🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những trào lưu mới trong xã hội Mỹ
Ebooks
Nhóm Zalo
Lời giới thiệu
Năm 1960, Volkswagen đã khuấy đảo cả thế giới ô tô bằng một trang quảng cáo lớn chỉ in đúng hai từ: Think Small (Nghĩ nhỏ). Đó là một ý tưởng mang tính cách mạng – một lời kêu gọi thu hẹp các viễn cảnh, tham vọng và quy mô trong một kỷ nguyên mà mọi thành công đều được tính bằng thị phần mà bạn tích lũy và thâu tóm được trên thị trường, ngay cả khi bạn đang lái xe trên phố.
Cùng lúc đó, nước Mỹ đang trở thành siêu cường thế giới, phát triển thành nền kinh tế đầu tàu và là người cầm cương tốc độ phát triển của các thị trường toàn cầu, chiếc xe bọ hung Beetle xuất hiện như một hiện tượng phản văn hoá – thể hiện cá tính tương phản với những chuẩn mực của thập niên 1950.
Cho đến khi loại xe này ra đời, người Mỹ trước đó hầu như không có thói quen dùng xe nhỏ. Nhưng nếu phỏng vấn hai phần ba dân số Mỹ, họ sẽ trả lời mình đang làm việc trong một doanh nghiệp nhỏ. Người Mỹ chỉ sẵn sàng tạo ra những thay đổi lớn khi họ được tận mắt chứng kiến những bước đi nhỏ bé, cụ thể dẫn đến những thay đổi đó. Và họ luôn khao khát được có lối sống ở những thị trấn nhỏ kiểu Mỹ. Nhiều phong trào lớn nhất ở nước Mỹ hiện nay xuất phát từ những hiện tượng rất nhỏ – ẩn kín với tất cả mọi người, trừ những nhà quan sát tinh tường nhất. Cuốn sách NHỮNG TRÀO LƯU MỚI TRONG XÃ HỘI MỸ dựa trên ý tưởng những sức mạnh lớn nhất trong xã hội đang nổi lên, những xu hướng không cảm nhận được đang định hình tương lai ngay trước mắt chúng ta. Với quá nhiều vụ trẻ em vị thành niên phạm tội, người ta khó nhìn ra những tấm gương thiếu niên thành công như trước kia. Khi quá chú ý đến đói nghèo vì coi đó là nguyên nhân của chủ nghĩa khủng bố, người ta khó nhìn ra những tên khủng bố có học thức, giàu có đứng sau rất nhiều vụ tấn công. Khi quá chú ý đến những tổ chức tôn giáo lớn, rất khó nhìn thấy những giáo phái mới hơn, nhỏ hơn đang phát triển với tốc độ chóng mặt.
Sức mạnh của từng lựa chọn đơn lẻ chưa bao giờ lớn đến vậy, và lý do cũng như hình mẫu của những lựa chọn đó khó hiểu và khó giải thích hơn bao giờ hết. Kỹ năng nhắm trúng những vấn đề tinh vi – nhận diện những nhóm nhỏ, có sức mạnh tiềm ẩn, kết nối họ để xác định những nhu cầu và ham muốn của riêng từng nhóm – chưa bao giờ lại quan trọng đến thế trong các chiến dịch marketing hay các hoạt động chính trị. Cách tiếp cận thế giới theo kiểu một-cho-tất-cả đã không còn chốn dung thân. Ba mươi năm trước, khi còn ngồi trong thư viện Lamont của trường đại học Havard, tôi đã đọc một cuốn sách bắt đầu bằng câu: “Luận điểm ngược đời và không chính thống trong cuốn sách nhỏ này chính là: cử tri không phải là những kẻ ngu”. Từ lúc đó, V.O. Key, Jr., tác giả cuốn sách đó đã đưa ra một luận điểm định hướng cho cách nghĩ của tôi không chỉ về các cử tri mà về cả những người tiêu dùng, các tập đoàn, các chính phủ và cả thế giới. Nếu bạn dùng đúng công cụ và nhìn thẳng vào mọi thực tế, bạn sẽ thấy một anh chàng Joe bình thường nào đó hoá ra lại rất thông minh và đôi khi đưa ra những lựa chọn chính xác đến kinh ngạc.
Vậy mà, gần như ngày nào tôi cũng nghe các chuyên gia nói rằng cử tri và người tiêu dùng là những kẻ ngù ngờ, đưa ra quyết định chỉ căn cứ vào màu sắc của những chiếc cà vạt. Đó là lý do tại sao các chính trị gia lại trả tiền cho các vị cố vấn khuyên họ nên mặc những bộ vét màu tro hay làm mất đi những nếp nhăn trên mặt. Đó cũng là lý do tại sao rất nhiều doanh nghiệp thu hút khách hàng bằng những câu chuyện ngoài lề, chẳng chút liên quan đến sản phẩm của họ. Các ứng cử viên cũng như các nhà kinh doanh ngày nay dường như chẳng còn tin vào thực tế, hoặc cũng có thể họ không coi việc giải quyết các vấn đề là tối quan trọng. Vậy thì chẳng phải chính họ mới trở thành những kẻ ngớ ngẩn sao. Tôi dám cá là ít nhất hai phần ba các phương tiện truyền thông hiện nay đang truyền đi những thông điệp và hình ảnh mà chỉ những người tạo ra chúng mới hiểu nổi.
Viễn cảnh mà cuốn sách này đưa ra là khoảng ba mươi năm nữa, những quan sát của V.O.Key, Jr. không chỉ đúng mà sẽ trở thành nguyên tắc chủ đạo giúp chúng ta hiểu được những xu hướng đang diễn ra ở Mỹ và trên thế giới hiện nay. Con người giờ đây phức tạp, cá nhân và hiểu biết hơn bao giờ hết về những lựa
chọn mà họ sẽ đưa ra mỗi ngày. Chưa hết, theo những gì Key quan sát được, cần phải có những nghiên cứu khoa học với quy mô lớn mới phát hiện được những mô hình logic ẩn chứa đằng sau những lựa chọn đó. Khi phải đối mặt với những lựa chọn dường như đối lập, con người ta sẽ dễ dàng quyết định việc mặc bộ vét màu nâu hay có dùng thuốc chống nếp nhăn không.
Thực vậy, cuộc sống hiện đại ngày càng nổi lên nhiều sự đối lập. Trong khi con người ngày nay tiêu thụ thực phẩm chức năng nhiều hơn bao giờ hết, thì doanh số bán hàng của những hãng ăn nhanh như Big Mac cũng không hề sụt giảm. Dù kênh truyền hình giải trí, kinh tế Fox News luôn đứng đầu các bảng xếp hạng thì tin trang nhất của hầu hết các báo thường là về chiến tranh. Khi nước Mỹ đang ngày càng già đi thì phần lớn những gì chúng ta nhìn thấy trên các chương trình quảng cáo hay các chương trình giải trí đều là sản phẩm của cách tư duy trẻ trung. Người ta hẹn hò nhiều hơn trước kia, nhưng cũng tỏ ra quan tâm đến
các mối quan hệ nghiêm túc hơn bao giờ hết. Và khi ngày càng có nhiều người uống các loại nước tinh khiết thì số người uống những loại nước tăng lực “quái vật”, chứa đầy hoá chất và caffein cũng không vì thế mà sụt giảm.
Trên thực tế, ý tưởng cho rằng chỉ có một vài xu hướng lớn quyết định cách vận hành nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đang thực sự bị lung lay. Không còn những sức mạnh to lớn có khả năng cuốn tất cả chúng ta vào một dòng xoáy. Thay vào đó, nước Mỹ và thế giới đang bị xé toạc bởi hàng mớ rối tinh rối mù những lựa chọn, được tích tụ từ “những xu hướng cực nhỏ” – những sức mạnh nhỏ bé, không trong “tầm ngắm” nhưng có sức ảnh hưởng tới ít nhất 1% dân số, dẫn đến những thay đổi to lớn trong xã hội. Vấn đề không phải ở chỗ sức mạnh nhỏ đó trong tương lai trở thành một sức mạnh mới lớn hơn. Mà là để nắm bắt được thực sự điều gì đang diễn ra, chúng ta cần những công cụ tốt hơn chứ không thể chỉ dùng mắt thường và những lời hùng biện sáo rỗng. Chúng ta cần cả kính viễn vọng cũng như sử dụng kính hiển vi để nhìn vào thực tế – trong xã hội, những lăng kính chính là các cuộc khảo sát, trưng cầu dân ý và thống kê. Nó sẽ giúp giải mã từng lát cắt của những vấn đề cần nghiên cứu, mổ xẻ chúng để kiểm chứng. Khi nghiên cứu sâu vào bên trong, bạn sẽ tìm thấy chính mình, thấy bạn bè mình, các khách hàng, người tiêu dùng và cả đối thủ của mình, rõ ràng hơn bạn nghĩ.
Năm 1996, khi còn làm việc cho cựu Tổng thống Clinton, tôi đã tìm ra được một nhóm những người không được chú ý tới, mà sau này được biết đến với cái tên Soccer Moms (Những Bà mẹ Bóng đá). (Tôi thích nghĩ rằng mình làm được gì đó cho phong trào bóng đá của thanh thiếu niên, mặc dù thực sự cụm từ này không liên quan gì đến bóng đá cả. Đó chỉ là cách gọi những bà mẹ bận rộn với công việc và chăm sóc con cái như đưa chúng đến lớp bóng đá, lớp âm nhạc… Họ sẽ bỏ phiếu cho vị tổng thống nào có chính sách xã hội thực sự tốt). Trước kia khi các chiến dịch tranh cử của Tổng thống bắt đầu, người ta cho rằng chính trị do những người đàn ông thống trị, rằng họ là người quyết định các bà nội trợ của mình sẽ bầu cho ai. Nhưng đến thời điểm năm 1996, sự thật là phần lớn quyết định của các cử tri nam chịu ảnh hưởng của chiến dịch tranh cử. Trong khi đó, những người không bị ảnh hưởng chính là một nhóm mới các bà mẹ độc lập, những người thực sự sống cho công việc và gia đình, những người không khẳng định chắc chắn đảng nào nắm quyền sẽ tốt hơn cho gia đình của họ. Chính họ, chứ không phải các ông chồng, là những cử tri then chốt nhất. Để giành được sự ủng hộ của họ, cựu Tổng thống Clinton đã phát động một chiến dịch hỗ trợ các bà nội trợ nuôi dạy con cái – bằng cách thi hành các biện pháp: kiểm tra chất gây nghiện trong trường học để chống việc hút thuốc ở tuổi thiếu niên, hạn chế phổ biến hành vi bạo lực trên các phương tiện truyền thông và khuyến khích mặc đồng phục trong trường học. Những bà mẹ này từng không muốn cuộc sống của họ bị Chính phủ nào can thiệp, nhưng họ lại khá vui vẻ khi Chính phủ xuất hiện nhiều hơn một chút trong cuộc sống của con cái họ, để lũ trẻ luôn đi đúng hướng và trong tầm kiểm soát của họ.
Qua kiểm chứng, có thể thấy sự thay đổi sâu sắc trong đời sống chính trị nảy nở từ việc khám phá ra những xu hướng mới. Trước đây, phần lớn các ứng cử viên Đảng Dân chủ đều hướng tới những người lao động ở tầng lớp thấp, học vấn hạn chế, đặc biệt là lao động trong khu vực sản xuất. Nhưng số thành viên công đoàn và công việc trong ngành sản xuất đã dần thu hẹp lại, số người học đại học tăng lên và gần như toàn bộ cử tri đoàn ở Mỹ tự gọi mình là tầng lớp trung lưu. Nếu các ứng cử viên Đảng Dân chủ bỏ qua những xu hướng chủ chốt này, chắc hẳn họ sẽ lỡ chuyến đò.
Ngày nay, các ứng cử viên rất nhiệt tình hướng tới các Bà mẹ Bóng đá – mặc dù họ cần biết rằng các xu hướng thường vận động rất nhanh, và nhóm các Bà mẹ Bóng đá cũng vậy, cũng sẽ vận động không ngừng. Giờ đây, sau một thập kỷ, con cái của những bà mẹ này đã đến tuổi vào đại học, nhiều người trong số các bà mẹ này đã ly dị, và vấn đề bảo đảm tài chính cho cá nhân họ bỗng trở thành vấn đề quan trọng tương tự việc nuôi dạy con cái mười năm trước.
Khi mọi sự chú ý đều tập trung vào những Bà mẹ này, thì những ông bố – những người sống ở nông thôn, làm việc trong các văn phòng và quan tâm đến gia đình – gần như bị lãng quên trong các cuộc vận động chính trị, trên các phương tiện quảng cáo và truyền thông. Trong thế kỷ 21, các ông bố dành nhiều thời gian cho con cái hơn bao giờ hết. Phải chăng đại lộ Madison – biểu tượng của ngành công nghiệp quảng cáo Hoa Kỳ đã thay đổi? Đã bao giờ các ông bố từng là đối tượng của một chiến dịch kiểu như “trở lại trường học” – chiến dịch nhằm bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ và các bé gái – hay chưa?
Tất cả đều có thể là yếu tố dẫn đến sự thay đổi lớn trong các chiến dịch quảng bá hàng đầu của đảng Dân chủ vào năm 1996.
Nghệ thuật nắm bắt các xu hướng, thông qua các cuộc điều tra dư luận, là tìm ra những nhóm người đang theo đuổi mục tiêu và hoạt động chung, có mục đích hoặc được lôi kéo lại gần nhau bởi một đòi hỏi đúng đắn gắn kết những nhu cầu giống nhau. Những Bà mẹ Bóng đá đã làm như vậy trong một thập kỷ hoặc hơn thế – nhưng họ chỉ trở thành tầng lớp chính trị khi họ được thừa nhận là một khối cử tri có sức mạnh đáng
kể ở Mỹ.
Ngày nay, sự thay đổi lối sống, mạng Internet, sự phân chia của các phương tiện truyền thông và nền kinh tế toàn cầu đang liên kết lại với nhau để tạo ra ý nghĩa mới cho chủ nghĩa cá nhân, là yếu tố có quyền năng thay đổi xã hội loài người. Xét trên góc độ toàn cầu hóa, thế giới dường như phẳng hơn, nhưng nó vẫn đang phải chứa tới sáu tỉ người, và không ai có thể buộc họ hành động theo bầy đàn hết. Dù lựa chọn của họ có kỳ cục đến đâu, lúc nào họ cũng có thể tìm ra ít nhất 100.000 người chia sẻ chung sở thích.
Trên thực tế, qua thời gian, một xu hướng xuất phát chỉ từ 1% dân số Mỹ hoàn toàn có thể biến một bộ phim trở nên đình đám, một cuốn sách trở thành best-selling hay tạo ra một xu hướng chính trị mới. Sức mạnh của các lựa chọn cá nhân đang ngày càng ảnh hưởng đến chính trị, tôn giáo, giải trí và thậm chí cả chiến tranh. Trong xã hội thông tin ngày nay, chỉ cần 1% dân số đưa ra một lựa chọn trái ngược với phần đông dân số, là đủ tạo ra một phong trào có thể thay đổi thế giới.
Hãy thử xem điều gì đã xảy ra với những người nhập cư trái phép ở Mỹ. Vài năm trước đây, họ là những người Mỹ bị lãng quên, phải trốn tránh ánh sáng và các nhà chức trách. Ngày nay, họ đang tập hợp được những lực lượng chính trị, và căn cứ vào nơi họ và những người họ hàng là cử tri hợp pháp đang sống, họ
có thể trở thành nhóm người ngày càng có ảnh hưởng đến kết quả các cuộc bầu cử. Những người nhập cư tham gia trong quân đội vốn đã chán ngấy với hệ thống nhập cư đang đổ vỡ có thể sẽ là những cử tri quan trọng nhất trong các cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, do họ sống ở những bang quan trọng miền Tây Nam, những nơi đang trở thành những “chiến trường mới”.
Trong lĩnh vực kinh doanh, mọi chuyện cũng diễn ra tương tự, Internet đã giúp mọi người dễ dàng kết nối với nhau hơn. Trước đây, việc tiếp thị đến từng nhóm nhỏ khách hàng trên khắp cả nước gần như là không thể. Giờ đây, chẳng khó khăn gì để tìm được 1 triệu người muốn thử các sản phẩm hay các dịch vụ tư vấn của bạn.
Mọi sự tính toán không chỉ có tính chiến lược mà còn có thể rất thảm khốc. Nếu những tên khủng bố Hồi giáo thuyết phục được chỉ 1/10 trong số 1% dân số Mỹ rằng chúng đã làm đúng, đội quân khủng bố của chúng sẽ có thêm 300.000 lính, nhiều hơn con số cần thiết để phá hủy xã hội Mỹ. Nếu Bin Laden có thể lôi kéo 1% trong tổng số 1 tỷ người Hồi giáo dùng bạo lực, cả thế giới sẽ có 10 triệu tên khủng bố, lớn hơn nhiều lần lực lượng quân đội và cảnh sát toàn thế giới. Đó là sức mạnh của những nhóm nhỏ tập hợp lại với nhau.
Sức mạnh của các sự lựa chọn đặc biệt trở nên rõ ràng khi ngày càng có nhiều người Mỹ tự quyết định về cuộc sống của mình. Ví dụ, tốc độ tăng dân số Mỹ hiện chỉ là 0,9%, nhưng số lượng các hộ gia đình đã tăng mạnh. Giữa những người ly hôn, những người kết hôn muộn, những người sống thọ hơn và những người không bao giờ kết hôn, số người có gia đình thực sự đã bùng nổ – gần 115 triệu người năm 2006 so với chỉ 80 triệu người năm 1980. Tỷ lệ phần trăm những người độc thân đã tăng từ 17% năm 1970 lên 26% năm 2003. Tỷ lệ những gia đình có con đã giảm xuống còn dưới 25%.
Tất cả những con người với cuộc sống độc thân và độc lập đã chia nước Mỹ thành hàng trăm mảnh nhỏ. Những người độc thân và những người không con cái có nhiều thời gian hơn để theo đuổi những gì mình quan tâm, thực hiện những sở thích, truy cập Internet, tham gia các cuộc tranh luận chính trị hay đi xem
phim ở rạp. Mặc dù giờ đây không nhất thiết phải đến rạp mới xem được phim, có thể xem trên mạng qua dịch vụ xem phim trực tuyến trả tiền, nhưng với những người có tối thứ Bảy rảnh rỗi, coi phim ảnh là một niềm yêu thích, thì chính họ sẽ khiến hệ thống các rạp tăng giá vé chứ không hề giảm. Ngày càng nhiều người có điều kiện về tiền bạc, thời gian cũng như sinh lực, để thoả mãn sở thích cá nhân. Kết quả chúng ta có được một bức tranh rõ ràng hơn để biết họ là ai và họ muốn gì. Trong kinh doanh, vận động chính trị cũng như giải quyết các vấn đề xã hội, nắm được thông tin này sẽ có khả năng tạo nên những khác biệt.
Cuốn sách là tất cả những mảnh nhỏ đó của nước Mỹ. Không phải một, hay hai, ba hoặc tám nước Mỹ, trên thực tế, giờ đây có hàng trăm nước Mỹ trong lòng nước Mỹ, hàng trăm mảnh ghép gồm những con người cùng chung sở thích tập hợp lại với nhau.
Hiện tượng phân nhỏ thành các mảnh ghép không chỉ xảy ra ở nước Mỹ. Đó là hiện tượng toàn cầu, nó khiến cho việc thống nhất mọi người trở nên cực kỳ khó khăn trong thế kỷ 21. Khi chúng ta nghĩ rằng, nhờ có Internet, thế giới không chỉ được liên kết mà còn thống nhất về những giá trị chung liên quan đến dân chủ, hoà bình và an ninh, thì trên thực tế, mọi việc diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Thế giới đang bị phân chia với một tốc độ chóng mặt.
Gần đây, tôi có đi chơi bowling, và ngược với suy nghĩ sai lầm của nhiều người, ở đó chẳng có ai đi một mình cả. Nhưng trên thực tế, những người đang chơi không phải là những người bụng phệ vì bia. Giữa các
nhóm người chơi, không hề có sự tương đồng. Ở một làn ném bóng là một gia đình người Ấn Độ nhập cư, có cả ông bà đi cùng. Một làn khác là một bà mẹ da đen với hai đứa con đang ở độ tuổi thiếu niên. Ở làn bóng thứ ba là bốn thiếu niên da trắng, người thì có hình xăm, người thì mặc áo phông. Và hai làn bóng phía cuối là một người đàn ông và một phụ nữ nói tiếng Tây Ban Nha rõ ràng đang trong một buổi hẹn hò, rảnh ra là âu yếm nhau.
Khi con người ngày càng được tự do lựa chọn, tính cá nhân cũng vì thế tăng lên. Và khi tính cá nhân tăng lên, quyền lực của những lựa chọn cũng tăng lên. Con người càng có nhiều lựa chọn, họ sẽ càng đặt mình vào những mảnh ghép ngày càng bé nhỏ trong xã hội.
Sự bùng nổ các lựa chọn
Năm 1773, khi xảy ra Sự kiện Boston (Boston Tea Party), chỉ có một loại trà duy nhất được ném qua mạn tàu – đó là trà Bữa sáng nước Anh (English Breakfast). Ngày nay, nếu người Mỹ tiến hành cuộc nổi loạn đó, sẽ có hàng trăm loại trà khác nhau được ném xuống cảng, từ những loại trà nhài không chứa caffeine đến các loại trà bạc hà Morocco và trà ngọt Thái Lan.
Để mua được một bịch khoai tây chiên, bạn chắc chắn sẽ phải lựa chọn giữa hàng đống các vị như khoai nướng, khoai chiên, ít béo, mặn hay có mùi thơm – với một lô những danh mục như khoai nướng, khoai lang, có hành tây và lá thơm hay pho mát tẩm hạt tiêu Monterey Pepper Jack.
Chúng ta đang sống trong một thế giới của rất nhiều lựa chọn. Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, người Mỹ giờ đây đều phải chọn lựa: công việc mới, loại thực phẩm mới, tôn giáo mới, công nghệ mới và những dạng giao tiếp mới.
Theo một khía cạnh nào đó, đây là chiến thắng của nền kinh tế Starbucks trước nền kinh tế Ford. Vào đầu những năm 1900, Henry Ford đã tạo ra một dòng sản phẩm sản xuất hàng loạt để phục vụ đại đa số công chúng. Hàng nghìn công nhân sản xuất ra một chiếc ôtô đen, và nhân chúng lên hàng triệu, hàng triệu lần.
Ngày nay, những sản phẩm kiểu như vậy không còn nhiều. (Điều hài hước là một trong số đó là chiếc máy tính cá nhân, có mặt trên bàn của mọi nhà cùng với một dạng giống nhau. Tuy về hình dạng máy có một số thay đổi, nhưng nếu bạn đến một cửa hàng máy tính Mỹ điển hình, bạn sẽ thấy không có nhiều sự lựa chọn như việc chọn thực phẩm ở siêu thị).
Ngược lại, Starbucks được điều hành với ý tưởng rằng con người tự đưa ra các quyết định – về cà phê, sữa và chất tạo ngọt – chính vì thế càng có nhiều lựa chọn sẽ càng làm hài lòng người uống. (Chỉ với những lựa chọn đơn giản này, bạn sẽ thấy rất khó đoán trước khách hàng muốn gì – một số người không dùng chất caffein, chất béo hay đường, trong khi những người khác lại rất ưa). Starbucks đã thành công vì nó có thể phục vụ mọi thứ cho mọi người – không có lựa chọn nào trội hơn lựa chọn nào.
Trong nền kinh tế Ford, nhiều người làm việc để tạo ra một sản phẩm thống nhất phục vụ công chúng. Ở nền kinh tế Starbucks, công chúng được phục vụ bởi một nhóm ít người làm việc tạo ra hàng nghìn sản phẩm được thiết kế những đặc điểm riêng.
Mô hình của Starbucks dường như đã chiếm ưu thế. iPod là một sản phẩm thông dụng không phải vì chúng ta có thể mang chúng theo để nghe nhạc – chúng ta cũng có thể làm như vậy với sản phẩm Walkman của những năm 1980. Chúng thông dụng vì chúng cho phép ta được lựa chọn những bài hát của riêng mình. Công nghệ đã được cá thể hoá, và giờ đây có thể có chính xác cái chúng ta cần trong tất cả các lĩnh vực tiêu dùng. Bạn thậm chí có thể sở hữu những chiếc xe đơn chiếc làm theo đặt hàng được giao trong vòng chưa đến một tháng – lâu hơn đặt mua một chiếc bánh pizza nhưng vẫn là một khoảng thời gian nhanh một cách kinh ngạc nhờ tiến bộ của khoa học công nghệ.
Chiến thắng của cá thể hoá các lựa chọn đem lại lợi ích cho những người uống cà phê hay những người mua ôtô, nhưng lại là cơn ác mộng với những người phải xác định xu hướng phát triển của tương lai. Khi các lựa chọn ngày càng được chia nhỏ, bạn phải nhìn vào những lát cắt ổn định hơn để xem xét các lựa chọn thay đổi như thế nào.
Nhưng hãy nhớ đến ví dụ về những tên khủng bố, hoặc nhớ rằng những chiếc xe bán chạy nhất nước Mỹ chỉ được mua bởi 300.000 người mua. Không giống bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử, những xu hướng nhỏ giờ đây có thể làm nên những thay đổi to lớn. Vì thế, dù việc xác định các xu hướng hiện giờ khó khăn hơn rất nhiều, nhưng tầm quan trọng của nó sẽ ngày càng tăng.
Những nhóm nhỏ, tập hợp lại với nhau bởi những nhu cầu, thói quen và sở thích chung, đang phát triển mạnh mẽ. Ở họ tiềm ẩn sức ảnh hưởng to lớn nhưng rất khó phát hiện. Mục tiêu của cuốn sách này là chỉ ra một vài trong số đó.
Sức mạnh của những con số
Gần đây có những cuốn sách rất hay đưa ra quan điểm rằng nước Mỹ đang chuyển mình theo một vài xu hướng lớn. Cuốn sách này của tôi sẽ đưa ra kết luận ngược lại. Nước Mỹ đang chuyển mình theo hàng trăm những xu hướng nhỏ. Cùng một lúc. Nhanh chóng. Đó là một phần trong năng lượng to lớn và là một phần những thách thức u ám phía trước chúng ta.
Sở dĩ như vậy là do các xu hướng nhỏ hiếm khi không đối nghịch nhau. Có nhóm những người trẻ tuổi thành đạt và sành điệu ở các thành phố, thì cũng có nhóm những người già, cổ điển và thích đi nhà thờ. Có nhóm những người ham mê kỹ thuật, thì lại cũng có những người không bao giờ muốn động vào công nghệ. Người Mỹ giờ đây ăn kiêng nhiều hơn, nhưng các cửa hàng bán thịt bò cũng đông khách hơn bao giờ hết. Giới chính trị chia những người cực đoan thành hai phe “bang đỏ” và “bang xanh” (màu xanh chỉ những bang ủng hộ Đảng Dân chủ, màu đỏ là những bang ủng hộ Đảng Cộng hoà – BT), nhưng số người tự cho mình là những ứng cử viên độc lập cũng nhiều hơn bao giờ hết.
Qua ba mươi năm kể từ khi đọc sách của V.O.Key, tôi đã sử dụng phương tiện đáng tin cậy nhất để phát hiện các xu hướng, sự thay đổi hay đột phá trong những nhóm này: đó chính là các con số. Người Mỹ tự cho mình là một dân tộc “ý muốn” – một cách nói ẩn dụ để mô tả vỏ bọc những gì chúng ta cho là “giá trị” của dân tộc mình. Đã bao nhiêu lần bạn được nghe câu: Điều đúng đắn là làm theo những gì mình thích?
Tuy nhiên, lời khuyên trong đa số trường hợp thường quá lố. Nếu bạn muốn một phương tiện giao thông an toàn nhất, hãy dùng máy bay và đừng đến gần ôtô. Nếu bạn muốn giảm cân, hãy tính toán lượng calo, quên đi món nước nam việt quất và quả lanh. Các con số sẽ luôn đưa bạn đến những nơi bạn muốn nếu bạn biết cách đọc chúng như thế nào.
Nói chung, chúng ta yêu thích các con số – thậm chí một chương trình truyền hình ăn khách hiện nay còn được đặt tên là Numb3rs (Các con số). Nhưng chúng ta cũng sợ hãi chúng. Một phần vì chúng ta được học về toán học và khoa học ít hơn là văn học và ngôn ngữ. Vì thế, nước Mỹ vẫn bị coi là không giỏi về các con số. Những con số khiến chúng ta sợ hãi, nhưng đồng thời chúng cũng mê hoặc chúng ta.
Nhiều người trong chúng ta không tin vào các con số vì một nhóm nào đó đã không sử dụng chúng đúng cách. Bạn có còn nhớ về sự kiện Y2K? Tất cả những người sử dụng máy tính trên thế giới đều đã sợ rằng các tập dữ liệu của họ sẽ gặp rắc rối khi thiên niên kỷ mới đến. Trên thực tế, chỉ một phần ba số máy tính trên thế giới gặp lỗi bị nghi là Y2K – và trong số này, cũng ít lỗi được cụ thể hoá. Hay dịch cúm gia cầm chẳng hạn. Cuối năm 2005, dịch lan rộng trên khắp thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á có hơn 140 ca bị
nhiễm dịch ở người, hơn một nửa số đó tử vong. Các phóng viên đã buồn bã kết luận rằng tỷ lệ người chết do cúm gia cầm là hơn 50%. Thật kinh khủng. Trên thực tế, con số này là để chỉ những người ốm yếu nhất. Còn số người mắc cúm nhưng không đến bệnh viện sẽ không thể được thống kê vào đây. Tôi gọi những con số được công bố này là những con số “mang tính đe doạ”.
Công việc của tôi, với ba mươi năm chuyên khảo sát ý kiến, là phân biệt điều hay điều dở được biểu thị qua các con số. Trong khi làm việc với nhiều đối tác khác nhau, từ Bill Clinton đến Bill Gates hay Tony Blair, tôi đã học được cách nhìn sâu vào những nhận xét thông thường cứng đầu nhất, để tìm ra những xu hướng ngược chiều trong xã hội có thể giúp giải quyết những thách thức thực tế. Hãy thử tưởng tượng bạn là một nhà lãnh đạo đầy quyền lực. Những lời tán dương hùng hồn khiến bạn phải xiêu lòng, và giới báo chí cho bạn biết quan điểm của họ. Các cố vấn của bạn cũng phụ hoạ theo những thông tin đó. Mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn để đưa ra lựa chọn đúng đắn trừ khi bạn có những dữ liệu còn thiếu: đó là những con số. Công việc của tôi là làm việc với tất cả các ý kiến và đưa ra một quan điểm chắc chắn và mang tính định lượng về thực tế dựa trên các con số, từ đó các nhà lãnh đạo có được bức tranh trung thực khi cần đưa ra các quyết định. Theo quan điểm của tôi, những lời lẽ không có số liệu cũng vô nghĩa như những con số mà không có lời bình – bạn cần phải cân đối, để các lý lẽ khi đưa ra phải được củng cố bằng thực tế cũng như những con số. Phần cuối cuốn sách này, chúng ta sẽ nói về tình trạng phạm tội ngày càng gia tăng ở Mỹ – một chủ đề rất khó – được bàn tới trong không biết bao nhiêu chương trình nghị sự cũng như đưa ra rất nhiều giả thuyết để lý giải, từ tình trạng thất nghiệp đến việc cha mẹ thiếu quan tâm. Nhưng nếu bạn biết mỗi năm có 650 ngàn tội phạm nguy hiểm mãn hạn và tái hoà nhập với xã hội hẳn bạn phải lập tức phác ra mô hình những nguy cơ mới trên đường phố cũng như dự thảo một loạt các biện pháp đối phó.
Với cương vị là một người chuyên đi điều tra và là một chiến lược gia, dựa trên các con số tôi đã giúp tạo nên những chiến lược thành công khác thường. Ví dụ năm 2000, chiến dịch nhằm tới các Bà mẹ Bóng đá, đã giúp Thượng nghị sỹ Hillary Clinton có được phiếu bầu ở New York, nơi các ứng cử viên đảng Dân chủ không mấy thành công. Hay việc phá vỡ khuôn mẫu tiếp thị mà các công ty vẫn áp dụng bằng cách làm cho những quảng cáo của họ hướng tới những người lớn tuổi, chứ không phải tầng lớp thanh niên. Dựa vào
những con số và không bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị bản xứ, tôi đã tư vấn thành công cho ứng viên chiến thắng trong mười lăm cuộc bầu cử Tổng thống ở nước ngoài – những người sử dụng thứ ngôn ngữ mà thậm chí tôi không phát âm nổi. Thông thường, mọi người luôn quan sát quá gần nên không thể nhìn ra các dữ liệu thực tế – vì thế cần có một cái nhìn khách quan để chỉ cho họ biết điều gì đang thực sự diễn ra. Các nhà lãnh đạo thậm chí còn bị cô lập hơn, thường chỉ loanh quanh giữa các nhân viên của họ, và chỉ được nghe những gì giới báo chí địa phương nói là đang diễn ra. Các con số có thể giúp họ dù với bất cứ ngôn ngữ nào.
Tôi nhớ đã có lần nói với Tổng thống mới của Colombia rằng người dân nước ông, với một tỷ lệ rất đông, đã sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện chống ma tuý. Phần lớn trong số họ đã không còn bịt mắt che tai mà mong muốn hiện đại hoá đất nước. Ngài tổng thống giữ im lặng về vấn đề này – còn chánh văn phòng của ông nói: “Mark, ông nói đúng, tuy nhiên tất cả chúng ta sẽ bị giết”. Ở thời điểm đó, ông ta đã làm cho tôi hiểu những hạn chế của các con số. Nhưng cuối cùng cả tổng thống và đất nước của ông đã quyết định tuyên chiến với các tên trùm ma tuý và đặt cược mạng sống của mình trong cuộc chiến sống còn đó.
Cuốn sách này bàn về sức mạnh của những con số và cách thức mà chúng sẽ dẫn dắt nước Mỹ và thế giới. Hiếm khi mọi thứ biểu hiện rõ ràng trên bề mặt để có thể nắm bắt, và những suy xét không mang tính định lượng thường sai. Ẩn sau mọi việc đang diễn ra trước mắt chúng ta là những xu hướng khác thường, đầy sức mạnh có thể dùng để điều hành một doanh nghiệp, triển khai một chiến dịch, bắt đầu một phong trào hay dẫn dắt chiến lược đầu tư kinh doanh của bạn. Ngay cả khi những xu hướng này hiện ra trước mắt chúng ta, cũng chưa chắc chúng ta thực sự nhìn thấy chúng.
Những người xác định các xu hướng
Tôi là một trong những người làm công việc đáng tự hào là xác định các xu hướng. Alvin Toffler, tác giả xêri tác phẩm Future Shock (Cú sốc tương lai) và John Naisbitt, người viết Megatrends (Những xu hướng cực lớn), là hai trong số những nhà tư tưởng đầu tiên trong thời hiện đại đã nhìn vào thế giới to lớn và đang thay đổi của hành vi con người để cố tìm ý nghĩa của những dữ kiện và con số. Họ đã đúng khi cho rằng Thời đại thông tin sẽ làm thay đổi mọi thứ.
Nhưng một điều đặc biệt là bản chất của việc xem xét chính các xu hướng. Như chúng ta sẽ thấy trong suốt cuốn sách này, bạn sẽ không thể hiểu được thế giới nếu chỉ căn cứ vào cụm từ “những xu hướng cực lớn” hay những kinh nghiệm chung. Trong một xã hội đang phân mảnh như hiện nay, nếu bạn muốn thành công, bạn phải hiểu những nhóm đặc trưng đang dần lớn mạnh và chuyển động mãnh liệt theo nhiều hướng đan xen nhau. Đó là các xu hướng cực nhỏ.
Tuy nhiên, việc này rất khác với những gì đa số mọi người làm khi “xác định xu hướng” – bản thân việc xác định các xu hướng này cũng là một xu hướng đang tăng lên. Mới gần đây có một nhóm những người làm tiếp thị và các nhà xã hội học, những người sẽ nói cho bạn biết Mười hay Mười lăm điều bạn cần biết để sống qua hai hay năm hay mười năm tới. Họ định nghĩa và cải tạo thế giới xung quanh họ với những cái tên đáng yêu và thông minh hơn do các khách hàng của họ đặt cho những thay đổi về văn hoá và cá nhân đang diễn ra trong xã hội. Đúng, tôi cũng định đưa ra một số định nghĩa trong cuốn sách này. Nhưng trong cuốn sách này, một xu hướng không đơn thuần chỉ là một “sự phát triển”, giống như việc tiền mặt dần ít được sử dụng trong xã hội. Nó cũng không đơn thuần là một sự “thay đổi” trong cách mọi người làm mọi việc, như việc phụ nữ sau khi kết hôn sẽ mang họ của chồng. Nó cũng không phải “niềm yêu thích” mới nổi lên đối với một sản phẩm hay một hoạt động nào đó, như việc sử dụng hệ thống GPS. Một xu hướng cực nhỏ là một nhóm nhân dạng mạnh mẽ đang phát triển, có những nhu cầu và mong muốn chưa được đáp ứng bởi hoạt động hiện tại của các công ty, những nhà tiếp thị, nhà hoạch định chính sách và những người khác có ảnh hưởng đến hành vi của xã hội.
Chi tiết
Trong cuốn sách Những trào lưu mới trong xã hội Mỹ, chúng ta sẽ xem xét 75 nhóm người, được phân nhóm dựa trên những quyết định hàng ngày của họ, đang góp phần hình thành hiện tại và tương lai của nước Mỹ và cả thế giới. Có thể một số nhóm sẽ đông hơn các nhóm khác, nhưng các nhóm này đều có điểm chung là khó phát hiện – vì số lượng của họ rất nhỏ, hoặc vì những xét đoán thông thường đã che giấu đi, thậm chí đôi khi còn nhấn mạnh những yếu tố đối lập, tiềm năng của họ.
Trong một số nhóm, bạn sẽ nhìn thấy bản thân mình hay bạn bè mình, các khách hàng hay cử tri. Một số nhóm dường như ở những vùng tách biệt với các nơi khác. Một số nhóm rất hài hước. Một số khác lại buồn chán. Thỉnh thoảng tôi lại tìm được những tài liệu về những xu hướng hoàn toàn đối lập. Đi cùng nhau, chúng tạo nên một bức tranh theo trường phái ấn tượng về nước Mỹ và thế giới.
Cuối cùng, chúng ta sẽ lùi lại ngắm bức tranh tổng thể. Không còn là phép cộng đơn thuần của các mảnh ghép. Nước Mỹ và thế giới giờ đây là một tập hợp những điểm ảnh, được kiểm nghiệm kỹ lưỡng từng điểm một. Chúng ta sẽ chờ xem hình ảnh nào nổi lên sau cuối và nó có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của chúng ta.
Phần I - Tình yêu, Tình dục và Những mối quan hệ
Tỷ lệ phụ nữ độc thân tăng cao
Hẳn không có gì cay đắng hơn cảm giác bị bỏ rơi. Tất cả mọi người đều nhớ cảm giác đó, cảm giác khi không được chọn vào một đội thể thao, không được rủ đi chơi tối cùng bạn bè, hay khi là người duy nhất không được mời đến dự một đám cưới. Xen lẫn cảm giác thất vọng, tất nhiên, có cả cảm giác bất bình – tại sao lại là tôi ? Tôi chơi bóng giỏi hơn, tôi là người bạn tốt bụng hơn, tôi là một vị khách hoà đồng hơn – vậy mà chính tôi lại là người bị bỏ rơi.
Trong thế giới ngày nay, ngày càng có nhiều phụ nữ nhận thấy mình khó kết hôn. Một số người chủ động chọn cách sống này, trong khi nhiều người khác vẫn đăng ký trên các trang web hẹn hò và chỉ nhận về toàn thất vọng. Nhiều người tự đổ lỗi cho mình, tự hỏi mình đã làm sai chuyện gì.
Sự thật là, những người phụ nữ độc thân chẳng có vấn đề gì khiến một số đàn ông bình thường không chú ý đến họ. Ở miền Viễn Tây 150 năm trước, khi có quá ít phụ nữ, người dân ở đó còn phải “nhập khẩu” cô dâu từ các vùng khác. Vấn đề chúng ta gặp phải hôm nay hoàn toàn ngược lại. Có quá ít đàn ông bình thường cho tất cả những người phụ nữ bình thường, và vì thế, tự nhiên phụ nữ buộc phải tham gia vào một cuộc chạy đua giành một người đàn ông cho mình – trong đó có ít nhất 3% phụ nữ có khả năng không tìm được ai cả.
Năm 1994, một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Quốc gia về “Tổ chức Xã hội về Giới tính” cho thấy 9% đàn ông và 4% phụ nữ nói rằng đã từng thực hiện hành vi quan hệ đồng tính từ khi dậy thì. Một nghiên cứu khác của một nhóm thuộc trường Y tế Cộng đồng, Đại học Harvard cho biết có 6,2% đàn ông và 3,6% phụ nữ thừa nhận có người tình đồng giới trong vòng ba năm trước đó. Nghiên cứu thứ ba cho kết quả 9% đàn ông và 5% phụ nữ đã từng có ít nhất một lần quan hệ đồng giới miêu tả hoạt động đó “thường xuyên” hay “đang diễn ra.”
Các nghiên cứu trên cho thấy dù số người đồng tính thực tế là bao nhiêu đi chăng nữa, số đồng tính nam ở Mỹ vẫn nhiều gấp hai lần số đồng tính nữ. Kết luận rút ra từ những con số này là có nhiều phụ nữ bình thường không tìm được người đàn ông của mình.
Điều này có nghĩa là chưa bao giờ số phụ nữ Mỹ lựa chọn cuộc sống độc thân lại nhiều như hiện tại.
Khi mới sinh, tỷ lệ nam – nữ khá lý tưởng. Số bé trai được sinh mỗi năm nhiều hơn số bé gái là 90.000 bé. Nhưng đến khi những đứa trẻ này bước vào tuổi mười tám, tỷ lệ giới đã thay đổi hoàn toàn, tỷ lệ nữ/nam chỉ là 51/49, vì tỷ lệ nam giới tử vong ở tuổi dậy thì nhiều hơn nữ (Các nhà nghiên cứu gọi đó là “cơn bão kích thích tố sinh dục nam”, nguyên nhân khiến nhiều nam thiếu niên chết là do các vụ tai nạn ô tô, các vụ giết người, tự tử và chết đuối).
Xét về mặt xã hội, tình hình vẫn chưa phải là quá tệ đối với những người phụ nữ bình thường về giới tính – nhưng Yếu tố Đồng tính nam xuất hiện. Giả sử có khoảng 5% người trưởng thành Mỹ là đồng tính (theo tuyên bố của các chuyên gia cũng như kết quả thăm dò, số đàn ông đồng tính là khoảng 7,5 triệu người, trong khi số phụ nữ đồng tính là khoảng 3,5 triệu người. Nếu lấy tổng số đàn ông và phụ nữ vốn đã không cân đối trừ đi con số trên, kết quả thu được sẽ là còn 109 triệu phụ nữ bình thường so với 98 triệu đàn ông bình thường – vì thế tỷ lệ giới sẽ là 53 nữ so với 47 nam.
Đối với phụ nữ da đen tình hình còn tồi tệ hơn nhiều. Bỏ qua yếu tố đồng tính (vốn không thực sự làm thay đổi tỷ lệ giới của người da đen trưởng thành, do tỷ lệ này tương đối thấp), tỷ lệ giới trong cộng đồng người da đen trưởng thành đã là 56 nữ so với 44 nam, do các nam thiếu niên da đen có tỷ lệ tử vong cao. Thêm vào đó là tỷ lệ đàn ông da đen bị giam giữ – cứ 100.000 đàn ông da đen thì có 4.700 người bị bắt giam, so với 347 người phụ nữ da đen bị bắt giam trên 100.000 người – điều này càng làm thay đổi tỷ lệ giới, chỉ còn 57 nữ so với 43 nam. Sự chênh lệch giới giữa những người có trình độ đại học là lớn nhất, và không có gì ngạc nhiên khi có rất nhiều phụ nữ da đen, đặc biệt nhóm những người thành đạt, sống độc thân.
Có thể trên thực tế số phụ nữ đồng tính sẽ nhiều hơn so với những con số mà chúng ta có được trong các cuộc khảo sát . Tuy nhiên, các nghiên cứu có xu hướng cho rằng ngay cả những phụ nữ đã từng có thời đồng tính cũng ít khi chọn sống độc thân suốt đời.
Chúng ta biết rằng đàn ông thường chết sớm hơn phụ nữ khoảng bốn năm, do đó có nhiều đàn bà goá hơn đàn ông goá. Nhưng rõ ràng tình trạng mất cân đối về giới không phải chờ đến lúc đó mới xảy ra – mà nó xảy ra ngay từ khi những người này còn đang trong độ tuổi hẹn hò – tuy nhiên do không chú ý nhiều đến thực tế này, nên phụ nữ thường đổ lỗi cho bản thân vì những nguyên nhân, theo thống kê mà nói, là vượt
quá tầm kiểm soát của họ.
Tình trạng người độc thân do chênh lệch giới có những hệ quả rất rõ ràng. Năm 2005, phụ nữ độc thân là nhóm mua nhà đông thứ hai sau các đôi mới kết hôn. Họ mua gần 1,5 triệu ngôi nhà trong năm đó, nhiều hơn hai lần so với những người đàn ông độc thân. Dù có thể mười lăm năm trước chuyện này không xảy ra, nhưng hiện tại phụ nữ Mỹ thường mua nhà và mua cổ phần trước khi mua quà cho phù dâu và lập gia đình.
Số phụ nữ độc thân tăng lên kéo theo một xu hướng liên quan, đó là số phụ nữ chọn sinh con hoặc nhận con nuôi một mình – được gọi là Những Bà mẹ Độc thân Tự nguyện. Vào đầu những năm 1990, quyết định sinh con mà không có chồng của nhân vật trên truyền hình Murphy Brown là một hiện tượng cấp tiến, đến nỗi Phó tổng thống Dan Quayle phải lên tiếng phản đối kịch liệt trong một bài diễn văn có lẽ là nổi tiếng nhất của ông (và có thể là bài diễn văn duy nhất của một vị phó tổng thống đề cập đến một nhân vật hư cấu trong khi tranh cử). Nhưng vào thời đó, ở Mỹ chỉ có khoảng 50.000 bà mẹ như thế. Con số này ngày nay ước tính đã tăng gấp ba lần.
Tỷ lệ giới bình thường không cân đối tuy bất lợi cho phụ nữ nếu xét theo một vài khía cạnh nào đó, nhưng lại giúp phụ nữ trở nên nổi bật ở một góc độ khác. Như chúng ta sẽ thấy trong phần xu hướng về những phụ nữ làm các công việc liên quan nhiều đến ngôn ngữ, số phụ nữ trẻ làm việc trong những lĩnh vực như luật pháp, quan hệ công chúng và báo chí đông hơn nam giới. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, tỷ lệ phiếu của nữ cử tri là 54% so với 46% cử tri nam. Tỷ lệ nam nữ học đại học là khoảng 57% nữ so với 43% nam.
Tất nhiên, hưởng lợi nhất từ việc tỷ lệ phụ nữ độc thân do chênh lệch giới tăng chính là những người đàn ông trung bình, những người, nói một cách thẳng thắn, không có nhiều cơ may. Do việc quá tập trung học hành khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sau tám hay mười năm người phụ nữ sẽ thấy dường như có ít đàn
ông hơn so với trước đây. Thế là một người đàn ông sắp hói đầu, công việc ổn định, có khả năng trở thành một người bố tốt, bỗng trở nên hấp dẫn.
Hiện tượng độc thân do chênh lệch giới cũng có cả những tác động về mặt chính trị và thương mại. Các công ty bảo dưỡng, sửa chữa nhà và cung cấp thiết bị an ninh sẽ có một thị trường khổng lồ nhắm tới các phụ nữ độc thân. Bao lâu nữa tập đoàn đầu tư tài chính hàng đầu của Mỹ Merrill Lynch mới đánh giá đúng quyền lực của nhóm những phụ nữ độc thân đang làm việc cũng như đã nghỉ hưu? Và chắc hẳn họ nên thay đổi logo thương hiệu của mình, từ hình ảnh một chú bò đực sung sức – thành một thứ gì đó duyên dáng hơn?
Nếu phụ nữ thực sự muốn có chồng như họ muốn sở hữu nhà, chắc ngày nào đó chúng ta sẽ có những ông chồng được đặt hàng trước qua bưu điện – đưa họ sang Trenton (bang New Jersey) và Tuscaloosa (bang Alabama) như chúng ta đã từng có thời đưa cô dâu đến miền Viễn Tây?
Nếu phụ nữ không muốn có chồng – nhưng họ vẫn muốn có con – một thị trường tinh trùng không giới hạn chắc chắn sẽ xuất hiện cùng với tất cả những quy định tài chính và đạo đức đi kèm với nó.
Lịch sử đã cho thấy một xã hội có quá nhiều đàn ông không vướng bận chuyện gia đình sẽ dẫn đến chiến tranh. Liệu trong một xã hội nhiều phụ nữ không kết hôn có đem lại hoà bình?
“Phi công trẻ lái máy bay bà già”
Hiện tượng phụ nữ hẹn hò với những chàng trai trẻ tuổi hơn
Trong mọi thời kỳ, văn hoá đại chúng đều lưu truyền những chuyện đùa tếu hài hước về tình yêu của người phụ nữ với những gã trai trẻ tuổi hơn mình. Trong bộ phim The Graduate năm 1967, nhân vật từng trải do Anne Bancroft đóng (thủ vai Bà Robinson, với bài hát cùng tên nổi tiếng của Simon và Garfunkel) đã dụ dỗ nhân vật nam ngây thơ do Dustin Hoffman đóng. Năm 1996, cuốn sách bán chạy nhất How Stella Got Her Groove Back của Terry McMillan viết về một người phụ nữ đã có chồng con, làm nghề môi giới chứng khoán, tình cờ rơi vào câu chuyện tình cảm lãng mạn với một chàng Jamaica trẻ tuổi. Còn trong bộ phim Something’s Gotta Give năm 2003, nhân vật nữ khoảng 50 tuổi do Diane Keaton thủ vai đã hẹn hò với một chàng trai ở độ tuổi 30 do Keanu Reeves đóng (trước khi gặp nhân vật do Jack Nicholson đóng).
Những hiện tượng này khi mới xuất hiện thì bị coi là những vụ scandal đình đám, sau đó chúng chỉ là câu chuyện làm quà, ngày nay người ta coi đó là chuyện hết sức bình thường.
Từ xưa đến nay, hiện tượng đàn ông kiếm vợ trẻ tuổi hơn là chuyện thường thấy. “Chơi trống bỏi” là một thành ngữ được dùng để chỉ những người như thế. Nhưng hiện nay ở Mỹ, việc phụ nữ ngày càng độc lập hơn về tài chính và tình dục cũng khiến họ ngày càng quan tâm hơn đến các chàng trai trẻ tuổi. Theo một
nghiên cứu năm 2003 của Hiệp hội Hưu trí Hoa Kỳ (American Association of Retired Persons –AARP), cứ ba phụ nữ trong độ tuổi từ 40 đến 69 thì có một người có bạn tình trẻ tuổi hơn, và khoảng một phần tư số đàn ông này kém bạn tình của mình khoảng 10 tuổi trở lên.
Mặc dù kết quả Tổng điều tra dân số Mỹ đã cho thấy sự khác biệt trong xu hướng cặp đôi giai đoạn 1997 và 2003 nhưng rõ ràng hiện tượng phụ nữ cặp kè với người trẻ tuổi hơn ngày càng tăng lên rất rõ: Năm 1997, chưa đến một nửa triệu cặp đôi Mỹ là phụ nữ và một bạn tình kém 10 tuổi. Nhưng đến năm 2003, có đến gần 3 triệu phụ nữ cặp với đàn ông kém mình ít nhất 6 tuổi.
Trong giai đoạn 2002-2005, theo thống kê của trang hẹn hò trực tuyến Match.com, tỷ lệ phần trăm số phụ nữ đăng ký tìm bạn tình nhỏ hơn từ 10 tuổi trở lên đã tăng gấp đôi.
Hiện tượng này có lẽ phần nào chịu ảnh hưởng nhất định từ khuôn mẫu cuộc sống riêng tư của các ngôi sao Hollywood. Geena David, 51 tuổi, ngôi sao thủ vai Tổng thống nữ đầu tiên trong phim Commander in Chief kết hôn với Reza Jarrahy, 35 tuổi. Susan Sarandon, 60 tuổi, có con với Tim Robbin, 48 tuổi. Chồng của Madonna, ngôi sao nhạc Pop gần 50 tuổi, là Guy Ritchie, 39 tuổi.
Một bằng chứng xác thực cho xu hướng này, là giờ đây đã có danh từ để chỉ những người phụ nữ hẹn hò với các chàng trai trẻ tuổi hơn: Báo hoang. Theo Valerie Gibson, chuyên gia viết về giới tính của tờ Toronto Sun và là tác giả cuốn Cougars: A Guide for Older Women Dating Younger Man, cụm từ này xuất phát từ Vancouver, bang British Columbia, Canada, được dùng để chỉ những người phụ nữ thích đến các quán bar và trở về nhà lúc nửa đêm với bất cứ người đàn ông nào nán lại trong quán. Nhưng trong những năm gần đây, cụm từ này đã mang nghĩa tích cực hơn, chỉ những người phụ nữ lớn tuổi, độc thân, có tiền, biết mình muốn gì và đủ tự tin để đạt được điều mình muốn. Thêm nữa họ không hề bị cản trở bởi mong muốn có con cũng như những rào cản khác về mặt xã hội.
Vì vậy, ngày nay ít nhất có nửa tá trang web dành riêng cho các phụ nữ lớn tuổi thích hẹn hò, cùng với nó là các sản phẩm ăn theo như cốc uống nước và áo phông... Năm 2003, “Nữ hoàng truyền thông” Oprah đã làm chương trình “Tình yêu của những phụ nữ lớn tuổi với các chàng trai trẻ” . Trong bộ phim nổi tiếng Sex and the City, nhân vật của Samantha Jones khoảng 40 tuổi hẹn hò với cậu trai trẻ Smith Jerrod lâu hơn với bất cứ ai trong suốt sáu phần. Năm 2005, Fran Drescher, nữ ngôi sao thập kỷ 90 của chương trình truyền hình ăn khách The Nanny đã giới thiệu một vở hài kịch mới có tên là Living with Fran, nội dung kể về một bà mẹ hai con yêu một người chỉ bằng nửa tuổi mình – câu chuyện phần nào dựa trên cuộc đời thật của bà. Đài VH1 giới thiệu chương trình Kept, chương trình truyền hình thực tế về những anh chàng tuổi 20 cố cạnh tranh để được hẹn hò trong năm tiếp theo với vợ cũ của Mick Jagger, ngôi sao 50 tuổi Jerry Hall. Tất cả những sáng tạo này trong giới giải trí đã phản ánh một xu hướng đang diễn ra trong đời sống xã hội.
Hiện tượng phụ nữ thích người nhỏ tuổi hơn tăng lên do một số nguyên nhân. Tỷ lệ ly hôn cao trong khi tuổi thọ trung bình tăng nghĩa là số phụ nữ muốn hẹn hò lại có khả năng tăng lên. Trên thực tế theo một cuộc khảo sát năm 2004 của AARP, 66% ‘ ‘ ‘‘các cuộc ly hôn muộn mằn”, xảy ra khi các đôi đã bước vào lứa tuổi 40, 50, 60 – đều do phụ nữ khơi mào chứ không phải đàn ông. Sự thành công đối với một số phụ nữ đồng nghĩa với việc người đàn ông của cô ta có thể kém cỏi một chút trong sự nghiệp – vì anh ta có thể chuyển việc nếu cần, có thể trông nom nhà cửa và con cái. (Tất nhiên, cánh đàn ông cũng đã cố theo đuổi thoả thuận này trong nhiều năm).
Nhưng theo Valerie Gibson, nguyên nhân chính vẫn là tình dục. Thời kỳ đỉnh cao về khả năng tình dục của người phụ nữ diễn ra song hành với những người đàn ông trẻ tuổi hơn. Và dù từng chối bỏ hôn nhân hay đang trải qua một cuộc hôn nhân không thành công, phụ nữ đang tìm kiếm một điều gì đó nhẹ nhàng hơn và phù phiếm hơn. Theo Gibson, khi ở lứa tuổi 40-50, tình dục là để giải trí chứ không phải để sinh sản.
Tất nhiên phải trừ khi phụ nữ muốn có con. Hơn 100.000 phụ nữ ở độ tuổi 40-44 đã sinh con trong năm 2004, tăng 63% so với mười năm trước đó. Hơn 5.000 phụ nữ trong độ tuổi 45-49 cũng vậy – tăng 129% trong vòng 10 năm. Vì thế, những phụ nữ tìm kiếm bạn tình trẻ tuổi hơn có thể thuộc mọi thành phần xã hội.
Trong những mối quan hệ kiểu này đàn ông được gì?
Có vẻ như đàn ông thích sự tự tin và kinh nghiệm tình trường ở phụ nữ lớn tuổi hơn, thêm nữa họ không hướng bạn tình tới những mối quan hệ ràng buộc. Và khác với nhiều thập kỷ trước, ngày nay, những phụ nữ lớn tuổi trông ngày càng trẻ ra nhờ phẫu thuật thẩm mỹ cộng với các bài tập thể dục 24/7.
Kết quả là đàn ông đăng nhập vào trang Match.com cũng rất quan tâm đến những người phụ nữ lớn tuổi hơn. Trong giai đoạn 2002-2005, số đàn ông thích phụ nữ lớn hơn khoảng 5 tuổi đã tăng thêm 44%. Số
người thích phụ nữ lớn hơn 10 tuổi thậm chí còn nhiều hơn thế.
Vậy hiện tượng phi công trẻ lái máy bay bà già rồi sẽ đưa nước Mỹ tới đâu? Theo một nghĩa nào đó, hiện tượng này cho thấy những người đàn ông trẻ tuổi đang dần trở nên bình đẳng hơn với những người lớn tuổi, những người đang bị tuổi tác lấy dần đi các cơ hội hẹn hò. Có thể coi trong trường hợp này, kết quả của phép tính trừ là bằng 0.
Mặt khác, những phụ nữ độc thân – vốn đang phải trải qua những thời khắc khó khăn khi số lượng đàn ông đồng tính tăng lên – giờ lại càng khó khăn khi phải cạnh tranh với những bà chị lớn tuổi, thậm chí là với cả những người đáng tuổi mẹ họ. (Mâu thuẫn giữa mẹ và con gái vì một người đàn ông đã được đưa vào bộ phim The Graduate và Something’s Gotta Give).
