nay.
Đừng nhảy xuống vực nếu chưa trang bị dây và các thiết bị an toàn.
Như thế không có nghĩa là khởi lập “một công ty”. Bạn chỉ chuyển từ công ty này sang công ty khác. Thay vào đó, bắt đầu thu về thêm nhiều tiền từ nhiều nguồn khác nhau và nếu có nguồn thu nào đó bị cắt, thì cũng không phải ngày tận thế. Đó chỉ là cơ hội để thay thế nguồn tiền đó bằng một nguồn còn lớn hơn.
Có lẽ tôi biết bạn đang nghĩ gì…
Tôi viết rất nhiều về những lý do bạn nên thôi việc. Tôi viết rất nhiều về chuyện cuộc đời có thể tươi sáng hơn ở một nơi nào đó. Nhưng đúng là cuộc đời ở một nơi nào đó tươi sáng hơn thật. Chúng ta là động vật có vú sống du mục. Thêm nữa, nhiều công việc rất tệ. Điều tệ nhất ở một công việc chính là sếp của bạn. Rồi đến đồng nghiệp, lương bổng, rồi chính công việc. Và đến một thực tế rằng ai đó có thể nói ra những lời khiến cuộc đời
ộ ự g g ộ bạn đảo lộn: “Anh bị sa thải.” Nên hãy tự đặt bản thân vào một tình huống có nhiều đặc tính như tôi miêu tả trong 10 lý do kể trên. Rồi, quyền quyết định lúc nào thôi việc sẽ thuộc về bạn. Chứ không phụ thuộc vào “họ” nữa.
Điều quan trọng phải nhớ là:
Việc làm, như thời bố mẹ chúng ta vẫn quen thuộc, đã không còn nữa rồi. Thu nhập đã giảm xuống bất chấp suy thoái suốt 40 năm. Người ta bị giáng chức và thời gian gắn bó với một công việc giảm xuống:
• COI CHỖ LÀM CHỈ LÀ MỘT TRONG NHIỀU NGUỒN THU NHẬP.
• XÂY DỰNG CÁC NGUỒN THU NHẬP CHO BẠN.
• HÃY SÁNG TẠO.
• VIẾT MỘT BLOG.
• NHẬN TƯ VẤN NHƯ VIỆC LÀM THÊM NGOÀI GIỜ. • TRAU DỒI THÊM KỸ NĂNG.
• NHẬN LỜI NÓI CHUYỆN.
• TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI LÀM-THUÊ-KIÊM-LÀM-CHỦ.
Rồi bỗng nhiên, bạn không “chỉ” có một công việc. Bạn cũng chưa phải một chủ doanh nghiệp. Bạn không có một cái nhãn cố định gắn vào thu nhập của mình. Hãy lập một kế hoạch xấu xa cho mình. Thật bí mật. Hãy chăm chút cho nó mỗi ngày một chút. Mỗi ngày 1%. Hãy giữ bình tĩnh. Chớ có nôn nóng hay đòi hỏi.
Như thế, bạn sẽ trở thành chủ nhân của chính mình. Không ai có thể làm sếp của bạn. Sẽ không còn cái trần nào chặn lối, khi
p ạ g ặ thời cơ chín muồi, bạn sẽ tung cánh bay lên bầu trời.
TẠI SAO PHẢI TRỞ THÀNH MỘT NHÂN VIÊN GIÀU CÓ?
TẠI SAO BẠN PHẢI CẤP THIẾT TRỞ THÀNH MỘT NHÂN VIÊN GIÀU CÓ, NGAY BÂY GIỜ
B
ao nhiêu con người cáu giận ngoài kia đang tìm cách kiểm soát và thậm chí giết chết bạn. Tôi cá rằng bạn có thể liệt kê ít nhất một tá người đang cố gắng kiểm soát
bạn ngay lúc này. Một hôm, tôi đã viết một bài gửi cho những người trong danh sách email của tôi, nói chuyện lần đầu tiên trong đời tôi đã được hoàn toàn bộ thuế nhưng việc đó khiến tôi phát ốm.
Thuế và tiền là hai chủ đề dễ gây bức xúc với nhiều người. Có vài người đã gửi cho tôi những lá thư giận dữ. Trong hai trường hợp, tôi đã hồi đáp: “Làm ơn đọc lại bài viết”, và họ đọc lại rồi xin lỗi. Tại sao họ lại xin lỗi? Vì họ chưa từng đọc bài viết. Họ chỉ ướm cơn giận dữ của mình lên bài viết của tôi và rồi trút lên tôi. Đó là việc gần như mọi người vẫn làm. Họ muốn khiêu khích để tôi phản ứng lại. Họ muốn kiểm soát tôi.
Tôi có hai thách thức: không để người khác kiểm soát và không tìm cách kiểm soát bất cứ ai. Khi tôi làm được hai việc này, cuộc đời thật dễ chịu. Lần đầu tiên làm ra nhiều tiền, việc đó không giúp tôi được tự do. Nó tước đi tự do của tôi. Trước khi có tiền, tôi có rất nhiều bạn, tôi làm những gì mình muốn vào cuối tuần và tối khuya, tôi đã rất vui. Sau khi có tiền, tôi bắt đầu nghĩ tôi muốn kiếm thêm tiền nữa, thật NHIỀU tiền. Tôi bắt đầu mua những thứ vượt quá khả năng chi trả. Tôi cảm giác mọi người sẽ không thích tôi nếu tôi không có những thứ đó. Tôi bắt đầu cho
bạn bè và người thân vay tiền với hy vọng “giúp đỡ” họ. Tôi nghĩ mọi người sẽ thích tôi nếu tôi “cứu” họ.
Không ai nhớ bạn đã từng giúp đỡ họ ra sao. Và bạn không thể cứu bất kỳ ai. Đây là bài học đầu tiên của tôi.
Bài học thứ hai là tôi chưa từng sở hữu thứ gì. Khi tôi “sở hữu” một căn nhà, tôi trở thành nô lệ của ngân hàng, nô lệ của chính phủ, tôi trở thành nô lệ chạy theo sửa sang ngôi nhà, nô lệ của những người sống chung trong nhà (gia đình tôi, những người tôi e sợ sẽ rơi vào cảnh vô gia cư).
Thứ ba, tôi để tiền nong kiểm soát những người tôi có dính dáng đến. Cuối cùng, tôi chẳng còn bạn bè hay người thân. Những người tôi thực lòng yêu thương khi đó, tôi đều đánh mất. Đến giờ tôi vẫn còn hối hận. Tôi sợ hãi hậu quả. Tôi vẫn sợ đánh mất “mọi thứ” ngay cả khi tôi đã đánh mất hết rồi. Tôi bán tất cả. Tôi phải từ bỏ rất nhiều bạn bè, thậm chí nhiều mối quan hệ ruột rà thân thích. Tôi làm gần như tất cả mọi người thất vọng. Nhưng đó là cách duy nhất tôi có được tự do và bắt đầu từ con số 0. Một khi đã bắt tay từ con số 0, tôi có thể bắt đầu quá trình lâu dài nhằm tái sáng tạo bản thân. Giờ đây tôi vẫn gần như tay trắng, ngoại trừ ít quần áo, sách vở. Và tất cả các mối quan hệ, 100% những người tôi trò chuyện, hoàn toàn chỉ là những người tôi lựa chọn trò chuyện cùng.
Nếu ai đó tìm cách kiểm soát tôi chỉ vì nỗi sợ hãi và giận dữ của riêng mình, họ sẽ bị loại ra. Tôi cũng cố không kiểm soát bất cứ ai. Nếu có người làm gì đó tôi không thích, tôi đâu thể kiểm soát những gì họ nghĩ hoặc làm. Chỉ vô ích và lãng phí thì giờ. Tôi cố gắng thay đổi hoàn cảnh của mình để khỏi phải xử trí với những người đó nữa.
Sẽ ra sao nếu bạn bị kẹt cứng với một công việc và có đủ thứ hóa đơn phải chi trả chỉ vì những sai lầm quá khứ? Khi đó, bạn phải tập trung nỗ lực để giành được tự do cho mình. Đó là một quá
trình liên tục. Đều đặn mỗi ngày. Chìa khóa mở ra tự do chính là May mắn. Nhưng may mắn không phải phép thần kỳ.
May mắn = 1) Kiên trì, + với 2) Đa dạng hóa
1. Kiên trì là một bản án chỉ đầy thất bại điểm xuyết bằng thành công thảng hoặc.
2. Đa dạng hóa nghĩa là đưa ra hàng nghìn ý tưởng và rồi thực thi một hay hai ý tưởng có vẻ hợp lý.
Đưa ra hàng nghìn ý tưởng nghĩa là phải có đủ năng lượng và óc sáng tạo để động não. Năng lượng = Sức khỏe thể chất + Cảm xúc + Trí não + Tinh thần. Mọi hình thức khỏe mạnh là một hàm số xác định bằng mức độ bạn tự kiểm soát cuộc đời mình, chia cho số người kiểm soát bạn. Khi tôi đáp trả một nhận xét cáu giận, ai đó đang kiểm soát tôi. Cơn giận kiểm soát tôi. Vậy thì tôi đã giảm bớt thời gian khỏe mạnh rồi.
Nếu tôi đang vướng vào một mối quan hệ bất hạnh nhưng lại e sợ hậu quả nếu phá vỡ nó, vậy thì nỗi sợ đang kiểm soát tôi. Nếu tôi đang nghĩ đến chuyện cãi cọ với vị sếp nào đó, anh chị em, đồng nghiệp hay bất cứ ai, cơn giận đang kiểm soát tôi. Vấn đề của họ chẳng liên quan gì đến tôi. Nếu tôi để họ kiểm soát tôi, hoặc tôi tìm cách kiểm soát họ, tôi sẽ tự hy sinh sức khỏe của mình mà thôi. Vậy thì tôi không thể sản sinh ra các ý tưởng. Tôi đánh mất lòng kiên trì. Tôi tự chuốc bất hạnh. Tôi mất cả tự do. Lần nào cũng thế. Không ngoại lệ. Tôi thà được khỏe mạnh còn hơn khăng khăng giành phần “đúng”.
Nhiều người đã viết về những thứ như “luật hấp dẫn”. Luật hấp dẫn tức là thu hút những điều ở thế giới bên ngoài vào cuộc đời bạn. Cũng tốt thôi. Nhưng nó sẽ chẳng phát huy tác dụng trừ khi bạn kiểm soát những gì xảy ra ở thế giới nội tại trước nhất. Trừ khi bạn có thể nắm bắt và đối mặt với mớ cảm xúc hỗn độn của mình. Trừ khi bạn thôi tin rằng mọi suy nghĩ trong tâm trí bạn không ngừng lặp lại vòng bất tận. Đây là điều duy nhất thực
ạ g g g ặp ạ g ậ y y ự sự nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Khả năng mặc kệ lời huyên thuyên tức thời của tâm trí và nhận ra có gì đó vượt trên nó. Vượt trên nó là sự sáng suốt, từ suối nguồn tĩnh lặng. Cuốn sách này cam kết mang lại cho bạn những công cụ phát huy tác dụng ở thế kỷ này, thời điểm này, kỷ nguyên này, và trong thế giới mới này, sau năm 2008.
Chớ làm nô lệ! Hãy làm chủ!
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH ÔNG CHỦ HOẶC CHÍ ÍT LÀ NHÂN VIÊN GIÀU CÓ THÔNG MINH NHẤT TRONG PHÒNG
T
ôi là kẻ ngốc nhất trong lớp sau đại học, đó là một phần lý do tôi bị bật ra. Ngu ngốc cộng với non nớt và thái độ sẵn sàng khoe khoang là một sự kết hợp tệ hại. Tôi ngỡ
mình là một cao bồi. Tôi đi thi cuối kỳ mà không thèm lên lớp buổi nào, lại còn bù khú suốt đêm hôm trước mà không chợp mắt. Có những học kỳ tôi thi trượt tất cả các môn. Tôi làm mọi cách để chọc giận càng nhiều người càng tốt trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể và cuối cùng tôi bị đuổi học. À, tôi được “đề nghị” thôi học. Tôi không biện hộ gì. Tôi đã không tận dụng được hoàn cảnh thuận lợi mình có được. Họ trả cho tôi một khoản thu nhập chính thức và tôi đã dùng nó để làm bất cứ việc gì mình thích.
