🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nói Vậy Mà Không Phải Vậy
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Thông tin sách
Tên sách: NÓI VẬY MÀ KHÔNG PHẢI VẬY!
Nguyên tác: UNTRUTH: Why the Conventional Wisdom Is (Almost Always) Wrong Tác giả: Robert J. Samuelson
Người dịch: Nguyễn Phúc Hoàng, Nguyễn Dương Hiếu
Nhà phát hành: DT Books
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
Khối lượng: 650g
Kích thước: 14.5x20.5 cm
Ngày phát hành: 01/2011
Số trang: 442
Giá bìa : 110.000đ
Thể loại: Kinh tế - Quản trị
Thông tin ebook
Nguồn: http://tve-4u.org
Type+Làm ebook: thanhbt
Ngày hoàn thành: 14/07/2016
Dự án ebook #204 thuộc Tủ sách BOOKBT
https://thuviensach.vn
Giới thiệu
Samuelson đã vẽ nên một bức tranh lớn về đất nước của ông xoay quanh bốn chủ đề lớn là văn hóa, chính trị, kinh tế và xã hội của nước Mỹ trong giai đoạn cuối thế kỷ XX, từ một góc nhìn rất khác so với những gì mà ông gọi là “quan niệm phổ biến” (conventional wisdom) - những gì mà số đông vẫn tin là đúng, được biện minh bằng các lập luận thông thường, theo “quán tính” của tư duy và được củng cố bởi giới truyền thông và báo chí.
Người ta thường nói “một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Thật vậy, chỉ cần thông tin bị cắt xén, che giấu một phần (chứ chưa cần bị xuyên tạc, thổi phồng hay nói giảm, nói tránh) thì hậu quả đã là: bên tiếp nhận thông tin có định hướng tư duy sai lầm, dẫn đến những quan điểm, nhận định sai lầm. Là một người làm báo, hơn ai hết Samuelson hiểu rõ và phê phán gay gắt những hành vi này, cho dù là vô tình hay cố ý. Quan trọng hơn, tác giả muốn gửi đi một dấu hiệu cảnh báo về sự nguy hiểm của lối tư duy một chiều, theo lối mòn và / hoặc hùa theo số đông.
Mà không chỉ giới hạn trong báo giới và độc giả của nó, tư duy đa chiều cộng với thái độ hoài nghi tích cực, khả năng phản biện, thách thức luôn luôn là những “điều kiện cần” cho năng lực cải tiến và sáng tạo trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đó mới thực sự là động lực của các tiến bộ xã hội. Đã có bao giờ bạn muốn “nghĩ khác” so với những thành viên trong gia đình hay trong các nhóm xã hội của bạn chưa? Hoặc bạn cho rằng bản thân mình cũng cần xem xét một vấn đề từ nhiều quan điểm khác nhau? Tác phẩm này mang đến cho bạn nhiều cảm hứng và các gợi ý chỉ dẫn để bạn làm điều đó.
https://thuviensach.vn
Tặng Richard, bộ não của gia đình
https://thuviensach.vn
LỜI GIỚI THIỆU
NÓI VẬY MÀ KHÔNG PHẢI VẬY!: BÀI HỌC VỠ LÒNG
John Kenneth Galbraith, nhà kinh tế học và nhà văn, đã dùng cụm từ “quan niệm phổ biến”[1] (conventional wisdom) từ cách đây hơn bốn thập kỷ, trong cuốn sách bán chạy nhất của ông năm 1958 với tựa đề Xã hội Thịnh vượng (The Af luent Society). Theo định nghĩa của Galbraith thì các quan niệm phổ biến là tập hợp các niềm tin của đại bộ phận con người về một đề tài hay chủ thể nhất định. Những niềm tin đó không nhất thiết phải là đúng đắn, mà chỉ đơn giản là chúng được hiểu rộng rãi và được tôn trọng. Từ đó, cụm từ này dần dần xâm nhập vào ngôn ngữ của cuộc sống hàng ngày, và khi ý nghĩa ban đầu của Galbraith vẫn tồn tại thì nó đã khơi gợi cảm hứng cho những biến thể hiện đại khác của khái niệm trên. “Quan niệm phổ biến” của Galbraith là đồng nhất, vững chắc và lan tỏa rộng khắp, còn các phiên bản sau này lại cho rằng chúng là những điều hợp xu thế, hợp thời trang một cách khôn ngoan. Nhưng cho dù cũ hay mới thì quan niệm phổ biến (như Galbraith đề cập đến) lại thường là điều sai.
Đôi khi quan niệm phổ biến còn đối lập với sự thật. Nó thường là sự sắp đặt các dữ kiện và nhận thức một cách nghệ thuật và có chọn lọc, để cho thấy một chân lý đáng tin cậy - mặc dù đó là sự dối trá. Nhưng các quan niệm phổ biến tồn tại được, bởi vì nó kể lại một câu chuyện khá hấp dẫn, xét theo một mức độ nhất định nào đó. Quan niệm phổ biến có được sức mạnh là nhờ vào khả năng đáp ứng được nhu cầu tâm lý hoặc chính trị. Sau đó hành vi của chúng ta lại giúp củng cố niềm tin. Chúng ta sẽ nhìn thấy những gì mình muốn thấy, sẽ nghe được những điều mình muốn nghe. Chúng ta tìm kiếm những người có uy tín để được lặp lại và củng cố lại các niềm tin và thành kiến của mình. Galbraith đã viết: “trong một chừng mực nào đó thì sự gắn kết của quan niệm phổ biến là một nghi thức tôn giáo, đó là hành động để xác nhận lại, như đọc Kinh Thánh hay đi lễ nhà thờ”.
Sớm muộn gì thì quan niệm phổ biến cũng sẽ phải thay đổi hoặc sụp đổ. Nhưng các yếu tố phá hủy nó lại hiếm khi là các phân tích logic hay sự thuyết phục. Đó thường là các tình huống hoặc tác động của các sự kiện thực tế. Với bản chất của mình, quan niệm phổ biến sẽ “phòng vệ” bằng các ngôn từ hoặc lập luận. Người ta không muốn tỉnh ngộ từ các ý tưởng quen thuộc, vị kỷ, và làm vừa lòng họ. Người ta có xu hướng triệt tiêu sự hoài nghi, loại bỏ những bất đồng khó chịu hoặc chối bỏ sự mâu thuẫn. Những gì có thể làm thay đổi tâm trí con người thường là các trải nghiệm rõ ràng không thể phủ nhận và đôi khi khắc nghiệt, sau đó thường thì quan niệm phổ biến bị sụp đổ. Nhưng đây không phải là lý do dễ chấp nhận.
Tôi trực tiếp biết điều này. Năm 1969, tôi là phóng viên của một tờ báo. Sự hấp dẫn chủ yếu của công việc này (ngoài việc được nhìn thấy cái tên của mình in trên báo chí) là các cơ hội học hỏi các điều mới mẻ và giải thích các khám phá này trước độc giả. Đó là cái cớ để đặt câu hỏi, thường là không giới hạn, đối với các công dân bình thường. Cái cần được tìm kiếm luôn luôn là “sự thật”, mặc dù “sự thật” đúng nghĩa - thường là rất phức tạp, không rõ ràng và gây nhiều tranh cãi - là khó hoặc không thể xác định được. Khi tôi trở thành người phụ trách một chuyên mục (columnist) của báo năm 1976, mục tiêu vẫn không đổi: đó là chuyển tải các hiểu biết đầy đủ hơn về một vấn đề hay hiện tượng nào đó. Càng làm việc này thì tôi càng “đụng đầu” với các quan niệm phổ biến, bởi vì đó là nơi mà nội dung bài viết dẫn tới. Các bài bình luận của tôi ngày càng đặt câu hỏi hoài nghi hoặc bác bỏ các quan niệm phổ biến. Một số bài bình luận của tôi đã được thu thập lại và trình bày trong cuốn sách này.
Tôi không viết bất cứ điều gì để kết tội quan niệm phổ biến. Một số người có xu hướng “chạy theo thời thượng” mới nổi đã quay lại cáo buộc những điều đáng được lãng quên, chỉ vì các sự kiện đó đã làm họ mất uy tín. Vào những năm giữa thập niên 80, đã có những cảnh báo về việc “quá trình suy thoái công nghiệp của Hoa Kỳ” (deindustrialization) khiến chúng ta trở thành một đất nước mà tại đó những người làm hamburger và thợ giặt ủi được trả mức lương thấp (xem “Chúng ta không phải là đất nước của các tiệm giặt ủi”); khái niệm này đã không thể tồn tại sau sự bùng nổ kinh tế trong thập niên 90. Và cũng không có chuyện Nhật Bản sẽ qua mặt chúng ta về mặt kinh tế khi đất nước này vượt qua được sự đình trệ trong thập niên 90. Nhưng những hoài nghi vẫn tiếp diễn, có vẻ như không thay đổi chút nào trước những bằng chứng và lập luận logic bất lợi. Chúng ta được nghe rằng các nhóm lợi ích giàu có và bảo thủ đang thống trị Washington, nhưng thực tế không phải như vậy (xem “Các nhà môi giới quyền lực âm thầm”). Mới gần đây, internet đã được quảng bá là một trong những thành tựu công nghệ vĩ đại nhất từ sau khi
https://thuviensach.vn
ngành in ấn ra đời, sự so sánh này làm tổn thương lịch sử (xem “Internet và Gutenberg”).
Đương nhiên, không phải tất cả các quan niệm phổ biến đều sai. Nếu tất cả chúng đều là sai thì xã hội đã tan rã. Những sai lầm của từng ngày, phát xuất từ các ý tưởng sai, sẽ nhân rộng ra và làm cho sự hỗn loạn lan tràn. Nhưng chúng ta không cưỡng lại được các xu hướng mơ hồ. Tại sao vậy? Galbraith đưa ra vài manh mối. Theo cách này hay cách khác, ông chỉ đơn giản là dán lên cái nhãn mới cho thứ đã xưa cũ: tính ỳ của lòng tin. Người ta bám chặt lấy những gì họ đã biết và những gì làm họ cảm thấy thoải mái. Galbraith đã quy cho hiện tượng này là việc không thích quá nhiều cái mới. Mà không chỉ có vậy. Đó là sự nhượng bộ thực dụng trong cuộc sống hàng ngày. Nếu chúng ta liên tục xem xét lại các niềm tin và giả định, chúng ta sẽ đờ đẫn ra vì do dự. Chúng ta sẽ thường xuyên trầm tư và chần chừ không quyết. Nhưng trong văn hóa truyền thông hiện đại, quan niệm phổ biến không còn là những gì như trước đây - và khi đó nó đặt nền móng cho những sai lầm.
Theo Galbraith, quan niệm phổ biến bao gồm các ý tưởng cổ điển. Nó giống như rượu vang để lâu ngày. Nó có danh tiếng thông qua việc được vô số các nhân vật có uy tín nhắc đi nhắc lại liên tục qua nhiều năm. Giống như rượu vang, quan niệm phổ biến cũng có thể bị hỏng. Với các sự kiện hoặc các kiến thức mới, quan niệm phổ biến cũng có thể chỉ còn là chuyện đã qua hoặc lý thuyết lỗi thời. Ngược lại, quan niệm phổ biến ngày nay lại thường xuất hiện từ vô định. Các lý thuyết - hầu hết là bàn về các chủ đề mà gần như tất cả mọi người chưa nghĩ đến hay người ta chỉ có chút ít quan điểm rõ ràng - bất ngờ mang tính thời sự và được chấp nhận. Các lý thuyết này không chín muồi theo cách phù hợp, mà được “đóng gói” nhanh chóng, quảng cáo rầm rộ và “bán” một cách quyết liệt. Quan niệm phổ biến đã ít tự nhiên hơn và chứa đựng nhiều toan tính hơn so với trước kia. Nó ngày càng trở thành hoạt động buôn bán có tính trí tuệ hoặc chính trị.
Tôi cho rằng điều này giúp giải thích tại sao đa phần quan niệm phổ biến đã trở nên hời hợt, nhầm lẫn và ngu xuẩn. Các ý tưởng là tay sai cho tham vọng của con người, các nhóm lợi ích hoặc các chương trình của giới chính trị hay trí thức. Nó không phát xuất từ những nỗ lực vô tư để khám phá sự thật. Nó là sự vận dụng của kinh doanh và phải gánh chịu mọi sự thái quá của kinh doanh. Người ta nhấn mạnh đến những gì làm nên hoàn cảnh của họ, và bỏ qua hoặc tối thiểu hóa những gì “không dính dáng”. Các tuyên bố là quá lời. Sự kiện được chọn lọc. Việc thẩm định bị phớt lờ hoặc không rõ ràng.
Chính trị ảnh hưởng nhiều đến việc này. Nói đến chính trị, tôi không có ý nói riêng về hay tập trung phần lớn vào Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, đến khuynh hướng tự do cấp tiến hay bảo thủ. Hình thái chính trị đang thắng thế ngày nay là cái mà tôi gọi là “chính trị giải quyết vấn đề”. Mọi khiếm khuyết trong xã hội, bằng cách nào đó, cần được chuyển đổi thành một “vấn đề” cụ thể, và sau đó có thể được “giải quyết”, thường là do chính quyền, còn nếu không là được giải quyết bởi “thị trường” hoặc một ai khác, một thứ gì khác. Nói chung người Mỹ lạc quan và thực dụng, rất sùng bái sự tiên tiến. Chúng ta gắn bó với ý tưởng cho rằng các vấn đề đều có thể được giải quyết - và từ đó sự không hoàn hảo được giảm đi. Tocqueville cho rằng, người Mỹ tin vào “sự hoàn thiện không giới hạn của con người”. Chúng ta phản đối ý niệm cho rằng một số thiếu sót chỉ đơn giản là những mảng bình thường của cuộc sống.
Sau nữa, đây cũng không phải là một lực đẩy mới. Nhưng trong thời đại của chúng ta thì quan niệm phổ biến đã được nhắc đến nhiều hơn. Nó liên tục được nuôi dưỡng bởi các nhóm chủ trương biện hộ, các nhà chính trị doanh nhân (entrepreneurial politicians) - là các ứng viên hoặc viên chức văn phòng không thể dựa vào một bộ máy đảng phái mạnh tại trung ương để tiến lên phía trước, mà ngày càng phải tự thân vận động - và các trí thức lớn, của cả hai cánh Tả và Hữu. Tất cả họ đều rao giảng cho công chúng về tất cả mọi thứ, từ chính sách của chính phủ đến việc phổ biến văn hóa. Chúng ta được dẫn dắt để tin rằng hầu hết các vấn đề xã hội và kinh tế đều có thể được giải quyết và mong muốn của người dân là có thể được xoa dịu hay đáp ứng. Với những vấn đề được tìm ra để giải quyết, những nhóm chủ trương biện hộ, các chính trị gia, và các vị thương nhân kinh doanh ý tưởng khác nhau đã tự khẳng định mình. Họ thiết lập sự nhận biết, nâng cao tầm nhìn của họ, và kết nối các cử tri hoặc khán giả. Sự chủ trương biện hộ hòa lẫn với tự quảng cáo.
Sản phẩm mà quá trình này tạo ra là sự thổi phồng bất tận. Một vấn đề không thể đơn giản là quá khiêm tốn, bất tiện, khó tránh khỏi, hoặc khó giải quyết. Vấn đề phải là chuyện lớn, nghiêm trọng, nguy hiểm, và bức xúc - và có thể giải quyết được. Vì vậy, các vấn đề được cường điệu hóa lên về mặt quy mô và mức độ nghiêm trọng, theo đó sức mạnh của các giải pháp đề xuất cũng được thổi phồng lên theo. Việc tìm kiếm các khoản đóng góp cá nhân để tài trợ cho chiến dịch chính trị không thể đơn giản chỉ mang tính tự hạ thấp
https://thuviensach.vn
mình và không “sạch”; nó phải khuấy động được những nền móng cho dân chủ - và có thể thu hồi được từ “chiến dịch cải cách tài chính” (xem “Cái Giá của Chính trị”). Chăm sóc sức khỏe được quản lý (managed care) không thể chỉ đơn giản là một phương pháp mới và chưa hoàn hảo để cung cấp các dịch vụ y tế; nó phải là một cuộc tổng công kích không thương xót dành cho sự tích hợp của y học hiện đại và khôi phục được từ “cải cách y tế” (xem “Chuyện hoang đường về “con quái vật” Chăm sóc sức khỏe được quản lý”). Trong những năm 1990, việc các thành viên Đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế trong Quốc hội không thể chỉ đơn giản là sự thay đổi trong quyền lực chính trị để có thể sửa đổi đường lối và bầu không khí chính trị của đất nước. Nó phải là một “cuộc cách mạng” toàn diện làm thay đổi chính trị và cuộc sống như chúng ta đã biết (xem “Họ gọi đây là một cuộc cách mạng?”).
Đến một mức độ nhất định, sự biện hộ đòi hỏi việc tranh luận phải trở thành các bài học đạo đức: người tốt (hoặc các ý tưởng tốt) đối lập với cái xấu. Người anh hùng và kẻ xấu xa cùng tạo nên “sức nặng” (throw weight) của trí tuệ và chính trị để cho chương trình nghị sự được nâng cao, đầy hoài nghi, và có các đối thủ công kích nhau. Ở Hoa Kỳ, loại vận động này tìm thấy một đối tượng khán giả sẵn lòng. Vượt trên sự lạc quan - một niềm tin rằng những gì bị hỏng có thể được sửa chữa - là di sản mang tính nhiệm vụ của chúng ta. Người Mỹ luôn luôn tưởng tượng mình là một ngoại lệ đặc biệt và đúng đắn, nhất quyết cải tiến nhân loại với việc tấn công vào thành trì của sự ngu dốt, quyền lực thối nát hay điều ác. Những đặc tính này của dân tộc là rất tuyệt vời. Chúng thường làm chúng ta chìm vào sự ngây thơ ngấm ngầm rằng: nếu chỉ vì cái gì đó chưa được thực hiện trước đây thì không có nghĩa là điều đó không thể được thực hiện. Những niềm tin vào sự tiến bộ có thể tạo ra tiến bộ và thường xuyên là như vậy. Tuy nhiên, một số đức tính tốt của dân tộc, khi để vượt quá mức hợp lý, cũng trở thành thói xấu (xem “Các vết đen trong đạo đức của chúng ta”).
Chính trị “Giải quyết vấn đề” là một trong những loại hỗn hợp khó chịu của sự thành công và thất bại. Khi thất bại, nó dẫn đến một thứ quan niệm phổ biến với đầy rẫy các điều giản đơn và ngớ ngẩn, trong khi vẫn gợi cảm hứng cho các “giải pháp” mà đôi khi có hại nhiều hơn là có lợi. Vấn đề của dịch vụ chăm sóc sức khỏe không phải là “được quản lý”, mà là mâu thuẫn trong nhu cầu của công chúng: chúng ta muốn bảo hiểm y tế toàn diện (universal health insurance), tuyệt đối tự chủ cho các bệnh nhân và bác sĩ trong quá trình điều trị và kiểm soát được chi phí y tế. Không có chế độ nào có thể đồng thời đáp ứng các nhu cầu không nhất quán này. (Nếu tất cả mọi người đã bảo hiểm cho tất cả mọi thứ, và bác sĩ hay bệnh nhân đều có thể yêu cầu bất cứ gì họ muốn - thì chi phí sẽ không thể kiểm soát được.) Vấn đề với “chiến dịch cải cách tài chính” là: nếu sử dụng kết luận logic của nó thì tự do ngôn luận chính trị sẽ bị bịt miệng. Điều phiền toái là truyền thông hiện đại (qua truyền hình, quảng cáo, gửi thư hàng loạt) đều cần tiền. Nếu truyền thông không phải là vấn đề ngôn luận, thì là cái gì? Và nếu mọi người không thể chi tiền để biện hộ cho các quan điểm chính trị và hỗ trợ các ứng cử viên chính trị mà họ tán thành, thì họ “tự do” như thế nào?
Nghệ thuật biện hộ có hiệu quả để khỏa lấp các hoài nghi sẽ làm hỏng các thông điệp đạo đức. Vấn đề sẽ không còn đơn giản như vậy nữa, giải pháp không còn rõ ràng như vậy nữa. Xung đột giữa các mục tiêu mong muốn được tối thiểu hóa, và giới hạn thực tế của các giải pháp đề xuất cũng vậy. Chúng ta, những người trong báo giới, hỗ trợ cho sự lẩn tránh - và đôi khi còn xúi giục nó. Là người Mỹ, chúng ta chia sẻ tính nhạy cảm trong việc giải quyết vấn đề. Ngoài ra, chúng ta cũng có lợi ích riêng. Chúng ta cần thu hút và giữ được độc giả. Cả bản năng và lợi ích của chúng ta đều được đặt trong việc nghiên cứu các mâu thuẫn và xung đột. Chúng ta thường hào hứng tham gia vào các cuộc vận động đạo đức hay chính trị. Đó là câu chuyện hay và thu hút các khách hàng của chúng ta. Mặc dù đó là sự thật từ lâu nay, nhưng thực tế cạnh tranh mới đã thổi phồng các hiệu ứng.
Chỉ cách đây một vài thập kỷ, trong những năm của thập niên 1960 - phương tiện truyền thông tin tức quốc gia mới chỉ gồm một nhóm nhỏ và ổn định với các tổ chức: 3 mạng lưới truyền hình (ABC, CBS, và NBC); 3 tạp chí (Time, Newsweek, và Thông cáo Tin tức & Thế giới của Hoa Kỳ), một số báo chí quốc gia có tầm cỡ (Thời báo New York, The Wall Street Journal, Bưu điện Washington) trong đó chỉ có một tờ có phạm vi phát hành toàn quốc (tờ Journal) và một vài dịch vụ thông tin chính yếu (Hiệp hội báo chí (Associated Press), Liên đoàn báo chí quốc tế (United Press International). Điều này cho phép các chuyên gia tin tức - các nhà biên tập, các nhà báo - có quyền quyết định những gì là “tin tức” và những gì không phải là “tin tức”. Phán xét của họ rõ ràng là có thể sai lầm và không được “miễn nhiễm” với xu thế chính trị đang thống trị hay xu hướng của giới trí thức. Nhưng các phán xét phần lớn cũng chỉ là phán xét của riêng giới đưa tin mà thôi. Với lượng độc giả ổn định, áp lực thương mại buộc sử dụng tin tức để thu hút người đọc và người xem thời đó là chưa nhiều.
https://thuviensach.vn
Tình hình hiện nay là hoàn toàn khác. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông thật ấn tượng: đã có các kênh truyền hình cáp (MTV, ESPN, CNN, C-span); có một mạng lưới truyền hình chủ chốt khác (Fox); thêm hai tờ báo quốc gia (tờ Hoa Kỳ Ngày Nay và Thời báo New York); Internet và vô số các trang web với các tin tức, thông tin tài chính, y tế, khiêu dâm và nhiều nhiều nữa. Không ai còn có thể giữ vững lượng khán giả của mình. Khi các mạng lưới truyền thông còn kiểm soát được các kênh truyền hình, người xem phải theo dõi các chương trình tin tức ban đêm (thường là được ấn định cùng thời điểm) - hoặc không có gì khác để xem. Bây giờ họ có thể bấm nút để xem chương trình nấu ăn, thể thao, hoạt hình, phim truyện, câu chuyện du lịch, mua sắm cho gia đình. Hoặc họ có thể lướt net. Lượng khán giả của mạng tin tức ban đêm sụt giảm nhanh. Độc giả của báo chí cũng giảm, tuy chậm hơn nhưng nói chung là đã giảm.
Kết quả là những người kinh doanh tin tức đã mất quyền lực trong việc xác định những gì là tin tức và những gì không phải là tin tức. Ngày càng nhiều, người đọc và người xem mới là những người xác định đâu là tin tức, với việc thu nhặt và chọn lọc những gì họ muốn, hoặc quyết định rằng họ không cần tin tức nữa. Điều này làm tăng thêm yêu cầu đối với người biên tập và các phóng viên báo phải làm sao để cho các tin tức phổ biến hơn và hấp dẫn hơn. Hiện đã có sự nhập nhèm giữa tin tức và giải trí, khi các giá trị của truyền hình đã lan tràn trong tất cả các phương tiện truyền thông. Để lôi kéo khán giả, bài bình luận phải trở nên “cao giọng” hơn. Chương trình “Bắn chéo” (CrossFire)[2] của kênh CNN là người đi đầu: chính trị tương đương như thi đấu vật chuyên nghiệp. Sự độc lập trong công tác biên tập đã bị thu hẹp lại. Biên tập viên vẫn được quyết định những gì sẽ được in hoặc được xem, nhưng nếu những gì họ làm là không thành công trên không gian thị trường, họ sẽ bị thay thế.
Các nhà phê bình trong lĩnh vực truyền thông đại chúng thường xuyên than phiền rằng sự thống trị của một vài doanh nghiệp lớn đã hạ thấp các giá trị của thông tin xuống mức chỉ còn là lợi nhuận. Tình trạng này, trong nhiều khía cạnh, lại là ngược lại. Cạnh tranh mạnh hơn đã tấn công vào sự tự chủ trong biên tập. Càng có nhiều gã khổng lồ trong ngành truyền thông thì các giá trị của tin tức lại càng trở nên khó khăn hơn. Khi một vài công ty lớn thống trị thị trường (ba mạng lưới truyền hình là ví dụ rõ ràng), họ có thể chấp nhận sự độc lập cao hơn từ các phòng ban tin tức, chính xác là vì tổng lợi nhuận là con số chắc chắn và có thể dự đoán được. Ngược lại, số lượng các “đại gia truyền thông” ngày nay là rất nhiều và họ cũng ít được an toàn hơn trước. Sự cạnh tranh khốc liệt để giành lấy khách hàng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thành công trong thương mại và xói mòn các giá trị thuần túy của việc biên tập. Đến một mức độ nhất định thì tin tức đã được dân chủ hóa. Nó ngày càng được tung ra theo mệnh lệnh của thị trường. Điều này tạo thuận lợi cho một phong cách biên tập, theo đó nhấn mạnh vào các câu chuyện đạo đức của các đấng anh hùng và những kẻ vô lại, rồi rút ra những xung đột một cách sâu sắc - về bất cứ điều gì để tạo ra một “tin đồn”.
Những gì mà tôi muốn đề xuất là: cách thức mà chúng ta, ở đây được hiểu như một xã hội, tổ chức và trình bày thông tin - một cách có hệ thống và hầu như dự đoán được từ trước - ngày càng dẫn đến sự sai lạc. Truyền thông không chắc chắn và những người thực hành chính trị “giải quyết vấn đề” (các chính trị gia, các nhóm biện hộ, “những cái đầu hiểu biết”) đã “kết hôn” với sự dễ dãi. Họ cùng nhau khai thác để đạt được mục tiêu hẹp: có được sự nổi tiếng hoặc khét tiếng, thúc đẩy một chương trình nghị sự của giới chính trị hay trí thức, nắm bắt được khán giả và thị phần. Kết quả là chúng ta bị oanh tạc bởi các luồng vấn đề miên man không dứt (một số vấn đề xã hội, một số căng thẳng trong vấn đề con người - ma túy, bệnh tật, lạm dụng trong hôn nhân gia đình, stress) và các giải pháp đi kèm. Nhiều vấn đề trong số đó là có thật, một số các giải pháp có thể thực sự có ích. Nhưng có sự cường điệu thổi phồng trong cả hai nội dung: vấn đề và giải pháp, bởi vì đó là những thứ thu hút sự chú ý.
Tôi gọi quá trình này là “cái sai”. Đó là sự xuyên tạc thực tế nói chung, tuy nhiên không phải là kết quả của sự dối trá cố tình. Đúng hơn thì đó là sản phẩm bình thường của chính trị và truyền thông dân chủ của chúng ta. Điều đó xảy ra, khi chúng ta tìm hiểu và tranh luận các vấn đề có ảnh hưởng đến cả tập thể. Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ không phải là chính chúng ta nữa. Nhìn chung, tiến trình này là lành mạnh. Nhưng quá trình này sẽ trở thành không lành mạnh khi nó đơn giản hoá quan điểm của chúng ta về sự thật và lãng mạn hóa sức mạnh của chúng ta khi thay đổi sự thật đó. Đối với tôi, sự đơn giản hóa và cường điệu hóa nhằm phục vụ lợi ích bản thân là một cánh đồng phì nhiêu cho các báo cáo và bình luận. Chúng cầu mong để được trở nên tinh vi và xác thực. Tôi đã cố gắng để cung cấp được một bối cảnh: để cho mọi người có bức tranh vô tư và đầy đủ về thế giới của chúng. Kết luận của tôi là: quan niệm phổ biến (thường) là sai, vì nó là phương tiện cho một số chương trình chính trị hay tham vọng cá nhân.
https://thuviensach.vn
Trong thực tế, tôi không tin rằng có bất kỳ một nhóm chính trị, kinh tế, xã hội, hoặc một nhóm ý thức hệ nào lại có “độc quyền” về cái sai. Bạn có thể nhìn thấy một cơ chế tương tự cũng hoạt động như vậy trên khắp các quang phổ chính trị và trên tập hợp các mối quan tâm và yêu cầu của xã hội. Những người bảo thủ có xu hướng ca ngợi “thị trường”, ngay cả khi thị trường rõ ràng phạm sai lầm (xem “Sự sáp nhập kỳ lạ”). Những người tự do cấp tiến có xu hướng nói quá lời trước những ảnh hưởng dần dần về sau của sự bất bình đẳng trong thu nhập (xem “Không phải là các hộ gia đình điển hình”). Các chuyên gia môi trường bàn về việc hủy diệt hành tinh trong bối cảnh của “ngày tận thế” (xem “Bạn đừng lo lắng”). Một lần nữa, những vấn đề thường là có thực, nhưng chúng cần phải được trình bày trong những điều kiện khắc nghiệt nhất để khơi dậy sự quan tâm hay củng cố cho giải pháp đề xuất.
Mặc dù các kỹ thuật đã phổ biến rộng rãi, vẫn có xu hướng nghiêng về các loại “sai lầm” nổi trội nhất: đó là những cái sai “cấp tiến” (liberal untruths). Lý do chính yếu là tầng lớp “viết nguệch ngoạc và nói huyên thuyên” - các nhà báo, biên tập viên, các nhà nghiên cứu học thuật, các nhà bình luận - có xu hướng tự do cấp tiến nhiều hơn là bảo thủ. Rất nhiều các cuộc điều tra đã xác nhận điều này trên báo chí. Năm 1992, gần 90% các nhà báo của
Washington ủng hộ Bill Clinton, theo kết quả một trong những cuộc thăm dò ý kiến. Nhưng trên phạm vi quốc gia, lượng phiếu phổ thông dành cho Clinton chỉ là 43%. Một cuộc khảo sát trong giới học thuật (dành cho các giáo sư tại các trường cao đẳng và đại học hệ 2 năm và 4 năm) được xuất bản trong cuốn Giáo dục cấp cao Ký sự (Chronicle of Higher
Education) cho thấy: 5,2% cho rằng mình “cực tả”; 39,6% “tự do cấp tiến”; 37,2% “trung lập” (không tả mà cũng không hữu); 17,6% “bảo thủ”; và 0,4% “cực hữu”.
Kết quả không phải là một liên minh có ý thức giữa báo chí và nhóm ủng hộ tự do cấp tiến và nhóm chính trị gia Dân chủ. Hầu hết các nhà báo và nhà biên tập (ít nhất là của báo chí, tạp chí tin tức, và kênh truyền hình chính thống, mặc dù rõ ràng không thuộc các tạp chí hoặc chương trình truyền hình chuyên bày tỏ quan điểm) đều tán thành ý kiến cho rằng họ nên khách quan và trung lập. Họ hào hứng đăng tải các scandal liên quan đến những người tự do cấp tiến cũng như bảo thủ. Họ biết rằng hầu hết các chính trị gia và những người theo một phe phái nào đó đều cố gắng “thêu dệt” nên các câu chuyện. Một số nhà báo tự xem mình như là nền tảng thụ động để người khác tuyên truyền. Tất cả chúng ta đều biết rằng mọi người có xu hướng để cho các “nguồn” khác sử dụng. Phần lớn những gì báo chí thực hiện lại không đả động gì nhiều đến các nhà chính trị hay các phe phái. Chúng ta chỉ đơn giản là kể lại một “câu chuyện hay”, hoặc đóng vai trò truyền thống là “giám sát” chính phủ, các cơ quan và các tập đoàn.
Xu hướng này còn tinh tế hơn. Những câu chuyện do các chính trị gia tự do cấp tiến và các “chuyên gia” các loại (nhà kinh tế, nhà khoa học, bác sĩ, nhà khoa học xã hội, nhà giáo) kể lại đã tìm thấy những người nghe đồng cảm nhiều hơn là những câu chuyện kể của những người bảo thủ. Các anh hùng và tên vô lại của phe tự do cấp tiến, các giá trị và niềm tin của họ tương ứng sát sao hơn với các triết lý và thành kiến của nhà báo và nhà biên tập. Những gì đến từ các nguồn tự do cấp tiến có vẻ như đáng tin cậy hơn và xác đáng hơn. Nó phù hợp với các ý niệm về xung đột xã hội và theo đuổi một xã hội tốt. (Họ cho rằng) Đây không phải là thành kiến. Đó là thực tế. Thông thường họ không thể tưởng tượng các sự vật theo cách nào khác. Ngược lại, những người bảo thủ - hoặc người không thuộc nhóm tự do cấp tiến -thường được xem là người biện hộ cho các doanh nghiệp và người giàu có. Hoặc họ bị bêu riếu là những người nhẫn tâm và kỳ quặc.
Các giá trị của riêng tôi là khá chính đáng (tôi tin là vậy), mặc dù những người khác có dán lên cái nhãn là quá bảo thủ hoặc - ít khi hơn - là quá tự do cấp tiến. Tôi tin rằng Chính quyền trung ương nhìn chung là đem lại các lợi ích cho quốc gia, nhưng tôi cũng nghĩ rằng việc mở rộng chính phủ sẽ đem lại nhiều vấn đề khó khăn mang tính thực tiễn và tạo điều kiện cho sự lạm quyền. Người ta có thể trở nên quá phụ thuộc vào phúc lợi của chính phủ. Thuế có thể tăng quá cao và ảnh hưởng đến sức khỏe kinh tế hoặc tự do cá nhân. Mặc dù khó có thể xác định được các giới hạn nhưng chúng thực sự tồn tại. Tương tự như vậy, tôi đặt nhiều niềm tin vào các “thị trường” - sự tự do để xác định những gì mà chúng ta cần sản xuất, giá cả của chúng, cách thức chúng ta tiết kiệm và đầu tư, và nơi chúng ta làm việc - nhưng tôi không tin rằng các thị trường là cái hiểu-biết-hết-mọi-thứ hoặc hoàn hảo. Các thị trường cũng có sai lầm và cần sự giám sát và điều tiết của chính phủ. Thường thì có ranh giới mỏng manh giữa mức độ quá ít và quá nhiều của công việc này.
https://thuviensach.vn
Sau cùng, tôi tin vào những gì đôi khi bị chế nhạo là “những giá trị truyền thống gia đình”: tình yêu cha mẹ và kỷ luật của cha mẹ, nếu có thể. Với sự may mắn, các bậc cha mẹ có thể giúp con cái của họ lớn khôn và thành những người lớn có trách nhiệm và tự lập. Cha mẹ đem lại tình yêu, các bài học nhỏ về cuộc sống hàng ngày, và những kiến thức cần có. Từ thử thách này mà một cá nhân có thể có năng lực và sự tự tin. Mặc dù việc nuôi dạy con cái là một việc phức tạp - và không có sự đảm bảo cho thành công - các tổ chức của chính phủ và xã hội không thể dễ dàng thay thế cho các bậc cha mẹ đầy tình thương yêu và đủ khả năng (xem “Thứ mà tiền không thể mua được”). Tôi đã có vợ và ba đứa con, hiện chúng ở độ tuổi từ mười đến mười lăm. Đó là những phần quan trọng nhất của đời tôi.
Các nhà báo, những người phụ trách chuyên mục là “con lai” (tôi tin là như vậy). Quan điểm của tôi cho rằng họ không phải là nhà báo thuần túy, cũng không phải là người biện hộ thuần túy. Họ là sự kết hợp của cả hai. Họ pha trộn quan điểm và tình cảm trong bài báo của mình. Mối nguy hiểm lớn nhất - hậu quả của việc quá ấn tượng với tầm quan trọng của riêng mình - là trở thành kẻ “nhai lại chính mình” (self-parody): một người có quan điểm và phong cách có thể được dự đoán trước, và có thể bị bắt chước theo một cách dễ dàng. Sự nguy hiểm của riêng tôi là, từ việc liên tục thách thức quan niệm phổ biến, tôi trở thành người hoài nghi chính mình (reflexively skeptical) trước bất kỳ quan điểm nào của đám đông hoặc thường xuyên phê phán bất cứ điều gì là mới hoặc khác biệt. Tôi nhận thức được sự nguy hiểm, nhưng không phải lúc nào tôi cũng có thể vượt lên trên nó.
Đa phần trong nghề báo chí, những gì chúng tôi viết ra thường là vào thời hạn chót. Các đánh giá phải được thực hiện một cách nhanh chóng. Chúng thường sai. Tôi nghi ngờ việc liệu có hay không những người phụ trách chuyên mục lớn mà lại không lúng túng vì một số bài viết của mình trong quá khứ. Nếu có những người này thì tôi không nằm trong số đó. Lẽ ra tôi có thể đưa vào cuốn sách này những sai lầm ngớ ngẩn của riêng tôi. Một trong những bài viết yêu thích nhất của tôi đã đặt ra khái niệm về “công nghệ trì hoãn” - đối lập với công nghệ tiên tiến, chúng là các công nghệ mới tạo ra những phương pháp cồng kềnh và đắt tiền để thực hiện các công việc đã được làm một cách đơn giản và không mấy tốn kém trước đây. Một ví dụ là sách điện tử, đối với tôi thì đây đã từng là một ý tưởng tồi, trong khi dùng sách giấy là quá thuận lợi. Sau khi suy xét, tôi đã quyết định không đưa vào đây bài viết này.
Robert J. Samuelson
Ngày 26, tháng 9 năm 2000
Washington, D.C.I
https://thuviensach.vn
LỜI NGƯỜI DỊCH
Đây thực ra không phải là một quyển sách theo nghĩa thông thường, mà là một tập hợp các bài báo của tác giả Robert J. Samuelson, hầu hết chúng được viết trong thập niên 1990 và được đăng trên hai tờ báo có tiếng - Washington Post và Newsweek. Bạn có thể thu thập được nhiều thông tin, tuy không còn tính thời sự nhưng vẫn hữu ích, xoay quanh bốn chủ đề lớn là văn hóa, chính trị, kinh tế và xã hội của nước Mỹ trong giai đoạn cuối thế kỷ XX. Samuelson đã vẽ nên một bức tranh lớn về đất nước của ông, từ một góc nhìn rất khác so với những gì mà ông gọi là “quan niệm phổ biến” (conventional wisdom) - những gì mà số đông vẫn tin là đúng, được biện minh bằng các lập luận thông thường, theo “quán tính” của tư duy và được củng cố bởi giới truyền thông và báo chí.
Mà không chỉ giới hạn trong báo giới và độc giả của nó, tư duy đa chiều cộng với thái độ hoài nghi tích cực, khả năng phản biện, thách thức luôn luôn là những “điều kiện cần” cho năng lực cải tiến và sáng tạo trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đó mới thực sự là động lực của các tiến bộ xã hội. Đã có bao giờ bạn muốn “nghĩ khác” so với những thành viên trong gia đình hay trong các nhóm xã hội của bạn chưa? Hoặc bạn cho rằng bản thân mình cũng cần xem xét một vấn đề từ nhiều quan điểm khác nhau? Tác phẩm này mang đến cho bạn nhiều cảm hứng và các gợi ý chỉ dẫn để bạn làm điều đó.
Nguyễn Phúc Hoàng
Tháng 11/2010
https://thuviensach.vn
LƯU Ý CỦA TÁC GIẢ
Các bài viết này hầu hết được in lại đúng như khi chúng xuất hiện lần đầu. Trong một vài trường hợp, các tiêu đề đã được thay đổi, vì tôi không thích tiêu đề ban đầu đó, hoặc vì nó đã mất đi ý nghĩa theo thời gian. Khi tôi nhận thấy có những sai lầm từ thực tế, trong một vài trường hợp, tôi đã sửa chữa hoặc xóa chúng đi. Trong một số ít các trường hợp khác, tôi có thay đổi một chút các từ ngữ, nhất là khi các cụm từ có vẻ hơi lúng túng. Trong mọi trường hợp, ý nghĩa ban đầu là không đổi.
https://thuviensach.vn
I. NHỮNG THÓI QUEN CỦA NGƯỜI MỸ TÍNH KIÊN ĐỊNH (VÀ THƯỜNG LÀ DẠI DỘT) CỦA NGƯỜI MỸ
Thường thì mỗi mẩu tin tức được đăng tải qua Hiệp hội Báo chí (Associated Press)[3] đều nhắc cho bạn nhớ ra rằng dân tộc Hoa Kỳ có tính kiên định như thế nào. Dưới đây là một bản tin (đã được tóm lược lại theo cách thích hợp) xuất hiện cách đây vài tuần.
Tin từ Rochester, N.H. - Một phụ nữ 88 tuổi đã nhất quyết không chịu trả “dù là chỉ một xu” theo phán quyết của tòa án gây bất lợi cho bà ta, khi bà lấy đi quả bóng của một cậu bé hàng xóm.
Thẩm phán Franklin Jones của Tòa án Quận Rochester đã chấp nhận một tấm séc với số tiền 30,20USD từ một người người thông cảm với bà Reba Martineau, thay vì buộc bà Martineau phải tự trả tiền. Thẩm phán Jones đã có thể tống giam bà này vì việc xem thường quyết định của tòa.
Bà Martineau đã không chịu trả lại quả bóng cho cậu bé Gary Campbell mới chín tuổi sau khi nó đã rơi vào trong sân nhà của bà tại một khu nhà di động (mobile home) hồi tháng Chín. Bà này đã khẳng định rằng bà và những dân cư cao tuổi khác của khu phố đã không được các trẻ em hàng xóm đối xử tử tế. Cha mẹ của cậu bé đã nộp đơn kiện, để lấy lại quả bóng cho con hoặc buộc bà kia phải trả lại tiền. Sau khi trừ các khoản chi phí, tòa án sẽ bồi hoàn lại cho cha mẹ đứa bé, Martha và Wayne Campbell, số tiền 9,99USD để mua một quả bóng mới.
Wayne Campbell cho biết: họ đã đi đến tòa án là để minh chứng cho con trai của họ rằng pháp luật không thể bị vi phạm.
Bây giờ thì rất nhiều người nghĩ rằng tính cách của người Mỹ đang đi xuống. Tạp chí Time gần đây đã than phiền trong một câu chuyện mang tính minh họa rằng chúng ta đã trở thành một dân tộc “khóc nhè như trẻ con” (crybabies). Chúng ta kiện cáo quá thường xuyên. Chúng ta thấy bản thân mình là “nạn nhân” của một ai đó hoặc cái gì đó. Các biên tập viên tại Time nên ôn lại lịch sử của họ. Đơn giản là họ (và nhiều người khác nữa) luyến tiếc các tính cách hay của người Mỹ trước kia, nay đã thay đổi để thích nghi với thời hiện đại. Chúng ta có thể không thích những gì đã nhìn thấy, nhưng - như trong vụ kiện “quả bóng” trên đây - đó là cách mà chúng ta đã luôn luôn thực hiện.
Người Mỹ đã từ lâu đã sống bằng hai định đề.
Định đề số Một: Bạn không tốt đẹp hơn tôi.
Bình đẳng là niềm tin của chúng ta, như Alexis de Tocqueville đã khẳng định. Chúng ta có thể không bình đẳng về thu nhập, sự giàu có, hoặc tài năng. Nhưng chúng ta thẳng thừng bác bỏ ý tưởng cho rằng người ta đương nhiên tốt hơn hoặc tệ hơn chỉ vì họ thuộc về một tầng lớp hoặc một nhóm nào đó. Tocqueville thấy rằng, không giống như châu Âu, nước Mỹ không có sẵn tầng lớp quý tộc. Tất cả mọi người đều được hiểu là có cơ hội ngang nhau. Đây là lý tưởng của cả dân tộc Mỹ (và cũng là Huyền thoại) từ những năm 1830. Đến ngày hôm nay vẫn vậy.
Định đề số Hai: Bạn không thể làm điều đó với tôi.
Ít nhất là kể từ sau Tiệc trà Boston[4], người Mỹ đã rất khó chịu khi có một nhà cầm quyền độc đoán. Chúng ta đã có Tuyên ngôn nhân quyền (Bill of Rights) để xác định các giới hạn của sự kiểm soát bên ngoài đối với hạnh kiểm cá nhân. Chúng ta phản đối mạnh mẽ những gì được coi là xâm phạm vào đời sống của chúng ta, cho dù đó là chính quyền, nạn quan liêu (công và tư), hoặc các nhóm và cá nhân khác. Phe tự do cấp tiến bảo vệ các “quyền”. Phe bảo thủ ca ngợi “tự do”. Cả hai đang thực sự cùng nói về một thứ.
Hãy để người ta được nói rằng, đã từng có - và hiện đang có - những nguồn gốc khác nhau của sự vĩ đại
https://thuviensach.vn
của nước Mỹ. Đó là sự nuôi dưỡng tình yêu tự do, tôn trọng các cá nhân, và rất nhạy cảm với sự lạm dụng quyền lực. Tuy nhiên, chính các yếu tố tạo động lực này cũng có thể tuột khỏi tầm tay. Chúng có thể dẫn tới xung đột phi lý và lãng phí, trừ khi được kiềm chế bằng cách nào đó.
Trong một xã hội có tính truyền thống cao hơn, bà Reba Martineau đã có thể nhận được sự tôn trọng nhiều hơn chỉ vì bà đã 88 tuổi. Nhưng tại Hoa Kỳ thì không. Người cao
tuổi không có vị thế cao hơn chỉ đơn giản là do tuổi tác. Người Mỹ không có kiểu quý tộc “cao niên” hay bất cứ thứ gì khác. Sau từ “mẹ” và “con chó” thì trẻ em Hoa Kỳ đầu tiên được học để nói câu: “Điều đó không công bằng”. Chúng nghĩ rằng mình tốt như bất cứ ai khác, và chúng được khuyến khích để tin tưởng điều này. Cha mẹ của Gary Campbell đã đi đến tòa án để chứng minh cho cậu bé thấy rằng, trước pháp luật, cậu ta cũng bình đẳng như mọi người.
Sự tranh cãi ở đây là về tự do và quyền lợi. Hành vi vi phạm của bà Reba Martineau là bà đã can thiệp vào quyền được chơi đá bóng của Gary Campbell. Lỗi của Gary Campbell là cậu bé đã đe dọa quyền được sống trong hòa bình và yên tĩnh của bà Reba Martineau. Vì vậy, họ đã phải tranh cãi nhau để biện hộ cho các quyền tương ứng của họ - với chi phí xã hội. Trong khoản tiền phạt được ấn định sau cùng (30,20USD), chỉ có một phần ba (9,99USD) là dành cho quả bóng, trong khi hai phần ba (0,21USD) là các chi phí tòa án.
Đây là một câu chuyện nhỏ trong vấn đề lớn hơn của chúng ta. Các luật sư không phải là lý do duy nhất (hoặc thậm chí là chính yếu) cho cái tính thích kiện tụng của xã hội Mỹ. Vâng, các luật sư khuyến khích kiện tụng, khai thác, và thu lợi nhuận từ việc này. Tuy nhiên, các yếu tố chi phối cơ bản nằm sâu trong các giá trị truyền thống của Hoa Kỳ. Những người hoặc nhóm người cảm thấy họ đã bị đối xử bất công hoặc bị lạm dụng đều tin tưởng sâu sắc rằng chế độ của chúng ta cho phép họ trừng phạt lại những tác nhân kia. Chế độ này được hiểu là để thực thi công bằng. Người ta cho rằng chế độ này bảo vệ các quyền và tự do cá nhân.
Những gì mà tạp chí Time mô tả là môn “nạn nhân học” (victimology) - ý tưởng cho rằng các vấn đề rắc rối của bạn luôn luôn là do lỗi của người khác - đã phát xuất từ các giá trị tương tự. Chúng là nguồn gốc của sự bất mãn về kinh tế, xã hội, chủng tộc, giới tính, và cá nhân. Chúng sẵn sàng cung cấp sự giải thoát các trách nhiệm của cá nhân. Tất cả chúng ta đều bình đẳng, phải không? Ồ, còn nếu chúng ta không bình đẳng, thì tại sao không bình đẳng? Lấy ai để đổ lỗi? Mọi nhóm cá nhân không thỏa mãn với cuộc sống sẽ đi tìm kiếm xem kẻ vô lại nào đã đánh cắp giấc mơ Mỹ của mình.
Những vấn đề này thường công bằng và chính đáng. Các điều kiện xã hội liên tục thay đổi. Xã hội của chúng ta là luôn luôn không hoàn hảo. Nó không thể tự cải thiện bản thân nếu không có ai thách thức hiện trạng của nó. Và cũng không phải là tất cả các vụ kiện đều vô nghĩa. Nhưng vấn đề là phong tục, tập quán truyền thống, hoặc các lẽ thường (common sense) ngày càng không thể kiểm soát các giá trị đạo đức Hoa Kỳ. Trong một xã hội quan liêu và được hợp pháp hóa, có rất nhiều bất mãn và áp lực. Truyền hình và các phương tiện truyền thông in ấn cung cấp dư giả các cơ hội để được ra công chúng và tự thể hiện bản thân mình. Hầu như tất cả mọi người đều có thể đi đến một nơi nào đó để biểu lộ sự bất đồng về một chuyện gì đó.
Thứ đã đưa chúng ta vào rắc rối chính là niềm tin không giới hạn vào khả năng hùng biện của dân tộc. Đạo đức của chúng ta, khi vượt quá ngưỡng, lại trở thành vô đạo đức. Chúng nuôi dưỡng thói tự thương hại chính mình, tự lừa dối mình và các xung đột phi lý. Tính cách Mỹ ngày xưa vẫn chưa chết. Nó chỉ phát triển theo cách hơi ngớ ngẩn một chút thôi. Chẳng lẽ không có ai có thể nói: “Gary, cháu hãy xin lỗi bà Martineau đi nhé”, và “bà Reba này, vui lòng cho xin lại quả bóng”?
Bưu điện Washington
Ngày 21 tháng 8 năm 1991
https://thuviensach.vn
CÁC VẾT ĐEN TRONG ĐẠO ĐỨC CỦA CHÚNG TA
Tôi tự hào là một người Mỹ, hầu hết chúng ta đều tự hào như vậy. Lòng yêu nước của chúng ta thật mãnh liệt, cho dù thường lặng lẽ. Gần đây, có một cuộc thăm dò ý kiến của Gallup dành cho dân chúng tại 16 quốc gia để tìm hiểu xem liệu họ có muốn sống ở một nơi khác hay không. Người Mỹ gần như đã hoàn thành kết quả thăm dò sau cùng. Chỉ có khoảng 11% người dân muốn thay đổi. Ngược lại, 38% người Anh, 80% người Đức, 20% người Nhật, và 19% người Canada muốn thay đổi nơi sinh sống. Câu hỏi tiếp theo là: tại sao chúng ta lại si mê các nhà lãnh đạo và xã hội của chúng ta đến vậy? Một trong những câu trả lời qua loa đại khái là: hào quang của nước Mỹ và các tệ nạn của nó được gắn kết chặt chẽ với nhau.
