🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nước Đức Thế Kỷ Xix
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
MỤC LỤC
Lời nói đầu dẫn nhập (2016)
Cần Hiểu Rõ Quá Khứ Để Nhìn Được Phía Trước... (Nguyễn Trung) Giới thiệu (GS.TS Phạm Duy Thoại)
Lời nói đầu (2004)
PHẦN I
Đất nước của những con người sáng tạo, khai phá
PHẦN II
Cuộc đại cải cách giáo dục, đại học và những thành tựu khoa học, kỹ thuật
PHẦN III
Biên niên sử sự kiện
PHỤ LỤC
Lịch sử chiếc xe hơi
PHỤ LỤC
Viết thêm vào những năm 2000
https://thuviensach.vn
LỜI NÓI ĐẦU DẪN NHẬP
(2016)
Nguyễn Xuân Xanh
Bầu trời trí thức chúng ta bị các nhà tư tưởng Đức thay đổi nhiều hơn bầu trời vật lý bởi các kiến trúc sư Đức.
Allan Bloom
Độc giả quý mến,,
Quyển Nước Đức Thế Kỷ XIX ra đời năm 2004, được sự ủng hộ tài chính của Tổng Lãnh Sự Quán Đức tại Thành phố Hổ Chí Minh, Ngài Alfred Simms-Protz, và Viện Văn Hóa Geothe, sớm được tái bản cùng năm, nhưng sau đó vô tình bị ‘ngủ đông’ cho đến khi - trong trào lưu người Việt đang di tìm tri thức - một công ty sách có nhã ý muốn làm sống nó lại. Quyển sách không dày, nhưng sẽ giúp người đọc hiểu nước Đức nhiều hơn ở những nét vĩ đại của nó, nhất là đối với những ai đã từng sống ở đó. Quyển sách được chương trình “Mỗi ngày một quyển sách” của đài truyền hình VTV1 giới thiệu vào tháng 10, 2004, đúng ngày Thủ tướng Đức Gerhard Schröder đến thăm Việt Nam. Lần tái bản này, quyển sách được bổ sung một số chi tiết và hình ảnh, nhưng cơ bản không thay đổi so với các lần trước. Những lời dẫn nhập dưới đây không ngoài mục đích làm cho bức tranh lịch sử thêm sáng tỏ.
Nước Đức Thế Kỷ XIX, trước đây có thêm cụm từ “Những Thành tựu Khoa học và Kỹ thuật”, giới thiệu những thành tựu nổi bật nhất của dân tộc Đức trong thời kỳ dân tộc này được đánh thức, và trả lại những tự do nhất định để tích cực tham gia vào cuộc chấn hưng vĩ đại của đất nước. Chính ở thế kỷ của sự bại trận chua cay mà nước Đức đã làm một cuộc lội ngược dòng không tiền khoáng hậu trong lịch sử. Một quốc gia đầy những thiên tài nhưng bị tụt hậu và kiềm hãm quá lâu bởi một nền quân chủ chuyên chính phong kiến, đã tự sức mình vươn lên như chim Phượng hoàng từ đống tro tàn, bộc lộ sức sống sáng tạo mạnh mẽ nhất của dân tộc.
https://thuviensach.vn
So với Nhật Bản là quốc gia cũng làm cuộc cách mạng công nghiệp thành công sáng chói đầu tiên ở phương Đông sau Đức khoảng hai phần ba thế kỷ, thì Đức không những bắt kịp Anh, Pháp về mặt công nghiệp, mà còn cống hiến cho nhân loại hai cuộc cách mạng khác vô giá: Cách mạng giáo dục đại học, qua mô hình Đại học Berlin, và cuộc cách mạng khoa học cơ bản với vô số tên tuổi, mà một phần trong đó được thể hiện qua số giải Nobel vượt trội đầu thế kỷ 20. Thế kỷ 1835 - 1933, tính từ lúc cuộc công nghiệp hóa bắt đầu có xung lực, đến thời điểm Hitler lên nắm quyền, có thể được gọi là Thế kỷ Đức. Nước Đức trong một thế kỷ đã làm thay đổi bộ mặt khoa học và giáo dục đại học của thế giới, để tiến về đỉnh cao huy hoàng nhất vào những thập niên đầu thế kỷ 20. Thực tế, thế kỷ 20 cũng “có thể đã là thế kỷ của Đức”, như nhà xã hội học Pháp Raymond Aron phát biểu khi tham dự cuộc triển lãm mừng sinh nhật thứ 100 của Einstein năm 1979 tại Berlin, nếu như không có tội ác chủ nghĩa quốc xã Hitler. Trước đó, nhà sử học Mỹ Norman Cantor cũng phát biểu tương tự tại một hội nghị các nhà sử học về sự tàn phá của chế độ Nazi: “Thế kỷ hai mươi đáng lẽ là thế kỷ Đức.”
Đức là một dân tộc mà tài năng không thiếu hiếm trên mọi lĩnh vực: khoa học, văn học, nghệ thuật, tôn giáo; không thiếu những đức tính cần cù, ham thích lao động, tiết kiệm, kiên trì, trọng danh dự, tính đúng giờ, những phẩm chất cần thiết cho một cuộc cách mạng công nghiệp như các phẩm chất ‘đạo đức Tin lành’ ở Anh. Phổ cũng là quốc gia Tin lành. Nhưng do chế độ chính trị lạc hậu của nền quân chủ chuyên chính thống trị quá lâu nên ánh sáng của Khai sáng, về chính trị lẫn công nghiệp, chỉ nhen nhúm ở dạng tri thức thuần túy mà không thay đổi được số phận của đất nước, khiến nó vẫn lạc hậu và nghèo nàn so với Anh, Pháp. Immanuel Kant là nhà khai sáng vĩ đại của Đức, tỏa sáng cả châu Âu, có nhiều học trò, nhưng không thể giúp làm thay đổi thể chế chính trị và kinh tế bị tụt hậu, cho đến khi trận cuồng phong thổi qua mà cái tên là Napoleon. Lúc đó vua quan và giới tinh hoa mới tỉnh ngủ. Thay đổi thể chế và công nghiệp hóa là mệnh lệnh. Nhà triết học Johann Gottlieb Fichte dùng những bài Diễn văn (Reden an die Deutsche Nation) nổi tiếng của mình gửi đến quốc gia Đức để đánh thức lại sự vĩ đại của dân tộc đang bị kiềm
https://thuviensach.vn
hãm. Ông tin có một thiên tài và sự vĩ đại ngự trị trong dân tộc Đức cần phải được làm cho phấn chấn lại bằng một nền giáo dục mới mà mọi người Đức phải có. Ông tin vào một ‘sứ mạng’ đặc biệt của dân tộc ông.
Khai sáng, như một qui luật, là điều kiện tinh thần không thể thiếu cho một cuộc cách mạng công nghiệp. Nhìn vào các nước Âu châu thế kỷ 18 và 19 thì sẽ thấy, ở đâu khai sáng không xuyên thấm vào, hay bị ngăn chặn, chống cự, thì ở đó các nền kinh tế đều bị thất bại. (Joel Mokyr) Ở vùng châu Á xa xôi, Nhật Bản là quốc gia nhanh chóng mở cửa cho khai sáng phương Tây vào, trong khi Trung Hoa khăng khăng chống cự, nên đã đưa đến hai kết quả có tính định mệnh hoàn toàn trái ngược nhau. Đế chế Trung Hoa đã phải trả giá rất đắt, trong khi Nhật Bản vụt lên như một vì sao sáng.
Nhưng đằng sau sự thành công của nước Đức, cũng như của một nước Nhật, lòng ái quốc cao độ đóng vai trò then chốt. Lòng ái quốc như động cơ, linh hồn của cả quá trình tiến lên của một dân tộc, thúc đẩy dân tộc đó phải tìm đủ mọi cách để vươn lên, vượt qua bằng được mọi khó khăn. Không có lòng yêu nước nồng nàn, thì tất cả những thể chế, định chế, lâu đài cơ chế đặt ra là đều vô nghĩa như cái bánh vẽ. Họ yêu nước vì lòng tự trọng không muốn cam chịu thua kém ai. Họ yêu nước bằng những hành động sáng tạo trong mỗi lĩnh vực của mình. Không có lòng yêu nước nồng nàn, và lao động sáng tạo, không thể có phồn vinh và sức mạnh bảo vệ tổ quốc.
Nhưng cũng không phải chỉ yêu nước, cần cù, tiết kiệm là đủ, như sự so sánh giữa Đức và Nhật nói trên cho thấy. Dân tộc Đức quả tài năng rất đặc biệt. Từ một đất nước của văn hóa, nghệ thuật (Goethe, Schiller, Beethoven), của triết học (Kant, Schelling, Fichte) cho đến đất nước của hàng loạt các nhà khoa học, công nghệ xuất sắc và tiên phong trong mọi lĩnh vực như Liebig, Wöhler, Helmholtz, Clausius, Riemann, Hertz, Röntgen, Virchow, Koch, Mendel, Benz, Daimler; đất nước của các ‘đế chế’ công nghiệp như Siemens, Krupp, Thyssen, Benz, Daimler, Bayer, Zeiss, mà nếu không có thì đế chế Đức cũng vô nghĩa. Tiếp theo thời dại anh hùng của thi ca, nghệ thuật là thời đại anh hùng của khoa học, công nghệ và giáo dục.
https://thuviensach.vn
***
Một trong những sự kiện lịch sử thế giới của thế kỷ 19 là cuộc phát triển vĩ đại của các ngành khoa học đã làm thay đổi sâu sắc thế giới, và người Đức đã có những đóng góp rất to lớn. Nhà sử học Thomas Nipperdey cho rằng cuộc cách mạng khoa học tự nhiên của thế kỷ 19 còn có tầm ảnh hưởng quan trọng hơn cả cuộc cách mạng thiên văn gây ra bởi Kepler, Galilei và Newton thế kỷ 17. Không phải Alexander Đại đế, hay những người La Mã, hay Napoleon, mà các nhà khoa học tự nhiên và công nghệ mới là những người chinh phục cả thế giới.
Nước Đức năm 1800 tụt hậu về khoa học và y học, nhưng đến giữa thế kỷ 19 đã trở thành tiên phong. Cho đến năm 1830 những người trẻ tài năng của Đức đi ra nước ngoài đến những nơi như Paris, London, nhưng những năm sau đó người nước ngoài, nhiều nhất là sinh viên Mỹ, lần lượt đổ vào Đức, đặc biệt vế Berlin, đặc biệt là sự trở về Berlin của nhà khoa học hàng đầu Alexander von Humboldt từ Paris. Người Đức đã tạo được một sự công nhận của thế giới, Weltgeltung, trên các lĩnh vực khoa học, tự nhiên lẫn nhân văn, và giáo dục đại học, bên cạnh văn học, âm nhạc và triết học là truyền thống của họ.
Giới trí thức và trung lưu Đức lúc đầu ủng hộ cuộc Cách mạng Pháp, cho đến giai đoạn khủng bố khi vua Louis XVI bị chém đầu. Sự khó chịu tăng lên với sự chiếm đóng Đức của Napoleon, làm gia tăng tinh thần quốc gia. Người Đức quyết định không đi theo con người của cách mạng Pháp. Thay vào đó họ muốn làm một cuộc cách mạng khác: Cách mạng tinh thần, bằng giáo dục và khoa học, “lấy những giá trị tinh thần để bù đắp những tổn thất vật chất”. Trong cái bóng của sự bại trận, người Đức muốn tạo cho mình một thế giới tinh thần (Geisteswelt) mới, mà ở đó - theo tinh thần Tân nhân văn - sự tinh luyện (Veredelung) của chính mình được ngưỡng mộ như một định luật đạo đức, và Bildung là con đường tự xây dựng mình (Selbstformung).
***
Cuộc cách mạng giáo dục đại học, đôi khi còn được gọi là cuộc cách mạng Humboldt, truyền bá mô hình đại học nghiên cứu ra toàn thế giới,
https://thuviensach.vn
đặc biệt vào Hoa Kỳ, nhằm khám phá các biên giới mới trong mọi lĩnh vực khoa học tự nhiên và nhân văn, kể cả thần học.[1] Đại học này là ‘bà mẹ’ của các đại học hiện đại trên thế giới, và giúp cho cuộc cách mạng khoa học cất cánh. Đến 1850 hầu hết các đại học Đức hoàn toàn được biến thành đại học nghiên cứu. Nghiên cứu đại học đã trở thành mệnh lệnh. Mệnh lệnh nghiên cứu (research imperative) tổ chức lại toàn bộ đại học, như tăng cường xuất bản tạp chí, trang bị cơ sở hạ tầng tri thức như thư viện, phòng thí nghiệm, phát triển hình thức semina, và hướng giảng dạy vào phương pháp nghiên cứu. Các người thầy phải là những nhà nghiên cứu, và truyền lửa cho sinh viên. Tìm ra cái mới, độc đáo, là khẩu hiệu của giới tinh hoa đại học. Nếu đại học thế kỷ 18 chỉ chú ý “bảo tồn và chuyển giao”, thì đại học thế kỷ 19 tập trung vào khai phá, sáng tạo. “Ai muốn bước vào nghề học thuật, thì phải chịu sự đòi hỏi không chỉ học kiến thức đã có, mà phải có năng lực sáng tạo ra tri thức mới từ hoạt động độc lập của mình” như nhà triết học và giáo dục Friedrich Paulsen viết. Sau 1860 Đại học nghiên cứu Đức bắt đầu chinh phục thế giới, nhất là Hoa Kỳ.
Đại học cải cách Đức không dựa trên nhu cầu trước mắt của kỹ thuật, tính công lợi, hữu dụng của Bacon, trừ ngành hóa nông nghiệp nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng lương thực. Khoa học là thuần túy, và bao trùm. Khoa học tự nó là cứu cánh, và diễn ra chuyên nghiệp trong đại học cải cách, không phải ở ngoài như ở Anh và Pháp thường diễn ra. Nghiên cứu khoa học cơ bản đã trở thành ý thức hệ, Wissenschaftsideologie. “Những cột trụ (của cuộc đổi mới tinh thần, triết học và lý thuyết) có thể gom lại thành một từ ‘ý thức hệ khoa học’. Quan niệm mới này phát triển đưa đến những thành công chưa hề có trong những năm sau khi Đại học Berlin ra đời. Nó trở thành ý thức hệ chính thức của các đại học Đức trong thế kỷ 19, được gắn thêm tính tôn giáo đáng kính sợ” như một nhà nghiên cứu Mỹ mô tả (R. Steven Turner). Ý thức hệ khoa học vinh danh khám phá và sáng tạo. Cuộc đổi mới đại học đã nhanh chóng đổi đời cuộc sống trí thức của Phổ.
Người Đức có một pathos - đam mê và ngưỡng mộ - đặc biệt đối với Wissenschaft, khoa học và học thuật. Khoa học tự nó là một tiếng gọi độc
https://thuviensach.vn
lập. Họ ý thức về sức mạnh mới chưa từng thấy của khoa học, giúp con người vươn lên khai phá, và tạo được sự công nhận và độc lập đối với quyền thế. Khoa học có vị trí gần như tôn giáo. ‘Ai có khoa học và nghệ thuật, người đó có tôn giáo. Ai không có cả hai, người đó cần tôn giáo” như Goethe nói. Khoa học và học thuật có một hào quang đặc biệt và được thánh hóa. ‘Đền thờ của khoa học’, hay nhà nghiên cứu tự nhiên như một ‘tu sĩ’, đó là ngôn ngữ thường nghe.
Ngay từ năm 1822, Hội nghị của những nhà nghiên cứu tự nhiên được gọi là một ‘Hội đồng của Thời đại sắp đến’. Năm 1860 Virchow tuyên bố, khoa học đã bước vào ‘vai trò của nhà thờ’, và năm 1865: “Khoa học đối với chúng tôi đã trở thành tôn giáo”. Một số nhà khoa học muốn lấy khoa học làm cơ sở của thế giới giới quan, Weltanschauung. Theo họ, khoa học không những giải phóng con người ra khỏi siêu quyền lực của tự nhiên, tạo ra giàu có và sức khỏe, mà còn có thể làm cho con người, dân tộc và xã hội tự do hơn, thực hơn và đạo đức hơn. Virchow nói đến những ‘hệ quả cộng hòa’ của khoa học, và giải thích đạo đức khoa học, tư duy không cần quyền lực, mô hình trong thiên nhiên cũng như những mô hình chọ chính trị và xã hội. Vì thế những nhà khoa học tự nhiên là những ‘linh mục của tự do’. Einstein còn nhận xét trong thế kỷ 20: “Quý vị sẽ không tìm thấy một đầu óc khoa học tư duy sâu xa nào mà không có một tính tôn giáo đặc thù trong đó.” Dĩ nhiên tính tôn giáo ở đây có ý nghĩa cao hơn nghĩa đời thường. Còn Max Planck phát biểu trong những giờ phút rối rắm nhất trước khi quan niệm lượng tử ra đời: “Ai dấn thân nghiêm túc vào một lao động khoa học bất cứ loại nào đều nhận ra rằng trên cổng vào đền thờ khoa học có viết mấy chữ: Hãy có đức tin!”
Người Đức cũng có một pathos đặc biệt đối với lao động. Lao động không phải là nhiệm vụ, mà là nhu cầu của cuộc sống (Lebensbedürfnis) và niềm vui. Mục đích của cuộc đời con người chưa phải là ‘hạnh phúc’, mà là sự thực hiện các tiềm năng của anh ta nhiều hơn.
Triết lý cải cách giáo dục từ hệ trung học đến hệ đại học của Phổ, dưới sự chủ trì của Wilhelm von Humboldt, nhìn kỹ, có tính chất ‘đi ngược’ tinh thần thời đại, vì nó chủ trương một loại trường trung học nhân văn, và một đại học nghiên cứu nhấn mạnh khoa học thuần túy và văn hóa, khi
https://thuviensach.vn
mà xung quanh cả châu Âu diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp rầm rộ đòi hỏi cao kỹ thuật hữu dụng. Các nhà cải cách của Phổ, trên hết ngài Freiherr von Stein, qui thất bại trước Napoleon vào ‘tinh thần tiểu thương’, ‘tính hám lợi vị kỷ’ của nhiều tầng lớp nhân dân. Vì thế họ chủ trương phải thổi vào thanh niên một tinh thần lý tưởng (ideale Gesinnung) bằng chương trình giáo dục nhân văn để đánh thức mọi khả năng trong con người. Để phục vu cho mục tiêu này, không gì thích hợp bằng sự ngưỡng mộ người Hy Lạp của những nhà tân nhân văn. Từ đấy cải cách giáo dục của Humboldt đã tạo ra Trung học nhân văn, Humanistisches Gymnasium, một loại hình giáo dục ‘ngược thời đại’. Trong khi khắp các lục địa diễn ra cách mạng công nghiệp có một không hai trong lịch sử làm thay đổi bộ mặt lục địa trong thời gian ngắn nhất hơn tất cả những công trình nào của nhân loại trong hơn hai nghìn năm qua, thì học sinh phải ngồi học các động từ bất quy tắc Hy Lạp và La tinh, những cuộc phiêu lưu của Odysseus và Aeneas, các cuộc trò chuyện triết học dưới bóng cây tiêu huyền ở ngoại ô thành phố Athen, hay trong một biệt thự ở Roma - những điều này diễn ra khi xung quanh các mỏ, lò cao, nhà máy điện, xí nghiệp mọc lên khắp nơi như nấm. (M. Fuhrmann) Giáo dục cổ điển, giờ đây là một sự bắt buộc, là cánh cổng bước vào lịch sử và văn hóa Âu châu được tạo ra từ Cổ đại, bản sắc của nền văn hóa phương Tây.
Nhưng người ta không quên rằng, nhiều thế kỷ từ thời Phục Hưng đến thế kỷ 18, châu Âu đã có một mẫu số chung văn hóa là văn hóa Hy Lạp và La Mã. Tất cả hay hầu hết những nhà tư tưởng, khoa học, nhà văn lớn có cùng một nền giáo dục cổ điển: Copernice, Kepler, Galilei; Machiavelli, Ariosto, Tasso; Calvin, Rabelais và Montaigne; Erasmus, Shakespeare, Bacon, Milton; và còn nhiều người nữa. Trong thế kỷ 19, cũng thế, phần lớn của những con người tên tuổi của châu Âu và Mỹ đều lớn lên trong nền giáo dục cổ điển này.
Giai cấp trung lưu Đức trở thành giai cấp (có) văn hoá, giáo dục, Bildungsbürgertum mà các thành viên là những Bildungsbürger. Giáo dục được giải phóng khỏi ảnh hưởng của nhà thờ. Đôi cánh của giai cấp trung lưu văn hoá sải bay cao và tự hào. Trong thời đại mới, tài năng chứ không phải nguồn gốc mới là quan trọng. Văn hóa đọc biến thành cuộc cách
https://thuviensach.vn
mạng đọc, xa hơn thành một ‘bệnh nghiện đọc’, Lesesucht. Một dân tộc gồm những người không đọc báo biến thành một dân tộc của những người đọc báo. Không phải chuyện làng xã, nghề nghiệp hay nhà thờ; mà hằng ngày và liên tục, báo chí đã đưa họ tiếp xúc với cái mà Hegel gọi là Zeitgeist, tinh thần thời đại và làm cho họ quan tâm. Giới có tiền trang trí nhà mình không bằng thảm quý mà bằng sách. Đọc sách đem lại sự tự tin cho họ. Các khám phá khoa học mới được đại chúng hóa ngày càng làm cho họ tin hơn vào khoa học, và tiến bộ xã hội, vào sự thiết lập hạnh phúc trên trái đất này, chứ không phải là ‘thung lũng nước mắt’. Bildung và Wissenschaft trở thành hai vị thần luôn luôn có sức mạnh biến đổi cuộc sống.