Sau này, khi tôi gia nhập vào thế giới tập đoàn, tôi cũng là kẻ ngốc nhất ở đó. Có lẽ vì tôi đã không học được gì ở chương trình sau đại học. Tôi kiếm được chỗ làm vì nhiều lý do chẳng liên quan gì đến năng lực, vì thế họ chẳng biết phải làm thế nào với tôi. Tôi quá ấn tượng với tất cả những người tất bật qua lại, biết họ đang làm gì, và biết cách tồn tại trong một thành phố rộng lớn. Tôi tự nhủ,“đây là những con người thực sự, còn mình chỉ là đồ rởm.” Đến ngày thứ hai, họ đưa cho tôi một chiếc máy tính kết nối Internet và bảo: “Cậu biết về mấy thứ Internet này nọ. Hãy đưa cái này lên Internet. Nhưng cẩn thận đấy, chúng tôi giữ mấy cái máy chủ email trên đó.” Tôi phá cái máy tan tành đến nỗi nó phải được gửi về nơi sản xuất (Silicon Graphics) và không bao giờ quay trở lại. Tôi mặc một chiếc áo chẳng vừa với mình. Tôi nào có đóng bộ tử tế bao giờ. Ngoài trời nắng đẹp. Tôi đi ra
ngoài để gọi điện thoại từ bốt trả tiền. Gọi một cú như thế ở nơi làm việc của tôi thì vô lý quá. Tôi gọi điện cho người yêu ở Pittsburg và bảo rằng tôi sắp bị đuổi việc. Cô ấy khá mừng về chuyện đó. Cô ấy muốn tôi quay về. Thật bất hạnh, đó mới là cơn ác mộng tệ hại nhất của tôi.
Năm ngoái, Jolie Hunt ở Reuters mời tôi tới dự một bữa tối. Chắc chắn là tôi kém 100 điểm IQ so với bất cứ ai ở đó. Tina Brown ngồi ngay cạnh tôi. Shawkut Azziz, nguyên thủ tướng Pakistan ngồi đối diện. Padma Lakshmi ngồi cạnh ông. Tôi thậm chí còn chẳng hiểu sao mình lại được mời. Tôi đoán hẳn tôi đã giúp Jolie việc gì đấy mà tôi còn không nhớ ra. Còn biết bao người như thế ở bữa tiệc. Ai cũng có gì đó để nói. Một trong các tác giả yêu thích của tôi, Ken Auletta, đang chất vấn vị nguyên thủ tướng chuyện Pakistan biết bao nhiêu thông tin về nơi trú ẩn của Osama Bin Laden. Tôi sợ chết khiếp nếu có ai đó nhìn tôi và bảo: “Nào, thế anh nghĩ chuyện này ra sao? Anh có gì để nói về bản thân mình?”
Nhưng sau hơn 40 năm ở vị trí người ít thông minh nhất trong hầu hết tình huống từng rơi vào, cuối cùng tôi cũng khám phá ra cách trở thành người thông minh nhất hành tinh.
Bí quyết: luôn luôn tự cho rằng bạn là người ít thông minh nhất trong phòng. Luôn luôn. Hãy làm vậy trong mọi căn phòng, mọi bữa tối, mọi tình huống.
Vài điều sẽ xảy ra:
A) BẠN SẼ LẮNG NGHE VÀ HỌC HỎI TỪ MỌI NGƯỜI XUNG QUANH
Ai cũng thông minh hơn bạn. Nghĩa là bạn có rất nhiều điều để học hỏi từ họ. Sergey Brin có một mẹo này khi phỏng vấn nhân sự cho Google. Trong vài giây anh có thể biết ngay liệu có tuyển ai đó hay không. Dù chắc là không tuyển được rồi, anh biết sẽ vẫn phải chịu đựng 20 phút nữa với họ. Nên anh quyết chí phải
p ị ự g p ọ q y p học hỏi được ít nhất một điều gì đó từ họ để không uổng phí thời gian. Tôi cũng làm vậy với mỗi người tôi từng gặp. Vì tôi tình cờ biết một bí mật về họ: họ thông minh hơn tôi.
Nói vậy không phải khiêm tốn giả tạo. Tôi học hành ở trường khá lẹt đẹt (có thể đó là lý do tại sao tôi viết nhiều bài về chuyện trường học thật tệ đến thế). Và tôi cũng chưa làm ra nổi cả tỷ đô la bất kể những cơ hội đã có. Tôi gây ra nhiều lỗi lầm xuẩn ngốc mà khó khăn lắm tôi mới tự tha thứ được. Đáng lẽ có thể cứu mạng thì tôi chỉ gây phí phạm. Tôi vốn giỏi phí phạm mà.
Một ưu thế luôn phát huy tác dụng, đó là tôi TRÔNG thông minh. Tóc xoăn, đeo kính. Tôi là người Do Thái và mọi người công thức hóa luôn mọi điều kể trên. À, tôi còn giỏi đánh cờ nữa chứ. Mọi người cũng đánh đồng luôn với trí thông minh, nhưng đâu phải thế.
B) KHI BẠN ĐÃ NGHE XONG, HÃY LẮNG NGHE CẢ SỰ IM LẶNG
Hãy tin tôi, người ta chẳng bao giờ ngừng nói. Một khi bạn đã học được ít nhiều từ ai đó và họ không nói nữa, hãy bỏ qua lượt nói của bạn và để họ nói tiếp. Họ sẽ làm thế. Không phải vì ngạo mạn. Mà bởi họ vẫn còn điều để dạy bạn. Vậy nên hãy lắng nghe tiếp!
C) GIỜ THÌ HỌ ĐÃ NÓI XONG, HÃY HỎI THÊM ÍT NHẤT MỘT CÂU NỮA
Họ sẽ lặp lại bước A và B lần nữa. Bạn sẽ lại học hỏi thêm. Khi viết xuống điều này, như thể tôi đang giễu cợt những người tôi từng lắng nghe. Nhưng quả thực không sai, lần nào tôi cũng học hỏi được thêm nhiều điều.
D) TRÍ THÔNG MINH HÒA TRỘN THEO CẤP SỐ MŨ. ĐÓ LÀ “HIỆU ỨNG MẠNG LƯỚI”
Trong một hệ thống (như Internet) với hiệu ứng mạng lưới, càng nhiều người sử dụng, giá trị của toàn bộ mạng lưới sẽ tăng theo cấp số mũ. Đó chính là lý do tại sao giá trị và lợi nhuận của những công ty như Facebook lại tăng nhanh đến thế so với các công ty thế hệ trước. Và tại sao toàn bộ Internet lại bùng nổ theo hướng đi lên như thế. Nhưng trong trường hợp của trí thông minh,“hệ thống” là các tế bào thần kinh trong não bạn. Học nhiều điều mới và các tế bào thần kinh mới thức dậy, bắt đầu tiếp hợp với nhau, thúc đẩy cả “giá trị” (trí thông minh) và “mạng lưới” (não bạn) tăng theo cấp số mũ.
Hãy thử điều này: làm người kém thông minh nhất trong mọi cuộc gặp mặt và tụ họp. Bạn là một gián điệp, thu thập mọi thông tin tình báo có thể. Khác với mọi người ở cuộc gặp mặt, bạn đảm bảo sẽ học được điều gì đó (vì gần như mọi điều họ nói đều là những thứ bạn chưa biết). Do hiệu ứng hòa trộn, đến lúc nào đó, bạn sẽ trở thành người thông minh nhất.
E) KHIÊM NHƯỜNG
Bất kể thế nào, giả sử bạn thông minh, bạn có thể rèn luyện và nuôi dưỡng đức khiêm nhường lành mạnh, điều này không tệ bao giờ.
Nhưng, chắc bạn sẽ hỏi: chẳng lẽ không nên toát ra sự tự tin và thể hiện trí thông minh để gây ấn tượng với mọi người?
Không! Người ta sẽ quên bạn. Không phải tất cả, nhưng đa phần là thế. Bởi đó là việc ai cũng làm. Họ sẽ chuyển sang những điều khác. Họ sẽ không nhớ những gì bạn nói, họ sẽ chỉ nhớ bạn khiến họ cảm thấy như thế nào, nếu bạn chủ tâm nuôi dưỡng thái độ khiêm tốn và học hỏi từ những người bạn gặp, họ sẽ nhớ bạn. Và, chẳng bao lâu, bạn sẽ trở thành người thông minh nhất hành tinh. Đến khi người ngoài trái đất đáp xuống và bảo: “tụi này sẽ nói chuyện với lãnh đạo của các người,” ai nấy xung
quanh sẽ đều ngạc nhiên khi thấy người ngoài trái đất đi thẳng đến chỗ bạn.
TÂM THẾ NHÂN VIÊN GIÀU CÓ VÀ NHÂN VIÊN NGHÈO KHÓ: CÁCH SUY NGHĨ CỦA MỘT NHÂN VIÊN GIÀU CÓ
K
hi Michael Eisner trở thành Giám đốc điều hành của Disney, việc đầu tiên ông làm là dạo khắp Disneyland, ngắm nghía lãnh địa mới của mình. Khi dạo qua công
viên, thấy có mẩu rác trên mặt đất, ông liền nhặt lên và bỏ vào thùng. Giám đốc điều hành của một công ty, vào khoảnh khắc ấy, lại là một lao công.
Tại sao ông lại làm vậy?
Hiển nhiên là ông muốn công viên phải sạch đẹp tuyệt hảo. Nhưng còn những điều khác để thắc mắc. Tại sao ông để ý được cả mẩu rác? Chỉ là một mẩu giấy nhầu nhĩ thôi mà. Ông để ý đến nó vì “tốt, sạch, vui” là một phần tạo nên thương hiệu Disney. Mọi người biết rằng họ có thể đưa con cái đến đó và lần nào trải nghiệm cũng sẽ như thế. Họ có thể tin tưởng vào trải nghiệm đó. Họ biết khi con mình chào đời, thì trong vòng 5 năm tới, họ có thể dẫn con mình đến Disneyland và đó vẫn sẽ là trải nghiệm họ từng có khi còn bé thơ. Không có rác ngập ngụa khắp nơi, không có thiết bị hỏng hóc, không có thức ăn tệ hại. Không có gì trong số đó, ngoài những hành trình mới, những nhân vật tươi cười và sự sạch đẹp.
Thứ hai, tại sao Michael Eisner tự tay nhặt rác chứ không gọi người làm công gần nhất dọn cho sạch? Hay vờ như không thấy rồi sau đó gửi một lời nhắn tức giận yêu cầu phải dọn sạch mọi rác rến? Bởi sự xuất sắc lan tỏa như bệnh dịch. Nó không lan tỏa từ trên xuống dưới như mọi người vẫn nghĩ (dù đó là MỘT con
đường lan tỏa). Michael Eisner biết rằng nếu mọi người chứng kiến ông để ý, săn sóc ngay cả những chi tiết nhỏ nhất liên quan đến việc bảo vệ thương hiệu, thì chìa khóa mang đến thành công cho công ty chính là làm tương tự. Lưu ý, thực thi và cải thiện thêm trong tương lai những giá trị công ty truyền bá và thương hiệu nó truyền tải.
Khi Michael Eisner tiếp quản Disney, mọi người lo ngại rằng sự gia tăng các lựa chọn giải trí (trò chơi máy tính, mạng Internet…) sẽ khiến lượng khách đến công viên giảm sút. Mặc dù trong thời gian đương nhiệm hẳn nhiên ông có mắc sai lầm. Một phương pháp đo lường thực nghiệm rất hay, hãy nhớ rằng trong kinh doanh, nếu 51% quyết định của bạn là đúng đắn, có thể bạn đang thực hiện công việc với chất lượng A+. Nhưng trong suốt nhiệm kỳ tại Disney của Michael Eisner, giá cổ phiếu đã tăng vọt 1646%.
Khi Bob Iger tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành, thử đoán xem việc đầu tiên ông làm là gì?
Ông dạo khắp công viên, nhìn thấy một mẩu rác, bèn tách ra khỏi đoàn tùy tùng theo sát ông từng khắc, và nhặt mẩu rác lên bỏ vào thùng. Kể từ đó, giá cổ phiếu Disney tăng 420%. Nghĩa là tốt hơn 1000% so với mức tăng của toàn bộ thị trường chứng khoán cùng thời điểm. Đến giờ, chắc bạn sẽ nói, “Những người này là Giám đốc điều hành kia mà. Việc này liên quan gì tới chuyện người làm thuê chứ?”
Giám đốc điều hành về cơ bản là người làm thuê cấp thấp nhất. Ông ta có nhiều sếp nhất, nhiều cử tri phải chăm chút nhất. Ông ta phải chăm lo đến khách hàng, nhà đầu tư, các thành viên ban giám đốc, các nhân viên, ngân hàng và cả giới truyền thông. Thử tưởng tượng bạn không phải Giám đốc điều hành, nhưng Giám đốc điều hành đi ngang qua. Cả hai người đều nhìn thấy rác trên sàn nhưng sếp thì dừng lại nhặt còn bạn vẫn đi tiếp. Nếu sếp để ý thấy bạn vẫn đi tiếp thì sao?
Đến thời điểm đó thì căn bản bạn không còn cơ hội trở thành nhân viên giàu có nữa rồi.