Những điều khiến chúng ta tôn sùng nước Mỹ - sự tôn trọng cá nhân, các cơ hội, sức sống của nền kinh tế, khát khao sự tiến bộ - cũng tạo điều kiện cho chúng ta xem thường nó: một vài ví dụ là tội phạm, gia đình tan vỡ, bất bình đẳng, bi quan yếm thế, sự thô tục, và tình trạng căng thẳng. Với tính lạc quan tự nhiên, người Mỹ chúng ta không thừa nhận bất cứ sự liên hệ nào giữa đạo đức và cái xấu xa. Chúng ta từ chối không nhìn nhận một điều, như nhà xã hội học Seymour Martin Lipset đã tranh luận trong một cuốn sách mới và quan trọng, rằng “dường như các khía cạnh mâu thuẫn nhau... trong xã hội là có liên hệ mật thiết đến nhau.”[5]
Nhưng các mâu thuẫn là có tồn tại, và trong năm bầu cử thì mối liên hệ giữa chúng càng xác đáng hơn. Chỉ nắm được sự liên hệ này thì chúng ta mới có thể có được viễn cảnh từ các chiến dịch không thể tránh khỏi sự cường điệu quá lời. Chúng ta đã chìm ngập trong các phân tích nhức nhối về những sai lầm và các chương trình quy mô lớn cho việc tự cải thiện. Cả hai thứ này đều thổi phồng các vấn đề và khả năng của chúng ta trong việc giải quyết chúng; trong khi một số điều kiện của quốc gia là không dễ dàng thay đổi.
Hệ thống các tín điều của Mỹ - tập hợp đặc biệt các giá trị - là sự kết hợp giữa tự do, chủ nghĩa cá nhân, và chủ nghĩa bình quân. Sự kết hợp này đã kích thích các tiến bộ kinh tế. Tại sao chúng ta dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực máy tính? Phần lớn câu trả lời là yếu tố văn hóa. Chúng ta thích sáng tạo, thử nghiệm, và chỉnh sửa. Chúng ta là quê hương của máy tính Apple và Netscape. Hàng năm có hơn 600.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Chúng ta là nơi tập trung vốn đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới. Nhưng cũng chính việc nhấn mạnh đến sự phấn đấu cá nhân, thành công, và tự do cũng có thể thúc đẩy sự bất bình đẳng, ngăn cản kiểm soát xã hội, và nới lỏng ý thức của người dân về trách nhiệm xã hội.
Phạm tội cũng trở thành một cách để “giải quyết vấn đề”. Tỷ lệ ly hôn tăng cao, nếu hôn nhân dường như đẩy việc tự hoàn thiện bản thân vào ngõ cụt. Bởi chúng ta tôn thờ những nỗ lực cá nhân, nên chúng ta chấp nhận sai lầm và bất bình đẳng nhiều hơn các quốc gia khác. Năm 1987, một đợt thăm dò ý kiến hỏi xem liệu có là cần thiết hay không khi “chính phủ phải cung cấp cho tất cả mọi người một khoản thu nhập cơ bản được đảm bảo”. Chỉ có 21% người Mỹ đồng ý là cần có, tỷ lệ này chỉ bằng khoảng 1/3 so với người Đức (56%) hoặc người Anh (61%). Đương nhiên, phúc lợi nhà nước của chúng ta cũng tương đương như mức phúc lợi của các nước này. Nên chúng ta cũng không thể ngạc nhiên trước các sự kiện:
· Trong số các xã hội tiến bộ, xã hội của chúng ta là thuộc loại giàu có nhất và cũng bất bình đẳng nhất. Năm 1995 thu nhập trung bình của người Mỹ cao hơn khoảng 20% đến 80% so với những người Châu Âu và người Nhật Bản. Nhưng những người giàu ở mức 90% lại có thu nhập cao gần gấp sáu lần so với những người nghèo ở mức 10%. Ở Đức, tỷ lệ này chỉ là gấp ba lần, còn ở Canada và Ý là bốn lần.
· Chúng ta có nền dân chủ thành công nhất, và tỷ lệ các cử tri đi bầu cử cũng là thấp nhất. Thăm dò ý kiến của Gallup cho thấy, có nhiều người Mỹ (64%) tỏ ra hài lòng với nền dân chủ, tỷ lệ này cao hơn bất cứ nơi nào khác. Canada là nước có tỷ lệ theo sát nhất (62%); rồi đến Anh (40%) và Nhật Bản (35%). Tuy nhiên, trong các cuộc bầu cử không dành cho chức tổng thống (nonpresidential election), ít hơn một nửa số cử tri Hoa Kỳ có đủ điều kiện đã tham gia bầu cử.
· Mặc dù đầy quyết tâm theo đuổi đạo đức, nhưng chúng ta có một xã hội bạo lực nhất thế giới. Năm 1990 tỷ lệ các vụ giết người của Hoa Kỳ cao hơn hai lần so với Đức và cao hơn chín lần so với Nhật Bản.
Quá nhiều mâu thuẫn. Lipset[6] đã viết “Vấn đề liên quan đến các quyền hợp pháp của bị cáo và tự do nói chung của người dân là gắn liền với sự phản đối việc kiểm soát sử dụng súng và những khó khăn trong
https://thuviensach.vn
việc áp dụng các biện pháp kiểm soát tội phạm”. Đương nhiên, dân Mỹ là một trong những dân tộc sở hữu súng nhiều nhất trên thế giới. Năm 1993, 29% số hộ gia đình Mỹ có súng ngắn, tỷ lệ này là 5% ở Canada và 2% ở Úc.
Trong một chừng mực nhất định, các bằng chứng về sự liên hệ giữa đạo đức và cái xấu xa của chúng ta lại có được từ nước ngoài, đó là nơi mà các giá trị tiến bộ của người Mỹ đã tạo ra sự thử nghiệm tự nhiên trong các thay đổi mang tính xã hội. Sự nới lỏng kiểm soát xã hội ở Nga, Trung Quốc, và Nam Phi đã dẫn đến kết quả là tự do nhiều hơn, và tội phạm nhiều hơn. Tại châu Âu và Nhật Bản, sự thịnh vượng và việc ca ngợi cá nhân cũng đồng nhất với tỷ lệ ly hôn và tội phạm cao hơn. Trong khoảng từ năm 1970 đến 1991, tỷ lệ ly hôn tăng 40% tại Đức và 50% ở Nhật Bản (mặc dù cả hai vẫn còn ở dưới mức của Hoa Kỳ).
Các niềm tin của Hoa Kỳ đã được hình thành từ những năm 1830, khi Alexis de Tocqueville lần đầu tiên trình bày vấn đề này. Ngay cả trong thời kỳ thuộc địa, xã hội Mỹ đã ít cứng nhắc hơn xã hội châu Âu. Đất đai là một yếu tố bình đẳng. Tại Mỹ, hầu hết nông dân đều có đất; trong khi tại Anh thì 60% dân số đã không được sở hữu đất đai. Tuy nhiên, thuộc địa Hoa Kỳ khi đó tràn ngập các đặc quyền theo dạng “cha truyền con nối” và độc đoán. Trong một cuốn sách viết năm 1992, nhà sử học Gordon S. Wood của Đại học Brown lập luận rằng các đột phá mang tính quyết định đã diễn ra trong chính quá trình Cách mạng, tạo ra sự dịch chuyển xã hội và trí tuệ.[7]
Phái Bảo hoàng trốn sang Canada, nơi đó (như châu Âu) còn một xã hội với sự cung kính, hình thức công xã và tính gia trưởng. Nhưng ở Mỹ, tính hợp pháp của các đặc trưng xã hội bất biến đã sụp đổ. Jefferson cho rằng, con người sẽ tiến bộ dựa trên “đạo đức và tài năng”, chứ không dựa vào dòng dõi khi được sinh ra. Wood từng viết, cuộc cách mạng “đã biến lợi ích và sự thịnh vượng của mọi người dân bình thường - sự mưu cầu hạnh phúc - trở thành mục tiêu của xã hội và chính phủ”.
Nhận thức sau đó thường là sự thất vọng và sự phân hóa. Mọi quyền lực đều bị nghi ngờ, vì nó nâng cao một số người lên trên những người khác và khơi dậy sự ngờ vực cố hữu về “giới quý tộc” - hiện nay là “giới tinh hoa” hoặc các vị CEO lạnh lùng chai sạn. Văn hóa phổ biến là nền dân chủ, và vì thế, đôi khi nông cạn và gây khó chịu. Truyền thanh và truyền hình nhảm nhí chỉ là cách thể hiện mới cho các động lực xưa cũ. Tiến trình này là không bao giờ hoàn hảo, bởi vì hạnh phúc - mặc dù không ngừng được theo đuổi - là không bao giờ được đảm bảo thành công. Các chính trị gia thiếu các lý tưởng mà chúng ta (và ngay cả họ) đặt ra: một lý do tại sao chúng ta công kích họ, ngay trong khi vẫn ngưỡng mộ chế độ.
Việc bầu cử sẽ phơi bày ra những mâu thuẫn này, nhưng không loại bỏ chúng. Thật tuyệt vời khi được là một người Mỹ, nhưng chúng ta phải gánh chịu và được phù hộ bởi chính niềm tin của chúng ta. Điều này giúp xác định nên vở kịch Mỹ.
Newsweek
Ngày 11, tháng 3 năm 1996
LÝ THUYẾT “CHƠI BOWLING MỘT MÌNH” LÀ VÔ NGHĨA
Nhà khoa học chính trị Robert Putnam của Harvard đã có một bước tiến dài. Trước kia ông chỉ là một nhà học thuật không mấy tiếng tăm, nhưng khi viết một bài báo vào năm 1995 thì ông đã trở thành một người nổi tiếng nho nhỏ (minor celebrity). Tổng thống Clinton đã mượn các ý tưởng của ông trong các bài phát biểu của mình. Rất nhiều báo chí đăng tải lý thuyết của ông. Putnam tranh luận rằng đời sống dân sự đang suy thoái - khi người Mỹ không chịu tham gia, như họ đã từng làm trước kia, các đội nhóm và các câu lạc bộ để đẩy mạnh sự tin tưởng và hợp tác. Điều này làm xói mòn nền dân chủ, ông nói. Chúng ta “chơi bowling một mình”, và thành viên hiệp hội bowling kể từ năm 1980 đã giảm đi 40%.
Thử xem nhé. Điều này hầu như vô nghĩa. Mặc dù người dân Mỹ có thể là những người cáu kỉnh, nhưng nguyên nhân không phải là do đời sống dân sự đang tan rã. Do tính đơn lẻ của các môn thể thao chăng?
https://thuviensach.vn
Không đời nào. Từ năm 1972 đến 1990, số người Mỹ chơi môn bóng mềm[8](vâng, đây là môn thể thao đồng đội) tăng từ 27 triệu đến 40 triệu, theo các báo cáo của Hiệp hội Bóng mềm Nghiệp dư. Kể từ năm 1967, số lượng các đội đăng ký tham gia liên đoàn đã tăng từ 19.000 lên đến 261.000. Bowling, tất nhiên, chỉ đơn thuần là phép ẩn dụ của Putnam cho sự tan rã trên quy mô rộng hơn của các nhóm như PTA[9] và Elks[10]. Nhưng toàn bộ lý thuyết này là đáng nghi ngờ.
Mục đích của lý thuyết này là nhằm để giải thích một “mất mát của cộng đồng”: một cảm giác ngày càng tăng thêm về sự tan rã của xã hội. Điều này là có thật hay không thì còn chưa rõ ràng. Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, phải chăng nước Mỹ đã trở thành một đại gia đình hạnh phúc? Không phải thế trong những năm 1960, khi đất nước bị giằng xé bởi cuộc chiến tranh Việt Nam, các quyền công dân và sự phản đối của học sinh sinh viên. Cũng không phải trong các năm của thập niên 1970, khi vấn đề Việt Nam (vẫn tiếp diễn), vụ Watergate, và lạm phát hai con số đã gây ra các tranh cãi kịch liệt. Có lẽ, nói ngắn gọn thì đó là khoảng những năm giữa thập niên 1950, giữa thời kỳ xuất hiện chủ nghĩa McCarthy[11] và khi tên lửa Sputnik được phóng vào không gian và các cuộc khủng hoảng khi xóa bỏ nạn phân biệt đối xử trong trường học sau đó.
Những xung đột hiện tại của chúng ta chắc chắn là có thật. Mặc dù vậy, nguyên nhân chính không phải là sự mất mát trong đời sống con người. Các “cộng đồng” của chúng ta trong quá khứ đã phân hóa nhiều hơn và xã hội khi đó có ít lòng trắc ẩn hơn ngày nay. Những người da đen từng bị cô lập trong trường học và nơi làm việc. Hầu hết các phụ nữ đã lập gia đình đều ở nhà. Đã từng có rất ít “mạng lưới an sinh” cấp liên bang dành cho người cao tuổi và người nghèo. Việc công kích các hành động phân biệt đối xử, theo đuổi tự do kiểu mới và nhiều công bằng xã hội hơn - tất cả những điều này đều giúp cải thiện cuộc sống, nhưng đồng thời cũng tạo ra các xung đột và các vấn đề mới.
Nhìn từ một số góc độ nhất định thì người Mỹ hiện nay đã pha trộn được các chủng tộc, giới tính, và dân tộc nhiều hơn bao giờ hết. Sự bảo đảm dành riêng cho tầng lớp xã hội và trí thức cũ cũng đã biến mất. Ban đầu, rất nhiều thay đổi đã được tưởng tượng ra để dự báo sự hài hòa: tất cả mọi người sẽ xếp vào tầng lớp trung lưu và tìm cách tự hoàn thiện mình. Trong thực tế, những sự thay đổi đã kích hoạt các xung đột mãnh liệt, chẳng hạn như tranh cãi về vai trò của chính phủ, về các “quyền” của phụ nữ (và của nam giới), các “quyền” của giới đồng tính nam (gay), và sự phá thai.
Các nhóm thường xuyên phản ánh và duy trì sự căng thẳng và sức ép xã hội. Nhóm Ku Klux Klan[12] đã không thúc đẩy sự tin tưởng, nhiều nhóm ngày nay là tác nhân cho các mối bất hòa, không hợp tác. Hơn nữa, Putnam còn cường điệu hóa quá mức sự sút giảm của việc tham gia các nhóm. Ông cho biết, tình hình số lượng thành viên trong nhóm như Hội Chữ Thập Đỏ và các Liên đoàn lao động đã “giảm nhanh ở mức từ 25 đến 50% trong vòng hai đến ba thập kỷ vừa qua.” OK. Tuy nhiên, theo thời gian, mọi thứ đã thay đổi. Các liên đoàn suy giảm, vì những bất lợi trong môi trường kinh tế và pháp lý. Còn các nhóm khác đã mở rộng.
Để bác bỏ điều này, Putnam cho rằng: Tổng điều tra xã hội - cuộc thăm dò ý kiến hàng năm của Trung tâm Nghiên cứu dư luận Quốc gia (NORC) tại Trường Đại học Chicago - xác nhận mức sụt giảm 25% thành viên trong tất cả các nhóm, từ năm 1974. Điều này thì không đúng sự thực. Mức suy giảm mạnh mà Putnam đưa ra chỉ có sau khi ông tiến hành điều chỉnh thống kê nhằm nâng cao trình độ giáo dục. Trong quá khứ, những người được giáo dục tốt hơn đã thuộc về nhiều nhóm hơn. Bởi vì việc tham gia các nhóm đã không tăng lên cùng với sự nâng cấp giáo dục, Putnam đã nhìn thấy một “sự giảm sút” đáng ngạc nhiên.
Đây hầu như chỉ là ảo ảnh. NORC yêu cầu các đối tượng khảo sát trả lời liệu họ có thuộc nhóm nào trong số 16 nhóm được liệt kê hay không. Kết quả sau đây thể hiện tỷ lệ tham gia các nhóm trong năm 1974 và 1994 (trong một số trường hợp còn có kết quả của năm khác, bởi vì kết quả năm 1974 hay 1994 có vẻ cao, hay thấp):
Nhóm thân hữu: năm 1974: 13,9% (1975: 10,9%); năm 1994: 10,1%.
Nhóm cựu chiến binh: năm 1974: 9%; năm 1994: 7,8%.
Liên đoàn lao động: năm 1974: 16,5%; năm 1994: 11,8%.
https://thuviensach.vn
Câu lạc bộ chính trị: năm 1974: 4,5%; năm 1994: 4,7%.
Câu lạc bộ thể thao: năm 1974: 17,9%; năm 1994: 21,8%.
Nhóm thanh thiếu niên: năm 1974: 10,5%; năm 1994: 10,4%.
Nhóm trường học: năm 1974: 17,7% (1975: 14,1%); năm 1994: 16,1%.
Câu lạc bộ cùng sở thích: năm 1974: 9,8%; năm 1994: 9,2%.
Nhóm sinh viên: năm 1974: 4,7%; năm 1994: 5,7%.
Nhóm dân tộc: năm 1974: 3,6%; năm 1994: 3,5% (1993: 4,8%).
Câu lạc bộ dịch vụ: năm 1974: 9%; năm 1994: 10,1%.
Nhóm trang trại: năm 1974: 4,3%; năm 1994: 3,7%.
Nhóm văn chương/nghệ thuật: năm 1974: 9,4%; năm 1994: 9,8%.
Nhóm chuyên môn nghề nghiệp: năm 1974: 13,2%; năm 1994: 18,7%.
Giáo hội - Các nhóm liên quan: năm 1974: 42,1%; năm 1994: 33,4%.
Khác: năm 1974: 10,4%; năm 1994: 10,7%.
Tỷ lệ tham gia các nhóm là gia tăng; còn sự giảm sút trong một số nhóm khác là không đáng kể. Giáo Hội - và các nhóm có liên quan là một trường hợp ngoại lệ, ngoại lệ này làm tăng trọng lượng cho luận điểm của Putnam. Nhưng ý tưởng cho rằng người ta đã rút lui rất nhiều khỏi đời sống dân sự là khá gượng gạo, theo tranh luận của Reverend Andrew Greeley thuộc tổ chức NORC. Ông viện dẫn đến các cuộc điều tra khác cho thấy rằng sự tình nguyện gia nhập các nhóm đã thực sự tăng thêm một phần tư, từ đầu những năm 1980. Ông viết thêm rằng sự gia tăng này diễn ra trong số những người thuộc “các thế hệ Baby-Boom... và thế hệ X[13]”, những người được coi là “ích kỷ và không liên kết”.
Người dân Hoa Kỳ đã không trở thành những người ẩn dật. Nhà văn William Kennedy - một phóng viên chuyên tìm hiểu cuộc sống của tầng lớp lao động - từng nói với Peter Hong của Thời báo Los Angeles rằng: trong những thời kỳ trước, rất nhiều câu lạc bộ xã hội “chỉ là trò tiêu khiển sau một ngày làm việc khủng khiếp” tại các nhà máy. Kennedy lưu ý thêm rằng còn có rất nhiều nhóm xã hội cũ, phản ánh các thành kiến, “những người Công giáo không thể tham gia vào các nhóm Tin lành và người Do thái thì không thể tham gia bất cứ nhóm nào trong số này”.
Hong đến các sân chơi bowling tại California và nhận thấy chúng đang làm ăn phát đạt. Đúng vậy, các hiệp hội đã suy giảm, bởi vì một số đội được tổ chức từ các nhà máy, xí nghiệp đã đóng cửa. Nhưng “hầu như không ai chơi bowling một mình cả... các trung tâm đều đông đúc nhộn nhịp với các buổi tiệc tùng của giới văn phòng, những người nghỉ hưu vui nhộn và các tiệc mừng sinh nhật bằng trò chơi bowling.” Hong không nhận thấy “sự thiếu tính cộng đồng”, mà là “mô hình liên kết xã hội thoải mái hơn, ít tính truyền thống hơn, được định hình từ những cách sống và làm việc kiểu mới của người Mỹ”. Đó là nước Mỹ, tương phản với cái lý thuyết “chơi bowling một mình” - lý thuyết hầu như là nông cạn dưới góc độ trí tuệ và nghề báo.
Bưu điện Washington
Ngày 10 tháng 4, 1996
https://thuviensach.vn
HỘI CHỨNG GIẢI THƯỞNG
Ban giáo dục của thị trấn Fairfax, Va. - ngoại ô Washington, DC - đã có một vấn đề cần giải quyết: các khiếu nại từ các học sinh trường trung học và các vị hiệu trưởng cho rằng việc xếp hạng trong lớp học là không công bằng. Với thang điểm từ 0 đến 4, đa số học sinh có điểm trung bình là 3.0 (B), hoặc cao hơn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều học sinh tự nhiên bị xếp hạng vào nửa bên dưới của lớp học. Giải pháp: loại bỏ việc xếp hạng.
Chúng ta đang sống trong một xã hội tự chúc tụng nhau, trong đó chúng ta liên tục khẳng định với nhau rằng mình đã làm tốt như thế nào. Bạn không thể nói thêm bất cứ điều gì cho bất cứ ai rằng người đó đang làm không tốt, hay chưa tốt như những người ngang hàng với họ. Chúng ta phát minh ra các chức danh “mang tính nghệ thuật” để tạo ấn tượng rằng tất cả mọi người đều chiếm giữ các vị trí đáng được tôn trọng và đầy trách nhiệm. Tờ The New Yorker từng cho chạy một truyện tranh của một người đàn ông đang than vãn sự khổ sở của mình với một người pha chế tại quầy bar. “Tôi chẳng biết sao nữa” ông này nói, “một mặt, đây rõ ràng là một công việc linh tinh, không có cơ hội phát triển, nhưng mặt khác, nó cũng là vị trí Phó Tổng giám đốc”.
Michael, đứa con trai lên sáu tuổi của tôi, chơi bóng đá trong một hội. Điểm đặc trưng nổi bật của giải đấu mùa thu và mùa xuân là như nhau: có các giải thưởng. Mỗi đội đều được giải thưởng. Tất cả mọi thành viên của mỗi đội cũng đều được giải thưởng. Kết quả của trận đấu là 9-0 hoặc 0-9 đều không thành vấn đề. Việc bạn đã tham gia thi đấu như thế nào và thậm chí là bạn có chơi hay không cũng không quan trọng. Chỉ cần có mặt tại trận đấu cuối cùng, và tại đó các giải thưởng được phân phát. (Tôi không thể viết là “trao giải thưởng”). Michael nhà tôi có bốn giải thưởng như vậy.
Còn các chức danh? Với báo cáo của Standard & Poor’s[14], tôi xem lướt qua Comerica Inc, một ngân hàng cổ phần cỡ trung, trong đó liệt kê danh sách bao gồm một vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị, hai Phó Chủ tịch, hai Phó Tổng giám đốc điều hành, 24 Phó Tổng giám đốc cấp cao, và 22 Phó Tổng giám đốc thứ nhất. Báo chí đã xuất sắc trong việc làm “ô nhiễm” các chức danh. Hãy xem qua tờ Newsweek. Chúng ta có một tổng biên tập, một nhà biên tập, một quản lý biên tập, bốn trợ lý cho quản lý biên tập, 15 biên tập viên cao cấp, 20 tác giả cao cấp, 23 biên tập viên tổng hợp, và 17 biên tập viên liên kết (associate editor). Rất nhiều “biên tập viên” không hề làm công tác chỉnh sửa, biên tập. Họ viết bài, thậm chí một số còn không cả viết bài. Tất cả các chức danh đều nghe rất ấn tượng, thậm chí làm tổn hại đến sự trung thực. Tôi là một trong mười “biên tập viên đóng góp” (contributing editor), mặc dù tôi không hề biên tập bất cứ thứ gì, và một số người thậm chí còn hoài nghi sự “đóng góp” của tôi.
Một cách để đánh giá sự tâng bốc quá đáng này là coi chúng như một thứ đạo đức giả “mang tính xây dựng”: là đạo đức giả, bởi vì chúng ta đều biết nó là giả tạo; mang tính xây dựng, bởi vì sự dối trá tạo thuận lợi cho chúng ta. Không phải tất cả mọi người đều có thể giành chiến thắng trong tất cả các trò chơi, do đó, chúng ta thiết kế ra “giải an ủi” để làm cho người thua cuộc cảm thấy tốt hơn mà không làm tổn thương những người thắng cuộc.
Suy cho cùng, con trai của tôi tham gia các trò chơi mà trong đó tỷ số được ghi lại. Ai lại đi quan tâm, nếu người thua cũng có giải thưởng? (Nói về thành tích thì đội bóng của Michael - đội Chim Lớn - có những con số là 5 thắng - 2 hòa - 2 bại). Không phải tất cả các nhà quản lý đang lên đều có thể trở thành CEO (Tổng giám đốc điều hành). Vì vậy, điều gì xảy ra nếu những người “thường thường bậc trung” (also-rans) cũng trở thành các Phó tổng giám đốc? Nhà xã hội học Harriet Zuckerman của Đại học Columbia thông báo rằng Hoa Kỳ hiện đã có khoảng 3.000 giải thưởng khoa học lớn, nhiều gấp năm lần như con số cách đây 20 năm. Nhưng cô cũng nghi ngờ rằng các nỗ lực làm việc hoặc nhiệt tình tìm tòi khám phá đã bị ảnh hưởng xấu đi, chỉ vì việc giành giải thưởng đã dễ dàng hơn trước.
Trong một cuốn sách gần đây, nhà kinh tế học Robert Frank của Đại học Cornell lập luận rằng rất nhiều sự dàn xếp kiểu này là có ý nghĩa hoàn hảo[15]. Người ta đánh giá địa vị của nhau, và chúng ta tìm thấy những cách thức mới để tạo ra địa vị nhằm làm hài lòng những người chưa có địa vị cao. Chức danh “hão” trong công việc đem lại khoản “thu nhập tinh thần”. Mức phúc lợi cho phép những người có địa vị cao lưu lại vị trí đó để có cuộc sống dễ chịu hơn một chút so với mức tối thiểu.
https://thuviensach.vn
Sự cạnh tranh khắc nghiệt, trừ khi được kiểm tra, có thể rất đáng sợ và phá hoại xã hội. Liệu chúng ta có thực sự mong muốn có một quốc gia trong đó toàn là các John McEnroe[16]? Lập luận được dùng để thuyết phục Ban giáo dục của thị trấn Fairfax cho phép các trường học từ bỏ việc xếp hạng trong lớp là khá đơn giản. Nhiều lớp đã được gom lại với nhau. Việc xếp hạng là nhân tạo (các học sinh cùng lớp có thể thuộc nhiều hạng rất khác nhau) và do đó, là bất công. Các thứ hạng thấp đã làm tổn hại đến việc được nhận vào trường đại học của học sinh sau này.
“Các em rất ngại các môn học khó hoặc các giáo viên có yêu cầu cao, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến thứ hạng trong lớp học”, ông hiệu trưởng Joseph Arangio của trường trung học Langley cho biết. Một học sinh trong thị trấn bên cạnh đã nói với tờ Bưu điện Washington: “Tôi biết có những học sinh đã ngồi sụp xuống và khóc khi nhận được kết quả xếp hạng. Họ nói: ‘tôi học hành chăm chỉ, và đây là những gì tôi có để thể hiện cho sự chăm chỉ đó.’ Họ muốn điên đầu lên vì những việc này”.
Đến một mức độ nào đó thì tất cả những điều này nghe có vẻ thật. Nhưng có lẽ bạn nghi ngờ (cũng như tôi) rằng những điều này là ngoài tầm kiểm soát. Cạnh tranh có thể là không hay ho gì, nhưng thường hữu ích cho bạn. “Khổ luyện mới thành tài” (no pain no gain) thường là điều luôn luôn đúng. Trước khi xuất hiện câu sáo ngữ này, Edison từng nói: “Thiên tài chỉ là 1 phần trăm cảm hứng và 99 phần trăm mồ hôi công sức”. Xu hướng nói với mọi người rằng mọi thứ đều ổn - tất cả mọi người đều nhận được một phần thưởng -có thể tạm thời làm giảm bớt căng thẳng, nhưng nó xoa dịu đi áp lực để chúng ta làm được điều tốt nhất, có thể còn tốt hơn những gì chúng ta nghĩ rằng mình có thể làm.
Người ta ỉm đi các tin xấu. Bởi bây giờ mọi người đều biết là học sinh Hoa Kỳ có điểm kém tại nhiều cuộc thi quốc tế, nhưng vẫn tự bình chọn mình ở gần mức dẫn đầu. Không nghi ngờ gì nữa, các nhà quản lý tồi của General Motors đã tự thuyết phục chính mình rằng họ đã làm rất tốt. Một trong những lý do khiến cho việc xếp hạng trong lớp học bây giờ kém ý nghĩa hơn trong quá khứ là sự lạm phát các lớp. Năm 1966, 15% số sinh viên mới ở các trường đại học là những người có điểm trung bình hạng A tại trường trung học. Đến năm 1991, tỷ lệ này đã là 24%.
Hình thức tự lừa dối được xã hội chấp nhận này đã được thiết kế ra nhằm giải quyết cảm giác bị tổn thương và thổi bùng lên lòng tự trọng của chúng ta. Nhưng nó có hại khi cuối cùng thì sự thật cũng phơi bày, giống như ta thường thấy. Điều này đã diễn ra tại GM. Các trường học có thể chấm dứt việc xếp hạng và cho mọi học sinh hạng A. Nhưng họ không thể tạo thêm đầu vào cho các trường đại học “có giá”, nơi mà các học sinh khao khát được nhận vào. Các học sinh được trông đợi sẽ đến các đại học này thì thực tế họ sẽ không đến. Xử lý sự thất vọng - và đi lên từ điều đó - là một trong những bài học của cuộc sống. Điều này được học qua các trải nghiệm, chứ không phải từ sự phủ nhận. Quá nhiều sự tự mãn đã khiến chúng ta coi các điều thất vọng như lỗi của người khác. Bởi vậy chúng ta bằng lòng khi đổ lỗi cho những sự việc không may là phát xuất từ đâu đó.
Cũng rõ ràng là đạo đức giả “mang tính xây dựng” thường dễ hiểu như đạo đức giả “cổ điển”. Nó nuôi dưỡng thói bi quan yếm thế và sự lãng phí. Quá nhiều vị Phó Tổng giám đốc sẽ tạo ra vấn nạn quan liêu. Việc tùy tiện sử dụng tràn lan các chức danh đã thay thế cho sự quản lý mang tính sáng tạo để mọi người được đóng góp thực sự. Làm cho việc lấy bằng của các trường trung học và đại học dễ dàng hơn đã khiến nhiều người tạo sự khác biệt bằng cách theo đuổi các văn bằng “ít cao cấp” hơn. Từ đó, đã có sự tăng trưởng của “giấy chứng nhận năng lực”: sự bùng nổ các văn bằng thạc sỹ và văn bằng chuyên môn, với nhiều giá trị mơ hồ.
Mọi người đều thích được khen. Ở tuổi lên sáu, một cái vỗ vai là hữu ích. Một vài giải thưởng cũng là chuyện bình thường. Vấn đề của chúng ta là cứ duy trì mãi những thói quen của trẻ thơ. Lời khen được cho đi quá dễ dàng hoặc quá phung phí còn tệ hại hơn là không khen. Các giải thưởng chỉ có một giá trị nhất định, khi chúng là thứ người ta giành được, chứ không phải là thứ được ban phát.
Newsweek
Ngày 21 tháng 12, năm 1992
https://thuviensach.vn
NGƯỜI CHA CUỐI CÙNG ĐẾN THĂM DISNEY WORLD
Mới gần đây, tôi đã trở thành người cha cuối cùng tại Mỹ đến thăm Trung tâm vui chơi giải trí Disney World ở Orlando. Điều này đúng về mặt tinh thần, chứ không chính xác trên thực tế. Xét đến hoàn cảnh (có ba con nhỏ, tuổi từ năm đến mười, thu nhập đầy đủ, cư trú tại Bờ Đông nước Mỹ) thì tôi buộc phải đi. Và một lý do chính đáng nữa là bởi vì - theo cách nói trên báo chí - Disney World là nơi không thể bỏ qua. Dưới nhiều khía cạnh thì đây chính là nước Mỹ hiện đại. Nó thể hiện sự thuyết phục của chúng ta rằng công nghệ và sự quản lý có thể tối đa hóa niềm vui và thúc đẩy “việc mưu cầu hạnh phúc”.
Tại Disney World, người ta cho rằng tất cả mọi người sẽ tìm thấy những giây phút vui vẻ và sự hòa thuận. Đó là một cộng đồng độc lập, trong đó tất cả các xung đột mang tính xã hội và gia đình được chính thức loại bỏ. Tất cả mọi thứ được tổ chức và hầu như đưa vào khuôn phép. Có cả một đường xe lửa và một đội xe lên đến hơn 100 xe buýt dùng để chuyên chở các đám đông lớn. Theo báo cáo của tờ Amusement Business - một ấn phẩm thương mại - thì trong năm 1994 đã có tổng số 29 triệu khách tham quan. Thậm chí khi đã tính trùng lắp (một người ghé thăm nhiều lần và được tính thành nhiều người) thì đó vẫn là một số lượng người rất lớn.
Một người bạn của tôi cho rằng chính Disney World mới là lý do quan trọng nhất giúp chúng ta giành phần thắng trong Chiến tranh Lạnh. Có thể bạn tôi đúng. Những hứa hẹn từ lối sống Hoa Kỳ - cam kết được đưa ra thế giới từ nửa thế kỷ trước - rằng nền dân chủ của chủ nghĩa tư bản sẽ không chỉ đơn giản là giúp người dân được tự do thoát khỏi nền độc tài chuyên chế, mà còn giúp họ tự hoàn thiện bản thân. Chúng ta có thể được giải phóng khỏi đói nghèo nhờ tăng trưởng kinh tế và tìm đến hạnh phúc. Disney World là hình mẫu thu nhỏ cho ý tưởng này.
Trời ơi, nơi này thật quá rộng lớn. Dưới đây là một vài chỉ số. Khuôn viên của Disney World có diện tích 43 dặm vuông, nghĩa là (theo như lời quảng cáo) rộng gấp hai lần diện tích của Manhattan. Trên diện tích này có ba công viên chủ đề (Theme Park) là Vương quốc Thần tiên, Epcot, và trường quay của Disney - MGM, ba công viên nước, năm sân golf, 23 khách sạn và resort với 22.000 phòng, và vô số cửa hàng. Hiện chỉ có một phần ba diện tích đất được xây dựng, nên vẫn còn chỗ để nơi này phát triển thêm nữa. Một công viên chủ đề thứ tư (Vương quốc Động vật Hoang dã) dự kiến sẽ khai trương trong năm 1998.
Các cửa hàng đầy ắp áo thun, thú nhồi bông, ly uống cà phê, băng video, mũ nón, quần short, giày dép - hầu như bất cứ thứ gì có thể gắn kết được với Disney hay các công viên. Trong một cửa hàng (tên là Nghệ thuật của Disney), một bức tượng bằng đồng của Goofy được bán với giá 10.500USD và một ghế bành bọc da hình chú chuột Mickey có giá 3.400USD. Người Hoa Kỳ thường tự hỏi mình sẽ làm việc ở đâu, khi sự tự động hóa đã loại bỏ các công ăn việc làm trong nhà máy. Một trong những câu trả lời là: làm việc cho các khu phức hợp giải trí - công nghệ, tất cả mọi thứ từ TV cho đến du lịch, đến bóng đá chuyên nghiệp và các công viên giải trí. Mọi người đều nghe được rằng Disney World sử dụng 37.000 nhân viên (đặt trong bối cảnh tập đoàn Microsoft chỉ có 17.800 người lao động).
Disney World, mở cửa năm 1971, đã làm tốt hơn thành tựu của một thế kỷ trong hoạt động kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí. Nhà sử học David Nasaw của Trường Đại học Thành phố New York đã viết “trong những năm 1870 và 1880, ‘đời sống về đêm’ vẫn còn dành riêng cho một số ít những người giàu có, là những người bảo trợ cho các nhà hát cao cấp và cho các nhóm ‘bài bạc’ (sporting crowd) dành buổi tối trong các quán rượu ‘có hòa nhạc’ với các loại hình giải trí sống động. Nhưng chẳng bao lâu sau thì “khung cảnh của ngành giải trí... đã thay đổi đáng kể”.
Đến năm 1910, theo Nasaw, các nhà hát và rạp chiếu phim của New York có thể có đến hai triệu chỗ ngồi. Trong năm 1870, Hoa Kỳ chưa có các khu vui chơi công cộng hoặc các công viên bóng chày. Ba thập kỷ sau đó, trong hầu hết các thành phố lớn và nhiều thị trấn “đã có các công viên bóng chày và các khu vui chơi”. Năm 1909, có 20 triệu người đến chơi và bơi lội tại đảo Coney ở New York. “Người lao động muốn có thêm thứ gì khác nữa, ngoài thực phẩm và quần áo”, một chủ nhà in trình bày trước Ủy ban Thượng viện trong năm 1883. “Người ta muốn được vui chơi giải trí”.
Sự việc đã là như vậy, và cho đến bây giờ. Cho dù bạn lưu lại bao lâu đi nữa (chúng tôi ở lại Disney World một tuần, vì đó là thời gian nghỉ hè) thì bạn cũng không thể chơi hết tất cả mọi thứ tại đây. Chúng tôi đã đi đường tàu lửa lên núi Thần Sấm, núi Tung bọt nước, núi Không gian. Chúng tôi tham gia trò Ngọn tháp
https://thuviensach.vn
Kinh hoàng, bơi lội trong hai công viên nước, dùng 2 bữa sáng với các “nhân vật” của Disney (chẳng hạn chú chuột Mickey), xem phim 3D và trò Mr. Toad. Đứa con gái 10 tuổi của tôi làm cuộc thống kê, cho thấy chúng tôi tham gia cả thảy là 48 hoạt động đi lại, diễu hành, trưng bày và sự kiện.
Lẽ dĩ nhiên là sự tưởng tượng và việc hiện thực hóa chúng là không luôn luôn giống nhau. Ngoài một số thứ khác, Disney World đã truyền được cảm hứng cho các tài liệu hướng dẫn du lịch. Tài liệu mà chúng tôi sử dụng (Hướng dẫn không chính thức cho Disney World phiên bản 1995) có trình bày một thư cảnh báo của một bà mẹ đến từ Dayton, Ohio khi bà dẫn đứa con gái 5 tuổi đến chơi:
Khoảng 11 giờ sáng, chúng tôi đã đi bộ được khá xa và đang đứng trong các hàng đợi mà tại đó mọi người đều quá mệt mỏi. Kristy khóc vì những thứ nhìn hoặc nghe thật dễ sợ... Lúc đó chúng tôi, cũng như mọi người khác, đều đói, nhưng hàng đợi để mua thức ăn còn quá dài và chồng tôi nói rằng cần phải tiếp tục chờ đợi. Đến 1 giờ trưa thì chúng tôi mới xoay sở xong, nhưng chẳng nhìn thấy gì mà mình thực sự thích thú cả. Chúng tôi lại phải tiếp tục leo lên phương tiện đi lại, bởi vì hàng đợi ở đó ngắn hơn và trên đó có máy điều hòa nhiệt độ.
Điều này cũng là sự thật. Rất nhiều bậc cha mẹ và các trẻ em tại đây đều giúp nhau bớt căng thẳng, có lẽ ai cũng vậy. Giấc mơ Mỹ không bao giờ giống như những gì được quảng cáo, và Disney World cũng vậy. Trong tài liệu Hướng dẫn Không chính thức có ghi lại: “vài người (đủ mọi lứa tuổi)... đã được trang bị về thể chất và tinh thần để “hành quân” cả ngày, trong đám đông 50.000 người, không quan tâm đến cái nắng chói chang gay gắt của Florida”. Sự chờ đợi sẽ có thể làm giảm hưng phấn, nhưng chúng tôi đã không phải chờ như vậy. Với những khúc quanh bất tận, Disney nhồi nén những hàng đợi dài vào trong các khoảng không gian chật hẹp.
Tuy nhiên, các đám đông vẫn tiếp tục kéo về. Trong năm 1994, Công ty Disney có được khoản thu nhập 3,5 tỷ dollar từ tất cả các công viên chủ đề, trong đó bao gồm cả Disneyland “gốc” ở California và một công viên khác ở Nhật Bản. (EuroDisney là một công ty khác.) Những đám đông không phải là giới tinh hoa: họ là hình mẫu khá rộng của Hoa Kỳ. Tôi không chắc chắn đây là sự thành công của thương mại dân chủ hay một dấu hiệu của sự suy đồi đang lan tràn. Disney World có hai màn trình diễn về chính nước Mỹ, và trong một kịch bản, người ta phải khựng lại vì tuyên bố mang tính “lật đổ” của John Steinbeck: “Chúng ta hiện đang đối mặt với những nguy hiểm mà trong quá khứ chúng đã từng tàn phá [các quốc gia] nhiều nhất. Các thành công, sự phong phú, sự thoải mái, và luôn luôn gia tăng vui chơi giải trí: không có dân tộc năng động nào đã tồn tại được sau khi trải qua các hiểm họa này.”
Tại Disney World, đã có kẻ “phá hỏng bữa tiệc vui” (party stopper). Chúng ta có bị kết tội vì thành công của chính mình? Bạn thử nghĩ về điều đó xem, còn tôi thì đã không suy nghĩ. Disney World không phải là nơi để tư duy. Có quá nhiều thứ để chơi. Những trẻ em vui đùa ở đó, mặc dù có một số điểm “khó chịu”. Vợ tôi cũng vậy. Nơi đây, rất khó có thể vui vẻ được, mặc dù tôi đã cố gắng để vui.
Bưu điện Washington
Ngày 13 tháng 9 năm 1995
THAM VỌNG VÀ CÁC KẺ THÙ CỦA NÓ
Chúng ta là một dân tộc với những con người đầy tham vọng, nhưng tham vọng là một đức tính khó có thể được khen ngợi và lại dễ bị chỉ trích. Tham vọng là một động lực lớn cho tính sáng tạo của người Mỹ, nhưng nó cũng có thể là một kẻ đàn áp nhẫn tâm cướp đi thời gian và sự yên tâm của chúng ta. Đặc biệt là trong các thời kỳ thịnh vượng - như hiện nay - thì vấn đề mang tính thời sự là đặt câu hỏi: liệu tham vọng đã vượt khỏi tầm kiểm soát và khiến chúng ta nỗ lực, khao khát thái quá đến mức khiến chúng ta tự hủy hoại mình hay chưa.
Lẽ tất nhiên, tham vọng không chỉ là việc kiếm tìm sự giàu có. Động lực của nó lan tỏa đến từng hoạt động trong cuộc sống. Hãy nhìn một Al Gore làm việc cật lực để trở thành tổng thống - tha thiết vận động tranh
https://thuviensach.vn
cử mà không có bất cứ niềm vui nào thể hiện ra bên ngoài - nhằm hoàn thành tham vọng đã có từ thời thơ ấu của mình. Và liệu có ai thực sự tin rằng các cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các “đại gia” máy tính giàu sụ của Hoa Kỳ (từ Bill Gates của Microsoft đến Stephen Case của America Online) chỉ là vì chuyện tiền bạc? Mối quan tâm lớn hơn ở đây là tham vọng kiểm soát được chương trình nghị sự trong thế giới ảo (cyberagenda) của cả đất nước.
Được thắng thế trước đối thủ cũng là một chứng đam mê kỳ lạ của dân tộc Mỹ. Bạn nhìn thấy điều này mỗi khi một anh chàng bắt bóng (wide receiver)[17] nhảy cẫng lên ở cuối sân và đưa cao một ngón tay chào chiến thắng với ngụ ý “chúng tôi là số một”, ngay cả khi đội bóng của anh ta đang có nguy cơ bị thua. Phổ biến hơn là việc tìm kiếm các biểu tượng của địa vị - một căn nhà lớn hơn, một kỳ nghỉ mới lạ hơn, một xe máy “ngầu” hơn, một máy tính nhanh hơn - giúp chúng ta khác biệt với đám đông. Tiền có thể không phải là cách duy nhất để đáp ứng nhu cầu này, nhưng nó là phương tiện thường thấy, bởi vì tiền có thể dễ dàng chuyển đổi thành các “dấu hiệu nhận biết” và thể hiện địa vị.
Đối với nhiều người dân, việc thi thố này có vẻ là phù phiếm. Tờ The New York Times gần đây đã đăng một câu chuyện dài về bốn gia đình có thu nhập khoảng
50.000 USD, “những người này tự hỏi tại sao họ phải tranh đấu chật vật như vậy chỉ để thanh toán các hoá đơn”. Câu trả lời không phải là vì thu nhập thấp của họ. Theo các báo cáo của Cục Thống kê, trong khoảng từ năm 1992 đến 1997, mức thu nhập trung bình của các cặp vợ chồng đã tăng từ 48.008 USD lên 51.681 USD với sự điều chỉnh lạm phát đồng Dollar. Mức hiện nay [năm 1999] chắc chắn còn cao hơn. Các gia đình được mô tả trên tờ Times đều sở hữu được nhà riêng. Việc mua sắm gần đây của họ bao gồm “tủ lạnh hai cửa, lò nướng bức xạ nhiệt... TV màn hình lớn... máy vi tính, và lò nướng đa năng dùng ngoài trời”.
Vấn đề không phải là họ đang chạy tại chỗ, mà họ đang chạy cùng với mọi người khác. Hình thái các sản phẩm tiêu dùng dịch chuyển từ sự xa xỉ đến tiện dụng và thiết yếu. Ô tô, TV và lò viba cũng đều tuân theo trình tự này; bây giờ là các kết nối internet và điện thoại di động. Nếu bạn không mua sản phẩm với phiên bản mới nhất, bạn sẽ bị xem là một người kỳ quặc hoặc nghèo túng. Không có gì mới cả. Trong cuốn Lý thuyết về các loại hình giải trí (1899), Thorstein Veblen đã lập luận rằng khi một sản phẩm được sở hữu rộng rãi thì việc có nó sẽ là điều bắt buộc cho “lòng tự trọng”. Người ta cố gắng để tiêu dùng sản phẩm “ngoài tầm với” [của họ] để “qua mặt” những người mà họ đang so kè.
Sự thất vọng là điều được dự đoán từ trước. Mặc dù nền kinh tế tăng trưởng cao, cuộc thăm dò ý kiến của Newsweek trong tháng Sáu đã thông báo rằng: 29% người trưởng thành cho rằng họ gặp nhiều khó khăn hơn để có được cuộc sống theo cách mà họ muốn, trong khi chỉ có 23% cho rằng việc này ít khó khăn hơn. (47% cho rằng mọi sự vẫn vậy, không có gì thay đổi.) Những căng thẳng có thể dẫn tới thảm kịch. Có lẽ đây là câu chuyện của Mark Barton, một người đầu cơ tài chính trong ngày (day trader) đã tàn sát 12 người. Người ta thường cố gắng “qua mặt” chế độ với các kế hoạch làm giàu nhanh chóng. Điều này phần nào lý giải sự bùng nổ các loại hình đánh bạc hợp pháp. Trong năm 1998, người Mỹ mất khoảng 50 tỷ dollar cho cờ bạc. Theo các báo cáo của Ủy ban quốc gia Nghiên cứu Tác động của đánh bạc, có khoảng 125 triệu người đánh bạc, và 7,5 triệu người là con bạc “có vấn đề” hoặc nghiện đánh bạc (nghĩa là không phải chơi chỉ để giải trí - ND).
Chúng ta thường được khuyên là phải kìm chế tham vọng. Chúng ta được nghe rằng cần tìm kiếm các điều có ý nghĩa sâu sắc hơn từ gia đình, bạn bè và lòng trung thực. Tiền bạc không thể mua được sự hạnh phúc. Trong chừng mực nào đó, điều này là đúng đắn. Cuộc tổng điều tra xã hội của Đại học Chicago đã yêu cầu mọi người đánh giá mức hạnh phúc của mình. Kết quả khảo sát năm 1998 cho thấy mối liên kết giữa tiền bạc và hạnh phúc phần nào chặt chẽ hơn so với kết quả của các năm trước đó. Khoảng 34% những người có thu nhập trong mức từ 30.000 USD đến 50.000 USD cảm thấy “rất hạnh phúc”, còn 58% những người trong số này là “khá hạnh phúc”. Với thu nhập trên 110.000 USD thì có 51% số người được hỏi cảm thấy “rất hạnh phúc” và 45% cho rằng “khá hạnh phúc”. (Hôn nhân có ảnh hưởng lớn hơn thu nhập, tỷ lệ “rất hạnh phúc” nhận được từ các cặp vợ chồng là cao gấp đôi so với tỷ lệ này của những người độc thân.)
Trong cuốn sách mới phát hành gần đây (Cơn sốt sang trọng - Luxury Fever), Robert Frank, nhà kinh tế học của đại học Cornell, đã đề nghị rằng cần phải “trừng trị” các tham vọng thái quá bằng các sắc thuế tiêu dùng tiên tiến hơn. Càng tiêu dùng nhiều thì người ta sẽ càng phải chịu mức thuế cao. Mua chiếc đồng hồ giá 5.000 USD sẽ phả chịu thuế suất cao hơn so với khi mua đồng hồ 50 USD, và nếu mua xe hơi 60.000
https://thuviensach.vn
USD thì mức thuế cũng sẽ phải cao hơn so với khi mua xe 20.000 USD. Frank cho rằng người ta sẽ không nghèo đi, bởi vì họ được che chở bởi mô hình tiêu dùng cạnh tranh. Thực tế thì mọi người sẽ rảnh rỗi hơn, bởi vì họ không vung tiền ra tiêu xài để rồi phải làm việc cật lực sau đó.
Ưmm... thử nghĩ lại xem nào. Mặc dù tham vọng là thứ khó có thể được ưa thích, nhưng nó lại hữu ích khi nhìn từ khía cạnh xã hội. Nó duy trì sự tồn tại kinh tế. Nó kích thích mọi người chấp nhận rủi ro và nỗ lực phấn đấu. Internet là sản phẩm của những kẻ tham công tiếc việc, sử dụng những “tuần làm việc 8 ngày” để phát minh ra một thế giới mới và phát tài từ việc đó. Khi tiến trình này chạy tốt, những lợi ích có được lấn át hẳn các tổn thất, mất mát - và không chỉ là các yếu tố đầu ra liên quan đến kinh tế. Tình trạng “siêu thịnh vượng” ngày nay đã cải thiện cả môi trường xã hội. Hầu hết các chỉ số về niềm tin đã gia tăng.
Chính những gì bị người ta khinh thường là tham vọng thì lại được tôn sùng như các cơ hội. Như Tocqueville đã nhận định từ cách đây rất lâu, Hoa Kỳ được xây dựng trên ý niệm - khác với châu Âu với giới quý tộc sẵn có của nó - rằng mọi người đều có thể viết lên những câu chuyện đời của chính mình. Ý tưởng này vẫn còn tồn tại. Một cuộc khảo sát năm 1996 hỏi xem phải chăng bất cứ ai cũng có thể trở nên giàu có từ xuất phát điểm nghèo khổ, và 78% người Mỹ đã đồng ý như vậy. Nhưng nó không chỉ là vấn đề kinh tế hoặc thậm chí là chính trị. Địa vị xã hội thường thay đổi ở khắp mọi nơi. Tham vọng và các quyền năng sáng tạo của nó đã thâm nhập vào nghệ thuật, chuyên môn nghề nghiệp, học thuật, khoa học. Bởi vì tất cả mọi người đều có thể có vị trí khác, nên việc cạnh tranh để ngoi lên trên đám đông là rất quyết liệt và thường là miên man không dứt.
