🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Người Khốn Khổ - Victor Hugo
Ebooks
Nhóm Zalo
GIỚI THIỆU
Victor Hugo (26 tháng 2, 1802 tại Besançon - 22 tháng 5, 1885 tại Paris) là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch danh tiếng nhất của nước Pháp, là nhân vật dẫn đầu phong trào lãng mạn (The Romantic Movement) của nền văn chương Pháp. Victor Hugo là con út của ông Joseph Léopold Sigisbert Hugo (1773-182 và bà Sophie Trébuchet (1772-1821). Ông sinh năm 1802 tại Besançon (thuộc vùng Franche Comté) và ông đã sinh sống tại Pháp gần hết cuộc
đời. Tuy nhiên, ông đã chọn cuộc sống tha hương dưới thời vua Napoléon III của Pháp, ông đã sống ở Bỉ (1851), ở đảo Jersey (1852-1855) và ở đảo Guernsey (1855-1870 và 1872-1873).
Các tác phẩm của ông gồm 45 cuốn với hai cuốn tiểu thuyết được toàn thế giới biết đến, là cuốn "Nhà Thờ Đức Bà Paris" (Notre Dame de Paris, 1831) và cuốn «Những Người Khốn Khổ» (Les Misérables, 1862), với hai nhân vật trong chuyện là anh gù Quasidomo trong cuốn tiểu thuyết trước và Jean Valjean trong cuốn sau.
Khả năng sáng tạo của Victor Hugo rất lớn lao, mỗi ngày ông có thể làm 100 câu thơ hay viết 20 trang tiểu thuyết và qua các tác phẩm của ông, đã phản ánh các phong trào chính trị và văn chương của thời đại, đã bộc lộ rõ niềm tin của ông nơi Khoa Học, nền Dân Chủ và Tự Do. Victor Hugo đã chào đời vào năm 1802 và qua đời năm 1885, và do các tác phẩm đồ sộ, thế kỷ 19 với nền văn chương đặc sắc của nước Pháp đã được gọi là "Thế kỷ của Victor Hugo".
• Các năm thiếu thời (1802-1830)
Victor Hugo chào đời vào ngày 26 tháng 2 năm 1802 trong tỉnh Besancon, nước Pháp, là con trai thứ ba của ông Joseph Léopold Sigisbert Hugo, vốn là con của một người thợ mộc, nhưng ông Joseph đã phục vụ quân đội Pháp trong thời kỳ Cách Mạng và lên tới cấp bậc thiếu tá, rồi về sau do lòng dũng cảm và công trạng chiến trường, trở thành một vị tướng trong đội quân của Napoléon. Ông Joseph đã trung thành với chế độ mới, từ Hội Nghị Quốc Ước tới Đế Chế Thứ Nhất, đã phục vụ cho Joseph Bonaparte và quân vụ đã khiến cho Tướng Hugo này phải đi làm việc tại nhiều nơi.
Victor Hugo đã đi thăm cha tại nước Ý vào tuổi lên 5 và theo học trường tiểu học tại Madrid, nước Tây Ban Nha, vào tuổi lên 9. Ký ức về tuổi trẻ xa xứ đã được Victor Hugo ghi lại sau này qua các tập thơ và các vở kịch. Trái ngược với người cha theo Cách Mạng
Pháp, bà mẹ của Victor Hugo lại là một phụ nữ có tính độc lập, cương quyết, theo phe Bảo Hoàng và không ưa cuộc đời nay đây mai đó của vợ một quân nhân, vì thế vào năm 1812, bà Joseph Hugo đã định cư tại thành phố Paris và từ nay, ba người con trai của bà theo đuổi một nền giáo dục căn bản. Sự khác biệt vì tư tưởng chính trị, vì tính tình tương phản giữa hai ông bà Hugo đã dẫn đến việc ly dị chính thức vào năm 1818. Victor Hugo sống với mẹ, nên vào thời gian đầu, đã theo khuynh hướng Bảo Hoàng.
Victor Hugo là con trai nhỏ nhất, đã theo học tại trường trung học Louis Le Grand (1816-1818). Cậu Victor này từ nhỏ đã có thiên khiếu về văn thơ, vào tuổi 15 đã yêu thương cô bạn gái hàng xóm tên là Adèle Foucher và đã dự tính sau này theo ngành văn học để có thể kết hôn với người yêu. Tại trường trung học, Victor Hugo là một học sinh xuất sắc về Toán Học và Văn Chương. Năm 1817, Victor Hugo lãnh được bằng khen danh dự của Hàn Lâm Viện Pháp về một bài thơ dự thi rồi tới năm 1818, đã đoạt giải nhất trong một kỳ thi thơ phú toàn quốc. Năm 1819, Victor Hugo ghi danh vào Đại Học Luật Khoa Paris nhưng việc theo học này đã không đều và không có chủ đích. Các kỷ niệm về thời sinh viên nghèo này đã được phản ánh qua nhân vật Marius trong cuốn truyện «Những Người Khốn Khổ».
Luật Khoa không phải là tham vọng của Victor Hugo bởi vì trong các cuốn sổ của ông đã ghi đầy các bài dịch nhiều vở kịch, các bài thơ, đặc biệt là các thi phẩm của Virgil. Do sự khuyến khích của bà mẹ, Victor Hugo đã lập ra tạp chí văn học "Le Conservateur Littéraire" (Người Bảo Quản Văn Chương, 1819-1821) qua đó, các bài của ông viết về hai nhà thơ Alphonse De Lamartine và André De Chénier, đã được nhiều người chú ý. Trong một cuốn sổ ghi, Victor Hugo đã viết: “Tôi sẽ trở nên một Chateaubriand hoặc chẳng ra gì". -
Chateaubriand là nhà văn hàng đầu của nước Pháp vào đầu thế kỷ 19.
Khi bà mẹ qua đời vào năm 1821, Victor Hugo đã từ chối nhận trợ cấp của cha và chịu đựng cuộc sống thiếu thốn. Cũng vào năm này, ông cho xuất bản thi phẩm đầu tiên có tên là "Odes Et Poesies Diverses" (Các bài thơ ngắn và thơ nhiều loại) qua đó các cảm tình Bảo Hoàng đã khiến cho ông nhận được món tiền trợ cấp 1.000 quan một năm của Vua Louis 18 rồi nhờ số tiền này, Victor Hugo đã kết hôn với người yêu Adèle Foucher và họ đã có với nhau 4 người con.
Năm 1823, Victor Hugo phổ biến cuốn truyện tiểu thuyết đầu tiên tên là Han d'Islande (Đại Hãn Của Ireland), mô tả sự man rợ của một bộ lạc chặt đầu người bằng búa đá và uống máu kẻ địch. Cuốn truyện này được dịch sang tiếng Anh vào năm 1825 và được nhà báo Charles Nodier cho là có giá trị nên ông này đã mời Victor Hugo tham gia vào nhóm các nhà viết văn thuộc trường phái Lãng Mạn (Romanticism). Nhóm văn hữu này mang danh hiệu là Cénacle và cũng do mối liên lạc này mà Victor Hugo quen biết Saint Beuve, một nhà phê bình văn chương Pháp độc đáo của thế kỷ 19. Nhóm văn hữu Cénacle họp mặt thường xuyên tại thư viện Arsenal, họ đã đề cao tự do là các nguyên tắc của nghệ thuật và đời sống. Vào thời kỳ này, Victor Hugo đã phổ biến một loại báo văn học có khuynh hướng ôn hòa với tên là Muse Francaise (Thi Thần Nước Pháp, 1823- 1824). Năm 1824, Victor Hugo cho xuất bản tập thơ ngắn Nouvelles Odes (Các bài thơ ngắn mới) rồi 2 năm sau, xuất hiện cuốn tiểu thuyết Bug Jargal (bản dịch tiếng Anh là The Slave King - Nhà Vua Nô Lệ). Tập thơ Odes Et Ballades (Thơ ngắn và thơ ba tiết ba lát) là một ấn bản năm 1826, bao gồm nhiều bài thơ Victor Hugo đã làm ra trước kia và các bài thơ sau này mang tính lãng mạn, sau đó là tập thơ Les Orientales (Đông Phương, 1829) gợi lên các phong vị lãng
mạn và màu sắc của Phương Đông. Bằng các tập thơ ngắn này và qua cách dùng các nhịp thơ, các hình ảnh rực rỡ, Victor Hugo dần dần trở nên một nhà thơ lãng mạn.
Thiên tài của Victor Hugo đã thể hiện qua trường phái Lãng Mạn như là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch qua kịch bản "Cromwell" xuất bản năm 1827. Kịch bản này nổi tiếng vì lời tựa dài, soạn công phu, qua đó Victor Hugo đã đề cập tới chủ thuyết của trường phái Lãng Mạn (A Doctrine Of Romanticism) trong một kỳ thi thơ phú toàn quốc. Victor Hugo cho rằng các tương phản của đời người, thiện hay ác, đẹp hay xấu, vui hay buồn, phải được tự do thể hiện trong các cách diễn tả và bài tựa của vở kịch "Cromwell" của ông đã phá vỡ các luật lệ cổ điển chi phối cách viết kịch từ các thời kỳ trước. Victor Hugo đã cổ vũ cho việc chấp nhận Shakespeare là một nhà soạn kịch kiểu mẫu, ông ủng hộ lập trường tự do trong ba nguyên tắc viết kịch về thời gian, nơi chốn và hành động, và chủ trương rằng trong vở kịch phải có cả các sự việc bi hài, có cả sự tầm thường lẫn sự cao cả và như vậy, trường phái Lãng Mạn đã lấn sang điạ hạt sân khấu.