Còn một cách nhìn nhận sự việc nữa như tôi đã đề cập. Sự xuất sắc lan tỏa chứ không chỉ đi từ trên xuống dưới. Khi đồng nghiệp chứng kiến bạn thể hiện thật xuất sắc vượt trội, mà không diễu võ dương oai, không cầu được khen thưởng, khi đó bạn đã xác lập một chuẩn mực xuất sắc trong nhóm mình. Cứ tiếp tục nâng chuẩn mực theo những cách không ngờ, rồi đột nhiên bạn trở thành một chuẩn mực mọi người đều muốn vươn tới. “Tại sao mình phải làm thế nếu như không có phần thưởng gì?”
Mọi nghiên cứu về thành tích xuất sắc ở chỗ làm đều cho thấy rằng, suy nghĩ quá nhiều về tiền bạc làm giảm sút năng lực thực hiện công việc. Thậm chí kết quả còn chứng tỏ rằng nếu bạn được nhắc nhớ về mức lương ngay trước một cuộc họp, bạn sẽ ngồi cách xa các đồng nghiệp trung bình 28 cm.
Mọi thứ trong đời rốt cuộc đều quy về ý nghĩa. Victor Frankl viết về điều này thật đẹp đẽ trong cuốn sách Man’s Search for Meaning (tạm dịch: Cuộc truy cầu ý nghĩa của con người), trong đó ông miêu tả mình đã sống sót trong trại tập trung như thế nào và cho rằng mình sống sót được là nhờ luôn luôn kiếm tìm ý nghĩa trong những gì ông làm. Trong trường hợp của Victor Frankl, ông kiếm tìm ý nghĩa trong việc tìm lại gia đình. Và trong cả suy nghĩ rằng cuối cùng, ông sẽ được viết về những trải nghiệm của mình.
Tôi đang so sánh một chỗ làm với trại tập trung Đức quốc xã ư? Đương nhiên là không rồi. Nhưng thường thì trong những tình huống ta cảm thấy nản chí hoặc “bế tắc” (như cách nói của nhiều người), chìa khóa là chớ có loay hoay trong óc mình, dượt lại mọi lý do khiến ta kẹt trong chốn khổ ải đó. Chìa khóa là hãy thực sự thoát ra khỏi đầu óc mình và tìm ai đó để động viên.
Hãy dùng khẩu hiệu: khi chán nản, hãy động viên người khác. Đây là cách bạn thoát ra khỏi đầu óc mình.
Đây chính là điểm khởi phát chân lý. Và tôi không nói về chân lý huyền bí, mà chân lý rằng sự xuất sắc về lâu dài sẽ được chú ý và tưởng thưởng. Có thể không phải ngay ngày hôm nay. Có thể không phải ở công ty này. Có thể không phải với vị sếp này. Mà là với một thói quen, nếu bạn luôn kiên định với nó, bạn sẽ được tưởng thưởng.
Nhân tiện, trong toàn bộ nền giáo dục Mỹ, từ cấp học thấp nhất đến cao nhất, học sinh được dạy rằng 90% là điểm A. 80% là điểm B... Nhưng tôi vừa nói rằng, tất cả những gì một Giám đốc điều hành giỏi giang cần làm chỉ là “đạt” 50%. Mà xét trong hệ thống giáo dục chuẩn hóa, 50% là một điểm F.
Nên ta phải vượt lên bản năng cho rằng đạt mức 50% quyết định đúng đắn tức là thất bại. Thật ra, đó là một điểm A+ to đùng. Do đó, trở thành một Giám đốc điều hành giỏi, trở thành một “nhân viên giàu có” nghĩa là định hình lại cho bản thân thế nào là thành công. Thường thì, việc này rất khó khăn, một khi ta đụng phải bức tường là thế giới thực. Nhưng đó là một trong những bài học quan trọng cần thiết để có thể thành công.
MỘT NHÂN VIÊN GIÀU CÓ GẮN CHẶT THÀNH CÔNG TÀI CHÍNH CỦA MÌNH VỚI THÀNH CÔNG TÀI CHÍNH CỦA CÔNG TY
Craig Silverstein là nhân viên đầu tiên ở Google. Có lẽ ông đã lập trình phần lớn công cụ tìm kiếm nguyên bản, vốn dựa trên cơ sở thuật toán PageRank của Larry Page. Người ta đồn rằng vụ này rất cam go. Craig giờ đây là một tỷ phú nhờ những nỗ lực của ông ở Google. Nhưng cũng rất đáng chỉ ra rằng ông không hề khởi lập công ty riêng. Thực tế, dù hiện là một tỷ phú, ông đang làm nhân viên tại một công ty khác – Khan Academy, công ty kinh doanh giáo dục trực tuyến do Sal Khan khởi lập.
Đây chính là nơi ông tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Đầu tiên, với việc tạo ra công cụ tìm kiếm tốt nhất trên Internet, ông đã giúp hệ thống mọi thông tin trên thế giới thành danh mục lần đầu tiên trong lịch sử.
Và giờ đây ông tìm thấy ý nghĩa trong việc thay đổi cách giáo dục của xã hội.
Có một thứ gọi là “khiêu-dâm-khởi-nghiệp” ngoài kia (chà, thật ra, tôi bịa ra từ này), nơi ai ai cũng nói liên tu bất tận về việc làm một chủ doanh nghiệp thì tuyệt vời cỡ nào.
Làm chủ doanh nghiệp không tuyệt vời đến thế đâu. Tôi đã nhiều lần làm chủ doanh nghiệp và làm cả nhân viên. Về cơ bản, cả hai giống nhau nếu bạn có triết lý và cách tiếp cận của “nhân viên giàu có”.
Chức danh không quan trọng. Mức lương không quan trọng. Bạn mang lại giá trị ra sao và tạo ra sự xuất sắc quanh mình thế nào mới đáng kể. Chức danh và mức lương sẽ tự ổn thỏa theo thời gian. Tôi đi từ Chuyên gia phân tích lập trình cấp thấp, kiếm được 40.000 đô-la một năm tại HBO, đến Giám đốc điều hành công ty riêng và kiếm được hàng triệu đô, tới chỗ tán gia bại sản trong vòng 6 năm. Và tôi đi con đường đó đã hơn một lần.
Vấn đề của chuyện làm chủ doanh nghiệp là nó giống người làm thuê, trừ hai việc: BẠN tạo ra một công việc với tỷ lệ thất bại trứ danh (85%), và, gần như về căn bản (hoặc nếu không, tỷ lệ sẽ cực thấp), không có cách nào dự đoán tương lai. Không ai biết trước Alta-Vista, công cụ tìm kiếm tốt nhất thế giới vào năm 1997, lại thất bại và Google sẽ thành công.
Thứ duy nhất bạn có thể kiểm soát chính là tâm thế của mình, những thói quen và sự lựa chọn bạn đưa ra bên trong, về chuyện bạn sẽ ứng xử ra sao trước một tình huống. Gần như suốt cuộc đời, vấn đề ta phải xử lý suốt ngày chính là công ăn việc làm, sự
p ý g y g ệ ự nghiệp. Ta có để những lựa chọn công việc kiềm thúc ta, hay ta sẽ kiểm soát chúng nhờ trang bị tâm thế một nhân viên giàu có? Đó chính là nội dung chính của phần này, đồng thời cũng là nội dung chính của cuốn sách này.
Khi Craig Silverstein bắt đầu làm việc với các bạn cùng học ở Stanford là Sergey Brin và Larry Page, ông không hề hay biết mọi thứ rồi sẽ ra sao. Craig là nhân viên của họ sau khi họ đã có phần lập trình sơ khởi. Ai đó phải lập trình công cụ tìm kiếm, vậy là ông làm. Khi công ty phát triển, ông trở thành giám đốc công nghệ. Thông thường, khi một công ty lớn mạnh hơn, sáng tạo công nghệ bắt đầu đình trệ. Craig ý thức rõ điều này và sáng tạo nên một “nhóm nhỏ”, cho phép các lập trình viên trong công ty duy trì cảm giác của một công ty nhỏ khi tiến hành các dự án ở quy mô nhóm, trong khi vẫn phát huy được lợi thế từ các nguồn lực của một công ty đã rất lớn mạnh.
Liệu ông đã rời khỏi Google ngay khi trở thành một tỷ phú? Hẳn nhiên là không. Ông đã biến đổi thế giới. Điều đó còn đáng giá hơn tiền. Khi cuối cùng cũng rời khỏi Google, liệu ông có trở thành một tay chơi tỷ phú, một nhà từ thiện? Cũng không, tất nhiên. Giờ đây ông là một “lập trình viên” tại Khan Academy. Ông tin vào thiện nguyện, Craig bày tỏ, nhưng còn quá trẻ để dừng làm việc. Nên ông trở thành người làm thuê cho một công ty gắn bó với một mục tiêu mà ông tin tưởng: giáo dục trực tuyến. Và nhờ vậy, ông có thể cống hiến trọn vẹn nguồn lực của mình đằng sau mục tiêu ấy.
“Trọn vẹn nguồn lực” có nghĩa là gì? Các kỹ năng của Craig rất giản dị: ông là một lập trình viên. Đó là công việc ông được đào tạo để thực hiện. Nhưng thường thì ta sẽ phát triển thêm những kỹ năng vô hình khác trong quá trình nếu muốn thể hiện xuất sắc ở bất cứ nơi nào ta làm việc: khả năng lãnh đạo, năng lực truyền cảm hứng, năng lực giúp xác định một tầm nhìn, thực thi tầm nhìn ấy… Nếu Khan Academy cuối cùng có thể thực hiện được lời hứa của mình và thu được kết quả nhiều tỷ đô la,
tôi chắc chắn Craig Silverstein cũng sẽ gặt hái lợi ích khổng lồ. Và đồng thời, trong quá trình đó, ông cũng cứu cả thế giới.
NHÂN VIÊN GIÀU CÓ HỨA QUÁ LỜI VÀ LÀM QUÁ MỨC
Tôi đã ở vị trí quản lý nhiều lần trong suốt sự nghiệp của mình, trong ít nhất bốn ngành nghề khác nhau. Ta sống trong một nền kinh tế mà ta gặp gỡ nhân viên lần đầu thông qua việc giao dự án cho người làm việc tự do (freelancer). Điều này xảy ra vì hai lẽ: Tôi thường chưa biết dự án nào sẽ có kết quả xứng đáng, cho đến khi dự án đã kết thúc và tôi có thể tận mắt nhìn thấy. Nhưng lý do thứ hai là: Tôi không biết phải thuê ai thực hiện một công việc cụ thể nào đó. Nên thường thì tôi sẽ giao cùng một công việc cho hơn một người. Rồi, sẽ rất dễ thấy ai làm quá mức. Đó là người quay trở lại chỗ tôi với một giải pháp khiến tôi choáng váng. Người đó không chỉ đơn thuần làm những gì tôi yêu cầu, mà còn dạy cho tôi những điều mới mẻ về chính dự án của tôi. Tôi muốn thuê những người dạy thêm cho tôi, những người khi tôi yêu cầu X, sẽ làm đến mức X + Y, trong đó Y vượt trên những gì tôi có thể tự mình nghĩ tới.
Tôi cũng rất thích khi ai đó nói: “Tôi có thể làm việc này. Nhưng nếu trong lúc đó, chúng ta cũng có thể làm luôn cả việc kia nữa” và tôi đột nhiên nhận ra rằng, “việc kia” sẽ gia tăng giá trị cho những gì tôi yêu cầu ban đầu. Làm sao tôi không thuê một người như vậy cho được? Làm sao tôi lại không đổ tiền của vào người đó cho được? Làm sao tôi lại không mong một người như thế thành công cho được?
Mà nhân tiện, tôi có mong người đó thành công hay không cũng chẳng quan trọng. Người đó nhất định sẽ thành công. Tốt hơn hết tôi nên đứng sau thành công ấy, nhờ vậy tôi cũng có thể hưởng lợi từ quá trình người đó vươn đến đỉnh cao. Tôi không phải người thành đạt nhất tôi từng biết. Nhưng một vài trong số những người thành đạt nhất lại từng là nhân viên làm việc cho tôi. Chuyện đó lợi cho tôi hay làm hại tôi? Tôi không thấy phật ý
ư? Hẳn nhiên là không, vì 100% chuyện này có lợi cho tôi. Người đó về sau có thể mua một công ty do tôi khởi lập. Hay mang lại cho tôi những ý tưởng tôi chưa từng nghĩ tới, hoặc đưa ra những lời giới thiệu tự tôi không thể kết nối được.
Bạn đã từng ở vào tình huống phải thốt lên “Ôi, không thể tin nổi tôi đang được gặp…” Gần như mỗi lần tôi ở vào tình huống như vậy, là bởi tôi gặp một người thực hiện công việc quá mức kỳ vọng, hoặc ai đó hoàn toàn vượt trội hơn tôi về mức thành đạt, và giờ đây đưa tôi đi kèm với họ. Tôi chẳng bận tâm chuyện “đi kèm”. Rất dễ chịu là đằng khác.