***
Văn hóa, Kultur, là một đặc thù văn hóa rất lớn của Đức. Theo cách hiểu của người Đức, Zivilization, văn minh bao gồm những gì có tính hữu dụng, sự xuất hiện bề ngoài của con người, bề mặt của sự tồn tại, những cái đó có ý nghĩa thứ yếu. Kultur mới được xem là bản chất của người Đức, niềm hãnh diện của họ về những thành tựu và sự tồn tại của họ. Nó bao gồm những lĩnh vực trí thức, nghệ thuật và tôn giáo, không bao gồm chính trị, kinh tế, công nghệ, thể thao hay những thực tế xã hội như cách hiểu của người Pháp hay Anh. Người Đức, từ thế kỷ 18 với sự thăng hoa của nền văn chương cổ điển Weimar rực rỡ, tự hiểu mình như một dân tộc văn hóa, Kulturvolk. Văn hóa là ‘linh hồn Đức’, là sự ‘thay thế cao quý’ cho chính trị, mà chính trường là nơi đấu đá của những nhóm lợi ích hẹp hòi, của những sự mặc cả và thỏa hiệp đáng tránh xa. Lịch sử có những chứng cứ văn hóa kết cục chiến thắng chính trị, cứu vãn một dân tộc, hay ngược lại, chính trị phá hủy văn hóa.
Văn hóa thực sự là môi trường đã thống nhất các quốc gia Đức thành một dân tộc đồng nhất trước sự thống nhất chính trị 1871 hơn một thế kỷ (W. Lepenies). Sau 1871 Đức trở thành quốc gia văn hóa, Kulturnation, dưới sự lãnh đạo của chính trị (Bismarck), điều mà nhiều nhà văn hóa, trong đó có Nietzsche, nhìn thấy trước như nguy cơ hủy diệt văn hóa Đức trước khi Đức chiến thắng Pháp. Và điều đó đã trở thành sự thật ở thế kỷ 20. Văn hóa Đức là một sự đối kháng với chính trị, vì đó là môi trường
https://thuviensach.vn
mà ở đó con người muốn có đầy đủ tự do để sáng tạo. Vì thế, cũng dễ hiểu vì sao các nhà tân nhân văn Đức thế kỷ 19 đã chọn Hy Lạp làm hình mẫu để phát triển con người toàn diện cho một thời đại mới, vì Hy Lạp chính là dân tộc đã sáng tạo ra văn hóa rực rỡ, triết học, khoa học và nghệ thuật cho nhân loại, một dân tộc có nhiều tự do nhất, chứ không phải La Mã. Chính ý tưởng trên đã kết tinh lại trong mô hình giáo dục Đức của Humboldt từ cấp Trung học đến cấp Đại học. Dù rằng Hy Lạp có thua Sparta, thua Macedon, và tan rã, nhưng văn hóa Hy Lạp sau đó đã lan tỏa thành thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenism) trên đế chế mà Alexander Đại đế đã để lại, và hơn 2000 năm sau, văn hóa của dân tộc đó vẫn tiếp tục tỏa sáng và làm giàu cho văn hóa thế giới. Người Đức tôn sùng văn hóa như một tôn giáo, Kulturreligion. Vì thế văn hóa Đức đã có sức hút người Do Thái mãnh liệt. Hai dân tộc này thật sự có một sự gần nhau trong bản chất, một ‘dân tộc của văn hóa’, và một ‘dân tộc của quyển sách’.
Rồi giống như Hy Lạp, khi tiêu vong như một chủ thể chính trị lớn, nền văn hóa Đức lan tỏa đến nhiều vùng trên địa cầu, đặc biệt Mỹ, trong các ngành khoa học tinh thần lẫn khoa học tự nhiên, điều Goethe cũng đã từng tiên đoán. Cả hai dân tộc Mỹ, Đức, người chiến thắng, và kẻ chiến bại, nói vui, sau Thế chiến II đều bị ‘cải tạo’, dân tộc Đức về chính trị đã đành, mà nước Mỹ cũng thế, về văn hóa, dưới ảnh hưởng to lớn của dòng người trí thức tị nạn khổng lồ từ Đức, Áo và châu Âu. Đó là ‘Đế chế thứ tư’, như người ta ví vui, ảnh hưởng đến ‘de-provincialization’, kéo tinh thần Mỹ ra khỏi tỉnh lẻ, như từ của Anthony Heilbut. Khi Abraham Flexner, nhà sáng lập Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, được hỏi ai là ‘ân nhân lớn nhất’ của Viện, đã không ngẩn ngại trả lời: ‘Adolf Hitler’. Tương tự, giám đốc Walter Cook của Viện nghệ thuật tạo hình (Institute of Fine Arts, IFA) ở New York, nơi ảnh hưởng của những người di tản Đức trong lĩnh vực lịch sử khoa học mạnh nhất, cũng thường nói: “Hitler là người bạn tốt nhất của tôi; ông ta rung cây, và tôi nhặt những quả táo rụng.” Về ảnh hưởng của khoa học Đức, thư ký chiến tranh Sir Ian Jacobs của Churchill trong thời chiến, đã phát biểu rằng: “Đồng minh đã thắng chiến tranh (thế giới thứ hai) bởi vì những nhà khoa học Đức của chúng ta giỏi hơn các nhà khoa học Đức của họ.” Nhà triết học Mỹ Allan Bloom
https://thuviensach.vn
(tác phẩm bestseller Sự suy tàn của tinh thần Mỹ) khi bước vào Đại học Chicago những năm 1940 nhận xét rằng “Đời sống đại học Mỹ đang được cách mạng hóa bởi tư tưởng Đức.” Henri Peyre, giáo sư ngôn ngữ Mỹ, nhận định “Trong nhiều phương diện, đời sống trí thức Mỹ hôm nay gần với Đức hơn là với Anh.” Leo Strauss, nhà triết học chính trị Mỹ gốc Do Thái Đức di tản, thầy của Allan Bloom, nhận xét: “Đó không phải là lần đầu tiên mà một quốc gia, bị đánh bại trên chiến trường, và xóa sổ như một thực thể chính trị, đã cướp các thành quả ngoại hạng của những kẻ chiến thắng bằng cách áp đặt lên họ cái ách tư tưởng của nó.” Chiến thắng trong chiến bại, văn hóa Đức làm một cuộc ‘báo thù’. (W. Lepenies)
Nói những chuyện trên để hiểu hơn bức tranh về ảnh hưởng của văn hóa Đức. Câu chuyện tương tác văn hóa giữa Mỹ và Đức không dừng ở đây, mà còn tiếp tục một cách thú vị, nhưng là điều sẽ vượt khỏi khuôn khổ quyển sách này.
***
Từ 1870 trở đi, Đức bước vào vai trò lãnh đạo cuộc cách mạng công nghiệp (thứ hai) ở châu Âu, được xây dựng trên các công nghệ gốc khoa học (science-based). Các công nghệ mới bao gồm hóa chất tổng hợp, ánh sáng điện, năng lượng điện, xe hơi, kỹ nghệ lạnh, và những thứ khác, óc tò mò, nghiên cứu khoa học thuần túy của các đại học, phòng thí nghiệm đại học, biến thành động lực mới của sản xuất hàng hóa. Nền khoa học Đức ngay từ đầu không được thiết kế để hỗ trợ công nghiệp gốc khoa học, nhưng cuối cùng đã nâng cấp tất cả các ngành công nghiệp vượt bực. Điều đó minh họa sự nhìn xa thiên tài của Wilhelm von Humboldt.
Thế kỷ 19 là thế kỷ loài người đẩy lùi bệnh tật quyết liệt, những bệnh hiểm nghèo như bệnh than, bệnh lao, dịch tả, dịch hạch, mà người Đức có công rất lớn. Từ giữa thế kỷ các lý thuyết và hệ thống chữa trị của ngành y tế cũ được làm quen với phương pháp khoa học mới, áp dụng vật lý, hóa học và tất cả các môn khoa học tự nhiên để nâng cao.
Ngành sinh lý học phát triển từ cuối những năm 1820 đã cách mạng ngành y học. Tế bào được nghiên cứu như một đơn vị căn bản của sự sống (nhà động vật học Schwann, và thực vật học Schleiden). Johannes
https://thuviensach.vn
Müller, một bậc thầy về sinh lý học, cùng với các học trò - Virchow, Henle, Helmholtz, Du Bois-Raymond cùng nhiều người khác - xây dựng ngành này và phát triển vào tất cả các ngành chuyên môn của nó, Rudolf Virchow xây dựng ngành Bệnh lý học tế bào (Zellularpathologie). Không phải máu hay thần kinh, mà tế bào là các đơn vị căn bản của sự sống và bệnh tật. Bệnh là sự sống của tế bào trong những điều kiện đã bị thay đổi bất bình thường. Muốn nghiên cứu bệnh, cần phải nghiên cứu tế bào, được xem như một sinh vật tự nó.
Cuộc cách mạng tiếp theo trong y học là sự phát triển các ngành huyết thanh học và vi khuẩn học. Rồi đến ngành giải phẫu.
Ngành hóa hữu cơ được Justus Liebig và Friedrich Wöhler phát triển ứng dụng vào nông nghiệp. Liebig gọi sự ra đời của ngành này là “Hừng đông của ngày mới”. Liebig, mới 24 tuổi làm giáo sư ở Đại học Gießen, nổi tiếng thế giới với mô hình phòng thí nghiệm nghiên cứu và giảng dạy. Từ giữa thế kỷ 19 trở đi, Đức có những đóng góp quan trọng trong ngành hóa, thuyết phân tử và nguyên tử: Sự khám phá phân tích quang phổ để xác định nguyên tố hóa học (Bunsen cùng với Kirchhoff), sự chứng minh của Kakulé về Hóa trị bốn của các-bon và đưa ra hình vòng sáu cạnh của benzene (vòng benzol), đóng góp của Lothar Meyer vào Bảng tuần hoàn các nguyên tố, trước cả Mendeleev, sự phát triển của hóa vật lý, hóa sinh lý, hóa thực phẩm, và hóa nhuộm màu từ nhựa than có tính cách mạng cho kinh tế (August W. Von Hofmann). Hóa học là ngành truyền thống của Pháp thế kỷ 18. Nhưng trung tâm của nó chuyển dịch qua Đức vào thế kỷ 19. Hội nghị hóa thế giới lớn nhất diễn ra đầu tiên năm 1860 tại Karlsruhe đánh dấu khúc quanh này.
Ngành hóa công nghiệp là một trong những ngành thành công nhất của Đức. Các công ty như Bayer, Hoechst, BASF (Badische Anilin - & Soda Fabrik), AGFA (Actien- Gesellschaft für Anilin-Fabrication), hay Casella, được thành lập trong giai đoạn 1861-1867, lúc đầu cung cấp phụ liệu cho ngành công nghiệp dệt, nhưng đã nhanh chóng thống trị ngành hóa chất công nghiệp và hóa dược từ những nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu khoa học không còn giới hạn vào các đại học nữa. Đến 1887 có 4.000 nhà hóa
https://thuviensach.vn
học Đức bên ngoài các đại học. Họ cùng với các đồng nghiệp trong đại học xây dựng ngành hóa hữu cơ hiện đại.
Các công nghệ mới chính là những nhân tố biến đổi mạnh mẽ tính chất của xã hội công nghiệp và tạo ra xã hội tiêu dùng. Cùng với sức mạnh của chúng, các quốc gia phương Tây lần lượt thoát khỏi những lời tiên tri định mệnh qua các cuộc khủng hoảng kinh tế mà người ta nghĩ là ‘bản chất’ của chủ nghĩa tư bản.
Các ngành Vật lý, Toán học của Đức cũng sải cánh bay cao. Sau định lý bảo toàn năng lượng (Mayer, Joule (Anh), Helmholtz) đến Định lý chính thứ hai của Nhiệt động học và nguyên lý entrôpi (Rudolf Clausius, 1850), thuyết động lực học khí (Clausius và König, 1856/57), có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển vật lý thế kỷ 20. Với nhiều khám phá đa dạng trong vật lý, Hermann Helmholtz được xem là đại biểu của nền khoa học tự nhiên của Đức. Heinrich Hertz khám phá sóng điện từ như Maxwell đã tiên đoán, kết thúc thắng lợi thuyết này, và mở ra ngành truyền tin mới. Vật lý thực tế trở thành ‘vua’ của các môn khoa học.
Thế kỷ 19 có thể được xem là ‘Thời hoàng kim trong toán học’ được khai mào bởi nhà toán học thần đồng C. F. Gauß. Những phát minh của thế kỷ này vượt xa toàn bộ sự sáng tạo của tất cả những thời đại trước cộng lại. Mỗi thời kỳ, lịch sử có những khu vực trung tâm ở đó những tiến bộ toán học quan trọng diễn ra. Đến đầu thế kỷ 19, Pháp đã dẫn đầu về toán học qua École Polytechnique với các tài năng như Joseph-Louis Lagrange, Gaspard Monge và Victor Poncelet. Nhưng sau đó trung tâm chuyển hướng qua Đức. Phần lớn các hoạt động toán học được hỗ trợ đến nay hướng về những lĩnh vực ứng dụng. Hỗ trợ cho toán học thuần túy là ngoại lệ. Nhưng đó là trường hợp của Đức thế kỷ 19. Toán học có những bước phát triển vượt bực, thuyết tập hợp, Mengenlehre (Cantor), thuyết hàm (Riemann), và hình học phi-Euclid (Gauss, Riemann, cùng lúc với Lobatschewski và Bólyai), tiền đề cho thuyết tương đối Einstein nửa thế kỷ sau. Hilbert gọi thuyết tập hợp của Cantor là “tinh hoa đáng ngưỡng mộ nhất của trí tuệ con người”. Các tài năng xuất hiện thành chùm: Möbius, Jacobi, Dirichlet, Weierstraß, Kronecker, Dedekind, Klein, Hausdorff. Hilbert là một Euclid của Đức. Cuối thế kỷ 19, dưới sự lãnh
https://thuviensach.vn
đạo của Felix Klein, Đại học Göttingen đã trở thành Mecca của toán học, thu hút sinh viên từ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt từ Mỹ. Đức là quê hương của ôtô. 1885 Karl Benz ở Mannheim chế tạo chiếc xe hơi ba bánh đầu tiên khai sinh thời đại ôtô. Sau Benz là Gottlieb Daimler và Wilhelm Maybach (Xem thêm lịch sử chiếc xe hơi trong phụ lục), rồi đến Rudolf Diesel. Năm 1893, ở tuổi 35, ông đăng ký quyền sở hữu cho chiếc máy sau này được gọi là máy nổ Diesel chạy cho tới ngày nay.
Chưa nói đến những ngành nhân văn, khảo cổ, lịch sử. Ở đây, Đức cũng có những khai phá vượt bậc. Đặc biệt khuynh hướng lịch sử hóa (Historisierung) đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới và mang lại những nhận thức mới về lịch sử và tiến hóa.
***
Cuối thế kỷ 19, nước Đức phát triển thành một người khổng lồ trong lòng châu Âu. Nó có một quân đội tốt nhất, một nền khoa học mạnh nhất, và một nền kỹ nghệ năng suất cao nhất, có một sự kết nối chặt chẽ nhất giữa khoa học và giới công nghiệp, cũng như nhà nước. Nhưng đồng thời nó cũng là con dao hai lưỡi, khi mà giới khoa học quay vào cuộc sống nội tâm (Innerlichkeit), quan tâm đến văn hóa (Kultur) mà không quan tâm đến chính trị - họ cũng không có đủ tự do để làm điếu đó - và khi mà những quyết định sống còn của dân tộc, hòa bình hay chiến tranh, không nằm trong tay nhân dân qua một nền dân chủ đại diện đích thực. Dân Đức vẫn sống trong cái bóng của chủ nghĩa bảo thủ Metternich (mặc dù không còn Metternich) muốn kiềm hãm sự phát triển cá nhân, Metternich muốn ổn định nhiều hơn phát triển. Cuộc cách mạng dân chủ 1848 cuối cùng thất bại. Chính trị được ra làm từ trên.
Nước Đức Thế Kỷ XIX muốn làm rõ nét sức vươn lên thần kỳ của dân tộc Đức từ đống tro tàn của buổi đầu thất trận, mặc dù trong một bầu không khí chính trị còn xa với dân chủ. Hiểu được nền tảng của xã hội Đức thế kỷ 19, sẽ hiểu thêm hiện tượng thần kỳ kinh tế sau thế chiến thứ hai, cũng vươn lên từ đống tro tàn. Với nền tảng công nghiệp, khoa học, con người và những thể chế có sẵn, cuộc vươn lên lần thứ hai là điều dễ
https://thuviensach.vn
hiểu hơn. Toàn bộ máy móc của công ty Siemens Berlin sau 1945 bị tháo dỡ và chở về Nga, nhưng rồi, đâu phải hễ có đẩy đủ máy móc là có một Siemens thứ hai ngoài nước Đức. Những nhân tố thành công của nước Đức trong thế kỷ 19, những gì đã nằm sâu trong máu, vẫn tiếp tục phát huy.
Từ cuộc Cách mạng công nghiệp trở đi, một định mệnh phổ quát đã an bày cho các dân tộc đi sau: chọn con đường công nghiệp hóa để tiến lên giàu mạnh, văn minh, hoặc chấp nhận thân phận một quốc gia nghèo khó và tụt hậu. Tác giả hy vọng quyển sách này truyền cảm hứng đến mọi người có tấm lòng với đất nước để học hỏi những bài học lịch sử để lại, và hành động để đất nước thoát khỏi số phận tụt hậu không đáng. Dân tộc Việt Nam xứng đáng hơn là vị trí đang có hôm nay. Chúng ta cũng có lòng tự trọng, tự hào dân tộc, nếu không thì đã không đổ máu cả trăm năm. Chúng ta cũng có đầy đủ thông minh, sáng tạo, những đức tính như cần kiệm, dám hy sinh, không ngại gian khổ, nếu không chúng ta không thể vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất của lịch sử.
Dân tộc Việt Nam không thể không vươn lên, không có lý do gì phải lẩn quẩn dẫm chân tại chỗ như hôm nay. Dân tộc Việt Nam cần phải làm tất cả cho một cuộc cất cánh, bay cao và bay xa. Những bài học của dân tộc Đức là vô giá rất cần được tham khảo.
Nguyễn Xuân Xanh
Tháng 2, 2016
https://thuviensach.vn
CẦN HIỂU RÕ QUÁ KHỨ
ĐỂ NHÌN ĐƯỢC PHÍA TRƯỚC...
Nguyễn Trung
... Đấy là suy nghĩ trong đầu ngay sau khi tôi gấp lại quyển sách nhỏ nhưng cô đặc “Nước Đức thế kỷ thứ XIX” mà tác giả Nguyễn Xuân Xanh vừa mới tặng trong dịp tôi có việc ghé qua Sài Gòn.
Nói mộc mạc, quyển sách nhỏ này tiếp thêm động lực cho niềm tin trong tôi: Chỉ có tri thức trở thành trí tuệ và ý chí của dân tộc ta, mới có thể dẫn dắt nước ta ra khỏi quá khứ đau thương của hai thế kỷ nay, để bước lên con đường mới của phát triển trong thế giới hiện tại...
Niềm tin này thực ra câu trả lời dần dần tôi hình thành được cho chính mình sau những bước NGỘ không ít phần cay đắng trên đường đời của mình. Đấy cũng là câu trả lời cuộc sống đã dạy tôi những câu hỏi trong cuộc đánh vật triền miên giữa tôi và nỗi khắc khoải: Vì sao tổ quốc ngàn năm văn hiến và cũng ngàn năm anh hùng của chúng ta đến ngày hôm nay vẫn tụt hậu tiếp trong cái thế giới ngày càng khắc nghiệt này?.. Tôi thường lấy cái mốc thời gian Việt Nam từ triều Gia Long để so đo với quá trình phát triển của Nhật Bản và Hàn Quốc cho đến hôm nay - vì cùng là các nước châu Á với nhau... Nguyễn Xuân Xanh qua cuốn sách nhỏ của mình khuyến khích tôi so sánh thêm với nước Đức - và tôi nhận thêm được sự giục giã: Phải nỗ lực hơn nữa cho niềm tin của mình...
Quyển sách “Nước Đức Thế Kỷ XIX” như mời gọi mọi người: Hãy xem nước Đức của “Những nhà thơ và tư tưởng” nhưng lạc hậu về kinh tế và khoa học kia đã lội ngược dòng ngoạn mục thế nào; từ một kẻ bại trận thống khổ và bị sỉ nhục đến chỗ vươn lên đỉnh cao của giáo dục, khoa học, công nghiệp của châu Âu và thế giới thế nào; từ một nước Đức không những có Goethe, Kant thế mà các Caesar vĩ đại lại không đủ nuôi thần bằng hai bàn tay mọn cuối cùng đã có các tập đoàn hàng đầu thế giới Krupp, Thyssen, Siemens, Benz, Bayer...thế nào; từ một đất nước mà khoa học, giáo dục lạc hậu, vô danh - người ta chỉ biết Paris và Luân đôn lại có thể trở thành tinh hoa của thế giới thế nào: Berlin, Göttingen,
https://thuviensach.vn
München; hãy xem tấm gương công nghiệp hóa của một quốc gia đi sau nhưng cuối cùng tiến lên hàng đầu thế giới thế nào, vươn lên tự chính sức mình, trong tinh thần tự lực tự cường, không có ODA, BOT, FDI vân vân; từ cái mác “Made in Germany” để bị kỳ thị và làm nhục rồi trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới thế nào. Những giá trị nào, đức tính nào đã hun đúc những con người làm nên lịch sử kỳ diệu ấy khiến thế giới phải khâm phục?
Có thể nói, nước Đức của thế kỷ XIX là nước Đức của minh triết và khoa học, vì thế lao động sáng tạo và phẩm chất siêng năng được giải phóng, nhờ đó từ các tiểu vương quốc Phổ đã vươn lên thành một cường quốc Đức, đã mau chóng vượt qua Anh và Pháp - hai đế quốc mạnh nhất châu Âu thời đó - với những bước đi đầy ấn tượng: 1810 xóa bỏ chế độ nông nô, 1870 hoàn thành công nghiệp hóa, 1871 thực hiện xong việc thống nhất các tiểu vương quốc Phổ thành nước Đức, 1879 phát triển kinh tế đuổi kịp Anh, 1913 vượt Anh...
Có thể nói, minh triết tạo ra sự phát triển của nước Đức trong thế kỷ XIX bắt đầu từ sự thôi thúc “Người ta phải làm cho quốc gia quen tự cai quản công việc của mình và ra khỏi tình trạng non trẻ - Không phải là cho phép, mà là ra lệnh Nhân dân phải tự cai quản chính mình...” (Karl Freiherr vom Stein). Minh triết ấy là triết lý: “Nếu muốn tiến vào thế giới vô hạn/ Hãy đi về mọi phía trong thế giới hữu hạn này..(W. Goethe).