• Giai đoạn thành công (1830-1852)
Vào khoảng năm 1831, Victor Hugo đã ưa chuộng, tôn sùng Napoléon, ông đã cho xuất hiện tập thơ "À La Colonne" (Xếp Hàng) và "Lui" (Người), nhưng việc giới hạn tự do báo chí của Vua Charles X và các cách kiểm duyệt của chính quyền thời đó lại khiến cho Victor Hugo hướng về lý tưởng tự do, sự kiện này đã khiến ông gặp gỡ các nhà văn cấp tiến của tờ báo Le Globe (Địa Cầu). Vở kịch "Marion De Lorme" (1829) của ông đã bị cấm trình diễn trên sân khấu vì hình ảnh của nhà vua đã không được trình bày thuận lợi. Victor Hugo đã phản đối các cấm đoán, các giới hạn bằng vở kịch lịch sử "Trận Chiến Hernani", lần đầu tiên trình diễn vào ngày 25-2- 1830. Ông viết vở kịch Hernani này, dùng tới miền đất Tây Ban Nha
làm địa bàn với các đặc tính trung cổ, bí ẩn và độc đáo. Vở kịch "Hernani" hầu như đã vi phạm tất cả các quy luật cổ điển của Racine và Corneille. Ngay từ đầu, vở kịch "Hernani" đã bị những người theo trường phái Cổ Điển la ó, phản đối, và Théophile Gautier là một nhà văn nổi danh thời đó đã phải ghi nhận rằng cả hai trường phái đã đối nghịch nhau trong các cuộc tranh luận văn chương. Vở kịch "Hernani" đã được trình diễn 45 lần, một thành công đáng kể đối với thời bấy giờ và cuối cùng, các nhà văn cổ điển đã phải chịu thua. Victor Hugo được ca ngợi là người đã giết chết “con rồng cổ điển" và trường phái Lãng Mạn đã toàn thắng về mọi mặt. Victor Hugo trở thành nhà lãnh đạo của phong trào Văn Chương Lãng Mạn của nước Pháp. Vở kịch "Hernani" về sau được Giuseppe Verdi, nhà soạn nhạc người Ý, dựa theo đó mà sáng tác ra nhạc kịch Ernani vào năm 1844.
Giai đoạn sáng tác phong phú nhất của Victor Hugo là các năm từ 1829 tới 1843. Năm 1831, cuốn truyện "Nhà Thờ Đức Bà Paris" (Notre Dame de Paris, dịch sang tiếng Anh là The Hunchback of Notre Dame, Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà) là một tiểu thuyết lịch sử, đề cập tới đời sống dưới thời Vua Louis XI. Cuốn truyện đã lên án xã hội, đã chồng chất các đau khổ lên đầu các nạn nhân như anh gù Quasidomo và người con gái "gypsy" tên là Esmeralda. Cuốn tiểu thuyết này đã làm xúc động lương tâm của quần chúng hơn là cuốn truyện đã được xuất bản khi trước, với tên là "Ngày Cuối Cùng Của Một Tử Tội" (Le Dernier Jour d'un condamné, 1829) qua đó Victor Hugo đã phản kháng án tử hình.
Cuốn truyện "Nhà Thờ Đức Bà Paris" đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác. Qua tác phẩm này, Victor Hugo đã mô tả cuộc sống bi hài của anh gù kéo chuông cũng như vẻ rực rỡ của ngôi giáo đường và thành phố Paris thời trước. Victor Hugo cũng xác định rằng một tác phẩm văn học phải là một công trình của trí tưởng
tượng, của các biến đổi và những điều dị thường. Tác phẩm văn chương "Nhà Thờ Đức Bà Paris" đã xác nhận Victor Hugo là nhà văn hàng đầu của nước Pháp.
Trong thời gian cuốn truyện "Nhà Thờ Đức Bà Paris" đang được viết, Vua Louis Philippe đã trở thành vị vua của thể chế Quân Chủ Lập Hiến sau cuộc Cách Mạng Tháng 7 (The July Revolution). Nhân dịp này, Victor Hugo đã làm một tập thơ đề cao sự kiện kể trên với tên là "Dicté après Juillet 1830" (Lời thơ sau Cuộc Cách Mạng Tháng 7- 1830) và đây là tập thơ đi trước của loại thơ mang tính chất chính trị của ông.
Cũng vào thời đại Quân Chủ Tháng 7 này, Victor Hugo còn cho xuất hiện tập thơ "Lá Thu" (Le Feuilles D'automne, 1831) với các cảm hứng cá nhân và thân thương, "Các Bài Ca Hoàng Hôn" (Les Chants du Crépuscule, 1835) mang tính chính trị, "Các Lời Nội Tâm" (Les Voix intérieures, 1837) chứa đựng các ý tưởng cá nhân và triết học, "Tia Sáng Và Bóng Tối" (Les Rayons et les Ombres, 1840) qua đó tác giả dùng tới nhiều chi tiết, màu sắc và hình ảnh. Victor Hugo không chỉ biểu lộ các cảm tưởng cá nhân, các câu thơ của ông còn là tiếng nói đề cập tới các vấn đề Chính Trị và Trết Học, mang nhiều băn khoăn của thời đại. Các bài thơ của Victor Hugo gợi lên nỗi nghèo khó của người công nhân cùng các vấn đề của thế kỷ. Victor Hugo cũng dùng thơ phú để ca ngợi sự rực rỡ của Napoléon và hô hào trở lại các lý tưởng Cộng Hòa. Ông đã nói ra bằng các lời lẽ hùng hồn, làm xao động tâm hồn của mọi người.
Khả năng sáng tạo của Victor Hugo rất lớn lao và đã thể hiện qua các vở kịch. Có hai động lực thúc đẩy ông viết kịch: Ông cần một diễn đàn để trình bày các tư tưởng chính trị và xã hội, và lý do nữa là vì cô Juliette Drouet, một diễn viên trẻ đẹp, mà ông đã quen từ năm 1833. Juliette thực ra không có tài năng diễn xuất nên không lâu đã từ bỏ sân khấu và trở thành người tình trung thành và kín
miệng, một thư ký và một người bạn du lịch với nhà văn, cho tới năm 1883 khi cô ta qua đời.
Vở kịch đầu tiên của Victor Hugo là một kịch thơ có tên là "Le Roi s' amuse" (Nhà Vua Tiêu Khiển - 1832) mô tả các tình yêu nông nổi của Vua Francis I vào thời kỳ Phục Hưng Pháp. Cũng giống như cuốn truyện "Nhà Thờ Đức Bà Paris", kịch thơ kể trên đã chỉ trích các bất công chính trị và xã hội tại nước Pháp. Đầu tiên vở kịch "Nhà Vua Tiêu Khiển" đã bị chính quyền cấm đoán nhưng về sau được phép trình diễn và lại được nhà soạn nhạc Giuseppe Verdi dùng làm lời cho nhạc kịch Rigoletto. Bốn vở kịch thơ kế tiếp của Victor Hugo là "Lucrèce Borgia" và “Marie Tudor" (1833), "Angelo, Bạo Chúa Của Thành Padoue" (Angelo, tyran de Padoue,1835), "Ruy Blas" (1837) và "Les Burgraves" (1843, được dịch qua tiếng Anh là The Governors - Các Thống Đốc) và vở kịch sau cùng này đã không thành công.
Tháng 9 năm 1843, người con gái của Victor Hugo tên là Léopoldine mới kết hôn, đã bị chết đuối cùng người chồng trong một tai nạn, sự việc này đã khiến cho Victor Hugo rất đau buồn. Ông đã ngưng sáng tác trong vài năm, một phần cũng vì các xáo trộn chính trị và xã hội của thời cuộc. Xã hội của nước Pháp vào giai đoạn này gặp nhiều bất ổn chính trị và thay đổi. Các nhà văn lãng mạn thấy rằng nhiệm vụ của họ không phải là chỉ viết ra các tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp, điều hay, mà tài năng của họ còn phải được dùng vào việc nói lên các điều bất công trong xã hội và việc giúp đỡ các người nghèo, các người bị áp bức. Nhận định này đã chấm dứt thời kỳ văn chương lãng mạn và bắt đầu thời kỳ hiện thực và tự nhiên (Realistic Naturalistic period).
Trong khi chính trị và xã hội của nước Pháp thay đổi, thì lập trường chính trị của Victor Hugo cũng biến đổi theo thời gian. Từ khuynh hướng Bảo Hoàng của người mẹ, Victor Hugo dần dần mở
rộng quan điểm chính trị, dàn hòa với người cha vào năm 1822 để rồi trở nên một người Cộng Hòa ôn hòa. Sau cuộc Cách Mạng năm 1848, Victor Hugo được bầu làm đại biểu của thành phố Paris vào Hội Nghị Lập Hiến rồi về sau là Hội Nghị Lập Pháp. Ông đã ủng hộ ông hoàng Louis Napoléon lúc đầu, nhưng vào tháng 2 năm 1851 đã xẩy ra một cuộc đảo chính và Louis Napoléon đã hủy bỏ chế độ Cộng Hòa, thành lập Đế Chế Thứ Hai (the Second Empire) và trở nên Vua Napoléon III. Do thất bại trong cuộc tập hợp các công nhân của thành phố Paris biểu tình chống lại nhà vua mới, Victor Hugo phải cải trang thành một công nhân và trốn qua đất Bỉ.
• Giai đoạn lưu vong (1851-1870)
Ngày 17 tháng 7 năm 1851, Victor Hugo đã trình bày trước Quốc Hội Pháp một bài đả kích ông hoàng Louis Napoléon. Ông đã giận dữ tuyên bố rằng "Chúng ta đã có Napoléon Đại Đế, phải chăng chúng ta cần có Napoléon Bé Nhỏ " (Napoléon le Petit). Lời nói "Napoléon Bé Nhỏ" đã là một câu hô hào chống lại Vua Napoléon III trong 19 năm. Sau khi nhà vua này đã dẹp tan được mọi chống đối, lệnh truy nã Victor Hugo được ký vào ngày 3 tháng 12-1851 khiến cho ông phải chạy qua nước Bỉ rồi các hoạt động chính trị của ông đã khiến cho chính quyền Bỉ đã phải yêu cầu ông ra đi. Victor Hugo chạy qua nước Anh, đầu tiên cư ngụ trên đảo Jersey thuộc vùng biển Channel từ năm 1852 tới năm 1855. Victor Hugo đã dùng các bài viết đầu tiên của thời kỳ lưu vong vào việc châm biếm và kết tội Vua Napoléon Bé Nhỏ, mô tả nhà vua này là kẻ cắp, kẻ hèn nhát và bạo chúa. Khi nước Anh và nước Pháp trở nên đồng minh chống lại nước Nga trong trận chiến tranh Crimea, các chỉ trích của Victor Hugo đã làm cho chính quyền Anh bối rối và ông bị trục xuất khỏi đảo Jersey. Ông dời sang hòn đảo Guernsey, là nơi có thể nhìn thấy bờ biển của nước Pháp.
