🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những vĩ nhân thay đổi thế giới
Ebooks
Nhóm Zalo
Những Vĩ nhân thay đổi Thế Giới © Đỗ Châu Huyền, Hoàng Trí Đức biên soạn | Nhà Xuất Bản Thanh Tân, 1971, 172 trang.
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
Pdf: cailubietdi
Bìa: Tornad
Ocr, & soát tổng thể: tran ngoc anh
TỰA
Thế kỷ thứ hai mươi là thế kỷ khoa học trổ hoa, nhưng cũng là thế kỷ suy đồi nhất của loài người. Sự độc ác, ích kỷ, tham lam của con người lên đến tột độ. Thế kỷ hai mươi sản xuất ra nhiều tên đồ tể hơn là những vĩ nhân. Xã hội loài người sẽ đi về đâu nếu không có một tư tưởng gia vĩ đại xuất hiện làm ngọn đuốc soi đường?
Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới sẽ phô diễn một sự thực khách quan những tư tưởng gia vĩ đại của nhân loại như Phật Thích Ca, Đức Khổng Tử, Socrates, Aristotle, Mohammed, Martin Luther, Galilei, Newton, Rousseau, Darwin, Karl Marx và Gandhi, cũng như sẽ phác hoạ hành trình tư tưởng con người từ Đông sang Tây và từ Cổ đến Cận Đại. Và chúng ta nhận thức rằng, đuốc văn minh luân chuyển từ Đông sang Tây và dường như sắp trở về Đông theo định luật tuần hoàn của vũ trụ.
Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới, có người là giáo chủ tôn giáo, triết gia, khoa học gia, v.v… nhưng tất cả đều có chung một tiêu chuẩn, định nghĩa và giải thích vũ trụ, nhân sinh theo sự khám phá, sáng tạo của họ để hướng dẫn, mở mắt cho loài người đến những chân trời mới mẻ huy hoàng hơn.
Thám hiểm vào Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới chúng ta thấy rằng, có một tư tưởng vĩ đại là một chuyện khó, đúc kết tư tưởng trở thành hệ thống lại càng khó khăn hơn, nhưng thực hiện tư tưởng là cả một vấn đề. Vĩ nhân là gì? Đó là người có sức mạnh tinh thần vô địch và sự đam mê tràn đầy. Họ chỉ là những con người như những con người tầm thường, nhưng khác hơn là họ vượt lên trên mọi cái tầm thường của con người để trở nên bất diệt với thời gian.
Triết gia người Đức, Nietzsche qua nhân vật Zarathoustra có nói “Đừng bao giờ giấu mặt vào cát của sự vật trên trời, mà phải ngạo mạn
ngẩng đầu lên, một cái đầu trần gian sẽ sáng tạo các ý nghĩa trần gian”. Phải chăng, Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới đáng là một quyển sách gối đầu chờ các bạn Sinh Viên Học Sinh?
ĐỖ CHÂU HUYỀN; HOÀNG TRÍ ĐỨC
PHẬT THÍCH CA
(560–480 TTL)
Trên thế giới ngày nay, hai tôn giáo lớn nhất là, Thiên Chúa giáo với gần 900 triệu con chiên và Phật giáo với hơn 500 triệu tín đồ. Chúng ta nhận thấy hai tôn giáo này khác biệt nhau trên đạo lý và đối chiếu nhau giữa hai đức tin. Hai vị giáo chủ Jesus và Phật Thích Ca cũng không giống nhau.
Tuy nhiên, tình thương của Thiên Chúa giáo và nhân sinh quan của Phật giáo đều đặt trên căn bản tình yêu thương vô bờ bến đối với chúng sinh cũng như cứu rỗi nhân loại bằng chính sự chịu đựng và hi sinh cao cả của hai vị giáo chủ.
Trong thế giới loài người rộng lớn và sống quây quần nhau, có nhiều điểm tương quan và tình thân hữu giữa con người với con người. Do đó, nhìn vào kinh Phật, chúng ta biết về đạo lý Phật Thích Ca, và dường như chúng ta cũng có thể nhận ra dễ dàng vài nét thấp thoáng của cá nhân Jesus. Phật là người đầu tiên và Chúa là người tiếp tục làm nảy nở thêm sự toàn mỹ của nhân loại.
Phật Thích Ca là con trai của tiểu vương dòng Sakya, thuộc giai cấp quý tộc, xếp thứ hai trong bốn giai cấp ở xã hội Ấn Độ. Phật Thích Ca có lẽ sinh vào khoảng 560 trước Thiên Chúa, và được nuôi nấng trong một gia đình quyền quý, sống trong nhung lụa suốt cả thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành.
Chúng ta không thể nào nói vào thời kỳ nào mà ông bắt đầu lo nghĩ, khi lần đầu tiên, ông nhận thấy sự rỗng tuếch của thú vui ăn chơi vật chất và thắc mắc với một vấn đề về sự khổ của kiếp người. Nhưng có một điều chắc chắn là khi đứa con trai ông chào đời, Phật lúc đó vừa 29 tuổi, quyết định thay đổi tất cả lối sống của mình, và cuối cùng
mang theo bên mình tư tưởng cách mạng tôn giáo ở phương Đông. Ngày hôm đó, tự nhiên Phật khám phá ra là phải từ giả gia đình êm ấm, vợ đẹp, con ngoan, dứt bỏ tất cả những công danh sự nghiệp, đền đài cung diện, cũng như những tài sản của cuộc đời này, dồn hết tâm trí trong việc đi tìm một chân lý đích thực của cuộc đời. Phật đã đạt được quyết định này với thật nhiều ý chí vĩ đại, vì phải dứt bỏ trong giây phút những ràng buộc với gia đình khỏng phải là chuyện dễ dàng. Thức dậy trong đêm khuya thanh vắng, tư tưởng đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng Phật không thể nào cưỡng lại ý muốn nhìn vợ con lần cuối cùng. Khi nhìn vợ con yên giấc giữa những bông hoa la liệt, quà tặng của những người đến dự lễ sinh nhật, lòng Phật bừng lên ý muốn siết chặt đứa con trai thân yêu lần cuối. Nhưng Phật dằn lòng được, vì sợ vợ thức dậy, và rồi chiến thắng được sự ham muốn của mình, Phật rón rén bước ra, leo lên ngựa và băng mình trong đêm tối. Đi xa khỏi quê hương đất tổ, sau khi băng qua những cánh đồng phì nhiêu ở thung lũng sông Ganges, Phật đến dãy đồi Vindhya, vùng ranh giới cây cối um tùm, tách rời Ấn Độ khỏi vùng đất cao khô khan của Decan, miền đất phía Nam. Phật sống tại đây sáu năm, tìm đạo lý bằng sự hành xác ghê gớm của người tu khổ hạnh.
Ông cạo râu, tóc, mặc quần áo màu vàng của các tăng và lang thang đi khất thực cũng như chịu đựng sự hành xác bằng cách hạn chế ăn. Phật sống cô độc trong một khu rừng già với năm môn đồ. Phật cố gắng tự ép mình trong giới luật và đày đoạ thể xác để tinh thần đạt đến một sự thanh tịnh hoàn toàn.
Phật trở nên nổi tiếng, được khắp nơi tán tụng như một con người thánh thiện trong sạch, nhưng chân lý mà Phật muốn tìm kiếm vẫn còn xa lắc. Cho đến một hôm, sau một cơn mê mang bất tỉnh vì đã hành xác quá độ, Phật tỉnh dậy và một tia sáng lóe lên trong trí. Tất cả những sự nhịn ăn và kiềm hãm con người ra khỏi những điều kiện
tiên quyết của đời sống bình thường, như sự hành xác không chăm sóc đến sức khoẻ sẽ không mang lại kết quả gì, mà chỉ làm gia tăng sự suy nhược về tinh thần cũng như thể xác. Để có thể giữ gìn lý trí được vững bền, sự suy tư được hoàn mỹ, quan sát được sự diễn biến của tư tưởng và để có một cái nhìn sáng suốt, thấu đoạt được kết quả tốt đẹp, con người phải ăn thức ăn tinh khiết và giữ một đời sống khoẻ mạnh. Rùng mình trước sự khám phá, Phật vội vàng chia sẻ sự xúc động đó với năm môn đồ. Nhưng khi nghe vị thầy tôn kính của họ từ bỏ cuộc sống khổ hạnh và đòi ăn trở lại, họ vô cùng sửng sốt và khiếp đảm trước đề nghị có vẽ nổi loạn ngoài sức tưởng tượng của họ, cho nên họ bỏ rơi Phật.
Những ngày kế tiếp thật đã gây nhiều hậu quả cho thế giới phương Đông. Bị bỏ rơi trơ trọi, Phật lang thang khắp các khu rừng ở Gaya, ngày nay gọi là Bihar. Khi đến bờ sông Neranjara, Phật mới an toạ dưới tán cây bồ đề hay cây sung rừng. Một người đàn bà đến dâng cho Phật một cốc sữa, Phật nhận lấy và uống để bồi bổ sức khoẻ, tiếp tục kiên tâm theo đuổi khám phá chân lý.
Và tại nơi đó, sau những giờ triền miên trong suy tư mãnh liệt cũng như sự khổ não của tinh thần. Phật đã trải qua tất cả những xúc động của một con người, từ sự tuyệt vọng đen tối nhất đến niềm hy vọng tuyệt hảo, cuối cùng Phật đã tìm được sự bình thản của tâm hồn, và khám phá ra chân lý, ông trở thành Phật Thích Ca, một vị Phật rực rỡ sáng chói.
Lúc đầu, quá đỗi vui mừng với sự khám phá của mình, Phật bị cám dỗ giữ niềm vui đó một mình và sống nốt quãng đời còn lại trong niềm hạnh phúc cô đơn. Phật không muốn san sẻ với ai niềm hạnh phúc vĩ đại mà Phật đã tìm ra được bằng một giá rất đắt. Nhưng ý muốn quá ích kỷ đó không thể tồn tại trong quả tim của một người như Phật, đã đạt đến chân lý bằng sự thăng hoa của con người, là phải vượt lên trên tất cả những ham muốn tầm thường. Vì thế chẳng bao lâu, Phật Thích
Ca lại lên đường đến Benares phổ biến cho tất cả mọi người chân lý đã ngự trị Phật.
Tại thành phố, Phật tìm được những môn đồ cũ. Họ mau mắn trở lại làm đệ tử trung thành của Phật, vì Phật đã nói chuyện với họ, với tất cả phẩm cách cao cả và lòng tự tin. Sự bình tĩnh điềm đạm, sáng suốt của Phật Thích Ca đã trấn an họ, dẹp tan tất cả mọi nghi ngờ ngần ngại. Cả nhóm họp lại tự xây cất chỗ ở trong công viên Deer, tạo thành một làng của những người hiền triết ở Benares, và tại đó Phật Thích Ca đã giảng cho tất cả mọi người nghe chân lý mà Phật khám phá được.
Phật Thích Ca nói “có bốn điều chân lý cao xa mà ta phải thấu đáo. Thứ nhất là chân lý của sự khổ. Sự khổ ở thế gian và kéo dài suốt cuộc đời. Sinh, lão, bịnh, tử đều là khổ. Không được thương yêu cũng là sự khổ. Bị chia sớt tình yêu cũng là sự khổ. Không đạt được ý muốn cũng là sự khổ. Nói tóm lại, những điều căn bản của cá tính con người là sự khổ”.
Chân lý đó đã được khẳng định trong giáo lý nhà Phật. Phật dạy rằng, nằm sâu trong sự ham muốn của con người là được trường sinh bất tử kèm theo bằng dục vọng và sự khao khát lúc nào cũng đòi hỏi để thoả mãn, thèm khát sống, thèm khát quyền lợi. Đây là chân lý thứ hai được khám phá ra là những nguyên nhân của sự khổ.
Chân lý thứ ba là dạy cách tiêu diệt nỗi đau khổ, dập tắt ngọn lửa tham, sân, si, và xua đuổi không cho nó có nơi sinh tồn. Chân lý thứ tư là bát chánh đạo, giải thích phương thức giải thoát con người bằng cái nhìn xác đáng, trong ý nghĩ, ngôn ngữ, hành động, trong đời sống, trong sự nỗ lực làm việc, cẩn thận và chú tâm. Những điều đó bao trùm ba con đường sinh hoạt chính yếu của con người là, thân xác, trí não và ngôn ngữ.
Ông tự xưng là Phật Thích Ca, vì đã nghiền ngẫm và thông suốt
được bốn điều chân lý cao quý ấy, đã đạt tới bực thánh, một bực chân tu toàn mỹ nhất của nhân loại.
Bây giờ, Phật đã lĩnh hội được cách giải thoát, được mệnh danh là con đường trung dung giữa cực đoan, sự hưởng thụ vật chất quá đáng, cũng như sự hành xác thái quá. Do đó, Phật Thích Ca đã đạt tới con đường đưa đến cõi Niết Bàn, trên cả sự chết, nơi con người được cứu rỗi hoàn toàn, thoát ra khỏi lòng ham muốn vị kỷ, và mỗi linh hồn đều hợp nhất quây quần trong hoà bình thân ái của cõi vô vi.
Chủ thuyết của Phật Thích Ca, trong lúc chiếm ưu thế tốt đẹp, đã phải đương đầu chống lại với khuôn khổ đời sống cũng như ý nghĩ của Ấn Độ đương thời, trước khi chúng ta có thể xác định tầm quan trọng của đạo Phật. Tôn giáo ngự trị miền Bắc Ấn Độ vào thời Phật Thích Ca là Ấn Độ giáo, được người Bà La Môn truyền bá đầu tiên hay những giáo sĩ. Đối với họ, đời sống căn bản là nghi lễ, chỉ biết trung thành tuân theo lời phát nguyện, những luật lệ và quy chế mới có thể bảo đảm được đạo đức và thể chất của con người. Đời sống được giảm thiểu trong một phương thức máy móc, không thay đổi, không tiến bộ, giữ gìn đời sống khắc khổ theo kinh Dharma. Xã hội bị chia ra làm bốn giai cấp, và sự phân chia được ấn định từ thuở lọt lòng. Cho nên địa vị con người đóng khung bất di bất dịch, từ khi mới sinh ra cho đến lúc nhắm mắt lìa đời. Sự cứng rắn phân chia giai cấp trong xã hội Ấn Độ đã tạo nên, khiến cho giới quý tộc luôn luôn cố gắng thống trị giai cấp bần cùng. Giai cấp hạ tiện này không có cơ hội để tự bày tỏ tư tưởng. Bổn phận của họ là phải phục vụ và lệ thuộc hoàn toàn vào giai cấp được đặc quyền, do đó chủ nghĩa định mạng đã được an bày. Chủ nghĩa này là một thiệt thòi quá lớn, không mang lại cho đám đông dân chúng bất hạnh, nghèo khổ, và ngăn cản không cho một tư tưởng tự do nào được dịp phát triển. Tín điều chính của họ là lòng tin tưởng một cách mù quáng, và hoàn toàn nô lệ theo ý muốn của các thần linh. Trong khi đó, tư tưởng tôn giáo bắt nhịp cầu thông cảm giữa con
người với con người, không phân biệt giai cấp, làm phát triển tình tương giao của nhân loại lại không được biết đến.
Một bức tranh u tối của đời sống thấp kém, tuyệt vọng bị bỏ rơi của đại đa số quần chúng được phơi bày ra, khi Phật Thích Ca đi giảng đạo lý cho dân chúng nghe. Phật Thích Ca đến với họ, không kêu gọi sự cảm động của mọi người, nhưng Phật đến với họ bằng chính ngôn ngữ của họ, và những điều giảng dạy của Phật đều đặt trên căn bản tình yêu thương, cũng như ôn hoà trong lời nói, ý nghĩ hay trong hành động. Cá tính nhân từ vượt bực của Phật đã hấp dẫn tất cả mọi người, già cũng như trẻ, giàu cũng như nghèo, có quyền thế cũng như kẻ hạ lưu.
Phật Thích Ca thừa nhận thuyết luân hồi với sự tái sinh không ngừng nghỉ của kiếp người, nhưng Phật cũng đã tìm ra cách để thoát ra khỏi vòng sinh tử ấy. Thấu suốt được bốn chân lý cao xa để đạt đến cõi Niết Bàn, con người có thể tự giải thoát mình ra khỏi cá tính một con người, và không còn vướng trong vòng sinh, lão, bịnh, tử. Những lời giảng dạy của đức Phật mang lại kết quả khả quan đối với những đệ tử nhà Phật. Triết lý này chỉ có thể đạt được bằng những tâm hồn đầy nghị lực và nhiệt tâm, và phải ép mình trong đạo lý cũng như tự răn mình. Bát chánh đạo đặt ra một đạo pháp thật cao làm phương châm cho con người đến cõi Niết Bàn.
Phật Thích Ca bỏ đi tư tưởng phân chia giai cấp. Đối với Phật, tất cả mọi người đều bình đẳng, và tất cả đều được đối đãi như anh em bạn bè. Không sinh vật nào bị giết vì tất cả mọi đời sống đều linh thiêng, Phật cấm các đệ tử không được nói dối, không được trộm cắp, thông dâm, không được chìm đắm trong men rượu hay đòi hỏi những quyền lực vượt quá con người.
Để truyền bá đạo lý và giúp ích cũng như cải thiện đa số quần chúng có một đời sống khả dĩ hơn, Phật Thích Ca thiết lập quy chế cấp bực cho các tu sĩ. Các luật lệ này rất nghiêm khắc, những người xuất
gia đều bị bắt buộc phải từ bỏ thế giới bên ngoài, mọi liên hệ với gia đình, sống một cuộc đời trong sạch, tuyệt đối cự tuyệt với tất cả những đòi hỏi của chính mình. Các tu sĩ phải mặc áo vàng, mang bình bát đi khất thực, rồi chia nhau đi khắp các ngả đường để truyền bá đạo lý nhà Phật.
Những tín đồ được thu nhận, bổn phận họ là phải tiếp tục nghe lời giảng dạy của các tu sĩ và gìn giữ giới luật nhà Phật. Trong số tín đồ này có nhiều Hoàng Tử cũng như con nhà quý tộc. Sau đó, Phật Thích Ca còn cho phép phái nữ có thể theo tu học, thay vì trước kia xã hội Ấn Độ tin rằng, đàn ông là sinh vật vượt trên đàn bà. Phật Thích Ca không đồng ý với quan niệm chung cho rằng, tài năng người đàn bà chỉ có giới hạn. Hơn nữa, Phật Thích Ca còn làm cho phụ nữ ý thức được uy quyền cũng như sức mạnh tiềm ẩn của họ.
Đức Phật tự mình làm một tấm gương cho các môn đồ, bằng cách tự trở thành một khất sĩ rày đây mai đó trong suốt khoảng đời còn lại. Rất ít chi tiết được biết về bước đường lang thang phiêu bạt của Phật đến miền Bắc Ấn Độ và trong các quận Oudh, Bihar, nhưng trong bốn mươi lăm năm trời, đức Phật tiếp tục giảng đạo và truyền giáo.
Suốt mùa mưa, Phật lui về một tỉnh hay làng nào đó, và trong suốt thời kỳ gió mùa lạnh lẽo, Đức Phật lang thang khắp nơi khất thực và xin trú mưa như một tu sĩ bần cùng nhất.
Vua chúa tiếp đón Phật nồng hậu, người giàu có cũng niềm nở và dành riêng các khu vườn cho Phật và các tín đồ của Phật, vì các khu vườn rộng rãi, mới thích hợp cho đám đông dân chúng mộ đạo xin yết kiến Phật Thích Ca mỗi ngày, và trong các khu vườn mát mẻ tịch mịch, Phật và các môn đồ có thể thiền tịnh.
Nhưng không phải những hoa viên của các Hoàng Tử và dinh cơ đồ sộ của người giàu có lúc nào cũng là nơi mà Đức Phật và các đệ tử của Phật chọn lựa. Vì câu chuyện dưới đây sẽ tiết lộ rõ ràng sự thanh cao
trong sạch vĩ đại của bậc đại thánh, đại sư này.
Một ngày kia, một người dân cư ngụ tại tỉnh Alavi trong khu rừng Sinsapa, tình cờ gặp Đức Phật đang tĩnh toạ bên vệ đường dành cho súc vật đi. Tiến gần đến Đức Phật với sự tôn kính, người kia hỏi “Thưa Thầy, kẻ phẩm cách vượt bực như thầy có sống hạnh phúc không?”
“Có chứ, hỡi chàng tuổi trẻ. Ta sống rất hạnh phúc. Ta là một trong những người sống hạnh phúc ở thế gian này”.
Người kia hỏi tiếp “Thưa thầy, cái lạnh lẽo của đêm đông, sương lạnh lại sắp đến, mặt đất thì lòi lõm gồ ghề vì dấu chân súc vật dẵm lên, lá dùng làm chiếu ngủ lại quá mỏng, áo vàng của tu sĩ lại quá mong manh, trong khi gió đông rét buốt như cắt da nữa?”
Với sự trầm tĩnh siêu phàm, Đức Phật Thích Ca trả lời “Hỡi người trẻ tuổi, quả đúng như vậy, ta sống rất hạnh phúc. Ta là một trong những người sống hạnh phúc ở thế gian này”.
Suốt nhiều năm lang thang đây đó, thu được biết bao kinh nghiệm khác nhau, Đức Phật đã đạt được sự thanh khiết vĩ đại của tâm hồn và lòng tin to lớn vào chủ đích cứu rỗi chúng sinh của Phật.
Đối với các giáo sĩ Bà La Môn và các giáo phái khác, Đức Phật hay tổ chức các cuộc tranh luận và không bao giờ sợ bị đánh bại trong khi tranh luận, Đức Phật tuyên bố “Trong cuộc tranh luận với bất cứ ai, tôi có thể bị dồn vào những vấn đề rắc rối khó khăn, nhưng điều đó không thể có được, và chính vì tôi biết rằng không bao giờ việc đó có thể xảy ra nên tôi giữ im lặng và tin tưởng”.