Khoa học làm nên nước Đức thế kỷ XIX không phải duy nhất chỉ nhằm vào giải thích tự nhiên - điều đó một phần từ niềm khao khát sâu xa của con người từ nghìn năm, mà trước hết là làm chủ tự nhiên để phục vụ cho xã hội, theo đúng tinh thần Francis Bacon bốn thế kỷ trước...
Minh triết và khoa học ấy thông qua phát triển giáo dục đã tạo ra sức mạnh đổi đời và phát triển quốc gia. Tự do giảng dạy và tự do học của Wilhelm von Humboldt với tất cả sự trung thực và tính khoa học của nó có thể có được dành cho khoa học là tinh túy của nền giáo dục Đức, để rồi lan tỏa khắp thế giới như tinh hoa sau đó.
Đọc xong, tôi thực sự muốn nói: Nước Đức của thế kỷ XIX - phôi thai từ thời khai sáng (Aufklärung) - là nước Đức của minh triết, của khoa
https://thuviensach.vn
học và của giáo dục.
Đọc xong, tôi cũng muốn nói: Minh triết, khoa học và giáo dục như thế tất yếu dẫn tới cái thế giới mở, tư duy mở cho mọi nỗ lực và sáng tạo không có giới hạn...
Đọc xong, tôi càng ngộ ra: Mọi thứ dù hay ho thế nào, nếu bị đóng khuôn vào một khuôn khổ với mục đích để trở thành hay để sinh sản ra một chủ nghĩa, thì cuối cùng chỉ có thể đem lại một tà giáo, thường kéo theo mọi hiểm họa có thể cho con người và xã hội...
Khuôn khổ của cuốn sách nhỏ này không đụng chạm tới nước Đức của Đệ tam đế chế (das Deutsche Dritte Reich) trong thế kỷ XX, không đụng chạm đến tác hại hủy diệt của một thể chế chuyên chính có tham vọng bá quyền một cách mù quáng, để cuối cùng tự hủy diệt tinh hoa của chính nó, làm suy sụp nó. Nước Đức đã cung cấp cho thế giới hai tấm gương tốt và xấu nhất: Sự vươn lên thần kỳ, mà thế kỷ XIX là nền tảng, và sự hủy diệt, gây đau thương vô vàn cho thế giới vì tham vọng vô hạn của chuyên chính. Các bài học này hôm nay vẫn còn nguyên giá trị cho thế giới.
Tuy nhiên vẫn trong dòng suy nghĩ về nước Đức thế kỷ XIX, tôi thực sự muốn nói: Cũng chính minh triết, khoa học và giáo dục của nước Đức là nền tảng để tạo ra sự đoạn tuyệt dứt khoát của dân tộc Đức với Đệ tam Đế chế (die kategorische Abbrechnung der deutschen Nation mit dem Deutschen Dritten Reich), làm cho nó hồi sinh nhanh chóng, và mang lại cho nước Đức vai trò và vị thế nó phải có trong thế giới của hòa bình, hợp tác và phát triển hôm nay./.
https://thuviensach.vn
GIỚI THIỆU
GS.TS Phạm Duy Thoại,
Berlin
Tháng 12.2004 tôi nhận được ấn bản thứ 2 của quyển “Nước Đức Thế Kỷ XIX. Những thành tựu khoa học và kỹ thuật” mà nhiều người trong chúng ta đã biết. Tuy nhiên với con số 1.000 cuốn của ấn bản đầu tiên (2004), tôi chắc là vẫn còn nhiều người trong chúng ta chưa có được cuốn sách này trong tay. Vì thế tôi xin khai bút đầu năm 2005 để giới thiệu đứa con tinh thần này của anh Nguyễn Xuân Xanh đến các bạn gán xa.
Sách gồm 3 phần với 200 trang: Phần I mô tả nước Đức trong thời kỳ công nghiệp hóa trong thế kỷ 19. Nước Đức phải làm những gì mà nước Anh đã làm cả hai trăm năm trước đó. Phần II nói về cuộc cải cách giáo dục, hệ thống đại học và những thành tựu khoa học và kỹ thuật của thế kỷ 19. Phần III là biên niên sử các phát minh và sáng chế lớn.
Mấy ai trong chúng ta khi nghĩ về nước Đức lại không “tâm phục” một dân tộc đã sản sinh một số lớn đáng kinh ngạc những con người, những thành tựu về khoa học, kỹ thuật cũng như về thơ và nhạc. “Trí tuệ Đức” đã có những cống hiến thật đáng ngưỡng mộ trong thời “phục hưng” của các lực lượng khoa học và công nghiệp thế giới của thế kỷ thứ 19. Ở vườn cây đầy sức sống ấy đã nảy nở ra những hoa trái của đầu thế kỷ 20: Trong thời gian từ 1901-1933, Đức có 31 nhà khoa học được giải Nobel, trong khi Mỹ chỉ có 6. Chỉ 100 năm trước đó thôi, nước Phổ vẫn còn sống trong nghèo nàn và lạc hậu. Sau khi thua Napoléon năm 1806, nhà nước Phổ mới bắt đầu mạnh dạn có những cải cách lớn. Cuộc công nghiệp hóa thứ nhất của Đức bắt đầu từ 1835-1845. Năm 1850 một mạng lưới đường sắt dài 6.000 km đã được xây dựng xong, tạo điều kiện cơ bản cho cách mạng công nghiệp. Cuộc công nghiệp hóa nước Đức là một cuộc chạy đua “đuổi bắt” của một nước đi sau đối với nước phát triển hàng đầu là Anh. Năm 1870, Đức vẫn còn thua nước Anh ở một số mặt, nhưng khoảng cách ngày càng được thu ngắn lại. Đầu thế kỷ 20 sản lượng công nghiệp của Đức đã vượt sản lượng công nghiệp của Anh. Đức từ một nước chạy theo
https://thuviensach.vn
đã trở thành nước tiên phong và là nước phát triển nhất châu Âu trong đêm trước thế chiến thứ nhất. Năm 1887 chính quyền Anh đã phải ra đạo luật bắt buộc các hàng hóa nhập từ Đức phải mang nhãn hiệu “Made in Germany” để kỳ thị là hàng thuộc loại “chất lượng kém”!
Tâm huyết của Nguyễn Xuân Xanh hẳn là nằm trong phần II khi viết “Nước Đức càng tin tưởng mãnh liệt chỉ có giáo dục mới giúp đất nước tiến lên vị trí hàng đầu” hay “Người Đức không tự ví mình như những người La Mã (chiến chinh), mà thấy gần gũi với người Hy Lạp hơn, một dân tộc đã thiết lập sự hiện hữu vĩnh cửu của mình trong thế giới ý tưởng của triết học, khoa học, văn học và nghệ thuật hơn là trong quân sự hay chính trị” và “hãy đào tạo con người theo Hy Lạp”. Tác giả mô tả quá trình xây dựng một hệ thống giáo dục mới, cởi trói và phá vỡ truyền thống hàn lâm cũ. Những đại học kiểu cũ chẳng khác gì những “trường trung học”, vì nhiệm vụ của giáo sư vẫn là dạy học và thành tích của sinh viên vẫn còn là tiếp thu những gì giảng dạy. Đại học phải trở thành nơi học tập, nghiên cứu và tìm hiểu khoa học để vươn lên những ý tưởng, hiểu biết và chân lý mới. Và nó chỉ có thể phát triển trong tự do: Tự do dạy học và tự do học trên cơ sở thống nhất giữa nghiên cứu và giảng dạy. Đó là những đặc trưng nổi bật của đại học Đức. Với hệ thống đại học ấy, nước Đức đã tiến hành cuộc cải cách giáo dục, qua đó phát triển công nghiệp.
Những con người tác động thành bức tranh lịch sử của thế kỷ 19 được tác giả sắp xếp theo thứ tự từ năm 1800-1900 trong phần III. Tác giả cũng diễn giải những sự kiện liên quan đến thời điểm đó trong hoàn cảnh xã hội châu Âu.
Nguyễn Xuân Xanh đã viết quyển sách này với ý muốn giới thiệu cho những sinh viên VN trẻ sắp làm quen với văn hóa Đức “thêm một số thông tin về nước Đức trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật”. Ý muốn thật khiêm nhường, vì khi đọc gần 200 trang sách này, tôi vốn đã sống ở Đức trên 30 năm, vẫn học được thêm nhiều điều bổ ích, thậm chí nhiều điều không biết về nước Đức và dân tộc Đức.
Hơn thế nữa, vì đọc những dòng chữ do một người bạn thân, tôi thấy như đang được nghe Nguyễn Xuân Xanh nói chuyện, đang tâm sự, đang
https://thuviensach.vn
thổ lộ một số ngưỡng mộ đối với một đất nước, một dân tộc rất gần gũi với chúng ta. Phải chăng đó cũng là một lối tỏ tình của một người đã có duyên với khoa học, đối với quê hương thứ hai của mình, đối với đất nước của những Nhà Tư Tưởng, những Nhà Thơ và những Nhà Khoa Học.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta, những người thuộc thế hệ thứ nhất, nhất là những OF (Old Friends) của Nguyễn Xuân Xanh, không thể không đọc cuốn sách này. Và thế hệ thứ hai, con chúng ta - có lẽ khá nhiều đã, đang hay sẽ là những sinh viên trẻ được tiếp cận với đại học Đức - lại càng nên nghe và biết những gì Nguyễn Xuân Xanh kể, bởi vì chính các cháu mới là đối tượng mà bác Nguyễn Xuân Xanh muốn nhắn nhủ.
Hy vọng còn được nghe từ Nguyễn Xuân Xanh nhiều lời nhắn nhủ khác nữa.
Phạm Duy Thoại
01.01.2005
https://thuviensach.vn
LỜI NÓI ĐẦU
(2004)
Mỗi sự thiên phú là một trách nhiệm[2]
Lý do khiến tôi viết về nước Đức là vì từ vài năm qua, phong trào du học đang rộ lên, số sinh viên muốn đi học Đức tăng vọt, điều ấy rất đáng mừng, nhưng thông tin về nước Đức lại còn rất ít, dù cơ quan DAAD của Đức đã có những nỗ lực đáng hoan nghênh trong việc liên tiếp tổ chức thông tin, giới thiệu rộng rãi về du học Đức. Tôi tự thấy mình là người đã học và sống nhiều năm ở Đức, cần phải làm một cái gì để giúp sinh viên trẻ có nhiều thông tin hơn về nước Đức. Nếu chỉ giới thiệu các trường đại học, hệ thống đào tạo đại học, các ngành học, các loại bằng tốt nghiệp cũng như những điều kiện đời sống, tài chính để có thể theo đuổi việc học ở Đức thì đó mới chỉ là những cái bình thường nước nào cũng có thể giới thiệu được. Nhưng đằng sau đó, người ta sẽ hỏi, nước Đức có những điều đặc biệt gì, truyền thống gì trong khoa học kỹ thuật, tại sao nên học, và nên học những gì ở Đức, tại sao ở Đức mà không ở nước khác? Đây là những câu hỏi quan trọng cần phải giải đáp cho thế hệ trẻ, không chỉ về nước Đức mà đối với những quốc gia công nghiệp truyền thống khác như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, và còn nhiều quốc gia khác nữa. Mỗi quốc gia này có những chỗ mạnh chúng ta cần phải biết để hướng dẫn, gợi ý cho thế hệ trẻ định hướng cho mình một cách căn cơ, hơn là để họ đi du học một cách “ngẫu nhiên” và thiếu thông tin.
Với quyển sách này tôi muốn đề cập đến một phần những câu hỏi trên cho riêng nước Đức. Nhưng vì sao lại chọn thế kỷ thứ 19 để nói về nước Đức trong khi chúng ta đang ở đầu thế kỷ thứ 21? Xin thưa, thế kỷ thứ 19 là thế kỷ hình thành xã hội công nghiệp hiện đại của chúng ta ngày nay tại Châu Âu, Mỹ và Nhật bản. Đó là thế kỷ của những khám phá khoa học kỹ thuật lớn như thần Prometheus. Trước đây thế giới phải đợi rất lâu mới có những con người khoa học vĩ đại như Copernicus (đầu thế kỷ 16), Galilei và Kepler (đầu thế kỷ 17), Newton, Leibniz (cuối thế kỷ 17), tức trung bình khoảng một thế kỷ. Còn thế kỷ 19 là thế kỷ của những phát minh lớn
https://thuviensach.vn
dồn dập, liên tiếp trong khắp các ngành khoa học và kỹ thuật, làm thay đổi hẳn bộ mặt của xã hội Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật bản và của cả thế giới. Các phát minh tia hồng ngoại, tử ngoại, tia quang tuyến X, của chất phóng xạ, phân tính quang phổ, định luật bảo toàn năng lượng, tổng hợp chất hữu cơ từ chất vô cơ, các định luật nhiệt động học, điện từ, sóng điện từ, truyền tin, phát hiện tế bào, vi trùng học, sự đẩy lùi các bệnh nguy hiểm nhất của nhân loại như lao, dịch tả, thương hàn, bạch hầu, dịch hạch, phong đòn gánh, phát hiện electron, động cơ nổ 4 thì, xe hơi, động cơ Diesel, thuyết tiến hóa Darwin, lý thuyết tập hợp, hình học phi-Euclid, máy phát điện Dynamo,... .Cuối thế kỷ thứ 19 người ta tưởng chừng như con người đã khám phá hết thế giới, chỉ còn lại những chi tiết nhỏ của bức tranh thế giới đã được phát họa tổng thể.
Cuộc trường chinh khai phá trí tuệ mà các nhà triết học Hy lạp đã bắt đầu hơn hai nghìn năm trước nay như đang đi vào giai đoạn đến đích. Con người tin đã thấu hiểu vũ trụ cặn kẽ, từ thế giới vi nhỏ vật chất đến thế giới xa xôi của các hành tinh. Các lý thuyết ngày càng được kiểm nghiệm chính xác trong phòng thí nghiệm. Cuộc truy lùng dấu vết của thiên nhiên vẫn tiếp diễn nhưng đó chỉ là công việc “êm ả” cuối cùng trước giờ phút đến đích vinh quang. Nhiệm vụ của con người trong kinh thánh là hãy làm cho thế giới trở thành tôi tớ cho con người như sắp được thực hiện trọn vẹn trên quả đất. Nhưng mặt khác con người cũng đã đi đến cuối chân trời của thế giới quan Newton, phát hiện những vết rạn nứt của nó, những điều người ta không giải thích được bằng thế giới quan cũ, chẳng hạn không giải thích được độ sai biệt đáng kể của chuyển động điểm cận nhật (perihel) của sao Merkur giữa kết quả đo đạt thực tế và kết quả tính toán bằng cơ học cồ điển; hay sự kiện không tìm thấy chất ether trong vũ trụ để làm môi trường truyền cho ánh sáng trong vũ trụ như người ta tiên đoán, thực sự con người đã đến ngưỡng cửa của một thế giới quan mới mà không biết. Cũng chính thế kỷ 19 đã cung cấp đầy đủ các công cụ và cảm hứng cần thiết để con người ở đầu thế kỷ 20, bằng một cuộc cách mạng vĩ đại, khám phá ra một thế giới quan mới để thay thê thế giới quan cũ của Newton đã tồn tại ngót hai thế kỷ rưỡi. Những điều huyền diệu sẽ đến với nhân loại trong sự bàng hoàng tột độ, trong đó có sự giải đáp cho
https://thuviensach.vn
các sự kiện không giải thích được nói trên. Một cuộc “giao ca lịch sử” tuyệt vời sẽ diễn ra giữa hai thế kỷ. Nhân sinh quan con người làm một cuộc lột xác. Nhân loại đã lên đến tầm cao.
Chính ở thế kỷ 19 này người ta mới thấy những khám phá đầy ý nghĩa của nước Đức, một nước vào đầu thế kỷ có những điều kiện kinh tế, chính trị rất lạc hậu; Vâng, bị tụt hậu nặng nề, dù đã từng có những thời kỳ huy hoàng trong lịch sử, nay phải làm một cuộc lội ngược dòng khó khăn gian khổ để bắt kịp và sau đó đưa mình lên hàng đầu các nước phát triển vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ thứ 20. Nhưng có lẽ vinh quang nhất là nền đại học của Đức được khai sinh vào đầu thế kỷ 19, bắt đầu là đại học Berlin, ngày nay được gọi là đại học Hum Boldt, đã ảnh hưởng đến nền đại học toàn thế giới 150 năm liền, và những con người khoa học khai phá của nó. Vì sao dân tộc Đức có thể làm nên những “kỳ tích” đó?
Tôi hy vọng quyển sách này giúp bạn đọc - nhất là các bạn trẻ - hiểu biết thêm về nước Đức, dù các bạn sau này có đi du học Đức hay không. Đó là một đất nước rất đáng để chúng ta suy nghĩ, khâm phục và học hỏi. Lịch sử bao giờ cũng hữu ích cho chúng ta, nếu không muốn nói như Lessing, một văn hào của Đức thời khai sáng, “Không có lịch sử người ta vẫn là một đứa trẻ non nớt”.[3]
Tôi xin cảm ơn Tòa soạn Thời Báo Kinh Tế Saigon đã giúp biên tập và xuất bản, cũng như cảm ơn những người bạn Đức và Việt không nói tên ra đã có những hỗ trợ quý báu trong việc mua và gửi thêm tài liệu nghiên cứu từ nước ngoài về cho tôi. Xin cảm ơn tất cả những sự giúp đỡ quí báu đó. Điều cuối cùng, quyển sách này được viết trong điều kiện thời gian rất eo hẹp, vào những giờ phút chắt lọc còn sót lại của mỗi một ngày sau khi những giờ vàng ngọc vì cuộc sống đã đi qua, hay vào những giờ phút cuối tuần quý báu lấy đi của gia đình. Trong sự hạn hẹp ấy chắc chắn không tránh khỏi những sai sót, thiếu sót, có những cái nói còn quá ít, hoặc chưa nói đến. Tôi mong nhận được sự góp ý quý báu của bạn đọc, và hy vọng sẽ có dịp tái bản một cách đầy đủ hơn. Cảm ơn các bạn.
Nguyễn Xuân Xanh
https://thuviensach.vn
PHẦN I: ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG CON NGƯỜI SÁNG TẠO, KHAI PHÁ
Dân tộc nào bị tuột lại trong hoạt động công nghiệp, trong ứng dụng cơ khí và hóa công nghiệp, trong việc chọn lựa cẩn thận và chế biến các vật liệu thiên nhiên; dân tộc nào không có sự quý trọng một hoạt động như thế, xuyên suốt các tầng lớp nhân dân, tất yếu sẽ xa lìa khỏi sự phồn vinh.
Alexander von Humboldt
Nếu như Einstein sau khi đi nghe cậu bé Menuhin 13 tuổi kéo violon mà thốt lên rằng, bây giờ ông tin “trên trời có Thượng đế thật”, thì tôi cũng muốn mượn ý đó để nói rằng, sau khi sống ở Đức khá nhiều năm, tôi tin rằng “Thiên đường có thật trên quả đất!” Có một đất nước thật đẹp và những bàn tay của những con người thật tài hoa đã dày công dệt lên đó một bức tranh đầy màu sắc, hay như viết lên đó một bản giao hưởng với những nốt nhạc thần tiên. Con người và thiên nhiên đã hòa vào thành một tuyệt tác nghệ thuật. Một đất nước đi đâu cũng gặp các công trình kiến trúc, nghệ thuật, các di tích lịch sử mang đậm nét dấu vết của thế giới ý tưởng của bao thời, của những bàn tay khối óc nghệ sĩ. Đi đâu cũng gặp danh nhân và tác phẩm huy hoàng của những con người khai phá. Càng đi càng thấy đất nước càng đẹp, con người càng tài hoa. Con người đã xây dựng ngôi nhà của mình thành một kỳ quan sống! Không biết có phải các vị thần Hy lạp đã nhập vào dân tộc đó hay không để tái tạo những tác phẩm của mình trên quả đất?
