🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Trận Hải Chiến Nổi Tiếng Thế Giới Ebooks Nhóm Zalo ebook©vctvegroup 17-07-2018 Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Mục lục LỜI NÓI ĐẦU TRẬN SALAMIS (Năm 480 Tr.CN) TRẬN ACTIUM (Năm 31 Tr.CN) TRẬN GRAVELINES (21 - 30.7.1588) TRẬN HẢI CHIẾN BỐN NGÀY ANH - HÀ LAN (1-4.6.1666) TRẬN TRAFALGAR (21.10.1805) TRẬN ĐỐI MÃ (27-28.5.1905) TRẬN CORONEL (1.11.1914) TRẬN JUTLAND (31.5.1916) TRẬN TRÂN CHÂU CẢNG (7.12.1941) TRẬN MIDWAY (4-7.6.1942) TRẬN LEYTE (20-25.10.1944) TRẬN MALVINAS/FALKLAND (4-6-1982) KẾT LUẬN LỜI NÓI ĐẦU Biển đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại. Đối với các quốc gia ven biển, biển không chỉ là yếu tố quan trọng để tồn tại và phát triển mà còn là điều kiện để xác lập vị thế của mình. Vị thế đó thường được định đoạt bởi sức mạnh làm chủ trên biển thông qua các lĩnh vực khoa học hàng hải, phát triển các ngành kinh tế biển, vận tải, đóng tàu, thương mại, v.v... Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện các cuộc tranh chấp quyền lợi trên biển, các hoạt động đó còn được đảm bảo bằng nền tảng của sức mạnh hải quân và khả năng tác chiến trên biển. Trong lịch sử nhân loại, các trận hải chiến đã nhiều lần từng làm thay đổi cục diện chiến tranh, thậm chí làm xoay chuyển thế và lực của nhiều quốc gia, dân tộc. Vào thời cổ đại, lực lượng thủy binh Hy Lạp đã từng đánh bại cường quốc hải quân Ba Tư để rồi xác lập bá quyền ở Địa Trung Hải; mở rộng con đường giao thương đến khắp châu Âu và trở thành một cường quốc thịnh vượng. Đến thời trung đại, những chiến thuyền cùng lực lượng thủy binh thiện chiến của Anh đã nhiều lần đánh bại hải quân Tây Ban Nha để trở thành cường quốc, phát triển kinh tế, mở rộng thuộc địa ra nhiều châu lục, v.v... Trong lịch sử chiến tranh cận đại và hiện đại, một số quốc gia vốn trước đây bị coi là yếu thế, nhưng với việc ưu tiên phát triển kinh tế biển và lực lượng hải quân, họ đã lần lượt đánh bại các đối thủ để trở thành các quốc gia hùng mạnh. Hải quân Anh đã từng đánh bại hải quân Pháp trong trận Trafalga sau đó giành quyền thống trị Địa Trung Hải. Người Nhật thắng người Nga trong trận Đối Mã và trở thành cường quốc trên thế giới, độc chiếm Mãn Châu và Triều Tiên. Trong hai cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, việc phát xít Đức và quân phiệt Nhật Bản bại trận cũng một phần do những thất bại nặng nề trong các trận hải chiến trên biển Địa Trung Hải và Thái Bình Dương, v.v... Ngoài việc làm thay đổi vị thế quốc gia, một số trận hải chiến còn tạo nên những thay đổi lớn về tổ chức, vũ khí, trang bị và phương thức tác chiến trên biển. Việc người Tây Ban Nha tổ chức Hạm đội Armada với những chiến thuyền lớn nhằm chống lại quân Anh đã cho ra phương thức tác chiến "pháo hạm"; kết thúc cách đánh áp mạn, chứng tỏ ưu thế vượt trội của pháo tầm xa trong tác chiến hải quân. Tương tự như vậy, cách tổ chức hạm đội hỗn hợp của người Nhật trong trận Đối Mã đã cho ra đời phương thức tiến công trực diện kết hợp với chia cắt và bao vây trên biển, v.v... Cách tổ chức hạm đội của người Tây Ban Nha, người Nhật cũng như cách tiến hành các trận hải chiến của người Hà Lan, người Anh,... trong lịch sử không chỉ tạo nên những phương thức tác chiến mới mà tạo tiền đề cho sự ra đời các loại vũ khí mới. Mặc dù quy mô và phương thức tác chiến của các trận hải chiến luôn thay đổi cùng với sự thay đổi của vũ khí, công nghệ, nhưng những nét đặc sắc trong các trận hải chiến nổi tiếng thế giới ở một chừng mực nhất định vẫn còn nguyên giá trị. Cho đến nay, đã có nhiều cuốn sách, bài báo và các công trình khoa học ở Việt Nam và nước ngoài viết về các trận hải chiến. Tuy nhiên, do mục đích của từng công trình, các tác giả chỉ mới đề cập đến từng trận đánh cụ thể, mà chưa đề cập một cách tương đối toàn diện các trận hải chiến nổi tiếng thế giới. Việt Nam là một quốc gia ven biển và có đủ các yếu tố để trở thành một quốc gia có thế mạnh về biển. Trong bối cảnh tình hình khu vực Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, việc nghiên cứu các trận hải chiến nổi tiếng thế giới là điều cần thiết. Qua đó, chúng ta có thể lĩnh hội tri thức; tham khảo, tiếp thu những kinh nghiệm lịch sử để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng lực lượng hải quân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, tiến thắng lên hiện đại, đủ sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với mục đích đó, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam triển khai nghiên cứu đề tài “Những trận hải chiến nổi tiếng thế giới”. Đây là những trận đánh để lại nhiều dấu ấn, nhiều bài học lịch sử quý báu trong tác chiến trên biển. Thông qua việc trình bày bối cảnh, kế hoạch, lực lượng tham chiến, diễn biến và kết quả 12 trận hải chiến nổi tiếng từ năm 480 Tr.CN đến năm 1982, cuốn sách không chỉ dừng lại ở việc mô tả chi tiết từng trận đánh, mà còn đi sâu phân tích ý nghĩa, bài học kinh nhiệm của từng trận đánh để qua đó độc giả có thể hình dung một cách tương đối khái quát tiến trình phát triển của lực lượng hải quân trên thế giới: từ tổ chức lực lượng, phương thức tác chiến, nghệ thuật chỉ đạo và điều hành tác chiến đến sự ra đời, phát triển của các loại vũ khí, trang bị mới, v.v... Trong quá trình biên soạn, mặc dù các tác giả đã có nhiều cố gắng, nhưng do nguồn tư liệu hạn chế, khả năng có hạn, cuốn sách khó có thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu đã đặt ra và cũng khó tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả để chúng tôi sửa chữa, bổ sung hoàn chỉnh tốt hơn trong lần xuất bản sau. Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và các tác giả chân thành cảm ơn các nhà khoa học, các cộng tác viên đã tham gia cùng chúng tôi hoàn thành cuốn sách; cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã nhiệt tình cộng tác trong việc xuất bản cuốn sách. VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM TRẬN SALAMIS (Năm 480 Tr.CN) I. BỐI CẢNH Salamis là hòn đảo, đồng thời cũng là tên gọi của eo biển hẹp được tạo bởi đảo Salamis và thành phố Piraeus nằm ở phía Tây Bắc Athena của Hy Lạp. Tại đây đã diễn ra trận hải chiến lớn lần đầu tiên được sử sách chép lại[1]. Trận hải chiến Salamis nằm trong cuộc chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư (500 - 449 Tr.CN). Vào năm 522 Tr.CN, vua Darius I - "Vua của các vị vua" lên ngôi, được thừa hưởng một đế quốc Ba Tư rộng lớn, trong đó có cả phần lãnh thổ ở vùng Tiểu Á. Sau khi lên ngôi, Darius I tích cực củng cố và xây dựng đất nước, tiến hành nhiều cải cách, đồng thời tiếp tục công cuộc mở mang bờ cõi và gặt hái nhiều chiến công, dẹp tan các cuộc nổi loạn ở xứ Media và Babylon. Năm 499 Tr.CN, người Ionian ở Hy Lạp phất cờ khởi nghĩa. Các xứ Eretria, Athena đứng về phía họ để giải phóng người Hy Lạp khỏi ách nô dịch của Ba Tư. Quân đội Ba Tư do Darius I phái đến đã dẹp tan cuộc nổi dậy này. Với việc đánh bại quân nổi dậy Ionian, lần đầu tiên vua Ba Tư Darius I chạm trán với người Hy Lạp. Đây cũng là nguyên nhân để vua Darius I thực hiện giấc mộng chinh phục bán đảo Hy Lạp. Xứ Hy Lạp thời đó không phải là một quốc gia thống nhất[2] mà là tập hợp từ các thành bang như Athena, Thebes, Gorith, Sparta... từ lâu đã có sự phát triển trên các lĩnh vực, không chịu ảnh hưởng của đế quốc Ba Tư. Những người đứng đầu các thành bang luôn có tinh thần tự chủ, không chịu khuất phục các đế quốc Babylon, Ai Cập và giờ đây họ không chịu ách đô hộ của đế quốc Ba Tư. Năm 492 Tr.CN, Quân đội Ba Tư chia thành hai cánh quân: thủy binh và bộ binh tiến hành cuộc viễn chinh lần thứ nhất vào Hy Lạp. Tuy nhiên, trên đường đi, lực lượng thủy binh của họ bị một cơn bão mạnh nhấn chìm tại eo biển Hellespont, làm chết hai vạn thủy thủ. Riêng lực lượng bộ binh thì bị nhân dân xứ Thrace chống trả mãnh liệt, gây tổn thất nặng nề và phải rút quân trở về. Sau thất bại này, Darius I một mặt tiếp tục chuẩn bị chiến tranh, mặt khác thực hiện các đòn hù dọa nhằm khuất phục người Hy Lạp. Darius I phái các sứ giả đến các thành bang Hy Lạp yêu cầu cống nạp và gây áp lực buộc người Hy Lạp phải đầu hàng Ba Tư. Các thành bang Athena và Sparta kiên quyết cự tuyệt. Người Athens đã giết chết sứ giả Ba Tư quăng xuống hố sâu, còn người Sparta thì vứt sứ giả Ba Tư xuống giếng và nói: “Nhà ngươi hãy đi xuống đấy mà lấy đất và nước!”. Hai năm sau (năm 490 Tr.CN), Darius I quyết định phát động cuộc viễn chinh xâm lược Hy Lạp, tiếp tục thực hiện tham vọng thống trị khu vực Địa Trung Hải. Đoàn quân viễn chinh Ba Tư xuất phát từ đảo Samos, men theo bờ biển vùng Tiểu Á, lần lượt đánh chiếm các đảo Naxos, Delos. Nhân dân các đảo quyết chiến đấu chống quân Ba Tư, nhưng chỉ một tuần sau, quân Ba Tư đã chiếm được các đảo. Hầu hết dân cư ở đây đều trở thành nô lệ và vùng biển này trở thành căn cứ xuất phát của Hạm đội Ba Tư sang phía Tây. Sau thắng lợi đó, quân Ba Tư tiếp tục tiến vào biển Attica, đổ bộ lên bờ biển xứ Athena. Trên cánh đồng Marathon đã diễn ra trận quyết chiến chiến lược và thắng lợi cuối cùng thuộc về Hy Lạp. Cuộc chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư lần thứ nhất kết thúc. Sau thất bại trong trận Marathon, Darius I bắt đầu kế hoạch chuẩn bị cho cuộc chinh phục Hy Lạp lần thứ hai. Tuy nhiên, vào năm 486 Tr.CN, người Ai Cập nổi loạn và Darius I buộc phải hoãn cuộc chinh phạt. Cùng trong năm này, Darius I chết sau 36 năm trị vì Ba Tư. Xerxes - con trai cả của Darius I lên ngôi đã nhanh chóng tổ chức lực lượng, đập tan cuộc nổi dậy của người Ai Cập, đồng thời khởi động lại việc chuẩn bị cho cuộc xâm lăng Hy Lạp. Mùa Xuân năm 480 Tr.CN, sau 10 năm chuẩn bị phục thù, vua Ba Tư chỉ huy đại quân gồm cả thủy binh và bộ binh xuất phát từ Abydos tiến vào châu Âu, rồi men theo bờ biển Thrace xâm nhập vào vùng đất Hy Lạp cả trên biển lẫn trên bộ. II. QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ Về phía Ba Tư Ngay từ khi lên ngôi, vua Ba Tư, Xerxes đã chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuẩn bị tiến đánh Hy Lạp, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng thủy binh. Quan điểm của Xerxes cho rằng, đây là cuộc viễn chinh quy mô lớn, đòi hỏi việc lập kế hoạch phải dài hạn, phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, chắc thắng mới tiến đánh Hy Lạp. Với quan điểm đó, trong một thời gian dài, Xerxes đã huy động được một đội quân đông tới hàng vạn người cùng hàng nghìn chiến thuyền bao gồm chủ yếu là người Ba Tư, Ảrập, Ai Cập; ngoài ra còn có người Hy Lạp ở các thành bang, khu vực bị quân Ba Tư xâm lược... Theo sử sách ghi lại, vào thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh với Hy Lạp, Ba Tư đã xây dựng được một lực lượng đông tới 1.700.000 người, trên 1.200 chiến thuyền và 500 người phục vụ cho chiến đấu[3]. Về phía Hy Lạp Để đối phó với các đạo quân Ba Tư, những người đứng đầu các thành bang Hy Lạp, trong đó chủ yếu là vai trò của Themistocles - Thủ lĩnh thành bang Athena chủ trương phải xây dựng một lực lượng bộ binh và thủy binh hùng hậu, trong đó chú trọng tăng cường thủy binh với việc tập trung phát triển các đoàn chiến thuyền mạnh nhằm gây thanh thế và đối phó với ngoại bang. Theo chủ trương trên, ngoài lực lượng quân bộ, Hy Lạp đã thành lập được một lực lượng thủy binh lớn và đóng thêm được 200 chiến thuyền có ba bậc chèo, đồng thời tích cực rèn luyện quân sĩ tác chiến trên biển, đủ sức đối phó với quân Ba Tư. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ở Hy Lạp vẫn đang diễn ra một số cuộc chiến tranh giữa thành bang nên Athena không có đủ nhân lực để chiến đấu trên đất liền cũng như trên biển. Trước tình hình đó, đầu năm 481 Tr.CN, dưới sự chủ trì của Themistocles, các thành bang Hy Lạp đã tổ chức thành công Đại hội tại Corinth, đưa đến sự ra đời của Liên minh các thành bang Hy Lạp. Sau khi nhận được tin các đạo quân Ba Tư tiến theo cả hai đường thủy - bộ tiến vào Hy Lạp, Themistocles cử vua Sparta là Leonidas dẫn 300 chiến binh đến đóng giữ tại khu vực hẻm núi Thermopylae với hy vọng chặn đứng bước tiến công trên bộ của địch. Ông đã chỉ huy quân ra sức chiến đấu, nhưng vì một tên phản quốc dẫn đường đánh lén nên hơn 300 quân của Leonidas đã bị đánh tan tác; hầu hết tướng sĩ của Sparta đều hy sinh; vùng Thermopylae hoàn toàn thất thủ. Sau khi đánh chiếm được Thermopylae, lực lượng bộ binh Ba Tư đánh thẳng vào Attica, chiếm đóng thành Athena. Lúc bấy giờ, lực lượng thủy binh Hy Lạp với gần 400 chiến thuyền cùng hàng nghìn thủy thủ do Thống soái Miltiades chỉ huy được lệnh rút vào vịnh Salamis. Về mặt kế hoạch chiến lược, trong nội bộ những người đứng đầu Liên minh các thành bang Hy Lạp bắt đầu có sự chia rẽ. Một bộ phận tướng lĩnh chủ trương muốn đưa hạm đội bỏ vịnh Salamis, nhưng Themistocles kiên quyết thực hiện trận quyết chiến, tiêu diệt đại quân Ba Tư tại eo biển này. Khi toàn bộ lực lượng thủy binh đã neo đậu an toàn trong vịnh, Miltiades ra lệnh cho toàn bộ phụ nữ và trẻ em sơ tán đến thành Troezen tại bán đảo Peloponesus, còn những trai tráng trưởng thành thì được trưng tập vào quân ngũ chuẩn bị cho một trận quyết chiến tại vịnh Salamis. III. DIỄN BIẾN Giữa tháng 4 năm 480 Tr.CN, lực lượng thủy binh Ba Tư vượt qua eo biển Hellespont. Tại đây, Xerxes nói trước ba quân rằng: “Ta ra lệnh cho các ngươi hãy tham gia cuộc chiến này với tất cả sức mạnh của mình. Chúng ta đang hành quân chống lại quân nổi dậy ở phía Tây. Nếu chúng ta đánh bại họ, quân đội chúng ta sẽ là vô địch. Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện trước các vị thần của Ba Tư để họ phù hộ cho chúng ta chiến thắng”[4]. Trên 1.200 thuyền của Ba Tư với khoảng 517.000 thủy thủ, và một số lượng lớn những người phục vụ, khí giới, lương thảo được lệnh nhổ neo tiến đánh Hy Lạp. Biết tin Ba Tư xuất quân, Themistocles - Tổng chỉ huy các đạo quân Hy Lạp ra lệnh cho tất cả các thành phố vùng duyên hải phải dựng các chướng ngại vật dọc theo bờ biển để ngăn quân đối phương đổ bộ, đồng thời hạ lệnh cho quân sĩ thực hiện cuộc nghi binh, rút chạy khỏi Athena để kéo Hạm đội Ba Tư vào eo biển Salamis. Trên đường rút chạy và sơ tán dân, Themistocles đều gửi lời nhắn lại cho các đội Ionia Hy Lạp trong Hạm đội Ba Tư, yêu cầu họ hãy rời khỏi những “người man rợ”[5] để gia nhập đội ngũ chiến binh Hy Lạp. Cuộc đụng độ trên biển đầu tiên giữa các đạo quân Ba Tư và Hy Lạp diễn ra vào sáng ngày 27 tháng 8 năm 480 Tr.CN khi Hạm đội Ba Tư tiến vào phía eo biển Artemisium (bắc đảo Euboeaa), nơi có những chiến thuyền tiên phong quân Hy Lạp đang trú ngụ, nhằm mục tiêu đánh chiếm thành Athena. Lúc đó, vị trí đóng quân của Hy Lạp tại eo biển Artemisium có khoảng 271 thuyền chiến. Nếu Artemisium bị đánh chiếm, thủy quân Ba Tư có thể dễ dàng hội quân với lực lượng bộ binh ở Thermopylae. Trước một lực lượng Ba Tư áp đảo cả về số lượng, các thuyền chiến Hy Lạp đã thực hiện đòn nghi binh, cho một số thuyền ra khiêu khích. Quân Ba Tư bắt đầu tiến vào vịnh Pagasae với một số lượng thuyền lớn hơn so với dự kiến. Vào cuối ngày hôm đó, phía Hy Lạp bắt giữ 15 thuyền đối phương khi các thuyền Ba Tư nhầm tưởng rằng đó là nơi neo đậu của Hạm đội Ba Tư. Theo sử gia Herodotus, người Ba Tư không tấn công vào ban ngày vì họ lo ngại phải đối diện với sức mạnh của các thuyền chiến và bộ binh Hy Lạp. Do vậy, Xerxes quyết định sẽ tiến công quân Hy Lạp vào đêm tối để đảm bảo thắng lợi. Xerxes cho dàn thuyền chiến thành ba hàng trong đêm tối và khi bố trí xong thì vừa đến sáng. Nhưng ngay lúc đó, có một cơn bão từ phía Đông Nam ập tới, mưa lớn, sấm sét phá tan đội ngũ thuyền chiến Ba Tư, đánh dạt hàng trăm chiếc vào bờ và một số chiếc bị chìm, xác chết nổi khắp mặt biển. Khi tập hợp lại, Hạm đội Ba Tư chỉ còn khoảng 800 chiếc. Xerxes cử Nữ hoàng xứ Halicarnassus đồng thời cũng là nữ tướng Artemisia chỉ huy 5 chiến thuyền bất ngờ tiến công vào phía Hy Lạp. Hạm đội Hy Lạp thua khi trời gần sáng. Artemisia bắt được một viên chỉ huy của Hy Lạp, sai đem buộc vào mũi thuyền, cắt cổ cho máu chảy xuống biển để tạ ơn thần biển. Tiếp đó, quân Ba Tư thừa thắng xông lên, kéo đại quân xuống phía đông đảo Euboeaa. Vượt qua Artemisium, quân Ba Tư nhanh chóng chiếm cuối phía bắc đảo Euboeaa và hội quân với lực lượng đổ bộ tại Thermopylae, thực hiện ý đồ đè bẹp quân Hy Lạp trên bộ và trên biển. Trong khi đó, quân Hy Lạp đang nung nấu ý chí phục thù, nhân cơ hội này đã tổ chức phản công lại quân Ba Tư vào đêm tối tại Artemisium. Sau thắng lợi trên, quân Ba Tư tỏ ra chủ quan, khinh địch, không kịp trở tay trước đòn tiến công của quân Hy Lạp. Khoảng 30 chiếc thuyền đã bị quân Hy Lạp đánh chìm. Số còn lại phải tháo chạy ra biển, nhưng lại gặp giông bão nên tiếp tục bị đánh đắm, làm hư hỏng nhiều chiếc thuyền khác. Sau ba ngày trời yên, biển lặng, quân Ba Tư lại kéo quân trở lại mỏm Euboeaa, tiếp tục nghênh chiến với quân Hy Lạp, nhưng bị thua và phải rút lui về cảng Sepia. Trong khi đó, quân Hy Lạp nhận được thêm viện binh và thực hành truy kích địch, dụ kéo quân Ba Tư vào sâu eo biển Salamis. Nhận được tin quân Hy Lạp rút chạy khỏi Athena, Xerxes đã ra lệnh cho Hạm đội Ba Tư quay thuyền hướng về phía Salamis để chặn quân Hy Lạp từ phía Nam. Khi hoàng hôn buông xuống, Themistocles tiếp tục tung tin giả, thu hút đoàn thuyền chiến của Ba Tư vào sâu hơn nữa eo biển Salamis. Đến đây, trời đã tối hẳn. Cho rằng, quân Hy Lạp vì sợ hãi mà rút chạy, Xerxes ra lệnh hạ trại và lập ngai vàng trên sườn núi Aigaleos (nhìn ra eo biển) với mục đích chỉ huy quân Ba Tư và quan sát trận chiến đấu giữa các chiến binh Hy Lạp và Ba Tư ở một vị trí thuận lợi nhất. Cuộc tiến quân của Ba Tư tiếp tục hướng về phía Nam, qua Phocis - vùng đất của người Phocis đã thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” trước khi người Ba Tư đến. Vì vậy, quân Ba Tư gần như không gặp khó khăn nào khi tràn qua các thành phố phía Nam. Lúc này, toàn bộ Hạm đội Hy Lạp đã được bày binh bố trận tại Salamis. Sau khi được tiếp viện, quân Hy Lạp tại Salamis có khoảng 380 tàu và 80.000 quân, bao gồm cả các tay chèo, binh sĩ và đội phục vụ... Theo lệnh của Themistocles, những người dân ở đây đã dựng lên các bức tường gỗ ngăn chặn quân Ba Tư đổ bộ lên đất liền. Lực lượng bộ binh tại hòn đảo này có khoảng từ 5.000 đến 6.000 người với nhiều cung thủ xuất sắc, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ các thuyền chiến. Nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ bờ biển, ngăn cản bất kỳ sự đổ bộ nào của quân Ba Tư, buộc đối phương phải tiến thẳng vào eo biển, nơi lực lượng thủy binh đang mật phục. Ngoài ra còn có hàng nghìn người dân là những nô lệ, ngư dân... thực hiện nhiệm vụ trên đất liền như vận chuyển khí giới, nấu ăn, đưa tin... Phần lớn phụ nữ, trẻ em, người già đã được sơ tán trước đó. Đêm trước của trận hải chiến, quân Hy Lạp đã đổ bộ một lực lượng lớn lên đảo Psyttaleia, nằm giữa Salamis và đất liền, sử dụng một cánh quân tiến sang phía Tây để bao vây Salamis. Các thuyền chiến đang đậu ở vị trí giữa Ceos và Cynosoura cũng được lệnh tăng cường kiểm soát toàn bộ khu vực này, nhằm ngăn chặn và dụ đoàn thuyền của Ba Tư vào sâu eo Salamis. Sự có mặt của lực lượng thủy binh ở đây còn giúp đỡ các cư dân còn lại trên đảo vào những nơi trú ẩn an toàn trước khi trận chiến diễn ra. Họ chuẩn bị cho trận chiến hoàn toàn trong im lặng, giữ bí mật tuyệt đốỉ, tránh sự phát hiện của đối phương. Sau khi toàn bộ Hạm đội Ba Tư đã lọt vào eo biển Salamis, quân Hy Lạp bắt đầu phản công. Theo sử gia Herodotus, trước khi trận chiến diễn ra, Themistocles đã có lời kêu gọi đối với binh sĩ trên các thuyền chiến, quyết tâm đánh thắng quân “man rợ” Ba Tư. Chạm trán với quân Hy Lạp ở eo biển được chuẩn bị chu đáo và có trật tự theo chiến thuật phalanx - một đội hình chiến thuật bộ binh cơ bản trong thời kỳ cổ đại, thủy quân Ba Tư trở nên lộn xộn, thiếu tổ chức và vùng eo biển hẹp càng trở nên chật chội hơn. Tuy nhiên, liên quân Hy Lạp chưa tấn công ngay lập tức mà tiếp tục cho một số thuyền ra khiêu khích để dụ đoàn thuyền chiến của quân Ba Tư vào vị trí thuận lợi nhất cho đợt phản công. Xerxes chia lực lượng thuyền chiến của Ba Tư thành ba cánh quân: cánh quân thứ nhất ở phía Nam đảo Psyttaleia để chặn quân Hy Lạp ở phía Đông và Tây eo biển. Cánh quân thứ hai bao gồm các đội thuyền của Phoenicia và Ionia tiến hành bao vây Salamis. Cánh quân thứ ba chủ yếu là Hạm đội Ai Cập được đánh giá là thiện chiến nhất sẽ ở phía Nam eo biển hẹp giữa Salamis và Megara với mục tiêu thu hút đối phương và giải quyết nhanh chóng trận chiến bằng thế áp đảo của lực lượng thuyền chiến. Cuộc chiến đấu thực sự bắt đầu vào lúc bình minh. Theo Herodotus, khi cờ hiệu được phất lên, cuộc chiến tại Salamis mới thực sự bắt đầu. Theo phương thức chiến tranh cổ điển, trận chiến đấu diễn ra chủ yếu giữa các hoplites trên boong, các cung thủ và người phóng lao... Cũng theo Herodotus, trận hải chiến diễn ra hết sức khó khăn cho người Ba Tư bởi họ hoàn toàn bị bất ngờ khi rơi vào bẫy của người Hy Lạp. Sự lộn xộn của các thuyền chiến Ba Tư ngày càng trầm trọng trước các đội hình phalanx kinh điển. Tính kỷ luật và trật tự của các chiến binh Hy Lạp được phát huy tối đa trên biển. Quân Hy Lạp sử dụng các tàu nhẹ, cơ động áp sát đánh vào mạn tàu, đồng thời dùng các tàu có mũi nhọn đâm thẳng vào tàu đối phương. Cách đánh của hoplites Hy Lạp đã làm cho các đội thuyền của Ba Tư ngày càng trở nên hỗn loạn. Trên khắp chiến trường, hầu hết các cánh quân của Ba Tư đều bị đẩy lùi. Cánh quân thứ hai do tướng Ariabigne (người anh em của Xerxes) chỉ huy, nhanh chóng bị quân Hy Lạp giết chết. Đội quân Phoenicia như rắn mất đầu, trở nên hỗn loạn, bị đẩy lùi hoàn toàn, nhiều tàu bị mắc cạn. Ở vị trí trung tâm, cánh quân thứ ba bị các tàu của Hy Lạp đánh chia cắt, không có khả năng đối phó với quân Hy Lạp. Bị tiến công bất ngờ và chưa được chuẩn bị với cách đánh áp mạn, Hạm đội quân Ba Tư bị đánh thiệt hại nặng, buộc phải rút khỏi Salamis. Quân Hy Lạp tổ chức truy kích, đánh bại Hạm đội Ba Tư. Những chiến binh Ba Tư trên các thuyền chiến đầy thương tích, hoặc bị cháy cố thoát khỏi thuyền bằng cách lao xuống biển, nhưng hầu hết bị chết. Artemisia, nữ hoàng xứ Halicarnass chỉ huy đoàn thuyền Caria bị đoàn thuyền của Pellene do Ameinias chỉ huy đuổi theo. Để thoát khỏi sự bủa vây của thuyền chiến Hy Lạp, thuyền của Artemisia tự đâm vào một tàu của Ba Tư và thuyết phục Ameinias rằng, đây là đội thuyền của liên minh Hy Lạp. Tin lời Artemisia, Ameinias bỏ cuộc săn đuổi. Đứng trên núi quan sát, Xerxes nhầm tưởng rằng, Artemisia đã đâm được thuyền của liên minh Hy Lạp và bày tỏ sự thất vọng đối với các nam thuyền trưởng khác. Ông nhận xét rằng, “những người đàn ông đã biến thành đàn bà và người đàn bà duy nhất trong hàng ngũ tướng lĩnh đã trở thành đàn ông”. Trước sự phản công mãnh liệt của quân Hy Lạp, các đội thuyền chiến của Ba Tư buộc phải rút lui về phía Phalerum, nhưng đã rơi vào ổ phục kích của quân Hy Lạp tại eo biển. Thuyền chiến của Ba Tư bị đánh đắm gần hết, các binh sĩ trên thuyền hoặc bị chết do cung, đao, hoặc bị chết đuối, số còn lại bị bắt làm tù binh. Những chiếc thuyền còn lại mình đầy thương tích trở về cảng Phalerum và nơi trú ẩn của quân Ba Tư. Xerxes ngồi trên núi Aigaleos trong ngai vàng đã chứng kiến sự tàn sát giữa quân Hy Lạp và Ba Tư, ra lệnh giết hết các chỉ huy và thủy thủ bỏ chạy. Vào lúc hoàng hôn, Salamis không còn bóng dáng những chiếc thuyền chiến của Ba Tư, quân Hy Lạp hoàn toàn kiểm soát eo biển. Trận hải chiến kết thúc. IV. KẾT QUẢ VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỂ RÚT RA TỪ TRẬN ĐÁNH Kết thúc trận Salamis, quân Ba Tư thiệt hại nặng. Phần lớn quân sĩ bị tiêu diệt; một số bị bắt làm tù binh, nhưng sau đó cũng bị quân Hy Lạp giết chết. Thuyền chiến của Ba Tư bị đánh đắm, mất hơn 200 thuyền[6]. Tổn thất về người không được thống kê một cách chính xác, nhưng theo Herodotus, người Ba Tư chịu nhiều thương vong hơn người Hy Lạp bởi hầu hết binh sĩ Ba Tư không biết bơi trong một cuộc hỗn chiến đẫm máu, thuyền đắm, bốc cháy khắp eo biển. Quân Hy Lạp giành thắng lợi hoàn toàn. Phía Hy Lạp tổn thất khoảng hơn 40 thuyền. Phần lớn lực lượng (thuyền chiến, binh sĩ...) được bảo toàn. Số tù binh Ba Tư bị bắt trong trận hải chiến bị phía Hy Lạp giết hết. Sau trận Salamis, cuộc chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên, với thất bại của các đạo quân Ba Tư tại Salamis, tương quan lực lượng giữa Hy Lạp và Ba Tư đã đảo ngược. Sau trận đánh đó, liên minh Hy Lạp từng bước giành quyền chủ động trên chiến trường, liên tiếp đánh bại quân Ba Tư tại Phataeu (479 Tr.CN) và đã truy kích chúng tới vùng phía Bắc Hy Lạp, giải phóng toàn bộ đất đai Hy Lạp. Không những vậy, hải quân Hy Lạp còn đánh bại Hạm đội Ba Tư ở ngoài biển Aegean, giải phóng nhiều hòn đảo vốn đang nằm trong sự thống trị của người Ba Tư. Cũng từ sau trận Salamis, tính chất của cuộc chiến tranh Hy Lạp chống Ba Tư bắt đầu thay đổi. Đối với Athena, cuộc chiến từ chỗ là chiến tranh tự vệ chuyển sang chiến tranh bành trướng ra nước ngoài. Năm 478 Tr.CN, Athena tiến công eo biển Hắc Hải, đánh chiếm Hellespont. Cũng trong năm đó, các thành bang Hy Lạp trên các đảo, ngoài biển Aegean và vùng Tiểu Á vì cần thiết phải đối phó với Ba Tư nên liên kết thành đồng minh do Athens lãnh đạo. Sau khi thành lập đồng minh, Athens không chỉ làm cho Ba Tư suy yếu, mà còn mở rộng đất đai và lãnh thổ sang cả phía Đông và phía Tây; xác lập được quyền bá chủ của Hy Lạp ở phía Đông Địa Trung Hải; mở rộng con đường giao thương đi đến Hắc Hải. Đó chính là những điều kiện thuận lợi giúp Hy Lạp phát triển kinh tế, xã hội, quân sự và văn hóa vào những năm cuối của thế kỷ V Tr.CN. Trận Salamis là trận hải chiến lớn lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh thế giới được sử sách ghi chép lại. Qua cách mô tả của Herodotus và các nhà sử học sau này cho thấy: Thứ nhất, khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Hy Lạp, người Ba Tư đã đưa quân viễn chinh đi rất xa các căn cứ của họ. Trong điều kiện đường sá xa xôi lại bị ngăn chặn liên tục, công việc tiếp tế của họ trở nên rất khó khăn. Quân đội Ba Tư là một đạo quân ô hợp, bị trưng tập một cách cưỡng bức từ nhiều bộ lạc, từ nhiều dân tộc, phải xa rời quê hương để bán mạng cho tầng lớp thống trị Ba Tư nên sĩ khí của họ rất thấp, dù có số lượng đông nhưng sức chiến đấu không mạnh. Thứ hai, thắng lợi của thủy quân Hy Lạp trong trận Salamis xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là nhân dân Hy Lạp đã tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược. Họ chiến đấu vì không chịu số phận bị chinh phục, nô dịch và bảo vệ nền độc lập của mình. Vì chiến đấu cho chính nghĩa nên người dân Hy Lạp đã tích cực chuẩn bị cho cuộc chiến trong một thời gian dài (10 năm, kể từ sau trận Marathon), trong đó rất chú trọng xây dựng lực lượng thủy binh, bao gồm cả việc đóng thuyền chiến, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật tác chiến trên biển, khí giới, lương thực, thực phẩm, lực lượng phục vụ... Trong chiến đấu, các tướng sĩ Hy Lạp không quản ngại khó khăn, sẵn sàng xả thân vì quốc vương và dân tộc. Thứ ba, trong trận Salamis nói riêng, chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư lần thứ hai nói chung, Hy Lạp đã quy tụ được đội ngũ tướng lĩnh có tài thao lược, biết áp dụng những chiến lược và chiến thuật phù hợp. Thứ tư, về chiến thuật, các tướng lĩnh Hy Lạp đã vận dụng sáng tạo đội hình phalanx trên biển, một đội hình chiến thuật bộ binh cơ bản trong thời kỳ cổ đại, dùng thuyền nhẹ và cơ động thực hiện có hiệu quả lối đánh áp mạn và đâm vào thuyền đối phương. Cách bố trí theo đội hình phalanx với những chiếc thuyền nhẹ, dàn mỏng đội hình là hết sức táo bạo đã tạo nên thế trận hiểm hóc của người Hy Lạp trên biển. Từ việc bố trí đội hình như vậy đã tạo nên lối đánh áp mạn và đâm thẳng vào đội hình thuyền chiến Ba Tư, làm cho hầu hết đều bị đắm hoặc cháy. Thứ năm, về chiến lược, ngay sau khi phát hiện Xerxes có ý đồ sử dụng một lực lượng lớn thủy binh và bộ binh nhằm đè bẹp quân Hy Lạp cả trên biển lẫn trên bộ, Themistocles đã khôn khéo thực hiện các đòn nghi binh, tránh không đối đầu trên bộ và ở vùng biển rộng, giả vờ thua để dụ địch vào eo biển hẹp, nơi có phần lớn lực lượng thủy binh đang mật phục. Để thực hiện ý đồ này, trước khi quân Ba Tư đến, Themistocles đã ra lệnh cho các thành phố ven biển, đặc biệt là Athena sơ tán dân ra khỏi thành phố và đắp những bức tường gỗ ngăn chặn quân Ba Tư đổ bộ. Tài thao lược của Themistocles và các tướng lĩnh Hy Lạp còn được thể hiện ở chỗ họ đã biết triệt để lợi dụng địa hình, địa vật, biết chọn đúng thời cơ giao chiến khi dụ được quân địch vào vùng biển chật hẹp, hạn chế sức mạnh của quân Ba Tư, thực hiện đòn phản đột kích, giành thắng lợi quyết định cho quân Hy Lạp. Trận Salamis đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tác chiến trên biển của người Hy Lạp, trong