Thời gian gần 20 năm sống lưu vong này là thời kỳ sáng tác phong phú nhất của Victor Hugo. Ông đã làm các lời thơ châm biếm trong các tập thơ "Napoléon Bé Nhỏ" (Napoléon le petit, 1852), "Trừng Phạt" (Les Chatiments, 1853) và đây là một trong các tập thơ chỉ trích mạnh mẽ nhất của ngôn ngữ Pháp. Trong thời gian sống lưu vong trên đảo Guernsey, Victor Hugo đã dùng văn chương mô tả các sự thật sâu xa nhất mà ông đã trải qua. Tập thơ "Suy Tưởng" (Les Comtemplations, 1856) là tập thơ được chia làm hai phần, là "Ngày Trước" (Autrefois) và "Ngày Nay" (Aujourd'hui) ngăn cách bằng ngày qua đời của cô con gái Leopoldine. Victor Hugo đã đề cập tới thiên nhiên, tình yêu và sự chết. Bằng tập thơ anh hùng ca "Truyền thuyết Của Các Thế Kỷ" (La Légend des Siècles, 1859), Victor Hugo đã nói về các tiến bộ của nhân loại qua các thế kỷ. Ông đã bàn luận tới sự tranh đấu của con người giữa điều tốt và điều xấu, con người giải phóng chính mình ra khỏi mọi tôn giáo để đi tới sự thật toàn diện và ông cũng tiên liệu sự tiến bộ của Khoa Học và của Kiến Thức.
Khi Vua Napoléon III công bố lệnh ân xá cho mọi người lưu vong vì chống đối, Victor Hugo đã viết rằng: "Cam kết với lương tâm của tôi, tôi chia xẻ cuộc sống luu vong với Tự Do. Khi nào Tự Do trở về, tôi sẽ trở về". Trong thời gian sống lưu vong, Victor Hugo trở nên biểu tượng của Tự Do đối với nhân dân Pháp. Ông đã viết ra trong thời gian này các thi phẩm anh hùng ca bất hủ đồng thời hoàn thành cuốn tiểu thuyết dài nhất và danh tiếng nhất: «Những Người Khốn Khổ» (Les Misérables,1862), một cuốn truyện mô tả rõ ràng và kết án sự bất công của xã hội trong thế kỷ 19.
Vào năm 1848 trước khi tham gia vào các hoạt động chính trị, Victor Hugo đã phác thảo cuốn truyện "Những Đau Khổ" (Les Misères) nhưng tới khi phải sống lưu vong vào năm 1960, ông trở lại với bản thảo cũ. Victor Hugo đã viết: "Dante đã tạo ra một địa ngục
từ thơ phú, tôi thử tạo ra một thứ địa ngục khác từ thực tế". Cuốn truyện «Những Người Khốn Khổ» với hơn 1.200 trang, ngay từ đầu đã được mọi người công nhận là tiểu thuyết của thế kỷ và được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Cuốn truyện này đã lên án các loại địa ngục nhân tạo trên mặt đất với ba vấn đề của thời đại, đó là sự hạ giá nhân phẩm do nghèo khó, sự suy tàn của phụ nữ vì đói khổ và sự thu hẹp thời niên thiếu của trẻ em cả về tinh thần lẫn vật chất. Xã hội của con người còn ngột ngạt khi mà sự ngu dốt và nghèo khó còn tồn tại trên mặt đất.
Ngoài tác phẩm lừng danh «Những Người Khốn Khổ», Victor Hugo còn viết viết tác phẩm khảo luận có tên là "William Shakepeare" (1864) qua đó bộc lộ các tư tưởng của ông và hai tiểu thuyết khác với tên là "Les Travailleurs de la Mer" (Những Người Lao Động Trên Biển, 1866) viết ra để tặng cho hòn đảo Guernsey và các thủy thủ của nơi này, và "L'homme qui rit" (Người Cười, 1869), một cuốn tiểu thuyết về người dân nước Anh chống lại chế độ phong kiến của thế kỷ 17. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Victor Hugo là cuốn "Chín Mươi Ba" (Quatrevingt Treize, 1874), tập trung vào năm 1793 đầy chính biến tại nước Pháp, đề cập tới sự công bằng và bác ái chống lại hậu trường của cuộc Cách Mạng Pháp.
• Trở về nước Pháp
Trong 19 năm, Victor Hugo đã báo trước sự sụp đổ của chế độ độc tài của Vua Napoléon III và cảnh cáo về những tai họa theo sau. Năm 1870, Vua Napoléon III đầu hàng tại Sédan vì nước Pháp thua trận trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ và từ nay tới lượt "Vua Napoléon Bé Nhỏ" bị đưa đi lưu vong. Victor Hugo trở về thành phố Paris trong tiếng chào mừng trên đường phố, trước khách sạn mọi người đều hô to câu "Victor Hugo muôn năm". Nhưng Văn Hào Hugo đã không an hưởng được hòa bình. Thành phố Paris còn bị quân đội Phổ vây hãm và Victor Hugo đã kêu gọi người Đức nên
thiết lập lại hòa bình giữa hai nước Pháp và Đức bởi vì Đế Chế Thứ Hai đã sụp đổ. Ông viết: "Hãy xóa biên giới. Giòng sông Rhine nên được dùng cho mọi người. Chúng ta hãy ở trong một liên bang, liên bang của châu Âu... Hãy duy trì hòa bình quốc tế. Bây giờ hãy bắt tay với nhau và hãy giúp đỡ lẫn nhau…". Nhưng mặc dù các lời kêu gọi thống thiết của văn hào, vẫn còn các hận thù giữa người Pháp và người Đức, vẫn còn sự chia rẽ giữa phái tả và phái hữu tại nước Pháp, một chính quyền ổn định chỉ là một ảo tưởng. Văn hào Victor Hugo được bầu làm đại biểu của Quốc Hội Pháp vào năm 1871 nhưng sau một tháng, ông đã từ chức. Victor Hugo đã tình nguyện rời khỏi nước Pháp một cách cay đắng và trở về đảo Guernsey vào năm 1872 và từ đây, ông đã trải qua nhiều năm hướng nhìn về Tổ Quốc.
Năm 1873, Victor Hugo trở lại thành phố Paris và được bầu vào Thượng Viện (The Senate). Ông luôn luôn chống lại các hình thức độc tài mới, chẳng hạn như ngăn trở các tham vọng của Thống Chế Mac Mahon. Vào năm 1868, bà vợ Adèle của văn hào Hugo qua đời, để lại cho ông nỗi buồn vô hạn, rồi sau đó là hai cái tang của hai người con trai, chết vào năm 1871 và 1873. Năm 1882 tới lượt cô Juliette Drouet qua đời, cô là thư ký và cũng là người tình, người bạn đồng hành trung thành của văn hào Hugo. Cùng vào năm 1882, lễ thượng thọ 80 của văn hào được nước Pháp tổ chức long trọng với Đại Lộ d'Eylau được đổi thành Đại Lộ Victor Hugo và văn hào được ca ngợi như một vị anh hùng quốc gia.
Sức khỏe của Victor Hugo suy yếu dần. Vào mùa hè năm 1883, văn hào đã để lại những điều dặn dò, được coi như lời di chúc: “Tôi cho những kẻ nghèo 50.000 quan. Tôi ước mong được mang tới nghĩa trang trong quan tài của người nghèo khó. Tôi từ chối các lời cầu nguyện của tất cả nhà thờ. Tôi tin tưởng nơi Thượng Đế".
Victor Hugo từ trần vào ngày 22 tháng 5 năm 1885. Mặc dù ước vọng của ông là được chôn cất trong hoàn cảnh của kẻ nghèo, chiếc quan tài của ông được đặt tại Khải Hoàn Môn (Arc De Triomph) với 12 nhà thơ lớn đứng kế bên, có nhiều kỵ binh cầm đuốc xếp hàng chung quanh và tang lễ được cử hành long trọng như một quốc lễ để tôn kính nhà văn vĩ đại nhất của nước Pháp. Vào ngày tang lễ, dân chúng đứng xếp hàng dài từ Khải Hoàn Môn tới Quảng Trường Concorde. Văn hào Victor Hugo được chôn trong Điện Panthéon, nơi an nghỉ của các vĩ nhân của nước Pháp.
Victor Hugo là nhà văn, nhà thơ vĩ đại nhất của nước Pháp. Sự rộng lượng trong các tư tưởng của ông, sự ân cần trong cách diễn tả đã làm rung động tâm hồn người đọc bởi vì ông là nhà thơ của người bình dân, đã viết ra văn, làm ra thơ với đặc tính giản dị nhưng bao hàm bên trong sức mạnh, đề cập cả về niềm vui lẫn nỗi buồn của nhiều người. Khi được hỏi ai là nhà thơ lớn nhất của nước Pháp, văn hào André Gide đã trả lời: "Vẫn là Victor Hugo". Victor Hugo có thể bị chỉ trích về sự nông cạn của tâm hồn tác giả và sự tầm thường của các nhân vật trong chuyện, nhưng tầm vóc tài năng của ông về văn chương, bao gồm cả kịch nghệ và thơ phú, thật là bao la, không có ai sánh kịp trong lịch sử văn học kể từ thời Shakespeare và Goethe. Mặc dù không phải là nhà tư tưởng sâu sắc, Victor Hugo vẫn là nhà văn chân thành, hiến mình cho "Chân, Thiện, Mỹ" và ông là văn hào được dân chúng Pháp yêu chuộng nhất.
Về Kịch Nghệ, Victor Hugo là người phát ngôn của trường phái Lãng Mạn, ông đã lên án sự cứng rắn về ngôn ngữ và hình thức của trường phái Cổ Điển, chỉ quen dùng đề tài là các vua chúa Hy Lạp hay các anh hùng La Mã. Victor Hugo đề nghị dùng lịch sử cận đại với nhân vật trong các vở kịch có thể là một người tư sản, một tên
cướp… nhưng vẫn mang vẻ cao thượng trên kịch trường và như vậy đã chuyển hướng Kịch Nghệ về đường lối Hiện Thực. Về phương diện tiểu thuyết, Victor Hugo đã đề cập tới các vấn đề luân lý với các nhân vật trong truyện làm các hành động đơn giản nhưng không thể quên được. Cuốn truyện "Nhà Thờ Đức Bà Paris" là một tiểu thuyết lịch sử, với thời điểm là các năm 1400 tại thành phố Paris. Cuốn tiểu thuyết "Chín Mươi Ba" nói về các biến cố của cuộc Cách Mạng Pháp, còn cuốn «Những Người Khốn Khổ» được đặt vào trong khung cảnh của nước Pháp cùng thời đại với nhà văn, với nhân vật Jean Valjean phấn đấu để có thể thực hiện một đời sống hữu ích mặc dù các thành kiến của một xã hội tàn ác. Như vậy cuốn truyện đã phản ảnh niềm tin của tác giả vào khả năng tự quyết của cá nhân đối với các thói đời. Cuốn truyện đã mô tả bản chất của xã hội và bản chất của con người. Victor Hugo cho rằng các điều kiện xã hội phải thay đổi để cho các trẻ em được nuôi dưỡng đầy đủ, đàn ông có công việc làm ăn, đàn bà được che chở, nền giáo dục nên dành cho mọi người, cơ hội phải công bằng và giữa con người với nhau phải có tình huynh đệ. Cuốn tiểu thuyết «Những Người Khốn Khổ» đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới chính trị, xã hội, văn chương, lý tưởng nhân đạo và hướng thiện. Ngoài ra, nhiều tác phẩm của Victor Hugo còn được coi là xuất sắc vì cách canh tân về ngôn ngữ và hình thức văn chương, vì cách vận dụng chủ đề theo trừu tượng. Đại Văn Hào Victor Hugo xứng đáng được kể là nhà văn đại diện lớn nhất cho Tinh Thần của nước Pháp và Châu Âu vào Thế Kỷ 19.