Đối với người Việt Nam, nước Đức rất ít được biết đến. Chúng ta chỉ biết nước này qua một số biến dộng thế giới hoặc qua một vài thiên tài khoa học, mặc dù cũng không thiếu những tàu thương mại chạy tuyến Saigon-Hamburg vào cuối thế kỷ 19. Ngôn ngữ nó không giống như tiếng Pháp hay tiếng Anh, hơi “phức tạp” hơn thiên hạ, với cấu trúc văn phạm biến thiên “nhiều kiểu” của nó, và động từ hay “chạy lung tung”, “khi hợp khi tan”, dễ làm người ta mất kiên nhẫn lúc đầu. [Nhưng có lẽ chính từ cái tính chất “chạy lung tung” đó mà Gutenberg, 1397-1468, mới phát minh
https://thuviensach.vn
ra chữ in cho thế giới, có đặc tính là “chữ lưu động”, “chạy lung tung” và loài người đã vô cùng biết ơn phát minh vĩ đại này]. Nhưng đặc tính của nó là có quy tắc và logic chặt chẽ. Nói tiếng Đức bạn phải động não nhiều, phải biến thiên mỗi danh từ, tính từ theo chức năng và vị trí của nó, phải chia trước động từ, xé động từ ra hay để chung, rồi xắp xếp các phần vào đúng vị trí tùy theo từng loại mệnh đề, V.V.. Nói tiếng Đức bạn phải có tính “nhìn trước nhìn sau”, tổ chức, phải “nhanh trí” bố trí hết kiến trúc câu cú xong rồi mới nói, nghĩa là phải suy nghĩ, động não nhiều trước khi nói. Nhưng bạn đừng sợ, sống ở Đức vài năm rồi bạn cũng sẽ làm được thôi, nghệ thuật nhiều hay ít là tùy theo công sức đầu tư của bạn. Thực hành làm nên thầy mà, “Übung macht Meister”, như người Đức thường nói. Tiếng Đức có thể là một phương tiện giúp bạn năng động hơn trong tư duy.[4]
Nhưng đằng sau cái “vỏ” công thức cứng nhắc và có vẻ khô khan ấy lại là một ngôn ngữ vô cùng phong phú, hình tượng, sinh động, gợi cảm và thi vị. Tiếng Đức là ngôn ngữ diễn đạt được nhiều khái niệm trừu tượng, nhiều “nuances”, cũng như gây ấn tượng mạnh. Học tiếng Đức bạn sẽ thấy điều đó. Có lẽ vì thế không lạ lùng (hoặc lạ lùng) khi người ta thường nói Đức là dân tộc của “những thi sĩ và nhà tư tưởng” (ein Volk der Dichter und Denker). Điều đó đúng. Đức là một dân tộc có rất nhiều thi sĩ (mà ít người Việt nam biết tới) và của nhiều nhà tư tưởng lớn, điều được biết ít nhiều hơn. Nhưng không những chỉ có thi ca và tư tưởng, nếu chỉ có thế thôi thì đất nước đó không thể giàu có, không thể nổi tiếng với “Made in Germany” được.[5] Đó còn là một đất nước của những thiên tài khoa học, những con người đầy óc sáng tạo và khai phá trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, để xây dựng đất nước đẹp “như thiên đường”, vâng đáng lẽ còn đẹp hơn nhiều, cao cả hơn nhiều. Một đất nước của những Wilhelm Conrad Röntgen, Robert Koch, Emil von Behring, Heinrich Hertz, Max Planck, Albert Einstein, Werner Heisenberg, Otto Hahn, Nikolaus Otto, Carl Benz, Gottlieb Daimler, Carl Linde, Werner von Siemens, Rudof Diesel, Carl Friedrich Gauss, Bernhard Riemann, David Hilbert, một Euclid thứ hai. Đất nước của 31 nhà khoa học được giải thưởng Nobel trong thời gian 1901-1933 (Mỹ: 6). Nếu như âm thanh tiếng Đức nghe có
https://thuviensach.vn
vẻ “thô thiển”, thì chính các dân tộc nói tiếng Đức đã sản sinh ra những nhà soạn nhạc cổ điển “huyền thoại” bất diệt cho thế giới: Bach, Mozart, Beethoven, Brahms, Händel, Richard Strauß, Wagner, Haydn, chỉ kể một vài tên tuổi nổi bật, mà nếu không có họ không thể có kho tàng âm nhạc cổ điển đồ sộ như đã có.
Dân tộc Đức có một lịch sử không kém thăng trầm, rất vinh quang, lại có lúc rất bi thảm, nhưng trước nhất đó là một dân tộc rất sáng tạo trong mọi mặt của cuộc sống, từ thủ công đến khoa học, kỹ thuật, hội họa, âm nhạc, thi ca và triết học, một dân tộc có những đức tính lao động cần cù rất cao quý. Nói đến nước Đức là nói đến lao động cần cù, chân tay cũng như trí óc, là sự đúng giờ, tính chính xác, sống có nguyên tắc, kỷ luật, trật tự và vệ sinh. Tất cả đều trở thành triết lý, như “khuôn mẫu”. Nước Đức là xứ sở của lao động không mệt mỏi, của tư duy một cách hệ thống và đến cùng (gründlich). Nhưng đồng thời cũng là đất nước có rất nhiều nhà thơ, rất trữ tình, lãng mạn, nhưng lại rất trí tuệ!
Muốn nói đến những thành tựu khoa học nổi bật của dân tộc Đức, điều mà chúng tôi muốn nói trong cuốn sách này, không thể không nói đến thế kỷ thứ 19. Đó là thế kỷ mà lịch sử thế giới và khoa học có những bước đi khổng lồ chưa từng thấy trước đó. Đấy là thế kỷ mà “các lực lượng khoa học và công nghiệp được đánh thức ở mức độ không một thời kỳ nào trong sự phát triển của loài người trước đó có thể hình dung được” như Karl Marx nói. Đấy là thời kỳ “phục hưng” của trí tuệ Đức, của khoa học, kỹ thuật, kinh tế, và cũng của thơ văn và tư tưởng. Ngay nhà thơ Goethe cũng có một dụng cụ thí nghiệm về điện. Các lực đẩy và hút của điện đã được ông đưa vào tiểu thuyết theo nghĩa bóng. Hàng loạt thiên tài khoa học xuất hiện để khai phá thế giới chúng ta, từ những vật chất nhỏ nhất và những tia quang học mắt thường không cảm nhận được đến những thế giới xa xôi của vũ trụ. Thế kỷ thứ 19 là thế kỷ con người thay đổi thiên nhiên và chính mình, thế kỷ của lòng tin vào khoa học, của sức mạnh khoa học, của ý muốn “Khoa học trở thành tôn giáo” (Virchow) và nhà khoa học là những “mục sư”. Nhưng hãy bắt đầu từ giai đoạn thoát thai của khoa học tự nhiên một chút.
Từ thế kỷ thứ 17...
https://thuviensach.vn
Những khám phá của Galilei và Kepler vào những năm đầu thế kỷ thứ 17 chứng minh được sự đúng đắn của hệ thống Copernicus (công bố giữa thế kỷ 16), từ thế giới quan lấy trái đất làm trung tâm (geozentrisch) chuyển qua thế giới quan lấy mặt trời làm trung tâm (heliozentrisch), rằng trái đất không phải là trung tâm vũ trụ, mà quay xung quanh mặt trời, và mọi thiên thể đều quay xung quanh mặt trời. “Không có gì ảnh hưởng to lớn đến suy nghĩ của con người bằng hệ thống Copernicus” như Goethe nói. Kepler, ngoài ba định luật của ông về quỹ đạo của các hành tinh xung quanh mặt trời, còn cắt nghĩa hấp lực (Anziehungskraft) của quả đất lên mặt trăng, và đưa ra khái niệm hấp lực chung - nhưng hãy còn mơ hồ - giữa các khối vật chất dù ở khoảng cách xa với nhau.
Năm 1687, trong tác phẩm Pincipia, khái niệm này đã tìm được sự chính xác trong trong hệ thống vật lý-toán học của Newton (cơ học vũ trụ, Himmelsmechanik). Hệ thống của Newton đã thêm một bước nữa, đặt nền tảng cho khoa học kéo dài đến đầu thế kỷ thứ 20. Cùng lúc phép toán tích phân của Newton và Leibniz đã mang lại một bước quyết định cho việc nghiên cứu các hiện tượng thiên nhiên bằng toán học.
https://thuviensach.vn
Những khám phá đó, và những khám phá khác, lần lượt mở đường cho khoa học tự nhiên tiến bước, thoát ra khỏi hệ thống suy nghĩ kinh viện (Scholastik), để trở thành một khoa học tự nó. Galilei và Kepler là những người đã gióng lên tiếng chuông báo hiệu thời đại con người khám phá thế giới bằng thí nghiệm -experimentum- đã bắt đầu. Con người có khả năng nhận thức được thiên nhiên bằng những gì hiện ra trên các dụng cụ thí nghiệm và đo đạc do mình nghĩ ra, dù còn rất thô sơ. Đó là một điều vô cùng mới. Triết học phải ngả mũ trước những kết quả chính xác của khoa học. Các thế lực chính trị và tôn giáo cũng không can thiệp vào khoa học nữa. Sự cấm đoán phổ biến tư tưởng của Kopernicus và Galilei cũng bị vô hiệu hóa. Thế kỷ 19 chứng kiến một cuộc chiến ngược lại: chính khoa học tấn công và làm rung chuyển cả nhà thờ! Khoa học sẽ vén bức màn (demystify) của trời đất và con người!
Đến thế kỷ 19
Thế kỷ thứ 19 là thế kỷ của canh tân và chuyển biến của Đức. Đó là thế kỷ của cách mạng. Khởi điểm của cuộc cách mạng đó đối với nước Đức là sự kiện năm 1806, khi cái xương sống của quân đội Phổ, tiền thân của nước Đức sau này, một quân đội hầu như không hề biết thua trận, bị quân của Napoleon đánh sập một ngày tại Jena và Auerstedt, nhà nước Phổ phải chấp nhận hòa ước Jena, chấp nhận mất toàn bộ đất ở phía Tây của sông Rhein, bằng một nửa lãnh thổ của Phổ! Vương quốc 900 năm
https://thuviensach.vn
(Heiliges Römisches Reich Deutscher Nation) bây giờ chấm dứt. Một vương quốc cũ kỹ, nặng nề, lạc hậu về mọi mặt, không có thực lực trước sức mạnh cách mạng của các nước láng giềng. Phổ không những mất các đại học ở vùng phía Tây và Franken, mất luôn cả đại học chính là Halle. Đại học Berlin (Humboldt) được xây dựng năm 1810 không phải trong thế mạnh của Phổ, mà là trong thế yếu, suy sụp, xây dựng đại học đó để “bù đắp lại những gì mất mát về vật chất”, như vị vua Phổ nói năm 1807.
Thế giới chứng kiến ở thế kỷ 19 một sự “lội ngược dòng” của dân tộc Đức trong khoa học kỹ thuật và kinh tế, công nghiệp. Là một dân tộc không thiếu tài năng, nhưng do chế độ chính trị và kinh tế lạc hậu nên nền khoa học Đức vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 cũng lạc hậu theo. Hai cuộc cách mạng kỹ nghệ đã bắt đầu tại Anh từ giữa thế kỷ thứ 16 và 18 với máy công cụ phục vụ cho sản xuất lớn trong các xí nghiệp thay cho sản xuất thủ công, và máy động cơ hơi nước áp dụng trong giao thông vận tải. Trong khi đó Đức vẫn còn là một nước nặng về nông nghiệp với 85% dân sống ở nông thôn. Nước Đức là một bãi chiến trường triền miên trước đó với những sự tàn phá nặng nề [Chiến tranh- ba-mươi-năm, Dreißigjähriger Krieg 1618-48; Chiến tranh Schlesien 1740-45; Chiến tranh-bảy-năm, Siebenjähriger Krieg 1756-63], không có hệ thống giao thông nối liền địa lý với nhau, không có một thị trường chung, bị chia cắt bởi quá nhiều hàng rào thuế quan giữa các bang. Mù chữ trong dân chúng phổ biến. Dân số đang trên đường bùng nổ. Giữa năm 1816 và 1850 dân số đã tăng từ 24.8 triệu lên 35.5 triệu và đến 1900 tới 56.3 triệu. Sự tăng dân số một mặt đẩy đa số nhân dân vào cảnh nghèo túng, đôi khi đói như những năm 1847 sau nhiều năm mất mùa liền, mặt khác sẽ là nguồn lao động rẻ kịp thời cho cuộc công nghiệp hóa diễn ra sắp tới.
Về khoa học, năm 1794 cách mạng Pháp đã khai sinh ra một mô hình đại học mới, “École Polytechnique”, để đào tạo kỹ sư xây dựng quân sự và dân sự trên nền tảng của toán học-khoa học tự nhiên ở trình độ cao nhất. Napoleon là người rất hiểu sức mạnh của khoa học kỹ thuật. Những tên tuổi nổi tiếng của nền toán và khoa học Pháp được đưa về đó hoạt động: Lagrange, Laplace, Poisson, Cauchy, Monge, Prony, Poinsot, Poncelet, Ampère, Gay-Lussac, Berthollet.... École Polỵtechnique đã làm
https://thuviensach.vn
nên lịch sử: trong 4 thập niên đầu nó là trung tâm toán học-khoa học tự nhiên của cả Châu Âu, có ảnh hưởng lớn trong việc thành lập các “Trường Bách Khoa” ở hầu hết các nước Châu Âu. Trường “Technische Hochschulen” (Đại học kỹ thuật) của Đức sau này cũng là kết quả của hôn phối giữa mô hình đó và mô hình đại học Đức (sẽ được nói sau trong Phần II).
Heinrich Hertz khi nhìn lại giai đoạn “đen tối” này đã viết: “Sự nồng nhiệt dành cho những thành tựu giả tạo của triết học tự nhiên (Naturphilosophie) không được chia sẻ ở nước ngoài...Cái mới, cái thật sự tiến bộ được chờ đợi ở Paris và London, người nghiên cứu khoa học tự nhiên trẻ đều đi về hướng đó...”. Liebig viết từ Paris trong thời gian đó: “Thật là buồn, khi trong thời đại mới này danh tiếng của người Đức trong Vật lý, Hóa học và những ngành khoa học tự nhiên khác đã biến mất; không một cái bóng nào sót lại cả.” Bản thân Liebig đi học ở Paris, Wöhler ở Stockholm, và nhiều nhà khoa học khác cũng như thế. Đó là tình trạng trì trệ hết sức nặng nề của nền khoa học Đức ở cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ thứ 19.
Công cuộc đại cải cách và canh tân đất nước
Nước Phổ phải tiến hành hàng loạt cuộc cải cách để vực đất nước dậy, với mục tiêu giải phóng đất nước, và phải thực hiện hai cuộc cách mạng công nghiệp 1540/1640 và 1760 đang tiếp diễn ở Anh. Năm 1808 luật tự do kinh doanh (Gewerbefreiheit) được ban hành (bởi Hardenberg). Năm 1810 chế độ nông nô (Leibeigenschaft) bị xóa bỏ, lực lượng nông dân được giải phóng, trở thành một cái bể lao động cho cuộc cách mạng công nghiệp sắp tới. Quyền tư hữu được xác lập rộng rãi. Quân đội được mở cửa đón nhận mọi người, không còn là đặc quyền của giới quý tộc nữa. “Mọi lực lượng phải được đánh thức và phải được trao cho một vị trí xứng đáng. Nguồn gốc sinh đẻ không còn là độc quyền cho chức vị. Nếu cho nó quá nhiều quyền thì cả một lực lượng lớn trong lòng quốc gia sẽ ngủ yên không phát triển và đôi cánh vươn lên của tài năng sẽ bị làm tê liệt bởi các quan hệ bẩn chật. Trong khi một Đế chế suy tàn trong bệnh hoạn yếu đuối, thì một Cäsar có lẽ đi cày trong cái làng thống khổ nhất của ông và một Epaminondas (tướng tài của Hy lạp trước công nguyên)
https://thuviensach.vn
phải nuôi thân chật vật bằng lao động của hai bàn tay mọn của mình. Người ta vì vậy phải sử dụng đến những biện pháp đơn giản và hữu hiệu hơn để mở ra cho thiên tài một con đường, bất kể thiên tài từ đâu đến. Người ta cũng phải mở cánh cửa khải hoàn cho các lực lượng công dân... Thời đại mới cần hành động và sức mạnh tươi mát hơn là tên tuổi và địa vị.” (Tướng tài Gneisenau của Phổ, 1806).[6] Phổ thua rất đau đớn, nhưng có lẽ vì thế mà đã hiểu được nguồn gốc của sức mạnh vĩ đại của cuộc cách mạng Pháp: “Cuộc Cách mạng (Pháp) đã biến cả sức mạnh quốc gia của nhân dân Pháp thành hành động ...biến sức sống trong con người và sức mạnh của của cải thành một loại tư bản phát triển lan nhanh, và bằng cách đó đã phá vỡ các quan hệ cũ của các nhà nước với nhau và sự cân bằng dựa trên đó. Nếu các nhà nước khác muốn lập lại thế cân bằng này, họ phải mở cửa và sử dụng những biện pháp (cách mạng) đó!”[7] (Gneisenau). Họ đã hiểu và đã sử dụng những biện pháp cách mạng đó. [Chỉ có nước Nga là nước không thua mà ngược lại thắng Napoleon nên cảm thấy không cần thiết cải cách, mãi cho đến chiến tranh Krim 1853- 55, dưới Nga Hoàng Alexander II, chế độ nông nô được bãi bỏ (nhưng mãi đến 1861 mới thực sự được thực hiện) và bắt đầu công nghiệp hóa].
Ngay năm 1818 tất cả các rào cản thuế quan giữa các vương quốc Đức được xóa bỏ, một biểu thuế chung được áp dụng, và đến năm 1834 mười tám trong số 34 vương quốc Đức đã vào “Hội thuế quan Đức” (Deutscher Zollverein). Một sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế bắt đầu. Quan hệ bẩn chật đã từng làm tê liệt hàng triệu đôi cánh tài năng muốn vươn lên đang bị dần xóa bỏ.
Công cuộc cải cách lớn nhằm phát triển công nghiệp và doanh nghiệp, đánh thức sáng kiến cá nhân, cởi trói các lực lượng kinh tế, đánh thức tinh thần kinh doanh, chịu rủi ro, xóa bỏ truyền thống cũ, khuếch trương tính năng động, năng suất, cạnh tranh, phát triển “giáo dục kỹ nghệ, máy móc”. Đó là những đòi hỏi bức thiết và phải được đáp ứng kịp thời. Đấy là nhiệm vụ của bộ máy hành chính Phổ.
Giáo dục - đào tạo
https://thuviensach.vn
Nếu nhà nước Phổ tập trung đào tạo tầng lớp tinh hoa khoa học gia ở đại học thì cũng nỗ lực không kém trong việc đào tạo và khuếch trương đội ngũ kỹ thuật, kinh doanh, sản xuất. Chính sách Phổ nhằm trước nhất du nhập kỹ thuật nước ngoài, kỹ thuật hóa (Technisierung) sản xuất, nâng cao trình độ hiểu biết kỹ thuật cho những người chủ xí nghiệp. Sau đó từng bước “khoa học hóa” và “đại học hóa” kỹ thuật một cách hệ thống. Nước Đức ngày nay là nước nổi tiếng có hệ thống đào tạo nghề rất tốt (Thủ tướng Phạm Văn Đổng là người đã từng ngưỡng mộ hệ thống đào tạo này). Việc đào tạo kỹ thuật đã trở thành một trong những quốc sách. Kinh doanh, sản xuất mà không có khoa học, kỹ thuật là không thể lâu dài được. “Ở đâu mà khoa học không được áp dụng trong kinh doanh thì ở đó kinh doanh không thể bền vững, ở đó không thể có tiến bộ được”.[8] như Peter Christian Beuth tuyên bố. Ông cũng chính là tên tuổi quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ trên. Ông là người có rất nhiều sáng kiến trong việc thúc đẩy sự công nghiệp hóa và phát triển các tài năng. Beuth là mắt xích nối khoa học với kinh tế. Beuth là con người được giao phó nhiệm vụ thực hiện tư tưởng cải cách của Freiherr vom Stein, là người chủ trương mở cửa thị trường, nhưng không phải mở cửa tự do ngay, vì các lực lượng sản xuất trong nước đang còn yếu thế, chưa đủ sức cạnh tranh với hàng nước ngoài, đặc biệt hàng của Anh quốc đang rất mạnh lúc bấy giờ, mà phải mở cửa có mức độ, có điều tiết nhà nước bằng việc sử dụng hàng rào thuế quan, đồng thời ráo riết tăng cường nội lực cho lực lượng sản xuất, kinh doanh, rồi từng bước hạ hàng rào thuế quan xuống, để cuối cùng đi đến cái đích là kinh tế thị trường tự do không còn cần thiết sự can thiệp của nhà nước nữa. Các ngành công nghiệp được bảo hộ một cách nhân tạo quá lâu không thể đem ra đặt ngay trước “ngọn gió mạnh của tự do (cạnh tranh)” được. Freiherr vom Stein là người đầu tiên thực hiện cuộc chuyển đổi từ một nền kinh tế đóng kín sang một nền kinh tế mở có sự can thiệp và điều tiết của Nhà nước. Sự diễn biến kinh tế đã cho thấy chính sách của Freiherr vom Stein là hoàn toàn đúng đắn. Và nhiệm vụ của Beuth chính là tăng cường nội lực và tổ chức việc thực hiện nó một cách thành công. Đó là chính sách khuếch trương kinh doanh và công nghiệp (Gewerbe und Industrieförderung) của nhà nước Phổ. Chính
https://thuviensach.vn
sách này nhằm đào tạo và giáo dục những người kinh doanh, đào tạo các Persönlichkeiten (nhân cách), giáo dục sự tư duy và hành động độc lập, có ý thức trách nhiệm và dám chịu sự rủi ro của cá nhân, đào tạo lực lượng kỹ thuật giỏi để cung cấp cho công nghiệp.
Beuth được bổ nhiệm vào chức vụ giám đốc của một cơ quan đại diện kỹ thuật dành cho doanh nghiệp (Technische Deputation für das Gewerbe) nhằm bằng nhiều hình thức khuyến khích việc kinh doanh, sản xuất giỏi. Việc đầu tiên là tổ chức thành lập các trường doanh nghiệp (Gewerbeschule). Hai trường đầu tiên và nổi tiếng là Gewerbe-Institute (August Borsig và nhà văn Theodor Fontane đã học ở đây) và Gewerbe Schule ở Berlin. “Trường này (Gewerbe-Institute) chỉ để dành cho những người rất có khả năng, siêng năng, có tư cách đàng hoàng và có đạo đức. Được gia nhập trường là một sự tuyên dương. Sự siêng năng kinh doanh không thể không đi kèm với đạo đức. Nhà trường không có hình phạt nào khác hơn sự sa thải khỏi trường.”[9] Beuth dành cho mình quyền “tuyển chọn vào trường những người có khả năng nhất và sa thải bất cứ học sinh nào chểnh mảng, lười biếng một cách không thiên vị”. Trường Gewerbe Institute sau này cùng với Bau-Akademie (trường xây dựng) hợp nhất lại thành Trường Đại học Kỹ thuật Berlin. Beuth tổ chức gửi người đi học nghề ở nước ngoài, tổ chức triển lãm máy móc thiết bị, xuất bản các tạp chí kỹ thuật, thành lập trường kỹ thuật, trường nghề, đại học kỹ thuật, cùng với Karl Friedrich Schinkel xuất bản “Những tấm gương cho những
https://thuviensach.vn
người chủ xí nghiệp và người thợ thủ công”, thành lập “Hội khuếch trương kinh doanh ở Phổ”, một hội mà không những những người kinh doanh, mà ngay cả công chức cao cấp, sĩ quan và nghệ sĩ cũng tham gia; khuyến khích lập các hội thợ, kỹ thuật, thực hành, lý thuyết.... Các giải thưởng thường xuyên được đặt ra cho những ai giải quyết được những bài toán kỹ thuật. Hội “Kỹ sư Đức” (Verein Deutscher Ingenieure, VDI) được thành lập năm 1856. Sự đào tạo kỹ thuật trở thành yếu tố quan trọng của sự tiến bộ kỹ nghệ để nước Đức từ một nước đi sau trở thành nước khai phá đi trước. Phát minh kỹ thuật không còn là ngẫu nhiên mà là phát sinh từ kiến thức khoa học, đào tạo và kế hoạch. Khoa học và Kinh tế ngày càng phối hợp với nhau.