đó Themistocles là người có những đóng góp lớn lao nhất. Với tài thao lược của mình, ông đã được sử sách ghi vào hàng ngũ các danh tướng nổi tiếng thế giới thời cổ đại. Như thế, cùng với trận Marathon, thắng lợi của người Hy Lạp trong trận hải chiến Salamis đã làm tan vỡ mộng tưởng của người Ba Tư chinh phục châu Âu, góp phần quyết định kết thúc cuộc chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư lần thứ hai. Đó cũng là chiến thắng của nền văn minh Hy Lạp đối với văn minh Lưỡng Hà dưới triều đại Ba Tư. Trận Salamis là một trong những trận đánh tiêu biểu và là trận hải chiến nổi tiếng thế giới thời cổ đại. Người viết: Thượng tá PHÙNG THỊ HOAN TRẬN ACTIUM (Năm 31 Tr.CN) I. BỐI CẢNH Từ thế kỷ I Tr.CN, mâu thuẫn trong nội bộ giới quý tộc La Mã ngày càng trở nên gay gắt, dẫn đến chế độ cộng hòa ở La Mã dần dần bị thay thế bằng chế độ độc tài. Sau khi cuộc khởi nghĩa nô lệ do Spartacus lãnh đạo bị đàn áp, ở La Mã xuất hiện chính quyền tay ba (Triumvirat) lần thứ nhất, còn gọi là chế độ tam hùng lần thứ nhất. Thực chất, đây là một liên minh chống lại Viện Nguyên lão. Liên minh này gồm Julius Caesar, Gnaeus Pompeius Magnus còn gọi là Pompey và Marcus Licinius Crassus. Năm 56 Tr.CN, giữa ba người đã có thỏa thuận, theo đó Caesar làm Tổng đốc xứ Gallia; Pompey và Crassus làm chấp chính quan nhiệm kỳ 2 năm 56 và 55 Tr.CN; sau khi hết nhiệm kỳ, Pompey sẽ là Tổng đốc Tây Ban Nha và Crassus là Tổng đốc xứ Syria. Theo đúng thỏa thuận, hai năm sau, Crassus sang trấn giữ xứ Syria nhưng bị tử trận trong một trận giao chiến với quân đội Parthes, một vương quốc mới nổi lên ở Trung Á. Chính quyền tay ba lần thứ nhất bắt đầu lung lay do tham vọng quyền lực. Lẽ ra Pompey phải sang Tây Ban Nha theo như thỏa thuận ban đầu, nhưng ông ta đã ở lại Roma và cử người thân tín đi thay; đồng thời tìm cách trừ khử Caesar để nắm chính quyền. Âm mưu của Pompey bị Caesar phát hiện và nhanh chóng dập tắt; không những thế Pompey còn bị truy đuổi đến tận Ai Cập và bị tiêu diệt ở đó. Khi truy kích Pompey đến Ai Cập, Caesar đã can thiệp vào cuộc xung đột nội bộ vương triều Ptolemy ở Ai Cập; đưa công chúa Cleopatra lên ngôi nữ hoàng và sau đó kết hôn cùng bà; hai người có chung một con trai là Caesarion. Cuộc hôn nhân của Caesar với Cleopatra đã bị một số quý tộc La Mã cực lực phản đối vì việc lấy người ngoại bang là vi phạm luật tục La Mã đương thời. Toàn thắng trở về Rome, Caesar được dân chúng nồng nhiệt đón mừng, Viện Nguyên lão từng ủng hộ Pompey chống lại Caesar cũng phải khuất phục trước Caesar và trao cho ông quyền độc tài suốt đời, Bảo dân quan vĩnh viễn, Tổng chỉ huy quân đội và Tăng lữ tối cao. Nắm quyền độc tài, Caesar xóa bỏ các tổ chức và tập quán của nền cộng hòa; tự mình quyết đoán mọi công việc. Mặc dù vậy, ông vẫn không xưng vương. Caesar đã cố gắng tìm cách ổn định tình hình xã hội; khoan dung với kẻ thù cũ; ban thưởng rộng rãi cho các tướng sĩ; đương nhiên là dành nhiều quyền lợi cho những người cùng phe cánh; nhưng các phe nhóm đối lập vẫn không hoàn toàn khuất phục. Nhóm quý tộc thượng lưu, trong đó có cả một số người thuộc phe Caesar vẫn tiếc nuối chế độ cộng hòa trước đó. Ngày 15 tháng 3 năm 44 Tr.CN, trong một cuộc họp của Viện Nguyên lão, vốn có âm mưu từ trước, phe đối lập cố tình gây nên tình thế hỗn độn để cho 2 người bạn cũ của Caesar là Caius Cassius và Junius Brutus xông lên đâm chết Caesar. Sau cái chết của Caesar, tình hình chính trị ở Rome trở nên hỗn loạn. Trong bối cảnh đó, Marcus Antonius, một viên tướng thân cận của Caesar đang làm chấp chính quan ở Rome muốn thừa kế chức độc tài của Caesar đứng lên trả thù cho Caesar, nhiều quý tộc thuộc phái cộng hòa trong Viện Nguyên lão bị giết chết. Cassius, Brutus và nhiều người tham gia vụ sát hại Caesar phải chạy trốn sang phương Đông. Marcus Antonius đem quân đuổi theo để tiêu diệt lực lượng đối địch ở nước ngoài. Trong trận Philippi (năm 42 Tr.CN) ở xứ Thrace, quân đội của Marcus Antonius đã đánh bại quân đội của phe quý tộc thuộc phái cộng hòa; hai kẻ phản bội Caesar là Cassius, Brutus phải đền tội. Cuộc xung đột giữa Marcus Antonius và Viện Nguyên lão đã khiến cho Octavius, cháu ruột và là con nuôi của Caesar, từng được Caesar chỉ định làm người thừa kế trở thành một nhân vật quan trọng trên chính trường Rome. Octavius không chỉ được các tướng lĩnh và các nhà chính trị có uy tín tôn sùng mà còn được cả quần chúng bình dân ủng hộ vì họ hy vọng Octavius sẽ thực hiện đường lối của Caesar, đem lại quyền lợi cho họ. Năm 43 Tr.CN, dưới áp lực của các cựu binh trong phe Caesar cũ, Octavius cùng với Antonius và Lepidus thành lập liên minh tay ba lần thứ hai nhằm chống lại bọn quý tộc thượng lưu trong Viện Nguyên lão. Liên minh tay ba chia nhau nắm giữ các vùng: Lepidus cai trị các tỉnh ở châu Phi; Antonius cai quản một vùng đất đai rộng lớn ở miền Đông Địa Trung Hải; còn Octavius cai trị xứ Italia và Gallia. Tuy nhiên, liên minh tay ba lần thứ hai cũng lại đổ vỡ do mâu thuẫn nội bộ. Sau khi củng cố được chính quyền ở Italia, Octavius thôn tính luôn đất đai của Lepidus ở Bắc Phi. Với Antonius mặc dù sau khi Fulvia, vợ Antonius qua đời, Octavius gả em gái mình là Octavia Minor cho Antonius, nhưng việc đó cũng không thể giúp cho hai người còn lại của liên minh tay ba tránh khỏi sự chia rẽ. Sau nhiều năm hợp tác mật thiết với Octavius, Antonius bắt đầu hành động một cách độc lập. Nhiều người nghi ngờ Antonius đang cố gắng để trở thành chủ nhân duy nhất của Rome. Từ năm 33 Tr.CN, quan hệ giữa Octavius và Antonius ngày càng căng thẳng; nguyên nhân của sự bất hòa giữa hai bên ngày càng tích tụ. Vào ngày cuối cùng của năm 33 Tr.CN, khi liên minh tay ba lần thứ hai chính thức hết hạn, Antonius đã viết cho Viện Nguyên lão rằng ông không muốn được tái bổ nhiệm. Antonius hy vọng bằng hành động này, ông có thể được Viện Nguyên lão nhìn nhận như một người hùng của họ để chống lại những tham vọng của Octavius. Antonius cũng phàn nàn với Viện Nguyên lão về việc Octavius đã vượt quá quyền hạn của mình trong việc hạ bệ Lepidus; và rằng Octavius chiếm quyền điều hành cùng binh lính tại tất cả các lãnh địa của Pompey trong khi lẽ ra phải chia cho ông một nửa. Octavius thì lại phàn nàn rằng, Antonius không có thẩm quyền để được kiểm soát Ai Cập và ông đã tử hình Pompey một cách bất hợp pháp. Bên cạnh đó, Octavius còn tố cáo sự tráo trở của Antonius với vua Armenia tạo ra sự lạnh nhạt của quốc gia này với La Mã. Ông cũng không gửi một nửa số tiền chiến lợi phẩm thu được đến Rome theo thỏa thuận, và rằng sự liên kết của Antonius với Cleopatra và việc thừa nhận Caesarion như một con trai hợp pháp của Caesar tạo ra sự mất uy tín cũng như đe dọa sự tồn tại của đế chế. Trong suốt năm 32 Tr.CN, một phần ba thành viên của Viện Nguyên lão và cả hai vị quan chấp chính tối cao đều liên minh với Antonius. Hai vị quan chấp chính tối cao này quyết định che giấu các tham vọng của Antonius. Thậm chí, tại cuộc họp Viện Nguyên lão ngày 1 tháng 1, Gaius Sosius còn có một bài phát biểu tạo thuận lợi cho Antonius và đề nghị hành động của ông sẽ không bị phủ quyết bởi các hộ dân quan La Mã. Octavius không có mặt ở cuộc họp này, nhưng tại cuộc họp tiếp theo, ông đáp lại bằng cách yêu cầu hai vị quan chấp chính này phải rời Home để gia nhập với Antonius. Khi nghe tin này, Antonius đã công khai ly hôn với Octavia, chuyển đến thành phố Ephesus để ở với Cleopatra sau khi tuyên bố chính thức kết hôn với bà. Đây cũng là nơi một hạm đội lớn đã được tập hợp từ tất cả các phần của phương Đông, trong đó Cleopatra đã đóng góp một phần lớn. Sau khi tạm trú một thời gian ở Ephesus cùng với các đồng minh của mình tại Samos, Antonius bỏ đến Athena. Lực lượng bộ binh của ông ta vốn đóng tại Armenia được đưa xuống vùng bờ biển của châu Á. Octavius cũng nhanh chóng chuẩn bị lực lượng và năm 31 Tr.CN bắt đầu các hoạt động quân sự. Hành động đầu tiên là cho tướng Agrippa chiếm giữ Methone, một thị trấn Hy Lạp liên minh với Antonius. Tuy nhiên, do kế hoạch hành động của Antonius bị rơi vào tay một kẻ phản bội tên là Quintus Dellius và nó được đưa đến cho Octavius nên Octavius đã kịp thời có những hành động đối phó. Trước tiên, ông có những hành động để tạo ra cảm giác rằng ông sẵn sàng từ bỏ quyền lực, từ bỏ chức vụ chấp chính quan của mình vào năm 31 Tr.CN mà ông ta đã được chỉ định, đồng thời tuyên bố tán thành việc chống lại Nữ hoàng Cleopatra, cũng có nghĩa tuyên chiến với Antonius, mặc dù ông không chỉ đích danh. Trong khi Octavius thực hiện điều này, Viện Nguyên lão đã đưa ra lời tuyên chiến và tước đi của Antonius mọi thể nhân pháp luật. II. QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ Cho đến cuối tháng 8 năm 31 Tr.CN, cả lục quân và hải quân của Antonius vẫn chưa có động thái nào đáng kể, trong khi Agrippa vẫn luôn hành động và đặt Antonius vào tình thế bị bao vây. Trước tình thế đó Antonius chỉ còn cách quyết chiến. Tuy nhiên, vấn đề là chọn quyết chiến trên bộ hay trên biển. Theo lời khuyên của Cleopatra, Antonius đã chọn hướng biển. Sau các cuộc chinh chiến ở châu Á, Antonius có một đội quân hùng hậu được thử thách trận mạc và một hạm đội mạnh. Antonius chọn Ephesus, nơi ông đã cùng Cleopatra chuyển tới sau khi chính thức tuyên bố kết hôn với bà làm căn cứ đóng đại bản doanh. Đội quân của Antonius tại Ephesus có tới 12.000 bộ binh và 12.000 kỵ binh. Cleopatra cũng mang theo 200 tàu chiến Ai Cập loại nhỏ nhưng có tốc độ cao. Theo các nguồn sử liệu khác nhau, hạm đội của Antonius và Cleopatra có từ 220 đến 360 tàu, trong đó có 170 chiến thuyền lớn với 3, 4 và 5 hàng mái chèo, có mũi bịt sắt, mạn được nâng cao có chỗ tới 3m. Trên boong lắp các máy và tháp phóng đạn hạng nặng. Kết cấu kiểu này khiến cho tàu có tốc độ chậm và khó chuyển hướng; sức tấn công của nó chủ yếu là phóng hỏa và phóng đạn nhằm phá hủy tàu và nhằm sát thương đối phương. Ngoài ra tàu còn thường được trang bị các móc lớn bằng thép để quăng vào tàu đối phương; nếu quăng trúng sẽ rất hiệu quả, nhưng nếu không trúng có thể sẽ gây hại cho chính tàu của mình. Antonius bố trí 25.000 quân trên các tàu chiến, không kể quân số các kíp tay chèo[7]. Sau một thời gian sống ở Ephesus, Antonius lại chuyển đến Athena. Cuối mùa thu năm 32 Tr.CN Antonius đến Corcyra với ý định sẽ mở một cuộc tấn công về phía nước Ý. Trên đường đi Athena, Antonius không hề gặp một trở ngại hoặc sự kháng cự nào, nhưng khi vừa thấy một số tàu chiến xuất hiện từ xa, Antonius liền cho đó là tiền quân của Agrippa và vội vàng từ bỏ ý định, rút về Patrae. Antonius bố trí hải quân và lục quân dọc theo bờ biển Ioni, trong đó lực lượng chủ yếu đóng ở mũi Actium, cửa ngõ vịnh Ambracian. Octavius đã đưa ra một số đề xuất về việc tiến hành đàm phán để hòa giải với Antonius nhưng đều bị từ chối. Cả hai bên lao vào chuẩn bị cho một trận đánh quyết định vào năm sau. Với sự trợ giúp của Cleopatra, Antonius có một đội quân hơn hẳn Octavius, tiền bạc và phương tiện vận tải cũng rất dư dả. Tuy nhiên, do quân lương thiếu thốn khiến hàng loạt chiến binh đã đào ngũ vào mùa đông năm đó. Thêm vào đó, dịch bệnh cũng làm cho quân số hao hụt nhiều. Đến mùa xuân năm 31 Tr.CN, lực lượng của Antonius thiếu đến 1/3 quân số[8], buộc Antonius phải tuyển thêm tân binh, nhưng vẫn không bù đắp được thiếu hụt. Không những vậy, phần lớn tân binh chưa có kinh nghiệm đi biển nên càng khó khăn cho Antonius. Như vậy, mặc dù lực lượng hải quân của Antonius vốn là một hải quân mạnh, thiện nghệ và từng được thử thách qua chiến tranh, nhưng do cách tổ chức chưa hợp lý và do cách sống xa hoa, trụy lạc của Antonius nên đã biến nó thành một đội quân yếu kém trước khi xung trận. Trái ngược với Antonius, đến năm 32 Tr.CN, Octavius hầu như vẫn chưa có đủ lực lượng để đối phó với Antonius nhưng ông lại rất muốn gây chiến. Xét về các điều kiện khách quan, Antonius có thể bất ngờ tấn công Octavius ngay trên đất Italia và nhanh chóng kết thúc chiến tranh bởi quân đội của ông mạnh hơn quân Octavius; mặt khác dân chúng Italia đã rất mệt mỏi và bàng quan với cuộc chiến tranh. Thế nhưng thay vì tấn công tiêu diệt Octavius, Antonius lại chỉ đắm đuối với Cleopatra. Sự thiếu quyết đoán của Antonius trong khi việc bảo đảm quân nhu ngày càng khó khăn cùng với những thiệt hại thường xuyên do quân Octavius gây ra khiến cho tinh thần binh lính sa sút. Bên cạnh đó, Antonius rất không tin những người gần gũi xung quanh, ngay cả một số quý tộc thân tín cũng bị ông ra lệnh hành hạ cho đến chết theo cách mà các bạo chúa phương Đông thường hay làm. Điều này khiến cho nhiều người La Mã bỏ chạy sang phía Octavius. Trong khi đó, Octavius đã tranh thủ xây dựng lực lượng. Đến mùa xuân năm 31, quân đội của ông đã lên tới 80.000 bộ binh và gần 12.000 kỵ binh. Lực lượng hải quân (do Agrippa chỉ huy) có tới 260 tàu chiến. Các tàu của Octavius được chế tạo theo mẫu khác hẳn so với thời kỳ chiến tranh với Pompey. Đó là những chiếc tàu không lớn lắm, mạn tàu thấp, nhưng có tốc độ cao và dễ cơ động. Mỗi tàu có 84 tay chèo, 36 sĩ quan và thủy thủ. Những tàu này phù hợp với việc truy kích và săn đuổi cướp biển. Mặc dù cố gắng xây dựng lực lượng và tích cực chuẩn bị, nhưng để tránh chiến tranh, Octavius cũng đã nhiều lần đề xuất đàm phán để hòa giải với Antonius. Tuy nhiên những lời đề nghị trên đều bị từ chối. Vì vậy, hai bên đều tích cực chuẩn bị cho một trận quyết chiến vào năm sau. Đầu năm 31 Tr.CN, tình hình chiến sự vẫn rất im ắng. Quân đội của Antonius vẫn đang trú đông trong doanh trại. Lực lượng hải quân của Octavius chỉ tổ chức các cuộc tuần tra trên bờ biển Hy Lạp. Trong quá trình tuần tra, các tàu của Octavius đã bắt giữ nhiều tàu chở quân lương, vũ khí của đối phương từ Ai Cập, Syria và Tiểu Á chuyển đến, khiến tình trạng thiếu lương thực trong quân đội Antonius càng trở nên trầm trọng. Không những vậy, các đội tuần tiễu của Octavius đôi khi còn bất ngờ đổ bộ lên bờ và tàn phá nhiều cơ sở, phương tiện của đối phương. Và khi điều kiện cho phép, lực lượng này còn mở các cuộc tấn công, gây cho đối phương những thiệt hại đáng kể. Sau một thời gian tiến hành hoạt động quấy rối và phong tỏa, các đội quân của Octavius đã chiếm được Mehone ở Messenia, Tây Nam Peloponnesus và cả đảo Corcyra, nơi có bến cảng, đồng thời là căn cứ quân sự quan trọng để từ đó Antonius có thể ngăn chặn đường tiếp viện của Octavius qua biển Adriatic. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, thông qua hoạt động quấy rối và chặn viện, Octavius đã gây cho đối phương không ít thiệt hại. Bên cạnh đó, các hoạt động này còn giúp Octavius nắm được tình hình đối phương. Sau khi biết chắc lực lượng chủ yếu Antonius đang án binh bất động, Agrippa thuyết phục Octavius mạo hiểm cơ động lực lượng đến Epirus để tiếp cận đối phương gần hơn. Việc cơ động lực lượng đến Epirus diễn ra an toàn và không gặp phải trở ngại nào. Trước khi chuẩn bị giao chiến với hải quân của Octavius, Antonius có 2 vạn quân và 2 nghìn tay cung. Tuy nhiên, do bị dịch sốt rét hoành hành nên nhiều thủy thủ đã bị chết. Để khắc phục tình trạng trên, Antonius ra lệnh hủy tất cả những tàu thiếu thủy thủ; biên chế đủ lực lượng cho các tàu. Việc mất mát nhiều thủy thủ đã làm cho chiến thuật ramming - chiến thuật đâm thọc sườn tàu đối phương vốn là sở trường của hải quân Antonius bị hạn chế đáng kể. Theo dự tính, Antonius sẽ giao chiến với đối phương ở cửa ngõ vịnh Ambracian nhằm hạn chế tối đa ưu thế về quân số, đồng thời có thể đột phá vào phòng tuyến đối phương. Với dự tính đối phương sẽ tấn công trước, nên Antonius đã kiên trì áp dụng chiến thuật phòng ngự. Trái ngược với dự tính của Antonius, do biết được mưu đồ của đối phương nên Octavius không tấn công trước. Vì vậy, đến cuối tháng 8 năm 31 Tr.CN, quân của Antonius vẫn án binh bất động. Trong khi đó, lực lượng của Octavius vẫn hoạt động rất tích cực. Ông ra lệnh cho các đội tàu tiếp tục tiến hành các hoạt động phong tỏa và tiến hành các cuộc giao tranh nhỏ lẻ với quân Antonius. Trong khi chờ đợi đối phương tiến công, Antonius tiếp tục củng cố các trận địa phòng ngự tại Vịnh Ambracian. Tại đây, lực lượng của ông chiếm lĩnh 2 bên cửa vịnh; xây dựng các tháp cao để đặt máy phóng đạn bảo vệ cửa vịnh. Do có sự chuẩn bị trước lại được bố trí triển khai trong cửa vịnh nên lực lượng của Antonius rất an toàn, trong khi đó lực lượng của Octavius phải triển khai ngoài vịnh nên luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và bất ngờ. Được tin Octavius kéo quân đến Hy Lạp, Antonius rất lo sợ. Ông vội kéo toàn bộ lực lượng của mình tới Actium nhưng tình hình lúc này rất khó khăn bởi đường biển đã bị chia cắt, còn đường bộ cũng bị đe dọa. Trước tình hình đó, Antonius chỉ có một trong hai lựa chọn: hoặc giao chiến, hoặc quay trở lại. Nhưng quay trở lại là giải pháp bất khả thi vì nếu cả lục quân và hải quân cùng quay lại bằng đường biển thì phải sử dụng thêm tàu vận tải để chở lục quân; còn nếu chia hải quân và lục quân đi theo 2 đường khác nhau thì khi chiến sự xảy ra, hải quân sẽ phải chiến đấu đơn độc và thiếu sự chi viện của lực lượng lục quân. Trước những thử thách cam go đó, Antonius cuối cùng buộc phải chọn giải pháp giao chiến. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giao chiến trên biển hay trên bộ. Theo các nguồn sử liệu, trước khi trận đánh xảy ra, nhiều sĩ quan thân tín của Antonius khuyên ông nên lựa chọn giao chiến trên bộ vì lực lượng lục quân có ưu thế về số lượng và đã được thử thách qua chiến đấu. Họ còn là những chiến binh có tinh thần chiến đấu kiên cường, dám xả thân vì màu cờ, sắc áo của đế chế và vì danh dự của chính mình. Thế nhưng, mọi lời khuyên của cộng sự đã bị Antonius bỏ qua. Ông nghe theo lời khuyên của Cleopatra và quyết định giao chiến trên biển. III. DIỄN BIẾN Sáng ngày 2 tháng 9 năm 31 Tr.CN, Antonius triển khai đội hình chiến đấu thành 3 cánh. Cánh phải và trái triển khai ở 2 bờ vịnh Ambracian do Gellius và Gaius Sosius chỉ huy; cánh giữa do Insteius chỉ huy. Ý đồ triển khai lực lượng của Antonius xuất phát từ chiến thuật phòng ngự chủ động, ông cho rằng, với ưu thế tàu lớn, thành cao, có đai bảo vệ vững chắc với các loại máy phóng đạn, khi đối phương tiến vào vịnh, ông sẽ siết chặt đội hình, tổ chức tiến công và tiêu diệt đối phương từ nhiều hướng. Phát hiện quân Antonius chuẩn bị giao chiến, Antonius lệnh cho Agrippa đưa hạm đội của mình thẳng tiến về hướng đối phương theo đội hình cánh cung với phần giữa hơi lùi về phía sau, 2 cánh nhô về hướng đối phương. Agrippa cánh trái, Arruntius trung tâm, Lurius cánh phải. Với ý đồ nhử đối phương ra khỏi các vị trí phòng thủ, Agrippa không tiến sát đến đối phương mà dừng lại ở khoảng cách gần 1 hải lý và tìm cách khiêu khích. Đúng như ý đồ của Agrippa, khi bị khiêu khích, cánh trái của Gaius Sosius đang phòng ngự trong vịnh Ambracian không kiềm chế được nên đã tung quân ra giao chiến. Đến 11 giờ ngày 2 tháng 9 năm 31 Tr.CN đội hình tiến công của Gaius Sosius tiến ra mũi Actium. Tưởng chừng trận giao chiến đẫm máu đã có thể nổ ra, song, theo lệnh của Agrippa, lực lượng cánh phải của Lurius không giao chiến mà từ từ rút lui, đồng thời cho các tàu rẽ phải để khóa sườn đối phương, buộc Gaius Sosius phải cho các tàu cánh trái của mình tiếp tục di chuyển sang bên trái để bảo vệ sườn. Như vậy, cánh trái của Gaius Sosius bị cắt với đội hình chủ yếu làm cho đội hình chiến đấu bị phá vỡ. Đó cũng chính là mục tiêu của Agrippa. Bên cánh phải, Gellius cũng hành động thiếu thận trọng như Gaius Sosius ở bên cánh trái, cũng tách khỏi cánh giữa bởi theo kế hoạch, cánh giữa vẫn đứng yên tại chỗ hoặc tiến rất chậm, do đó 2 cánh của Antonius bị tách biệt khá xa. Sau khi Agrippa lừa được cả 2 cánh của đối phương tiến đủ xa, Lurius và Arruntius bất ngờ tấn công. Lợi dụng ưu thế về lực lượng và tốc độ cao, Lurius và Arruntius đã khóa sườn đối phương, tấn công đồng thời từ chính diện, 2 bên sườn và từ phía sau. Trong khi đó, Agrippa trao quyền chỉ huy tác chiến ở các cánh cho các chỉ huy cánh, bản thân ông cùng lực lượng chủ yếu cơ động vào khoảng trống giữa các cánh tàu địch và tấn công cánh giữa của Antonius đang bị cô lập, đánh tan tác toàn bộ lực lượng này. Đến khoảng 1 giờ trưa, trong lúc trận giao tranh đang diễn ra quyết liệt và chuẩn bị đi đến hồi kết thì Cleopatra bất ngờ ra lệnh cho 60 chiến thuyền nhỏ căng buồm theo chiều gió lách qua những con tàu đang giao tranh để chạy ra biển khơi. Thấy Cleopatra tháo chạy, Antonius liền bỏ mặc hai đạo quân thủy, bộ, dùng tàu hộ tống cao tốc để chạy theo Cleopatra. Lẽ ra sự bỏ chạy của Antonius và Cleopatra đã làm cho các đạo quân Antonius đại bại. Thế nhưng trên thực tế, sau khi biết thủ lĩnh của mình bỏ chạy, chỉ có một số tàu vứt bỏ tháp canh và máy phóng đạn rồi căng buồm tháo chạy, lực lượng chủ yếu còn lại vẫn không hề nao núng, tiếp tục chiến đấu trong tình hình rất bất lợi. Khi biết lực lượng của Antonius đã giảm sút nhiều sau cuộc tháo chạy, Agrippa dùng chiến thuật sử dụng 3 hoặc 4 tàu nhẹ của mình tiến công một tàu của đối phương. Tuy nhiên, thủ đoạn đó vẫn không mang lại kết quả. Cuối cùng, Agrippa buộc phải sử dụng cách đánh cảm tử (hay còn gọi là chiến thuật ramming); dùng các tàu của mình đâm thẳng vào hệ thống mái chèo và bánh lái tàu đối phương khiến chúng không thể cơ động được. Mặc dù thu được một số kết quả, nhưng cách đánh trên cũng buộc Agrippa phải trả giá. Những cú va đập vào tàu của đối phương có đai đồng bảo vệ, thành tàu cao và có kíp chiến đấu mạnh đã làm cho một số tàu chiến của Agrippa bị đâm thủng và bị chìm. Trước tình hình đó, Agrippa buộc phải sử dụng các mũi lao lửa, mũi tên mang chất cháy và máy phóng đạn phóng những bó đuốc từ xa, thậm chí còn ném cả những bình vôi nóng để làm mù mắt đối phương. Trận hỗn chiến kéo dài 3-4 tiếng đồng hồ. Kết quả chỉ có một số tàu chiến của Antonius chạy được về Actium, phần còn lại bị thiêu cháy và bị bắt sống. Một tuần sau đó, do không còn thủ lĩnh, cánh quân bộ của Antonius cũng bị bao vây và buộc phải đầu hàng và bắt làm tù binh. Theo các nguồn sử liệu, sau khi trận đánh kết thúc, Antonius cố gắng tìm đến Ai Cập để sống cùng Cleopatra, nhưng ông bị Cleopatra bỏ rơi. Biết được tin đó, Octavius truy đuổi đến Ai Cập, Antonius cố gắng kháng cự nhưng thất bại vì những người thân cận đã quay lưng lại với ông. Quân đội thì ngả theo địch. Trong tình thế đó, Antonius đã phải tự vẫn. Cleopatra thì tìm cách gây cảm tình với Octavius nhưng cũng không thành, khiến bà cũng phải tự kết liễu đời mình. IV. KẾT QUẢ VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ RÚT RA TỪ TRẬN ĐÁNH Thắng lợi của Octavius trong trận Actium đã đưa ông lên địa vị bá chủ vùng Địa Trung Hải. Ông còn trở thành “Augustus Caesar” và là “công dân đầu tiên” của La Mã. Sau trận Actium, Octavius trở thành người đứng đầu Nhà nước La Mã. Chiến thắng Actium đã củng cố quyền lực của Octavius đối với tất cả các thể chế của La Mã, đánh dấu sự chuyển tiếp của La Mã từ chế độ Cộng hòa sang Chuyên chế[9]. Về nguyên nhân thất bại của Antonius, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, do không có những hành động quyết đoán và cụ thể trong những tình huống nhất định nên Antonius đã bỏ lỡ cơ hội giành chiến thắng. Trước khi bước vào trận đánh, ông nắm trong tay cả lực lượng hải quân và lục quân mạnh với nguồn của cải, vật chất dồi dào. Tuy nhiên, không có đủ trí tuệ và tinh thần để sử dụng ưu thế đó, ông đã làm cho các đạo quân hùng mạnh của mình trở nên suy yếu. Bên cạnh đó, lối sông sa đọa và theo đuổi những ham muốn cá nhân đã làm cho quân đội nhìn ông với con mắt thiếu tôn trọng; sự vô cảm của ông trước những khó khăn, thiếu thốn của người khác đã khiến cho dân chúng rất bất bình. Các nhà sử học cho rằng “khó có thể tìm thấy trong lịch sử một người nào lại là kẻ thù của chính mình, dường như cố tình tự tạo ra cái chết cho mình như Antonius”[10]. Mặc dù Antonius có nhiều yếu điểm và bất lợi như vậy, nhưng quân đội của ông thì hoàn toàn khác. Đó là một đội quân dày dạn kinh nghiệm trận mạc; những chiến binh luôn chiến đấu vì sự tồn vong của đế chế và vì danh dự, trách nhiệm của chính mình. Tất cả những điều đó đã khiến quân đội của Antonius luôn là đối thủ đáng gờm của các thế lực đối kháng trong đế chế La Mã. Về phía Octavius, mặc dù không phải là người cầm quân mẫu mực, thậm chí còn tỏ ra không có tầm nhìn xa, trông rộng và thiếu thận trọng. Tuy nhiên, ông đã giành chiến thắng nhờ một loạt các yếu tố khách quan và chủ quan, về mặt khách quan, đó là sự lơ là và thiển cận của Antonius. Ngoài ra, còn một yếu tố bất ngờ khác là trước khi trận đánh nổ ra, Quintus Dellius - một trong những tướng tài của Antonius đã đào ngũ và mang theo cả kế hoạch chiến đấu sang hàng ngũ đối phương. Do nắm được kế hoạch của Antonius nên Octavius không chỉ tránh được đòn tập hậu, mà còn biến thế mạnh và sở trường của đối phương thành điểm yếu để tiến công. Về mặt chủ quan, tuy Octavius không phải là một thủ lĩnh xuất sắc và có tầm nhìn xa trông rộng; song bù lại, ông có Agrippa - một người bạn trung thành, một trợ thủ đắc lực đầy tài năng và có nhiều kinh nghiệm trận mạc. Trước trận đánh, Agrippa đã cho quân cắt đứt các đường vận chuyển, tiếp tế của đối phương, khiến cho quân đội của Antonius không chỉ thiếu quân lương mà thiếu cả nguồn bổ sung quân số khi bị thiếu tay chèo. Trong trận đánh, Agrippa đã vận dụng nhiều cách đánh phù hợp, linh hoạt với tất cả lực lượng và phương tiện của mình. Không chỉ tài thao lược trong lĩnh vực chiến thuật, Agrippa mà còn chứng tỏ là người có đầu óc chiến lược. Trước khi bước vào trận chiến, ông đã cho xây dựng căn cứ hải quân Julia thành một căn cứ hải quân mạnh và dễ dàng cơ động. Trong trận đánh, ông đã sử dụng lực lượng của mình một cách hợp lý, linh hoạt để thực hiện nhiều nhiệm vụ như: Chia cắt các tuyến đường giao thông vận chuyển của đối phương; đánh chiếm và phá hủy các phương tiện vận tải; ngăn chặn việc tiếp tế đường biển khiến cho lực lượng trên tàu thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Gây rối và đánh phá hậu phương quân địch; Đánh chiếm các thành phố quan trọng trong lãnh thổ đối phương; đặc biệt là những thành phố cảng hoặc đầu mối giao thông ven biển (như các thành phố Methone, Patra, Korinpho), tạo điều kiện tăng cường phá hủy tiềm lực của địch, ngăn chặn hoặc gây khó khăn cho việc vận chuyển đường bộ; Đánh chiếm những hòn đảo là căn cứ điểm tựa của hải quân đối phương (như đảo Corcyra, Lepcadia), thu hẹp tối đa phạm vi hoạt động của đối phương; đồng thời sử dụng các đảo đó làm vị trí quan sát, kiểm soát đường biển; Tận dụng mọi cơ hội đánh địch trên biển và trên bộ để tiêu diệt sinh lực địch, nhất là tận dụng yếu tố bất ngờ, đánh vào những nơi địch ít ngờ nhất. Trong số những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Antonius còn phải kể đến yếu tố vũ khí và trang bị. Trong trận Actium, phần lớn các tàu của Antonius đều là những tàu lớn, được trang bị các móc sắt lớn để quăng vào tàu đối phương. Cách đánh này rất hiệu quả nếu các móc sắt quăng trúng tàu đối phương. Thế nhưng, nếu không quăng trúng, các móc thép đó có thể đập vào tàu của mình và làm thủng mạn. Đôi khi, chúng còn làm giảm khả năng cơ động, khiến các tàu lớn trở thành mục tiêu tiến công của các tàu nhỏ. Một yếu tố kỹ thuật khác khiến tàu của Antonius trở nên ưu thế, song cũng trở thành hạn chế so với các tàu của đối phương; đó là, phần lớn các mũi tàu của Antonius được bọc bằng các phiến đồng và gỗ cắt vuông, cho phép chúng có thể đâm thẳng vào tàu đối phương theo lối đánh ramming. Tuy nhiên, trong quá trình diễn ra trận đánh, do thiếu các tay chèo nên chiến thuật ramming hầu như không thu được kết quả. Trái ngược với đội tàu chiến của Antonius, phần lớn các tàu chiến của Octavius đều là tàu chiến nhỏ nhưng được trang bị tốt hơn, thủy thủ đoàn được huấn luyện bài bản hơn. Ưu điểm lớn nhất của các tàu này là dễ điều khiển khi lướt sóng; có khả năng đảo mạn quay tàu để chiến đấu sau khi phóng lao vào mục tiêu và rút lui để khỏi bị đánh trả. Bên cạnh đó, chúng còn được trang bị các tháp bắn cung tên và pháo bắn đá, với những quả đạn đủ mạnh để tiêu diệt quân địch. Tóm lại, để giành thắng lợi trong trận Actium, ngoài việc vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt tác chiến hải quân, Antonius còn kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến trên bộ và trên biển; giữa đánh tiêu diệt sinh lực với gây rối, tàn phá hậu phương địch. Nếu như những bài học về tác chiến trên biển ít có khả năng vận dụng trong chiến tranh hiện đại thì những bài học về kết hợp tác chiến thủy - bộ nhằm giành thắng lợi quyết định trên biển của trận Actium cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Người viết: Đại tá HÁN VĂN TÂM TRẬN GRAVELINES (21 - 30.7.1588) I. BỐI CẢNH Vào thế kỷ XVI, Anh và Tây Ban Nha là những nước có mâu thuẫn tôn giáo và chính trị sâu sắc nhất ở châu Âu. Ngay từ năm 1530, vua Anh Henri VIII đã cắt quan