Các tác phẩm của ông rất đa dạng như: Tiểu thuyết, thơ, kịch, các bài diễn văn chính trị,... Tiêu biểu cho các tác phẩm của ông là hai tác phẩm mang đậm tính nhân bản: «Những Người Khốn Khổ» (Les Misérables) và Nhà Thờ Đức Bà Paris (Notre Dame De Paris).
• Tác phẩm
— Kịch: Cromwell (1827), Hernani (1830), Marion Delorme (1831), Le Roi s'amuse (1832), Lucrèce Borgia (1833), Marie Tudor (1833), Angelo, tyran de Padoue (1835), Ruy Blas (1838), Les Burgraves (1843), Torquemada (1882), Théâtre en liberté (1886).
— Tiểu thuyết
Bug-Jargal (1820), Han d'Islande (1823), Le Dernier Jour d'un condamné (1829), Nhà Thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris, 1831), Claude Gueux (1834), Những Người Khốn Khổ (Les Misérables) (1862), Les Travailleurs de la mer (1866), Người Cười (L'Homme qui rit, 1869), Chín Mươi Ba (Quatre-vingt-treize, 1874).
— Thơ
Odes et poésies diverses (1822), Nouvelles Odes (1824), Odes et Ballades (1826), Les Orientales (1829), Les Feuilles d’automne (1831), Les Chants du crépuscule (1835), Les Voix intérieures (1837), Les Rayons et les ombres (1840), Les Châtiments (1853), Les Contemplations (1856), Première série de la Légende des Siècles (1859), Les Chansons des rues et des bois (1865), L'Année terrible (1872), L'Art d'être grand-père (1877), Nouvelle série de la Légende des Siècles (1877), Religions et religion (1880), Les Quatre Vents de l'esprit (1881), Série complémentaire de la Légende des Siècles (1883), La Fin de Satan (1886), Toute la Lyre (1888), Dieu (1891), Toute la Lyre - nouvelle série (1893), Les Années funestes (1890), Dernière Gerbe (1902), Océan Tas de pierres (1942).
• Tác phẩm khác
Mặt Trời Lặn (1853-1855), Bạch Tuộc Và Những Cái Xúc Tu (1866), Étude sur Mirabeau (1834), Littérature et philosophie mêlées (1834), Le Rhin (1842), Napoléon le Petit (pamphlet, 1852), Lettres à Louis Bonaparte (1855), William Shakespeare (1864), Paris-Guide (1867), Mes Fils (1874), Actes et paroles - Avant l'exil (1875), Actes et paroles - Pendant l'exil (1875), Actes et paroles - Depuis l'exil
(1876), Histoire d'un crime - 1re partie (1877), Histoire d'un crime - 2e partie (1878), Le Pape (1879), L'Âne (1880), L'Archipel de la Manche (1883), Œuvres posthumes Choses vues - 1re série (1887), Alpes et Pyrénées (1890), France et Belgique (1892), Correspondances - Tome I (1896), Correspondances - Tome II (1899), Choses vues - 2e série (1900), Post-scriptum de ma vie (1901), Mille Francs de récompense (1934), Pierres (1951).
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Victor Hugo là nhà văn lãng mạn lớn nhất của nước Pháp, thế kỷ XIX. Cuộc đời chiến đấu không ngừng của ông, những tác phẩm văn chương của ông phản ánh trung thành những biến cố lịch sử lớn lao, những cuộc Cách Mạng của nhân dân Pháp suốt thế kỷ XIX. Tác phẩm của ông tiêu biểu cho ý chí tự do, lòng tha thiết yêu hòa bình, lòng tin tưởng cao cả vào con người lao động. Bởi vậy, ngày nay ở mọi nước, người ta đều công nhận Victor Hugo là một nhà văn tiến bộ không những của nước Pháp mà còn là của toàn thể nhân loại.
Năm 1952, nhân dân khắp thế giới đã tổ chức long trọng lễ kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 150 của Hugo tại Vienne, thủ đô nước Áo. Tác phẩm của ông đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Victor Marie Hugo sinh ngày 26 tháng 2 năm 1802 ở Besançon, một tỉnh nhỏ ở miền Đông nước Pháp. Bố ông là một sĩ quan cao cấp thời kỳ Napoléon Đệ Nhất. Mẹ ông thuộc một gia đình theo Chủ Nghĩa Quân Chủ và ngoan đạo. Lúc còn nhỏ, Hugo sống với mẹ, chịu ảnh hưởng tư tưởng của mẹ. Nhưng từ thời thơ ấu, ông đã ở Paris “quê hương” của ông, quê hương của Cách Mạng Pháp, nên ông sớm hấp thụ những tư tưởng Cách Mạng, tinh thần dân chủ. Những năm còn nhỏ tuổi, Hugo theo bố mẹ sang Ý rồi sang Tây Ban Nha. Cảnh vật chói lọi ở những nước này sẽ để lại trong thơ văn của ông những hình ảnh tươi sáng, những kỷ niệm sâu sắc. Từ năm lên
mười, Hugo ở hẳn Paris, học tại trường trung học Louis Le Grand. Năm mười bốn tuổi, Hugo bắt đầu làm nhiều thơ, năm mười lăm tuối được giải thưởng thơ của Viện Hàn Lâm Pháp. Năm mười bảy tuổi, ông bỏ học để chuyên sáng tác.
Những tác phẩm đầu tiên của ông gợi lại thời kỳ Trung Cổ phong kiến, biểu hiện tư tưởng Quân Chủ rõ nét, những đồng thời cũng đã có mầm mống của tư tưởng nhân đạo, chống đối lại chế độ nô lệ lúc bấy giờ.
Từ 1820 đến 1830, Hugo liên lạc với nhóm nhà văn lãng mạn và trở nên lãnh tụ của nhóm này. Ông mang hết thiên tài lỗi lạc và trái tim nồng nhiệt đấu tranh cho một nền văn học mới, tự do, chống đối lại thứ nghệ thuật gò bó, giả tạo của Chủ Nghĩa Cổ Điển lúc ấy đã lỗi thời. Năm 1827, ông viết vở kịch Cromwell, bài tựa của vở này được coi như bản tuyên ngôn của Phái Lãng Mạn. Hugo chủ trương phá bỏ tất cả những luật lệ cổ điển, khắt khe và đòi hỏi phải tôn trọng hiện thực, đòi hỏi tự do tưởng tượng. Vở kịch Hernani, diễn năm 1830, gây ra những cuộc chiến đấu và những cuộc tranh luận kịch liệt giữa phái cũ và phái mới. Nghệ thuật lãng mạn hoàn toàn thắng lợi. Trên những nguyên tắc hoàn toàn mới về kịch, Hugo viết một loạt những vở kịch lãng mạn: Marion Delorme (1829), Lucrèce Borgia (1833), Marie Tudor (1833) và đặc biệt Ruy Blas (1838). Ông đưa lên sân khấu những hoàn cảnh vĩ đại, những con người đầy nhiệt huyết, những mâu thuẫn gay gắt nóng bỏng, những trái tim nồng cháy. Người ta chú ý nhất đến vở Ruy Blas, trình bày nhân vật chính là một người đầy tớ có tâm hồn cao thượng và yêu tha thiết Hoàng Hậu Tây Ban Nha. Đó là cả một cuộc Cách Mạng về quan niệm kịch của Hugo, trái hẳn lại với quan niệm kịch cổ điển.
Từ sau 1830, bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời, cũng như trong sáng tác của Hugo. Phong trào Cách Mạng Pháp càng ngày càng mạnh mẽ. Từ 1830 đến 1832 tại một số thành phố lớn ở Pháp, nhất là Paris và Lyon, nhân dân lao động nổi dậy chống chính quyền
tư sản phản động, Hugo có cảm tình đặc biệt với phong trào Cách Mạng. Trong bài tựa cuốn Lucrèce Borgia (1833), ông tuyên bố nhà văn phải “sáng tác đồng thời với đấu tranh chính trị”. Từ 1830, Hugo không ngừng sáng tác và không ngừng tích cực tham gia đấu tranh chính trị. Phái lãng mạn thành hình từ 1810, đã có sự chia rẽ: Một bên chủ trương nghệ thuật vì nghệ thuật, đứng đầu là Théophile Gautier; một bên chủ trương nghệ thuật phục vụ dân sinh; Victor Hugo là người sáng lập ra dòng sau này. Đến năm 1859, ông viết cho thi sĩ Charles Baudelaire: “Không bao giờ tôi chủ trương nghệ thuật vì nghệ thuật; bao giờ tôi cũng nói: Nghệ thuật phải phục vụ cho tiến bộ”. Hugo viết để phục vụ đấu tranh, phục vụ quần chúng. Trong tư tưởng của ông, đã có một chuyển hướng quyết định. Chế độ phản động của Louis XVIII, cuộc Cách Mạng 1830, 1832 là những nguyên nhân sâu sắc của sự chuyển biến trong tư tưởng của nhà văn.
Năm 1831, ông viết cuốn tiểu thuyết lịch sử vĩ đại Nhà Thờ Đức Bà Paris, một cuốn tiểu thuyết lãng mạn tích cực điển hình. Ông đả kích kịch liệt bọn quý tộc, đề cao tấm lòng cao thượng, trong sáng của người bình dân. Cũng năm 1831, ông xuất bản tập thơ Lá Thu, trong đó ông viết: “Ta yêu tự do vì hoa trái của tự do”. Từ 1830 đến 1840, các tập thơ của ông đều thấm nhuần lòng xót thương thấm thía những kẻ khốn cùng, lòng tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, lòng hy vọng vào tương lai loài người. Trong tập Ngày Cuối Cùng Của Người Tội Nhân (1829) và trong truyện ngắn Claude, Thằng Cười, Hugo phản đối thống thiết tội tử hình trong luật pháp lúc bấy giờ.
Vào khoảng 1840, Hugo bỗng nhiên ngả về phái hữu. Ông bênh vực chế độ Quân Chủ Chuyên Chế, bên vực tên trùm tư sản Louis Philippe, chống lại tư tưởng dân chủ. Năm 1841, ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp và năm 1845 được phong Bá Tước.