NHÂN VIÊN GIÀU CÓ ĐI LÀM SỚM
Giờ ta bàn đến một trò mang tên “không ngủ”. Tôi không ưa những người nói, “Tôi chỉ cần ngủ 3 tiếng thôi.” Không đúng. Mọi nghiên cứu đều cho thấy con người cần ngủ. Và điều đó là hợp lý. Vào buổi sáng, trí não ta thư thái và tỉnh táo. Về đêm, não ta mỏi mệt nên cần được nghỉ. Chắc cũng có một, hai siêu nhân nào đó chỉ cần ngủ 3 tiếng là đủ. Nhưng một số ít người tôi biết thì đều có bệnh lý tâm thần. Tôi chưa từng gặp một ai nói “Tôi chỉ cần ngủ 3 tiếng” mà lại không nói dối, hoặc hoàn toàn không có bệnh lý về tâm thần. Ví dụ, một nghệ sĩ violin trung bình cần ngủ đến 8,6 tiếng.
Thiếu ngủ liên quan đến nhiều vấn đề: bệnh tim mạch, tiểu đường, đột quỵ… Không chỉ thế, kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, bất cứ chất dẫn truyền thần kinh hay tế bào thần kinh nào cần “hồi phục” cũng đều được chữa lành trong khi ta ngủ. Về cơ bản, những người ngủ đủ 8 tiếng một ngày sống thọ hơn, khỏe mạnh hơn, ít căng thẳng. Nên, liệu ta có thể đi làm sớm mà vẫn ngủ đủ giờ?
Khi còn làm việc ở HBO, tôi luôn cố gắng đến chỗ làm vào lúc 6 giờ sáng hằng ngày. Phần lớn mọi người sẽ có mặt lúc 10 giờ sáng. Chuyện này với tôi thật tuyệt. Tôi có đến 4 tiếng đồng hồ
làm việc không bị gián đoạn. Nói cách khác, vào giờ mọi người bắt đầu lục tục đến chỗ làm, tôi đã hoàn thành gần như toàn bộ những gì họ sẽ làm trong cả ngày.
Giả sử bạn làm một công việc theo giờ hành chính. Bạn đến sở lúc 9 giờ và thường tán chuyện hay làm việc riêng đến 9 giờ 30. Có thể một buổi họp sáng sẽ lấy đi một khoảng thời gian nữa trong ngày. Cứ cho lúc này là 10 giờ 30. Nhiều nhân viên sẽ nghỉ giải lao một lúc giữa buổi sáng. Bây giờ là 11 giờ. Sắp đến giờ ăn trưa. Nên một tiếng làm việc sẽ đi tong. Rồi đến thời gian ăn trưa. Thật khó tập trung tâm trí ngay sau khi ăn, đó là lý do tại sao trong nhiều nền văn hóa,“chợp mắt buổi trưa” là một phần bắt buộc trong ngày. Tính cả một phiên nghỉ giữa giờ chiều nữa, có lẽ thêm một buổi họp nữa, có bao nhiêu tiếng làm việc thực sự diễn ra trong một ngày làm việc điển hình?
Theo Dan Ariely, bộ não con người đạt hiệu suất tối đa chừng 2- 5 tiếng đồng hồ sau khi tỉnh dậy. Nên nếu bạn thức dậy vào 5 giờ sáng, thì trong khoảng 7-9 giờ hoặc 7-10 giờ sáng, não bạn sẽ đạt hiệu suất gấp 100 lần so với buổi tối. Nếu bạn chờ đến tận cuối giờ chiều hay tối để hoàn tất những phần việc khó khăn, sẽ vất vả hơn nhiều và còn dễ gây ra kết quả tệ hại.
Do đó, đi làm sớm không phải làm việc miệt mài đêm ngày, mà ngược lại. Đó là làm việc khi đầu óc bạn đạt hiệu suất tối đa, là không bị gián đoạn trong khi làm việc. Nếu bạn đang tiến hành việc gì đó cần tập trung hoặc sáng tạo, có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một chút gián đoạn thôi cũng buộc bạn mất hẳn 20 phút đồng hồ để quay lại “vùng làm việc”, trở lại hiệu suất tối đa một lần nữa.
Trong giờ làm việc chính thức, khó mà có được khoảng thời gian không gián đoạn ấy. Và nếu bạn thực hiện công việc theo cách này, sẽ rất dễ dàng dành phần còn lại của ngày tập trung vào bất cứ cuộc họp nào, giúp người khác hoàn thành công việc của họ, và thậm chí có thể rời sở sớm hơn nếu bạn thích. Tại sao
không? Bạn cần dành thời gian cho bạn bè, gia đình, và đi ngủ sớm nữa chứ.
Có người sẽ nói, “Tôi không làm được đâu.” Có thể họ có con nhỏ, hay phải di chuyển quãng đường quá dài, hoặc đủ thứ lý do khác. Điều đó cũng ổn thôi. Sẽ vẫn có những khoảng thời gian trong ngày, bạn có thể bỏ qua giờ ăn trưa và ăn ngay tại bàn hoặc chớ để ai làm phiền bạn trong một tiếng đồng hồ đầu tiên khi bạn vừa ngồi vào bàn. Như vậy nghĩa là có rất nhiều giải pháp, bạn có thể thuê người trông trẻ vào buổi sáng để đi làm sớm hơn. Và sau đó có thể dành nhiều thời gian với gia đình hơn vào cuối ngày.
NHÂN VIÊN GIÀU CÓ RẤT TRUNG THÀNH
Vì họ yêu quý giá trị của công ty, chứ không bị buộc phải làm thế.
NHÂN VIÊN GIÀU CÓ KHÔNG ĐÀM TIẾU
Con người tán chuyện là có lý do hẳn hoi. Chúng ta khởi đầu từ những bộ lạc nhỏ, như bất cứ loài động vật có vú nào khác. Các bộ lạc nhiều hơn 30 người thường được phân làm đôi, mỗi bộ lạc đi một nẻo riêng. Tại sao 30 lại là con số đặc biệt đến vậy? Bởi phần lớn chúng ta hoàn toàn có thể quen biết 30 người đủ để biết liệu “người này có đáng tin tưởng” hay không. Trên 30, khó mà biết được chuyện này. Khi các công ty phát triển có trên 30 thành viên, thường khó biết đâu là những nhân viên đáng tin cậy ta có thể làm việc cùng, còn ai không. Vậy điều gì xảy ra? Con người đã học cách trưởng thành trong những nhóm lớn hơn như thế nào? Thực ra, chính khả năng làm việc trong những bộ lạc lớn hơn 30 thành viên mà nhiều nhà khoa học đã khái quát thành lý thuyết chúng ta là “loài người” duy nhất còn tồn tại. Những người tinh khôn khác đã đi về đâu?
Tán chuyện giữ một chức năng quan trọng rằng nếu tôi quen Claudia, còn bạn thì không, tôi có thể nói, “Đừng lo. Làm việc
ạ g g ệ với Claudia được đấy. Cô ấy là một thợ săn dùng dao rất tuyệt.” Bây giờ, vì bạn tin tôi (nếu thôi nhé), bạn cũng có thể tin Claudia, dù bạn chưa hề quen biết cô ấy. Đó là lý do tại sao tán chuyện lại đóng vai trò then chốt trong sự sống còn của loài người và với bất cứ tổ chức nhóm nào lớn hơn 30 thành viên. Vậy tại sao tôi lại nói “chớ tán chuyện”? Vì 200 nghìn năm về trước, ta thường không lo lắng chuyện sẽ đi săn bắn cùng ai. Nếu ở trong một nhóm lớn hơn 30 người (luôn luôn là vậy), ta luôn trám vào những khoảng trống hội thoại, vốn giống loài của chúng ta đã tự nhiên tiến hóa theo hướng ấy: ta tán chuyện, mặc dù chuyện chẳng liên quan gì đến săn bắt. Có thể chúng ta sẽ nói, “Đoán xem đêm qua Harry ở với ai nào?”, câu chuyện phiếm cứ thế bắt đầu. Đoán xem? Harry sẽ phát hiện ra. Chính bởi thiên hướng không giữ bí mật này mà người ta sẽ luôn phát hiện ra. Và khi phát hiện ra, kết quả thường là đau đớn.
Tôi biết nhiều người trước kia là bạn thân nhưng lại nói xấu sau lưng tôi. Làm sao tôi biết được? Vì có người tán chuyện và kể tôi nghe. Liệu tôi có cởi mở làm việc với những người đó như cũ được không? Chắc hẳn là không. Bất cứ cơ hội nào, đáng lẽ tôi đã vui vẻ chia sẻ với họ như xưa, thì giờ tôi không chia sẻ nữa.
Có lần tôi làm đồng sự trong một hãng đầu tư mạo hiểm. Tôi cho rằng một công ty đang nằm dưới sự điều hành rất tệ và tôi muốn thay thế Giám đốc điều hành. Thay vì bàn bạc cho thấu tình đạt lý với các đồng sự, tôi lại “làm lố” và bày đủ trò để hạ thấp vị Giám đốc điều hành này. Khi chuyện này xảy ra thường xuyên, tôi được sắp xếp dùng bữa tối với vị Giám đốc điều hành nọ. Anh ta đến nhà và chúng tôi sửa soạn ra ngoài ăn tối cùng gia đình và mọi người. Việc đầu tiên anh ta làm là nhắc lại nguyên văn những gì tôi đã nói riêng với các đồng sự. Ôi chao! Một bữa tối sượng sùng. Hàng nghìn khoảnh khắc sượng sùng tôi phải ứng xử với anh ta sau đó.
Một câu chuyện khác: người bạn tốt của tôi đang vui miệng tán mấy chuyện vặt về một đồng nghiệp trong giờ nghỉ ở chỗ làm.
Cô quay lại và đồng nghiệp đó nhìn chằm chằm vào cô. Bạn tôi sợ chết khiếp. Cô xin lỗi rối rít. Cô gửi một email. Cô vô cùng tử tế với đồng nghiệp đã bị đàm tiếu sau lưng. Nhiều tháng trôi qua. Một hôm cô ấy bảo tôi, “Mình không hiểu! Mình đã xin lỗi rồi. Mình còn làm hết việc này việc kia cho cô ta. Thế mà cô ta vẫn giận mình là sao.” Đáp án: vì cô ấy giận thôi. Bạn không thể thay đổi những gì người khác nghĩ về mình. Nhưng bạn có thể thay đổi nhu cầu về những đàm tiếu có hại – một chứng nghiện bẩm sinh của giống loài chúng ta.
Tôi từng chứng kiến mọi người tán chuyện còn tệ hơn: về sếp hoặc khách hàng của họ. Đương nhiên là sếp hoặc khách hàng của họ phát hiện ra. Và những nhân viên ấy hoặc bị đuổi việc, hoặc điều chuyển về những vị trí rất khó thăng tiến. Hay các tình huống khác: nếu tôi là nhân viên và ai đó đàm tiếu về sếp, tôi sẽ từ từ lùi lại, lảng đi và tránh xa nhân viên đó. Tôi không muốn chuốc tội “đồng phạm” vào thân.
Chuyện gì xảy ra khi bạn ngưng đàm tiếu? Bạn có thêm thời gian (đàm tiếu tiêu tốn rất nhiều thì giờ). Bạn có thêm bạn bè. Bạn không đánh liều mạo phạm những người bạn định bêu xấu. Và bạn dần dần vượt lên trên những người thúc thủ trước tật xấu đàm tiếu.
Vậy đưa chuyện về mọi người trong công ty khác thì sao? Cũng tệ tương tự. Thời gian trung bình một người gắn bó với một công việc hiện nay là khoảng 3 năm. Rất nhiều ngành nghề dùng chung nhân lực. Hôm nay bạn làm việc ở công ty A, hôm sau bạn đã làm ở công ty B – đối thủ của A. Và cứ như vậy. Một người bạn đưa chuyện hôm nay rất có thể là đồng nghiệp của bạn ngày mai. Và sự thăng tiến của bạn trong ngành đó sẽ bị ngáng trở. Chớ làm vậy!
NHÂN VIÊN GIÀU CÓ TỰ HỎI VÀO CUỐI NGÀY: MÌNH ĐÃ GIÚP ĐỠ NHỮNG AI HÔM NAY?
Chưa đọc mà nhiều người đã kết tội tôi vì viết “Tôi lựa chọn chính mình”, bởi theo suy nghĩ của họ, làm vậy chẳng khác nào tô hồng cho thói ích kỷ. Tôi sẽ chỉ nói một câu,“Cứ đọc đi đã.”