“Người ta phải làm cho Quốc gia quen tự cai quản công việc của mình và ra khỏi tình trạng thơ ấu”. [10]
(vom Stein)
“Không phải cho phép, mà là ra lệnh Nhân dân tự cai quản chính mình”. [11]
(vom Stein)
Rất nhiều tài năng xuất thân từ lớp người “thợ thủ công” (Handwerker) ngành cơ khí, trong điều kiện nước Đức còn lạc hậu, trong đó phải kể đến Krupp, Siemens, hoặc những người chế tạo máy như Borsig, Henschel,
https://thuviensach.vn
König, Dinnendahl...là những người xây dựng cơ đồ cho nước Đức ngay từ buổi ban đầu của cuộc công nghiệp hóa. Ngành thủ công của Đức thực sự phát triển đều khắp, là một ngành rất quan trọng và đã làm cho công cuộc công nghiệp hóa trở thành dễ dàng hơn.
Cuộc công nghiệp hóa thứ nhất của Đức bắt đầu cất cánh và tạo xung lực trong giai đoạn 1835 - 1845 với tàu chạy hơi nước, xe lửa, máy may, chiếu sáng bằng ga, và sản xuất hàng loạt ngày càng nhiều hàng hóa. Nhân tố kích thích quyết định cho giai đoạn này là hệ thống xe lửa. Nếu ở Anh xe lửa là nhu cầu bức thiết của cuộc cách mạng công nghiệp thì ở Đức xe lửa là nhân tố tiền đề thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa. Bằng một công ty cổ phần -Aktiengesellschaft- trong đó tư nhân cũng bỏ tiền vào, đoạn đường xe lửa đầu tiên được xây dựng dài 9 km giữa Nürnberg và Fürth, khánh thành vào năm 1835, xe chạy mất 9 phút. Sự thành công về mặt kinh tế nhanh chóng của nó đã cổ vũ việc xây dựng tiếp hàng loạt đoạn đường khác:
https://thuviensach.vn
Năm 1850 một mạng lưới xe lửa với chiều dài 6.000km đã được xây dựng xong cho việc vận chuyển người và hàng hóa. Đến năm 1870 đã có
18.876 km. Nếu năm 1854 August Borsig sản xuất chiếc đầu máy xe lửa thứ 500, thì năm 1858 đã sản xuất đến chiếc thứ 1.000! Ngoài Borsig ra còn có nhiều công ty khác chế tạo đầu máy xe lửa nổi tiếng khác như Schwartzkopff ở Berlin, Henschel ở Kassel, Egerstorff ở Hannover, Hartmann ở Chemnitz, Kessler ở Esslingen và Karlsruhe, Maffei và Kraus ở München, Clett ở Nürnberg, Schichaus ở Elbing, MAN (Maschinenfabrik in Ausgburg). Đường sắt trở thành một cuộc “cách mạng vận tải” như cái xương sống cho ngành kinh tế Đức. Nó cũng thúc đẩy mạnh sự phát triển ngành chế tạo máy và luyện kim, đúc thép (Krupp). Người ý thức được tầm chiến lược của đường sắt như một bước đi trước để kéo con tàu kinh tế Đức là Friedrich List,[12] một nhà kinh tế nhìn xa của Đức. Ông là người tiên phong vận động không mệt mỏi cho Hiệp hội thuế quan và hệ thống xe lửa. Hệ thống xe lửa sẽ giúp thống nhất các nước Đức riêng lẻ với nhau. Ông còn vận động để thành lập một “Vùng kinh tế toàn châu Âu”, như kiểu EU ngày nay, nhưng phải có một thời gian chuyển tiếp bảo vệ thuế quan để thực hiện các điều kiện bình đẳng trong cạnh tranh cho các nước của khu vực.
Sự hình thành hệ thống đường sắt đem lại sự khai thông huyết mạch cho thị trường, các ngành kinh tế, hàng hóa, nói chung cho công cuộc công nghiệp hóa.
https://thuviensach.vn
Nông nghiệp là một trong những ngành then chốt khác được phát triển, trước sự bùng nổ dân số nói trên. Nhà nước có nhiều biện pháp hỗ trợ. Khoa học và kỹ thuật hóa được thúc đẩy bởi các trường cao đẳng, các phân khoa đại học: Weihenstephan ở München 1803, Möglin 1806, Hohenheim/Stuttgart 1818, Idstein/Nassau 1818, Darmstadt 1823, Jena 1826, Tharandt/Sachsen 1829, Eldena/Greifswald 1835, Regenwalde/Hinterpommern 1842, Proskau/Schlesien 1842, Poppelsdorf/Bonn 1847, Weende/Göttingen 1851, Waldau/Königsberg 1858. Năm 1820 có 15, 1852 có 361 Hội nông nghiệp ở Phổ. Năm 1837 Hiệp Hội Nông dân ra đời, nhằm thúc đẩy sự phát triển, truyền bá những sự tiến bộ khoa học, tổ chức hội thảo, triển lãm, những ngày lễ nông nghiệp... Lễ hội Tháng Muời -Oktoberfest- của München là lễ hội hằng năm nổi tiếng nhất được tổ chức từ 1810/11 và vẫn còn duy trì đến ngày nay. Justus Liebig đã đặt kinh tế nông nghiệp trên nền tảng khoa học và đem lại một sự tăng trưởng nông nghiệp chưa từng thấy trước đó. Nhà nông không còn đi sau thiên nhiên nữa mà chủ động tác động đến thiên nhiên và chấm dứt chế độ du canh. Từ cuối những năm 60 công nghiệp phân bón ra đời kích thích kinh tế nông nghiệp hơn bao giờ hết và góp phần giải quyết vấn đề lương thực cho cả nước. Nhưng cho đến những năm 40 áp lực của dân số vẫn còn đáng kể và sự nghèo khổ ở nông thôn vẫn còn phổ biến. Mãi cho đến những năm 50 và 60 công cuộc công nghiệp hóa mới góp phần thay đổi căn bản tình hình.
Cách mạng công nghiệp, công nghiệp hóa kỹ thuật các quan hệ sản xuất, cách mạng hóa các hình thức kinh tế (theo kinh tế thị trường), máy móc, thiết bị, xí nghiệp, thị trường, đó là những nhu cầu bức thiết của thời đại. Công nghiệp hóa, cơ khí hóa là cái xương sống của nền kinh tế, bên cạnh hệ thống giao thông bằng xe lửa, đường bộ trải đá (Chausseen) và đường thủy như hệ thống các mạch máu trong cơ thể.
Ngành chế tạo máy ra đời trong những điều kiện kỹ thuật lạc hậu và khó khăn. Nhưng một loạt xí nghiệp chế tạo máy ra đời, được thành lập bởi những con người không qua trường lớp đại học, nhưng có óc sáng tạo, xuất phát từ lớp người thợ thủ công cơ khí vào những thập niên đầu của thế kỷ. Đặc biệt ngành đường sắt và xe lửa là nhân tố kích thích sự phát
https://thuviensach.vn
triển công nghiệp rất mạnh. Tiếp theo đó là các ngành chế tạo máy, đầu máy xe lửa, máy hơi nước, máy dệt, máy in, máy công cụ. Từ giữa những năm 30 máy dệt, máy hơi nước, đặc biệt xe lửa đã tạo cho ngành chế tạo máy một một động lực rất mạnh. Cuộc cách mạng thứ hai trong lĩnh vực máy lực tiếp theo sau máy nổ của James Watt (1769) là sự ra đời của máy nổ 4 thì (Verbrennungsmotoren) của Otto năm 1876. Lúc đầu các máy này chạy bằng khí, dần dần chuyển sang chạy bằng xăng. Trong khoảng 1893- 1897 Diesel phát triển máy Diesel của mình. Năm 1912 nước Đức có 774.000 máy Diesel. Cuộc cách mạng thứ ba là máy động cơ điện (Elektromotoren). Từ năm 1890 loại máy này có một ý nghĩa quan trọng, cho phép chuyển từ lực đầy trung tâm của máy hơi nước sang lực đẩy từng khu vực nhỏ, từng cụm máy hoặc máy riêng lẻ. Nó thay thế máy nổ ga trong các xí nghiệp, thay thế sức lao động nặng của người, chạy các cần cẩu trong xí nghiệp và được sử dụng cho đồ dùng gia dụng như quạt máy, máy sấy tóc, máy hút bụi...
Dưới đây là danh sách các Công ty, xí nghiệp chính thành lập trong thế kỷ 19.
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
Kế tiếp là ngành khai thác quặng và luyện kim (sắt, thép), huyết mạch cho công cuộc công nghiệp hóa. Từ cuối những năm 20 đã có sự hiện đại hóa mạnh mẽ trong ngành này. Kỹ thuật mới đầu tiên -từ nước Anh- là phương pháp khuấy luyện (Puddelverfahren) nhằm sản xuất sắt có thể uốn dẻo được. Từ những năm 30 hình thành kỹ thuật cán hiện đại (Walzwerk), đặc biệt để cán đường ray cho ngành đường sắt. Bước chuyển biến quyết định là sự chuyển tiếp sản xuất sắt sang thép. Thép cũng rất cứng nhưng có sức chịu lực lớn hơn, không dễ gãy như sắt (chứa ít cacbon hơn).
Sản xuất thép ban đầu khó khăn, chậm chạp và đắt tiền, sản phẩm không đồng nhất, và khó cạnh tranh với sắt, cho đến khi các phương pháp luyện của Bessemer, của Siemens-Martin và nhất là Thomas ra đời, giá thành sản xuất hạ xuống đến 80,90% đến năm 1895. Năm 1851 Krupp có thể sản xuất một thỏi thép nặng hai tấn và có thể trưng bày tại cuộc triển lãm thế giới tại Luân đôn một cách tự hào như một trong những thành tựu lớn của nước Đức.
https://thuviensach.vn
Nếu năm 1870 các xí nghiệp sản xuất của Anh sản xuất mạnh hơn thì từ những năm 90 tình hình đã đảo ngược. Ở Đức việc sản xuất sắt và thép bắt đầu được kết hợp với nhau, trong những nhà máy khổng lồ. Các nhà máy mới của Đức lớn gấp 3-4 lần các nhà máy của Anh, và với những phương pháp hợp lý hóa hiện đại có thể hạ giá thành đến 50%. Các bước sản xuất tiếp như đúc, cán cũng được xây dựng luôn trong nhà máy “tổng hợp” này. Tiêu thụ năng lượng cũng giảm đi hơn 90%. Năng xuất cũng tăng hơn, 77 tấn trên một đầu người năm 1913 so với 48 tấn năm 1929 ở Anh. Tất cả những điều đó ảnh hưởng lên giá cả.
Sản lượng sản xuất sắt thô ở Đức giữa 1867 và 1913 tăng lên gắp 20 lần từ 1 triệu tấn lên 19.3 triệu tấn/năm, chỉ trong khoảng thời gian 1880 -1900 tăng lên 10 lần. Sản lượng thép tăng khoảng 25 lần. Nếu đầu những năm 70 Đức chỉ sản xuất 1/4 sản lượng sắt và 1/2 sản lượng thép của Anh thì đến 1910-1914 đã sản xuất gần hai lần sắt và hơn hai lần thép của Anh. Năm 1893 Đức đã qua mặt Anh về sản xuất sắt, và năm 1903 về sản xuất thép, vượt qua Anh trong xuất khẩu và xuất khẩu cả qua Anh. Năm 1913 Đức sản xuất gần bằng 25% tổng sản lượng sắt của thế giới và trở thành nước sản xuất kim loại lớn nhất thế giới. Kim loại chiếm tỉ trọng 20% trong xuất khẩu của Đức.
Kỹ thuật sản xuất kim loại chuyển sang chủ yếu sử dụng than đá chứ không phải gỗ nữa và trở thành nhân tố kích thích rất mạnh cho ngành
https://thuviensach.vn
khai thác than đá. Mặc dù có điện, dầu, nhưng than đá vẫn là nguồn nhiên liệu chính cho công nghiệp cho đến năm 1914. Nhân tố thứ hai là sự chuyển sang khai thác ngầm (Tiefbau), đầu tiên do Haniel 1839, bằng việc sử dụng máy hơi nước. Những năm 40 có một làn sóng khai thác than sâu, đầu tiên ở phía phải của sông Rhein, sau đó là vùng Ruhr. Duisburg trở thành trung tâm vận chuyển than. Những “người bán than” (Kohlenhändler) Franz Haniel và Mathias Stinnes là những người thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực này (tên tuổi các công ty ngày nay vẫn còn).
Nhưng phải kể trước hết là Friedrich Harkort, được lịch sử xem như “Người cha của vùng Ruhr”, vùng than đá lớn nhất của Đức nằm trong bang Westfalen, đã mở đường cho việc công nghiệp hóa và khai thác vùng này. Ông sáng lập ra “Xí nghiệp cơ khí Harkort” đầu tiên tại Wetter/Westfalen năm 1818, năm 1826 đưa vào các kỹ thuật khuấy luyện và cán thép hiện đại của Anh, kéo theo sự xuất hiện hàng loạt xí nghiệp tương tự khác trong vùng. Ông không những làm mà còn khuyến khích người khác cùng làm, cùng cạnh tranh. Ông còn bước vào các lĩnh vực xe lửa và tàu chạy hơi nước, truyền bá tư tưởng -bên cạnh Friedrich List- xây dựng hệ thống xe lửa và giao thông đường thủy.
Những kỹ thuật mới ở các khâu Khoan (máy khoan dập nhanh, Schnellschlagbohrgeräte năm 1895/96), Nổ, Vận chuyển, cho phép khai
https://thuviensach.vn
thác sâu đến 2.000m và mở rộng khu khai thác của Ruhr ở vùng giữa và Bắc. Giữa năm 1866 và 1913 sản lượng khai thác than đá tăng lên 8 lần, từ 24 lên 190 triệu tấn. Số người lao động tăng từ 160.000 (1867) lên 654.000 (1913). Ngoài than đá (Steinkohle) than nâu (Braunkohle, than non, than linit) cũng được khai thác, liên quan đến việc sản xuất điện, tăng trưởng rất mạnh trong vùng Köln, từ 11 triệu tấn năm 1873 lên 87.5 triệu tấn năm 1913. Ngành chế biến than cũng quan trọng không kém: chế tạo than Kok, Brickett, và các hóa chất từ than, như nhựa đường (Teer), Ammoniak, Benzol và nhất là khí đốt, từ 1910 đã được cung cấp trên thị trường. Vùng Ruhr vào những năm đầu 1870 đã trở thành trung tâm kỹ nghệ lớn nhất châu Âu. Chỉ một mình Krupp đã có tới 50.000 công nhân tại Essen.
Bên cạnh ngành khai thác và luyện kim là ngành chế biến kim loại (Metalverarbeitung), một ngành có sức tăng trưởng đứng hàng thứ ba. Ngành này bao gồm chế tạo máy xe, tàu, cơ khí chính xác, kính quang học, thiết bị, hàng tiêu dùng. Lúc đầu máy dệt, máy hơi nước, máy nông nghiệp là phổ biến, nhưng dần dần chuyển sang các loại máy khác. Máy móc ngày càng lớn hơn, nặng hơn, nhất là nhanh hơn và chính xác hơn. Các cuộc cách mạng động cơ nổ đã được nói ở trên. Năm 1912 có 774.000 động cơ Diesel ở Đức. Một loại máy phổ biến khác là máy may cá nhân. Năm 1890 Đức sản xuất 500.000 máy, 1907 1.100.000 máy, bằng một phần ba sản lượng thế giới. Một mặt hàng khác của ngành chế biến kim loại là xe đạp, bắt đầu sản xuất ở Đức năm 1881, nhưng phải đợi đến sự ra đời vỏ ruột hơi của Dunlop năm 1888 mới trở thành mặt hàng tiêu dùng hàng loạt.
Sự phát triển máy công cụ trong các xí nghiệp là khâu quan trọng cho việc sản xuất. Các máy cắt hiện đại ra đời, cắt nhanh hơn, chính xác hơn và không gây vết vỡ, cắt thép như “cắt bơ”.
Ngành đóng tàu của Đức trưởng thành những năm 70 và 80, Đức không còn đặt hàng ở Anh nữa mà tự chế tạo tàu cho mình. Năm 1900 tàu được trang bị động cơ Diesel và năm 1910 động cơ turbine.
https://thuviensach.vn
Trong ngành công nghiệp hàng tiêu dùng phải kể đến ngành sản xuất giấy, in và bao bì. Những ngành này phát triển do nhu cầu xã hội và thị trường tăng rất mạnh.
Công nghiệp điện (Elektroindustrie) là ngành lớn mạnh như thần Prometheus mang lại ánh sáng, hoặc như thần đèn có sức mạnh thần kỳ. Điện đã bước ra khỏi phòng thí nghiệm và khỏi thời phát triển thơ ấu vừa đủ để truyền tin. Những phát minh sắp tới lần lượt ra đời kích thích nhu cầu về điện một cách vô tận. Bắt đầu là bóng đèn điện (Edison) và kỹ thuật chiếu sáng. Tiếp đến là điện khí hóa xe ngựa chạy trên đường ray trong thành phố. Siemens năm 1879 bắt đầu công việc này tại Lichterfelde / Berlin, sau đó tất cả thành phố lớn và trung đều đưa vào sử dụng xe điện. Xe điện trong thành phố là phương tiện chuyên chở người công cộng thích hợp nhất trong thời gian chưa có xe ôtô cho đến đầu thế kỷ thứ 20, mặc dù cuối thế kỷ 19 đã có xe ôtô taxi và xe ôtô tải nhưng chưa thông dụng. Các động cơ điện ra đời tiện lợi cho việc sản xuất và cho gia đình, làm cho những người sản xuất nhỏ có cơ may tồn tại hơn. Điện khí hóa cũng đi vào ngành sản xuất thép (như trong các lò Siemens-Martin), hoặc trong ngành sản xuất nhôm đang bắt đầu.
Nhu cầu của điện khí hóa các ngành công nghiệp kéo theo sự phát triển rất mạnh của Công nghiệp máy điện (Elektromaschinenindustrie) của Đức
https://thuviensach.vn
vào cuối thế kỷ thứ 19. Ngành này bao gồm việc sản xuất máy phát điện (Generatoren), biến thế, hệ thống chiếu sáng, truyền tin, vận chuyển, động cơ điện và đồ gia dụng. Sản lượng của ngành này năm 1914 gần gấp đôi sản lượng của Anh, gần bằng sản lượng của Mỹ, xuất khẩu gấp 2.5 lần nước Anh, gấp 3 lần nước Mỹ, thị phần xuất khẩu thế giới lên tới 50%. Hai công ty lớn góp phần phát triển ngành này là Siemens & Halske, Công ty con Siemens-Schuckert-Werke và tiếp đến là Công ty AEG. Họ chiếm hơn 50% thị phần. Năm 1883 người kỹ sư Emil Rathenau thành lập Công ty “Deutsche Edison-Gesellschaft”. Ông muốn sản xuất bóng đèn điện do Edison phát minh 1883. Được cổ vũ bởi sự thành công ngày càng lớn, năm 1887 ông đổi tên Công ty thành “Allgemeine Elektrizitäts Gesellschaft”, viết tắt là AEG, và mở rộng sang các mặt hàng điện, từ đồ gia dụng đến turbine điện, đầu máy xe lửa và luyện nhôm. Năm 1900 những đồ gia dụng điện đầu tiên được đưa ra thị trường: máy pha cà phê, nồi nấu nước, quạt máy và máy sấy tóc, nhưng được các bà nội trợ ưa chuộng nhất là bàn ủi điện. Ngành đồ điện đã phát triển nhanh chóng thành ngành công nghiệp lớn xuất khẩu. Năm 1913 hơn một nửa thị phần đồ điện của thị trường thế giới do Đức sản xuất.
Nhu cầu điện của công nghiệp và dân dụng rất lớn và phải được thỏa mãn. Điện phải được sản xuất hàng loạt, rẻ và truyền tải đến người tiêu dùng. Đó là một yêu cầu có tính cách mệnh lệnh. Máy phát điện ra đời từ 1866 và máy biến thế để truyền tải qua một khoảng cách lớn, với điện thế lớn. Nguyên tắc máy Dynamo của Siemens đặt nền tảng cho việc sản xuất máy phát điện tương lai. Trong bài báo cáo của ông đăng năm 1867 về nguyên lý của Dynamo Werner von Siemens viết: “Ngành kỹ thuật hiện nay đã được trao cho những phương tiện để có thể sản xuất dòng điện công suất không giới hạn một cách rẻ và tiện lợi khắp nơi.”[13] Việc sản xuất điện qui mô lớn bắt đầu. Tiếp theo đó năm 1891 Oskar von Miller (người thành lập viện bảo tàng khoa học Đức nổi tiếng sau này) cùng với AEG thành công trong việc xây dựng đường truyền tải từ Lauffen/Neckar đến Frankfurt/Main dài 179km, công suất 200-225 Kilowatt với một điện thế 30.000 Volt mà không hao hụt bao nhiêu. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó chứng tỏ sức mạnh ưu việt của điện năng so với
https://thuviensach.vn
sức mạnh của hơi nước. Điện có thể truyền đi khắp nơi cho người và kỹ nghệ sử dụng trong khi hơi nước phải tập trung và phải có đầu tư lớn riêng lẻ cho từng công ty xí nghiệp. Thời đại của điện thực sự bắt đầu! Các phát hiện trong phòng thí nghiệm từ Galvani, Volta, Oersted và Faraday từ cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 bây giờ mới thực sự thâm nhập vào xã hội và chuyển biến cuộc sống. Ở vùng Ruhr điện được sản xuất một phần qua sự hợp tác với các lò luyện kim, đặc biệt các nhà máy phát điện than-hơi nước dựa trên than nâu. RWE (Rheinisch Westfälisches Elektrizitätswerk) sản xuất 2.7 triệu Kilowatt giờ vào năm
1900, lên tới 16.388 triệu vào năm 1915. Năm 1891 có 9 nhà máy phát điện, năm 1906 có 94 nhà máy, dưới dạng cổ phần có sự tham gia của nhà nước, địa phương, và tư nhân. Nước Đức đi trước các nước Châu Âu khác và Anh 10 năm trong việc sản xuất và phân phối điện.
Cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền tin bằng điện tín, từ truyền tin bằng điện (Gauss và Weber 1833), truyền tin bằng kim, morse (1837), đến bằng kỹ thuật dòng điện yếu của Siemens (1847). Năm 1847 hình thành đường truyền điện tín công cộng đầu tiên giữa Bremen và Vegesack. Năm 1848 (năm cách mạng) Công ty Siemens nhận được một đơn đặt hàng đặt đường dây điện tín ngầm giữa Berlin và Frankfurt am Main, đường dây dài nhất châu Âu. Khách hàng là Vua Phổ. Frankfurt năm đó là chỗ họp của Quốc hội được bầu lần đầu tiên. Nhà vua muốn được thông tin về hoạt động của Quốc hội. Khi Vua Phổ Friedrich Wilhelm IV, được Quốc hội bầu lên kế vị, tin ấy được truyền ngay qua một khoảng cách 500km về Berlin! Đấy là một “cuộc cách mạng không gian và thời gian”. Năm 1814 tin chiếm được Paris phải mất 9 ngày mới đến Berlin. Trong vòng vài năm tất cả các trung tâm được nối lại với nhau, dọc theo đường xe lửa và dưới sự chủ trì của Bưu điện. Bây giờ quốc gia nối lại thành một, thị trường cũng thế, và được nối với thế giới bên ngoài. Và các lục địa cũng bắt đầu nối kết nhau. Con người có thể biết tin trong cùng một ngày về những gì xảy ra ở xa hàng nghìn cây số trong sự ngạc nhiên tột cùng trước thành tựu của khoa học và kỹ thuật. Để khắc phục những khó khăn kỹ thuật thả cáp dưới biển năm 1874 Công ty Siemens & Halske ở London (do hai người em William và Carl của Siemens lãnh đạo) đã đóng một
https://thuviensach.vn
chiếc tàu chuyên dùng cho việc thả cáp truyền tin dưới biển. Đến năm 1922 chiếc tàu đó đã thả mới và sửa chữa 60.000km cáp biển. Nó mang tên “Faraday” để cảm ơn nhà khoa học thiên tài đã mở đường cho ngành điện tín. Không phải chỉ vua Phổ đặt hàng, mà Nga Hoàng cũng hiểu ngay tầm quan trọng của điện tín trong việc quản lý vương quốc rộng mênh mông nên đã đặt hàng Công ty Siemens & Halske xây dựng mạng điện tín cho các tuyến Warschau-Petersburg, Moskau-Kiew, Kiew-Odessa, Petersburg-Reval, Petersburg-Helsingfors.
Nhưng điện tín chỉ dành cho các cơ quan nhà nước và thương nhân. Điện thoại được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 70 và trong những năm 80 mới thực sự là phương tiện truyền tin cho cá nhân, nhưng lúc đầu cũng chỉ được chủ yếu các thương nhân sử dụng.
Một cuộc cách mạng công nghiệp khác là công nghiệp hóa chất từ 1850 trở đi. Trong những năm 60 các Công ty Bayer, Hoechst và BASF ra đời. Đầu những năm 70 có 42 xí nghiệp sản xuất hóa chất ra đời dạng Công ty cổ phần (AG). Sản xuất màu nhuộm cho kỹ nghệ dệt đã bắt đầu được công nghiệp hóa. Soda, Chlor, acit sulphuric được sản xuất hàng loạt để phục vụ các ngành công nghiệp khác. Sản lượng Chlor của Đức năm 1904 bằng 65% sản lượng Chlor thế giới. Kết quả của nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh ở thập kỷ 80 và 90 đã cho ra sản phẩm dược ngày càng tăng. Phân hóa học cũng được tìm được thị trường nông nghiệp ngày càng lớn. Năm 1883 Đức sản xuất 50% sản lượng màu nhuộm tổng hợp thế giới, từ năm 1900 là 90%! Nước Đức trở thành nước xuất khẩu hóa chất hàng đầu, bên cạnh Mỹ, với thị phần 28%. Năm 1900 sản lượng Acit sulphuric của Đức bằng 55% sản lượng của Anh, đến năm 1913 bằng 115%. Doanh số hóa chất của Đức năm 1913 là 2,4 tỉ Mark so với 1,5 tỉ của Mỹ. Những tiến bộ trong Y khoa, Vi trùng học và Tiêm chủng kích thích ngành sản xuất dược phẩm tăng mạnh. Các xí nghiệp dược Merck, Bayer và Schering trở thành những xí nghiệp chuyên ngành quan trọng. Những loại thuốc Aspirin (Bayer), thuốc ngủ, thuốc hạ nhiệt là những sản phẩm “hóa liệu pháp” đơn giản đầu tiên được sản xuất. Năm 1900 sáu Công ty hóa chất lớn của Đức đã có 18.000 công nhân, 1.360 viên chức, 350 kỹ thuật viên và kỹ sư, và 500 nhà hóa học trong khi trong kỹ nghệ
https://thuviensach.vn
hóa ở Anh chỉ có 30-40 nhà hóa học hoạt động. Cho đến 1874 ở Anh không có một ghế giáo sư về hóa hữu cơ thì tại đại học München Adolf von Baeyer (giải Nobel Hóa 1905) đã có đến 50 phụ tá nghiên cứu. Tổng số vốn đầu tư của 6 Công ty hóa chất lớn của Đức năm 1900 là 1,4 triệu bảng Anh, trong khi của Anh chưa đầy 0.5 triệu. Nếu Anh có ưu thế của thuộc địa là những nước cung cấp nguyên liệu và nhập khẩu thành phẩm, thì nước Đức nỗ lực đầu tư nhiều hơn cho chất lượng sản phẩm, cho khoa học, chất xám để không lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu. Anh ngày càng rơi vào vị trí một nước cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất Đức, và nhập khẩu các loại hóa chất màu nhuộm, sản phẩm dược và quang hóa của Đức. Ngành công nghiệp hóa chất Đức vào cuối thế kỷ đã qua mặt các nước truyền thống hàng đầu và cho đến Thế chiến thứ I đã không ngừng mở rộng khoảng cách.
Thống kê các bằng sáng chế cung cấp mức độ thống lĩnh của kỹ nghệ hóa chất của Đức trên toàn thế giới. Những năm 1870 Đức đã chiếm giữ 50% thị phần thế giới với các loại chất nhuộm, và đạt tới đỉnh cao 93% năm 1913. Năm 1907, Anh quốc và Thụy Sỹ, những người cạnh tranh duy nhất về chất nhuộm của Đức, cộng lại có 35 bằng sáng chế nhuộm trong khi Đức có 134, tại Sở đăng ký bằng sáng chế Anh. Ở Sở sáng chế Đức, tình hình còn nghiêm trọng hơn nữa: 14 đối với 285. Do thế mạnh trong ngành hóa chất và điện, Đức đã chiếm giữ thị phần của tổng số bằng sáng chế thế giới tại Hoa Kỳ và đã vượt Pháp năm 1883, vượt Canada năm 1890, Anh quốc 1900. Năm 1938, số bằng sáng chế của Đức tại Mỹ bằng tổng số của ba quốc gia khác cộng lại.[14]
Cũng thuộc ngành hóa chất trong nghĩa rộng là ngành công nghiệp lạnh bằng ammoniac nén được Carl Linde thành lập từ 1872 phục vụ ngành chế biến thực phẩm đang tăng trưởng. Ngành vật liệu nhân tạo (Kunststoff) phát triển, với Lụa nhân tạo. Zellophan được sản xuất từ Zellulose năm 1899. Năm 1908-1911 Fritz Haber (giải Nobel 1918) và Bosch thành công trong việc tổng hợp Ammoniac từ Nitơ trong không khí và Hydro trong nước, cho phép sản xuất một cách thương mại. Ammoniac là hóa chất được sử dụng rất nhiều trong ngành hóa, cho việc sản xuất
https://thuviensach.vn
Soda, phân bón đồng thời thuốc nổ. Đó là thời điểm “bánh mì được sản xuất bằng không khí”.
Những phát minh và khám phá máy làm lạnh của Carl Linde, máy hơi nước của James Watt, các công trình nghiên cứu vi sinh, lên men, diệt khuẩn bằng nhiệt (pasteurization) của Louis Pasteur, nuôi men của Robert Koch đã cách mạng công nghệ sản xuất bia và đẩy sản lượng lên, cũng như giảm giá thành bia đáng kể. Bia trở thành thức uống rẻ hơn các thức uống thông dụng khác như cà phê, rượu vang. Năm 1875 Đức có tất cả 19.178 cơ sở sản xuất bia, với 69.423 công nhân viên chức. Đến năm 1907 chỉ còn 12.668 nhà máy bia, nhưng với số công nhân viên chức lên đến 123.047 (quá trình tập trung hóa). 1907 các nhà máy lớn sản xuất được 100.000l bia năm hoặc hơn thế. Ngành công nghiệp bia của Đức đã trở thành hàng đầu ở Châu Âu (chỉ đứng sau Mỹ về sản lượng), ảnh hưởng tốt đến kỹ nghệ bia của các nước khác. Vô số khách nước ngoài đến tham quan cơ sở sản xuất, giảng dạy, nghiên cứu bia của Đức. Năm 1873 Carl Lintner cùng với Karl Reischauer thành lập viện khoa học nghiên cứu bia Weihenstephan ở München, thiết lập nên tiêu chuẩn quốc tế cho ngành bia. Ngày nay Weihenstephan vẫn là trung tâm nghiên cứu, đào tạo chuyên viên bia nổi tiếng nhất thế giới của Đức. Lintner chính là người xây dựng công nghệ hiện đại của ngành bia. Cuốn sách của ông “Lehrbuch der Bierbrauerei” (sách giáo khoa về ngành nấu bia) đã đóng góp rất lớn vào sự truyền bá ngành bia hiện đại. Chuyên viên bia của Đức (Deutsche Biermeister) điều khiển các nhà máy bia ở nước ngoài, với các thiết bị, nguyên vật liệu để nấu bia của Đức, đã đưa tên tuổi công nghệ, know how bia của Đức lên hàng đầu thế giới. (Ở Việt Nam hầu hết các thiết bị trang bị cho các nhà máy bia đều được mua từ Đức).
Ngành xe hơi, tuy Đức là quê hương của chiếc xe hơi đầu tiên của thế giới, chưa phát triển đáng kể cho đến 1914.[15] Daimler, Maybach và Benz phát triền động cơ hai thì và bốn thì đầu tiên cho xe hai bánh, thuyền, xe ba bánh, bốn bánh. Đó mới chỉ là những mặt hàng xa xỉ, được sản xuất theo yêu cầu. Xe hơi tiện lợi hơn hết cho ngành y tế (cấp cứu). Sự phát triển từng bước lan rộng. Pháp là dân tộc rất nồng nhiệt với xe hơi. Năm 1913 Đức có 67.000 chiếc, tỉ lệ một trên 927 đầu người (Pháp 1:441).
https://thuviensach.vn
Quân sự là giới thúc đẩy mạnh nhất ngành sản xuất xe hơi, kế tiếp là bưu điện.
Năm 1914 Đức có 350 xe buýt bưu điện, trong đó 106 chiếc tại Bayern. Ngành xe hơi có ảnh hưởng lên các ngành sản xuất phụ tùng, thí dụ sự ra đời của những chiếc bu-gi của Công ty Robert Bosch, hay là việc sản xuất bánh xe, sau đó đến các ngành bảo hiểm, thuế và luật giao thông trên đường phố.
Ngành máy bay chưa có, chỉ mới có việc đóng phi thuyền Zeppelin. Từ năm 1850 trở đi nước Đức đã bước vào giai đoạn “Đại công nghiệp hóa” và đã đến gần các nước phát triển công nghiệp đi trước. Máy móc, công cụ công nghiệp, kỹ thuật mới và than đá đã trở thành cơ sở của nền sản xuất. Nước Đức bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh và thường xuyên. Công nghiệp từ vị trí bên lề đã trở thành khu vực kinh tế chủ đạo.
Và đến năm 1870 nước Đức đã hoàn toàn rũ sạch sự lạc hậu công nghiệp của mình đối với các nước Tây Âu, trong chừng mực đã vượt Pháp và Bỉ. Sự nghèo khổ rộng rãi trong dân chúng đã được khắc phục. Mức sống người dân được nâng cao. Nước Đức trẻ có những lợi điểm: giá lao động rẻ hơn, tiếp thu được những công nghệ hiện đại, xây dựng các xí nghiệp qui mô và hiện đại hơn. Công nghiệp không mang đến thất nghiệp, ngược lại giải được bài toán cho tăng trưởng dân số, sự thiếu công ăn việc làm và sự nghèo khổ tràn lan trước đây, cho sự lệ thuộc của nông nghiệp vào điều kiện thiên nhiên, và làm cho kinh tế chuyển dịch cơ cấu. Các động lực xã hội được cởi trói. Xã hội được kích thích làm ra thêm của cải. Thế giới hiện đại đã được khai sinh, thay cho thế giới cũ. Con người tin vào sức mạnh thần kỳ của khoa học, hơn vào kinh thánh. Tiến bộ và thành công được nhìn thấy khắp nơi. Tại Hội nghị các Nhà Nghiên cứu thiên nhiên và Bác sĩ Đức năm 1886 tại Berlin Werner von Siemens đã phát biểu:
https://thuviensach.vn
“Và như thế, thưa Quý Ông, chúng ta không muốn để bị đánh lạc trong niềm tin rằng hoạt động nghiên cứu và phát minh của chúng ta sẽ đưa nhân loại đến các bậc thang văn minh cao hơn, làm cho nhân loại cao quý và đến gần hơn những mục tiêu lý tưởng họ muốn vươn tới, rằng thời đại khoa học đang diễn ra sẽ làm giảm đi cảnh khổ của cuộc sống và bệnh hoạn dai dẳng của nhân loại, tăng cường sự hưởng thụ, làm cho nhân loại tốt hơn, hạnh phúc hơn và hài lòng hơn với số phận mình. Và nếu chúng ta không luôn luôn nhận thức rõ con đường đã dẫn đến tình trạng tốt đẹp này thì chúng ta hãy giữ chặt niềm tin chúng ta rằng ánh sáng của sự thật mà chúng ta nghiên cứu không dẫn chúng ta vào con đường lầm lạc, rằng sức mạnh mà nó đã đưa vào phục vụ nhân loại không thể nào hạ thấp nhân loại mà phải đưa nhân loại lên một nấc thang cao hơn của cuộc sống.”[16] Đó là sự lạc quan của một xã hội đang lột xác, một thời đại mới huy hoàng như hừng đông chói chang đang ló dạng.
Năm 1870 nước Đức vẫn còn thua kém nước Anh là nước phát triển nhất, hàng đầu và thường được lấy để làm cái thước đo lường. Tỉ lệ của các doanh nghiệp chưa cơ khí hóa còn cao, hệ thống xe lửa chưa phát triển toàn diện hẳn, việc áp dụng các công nghệ mới vẫn còn kém, mặc dù Đức đã khắc phục sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Anh. Nhưng trong thời gian tiếp theo Đức đã bắt kịp Anh trong lĩnh vực các ngành công nghiệp truyền thống (sắt, thép và máy móc), vượt qua Anh trong lĩnh vực các ngành công nghiệp mới (hóa chất, điện). Đức từ một nước “chạy theo” trở
https://thuviensach.vn
thành một nước tiên phong khai phá. Từ 1879 đến 1913 sản lượng công nghiệp của Anh tăng hai lần, của Đức tăng 6 lần. Đức trở thành nước xuất khẩu lớn. Nước Đức cùng với Mỹ là nước xuất khẩu hàng thứ ba thế giới năm 1870, từ những năm 80 trở thành nước xuất khẩu thứ hai với Mỹ, năm 1895 đã chiếm 60% xuất khẩu của Anh (nước có nhiều thuộc địa), với khuynh hướng tiếp tục tăng, khoảng cách ngày càng hẹp lại. Hàng hóa của Đức xuất hiện trên khắp các thị trường truyền thống của Anh, ở Nam Mỹ, ở Úc, ngay cả ở Anh. Sản lượng công nghiệp của Đức vào năm 1913 đã chiếm 16% trong khi của Anh chiếm 14% tổng sản lượng công nghiệp thế giới. Đêm trước của Thế chiến thứ I Đức đã trở thành nước công nghiệp phát triển nhất, hiện đại nhất châu Âu. Năm 1887 chính quyền Anh ban hành luật ”Merchandise Marks Acts” bắt buộc tất cả hàng hóa nhập từ Đức phải mang nhãn hiệu “Made in Germany” nhằm khống chế sự thâm nhập của hàng hóa rẻ và “kém chất lượng” của Đức. Nhưng bằng sự nâng cao không ngừng các tiêu chuẩn chất lượng một cách nghiêm ngặt hàng hóa Đức ngày càng tỏ ra là hàng chất lượng, ngang bằng hoặc hơn cả hàng Anh trên thị trường thế giới, nhất là bắt đầu cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ thứ 20. “Made in Germany” từ một nhãn hiệu bị kỳ thị đã trở thành biểu tượng của chất lượng cao, của “hàng hiệu” của sản phẩm Đức trên thế giới!
Đức là nước trẻ có quyết tâm lớn đuổi bắt và vượt các các nước khác, có tinh thần đổi mới hơn (innovativer), sáng tạo, năng động, hiệu quả và chấp nhận rủi ro hơn, hệ thống ngân hàng tài chính Đức tập hợp tín dụng rủi ro cho đầu tư dễ dàng hơn. Đầu tư cao cho giáo dục, khoa học kỹ thuật của Đức đã dần dần có tác dụng mạnh mẽ, trong khuôn khổ xã hội đã được cởi trói. Nghiên cứu khoa học ngày càng có quan hệ chặt chẽ với nhu cầu kinh tế. Không một quốc gia nào có mối quan hệ giữa sản xuất công nghiệp và nghiên cứu khoa học mật thiết như thế.
Nếu Anh quốc thống lĩnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ nhất từ nửa sau thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19, thì Đức, và bên kia bờ Đại Tây Dương là Hoa Kỳ, thống lĩnh cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai, 1879- 1930, càng mạnh mẽ hơn.
https://thuviensach.vn
Những thành tựu công nghiệp hóa đã vẻ vang, nhưng những thành tựu giáo dục, khoa học kỹ thuật của Đức có lẽ lại càng vẻ vang hơn, điều sẽ được đề cập trong Phần II của bài.
https://thuviensach.vn
PHẦN II: CUỘC ĐẠI CẢI CÁCH GIÁO DỤC, ĐẠI HỌC VÀ NHỮNG THÀNH TỰU KHOA HỌC, KỸ THUẬT
I. GIÁO DỤC
Một trong những cuộc cách mạng trung tâm là cuộc cách mạng giáo dục. “Chỉ có người được giáo dục mới biết và có sức để khắc phục sức ỳ trong mình và tìm thấy vui ở hoạt động”. Nhà nước và xã hội Đức đã ý thức vai trò “hướng đạo” của Đại học từ thời Cải cách tôn giáo (Reformation, thế kỷ 16), đã sử dụng Đại học như những định chế (Institutions) của Tri thức (Wissen) của Khoa học và của Lương tâm (Gewissen) của người hành động, đào tạo cả hai, kiến thức và đạo đức, phát triển nhân cách và cá tính, nhắm vào sự trung thành với nguyên tắc và những giá trị tinh thần, những giá trị làm thành “Văn hóa”, một khái niệm rất quan trọng đối với Đức. Văn hóa có nghĩa là vun xới (Kultivierung) tinh thần và tâm hổn. (Freud nói nhiều về Văn hóa trong quyển sách nổi tiếng của ông “Das Unbehagen in der Kultur” và những mâu thuẫn của nó với những ham muốn của con người). Những chức vụ nhà thờ và nhà nước đều phải được đào tạo ở đó.