Đức Phật đã thu thập được một phương pháp giảng dạy quần chúng và riêng những người bình dân, Đức Phật thường dùng tục ngữ và các bài thơ ngụ ngôn, chúng ta không thể nào bỏ qua không kể lại câu chuyện anh chàng nông dân Bhardwaja, đã bảo Đức Phật đừng lười biếng mà phải làm việc như anh ta để tự kiếm lấy miếng ăn. Đức Phật trả lời cho anh ta biết Phật cũng là một nông dân, và tạo được
cho ông bằng chính sự cày cấy và trồng trọt. Anh chàng nông dân rất ngạc nhiên vì Đức Phật có bao giờ làm chủ một miếng ruộng nào đâu? Đức Phật nói “Đức tin chính là hạt giống của ta, sự suy tư của ta là mưa, tâm trí ta là chiếc ách bằng da trên cổ trâu bò, và sự siêng năng của ta là chiếc roi chăn trâu bò. Gìn giữ cơ thể, lời nói và trí óc, hạn chế ăn uống, cùng với chân lý mà ta đã tìm ra và sự cứu rỗi chúng sinh là bổn phận mà ta đã khẳng định. Năng lực ta cũng giống như chiếc ách đeo vào cổ cho trâu bò, đưa ta đến sự an lành tuyệt đỉnh của cõi Niết Bàn. Nó đưa ta đến nơi không còn sự khổ nữa. Đó là sự cày cấy trồng trọt của ta và công việc đó cho ta quả bất tử”.
Cũng giống như thế, đối với người mẹ bị cuồng trí sau cái chết của đứa con yêu quý, Phật Thích Ca đã giảng một bài về sự không thể tránh được cái chết của kiếp người bằng một câu chuyện ngắn đặc sắc tỏ ý khuyên răn người đàn bà.
Lúc Phật Thích Ca quả tám mươi tuổi, sự bịnh hoạn bắt đầu báo hiệu sự nguy ngập ngày cuối của cuộc đời. Bằng tất cả cố gắng ý chí vượt bực, Đức Phật trì hoãn lại cái chết và thổ lộ “Không được quyền đi khỏi sự sống mà chưa trăn trối điều gì với các môn đồ”.
Cho nên, mặc dầu phải chịu nhiều đau đớn vì bịnh hoạn, Đức Phật cũng cố gắng suốt mùa mưa, và cho gọi các môn đồ tụ tập lại nghe lời giảng dạy. Đức Phật nói “Cuộc đời ta sẽ chấm dứt trong vòng ba tháng tới đây, và các con sẽ không còn được nghe lời ta giảng dạy nữa”. Đức Phật khuyến khích các môn đồ phải tỏ ra cương quyết, tìm một chỗ an toàn và tiếp tục học hỏi không ngừng. Và gọi Ananda đến gần, Đức Phật dặn dò, “Ananda ơi, ta cũng già quá rồi, cuộc hành trình của ta sắp sửa chấm dứt, ta đã trải qua biết bao nhiêu năm hành đạo và tám mươi tuổi rồi.
Ananda ơi, ta cũng như một chiếc xe bò cũ kỷ, chỉ có thể xê dịch được nhờ sự giúp sức. Cho nên, ta nghĩ rằng, thân xác của vị minh chủ
chỉ có thể tiếp tục gượng gạo được nhờ sự chăm sóc thật nhiều”. Rồi, với sự cương quyết không chút mệt mỏi. Đức Phật lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình và điều này chỉ làm cho thể xác càng chịu thêm sự dày vò đau đớn. Đến Kusinara, Đức Phật đã trải qua những giờ phút cuối cùng trong khi ban huấn tử cho các tu sĩ “Hãy xem kìa, các con, ta khuyên nhủ các con, sự mục nát thúi rửa là lẽ tự nhiên của tất cả muôn loài. Hãy làm siêu đổ chúng sinh một cách thận trọng trong công việc cao cả này”. Nói xong, Phật Thích Ca về cõi Niết Bàn.
Những lời giảng dạy của Đức Phật Thích Ca đã phong phú hoá đời sống và tư tưởng của biết bao nhiêu thế hệ phương Đông Mặc dầu sự tinh khiết của giáo lý nhà Phật chẳng bao lâu vẩn đục đi nhiều, mặc dầu dân chúng tôn sùng Đức Phật một cách linh thiêng và thờ phượng vị giáo chủ của Phật giáo một cách ngây thơ khờ khạo, thay vì cố gắng tìm hiểu những giáo lý của Đức Phật và chú tâm thực hành đúng đắn, đạo Phật cũng mang lại hai điều lợi ích quý giá đối với các tín đồ, đạo Phật đã giải phóng họ khỏi bức tường giai cấp, và đạo Phật cũng đã dạy họ cuộc đời vẫn tràn đầy hi vọng.
Triết lý biến hoá và tiến bộ của Phật Thích Ca có nghĩa rằng “Con người hoàn toàn chịu trách nhiệm chính hành động của họ”, và chủ thuyết này đã thổi một luồng sinh khí mới mẻ vào đám đông đang mê ngủ. Những lời vàng ngọc của Đức Phật đã mang lại kết quả rất lớn cho những tín đồ Phật giáo về lòng bác ái độ lượng của người Phật Tử. Cho nên, suốt hành trình lịch sử dài hơn 2000 năm của Phật giáo, Phật Tử không bao giờ kêu gọi sự chiến tranh bằng gươm giáo, mà chỉ kêu gọi đến sự ôn hoà và đạo đức. Hơn nữa, không bao giờ có sự kỳ thị hay ngược đãi tôn giáo khác đối với người Phật Tử.
Những lời giáo huấn của Đức Phật Thích Ca, thật ra đã lót đường cho tôn giáo là sự ngoan đạo tích cực, đặt trên căn bản là niềm tin ở chân, thiện, mỹ của linh hồn con người.
ĐỨC KHỔNG TỬ
(550–497 TTL)
Sự trung thành, lòng độ lượng, nhân ái, tinh thần chu toàn trách nhiệm, sự tế nhị, điều độ, liêm khiết, với một chính thể cai trị ôn hoà trong một xã hội vàng son. “Đừng làm cho người khác những gì mà ta không thích cho chính bản thân ta”, Đó là những nguyên tắc căn bản của Khổng giáo, một quy luật đạo đức đã chỉ đạo linh hồn Trung Quốc biết bao thế kỷ nay, Đức Khổng Tử, bậc đại hiền triết, bậc thánh, nhà cải cách mà sự thông thái và đức hạnh của ông đã khai sáng cho một phong trào mới. Ông chết 6 thế kỷ trước Thiên Chúa, nhưng công nghiệp của ông vẫn còn sống mãi với thời gian.
Tháng Hai năm 1917, một cuộc tranh luận gay cấn và thú vị xảy ra tại Quốc Hội Trung Quốc. Năm năm trước đó, khi Hoàng Đế Trung Hoa thoái vị và Trung Quốc trở thành một nước Cộng Hoà thì Khổng giáo đã được xem như một quốc giáo hơn hai ngàn năm, nhưng ảnh hưởng đã bị mất dần. Ngày nay Khổng giáo lại được đề nghị phục hồi và thêm vào đó, Khổng Tử được tôn làm vị Thánh của Trung Quốc.
Mặc dù với sự nhiệt thành của số đông học giả trong giới chánh khách, đề nghị trên vẫn không được chấp thuận, nhưng sự kiện đó cũng chứng tỏ ảnh hưởng sâu đậm của bậc đại hiền triết vẫn còn đè nặng tâm trí người Trung Hoa. Sức mạnh của sự việc đó được tăng gấp đôi khi nhớ rằng, qua bao nhiêu thời đại, Khổng Tử đã được dân chúng Trung Hoa tôn thờ, xem như thần thánh, nhưng trước đó, ông chưa bao giờ được xem như vị thần thánh. Ý nghĩ thần thánh có lẽ hơi khôi hài đối với ông một chút vì trong tất cả các hiền triết thời xưa thì Khổng Tử lại là người ít có tín ngưỡng nhất. Theo một nhận định của học giả Du Bose thì Khổng Tử “không phải là một người cuồng tín, ông chỉ thực hành một ít những nghi thức tôn giáo, nhưng không hề
giảng dạy về tôn giáo”. Nếu ông sống đến ngày nay thì ông sẽ được mệnh danh là Bất Khả Tri Luận (chủ trương trí người không thể nào biết được tuyệt đối), vì trong khi ông thừa nhận sự hiện hữu của các quyền lực thần thánh thì ông lại không ràng buộc nhiều vào cách quyền lực đó. Ông nói “Hãy tôn trọng thần linh nhưng phải đứng xa họ”.
Ông không chú ý đến quá khứ con người cũng như khi linh hồn con người tách rời thể xác sau khi chết. Nhưng ông chỉ chú ý đến sự chỉ đạo thực tế trong đời sống hiện tại của con người, ông tự nói “Tôi cố gắng để trở nên một con người đức hạnh hoàn toàn, và để dạy người khác mà không mệt mỏi”. Lý tưởng của ông là “Một con người ưu tú là đem phổ biến sự hiểu biết của mình với sự lãnh đạo sáng suốt và yêu nghề”.
Để theo đuổi lý tưởng này, ông phải thích nghi tuyệt đỉnh, và con người ông là một sự kết hợp hiếm có, vừa có lý tưởng, lại vừa là một con người hết sức thực tế trong công việc làm ăn.
Có người cho rằng thời thế tạo con người, trong trường hợp của Khổng Tử thì thật vô cùng xác đáng. Vì vào thế kỷ thứ 6 trước Thiên Chúa, hoàn cảnh chính trị Trung Quốc giúp ông có nhiều cơ hội trao dồi trí thức, hơn là cho ông có cơ hội để phát triển tài năng về buôn bán. Trước Khổng Tử, hơn 1.000 năm Trung Quốc được thống nhất và dưới sự cai trị của các Hoàng Đế tu hành, và từ khi Khổng Tử ra đời triều đại vàng son chấm dứt năm 1125 trước Thiên Chúa. Hơn 500 năm, Trung Quốc dần dần phân tán ra làm nhiều tiểu quốc. Cho đến thế kỷ thứ 6 trước Thiên Chúa mà các sử gia Trung Quốc gọi là “thời đại nhiễu nhương hỗn loạn”, có 5 đến 6 nước tranh giành quấy nhiễu nhau.
Mùa Đông năm 551 hay 550 trước Thiên Chúa, Khổng Tử ra đời tại nước Lỗ. Cha ông, làm Tri huyện và có rất nhiều con gái, nhưng không có con trai để nối dõi. Cho nên khi đã 79 tuổi, ông còn cưới thêm một
nàng hầu, và cuộc tình duyên này đã ban cho ông một cậu quý tử. Cũng giống như nhiều vĩ nhân khác thời xưa, sự chào đời của Khổng Tử bao trùm trong một huyền thoại. Tục truyền rằng, người mẹ trẻ đẹp của ông cầu Trời khẩn Phật xin được một mụn con trai, bà đã tổ chức biết bao nhiêu cuộc phước thiện để mong nguyện vọng được thoả mãn, và một vị thần hiện ra trong giấc mộng nói “Bà sẽ có một người con trai, một vị thánh và bà phải hạ sinh hài nhi trong một cây dâu rỗng”. Nghe thế, bà mừng rỡ và sắp xếp việc nằm chỗ trong một cái hầm tại đồi tên là “Cây dâu rỗng”.
Khi đứa bé chào đời, rồng vàng và nữ thần giữ cây xuất hiện, leo lên canh giữ tại lối ra vào của căn hầm và nhã ra hương thơm ngào ngạt. Mẹ ông nghe tiếng nhạc réo rắt, du dương và một giọng nói huyền hoặc “Thượng giới vô cùng xúc động khi đứa con thần thánh của bà chào đời, và gởi xuống đây những âm thanh huyền dịu chào mừng”. Trên mình hài nhi có bốn mươi chín dấu với những chữ “Người sẽ khai sáng ra những nguyên tắc và sẽ bình thiên hạ”. Phép lạ hiện ra và một dòng suối chảy róc rách trong căn hầm, trong khi đó kỳ lân xuất hiện mang tấm bảng có khắc hàng chữ “Con của thuỷ thần sẽ nối nghiệp cai trị thiên hạ và sẽ là một vị vua không ngai”.
Điều rõ rệt hơn những huyền thoại ngụ ngôn này là Khổng Tử ngay lúc thiếu thời đã có những dấu hiệu chứng tỏ một tài năng khác thường. Trước khi Khổng Tử được ba tuổi thì cha ông lìa trần, gia đình lâm cảnh túng quẫn. Cậu bé phải đi tìm kế sinh nhai, nhưng trong đầu vẫn để tâm học hỏi, và người ta cho rằng ông quyết định trở thành bậc thánh hiền vào năm mười lăm tuổi.
Ông lập gia đình năm mười chín tuổi, nhưng mặc dù vợ ông sinh cho ông một trai hai gái, hôn nhân và đời sống gia đình dường như không ràng buộc được một con người đang dần dần ý thức trở nên vĩ đại. Đó là một sự hỗn hợp nhị nguyên, ông không những muốn trở thành học giả mà còn muốn trở nên một thánh sư. Một thời gian ngắn
sau hôn lễ, Khổng Tử nhận làm quản lý cửa hàng, và sau đó, ông được giữ việc coi sóc công viên và súc vật.
Năm 22 tuổi, ông bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò một giáo sư kiêm nhà học giả, lập ra một lâm viện hay trường học để giải nghĩa những nguyên tắc chỉ đạo và phương pháp cầm quyền. Môn đồ của ông đều là những người trẻ. Nếu họ giàu thì ông đã nhận được một số học phí đáng kể. Nhưng rất tiếc, không ai thoát khỏi sự nghèo túng của mình.
Lấy năng khiếu và lòng nhiệt thành làm tiêu chuẩn ông đã giảng dạy các môn đồ “Khi ta đưa ra một khía cạnh của đề tài mà tự môn sinh không bà học đó nữa” (câu này theo sách in – không rõ nghĩa là gì. TNA).
Ở vai trò một học giả, ông am tường sử học và triết học. Ở vai trò một nhà hành chính, ông được biết như một nhà cải cách đầy nhiệt tâm, không ngần ngại tấn công và quét sạch những chế độ hà khắc lỗi thời. Ông trở nên nổi tiếng và uy tín của nhà học giả kiêm hành chính đã được nhiều người ngưỡng mộ.
Đến năm 30 tuổi, ông kể rằng ông đã đạt đến “Một sự phán xét vững chắc khi đã học hỏi tận tường những sự việc ở quá khứ và đúc kết các nguyên tắc của ông về cách cai trị và bổn phận con người”.
Năm 517 trước tây lịch, hai người trẻ của giai cấp quý tộc ở nước Lỗ trở thành môn đồ của ông. Ông đã cùng họ đi chu du viếng thăm kinh đô của đế quốc này. Nơi đây, ông tiếp tục nghiên cứu sử ký tại thư viện Hoàng gia và học nhạc, một môn học mà ông hết sức say mê. Âm nhạc đã có ảnh hưởng lớn trong đời sống ông, không phải chỉ vì ông yêu nhạc đến quên ăn, nhưng vì ông xem âm nhạc như chiếc chìa khoá giữ sự thăng bằng cho mọi việc, và ông đã hoà hợp âm nhạc trong chính sách cai trị của ông.
Trong cuộc viếng thăm này, người ta kể rằng ông đã gặp một nhân
vật đương thời rất nổi tiếng, đó là triết gia Lão Tử, bản chất trái ngược ông, nhưng là một đối thủ của ông về sự vĩ đại, người đã sáng lập ra một trong ba tôn giáo lớn ở Trung Hoa và những tín đồ Lão giáo ngày nay cũng chiếm hàng triệu người.
Thật là khó mong đợi hai nhân vật này hoà hợp nhau vì từ hình thức đến tư tưởng, cả hai hoàn toàn trái ngược nhau. Lão Tử hay mơ mộng, lý tưởng, thần bí, tin tưởng sùng kính đấng Tạo Hoá, và cho rằng muốn đạt đến chân lý, con người phải dứt bỏ mọi ước muốn trần tục và phải thâm nhập vào linh hồn một ý thức về Tạo Hoá, vũ trụ như một bí mật của biết bao sự mầu nhiệm. Trái lại, Khổng Tử, thực tế, giống như một thương gia, đầu óc trần tục, không bao giờ công nhận có một đấng Tạo Hoá, và để tất cả tâm trí vào việc cố gắng vun trồng phẩm hạnh trong tất cả mọi quy tắc hình thức mà ông cho rằng là một động lực thích nghi để phát triển sự hoàn mỹ của tinh thần. Tuy nhiên, sự kiện chép lại rằng trong khi Khổng Tử tạo một số ấn tượng đối nghịch Lão Tử thì chính ông cũng bị thâm nhập phần nào ảnh hưởng của vị giáo chủ Lão giáo.
Trong năm đi viếng kinh đô này, mọi việc dường như an bày để đưa đến một sự nghiệp lẫy lừng cho Khổng Tử. Một cuộc cách mạng bất ngờ bùng nổ ở nước Lỗ, khiến nhà vua phải chạy trốn sang đất Tề, Khổng Tử cũng chạy theo đến đó vì ông cảm thấy không phù hợp với danh dự và đạo đức ông nếu tham gia cuộc nổi loạn. Một câu chuyện danh tiếng dưới đây kể lại cuộc hành trình của ông trên đường bôn tẩu.
Khi vượt qua núi với nhiều môn đồ, Khổng Tử xúc động trước cảnh tượng một người đàn bà phủ phục than khóc bên một ngôi mộ. Ông cho một môn đồ đến hỏi cớ sự. Người đàn bà nức nở kể lại “Cha chồng tôi bị hổ ăn thịt, chồng tôi cũng vậy và bây giờ con trai tôi cũng chịu chung số phận đó”. Được hỏi vì sao không rời bỏ nơi này, người đàn bà xấu số trả lời rằng tại vì chính quyền không áp bức hà khắc.
Khổng Tử không chậm trễ cơ hội để chỉ giáo về đạo đức. “Hãy nhớ đây, các con, một chính phủ lạm quyền áp bức còn dã man hung ác và đáng sợ hơn con hổ nữa”.
Trong nhiều năm, Khổng Tử rời bỏ nhiệm sở. Ông không ở nước Tề lâu vì sợ Hoàng Tử của vương quốc này trong tình trạng rối trí không biết phải cư xử cách nào với một con người nổi tiếng như Khổng Tử, nhưng lại ở vào một giai cấp thấp kém. Nhà vua đề nghị phụ cấp cho ông, nhưng vị hiền triết không nhận một lợi tức nào trừ phi ông giúp ích được gì hữu dụng.
Thỉnh thoảng, ông chu du khắp nơi để giảng dạy những lời răn đạo đức và chỉ dẫn cách cai trị, nhưng phần lớn thì giờ ông dành cho nghiên cứu và giảng dạy các môn đồ càng ngày càng đông đảo đến nghe lời răn dạy của bậc đại hiền triết Đức Khổng Phu Tử.
Trong những năm này, ông rất cảm động trước lòng thành kính của các môn đồ ngưỡng mộ ông. Biết giá trị mọi lời vàng ngọc của ông và học hỏi một cách trang trọng tất cả mọi hành động và tư tưởng của ông. Nhờ sự sùng kính của các môn đồ mà chúng ta có được nhiều chi tiết về Khổng Tử cũng như những lời châu ngọc của nhà hiền triết.
Dáng người ông cao, khi đi dang hai tay giống như đôi cánh chim, và lưng trông giống như con rùa. Mặc dù ăn uống rất khiêm tốn điều độ, ông lại chú ý đặc biệt đến thức ăn, thích ăn cơm nấu chín và thịt thái mỏng, các món ăn phải được rưới lên một thứ nước xốt đúng điệu. Để thưởng thức món ăn ngon, khi ăn ông không nói chuyện và phải luôn luôn có gừng để trên bàn. Chúng ta có thể tưởng tượng ra ông một cách rõ ràng với thái độ lịch sự chính chắn và lại hay câu nệ đến độ như lúc nào cũng giữ gìn nghi lễ.
Ông là một nhân vật mà người ta khó có thể yêu thương sâu xa nồng nhiệt được. Ông rất lạnh lùng, kiểu cách và xa lánh lãnh vực yêu đương. Nói khác hơn, người ta cảm thấy phải đứng xa để chiêm
ngưỡng ông và để tỏ lòng tôn kính trung thành. Ông là một con người mà mỗi lời nói của ông được xem như khuôn vàng thước ngọc, đối với ông người ta không thể nào dám thân mật, hay dám xem như người bạn, Khổng Tử lại có sự yếu đuối của người thường, điều này các môn sinh ông đều biết rõ, vì theo lời chép lại, khi nghe sấm sét, nét mặt ông biến đổi hoặc vào những đêm, ông sẽ mặc quần áo vào thật nhanh. Những ấn tượng mà ông gieo vào đầu mỗi người là một nhân vật đã vươn mình lên nhờ vào sự thông thái và nhờ sự trau dồi đức hạnh nên đã đứng ra khỏi sự tầm thường của một con người bình thường.
Phẩm hạnh và sự nghiên cứu của ông đã đạt đến mức thành công rực rỡ trong môi trường chính trị thực tiễn. Năm năm mươi hai tuổi, ông được mời về làm việc tại quốc gia ông và trở thành Tổng Đốc một tỉnh lớn của nước Lỗ. Với chức vụ này Khổng Tử đã làm được nhiều cải cách phi thường, ông được thăng chức và đã đạt được chức vụ cao nhất trong nước. Rồi nhờ vào thiên tài của ông cũng như sự phụ tá của hai môn sinh, một đường lối chính trị lấy đạo đức làm đầu được thi hành tích cực. Sự trung tín trở nên cá tính của đàn ông, sự đoan chính dịu dàng là cá tính của người phụ nữ, ông trở thành thần tượng của dân tộc, và được ca ngợi qua các bài đồng dao truyền miệng.
Những sự cải cách của Khổng Tử thật là vô cùng mới mẻ trong tư tưởng con người. Một vài quan niệm vẫn còn giá trị đối với xã hội ngày nay. Ông không những nuôi kẻ nghèo, lại còn phân phát thực phẩm cho người già và người trẻ. Để tổ chức việc làm cho những người lao động được công bình và hợp lý, ông phân phối những công việc khác nhau cho người mạnh, kẻ yếu đều có thể làm việc hữu hiệu, ông ấn định giá hàng hoá, và dùng tài sản quốc gia trong việc khuếch trương thương mại. Sự thông thương giao dịch được cải tiến, đường xá, cầu cống được sửa chữa, bọn cường sơn thảo khấu cũng bị dẹp tan tành. Quyền hành của giới trưởng giả, quý tộc bị giảm đi, người dân
đen được giải phóng khỏi sự áp chế và tất cả mọi người đều bình đẳng trước cán cân công lý.