Vài người trong chúng ta thoát khỏi vết đau của tham vọng. Có những giấc mơ không thành, có các dự án dở dang, và các kế hoạch phát triển bị bỏ lỡ. Hầu hết chúng ta phải đối mặt với các áp lực của việc cân bằng các nhu cầu mang tính ganh đua, có trong đời sống nội tâm bên trong và cuộc sống bên ngoài. Một xã hội rêu rao nhiều hứa hẹn thái quá sẽ gieo rắc nhiều thất vọng. Khát vọng thường là điều cay đắng, cũng là sự ngọt ngào, nhưng không có tham vọng, chúng ta sẽ chìm.
Newsweek
Ngày 23 tháng 8 năm 1999
SỰ CÔNG KÍCH ĐIÊN CUỒNG VÀO CHẾ ĐỘ NHÂN TÀI
Nếu các vị “cha đẻ của nước Mỹ”[18] hình dung được một trật tự xã hội lý tưởng, thì chắc chắn đó phải là dạng thức của một chế độ nhân tài (meritocracy)[19]: một chế độ mà theo đó mọi người thành công chủ yếu nhờ vào khả năng và nỗ lực của chính họ. Ngày nay, chúng ta có lẽ là đã đến gần với lý tưởng này hơn bao giờ hết. Có nhiều người Mỹ học cao hơn, và các trường cao đẳng và đại học tốt nhất cũng mở rộng cửa thêm để đón nhận sinh viên từ tất cả các nguồn. Tương tự như vậy nhưng kém dứt khoát hơn là việc các cấp bậc quản lý điều hành trong doanh nghiệp cũng được dân chủ hóa. Tuy nhiên, hiện nay thì chế độ nhân tài này đang bị giới trí thức công kích mạnh mẽ.
Đại khái “bản cáo trạng” cho rằng chúng ta đang tạo ra một xã hội có đẳng cấp trong đó bất công là những kẻ hợm mình lại lấn át. Giàu có hơn những người Mỹ khác, những kẻ này đang ngày càng tách rời khỏi các niềm tin và thị hiếu phổ biến (“cáo trạng” đã nói). Tệ hơn, họ duy trì vị thế của mình bằng cách gửi con cái vào các trường đại học tư có danh tiếng, đó cũng là con đường dẫn đến những việc làm tốt nhất sau này. Trong cuốn sách phát hành vài năm trước đây, Bộ trưởng Lao động Robert Reich gọi “tầng lớp trên, mới nổi” này là “các nhà phân tích mang tính biểu tượng (symbolic analysts)”. Charles Murray và sau đó là Richard Herrnstein lại dùng thuật ngữ “giới tinh hoa có nhận thức” trong tác phẩm Cái chuông cong (The Bell Curve), còn Michael Lind thì gọi là “tầng lớp vượt trội” trong cuốn sách Nước Mỹ trong tương lai (The Next American Nation).
Như hầu hết các quan niệm phổ biến khác, ý kiến này có cái đúng của nó. Số lượng các nhà quản lý và những người có chuyên môn - thành phần nòng cốt của tầng lớp mới này - đã bùng nổ. Trong giai đoạn từ năm 1940 đến năm 1993, lực lượng lao động tăng hơn gấp đôi và lên đến 119 triệu. Trong khi đó, số lượng
https://thuviensach.vn
các nhà quản lý tăng gấp bốn lần (từ 3,8 triệu lên đến 15,4 triệu), và các kỹ sư tăng gấp năm (từ 300.000 đến 1,7 triệu); số lượng bác sĩ và luật sư cũng tăng vọt (số lượng luật sư tăng từ 182.000 lên đến 777.000 và số lượng bác sĩ tăng từ 168.000 lên đến 605.000 người). Khi có nhiều hơn các nhà quản lý và các nhà chuyên môn, nhóm này được xem là một tầng lớp gắn bó và có thể được đem ra phân tích, phê phán hoặc châm biếm.
Đó là một sự dàn xếp. Chúng ta không sống trong một xã hội không có giai cấp (và sẽ không bao giờ có chuyện đó), mà chúng ta sống trong một xã hội biến đổi rất nhanh. Đó mới là vấn đề trọng tâm mà tất cả những phân tích đều bỏ qua hoặc giảm thiểu sự chú ý. Chế độ nhân tài không phải là một tập hợp đồng nhất (monolith), mà nó vẫn có những “vết nứt” riêng mang tính văn hoá, kinh tế, chính trị (ví dụ giới bác sĩ là khác với giới luật sư khi xét về các hành vi sai trái). Và sự thành công của người ở địa vị cao không gây ra nghèo khổ cho những người dưới thấp. Nếu các trường đại học danh tiếng không đào tạo ra các sinh viên tốt nghiệp thành công, bạn sẽ tự hỏi: Tại sao lại không nhỉ? Các trường đại học đó đã làm được điều này. Nhưng nếu bằng cấp có uy tín là con đường duy nhất dẫn đến sự thăng tiến, bạn lại lo ngại: xã hội Mỹ phải chăng là một xã hội “đóng”? Đâu phải thế.
Một báo cáo vào giữa thập niên 1980 khảo sát trên 2.729 nhà quản lý hàng đầu của 208 công ty lớn, kết quả cho thấy rằng có đến 17% trong số họ đã không vào được đại học, hoặc bỏ học giữa chừng; thêm 28% khác chỉ có bằng Cử nhân từ các trường không mấy tên tuổi. Tại Newsweek, biên tập viên Maynard Parker tốt nghiệp trường Stanford, nhưng “sếp” của anh ta, vị tổng biên tập và Tổng giám đốc Richard Smith, đã học từ trường Albion. Jack Welch và John Smith, lãnh đạo của General Electric và General Motors, cả hai đều tốt nghiệp từ trường Đại học Massachusetts.
Tôi không chối bỏ sự hiển nhiên. Trong cuộc sống, việc bạn có nguồn gốc từ một gia đình thu nhập cao, được giáo dục tốt và bạn vào học ở một trường đại học nổi tiếng là điều rất thuận lợi. Nhưng hình ảnh của một “ngôi sao” được nuông chiều, dễ dàng hoạch định tương lai cho mình, đã được thổi phồng quá mức. Tôi tốt nghiệp từ Harvard, trong khi cha tôi đã không có bằng đại học. Khả năng để một trong ba đứa con của tôi sẽ được đến học ở Harvard - giả định là chúng muốn thế - là thấp; còn cơ hội để tất cả chúng đều đi được là zero. Thực ra, các đại học danh tiếng đã nhận được ít hơn sự ủng hộ từ các cựu nam sinh viên. Cho đến năm 1961, gần một phần tư các tân sinh viên của Yale là con trai của các cựu sinh viên đã tốt nghiệp từ trường này. Đến năm 1994, tỷ lệ này chỉ còn là 9%.
Tại Mỹ, các con đường dẫn đến danh tiếng và giàu có (và thậm chí là sự mãn nguyện) là rất nhiều và luôn luôn thay đổi. Hai trong số những người đàn ông quyền lực nhất quốc gia ngày nay, Bill Gates và Rush Limbaugh, là 2 kẻ bỏ học giữa chừng. Mọi người khác nhau về tài năng, tham vọng, động lực và sự may mắn. Các anh chị em trong một gia đình cũng theo đuổi các mục tiêu khác nhau trong cuộc sống với những sự thành công cũng khác nhau. Và cũng không phải là những người có thu nhập cao hơn sẽ được che chở hoàn toàn trong các cuộc biến động kinh tế. Các nhà quản lý và những chuyên gia cũng phải gánh chịu việc “giảm biên chế” (downsizing). Theo một nghiên cứu của chính phủ, mức độ bền vững về công ăn việc làm (mặc dù vẫn còn kha khá) đã xói mòn đi nhiều trong những năm của thập niên 1980 đối với các sinh viên tốt nghiệp trường trung học cũng như các trường đại học.
Trong số những người Mỹ được đào tạo tốt hơn và có thu nhập cao hơn, tồn tại một hiện thực rằng họ cũng không thể đảm bảo hoàn toàn cho tương lai của chính mình - chứ đừng nói gì cho con em họ - và điều này đã tăng thêm mối lo lắng rõ ràng cho xã hội. Kinh tế xuống dốc, và người ta đã luôn luôn phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm và thu nhập bị gián đoạn. Hiếm có ai lớn tiếng phàn nàn. Xã hội phát triển cao tưởng tượng là nó được miễn dịch trước những xáo trộn này, và nhận thức rằng đây chỉ là một ảo ảnh khiến người ta la ó. Nhưng sự thay đổi và không được đảm bảo chắc chắn lại giúp xác định nên cả nền kinh tế có tính cạnh tranh lẫn chế độ nhân tài.
Những nhà lý luận về tầng lớp mới của chúng ta đã đánh giá thấp tình trạng hỗn loạn bất tận này và, trong quá trình đó, lãng quên lịch sử. Trong một cuốn sách gần đây, cố tác giả Robert Christopher đã mô tả “sự sút giảm của nhóm người WASP (viết tắt của White, Anglo-Saxon Protestant) trong quyền lực tinh hoa của Mỹ” - đó là, sự suy tàn trong kiểm soát các tổ chức kinh doanh và văn hóa trọng yếu của người Anglo Saxon da trắng, theo đạo Tin Lành. Christopher đã viết: “Khi tôi gia nhập quân đội vào cuối năm 1942, quê hương của tôi ở New Haven, Connecticut, là nơi mà tại đó việc kết hôn giữa người Ai-len và người Mỹ gốc Ý [vẫn còn] làm cho cả hai bên ngạc nhiên khó chấp nhận, nơi mà giao tiếp xã hội giữa những người
https://thuviensach.vn
WASP và người Mỹ gốc Ý hay gốc Do Thái còn rất hiếm và nói chung là rắc rối, và chẳng có một người gốc Hy Lạp hoặc Ba Lan nào có thể có cơ sở để hy vọng rằng mình sẽ giành được vị trí giám đốc tại một ngân hàng địa phương hay trong một công ty môi giới”.
Những rào cản xã hội có từ thời trai trẻ của Christopher đã bị phá vỡ bởi hôn nhân khác chủng tộc (intermarriage), giáo dục phát triển hơn, và các chuẩn mực xã hội kiểu mới. Năm 1940, dưới 5% người Mỹ là có bằng đại học; đến nay thì gần 25% thanh niên Mỹ có bằng. Tại Yale (nơi có hồ sơ bằng cấp rất tốt), khoảng 70% tân sinh viên đến từ các trường tư trong năm 1940. Năm 1994, gần 60% sinh viên là các học sinh đến từ các trường công lập. Gần một nửa trong đó là nữ sinh, lần đầu tiên được tiếp nhận vào trường là năm 1969. Khoảng 10% là người da đen, 7% là người Mỹ Latin, và 16% là người Mỹ gốc châu Á. Hai phần năm tổng số sinh viên đã nhận được hỗ trợ tài chính.
Chế độ nhân tài của chúng ta đã có sai lầm và có cả những thứ đạo đức giả. Các bác sĩ, luật sư, và các nhà quản lý thường hành động vì lợi ích của chính họ, cũng như cách thức mà các hiệp hội, đoàn thể đã làm. Có các lợi thế về đặc quyền và mối liên kết; “các hành động tích cực nhằm khắc phục nạn phân biệt đối xử” (affirmative action) cũng chỉ là một “chiêu thức” mới. Tuy nhiên, cho dù nhiều khuyết tật đến mức nào, thì chế độ nhân tài vẫn là tiến bộ rất lớn trước những rào cản về chủng tộc, giới tính, tôn giáo, và sắc tộc khác nhau. Cuộc đời là bất công, John Kennedy đã từng nói vậy. Nó sẽ luôn luôn bất công - nhưng không phải là trò gian lận, ít nhất là tại nước Mỹ.
Newsweek
Ngày 31 tháng 6 năm 1995
TẠM BIỆT, MIKE MULLIGAN
Dường như là những ngày của tôi sống với Mike Mulligan đã kết thúc. Mike là người anh hùng trong cuốn “Mike Mulligan và chiếc máy đào đất dùng động cơ hơi nước”[20], tôi đã đọc cho ba đứa con tôi nghe câu chuyện này. Thành thật mà nói thì tôi say mê nhân vật Mike và cỗ máy Mary Anne của anh ta. Nhưng John - đứa con nhỏ nhất của chúng tôi, mới gần 5 tuổi, lại không thích cuốn sách này. John là đứa “cứng đầu” nhất trong số ba đứa con tôi, và khi nó nói “không” thì có nghĩa là cần phải nỗ lực nhiều hơn cả Mike và cỗ máy Mary Anne thì mới làm nó thay đổi. Chắc chắn là tôi không thể làm được điều này. Con tôi, dĩ nhiên, đã sai lầm. Cuốn sách, lần đầu xuất bản năm 1939, không những là một câu chuyện khiến trẻ em say mê, mà còn là một câu chuyện kinh điển của người Mỹ. Đó là cuộc phiêu lưu của Mike để duy trì cỗ máy Mary Anne không cho nó lỗi thời, khi các máy đào đất diesel đã đào thải loại máy dùng hơi nước: “Tất cả các máy đào đất dùng hơi nước khác đều đã được đem bán phế liệu, hoặc bị bỏ trong các nhà kho để cho mục nát và sụp đổ tan tành. Nhưng Mike yêu quý Mary Anne. Anh không thể làm vậy với chiếc máy này.”
Tại đây có các đề tài mang tính bền vững: tình cảm ràng buộc giữa con người và máy móc; việc đấu tranh chống lại khó khăn bất lợi; các hiệu ứng khi chuyển đổi sang công nghệ mới - cả tốt và xấu. Trong thời đại này, chúng ta thường nghĩ rằng mình bị tấn công bởi các nguồn lực chưa từng xuất hiện trước đây từ việc “tái cấu trúc” trong thương mại và kinh doanh. Ồ, không phải vậy. Những thay đổi trong các năm qua đã thường là xuyên trở nên lệch lạc hơn. Đôi khi chúng ta cần phải nhớ lại. Bà Virginia Burton Lee (1909 - 1968), người sáng tác ra nhân vật Mike Mulligan, đã là một thiên tài khi làm giảm bớt các thiên anh hùng ca vĩ đại thành các câu chuyện chiến công nho nhỏ trong đời sống tinh thần của con người.
Trong cuốn The Little House (tạm dịch: Ngôi nhà nhỏ) xuất bản năm 1942, bà kể lại câu chuyện của một gia đình xây nhà trên một ngọn đồi hẻo lánh, nhưng dần dần đã bị bao quanh bởi các tuyến đường giao thông và các ngôi nhà khác, cuối cùng là các tuyến đường sắt và căn hộ cao tầng của một thành phố lớn. Câu chuyện này đã quen thuộc với các vị là ông bà, cha mẹ ngay từ lần đầu tiên đọc truyện. Trong thời của họ, Hoa Kỳ đã trở thành một xã hội được đô thị hóa cao độ. Hãy xem Cleveland, năm 1860 dân số mới là 43.000 người; đến năm 1930 đã là 900.000. Diện tích tăng từ 7 lên đến 71 dặm vuông. Những nhà máy thép và cửa hàng cơ khí đã thế chỗ cho các trang trại nông nghiệp.
https://thuviensach.vn
Cuối cùng thì người cháu gái của chủ nhà ban đầu đã tháo dỡ căn nhà và di chuyển đến một ngọn đồi khác, cách xa thành phố. Hành động của cô ta không hẳn là sự chối bỏ thành thị với việc tái khẳng định các giá trị xưa cũ. Đối với Mike Mulligan cũng vậy. Sự suy thoái của các máy đào đất sử dụng động cơ hơi nước lại là yếu tố có liên quan, tuy không quan trọng, đến một câu chuyện rộng hơn về việc điện năng và các động cơ đốt trong đã thay thế động cơ hơi nước như thế nào. “Trong suốt thế kỷ 19, hơi nước đã là nguồn năng lượng tuyệt vời,” ông Bill Withuhn, người phụ trách Viện Smithsonian Institution[21] cho biết.
Hầu hết các động cơ hơi nước đều vận hành tương tự như nhau. Than đá được đốt cháy, làm sôi nước và tạo ra hơi nước để đẩy piston. Trong các nhà máy, các piston truyền chuyển động đến các càng máy và dây đai để giúp máy móc hoạt động, sản xuất ra đồ đạc, quần áo, hoặc công cụ dụng cụ. Tại các trang trại, động cơ hơi nước dùng làm máy kéo; 85.000 sản phẩm này được sản xuất ra trong khoảng thời gian từ năm 1876 đến 1931. Và, tất nhiên, đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước là một trong những thành tựu được ứng dụng lâu dài nhất trong thời kỳ này. Vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ II, ngành đường sắt đã có đến 40.000 đầu máy loại này, đến năm 1960 thì hầu hết chúng đã được thay thế bởi 27.000 đầu máy diesel.
Các động cơ diesel có rất nhiều ưu điểm. Động cơ hơi nước phải ngưng hoạt động sau mỗi 50 dặm để xử lý nước và sau mỗi 100 dặm để giải quyết vấn đề than đá; trong khi động cơ diesels thì không cần. Động cơ diesel có nhiều phụ tùng được chuẩn hóa và có các yêu cầu bảo trì thấp hơn. Cũng theo lời Withuhn thì đầu máy diesel làm việc từ 85 đến 90% thời gian, so với tỷ lệ 60 đến 70% của đầu máy hơi nước. “Những động cơ diesel là các vị cứu tinh”, một giám đốc ngành đường sắt từng nói. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý khác đã “miễn cưỡng từ bỏ động cơ hơi nước. Những khó khăn nảy sinh khi bạn cần giải quyết vấn đề cảm xúc”.
Tất nhiên, không chỉ là cảm xúc. Từ năm 1945 đến năm 1962, số người làm việc trong ngành đường sắt giảm từ 1,4 triệu xuống còn 700.000 người. Cần có ít kỹ sư hơn; cần các cửa hàng bảo trì nhỏ hơn; trạm bơm nhiên liệu và nước được loại bỏ. Các thành phố như Altoona, Pennsylvania - nơi từng có các cửa hiệu sửa chữa lớn - bị bỏ trống. Các nguồn lực tương tự cũng ảnh hưởng đến máy đào đất dùng động cơ hơi nước trong các thập niên 1920 và 1930. Ông Robert Vogel, một chuyên gia về máy móc thiết bị cũ cho biết: “động cơ diesel rẻ hơn, không cần dùng nước và cũng không có tro bụi và cần phải lấy ra sau đó”.
Một thử thách: Mike Mulligan thật kiên cường. Anh nhận thấy rằng thị trấn Popperville đang có kế hoạch xây dựng một tòa thị chính mới. Anh nói: “chúng tôi sẽ đào phần hầm cho tòa thị chính này”. Tại Popperville, Mike và cỗ máy Mary Anne gặp gỡ ông Henry B. Swap, một đại diện của thị trấn. Mike đề nghị được đào hầm “chỉ trong vòng một ngày”, nếu không thành công sẽ không nhận tiền. Swap cho rằng việc này là không thể, và thị trấn cũng có thể thu được chút ít gì đó trong khi không mất gì cả. Vì vậy, ông “mỉm cười đầy ý nghĩa” và nói OK.
Một cuộc thi đầy khó khăn vất vả. Máy đào đất sử dụng động cơ hơi nước là một thách thức. Chúng nhả ra đầy khói và hơi nước. Chúng kêu cót két và rên rỉ. Một phần tạo nên sự lãng mạn khi Mike và cỗ máy làm việc là mọi người có thể đứng xem. Các bánh răng và dây cáp được để lộ ra ngoài khá nhiều. Khi Mike và chiếc máy Mary Anne bắt đầu làm việc, một đám đông đã tụ tập xung quanh để chào mừng họ. Càng có nhiều người xem thì họ càng làm việc “nhanh hơn và tốt hơn”. Người trực tổng đài điện thoại cũng tham gia hỗ trợ (thời kỳ đó đã là gọi đường dài). Bà kêu gọi “những người từ các thị trấn Bangerville, Bopperville, Kipperville và Kopperville và nói với họ về những gì đang xảy ra trong thị trấn Popperville. Mọi người đến để xem Mike Mulligan và cỗ máy đào đất hơi nước của mình liệu có thể đào xong phần hầm chỉ trong một ngày”.
Khi mặt trời lặn, Mary Anne cũng hoàn tất xô đất cuối cùng. Tất cả mọi người đều vỗ tay cho đến khi một người chợt nhận ra rằng không có đoạn đường dốc để ra khỏi hầm, Mike và Mary Anne đang mắc kẹt bên dưới. Henry B. Swap “mỉm cười đầy ý nghĩa” và nói rằng Mike sẽ không nhận được tiền công. Không ai biết phải làm gì cho đến khi một cậu bé đề nghị: xây dựng tòa thị chính ngay trên nơi mà cỗ máy Mary Anne đang nằm lại: dùng cỗ máy làm nồi hơi và Mike là người tạp vụ của tòa nhà. Vấn đề được giải quyết: thậm chí ông Swap cũng đã đồng ý.
Vậy đó, người Mỹ chiến thắng nghịch cảnh và nắm bắt sự thay đổi. Việc đấu tranh là cần thiết, ngay cả khi mọi chuyện không kết thúc có hậu. Chúng ta được truyền cảm hứng và được nhắc nhở rằng những thăng trầm ngày hôm nay, mặc dù lớn lao, ít gây nản chí hơn như trong quá khứ. Trong khi đó, câu chuyện của
https://thuviensach.vn
Mike và cỗ máy Mary Anne vẫn còn nguyên tại Popperville. Họ mời mọi người đến thăm. Rồi sau đó thì tạm biệt, Mike.
Newsweek
Ngày 19 Tháng 12 năm 1994
NỀN DÂN CHỦ TẠI HOA KỲ
Alexis de Tocqueville[22](1805-1859) sẽ không ngạc nhiên bởi chiến dịch vận động tranh cử ác liệt, giữa một ứng cử viên (Gore) đóng vai một kẻ nói dối và bên kia (Bush) như là người dại dột. Tocqueville hẳn có được một lời giải thích thú vị bởi vì, mặc dù ông là người Pháp, nhưng ông hiểu Hoa Kỳ cũng như bất cứ ai, trước hoặc sau thời đại của ông. Cuốn sách “Nền Dân chủ tại Hoa Kỳ”[23] của ông vẫn là cuốn “hay nhất từ trước đến nay viết về nền dân chủ và nước Mỹ”, theo nhận định của các nhà khoa học chính trị Harvey C. Mansfield và Delba Winthrop trong bản dịch mới của họ. Bề ngoài thì có vẻ là sự ngẫu nhiên: một cơ hội - khi chiến dịch kết thúc - để đánh giá tại sao nền dân chủ của Hoa Kỳ thành công, bất chấp nhiều thiếu sót của nó.
Tocqueville đến Hoa Kỳ năm 1830 khi ông hơn 20 tuổi. Ông ở lại đất nước này trong chín tháng và đi nhiều nơi, đến Boston, Buffalo, Pittsburgh, Memphis, New Orleans, Washington, và sau đó các khu vực biên giới tại Michigan và Wisconsin. Ông đã nói chuyện với tổng thống Andrew Jackson, cựu tổng thống John Quincy Adams, Daniel Webster, và nhiều người khác. Mục đích của Tocqueville là tìm xem những gì có thể đang đón chờ nước Pháp, mặc dù đất nước đã có cuộc cách mạng nhưng chúng vẫn có thể gây chia rẽ một cách cay đắng đối với các giá trị của nền dân chủ. “Tôi muốn... ít nhất là biết được chúng ta nên hy vọng hay lo sợ những điều gì [từ dân chủ]”, ông từng viết.
Ông đã phát hiện ra rằng nền dân chủ Hoa Kỳ không chỉ là chính phủ và chuyện chính trị. Đó là một tập hợp các niềm tin, các giá trị, và cách thực hành mà người ta nên trông đợi từ cuộc sống. Hãy xem những dòng mở đầu của ông:
Trong số các vấn đề mới mẻ thu hút sự chú ý của tôi trong thời gian lưu lại Hoa Kỳ, không có gì ấn tượng một cách sống động hơn sự bình đẳng về các điều kiện. Tôi dễ dàng phát hiện ra ảnh hưởng to lớn của điều căn bản này đến các diễn tiến xã hội, nó xác định phương hướng nhất định cho tinh thần cộng đồng, sự thay đổi nhất định trong pháp luật... nó tạo ra quan điểm..., và sửa đổi tất cả mọi thứ.
Trong cuốn “Nền Dân chủ tại Hoa Kỳ” - xuất bản hai tập, năm 1835 và 1840 - Tocqueville trình bày khả năng cảm nhận mới này của người Mỹ đã lan tỏa vào toàn xã hội, từ chính trị đến thơ ca, như thế nào. Những gì ông hàm ý “bình đẳng về điều kiện” là gần gũi với khái niệm “sự bình đẳng về cơ hội” của chúng ta, hơn là “bình đẳng về thành quả”. Ông viết về “quyền được hưởng thụ cùng những niềm vui, được tham gia vào cùng ngành nghề... được sống theo cách thức như nhau và theo đuổi sự giàu có với các phương tiện như nhau.”
Ông là một nhân vật mới lạ của nước Mỹ - với giả định rằng không ai đương nhiên cao cấp hơn bất cứ ai khác. Điều này giúp Hoa Kỳ tách biệt khỏi Thế giới Cũ với di sản là tầng lớp quý tộc của nó, trong đó các tài sản chủ yếu có được là từ thừa kế, chứ không phải là thành tựu đạt được bằng công sức của mình. Địa vị xã hội và kinh tế phần lớn có từ khi được sinh ra, không phải do tài năng hoặc lao động. Con người biết trước vị trí của mình. Mansfield và Winthrop đã viết “Tocqueville luôn luôn hiểu rằng nền dân chủ đối lập với chế độ quý tộc”. Đó là “hai lối sống trái ngược nhau”.
Khả năng cảm nhận này cũng làm thay đổi quan hệ gia đình của người Mỹ. Thậm chí sau đó, vai trò của phụ nữ - so với Châu Âu - được mở rộng hơn. Nghệ thuật có xu hướng thiên về “cái nhanh nhất hoặc rẻ nhất”, bởi vì giai đoạn chỉ có một vài khách hàng quen thuộc là người giàu có đã không còn nữa. Trên hết, người Mỹ có tham vọng và ham lợi. Tocqueville đã nhận ra sự ham muốn bình đẳng đã nuôi dưỡng chủ
https://thuviensach.vn
nghĩa duy vật như thế nào, trong đó, vượt xa sự thỏa mãn cho con người, làm cho họ thêm lo lắng:
Điều kỳ lạ là hãy xem người Mỹ đang theo đuổi sự thịnh vượng với những loại “cơn sốt”nào và họ không ngừng tự dày vò như thế nào với một nỗi sợ mơ hồ rằng đã không lựa chọn đúng con đường ngắn nhất dẫn đến sự thịnh vượng đó... Ngoài những thứ [mà một người Mỹ] sở hữu..., anh ta còn tưởng tượng đến một ngàn thứ khác mà cái chết sẽ ngăn cản anh ta không cho thưởng thức chúng nếu không thúc đẩy nhanh.
Đáng ngạc nhiên là Tocqueville đã trích dẫn các kết luận trên từ một quốc gia dường như khá xa cách đất nước của chúng ta hiện nay. Năm 1830, Hoa Kỳ chỉ có gần 13 triệu người với 24 tiểu bang (cuối cùng thì Missouri cũng đã được công nhận vào năm 1821) và hầu như không có đường sắt (ba dặm đường sắt đầu tiên được xây dựng năm 1826). Sự hiểu biết sâu sắc của Tocqueville khẳng định tài năng sáng chói của ông và nhắc nhở chúng ta rằng nhiều tính cách của dân tộc là hầu như không thể bị hủy diệt.
Mặc dù ngưỡng mộ Hoa Kỳ, nhưng Tocqueville đã thường xuyên phê phán nó. Ông cho rằng các giá trị dân chủ lại thường khuyến khích sự phục tùng, tuân thủ. Ông trình bày một cách gay gắt việc đối xử với thổ dân châu Mỹ và cảm thấy rằng chế độ nô lệ có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh sắc tộc. Đối với chính trị, ông đã lưu ý rằng các cuộc bầu cử sẽ làm nảy sinh “mưu đồ” và “sự chống đối”. Ông có thể đã nói nhẹ lời đi cho các trường hợp này. Trong một cuốn sách gần đây, nhà sử học Joyce Appleby của Đại học UCLA[24] cho thấy hoạt động chính trị vào đầu thế kỷ XIX chắc chắn là vô cùng cay đắng.[25] Sự chia rẽ giữa Đảng Liên Bang (Federalists, đảng của John Adams) và Đảng Cộng hòa (của Thomas Jefferson) là rất nguy hại. Đấu tay đôi vẫn là một cách để giải quyết vấn đề. Appleby viết: “Andrew Jackson[26]... đã hạ một đối thủ chính trị trẻ với dòng máu lạnh của mình. Khi người này làm sướt da Jackson bằng một phát súng đầu tiên, anh ta đã phải đứng nguyên ở vị trí đánh dấu trong khi Jackson lên cò súng của mình”. (Ngày nay, đó là chính trị hủy diệt cá nhân.)
Nhưng những khiếm khuyết của chính trị đã không mang tính tàn phá, bởi vì sức sống của nền dân chủ Hoa Kỳ đã không hoàn toàn lệ thuộc vào chính trị và chính phủ. Có những phương tiện khác để đáp ứng nguồn năng lượng cho nền dân chủ. Thương mại có sức hút rất lớn. Có rất nhiều các hiệp hội dân sự thuộc nhiều loại hình khác nhau. Tôn giáo - một lần nữa, dưới nhiều dạng - lại nở rộ. Quy mô tuyệt đối của đất nước đem lại vô số cơ hội. Đây là một trong những thông điệp trọng tâm của Tocqueville: Dân chủ có thể thành công tại Mỹ, bởi vì niềm đam mê dân chủ có thể được hấp thụ theo nhiều cách khác nhau. Chính trị và chính phủ là quan trọng, nhưng chúng không phải là những thứ quan trọng duy nhất. Thất vọng và bất đồng có thể sẽ không gây thảm họa, vì người ta có thể theo đuổi tham vọng và thực hành các giá trị của mình trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, có một cảnh báo từ trước. Tocqueville lo ngại rằng sự ám ảnh về cá tính có thể trở thành thói ích kỷ dẫn đến thất bại cho bản thân. Nếu mọi người chỉ nghĩ đến bản thân và gia đình của họ, họ có thể buông xuôi khi trở nên dễ bị tổn thương vì các chế độ chuyên quyền, thậm chí vẫn có trong một chính quyền dân chủ. Giống như nhiều quan điểm sâu sắc của Tocqueville, đây vẫn là một vấn đề xác đáng.
Newsweek
Ngày 13 Tháng 11 năm 2000
https://thuviensach.vn
II. CHÍNH TRỊ
CÁI HAY CỦA TÌNH TRẠNG “BẾ TẮC”
Tất cả mọi người hiện nay đều chỉ trích tình trạng “bế tắc chính trị” (political gridlock). Cả hai tờ Thời báo New York và Bưu điện Washington đều cho chạy các bài viết dài kỳ nhằm bêu riếu một chính phủ phân chia (divided government): Nhà Trắng thuộc đảng Cộng hòa, Quốc hội với đa số ghế thuộc đảng Dân chủ[27]. Tổng thống Bush kêu gọi cử tri chấm dứt sự bế tắc bằng việc bầu cho một Quốc hội Cộng hòa; Bill Clinton cũng “chào hàng” tương tự nhưng với cái nhãn ngược lại: đảng Dân chủ. David Broder, nhà báo chính trị nổi tiếng tầm cỡ quốc gia của tờ Bưu điện Washington tuyên bố thẳng thừng rằng “chính phủ phân chia là không hiệu quả. Chỉ qua bầu cử mới có thể sửa chữa được tình trạng lộn xộn này, bằng cách bỏ phiếu cho các ứng viên trong đảng của mình (voting straight tickets)[28] vào tháng Mười Một[29]”.
Tôi thì không nghĩ vậy. Tôi yêu thích chính phủ phân chia.
Với tất cả các khiếm khuyết của nó, chính phủ phân chia đã bảo vệ chúng ta trước sự lạm dụng tồi tệ nhất của cả hai đảng. Thành thật mà nói, nỗi ám ảnh từ việc Tổng thống Clinton “dàn xếp” với một Quốc hội Dân chủ đã làm tôi lo sợ. Clinton tin tưởng vào một chính phủ với các nhà hoạt động (activist), Quốc hội theo bản năng của nó lại cố chiều lòng vô số khu vực bầu cử. Logic của sự kết hợp này là sự bùng nổ trong chi tiêu của chính phủ, các quy định, và pháp luật về đặc quyền đặc lợi. Sẽ không có nguyên tắc nào (mối đe dọa từ quyền phủ quyết của tổng thống) để ngăn chặn việc này.
Chính phủ của một đảng Cộng hòa còn có thể tồi tệ hơn. Người ta có thể cho rằng nó có thể hạn chế ngân sách nhiều hơn, mặc dù công chúng vẫn nhiệt tình với chính sách cắt giảm thuế của đảng Cộng hòa. Nhưng điều đáng sợ là một chương trình nghị sự xã hội mang tính cố chấp, thậm chí là hận thù của đảng Cộng hòa. Châm ngôn của họ - về vấn đề nạo phá thai, cầu nguyện tại trường học, và các vấn đề gia đình - là: Hãy để chúng tôi áp đặt các giá trị của chúng tôi lên bạn. Mặc dù không phải tất cả các đảng viên đảng Cộng hòa đều cảm thấy điều này (cũng như không phải tất cả các đảng viên Dân chủ đều muốn chi tiêu của chính phủ nhiều hơn), nhưng một chính phủ Cộng hòa sẽ đối mặt với áp lực đảng phái mạnh mẽ, buộc phải sử dụng quyền lực liên bang để thúc đẩy các giá trị không được chia sẻ bởi hầu hết những người Mỹ. Chuyện đầu tiên là: tư vấn về việc cấm phá thai trong các phòng khám được liên bang tài trợ.
Hãy cho tôi một chính phủ phân chia, bất cứ lúc nào.
Sự hấp dẫn giả tạo của một chính phủ độc đảng nằm trong một mô hình vận hành đơn giản của các hoạt động chính trị. Theo quan điểm này, mỗi đảng sẽ có một chương trình rõ ràng. Cử tri chọn chương trình này hay chương trình khác. Bên thắng cử sẽ thông qua chương trình hành động của họ. Cử tri rà soát các kết quả đạt được và quyết định có bầu lại một lần nữa cho các vị đang đương nhiệm hay không. Các cử tri có sự lựa chọn thực sự, và các đảng được tưởng thưởng hoặc bị trừng phạt trên cơ sở hiệu quả hoạt động.
Ngược lại, người ta nói rằng chính phủ phân chia thúc đẩy kiểu chính trị vô trách nhiệm và tạo nên một cộng đồng bi quan yếm thế. Vì không có một chính đảng duy nhất kiểm soát tất cả mọi thứ, nên mỗi đảng đều có thể dễ dàng đổ lỗi cho bên kia về các vấn đề của quốc gia. Các hậu quả được trình bày sống động, bao gồm sự thâm hụt lớn trong ngân sách, không kiểm soát được chi phí y tế, và một nền kinh tế yếu ớt. Công chúng cảm thấy bất lực và dần dần bất mãn với các nhà lãnh đạo và các tổ chức của đất nước.
Những bất ổn trong phần phân tích ngắn gọn này là nó đã không phản ánh được cách thức mà đời sống chính trị của chúng ta đang thực sự vận hành, hoặc, theo quan điểm của tôi là, cách mà nó nên thực hiện. Có hai quan niệm sai lầm:
1. Chính phủ phân chia tạo ra nền lập pháp tê liệt (đây cũng được hiểu là một dạng bế tắc). Điều này hoàn toàn sai. Trái với quan niệm phổ biến, thời gian ông Bush cầm quyền đã có rất nhiều các hoạt động lập pháp quan trọng, cụ thể là: đạo luật dành cho công dân khuyết tật của Mỹ (tạo lập các quyền mới dành cho người khuyết tật), luật về Không khí Sạch (Clean Air Act) năm 1990, luận Dân quyền (Civil Rights Act)
https://thuviensach.vn
năm 1991, Thỏa thuận ngân sách năm 1990, luật hỗ trợ Tiết kiệm và Tín dụng (S&L bailout). Ngoài ra, Nhà Trắng và Quốc hội đã đồng ý cắt giảm quy mô của quân đội xuống khoảng 25%. Quan điểm của tôi là không ca ngợi hoặc phê phán những hành động này, mà đơn thuần là để chỉ ra rằng nhận thức về sự tê liệt (trong công tác lập pháp) là đã được phóng đại quá mức.
Điển hình là một số vấn đề mới gần đây. Trong một nghiên cứu, ông David Mayhew - nhà khoa học chính trị của Yale - thấy rằng các chính phủ phân chia đã thường xuyên ban hành các đạo luật chính yếu. Ví dụ, chính quyền Nixon đã ban hành Luật về Không khí Sạch năm 1970 và Đạo luật về An toàn và Y tế tại nơi làm việc (Occupational Safety and Health Act). Họ còn xây dựng nên Ủy ban An toàn về hàng tiêu dùng và Tập đoàn Vận tải hành khách đường sắt quốc gia (Amtrak), đồng thời mở rộng an sinh xã hội, tem phiếu mua thực phẩm[30], và các khoản viện trợ cho trường đại học[31].
2. Mỗi vấn đề xã hội đều có một giải pháp của chính phủ. Với các động thái gây thất vọng, bực tức, một chính phủ phân chia đã cản trở sự tiến bộ và tiếp tay cho sự bất mãn của công chúng. Nếu điều này có thật, thì chúng ta đã có một xã hội không tưởng (utopia). Nhưng không phải vậy. Hãy xem xét nền kinh tế. Chu kỳ kinh tế xuất hiện. Chính phủ không thể ngăn cản chúng. Các nỗ lực để làm điều này trong thập niên 1960 và 1970 đã thổi bùng lạm phát và dẫn đến suy thoái sâu. Các chương trình của chính phủ, các khoản thuế và các quy định đã ảnh hưởng - làm cho tốt hơn hoặc tệ hơn - đến các tiêu chuẩn sống. Nhưng những tác động là lâu dài và mơ hồ. Những gì thật sự nuôi dưỡng sự bất mãn đối với chính phủ chính là ảo tưởng cho rằng: chính phủ có thể giải quyết mọi vấn đề. Điều này duy trì các trông đợi phi lý và các chương trình với mục tiêu không thực tế và chắc chắn sẽ thất bại.
Hệ thống chính trị của chúng ta có thể hành động khi có sự đồng thuận. Sự đồng thuận này không đảm bảo sẽ cho ra các đạo luật tốt, nhưng nó giúp tạo nên pháp luật mà đối với công chúng là chấp nhận được. Điều này mang ý nghĩa sống còn trong một đất nước có sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo, vùng miền, và kinh tế như đất nước của chúng ta. Khó khăn dành cho một chính phủ độc đảng là nó tối thiểu hóa nhu cầu tạo ra sự đồng thuận và thổi phồng quyền lực của một nhóm lợi ích hẹp hòi thuộc một bên nhất định. Sự biện minh ở đây là người ta đã bỏ phiếu cho các “chương trình” của một đảng. Đây là một điều bịa đặt. Thông thường cử tri bỏ phiếu chỉ đơn thuần là cho thấy sự đồng tình hoặc không chấp nhận các điều kiện hiện nay của đất nước.
Có trường hợp một chính phủ độc đảng sẽ mạnh hơn, đó là khi một trong hai ứng cử viên đã nỗ lực để dựng nên một sự đồng thuận trong hai vấn đề mấu chốt: chăm sóc sức khỏe và thâm hụt ngân sách. Thực tế thì chẳng bên nào làm được. Mỗi ứng cử viên đều hứa hẹn cải cách chăm sóc sức khỏe. Trong thực tế, bất kỳ cuộc cải cách có hiệu quả nào sẽ liên quan đến các thay đổi - chi tiêu cao hơn, chính phủ kiểm soát nhiều hơn, hoặc bảo hiểm ít đi - có thể làm khó chịu nhiều người dân Mỹ. Và cả hai ông Clinton và Bush đều phớt lờ chuyện thâm hụt ngân sách. Thật là điều ảo tưởng để tin rằng các đảng viên Dân chủ, một khi nắm chính quyền, đột nhiên sẽ tấn công gay gắt vào sự thâm hụt ngân sách. Thật ra, Clinton đã tích cực trấn an các nhóm (người cao tuổi, cựu chiến binh, sinh viên) rằng ông ta có thể bảo vệ tốt nhất cho các lợi ích của họ.
Không giống như Broder, tôi đề nghị không có các lời khuyên tại phòng bỏ phiếu bầu cử. Kết quả tốt đẹp nhất cho quốc gia này có thể là một nhiệm kỳ của ông Clinton (đảng Dân chủ) và một Quốc hội với đa số ghế của Đảng Cộng hòa. Một trong những vấn đề ngày nay là cả hai đảng đều đã “bám trụ” quá lâu vào những gì họ từng có. Cả hai đều trở nên nhạt nhẽo và đầy tự mãn. Sự đảo ngược tình hình này có thể khiến mọi người kinh ngạc và tạo được sự đồng thuận. Nhưng điều do tôi tưởng tượng ra dường như không thể xảy ra, và kết quả tốt thứ hai sẽ là một chiến thắng chật vật của ông Bush kết hợp với số ghế ít hơn (mặc dù vẫn chiếm đa số) của đảng Dân chủ trong Quốc hội. Điều này cũng có thể đe dọa mọi người phải thay đổi.
Những nỗi ám ảnh với sự bế tắc đã che lấp đi vấn đề cơ bản: sự tê liệt thực sự của công luận. Người Mỹ muốn nhiều hơn nữa từ phía chính phủ, với mức thuế vẫn như hiện nay. Cả hai đảng đều nhút nhát như nhau khi xử lý tình thế tiến thoái lưỡng nan này, và kết quả là không đảng nào xứng đáng nắm toàn bộ quyền lực.
Newsweek
Ngày 14 tháng 9 năm 1992
https://thuviensach.vn
VĂN HÓA TẤN CÔNG
“Scandal” (vụ bê bối) là từ đã mất ý nghĩa của nó trong thời gian vừa qua. Cái ngưỡng cho một sự việc trở thành “bê bối” đã dịch chuyển xuống rất thấp đến mức Washington hầu như luôn luôn có một scandal. Mới nhất là scandal “chiến dịch tài chính”, nhưng chúng ta vẫn đang giải quyết những vụ bê bối Whitewater[32] và Gingrich[33]. Chúng ta có một bộ máy thường trực với các điều tra viên, các đảng viên nhiệt tình, các phóng viên làm việc toàn thời gian để khám phá và công bố các hành vi sai trái có cơ sở - và yêu cầu mọi thứ khi họ thẩm tra một vụ bê bối hoặc là một scandal tiềm năng. Sự xúc phạm ngày càng nhiều thể hiện qua sự công kích dường như đã trở nên mơ hồ và tầm thường hơn bao giờ hết.
Tất nhiên, cũng có những vụ bê bối thực sự, và hành vi của các quan chức cao nhất (hoặc thấp nhất) đều phải được công khai làm sáng tỏ. Chính phủ và những thành viên trong chính phủ chỉ có thể bị quy trách nhiệm khi các hoạt động của họ được kiểm tra. Nhưng quá trình này đã bị cuốn vào một cơ chế “nhai lại” (parody). Tại cuộc họp báo hồi tuần trước, Tổng Thống Clinton nhận được 18 câu hỏi, trong đó 15 câu có liên quan chiến dịch gây quỹ. Đó có phải là vấn đề quan trọng duy nhất không?
Những gì chúng ta đang thấy là văn hóa tấn công. Dùng cụm từ “văn hóa tấn công”, tôi muốn nói đến nhận thức và một tập hợp các thực hành đã vượt qua tính đảng phái, sự phê phán, tranh luận, và điều tra thông thường. Điều xác định văn hóa tấn công là tinh thần sôi nổi của nó - tuy không thể hiện ra ngoài nhưng rất rõ ràng - để triệt tiêu và hạ bệ. Có ai nghi ngờ rằng nhiều cuộc điều tra đủ loại về vụ Whitewater là nhằm mục đích tiêu diệt Tổng thống
Clinton và Đệ nhất phu nhân? Có ai nghi ngờ rằng những cáo buộc đối với Người phát ngôn Hạ viện, ông Gingrich, được thúc đẩy bởi động cơ ít mang tính nhạy cảm đạo đức mà phần nhiều hơn là mong muốn tiêu diệt ông ta về phương diện chính trị?
Điều tra, thứ luôn luôn là một vũ khí chính trị, nay còn quan trọng hơn bao giờ hết. Trong một cuốn sách xuất bản năm 1990 (Làm chính trị với các phương tiện khác),
các nhà khoa học chính trị Benjamin Ginsberg và Martin Shefter đã có nhận định đúng đắn: “chính trị Hoa Kỳ gần đây đã trải qua sự chuyển đổi cơ bản... các lực lượng đang ngày càng dựa vào các vũ khí đấu tranh chính trị mang tính đồng bộ như điều tra lập pháp, tiết lộ trên phương tiện truyền thông, và tiến hành các thủ tục pháp lý để làm suy yếu các đối thủ chính trị của họ và giành quyền lực về mình”.
Văn hóa tấn công có nguồn gốc từ vụ Watergate[34], và tổng thống Nixon - mặc dù bị hạ bệ và buộc phải từ chức - vẫn là chuẩn mực của sự thành công. Việc bắt chước vụ Watergate ngày càng trở nên phản dân chủ và dung dưỡng cho sự xem thường pháp luật, chính trị, và (nếu ai có quan tâm) cả báo giới. Hầu hết người Mỹ cảm thấy rằng quá trình này là không thể kiểm soát, bởi vì không có ai - nghĩa là những người đã không dành ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu các vụ bê bối - có thể hiểu được những scandal đó là gì.
Tội rất lớn của Gingrich là gì? Vâng, ông giảng dạy một khóa học trong trường đại học (đây là một tội ư?). Sau đó, một số băng hình của khóa học đã được sử dụng để xúc tiến chính trị (được lắm, một chính trị gia đang hoạt động). Nhưng khoan đã: các khóa học được tài trợ bởi tiền đóng góp từ thiện do khấu trừ thuế, khoản này không được phép dùng cho các hoạt động chính trị. Vì vậy Gingrich đã vi phạm một điều không được phép làm và còn làm sự việc tệ hơn khi cung cấp thông tin sai lệch cho Quốc hội (theo ông thì đây là một sai lầm vô hại, còn các đối thủ công kích ông lại cho rằng đây là sự dối trá cố ý). Ông Clinton có thể phạm sai lầm trong vụ vi phạm tại Whitewater, nhưng ba cuộc điều tra - với chi phí hơn 24 triệu dollar - vẫn chưa tiết lộ được chi tiết vụ này là gì.
Tôi không phải là người hâm mộ Clinton hay Gingrich; và cũng không bảo vệ hành vi của họ và chắc chắn sẽ không lấy đó làm hình mẫu cho con cái của tôi. Nhưng chúng ta có các cuộc bầu cử dành cho các cử tri để quyết định, sau khi xem xét tất cả những thứ, liệu họ có muốn giữ lại nhà lãnh đạo đã được bầu hay không. Ngoại trừ trong một số ít trường hợp hiếm hoi, công việc này không nên bị chi phối bởi các tòa án,
https://thuviensach.vn
công tố viên, hoặc báo giới thông qua các cuộc điều tra đang ngày càng đi sâu vào các quyền và sự riêng tư cá nhân. Các cuộc điều tra có mục đích là tạo thành kiến cho mọi người để cản trở những mục tiêu của “đối tượng”, ngay cả khi rốt cục thì chẳng có lời cáo buộc xác đáng nào cả. Quá trình điều tra này đã bị lạm dụng, bởi vì các cuộc điều tra được chọn lọc (thường được kích hoạt bởi sự nổi bật của “đối tượng”) và nhằm mục đích (qua những bất lợi công khai) kết án và trừng trị “đối tượng” đó.
Văn hóa tấn công tồn tại được là nhờ tham vọng cá nhân và các chương trình nghị sự chính trị khác nhau. Các phóng viên muốn có được một câu chuyện lớn; công tố viên tìm kiếm lời cáo buộc; các đảng viên khao khát quyền lực. Và chỉ với các hoạt động điều tra mới tạo ra áp lực đem lại kết quả. Các dữ liệu đã được đem ra xem xét; danh tiếng sẽ bị đe dọa. Hầu như chẳng có ai muốn nói: “Xin lỗi, không có gì ở đây cả”, hoặc “chuyện này tầm thường quá”. Mỗi sai sót, nhầm lẫn hoặc sự quá đáng mang tính cá nhân đều được nâng lên thành một điều ác ở mức độ lớn. Động cơ của hành động thâm độc xấu xa đang được chứng minh rõ ràng hoặc ngụ ý. Nếu nó không phải là một vụ bê bối, ta bận tâm làm gì?
“Đối tượng” là có tội, cho đến khi được chứng minh là vô tội. Một số cuộc điều tra là có thể dự đoán được kết quả từ trước. Có rất nhiều điều luật và quy định, đến nỗi bất cứ ai đã bị điều tra sát sao cũng đều có thể được tìm thấy là có vi phạm gì đó. Và một số “đối tượng”, bối rối hay xấu hổ, lại sai lầm ngớ ngẩn với việc bao che sai phạm. “Đối tượng” ở đây không phải chỉ là các quan chức nổi cộm. Văn phòng Liên bang Nghiên cứu Sự Liêm chính (The Federal Office of Research Integrity) gần đây đã “minh oan” cho một nhà khoa học dày dạn kinh nghiệm từng bị cáo buộc là có các hành vi sai trái. Nhưng trong suốt ba năm, ông này đã phải chịu các phiên điều trần trước Quốc hội và công trình nghiên cứu của ông được dán lên cái nhãn là “lừa đảo”. Ông nói, “đó là những năm tháng trong địa ngục, người ta lấy đi địa vị, danh tiếng và công việc của tôi”.
Người ta bị bôi nhọ vì văn hóa tấn công tuy rất vụng về nhưng lại tập trung. Sự tức giận hiện nay đối với chiến dịch tài chính là phù hợp với mô hình mẫu này. Nó được điều khiển bởi một liên minh của những người không ưa ông Clinton, các nhà cải cách chiến dịch tài chính, và báo chí. Câu chuyện chắc chắn là hấp dẫn: tổng thống (có vẻ như) đã đứng ra làm trung gian môi giới với phòng ngủ Lincoln[35] để kêu gọi các khoản đóng góp, một nhóm các nhân vật tai tiếng đang trao đổi một cách kín đáo tại Nhà Trắng, Al Gore gọi điện thoại để yêu cầu tiền mặt từ văn phòng của ông.
Điều người ta thiếu sót không đề cập đến là viễn cảnh chung. Số tiền 2,96 triệu dollar mà Ủy ban Dân chủ Quốc gia[36] báo cáo chỉ chiếm có 1,3% trong tất cả các khoản đóng góp của họ. Các phần quà tặng “có vấn đề” cũng không ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử, và không có bằng chứng cho thấy sự đóng góp đã làm thay đổi bất kỳ chính sách lớn nào. Nhiều hoạt động gây quỹ là “không sạch”. Nhưng người ta không nên quên rằng đưa tiền cho một ứng cử viên hay đảng phái cũng là một hình thức của diễn văn chính trị. Sự đóng góp không thể dễ dàng bị hạn chế khi không có các bài diễn thuyết tự do mang tính thỏa hiệp. Sự hiếu chiến hiện nay - được nuôi dưỡng bởi những người tự tuyên bố nhà cải cách - đã cố tình che lấp quan điểm này.