Nhưng sau 1848, trước sự phản bội của bọn quý tộc và bọn đại tư sản, Hugo trở nên chiến sĩ số một của tự do, dân chủ, của chế độ
Cộng Hòa Pháp, cho đến ngày cuối cùng. Từ cuộc đảo chính ngày 2 Tháng Chạp 1851, lật đổ chế độ Cộng Hòa, Hugo phải đày ra nước ngoài, thoạt tiên ở Bỉ, rồi ra đảo Jersey và Guernesey suốt thời gian mười tám năm trời dưới chế độ Đế Chế Thứ II. Ông cực lực chống lại Napoléon III. Thời kỳ này ông sáng tác những tập thơ và những bộ tiểu thuyết có giá trị nhất. 1852, ông viết Napoléon Tiểu Đế và xuất bản tập thơ Trừng Phạt năm 1953; ông lên án gay gắt sự phản bội, sự áp bức của triều đình Napoléon III. “Người ta biết Hugo rời bỏ nước Pháp và từ những hòn đảo của Anh trong biển Manche ông đã nhóm ngọn lửa đấu tranh chống Napoléon tiểu đế”.[1] Hugo thực sự đã trở thành một một chiến sĩ Cách Mạng, mang cả cuộc đời mình, thiên tài của mình để phục vụ Cách Mạng. Những tập thơ trên mở đầu cho giai đoạn thứ ba trong sự nghiệp sáng tác của ông.
Trong thời kỳ ở đảo Jersey và Guernesey, Hugo viết mấy bộ tiểu thuyết lớn: «Những Người Khốn Khổ» (viết xong năm 1861), Những Người Lao Động Ở Biển (1866) và đoạn đầu tập thơ Thiên Anh Hùng Ca Của Nhân Loại (1857 - 1883).
«Những Người Khốn Khổ» là một cuốn tiểu thuyết xã hội hiện đại, một thiên anh hùng ca bằng văn xuôi. Hugo diễn tả cuộc đời trăm ngàn khổ cực và tâm hồn vô cũng cao thượng của một người tù khổ sai là Jean Valjean, của một thiếu phụ bị xã hội tư bản tàn bạo chà đạp là Fantine, của một trẻ thơ anh dũng là Gavroche. Trong cuốn tiểu thuyết vĩ đại này, Hugo đứng hẳn về phía quần chúng, khi mô tả cuộc chiến đấu hùng tráng của nhân dân cần lao Paris nổi dậy năm 1832 chống lại chính quyền phản động lúc bấy giờ.
Trong bộ tiểu thuyết Những Người Lao Động Ở Biển, Hugo mô tả cuộc đấu tranh của chàng đánh cá Gilliatt với biển cả và sự hy sinh cao quý của chàng cho hạnh phúc của người chàng yêu tha thiết, Déruchette.
Thiên Anh Hùng Ca Của Nhân Loại gồm những bài thơ hào hùng ca ngợi sự tiến bộ của loài người từ bóng tối nguyên thủy tiến lên
một tương lai rực rỡ.
Năm 1859, Napoléon III ân xá cho Hugo, nhưng Hugo không chịu trở về nước Pháp. Ông nói: “Giữ tròn lời thề với lương tâm, tôi chịu đến cũng số phận của tự do. Tự do đã bị trục xuất khỏi đất Pháp, khi nào tự do trở về đất nước, tôi sẽ trở về cũng với tự do”.
Năm 1870, Đế Chế Thứ III sụp đổ, Hugo trở về Paris. Tuy đứng về lý tưởng xã hội, ông không tán thành Công Xã Paris, nhưng ông thông cảm sâu sắc với giai cấp công nhân nổi dậy làm Cách Mạng và khâm phục họ. Sau khi phong trào bị dập tắt, ông đứng dậy phản kháng những sự trả thù, khủng bố trắng trợn của bọn thống trị phản động. Ông đòi ân xá cho tất cả những người tham gia Công Xã và cho một số người trốn ở nhà ông tại Bỉ. Cuộc Cách Mạng vĩ đại này là nguồn cảm hứng cho một tập thơ có giá trị lớn của ông là tập Năm Khủng Khiếp (1870-1871). Ở đây, thi hào ca ngợi con người vô sản đứng lên làm Cách Mạng và kết án những kẻ nhúng tay vào biển máu để trả thù những người yêu nước. Năm 1874, ông hoàn thành cuốn tiểu thuyết Chín Mươi Ba, bắt đầu viết từ những năm còn ở ngoài đảo. Ông mô tả lại cuộc Cách Mạng 1789-1794, coi đó như một sự kiện lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.
Những năm cuối cùng, ông viết Nghệ Thuật Làm Ông, đầy tình thương yêu trẻ con và hoàn thành tập thơ Thiên Anh Hùng Ca Của Nhân Loại.
Victor Hugo mất ngày 22 tháng 5 năm 1885, được toàn thể nhân dân Pháp thương tiếc. Ngày đưa tang ông được coi như ngày quốc tang. Những cựu chiến sĩ Cách Mạng Công Xã Paris kêu gọi mọi người tưởng nhớ đến nhà đại văn hào đã hết lòng ủng hộ những người lao động tham gia Công Xã.
Cuộc đời của Hugo nằm suốt cả trong thời kỳ bão táp của Cách Mạng Pháp và của Châu Âu, thế kỷ XIX. Ông sinh trước ngày Đế Chế thành lập và chết sau Karl Marx hai năm. “Tác phẩm của ông ra đời trên đống gạch đổ nát của ngục Bastilles và chấm dứt khi những
nghiệp đoàn thợ thuyền sắp sửa tuyên bố rằng mùa xuân sẽ thuộc về họ ngày 1 tháng 5 tại Chicago. Victor Hugo là tấm gương phản chiếu Cách Mạng Pháp”.[2]
Quả vậy Hugo đã tiến từ xu hướng Quân Chủ đến tư tưởng Dân Chủ Xã Hội, từ nghệ thuật lãng mạn đến xu hướng hiện thực. Cuộc đời và tác phẩm của ông tiêu biểu cho cuộc phấn đấu không ngừng cho cách mạnh, cho tự do dân chủ, cho hòa bình hữu nghị các dân tộc.
Năm 1849, ở Đại Hội Quốc Tế lần thứ nhất, những người bạn của hòa bình họp tại Paris, Hugo có nói: “Tư tưởng hòa bình là ở khắp thế giới, là tài sản của tất cả các dân tộc, mọi người đòi hỏi hòa bình vì hòa bình là hạnh phúc tối cao của họ”. Hugo đã hết sức bênh vực cho John Brown, người lãnh tụ phong trào đòi hỏi tự do cho người da đen ở Mỹ, bị Chính Phủ Mỹ kết án tử hình. Hugo ủng hộ cuộc Cách Mạng ở Ireland, ủng hộ nhân dân đảo Cyprus khởi nghĩa chống bọn thống trị Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ cuộc khởi nghĩa của nhân dân Cuba chống bọn thực dân Tây Ban Nha.
Là lãnh tụ của phái lãng mạn, ông luôn trung thành với những tư tưởng lãng mạn tích cực, chống đối lại xu hướng lãng mạn tiêu cự, thoát ly. Ông chế giễu bọn nhà văn hô hào nghệ thuật thuần túy và đòi cho được nghệ thuật phải phục vụ chân lý, phản ánh thực tế. Hugo đề ra nhiệm vụ của nghệ thuật là phải phục vụ lợi ích của nhân dân; sức mạnh của văn chương là ở mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân.
Chủ nghĩa lãng mạn của Hugo thấm nhuần tinh thần nhân đạo chủ nghĩa. Nó rất gần chủ nghĩa hiện thực, Louis Aragon gọi Hugo là “Nhà thơ hiện thực”. Tác phẩm của Hugo phản ánh đời sống cùng cực của nhân dân dưới chế độ tư bản, phản ánh tâm địa xấu xa bỉ ổi của bọn quý tộc, bọn tư sản thống trị của thời đại. Tác phẩm của ông cũng mô tả được những con người lao động vùng dậy làm Cách Mạng.
Tuy vậy, cũng phải thấy ngay rằng Victor Hugo chịu ảnh hưởng nặng của tôn giáo và mức tư tưởng cao nhất của ông là một thứ Chủ Nghĩa Xã Hội không tưởng kiểu của Saint Simon, Fourier hồi đầu thế kỷ XIX.[3] Thế giới quan của ông, bởi thế, bị hạn chế rất nhiều. Ông không nhận định được quy luật phát triển của xã hội. Ông tin tưởng rằng chỉ có tư tưởng mới có thể giải phóng được loài người. Bởi vậy những nhân vật ông xây dựng thường là những nhân vật có tâm hồn cao thượng, đầy lòng hy sinh nhưng ít chiến đấu tính. Tiểu thuyết của ông thường có những đoạn lý thuyết về luân lý, đạo đức, tôn giáo. Ông rất sợ những cuộc Cách Mạng đổ máu.
Cuộc đời Victor Hugo là cuộc đời đấu tranh không ngừng cho chính nghĩa, cho tự do, hòa bình, dân chủ. Tác phẩm của ông thấm nhuần tư tưởng nhân văn chân chính. Ngày nay, nhân dân các nước rất ham đọc tác phẩm của Victor Hugo. Ở Pháp, cách đây ít lâu, báo Nhân Đạo đã đăng lại bộ tiểu thuyết «Những Người Khốn Khổ» có minh họa. Trong thời gian phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp, một đội du kích Pháp đã lấy tên Gavroche làm tên đội. Ở Việt Nam trước kia đã có nhiều người dịch thơ của Hugo và Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch bộ «Những Người Khốn Khổ» với nhan đề bản dịch “Những Kẻ Khốn Nạn”.
«Những Người Khốn Khổ» là một bộ truyện lớn nhất mà cũng là một tác phẩm có giá trị nhất trong sự nghiệp văn chương của Victor Hugo. Ông suy nghĩ về tác phẩm này và viết nó trong ngót ba mươi năm và hoàn thành năm 1861. Ngay từ năm 1829, Hugo đã có ý định viết một cuốn tiểu thuyết về người tù khổ sai. Sau 1830, Hugo đặc biệt chú ý đến những vấn đề xã hội, nhận xét những bất công trong xã hội. Ông nhận thấy những kẻ tội phạm, những con người tư bản tàn ác. Ông tin tưởng rằng những con người ấy có thể cải tạo được bằng đường lối giáo dục nhân đạo. Ông nhận thức được rõ ràng nhiệm vụ cao quý của nhà văn là phải góp phần cải tạo xã hội, đấu tranh cho tự do, hạnh phúc của loài người.