Chính sách của ông, mặc dù được tán thưởng của số đông quần chúng, nhưng cũng không tránh khỏi sự thù ghét cá nhân mà nguyên nhân là quyền lợi bị va chạm. Đặc biệt, Khổng Tử không ngần ngại tấn công những kẻ có quyền thế nhất trong nước khi họ làm cản trở công
cuộc cải cách của ông. Thật sự, sự rời bỏ quê hương của Khổng Tử cũng do nơi xảo thuật chính trị của vua nước Tề.
Vua Tề, đã ý thức được sự nguy hiểm nếu có một quốc gia hùng mạnh và cách mệnh ở cận nước Tề. Dân tộc ông liệu có học đòi cải cách không? Và liệu nước Lỗ, khi mạnh mẽ hùng hậu có để cặp mắt cú vọ trên các phần lãnh thổ và tài sản của các nước láng giềng không?
Vua Tề bèn nghĩ kế, một chước diệu kỳ thuần tuý của Trung Hoa. Nhà vua cho chọn một phái đoàn gồm tám mươi mỹ nhân, ca hay múa giỏi, thêm vào đó một số ngựa thật đẹp và đem tất cả làm quà tặng cho vua Lỗ.
Vua chúa trong tất cả mọi thời đại, đều khó chống lại sự cám dỗ của dục vọng, cho nên nhà vua và các quan triều đình cũng không thoát khỏi định luật đó. Sắc đẹp của đám cung tần vũ nữ đã làm mọi người điên đảo tâm thần và xao lãng bổn phận, những lời khuyên của Khổng Tử không còn gây sự chú ý nào và hoàn toàn bị lu mờ trước những món quà tặng hấp dẫn nhất của vua nước Tề.
Ngần ngừ, cuối cùng vị thánh hiền quyết định rời nước Lỗ, và ông lại dấn thân lần thứ hai vào cuộc hành trình lưu đày. Thỉnh thoảng, ông vẫn liếc nhìn về phía sau để xem có tên sứ giả nào theo gọi ông trở lại triều đình hay không, nhưng tuyệt nhiên không có tên sứ giả nào cả.
Khổng Tử đã giữ chức vụ chỉ trong vòng 3 năm, còn 13 năm dài ông lay lắt những chuỗi ngày mệt mỏi trước khi nhìn thấy lại quê hương
thân yêu. Mười ba năm trời đầy thất vọng, ông lang thang từ xứ này sang nước khác, hy vọng một ngày nào sẽ tìm thấy một đấng minh quân, tin tưởng và giao phó cho ông toàn quyền biến đổi đất nước theo chủ thuyết của ông, nhưng rồi ông bị bắt buộc bãi bỏ đi ước vọng không thành đó.
Đến nhiều nơi, ông được tiếp đãi niềm nở như hàng vua chúa, nhưng không bao giờ ông nhận sự cấp dưỡng của ai. Một vị vua đã đề nghị dành cho ông những nguồn lợi trong nước để yêu cầu ông ở lại, ông đã trả lời một cách cao thượng “Người quân tử chỉ nhận phần thưởng xứng đáng với sự làm việc của mình. Tôi đã khuyên nhà vua, nhưng ngài chẳng chịu nghe, đã vậy còn ân thưởng. Quả thật ngài chẳng hiểu ta. Ngài đâu biết rằng ta vẫn lấy sự bình dị làm lạc thú, ăn cơm hẩm uống nước lã, và lấy tay làm gối. Giàu sang danh vọng tạo ra do sự bất chính vẫn bị ta xem như đám phù du”.
Ông chịu đựng kham khổ một cách vui vẻ cũng như những lúc hưởng sự giàu sang. Một ngày kia, nhìn thấy ông đói khát không ăn uống, một môn đồ buồn rầu và tức giận mới hỏi ông rằng “Người quân tử phải chịu đựng như vậy sao?”. Ông chỉ từ tốn trả lời “Người quân tử vẫn phải chịu đựng sự đòi hỏi của các nhu cầu, nhưng vẫn là người quân tử. Kẻ tiểu nhân trong trường hợp đó thì lại mất cả lý trí để tự chủ”.
Cuối cùng, tin tức chờ đợi sự triệu hồi từ lâu cũng vẫn đến tai vị thánh hiền. Đức vua, kẻ đã vì say mê sắc dục mà làm chấm dứt cả một cuộc đời hoạt động của Khổng Tử đã băng hà. Con trai nhà vua lên nối ngôi, vị vua này là một trong những tướng lãnh giỏi nhất của nước Lỗ
nhờ học được tài thao lược của Đức Khổng Tử, cho nên tân vương cho vời ông về, và một lần nữa giao cho ông trọng trách về chính trị của nước Lỗ.
Nhưng lúc này, Khổng Tử gần 80 tuổi, và những tháng năm phiêu bạt càng chồng chất sự già yếu cho ông. Năm còn lại trong cuộc đời,
ông tiêu khiển thì giờ trong việc viết lách và dạy dỗ đám môn sinh lúc nào cũng túc trực quây quần một bên. Trong thời gian này, ông sáng tác quyển sách duy nhất, quyển Xuân Thu ghi lại tất cả các sự kiện lịch sử trong suốt thời gian 242 năm.
Khổng Tử đã nói về quyển sách này như sau “Với quyển Xuân Thu này, mọi người sẽ biết đến ta và sẽ buộc tội ta”. Nếu chúng ta không biết nhiều về vị thánh hiền đó qua những sự kiện khác, thì chắc chắn là chúng ta sẽ buộc tội ông dựa theo quyển sử, vì, mặc dù quyển đó xem như khuôn vàng thước ngọc cho các học giả Trung Hoa, nhưng nó lại là một tài liệu lịch sử tóm tắt các sự kiện xấu xa đồi truỵ,
Chỉ một số ít các vĩ nhân, đặc biệt thuộc thời cổ, sẽ đạt được tiếng tăm lừng lẫy nếu chỉ xét đoán bằng những gì mà họ minh chứng được trong khi viết. Sự vĩ đại của Khổng Tử cũng được xét đoán, nhưng không phải dựa vào quyển Xuân Thu mà do nơi ảnh hưởng tư tưởng của ông được nỗ lực vun bồi trên đất Trung Quốc suốt các thời đại và cho mãi đến ngày nay.
Hơn hai thế kỷ sau khi ông qua đời, một vị Hoàng Đế có đầu óc cấp tiến, dùng tất cả quyền lực để tìm cách quét sạch những dấu vết của Khổng Tử. Nhà vua ra lệnh đốt tất cả sách mà Khổng Tử đã sáng tác và dùng trong việc giảng dạy các môn đồ. Nhà vua còn xử tử tất cả các học giả còn ngoan cố duy trì chủ nghĩa của Khổng Tử. Nhưng nhà vua đã thất bại, và các vị vua kế tiếp đã khôn ngoan củng cố uy quyền của mình trên căn bản bảo tồn uy thế cho “bậc thánh sư vĩ đại nhất” này.
Khổng Tử tóm lại, tượng trưng cho tất cả những gì bảo thủ. “Người cẩn thận không bao giờ nhầm lẫn”. Ông thường nói như vậy. Khổng Tử tuyệt đối kính trọng uy quyền “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Ông dạy như vậy. Ông đặt ra những chính sách quốc gia dựa trên nền tảng gia đình. Sự kính trọng chế độ phụ hệ là nền tảng cho việc thờ cúng tổ tiên, một truyền thống căn bản của Trung Quốc qua biết bao thế kỷ.
Khổng Tử không đòi hỏi được xem như kẻ sáng lập ra một tôn giáo, một triết lý hay một guồng máy chính phủ, ông từ chối tất cả, chỉ nói rằng “Ông là người phổ biến, chứ không phải là người tạo nên”. Ông là người vô địch của chế độ cũ, của trật tự quy củ đã có từ lúc ban sơ, và sẽ còn tiếp tục duy trì. Trong khi đương thời với ông là triết gia Lão Tử, tượng trưng cho một tinh thần khác, tìm kiếm một quy luật mới mẻ và tân tiến.
Khổng Tử, như chúng ta thấy là người miền Bắc, con cháu dòng dõi ông mang họ Khổng, có hàng ngàn người ở tỉnh Khổng Phu. Phía ngoài châu thành, trên một ngọn đồi râm mát là nghĩa trang của dòng họ Khổng. Và nơi đó, nằm biệt lập trong sự cô độc rực rỡ là ngôi mộ bia truy niệm của “bậc đại sư thánh thiện nhất, một vị chúa toàn thiện, toàn mỹ”.
Ông mất năm 497 trước Thiên Chúa, với tuổi bảy mươi ba, già nua, đầy thất vọng và vỡ mộng. Ông đã kêu lên tuyệt vọng “Không ai hiểu ta, không một nhà lãnh đạo nào thông minh để tôn ta làm quân sư”.
Nhưng tình thương của đám môn sinh đối với ông đã chứng tỏ một cách hùng hồn cho sức mạnh của ông, hơn bất cứ vị chúa tể nào. Họ để tang ông trong ba năm, cho nên sau khi chết, uy tín của vị thánh hiền bay đi khắp nơi và sống mãi qua các thời đại.
SOCRATES
(469–399 TTL)
Một số người, có ý nghĩ điên khùng, đã khư khư cho rằng sự vĩ đại của Socrates hoàn toàn nhờ vào ngòi bút Plato. Nhưng Socrates không phải là người đầu tiên hay cuối cùng trong hàng các bậc triết gia vĩ đại, không để lại một bút tích nào, không sáng lập ra một học viện nào, và
suốt đời chỉ biết đi tìm kiếm không ngừng để đến một chân lý sống thực. Cứu cánh của Socrates là đưa tinh thần con người đến với tư tưởng là, HÃY TỰ BIẾT MÌNH, với ý hướng đó con người có thể suy nghĩ về điều hay lẽ phải. Socrates quả quyết con người sẽ không còn một cứu cánh nào khác hơn cứu cánh trên con đường đi đến chân lý sống thực của cuộc đời. Nhưng đức hạnh chói ngời của ông khiến dân Athens giết chết ông, và sự nghiệp ông đã được khoát lên chiếc vương miện bất tử.
Socrates là một người đàn ông nhỏ thó, hình dạng xấu xí, mũi tẹt, hểnh, bụng phệ và mắt ốc nhồi. Ông nói thật nhiều mà hành động chẳng bao nhiêu. Chúng ta biết đến ông như một trong những triết gia vĩ đại của thời cổ, có lẽ Athens là nơi sản xuất ra những vĩ nhân. Tên tuổi ông gây sự thán phục, sùng kính và danh dự. Thiên tài ông bộc lộ khiến ai cũng biết đến ông và cũng chính vì tư tưởng khác thường khiến ông bị kết án tử hình. Một con người hoàn toàn thành thật, ngay thẳng không thể đứng vững trên cõi đời. Cuộc đời ông chói lọi như một sợi chỉ vàng óng ánh trong một khung vải đen của lịch sử thế giới con người.
Tất cả những gì chúng ta thâu thập được về ông đều do những bút tích của bạn bè và các môn đồ ông, Plato và sử gia kiêm triết gia Xenophon. Trong những đoạn văn vấn đáp của Plato đã tiết lộ được con người sống động của Socrates, những lời ông nói, những gì ông
tranh luận, những tra cứu đi tìm chân lý, những tư tưởng của ông, thái độ của ông đối với sự sống và sự chết, cũng như sự vĩ đại của ông. Mặc dù ông chỉ nói chuyện trong vòng thân mật với một số các bạn và môn đồ, nhưng dư âm của ông hãy còn đồng vọng khắp nơi.
Socrates sinh năm 469 trước tây lịch, và sống suốt thời đại hoàng kim của Athens, khi nơi đây còn là một Quốc Gia hùng mạnh của dân Hy Lạp,và sự học hỏi, nghệ thuật,thương trường chưa bao giờ dồi dào như thế. Cha ông làm nghề điêu khắc, và trong một thời gian, cậu bé Socrates cũng tập tễnh theo nghề đó. Mẹ ông làm nghề cô đỡ. Sau đó, Socrates thấy cần phải theo nghề cô đỡ của mẹ ông trong khoa ngôn từ. Ông thường so sánh “Mẹ tôi đỡ đẻ cho những sản phụ, tôi đỡ đẻ cho những bộ óc”.
Giống như tất cả những công dân Athenes, ông cũng gia nhập quân ngũ. ông tham gia đánh trận tại Potidee, và đã chiến đấu một cách anh dũng. Suốt trận chiến, ông đã bảo vệ cho anh hùng Alcibiades và trở nên bạn kiêm môn sinh của ông. Sau đó, ông đánh tại Delium và tại Amphipolis. Mang sẵn trong người sự can đảm, ông đã chứng tỏ được trong đời sống dân sự khi ông tự chủ được những cơn khủng hoảng trầm trọng và những biến cố lớn lao.
Socrates tiêu pha những năm tháng còn lại trong việc diễn thuyết. Chưa bao giờ thời đó lại có một nhà nói chuyện hay như vậy, và giá trị những lời ông nói đã đem lại vinh dự cho ông ngay trong thời đại lúc bấy giờ, tiếng tăm lừng lẫy của nhà thông thái siêu việt nhất. Buổi sáng sớm, ông đi lang thang ra ngoài, dáng dấp xốc xếch đặc biệt của ông là một bộ mặt nổi tiếng nhất của Athens. Mùa Đông cũng như mùa Hè, ông đều đi chân đất và không mặc áo lạnh, nhưng không bao giờ ông muốn khoe khoang sự nghèo nàn đó. Ông tự tập cho mình quen với sự cực nhọc thân xác vì ông chỉ chú trọng đến những gì thuộc về linh hồn và tinh thần. “Nếu một tên nô lệ bị bắt buộc sống như vậy thì nó đã chạy trốn mất”, Antiphon đã viết như vậy.
Nhưng Socrates thì lại không chạy trốn. Thật sự, ông ít khi đi ra ngoài cổng thành Athens. Ông không có nguồn lợi sinh sống nào trong nước, chủ đề của ông là con người và ông cảm thấy có sứ mạng đối với con người. Ông lang thang khắp thành phố, đi đến những nơi chợ búa đông đảo và nơi ông thường lui tới là sân vạn động công cộng. Rồi bắt đầu hành nghề, nghề nói. Ông nói cho tất cả không chừa một người nào cả. Tất cả mọi giới, giàu nghèo sang hèn đều đến nghe ông nói và ông sẵn sàng đối đáp với họ bằng những lời giễu cợt nhưng hàm chứa chủ đích dạy đời của ông.
Ông cố ý giả vờ làm người ngu ngốc nhất trong bất cứ một cuộc tranh luận nào. Ông dùng những hình ảnh tầm thường, và hỏi những câu hỏi lại càng tầm thường hơn, lối mỉa mai châm biếm lừng danh của Socrates để làm trắc nghiệm những người nghe ông nói về sự Tốt. Chủ đích của ông là muốn ca tụng về điều tốt. Không có bản tính tốt, con người không là gì cả. Socrates tin rằng con người sẽ đi tìm đến điều tốt nếu họ thực sự có kiến thức hiểu biết, theo ông: Đạo Đức là đức tính vượt lên trên tất cả những đức tính của một con người. Một việc gì chỉ có thể tốt với điều kiện là nó hữu ích, hữu ích trong công việc tạo ra hạnh phúc cho chúng ta.
Không giống phần đông những người Athens khác, ông tham gia rất ít vào việc nước thời bấy giờ. Nhưng khi tham gia, ông tỏ ra hết sức thành thật và cương quyết, điều mà chúng ta chờ đợi ở một con người can đảm và bất chấp mọi dư luận, doạ cũng như bạo lực.
Có lần, ông là hội viên hội đồng quốc gia. Vài tướng lãnh người Athens bị mang ra toà xử và vì bị áp lực của dân chúng nên họ phải chịu án tử hình một cách bất hợp pháp. Toàn thể hội đồng đều ủng hộ quyết định đó, chỉ riêng có Socrates là chống đối. Mặc dù gặp sự phản đối của quần chúng, ông vẫn cương quyết duy trì công lý và luật pháp. Một lần nữa trong cuộc thanh trừng năm 404 trước tây lịch, khi đế quốc Athens đang hồi suy vong, Thirty, người đang cầm quyền ở
Athens, ra lệnh cho Socrates bắt bớ bất hợp pháp. Socrates từ chối dù biết rằng sự từ chối có hại đến sinh mạng ông. Thật ra, mạng sống ông chỉ có thể được bảo toàn khi có sự nổi dậy của quần chúng để lật đổ Thirty. Đó là sự can đảm của một con người mà ông phải chịu đựng. Sự can đảm ông còn vĩ đại hơn trong khi ông bị đem ra xử tội và phải chịu án tử hình.
Nhưng Socrates không để ý đến cái chết, ông tin tưởng ở sự tồn tại của linh hồn và ông tin ở phần đức hạnh. Tôn giáo của ông không phải là một thứ lý thuyết thừa nhận các vị thần linh trong các huyền thoại như dân Athens thường tôn thờ. Những nguyên tắc luân lý đạo đức của ông gần với Thiên Chúa giáo hơn các tôn giáo khác, ông là một con người có vẻ thần bí và ông lại rất thực tế. Người ta kể lại rằng, ông đã đứng suốt hai mươi bốn giờ để đắm chìm trong suy tư. Và ông như đang nghe tiếng gọi của vị thần linh của ông, một âm hưởng mơ hồ như đang bảo cho ông không được làm điều gì. Điều dĩ nhiên là Socrates không thể tiếp tục diễn thuyết trước công chúng và làm hài lòng tất cả mọi người được. Sự thật, sự phê bình thẳng thắng của ông đã làm phiền lòng một số người. Aristophanes, hài kịch gia vĩ đại, đã viết vở hài kịch The Clouds (vào năm 423 trước tây lịch) để châm biếm Socrates, Socrates được xem như tiêu biểu cho một triết gia vừa là một ông già điên điên khùng khùng và dạy cho những thanh niên những tư tưởng gàn dở đáng khinh bỉ. Cái nhìn của hài kịch gia Aristophanes nhắm vào Socrates có lẽ cũng được một số đông những người dân Athens hưởng ứng, nhưng cũng không ngăn cản được một số người giàu có, nghèo có, các môn đồ lúc nào cũng quây quần quanh Socrates. Vài người tìm đến ông để thoả mãn chủ đích của họ là học hỏi thiên tài ông về khoa biện chứng pháp, về khả năng biện luận và tranh luận của ông. Những người khác thì học ông cách cải thiện đời sống. Họ kết hợp thành một đoàn thể hỗn tạp. Critias, một trong ba nhà độc tài, Alcibiades, thông minh và dâm đảng, Crito, Plato, Xenophone, Pericles,
Celes triết gia ở Thebes và Euripides, kịch tác gia vĩ đại, tất cả đều theo tinh thần của Socrates là chứng tỏ cho mọi người thấy sự khoáng đạt và bền vững của linh hồn.
Socrates bắt đầu tự biện hộ cho chính mình “Hỡi mọi người ở Athens, tôi không biết những lời buộc tội tôi đã có ảnh hưởng đến các bạn như thế nào, vì riêng tôi, khi lắng nghe những người buộc tội tôi, tôi hầu như quên mất tôi, những cuộc tranh luận của họ có vẻ hợp lý lắm, tuy nhiên, khi nói, họ lại không bao giờ nói sự gì đúng cả”.
Ông không lo lắng bối rối tìm cách chạy tội. Ông chỉ tỏ bày một cách hết sức giản dị và cao thượng chủ đích của ông. Ông đem tất cả của cải giúp vào những việc công ích cho Athens. Ý nguyện của ông là
làm cho đồng bào được hạnh phúc. Đó là bổn phận mà ông thi hành theo lịnh của thần linh, và ông đã nói với các quan toà là “Thần linh là những người mà tôi xem là có đầy đủ uy quyền hơn các ông”.
Dĩ nhiên là lời nói của ông làm mất lòng toà án, nhưng điều xảy ra còn bi đát hơn. Ông nói “Nếu đồng bào đề nghị tha bổng tôi với điều kiện là tôi phải chấm dứt việc đi tìm chân lý thì tôi sẽ nói rằng, tôi cám ơn đồng bào – những người dân Athens, nhưng tôi phải vâng lệnh Thượng Đế vì tôi tin rằng Thượng Đế đã giao phó nhiệm vụ đó cho tôi, và khi nào tôi còn sống, còn hơi thở thì tôi sẽ không bao giờ chấm dứt triết lý của tôi. Tôi sẽ tiếp tục đi theo những người mà tôi gặp để nói với họ rằng, bạn không xấu hổ sao khi chỉ biết yêu tiền tài danh vọng, bạn không nghĩ gì đến sự thông thái, chân lý và tìm cách làm cho linh hồn được thăng hoa? Tôi không biết chết là gì, có lẽ đó cũng là một điều hay, và tôi không sợ chết. Nhưng tôi biết rằng bắt một người phải xa rời nhiệm vụ của mình là một điều xấu và tôi thì thích những điều tốt hơn là những điều mà tôi biết rằng xấu”.
Ông bị một thiểu số buộc tội. Các quan toà đề nghị xử tử hình ông. Theo luật pháp ở Athens, Socrates được quyền chọn lựa hình phạt, như lưu đày chẳng hạn. Ông đề nghị được đối xử như từ trước đến
giờ, tức là như một người làm việc thiện. Như thế là ông phải khoản đãi và chi tiêu cho những việc công cộng, như chịu tốn kém ban thưởng cho người thắng cuộc ở Thế Vận Hội Olympic. Đột nhiên, ông lại đề nghị chỉ trả số tiền chuộc là một đồng Hy Lạp để thay cho cái chết. Các bạn ông van nài ông trả ba mươi đồng, ông cương quyết từ chối.