Tất cả các cuộc vận động lớn đều không trấn an được công chúng. Mà tác dụng là ngược lại. Bởi vì hầu hết mọi người đều hiểu rằng quá trình này không trong sạch - chúng đang được thúc đẩy bởi tham vọng và chính kiến - khiến những kẻ tấn công và người bị cáo buộc ngày càng cùng lọt vào một cấp độ đạo đức. Một bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm đối với tất cả mọi người. Chúng ta trở thành “mất cảm giác” với các vụ bê bối thực sự bởi vì các scandal “nhân tạo” đã quá phổ biến. Tất cả các nền dân chủ đều cần phải kiểm tra các công chức của nó. Một tình thế tiến thoái lưỡng nan kéo dài là làm thế nào để ngăn chặn không cho các yêu cầu chính đáng bị trượt dài thành sự chuyên chế được thừa nhận. Khi mọi thứ đều là scandal, chúng ta sẽ đánh mất đi sự cân bằng thích hợp.
Bưu điện Washington
Ngày 12 tháng 3, năm 1997
NUÔI DƯỠNG SỰ XUNG ĐỘT
https://thuviensach.vn
Sự kiện chính trị gây ảnh hưởng và khai sáng cho tôi nhiều nhất trong năm 1996 là một đám tang mà tôi đã không tham dự. Tôi đọc tin về sự kiện này sau đó, và biết thêm một số điều quan trọng về việc hệ thống chính trị của chúng ta đã thay đổi theo hướng tồi tệ hơn như thế nào. Hệ thống chính trị đã mất nhiều quyền lực cho việc hoà giải. Thay cho điều này là việc nó thường kích động các xung đột trong vòng kiểm soát, mặc dù xung đột là có thực. Chính tang lễ của David Ifshin, một luật sư đã phục vụ như nhà tư vấn cho chiến dịch vận động tranh cử năm 1992 của Tổng thống Clinton đã làm tôi thay đổi. Một trong những người từng ca ngợi Ifshin là Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang Arizona, ông John McCain.
Điều làm nên động thái này không phải là sự khác biệt của các đảng phái chính trị, mà là lịch sử. Năm 1970,
Ifshin - khi đó mới ngoài hai mươi tuổi, đã đến Hà Nội với tư cách là một người phản đối chiến tranh, trong khi McCain - một phi công của hải quân Hoa Kỳ bị bắn hạ, đang là tù binh trong một nhà tù Việt Nam. Việc hai người đàn ông này đã hòa giải, thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau và tình bạn dường như hoàn toàn kỳ lạ trong bầu không khí chính trị đối kháng ngày nay. Đó là một môi trường mà trong đó người ta ngày càng xem những đối thủ như kẻ thù.
Việc hòa giải không phải là một sự kiện diễn ra trong những phút cuối cùng bên giường bệnh. Nó có từ vài năm trước, trước cả khi Ifshin được phát hiện ông mang trong mình một khối u ác tính. McCain đã từng có lần chỉ trích Ifshin một cách gay gắt trong một bài diễn văn và sau đó ông quyết định rằng nó là một hành động không “quang minh chính đại” và khiến ông hối tiếc. Ifshin đã xác định rằng việc ông tới Hà Nội - bất chấp quan điểm về chiến tranh của ông là gì - là một hành động không yêu nước và làm cho các quân nhân Hoa Kỳ phải hổ thẹn. Một biện pháp (hòa giải) của hai ông là, theo các lời kể riêng biệt của họ về tình bạn, không rõ ai người nào xin lỗi trước. (Câu chuyện được Michael Lewis kể lại đầy đủ chi tiết trong bài viết ngày 13 tháng Năm trên tờ The New Republic[37].)
Nếu Ifshin và McCain có thể chôn vùi các bất đồng lớn của họ, thì tại sao ngày nay các khác biệt nhỏ hơn vẫn gây ra sự hằn học? Suy cho cùng, các bất đồng của họ đã không phải là các tranh cãi thông thường. Ifshin từng tin rằng chiến tranh là điều sai trái; McCain lại nghĩ rằng phục vụ (quân đội trong chiến tranh) là nhiệm vụ của ông. Người Việt Nam đã giam giữ McCain trong năm năm rưỡi; còn các bài phát biểu của Ifshin đã nhiều lần được chuyển vào nhà tù đó. (Dường như với tôi thì) Cả hai đều có quyền được hận thù nhau. Các cuộc xung đột của những năm 1960 liên quan đến vấn đề sống - và - chết, hoặc gần như thế. Việt Nam. Các quyền công dân.
Điều khó hiểu hơn là sự tồi tệ hiện nay. Nhìn chung, các vấn đề chính trị và các tiết lộ công khai bây giờ ít quan trọng và ít liên quan đến đạo đức tuyệt đối hơn nếu so với những vấn đề trong thập niên 1960. Phá thai là một ngoại lệ hiển nhiên. Nhưng một cách tổng quát, chúng ta phải đối mặt với những vấn đề - thâm hụt ngân sách, các “hành động tích cực”[38], cải cách phúc lợi, bất ổn kinh tế, chính sách chăm sóc sức khỏe, sự thái quá trong văn hóa phổ biến - thách thức các giải pháp đơn giản và chứa đựng nhiều điều không rõ ràng. Có những vấn đề mà các đối thủ có thể học hỏi lẫn nhau, thậm chí khi họ vẫn tiếp tục bất đồng ý kiến. Tuy vậy chính trị ngày nay thường là luôn luôn “không sạch” một cách phi lý.
Bây giờ chúng ta đã có các sáo ngữ (cliches) để mô tả tinh thần của thời đại. Chúng ta nói rằng các cuộc tranh luận thiếu “lịch sự”. Chính trị đã bị “phân cực”, và các đối thủ thường xuyên biến đối phương thành “loài quỷ dữ”. Tôi cho rằng một cách lý giải cho sự thay đổi này là sự khác biệt quan trọng giữa chính trị của những năm 1960 và chính trị của những năm 1990. Trước kia thì các xung đột bùng lên từ sâu thẳm của xã hội, và kiến trúc thượng tầng của chính trị - tổng thống, quốc hội, các quan chức được bầu cử và bổ nhiệm khác - đã cố gắng để vật lộn với chúng. Ngược lại, ngày nay thì các xung đột thường được nuôi dưỡng một cách có ý thức (nếu không phải là được sáng tạo ra) bởi các nhà lãnh đạo chính trị và giới tinh hoa trong xã hội.
Đã có sự hoán đổi vai trò. Các nhà lãnh đạo chính trị của những năm 1960 đã gắng sức giải quyết các xung đột mà họ thường là không dự đoán trước và không hiểu rõ chúng. Tầng lớp thống trị, là người của đảng Dân chủ hay Cộng hòa cũng vậy, đều phải đối phó với các cuộc tuần hành của quần chúng, các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố, và sự công kích trực diện - chủ yếu từ các trường đại học - đúng trên cơ sở hợp pháp của hệ thống chính trị và hầu hết các nhân vật có quyền lực. Hệ thống chính trị, thường là miễn cưỡng, đã cố gắng thừa nhận những áp lực và đưa chúng thành các hoạt động chính trị chính thức. Các nỗ
https://thuviensach.vn
lực khi đó là dàn xếp các sự khác biệt.
Tầng lớp thống trị ngày nay tập trung nhiều hơn vào việc kinh doanh sự khác biệt. Đạo đức của bạn được xác định bởi thói hư tật xấu của các đối thủ của bạn. Đó là một cách để tạo ra bản sắc chính trị. Nếu sự khác biệt được giảm thiểu hoặc mờ nhạt, thì còn gì mà nói nữa? Không chỉ có các nhà chính trị được bầu mới bám vào việc “kinh doanh” này. Đó cũng là cách mà các nhóm ủng hộ và các nhóm vận động hành lang thu hút các thành viên của họ. Đó là cách mà các nhà báo và diễn giả “lăng xê các ngôi sao” (celebrity) của riêng họ. Cuộc tranh luận được đẩy lên cao trào nhất. Luận điểm của “phía bên kia” không chỉ là sai lầm, mà còn vô cùng tai hại. Nó đe dọa tương lai của (tùy bạn chọn nhé:) nền kinh tế, môi trường, nền dân chủ, hay chính xã hội Mỹ.
Tôi không lập luận rằng chúng ta nên nhấn chìm những sự khác biệt chính đáng. Cuộc tranh luận lành mạnh cần phải sắc sảo và, đôi khi, gay gắt. Nhưng tôi cho rằng việc nuôi dưỡng các xung đột - hơn là các giải pháp dành cho xung đột - đã trở thành mối quan tâm lớn hơn của các hoạt động chính trị và rất nhiều ác ý được tiếp năng lượng qua sự tự quảng bá. Đó là “chủ nghĩa bán dạo” (hucksterism)[39]. Những nguyên nhân của sự thay đổi này không phải là hiển nhiên, ít nhất là theo tôi. Truyền hình (khuyến khích các bài phát biểu hùng hồn), sự phát triển của chính phủ (tạo ra các nhóm biện hộ), và sự sụp đổ của các cỗ máy chính trị xưa cũ (làm cho các chính trị gia trở nên bấp bênh hơn): tất cả đều có thể là những nguyên nhân.
Bất kể nguyên nhân gì, thì hiện tượng này đã trải dài trên quang phổ chính trị và rõ ràng gây nguy hiểm. Nó đã làm tăng thêm sự ngao ngán thường thấy của người Mỹ đối với chính trị. Các vụ “ám sát thanh danh”[40]thường xuyên thay thế cho các cuộc tranh luận có cân nhắc; mặc dù chúng cũng chẳng tạo nên sự tôn trọng. Những sự khác biệt được thổi phồng giữa các tầng lớp chính trị cao cấp - chính trị gia, các học giả, những nhóm biện hộ - có thể còn làm khuyếch đại sự khác biệt thực tế giữa những con người bình thường. Nói chung, người Mỹ ít phân tán hơn những gì họ được mô tả. Nhưng chúng ta thường xuyên chứng kiến những bất đồng gay gắt giữa các người “tạo dư luận” (opinion leaders); và chúng ta đang liên tục được nghe về việc chúng ta phân chia và khác biệt nhau như thế nào. Sớm muộn gì chúng ta cũng có thể đi đến suy nghĩ và hành động kiểu này. Chúng ta có thể quên những giá trị chung.
Chính trị chắc chắn không thể tránh khỏi các bất đồng, và nhiều bất đồng là sâu sắc. Nhưng vượt ra ngoài sự xung đột là các phạm vi rộng lớn hơn của sự đồng thuận, nhằm xác định chúng ta là một quốc gia, một dân tộc. Trong đó có cả sự chấp nhận các điểm khác biệt. Ngẫu nhiên mà tôi đã gặp cả hai ông Ifshin và McCain trong những dịp riêng biệt, mỗi lần khoảng 15 giây. Tôi không thể khẳng định rằng mình đã hiểu chính xác những gì thúc đẩy họ hòa giải. Nhưng tôi phỏng đoán đó là sự lịch thiệp thông thường và sự nhận thức theo bản năng đối với tầm quan trọng của các phạm vi đồng thuận rộng lớn hơn. Nếu vậy, thông điệp của họ là rất đáng suy xét trong năm 1997 này.
Bưu điện Washington
CÁI GIÁ CỦA CHÍNH TRỊ
Trong chính trị, tiền bạc không phải là nguồn gốc của tất cả mọi thứ xấu xa, mặc dù nhiều người vẫn nghĩ vậy. Trong thời đại bi quan yếm thế (cynicism) tùy tiện của chúng ta, bằng cách này hay cách khác mà người ta đều dễ dàng cho rằng Quốc hội phục tùng những người đã có phần đóng góp lớn nhất cho chiến dịch vận động tranh cử. Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của tờ New York Times cho thấy 79% người được hỏi đều tin rằng “chính phủ được điều hành bởi một số nhóm lợi ích cỡ lớn”. Ross Perot[41] kêu gào “cải cách” chiến dịch tài chính, và Tổng Thống Clinton cũng làm vậy.
Các cuộc vận động cho chiến dịch “cải cách” đều đánh vào một ảo tưởng cụ thể của thời đại chúng ta. Đó là ảo tưởng cho rằng nền dân chủ của chúng ta đang bị bao vây bởi một mưu đồ chính trị thâm độc mà tiêu diệt được nó sẽ khôi phục lại niềm tin vào chính phủ. Bản chất của mưu đồ là liên tục thay đổi. Đôi khi nó là “lợi ích lớn” và “nhiều tiền”. Lúc khác nó lại là “sự nghiệp chính trị” hay “nhóm tinh hoa” ngạo mạn. Nhưng chắc chắn là có ai đó đang làm chế độ rối tung lên và kẻ đó cần phải bị loại trừ. “Cải cách” chiến dịch tài chính, các giới hạn thời gian, và sửa đổi hiến pháp nhằm tạo dựng một ngân sách cân đối là một
https://thuviensach.vn
trong các chiến lược được ưu tiên sử dụng nhằm tiêu diệt mưu đồ sai trái này.
Sự say mê đắm đuối của chúng ta với những mưu đồ được tưởng tượng ra này đã che mờ lý do thực sự và ít mang tính cảm xúc rằng hoạt động chính trị của chúng ta không dứt khoát và gây thất vọng. Nói đơn giản, vấn đề chính trị được quan tâm nhiều nhất ngày nay là những thứ mà nhân dân Mỹ bất đồng sâu sắc và, thật sự là, những thứ khiến nhiều cá nhân cảm thấy lúng túng. Các cuộc xung đột từ việc thâm hụt ngân sách, các “hành động tích cực” nhằm khắc phục hậu quả của nạn phân biệt đối xử, việc phá thai, và các quy định của chính phủ (là một vài ví dụ cụ thể) đều là chính đáng và khó giải quyết. Để chống lại các mưu đồ khác nhau, kể cả các lem nhem về tiền bạc, người ta được miễn trách cho các bế tắc chính trị. Người ta đổ lỗi cho một nguồn áp lực lớn và xa xôi nào đó.
Đúng là các chiến dịch theo đuổi tiền bạc của chính trị gia thường là trò bẩn thỉu. Và các chiến dịch này gây tốn kém nhiều hơn bao giờ hết. Trong một nghiên cứu mới đây, nhà khoa học chính trị Herbert E. Alexander của Đại học Nam California và Anthony Corrado của Đại học Colby ước tính rằng chi phí cho chiến dịch vận động tranh cử năm 1992 là khoảng 3,2 tỷ dollar. Đó là số tiền gần gấp ba lần chi phí vào năm 1980, chỉ là 1,2 tỷ. (Những con số này đã bao gồm chi phí cho tất cả các loại chiến dịch, nhưng phần lớn là các chi tiêu liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước. Năm 1992, các ứng cử viên tổng thống chi tiêu khoảng 550 triệu dollar, và các ứng viên Quốc hội dùng 678 triệu. Các đảng phái chính trị và các tổ chức đã chi gần 1 tỷ dollar cho các cuộc chạy đua vào các cơ quan của quốc gia. Phần còn lại được dùng cho các cuộc chạy đua vào các vị trí khác tại tiểu bang và địa phương.)
Nhưng những số liệu “thô” này thực sự ít ấn tượng hơn so với bề ngoài của chúng. Mặc dù mức chi tiêu cho các chiến dịch đang tăng, nhưng gần như mọi thứ khác cũng gia tăng. Từ năm 1980 đến năm 1992, tổng sản phẩm quốc nội của Hoa Kỳ tăng hơn gấp đôi (chưa điều chỉnh lạm phát). Quan trọng hơn, chi tiêu cho chiến dịch vận động là rất nhỏ: chỉ khoảng 0,05% hoặc 0,06% so với GDP, như vậy là đã tăng từ 0,03% trong thập niên 1960 (xem bảng). Có vẻ như rất khó có thể coi đây là cái giá đắt đỏ cho nền dân chủ.
Chi tiêu cho bầu cử
Chi phí của các chiến dịch chính trị là một phần không đáng kể trong tổng thu nhập quốc gia - tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
NĂM CHI TIÊU CHO CÁC CHIẾN DỊCH (USD) % SO VỚI GDP 1968 300 triệu 0,03% 1972 425 triệu 0 04% 1976 540 triệu 0,03% 1980 1,2 tỷ 0,04% 1984 1,8 tỷ 0,05% 1988 2,7 tỷ 0,06%
https://thuviensach.vn
1992 3,2 tỷ 0,05%
Nguồn: “Tài chính trong bầu cử năm 1992”, Alexander và Corrado, Sở Thương mại.
Tất nhiên, cái giá của nền dân chủ sẽ là đắt đỏ nếu những khoản đóng góp cho chiến dịch vận động tranh cử đều bị tham nhũng. Nhưng đã không có chuyện khuất tất đó. Không phải là tiền bạc sử dụng cho chiến dịch vận động tranh cử đã không ảnh hưởng chút nào đến một mức thuế được giảm bớt, một quy định ưu đãi, hoặc sự trợ cấp đáng nghi ngờ. Một ví dụ: công ty Archer Daniels Midland và vị chủ tịch, ông Dwayne Andreas, là các nhà đóng góp lớn, và công ty thu lợi ích từ các chương trình nông trang khác nhau, kể cả trợ giá cho việc đổi ngũ cốc lấy nhiên liệu. Phải chăng những đóng góp cho chiến dịch vận động tranh cử đã giúp bảo vệ các khoản trợ giá? Có lẽ thế. Liệu chính những đóng góp này đã tạo nên việc được trợ giá? Không. Có trợ giá bởi vì chính sách này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nông dân.
Tóm lại, sự đóng góp có ý nghĩa thấp hơn rất nhiều so với mức mà hầu hết mọi người giả định. Các vấn đề càng quan trọng thì số tiền dành cho các chiến dịch vận động (liên quan đến chúng) lại càng ít có ý nghĩa. An sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe và các chương trình khác dành cho người cao tuổi chiếm hơn một phần ba trong tất cả các chi tiêu của liên bang. Chúng thường xuyên được mở rộng, không phải bởi vì những người ủng hộ đã gửi đến các phần quà tặng lớn dành cho chiến dịch vận động, mà vì các chương trình này có số lượng người ủng hộ đông đảo và rất phổ biến. Cụm phức hợp công nghệ quân sự được cho là một nguồn năng lượng cho các ảnh hưởng chính trị. Tuy vậy sau Chiến tranh Lạnh, rất nhiều hợp đồng quốc phòng đã được hủy bỏ.
Nhà khoa học chính trị Alexander là một trong số những người hoài nghi chuyện tiền bạc đã chi phối chính trị, có lẽ đây là nhân vật nổi trội trong vấn đề các chi tiêu cho chiến dịch vận động tranh cử. Ông nói rằng lợi ích của các khu vực bầu cử, niềm tin chính trị, và lòng trung thành vào đảng phái chính trị là những ảnh hưởng chính yếu nhất đối với Quốc hội. Alexander từng lưu ý rằng, số lượng tiền lớn dành cho chiến dịch vận động đã đi tới những người có quan điểm mạnh. Hơn nữa, sự ảnh hưởng của các cá nhân có “lợi ích đặc biệt” đã mờ nhạt đi, vì có nhiều nhóm lợi ích đặc biệt cùng đóng góp. Giới ngân hàng biết rằng việc mua được các quy định “tự do thông thoáng” không phải là điều dễ dàng, bởi vì những người môi giới, đối thủ của họ, cũng tham gia đóng góp.
Alexander phản đối chiến dịch “cải cách” với các giới hạn chi tiêu, vì chúng không hiệu quả và phản dân chủ. Trên lý thuyết, các giới hạn hiện được áp dụng cho chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, nhưng thực tế thì người ta lẩn tránh chuyện này. Năm 1992, Alexander và Corrado ước tính, chi tiêu cho George Bush đã vượt quá giới hạn đến 87%, chi tiêu cho Bill Clinton quá giới hạn 99%. Trong thời đại truyền thông đại chúng, các mức giới hạn làm suy yếu các bài diễn văn tự do. Có người đã trả tiền cho thời lượng phát sóng trên truyền hình và quảng cáo. Bài phát biểu chính trị không phải là một cuộc đối thoại sơ khai, nó là một cuộc đấu tranh hỗn loạn để tạo dư luận trong công chúng. Thiếu tiền bạc sẽ gây phiền toái, nếu tiền giải quyết các cuộc bầu cử - khi ứng viên có thể mua được chiến thắng. Nhưng không. Năm 1994, 8 trong số 20 ứng viên Hạ viện có những đóng góp lớn nhất đã thất cử.
Ý tưởng cho rằng tiền dành cho các chiến dịch vận động tranh cử về cơ bản sẽ làm hỏng hoạt động chính trị vẫn cứ tồn tại, chỉ bởi vì nó liên tục được lặp đi lặp lại bởi các nhóm như Common Cause[42], được nhắc lại vô thức bởi các nhà báo, và được tuyên bố bởi chính các chính trị gia. Hành động của các nhà chính trị đã gây nên sự bi quan yếm thế cao độ. Chính trị gia đáp ứng tâm trạng phản đối chính trị (antipolitical) của công chúng bằng cách than thở về nạn tham nhũng chính trị (political corruption) và sau đó ngây thơ tự hỏi tại sao công chúng nghĩ xấu cho hoạt động này. Nhưng những thiệt hại thật sự của lý thuyết “mưu đồ chính trị” là sự tự lừa dối chính mình. Thổi phồng các khuất tất xấu xa về tiền vận động tranh cử đã khiến chúng ta đi lệch hướng và mất tập trung cho các vấn đề quan trọng làm phân chia đất nước.
Newsweek
Ngày 28 tháng 8 năm 1995
https://thuviensach.vn
CÁC NHÀ MÔI GIỚI QUYỀN LỰC ÂM THẦM
Tiết lộ mới nhất về cuốn sách mới xuất bản gần đây (Chủ nghĩa Tự do Mới: sự gia tăng quyền lực của các nhóm công dân) của nhà khoa học chính trị Jeffrey Berry là điều mà hầu như không có ai nhận thấy, ngay khi kết luận của sách hoàn toàn mâu thuẫn với quan niệm thông thường. Sau nhiều nghiên cứu, Berry bác bỏ quan niệm phổ biến cho rằng chủ nghĩa tự do đã chết trong thập niên 1980, khi nó bị bóp nghẹt bởi Ronald Reagan, nhóm vận động hành lang là các doanh nghiệp giàu có, và các nhóm chính trị bảo thủ; trong khi các đánh giá của của quốc hội lập pháp và báo chí thì ngược lại. Berry cho rằng nhóm vận động hành lang tự do tại Washington đã phát triển mạnh mẽ. Nhóm này cạnh tranh với các nhóm vận động hành lang cho kinh doanh đang có quyền lực và đè bẹp các nhóm bảo thủ, chẳng hạn như hiện đã không còn tồn tại nhóm Moral Majority[43](Nhóm đạo đức đa số) nữa.
Theo Berry, kể từ những năm 1960, sự tập trung của chủ nghĩa tự do đã thay đổi từ các vấn đề kinh tế - tái phân phối thu nhập - sang cái mà ông gọi là “các quan tâm về lối sống, sau khi gỡ bỏ yếu tố vật chất” (postmaterial lifestyle concerns): chủ thuyết bảo vệ môi trường, tất cả các loại quyền lợi, bảo vệ người tiêu dùng, và chính phủ trong sạch. Chủ nghĩa tự do này được thể hiện chủ yếu thông qua các nhóm vận động hành lang của các công dân, như Quỹ Bảo vệ Môi trường, nhóm Quần chúng Công dân của Ralph Nader[44], và Tổ chức Quốc gia về Phụ nữ. Đây là những nhóm vận động đã vận dụng sức mạnh để gây ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của Washington và tình hình tin tức của nó.
Với các diễn biến trong 30 năm tại Washington, phân tích này ngay lập tức thu hút sự chú ý của tôi vì tính xác đáng. Nhưng cũng có một số sự phản đối (một đoạn trích từ tờ Bưu điện Washington cuối tuần, một số cuộc phỏng vấn trên NPR[45]), nên cuộc nghiên cứu đã bị phớt lờ.
Tại sao vậy? Câu trả lời không phải là vì Berry là một người cực hữu quá khích, có xu hướng phơi bày chủ nghĩa tự do âm thầm (stealth liberalism). Ông là thành viên đảng Dân chủ (“Tôi đã được nâng lên thành một người theo chủ nghĩa tự do của Hubert Humphrey[46]”), từng giảng dạy tại Đại học Tufts từ năm 1974 và nhằm mục đích đơn giản là làm rõ sức mạnh của nhóm lợi ích.
Để làm điều này, ông đã tìm hiểu các đề xuất của quốc hội vào các năm 1963, 1979, và 1991. Có gì thay đổi? Các vấn đề nào được đưa vào chương trình nghị sự? Quan điểm của những ai được thể hiện qua báo chí? Nếu Quốc hội thông qua luật pháp, ai là người chiến thắng (nghĩa là ai có lợi)? Theo các tính toán của Berry, Quốc hội đã xem xét - không kể các các chính sách đối ngoại, trừ khi có liên quan đến thương mại - 205 vấn đề quan trọng trong những năm này. (Một đề xuất được đánh giá quan trọng nếu nó tạo ra phiên điều trần trước quốc hội và được báo chí đưa tin). Dưới đây là những gì ông tìm thấy:
Từ năm 1963 đến năm 1991, chương trình nghị sự của Quốc hội đã chuyển sang các vấn đề hậu duy vật (postmaterial: giải phóng cá nhân và xã hội khỏi các vấn đề mang tính vật chất như thu nhập hay an sinh, để dần dần chuyển sang các khía cạnh khác như quyền tự do của công dân và môi trường - ND). Năm 1963, khoảng hai phần ba các đề xuất là vấn đề kinh tế, đặc trưng bởi việc đào tạo nhân lực hoặc trợ giá cho nông trại. Đến năm 1991, khoảng 70% các vấn đề là có liên quan đến hậu duy vật, chẳng hạn như Luật bảo tồn các vùng đất ngập nước và Luật nghỉ phép vì lý do sức khỏe hoặc việc gia đình (Family Medical and Leave Act: một đạo luật cho phép người lao động được nghỉ phép không hưởng lương và vẫn giữ được việc làm khi có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, hoặc cần chăm sóc người thân trong gia đình họ - ND).
Các nhóm vận động tự do hiện nhận được nhiều hậu thuẫn, ưu đãi từ báo chí. Trong các báo loại in (Berry sử dụng các tờ Thời báo New York, The Wall Street Journal, và các thông cáo báo chí hàng tuần, hàng quý của Quốc hội), các nhóm tự do này chiếm gần một nửa trang viết dành cho các nhóm vận động hành lang. Các hiệp hội công nghiệp thương mại chiếm khoảng 30%, các tập đoàn chiếm 1%. Tỷ lệ tương tự tại mạng lưới tin tức qua truyền hình.
Các nhóm vận động tự do ngày càng giành nhiều chiến thắng. Năm 1963, cứ mỗi ba lần chiến thắng của nhóm doanh nghiệp vận động hành lang thì lại có một thất bại trước nhóm tự do. Đến năm 1991, nhóm
https://thuviensach.vn
doanh nghiệp để giành được ba chiến thắng thì phải chịu đến hai thất bại. Thậm chí điều này cũng thổi phồng quyền lực của nhóm doanh nghiệp, vì thường thì ngành kinh doanh chỉ đơn giản là phản đối các đạo luật bất lợi. Các nhóm bảo thủ, chẳng hạn như Liên minh Thiên chúa giáo, đã có ít ảnh hưởng đến công tác lập pháp.
Nghiên cứu của Berry bác bỏ ý niệm cho rằng các nhóm lợi ích giàu có hoặc những người chủ trương bảo thủ đang thống trị Washington. Nhận thức phổ biến phần nào có sự khác biệt, khi Đảng Cộng hòa nắm Quốc hội năm 1994 đã tạo ra một ấn tượng sai lầm về chiến thắng của phe bảo thủ. Để xem liệu có điều này hay không, Berry đã khảo sát 12 vấn đề về môi trường trong Quốc hội khóa 104 (1995 - 1996). Ông đánh giá rằng nhóm quan tâm đến môi trường đã giành được 10 thắng lợi. Quyền lực của nhóm bảo thủ cũng đã được phóng đại, bởi vì một số ý tưởng của họ đang thắng thế và các ý tưởng đó không còn mang tính bảo thủ nữa. Về chính sách kinh tế, một ngân sách cân bằng - trong thời đại hưng thịnh - và mức lạm phát thấp hiện đang đòi hỏi nhiều sự hỗ trợ. Cải cách phúc lợi cũng vậy.
Nhưng nguyên nhân chính gây ra thông tin sai lạc - cũng là lý do tại sao nghiên cứu của Berry lại không được chú ý - là người dân cũng có lợi trong tình hình này. Chắc chắn nhóm vận động hành lang tự do cũng có. Họ thưởng thức hình ảnh của chính mình như các nhóm bần cùng nghèo khổ chiến đấu không cân sức trước các nhóm vận động là các thương gia giàu có. Trong thực tế, Berry thấy rằng nhóm vận động tự do thường được tài trợ tốt và cũng rất chuyên nghiệp. Ngược lại, các nhóm bảo thủ (nhưng không phải nhóm doanh nghiệp) thường được tài trợ kém và hoạt động yếu. Nhóm này đã không quan tâm đến việc “quảng bá” điểm yếu của họ.
Báo chí, tất nhiên, lẽ ra nên trình bày một bức tranh thật sự - nhưng thực tế thì không. Nếu làm thế, báo chí sẽ phải thừa nhận rằng nó thường xuyên trợ giúp cho các nhóm vận động tự do. Đây là kết quả từ các niềm tin được chia sẻ, nhiều hơn là từ một nỗ lực có ý thức để thúc đẩy chương trình nghị sự. Các nhà báo nhìn thấy những câu chuyện theo cách tương tự như các nhà vận động tự do đã thấy. Doanh nghiệp được coi là tham lam, ích kỷ và không có dân chủ. Các nhóm bảo thủ thì “hết nói nổi” hoặc nguy hiểm dưới góc độ xã hội. Ngược lại, nhóm vận động tự do là người canh gác với tinh thần chí công.
Sự hội tụ của các giá trị dễ dàng được suy ra từ cuộc khảo sát ý kiến. Hãy xem một cuộc thăm dò ý kiến năm 1995 dành cho các phóng viên Washington. Chỉ có 2% phóng viên tự cho mình thuộc phe bảo thủ, trong khi 89% đã bỏ phiếu cho Clinton năm 1992 (so với tỷ lệ 43% công chúng Mỹ ủng hộ ông này). Chỉ có 4% phóng viên thuộc Đảng Cộng hòa (50% thuộc đảng Dân chủ, và 37% độc lập không đảng phái). Họ, cùng với những giá trị này, theo bản năng sẽ làm giảm thiểu sức mạnh của những “người tốt” (ý nói nhóm vận động tự do - ND) và làm cho những “kẻ xấu” (ý nói các nhóm vận động cho doanh nghiệp và nhóm bảo thủ - ND) trông đáng sợ hơn. Ví dụ, một câu chuyện mang tính dẫn dắt trên Thời báo New York đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp chi phối kỳ họp Quốc hội gần nhất (Quốc hội làm cho hầu hết các nhóm vận động hành lang của doanh nghiệp mỉm cười hài lòng). Sự thực của câu chuyện này lại cho thấy nhóm doanh nghiệp chỉ giành được một vài chiến thắng khiêm tốn và đang chơi phòng thủ với mức chi phí tối thiểu và “quyền bệnh nhân”[47].
Trong một nền dân chủ, sự hưng thịnh của các lực lượng vận động hành lang tự do là lành mạnh. Chúng thường thành công vì mang ý nghĩa là kênh phát ngôn cho ý kiến của công chúng. Ví dụ, theo báo cáo từ một cuộc thăm dò ý kiến của viện nghiên cứu Pew, 80% người dân Mỹ thấy mình là người quan tâm bảo vệ môi trường. Cái không lành mạnh là các ý niệm làm khuôn mẫu (stereotype) sai lệch đã xuyên tạc những bên có ảnh hưởng. Chúng phân biệt đối xử với một số quan điểm và phổ biến các ý tưởng cho rằng hệ thống chính trị - bị nắm bắt bởi các lực lượng không có dân chủ - đã bị tha hóa và không hiệu quả. Sự thật thì chính trị thường bế tắc vì các ý kiến của công chúng gây bế tắc. Cũng trong cuộc thăm dò này của Pew, gần một nửa số người Mỹ nghĩ rằng các quy định của chính phủ là có hại nhiều hơn có lợi. Khuôn mẫu của chúng ta đã chuyển đổi một cách sai lệch các bất đồng ý kiến hợp pháp thành một âm mưu bi quan yếm thế áp vào công chúng.
Newsweek
Ngày 13 tháng 12 năm 1999
https://thuviensach.vn
NĂM 1994
Bất chấp đã được quảng bá thổi phồng, ý nghĩa lịch sử của thắng lợi lớn dành cho đảng Cộng hòa gần đây vẫn đang bị đánh giá thấp. Nó đã để lại dấu ấn còn nhiều hơn một sự thay đổi trong quyền lực của Quốc hội hoặc sự sụp đổ cuối cùng của liên minh Thỏa hiệp Mới[48]. Ý nghĩa cao nhất của thắng lợi này là tâm lý: nó thay đổi cách chúng ta nghĩ và nói về chính trị. Kể từ những năm 1930, nước Mỹ đã tự coi mình là một quốc gia Dân chủ, chủ yếu bị chi phối bởi là các cử tri và ý tưởng Dân chủ. Trong chốc lát, sự suy đoán kiểu này bị sụp đổ tan tành. Theo tôi, các điều kiện của các cuộc tranh luận chính trị đã thay đổi về cơ bản và không thể đảo ngược được.
Với nhận định này, tôi không có ý cho rằng chúng ta là một quốc gia của đảng Cộng hòa. Người ta vẫn còn tiếp tục theo dõi xem liệu đảng Cộng hòa có thể xây dựng được lòng trung thành của cử tri hay người dân Hoa Kỳ sẽ trở thành dân du mục chính trị, lang thang vô định giữa các đảng phái và các ứng cử viên. Cũng không phải là chính phủ liên bang sẽ ngay lập tức thu nhỏ lại. Như tôi đã viết trước đây, một chính phủ Lớn (chính phủ cồng kềnh, không hiệu quả - ND) vẫn tồn tại, và không có kế hoạch nào của đảng Cộng hòa để giải tán nó. Chẳng hạn, kế hoạch ngân sách năm 1993 của các nhà lãnh đạo Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa lẽ ra phải cắt giảm được chi tiêu hơn con số 400 tỷ dollar trong 5 năm - mới chỉ là 5% của 8 nghìn tỷ dollar đã chi tiêu trong thời kỳ này. Nhưng điều này không hạ thấp được chiến thắng của đảng Cộng hòa xuống thành một sự ngẫu nhiên, do các cử tri bi quan yếm thế hoặc đột ngột quay lưng với Bill Clinton gợi ra.
Từ năm 1980, các cử tri đã luôn ủng hộ các ứng cử viên tổng thống nào tán thành một chính phủ nhỏ gọn hơn. Điều này không chỉ mô tả Ronald Reagan và George Bush, mà còn là các “đảng viên Dân chủ kiểu mới” như Clinton và Ross Perot. “Bế tắc” chính trị tồn tại chủ yếu là do các cử tri vẫn quay về với Quốc hội thuộc đảng Dân chủ, ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn (1981 - 1986) là khi đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện. Và Quốc hội thuộc đảng Dân chủ đã thể hiện một nét đạo đức chính trị khác biệt: Thỏa hiệp Mới và Xã hội Lớn. Đó là một thái độ, mặc dù là tập hợp của nhiều ý tưởng, cho rằng một chính phủ mạnh cần dịch chuyển được để giải quyết hàng loạt các vấn đề xã hội.
Trong khi đảng Dân chủ kiểm soát Quốc hội, họ có thể duy trì tình hình mà trong đó các hoạt động của chính phủ phản ánh quan điểm của hầu hết mọi người dân. Nhìn chung, tôi cho rằng nhận định này đã được chấp nhận bởi hầu hết các đảng viên Cộng hòa, của công chúng, và đội quân báo chí chính trị. Điều đó có nghĩa là nước Mỹ tự coi mình là một quốc gia “dân chủ” mặc dù có rất nhiều mâu thuẫn: thắng lợi liên tục trong bầu cử tổng thống dành cho đảng Cộng hòa (bảy trong số mười hai kỳ bầu cử kể từ Thế chiến II và năm trong số bảy kỳ sau đó, kể từ năm 1968 đến nay), trong khi lòng trung thành đối với đảng này cũng suy yếu. Ví dụ, năm 1952 chỉ có 13% cử tri đã “chia đôi lá phiếu” của họ cho ứng cử viên tổng thống và Hạ viện (nghĩa là bầu cho tổng thống thuộc đảng này thì Hạ nghị sĩ thuộc đảng khác - ND); năm 1972 thì tỷ lệ này là 30%, và sau đó không bao giờ xuống dưới mức 25%.
Nhưng xét từ góc độ tâm lý, đảng Dân chủ kiểm soát Quốc hội đã vô hiệu hóa những xu hướng này. Trong chế độ của chúng ta, quyền lực xuất phát từ “nhân dân”, và Quốc hội gần gũi người dân nhất. Kết quả là, các cuộc bầu cử Quốc hội truyền vào những người chiến thắng một cảm giác tuyệt vời của thế thượng phong, trong khi áp đặt một cảm giác thất thế lên bên thua cuộc. Cho đến nay, các đảng viên Dân chủ đương đại chưa bao giờ thấy mình là đảng của thiểu số. Các chiến thắng trong bầu cử tổng thống của đảng Cộng hòa có thể được bàn bạc qua loa như một “cuộc đua ngựa”: nếu có các con ngựa khác thì kết quả có thể đã khác đi. Tương tự như vậy, sự tăng trưởng của nhóm “cử tri độc lập” có thể được giảm thiểu, vì cũng đã đủ số lượng “độc lập” này bầu cho đảng Dân chủ để duy trì quyền kiểm soát của đảng này trong Quốc hội.
Biến động năm 1994 đã xóa nhòa những thói quen tư duy kiểu này. Các nhà khoa học chính trị sẽ tranh luận nhiều về lý do tại sao đảng Dân chủ lại kiểm soát Quốc hội trong thời gian dài. Có lẽ đất nước cũng là đảng Dân chủ. Có lẽ đảng Cộng hòa chỉ có các ứng viên kém. Có lẽ cử tri ưa thích người đương nhiệm để bảo vệ khu vực bầu cử của họ. Hoặc có lẽ sự sắp xếp lại khu vực bầu cử (redistricting)[49] sáng suốt đã có hiệu quả. Dù nguyên nhân là gì đi nữa thì tình hình này cũng không còn nữa. Thay vì vậy, một nguồn lực huyền thoại trong cuộc bầu cử quốc hội đã phá hỏng lời tuyên bố về tình trạng “thắng thế” của đảng Dân
https://thuviensach.vn
chủ, mặc dù cái nhãn đa số cũng đã không chuyển sang phía Cộng hòa; bởi vì một cuộc bầu cử cũng chỉ là một cuộc bầu cử mà thôi.
Nhưng với việc đập tan tuyên bố của đảng Dân chủ, cuộc bầu cử đã làm “thay đổi cuộc đối thoại”, như nhận định của Terry Eastland, một cựu quan chức trong chính quyền Reagan. Khi đảng Dân chủ còn chiếm được đa số, ý tưởng của họ đã ngay lập tức trở thành “chính thống”. Sự thắng lợi lớn của đảng Cộng hòa đã chấm dứt việc này, nhưng kết quả của nó vẫn còn chưa được đánh giá đúng mức. Lấy một ví dụ: cải cách phúc lợi. Một vài tháng trước đây, đề nghị của một số đảng viên Cộng hòa về việc các bà mẹ tuổi thiếu niên chưa kết hôn sẽ không được được hưởng phúc lợi đã bị cho là phản động; bây giờ nó không thể bị bác bỏ dễ dàng. Vấn đề đã vượt khỏi tính đúng đắn hay sai lầm của đề nghị này. Đúng hơn là nó đi đến một quá trình rộng hơn, theo đó cuộc bầu cử Quốc hội cho phép hoặc thu hồi sự hợp pháp mơ hồ của chính trị.
Các đối thoại chính trị được chuyển đổi từ nguyên tắc Thỏa hiệp Mới (New Deal) để hướng tới một nguyên tắc có thể được gọi là “xã hội có trách nhiệm”. Các đảng viên Cộng hòa (và một số đảng viên Dân chủ) đặt những câu hỏi mới về năng lực và trách nhiệm của chính phủ. Họ biện hộ cho sự phân hóa mới trong hoạt động của toàn liên bang, của tiểu bang và chính quyền địa phương và, quan trọng hơn, phân hóa giữa chính phủ và “người dân”. Các đề xuất có tính hành động sẽ không còn tự động được xem như là đáng chú ý nữa, việc cắt giảm sẽ không còn đương nhiên bị coi là vô trách nhiệm hoặc bị kỳ thị như những ý tưởng “râu ria”.
Tất nhiên, thuật hùng biện ở đây vượt xa các đề xuất thiết thực. Người Mỹ có thể phàn nàn một Chính phủ Lớn, nhưng họ phụ thuộc rất nhiều vào nó. Cụ thể, hầu hết đảng viên Cộng hòa hiện chưa phải đối mặt với vấn đề trọng tâm: một phần ba chi tiêu của liên bang là dành cho người cao tuổi, thông qua mạng lưới an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, và các “quyền lợi” phổ biến khác. Khi thế hệ Baby-Boom (được ra đời trong giai đoạn 1946-1964) đã già, hoặc các chương trình này sẽ bị cắt giảm, hoặc chi tiêu (và các loại thuế hay sự thiếu hụt) sẽ tăng lên. Chính phủ trong tương lai có thể làm ít việc hơn, nhưng nó chắc là sẽ không thu nhỏ đi. Và cũng có những mâu thuẫn khác. Trong khi lên án chính phủ, một số người bảo thủ vẫn hy vọng sẽ tận dụng được quyền lực của chính phủ để thúc đẩy động cơ của riêng họ (ví dụ, cầu nguyện trong trường học).
Tất cả những điều trên cho thấy rằng chính trị sẽ tiếp tục xáo trộn, đầy mâu thuẫn, và thường bị bỏ ngỏ mà không được xác định rõ ràng. Đôi khi điều này không có gì hoàn toàn khác biệt so với những gì trong quá khứ. Có vẻ như vẫn không có gì thay đổi cả. Nhưng nghĩ vậy sẽ là một sai lầm lớn. Cuộc bầu cử đã không chỉ thay thế “người cũ” (đảng Dân chủ) bằng “người mới” (đảng Cộng hòa)[50]. Nó còn làm thay đổi nhịp điệu và xu hướng chính trị. Nó thiết kế nên một thứ “chính thống” kiểu mới và thay đổi phẩm chất đáng tôn trọng của chính trị. Cuộc bầu cử tuy chưa là một “sự sắp xếp lại cho ngăn nắp” các đảng phái và những ý tưởng, nhưng đó là sự “xa rời các đảng phái” một cách quyết đoán của nhóm người cao tuổi.
Bưu điện Washington
Ngày 30 tháng 11 năm 1994
HỌ GỌI ĐÂY LÀ MỘT CUỘC CÁCH MẠNG?
“Cách mạng”, cùng với “khủng hoảng”, là một trong những từ mà chúng ta lạm dụng và dùng sai nhiều nhất. Chúng ta có hàng tá “khủng hoảng” (khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng ma túy, khủng hoảng tội phạm, khủng hoảng giáo dục) và cũng nhiều “cuộc cách mạng” (cách mạng máy tính, cách mạng truyền thông, cách mạng công nghệ sinh học, v...v...). Và giờ đây, tất nhiên là chúng ta có “cuộc cách mạng của Đảng Cộng hòa” - thuật ngữ được chính những người Cộng hòa đặt ra và được báo chí và hầu hết các nhà bình luận chính trị vui vẻ tán thành. Ồ, tôi thì không đồng ý.
Tôi không tranh luận rằng chúng ta đã có một biến động bất thường về chính trị. Nếu một ngân sách cân đối sau cùng cũng được thông qua (các cơ hội là rất khả quan), Quốc hội sẽ được xếp hạng một cách xứng
https://thuviensach.vn
đáng vào một trong những vị trí quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Họ đang đề xuất những thay đổi rất lớn với hiệu ứng tiềm năng còn sâu rộng hơn. Mối quan hệ giữa Liên bang và tiểu bang có thể được làm mới một lần nữa, trong đó các tiểu bang đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong một số các chương trình lớn (chương trình y tế Medicaid[51], phúc lợi). Chi tiêu cho người già sẽ đã được đưa vào chương trình nghị sự chính trị một cách chật vật. Thật ra, điều kiện cho các cuộc tranh luận chính trị có thể thay đổi một cách dứt khoát, nếu cân bằng ngân sách được khôi phục lại như một nguyên tắc thiết thực, và hợp pháp.
Nhưng những thay đổi này, theo quan điểm của tôi, không đủ điều kiện để được xem là một cuộc cách mạng. Tôi cho rằng cách mạng phải là một sự kiện hoặc xu hướng làm thay đổi hoàn toàn một chế độ (chính trị, xã hội, kinh tế) hoặc tập hợp các ý tưởng. Truyền hình đã cho chúng ta một cuộc cách mạng thực sự trong truyền thông đại chúng. Xe hơi góp phần vào cuộc cách mạng thực sự trong vận tải, thay cho ngựa và đường sắt. Mỗi cuộc cách mạng này đã khơi mào cho các tác dụng phụ rộng lớn mang tính xã hội và kinh tế, nhiều hiệu ứng trong số này vẫn còn diễn ra và một số vẫn gây tranh cãi. Ví dụ, xe hơi làm thay đổi cảnh quan của quốc gia bằng cách làm cho quá trình “ngoại ô hóa”[52]trở nên khả thi. Và chúng ta vẫn còn tranh luận về việc liệu rằng truyền hình có khuyến khích bạo lực hay không.
Trong chính trị, các cuộc cách mạng thường có xu hướng bạo lực và thay thế chế độ này bằng một chế độ khác. Nhưng cũng không cần phải có bạo lực. Tại Hoa Kỳ, việc thông qua Hiến pháp là một cuộc cách mạng có tầm quan trọng tương đương bản thân cuộc Cách mạng Mỹ, bởi vì Hiến pháp đã xác định rằng chúng ta sẽ có một chính phủ quốc gia thực sự chứ không đơn giản chỉ là một tập hợp lỏng lẻo của những tiểu bang - vấn đề này sau đó đã bị cuộc nội chiến thách thức. Sự hình thành Cộng đồng châu Âu (nay là Liên minh châu Âu) sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II cũng là một cuộc cách mạng. Mặc dù đã không ngăn chặn được tất cả các mối hận thù từ xa xưa của châu Âu, nó đã đưa phần đông các quốc gia vào một khuôn khổ hòa bình.
Từ cơ sở nền tảng này, cuộc cách mạng Đảng Cộng hòa không giống như một cuộc cách mạng thực sự. Và tại sao nó phải là cách mạng cơ chứ? Tại Mỹ, những thay đổi chính trị thường là sự tiến hóa. Nó diễn tiến dần dần, đó là những gì hầu hết người Mỹ đều mong muốn. Những thay đổi chính trị bây giờ chủ yếu là loại này. Việc chương trình Chăm sóc sức khỏe Medicare (từng một lần bị giới hạn đối với người cao tuổi) còn đang được tranh luận cho thấy một tín hiệu của sự thay đổi quan trọng trong bầu không khí chính trị. Nhưng chính phủ không chối bỏ tất cả trách nhiệm đối với người già. Thật vậy, chi tiêu dành cho nhóm này sẽ tăng lên, bất chấp dùng loại ngân sách nào, tăng cả về con số tuyệt đối lẫn số tiền chi cho mỗi cá nhân.
Tương tự như vậy trong các chương trình dành cho người nghèo. Hầu hết các thay đổi này đều có giới hạn. Chương trình Medicaid và phúc lợi xã hội đang được chính phủ liên bang và tiểu bang phối hợp điều hành. Chúng sẽ tiếp tục được cùng quản lý và tài trợ, nhưng các tiểu bang sẽ có được quyền lực nhiều hơn và, so với các chương trình hiện nay, ít kinh phí hơn. Vấn đề ở đây không phải là: liệu những thay đổi này sẽ làm cho nhiều người nghèo được tự chủ hơn hay không (như các lập luận biện hộ), hoặc làm họ suy thoái thêm hay không (theo lời những người chỉ trích). Đơn giản là những thay đổi này không phải là cách mạng. Nguyên tắc cơ bản (chính phủ có trách nhiệm với người nghèo) vẫn còn đó, trong khi các chi tiết thay đổi.
“Cuộc cách mạng của đảng Cộng hòa” được sáng chế ra chủ yếu chỉ là sự tiện lợi mang tính chính trị và của báo chí. Nhiều Nghị sĩ mới thuộc đảng Cộng hòa muốn gia tăng càng nhiều càng tốt sự khác biệt của chính họ so với nhóm lãnh đạo tinh hoa của Washington và, do đó, nhận thấy rằng cái nhãn “cách mạng” thật hữu ích và phù hợp. Nó chuyển tải ý nghĩa rằng họ đã thực sự là “người ngoài” (ý nói đến tính khách quan - ND), không mong muốn kéo dài tình trạng hiện hữu tại thủ đô. Họ sẽ thay đổi. Báo chí hăng hái xác nhận kiểu cách mạng “tự phong” này, bởi vì nó làm cho câu chuyện chính trị càng kịch tính hơn.
Đến bây giờ thì những người khôn ngoan hơn trong đảng Cộng hòa đã phải hối tiếc vì cách chọn từ ngữ. Đó là một thảm kịch trong hoạt động quan hệ công chúng và là một món quà chính trị dành cho đảng Dân chủ. Mặc dù không hài lòng với chính trị như thường thấy, người Mỹ không phải là những nhà cách mạng. Thật vậy, ý tưởng “cách mạng” khiến cho hầu hết người Mỹ rùng mình. Thuật ngữ này gợi lên những bóng ma về sự lộn xộn và tình trạng hỗn loạn. Đương nhiên, Đảng Dân chủ đã “săn” được sự liên tưởng và những nỗi lo lắng. Đảng Cộng hòa đã được gọi là “cực đoan” và “khủng bố”, họ sẽ làm khô héo các mạng lưới an sinh xã hội và hủy hoại ý nghĩa của sự an toàn cho người Mỹ. Đó sẽ là cách mạng, nhưng lại không
https://thuviensach.vn
phải là mục đích của những đảng viên Cộng hòa.
Liệu có vấn đề gì không? Suy cho cùng, “cách mạng” cũng chỉ một từ. Có lẽ việc sử dụng ngôn ngữ bất cẩn cũng chẳng làm nên sự khác biệt trong nhiều bối cảnh. Chúng ta có thể hoặc không trải qua một cuộc “cách mạng máy tính”. Việc bạn gọi nó là cái gì chỉ là vấn đề của sở thích và cách đánh giá. Lịch sử sẽ phán xét sau cùng. Nhưng trong chính trị, từ ngữ là chuyện lớn. Chúng giúp tạo ra bầu không khí cho quan điểm. Việc lạm dụng ngôn ngữ phá hỏng cuộc tranh cãi lý luận. Cường điệu hóa, đơn giản hóa, và xuyên tạc là các nội dung bình thường trong tranh luận chính trị. Nhưng càng kết hợp thêm nhiều những sự quá trớn thì các cuộc thảo luận càng trở nên khó khăn hơn.