Ích kỷ ư? Hoàn toàn ngược lại mới đúng. Bạn không thể giúp người khác lựa chọn bản thân cho đến khi bạn lựa chọn rằng bản thân mình phải khỏe mạnh, thoát khỏi những kẻ kìm giữ để có cuộc đời tự do.
Ngay bây giờ, chúng ta vẫn đang ra khỏi giai đoạn “Tập đoàn chủ nghĩa” 200 năm tuổi. Những tập đoàn đồ sộ muốn nhân viên được huấn luyện hệt như nhau, trả lương như nhau, sống thật gần và phụ thuộc vào tập đoàn.
Đây không đời nào là mục đích của chủ nghĩa tư bản. Một nền kinh tế tự do đâu phải là dốc toàn bộ giá trị của bạn để đổi lại đồng lương. Đó chỉ là hối lộ ở một dạng khác mà thôi.
Lý do tôi hiểu ra điều này rất đơn giản: kinh tế thì tăng trưởng, còn đồng lương – bất chấp lạm phát – lại đi xuống. Đó là bởi kỷ nguyên Tập đoàn chủ nghĩa đã qua, nhưng thời đại “Ý tưởng chủ nghĩa” chỉ mới bắt đầu. Mọi thứ, trừ ý tưởng, đều có thể được thuê ngoài. Phát triển phần mềm, thiết kế, kế toán, dịch thuật, nghiên cứu… Gần như tất cả mọi thứ bạn phải đến trường để học, giờ đây đều có thể thuê ngoài.
Nhưng bạn không thể thuê khả năng xây dựng và thắt chặt các mối quan hệ. Bạn không thể thuê bên ngoài chính “bạn”. Tôi hỏi các con mình mỗi ngày,“Hôm nay con giúp đỡ những ai?” Thoạt tiên, bọn trẻ phản ứng kiểu “Gì cơ ạ?” Nhưng khi nghĩ về điều đó, chúng bắt đầu đưa ra câu trả lời. Rồi mọi thứ dễ dàng hơn khi bọn trẻ đều biết rằng tôi sẽ đặt ra câu hỏi đó vào cuối ngày.
Hãy thử nghĩ chút về Google. Tại sao bạn luôn trở lại với Google để tìm kiếm, đặc biệt là khi có nhiều công cụ tìm kiếm cạnh tranh hơn so với thời điểm họ mới ra mắt? Đó là bởi Google giúp đỡ bạn nhiều hơn. Nếu bạn gõ “xe máy” vào Google, thay vì
ạ ạ g y g y Excite, bạn sẽ nhận được những kết quả tốt hơn, và thường là nhanh hơn. Google đo lường thành công của mình bằng việc bạn rời khỏi trang web của họ nhanh chóng thế nào. Đây chắc hẳn là trang web duy nhất làm việc đó. Nhưng khi bạn phải quay trở lại và tìm kiếm, bạn không trở lại trang web về xe máy (nhất là khi bạn muốn tìm kiếm về “thuyền”), và bạn cũng không trở lại Excite (vì rất nhiều trang web họ gắn liên kết đều chẳng giúp ích gì), bạn quay trở lại Google. Giờ đây, Google đã có 64 tỷ đô la tiền mặt trong ngân hàng.
Một lợi ích nữa của đi làm sớm hằng ngày và hoàn thành gần như mọi việc là sau đó, bạn có thể dành phần thời gian còn lại trong ngày để giúp đỡ các đồng nghiệp của mình. Bạn tạo ra một mạng lưới quan hệ công việc độc đáo trong đó bạn là chú nhện ở trung tâm. Tôi không có ý miêu tả kiểu rùng rợn, mà nhằm hướng tới sự đẹp đẽ.
Tôi đã đến thăm Michael Singer, tác giả của tác phẩm bán-siêu chạy với nhan đề The Untethered Soul (tạm dịch: Tâm hồn không trói buộc), một cuốn sách tuyệt vời đã xuất hiện nổi bật trên chương trình của Oprah. Michael chỉ nhận lời hai cuộc phỏng vấn trực tiếp về sách của mình. Một với Oprah, một với Claudia và tôi. Nên tôi cảm thấy rất biết ơn.
Một điều không nhiều người biết về Michael cho đến tận khi cuốn sách gần đây nhất của ông The Surrender Experiment (tạm dịch: Thử nghiệm đầu hàng) ra mắt, là ông đã gây dựng một công ty trị giá nhiều tỷ đô la từ con số 0, và sáp nhập với WebMD. Bạn không thể biết chuyện đó khi ghé thăm ông. Ông vẫn ở trong ngôi nhà đã sống suốt hàng chục năm và ông cống hiến đời mình để giúp mọi người đạt được mức độ bình yên nào đó thông qua các tác phẩm và những bài giảng trực tiếp ngay trên mảnh đất và những tòa nhà ông đã mua, chính là nơi công ty cũ của ông từng tọa lạc.
Ông đã dẫn Claudia và tôi dạo một chuyến qua hàng ngàn mẫu đất và những khu nhà ông xây dọc trên đường. Đang đi, tôi nhìn thấy một con nhện khổng lồ, có lẽ là con nhện to nhất tôi từng thấy, chăng một tấm mạng chắn ngay trước ngôi nhà của Michael. Chúng tôi phải vòng qua mạng nhện để đi vào. Nhưng trước đó, Michael bảo tôi, “Hãy đến đây chạm vào mạng nhện này.” Tôi chạm vào viền ngoài của mạng. Nó rung lên dưới cú chạm của tôi.
Michael nói: “Tấm lưới này có cường độ chịu lực kéo khỏe hơn cả thép đấy.” Cường độ chịu lực kéo tức là khả năng bứt đứt nó. Chắc bạn không ngờ nổi, vì mạng nhện mỏng manh dễ đứt nếu bị gạt ngang. Nhưng một sợi tơ nhện có đường kính chừng 3-6 micromet (1 phần triệu của mét) và bằng 1/6 mật độ của thép. Khi bạn giúp đỡ mọi người, bạn dệt một tấm mạng, bạn xây dựng mối kết nối bền chắc phi thường với người khác.
Robert Cialdini chứng minh điều này rõ hơn trong cuốn tuyệt phẩm về marketing của ông với nhan đề Influence (tạm dịch: Sức ảnh hưởng). Ông kể câu chuyện một nhóm thầy tu Hari Krishna lần đầu thử quyên tiền ở sân bay và thất bại. Họ chỉ thay đổi một chút những gì đã làm. Trước hết, họ tặng bạn một đóa hoa, và đã quyên được hàng trăm triệu sau đó. Không ai thực sự cần bông hoa đó cả. Thật ra, phần lớn mọi người đều quẳng bông hoa vào thùng rác gần nhất. Đoán xem? Các thành viên nhóm Hari Krishna sẽ nhặt hoa ra khỏi thùng và đem tặng lại. Cialdini gọi hiện tượng này là “Định luật trao đổi qua lại”. Chính là xu hướng nhận thức ta phải giúp đỡ người đã trao cho ta thứ gì đó. Việc nói “không” với người nào đó sẽ khó hơn nhiều nếu họ đã làm việc gì đó cho ta. Điều này nghe có vẻ thao túng và nếu bạn tiếp cận theo cách này, nó vẫn có thể phát huy tác dụng (như trường hợp của nhóm Hari Krishna), nhưng sẽ tốt hơn cả nếu bạn chân thành lắng nghe vấn đề của người khác, giúp đỡ họ, rồi trở thành một nguồn lực, trở thành trung tâm của mạng lưới. Lần tới nếu thấy một người Hari Krishna cầm đóa hoa, chắc tôi sẽ tránh họ luôn.
Tôi sử dụng Google trong mọi lần tìm kiếm và đó là cách Google trở thành một trong những công ty có giá trị nhất hành tinh, còn hai sáng lập viên của hãng nằm trong số những người giàu có nhất trong lịch sử.
Suy cho cùng, nếu bạn có tâm thế “Hôm nay tôi có thể giúp đỡ những ai”, thì bạn sẽ trở nên quan trọng không thể thiếu với công ty bạn đang làm việc. Nếu bạn không chỉ giúp đỡ đồng nghiệp cùng nhóm, mà cả sếp bạn, quản lý các bộ phận khác, cả khách hàng và các cổ đông – bất cứ ai có liên hệ với công ty mà bạn có thể giúp đỡ, bạn bắt đầu gắn thành công của cá nhân chặt chẽ hơn với thành công của công ty. Nếu bạn vẫn duy trì đi làm thuê và không chọn con đường gây dựng doanh nghiệp riêng, bạn phải làm việc cho một công ty sẵn sàng gắn chặt thành công của bạn với thành công của họ. Nhiều công ty hiện nay không làm vậy. Vì sao? Bởi có nhiều công ty (và nhân viên) đang có một niềm tin sai lầm, là để đổi lại việc nhận một đồng lương đảm bảo (hai tuần mỗi lần, đúng hẹn, không bao giờ cắt giảm, tăng lên cùng mức lạm phát hằng năm), bạn nợ công ty lòng trung thành và giá trị của bạn.
Như tôi đã đề cập ở phần đầu cuốn sách, điều này đơn thuần là sai sự thật. Nhiều thứ bất trắc có thể xảy ra theo thời gian. Bạn muốn đồng lương của mình phải biến động và có cơ hội làm giàu. Và, trên thực tế, đó lại là lộ trình an toàn hơn để tiến bước.
Nền văn hóa tập đoàn ở Mỹ đang dịch chuyển sang một môi trường nơi tiền lương được đảm bảo… cho đến lúc không được đảm bảo nữa, cho đến khi công việc có thể thuê làm bên ngoài. Nhưng một thứ không thể thuê làm bên ngoài chính là những nhân viên đã chứng tỏ bản thân họ quan trọng không thể thiếu, vì khả năng giúp đỡ thêm nhiều, nhiều thành viên của công ty. Nói cách khác, chính là bạn.
Lưu ý rằng đồng lương càng ổn định thì càng ít hữu dụng. Nếu luôn biết chắc rằng mình sẽ nhận được đồng lương ấy, bạn sẽ bị
cám dỗ trước suy nghĩ mình có thể làm ít đi cũng được. Nói cách khác, đồng lương của bạn không hề phản hồi liệu chất lượng công việc của bạn là tốt hay tồi. Còn với những nhân viên gắn chặt địa vị tài chính của mình với địa vị tài chính của công ty, sự thịnh vượng của bạn dễ biến động hơn nhiều. Khi khoản tiền của bạn bị giảm, đó là bởi bạn đã làm việc gì đó không đúng. Bạn có thể sử dụng phản hồi này để làm ra nhiều tiền hơn. Và khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, đây là phản hồi cho thấy bạn đang làm việc tốt.
Vũ trụ vốn hỗn loạn và hay thay đổi. Bất cứ ai cố gắng che đậy thực tế đó bằng lớp phấn son và mặt nạ chỉ đang lừa mị chính mình. Dạ tiệc hóa trang cũng kết thúc lúc nửa đêm.
NHÂN VIÊN GIÀU CÓ NHƯỜNG CÔNG TRẠNG CHO SẾP CỦA MÌNH
Có một người chỉ dẫn đã dạy tôi những bài học quý giá giúp ích cho tôi trong suốt cuộc đời. Mặc dù không có điều gì liên quan đến học hành sách vở hết. Tôi chưa từng áp dụng chút kiến thức nào học được từ tiết học của thầy. Tôi học được nhiều hơn từ cách thầy dẫn dắt sự nghiệp và áp dụng chúng để tạo dựng sự nghiệp của riêng mình.
1) LỰA CHỌN CHÍNH BẢN THÂN MÌNH
Thầy là giáo sư khoa học máy tính nhưng không bắt đầu ở điểm xuất phát đó. Thầy có bằng Tiến sĩ Vật lý lý thuyết. Khi thầy thực hiện luận án, Stephen Hawking đã nói: “Nếu anh giải quyết được vấn đề này, nó sẽ biến đổi toàn bộ cuộc chơi trong ngành vật lý.” Thế rồi, khi thầy thực sự giải quyết được vấn đề, Stephen Hawking lại nói: “Chà, có lẽ nó không quan trọng như tôi vẫn nghĩ lúc đầu.” Quá thất vọng, ông chuyển từ Utah về New York và bị ám ảnh với khoa học máy tính. Ông ngồi lì trong giờ học, đọc mọi cuốn sách, lập trình… Rồi ông muốn trở thành một giảng viên nhưng trường Cornell từ chối. Vậy là Prakash tìm
một lớp học trống vào buổi tối và treo biển: “Giảng về ngôn ngữ lập trình” có ghi rõ ngày giờ. Lúc đầu chỉ lác đác vài người vào lớp. Rồi thêm. Thêm nữa. Ông là một giáo viên xuất sắc.