Cũng vào những năm 1830, trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân lao động, một phong trào viết tiểu thuyết xã hội dâng cao ở Pháp, George Sand cho ra đời cuốn Lélia, năm 1832; năm 1842, Eugène Sue đăng tập truyện Bí Mật Thành Paris.
Victor Hugo bắt tay vào công việc sưu tầm tài liệu và bắt đầu viết bộ tiểu thuyết này, thoạt đầu gọi là Những Cảnh Cùng Khổ, vào năm 1840. Năm 1854, Những Cảnh Cùng Khổ đổi thành «Những Người Khốn Khổ». Sau một thời gian gián đoạn, Hugo hoàn thành bộ truyện năm 1861. Đến năm 1862 thì bộ truyện xuất bản đồng thời ở Brussel (Bỉ) và ở Paris. Trong bốn tiếng đồng hồ đầu tiên ngày phát hành tập I, đã bán tới 3.500 cuốn.
«Những Người Khốn Khổ» là bức tranh của một xã hội. Nó đề cập đến những vấn đề lớn lao trong xã hội Pháp đầu thế kỷ XIX, mà cũng là của tất cả các xã hội tư sản. Đó là một bản hùng ca của thời đại. Victor Hugo sau khi hoàn thành bộ tiểu thuyết này đã nói: “Quyển truyện này là một trái núi”. Quả thế, “một trái núi”, không những vì số trang của nó, vì những vấn đề to lớn nó bàn tới, mà chính là vì nó thấm nhuần những tư tưởng nhân đạo, vì nó ca ngợi đạo đức cao cả của nhân dân lao động, ca ngợi tự do, dân chủ, chống lại cường quyền áp bức, bóc lột. Đó là lòng thương cảm sâu xa đối với những con người bị xã hội chà đạp, lòng tin vào tâm hồn cao thượng của họ. Jean Valjean bị xã hội tư sản bóp nghẹt, chăng lưới bao vây, lùng bắt cho đến chết, vẫn sống một cuộc sống hy sinh cao quý vì những kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Fantine bị xã hội đạp xuống, vẫn là một tâm hồn thanh cao, là một tấm gương sáng của tình mẹ con. Gavroche là một đứa trẻ bị vứt bên lề đường Paris, vẫn là một tâm hồn thơ ngây, yêu đời, dũng cảm, nghĩa hiệp. «Những Người Khốn Khổ» còn là một bài ca phản kháng đối với cái trật tự của xã hội tư sản, nó đè bẹp những người nghèo khổ như là một thứ “định mệnh nhân tạo” và biến những người vì miếng cơm manh áo làm tên lính bảo vệ nó, thành những cái máy mù quáng, tàn nhẫn. «Những Người Khốn
Khổ» là một tác phẩm chan chứa tinh thần lãng mạn Cách Mạng. Hugo là một nhà văn lãng mạn. Ông thường dùng phương pháp xây dựng những hình tượng to lớn để mô tả những tâm hồn siêu việt, những đột biến cao cả trong lòng người, gây những ấn tượng hùng vĩ cho người đọc. Những nhân vật chính diện đều sáng ngời đức hào hiệp, hy sinh.
«Những Người Khốn Khổ» còn ghi lại những nét hiện thực về xã hội Pháp vào khoảng 1830. Cái xã hội tư sản tàn bạo được phản ánh trong những nhân vật phản diện như Javert, Thénardier. Tình trạng cùng khổ của người dân lao động cũng được mô tả bằng những cảnh thương tâm của một người cố nông sau trở thành tù phạm, một người mẹ, một đứa trẻ sống trong cảnh khủng khiếp của cuộc đời tối tăm, ngạt thở. Dưới ngòi bút của Hugo, Paris ngày Cách Mạng 1832 đã sống dậy, tưng bừng, anh dũng, một Paris nghèo khổ nhưng thiết tha yêu tự do.
Ưu điểm lớn nhất của Hugo là khi diễn tả xã hội tư sản, ông không chỉ diễn tả một số nhân vật độc ác, tàn nhẫn, vô lương tâm mà ông trình bày chế độ như một thực thể nhất trí trong việc áp bức, bóc lột, ruồng rẫy những người cùng khổ, đè lên người họ như một thứ định mệnh khốc liệt với các thứ công cụ ghê tởm như tòa án, tổ chức cảnh binh, quân đội, nhà tù, với báo chí, dư luận, thành kiến, tập quán.
Trong Lời nói đầu của «Những Người Khốn Khổ», Hugo đã trích dẫn câu nói của Hauteville House để nhấn mạnh ý nghĩa sâu xa của tác phẩm. Ông nói rằng trong cái xã hội văn minh ngày nay mà còn những địa ngục đày đọa con người thì “những quyển sách như loại này còn có thể có ích”. Với quan niệm nghệ thuật phục vụ đời sống như vậy, Hugo đã sáng tạo có ý thức một tác phẩm có ảnh hưởng lớn trong công cuộc đấu tranh chung của loài người chống áp bức và bóc lột. Nhưng cũng như tất cả những người chưa nắm được Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học, con đường thoát của xã hội mà ông tưởng
tượng ra rất là duy tâm, không tưởng. Lý tưởng của ông là làm sao cho con người được như Giám Mục Myriel quên mình như kẻ nghèo khổ, như ông Madeleine (Jean Valjean) kinh doanh công nghiệp để cho thợ có chỗ làm ăn, tiền lời dùng một phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống cho thợ, tổ chức y tế, cứu tế trong xưởng, đề cao thuần phong mỹ tục. Làm sao cho con người trở nên tốt như thế? Ông Myriel toàn thiện là nhờ đức tin, Jean Valjean trở nên tốt cũng là nhờ sự cảm hóa của Chúa, gián tiếp qua ông Myriel. Jean Valjean là một điển hình nạn nhân của xã hội khi anh nghèo đói, khi anh bị tù tội, cũng như khi anh bị săn đuổi, tấm lòng nhân ái, hào hiệp vô biên của Jean Valjean là một biểu tượng đẹp đẽ của tư tưởng nhân đạo của con người. Nhưng con đường cải tạo mà tác giả nghĩ ra cho anh thì lại quá cá biệt, gần như vô lý. Làm sao giải thích được chỉ một cử chỉ nhân đạo của Giám Mục Myriel đã dẫn dắt con người tối tăm ấy ra ngay chỗ ánh sáng rực rỡ, trong chốc lát biến một anh trộm cướp quen tay nên một người lương thiện, thay đổi một con người vì mười chín năm lao lý mà hóa ra thù hằn xã hội thành ra một con người yêu đời, bác ái, làm sao giải thích được sự biến chuyển đột ngột và triệt để ấy nếu không viện lẽ thần bí của Chúa?
Đối với Hugo, Chúa ở khắp nơi. Tuy có thấy một đôi điều ngớ ngẩn, giả dối, ngu dốt trong tu viện và óc danh lợi, tính xa hoa của đa số bọn Giám Mục, Giáo Chủ, Hugo không một phút nào nghi ngờ tôn giáo và đặt câu hỏi về Chúa. Trong «Những Người Khốn Khổ», không có dấu hiệu nào chứng tỏ rằng ông bắt đầu đoán thấy tôn giáo đã thành một công cụ của thống trị, trong khi ấy ông thấy về cảnh binh, tòa án, quân đội tư sản khá rõ. Trái lại ông cho “đức tin là lành” và Chúa là sự giải đáp cho tất cả. Trong truyện, người Jacobins già đã đả phá cường quyền, lên án chuyên chế, khi nói đến Chúa cũng nhất trí với viên Giám Mục và chịu phép ban phúc khi từ trần, Hugo cũng không nhận định được rõ bản chất tư sản phản động của Đế Chế Napoléon Đệ Nhất và chế độ Louis Philippe, nên trong tác phẩm
nhiều lúc ông ca ngợi những người đại diện của hai chế độ ấy. Thuật lời lẽ và ý nghĩ của nhân vật, tác giả lồng vào nhiều ý kiến về nhân sinh quan và vũ trụ quan của mình, trong ấy có nhiều điểm độc đáo, tiến bộ, nhưng cũng có một số điểm người đọc ngày nay cần lấy lập trường khoa học mà xét lại.
Cách Mạng ở chỗ chống áp bức bóc lột, đòi tự do, đòi công lý, Victor Hugo vẫn là cải lương ở giải pháp. Với ông, làm Cách Mạng là để thay người xấu bằng người tốt, ban bố các quyền tự do, cải cách xã hội, mở trường học, dựng một chính quyền lấy tôn giáo chân chính làm hướng đạo, lấy yêu nước, dân chủ và nhân đạo làm châm ngôn. Vấn đề xóa bỏ trật tự cũ, thủ tiêu giai cấp chưa được bàn tới. Ông tin tưởng nồng nhiệt vào luật tiến hóa xã hội, nhưng theo ông, yếu tố chủ yếu của tiến hóa là sự cải tạo tư tưởng của con người. Ngày nay ai cũng biết là lý tưởng xã hội theo như ông muốn không thể thực hiện được bằng cuộc Cách Mạng như ông quan niệm. Chỉ có giai cấp công nhân dẫn đầu nhân dân lao động đứng lên lật đổ tư bản đế quốc, kiến thiết Xã Hội Chủ Nghĩa, mới có thể đem lại công ăn việc làm, tự do, kiến thức đầy đủ cho tất cả mọi người; và cái mộng cải tạo tư tưởng con người của ông cũng chỉ thực hiện được khi chính quyền đã ở trong tay giai cấp vô sản.
Mặc dù có mấy nhược điểm ấy, «Những Người Khốn Khổ» vẫn là một bộ tiểu thuyết lớn của thế giới, thấm nhuần một tinh thần nhân đạo cao cả, tiến bộ rõ rệt và có giá trị lâu dài.
PHẦN THỨ NHẤT
_ FANTINE _
QUYỂN I
MỘT CHÍNH NHÂN QUÂN TỬ
I
ÔNG MYRIEL [4]
Năm 1815, ông Charles François Bienvenu Myriel làm Giám Mục ở Digne. Đó là một ông lão chừng bảy mươi lăm tuổi, được cử về đây từ năm 1806.