hệ với La Mã và tuyên bố là người đứng đầu Giáo hội Anh. Đây được coi là bước đi chưa từng có vào thời kỳ đó. Trong khi đó, Tây Ban Nha là một "con chiên ngoan đạo", vì vậy Tòa thánh muốn lợi dụng sức mạnh của Tây Ban Nha để giành lại quyền kiểm soát đối với nước Anh. Nhưng có một nghịch lý là mặc dù có mâu thuẫn tôn giáo, song suốt một thời gian dài, Anh và Tây Ban Nha vẫn duy trì quan hệ ngoại giao hữu nghị. Năm 1543, hai nước hợp sức chống nước Pháp. Mười năm sau, triều đình hai nước còn liên minh với nhau bằng việc cho Philip II cưới Mary Stuart[11]. Người dân Anh rất phản đối cuộc hôn nhân giữa Mary Stuart với Philip vì họ lo sợ nước Anh sẽ phải lệ thuộc vào Tây Ban Nha. Trong bối cảnh đó, năm 1557, Elizabeth đã hành quyết Mary và năm 1558, bà lên ngôi Nữ hoàng Anh. Là người theo đạo Tin lành, Elizabeth rất tích cực ủng hộ phong trào đấu tranh của người theo đạo Tin lành ở Pháp và Hà Lan đang nổi dậy chống chính quyền Tây Ban Nha. Lúc này, vua Tây Ban Nha Philip II là một người Công giáo mộ đạo; ông cũng đồng thời mang danh nghĩa vua nước Anh vì là chồng của Nữ hoàng Anh Mary Stuart. Chính vì những sự kiện trên nên mới có quan điểm cho rằng mâu thuẫn tôn giáo là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trận Gravelines. Song nghiên cứu toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội của Anh và Tây Ban Nha thời kỳ này cho thấy cùng với mâu thuẫn tôn giáo còn có những mâu thuẫn khác; đó là mâu thuẫn giữa các triều đại và mâu thuẫn trong việc tranh giành thuộc địa của hai nước. Vào các thế kỷ XV và XVI, Tây Ban Nha là một trong những đế quốc lớn nhất thế giới và là một trong những đế quốc toàn cầu đầu tiên trên thế giới; là quốc gia tiên phong trong phong trào thám hiểm thế giới và bành trướng thuộc địa cũng như tiên phong trong việc mở các lộ trình giao thương qua đại dương, phát triển thông thương qua Đại Tây Dương, giữa Tây Ban Nha với Mỹ và qua Thái Bình Dương, giữa châu Á - Thái Bình Dương với Mexico qua Philippines. Trong một khoảng thời gian, đế chế Tây Ban Nha thống trị các đại dương nhờ hạm đội tàu giàu kinh nghiệm, một sức mạnh bậc nhất toàn cầu, và họ thống trị những chiến trường ở châu Âu với một lực lượng bộ binh dày dạn và thiện chiến. Tây Ban Nha đã làm chủ Bồ Đào Nha, Nam Italia, Hà Lan. Không chỉ làm chủ châu Âu, Tây Ban Nha còn nắm quyền đối với một nửa lãnh thổ Tây bán cầu: từ Florida và California đến Argentina. Chứng kiến sự thịnh vượng của đế quốc Tây Ban Nha nhờ của cải thu được từ nước ngoài, Anh cũng bắt đầu xây dựng những mạng lưới giao thương tới châu Mỹ và châu Á. Năm 1562, một tàu Anh do John Howkins làm thuyền trưởng đã đến vùng biển Carribean và đưa về nước rất nhiều của cải và nô lệ da đen. Howkins bị lên án gay gắt vì tội buôn người; nhưng Elizabeth - người thừa kế một ngân khố trống rỗng và những khoản nợ từ người cha Henri VIII không những tha thứ cho Howkins mà còn phong tước hiệp sĩ cho ông; đồng thời ra lệnh tổ chức một đoàn thám hiểm mới do Howkins chỉ huy với một nhiệm vụ bí mật là cướp các tàu Tây Ban Nha. Sau đó hoạt động này được tổ chức thường xuyên theo nguyên tắc thông thường là các công ty cổ phần; trong đó Elizabeth là cổ đông của Công ty Howkins. Nhiều quan chức cao cấp cũng noi theo tấm gương của Nữ hoàng. Trên đường đến châu Mỹ, các tàu Anh thay vì phải vào các cảng của Tây Ban Nha để nộp thuế thì họ lại đi thẳng; không những không nộp thuế mà còn tấn công các tàu Tây Ban Nha. Những hành động đó của Anh đương nhiên bị Tây Ban Nha kịch liệt phản đối và có những biện pháp đáp trả. Năm 1568, đoàn tàu của Howkins gặp bão, phải vào đảo San Juan Ulloa gần bờ biển của Phó vương Tân Tây Ban Nha (nay là Mexico) để sửa chữa liền bị các tàu chiến của Phó vương bắn phá và đánh chìm hầu như toàn bộ. Elizabeth làm ra vẻ vô tội và muốn người anh rể Philip II xin lỗi vì hành động trừng phạt trên. Nhưng Philip II đã buộc tội Nữ hoàng Anh là giả nhân, giả nghĩa và ngấm ngầm thù địch với Tây Ban Nha. Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng đến mức không thể hòa giải. Hai bên bắt đầu các hoạt động chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. II. QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ Ngay từ năm 1583, Philip II đã ra lệnh tổ chức một hạm đội để tấn công nước Anh. Quyết định tấn công nước Anh, Philip II không có ý định đánh chiếm nước này và sáp nhập vào đế quốc Tây Ban Nha. Kế hoạch của ông hoặc là lật đổ Elizabeth và đưa người của mình lên ngôi, hoặc buộc bà phải thực hiện tất cả các yêu cầu trước đây của Tây Ban Nha, gồm: Nước Anh phải: a) Rút quân Anh khỏi Hà Lan thuộc Tây Ban Nha, nhất là tỉnh Flasing, cảng Antwerpen đang bị người Tây Ban Nha phong tỏa; b) Chấm dứt ủng hộ nghĩa quân Hà Lan; c) Chấm dứt các hoạt động cướp biển đối với các tàu Tây Ban Nha và thừa nhận độc quyền thương mại của Tây Ban Nha với Đông Ấn; d) Bồi thường cho Tây Ban Nha những chi phí trang bị cho Armada và những thiệt hại do cướp biển Anh gây ra đối với Armada; e) Khôi phục các quyền của nhà thờ Thiên Chúa giáo Anh và hoàn trả ruộng đất đã bị Henry VIII trưng thu. Philip II thậm chí hy vọng rằng kể cả khi quân Anh không bị đánh bại hoàn toàn, thì việc đe dọa tấn công ít nhất cũng khiến cho Elizabeth phải tôn trọng các quyền của người Anh Thiên Chúa giáo hơn như thi hành Thánh lễ và các nghi thức khác của nhà thờ mà họ đang bị cấm. Yếu tố quan trọng để đổ bộ thành công lên nước Anh, theo các cố vấn của Philip II, là trước tiên phải chiếm được các cảng của Hà Lan, đặc biệt là cảng Antwerpen và Flessingen. Đây là một việc hết sức khó khăn và đòi hỏi phải có thời gian bởi trong 20 năm tiến hành cuộc chiến tranh chống Hà Lan, Tây Ban Nha chỉ tập trung vào các hoạt động trên bộ, trong khi ngành hàng hải của Hà Lan tiếp tục phát triển mạnh và có đầy đủ các phương tiện để bảo vệ vùng biển của mình. Nhưng Philip II không muốn trì hoãn việc tấn công nước Anh, do đó đã chọn Newport và Dunkirk là 2 thành phố ven biển, nhưng không có cảng, làm vị trí tập kết đưa quân lên tàu. Mọi công tác chuẩn bị được gấp rút tiến hành; đặc biệt là tập trung loại tàu nhẹ để vận chuyển quân và hàng hóa. Việc quan trọng tiếp theo là phải giành quyền khống chế trên biển trong quá trình chuyển quân. Nhằm mục đích đó, Philip II ra lệnh chuẩn bị một hạm đội có thể vượt qua mọi sự kháng cự một cách vô điều kiện. Đầu năm 1586, Philip II giao cho Santa Cruz lên kế hoạch xây dựng hạm đội này, gọi là Armada Tây Ban Nha. Để xây dựng Armada, tất cả các tàu cập cảng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều bị giữ lại; ngoài tàu Tây Ban Nha còn tập trung cả tàu của Bồ Đào Nha, Neopolitan và Venetian, kể cả tàu chạy buồm và tàu tay chèo, trong đó có một số tàu Hanseatic. Toàn bộ số tàu này được đưa về tập trung tại Lisbon để hội quân và đưa vũ khí, đạn được lên tàu. Santa Cruz xây dựng Armada phù hợp với điều kiện ở Địa Trung Hải: các tàu vận tải có mái chèo là những chiếc thuyền dài và thấp, có các mái chèo hai bên mạn; tàu chiến là các loại thuyền buôn kiểu Hulk hoặc Urca cải biến, mũi tàu cao hơn, có tháp chỉ huy, trang bị pháo, có thể chở nhiều lính. Tháng 2 năm 1588, Santa Cruz qua đời, Philip II phải tìm một người thay thế. Chỉ huy một lực lượng khổng lồ của Tây Ban Nha thế kỷ XVI chỉ có thể là một người có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội và có địa vị, có khả năng hợp tác chặt chẽ với một nhà quý tộc cao cấp là công tước xứ Parma. Nhà vua đã chọn Medina Sidonia, một quý tộc đáng tin cậy nhưng không hề hiểu biết gì về biển và không có kinh nghiệm quân sự. Medina Sidonia là người tự biết khả năng của mình nên đã từ chối sự bổ nhiệm này, nhưng nhà vua không thay đổi quyết định của mình. Lực lượng Armada gồm 130 tàu chiến, 2.430 khẩu pháo và 30.500 quân; trong đó 8.050 thủy thủ, 18.973 binh sĩ và 2.088 nô lệ chèo thuyền, còn lại gần 1.400 người là sĩ quan. Lương thực đem theo gồm hàng triệu pound bánh quy; 600.000 pound thịt, cá muối; 300.000 pound pho mát; 400.000 pound gạo; 6.000 bao bo bo; 40.000 thùng dầu ăn; 14.000 thùng rượu vang; 124.000 ngòi nổ và thuốc nổ cho 500.000 viên đạn. Tuy nhiên, trước khi ra khơi, Armada đã gặp nhiều vấn đề về quân nhu cũng như trang thiết bị hàng hải: lương thực, thực phẩm dự trữ được đưa lên tàu quá sớm nên đã có dấu hiệu hư hỏng; thùng chứa nước bị rò rỉ; đạn pháo sai cỡ nòng... Mặc dù vậy, các nguồn dự trữ vẫn đảm bảo cho hạm đội có khả năng hoạt động trên biển trong khoảng 4 tháng. Nhằm đánh lừa Elizabeth và khiến bà không chuẩn bị cho cuộc chiến tranh, thông qua công tước xứ Parma, Philip II tiến hành các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm với Anh nhằm xóa bỏ những hiểu lầm giữa hai nước. Đương nhiên Elizabeth hiểu rõ thủ đoạn của Philip II và từ lâu Anh đã tính tới việc phải đối phó với những âm mưu của Tây Ban Nha. Thời kỳ này, Anh đã ký hiệp ước liên minh quân sự với Hà Lan; đồng thời tăng cường phòng thủ và xây dựng các trạm tín hiệu ven biển Cornula, Kent và trên các đảo ở Manche. Quân đội Anh có một hậu phương vững chắc. Tinh thần yêu nước của người dân Anh rất cao; người Anh coi việc phục vụ trong lực lượng hải quân là một niềm vinh dự. Kể từ các trận hải chiến Duvre và Ekliuz, hải quân Anh có đủ những người có kinh nghiệm chiến đấu trên biển. Khi biết tin Tây Ban Nha chuẩn bị tấn công Anh, nhiều người Corxar đã tình nguyện gia nhập lực lượng quân đội hoàng gia, họ là những người có kinh nghiệm chiến đấu với người Tây Ban Nha. Chính phủ đã tiếp nhận họ và bổ nhiệm những người này vào những chức vụ quan trọng. Nhiều doanh nhân và quan chức đã tình nguyện ủng hộ nhiều tàu, do đó hải quân không phải trưng dụng tàu nước ngoài. Trên các tàu của hải quân Anh không có nô lệ, không có công tố viên cùng các đao phủ như hải quân Tây Ban Nha. Trong lực lượng hải quân Anh chỉ có người Anh nên không có mâu thuẫn sắc tộc: người Scotland và Ireland khi đó không phải là thần dân Anh; con người xứ Wales là người miền núi, họ không gia nhập lực lượng hải quân và cũng không cạnh tranh với người Anh. Trong Hạm đội Anh, mọi người được tự do thực hiện các sở thích của mình; các trò đánh bạc và tiêu khiển không bị cấm đoán. Điều đáng nói là sự tự do này không phương hại đến sức mạnh của hải quân Anh vì người Anh có đặc tính nhanh chóng chuyển từ trạng thái nghỉ ngơi sang làm việc. Đặc biệt, hải quân Anh không có vấn đề về đội ngũ chỉ huy. Năm 1585, Elizabeth bổ nhiệm công tước Lord Howard xứ Effingham làm Tổng Đô đốc hải quân Hoàng gia Anh. Howard cùng lứa tuổi với Medina Sidonia và Diego Flores nhưng khác với họ, ông có kinh nghiệm hàng hải, nổi tiếng là một chỉ huy dũng cảm và không vụ lợi. Các hải đoàn cũng do những người đi biển nổi tiếng chỉ huy như Phó Đô đốc Drake, các đô đốc Frobisher, Howkins và quý tộc Seymour. Hải quân Anh trang bị gần 200 tàu, trong đó có 34 tàu hoàng gia; quân số từ 9 đến 15 nghìn (theo các nguồn tư liệu khác nhau)[12], trong đó 2 phần 3 là những người chuyên đi biển, do đó họ nắm rất chắc chiến trường sắp tới. Hạm đội Anh được tổ chức thành 4 hải đoàn. Trong khi chiến tranh chưa xảy ra, các hải đoàn tăng cường luyện tập, họ tập bắn không tiếc đạn. Các tàu Anh không cần các tay chèo và điều khiển dễ hơn tàu tay chèo. Tuy nhiên độ vững chắc và độ bền vỏ tàu của các tàu Anh kém hơn tàu Tây Ban Nha. Hải quân Anh có không quá 1.200 khẩu pháo[13]. Hải quân hoàng gia đã trưng dụng tàu từ các thành phố, nhưng việc chuẩn bị quân nhu và vũ khí chưa được chú ý đúng mức. Điều này khiến Howard rất lo lắng vì sẽ vô cùng nguy hiểm đối với hạm đội và đất nước một khi chiến tranh xảy ra. Trong bối cảnh đó, Lord Howard đề nghị thường xuyên duy trì 6 tàu lớn và 6 tàu nhỏ và định kỳ luân phiên các tàu này để theo dõi tình hình bờ biển Tây Ban Nha. Nhưng lời đề nghị của Lord Howard đã không được chấp thuận; thậm chí khi nhận được tin Armada đã vào Coruna, Elizabeth vẫn ra lệnh giải giáp những tàu lớn nhất và giải động viên một nửa quân số. Howard phải rất khó khăn mới bãi bỏ được lệnh này: ông đã nhiều ngày cho quân lính ăn một nửa khẩu phần và bỏ tiền túi ra trang trải các chi phí. Cuối cùng, hải quân hoàng gia đã tập trung được toàn bộ số tàu hiện có; lục quân được kéo xuống phía Nam. Số tàu Anh được trang bị, kể cả 23 chiếc tình nguyện gia nhập hạm đội trong quá trình trang bị, lên tới 197 chiếc, với 15.000 quân; trong đó chủ yếu là thương thuyền, có 88 chiếc tải trọng chỉ từ 90 đến 120 tấn và chỉ phù hợp với nhiệm vụ bổ trợ. Trước sự chuẩn bị của Tây Ban Nha, Đô đốc Drake đề nghị Nữ hoàng Elizabeth cho mở cuộc tấn công Tây Ban Nha nhằm cản trở sự chuẩn bị của họ và không để cho người Tây Ban Nha tiến vào nước Anh. Lời đề nghị này đã được Nữ hoàng chấp thuận. Năm 1586, theo lệnh của Elizabeth, Đô đốc Sir Francis Drake bắt đầu tập kích các tàu buôn Tây Ban Nha trên Thái Bình Dương và vùng biển Carribean; đầu tiên ở khu vực Vigo, sau đó đến quần đảo Canar và Cape Verde, tiếp đó đánh chiếm Santo Damingo và Cartagena. Ngày 19 tháng 4 năm 1586, với 4 tàu hoàng gia và 20 tàu buôn có vũ trang do London và các thành phố khác cung cấp, Drake tấn công Cadiz, nơi Công tước Medina Sidonia đang cai quản. Medina Sidonia hoàn toàn không ngờ sẽ bị tấn công nên không hề có sự chuẩn bị đối phó. Yếu tố bất ngờ đã giúp Drake chiếm được bến cảng, chiếm và phá hủy nhiều tàu, trong đó có 6 tàu tải trọng 100 tấn trở lên (loại tàu lớn nhất lúc bấy giờ). Cuối tháng 4, sau khi thu được nhiều chiến lợi phẩm có giá trị trong khi tổn thất không đáng kể, Drake tiếp tục phát triển tấn công. Sedina Sidonia cho rằng để ngăn chặn đà tấn công của quân Anh, phương án thích hợp nhất là củng cố ở Sevilnia. Trong quá trình phát triển tấn công, Drake tiến đến cửa biển Taho và khiêu chiến với lực lượng Tây Ban Nha do Santa Cruz chỉ huy. Do lực lượng của mình chưa sẵn sàng nên Santa Cruz không tham chiến. Trước tình hình đó, Drake tiến về quần đảo Azor với ý đồ bắt giữ các thuyền buồm của Tây Ban Nha từ Đông Ấn trở về nhằm buộc Tây Ban Nha phải điều thêm tàu bảo vệ. Drake cho rằng bằng cách đó sẽ buộc Tây Ban Nha sao nhãng việc xây dựng lực lượng Armada. Sau gần 3 tháng quấy phá sự chuẩn bị của Tây Ban Nha và chiếm được một số tàu cùng hàng hóa của nước này, cuối tháng 6, Drake trở về Anh. Để chống lại các cuộc tấn công của người Anh, Tây Ban Nha đã tiến hành cuộc viễn chinh do Robert Dudley, Bá tước xứ Leicester chỉ huy. Do khó khăn về tài chính và thiếu hụt binh lính cộng với sự bất tài