Ngày nay hiện tượng phụ nữ yêu người trẻ hơn mình là kết quả của bản năng tự nhiên con người và cũng vì thành công của những ngành công nghiệp giúp tăng tính hấp dẫn gợi cảm cho con người. Những gì vốn trước đây chỉ thuộc về những người đàn ông đứng tuổi giàu có thì nay đã trong tầm tay những phụ nữ quyền lực và giàu có (hoặc được thừa kế những gia tài lớn). Giống như những tỷ phú luôn phải đề phòng những phụ nữ hám của đánh đổi tuổi thanh xuân lấy tiền bạc, giờ đây những quý bà lớn tuổi cần đề phòng những gã trai trẻ chỉ coi họ là chỗ trú chân trong cơn bão. Những phụ nữ này cũng có thể sử dụng các dịch vụ theo dõi để kiểm soát hành động của bạn tình hay những ông chồng trẻ tuổi; và họ cũng cần phải lường trước xem liệu những gã trai trẻ đó có còn ở bên khi họ ốm đau hay đơn giản khi chuyện tình cảm không còn suôn sẻ những năm về sau.
Những người phụ nữ trong trường hợp này cần có một cộng đồng của riêng họ. Họ tìm kiếm những lời chỉ dẫn về những dạng đàn ông đáng tìm và những kẻ nên tránh. Họ cần những quy định mới về chuyện hẹn hò liên quan đến các vấn đề tài chính, tình dục và ràng buộc. Và họ cũng tìm lời khuyên từ các đàn chị cách làm thế nào xử lý phản ứng của các vị phụ huynh, anh chị em, chồng cũ, bạn bè và đặc biệt là con cái của họ. Họ cần những điểm hẹn hò thích hợp. Thậm chí họ còn cần những tấm danh thiếp in đúng ngày sinh tháng đẻ của mình. Trong gia đình bạn có thể không có người phụ nữ nào yêu người trẻ tuổi hơn, nhưng hãy thử hỏi xung quanh hay chỉ cần quan sát những cặp đôi trên những góc phố đông người trong chốc lát, bạn sẽ nhanh chóng phát hiện ra những phụ nữ này. Họ sống hết mình với cuộc sống của mình, và đó là một nhân tố quan trọng quyết định họ là ai và họ nghĩ về điều gì. Và họ đang tiệm cận tới tỷ lệ vàng 1% dân số khiến họ trở thành một xu hướng cực nhỏ cần được các chính trị gia, những nhà làm phim, các cố vấn tinh thần và cả các nhà tiếp thị quan tâm.
Bà Robinson chắc hẳn sẽ phải rất tự hào.
Tình yêu nơi công sở
Mẹ bạn, thầy giáo của bạn hay một người bạn thân – người từng đánh mất cả sự nghiệp và tình yêu cùng một lúc, chắc hẳn ít nhất đã một lần khuyên bạn: Đừng hẹn hò nơi công sở. Nếu vướng vào chuyện này, có thể bạn sẽ gặp những lúc thất tình, ảnh hưởng công việc chuyên môn, thậm chí mắc phải những vụ kiện quấy rối tình dục nữa. Bạn sẽ không còn chuyên tâm với công việc và tình cảm thì bị đặt không đúng chỗ. Người ta vẫn thường nói một câu cách ngôn tế nhị như thế này: “Đừng lẫn lộn giữa công việc và khoái lạc”.
Tuy nhiên năm 2006, theo kết quả một cuộc điều tra của Vault , gần 60% nhân viên ở Mỹ từng có quan hệ yêu đương nơi công sở, tăng so với con số 47% năm 2003. Và trong số 42% chưa từng có kiểu quan hệ này, có tới 9% nói rằng họ cũng muốn có một tình yêu nơi công sở.
Mặc dù những đôi tình nhân nơi công sở luôn cố giấu diếm quan hệ của mình nhưng hầu như tất cả mọi người đều biết chuyện gì đang diễn ra: 43% các nhân viên cho biết hiện tại cơ quan của họ có một đôi đang yêu nhau, 38% khác thì cho rằng có thể là có. (Đối với nhiều người, đây không phải là một tin sốt dẻo gì: Trong một cuộc điều tra khác do Hotjobs thực hiện, có tới 44% người được hỏi cho biết họ đã thực sự bắt gặp các đồng nghiệp “đang say đắm” nơi công sở). Nhưng điểm mấu chốt ở đây là: Không ai thực sự chú ý đến những mối tình này. Có tới 75% nhân viên nghĩ rằng chuyện tình cảm và quan hệ yêu đương giữa các đồng nghiệp – ít nhất là họ phải có vị trí ngang nhau – hoàn toàn chấp nhận được.
Tại sao hiện tượng này lại nổi lên như vậy? Về lâu dài, đây là hiện tượng tất yếu khi phụ nữ và nam giới ngày càng bình đẳng hơn trong lực lượng lao động. Khoảng cách giới đã dần được thu hẹp qua nhiều thập kỷ.
Nhưng trước mắt, hiện tượng này được giải thích do sự tăng lên của số người độc thân nơi công sở. Hiện nay, số người độc thân trong lực lượng lao động đã nhiều hơn bao giờ hết (tăng 22% tính từ năm 1995) và số giờ làm việc trong tuần của những người độc thân trong độ tuổi 25-34 cũng tăng hơn trước rất nhiều –
tăng khoảng 8% kể từ năm 1970. (Vì thế họ còn có thể tìm được tình yêu ở nơi nào nữa cơ chứ?).
Tất nhiên, cả những người đã lập gia đình cũng vướng vào chuyện yêu đương nơi công sở này. Kết quả cuộc điều tra của Vault cho thấy 50% nhân viên biết về chuyện tình yêu của một đồng nghiệp đã có gia đình và một đồng nghiệp khác.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi biết rằng nam giới luôn thích tán tỉnh đồng nghiệp hơn so với phụ nữ (theo một cuộc điều tra, tỷ lệ này là 66% nam: 52% nữ) và về căn bản tỷ lệ nam giới thừa nhận có quan hệ yêu đương nơi công sở nhiều hơn tỷ lệ nữ giới (45% nam so với 35% nữ). Sự khác nhau về tỷ lệ người thừa nhận cho thấy phụ nữ có quan hệ yêu đương tại công sở theo từng thời kỳ, trong khi nam giới thì khoe khoang nhiều hơn về chuyện này, người phụ nữ thường bỏ việc sau khi đã có dạng quan hệ này hoặc cũng có thể câu chuyện yêu đương của một số nam giới là tình yêu đồng giới. Tôi nghĩ điểm then chốt ở đây là: Công sở đã trở thành quán bar cho những người độc thân thế kỷ 21. Nước được coi là loại rượu mới và là liều thuốc bổ, còn Muzak – âm nhạc công sở – trở thành âm thanh đầy nhịp điệu nơi các câu lạc bộ đêm.
Rõ ràng, có một số nhóm nghề nghiệp làm phát sinh chuyện yêu đương giữa các đồng nghiệp nhiều hơn các nhóm khác. Điều tra của Vault cho thấy những ngành công nghiệp hàng đầu dành cho các đôi tình nhân nơi công sở là truyền thông và giải trí, sau đó là quảng cáo, tiếp thị và tư vấn. (Ngành tài chính và công nghệ, những ngành đàn ông chiếm ưu thế hơn, trở thành những sân bãi để bắt đầu một cuộc ăn chơi). Tôi là Giám đốc điều hành của một công ty quan hệ công chúng và là Chủ tịch một công ty tư vấn. Tôi lấy làm vinh hạnh khi được nói rằng chúng tôi đã giúp tổ chức một số đám cưới mà cô dâu chú rể là đồng nghiệp, vì thế tình yêu nơi công sở có thể là sự khởi đầu cho rất nhiều thứ tốt đẹp – giờ đây phụ nữ và nam giới đã trở nên bình đẳng hơn trong lực lượng lao động, và họ có thể tìm bạn đời là những đồng nghiệp có cùng trình độ và sở thích.
Chúng tôi không đơn độc trong việc nuôi dưỡng những chuyện tình nơi công sở phát triển thành tình yêu bền chặt. Trong một cuộc điều tra năm 2006 của Hiệp hội Quản lý nhân sự, hơn 60% các chuyên gia về nhân sự khi được hỏi đã nói rằng những chuyện tình công sở nơi họ làm việc đã đi đến hôn nhân. Tôi có thể lấy kinh nghiệm bản thân ra để làm chứng rằng khi trong công sở có những cặp vợ chồng đồng nghiệp thì đó có thể là một chiến thắng lớn lao – họ sẽ cùng chia sẻ niềm đam mê trong công việc, họ nâng đỡ lẫn nhau khi gia đình gặp chuyện khó khăn, và họ còn làm việc hết sức năng suất ngay cả khi đã rời nhiệm sở vì họ vẫn tiếp tục trăn trở với những thách thức trong công việc ngay cả khi đang tắm cho con, đây là điều họ đã nói với tôi.
Việc kết hợp giữa tình yêu và công việc không phải điều gì mới mẻ. Các ông bố bà mẹ đã cùng làm việc bên nhau từ những buổi ban đầu của ngành nông nghiệp, và một lần nữa họ lại bên nhau khi ngành thương mại mới bắt đầu. Trên thực tế, với hơn 1,2 triệu cặp vợ chồng đang điều hành các công ty, họ đã chiếm tỷ lệ lớn trong giới chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ. Và người Mỹ luôn dành tình cảm đặc biệt do những cặp đôi làm việc cùng nhau (từ cặp vợ chồng George Burns và Gracie Allen đến cặp Sonny và Cher ) và cả những cặp tình nhân (như Spencer Tracy và Katherine Hepburn hay Brad Pitt và Angelina Jolie ). Âm nhạc có thể đi đến đâu nếu không có những cặp đôi nổi tiếng như Jonny Cash và June Carter hay Beyonce Knowles và Jay-Z? (Trong lĩnh vực tội phạm không thể không nhắc đến cặp Bonnie và Clyde?).
Tất nhiên, chuyện tình yêu nơi công sở không phải là điều gì mới mẻ. Chẳng phải “Chuyện về ông chủ và cô thư ký” là môtíp đã quá quen thuộc trong những câu chuyện đùa tếu của thế kỷ 20.
Nhưng điều khác biệt ở đây là việc các nhân viên đang cặp kè với nhau và những cặp đôi cùng làm việc với nhau, đang xảy ra không chỉ trong thế giới Hollywood hay những cửa hàng kinh doanh quy mô gia đình – dù loại hình kinh doanh này đang phát triển với tốc độ chóng mặt – mà ở cả những công ty có quy mô vừa và lớn. Vì thế những công ty này cần thiết lập một số quy định mới. Theo kết quả điều tra của Vault, cứ 5 công ty thì 1 công ty có chính sách liên quan đến chuyện hẹn hò nơi công sở. Với nỗi quan ngại rằng sẽ can thiệp vào đời tư nhân viên, nên phần lớn các công ty đều tránh đưa ra quá nhiều quy định, có thể chỉ dám dừng ở mức cấm quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, hoặc mạnh dạn hơn là nhắc nhở về vấn đề quấy rối tình dục. (Bạn có thể biết thời điểm năm 2007, tập đoàn Wal-Mart có các chính sách khá chặt chẽ về vấn đề này. Sau cuộc điều tra nội bộ cho thấy những bằng chứng về mối quan hệ tình ái giữa hai nhân viên quản lý tiếp thị, trong đó có một nhân viên cao cấp, tập đoàn này đã sa thải cả hai. Vụ việc này đã làm dấy lên một cơn bão trong giới quan hệ công chúng, kết thúc bằng việc những bức thư điện tử thân mật giữa hai nhân viên này xuất hiện hàng loạt trên trang nhất các báo).
Nhưng liệu các chính sách hiện có đã là đủ? Có nên chăng những đồng nghiệp đồng cấp có quan hệ yêu đương cũng được phép có chung một cấp trên? Hay làm chung trong một dự án? Cùng sử dụng một văn phòng? Nếu những chuyện tình nơi công sở đều ổn thoả, tất cả xung quanh sẽ cảm thấy rất dễ chịu – nhưng
nếu những mối quan hệ này không phát triển tốt đẹp, một người trong cuộc có thể sẽ hứng chịu rắc rối.
Nếu một nhân viên nảy sinh tình cảm với khách hàng hay những nhà cung cấp thì sao? Hay yêu nhân viên của các công ty đối thủ – đặc biệt khi nhân viên của bạn là nhân viên bình thường, trong khi người yêu của anh ta ở cấp quản lý của công ty đối thủ? Đó có phải là một dạng lợi thế cạnh tranh không chính đáng hay không?
Thêm vào đó, khi ngày càng có nhiều chuyện tình nơi công sở, và càng có nhiều chuyện tình đi đến hôn nhân, lúc này chắc chắn là thời điểm để xem xét lại những quy định về lực lượng lao động, hệ thống hỗ trợ và các tập quán liên quan đến những công việc trong gia đình. Ngay lúc này tại Mỹ, không có một luật thống nhất nào cấm thuê mướn họ hàng, nhưng ước tính, có tới 40% các công ty Mỹ vẫn duy trì quy định cấm dành ưu đãi cho họ hàng thân thuộc – tập hợp quy định của các luật ra đời từ những năm 1950 – nhằm chấm dứt việc các nam lao động da trắng thuê mướn những người họ hàng vốn chẳng đáp ứng được yêu cầu công việc. Việc không để cho những người có quan hệ thân thuộc làm lãng phí các nguồn lực của công ty là một ý kiến hay. Nhưng liệu như vậy có phải chúng ta định khiến cặp vợ chồng là đồng nghiệp gặp khó khăn về công việc – và có thể sẽ đột ngột vi phạm chính sách của công ty liên quan đến công việc của vợ/chồng nhân viên? Có phải chúng ta muốn ngăn cản hôn nhân giữa những cặp nhân viên vốn rất hợp nhau? Khi Nghị viện cố thông qua quy định cấm vợ chồng của các nghị viện vận động hành lang ở Đồi Capitol như một phần trong chiến dịch thanh lọc đạo đức năm 2006, một số người đã phàn nàn rằng quy định đó thật rắc rối và gây ra sự nhầm lẫn – phải chăng ý niệm về đạo đức của chúng ta giờ đây lại mâu thuẫn với ý niệm về gia đình? Có thể giờ đây câu thành ngữ “Những vấn đề chính trị bắt đầu từ những người chung chăn gối xa lạ” sẽ có một ý nghĩa mới.
Rõ ràng các cặp vợ chồng là đồng nghiệp mong muốn được công ty đánh giá lại và bù đắp bất kể vợ/chồng họ là ai – tuy nhiên, họ cũng đánh giá cao việc khi một trong hai người bỏ việc, công ty sẽ bỏ qua các quy định và cố giữ người còn lại. Nhìn từ phía người sử dụng lao động, các ông chủ cần những sự bảo đảm kiểu khi các cặp nhân viên chia tay nhau, họ sẽ giữ cho chuyện đó không ảnh hưởng đến công ty, và đặc biệt là không làm mất thời gian của các đồng nghiệp khác khi hỏi họ ủng hộ ai trong số hai người. Và các đồng nghiệp cũng cần một sự bảo đảm rằng trong các quyết định đề bạt, khen thưởng hay các chế độ khác, đồng nghiệp của họ, người sẽ kết hôn với người ra những quyết định này, không được ưu đãi hơn người khác. Có thể một chính sách mới tại nơi làm việc, ít tập trung vào quan hệ họ hàng, thay vào đó, chú ý đến mối quan hệ vợ chồng, sẽ có tên là “ưu đãi do quan hệ hôn nhân”.
Bên cạnh những chính sách chính thức ở nơi làm việc, các cặp tình nhân nơi công sở và các cặp vợ chồng là đồng nghiệp cũng cần một cộng đồng, vài người bạn đồng hành cùng chia sẻ kinh nghiệm. Thế nào là cách tốt nhất để công khai mối quan hệ hay công bố chuyện chia tay? Rồi làm sao xử lý những bất đồng hay cứ để sự cạnh tranh nơi công sở đi cả vào cuộc sống gia đình? Các lựa chọn về bảo hiểm và chế độ thai sản sẽ như thế nào? Hay tình trạng xúc phạm nhau khi hai vợ chồng cùng một nơi làm việc sẽ xảy ra nhiều hơn ?
Để có một bức tranh toàn cảnh, chúng ta có thể nhìn vào các trường đại học. Khi số nữ giáo sư tăng đột biến – từ khoảng 8.000 người năm 1966 lên hơn 20.000 người năm 2002, số các cặp đôi cùng làm học thuật đã bùng nổ. Kết quả là các trường đại học đã hoạt động hàng thập kỷ nay theo cách không chỉ cho phép mà còn khuyến khích những ứng cử viên là vợ chồng. Và vì điều này có thể trở thành một làn sóng nơi công sở trong tương lai, những người sử dụng lao động có thể phải chú ý đến hiện tượng này.
Cuối cùng, bản thân các cặp đôi cũng cần cân nhắc ý nghĩa của việc đặt quả trứng sự nghiệp và tình yêu vào chung một rổ. Khi ngày nay người ta dành nhiều thời gian trong cuộc đời cho công việc và sự nghiệp, thì việc kết hôn và chung sống với một đồng nghiệp nghĩa là họ sẽ ở bên nhau 24/7 trong vòng từ 50 đến 60 năm. Tôi biết, đối với một số người, đó là hạnh phúc. Nhưng với người khác, có thể trở thành ác mộng.
Trong một môi trường làm việc mới, nơi vốn trước đây là không gian do nam giới làm chủ, nơi mà những vụ quấy rối tình dục trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu, nay cơ cấu quyền lực đã thay đổi; và cơ cấu xã hội cũng vậy. Quấy rối tình dục vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Nhưng chúng ta giờ đây có thể mong chờ đến một lúc nào đó, sự ngang bằng về mặt xã hội, nơi phụ nữ và nam giới thực sự bình đẳng trong các vị trí điều hành, sẽ trở thành động lực chính trong công việc cũng như cuộc sống của chúng ta.
Trong khi chờ đợi, khi lực lượng lao động đang chuyển mình theo những thay đổi này, hơn bao giờ hết, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những đồng nghiệp của mình đang âu yếm nhau trong giờ nghỉ trưa. Liệu chuyện đó có trở thành chủ đề tán gẫu bên máy uống nước. Hay đó chỉ là một cặp bố mẹ tranh thủ trốn đi cùng nhau vào giờ trưa, trước khi giờ làm việc chiều bắt đầu.
Những cặp vợ chồng sống xa nhau
Tháng Năm năm 2006, ngay trang đầu tờ New York Times (Thời báo New York) là bức ảnh của Bill và Hillary Clinton, được đăng với tiêu đề “Dành cho gia đình Clinton: Kết hợp tài tình giữa cuộc sống gia đình và công chúng”. Đây rồi, các độc giả nghĩ: Những chi tiết mới và khủng khiếp về cuộc hôn nhân bị chia cắt nhất nước Mỹ.
Bài báo rất hấp dẫn – mặc dù không đề cập gì đến góc độ chính trị hay những chuyện tầm phào khác. Bài báo hấp dẫn bởi chính cách thức mà vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton và Thượng Nghị sỹ Hillary Clinton tổ chức cuộc sống – với hai công việc khác nhau, hai ngôi nhà khác nhau, gặp nhau mười bốn ngày và du lịch cùng nhau hai trong số ba kỳ nghỉ cuối tuần mỗi tháng. Cách sống này đang ngày càng trở nên phổ biến đối với các cặp vợ chồng Mỹ. Người ta gọi đó là những cặp vợ chồng sống xa nhau, và gia đình Clinton không phải là ví dụ duy nhất – trên cả nước Mỹ có hơn 3,5 triệu người đang sống như vậy.
Năm 1990, ước tính có khoảng 1,7 triệu người có gia đình ở Mỹ đang sống xa vợ/chồng mình do nhiều lý do, chứ không phải ly thân. Mười lăm năm sau, con số này đã tăng gấp đôi.
Phải chăng tất cả mọi người đã bắt đầu coi việc “Căn phòng dành cho một người” trở nên quan trọng hơn?
Sự thật là trong xã hội chúng ta, số các cặp vợ chồng sống xa cách nhau luôn rất nhiều. Cuộc hôn nhân của Ben Franklin khi ông là Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Pháp là một ví dụ. Về cơ bản, một số công việc có tầm quan trọng bậc nhất ở Mỹ đòi hỏi những người đảm nhiệm nó phải xa gia đình. Những người lính tại ngũ phải xa vợ con để làm nhiệm vụ. Các Hạ Nghị sỹ hay Thượng Nghị sỹ như Hillary Clinton và những nhà lập pháp ở những bang lớn thường xuyên phải ngủ lại những căn hộ gần nơi làm việc và chỉ về nhà vào cuối tuần. Một số Nghị viên thậm chí giống như những sinh viên độc thân, sống chung với nhau trong các khu phố ở Đồi Capitol.
Nhưng ngày càng có nhiều người, không chỉ quân nhân và các công chức nhà nước, sống xa vợ con. Đa số họ là những cặp vợ chồng có hai công việc khác nhau, họ không thể, hoặc không muốn làm xáo trộn sự nghiệp của mình chỉ vì một người phải, hoặc có thể, có một công việc hay cơ hội học tập ở một nơi khác. Bốn mươi năm trước đây, một quyết định kiểu như vậy là không thể tưởng tượng nổi. Phụ nữ kiếm được rất ít tiền, và chuyện sống một mình là điều sỉ nhục nghiêm trọng, chi phí đi lại thì đắt đỏ nên nếu người chồng phải chuyển chỗ làm, người vợ chắc chắn sẽ đi cùng. Nhưng ngày nay, phụ nữ đã kiếm được nhiều tiền hơn, gần 30% các gia đình Mỹ là gia đình sống một mình, và chi phí hàng không lại tương đối rẻ – hiện tượng những cặp vợ chồng không sống gần nhau chỉ là một trong nhiều cách những cặp vợ chồng có nghề nghiệp khác nhau có thể theo đuổi sự nghiệp của mình. Và hiện tượng này không chỉ xảy ra ở những cặp vợ chồng trẻ hay mới kết hôn. Theo các chuyên gia của AARP, số các cặp vợ chồng trên 50 tuổi sống cách xa nhau đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2001-2005.
Trong khi rất nhiều người Mỹ tận dụng các tiện ích của thiết bị viễn thông phục vụ công việc để dành thời gian cho gia đình, thì các cặp vợ chồng không sống gần nhau làm ngược lại. Ở nơi làm việc, họ sử dụng các công nghệ tiên tiến để kết nối với gia đình. Và trong khi người ta viết và quảng cáo rất nhiều về những nhân viên di động, lại chẳng mấy ai nhắc đến những cặp vợ chồng di động mới – họ sống cách xa nhau nhưng vẫn liên tục kết nối với nhau nhờ công nghệ. Và các đôi vợ chồng có thể nhanh chóng xác định vị trí của nhau nhờ vào những con chip GPS (dịch vụ định vị toàn cầu) được gắn ở máy điện thoại di động, vì thế họ sẽ luôn có thể biết người yêu dấu đang ở đâu.
Liệu việc xa cách có đe doạ hôn nhân? Theo Trung tâm nghiên cứu Những mối quan hệ từ xa (LDRs), tỷ lệ chia tay trong nhóm này không nhiều hơn những cặp đôi sống gần nhau về mặt địa lý. Hoặc như Giáo sư Gregory Guldner, giám đốc Trung tâm này, họ cũng không cảm thấy kém hài lòng hơn với cuộc hôn nhân của mình hay lừa dối nhau nhiều hơn. Theo Tiến sỹ Guldner, chừng nào các cặp vợ chồng còn tìm được cách chia sẻ các sự kiện hàng ngày hay nói chuyện về những vấn đề trọng đại, và tất nhiên cả “học nghệ thuật quan hệ tình dục từ xa”, hôn nhân của những người xa cách nhau vẫn bền chặt như mọi cuộc hôn nhân khác.
Vậy hiện tượng vợ chồng không sống gần nhau có ý nghĩa như thế nào đối với nước Mỹ? Xét về phương diện chính trị, đột nhiên bạn có một lượng lớn những người “thuộc về” hai bang khác nhau, điều này có thể làm phức tạp hơn các quy định về bầu cử, thuế và tỷ lệ phổ cập giáo dục, vốn căn cứ vào nơi cư trú của công dân. Đồng thời, cũng có những cơ hội tiếp thị lớn, bao gồm việc cung cấp các dịch vụ lập kế hoạch tài chính, liên lạc, du lịch và lập kế hoạch cho các sự kiện đặc biệt. Khi việc xa nhau trở nên bình thường, những dịp bên nhau sẽ mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Có thể một lý do khiến những cuộc hôn nhân xa cách vẫn phát triển tốt đó là họ thực sự đánh giá cao nhau vì đã chịu đựng sự xa cách đó, và cảm giác tuyệt vời khi được thuộc về nhau, cảm giác vốn dễ dàng mất đi trong những gia đình sống cùng nhau, sẽ luôn được làm mới. Bên cạnh đó, những cặp vợ chồng xa nhau cố gắng tạo ra được một không gian riêng tư mà
những cuộc hôn nhân bình thường không có được – và không gian đó có thể chỉ như chiếc van xả áp lực để đời sống hôn nhân được cân bằng hoặc có nhiều cơ hội hạnh phúc, đặc biệt trong thế giới mà ly dị đã trở thành chuyện bình thường.
Hiện tượng những cặp vợ chồng không sống gần nhau cũng ảnh hưởng đến lực lượng lao động. Bạn có thể nghĩ những người này là những nhân viên ít trung thành nhất, vì họ sẽ là những người đầu tiên về nhà vào chiều thứ Sáu để tận hưởng những giây phút cuối tuần bên gia đình yêu dấu của họ. Hoặc là những kẻ phàn nàn nhiều nhất ở công sở do quá cô đơn khi không có gia đình bên cạnh.
Nhưng sự thật là những cặp vợ chồng xa nhau thường làm việc ít sao nhãng hơn các đồng nghiệp sống cùng gia đình hay những đồng nghiệp độc thân đầy bận rộn. Họ thực sự có thể làm việc 24 tiếng mỗi ngày trong suốt 5 ngày làm việc, và thậm chí là cả 7 ngày trong tuần khi họ ở lại cuối tuần. Vì thế, trong thời đại mọi công việc đều mang lại lợi nhuận cao như hiện nay, những nhân viên thu hút các ông chủ nhiều nhất chính là những người có vẻ nay đây mai đó, sống xa gia đình – ngoại trừ một vài tuần trong tháng và các dịp lễ tết.
Cuối cùng, do mọi chuyện đều dần dần thay đổi, nên phần lớn những cặp vợ chồng xa nhau không sống theo cách đó mãi. Do mọi người thường có xu hướng đổi việc khoảng hai đến bốn năm một lần, cơ hội chính là ở khoảng thời gian họ sẽ sống xa nhau bao lâu trước khi đoàn tụ. Nhưng với chuyện đổi việc liên tục và những cặp đôi có nghề nghiệp khác nhau, nên cơ hội để từng cá nhân – ít nhất phần nào đó trong cuộc đời – có mối quan hệ vợ chồng cách xa nhau trong một vài năm sẽ tăng lên nhanh chóng. Vì vậy hãy sẵn sàng đón nhận điều kiện sống mới sẽ diễn ra sau này trong cuộc sống hiện đại.
Bức tranh quốc tế
Hiện tượng các cặp vợ chồng sống xa nhau không chỉ xảy ra với 3,5 triệu người ở Mỹ mà rất phổ biến trên thế giới.
Trong thế giới công nghiệp hoá ngày nay, làm việc ở nước ngoài – và những cặp vợ chồng có công việc khác nhau – đang ngày càng tăng lên. Hệ quả của hiện tượng này là ngày càng có nhiều cặp vợ chồng, bất kể quốc tịch gì, sống ở những thành phố khác nhau trong suốt cuộc hôn nhân. Câu nói “Anh đi đâu, em sẽ theo đó” không còn mấy hấp dẫn như trước đây nữa.
Bên cạnh những cặp vợ chồng chủ động lựa chọn việc sống xa nhau, đặc biệt là ở Mỹ, một số khác phải làm như vậy do tình thế bắt buộc – đặc biệt khi nơi chuyển tới đầu tiên của đôi vợ chồng là một nước xa lạ. Theo cuộc khảo sát xu hướng di chuyển toàn cầu năm 1999, trong số khoảng 50% các cặp vợ chồng được hỏi đã từng có việc làm trước khi chuyển đi nơi khác, chỉ có 11% có thể tìm được việc làm ở nước mà họ chuyển đến. Và những người sử dụng lao động thì không mấy thông cảm với các cặp vợ chồng này: chỉ có 19% người sử dụng lao động hỗ trợ tìm việc cho vợ/chồng của nhân viên, còn một phần ba trong số họ không tạo bất cứ điều kiện hay giúp đỡ nào. (Số còn lại thậm chí còn đòi phí tư vấn hoặc phí tìm việc làm). Tình hình còn tồi tệ hơn khi chỉ có một số ít quốc gia cấp giấy phép hành nghề cho các cặp vợ chồng. Vì vậy, trong trường hợp đó, những đôi vợ chồng dù muốn sống gần nhau cũng phải chấp nhận cảnh xa cách.
Trên thực tế, phải thừa nhận rằng phần lớn các cặp vợ chồng sống không gần nhau trên thế giới đều không có những vị trí cao trong xã hội – họ chủ yếu thuộc tầng lớp dưới và phải xa nhau vì lý do kinh tế. Chỉ tính riêng nước Mỹ, có hàng triệu nhân công nước ngoài tới làm việc (và cả những người nhập cư bất hợp pháp), nhiều người trong đó có vợ/chồng đã quay về cố hương. Ở Trung Đông, hiện tượng này luôn được coi là hiện tượng của đa số:
- Ở Kuwait, 63% dân số sinh ra ở nước ngoài – chủ yếu là những người làm dịch vụ và lao động đến từ Ai Cập, Philippine, Pakistan, Ấn Độ và Sri Lanka. (Ước tính có khoảng 4% người Ai Cập làm việc ở nước ngoài, 70% trong số đó làm việc ở các nước Vùng Vịnh).
- Ở Dubai, chỉ có 17% dân số là người bản xứ.
- Ở Ả Rập Xê-út, người nước ngoài chiếm tới hai phần ba số nhân cộng lao động. Năm 2006, lượng kiều hối do những công nhân này gửi về nước là 14 tỷ USD.
Điều may mắn đối với những cặp vợ chồng phải sống xa nhau là ngày nay việc đi lại giữa các nước đã trở nên nhanh và rẻ hơn bao giờ hết. Các cuộc gọi đường dài quốc tế cũng như liên lạc qua email cũng thuận tiện hơn. Vì thế mọi người có thể hy vọng rằng họ sẽ thường xuyên có cơ hội đoàn tụ để duy trì hôn nhân
tốt đẹp – còn trong những khoảng thời gian xa cách, điều những cặp đôi này làm được chỉ là những nụ hôn ảo đáng nhớ mà thôi.
Hôn nhân qua mạng
Việc phải dùng đến phương tiện đại chúng như Internet để hẹn hò được với một ai đó từng bị coi là rất đáng xấu hổ. Nó có vẻ như phản ánh sự thiếu thực tế của những người luôn gắn liền với máy tính – những người không thể hẹn hò được trong thế giới tình cảm thực sự. Đó hẳn là những người có những điểm yếu cần che dấu. Hay là người quá tuyệt vọng đến nỗi phải tìm kiếm cuộc hẹn với người lạ vào những thời điểm kỳ quặc. Tóm lại, hẹn hò qua mạng chỉ dành cho dạng người độc thân đứng tuổi, thất bại trong tình yêu, những người đã qua lứa tuổi hẹn hò và có đồng hồ sinh học không bình thường. Chuyện lên mạng Internet được coi như nỗ lực cầu Chúa cứu giúp để tìm được người tâm đầu ý hợp trước khi quá già. (Và đàn ông thường cho rằng những phụ nữ trên mạng là người dễ dãi – nếu không họ đã không quảng cáo mình như vậy).
Nhưng chỉ trong vài năm trở lại đây, quan niệm về chuyện hẹn hò trên mạng đã thay đổi và trở thành một điểm đến, không phải cuối cùng mà là đầu tiên. Không còn là nơi ẩn náu của những người khó khăn để có được một cuộc hẹn “bình thường”, hẹn hò qua Internet ngày càng được xem là một cách thú vị để có thêm nhiều cuộc hẹn hò tiềm năng, đồng thời cũng có thể loại bỏ một cách hiệu quả những cuộc hẹn Hoàn toàn không mong muốn. Theo kết quả nghiên cứu về hẹn hò trên mạng năm 2006 do Pew Internet và American Life Project tiến hành, 61% những người Mỹ dùng mạng không coi việc hẹn hò qua mạng là “tuyệt vọng”.
Gần một nửa những người Mỹ dùng mạng nghĩ rằng hẹn hò qua Internet là một cách hay để gặp gỡ mọi người.
Kết quả là cứ bốn người Mỹ đang muốn tìm người yêu thì có một người – tương đương khoảng 16 triệu người – sử dụng hơn 1.000 trang web hẹn hò. Trong số đó, tỷ lệ người tìm bạn qua mạng ở lứa tuổi 20 là một phần năm, ở lứa tuổi 30 và 40 thì là một phần mười. Và trong năm 2004, lợi nhuận ròng của các trang web hẹn hò là 470 triệu USD, tăng mạnh so với 40 triệu USD năm 2001. Các mạng xã hội không được thiết kế nhằm các mục đích chính trị – nó được tạo ra để được xã hội hoá.
Những địa điểm hẹn hò trước đây như các tổ chức tôn giáo, các câu lạc bộ tìm bạn, đang dần được thay thế bởi những nơi như trong công sở và trên Internet.
Tuy nhiên, chắc chắn hẹn hò trên Internet cũng có nhiều rủi ro. Trên trang web
www.onlinedatingmagazine.com – trang web “chuyên đưa tin về ngành dịch vụ hẹn hò trên mạng và những mẹo vặt dành cho những cuộc hẹn hò trên mạng” – ba trong số sáu bài viết được đọc nhiều nhất là “Những mối nguy của hẹn hò trên mạng”, “Những mẹo vặt để đảm bảo an toàn khi hẹn hò trên mạng” và “Tránh xa những người đàn ông đã có vợ”. Trong số hàng triệu người đang cố hẹn hò trên mạng, cũng có một số ít đôi đi được đến những mối quan hệ lâu dài. Theo nghiên cứu của Pew, 17% những người hẹn hò trên mạng – tương đương khoảng 3 triệu người Mỹ trưởng thành – đã có quan hệ lâu dài hơn hoặc đi tới hôn nhân. Con số này tương đương với số đôi ở Mỹ cho biết họ gặp nhau tại các nhà thờ.
Và dù không có số liệu chắc chắn về sự tăng lên của các cuộc hôn nhân qua Internet, nhưng đường biểu thị xu hướng này rõ ràng đang đi lên. Trang web hẹn hò hàng đầu Match.com thậm chí đến tận năm 1995 mới được thiết lập. eHarmony, trang web luôn quảng cáo rằng có số khách hàng kết hôn nhiều nhất, cũng chỉ bắt đầu hoạt động từ năm 2000. Hàng trăm các trang web hẹn hò khác – bao gồm cả những trang chuyên về các lĩnh vực khác như DateAGolfer (về golf), Animal Attraction (cho những người yêu quý vật nuôi), hay Positive Singles (cho những người độc thân mắc bệnh đường sinh dục) – cũng thu được lợi nhuận rất lớn. Và ngày nay, khi việc đăng ảnh, thậm chí cả các đoạn phim để quảng cáo mình trên mạng cũng trở nên dễ dàng hơn, khả năng gặp được đối tượng như ý trên mạng ngày càng trở thành hiện thực.
Năm 2007, có khoảng 4,4 triệu người Mỹ kết hôn. Khoảng 100.000 trong số đó là nhờ hẹn hò qua mạng.
Mùa xuân năm 2007, chúng tôi có thực hiện một cuộc trưng cầu ý kiến nhỏ đối với những người đã gặp gỡ và kết hôn nhờ Internet. Mặc dù những người hẹn hò qua mạng thuộc nhiều thành phần khác nhau, nhưng đa số họ là những người Đảng Dân chủ, thuộc tầng lớp trên và sống ở thành phố, những người rất nghiêm túc khi hẹn hò qua mạng và nay rất hạnh phúc vì điều đó.
- Tầng lớp trên: 76% những người kết hôn nhờ Internet làm việc ngoài xã hội, chỉ có 12% dành toàn bộ thời gian ở nhà chăm sóc con cái. 70% những người đi làm đều nắm giữ những vị trí quản lý hoặc làm những công việc chuyên môn. 69% những người kết hôn nhờ Internet có nhà riêng. 61% đã học cao đẳng, trong đó 20% đã học xong đại học. Khoảng 51% trong số những người này có thu nhập bình quân hàng năm của cả gia đình ở mức trên dưới 75.000 USD.
- Thành thị: Gần một nửa những người kết hôn nhờ Internet sống ở thành thị. Những người sống ở nông thôn thường biết hết những người sống trong vùng, còn môi trường thành phố cho phép bạn có hàng trăm nghìn cơ hội gặp gỡ những người sống xung quanh mà bạn chưa bao giờ biết.
- Thuộc Đảng Dân chủ: 72% những người kết hôn nhờ Internet nói rằng họ theo trường phái tự do hoặc ôn hoà, có 43% được xác định là người Đảng Dân chủ. (Trong chọn mẫu ngẫu nhiên của cả nước, số người thuộc Đảng Dân chủ chỉ chiếm khoảng một phần ba dân số). Tuy nhiên điều thú vị là nhóm người này có vẻ sùng đạo hơn một chút so với những người Đảng Dân chủ bình thường. 51% nói rằng họ tham gia các hoạt động tôn giáo ít nhất là vài lần một tháng, trong khi chỉ có 31% trả lời là ‘‘không bao giờ hoặc hiếm khi” tham gia các hoạt động này. (Trong khi đó, trong mẫu trung bình của Đảng Dân chủ, những người thường xuyên tham gia các hoạt động tôn giáo chỉ chiếm khoảng một phần ba).
Các cuộc hôn nhân nhờ Internet cũng phải mất nhiều thời gian mới đi được đến đích. Cứ mười người thì có khoảng sáu người nói rằng họ phải truy cập những trang web hẹn hò trong vòng một năm hoặc hơn thế mới tìm được người bạn đời của mình, và cũng từng đó người nói đã trải qua ít nhất là sáu cuộc hẹn qua mạng trước khi gặp được một nửa của mình. (Gần một phần tư số người được hỏi cho biết đã từng hẹn hò hơn mười lần mới thành công). Và dù việc kết hôn nhờ Internet không gây cho người ta cảm giác thất vọng, nhưng cũng không hoàn toàn đem lại niềm vui và sự tin tưởng.
“Khi lần đầu tiên xem xét việc hẹn hò qua mạng, quan điểm của bạn ra sao”
(Một người được phép có nhiều lựa chọn)
Hồi hộp 65%
Nghi ngờ 55%
Xấu hổ 27%
Bình thường 22%
Hài lòng 20%
Tin tưởng 10%
Đó là cơ hội cuối cùng 10%
Nguồn: PSB, 2007
Cuộc sống đã cho họ câu trả lời. Có tới 92% nói rằng hôn nhân của họ hạnh phúc, trong đó 80% nói rằng “rất hạnh phúc”. 57% nghĩ hôn nhân của mình đang ngày càng tốt đẹp lên vì họ gặp nhau trên mạng, trong khi chỉ có 6% cho rằng tình cảm đang giảm đi. 73% nghĩ họ và vợ/chồng mình có những ưu thế đặc biệt do cách họ gặp nhau, so với 24% cho rằng đó là hạn chế.
Và những người kết hôn nhờ Internet rất sẵn lòng quảng bá hình thức này ra toàn thế giới. 85% khuyên những người bạn hay họ hàng còn độc thân nên hẹn hò qua mạng. 88% nói rằng họ sẽ ủng hộ con cái hẹn hò qua mạng khi chúng đã lớn. Và gần 92% nói sẽ ủng hộ việc con cái mình kết hôn với người chúng gặp qua mạng Internet.
Cuối cùng, qua nhiều năm, hôn nhân nhờ Internet có thể xảy ra với bất kỳ ai. 55% người được hỏi là dưới 35 tuổi (trong đó một phần ba là vừa qua tuổi 30), nhưng số người trên 35 tuổi chiếm tới 46%, bao gồm một phần ba là những người trên 45. Chuyện này cũng xảy ra với những người kết hôn lần hai: 31% số người kết hôn nhờ Internet đã qua một lần đò.
Kết hôn nhờ Internet có thể trở thành làn sóng trong tương lai. Khi mà tỷ lệ kết hôn đang ở mức thấp chưa từng thấy, những người muốn tìm bạn đời cần một cách hiệu quả và thiết thực nhằm vượt qua nhiều trở ngại đến với mục đích cuối cùng. Trong cuộc trưng cầu dân ý của chúng tôi, khi những người tham gia được hỏi ưu điểm lớn nhất của việc hẹn hò qua mạng là gì, câu trả lời nhiều nhất là “Tôi có thể giới hạn việc tìm kiếm của mình nhằm vào một số đối tượng nhất định” và “Tôi có thể xem xét nhiều khả năng trong một khoảng thời gian ngắn”. Hôn nhân không phải là làm điều gì đó chỉ để được người khác công nhận. Nếu bạn muốn gặp một nửa của mình, bạn phải thể hiện bản thân mình ra với họ.
Trên thực tế, trong một thế giới đang ngày càng nhấn mạnh đến quyền tự quyết, việc tìm kiếm người đồng điệu về tâm hồn ở các quán bar, công sở hay trong số bạn của những người bạn không chỉ có vẻ thụ động mà còn có phần cẩu thả. Trên trái đất có 6 tỷ người, trong đó chỉ có một số nhỏ nằm trong quỹ đạo của bạn. Nếu bạn thực sự muốn yêu, hãy bước ra ngoài quỹ đạo đó. Hãy thực hiện những nghiên cứu có mục đích, và để mũi tên của Thần Tình ái bắn trúng đích của nó.
Khi số lượng các cuộc hôn nhân nhờ Internet tăng lên, chúng ta có thể mong đợi một vài điều sẽ đến. Thứ nhất, sẽ có thêm nhiều cặp vợ chồng sống xa nhau. Số người Mỹ chọn cách sống này đã lên đến 3,5 triệu người. Do những cuộc hôn nhân nhờ Internet thường xuất phát từ những thành phố khác nhau – và các
điều kiện thông tin liên lạc ngày càng thuận tiện hơn – xu hướng các cặp vợ chồng sống xa nhau sẽ tiếp tục tăng lên.
Thứ hai, các cặp vợ chồng sẽ ngày càng đa dạng hơn về dân tộc, sắc tộc và quốc tịch. Số các cuộc hôn nhân đa sắc tộc cũng đang tăng lên. Một khi thị trường hẹn hò ngày càng bùng nổ và mở rộng, không bị giới hạn bởi các cộng đồng truyền thống hay các quan hệ địa phương, những người đồng điệu dù khác nhau về xuất thân sẽ tự do hơn trong việc tìm kiếm đối tượng cho mình. (Tất nhiên những người thuộc những nhóm thiểu số về dân tộc hay tôn giáo muốn tìm người giống mình cũng sẽ thấy dễ dàng hơn. Để vào các trang web www.EligibleGreeks.com, www.EthiopianPersonal.com, www.Muslima.com, hoặc cả chục các trang web hẹn hò dành cho các nhóm người đặc biệt khác chỉ cần một hai cú nhấp chuột mà thôi).
Thứ ba, chúng ta sẽ có những nhà trị liệu trực tuyến. Dù các cuộc hôn nhân qua Internet có lợi thế là thời gian tìm kiếm tình yêu sẽ rút ngắn đi, nhưng những cặp đôi này cũng phải bỏ qua những điều vốn được coi là nền tảng trong việc hẹn hò: Những bảo đảm về nhân thân của họ hàng, bạn cùng phòng, hay đồng nghiệp, những người thực sự biết nhiều về đối tượng của bạn. Ngày nay, khi các mối quan hệ thường rất chóng vánh và ít ràng buộc với gia đình, có lẽ việc đòi hỏi một sự tư vấn vô tư là không mấy bình thường. Trong cuộc điều tra của chúng tôi, những người kết hôn nhờ Internet (mà đa số đã từng mất tới ít nhất là một năm để tìm kiếm trên mạng) nói rằng, điều tồi tệ nhất của việc hẹn hò qua mạng là đối tượng của bạn có thể che giấu bản thân. Và trong số những cặp đôi cho rằng việc hẹn hò qua mạng có những hạn chế, theo họ, hạn chế lớn nhất là họ không có đủ thông tin về xuất thân và gia đình của đối tượng.
Thứ tư, trong một gia đình bố mẹ kết hôn nhờ Internet, sự cảnh giác đối với mạng sẽ giảm đi. Con cái trong những gia đình này được nuôi dưỡng với câu chuyện tình yêu của bố mẹ chúng vun đắp qua thư điện tử hay chat. Khi đó, các vị phụ huynh làm sao có thể bảo con cái họ tắt máy tính đi? Và điều đáng ngại hơn là liệu những đứa trẻ này có đủ cảnh giác để tự bảo vệ bản thân khi giao du với người lạ qua mạng?
Giống như tình yêu nơi công sở, những người kết hôn nhờ Internet cần một cộng đồng của riêng mình, trong đó họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, những bài học, những thách thức và cả những câu chuyện đùa vui. Trong cả cuốn sách này, tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải có những cộng đồng như vậy trong rất nhiều các nhóm xu hướng cực nhỏ. Nhưng trong trường hợp này, tôi có bằng chứng cụ thể: Trong khi chỉ có 37% các đôi vợ chồng kết hôn nhờ Internet nói rằng họ biết ít nhất vài đôi đã hẹn hò qua mạng, thì có tới 82% nói rằng họ rất muốn biết những thông tin như vậy.
Những người còn nhiều nghi ngờ có thể sẽ thắc mắc về mức độ sâu sắc và lâu dài của các mối quan hệ qua mạng, vì cho rằng những người đã từng hẹn hò trên mạng rồi sẽ có lúc quay lại mạng để hẹn hò. Nhưng cuộc điều tra của chúng tôi đưa ra kết quả ngược lại: Họ chọn người bạn đời của mình sau khi đã cân nhắc rất nhiều, vì thế, tình cảm của họ khởi đầu rất vững chắc.
Chúng ta sẽ quan sát các thế hệ con cháu của những cặp vợ chồng gặp nhau qua Internet, hẳn sẽ rất thú vị nếu nhận thấy số người hẹn hò và cùng nhau xây dựng cuộc sống ổn định tăng lên. Nhưng thử xem, liệu các cặp vợ chồng kết hôn nhờ Internet có đóng khung hay mạ bạc những quảng cáo giới thiệu bản thân đã đưa họ đến với nhau? Nếu họ làm như vậy, quan niệm rằng hẹn hò qua mạng là một điều sỉ nhục của những năm 1990 sẽ không còn nữa, thay vào đó là niềm tự hào vì đã tìm kiếm bạn đời cả trong đời thực lẫn trên Internet.
Phần II - Trong công việc
Tiếp tục làm việc khi quá tuổi hưu
Trong cuộc đời của một công dân Mỹ có vài con số quan trọng. 18 tuổi là khi bạn được quyền bầu cử (và vào quân đội). 21 tuổi được phép uống rượu. 35 tuổi có thể ứng cử Tổng thống và 65 tuổi sẽ nghỉ hưu.
Riêng đối với con số cuối cùng – 65 tuổi – liệu đó có thực sự là điều người Mỹ muốn? Ngày nay, có rất nhiều người Mỹ sống khoẻ mạnh đến tận 85 tuổi, và ngày càng ít người chấp nhận nghỉ hưu ở tuổi 65. Hiện trong lực lượng lao động Mỹ có khoảng 5 triệu người ở tuổi 65 hoặc hơn, tăng gấp hai lần so với những năm đầu thập kỷ 1980. Và con số này còn đang tiếp tục tăng lên.
Một số người buộc phải tiếp tục làm việc dù đã quá 65 tuổi do chi phí y tế đang tăng lên, và các khoản An sinh xã hội, trung bình khoảng 1.000 USD một tháng – không đủ trang trải như trước đây. Nhưng chiếm phần lớn hơn trong số này, là những người Mỹ yêu lao động – đó thường là những người nắm giữ những công việc trọng yếu, có vị trí cao trong xã hội. Giờ đây, khi có thể sống lâu hơn, hẳn chúng ta cũng sẽ muốn được cống hiến nhiều hơn chứ không chỉ dừng ở mức vừa đủ. Thầy giáo và cũng là người bạn của tôi, Harold Burson, đồng sáng lập công ty Quan hệ công chúng toàn cầu Burson Marsteller, nơi tôi đang làm giám đốc điều hành, vừa bước qua tuổi 86 nhưng vẫn đến văn phòng hàng ngày, luôn đầy ắp những ý tưởng mới.
Trung bình mỗi năm người Mỹ làm việc hơn 1.800 giờ, nhiều hơn phần lớn lao động trên thế giới. Mặc dù so với các nước Tây Âu, số ngày nghỉ trung bình mỗi năm của Mỹ ít hơn (13 ngày, so với 28 ngày ở Anh và 37 ngày ở Pháp), nhưng người Mỹ vẫn tận dụng một nửa số thời gian đó để làm việc. Ngày nay những kỳ nghỉ của người Mỹ thực sự sẽ thế nào nếu không có điện thoại BlackBerry ? Năm 2006, gần một phần
tư dân Mỹ (23%) vẫn đọc thư điện tử trong ngày nghỉ – tỷ lệ này tăng so với 16% năm 2005. Rất nhiều người Mỹ nghiện làm việc.
Trên thực tế, xung lực thôi thúc người Mỹ làm việc rất cơ bản đến nỗi Điều răn thứ tư trong Kinh thánh là: hãy nghỉ ngơi một ngày trong tuần. Không làm việc một ngày, theo Kinh thánh, nghĩa là không cướp giật, không ngoại tình, không trộm cắp. Người Mỹ có xu hướng giả định rằng phần lớn mọi người muốn nghỉ ngơi – họ đợi chờ cả tuần để đến buổi chiều thứ Sáu và thoát ra khỏi công việc. Tất nhiên, chắc chắn sẽ có nhiều công việc nặng nhọc – thậm chí đe doạ mạng sống của người lao động – nên mọi người có lý do để mong đến lúc được về nhà nghỉ ngơi. Nhưng đối với những công việc như quản lý, tư vấn hay liên quan đến phần mềm – trong tình hình những việc làm trong khu vực sản xuất đang giảm đi – nhiều người thay đổi quan niệm về chuyện làm việc, và số người nghiện làm việc tăng với tốc độ tên lửa. Biết bao lần bạn đã từng nghe một câu cách ngôn đại ý là: không ai từng nằm xuống quan tài mà còn ước giá như mình đã làm việc nhiều hơn? Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người làm như vậy. Thế hệ trẻ – thế hệ đồ ăn nhanh hiện nay chắc chắn sẽ rất sốc khi điện thoại nhờ cha mẹ trông con cho mình, và biết rằng họ – dù đã quá 70, vẫn đang làm việc và quá bận rộn đến mức không có thời gian giúp đỡ.
Một yếu tố nữa bổ sung vào việc người Mỹ nói chung thích làm việc đó là thế hệ những người sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số hiện nay đều đã gần 65 tuổi, và rõ ràng quan niệm truyền thống về chuyện “nghỉ hưu” – với đồng hồ mạ vàng, những chiếc ghế dựa và chơi golf – đã đến lúc không còn đúng nữa.
Chính những người thuộc thế hệ đó đã dấy lên sức trẻ của nước Mỹ những năm 1960 và đưa đến những thành công vượt bậc về kinh tế những năm 1980; họ chắc chắn không định để những năm tuổi già của mình đi theo một công thức của ai đó. Theo một cuộc điều tra năm 2005 của Merrill Lynch, cứ bốn người thuộc thế hệ đó, có hơn ba người nói họ không định về hưu theo đúng kiểu truyền thống. Thay vào đó, họ muốn làm việc thêm khoảng hai mươi năm nữa – và họ nói Hãy làm như thế. (Khi chính sách An sinh xã hội được đưa ra năm 1935, thì một người 65 tuổi có thể tiếp tục làm việc thêm mười ba năm nữa). Một số người muốn giữ bảo hiểm y tế, hoặc muốn dành dụm đủ tiền cho những năm sau này – nhưng đa số những người được phỏng vấn cho rằng họ muốn tiếp tục làm việc để đầu óc và thể chất luôn vận động cũng như duy trì được mối liên hệ với mọi người.
Môi trường làm việc hiện đại nơi công sở đã giúp biến những mong muốn này trở nên khả thi hơn. Đối với những công việc đòi hỏi sức khoẻ, những người già từng bị thương hay đau mỏi sẽ không có lợi thế. Nhưng trong thời đại Thông tin, những người già luôn có nhiều thông tin hơn bất cứ ai. Dù thế nào đi nữa, những loại thuốc như Celebrex đã cho phép hàng triệu người Mỹ tiếp tục làm việc dù có bệnh. Và nếu những người già vẫn kiên quyết làm việc ngay cả khi sức khỏe không tốt, người Mỹ, với Đạo luật dành cho người khuyết tật, sẽ giúp biến nơi làm việc trở nên thân thiện hơn với họ .
Hiện tượng người đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục làm việc có ý nghĩa rất lớn đối với nước Mỹ. Nếu chỉ xét đơn thuần về số liệu, lực lượng lao động Mỹ đông hơn nhiều so với dự đoán. Mỗi năm, có khoảng hơn 2 triệu người Mỹ bước vào tuổi 65. Chỉ cần một nửa trong số họ quyết định tiếp tục làm việc, điều đó có nghĩa là lực lượng lao động bất ngờ được bổ sung thêm 1 triệu lao động, tương đương 1% lực lượng lao động hiện thời.
Điều này có những tác động vô cùng to lớn. Trước tiên, nó tạo ra sức ép đối với những người trẻ tuổi, những người đang đợi đến lượt mình nắm giữ vị trí điều hành. Nếu đột nhiên ai đó trở thành giám đốc và Phó Chủ tịch ở tuổi 40, thay vì 35, liệu thực sự họ có cố quanh quẩn vị trí đó và chờ đợi hay không? Nếu họ làm như vậy, liệu có phải sẽ làm xuất hiện một dạng lãnh đạo thụ động hay không – bởi những người năng động hơn sẽ bỏ ra ngoài bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình?
Đối với một số ngành công nghiệp, thậm chí những tác động này còn lớn hơn nhiều. Những người lao động lớn tuổi có thu nhập thấp có xu hướng làm việc trong lĩnh vực bán lẻ, thường là bán thời gian; những người có thu nhập cao hơn có xu hướng sẽ trở thành các nhà tư vấn hoặc các nhà thầu khoán độc lập trong lĩnh vực họ từng là chuyên gia hoặc lĩnh vực mà họ yêu thích. Và họ còn muốn tự mình kinh doanh: 7% các nhà thầu khoán độc lập là người nhiều tuổi, trong khi số này chỉ chiếm 2,5% trong các ngành lắp ráp truyền thống. Tuy nhiên, đối với những vị trí tại phòng nhân sự của các công ty như Home Depot hay CVS cũng như trong nhiều ngành kỹ thuật khác, đây sẽ là những lựa chọn thuận lợi.
Tuy nhiên, trong tất cả các ngành đều cần có sự điều chỉnh về việc làm. Nghiên cứu của Merrill Lynch cho thấy có rất ít công ty quan tâm đến những người lao động lớn tuổi, chủ yếu họ sử dụng những nhân viên trẻ tuổi, khoẻ mạnh để giảm chi phí. Khi cân đối tất cả các chi phí, chế độ đãi ngộ dành cho các lao động hiện thời như trợ cấp sinh nở hay hỗ trợ chăm sóc con cái… có thể thấy nó cũng tương đương với những chi phí phải trả cho kỳ nghỉ đông hay tiền thuốc men cho người già. Giống như một phong trào của phụ nữ đã cho phép họ có thêm lựa chọn làm những công việc bán thời gian hoặc làm tại nhà, những người lớn tuổi có thể hy vọng về những công việc mang tính tuần hoàn và các loại công việc phi truyền thống khác.
Tôi không ghen tỵ với những người đã tạo ra những câu lạc bộ đánh gôn hay những người xây dựng các sân gôn – số người nghỉ hưu để đến chơi ở những sân gôn này có vẻ như đang giảm đi. Cùng lúc đó, những trung tâm kinh doanh có thể trở thành những nơi bận rộn nhất trong “cộng đồng hưu trí”. Và thị trường cho các mặt hàng như máy tính, điện thoại di động, các thiết bị di động được thiết kế dành cho người già đang tăng lên, tương đương với ngành kinh doanh kính mắt.
Hiện tượng nhiều người vẫn tiếp tục làm việc sau khi về hưu cũng ảnh hưởng đến môi trường chính trị. Các công dân cao tuổi, những người lao động nam và nữ này vẫn giữ mối quan tâm đến tình hình kinh tế khi họ nhận về các tờ hoá đơn. Vì thế các cử tri già đang dần trở thành những cử tri giá trị – đặc biệt những ông già nóng tính cục cằn. Giữ họ trong lực lượng lao động có thể khiến họ tiếp tục quan tâm đến các vấn đề có lợi cho nghề nghiệp, cho nền kinh tế, và ít quan tâm đến các vấn đề văn hoá.
Hiện tượng này sẽ làm xuất hiện thêm nhiều vụ kiện tụng và nhiều quy định kiểu mới, đặc biệt là các luật phân biệt về tuổi tác. Kể từ năm 1978, pháp luật Mỹ không cho phép người lao động được nghỉ trước 70 tuổi và kể từ năm 1986, không có quy định bắt buộc về hưu dưới bất cứ hình thức nào. Nhưng ngày nay, bạn sẽ không có thêm lợi thế nào để trì hoãn việc thanh toán các khoản An sinh xã hội khi bạn đã 70 tuổi. Tại sao không phải là tuổi 73 nhỉ?
Thế còn đối với sự phân biệt tuổi tác ở mức tinh vi hơn? Liệu những người lao động lớn tuổi có được chấp nhận nếu mất nhiều thời gian hơn các đồng nghiệp trẻ tuổi để thực hiện cùng một nhiệm vụ hay không? Liệu môi trường làm việc có trở nên “khắc nghiệt” khi các cuộc cạnh tranh trong văn phòng là qua những cuộc thi trên YouTube chứ không phải trên sân bóng rổ?