Toà án đã nổi giận thực sự. Socrates đã tỏ ra khinh bỉ những người xử ông vì chính sự thông thái của ông. Rồi không cố gắng khó nhọc gì nữa. Socrates bị kết án tử hình bằng cách uống độc dược, một phương pháp trừng phạt của dân Athens. Triết gia chấp nhận bản án đó một cách im lặng, và vẫn tiếp tục tuyên bố trước phiên toà để chứng tỏ phẩm hạnh của mình “Bây giờ là phút chia tay, để tôi chết và các bạn được sống, nhưng trong chúng ta ai sẽ được siêu thoát thì chỉ có Thượng Đế mới biết”.
Vì phải lo tổ chức lễ tế thần mà sự hành quyết Socrates được hoãn lại ba tuần lễ. Ông bị nhốt trong tù và bị xiềng, nhưng ông vẫn tiếp bạn bè và nói chuyện vui vẻ. Crito, một trong những môn đồ trung thành nhất của ông, đã có mặt trong phiên toà xử ông, và xin được giúp đỡ ông ba mươi đồng để chuộc tội, đến gặp Socrates trong tù và sắp xếp cho ông trốn thoát, nhưng Socrates từ chối đề nghị đó. Ông đã bị toà án xử tử và ông có bổn phận phải tuân theo luật pháp ở nước ông.
Plato trong quyển Phaedo đã kể lại màn bi kịch cuối vô cùng cảm động. Một nhóm bạn đến thăm ông vào ngày cuối cùng. Họ thấy ông bị nhốt trong củi sắt, tay chân vừa được tự do, với Xanthippe và đứa con trai út. Xanthippe, nức nở khóc. “Socrates, các bạn ông sẽ đến nói chuyện với ông lần cuối cùng”. Nhưng Socrates nhìn Crito và nói “Crito, bảo ai đưa bà ta về đi”. Sau khi bà lặng lẻ đi ra, tội nhân ngồi thẳng trên giường, đang xoa bóp cho chân bị xiềng và bắt đầu diễn thuyết một cách bình tĩnh về tương quan giữa khoái lạc và đau đớn. Mọi người ngồi chung quanh ông và bàn về cuộc sống, về sự chết và về
sự bất diệt của linh hồn. Trưa hôm đó, Socrates bỏ họ ngồi đó và đi tắm. Đến khi ông trở lại vào lúc hoàng hôn là giờ hành quyết sắp bắt đầu.
Nhân viên hành quyết đi vào và xin lỗi ông để được thi hành phận sự. Hắn xin Socrates đừng giận hắn, và rồi quay đi khóc nức nở. Crito, cố gắng thuyết phục Socrates đừng vội vã vì mặt trời chưa hoàn toàn lặn, nhưng Socrates chỉ mỉm cười và ra lệnh cho Crito đi tìm người mang độc dược tới. Socrates nâng ly lên, rải vài giọt cúng thần linh và uống cạn phần còn lại. Bạn bè ông đứng chung quanh không đè nén được nỗi đau đớn. Nhưng Socrates khiển trách họ “Các bạn làm gì vậy?” Ông hỏi. “Cũng vì lý do này mà tôi phải đuổi đàn bà đi vì sợ họ sẽ có những hành động điên khùng như vậy. Vì tôi đã thường nghe rằng cái chết được yên lành với những dấu hiệu tốt. Hãy im lặng đi và chịu đựng”.
Chất độc dược dần dần thấm vào, cơ thể ông càng giá lạnh và ngay trước khi ông lâm vào trạng thái hôn mê, ông còn đưa ra những lời giáo huấn nói về sự hy sinh mà ông đã quên dạy.
Plato kết luận như sau: “Đó là giờ phút cuối cùng của bạn chúng ta, một con người xứng đáng mang danh con người nhất ở thời đại ông, hay hơn nữa, là nhà thông thái sáng suốt nhất”. Đó là lời khắc trên mộ bia của ông đã phản ánh trung thực nhất con người ông.
Chẳng bao lâu sau khi mai táng Socrates, dân Athens bắt đầu hối hận. Những kẻ trước kia buộc tội ông bị tẩy chay hoàn toàn. Vài kẻ tuyệt vọng quá phải treo cổ tự tử. Nhưng giờ đây, triết gia không còn nữa, dân thành Athens giao cho Lysippus đúc tượng ông bằng đồng.
Cuộc đời Socrates là một tấm gương cho lý tưởng ông. Triết lý của ông được Plato phổ biến, đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong tư tưởng con người. Cicero, hùng biện gia người La Mã viết “Ông đã mang triết lý từ thượng giới xuống trần gian”. Vì Socrates là người đã
khai sáng nên triết lý đạo đức. Ông không quan tâm đến siêu hình học, nhưng với chính con người và sự giáo huấn con người, ông đã bị giễu cợt khi đưa ra những thí dụ tầm thường trong đời sống hằng ngày, nhưng ông làm như vậy để dẫn dắt con người đến điều thiện, đến chân lý và cái đẹp. Ông đã dùng lý trí để tự điều khiển lấy mình.
Có một lần, khi nhìn cặp mắt lồi, đôi môi dày, chiếc mũi xẹp của con người lùn mập nhỏ thó, một thầy tướng đã nói rằng, gương mặt Socrates đã biểu lộ ông là một con người dâm đảng, một trong những kẻ bần tiện, tự đắc và sa đoạ nhất thế giới.
Những người tôn thờ triết gia nổi giận và gần như muốn ám sát tên thầy tướng, nhưng Socrates ngăn lại và lưu ý rằng “những điều tên thầy tướng nói đều đúng nhưng nhờ ông đã biết dùng lý trí để sửa chữa những khuynh hướng phóng đảng tồi tệ của mình”.
Nhưng nếu chúng ta phán đoán cuộc đời ông thì chúng ta thấy rằng, những khuynh hướng thấp hèn của con người xấu xí đó được kiểm soát và điều khiển bằng lý trí và sự luyện tập tinh thần để đi đến sự toàn thiện toàn mỹ của con người, đó là sự vĩ đại của linh hồn.
ARISTOTLE
(384–322 TTL)
Sử gia Lempriere viết “Aristotle tuy có một hình dáng tật nguyền xấu xí, nhưng thiên tài ông cũng đủ để đền bù lại tất cả những khuyết điểm khác của con người ông”. Và ông đã bày tỏ sự ngưỡng mộ say sưa của ông qua câu tán tụng để đời về Aristotle “ông ta được Plato gọi là triết gia của chân lý, và Cicero đặt cho ông là một con người tượng trưng cho sự lưu loát, kiến thức bao la, tinh thần sáng tạo minh mẫn, mau mắn và sự suy tư phong phú sâu sắc”.
Tất cả những lời khen tặng đó đã phản ánh được một khía cạnh của sự thực. Đó là những nét để đi sâu vào thiên tài của Aristotle. Ông là một thánh sư của kiến thức uyên bác hàng bao thế kỷ nay, châu Âu
xem ông như bậc thầy, và chưa có triết gia nào như ông đã để lại một ảnh hưởng sâu xa bất diệt trong tư tưởng và cuộc sống của thế giới phương Tây.
“Philip gởi lời chào Aristotle, và xin báo tin con trai trẫm vừa chào đời. Trẫm rất tạ ơn các vị thần linh, nhưng điều làm trẫm hoan hỷ đội ơn hơn là con trai trẫm được ra đời trong thời đại của khanh. Vì trẫm hy vọng rằng, được sự dạy dỗ giáo dục của khanh, hoàng tử sẽ tỏ ra xứng đáng để nối ngôi vua”.
Đó là bức thư mà vua Philip xứ Macedonia đã gởi cho Aristotle khi hoàng nam ra chào đời tức là Alexander Đại đế, người đã từng khóc vì “không còn thế giới nào để chinh phục nữa”.
Lá thư thật là một phần thưởng xứng đáng cho vị triết gia mà có lẽ đã tạo được ảnh hưởng nhiều nhất trong tư tưởng con người. Aristotle, nhà tư tưởng vĩ đại của Hy Lạp cổ đã mang lại cho đất nước ông hầu hết những cơ quan sinh hoạt trí thức, quyển Chính Trị
học (Politics) của ông đã đặt nền tảng cho triết lý chính trị mới mẻ, quyển Thi Ca (Poetics) của ông chứa đựng những khái niệm đầu tiên về các yếu tố đồng nhất của bi kịch, trong bài nghị luận Linh hồn (On The Soul) ông đã đặt nền tảng cho khoa tâm lý học như chúng ta biết ngày hôm nay. Ông là nhà tiên phong trong khoa sinh vật học, người đầu tiên đã phát biểu những ý kiến về luật học và cũng là cha đẻ của biết bao những quan niệm mà ngày nay được chúng ta chấp nhận một cách hiển nhiên không cần tra hỏi. Khi vua Philip viết thư cho ông, lúc đó ông chưa đầy ba mươi tuổi.
Aristotle sinh năm 384 trước tây tịch, tại tỉnh Stagira thuộc biển Egean, cho nên ông có một biệt danh quen thuộc là “Stagirite”. Ông là con trai của một bác sĩ uyên thâm, Nicomachus, và thỉnh thoảng ba ông được mời vào hoàng cung để làm y sĩ cho Vua Amyntas II, cha của Vua Philip xứ Macedonia. Sự liên quan giữa cha ông và triều đình xứ Macedonia đã có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc đời và sự nghiệp của Aristotle. Ông bắt đầu theo học với Plato, và được thầy gọi là nhà trí thức của trường Triết Học Plato. Khi Plato chết, cháu trai của ông là Speusippus lên thay, và Aristotle sau khi viết một áng văn kiệt tác khắc trên mộ bia của vị thầy quá cố, ông rút lui về Atarneus và ở đó với một người học trò cũ khác của Plato là Hermias. Người cháu gái (có tài liệu cho là em gái) của Hermias trở thành vợ Aristotle. Bà hạ sinh cho ông một đứa con trai và ông đặt tên con bằng tên của cha ông. Cuộc hôn nhân của ông là nhịp cầu thông cảm nối liền giữa ông và Hermias, cho nên khi Hermias bị người Ba Tư bắt và xử tử hình, Aristotle đã viết một bài thơ ngắn cảm động để tưởng nhớ bạn.
Trong khi học hỏi động vật học và một vài môn học khác ở Hitylene, ông nhận được chiếu chỉ gọi về phụ trách việc dạy dỗ cho cậu bé Alexander như lời ông đã hứa khi Hoàng nam vừa chào đời. Một văn sĩ đã viết lại sự tương giao giữa triết gia và người hùng chinh phục địa cầu như sau: “Một người có quyền lực và ý muốn thống trị
thế giới, một người đã tìm tòi khai sáng và chinh phục được một thế giới mới cho trí tuệ con người!”.
Chúng ta không được xem Aristotle như một loại quân sư cho Đông Cung Thái Tử của Đế Quốc Macedonia, hơn nữa người Hy Lạp không có quan niệm như chúng ta thường thấy ở phương Đông.
Aristotle được phép mở trường dạy học tại Mieza, gần Pellas trong tỉnh Emathia. Tại đây, Alexander và con trai của các nhà quý tộc khác đều thấm nhuần sự giáo huấn của Aristotle.
Các môn sinh xúm xít chung quanh chiếc ghế đá to của thầy, vì Aristotle thường hay đi dạo với đám môn sinh qua những con đường râm mát gần những đền thờ để học hỏi suy tưởng.
Tất cả môn sinh đều tỏ lòng thán phục vị thầy của họ đến nỗi họ tôn thờ ông như bậc thánh, nhưng chỉ riêng Alexander không bao giờ để cho sự kính trọng của ông đối với sự siêu việt và kiến thức của Aristotle trở thành nô lệ. Một buổi sáng, Aristotle hỏi một cậu học trò mà giai cấp hơn hẳn cả dòng quý tộc “Con sẽ làm gì khi theo sự tuần hoàn của lịch sử, con sẽ lên nối ngôi làm Vua?”. Cậu bé trả lời một cách khiêm tốn rằng sau này trong tất cả mọi biến cố, mọi khủng hoảng, cậu sẽ vấn kế thầy và sẽ tuân theo lời thầy dạy. Một hoàng tử khác, khi được hỏi cũng trả lời giống như vậy. Câu hỏi đó cũng được đặt ra cho Alexander và hoàng tử trả lời “Con không thể trả lời được, và cũng không ai có thể biết được những gì sẽ xảy ra trong ngày mai. Khi sự việc đến, xin thầy hỏi lại câu hỏi ấy và con sẽ trả lời tuỳ theo hoàn cảnh”.
Vua Philip đã dành tất cả những ưu đãi danh dự cho vị thầy của con mình. Nhà độc tài lúc trước đã định tàn phá tỉnh Stagira. Nhưng bây giờ để chứng tỏ sự hâm mộ đối với triết gia, nhà vua cho xây cất trùng tu lại thành phố, ra lệnh trả tự do cho những người dân ở thành phố, trong đó có một số là nô lệ và tất cả đều chịu cảnh nghèo khổ. Đó
là một cử chỉ hết sức vĩ đại và xứng đáng của bậc đế vương, mặc dù chúng ta phải nhớ rằng vào thời cổ Hy Lạp, một thành phố không rộng hơn một quận nhỏ ngày nay.
Aristotle gieo vào tâm hồn cậu bé Alexander tình yêu nồng nàn thi hào Homer, thi sĩ cổ lừng danh của Hy Lạp chuyên viết loại anh hùng ca, và tình yêu này đã kéo dài suốt cả cuộc đời người hùng chinh phục Alexander. Nói cách khác sự dạy dỗ của ông vĩ đại đến nỗi vua Philip phải tấm tắc khen ngợi với Alexander để tỏ lòng thán phục. “Thật ra, những vinh dự chúng ta dành cho Aristotle vì ông là một con người xứng đáng với phần thưởng cao nhất, ông đã cho con tất cả những chủ thuyết vĩ đại về bổn phận con người và công việc của một vì vua”.
Dù khi hết còn theo học, Alexander vẫn giữ lòng tôn kính và thương mến thầy giáo của mình.
Alexander nhìn nhận rằng “Cha tôi đã ban cho tôi sự sống, còn Aristotle cho tôi sự khôn ngoan, kiến thức và phải sống sao cho xứng đáng”. khi Aristotle bắt đầu mở cuộc nghiên cứu về sinh vật học, Alexander ra lệnh cho 1.000 người theo giúp đỡ và chịu sự sai khiến của ông. Những người này giúp ông trong việc tìm hiểu và tường trình lại những thói quen cũng như những đặc tính của các loài chim chóc, thú dữ và các giống cá. Alexander tỏ ra vô cùng rộng rãi trong các chi phí cho công cuộc nghiên cứu này. Nhiều văn kiện, tài liệu có giá trị cung cấp cho ông, một điều vô cùng quý báu vì tự ông không thể nào đài thọ nổi những nhu cầu đó.
Khi Alexander bắt đầu cuộc trường chinh châu Á, Aristotle quay về Athens, và một trung tâm văn hoá được thành lập, ở đó không phải chỉ cho dân Hy Lạp mà còn cho toàn thế giới. Tại đây, lúc năm mươi tuổi, ông mở trường dạy học, đặt tên trường là Lyceum vì đặt gần đền thờ của thần Apollo Lyceius. Học trò tụ tập lại đó để thụ giáo và lãnh hội những lời giáo huấn của bậc triết gia chói lòa nhất thời bấy giờ. Chữ “Lyceum” được dùng để chỉ trường học của Aristotle vẫn còn
sống mãi với thời gian mặc dù một vài người dùng nó để chỉ ngôi đền thờ thần linh. Những môn sinh theo học ở trường Aristotle sau này trở nên những triết gia theo trường phái Tiêu Dao (trường phái Aristotle), có lẽ vì họ có thói quen đi dạo mỗi khi bàn luận triết lý.
Đường lối giáo dục Aristotle rất phong phú rộng rãi. Triết lý của ông đặt nền tảng vào những sự kiện, vì ông có đầu óc hết sức khoa học của nhà bác học.
Thật ra lúc đầu tiên, ông có ý định theo đuổi nghề nghiệp của cha ông và đã thu được vài kinh nghiệm trong vấn đề giải phẫu và vài lãnh vực khác của y khoa. Nhưng cuối cùng, công việc nghiên cứu sinh vật học là việc ông thích theo đuổi nhất.
Cái chết của Alexander tại Babylon làm cho Aristotle bị nghi ngờ. Ông bị kết án là người dân Macedonia có uy tín nhất, và một kế hoạch được mưu toan để buộc cho ông tội bất kính tôn giáo. Aristotle biết rất rõ về tính bất thường của người Hy Lạp. Ông nhớ lại số phận của Socrates và cũng không thích bị bắt uống thuốc độc như vậy. Do đó, ông tức tốc rời bỏ Athens và ẩn náo tại làng Chalcis trên đảo Euboe. Năm 322 trước tây lịch, ông từ trần sau khi ẩn trốn một ít lâu.
Những người đương thời của Aristotle hay nhắc đến cặp mắt chăm chú và đôi môi cương quyết của ông, mặt dù họ thêm rằng ông bị nói ngọng và chăm sóc quá đáng đến quần áo, đó là một điểm khác thường đối với một triết gia.
Những thế kỷ sau đó, một thi sĩ người Anh John Dryden đã viết lên một câu tán tụng say mê Aristotle “Ông đã đốt đuốc soi đường cho nhân loại”.
Ông quả thật là người đã mang ánh sáng đến cho biết bao nhiêu đầu óc ưu tú ở các thế hệ sau. Ông không những chỉ giảng dạy mà còn khai sáng làm mới mẻ các kho đạo đức học, siêu hình học, thi ca, chính trị và tu từ học. Triết lý của ông đã ảnh hưởng một cách sâu
đậm trong nhiều bộ óc khác nhau như Thomas Aquinas, Dante, Spenser và Goethe, ngoài ra còn biết bao nhiêu người khác. Chúng ta sẽ có thể lãnh hội nhiều hơn tác dụng vĩ đại Aristotle đã để lại qua biết bao nhiêu thời đại, trong việc tạo dựng nền văn minh con người nếu chúng ta để ý xem qua những tác phẩm của ông, dù đại khái, công nghiệp trên đã khiến tên tuổi ông trở thành bất diệt. Phương pháp triết học của ông đã tạo nên nền tảng của một hệ thống học đường vĩ đại, vàng son của thời Trung Cổ và ngày hôm nay vẫn còn giữ địa vị quan trọng trong biết bao những triết lý khác. Những nhà tri thức vĩ đại của Thiên Chúa giáo đã áp dụng phương pháp suy tưởng của kẻ vô thần này để biến chế những hệ thống thần học của họ.
Những công việc làm của Aristotle, có thể viết lại thành cả một bộ sách tham khảo về triết học. Trong quyển Organon, ông đã đặt ra các định luật về Luân lý, và cuộc khảo sát về lý luận cũng như suy tưởng đã vạch ra đường lối cho hậu thế. Quyển Tu từ học (Rhetoric) của ông là một tác phẩm đặt căn bản trên nghệ thuật khuyến dụ lòng tin của người khác, sự sáng tạo không ngừng của bộ óc ông, kiến thức vĩ đại và sự suy tư sắc bén đã được trình bày trong quyển Vật lý học (Physics), Siêu hình học (Metaphysics) và Các chủ đề (Tepies). Trong bản văn Linh hồn, ông đi vào thế giới của sinh vật học và tâm lý học, trong khi quyển Thi ca có nhiều ảnh hưởng hơn tất cả các tác phẩm phê bình văn chương kịch nghệ. Nhưng hai tác phẩm có giá trị và ảnh hưởng sâu xa nhất ở trời Tây là Đạo đức học (Ethics) và Chính trị học. Những hệ thống mà ông đề xướng ra là những khuôn vàng thước ngọc cho các chính khách và triết gia cả thời Trung Cổ lẫn hiện đại. Không có một cơ quan suy tưởng nào của con người mà không chịu ảnh hưởng sự giáo huấn mà Aristotle đã khai sáng.
Cuộc đời của ông là cả một câu chuyện hoang đường và ít biết tài liệu nhiều về ông.
Ông hãy còn là một thí dụ điển hình nhất, tượng trưng cho một thiên tài vượt không gian và thời gian với một bẩm chất thuộc vào hàng bất diệt của những vĩ nhân.
D’Arcy Thompson viết “Cho nên trải qua trên hai ngàn năm, trên khắp hoàn cầu, người ta vẫn còn tìm đến Aristotle, để học hỏi những sự giáo huấn chỉ dẫn trong nhiều môn học. Bất cứ nơi nào, dù có ông hay không có ông, ảnh hưởng của ông vẫn còn tồn tại, ngay cả giống dân Moore và Ả Rập ngày nay, cũng tìm ở ông một người thầy khả kính; một bậc thánh sư của sự thật bất diệt, đã nói về giấc ngủ và giấc mơ, tuổi trẻ và tuổi già; sự sống và sự chết, của thời đại và sự suy đồi, của sự tăng trưởng và tàn tạ; hơn nữa, ông còn là người hướng đạo trong công cuộc khám phá thiên nhiên, thế giới của tinh thần và là nhà tiên tri các việc làm của Thượng Đế.
MOHAMMED
(570–632)
Hơn 250 triệu người trên thế giới là tín đồ của đạo Hồi. Sự quan trọng của Mohammed vì lẽ đó không cần phải nhấn mạnh nhiều. Cuộc đời ông quả thật ly kỳ. Trong vòng sáu mươi năm, kinh nghiệm một đời người như trải qua nhiều bước thăng trầm của cả một âm giai, từ nghèo khổ đến giàu có, từ thất bại đến thành công, từ cô đơn không bạn bè đến thế lực ngất ngưỡng, từ bị bạc đãi đến được đối xử như quyền hành một ông hoàng. Mohammed đánh thức lại đời sống con người ở phương Đông mà tôn giáo đã bị vùi chôn vào hố thẳm của truỵ lạc, phóng đảng và dốt nát.
Suốt từ năm 609–632, ánh sáng của đức tin loé lên từ quả tim chân chính Mohammed và báo trước một trong những biến cố quan trọng nhất ảnh hưởng đến lịch sử thế giới con người.
Thượng Đế tối cao! Không có một Thượng Đế nào ngoài một Thượng Đế thật sự! Mohammed là sứ giả của Thượng Đế! Tiếng la ầm ỉ từ các giáo đường vang dội qua biết bao thế kỷ. Những lời hoan hô đó chứng tỏ trong vòng mười ba thế kỷ, sự vĩ đại vàng son của Thượng Đế đã được tán tụng khắp cả phương Đông. Những chữ đó chứng tỏ di sản Thượng Đế đã được tuyên bố và những âm thanh ê a kéo dài mãi mãi giữa sự ồn ào, hỗn độn của đời sống hàng ngày.