Nét độc đáo ở Đức là các công chức (Beamten) phải được đào tạo ở đại học. Đó là lý do khiến giai cấp công chức này chính là người đã thực hiện cuộc cách mạng và canh tân đất nước một cách thành công sau khi thua Napoleon. Đó là cuộc cách mạng của tầng lớp công chức có tri thức. Nước Đức càng tin tưởng mãnh liệt chỉ có giáo dục mới giúp đất nước tiến lên vị trí hàng đầu. Giáo dục, và giáo dục bằng khoa học, đã trở thành một lý tưởng sống mới giữa thế kỷ 19. Giáo dục đã trở thành một tôn giáo của đời thường. Nhà nước trở thành nhà nước của giáo dục, của trường học. Giáo dục nhằm mục đích đưa con người đến tự hành động, tự phát triển các tiềm năng của mình, chứ không phải chỉ thi hành hay làm theo mệnh lệnh. Đó là điều nhà nước Phổ cần. Thế giới ý tưởng (Ideenwelt) của giáo dục đã được nhiều con người cao quý gieo trong thế kỷ 18: Rousseau, Kant, Herder, Goethe, Schiller, Fichte; trong sư phạm: Pestalozzi. Đấy là đợt sóng cao của chủ nghĩa nhân văn mới
https://thuviensach.vn
(Neuhumanismus), khởi đầu là Rousseau, nhằm nâng cao con người, giải phóng nó ra khỏi những ràng buộc khắt khe của quan hệ xã hội vua chúa, quí tộc làm lệch lạc thiên nhiên (của con người) và hèn hạ bản chất cao quý của nó, chủ trương trở về thiên nhiên, về miếng đất văn hóa trả lại những giá trị chân thiện mỹ và đạo đức, phát triển con người thành toàn diện, lý tưởng, như đã gặp ở thế giới Hy lạp thời Hellen, có một tình yêu lửa cháy đối với cái đẹp, cái hoàn hảo. Người Đức không tự ví mình như những người La mã (chiến chinh), mà thấy gẩn gũi với dân tộc Hy lạp hơn, một dân tộc đã thiết lập sự hiện hữu vĩnh cửu của mình trong thế giới ý tưởng của triết học, khoa học, văn học và nghệ thuật hơn là trong quân sự hay chính trị. Thế giới Hy lạp là sự biểu lộ cao nhất (höchste Offenbarung) của con người. Hãy học, hãy đào tạo con người theo Hy lạp! Phát triển con người thành toàn diện, thiên nhiên (của con người) đến hoàn hảo, đó là khẩu hiệu và là chương trình hành động quốc gia. Con người không phải là con rối được tạo dựng theo sơ đồ của ước lệ xã hội, hay những người thợ thủ công đơn điệu nghèo nàn của một ngành nghề, hoặc những người theo một tín giáo cuồng nhiệt, mà là những nhân cách được xây dựng từ bên trong, những con người tự do, xây dựng tác phẩm nghệ thuật của cuộc đời bằng sức sáng tạo của mình, cũng là tác phẩm nghệ thuật của một xã hội công dân tự do. Sự phát triển toàn diện có lẽ đã được diễn tả trong hai câu thơ của Goethe:
Willst Du ins ưnendliche schreiten
Geh nur im Endlichen nach alỉen Seiten
Nếu muốn tiến vào (thế giới) Vô hạn
Thì hãy đi trong Hữu hạn (thế giới này) về mọi phía
Nước Đức vào cuối thế kỷ 18 đã sống trong một thế giới những ý tưởng cao cả của nhân phẩm con người và của sự giáo dục toàn diện của con người, như Kant, Fichte, Goethe và Schiller đã để lại dấu ấn. Cuộc thay đổi lớn lao các quan hệ quốc gia gây nên bởi Napoleon đã làm miếng đất cho cuộc thay đổi trong giáo dục của Phổ đã sẵn sàng. Phổ là nước trong các quốc gia châu Âu phải chuốc lấy thất bại nặng nề nhất. Nhưng chính vì thế mà niềm hy vọng, ý chí và sự tin tưởng vào sự nghiệp giáo dục con người lại càng lớn, quyết tâm, nồng nhiệt hơn bao giờ hết trong lịch sử.
https://thuviensach.vn
Nguồn gốc của tai họa vừa qua chính là sự không trưởng thành (Unmündigkeit) của dân tộc, sự lệ thuộc tuyệt đối (absolute Untertänigkeit) của nó. Hệ quả là sự thờ ơ và xa lạ đối với nhà nước và tổ quốc, cả sức sáng tạo to lớn của nhân dân không được phát triển. Con người phải được giáo dục thành những công dân tự do, trưởng thành, thoát ra khỏi sự thụ động bị cầm giữ bởi nhà thờ, trường học cũ và nhà nước, để trở thành những nhân cách hành động, tự do, biết ước muốn, và phát triển toàn diện cao nhất. Cách mạng Pháp đã đưa dân tộc Pháp ra khỏi tình trạng tối tăm, vô vọng của mình dưới chế độ cũ và đã phát triển hết mọi sức mạnh của nhân dần, dưới sự lãnh đạo của Napoleon đã đánh sập châu Âu cũ kỹ. Để cứu vãn mình, nước Phổ phải làm một cuộc đổi mới từ chiếu sâu của bản chất của quốc gia. Nhà nước phải chấm dứt là công việc của chỉ nhà nước, mà phải là công việc của nhân dân. Scharnhorst, người đã xây dựng quân đội nhân dân (Volksheer) của Phổ, đã nói: Phải xây dựng nhà nước trên ý chí và sức mạnh của những công dân tự do, thì họ mới tự bảo vệ sự tồn tại của nó (nhà nước) bằng chính bàn tay vũ trang của mình (công dân) khi cần thiết.
Nước Đức đã làm một cuộc cải tổ toàn diện hệ thống giáo dục của mình, trên miếng đất của chủ nghĩa nhân văn mới, với phương pháp và tinh thấn sư phạm của Pestalozzi, bắt đầu từ sơ cấp. Con người đặt nền tảng, cũng như có ảnh hưởng quyết định trong cuộc cải cách này là Wilhelm von Humboldt. Nước Đức vào giai đoạn quyết liệt của lịch sử đã có những con người tài ba không thể nói hết để đáp ứng kịp thời nhu cầu của lịch sử. Ông là nhân cách đặc biệt và nổi bật nhất của thời đại ông. Ông vừa là một triết gia, một bác học, người nghiên cứu ngôn ngữ, đồng thời là một chính trị gia. Tất cả khuynh hướng của thời đại đã hội tụ trong ông. Lớn lên ở một Berlin soi sáng (aufgeklärt), nghe các bài giảng về lý thuyết nhân văn mới ở Göttingen của Heyne một cách nồng nhiệt, bên cạnh việc nghe các bài giảng của Lichtenberg và Schlözer, tự học triết học của Kant và qua đó thấm nhuần những tư tưởng triết học mới của thời đại, là bạn thân với Schiller, ông đã tìm thấy trọng tâm của những quan tâm tinh thần của ông nằm trong thế giới cổ đại Hy Lạp: con người, và ý tưởng của nó trong thế giới Hy lạp. Ba tuần sau khi ngục Bastille bị phá,
https://thuviensach.vn
ông đã có mặt tại Paris để chứng kiến cuộc cách mạng. Sau nhiều năm làm đại diện tại tòa thánh La mã, ông được cử vào lãnh đạo của ủy ban giáo dục được thành lập mới của Phổ. Tuy ở vị trí này thời gian chỉ có một năm nhưng ông cũng có đủ thì giờ để đặt toàn bộ hệ thống giáo dục của nhà nước Phổ lên một nền tảng mới, không những cho đại học, mà cho trường các cấp tiểu học và trung học. Mục tiêu là giáo dục toàn diện con người thành nhân cách tự do, trưởng thành, tự lập về trí tuệ và đạo đức. Con đường giáo dục là tập tự sử dụng những khả năng của chính mình, tự sử dụng cái đầu của mình (Kant). Nhiệm vụ của người thầy là đánh thức các khả năng tiềm tàng, và cho chúng cơ hội để hành động. Phương pháp cũ như nhồi nhét nội dung tinh thần cho đứa trẻ thụ động bằng mệnh lệnh hay học thuộc lòng chẳng bao giờ là giáo dục đích thực cả. Khả năng tinh thần như nhận thức, tư duy, phán đoán chỉ có thể phát triển bằng những cách sử dụng được chúng một cách tự nhiên, tự phát thì mới phát triển được. Tương tự cho các khả năng đạo đức: sự phán đoán và ý muốn đạo đức phải được “nhử” ra từ nội tâm và được xây dựng, tự hành dộng, để trở thành sự ước muốn tự do tự nguyện (Freies Wollen) của cái chân, thiện (des Rechten und Guten). Phương pháp giáo dục (Pädagogik) là đánh thức tinh thần, tăng cường sự tự hoạt động của tinh thần, đánh thức những tình cảm cao quý, khuyến khích phát triển thế giới ý tưởng, và giảm thiểu khuynh hướng hưởng thụ trong cuộc sống. Đó là phương pháp sư phạm của Pestalozzi mà Freiherr vom Stein đã tiếp thu cho mục đích giáo dục của nước Phổ. Fichte gọi Pestalozzi là người giải phóng cứu rỗi (rettender Befreier) bên cạnh Luther. Với Hegel sư phạm là “nghệ thuật làm cho con người thành đạo đức” (“die Kunst, die Menschen sittlich zu machen”), biến đổi “thiên nhiên thứ nhất của nó thành một thiên nhiên thứ hai về tinh thần” (“die erste Natur zu einer zweiten geistigen umzuwandeln”), “để cho phần tinh thần này trở thành thói quen trong nó” (“so daß dieses Geistige in ihm zur Gewohnheit wird”).
Trường học không còn là trường của nhà thờ, mà là trường của nhà nước; dạy tự nhìn, tự suy nghĩ và tự hành động; là trường không phải của kiến thức mà là của nhận thức (anschauliches Erkennen); không phải dạy khái niệm và chữ nghĩa, mà hướng đến sự phát triển toàn diện con người;
https://thuviensach.vn
không phải dạy học sinh học thuộc lòng, mà phải sử dụng các giác quan và đầu óc; không phải kìm hãm mà là phát triển tính lý (Vernunft); không phải khinh miệt mà khuyến khích kiến thức của tự nhiên và sự đào tạo cho cuộc sống thực; không hành hạ học sinh bằng sự chuyên chế kỷ luật mà nhằm phát triển tự nhiên trong con người theo các quy luật thiên nhiên.
Đó là thời đại của sự tin tưởng nồng nhiệt vào sự đổi mới lớn lao của bản chất con người. Chưa có thời đại nào sự nồng nhiệt tràn đầy hy vọng với một tình yêu tận tụy lớn như thế đối với sự nghiệp giáo dục khai phóng các thế hệ sắp tới như trong thời đại của sự bị làm nhục bên ngoài. Trong đêm tối của đất nước, những người con ưu tú của nước Đức đã thắp sáng lên ngọn đuốc trí tuệ để chỉ đường cho dân tộc tiến lên cho cả thế kỷ tới, cho dù con đường có những khúc quanh co hay thoái trào vì những biến động chính trị, nhưng cuối cùng dân tộc đó đã đạt những gì gửi gắm vào tương lai. Nước Đức trong thế kỷ thứ 19 thực sự đã bước lên đến đỉnh cao của phong trào giáo dục trong các dân tộc châu Âu. Đại học của nó đã trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học mẫu mực cho cả thế giới, và đón nhận sự ngưỡng mộ cũng như những dòng người đến từ khắp nơi trên trái đất, ảnh hưởng như một kiểu mẫu lên việc tổ chức đại học các nước khác, đặc biệt rõ nét nhất lên các đại học Mỹ. Trong lĩnh vực hệ thống đào tạo kỹ thuật, Đức cũng là nước hàng đầu ở Chầu Âu.
II. ĐẠI HỌC ĐỨC
Đại học và trường học đã trở thành như “đền thờ” thiêng liêng. Nhà nước Phổ trở thành nhà nước của Đại học, giáo dục và khoa học, tài trợ cho Đại học, có quyền phán quyết tối thượng, nhưng cũng để cho Đại học có tự do rộng rãi tự quản lý công việc hàn lâm và hành chính của mình. Đại học Đức là nơi khoa học được nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu khoa học được truyền dạy cho sinh viên, không phải là nơi để trả bài hay học thuộc lòng. Ở Phổ hai giới được Ưu đãi và quý trọng nhất là giới quân sự và giới bác học (Gelehrten). Phổ là quốc gia vinh quang trong quân đội và đại học của nó. Đức là nước con người đặc biệt có một niềm đam mê đích thực về trí tuệ, tư duy, trong khoa học chính xác cũng như
https://thuviensach.vn
khoa học tinh thần (Geisteswissenschaften). Đối tượng của Đại học là Wissenschaft Khoa học và học thuật và con đường đi tới đó là nghiên cứu và khám phá.
Hermann Weyl, một nhà toán học lớn của Đức đầu thế kỷ 20, đã viết vào năm 1953: “Tôi tin điều này: dù lịch sử chính trị của nước Đức có tai họa bao nhiêu qua bao thế kỷ, lịch sử nền giáo dục đại học của nó vẫn là điều may mắn”. (“I believe this to be true: As disastrous as Germany’s political history has been through the centuries, so fortunate is her history of higher education”). Dân tộc Đức trong lịch sử của mình có thể ít được hưởng tự do nói chung nhưng tinh thần tự do trí thức (intellectual freedom) trong một số đại học Đức phát triển mạnh từ thế kỷ thứ 18 (cho đến 1933, khi chế độ quốc xã được thiết lập đến năm 1945). Stanley Hall, chủ tịch đầu tiên của đại học Clark đã viết năm 1891: “Đại học Đức hôm nay là điểm tự do nhất trên quả đất...Không ở đâu niềm đam mê đẩy (nghiên cứu khoa học) đến những vùng biên giới của tri thức nhân loại bao trùm đến thế”.
Đại học Đức vào cuối thế kỷ thứ 18 đã rũ bỏ hết tinh thần của triết lý kinh viện (scholastische Philosophie) của những thế kỷ trước đã xuất phát từ tôn giáo, và thay vào đó là một triết lý của sự độc lập, tự do và duy lý, đặt việc nghiên cứu trong khoa học lên hàng đầu và không công nhận các quyết định của các cơ quan quyền lực thuần túy.
Đại học Halle - đại học chính của Phổ, tiếp theo là Göttingen, đã làm những cuộc đổi mới căn bản trong hệ thống đại học lúc bấy giờ của Đức: 1. Nguyên tắc Tự do Nghiên cứu và Giảng dạy (Freiheit der Forschung und Lehre) được thiết lập và được chính quyền công nhận như nguyên tắc mới của Đại học.
2. Hình thức dạy học cũng có những thay đổi căn bản: thay vào việc chỉ cắt nghĩa, diễn giải các sách giáo khoa là sự thuyết minh (Vortrag) hệ thống về khoa học; xê-mi-ne được đưa vào thay thế hình thức thảo luận cũ, không nhằm củng cố các kiến thức cũ mà nhằm đưa vào cái mới của khoa học, để hướng dẫn
https://thuviensach.vn
nghiên cứu độc lập cho sinh viên. Giáo sư bắt đầu là những người nghiên cứu độc lập.
3. Tiếng Đức được công nhận chính thức là ngôn ngữ của giảng dạy đại học (trừ các khoa thần học hay nhân văn, ngôn ngữ).
Hệ thống giáo dục cũ của Đại học dựa trên sự giả định chân lý đã có sẵn và giáo dục đại học chỉ nhằm truyền bá tiếp chân lý đó. Hệ thống giáo dục mới dựa trên giả định chân lý phải được tìm mới, và nhiệm vụ giáo dục là dạy con người nghiên cứu để đi tìm chân lý. Đây cũng chính là sự tiếp nối của tinh thần của cuộc Cải cách tôn giáo (Reformation) thế kỷ 16. Khoa học không cần những tài năng sao chép, mà cần những tài năng khám phá những chân trời mới.
Cuối thế kỷ 18 khi Pháp trong cuộc cách mạng của mình không còn công nhận vai trò của đại học cũ, khi Anh nhìn các đại học của mình như quá lạc hậu, thì Đức lại nhìn lên đại học mình như niềm hy vọng, chờ đợi ở đó những nhịp đập định hướng cho tương lai khoa học, thế giới quan và đời sống cộng đồng. Ở Pháp và Anh việc nghiên cứu khoa học cũng đã được chuyển từ đại học sang hàn lâm viện từ thế kỷ 17: đại học không còn là nơi sinh hoạt của đời sống khoa học của quốc gia. Ở Đức cũng có hàn lâm viện, nhưng không có vai trò như ở Pháp, Anh, kể cả hàn lâm viện Phổ do Leibniz thành lập 1700 ở Berlin. Không phải hàn lâm viện Berlin, mà đại học Halle là nơi nghiên cứu khoa học đầu tiên của Phổ, mặc dù Halle không được trang bị và ưu ái bởi nhà vua như viện hàn lâm Berlin. Kế đến là đại học Göttingen.
Sự thành lập Đại học Berlin năm 1810 đã mở ra một chương mới trong đời sống đại học Đức. Nó là sự phá vỡ hoàn toàn truyền thống hàn lâm cũ. Nó là trung tâm nghiên cứu khoa học tự do của Phổ (die Stätte freier wissenschaftlicher Arbeit). Được đầu tư lớn về vật chất so với sự túng thiếu của quốc gia lúc bấy giờ, nó là nơi tập trung trí tuệ và lòng tự tin của quốc gia, để đất nước từ sự suy sụp lại vươn lên, như phượng hoàng vươn lên từ đống tro tàn. “Nhà nước Phổ phải bù lại những tổn thất vật chất bằng những sức mạnh tinh thần” (Der preußische Staat müsse durch
https://thuviensach.vn
geistige Kräfte ersetzen, was er an physischen verloren habe.), như chính lời của vị vua nói. Ý tưởng của Wilhelm von Humboldt là sự cứu rỗi quốc gia Đức bằng sự kết hợp việc giảng dạy và nghiên cứu (Lehre und Forschung). Thời gian đã chứng minh ông hoàn toàn có lý.
Đại học Berlin được thành lập 1810 là để hoàn thành những gì đại học Halle và Göttingen đã bắt đầu ở thế kỷ 18. Hai đại học này thực ra chủ yếu vẫn còn là một “trường trung học”, vì nhiệm vụ chính của giáo sư vẫn là dạy học, trong khi nghiên cứu khoa học còn là nhiệm vụ phụ, và thành tích chính của sinh viên vẫn còn là tiếp thu những gì được giảng dạy. Ở Berlin ngược lại yêu cầu được đặt lên ưu tiên hàng đầu là phải xuất sắc trong nghiên cứu ở một ngành khoa học, giảng dạy là hàng thứ hai. Con người nghiên cứu thành đạt trong khoa học vẫn là người thầy hữu hiệu nhất. Nhiệm vụ của việc học trên đại học không phải là tiếp thu những kiến thức bách khoa hay kinh viện mà là tham gia vào việc nghiên cứu khoa học và vươn đến ý tưởng (Erhebung zur Idee). Chính quyền có thể đặt ra chương trình giáo khoa, luật lệ, quy định cho cấp tiểu học hoặc trung học, nhưng công việc nghiên cứu khoa học ở đại học không thể được quản lý bằng quy định hay luật lệ của cơ quan nhà nước. Nó chỉ có thể phát triển trong sự tự do hoàn toàn. Đi tìm nhiệm vụ, mục tiêu, phương thức và con đường nghiên cứu dẫn đến thành công là việc của mỗi người. w.v. Humboldt đã trình bày: “Nhà nước phải đối xử với các đại học của mình không phải như trường trung học hoặc các loại trường đặc biệt; không được đòi hỏi ở các đại học những yêu cầu liên quan trực tiếp đến nhà nước, mà chỉ gây nên niềm tin, rằng một khi đại học đạt được mục đích của nó thì cứu cánh của nhà nước cũng được thỏa mãn theo, dưới một góc độ cao hơn nhiều....”[17]
Ý tưởng của W.V. Humboldt về khoa học là: “Sự tổ chức các cơ sở khoa học cao phải dựa trên sự bảo toàn nguyên tắc xem Khoa học là Cái chưa tìm được ra hết, Cái không bao giờ tìm ra được trọn vẹn và chúng ta không ngừng đi tìm nó. Một khi người ta chấm dứt việc đi tìm Khoa học, hay tự nghĩ rằng, Khoa học không cần được tạo ra từ chiều sâu của Tinh thần, mà chỉ cần được thu thập xếp hàng dài, thì lúc đó Tất cả sẽ bị mất mát một cách không gì cứu vãn được và mãi mãi; mất mát cho Khoa học -
https://thuviensach.vn
nếu điều này tiếp tục lâu dài Khoa học sẽ biến mất đến độ chỉ để lại một ngôn ngữ như cái vỏ rỗng- và mất mát cho Nhà nước. Vì chỉ có Khoa học - xuất phát từ nội tâm và có thể gieo trồng vào nội tâm, mới chuyển hóa được Tính cách, và - đối với Nhà nước cũng như Nhân loại- Tính cách và Hành động quan trọng hơn là Kiến thức và Lời nói.”[18](Wilhelm von Humboldt nói về Đại học Berlin khi thành lập).
Ở Pháp Napoleon (1808) tổ chức các trường đại học theo mô hình ngược lại: các phân khoa được thiết lập thành các trường chuyên nghiệp biệt lập với những chương trình đào tạo và chế độ thi cử được đặt ra bởi nhà nước, các giáo sư là người thầy và kiểm tra thi cử, không phải là học giả, bác học (Gelehrter) và không còn nhiều tự do cho nghiên cứu khoa học. Đức là nước có can đảm đã chọn trong thời điểm khó khăn nhất lịch sử của mình con đường ngược lại, cho công chức của mình có tự do hoàn toàn để đi đến khoa học. Đó là ấn tượng không bao giờ phai của niềm tin dũng cảm: tin vào chính mình, vào Tự do và Chân lý! Chỉ hai thế hệ sau, sau khi Pháp thua trận Đức, nước Pháp đã phải tổ chức lại các đại học của mình theo mô hình đại học của Đức. Điều này lại càng chứng minh tính ưu việt của tinh thần tự do trước tinh thần quản lý chặt (Reglement) trong khoa học.
https://thuviensach.vn
Đại học Berlin có 29 vị lĩnh giải Nobel vào đầu thế kỷ 20, tính những người được giải trong thời gian làm việc ở đây, kể cả người
nước ngoài. Trong đó có Emil von BEHRING, Robert KOCH, Jacobus Henricus van‘t HOFF (Hòa Lan),Theodor MOMMSEN, Emil FISCHER, Adolf von BAEYER, Fritz HABER, Walter NERNST, Max PLANCK, Albert EINSTEIN, Max von LAUE, Wilhelm WIEN, Gustav HERTZ, James FRANCK, Werner HEISENBERG, Erwin SCHRÖDINGER (Đức gốc Áo),.. .Lúc thành lập có 4 phân khoa chính cổ điển: Luật, Y khoa, Triết học và Thần học. Khóa học đầu tiên có 256 sinh viên, và 52 người giảng dạy. Georg Friedrich Wilhelm Hegel (Triết học), Karl Friedrich von Savigny (Luật), August Boeckh (Ngôn ngữ cổ), Christoph Wilhelm Hufeland (Y khoa) và Albrecht Daniel Thaer (Nông nghiệp) là những người đã định hình các phân khoa theo tinh thần của Humboldt. Đại học nhanh chóng, với sự nâng đỡ của Alexander von Humboldt, mở rộng ra đến nhiều phân khoa khác như Vật lý với Hermann von Helmholtz, Hóa học với August Wilhelm von
https://thuviensach.vn
Hofmann, Toán học với Emst Kummer, Leopold Kronecker, Karl Theodor Weierstraß...Y khoa có thêm những tên tuổi như Johannes Müller und Rudolf Virchow. Nhà triết học Johann Gottlieb Fichte là viện trưởng được bầu đầu tiên. Trong số những sinh viên ghi danh học người ta thấy có Heinrich Heine, Adelbert von Chamisso, Ludwig Feuerbach, Otto von Bismarck, Karl Liebknecht, Franz Mehring, Alice Salomon, Karl Marx và Kurt Tucholsky.
https://thuviensach.vn
Những đặc trưng nổi bật của Đại học Đức là: (1) Sự thống nhất giữa dạy học và nghiên cứu (Einheit der Lehre und Forschung); (2) Tự do dạy (Lehrfreiheit) và Tự do học (Lernfreiheit).