Đối với thương mại, ít người có thể hình dung được tác động của hiện tượng này. Các nhà kinh doanh những sản phẩm “dành cho người lớn tuổi” vẫn chỉ nhắm tới các câu lạc bộ gôn và môn thể thao đi bộ. Còn những sản phẩm cho người lớn tuổi vẫn đi làm thì sao: Ví dụ như chiếc ghế văn phòng dành cho những người bị thấp khớp, đau lưng hay đau đầu gối? Rồi các sản phẩm phù hợp dành cho những người lớn tuổi đến làm việc từ 7h sáng nhưng cần chợp mắt một chút trong khoảng từ 2h đến 2h30. Có lẽ máy khử rung tim sẽ được đặt ở khắp các đại sảnh? Rồi những thực phẩm không natri trong căng tin các văn phòng?
Những người về hưu vẫn tiếp tục làm việc cũng có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình. Sẽ không thể biết được các bà vợ phản ứng thế nào khi đột nhiên các ông chồng quyết định tiếp tục làm việc thay vì cùng tổ chức Lễ cưới Vàng. (Liệu đó có phải là điều gì sỉ nhục? Hay đó là một sự giải thoát?). Rồi còn những đứa con đã trưởng thành của họ nữa chứ? Chúng sẽ không nhờ được cha mẹ chăm sóc con cái do
chính họ cũng đang phải làm việc vất vả – và điều này cho thấy ngành dịch vụ trông trẻ sẽ có cơ hội phát triển nhanh chưa từng thấy.
Không chỉ có thế, những người về hưu vẫn tiếp tục làm việc sẽ gây ảnh hưởng đến cả tình hình sức khỏe cộng đồng. Một triệu người lao động thêm mới mỗi năm đồng nghĩa với việc tình trạng tắc nghẽn giao thông và tỷ lệ tai nạn giao thông gia tăng – những người điều khiển phương tiện giao thông từ 65 tuổi trở lên gây ra khoảng 7% các vụ tai nạn trên đường và 10% những vụ tai nạn dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, ảnh hưởng thật sự quan trọng của những người nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục làm việc là, về cơ bản, tất cả những dự đoán liên quan đến sự thụt lùi của công tác an sinh xã hội trong thập niên vừa qua của chúng ta đều sai. Trên thực tế, tỉ lệ người nghỉ hưu trong tổng số người lao động chưa đến 1/10 vì những người nghỉ hưu vẫn tiếp tục đi làm. Gánh nặng an sinh xã hội mà chúng ta từng đề cập sẽ giảm nhờ xu hướng này và chủ yếu nhờ vào những người nghỉ hưu vẫn muốn đi làm. Theo chuyên gia kinh tế Eugene Steuerle và Viện Đô thị, nếu tất cả những người lao động đến tuổi nghỉ hưu đều làm thêm một năm nữa, chúng ta sẽ hoàn toàn bù lại được mức chênh lệch dự đoán giữa số tiền phúc lợi và phí bảo hiểm nhân thọ của quỹ An sinh xã hội. Nếu số năm làm việc của những lao động cao niên này tăng thêm năm năm, chỉ riêng số tiền thuế mà chính phủ thu thêm được cũng đã cao hơn mức chênh lệch dự đoán.
Liệu còn tác động nào có thể quan trọng hơn điều đó?
Ồ, có thể. Trên thực tế những người đến tuổi hưu vẫn tiếp tục đi làm có lẽ sẽ sống lâu hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một thân thể và tinh thần năng động là chìa khoá giúp kéo dài những năm tháng khoẻ mạnh. Có phải chúng ta mới chỉ hiểu được bề nổi của vấn đề sống lâu hơn? Liệu có thể ngày càng nhiều
người trong chúng ta sống đến 100 tuổi – không phải nhờ những chế độ ăn hà khắc và những kế hoạch tập luyện thể thao nghiêm ngặt, mà nhờ tiếp tục làm việc sau tuổi 65?
Và, những người đến tuổi hưu vẫn tiếp tục làm việc có thể cứu cả gia đình – ý tưởng này thoạt đầu có vẻ khó chấp nhận đối với vợ/chồng và con cái đã lớn của những người này. Nếu một người thực sự có thể làm việc đến năm 90 tuổi, liệu điều này có đồng nghĩa với một sức ép mới đặt họ trong thế tiến thoái lưỡng nan giữa gia đình và công việc? Liệu các bà mẹ (hoặc các ông bố) có thể chủ yếu chỉ nuôi dạy con cái khi còn trong độ tuổi từ 23 đến 43 – và sau đó dành cả 50 năm làm việc? Kết quả các cuộc khảo sát đối với sinh viên mới ra trường cho thấy những ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời của họ là kiếm ra thật nhiều tiền và nuôi gia đình. Liệu họ có thể thực sự làm được cả hai điều khi mà đột nhiên “số năm làm việc” kéo dài thêm 20 năm nữa?
Và giờ đây, độ tuổi từng được coi là “Những năm tháng vàng” thì nay được coi là “Những cơ hội vàng” trong tâm trí những người Mỹ lớn tuổi. Vâng, xu hướng này có thể sẽ làm tăng số lượng các vụ tai nạn giao thông và buộc những người thuộc thế hệ trẻ phải chạy đua để xây dựng sự nghiệp riêng, nhưng đồng thời rõ ràng là nó sẽ hạn chế cuộc khủng hoảng An sinh xã hội đang rất u ám ở Mỹ, kéo dài tuổi thọ và cứu nguy cho các gia đình Mỹ.
Sống một nơi, làm việc một nơi
(Những công dân vé tháng)
Có thể nói, việc hàng ngày ra khỏi nhà để đi đến chỗ làm đã trở thành một đặc điểm chung của tất cả người Mỹ ngày nay. Trong số 150 triệu người đang làm việc ở Mỹ, chỉ 3% làm việc tại nhà. Điều đó có nghĩa là hàng ngày có rất đông người, khoảng 145 triệu người, rời nhà mỗi sáng đến cơ quan, sau đó trở về khi trời tối.
Trước đây, có một vài nghiên cứu chỉ ra rằng mọi người không chịu đựng được nếu thời gian đi từ nhà đến chỗ làm kéo dài quá 45 phút. Giờ đây, thời gian trên đường đi làm trung bình của mỗi người là khoảng 25 phút, tăng 20% kể từ năm 1980. Theo một báo cáo năm 2005 của tạp chí Business Week (Tuần Kinh doanh), năm 1990 chỉ có 24% người lao động đi từ địa phương mình sống đến chỗ làm ở một địa phương khác. Giờ đây, tỷ lệ đó là 50%.
Việc mọi người ngày càng đi làm xa là do các công việc được chuyển dần ra các vùng ngoại ô, còn người lao động thì phải đi từ vùng ngoại ô này đến vùng ngoại ô kia để làm việc. Nó giống như một cuộc đuổi bắt vòng quanh, khi càng ngày càng có nhiều người phải đi làm xa nhà. Kết quả là, năm 2000, gần 10 triệu người Mỹ phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ để đi đến chỗ làm, so với 7 triệu người mười năm trước đó.
Dựa trên khuynh hướng đang phát triển này, Cục thống kê Mỹ đã đưa ra khái niệm “Extreme Commuters – Những người đi làm xa – Những người đi vé tháng”, để chỉ những người phải mất ít nhất 90 phút để đi từ nhà tới nơi làm việc. Năm 2000, số người này là khoảng 3,4 triệu người, tăng gần gấp đôi so với mười năm
trước đó.
Việc đi làm xa trở thành hiện tượng được quan tâm khi vào mùa xuân năm 2006, Midas Muffler tổ chức cuộc thi có tên gọi Những người đi làm xa nhất nước Mỹ. Trong số hàng nghìn người tham gia, David Givens là người đoạt giải – anh sống ở Mariposa, bang California, hàng ngày anh phải đi 372 dặm từ nhà đến chỗ làm tại Hệ thống Cisco ở San Jose và ngược lại. Hàng ngày, anh đi làm từ 4.30 sáng, dừng uống cà phê và đến cơ quan lúc 7h45. Đến 5h chiều, anh rời cơ quan và về nhà khoảng 8h30 tối.
Vậy 3,4 triệu người Mỹ này là ai và tại sao họ lại lựa chọn làm việc xa đến vậy?
Phần lớn những người phải đi làm xa là những người không có điều kiện để sống gần nơi làm việc. Giá một ngôi nhà mới đã tăng gần gấp ba lần so với giữa những năm 1980, và giờ đây mức trung bình là 300.000 USD. Theo số liệu tổng điều tra, bang có số người đi làm xa tăng nhiều nhất trong giai đoạn 2002 và 2003 là bang Tây Virginia, tuy giá nhà vẫn ở mức chấp nhận được, nhưng người dân thường làm ở những nơi có thu nhập tốt hơn như thủ đô Washington D.C, Pennsylvania và Ohio, vì thế họ phải đi làm từ 4h30 sáng và về nhà lúc 8h30 tối.
Những người khác lại sống xa nơi làm việc là do chủ động lựa chọn chất lượng cuộc sống tốt hơn. Ở càng xa thành phố thì giá đất càng giảm, mọi người thường quyết định chấp nhận đi làm xa một chút để đổi lấy những ngôi nhà rộng rãi, với những bãi cỏ lớn, ít tắc đường và ít tội phạm hơn. Đó là chưa kể đến việc hưởng thụ cảnh quan thiên nhiên. Có khoảng 25.000 người sống ở Dãy núi Pocono bang Pennsylvania chấp nhận mất hàng giờ đồng hồ mỗi ngày để đến làm việc tại Thành phố New York, bù lại vào ngày cuối tuần, họ được đi trượt tuyết, dạo bộ và hưởng không khí trong lành vùng núi.
Một số đôi vợ chồng có nghề nghiệp khác nhau buộc phải sống cách xa nhau không phải do những lý do kinh tế hay lối sống, mà chủ yếu là lý do riêng tư. Do số hộ gia đình có cả vợ và chồng cùng đi làm tăng lên, vì thế xảy ra khả năng một người hoặc cả hai phải đi làm xa. Princeton, bang New Jersey, với trường
đại học nổi tiếng, trở thành nơi ưa thích của những cặp vợ chồng làm việc cả ở New York City và Philadelphia.
Thực tế ở Mỹ, những nơi khó chịu nhất khi phải đi làm xa là New York và Washington, hai thành phố lớn – trung bình đi tới mỗi thành phố này phải mất khoảng ba mươi tư hoặc ba mươi ba phút. Điều này nghiêm trọng đến mức khiến những người đi làm xa phải sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là trong hoàn cảnh giá nhiên liệu đang tăng cao như hiện nay.
Tuy nhiên, vẫn có hơn ba triệu người – con số 1% kỳ diệu của các xu hướng cực nhỏ – hàng ngày vẫn thức dậy khi trên trời còn đầy sao, vượt qua đường biên giới giữa các bang và cả các vùng thời tiết khác nhau để đến nơi làm việc. Những nhà hoạch định chính sách công, các nhân viên y tế và thế giới kinh doanh có thể sẽ muốn lưu ý đến xu hướng này.
Trước tiên, đây là nhóm quan tâm rất nhiều đến giá xăng. Có tới 76% trong nhóm này tự lái xe đi làm, con số này thậm chí còn cao hơn trong nhóm các cặp vợ chồng làm việc cách xa nhau. Giá xăng cao có thể phá hoại sự nghiệp của họ. Anh Givens, người đoạt giải Người đi làm xa nhất của Midas Muffler, khi chiến thắng đã phát biểu rằng mỗi tháng anh tiêu hết 800 USD tiền xăng. Một người làm việc xa nhà ở Bắc Carolina đã vô cùng tức giận khi Tổng thống George W.Bush nói trong bài Phát biểu Liên bang năm 2006 rằng người Mỹ là những người “nghiện dầu”. Bà đã đặt câu hỏi liệu có phải người Mỹ thực sự như vậy hay chúng ta phải làm thế chỉ để cố đến được chỗ làm? Những người sống ở các thành phố có thể cảm thấy thuế xăng dầu là bình thường, nhưng ba triệu người làm việc cách xa nơi ở này chắc chắn sẽ không bầu cho một ứng cử viên đề nghị tăng thuế xăng dầu.
Việc chỗ làm cách xa nơi ở ngày càng tiềm ẩn nguy cơ do những vấn đề như dễ cáu giận, mất bình tĩnh khi đi trên đường hay vấn đề về sức khỏe. Tiến sỹ John H. Casada, chuyên gia nghiên cứu về áp lực trên đường, đã nói rằng nếu một người phải đi làm quãng đường càng xa, họ sẽ càng dễ có khả năng nổi cáu trên đường – điều này không chỉ sẽ dẫn đến bạo lực mà còn cả những cơn đau tim, đột quỵ hay những chỗ loét trên cơ thể.
Những người đi làm xa cũng có khả năng bị béo phì. Các chuyên gia tại trường Đại học kỹ thuật George đã phát hiện rằng cứ ba mươi phút lái xe sẽ tăng thêm 3% nguy cơ bị béo phì. Trong cuộc khảo sát về giao thông của đài ABC và Washington Post tổ chức năm 2005, 4 trong số 10 lái xe được hỏi đã trả lời rằng mỗi khi tắc đường, họ thường ăn một thứ gì đó.
Cuốn sách Bowling Alone (Chơi Bowling một mình) xuất bản năm 2000 của Robert Putnam đã tổng kết rằng cứ đi làm xa thêm mười phút, thời gian dành cho gia đình và cộng đồng của bạn sẽ giảm đi 10% (trừ khi, tôi đoán, hàng ngày bạn cùng đưa con đến nơi làm việc để tiện trông nom chúng). Với những người
chấp nhận làm xa nhà để đổi lại được sống trong một thị trấn nhỏ thanh bình, quả thật điều này là một sự hy sinh lớn. Nhiều người phải đi làm xa vì gia đình của họ – để gia đình họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, con cái họ được học ở những trường tốt hơn. Những người khác thì mong chờ đến cuối tuần để tận hưởng những điều khiến họ phải lái xe đi làm xa cả tuần mới có được.
Nhóm những người đi làm xa này cũng có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động thương mại. Theo báo cáo năm 2006 của tờ Newsweek, các cửa hàng ăn nhanh đã phát triển hình thức đựng đồ ăn bằng cốc, và một số mẫu xe ô tô hiện nay được thiết kế với nhiều chỗ để cốc hơn là chỗ ngồi. Ở các trạm xăng họ đặt những màn hình thực đơn cảm ứng ngay chỗ bơm xăng để mọi người trong khi đang đổ xăng có thể mua bánh mỳ kẹp, và đồ ăn sẵn sàng khi họ lái xe đi. Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh giờ đây đưa ra những lựa chọn giao thông thực tế, giúp người lái xe tránh tắc đường. Theo các nhà quan sát, chiến trường mới chính là thị trường những chiếc ghế tiện nghi. Những người mỗi ngày có tới hơn ba tiếng đồng hồ ngồi sau vô lăng hẳn sẽ rất quan tâm tới những cải tiến làm tăng sự thoải mái như bộ phận mát xa lưng. (Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa ai phát triển mặt hàng toa lét đạt tiêu chuẩn vệ sinh được xã hội chấp nhận và có thể lắp trên ô tô!).
Cuối cùng, những người sống ở xa nơi làm việc là nhóm người có trong tay rất nhiều thời gian. Một công ty phát thanh từng tuyên bố bạn chỉ cần học theo cuộn băng dạy tiếng Tây Ban Nha dài mười sáu tiếng của họ là từ chỗ không biết chút nào có thể nắm được cơ bản. Nếu sự thật như vậy, những người làm việc xa nhà thường nghe radio trong xe có thể sẽ nói được tiếng Tây Ban Nha chỉ trong một tuần mà không cần phải từ bỏ các hoạt động khác. Và chỉ sau hai tháng, họ có khả năng trở thành các phiên dịch viên cho Liên Hợp Quốc, nếu như kém may mắn trong công việc hiện tại.
Hay chuyện đọc sách. Những người này có thể đọc rất nhanh. Họ có thể đọc xong cuốn Chiến tranh và Hòa bình trong vòng mười hai ngày hay đọc cuốn Mật mã Da Vinci chỉ trong năm ngày.
Lyndon Johnson nói ông tuyên bố phát động cuộc chiến chống đói nghèo và tiến hành quy hoạch thành phố trên diện rộng là vì theo ông dự đoán, 95% dân Mỹ sẽ chuyển đến sống ở các thành phố. Nhưng trên thực tế, người dân đang chuyển đến sống ở các vùng ngoại ô và nông thôn với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự đoán. (Điều này cho thấy mức độ khó khăn của việc đưa ra dự đoán nước Mỹ sẽ có diện mạo ra sao sau mười lăm năm nữa – bởi trong khi bạn đang chú ý đến một vài xu hướng lớn, thì những xu hướng nhỏ khác diễn ra và đảo lộn kỳ vọng của bạn). Những chủ lao động chuyển đến các vùng ngoại ô là để gần hơn với một vài người trong số nhân viên của họ. Nhưng đối với toàn bộ nhóm những người lao động, tất cả sự phân bố lại của các chủ lao động đã khuyến khích họ đi xa hơn – với giả thuyết rằng đối với rất nhiều người, điều quan trọng nhất là có một ngôi nhà, một khoảnh sân và cuộc sống yên tĩnh hơn, dù để đạt được điều đó phải mất bao nhiêu thời gian và tiền của.
Điểm cốt yếu ở đây là ngày càng có nhiều người Mỹ di chuyển trên đường – nhưng không nhiều người như Jack Kerouac, tự đi tìm bản thân mình. Những người Mỹ trong khi chờ đợi, tự thưởng cho mình cốc cà phê và một chiếc bánh kẹp, với hy vọng rằng giao thông hôm nay không quá khó chịu và biết rõ rằng ngày mai họ sẽ lại đi đúng con đường và lịch trình như thế.
Bức tranh quốc tế
Khi Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) được thành lập năm 1957, mục tiêu của thể chế này là dỡ bỏ các rào cản thương mại và đảm bảo rằng tất cả người dân châu Âu đều có thể tự do di chuyển giữa các nước láng giềng trong khối. Điều mà người sáng lập ra thể chế này, Jean Monnet, không tính đến là việc “di chuyển tự do” như vậy sẽ làm tăng số lượng những người làm việc cách xa nhà ở châu Âu – kể cả những người giàu có nhất chuyên di chuyển bằng máy bay riêng.
Ở châu Âu, người dân Anh giành giải nhất về số thời gian trung bình phải bỏ ra để đi làm, với 45 phút – nhiều hơn khoảng 20 phút so với ở Mỹ. Thời gian trung bình ở Liên minh châu Âu (EU) là 18 phút, ở Italia là 23 phút và ở Đức là 44 phút.
Nhưng điều thú vị không chỉ ở lượng thời gian tiêu tốn mỗi lần di chuyển mà còn là số dặm đường mà nhiều người làm xa nhà tình nguyện đi mỗi ngày. Gần một nửa số hành khách của tàu cao tốc Chunnel đi từ Pháp đến Anh với quãng đường dài hơn 200 dặm là những người làm việc xa nhà – họ chủ yếu sống ở Pháp và làm việc ở London. (Năm 2007, lần đầu tiên một ứng cử viên Tổng thống Pháp đã tổ chức tranh cử ở ngoài nước – nhằm tới gần nửa triệu công dân Pháp đang sống hoặc làm việc ở London).
Thậm chí còn có cả những người không đi làm bằng ô tô hay tàu hỏa mà đi bằng máy bay. Một công ty du lịch châu Âu đã dự đoán rằng đến năm 2016, số người làm việc tại Anh nhưng sống ở những nơi khác – không chỉ miền Bắc nước Pháp mà còn cả Barcelona, Palma, Dubrovnik và Verona – sẽ lên tới 1,5 triệu người. Hàng không giá rẻ đã biến những điều này thành có thể. Năm 1994, chưa có hãng hàng không giá rẻ
nào, nhưng đến năm 2005 đã có sáu mươi hãng. Những hãng hàng không như Ryanair, easyJet và SkyEurope đã phục vụ khoảng 200 triệu hành khách chỉ riêng trong năm 2003.
Trong khi ở châu Âu số lượng người làm việc xa nhà di chuyển bằng máy bay đang tăng nhanh, thì hiện tượng này chỉ mới xuất hiện ở châu Á. Một số hãng hàng không giá rẻ mới nổi lên như Jetstar, Oasis và AirAsiaX đưa ra mức giá vé thấp, nhưng các hãng này vẫn phải cạnh tranh với các hãng hàng không do nhà nước quản lý. Tuy nhiên bạn có thể hy vọng rằng xu thế này cũng sẽ nhanh chóng diễn ra ở châu Á. Người Trung Quốc trung bình mỗi ngày phải mất tới một giờ, hoặc nhiều hơn, lái xe đi làm. Làm phép so
sánh, liệu họ có lợi hơn không nếu đi bằng máy bay hai lần một ngày?
Làm việc tại nhà
Trong khi có 3,4 triệu người Mỹ hàng ngày lái xe hơn 90 phút để đi làm, thì cũng có 4,2 triệu người làm việc tại nhà.
Một phòng làm việc tại nhà lý tưởng là nơi không bị bọn trẻ làm phiền và có lối đi riêng. Nhưng cũng có thể chỉ là trên chiếc giường, nơi người ta thức dậy, với vài chiếc gối được dựng lên làm chỗ dựa, bát ngũ cốc trước mặt, máy tính xách tay được đặt đúng vị trí – thế là có thể bắt đầu tham gia một cách đầy năng suất vào lực lượng lao động của nước Mỹ.
Dù hình thức làm việc tại nhà như thế nào, con số 4,2 triệu này đã tăng 23% so với năm 1990, và tăng gần 100% so với năm 1980.
Thậm chí con số này còn chưa bao gồm gần 20 triệu người Mỹ thỉnh thoảng làm việc tại nhà. Không, đây là những người thường xuyên làm việc tại nhà với văn phòng chỉ cách phòng tắm của họ vài bước chân.
Vì sao những người đó lại chọn làm việc tại nhà? Có lẽ việc lo lắng phải đi làm xa nhà, vấn đề được nêu trong phần trước, đã là một lý do đầy đủ – họ được giải phóng khỏi những lần tắc đường giờ cao điểm, bớt chi phí cho xăng dầu và dịch vụ bảo dưỡng xe. Sự thoải mái còn tăng thêm khi họ được làm việc trong những bộ quần áo ở nhà.
Sức ép ngày càng tăng của việc cân bằng giữa gia đình và công việc cũng khiến làm việc ở nhà có lợi hơn. Vì một người không thể tập trung tuyệt đối vào công việc khi còn có trách nhiệm trông trẻ, nhiều người làm việc ở nhà cảm thấy họ chỉ có thể làm việc hiệu quả hàng tiếng đồng hồ khi con cái đã đi nhà trẻ hoặc đến trường.
Nhưng nguyên nhân lớn nhất khiến số lượng những người làm việc ở nhà tăng lên đó là điều kiện hoàn cảnh ngày càng thuận lợi: Máy tính xách tay, đường truyền Internet tốc độ cao, những chiếc BlackBerry, điện thoại di động, và cả điện thoại truyền hình đã làm cho các văn phòng tại nhà không khác gì mấy so với các văn phòng thông thường khác, và những sản phẩm này ngày càng trở nên đa năng và có những mức giá mà nếu ở thời đại 1980 sẽ không thể nào tưởng tượng được. Vì thế, dù bạn đang làm việc cho chính mình hay cho bất cứ người nào khác, gần như không có sự khác biệt đáng kể nào đối với các đồng nghiệp hay khách hàng của bạn về việc bạn làm việc ở nhà hay tại văn phòng.
Vậy, những người Mỹ làm việc ở nhà là ai? Năm 2000, 53% trong số họ là phụ nữ – so với 46% số người làm tại văn phòng là phụ nữ. 88% họ là người da trắng. 68% người ít nhất đã tốt nghiệp đại học, trong khi tỷ lệ này trong số những người đi làm tại văn phòng chỉ là 59%. Đa số họ làm công việc quản lý hoặc chuyên ngành. Khoảng hai phần ba trong số những người này làm việc toàn thời gian. Và nhiều người trong số đó thu nhập rất cao.
Đây là một tầng lớp thành đạt và tự chủ.
Trên thực tế, một tỷ lệ khá đông (58%) những người làm việc tại nhà đang điều hành công việc kinh doanh của riêng mình, dưới hình thức công ty chính thức hay không. 35% làm việc từ xa, cho các công ty tư nhân hoặc các tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở những nơi khác. Khoảng 4% những người làm việc ở nhà là làm cho Chính phủ – đây có thể là một điều hay, nếu xét đến việc có bao nhiêu máy tính của Chính phủ có
chứa những thông tin mật về các công dân sau đó sẽ bị đánh cắp.
Những người đàn ông làm việc tại nhà thậm chí là nhóm thành công hơn cả. Họ làm chủ phần lớn những doanh nghiệp kinh doanh tại nhà, họ không chỉ được học hành nhiều hơn mà còn lớn tuổi và giàu có hơn mức trung bình của toàn dân số. Những người này đại diện cho nhóm những người làm việc ở nhà được trả lương cao nhất.
Nhưng đừng nghĩ chỉ đàn ông mới biến nhà mình thành văn phòng riêng. Phong trào “Những bà mẹ doanh nhân”, chỉ những phụ nữ tự rút lui khỏi lực lượng lao động truyền thống để ở nhà với con cái, đồng thời cũng làm một số việc làm bán thời gian để tăng thu nhập hoặc cho vui, hoặc vì cả hai lý do trên, cũng bắt
đầu phát triển mạnh. Theo kết quả Tổng điều tra năm 2000, hơn một nửa các doanh nghiệp gia đình – chiếm một nửa tổng số doanh nghiệp tại Mỹ – là do phụ nữ làm chủ. Những doanh nghiệp này bao gồm cả các mạng lưới bán hàng đa cấp mỹ phẩm Avon – có khoảng 5 triệu người trên toàn thế giới – đến những công ty tư vấn do những người phụ nữ thành đạt làm chủ, họ tự xây dựng mạng lưới khách hàng dựa trên kinh nghiệm công tác của mình trước đây. Chỉ riêng trong giai đoạn từ 2002 đến 2006, thu nhập trung bình hàng năm của các công ty tư vấn do phụ nữ làm chủ (trụ sở tại nhà và các nơi khác) đã đạt mức trên 150.000 USD, tăng 45% .
Nói chung, mọi người đều thích làm việc ở nhà. Ngoài lý do về sự kiểm soát và mức độ linh hoạt của các doanh nghiệp, 35% những người làm việc tại nhà không phải với công ty riêng mà là làm cho các công ty và tổ chức khác cho biết làm việc rất vui vẻ. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Cộng tác Kinh doanh Mỹ, 76% những người làm việc toàn thời gian tại nhà (cho một công ty hoặc tổ chức khác) trả lời rất hài lòng
với công việc, trong khi tỷ lệ này ở những người làm việc tại văn phòng chỉ là 56%. Và không phải vì những người làm việc ở nhà thường ung dung, trễ nải. Những người làm việc toàn thời gian ở nhà làm trung bình 44,6 tiếng một tuần, trong khi những người làm toàn thời gian tại văn phòng chỉ cống hiến 42,2 tiếng mỗi tuần.
Những người sử dụng lao động thì rất vui vẻ, không chỉ vì khối lượng công việc được tạo ra thêm mà vì phần thuế họ phải trả cho những người lao động này sẽ giảm đi, đồng thời tiết kiệm được không gian làm việc. Tại công ty điều tra dư luận của tôi, chúng tôi đã dỡ bỏ các trung tâm điện thoại của mình ở Bờ Tây, thay vào đó là sử dụng những người làm việc ở nhà. Không chỉ các nhân viên của tôi cảm thấy thoải mái hơn mà có thêm nhiều người sẵn lòng gọi cho các khách hàng tại Nhật Bản vào lúc 3h sáng (giờ New York) – nếu họ có thể làm việc đó tại nhà thay vì ở trung tâm điện thoại. Thậm chí, các cuộc phỏng vấn lấy ý kiến cũng sẽ được thực hiện theo cách này.
Mặc dù hiện tượng nhiều người làm việc tại nhà không diễn ra trong tất cả các ngành như trước đây có người từng dự báo, nhưng rõ ràng lực lượng lao động đang tăng lên rất nhanh này có tác động quan trọng đến hoạt động kinh doanh và các chính sách.
Trước tiên, những người làm việc tại nhà cần có cách xây dựng cộng đồng. Điều nực cười là trong khi chúng ta không đi chơi Bowling một mình, thì chúng ta làm việc một mình ngày càng nhiều. Nhưng nhiều người làm việc tại nhà đã chán với việc phải ăn trưa một mình, tại cùng một nơi mà họ ăn sáng và ăn tối. Chúng ta cần một không gian chung để các đồng nghiệp có thể trò chuyện với nhau – không chỉ là những câu chuyện ngắn ngủi tức thì, đó còn là sự hợp tác tập thể, cùng chia sẻ không gian và tăng tình đồng nghiệp. Và như vậy rõ ràng là đang có một thị trường cho việc dạy mọi người cách thực hiện và tham gia các cuộc họp từ xa.
Thứ hai, do ngày càng có nhiều ngôi nhà kiêm thêm chức năng văn phòng, vấn đề nổi lên là thiết kế những văn phòng tại nhà thế nào cho an toàn và thoải mái. Năm 2000, một cuộc Thảo luận cấp quốc gia đã được Tổng thư ký liên đoàn lao động tổ chức về vấn đề đảm bảo an toàn tại nhà do sự tăng lên của những vụ cháy nổ, bị thương và những tổn thất khác do việc cắm nhầm máy photocopy, việc đặt các thiết bị máy tính trên đồ đạc của con cái hay việc chú cún của gia đình gặm mất dây cắm máy in. Liệu bạn có bực mình khi bước vào văn phòng tại nhà của mình và trượt ngã do giẫm vào chỗ sữa con bạn đánh đổ? Hay nếu máy tính xách tay của bạn bị nổ và làm thủng một lỗ trên ghế sopha trong phòng khách của bạn, liệu ông chủ của bạn có đền bù cho bạn khoản thiệt hại đó không?
Với sự phát triển nhanh chóng của số lượng người làm việc tại nhà, đặc biệt là những người thành công và quyết đoán, có thể chúng ta sẽ phải có một hệ thống bảo hiểm y tế và tiết kiệm lương hưu tốt hơn so với hệ thống hiện tại.
Và có thể chúng ta sẽ được chứng kiến sự tăng lên của các “câu lạc bộ ăn trưa”, trong đó có những phòng uống rượu dành cho các quý ông và phòng uống trà dành cho các quý bà. Những nhân viên văn phòng làm công việc chuyên môn cần một nơi để gặp gỡ và xây dựng mạng lưới khách hàng khi văn phòng tại nhà không giúp họ làm được điều đó. Giống như việc tỷ lệ ly dị tăng đã tạo ra một thị trường cho các dịch vụ lưu trú dài hạn trong khách sạn hay các nhà nghỉ, hiện tượng nhiều người làm việc tại nhà đã bắt nguồn cho một thị trường kinh doanh các địa điểm làm ăn ngắn hạn – cho một cuộc họp hoặc một bài trình bày.
Tối thiểu nhất, chúng ta cần chắc chắn rằng nếu hội nghị qua video trở thành chuẩn chung trong các văn phòng tại nhà, những người này cần tắm rửa, mặc quần áo và thực hiện các công việc chuẩn bị khác trước khi cuộc họp diễn ra. Và bức ảnh gia đình sẽ được trưng bày đầy hãnh diện trong “văn phòng” của họ. Một điều nữa cần nhớ là trẻ nhỏ và những chú cún phải chắc chắn đang ở sân sau khi họ cố thực hiện một cuộc gọi chiến lược.
Những phụ nữ làm công việc liên quan nhiều đến ngôn ngữ
Năm 2005, cựu chủ tịch trường Đại học Havard, Larry Summers đã gặp rất nhiều rắc rối khi phát biểu rằng phụ nữ bẩm sinh đã thua nam giới trong khoa học. Tuy nhiên điều ông ta không nói tới – nhưng những người phụ nữ cuối cùng đã hất cẳng được ông ta đều hiểu rất rõ – đó là trong những công việc liên quan nhiều đến ngôn ngữ như các ngành báo chí, luật, tiếp thị và truyền thông, phụ nữ đã gần như chiếm ưu thế.
Để tránh gặp rắc rối như Summers, tôi phải nói rõ rằng tôi cũng không hiểu tại sao nam giới thường thiên về các công việc khoa học còn phụ nữ thường làm các công việc liên quan nhiều đến ngôn ngữ. Tôi không có ý tưởng nào dù nhỏ nhất về những ảnh hưởng của yếu tố sinh học, văn hoá và xã hội đối với những lựa chọn này. Nhưng tôi có thể nói rằng những điều này đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của một số ngành, và điều đó có nghĩa là đã tạo ra những thay đổi lớn trong nước Mỹ.
Hãy lấy ngành báo chí làm ví dụ. Theo Thống kê của Cục Lao động, trong năm 2005, 57% những người làm việc phân tích tin, phóng viên và biên tập viên là nữ. Thậm chí tới 57% những người dẫn chương trình chủ chốt trên tivi là phụ nữ.
Trong lĩnh vực quan hệ công chúng, phụ nữ chiếm khoảng 70%, so với tỷ lệ 30% của những năm 1970 (Công ty Burson Marstellerm, nơi trước đây tôi từng giữ cương vị Giám đốc điều hành, 70% là phụ nữ). Tờ USA Today (Nước Mỹ ngày nay) mới đây cho biết quan hệ công chúng là công việc vốn trước đây của nam giới đang dần bị phụ nữ chiếm lĩnh.
Giờ thử xem ngành luật, ngành vốn đòi hỏi những lý lẽ bằng miệng và bằng văn bản. Kể từ năm 1970, số luật sư nữ ở Mỹ đã tăng 2.900%. Hơn một nửa số sinh viên tốt nghiệp trường Luật là phụ nữ, và gần một nửa thành viên các công ty luật cũng là phụ nữ. Phụ nữ cũng chiếm hai phần ba vị trí hiệu phó của các trường luật.
Trong khi đó, số phụ nữ làm trong các lĩnh vực khoa học và kinh doanh lại nhỏ hơn rất nhiều so với những con số trên. Chỉ có 14% kiến trúc sư và kỹ sư là nữ. Trong các trường đại học kỹ thuật, số giáo sư nữ chỉ chiếm 15%. Còn trong các công ty thuộc danh sách Fortune 500, chỉ có 16% những người nắm giữ các vị trí chủ chốt là nữ. Và phụ nữ cũng chỉ chiếm 3% trong số những chuyên gia được trả lương cao nhất trong các công ty kỹ thuật.
Một điều chắc chắn là việc phụ nữ làm trong các lĩnh vực cần nhiều ngôn ngữ không đồng nghĩa với việc họ cũng chiếm ưu thế ở những vị trí có quyền ra quyết định. Đặc biệt, trong ngành báo chí và ngành luật, số phụ nữ giữ cương vị lãnh đạo ít hơn nhiều so với số làm giáo sư ở trường đại học (nơi họ chiếm ưu thế). Phụ nữ chỉ chiếm 17% các luật sư thành viên, những sáng lập viên của các công ty luật. Họ cũng chỉ chiếm một phần ba phóng viên làm việc toàn thời gian cho các phương tiện truyền thông chính thống. Nhưng xu hướng này còn mới, và nó cần thêm thời gian dài để phát triển mạnh.
Trong những thập kỷ phụ nữ tham gia truyền hình, tin tức về nạo phá thai, chăm sóc trẻ em và phân biệt giới tính tại nơi làm việc đã tăng mạnh. Theo phân tích của tờ Washington Post (Bưu điện Washington), trong thời gian ngắn Elizabeth Vargas làm người dẫn chương trình World News Tonight (Bản tin Thời sự quốc tế đêm) của đài ABC, kênh truyền hình này đã đề cập đến các vấn đề “giới tính và gia đình” như tránh thai, nạo phá thai, bệnh tự kỷ của trẻ em, sự phát triển của thai kỳ, sinh con, chán nản sau sinh và sách khiêu dâm cho trẻ em, nhiều hơn số tin tối của cả hai đài NBC và CBS cộng lại.
Trong các trường Luật, Luật Hôn nhân gia đình là một khoá học tự chọn từ năm 1970. Giờ đây có hàng tá tạp chí về Luật Hôn nhân gia đình và môn học này đã trở thành một trong những môn phổ biến nhất trong trường Luật.
Điều này cũng diễn ra tương tự trong lĩnh vực truyền thông và tiếp thị. Những chương trình quảng cáo băng vệ sinh, dung dịch vệ sinh phụ nữ và thuốc giảm đau ngày càng nhiều. Và trong những giờ vàng của truyền hình, bạn khó có thể xem nửa tiếng đồng hồ mà không gặp các quảng cáo này.
Một tác động khác của hiện tượng này là nam giới cũng đang dần bỏ các công việc liên quan nhiều đến ngôn ngữ. Năm 1971, hơn một phần ba số giáo viên trong các trường công tại Mỹ là nam giới. Với xu hướng số phụ nữ làm công việc này tăng lên, số nam giáo viên đã giảm xuống còn một phần tư. Cũng như trong ngành quan hệ công chúng và báo chí, truyền hình, các nhà quản lý bắt đầu lo lắng về hiện tượng chuyển ngành trên quy mô lớn của các nam nhân viên. Một số người tuyên bố rằng những người “giỏi nhất” đơn giản là đã chiến thắng, nhưng cũng có một số người phát biểu theo ý kiến ngược lại với Larry Summers, đó là: Với một nửa nhân loại đang được miêu tả không đúng mức, liệu chúng ta có thực sự phát huy được tất cả tiềm năng của mình?
Sự thật là, theo nhiều cách, phụ nữ đang đi theo đúng những con đường truyền thống mà những người nhập cư mới đã đi đến thành công. Phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động với vốn liếng ít hơn nam giới, và con đường làm các công việc sử dụng nhiều ngôn ngữ là con đường thành công đã được chứng minh. Những ngành này đòi hỏi nguồn lực con người, và chúng thường là kết quả của quá trình học tập và nghiên cứu vất vả chứ không chỉ dựa vào sức mạnh hay cơ bắp. Những công việc phụ nữ chiếm ưu thế đầu tiên là dạy học và y tá, sau đó họ dần hướng tới những mức cao hơn và thành công hơn.
Làm những công việc liên quan nhiều đến ngôn ngữ là một lựa chọn hợp lý – lĩnh vực mà phụ nữ có thể thành công dựa trên khả năng của bản thân và là nơi họ có thể đem lại những tầm nhìn mới vốn đã bị quên lãng trước đây. Và vì thế phụ nữ có thể ngày càng hài lòng rằng những công việc này là những lĩnh vực họ có thể phát huy khả năng. Họ để dành những cuộc đối đầu về thể chất cho nam giới và xông vào những cuộc đối đầu về ngôn từ để xác định một nền dân chủ hoà bình.
Bạn có thể hy vọng xu hướng này sẽ phát triển toàn cầu. Khi phụ nữ ở khắp nơi tham gia lực lượng lao động và được học hành nhiều hơn, một loạt những công việc chuyên môn mới đang mở ra trước mắt họ.
Tất nhiên, chắc chắn bạn đã biết, một trong những nhà văn có tác phẩm thuộc hàng bán chạy nhất mọi thời đại, J.K.Rowling, tác giả cuốn Harry Porter nổi tiếng, là một phụ nữ Anh.
Chính trường có thể là mặt trận trong tương lai của phụ nữ. Đã từng có thời gian dài làm việc cùng Thượng nghị sĩ Hillary Clinton, tôi được chứng kiến việc những điều vốn trước đây được coi là chống lại phụ nữ giờ đã biến thành ủng hộ, thậm chí là dành ưu ái cho phụ nữ. Nếu hàng triệu phụ nữ đang thành công trong các lĩnh vực báo chí, quan hệ công chúng và luật, thì chính trị là một bước nhảy đầy hợp lý vì những lĩnh vực này đều đòi hỏi những kỹ năng tương tự nhau. Rất nhiều những người hoạch định chính sách được kính trọng nhất ở Washington là phụ nữ, họ đã góp phần tạo nên những nền tảng căn bản cho việc điều hành đất nước của Nhà Trắng và Nghị viện. Năm 2007, Mỹ có 16 Thượng nghị sỹ nữ, dù nhỏ hơn rất nhiều so với con số 50, nhưng là một bước tiến lớn so với con số 1 nữ Thượng nghị sỹ chỉ hai mươi năm trước đây.
Larry Summers đã chú ý vào mặt không đúng của vấn đề. Thay vì xem xét tại sao phụ nữ thường không được đối xử bình đẳng trong toán học và khoa học, ông ta nên để ý thấy sự thành công của phụ nữ khi làm những công việc liên quan đến ngôn ngữ và việc họ có khả năng tạo nên cả một nền chính trị mới. Chiến dịch dùng ngôn ngữ của họ chắc hẳn tác động mạnh đến ông ta.
Chiến binh Amazon
(Phụ nữ làm những công việc đòi hỏi sức mạnh cơ bắp)
Nhóm những phụ nữ làm các công việc sử dụng nhiều ngôn ngữ sẽ không thể trở thành một xu hướng cực nhỏ hoàn hảo nếu như không có một nhóm khác hoàn toàn đối lập và cũng đang phát triển rất mạnh. Chúng ta đang nhắc đến nhóm phụ nữ Mỹ lựa chọn những công việc đòi hỏi rất nhiều sức mạnh cơ bắp.
Họ có thể là các vận động viên, thành viên của lực lượng phản ứng nhanh, công nhân xây dựng hay là quân nhân. Trước hết là các vận động viên. Mặc dù cuộc thi Thể hình nữ ban đầu chỉ là một cuộc thi người đẹp trong trang phục bikini, giờ đây, thể hình, cử tạ nữ đã phát triển thành những môn thể thao, và năm 2000, cử tạ nữ đã được đưa vào danh sách các bộ môn thi đấu của Olympic. Môn vật tự do nữ được đưa vào danh sách này năm 2004. Tháng 4/2007, Rita Cortesio trở thành nữ trọng tài đầu tiên trong một cuộc thi đấu trình diễn của Liên đoàn Bóng chày Quốc gia.
Nhắc đến bóng đá, người ta thường chỉ nghĩ đến những người đàn ông khỏe mạnh chạy chung quanh quả bóng da, nhưng tính đến năm 2007, thực tế đã có ba liên đoàn bóng đá nữ chuyên nghiệp ở Mỹ, bao gồm tám mươi đội bóng – so với chưa đến mười đội ở thời điểm năm 2000. Phụ nữ cũng chơi bóng bầu dục – chuyện vốn chẳng bao giờ xảy ra vài thập kỷ trước đây – có tới 10.000 phụ nữ chơi môn thể thao này ở
trường đại học và khoảng 3.000 người chơi khi còn học trung học.
Sự thật là họ đang chơi cùng nhau, nhưng hãy thử hỏi bà của bạn xem liệu bà có thể tưởng tượng được rằng, năm 2007, có tới gần 100 đội bóng đá nữ chuyên nghiệp ở Mỹ.
Đối với lực lượng phản ứng nhanh, trong số các lính cứu hỏa Mỹ có khoảng 5% là nữ, tương đương 6.000 người (ngoài ra còn có 35.000 phụ nữ tình nguyện khác). Trong lĩnh vực cưỡng chế thi hành luật, ¼ nhân viên là phụ nữ, tăng mạnh so với vài thập kỷ trước đây. Hay trong lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp, cứ 10 người thì có 1 người là nữ.
Năm 1953, Liên đoàn Quốc gia của các phụ nữ làm trong ngành Xây dựng bắt đầu hoạt động với mười sáu thành viên. Ngày nay, số thành viên của tổ chức này đã lên tới 6.000 người, với 180 phân hội.
Số lượng phụ nữ làm trong quân đội cũng tăng lên nhanh chóng. Năm 1960, trong lực lượng vũ trang chỉ có 31.700 người là nữ, chiếm chưa tới 1%. Năm 2005, con số này đã lên tới 200.000 người, tương đương 15% tổng số người làm trong lực lượng quân đội. (Jessica Lynch, người được giải cứu dũng cảm ở Iraq năm 2003, là một trong số 150.000 binh sỹ nữ Mỹ chiến đấu ở Iraq và Afghanistan tính đến cuối năm 2006). Tổng số nữ cựu chiến binh ở Mỹ là 1,7 triệu người – gần bằng số nữ giáo viên dạy tiểu học và trung học. Mặc dù một số công việc trong quân đội bắt buộc phải chiến đấu nhưng công việc này rõ ràng đã thu hút và thưởng công cho những người thuộc phái yếu nhưng mạnh mẽ hơn.
Mùa xuân năm 2007, chúng tôi thực hiện một cuộc khảo sát nhanh để tìm hiểu thêm về những phụ nữ lựa chọn làm việc trong lĩnh vực thể thao, cảnh sát, cứu hỏa, quân đội hay xây dựng. Nói chung, họ là những phụ nữ cao lớn, bảo thủ, vui vẻ và không đồng tính – những người không ngại chiến đấu và đang ở vị trí ngày càng cao trên nấc thang kinh tế.
Trước tiên, họ là những người có hình thể to lớn. Có tới 25% cao trên 1m80, trong đó phần lớn là phụ nữ da trắng (chiếm 90%). Họ cũng rất nặng cân, với 58% có cân nặng trên 68kg, và gần một phần ba trong đó có cân nặng trên 77kg. Có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi 8 trên 10 các vận động viên nữ có anh em trai thay vì chị em gái. (Gần một nửa trong số đó có ít nhất hai anh em trai).
Những người phụ nữ làm công việc nặng nhọc có xu hướng thiên về cánh hữu – với 76% tự cho mình là bảo thủ hoặc trung hòa, chỉ có 25% nhận mình là người của Đảng Dân chủ. Đa số họ đến từ nông thôn, không phải từ các thành phố.
Bạn sẽ giới thiệu công việc của mình cho các cô gái và phụ nữ trẻ khi lựa chọn công việc cho mình? Vâng, một cách đầy nhiệt huyết56%
Vâng, với một chút ngần ngừ30%
Không, có thể là không8%
Không, chắc chắn là không2%
Tôi không biết 4%
Những phụ nữ này rất yêu công việc của mình. 44% trả lời luôn yêu công việc của mình, 52% khác thì nói luôn thích công việc của mình. Và gần như tất cả những người này – hơn một nửa số người được hỏi trả lời đầy mạnh mẽ – rằng sẽ khuyến nghị các cô gái hoặc những phụ nữ trẻ nên xem xét nhận làm những công việc như thế .
Nhiệt huyết mà họ dành cho công việc luôn ở mức cao mặc dù công việc không hề dễ dàng chút nào. Trong số mười người thì có tới sáu người nói rằng họ bị phân biệt đối xử trong công việc vì là phụ nữ, và gần 4/10 người nói trong ngành của họ, tiền đồ của những người phụ nữ không được chú ý tới. Nhưng đối với những phụ nữ này, chính việc phải phá vỡ chướng ngại vật làm cho công việc trở nên hấp dẫn hơn. 64% cho biết chính quan niệm những công việc đó chỉ dành cho đàn ông đã hấp dẫn họ lao vào làm, trong khi chỉ có 10% nói rằng công việc đó ít hấp dẫn họ. Chính quan niệm về những công việc dành riêng cho nam giới là một điểm khiến họ thấy tự hào về lựa chọn của mình.
Khi bạn nói về công việc của mình, bạn cảm thấy:
Tự hào, vì đó là công việc vốn chỉ của đàn ông76%
Hơi ngại ngần, vì đó là công việc vốn chỉ của đàn ông 4%
Tôi không biết20%
Cuối cùng, những phụ nữ này đã tìm được con đường thăng tiến riêng của mình. Mặc dù chỉ chưa đến ¼ tốt nghiệp đại học, nhưng những phụ nữ này đang kiếm được khá nhiều tiền – 42% có mức thu nhập hộ gia đình hàng năm trên 75.000 USD, trong đó có 14% có thu nhập trên 100.000 USD. Tiền và những lợi ích được xếp hàng chỉ thứ hai sau yếu tố thử thách tinh thần trong danh sách những điều phụ nữ mong muốn từ công việc của mình.
Về tình trạng hôn nhân, 76% những phụ nữ này có gia đình, và 18% từng kết hôn.Và trong phần lớn những người nói rằng họ biết ai đó là đồng tính, chỉ có 13% – nhóm ít nhất trong số được hỏi – nói rằng những người đó là đồng nghiệp của họ.
Nhưng điều đáng lo ngại là làm việc trong những ngành mà đàn ông chiếm ưu thế có vẻ như tăng nguy cơ bị quấy rối tình dục hoặc trở thành động lực của nguy cơ này. Gần 4/10 những người được hỏi cho biết họ từng là nạn nhân của các vụ quấy rối tình dục, đây là tỷ lệ tương đối cao so với mặt bằng chung. Có thể
chính việc bị quấy rối tình dục đã khiến những phụ nữ này phát triển sự nghiệp theo hướng làm những công việc mà sức mạnh thể chất được tưởng thưởng, và hạn chế được nguy cơ bị tổn thương.
Hiện tượng phụ nữ làm các công việc cần nhiều sức lực đang tăng lên thật sự có tác động đến xã hội. Trước hết, những phụ nữ này yêu công việc của mình, và họ đang dần được xã hội chấp nhận. Trong khi nhiều nhóm phụ nữ phàn nàn rằng số lượng những phụ nữ làm công việc của đàn ông không tăng nhanh như lẽ ra nó nên thế thì những người đàn ông vốn rất trân trọng công việc của mình thật lòng không muốn thấy điều đó xảy ra. Họ đã gặp phải những đối thủ cứng rắn và cống hiến tích cực nhất trên trái đất này.
Thứ hai, đến một thời điểm nào đó, phụ nữ sẽ tự điều chỉnh công việc của mình. Lúc mới đầu, họ có thể đảm nhận công việc đúng như những người đồng nghiệp nam giới – nhưng một khi đã trở thành lực lượng lao động chiếm đa số (giống những gì đã xảy ra trong ngành luật, báo chí và cả ngành y), viễn cảnh mà họ nghĩ tới sẽ là tự mình thay đổi công việc. Năm 2002, Trung tâm Quốc gia về Phụ nữ và chính sách đã cho biết, căn cứ vào nghiên cứu tiến hành tại bảy cơ quan cảnh sát lớn ở Mỹ, các nữ cảnh sát ít khi bị vướng vào những vụ cáo buộc sử dụng vũ lực. Kết quả là, số các vụ sử dụng vũ lực của các nam cảnh sát thông thường cao hơn từ 2,5 lần đến 5,5 lần so với các đồng nghiệp nữ. Liệu có phải điều đó cho thấy các nữ cảnh sát thích dùng lời lẽ thuyết phục để giải quyết công việc hơn là dùng vũ lực như các đồng nghiệp nam? Và vì không phải lúc nào dùng lý lẽ cũng là một cách hay, phải chăng các nữ cảnh sát nên cân đối hợp lý giữa việc dùng vũ lực và thuyết phục bằng lời lẽ?
Một nửa số các vụ bạo lực được báo cảnh sát là các vụ bạo hành trong gia đình. Phải chăng một nữ cảnh sát sẽ biết cách phản ứng tốt hơn trong những trường hợp này?
Tất nhiên, tôi không khái quát hoá những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của phụ nữ. Chắc chắn, dưới thời nữ chưởng lý đầu tiên của Mỹ Janet Reno, lực lượng cảnh sát quốc gia Mỹ dần tập trung nhiều hơn vào việc “cảnh sát hoá cộng đồng” và ngăn chặn các vụ phạm tội trước khi chúng xảy ra. Mặt khác, nữ cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên (và sau này là Ngoại trưởng Mỹ) Condoleezza Rice, chính là người mở đường cho cuộc chiến ở Iraq. Và nữ Thủ tướng Anh đầu tiên, bà Margaret Thatcher đã triển khai quân đội Anh một cách hiếu chiến hơn bất cứ người tiền nhiệm nào trong nhiều năm. Do không có nhiều người phụ nữ nắm quyền điều hành nên không thể khái quát hoá được liệu cách điều hành của họ có khác với nam giới và nếu có thì khác như thế nào, nhưng căn cứ vào những gì đang xảy ra trong các ngành luật và báo chí, tôi hy vọng trong các ngành sử dụng nhiều sức mạnh cơ bắp cũng sẽ có những sự thay đổi nhờ lực lượng lao động nữ.
Một điều thú vị nữa về những người phụ nữ làm các công việc dùng nhiều sức mạnh tay chân là khi có ngày càng nhiều phụ nữ làm các công việc này, sức mạnh của những người phụ nữ nói chung sẽ tăng lên. Kể từ cuối những năm 1960, nam giới đã nâng thành tích chạy marathon của mình thêm ba phút, nhưng phụ nữ đã tăng được thành tích này thêm ba mươi mốt phút. Trong suốt một thời gian dài, phụ nữ đã bị tước đi quyền được rèn luyện thân thể một cách tích cực và mọi người đều coi việc phụ nữ thường bé nhỏ, yếu ớt hay chậm chạp hơn nam giới là do Tạo hoá. Nhưng ai biết điều đó chứ? Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia rèn luyện thân thể và trở nên khoẻ mạnh hơn. Đôi khi, nam giới thường tự xếp mình ở bậc cao hơn dựa trên sức mạnh về thể chất. Ngày nay, phụ nữ đang lấy lại cơ hội đó, và hàng triệu phụ nữ vốn trước đây chưa từng tham gia các cuộc thi chạy thực sự hay kiểm tra năng lực thể chất của mình bắt đầu nắm lấy những cơ hội này. Sự khác biệt về sức mạnh thể chất giữa hai giới đã dần được thu hẹp.
Trong khi nhiều phụ nữ đã khám phá được sức mạnh của ngôn từ, những phụ nữ khác cũng đã tự phát hiện ra sức mạnh của mình và khả năng cạnh tranh với nam giới trong những công việc đòi hỏi nhiều sức mạnh cơ bắp. Những phụ nữ lựa chọn con đường mới này đều yêu thích công việc của mình và dần trở thành một nhóm đặc biệt – mạnh mẽ, tự trọng, mãnh liệt và có khả năng lãnh đạo những người khác. Hai mươi nhăm
năm trước, đã từng có một cuộc tranh cãi trên khắp nước Mỹ về Sửa đổi các quyền bình đẳng trong Hiến pháp, và một trong những ý kiến phản đối gay gắt chính là phụ nữ có thể phải đi nghĩa vụ quân sự hoặc cảnh sát nghĩa vụ. Ngày nay, hiện tượng những người phụ nữ làm những công việc cần nhiều sức mạnh đã chứng minh cuộc tranh cãi đó thật ngớ ngẩn làm sao.
Phần III - Chủng tộc và Tôn giáo
Hiện tượng các chức sắc tôn giáo là phụ nữ
Đây là xu hướng nghề nghiệp cuối cùng của phụ nữ. Phụ nữ có thể đang nổi lên thành lực lượng chiếm lĩnh những công việc liên quan nhiều đến ngôn ngữ như báo chí, quan hệ công chúng và luật pháp, nhưng sự thống trị mới nổi của phụ nữ còn trở nên phức tạp hơn khi các công việc đó liên quan đến tôn giáo.
Trong hai thập kỷ gần đây, số nữ tu ở Mỹ đã tăng hơn ba lần. Số nữ sinh ở các trường dòng đã vượt quá 51%. Trong mười năm trở lại đây, số phụ nữ theo chuyên ngành tôn giáo hay thần học đã tăng hơn gấp hai lần, trong khi mức tăng ở nam giới chỉ là 0,5 lần. Chúng ta đang được chứng kiến sự phát triển đầy ấn tượng của tầng lớp những giáo sỹ mới, với những mục tiêu ưu tiên cá nhân hoàn toàn mới khi họ tham gia vào tầng lớp này. Và thay đổi này không chỉ diễn ra trong các trường tôn giáo mà cả trong đời sống tôn giáo của Mỹ.
Động lực chính của các nữ giáo sỹ dường như xuất phát từ ý thức sâu xa của họ về việc thế giới cần được sửa chữa, cải tạo. So với các nam đồng nghiệp, các nữ giáo sỹ thường rất tích cực trong các vấn đề chính trị và dân sự. Theo những cuộc khảo sát về các nữ giáo sỹ, vấn đề mà họ quan tâm hàng đầu là phúc lợi xã hội, trong đó có vấn đề khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng tăng lên. Các vấn đề tiếp theo là sự khoan dung và các quyền, bao gồm các vấn đề về chủng tộc; sau đó là các vấn đề về tôn ty, trật tự xã hội; và cả vấn đề các quyền của người đồng tính. Đứng cuối danh sách này là các vấn đề về quốc phòng và chính sách đối ngoại, và đặc biệt trái ngược với nhiều nam giáo sỹ ở Mỹ, những ưu tiên cuối cùng của các nữ giáo sỹ là “các giá trị gia đình” hay “những vấn đề về tinh thần và đạo đức không theo ý Chúa ở đất nước này”.
Từ danh sách này, có thể chẳng mấy ngạc nhiên khi thấy các nữ giáo sỹ khá tự do, và nói chung là ủng hộ các ứng cử viên Đảng Dân chủ. Chỉ một thế hệ trước, nhiều người trong số các phụ nữ này đã từng là giáo viên, những người làm công tác xã hội, và các tình nguyện viên, giờ đây họ thực hiện các cam kết của mình về những vấn đề công bằng xã hội trong sự kết hợp với niềm tin của cá nhân bằng cách bước lên bục rao giảng kinh thánh và trở thành mục sư.
Sự phát triển của tầng lớp các nữ giáo sỹ hứa hẹn sẽ đem lại một số thay đổi trong vấn đề tôn giáo ở Mỹ. Theo các giáo sỹ được phỏng vấn, dù là nam hay nữ, các nữ giáo sỹ thường quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống của các cá nhân trong giáo đoàn, họ cũng thường ân cần hơn và hay áp dụng các kinh nghiệm của bản thân vào rao giảng hay khuyên bảo các con chiên. Các nữ giáo sỹ thường ít quan tâm đến các vấn đề chính trị của giáo đoàn, quyền lực và thanh thế nghề nghiệp. Và họ cũng chào đón rất nhiệt tình những người mới đến vốn từng bị các con chiên xa lánh.