của Dudley, cuộc viễn chinh đã nhanh chóng thất bại. Sau thất bại của Dudley, Philip II đã quyết định xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh, có khả năng vượt qua mọi trở ngại trên biển và chuẩn bị kế hoạch viễn chinh mới. Đến tháng 12 năm 1587, Dudley bị bãi nhiệm và vua Philip II quyết định tấn công nước Anh. Cuộc hành quân quấy phá của Drake đã khiến Armada phải lùi việc xuất quân gần 1 năm. Theo kế hoạch của Tây Ban Nha, Armada cần xuất quân trước tháng 3 năm 1588 vì sau tháng 3 thường có gió bắc rất mạnh; mặt khác, để bảo đảm giành thắng lợi, Armada cần phải tiến đến bờ biển nước Anh trước khi hải quân Anh sẵn sàng nghênh chiến. Song do thay đổi Tổng tư lệnh và sự tắc trách của cơ quan tham mưu nên phải đến tháng 5, Armada mới sẵn sàng lên đường. Lực lượng chính của hạm đội được chia thành 6 hải đội theo các vùng: Bồ Đào Nha (Medina Sidonia), Biscay (Juan Martinez de Recalde), Kastili (Diego Flores de Vandes), Andaludi (Pedro de Vandes), Gvipusco (Miguel de Oquendo) và Levanta (Martin de Bectendona); mỗi hải đội có 10-14 tàu từ 166 đến 1.250 tấn, 12-52 pháo và 110-500 người; ngoài ra có một số tàu nhỏ làm nhiệm vụ liên lạc. Trong số 75 tàu chiến có 19 tàu tải trọng 300 tấn, 49 tàu tải trọng 500-1.000 tấn và 7 tàu tải trọng 1.000-1.250 tấn; đây là những tàu lớn nhất lúc bấy giờ. Medina Sidonia đi trên con tàu tốt nhất thế giới - tàu chỉ huy San Martin; cố vấn chính bên cạnh Medina Sidonia là Diego Vandes, nghề đóng tàu, một người hay hoài nghi và thận trọng. Ngoài ra trong hạm đội còn có: 1 tiểu đoàn 4 tàu lớn được điều từ Neapol, trang bị 50 khẩu pháo với khoảng 335 người, chưa kể 300 tay chèo, do Gugo Moncada chỉ huy; 1 tiểu đoàn 4 tàu nhỏ được điều từ Bồ Đào Nha, mỗi tàu có 5 khẩu pháo với gần 100 người, không kể 220 tay chèo; Nhiều tàu vận tải, trong đó 23 tàu lớn, tải trọng 160-650 tấn, tất cả đều được trang bị vũ khí: 38 khẩu pháo và 280 người; các tàu này hợp thành một tiểu đoàn (do Juan Homes de Medina chỉ huy). Nhiều tàu hạng nhẹ, trong đó 27 tàu tải trọng dưới 100 tấn; phần lớn số tàu này cũng được trang bị vũ khí nhưng chủ yếu làm nhiệm vụ liên lạc và trinh sát (do Antony Mendoza chỉ huy). Đây là lần huy động số lượng tàu lớn nhất của Tây Ban Nha từ trước tới giờ, do đó hạm đội này còn được gọi là Armada vô địch. So sánh một số tính năng chủ yếu giữa tàu chiến Anh và tàu chiến Tây Ban Nha thì tàu của Anh có tốc độ nhanh hơn và khả năng cơ động linh hoạt hơn so với tàu Tây Ban Nha. Trên các tàu Tây Ban Nha mặc dù trang bị pháo lớn nhưng người sử dụng vẫn là những người lính bình thường, còn tàu Anh là các kíp chuyên nghiệp quen với tác chiến trên biển; với các pháo cỡ nhỏ, đạn của Anh có tầm bắn xa hơn và sức công phá mạnh hơn, do đó người Anh có ưu thế ở tầm xa. Những tàu chiến mới của Anh được chế tạo có khoảng rộng cho bệ pháo khiến cho việc quay nòng pháo được dễ dàng và góc bắn rộng. Hành trình từ Lisbon đã bộc lộ tính cồng kềnh của Armada. Những chiếc thuyền buồm lớn, cao, đồ sộ như những "lâu đài nổi" được thiết kế vững chắc phù hợp với chiến thuật đánh áp mạn và giáp lá cà nhưng lại đi rất chậm và khó cơ động chuyển hướng. Nhiều tàu buôn đã được cải biên cho phù hợp với điều kiện tác chiến ở Địa Trung Hải và trong những trường hợp bất lợi thì chỉ có thể ứng phó bằng cách đơn giản là neo và chờ gió đổi hướng. Một số tàu có mái chèo thích hợp với vùng Địa Trung Hải, nhưng lại rất nguy hiểm trong những vùng có sóng to ở duyên hải Đại Tây Dương. III. DIỄN BIẾN Ngày 12 tháng 5 năm 1558, Armada đến Coruna ở phía Bắc Tây Ban Nha và dừng lại để bổ sung dự trữ. Ngay trong đêm đó, một số tàu bị hư hỏng do giông bão nên Armada phải ở lại Coruna để sửa chữa. Chỉ đến khi có lệnh mới của nhà vua, ngày 20 tháng 6, Armada buộc phải tiếp tục lên đường. Medina Sidonia chỉ huy hạm đội đi về hướng đảo Wait với hy vọng sẽ tìm được nơi dừng chân thuận lợi và đợi tin tức từ Parma. Ngày 20 tháng 7 người Anh phát hiện Armada đang đến gần. Ngày 21 tháng 7, hải đoàn Phương Tây của Hạm đội Anh từ Plymouth tiến về hướng Armada, vòng ra phía sau đội hình Armada và ngày hôm sau triển khai tấn công. Tại Plymouth, người Tây Ban Nha chịu những tổn thất đầu tiên nhưng không phải do hỏa lực đối phương mà do chiếc tàu chỉ huy Rodario của Pedro de Valdes va chạm với tàu Santa Catalina và bị mất cột buồm; sau đó va chạm với San Salvador là tàu chở kho chứa của hạm đội, tàu bị bốc cháy và 2 thùng thuốc súng phát nổ. Hàng hóa và những người sống sót được đưa khỏi tàu nhưng tàu bị hư hỏng phải để lại. Rạng sáng ngày 22 tháng 7, tàu Rodario đi sau đội hình bị Drake bắt, trên tàu có 500 binh lính và thủy thủ cùng 50 khẩu pháo; ít lâu sau, tàu San Salvador hư hỏng nặng cũng rơi vào tay người Anh. Lúc này Howard chia hạm đội của mình thành 4 cụm, lần lượt bắn vào đội hình tàu Tây Ban Nha. Hải quân Tây Ban Nha duy trì đội hình chiến đấu theo quy định của hoàng gia là đội hình bố trí theo hình bán nguyệt, ở giữa là tàu vận tải. Trước đội hình đó và dựa vào tầm bắn xa của pháo nên các tàu Anh cố gắng không tiếp cận quá gần đội hình Tây Ban Nha. Sau một vài cuộc đụng độ, hải quân Anh đã đẩy lui được Hạm đội Tây Ban Nha ra khỏi khu vực hòn đảo. Mặc dù phải tiêu hao hầu hết số đạn dược vốn đã rất ít, song hiệu quả hỏa lực pháo của hải quân Anh rất thấp, do đó thiệt hại của Tây Ban Nha không đáng kể[14]. Hải quân Anh đã sử dụng gần hết cơ số đạn, song trước hỏa lực cấp tập của họ, Medina Sidonia cho rằng người Anh vẫn có khả năng tiếp tục tấn công. Ông quyết định đi về phía bờ biển Flandria với hy vọng sẽ được Parma chi viện. Trước đó không lâu, ông đã phái tàu liên lạc với Parma nhưng tàu này đã bị người Hà Lan bắt giữ. Trước tình thế đó, Armada quyết định hành quân về Calais. Trên đường đi, Armada bị tổn thất thêm tàu Santa Anna. Chỉ huy lực lượng ở Calais lúc này là Giro de Moleon, một người công giáo có cảm tình với người Tây Ban Nha và căm thù người Anh. Cảng Calais rất hẹp đối với một hạm đội lớn như Armada, nhưng các tàu Tây Ban Nha có thể thả neo dưới sự yểm trợ của các đại đội pháo bờ biển, đây là nơi tương đối an toàn trước sự tấn công của người Anh, và có thể bổ sung quân lương và nước dự trữ. Ý đồ của Medina Sidonia tiếp tục tiến về phía Dunker đã không thể thực hiện do người Hà Lan đã tháo bỏ tất cả các phao tiêu và biển báo từ Lale đi về phía Đông. Lợi dụng khó khăn của người Tây Ban Nha, đêm 26 rạng ngày 27 tháng 7, lợi dụng thủy triều và gió bắc, quân Anh thả 8 chiếc tàu Brander (do Hà Lan chế tạo) chở các vật liệu cháy về phía các tàu Tây Ban Nha đang co cụm. Mặc dù các tàu Brander của Anh chưa tới mục tiêu nhưng do hoảng loạn, nhiều tàu Tây Ban Nha đã cắt cáp neo bỏ chạy. Không có neo dự phòng, các tàu Tây Ban Nha đã không thể duy trì được đội hình chiến đấu, buộc phải rời khỏi lãnh hải Pháp và đi về Ostenda. Những chiếc tàu Brander đã không gây tổn hại gì Armada, nhưng nhiều tàu Tây Ban Nha bị hư hỏng do va chạm với nhau. Do thiếu đạn, Howard không thể tận dụng triệt để sự lúng túng của đối phương. Quân Anh chỉ tấn công chiếc tàu Galeon bị mất phương hướng đang vào vịnh. Đô đốc Tây Ban Nha ở lại vị trí cùng 4 tàu lớn (Galleon), sẵn sàng giao chiến với ý định giam chân người Anh để các tàu còn lại của Armada có thời gian củng cố. Sáng hôm sau, 27 tháng 7, Howard và Drake được tăng cường hải đoàn của Công tước Seymour cùng với lực lượng của Đô đốc Iusta Nassau. Một kiểu liên hạm đội của hai cường quốc biển Anh và Hà Lan được hình thành. Mặc dù không có tổng chỉ huy, các hạm đội vẫn hoạt động độc lập, song điều đó không ảnh hưởng tới việc hiệp đồng tác chiến. Với lực lượng được tăng cường và có ưu thế, Howard quyết mở đòn quyết định với Armada trong một trận đánh gần bờ biển Flandria, nằm giữa Gravelines và Ostenda. Cuộc tấn công do Drake chỉ huy. Các tàu của Anh khai hỏa từ cự ly l00m. Trong trận này, ưu thế thuộc về pháo binh Anh. Cũng như trước đây, người Anh tránh đánh giáp lá cà và chỉ sử dụng hỏa lực pháo; nhưng lần này ở cự ly gần, họ tập trung hỏa lực vào những tàu bị tách khỏi đội hình, gây thiệt hại đáng kể cho đối phương. Pháo binh Tây Ban Nha bắn phá không hiệu quả vì đạn của họ được chế tạo bằng gang với công nghệ không hoàn chỉnh. Khi bắn vào thành tàu, đạn thường bị vỡ tan thành những mảnh vụn nên không có khả năng xuyên thủng thành tàu. Ngoài ra, do pháo được đặt trên những thương thuyền hoán cải nên khi bắn đồng loạt, sức giật của những khẩu pháo đã gây thiệt hại cho các tàu. Trận đấu pháo kéo dài gần 9 tiếng. Các tàu Tây Ban Nha cơ động kém hơn, lại bị ngược gió nên không thể chi viện cho nhau. Người Anh đã đánh chìm 1 (có tài liệu nói 2) tàu Tây Ban Nha và đánh hỏng một số khác. Ngoài ra, còn một số tàu bị mắc cạn ở Calais; 3 tàu bị gió cuốn sang phía Đông và cũng bị mắc cạn rồi nhanh chóng bị người Hà Lan bắt giữ. Đến giờ thứ 10 của trận đánh, cả hai bên đều hết đạn. Đấu pháo là một chiến thuật mới trong hải chiến, do đó không bên nào có thể lường định được lượng đạn tiêu hao trong một trận đánh. Trận đánh không đem lại cho người Anh thắng lợi hoàn toàn, thêm vào đó họ lại bị hết đạn mà lần này không thể nhanh chóng bổ sung. Medina Sidonia vẫn không nắm bắt được tình thế của Anh và không quyết định tấn công đối phương, hơn nữa nguồn dự trữ đạn dược của phía Tây Ban Nha cũng gần cạn. Đô đốc Medina Sidonia tin rằng, với lực lượng hiện có ông không thể giành quyền kiểm soát được vịnh Kale, cũng không thể nói đến việc tiến đến Margeit và cửa biển Temza. Vì vậy, ông quyết định rút về nước. Các chuyên gia quân sự cho rằng, thất bại của Tây Ban Nha trong trận Gravelines là rất nghiêm trọng, song không hẳn là một thảm kịch. Mặc dù kế hoạch tấn công nước Anh của Tây Ban Nha đã bị phá sản, Anh và Hà Lan đã bẻ gãy cuộc tấn công của Tây Ban Nha, song đội hình của Armada vẫn còn 110 tàu, trong đó gần 60 tàu chiến[15]. Với lực lượng đó, Medina Sidonia có thể chọn các phương án rút lui an toàn. Trước hết là chuyển lực lượng từ những tàu hỏng nặng nhất sang các tàu còn lại để rút về căn cứ Briugge. Một phương án khả thi nữa là trở về Kale và đưa toàn bộ lực lượng lên bờ; sau đó giao tàu cho các đồng minh ở Pháp, còn lực lượng đổ bộ sẽ đến Briugge bằng đường bộ. Với phương án này, Tây Ban Nha có thể sẽ tổn thất một phần đáng kể hoặc phần lớn số tàu, nhưng bù lại sẽ bảo toàn được lực lượng 20 nghìn chiến binh dày dạn kinh nghiệm. Phương án cuối cùng là sử dụng số quân lương còn lại cố gắng quay về Tây Ban Nha qua Manche vì lúc này ở Đại Tây Dương chưa bắt đầu mùa bão[16]. Tại cuộc họp Hội đồng quân sự, ngày 28 tháng 7, bất chấp những đề xuất của các chỉ huy cấp dưới, Medina Sidonia đã ra lệnh không đi theo các phương án trên mà đi lên phía Bắc, về phía bờ biển Na Uy - một nước thù địch với Tây Ban Nha. Ngày 29 tháng 7, Armada rút quân theo lệnh của Medina Sidonia. Quân Anh quyết định truy kích Armada. Ban đầu, Bộ chỉ huy Anh không tin quân địch rút lui và cho rằng đây là động tác giả của Medina Sidonia; họ dự tính quân Tây Ban Nha sẽ vào các vịnh gần đó để xốc lại đội hình rồi tiếp tục chiến đấu. Chỉ đến khi Armada đã qua vịnh Firth of Fort - hải giới giữa Anh và Hà Lan, quân Anh và Hà Lan mới ngừng truy kích. Ngày 30 tháng 7, sau khi được tin quân đội của Công tước Parma đã sẵn sàng lên tàu, Bộ chỉ huy Anh quyết định điều Seymour cùng lực lượng của mình quay về vịnh để ngăn chặn quân Parma đổ bộ; còn lực lượng của Drake và Frobisher quay về căn cứ do trên tàu không còn đủ nước và quân lương. Bộ chỉ huy Anh dự đoán Armada có thể sẽ bổ sung dự trữ ở bờ biển Đan Mạch hoặc Na Uy rồi quay lại, vì vậy Hạm đội Anh vẫn duy trì sẵn sàng chiến đấu trong nhiều ngày. Trong khi đó Armada tiếp tục hành trình theo con đường nguy hiểm nhất và dài nhất, vòng qua Scotland và Ireland. Do không có thông tin liên lạc nên Medina Sidonia không biết được rằng quân Anh đang chờ Armada ở Briugge và Dunker. Quyết định đi về hướng Bắc nhưng Medina Sidonia không nắm được lộ trình và cũng không có hoa tiêu dẫn đường. Thêm vào đó, lương thực và nước ngọt đã cạn kiệt; bệnh thương hàn và kiết lỵ hoành hành khiến nhiều tay chèo, binh lính và thủy thủ bị chết. Armada bắt đầu tan rã; 2 tàu Galleon bị bão cuốn về phía Đông và chìm ở bờ biển Na Uy; các tàu do người Đức điều khiển bị mất hút[17]. Thuyền trưởng 2 tàu Galleon do không tuân lệnh nên bị Medina Sidonia ra lệnh hành quyết. Sa vào vùng biển xa lạ với những đá, đảo ngầm và sương mù dày đặc, lại là lúc bắt đầu mùa bão, Armada bị bão tố đánh cho tan tác và tổn thất nặng nề. Những người lên được bờ hoặc bị dân địa phương giết tại chỗ, hoặc bị bắt để đòi tiền chuộc. Cho đến giữa tháng 10 năm 1588, nhờ bão qua vịnh Biscay, một số tàu lành lặn của Armada về được đến Tây Ban Nha, nhưng tinh thần binh lính suy sụp hoàn toàn. Bị tổn thất nặng nề và không đạt được những mục tiêu đề ra, Tây Ban Nha phải chấp nhận thất bại. IV. KẾT QUẢ VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỂ RÚT RA TỪ TRẬN ĐÁNH Kết thúc trận Gravelines lực lượng hải quân Tây Ban Nha bị mất 65 tàu, trong đó 45 chiếc là những chiến hạm lớn. Trong số 30.000 quân lính có gần 20.000 đã chết do bị đói khát, bệnh tật và hành quyết[18]. Sau trận Gravelines, hạm đội vô địch Tây Ban Nha chỉ còn lại có 53 chiến thuyền. Với thất bại đó, lực lượng hải quân Tây Ban Nha không vươn lên được nữa. Từ đó, nước Anh trở thành cường quốc hải quân và giành bá quyền trên biển; lực lượng hải quân của họ trở thành lực lượng mạnh nhất châu Âu và từng bước mở rộng ảnh hưởng sang cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. 