Bây giờ chúng ta có thể hỏi: con người đã đánh thức và thanh lọc tôn giáo ở phương Đông là loại người nào? Và kẻ đã tạo ra một cuộc cách mạng tôn giáo vĩ đại nhất trong lịch sử dù chỉ trong vòng vài năm ở Ả Rập.
Mohammed sinh khoảng năm 570 sau tây lịch, ông xuất thân trong
dòng dõi quý phái ở Ả Rập. Gia đình ông thuộc vào bộ lạc Quraish, và từ khi chào đời, Mohammed đã gắn liền với một trung tâm tôn giáo quan trọng, thành phố Mecca, nơi thấm nhuần trong sự tôn sùng tôn giáo một cách u mê khờ khạo (Về sau trở thành thánh địa Hồi giáo vì là nơi sinh của Mohammed).
Cha ông, Abdullah, con trai của Abdull Muttalib chết trước khi Mohammed chào đời và mẹ ông Amina cũng lìa trần sau đó mấy năm. Mohammed, mới sáu tuổi đầu đã phải sống trơ trọi trên cõi đời, mồ côi cha lẫn mẹ.
Mohammed được ông nội săn sóc, nhưng hai năm sau thì ông nội cũng lìa trần. Sau đó, Mohammed được người chú là Abu Talib nuôi nấng. Ông được chú hết sức yêu thương, ngủ cùng giường, ăn cùng mâm và cùng đi theo chú như bóng với hình. Tình cảm sâu xa giữa cậu bé Mohammed và ông chú Abu Talib đã được chứng tỏ một cách hiển nhiên. Abu Talib sắp sửa làm một cuộc hành trình đến Syria. Cảnh chia ly phải xa người chú thân yêu khiến cậu bé Mohammed lúc đó mới mười hai tuổi, quá mủi lòng đến nỗi ông chú phải quyết định cho cậu bé đi theo đến Syria. Cuộc hành trình kéo dài trong nhiều tháng đã cho Mohammed những ấn tượng đầu tiên về thế giới bên ngoài và khiến ông có dịp tiếp xúc với nhiều giống người khác nhau cũng như nhiều tôn giáo khác nhau.
Một sự kiện khác xảy ra trong suốt cuộc đời thơ ấu của Mohammed. Thung lũng Mecca và các vùng chung quanh lăn xả vào một cuộc chiến xúc phạm thần linh, sự nổi dậy do cuộc tranh chấp giữa hai bộ lạc Ả Rập, Quraish và Beni Hawazin, tại hội chợ hàng năm Okaz. Mohammed đứng về phe các chú ông ở bộ lạc Quraish và nhiệm vụ của ông trong cuộc tranh chấp này là đi nhặt các mũi tên của kẻ thù rơi xuống để đem về cho những người chú.
Trong cuộc đời niên thiếu của Mohammed, cũng có vài đoạn giống vua David của Do Thái, ông cũng đã trải qua một thời gian làm mục
đồng, chăn dê và cừu ở Mecca trên những ngọn đồi và thung lũng lân cận. Nhưng mặc dù đeo đuổi bất cứ việc gì, bất cứ bổn phận nào hay bất cứ công việc nào đặt để cho số phận ông, ông vẫn thi hành phận sự với tất cả sự thành thật trung hậu như chính công việc của ông nên người ta đặt biệt hiệu cho ông là Al–Amin (kẻ trung hậu).
Lịch sử khắp nơi đều đồng ý rằng tuổi trẻ của Mohammed hết sức trong sạch và khiêm tốn. Khi phong trào ăn chơi phóng đảng ở Mecca lan tràn thì đức hạnh của Mohammed càng chói ngời. Được trời phú cho một đầu óc lỗi lạc và một năng khiếu tế nhị, tiết kiệm và suy tư, ông sống với nội tâm nhiều hơn, không thèm khát giàu sang, dường như cuộc sống ẩn dật và thầm lặng mà ông đang sống trong gia đình Abu Talib rất thích hợp cho khuynh hướng tình cảm của ông.
Tuy nhiên, Abu Talib cũng không giàu có gì. Cho nên, ông đã đề nghị với Mohammed một việc làm thoả đáng để nuôi thân là đi bảo vệ cho đàn lạc đà đến Syria cho Khadija, một người đàn bà giàu có thượng lưu quý phái của bộ lạc Qurairh. Mohammed sẵn sàng nhận công việc đó và dưới sự chỉ đạo của ông, đoàn người và lạc đà đến Syria thành công tốt đẹp cùng với sự hài lòng của bà Khadija. Sự đúng đắn và con người quyến rũ của Mohammed đã gây nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng bà Khadija, goá phụ đã bốn chục cái xuân xanh. Sau đó ít lâu, năm 595, hôn lễ được cử hành, lúc đó chú rể Mohammed mới vừa hai mươi lăm tuổi tròn. Mặc dù bà khadija lớn hơn Mohammed đến mười lăm tuổi, nhưng cuộc tình duyên vợ già chồng trẻ này được tràn đầy hạnh phúc và may mắn. Hạnh phúc của họ có lẽ do tình yêu đức độ và sự kính mến giữa hai người hơn là nhờ sự an ủi của con cái, vì mặc dù hai người có với nhau hai cậu con trai và bốn con gái, nhưng Mohammed mất tất cả những đứa con này khi còn sống, trừ một đứa con gái là Fatima, về sau lấy chồng là Ali.
Trong khi bà Khadija còn sinh tiền (bà chết lúc sáu mươi lăm tuổi khi Mohammed được năm mươi tuổi, Mohammed mặc dù sống một
cuộc đời sung sướng trong một nước theo tục lệ đa thê, nhưng ông vẫn giữ một lòng trung thuỷ với người bạn đời mà ông yêu thương duy nhất là bà Khadija khả ái và chân tình.
Tại Mecca, khi bà Khadija qua đời, Mohammed thành hôn với Sauda, một goá phụ, và sau đó tại Medina, ông cưới Ayesha, con gái của một người bạn trung thành với ông là Abu Bekr.
Năm 605, vài năm sau hôn lễ của Mohammed với Khadija, một nhu cầu đòi hỏi xây cất lại đền Kaaba, một toà nhà linh thiêng ở Mecca. Những vật liệu cần thiết được cung cấp, bộ lạc Quraish cũng góp phần trong công cuộc xây cất. Trong khi xây cất, một cuộc tranh luận sôi nổi đã xảy ra để xem ai là người có đủ tư cách để đặt viên đá đen linh thiêng vào trong bức tường của ngôi đền Kaaba. Danh dự to tát này đã được các gia đình dòng họ ở bộ lạc Quraish thi đua tranh giành nhau. Khi cuộc tranh luận lên đến cao độ, Mohammed lúc đó chừng ba mươi lăm tuổi, bước vào hội đồng và được chọn làm trọng tài. Mohammed trải chiếc áo choàng của ông xuống đất, đặt viên đá linh thiêng lên đó rồi mời bốn người, mỗi người đại diện cho một gia đình ở bộ lạc Quraish đang tranh đua nhau, cầm bốn góc chiếc áo choàng và cùng nhấc viên đá lên. công việc hoàn tất; viên đá được nâng lên và dưới sự chỉ dẫn của Mohammed, được mang đặt vào trong tường của đền Kaaba. Danh dự đã được phân chia đồng đều và hoà bình được vãn hồi mau chóng.
Vốn bản chất con người thấm nhuần đạo giáo, Mohammed thường rút lui vào một căn hầm ở chân núi Hira, ba trăm dặm ở về phía bắc Mecca, và ở đó cả ngày để cầu nguyện và suy tư. Trong một cơ hội, khi thế giới bên ngoài đã được ông đặt qua một bên, thì một lời mời gọi đến Mohammed, tiếng gọi này chỉ thị ông phải lật đổ lòng tín ngưỡng tà giáo của dân Ả Rập và khôi phục lại phương Đông ánh sáng của tôn giáo Abraham, tin tưởng vào một Thượng Đế độc tôn, Thượng Đế đầu tiên và cuối cùng đầy lòng nhân ái cao cả.
Lúc đầu Mohammed lắng nghe một cách run rẩy sợ hãi, nhưng về sau, đặt tất cả niềm tin vào Thượng Đế, ông chấp nhận lời kêu gọi để tuyên bố sự hợp nhất của Thượng Đế, lật đổ tín ngưỡng tà giáo và phục hồi lại sự sáng chói ngày xưa của một tôn giáo chân chính, gồm trong lòng tin Thượng Đế và phụng sự nhân loại, trung thành và làm điều thiện; phục tùng Thượng Đế và đối xử với mọi người trong tình huynh đệ.
Tuy nhiên, bộ lạc của ông là Quraish có nhiều người thuộc ban trị sự chủ trương duy trì tà giáo tại Mecca. Có lời kể lại rằng những tượng thần được chúng tôn thờ vào thời đại đó tại Mecca đếm ra có tới ba trăm sáu mươi lăm vị thần. Tất cả công việc khó khăn trên đặt để sứ mạng lớn lao của Mohammed trở thành siêu nhân. Ông phải đương đầu với sự chống đối mãnh liệt, nào là bị bạc đãi, bị ném đá, bị chửi rủa, và bị đe doạ trong đời sống hằng ngày, nhưng Mohammed vẫn tỏ ra dũng cảm, tiếp tục tố cáo tà giáo để tuyên truyền cho sự vĩ đại huy hoàng, quyền lực và sự trừng phạt, sự thông thái và vị tha của Thượng Đế, đấng tạo hoá duy nhất đã cấu tạo tổ chức tất cả mọi sinh hoạt và sinh tồn của loài người.
Những người theo đạo mới này gia nhập rất chậm. Người đầu tiên theo đạo là bà Khadija, người vợ yêu quý của ông. Những người khác, trong đó có Abu Bekr, một người đáng chú ý ở Mecca, giàu có, ảnh hưởng lớn và sự sáng suốt công minh của ông ta trong việc xét xử phán đoán đã gieo sự kính phục trong lòng những người đồng hương. Ali, người em họ trẻ tuổi của nhà tiên tri; và Zaid, một tên nô lệ vừa được phóng thích là ba trong số những người đầu tiên vô đạo; sau ba hay bốn năm lãnh sứ mạng một nhà tiên tri, Mohammed đã được tới gần bốn chục người theo đạo.
Sự bạc đãi càng ngày càng mạnh mẽ và vào năm 615, nhóm người Muslims (tên gọi những người theo đạo Mohammed) phải trốn sang Abyssinia để ẩn trốn, nơi đây họ đã được đối xử tử tế. Nhưng sự đàn
áp của bộ lạc Quraish càng mạnh mẽ khốc liệt hơn bao giờ, và năm sau, một toán Muslims thứ hai phải trốn khỏi Mecca để tìm đường sống tại vương quốc của xứ Abyssinia. Mohammed ở lại Mecca một mình, hứng chịu mọi sự quấy nhiễu mắng nhiếc. Bộ lạc Quraish cố
gắng làm cho Abu Talib có ảnh hưởng khuất phục cháu ông là Mohammed, nhưng Abu Talib vẫn tỏ ra trung thành và tiếp tục bảo vệ cho Mohammed. Bộ Lạc Quraish ra lệnh trục xuất lưu đày Mohammed. Lệnh trục xuất kéo dài ba bốn năm, đem lại biết bao sự đau khổ và khó khăn trong tình trạng bị phong toả và truất quyền công dân mà Mohammed và bà con của ông phải hứng chịu một cách phũ phàng.
Năm 619, lệnh lưu đày được thu hồi, nhưng cùng năm đó, Mohammed phải chịu đựng một sự mất mát to tát nghiêm trọng, đó là cái chết của người vợ trung thành là Khadija, và năm sau ông chú yêu quý, và cũng là người giám hộ của ông lại qua đời.
Địa vị nhà tiên tri ở Mecca trở nên nguy ngập. Những người theo ông, mặc dù vẫn hết lòng sùng kính, nhưng không được là bao, và phần lớn họ lại ở Abyssinia. Mohammed, bị áp bức đủ điều, quyết định làm một cuộc thí nghiệm ở Tayif, một thành phố quan trọng cách Mecca sáu chục hay bảy chục dặm về phía Đông. Nhưng nơi đây, ông chỉ gặp toàn những lời chửi rủa, gạch đá và nhục mạ. Máu chảy đầm đìa trên chân, ông phải lê lết ra khỏi thành phố ngoan cố và tà giáo này.
Nhưng mặc dù những đám mây đen còn che phủ, nhà tiên tri Mohammed vẫn bền gan để tiếp tục truyền bá Hồi giáo. Và ý chí của ông không phải là không có hiệu quả. Một vài người đi hành hương từ Medina tới, nghe đến ông và họ dường như được cảm hoá. Năm 621, họ đã tự hứa trung thành với Mohammed bằng lời thệ nguyện đầu tiên của Aquaba, như sau “chúng tôi sẽ không tôn thờ ai ngoài vị Thượng Đế, chúng tôi sẽ không trộm cắp, không thông dâm, không
giết trẻ con, cũng như không buộc tội oan cho người nào, chúng tôi sẽ vâng lệnh đấng tiên tri những điều gì đúng”.
Năm sau, một sự thành công vĩ đại hơn, một nhóm người ở Medina gồm bảy mươi ba đàn ông và hai mươi hai phụ nữ đã tuyên thệ trước Mohammed bằng lời thề thứ hai của Aquaba. Những người Muslims ở Mecca bắt đầu hợp thành từng nhóm, bỏ thành phố mà họ bị bạc đãi đó để di cư sang một bầu không khí dễ chịu thân thiện hơn ở Medina. Trong khi đó, nhà tiên tri bị bỏ lại Mecca với hai người bạn đường là Abu Bekr và Ali.
Bây giờ, bộ lạc Quraish nghĩ cách để diệt trừ Mohammed. Họ bao vây nhà ông bằng một lực lượng võ trang, sẵn sàng giết ông nếu ông bước ra. Nhưng Mohammed đã được báo trước âm mưu này và đã bí mật trốn thoát với Abu Bekr, cả hai băng mình đi trong màn đêm đến một căn hầm cách Mecca ba dặm. Ngày hôm sau, bộ lạc Quraish thấy con mồi đã trốn thoát, liền mở cuộc lùng bắt Mohammed nhưng vô hiệu vì đêm thứ ba ông đã rời căn hầm trú ẩn để thẳng đường đến Medina ngày 20 tháng Sáu năm 622 sau Tây lịch và kể từ ngày này bắt đầu quyển lịch của người Muslims.
Medina bây giờ trở thành một thành phố của Hồi giáo. Mohammed đã được tiếp đón trọng thể. Chẳng bao lâu người Muslim ổn định đời sống của họ trong thành phố và bằng tất cả nhiệt thành họ chung sức xây cất giáo đường đầu tiên của Hồi giáo tại Medina.
Những người ở bộ lạc Quraish cũng chưa hài lòng dù người Muslims đã rời khỏi Mecca. Mười năm sau đánh dấu cả một mối thù hận và chiến tranh tiếp diễn giữa những người theo tà giáo ở Mecca và những người theo Hồi giáo ở Medina.
Hai năm sau cuộc tẩu thoát của Mohammed, bộ lạc Quraish, với một lực lượng hùng hậu gồm vài ngàn người khoẻ mạnh tiến đánh Medina. Được báo trước quân Quraish sắp tấn công, dân Muslims chỉ
có ba trăm mười ba người, rời thành phố đi chặn đánh quân thù. Một trận đánh khốc liệt xảy ra tại Badr, cách Medina ba chục dặm nhưng cách Mecca đến hai trăm hai chục dặm. Nhìn thấy sự chênh lệch giữa hai quân số, và thấy quân Muslims ít hơn gấp ba lần quân địch, Mohammed rất lấy làm lo lắng.
Do đó, trước khi trận ác chiến xảy ra, ông rút lui vào căn lều của ông với Abu Bekr, và dốc tâm cầu nguyện. Trận chiến bắt đầu. Quân của Mecca bị đánh bại, thiệt hại nặng nề và nhiều tướng lãnh quan trọng của quân Quraish bị giết trên chiến trường.
Cuộc chiến thắng ở Badr đã khuyến khích người Muslim, nhưng quân Quraish chỉ tẩu thoát để rồi chuẩn bị một trận đánh tàn nhẫn hơn vào năm sau, với 3000 quân tinh nhuệ, tiến đánh Vhuh, cách Medina ba dặm về phía Bắc. Mohammed dẫn đạo quân Hồi giáo của ông từ Medina đến để đẩy lui cuộc tấn công và một lần nữa, lực lượng địch quân lại đông hơn quân số ông gấp ba lần. Tình hình lại càng có vẻ nguy kịch hơn, khi quân địch xuất hiện thì Abdullh Ubay dẫn 300 quân bỏ trốn đi. Mohammed chỉ còn lại 700 quân. Trận đánh khốc liệt xảy ra bất phân thắng bại. Đạo quân Hồi giáo bị thiệt hại nặng nề và phải rút lui, nhưng với một sự chịu đựng can đảm phi thường, họ cũng làm cho đạo quân Mecca không còn lòng dạ nào dám rượt theo và rồi quân đội họ rút lui ra khỏi chiến trường với sự e dè của địch quân.
Một điều đáng chú ý là trong cả hai trận đánh, Mohammed lúc nào cũng giữ thế thủ, chỉ đánh chống lại những kẻ hiếu chiến từ xa đến có ý muốn tiêu diệt càn quét dân Hồi.
Hai năm sau, bộ lạc Quraish họp cùng các hộ lạc đồng minh, mở cuộc tấn công quyết thắng Mohammed và dân Hồi. Với một lực lượng 24 ngàn người, quân địch tiến đến bao vây Medina. Nhưng sau một tháng trời công phá dữ dội mà không phá vỡ được công sự phòng thủ của thành Medina, quân sĩ Mecca bắt đầu mỏi mệt, lương thực cạn
dần, thêm bị phong ba bão táp làm hư hao trại đóng quân, Ahu Sufyan, tướng lãnh cầm đầu quân Mecca ra lệnh rút quân.
Cuộc hưu chiến của Hudaibiya được công bố, Mohammed làm một cuộc hành hương đến Mecca và trong một không khí hoà bình cởi mở, người Hồi giáo lại đoàn kết trong sức mạnh.
Sau vài năm, các mối thù hận vẫn chưa hoàn toàn rửa sạch, Mohammed và dân Mecca lại bắt đầu đối nghịch nhau. Nhưng bây giờ, thế lực người Hồi đã mạnh mẽ. Mohammed tiến đánh Mecca và chiến thắng vẻ vang mà không tốn một giọt máu, quân Mecca đầu hàng một cách nhanh chóng và không có một sự kháng cự nào đáng kể.
Đó là sự thành công cuối cùng của Hồi giáo. Ngôi đền linh thiêng Kaaba được tẩy uế, các tượng thần đều bị dẹp bỏ, chế độ đa thần được huỷ bỏ và nước Ả Rập cùng liên kết để thờ một Thượng Đế duy nhất.
Mười năm sau cuộc bôn đào của Mohammed, trong một không khí hoà bình, các tàn tích của tà giáo đều bị quét sạch, Mohammed khoác chiếc áo của người đi hành hương và đi Mecca để làm một chuyến hành hương cuối cùng từ giả. Ông cầu nguyện Thượng Đế ban phép lành cho ngôi đền thờ tại Mecca. Rồi sau khi làm tất cả nghi lễ của một cuộc hành hương, ông rước lễ đến Mina và Arafat, tại đây, ông kết thúc bài kinh cầu nguyện của mình với câu thơ Qur’an “Ngày hôm nay, ta đã hoàn thành sứ mạng, lập ra một tôn giáo cho các người với sự toàn mỹ và đó là Hồi giáo”.
Năm 632, sau khi nhìn thấy sự thành công toàn vẹn của mình trong sứ mạng tiên tri, sau khi đã độ lượng tha thứ cho các kẻ thù và đạt được cảm tình cũng như sự sùng kính khắp nơi, Mohammed nhắm mắt trong đôi tay của người vợ trẻ đẹp, Ayesha, và yên giấc nghìn thu tại Medina.
Những tư tưởng cuối cùng của ông, những lời nói cuối cùng của ông vẫn là những điều thiêng liêng, bình an nhất là như một lời cầu
kinh thì thầm “Thượng Đế! Đấng vạn năng bất diệt của Thiên Đường. Ngài ẩn mình dưới bóng mát trên cao”.
Các tín đồ Hồi giáo đã mất đi một khuôn mặt thân yêu sùng kính của nhà đại tiên tri Ả Rập.
Sự cải cách vĩ đại của ông là lật đổ tà giáo thờ các tượng thần, và đưa ra những nguyên tắc hữu ích như hạn chế nạn đa thê, cấm thông dâm ngoại tình, cấm cho vay với tiền lời cắt cổ, chống cờ bạc và rượu chè. Ông cấm chỉ chế độ nô lệ và công bố tình huynh đệ cũng như bình đẳng giữa tất cả con người, không đặc biệt cho riêng một sắc dân hay một đẳng cấp nào.
Quyển Qur’an Kinh Thánh của Hồi giáo vẫn còn giữ được vẻ đẹp trác tuyệt và thần thánh của nó hơn mười ba thế kỷ nay cũng như được dịch sang nhiều thứ tiếng.
MARTIN LUTHER
(1483–1546)
Khi Martin Luther đóng đinh những bích chương để tấn công lễ chuộc tội bằng tiền của nhà thờ Wittenberg thì tiếng búa của ông như đánh vỡ tín đồ Thiên Chúa giáo ra làm hai. Từ đó, ông trở thành lãnh tụ của tôn giáo phục hưng, một lực lượng mới lập nên Tin Lành giáo ngày nay. Ông là một khuôn mặt linh động, nhà tiên phong đã gây sự tan vỡ cho toà thánh La Mã, và cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông đã để lại ảnh hưởng không bao giờ chấm dứt trong lịch sử mai hậu dưới trời Tây.