Cuối cùng, có nhiều sinh viên dự giờ giảng đến nỗi trường Cornell buộc phải đưa ông lên làm giảng viên. Về sau ông được bổ nhiệm chính thức. Rồi làm giáo sư danh dự ở một trường khác trong khi vẫn đang giảng dạy. Ông không để những kẻ canh cổng ngăn cản, và cuối cùng đã đến được với công việc mơ ước của mình.
2) ĐÁNH GIÁ THÀNH CÔNG CỦA MÌNH BẰNG THÀNH CÔNG CỦA SINH VIÊN
Thầy không phải một giáo sư nổi tiếng, cũng chưa từng xuất bản một công trình nào gây chấn động thế giới. Nhưng mọi học trò của thầy đều trở thành những giáo sư cực kỳ thành công. Thầy nói riêng với tôi: “Thành công của tôi ư, chính là có những sinh viên thành công.” Thầy luôn nhường toàn bộ công trạng trong mọi việc cho sinh viên và hỗ trợ họ mọi nhẽ trong sự nghiệp.
3) DẠY TÔI CÁCH DIỄN GIẢI
Một trong những điều không xứng đáng nhất tôi từng làm là viết một bài nghiên cứu hàn lâm. Một lần, tôi và thầy Prakash cùng thực hiện một dự án, hai thầy trò là đồng tác giả bài nghiên cứu và được duyệt trình bày tác phẩm tại một trong những hội thảo danh giá nhất trong ngành. Hai thầy trò bay đến Kaiserlautern, Đức, và có thể đoán trước, thầy để tôi thực hiện phần thuyết trình.
Buổi tối trước hôm thuyết trình có một bữa tiệc chung – một dịp để kết nối quan hệ, những tình bạn mới, tìm hiểu về dự án của những người khác, và cả đồ ăn ngon lành nữa. Nhưng thầy Prakash nói: “Thật nhàm chán. Ta đến phòng hội thảo đi.” Chúng tôi đến phòng hội thảo trống không, thầy bảo: “Để tôi
g p g ộ g g y
xem bài trình chiếu của anh thế nào.” Thầy xem và chúng tôi phải viết lại toàn bộ. Rồi thầy bảo,“Được rồi, giờ để tôi xem anh trình bày thế nào.”
Với mỗi trang thuyết trình, chúng tôi dượt đi dượt lại, tôi ở trên sân khấu còn thầy là thính giả duy nhất. Thầy bắt tôi tập cả các câu nói đùa, tập lại các bước di chuyển, rồi cả việc nhìn vào khán giả thay vì chỉ chăm chú vào những trang trình chiếu. Thầy trò tôi ở đó suốt vài tiếng đồng hồ. Trước bài thuyết trình này tôi chưa từng nói chuyện cho ra hồn lần nào. Trong thời gian thuyết trình, tôi làm mọi người cười suốt. Khán giả thậm chí còn đi lên chỗ tôi sau đó và bảo,“Trước đây tôi không hiểu nổi chủ đề này. Anh có thể thuyết trình ở đại học chúng tôi được không.” Điều đó nói lên ít nhiều, nhất là khi tôi cho bạn biết chủ đề của bài nói chuyện và công trình nghiên cứu – “Tự động chứng minh định lý hàm tử phụ hợp trong lý thuyết phạm trù.” CỰC KỲ vô ích.
4) LUÔN NHƯỜNG CÔNG TRẠNG CHO SINH VIÊN
Chúng tôi bước qua các dãy phố Kaiserlautern trên đường về khách sạn sau khi thầy bắt tôi luyện bài thuyết trình. Trước khi ai đi đường nấy, thầy cho tôi lời khuyên cuối cùng: “Chớ có vào mấy tiệm bán đồ khiêu dâm ở Đức. Họ sẽ lột sạch của anh đấy.” Đó là lần cuối cùng tôi gặp thầy. Nhưng một điều luôn đọng lại mãi, là hãy luôn nhường công trạng cho người khác. Trong trường hợp thầy Prakash, thầy luôn nhường công trạng cho sinh viên.
Điều này phát huy tác dụng theo cả hai chiều. Sếp của bạn cũng là người đi làm thuê thôi. Anh ta phải xoay xở với cả trên lẫn dưới. Dưới là bạn nhưng trên là sếp của anh ta, rồi sếp của sếp anh ta, các cổ đông, khách hàng… Anh ta cần bạn hỗ trợ. Khi bạn làm một việc tốt, họ sẽ muốn được ghi nhận công trạng cho việc đó. Họ muốn được nở mày nở mặt. Nhân viên giàu có không màng chuyện ghi nhận công trạng. Nhân viên giàu có tạo
ra quá nhiều giá trị, đến nỗi họ có đủ công trạng để tặng cho người khác. Không cần chia sẻ. Trao tặng luôn. Việc này khiến tất cả cấp trên được nở mày nở mặt. Và một lần nữa, nó lại thắt chặt thành công của bạn với thành công của tất cả những ai ở trên bạn.
Trong một công việc tôi từng làm, tôi luôn nhường tất cả công trạng trong mọi việc cho sếp. Cuối cùng, sếp được thăng chức lớn. Thay vì chúc mừng chức danh và lương thưởng đáng kể của sếp, thì mọi người lại tíu tít dừng chân ở khoang làm việc của tôi và chúc mừng, vì họ biết tôi đã hỗ trợ rất đắc lực cho sếp tỏa sáng và xác lập một lĩnh vực mới cho công ty. Về sau, khi tôi đồng thời khởi lập công ty của riêng mình, sếp có tìm cách cấm cản tôi không? Đương nhiên là không. Một lần nữa, là sự có đi có lại. Tôi đóng vai trò không thể thiếu với sự nghiệp của sếp, và tôi đã gây dựng một lĩnh vực kinh doanh quan trọng từ khoang làm việc nhỏ bé của mình, cho đến khi có hơn chục nhân viên và phát triển như kỳ vọng với doanh thu bảy con số, cuối cùng tôi đã rời đi và trở thành Giám đốc điều hành công ty đầu tiên của riêng mình.
NHÂN VIÊN GIÀU CÓ TẬP TRUNG VÀO SỨ MỆNH VÀ LỢI NHUẬN TRONG DÀI HẠN
Một công ty không chỉ đưa ra một sản phẩm, xác định giá bán, rồi bắt đầu bán hàng.
Một công ty xác định một vấn đề cấp bách, phát triển một giải pháp độc đáo, và chỉ đến lúc đó mới làm cho nó vừa túi tiền, dễ sử dụng và bắt đầu tung sản phẩm đó ra thị trường đến tay người tiêu dùng.
Và thường thì thất bại. Hoặc thế giới biến động. Hoặc thử nghiệm tung ra sản phẩm này không thành công, nhưng sản phẩm khác lại được.
Amazon là một ví dụ tuyệt vời. Jeff Bezos không muốn chỉ bán sách. Ông ta muốn bán mọi thứ. Không ai tin, nên ông bắt đầu với một câu chuyện đơn giản: “Tôi muốn bán sách trực tuyến.” Và điều đó có hiệu quả. Ông mau chóng trở thành nhà kinh doanh sách trực tuyến lớn nhất. Thật ra, có những người nghĩ là việc này hoàn toàn không quan trọng, đến nỗi họ khoán việc bán sách trực tuyến luôn cho Amazon. Bạn nhớ Borders chứ?
Giờ đây Amazon kinh doanh cả thực phẩm, âm nhạc, thậm chí còn sản xuất các chương trình truyền hình nữa.
Họ có kiếm được tiền không? Không! Hẳn nhiên là không. Vì họ liên tục xây dựng. Liệu cuối cùng họ có kiếm được tiền? Có, có chứ.
Nhưng thử đoán xem chuyện gì xảy ra trong suốt quá trình đó. Thật ra, nó xảy ra ngay hôm nay – ngay lúc tôi viết chương sách này. Giá trị vốn hóa thị trường của Amazon đã vượt qua cả nhà bán lẻ lớn nhất thế giới: Walmart. Tương lai đã ở đây.
Và tương lai ấy được xác định bởi sứ mệnh của một người đàn ông không vướng bận với suy nghĩ có thể kiếm ra tiền và bóp nặn lợi nhuận từ khách hàng nhanh cỡ nào.
Ở công ty của riêng tôi, nơi tôi tạo ra một số nội dung, nội dung đặc biệt, tôi sở hữu một giá trị vượt trên mọi giá trị khác:
THÔNG ĐIỆP LÀ HÀNG ĐẦU
Tôi biết rằng nếu tôi có thể chuyển tải một thông điệp thực sự giúp được con người trong thế giới hỗn độn này, thì tiền bạc chính là một sản phẩm phụ sinh ra trong dài hạn.
Với mỗi quyết định tôi phải đưa ra ở công ty, với mỗi sản phẩm, với mỗi lá thư bán hàng, tôi luôn đặt ra câu hỏi – liệu thứ này đã đặt thông điệp lên hàng đầu chưa.
Bạn sẽ làm việc này thế nào nếu bạn là một nhân viên? Bạn có một bộ “giá trị nhân viên” chưa?
Trước nhất, hãy đảm bảo những giá trị cá nhân của bạn phù hợp với các giá trị của công ty bạn đang làm việc.
Thứ hai, tôi sẽ bắt đầu xác định xem đâu là điều quan trọng nhất với bạn trong bất cứ tình huống công việc nào. Bạn có coi trọng sự thành thực hơn tiền lương. Bạn có coi trọng việc giúp đỡ người khác hơn là rời sở sớm? Bạn có coi trọng việc dành thời gian vào nghiên cứu và học hỏi hơn là cày cuốc 12 tiếng đồng hồ để có thể thăng tiến trên những nấc thang tập đoàn.
Bạn không thấy vậy cũng chẳng sao. Có thể bạn muốn tan sở sớm để dành nhiều thời gian hơn với con cái. Tuyệt vời. Nhưng nếu thế, bạn phải tìm một công việc hoặc một nguồn thu nhập nào đó cho phù hợp với nhu cầu đó.
Hãy viết ra xem các giá trị dài hạn của bạn là gì. Khi chúng sát sao với điều kiện làm việc của bạn, đây chính là cách bạn điều chỉnh thành công tài chính của bạn thẳng hàng với thành công của cả công ty.
Nếu bạn làm vậy, bạn đã sẵn sàng kiếm được khoản tiền kếch xù khi công ty của bạn thành công rồi đấy.
NHÂN VIÊN GIÀU CÓ KHÔNG NGỪNG TÌM HIỂU VỀ ĐỐI THỦ, NGÀNH CỦA MÌNH, VÀ LỊCH SỬ
Tôi đã tham gia vào 15 ngành nghề khác nhau từ làm thuê, khởi nghiệp, việc làm thêm, làm cố vấn, đến nhà đầu tư. Có lẽ còn hơn thế. Tôi nói điều này vì trong một số ngành, tôi thất bại, trong những ngành khác lại thành công. Một lần tôi thất bại THẢM HẠI (kiếm được hàng triệu, rồi mất hàng triệu) vì tôi không hiểu chút nào về lĩnh vực đó. Nói chuyện này ở đây không cốt ở chỗ bạn phải tìm hiểu những gì, mà là ví dụ về những gì tôi đã KHÔNG chịu tìm hiểu, khiến tôi thất bại, những
gì đáng lẽ ra đã là vận may cả đời (kiếm được hàng triệu, trước khi mất hàng triệu).
Trước hết, cụ thể hơn: tôi là cố vấn cho một công ty. Thành công của tôi gắn chặt với thành công của công ty. Tôi tư vấn họ nên thay đổi thương hiệu và thông điệp của mình, ngoài ra còn tư vấn về cách giao tiếp với nhân viên và sử dụng truyền thông xã hội. Mọi thứ đều tốt đẹp. Họ tiếp thu lời khuyên của tôi và thực hiện rất tốt (nên mới có hàng triệu đô la). Nhưng vì tôi có thể bày tỏ quan điểm với Giám đốc điều hành và ban quản trị nhờ vào thành công bước đầu của tôi, lẽ ra tôi đã có thể hữu dụng hơn, nhất là vào thời điểm họ bỡn cợt và cuối cùng bỏ mạng vì thảm họa.
A. Tôi thực sự không biết đối thủ của họ là ai. Tôi chỉ lờ mờ nắm được những đối thủ chủ chốt chứ không hiểu cặn kẽ đối tượng khách hàng và dịch vụ của công ty và tương quan so với các đối thủ khác.
B. Tôi chưa từng hiểu tường tận mọi dịch vụ họ cung cấp đến khách hàng. Điều này là then chốt. Làm sao tôi có thể đưa ra lời khuyên mà chưa hiểu đầy đủ về sản phẩm?