Nhưng dù có nhiều đóng góp và với số lượng đang ngày một đông lên, các nữ giáo sỹ vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức nghiêm trọng. Khởi đầu là những áp lực công việc, lớn hơn rất nhiều so với các nam đồng nghiệp. Trong một cuộc khảo sát được tiến hành với 190 nữ giáo sỹ thuộc Hội Giám lý Quốc gia của Mỹ, 60% cho biết mình bị mất ngủ, 56% nói họ luôn cảm thấy buồn đến phát khóc và hơn một phần ba (35%) cho biết họ “không thể rũ bỏ tâm trạng buồn bực dù gia đình và bạn bè đã giúp đỡ rất nhiều”. Thách thức lớn nhất đối với các nữ giáo sỹ là việc cân bằng giữa gia đình và công việc. Phải thực hiện các công việc của một mục sư và nhiệm vụ trông nom con cái thực sự là một trách nhiệm nặng nề. Trong khi phần lớn các bà vợ của nam giáo sỹ thường đóng vai trò lãnh đạo trong giáo đoàn, thì những nữ giáo sỹ luôn nhận thấy mình phải đảm đương cùng lúc cả hai vai trò của người vợ và người giáo sỹ. Cuối cùng, đối với những nữ giáo sỹ còn độc thân, việc hẹn hò thực sự là một thách thức lớn. Các nữ giáo sỹ độc thân cho biết phần lớn đàn ông thường e ngại họ, còn những người không có cảm giác đó – ví dụ như các nam giáo sỹ – lại thường quá bận rộn để trở thành người tình lý tưởng của họ.
Và nói chung, ngay cả những tôn giáo chấp nhận sự có mặt của các nữ giáo sỹ cũng không muốn họ đóng vai trò quá lớn. Một hiện tượng diễn ra khá phổ biến trong giới nữ giáo sỹ đó là mặc dù hàng năm số nữ giáo sỹ tốt nghiệp thường bằng hoặc lớn hơn so với các nam giáo sỹ, nhưng mức độ thăng tiến của họ trong nghề nghiệp lại diễn ra rất chậm. Đến nay, trong tất cả các tôn giáo tại Mỹ, chưa từng có một giáo đoàn lớn nào chỉ do một nữ giáo sỹ dẫn dắt.
Một số người cho rằng việc thăng tiến của các nữ giáo sỹ chỉ là vấn đề thời gian. Những quy định trong Tu chính 1 của Hiến pháp được xây dựng dựa trên luật chống phân biệt đối xử, vì vậy phụ nữ đã có được những bước tiến vững chắc trong nhiều công việc khác, đặc biệt là những công việc liên quan đến ngôn ngữ – nhưng trong lĩnh vực tôn giáo, họ cần nhiều thời gian hơn. (Các nam giáo sỹ vẫn có thể dễ dàng
ngăn cản phụ nữ thăng tiến trong công việc của giáo đoàn chỉ bằng câu nói: “Khi Adam bị vợ dẫn dắt và ăn trái cấm, hãy xem chuyện đó đi đến đâu”.)
Nhưng nếu nhìn kỹ vào cuộc đấu tranh của các nữ giáo sỹ, có thể thấy những điều phía trước có thể không phải là tin tốt lành gì.
Trong vòng mười lăm năm qua, số lượng thành viên của gần như tất cả các nhóm tôn giáo ở Mỹ chấp nhận các nữ giáo sỹ đã giảm đi đáng kể. Trong khi đó, thành viên của các nhóm tôn giáo không cho các nữ giáo sỹ hành nghề lại tăng lên rất nhanh. Như biểu đồ dưới đây cho thấy, phần lớn các nhóm Tin lành chính thống công nhận các nữ giáo sỹ đã giảm đáng kể lượng thành viên. Trong khi đó, số thành viên của các nhóm không chấp nhận lại tăng lên.
Trong vòng mười lăm năm qua, số lượng những người Thiên Chúa ở Mỹ không chấp nhận nữ giáo sỹ đã tăng từ 42 triệu lên 67 triệu (do số lượng quá lớn nên không thể thể hiện qua biểu đồ). Theo kết quả cuộc Khảo sát phân loại tôn giáo Mỹ, những người Hồi giáo Mỹ, với số lượng lại quá nhỏ để thể hiện trên biểu
đồ, cũng không chấp nhận các nữ giáo sỹ và số lượng này đã tăng từ 527.000 người năm 1990 lên 1,1 triệu người năm 2001 (con số này hiện nay có thể lớn hơn rất nhiều). Tất nhiên, những người nhập cư cũng ảnh hưởng đến kết quả này, nhưng nhìn chung không nhiều.
Nhiều người cảm thấy thích thú khi nói rằng sự hiện diện của phụ nữ trong một số lĩnh vực là nguyên nhân dẫn đến sự ra đi hàng loạt của những người khác. Ai cần đến câu nói của Thánh Paul “Tôi không cho phép bất cứ người phụ nữ nào được dạy dỗ hay có quyền điều hành đối với đàn ông” – nếu như bạn có thể dùng những xu hướng được đúc kết từ kinh nghiệm chứng minh rằng để phát triển một tôn giáo của riêng mình,
không được cho phép có các nữ giáo sỹ trong tôn giáo của bạn.
Tuy nhiên có vẻ như mối liên hệ ở đây là việc chấp nhận các nữ giáo sỹ là một phần trong một xu hướng tự do hoá rộng rãi hơn vốn đang bị coi là không mấy phổ biến trong các giáo dân. Hiện tượng các nữ giáo sỹ, phát triển cùng với các phong trào của nữ giới, thể hiện sự hoà nhập của xã hội dân sự tiến bộ vào tôn giáo.
Nhưng chủ nghĩa cấp tiến ngày càng trở thành điều mà không nhiều người mong đợi vào mỗi sáng chủ nhật nữa. Có 77% những người đi lễ nhà thờ thường xuyên nói rằng họ làm theo trái tim mình mách bảo, chỉ có 23% nói đó là theo lý trí. Đối với những người đồng chí hướng chính trị, thành viên các nhóm hay có chung nhau những quan điểm về đạo đức, họ có thể cùng tụ tập ở các câu lạc bộ. Khi họ đến nhà thờ, họ muốn tìm cảm hứng, và được xưng tội. Và chính các nữ giáo sỹ đang làm mọi việc để tạo cho tôn giáo một phong cách gần với trái tim, và điều đó tương đối mới mẻ với những giáo đoàn già cỗi.
Tất nhiên, tư cách thành viên giáo đoàn không thể bị nhầm lẫn với sự thật. Tất cả các tôn giáo vĩ đại trên thế giới đều khởi đầu từ những tôn giáo nhỏ. Vì thế mặc dù hiện tượng thành viên của một số tôn giáo giảm đi có thể minh họạ cho những gì mọi người mong muốn, nhưng nhiều người cho rằng nó chẳng thể hiện gì nhiều ý muốn của Chúa, hay những điều mà các giáo đoàn mong muốn trong tương lai. Những con số thống kê lạnh lùng giờ đây chỉ cho thấy các nữ giáo sỹ đang đứng trước một giai đoạn khó khăn, khi những tôn giáo hà khắc đang phát triển vượt trội so với các tôn giáo tự do hơn. Tuy nhiên, sự cân bằng giữa các tôn giáo đã từng dao động rất nhiều, và vai trò của tôn giáo trong nhiều cuộc xung đột trên thế giới hiện nay có thể tạo ra một phản ứng chống lại hiện tượng cực đoan hoá tôn giáo, và khi đó những nữ giáo sỹ có thể là những người tiên phong của một phong trào mới sẽ trở thành chính thống trong tôn giáo hiện đại. Hiện tại, họ chưa nhận được sự đồng thuận và thông cảm nhưng mọi chuyện dần sẽ thay đổi. Từ việc nước Mỹ từng sẵn sàng đón nhận một nữ Tổng thống trong cuộc bầu cử vừa qua, có thể thấy nước Mỹ cũng đã sẵn sàng chào đón nữ giáo sỹ đầu tiên có khả năng truyền bá hình ảnh của đất nước qua truyền hình và qua cả Internet.
Những người ủng hộ Do Thái
Một trong những cảnh hài hước nhất trong bộ phim đình đám Annie Hall của đạo diễn Woody Allen năm 1977 là cảnh Alvy Singer đến gặp bố mẹ cô bạn gái không phải người Do Thái ở nhà cô tại vùng Thác Chippewa, Wisconsin. Mặc dù Annie và gia đình rất hiếu khách và không đả động gì đến khác biệt tôn giáo giữa họ, nhưng Allen đã cho chúng ta thấy những gì Alvy hình dung ra khi nghĩ về cách bà của Annie nhìn anh ta: Một người Do Thái cổ lỗ với bộ râu rậm, đội chiếc mũ tế nhỏ. Những khán giả người Do Thái đã gào lên phản đối sự hoang tưởng của Allen. Nhưng chỉ trước đó không lâu, hình dung của Alvy về việc những người thuộc các chủng tộc khác mặc nhiên coi người Do Thái là kẻ ngoại lai không mong đợi, hoàn toàn là sự thật.
Giờ đây, cảnh phim đó có thể được diễn theo một cách hoàn toàn khác. Ngày nay, nhân vật Alvy thực sự sẽ đội chiếc mũ cầu kinh, và bố mẹ Annie ngồi đó, thầm mong sao Alvy chính là chàng trai sẽ kết hôn với Annie.
Sở dĩ có sự đổi thay đó là vì ở nước Mỹ ngày nay những người Do Thái đang được vô cùng yêu quý. Đâu đâu cũng cần người Do Thái. Những điều trong quá khứ khiến những người khác đố kỵ hay tẩy chay người Do Thái thì ngày nay đều đã trở thành khởi nguồn của sự ngưỡng mộ và hấp dẫn. Trước đây người Do Thái thường tìm kiếm những mối quan hệ với những người không cùng tín ngưỡng và họ che giấu tôn giáo thật của mình. Nhưng ngày nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đang diễn ra xu hướng ngược lại: Những người không phải Do Thái đang săn tìm những người Do Thái.
Phụ nữ Do Thái giờ đây là những người được một thế hệ mới tìm kiếm nhiều nhất. Và nếu việc họ không biết nấu ăn là sự thật, thì đó là bởi vì các phụ nữ Do Thái luôn ở tuyến đầu trong cuộc cách mạng về nghề nghiệp vài thập kỷ trước đây, với một tỷ lệ lớn tốt nghiệp đại học, và có những công việc đầy quyền lực. 68% phụ nữ Do Thái trong độ tuổi từ 25 đến 44 có trình độ đại học, tỷ lệ này cao hơn bất cứ nhóm tôn giáo nào ở Mỹ.
Trong nền kinh tế hướng về dịch vụ và dựa trên giáo dục như hiện nay, những lối sống trước đây vốn bị coi là ngoài luồng lại trở nên cực kỳ phổ biến. Và việc kết hôn được với một người Do Thái trở thành mục tiêu của những người được học hành đàng hoàng và đang tìm kiếm thành công.
Mọi chuyện không phải lúc nào cũng như vậy. Ở Mỹ từng có một bộ phận dân cư rất ghét những người Do Thái. Năm 1939, cuộc trưng cầu dân ý do Roper tổ chức cho thấy chỉ có 39% dân Mỹ cảm thấy người Do Thái nên được đối xử bình đẳng như những người khác. 53% tin rằng “người Do Thái rất khác biệt và cần được hạn chế”. 10% thực sự tin rằng người Do Thái phải bị trục xuất khỏi nước Mỹ. Trong những năm 1940, kết quả một số cuộc khảo sát cấp quốc gia cho thấy người Do Thái được coi là một nguy cơ đối với lợi ích của nước Mỹ lớn hơn bất cứ dân tộc, tôn giáo hay chủng tộc nào.
So sánh với kết quả cuộc trưng cầu dân ý do Gallup thực hiện tháng 8/2006, khi người Mỹ được hỏi họ cảm thấy như thế nào về những người thuộc các tôn giáo khác hoặc các nhóm tinh thần khác trong cả nước, người Do Thái được xếp cao hơn bất cứ nhóm nào trong nước Mỹ, với 54% ủng hộ. Không có nhóm người nào, dù là người theo đạo Tin lành, đạo Thiên Chúa Phúc âm hay đạo Thiên Chúa chính thống, người theo giáo phái đa thê, người Hồi giáo, người vô thần hay người tôn thờ khoa học, được đánh giá cao hơn người Do Thái trong con mắt của người dân Mỹ.
Hiện tượng yêu mến người Do Thái đã dần trở thành một niềm yêu thích mang tính cá nhân. Theo J-Date, dịch vụ hẹn hò trực tuyến cho người Do Thái nổi tiếng nhất thế giới, vào đầu năm 2007, gần 11% thành viên của họ không phải là người Do Thái. Con số này tương đương với khoảng 67.000 người không phải người Do Thái trên toàn thế giới, và gần 40.000 người không phải người Do Thái trên khắp nước Mỹ, đóng lệ phí đều đặn hàng tháng để tìm kiếm cơ hội hẹn hò hoặc kết hôn với một người Do Thái. Trong một cuộc khảo sát do công ty chúng tôi thực hiện vào tháng 9/2006, gần 40% người không phải Do Thái cho biết “rất” và “phần nào” thích thú với việc hẹn hò hoặc kết hôn với một người Do Thái.
Nhóm người quan tâm nhiều nhất là những người đàn ông theo đạo Tin lành trường phái tự do hoặc ôn hoà. Mối liên hệ giữa hai tôn giáo này chính là cả hai đều nhấn mạnh các giá trị của đại gia đình và sự định hướng mạnh mẽ về thực phẩm. Cả hai nhóm đều đã từng bị tẩy chay hoặc phân biệt đối xử trong một số thời điểm, và sau đó cả hai đều giành được sự công nhận của xã hội. Ở một thời điểm nào đó, việc có một Tổng thống theo đạo Tin lành là điều không tưởng. Nhưng với những cuộc khảo sát như của Gallup, liệu có thể có một Tổng thống Do Thái hay không?
Năm 2006, nước Mỹ có 11 Thượng nghị sỹ người Do Thái, trong đó có một người đến từ Oregon, bang có chưa đến 1% dân số là người Do Thái.
Một phần quan trọng khác của hiện tượng yêu mến người Do Thái ở Mỹ là sự ủng hộ đang tăng mạnh đối với Israel. Ngày nay ở nước Mỹ, có nhiều người theo Đạo Thiên Chúa chính thống ủng hộ Israel hơn là người Do Thái. Thượng nghị sỹ Bob Bennelt, người có khu vực cử tri Do Thái ở Utah là 0,2% mới đây đã diễn thuyết trong một phong trào ủng hộ Israel. Tổng thống George W.Bush, người mà gia đình trước đây từng bị cho là nghi ngờ cộng đồng người Do Thái nhiều nhất, lại có số phiếu ủng hộ cao ở một nước duy nhất trên thế giới, đó là Israel.
Trong các cuộc khảo sát về hiện tượng yêu thích người Do Thái, lý do đầu tiên khiến những người được hỏi vì sao muốn kết hôn với người Do Thái đưa ra đó là cảm giác những giá trị mạnh mẽ, trong đó 1/3 số người được hỏi thừa nhận rằng họ cũng quan tâm đến vấn đề tiền bạc, vẻ bề ngoài và cảm giác rằng người Do Thái “đối xử tốt hơn với vợ/chồng mình”. Năm 2004, tôi làm việc cùng Thượng Nghị sỹ Joseph I. Lieberman, một người Do Thái theo đạo Cơ đốc trong cuộc tranh cử Tổng thống. Mặc dù thất bại trong cuộc chạy đua trở thành ứng cử viên của Đảng mình, nhưng việc ông nhấn mạnh vào các giá trị tư tưởng đã trở thành một ví dụ cho cả nước, từ đó làm dấy lên mối quan tâm về cuộc sống của người Do Thái ở
nước Mỹ. Trong chiến dịch của ông, có nhiều người Do Thái hơn những người khác, khuyên ông rằng một người Do Thái không nên tham gia tranh cử. Nhưng ấn tượng mạnh mẽ về nguyên tắc của ông đã giúp ông rất nhiều trong năm 2006, khi những người thuộc Đảng Cộng hoà và cũng như các cử tri độc lập – vốn không mấy ủng hộ các ứng cử viên Do Thái – đã trở thành đồng sự của ông sau khi các đảng viên Đảng Dân chủ ở Connecticut từ chối đề cử ông trong cuộc tái tranh cử ghế Thượng nghị sỹ.
Văn hoá đại chúng dường như cũng đã phát hiện ra hiện tượng yêu thích những người Do Thái. Khi Madonna tham gia vào giáo phái Kabbalah, một giáo phái tinh thần bắt nguồn từ thế giới Do Thái thần bí, một bộ phận giới trẻ của nước Mỹ bắt đầu khám phá phong cách sống của người Do Thái. Không phải sống một cách hình thức mà là tìm hiểu một lối sống độc đáo, duy nhất và mang màu sắc tôn giáo. Tuy nhiên, một số người cho rằng Madonna đã hơi quá đà trong phong cách của mình. Trong chuyến lưu diễn năm 2004 của mình, cô từ chối tất cả các loại nước uống trừ nước thánh Kabbalah, đồng thời không biểu diễn vào tối thứ sáu để thể hiện sự tôn kính đối với thánh Sabbath của người Do Thái.
Một khi hiện tượng yêu thích người Do Thái tăng lên, chính những người Do Thái bắt đầu tham gia vào hiện tượng này. Năm 2005, một nghệ sỹ múa người Do Thái có tên là Matisyahu (nghĩa là “món quà của Chúa trời”), mặc bộ quần áo truyền thống của người Do Thái, biểu diễn một bài ráp về sức mạnh của Chúa nâng bước cho con người, và đĩa hát của anh ta đứng thứ hai trong bảng xếp hạng của Billboard. Điều mới mẻ ở đây không phải chuyện một người Do Thái có thể hát nhạc Rock ‘n’ roll. Nhiều người đã từng làm được như vậy, như Robert Zimmerman, người đã đổi tên thành Bob Dylan, mặc quần bò và áo phông, hát về nước Mỹ và làm khuynh đảo cả một thế hệ. Điều mới mẻ ở đây là Matisyahu trông như thể vừa trở về từ một trại giam ở Ba Lan, hát bằng tiếng Do Thái và có một lực lượng người hâm mộ đông đảo ở Oklahoma.
Khi hiện tượng yêu thích người Do Thái phát triển, các phong tục đặc sắc của người Do Thái cũng phát triển theo – ngay cả khi người Do Thái không sống ở đó. Những người không phải người Do Thái bắt đầu tổ chức những buổi lễ mừng đứa trẻ bước vào tuổi 13. Một blog được thiết lập để bàn về sự đúng mực và nhạy cảm trong việc dùng mái vòm trong hôn lễ của người Do Thái cho các đám cưới không phải của người Do Thái. Matzoh, loại bánh thánh mà người Do Thái dùng để tu thân trong suốt lễ Quá Hải để tưởng niệm hành trình trốn thoát khỏi Ai Cập mà tổ tiên họ đã trải qua, được những người dân khác vui vẻ thưởng thức trong suốt cả năm.
Tất cả những loại thức ăn đó đều có nguồn gốc từ lúa mạch đen và xúc xích. Và tồn tại một niềm tin vững chắc trong lòng người tiêu dùng rằng nếu những thức ăn đó là Kosher thì sẽ tốt hơn (Kosher – tức những thức ăn đáp ứng đủ tiêu chuẩn là thức ăn kiêng của người Do Thái). Những năm 1950, cha tôi kinh doanh thức ăn Kosher. Khi người Do Thái từ bỏ Kosher, công việc kinh doanh trở nên khó khăn. Ngày nay, với định hướng marketing đúng đắn, cha tôi đã có thể đáp ứng tốt nhu cầu đang tăng lên của cả những người Do Thái lẫn phi Do Thái và công việc kinh doanh của ông rất phát đạt.
Theo truyền thống của người Do Thái, để cải đạo, một người Do Thái phải học và đề nghị ba lần. Nhưng có thể, trong thời hiện đại, họ đã cắt bỏ bớt những yêu cầu này. Do đó, hiện nay, người phi Do Thái đang hấp thụ văn hóa Do Thái một cách tự nhiên và đầy háo hức. Đồng thời, những người Do Thái độc thân dường như cũng đang góp một tay vào việc phát tiết tinh hoa của “câu trả lời cho tiếng gọi cao hơn”.
Gia đình đa sắc tộc
Có lẽ trong lịch sử nước Mỹ, không có vấn đề gì quan trọng hơn, được đấu tranh nhiều hơn, ám ảnh mọi người nhiều hơn các mối quan hệ sắc tộc. Đáng chú ý là, những cặp vợ chồng đứng trên ranh giới “hoàn toàn không phân biệt chủng tộc và sắc tộc” hiện đã vượt qua ngưỡng 1% quan trọng của xã hội Mỹ.
Ngày nay, có hơn 3 triệu cuộc kết hôn ở Mỹ là kết hôn đa sắc tộc. Với con số 83% người Mỹ cho biết họ tán đồng kết hôn đa sắc tộc, khuynh hướng này đại diện cho sự thay đổi lớn lao trong thái độ và quan điểm của người Mỹ.
Cuộc thăm dò đầu tiên của tôi (được tiến hành khi tôi 13 tuổi) là về chủ đề các mối quan hệ sắc tộc ở Mỹ. Tôi đã đề nghị một khoa của trường Horace Mann, New York tiến hành cuộc thăm dò thái độ của mọi người về người lai đen-trắng. Tôi phát hiện ra rằng, khi nói tới vấn đề sắc tộc, các thầy cô giáo của tôi hiểu rõ và có tư tưởng thoáng hơn người dân nói chung (phát hiện này đã khơi nguồn cho cảm hứng nghiên cứu thái độ khác nhau giữa các nhóm về cùng một vấn đề). Nhưng dù vậy, những thầy cô giáo này cũng không chấp nhận hay háo hức như thế hệ trẻ ngày nay khi sự giao thoa kiểu này diễn ra.
Năm 1970, ở Mỹ có khoảng 300.000 cặp vợ chồng không đồng chủng tộc, chiếm khoảng 0,3% các cuộc kết hôn ở nước này. Đến năm 2000, con số trên đã tăng lên gấp mười lần với khoảng 3.100.000 cặp vợ chồng không đồng chủng tộc, chiếm 5,3% số lượng kết hôn.
Xu hướng kết hôn đa sắc tộc và những tác động của nó lớn đến độ vào năm 2000, lần đầu tiên Cục Điều tra Dân số Mỹ cho phép người Mỹ được đánh dấu vào nhiều mục trong câu hỏi về chủng tộc – quyết định này đã tạo ra 63 khả năng kết hợp chủng tộc, không tính đến mục “Khác”.
Vậy, xét trên bình diện chủng tộc, những ai sẽ có nhiều khả năng tiến tới hôn nhân đa sắc tộc?
Theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, năm 2006, mặc dù phần lớn các cặp vợ chồng đa sắc tộc đều có một thành viên là người Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha, nhưng kiểu cặp vợ chồng đa sắc tộc thường gặp nhất (chiếm khoảng 14%) là chồng da trắng, vợ người châu Á. Xếp thứ hai (8%) là chồng da đen, vợ da trắng. (Điều thú vị là, mẫu cặp vợ da trắng và chồng người châu Á nhiều gấp ba lần mẫu chồng da trắng, vợ người châu Á; và mẫu cặp vợ da đen- chồng da trắng cũng nhiều gấp ba lần mẫu chồng da đen, vợ da trắng. Các nhà quan sát cũng đưa ra nhận định về viễn cảnh xa xôi, phụ nữ da đen kết hôn với đàn ông châu Á mặc dù, xét thuần túy về mặt toán học, những nhóm này dường như không có ý định kết hôn với nhau).
Hơn nữa, các cuộc hôn nhân đa sắc tộc xảy ra ở miền Tây nhiều hơn là miền Nam, Đông Bắc, hay Trung Tây. Tuy nhiên, kết quả điều tra gần đây của Gallup cho thấy, những người miền Đông cho biết họ ủng hộ các cuộc hôn nhân giữa hai sắc tộc đen và trắng nhất – đây là khoảng cách rất lớn giữa những người chỉ biết nói và những người biết hành động.
Yêu thương xuyên chủng tộc không chỉ dừng lại ở tình yêu đôi lứa, mà còn mở rộng sang cả vấn đề con cái. Từ năm 1998 đến năm 2004, tỷ lệ trẻ thuộc các sắc tộc khác được nhận làm con nuôi ở Mỹ (trong đó chủ yếu là trẻ da đen, cha mẹ da trắng) đã nhảy vọt từ 14% lên 26%. Từ năm 1990 đến năm 2005, số trẻ từ các nước như Trung Quốc, Guatemala và Hàn Quốc được các cặp vợ chồng người Mỹ nhận nuôi đã tăng khoảng 18%, tức là khoảng 20.000 gia đình mỗi năm.
Ngay cả khi tính gộp cả hai trường hợp trên với nhau, số lượng gia đình đa sắc tộc ở Mỹ vẫn chỉ chiếm một con số rất khiêm tốn so với tổng số hộ gia đình ở Mỹ. Nhưng con số này vẫn tăng đều đặn và chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng nữa. Lý do chủ yếu là bởi vì số người chấp nhận những mối quan hệ đa sắc tộc đã tăng mạnh. Năm 1987, chưa đầy 50% dân số Mỹ cho rằng “việc hẹn hò giữa người da trắng và người da đen là chuyện bình thường”; đến năm 2003, con số này đã tăng lên hơn 75%.
Những người trẻ, hiện đại hưởng ứng thực tế này còn nhiệt liệt hơn. Không chỉ được nuôi dạy theo một chương trình dựa trên sự đa dạng và đa văn hóa, tầng lớp thanh niên ngày nay còn là thế hệ đa dạng sắc tộc nhất trong lịch sử. Có thể chính vì điều này, mà có đến 90% người trẻ chấp nhận các mối quan hệ đa sắc tộc, áp đảo con số 50% của những người nhiều tuổi hơn.
Và không chỉ dừng lại ở việc chấp nhận, người trẻ chính là những người tạo nên thực tế này. Năm 2002, 20% thanh niên trong độ tuổi 18-19 cho biết, họ đang hẹn hò với một người thuộc sắc tộc khác, tăng hơn 10% so với một thập kỷ trước đó. Trong số thành viên của trang web kết bạn match.com có 70% cho biết họ sẵn sàng hẹn hò với một người không cùng sắc tộc.
Có vẻ như trong tương lai, chúng ta sẽ khó có thể phân tách dễ dàng yếu tố sắc tộc. Tổng thống Clinton thường nói, con người được gắn kết với nhau bởi sự giống nhau đến 99,9% về gen và chỉ có 0,1% khác biệt. Và như thế, khả năng chia tách 0,1% đó giờ cũng đã bị bác bỏ.
Với sự tăng mạnh số lượng các cặp vợ chồng đa sắc tộc, những gia đình đang đứng trên ranh giới của cuộc sống đa sắc tộc rất cần nhận được sự ủng hộ hay hỗ trợ. Gần một nửa số cặp vợ chồng da đen-trắng thừa nhận, kết hôn dị tộc khiến đời sống hôn nhân trở nên khó khăn đôi chút. 2/3 số cặp vợ chồng này cho biết, lúc đầu, có ít nhất một bên bố mẹ phản đối. Bạn bè và anh chị em của các cặp đôi này có phản ứng nhiều chiều. Họ lúc thì ủng hộ, lúc thì tức giận, lúc thì phẫn nộ, lúc lại ghen tị.
Những cặp vợ chồng người da trắng muốn nhận nuôi trẻ da đen ở Mỹ vẫn luôn đồng ý với việc cho trẻ tham gia các khóa học nâng cao khả năng hòa hợp văn hóa khi hiện tượng nhận nuôi trẻ không cùng sắc tộc bị cáo buộc là “tội diệt chủng văn hóa”.
Nhưng không chỉ cần sự ủng hộ và tôn trọng của chúng ta, các gia đình đa sắc tộc còn cần được xã hội quan tâm, chú ý, bởi vì rất nhẹ nhàng lối sống đa sắc tộc sẽ làm cho những giả định đã dẫn lối các chính sách, phong tục và thói quen của nước Mỹ trong hàng chục năm nay trở nên lỗi thời.
Ví dụ, chính sách tuyển dụng tích cực (ưu tiên một tỷ lệ cho những người thiểu số, nhập cư ở Mỹ) có ý nghĩa như thế nào, trong một kỷ nguyên mà tổ tiên của chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là kẻ đàn áp? Liệu những người này có nên được đối xử ưu đãi không?
Chúng ta sẽ còn trung thành với quy tắc dòng máu để xác định sắc tộc của một người trong bao lâu nữa?
Tổng thống Mỹ Barrack Obama có mẹ là người da trắng, bà là người trực tiếp nuôi dưỡng ông, nhưng liệu có ai khi nói đến ông lại không nhắc đến dòng máu da đen của ông? Halle Berry, nữ diễn viên Hollywood nổi tiếng cũng có mẹ là người da trắng và bà cũng là người một mình chăm con. Nhưng dòng đầu tiên khi nhắc đến cô (và cũng là chủ đề của bài phát biểu dài khi cô lên nhận giải Oscar) khẳng định cô là diễn viên
người Mỹ gốc Phi đầu tiên giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc. Các học giả nghiên cứu về sắc tộc cho rằng sắc tộc được tạo thành từ những gì người ta trải qua chứ không phải là một thực tế – do đó, nếu một người được đối xử như một người da đen, người đó sẽ là người da đen bất kể dòng máu da đen chiếm bao nhiêu phần trăm trong huyết quản của họ.
Nhưng giữa những ngôi sao của rất nhiều lĩnh vực kể trên – từ Obama trong chính trị, Berry ở Hollywood và Tiger Woods trong thể thao, chắc chắn sự phản đối kiểu mẫu gia đình đa sắc tộc đang dần dần biến mất, và thay vào đó là sự đồng tình, ủng hộ. Nước Mỹ đã đi được một chặng đường dài kể từ hình ảnh hai vị phụ huynh bị sốc khi cô con gái yêu đưa một anh chàng da đen về nhà giới thiệu trong bộ phim Guess Who’s Coming to Diner (tạm dịch: Người khách đến dùng bữa tối) được sản xuất năm 1967.
Chính việc những nhân vật nổi tiếng như Madona nhận con nuôi người Malawi, Angelina Jolie nhận con nuôi người Campuchia, Ethiopia và Việt Nam đã có công bác bỏ quan niệm cho rằng việc nhận con nuôi không cùng sắc tộc chỉ là một trào lưu, hay một thứ mốt.
Tất nhiên, có thể một số người sẽ cho rằng khi tỷ lệ người ủng hộ các mối quan hệ đa sắc tộc ngày càng tăng lên, đặc thù sắc tộc mà các nhóm từng đấu tranh để bảo vệ sẽ mất dần đi. Nhóm người Mỹ bản địa – có tỷ lệ kết hôn đa sắc tộc cao nhất ở Mỹ – luôn nhớ lại và nuối tiếc những phong tục, ngôn ngữ và bản sắc đã mất; gần đây, họ đã mở một viện bảo tàng ở Washington để tôn vinh văn hóa dân tộc mình.
Một trong những chủ đề lớn đề cập trong cuốn sách này là ngày nay nước Mỹ không chỉ là nơi tụ cư nữa. Thay vào đó, các nhóm nhỏ đang định hình theo những dấu hiệu phân biệt sắc nét hơn và nổi bật hơn. Ở một mức độ nào đó, các gia đình đa sắc tộc là một trường hợp ngoại lệ. Trong suốt hàng trăm năm, đất nước này đã có những đường ranh giới quan trọng phân chia sắc tộc và hiện nay, những ranh giới này dường như đang mờ dần dưới những hình thức cũng quan trọng không kém. Giờ đây mọi người có thể chọn lựa cá tính và phong cách của mình không phụ thuộc vào chủng tộc, tín ngưỡng hay ngày sinh tháng đẻ, mà dựa vào kinh nghiệm sống và đức tin của họ. Và người Mỹ ngày nay cũng học được cách trở nên khác biệt và chấp nhận sự khác biệt theo những cách mới. Có thể những yếu tố khiến các cuộc hôn nhân đa sắc tộc trở thành một tín hiệu tốt vì nó cho thấy ngay cả những nhóm sắc tộc cũ cũng có thể trở thành một lực lượng thống nhất theo thời gian như thế nào. Người Mỹ không muốn lặp lại những xung đột liên quan đến vấn đề tôn giáo, chính trị, nghệ thuật, hay văn hóa giữa các sắc tộc. Như những mạch chảy ngầm nhỏ bé đưa nước Mỹ phát triển hàng trăm hướng khác nhau, ý tưởng trung tâm này có thể được dùng để trung hòa tác động của sự tiến hóa xã hội – khả năng chôn vùi những khác biệt cũ nhưng vẫn không để những khác biệt mới xuất hiện xới tung quá khứ.
Bức tranh quốc tế
Chắc chắn, hôn nhân đa sắc tộc không là một hiện tượng riêng của Mỹ. Hiện tượng này dường như xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, khắp các tộc người, vùng đất và lục địa – mặc dù lý do ở những nơi đó có thể khác lý do tạo nên tiểu xu hướng này ở Mỹ.
Hiện tượng kết hôn đa sắc tộc cũng được tiếp nhận cởi mở hơn ở các nước châu Á:
- Năm 2005, kết hôn với người nước ngoài chiếm 14% các cuộc kết hôn ở Hàn Quốc, so với mức 4% của năm 2000.
- Ở Nhật, năm 2003, cứ 20 cuộc kết hôn thì có một là với người nước ngoài. Phần đa những cuộc kết hôn này đều là chồng Nhật Bản, vợ ngoại quốc.
- Do cơ hội thăng tiến trong công việc của phụ nữ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan tăng, cộng thêm tỷ lệ chênh lệch giới tính mất cân đối, đàn ông ở những nước này phải tìm vợ ở các nước khác. Và phụ nữ ở các nước châu Á khác là lựa chọn ưu tiên. Trung Quốc là nước có nhiều phụ nữ lấy chồng ngoại quốc nhất. Phụ nữ ở một số nước khác cũng nắm lấy cơ hội này là Thái Lan và Indonesia.
Trong suốt thập niên 90 của thế kỷ trước, nước Nga được biết đến là đất nước cung cấp các cô dâu theo yêu cầu qua thư cho đàn ông Mỹ; nhưng theo thời gian, tình trạng này đã thay đổi nhiều. Thay thế Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành điểm đến yêu thích của các cô dâu Nga. Năm 2006, ở Moscow, trong phần lớn các cuộc kết hôn với người nước ngoài chú rể là người Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là Đức, Mỹ, và Anh.
Tuy nhiên, phía sau những cuộc kết hôn xuyên quốc gia này cũng có những góc khuất. Mặc dù có thể có
những cuộc kết hôn dựa trên tình yêu, nhưng hầu hết đều là do hoàn cảnh bắt buộc. Nhiều người đàn ông phải kiếm vợ ngoại quốc vì nghèo, họ không có khả năng tài chính để cưới vợ trong nước. Một số cuộc kết hôn khác được sắp đặt chỉ nhằm mục đích duy nhất là nhập quốc tịch và sau đó thường là li dị. Rất nhiều cuộc hôn nhân đã kết thúc trong bạo hành.
Tuy vậy, các cuộc hôn nhân cũng như nhận con nuôi đa sắc tộc, đa tộc người và đa quốc gia vẫn đang tăng lên và chúng xứng đáng nhận được sự quan tâm, chú ý của mọi người.
Những tín đồ Tin lành gốc Tây Ban Nha
Nước nào có số người Công giáo di cư sang Mỹ nhiều nhất? Xin thưa, đó là Mexico. Nước nào có số người theo đạo Tin lành di cư sang Mỹ nhiều nhất. Câu trả lời một lần nữa lại là Mexico. Những người Tin lành Mexico? Những người Tin lành gốc Latinh? Với số lượng lớn?
Ai cũng biết nền văn hóa Latinh ngày càng có ảnh hưởng trong đời sống xã hội nước Mỹ. Năm 2006, nước Mỹ có khoảng 43 triệu người Latinh, so với 22 triệu người năm 1990. Nếu tính cả cư dân trên đảo Puerto Rico (4 triệu người) và điều chỉnh đề phòng trường hợp sai sót, số người Latinh sống trên đất Mỹ sẽ lên tới gần 50 triệu người.
Năm 2003, người Latinh vượt nhóm người Mỹ gốc Phi, trở thành nhóm thiểu số lớn nhất ở Mỹ. Người gốc Latinh hiện nay chiếm 14% dân số Mỹ và chiếm khoảng 8% dân số (so với 2% năm 1976) được phép đi bầu cử .
Trong suy nghĩ của nhiều người, người Latinh là những người theo Công giáo. Công bằng mà nói, 70% người nhập cư gốc Latinh là người Công giáo, và với tỷ lệ nhập cư cao như hiện nay, số người Công giáo là người Latinh ở Mỹ đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, khoảng 29 triệu người. Công giáo cũng là tôn giáo lớn nhất ở Mỹ với số lượng con chiên chiếm mức kỷ lục (khoảng 70 triệu người). Theo ước tính, đến năm 2015, sẽ có khoảng 50% người Công giáo ở Mỹ là người gốc Tây Ban Nha.
Bên cạnh nhóm Công giáo, trong cộng đồng người Latinh ở Mỹ còn có một nhóm nhỏ rất quan trọng là người theo Tin lành. Theo cuốn sách Latino Religions and Civic Activism in the United States (Các hoạt động công dân và tôn giáo của người Latinh tại Mỹ) xuất bản năm 2005, gần 25% người Latinh ở Mỹ là
người theo Tin lành hoặc thuộc các nhánh khác của Cơ đốc giáo, bao gồm cả Jehovah’s Witnesses và giáo phái Mormons. Con số này tương đương với khoảng 10 triệu người ở Mỹ – lớn hơn rất nhiều so với số người Do Thái, người Hồi giáo, người theo Anh giáo hay giáo hội Scotland. Và trong số 10 triệu tín đồ Tin lành gốc Latinh này, có gần 90% không cho mình là tín hữu Tin lành dòng chính thống, hay tự do, mà là những người thuộc phái Ngũ tuần, Phúc âm, hay Tái thế.
Ở một mức độ nào đó, đây là một phần của sự bùng nổ số lượng người theo dòng Ngũ tuần, khởi đầu từ chưa đầy 50 triệu tín hữu trong vài chục năm trở lại đây đã phát triển lên đến hơn 400 triệu tín hữu trên khắp thế giới. Rõ ràng, một số người nhập cư gốc Latinh đã tiếp nhận ảnh hưởng của đạo Tin lành ngay
trên chính quê hương của họ, nhưng phần lớn quá trình này thường diễn ra ở nước Mỹ. Theo một nghiên cứu được thực hiện năm 2003 về các nhà thờ của người Tây Ban Nha trong cộng đồng sống tại Mỹ, lượng người theo Công giáo so sánh giữa những người Mỹ gốc Latinh đầu tiên và con cháu họ đã giảm 15%. Chắc chắn, việc vứt bỏ các truyền thống dân tộc của người nhập cư là một câu chuyện đương nhiên về người nhập cư – ngoại trừ thực tế rằng bây giờ, mọi chuyện lại đang diễn ra theo chiều ngược lại. Thế hệ công dân mới không còn quá hào hứng với văn hóa Mỹ khi chọn lựa một nhân dạng phù hợp khác.
Những người quan sát hiện tượng cải đạo của một bộ phận người dân gốc Latinh cho biết, sức hấp dẫn của dòng Ngũ tuần xảy ra trên một vài cấp độ. Các nhà thờ thuộc dòng này cung cấp những dịch vụ có liên quan đến tiếng mẹ đẻ của người nhập cư và tập trung chủ yếu vào cá nhân. Họ đánh giá cao khả năng linh hoạt về tài chính và xã hội, điều này có sức hút to lớn đối với nguyện vọng cá nhân của những người nhập cư. Việc tập trung vào sự cầu nguyện và chữa bệnh giúp dòng này thu hút được những người nhập cư có thu nhập thấp, phần nhiều trong số họ không có bảo hiểm y tế. Theo một chuyên gia về văn hóa Latinh ở Mỹ, những người đứng đầu dòng Ngũ tuần trong cộng đồng dân Latinh giống như những người phụ trách các phân khu cũ của các thành phố Đông Bắc Mỹ. Họ cung cấp công ăn việc làm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cho vay nợ và các dịch vụ hỗ trợ xã hội. Đối với những người Latinh có thu nhập thấp, các tín hữu trong dòng Ngũ tuần giống như gia đình của họ vậy.
Thêm vào đó, những người gốc Latinh theo Công giáo thường được cho là bị hấp dẫn do cơ hội lãnh đạo lớn hơn trong phong trào Ngũ tuần. Mặc dù người gốc Latinh chiếm khoảng 40% số người theo Công giáo ở Mỹ, nhưng chưa đầy 8% người Công giáo Mỹ là người gốc Tây Ban Nha, phần lớn họ đều đến từ
Colombia và Tây Ban Nha. Vì vậy, đối với người Mỹ Latinh, phong trào Ngũ tuần mang đến cơ hội trở thành lãnh đạo lớn hơn và nhanh hơn.
Và có lẽ quan trọng hơn cả, những người thuộc dòng Ngũ tuần là những người hết sức năng nổ. Ở nhiều nơi, họ được trang bị những phương thức hợp thể đầy đủ nhất để thu hút người ủng hộ, từ việc sử dụng các phương tiện như gửi thư trực tiếp tới những địa chỉ của người dân gốc Latinh, những tin nhắn được viết chặt chẽ, sự thoải mái nơi điện thờ…
Tại sao điều này lại quan trọng? Nguyên do là vì những người Tin lành gốc Tây Ban Nha– bộ phận mà rất nhiều chính trị gia gần như không biết đến sự tồn tại của họ – là một lực lượng chính trị mạnh mẽ. Trong hai cuộc bầu cử tổng thống gần đây, hai nhóm chính tạo nên sự khác biệt về kết quả bầu cho Tổng thống George Bush trong năm 2000 (thất bại trong đợt bỏ phiếu phổ thông và chiến thắng trong đợt bỏ phiếu đại cử tri có sự trợ giúp của Tòa án Tối cao) và chiến thắng quyết định của ông trong cả hai đợt bỏ phiếu năm 2004 chính là nhóm phụ nữ da trắng và người gốc Tây Ban Nha. Trong năm 2000, chỉ có 35% người dân gốc Tây Ban Nha bầu cho tổng thống Bush, nhưng đến năm 2004, con số này đã tăng lên 40%. Trong đợt điều tra ý kiến ban đầu, số người gốc Tây Ban Nha ủng hộ tổng thống Bush còn lên đến 44%. Đây là một sự thay đổi đáng kể và có ý nghĩa quyết định đối với vị tổng thống này. Nhưng điều bất ngờ hơn là sự thay đổi này diễn ra hoàn toàn trong nhóm người theo đạo Tin lành gốc Tây Ban Nha. Số người ủng hộ tổng thống Bush trong cộng đồng người Công giáo gốc Tây Ban Nha vẫn giữ nguyên ở mức 33%. Chỉ có số người gốc Latinh theo Tin lành là thay đổi quyết định, từ 44 lên 56%. Những người gốc Tây Ban Nha theo dòng Ngũ tuần, mà người Mỹ phần lớn không biết, là một trong những lực lượng cơ bản tạo nên chiến thắng của Tổng thống Bush trong cuộc bầu cử năm 2004.
Sau cuộc bầu cử ấy, chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng, tổng thống Bush và Đảng Cộng hòa đã lãng phí thiện chí của người Mỹ gốc Latinh thông qua một loạt những đề xuất về người nhập cư mà những người Latinh ở mọi tôn giáo đều cho rằng có tính công kích. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2006, người Latinh đã thay đổi, ít nhất là trên phạm vi cả nước, với tỷ lệ tín nhiệm Đảng Dân chủ tăng gấp đôi so với trước đây.
Ngay cả những người Tây Ban Nha theo dòng Ngũ tuần cũng lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề nhập cư hơn bất kỳ vấn đề nào khác mà họ có tiếng nói chung với Đảng Cộng hòa. Nhưng theo trung tâm Pew Hispanic Center, các thống đốc bang và thượng nghĩ sĩ, ứng cử viên thuộc Đảng Cộng hòa thường nhận được sự ủng hộ nghiêm túc từ những người Mỹ gốc Latinh. Và đối với một ứng cử viên tổng thống khác của Đảng cộng hòa, hay trong một năm bầu cử không có cuộc tranh luận nào về vấn đề nhập cư nhạy cảm, thì người Mỹ gốc Latinh nói chung và đặc biệt là người Tin lành gốc Latinh nói riêng sẽ có nhiều khả năng bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng cộng hòa.
Các chính trị gia thường liều lĩnh gộp chung những cử tri gốc Latinh với nhau. Nhưng thực tế, hầu hết người Latinh là những người Công giáo nhiệt tình, và họ đang đóng góp nhiều hơn vai trò của mình để phục hưng dòng Công giáo ở Mỹ. Nhưng trong cộng đồng người Latinh còn có một nhóm đang phát triển mạnh mẽ không kém là những người Tin lành và những người theo dòng Ngũ tuần, và ngoại trừ vấn đề về nhập cư, họ đều có chung quan điểm với người anh em Công giáo của mình về mọi vấn đề nhỏ nhất trong cuộc sống. Ví dụ:
- Theo một cuộc điều tra năm 2006, đa số người Latinh theo Công giáo (khoảng 42%) coi vấn đề quan trọng nhất trong cuộc bầu cử là kinh tế. Ngược lại phần nhiều người Tin lành gốc Latinh (44%) lại là những cử tri đề cao các giá trị truyền thống. Đối với người Latinh Công giáo, giá trị là vấn đề ít quan trọng nhất trong cuộc bầu cử tổng thống, chỉ có 23% người Latinh Công giáo xếp nó ở vị trí cao nhất.
- Số người Latinh Công giáo tham gia liên đoàn lao động cao gấp ba lần số người Latinh theo Tin lành.
- Những người Latinh Công giáo có cuộc sống khá giả hơn những người Latinh theo Tin lành. 23% người Latinh Công giáo có mức thu nhập từ 75.000 đô-la trở lên, trong khi con số này ở người Latinh Tin lành chỉ là 12%.
- Hơn 50% người Latinh theo Tin lành chỉ sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp duy nhất, hoặc chủ yếu là tiếng Anh và có đệm chút tiếng Tây Ban Nha. Trong khi đó, con số này ở những người Latinh Công giáo là 28%. Giả sử nhóm người Latinh theo Tin lành là đại diện cho các thế hệ sau của người gốc Latinh, điều này thống nhất với xu hướng lớn hơn, trong suy nghĩ của nhiều người Latinh, trở thành người Mỹ thực thụ đồng nghĩa với việc nói tiếng Anh và cải đạo sang dòng Ngũ tuần.
- Có lẽ sự khác biệt lớn nhất giữa người Latinh Công giáo và người Latinh theo Tin lành là quan điểm về vấn đề nạo phá thai. Trong khi số người phản đối kịch liệt việc nạo phá thai trong cộng đồng người Latinh
theo Tin lành là 58% (so với 26% người Latinh Công giáo), số người Latinh Công giáo tôn trọng quyết định của sản phụ là 41% (so với 37% số người Latinh theo Tin lành).
Chỉ đến năm 2006, khi điều luật về việc nhập cư được dỡ bỏ, những thành viên cốt cán của Đảng cộng hòa mới thực sự xâm nhập được vào cộng đồng người Mỹ gốc Latinh. Điều thu nhận được thật ấn tượng, nhóm tôn giáo có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lòng nhóm dân tộc phát triển nhanh nhất ở Mỹ mang những đặc điểm rất giống họ: là những cử tri tôn vinh giá trị, nói tiếng Anh, không tham gia liên đoàn lao động, và phản đối việc nạo phá thai. Và năm 2006, nhóm dân cư này đã quay ngoắt lại với Đảng Dân chủ.
Và các dấu hiệu này không chỉ xuất hiện trong đời sống chính trị. Ngày càng có nhiều nhà thờ Tin lành muốn học văn hóa và ngôn ngữ Tây Ban Nha và ngày càng có nhiều tín hữu Công giáo cần biết đâu là điều thu hút họ đến với giáo lý của dòng Ngũ tuần. Cả một mạng xã hội mới, trong đó có tầng lớp thanh niên, trở nên cần thiết. Mọi người cầu nguyện theo những cách mới lạ, đầy ngạc nhiên và người cầu nguyện của tất cả các truyền thống đang xuất hiện từ một thứ ngôn ngữ mới.
Nhóm người Hồi giáo ôn hòa
Sau sự kiện ngày 11/9/2001, cuộc sống của các tín đồ Hồi giáo trên đất Mỹ không còn dễ dàng như trước nữa.
Gần một nửa người dân Mỹ có cái nhìn thiên kiến về những người theo đạo Hồi. Trong cuộc điều tra ý kiến của người dân về các tôn giáo chính, vị thế của đạo Hồi chỉ đứng trên giáo phái Scientology.
Nếu bạn quen thân một tín đồ Hồi giáo, bạn sẽ có quan điểm trung hòa về họ – nhưng chỉ có 1/3 dân số Mỹ là có mối quan hệ thân thiết với người theo đạo Hồi. Năm 2001, 35% người Mỹ cho rằng đạo Hồi khuyến khích các hành vi bạo lực, nhưng chỉ sáu tháng sau khi xảy ra sự kiện ngày 11/9, con số đó là 46% (gần một nửa người dân Mỹ). Hơn một nửa người Mỹ cho rằng, các tín đồ Hồi giáo là những người không tôn trọng phụ nữ. 44% nhận định, tín đồ Hồi giáo là những người cực đoan trong tín ngưỡng. 24% cho biết họ không muốn hàng xóm của mình là người Hồi giáo.
Nhưng nếu bạn nhìn vào bức tranh nhân khẩu của người Hồi giáo ở Mỹ, bạn sẽ thấy những hình ảnh hoàn toàn trái ngược.
Người Mỹ cho rằng tín đồ đạo Hồi là những người ưa bạo lực? Tới 81% người Hồi giáo ở Mỹ ủng hộ dự luật kiểm soát việc sử dụng súng trong khi chỉ 50% người dân Mỹ có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này. Tín đồ Hồi giáo là những người cực đoan trong tín ngưỡng? Nhưng cũng theo kết quả điều tra, số người
Hồi giáo tham gia các hoạt động tín ngưỡng đều đặn hàng tuần là 25% – gần tương đương với con số 26% của người dân Mỹ. 40% người Hồi giáo cho biết họ có quan điểm ôn hòa – tương đương với số người Mỹ có quan điểm tương tự.
Trên thực tế, nếu tôi mô tả cho bạn một bộ phận người Mỹ trong đó 70% là người có gia đình, 82% người đăng ký đi bầu cử, 59% có trình độ giáo dục đại học và có thu nhập bình quân 50.000 đô la mỗi năm, bạn sẽ đoán đó là nhóm nào?
Câu trả lời chính xác nhất là người Hồi giáo ở Mỹ. Đó là những người trẻ, yêu gia đình, có trình độ học vấn cao, khá giả và hoạt động chính trị tích cực.
Và tất nhiên nhóm đó đang tăng lên. Từ những năm 1960, khi hạn ngạch đối với người nhập cư Đông Âu được nâng lên, người Hồi giáo bắt đầu nhập cư vào Mỹ với số lượng ổn định. Họ sinh sống chủ yếu ở các thành phố như Michigan, California, New York và New Jersey. Hiện nay, ở Mỹ có khoảng hơn 1.200 nhà thờ Hồi giáo, năm 1980 con số này là 450. Từ năm 1994, số nhà thờ Hồi giáo đã tăng thêm 25%. Sau vụ
tấn công khủng bố ngày 11/9, lượng người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ giảm mạnh, nhưng hiện nay, con số này đã tăng trở lại: Năm 2005, có khoảng 100.000 người từ các nước Hồi giáo trở thành công dân chính thức của Hoa Kỳ – đây là con số cao chưa từng thấy tính từ năm 1995 cho đến thời điểm đó.
Các chuyên gia không thống nhất về số lượng người Hồi giáo hiện sống ở Mỹ – nếu tính gộp những người nhập cư Hồi giáo, con cái của họ và những người Mỹ cải đạo Hồi giáo, con số này sẽ vào khoảng 2-7 triệu người. Nhưng tất cả đều nhất trí rằng tín đồ Hồi giáo ở Mỹ không chỉ phát triển về số lượng mà còn về mục tiêu chính trị. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, một nhóm có tên gọi là Liên minh tín đồ Hồi giáo tại Mỹ đã bắt đầu sắp đặt để thực hiện mục tiêu đến năm 2000 đưa 2.000 tín đồ Hồi giáo vào các vị trí được bầu chọn. Trước vụ tấn công năm 2001, họ mới chỉ đưa được 700 tín đồ Hồi giáo vào các vị trí này – nhưng đến năm 2006, Keith Ellison của bang Minnesota đã trở thành tín đồ Hồi giáo đầu tiên được bầu vào quốc hội Mỹ.
Ý nghĩa quan trọng thật sự ở một cộng đồng Hồi giáo đang lớn mạnh không hẳn là sự thay đổi trong số
lượng người Hồi giáo, mà là tiềm năng thay đổi có thể mang đến nhiều ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng. Khi cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ phát triển, những lựa chọn nội bộ của họ sẽ quyết định vị thế của đạo Hồi trong đời sống Mỹ, và điều này, giống như những mạch nước ngầm có thể tác động đến vị thế của đạo Hồi trên thế giới.
Quan điểm chính trị của người Hồi giáo ở Mỹ đã quay ngoắt 180o trong các cuộc bầu cử tổng thống. Năm 2000, đa số họ đều ủng hộ ứng cử viên Đảng Cộng hòa George W. Bush trước ứng cử viên Đảng Dân chủ Al Gore; trong cuộc bầu cử sau đó vào năm 2004, trên 75% người Hồi giáo ở Mỹ bầu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ John Kerry. Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 của Al-quaeda, Tổng thống Bush đã tiến hành những đợt tấn công nhằm vào Afghanistan và Iraq. Hầu hết tín đồ Hồi giáo đều coi đây là một cuộc tấn công vào đạo Hồi chứ không phải tấn công khủng bố. Do đó, sự quay ngoắt thái độ này là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, bạn cần chú ý một điều: Những tín đồ Hồi giáo là các cử tri cánh hữu ngay trong chính cộng đồng của họ.
Năm 2004, Viện Nghiên cứu chính sách xã hội có trụ sở tại Michigan đã tiến hành một cuộc khảo sát các tín đồ Hồi giáo ở Detroit – một trong những nơi cộng đồng người Hồi giáo tập trung đông nhất ở Mỹ. Kết quả điều tra cho thấy, có 65.000 tín đồ, tức khoảng 38% chọn giải pháp linh hoạt trong hoạt động tín ngưỡng của mình. Con số tương đương – khoảng 36% là những người thủ cựu (trong đó có 8% là những người Salafi, nhóm phản động nhất, coi phân biệt giới tính là luật thiêng và tin rằng tất cả những kẻ thuộc các tôn giáo khác sẽ đều bị đày xuống địa ngục).
Mặc dù vậy, điều quan trọng ở đây là vẫn có ¼ số tín đồ Hồi giáo đang đứng giữa ranh giới có thể trở thành tín đồ linh hoạt hay thủ cựu. M. A. Muqtedar Khan, nhà khoa học nghiên cứu về chính trị đã cho xuất bản công trình nghiên cứu này và cũng là người chủ trương theo phái ôn hòa gọi nhóm này là nhóm tự do. Với tư cách là một người thăm dò ý kiến chính trị, tôi sẽ gọi họ là những người cánh hữu.
Tương lai của đạo Hồi ở Mỹ phụ thuộc chủ yếu vào họ. Nếu họ quyết định theo phái thủ cựu, khi đó các tín đồ Hồi giáo của Mỹ sẽ thật sự phù hợp với khuôn mẫu phân biệt giới, có thái độ thù địch với những người theo tôn giáo khác. Nhưng nếu những tín đồ Hồi giáo cánh hữu này đi theo nhóm linh hoạt, những hạt giống tái khởi tạo lại đạo Hồi thuần nhất ở đất nước này có thể trở thành nhịp cầu nối tín đồ Hồi giáo và tín đồ của các tôn giáo khác không chỉ ở Mỹ mà trên khắp thế giới.
Và có thể quy mô nhóm của họ lớn hơn nhiều so với số liệu trên, bởi vì cuộc điều tra này mới chỉ được thực hiện với những người thường xuyên đi lễ nhà thờ. Có thể 2/3 số người không thường xuyên đi lễ nhà thờ là những người ôn hòa. Vì vậy, nếu tính thêm những tín đồ không đi lễ nhà thờ, những tín đồ linh hoạt và những tín đồ cánh hữu, giả sử chúng ta có 4-5 triệu tín đồ Hồi giáo, và như thế chúng ta sẽ có khoảng hơn 3 triệu tín đồ Hồi giáo ôn hòa.
Một số viện nghiên cứu đang cố gắng tập hợp lại số liệu. Đại hội tín đồ Hồi giáo ở Mỹ được thành lập ngay sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 để phản đối chủ nghĩa khủng bố của những kẻ Hồi giáo cuồng tín và thúc đẩy gia tăng ngày càng nhiều tín đồ Hồi giáo có quan điểm ôn hòa ở Mỹ. Một Martin Luther tự phong của người Hồi giáo tên là Kamal Nawash đã thành lập Liên minh tín đồ Hồi giáo tự do, với mục đích cực lực phản đối bạo lực và khủng bố tôn giáo hơn bất kì tổ chức Hồi giáo nào khác đã làm sau ngày 11/9.
Lầu Năm góc cũng bắt đầu tiến hành một nỗ lực tập trung để tuyển các tín đồ Hồi giáo người Mỹ vào lực lượng quân đội.
Bức tranh quốc tế
Trong khi đa phần người Hồi giáo ở Mỹ là trung hòa, thì điều này không thật sự đúng với châu Âu.
Tín đồ Hồi giáo chiếm khoảng 5% dân số Liên minh châu Âu, tức khoảng 15-18 triệu người – gấp nhiều lần so với số người Hồi giáo ở Mỹ. Nhưng con số này ngày càng tăng nhanh, do tỷ lệ nhập cư cao và tỷ lệ sinh của người Hồi giáo cao gấp ba lần tỷ lệ sinh của những người châu Âu không theo đạo Hồi. Ước tính, đến năm 2015, số người Hồi giáo ở châu Âu sẽ tăng gần gấp đôi và cộng đồng người Hồi giáo có thể sẽ sớm trở thành cộng đồng dân cư chính ở nhiều thành phố của châu Âu.
Thật không may, sự phát triển về số lượng của người Hồi giáo có thể tiềm ẩn nguy cơ chia cắt châu Âu, hơn là làm giàu cho nó. Theo kết quả của cuộc nghiên cứu của tổ chức Pew về người Hồi giáo ở châu Âu, mặc dù các tín đồ Hồi giáo ở châu lục này đều bày tỏ quan điểm tích cực về phương Tây hơn những tín đồ Hồi giáo sống ở các nước Hồi giáo, nhưng có một bộ phận không nhỏ người Hồi giáo sống ở Pháp, Tây Ban Nha và Đức coi người phương Tây là những kẻ ích kỷ, kiêu ngạo, bạo lực, tham lam, vô đạo đức, và
cuồng tín. Và đây cũng là cảm giác của người dân châu Âu đối với những người Hồi giáo: Khoảng 83% người dân Tây Ban Nha và 78% người Đức coi tín đồ đạo Hồi là những kẻ cuồng tín (tỷ lệ này ở người Anh và người Pháp thấp hơn, nhưng cũng khoảng 50%).