400 năm sau kể từ trận hải chiến lịch sử, Anh trở thành đế quốc bậc nhất thế giới với diện tích chính quốc và thuộc địa lên đến 41 triệu kilômét vuông[19]. Đối với Tây Ban Nha, sau thất bại trong trận Gravelines, lực lượng hải quân lớn nhất của họ đã tan rã. Tiếp theo các trận Lepanto, Portsmouth và Kale, trận Gravelines đã đánh dấu thời kỳ lên ngôi của tàu buồm lớn kéo dài gần 300 năm. Sau khi giành thắng lợi trong trận Gravelines, người Anh và Hà Lan rất vui mừng vì đã giành thắng lợi trong một cuộc chiến xâm lược[20]. Tuy nhiên, niềm vui ấy đã bị phủ bóng đen bao bởi cách hành xử của Nữ hoàng. Khi đến thăm lực lượng hải quân ở Portsmouth, Elizabeth Tudor đã hết lời ca ngợi binh lính và thủy thủ tham gia trận đánh. Tuy nhiên, khi họ đề nghị Chính phủ chi một khoản trợ cấp nhỏ, Elizabeth đã từ chối với lý do khó khăn về tài chính[21]. Cách hành xử đó của Nữ hoàng đã dẫn đến mâu thuẫn giữa quân đội với vương triều. Nếu như trước năm 1588, quân đội đứng về phía vương triều để chống giặc ngoại xâm thì nay họ đứng về phía giai cấp tư sản. Mối quan hệ giữa quân đội, giai cấp tư sản với nhà vua vì thế ngày càng xấu đi. Dưới góc độ quân sự, trận Gravelines đã để lại một số bài học quan trọng: Trong công tác chuẩn bị, cần chuẩn bị chu đáo mọi mặt, từ công tác bảo đảm vũ khí trang bị, thông tin liên lạc đến công tác huấn luyện, chuẩn bị chiến trường, trinh sát nắm tình hình, v.v... Trong trận Gravelines, mặc dù hai bên đã chuẩn bị kỹ càng nhưng chưa lường hết được mức độ tiêu hao đạn dược trong chiến đấu. Kết quả chỉ sau chưa đầy một ngày giao chiến, phía Anh đã hoàn toàn hết đạn. Trận Gravelines là trận hải chiến đầu tiên sử dụng chiến thuật đấu pháo, nhưng với lực lượng bộ binh hùng hậu, Tây Ban Nha vẫn thiên về chiến thuật bộ binh như đánh gần, chuẩn bị các tàu lớn và vững chắc nhưng cơ động không linh hoạt để sẵn sàng đâm va. Trong khi đó, với những chiếc tàu nhỏ nhưng linh hoạt hơn, quân Anh và Hà Lan đã chủ động tránh đánh gần, vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến thuật khác nhau, sử dụng hợp lý hỏa lực pháo và súng thông thường; đồng thời quân Anh và Hà Lan đã triệt để lợi dụng các điều kiện tự nhiên như hướng gió, bãi cạn và dòng hải lưu. Một vấn đề rất quan trọng giúp hải quân Anh đẩy lùi được cuộc tấn công của người Tây Ban Nha là trước khi giáp mặt đối phương (trận then chốt quyết định Gravelines), hải quân Anh đã đánh chiếm các vị trí quan trọng (Plymouth, Kale); trong khi đó Tây Ban Nha không có một căn cứ hải quân nào trên toàn bộ hải trình, kể cả trên đường tiến quân cũng như rút lui. Trận Gravelines cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong công tác nắm địch. Do Tây Ban Nha không nắm chắc tình hình nên bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt đối phương (cuối trận đánh, phía Anh hết đạn pháo nhưng Medina Sidonia không nắm được; trong khi đó phía Tây Ban Nha chưa phải đã hết hoàn toàn). Phần lớn những thất bại và tổn thất của Tây Ban Nha là do những quyết định sai lầm của bộ chỉ huy. Khi đối phương lợi dụng hướng gió sử dụng tàu phóng hỏa đã không nắm được thủ đoạn của họ để bình tĩnh tìm cách đối phó nên đã nhanh chóng để vỡ đội hình. Trước khi rút lui, mặc dù đã họp Hội đồng quân sự và chỉ huy cấp dưới có những đề xuất hợp lý, song người chỉ huy tối cao không đủ sáng suốt để tìm ra phương án tối ưu nên đã quyết định phương án nguy hiểm nhất. Phía Anh tuy công tác chuẩn bị không được kỹ càng; đặc biệt không có sự thống nhất giữa Nữ hoàng và chỉ huy quân đội; song sự quyết đoán và dày dạn kinh nghiệm của người cầm quân, tinh thần chiến đấu của binh lính đã ảnh hưởng tích cực đến tiễn biến trận đánh. Phải phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong chiến đấu. Phía Tây Ban Nha không có sự hiệp đồng tác chiến giữa hải quân và lục quân nên đã thất bại. Trái lại, Hạm đội Anh và Hạm đội Hà Lan trên danh nghĩa không phải là một lực lượng hải quân thống nhất, không có tổng chỉ huy, song họ đã hiệp đồng rất tốt. Không chỉ hiệp đồng tác chiến tốt, các sĩ quan, thủy thủ, những người chế tạo tàu và những người đảm bảo hậu cần của Anh và Hà Lan có thể nói cũng đã tạo nên một thể thống nhất. Cũng cần nói thêm rằng, trong trận Gravelines cũng như trong toàn bộ chiến dịch, liên quân Anh - Hà Lan đã không có một người nào bị hành quyết. Người viết: Đại tá HÁN VĂN TÂM TRẬN HẢI CHIẾN BỐN NGÀY ANH - HÀ LAN (1-4.6.1666) I. BỐI CẢNH Vào thế kỷ XVII, một số nước ở Tây Âu tuy có lãnh thổ không lớn nhưng nhờ sức mạnh của hải quân đã nổi lên như các cường quốc, trở thành đối trọng với các cường quốc trước đây vốn chủ yếu dựa vào sức mạnh của lục quân. Quốc gia đầu tiên trong số này phải kể đến Hà Lan, một quốc gia có 3 mặt giáp biển và nhiều hải cảng rất thuận lợi. Quá trình giành độc lập chủ quyền của Hà Lan gắn liền với những chiến công đánh bại hải quân Tây Ban Nha và những thành tựu đáng kinh ngạc trong lĩnh vực hàng hải. Từ đầu thế kỷ XVII, Hà Lan không ngừng lớn mạnh và trở thành một trong những thế lực kinh tế và hàng hải lớn nhất thế kỷ XVII. Trong thời gian đó, nhiều thuộc địa và thương điếm của Hà Lan được thiết lập trên toàn thế giới, ở châu Mỹ, họ chiếm một vùng đất nằm trên bờ đông của Bắc Mỹ xây dựng thành phố New Amsterdam (năm 1674 bị thực dân Anh chiếm và đổi tên là New York tức thành phố New York của Mỹ hiện nay). Tại châu Á, người Hà Lan thiết lập thuộc địa Đông Ấn Hà Lan (Indonesia ngày nay). Trong vùng đông bắc Nam Mỹ (Suriname) và vùng biển Caribbean cũng hình thành thuộc địa Hà Lan (Aruba, Curacao, Bonaire, Saba, Sint Eustatius và Saint Martin); các đảo này là phần đất tự trị của vương quốc Hà Lan. Cùng với sự mở rộng thuộc địa, các đội tàu của Hà Lan, kể cả tàu hải quân cũng như đội tàu vận tải và tàu buôn, được coi là những đội tàu tốt nhất thế giới. Biển Bắc và Manche, biển Baltic và vịnh Biscay được coi là sở hữu của Hà Lan. Những người đi biển của Hà Lan rất có kinh nghiệm; nhiều nước, trong đó có cả Tây Ban Nha, đều muốn thuê các thuyền trưởng cùng các tàu và kíp tàu người Hà Lan; vì thế thời gian này Hà Lan được mệnh danh là "nhà vận chuyển quốc tế". Lợi dụng sự non kém của luật pháp quốc tế lúc bấy giờ, người Hà Lan đã tranh thủ mở rộng bành trướng lãnh hải. Cho đến tận thế kỷ XVIII, theo luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia chỉ áp dụng trên lục địa; còn các vùng nước ven biển thuộc về quốc gia có tàu hoạt động nhiều nhất. Dựa vào quy định đó, các tàu Hà Lan thường xuyên đánh bắt cá ở ven biển các nước khác như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển và bán cho cư dân các nước này để kiếm lời. Sự bành trướng của Hà Lan đương nhiên đụng chạm đến quyền lợi của Anh. Người Anh đã từng giúp đỡ người Hà Lan trong thời kỳ đánh trả Hạm đội Tây Ban Nha nhưng giờ đây chính Hà Lan lại trở thành một đối thủ cạnh tranh của Anh. Tuy hai nước có cùng tôn giáo, nhưng mâu thuẫn kinh tế lại vô cùng sâu sắc và đó chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cuộc chiến tranh Anh - Hà Lan nửa cuối thế kỷ XVII[22]. Ngay sau khi hoàn thành cuộc cách mạng tư sản, lập nên chế độ cộng hòa (1649), Anh bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến với Hà Lan, nhất là củng cố lực lượng hải quân. Triển khai chạy đua vũ trang trên biển, để ra vẻ hòa thuận với Hà Lan, Anh tiến hành đàm phán với Hà Lan và đề xuất liên minh với nước này. Song ý đồ thực sự của Anh là muốn thành lập một nhà nước Anh - Hà Lan thống nhất do O. Cromwell đứng đầu. Đương nhiên Hà Lan không thể chấp thuận đề xuất này và khi họ bác bỏ, Quốc hội Anh liền thông qua Đạo luật Hàng hải; một đạo luật không hề nói đến quan hệ với Hà Lan mà chỉ quy định cấm tàu nước ngoài chuyên chở hàng hóa không do mình sản xuất vào nước Anh. Rõ ràng đạo luật này được ban hành chủ yếu nhằm mục đích chống lại sự bành trướng của Hà Lan. Hà Lan kịch liệt phản đối Đạo luật Hàng hải của Anh và hai nước nhanh chóng cắt đứt quan hệ ngoại giao. Người Anh bắt giữ các tàu buôn và tàu đánh cá của người Hà Lan ở biển Manche với lý do vi phạm Đạo luật Hàng hải. Đáp lại, Hà Lan bắt đầu thành lập các đoàn tàu biển với sự hộ tống của các tàu chiến. Những mâu thuẫn ngày càng tăng đã dẫn đến bùng nổ cuộc chiến tranh lần thứ nhất giữa hai nước (1652-1654). Tuy cuộc chiến kết thúc với lợi thế nghiêng về phía Anh[23], song cả hai bên đều nhận thấy sự đối đầu giữa hai đối thủ cạnh tranh vẫn chưa có hồi kết. Điều đó khiến các nhà lãnh đạo và chỉ huy hải quân hai nước phải tích cực chuẩn bị cho cuộc đối đầu mới vào năm 1666. II. QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ Trước khi quyết định trận chiến với quân Anh, Hà Lan lên một kế hoạch rất tỷ mỷ và đầy tham vọng. Mục tiêu của họ là đánh vào nơi hiểm yếu, nhạy cảm nhất của nước Anh, đó là Thủ đô London và các vùng phụ cận. Để thực hiện được mục tiêu trên, các nhà lãnh đạo và chỉ huy Hà Lan cho rằng, trước hết phải tiêu diệt Hạm đội Anh hoặc chí ít cũng phải làm suy yếu một cách căn bản sức mạnh của hải quân Anh. Với ý đồ đó, tháng 5 năm 1666, Ruyter được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng hải quân Hà Lan tiến về phía Tây đánh nước Anh[24]. Dưới quyền chỉ huy của ông còn có Van Tromp, Van Ness và Evertsen. Theo chỉ lệnh chiến đấu của Ruyter, toàn bộ lực lượng quân Hà Lan được chia thành 3 hải đoàn kép. Mỗi hải đoàn được chia thành 3 hải đội. Hải đoàn tiền quân do Evertsen và de Vries chỉ huy; trung tâm do Ruyter và Van Ness chỉ huy và hậu quân do Tromp và Meppel chỉ huy. Cách triển khai đội hình hành quân của Hà Lan được tính toán trên cơ sở, nếu phát hiện đối phương các hải đội tàu chiến Hà Lan có thể nhanh chóng chuyển sang đội hình chiến đấu. Trong trường hợp đối phương hành quân xuôi hướng gió và khai chiến, lực lượng tiền quân có trách nhiệm đánh lực lượng chủ yếu của đối phương ở phía trước; lực lượng hậu quân tổ chức đánh tập hậu. Để đội hình chiến đấu phát huy tối đa hiệu quả và không bị đối phương cô lập, đồng thời để các tàu chiến không ảnh hưởng đến tầm bắn của các tàu phía trước và phía sau, Ruyter ra lệnh cho các hải đội phải hành quân theo đội hình nối đuôi nhau. Chỉ huy các hải đội phải xác định rõ vị trí của từng tàu chiến, đồng thời phân công các tàu cao tốc có trách nhiệm chi viện và cấp cứu cho những tàu bị đánh hỏng trong quá trình chiến đấu. Với cách bố trí đội hình như vậy, Ruyter không chỉ đảm bảo cho các tàu chỉ huy có khả năng bao quát toàn bộ các tàu trực thuộc; dễ chi viện nhau trong trường hợp cần thiết mà còn tạo cảm giác an toàn và ít xảy ra tình trạng rối loạn đội hình. Mặc dù được coi là tương đối hợp lý, nhưng cách bố trí đội hình của Ruyter cũng bộc lộ không ít nhược điểm: thứ nhất, buộc chỉ huy các tàu phải tuân thủ nghiêm ngặt đội hình đã định, làm giảm khả năng cơ động, tính linh hoạt của từng tàu chiến; thứ hai, khi bị đối phương tiến công vào đội hình trung tâm, đội hình chiến đấu của Hà Lan rất dễ bị ra chia cắt, thậm chí bị bao vây; thứ ba, khi vào các cảng, tàu nhỏ phải nhường đường cho tàu lớn. Để thực hiện ý đồ chiến lược và chiến thuật trên, ngày từ cuối năm 1665, Hà Lan đã chấn chỉnh tổ chức lực lượng hải quân, quy định những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm kỷ luật. Bên cạnh đó, họ còn chế tạo các loại tàu lớn hơn và trang bị pháo hạng nặng. Một năm trước khi nổ ra cuộc chiến tranh lần thứ hai, Hà Lan đã đón thêm 34 tàu chiến, trong đó có một số tàu lớn trang bị tới 60-80 khẩu pháo[25]. Ngoài ra, họ còn đóng thêm hàng chục tàu nhỏ có tốc độ cao làm nhiệm vụ tuần tiễu, tiến công nhanh và thực hiện các đòn nghi binh chiến thuật. Các tàu nhỏ tốc độ cao của Hà Lan cũng được trang bị tới 25 - 36 khẩu pháo. Bên cạnh việc chuẩn bị, đóng mới các tàu chiến đấu, để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo hậu cần, Hà Lan còn đóng một loại tàu đặc biệt có tên là Avizo. Đây thực chất là tàu vận tải quân sự, có nhiệm vụ vận chuyển đạn dược, nước và quân lương cho các tàu chiến mà không phải phụ thuộc vào các căn cứ trên bờ. Mặc dù có sự chuẩn bị tích cực trong một thời gian dài, nhưng trước khi trận chiến nổ ra, hải quân Hà Lan vẫn chưa xây dựng được một lực lượng hải quân thống nhất do các tỉnh vẫn giữ quyền độc lập tương đối về chính trị. Bên cạnh đó, sự ganh tỵ giữa các tỉnh và bộ tư lệnh hạm đội đã dẫn đến một số thay đổi trong cơ cấu thành phần các tư lệnh hạm đội. Đến năm 1665, Hà Lan vẫn còn tới 5 đô đốc hạm đội và 5 phó đô đốc. Số lượng đô đốc và phó đô đốc nhiều như vậy đã làm nảy sinh nhiều xung đột trong phối hợp chỉ huy và điều hành tác chiến. Không những vậy, nó còn ảnh hưởng đến tổ chức và tinh thần kỷ luật của binh sĩ. Khác với phía Hà Lan, do ý thức được mối hiểm họa từ đối phương, trong những năm trước khi diễn ra trận hải chiến, hải quân Anh đã tích cực chuẩn bị cả về vũ khí trang bị và con người. Các tàu chiến Anh không chỉ lớn hơn mà còn được trang bị các loại vũ khí hiện đại hơn. Bên cạnh lực lượng hải quân thông thường, Anh còn xây dựng được các đơn vị lính thủy đánh bộ. Vì vậy, họ không phải tuyển hoặc điều động lực lượng lục quân để bổ sung quân số cho hải quân. Do có ưu thế về lực lượng, người Anh tỏ ra rất tin tưởng vào thắng lợi của mình. Theo một số nguồn tư liệu, trước khi diễn ra trận đánh, một số sĩ quan hải quân Anh còn công khai nói rằng, phần lớn các khẩu pháo của Hà Lan sẽ không phát huy được hiệu quả vì chúng được gắn vào các tàu buôn cùng những trắc thủ chưa có những hiểu biết sơ đẳng về quân sự. Tuy nhiên, nhận định trên hoàn toàn sai lầm. Rút kinh nghiệm từ những trận chiến trước đây, Hà Lan đã nhanh chóng khắc phục những khiếm khuyết trên và các tàu buôn được huy động vào lực lượng hải quân đã thực sự trở thành những tàu thiện chiến với những thủy thủ đã được huấn luyện và đào tạo tương đối bài bản. Xuất phát từ kế hoạch chiến lược và sau quá trình chuẩn bị lâu dài, đến trước trận đánh này hải quân Anh và Hà Lan đã có một lực lượng hùng hậu. Cụ thể, hải quân Anh đã có 11 hải đoàn với 81 tàu chiến, được trang bị hơn 4.400 khẩu pháo cùng khoảng hơn 20.000 quân[26]. Khi phải đối mặt với một cường quốc hải quân, Hà Lan cũng đã huy động 110 tàu chiến, được trang bị gần 4,000 khẩu pháo cùng gần 17.000 quân. Do đặc thù chính trị và số lượng tàu chiến, Hà Lan không tổ chức đội hình chiến đấu theo các hải đoàn như người Anh. Thay vào đó, họ tổ chức thành 5 bộ tư lệnh[27]. Bao gồm: Như vậy, xét về tương quan lực lượng, trong trận hải chiến Anh - Hà Lan, hai nước có số lượng tàu chiến và binh lực ngang nhau. Xét về chất lượng, binh lính của hai bên cũng hầu như không thay đổi nhiều so với cuộc chiến tranh Anh - Hà Lan lần thứ nhất. Tuy nhiên, do người Hà Lan có kinh nghiệm đi biển nhiều hơn nên thủy thủ của họ phần nào tốt hơn, thế nhưng ở họ lại thiếu những phẩm chất của người lính chiến nhất là tính kỷ luật và chấp hành mệnh lệnh. Bên cạnh đó, thể chế dân chủ cũng như sự bất đồng và mâu thuẫn giữa các tỉnh, các bộ tư lệnh hạm đội cũng tác động tiêu cực đến tinh thần của người lính Hà Lan. Đến cuối tháng 5 năm 1666, lực lượng 2 bên đã sẵn sàng cho trận quyết chiến chiến lược. Chỉ huy Hạm đội Anh là Hoàng tử Rupert và Tướng Monck, cả hai cùng trên 1 tàu chỉ huy lực lượng tiền quân; Ayscue chỉ huy lực lượng trung quân, tiền quân và Teddiman chỉ huy lực lượng hậu quân. Hà Lan cũng chia thành 3 hải đoàn: tiên quân do Đô đốc Cornelis