Dưới góc độ đảng phái chính trị, phe Cộng hòa xứng đáng với những gì họ nhận được. Họ đã quyết định tự gọi mình là những nhà cách mạng; bây giờ họ phải chịu hậu quả. Tuy nhiên, báo chí cũng phải chịu trách nhiệm về việc phổ biến các ý tưởng, và trong một ý nghĩa rộng hơn, đất nước là người thua cuộc, phải gánh chịu hậu quả cuối cùng từ việc trình bày sai lệch này. Mọi thay đổi ở đây đều không phải là cách mạng. Khi chúng ta xác định sai thuộc tính - và bôi bác - kiểu này, chúng ta đã để cho tính biểu tượng chôn vùi cái thực chất. Mọi người sợ phải thay đổi, bởi vì trông nó có vẻ lớn hơn và nhiều đổ vỡ hơn so với thực chất của sự thay đổi đó. Mỉa mai là sau đó chúng ta làm cho việc đi đến sự đồng thuận với những thay đổi dần dần còn trở nên khó khăn hơn, điều mà hầu hết người Mỹ thực sự mong ước.
Bưu điện Washington
Ngày 03 tháng 1 năm 1996
WASHINGTON XA CÁCH
Ba mươi năm trước [năm 1969], tôi đã đến Washington khi còn là một phóng viên 23 tuổi. Kể từ đó cho đến nay, chưa bao giờ tôi thấy sự xa cách giữa thủ đô và phần còn lại của đất nước lại lớn như bây giờ. Thủ đô đặc biệt quan tâm đến những cáo buộc về các hành vi sai trái của Clinton. Trong khi đó phần còn lại của đất nước ít khi để ý đến chuyện này. Theo các báo cáo từ cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew thì hầu hết người Mỹ cảm thấy rằng năm 1998 là một năm tốt đối với họ (72%) và cộng đồng của họ (78%). Chuyện sai trái ư? Chỉ có 32% đã theo sát câu chuyện này; và 64% nói rằng “các phương tiện truyền thông đã chú ý đến nó quá nhiều”.
Người ta cũng có thể gây tranh luận là: sự lạnh nhạt này là một sự kiện đơn lẻ, phản ánh tính đặc thù của nhiệm kỳ tổng thống Clinton và thái độ thờ ơ của một nền kinh tế đang bùng nổ. Tôi thì lại nghĩ rằng đây là một ảo tưởng. Các điều kiện nói trên có thể làm gia tăng sự xa cách, nhưng khoảng cách ngày càng lớn giữa Washington với phần còn lại của đất nước thì không phải là ngẫu nhiên. Đó là một trong những xu hướng rõ ràng của ba thập kỷ khi tôi ở đây. Trong thời gian này, Washington đã trở nên hẹp hòi hơn. Người dân ở các nơi khác cũng lảng tránh bởi vì họ cảm thấy đã bị gạt ra ngoài.
Nói đến Washington, tôi không có ý muốn nói đến một nơi chốn. Cho dù bạn tin hay không thì phần lớn người dân ở đây có cuộc sống cũng giống như hầu hết những người Mỹ ở nơi khác. Họ phải chịu đựng nạn kẹt xe, những lo toan về trường học, và chỉ thỉnh thoảng mới suy nghĩ về chính trị và chính phủ. Thực ra, Washington hiện đang phụ thuộc vào chính phủ ít nhất kể từ trước đến nay. Từ năm 1970, dân số của khu vực trung tâm đã tăng trưởng khoảng 60% và lên đến 4,6 triệu người. Sự tăng trưởng này bắt nguồn chủ yếu từ những ngành nghề mà có thể tồn tại được gần như bất cứ nơi đâu. American Online (một dịch vụ thương mại trực tuyến - ND) hoạt động từ một khu ngoại ô, Newsweek chọn vị trí là một trong mười trung tâm công nghệ cao.
Tôi muốn nói đến Washington như là một cộng đồng chính trị - đám đông “bên trong đường vành đai cao tốc” hoặc “tầng lớp thống trị”. Nó bao gồm các chính trị gia, nhân viên của Quốc hội, các phụ tá làm việc ở Nhà Trắng, các nhân vật chính trị được bổ nhiệm, các quan chức hàng đầu, báo giới, các nhóm vận động hành lang, các cố vấn chuyên nghiệp, và các thành viên của các nhóm lợi ích và các nhóm biện hộ. Những nhóm này sống với các hoạt động chính trị, bầu cử, lập pháp, và chính sách công.
https://thuviensach.vn
Việc mở rộng khoảng cách giữa Washington và phần còn lại của đất nước là không hoàn toàn tiêu cực. Nước Mỹ phát triển một phần vì sự phân quyền, phi tập trung hóa. Quyền lực của chính quyền vẫn còn phân tán trong các cấp độ thuộc nhà nước, tiểu bang và cấp địa phương. Nền kinh tế cho phép các công ty được mở rộng, cạnh tranh, thu hẹp, và đóng cửa, phần lớn tùy vào quyết định của riêng họ. Có rất nhiều hoạt động tình nguyện, quyên góp và làm từ thiện. Ví dụ, Thống kê Vắn tắt cho thấy có đến 330.000 nhà thờ và 40.000 tổ chức từ thiện.
Nước Mỹ có thể làm tốt mà không cần Washington phải làm tốt. Trong bài viết trên tờ New Republic gần đây, Gregg Easterbrook lưu ý một số dấu hiệu cải thiện đang diễn ra trên đất nước: năm 1997, tỷ lệ giết người là thấp nhất trong vòng 30 năm; diện tích một ngôi nhà mới điển hình lớn hơn 40% so với năm 1970; tỷ lệ các bà mẹ ở tuổi thiếu niên đã giảm xuống 12% kể từ 1991; lượng khói giảm xuống một phần ba từ năm 1970. Có thể nói rằng, một số thành tựu - như cải thiện môi trường chẳng hạn - là xuất phát từ Washington; nhưng phần nhiều thì không.
Tuy nhiên, có một điều gây lo ngại theo trực giác về sự xa cách ngày càng lớn của Washington. Trong một nền dân chủ đại diện, người dân không nên cảm thấy mình ngày càng được đại diện ít hơn. Cuộc chiến tranh Việt Nam và vụ Watergate thường xuyên được đưa ra để giải thích sự thiếu tin tưởng sâu sắc vào các chính trị gia và chính phủ. Nhưng tác động của chúng đã bị thổi phồng. Gần một phần ba số người Mỹ trưởng thành ngày nay mới chỉ hơn mười tuổi hoặc thậm chí còn chưa được sinh ra khi Nixon rời văn phòng vào năm 1974.
Khi tôi đến Washington năm 1969, nhiều người đã tin rằng chính phủ có thể giải quyết được nhiều vấn đề xã hội. Niềm tin này, cộng với việc tin chắc rằng nền kinh tế có thể tạo ra sự thịnh vượng mới không giới hạn, đã tạo cảm hứng cho rất nhiều người theo chủ nghĩa hành động
(activism) trong chính phủ. Washington đã kết nối với phần còn lại của đất nước bằng cách rải những lợi ích mới lên nhiều khu vực bầu cử. Mặc dù đảng Dân chủ đã dẫn dắt cuộc vận động này, hầu hết các đảng viên Cộng Hòa (đáng chú ý là bao gồm cả Nixon) cũng tham gia. Người cao tuổi được hưởng lợi từ chương trình chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cao hơn; người nghèo được đón nhận chương trình Medicaid và phiếu thực phẩm; các trường trung học và đại học đã nhận được nhiều viện trợ hơn; Quốc hội thông qua luật về môi trường và an toàn cho công nhân.
Chúng ta biết rằng cuộc vận động này bây giờ đã hoàn toàn thất bại trong giả định “bốc đồng” của chính nó. Không thể giải quyết được tất cả các vấn đề xã hội; nền kinh tế không thể tạo ra của cải vô biên; thâm hụt ngân sách phát sinh bởi vì các nhà chính trị không thể lựa chọn giữa các loại thuế cao hơn và chi tiêu thấp hơn; các quy định đều liên quan đến chi phí và lợi ích. Ảnh hưởng chính trị của thất bại này là sâu sắc. Công thức cũ để kết nối với đám đông các cử tri ôn hòa đã thất bại. Kể từ đó, cả hai đảng đã vật lộn trong tuyệt vọng để tìm ra một công thức mới. Tôi chỉ đơn giản hóa đi một chút khi nhận định rằng kết quả là cả hai đảng - ít nhất là theo kiểu hùng biện - đều không quá tự do và quá bảo thủ, họ phản động và cực đoan.
Đảng Dân chủ là phản động vì có vẻ như họ hứa hẹn quay trở về những năm 1960 mơ màng với việc mở rộng các chương trình xã hội và lợi ích cho cử tri. Nhiều người Mỹ nghi ngờ. Mặt khác, Đảng Cộng hòa có vẻ cực đoan bởi vì khi đổ lỗi hầu hết mọi vấn đề cho chính phủ, họ có vẻ quá sẵn sàng để tháo gỡ chúng. Điều này khiến hầu hết người Mỹ lo sợ, những người (mặc dù e ngại) vẫn ưa thích các lợi ích của chính phủ, từ khoản tiền vay để đi học đại học đến an sinh xã hội. Không bên nào kiểm soát được vấn đề trọng tâm cốt lõi; cả hai chỉ làm nó trở nên khó chịu hơn.
Theo nghĩa rộng hơn thì Washington đã mất liên lạc. Các đảng không thể trình bày một cách thuyết phục về một thực trạng lộn xộn của chính phủ tuy lớn, nhưng chắc chắn là còn hạn chế. Hình như hùng biện chính trị thường được “sáng tạo” ra. Ngoại trừ những phương cách mang tính hình thức, đảng Dân chủ không thể tạo ra các chương trình mới và đảng Cộng hòa không thể cắt giảm thuế. Bị ngăn cản không thể có các hành động đích thực, các nhà chính trị trở nên cao giọng hơn trong các cuộc tranh luận và hằn học hơn trong các vụ công kích mang tính cá nhân. Họ liên kết chủ yếu với các “điểm bầu cử trọng yếu” của riêng mình và các nhà tư tưởng đồng cảm, làm sâu sắc thêm sự ngăn cách và ảo tưởng của mình.
Sự ngăn cách này cho thấy các đặc trưng của “hòn đảo” Washington, trong tất cả các nhóm chính trị, trước
https://thuviensach.vn
các biến động từ “lục địa”. Đảng Dân chủ đã bàng hoàng khi thua kém số ghế trong Quốc hội năm 1994; đảng Cộng hòa đã choáng váng bởi những thất bại của họ trong năm 1998. Người Mỹ ngày càng xác định được rõ hơn những gì họ mong đợi từ các nhà lãnh đạo chính trị. Tại Washington, các sai phạm của Clinton có vẻ là điều bất thường; ở nơi khác, nó được xem như là thứ xưa cũ, mặc dù ở cấp độ cao hơn. Đây là một lời bình luận đáng buồn và xác đáng sau ba thập kỷ của sự thay đổi: Washington, mặc dù không kém phần thú vị, đã bị mất liên lạc và mất luôn sự tôn trọng.
Newsweek
Ngày 11 tháng 1 năm 1999
GIẢI THOÁT KHỎI CHUYỆN CHÍNH TRỊ
Chúng ta, những người có hiểu biết, đã liên tục sáng tạo ra các xu hướng mới mà bỏ qua lịch sử và những lẽ thường. Phát minh mới nhất của chúng ta là ý tưởng cho rằng người Mỹ đã ngày càng ích kỷ và thờ ơ với vận mệnh của đất nước hơn bao giờ hết. Các nhà bình luận cánh hữu lo sợ rằng công chúng chưa cảm thấy bị xúc phạm bởi hành vi của Tổng thống Clinton và chưa muốn luận tội ông. Các nhà bình luận cánh tả lại chê bai công chúng vì đó là những người chỉ biết tự coi mình là trung tâm và sẽ không ủng hộ các chương trình xã hội mới với quy mô lớn. Niềm tin được chia sẻ ở đây là: những người Mỹ “chỉ lo thân mình” đang bóp nghẹt nền dân chủ. Chúa ơi, số lượng cử tri tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội gần đây chỉ là 36%, mức thấp nhất kể từ năm 1942.
Liệu người Mỹ hiện đại có đáng hứng chịu sự chê bai miệt thị này? Thực sự là không.
Hãy xem xét một cuộc khảo sát mới đây đối với 800 vị đã làm cha mẹ của tổ chức Public Agenda (một tổ chức không có tính đảng phải, phi lợi nhuận của Hoa Kỳ - ND). Cuộc thăm dò hỏi rằng liệu Hoa Kỳ có là “một quốc gia độc nhất vô nhị, đại diện cho một điều gì đó đặc biệt” hay chỉ là “một quốc gia bình thường với một chế độ không tốt hơn mà cũng chẳng tệ hơn hơn những đất nước khác”. Kết quả thu được: 84% cho rằng Hoa Kỳ là đất nước độc đáo, duy nhất. Không có gì mới ở đây cả. Các cuộc thăm dò ý kiến thường xuyên cho thấy: chúng ta cảm nhận về đất nước tốt hơn so với công dân ở nơi khác cảm nhận về đất nước của họ. Một cuộc thăm dò của Gallup vào đầu thập niên 1990 đã hỏi ý kiến người dân ở 15 quốc gia xem họ có muốn di chuyển nơi khác sống hay không. Người Mỹ đã đứng thứ hai từ dưới lên trong bảng xếp hạng. Chỉ có khoảng 11% người được hỏi nói rằng họ muốn di chuyển, so với 30% người Đức và 21% người Pháp được hỏi.
Người Mỹ quan tâm sâu sắc đến đất nước của họ, và việc được giải thoát khỏi chuyện chính trị - đặc biệt là trong những thời kỳ không có khủng hoảng quốc gia - là một trong những điều họ thích nhất. Trong một cuộc khảo sát của Public Agenda, 61% trong số những người trả lời cho rằng họ đánh giá cao nước Mỹ vì “tự do cá nhân”. Ngược lại, chỉ có 13% viện dẫn đến “tự do chính trị”. Cũng không có gì mới cả. Trong một nghiên cứu từ những năm 1950, nhà khoa học chính trị Robert Dahl của Yale đã nhận thấy, không mấy ngạc nhiên, rằng “thực phẩm, tình dục, tình yêu, gia đình, công việc, sự vui chơi, chỗ ở, tiện nghi [và] tình bạn” - và “không chính trị” - là những gì người ta quan tâm nhất.
Các nhà bình luận chính trị không thể nắm bắt được sự thật. Gần đây, trên tờ , nhà báo Nicholas Lemann tuyên bố sự xuất hiện của “chính phủ của sự thoải mái, do sự thoải mái và vì sự thoải mái” (chơi chữ theo cụm từ “chính phủ của dân, do dân và vì dân - ND). Ông đã viết: người ta tin rằng “chính phủ có nghĩa vụ rất nghiêm túc đối với tầng lớp trung lưu... [nhưng] tầng lớp trung lưu lại không theo bất cứ cách thức nào để bị buộc phải có nghĩa vụ cam kết dành thời gian hay tiền bạc cho các dự án lớn hơn của quốc gia”. Ông này đã bỏ qua điều rắc rối là các mức thuế của liên bang đang ở gần mức đỉnh cao trong lịch sử, gần 21% thu nhập quốc gia. Sau đó, ông tranh luận rằng các niềm tin hiện nay đã chối bỏ “quan niệm truyền thống” cho rằng “chính phủ có thể đặt giả định về sự trung thành và tin tưởng của các công dân của mình khi họ sử dụng các nguồn tài nguyên để làm các công việc của đất nước”.
“Truyền thống” này là cái gì? Đó đâu phải là truyền thống của Hoa Kỳ, với sự nhấn mạnh mang tính lịch
https://thuviensach.vn
sử đối với chủ nghĩa cá nhân và sự hoài nghi đối với chính phủ. Trong thập niên 1830, một người Pháp tên là Alexis de Tocqueville đã viết rằng, “một người Mỹ chú tâm vào việc riêng của mình, cứ như là anh ta đang đơn độc chỉ có một mình trên thế giới này”. Theo quan sát của James Bryce, người Anh, thì trong thập niên 1880, hầu hết người Mỹ cảm thấy “càng bỏ bớt chính phủ càng tốt”.
Việc lấy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu để làm tiêu chí quan trọng nhằm đánh giá lòng nhiệt tình của công chúng cũng là một sai lầm. Những ai còn hoài nghi điều này nên tìm đọc một cuốn sách mới, hay tuyệt vời là cuốn Người công dân tốt (The Good Citizen), của tác giả Michael Schudson - nhà xã hội học của Đại học California tại San Diego. Đúng là tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử từng cao hơn nhiều (thường là 75 - 80%) trong thế kỷ XIX. Nhưng sự so sánh đã bị lợi dụng, như Schudson chứng minh. Trước hết là nhiều người Mỹ đã không có quyền đi bỏ phiếu. Phụ nữ đã không được tham gia các cuộc bầu cử quốc gia cho đến khi Tu chính Hiến pháp thứ 19 được phê chuẩn năm 1920. Ngoại trừ một thời gian ngắn sau cuộc Nội chiến, nhiều người Mỹ da đen cũng đã không thể tham gia bỏ phiếu cho đến khi có Luật về quyền bầu cử (Voting Rights Act) năm 1965.
Ngoài những chi tiết này lớn, chính trị khi đó đã không giống như bây giờ. Đặc biệt là sau cuộc Nội chiến, chính trị cũng có chức năng như một hình thức giải trí phổ biến và là một ngân hàng việc làm. Các chính đảng tổ chức các cuộc diễu hành có đèn và nến, và tài trợ các câu lạc bộ giải trí. Đảng nào chiến thắng sau đó sẽ tưởng thưởng các bên đã ủng hộ mình bằng các chỗ làm trong cơ quan nhà nước. Dịch vụ bưu chính là một nguồn bổ nhiệm to lớn. Năm 1896, ngành này đã cung cấp 78.500 việc làm. Các đảng phái tự tài trợ cho mình bằng cách đánh giá mức lương của vị trí công việc sẽ được bổ nhiệm (một tỷ lệ điển hình là 3%). Cử tri đôi khi còn được trả công để đi bỏ phiếu, bằng một công ăn việc làm hoặc “tiền tươi” hối lộ. Cuộc tranh luận về “các vấn đề” đã được thu gọn.
Schudson đã viết rằng “chính trị khi càng được hiểu như một môn thể thao đồng đội và sự ganh đua giữa các nhóm xã hội, thì người ta càng nhiệt tình tham gia”. Nhưng các đảng phái đã suy yếu đi với sự nổi lên của các loại hình giải trí đại chúng (chương trình sân khấu tạp kỹ, phim ảnh, bóng chày) và việc cải cách dịch vụ dân sự, khiến cho số lượng các việc làm “chỉ định” bị cắt giảm. George Washington Plunkitt, một quan chức chính trị cỡ lớn của thế kỷ XIX từng nêu câu hỏi “Làm thế nào để đem lại lợi ích cho những người trẻ tuổi của đất nước, nếu bạn không có văn phòng nào dành cho họ khi họ làm việc cho một đảng phái?”
Đây mới là nguyên nhân sâu sắc hơn của tình trạng tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử giảm sút. Khi chính trị đã trở nên nghiêm túc hơn và trừu tượng hơn, nó cũng đã trở nên ít lôi cuốn và ít kết nối trực tiếp đến lợi ích cá nhân của người dân. Có rất nhiều vấn đề mà ngay cả các công dân tận tâm cũng không thể chung vai sát cánh. Ngoài ra, cũng theo Schudson thì những cách thức để thay đổi chính sách xã hội đã phát triển thêm. Mọi người có thể trông cậy vào các tòa án, các cơ quan, công chúng, hoặc phản kháng.
Tất cả những điều này đã làm giảm tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Chúng có thể cho thấy sự bất đồng phổ biến của người dân đối với cách thức hoạt động của chính phủ và thậm chí có thể khiến cho một chính phủ bị xô đẩy theo một hướng đi khác. Nhưng các cuộc bầu cử ngày càng không còn là một phương tiện để thực hiện các chính sách cụ thể, hoặc, khi không có khủng hoảng, để cho phép tiến hành cải cách triệt để. Mặc dù dân chủ cần phải được giám sát, công việc này ngày càng bị hạ thấp - luôn luôn và thật tệ hại - xuống chỉ còn là lợi ích dành cho các nhóm và báo chí.
Khó có thể bào chữa được cho tỷ lệ cử tri thấp, nhưng việc có nhiều hơn những thay đổi đáng kể trong chính sách của chính phủ cũng thật đáng hoài nghi. Than phiền của những người có hiểu biết trước sự thờ ơ của công chúng chủ yếu là phản ánh những cảm giác bị tổn thương. Chúng ta không thể chấp nhận khi hầu hết mọi người đều không quan tâm đến những gì chúng ta nghĩ, nói và viết. Người dân dành nhiều thời gian cho những gì họ có thể tác động được nhiều nhất và những gì quan trọng nhất đối với họ (công việc, gia đình, và thời gian rảnh rỗi); chính trị thất thế trong cuộc thi này. Ai nói rằng người dân đã sai lầm?
Bưu điện Washington
Ngày 2 Tháng 12 năm 1998
https://thuviensach.vn
III. KINH TẾ
CÒN NHỚ TỘI LỖI KHỞI ĐẦU
Chúng ta hiện nay [thời điểm tháng 6 năm 1992] vẫn đang gánh chịu những di sản của bài diễn văn mà John Kennedy 30 năm trước đây đã đọc trong lễ tốt nghiệp tại đại học Yale cũng vào tháng Sáu. Bài phát biểu sau đó được xem như một tuyên bố táo bạo về các nguyên tắc kinh tế mới, và, với việc nhận thức được bản chất vấn đề, nó có thể xếp hạng như một tuyên bố quan trọng nhất của Tổng thống về chính sách kinh tế kể từ sau Thế chiến thứ II. Thật không may, tuyên bố này đã dẫn dắt chúng ta theo phương hướng sai lầm: đưa đến lạm phát cao và thâm hụt ngân sách dễ dàng.
Thần thoại kinh tế, theo lập luận của Kennedy, đã cản trở các tiến bộ của quốc gia. Ông khẳng định “kẻ thù lớn của sự thật rất hiếm khi là sự giả dối - các điều bịa đặt, không trung thực có chủ ý - mà là các thần thoại - dai dẳng, thuyết phục, và không thực tế”. Cụ thể, thâm hụt ngân sách không phải đương nhiên là điều tồi tệ, và nguy cơ lạm phát đã bị thổi phồng quá mức.
Nhưng những gì Kennedy lên án là “những thần thoại” lại thực sự là các vấn đề truyền thống và những điều cấm kỵ “đắt giá”: những điều chúng ta làm theo thói quen hay những gì chúng ta tránh né vì lo sợ. Chúng ta đã có một truyền thống với mức lạm phát thấp (vào năm 1960, tỷ lệ này là 1,4%). Và thâm hụt ngân sách là một điều cấm kỵ. Tổng thống Eisenhower đã phê phán kịch liệt những điều này (ông cân đối các ngân sách được 3 hoặc 4 năm trong thời gian 8 năm làm Tổng thổng, tùy thuộc vào cách thức chúng được đo lường như thế nào - và thâm hụt là tương đối nhỏ). Một khi sự kiềm chế đã không còn, chúng ta đã trở thành nạn nhân của các chính sách ngu ngốc.
Bài phát biểu của Kennedy tại Đại học Yale, dưới một số góc độ nhất định, là một tội lỗi khởi đầu. Nó chối bỏ các yếu tố chính thống hiện hành và làm cho đất nước rơi vào tình trạng “lạc tay lái”: cam kết các mục tiêu mong muốn mà lại không có phương tiện để tiếp cận các mục tiêu đó. Với các hiểu biết sau này, tội lỗi này là có thể lý giải được. Kennedy đã cam kết đưa đất nước tiến lên và ông cũng là một nhân vật của thời đại đó: một thời kỳ lạc quan cao độ khi người ta tin rằng công nghệ và những cái đầu giỏi nhất có thể đảm bảo làm cải thiện xã hội. Những nhà kinh tế của ông là các học giả tự tin và nghĩ rằng ông Eisenhower ù lì đã cản trở sự tăng trưởng kinh tế và gia tăng thất nghiệp. Họ biết họ có thể làm tốt hơn.
Khi Kennedy đến đại học Yale ngày 11/6, ông được người ta vây quanh. Thị trường chứng khoán khi đó đang tụt dốc nhanh. Ngày 28/5 thị trường đã sụt giảm gần 6%. Trong tháng tư, Tổng thống đã tranh đấu với ngành công nghiệp thép khi có tăng giá. Thành kiến bị cáo buộc là không ủng hộ doanh nghiệp và mức chi tiêu cao của Nhà Trắng đã được quy kết cho việc mất tự tin. Newsweek từng trích lời nhận định cay đắng của một doanh nhân: “Nếu Kennedy có một cơn đau tim, giá [cổ phiếu] sẽ tăng thêm 40 điểm” (tương đương với 230 điểm trong chỉ số Dow Jones hiện nay)[53].
Ngày 7/6, Kennedy công bố tại một cuộc họp báo rằng ông sẽ tìm một phương cách mới nhằm cắt giảm thuế để kích thích nền kinh tế. Ông quyết định dùng bài thuyết trình tại Yale để thuyết phục phe đối lập rằng các chính sách mạnh mẽ hơn là hợp lý và thận trọng. Bài phát biểu, như ghi chép của người viết tiểu sử Arthur M. Schlesinger Jr., là lời thỉnh cầu “tranh luận cho rõ cái đúng cái sai” dự định khởi xướng nên một cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Ngày nay, điều đáng chú ý trong bài phát biểu kia là sự tính toán nhầm lẫn của nó. Kennedy đã nói rằng mọi thứ đều phức tạp. “Những gì chúng ta cần không phải là cái nhãn và các lời sáo rỗng, mà là sự thảo luận căn bản về các vấn đề phức tạp và mang tính kỹ thuật...”. Ông cho rằng các chính sách kinh tế liên quan đến “những thách thức tinh tế mà từ đó phải tìm ra câu trả lời mang tính kỹ thuật, chứ không phải tính chính trị”. Toàn bộ ý tưởng là thay thế các yếu tố truyền thống và những điều cấm kỵ bằng sự tin tưởng trong tư duy hiện đại và các chuyên gia: đó là các nhà kinh tế học. (Nhưng ảnh hưởng của quá khứ vẫn còn mạnh mẽ. Cho đến năm 1964, sau vụ ám sát Kennedy, Quốc hội vẫn chưa thông qua việc cắt giảm thuế.)
Những gì chúng ta biết ngày nay là sự đánh đổi của Kennedy - chế độ của những chuyên gia kỹ thuật
https://thuviensach.vn
(technocrats) thay thế cho kiểu truyền thống - đã bị sụp đổ bởi hai sai lầm. Trước tiên, các nhà kinh tế học đã không hiểu biết đầy đủ để làm được những gì Tổng thống mong đợi. Họ không thể tạo ra tình trạng “có đầy đủ việc làm” lâu dài (về sau đã được định nghĩa là một tỷ lệ thất nghiệp 4%) mà không có lạm phát. Và thứ hai là, các chính trị gia bây giờ mới có thể hợp lý hoá các chính sách bất cẩn dưới chiêu bài nền kinh tế khai sáng. Thâm hụt là OK, vì chúng sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và cuối cùng là cân đối ngân sách. Tăng trưởng nhanh hơn làm cho các chương trình chi tiêu mới trở nên khả thi. Lãi suất thấp được dùng để biện minh cho việc thúc đẩy tăng trưởng.
Tổng quát hơn, tiền đề cơ bản của Kennedy đã sai. Đúng, mọi thứ đang phức tạp. Nhưng điều đó không triệt tiêu sự cần thiết phải có các niềm tin cốt lõi - được công chúng hiểu theo trực giác và khả thi trong thực tế - để thông báo và kiểm soát các chính sách của chính phủ. Thiếu sót của Kennedy, lan tỏa đến những người kế nhiệm của ông theo các mức độ nhiều hơn hay ít hơn, là việc không có khả năng tìm thấy các nguyên tắc như vậy và truyền thông chúng đến công chúng.
Theo Raymond J. Saulnier, một trong những cố vấn chủ chốt của Eisenhower, trong một cuốn sách mới[54] thì vẫn chưa có ai phát triển thêm từ các nguyên tắc của vị Tổng thống này. Nếu người dân muốn có một dịch vụ mới từ chính phủ, họ phải trả tiền thông qua các loại thuế. Chính phủ không tạo ra sự tăng trưởng kinh tế. Người dân và doanh nghiệp mới tạo ra sự tăng trưởng đó (mặc dù chính phủ có thể tạm thời ảnh hưởng tới sự tăng trưởng). Và có lạm phát là điều cần thiết cho một nền kinh tế lành mạnh. Eisenhower là người bướng bỉnh nhưng không cứng nhắc bám chặt các nguyên tắc của ông. Ví dụ, ông chấp nhận mức thâm hụt khi suy thoái, nhưng không cắt giảm thuế hoặc tăng chi tiêu vì điều đó sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong dài hạn.
Nếu không có các niềm tin cơ bản, chúng ta thiếu đi một khung mẫu để kiểm soát các chính sách của chính phủ. Niềm tin của Kennedy và các cố vấn của ông về “việc tranh luận đúng sai”, theo một mức độ nào đó, là bất hợp lý. Chúng ta không thể luôn luôn biết trước rằng: một điều xấu đối với chúng ta sẽ thực sự là xấu. Một chút lạm phát là không tệ. Nhưng nó đã dẫn đến mức lạm phát hơn, rồi lớn hơn nữa và khi đó đúng là xấu thật. Khi mức thâm hụt ngân sách là nhỏ, nó có vẻ dễ dàng được chấp nhận. Chúng ta đã trở nên quen thuộc với những điều này, và dần dần chúng làm cho mức thiếu hụt lớn hơn mà hiện nay đang làm tê liệt chính phủ. Năm 1959, thanh toán lãi suất chiếm 6,3% chi tiêu của liên bang; đến năm 1990, tỷ lệ này đã là gần 15%.
Các ý tưởng sai lầm, một khi được tung ra, sẽ tiếp tục còn lảng vảng đâu đó với các hậu quả của chúng. Chúng ta hiện nay đã được tập luyện với các làn sóng kế tiếp nhau của những “thầy phù thủy” kinh tế, và cố gắng để bù đắp lại những lời hứa không thực tế của những năm 1960. Sự hùng biện quá lời của những người Cộng hòa theo trường phái Trọng cung (supply-siders) trong đầu thập niên 1980 đã rất tương đồng với sự thổi phồng của các nhà kinh tế học thời Kennedy - Johnson. Chúng ta vô tư loại trừ mức lạm phát cao, nhưng chỉ bằng cách là phải chịu đựng sự suy thoái nghiêm trọng giai đoạn 1981 - 1982. Và bây giờ chúng ta đang chơi đùa với một đề án bấp bênh để ban hành luật - thông qua một tu chính hiến pháp yêu cầu phải có một ngân sách cân bằng - về các chuẩn mực chính trị, thứ đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi trong công chúng vào những năm 1950. Đó là sự trả thù của lịch sử.
Newsweek
Ngày 8 Tháng 6 năm 1992
THỜI ĐẠI CỦA VOLCKER[55]
Trên tấm bảng đen của lịch sử, hầu hết các nhân vật của công chúng - các chính trị gia và quan chức xuất hiện nhiều trong các tin tức hàng ngày - hiếm khi để lại được một dấu ấn. Họ thiếu năng lực hoặc không có ý định tạo ra một sự khác biệt. Họ chủ yếu bị cuốn theo dòng sự kiện, họ reo hò lớn tiếng khi đi thuyết phục chính mình và những người khác rằng họ là quan trọng. Đó là sự dối trá và gian lận. Paul Volcker không phải là người trong số này. Ông tạo nên lịch sử và cũng được lịch sử tạo thành.
https://thuviensach.vn
Công việc của Cục Dự trữ Liên bang - quản lý lãi suất, các dòng tiền, và khả năng tín dụng - là mang tính kỹ thuật và xa vời, nên tầm ảnh hưởng thực sự của các thành tựu mà Volcker đạt được có thể đã không được đánh giá cao. Không ai hoài nghi về thành tích chính của ông: giải quyết được vấn đề lạm phát khó chịu nhất của thời bình trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhưng thành công của Volcker còn vượt xa hơn thế. Ông đã lèo lái nền kinh tế trong thời kỳ căng thẳng và nguy hiểm nhất kể từ sau Thế Chiến thứ II, và đã không có tai họa lớn nào xảy ra trong giai đoạn đó.
Không ai biết những gì có thể xảy ra nếu không có Volcker. Các tình huống khốc liệt chỉ có được từ phương pháp loại suy. Lần sau cùng nền kinh tế Mỹ đã trải qua tình trạng bất ổn tương tự là vào cuối thập niên 1920. Nhiều nhà kinh tế tin rằng nếu có sự lãnh đạo tốt hơn của Cục Dự trữ Liên bang thì cuộc Đại Suy thoái đã có thể được ngăn chặn. Khi đối mặt với những vấn đề “chưa có tiền lệ”, Cục Dự trữ Liên bang đã không thể xử lý được tình hình vào đầu thập niên 1930. Nó đã để cho một cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra và lan rộng thành sự sụp đổ của nền kinh tế. Volcker cũng đã phải đối mặt với những vấn đề không kém phần xa lạ. Sự thiếu vắng một cuộc khủng hoảng được dùng làm thước đo dành cho kỹ năng của ông.
Còn nhiều vấn đề liên quan chứ không chỉ là thành tích trong quản lý kinh tế. Kìm chế lạm phát đã khôi phục lòng tin vào khả năng của chúng ta trong việc điều hành. Việc lạm phát gia tăng dưới thời Tổng thống Carter đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người và bào mòn tinh thần lạc quan của người Mỹ . Các liều thuốc giải độc đã không còn tinh vi huyền diệu nữa. Trong đợt suy thoái 1981 - 1982, số lượng thất nghiệp đã đạt đến đỉnh cao với con số 12,1 triệu, và tỷ lệ sử dụng người lao động trong các nhà máy giảm xuống chỉ còn 69,5%. Nhưng sự thành công của Volcker đã bác bỏ tất cả các cái cớ được chuẩn bị công phu (giá dầu cao hơn, chỉ số tiền lương...) lý giải tại sao chính quyền không thể kìm chế lạm phát. Và sự hồi phục sau đó đã làm dịu lại luận điệu rằng “liều thuốc” chống lạm phát sẽ còn tệ hại hơn chính căn bệnh này.
Nói vậy không có nghĩa là xác nhận Volcker đã tạo ra một đất nước có nền kinh tế tươi đẹp. Mọi người đều biết các vấn đề hiện nay. Nông nghiệp vẫn đình trệ. Các ngân hàng phải chịu các gánh nặng quá mức từ các khoản vay đáng ngờ cho người nông dân, các nước đang phát triển, các công ty khai thác dầu, và các đơn vị phát triển nhà. Thâm hụt trong thương mại của Hoa Kỳ là lớn nhất từ trước đến nay, và một số nhà sản xuất đã không thể hồi sinh sau cuộc suy thoái kinh tế và sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Nhưng nhiều vấn đề trong số này là những cơn dư chấn của tình trạng lạm phát cao, và chúng - cho đến nay - vẫn được cô lập. Chúng đã không liên kết lại để dẫn đến sự sụp đổ kinh tế trên tổng thể và đã không tái hiện từ sau năm thứ 5 của cuộc suy thoái.
Cũng hiển nhiên là không phải chỉ có một mình Volcker “đơn thương độc mã” tiến hành cuộc vận động chống lạm phát. Liên minh giữa Volcker và Ronald Reagan là một niềm hạnh phúc tình cờ: không ai có thể tự mình làm rất tốt như vậy nếu không có người kia. Mặc dù Reagan phản đối lạm phát (người nào lại không phản đối chứ?), ông đã không có toan tính xa xôi về việc dập tắt nó một cách quyết liệt. Nhưng một khi Volcker bắt đầu công việc, Tổng thống ủng hộ ông. Sự chỉ trích từ phía Quốc hội đã xuất hiện. Những công ty xây dựng nhà, các nhà kinh doanh xe hơi và các đại lý bất động sản gửi hàng ngàn lá thư để phản ánh Volcker như là biểu tượng của nhà cửa, xe hơi chưa bán được và mối đe dọa phá sản. Nhưng Reagan đã không gạt Volcker ra ngoài.
Tình tiết này nhấn mạnh mối quan hệ không rõ ràng giữa Nhà Trắng và Cục Dự trữ Liên bang. “Độc lập” về mặt kỹ thuật, Cục Dự trữ Liên bang có một phạm vi lớn để thực thi các mức lãi suất và chính sách tín dụng trên cơ sở hàng ngày. Nhưng nó không thể duy trì được một chính sách kinh tế thực sự độc lập khi thách thức Nhà Trắng. Điều đã ràng buộc Volcker và Reagan - một người kiệm lời và có ít mối quan hệ cá nhân - là sự kiên nhẫn và một niềm tin cho rằng việc không kiểm soát được lạm phát sẽ gây nguy hiểm cho một xã hội thịnh vượng và dân chủ. Sự kiên nhẫn của Reagan đã được tưởng thưởng hậu hĩnh. Giảm lạm phát giúp ông có được một thành tựu lớn nhất và đảm bảo việc tái tranh cử của ông.
Volcker đã trở thành mẫu người mà hầu hết các nhân vật của công chúng đều khao khát và không bao giờ đạt được: trở thành một huyền thoại trong thời đại của mình. Danh tiếng là xứng đáng, nhưng sự thật cũng bị xuyên tạc. Ông đã gặp may mắn. Nền kinh tế có chu kỳ của riêng nó và khả năng tự phục hồi. Hơn nữa, còn nhiều thứ mà Volcker không thể dự đoán trước: mức độ nghiêm trọng của thời kỳ suy thoái 1981 - 1982; ảnh hưởng của mức lạm phát giảm, khoảng cách rất lớn trong tỷ giá hối đoái của đồng dollar trong năm 1980 và 1985; và quy mô của cuộc khủng hoảng nợ quốc tế. Nhưng nếu Volcker đã không kiểm soát
https://thuviensach.vn
được các sự kiện, thì ông cũng không để cho chúng điều khiển ngược lại ông. Là một nhà chiến thuật kinh tế, ông có hai đức tính tuyệt vời.
Trước hết, ông đã nắm bắt được tốt hơn tầm quan trọng của kinh tế quốc tế, so với hầu hết các quan chức hoặc nhà kinh tế Hoa Kỳ khác. Năm 1982, Volcker đã giúp giải tỏa cuộc khủng hoảng nợ quốc tế. Nếu vấn đề này để cho Bộ Ngân khố Hoa Kỳ của Donald Regan giải quyết, thì khó mà biết những gì có thể xảy ra.
Thứ hai, ông có thể nhìn xuyên qua tấm màn che của các thống kê kinh tế và lý thuyết để thấy được thế giới thực. Sau cuộc suy thoái, cả tỷ lệ lãi suất lẫn thống kê cung tiền đều không tạo ra một chỉ dẫn chính xác dành cho chính sách của Cục Dự trữ Liên bang. Lãi suất cao ngụ ý tín dụng đã được thắt chặt, trong khi một lượng cung tiền nhanh chóng được mở rộng lại cho thấy rằng tín dụng được nới lỏng dễ dàng. Volcker đã không lệ thuộc vào cả hai yếu tố này.
Điều nổi bật lên là tính thời điểm sắc bén. Ông biết khi nào cần thay đổi “điểm nhấn”, như là vào năm 1982 khi ông chuyển đổi từ kiềm chế lạm phát sang thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng xem Volcker là một “người thực dụng” (như người ta vẫn thường làm) cũng là sai lầm. Tất cả các yếu tố linh hoạt và việc chú ý đến từng chi tiết của ông rốt cục đã được dẫn dắt theo hướng thực thi các niềm tin mạnh mẽ vào những gì là quan trọng sống còn cho việc bảo tồn một xã hội dân chủ và một nền kinh tế lành mạnh. Điều chính yếu nhất trong các giá trị này là tầm quan trọng của việc tái lập sự ổn định giá cả - một mục tiêu ông hầu như đã đạt được trọn vẹn.
Di sản của ông bị lu mờ, bởi vì thành tựu của ông có thể được dễ dàng phân tích. Tránh mối nguy lạm phát trong dài hạn sẽ liên quan đến việc định kỳ phải chấp nhận những khó khăn tạm thời của suy thoái. Nếu không, lạm phát sẽ tăng dần cho đến khi nó trở nên quá lớn và chỉ có thể được kiểm soát bởi mức chi phí xã hội lớn khủng khiếp, hoặc không thể kiểm soát nổi. Tình thế tiến thoái lưỡng nan này không thể tái diễn nếu mọi thứ đều đã được học hỏi từ kinh nghiệm của Volcker. Ông là một người khổng lồ trong số các chú lùn, nhưng chỉ có thời gian mới có thể khẳng định rằng liệu người Mỹ đã có đủ tự chủ và khôn ngoan để nắm bắt được ý nghĩa của những gì ông đã làm hay chưa.
Newsweek
Ngày 15 tháng 6 năm 1987
THÀNH CÔNG CỦA TRÍ TUỆ NHÂN DÂN
Chúng ta đang hoàn tất [vào những năm cuối của thập niên 1990] cuộc hành trình chính trị và trí tuệ kéo dài 40 năm mà dấu chấm hết của chặng đường này dường như được biểu hiện qua hai sự kiện cuối tuần qua: việc công bố một thỏa thuận lưỡng đảng (bipartisan agreement) để cân bằng ngân sách đến năm 2002, và tỷ lệ thất nghiệp mới nhất - 4,9% - là mức thấp nhất kể từ năm 1973. Những sự kiện này đánh dấu một sự thay đổi trong cách thức mà chúng ta nghĩ về nền kinh tế và chính phủ. Chúng còn là dấu hiệu của sự tái khẳng định trí tuệ nhân dân trước nền kinh tế chuyên nghiệp. Những ý tưởng của người dân, hiện nay đang thắng thế, là mong muốn ổn định về tiền tệ (có nghĩa là, lạm phát thấp hoặc không có lạm phát) và cân bằng ngân sách. Chúng ta hiện không có thứ nào, nhưng chúng ta đều đồng thuận rộng rãi rằng cả hai yếu tố trên sẽ phục vụ cho sự thịnh vượng lâu dài của quốc gia.
Từ cuối những năm 1950, những ý tưởng này đã từng chi phối cách tư duy phổ biến. Chúng được coi là các nguyên tắc thận trọng. Trong các điều kiện bình thường, chính phủ không nên chi tiêu nhiều hơn khoản thu từ thuế; cân bằng ngân sách buộc các chính trị gia phải lựa chọn giữa sự tổn thương do thuế cao và các lợi ích của việc chi tiêu nhiều hơn. Và sự ổn định tiền tệ giúp duy trì sự ổn định trong nền kinh tế và trong quan hệ xã hội. Tuy nhiên, trong thập niên 1960, những truyền thống lâu đời này đã bị nhạo báng và bỏ qua. Các nhà kinh tế học bác bỏ chúng như những thứ lỗi thời và có hại. Họ cho rằng một chút lạm phát có thể hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp. Nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, thâm hụt ngân sách có thể ngăn chặn suy thoái.
https://thuviensach.vn
Bởi vì các lý thuyết được cho là tinh vi này đã chưa bao giờ đi vào thực tế, chúng ta hiện lại quay về xuất phát điểm ban đầu. Ý nghĩa của thỏa thuận ngân sách mới đã vượt qua cả những ưu điểm và khuyết điểm (có cả hai) cụ thể của nó, hoặc thậm chí còn hơn cả khả năng đạt được sự cân bằng đến năm 2002. Nó chủ yếu nằm trong một vấn đề thực tế là: mục tiêu đạt một ngân sách cân bằng đã được chấp nhận trên nhiều quang phổ chính trị. Những gì người ta nhắm đến để giành lấy, thậm chí khi họ không đạt được, vẫn ảnh hưởng đến cách họ hành xử và đến những gì được coi là chính đáng và không chính đáng. Chỉ mới gần đây thôi thì việc có một ngân sách cân bằng mới nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Chẳng hạn, khi được bầu vào năm 1992, Tổng thống Clinton chỉ đơn thuần ủng hộ việc “giảm mức thâm hụt”.
Tương tự như vậy, theo đuổi “ổn định tiền tệ” bây giờ là một mục tiêu trọng tâm trong chính sách kinh tế của chính phủ, theo cách thức chưa từng có trước đây. Hai thập kỷ trước, cụm từ này đã biến mất khỏi các cuộc thảo luận về kinh tế. Thay vào đó, các nhà kinh tế học và quan chức chính phủ đã trao đổi về việc kìm chế lạm phát ở mức chấp nhận được và hài hoà tỷ lệ này với sự tăng trưởng kinh tế bền vững và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Nhưng, dấu hiệu của sự mở rộng kinh tế này không phải là lời hứa từ Cục Dự trữ Liên bang về việc duy trì tỷ lệ lạm phát mãi mãi, mà đúng hơn là những cảnh báo thường xuyên rằng chính phủ phải ngăn chặn sự trỗi dậy của nạn lạm phát.
Quan điểm của chúng ta đã thay đổi chủ yếu là do hậu quả của các kinh nghiệm cay đắng. Hãy nhớ lại những con số kỷ lục. Năm 1960, lạm phát là 1,4%. Năm 1979, tỷ lệ này là 13,3%. Các nỗ lực để “quản lý” nền kinh tế để có sự ổn định hơn và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn lại dẫn đến sự bất ổn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Suy thoái là không tránh khỏi và, khi xảy ra, có chiều hướng khốc liệt hơn. Năm 1975, tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 8,5%; năm 1982 là 9,7%. Nói chung, các chính sách của chính phủ đã trở nên lúng túng hơn và không thể dự đoán trước, khi họ vận dụng nhiều chiến thuật vô ích - kiểm soát và định hướng tiền lương và giá cả, kiểm soát tín dụng - để cố gắng chống lạm phát.
Trong khi đó các nguyên tắc của ngân sách đã không còn. Đúng là ngân sách đã thâm hụt nhiều hơn dưới thời Tổng thống Reagan, nhưng những sự kiện mang tính quyết định trong việc tạo ra sự thâm hụt dai dẳng này - sự từ bỏ các yếu tố truyền thống giúp ngăn cản thâm hụt - đã diễn ra từ thời Tổng thống Kennedy, Johnson, và Nixon với sự trợ giúp của nhiều nhiệm kỳ Quốc hội thuộc đảng Dân chủ nối tiếp nhau. Thâm hụt ngân sách được chấp nhận như sự khai sáng, trong khi, trên thực tế, đó chỉ là thủ đoạn. Từ năm 1961, ngân sách chỉ thặng dư duy nhất trong một năm (1969).
Chúng ta đã quay lại các yếu tố truyền thống cũ bởi vì, đơn giản thôi, các lựa chọn thay thế là tồi tệ hơn. Một lý do khiến cho thỏa thuận ngân sách khả thi là nền kinh tế đã lớn mạnh hơn dự kiến, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn và khoản thu từ thuế cao hơn. Việc có rất nhiều nhà kinh tế (trong đó có rất nhiều người đã từng phát triển các chính sách dại dột trong thập niên 1960 và 1970) đang kinh ngạc chỉ đơn thuần là tái khẳng định sự nông cạn trong kiến thức kinh tế của họ. Vấn đề tâm lý là quan trọng: một bài học mà họ chưa bao giờ thực sự thấu hiểu.
Cam kết ngăn chặn suy thoái của thập niên 1960 đã làm cho các công ty và công nhân trở nên thiếu trách nhiệm. Họ đã cảm thấy rằng có thể tăng giá và mức lương, mà hành vi gây ra lạm phát này của họ sẽ không bị trừng phạt với mức lợi nhuận thấp hoặc mất việc làm. Kể từ đầu những năm 1980, giả định “gậy ông đập lưng ông” này đã không còn tồn tại. Sự miễn cưỡng chịu đựng mức lạm phát luôn luôn tăng có nghĩa rằng các công ty và công nhân phải chịu hậu quả nếu tiền lương hoặc giá cả của họ không phù hợp. Sự gia tăng cạnh tranh từ các nguồn khác (nhập khẩu, bãi bỏ các quy định, công nghệ mới) càng củng cố thêm bài học này. Bất ổn kinh tế đã tăng thêm đối với nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Nhưng, nghịch lý là, những áp lực thị trường này lại thúc đẩy sự ổn định tổng thể. Các công ty hạn chế chi phí lao động. Chi phí lao động thấp hơn sẽ khuyến khích việc thuê mướn nhân công. Lạm phát dịu lại làm hạn chế bớt các chính sách chống lạm phát khắc nghiệt.
Chúng ta cũng đang quay lại với ý niệm rằng: ngân sách chủ yếu là một khung mẫu để xác định vai trò của chính phủ, nhiều hơn là một công cụ để thực thi chính sách kinh tế. Ngày nay người ta rất ít nói đến các ưu điểm kinh tế của sự thâm hụt ngân sách hoặc thậm chí là cân bằng ngân sách. Cả hai loại này là khó có thể được phát hiện ra. Sự thâm hụt chưa bao giờ được quảng cáo là có lợi, nhưng thâm hụt dai dẳng cũng đã chẳng gây ra tai họa ngay lập tức. (Nếu có, chúng đã được chú ý giải quyết sớm hơn). Vì vậy, Quốc hội và Tổng thống - và cả công chúng - đang chuyển đổi theo hướng quay về tư tưởng truyền thống: niềm tin cho rằng mức thâm hụt lớn trong thời bình sẽ chuyển thành gánh nặng thuế sang các thế hệ tương lai và quan
https://thuviensach.vn
niệm thông thường là các chi tiêu thoải mái nên được ngăn chặn bằng các loại thuế khó chịu.
Việc khám phá lại các quan niệm đúng đắn xưa cũ sẽ không giải quyết được mọi vấn đề của chúng ta. Cân bằng ngân sách không phải là luôn luôn thích hợp (chiến tranh và kinh tế đình trệ là các ngoại lệ). Đơn giản là bởi vì một chính phủ cân bằng được ngân sách của nó thì không có nghĩa là chính phủ đó đang hoạt động một cách khôn ngoan. Nó có thể áp đặt các mức thuế bất công hay áp bức. Nó có thể chi tiêu quá ít hoặc quá nhiều. Cũng không có một cam kết nào nói rằng bản thân sự ổn định tiền tệ sẽ đảm bảo đem lại sự hoàn hảo đến mức không tưởng (utopia) cho nền kinh tế. Nó sẽ không ngăn chặn suy thoái hoặc kìm chế lạm phát. Nó cũng sẽ không đảm bảo tăng trưởng. Mặc dù châu Âu và Nhật Bản có mức lạm phát thấp, sự tăng trưởng “ngập ngừng”của họ là có các lý do khác. Nhưng những hiểu biết của nhân dân là cần thiết cho sự thành công của quốc gia. Sự khôi phục trí tuệ nhân dân làm cho bạn tự hỏi chúng ta đã có thể đi đến đâu bây giờ nếu như chưa bao giờ đánh mất chúng.