Điều sau đây chẳng dính dáng tí gì đến nội dung câu chuyện chúng tôi kể, nhưng nêu ra đây những tiếng đồn, những lời bàn tán về ông lúc ông đến địa phận, có lẽ cũng không đến nỗi vô ích, dù chỉ là để cho mọi việc được chính xác. Đúng hay sai, miệng thế thường chiếm trong cuộc đời, nhất là trong vận mệnh người khác, cũng nhiều chỗ bằng công việc họ làm. Ông Myriel là con một vị bồi thẩm ở Tòa Thượng Thẩm Aix, dòng quý tộc văn thần. Người ta kể rằng, ông thân sinh định dành cho ông thừa kế chức vụ của mình, nên đã kiếm vợ cho ông rất sớm, từ lúc ông còn mười tám đôi mươi gì đấy, theo một thói tục khá phổ biến trong các gia đình tư pháp. Charles Myriel đã có vợ rồi đấy, nhưng theo dư luận, vẫn làm cho người ta nói về mình khá nhiều. Ông ta tầm vóc hơi thấp bé, nhưng dáng người cân đối lại phong nhã, duyên dáng, hóm hỉnh; cả quãng đời thanh niên chỉ dành cho việc giao du và trò ong bướm. Cách Mạng xảy đến, sự biến dồn dập, các gia đình tư pháp bị tổn vong, xua đuổi, truy lùng, tản mát mọi nơi. Ngay từ những ngày đầu Cách Mạng, Charles Myriel đã di cư sang Ý. Vợ ông ta chết bên ấy vì một bệnh
phổi mắc sẵn từ rất lâu. Hai vợ chồng không có con. Sau đó cái gì xảy ra trong thân thế Myriel? Sự sụp đổ của xã hội cũ, sự sa sút của chính gia đình mình, những cảnh tượng bi thảm Năm 93,[5] có lẽ còn ghê sợ hơn đối với những kẻ di cư, vì đã hoảng hốt mà ở xa thì nhìn cái gì cũng thành phóng đại, tất cả những cái đó phải chăng đã gieo vào trí ông ta những ý nghĩ từ bỏ công danh, mến đời ẩn dật? Có phải, giữa những cuộc vui chơi và những tình cảm choán hết cuộc đời, bỗng dưng ông bị giáng một đòn thần bí, kinh khủng, ngón đòn có khi chỉ vì đánh trúng tim nên quật đổ con người mà lâu nay các tai họa công cộng đánh vào cuộc sống và tài sản không sao lay chuyển nổi? Không một ai có thể trả lời được. Chỉ biết một điều là khi từ Ý trở về, ông ta đã là một cố đạo.
Năm 1804, ông Myriel làm cha xứ ở Brignolles. Ông đã già và sống cuộc đời ẩn dật. Vào khoảng lễ đăng quang, ông phải lên Paris vì có chút việc của nhà xứ, việc gì thì không ai nhớ nữa. Trong số những nhà quyền thế mà ông đến nhờ vả cho con chiên của ông, có Đức Giáo Chủ Fesch. Một hôm Hoàng Đế đến thăm cậu, ông Linh Mục đức độ ấy đang đợi ở phòng khách nên gặp ngài lúc ngài đi qua. Ngài thấy ông nhìn mình có vẻ tò mò, liền quay lại đột ngột hỏi:
— Lão nhân là ai mà nhìn ta kỹ thế?
Ông Myriel đáp:
— Tâu bệ hạ, bệ hạ nhìn một lão nhân, còn hạ thần thì nhìn một vĩ nhân, bên nào cũng được lợi cả.
Ngay tối hôm ấy Hoàng Đế hỏi Giáo Chủ tên vị cha xứ và sau đó ít lâu, ông Myriel rất ngạc nhiên được tin mình thăng chức Giám Mục thành Digne. Chẳng ai biết thực hư trong những câu chuyện người ta kháo nhau về đoạn đầu của cuộc đời ông. Có mấy nhà quen thuộc gia đình ông hồi trước Cách Mạng đâu! Thành ra ông cũng phải chịu cái số phận chung của những người xa lạ mới đến ở một thành phố nhỏ có lắm kẻ rỗi mồm mà ít người chịu khó suy nghĩ. Ông đành chịu vậy mặc dù ông làm Giám Mục và chính vì ông làm Giám Mục. Thật
ra, những chuyện xì xào về ông chỉ là những chuyện xì xào, những tiếng đồn đại, những lời nói vào nói ra thôi, nghĩa là toàn những chuyện ba láp cả, như cách nói mạnh mẽ của Miền Nam.[6] Dù sao, chín năm trời ông làm Giám Mục ở Digne, những chuyện thóc mách người tỉnh nhỏ ưa đem ra bàn tán buổi đầu ấy dần dần rồi cũng bẵng đi hết. Chẳng một ai dám nói, mà cũng chẳng một ai dám nhớ đến nữa.
Đến nhậm chức ông có đem theo một người em gái, cô Baptistine. Cô kém ông anh mười tuổi, ở vậy không lấy chồng. Trong nhà độc một người ở, trạc tuổi cô em, gọi là bà Magloire. Trước kia bà là vú già của cha xứ, nhưng nay bà lại kiêm hai chức, vừa là hầu phòng của cô em, vừa là quản gia của Đức Giám Mục. Cô Baptistine người cao lại lép, nước da xanh tái, nét mặt hiền hậu. Cô thực là một người đáng trọng, vì hình như đàn bà có làm mẹ mới gọi là đáng kính được. Cô không phải là người có nhan sắc, nhưng một đời tận tụy làm việc thiện đã làm cho cô có một vẻ gì trong trắng và lúc về già được thêm cái vẻ nhân hậu. Dáng người mảnh dẻ của thời con gái nay đã nhuốm vẻ thanh cao trong sáng của bậc thiên thần. Cô không phải chỉ là một trinh nữ, cơ hồ cô là một linh hồn. Người cô như một cái bóng. Chỉ một chút thể xác để biết là phụ nữ thôi; một chút thể chất rạng chói hào quang. Hai con mắt to lúc nào cũng nhìn xuống; một cái cớ cho linh hồn nán lại chốn trần tục. Bà Magloire là một bà già thấp bé, da trắng, béo tròn, lúc nào cũng tất tả, cũng thở hổn hển, một phần vì hoạt động, một phần vì chứng hen.
Khi ông Myriel đến nhậm chức, người ta đã đón rước ông về Dinh Giám Mục với mọi nghi lễ long trọng đúng quy chế nhà vua ban hành. Quy chế này xếp ông liền ngay sau chức thiếu tướng. Ông Thị Trưởng và ông Chánh Án đến thăm ông đầu tiên; phần ông, trước hết ông cũng đến thăm ông thiếu tướng và ông Tỉnh Trưởng.
Xếp đặt xong xuôi, ai nấy chờ xem ông Giám Mục tỉnh nhà bắt tay vào việc.
II
ÔNG MYRIEL THÀNH ĐỨC CHA BIENVENU [7]
Dinh Giám Mục thành Digne ở sát ngay Nhà Thương. Đó là một tòa biệt thự to lớn và lịch sự, xây toàn bằng đá từ đầu thế kỷ trước. Người xây dựng nó là Đức Cha Henri Puget, tiến sĩ thần học trường Đại Học Paris, Viện Trưởng tu viện Simore, từ năm 1712 làm Giám Mục thành Digne. Tòa biệt thự này quả là một lâu đài lãnh chúa. Chỗ nào cũng uy nghi, nhà riêng của Giám Mục, phòng khách, phòng ngủ, sân chơi rộng rãi với những lối dạo có vòm cuốn, theo kiểu Florence thời xưa, vườn thênh thang đầy những cổ thụ. Phòng ăn cao rộng, đẹp đẽ, ở ngay tầng dưới, trông ra vườn. Ở đấy ngày 29 tháng 7 năm 1714, Đức Cha Henri Puget đã thết tiệc trọng thể các Đức Cha Charles Brûlart De Genlis, Tổng Giám Mục - Hoàng Thân ở Embrun, Antoine De Mesgrigny, tu sĩ dòng thánh France, Giám Mục ở Grasse, Philippe De Vendôme, Pháp quốc lễ thần, Viện Trưởng tu viện Thánh Honoré De Lérins, François De Berton De Grillon, Giám Mục - Nam Tước ở Vence, César De Sabran De Forcalquier, Giám Mục - Thống Đốc ở Glandève và Jean Soanen, Linh Mục giảng viện, giảng sư bình thời của nhà vua, Giám Mục - Thống Đốc ở Senez. Gian phòng bày chân dung bảy nhân vật cao quí ấy, còn cái ngày đáng ghi nhớ, ngày 29 tháng 7 năm 1714, thì được khắc bằng chữ vàng trên một cái bàn cẩm thạch trắng.
Nhà Thương là một ngôi nhà thấp, chật hẹp có độc một tầng gác với một mảnh vườn nhỏ. Vừa đến Digne được ba hôm, Đức Giám Mục sang thăm Nhà Thương. Thăm xong, ông cho mời viên giám đốc đến nhà riêng.
— Ông giám đốc Nhà Thương, lúc này ông có bao nhiêu bệnh nhân?
— Bẩm có hai mươi sáu người.
— Đúng, tôi cũng đã đếm.
— Giường họ nằm kê sát nhau quá, - viên giám đốc nói tiếp. — Tôi cũng đã nhận thấy vậy.
— Phòng dưỡng bệnh chỉ là những buồng con, không khí tù hãm. — Tôi cũng thấy hình như thế.
— Lại còn cái vườn nhỏ quá, không đủ chỗ cho những người mới hồi phục ra chơi khi trời nắng ấm.
— Tôi cũng nghĩ vậy.
— Vào hồi có dịch, như năm nay vừa có dịch thương hàn, năm kia có dịch sốt phát ban, người đến chữa có lúc hàng trăm, chúng tôi chẳng còn biết xoay xở ra sao.
— Tôi cũng đã lo có điều như vậy.
— Bẩm Đức Cha, cũng đành thôi, chứ biết làm thế nào - viên giám đốc nói.
Hai người nói chuyện ở ngay chỗ phòng ăn rộng lớn dưới nhà. Ông Giám Mục trầm ngâm một lúc rồi quay phắt lại hỏi viên giám đốc.
— Này, ông thử tính xem riêng phòng này kê được bao nhiêu giường.
Viên giám đốc sửng sốt kêu lên:
— Phòng ăn của Đức Cha!
Ông Giám Mục nhìn quanh nhà, như ước lượng, rồi lẩm bẩm: “Dễ kê được đến vài chục giường". Rồi ông ta nói to:
— Này, ông giám đốc, tôi nói điều này, theo tôi thì có lẽ có sự nhầm lẫn gì đây. Các ông đến hăm sáu người, mà xếp vào năm sáu căn buồng con. Còn chúng tôi ở đây có ba người mà chiếm cả một ngôi nhà có thể chứa sáu chục. Đúng là người ta nhầm. Các ông đã chiếm nhà tôi còn tôi thì lại ở nhà các ông. Xin ông trả lại nhà cho tôi. Nhà của các ông là ở bên này đây.