Nguồn gốc căng thẳng có thể là do các vấn đề về kinh tế cũng như về văn hóa. Tỷ lệ thất nghiệp của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức là 24% – cao gấp 2,5 lần tỷ lệ trung bình của cả nước. Tỷ lệ người thất nghiệp trong cộng đồng người Bắc Phi ở Pháp là 30% – cao gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp trung bình của nước Pháp.
Và cái bóng của chủ nghĩa khủng bố cũng hiện ra lù lù. Theo nghiên cứu Pew, phần lớn người Hồi giáo ở Pháp, Đức và Tây Ban Nha đều chia đôi quan điểm khi được hỏi: Liệu người Ả-rập có phải chịu trách nhiệm trong cuộc tấn công vào trung tâm thương mại thế giới ngày 11/9 không? – có khoảng 56% người Hồi giáo ở Anh đã trả lời là Không. Nhưng đáng lo ngại nhất là, ở Pháp, Anh và Tây Ban Nha, cứ 7 người Hồi giáo lại có một người tin rằng hành động đánh bom tự sát có thể là lời bào chữa về việc bảo vệ đạo Hồi.
Có thể, cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ có quan điểm ôn hòa hơn – những người Hồi giáo ở đây có thể ham thích các giá trị Mỹ hơn những người sống không cách biệt là bao về vị trí địa lý với quê hương của họ. Nhưng điều này có thể khiến tất cả người Mỹ quan tâm hơn đến việc bắt tay với người Hồi giáo đang sống trên đất nước mình, đặc biệt là những người có tư tưởng ôn hòa.
Phần IV - Sức khỏe và Sống khỏe
Ghét ánh nắng
Hàng nghìn năm nay, con người vẫn tôn thờ mặt trời. Đã có lúc con người coi Mặt trời như một vị thần thật sự. Nhưng giờ đây, mặt trời gần như trở thành một nỗi ám ảnh về văn hoá, đặc biệt là ở những bãi biển ở Hawaii, New Jersey, Florida và California. Người ta đổ xô đến các bãi biển trong kỳ nghỉ, phơi mình giữa trưa hè, và nếu như vì quá bận rộn với công việc, học tập nên không tận hưởng được những tia nắng mặt trời thực sự, người ta lại dùng đến những chiếc giường sưởi nắng hay phun kem cho da được rám nắng. Ở Mỹ ngày nay, số lượng các trung tâm tắm nắng chuyên nghiệp nhiều gấp ba lần số các tiệm cà phê Starbucks.
Và điều này xảy ra ngay cả khi người Mỹ biết ánh nắng mặt trời có hại như thế nào. Theo một cuộc khảo sát năm 2002, 93% dân Mỹ biết rằng tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời là không tốt cho sức khoẻ, nhưng vẫn có đến 81% cho rằng họ trông đẹp hơn nhờ tắm nắng. Một phần mười các kỳ nghỉ của người Mỹ vẫn là ở các bãi biển, trong đó Hawaii là điểm nghỉ mát được yêu thích nhất. Tắm nắng trong nhà trở thành ngành công nghiệp mang lại 5 tỷ USD mỗi năm, phục vụ khoảng 30 triệu người Mỹ, trong đó hơn 2 triệu người là thiếu niên. Còn theo một cuộc khảo sát khác, cứ mười người trong độ tuổi từ 12 đến 18 thì có một người dùng đèn nhuộm da, và trong ba người thì chỉ có một người dùng kem chống nắng.
Không giống như thuốc lá, thứ hấp dẫn con người ta ngay từ khi còn trẻ, thích tắm nắng không phải một dạng nghiện của thể chất (mặc dù đáng chú ý là một số người vẫn cố mắc phải loại nghiện này). Không, có vẻ như việc cố tình huỷ hoại làn da mình để trông đẹp hơn trong thời gian ngắn chỉ thuần tuý là một tật xấu – cố tình chấp nhận đau đớn sau này chỉ để hài lòng trong chốc lát.
Nhưng giữa bao nhiêu người thích ánh nắng mặt trời, nổi lên một nhóm những người đối lập. Đó là những người ghét ánh nắng mặt trời. Họ là những người đón ánh nắng hè với những chiếc mũ mềm che kín tai giống chiếc mũ phi công ném bom trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất mà nhân vật hoạt hình Snoopy vẫn đội. Họ miễn cưỡng đến dự những bữa tiệc ngoài trời trong những bộ đồ lặn kín toàn thân, bôi kem chống nắng có màng bảo vệ lên tới 50+ khi đi làm. Dù họ làm trong văn phòng.
Họ làm vậy không hề sai. Ung thư da là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất hiện nay ở Mỹ, với hơn một triệu ca phát hiện mới mỗi năm. Tỷ lệ tử vong do ung thư da đã tăng 50% so với thập kỷ 1970. Trong giai đoạn 1980-1987, số người bị ung thư da ác tính đã tăng 83%. Ung thư da ở thiếu niên, hiện tượng vốn rất hiếm trước đây, nay đang có xu hướng tăng lên.
Bệnh ung thư da thường khá phổ biến ở những người có làn da sáng màu, tệ hại hơn, nó thường xảy ra đối với những người gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hoặc những người Mỹ gốc Phi. (Một trong những người nổi tiếng đã chết vì ung thư da là Bob Marley).
Và ít nhất có 25% (con số thực tế có thể cao hơn) những tổn thương về da xảy ra ở người dưới 18 tuổi. Vì thế, việc đưa con đi tắm nắng ở biển rõ ràng là việc làm nguy hại.
Và những người ghét ánh nắng đang quyết tâm bảo vệ nước Mỹ, không chỉ với con số về chỉ số chống nắng in ngoài lọ kem chống nắng. Cũng giống như những người phản đối hút thuốc lá trong thập kỷ 1970 và những người chống lại việc ăn những thực phẩm nguồn gốc hữu cơ trong thập kỷ 1980, những người ghét ánh nắng là những người đầu tiên nuôi dưỡng cái mà họ hy vọng sẽ trở thành phong trào của cả quốc gia.
Và họ đã mở ra ngành công nghiệp sản xuất các loại quần áo chống nắng như những chiếc áo dài tay hoặc những chiếc quần dài với mặt vải được dệt khít hơn những quần áo thông thường. (Một chiếc áo sơ mi trắng, nếu mặc vào mùa hè, thì có chỉ số chống tia cực tím hay UPF là 5). Một số quần áo còn được bổ sung thêm các chất chống nắng hoặc các hoá chất như titanium dioxide. Từ chỗ chưa từng xuất hiện vào năm 2000, ngành sản xuất quần áo chống nắng hiện nay mỗi năm thu về 180 triệu USD. Con số này không quá lớn, nhưng ngành này hứa hẹn sẽ còn phát triển hơn nữa, nhất là khi các nhà sản xuất nghiên cứu được cách làm những chiếc mũ che tai không còn quá giống những chiếc mũ phi công ném bom trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Những người ghét ánh nắng cũng có nhiều sản phẩm sáng tạo mới để đưa việc bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời vào cuộc sống đời thường. Sản phẩm mới có mặt trên thị trường có tên là Bảo vệ khỏi ánh nắng, một dụng cụ giặt là có thể tẩm chất chống nắng vào thẳng quần áo, nâng chỉ số UPF của quần áo từ mức 5 lên mức 30. Trong ngành mỹ phẩm, trước thập kỷ 1990, chưa ai từng nghe đến sản phẩm kem chống nắng.
Ngày nay thì các sản phẩm phấn nền và kem dưỡng da đều có chỉ số chống nắng (SPF) hoặc chống tia cực tím (UPF) thấp nhất là 15.
Sản phẩm chống nắng tiêu thụ mạnh nhất là thuốc nhuộm da, giúp làm đổi màu da. Có vẻ như đây thực sự là cách nhuộm da mà không phải tiếp xúc với tia cực tím. Doanh số bán hàng của dòng sản phẩm này đã tăng 80% trong giai đoạn từ 1977 đến 2005. Doanh số bán hàng của sản phẩm phun nhuộm da cũng tăng 67% trong đầu những năm 2000.
Có thể trong tương lai sẽ có ai đó sản xuất ra những sản phẩm kem chống nắng không trôi, giống như đồ trang điểm không trôi hiện nay.
Vậy những người ghét ánh nắng đông đến mức nào? Nếu bạn thử đếm số bác sỹ da liễu ở nước Mỹ (khoảng 14.000 bác sỹ) cộng thêm gia đình họ, gia đình những bệnh nhân mới chết vì bệnh ung thư da (khoảng 80.000 người chết trong giai đoạn 1997 – 2006); số người đang bị ung thư da hiện nay (khoảng 500.000 người) cộng thêm gia đình họ; và những người thận trọng ngay từ đầu đã để ý đến những cảnh báo của các bác sỹ da liễu, chỉ ăn những thức ăn an toàn nhất và lái những chiếc xe an toàn nhất; gộp chung lại, ta có ít nhất khoảng 2 triệu người ghét ánh nắng trên toàn nước Mỹ.
Vậy những người này có thể có ảnh hưởng đến các chính sách công hay không?
Tính đến nay, chính phủ Mỹ chưa quyết liệt trong quy định về việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nhưng chính phủ Australia đã có những quy định về việc này do tỷ lệ người mắc ung thư da ở nước này lên đến mức cao kỷ lục. Hội da liễu Mỹ cho biết nếu xu hướng hiện nay vẫn tiếp diễn, những bệnh ung thư liên quan đến nắng có thể sẽ tăng nhanh hơn bệnh ung thư phổi và trở thành căn bệnh chết người nguy hiểm nhất của nước Mỹ.
New York và New Jersey đã thông qua luật cấm trẻ em dưới 14 tuổi được sử dụng các dịch vụ tắm nắng trong nhà. Nhưng trên thực tế, quy định này dường như còn quá rụt rè. Bao giờ các cơ quan liên bang và quan chức các bang mới bắt đầu giám sát các cơ sở tắm nắng trong nhà như họ đã từng theo dõi công ty Big Tobacco. Nếu những người ghét ánh nắng thực sự có một biện pháp hiệu quả, hãy đợi sự xuất hiện của những biển cảnh báo trên bãi biển hay những vụ kiện chống lại chủ các khu nghỉ dưỡng trên bãi biển không có đủ các cảnh báo cần thiết. Và biện pháp này cuối cùng sẽ đưa đến đâu? Liệu sẽ có những biển báo trong các bể bơi tư nhân? Những cửa hàng ngoài đường phố? Hay toàn bộ hệ thống công viên trên toàn quốc?
Và liệu có vụ kiện nào liên quan đến “ánh nắng gián tiếp” – đối với những trẻ em phải miễn cưỡng tiếp xúc với ánh nắng ở trường học.
Trong tương lai gần hơn, người ta hy vọng sẽ có những lời kêu gọi làm rõ các khái niệm và quy định liên quan đến SPF và UPF. Hiện tại, những con số về chỉ số SPF in trên các lọ kem chống nắng chỉ phản ánh khoảng thời gian mà người dùng không bị cháy nắng. (Nếu bình thường bạn chỉ cần tiếp xúc 10 phút với ánh nắng thì sẽ cháy nắng, khi bạn dùng kem chống nắng có độ SPF là 15, sẽ phải mất tới hai giờ rưỡi đồng hồ bạn mới bị bắt nắng. Tuy nhiên, bạn vẫn sẽ bị cháy nắng, nếu không bôi lại kem chống nắng, và mức độ tổn thương của da thì không giảm đi chút nào).
Các vụ kiện liên quan đến vấn đề này đã xuất hiện. Năm 2006, người dân California đã giả định một vụ kiện trong lớp học chống lại những nhà sản xuất kem chống nắng, và lời buộc tội là tác dụng bảo vệ của loại kem này đã được thổi phồng quá đáng. Liệu những loại kem này có thể được coi là cách “an toàn và hiệu quả” để chống lại một tác nhân gây ung thư?
Sự chú ý đến những mối nguy từ ánh nắng mặt trời có thể xảy ra cùng lúc với nỗi lo ngày càng gia tăng về hiện tượng trái đất nóng lên – một số người cho rằng số người ung thư da tăng lên là do tầng ozon bị mỏng đi. Thật buồn là trong những thập kỷ tới, có vẻ con người sẽ phải tiếp tục chịu đựng thời tiết nóng hơn không mấy dễ chịu và có lẽ mọi người đều sẽ rám nắng hơn.
Các bà mẹ Mỹ trước đây thường nói với con mình: “Hãy hít thở không khí trong lành đi con”. Ngày nay họ nói: “Đừng quên bôi kem chống nắng nhé”. Một ngày nắng đẹp không còn giá trị như nó đã từng có trước đây.
Cú đêm hay Những kẻ thiếu ngủ
Ai cũng biết nên ngủ 8 tiếng mỗi ngày. Trong khi các chuyên gia dinh dưỡng chưa tìm ra giới hạn chuẩn hàm lượng carbohydrat trong cơ thể con người là bao nhiêu, các chuyên gia chất cồn vẫn đang loay hoay nghiên cứu xem có nên uống rượu vang đỏ hay không, thì từ hơn 150 năm nay, những nhà Ngủ học thường xuyên khẳng định rằng: Mọi người cần phải ngủ từ 7 tiếng rưỡi đến 8 tiếng mỗi đêm.
Ồ, vậy thì tất cả chúng ta đều là những kẻ thiếu ngủ. Người Mỹ ngày nay ngủ trung bình dưới 7 tiếng mỗi đêm, giảm 25% kể từ những năm đầu của thế kỷ 20. Xin cảm ơn 24-giờ-mỗi-ngày vàng ngọc, và hơn cả mong đợi, chúng ta đã phá kỷ lục và trở thành những người thức nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Trong thực tế số lượng người Mỹ trưởng thành ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm tăng nhanh khủng khiếp – từ 12% năm 1998 đến 16% vào năm 2005.
Nghĩa là hiện nay có khoảng 34 nghìn người đang chong chong thắp đèn làm việc cả đêm, hoặc giặt đồ, hoặc cô đơn lướt web, cũng có thể chỉ nằm tung đồng xu hay đếm cừu.
Chúng ta rất dễ có suy nghĩ rằng, những người ít ngủ đặc biệt hơn những người ngủ bình thường theo một cách nào đó, và quả tình là có một vài người trong số họ thực sự như vậy. Cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher chỉ ngủ 5 giờ mỗi đêm. Nữ hoàng nhạc Pop Madonna chỉ ngủ có 4 giờ/đêm. Thiên tài Thomas Edison thì tự sỉ vả mỗi khi ngủ quá 5 giờ/đêm, và yêu cầu người giúp việc của mình cũng làm điều tương tự. (Tuy vậy, điều thú vị là chính người giúp việc này đã tiết lộ thực ra Edison ngủ nhiều hơn mức mà ông ta nghĩ). Còn thầy phù thủy thương trường Jim Cramer – một người bạn thân của tôi từ thời trung học, thì không bao giờ ngủ nhiều hơn 4 giờ/đêm, có thể điều này đã biến anh trở thành một trong những người sắc sảo nhất trong số những người bạn học tài năng khác ở Harvard chăng.
Tuy vậy, thành thực mà nói thì ngoài việc nghĩ rằng sự thiếu ngủ là hình thức tra tấn khủng khiếp nhất đối với tù binh và là dấu hiệu của sự trả thù cao nhất dành cho loại kẻ thù truyền kiếp, các bạn có nghĩ đến điều gì khác không? Hẳn là trong lòng các bạn cũng thấy ghen tỵ với những người tuyên bố rằng họ khó ngủ. Vì rõ ràng là trong mọi cuộc đua, họ là những người có nhiều thời gian hơn các bạn. 90 phút họ thức mỗi đêm – tương ứng là 10% thời gian thức trong một ngày, thì tính ra với những người sống tới 82 tuổi, họ sống lâu hơn 8,2 năm. Như vậy, nếu trong trường hợp bạn là người ít ngủ, bạn sẽ có đến 91 năm cuộc đời (thay vì 82 năm như giả định). Nghe hấp dẫn rồi đây.
Nhưng sự thực thì, hầu hết những người thiếu ngủ lại không có nhiều thứ để tự hào hay đáng để e ngại đến vậy. Ngoại trừ một số người thức đêm và trở thành những bác sĩ phẫu thuật tài năng, hoặc một số kẻ thiêu thân trên Phố Wall – không chịu bỏ sót bất cứ phiên giao dịch nào trên thị trường Mỹ và cả châu Á, thì hầu
hết những người thiếu ngủ là những người phải làm việc ca đêm, hoặc trực cấp cứu như y tá, hộ lý, hoặc những công nhân bảo dưỡng các công trình xã hội, và họ thuộc nhóm những người có nguy cơ bị thương, bị tai nạn lao động và gặp phải các vấn đề về sức khỏe nhất mà không hề có bất cứ sự hứa hẹn nào thêm về thu nhập cả.
Phổ biến hơn nữa, hầu hết những người vẫn còn thức vào nửa đêm chỉ là vì họ không thể ngủ được, chứ không phải vì họ muốn như vậy. Ngày nay, theo thống kê thì các giấc ngủ ngắn ngủi có ảnh hưởng trực tiếp tới tình trạng sức khỏe suy giảm, lo lắng, stress và thu nhập thấp. Đàn ông ngủ ít hơn phụ nữ – mặc dù bản thân họ, đặc biệt là những người phụ nữ trẻ thường có xu hướng nói rằng họ thiếu ngủ. (Cụ thể là có 76% phụ nữ tuổi từ 18-34 cho biết họ có thói quen chợp mắt ít nhất một lần trong ngày). Nghiên cứu đầy đủ và duy nhất về giấc ngủ của một nhóm lớn người Mỹ gốc Phi cho thấy đàn ông da đen ngủ ít hơn 1 giờ so với trung bình, và chất lượng giấc ngủ kém đáng kể so với phụ nữ, dù da đen hay da trắng.
Những người có xu hướng ít ngủ lâm vào một trạng thái bi kịch dễ đoán trước liên quan đến thu nhập. Theo kết quả cuộc thăm dò Giấc ngủ Nước Mỹ 2005, 60% số người được hỏi trả lời họ từng lái xe trong tình trạng thiếu tỉnh táo trước đó, 37% nói họ đã từng ngủ gật trên vô-lăng. Bộ An toàn Giao thông đường bộ Quốc Gia Mỹ cho biết điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng thiếu tỉnh táo là nguyên nhân của hơn 50.000 trường hợp tai nạn giao thông một năm, trong đó có 1,500 trường hợp tử vong. Thảm họa tràn dầu tàu Exxon Valder nổi tiếng năm 1989 hay gần đây là vụ tai nạn tàu Staten Island Ferry ngày 15/10/2003 đều do những người lái tàu ngủ gật trên tay lái.
Ít ngủ đồng nghĩa với hiệu suất lao động thấp. Cứ 10 người Mỹ trưởng thành thì có 2 người nói ít ngủ khiến họ mắc sai sót trong công việc. Tổn thất do năng suất lao động thấp ước tính khoảng 50 tỷ đôla mỗi năm.
Thiếu ngủ cũng đe dọa nghiêm trọng sự hòa hợp gia đình. 39% người Mỹ trưởng thành trong độ tuổi quan hệ tình dục, trong đó có 64% là phụ nữ tuổi từ 35-44 tuổi thừa nhận họ đã từ chối tình dục để ngủ. Cứ 4 người được hỏi thì có 1 người cho biết vợ/chồng hoặc người tình của họ mất ngủ khiến họ cũng mất ngủ theo. Đàn ông ngủ ít hơn phụ nữ, một phần là do xem phim khiêu dâm trực tuyến hoặc chơi game online, nhưng phần lớn các bất đồng trong gia đình là do các ông chồng ham công việc, còn các bà vợ thì muốn nghỉ ngơi.
Nhưng có lẽ hệ quả đáng ngạc nhiên nhất ở đây chính là cái vòng luẩn quẩn giữa sự mất ngủ và chứng béo
phì. Béo phì có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến giấc ngủ, trong đó khí quản bị chèn ép dẫn đến khó thở. Nhưng ngược lại, ngày nay thiếu ngủ có thể tác động đến một số hoóc-môn khiến nhanh đói và kích thích ăn uống, như vậy bạn càng ít ngủ thì bạn càng có nhiều nguy cơ tăng cân. Theo Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu về sự Rối loạn Giấc ngủ của Học viện Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia, chỉ ngủ 6 giờ/đêm làm tăng nguy cơ béo phì 23%. Chỉ ngủ 4 giờ/đêm làm tăng nguy cơ này đến 73%.
Điều đáng nản lòng là người Mỹ không chạy bộ chừng 5 dặm mỗi khi mất ngủ. Nếu làm được điều đó, có lẽ họ đã giải quyết được cùng lúc cả hai vấn đề nan giải này cũng nên.
Một số nhà làm luật đã bắt đầu quan tâm đưa chứng mất ngủ vào công việc của mình. Bang New Jersey đã thi hành luật “ Cấm lái xe ngủ gật” vào năm 2003 – gần giống với luật “Uống rượu khi lái xe” – mặc dù các bang khác vẫn tỏ ra chậm trễ trong việc làm theo bang này.
Chỉ có duy nhất một lĩnh vực hưởng lợi khi biết tận dụng cơ hội này để giúp con người ngủ được vào ban đêm và thức được vào ban ngày. Ngành công nghiệp sản xuất thuốc ngủ rất phát triển: Loại mới nhất, thuốc không gây nghiện Ambien đã phá kỷ lục doanh thu 2 tỷ đôla trên toàn thế giới năm 2004, với số lượng người sử dụng loại thuốc này trong độ tuổi từ 20 – 44 tăng lên gấp đôi từ năm 2000 đến 2004. Ngược lại, các loại đồ uống đóng hộp chứa caffein giúp chống buồn ngủ trở thành lĩnh vực phát triển nhanh nhất với doanh thu gần 100 tỷ đôla trong ngành công nghiệp đồ uống nội địa; từ năm 2005 đến 2008, những loại thức uống này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn tất cả các loại đồ uống nhẹ và đồ uống tăng lực cộng lại. Và tất nhiên, Starbucks – hãng sản xuất đồ uống hỗn hợp chứa lượng caffein nhiều gấp 2 lần sản phẩm của hãng café bán lẻ hàng đầu Folgers, đã trở thành một thương hiệu thấm đẫm chất văn hóa Mỹ. Các cửa hàng của Starbucks tràn ngập trên đường phố, nhiều đến nỗi cứ đi hết một tòa nhà, bạn có thể bắt gặp một cửa hàng như thế.
Còn nếu bạn không thể ngủ ban đêm hoặc không thể tỉnh táo ban ngày, thì công ty có tên gọi Metronaps sẽ cung cấp cho bạn một loại túi ngủ để bạn có thể ngả lưng vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu như sân bay, văn phòng và những nơi công cộng khác. Thực ra thì cũng hơi kỳ cục khi chìm vào giấc ngủ giữa ánh sáng ban ngày, giữa những người xa lạ như vậy – vì trên tất cả, ngủ vẫn được coi là một thói quen tương đối
riêng tư. Vâng, thì đúng vậy – nhưng thiếu ngủ chẳng phải là một vấn đề rất xã hội đó sao.
Và trong khi tiếp tục chờ đợi các chiến dịch sức khỏe cộng đồng vì sự Ngủ Nhiều Hơn phát huy tác dụng – khi các chương trình hài muộn trên TV thì quá nhạt, người dẫn chương trình hấp dẫn thì quá khó tìm, có lẽ đã đến lúc chấp nhận cái gọi là Giấc Ngủ trưa Mỹ. Vâng, điều này dường như đi ngược lại với truyền thống làm việc chăm chỉ của người Mỹ, nhưng đạo lý xưa cũ ấy của người Mỹ đã được áp dụng trước khi người ta làm việc 24/7 qua Internet, thậm chí là mua sắm trực tuyến. Giờ đây, có lẽ để đảm bảo an toàn lao động và hiệu suất làm việc thì chợp mắt vào giờ nghỉ nên được ủng hộ nhiệt liệt. Và thực tế chúng ta cũng đã bắt gặp rất nhiều nhân vật ngủ ngày nổi tiếng. Cựu thủ tướng Anh Winston Churchill làm việc rất khuya nhưng lại thường thu xếp một giấc ngủ ngắn rất cẩn thận vào giữa buổi chiều. Cựu tổng thống Ronald Reagan và Bill Clinton đều khẳng định họ là fan của những giấc ngủ ngắn ban ngày. Có phải đã tới lúc nước Mỹ nên sẵn sàng thay khẩu hiệu “Ngủ sớm, dậy sớm” bằng câu “Nếu bạn mệt thì hãy chợp mắt nào!”?
Bức tranh quốc tế
Cũng mệt mỏi như người Mỹ, có lẽ vậy, tình trạng chung về giấc ngủ của thế giới không mấy phần sáng sủa hơn.
Theo một cuộc thăm dò về giấc ngủ do ACNielsen tổ chức năm 2005, thì có đến 7 trên 10 cú đêm là người châu Á. Như vậy, điều phải lưu tâm ở đây là người Mỹ còn chưa phải là những người ít ngủ nhất trên thế giới.
- Một lượng lớn người dân ở Đài Loan (69%), Hàn Quốc (68%), Hong Kong (66%), Nhật Bản (60%), Singapore (54%), Malaysia (54%) và Thái Lan (43%) thường xuyên đi ngủ sau 12 giờ đêm.
- Người dân ở Bồ Đào Nha (75%), Tây Ban Nha (65%) và Italy (39%) cũng cho biết họ thường chỉ tắt đèn lên giường sau nửa đêm. Cả ba quốc gia trên đều tính thời gian ngủ trưa vào thời gian biểu hàng ngày, như vậy có thể lý giải hiện tượng họ thức khuya. Nhưng điều trớ trêu là, văn hóa ngủ trưa đã trở thành một thách thức với năng suất lao động của Tây Ban Nha, cho nên năm 2006, chính phủ đã phải tiến hành một cuộc vận động cấp quốc gia buộc các công đoàn kiểm soát giờ ăn trưa của người lao động không quá 45 phút.
Bên cạnh việc thức khuya, ở châu Á có tới hơn một nửa số quốc gia lọt vào TOP các nước dậy sớm nhất trên thế giới – thức dậy trước 7 giờ sáng. Một lần nữa, nước Mỹ không phải là đất nước của những chú
chim hót gọi bình minh.
- Phần lớn người Indonesia (91%), Việt Nam (88%), Philippines (69%), Ấn Độ (64%) và Nhật Bản (64%) thức dậy trước 7 giờ sáng.
- Những quốc gia khác nằm trong top những nước dậy sớm là Đan Mạch (66%), Đức (64%), Australia (64%), Phần Lan (63%) và Thụy Điển (62%).
Vậy thì điều gì ảnh hưởng sâu sắc đến giấc ngủ nhất? Bên cạnh các lý do mà mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều nói như “Thói quen” và “Lịch làm việc”, có đến 1/3 người Mỹ cho rằng “Gia đình/Trẻ con” làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ, so với 17% người châu Âu, 16% người châu Á. Hơn một nửa người châu Âu nói rằng công việc là thủ phạm chính, trong khi người châu Á lại nói rằng thói quen mới là nguyên nhân chính khiến họ mất ngủ.
Khi thời gian dành cho việc ngủ ngày càng ít đi, người Mỹ càng trở nên mệt mỏi – nhưng họ không được quyền kêu rằng họ là những người mệt mỏi nhất. Người Nhật giành danh hiệu này với tỷ lệ 4/10 người ngủ ít hơn 6 giờ/ngày. Vậy thì dân tộc nào ngủ nhiều nhất? Đó là người dân ở New Zealand và Australia với 28% và 31% người dân ngủ nhiều đến kinh ngạc, hơn 9 giờ/đêm.
Cởi trói cho những người thuận tay trái
Xu hướng thuận tay trái ở nước Mỹ
Người Mỹ giờ đây đang hướng về bên trái. Ý tôi là thuận tay trái.
Trong chính trị, mối quan hệ giữa các đảng phái tả – hữu vẫn còn tương đối băng giá, nhưng trong đời sống xã hội, đã nổi lên một làn sóng của những người thuận tay trái. Và loại trừ trường hợp sự chuyển biến ngầm về gen đang diễn ra, nhiều khả năng xu hướng thuận tay trái có liên hệ mật thiết đến các thay đổi lớn trong xã hội, trở thành trung tâm cho những xu hướng vi mô ngày nay đang diễn ra.
Hai trăm nghìn năm trước, người Homo Sapien (người thông minh) đã phát minh ra những chiếc giáo đầu tiên và công cụ săn bắn bằng những mảnh xương nhọn, nhiều dấu hiệu cho thấy trong số họ có người đã sử dụng tay trái để tạo ra những vật dụng này.
Việc tìm thấy những chiếc răng hóa thạch của người Neanderthal – kèm với những dấu vết khẳng định chủ nhân của chúng thường sử dụng hàm trái – chứng minh có một nhóm người tiền sử thuận tay trái. Gần đây, trong số những bức tranh vẽ trong hang động, cách đây khoảng 50.000 năm, có gần ¼ trong số đó được vẽ bởi người thuận tay trái – tỷ lệ này cũng trùng với tỷ lệ họa sĩ thuận tay trái ngày nay.
Nhưng bất chấp hiện thực đã tồn tại trên trái đất gần 200.000 năm nay, chúng ta vẫn chưa có quan điểm rõ ràng về nguyên nhân hay tác động của việc thuận tay trái.
Một số nhà khoa học khẳng định thuận tay trái là do gen di truyền, thường xuất hiện trong các gia đình (Nữ hoàng Elizabeth II, Thái tử Charles, Hoàng tử William đều là những người thuận tay trái, giống Nữ hoàng Elizabeth I). Một số khác lại cho rằng thuận tay trái do thai nhi bị tổn thương và căng thẳng ngay khi còn nằm trong bụng mẹ, bằng chứng là các cặp sinh đôi – cũng như những trẻ trước khi sinh được phát hiện có hàm lượng hoóc-môn kích thích tố sinh dục nam cao – thì thường có xác suất thuận tay trái cao hơn.
Sau đó, lại có những nghiên cứu cho những kết quả trái ngược nhau về ảnh hưởng của việc thuận tay trái. Một số nghiên cứu cho biết người thuận tay trái chết sớm hơn; một số khác thì không. Một số nghiên cứu thì nói thuận tay trái làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và/hoặc làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer; một số khác thì không. Và có ít nhất một nghiên cứu đi tới kết luận là người thuận tay trái thì kiếm tiền giỏi hơn người thuận tay phải, đặc biệt là những người có trình độ đại học; nhưng một nghiên cứu khác lại khẳng định khả năng kiếm tiền của người thuận tay trái và thuận tay phải là như nhau.
Ngay cả các nhà khoa học cũng không đồng nhất về quan điểm liệu “sự thuận chiều trong hoạt động của bộ não” có phải chỉ tồn tại ở con người hay không. Nghiên cứu mới đây cho thấy loài tinh tinh thích sử dụng tay phải của chúng hơn, và có một số rất ít loài cá bơi theo chiều ngược lại so với đồng loại khi bị tấn công.
Ở giữa sự mơ hồ về đúng-sai, lợi-hại của thuận trái-phải, thì có một điều mà chúng ta hầu như có thể chắc chắn là đúng: Số lượng người thuận tay trái trên thế giới đang ngày càng tăng lên, và dường như nó vẫn đang tiếp tục tăng lên. Hiện nay, có thể ước tính đến con số 1 phần 10. Tỷ lệ này hoàn toàn có thể tăng lên gấp đôi – và tôi cho rằng điều này có thể xảy ra là vì những cách thức tiếp cận mới trong nuôi dạy con cái của các bậc phụ huynh.
Trước đây nhiều thế kỷ, thuận tay trái không được xã hội ưa chuộng. Trong suốt thời kỳ Victoria cho đến
đầu thế kỷ 20, hầu như rất khó tìm thấy những người thuận tay trái bởi vì ngày đó, người ta phải kìm nén cảm xúc, sự khác biệt và người ta không chấp nhận những cá nhân khác lạ. Quả thực, trong văn hóa của hầu hết các nước trên thế giới, phía trái của sự vật thường bị liên hệ với điều xấu xa, tội lỗi và hạ đẳng. Chỉ cần nhìn vào cách người ta nói về từ này. Trong tiếng Anh, từ “mang điềm xấu”có gốc là từ “trái” trong tiếng Latinh. Trong tiếng Pháp, từ gauche có nghĩa là “trái” còn có nghĩa là “vụng về, lúng túng”. Trong tiếng Trung Quốc, tính từ “trái” có nghĩa là “không hợp lý”, và trong tiếng Na Uy, cụm từ venstrehandsarbeid (làm việc bằng tay trái) có nghĩa là “một việc gì đó được thực hiện một cách lộn xộn và không hài lòng”. (Chiều ngược lại thì được cho là đúng. “Phải” có nghĩa là hợp lý, chính đáng trong tiếng Anh. Droit nghĩa là “qui tắc” trong tiếng Pháp. Recht là “quyền lực” theo tiếng Đức và Hà Lan. Diestro có nghĩa là “khéo léo” trong tiếng Tây Ban Nha).
Xu hướng bài người thuận tay trái xuất phát từ, hoặc cho là được phản ánh thông qua hiện tượng được mô tả trong Kinh Cựu ước là Quỷ thì ngồi về phía tay trái của Chúa, trong khi Thánh thần thì ngồi về phía tay phải của Người. Trong đạo Do Thái cũng vậy, trước cách mạng của người Do Thái ở Iran vào năm 1979, người thuận tay trái bị nguyền rủa, và Ayatollah Khomeini “chứng thực” rằng người Shah bị nguyền rủa bởi vì chỉ ra rằng con trai đầu lòng của ông ta là một đứa trẻ thuận tay trái.
Vậy là, người thuận tay trái rơi vào vòng bị ghét bỏ, thậm chí bị đối xử thô bạo. Ở Trung Quốc và Hà Lan, người ta tuân thủ nghiêm ngặt các qui định về chiều tay thuận cho tới tận thế kỷ 20, còn ở Mỹ, cho đến những năm 1960, các giáo viên tiểu học – nổi tiếng nhất là trong các trường dòng – vẫn đánh vào tay của học sinh nếu chúng ngoan cố viết bằng tay trái. Tổng thống Ronald Reagan, các tuyển thủ bóng chày nổi tiếng của Mỹ Babe Ruth và Lou Gehrig đều thuận tay trái và họ đều từng bị các thầy cô bắt chuyển sang viết bằng tay phải.
Nhưng trong những thế hệ trở lại đây, mọi chuyện đã thay đổi. Bắt ép trẻ con đổi tay thuận bị lên án như một biện pháp gây tổn thương và không cần thiết, và giờ đây, những gì trước kia từng bị ghét cay ghét đắng ở trẻ con bỗng nhiên được thừa nhận. Hãy nhìn vào những sự thay đổi ở Mỹ giữa những người còn sống ngày hôm nay. Theo một nghiên cứu của Đại học California, Los Angeles (UCLA) hoàn thành năm 1993, tỷ lệ người thuận tay trái sinh ra vào những năm 1960 đã tăng hơn gấp đôi so với những người 60 tuổi hoặc hơn ở cùng thời điểm đó.
Thiên hướng thuận tay trái “tự nhiên” là khoảng 16% hoặc cao hơn thế đối với trẻ em sinh ra từ năm 1963- 1972 – chứ không phải là khoảng 10% như người ta thường nghĩ.
Tôi cho rằng xu hướng thuận tay trái thể hiện một sự thay đổi trong cách mà chúng ta nuôi dạy con trẻ, và trong cách mà chúng ta để thiên tư của con mình được tự nhiên phát triển, giúp chúng khám phá được những năng lực tiềm ẩn thực sự của chúng. Chỉ qua vài biểu hiện, ngày nay, cha mẹ có thể nhận ra rằng con của mình có xu hướng thuận tay trái. Và họ hoảng loạn. Liệu con của họ có bị bạn bè giễu cợt? Nó có gặp khó khăn khi tập viết hay không? Nó sẽ bị bỏ rơi ư? Trước đây, những bậc cha mẹ này có thể đã làm mọi điều để ngăn chặn thiên hướng này. Còn ngày nay? Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ sẽ nhún vai và nói, mọi thứ ổn thôi, thậm chí đó còn là một điều đặc biệt nữa. Hoặc ít nhất thì nỗ lực ngăn cản xu hướng này của họ cũng nhẹ nhàng hơn, và vì thế, họ thất bại. Đó hoàn toàn không phải là phản ứng đơn lẻ. Nó nằm trong một xu hướng lớn hơn, hướng tới sự cổ vũ, thay vì gây áp lực, đối với đặc tính cá nhân của trẻ. Từ việc cho trẻ thêm thời gian để phát triển trong nhà trẻ với bạn bè đến việc điều hòa khẩu phần ăn sao cho đủ rau cho trẻ, các bậc cha mẹ ngày nay đã biết nương theo trẻ mà nuôi dạy, thay vì đi theo những lối mòn trước đây. Điều này liên quan mật thiết đến không gian tự do rộng rãi mà giới trẻ ngày nay có được, để thể hiện giới tính và/hoặc cá tính của mình. Tỷ lệ những người thuận tay trái tăng lên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm – trong thế giới ngày nay, nuôi dạy phải được hiểu là cho trẻ tự do phát triển con người thực sự của chúng, không phải là uốn nắn chúng vào những khuôn mẫu có sẵn.
Tất cả điều này dẫn đến một thực tế khác nữa là dường như ngày càng có nhiều trẻ thuận tay trái bẩm sinh. Nhưng tỷ lệ trẻ em thuận tay trái trong số những cặp sinh đôi lại không được cân đối lắm – trong khi từ năm 1980 đến 1997, số cặp sinh đôi đã tăng lên hơn một nửa. Còn nữa, có vẻ như mẹ của chúng thường lớn tuổi hơn – theo một nhà nghiên cứu, trẻ con sinh ra khi mẹ chúng đã trên 40 tuổi có tỷ lệ thuận tay trái nhiều hơn 128% so với trẻ con ra đời khi mẹ của chúng ở độ tuổi 20. Và ai cũng biết là các bà mẹ tuổi trên 40 thì năm sinh của con sẽ vào giữa khoảng 1980 và 2004.
Tôi hoài nghi sự cởi trói cho những người thuận tay trái sẽ là điểm xuất phát cho những làn sóng mới, ủng hộ tuyệt đối cho mọi hoạt động sáng tạo – đó cũng là ý tưởng chính của cuốn sách này – rằng những nhóm người nhỏ với những đặc điểm chung, sẽ dần lớn lên và cuốn những người khác vào cùng chia sẻ những mối quan tâm với họ. Những người thuận tay trái chỉ thuần túy đại diện cho sự đổi mới và sự khẳng định bản thể. Einstein là người thuận tay trái. Cũng như Ben Franklin và Isaac Newton.
Càng nhiều người thuận tay trái nghĩa là sẽ có thêm nhiều cá tính được tôn trọng. Có thể sẽ không ngạc nhiên lắm khi thấy những người được chấp thuận sử dụng tay thuận cũng sẽ theo đuổi những bản năng khác: Trong một nghiên cứu, những người tình nguyện đồng tính nam thuận tay trái nhiều hơn 39% so với những người tình nguyện lưỡng tính.
Càng nhiều người thuận tay trái hơn nghĩa là sẽ có thêm nhiều vị tướng tài ba: Các nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng từ Charlemagne, Alexander Đệ Nhất, Julius Caesar đến Napoleon – cả Colin Powell và Norman Schwarzkopf – đều là những người thuận tay trái.
Sẽ có thêm nhiều tội phạm nổi tiếng như Billy the Kid, Jack the Ripper và Boston Stangler.
Cũng có thể sẽ có thêm nhiều thiên tài nghệ thuật và âm nhạc – Leonardo da Vinci, Michelangelo, Pablo Picasso, Ludwig van Beethoven, vâng, và cả Jimi Hendrix lẫn Paul McCartney đều là những người thuận tay trái.
Và chắc chắn là sẽ có thêm nhiều tài năng tennis và bóng chày. Các vận động viên tennis đỉnh cao, từ Rod Laver, Jimmy Connors, John McEnroe đến Martina Navratilova đều sử dụng những cú đánh dọc biên để áp đảo đổi thủ yếu hơn ở cánh trái.
Còn môn bóng chày, vốn là nơi sinh ra từ “southpaw” (south: phía nam; paw: tay – thuận tay trái – vì sân bóng chày được xây để các vận động viên đối mặt với hướng đông, nhằm tránh ánh nắng mặt trời, điều đó có nghĩa là cánh trái người ném (pitcher) – chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi. Các vận động viên thuận tay
trái không thể chơi ở 4 vị trí trên tổng số 9 vị trí của sân đó là người bắt bóng (catcher), chốt hai (second base), chặn ngắn (shortstop), chốt ba (third base), họ phải chạy rất nhiều bước trên sân để chặn và ném trả bóng lại cho người thứ nhất – nhưng cũng với chừng đó lý do, họ lại có năng lực vượt trội để chơi ở cả 5 vị trí còn lại. Từ Babe Ruth đến Ted Williams đến Barry Bonds đều thuận tay trái với những cú đập bóng hóc hiểm hơn: Không chỉ thuận lợi hơn khi đón bóng từ những đối thủ ném bóng bằng tay phải, họ còn có lợi thế ở vị trí có nhiều đà của cầu thủ thuận cánh trái, giúp họ tiến gần chốt một (first base) hơn.
Nhiều người thuận tay trái hơn nghĩa là có thêm nhiều diễn viên hài hơn: Jay Leno, Jerry Seifeld, Jon Stewart, Bernie Mac, Ben Stiller và Matt Groening (và cả nhân vật hoạt hình của ông, Bart Simpson) tất cả đều thuận tay trái.
Và còn phải kể thêm nhiều nhà lãnh đạo tài ba nữa. Những người khổng lồ trong kinh doanh như Steve Forbes, Ross Perot, và Lou Gerstner thuận tay trái. Rất nhiều tổng thống Mỹ từ thời Gerald Fort, trừ Jimmy Carter và George W.Bush cũng thuận tay trái. (Năm 1992, lần đầu tiên và duy nhất nước Mỹ có một cuộc vận động tranh cử giữa các ứng viên đều thuận tay trái: George H.W.Bush, Bill Cliton và Ross Perot).
Nhìn từ xu hướng của những người thuận tay trái, nếu bạn là một người thuận tay trái hoặc chung sống với một người như vậy, bạn sẽ thấy tội nghiệp cho họ biết bao nhiêu khi họ cố gắng sử dụng kéo, mở nắp đồ hộp, đóng gáy xoắn cho sách vở, dùng dao gọt hoa quả, mở nút chai, hoặc các dụng cụ cơ bản khác vốn được thiết kế cho người thuận tay phải. Đồng giám đốc điều hành công ty Research in Motion, cha đẻ của điện thoại danh tiếng BlackBerry, vốn là người thuận tay trái, đã từng thừa nhận rằng với thanh cuốn và các phím điều khiển bên phải, BlackBerry chỉ được thiết kế cho những người thuận tay phải. Nhưng trong tương lai gần, chắc chắn họ sẽ dành một khoản chi phí hiệu quả cho việc thiết kế những chiếc điện thoại cho người thuận tay trái.
Nhưng dù sao đi nữa thì những người thuận tay trái đã được quan tâm đến, ngày càng tăng về mặt số lượng – và chẳng bao lâu nữa các chuyên gia thị trường sẽ không lảng tránh họ nữa, mà thay vào đó, là tấn công vào những thị trường dành cho người thuận tay trái, tận dụng những đặc điểm của nhóm khách hàng này để sáng tạo thêm những sản phẩm phù hợp, và các sản phẩm thay thế dành riêng cho những người thuận tay trái.
Điều cuối cùng để nói về xu hướng này là những người thuận tay trái tăng lên không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là chúng ta sẽ có thêm nhiều đồng nghiệp hay bạn học cùng trường thuận tay trái – mà còn có nghĩa là xã hội của chúng ta ngày càng cởi mở hơn, rộng lượng hơn và đặc biệt là sẵn sàng chấp nhận những sự khác biệt, thay vì kiềm chế nó. Tỷ lệ người thuận tay trái có vẻ như chỉ là một ví dụ minh họa cụ thể, nhưng trên thực tế, một xã hội rộng lượng với những người lao động bất kể họ thuận tay nào, sự cổ vũ của các bậc phụ huynh để con cái mình phát triển đúng với năng lực tự nhiên của chúng đều là biểu hiện của một xã hội sẵn sàng đón nhận thêm những sự tự do. Tỷ lệ những người thuận tay trái trong xã hội có thể là một trong những chỉ báo tốt nhất mà chúng ta có để biết xã hội đó đã cởi mở và mềm dẻo hay nó cứng nhắc và độc đoán. Còn với cá nhân tôi, tôi chắc chắn không muốn sống trong một xã hội không biết ủng hộ cho tất cả các kiểu thuận tay, trái hay phải gì cũng vậy.
Tự làm bác sĩ
Trong hai mươi năm trở lại đây, số bác sĩ hành nghề ở Mỹ đã tăng gần gấp đôi. Hẳn các bạn sẽ nghĩ, với lượng bác sĩ đông đảo, “đi đâu cũng đụng” như vậy, người Mỹ sẽ tận dụng cơ hội để đến phòng khám của các chuyên gia y khoa bất cứ khi nào sức khỏe có vấn đề.
Nhưng họ lại không làm vậy. Trên thực tế, xu hướng lớn nhất trong chăm sóc sức khỏe ở Mỹ hiện nay chính là Tự làm Bác sĩ (DIYD). Đó là những người sẽ tự xem xét các triệu chứng bệnh, tự chẩn đoán bệnh tình của mình và cũng tự mình đề ra các liệu pháp chữa trị. Cuối cùng, nếu có buộc phải đến bác sĩ, thì cũng chỉ tham vấn ý kiến về đơn thuốc mà họ đã “biết” và “tự kê” cho mình hoặc xuất hiện ở phòng khám với những đơn thuốc dày đặc về tình trạng bệnh lý mà họ đã tự chẩn đoán trên trang WebMD chuyên cung cấp thông tin chăm sóc sức khỏe của Mỹ.
Ở một số gia đình có điều kiện, họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua cả máy siêu âm để kiểm tra tình trạng thai nhi hàng ngày. Họ có thể ngồi trong phòng trị liệu tổng hợp và so sánh kích cỡ, hình thù của các mụn ruồi trên da để có được những thông tin chính xác xem liệu họ có nguy cơ mắc bệnh ung thư hay không, và tìm kiếm những phương pháp tốt nhất để trị liệu nó. Trong quá khứ, tự chăm sóc sức khỏe tại nhà đồng nghĩa với súp gà và nghỉ ngơi. Còn ngày nay, các bệnh nhân muốn tự mình định đoạt cuộc sống của mình, và mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân truyền thống đã biến thành mối quan hệ giữa người bán và người mua – ít nhất là đối với nhóm ngày càng nhiều bệnh nhân cho rằng họ biết họ cần gì.
Một điều cần ngăn chặn trong xu hướng Tự-Mình-Làm Bác sĩ là tình trạng một số loại thuốc gây nghiện nhưng lại được bán tự do trên thị trường, không cần chỉ định của bác sĩ . Trong 40 năm trở lại đây, doanh thu bán lẻ các loại thuốc này trên thị trường tự do đã tăng lên gần 10 lần – từ dưới 2 tỷ đôla lên đến hơn 15 tỷ đôla mỗi năm. Không thể đùa với chuyện này được. Vì đó là 15 tỷ đôla doanh thu bán thuốc giảm đau, thuốc kháng histamine, thuốc làm giảm axit trong dạ dày, thuốc nhuận tràng, và thuốc ngoài da. Thậm chí gần đây, thuốc Xenical, loại thuốc giảm béo không cần ăn kiêng cũng đã ra đến thị trường tự do. Trước đây, tất cả các loại thuốc này không bao giờ được sản xuất để bán tự do như vậy, ngay cả khi biết chắc nó an toàn cho người sử dụng. Vốn dĩ đó là nhiệm vụ dành riêng cho bác sĩ. Nhưng giờ đây, người bệnh lại muốn tự mình đảm trách công việc này.
Một dấu hiệu nữa chứng minh cho xu hướng tự mình làm bác sĩ ở Mỹ đó là hiện tượng rất nhiều người đổ xô tới các trung tâm vật lý trị liệu hoặc chữa bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền để chữa bệnh nắn xương, châm cứu hay massage. Năm 1997, người Mỹ chi tiền cho các dịch vụ chữa bệnh kiểu này nhiều hơn cả chi phí chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện. Như năm 2002, hơn 1 trên 3 người Mỹ trưởng thành (36%) thừa nhận họ đã từng chữa bệnh bằng các phương pháp ngoài y học.
Hiển nhiên, chính Internet là một nhân tố giúp rất nhiều người Mỹ có thể trở thành bác sĩ nghiệp dư. Năm 2005, có 117 triệu người sử dụng Internet để tra cứu thông tin liên quan đến sức khỏe, thì đến năm 2006, con số này nhảy lên 136 triệu người – tăng 16% mỗi năm. Giờ đây, thông tin sức khỏe nằm trong top những chủ đề hàng đầu được tra cứu trực tuyến. Tại sao lại không chứ? Ngược lại với trước đây, khi có vấn đề về sức khỏe bạn cảm thấy mệt mỏi với hành trình khám bệnh vừa lâu lại vừa đắt đỏ, thì ngày nay, bạn chỉ việc gõ vào công cụ tra cứu yêu thích của mình trên mạng Internet bất cứ thắc mắc nào, từ bệnh “hưng-trầm cảm” đến “bệnh nấm da”, và chỉ vài phút sau, bạn có cảm giác như mình từng tốt nghiệp trường Y vậy.
Từ năm 1996, chỉ số tin cậy đối với các trung tâm y tế hàng đầu đã giảm đáng kể so với các cơ quan khác. Biểu đồ trên cho thấy, đường đậm biểu thị mức độ xếp hạng đối với 10 cơ quan khác, bao gồm quân đội, Tòa án tối cao Hoa Kỳ, trường đại học và cao đẳng, các tổ chức tôn giáo (trừ năm 1991), phần lớn các doanh nghiệp, các cơ quan chuyên trách của chính phủ liên bang, báo chí, Quốc hội và các tổ chức công đoàn (trừ năm 1991 và 1996).
Chưa hẳn bác sĩ đã là một xu hướng, nhưng chính bác sĩ lại là một phần lý do khiến một số người hướng tới việc tự chăm sóc bản thân. Từ năm 2000 đến 2004, chi phí thăm, khám tại các phòng mạch ở Mỹ đã giảm đi hơn một nửa. Hơn 3 trên 5 người được hỏi cho biết họ lo ngại về sai sót trong khám chữa bệnh ở bệnh viện. (Và đúng là họ nên lo ngại – vì theo Viện Y khoa Mỹ, mỗi năm số người tử vong do lỗi của bệnh viện nhiều hơn cả số người chết do tai nạn hoặc do bệnh ung thư vú gây ra. Và mỗi năm, các bệnh lây nhiễm từ bệnh viện khiến số người chết nhiều gấp 5 lần số bệnh nhân bị nhiễm AIDS). Sự thực là, chỉ số tin cậy của cộng đồng với các viện y khoa đã giảm đến chóng mặt, hơn bất cứ cơ quan chức năng nào khác.
Vậy nếu bạn có đầy đủ thông tin sức khỏe và thuốc men sẵn sàng – còn uy tín của các bác sĩ ngày càng yếu kém – thì tại sao lại không thử tự mình làm bác sĩ chứ?
Đi đầu trong xu hướng tự làm bác sĩ chính là các bà, các mẹ, vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên nếu có trên 70% phụ nữ Mỹ tự đưa ra các quyết định liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe. Phụ nữ vốn có lịch sử hào hùng về tính độc lập trong lĩnh vực y khoa – trước khi có các bác sĩ chuyên nghiệp, thì hầu hết các “bà nội trợ thông minh’’ kiêm luôn chức danh “tủ thuốc gia đình”, đảm nhiệm việc chăm sóc sức khỏe cho cả nước Mỹ.
Không những vậy, các bác sĩ gia đình còn trẻ nữa. Không phải chỉ vì người trẻ thường dính cứng với Internet, mà còn vì ngày nay, những người tầm 20 đến 30 tuổi được sinh ra và lớn lên trong xã hội mà các loại thuốc OTC được bán tự do thoải mái trên thị trường, và họ dùng nhiều các loại thuốc thần kinh hơn vì bị ức chế, lo lắng và thiếu tập trung hơn bất cứ thế hệ nào trong lịch sử – và cho rằng bệnh tật và thuốc men là một phần của cuộc sống này. Rất nhiều trong số đó đã uống thuốc mà không cần đơn thuốc hay sự tư vấn của các bác sĩ. Đối với họ, tự chăm sóc và chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình cũng tự nhiên như việc sắp xếp lại các bản nhạc yêu thích trong chiếc iPods bé xíu họ cầm trên tay vậy.
Dù vậy, còn một vấn đề lớn nữa đối với những người tự mình làm bác sĩ. Đó là các công ty sản xuất dược phẩm có chất gây nghiện đã nhìn ra tầm ảnh hưởng của các quảng cáo trực tiếp tới khách hàng, và ngập tràn trên các kênh TV buổi tối là quảng cáo của các loại thuốc chống bất lực dành cho đàn ông như Viagra, Cialis, đương nhiên luôn kèm câu khuyến cáo “Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng”. Trong khi họ vẫn tiếp tục chi ra những khoản tiền khổng lồ để tiếp thị các bác sĩ, thì số tiền dành cho quảng cáo trực tiếp với khách hàng cũng hoành tráng không kém: 1 tỷ đôla vào năm 1997; còn đến năm 2004, con số đó là 4 tỷ đôla.
Đương nhiên, tự làm bác sĩ cũng khẳng định vai trò không thể thay thế được của các bác sĩ Hoa Kỳ. Năm 1970, chương trình truyền hình sức khỏe của hãng ABC, Marcus Welby, M.D đã gây sửng sốt cả nước Mỹ với ¼ số hộ gia đình theo dõi chương trình này. Nhân vật chính, bác sĩ Welby được yêu mến bởi sự khắt khe và phong cách gia trưởng với các bệnh nhân (hầu hết là phụ nữ) của mình. Nhưng thời kỳ ấy đã vĩnh viễn trôi vào dĩ vãng. Ngày nay, người ta dễ dàng tra cứu trên mạng Internet, cộng với lòng tin vào các bác sĩ và các bệnh viện ngày càng giảm sút, ngày càng có nhiều người Mỹ – đặc biệt là phụ nữ – tự coi mình là bác sĩ tốt nhất, hoặc ít ra thì cũng là người theo dõi sức khỏe tốt nhất. Nhất là khi con cái của họ gặp các vấn đề về sức khỏe. Nếu như ngày xưa, mẹ tôi nuốt lấy từng lời khuyên của bác sĩ nhi khoa và coi đó là chân lý luôn đúng thì ngày nay, vợ tôi phải tham khảo ý kiến của 3 đến 4 bác sĩ (chưa kể hàng 2 tá bạn bè thân cận nữa), mới kết luận chính xác là đứa con 4 tuổi của chúng tôi có bị cảm cúm hay không. Trước đây các bác sĩ chỉ phải trả lời các câu hỏi khi mọi việc xảy ra theo chiều hướng xấu và các luật sư xuất hiện. Còn ngày nay, họ phải trải qua trắc nghiệm 20 câu hỏi chỉ để khẳng định họ thực hiện đúng qui trình sử dụng một loại vaccin nào đó.
Trong tương lai, chúng ta hi vọng mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân sẽ cân bằng hơn, bao gồm cả hệ thống liên hệ qua thư điện tử. Năm 2005, chỉ có 8% người trưởng thành nói họ có sử dụng e-mail để liên hệ với bác sĩ của mình – nhưng có đến 81% nói họ mong muốn điều này. Trước tiên, các bác sĩ sẽ phải tìm ra cách thu phí từ những tư vấn qua e-mail – các bác sĩ hẳn sẽ thích hình thức chăm sóc bệnh nhân này, nhất là đối với những bệnh nhân cụ thể, nhưng cũng có thể là không nếu bác sĩ không thu được phí dịch vụ của bệnh nhân vì họ không đến phòng khám nữa. Một khi đã tìm ra được phương thức thanh toán hợp lý, thì, hãy tin tưởng vào hình thức tư vấn sức khỏe trực tuyến.
Chúng ta cũng có thể lường trước khả năng Cơ quan Quản lý Dược phẩm Liên bang sẽ bị áp lực chuyển một số tên thuốc từ danh mục thuốc theo chỉ định của bác sĩ, sang danh mục thuốc OTC. Nếu điều này xảy ra, chúng ta sẽ có nhiều hơn khoảng 700 loại thuốc không cần kê đơn so với cách đây 30 năm, nhưng như vậy không hẳn là tốt cho hệ thống tự làm bác sĩ của chúng ta.
Liệu tự làm bác sĩ có phải là một xu hướng tốt? Đến chừng nào còn chưa kiện được những người bán thuốc OTC là phạm pháp, thì chúng ta chưa thể kết luận được. Tất nhiên, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều vụ kiện những công ty sản xuất dược phẩm vì sự thiếu minh bạch thông tin cần thiết về sản phẩm, hay thậm chí là phải chỉ trích phương pháp tự chữa bệnh nhiều hơn thế. (Nhưng phần cảnh báo trên nhãn mác dược phẩm còn phải dài và chi tiết đến thế nào nữa đây?)
Tự làm bác sĩ chắc chắn tiết kiệm rất nhiều thời gian, thay vì phải đến khám ở phòng mạch, mọi người đều có thể tự chăm sóc sức khỏe của mình. Và cho đến khi tất cả mọi người đều tìm hiểu tình trạng sức khỏe của mình một cách khoa học, thì hẳn sẽ vẫn tồn tại không ít người thất bại trong việc tự chăm sóc sức khỏe của mình và chỉ biết làm theo chỉ dẫn của bác sĩ – vì vậy, thưa các bác sĩ đáng kính, các vị hãy dành nhiều thời gian và ưu tiên cho những người này, những người thực cần sự chăm sóc.
Nhưng làn sóng tự làm bác sĩ chắc chắn sẽ kéo theo làn sóng tự chẩn đoán sai, dùng thuốc sai, cũng như trì
hoãn việc tới khám bác sĩ của một số trường hợp đáng lẽ phải nhận được những dấu hiệu cảnh báo sớm. Trong khi điều này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng đánh giá mức độ nguy hiểm của những người tự làm bác sĩ, so sánh với nguy cơ sai phạm của các bác sĩ, và cả sự hoài nghi đối với bác sĩ ngày càng tăng thì họ phải biết rằng, cũng giống như các bác sĩ, họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước những sai phạm dẫn đến rủi ro của mình.