Bưu điện Washington
Ngày 7 Tháng 5 năm 1997
CHÚNG TA KHÔNG PHẢI LÀ ĐẤT NƯỚC CỦA CÁC TIỆM GIẶT ỦI
Ngày nay, một trong những khái niệm bị hiểu sai và nói xấu nhiều nhất là “kinh tế dịch vụ” (service economy). Khái niệm này - với việc tập trung tìm hiểu các nhà hàng thức ăn nhanh, tiệm giặt ủi, và các sàn bowling - không tán thành một quốc gia sản xuất ra những thứ không có giá trị lâu dài. Tất cả chỉ là món hấp dẫn của nền kinh tế “cocktail”. Sai lầm, cũng giống như trong thế kỷ mười lăm, người ta từng tin rằng thế giới là phẳng.
Định kiến phổ biến về kinh tế dịch vụ này nhìn chung là rất ngớ ngẩn. Kinh tế dịch vụ không chắc chắn dẫn đến việc làm sút giảm tiêu chuẩn sống (trên thực tế còn là ngược lại). Nó không chiếm chỗ của nền sản xuất vật chất tạo ra hàng hoá (mà cũng là ngược lại mới phải). Nó không làm phân cực giữa thu nhập cao của các chuyên gia thuộc giới tinh hoa và thu nhập thấp của những người lao công thuộc giai cấp vô sản. Và kinh tế dịch vụ cũng không hình thành nên một quốc gia chỉ có các tiệm giặt ủi và hiệu cắt tóc.
Trong nhiều trường hợp thì việc mở rộng lĩnh vực dịch vụ là dấu hiệu của sự thịnh vượng cho đất nước, chứ không phải suy tàn. Khi nền kinh tế phát triển, lao động đã dịch chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang khu vực sản xuất hàng hóa (chế tạo, khai khoáng, xây dựng), và sau đó đến các ngành dịch vụ - không phải vì sản xuất đã suy giảm, mà vì việc sản xuất thêm sản phẩm có thể được thực hiện với số lượng nhân công ít hơn tương đối. Ngành sản xuất nông nghiệp ngày nay đã gấp nhiều lần quy mô của những năm 1860; nhưng số lượng người lao động cần có cho các nông trại là dưới 4% tổng lực lượng lao động, so với tỷ lệ yêu cầu là 60% trước kia.
Sản xuất hàng hóa cũng đã trải qua những thay đổi tương tự. Năm 1980, tổng sản lượng của khu vực này cao hơn một phần ba so với năm 1970, nhưng số lượng việc làm đã chỉ tăng lên 5%. Nhiều công nhân đã được giải phóng khỏi sản xuất để cung cấp các dịch vụ - những thứ mà một xã hội nghèo hơn sẽ không đủ khả năng thanh toán hoặc không cần. Các khách sạn, khu vui chơi, và các đội thể thao chuyên nghiệp xuất hiện nhiều hơn bởi vì người ta năng động hơn và muốn giải trí nhiều hơn. Có nhiều bệnh viện, bác sĩ, và nhà điều dưỡng hơn vì chúng ta sống lâu hơn và có thể chi tiêu nhiều hơn để duy trì sức khỏe.
Nếu cho rằng kinh tế dịch vụ là điềm báo trước những bất hạnh cũng đồng nghĩa với việc giả định nó là một hiện tượng bất thường - nhưng thực ra không phải vậy.
Theo cách truyền thống, các nhà kinh tế đã phân loại: sản xuất ra của bất cứ thứ gì có thể lưu trữ được (như xe hơi chẳng hạn) sẽ thuộc về nhóm hàng hoá, và mọi thứ khác vào nhóm dịch vụ. Vì vậy, dịch vụ bao gồm các cửa hàng bán lẻ, nhà phân phối bán buôn, điện thoại và các dịch vụ điện lực, ngân hàng, và chính
https://thuviensach.vn
phủ. Kể từ cuối những năm 1940, các ngành dịch vụ đã chiếm một nửa trong tổng số việc làm; và ngày nay, tỷ lệ này là 7/10. Nếu sự chuyển đổi này gây ra rắc rối, thì nó đã nảy sinh ra những khó khăn rồi.
Bất cứ ai nghĩ rằng sản xuất là cực kỳ tốt cũng nên nghiên cứu thêm một số so sánh. Tiểu bang Bắc Carolina có tỷ lệ lực lượng lao động trong sản xuất phi nông nghiệp (32,8% trong năm 1983) cao hơn bất kỳ tiểu bang nào khác. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của dân cư tại bang này - số tiền thu nhập dành cho mỗi người trong số họ - chỉ đứng thứ 39. Bảng sau đây cho thấy rằng Bắc Carolina không phải là một ngoại lệ, hầu hết các tiểu bang có nền tảng căn bản là sản xuất đều không lọt vào các vị trí dẫn đầu về mức thu nhập.
Điều này không có nghĩa là sản xuất tạo nên sự đói nghèo, mà chỉ đơn giản là khẳng định quá trình thay đổi mang tính lịch sử. Năm mươi năm về trước, Bắc và Nam Carolina phần lớn còn là nền kinh tế nông thôn, trang trại. Khi trang trại được cơ giới hóa, người nông dân và công nhân trang trại đã dịch chuyển vào các nhà máy. Tiền lương còn thấp, nếu so sánh theo tiêu chuẩn của miền Bắc, nhưng vẫn tốt hơn so với cuộc sống nông thôn. Mức sống tại các tiểu bang này - thu nhập bình quân đầu người của họ - hiện đang tiến gần đến mức trung bình của cả nước nhiều hơn so với năm 1940.
Phá vỡ một chuyện thần thoại
Các tiểu bang có tỷ lệ công nhân sản xuất cao nhất lại không có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất. Các việc làm trong khối Dịch vụ cũng được trả lương khá.
Thu nhập bình quân đầu người hàng
năm và thứ hạng trong liên bang
Bắc
Tỷ lệ % công nhân nhà máy (số liệu năm 1983)
Carolina32,8% 9.656USD (39)
Nam
Carolina30,6% 8.954USD (48)
Rhode
Island29,3% 11.504USD (23) Indiana 28,7% 10.567USD (33) Connecticut 27,9% 14.826USD (2)
New
Hampshire27,7% 11.620USD (19) Michigan 27,6% 11.574USD (21)
https://thuviensach.vn
Tennessee 27,3% 9.362USD (42) Arkansas 27,0% 9.040USD (46) Wisconsin 26,1% 11.132USD (27) Nguồn: Cục Thống kê Lao động, Vụ Phân tích Kinh tế.
Những so sánh này cũng nhấn mạnh sự đa dạng rất lớn trong cả hai lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ.
Một số ngành nghề và việc làm được trả lương cao; một số khác thì không. Sự giả định cẩu thả cho rằng tất cả các công nhân sản xuất đều là công nhân ngành xe hơi được trả lương cao và mọi người làm việc dịch vụ đều là người làm khoai tây chiên ở nhà hàng McDonald’s đã che lấp thực tế này. Mặc dù các ngành sản xuất hàng hóa đều trả lương cao hơn các ngành dịch vụ (tính bình quân), vẫn không có bằng chứng vững chắc nào - không kể đến những khẳng định trái ngược lại - cho thấy rằng sự gia tăng số lượng lao động trong ngành dịch vụ khiến cho việc phân phối thu nhập càng thêm bất bình đẳng.
Tại sao lại không? Một số người dự đoán. Đầu tiên, mức lương trung bình trong các ngành dịch vụ bị kéo xuống do xuất hiện một số lượng lớn phụ nữ và thanh thiếu niên nhận làm các công việc bán thời gian. Ví dụ, gần một phần tư phụ nữ đang làm việc đều tình nguyện nhận thêm việc làm bán thời gian. Hầu hết các người lao động này không phải là nguồn thu nhập chính của gia đình họ. Trong thực tế, những công việc này đem lại sự linh hoạt cho các hộ dân cư khi cần cân bằng trách nhiệm với gia đình, nhà trường với nhu cầu có thu nhập.
Thứ hai, nhiều ngành dịch vụ đang phát triển nhanh đã trả lương rất cao. Từ năm 1975 đến năm 1983, “các dịch vụ kinh doanh” chiếm khoảng 1/7 số lượng việc làm mới. Thật sự thì lĩnh vực này cũng bao gồm các dịch vụ dọn dẹp được trả công thấp, với mức lương trung bình (5,94 dolar một giờ vào năm 1983) còn thấp hơn khối sản xuất (8,83 dollar). Nhưng nó cũng còn có các việc làm trong các công ty kiến trúc và kỹ thuật (lương trung bình 11,50 dollar mỗi giờ), máy tính (10,06 dollar), và các công ty kế toán (8,97 dollar).
Nghịch lý của kinh tế dịch vụ là hầu hết chúng ta đều liên quan đến nó, nhưng vẫn có thành kiến chống lại nó. Tâm lý sản xuất của chúng ta thường nghiêng về các sản phẩm hữu hình nhiều hơn. Nhưng, hầu như tất cả mọi thứ người ta mua về (thực phẩm là ngoại lệ lớn) đều tạo ra một dịch vụ. Xe hơi và máy bay cung cấp dịch vụ vận tải; nhà ở cung cấp nơi cư trú; TV đem lại các thông tin và dịch vụ giải trí.
Trong thế giới thực, sự phân biệt này còn lu mờ hơn. Xerox là một nhà sản xuất lớn, nhưng chỉ có 1/7 lực lượng lao động là người Mỹ của công ty này làm việc ở nhà máy. Hơn một nửa tham gia vào việc bán hàng, dịch vụ khách hàng, và marketing. Sản phẩm máy của Xerox sẽ không có giá trị cao nếu khách hàng không biết đến chúng (vì không có quảng cáo hoặc lực lượng bán hàng), hoặc không thể sử dụng chúng (vì không có sự hướng dẫn hoặc sửa chữa). Vì vậy, phần lớn người lao động của Xerox cung cấp các dịch vụ này.
Điều tương tự cũng tồn tại trong hầu hết các ngành công nghiệp; ví dụ số người làm việc tại các bộ phận giao dịch thương mại xe hơi cũng nhiều như số lượng người làm việc trong khâu sản xuất. Sự tách biệt giữa dịch vụ và sản xuất ngày càng trở nên không thích hợp với tiêu chuẩn sống cao hơn và nhiều việc làm. Chúng ta nên khuyến khích các công ty có năng lực vượt qua các doanh nghiệp yếu kém, và khuyến khích các ngành đang tăng trưởng vượt qua các ngành trì trệ - bất kể chúng là gì. Khuôn mẫu xưa cũ không phải là một cách hay để tìm hiểu được nền kinh tế hoặc để cải thiện nó.
Newsweek
Ngày 9 Tháng 7 năm 1984
https://thuviensach.vn
THU NHỎ ĐỂ TĂNG TRƯỞNG
[Nhiều] nhà quan sát thị trường lao động đã khẳng định rằng liên kết giữa người lao động và người sử dụng lao động đã trở nên mỏng manh hơn và ngắn hạn hơn... tuy nhiên các thống kê về thị trường lao động lại hoài nghi về giới hạn của tất cả các động thái theo xu hướng việc làm ít ổn định hơn.
Báo cáo về lực lượng lao động Hoa Kỳ, Bộ Lao động, 1995
Theo báo cáo này của Bộ Lao động thì đó là hiện tượng hoảng loạn khi thu nhỏ quy mô - một phần được khuấy động bởi Bộ trưởng Bộ Lao động Robert Reich và một loạt bài báo lớn trên tờ Thời báo New York. Các công ty ngày càng thường xuyên viện dẫn đến việc tạm ngưng hoạt động và cho nhân công thôi việc, nhưng từ trước đến nay cũng chưa bao giờ các công ăn việc làm được đảm bảo tuyệt đối, và sự thu nhỏ quy mô hoạt động cũng không phá hỏng những việc làm bền vững nhất. Trước kia tôi đã viết về những điều này, nhưng bây giờ tôi muốn mở rộng cuộc thảo luận và cho rằng, dưới một số khía cạnh thì việc thu hẹp còn có thể cải thiện nền kinh tế.
Nghe có vẻ như không đúng theo trực giác. Chúng ta rất khó chịu với tình huống mà trong đó những gì là xấu đối với người lao động và các doanh nghiệp đơn lẻ - việc làm bấp bênh, sự phá sản - lại có thể là tốt cho xã hội. Nhưng điều này là có thể, và lập luận không đơn giản chỉ là: thu hẹp quy mô cho phép một số công ty tồn tại được. Quan điểm còn rộng hơn: đó là nỗi lo âu và sự bấp bênh khiến mọi người không thể ngồi yên lại có thể khiến cho họ thêm thận trọng và làm việc có năng suất theo những cách thức giúp củng cố và ổn định nền kinh tế.
Mặc dù ít được chú ý, nhưng sự mở rộng nền kinh tế gần đây đã trở thành giai đoạn dài thứ 3 kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Nó đã kéo dài gần 5 năm và chỉ chịu thua thời kỳ mở rộng của những năm 1960 (kéo dài 106 tháng, từ tháng 2 năm 1961 đến tháng 12 năm 1969) và những năm 1980 (92 tháng, từ tháng 11 năm 1982 đến tháng 7 năm 1990). Nhưng dưới một số khía cạnh, giai đoạn này khá hơn 2 giai đoạn trước, bởi vì nó chưa gây ra mức lạm phát cao hơn. Từ năm 1990, lạm phát đã giảm từ 6,1% xuống còn 2,5%. Ngược lại, lạm phát trước kia đã tăng trong thập niên 60, từ 1,4% năm 1960 lên 6,2% trong năm 1969.
Sự bùng nổ trong những năm 1960 vẫn thường được hoài niệm như một “thời hoàng kim”, khi nó thật sự đặt nền móng cho một giai đoạn kinh tế hỗn loạn và năng suất thấp nhất kể từ năm 1945. Mức độ nghiêm trọng của hai đợt suy thoái tồi tệ nhất thời hậu chiến (những giai đoạn 1973 - 1975 và 1981 - 1982, với tỷ lệ thất nghiệp cao điểm của tháng là 9% và 10,8% tương ứng) phát xuất trực tiếp từ lạm phát hai con số (12,3% vào năm 1974 và 13,3% vào năm 1979). Và khả năng cạnh tranh toàn cầu của nhiều ngành công nghiệp của đất nước đã bị xói mòn; ví dụ từ năm 1971 đến năm 1980 tại Hoa Kỳ, doanh thu từ xe hơi nhập khẩu tăng từ 15% - 27% .
Ngày nay thì chúng ta đã khá hơn trong hầu hết các khía cạnh. Điều gì đã xảy ra? Câu trả lời, theo tôi, là có sự thay đổi sâu sắc trong các ý tưởng kinh tế, khiến cho Reich và tạp chí Times khó chịu, mặc dù sự thay đổi này đã cải thiện nền kinh tế. Từ đầu thập niên 1960 đến đầu thập niên 1980, các quan chức chính phủ và các nhà quản lý
doanh nghiệp có ý thức để nỗ lực mở rộng công ăn việc làm, triệt tiêu suy thoái, và tăng cường tính ổn định của công việc. Kinh tế học Keynes thống trị; các công ty “có trách nhiệm” đã hứa hẹn, theo cách ngụ ý hoặc rõ ràng, công ăn việc làm suốt đời.
Cuộc thử nghiệm lại không thành công: việc phối hợp để theo đuổi những mục tiêu đáng giá - tổng số việc làm bền vững và sự ổn định kinh tế - đã cho chúng ta kết quả là thất nghiệp nhiều hơn cũng như mức lạm phát cao hơn. Trong những năm 1980, các ý tưởng kinh tế đã thay đổi. Cục Dự trữ Liên bang vận động liên tục để chống lạm phát, bây giờ thì họ lo ngại nhiều nhất về việc “bình ổn giá cả”. Trong khi đó, các công ty lại ít quan tâm đến việc duy trì các việc làm mà lại tập trung nhiều hơn vào việc gia tăng thị phần và lợi nhuận.
https://thuviensach.vn
Kết quả là, kể từ đó, tỷ lệ thất nghiệp trung bình đã giảm, đợt suy thoái tiếp theo trong giai đoạn 1990 - 1991 là khá nhẹ nhàng (tháng có tỷ lệ thất nghiệp cao điểm là 7,8%), và khả năng cạnh tranh của ngành đã được nâng cao. Một nguyên nhân của sự cải thiện này là chúng ta cuối cùng đã nhận ra rằng những lời hứa hẹn về ổn định kinh tế và công việc được đảm bảo đã tự thất bại; chúng ngoan cố tạo cảm hứng cho các hành vi để cả hai mục tiêu trên càng khó đạt được hơn. Khi người dân mong đợi chính phủ tránh né khủng hoảng kinh tế, các công ty và người lao động còn tăng giá bán và mức tiền lương nhanh hơn. Và tại sao không? Giá và tiền lương quá mức sẽ không quan trọng trong sự tăng trưởng lâu dài. Đó còn là sự cạnh tranh, tại sao phải lo lắng?
Kìm chế các hành vi gây lạm phát đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Mối lo ngại về việc làm cũng đã làm giảm áp lực lạm phát bằng cách giảm nhu cầu về tiền lương. Những gì mà các nhà kinh tế gọi là “tỷ lệ tự nhiên” của nạn thất nghiệp - tỷ lệ tại đó sự đình đốn lao động kích hoạt lạm phát tiền lương - có thể đã hạ xuống. Một sự đồng thuận ban đầu đã đặt ra mức khoảng 6%, nhưng trong năm 1995 tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 5,6% mà (cho đến nay) chưa thấy sự tăng vọt của lạm phát. Cứ mỗi 0,1 điểm giảm xuống trong “tỷ lệ tự nhiên” này thì có nghĩa là có thêm 130.000 việc làm mới. Sự không chắc chắn cho tương lai có thể làm dịu lại các sự thái quá - vay mượn thái quá hay bội chi - thứ có thể gây khủng hoảng.
Tất cả những điều này không có nghĩa là sẽ không có suy thoái trong tương lai (sẽ có thôi), không có nghĩa rằng tất cả sự thu hẹp quy mô đều được chứng minh là đúng (không phải thế đâu), hoặc một số công nhân không phải gánh chịu thiệt hại khủng khiếp (họ vẫn phải chịu). Nhưng trong một nền kinh tế thị trường, mất việc làm là điều khó tránh khỏi, và tác hại xấu đối với xã hội có thể được giải quyết êm thấm nếu việc doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và sa thải người lao động được trải rộng ra, không tập trung - giống như trong quá khứ - khi đình trệ hoặc trong các thời kỳ khủng hoảng ngành. Công nhân từng bị sa thải có thể được tuyển dụng lại nhanh chóng hơn trong một nền kinh tế đang phát triển. Tạp chí Times ghé thăm Dayton, Ohio, nơi mà “mọi thứ, dường như là, đang biến động”, một phần vì công ty NCR (được sáp nhập vào AT&T) đang thu nhỏ quy mô. Sau đó, chúng ta mới muộn màng hiểu ra rằng tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này chỉ là 4,8%. Ngược lại, tại Flint, Michigan, vào đầu thập niên 1980, khi ngành xe hơi tạm ngưng và sa thải công nhân thì tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến 20%.
Thiếu sót trong cuộc tranh luận này (và trong các loạt bài của Times) là ý nghĩa của cách thức mà các công ăn việc làm được tạo ra. Các công ty thuê công nhân để thu về lợi nhuận; công nhân nhận việc làm để kiếm sống. Nếu việc thuê nhân công để có lợi nhuận trở nên quá khó khăn, công ty sẽ không tuyển dụng; và nếu bị thất nghiệp là điều quá dễ dàng, mọi người sẽ không tìm kiếm việc làm nữa. Châu Âu ngày càng khâm phục sự linh hoạt của chúng ta, bởi vì chế độ của họ - mặc dù bề ngoài trông giàu lòng trắc ẩn hơn - kìm hãm sự sáng tạo ra công ăn việc làm. Họ có mức phúc lợi cao hơn dành cho người thất nghiệp, các khoản thuế thu nhập cá nhân tính từ lương (payroll taxes) cao hơn (để thanh toán cho các phúc lợi trên), nhiều rào cản ngăn chặn việc sa thải, và tỷ lệ thất nghiệp cũng cao hơn. Tại Đức, tỷ lệ thất nghiệp là 10,3% và cao hàng đầu.
Bài học từ châu Âu là: các xã hội không thể “cấm tồn tại” sự bấp bênh về công ăn việc làm, mà chỉ có thể vô tình cấm cản luôn cả việc tạo ra việc làm. Tạp chí Times đã bỏ qua kinh nghiệm của châu Âu và các thử nghiệm gần đây của chính chúng ta đối với sự ổn định kinh tế, cứ như là chúng không liên quan gì. Chế độ của chúng ta là không hoàn hảo, nhưng chúng ta không nên khinh thường nó trừ khi biết làm thế nào để cải thiện nó. Mà chúng ta thì không biết.
Newsweek
Ngày 25 tháng 3 năm 1996
CHÚA CÓ MẶT TRONG TỪNG CHI TIẾT NHỎ
Chúng ta đôi khi cần một lý thuyết nhỏ để đơn giản hóa các vấn đề phức tạp rộng lớn của cuộc sống. Trên tinh thần đó, tôi “đặt tên thánh” cho bài này là “Thiên Chúa trong những điều nhỏ bé”, theo cuốn tiểu
https://thuviensach.vn
thuyết The God of Small Things của nhà văn Ấn Độ Arundhati Roy. Tôi làm thế vì tiêu đề này nghe hấp dẫn hơn so với chủ đề thực của tôi - chiến thắng của “kinh tế vi mô”. Ý tưởng ở đây là nhằm giải thích sự tương phản hoàn toàn trong các hoạt động kinh tế trên thế giới: mọi thứ từ sự bùng nổ vượt bậc của Hoa Kỳ đến nạn thất nghiệp cao của châu Âu và sự đình trệ của Nhật Bản. Bạn cũng có thể thêm vào một số chủ đề “nóng” khác, chẳng hạn như các cuộc tranh luận về Microsoft. Tất cả các kết nối giữa chúng đều tồn tại qua kinh tế vi mô.
“Kinh tế vi mô” là một cụm từ dài; giống như người anh em của nó là “kinh tế vĩ mô”. Nhưng những khái niệm này rất đơn giản. Kinh tế vi mô là việc nghiên cứu từng thị trường đơn lẻ; nó khám phá xem người tiêu dùng, người lao động, và các công ty hành xử như thế nào trong các tình huống cụ thể. Ngược lại, kinh tế vĩ mô nghiên cứu toàn bộ nền kinh tế; khảo sát sự gia tăng (hoặc giảm xuống) trong sản xuất, việc làm, và giá cả. Khi tôi có kiến thức căn bản về kinh tế học từ trường đại học trong những năm 1960, kinh tế vĩ mô lúc đó đã là “mốt” rất thịnh hành. Nó đã cam kết rằng bằng cách thay đổi các loại thuế, chi tiêu, và lãi suất, chính phủ có thể giữ cho nền kinh tế ở mức hoặc gần với tình trạng “có đầy đủ việc làm”. Đó là một bức tranh lớn; rất lộng lẫy. Kinh tế vi mô đã là một bức tranh nhỏ và tẻ nhạt. Ai lại đi quan tâm tìm hiểu về cách thức vận hành trong ngành thép?
Những gì chúng ta đã học được sau đó là: bức tranh nhỏ cũng là bức tranh lớn. Kinh tế vi mô xử lý các động lực. Nếu người dân và các công ty nhìn thấy các động lực để làm điều ngớ ngẩn (hoặc khôn ngoan), họ sẽ làm chuyện ngớ ngẩn (hoặc khôn ngoan). Nếu nhiều người cùng nhìn thấy các động lực tương tự, họ sẽ cùng làm những điều ngớ ngẩn hoặc khôn ngoan giống nhau. Và sau đó thì tập hợp những gì mà mọi người cùng làm đã hình thành nên cách thức mà toàn bộ nền kinh tế vận hành. Tỷ lệ thất nghiệp cao của châu Âu (10%) không là điều khó hiểu. Phúc lợi hào phóng từ chính phủ là phần thưởng dành cho những người thất nghiệp và giúp họ cứ ngồi không. Mức thuế cao áp vào thu nhập từ tiền lương và mức lương tối thiểu làm nản lòng các công ty trong việc tuyển dụng, khi chi phí lao động tăng thêm. Các tập đoàn (cartel) và các quy định đã ngăn chặn các doanh nghiệp mới thành lập và hạn chế số lượng công việc được tạo ra từ đó.
“Châu Âu hồi phục”, tờ The Wall Street Journal tuần trước đã nhận định như vậy. Vâng, nhưng chỉ một chút thôi. Thất nghiệp đang giảm xuống từ từ. Tuy nhiên, cũng theo tờ báo này thì sự cải thiện tập trung nhiều tại các nước đã dỡ bỏ các hạn chế. Hai nước Đức (tỷ lệ thất nghiệp 10%) và Pháp (12%) vẫn tụt lại phía sau. Ý tưởng mới nhất của Pháp để giải quyết vấn nạn thất nghiệp của họ là giảm số giờ làm việc trong tuần từ 39 xuống còn 35. Nếu chỉ cắt giảm giờ làm việc và không trả tiền, chi phí lao động sẽ tăng thêm. Điều này rốt cục cũng sẽ không tạo ra thêm công ăn việc làm.
Một vấn đề thực tế là nền kinh tế vĩ mô tốt đẹp - ngân sách và các chính sách lãi suất - cũng không dễ dàng bù đắp được cho một nền kinh tế vi mô tệ hại. Nếu chúng bù trừ được cho nhau thì tỷ lệ thất nghiệp của châu Âu sẽ chỉ là 5%. Nhật Bản cũng có bài học này. Sự đình trệ của họ phát xuất từ các yếu tố từng được coi là sức mạnh: tiết kiệm cao và tiêu thụ thấp. (Nhật Bản tiết kiệm khoảng 30% mức thu nhập quốc dân, gấp đôi tỷ lệ tại Hoa Kỳ). Điều gây rắc rối là Nhật Bản gần đây đã không sử dụng hiệu quả khoản tiết kiệm rất lớn của họ. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (The Organisation for Economic Cooperation and Development), trong năm 1996 tỷ lệ thu hồi trên vốn đầu tư là 13% ở Nhật Bản và 28% tại Hoa Kỳ. Tại Nhật Bản, các ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền, và cả hai cùng tồn tại trong một liên minh nồng ấm, bao gồm cả việc nắm giữ cổ phiếu của nhau (cross-holding of stock), điều này ngăn cản các bên không thể gây khó khăn cho nhau.
Nhà kinh tế học Edward Lincoln của Học viện Brookings viết: “Các ngân hàng... đã phát triển mối quan hệ cá nhân rất tinh vi, được “bôi trơn” sau nhiều năm khoản đãi”. Một xã hội không thể đầu tư hiệu quả và khống chế tiêu dùng (thông qua giá cả gia tăng từ các tập đoàn và quy định của chính phủ) đã dẫn dắt đến tình trạng trì trệ. Một lần nữa, các chính sách kinh tế vĩ mô không thể dễ dàng bù đắp được tổn thất này. Thâm hụt ngân sách của Nhật Bản hiện đang ở mức lớn; lãi suất chỉ vừa nhỉnh hơn mức zero một chút. Tuần trước, chính phủ đã công bố một khoản cắt giảm thuế tương đương 30 tỷ dollar để thúc đẩy nền kinh tế. Người ta vẫn còn nhiều hoài nghi về việc chính phủ sẽ làm tốt điều này như thế nào.
Bài học ở đây là một động lực nhỏ (cho cái tốt hay điều xấu) cũng dẫn đến hậu quả lớn. Một trong những sai lầm phổ biến trong tư duy về vấn đề này là đánh đồng chủ nghĩa tư bản - quyền sở hữu tư nhân trong kinh doanh - với “thị trường tự do”. Chỉ một vài xã hội tiến bộ mới có chủ nghĩa tư bản thuần túy hoặc thị
https://thuviensach.vn
trường hoàn toàn tự do. Thuế và các quy định kìm chế các doanh nghiệp. Văn hóa địa phương cũng can thiệp vào. Như ở Nhật Bản và Châu Âu, sở hữu tư nhân có thể cùng tồn tại với những thị trường đang vận hành không hợp lý.
Bí quyết của nền kinh tế Mỹ là: mặc dù có nhiều khiếm khuyết, tập hợp các động lực của nó vẫn vận hành trên tinh thần xây dựng. Các công ty đối mặt với áp lực cạnh tranh để cải thiện sản phẩm và lợi nhuận; mọi người thường làm tốt hơn thông qua công việc chứ không phải ngồi không; sự thôi thúc “làm cho được” đã thúc đẩy sáng tạo. Tuy nhiên, một số vấn đề nhức nhối của xã hội vẫn liên quan đến kinh tế vi mô. Hãy xem xét dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Người Mỹ muốn kiểm soát được chi phí; họ cũng nghĩ rằng họ cần phải nhận được sự chăm sóc mà họ cần. Tiền thuốc men tính theo phí dịch vụ, được chi trả từ bảo hiểm tư nhân hay bảo hiểm nhà nước, làm bùng nổ chi phí; các bác sĩ và bệnh viện không có động lực để hạn chế chi tiêu. Nhưng dường như chăm sóc sức khỏe được quản lý (managed care) đã tạo ra các động lực để kiềm chế chi phí khi từ chối chăm sóc. Theo cách nào đó thì chúng ta cũng cần tìm ra động lực để hài hòa giữa nhu cầu về thuốc men theo chỉ định của bác sĩ và nhu cầu kinh tế. Điều này có lẽ là không thể.
Cuộc tranh luận về Microsoft cũng là về vấn đề kinh tế vi mô: đâu là cách tốt nhất để thúc đẩy sự cải tiến? Microsoft tin rằng phần mềm Windows đã chiến thắng bởi vì người dùng máy tính thích một tiêu chuẩn chung. Hãng này nói rằng nếu các hành động chống độc quyền chính phủ cản trở họ trong việc gia tăng thêm các tính năng mới cho Windows, người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt thòi. Chính phủ sẽ dập tắt các động lực khuyến khích cải tiến. Những người phê phán Microsoft lại tuyên bố điều ngược lại: sự thống trị của Windows đang bóp nghẹt cạnh tranh. Việc đánh bại Microsoft là khó hơn bao giờ hết, ngay cả với các phần mềm ứng dụng cao cấp (bởi vì Microsoft có thể gắn kết các chương trình của họ với Windows hoặc bán với giá rẻ). Vậy nên các công ty khác không cần cố gắng làm gì. Bên nào đúng?
Vấn đề hay đấy. Dưới những góc độ nhất định, câu chuyện kinh tế trong ba thập kỷ qua là sự thừa nhận rằng các vấn đề dạng này là quan trọng. Nét quyến rũ của kinh tế vĩ mô nằm trong ảo tưởng cho rằng nó có thể làm cho toàn bộ hệ thống vận hành trơn tru mà gần như bất chấp các bộ phận cơ bản của nền kinh tế hoạt động như thế nào. Điều này đã gắn liền với sự thất vọng. Việc này giống như một chiếc xe hơi có thể chạy ở tốc độ cao ngay cả khi động cơ bị ăn mòn và thiếu một số bộ phận. Những gì chúng ta biết hiện nay là những thứ chúng ta lẽ ra phải biết từ đầu: Chúa có mặt trong những chi tiết nhỏ.
Newsweek
Ngày 20 tháng 4 năm 1998
THỜI ĐẠI CỦA FRIEDMAN
Chỉ cách đây 10 hoặc 15 năm, Milton Friedman mới được đánh giá đúng như vị thế hiện nay của ông: nhà kinh tế học đang sống trong hiện tại và có ảnh hưởng lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II. Từ nhiều thập kỷ trước đó, Friedman - nay 85 tuổi và đã nghỉ hưu từ lâu từ trường đại học Chicago - đã từng bị coi như là một nhân vật khác thường và bị gạt ra rìa. Ông đã ca ngợi “tự do”, tán dương “thị trường tự do”, và tấn công chính phủ lớn (cồng kềnh). Ông là một người phản đối vui vẻ, trong một thời đại khi chính phủ dường như cũng chính là các giải pháp cho hầu hết các vấn đề xã hội. Tự tin vào quan điểm của mình, Friedman tranh luận gần như với bất kỳ ai, ở bất cứ đâu, nhưng ông đã thường xuyên bị bác bỏ như một người đi lùi.
Giờ thì không còn những chuyện này nữa. Các ảnh hưởng của Friedman là rất lớn đến mức ông chẳng thua kém gì John Maynard Keynes (1883 - 1946) và là một nhà kinh tế học quan trọng nhất của thế kỷ. Ông gần như đơn thương độc mã làm hồi sinh “lý thuyết số lượng tiền tệ”: ý tưởng cho rằng lạm phát bắt nguồn từ việc “quá nhiều tiền theo đuổi quá ít lượng hàng hoá”. Khi chính phủ chấp nhận lý thuyết này, họ có thể kiểm soát được lạm phát bằng cách làm cho tốc độ tăng tiền chậm lại. Ở nước ngoài, Friedman đã phát triển nền kinh tế thị trường từ Chile đến Trung Quốc. Tại đất nước của mình, các ý tưởng của ông hiện đang lan tỏa trong những cuộc tranh luận của công chúng. Ngay từ những năm 1950, ông đã ủng hộ thuế thu nhập với thuế suất đồng nhất cho mọi đối tượng nộp thuế bất chấp mức thu nhập và loại hình thu nhập
https://thuviensach.vn
(flat tax), phiếu thanh toán học phí (school voucher: phiếu do chính phủ phát hành để phụ huynh có thể thanh toán học phí tại bất cứ trường nào tùy họ chọn, chứ không chỉ giới hạn tại trường công lập mà học sinh phải đến theo chỉ định - ND), và “hủy bỏ thuế thu nhập” cho người nghèo (thể hiện qua loại hình nợ thuế thu thu nhập hiện nay).
Bây giờ chúng ta đã có câu chuyện của Friedman về hành trình từ một người bị lãng quên trở thành nhà tiên tri, trong cuốn tự truyện viết chung với người vợ sau gần 60 năm, bà Rose, có tựa đề Hai người may mắn (Nhà xuất bản Đại học Chicago, 1998). Đó là một câu chuyện đáng chú ý vì sức bền bỉ tuyệt vời.
Sự phản đối dành cho ông từng là rất cao, một phần vì ông không bao giờ che dấu sự bác bỏ của mình đối với Keynes, người đã thôi miên hầu hết các nhà kinh tế thời đó. Trong khi Keynes nhận thấy nền kinh tế tư nhân là rất bất ổn và do đó cần có sự chỉ dẫn của chính phủ,
Friedman lại nghĩ rằng sự can thiệp của chính phủ thường làm sâu sắc hơn các khủng hoảng kinh tế. Nếu như Keynes nâng cốc chúc mừng các trí thức và chế giễu các nhà tư bản - chẳng hạn ông này so sánh thị trường chứng khoán với sòng bạc - thì Friedman lại thấy sự sáng tạo cá nhân là nguồn gốc của tiến bộ xã hội. Sự xem thường đối với chủ nghĩa tư bản của nhiều trí thức khiến ông có ấn tượng cho rằng đây là sự buông thả: lối “được cá quên nơm”.
Giống như nhiều nhà kinh tế học sau chiến tranh, Friedman đã xem kinh tế học như một ngành khoa học - giống như vật lý - trong đó các chân lý căn bản có thể được chứng minh với các chứng cứ. Khi điều đó xảy ra, rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học của ông đã phá hỏng danh tiếng của kinh tế học Keynes. Năm 1957, ông công bố Một Lý thuyết về Chức năng Tiêu dùng, theo đó bác bỏ phần trọng tâm của chủ thuyết Keynes: mọi người chi tiêu ít hơn thu nhập của họ - và tiết kiệm nhiều hơn - khi xã hội phát triển thịnh vượng hơn. Điều này có lẽ đã xảy ra, vì các mong muốn của người dân đã được thỏa mãn. Nếu chủ thuyết này là đúng, nó sẽ biện minh cho sự chi tiêu cao hơn của chính phủ để bù đắp chi tiêu yếu kém trong khối tư nhân. Nhưng bằng cách phân tích các mô hình tiêu dùng trong lịch sử, Friedman cho thấy nó không đúng. Con người luôn luôn muốn phát triển các nhu cầu mới.
Quan trọng hơn là giải thích của ông về cuộc Đại khủng hoảng. Trong những năm 1930, Keynes đã cho rằng các nền kinh tế tư nhân có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc mà từ đó nó không thể tự động phục hồi. Năm 1963, Friedman và Anna Schwartz xuất bản cuốn Lịch sử Tiền tệ của Hoa Kỳ, cho rằng, ngược lại là khác, sự suy thoái là kết quả từ các sai lầm của chính phủ. Từ năm 1929 đến 1933, khoảng 10.000 ngân hàng đã sụp đổ, dẫn đến tình trạng một phần ba nguồn cung tiền bị phá vỡ và phá sản lan tràn. Friedman và Schwartz cũng lưu ý rằng Quốc hội đã lập nên Cục Dự trữ Liên bang (Fed) năm 1913 để ngăn chặn cơn hoảng loạn của ngành ngân hàng. Nếu Fed đã thực hiện được công việc của mình, cuộc Đại suy thoái có thể đã chỉ là một cuộc khủng hoảng kinh doanh bình thường.
Sau cùng, vào năm 1968, Friedman (cùng lúc với nhà kinh tế học Edmund Phelps của Columbia) hình thành trong đầu ý tưởng về “tỷ lệ tự nhiên của nạn thất nghiệp”. Cho đến lúc đó, tín điều của chủ thuyết Keynes vẫn cho rằng bớt một chút thất nghiệp thấp sẽ làm tăng một chút lạm phát và hai vấn đề này có thể cùng tồn tại trong một mối quan hệ ổn định, chẳng hạn, 4% thất nghiệp với 4% lạm phát. Điều này ngụ ý rằng chính phủ có thể chọn lựa sự pha trộn hấp dẫn nhất giữa thất nghiệp và lạm phát. Friedman nói không phải vậy. Nếu chính phủ cố gắng đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức “tự nhiên” của nó, lạm phát sẽ tăng cao hơn bao giờ hết. Điều này về căn bản là mô tả việc theo đuổi tình trạng “có đầy đủ việc làm” trong thập niên 1960 và 1970: lạm phát đi từ 1% trong năm 1960 lên đến 13% vào năm 1979.
Tầm ảnh hưởng của Friedman cũng phản ánh sự thành công của ông khi đã là người được công chúng yêu mến. Năm 1962, ông xuất bản cuốn Chủ nghĩa tư bản và Tự do, trong đó trình bày các quan điểm mới lạ của mình. Năm 1966, ông được mời (cùng với hai nhà kinh tế học nổi bật khác) để viết bài cho chuyên mục trên tờ Newsweek, ông đã làm công việc này cho đến năm 1984. Năm 1980, ông đã dẫn dắt một series truyền hình công cộng gồm 10 phần với tựa đề Tự do lựa chọn và đã viết một cuốn sách (với Rose, cũng là một nhà kinh tế học) với cùng tựa đề này. Các sản phẩm này của ông, trong số những thứ khác, lên án khoản phúc lợi bị lệ thuộc và nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Mặc dù ủng hộ giới trí thức, nhưng Friedman vẫn hoài nghi rằng trí thức có thể khởi xướng các thay đổi mang tính chính trị. Nguyên trạng “chuyên chế” là quá mạnh. “Chỉ có một cuộc khủng hoảng -khủng
https://thuviensach.vn
hoảng thực sự hay được nhận thức là khủng hoảng - mới tạo nên thay đổi thực sự”, ông đã từng viết như vậy. Sau đó thì “những hành động được thực thi phụ thuộc vào những ý tưởng rằng đang tồn tại xung quanh đó”. Vì thế, ông đã gieo rắc về “những thay thế đối với các chính sách hiện hành”. Cuộc khủng hoảng cũng làm thay đổi hình ảnh của ông. Khi lạm phát tăng, ông trở nên đáng kính trọng hơn. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản đã giải oan cho quan điểm gay gắt của ông về kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Cuốn sách Hai người may mắn có ghi chép lại câu chuyện này, nhưng là tự truyện nên nó gây thất vọng - lan man dông dài và thiếu phân tích nội tâm. Sách không bao giờ đặt ra câu hỏi trọng tâm: Làm thế nào mà Friedman đã trở thành Friedman?
Dám đánh cá với mọi tỷ lệ rằng ông thuộc nhóm chính trị cánh Tả. Sinh ra trong một gia đình Do Thái gốc Nga nhập cư nghèo khổ, Friedman lớn lên ở Rahway, New Jersey. Cả gia đình sống nhờ một cửa hàng quần áo của người mẹ, trong khi cha ông làm việc ở Manhattan. Ông còn nhớ là cha mẹ thường xuyên cãi nhau vì chuyện tiền bạc. Các tổ chức công cộng đã đối xử tốt với ông. Thư viện địa phương đã khiến ông trở thành một độc giả “tham lam”; một thầy giáo ở trường trung học không ngớt lời khen tặng; ông đã theo học Đại học Rutgers với một học bổng cộng đồng. Ông tốt nghiệp năm 1932 khi cuộc Đại suy thoái đang lún sâu, lúc đó áp lực chính trị đã đẩy sinh viên vào cánh Tả.
Cuốn Hai người may mắn hiếm khi giải thích được, trong bầu không khí này, Friedman đã nổi lên như thế nào vào đầu những năm 1940 với một viễn cảnh đưa ra khi đó là khá lạc lõng với thời đại. Trong một cuộc đối thoại, ông nói rằng sau khi rời trường Rutgers, “tôi đã là người nhẹ nhàng ủng hộ chủ nghĩa xã hội” - giống như hàng triệu người trẻ khác. Ông đã giải thích sự thay đổi của mình là từ việc nghiên cứu sau đại học diễn ra tại Đại học Chicago, nơi đó một nhóm các nhà kinh tế học nòng cốt đã không chấp nhận quan niệm phổ biến và xem Đại suy thoái là cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản. Thời gian phục vụ chính phủ của ông trong Thế chiến II - làm việc về các chính sách thuế và một loạt các vấn đề liên quan đến vũ khí - cũng có thể đóng góp một phần cho sự thay đổi. Ông cảm thấy sự hồi hộp của Washington và cũng tận mắt chứng kiến “các mánh khóe, sự gian lận, và tính vụ lợi” của chính trị.
Một số người viết tiểu sử có thể làm sáng tỏ điều này và những vấn đề hóc búa khác nữa. Sự hoài nghi chính phủ của Friedman không bao giờ hoàn toàn là sự thù nghịch. Ông đã luôn luôn xem xét một cách nhất quán vai trò của chính phủ trong mọi vấn đề, từ việc giảm đói nghèo đến thúc đẩy giáo dục. Nhưng ông đã có các chính sách thuận lợi để kiểm tra quyền lực của chính phủ và nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân. Mặc dù được gọi là “bảo thủ”, Friedman xem thường cái nhãn này và tự thấy mình là một người theo chủ nghĩa tự do hay “cấp tiến” - một người đề cao tự do và sẽ thực thi các thay đổi chính trị mạnh mẽ để củng cố sự tự do đó. Ngược lại, một người bảo thủ thật sự chỉ miễn cưỡng thay đổi trật tự xã hội hiện hữu. Tham vọng của Friedman không bao giờ khiêm tốn như vậy cả.
Newsweek
Ngày 15 Tháng 6 năm 1998
NHỮNG BÓNG ĐEN CỦA THẬP NIÊN 1920?
Chúng ta biết rằng sự bùng nổ kinh tế hiện nay sẽ chấm dứt vào một ngày nào đó, bởi vì tất cả các cuộc bùng nổ đều như vậy. Tuy vậy niềm tin vào sự bất tử của nó có vẻ như đang lớn lên từng ngày. Bạn có thể thấy điều đó ở thị trường chứng khoán, qua các chỉ số về niềm tin, và các thị trường lao động nhộn nhịp. Đã bao giờ có tình huống tương tự như thế này chưa nhỉ? Ồ, phải chăng đó là thời điểm của những năm 1920?
Câu trả lời này có vẻ mang tính phản xã hội. Nó làm người ta liên tưởng đến bóng ma của một cuộc Đại Suy thoái khác (tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 18% trong thập niên 1930). Tất nhiên, không ai cần suy thoái, nhưng xem xét lại quá khứ cũng đem lại những thông tin hữu ích. Nó dạy cho chúng ta ít nhất hai bài học quan trọng: người ta thường bị cuốn theo; và nền kinh tế ngày nay có thể có một số điểm yếu mà ít người nhận thấy.
https://thuviensach.vn
Có rất nhiều nét tương đồng giữa những năm 1920 và thập niên 1990. Hồi đó cũng giống như bây giờ, thị trường chứng khoán đều tăng vọt. Công nghệ mới cũng làm mọi người hoa mắt: máy tính cá nhân và mạng Internet ngày nay, còn trước kia đó là radio và xe hơi sản xuất hàng loạt. Từ năm 1919 đến năm 1930, số lượng radio đi từ gần như zero lên đến 14 triệu sản phẩm; số lượng xe hơi đăng ký tăng gấp ba lần và đạt 23 triệu lượt. Hồi đó cũng giống như bây giờ, người ta đều cho rằng các nền kinh tế sẽ luôn luôn thay đổi để tốt hơn, mãi mãi là như vậy. Người ta từng cho rằng thập niên 1920 là điềm báo trước cho “một kỷ nguyên mới”; các nhà quản lý doanh nghiệp được khai sáng đã đồng nghĩa với một chủ nghĩa tư bản nhân văn hơn. Cụm từ đang được sử dụng trong những năm 1990 là “mô hình mới”, có nghĩa là các nguồn lực thuận lợi (máy tính, sự cạnh tranh với ngoài nước, việc bãi bỏ các quy định) đã làm cho nền kinh tế có sức cạnh tranh hơn, năng suất cao hơn, và ổn định hơn.
Hiện nay, người ta cho rằng nền kinh tế đã không có “sự thái quá”, điều thường gây ra sự suy thoái. Lạm phát thấp; không có quá nhiều sự đầu tư dư thừa rõ nét (ví dụ, vào các cao ốc văn phòng). Nhưng thị trường chứng khoán đã bị bỏ sót, nơi này có thể có “sự thái quá”. Nó có thể kích thích nền kinh tế với việc củng cố niềm tin và mức chi tiêu của người tiêu dùng. Có vẻ như giá cổ phiếu cao hơn sẽ khuyến khích mọi người chi tiêu nhiều hơn từ thu nhập của họ. Họ cảm thấy khá giả hơn. Hoặc họ thu về tiền mặt - và chi tiêu - với một số khoản lợi nhuận từ thị trường chứng khoán. Các chi tiêu nhiều hơn giúp duy trì việc mở rộng thị trường.
Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này. Khi thị trường chứng khoán tăng trưởng, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân giảm xuống. Năm 1992, tỷ lệ tiết kiệm là 6,2% mức thu nhập khả dụng; đến năm 1997, tỷ lệ này đã chỉ còn là 3,8%, mức thấp nhất, tối thiểu là tính từ năm 1946. Và tại sao người tiêu dùng không nên hãnh diện vì điều này? Sự tăng trưởng của thị trường hiện nay là có thể so sánh được với cái đà của những năm 1920 như một sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử. Công ty nghiên cứu Ned Davis xác định thị trường chứng khoán giá tăng (bull market) từ ngày 11 tháng 10 năm 1990, khi chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đạt 2.365,10 điểm. Kể từ đó, nó đã tăng lên 288% (ngày 17 Tháng 4 đã gần đến mức 9.167,50). Trong thập niên 1920, giá cổ phiếu cũng đã tăng 345%, trong khoảng từ tháng 10 năm 1923 đến tháng 9 năm 1929.
Xem xét dưới một góc độ khác, giá cổ phiếu gần như đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1990. Ngày 11 tháng 10 năm 1990, giá chứng khoán cuối ngày của Ford là khoảng gần 10 dollar; hiện giờ mức giá này là khoảng gần 50 dollar. Cũng trong thời gian này, giá cổ phiếu Intel đã tăng từ mức không quá 4 dollar lên khoảng 75 dollar. (Giá cả phản ánh cổ phiếu chia tách (stock split)). Điều này có nghĩa là sự bùng phát trong “gia tài” cổ phiếu của các cá nhân. Cuối năm 1990, giá trị của cổ phiếu thuộc sở hữu của các hộ gia đình là 3,1 nghìn tỷ dollar, đến năm 1997, con số này là 11,4 nghìn tỷ. (Các giá trị này bao gồm các cổ phiếu thuộc sở hữu trực tiếp và cà phê thông qua các quỹ tương hỗ (mutual fund), các tài khoản hưu trí, và tiền trợ cấp).
Nhưng hãy giả định thị trường bùng phát này (theo nhận định của tạp chí Economist tuần trước) là một “bong bóng” đầu cơ. Giả sử rằng các nhà đầu tư chỉ đơn giản là theo đuổi mức giá cao hơn. Hoặc giả định rằng có một điều gì đó - như khủng hoảng kinh tế châu Á chẳng hạn? - bất ngờ phá hỏng khoản lợi nhuận? Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Có lẽ là: giá cổ phiếu sau cùng sẽ rớt; niềm tin - từng được củng cố khi giá tăng - sẽ sút giảm theo giá cổ phiếu; chi tiêu của người tiêu dùng yếu đi hoặc có thể suy sụp. Chi cho tiêu dùng chiếm khoảng 68% sản lượng của nền kinh tế. Nếu nó suy yếu đi, đầu tư cho khối doanh nghiệp có thể là quá mức cần thiết, có thể phải cắt giảm. Vấn đề ở đây là thị trường chứng khoán không đơn thuần chỉ là “phong vũ biểu” chỉ báo hiệu quả hoạt động của nền kinh tế. Thị trường này cũng xác định cách thức mà nền kinh tế vận hành thông qua tâm lý đám đông và chi tiêu của người tiêu dùng.
Mặc dù các kết nối giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế là không chắc chắn, chúng đã phát triển trong những năm 1990 - cũng giống như hồi thập niên 1920 - khi sự dồi dào về chứng khoán đã tăng nhanh và quyền sở hữu đã lan rộng. Chứng khoán lan tỏa từ thành trì dành riêng cho những người giàu có trước kia, xuống đến các tầng lớp cao thuộc nhóm trung lưu. Trong số những gia đình có thu nhập từ 10.000 đến 25.000 dollar, quyền sở hữu cổ phiếu tăng từ 13% lên đến 25% trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến 1995, theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang. Đối với những gia đình có thu nhập từ 25.000 đến 50.000 dollar, tỷ lệ này tăng từ 33% lên 48%. Và hiệu ứng của sự giàu có là rất lớn. Năm 1990, sự giàu có xét về bất động sản của các hộ gia đình (chủ yếu là nhà ở) đạt tổng cộng 6,6 nghìn tỷ dollar, cao hơn 2 lần giá trị cổ phiếu họ sở hữu. Năm 1997, giá trị cổ phiếu sở hữu đã cao hơn khoảng 30% so với mức 8,7 nghìn tỷ trong bất động sản.
https://thuviensach.vn
Trong cuối thập niên 1920, những cảnh báo rằng thị trường đã bị thổi phồng giá trị thực quá mức (overvalued) cũng không hạ nhiệt được cơn say. Một lý do là mãi cho đến đầu năm 1928, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán vẫn cho thấy mức lợi nhuận và cổ tức cao hơn. Còn hầu hết các cơn sóng của thập niên 1990 là dựa trên các nền tảng kinh tế vững chắc. Lạm phát và lãi suất giảm; điều này làm cho cổ phiếu có giá trị cao hơn, vì khoản lãi suất từ đầu tư (trái phiếu, tiền gửi ngân hàng) đã trở nên ít hấp dẫn hơn. Và mức lợi nhuận đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990, càng thúc đẩy chứng khoán phát triển.