C. Tôi chưa bao giờ lấy kính hiển vi ra kiểm tra tình hình kế toán của họ. Kế toán không chỉ là chuyện dòng tiền đi vào và đi ra. Bạn phải hiểu được sự tinh vi trong cách một công ty làm giảm giá trị những tài sản họ sở hữu, những kỳ vọng mà người cho vay đặt vào công ty, điều gì có thể gây ra một đường xoáy chết người nếu có tình thế nguy cấp nào đó xảy ra (mất đi một khách hàng, một nhà cung cấp dịch vụ hay một người cho vay).
D. Tôi không hiểu bản chất chính xác các mối quan hệ với nhà cung cấp dịch vụ của họ. Tôi thậm chí còn chưa từng xem một giao kèo bằng văn bản nào với các nhà cung cấp của họ và cơ chế hoạt động của chúng.
E. Tôi không biết lịch sử của không gian và điều này thay đổi không ngừng ra sao tùy vào các quy định của chính phủ. Đáng lẽ ra tôi phải hiểu cặn kẽ lịch sử của các giao dịch sáp nhập và mua lại về không gian, bản chất chu kỳ của lĩnh vực này, và lĩnh vực này đã bám trụ qua khủng hoảng ra sao…
F. Tôi chưa hiểu tường tận về lai lịch cá nhân của các lãnh đạo và cổ đông lớn nhất công ty. Vì có khả năng tiếp cận lớn với ban lãnh đạo của công ty, đáng lẽ ra tôi nên ngồi lại với từng người và sắp xếp một cuộc phỏng vấn trọn vẹn về quá trình kinh nghiệm của họ, những nơi họ đã làm việc, thậm chí khai thác được xem những vấn đề cá nhân và mơ ước của họ ở thời điểm đó là gì.
G. Tôi chỉ nắm bắt lờ mờ về những xu hướng của lĩnh vực này trong tương lai, vừa đủ để đưa ra những lời khuyên họ yêu cầu. Nhưng đáng lẽ tôi có thể thấu hiểu ý nghĩa sâu sắc của những xu hướng này, nếu tôi chịu khó tìm hiểu những điều đã kể phía trên.
Thất bại của công ty không phải lỗi của tôi. Nhưng, đáng lẽ ra tôi đã có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn nếu hiểu rõ tất cả những điều kể trên. Tôi nhắc đến chuyện này không phải để nhấn mạnh tôi làm công việc này tệ cỡ nào, mà đúng hơn là một ví dụ cho thấy lúc nào cũng có điều để học hỏi. Và nếu bạn có tiền bạc, ý nghĩa và giá trị, những thứ tưởng chừng chỉ bổ trợ cho dịch vụ bạn đang cung cấp, công việc của bạn sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Với tất cả những điều tôi liệt kê ở trên: Nếu khi đó biết được câu trả lời, nó sẽ tạo ra hàng triệu đô la khác biệt trong tài khoản ngân hàng của tôi. Còn thực tế là, tôi chẳng kiếm được gì từ một việc tôi liên đới cực kỳ mật thiết.
Trong mọi trường hợp khác, khi tôi kiếm được hàng triệu đô la, tôi biết câu hỏi cho tất cả những điều kể trên. Thực ra, tôi bị ám
ảnh về chi tiết. Có lẽ tôi chỉ không đủ lưu tâm trong một lĩnh vực cụ thể này thôi. Và thậm chí đó không phải là chuyện tiền nong, mà chủ yếu là chuyện năng lực, các mối quan hệ và tự do.
Khi làm việc ở HBO, tôi biết mọi câu trả lời cho những vấn đề kể trên, kể cả khi các sếp và đồng nghiệp của tôi không hề biết. Điều đó có ý nghĩa gì với tôi? Nghĩa là tôi có thể đề xuất sản phẩm (ví dụ như một trang web bao gồm những nội dung tự sản xuất), tạo dựng mối quan hệ với các cử tri khác trong công ty, và rốt cuộc tôi có đủ tự do để gây dựng công ty riêng, trong khi vẫn tiếp tục kiếm thêm nhiều tiền nữa ở HBO. Tôi yêu sản phẩm của HBO. Tôi đọc, hoặc xem, hoặc nghe mọi sản phẩm của Time Warner. Tôi hiểu tường tận từ trong ra ngoài lĩnh vực dịch vụ cáp, thậm chí cả dịch vụ vệ tinh. Tôi hiểu lý do giải thích tại sao dòng tiền thu được từ thuê bao đôi lúc không khớp (theo nguyên tắc kế toán) với doanh thu từ thuê bao. Tôi nghiền ngẫm lai lịch cá nhân của mọi vị lãnh đạo. Tôi tìm hiểu lịch sử của công ty. Tôi theo dõi sát sao để thấy lĩnh vực này từ từ dịch chuyển theo phương hướng của HBO ra sao (“kênh phim truyện” đầu tiên tự sản xuất các chương trình riêng) cho đến bây giờ, kể cả Netflix, Amazon và các công ty dịch vụ cáp khác đều đi theo mô hình của họ. Chẳng trách những cựu nhân viên của HBO đều xuất hiện ở hậu trường của gần như mọi công ty thực hiện chương trình tự sản xuất, trong đó có cả những gã khổng lồ công nghệ như Netflix và Amazon.
Khi tôi khởi tạo một công ty internet, tôi cũng trải qua quá trình tương tự. Khi tôi khởi lập một quỹ phòng hộ, tôi cũng trải qua quá trình tương tự.
Phải là chuyên gia cừ nhất trong lĩnh vực thì bạn mới thống trị được ngành nghề của mình. Trong cuốn Tôi lựa chọn chính mình, tôi miêu tả câu chuyện của Bryan Johnson, ông đã xem xét mọi khuyết điểm khi tạo dựng Braintree, một hệ thống thanh toán thẻ tín dụng. Từ lúc ra đời, Braintree đã thu về hơn
một tỷ đô la, và điều này là nhờ tác giả hiểu rõ những điểm khác biệt nhỏ nhặt giúp ông có thể gạt bỏ mọi đối thủ cạnh tranh.
Bất kể bạn là một người làm thuê hay chủ doanh nghiệp, hay ở đâu đó lưng chừng, đây là một trong những nhân tố chủ chốt tách biệt những người sẽ kiếm được hàng triệu đô la hay tìm thấy ý nghĩa ở vị trí công việc của mình, trái ngược với tâm thế nhân viên nghèo khó, khi bạn chỉ bập vào đồng lương dễ dãi nhanh chóng và hy vọng sẽ sống sót bước ra trước khi đồng lương ấy bị tước khỏi tay bạn. Thật không may, cả tiền lương lẫn tự do đã bị tước khỏi tay tôi quá nhiều lần khi tôi tảng lờ nguyên tắc đơn giản ấy, đến nỗi tôi không còn khả năng chi trả, theo đúng nghĩa đen, để quên nó đi. Một cách ngắn gọn hơn để diễn đạt điều này,“Thông tin là Sức mạnh” nhưng thường thì người ta chẳng biết phải thu thập thông tin nào mới phải. Tôi đã không biết, nên tôi phải trả giá.
NHÂN VIÊN GIÀU CÓ NẢY RA Ý TƯỞNG MỖI NGÀY VÀ BIẾT CÁCH THỰC THI CHÚNG
“Ý tưởng một xu cả tá. Thực thi mới là tất cả.” Thật ra tôi ít nhiều tin vào điều này, mặc dù nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc phát triển “cơ bắp ý tưởng”, nhưng với một vài cảnh báo. Như tôi đã từng nói, cơ bắp ý tưởng cần được rèn luyện không ngừng nghỉ. Nếu không, nó sẽ teo tóp cho đến khi bạn không còn đưa ra những ý tưởng hay ho được nữa.
Tôi ở vào một vị thế may mắn. Vì tôi viết quá nhiều về vấn đề này (hai cuốn sách, cộng cả cuốn của Claudia về chủ đề này), mọi người liên tục gửi cho tôi xem các ý tưởng. Mọi người còn gửi cho tôi cả lời chứng thực. Tôi có thể khẳng định ngay ai đã rèn luyện cơ bắp ý tưởng và ai không. Ai thực sự thúc đẩy bản thân khi nảy ra các ý tưởng, còn ai mau chóng từ bỏ và tìm đường dễ để thoát thân. Tôi có thể nói “cuộc đời tôi thay đổi cứ sáu tháng một lần” kể từ khi bắt đầu việc tập luyện này, bạn có thể tự quyết xem có tin lời tôi hay không. Nhưng giờ đây trên
Quora, Facebook và trong mục Gặp gỡ (Meetups) của trang ChooseYourself.me khắp thế giới, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các bàn luận về những người thực hiện việc luyện tập viết ra mười ý tưởng mỗi ngày và kết quả đạt được như thế nào.
Cảnh báo đầu tiên của tôi: Ý tưởng không hẳn là một xu cả tá. Một xu mua được ba hay bốn thôi. Nếu tôi muốn đưa ra “mười ý tưởng cho Facebook”, có thể tôi sẽ mau chóng nghĩ ra ba ý tưởng. Nhưng nghĩ ra được mười ý tưởng tôi cho là tốt (liệu ý tưởng có tốt hay không lại là chuyện khác, nhưng chí ít tôi vẫn phải nghĩ là chúng tốt), bắt đầu với bốn hay năm ý tưởng sẽ khá khó khăn, và đến chừng bảy là chuyện bất khả thi. Đây chính là lúc bạn bắt đầu mất sức, là lúc bạn thực sự đang luyện tập cơ bắp ý tưởng.
Mọi người hỏi tôi, “Làm thế nào tôi biết một ý tưởng có tốt hay không?” Bạn không thực sự biết được. Nhưng càng luyện tập nhiều, những ý tưởng bạn nghĩ ra lúc nào cũng tốt hơn.
Còn thực thi, một người thực thi ý tưởng ra sao? Thực thi ý tưởng là tập con của việc nghĩ ra ý tưởng. Tôi có thể nảy ra ý tưởng về một ứng dụng mới theo dõi những cửa hàng tôi đi qua trên tuyến đường hằng ngày và đề nghị tìm cho tôi những món hàng trên Internet rẻ hơn những gì được bày bán trong các cửa tiệm. Đây có thể là một ý tưởng hay hoặc không. Chỉ là tôi đang đọc suy nghĩ của mình ra vậy thôi. Và dĩ nhiên, cứ suy nghĩ vậy chẳng dẫn tôi tới đâu cả. Những người thông minh nhất thế giới nhưng không bao giờ thực thi ý tưởng sẽ chẳng được nhắc đến bao giờ. Chỉ hành động mới làm nên anh hùng. Siêu Nhân chẳng bao giờ ngồi lì trong phòng khách và tự nhủ,“Hừm, mình nên cứu nàng Lois chăng?” Không. Anh phải thay trang phục, lao ra ngoài cửa sổ và hết lần này đến lần khác, đỡ lấy Lois khi cô ngã nhào giữa không trung. Gần như mỗi ngày. Thực thi mới cứu được mạng của Lois.
Đây là cách bạn hành động: khi nảy ra một ý tưởng bạn muốn thực thi, hãy viết ra “10 bước đơn giản để thực thi ý tưởng này.” Có thể miêu tả rõ từng trang. Có thể thuê một nhà phát triển trên freelancer.com miêu tả từng trang, hoặc vẽ ra mỗi trang, hoặc tạo ra một trang đầy đủ chức năng… Rồi, nếu các bước đã đủ đơn giản, chọn lấy một, rồi dành ra mười phút để thử làm (lấy ví dụ, tôi muốn có người tạo định dạng cho cuốn sách này để tôi có thể thực thi, tức là xuất bản nó). Tôi có thể chỉ đăng tin trên freelancer.com hoặc fiverr.com, “cần xuất bản trên Amazon. Muốn thuê người tạo định dạng cuốn sách dành cho Kindle.” Đó là một bước thực thi. Một chuỗi các bước như thế, vậy là sách được xuất bản.
NHÂN VIÊN GIÀU CÓ XÂY DỰNG MỐI LIÊN HỆ SÂU SẮC HƠN VỚI NHÂN VIÊN TRONG TOÀN CÔNG TY
Nhân viên giàu có biết rằng quyền lực không chỉ nằm trong tay các vị quản lý mà cả các thư ký. Thư ký chính là những người gác cổng của công ty. Bất kể là thông tin, hay khả năng tiếp cận các vị quản lý trong mỗi phòng ban, bộ phận, quan trọng là chiếm được sự ủng hộ từ những người làm việc cho họ. Một ví dụ ngược lại: bạn không thể cứ khơi khơi mà bước vào văn phòng Giám đốc điều hành được. Đầu tiên bạn phải nuôi dưỡng mọi mối quan hệ bên đưới vị Giám đốc điều hành đó. Rồi, khi bạn đã sẵn sàng, khi bạn đã có những ý tưởng phù hợp, cánh cửa văn phòng Giám đốc điều hành sẽ mở ra với bạn.