Chưa bao giờ hệ thống giáo hội ở châu Âu và chưa bao giờ có thời kỳ suy tàn như những năm đầu thế kỷ thứ mười sáu. Những thời đại vàng son huy hoàng của một thời đại phục hưng xuất phát từ Ý và những biến động lớn theo sau đã tàn. Ở Bắc Âu, sự phục hưng chỉ mới bắt đầu. Sự lừ đừ biếng nhác và truỵ lạc đã hạ thấp uy tín của giáo hội, không phải khắp nơi đều suy đồi, nhưng sự đồi truỵ lại dẫn đầu ở một vài nơi quan trọng khiến mọi người đều thấy. Những nhà tu khổ hạnh phần lớn đã bỏ rơi lý tưởng của mình để trở nên tham lam biếng nhác. Lợi tức càng ngày càng gia tăng và các giám mục chỉ biết nghĩ đến vơ vét của cải, xây cất dinh thự nguy nga tráng lệ để vinh thân phì da. Trong khi đó, các Đức Giáo Hoàng như Alexander đệ lục và Julius đệ nhị lại lợi dụng vào địa vị thiêng liêng của Giáo Hoàng đặt để các thế lực trần tục. Thời gian đã chín muồi cho một vận hội mới. Một sự thay đổi vĩ đại bộc phát trong đầu mọi người và cho đến ngày 01 tháng Mười một năm 1517, tiến sĩ Martin Luther, giáo sư thần học tại Đại Học đường Witterberg đóng trên cánh cửa nhà thờ chín mươi lăm bài điều trần tố cáo sự tham nhũng suy đồi của giáo Hội, thì một trận bão lớn nổi dậy khắp châu Âu ngoài sự mong đợi của tác giả. Ở đây, chúng ta
phải chú ý rằng sự công bố những bản điều trần đó cũng giống như một thể thức tuyên truyền.
Luther là một khuôn mặt lạ lùng đối với vai trò một lãnh tụ tôn giáo. Một con người linh động, to lớn, khi có dịp cũng sẵn sàng ăn tục nói phét, mặc dù ông đã là một cây viết khá bay bướm; hơn nữa, một
con người rất dễ phiền toái và khó chịu khi phải chung đụng với những người thuộc giai cấp cao hơn, tóm lại, ông là một con người của đại chúng. Tuy nhiên, trong người ông có một ngọn lửa đam mê và tinh thần tranh đấu mãnh liệt. Sau khi rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún là Eisleben, nơi ông đã chào đời năm 1483, ông đã tự chuốc lấy cho mình nỗi phiền toái trong vòng nhiều năm với những hoài nghi khắc khoải không ngừng về vấn đề siêu thoát linh hồn. Với lòng nhiệt thành quá độ, ông bất chấp luật pháp, gia nhập tu viện Enfurt thuộc dòng Augustin và một lần nữa tại đó, ông đã nhìn thấy Chúa Trời như một quan toà lúc nào cũng ám ảnh tâm trí ông, ông tập khổ hạnh, tự kiêng ăn uống, tự trừng phạt mình, cố gắng tập luyện những điều vượt quá xa những giáo điều. Nhưng tất cả những sự khổ hạnh của ông không đi đến đâu cả. Những mối hoài nghi của ông vẫn chưa nguôi ngoai, những điều lo nghĩ khổ sở của ông càng gia tăng hơn là giảm đi. Sau đó, ông phải thốt lên “Nếu có một tu sĩ nào đã được lên Thiên Đường do sự phán xét của tu viện, thì chắc tôi sẽ làm được như vậy”.
Năm 1507, Luther trở thành một giáo sĩ, năm 1508, ông diễn thuyết về triết lý tại Đại Học đường mới xây cất là Wittenberg. Năm sau, đề tài của ông là trình bày về quyển Kinh Thánh, nhưng lại cảm thấy ông không bao giờ thích hợp để theo những nghi thức cổ truyền của Thiên Chúa. Năm 1510, ông đến La Mã, nhưng tại đây ông đã nhìn thấy sự lạm quyền của hàng giáo phẩm cao cấp và điều đó khiến ông xung đột với Toà Thánh. Bảy năm sau, lúc đó ông đã ba mươi bốn tuổi, đang làm giáo sư thần học tại Wittenberg. Ông gây được thanh thế tiếng tăm nhờ những bài giảng đạo, trong đó trình bày một cách rõ ràng
nguyên thuỷ dòng tư tưởng của ông là “Tìm hiểu đến cái nhân trong một hạt đậu, hạt lúa trong một cây lúa và tuỷ trong xương”. Ông đã nói như vậy, nhưng ông cũng chưa có một thái độ gì chống lại giáo hội Thiên Chúa giáo, mặc dù ông có chỉ trích những điều chướng tai gai mắt lạm dụng quyền hành của hàng Giám Mục. Nhưng rồi cái gì đến phải đến, ông tấn công mạnh mẽ sự chuộc tội bằng tiền của nhà thờ Wittenberg.
Đây là một phong tục đã bị lạm dụng rất nhiều trong suốt thời kỳ mà lòng tín ngưỡng bị suy đồi. Nói một cách khác giản dị, lý thuyết ân xá có nghĩa là các tội phạm có thể được bãi bỏ trong trường hợp các phạm nhân sau khi thú tội với các cha và bằng lòng góp một số tiền chuộc tội thì sẽ được nhận lễ giải tội. Vào thời đó, lễ giải tội rất được thông dụng để đóng góp một cách thực tế cho những nhu cầu của giáo đường, và khi vấn đề này lọt vào tay của những kẻ thi hành bổn phận thiêng liêng quá cẩu thả và quá hăng hái thì vấn đề càng ngày càng thịnh hành để trở nên một công việc áp phe có tính cách tiền bạc.
Cứ theo đà bành trướng này thì sự giải tội không còn đúng ý nghĩa của nó nữa nên tệ đoan này đã bị Luther tố cáo năm 1517. Những bản điều trần của ông có rất nhiều đề tài để tranh luận, nhưng không có tính cách tà giáo trong đó. Cuối cùng, điều mà Luther muốn lúc đó là tách rời khỏi giáo hội Thiên Chúa giáo. Những người theo ông lại càng tỏ ra nóng nảy tích cực hơn và vị giáo sư ở Đại Học Wittenberg cảm thấy mình đang dấn thân vào một cuộc hỗn loạn chính trị ở châu Âu. Tu viện trường dòng Dominican, Jolin Tetzel, một trong những người bị Luther nhắm vào để chế giễu châm biếm, đã lên tiếng trả lời thẳng những bài bình luận nảy lửa của Luther và buộc tội ông đã chủ xướng tà thuyết. Cuộc bút chiến sôi nổi bắt đầu, và tiếng đồn vọng tới Vatican.
Đức Giáo Hoàng Leo đệ thập, một người học thức, quyến rũ, tên thật là Medici, lúc đầu cũng không mấy chú ý. Ông xem vấn đề như
một cuộc tranh luận không đáng kể ở Đại Học và rồi sẽ tự đắm chìm trong đại dương của tu từ học. Nhưng vấn đề thật sự không phải như vậy và cuối cùng Đức Giáo Hoàng bắt buộc phải thay đổi quan niệm của mình. Cuộc tranh luận lan tràn khắp nơi ở châu Âu và tiến sĩ John Eck, một giáo sư, cũng tố cáo Luther. Luther quyết tâm bảo vệ cho chủ thuyết của mình và bắt đầu phổ biến. Ông đưa ra những điểm căn bản để chứng minh chủ thuyết cải cách của mình, và biện minh bằng đức tin chứ không phải bằng công việc “Những công việc tốt sẽ không bao giờ tạo ra một con người tốt, nhưng chính con người làm ra những công việc tốt; cũng như những công việc xấu không bao giờ tạo ra con người xấu mà chỉ người xấu mới làm những công việc xấu”. Luther nói rằng con người chỉ là kẻ tội lỗi. Hãy để cho con người ý thức được sự kiện đó và dâng mình cho Chúa. Nếu con người luôn luôn tin rằng mình sẽ tìm được sự cứu rỗi, thì sự cứu rỗi sẽ đến với mình. Đó là những tư tưởng đã hình thành nơi ông; đưa ông đến những năm sau đó, ông đã bày tỏ ý tưởng này trong lá thư gởi cho Melanchthon, vừa là bạn vừa là môn đồ, cũng cùng là giáo sư ở Đại Học đường Wittenberg. “Hãy là một kẻ tội lỗi một cách xứng đáng. Nhưng phải đặt tất cả niềm tin yêu và hi vọng nơi Chúa, là người đã chiến thắng qua tất cả mọi tội lỗi và sự chết”. Dĩ nhiên, đó là một cách để thúc đẩy cho một chủ thuyết mà chỉ có người sinh viên mới có thể lãnh hội được.
La Mã không thể nào tiếp tục làm ngơ cho Luther tung hoành được nữa và năm 1520, Đức Giáo Hoàng Leo đi đến quyết định là ban hành một chiếu chỉ lên án vài ba quan niệm của Luther và nhấn mạnh, nếu tác giả những tư tưởng này không rút lại những điều trên trong vòng sáu mươi ngày thì ông sẽ bị khai trừ khỏi giáo Hội Thiên Chúa giáo. Luther đã trả lời sự đe doạ đó bằng cách đốt chiếu chỉ của Đức Giáo Hoàng một cách công khai. Giai đoạn trầm trọng bắt đầu. Uy quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng bị coi thường và Luther vẫn tiếp tục dấn
thân tích cực vào cuộc cải cách tôn giáo.
Kể từ đây, Luther đã vô tình tạo ra một trận đại hồng thuỷ, bao giờ ông cũng là cây đinh của những buổi diễn thuyết công cộng, không cần có chương trình nhất định cho ngày mai; một lãnh tụ tàn nhẫn, phi lý, hơi lúng túng, con người ông đã gieo vào lòng dân chúng biết bao sự tưởng tượng, sẵn sàng ứng khẩu lúc đi ngoài đường; ông là một khuôn mặt được xem như trọng tâm của cuộc cải cách tôn giáo, mặc dù ông cũng chưa có một ý niệm rõ ràng sẽ dẫn dắt dư luận đi đến một chủ đích cuối cùng nào.
Kế đó, ông bị tân vương là Charles đệ ngũ, một người Tây Ban Nha, chỉ mới có hai mươi tuổi, nhưng lại nắm quyền tối cao, ra sắc lệnh triệu hồi Luther phải có mặt tại Quốc Hội để nghe biểu quyết về trường hợp ông. Một dự luật được ban hành chống lại Luther, ra lệnh cho ông phải chối bỏ những quan niệm tà giáo của ông. Trước Quốc Hội, Luther không có sự xúc động gì đặc biệt; ông lại càng tỏ ra coi thường buổi họp có tính cách nghiêm trọng như thế này. Ông vẫn giữ vững lập trường “Tôi không thể và không bao giờ rút lại điều gì hết vì hành động phản lại với lương tâm mình là một điều vô cùng nguy hiểm và bỉ ổi”. Kết quả là ông bị đặt để số phận ra ngoài vòng pháp luật và Quốc Hội đồng thanh tuyên bố tử hình và ông phải chịu trách nhiệm cho những điều tà giáo của mình. Nhưng giấy thông hành mà ông được cấp vẫn còn hiệu nghiệm, và khi ông trở về với tên sứ giả của Hoàng Gia thì ông biến mất. Tin đồn được lan truyền rộng rãi gây nên niềm tín ngưỡng tràn đầy trong dân chúng. Số đông quần chúng tin rằng ông đã bị những người buộc tội chủ mưu ám sát; vì thế phong trào chống Thiên Chúa giáo trở nên mạnh mẽ và bộc phát dữ dội.
Sự thật, sự việc xảy ra là do Frederick, người bạn tốt và cũng là một ủng hộ viên trung thành nhất, đã tổ chức bắt cóc Luther để đem giấu vào lâu đài của ông ta ở Wartburg, cho nhà cải cách tôn giáo thoát khỏi lưỡi hái của Tử Thần. Luther đã sống ròng rã gần một năm trời
trong thành luỹ kiên cố này, và hàng ngày nhìn thấy quê hương thân yêu là tỉnh Eisenach trong tầm mắt.
Trong thời gian này, Luther vùi đầu vào việc viết lách, xem sách và suy tư, pha trộn với niềm cô đơn man mác. Ông là người làm việc phi thường, song song vào việc hoàn mỹ bản dịch quyển Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp sang tiếng Đức, ông còn viết truyền đơn tố cáo những thói xấu của lễ Misa, những lời thề ở tu viện và phòng xưng tội; đồng thời để lắp đầy thì giờ nhàn rỗi ông phê bình những bài thánh ca mà ông thích. Tại nơi đây, biệt lập khỏi sự phiền nhiễu của thế giới bên ngoài một thời gian, ông có dịp suy gẫm lại quan niệm của mình. Luther quyết định phải dẹp bỏ nhiều điểm căn bản của đức tin Thiên Chúa cổ xưa. Ông không nhìn nhận quyền hành của giáo sĩ, và tuyên bố mỗi con người tín ngưỡng chân chính đều là một tu sĩ. Ông yêu cầu cho hàng giáo phẩm cũng kết hôn, và lên án những lời khấn hứa của tu viện. Trên hết, ông bác bỏ lễ Misa và phủ nhận xác thân Chúa có mặt trong bánh thánh.
Về điểm này mà sau đó ông có dịp tranh luận sôi nổi với Ulrich Zwingli, một nhà cải cách người Thuỵ Sĩ. Họ đã tranh luận biết bao ngày chỉ trên những tiếng “Đây là thân xác tôi”. Luther vẫn cương quyết giữ vững chủ nghĩa ông trong khi Zwingli lại cho rằng chỉ có sự hiện hữu tinh thần.
Mặc dù cuộc tranh luận diễn ra vô cùng gay cấn, nhưng Luther vẫn giữ tình thân hữu tốt đẹp với Zwingli, và sau đó với Bullinger người thừa kế Zwingli. Luther cũng bị ấn tượng công việc làm và thái độ của Calvin cũng là nhà cải cách Thiên Chúa giáo tại Pháp và Thuỵ Sĩ, nhưng ông khuyến khích sự khổ hạnh của những người chủ trương tái tẩy lễ (lễ rửa tội thứ hai của đạo Tin Lành) trong khi đó Calvin xem việc tái tẩy lễ cung có nhiều nọc độc như người Thiên Chúa.
Cùng lúc đó, phong trào cải cách tôn giáo chia châu Âu ra làm hai. Philip dòng Hesse, một trong những ông hoàng thế lực nhất của Đức
lên tiếng chấp nhận lập trường của Luther. Những người cuồng tín cực đoan xuất hiện trong một lực lượng mới và đám người này sách động dân chúng nổi loạn để đi đến tình trạng vô chính phủ. Khi Luther rời lâu đài ở Wartburg, ông không còn sợ chiếu chỉ của triều đình nữa. Những người chấp nhận lập trường của ông rất mạnh và thừa sức để thách thức lại quyền lực to lớn nhất ở châu Âu. Năm 1522, Luther đã viết một bài nẩy lửa trả lời sự tấn công của Henry VIII, hoàng đế Anh quốc, người mà ông đã dùng những danh từ nặng nề để gọi như tên xấc xược thô tục, xảo trá dâm đảng và vô lại. Và ba năm sau đó, ông cho xuất bản tác phẩm viết về vận mạng con người để chống lại Erasmus đã cho rằng con người làm chủ lấy mình.
Năm 1525, cuộc nổi dậy của giới nông dân, và người ta cho rằng đó là kết quả của những cuộc nổi loạn tôn giáo đã khiến cho nông dân nổi loạn chống lại giới chủ nhân. Trong tất cả mọi biến cố, những người nổi loạn đều hướng về Luther mong một sự che chở giúp sức. Nhưng họ vô cùng thất vọng. Luther buộc tội cả hai phía. Khi cuộc nổi loạn thực sự bùng nổ, ông lên tiếng tố cáo sự nổi dậy có tính cách ngoan cố này. Ông viết “Lạy Chúa ơi, nếu có một linh hồn nào ngự tri trong đám dân quê này, thì bây giờ đã đến lúc cắt cổ chúng như cắt cổ một con chó điên”. Và ông lại còn nói “Một con người phạm tội nổi loạn thì đặt dưới sự cấm chỉ của Chúa và đức Vua, và mỗi người Công giáo đều có thể giết kẻ phạm tội đó và được xem như đã làm một hành động tốt”. Đó là một lời nói lạ lùng xuất phát từ một con người đã từng gánh chịu sự phẫn nộ của cả Đức Giáo Hoàng lẫn đức Vua.
Sự cải cách tôn giáo lúc bấy giờ đã trở nên một phong trào khiến những người làm chính trị phải vuốt ve. Năm 1526, Quốc Hội của Speyer tuyên bố thông cảm đối với những quan niệm mới mẽ này. Nhưng ba năm sau, phong trào lại nổi dậy và những người có thế lực ủng hộ Luther đã làm một cuộc chống đối công khai. Do đó, chữ Protestant để chỉ về đạo Tin Lành ra đời.
Sau đó, vua Charles lại ra một sắc chỉ tại Augsburg, yêu cầu các lãnh tụ Tin Lành giáo giao hoàn những nhà thờ cũng như tài sản đã chiếm hữu lại cho Giáo hội Thiên Chúa giáo. Luther một lần nữa bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, và sự bùng nổ chiến tranh tôn giáo ở Đức chỉ còn là vấn đề thời gian. Những lãnh tụ Tin Lành giáo nhất định củng cố uy thế của họ, và thành lập liên minh để chống lại Giáo hội Thiên Chúa giáo và nhà Vua.
Từ đây trở đi, sự quan trọng của Luther cũng như ảnh hưởng của ông trong chủ nghĩa cải cách tôn giáo vẫn to lớn như bao giờ. Và ông cũng không ngừng nghỉ để trở nên một lãnh tụ tinh thần được mọi người nhìn nhận, Luther tiếp tục giảng đạo và bành trướng rộng rãi quan điểm của ông vào quảng đại quần chúng.
Tháng Sáu năm 1525, Luther về Wittenberg và thành hôn với Catherine von Bora, một nữ tu sĩ dòng dõi quý phái vừa ra khỏi tu viện. Mặc dù, ông thường nói rằng vẫn dành đặc ân cho giới tu sĩ được quyền kết hôn, nhưng chính cá nhân ông thì bao giờ cũng giữ lời thề nguyền khi bước chân vào tu viện tại Erfert. Luther đã bảo vệ hành động lấy vợ của mình bằng những lời tranh luận lạ lùng nhất “Tôi thành hôn với nữ tu. Tôi đã hành động như vậy để thách thức những kẻ chống đối, các ông hoàng, các vị linh mục vì họ đã ngu ngốc khi cấm đoán tu sĩ cưới vợ. Và tôi sẽ sung sướng khi tạo ra những chuyện kinh thiên động địa hơn nếu tôi biết được chuyện gì khác mà có thể vừa làm Chúa hài lòng vừa khiến bọn họ nổi điên”. Cũng trong tinh thần chịu chơi đó, ông viết tiếp cho một người bạn “Ồ! Nếu tôi có thể tưởng tượng ra một tội lỗi nào vĩ đại để làm bối rối bọn người đạo đức giả và sẵn sàng cho bọn họ hiểu rằng tôi không thú tội vì lương tâm không cắn rứt”.
Trong những năm cuối cùng, ông càng làm việc nhiều hơn trước, mặc dù con người kiên gan đó đã bắt đầu suy kém sức khoẻ, ông sửa chữa lại bản dịch quyển Cựu ước của ông đã làm từ những năm 1523–
1532 và luôn quyển Tân ước. Luther đã góp phần rất nhiều cho văn chương trong giai đoạn cải cách này, tạo cho ông một khuôn mặt vĩ đại và là nhà từ thiện trong nước. Ngoài tài nghệ dịch Kinh Thánh, ông còn xuất bản những lời chú thích cũng như ông cũng viết những bài thánh ca vô cùng cảm động vì lời lẽ rất thành thật.
Trong đời sống đại chúng, ông vẫn tiếp tục chống đối việc liên minh với La Mã, vì ông biết rằng hoà giải với Giáo hội Thiên Chúa giáo có nghĩa là phải hy sinh thật nhiều những nguyên tắc mà ông đã chiến đấu.
Đó là quan điểm của ông về vấn đề cho phép tu sĩ lấy vợ mà ông thường hô hào và càng ngày càng hăng say mãnh liệt khiến những người đương thời và kẻ hậu sinh cũng không tiếc lời chỉ trích ông. Ông không thể giải thích tất cả những gì mà ông nói. Ông là một con người hết sức cực đoan, có tật hay nói năng thái quá. Ông không bao giờ biết ăn nói ôn hoà. Vài người ngưỡng mộ ông đã cố gắng biện minh trước hành động tán thành và làm phép cưới cho vua Philip dòng Hesse lấy người vợ thứ hai. Ở đây sự lễ độ khúm núm của ông trước các ông hoàng có vẻ lộ liễu, một đặc điểm của người dân quê mà ông chưa bỏ được. Luther đã ký một tờ giấy cho phép và nêu ra nguyên tắc là mặc dù không cho phép cưới hai vợ, nhưng vì mục sư trong một vài trường hợp ngoại lệ có thể thông qua luật lệ đó và hợp thức hoá lễ thành hôn dưới sự chứng kiến của Chúa. Đây không phải là một tài liệu có tính cách dạy đời.
Luther chết năm 1546, lúc sáu mươi ba tuổi, ông đã làm một cuộc hành trình đến Eisleben, nơi mà ông đã sống suốt cả thời thơ ấu, để giải quyết một vài tranh chấp nhỏ. Thời tiết lạnh buốt và sức khoẻ ông giảm sút dần. Ông tổ chức giảng đạo lần cuối cùng tại nhà thờ, nhưng bất chợt ngừng lại trước khi bài giảng chấm dứt, bốn hôm sau ông qua đời ngày 18 tháng Hai năm 1546. Ở giây phút cuối cùng của cuộc đời, khi được hỏi có giữ khăng khăng mãi đức tin mà ông đã giảng dạy
hay không, ông trả lời trong hơi thở hấp hối “có”.
Thi hài ông được mang về Wittenberg, được những người quý phái và quân đội theo hộ tống cùng hàng ngàn dân quê nối đuôi theo tiễn đưa làm thành một con đường dài. Ông được an nghỉ trong một thánh đường nơi mà hai mươi chín năm trước ông đã đóng đinh 95 bài văn lên cánh cửa.