Tuy vậy, những người tự làm bác sĩ vẫn ngồi im. Các thông tin y học ngày càng phổ biến trên mạng nhưng hiển nhiên nó vẫn không phải là một hệ thống thông tin hoàn hảo. Bệnh nhân sẽ không thực sự biết được giới hạn nào họ có thể tự chịu trách nhiệm và khi nào họ cần phải đến bệnh viện ngay lập tức. Họ không thực sự biết khi nào họ đang làm đúng và khi nào các chẩn đoán của họ là sai. Những năm trước đây, trong các trường học và chương trình cắm trại, luôn có môn bắt buộc là sơ cứu – nhưng nay, có lẽ chính vì sự xuất hiện của các trang web chăm sóc sức khoẻ, mà những bạn trẻ có thể tự mày mò các phương pháp chăm sóc bản thân, và đồng thời cũng lạc luôn vào mê cung thông tin này. Có thể những người tự làm bác sĩ – hoạt động như một y tá chuyên nghiệp nhưng ở mức độ ít phức tạp hơn – có thể được cấp chứng chỉ tự-làm-bác sĩ. Tất nhiên đừng bao giờ cho mẹ của Junior biết hắn là một bác sĩ – mặc dù điều đó có thể khiến bà an tâm hơn, vì thực tế Junior không hề đến học một chữ nào ở trường y. Đơn giản vì Junior là một người tự-làm-bác sĩ.
Những người lãng tai
Theo một khảo sát năm 2006, tổng thống Ronald Reagan và tổng thống Bill Clinton đạt được chỉ số tín nhiệm cao nhất trong các đời tổng thống Mỹ 40 năm trở lại đây. Và thêm một điểm chung nữa của hai ông: Họ đều là những tổng thống từng thừa nhận mình bị lãng tai khi đang tại nhiệm.
Khi họ tuyên bố điều này, khán giả phía dưới ngồi im phăng phắc và chăm chú lắng nghe, bởi có lẽ chính họ cũng bị lãng tai. Năm 2000, số người Mỹ gặp vấn đề về thính giác là gần 30 triệu người, cao hơn gấp đôi so với số người cũng mắc chứng này vào năm 1970. Như vậy là cứ 10 người Mỹ thì có một người bị nặng tai, hoặc chỉ nghe câu được câu chăng.
Ở thế hệ trước thì vấn đề nhạy cảm chung đối với dân Mỹ là kém thị lực. Đầu tiên kính cận là mốt, sau đó là kính áp tròng, và bây giờ thì kính áp tròng cũng trở nên lỗi thời vì công nghệ phẫu thuật mắt cận bằng phương pháp laser. Trước đây, có thể bạn từng nghe chuyện Hải Quân Hoa Kỳ không tuyển thủy thủ tàu ngầm nếu anh ta bị kém thị lực, do nghề này đòi hỏi thủy thủ phải có đôi mắt tinh, sáng. Nhưng giờ đây, phẫu thuật mắt cận không những phổ biến, mà còn miễn phí ở Học viện Hải Quân Hoa Kỳ đối với bất cứ ai muốn trở thành hoa tiêu.
Như vậy nếu cận thị là vấn đề của những thế hệ trước, thì giờ đây là lãng tai. Các thiết bị trợ thính ngày nay đã đủ nhỏ để các cô cậu học sinh có thể đeo đến trường mà không sợ bị chế nhạo là “Đồ bốn mắt” như hồi cha mẹ chúng phải đeo kính cận – nhưng chắc chắn máy trợ thính sẽ là thiết bị mới và “nóng” trong xã hội Mỹ hiện đại.
Hầu hết các bệnh nhân bị trục trặc về thính giác ở Mỹ đều do tai trong của họ bị hư hại hoặc dây thần kinh thính giác giữa tai trong và não có vấn đề. Khi chúng ta già đi, quá trình lão hóa diễn ra thì việc mất khả năng thính giác là một chuyện rất bình thường. Chưa bao giờ nước Mỹ có nhiều người có độ tuổi trên 65 như hiện nay (khoảng 35 triệu người), và có khoảng 1/3 trong số đó bị nặng tai. Khoảng một nửa số cụ già từ 75 tuổi trở lên cũng mắc chứng này.
Ấy vậy mà theo Hiệp hội Nghiên cứu Khiếm thính, có khoảng 1/3 trường hợp bị điếc ở Mỹ không phải do lão hóa, mà hoàn toàn là do ô nhiễm tiếng ồn. Và không ai khác, chính ta hại ta thôi. Trước đây, nếu có bị hỏng tai vì tiếng ồn thì đó cũng chỉ là tiếng ồn của các nhà máy sản xuất hoặc tiếng pháo đốt. Nhờ sự phát
triển của khoa học kỹ thuật và các biện pháp bảo vệ sức khỏe con người, các nguy cơ này đã được giảm thiểu tối đa. Vậy mà ngày nay, âm thanh mà đôi tai phải chịu đựng thực tế còn cao hơn thế rất nhiều, tất cả là do công nghệ giải trí và thư giãn.
Đã bao giờ bạn đi xem phim dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên? Tôi thì tôi không thể chịu nổi dù chỉ là mẩu quảng cáo đầu phim nếu thiếu nút bịt lỗ tai. Cảm giác bàng hoàng như thể một đất nước khi rơi vào tình trạng lạm phát tồi tệ đến mức phải hạ giá đồng tiền đột ngột từ 10.000 rupee xuống chỉ còn 1 rupee
vậy. Ngồi trong rạp chiếu phim với lũ trẻ đang thản nhiên nhai bỏng ngô vây quanh và chúng thậm chí còn không thèm để tâm đến qui định về tiếng ồn, tôi có cảm giác như đột nhiên định nghĩa “âm thanh bình thường” bị thay đổi hoàn toàn.
Đó chính là những liều thuốc độc tra tấn đôi tai chúng ta hàng ngày. Giới hạn chịu đựng của tai người là khoảng 85 dB. Giờ thì hãy nhìn vào cuộc sống thường nhật của chúng ta. Máy sấy tóc – một số người ngày
nào cũng sử dụng máy sấy tóc vài phút một ngày, rồi hiển nhiên là tiếng chuông điện thoại, tiếng trẻ con gào khóc hay tiếng kêu chói tai của các bà vợ – đều có thể đạt mức 90 dB. Máy cào tuyết có thể phát ra tiếng ồn lên đến 100 dB. Tiếng đường ray xe lửa mỗi khi có tàu chạy qua là 105 dB. Trong cabin máy bay, cường độ âm thanh là 110 dB. Trong một buổi biểu diễn nhạc rock là 120. Nếu bạn ở giữa đám đông cuồng nhiệt của một đêm biểu diễn nhạc rock chỉ 9 giây thôi, rất có thể bạn đã có nguy cơ bị giảm thính lực.
Và ảnh hưởng của máy nghe nhạc iPod với đôi tai vẫn còn chưa được xác định. Với hàng trăm triệu người trên khắp thế giới coi máy nghe nhạc là vật bất ly thân, cuộc chiến giữa các luật sư và các hãng sản xuất về mức độ ảnh hưởng của máy nghe nhạc tới thính lực đã thực sự bắt đầu. Chính phủ Pháp gần đây đã cấm bán những máy nghe nhạc MP3 có âm lượng vượt quá 100 dB. Các hãng sản xuất Apple, iPod đều đã nâng cấp phần mềm cho phép người dùng (hoặc cha mẹ chúng) điều chỉnh âm thanh trên các máy cá nhân.
Nhưng bất kể là âm nhạc, phim ảnh, máy sấy tóc hay các chuyến du lịch… thì cuộc sống hiện đại ngày nay vẫn từng ngày, từng giờ hủy hoại những dây thần kinh thính giác của chúng ta. Trên phương diện nhân khẩu học thì thính giác của đàn ông thường kém hơn của phụ nữ, gần 12% đàn ông ở tuổi từ 65 đến 74 bị mắc chứng ù tai hoặc bị ọc ạch trong tai. Người da màu có thính giác tốt hơn người da trắng hay người ở châu Mỹ Latinh. Về địa lý cũng có những sự khác biệt nữa. Người miền Nam có tỷ lệ mắc bệnh ù tai nhiều gần gấp hai tỷ lệ ở miền Bắc. Liệu có còn phương diện nào để so sánh thêm nữa chăng?
Trong khi ấy, các doanh nghiệp tiếp tục công cuộc thâu tóm thị trường sản xuất đồ dùng cho những người bị nặng tai ngày một nhiều lên. Một thiết bị trợ thính được gắn sẵn trong tai của tổng thống Bill Clinton, giúp ông luôn giữ được phong thái tự tin, nhanh nhẹn mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng. Đã qua rồi thời kỳ mà người ta phải do dự khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại, như vọng về từ nơi nào xa xăm lắm. Nhiều thập kỷ trôi qua, các thiết bị trợ thính ngày càng nhỏ đi và hữu dụng hơn. Đồng thời kỹ thuật phẫu thuật tai cũng có những bước tiến vượt trội, giúp những người khiếm thính nặng có thể nghe được những âm thanh mà trước đó họ không hề biết tới.
Nhưng giữa ồn ã âm thanh của đời sống hiện đại, số người khiếm thính vẫn tiếp tục tăng lên, và những giới hạn sáng tạo tiếp tục bị phá bỏ. Đó là những đôi tai sinh học cảm biến, những con chip đơn được cấy trực tiếp vào cơ thể người và hoạt động liên tục trong vòng 15 năm mà không cần thay pin. Đó là sự phát triển của các chất chống lão hóa, có tác dụng hạn chế sự tác động của các gốc tự do vào các tế bào trong tai người – nguyên nhân gây điếc. Hay là sự nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học trong hành trình tìm kiếm và chế ngự những tế bào có hại cho tai người.
Và còn là các cuộc vận động chống lại tiếng ồn vì sức khỏe cộng đồng. Cũng giống như nghiện thuốc lá hoặc bị rám da vì ánh nắng mặt trời khi bạn còn trẻ, bạn rất khó có cơ hội để phục hồi. Vấn đề đặt ra rất rõ ràng đối với các hoạt động cộng đồng tích cực – tất nhiên ngoại trừ trường hợp nếu không kêu gào, thì thách thức đặt ra là liệu Washington có lắng nghe hay không.
Tuy nhiên, cộng đồng người khiếm thính và nặng tai có những bước tiến vượt bậc để khẳng định vai trò của mình. Cô Heather Whitestone đã đăng quang trở thành hoa hậu khiếm thính đầu tiên của nước Mỹ vào năm 1995. Giải quốc gia môn bóng bầu dục, giải bóng chuyền lớn của nước Mỹ đều có sự góp mặt của các vận động viên khiếm thính như Kenny Walker của đội Denver Broncos và William “Dummy” Hoy của đội Washington Senetors cũ. Năm 2001, Rush Limbaugh thông báo anh bị mất khả năng thính giác do mắc bệnh miễn dịch lỗ tai. Diễn viên khiếm thính Marlee Matlin, diễn viên trẻ nhất từ trước đến nay giành giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất ở tuổi 21 (cho bộ phim cũng có chủ đề khiếm thính Những đứa trẻ bé bỏng của Chúa), đã tỏa sáng trong tất cả các bộ phim cô tham gia diễn xuất từ Law and Order: SVU trong vai nhà phôi học bị lãng tai, nữ vận động viên khiếm thính trong phim Seinfeld, và đến bộ phim yêu thích của tôi – The West Wing, trong vai người thăm dò dư luận bị điếc.
Và tất nhiên, ngôn ngữ cử chỉ cũng trở nên rất thông dụng. Rất hiếm khi các giáo viên mẫu giáo không sử dụng đôi tay để diễn đạt từ muốn diễn đạt, và tỷ lệ các thầy cô giáo hướng dẫn trẻ em dùng ngôn ngữ cơ thể để diễn đạt trước khi các em có thể nói chuyện là rất cao.
Một ý tưởng lóe sáng khi tôi quan sát hiện tượng ngày càng có nhiều người điếc đó là, có thể, sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo gắn liền với nó. Trong 150 năm trở lại đây, hai phát minh vĩ đại nhất trong thông tin liên lạc truyền thông là điện thoại và Internet đều do những người bị ảnh hưởng bởi bệnh điếc tai nghĩ ra. Mẹ và vợ của Alexandre Graham Bell đều bị điếc, do vậy ông đã phát minh ra điện thoại một phần nhằm khuếch đại
âm thanh, giúp người bị điếc có thể nghe thấy. Còn Vinton Cerf, được xem là cha đẻ của mạng Internet, đã sáng tạo ra phương thức truyền thông điện tử – mà sau này trở thành thư điện tử – là do ông bị thôi thúc khi không thể giao tiếp được với người vợ bị điếc của mình và các nhà khoa học khác (bản thân ông cũng bị điếc một phần).
Nhưng nói gì thì nói, các bạn cũng nên đi kiểm tra thính giác. Ngày nay, có rất nhiều người trưởng thành trên 40 hoặc 50 tuổi không nghe được một số âm vực cao, mà chỉ bọn trẻ con mới nghe thấy (vì thế chúng đã để nhạc chuông điện thoại “Mosquitotone” trong lớp để giấu các thầy cô chuyện chúng sử dụng di động trong lớp). Đó là một vấn đề, trừ khi bạn chuẩn bị một dụng cụ công nghệ khác để bắt quả tang chúng – giống như ông chủ các cửa hàng thường truy đuổi lũ trẻ sử dụng âm thanh cao độ bằng cách bật to những tiếng ồn phá sóng mà chỉ chúng mới có thể nghe thấy. Nhưng nếu bạn nằm trong độ tuổi có thể mắc bệnh về thính lực, thì mời bạn đi kiểm tra ngay – không chừng chính bạn cũng bị điếc đấy.
Phần V - Cuộc sống gia đình
“Cha già, con cọc”
Bạn có biết các nhân vật Strom Thurmond, Mick Jagger, Luciano Pavarotti, Charlie Chaplin và Rupert Murdoch có một điểm chung là gì không?
Đó là họ đều bắt đầu làm bố sau tuổi 55.
Thực ra thì chỉ trừ có mỗi Mick Jagger làm cha lần đầu năm 55 tuổi, còn tất cả các nhân vật còn lại đều làm cha khi đã trên 65 tuổi. Thurmond, Chaplin và Murdoch thực ra trên 70 tuổi mới có con.
Tuy nhiên, “Cha già, con cọc” không hẳn là xu hướng chỉ dành cho những người giàu có và nổi tiếng. Ngày nay ở nước Mỹ, mới xuất hiện một thế hệ những người đàn ông đứng tuổi, xoa thuốc giảm đau và ra vườn chơi đùa với những đứa trẻ, chúng không phải là cháu mà chính là con của họ.
Trong những năm gần đây, người ta tranh luận rất nhiều về những bà mẹ lớn tuổi, liệu sự nghiệp của họ có bị gián đoạn không khi đã ngoài 40 tuổi mới mang thai và sinh em bé.
Nhưng người ta đã bỏ quên những ông bố, họ có xu hướng ngày một già hơn, và rõ ràng là họ không phải đối mặt với những thay đổi về mặt sinh học giống hầu hết phụ nữ ngoài 40 tuổi phải chấp nhận như một lẽ tự nhiên.
Năm 1980 ở Mỹ, chỉ có 1 trên 23 trẻ sinh ra có bố 50 tuổi hoặc già hơn. Năm 2002, tỷ lệ này tăng lên là 1/18 trẻ. Cùng thời điểm đó, tỷ lệ trẻ em sinh ra có bố trong tầm tuổi từ 40 – 44 tuổi tăng 32%; và từ 45 – 49 tuổi là 21%. Còn tỷ lệ trẻ em sinh ra có bố trong tầm tuổi từ 50 – 54 tuổi là gần 10%. Quan sát cho thấy cũng có xu hướng tương tự diễn ra ở rất nhiều nước Tây Âu, bao gồm cả Israel, Hà Lan, Anh và New Zealand.
Chuyện các ông bố ở tuổi 62 dự lễ tốt nghiệp trung học của con mình không còn là chuyện hiếm nữa.
Trong khi phần lớn trẻ con sinh ra có bố ở độ tuổi từ 20 – 34, thì tỷ lệ gia tăng các ông bố trên 40 tuổi được công bố quả là một cú sốc.
Lý giải một phần nguyên nhân của hiện tượng trên, tất nhiên, là do các bà mẹ cao tuổi. Những người phụ nữ muộn con vì mải mê sự nghiệp vẫn thường hướng tới những người đàn ông phải hơn họ vài tuổi – người có cơ hội xuất hiện nhiều trên tạp chí Fortune hơn là trên các tạp chí khác, kiểu như tạp chí Maxim, và mong họ là người chờ đợi mình bên ngoài phòng hộ sinh.
Nguyên nhân tiếp theo là do ly hôn. Ai cũng biết một nửa các đám cưới kết thúc bằng ly hôn, nhưng còn một sự thật sau đấy nữa là đàn ông tái hôn nhanh hơn và nhiều hơn phụ nữ. Có thể gọi họ là những “ông bố quá lứa”, ngày càng có nhiều người đàn ông lớn tuổi cố gắng thử làm cha lần thứ hai hoặc hơn thế với người vợ mới trẻ tuổi.
(Phản ánh xu hướng này là số trường hợp đến bệnh viện để hồi phục chức năng sinh sản sau khi đã phẫu thuật thắt ống dẫn tinh là 40% kể từ năm 1999. Các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu cho biết hầu hết những người đàn ông đến thực hiện đều tầm tuổi ngoài 40 hoặc già hơn nữa, đi cùng những cô vợ trẻ hơn họ ít nhất là 8 tuổi).
Lý do thứ ba là sự kết hợp giữa sinh học và thành công xã hội. Đầu tiên là về mặt sức khỏe, những ông bố lớn tuổi vẫn còn khả năng làm cha; họ có nhiều mối quan hệ với những phụ nữ trẻ tuổi, và dường như họ rất sẵn lòng trở thành người ủng hộ cho con cái mình khi chúng lớn lên trong cuộc đời.
Vậy những ông bố lớn tuổi thì tốt hơn những ông bố bình thường ư? Có thể họ không còn đủ trẻ khỏe để chăm sóc con trẻ tốt nhất, và sẽ trở nên quá già khi chúng trưởng thành. Nhưng rất nhiều ông bố lớn tuổi nói họ thấy rất “mới mẻ”, và họ chưa bao giờ thoải mái, thư giãn và yêu cuộc sống gia đình hơn lúc này
(hoặc do trước đây họ chưa từng như thế?!) bởi thời trẻ, họ còn bận tập trung cho sự nghiệp. Công việc không còn cuốn hút họ như trước đây nữa. Rất nhiều người trong số họ thấy mình minh mẫn hơn, biết suy nghĩ và đồng cảm hơn với con cái, và rằng họ đã bắt đầu biết lo sợ tuổi già và cái chết, họ đã tập trung hơn đáng kể vào gia đình và con cái.
Bản thân tôi cũng là một người cha lớn tuổi, đứa con út của tôi ra đời khi tôi đã 48 tuổi. Làm bố khi đã lớn tuổi khiến người ta phải trăn trở với những câu hỏi như chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không có mặt khi các con tôi cần đến tôi. Nhưng ngược lại, hạnh phúc gia đình sẽ kéo dài cho đến khi tôi bước vào ngưỡng tuổi 60. Quãng thời gian sau nghỉ hưu với sự trống trải khi lũ trẻ đã trưởng thành và tự lập, sự cô đơn và cảm
giác bị quên lãng dường như ngắn lại. Mỗi lần chờ đón con ở lớp học balê, hay tham dự cuộc họp phụ huynh ở trường, tôi lại quan sát thấy các ông bố trẻ ngồi ở một phía, chăm chú lắng nghe, học hỏi, còn những ông bố lớn tuổi ở phía còn lại, coi bộ có vẻ thư giãn hơn. Sự khác biệt tuổi tác giữa các ông bố thể hiện rõ nét ở các trường công – ở các trường tư thì sự khác biệt không rõ ràng bằng – nhưng thực sự là ở các cuộc họp phụ huynh ở trường công, sự khác biệt giữa các ông bố thể hiện ra rõ như ban ngày.
Sự khác biệt giữa các ông bố ở trường tư hay trường công chỉ phản ánh khía cạnh kinh tế của xu hướng này. Các ông bố lớn tuổi thường giàu hơn. Đối với trẻ em thì điều đó có nghĩa là chúng sẽ được sống trong sung sướng và được quan tâm hơn nhiều so với những đứa trẻ có bố mẹ trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp.
Đồng thời, những đứa trẻ này cũng chưa bao giờ nằm trong diện được nghiên cứu xã hội đầy đủ. Lâu nay, chúng ta chỉ nghiên cứu về vấn đề mang thai ở tuổi vị thành niên mà sao lãng hiện tượng trái ngược này – trong khi đó năm 2001, số lượng trẻ sinh ra có bố ở độ tuổi ngoài 40 đã tương đương với số trẻ sinh ra có mẹ dưới 19 tuổi.
Và trong khi có rất nhiều nhóm, hội hỗ trợ các bà mẹ lớn tuổi, thì các ông bố lớn tuổi hầu như bị quên lãng, họ phải tự mình xoay sở bằng cách đọc tài liệu và sách hướng dẫn hoặc tự học hỏi để đáp ứng nhu cầu nuôi dạy con cái của mình. Hiệp hội Hưu trí Mỹ (AARP) ư? Cứ để đấy, chúng tôi sẽ gia nhập khi nào 50 tuổi, còn từ giờ cho đến khi ấy, chúng tôi còn bận đưa con đến trường tiểu học mỗi ngày.
Tất cả những điều này đều ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội nói chung và hệ thống hỗ trợ nói riêng. Những ông bố lớn tuổi sẽ muốn kéo dài thời gian lao động hơn, nghỉ hưu muộn hơn để có thể chi trả học phí và những khoản chi phí khác trong việc nuôi dạy con cái đến tuổi trưởng thành.
Họ cần cả một hệ thống những hoạt động ít phải sử dụng cơ bắp, thiên về tinh thần hơn để có thể chơi chung với con cái của mình ở mọi lứa tuổi.
Các ông bố lớn tuổi sẽ là những khách hàng ruột của các loại nước uống tăng lực, những loại sách tư vấn chăm sóc con cái vì họ sẽ năng đi chung xe với người khác, và ít chơi golf hơn những người cùng lứa tuổi.
Còn bọn trẻ, thường là con một hoặc con cưng trong gia đình sẽ cần có người chơi cùng những trò chơi như thể thao và game chiến đấu giống những đứa trẻ đồng lứa có bố trẻ hơn. Mặt khác, chúng lại có xu hướng già trước tuổi – nhìn chung, chúng có thể không thích uống bia nhưng có thể sẽ thích rượu, không thích lái xe nhanh, mà sẽ ưu tiên an toàn, ít nổi loạn hơn, nhưng sẽ bảo thủ hơn.
Có lẽ chúng ta nên xem xét lại về hệ thống hỗ trợ cha mẹ nghèo nàn như hiện nay, nhất là khi ngày càng có nhiều lứa cha mẹ lớn tuổi hơn cần sự giúp đỡ ngay lập tức trước khi con cái của họ có thể tự mình làm chủ cuộc sống của chúng.
Những ông bố lớn tuổi cũng có những sức mạnh chính trị nhất định. Ở Anh quốc, các ông bố đã đấu tranh quyết liệt giành quyền nuôi con trong các cuộc ly hôn, điều này đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới tận điện Buckingham.
Cuối cùng, nếu như từ trước đến nay người ta vẫn nghĩ mỗi người, khi ở độ tuổi 20 tập trung phát triển sự nghiệp, ở tuổi 30 – 40 thì tập trung cho gia đình, từ 50 – 60 tuổi thì quan tâm đến lương bổng và hưởng thụ, và từ 65 tuổi trở lên sẽ quan tâm đặc biệt đến Bảo hiểm Xã hội và chăm sóc sức khỏe, thì nay, những ông bố lớn tuổi đã phá vỡ hoàn toàn tiến trình đó. Người ta hoàn toàn vì con cái ở độ tuổi 40 đến 50, nghỉ ngơi ở độ tuổi 60 đến 70, và cứ tiếp tục như thế…
Nuôi thú cưng
Người Mỹ rất yêu quý động vật. Không vị tổng thống nào từ thời Chester A. Arthur khi chuyển đến Nhà Trắng mà không mang theo ít nhất một con chó hoặc một con mèo, vài vị tổng thống Mỹ hồi thế kỷ 19 còn mang theo cả dê, bò, gà trống nữa. Chắc chắn rồi, các con vật mang đến sự ấm áp và tình thân. Theo quan niệm lâu đời chúng là những người bạn tốt nhất. Vài nghiên cứu thậm chí đã chứng minh các vật nuôi còn giúp con người giảm huyết áp, giảm stress, ngăn ngừa bệnh tim, và phòng tránh trầm cảm.
Vậy thì điều mới mẻ về chó và mèo ở đây là gì? Đó chính là cách người ta chăm sóc thú cưng và vai trò mới của chúng trong xã hội ngày nay. Ở Mỹ hiện nay, thay vì sinh con, người ta chọn nuôi thú cưng và coi chúng là người bạn đồng hành số một. Theo đúng nghĩa đen của cụm từ “new kids on the block” – “những đứa trẻ mới trên sàn diễn”, cuộc sống mới của một số thú cưng đã được nâng lên mức xa hoa, được chủ chăm sóc bằng thẻ tín dụng hạng nhất, đi máy bay hạng VIP, có bảo mẫu và người hầu đi kèm. Đó là những người được thừa hưởng những tài sản kếch xù mà cha ông họ đã dành dụm trước đó – giúp thú cưng của họ có cơ hội đối đầu với những rắc rối thượng hạng và có một cuộc sống thượng hạng. Ở Mỹ ngày nay, cuộc sống của top 1% những con thú cưng ấy tốt hơn nhiều so với 99% dân số thế giới.
Câu chuyện là: 63% gia đình Mỹ hiện có thú nuôi, tăng lên so với 56% vào năm 1988. Có 44 triệu gia đình có ít nhất 1 con chó, và 38 triệu gia đình có ít nhất một con mèo (nhưng điều thú vị là số lượng mèo ở Mỹ hiện nay nhiều hơn 17 triệu con so với chó, vì chủ nhân của các cô, cậu mèo thường không chỉ nuôi một con mèo).
Cộng thêm vào nhóm gia đình nuôi những động vật ít truyền thống hơn như cá, chim, rắn và một vài con vật nhỏ khác, bạn sẽ thấy tỷ lệ những gia đình có vật nuôi ở Mỹ nhiều gấp 2 tỷ lệ những gia đình có con. Trên thực tế, trong 15 năm trở lại đây, tỷ lệ các gia đình giảm sinh con và tỷ lệ các gia đình tăng nuôi thú cưng là gần như bằng nhau.
Cùng với đó, ngày càng nhiều phụ nữ sống độc thân hoặc làm chủ gia đình. Đó là sự thay đổi sâu sắc về nhân chủng học, tạo ra một số ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội và một số ảnh hưởng khác nhỏ hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà tỷ lệ các gia đình không có con lại tăng lên, cũng như số lượng thú cưng được nuôi trong các gia đình cũng tăng lên. Theo số liệu chính thức của các hãng đồ chơi cho thú nuôi, những người mua đồ chơi cho thú nuôi thường là phụ nữ, có độ tuổi trung bình từ 24 – 45, và không có con. Phong cách sống mới của nước Mỹ đồng nghĩa với việc trễ nải sinh con, nhưng nhận nuôi nhiều thú cưng hơn. Trước đây, trẻ con là một phần động lực của việc nhận nuôi thú cưng trong gia đình – lũ trẻ nhìn thấy một chú chó con đáng yêu và van nài đòi nuôi cho đến khi được cha mẹ đồng ý. Và nếu bố mẹ không có khoản tiền nào dành để nuôi chó, lũ trẻ chấp nhận chia sẻ để được nuôi con vật đó.
Còn ngày nay, những con thú cưng giàu có đang nhận được tất cả. Không phải chỉ vì ngày càng có nhiều người trung tuổi không con cái, mà còn vì có rất nhiều ông bố bà mẹ sống lẻ loi sau khi con cái trưởng thành và ở riêng. Những năm tháng cô đơn tiếp tục trải dài và có khi còn gấp 5 lần quãng thời gian họ chờ đợi con cái học đại học, vì sau khi tốt nghiệp ra trường chúng sẽ còn bận rộn hơn nữa. Có nghĩa là đối với những người chưa bao giờ có con, hay những người có con nhưng không còn sống chung với họ nữa, thì thay vì chịu cô đơn, họ sẽ nhận nuôi những con vật nhỏ, và đối xử với chúng như con cái của mình vậy.
Rõ ràng đó là những con vật may mắn. Năm 2006, người Mỹ tiêu gần 40 tỷ đôla cho thú cưng của mình – tăng gần 17 tỷ đôla so với những năm đầu năm 1990 – khiến chi tiêu cho thú nuôi trở thành một trong 10 khoản chi lớn nhất ở Mỹ. Sản xuất sản phẩm phục vụ thú nuôi ngày nay đã trở thành ngành công nghiệp lớn hơn cả ngành sản xuất đồ chơi cho trẻ con, sản xuất kẹo hay phần mềm. Nhưng kích cỡ của thị trường không phải là điều mới mẻ – mà tính chất xa hoa của ngành công nghiệp sản xuất phục vụ thú nuôi mới là điều đáng nói. Top 1% sản phẩm dành cho thú cưng có thể tương ứng với 40% tổng sản phẩm các mặt hàng khác.
Ai cần con cái nữa nếu đã có một chú thú cưng rồi? 8/10 ông bà chủ của các chú chó, và 2/3 ông, bà chủ của các chú mèo mua quà cho thú nuôi của mình vào ngày sinh nhật hoặc kỳ nghỉ. Bảo hiểm sức khỏe cho vật nuôi là một bước tiến nữa. 70% các ông, bà chủ của các con vật mua bảo hiểm sức khỏe cho chúng nói họ sẵn sàng “trả bất kỳ giá nào” để cứu sống vật nuôi của mình khi chúng bị gặp nguy hiểm. Năm 2004, người Mỹ chi ra 14 tỷ đôla để mua thức ăn cho vật nuôi, trong đó gồm các khoản chi kỷ lục cho thức ăn đồ hộp, các món khoái khẩu, rau xanh, thức ăn có hàm lượng carbon thấp và các loại thực phẩm chức năng dành cho thú nuôi.
Năm 2006, người Mỹ chi ra hơn 9 tỷ đôla mua thuốc tự do ngoài thị trường để chăm sóc cho thú cưng của mình – đừng nghĩ thú nuôi trong nhà chỉ sinh ra bọ chét và cào xước chân tay thôi nhé. Còn có cả thuốc làm trắng răng, thuốc xịt thơm miệng, áo len, áo bằng da thú, xích trang trí cho chó, và tất nhiên, cả ghế cho thú nuôi trên ô tô nữa. Họ còn mua cả thuốc trị mụn trứng cá dưới cằm cho mèo con. “Doggles” để bảo vệ mắt chó không bị chói lóa khi cho chúng đi xe mui trần. Kính râm cho chó. Nước dưỡng cho móng chân mèo. Kem chống lão hóa. “Pawfume” – nước hoa. Và tất nhiên, cả kính áp tròng cho thú cưng.
Một số ông, bà chủ của thú cưng còn trả hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn đôla để xây nhà cho chó yêu. Các ngôi nhà cho chó đã được nâng cấp thành khách sạn xa xỉ để chó có thể đi dạo, bơi lội, xem TV, thưởng thức các bữa ăn và sơn sửa móng chân. Khách sạn Nashville Loews (cho người!) gần đây đã quảng cáo kèm gói dịch vụ dành cho chó, bạn chỉ cần bỏ ra 1.600 đôla thì bạn có thể đưa chó đi dạo trên xe Limousine đến một phòng thu, ghi âm tiếng chó sủa và ghi đĩa CD. Bao gồm cả dịch vụ massage. Dĩ nhiên là cho chó.
Và, tất cả những người nuôi thú đều biết đến các loại dịch vụ trọn đời cho thú cưng của mình. Cho thú chơi theo nhóm để tăng tình đoàn kết. Trường dạy cách ứng xử cho mèo (Feline finishing school ). Dịch vụ mai mối chó, và, ừm, sau đó là tổ chức đám cưới cho chó. Nhà dưỡng lão cho thú cưng, ở đó các con vật có cùng thể trạng sẽ được chăm sóc và chơi cùng nhau theo những liệu pháp cụ thể. Và, tất nhiên, cả dịch vụ chôn cất thú, bia tưởng niệm và các hoạt động tưởng niệm thú nuôi. Bạn có biết còn có thể làm ra kim
cương từ những gì thú cưng của bạn để lại sau khi “ra đi” không? Tất nhiên, 20% của tất cả số kim cương đó đều rất phức tạp.
Không còn nghi ngờ gì khi bộ phim Marley and me: Life and Love with the World’s Worst Dog (Marley và tôi: Cuộc sống và Tình yêu với con chó tệ nhất thế giới) nằm chễm chệ trong danh sách những bộ phim ăn khách nhất năm 2005, 2006. Và năm 2006, bộ phim về chú chó Lassie được đánh giá là đáng xem nhất năm.
Vậy sau tất cả, điều này có ý nghĩa gì?
Trước tiên, rõ ràng là thị trường sản phẩm và dịch vụ dành cho thú nuôi sẽ tiếp tục lớn mạnh. Và không lâu nữa, các cửa hàng phục vụ thú nuôi sẽ lấp đầy lỗ hổng thị trường này; hiện nay, các đại siêu thị “petiques” đã mở cửa để đáp ứng nhu cầu của các bậc cha mẹ thú cưng. Đến cả những “người bạn thân thiết của con người” cũng muốn bước chân vào. Hãng chăm sóc tóc nổi tiếng Paul Mitchelle còn sản xuất dòng sản phẩm đặc biệt để chăm sóc lông của thú cưng. Thương hiệu đồ ăn Omaha Steaks thì sản xuất “thịt bò túi dành cho thú vật”(nhưng không dành cho bò, có lẽ vậy!). Các công ty sản xuất quần áo, đồ chơi, giường đệm cho thú nuôi đang lao vào cuộc chạy đua quyết liệt như hình ảnh chú chó con nhảy múa của hãng Kibbles ‘n Bits .
Đây cũng là cơ hội mới cho ngành sản xuất dược phẩm cho thú vật. Với tất cả các sản phẩm cao cấp dành cho thú vật như thức ăn và thuốc men như hiện nay, các con vật đã sống lâu gấp 3, 4 lần so với 30 năm trước đây, do vậy, trước kia, các bác sĩ thú y chỉ chuyên chữa bệnh dại và bệnh thần kinh cho thú vật, thì giờ đây, họ còn điều trị cả bệnh “hư”, tính khí thất thường và bệnh xơ cứng động mạch ở loài vật. Chưa hết, các trung tâm bác sĩ thú y trên khắp nước Mỹ còn mở thêm những phòng khám chuyên khoa tim mạch, thần kinh và ngoài da cho loài vật.
Giờ đây có lẽ câu tục ngữ “ốm yếu như một con chó” đã không còn phù hợp nữa.
Ngoài ý tưởng về các sản phẩm và dịch vụ dành cho loài vật, người ta còn có thể nghĩ đến những không gian mà con người và loài vật có thể cùng nhau chia sẻ. Năm 2005, hãng xe Honda đã khai trương xe Wow, khái niệm mới về xe ô tô dành cho người thường xuyên chở chó đi cùng. Giữa 3 hàng ghế thiết kế một cái cũi. Sàn cũi làm bằng gỗ để dễ dàng rửa sạch. Phía sau có các ngăn đựng xích chó, bàn chải và dụng cụ hót phân chó. Và ngày càng có nhiều người cung cấp dịch vụ đi dạo với thú nuôi hơn là đi lòng vòng một mình. Đưa chó đi dạo giá 200 đôla/giờ. Một cô chăm sóc “sắc đẹp” cho thú nuôi có thể kiếm tới 100 đôla/giờ nếu cô may mắn gặp một nàng Fifi đỏm dáng.
Tiếp theo là các không gian cho các thú yêu. Trong khi công viên quốc gia vẫn kiên quyết không cho mang chó, mèo vào, thì ngày càng có nhiều khách sạn không những cho phép thú nuôi mà còn thu xếp cho chúng giường ngủ sang trọng, và cả bồn tắm nữa. Nhiều nhà hàng còn cấp túi ngủ cho chó ngay tại chỗ. Các cửa hàng còn để sẵn bát nước cho các chàng Fido để “cha và mẹ” chúng có thể thoải mái mua sắm.
Hãy nghĩ đến chuyện đưa thú đến nơi làm việc nữa. Số công ty gia nhập Hiệp hội Quốc tế “Hãy mang chó của bạn tới công sở” đã tăng lên gấp đôi từ năm 2003 đến năm 2005. Chúng ta có phương thức tích hợp nhà trẻ với công sở thích hợp, nhưng chẳng phải chăm sóc chó dễ dàng hơn nhiều sao?
Việc nuôi thú cưng đang có chiều hướng thúc đẩy xoá dần đi ranh giới luật pháp giữa thú và người. Năm 2004, một thẩm phán ở California đã tuyên bố một ông chủ vật nuôi được hưởng mức đền bù kỷ lục 39.000 đôla trong một vụ kiện tụng liên quan đến mua bán vật nuôi trái phép, trong đó, con chó của ông này được xem như một “tài sản” đặc biệt, chứ không bị coi là một con chó có giá 10 đôla trên thị trường. Năm 2007, vụ bê bối thức ăn dành cho thú nuôi bị nhiễm độc đã khiến các nhà làm luật soạn thảo quy định cho những trường hợp được coi tương đương với tội danh cố ý làm hại thú vật. Xu hướng này được coi là thành công lớn với những người yêu thú vật, nhưng nếu nhìn các hoạt động bảo vệ quyền lợi của thú vật ở khía cạnh khác, người ta có thể kết tội những người sở hữu thú cưng là vô nhân đạo. Vì nếu các con thú nuôi không phải là vật sở hữu, dưới con mắt của quan tòa, thì tại sao con người lại cho phép mình sở hữu chúng?
Một chi tiết nữa cần phải nói đến là trong một thời gian dài, các nhà khoa học đã từng bảo vệ quan điểm rằng những cử chỉ đáng yêu mà các chú cún thể hiện ra hoàn toàn là do bản năng, và thú nuôi không có cảm xúc thực sự hay tình cảm. Giờ đây thế giới khoa học đã lật ngược vấn đề và thừa nhận những điều rõ ràng – thú vật có suy nghĩ, có hành động và có tình yêu, như những đứa trẻ thực sự. Có thể sẽ còn rất nhiều giới hạn cơ bản, nhưng tình cảm chân thành giữa các con thú nuôi và cô chủ hoặc cậu chủ của chúng, nhất là đối với bọn trẻ là có thật và không thể coi thường được. Khi tình cảm ấy phát sinh ở lũ trẻ, sẽ không có gì thay thế được, ngay cả khi đó chỉ là tình cảm của một anh chó hay một cô mèo.
Nuông chiều con cái
Hiếm có chủ đề nào tiềm ẩn khả năng khơi dậy niềm đam mê tranh luận giữa những người Mỹ như chủ đề nuôi dạy con cái. Đã 30 năm nay, tiến sĩ Benjamin Spock vẫn là một cái tên rất nổi tiếng trong các gia đình, về cả nghĩa đen – sau khi cuốn sách Thường thức về Bé và Chăm sóc trẻ nhỏ của ông được xuất bản (với 50 triệu bản được bán) – và giờ đây hàng triệu người Mỹ vẫn tiếp tục lùng sục những ấn phẩm cùng chủ đề này.
Năm 1975, các nhà xuất bản lớn ở Mỹ xuất bản 57 đầu sách dành cho các bậc làm cha mẹ; năm 2003, họ xuất bản nhiều gấp hai mươi lần con số đó. Trên thực tế, có hàng trăm tạp chí và hàng nghìn trang web đưa ra các lời khuyên về cách nuôi dạy con cái, từ khi chúng chào đời, chập chững biết đi, tuổi thiếu nhi… cho đến tuổi trưởng thành. Và các ngành kinh doanh sản phẩm cho trẻ em – theo cách nào đó cũng hỗ trợ nhất định cho tất cả các ấn phẩm này – tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành ngành công nghiệp trị giá 7 tỷ đôla.
Lĩnh vực này không chỉ rộng lớn, mà nó gây nhiều cuộc tranh luận. Trái với tinh thần mà tiến sĩ Spock muốn truyền tải đến tất cả các bậc phụ huynh ở Mỹ, ngày nay, đang có sự chia rẽ và tranh cãi về quan niệm trong lĩnh vực này, quyết liệt như thể lũ trẻ nhà bạn tranh nhau chiếc đĩa DVD mới của bố vậy. Trước đây người ta đã cân nhắc xem như thế nào mới là những bậc cha mẹ mẫu mực, tiến sĩ Spock có thể sẽ phản ứng cách dạy con của bác sĩ James Dobson vì quá dễ dãi (“cha mẹ phải là nhà chỉ huy!”), và nghiêng về phía tiến sĩ Sears vì quá nghiêm khắc với con cái (“trẻ con cần sự quản lý chặt chẽ, không phải sự độc lập!”)
Ngày nay, bạn sẽ cảm nhận rất rõ các luồng quan điểm khác nhau nếu bạn cũng đang nuôi con. Hãy tưởng tượng bạn bắt đầu tận hưởng hạnh phúc được làm cha mẹ – đồng thời cũng bước chân vào một mớ những rắc rối. Bạn nghĩ về trách nhiệm làm cha, mẹ – và bùm, bạn thấy mình lọt thỏm giữa những chuyên gia nuôi dạy con cái và các tín đồ của họ. Không định nuôi con bằng sữa mẹ ư? Thật ích kỷ. Cho con bú giữa chốn đông người? Thật man rợ. Cho con ngủ cùng giường với bố mẹ? Sao lại phụ thuộc thế chứ. Nếu để con ngủ trong cũi một mình? Thật ấu trĩ, ôi người Mỹ thật thảm hại.
Giữa vô số những luồng quan điểm khác biệt như vậy, ngày nay thật khó để tìm được những điểm chung giữa những người làm cha, làm mẹ ở Mỹ. Nhưng tôi nghĩ là tôi tìm được 2 điểm. Thứ nhất là hầu hết các ông bố bà mẹ người Mỹ đều tin rằng họ nghiêm khắc. Thứ hai, họ khá chắc chắn rằng họ là duy nhất mẫu mực.
Năm 2006, chúng tôi đã tiến hành thăm dò đối với các bậc phụ huynh vẫn sống cùng con cái dưới 18 tuổi, để đo mức độ dễ dãi/nghiêm khắc của họ. Kết quả không ngạc nhiên – những ông bố bà mẹ nghiêm khắc nhất là những người thường xuyên đi lễ nhà thờ ít nhất 1 lần một tuần, được miêu tả là những người bảo thủ, thường sống ở khu vực phía Bắc, và bản thân họ cũng có cha mẹ rất nghiêm khắc. Các ông bố thì khắt khe hơn các bà mẹ một chút. Cha mẹ theo đạo Tin lành thì nghiêm khắc hơn cha mẹ theo đạo Thiên Chúa.
Nhưng khi bạn nhìn vào tổng thể các nhóm phụ huynh tham gia khảo sát, bạn sẽ nhận thấy một nguyên tắc thống nhất là hầu hết các bậc phụ huynh đều nghĩ họ rất cứng rắn. 55% phụ huynh nói họ nghiêm khắc, so với chỉ 37% nói họ là những người dễ dãi. 52% các bậc cha mẹ (và 58% phụ huynh lớn tuổi) nói nuôi dạy
con cái bằng “kỷ luật và phương pháp” thì tốt hơn là “sự ấm áp và động viên”. Và số cha mẹ đề cao quan điểm việc quan trọng là nuôi dạy để con cái trở thành những công dân tốt cho xã hội nhiều gấp hơn 2 lần số cha mẹ nghĩ rằng điều quan trọng là lũ trẻ cảm thấy vui vẻ.
Điều buồn cười là các bậc phụ huynh Mỹ lại đồng loạt cho rằng những bậc phụ huynh khác không làm tròn trách nhiệm của mình. Có đến 91% phụ huynh cho rằng “hầu hết các bậc cha mẹ ngày nay quá dễ dãi với con cái”, so với chỉ có 3% người được hỏi trả lời hầu hết cha mẹ ngày nay quá nghiêm khắc.
Vậy là chúng ta có vô số những ông bố bà mẹ nghĩ rằng mình nghiêm khắc, nhưng thực ra thì không ai trong số họ thực sự nghiêm khắc cả. Sự thật là, họ chỉ đúng một nửa – khi nhận xét về người khác. Ngày nay ở nước Mỹ, gần như tất cả các bậc cha mẹ đều dễ dãi với con cái của mình hơn những thế hệ trước trong quá khứ, mặc cho họ cứ tự thừa nhận mình là những ông bố, bà mẹ tồi tệ đi nữa. Khi sự dễ dãi đạt đến độ buông thả, thì các bậc cha mẹ Mỹ ngày nay, như tiêu đề của một cuốn sách nổi tiếng, đã rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Hãy bắt đầu bằng chuyện cho trẻ ngủ vào ban đêm. Nửa đầu thế kỷ 20, cha mẹ được hướng dẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt thời gian biểu cho trẻ ngủ, ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc lũ trẻ có thể “khóc ầm ĩ” vào giữa đêm. Đến những năm 1950, Tiến sĩ Spock bị xem là “dễ dãi” khi gợi ý rằng, đôi khi, cha mẹ có thể vào phòng và ru con ngủ – mặc dù trong lần tái bản cuốn sách sau đó, chính ông lại cho rằng thực ra tốt nhất là cứ để bọn trẻ khóc. Những năm 1980, trong cuốn sách Solve Your Child’s Sleep Problems bán rất chạy của mình, tiến sĩ Richard Ferber của Đại học Harvard lại khuyên các bậc phụ huynh hãy để cho con bạn học cách tự dỗ mình và ngủ cho dù lúc đầu chúng có thể khóc. Phương pháp ngày nay thường được gọi là “Ferberizing”.
Vậy các bậc cha mẹ nghĩ thế nào về phương pháp “Ferberizing”? Thông thường, sẽ có một số nhất nhất tuân theo, nhưng hầu hết đều nghĩ rằng làm như vậy bằng với việc treo lũ trẻ lên cây. 60% phụ huynh trong thăm dò cho rằng “lũ trẻ cần được dỗ dành bất cứ khi nào chúng khóc” – so với chỉ 35% nói rằng cứ để cho chúng khóc to sau đó chúng sẽ học cách ngủ. Những bà mẹ khi được hỏi đưa ra hai luồng ý kiến trái ngược. 66% các bà mẹ thích dỗ dành con cái khi nào chúng khóc so với 30% trả lời không làm như vậy – tức là gấp hơn 2 lần. (Các ông bố thì nói mạnh, nhưng dù cho con kêu khóc, theo cách nào đấy, họ vẫn ngủ dễ dàng hơn).
Khi đưa ra những quan điểm mới về việc chăm sóc lũ trẻ và giấc ngủ của chúng, toàn thể xã hội tiêu thụ của chúng ta dường như đối lập lại với Tiến sĩ Spock, người được coi là dễ dãi vào thời đại của mình. Tiến sĩ Ferber cũng khẳng định lại trong cuốn sách tái bản năm 2005 của mình rằng ông chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ “cho trẻ khóc to”, và điều ông khuyên các bậc phụ huynh là “kiên nhẫn chờ đợi” cho đến khi trẻ ngừng khóc.
Có lẽ điểm đáng lưu tâm nhất trong việc nuôi dạy trẻ sẽ xoay quanh chuyện bắt phạt con cái. Năm 1968, gần như cả thế giới đều chấp nhận hình thức đánh phạt con cái, tới 94% các ông bố bà mẹ người Mỹ nói đánh phạt con là chuyện bình thường. Đến năm 1994, tỷ lệ này hạ xuống còn 68%, và nó tiếp tục hạ xuống còn 65% kể từ thời đó. Trong khi 65% vẫn là con số quá bán, bạn sẽ cảm thấy khá áp lực khi nghĩ đến những xu hướng xã hội khác có thể xuất hiện quá khác và quá nhanh. Ngay cả đối với luật tử hình, giờ đây vẫn có 65% người được hỏi ủng hộ, thay vì 80% như trước đây.
Nếu như thái độ của các bậc làm cha, mẹ ở Mỹ đối với giấc ngủ và trừng phạt chưa đủ để chứng minh họ ngày càng nuông chiều con cái, thì điều khiến tôi thực sự quan tâm là cách họ thực sự đối diện với con mình khi chúng ở độ tuổi thiếu niên và vị thành niên. Bản thăm dò của chúng tôi đưa ra câu hỏi họ sẽ làm gì nếu đứa con 9 tuổi của mình chửi bậy và nói rằng chúng ghét bố mẹ. Gần như tất cả các bậc phụ huynh ở mọi độ tuổi, giới tính đưa ra câu trả lời là họ sẽ: “ngồi xuống và hỏi tại sao con lại cảm thấy như vậy”, và “nói cho con biết rằng bạn rất tiếc nếu con cảm thấy như vậy, nhưng dù sao bạn vẫn yêu chúng”. (Nếu là con cái, sẽ có nhiều cách để lựa chọn hơn nữa). Chỉ có 14% phụ huynh nói họ sẽ vụt cho nó mấy cái vào mông, còn đối với các bậc cha mẹ có tuổi đời dưới 35 thì số cha mẹ áp dụng biện pháp đánh con đã giảm xuống còn một nửa. Rất hiếm, chỉ có 2 trong tổng số 10 phụ huynh được hỏi nói sẽ cắt hết các quyền ưu tiên (ví như: xem chương trình truyền hình yêu thích, mua một món đồ mới, đưa đi chơi…) của đứa trẻ ít nhất trong 1 tuần.
Giả sử đứa con 9 tuổi của bạn chửi bậy với bạn và nói nó ghét bạn. Bạn sẽ phản ứng thế nào? Con trai/con gáiTất cảBốMẹBố mẹ dưới 35 tuổiBố mẹ trên 35 tuổi
Ngồi nói chuyện với con và hỏi tại sao con lại có cảm giác ấy54/6460/5957/6653/6361/64
Nói với con rằng bạn rất tiếc vì con cảm thấy như vậy, nhưng bạn vẫn rất yêu
con56/5744/5163/6063/6751/57
Phạt con ở trong phòng44/4637/3849/5051/5340/41
Cắt các quyền ưu tiên của con trong vòng 1 tuần34/3339/2731/3541/3930/28
Cắt các quyền ưu tiên của con trong 1 tuần hoặc hơn 21/2522/2421/2515/2625/24 Vụt cho con mấy cái14/1418/211/208/2017/10
Không làm gì cả0/20/40/10/10/2
Không biết3/11/34/07/11/1
Giả dụ đứa con 15 tuổi của bạn thử dùng ma tuý. Phản ứng đầu tiên của bạn là gì? Con trai/con gáiTất cảBốMẹBố mẹ dưới 35 tuổiBố mẹ trên 35 tuổi
Ngồi nói chuyện với con và hỏi tại sao con lại làm như vậy68/6655/7075/6373/6865/63 Cắt các đặc quyền đặc lợi của con trong vòng ít nhất 1 tháng10/616/76/54/413/7
Kể cho con nghe kinh nghiệm lần đầu thử ma tuý của mình7/811/95/78/86/7
Cắt các đặc quyền đặc lợi của con 1 tháng trở lên6/813/63/96/97/6
Gọi cho cảnh sát4/43/34/41/35/4
Khuyên bảo con/Gửi con đến trung tâm giáo dưỡng/Gửi con theo học chương trình giáo dục nhân
cách1/20/01/41/10/3
Nêu các gương bạn tốt đồng lứa với con/Nói cho con sự nguy hiểm/hậu quả của việc sử dụng ma tuý. 1/11/32/01/01/2
Đánh con0/00/00/00/00/1
Khác0/30/00/40/10/4
Không biết3/31/24/44/52/2
Thôi được, nhưng dù sao đó cũng là câu chuyện của một đứa trẻ 9 tuổi. Và nó mới bắt đầu làm quen với những khám phá mới về tính độc lập. Nhưng chúng tôi cũng hỏi các bậc phụ huynh câu trả lời đầu tiên của họ là gì nếu họ phát hiện ra đứa con 15 tuổi của mình đã từng sử dụng ma tuý. Và lần này, có đến ¾ phụ huynh trả lời họ sẽ ngồi xuống và nói chuyện với con – và gần 1/10 trả lời họ tin tưởng con mình đủ hiểu biết trong việc sử dụng chất gây nghiện. Chỉ có 15% phụ huynh sẽ cắt các đặc quyền đặc lợi của con mình (ít hơn 1/10 các bà mẹ nói sẽ làm như vậy), và gần như không có ai trả lời họ sẽ đánh con mình vì chuyện này.
“Thương cho roi cho vọt” giờ đây đã được thay thế bằng câu “Hãy trò chuyện với con bằng trái tim yêu thương”. Tôi không bỏ phiếu cho cách tiếp cận nào hết, nhưng tôi sẽ quan sát xem sự thay đổi này đã diễn ra ngoạn mục như thế nào. Trong khi ngày càng có nhiều trẻ con được thêm quyền tự do, ngày càng có nhiều người lớn phải vào nhà tù hơn bao giờ hết – các thẩm phán, bị đóng khung trong những thay đổi của các loại luật pháp, đã tiến về hướng đối lập với các bậc phụ huynh. Liệu có phải các bậc phụ huynh cũng đang đối mặt với những vấn đề mang tính hệ thống hơn là vấn đề cá nhân? Có thể lắm.
Vâng, tự những dữ liệu thăm dò dư luận đã nói lên những gì cần nói – do đó, có thể rất nhiều bậc cha mẹ nói rằng họ sẽ ngồi xuống và nói chuyện với con cái, trong khi trên thực tế họ có thể la hét hoặc đánh mắng lũ trẻ. Nhưng đó chính là những người tạo nên đám đông bóp méo sự nghiêm khắc, khiến nó biến thành cách tốt nhất để nuôi con cái. Họ nghĩ rằng thế là nghiêm khắc.
Vậy tất cả những tìm tòi mới mẻ này có ý nghĩa thế nào với người Mỹ?
Đó là một câu hỏi khó, khi gia đình không chỉ có trách nhiệm mang lại tình yêu thương cho con cái mà còn phải có ý thức rằng tương lai của trái đất này phụ thuộc vào sự nuôi dạy con cái của họ. Những người bảo thủ trong xã hội sẽ nói rằng sự dễ dãi, như được mô tả trên đây, làm cho lũ trẻ lớn lên đơn độc, không tuân thủ khuôn phép và dễ gây tội ác. Có thể họ nhắm đến cả một thủ lĩnh da đen của nước Mỹ, người đã từng có lần tuyên bố công khai rằng đôi khi những trận đòn đau của Mẹ hay Bà đã giúp lập lại khuôn phép. Theo kết quả cuộc điều tra của chúng tôi, họ sẽ phải đối mặt với sự thật rằng trong danh sách những bậc cha mẹ dễ dãi đi kèm với sự tự do, xếp từ trên xuống dưới là những người miền Bắc, và những người cũng có cha mẹ dễ dãi. Điều đáng ngạc nhiên, họ đều là những ông bố bà mẹ sống ở nông thôn. Vào hồi những năm 1990 khi xảy ra những cuộc nổi loạn lớn nhất, tội phạm ở nông thôn phát triển chậm hơn rất nhiều so với tội phạm ở thành thị và các vùng ngoại ô.
Những người tự do, ngược lại, lại viện tới rất nhiều nghiên cứu cho rằng việc đánh đòn trẻ trong ngắn hạn có thể khiến lũ trẻ phục tùng, nhưng về lâu dài, thật mỉa mai, sẽ tạo ra phản ứng bất tuân. Vì vậy, sự dễ dãi của người Mỹ sẽ mang ý nghĩa tiên quyết đối với sức khỏe, sự ổn định của cả xã hội.
Mặt khác, ở chiều ngược lại, về mặt xã hội, thì các bậc cha mẹ ngày càng khó chấp nhận việc bắt phạt con cái. Tôi đã từng chứng kiến trên một chuyến bay, có một ông bố đã dọa sẽ cắt chuyến đi trượt tuyết nếu lũ trẻ không nghe lời. Và thế là những hành khách xung quanh tỏ thái độ rất không đồng tình đối với phản ứng của người bố – điều này khiến tôi nghĩ có lẽ sẽ sớm xuất hiện luật được quyền can thiệp, trong trường hợp này là can thiệp vào cách ứng xử của ông bố mất thôi. Cắt chuyến đi chơi trượt tuyết của con – điều này bị coi là quá giới hạn. Một lần nữa, tôi khẳng định là tôi không biết ai đúng, ai sai – nhưng hãy coi chừng nếu bạn định phạt con cái giữa chốn công cộng, hầu hết mọi người sẽ đứng về phía lũ trẻ.
Sự dễ dãi của các bậc phụ huynh ngày nay đã tạo tiền đề cho sự ra đời một loại hình kinh doanh. Trong những năm 1990, người ta thực sự tin rằng những gì các bậc cha mẹ bận rộn cần nhất chính là các sản phẩm công nghệ – như V-chip – công cụ mà các bậc phụ huynh dùng để chặn một vài kênh truyền hình, hay các phần mềm chặn các trang web độc hại. Họ mong muốn những sản phẩm đó có thể giúp họ phòng tránh những tác động xấu tới con cái trước khi chúng có thể xâm nhập vào ngôi nhà của bạn và xâm hại con cái bạn. Nhưng hãy tỉnh lại đi – giờ chẳng còn ai sử dụng những thứ ấy nữa. Năm 2001, hơn 2 năm sau khi V-chip trở nên phổ biến, có ít hơn 1/10 người sử dụng nó. Cuộc thăm dò của chúng tôi cho thấy trong khi có đến 85% cha mẹ cho con cái sử dụng máy tính thì chưa tới 1/3 phụ huynh sử dụng các phương tiện
lọc hoặc các phần mềm ngăn chặn các chương trình độc hại. Sự dễ dãi ngày nay của cha mẹ cho thấy họ muốn có những công cụ công nghệ tài tình hơn, nhưng điều họ thực sự cần chính là sự hướng dẫn cách làm sao để có được “một cuộc đối thoại”.
Trước đây, trẻ con chỉ bị trấn áp, hoặc ít nhất là bị phạt. Giờ đây chúng được dỗ dành, được chờ đợi và được đàm phán nhiều hơn. Quan tòa sẽ vẫn ở ngoài kia nếu chúng ta có một xã hội ngày càng ít bạo lực, hoặc ngày càng có nhiều người không sẵn lòng nghe theo mệnh lệnh.