(1) Sự thống nhất giữa dạy học và nghiên cứu là một trong những đặc tính của Đại học hiện đại của Đức thế kỷ 19 và trở thành truyền thống của Đức, có khác hơn ở Anh hay Pháp. Mỗi giáo sư là một học giả nghiên cứu một cách độc lập và tự do. Người giảng dạy tốt phải là người nghiên cứu giỏi, đó là phương châm. Người nghiên cứu giỏi phải có nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên đi vào nghiên cứu, do đó phải đảm nhiệm việc dạy học. Một người được phép dạy (tức trở thành Privatdozent, để sau này trở thành giáo sư) chỉ sau khi đã được công nhận là người nghiên cứu giỏi, được cấp venia legendi (sau khi làm xong Habilitation). Cho nên những nhà khoa học lớn đều là những người thầy của thế hệ trẻ hàn lâm. Đó là cuộc tiếp xúc trực tiếp để chuyển ngọn lửa khoa học đến thế hệ trẻ tiếp nối. Điều này làm cho tài năng phát triển nhanh chóng. Việc dạy học không phải là việc từ chương từ sách vở mà là công việc hướng dẫn giảng dạy và đào tạo sinh viên cách thức đi khám phá cái mới. Sự thật, cái mới là điều phải luôn luôn đi tìm. Trong khi các bài giảng của giáo sư có tính cách “dạy”, thì xê-mi-ne lại mang tính chất “tranh luận” và là nơi để sinh viên được làm quen và tập luyện với việc nghiên cứu tìm tòi cái mới. Xê-mi-ne là nơi sự tiếp xúc giữa giáo sư và sinh viên trực tiếp hơn, sinh viên tham gia tích cực hơn với những ý tưởng mới của mình và tập sự những công việc nghiên cứu khoa học độc lập đầu tiên. Sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với những tài năng đầu đàn. “Ai một lần được tiếp xúc với những tài năng vĩ đại sẽ thay đổi thước đo tinh thần cho cuộc đời, và cuộc tiếp xúc như thế là điều thú vị nhất cuộc đời có thể mang lại được.”[19](H. Helmholtz). Quan hệ giữa giáo sư và học sinh không phải là quan hệ trên dưới. Cả hai đều là những người đồng hành, Mitstreiter, trong cuộc đi tìm và khám phá chân lý.
Sự thống nhất của nghiên cứu và giảng dạy đã bắt nguồn từ đại học Halle vào đầu thế kỷ thứ 18 dưới ảnh hưởng của triết học của Leibniz và Christian Wolff. Phân khoa triết học của đại học Phổ này đã trở thành trung tâm của sự tự do nghiên cứu trong các ngành vật lý, toán học, triết
https://thuviensach.vn
học.... Sự nghiên cứu độc lập và rèn luyện cho việc nghiên cứu đã trở thành nhiệm vụ trung tâm cho khắp các phân khoa đại học. Ít lâu sau đó (1737) đại học Göttingen được thành lập cũng theo tinh thần của đại học Halle. Chính hai đại học này đã làm nên bản tuyên ngôn của tinh thần tự do cho nghiên cứu, dạy và học của Đức. Göttingen sau này viết nên những trang sử sáng chói của khoa học Đức trong toán học và vật lý, bên cạnh Berlin.
(2) Tự do dạy (Lehrfreiheit): giáo sư không phải chỉ là người dạy học thuần túy hay một viên chức, họ là bác học, Gelehrter, một người nghiên cứu khoa học, tìm tòi cái mới. Họ được tự do dạy những gì họ tin là đúng. Nếu họ là người nghiên cứu khoa học độc lập thì họ phải được tự do dạy cho sinh viên những đề tài họ muốn một cách không giới hạn.
Khác hơn trường học, nơi học sinh học để nắm lấy những chân lý đã có, Đại học là nơi đi tìm chân lý mới, trong khi Đại học thời trung cổ có nhiệm vụ giống như trường học là chỉ dạy chân lý cũ mà không tìm tòi khám phá. Người sinh viên không còn là học trò theo nghĩa cũ nữa. Giáo sư phải là những người dạy được những cái mới, những khám phá mới cho sinh viên. “Người ta chỉ có thể chiếm được sự thuyết phục tự nguyện của học trò khi sự diễn tả tự do của người thầy cho những điều ông tin tưởng được bảo đảm, đó là sự tự do giảng dạy”[20](Helmholtz). Trải qua bao cuộc chiến tranh và biến động chính trị trong khi bao nhiêu luật lệ cũ của xã hội đều tiêu vong thì Đại học Đức vẫn bảo toàn được cái lõi của Tự do, những mặt quí giá nhất của Tự do này, lớn hơn, nhiều hơn một nước Anh bảo thủ và một nước Pháp đang đuổi bắt tự do như bão táp, như Helmholtz nói. Tự do lớn lao cho người Thầy đứng trên bục giảng để hướng dẫn học sinh đi tìm tòi khoa học gắn liền chặt chẽ với một trách nhiệm cũng không kém lớn lao. Helmholtz, một nhà khoa học lớn của Đức được ví như con người tiêu biểu của Phổ trong khoa học, bởi tài năng đa dạng và sự sâu sắc trí tuệ của ông, đã diễn tả trách nhiệm ấy như sau: “Quý Ngài đừng quên, các Đồng nghiệp quý mến, Quý Ngài đang đứng ở một vị trí trách nhiệm. Cái trách nhiệm cao quý mà tôi vừa nói Quý Ngài phải gìn giữ không những cho chính Dân tộc của Quý Ngài mà còn như một sự tiêu biểu cho các giới khác của nhân loại. Quý Ngài phải chứng
https://thuviensach.vn
minh rằng tuổi trẻ cũng biết ngưỡng mộ tính độc lập của sự thuyết phục (của những cái mới) và lao động cho nó.
Tôi nói lao động; vì tính độc lập của sự thuyết phục không phải là sự chấp nhận dễ dãi những giả thuyết chưa kiểm chứng, mà là kết quả của sự kiểm chứng nghiêm ngặt và lao dộng kiên quyết. Quý Ngài phải chứng minh rằng sự thuyết phục đã được gặt hái là một hạt giống có thể nảy mầm của nhận thức mới và là một chuẩn mực mới của hành động tốt hơn sự hướng dẫn thiện ý nhất của quyền lực (Autorität). Nước Đức, từng đã nổi dậy trước nhất cho quyền của sự thuyết phục như thế ở thế kỷ 16 và đã đau khổ khi phải trả giá bằng máu, vẫn còn đứng trên hàng đầu trong cuộc chiến đấu này. Nó đã được trao một nhiệm vụ lịch sử cao cả của thế giới, và Quý Ngài bây giờ đã được chọn để cùng chiến đấu.”[21] (Diễn văn năm 1877 trong buổi lễ nhậm chức Viện trưởng của Đại học Friedrich Wilhelm Berlin, Humboldt sau này.)
https://thuviensach.vn
Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 Năm, nhà xuất bản Tri Thức 2011. Với nhóm chủ biên: Ngô Bảo Châu - Pierre Darriulat - Cao Huy Thuần - Hoàng Tụy - Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm
Sự giảng dạy tự do gắn liền với Sự nghiên cứu độc lập. Không có nghiên cứu độc lập không có giảng dạy tự do. Khoa học phải độc lập và thuần túy. Người Đức rất trọng khoa học thuần túy (pure Science, reine Wissenschaft). Khi thành lập Đại học Berlin, Wilhelm von Humboldt đã nói: “Khoa học là cái căn bản; vì nếu nó thuần túy, nó sẽ được theo đuổi một cách trung thực và thích đáng, mặc dù có những sự lầm lạc ngoại lệ. Cô đơn và tự do là những nguyên tắc trong lĩnh vực này!”[22] Chúng ta có thể nghe Max Planck nói thêm: ”Chính ngay ở nước Đức các ngành Kỹ
https://thuviensach.vn
thuật, Y khoa, Nông nghiệp đạt được những thành tựu to lớn cơ bản là nhờ vào một khoa học có thể phát triển một cách độc lập với quyền lợi kinh tế. Chúng ta không bao giờ được phép quên rằng, sóng truyền tin, tia Röntgen, trực khuẩn bệnh than, và phương pháp chế tạo ra Nitơ, chỉ đơn cử một vài thí dụ, đều được khám phá trong những viện nghiên cứu khoa học hoàn toàn thuần túy. (...) Chính vì thế mà luôn luôn lại phải mài sắc lương tâm trong dư luận rộng rãi và đặc biệt trong những nơi có trách nhiệm... rằng công việc nghiên cứu khoa học thuần túy đối với một dân tộc văn hóa... thuộc về những tất yếu của cuộc sống như lao động trong nhà máy và hầm mỏ...”[23](Phát biểu năm 1922 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập “Hội những người nghiên cứu tự nhiên và bác sĩ Đức” mà ông là chủ tịch.)
(3) Tự do học (Lernfreiheit): Người sinh viên bước vào ngưỡng cửa Đại học sẽ cảm thấy một sự tự do mênh mông nhưng đồng thời cũng cảm thấy trách nhiệm lớn lao của mình cho chính bản thân mình. Tự do chọn trường, giáo sư, ngành học, cách học và thời gian học. Người sinh viên được đối xử như một người trưởng thành, độc lập, tự do và trách nhiệm của mình. Nếu muốn đào tạo sinh viên thành những người nghiên cứu một cách độc lập thì không thể không cho họ đầy đủ tự do và trách nhiệm. Họ có quyền từ chối không bước vào phòng học của một vị giáo sư nếu họ cảm thấy không có cái gì mới trong phòng học đó. Mọi sự áp đặt trong việc học sẽ dẫn tới hệ thống kinh viện trước đây và một quan hệ kinh viện giữa thầy giáo và học sinh, sẽ làm cho học sinh mất đi tinh thần độc lập và trách nhiệm, đưa cho học sinh đi vào những lối mòn. Người ta không nắm tay sinh viên như những đứa trẻ để dẫn dắt đi, mà phải cho phép sinh viên tự tìm con đường của mình và Đại học là nơi đánh thức những sức mạnh trong họ để làm điều đó, để họ trở thành tự lập. “Mục đích thật sự của Đại học không phải là học, mà là sự đánh thức của một cuộc đời mới trong thanh niên, của một tinh thần khoa học đích thực”[24] (Schleiermacher). Điều đó không thể thực hiện được bằng sự bắt buột hay bắt chước mà bằng sự tự do và nhận thức. “Nhà nước và Quốc gia sẽ được phục vụ tốt hơn với những người biết chịu đựng được Tự do (die Freiheit ertragen) và chứng minh được rằng họ từ nội lực và sự nhận
https://thuviensach.vn
thức sâu sắc, từ sự quan tâm đến khoa học, biết lao động và vươn lên.”[25] (H. Helmholtz).
Chắc chắn sự tự do của Đại học có mặt trái của nó, con người thấy mất chỗ dựa yên ổn, thế giới như mênh mông không bến bờ, hay như một chiến trường ngổn ngang những tư tưởng, ham muốn, đam mê, cám dỗ, và cả lầm lạc, lạc hướng, cố ý hay vô tình. Nhưng con người chỉ có thể trưởng thành qua cuộc chiến đấu chống lại những cám dỗ ngổn ngang ấy để tìm thấy sự định hướng và làm chủ lấy mình, để trở thành con người thật của mình trong ánh sáng của tự do. Con người chỉ có thể hình thành con người đích thực của nó trong sự tự do. Chính trong tự do con người mới tạo ra những gì đích thực của họ một cách không sao chép. “Chúng ta phải chấp nhận chịu rủi ro cho con em nếu chúng ta muốn có được những con người” (We must risk boys if we would gain men) (J.J. Rousseau). Hay như Goethe: ”Một đứa trẻ, một người trẻ, nếu họ đi nhầm trên con đường của chính họ, đối với tôi vẫn hơn những người đi đúng trên con đường lạ (không phải của họ).” [26] (Goethe)
Tuy chế độ Đại học Đức nhắm vào giới élite hơn là vào đám đông đại trà, nhưng việc thu nhận sinh viên lại rất “dân chủ” theo nghĩa thu nhận rất rộng rãi, hơn ở Pháp hay Anh. Sinh viên không phải trả học phí. Lệ phí không đáng kể. Mọi người đều có thể ghi danh không giới hạn vào Đại học, trừ một vài ngành như Y, Dược. Đại học của Đức rất đông sinh viên. Nhưng trong đám đông ấy những con người thực sự là tài năng và sinh ra để làm nghiên cứu có điều kiện tiếp xúc với tinh thần nghiên cứu của Đại học Đức, sẽ bộc lộ khả năng của mình và sẽ vươn lên thành công, như cây gặp khí trời và ánh nắng.
Nhà nước Phổ đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong việc tuyển chọn nhân sự đại học, có thể can thiệp vào việc bổ nhiệm, phủ quyết các quyết định của các phân khoa nếu cần, thường không phải vì lý do chính trị (mặc dù chính trị có thể là một lý do, chẳng hạn như đối với nhà toán học Jacobi khi ông ủng hộ nồng nhiệt cách mạng 1848, hoặc việc không cho những người dân chủ xã hội làm giáo sư sau này), mà vì lợi ích duy nhất là để bảo vệ tính trung thực, bảo vệ và phát huy các hạt giống tài
https://thuviensach.vn
năng trẻ cho đất nước đang vươn lên, không để cho việc bổ nhiệm giáo sư bị rơi vào tính địa phương cục bộ, sự tùy tiện, vị nể, dễ dãi hoặc “móc ngoặc” có thể làm mai một các tài năng trẻ. Đại học Đức, ngày xưa cũng như ngày nay, rất hãnh diện nếu bổ nhiệm được vào chức giáo sư cao nhất những tài năng trẻ có những công trình nghiên cứu độc đáo nhất. Sự công nhận những kết quả khoa học độc đáo không phải xuất phát từ những người cùng địa phương, mà phải bằng dư luận ở những đại học khác, cấp quốc gia hay quốc tế. Nhà nước Phổ, trong nỗ lực nâng cao năng lực sáng tạo của đại học, đã phải làm một cuộc bổ nhiệm có tính cách “áp đặt” một loạt các tài năng trẻ đang lên, điển hình là, được sự ủng hộ của Alexander von Humboldt, một nhà khoa học lớn và có ảnh hưởng lớn, được bổ nhiệm năm 1824 Justus Liebig (24 tuổi) đang làm việc tại Paris về làm giáo sư tại đại học Giessen, một sự bổ nhiệm có ý nghĩa lớn lao cho ngành Hóa. Tương tự là sự bổ nhiệm nhà toán học tài năng Jacobi năm 1826 mới 22 tuổi, cũng do A.v. Humboldt để nghị, vào chức vụ giáo sư tại Königsberg, hay Dirichlet mới 23 tuổi tại Breslau và sau đó tại Berlin. Những sự bổ nhiệm đó đã gặp phải sự kháng cự của các phân khoa bảo thủ đang trở thành “phường” bảo vệ quyền lợi cục bộ của mình. Những tài năng trẻ đó chính là những người đã thổi những luồng gió mới vào đại học Đức thế kỷ 19 và đã đặt một chuẩn mực mới cho nền khoa học Đức, ảnh hưởng sang tất cả các đại học Đức và đã làm cho nền khoa học Đức đi vào một thời kỳ phát triển cực thịnh.
https://thuviensach.vn
Nhà nước Phổ đã sáng suốt, thấy được quyền lợi tối thượng của đất nước ở đại học, cái xương sống của sự phát triển đất nước trong cuộc chạy đua đang diễn ra. Việc bổ nhiệm các tài năng nghiên cứu trẻ vào các vị trí giáo sư hàng đầu đã trở thành truyền thống của Đại học Đức. Goerge Bancroft đã viết cho Chủ tịch Kirkland của Harward 1920: “Không một chính quyền nào hiểu tốt làm cách nào để tạo ra đại học và trung học như chính quyền Phổ.”[27]
Đặc biệt nhà toán học Jacobi đã xây dựng được trường phái của ông tại Königsberg (cùng với Franz Neumann và Bessel) với một ảnh hưởng mạnh mẽ vượt ra khỏi biên giới của Königsberg và của nước Đức, ra ngoài lĩnh vực toán học của ông, và ảnh hưởng đó vẫn tiếp tục thăng hoa 30 năm nữa sau khi ông mất. Cá tính mạnh, sự say mê toàn diện của ông đã không để một tài năng nào trong đám thính giả “thoát khỏi” ảnh hưởng trí tuệ của ông.
Tinh thần chuyên sâu khoa học của ông ảnh hưởng đến mọi đại học Đức và đẩy lùi được dần dần các khuynh hướng bách khoa từ chương thống trị lúc bấy giờ. Học trò của ông được bổ nhiệm làm giáo sư đến các đại học khác của Đức. Ảnh hưởng của ông lan đến các nhà giáo tương lai đang được đào tạo tại đại học và những người làm chính sách giáo dục, mà cao điểm là chính sách thi cử của Phổ cho các nhà giáo tương lai năm 1866, đòi hỏi các nhà giáo tương lai phải có những kiến thức về các ngành hình học, giải tích và cơ học giải tích cao cấp, để có thể tự nghiên cứu một cách thành công.
Tại Pháp những nhà toán học trẻ đang lên của những năm 40 cũng tự nhận là học trò của Jacobi như Hermite và Liouville. Ở Anh có Cayley. Các nhà thiên văn học của nhiều nước đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của ông.
https://thuviensach.vn
Một trong những người có những đóng góp lớn lao trong việc phát triển nhân tài khoa học Đức là Alexander von Humboldt, ngoài những đóng góp lớn của ông trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Ông là thành viên của Hàn Lâm Viện Khoa Học Phổ (Preußische Akademie der Wissenschaften) năm 1805, là người đầu tiên được vua Phổ cho hưởng mức lương cao mà không bị ràng buộc bởi trách nhiệm nào cả (Einstein là người sau cùng như thế). Ông nhiệt tình giúp đỡ các nhà khoa học hay nghệ sĩ, kể cả tặng tiền giúp đỡ những người khác khi ông đã nghèo đi. Mỗi năm ông nhận được 3.000 lá thư và tự tay trả lời khoảng 2.000 lá. Bên cạnh ông là Wilhelm von Humboldt, anh của ông, ở cương vị bộ trưởng giáo dục, là người thành lập đại học Berlin, đã đặt những chuẩn mực và chính sách nhìn xa trông rộng cho nó, cũng như cho cả nền giáo dục Đức như đã trình bày trên.
Hệ thống đại học Đức đã cuốn hút nhân tài của đất nước và tuyệt đại đa số nhân tài khoa học tên tuổi đều nằm trong hệ thống đại học. Các trào lưu khoa học tiên phong ở Đức đều ở trong lòng đại học, trong khi ở Anh và Pháp hầu như ở ngoài. Mục tiêu của đại học Đức là khoa học, nghiên cứu, và đào tạo tài năng cho nghiên cứu. Nền đại học Đức là một khuôn mẫu, điển hình được ngưỡng mộ bởi cả thế giới ở thế kỷ 19. Nó tượng trưng cho tinh thần bác học và khoa học Đức. Người Pháp Ferdinand Lot trong quyển sách L'enseignement supérieure en France năm 1892 đã viết
https://thuviensach.vn
“Sự bá chủ về khoa học của Đức trên mọi lĩnh vực không trừ một ngoại lệ nào ngày nay đã được mọi người công nhận. Sự ưu việt của Đức trong khoa học là cái tương đương của sự ưu việt của Anh trong thương mại và trên biển. Nói một cách tương đối, nó có lẽ còn lớn hơn nữa.”[28] Mô hình đại học Đức, bắt đầu là ý tưởng đại học Berlin của Wilhelm von Humboldt, đã được áp dụng nhiều trên thế giới, từ Anh đến Mỹ, Nhật, Israel...không nói các nước khác trên lục địa. Abraham Flexner, nhà cải cách đại học quan trọng nhất của Mỹ đã đánh giá đại học Đức như một “viên đá quý trên vương miện”, tự trị nhiều hơn, phát triển cao hơn, được đánh giá cao hơn và có ảnh hưởng nhiều hơn (lên đại học các quốc gia khác); kỹ nghệ, sức khoẻ con người và mọi hoạt động thực tiễn đều phải cảm ơn nền đại học Đức vô hạn, mặc dù tinh thần của nền đại học đó không hề mang tính chất thực dụng hay nghề nghiệp.
Thế kỷ 19 là thế kỷ vinh quang đã khai phá thế giới với tốc độ bão táp đến tận những chiều sâu chưa từng có và đến những lĩnh vực chưa từng biết trước đó. Kiến thức khoa học sinh sôi, rồi tổng hợp, và lại tiếp tục sinh sôi, dậy lên trong men khai phá, men thành công, tất cả trong niềm tin mãnh liệt con người có thể trưởng thành bằng chính lao động nghiên cứu của mình. Cánh cửa của tự nhiên lần lượt mở ngày càng rộng ra trước con mắt khám phá của con người. “Vừng ơi mở cửa!”. Đó là niềm tin của Emmanuel Kant ở cuối thế kỷ trước như một di chúc cho thế giới, tin tưởng con người sẽ sử dụng chính cái đầu của mình để ra khỏi giai đoạn “thơ ấu” tự chuốc lấy (selbstverschuldet) của mình mà không cần quyền lực nào khác.
Sự đóng góp của Đức vào khoa học ở thời gian đầu thế kỷ còn khiêm tốn, với các phát hiện tia hồng ngoại (F.W. Herschel), tử ngoại (J.W. Ritter) và định luật Ohm (G.S. Ohm), khiêm tốn trước các đóng góp lớn lao của Pháp và Anh. Đó là hệ quả của sự lấn lướt của triết học tự nhiên (Naturphilosophie) trước khoa học tự nhiên của nước Đức và sự lạc hậu của nền kinh tế, chính trị của Đức ở thế kỷ 18. Nhưng với chính sách cải cách và đầu tư cho giáo dục, quyết lấy những “sức mạnh tinh thần (geistige Kräfte) để bù đắp lại sự mất mát về vật chất”, với sự thành lập đại học Berlin 1810 để thể hiện quyết tâm của nhà nước Phổ trong công
https://thuviensach.vn