Nhưng thị trường chứng khoán đã dịch chuyển vượt qua mức lợi nhuận hiện nay. Chỉ số P/E - price/earning ratio: giá trung bình của một cổ phiếu chia cho thu nhập trung bình của nó - bây giờ đã đạt đến đỉnh cao trong lịch sử là 28. Kể từ Thế Chiến thứ II, các chỉ số P/E trung bình là khoảng 14. Có thể là ngày nay sự đảm bảo là cao hơn nhiều. Nhưng chỉ số lên đến 28 kia ư?
Nào ai biết? Có lẽ mức giá cao hơn cuối cùng sẽ được chứng minh bởi các điều kiện kinh tế (lãi suất thấp hơn, lợi nhuận cao hơn). Ngay cả khi giá cổ phiếu hiện nay giảm xuống 15 hay 20%, các nhà đầu tư và người tiêu dùng vẫn có thể bình thản trước sự suy giảm. Sau tất cả mọi thứ đã diễn ra, giá cổ phiếu vẫn ở mức như hồi đầu năm 1997 và cao hơn hai lần so với mức hồi đầu năm 1991. Và những năm 1990 không phải là những năm của thập niên 1920. Mặc dù sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 (chỉ số Dow Jones giảm xuống 48% trong khoảng từ tháng Chín đến giữa tháng Mười Một) đã đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc suy thoái sâu sắc, nhưng bản thân điều đó đã không gây ra khủng hoảng. Đại Suy thoái đã xảy ra vì Cục Dự trữ Liên bang đã không làm công việc của mình: nó để cho 11.000 ngân hàng phá sản tính tới năm 1933; và lượng cung tiền tệ giảm mất một phần ba. Đó là những sự kiện có thể ngăn chặn được, và có lẽ bây giờ là hoàn toàn được ngăn chặn.
Thật nguy hiểm nếu như thổi phồng quá mức các nét tương đồng mang tính lịch sử. Chúng ta không thể dự đoán được tương lai chỉ bằng cách xét lại quá khứ. Vì vậy, thập niên 1920 không thể cho chúng ta biết rằng sự bùng nổ ngày nay sẽ chấm dứt vào cuối tuần sau, vào tháng tới, hoặc thậm chí là sang năm. Nó cũng sẽ không cho chúng ta biết sự kết thúc đó sẽ diễn ra trong không khí ồn ào hoặc yên lặng. Nhưng lịch sử là rất hấp dẫn và để lại một vấn đề nghiêm túc. Nền kinh tế chắc chắn đã thay đổi kể từ những năm 1929, nhưng bản chất của con người thì sao?
Bưu điện Washington
Ngày 22 Tháng 4 năm 1998
TINH THẦN CỦA ADAM SMITH
Nên hiểu rằng Adam Smith (1723 - 1790) là người của thời đại chúng ta. Điều này có nguyên nhân không chỉ là vì ông đã biện hộ cho thị trường tự do, mà vì vấn đề ông quan tâm còn nhiều hơn cả các thị trường tự do. Smith chú trọng đến việc xây dựng được một xã hội tốt đẹp. Các thị trường tự do chỉ là một phương tiện để đi đến cái đích đó. Chính phủ là một phương tiện khác, và Smith liên tục khảo sát các vai trò thích hợp dành cho chính phủ và thị trường. Smith có thừa sự khôn ngoan, và thiếu cái tính tự cho mình là đúng. Ngày nay chúng ta có thể vận dụng tinh thần của ông, bởi vì dường như chúng ta đang có sự kết hợp ngược lại: dư thừa tính luôn cho mình là đúng và thiếu khôn ngoan.
Những người theo chủ nghĩa tự do ra sức bảo vệ chính phủ và họ không thể thừa nhận quyền lực to lớn của “bàn tay vô hình” theo lý thuyết của Smith. Tính tư lợi (self-interest) không chỉ đơn giản là sự tham lam, ích kỷ, hay ngạo mạn quá đáng. Nếu được hạn chế một cách đúng đắn, nó sẽ là một nguồn lực to lớn làm cho xã hội tốt đẹp, và nhiều sự tiến bộ của nhân loại phát xuất từ các nỗ lực độc lập và năng lực sáng tạo của cá nhân và các doanh nghiệp. Những người tự do ngần ngại với khái niệm này bởi vì nó tước đi quyền lực, địa vị xã hội, tâm lý hài lòng của họ khi dường như tạo ra tất cả các vật trang trí cho một xã hội tốt đẹp (thông qua các chính phủ).
Trong khi đó, những người bảo thủ lại rất xem thường chính phủ đến mức họ không thể thừa nhận rằng chính phủ thường không chỉ là một thứ xấu xa tất yếu. Nó tạo ra khuôn khổ pháp lý và chính trị mà không
https://thuviensach.vn
có chúng thì các thị trường tương đối tự do sẽ không thể tồn tại được. Chính phủ cũng cung cấp các dịch vụ công cộng - từ quốc phòng đến xây dựng đường sá - thứ mà thị trường tư nhân không thể làm, và xử lý các vấn đề “thái quá” không mong muốn của thị trường. Smith đã nhận ra rằng chính quyền có tạo ra những lợi ích này, nhưng nhiều người bảo thủ từng viện dẫn đến ông có vẻ như đã quên mất sự tồn tại hay tầm quan trọng của các vấn đề trên.
Tôi không nói rằng mình đã đọc cuốn Sự thịnh vượng của các Quốc gia (The Wealth of Nations, xuất bản năm 1776) của Adam Smith từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, bất cứ ai hoài nghi tính phức tạp trong tư duy của ông cũng nên nghiên cứu cuốn tiểu sử tuy ngắn nhưng mang chất trí tuệ tuyệt vời, của tác giả là nhà sử học Jerry Muller từ Trường Đại học Công Giáo (cuốn Adam Smith trong thời đại của ông và thời đại của chúng ta, đại học Princeton phát hành). Trong đó, tác giả phá vỡ định kiến dành cho Smith mà theo quan niệm phổ biến trước kia vẫn cho rằng ông này là một người phản đối chính phủ một cách quá khích (antigovernment zealot). Lập luận này được xây dựng từ một thực tế: Smith đã phục vụ nhiều năm với vai trò là một công chức, ủy viên phụ trách công tác hải quan của Scotland. Ông thu thuế nhập khẩu, khi đó là nguồn thu lớn nhất của chính phủ. Công việc của ông cũng tương tự như việc của người đứng đầu Sở Thuế Vụ (IRS) ngày nay.
Các lý thuyết của Smith đã giải thích những thay đổi đã xảy ra. Vào thế kỷ XVIII - chế độ phong kiến của nước Anh đã sụp đổ. Sản xuất từ trang trại phát triển, và mức sống cũng tăng cao hơn. Ở Anh, người dân khi đó đã cảm thấy xấu hổ khi đi lại mà không có giày; trong khi tại Pháp, đi chân không vẫn còn là chuyện bình thường. Chăn mền, vải lanh, và đồ dùng bằng kim loại đã trở nên phổ biến ở Anh. Smith cho rằng sự thịnh vượng mới này chính là chiến thắng của thị trường: việc mua và bán hàng hóa. Trước kia, thực phẩm đã được tiêu thụ phần lớn là bởi chính những người sản xuất ra nó, hoặc các lãnh chúa phong kiến của họ. Sản xuất cũng đã dịch chuyển. Muller viết “các hàng hóa từng được cặm cụi chế tạo ở nhà, như quần áo, bia, nến... đồ đạc bằng gỗ - bây giờ đều có thể mua được”.
Smith lập luận rằng thị trường đã nhân rộng sự giàu có, bởi vì nó đã dẫn đến sự chuyên môn hóa trong nền kinh tế: “phân công lao động” - thông qua nhiều kiến thức, kinh nghiệm, và máy móc được điều chỉnh theo yêu cầu riêng nhiều hơn - khiến sản xuất gia tăng. Không có gì được
hoạch định, dàn xếp trước. Nó tuôn trào (như thể do một bàn tay vô hình) từ sự phấn đấu của những người bán hàng để tối đa hóa sự giàu có của chính họ. “Chúng ta không mong đợi lòng nhân đức của người bán thịt, nhà sản xuất bia, hoặc người làm bánh để có bữa ăn tối, mà bữa tối của chúng ta có được là từ sự quan tâm của họ đến lợi ích riêng của chính họ”, câu này của Smith thật đáng ghi nhớ.
Smith nắm bắt được rằng các động lực là quan trọng: đó là việc mọi người có động cơ và hướng tới những mục đích của họ như thế nào. Bài học vẫn còn giá trị. Những dân tộc ngang bằng nhau nhưng có động lực khác nhau - trong môi trường là các chính sách quốc gia - sẽ có cuộc sống khác nhau, như nhà kinh tế học Mancur Olson của Đại học Maryland đã nói: “[trong] phần lớn thời kỳ hậu chiến, Trung Quốc, Đức và Triều Tiên đã bị chia cắt... Các hiệu quả hoạt động kinh tế của Hồng Kông và Đài Loan, Tây Đức, và của Hàn Quốc là tốt hơn so [hẳn] so với Trung Hoa đại lục, Đông Đức và Bắc Triều Tiên”.
Khả năng làm tê liệt thị trường của chính phủ khiến cho Smith hoảng sợ. Theo Muller thì cuốn sách Sự thịnh vượng của các quốc gia nhằm củng cố cho các nhà lập pháp chống lại “những áp lực của các nhóm kinh tế” giành lấy các đặc quyền đặc lợi. Nhưng thái độ hoài nghi chính phủ của Smith đã không phải là sự căm ghét. Muller viết: ông “rất yêu thích công việc” trong vai trò một ủy viên phụ trách hải quan. Đây không phải là thói đạo đức giả, bởi vì Smith đã nhìn thấy ba vai trò quan trọng của chính quyền: 1) xây dựng nền quốc phòng; 2) bảo đảm công lý và bảo vệ tài sản; và 3) xây dựng đường sá, kênh mương, bến cảng - nghĩa là xây dựng “cơ sở hạ tầng”. Chính phủ phải được tài trợ một cách phù hợp.
Và Smith cũng không tin rằng sự giàu có nghĩa là tất cả. Quan điểm của ông còn khá trái ngược với điều này. Ông muốn một xã hội có ít bạo lực và văn minh lịch sự hơn - một xã hội có thể làm nguôi đi “cơn giận dữ” tệ hại nhất của nhân dân. Sự giàu có thêm lên, với việc làm giảm bớt đau khổ, khiến mọi người trở nên “nhân từ” hơn. Mặc dù thị trường có thể tàn nhẫn và thô lỗ, nó cũng khuyến khích các mối quan hệ thương mại ổn định. Smith lập luận rằng đó cũng là một ảnh hưởng của văn minh. Cuối cùng, Smith tin vào những nét ưu việt của yếu tố gia đình, được coi là một nguồn lực của đạo đức (nơi mà trẻ em học cách tự kiểm soát bản thân) và là nguồn gốc của hạnh phúc cá nhân.
https://thuviensach.vn
Nếu so sánh với thời của Smith thì trong thời đại của chúng ta ngày nay, việc xác định được điều mà chính phủ nên làm rõ ràng là khó khăn, bởi vì các hoạt động của nó - từ mạng lưới an sinh xã hội đến các quy định về môi trường - hiện nay là rộng lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận mang tính thực tế của ông, nhẹ nhàng với các tín điều và nhạy cảm với cách thức mà người dân (và cơ quan tổ chức) hành xử trong thực tế, đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Ông chỉ định các trách nhiệm xã hội, những nội dung mà ông nghĩ rằng cần được đáp ứng tốt nhất, cho dù đó là vấn đề của thị trường hoặc của chính phủ. Ngược lại, cũng theo ghi chép của Muller, những người theo chủ nghĩa Tự do ngày nay thường giả định rằng thị trường “là thứ lãng phí hay vô đạo đức”. Bỏ qua việc chính phủ có thể gây tổn hại cho các động lực như thế nào - triệt tiêu các sáng kiến, tạo ra sự lệ thuộc - họ thường thay thế “những ý định tốt đẹp” bằng “các chính sách đúng đắn”.
Đối với những người bảo thủ, họ cũng vận dụng Smith nhưng bỏ qua những gì ông nói về các khiếm khuyết của thị trường. Ví dụ như, ông đã ủng hộ phổ cập giáo dục và xem đây như một liều thuốc giải độc cho các hiệu ứng “gây tê liệt” của sự chuyên môn hóa trong nền kinh tế. Có bất cứ thắc mắc nào cho rằng cuộc tranh luận của chúng ta dường như chưa thỏa đáng? Các bên đối lập đều quá lời với nhau. Smith đã kết hợp được một tầm nhìn cao quý cho xã hội tốt đẹp với sự phân tích chính xác về các phương tiện để đạt được điều đó. Các “ngôi sao” thời hiện đại của chúng ta lại thường cho rằng các phương tiện của họ luôn luôn đủ sức dẫn đến mục đích.
Bưu điện Washington
Ngày 27 tháng 11 năm 1996
https://thuviensach.vn
IV. DOANH NGHIỆP
CA NGỢI PARKINSON
Chúng ta hãy cùng nhau ca ngợi Parkinson. Đó là C. Northcote Parkinson, nhà sử học người Anh đã đặt ra Quy luật Parkinson: “công việc sẽ mở rộng thêm ra để tiêu thụ cho hết khoảng thời gian dành cho việc hoàn tất nó”[56]. Đây là một trong những hiểu biết gây ấn tượng mạnh trong thời đại của chúng ta, vậy mà khi Parkinson qua đời vào tuổi 83, các tờ báo lớn của Hoa Kỳ chỉ vỏn vẹn ghi nhận lại sự ra đi này của ông. Tờ Bưu điện Washington chôn vùi mẩu tin buồn tại trang B7. Tờ Thời báo New York nhét mục cáo phó vào trang A19. Tệ đơn tệ kép. Bôi bác ý nghĩa của lịch sử.
Chúng ta đang sống trong thời đại quan liêu. Chúng ta đều làm việc cho các công ty lớn, chính phủ lớn, các trường đại học lớn, các công ty truyền thông lớn, các bệnh viện lớn, hoặc phải làm việc với các tổ chức lớn này. Parkinson là nhà quan sát sắc sảo nhất (và hài hước nhất) của chúng ta đối với sự quan liêu. Làm thế nào mà ông lại có thể tình cờ bị lãng quên? Có lẽ là vì sự thật mà ông tìm thấy, một khi được tiết lộ, là quá hiển nhiên rằng đến mức chúng có vẻ ít ấn tượng hơn so với những “tiên đề” huyền bí khác - những “chân lý” thường là sai khi được kiểm chứng.
Thời gian trôi qua từng ngày đã khẳng định sự đúng đắn của Parkinson. Ông cho rằng các công chức quan liêu thành công đều bị chi phối bởi hai nguồn lực dẫn dắt: 1) “nhân rộng số lượng nhân viên cấp dưới, chứ không gia tăng thêm đối thủ cạnh tranh”; và 2) “đẻ ra việc cho nhau làm”. Bất cứ công chức nào khi “cảm thấy” quá tải trong công việc đều chỉ định lại cho cấp dưới thực hiện, người này (cũng có cảm giác rằng mình có quá nhiều việc) lại tiếp tục “chuyền bóng” như vậy cho cấp thấp hơn nữa. Các hệ thống quan liêu sau cùng sẽ tự hủy diệt chính mình - khi chúng để cho tồn tại các công việc vô bổ. Chúng trở nên cứng nhắc và không thể thích ứng với sự thay đổi. Hãy xem sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và (một ví dụ bé hơn là) những bất ổn tại General Motors.
Chúng ta cũng học hỏi được từ Parkinson về tầm quan trọng của thời hạn hoàn thành công việc. Bởi vì công việc có thể co dãn vô tận, nên sẽ không có việc nào được hoàn tất mà không có thời hạn. Nếu hôm nay không phải là hạn chót để viết bài báo này, tôi sẽ viết vào ngày mai. Và ngày mốt, và ngày sau nữa. Tôi sẽ viết mãi, bởi vì thời hạn dành cho bài viết đó là vô tận. Thời hạn có thể khiến cho các ý tưởng chỉ dừng lại ở mức nông cạn hời hợt, nhưng nếu không có thời hạn thì cũng sẽ có không ý tưởng nào cả.
Một số công trình nghiên cứu của Parkinson (Sự can thiệp của Anh tại Malaysia, 1867 - 1877) là không mấy hấp dẫn. Danh tiếng của ông chủ yếu có từ cuốn Quy luật Parkinson (1957) và tác phẩm tiếp theo, Quy luật và Lợi ích (1960). Hai cuốn sách này chứa đựng nhiều trí tuệ và sự vui tươi. Không có ủy ban nào có thể thành công với số lượng thành viên lớn hơn 21 người. Với quan điểm này, “ủy ban khi đó sẽ là vô vọng. Nó sẽ chết”. Nó sẽ chỉ tạo ra “chuyện ngớ ngẩn”. Một vài thành viên trong ủy ban nhỏ gọn hơn có thể lẳng lặng “trao cho nhau các lời nhắn rằng: ‘Ăn trưa với tôi vào ngày mai - rồi chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề’.”
Parkinson thấy rằng: tại cuộc họp, người ta nói theo một tỷ lệ nghịch đảo với khối lượng hiểu biết của mình. Những người không hiểu biết nhiều có thể “bô lô ba la” bất tận và xả ra bằng hết tất cả các kiến thức của họ trong một cuộc họp. Họ không bị kìm chế bởi sự vô minh, bởi vì họ không biết những gì họ chưa hiểu biết. Ngược lại, những người hiểu biết nhiều lại không thể giải thích tất cả mọi thứ chỉ trong khuôn khổ một cuộc họp. Bất cứ thứ gì mà họ có thể nói ra sẽ làm xúc phạm người khác nếu điều này thể hiện sự thiếu hiểu biết của họ. Một động thái xấu trong sự nghiệp. Tốt hơn là im lặng.
Parkinson giải thích rằng mọi sự nghiệp thành công đều trải qua mười giai đoạn:
1. Độ tuổi xây dựng năng lực (ba năm)
2. Độ tuổi suy xét chín chắn (bảy năm)
https://thuviensach.vn
3. Độ tuổi phát triển (năm năm)
4. Độ tuổi trách nhiệm (ba năm)
5. Độ tuổi lão luyện (bảy năm)
6. Độ tuổi đạt thành tựu (chín năm)
7. Độ tuổi xuất chúng, khác biệt độc đáo (sáu năm)
8. Độ tuổi của chân giá trị (ba năm)
9. Độ tuổi của sự thông thái (bảy năm)
10. Độ tuổi của sự cản trở (?)
Tuy nhiên, nhiều người bắt đầu sự nghiệp thì rất thành công nhưng sau đó kết thúc ảm đạm: 6. Độ tuổi của sự thất vọng (chín năm)
7. Độ tuổi của lòng đố kỵ, ghen ghét (bốn năm)
8. Độ tuổi miễn nhiệm (năm năm)
9. Độ tuổi của sự quên lãng (?)
Quy luật thứ hai của Parkinson, mặc dù không nổi tiếng như quy luật đầu, cũng khá quan trọng: Chi tiêu tăng để đáp ứng thu nhập. Ông cũng bổ sung thêm bằng sự xác nhận: chi tiêu không những tăng thêm là chỉ để bắt kịp với thu nhập, mà còn có xu hướng vượt qua thu nhập. Nghĩa là: càng có nhiều hơn, thì bạn càng đòi hỏi nhiều hơn. Điều này lý giải tại sao những người giàu có không phải là luôn luôn hạnh phúc hay thậm chí là lúc nào cũng có khả năng thanh toán. Một vài năm trước đây, anh em nhà Hunt tại Texas (từng là những tỷ phú) đã phá sản khi cố gắng thu mua để đầu cơ vào thị trường bạc của thế giới. Lẽ ra họ cần phải đọc các tác phẩm của Parkinson.
Nhưng Parkinson chủ yếu dự định dùng quy luật thứ hai của mình để giải thích sự gia tăng liên tục trong chi tiêu của chính phủ. Theo ông, các chính phủ sẽ chi tiêu bất cứ thứ gì mà họ có, và có lẽ còn nhiều hơn cái họ có một chút. Tăng thuế và kèm theo đó là tăng chi tiêu. Giảm thuế và có thể giảm bớt chi tiêu. Cách đánh giá theo quy luật thứ hai của Parkinson có thể có giá trị nhiều hơn cả pháp luật. Chính phủ các nước (đặc biệt là của chúng ta) chỉ hơi bối rối chút ít khi chi tiêu vượt xa khoản thu từ thuế.
Parkinson thích trích dẫn lời của Thomas Jefferson về giá trị của chính phủ nhỏ. Jefferson đã từng nói “Tôi coi vấn đề tiết kiệm [trong chính phủ] là một trong số các yếu tố đạo đức hàng đầu và quan trọng nhất”. Nếu không có tiết kiệm, “chúng ta phải tự đánh thuế lên sản phẩm thịt và nước uống của chúng ta, thu thuế từ các nhu yếu phẩm và các tiện nghi sinh hoạt, từ sự lao động và hoạt động giải trí của chính chúng ta”. Và sau cùng là: “Nếu chúng ta có thể ngăn chặn được chính phủ không gây lãng phí từ lao động của người dân, với sự giả vờ như đang chăm lo cho họ, người dân sẽ được hạnh phúc”. (Tổng thống Clinton, một người háo hức tiêu pha, cũng tỏ ra mình là một người tiếp bước Jefferson. Parkinson đã có thể nói rằng: “Chắc chắn rồi, thưa Tổng thống, Ngài đùa cho vui thôi.”)
Chúng ta nợ Parkinson còn nhiều hơn những hiểu biết sâu sắc của ông. Ông gợi cảm hứng cho những người bắt chước theo sau, những người đã nghĩ ra những quy luật của cuộc sống - có thể hẹp hơn. Ví dụ, quy tắc Peter (“Mỗi nhân viên đều có xu hướng leo lên đến một cấp bậc mà tại đó người ta không có đủ năng lực”). Tôi đã muốn xếp quy luật Murphy (“Nếu sự việc có thể trở nên sai lầm, nó sẽ sai lầm như vậy”) trong thể loại này, nhưng kiểm tra lại thì tôi phát hiện ra rằng quy luật này đã xuất hiện từ trước đó, vào năm 1949. Tác giả của nó là Ed Murphy, một kỹ sư máy bay. Khi nói về một kỹ thuật viên, Murphy cho biết: “Nếu có bất kỳ cách nào để làm sai, anh ta sẽ phạm sai lầm theo cách đó”.
https://thuviensach.vn
Vậy đó. Parkinson không phải là tất cả suối nguồn trí tuệ. Ông chỉ là người hiểu biết nhiều. Là một người Anh, ông “coi hầu hết người Mỹ là thất học”, theo tờ Thời báo London trong mục cáo phó. Chúng ta có thể tha thứ cho ông về việc này, bởi vì ông đã giúp chúng ta hiểu biết và làm cho chúng ta cười. Xin cảm ơn ông.
Bưu điện Washington
Ngày 17 tháng 3 năm 1993
SỰ QUAN LIÊU CŨNG NHƯ CUỘC SỐNG
Khi cuốn Nhà tổ chức (The Organisation Man) của William H. Whyte Jr xuất hiện 30 năm về trước, nhà xuất bản của ông từng nghĩ rằng nó sẽ không thành công[57]. Số lượng ấn bản lần đầu là rất nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi cuốn sách đã được bày bán trong tháng 12 năm 1956, nó đã lọt vào danh sách các cuốn bán chạy nhất và tiếp tục tồn tại trong danh sách này thêm 7 tháng nữa. Whyte đã đánh đúng vào tâm lý của người Mỹ sau chiến tranh. Mặc dù vừa thoát khỏi cơn khủng hoảng và đang tắm mình trong thịnh vượng, họ vẫn không cảm thấy dễ chịu. Dưới góc độ nào đó, họ đã cảm thấy lạc lối, và không quá tin tưởng vững chắc về một số quyền tự do của mình trước các Doanh nghiệp Lớn, Chính phủ Lớn, và Tất cả mọi thứ Lớn khác.
Cuốn Nhà tổ chức tồn tại như một thứ “tân cổ điển” (modern classic), vì nó nắm bắt một phần cố định của các điều kiện xã hội. Chúng ta thừa nhận rằng các tổ chức khổng lồ là điều không thể tránh khỏi, thậm chí còn là mong muốn của chúng ta, nhưng chúng ta cũng không tin tưởng chúng. Nhưng cùng với sự hoài nghi này lại là sự khát khao về một nơi trú ẩn mang ý nghĩa tâm lý và kinh tế từ các tổ chức đó. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy tự hào, có địa vị, và tình bằng hữu từ việc liên kết được với một nhóm lớn hơn.
Whyte rõ ràng không phải là người đầu tiên phân tích các tổ chức quan liêu. Hiểu biết sâu sắc của ông là việc nhận thức cho rằng mối nguy hiểm của tổ chức quan liêu thường phản ánh sức mạnh của chúng. Cuốn sách được viết khi niềm tin đặt vào các tổ chức lớn đã ở đỉnh cao nhất, ông lo lắng chính xác là vì các tổ chức quan liêu nhìn chung là đang “chạy” tốt và cũng là cần thiết. Chúng sản xuất ra kem đánh răng, chúng bán bảo hiểm, cung cấp dịch vụ giáo dục, và thu các loại thuế. Bởi vì các tổ chức này có vẻ như đúng đắn, lại có thể trả lương tốt, bảo đảm công ăn việc làm và tạo uy tín, nên yêu cầu của nó đối với cá nhân chắc chắn là sự phục tùng. Các yêu cầu này sẽ dập tắt sự lựa chọn và sáng tạo.
Whyte đã viết “không phải là Tổ chức sẽ chèn ép các cá nhân nhiều hơn rất nhiều so với những gì nó đã làm trước kia. Chỉ là các cá nhân ngày càng khó khăn để biết được khi nào thì họ bị chèn ép.”
Tất nhiên, với hiểu biết mà chúng ta thấy rằng: tầm nhìn trên của Whyte đã được cường điệu hóa. Sự lấn lướt của tổ chức không bao giờ tàn nhẫn như ông tưởng tượng. Chỉ một số bộ máy quan liêu là tàn nhẫn - sự quan liêu theo nghĩa tồi tệ nhất. Các tập đoàn khổng lồ chưa khi nào hoàn toàn kiểm soát được nền kinh tế. Những kẻ “ngoại đạo” đã luôn luôn có cơ hội để thành lập doanh nghiệp mới từ đầu. Trong những năm 1950, Ray Kroc đã khai trương nhà hàng McDonald’s đầu tiên, Joseph Wilson tung ra máy photocopy Xerox, và Ken Olsen xây dựng nên công ty
Digital Equipment, đó là 3 ví dụ cho thấy những chú lùn đã trở thành người khổng lồ.
Những gã khổng lồ cũng từng phải nao núng. Ai tưởng tượng nổi rằng Công ty Điện thoại và Điện báo Hoa Kỳ (AT&T) một ngày kia đã quyết định tạm thôi việc 27.000 lao động? Hoặc làm sao để hình dung rằng General Motors buộc phải cắt giảm 25% lực lượng lao động “cổ cồn trắng” của họ? Dưới một góc độ nhất định, hàm ý từ các hợp đồng lao động mà Whyte lo ngại rằng sẽ khiến người Mỹ rơi vào thế thụ động đã trở nên gay gắt ở cả hai đầu. Ở phía công ty lớn, họ ít có khả năng tạo ra việc làm lương cao và ổn định. Phía bên kia, lòng trung thành của nhân viên cũng đã phai nhạt.
Văn hóa phổ biến đã hấp thu “dị giáo” của Whyte. Ngày nay, sự bi quan chán nản trước các động cơ của
https://thuviensach.vn
doanh nghiệp là chuyện bình thường, thậm chí còn là mốt thời thượng. Sự sợ hãi mà các tổ chức lớn từng trải qua vào giữa những năm 1950 đã chỉ là tình huống thoáng qua nhanh. Nó không chỉ đơn thuần là mong muốn thịnh vượng của một thế hệ mỏi mệt sau Đại suy thoái. Bản thân cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II dường như đã minh chứng cho sự đúng đắn của các tổ chức lớn: quân đội, ngành nghề thời chiến, và các cơ quan chính phủ. Hơn 16 triệu người Mỹ đã mặc quân phục. Mọi người đều biết các tổ chức lớn đều phải có cái giá của nó, nhưng có vẻ cái giá này là xứng đáng. Chiến tranh đã kết thúc thắng lợi.
Nhưng, như Whyte đã viết, sự đồng thuận này đã rạn nứt. Năm 1955, cuốn The man in flannel gray suit (tạm dịch: Người đàn ông mặc vest xám) đã trở thành cuốn bán chạy nhất. Năm 1960, cuốn The Apartment (tạm dịch: Căn hộ) đoạt giải Học thuật dành cho tác phẩm có hình ảnh tốt nhất. Mỗi người đều chế nhạo các công ty, tổ chức lớn. Thái độ đã thay đổi. Mặc dù vậy, sự chuyển đổi chưa xóa sạch cuộc xung đột giữa các cá nhân và tổ chức. Đối với nhiều người, việc làm lâu dài như một sự nghiệp vẫn là chuẩn mực căn bản. Đến cuối thập niên 1930, khoảng một nửa số người lao động đã có thâm niên công việc là 20 năm, hoặc cao hơn. Và các lợi ích phụ, ràng buộc người lao động với công việc của họ ngay cả khi họ muốn di chuyển, cũng tăng trưởng theo thời gian. Trong những năm 1950, vấn đề lương hưu và bảo hiểm y tế vẫn chỉ còn trong giai đoạn rất sơ khai.
Bản thân Whyte đã không lên án các hình thức hời hợt của sự tuân thủ mang tính xã hội, bao gồm biểu tượng mới nhất của nó trong những năm 1950: nhà ở trong vùng ngoại thành. Ông cho rằng sự thịnh vượng không xấu, và sản xuất hàng loạt chắc chắn tạo ra sự đồng nhất. Và cuốn Nhà tổ chức cũng không mong đợi có các cá nhân “ương ngạnh”, những người (theo lập luận của Whyte) không phải là hình mẫu thực tế trong một thế giới quan liêu. Ý tưởng mơ hồ hơn của Whyte về chủ nghĩa cá nhân nghĩa là việc kiểm soát “số phận một con người”.
Những gì ông chối bỏ là một triết lý xã hội cho rằng nhiệm vụ “kiểm soát con người” này là thuộc về tổ chức. Trong thập niên 1950, người Mỹ đã được nghe - và chấp nhận, theo suy nghĩ của Whyte - rằng sự tuân thủ các yêu cầu của tổ chức là một tiến bộ xã hội. Các tổ chức lớn là “suối nguồn sáng tạo” của xã hội. Sự hợp tác làm mọi việc tốt hơn. Trong khi đó, các tổ chức biết chăm lo đến cá nhân sẽ tạo ra “một bầu không khí hài hòa [để]... mang lại điều đẹp đẽ nhất cho tất cả mọi người”.
Điều mỉa mai hiện nay là các công ty Mỹ đang bị chỉ trích - ví dụ như khi so với các công ty Nhật Bản - vì không tạo đủ cảm hứng cho sự hợp tác. Tuy nhiên, đối với Whyte, bức tranh về chuyện giải quyết êm thấm ở nơi khác là giả tạo. Ông thừa nhận rằng các tổ chức cũng cần sự hợp tác, nhưng tranh luận rằng yêu cầu của cá nhân luôn luôn lệ thuộc vào mục đích lớn hơn của tổ chức. Vậy là “tiến thoái lưỡng nan”. Hầu hết mọi người, bị phụ thuộc vào một tổ chức nhất định, đã phải lựa chọn: phải chấp nhận yêu cầu của tổ chức nhiều bao nhiêu và khẳng định cá tính của họ nhiều như thế nào. Khó có thể xác định rõ là cần làm gì. Chống đối lại “việc được khích lệ, hoặc cứ bướng bỉnh? Hữu ích, hay ích kỷ? Rốt cục ai đúng?”
Hầu hết chúng ta đang sống với sự mơ hồ và thỏa hiệp hàng ngày, xuất phát từ thực tế này. Có lẽ tại Nhật Bản, nơi mà lòng trung thành mạnh mẽ hơn, những căng thẳng đang bị dập tắt. Trong văn hóa của chúng ta, mâu thuẫn thật sâu sắc. Cuốn Nhà tổ chức vẫn đúng đắn trong thời gian dài vì nó nhận ra tính bất biến của các yếu tố này. Một số tổ chức làm tốt hơn và một số thì tệ hơn. Nhưng Whyte phủ nhận thói lạc quan bẩm sinh của người Mỹ khi họ không thừa nhận các cuộc xung đột và tưởng tượng rằng tất cả những câu chuyện đều có hậu. Ông đã nhìn thấy các phương thức quản lý theo “mốt” nhất thời và các định lý về tâm lý hứa hẹn những niềm hạnh phúc không tưởng - chúng đã rất phổ biến trong những năm 1950, cũng như ngày nay - là nông cạn và ích kỷ. Ông viết: “ nhiều người hỏi vậy đâu là ‘giải pháp’? Không có giải pháp nào cả.” Điều này đã đúng từ 30 năm trước đây, và ngày nay nó vẫn đúng.
Newsweek
Ngày 12 tháng 1 năm 1987
ĐẾ CHẾ NGƯỜI TIÊU DÙNG
https://thuviensach.vn
Tất cả chúng ta đều nợ những người tại công ty Coca-Cola, đó là món nợ của lòng biết ơn. Họ đã cho chúng ta vui chơi giải trí miễn phí vào mùa hè năm nay và - tình cờ là - một bài học căn bản về cơ chế của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Họ truyền tải ý nghĩa mới vào một khái niệm cũ: đế chế người tiêu dung[58]. Họ đã chỉ ra rằng ngay cả những công ty thành công nhất, với tất cả các cuộc khảo sát marketing tỉ mỉ và công tác quảng cáo rầm rộ, vẫn là “con tin” của những thói quen, lối sống, và nhu cầu thường là không thể đoán trước được của người tiêu dùng.
Tôi biết rằng điều này là khó nuốt. Ý tưởng cho rằng các tập đoàn lớn đang thao túng mọi người được ăn sâu trong văn hóa phổ biến. Chúng ta thấy mình như những người được bảo trợ “bất đắc dĩ” của các hãng lớn tại nước Mỹ. Thật vậy, sự bực bội đối với Coke được nuôi dưỡng trong tâm lý các nạn nhân. Nó phảng phất như một cuộc vận động chứ không rộng lớn như một cuộc nổi dậy để phản đối doanh nghiệp: một vấn đề đủ đơn giản và tính biểu tượng để tập trung sự thù địch mơ hồ dành cho doanh nghiệp của chúng ta trước một mục tiêu duy nhất. Sự bực bội đã được thỏa mãn (cho dù bạn không uống Coke), chính xác là vì nó đã làm thuyên giảm đi sự thôi thúc để hô to “hoan hô tổ chức” - và cũng có được một số kết quả.
Được đấy, khá tốt.
Nhưng cái sai ở đây là việc nhầm lẫn giữa sự vô dụng thường thấy của chúng ta với sức mạnh của doanh nghiệp. Nếu bộ truyền chuyển động trên chiếc xe hơi General Motors của bạn bị hỏng, bạn muốn ông Roger Smith (chủ tịch của GM) sửa chữa nó. Mặc dù việc ông Smith không thể thực hiện dịch vụ cho bạn khiến cho GM có vẻ hách dịch, điều đó cũng không làm cho GM trở thành một Đấng toàn năng. Quyền độc lập tự chủ của người tiêu dùng thường được thực thi một cách vô cảm và không nhìn thấy được. Cùng với điều này, việc thay đổi công nghệ và các doanh nghiệp mới, cũng như việc chuyển đổi lối sống và các giá trị, ngăn cản các công ty hiện hữu kiểm soát được những gì chúng ta muốn và những gì họ có thể bán. Tình huống của Coca-Cola là một ngoại lệ, khi người tiêu dùng nói thẳng thắn và (đối với giám đốc điều hành của Coke) làm bẽ mặt công ty.
“Thị trường” chỉ đơn giản là một hệ thống “thử và sai”. Trừ khi các công ty có thể ngăn chặn sự lựa chọn và thay đổi, họ rốt cục vẫn chỉ là các tù nhân của thị trường. Điều này không có nghĩa là chúng ta có tất cả những sự lựa chọn hàng ngày theo sở thích. Nhưng những lựa chọn quan trọng nhất (và là hình thức cạnh tranh mang tính đe dọa nhiều nhất) thường là những gì có liên quan đến những thay đổi lớn về kinh tế, công nghệ và xã hội, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Ví dụ, hàng tiêu dùng bán chạy nhất ngày nay, các lò vi sóng (ước tính sản lượng bán trong năm 1985 là 10 triệu sản phẩm), đã hưởng lợi từ việc gia tăng các gia đình có 2 nguồn thu nhập (cả người vợ và người chồng cùng đi làm - ND) và ít có thời gian dành cho việc nấu ăn.
Ý tưởng cho rằng các tập đoàn, công ty lớn thao túng thị trường đã có từ những năm 1950, khi nhà kinh tế học John Kenneth Galbraith lập luận rằng: quảng cáo tạo ra các nhu cầu mà người dân không có (nghĩa là các nhu cầu giả tạo - ND). Do đó các công ty có thể “uốn nắn” sự lựa chọn của người tiêu dùng để cung cấp công nghệ. Tính thuyết phục của ý tưởng này có vẻ như được xác thực với hoạt động marketing “công nghệ cao” hiện nay. Ví dụ, kể từ cuộc điều tra dân số năm 1970, chính phủ đã có những băng từ máy tính chứa dữ liệu nhân khẩu học quan trọng - dân số, thu nhập, độ tuổi, tình trạng hôn nhân, giáo dục - theo ZIP code. Khi kết hợp với các dữ liệu khác từ thăm dò ý kiến về thói quen hay giá trị mua sắm, các nhà nghiên cứu thị trường có thể xây dựng được hồ sơ từng khu vực để nhắm đến việc gửi thư trực tiếp, đánh giá (hoặc sáng tạo ra) các chương trình quảng cáo, hoặc lựa chọn địa điểm mở cửa hàng.
Nhưng tất cả điều này chỉ đem lại sự kiểm soát về hình thức bề ngoài.
Khái niệm cho rằng quảng cáo tạo ra nhu cầu là vô nghĩa, trống rỗng, như nhà xã hội học Michael Schudson đã trình bày trong một cuốn sách mới (Quảng cáo, sự thuyết phục khó khăn, Basic Books). Một số sản phẩm - từ cocain đến các hàng hóa thông thường khác - đã thành công với rất ít hoặc không hề có quảng cáo. Schudson cũng khảo sát những gì đã được coi là sự quảng cáo thuyết phục trong những năm 1920 cho việc hút thuốc lá, đặc biệt là dành cho phụ nữ. Thực tế thì, sự gia tăng hút thuốc chủ yếu phản ánh tình hình nam giới khi đó chuyển đổi từ thói quen nhai thuốc lá và hút xì gà. Và các yếu tố phi quảng cáo mới là các nguồn lực chi phối: công thức pha trộn thuốc lá nhẹ hơn nên người ta dễ thử hơn; thuốc lá được gửi cho chiến sĩ trong Thế chiến thứ I đã tạo sức cổ vũ lớn; và quá trình đô thị hóa phát triển làm hạn chế việc nhai thuốc lá.
https://thuviensach.vn
Quảng cáo chủ yếu chỉ ảnh hưởng đến việc lựa chọn thương hiệu, chứ không tác động nhiều đến mô hình tiêu dùng. Schudson viết: “bất kỳ sản phẩm tiêu dùng mới nào mà không bị biến mất một cách nhanh chóng hầu như đều liên quan đến các xu hướng xã hội sâu sắc”. Schudson không phải là người biện hộ cho quảng cáo. Ông không thích đa số các mục quảng cáo và nghĩ rằng một số người tiêu dùng (đặc biệt là trẻ em) dễ bị tổn thương vì sự quá lời trong quảng cáo. Nhưng ông cũng nhìn thấy sức mạnh được thổi phồng của quảng cáo.
Tại sao ư? Đầu tiên, người ta không chú ý nhiều; một cuộc khảo sát năm 1981 cho thấy quảng cáo qua truyền hình chỉ giúp gợi nhớ 7%. Thứ hai, chúng khiến mọi người nhầm lẫn; một cuộc khảo sát khác cho thấy một phần ba số người xem quảng cáo đã khen ngợi sản phẩm Kodak bằng việc trích dẫn từ mục quảng cáo của thương hiệu Polaroid. Cuối cùng, họ đang hoài nghi; một cuộc khảo sát năm 1980 cho thấy 70% người Mỹ đang quan tâm đến tính trung thực của quảng cáo. Suy cho cùng, giá cả, kinh nghiệm cá nhân và lời truyền miệng lại quan trọng hơn đối với sự thành công trong thương mại, nếu so với quảng cáo. Nếu quảng cáo là điều thiết yếu để liên tục thúc đẩy các nhu cầu “nhân tạo”, chi tiêu tương đối cho quảng cáo lẽ ra phải tăng; nhưng trong thực tế nó vẫn chỉ ở mức 2,3% tổng sản phẩm quốc nội trong cả hai năm 1937 và 1983.
Tất cả những dữ liệu marketing cũng không thể luôn luôn giúp dự đoán được người ta sẽ mua những gì. Sai lầm của Coke và những lúng túng khác trong công tác marketing
được miêu tả như những thất bại đơn lẻ. Thực tế không phải vậy. Chỉ có hai sản phẩm thành công trong mỗi ba sản phẩm mới, theo Booz, Allen & Hamilton; và để có được một thành công, ít nhất phải nghiên cứu 7 ý tưởng. Người tiêu dùng luôn gây bất ngờ. Sự bùng nổ doanh số bán của sản phẩm đầu máy video (và tất cả các lĩnh vực liên quan) khiến cho hầu hết các nhà sản xuất kinh ngạc. Nếu các thị trường vẫn còn cởi mở, quyền tối cao của người tiêu dùng và các doanh nghiệp khổng lồ có thể cùng nhau tồn tại. Một công ty lớn, Procter & Gamble, đã tiên phong trong sản phẩm tã lót dùng một lần vào năm 1961; ngày nay, 16 tỷ sản phẩm được bán ở Hoa Kỳ hàng năm, ước tính đạt khoảng ba phần tư tổng sản lượng. Sản phẩm không rẻ (khoảng 17 cents mỗi miếng), và chúng đã thành công bởi vì được các bậc cha mẹ ưa thích.
Ý thức của chúng ta về việc bị lệ thuộc vào những công ty lớn của nước Mỹ phần nào phản ánh sự thiếu tự tin vào xã hội tiêu dùng của chính chúng ta. Liệu chúng ta có thực sự muốn tất cả những điều mà dường như chúng ta làm? Tính huyền bí trong quyền lực của công ty cũng được củng cố với việc chấp nhận cả hai nhóm người: những người tuyên truyền cho công ty (lãng mạn hóa các công cụ marketing sắc bén) và các nhà phê bình xã hội (phàn nàn về quy mô và tính xa vời của doanh nghiệp). Vâng, có lẽ người ta hiểu đúng. Có lẽ tôi đã sai lầm về tính độc lập tự chủ của người tiêu dùng. Có lẽ các nhân vật của Coca-Cola đã thiết kế một trò lừa bịp khổng lồ. Có lẽ họ đã luôn luôn có kế hoạch để đưa Coke “cổ điển” tái xuất hiện. Có lẽ họ đã có âm mưu để tung ra công chúng các sản phẩm miễn phí. Có lẽ họ vui vẻ làm cho chính họ trông giống như các chú hề. Nếu vậy, tôi xin ngả mũ kính chào họ. Họ đã làm được một việc lớn.
Newsweek
29 tháng 7 năm 1985
LỜI KHEN TẶNG DÀNH CHO MCDONALD’S
Tôi vui quá. Nhà hàng McDonald’s cách văn phòng của tôi một block nhà đã mở cửa trở lại. Kể từ khi nó đóng cửa cách đây hai năm - vì tòa nhà bị phá bỏ - tôi đã vô cùng khổ sở. Bây giờ tôi có thể có phần Big Mac và khoai tây chiên như trước. Việc viết lách của tôi chắc chắn sẽ được cải thiện.
Ca ngợi một công ty chỉ vì lợi ích của riêng công ty đó là việc không thể chấp nhận được trong ngành báo chí: mua bán hơi thô thiển kiểu này thực sự là không đẹp. Nhưng tôi không quan tâm. McDonald’s không phải là một công ty bình thường. Đó là chuỗi nhà hàng lớn nhất trong lịch sử. Một cuộc khảo sát về các thương hiệu nổi tiếng trên toàn quốc gần đây cho thấy thương hiệu McDonald’s lọt vào 5 tên tuổi đứng đầu
https://thuviensach.vn
(Coca-Cola là số 1). McDonald’s vẫn là một trong những hiện tượng kỳ thú nhất của thời đại chúng ta. Trong số những thứ khác, McDonald’s đã:
phục vụ khoảng một phần ba trong tổng số tất cả các hamburger được bán tại các nhà hàng Hoa Kỳ (tổng số hamburger được bán từ trước đến nay đã là hơn 70 tỷ cái).
là doanh nghiệp lớn (doanh thu bán hàng năm 1988 là 11,4 tỷ dollar) cao hơn doanh thu của cả 3 chuỗi kinh doanh thức ăn nhanh kế tiếp nó cộng lại (Burger King, Kentucky Fried Chicken (KFC) và Pizza Hut).
mở một nhà hàng mới sau mỗi 15 giờ đồng hồ (tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là ở thị trường nước ngoài, với doanh thu từ bán hàng quốc tế chiếm gần một phần ba tổng số doanh thu của McDonald’s).
Có ba loại người Mỹ. Đầu tiên là những người như tôi, công khai “tôn thờ” McDonald’s. Tiếp theo là một nhóm lớn hơn nhiều: những người ưa thích McDonald’s, nhưng sẽ không bao giờ thừa nhận điều đó. Những người này sử dụng con cái của mình như một cái cớ để đến ăn - hoặc ghé thăm một nhà hàng McDonald’s chỉ ở những nơi mà họ sẽ không bị gia đình và bạn bè nhìn thấy. Cuối cùng, có một nhóm nhỏ các người “kỳ lạ” thật sự không thích McDonald’s. Họ không thể chịu đựng nổi món ăn và xem McDonald’s là hiện thân của tất cả những gì thô tục trong văn hóa phổ biến của Hoa Kỳ.
Trước Ray Kroc - người đã xây dựng chuỗi nhà hàng thành thứ mà chúng ta thấy ngày nay - đã có Richard và Maurice McDonald. Các anh em nhà McDonald hình thành các nền tảng Vàng và các ý tưởng cơ bản đằng sau sản phẩm thức ăn nhanh. Năm 1948, họ chuyển đổi một nhà hàng thông thường, đang hoạt động thành công tại San Bernardino, California, thành hình mẫu cho mỗi nhà hàng thức ăn nhanh tiếp theo sau đó. Họ rút ngắn menu dài dòng xuống chỉ còn năm món (hamburger, cheeseburgers, khoai tây chiên, sữa lắc, và nước sô-đa). Họ giảm giá (một hamburger đi từ 30 cent xuống còn 15 cent). Và họ đã sử dụng dây chuyền lắp ráp trong chế biến thực phẩm.
“Thương mại ẩm thực [đã] được coi là một nghệ thuật cá nhân”, John Love viết trong cuốn sách tuyệt vời McDonald’s, phía sau vòm cửa (Bantam, 1986). “Nhưng khái niệm về một menu giới hạn của các anh em nhà này đã cho phép họ chia nhỏ các hoạt động kinh doanh thực phẩm thành những công việc đơn giản, lặp đi lặp lại và có thể được học một cách nhanh chóng...”. “Nhân viên nướng” làm hamburger, sản phẩm được “nhân viên gói” bọc lại, và trong trình tự này còn có các nhân viên thực hiện các thao tác lắc, chiên và thu tiền.
Kroc đã cải thiện và nhượng quyền hệ thống của các anh em nhà McDonald’s (họ đã thất bại khi muốn mở rộng). Ông là người cuồng tín về vấn đề vệ sinh thực phẩm, bởi vì ông nhận ra rằng nhà hàng thiếu vệ sinh sẽ giết chết việc kinh doanh của gia đình. McDonald’s thiết lập các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về mọi thứ, từ chất lượng thịt đến chiên khoai tây. Năm 1961, họ xây dựng Đại học Hamburger để đào tạo các nhà quản lý. Việc kiểm tra tại hiện trường được tiến hành thường xuyên. Các nhà cung cấp không đáp ứng được các tiêu chuẩn đều bị loại bỏ. Những người nhận nhượng quyền nhưng làm sai hướng cũng không thể tiếp tục hợp tác. “Chúng tôi sẽ nhanh chóng chọn ra những người tuân thủ, trong số những người nhận nhượng quyền này”, Kroc nói vào năm 1958, ba năm sau khi McDonald’s mở cửa hàng đầu tiên.
Tôi thừa nhận rằng người khổng lồ trong ngành thực phẩm này cũng có nhiều khía cạnh không hấp dẫn tí nào. Công việc là nhàm chán và lại yêu cầu cao, mặc dù - như Ben Wildavsky viết trên tờ tạp chí Heritage Foundation - các công việc này dạy cho người nhân viên nhiều kỹ năng làm việc quan trọng: đúng giờ giấc, làm việc theo nhóm, và thái độ lịch sự với khách hàng. (Wildavsky ước tính rằng trong số 15 người lao động mới thì lại có 1 người bắt đầu sự nghiệp với công việc tại McDonald’s). Chuỗi nhà hàng cũng đã không sáng tạo trong công tác dự đoán những vấn đề xã hội rộng hơn có liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ. Ví dụ, mãi đến bây giờ thì họ mới bắt đầu một chương trình thực nghiệm tái chế các bao bì plastic.
McDonald’s còn có tính cao ngạo, phản ánh tinh thần “quyết chiến quyết thắng” của họ. Khi một chuỗi quán khác là đối thủ cạnh tranh đã khai trương điểm bán đối diện với nhà hàng McDonald’s vào những năm 1960, người người của McDonald’s đã bước sang đường và tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đẩy các anh ra khỏi lĩnh vực kinh doanh này”. Đó là tinh thần của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, cỗ máy McDonald’s cũng không phải là không thể trục trặc. Bị tấn công bởi các nhà hàng thức ăn nhanh phục vụ pizza và bánh taco,
https://thuviensach.vn
lượng khách tại nhiều nhà hàng McDonald’s Hoa Kỳ có giảm nhẹ - điều mà rất hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, xảy ra trước đó.
Cáo buộc tính đồng nhất vô cảm của McDonald’s nghĩa là đã bỏ qua các thay đổi xã hội sâu sắc hơn trong bối cảnh sau chiến tranh, những thứ đã tạo ra thức ăn nhanh. Khi người Mỹ trở nên năng động và bị làm phiền nhiều hơn, mọi người đều tìm kiếm những thứ quen thuộc, nhanh chóng, và tin cậy. Tính đồng nhất và chất lượng của McDonald’s thoả mãn các nhu cầu này. Công thức tương tự hiện đang được ứng dụng ở thị trường nước ngoài. Tính đến cuối tháng 9, trong tổng số 10.873 nhà hàng của chuỗi McDonald’s thì đã có 2.763 nhà hàng ở nước ngoài, trong đó 677 nhà hàng tại Nhật Bản, 598 tại Canada, và 303 tại Tây Đức.