Những phụ huynh nuông chiều con cái có thể sẽ không chỉ là một xu hướng nhỏ – xu hướng ảnh hưởng đến hàng triệu phụ huynh khác, và trở thành hiện tượng xã hội phổ biến. Nhưng còn có bao nhiêu bậc cha mẹ vẫn nghĩ họ nghiêm khắc với con cái, trong khi trên thực tế, họ thậm chí còn không định nghĩa cho chính xác thế nào là nghiêm khắc.
Bức tranh quốc tế
Người Mỹ ngày càng coi con cái là trung tâm, sẵn sàng dỗ dành con trẻ nếu chúng khóc giữa đêm và rất dễ dàng từ chối các loại hình phạt con cái. Nhưng nhìn qua xu hướng này trên thế giới ta sẽ thấy có lẽ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vẫn còn nghiêm khắc với con cái hơn so với phần còn lại của thế giới trong việc bố mẹ phải phạt con cái, và có thể là bớt nghiêm khắc hơn tương đối khi đề cập đến các hình phạt mang tính lý luận.
Trong khi số lượng người Mỹ không đồng tình với chuyện phạt con tăng cao, thì tỷ lệ ấy vẫn chỉ mới đạt xấp xỉ con số 65%. Và 22 bang của nước Mỹ vẫn cho phép phạt đòn học sinh trong các trường học. Ở khía cạnh này, nước Mỹ thuộc về phía thiểu số.
- Châu Âu. Ở Ai-len, Ba Lan, Hà Lan, Luxembourg, Italy, Bỉ, Australia, Pháp, Phần Lan, Nga, Nauy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đan Mạch, đảo Síp, Đức, Thụy Sĩ, Ireland, Hi Lạp và Vương quốc Anh, hình thức phạt đòn về nguyên tắc là bị cấm ở trong nhà trường; và ở rất nhiều quốc gia này, việc phạt đòn cũng bị cấm trong gia đình. Ngay cả ở nước Anh, năm 2004 đất nước này thông qua luật cho phép cha mẹ quyền phạt đòn con cái trong khuôn khổ của luật, cũng đang chuẩn bị huỷ bỏ luật này. Một cuộc thăm dò do Hiệp hội Bảo vệ Trẻ em khỏi bị đánh đòn cho thấy có 71% các bậc cha mẹ người Anh giờ đây ủng hộ việc đảm bảo cho trẻ quyền được bảo vệ khỏi các cuộc “tấn công” từ người lớn.
- Châu Phi. Ở châu Phi, đánh phạt học sinh trong trường học bị cấm ở Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Zambia và Kenya.
- Châu Á. Chính phủ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Đài Loan đã thông báo tới toàn thể giáo viên bắt buộc cất roi và các hình thức phạt tương tự, thay vào đó là các hình thức phạt khác. (Dĩ nhiên cũng nên nhắc lại, vào năm 1994, Singapore đã cho phép đánh công khai một thanh niên người Mỹ 18 tuổi vì tội cố ý phá hoại hai chiếc xe hơi).
Như vậy, ở tầm quốc tế, nước Mỹ cũng rất nghiêm khắc khi phải đánh phạt con cái, nhưng tinh thần ấy lại đi xuống ở những khu vực như lao động trong nhà trường. Theo cuộc thăm dò của Pew năm 2006, 56% người Mỹ cho rằng phụ huynh đặt ít áp lực lên việc học hành của con cái ở trường hơn. Nhưng ở Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản – những nước có tiếng về môi trường học tập cạnh tranh – hầu hết các bậc cha mẹ nói họ đặt quá nhiều áp lực lên việc học hành của con cái mình.
Và tất nhiên, sinh viên châu Á đạt được thành tích cao hơn ở một số cuộc thi quốc tế so với sinh viên Mỹ. Trong kỳ thi toán quốc tế được tổ chức vào năm 2003, nước Mỹ xếp thứ 24 trên 29 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), rất thấp so với Nhật Bản và Trung Quốc. Điều này liệu có thể được liên hệ với thực tế kết quả mà tổ chức Nghiên cứu và Phát triển (RAND) và Học viện nghiên cứu độc lập và chính sách Brooking công bố, là thời gian một sinh viên Mỹ làm bài tập về nhà mỗi ngày ít hơn 1 giờ?
Vậy chúng ta có thể cất roi của giáo viên đi mà vẫn có thể khiến lũ trẻ ngồi xuống và làm bài tập về nhà chăng?
“Tôi là người Mỹ đồng tính”
Tháng 8/2004, trước đông đảo phóng viên, các hãng thông tấn quốc gia và hơn 300 triệu khán giả xem truyền hình, James McGreevey, Thống đốc bang New Jersey, tuyên bố sẽ từ chức vì mối quan hệ tình ái với một người đàn ông, điều này rất có thể đã khiến ông “phạm pháp và không minh bạch” trong thời gian tại nhiệm.
Dư luận xoáy vào những câu chuyện bên lề. Liệu ngài thống đốc có sử dụng công quĩ để thuê người không được đào tạo mà thực chất là người tình của mình dưới danh nghĩa là “nhân viên an ninh” không? Liệu quyền lực quốc gia có bị lạm dụng không? Với ngày càng nhiều những chính trị gia dối trá về giới tính, thì
có thể tin tưởng họ trong những vấn đề khác hay không?
Nhưng có một chuyện ít được bàn luận hơn: Đó là Dina Matos McGreevey. Bà là vợ thống đốc, người đứng bên cạnh chồng mình trong suốt cuộc họp báo. “Sự thật là, tôi là một người Mỹ đồng tính”, ông McGreevey tuyên bố trong khi người vợ đã cùng ông chung sống 4 năm trời, là mẹ đứa con gái 2 tuổi của ông đứng cạnh, với nụ cười tưởng như hóa đá.
Ông bà McGreey gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1996, sau khi ông McGreey chia tay người vợ đầu tiên. Họ đã đi dạo cùng nhau ngay trong đêm ấy, họ đã hôn nhau trên xe của bà Matos. Sau bốn năm hẹn hò, họ đã tổ chức một lễ cưới nhỏ tại Woodbridge, bang Virginia, sau đó là bữa tiệc chiêu đãi lịch thiệp trong khách sạn Hay Adams, đối diện Nhà Trắng (nơi mà biết đâu, thống đốc McGreevey đã từng mơ ước một ngày sẽ chuyển đến đó sống). Hai năm sau, bé gái Jacqueline ra đời trong niềm hân hoan của cả gia đình. Và bây giờ, gần 4 năm sau đám cưới, trên kênh truyền hình quốc gia, ông Jim McGreenvey, 47 tuổi, nói với cả thế giới rằng ông là người đồng tính nam .
Những trường hợp thừa nhận đồng tính như vậy ngày càng phổ biến ở Mỹ. Rất khó có thể đưa ra con số chính xác, nhưng các chuyên gia nhận định có ít nhất khoảng 2 triệu người đồng tính nam (gay) hoặc đồng tính nữ (lesbian) đã từng kết hôn với người khác giới ít nhất một lần hoặc vẫn còn chung sống. Theo một cuộc điều tra năm 2002 của Ủy ban Sức khỏe và Chăm sóc Cộng đồng Quốc gia Hoa Kỳ về Phát triển Gia đình, có 3,4% các ông chồng trong độ tuổi từ 15 đến 44 – tức là có gần 900.000 người thừa nhận họ đã từng quan hệ tình dục đồng giới (mặc dù phải nói thêm rằng, mục tiêu của những cuộc khảo sát như thế này thường rộng hơn việc chỉ xác định ai đồng tính nam). Nếu cộng thêm cả những người đàn ông đã ly hôn và đã từng quan hệ đồng tính thì con số thông kê phải lên đến 1,2 triệu người.
Có vẻ như, hầu hết những người đàn ông mà sau này mới phát hiện ra mình đồng tính đều không hề có ý định dối lừa bạn đời của mình khi kết hôn. Một số người nhận ra mình là người đồng tính khá muộn; ít nhất một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có 1/5 số đàn ông đã kết hôn quan hệ lần đầu với người cùng giới khi đã ngoài 40 tuổi. Một số người khác thì biết, nhưng chỉ chịu thừa nhận điều này sau nhiều năm chạy trốn sự thật. Ngoài ra, có những người đồng tính buộc phải thừa nhận ngoài ý muốn, thường là do người vợ bắt gặp được những đoạn băng khiêu dâm nam hoặc các thư điện tử có nội dung tương tự trong máy tính của chồng. Hoặc, như trường hợp của thống đốc McGreevey bị lộ do chính người tình đồng giới của ông tống tiền. Có ai còn nhớ vụ việc mục sư vùng Colorado là Ted Haggard, sau nhiều năm “đi lại” với người tình đồng tính của mình, đã quyết định tuyên bố sự thật về mình, và chấm dứt những năm tháng trong vai một mục sư kịch liệt phản đối hiện tượng đồng tính? Khi người tình của mục sư Haggard là Mike Jones lộ diện vào năm 2006, mục sư Haggard đã 50 tuổi, kết hôn được 28 năm và có 5 người con.
Tôi cho rằng những người đàn ông thừa nhận mình là gay “chính thức” trở thành một hiện tượng của nước Mỹ vào năm 2004 khi Oprah Winfrey thực hiện show truyền hình với tên gọi “Chồng tôi là Gay”.
Do đâu mà có xu hướng này? Có vẻ như xu hướng này xuất phát trực tiếp từ sự thay đổi thái độ của xã hội đối với những người đồng tính. Trở lại quá khứ, vào thời điểm mà hầu hết những người đồng tính này vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, chỉ có dưới 30% người Mỹ cho rằng đồng tính là “một cách sống tạm chấp nhận được”. Ngày nay, vào năm 2006, quan điểm này đã hoàn toàn đảo lộn, người Mỹ gần như đồng thanh khi nói họ cảm thấy bình thường với hiện tượng này. Trên 88% người Mỹ nói những người đồng tính nam có quyền bình đẳng như những người bình thường ở công sở, so với con số đồng lòng 56% vào năm 1977. Giờ đây, ở khắp nơi trên nước Mỹ, người ta đều có thể dễ dàng bắt gặp những nhóm người ủng hộ và bảo vệ những người đồng tính luyến ái.
Vậy là điều tưởng như không thể xảy ra cách đây vài năm – khi một người, vì sự thúc ép giới tính của bản thể đã quan hệ đồng tính như một trải nghiệm, hoặc như một bí mật “sống để bụng, chết mang theo” và không bao giờ dám cùng người đàn ông hoặc người đàn bà đồng giới mà họ thực tâm thương mến bước ra ánh sáng – thì nay đã trở thành có thể chấp nhận được. Hoàn toàn có thể. Và ngày càng tăng lên về số lượng.
Số lượng người đồng tính nam nhiều hơn người đồng tính nữ, dường như là vậy. Nguyên nhân là do có nhiều gay hơn lesbian, nhưng theo các chuyên gia, còn một nguyên nhân nữa đó là phụ nữ thường không quyết liệt như nam giới trong hành trình từ khi ý thức đầy đủ về giới tính của bản thân cho đến khi quyết định kết thúc cuộc sống hôn nhân hiện tại. Hẳn vậy, nhân vật người vợ Ross trong Friends, bộ phim truyền hình dài tập nổi tiếng của Mỹ, đã bỏ chồng để chạy theo một phụ nữ nóng bỏng ở câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ, nhân vật người mẹ trong ký sự best-seller năm 2002 Running with Scissors của Augusten Burrough (Annette Bening thủ vai trong bộ phim cùng tên năm 2006) thì có vài mối quan hệ đồng tính bí mật trong cuộc đời. Nhưng trên thực tế, tình huống của diễn viên Dennis Quaid trong phim Far from Heaven năm
2002 là gần với đời thực hơn cả. Cưới chồng, sống ở ngoại ô. Có hai con. Cuộc sống yên ả trôi. Rồi cô bỗng rơi vào chiếc bẫy tình ái đồng tính không thể cưỡng nổi. Và bí mật bỏ trốn ở tuổi 40.
Những người một ngày đẹp trời nào đó bỗng nhận ra mình là đồng tính thực sự rất cần được giúp đỡ, nhất là trong cộng đồng gay. Có lẽ những thanh niên trẻ, ở độ tuổi 20 hoặc lớn hơn một chút đối diện với sự thật này dễ dàng hơn so với những người trung tuổi, những người bỗng nhận ra mình là gay và sẽ kéo dài cảm giác bức bối khó chịu – ở đây tuyệt đối không đề cập đến sự “mới mẻ” trong quan hệ tình dục đơn thuần. Tác giả của trang web www.comingoutat48.blogspot.com nhớ lại quãng thời gian khó khăn khi anh bắt đầu cuộc sống của một người đàn ông đồng tính, anh hầu như không biết nên mặc gì khi đến quán bar và anh để lộ bản thân mình rất nhanh sau đó. Bộ phim truyền hình Will & Grace cũng dành vài phần cuối phim để nói về Will hoặc Jack (một nhân vật đồng tính khác trong phim) gia nhập cộng đồng những người đàn ông thừa nhận mình là người đồng tính.
Những người đàn ông này còn cần một thứ khác nữa, đó là sự yên tĩnh; không thể cứ nói quá nhiều đến sự thay đổi trong cuộc sống của vợ và con họ sau khi phát hiện sự thật về giới tính của họ. Theo một nghiên cứu năm 1990 về Tổ chức Sức khỏe Sinh sản Xã hội (với sự đóng góp đáng kể của Tổ chức Gia đình Xã hội đã nhắc đến ở trên trong việc cung cấp dữ liệu), có khoảng 3 triệu phụ nữ đã từng kết hôn hoặc vẫn đang sống chung với những người chồng có quan hệ tình dục với người đàn ông khác. Hơn thế nữa, có khoảng 3,5 triệu trẻ em có cha mẹ rơi vào tình huống kể trên. Nên có những cuộc trò chuyện về sex thẳng thắn giữa con cái với cha và mẹ.
Những người vợ dị tính luyến ái bị bỏ rơi (Straight Spouses) thì có thể tìm đến Mạng lưới Quốc tế những Người dị tính luyến ái (International Straight Spouse Network) để tìm sự chia sẻ. Trang web chính thức của họ, www.straightspouse.org đưa tin mỗi ngày trang này có khoảng 300 người đọc. Và sự hỗ trợ là cần thiết. Theo các chuyên gia, vợ của những người gay phải trải qua mọi cung bậc cảm xúc, như thể phải chứng kiến cái chết của một người mà họ vô cùng yêu thương – giận dữ, buồn thảm, không chấp nhận sự thật và cuồng nộ. Đôi khi, là sự thông cảm, và tự an ủi “đó không phải lỗi của tôi, đó là lỗi của anh ấy”. Đôi khi là sự sợ hãi, đặc biệt là đối với những bệnh truyền nhiễm và AIDS. Nhưng hầu hết trong các trường hợp này, đối với những người vợ bị bỏ rơi là cảm giác nhục nhã, bị từ chối, bị phụ bạc, đôi khi bị đẩy tới tình trạng phản ứng cực đoan với bất cứ lời giải thích nào, và cố gắng tìm kiếm sự thật.
Sau tất cả, ở cấp độ phổ thông, các bà vợ cũng sẽ vượt qua được cuộc ly hôn, hay có thể cố cứu vãn cơ hội tiếp tục chung sống (khoảng 1/3 số cặp vợ chồng đã như vậy), và/hoặc tiếp tục tìm kiếm những mối quan hệ mới trong tâm trạng ngổn ngang, bộn bề. Rất nhiều người vợ trong tình huống này sẽ co mình trong vỏ ốc im lặng cho đến khi tất cả mọi chuyện vỡ lở – đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất đối với họ khi phải liên tục đối mặt với những câu hỏi của bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và bọn trẻ. Cũng có thể họ sẽ phát điên như vợ của Oscar Wilde, nhà văn nổi tiếng của Ireland, diễn viên Mỹ nổi tiếng Rock Hudson hay ca sĩ nổi danh Elton John – nhưng điều đó cũng không thể nào xoa dịu được nỗi đau của họ.
Hai triệu người đàn ông thừa nhận đồng tính có thể làm rúng động ít nhất bốn triệu người trong thế giới trưởng thành – nhưng họ cũng là những người từng bước đặt nền tảng cho cuộc sống của những người đi sau. Những năm trở lại đây, cứ 1000 người Mỹ thì mới có 7,5 người kết hôn, giảm từ con số 10,6 người năm 1980. Nhưng ngay cả đối với những người muốn được kết hôn, gặp được người bạn đời ưng ý và sẵn sàng cùng nhau đi suốt cuộc đời thì giờ đây họ còn phải sẵn sàng đối đầu với một vấn đề mới nảy sinh. Liệu trong 15 năm tới, chồng tôi có thừa nhận anh ấy là gay hay không – hay tệ hơn, là quan hệ đồng tính lén lút . Anh ấy nói chỉ yêu tôi – và thực tế là anh ấy không hề ham muốn người đàn bà nào khác – nhưng rồi vẫn bỏ tôi để đi theo niềm đam mê cháy bỏng hơn của mình, khi chúng tôi đã 45 tuổi? Làm sao tôi dám thử trắc nghiệm độ nhạy cảm nhận biết người đồng tính (gaydar), ngay bây giờ, và ngay tại đây, khi chúng tôi vẫn đang chung sống?
Có thể các trang Web hẹn hò hay các dịch vụ tư vấn tiền hôn nhân nên đưa thêm vào chương trình tư vấn một vài câu hỏi liên quan đến tình dục. Hi vọng rằng các cặp tình nhân ngày nay sẽ tham gia đầy đủ các loại kiểm tra cá nhân này, để tìm người bạn đời phù hợp nhất, học cách chung sống (hoặc chối bỏ) những mối quan hệ phức tạp, và tìm cách tối đa hóa những cơ hội xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Có lẽ cũng không phải là một ý tưởng tồi nếu phải chắc chắn một người đang nhảy đúng vai trước khi họ bắt đầu đi tìm bạn nhảy của mình?
Có người còn cho rằng, nếu thái độ khoan dung với những người đồng tính ở Mỹ cứ tiếp tục tăng lên, thì số người thừa nhận là gay sẽ giảm xuống, dựa trên lý thuyết là những người đồng tính nam sẽ đơn giản là người đồng tính nam khi họ tự do, và không phải “nghi binh” trong những cuộc hôn nhân bình thường nữa. Đặc biệt nếu hôn nhân đồng tính và sinh sản đồng tính chính thức được pháp luật thừa nhận, thì những người gay sẽ không có gì để mất khi chọn người bạn đồng giới làm bạn đời, và những người phụ nữ dị tính
luyến ái cũng không còn phải rơi vào cảnh đau khổ quằn quại nữa. (Như diễn viên hài kịch Jason Stuart đã nói, “Tôi ước những người luyến ái bình thường sẽ đồng tình để những người đồng tính chúng ta kết hôn. Nếu như vậy, chúng tôi sẽ không cưới các bạn nữa!”)
Nhưng ngày ấy với nước Mỹ còn xa vời lắm. 51% người Mỹ vẫn còn cho rằng đồng tính là “trái với đạo lý”, và gần 60% phản đối hôn nhân đồng tính. Rất nhiều người Mỹ (36%) nghĩ rằng những người gay không nên hoặc ít được thừa nhận. Và chừng nào người đồng tính vẫn nằm ở “chiếu dưới” trong đời sống của người Mỹ, thì sẽ có một số đáng kể đàn ông che giấu cảm giác giới tính của mình dưới vỏ bọc một cuộc hôn nhân hoàn hảo, một hàng rào hoàn hảo, và những đứa con sinh học. Nhưng giả sử, vài năm sau, cảm giác giới tính trỗi dậy, hoặc bùng phát theo một cách khác, thì sẽ có những Tin-Nóng-Sốt về xu hướng tình dục mới – và đó sẽ là định hướng tình dục mới cho tất cả những người khác.
Những cậu con trai hiếu thuận
Hiện tại, người Mỹ sống thọ hơn trước nhiều – thời nay mỗi người sinh ra hoàn toàn có thể hi vọng mình sẽ sống khỏe quá tuổi 70, khác với những người sinh vào những năm 1900 có tuổi thọ trung bình là 47.
Con người hiện đại biết cách kéo dài sự sống của mình hơn – họ có thể chịu đựng những căn bệnh nguy hiểm chết người như bệnh tim hay bệnh Alzheimer lâu hơn ngày xưa.
Kết quả là, hầu hết những người già khi gần đất xa trời đều có nhu cầu được chăm sóc, và chưa đến lúc, hay trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, có rất ít người già được chăm sóc trong các nhà dưỡng lão hoặc các trung tâm hỗ trợ sức khỏe cộng đồng. Trên thực tế, chỉ có 4% người già từ 65 tuổi trở lên hiện đang sống ở những nơi như vậy. Phần lớn các cụ già hiện nay được con cái hoặc họ hàng cùng nhau chăm
sóc tại gia đình. Thời gian chăm sóc trung bình là từ 4 đến 5 năm. Đó thực sự là một nghĩa vụ nghiêm túc đối với những con, cháu, họ hàng, bạn bè thân của người già.
Thông thường, phần lớn trách nhiệm chăm sóc người già ở Mỹ thuộc về những người phụ nữ. Thậm chí đã có thuật ngữ dành riêng cho những cô con gái hi sinh công việc để để chăm sóc cha mẹ già: Cô Nội Trợ (Daughter Track) – xuất phát từ thuật ngữ Bà Nội Trợ (Mommy Track), chỉ những người phụ nữ, cách đây 20 năm, cũng từ bỏ sự nghiệp để ở nhà chăm sóc con cái và gia đình.
Nhưng trong khi số những người phụ nữ như vậy ngày càng tăng, và trọng trách mà họ gánh vác còn nặng hơn trước rất nhiều, thì có một dòng chảy âm thầm – và đầy tiềm năng – nhóm những người đàn ông tự nguyện dành thời gian chăm sóc người thân. Theo số liệu thống kê năm 2004 của Liên minh Quốc gia những người tự nguyện chăm sóc người thân và theo Hiệp hội Hưu trí Mỹ (AARP), có gần 40% trên tổng số 44 triệu người hiện đang chăm sóc những người già ở Mỹ là đàn ông. Tức là có khoảng 17 triệu người là con trai, con rể, cháu trai, anh em trai và các ông chồng đang tận dụng thời gian rảnh rỗi chăm sóc cho người thân. Trong suốt thập niên 1990, đây là nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất trong số những người có quan hệ mật thiết với người già và tình nguyện chăm sóc họ.
Và không phải là chăm sóc theo kiểu ngày cuối tuần, rảnh thì ghé qua, giúp Cha di chuyển chiếc ghế sofa vì ông không thể tự mình làm được. Thời gian trung bình mà những người con trai tình nguyện chăm sóc cha mẹ già là 19 giờ mỗi tuần. Một số người còn dành nhiều thời gian hơn thế nữa: Có gần 1/3 những người tình nguyện có mối quan hệ thân thiết với người được chăm sóc là đàn ông.
Có một số nét tiêu biểu phân biệt những người đàn ông và những người phụ nữ chăm sóc người già, và chúng mang những ý nghĩa nhất định về mặt chính trị. Đó là đàn ông sẽ có xu hướng không tạm ngừng hoặc nghỉ việc để ở nhà chăm sóc người thân, họ vẫn thường là những người làm việc toàn thời gian (41% đến 60%), chưa kể vẫn duy trì những việc làm ngoài giờ để có thêm nguồn thu nhập, kèm theo tất cả các ảnh hưởng có thể phát sinh. Đàn ông thường nhận chăm sóc những người thân cũng là nam giới – 35% so với tỷ lệ phụ nữ chăm sóc người thân nam giới là 28%. Thứ ba là, nhiều hơn các chị em phụ nữ, đàn ông tự nguyện lựa chọn công việc này: Gần 2/3 số người được hỏi trả lời họ tự nguyện chăm sóc người thân, so sánh với tỷ lệ này thấp hơn ở nữ giới là 3/5.
Có một điểm nút thú vị nữa là tỷ lệ thiếu cân đối về những người con trai hiếu thuận trong các gia đình có nguồn gốc châu Á so với những nhóm người Mỹ khác. Tỷ lệ những người đàn ông Mỹ gốc châu Á nhận chăm sóc người thân là 54% – so sánh với 41% người Mỹ Latinh, 38% người Mỹ da trắng và 33% người Mỹ gốc Phi. Quả thực, chỉ duy nhất nhóm những người Mỹ gốc Á là có tỷ lệ người trưởng thành nhận chăm sóc người thân là quá bán. Rõ ràng là theo ý thức hệ những giá trị châu Á, kể từ thời Khổng Tử, và theo truyền thống văn hóa châu Á, thì lòng hiếu thảo luôn giữ vị trí trung tâm trong quá trình hình thành đạo đức của mỗi người. Do vậy, trong các gia đình châu Á, những người con trai trưởng coi nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ già là đương nhiên.
Điểm cuối cùng, là có rất nhiều đàn ông chăm sóc người thân già yếu là gay. Trước đây, từng có một mẩu tin rất xúc động đăng trên tờ New York Times, tháng 12/2006 của Peter Napolitano, một người đồng tính nam độc thân, 48 tuổi đã chuyển về nhà chăm sóc bà mẹ 81 tuổi già yếu – lý do chủ yếu là vì người anh trai bình thường và chị dâu của anh ta không thể cáng đáng thêm việc chăm sóc mẹ già vì còn đang nợ nần chồng chất.
Có lẽ đàn ông thường có vẻ ngoài khô khan – nhưng rất nhiều người trong số họ thực sự chu đáo khi chăm sóc Mẹ, Cha, Vợ/Chồng hay người thân. Rõ ràng là đàn ông Mỹ gốc Á được dạy dỗ nhiều về điều này hơn tất cả số còn lại chúng ta, nhưng những con số ở trên báo hiệu những sự thay đổi lớn toàn cảnh trong tương lai. Dù kính trọng mẹ cha là một trong 10 điều răn của Chúa, thì nước Mỹ vẫn chưa thực sự coi hiếu thuận
là một trong những giá trị hàng đầu. Về cơ bản, nước Mỹ thường hướng về con cái; họ thường quan tâm đến thế hệ tiếp theo, không thường nhìn về quá khứ. Không có gì là sai khi chúng ta hướng đến tương lai – nhưng đôi khi, đó chính là cái giá phải trả của cha mẹ chúng ta.
Và như chúng ta đã quan sát xu hướng những Người cha lớn tuổi mới, những Người tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu, và những nhóm người khác trong cuốn sách này, thế hệ những người lớn tuổi hiện nay có nhiều việc để làm hơn là chỉ chơi golf – họ sống lâu hơn, tham gia nhiều hơn vào cuộc sống của con cái, và gắn bó với chúng lâu hơn, sâu sắc hơn. Dựa theo các số liệu thống kê, có thể thấy chăm sóc cha mẹ đang ngày càng trở thành một vấn đề lớn trong cuộc sống của chúng ta và của chính họ nữa. Điều đó có nghĩa là nếu ngày càng có nhiều người con trai hiếu thuận, thì điều mà chúng ta thực sự cần là tránh những tai họa liên thế hệ cho thế hệ tiếp theo, để con cái chúng ta hiểu rằng trách nhiệm của chúng lớn hơn nhiều so với việc “trả ơn cho thế hệ trước”. Trả ơn theo nghĩa ở đây, là một khái niệm rất thực rằng, càng lúc, chúng ta phải ý thức sâu sắc hơn việc bồi đắp thêm những giá trị xã hội.
Những người con trai hiếu thuận cần được giúp đỡ nhiều hơn nữa. Giống như phụ nữ, họ cũng cần thêm những kiến thức thường thức về lão khoa để không lạc trong mê cung của Chương trình Chăm sóc Sức khỏe dành cho Người già (Medicare), và những Người có thu nhập thấp (Medicaid); có người hỗ trợ khi họ phải đi công tác xa; và họ cần được đào tạo những khoá huấn luyện y khoa không chuyên để chăm sóc những người thân yêu của mình khi họ vừa ra viện hoặc vừa kết thúc một khoá điều trị ngắn ở một trung tâm chăm sóc sức khoẻ nào đó. Có một số công sở, dù chưa đáng kể, đã cho nhân viên hưởng những đãi ngộ nhất định trong vấn đề chăm sóc người cao tuổi, và mặc dù hoạt động này, về lý thuyết là trực thuộc Bộ luật Nghỉ phép Y tế Gia đình , thì nghỉ phép để chăm sóc cha mẹ già vẫn khó thâm nhập được vào đời sống văn hoá của nước Mỹ hơn so với nghỉ phép theo chế độ thai sản. Việc nghỉ phép theo chế độ thai sản chắc chắn có những đặc điểm không thực sự phù hợp với nghỉ phép để chăm sóc người cao tuổi. Bạn có thể lên kế hoạch cho nhu cầu phát triển của trẻ nhỏ từ 0 đến 3 tuổi, và kế hoạch gửi bé đi nhà trẻ và đến trường khi đến tuổi. Hơn nữa, lũ trẻ thì sống chung với bạn. Còn cha mẹ già thì có thể ở xa, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của họ cũng thất thường và thực sự không đoán trước được về thời gian hay mức độ chăm sóc mà họ sẽ cần đến bạn.
Đáng ra những người con trai hiếu thuận phải nhận được những sự hỗ trợ được thiết kế riêng cho họ. Bởi vì họ thường không giành được vị trí số một trong việc chăm sóc con cái, họ có thể chuyển hướng, dành tình cảm và sự quan tâm của mình cho những người dễ bị tổn thương, dễ đổ vỡ và đôi khi những con người dễ bị quên lãng này – đối với cả những người họ yêu thương – cũng rất dễ nổi cáu, thậm chí còn hơn cả phụ nữ. Nếu không có nhiều anh em bằng hữu ở công sở, có thể họ sẽ ít nhận được sự cảm thông khi nhiệm vụ chăm sóc Cha Mẹ có thể khiến họ đi sớm, về muộn, thậm chí lơ là công việc.
Có lẽ cha mẹ của họ, đặc biệt là các ông Bố sẽ phản ứng dữ dội với con trai hơn là đối với các cô con gái của mình, như thể họ khước từ. Riêng những người đàn ông đồng tính, có thể họ phải gánh chịu nhiều phản ứng rắc rối hơn trong chăm sóc cha mẹ mình, những người, ở mức độ nào đó, không bao giờ hoàn toàn chấp nhận họ.
Một số hỗ trợ đã được tiến hành. Cuối năm 2006, Quốc hội đã thông qua luật qui định thời gian nghỉ phép để chăm sóc người thân , cho phép sử dụng một khoản tiền lên đến 300 triệu đôla để các bang hoặc các hội sở địa phương có thể sử dụng để hỗ trợ cho những người kiệt quệ vì thường xuyên phải chăm sóc người thân.
Nhưng tất nhiên, như vậy cũng chưa thấm tháp vào đâu. Ba trăm triệu đôla đã là một khởi đầu tốt, nhưng nếu tính được bằng tiền bạc, thì công sức của những người chăm sóc người thân có lẽ lên đến gần 300 tỷ đôla. Chúng ta chỉ mới bắt đầu nhận thức được một vấn đề đang lan rộng, và chúng ta khởi đầu bằng sự đánh giá hành động của những người lao động chăm sóc sức khỏe cho người thân là một hành động đúng đắn.
Đặc biệt, khi người Mỹ già đi, và giả như các chuyên gia lão khoa cũng khước từ, thì điều lớn lao mà chúng ta cần nhận thức là ngày càng có nhiều người Mỹ ở độ tuổi 50 (hoặc hơn thế) đang chăm sóc cho những người Mỹ ở độ tuổi 70, 80 (hoặc hơn thế) – và họ thực sự cần sự đánh giá và hỗ trợ của công sở. Những người con trai hiếu thuận có sức mạnh và khả năng để chuyển hóa nhận thức của xã hội về công việc này, vốn là “đặc quyền” của phụ nữ, biến nó trở thành một vấn đề xã hội rộng lớn, cuối cùng có thể khiến các nhà chính trị hàng đầu quan tâm và đặt vấn đề này lên bàn để thảo luận về nó trong các chính sách An sinh Xã hội.
Và những nỗ lực đã có kết quả. Năm 1997, các công ty đã mất từ 11 đến 29 tỷ đôla vì nhân viên nghỉ việc, vắng mặt hoặc nghỉ nửa ngày vì họ còn bận chăm sóc người thân. Những nhà hoạch định chính sách cần phải thấy giá trị của 300 tỷ đôla “tự nguyện” hỗ trợ cho những người chăm sóc người thân là đáng kể. Nếu những người trưởng thành không lãnh công việc này, thì ai sẽ thay họ đảm nhận chăm sóc những bậc cao niên của nước Mỹ đây? Hệ thống An sinh Xã hội đã sẵn sàng đón nhận sức nặng của những quả bom tấn này hay chưa?
Ứng cứ viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Lieberman từng kể từ khi trưởng thành ngày nào ông cũng gọi điện cho mẹ mình cho đến khi bà qua đời năm 2005 ở tuổi 90. Teddy Roosevelt đã luôn ở bên cạnh mẹ mình khi bà qua đời. Và ngày càng có nhiều Người con hiếu thảo.
Phần VI - Đời sống chính trị
Tầng lớp thượng lưu mới
Trong mùa vận động tranh cử tổng thống 2008, ngày nào tôi cũng nghe thấy hai kiểu bình luận. Kiểu thứ nhất là “Nếu ứng cử viên X hay Y nồng nhiệt hơn và thân thiện hơn, tôi sẽ bỏ phiếu cho ông/bà ta”. Kiểu thứ hai, là “Tôi thích những ứng cử viên quan tâm đến giải quyết các vấn đề của đất nước. Đây là một cuộc bầu cử quan trọng, và chúng tôi cần một tổng thống thực sự hiểu các vấn đề và biết cách đưa đất nước ra khỏi khó khăn”.
Trong hai quan điểm trên, theo bạn, quan điểm nào là của một tiến sĩ Mỹ? Ông ta sẽ quan tâm đến cá tính của ứng cử viên hay tập trung vào các vấn đề thời sự nóng bỏng?
Cách tiếp cận của một tiến sĩ, bạn có thể không tin, hoàn toàn tập trung vào cá nhân của ứng viên. Điều này có vẻ buồn cười, nhưng lại rất thật trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ ngày nay; nó thực sự ngược đời. Giới tinh hoa, thượng lưu Mỹ – những người giàu nhất và có học vị cao nhất trong xã hội Mỹ – ngày càng trở nên ít quan tâm đến các vấn đề như kinh tế hay những thách thức chiến lược mà nước Mỹ phải đối mặt, họ hướng sự quan tâm đến cá tính của các ứng cử viên nhiều hơn. Và có một lý do rất thuyết phục giải thích cho điều này – tầng lớp tinh hoa, thượng lưu Mỹ hiện nay ngày càng tránh xa các vấn đề chính như y tế, giáo dục, việc làm và chăm sóc con cái – những vấn đề mà hầu hết người dân Mỹ đều phải đối mặt. Có lẽ một điều luôn đúng là giới tinh hoa thì thường quan tâm những vấn đề không giống đám đông đại chúng, trừ giới tinh hoa của thế kỷ 20 – thời kỳ của những tài năng thực sự được trọng dụng, họ thuộc dòng dõi đặc biệt, cống hiến cho sự phát triển của xã hội và giành được sự trân trọng thực sự của những người vẫn đang vật lộn với cuộc mưu sinh.
Nói ngắn gọn, họ mang sứ mệnh quan trọng của những người đã trải qua Thế chiến thứ II và được tôn trọng vì những thành tựu mà họ đóng góp cho cuộc sống và chính trị. Giới tinh hoa thượng lưu ngày nay được nuông chiều hơn, và ngày càng tránh xa các vấn đề mà cha, ông họ đã từng trăn trở suy tư.
Trong khi giới thượng lưu của nước Mỹ đọc Thế giới phẳng của Tom Friedman, thì phần còn lại của nước Mỹ đang thực sự sống trong thế giới đó. Dữ liệu công bố tháng 3 năm 2007 cho thấy thu nhập của 10% những người đứng đầu trong danh sách tăng liên tục hàng năm, và những người có mức thu nhập tăng cao nhất (khoảng 14%) thì đứng vào top 1% những người giàu nhất. Trong khi đó, 90% dân Mỹ còn lại vẫn đang tiếp tục cắt giảm chi tiêu. Vậy là nước nổi, trên thực tế, không kéo tất cả các con thuyền đều nổi.
Một điều khiến mọi thứ trở nên đặc biệt mỉa mai là khi bạn hỏi những người thuộc tầng lớp tinh hoa của Mỹ tại sao họ lại quan tâm đến phẩm chất cá nhân, thì họ sẽ trả lời bạn rằng “Cử tri” – đồng nghĩa với những người có thu nhập thấp và học vấn thấp ở Mỹ – không hiểu bản chất của các vấn đề xã hội, do đó, họ phải dựa trên những yếu tố cá nhân để quyết định phiếu bầu. Nhưng không có gì có thể nói thay sự thật khi khái niệm người ta gọi là tính bầy đàn ở nước Mỹ đang ngày càng được đề cập đến nhiều hơn và được mọi người quan tâm hơn bao giờ hết. Thử ghé qua những buổi diễn thuyết chính trị địa phương, với những cử tri Mỹ bình thường nhất, và bạn sẽ thấy phẩm chất cá nhân không bao giờ là yếu tố quan trọng nhất. Cử tri không biết gì về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục và những anh em đang tham chiến ở Iraq. Nhưng họ lại hiểu biết rất rõ về Chương trình Chăm sóc Sức khỏe dành cho Người già (Medicare), và những Người có thu nhập thấp (Medicaid), về hệ thống trường học, về kinh tế thế giới, đủ để khiến rất nhiều vị giáo sư, tiến sĩ phải xấu hổ. Khi Hillary Clinton tổ chức buổi diễn thuyết trực tuyến vào đầu năm 2007, bà nhận được tất cả 11.000 câu hỏi. 10 câu về món ăn và bộ phim yêu thích của bà. 10.990 câu hỏi còn lại về những thách thức mà xã hội đang phải đối mặt và giải pháp của bà. Giới tinh hoa ngày nay coi thường đám đông công chúng, nhưng tôi phải lưu ý rằng chính họ là những người mơ mộng thiếu thực tế, trong khi phần đông hơn của xã hội đang sống trên hiện thực, xác lập các giá trị và kinh nghiệm có thực. Chỉ những cô cậu sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường mới nhìn đời như vậy, tất cả rồi sẽ thay đổi khi chúng tốt nghiệp, ra trường và trải nghiệm ngoài cuộc sống. Vì vậy, có lẽ giới tinh hoa hôm nay mãi là những cô cậu sinh viên sống xa hiện thực và những vấn đề bao trùm lên nước Mỹ mỗi ngày. Dường như rõ ràng là thuyết phục giới thượng lưu Mỹ dễ hơn nhiều so với cử tri Mỹ nói chung.
Ngày nọ, tôi có một cuộc điện thoại với phóng viên của tờ báo dành cho giới thượng lưu, và chúng tôi trao đổi với nhau về tầm quan trọng của cá nhân ứng viên tổng thống. Anh ta nói, “Tôi vừa nhận được một bức thư điện tử của một giáo sư”. Tôi hỏi, “Một giáo sư – ý anh là một người Mỹ điển hình?” Các giáo sư Mỹ
giờ đây thể hiện quan điểm giống với những cử tri-không-nhiều-học-thức, và những cử tri-không-nhiều học-thức thì có quan điểm giống với những gì bạn kỳ vọng ở một giáo sư. Và khi tôi thử thách những quan
sát khác của anh này, anh ta nói sẽ kiểm tra lại, và “những phóng viên khác” cũng cảm thấy như vậy. Những người thượng lưu soi chiếu vào những người thượng lưu khác để đảm bảo góc nhìn của họ, và họ cả quyết với bản thân mình rằng cách mà họ nhìn cuộc sống cũng là cách mà 90% nước Mỹ đang trải nghiệm.
Đây hoàn toàn không phải là học thuyết gì đó của tôi. Hãy nhìn vào dữ liệu.
Tôi đã đưa ra một loạt các các câu hỏi trắc nghiệm trong các chiến dịch vân động tranh cử để tìm hiểu xem điều gì là quan trọng nhất đối với một ứng viên tổng thống: (1) các vấn đề, (2) tính cách, hay (3) kinh nghiệm. Tôi hỏi vậy vì biết đó là 3 yếu tố quan trọng nhất của người lãnh đạo và có thể sử dụng các tiêu chí này để xếp hạng các ứng viên.
Theo như kết quả thăm dò tôi đã thực hiện, một số lượng lớn cử tri – 48% tin rằng các ứng cử viên phải giải quyết các vấn đề là quan trọng nhất, về thứ hai là tính cách ứng viên với 32%. Như vậy, ưu tiên dành cho các vấn đề quốc gia luôn giữ vị trí vững chắc cho dù cử tri có tốt nghiệp đại học hay không, có theo tôn giáo hay không và thuộc dòng máu nào. Tuy vậy, nếu có khi nào vị thế của các vấn đề quốc gia bị lung lay trong niềm tin của các cử tri, thì chỉ có thể là do yếu tố thu nhập chi phối. Khi cử tri có thu nhập đạt ngưỡng thần kỳ là 100.000 đôla/năm, thì ưu tiên hàng đầu với số này là cá tính, dấu ấn cá nhân. Theo bảng dưới đây, có 51% những người thu nhập dưới 100.000 đôla ưu tiên các vấn đề quốc gia so với 30% ưu tiên tới cá tính. Nhưng một khi họ đã đạt mức thu nhập trên 100.000 đôla/năm, đổi lại, họ sẽ quan tâm đến cá tính nhiều hơn các vấn đề quốc gia, tương ứng là 45 và 37%.
Mọi sự trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết nhờ các con số biết nói.
Giờ đây, khi “cá tính” đôi khi trở thành yếu tố căn cốt khi nói đến một người, như tính độc lập hay sự lịch thiệp, thì nó thường chỉ có nghĩa là một thứ gì đó phù du hoặc hời hợt của một người mà bạn muốn giao du. Chắc chắn, xu hướng dễ mến và thân thiện là những yếu tố quan trọng khi lựa chọn tổng thống. Nhưng có thật nó quan trọng hơn việc giải quyết vấn đề sức khoẻ cộng đồng và tạo việc làm? Hầu hết người Mỹ trả lời rằng không. Thẳng thắn mà nói, chỉ những người giàu có mới trả lời có mà thôi. Hãy xem giới thượng lưu qua các phương tiện truyền thông. Những ấn phẩm như New York Times, với suy nghĩ rằng mình già nua và không theo kịp trào lưu hướng tới con người cá nhân, giờ đây đã bổ sung vào đội ngũ của mình cây bút Maureen Dowd phụ trách chuyên mục Op-Ed , chuyên phân tích tâm lý nhân vật, và những phóng viên như Mark Leibovich thường xuyên có bài viết đăng trên trang nhất phản ánh ấn tượng cá nhân về cá tính của các ứng cử viên. Tờ Times có lẽ đã theo kịp tờ Washington Post, tờ báo đã có những phóng viên như Lois Romano chuyên đi sâu phân tích khía cạnh cá nhân trong rất nhiều năm. Trong tháng 3 năm 2007, ngay cả tờ Wall Street Journal cũng có những bài báo làm om sòm về trang phục của Barack Obama, vẻ ngoài non trẻ của John Edwards và chiếc cà vạt bắt mắt của Giuliani. Bỗng nhiên, độc giả chúng ta được đọc những mẩu chuyện phiếm trên Times, trên Post và trên Journal , và nhiều nữa những bài báo phân tích sâu về cá tính của ai đó trên tờ Cleveland Plain Dealer và Kansas City Star. Nếu sống ở thời đại này, Woodrow Wilson có thể bị coi là quá cứng nhắc để là một người thuộc giới thượng lưu, có lẽ ông sẽ chỉ là một nhà xã hội hoạt động vì hòa bình.
Bằng nhiều cách khác nhau, những trí thức xa rời thực tiễn trở nên ngu ngốc, và những người ngu ngốc lại trở thành những nhà trí thức. Và bạn có thể thấy làn sóng của những hiệu ứng này xuất hiện nhan nhản trên truyền thông. Thử nghĩ xem có bao nhiêu khách mời trên các show truyền hình có thu nhập dưới 100.000 đôla/năm? Có bao nhiêu phóng viên phỏng vấn những người có thu nhập dưới 100.000 đôla/năm? Dòng thông tin về giới thượng lưu hoàn toàn do những người sống trong top 10% những người giàu nhất thế giới thống trị, và nếu trong quá khứ, những thông tin về giới tinh hoa giúp nâng tầm các cuộc tranh luận, khiến nó trở nên quan trọng và có ích, thì ngày nay, tình hình hoàn toàn ngược lại. Ngày nay, giới thượng lưu quan tâm hơn đến các câu chuyện tầm phào, họ tránh xa các cuộc tranh luận về những vấn đề hệ trọng và chỉ hướng tới những điều nông cạn.
Tất cả những điều này sẽ chỉ đơn giản là những lời nhận xét kỳ quặc về những tờ báo như “Tin Nóng Hổi” hay “Chuyện của Sao”- nếu nó không phản ánh thực tế rằng những khác biệt trong suy nghĩ của giới thượng lưu và đám đông công chúng đối với lãnh đạo ngày càng tăng lên và có nguy cơ bóp méo cuộc bầu cử. Có những thay đổi về các luật tài chính trong vận động tranh cử, mà ý nghĩa trước đây của nó là để tách tiền bạc ra khỏi nền chính trị Hoa Kỳ, nên ngày nay xuất hiện một tầng lớp mới ngày càng nhiều những Nhà Tài Trợ Khổng Lồ, áp đặt ảnh hưởng lên các ứng cử viên và các chiến dịch tranh cử. Ngoại trừ một số ít nhà tài trợ quyên góp những khoản tiền lớn, còn lại có không ít những nhà tài trợ sẵn sàng ủng hộ khoảng 10.000 đôla. Và tất cả bọn họ đều có thu nhập trên 100.000 đôla/năm (nếu không, còn ai có thể dễ dàng cho đi 2.300 đôla sau thuế, sau mỗi vòng bầu cử sơ bộ và vòng bỏ phiếu cho một chính trị gia?). Điều này lại một lần nữa chứng minh, hầu hết bọn họ, như đã miêu tả ở trên hoàn toàn không phải là những
thành phần cử tri chủ đạo.
Đây là lý giải vì sao những nhà tài trợ chính trị kiểu mới lại có tầm quan trọng như vậy. Sau vụ Watergate năm 1974, Quốc hội đã sử dụng quyền bác bỏ luật, để thông qua một loạt luật tài chính sửa đổi chiến dịch tranh cử, trong đó giới hạn số tiền quyên góp và yêu cầu tính minh bạch cao hơn. Nhưng có một điều họ đã không nhắc tới, đó là “khoản tiền mềm” – số tiền mà các tập đoàn hoặc cá nhân giàu có chuyển trực tiếp cho các đảng phái, được dùng cho các hoạt động không thuộc phạm vi vận động, ví dụ như đăng ký cử tri. Vì vậy trong vài thập kỷ, các khoản tiền mềm bị lạm dụng rất nhiều. Năm 2002, Quốc hội đã thông qua đạo luật cải tổ chiến dịch tranh cử cấm các loại tiền mềm – nhưng đồng thời tăng số “tiền cứng” mà một cá nhân có thể quyên góp cho các ứng cử viên (Năm 2007, số tiền giới hạn là 2.300 đôla/người/ứng cử viên, trong các vòng bầu cử sơ bộ và vòng bỏ phiếu; và 28.500 đôla/người/đảng phái, trong vòng 2 năm, số tiền giới hạn mà một người có thể đóng góp cho một đảng là 108.200 đôla). Nhưng điều mà Quốc hội lần này đã bỏ sót là các khoản tiền quyên góp thông qua các ủy ban và các tổ chức được biết dưới tên 527, đặt tên theo sắc số thuế dành cho các cơ quan này. Giờ đây, các tổ chức 527 (như tổ chức Swift Boat Veteran for Truth (SBVT), tổ chức Vì sự tiến bộ của nước Mỹ thân Cộng hoà và MoveOn.org, Service Employees International Union (SEIU) ủng hộ đảng Dân chủ) đã quyên góp được nguồn ngân quĩ không giới hạn từ những cá nhân giàu có ủng hộ hết lòng cho đảng, sử dụng ngân quĩ này để tiến hành một số hoạt động như định hướng dư luận tán thành một vấn đề – ví như phát sóng quảng cáo ủng hộ một vấn đề trọng điểm nào đó trên các kênh thương mại, và đăng ký cử tri.
Theo quan điểm của tôi, những cải tổ năm 2002 đã nhắm thẳng vào hai nhóm nhỏ về mức độ và tầm quan trọng. Thứ nhất là nhóm những nhà Tài trợ Tài phiệt – vô cùng giàu có và cam kết quyên góp, thay vì cho đảng nào biết chi tiêu chuyên nghiệp, họ quyên góp cho tổ chức 527 để theo đuổi một quan điểm nào đó mà họ tán thành, và trực tiếp chỉ đạo họ. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2006, những tổ chức 527 đã quyên góp được khoảng 380 triệu đôla, nhiều hơn khoảng 30% so với số tiền họ đã quyên góp được vào năm 2002. Năm 2004, theo một nguồn tin cho biết có 5 cá nhân, trong đó có hai cặp vợ chồng đã ủng hộ 78 triệu đôla cho tổ chức 527 của Đảng Dân chủ, chiếm khoảng một phần tư tổng số ngân quĩ mà đảng Dân chủ quyên góp được.
Nhóm thứ hai là những nhà Tài trợ Thượng Lưu – những cặp đôi có thu nhập khoảng 300.000 đôla hoặc hơn thế mỗi năm có thể quyên góp chừng 10.000 đôla cho các ứng cử viên mà không cần suy tính. Họ là những bậc trí thức cao cấp, và dường như họ đứng cách một khoảng rất xa với những gì mà phần lớn số cử tri còn lại khắp nơi trên nước Mỹ phải đối mặt. Họ sở hữu hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt, các trường tốt và những ngôi nhà đẹp. Hầu hết bọn họ đều thuộc top 5% những người khá giả ở nước Mỹ, những người giàu nhất thì thuộc top 1%. Các nhà chính trị tham gia tranh cử ở Mỹ rất có thể phải sử dụng một nửa số thời gian của họ để ăn tối với những người này, còn nửa thời gian, họ dành cho 95% cử tri còn lại.
Như vậy giữa những nhà Tài trợ Tài phiệt thuộc nhóm 527 và các nhà Tài trợ Thượng lưu ngày càng nhiều quyền lực, chúng ta có một tầng lớp những nhà tài trợ mới, đang giữ vai trò quan trọng trong chính trị – và các con số thống kê đã chứng minh rằng đầu óc của họ ở xa lắm, không gần bên những cử tri bình thường.
Và không chỉ không gần gũi, mà chính những cái đầu ấy lại đang chèo lái cuộc tranh cử theo hướng ngày càng nông cạn hơn. Giới thượng lưu có thể chiếm lĩnh hoàn toàn Dịch vụ Truyền thông Công cộng, nhưng đó hoàn toàn không phải là những gì mà tầng lớp trung lưu quan tâm tới.
Bức tranh chính trị Hoa Kỳ còn xa mới đạt đến ngưỡng đáng phê phán như thời hoàng đế Nero “gảy đàn fiddle trong khi thành Rome bốc cháy” – hình ảnh đặc tả sự thờ ơ của tầng lớp lãnh đạo đối với tầng lớp thị dân. Nhưng có một nguyên tắc tối thượng, đó là cử tri không hề ngu ngốc. Họ biết lo toan hơn, có nhiều thông tin hơn, có nhiều kiến thức hơn, và độc lập hơn bao giờ hết. Vì vậy, nếu bạn bỏ qua tất cả những gì tầng lớp trung lưu phản ánh và ý kiến của những nhà báo tâm huyết, có lẽ ở ngoài đời bạn sẽ không có cơ hội tiếp xúc nhiều lắm với những người thông minh.
Cử tri hay thay đổi chính kiến
Hay ảo tưởng về những Cử tri Cực đoan
Đây là điều mà ngày nào chúng ta cũng được nghe: Nước Mỹ chia ra làm hai đảng – đỏ và xanh – và chìa khóa của các cuộc bầu cử chính là việc lôi kéo số lượng cử tri ủng hộ. Sách báo nói nhiều về điều này, nhiều sự nghiệp được tạo dựng từ đây, và các xu hướng cũng dựa vào đó mà xuất hiện. Nhưng mọi việc không đơn giản như thế.
Sự thực là trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận thì xu hướng cử tri thay đổi chính kiến vẫn làm mưa làm gió trên chính trường – không kể các nhà tư tưởng, mà chính tầng lớp cử tri thực dụng, ít gắn kết với các đảng phái là thành phần chủ yếu quyết định ai sẽ là chủ Nhà Trắng và sẽ điều hành Quốc hội (ở Anh, đó là
người sẽ sống tại ngôi nhà số 10 Phố Downing). Những cử tri này độc lập, không chịu ảnh hưởng của đảng nào hết. Và dần dần, các cuộc bầu cử đang quay sang tập trung vận động những cử tri trung tuổi, không phải những cử tri năng động trong xã hội hay những cử tri trẻ tuổi.
Chỉ cần nhìn vào các tính toán dựa trên sự thay đổi cơ bản về số phiếu bầu sau các cuộc vận động của các đảng phái chính trị. Bầu cử dựa nhiều vào lịch sử – hầu hết những cử tri đi bầu cử lần này là những người đã từng đi bỏ phiếu trong lần tranh cử trước. Nếu dựa vào đó thì thật đáng nản vì một đảng sẽ thắng liên tiếp, dựa trên nền tảng là số cử tri có sẵn. Hãy giả định có 10 cử tri đã từng đi bầu cử từ lần trước, ta hãy chia họ ra làm 2 nhóm theo tỷ lệ 50/50. Nếu một cử tri thuộc một đảng nào đó thay đổi suy nghĩ, tỷ lệ bầu sẽ thành 60/40. Nếu xuất hiện một cử tri mới tham gia khảo sát, và nhờ những nỗ lực vận động tài tình của bạn, anh ta bầu cho bạn, thì tỷ lệ bầu cho bạn vẫn chỉ là 55/45 (bạn có 6 phiếu bầu trên tổng số 11). Nếu xuất hiện một cử tri mới nữa tham gia bỏ phiếu cho phe đối diện, thì tỷ lệ bầu cho bạn trở lại 50/50 (bạn có 6 phiếu bầu trên tổng số 12). Nói cách khác, cần đến hai cử tri mới bỏ phiếu cho bạn mới được tính bằng một cử tri cũ thay đổi chính kiến, và phải cần đến 3 cử tri mới ủng hộ thì mới có thể vượt qua khoảng trống để lại của một cử tri thay đổi ý kiến, không bầu cho bạn nữa. Trong hầu hết các trường hợp, như vậy, về mặt chiến lược việc giữ cho một cử tri cũ không thay đổi ý kiến quay sang bầu cho đối thủ cạnh tranh quan trọng hơn là lôi kéo thêm 2 đến 3 cử tri mới đến với cuộc bầu cử. Về lý thuyết mà nói việc lôi kéo cử tri có thể là một nhân tố quan trọng, nhưng trong 95% các cuộc bầu cử, chính những cử tri thuộc các đảng phái lại là người quyết định.
Trong cuộc vận động tái tranh cử chức Thượng nghị sĩ của Hillary Clinton, tôi đã dự đoán có thể không lôi kéo được thêm những cử tri mới đi bầu, bởi vì đó chỉ là một cuộc tranh cử giữa nhiệm kỳ và kém hấp dẫn, vì vậy, thay vào đó, chúng ta phải làm việc cật lực để chiến thắng dựa trên những cử tri trung thành, có lịch sử ủng hộ phe của chúng ta trong thời gian dài. Bằng cách nhận dạng tâm lý cử tri, chúng ta sẽ “nhắm trúng” vào nhóm cử tri trung thành, chia họ thành 6 nhóm khác nhau, và khơi gợi lại trong họ những thành công của bà Clinton trong các vấn đề trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của họ, như thuế sở hữu tài sản, các chương trình game bạo lực và các vấn đề địa phương. Từ 15.000 cử tri trong những hạt chủ chốt, bà Clinton đã vận động được gần 150.000 phiếu bầu – tăng 18% số phiếu bầu của những khu vực khó nhằn nhất.
Ảo tưởng rằng Mỹ là một nước “cực đoan” trong chính trị không ngừng được củng cố, bởi từ Washington D.C – nơi qui tụ của hầu hết các học giả hàng đầu nước Mỹ những thông điệp vẫn đều đặn phát đi là, mỗi người đều phải quyết định mình sẽ đứng về phía nào đó để tồn tại. Nhưng đó không phải là những gì đang
diễn ra trên khắp nước Mỹ, nước Anh, nước Pháp hay Thái Lan. Trên thực tế, chính bởi dòng thông tin cuộn chảy mỗi ngày trong đời sống mà các cử tri trở nên ít gắn kết hơn bao giờ hết, và ngược lại, ngày càng cởi mở và linh hoạt. Hãy để mắt tới xu hướng này.
Trong vòng 15 năm trở lại đây, tỷ lệ người Mỹ tự xếp mình vào hạng cử tri Độc lập chứ không thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa đã tăng lên, từ dưới 25% đến hơn 30% tổng số cử tri đi bầu. Chỉ tính riêng ở bang California, tỷ lệ cử tri Độc lập đã tăng lên hơn gấp đôi từ năm 1991 đến năm 2005. Vậy là đảng phái chính trị có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Mỹ lại chính là không-đảng.
Theo các Nghiên cứu Bầu cử Quốc Gia Hoa Kỳ của trường Đại học Michigan, tỷ lệ những người bầu một ứng viên đảng Dân chủ làm tổng thống, và một ứng viên đảng Cộng hòa vào Quốc hội hoặc ngược lại đã tăng lên 42% kể từ năm 1952. Đó thực sự là một tín hiệu thiện chí mới từ một bộ phận người Mỹ khi quan tâm đến cá nhân của ứng viên, chứ không phải đảng mà ông ta phục vụ. Đó là dấu hiệu của một cuộc bầu cử có trí tuệ, không phải là một hành động theo bầy đàn.
Khi được hỏi, người Mỹ đôi khi biểu lộ một thái độ rất ngông nghênh mà đáp rằng, họ chắc chắn sẽ bỏ phiếu hoặc không bỏ phiếu cho một ứng cử viên hoặc một đảng cụ thể nào đó. Nhưng sự thực có vẻ không dễ tin như vậy. Năm 1995, 65% cử tri khẳng định họ sẽ không bao giờ bầu cho Bill Clinton. Một năm sau, họ tái bầu ông trở thành tổng thống của nước Mỹ, với một tâm thế hoàn toàn khác.