NHÂN VIÊN GIÀU CÓ LÀM VIỆC CHO MỘT CÔNG TY TẠO ĐIỀU KIỆN CHO MỌI THỨ KỂ TRÊN
Một số công ty kẹt cứng với cách thức bấy lâu. Họ muốn có những nhân công kiểu nhà máy được trả lương hai tuần một lần và có quyền đuổi việc họ không cần báo trước khi thành tựu công nghệ tước mất việc làm của những nhân công ấy.
Muốn thành công, các công ty cần phải nuôi dưỡng tâm thế nhân viên giàu có. Nếu không, văn hóa công ty sẽ biến đổi, nhân viên sẽ suy yếu và cự tuyệt thay đổi, các quản lý (được thăng chức từ vị trí của mình) sẽ tỏ ra thiếu khả năng thích nghi và kém hiểu biết với những thay đổi quanh mình, và công ty sẽ sụp đổ. Một nền văn hóa thành công gắn chặt thành công của tất cả mọi người với kết quả hoạt động của công ty.
Có rất nhiều bằng chứng đã trở thành giai thoại: Google, Microsoft, Apple, Procter & Gamble, tất cả đều tạo ra những triệu phú xuất thân từ nhân viên công ty nhờ trả cho nhân viên bằng cổ phiếu hoặc tùy chọn tương lai của công ty. Những doanh nghiệp này tiếp tục trở thành những công ty thành công nhất xưa nay.
Nhưng hãy chỉ nhìn vào hiện thực tất cả chúng ta đều biết. Khoảng cách giàu nghèo đang nới rộng dần trên khắp thế giới. Tôi đang không hề phán xét gì về vấn đề này, và đây cũng không phải chuyện có thể được giải quyết thấu đáo nhờ những luật lệ mới. Đâu là điểm khác biệt giữa những người giàu có đang “phất lên” và những người nghèo khó có vẻ đang “sa sút”. Ta biết rằng thu nhập, ngược với lạm phát, đang đi xuống. Bạn có thu nhập khi bạn có một công việc với đồng lương ổn định. Thế nhưng, thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đang ở mức, hoặc gần mức cao nhất trong lịch sử. Và kể cả thị trường có sụp đổ như năm 2009, thì cũng chỉ mất sáu năm thị trường lại trở về mức cao nhất trong lịch sử. Nên điều này dẫn tới một kết luận: những người NẮM QUYỀN SỞ HỮU đang giàu thêm nữa. Những người hy sinh quyền sở hữu để đổi lấy chuyện hoang đường mang tên “ổn định” lại đang nghèo đi.
Trong cuốn sách The Citizen’s Share (tạm dịch: Cổ phần của công dân) phát hành năm 2014, nhóm tác giả Joseph Blasi, Richard Freeman và Douglas Kruse trích dẫn hết ví dụ này đến ví dụ khác từ thế kỷ 19 cho đến thời nay, cho thấy quyền sở hữu của người lao động liên đới trực tiếp với hạnh phúc của họ, mức
sáng tạo cao hơn ở công ty, cùng lợi nhuận và giá cổ phiếu cao hơn. Đó chỉ là quyền sở hữu. Nhưng có rất nhiều cách để gắn chặt thành công của bạn với thành công của doanh nghiệp: bạn có thể được trả bằng tiền mặt, đương nhiên, như thế rất tốt. Nhưng có cả sự tự do, niềm vui sống, và những cơ hội tốt đẹp hơn cho tương lai của bạn. Nếu công ty không ngừng kìm nén những điều này, nhân viên giàu có biết đã đến lúc ra đi.
NHÂN VIÊN GIÀU CÓ GIÚP NHÂN VIÊN CỦA MÌNH THÀNH CÔNG
Nhân viên giàu có buộc phải trở thành một lãnh đạo. Đây là một chủ đề xuyên suốt cuốn sách này. Xin nhắc lại, bất kể bạn rành mọi mẹo mực mới nhất, những kỹ thuật tiếp thị Internet, những ứng dụng mới toanh có thể nâng cao hiệu suất, tất cả đều không là gì. Những nguyên tắc kể trên vẫn đúng với mọi thời và sẽ vẫn tiếp tục phù hợp. Đương nhiên, một phần trong đó là nắm vững những điều mới nhất, hay nhất có thể giúp đỡ bạn. Nhưng 90% trong đó là thấu hiểu những nguyên tắc sâu xa hơn.
Khi bạn có thêm của cải, trách nhiệm, năng lực, các mối quan hệ, và bất kể bạn có thăng tiến trong công việc của mình hay có nhiều cơ hội thu nhập phụ thêm hay không, bạn cần phải trở thành một lãnh đạo. Tôi chính là nhà lãnh đạo tệ hại giỏi nhất thế giới. Tôi không chỉ biết mọi thứ quanh chuyện làm thế nào để thất bại ở vị trí lãnh đạo, mà còn dành rất rất nhiều thời gian với những lãnh đạo tệ hại. Lúc nào tôi cũng đọc được những bài có nhan đề như: 10 phẩm chất hàng đầu của lãnh đạo TUYỆT VỜI.
Tại sao người ta lại viết ra những bài này? Họ là những lãnh đạo tuyệt vời ư? Tôi không rõ. Trong hầu hết trường hợp có vẻ không phải như vậy. Dường như họ là những người đi đầu về viết rất nhiều bài về các nhà lãnh đạo. Nghiên cứu là một chuyện, viết là việc tiếp theo, nhưng làm rồi nhắc lại mới là cách bạn học.
Vậy tại sao họ viết những bài này? Rất nhiều lý do, và tôi tán thưởng họ vì tất cả những lý do đó. Họ viết những bài ấy để lấy danh tiếng. Họ viết những bài ấy để kiếm những công việc tư vấn cho các lãnh đạo, giám đốc điều hành khác. Họ viết ra những bài ấy để kiếm được những lời mời nói chuyện. Và kỹ thuật này phát huy tác dụng. Tôi biết chứ. Nếu bạn viết đủ nhiều bài về năng lực lãnh đạo, sẽ có người chịu trả tiền cho bạn để dạy họ cách trở thành một nhà lãnh đạo. Cứ thử mà xem, bạn sẽ thấy. Nhưng tôi phải gắn chặt với những gì tôi biết. Tôi biết đôi điều về lãnh đạo giỏi. Lãnh đạo giỏi rất hiếm. Tôi có thể đếm một danh sách những lãnh đạo giỏi trên hai bàn tay. Larry Page là một lãnh đạo giỏi. Winston Churchill là một lãnh đạo giỏi.
Tôi đã từng biết và làm việc cùng nhiều lãnh đạo tồi. Thêm vào đó, chính tôi cũng rất nhiều lần là một lãnh đạo tồi. Tôi không rõ giờ tôi có phải một lãnh đạo giỏi không nữa. Nhưng tôi biết rõ những sai lầm mắc phải đã khiến tôi phá sản trong nghiệp lãnh đạo. Đôi khi, để có thể khá hơn một chút, bạn chỉ cần tránh để bớt tồi thêm một chút.
Chúng ta bắt đầu nhé.
NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA MỘT LÃNH ĐẠO TỒI A) KHÔNG HIỂU RÕ NGUYÊN TẮC 30/150
Một lãnh đạo phải tuân thủ nguyên tắc 30/150, nếu không sẽ trở thành một lãnh đạo tồi. Nguyên tắc này đã phát huy tác dụng suốt 200.000 năm. Nếu một nguyên tắc chỉ phù hợp trong 2 năm, hãy bỏ qua nó. Còn một nguyên tắc đã phát huy tác dụng trong suốt 200.000 năm, ta phải chú ý. Trong suốt 200.000 năm, con người chia thành các bộ lạc. Mỗi bộ lạc đều có một thủ lĩnh nhưng khi bộ lạc trở nên quá lớn với một thủ lĩnh (hơn 30 người), bộ lạc đó sẽ chia làm đôi. Và rồi, chừng 70.000 năm về trước, ta tiến hóa đến mức xử trí được những bộ lạc lên tới 150 người. Rồi chừng 10.000 năm về trước, ta tìm ra cách chung
sống với trên 150 người. Nhưng điều này quá mới mẻ, một đốm sáng tiến hóa, đến nỗi lúc nào ta cũng làm rối beng cả lên.
Nhưng mỗi bộ lạc trong ba nhóm này (<30 người, <150 người, >150 người) lại mang đến cho các lãnh đạo tồi một cơ hội chứng tỏ họ kém cỏi đến mức nào. Tôi sẽ kể cho bạn nghe ngay đây. Một lãnh đạo tồi sẽ không thay đổi cách ứng xử bất kể họ đang lãnh đạo bao nhiêu thành viên.
B) DƯỚI 30 NGƯỜI. TRÁNH GIAO VIỆC TRỰC TIẾP TỪNG NGƯỜI
Nếu bạn là lãnh đạo một nhóm dưới 30 người, bạn buộc phải biết cặn kẽ vấn đề của cả 30 người (hoặc ít hơn) trong tổ chức của bạn. Bạn phải biết rõ những kỹ năng của họ. Họ giỏi những gì. Họ kém những gì. Họ muốn giỏi những gì. Ước mơ của họ là gì.
Mỗi người nên được phân phó MỘT việc. Đó là trách nhiệm của họ. Lãnh đạo tồi giao cho mọi người quá nhiều thứ, và rồi những người đó chỉ làm những thứ xoàng xĩnh nhất thay vì tập trung chịu trách nhiệm với chỉ một quả trứng đặc biệt mà họ phải mang trên một chiếc thìa. Khi điều hành một công ty dưới 30 người, tôi sẽ đưa một nhân viên ngẫu nhiên nào đó theo tôi đi đến các buổi họp. Bằng cách này, họ sẽ nhìn thấy những tác động của công ty lên khách hàng hoặc những người mà công ty giao dịch cùng. Mục tiêu của tôi: tôi biết tôi có những hạn chế ở vai trò lãnh đạo. Nên tôi muốn nhân viên của tôi cũng làm lãnh đạo. Lãnh đạo tồi ghen tị với những người dưới quyền mình và không bao giờ thuê những người thông minh hơn họ. Đây chính là việc số 1 mà mọi lãnh đạo tồi đều làm.
Thấu hiểu từng người trong số 30 người ở mức độ riêng tư. Biết rõ cha mẹ họ là ai. Biết rõ họ làm gì để giải trí. Giúp họ phát huy tối đa các kỹ năng. Giúp họ thành công và tỏa sáng trội hơn bạn. Đây có lẽ là lần tôi làm một lãnh đạo chân chính. Tôi cũng
không rõ. Nhưng đến hôm nay, tôi vẫn làm bạn với từng người trong số 30 người đó. Hãy trao cho họ nhiều hơn những gì họ trao cho bạn và họ sẽ tiếp tục trao thêm cho bạn 20 năm sau đó. Tôi biết điều này nhờ vào thực tế.
C) TRÊN 30 NGƯỜI, NHƯNG DƯỚI 150 NGƯỜI. CÁCH ĐỂ LÀM HỎNG VIỆC.
Khi quy mô tổ chức ở khoảng giữa 30 và 150 thành viên, việc bạn biết rõ từng người là bất khả thi. Nên hãy đảm bảo mọi người nói chuyện về nhau. Tôi muốn mình có thể hỏi A xem B muốn làm việc gì và tôi muốn một câu trả lời thật giá trị. Những người báo cáo trực tiếp lên bạn cần phải cho đi nhiều hơn nhận về với những người làm việc dưới quyền họ. Đó là cách bạn hiểu rõ về mọi người.
Đó là cách để người lãnh đạo, một cách gián tiếp, hiểu biết toàn bộ 150 thành viên khi anh ta tổ chức các nhóm, giao nhiệm vụ và nỗ lực khích lệ mọi người hướng về một mục tiêu chung.
D) KHÔNG CÓ “TẦM NHÌN”
Trên 150 người, bạn có rất nhiều việc cần làm. Nhưng đây là điều số 1 các lãnh đạo thất bại. Không có tầm nhìn.
Tầm nhìn là gì? Tôi cho là có cả nghìn cuốn sách tẻ nhạt có thể viết về điều này. Ta hãy dừng lại một giây để định nghĩa nó. Nhưng trên 150 người, bạn không thể biết mọi thành viên trong tổ chức của mình hay thậm chí chỉ là biết gián tiếp. Do đó, điều quan trọng nhất bạn có thể làm, thực ra là điều DUY NHẤT bạn có thể làm, là lấy bản thân làm gương. Ví dụ, nếu tổ chức của bạn có tới 50.000 người thì sao, hoặc, trong trường hợp của Tổng thống Hoa Kỳ là 300 triệu người.
Bạn không thể đoàn kết tập thể bằng cách nói chuyện với từng người và thấu hiểu vấn đề của họ. Bạn không thể xác định vai trò và thỏa mãn ước nguyện cho mọi người bằng cách nói