Không thể quá lời khi nói về vấn đề kiểm soát chất lượng. Một lần ở Tokyo, tôi đã dùng một phần Big Mac. Một phần Big Mac tại Nhật Bản không chỉ đơn thuần là gần giống như tại Mỹ, mà hương vị của chúng đúng là một thứ nguyên bản. Khoai tây chiên cũng vậy. Nếu bạn nhắm mắt lại, bạn sẽ thấy mình đang trở lại nhà hàng McDonald’s gần nhà. Xét theo một cách khác: nếu các công ty khác của Mỹ cũng kiểm soát được chất lượng sản phẩm như McDonald’s, lượng hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ chỉ bằng một nửa số lượng ngày nay.
Cuối cùng, McDonald’s minh chứng cho cái mà tôi gọi là “Nguyên tắc Big Mac”. Nguyên tắc này cho rằng phần Big Mac ngon hơn so với “tổng cộng các thứ sau: hai miếng thịt bò, xốt đặc biệt, rau diếp, pho mát, đồ chua, hành và một nhúm hạt mè”. Nói ngắn gọn là: cái tổng thể lớn hơn kết quả từ phép cộng bình thường của các bộ phận. Hoặc, nếu bạn nghĩ rằng một phần Big Mac không ngon bằng các thành phần của nó, bạn có Nguyên tắc Big Mac Đảo ngược. Các công ty, các chính trị gia, các đội thể thao, các ông chủ, toàn bộ nền văn minh - trên thực tế là hầu như bất cứ điều gì - đều có thể được hiểu theo một trong hai Nguyên tắc: Big Mac hay Big Mac Đảo ngược. Ví dụ, Quốc hội là Big Mac Đảo ngược.
Trời đất, hiểu biết sâu sắc tuyệt vời của tôi hiện vẫn chưa được công nhận tính xác đáng của nó. Chắc chắn nó phải được xếp hạng cùng với Quy luật Parkinson hay Quy tắc Peter. Nhưng ít nhất là nguồn cảm hứng của tôi một lần nữa lại ở trong tầm tay. Chào mừng bạn đã trở lại, McDonald’s.
Bưu điện Washington
Ngày 01 Tháng 11 năm 1989
TIẾN GẦN ĐẾN GIỚI HẠN CUỒNG TÍN
Tôi không quá ưa thích Coke, nhưng tôi thích bản báo cáo hàng năm của họ. Trong đó chứa rất nhiều thông tin hấp dẫn và các hiểu biết về kinh doanh. Đọc báo cáo này cũng vui - chủ yếu là vì những mỹ từ vô biên trong đó dành cho Coke, ôi trời, đọc lên nghe buồn cười và chúng cũng nói rất nhiều về vấn đề chất lượng trong công tác quản lý của nước Mỹ, hiện đang còn là nỗi ám ảnh. Báo cáo hàng năm của Coke là một trong các báo cáo mà tôi xem xét kỹ vào mỗi mùa xuân, khi hầu hết các công ty khác cũng đều phát hành. Chúng là một hình thức của lịch sử xã hội và sự bình luận kinh tế bị lãng quên.
Ví dụ, trong báo cáo của mình, IBM nói rằng ứng dụng thương mại chính yếu đầu tiên của Internet sẽ là trong các hoạt động mua bán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; IBM tính toán rằng thị trường này sẽ lớn hơn mười lần so với thị trường người tiêu dùng. Với Colgate-Palmolive, chúng ta biết rằng việc mức độ sử dụng kem đánh răng hàng năm ở Ấn Độ chỉ là 67 gram/người, so với mức trung bình của thế giới là 362 gram; vì khi quốc gia giàu có hơn, các công dân của họ cũng đánh răng nhiều hơn. Johnson & Johnson, một công ty sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhắc nhở chúng ta về tốc độ cao của sự thay đổi trong nền kinh tế; năm ngoái 35% doanh thu của công ty có được là từ các sản phẩm mới của 5 năm qua.
Các báo cáo này, tất nhiên, là đáng hoài nghi. Thông điệp của họ được chọn lọc (các tin xấu sẽ nằm trong phần chú thích, nếu có thể), và tinh thần chung là lạc quan (rất ít công ty thừa nhận những triển vọng ảm đạm hoặc sự ngớ ngẩn trong quản lý). Tuy nhiên, chúng cũng có thể cung cấp thông tin và giúp giải trí.
https://thuviensach.vn
Coca-Cola có lẽ là thương hiệu lớn nhất từ trước đến nay. Công ty này tuyên bố họ bán ra gần một nửa (48%) sản lượng nước giải khát không cồn cho thế giới. Họ cũng ước tính rằng tỷ lệ này đại diện cho “ít hơn 2% trong tổng số khoảng 64 ounce chất lỏng mà con người cần mỗi ngày”. Roberto C. Goizueta, Chủ tịch của Coke, có vẻ như coi tỷ lệ 98% còn lại là trò chơi công bằng. Ông viết:
“Coca-Cola vẫn không thôi khát khao tìm kiếm những phương cách khác để tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn ở nhiều nơi chốn hơn với nhiều sản phẩm của chúng ta, tạo ra giá trị nhiều hơn cho các bạn [các cổ đông]... thật sự là chúng ta chỉ mới bắt đầu”. Tại Hoa Kỳ, mỗi cá nhân uống trung bình 363 lon Coca-Cola hàng năm, nghĩa là gần như mỗi ngày dùng một sản phẩm. Con số này chỉ là 5 sản phẩm hàng năm ở Trung Quốc, 9 tại Indonesia, và 13 tại Nga. Dưới một góc độ khác, Goizueta đặt Coke trong một viễn cảnh lớn lao hơn: “Một tỷ giờ trước, cuộc sống của loài người đã xuất hiện trên Trái Đất. Một tỷ phút trước đây, Thiên chúa giáo nổi lên. Một tỷ giây trước, The Beatles đã làm âm nhạc thay đổi mãi mãi. Một tỷ lon Coca-Colas trước đây chính là buổi sáng ngày hôm qua. (Nghĩa là: Một tỷ sản phẩm Cokes được bán ra cứ mỗi hai ngày.)
Năm mươi năm trước, các báo cáo không được như thế này. Báo cáo năm 1946 của Bethlehem Steel (một doanh nghiệp sản xuất thép lớn hàng đầu Hoa Kỳ - ND) dài 33 trang, so với báo cáo hiện nay của Coke là 73 trang. Bản báo cáo của Bethlehem có bìa màu xám, không hình ảnh, và không biểu đồ. Báo cáo của Coke có bìa màu đỏ rực và được trình bày sinh động với nhiều biểu đồ và hình ảnh minh họa khéo léo. Mục tiêu là để trưng bày đặc tính của doanh nghiệp, thậm chí là “nét độc chiêu” (charisma). Và những yếu tố chuẩn hóa trong tài liệu mang tính hùng biện được thể hiện; nó cho thấy triết lý nổi trội trong công tác quản lý.
Báo cáo năm 1946 của Bethlehem không đề cập đến mục đích của công ty hoặc các điều kiện xã hội, ngoại trừ một tài liệu tham khảo ngắn gọn trình bày về các cuộc đình công. Thực ra, năm 1946 có lẽ là năm có xu hướng đình công cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ; cứ 11 công nhân lại có 1 người tham gia đình công. Nhưng ban quản lý đã câm lặng và giả định rằng các công ty tồn tại là để kiếm tiền. Trong thập niên 1960, tinh thần này đã thay đổi. “Các công ty nắm bắt được ý tưởng rằng: một nhóm độc giả quan trọng [của các báo cáo] là chính các nhân viên, nên bạn có thể truyền thông đến họ các niềm tin, các vấn đề đạo đức và chiến lược của bạn”, theo lời ông William Bruns của Trường Kinh doanh Harvard. Và các nhà quản trị muốn thể hiện rằng họ có trách nhiệm xã hội cũng như đang làm việc hiệu quả. Dưới đây là báo cáo của Công ty American Can năm 1971:
“[Đối với vấn đề] thay đổi khế ước xã hội của chúng ta... việc quản lý phải đáp ứng được các nhu cầu chính đáng của cả ba nhóm đối tác có liên quan: đó là các khách hàng, các chủ sở hữu và các nhân viên của công ty”. Đến giữa thập niên 1980, luận điệu lại được thay đổi một lần nữa. Các tổ chức đầu tư (các quỹ trợ cấp, quỹ tương hỗ) và các nhà phân tích về an sinh phải có ấn tượng về doanh nghiệp. Vì thế, khẩu hiệu thắng thế nhất hiện nay là “Tạo ra giá trị cho các cổ đông”. Điều này tái khẳng định rằng khả năng sinh lợi là một mục tiêu, mà nếu không đạt được thì có thể đồng nghĩa với sự hủy diệt. (Ví dụ, công ty American Can đã được sáp nhập để tồn tại). Tuy nhiên, hầu hết các công ty đều cố gắng sử dụng các báo cáo để tự làm cho mình trở nên “nhân văn” hơn với việc kể chuyện về những người anh hùng chưa được ca ngợi của họ: người lao động.
Thỉnh thoảng, những câu chuyện này cũng vượt qua được cái nhìn sắc sảo của công luận hoặc việc bị đánh giá thấp. Trong báo cáo của mình, Merck - một công ty dược phẩm trị giá 20 tỷ dollar - đã kể lại lịch sử dài hàng thập kỷ của Crixivan, một loại thuốc mang enzyme ức chế được sử dụng để chống lại bệnh AIDS. Dự án đã liên tục phải đi lùi. Năm 1988, nhà nghiên cứu hàng đầu đã thiệt mạng trong vụ đánh bom trên chuyến bay 103 của hãng Pan Am. Những phiên bản đầu của sản phẩm đã liên tục thất bại trong các thử nghiệm lâm sàng. Việc sản xuất thuốc là vô cùng phức tạp; khởi đầu người ta mất một năm để làm ra 100 pound các thành phần hoạt tính. Tuy nhiên, vào đầu năm 1996 sản phẩm đã được chấp thuận, và đến cuối năm thì đã có 125.000 bệnh nhân sử dụng. Những người tham gia công việc này được nhắc đến nhiều trên hai trang báo cáo của Merck.
Tôi không sở hữu chứng khoán của Merck, hay bất kỳ công ty nào khác được đề cập trong bài báo này. Nhưng câu chuyện như thế này nhắc nhở chúng ta rằng công tác quản lý - bất kể là quản lý cái gì - cũng đều là vấn đề quan trọng. Sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào điều đó. Rắc rối ở đây là các báo cáo hàng năm không bao giờ nói cho chúng ta biết một cách chắc chắn rằng một công ty có được quản lý tốt
https://thuviensach.vn
hay không. Microsoft thì sao nhỉ? Nếu chỉ dựa vào lợi nhuận cực kỳ lớn của công ty này thì cũng không thể đảm bảo rằng nó được quản lý tốt. Lợi thế lớn của Microsoft là việc sản phẩm chính của nó (phần mềm Windows) thống trị trong một thị trường tăng trưởng nhanh, từ đó tạo ra một lượng lớn tiền mặt lớn để có thể che đậy hoặc bù đắp được các thiếu sót khác trong công tác quản lý. Năm 1996, Microsoft đã thu lợi nhuận 2,2 tỷ USD từ doanh thu 8,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, các báo cáo này đúng là có làm cho chúng ta biết thêm vài điều liên quan đến tinh thần của các nhân vật chóp bu tại các công ty lớn. Đó là sự kết hợp của mối lo lắng về sự cạnh tranh và lối “tỏ vẻ ta đây” trong hiệu quả hoạt động. Điều đó có thể giải thích tại sao rất nhiều công ty Hoa Kỳ vẫn vượt trội và cũng cho biết nguyên nhân nhiều vị CEO cảm thấy có quyền nhận mức lương hậu hĩnh (đôi khi cao đến kỳ lạ). Sự chuyên tâm vào một mục đích của họ thường có xu hướng thiên về tính cực đoan. Jack Welch, chủ tịch của General Electric, cho biết như vậy trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Frank Swoboda của tờ Bưu điện Washington. Welch nói: “hai thập kỷ trước, được mang chức danh tổng giám đốc điều hành (CEO) là đỉnh cao của sự nghiệp. Bây giờ thì nó chỉ là khởi đầu của sự nghiệp. Bạn không thể là một người ôn hòa, cân bằng, chu đáo và cẩn thận khi thực thi các chính sách. Bạn đã đến ranh giới của những người cuồng tín”.
Newsweek
Ngày 21 tháng 4 năm 1997
TUỔI GIÀ CỦA RALPH NADER
Bạn vẫn có thể tìm thấy Ralph Nader đang làm việc tại một văn phòng lộn xộn, cách Nhà Trắng 15 phút đi bộ. Tại đó có nhiều tủ sách với đầy đủ các cuộc tranh luận của Quốc hội và các bàn trải đầy báo chí. Nader đã cao tuổi. Ở tuổi 51, trông ông vẫn rất giống như 20 năm về trước, khi việc công bố cuốn sách Không an toàn ở bất cứ tốc độ nào (Unsafe at Any Speed)[59] đã khiến ông xuất hiện trước mắt công chúng. Ông vẫn ưa mặc vest ngay ngắn, màu nâu xám. Tóc của ông vẫn dày và cắt gọn gàng. Nhưng đã có nhiều sợi bạc ở vùng gần tai, và dáng cao gầy của tuổi trung niên khiến ông có vẻ hơi phờ phạc.
Điều thú vị nhất về Nader hiện nay là việc người ta không còn tranh luận về ông nữa. Ông phần nào phản ánh sự thay đổi tâm tính của cả dân tộc chúng ta. Người Mỹ, theo Tocqueville, tin tưởng vào “sự hoàn hảo vô hạn của con người”. Nader là bằng chứng về độ bền bỉ - và tính hay thay đổi - của xu hướng đó. Ông đã đạt đỉnh cao vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, khi niềm tin vào tính ưu việt của nền kinh tế cũng chính là việc xem thường những căn cứ sẵn có. Nền kinh tế mỏng manh dễ vỡ của những năm 1980 khiến cho Nader trở thành người “dùng một lần rồi bỏ”. Chúng ta hiện nay không những ít hào hứng hơn với việc công kích các quy định mới, mà sự bất ổn của chúng ta đã dung dưỡng cho một chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và thường xem xét (một cách sai lầm) những lời chỉ trích xã hội như một hành động không yêu nước.
Tuy nhiên, Nader hầu như là nạn nhân từ chính thành công của mình. Nói chuyện với ông, và ông vẫn không thay đổi. Ông đã nhanh chóng trở lại nguyên mẫu, công kích Reagan và các nhà quản lý doanh nghiệp. Nhưng đất nước đã thay đổi. Hai mươi năm trước, những khái niệm mơ hồ về “trách nhiệm xã hội” và “chủ nghĩa bảo hộ người tiêu dùng”[60] chỉ tồn tại ở mức sơ khai; bây giờ thì chúng (chắc chắn đã mờ nhạt hơn) là những quan niệm phổ biến, ngay cả trong kinh doanh. Vâng, tại Virginia, có một Cộng đồng các Chuyên gia phụ trách Vấn đề Người tiêu dùng trong Kinh doanh (Society of Consumer Affairs Professionals in Business) với số lượng hội viên là 1.400, tăng lên từ con số 100 người trong năm 1973. Và, bất chấp Reagan, quy tắc xã hội của Nader - về tất cả mọi thứ, từ xe hơi an toàn đến ô nhiễm - đã chiến thắng. Các ranh giới của thị trường đã được vẽ lại.
Bây giờ thì rất khó có thể nhớ lại những niềm đam mê mà Nader từng khơi dậy trước kia. Trong thời hoàng kim của mình, ông đã là tập đoàn “một thành viên” đầy phẫn nộ; và ông còn “nhượng quyền” sự đúng đắn đó của mình. Hàng trăm chiến binh của Nader - hầu hết là các sinh viên đại học hoặc sinh viên mới tốt nghiệp - đào bới vào những công việc của doanh nghiệp và chính phủ. Đến năm 1972, họ đã xuất bản được
https://thuviensach.vn
ít nhất là 14 cuốn sách, với nhiều đề tài khác nhau, từ chống độc quyền tới ô nhiễm nguồn nước. Các lãnh đạo doanh nghiệp cảm thấy bị bao vây. “Anh ta có thể... cứ viết sách”, Henry Ford II một lần cáu kỉnh thốt lên, “nhưng tôi không nghĩ rằng ông ta hiểu biết bất cứ điều gì về an toàn kỹ thuật trong xe hơi”. Hơn thế nữa, họ còn coi Nader là một mối đe dọa cho chủ nghĩa tư bản.
Ông này dễ sợ đến vậy sao? Thực ra thì không. Ông đã chưa bao giờ đề nghị sự thay thế triệt để cho vấn đề sở hữu tài sản tư nhân. Ông luôn là một nhà cải cách, chứ không phải là người cực đoan cấp tiến. Nền kinh tế càng thịnh vượng hơn thì càng có nhiều nhu cầu mới phát sinh trong hoạt động kinh doanh. Ngày nay, các lý do căn bản của những yêu cầu này được chấp nhận rộng rãi: các doanh nghiệp đang tìm kiếm lợi nhuận đôi khi cũng gây ra các vấn đề xã hội - ví dụ như ô nhiễm - điều mà thị trường không sửa chữa được. Thực tế, nó còn có thể làm hỏng việc sửa sai này. Một công ty tự mình đơn lẻ làm giảm sự ô nhiễm sẽ phải chịu bất lợi trong cạnh tranh. Chỉ có các quy định của chính phủ mới là phù hợp.
Đồng minh tốt nhất của Nader cũng chính là những đối thủ của ông. Sau lời chỉ trích gây phiền hà của ông đối với sản phẩm xe hơi Chevrolet Corvair, General Motors đã nhờ thám tử tư theo đuôi ông. Việc công khai xin lỗi sau đó của công ty làm cho Nader thành một nhân vật của quốc gia, và hơn thế nữa. Trong thực tế, GM đã nhường lại “sân chơi” của vấn đề đạo đức thanh cao. Nếu GM sa lầy vào vụ xấu xa này, liệu việc kinh doanh còn được tin cậy nữa không? Một bức tranh vui trên tờ New Yorker năm 1966 nắm bắt được sự hấp dẫn của Nader. Bức tranh vẽ một nhân viên bán xe hơi đã qua sử dụng, chỉ vào một trong những món hàng của mình và thuyết phục một khách hàng: “Tôi tình cờ biết rằng mẹ của Ralph Nader đã từng lái kiểu xe này”.
Có lẽ là Nader đã tình cờ trở thành một nhà cải cách chính trị cỡ lớn. Trong thời kỳ khủng hoảng, lòng trung thành đối với các đảng phái bị lu mờ, ông đã giúp khai phá ra chính trị “giải quyết vấn đề”. Ông hiểu rằng đạn dược của loại chính trị này là thông tin: các tin tức chi tiết, chính xác, và phong phú. Nó đặt câu hỏi nghi vấn với phe đối lập và thỏa mãn giới truyền thông đại chúng. Ông đã tạo ra các nhóm biện hộ, chúng được “nhân rộng” trong cả cánh Tả và cánh Hữu, bởi những người phản đối việc nạo phá thai cũng như những người bảo vệ môi trường. Các thành tựu cụ thể nhất của ông là các đạo luật mà ông - và nhiều người khác - đã phát triển, bao gồm cả Luật về Giao thông quốc gia và An toàn xe cơ giới (1966); Luật về Không khí Sạch (1970); Luật về Nước Sạch (1972); và Luật về Tự do thông tin (1974).
Hào quang của Nader đã phải lu mờ, và không chỉ đơn giản là bởi vì ông đã thành công quá tốt hay nền kinh tế “vỡ mộng”. Cuộc vận động của ông đã tồi tệ đi bởi sự kiêu ngạo thái quá và rõ ràng là không nhất quán. Nader bây giờ lại ca ngợi hiệu suất sử dụng năng lượng của chúng ta - năng lượng sử dụng trong năm 1984 là ít hơn so với năm 1973, mặc dù sản lượng của nền kinh tế cao hơn 30% - nhưng ông lại phàn nàn về giá năng lượng cao hơn, điều này buộc phải tăng hiệu suất lên mức cao hơn. Đôi khi, việc điều tra khảo sát của ông lại trở thành tầm thường; một nhóm do Nader tài trợ từng đề xuất khảo sát các món ăn vặt tại các đấu trường thể thao. Tổng quát hơn, các hoạt động nghiên cứu sự điều tiết đã bị mất đi nét lãng mạn của mình và trở thành vấn đề mang tính kỹ thuật. Những vấn đề xã hội được đưa ra có là sự thực? Chúng có đáng được điều chỉnh không? Nếu có, chi phí sẽ như thế nào?
Nader vừa là tù nhân vừa là sự sáng tạo của nền văn hóa của chúng ta. Là một xã hội lạc quan, chúng ta mệt mỏi với những bất mãn vô tận của ông. Chúng ta khó chịu với cái nhãn của cá nhân ông dành cho việc tiêu dùng. Ông không sở hữu một chiếc xe hơi, một căn nhà, hoặc hầu hết các thiết bị gia dụng. Ông phản đối các sản phẩm gây lãng phí hoặc phù phiếm, gợi ý rằng sự lựa chọn tốt nhất thường là “không mua gì cả”. Nếu Nader là một điển hình, nền kinh tế của chúng ta sẽ vẫn mắc kẹt trong những năm 1920. Khi ông biện hộ cho sự lựa chọn cá nhân chống lại quyền kiểm soát của doanh nghiệp, ông là một anh hùng; khi ông rao giảng các giá trị của mình, ông là một thầy tu xa lạ. Chúng ta nhất quyết giữ cá tính, thậm chí khi nó xuất hiện hàng loạt trên thị trường; chúng ta vẫn muốn phần Big Mac cho mình.
Mặc dù vậy, trên đây là những tranh cãi vụn vặt. Khi thời đại của chúng ta được ghi vào lịch sử, Nader sẽ đúng là một nhân vật có ảnh hưởng lớn. Ông là người quan tâm đến trách nhiệm của các tổ chức lớn, hơn là một người theo chủ nghĩa bảo hộ người tiêu dùng. Thông điệp của ông là: con người là quan trọng. Không nên nghĩ rằng ông đã nghỉ hưu. Ông vẫn còn đấu tranh cho túi khí trong xe hơi và các nhóm người tiêu dùng mới. Ông đã được cải thiện nước Mỹ, và các yêu cầu “khó chịu” của ông vẫn thúc đẩy nền dân chủ của chúng ta tiến bộ. Sự hoàn hảo tuyệt đối chỉ là ảo ảnh, nhưng ơn Chúa, nó thuộc về chúng ta.
https://thuviensach.vn
Newsweek
Ngày 16 tháng 12 năm 1985
LÝ DO TẠI SAO TÔI KHÔNG LÀ NGƯỜI QUẢN LÝ
Năm 1997, theo các báo cáo của Bộ Lao động, đã có 18 triệu giám đốc điều hành và các nhân sự quản lý tại Hoa Kỳ. Tôi không phải là một trong số họ. Tôi chưa bao giờ “quản lý” bất cứ ai hay bất cứ việc gì. Không có ai làm việc cho tôi hoặc được giám sát bởi tôi. Trước nay vẫn luôn luôn như vậy và, gần như chắc chắn, sẽ luôn như vậy. Khi đứng trước nhiều nhà tuyển dụng khác nhau, người ta chưa bao giờ gợi ý rằng tôi xứng đáng với quyền lực và trách nhiệm lớn hơn. Quên đi.
Tất cả những điều này có thể giải thích tại sao tôi có một sự tôn trọng nhất định và miễn cưỡng đối với những người quản lý. Tôi rõ ràng là không thích hợp để làm bất cứ điều gì mà họ làm. Họ dường như vui vẻ thưởng thức các trách nhiệm, trong khi tôi sợ chúng. Họ có, hoặc giả vờ có, sự tự tin, trong khi tôi run rẩy mỗi lúc đặt chủ ngữ và động từ trong từng câu. Một điều nữa cũng khiến tôi lúng túng là lý do tại sao mọi người đều muốn được làm quản lý. Cứ cho rằng có một số phần thưởng hấp dẫn: quyền lực, tiền bạc, địa vị, và (có thể là) sự tôn trọng của đồng nghiệp. Nhưng dường như những hạn chế cũng rõ ràng: sự oán giận từ cấp dưới, áp lực từ cấp trên; những lời chỉ trích lớn tiếng khi thất bại; sự im lặng khi thành công. Không, cảm ơn, tôi từ chối vị trí quản lý.
Bây giờ, “nhà quản lý” (manager) là một chức danh linh hoạt đến tuyệt vời. Nó bao gồm rất nhiều cấp độ, từ các vị CEO đáng kính (Tổng giám đốc điều hành) đến quản lý nhà máy và các hiệu trưởng trong trường học, rồi người quản lý sản lượng tại các siêu thị. Bộ Lao động cho biết gần một nửa các nhà quản lý (44%) hiện nay là phụ nữ. Thống kê năm 1997 cho thấy, có 711.000 nhà quản lý marketing và quảng cáo, 535.000 nhà quản lý xây dựng và bất động sản, 108.000 quản lý nhân sự. Nhưng trải dài theo quang phổ lương bổng và quyền lực, nhiều nhà quản lý phải đối mặt với 2 nhu cầu mâu thuẫn nhau.
Đầu tiên, người ta nghĩ rằng họ đem lại kết quả - tối đa hóa lợi nhuận, cải thiện điểm số trong thi cử, hoặc bất cứ điều gì khác nữa. Ngày nay, tất cả họ đều phải “thực thi” và “có trách nhiệm giải trình” (có nghĩa là bị sa thải, cách chức, hoặc bị khiển trách thậm tệ nếu không đạt được kết quả như mong đợi).
Thứ hai, họ phải động viên hay khéo léo lôi kéo các nhân viên của mình. Đã qua rồi cái thời kỳ khi mà máy móc quyết định hầu hết các công việc cần thực hiện. Việc làm ngày nay là ít chặt chẽ hơn. Chúng đòi hỏi sáng kiến hoặc cho phép tự do. Nếu nhân viên làm việc yếu kém, tổ chức chịu thiệt hại. Vì vậy, các nhà quản lý phải biết chỉ huy và chiều chuộng. Người ta cho rằng nhà quản lý là những người rất nhạy cảm với các vấn đề và “cảm xúc” của người lao động. Họ cần phải là người dễ thương và không khó chịu. Không ai chấp nhận các nhà độc tài nhỏ nhen.
Người quản lý là trung gian dàn xếp giữa các yêu cầu “cứng” từ thị trường chứng khoán và các yêu cầu “mềm” của người lao động. Trên lý thuyết thì không có gì căng thẳng cả. Người lao động sẽ tận tụy làm việc và sáng tạo nếu họ được tôn trọng và tham khảo ý kiến. Những ý tưởng hay đều đi lên từ bên dưới. Các nhà quản lý sẽ được tưởng thưởng vì sự cởi mở và hiểu biết của họ. Nhưng trong thực tế cuộc sống thì xung đột là “bao la”. Tìm kiếm sự đồng thuận thường là tốn thời gian. Đôi khi sự đồng thuận còn là điều không mong muốn, bởi vì một số ý tưởng là tốt hơn so với những cái khác. Và làm cho người ta tuân thủ mà không xa cách họ là khó khăn nếu họ 1) không đồng ý với bạn; 2) ghét bạn; 3) không đủ năng lực; hay 4) suốt ngày chỉ lướt net.
Kế đến, không mấy ngạc nhiên khi không có nhóm nào khác tại Mỹ lại được tư vấn và phân tích nhiều hơn là đội ngũ các nhà quản lý. Tôi biết điều này, bởi vì tôi nhận được đều đặn các bản sao của những bài điểm sách trong lĩnh vực quản lý. Chính những người đọc những cuốn sách này mới luôn luôn làm tôi thắc mắc: nếu bạn quản lý một cái gì đó quan trọng, khi nào bạn mới có thời gian? Nhưng ai đó phải đọc các sách này (hoặc ít nhất là mua chúng), bởi vì các nhà xuất bản cứ liên tục đổ sách ra thị trường. Tất nhiên, ngành xuất bản đã có tiếng là ngớ ngẩn. Nhưng nó không thể ngớ ngẩn kiểu này được.
https://thuviensach.vn
Ví dụ, mới đây có hai cuốn sách được phát hành - Các mô hình Lợi nhuận: 30 cách thức để dự đoán và thu lợi nhuận từ các nguồn lực chiến lược giúp khôi phục hoạt
động kinh doanh và cuốn Nhịp điệu của sự thay đổi: Những thách thức cho việc duy trì quán tính tại tổ chức mang tính học hỏi. Khi các sách quản lý được tung ra, chúng dường như chứa đựng nhiều thông tin hơn hầu hết các loại khác. Nhưng chính xác thì chúng sẽ giúp cho các nhà quản lý “hành nghề” thuận lợi hơn như thế nào?
Cuốn Các mô hình lợi nhuận nhắc nhở chúng ta rằng có một số công ty đã đánh bại các đối thủ khác trong cạnh tranh trực diện. Năm 1989, cả 2 hãng Máy tính Apple và Microsoft đều có giá vốn thị trường (giá trị của tất cả các cổ phiếu) vào khoảng 4 tỷ dollar. Đến năm 1998, Apple vẫn còn ở mức khoảng 4 tỷ USD, trong khi Microsoft phình lên đến 220 tỷ. Tuy nhiên, Microsoft hưởng lợi được nhiều từ những sai lầm ngớ ngẩn của đối thủ, cũng như những nỗ lực của chính mình. IBM để cho Microsoft nắm giữ quyền cấp phép cho các phần mềm hệ điều hành máy tính. Một sai lầm lớn. Và Apple đã không cấp phép cho việc đồng sản xuất ra sản phẩm máy tính của họ; việc này cản trở công tác bán hàng và phát triển phần mềm.
Cuốn sách nói rằng các công ty cần nhận ra “khung cảnh chiến lược đang thay đổi” như thế nào. Điều này hơi trừu tượng một chút. Bài học thực tế của Microsoft là đơn giản hơn: hãy cầu nguyện để cho các đối thủ cạnh tranh phạm sai lầm ngớ ngẩn. Nếu IBM và Apple thông minh hơn, Bill Gates có thể đã chẳng có tên tuổi.
Trong cuốn Nhịp điệu của sự Thay đổi, chúng ta phát hiện ra rằng các công ty thường thất bại ở những nỗ lực có tổ chức để tự cải tiến mình. Theo một nghiên cứu, 70% các chiến dịch “tái cấu trúc” đã thất bại. Một nghiên cứu khác ước tính có khoảng hai phần ba chương trình “quản lý chất lượng toàn diện” cũng không thành công. Những thất bại này có hàm ý về năng lực của các nhà quản lý cấp trung (middle manager). Họ dẫn dắt sự thay đổi hoặc đơn giản chỉ là bị cuốn theo? Các tác giả viết “Tiền đề cốt lõi của chúng ta là: nguồn gốc của những vấn đề này không thể được khắc phục bằng cách sử dụng nhiều hơn các lời khuyên của giới chuyên môn, các nhà tư vấn tốt hơn hoặc các nhà quản lý tận tâm hơn”. Những gì tiếp theo sau đó là 573 trang chứa đầy các ưu tư của các chuyên gia, nhà tư vấn và người quản lý.
Tôi nghi ngờ rằng sự phổ biến trong dài hạn của loại sách tự học như thế này đã phản ánh một tâm lý bất an lan rộng trong đội ngũ các nhà quản lý. (Và tôi cũng không chắc chắn lắm khi cho rằng các nhà quản lý giỏi sẽ coi thường những cuốn sách này, họ tin vào khả năng bẩm sinh và kiến thức của riêng mình). Họ thường khao khát kiểm soát được tình hình; và thường lo sợ sự hỗn loạn. Nhưng sự hỗn loạn gia tăng trong khi việc kiểm soát sa sút. Ai đó phải có câu trả lời. Theo cách này hay cách khác, tất cả những cuốn sách quản lý trên đã đưa ra ảo tưởng hão huyền về vấn đề kiểm soát. Việc các cuốn sách không cho ra được câu trả lời đúng đắn có thể cũng chẳng làm giảm sự hấp dẫn của chúng: nếu bạn đang bối rối, chắc chắn mọi người khác cũng vậy.
Có lẽ các nhà quản lý vẫn có thể thành công, hoặc ít nhất tồn tại được, với chức vụ và năng lực chuyên môn. Có một chuỗi mệnh lệnh. Quyền hành được người khác tôn trọng hay sợ hãi. Máy móc đã từng điều chỉnh các công việc. Trong thời đại ngày nay thì chuyện này đã kết thúc. Ngày nay, nhiệm vụ thông thường nhất của các nhà quản lý, trong văn hóa của chúng ta, là để phục vụ hai ông chủ, ông nào cũng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Đó là Tổ chức với các mệnh lệnh của nó; và Cá nhân, mỗi người lại có các “nhu cầu” riêng. Đây là một công việc khó khăn, ai đó sẽ nhận lấy để làm. Nhưng không phải tôi.
Newsweek
Ngày 22 Tháng 3 năm 1999
INTERNET KHÔNG PHẢI LÀ HÀNG TỪ THIỆN
Chủ nghĩa tư bản bao gồm rất nhiều thứ, nhưng trong đó không có sự quyên góp. Nó là lợi nhuận, chứ
https://thuviensach.vn
không phải là lòng từ thiện. Ở đây chứa đựng cả sự mâu thuẫn khó hiểu của Internet. Internet là món đồ trang sức của chủ nghĩa tư bản hiện đại, mặc dù hiện nay nó lại là một hành động từ thiện. Hầu như tất cả mọi thứ trên đó (hình ảnh khiêu dâm có thể là một ngoại lệ) đang được cho đi hoặc được bán với giá thấp hơn chi phí. Chúng ta biết điều này sẽ không kéo dài. Sớm hay muộn thì Internet cũng sẽ trở thành một dạng tạo lợi nhuận. Cái mà chúng ta chưa biết là khi nào, như thế nào, hoặc với những hậu quả gì. Những bí ẩn này đã thu hút những hứa hẹn - và cả mối nguy - của nền kinh tế.
Đây là một câu chuyện cũ, từng diễn ra trước kia với các kênh đào, đường sắt, và xe hơi. Sự chuyển đổi mang tính kinh tế và ngành nghề đòi hỏi một lượng lớn vốn đầu tư. Năm 1999, đầu tư mới vào lĩnh vực “công nghệ cao” (máy tính, phần mềm, thiết bị truyền thông) tăng khoảng 22%. Mọi đầu tư kinh doanh khác cũng tăng. Các lợi ích của công nghệ mới là: chúng nâng cao mức sống và phát minh ra những lối sống mới. Mối nguy là chúng có thể gây ra sự đầu tư quá mức và sự cạnh tranh khốc liệt. Quá nhiều công ty chen chúc nhau trên thị trường. Có các lý thuyết về những gì “tự sinh tự diệt”. Có hưng thịnh và suy thoái.
Tất cả mọi thứ xuất hiện qua Internet ngày nay đều không đem về lợi nhuận. American Online (lợi nhuận năm 1999 là 762 triệu dollar) và Yahoo (lợi nhuận 61 triệu) là các trường hợp ngoại lệ. Còn lại thì hầu hết các trang web “có nội dung” - tin tức, dịch vụ tài chính, kiến thức tự hoàn thiện - đều là miễn phí và không bao giờ trang trải được chi phí bằng quảng cáo. Vụ Quảng cáo qua mạng (Internet Advertising Bureau), một tổ chức ngành nghề, ước tính trong năm 1999 doanh thu quảng cáo qua mạng là 4,6 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số tất cả các chi tiêu cho quảng cáo. Competitive Media Reporting, một công ty nghiên cứu thị trường, có kết quả ước tính thấp hơn về chi tiêu cho quảng cáo on-line (1.9 tỷ USD) và nói rằng bản thân các công ty Internet còn chi tiêu nhiều hơn (3,2 tỷ USD) để quảng cáo mình trên các phương tiện truyền thống - TV, báo chí, đài phát thanh, và tạp chí.
Hầu hết các nhà bán lẻ qua mạng đều cho thấy kết quả lỗ. Anthony Noto, một nhà phân tích của Goldman Sachs, mới đây có ước tính doanh thu và lợi nhuận của 32 công ty tổ chức thương mại điện tử. Chỉ duy nhất eBay là có lợi nhuận, và Noto không mong đợi có chuyển biến gì từ nay cho đến cuối năm. Tương tự như vậy, hầu hết các dự án thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) cũng còn quá mới nên chưa tạo được lợi nhuận.
Mặc dù Internet là không sinh lãi, nó cũng không tạo ra các lợi ích to lớn cho những người khác. Những người thắng lớn trong hoạt động này là các công ty xây dựng Net thông qua việc bán các dịch vụ máy tính, sợi cáp quang, router (một thiết bị mạng máy tính - ND), và phần mềm. Năm 1995, Cisco Systems (nhà sản xuất router hàng đầu) có doanh thu 198 tỷ USD và lợi nhuận 421 triệu USD. Đến năm 1999, doanh thu đã vượt qua con số 12 tỷ và lợi nhuận là 2 tỷ USD.
Việc lợi nhuận tuôn chảy như thế nào từ Internet (bản thân không sinh lợi) được giải thích như sau: nó được trợ cấp. Một số khoản trợ cấp đến từ các trường đại học, các tổ chức phi lợi nhuận, và chính phủ. Họ tạo ra những trang web và mua thiết bị mạng. Những khoản này có thể là thường xuyên. Nhưng các khoản trợ cấp chính lại phát xuất từ các thị trường vốn - các nhà đầu tư và người cho vay - và các doanh nghiệp khác. Theo báo cáo của Công ty Dữ liệu Tài chính Chứng khoán Thomson, năm 1999 các công ty Internet đã tăng giá trị thêm gần 18 tỷ dollar từ hoạt động đầu tư mạo hiểm (venture capitalists) và một khoản 18 tỷ khác từ IPO (“lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng”).
Quan trọng không kém là các công ty thuộc thế hệ xưa cũ (như Wal-Mart, Disney) cũng đang chi tiêu mạnh cho các trang web. Và các gã khổng lồ trong giới truyền thông như AT&T đang đầu tư lớn cho mạng lưới dữ liệu. Tất cả số tiền này lý giải khoảng cách giữa chi phí và doanh thu của Internet. Không ai biết rõ khoảng cách biệt này, nhưng chắc chắn là lớn.
Một cách tự nhiên, các khoản trợ cấp là vận may dành cho người tiêu dùng. Người ta yêu thích một điều gì đó mà không cần lý do gì cả. Sau khi mua máy tính và trả lệ phí kết nối hàng tháng, người dân sử dụng Internet miễn phí. Điều này chắc chắn là một trong những lý do khiến
Internet phổ biến. Một cuộc khảo sát hồi tháng Ba từ dự án Pew Internet & American Life cho thấy 90 triệu người Mỹ đã online. Còn có cả hoạt động mua sắm giá rẻ qua mạng (mặc dù chúng đang có vẻ mờ nhạt dần đi). Amazon.com chỉ bán được 400.000 cuốn tiểu thuyết Harry Potter tập mới nhất với mức giảm
https://thuviensach.vn
giá 40%, và thừa nhận thua lỗ.
Hầu hết các công việc kinh doanh mới - dù lớn hay nhỏ - đều có các chi phí khởi đầu. Có lẽ chẳng có ngành nào khi khởi đầu mà lại không trải qua tình trạng hỗn loạn và thua lỗ tạm thời. Xét từ góc độ này thì Internet khó có thể coi là ngành duy nhất. Rắc rối ở đây là: các khoản trợ cấp sẽ không phải là mãi mãi. Sớm hay muộn, số vốn kia hoặc phải đem về lợi nhuận hoặc là bị bào mòn đi từ các khoản thua lỗ. Bằng cách nào đó, những trang web thương mại phải tự trả tiền cho mình. Nếu không, chúng sẽ biến mất. Điều này không chỉ còn là lý thuyết. Một số tên miền “chấm com” đang tạm ngưng hoạt động. Một số thậm chí đã không còn.
Điều ít được nhìn nhận là, nếu như chính Internet không trở thành thứ tạo lợi nhuận, các công ty xây dựng nó - dạng như Cisco, Oracle - cũng sẽ gánh chịu hậu quả. Chúng đang tồn tại từ nguồn trợ cấp vốn, thứ này không thể lâu dài được. Internet sẽ không thể tiếp tục mở rộng và phát triển mạnh, trừ khi những gì nó cung cấp trở thành những thứ tự duy trì được. Dịch vụ Web không thể trường tồn từ trợ cấp. Điều này có nghĩa là các chi phí, bằng cách nào đó, phải được thu hồi lại từ những người sử dụng dịch vụ. Các cuộc lang thang trên Net của người tiêu dùng không thể được tiếp diễn vô hạn định.
Mạng lưới truyền hình thu được lợi nhuận thông qua quảng cáo nội địa (đối với người tiêu dùng, chi phí được chuyển vào trong giá cả của các sản phẩm khác). Truyền hình cáp và điện thoại làm như vậy thông qua khoản lệ phí hàng tháng. Cho đến nay, Internet chưa có công thức tương tự. Trên lý thuyết thì điều này là có nhiều khả năng thực hiện. Nếu Internet có năng lực nội tại, thì sau đó một số nhà bán lẻ trực tuyến, những doanh nghiệp B2B, và các tổ chức thương mại online khác (ngân hàng, kinh doanh chứng khoán, giữ chỗ trước) sẽ làm ăn phát đạt. Quảng cáo có thể hỗ trợ một số trang web với khách ghé thăm số lượng lớn hoặc trung thành. Có lẽ các công ty cung cấp dịch vụ mạng cũng sẽ đem đến cho khách hàng một số “nội dung” dành riêng. Người ta sẽ trả tiền cho cả hai thứ cùng lúc, rất giống như truyền hình cáp. Một số trang web khác có thể trở thành có giá trị nên người dùng sẽ phải đăng ký sử dụng - hiện nay thì không - với một khoản lệ phí khiêm tốn hàng tháng.
Ai biết trước được chứ? Sự gây cấn ở đây là “như thế nào” và “khi nào” thì việc chuyển đổi không thể tránh khỏi này sẽ xảy ra. Internet không thể cùng tồn tại mãi mãi với mâu thuẫn như hiện nay. Hoặc là sự bùng nổ trong đầu tư hiện nay sẽ trở nên yên ắng đi, bởi vì các thị trường vốn từ chối cung cấp các khoản trợ cấp không hạn chế. Hoặc người ta sẽ tìm được cách thức để làm cho Internet sinh lợi. Rốt cục thì cũng phải có một điều gì đó diễn ra, bởi vì suy cho cùng thì Internet không phải là một món hàng từ thiện.
Bưu điện Washington
Ngày 12 Tháng 7 năm 2000
SỰ SÁP NHẬP KỲ LẠ
Câu chuyện kinh doanh còn nhiều bí ẩn nhất ngày nay có thể là việc sáp nhập quy mô lớn giữa các công ty và, đặc biệt là, sự hợp nhất xuyên biên giới (cross - border merger). Không phải là chúng bị phớt lờ. Ngược lại là khác. Sự sáp nhập đã diễn ra rất nhanh - Daimler-Benz và Chrysler, Exxon và Mobil, Citicorp và Travelers - khiến chúng ta choáng ngợp. Chúng ta có thể vẫn chưa đo lường được tầm quan trọng thật sự của chúng. Có lẽ sự sáp nhập giúp công nghệ được lan tỏa và chi phí giảm xuống. Hoặc có lẽ chúng đang gieo rắc cả các chất thải của doanh nghiệp lẫn các đế chế thương mại. Chúng có thể được tạo ra sự tập trung quyền lực thật nguy hiểm - hoặc khôi phục lại quy định chống độc quyền. Tuần trước Ủy ban châu Âu vừa triệt hạ một dự án liên doanh giữa Time Warner và người khổng lồ của giới âm nhạc Anh Quốc là EMI vì chúng có thể thống trị ngành ghi âm.
Chúng ta không biết đến các hậu quả lớn hơn. Theo lý thuyết chống độc quyền truyền thống, quá nhiều sự sáp nhập sẽ bóp nghẹt việc cải tiến và làm tăng giá cả. Tuy vậy, phong trào sáp nhập hiện nay lại trùng hợp với những thay đổi công nghệ rất lớn và sự cạnh tranh mạnh mẽ. Điều này có thể có nghĩa là: lý thuyết chống độc quyền cổ điển còn thiếu sót; hoặc các công ty đang cố gắng chặn đứng cạnh tranh thông qua sự
https://thuviensach.vn
hợp nhất. Bất chấp là gì đi nữa thì rõ ràng là đang có chuyện hệ trọng xảy ra. Các con số đã cho thấy thế. Theo Mergerstat, một công ty nghiên cứu tại Los Angeles thì trong năm 1999, giá trị sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (M&A) của Hoa Kỳ đã lên đến 1.500 tỷ dollar. Tính từ năm 1994 thì giá trị tích lũy của việc mua bán sáp nhập này đã là hơn 5.000 tỷ. (Những con số này đã bao gồm cả những vụ mua bán sáp nhập mà trong đó có một công ty Hoa Kỳ, là bên mua hoặc bên bán.)
Điều gì thúc đẩy sự bùng nổ việc sáp nhập? Đó là các động cơ như đã nêu. Tại đây có khái niệm kinh điển về lợi thế kinh tế theo quy mô: mua lại một đối thủ cạnh tranh với hy vọng tiết kiệm được và (có lẽ là) giành được thêm quyền lực thị trường. Điều này là phù hợp khi xem xét việc “kết hôn” giữa Exxon và Mobil, và nhiều “đám cưới” khác nữa. Sau đó là suy thoái trong các thị trường cũ: ngân hàng và nhà môi giới được hợp nhất, bởi vì (người ta lập luận rằng) nghiệp vụ ngân hàng truyền thống và dịch vụ môi giới đã được nhập chung vào thành một dịch vụ duy nhất để quản lý các nhu cầu tài chính của cá nhân và doanh nghiệp. Và chúng ta không nên bỏ sót vấn đề công nghệ, yếu tố này đã tái định nghĩa nhiều ngành công nghiệp lớn. AT&T mua lại TCI và MediaOne - chúng đều là các công ty khổng lồ trong ngành sản xuất cáp - bởi vì điện thoại, truyền hình và truyền thông Internet được hiểu là sự hội tụ.
Toàn cầu hóa là động cơ sau cùng và thú vị nhất của sự sáp nhập. Trước kia, sáp nhập xuyên biên giới (nghĩa là sự mua bán sáp nhập giữa các công ty thuộc những nước khác nhau - ND) còn hiếm. Nay thì không. Năm 1999, tổng giá trị các vụ sáp nhập xuyên quốc gia này đạt 720 tỷ dollar, theo báo cáo từ một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc. (Con số này đã bao gồm tất cả các giao dịch toàn cầu). Các công ty đang tìm kiếm các thị trường mới, và các chính phủ cũng sẵn sàng hơn để tiếp nhận đầu tư nước ngoài. Liên Hiệp Quốc cũng cho biết trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1999, các chính phủ đã tiến hành 1.035 sự thay đổi quan trọng, có ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài. Chín phần mười các quốc gia đều tán thành việc đầu tư thêm. Nhưng điều thú vị là: mục tiêu lớn nhất của tiến trình M&A toàn cầu lại là nước Mỹ. Năm 1999, những người nước ngoài đã bỏ ra 233 tỷ dollar để mua lại các công ty Hoa Kỳ.
Trong số rất nhiều doanh nghiệp - doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Mỹ - sự thôi thúc phải mở rộng ra toàn cầu đã tiến gần đến sự hoảng loạn. Karl Sauvant, Giám đốc nghiên cứu của Liên Hợp Quốc cho biết: “trong một thị trường toàn cầu, bạn phải có mặt ở khắp mọi nơi. Bạn phải di chuyển nhanh chóng [hoặc] hoạt động cạnh tranh của bạn phải hiện diện trước... Tại nhiều quốc gia, đó là vấn đề về sức mạnh thị trường, sự hợp lực [hiệu quả từ việc kết hợp giữa các công ty] và phân tán rủi ro”. Đôi khi, việc thay đổi công nghệ buộc một công ty phải ra toàn cầu. Deutsche Telekom, công ty điện thoại của Đức, đề nghị mua lại VoiceStream - một công ty hạng hai của Mỹ trong lĩnh vực vô tuyến - để có một “chân” trên thị trường Mỹ. Lý thuyết ở đây là, trong ngành công nghệ không dây, sau cùng thì chỉ có các công ty đạt đến quy mô và tầm bao phủ toàn cầu mới có thể tồn tại.
Nghe khá hợp lý. Thậm chí có thể là đúng đắn. Nhưng mỗi làn sóng sáp nhập đánh qua lại kéo theo sau nó những lý thuyết, và nhiều trong số đó là sai lầm. Theo rất nhiều nhà học thuật thì sự sáp nhập quy mô lớn thường thất bại. Chúng không làm tăng lợi nhuận hoặc giảm chi phí. Năng suất từng được tuyên bố trước kia sẽ không bao giờ được hiện thực hóa. Các vấn đề mang tính thực tiễn và liên quan đến con người của hai doanh nghiệp lớn ghép chung lại với nhau đã cho thấy sự khập khiễng. Những thất bại trong quá khứ đã không làm nản chí nhiều nhà quản trị ngày nay. “Cũng giống như hôn nhân thôi,” Sauvant nói, “bạn biết rằng khả năng đổ vỡ là 50%, nhưng bạn không nghĩ rằng mình nằm trong số đó”.
Sự nhìn nhận của doanh nghiệp đã không được cải thiện. Hãy xem vụ sáp nhập năm 1998 giữa Daimler và Chrysler. Các kiến trúc sư trưởng chính là vị chủ tịch của Daimler: ông Jurgen Schrempp và sau đó là chủ tịch của Chrysler: Robert Eaton. Hai tác giả Vlasic và Bill Bradley Stertz đã viết trong cuốn sách tuyệt vời của họ có tựa đề Trò lừa đảo: Daimler-Benz đã lấy trộm xăng[61] của Chrysler như thế nào: “Eaton khao khát chất lượng và kỹ thuật của Daimler. Schrempp lại rất muốn thái độ gan lì và phản ứng nhanh của Chrysler”. Tiết kiệm sẽ là rất lớn, 1,4 tỷ dollar chỉ trong năm đầu tiên.
Có lẽ giấc mơ này một ngày kia sẽ thành sự thật, còn hiện nay thì chưa. Nhìn chung, lợi nhuận giảm, mặc dù công ty nói rằng họ đã tiết kiệm được trong năm đầu tiên. Trong quý III, Chrysler đã công bố khoản lỗ từ vận hành (530 triệu dollar), lần đầu tiên kể từ quý III năm 1991. Mặc dù được miêu tả như một sự hợp nhất ngang bằng, việc sáp nhập đã được Daimler-Benz quản lý. Có nhiều xung đột cá nhân và xung đột văn hóa, như trong nội dung của các tác giả Vlasic và Stertz. Cổ phiếu của công ty đã giảm mạnh. Sau khi hợp nhất, giá cổ phiếu là khoảng 75USD và sau đó tăng lên đến 108USD vào đầu năm 1999. Hiện nay thì
https://thuviensach.vn