Luther là một khuôn mặt vĩ đại nhất trong cuộc cải cách tôn giáo. Thật ra lúc đầu, ông cũng không có ý muốn chết ngoài Giáo hội La Mã, nhưng ông vẫn là nguyên nhân hứng khởi cho cả phong trào cải cách tôn giáo. Bản chất của ông không phải là giáo sư thần học. Nhưng chủ nghĩa ông đặt ra có vẻ mâu thuẫn nhau, và trước khi ông chết, những người theo ông đã phân tản ra làm ba nhóm và tình trạng phức tạp đó cũng vẫn còn. Nhưng sức mạnh ở con người ông đã che khuất tất cả những người theo sau ông là Zwingli, Melanchthon, Calvin. Sức mạnh và năng lực tràn đầy của ông là những động lực dẫn đầu cho một phong trào đã biến đổi thế giới thời trung cổ sang một thế giới mới.
GALILEO GALILEI
(1564–1642)
Galileo Galilei là một trong những nhà đi tiên phong vĩ đại nhất trong lãnh vực khoa học. Tên tuổi ông sống mãi như một nhà thiên văn học đã có công làm toàn mỹ chiếc kính viễn vọng chiết quang để chỉ cho con người xem những thế giới mới trong vũ trụ. Nhưng cũng chính vì ủng hộ học thuyết của nhà thiên văn học Copernicus cho rằng trái đất xoay chung quanh mặt trời, mà ông bị lưu đày do nơi quyền lực của giáo Hội Thiên Chúa giáo, và cuộc đời cũng như sự hoàn thành công trình nghiên cứu của ông bị đen tối. Công trình nghiên cứu của ông về cơ giới học và động lực học còn vĩ đại hơn cả những khám phá thiên văn của ông, ông có một phương pháp rất hữu hiệu, áp dụng sự phân tích toán học vào những vấn đề vật lý và công trình nghiên cứu của ông về luật chuyển động đã lót đường cho khoa học gia Newton.
Vào một buổi sáng ngày 22 tháng Sáu năm 1633, một người đàn ông già đứng trong phòng của tu viện Minerva tại Rome, và trước mặt ông là hàng giáo phẩm cao cấp của truy tà pháp đình La Mã (toà án dị giáo Rome). Khoác trên người chiếc áo bằng vải bao bố của kẻ tội nhân sám hối, gương mặt ông xanh mét, tay chân run rẩy, rụt rè nhìn những khuôn mặt nghiêm trang của các vị Hồng Y trong hội đồng xử án như để cố gắng đọc trên những nét mặt đó bản án của cuộc đời ông. Cuối cùng, trong không khí nặng nề khó thở, một khuôn mặt đứng lên trong hàng những người thẩm vấn và với một giọng đều đều, trầm trầm nói: “Qua tất cả những kết quả này thì ông có thể được xá tội vì với một tấm lòng say mê và một đức tin chân thành, tuy nhiên, ông phải tự chửi rủa và thề bỏ đi những tà thuyết mà ông từng ôm ấp, cũng như bất cứ tà thuyết nào chống lại giáo Hội Thiên Chúa giáo, và
trong khi chờ đợi ông sẽ bị giam vào ngục của Pháp Đình”. Giọng nói đều đều ngừng lại. Kẻ ăn năn đáng kính đó đã phải quỳ gối trước hội đồng và thề trước giáo Hội là sẽ không bao giờ dạy những tà thuyết nữa. Ông kể rõ những điểm này ra, chỉ trừ một điểm chánh ông không kể ra mà bản án nhấn mạnh đến là ý tưởng điên khùng khi nói trái đất quay chung quanh mặt trời. Rồi, ông đưa bàn tay run rẩy ra để ký tên vào một tờ giấy thú nhận những hành động sai lầm của ông. Hội Đồng các đấng Hồng Y đứng dậy để giải tán và kẻ tội nhân sám hối được mang ra khỏi phòng. Vừa đi ra, ông vừa lẫm bẫm một cách ngoan cố “Eppur si muove” (tuy vậy nó vẫn xoay). Người đàn ông đó là Galileo, một con người của khoa học, nhà thiên văn học và là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của thế giới trong những khám phá khoa học.
Galileo sinh tại Pisa, nước Ý, vào tháng Hai năm 1564, cha ông thuộc dòng dõi quý phái và là một triết gia khá trí thức. Hình ảnh đầu tiên mà chúng ta có về ông là một cậu bé thích tiêu khiển những thì giờ nhàn rỗi trong việc xây cất ráp nối những vật liệu nhỏ và những mảnh máy móc, trò chơi này đã gây rất nhiều hào hứng và hấp dẫn cho ông cũng như cho các bạn học. Cha ông đã nhận thấy những dấu hiệu thiên tài đang trầm ẩn trong con người cậu bé và dù không đầy đủ phương tiện giúp cho thiên tài con mình nẩy nở, ông vẫn ghi tên cho cậu vào học về mỹ thuật tại Đại Học đường Pisa năm 1581.
Cậu sinh viên trẻ tuổi này có ý định để tất cả thì giờ theo học ngành y khoa, nhưng khi nghiên cứu những công trình của Euclid thì quan niệm của cậu đổi sang một chiều hướng khác. Vui mừng với những chân lý mới vừa bộc phát trong lòng, Galileo bỏ dở y khoa và từ những bước sơ đẳng của hình học, ông tiếp tục học hỏi đến những công trình nghiên cứu của Archimèdes. Trí óc ông lãnh hội mau chóng cũng như những phê bình mau lẹ của ông. Ông nghiên cứu triết học của Aristotle, triết lý đang bao trùm tất cả, bằng tất cả nhiệt thành và nẩy
nở của tuổi trẻ mười tám, ông nhìn thấy được những sai lầm cũng như phi lý trong triết học này càng ngày càng rõ ràng và trở nên một nạn nhân đương nhiên cho trí thức ông. Ông hăng say tấn công những người theo học thuyết của Aristotle, và khi biết họ sẽ không nhìn thấy những lý luận của ông khi bác bỏ những định lý của Aristotle, ông liền thách thức một cuộc thí nghiệm trực tiếp.
Năm 1583, khi nhìn sự chao động của ngọn đèn treo lơ lững trên nóc nhà thờ, ông khám phá ra giá trị của quả lắc trong một khoảng thời gian nhất định, vì ông để ý rằng mỗi một cái lắc đều tương đương trong một khoảng thời gian giống nhau dù bất cứ trong một phạm vi nào. Kể từ đó, ông bắt đầu nghiên cứu về sự đồng đều của thuỷ tĩnh. Nhưng sự ưa thích nhất của ông vẫn là toán học, và năm 1588, ông trở thành giáo sư toán học tại đại học này. Sau đó, ông đã thực hiện được một thí nghiệm danh tiếng của ông tại cái tháp nghiêng ở Pisa.
Một trong những định lý của Aristotle về cơ học là khi hai người rơi xuống thì người nào nặng hơn sẽ rơi xuống đất trước người kia, và tốc độ rơi của họ sẽ tuỳ thuộc vào trọng lượng. Nhà triết gia trẻ tuổi đầy nhiệt huyết này đã chế nhạo định lý của Aristotle, ông cho rằng tất cả mọi vật sẽ rơi cùng một thời gian trong cùng một khoảng cách nếu các vật thể cùng chung một sức cản của áp lực không khí như nhau.
Để chứng minh, ông tụ tập vài người đứng đầu trong nhóm theo học thuyết của Aristotle, và chỉ cho họ xem định lý sai lầm của Aristotle. Với vẻ khinh miệt trên nét mặt, ông leo lên đỉnh của tháp nghiêng ở Pisa và cho rơi hai trọng lượng khác nhau. Những kẻ thù của ông tập hợp lại đó đã chứng kiến tường tận hai vật rơi xuống mặt đất cùng một lúc. Galileo, chiến thắng leo xuống và ông nghe sự phê phán cùng với vẻ bất mãn không nói được của những người theo định lý của Aristotle. Những người này lạnh lùng quy lỗi cho kết quả với một lý do không vững chắc, và lòng tin định lý của Aristotle vẫn không bị lung lay. Nhưng ông đã khám phá ra một nguyên tắc quan trọng vật
lý học. Kẻ thù ép buộc ông phải từ chức và rút lui về Florence, nhưng năm 1592, Galileo lại được bổ nhiệm chức giáo sư ở Padua. Ông trở nên lừng danh khắp châu Âu. Rồi năm 1604, ông lại quay sang lãnh vực thiên văn học. Một vì sao mới đã xuất hiện đang lôi kéo tất cả mọi sự chú ý của các nhà thiên văn. Có người cho đó là một khí tượng, trong khi những người khác thì sự thật vẫn còn đang điên đầu. Trong phòng diễn thuyết chật nức, Galileo chứng minh rằng đó không phải là một khí tượng và cũng giống như những vì tinh tú cố định, ngôi sao mới này đứng ở vị trí vượt xa khỏi giới hạn của thái dương hệ. Đề tài này đã gây hấp dẫn cho hàng ngàn người đến nghe ông. Những chiếc băng trong phòng nghẹt như cá hộp, người ta chen lấn dẫm lên nhau gần muốn ngộp thở vì họ quyết định nghe xem ông nói gì. Thôi thi đủ mặt, từ sang đến hèn, từ trí thức đến hạ lưu, hiệp sĩ, nam thanh nữ tú đến những ông già chống gậy yên lặng nín thở nghe ông nói. Và người đến nghe vẫn cứ tràn ngập, tìm cách chen lấn vào đến nỗi Galileo phải dời buổi diễn thuyết ra ngoài trời.
Thật là một bức tranh linh động hỗn tạp. Mặt trời chiếu rọi chói chang trên mặt đất khô cằn, và trước đám đông người hiếu kỳ. Nhà triết gia vĩ đại đứng trên một mô đất. Ông dáng người tầm thước, hơi mập nhưng cũng khá cân đối. Tóc ông màu hung với đôi mắt sắc. nhất định là ông không đẹp trai rồi vì mũi ông to và gần như xẹp, nhưng gương mặt ông được cứu gở nhờ vẻ linh động phản chiếu khi ông nói. Đám khán giả theo sát từng lời nói của ông, và cuối cùng ông cứng rắn trách bọ đã quá sốt sắn đối với một hiện tượng tạm thời mà quên đi những kỳ quan vĩ đại cứ tiếp tục diễn ra trước mắt họ.
Bây giờ, Galileo cho xuất bản những lý thuyết của ông. Ông viết những công trình nghiên cứu về cơ học, về sự chuyển động, về hệ thống vần xoay của vũ trụ, về âm thanh và tiếng nói, về ánh sáng và màu sắc. Nhưng đến năm 1609 một cảm giác to tác đến với ông. Trong năm đó, Galileo có nghe nói về một dụng cụ để xem, tác
dụng duy nhất của dụng cụ này là làm những vật ở xa hiện ra gần và rõ hơn. Ông bắt đầu sáng chế và thí nghiệm, nhưng rất nhiều lần mà vẫn chưa thành công. Không nản chí, ông huỷ hết những gì đã làm, và cố gắng làm một sáng chế mới hơn. Cuối cùng ông loé ra một ý tưởng, ông tìm ra được hai loại kính, một kính lòi và một kính lõm. Rồi ông đặt hai miếng kính vào mỗi đầu của một miếng chì. Ông nhìn xuyên qua ống kính… Chúa ơi! Công việc hoàn tất. Ông đã sáng chế ra một ống kính viễn vọng và mở ra một cánh cửa mới đầy huyền dịu thích thú, nhìn xuyên qua đó, người ta có thể đọc được quyển sách vĩ đại của thượng giới.
Ông mang dụng cụ mới này đến Venice trong sự chiến thắng, cũng như sẵn sàng trình bày trước Thượng Viện, ông được ân thưởng bằng cách giữ chức giáo sư ở đại học Padua suốt đời và lương bổng của ông tăng từ 520 đến 1.000 đồng vàng.
Chiếc kính viễn vọng của ông đã tạo được những xúc động dai dẳng hàng tháng trời. Sự tò mò say mê của dân chúng đã lên đến mức độ điên cuồng. Hàng trăm người đổ xô đến nhà ông để xem dụng cụ kỳ diệu này. Một ngày kia, một người bạn của ông đã leo lên tháp chuông nhà thờ St. Mark, nơi đó ông ta có thể sử dụng dụng cụ mới lạ đó mà không bị quấy rầy. Nhưng đám đông dưới đường đã nhận ra ông bạn đó thật là hấp dẫn sôi nổi, họ tranh giành nhau ống kính kỳ diệu đó làm anh chàng thí nghiệm thiếu kiên nhẫn phải chờ hơn sáu tiếng đồng hồ, sau khi tất cả mỗi người đều được xem tác dụng của ống kính.
Và bây giờ, với một ống kính viễn vọng được canh tân, Galileo bắt đầu làm những cuộc khám phá gây ngạc nhiên cho cả thế giới, thay đổi khoa thiên văn học và mang tất cả những băn khoăn thắc mắc trong đời ra luyện tập.
Ông đã tìm thấy với sự sung sướng khó tin được, những dãy núi và hố trũng của mặt trăng. Trong sự yên lặng tối tăm của một căn phòng
nhỏ trên nóc nhà, với sự bao la vô cùng tận của vũ trụ mặc tình cho ông thám hiểm. Ông đã khám phá ra một số tinh tú trong chòm sao thất tinh (Pleiades), tìm ra được bốn vệ tinh quay chung quanh sao Mộc (Jupiter), và nhận ra được ánh sáng đầu tiên vị trí của sao Thổ
(Saturn) và những vành đai chung quanh nó.
Những cuộc khám phá đã được ông công bố liền sau đó, gây nên một trận bão lớn chống đối ông và Galileo tự thấy mình bị kẻ thù vây quanh. Vài kẻ tấn công ông bằng cách cho rằng đó là những khám phá mà họ đã tìm thấy trước ông, những người khác thì vội vàng la lên rằng các chủ thuyết của ông đều là tà thuyết.
Năm 1611, Galileo đi Rome, và nơi đây ông đã nhận được vinh dự. Lúc đó ông chưa bị ác cảm vì các ông hoàng, các Đức Hồng Y và các giám mục muốn gặp gấp nhà đại trí thức của thế kỷ. Ông mang theo bên mình ống kính viễn vọng và chỉ cho những nhân vật này xem những khám phá mới nhất của ông, đó là những điểm trên mặt trời.
Lòng đam mê nhiệt thành, tri giác sáng suốt cùng tình yêu cuồng tín đi tìm chân lý của ông đã làm cho các kẻ thù nổi giận, và Galileo cũng không tìm cách xoa dịu họ.
Trái lại, với bản chất gần như cứng rắn táo bạo, ông lại thường tổ chức những cuộc tranh luận với các kẻ thù. Với hai chục người hay hơn, phần đông đều bí mật ghét ông. Ông thường để họ nói, chăm chú nghe từng người một và rồi chỉ trong vài câu giản dị ngắn ngủi, ông tấn công trả lại. Những kẻ chống đối ông không thể làm gì được, chỉ biết nhìn nhau bối rối, cắn môi, vì ông đã làm cho những ý tưởng của họ trở thành buồn cười ngu ngốc.
Nhưng lúc bấy giờ, giáo Hội Thiên Chúa giáo bắt đầu bất đồng với những chủ thuyết của Galileo. Caccini, thuộc dòng tu Dominican, đứng trên bục trong nhà thờ mái cao, hình cong kiểu Gothic không tiếc lời mắng nhiếc, chế nhạo nhà thiên văn và những người theo
Galileo bằng một luận điệu mà những người nghe phải ngạc nhiên và đành nhìn nhau nở một nụ cười gượng gạo.
Sự chỉ trích mạnh mẽ này không được Giáo hội chấp thuận, và vị Tổng Giám Mục của dòng Dominican phải nhân danh cá nhân xin lỗi Galileo. Nhưng Galileo không để ý những lời cảnh cáo là sẽ có nhiều trận bão đến cho ông nếu không thay đổi quan niệm của ông. Galileo vẫn tiếp tục.
Sự tranh chấp hoàn toàn giữa Giáo hội và Galileo bắt đầu nổi dậy khi Galileo lên tiếng bênh vực lý thuyết nhựt tâm của ông, tức là mặt trời cố định và trái đất xoay. Vào thời đó, lý thuyết của Ptolemy được công nhận, dạy rằng trái đất cố định và mọi vật quay chung quanh trái đất. Lý thuyết nhựt tâm đã được Copernicus đưa ra lúc trước, nhưng không chứng minh được rõ ràng, mãi đến khi Galileo nhìn thấy những vệ tinh của sao Mộc và những sự di chuyển của những điểm ngang qua mặt trời, ông mới có thể biện minh cho lý thuyết này.
Galileo đã gây ra một trận bão lớn chống đối. Những người bênh vực cho hệ thống của Ptolemy tuyên bố rằng lý thuyết của Galileo phản lại với Kinh Thánh và họ đưa ra các quyển Joshua, chương 10, điều 13 “Và thái dương đứng yên… trong vũ trụ”, trong Ecclesiastes, chương 1, điều 4 “Địa cầu tồn tại mãi, mặt trời mọc và lặn rồi vội vàng về chỗ cũ”.
Cuộc tranh luận trở nên càng ngày càng gay cấn, mãi đến năm 1615, Đức Giáo Hoàng Paul V truyền lịnh bán chính thức cảnh cáo Galileo. Năm sau đó, những nhà thần học của Giáo hội quyết định cho rằng lý thuyết mặt trời đứng yên trong trung tâm vũ trụ và bọn người cho trái đất di động là tà thuyết, và Galileo bị khiển trách cấm không được gìn giữ, giảng dạy hay bênh vực cho lý thuyết bị cấm đoán đó.
Trong suốt thời gian dài, nhà thiên văn đã làm việc và nghiên cứu trong yên lặng. Và năm 1632, ông cho xuất bản tác phẩm vĩ đại Đối
thoại về hai hệ thống lớn của vũ trụ (The Dialogue of the two Principal Systems of the world). Quyển sách đã gây ra một sự chuyển hoá dai dẳng vì quyển sách bao gồm một lối hành văn linh động bay bướm với sự trình bày khoa học khúc chiết và rõ ràng. Nhưng tác phẩm rõ rệt một sự thách đố đối với lịnh cấm của Giáo hội năm 1616 và hơn nữa tác phẩm còn được xem như có ẩn ý một bức hoạt kê hài hước của Đức Giáo Hoàng Urban VIII.
Hậu quả của sự việc đó không thể tránh khỏi, Galileo bị lôi ra trước Pháp Đình La Mã. Để đáp lại những lời khuyến cáo mạnh mẽ, ông tuyên bố là “không bao giờ còn giữ hay bênh vực cho ý tưởng trái đất xoay và mặt trời đứng yên và ông chứng tỏ là những lý luận của Copernicus rất yếu và không đưa đến đâu”. Ba ngày sau, tại phiên toà thứ hai, Galileo nghe theo lời khuyên và chấp nhận những lỗi lầm của mình vì đã không thành thật khi tuyên bố về lý thuyết nhựt tâm. Ông bị kết tội và lãnh án tù; nhưng thay vào đó, ông được phép đi Siena và phải tự rút lui, ẩn thân một cách nghiêm ngặt vào ngôi nhà riêng của ông tại Arcetri.
Nhưng có một điều không thể chối cãi là mặc dù có thái độ thiếu cởi mở và ngu đần, nhưng Pháp Đình La Mã vẫn đối xử với Galileo trong sự dễ dãi một phần nào với phạm nhân đặc biệt này. Sự thật Đức Hồng Y Bellarmine có vẻ am hiểu vấn đề và đã bênh vực cho Galileo một phần nào, sau đó ông có viết “Tôi nói rằng nếu tìm ra được bằng chứng cụ thể là mặt trời cố định và không xoay quanh trái đất, thì điều cần thiết là phải rất thận trọng trong việc giải thích Kinh Thánh đã viết những điều trái ngược lại, và chúng ta nên nói rằng đã hiểu lầm những lời trong Kinh Thánh hơn là tuyên bố những điều đó sai lầm”.
Khi vụ án kết thúc, cuộc đời Galileo từ đó trở đi thật là cả một bi kịch, ông biết rằng được tự do nhưng vẫn bị sự kiểm soát của Pháp Đình. Và sau khi về sum hợp với gia đình chẳng được bao lâu thì đứa
con gái thân yêu nhất của ông lâm bịnh bất ngờ mà chết. Biến cố này chẳng khác nào một luồng gió cấu xé triết gia khiến ông lâm bịnh. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục làm việc, năm 1636, ông viết quyển Luận về Khoa học mới (Dialogue of the New Science), gồm một số những tài liệu thí nghiệm đầu tiên của ông và những suy tư già dặn tượng thành về cơ giới. Năm 1637, ông làm một cuộc khám phá thiên văn cuối cùng về những sự xuất hiện lạ lùng trong vòng tròn mặt trăng, được biết như tính bình động của mặt trăng, chỉ vài tháng sau là ông bị mù.
Khuôn mặt buồn thảm, co rút, gần như bị đè nặng với những tai hoạ nhưng đầy can đảm, ông vẫn siêng năng viết cho ông bạn một lá thư “Tôi hoàn toàn bị mù rồi anh à, không còn cách nào chạy chữa khỏi. Nào là bầu trời trái đất, vũ trụ này với sự nhận xét kỳ diệu, tôi đã mở rộng gấp ngàn lần niềm tin của những thời đại quá khứ, tất cả bị thu hẹp vào khoảng không gian bé nhỏ mà tự tôi chiếm cứ được, và điều đó làm cho Chúa hài lòng thì dĩ nhiên nó cũng sẽ làm tôi hài lòng”.
Bạn của ông, linh mục Castelli, về sau có viết “Cặp mắt tinh anh nhất mà thiên nhiên đã tạo ra bây giờ đã đen tối…”
Nhưng Galileo vẫn tiếp tục làm việc, ông tự đem mình ra áp dụng vào những tương quan khoa học. Ông nghĩ ra cách dùng quả lắc để sửa lại máy chạy đồng hồ. Cách thức này được Huygen mang ra thực hiện mười lăm năm sau đó.