Hãy xem chuyện gì đã xảy ra trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào năm 2006 – đảng Dân chủ đã giành được 30 ghế trong Hạ viện từ đảng Cộng hòa ở những bang mà người Cộng hòa từng tuyên bố là khu vực ủng hộ đảng Cộng hòa cực đoan đến mức không thể thay đổi chính kiến, nhưng họ đã bị đánh bại bởi một lý do cực kỳ đơn giản: Nếu bạn động chạm vào quyền tự do có thực của cử tri, dù đó chỉ là một cái tát nhẹ, thì bạn sẽ nhận được một cú tát trời giáng ngược lại trong sự nghiệp chính trị của mình.
Hoặc hãy xem cách mà những chuyên gia thăm dò dư luận kêu gọi người dân tham gia bỏ phiếu ở quốc hội – “nếu hôm nay là ngày diễn ra bầu cử quốc hội, bạn sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng nào?” Từ cuối năm 2004 đến đầu năm 2006, cử tri Mỹ đã làm thay đổi cán cân chính trị, từ chỗ đảng Cộng hòa dẫn trước
5 điểm cách biệt so với đảng Dân chủ, đến chỗ đảng Dân chủ vươn lên dẫn trước đảng Cộng hòa 15 điểm, và lên nắm quyền Hạ viện sau 12 năm lép vế. Tỷ lệ cử tri trẻ tuổi thay đổi quan điểm bầu cử giảm xuống còn 12% từ 17% trong kỳ bầu cử năm 2004, như vậy rõ ràng đảng Dân chủ đã giành chiến thắng vang dội với tỷ lệ cử tri ủng hộ rất cao. Chìa khóa của vấn đề chính là sự đối lập trong trí tuệ đám đông, đã có một cánh bền vững xuất hiện trong bầu cử ở Mỹ, gồm những cử tri tiếp thu thông tin từ nhiều nguồn, và họ dựa trên những luồng thông tin ấy để tư duy và bỏ phiếu.
Theo những thăm dò của kênh CNN, trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 1996, 2000, và 2004, có khoảng từ 1/5 đến 1/3 cử tri đã thay đổi chính kiến trong tháng cuối trước khi chính thức diễn ra bầu cử. Xu hướng này nảy sinh từ thực tế là năm 2004, lúc đầu ông Kerry giành 8 điểm dẫn trước, sau đó, ông Bush lại vươn lên dẫn trước 13 điểm, và cuối cùng, ông Bush tái giành chiến thắng và trở thành tổng thống với vỏn vẹn 3 điểm cách biệt.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, thực tế số lượng cử tri thay đổi chính kiến rất cao, cao hơn ở cả 2 phía, phớt lờ sự vận động của cả 2 phe. Đội ngũ cử tri thay đổi chính kiến nhiều nhất – là phụ nữ trung tuổi và người Mỹ Latinh có văn hóa Tây Ban Nha (Hispanic) – đã làm nên sự khác biệt cho ông George W.Bush. Vai trò của phụ nữ không hề bị cường điệu hóa. Trong năm 2004, phụ nữ chiếm 54% số người Mỹ đi bầu cử, tỷ lệ cao nhất trong lịch sử nước Mỹ. Mối quan tâm và tầm ảnh hưởng của họ trong chính trị đã tăng rất nhanh.
Bạn có thể nhớ rằng vào năm 1996, những Bà mẹ Bóng đá đã từng bị chỉ trích là những cử tri thay đổi quan điểm. Ngày nay, những bà mẹ ấy vẫn là một trong những thành phần chủ yếu của những người cử tri hay thay đổi chính kiến, nhưng nay họ đã thuộc vào tầng lớp già hơn, con cái họ bắt đầu tốt nghiệp ra trường. Giờ đây, họ thu thập thông tin từ Internet, TV cũng như trên các kênh radio, họ trở thành những cử tri được trang bị thông tin đầy đủ nhất trong lịch sử. Khi con cái họ còn ở độ tuổi từ 6 đến 18, họ có rất ít thời gian để quan tâm đến những chuyện khác, giờ đây, rất nhiều những người thuộc thế hệ bùng nổ này đã có nhiều thời gian rảnh hơn để nghĩ đến những vấn đề to tát như chuyện gì sẽ xảy ra với nước Mỹ hay thế giới rồi sẽ đi về đâu.
Sức mạnh của những cử tri thay đổi chính kiến từ ủng hộ đảng này, quay sang bỏ phiếu cho đảng đối lập không chỉ giới hạn trong nước Mỹ. Ở Anh, cũng tồn tại sự phân vân tương tự như vậy ở cử tri Anh, trước khi họ quyết định bỏ phiếu cho đảng Lao động hay đảng Bảo thủ. Một lần nữa, những cử tri của đảng tự do lại giành ưu thế, họ chủ yếu bỏ phiếu cho người nào mà họ tin rằng đó là vị lãnh đạo tốt nhất, chứ không phải đảng nào có chủ trương hay chính sách đúng đắn hơn. Từng làm việc với 24 cuộc bầu cử thành công trên toàn thế giới, tôi ngày càng được chứng kiến nhiều cử tri chiến thắng trước sự ảnh hưởng của các kênh truyền hình, truyền thông, và tin nhắn – ở tất cả mọi nơi, từ Colombia, nơi có vị tổng thống dám đối đầu với hệ thống tội phạm ma túy mà tôi đề cập ở phần trước, cho đến Thái Lan hay Hy Lạp. Ở mỗi đất nước này, phương pháp mà tôi gợi ý thường có điểm tương đồng, mặc dù các nước này có sự khác biệt văn hóa vô cùng lớn. Karl Rove, người được ca tụng là nhà chiến lược đại tài từ năm 2000 đến 2004 gần đây đã tự điều chỉnh rất nhiều bởi thất bại khi thay đổi chiến lược của ông sau kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ. Chỉ cần 2% cử tri từ đảng này chuyển qua bỏ phiếu cho đảng khác đã có thể tạo ra một sự khác biệt lớn lao.
Những xu hướng cực nhỏ được nhận diện thường bị coi là nhân tố chia rẽ xã hội cùng một lúc thành nhiều hơn hai xu hướng cực đoan. Nhưng xu hướng này – nhu cầu nhận biết tương lai của các đảng phái phụ thuộc vào việc có chiến thắng những cử tri trung tâm hay không – lại là một trường hợp cá biệt. Xu hướng này như chiếc phanh hãm để những người dân chủ nhất cũng biết họ có thể đi đến giới hạn nào của cực tả hay cực hữu.
Sự ảnh hưởng này rất sâu sắc. Những bước tiến đang diễn ra thật sự mang dáng dấp của học thuyết toàn cầu “con đường thứ ba” – trong đó ánh sáng của thực tiễn, sự tư duy độc lập đã phủ bóng lên bất cứ xu hướng cánh tả hay cánh hữu cực đoan. Chính sự bùng nổ các phương tiện thông tin đại chúng và truyền
thông đã thổi lửa cho xu hướng này, và cung cấp cho cử tri nhiều sự lựa chọn, để cân nhắc khả năng thực sự của người lãnh đạo cũng như đường lối chính trị của ông ta. Dù Internet có vẻ là nhân tố làm nảy sinh nhiều xu hướng phân rã, thì từng quyết định tưởng nhỏ bé của mỗi cử tri vẫn luôn giữ vị trí trung tâm. Qua thời gian, nó sẽ là yếu tố giúp rất nhiều quốc gia thoát khỏi chiến tranh, tiến gần tới sự công bằng trong phân phối thu nhập và gắn kết trong những liên minh kinh tế, trong thị trường ngày càng tự do hơn và trong những giá trị vượt khỏi tầm kiểm soát của hiện tại.
Công dân bất hợp pháp
Nếu như có một nhóm người nào ở Mỹ thường xuyên có hồ sơ lý lịch không đầy đủ thì đó chính là 12 triệu người nhập cư bất hợp pháp và cũng thường kèm theo những lý do khá hợp lý. Phóng viên kỳ cựu trong
Chiến tranh thế giới thứ II, Edward R. Murrow, trong tập tài liệu nổi tiếng hồi thập niên 60 của thế kỷ 20 mang tên Harvest of Shame, từng nhận định: “người nhập cư… có sức khỏe để thu hoạch mùa màng, hoa quả, nhưng họ lại không có sức mạnh để gây ảnh hưởng đến ngành lập pháp”. Họ tồn tại trong yên lặng và trong bóng tối. Kết quả là, họ thực sự trở thành những người bị lãng quên trên đất Mỹ.
Năm 2006, một dự luật được Nghị sĩ đảng Cộng hòa James Sensenbrenner ở bang Wincosin đề xuất, và được Hạ viện Mỹ thông qua, đã đẩy những người nhập cư bất hợp pháp và gia đình họ vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Luật này quy định việc sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ hoặc giúp đỡ, hỗ trợ về lương thực, thuốc men cho các đối tượng này là “phạm tội nghiêm trọng”. Cuộc sống bị đe doạ nghiêm trọng đã khiến những người nhập cư bất hợp pháp xuống đường biểu tình.
Ít nhất là tại 140 thành phố của 39 bang, từ Phoenix tới Philadenphia, từ Boise tới Birmingham, ở những khu đất trống rộng rãi, mặc đồng phục áo thun màu trắng, hàng trăm nghìn người nhập cư trái phép tổ chức thành những đoàn người tuần hành nghiêm ngặt, trước vô số ống kính phóng viên truyền hình. Họ tuần hành để phản đối dự luật do Hạ viện thông qua, đòi sửa đổi, giải phóng luật về nhập cư với mục tiêu không hạn chế mà phải nới rộng cánh cửa để người nhập cư trở thành công dân Mỹ. Tại Atlanta, nơi khởi xướng phong trào đòi quyền công dân của nước Mỹ, những người tuần hành giương cao biểu ngữ: “Chúng tôi cũng có ước mơ”. Tại Mississipi, họ hát vang “Chúng ta sẽ vượt qua khó khăn” bằng tiếng Tây Ban Nha. Tại Los Angeles, tháng 3/2006 đã diễn ra cuộc mít tinh lớn nhất trong lịch sử thành phố này, và có lẽ là lớn nhất ở miền Tây nước Mỹ. (Liên tưởng đến việc thiết lập hàng rào an ninh chạy theo biên giới mà nhiều nhà làm luật đang hết sức ủng hộ, hài kịch gia Carlos Mencia đặt câu hỏi: “Nếu các ngài trục xuất chúng tôi, ai sẽ xây dựng bức tường này?”).
Tại thời điểm này, những người nước ngoài bất hợp pháp trên đất Mỹ là “người Mỹ” theo nghĩa chân thực nhất của từ này. Họ sử dụng thể chế chính trị dân chủ để đạt được mục đích của mình. Họ có thể không có quyền bầu cử, và cũng có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào, nhưng họ đã lên tiếng đòi quyền lợi cho mình và buộc các nhà làm luật phải lắng nghe.
Đó là biểu hiện sâu sắc nhất từ trước tới nay khi ở nước Mỹ lúc này, hàng trăm ngàn trong số 12 triệu người nhập cư trái phép không những có cảm giác an toàn đủ để thực hiện các cuộc tuần hành, mà còn nhận ra rằng họ đã sử dụng quyền lực chính trị thực sự. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, nhu cầu và nguyện vọng của những người không phải là công dân chính thức lại có thể trở thành nhân tố quan trọng định hướng cương lĩnh tranh cử tổng thống.
Không phải chính bản thân vấn đề nhập cư trở thành mối quan tâm hàng đầu của nước Mỹ. Mặc dù đại đa số người Mỹ theo dõi tin tức về các cuộc tuần hành và vấn đề nhập cư được đưa lên vị trí ưu tiên trong một loạt những vấn đề người Mỹ coi là quan trọng, thì nó vẫn xếp sau vấn đề Iraq, kinh tế và chủ nghĩa khủng bố. Và vào thời điểm cuốn sách này được viết ra, Quốc hội vẫn chưa thống nhất các ý kiến khác biệt để ban bố một đạo luật nhập cư mới.
Thế nhưng trên thực tế, nguyện vọng của những người nhập cư trái phép đã đánh trúng tâm lý của những người nhập cư hợp pháp. Họ cảm nhận được ẩn ý đằng sau luật do Sensenbrenner đề xuất cũng chính là nhằm vào họ. Đồng thời, sự nổi dậy của người nhập cư bất hợp pháp còn có tác động sâu sắc tới những người Mỹ bản xứ, vì họ có mối liên hệ chặt chẽ với người nhập cư trái phép, cũng giống như con cái họ. (Khi tôi hỏi một chuyên gia về nhập cư người Mỹ gốc Latinh rằng có bao nhiêu người Latinh sinh ra tại Mỹ có cha mẹ nhập cư bất hợp pháp, ông ta đã trả lời: “Gần như tất cả”.) Năm 2006, một nhóm người Mỹ có vai vế bị xúc phạm nghiêm trọng, có người nói giống như lúc Rosa Parks – một người Mỹ gốc Phi hoạt động trong phong trào đòi quyền công dân, bị yêu cầu phải di chuyển xuống cuối xe bus. Và họ đã biến sự tức giận lúc đó thành hành động, rằng họ có thể và sẽ phải gây ảnh hưởng lên chính sách nhập cư.
Số người có chung suy nghĩ, cảm xúc như vậy sẽ đủ lớn để định hướng cương lĩnh tranh cử tổng thống. Hãy cùng xem xét những số liệu dưới đây.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, hơn 16 triệu người gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đủ tư cách bầu cử, nhưng chỉ có khoảng 8 triệu người thực thi quyền lợi đó. Nghĩa là đến chiến dịch tranh cử năm 2008 sẽ có ít nhất 8 triệu cử tri đầy tiềm năng, nếu như họ được tác động mạnh mẽ hơn.
Liệu 8 triệu người này có xoay chuyển được kết quả bầu cử tổng thống? Bạn có thể cá cược. Trong vòng 15 năm trở lại đây, chiến thắng cách biệt trong phổ thông đầu phiếu đối với tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên là khoảng 4 triệu lá phiếu. (Khi giành chiến thắng để tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống G.W. Bush cũng đánh bại John Kerry chỉ với 3 triệu lá phiếu). Nếu như chỉ cần có 2 – 3 triệu cử tri gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đi bỏ phiếu năm 2008, họ thật sự có khả năng ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Người gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha là nhóm người Mỹ tăng nhanh nhất trong bầu cử. Năm 1992, họ chỉ chiếm 4% lá
phiếu, năm 2004 tăng lên 8%. Như vậy là quyền lực chính trị của nhóm người này đã tăng gấp đôi chỉ qua 3 cuộc bầu cử.
Nhưng yếu tố quyết định người giành chiến thắng và trở thành tổng thống kế tiếp của nước Mỹ không phải là phổ thông đầu phiếu, mà là phiếu đại cử tri (được lựa chọn từ cử tri đoàn). Điều này có nghĩa là cử tri gốc Latinh không cần cố giữ thế cân bằng trong khu vực bầu cử, họ chỉ cần phải giữ được đủ số phiếu tại các bang quan trọng nơi mà họ tập trung đông nhất. Nếu cử tri gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tập trung tại các bang Florida, Nevada, Arizona, New Mexico và Colorado – tổng số phiếu đại cử tri của các bang này là 56, thì chắc chắn ứng cử viên của họ (giả định rằng họ chỉ có 1 ứng cử viên) sẽ giành chiến thắng. Sức mạnh của họ không chỉ tăng lên về số lượng mà còn ở khả năng ảnh hưởng tới tới kết quả sau cùng, vì họ đã định cư ở những bang có ý định thay đổi người đứng đầu đất nước từ đảng này sang đảng kia.
Người gốc Latinh có muốn bầu cử không? Và ai sẽ trở thành ứng cử viên của họ?
Những người Latinh bị phân biệt đối xử có nhiều khả năng đi bỏ phiếu nhất. Theo kết quả cuộc điều tra quốc gia năm 2006 về người gốc Latinh, do Pew Hispanic Center thực hiện, có tới 75% nói rằng sự kiện năm 2006 về vấn đề nhập cư sẽ thúc đẩy nhiều người gốc Latinh đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tiếp
theo. (Thực tế, họ đã tăng từ con số 5% trong bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2002 lên 8% trong bầu cử Hạ viện giữa nhiệm kỳ năm 2006). 63% cho rằng các cuộc tuần hành ủng hộ người nhập cư hồi tháng 3/2006 đánh dấu một phong trào xã hội mới và sẽ tồn tại lâu dài. 54% có suy nghĩ cuộc tranh cãi này sẽ biến sự phân biệt đối xử với người gốc Latinh thành vấn đề lớn và sẽ lôi kéo rất nhiều đối tượng tham gia.
Họ sẽ bỏ phiếu cho ai? Theo truyền thống, sự ủng hộ của những người gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thiên về ứng viên đảng Dân chủ hơn là đảng Cộng hòa. Trong cuộc bầu cử năm 2004, Tổng thống G.W. Bush – nhân vật thuộc đảng Cộng hòa đã giành được lá phiếu bầu của các cử tri này nhiều nhất so với các ứng cử viên Cộng hòa đi trước, nhưng cũng chỉ đạt 40%. Tuy nhiên, cuộc tranh cãi về nhập cư năm 2006 đã đưa rất nhiều người gốc Latinh quay trở lại với đảng Dân chủ. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2006, cứ 2 người Mỹ gốc Latinh thì có 1 người bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, khiến cho sự ủng hộ dành cho ông Bush trong năm 2004 có lẽ giống như một sai lầm.
Mặt khác, sự gắn kết của đảng Dân chủ với những người gốc Latinh cũng không chắc chắn. Theo kết quả thăm dò năm 2006 của Pew, tỉ lệ người gốc Latinh cho rằng đảng Cộng hòa sẽ giải quyết tốt nhất vấn đề nhập cư đã giảm từ 25% (2004) xuống còn 16% – được coi là rất thấp. Tuy nhiên, đảng Dân chủ lại không thực sự tạo ra khác biệt nào. Thực tế, cứ 4 người gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thì có 1 người cho rằng không đảng nào có vị thế tốt nhất trong việc giải quyết vấn đề nhập cư, tăng gấp 3 lần so với tỉ lệ của 2 năm trước đó.
Rõ ràng, tính độc lập của cử tri gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ngày càng tăng lên là hệ quả quan trọng nhất của sự kiện năm 2006. Theo thăm dò năm 2006 của viện Gallup về Quyền và các mối quan hệ của các nhóm thiểu số, 42% người gốc Latinh theo đảng Dân chủ, 17% theo đảng Cộng hòa, nhưng cũng có con số đáng kể 40% tự nhận là những người Tự do. Tương tự, kết quả thăm dò tháng 7/2006 do mạng lưới Tân Dân chủ (New Democrat Network) tiến hành trong thành phần cử tri nói tiếng Tây Ban Nha cho thấy: 54% nói rằng cuộc tranh luận gay gắt về nhập cư năm 2006 đã khiến họ quan tâm hơn đến việc bỏ phiếu, nhưng 41% khác lại nói sự kiện đó không ảnh hưởng đến việc họ sẽ ủng hộ đảng nào.
Điều này có nghĩa là cử tri gốc Latinh sẽ để ngỏ khả năng bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2008, có thể họ sẽ bầu cho ứng cử viên nào quan tâm tới lợi ích của họ hơn, không phân biệt người đó thuộc đảng nào. Vậy thì lợi ích của họ là gì? Ngoài vấn đề nhập cư còn có 2 vấn đề quan trọng khác là chăm sóc sức khoẻ và giáo dục. Năm 2005, 1/3 số người nhập cư không có bảo hiểm sức khoẻ, hơn gấp 2,5 lần so với những công dân sinh ra tại Mỹ. Trường công lập là vấn đề then chốt và nan giải. Theo Trung tâm Nghiên cứu về Nhập cư, từ giữa thập niên 80 đến nay, người nhập cư chiếm gần như tất cả đầu vào của các trường công lập.
Khi người nhập cư trái phép nắm lấy ảnh hưởng chính trị của mình, người gốc Latinh có quyền bầu cử được thôi thúc bởi các hoạt động của họ nên ngày càng trở nên độc lập hơn. Họ sẽ trở thành động lực mạnh mẽ trên lĩnh vực chính trị không chỉ bởi vì số lượng mỗi ngày một đông và họ sinh sống tại những bang trọng yếu, mà còn vì họ thể hiện thái độ sẽ quan tâm hơn đến các ứng cử viên, không chỉ của riêng đảng nào. Vì lí do này, họ có thể trở thành lực lượng nắm lá phiếu quan trọng nhất. G.W.Bush sẽ không thể chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2004 nếu không giành được 40% phiếu bầu của họ. Cựu Tổng thống Clinton và Thượng Nghị sĩ Hilary Clinton lôi kéo được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng này. Pete Wilson – cựu Thống đốc bang California đã phạm phải sai lầm chết người hồi giữa những năm 90, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng tại bang này, sau đó những người Cộng hòa mắc lại hồi năm 2006. Cử tri muốn
gạt bỏ những người nhập cư đã tồn tại trong hệ thống chính trị, nhưng cử tri muốn nước Mỹ phải thành thật với di sản của sự nhập cư đang được thức tỉnh, được vận động và được kích thích. Vì thế lực lượng chính trị mạnh mẽ nhất ở đất nước này, khối cử tri quan trọng nhất trong các cuộc bầu cử sắp tới chưa có khả năng bỏ phiếu, nhưng con cháu họ thì có thể. Và đó mới là yếu tố làm nên mọi sự khác biệt.
Tín đồ Thiên Chúa ủng hộ phục quốc Do Thái
Người ta thường nói, đúng hơn là thừa nhận, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Mỹ – Israel chịu ảnh hưởng sâu sắc của cộng đồng người Do Thái được tổ chức bài bản. Trên thực tế, sự ủng hộ của người Mỹ dành cho Israel rất lớn, khoảng 65% người dân Mỹ có cái nhìn thiện chí với nhà nước Do Thái Israel. Nhưng
đây mới là điều đang thực sự diễn ra: nếu chỉ xét đơn thuần về mặt số lượng, thì người theo đạo Thiên Chúa ủng hộ Israel rất tích cực, vượt xa những người theo đạo Do Thái.
Họ, ước tính khoảng 20 triệu người, là những tín đồ Thiên Chúa ủng hộ phục quốc Do Thái, là những người cho rằng chính niềm tin Thiên Chúa sẽ kêu gọi được sự ủng hộ cho luật lệ Do Thái ở Israel. Trong khi đó nếu tất cả người Do Thái ở Mỹ ủng hộ Israel (dù thực tế không phải là như thế) thì cũng chỉ đạt đến con số 5 – 6 triệu người.
Chính vì thế những con số tương đối minh hoạ cho tỷ lệ người Do Thái và Thiên Chúa ủng hộ Israel rất đáng chú ý. Năm 2006, một tổ chức mới có tên gọi Liên minh Thiên Chúa vì Israel (CUFI) ra đời đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên và “ngày vận động hành lang” tại Washington DC với sự tham gia của 3.500 thành viên. Giám đốc điều hành CUFI, ông David Brog nói, Ủy ban về các vấn đề Mỹ – Israel (AIPAC) phải mất 50 năm mới có thể thu hút được lượng người Do Thái tương tự tới Washington tham gia cuộc hội thảo về chính sách và ngày vận động hành lang.
AIPAC với lịch sử 50 năm hoạt động và tiếng tăm là lực lượng vận động hành lang mạnh mẽ tại Quốc hội Mỹ, có khoảng 10.000 thành viên. Trong khi CUFI vẫn chưa có tư cách hội viên chính thức, nhưng trao đổi qua thư tín thì nhiều gấp 5 lần số đông người Mỹ.
Rõ ràng Israel có ý nghĩa quan trọng với những người Thiên Chúa trên toàn thế giới vì đó là vùng đất Đức Chúa Jesus đã sinh sống, giảng đạo và qua đời. Nhưng điều gì lý giải cho câu chuyện người Mỹ theo đạo Thiên Chúa ủng hộ tích cực cho nhà nước Do Thái hiện đại? Nếu dành quá nhiều sự ủng hộ cho Israel thì tại sao vẫn tồn tại quan niệm cho rằng sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel bị chi phối chủ yếu bởi nhóm người Mỹ theo đạo Do Thái?
Một trong những lý do người Mỹ theo Thiên Chúa giáo dành cho Israel sự ủng hộ nhiệt tình như vậy có liên quan đến chính trị. Israel là nhà nước dân chủ cô độc giữa những láng giềng độc tài, chuyên chế, là đồng minh chiến lược thân cận của Mỹ. Đặc biệt từ sau sự kiện 11/9, Mỹ và Israel không chỉ chia sẻ những giá trị và thể chế dân chủ chung mà còn có chung một số kẻ thù.
Nhưng điều khiến cho sự đồng cảm của các tín đồ Thiên Chúa đối với Israel trở thành sự ủng hộ mạnh mẽ, tích cực chính là niềm tin. Những tín đồ Thiên Chúa giáo khi dịch Kinh Thánh đã phát hiện ra bản giao kèo giữa Chúa và Abraham – sư tổ của đạo Do Thái trong cuốn đầu của Kinh Cựu ước (Book of Genesis – Chúa sáng thế). Bản giao kèo này viết: “Ta sẽ chúc phúc cho họ như chúc phúc cho ngươi và cũng sẽ nguyền rủa họ như nguyền rủa ngươi”. Họ coi đây là lời kêu gọi cần phải quan tâm đến người Do Thái và Israel. Họ đọc lời tiên tri Isaiah: “Vì lợi ích của tín ngưỡng Do Thái ta sẽ không tiếp tục im lặng nữa” và “Hãy thanh thản dân chúng của ta” và họ nghe thấy lời kêu gọi trực tiếp phải hành động nhân danh nhà nước Israel. Không những thế, những tín đồ Thiên Chúa giáo theo phái chính thống và phái Phúc âm tin rằng trước khi Chúa Jesus – Chúa cứu thế có thể quay về trái đất, người Do Thái từ các vùng đất khác nhau phải tụ về Israel. Một thập kỷ trước đó đã chứng kiến khoảng 600.000 tín đồ Thiên Chúa giáo bảo trợ cho 100.000 người do Thái di cư từ Liên bang Nga và Ethiopia về Israel.
Có đúng là chỉ một bộ phận rất nhỏ người Mỹ trực tiếp thay thế lời lẽ Kinh thánh cổ bằng ngôn ngữ chính trị hiện đại? Câu trả lời là không. Theo kết quả thăm dò năm 2006 do Diễn đàn Pew về Tôn giáo và Đời sống cộng đồng, hơn một nửa người Mỹ ở miền Nam tin rằng nhà nước Israel được Chúa ban cho người Do Thái. (Không phải là lịch sử vùng lãnh thổ Isael mà là nhà nước Israel hiện tại). Trong bộ phận người da trắng theo đạo Tin lành Phúc âm, tỉ lệ này là 69%; còn người Tin lành da màu là 60%. Có bao nhiêu người Mỹ theo đạo Do Thái cho rằng nhà nước Israel được Chúa ban cho họ? Chỉ có chưa đến 2 trên 10 người tin vào điều đó.
Câu chuyện này có ý nghĩa gì? Đó là mặc dù sự ủng hộ của Mỹ dành cho Isreal vẫn tăng lên, kể cả khi sự ủng hộ đó bị một số nhân vật quan trọng trong bộ máy lãnh đạo cảnh báo, thì vẫn có khá nhiều việc phải xử lý với cả người Mỹ theo tín ngưỡng Thiên Chúa và người Mỹ theo tín ngưỡng Do Thái. Thực vậy,
tháng 7/2006 xảy ra sự kiện 2 binh lính Israel bị nhóm Hồi giáo vũ trang Herbolla bắt giữ, và Israel đã tấn công vào các nơi ẩn náu của Herbolla ở Libăng. Khi đó, CUFI đang chủ trì cuộc hội thảo được lên kế hoạch từ rất lâu tại Washington DC. Trong tuần lễ đó, khoảng 3.500 tín đồ Thiên Chúa – thành viên CUFI đã bất ngờ tấn công nơi làm việc của các nhà làm luật, yêu cầu dành cho Israel thời gian để cùng chống lại kẻ thù chung của Mỹ và Israel. AIPAC cũng có mặt ở đó, nhưng sự hiện diện mới mẻ và bất ngờ lại chính là những tín đồ Thiên Chúa giáo.
Và đó chính là sức mạnh của những tín đồ Thiên Chúa ủng hộ phục quốc Do Thái. Tiếng tăm của nhóm người này đã tồn tại từ rất lâu, ngay từ khi những người theo đạo Thiên Chúa Phúc âm kiến nghị Chính phủ Mỹ lập nên một trại tị nạn ở Holy Land dành cho những người Do Thái bị đàn áp hồi đầu thế kỷ 19. Ngày nay họ càng tích cực và khôn khéo trong chính trường Mỹ. Họ thổi bùng lên phong trào chống lại
nguy cơ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đối với nước Mỹ. Với tư cách là người chủ trì tổ chức sự kiện tháng 7/2006 của CUFI, Pastor John Hagee nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại và phát triển của đạo Thiên Chúa ở Mỹ, các tín đồ Thiên Chúa đã có mặt ở đồi Capital – nơi đặt trụ sở Quốc hội để ủng hộ cho Israel”.
Ảnh hưởng của phái Phúc âm lên chính sách đối ngoại của Mỹ không phải không được các tín đồ Thiên Chúa có quan điểm khác biệt chú ý. Cuốn sách xuất bản năm 2006 về Israel và người Palestin của cựu Tổng thống Jimmy Carter không phải được viết cho người Do Thái hay một đối tượng chủ đạo nào, mà là viết cho những người Thiên Chúa ủng hộ phong trào phục quốc của người Do Thái – đây mới là nhân vật trung tâm của xu hướng này. Cuốn sách đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng Do Thái và khiến cho cựu Tổng thống phải lên tiếng xin lỗi ít nhất hai lần vì một vài câu trong đó. Theo các chuyên gia về quan hệ Mỹ – Israel, cựu Tổng thống Carter – một tín đồ Thiên Chúa giáo tự do, đã viết cuốn sách này nhằm thách thức các đồng sự thuộc phái bảo thủ đang có vai trò ngày càng quan trọng về vị thế đúng đắn của tín đồ Thiên Chúa giáo đối với Israel.
Tình trạng lộn xộn về tôn giáo và chính trị – với trận chiến của các tín đồ Thiên Chúa mà nhiều người nghĩ rằng đó là cuộc khủng hoảng giữa Do Thái giáo và Hồi giáo. Khi họ đấu tranh với nhau, người Mỹ theo Do thái giáo và theo phái Phúc âm nhận thấy họ là những đồng minh kỳ lạ. Trong lịch sử, hai nhóm đã từng đứng ở hai phía đối lập khi bàn về các vấn đề dân chủ xã hội, từ chuyện nạo phá thai đến kết hôn đồng tính, khiến cho cả hai nhóm này phải phân vân tự hỏi liên minh giữa họ đối với các vấn đề này thực sự chặt chẽ đến mức nào? Hơn thế, nhiều người Do Thái hiểu rằng viễn cảnh về Kỷ nguyên Thiên Chúa thứ hai không chỉ bao hàm sự cứu thế cho các tín đồ Thiên Chúa mà còn cả sự đổi thay của người Do Thái.
Nhiều người Do Thái khác cho rằng điều này không có cơ sở. Brog, Giám đốc CUFI, nói phong trào ủng hộ phục quốc Do Thái của các tín đồ Thiên Chúa giáo chẳng qua là thừa kế tư tưởng thần học của những người không phải Do Thái tìm cách cứu người Do Thái khỏi nạn diệt chủng dưới thời Hitler. So sánh với những khác biệt giữa các tín đồ Thiên Chúa giáo và người Do Thái với đạo Hồi chính thống, ông ta nói,
khả năng chia rẽ các tín đồ Thiên Chúa giáo và người Do Thái “rất nhỏ”.
Phong trào phục quốc Do Thái do các tín đồ Thiên Chúa phát động đang phát triển, nghĩa là sự ủng hộ mạnh mẽ cho Israel chắc chắn sẽ tăng lên trong khối các tín đồ Thiên Chúa – những người được coi là nền tảng Phúc âm của người Mỹ. Ít nhất sẽ có 40 triệu người tăng cường các hoạt động chính trị của mình. Liệu điều đó có biến sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel thành một vấn đề của riêng đảng Cộng hòa, thách thức sự ủng hộ mà lưỡng đảng đã cùng chia sẻ trong quá khứ? Liệu người Do Thái có gia nhập đảng Cộng hòa mặc dù họ có truyền thống là người của đảng Dân chủ?
Còn nữa, Israel có thể thực sự trở thành vấn đề quan trọng đối với các tín đồ Thiên Chúa Phúc âm hơn là đối với người Do Thái không? Kết quả một số cuộc điều tra được tiến hành trong các đối tượng là sinh viên người Do Thái cho thấy, Israel không có ý nghĩa nhiều với họ cả về khía cạnh chính trị lẫn tình cảm như đã có được từ thế hệ cha mẹ và ông bà họ. Nếu trong một hoặc hai thế hệ nữa, số lượng tín đồ Thiên Chúa giáo ở Mỹ ủng hộ Israel vượt trội hơn người Do Thái cả về số lượng và cường độ, thì rất có khả năng sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel sẽ ít giống như một liên minh giáo hội, mà giống sự kình địch lâu đời giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo vì vùng đất Jerusalem nhiều hơn. Sự “ít hơn” và “nhiều hơn” ấy rồi sẽ đạt đến mức độ như thế nào?
Ban đầu, có người cho rằng, tín đồ Thiên Chúa giáo ủng hộ Israel về cơ bản cũng chính là những người đã ủng hộ người Semite (thành viên của nhóm các chủng tộc gồm người Do Thái và người Ả rập, là những người không phải Do Thái nhưng luôn tìm kiếm người Do Thái để hẹn hò và cưới hỏi). Nhưng những người ủng hộ Semite chủ yếu là tín đồ Công giáo và người vùng Đông Bắc, còn những người ủng hộ phục quốc Do Thái lại chủ yếu thuộc phái Phúc âm và ở miền Nam. Những người ủng hộ Semite không có lợi ích gì đặc biệt ở Israel nhưng lại rất quan tâm đến người Do Thái. Tín đồ Thiên Chúa ủng hộ phục quốc Do Thái thì ngược lại, họ không dành nhiều quan tâm đến người Do Thái mà đặc biệt quan tâm đến nhà nước
Israel. Hiện tượng này có thể phức tạp và khó hiểu với rất nhiều người, nhưng có lẽ trước hết là với người Do Thái. Họ cảm thấy vấn đề kết hôn không cùng chủng tộc ngày càng nhiều đang trở thành thách thức to lớn đối với cộng đồng họ. Khi sự ủng hộ dành cho nhà nước Israel tăng mạnh hơn thì thách thức này càng trở nên lớn hơn.
Tù nhân mới phóng thích:
Thách thức hay cơ hội?
Bạn có nhớ bài hát nổi tiếng ra đời năm 1973 có tên “Hãy buộc dải ruy băng màu vàng lên cây sồi già”? Lời bài hát là câu chuyện về một người đàn ông mới ra tù và đang trên đường trở về nhà. Trước đây, anh ta từng nói với vợ, nếu cô ấy muốn anh trở về, anh ấy sẽ hiểu điều đó. Anh ta còn nói, anh ta sẽ đợi ở bến xe bus cho đến khi nào nhìn thấy dấu hiệu là một dải ruy băng màu vàng buộc quanh cây sồi già. Và, trước sự ngạc nhiên thích thú của rất nhiều người đi xe bus, anh ta nhìn thấy hàng trăm dải ruy băng vàng treo kín trên cây sồi hạnh phúc.
Nếu như cảnh tượng này xảy đến với hầu hết tù nhân ở Mỹ, có lẽ việc sản xuất ruy băng vàng sẽ bùng nổ, chưa kể đến việc chăm sóc cây sồi. Vì vào thời điểm năm 1973, khi Tony Orlando và Dawn hát ca khúc này thì mới chỉ có khoảng 100.000 người ra tù mỗi năm. Hiện nay, con số này đã tăng lên khoảng 600%.
Khoảng 650.000 cựu tù nhân này được gọi là “những con người mới” – đó là những người rời khỏi nhà tù hoặc trại giam vì được ân xá hay mãn hạn tù để tái hòa nhập với cộng đồng, xã hội. 90% trong số họ là đàn ông (tỉ lệ tăng ở phụ nữ là 8 – 10% trong thập kỷ 1990 của thế kỷ 20). Hơn một nửa là người da màu, chưa đến 1/3 là người da trắng, khoảng 16% là người gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Độ tuổi trung bình là 34.
Việc có quá nhiều người được ra tù trong thời điểm này là do khoảng hai thập kỷ trước đó, chúng ta đã tống quá nhiều người vào tù hoặc trại giam.
Từ 1972 – 2004, tổng số người ngồi tù và trong các trại giam trên toàn nước Mỹ tăng từ 330.000 lên hơn 2 triệu người. Cộng thêm với khoảng 5 triệu người được hưởng án treo hoặc ân xá, nước Mỹ đã có trên 7 triệu người phải chấp hành phán quyết của toà án. Hơn 3% trong số đó là người ở tuổi thành niên, nghĩa là cứ 31 người thành niên thì có 1 người phạm tội. Con số này ngang bằng với dân số của bang Virginia.
Chỉ riêng bang California, số lượng tù nhân đã tăng hơn 500% kể từ đầu những năm 80 đến nay.
Nguyên nhân là do trong những năm 80 và đầu những năm 90, Mỹ thi hành một chính sách nghiêm khắc hơn đối với những kẻ phạm tội, áp đặt bản án dài hơn, mang tính bắt buộc và quyết liệt hơn. Nghĩa là không có nhiều cơ hội được giảm án hoặc được phóng thích vì tu dưỡng tốt. Ví dụ, một người bị kết án 10, 20 năm tù thì sẽ phải ngồi tù đúng từng ấy năm. 40 bang đã thông qua luật này, khiến cho người đủ tuổi thành niên hành động dưới danh nghĩa vị thành niên trở nên dễ dàng hơn.
Hệ quả là, tù nhân trong các nhà tù ở Mỹ đã tăng lên gấp 5 lần. Theo Trung tâm quốc tế về nghiên cứu tội phạm thuộc Đại học Kings ở Luân Đôn, tình hình ở Mỹ hiện nay là cứ 100.000 người thì 700 người bị bỏ tù, dễ dàng vượt qua các đối thủ cạnh tranh khác là Nga (680), Nam Phi (410), Anh (135) và Nhật (50).
Nhưng kể cả trong tình trạng khủng khiếp như thế, chúng ta vẫn chưa thực sự quăng đi chiếc chìa khóa giải quyết mọi vấn đề. Hơn 90% tù nhân đã được ra tù. Vì thế nên năm 2006 mới có con số kỷ lục – 635.000 người được phóng thích, quay trở về với cộng đồng.
Con số này lớn hơn cả dân số của thành phố Baltimore, gần bằng dân số San Francisco, bằng một nửa số người tốt nghiệp đại học, cao đẳng mỗi năm.
Thế kỷ 19, những tù nhân bị trục xuất khỏi các nhà tù của Anh đưa đến châu Úc đã lập nên đất nước Australia. Sau khoảng 80 năm tiến hành trục xuất tù nhân, gần 165.000 tội phạm đã được đưa đến lục địa mới này. Ngày nay ở Mỹ, số lượng người được phóng thích gần gấp 4 lần những kẻ bị kết án mỗi năm. Nếu 150.000 kẻ phá hoại pháp luật có thể khai mở, hình thành một vùng đất mới thì hãy suy nghĩ 6 lần con số đó sẽ có thể làm nên những gì.
Nhưng câu chuyện không diễn ra như mong đợi. Những đối tượng ra tù và làm lại cuộc đời ở Mỹ hầu hết có thu nhập thấp, trình độ giáo dục nghèo nàn, vào tù vì liên quan đến ma tuý và không nhận được bất cứ biện pháp điều trị nào. (Chỉ có 1/10 người cùng phòng được hưởng điều trị cai nghiện, dứt cơn, trong khi có 7/10 người cần đến nó.) Khoảng ¼ trong số đó vào tù vì các hành vi bạo lực. 25% kẻ ra tù không hề có
một sợi ruy băng nào chờ đợi, nhưng biết chắc tương lai không nhà cửa đang chờ ở phía trước. Nhiều người còn bị bệnh tâm thần.
Vì thế không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người sau khi ra tù đã thất bại trong việc tái hòa nhập với xã
hội và làm lại cuộc đời. Theo các con số thống kê, trong vòng 3 năm, 2/3 những người này lại bị bắt lần nữa, hơn một nửa sẽ lại tiếp tục cuộc sống sau song sắt.
Đây không chỉ là khủng hoảng về nhân đạo. Nước Mỹ đã chi 60 tỉ USD mỗi năm cho cái gọi là “vá lỗi hệ thống”.
Và họ đã làm được gì? Trong vòng 10 năm, các nhà hoạch định chính sách đã kêu gọi sự chú ý của các tầng lớp đối với những người mới ra tù. Trong Thông điệp liên bang năm 2004, Tổng thống G. W. Bush đã công bố một sáng kiến nhỏ của chính quyền liên bang (và hầu như không nhận được sự ủng hộ nào) để hỗ trợ công ăn việc làm, nhà ở, học hành cho những người mới ra tù. Nhưng đây là vấn đề vượt khỏi giải pháp của chính quyền liên bang. Một cuộc điều tra được tiến hành tại 5 thành phố lớn cho thấy, 65% chủ lao động nói họ không có ý định thuê nhân công lao động là một người đã từng vào tù. Rất nhiều nhóm người làm những công việc chuyên biệt như thợ sửa móng tay, thợ làm tóc sẽ gây cản trở nếu các cựu tù nhân muốn làm những công việc này. Đa số các công ty, doanh nghiệp nhà nước, nhà ở công cộng cũng không chấp nhận họ.
Những người này có thể là một lực lượng chính trị. Hầu như các bang đều không cho phép người đang ở tù vì phạm tội nghiêm trọng có quyền bỏ phiếu, có một số bang khác huỷ bỏ quyền bầu cử của những người này vĩnh viễn, kể cả sau khi
họ mãn hạn tù. Trong cuộc bầu cử năm 2004, khoảng 5 triệu người bị tước quyền bầu cử vì phạm trọng tội. Chiến thắng của
G. W.Bush trước John Kerry chỉ là chênh lệch 3 triệu lá phiếu.
Năm 2000, cựu Phó Tổng thống Al Gore giành chiến thắng bởi phổ thông đầu phiếu với chênh lệch nửa triệu lá phiếu, nhưng nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, nếu như 400.000 cựu tù nhân có quyền bỏ phiếu thì chắc chắn ông sẽ trở thành tổng thống.
Những người phải trực tiếp chịu gánh nặng khi các cựu tù nhân quay về với cuộc sống chính là gia đình họ và đây mới là đối tượng cần phải đặc biệt quan tâm, chú ý. Một nghiên cứu tại Ohio cho thấy 3% cư dân ở Cleverland trở thành mái nhà che chở cho khoảng 20% người từng ngồi tù. Ai sẽ trông nom, chăm sóc cây sồi trong số những cư dân này? Ai sẽ ủng hộ tư tưởng cho rằng những người có dải ruy băng vàng sẽ làm
nên sự khác biệt giữa hai đối tượng: người thành công khi làm lại cuộc đời và người phải quay trở lại nhà tù?
Trong số này có cả trẻ em. Chỉ trong thập niên 1990 của thế kỷ 20, số lượng trẻ em có bố hoặc mẹ ngồi tù đã tăng hơn 100%, từ 900.000 lên 2 triệu người. Giả sử rất nhiều người được phóng thích, quay về với cộng đồng, chắc chắn chúng ta sẽ có rất nhiều đứa trẻ chào đời, đến mức độ “bùng nổ”. Nếu các đối tượng này nhiều khả năng phải quay trở lại nhà tù thì số lượng trẻ có bố/mẹ bị tống giam chỉ có thể tăng lên mà thôi.
Chúng ta buộc những kẻ phạm tội phải đền tội trong các nhà tù, trại giam, nhưng họ đang trở lại xã hội với hy vọng mong manh, với thói quen xấu, và chúng ta đang cần có một chính sách, một kế hoạch để giúp đỡ và giám sát họ.
Người đề xuất chính sách nghiêm khắc với những kẻ phạm tội sẽ nói, việc tất cả những kẻ từng ngồi tù quay trở lại cuộc sống khiến cho tội phạm, sau 15 năm giảm mạnh lại đang có chiều hướng tăng trở lại chắc chắn không phải một sự trùng hợp. Nhưng mối liên hệ trong vấn đề này rõ ràng đã khẳng định chúng ta cần phải có những biện pháp cải cách thực sự nghiêm túc. Nhiều người làm công tác thống kê đã cho rằng sự sụt giảm trong tỉ lệ tội phạm của thập niên 1990 là do vụ Roe V. Wade mà Toà án tối cao Mỹ xét xử từ nhiều năm trước đó. Kết quả của vụ này là tiền lệ cho phép phụ nữ nạo phá thai vì bất cứ lý do gì. Nhưng sự sụt giảm trong tỉ lệ tội phạm dường như là kết quả của chính sách của Tổng thống Bill Clinton: cử 100.000 cảnh sát túc trực trên đường phố, ban hành những biện pháp tình báo an ninh mới và kết án nghiêm khắc hơn. Vì vậy mà nước Mỹ đã chuyển đổi từ một quốc gia tự do với đa số bị bỏ tù tính trên 100.000 người thành một quốc gia tự do với đa số được phóng thích tính trên 100.000 người.
Trừ phi chúng ta chứng minh được rằng cựu tù cũng có khả năng làm việc, có thể được thuê làm nhân công và đưa vấn đề đào tạo hướng nghiệp lên vị trí ưu tiên, nếu không sự biến chuyển này sẽ thực sự là thảm họa. Không thể kiếm được việc làm, quay trở lại con đường tội lỗi là bằng chứng nói lên việc họ có rất ít cơ hội làm lại cuộc đời. Do vậy nên họ buộc phải quay trở lại với những gì họ biết rõ nhất, kể cả khi họ không phải là giỏi nhất.
Tù nhân mới được phóng thích là một xu hướng cực nhỏ mà chính phủ và những người làm kinh doanh
cần tiếp cận theo hướng đúng đắn. Chính sách giảm tình trạng tội phạm đường phố chỉ phát huy tác dụng khi những người có khả năng phạm tội không thường xuyên có mặt trên đường phố. Nhưng nếu không có sự hợp tác toàn diện giữa nhà nước và tư nhân trong vấn đề này, nước Mỹ sẽ xoay qua một hướng khác: nhiều nhà giam hơn và tội phạm tăng cao hơn một khi họ đã từng chịu án tù.
Phần VII - Vị thành niên
Tình trạng rối loạn nhẹ
Nếu số người Mỹ học đại học chỉ là thiểu số, hẳn người ta sẽ không cần phải lo lắng nhiều về các “kiểu” học của sinh viên hay tình trạng thiểu năng hiện nay. Nếu như sự học không phải là con đường bạn theo đuổi, chắc bạn cũng có thể kiếm sống được bằng nhiều phương tiện khác.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã đổi khác, hầu như các công việc được trả lương cao ở Mỹ đều đòi hỏi phải có trình độ đại học và hầu hết các trường đại học lại yêu cầu sinh viên phải có khả năng tư duy tương đối cao. Vì thế người ta bỗng nhiên quan tâm hơn tới các kỹ năng đọc, viết, phát âm, lý luận và tổ chức sắp xếp thông tin của sinh viên. Kết quả là, ở Mỹ bùng nổ hiện tượng người trẻ được chẩn đoán có những cản trở về thể chất và tinh thần ảnh hưởng tới việc học, bị rối loạn thần kinh hoặc các chứng bệnh khác không thể đáp ứng được yêu cầu của việc học.
Không nên nhầm lẫn thanh niên mắc bệnh thiểu năng với những đứa trẻ bị bệnh tâm thần trầm trọng – đáng buồn là con số những người bị bệnh này đang tăng lên. (Chứng bệnh tự kỷ ở trẻ em đã tăng 9 lần kể từ năm 1992). Những đứa trẻ phải điều trị bằng thuốc chống rối loạn thần kinh tăng 138% trong khoảng thời gian từ 1997 – 2000). Hầu hết những đứa trẻ được chẩn đoán bị thiểu năng đều có những triệu chứng lạ lùng mà nhiều năm qua người ta không phát hiện ra. Đến nay nhờ những tiến bộ trong nghiên cứu về sự phát triển của trẻ cũng như sự quan tâm kỹ lưỡng từ phía gia đình và nhà trường, các triệu chứng này mới được tìm ra.
Sự khác biệt giữa hai loại bệnh này rất mỏng manh. Nếu như 25 năm trước người ta dùng từ “dễ cáu kỉnh” để miêu tả một đứa trẻ, thì nay người ta sẽ dùng từ ngữ y học hơn, là mắc chứng rối loạn tích hợp giác quan, nghĩa là bộ não phải tiếp nhận quá nhiều hoặc quá thiếu các cảm giác. Khi đó, đứa trẻ sẽ dễ rơi vào cảm giác thấy ánh sáng quá chói, âm thanh quá to và ồn ào hoặc áo quần quá ngứa ngáy, khó chịu.
Tương tự như vậy, 25 năm trước một đứa trẻ bị gọi là “không có tinh thần thể thao”, thì nay được biết đến với chứng rối loạn thần kinh vận động hoặc năng lực trí óc phát triển không đầy đủ để tiếp nhận chuyển động vật lý và điều khiển chúng.
Các hình thức khác của sự rối loạn không ngừng được phát hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau. Thời điểm đứa bé biết đi rồi trở thành trẻ con, thiếu nhi, các trường hợp gặp khó khăn với việc đọc, viết, nghe, nói và tính toán cũng tăng lên. Trong vòng 30 năm qua, số trẻ được xác định là “thiếu năng lực học tập cụ thể” theo định nghĩa của tổ chức Giáo dục dành cho người khuyết tật đã tăng lên 82%.
Không ai khẳng định được chắc chắn một điều chúng ta đang chú tâm hay chúng ta đang cố gắng tìm ra nhiều hơn những vấn đề có thể gọi tên được. Có rất nhiều yếu tố thuộc về môi trường và các yếu tố khác góp phần tạo nên sự tăng này. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, một khi chúng ta kiểm tra, gọi tên và phân loại bọn trẻ kỹ lưỡng bao nhiêu, chúng ta sẽ càng thấy nhiều vấn đề nảy sinh bấy nhiêu.
Ai là người đang cổ vũ việc nghiên cứu, tìm hiểu này? Tất nhiên câu trả lời là những người giàu. Gia đình nào có những đứa trẻ bị khuyết tật ảnh hưởng đến năng lực học hành sẽ phải chi một khoản thu nhập tương đối lớn cho việc điều trị, khoản chi đối với tầng lớp thượng lưu, trung lưu hoàn toàn không đáng kể. Họ, sau đó sẽ dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để tìm hiểu tại sao con cái họ chỉ xếp thứ hạng hết sức trung bình trong lớp.
Ngày nay, những trường có chi phí đắt đỏ nhất, chất lượng nhất khuyến nghị không chỉ giáo viên mà cả những chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục tham gia vào mỗi bước phát triển quan trọng trong cuộc sống của lũ trẻ. Các kỹ năng đọc, viết và chú trọng đến khả năng tập trung chú ý lâu, tổng hợp giác quan và vận động thần kinh. Tuy nhiên, kết quả thu về thật trái ngang: ở những vùng thu nhập thấp, người ta không hy vọng kiếm được việc trong lĩnh vực học thuật; còn những gia đình khá giả hơn, nếu không được định hướng nghề nghiệp, không được tham gia các khoá huấn luyện phát ngôn hoặc tư vấn xúc cảm từ khi trẻ mới 12 tuổi, thì các bậc cha mẹ sẽ bị coi là thờ ơ, không quan tâm đến con cái.
Ví dụ điển hình là kỳ thi SAT (kiểm tra khả năng tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề – là điều kiện quan trọng để ghi danh vào các trường đại học ở Mỹ). Chỉ trong khoảng thời gian từ 1990 – 2005, số lượng sinh viên được dành thêm gấp đôi thời gian để làm bài thi SAT tăng lên 40.000 người trên tổng số 2 triệu thí sinh đăng ký dự thi trong cả nước. Và bạn không thể có được khoảng thời gian này chỉ với yêu cầu thông thường. Bạn phải có giấy tờ chứng minh mình có vấn đề cản trở về thể chất và tinh thần đối với việc học từ bác sĩ tâm lý, đồng thời bạn phải có xác nhận đã áp dụng mọi biện pháp theo khuyến cáo của bác sĩ tâm lý
trong các kỳ thi ở trường. Những ai có điều kiện để đạt được tất cả các chứng nhận đó? Bạn có thể cá cược rằng trong hầu hết các trường hợp, những gia đình có điều kiện dành thời gian và tiền bạc cho bác sĩ chuyên khoa, các phương pháp điều trị và thuốc men (chưa bàn đến các kỹ năng phụ trợ để tìm ra và đạt được khoản thời gian phụ trội này).
Kết quả là, năm 2005 hơn 40.000 học sinh của các trường trung học được tăng thêm thời gian khi làm bài thi SAT. Con số này tương đương với số sinh viên bước vào năm đầu tiên tại trụ sở chính của các trường Đại học Ohio, Texas, Pennsyvania, Vanderbit, Texas A&M và Đại học Yale cộng lại.
Ở đâu giàu có thịnh vượng, ở đó sẽ có ngành công nghiệp rất phát triển. Sự chăm sóc kỹ lưỡng của cha mẹ với con cái đã đẩy giá trị ròng từ công việc gia sư sau giờ học lên ngưỡng 4 tỉ USD/năm, tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 15%. Cả Trung tâm đào tạo Sylvan (đến nay có khoảng 1.000 chi nhánh trên toàn quốc) và Trung tâm giáo dục SCORE thuộc Đại học Kaplan cung cấp các khoá học gia sư cho các đối tượng
không chỉ là thanh thiếu niên đang vật lộn với các kỳ thi đầy tham vọng, mà còn cho cả những đứa trẻ chỉ mới 4 tuổi. Cha mẹ của lũ trẻ này quá tận tâm, lo lắng cho con cái mình, luôn luôn lo chúng sẽ bị thua kém bạn bè.
Nếu tôi sống ở một đất nước mà bây giờ mới bắt đầu xúc tiến xây dựng mô hình trường học chung (dành cho mọi đối tượng), tôi chắc chắn sẽ đầu tư một lượng tương đương với các Trung tâm đào tạo Sylvan. Khoảng mười năm nữa, công việc gia sư sau giờ học và chăm sóc những đứa trẻ mới biết đi sẽ rất thịnh hành.
Thế nhưng, hãy quan sát xu hướng phân chia sự rối loạn. Trong khi người bình thường nhìn những biểu hiện của chứng thiểu năng ở trẻ nhỏ nhất định liên quan tới hoạt động của não bộ thì những gia đình giàu có lại coi đó là vấn đề danh dự, gay gắt giải thích vì sao con họ lại không cạnh tranh được với người khác.
Hãy xem xét ảnh hưởng của vấn đề này đến trẻ nhỏ nói chung. Trước tình trạng có quá nhiều trẻ trong các gia đình giàu sang thường xuyên được đưa tới bác sĩ chuyên khoa và được chuẩn đoán mắc chứng rối loạn, dường như xã hội “tuyệt vời nhất, sáng chói nhất” – với hầu hết thanh niên đều được giáo dục tốt và đều vào đại học, đang phát đi thông điệp rằng họ cần có sự giúp đỡ từ bên ngoài để trở nên “bình thường”. Những con người Thiên niên kỷ (The Millenials), sinh sau năm 1980 là thế hệ bị mắc bệnh nặng nhất trong lịch sử. Giờ đây họ đang theo học tại các trường đại học, nghiên cứu cho thấy cứ 10 người thì có 1 người cần tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ bác sĩ, 25% đang phải sử dụng các liệu pháp điều trị tâm lý – trong khi năm 1994 mới chỉ có 9% .
Hẳn có người sẽ nói tôi đã phóng đại mối quan tâm đến tình trạng rối loạn ở trẻ em. Nhưng … Năm 2005, tài liệu hướng dẫn y học chủ dạo về sức khoẻ tinh thần cho trẻ sơ sinh – cụ thể là những đứa trẻ mới sinh đến khoảng 3 tuổi, đã đưa thêm 2 biểu hiện mới của bệnh suy nhược, 5 biểu hiện mới của chứng rối loạn lo âu (anxiety disoder) và 6 triệu chứng mới của rối loạn hành vi ứng xử.
Người Mỹ cho rằng mọi cản trở mà con cái họ phải đối mặt hoàn toàn không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của rất nhiều khó khăn không được chẩn đoán trước đó và cần phải vượt qua. Hệ thống thi cử giờ trở nên gần giống một trò chơi và ai cũng biết rằng gia sư, phụ đạo sẽ mang lại khác biệt rất lớn cho điểm số, thế nên cha mẹ nào giúp con cái mình có được khoản thời gian phụ trội cũng đang tham gia trò chơi này theo một hướng khác. Có gì không ổn với bọn trẻ không? Hy vọng nếu có vấn đề thì sẽ không quá trầm trọng. Câu trả lời này có thể đem đến nhiều sự giúp đỡ hơn, nhiều thời gian hơn khi làm bài thi và nhiều sự quan tâm, chú ý hơn. Và đó cũng là câu trả lời mà ngày càng nhiều đứa trẻ hướng đến như một lời giải thích tại sao chúng không thể hoạt động bình thường và làm tốt mọi việc như lẽ ra chúng có thể.
Những thợ đan trẻ tuổi
Cô con gái 4 tuổi của tôi sắp đi học mẫu giáo, tôi mới lướt qua Website của một số trường tư đang nổi ở Washington D.C để tìm hiểu thông tin. Khi truy cập vào một trang Web, trên màn hình bung ra rất nhiều hình ảnh giới thiệu khóa học ngoại khóa dạy đan lát dành cho học sinh lớp 7. Đan lát ư? Trong thế kỷ 21 này ư? Và tại đất nước tư bản này ư? Họ có đùa không?
Chao ôi! Chính tôi mới là người chẳng có chút thông tin gì.
Ở Mỹ nơi bạn có thể mua áo len, khăn len tại các siêu thị Kmart chỉ với chưa đến 15USD, thì nay tại chính đất nước này đang có khoảng 20 triệu người tự đan khăn, áo cho mình. Đối tượng thích thú với việc đan (bằng 1 đôi kim đan) và móc (dùng cây kim bằng kim loại, một đầu cong để móc len) tăng mạnh nhất về số lượng chính là thanh thiếu niên và những người tầm tuổi 20.
Đối với công việc lao động có tuổi đời tới 25 thế kỷ (từ thời nguyên thuỷ), quả thực việc đan lát này rất