Evertsen chỉ huy, trung quân do Đô đốc Michiel de Ruyter và hậu quân do Đô đốc Cornelis Tromp chỉ huy III. DIỄN BIẾN Đêm 31 rạng ngày 1 tháng 6 năm 1666, do sương mù dày đặc nên hai bên phải neo đậu tàu ở giữa eo biển Manche. Sáng sớm ngày 6, Đô đốc Monck phát hiện hải đoàn Hà Lan với đội hình 84 tàu ở Dunkirk. Mặc dù lúc này trong tay có ít lực lượng hơn (56 tàu) nhưng Monck vẫn quyết định tấn công với đội hình như sau: tiền quân gồm 23 tàu (trong đó có 7 tàu hoàng gia) do Monck chỉ huy; trung quân có 23 tàu (trong đó có 3 tàu hoàng gia) do Đô đốc Ayscue chỉ huy và hậu quân gồm 20 tàu (trong đó có 2 tàu hoàng gia) do Chuẩn Đô đốc Teddiman chỉ huy. Lực lượng đột phá của hải quân Anh gồm tàu Royal Charles được trang bị 100 khẩu pháo, tàu Royal Prince 92 khẩu pháo, tàu Victory 80 khẩu pháo và tàu Henry (trước đây mang tên tàu Danbar) trang bị 70 khẩu pháo. Tất cả các tàu còn lại trang bị không quá 52 pháo. Đối mặt với lực lượng này của Anh là hải đoàn đầy đủ biên chế của Hà Lan được tổ chức thành 5 bộ tư lệnh các tỉnh. Trong đó, Bộ Tư lệnh Rotterdam gồm 9 tàu chủ lực, 5 chiến hạm, 1 thuyền buồm, 3 tàu phóng hỏa và tàu chỉ huy De Zeven Provincien của Đô đốc Michiel de Ruyter được trang bị 80 khẩu pháo. Tiếp đó là tàu của các bộ tư lệnh Amsterdam và Noorderkwater, gồm 44 tàu chủ lực, 4 chiến hạm và 3 tàu phóng hỏa. Bộ Tư lệnh Zeland có 9 tàu chủ lực, 4 chiến hạm, 4 thuyền buồm và 1 tàu phóng hỏa. Bộ Tư lệnh Frisland đóng góp 9 tàu chủ lực, 1 chiến hạm và 1 tàu phóng hỏa. Tổng cộng hải đoàn Hà Lan có 71 tàu chủ lực, 14 chiến hạm, 5 thuyền buồm và 8 tàu phóng hỏa[28]. Tiền quân của Hà Lan do Đô đốc Cornelis Evertsen, trung quân do Đô đốc Michiel de Ruyter, hậu quân do Đô đốc Cornelis Tromp chỉ huy. Như vậy, so với phía Anh, lực lượng của Hà Lan khá đồng nhất, có tới 29 tàu trang bị từ 60 pháo trở lên, trong khi con số này của Anh chỉ có 8 tàu (trong đó có 2 chiếc loại 100 pháo). Mặc dù không có ưu thế về lực lượng, nhưng do tin tưởng vào chiến thắng Đô đốc Monck vẫn quyết định tấn công. 9 giờ sáng ngày 1 tháng 6, khi mặt trời lên cao và hai bên nhìn rõ nhau. Lợi dụng gió xuôi chiều, Monck lập tức ra lệnh cho hạm đội của mình nhổ neo tiến đánh vào hậu quân đối phương. Khi tiến hành tiến công, Monck dự tính, do đối phương bị ngược gió nên tiền quân và trung quân của họ sẽ không thể chi viện được cho Tromp. Với nhận định đó, ông đã ra lệnh cho các lực lượng mở hết tốc lực tiến công đối phương. Đúng như dự đoán, do bị tập kích bất ngờ và bị ngược chiều gió, các cánh quân Hà Lan không thể hỗ trợ được cho nhau. Chỉ trong giây lát các chiến thuyền của Monck đã đánh tan đội hình hậu quân Hà Lan, buộc lực lượng này phải lui về các vùng nước nông ở Flemish. Phía Anh ra lệnh truy kích, nhưng do các tàu của họ có độ mớn nước sâu hơn tàu Hà Lan nên không thực hiện được nhiệm vụ. Trước tình hình đó, Monck ra lệnh cho các lực lượng lật cánh sang phía Tây Bắc để tiến công lực lượng trung quân. Khi ra lệnh cho các lực lượng lật cánh sang phía Tây Bắc, do không lường trước được sự nhạy bén và linh hoạt của chỉ huy đối phương, Monck đã mắc phải sai lầm. Thay vì tổ chức phản công, Ruyter nhận thấy lực lượng của mình đang ở vị trí không thuận gió nên ông tổ chức toàn bộ đội hình thành chiều dọc không thẳng hàng để đánh trả đối phương. Nhờ sự thay đổi mau lẹ và linh hoạt của đội hình, quân Hà Lan đã đánh bật nỗ lực đột phá Anh. Trong lúc các tàu chiến của Ruyter tổ chức đánh vào lực lượng đột phá, thì Đô đốc Tromp ra lệnh đánh vào sau lưng quân Anh khi họ rút lui. Trong khi giao chiến với tàu chỉ huy của Anh chưa kịp quay đầu, thì tàu Liefde của Tromp va chạm với tàu Groot Hollandia. Lợi dụng sự cố này, Chuẩn Đô đốc s. Berkeley quyết định tiếp cận để bắt sông tàu Hollandia, nhưng 2 tàu Calantsoog và Reiger đã kịp ứng cứu và đánh lui quân Anh. Tàu Reiger tiến sát tàu chỉ huy Swiftsure của Berkeley và bắc cầu nhảy sang đánh giáp lá cà. Berkeley tự vẫn, tàu của ông bị bắt sống. Hai chiếc tàu Royal George và Seven Oaks đến ứng cứu Swiftsure cũng bị người Hà Lan bắt sống. Hai tàu khác của Anh là Rainboiv và Kent bị chia cắt với đội hình và truy kích nhưng kịp chạy thoát. Sau trận giao chiến ban đầu, cả Ruyter và Monck buộc phải xốc lại đội hình và tiếp tục chiến đấu. Hai tàu Hà Lan là Hof van Zeeland và Duivenvoorde bị trúng đạn pháo của quân Anh và bị hỏng nặng. Nhiều tàu Anh cũng bị các loại đạn pháo mới của Hà Lan xuyên thủng thành tàu[29]. Nhìn chung, trong ngày giao chiến đầu tiên, cuộc chiến đấu diễn ra trong thế bất phân thắng bại. Đến tối ngày 1 tháng 6, khi màn đêm buông xuống, quân Anh tạm thời rút lui. Trong quá trình lui quân, tàu Henry do Chuẩn Đô đốc Harman chỉ huy đã bị trôi dạt về chiến tuyến của Hà Lan và bị 2 tàu Hà Lan phóng hỏa. Một phần ba thủy thủ trên tàu vội vã nhảy xuống biển. Tình hình trên tàu bắt đầu hoảng loạn, nhưng với kinh nghiệm chỉ huy của mình, Harman đã kịp thời lập lại trật tự và tổ chức chữa cháy. Khi tình hình trên tàu Henry vừa bắt đầu ổn định, thì tàu Walcheren của Hà Lan bất ngờ xuất hiện. Chỉ huy tàu đối phương yêu cầu Harman phải đầu hàng nhưng ông kiên quyết từ chối. Hai tàu tiếp tục nhả đạn vào nhau và đến khoảng 20 giờ, tàu Henry bị bắn gãy hai cột buồm. Theo lệnh của Harman, các thủy thủ vẫn tiếp tục bám trụ chiến đấu và gây thiệt hại nặng cho đối phương. Sau khi thoát khỏi vòng truy kích của tàu Walcheren, Harman nhanh chóng hợp quân với Monck. Như vậy, kết thúc ngày giao chiến đầu tiên, Hà Lan chỉ bị bắn cháy 2 tàu, trong khi đó, Anh bị thiệt hại tới 5 tàu, trong đó 3 chiếc bị bắt, 2 chiếc bị đánh chìm[30]. Cũng trong ngày giao chiến đó, Đô đốc Evertsen của Hà Lan và Phó Đô đốc 27 tuổi của Anh là Berkeley bị tử trận. Tuy không bên nào giành được thắng lợi quyết định nhưng đó cũng là một kết quả nằm ngoài sự mong muốn của quân Anh. Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa ló rạng, Monck quyết định tấn công từ hướng Tây Nam nhằm chia cắt và tiêu diệt trung quân của Hà Lan. Đòn tiến công chủ yếu nhằm vào tàu chỉ huy De Zeven Provincien của Ruyter. Khi tiếp cận đội của đối phương ở góc khoảng 80°, hai tàu đi đầu của Anh là Baltimore và Bristol rơi vào làn hỏa lực của 3 tàu Hà Lan là De Zeven Provincỉen, Groot Hollandia và Eendracht. Monck buộc phải quay lại. Hai tàu Baltimore và Bristol bị thương nặng và buộc phải rút về Thames. Sau khi xốc lại đội hình, Tư lệnh quân Anh tổ chức tấn công lần thứ hai. Nhưng khi các tàu chiến Anh vừa tiếp cận đối phương trong cự ly tầm pháo, Tromp đã dùng một bộ phận hậu quân từ hướng khác băng qua đội hình quân Anh và nổ súng. Cách cơ động của Tromp không phải là chủ định mà hoàn toàn mang tính ngẫu nhiên, bởi lẽ, trong làn khói đạn mù mịt ông không thể trông thấy đội hình của Ruyter. Mặc dù vậy, sự cơ động của ông đã tạo điều kiện để quân Hà Lan đánh bật cuộc tấn công của quân Anh nhằm vào trung quân Hà Lan. Tuy tạo được sự bất ngờ và góp phần khiến quân Anh mất thế chủ động, nhưng trong trận giao tranh này, trung quân và hậu quân Hà Lan cũng bị tổn thất nghiêm trọng: 2 tàu chiến bị đánh chìm; Phó Đô đốc Abraham Vander Hulst và Chuẩn Đô đốc Frederik Stachouwer bị tử trận. Sau tổn thất đó, Ruyter buộc phải ra lệnh cho các tàu chiến bị thương cùng 3 chiếc tàu Anh bị bắt quay về Hà Lan. Khi thấy đối phương đã rút một bộ phận lực lượng, cộng vào đó, do đội hình chiến đấu của Tromp và Ruyter đã bị chia cắt khỏi đội hình chủ yếu nên Đô đốc Ayscue - chỉ huy lực lương trung quân Anh ra lệnh tiến công vào tàu chỉ huy De Zeven Provincien. Với tài chỉ huy và mưu lược của Ruyter, tàu này đã thoát nạn. Đô đốc Tromp và Ruyter bảo toàn được mạng sổhg. Với lực lượng còn lại, quân Hà Lan xốc lại đội hình, sau đó tiến sát quân Anh và đồng loạt nổ súng. Ít phút sau, tàu Royal Subject của Anh bị hư hỏng nặng buộc phải quay về Thames; sau đó tàu Black Eagle (tàu buôn được động viên cho hải quân) cũng bị loại khỏi vòng chiến đấu. Đến 15 giờ, lực lượng chi viện của Hà Lan xuất hiện, tình huống bất ngờ này khiến Monck hoảng loạn. Theo tin tình báo Anh, người Hà Lan còn tổ chức thêm một hải đoàn mạnh và những tàu này có thể được sử dụng trong đội hình tiền quân. Monck ra lệnh kiểm tra lại thông tin và báo cáo tình hình lực lượng tàu cũng như đạn dược. Kết quả cho thấy chỉ có 29 tàu có thể tiếp tục chiến đấu. Hải đoàn Anh do Hoàng tử Rupert chỉ huy đi qua khu vực Uessan để tìm kiếm sự chi viện của hải đoàn Pháp nhưng không được. Thêm vào đó, Monck phát hiện không thấy tàu Rainbow và Kent nên cho rằng chúng đã bị bắt. Trước tình hình đó, ông cơ động lực lượng xuống phía Tây Nam, cách Hạm đội Hà Lan 7 hải lý và không có ý định tiến công lực lượng này. Như vậy, trong ngày thứ 2 giao chiến, cả hai bên vẫn không giành được thắng lợi quyết định. Trận giao chiến một lần nữa cho thấy, chỉ huy Hà Lan tỏ ra thiếu tính kỷ luật nên đã làm cho đội hình trở nên rời rạc và không giành được thắng lợi quyết định, về phía Anh, tuy có lợi thế thuận chiều gió, nhưng do cách tổ chức đội hình không hợp lý và thiếu linh hoạt nên họ không những không khai thác được sai lầm của đối phương mà còn bị đối phương gây tổn thất nặng. Ngày thứ 3, khi bị Hà Lan tiến công, chỉ huy lực lượng tiền quân Anh ra lệnh cho toàn bộ lực lượng rút về phía Tây. Trong quá trình rút lui, do sai lầm của tàu chỉ huy Royal Prince nên 2 tàu Anh là Royal Katherine và Royal Charles bị mắc cạn[31], buộc phải vứt bỏ những thứ không cần thiết để tháo chạy. Tàu Royal Prince vẫn còn bị mắc cạn, binh lính trên tàu bắt đầu hoảng loạn, Đô đốc Ayscue buộc phải dùng các giải pháp mạnh để trấn an. Ông kêu gọi mọi người bình tĩnh và chờ lúc thủy triều lên để thoát cạn. Trong lúc chờ đợi, các thủy thủ Anh nhìn thấy một tàu Hà Lan đang tiếp cận đến gần, họ lập tức nhảy hết lên boong tàu, số còn lại nhảy xuống biển hòng thoát thân nhưng mọi việc đã quá muộn. Ngay sau khi tiếp cận tàu Royal Prince, Tromp dùng biện pháp uy hiếp và yêu cầu tàu này phải đầu hàng, Ayscue chấp nhận. Đây là lần đầu tiên Hà Lan bắt được một chỉ huy cao cấp của Anh làm tù binh. Ngày thứ 4 là ngày quyết định thắng, bại. Phía Anh được bổ sung 5 tàu chiến là: Convertine, Sancta Maria, Centurion, Kent và Hampshire; trong khi 6 tàu bị hỏng nặng phải đưa về Portsmouth để sửa chữa. Như vậy, cho đến thời điểm này, lực lượng quân Anh có khoảng 60-65 tàu chiến và 6 tàu phóng hỏa; Hà Lan kể cả số tàu được tăng cường đã giảm xuống còn 68 tàu chiến đấu và 7 tàu phóng hỏa. Mặc dù có số tàu chiến ít hơn, nhưng với quyết tâm giành chiến thắng trước lực lượng thủy quân hùng mạnh của Hà Lan, Monck vẫn quyết định chủ động tiến công đối phương một lần nữa. Biết được ý đồ của quân Anh, trước giờ giao chiến, chỉ huy lực lượng Hà Lan triệu tập Hội đồng quân sự và tuyên bố: "Đây sẽ là trận đánh quyết định với người Anh. Nếu chiến thắng, chúng ta sẽ thống trị biển cả. Chúng ta đang trong vị thế thuận gió, quân Anh ngược gió. Vì vậy, chúng ta phải chiến thắng"[32]. Để chuẩn bị cho trận quyết chiến, cả Hà Lan và Anh đều tổ chức lại đội hình chỉ huy. Theo đó, tàu Ridderschap thuộc Bộ Tư lệnh Rotterdam thay tàu De Zeven Provincien đảm đương nhiệm vụ chỉ huy. Trên tàu có khoảng 66 khẩu pháo và 345 thủy thủ, do Phó Đô đốc Johan de Liefde trực tiếp điều hành, về phía Anh, tàu Victory do Phó Đô đốc Christopher Myngs chỉ huy thay tàu Royal Prince. Mặc dù đã tổ chức lại đội hình chiến đấu, nhưng do tương quan lực lượng không có lợi, cộng vào đó do bị thất bại liên tiếp trong các trận giao chiến trước đây nên tinh thần và sức chiến đấu của quân Anh đã giảm sút đáng kể. Chỉ sau vài loạt đạn pháo, một số tàu Anh đã bị thương, Phó Đô đốc Christopher Myngs trúng đạn và tử vong. Sau tổn thất đó, các tàu chiến Hà Lan tổ chức tiến công, chọc thủng chiến tuyến của Anh, đồng thời chia cắt lực lượng của Monck với Rupert. Trước tình thế bị cô lập, Rupert chỉ huy lực lượng của mình 4 lần định đột phá xuống phía Nam để phối hợp với cánh quân Monck. Thế nhưng, mọi nỗ lực của ông đều không mang lại kết quả. Không những vậy, cánh quân của ông còn bị các tàu chiến dưới sự chỉ huy Tromp và Van Ness bao vây chặt hơn. Khi nhận thấy nỗ lực hội quân của Rupert không thành công và để tránh bị đối phương vây hãm, Monck đã bí mật rút khỏi chiến trận và lui về phía Bắc. Trên đường lui quân, cánh quân của ông bị đối phương phát hiện và truy kích. Trong thế bất lợi, Monck ra lệnh cho các tàu chiến của mình mở hết tốc lực lao vào đội hình truy kích của đối phương. Bị phản công bất ngờ, Van Ness quyết định lui quân. Thừa cơ hội đó, các tàu chiến của Rupert tổ chức đánh chặn tàu De Zeven Provincien nhưng không thành công. Chiếc Royal James của ông bị trúng đạn và hư hỏng nặng. Sau khi đánh thiệt hại nặng cánh quân của Rupert, toàn bộ các tàu chiến Hà Lan tập trung mũi nhọn vào lực lượng của Monck. Cuộc chiến diễn ra ác liệt trong suốt nhiều giờ liền. Cuối cùng, do hết đạn nên Monck ra lệnh cho các tàu chiến còn lại của mình tháo chạy về Portsmouth. Trên đường tháo chạy, họ đã bị quân Hà Lan truy kích sát sao. Đến chiều ngày 4, Hà Lan bắt được 4 tàu của Anh bị tụt hậu. Sau đó, do sương mù dày đặc và sợ đi vào bãi cạn nên Hà Lan quyết định dừng truy kích. Như vậy, qua 4 ngày giao chiến, Anh tổn thất gần 20 tàu chiến, trong đó một nửa bị bắt sống. Ngoài tổn thất trên, phía Anh còn bị chết và bị thương 5.000 người, bị bắt làm tù binh 3.000. Hà Lan tổn thất 6 tàu, không có chiếc nào bị bắt; gần 2.500 người chết và bị thương[33]. Thất bại của hải quân cùng với dịch đậu mùa ở London đã đặt nước Anh trước nguy cơ thất bại trong toàn bộ cuộc chiến tranh Anh - Hà Lan lần thứ hai. Sau thất bại trong trận đánh này, Anh không những mất quyền kiểm soát đối với vùng biển Hà Lan mà ngay cả ở vùng biển Anh. Sau thất bại đó, cả Rupert và Monck đều bị chỉ trích gay gắt từ trong hoàng cung, Quốc hội đến ngoài đường phố. Đối với Hà Lan, trận hải chiến bốn ngày tuy không mang lại ưu thế quyết định, nhưng người Hà Lan rất hài lòng với những gì mà lực lượng hải quân của họ đã làm được. Đối với Đô đốc Ruyter, do chỉ huy khéo léo và linh hoạt, đặc biệt là luôn nắm chắc yếu tố thời cơ nên ông đã giành thắng lợi vào thời điểm cuối cùng. Một điều rất đáng lưu ý là qua 4 ngày giao chiến, phía Hà Lan không có một tàu nào bị bắt. Có được điều đó là nhờ tinh thần chiến đấu kiên cường và niềm tin vào chiến thắng của những thủy thủ Hà Lan. Để có được tinh thần chiến đấu kiên cường đó, bản thân Ruyter cũng đã biết lợi dụng mối hận thù