Nhưng giờ phút cuối cùng đến với ông khi ông đang đọc cho Viviani và Torricelli ghi chép những lý thuyết mới nhất của ông. Ông đã rút lui vào trong chiếc vỏ sò của mình và trong lúc ông vẫn còn gắn liền với sự mầu nhiệm của vũ trụ, thì ông mắc phải một cơn sốt và chết ngày 08 tháng Giêng năm 1642, hưởng thọ bảy mươi tám tuổi.
Những khám phá của Galileo được xem như đã cách mạng hoá ngành khoa học. Trong bài nói về thuỷ tĩnh học, ông giải thích cách
cấu tạo của các bộ phận, và phương pháp mà Archimèdes nhờ vào đó để tìm sự dối trá của tên thợ kim hoàn khi làm chiếc vương miện cho vua Hiero, hơn nữa, phương pháp này đã giúp cho con người làm thí nghiệm cho chính mình, cũng như đưa con người đến lãnh vực thực hành. Công việc nghiên cứu của ông nhằm vào trọng tâm trong các vật
thể cũng như ông đã làm những cuộc thí nghiệm về từ tính, tất cả đều mới mẻ và đều là những khám phá đầy ngạc nhiên.
Ông đã cách mạng hoá tư tưởng thế giới với những cuộc khám phá các ngọn núi trên mặt trăng, các vì tinh tú của chòm thất tinh, những vệ tinh của sao Mộc, tầng thượng quyển của sao Kim (Venus), vành đai quanh sao Thổ và những dấu vết trên mặt trời, sự cấu tạo bằng sao của sông Ngân Hà.
Tất cả những khám phá này cũng giống như lý thuyết của ông về sự nổi của vật thể, đã đưa ông vào con đường tranh luận không ngừng trong môi trường khoa học phụng sự con người. Ngày nay, chúng ta xem ông như một người đi tiên phong, một người dẫn đầu cho những sự tìm kiếm và say mê trong khoa thiên văn học.
SIR ISAAC NEWTON
(1642–1727)
Sự hiểu biết của chúng ta về định luật của trọng lực, của nguyên tắc mà nhờ đó toàn cả vũ trụ, mặt trời, mặt trăng, trái đất và các vì sao, tồn tại và chuyển động, đều nhờ vào bộ óc của một người. Đó là Isaac Newton. Nếu gọi ông là một toán học gia vĩ đại nhất của Anh Quốc thì thật không xứng đáng chút nào cả, với một công trình vĩ đại của ông. Mới hai mươi bốn tuổi, ông đã tìm ra được định lý về cơ năng học và những nguyên tắc của phép tính tích phân, và mười năm trước, ông chỉ là một cậu bé nhà quê mà đã phát minh được một ống kính viễn vọng phản xạ. Những khám phá này đã được Học Hội Hoàng Gia Anh Quốc chú ý và ông được đắc cử ghế chủ tịch của hội này mỗi năm trong suốt hai mươi lăm năm cuối cùng của cuộc đời ông. Vinh dự đó cùng với việc ông được phong hiệp sĩ chỉ là những phần thưởng bề ngoài cho một con người mà thiên tài đã tạo dựng ra cho loài người “Thiên nhiên và luật thiên nhiên”.
Phe Dân chủ và Bảo hoàng, người nghèo cũng như thương gia, dân quê cũng như thành thị, tất cả dân chúng khắp Anh Quốc đều chuẩn bị khí giới, nhưng không biết chắc dân chúng ở Woolsthorpe, trong quận Lincolnshire có bị xáo trộn mãnh liệt vì chiến tranh và những tin đồn đãi về chiến tranh không? Mùa giáng sinh năm 1624 gần đến và họ đều có vẻ lạnh lùng với một biến cố sắp sửa xảy ra trong làng họ, một biến cố có lẽ sẽ có nhiều ảnh hưởng cho cuộc đời của con cháu đời sau như một cuộc nội chiến bùng nổ vậy.
Đó là một năm đáng chú ý, không những chỉ quan trọng trong lịch sử Anh Quốc vì bắt đầu cho một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, mà còn trọng đại trong lịch sử khoa học vì vào ngày Giáng Sinh, bà Hannah Newton ở Woolsthorpe cho ra đời một đứa bé trai, cậu Isaac.
Ba năm sau, bà Newton tái giá với người chồng thứ hai của bà là ông Barnabos Smith, vị hiệu trưởng trường North Witham, thuộc quận Lincolnshire, và cậu bé được giao cho bà ngoại nuôi, bà Ayscough tại Woolsthorpe. Tại nơi đây, cậu bé bị hư đi vì cái bệnh kinh niên của các bà ngoại là hay cưng chìu cháu. Năm 1654, khi bà gởi cậu đến trường tiểu học tại Grantham, thì cậu có vẻ như không mấy chú ý đến sách vở, và cảm thấy thua sút các bạn học trong môn vật lý học.
Tuy nhiên, một ngày kia, một sự thay đổi bất ngờ xảy đến. Tại trường tiểu học của ông Stokes, cũng giống như tất cả các trường khác, có một anh hùng rơm luôn luôn theo dõi rình mò phá phách một học sinh nạn nhân đáng thương nhỏ bé. Newton lúc đó chỉ là một cậu bé, lại bị các bạn cùng trang lứa bỏ rơi và được chọn làm nạn nhân của các cuộc chọc phá vì bản chất có vẻ yếu đuối bởi kết quả của sự nuôi dưỡng của một bà già lẩn thẩn. Nhưng khi chú chàng anh hùng rơm hung hăng ra tay dợt vỏ mạnh hơn mọi lần với cậu bé hiền lành yếu đuối ở Woolsthorpe thì chú chàng hết sức ngạc nhiên vì sức quật khởi mạnh mẽ của cậu bé nạn nhân làm anh chàng to đầu bị đo ván trong sự ngơ ngẩn như từ cung trăng rớt xuống.
Từ đó, Isaac Newton tự biết mình, tự tao cho mình kiến thức cũng như lòng tự tin và chỉ trong vòng vài tuần lễ cũng đủ để cậu theo kịp bạn bè trong lớp học cũng như cậu tiến lên dẫn đầu lớp trong một thời gian ngắn.
Nhưng sự đắc thắng của cậu cũng ngắn ngủi. Năm 1656, Barnabas Smith, cha ghẻ ông, người mà ông ít khi biết đến qua đời, và mẹ ông lúc đó phải sống trơ trọi một mình và phải lo chăm sóc nông trại. Sự giúp đỡ của một cậu bé mười bốn tuổi rất cần thiết cho bà để mọi việc
trôi chảy, vì thế bà bắt Isaac phải bỏ học.
Không may cho bà là cậu bé đã có được một số kiến thức về toán học đủ để kích thích cậu tìm tòi tra cứu thêm nhiều hơn nữa, và thay
vì chỉ làm công việc giản dị là cày cấy cho ngay hàng thẳng lối hay đếm đầu các súc vật thì cậu lại dồn tất cả tâm trí vào việc suy tư để đạt được sự hiểu biết các vấn đề mà cậu đã phải bỏ dở ở học đường.
Bà Hannah Smith có lẽ cũng khó mà hiểu được tâm sự của cậu con trai, nhưng may mắn cho cậu là có một người chú là hiệu trưởng trường Burton Coggles, ở Lincolnshire và cũng là một nhân vật Đại Học đường Cambridge. Ông William Ayscough hiểu được sự khao khát học hỏi của cậu bé nên khuyên bảo bà chị Hannah cho Issac trở lại học đường năm 1660 để cậu có thể chuẩn bị vào Đại Học. Nếu Isaac Newton, một cậu bé nhà quê đã phí thì giờ vô ích ở nông trại, nhưng điều rõ ràng là năng khiếu của cậu vẫn không bị rỉ sét, vì ngày 05 tháng Sáu năm 1661, cậu được nhận làm sinh viên phụ khuyết được hưởng học bổng theo học tại trường Đại Học Trinity ở Cambridge.
Chúng ta cũng không được biết nhiều về cuộc đời sinh viên của ông, ngoài một sự kiện là ông hết sức cần mẫn trong việc học. Ngày 08 tháng Bảy năm 1661, ông đậu kỳ thi nhập học ở đại học đường Trinity và được hưởng học bổng chính thức. Ngày 28 tháng Tư năm 1664 ông
được bầu là nhà học giả, và tháng Giêng năm 1665, ông thi đậu cử nhân. Trong suốt ba năm giữa lúc ông nhập học và lúc chuẩn bị thi cử nhân, ông phải tự học để lãnh hội hầu hết những công trình nghiên cứu về toán học. Hai năm sau khi tốt nghiệp, hoạt động tinh thần của ông thật là phi thường, vì năm 1665, ông đã khám phá ra định lý về cơ năng học và chẳng bao lâu thì tìm ra phép vi phân hệ số, mà ngày nay chúng ta gọi là nguyên tắc tính tích phân và phương pháp tính diện tích các đường cong hay thể tích của vật thể đặc.
Tháng Năm năm 1666, ông viết “Tôi đã tìm ra ngỏ đi vào phương pháp nghịch đảo của phép vi phân hệ số, và cũng trong cùng năm đó, tôi bắt đầu suy nghĩ về trọng lực mở rộng ra đến quỷ đạo của mặt trăng… Tất cả những khám phá này xảy ra trong hai năm 1665 và 1666, vì trong những năm này tôi đã đến tuổi chín muồi.”
Theo quyển Lettres sur les Anglais của Voltaire, trong khi dạo chơi trong vườn tại Woolsthorpe, sự rơi của một quả táo đã khiến ông khám phá ra một trong những định luật vĩ đại và danh tiếng nhất, đó là định luật về trọng lực. Dĩ nhiên ngày nay dân chúng có vẻ nghi ngờ câu chuyện giản dị này, nhưng cô cháu gái của Newton là bà Conduitt, người đã kể câu chuyện này cho Voltaire một danh nhân Pháp, thì không thể có chuyện bịa đặt ra được.
Tuy nhiên, thời bấy giờ, cố gắng đầu tiên của ông là giải thích những chuyển động của mặt trăng và các hành tinh bằng những phương thức của định luật đang hình thành trong trí ông. Sự cố gắng này không hoàn toàn thành công, vì với sự phỏng đoán thông thường về chiều dài của vĩ độ mà Newton dùng để tính bán kính của quả địa cầu thì quá sai và ông tìm ra được sự tương phản giữa lý thuyết và sức mạnh thật của trọng lực.
Năm 1667, Newton trở về Cambridge, và cũng năm đó, ông được bầu vào Hội Ái Hữu của Đại học Trinity. Những năm kế tiếp, ông để hết mình vào công việc nghiên cứu về kính, phần chính gồm có sự khảo sát về bản chất của ánh sáng và sự thành lập của ống kính viễn vọng. Năm 1668, ông chế ra ống kính viễn vọng phản xạ đầu tiên, đó là dụng cụ dài tới 15 phân với một lỗ hỏng tới 2 phân rưỡi. Với dụng cụ này, ông có thể nhìn thấy những vệ tinh của sao Mộc. Về sau, hình dáng của ống viễn kính cũng được chế ra theo kiểu đó và tiến đến một trình độ hoàn mỹ nhờ sự nghiên cứu của ông William Herschel và quận công Rosse.
Năm 1669, Barrow, giáo sư toán học tại Trinity từ chức, và Newton được cử vào chức vụ này. Tháng Giêng, 1671, ông được bầu làm hội viên Học Hội Hoàng Gia vì ông đã nổi tiếng qua ống kính viễn vọng phản xạ của ông. Tài liệu đầu tiên mà ông đã đóng góp cho hội đoàn liên quan đến quang học và với những thí nghiệm đặc biệt mà ông mua tại hội chợ Stourbridge năm 1666 là khối lăng trụ. Tài liệu này gây
tranh luận khá sôi nổi lúc bấy giờ, đặc biệt về vấn đề sự tán sắc và phân biệt các màu khác nhau của quang phổ, những màu sắc mà chúng ta thường thấy trong móng trời (cầu vòng). Newton nghĩ rằng chiều dài của quang phổ được tạo ra ở một khoảng cách lăng trụ, thì với các lăng trụ ở hình thể nào có những góc cạnh khiến các tia sáng đối chiếu khác nhau. (Sự khám phá này mà Newton đã giữ suốt đời khiến ông sai lầm, nhưng nhầm lẫn to tát này đã giúp ông trong việc nghiên cứu. Với lý thuyết về lăng trụ, Newton nhất định là những hình ảnh loạn thị hay loạn sắc không thể do những thấu kính tạo ra, do đó ông thất vọng trong việc chế tạo một ống kính viễn vọng khúc xạ loạn thị và thay vào đó, ông chuyển sang một loại kính phản xạ đã khiến ông được Học Hội Hoàng Gia chú ý.)
Newton đã viết trong một văn kiện quan trọng “Ánh sáng gồm những tia tách rời… Những màu sắc không phải là những năng lực của ánh sáng xuất phát từ những khúc xạ của sự vật như người ta thường tin như vậy, nhưng do những tính chất nguyên thuỷ và bẩm sinh, mỗi tia mỗi khác… cùng một độ khúc xạ thuộc một màu sắc như nhau, và một màu giống nhau cũng thuộc cùng một độ khúc xạ”.
Văn kiện được Robert Hooke đem ra trình trước Hội Đồng Hoàng Gia, ông này chấp nhận những điều nhận xét của Newton nhưng không đồng ý ở phần kết luận. Văn kiện được phát hành, gây sự chú ý đáng kể trong lãnh vực khoa học khắp cả châu Âu, và những cuộc tranh luận kéo dài mãi đến năm 1675, nhưng sự việc này đã làm Newton mỏi mệt chán nản. Ông viết “Tôi đã bị quấy rầy, hành hạ quá nhiều với những cuộc tranh luận ồn ào vì lý thuyết về ánh sáng của tôi, đó cũng tại tánh bất cẩn vì đã từ bỏ sự yên tĩnh của mình để chạy theo một cái bóng của chính mình”.
Newton là người đầu tiên sáng lập ra lý thuyết về quang học. Có thể nói rằng, ông đã chỉ định nguồn gốc của ánh sáng và sự di động li ti với tốc độ 190.000 dặm một giây trong không gian. Lý thuyết này có
ảnh hưởng mãi đến năm 1801, khi Thomas Young lên tiếng xác nhận sự phỏng đoán của Hooke cho rằng ánh sáng di chuyển theo làn sống. Trong những năm này, vấn đề tài chính của Newton không mấy dồi dào và ông bắt buộc phải xin Hội Hoàng Gia trợ cấp cho mỗi tuần một số tiền nhỏ. Tháng Hai năm 1675, ông được chính thức làm hội viên của hội này.
Cũng không có gì rõ ràng khi Newton lại bắt đầu những tính toán của ông về trọng lực để cuối cùng đưa ông đến những sự khám phá khiến tên tuổi Newton trở nên vang lừng bất hủ. Từ sự cố gắng đầu tiên trong nhiều năm ông đã tiến bộ dần dần cho mãi đến năm 1684 khi Halley, khám phá ra Newton đang thai nghén được một lý thuyết kiện toàn và cũng như sự khai triển phong phú của nó, nên Halley đốc thúc Newton nên viết ra một bài khái luận có hệ thống về vấn đề này.
Bài khái luận đó được gọi là De Motu Corporum, nhưng những khám phá đó được giải thích đầy đủ hơn trong tác phẩm lớn Nguyên tắc toán học trong vật lý học (Philosophiae Naturalis Principia Mathematica) xuất bản năm 1687.
Năm 1666, như chúng ta đã biết Newton có những khái niệm đầu tiên về trọng lực và làm những tính toán sơ khởi, ông biết rằng, ngay cả khi suy luận từ định luật thứ ba của Kepler, cho rằng nếu mặt trăng bị kiềm giữ trong một quỹ đạo xoay tròn do một hấp lực điều khiển từ trung tâm quả địa cầu thì hấp lực đó phải theo tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa mặt trăng và trái đất.
Năm 1679, trong khi cùng tham khảo với Hook; Newton đã tìm ra được cách tính quỹ đạo của một vật thể chuyển động dưới một động lực phát từ tâm điểm; và ông cho biết rằng nếu hấp lực đó thay đổi như bình phương nghịch đảo, thì quỹ đạo sẽ là một hình bầu dục với trung tâm của hấp lực đó ở trong một tâm điểm.
Và rồi, năm 1684, ông đã vượt qua được một trở ngại chính để quy
định nên một lý thuyết về trọng lực, trở ngại đó là không thể nào tính được kích thước của mặt trời và mặt trăng vì chúng cách xa trái đất dịu vợi. Bây giờ Newton chứng minh rằng mỗi phần tử đều thu hút những phần tử khác với một hấp lực tỉ lệ nghịch với bình phương của khoảng cách giữa chúng. Sự thật, hấp lực hút giữa hai cầu thể bằng nhau nếu mỗi cầu thể giảm đi thành kích thước của trung tâm điểm. Những tính toán không có vẻ phỏng đoán nữa nhưng có thể trở nên xác đáng và lần này, Newton dùng cách tính chính xác của Picard đo chiều dài của vĩ độ, và sự nghiên cứu của ông đã đưa đến một kết luận thành công.
Ông đã thiết lập nên một định luật về trọng lực; ông đã tìm ra nguyên tắc đã điều khiển sự tồn tại và chuyển động của vũ trụ. Thế giới ngày nay có được tác phẩm Philosophiae Naturalis Principia Mathematica là nhờ nhà thiên văn học Edmund Halley, người đã khuyến khích thúc đẩy Newton viết tác phẩm đó và khi tác phẩm hoàn thành với một tốc độ kỷ lục (1685–1686), hơn nữa Halley còn bỏ tiền ra xuất bản và Hooke thông qua được những khó khăn, Hooke là người đã biết Newton trong nhiều cuộc khám phá mới mẻ. Từ 1692 đến 1094, công việc của Newton bị gián đoạn vì ông lâm bịnh nặng, trong suốt thời gian này ông bị chứng mất ngủ và thần kinh căng thẳng mà có lời đồn rằng, không chỉ ở nước Anh mà trong môi trường khoa học ở khắp nơi, Newton bị mất trí và phải vào điều trị trong dưỡng trí viện.
Trong lúc đó, bạn bè ông vô cùng bận rộn trong việc thay thế ông, và năm 1695, ông được mời và nhận lời đảm trách một chức vụ của Viện Sáng chế. Bốn năm sau, ông trở thành Giám Đốc Viện Sáng Chế. Sau đó, ông được bầu làm một trong tám hội viện của viện khoa học Pháp.
Năm 1701, ông lại tái đắc cử vào Quốc Hội ở ghế dành riêng cho Đại
Học. Bây giờ những công việc ở quốc hội và các bổn phận khác đã chiếm quá nhiều thì giờ của ông, nên ông chỉ dành chút ít thời gian cho việc nghiên cứu khoa học. Khi được bổ nhiệm làm Giám Đốc Viện Sáng Chế, ông đã đề cử một người khác thế chỗ giáo sư đại học, nhưng năm 1701, ông từ chức cả hội viên lẫn giáo sư.
Ngay từ đầu, ông là một Giám Đốc hữu hiệu nhất của Viện Sáng Chế và ông giữ nhiệm sở này cho đến chết. Tuy nhiên, ông cũng không hoàn toàn bỏ dở những chú tâm vô vấn đề khoa học. Năm 1703, ông được bầu làm Chủ Tịch Học Hội Hoàng Gia, và cứ mỗi năm lại được tái cử trong vòng hai mươi lăm năm. Trong suốt thời kỳ giữ vai trò Chủ Tịch, ông đã đích thân điều khiển việc xuất bản quyển Greenwich Observation của Flamsteed, mặc dù ông và Flamsteed đã từng tranh luận sôi nổi đi đến gay cấn với nhà thiên văn học.
Năm 1705, nữ hoàng Anne viếng thăm đại học Cambridge như một vị khách của đại học Trinity, và nhân dịp này, bà được chọn để phong chức hiệp sĩ cho Newton.
Cũng vào lúc đó, Newton bắt đầu một cuộc tranh luận với Leibniz, một toán học gia châu Âu, về ai là người tác quyền đầu tiên trong phép tính vi phân. Mở đầu cuộc tranh luận này là một bài phê bình của toán học gia Leibniz, buộc tội Newton đã mượn những tư tưởng của ông về phép tính vi phân hệ số. Cuộc tranh luận kéo dài trong nhiều năm, và ngay cả sau khi Leibniz từ trần, cũng vẫn còn có nhiều người ủng hộ ông ở khắp các trường học châu Âu. Ngay đến hôm nay, cũng khó mà quyết định được, mặc dù một sử gia công bình vô tư đã thiên về Leibniz, nhưng Newton vẫn là người đầu tiên; tuy rằng phương pháp của Leibniz dễ hiểu và đầy đủ hơn.
Đầu năm 1727, Newton lâm trọng bịnh. Sức khoẻ ông bị suy giảm quá nhiều và từ trần vì bịnh kết thạch tại Kensington vào ngày 20 tháng Ba năm 1727.
Ông được chôn tại Vương Cung thánh đường Westminster ngày 28 tháng Ba, và đến năm 1731 một mộ bia được dựng lên để tưởng niệm ông.
Còn nhiều bức chân dung của Newton lúc còn sinh tiền. Một bức do Kneller vẽ và một bức khác do Thornhell, cả hai bức hoạ này thuộc quyền sở hữu của bá tước Portmouth, một bức khác của Kneller thì để tại Petwath. Học hội Hoàng gia có ba bức chân dung của ông do Jervas vẽ và treo phía trên ghế của vị chủ tịch. Đại học Trinity cũng có vài bức khác. Bức tượng toàn thân vĩ đại của Newton do điêu khắc gia Roubilliac nắn và được dựng lên trước mặt tiền đại học đường Trinity năm 1750. Và đại thi hào lừng danh Anh Quốc Wordsworth đã đề tặng mấy câu thơ:
“Bức tượng cẩm thạch kia của một bộ óc bất diệt,
Một mình du lịch qua những đại dương lạ lùng của tư tưởng.” Tuy nhiên, phần thưởng quý giá nhất để tưởng nhớ nhà vật lý học vĩ đại nhất của nhân loại có lẽ là những vần thơ bay bướm của thi hào Pope được khắc trên bảng kỷ niệm trong phòng nơi mà thiên tài Newton ra đời:
“Vạn vật và những định luật thiên nhiên còn nằm kín trong bóng tối.”
Chúa bảo rằng “Hãy để Newton ra đời thì mọi vật sẽ bừng sáng”.