Ngay hôm sau, hai mươi sáu bệnh nhân nghèo được sang ở Dinh Giám Mục và ông Giám Mục dọn đến ở bên Nhà Thương. Ông Myriel chẳng có của cải gì. Cha mẹ ông đã bị phá sản trong thời kỳ Cách Mạng. Bà em có món thực lợi chung thân mỗi năm hưởng năm trăm francs tiền lời đủ cho bà chi dùng riêng về phần mình. Lương đồng niên Giám Mục được mười lăm nghìn francs. Ngay hôm dọn sang ở bên Nhà Thương, ông quy định một cách cố định việc chi dùng số tiền ấy.
Chúng tôi chép lại dưới đây sổ chi tiêu đó, do chính tay ông viết lấy:
«Bản ghi những khoản chi tiêu trong nhà:
— Cấp cho Chủng Viện 1.500 francs
— Hội Giảng Đạo 100 francs
— Cấp cho nhà tu dòng Lazaristes ở Montdidier 100 francs
— Trường tu sĩ hội Truyền Giáo Nước Ngoài ở Paris 200 francs
— Hội Đức Thánh Thần 150 francs
— Cơ sở giáo hội ở Đất Thánh 100 francs
— Nhà Dục Anh 300 francs
— Cấp riêng cho Nhà Dục Anh ở Arthurs 50 francs
— Công cuộc cải thiện nhà lao 400 francs
— Công cuộc ủy lạo và phóng thích tù nhân 500 francs
— Để phóng thích những gia trưởng bị tù vì nợ 1.000 francs
— Phụ cấp các thầy giáo ít lương trong địa phận 2.000 francs
— Cấp cho kho lúa nghĩa thương vùng Thượng Alpes 100 francs
— Cấp cho các trường con gái nghèo của Hội Từ Thiện ở Digne, Manosque và Sisteron 1.500 francs
— Cấp cho kẻ khó 6.000 francs
— Khoản chi tiêu cho riêng mình 1.000 francs
Tổng cộng: 15.000 francs»
Suốt thời gian ở Digne ông không hề thay đổi một khoản nào trong bản dự toán đó. Thế mà ông bảo là đã dự toán các khoản chi tiêu trong nhà rồi đấy. Cách sử dụng đồng tiền như vậy được cô em tuyệt đối tuân theo. Đối với người đàn bà đức hạnh, ông Giám Mục vừa là bậc anh, vừa là Đức Cha. Trong gia đình ông là người bạn, theo phép nhà thờ ông là bậc bề trên. Ông nói thì cô cúi đầu nghe. Ông làm thì cô em hưởng ứng. Chỉ có người đầy tớ già, bà Magloire, là có kêu ca chút ít. Vì, như ta đã thấy, ông Giám Mục chỉ giữ lại cho mình có một nghìn francs, cộng với số tiền dưỡng lão của bà cô Baptistine, vị chi là một nghìn rười francs một năm, mà cả ba người ăn tiêu đều phải trông vào đấy cả. Thế mà lần nào có một cha xứ ở dưới làng lên, ông Giám Mục cũng cứ giữ lại thết cơm. Được như thế là nhờ ở tính tiết kiệm nghiêm khắc của bà Magloire và cách quản lý khéo léo của cô Baptistine.
Một hôm, bấy giờ ông đã làm Giám Mục ở Digne được ba tháng, ông bảo:
— Như thế này thì ta cũng túng lắm nhỉ!
Bà Magloire kêu lên:
— Làm gì mà không túng! Đức Cha quên cả không xin lĩnh món tiền Nhà Nước cấp cho Tòa Giám Mục làm tiền xe trong thành phố và tiền lộ phí kinh lý trong hạt. Đó là lệ của các Giám Mục ngày trước.
— Thế à! Bà nói phải đấy.
Và ông làm giấy đòi khoản tiền đó. Ít lâu sau, Hội Đồng Hàng Tỉnh lưu ý đến đơn của Tòa Giám Mục, bỏ phiếu chuẩn cấp cho ông món tiền hàng năm ba ngàn francs theo khoản: Chi cho Đức Giám Mục về tiền xe ngựa và trạm phí, lộ phí kinh lý trong hạt. Việc này làm cho bọn tư sản trong tỉnh kêu ầm cả lên. Các vị Nguyên Lão Nghị Viện trước kia có chân ở Viện Ngũ Bách[8] và tán thành cuộc đảo chính Ngày 18 Tháng Sa Mù, lại được hưởng một thái ấp lớn ở vùng Digne, viết cho Thượng Thư Bộ Lễ, ông Bigot De Préameneu, một bức thư mật giọng bực tức.
Xin trích nguyên văn một đoạn:
«“…Tiền xe? Làm gì phải cần đến tiền xe ở một tỉnh chưa đến bốn nghìn dân? Lại tiền trạm phí và lộ phí kinh lý nữa? Đi kinh lý làm gì đã chứ? Mà đi xe trạm thế nào được trong xứ núi non này? Đường xá làm gì có. Chỉ có đi ngựa thôi. Đến như cái cầu trên sông Durance ở Château Arnoux cũng còn khó khăn mới cho nổi chiếc xe bò đi qua. Cái bọn cha cố đều như thế cả. Tham lam và keo bẩn. Lão này lúc mới đến cũng làm ra vẻ chân tu lắm, nay thì cũng y như bọn khác. Cũng đòi xe với kiệu! Cũng đòi xa hoa như các Giám Mục thời trước. Gớm cho bọn tu hú này! Thưa Bá Tước, bao giờ Hoàng Đế trừ xong cho dân ta cái nạn bọn “áo dài đen" này thì mọi sự mới được ổn thỏa. Đả đảo Giáo Hoàng![9] Về phần tôi, tôi chỉ biết có Hoàng Đế…”»
Việc ấy trái lại, làm bà Magloire mừng rơn. Bà ta thì thào với cô Baptistine: “Có thế chứ! Đức Cha chỉ quen nghĩ đến người khác, nhưng rồi cũng phải nhớ đến mình chứ. Các khoản làm phúc đã có đủ cả rồi. Ba nghìn francs này là ba nghìn của chúng ta đây”.
Ngay tối hôm ấy, ông Giám Mục đưa cho bà em tờ kê sau đây:
«Chi tiêu về xe ngựa và lộ phí kinh lý trong hạt:
— Cấp cho Nhà Thương để nấu xúp thịt cho bệnh nhân 1.500 francs
— Cấp cho Hội Dục Anh ở Aix 250 francs
— Hội Dục Anh Draguignan 250 francs
— Nhà nuôi trẻ bỏ rơi 500 francs
— Nhà nuôi trẻ mồ côi 500 francs
Tổng cộng 3.000 francs»
Đó là ngân sách của ông Myriel. Còn những khoản thu bất thường của Tòa Giám Mục như hủy đăng ký kết hôn, miễn trừ, rửa tội tạm, giảng kinh, công nhận nhà thờ, nhà nguyện, cưới xin… thì cần làm phúc cho kẻ nghèo bao nhiêu ông ráo riết thu của người giàu bấy nhiêu.
Sau một thời gian ngắn, tiền quyên cúng đem đến rất nhiều. Người có, kẻ túng đều đến gõ cửa nhà ông: Người này đến xin tiền mà kẻ kia vừa đem lễ. Thành ra chưa đầy một năm, ông Giám Mục hóa ra người thủ quỹ chung của các nhà hảo tâm và phát ngân viên của những người cùng khốn. Tính những món tiền qua tay ông thật là nhiều. Vậy mà cách sống của ông vẫn không hề thay đổi, không hề có thêm một khoản gì ngoài những tối cần thiết. Hơn thế nữa, cũng vì trong xã hội, ở dưới có nhiều cảnh khốn cùng mà ở trên thì ít có lòng bác ái, nên có thể nói thường tiền cúng chưa kịp vào đã phải phát ra, như gió vào nhà trống, tiền ông có thu vào mà chẳng bao giờ còn sót một đồng dính tay. Thành thử ông phải dốc túi ra.
Theo tục lệ, trên giấy má, thư từ, các vị Giám Mục thường nêu tên thánh của mình. Nhân đó, những đám dân nghèo trong xứ, vì lòng kính mộ tự nhiên, đã chọn trong các tên và họ của ông, một tên theo họ là có ý nghĩa và chỉ gọi ông là Đức Cha Bienvenu. Chúng tôi bắt chước họ gọi ông như thế khi cần. Thực ra cách xưng hô ấy làm ông
vừa ý. “Tôi thích cái tên ấy", ông nói. Chữ Bienvenu làm cho chữ Đức Cha bớt cách biệt.
Chúng tôi không dám cho bức chân dung mô tả đây là thực, chúng tôi chỉ xin nói là nó giống.
III
GIÁM MỤC GIỎI THÌ ĐỊA PHẬN KHÓ
Ông Giám Mục không phải vì đã đem tiền xe cộ ra làm phúc cả mà ít đi kinh lý. Cái xứ Digne này quả là một địa phận vất vả. Đồng bằng thì ít, núi non thì nhiều, đường sắt hầu như không có, trên kia đã thấy rồi; lại đến ba mươi hai xứ, bốn mươi mốt họ và hai trăm tám mươi lăm chi. Đi thăm hết thẩy bấy nhiêu là cả một vấn đề. Ông Giám Mục vượt qua được tất cả. Gần thì ông đi bộ, đường đồng bằng thì ông đi xe bò, leo núi thì ông ngồi ghế cho la thồ. Hai bà già theo ông cho có bạn. Chuyến đi nào đối với các bà quá khó nhọc thì ông đi một mình.
Một hôm, ông đi lừa đến Senez, một thành phố xưa kia có Tòa Giám Mục. Dạo ấy, túi tiền hầu như rỗng không, ông không thể đi lại cách nào khác. Viên Thị Trưởng ra đón ông ở cửa Tòa Giám Mục và nhìn ông từ trên mình lừa bước xuống, ra vẻ khó chịu. Có mấy tên nhà giàu cười khúc khích chung quanh. Ông nói: “Thưa ông Thị Trưởng và cả các ngài tư sản nữa, tôi hiểu vì sao các ông bực bội rồi. Các ông cho là một thầy tu quèn phải hợm mình lắm mới cưỡi lừa như đức Chúa Jésus Christ trước kia! Thưa thật với các ông, tôi không hề có ý kiêu căng mà chỉ vì cần thiết quá”.
Trong các chuyến kinh lý, ông tỏ ra rộng lượng và hiền hòa, chuyện trò nhiều hơn là thuyết pháp. Ông không bao giờ đặt một đức tốt nào vào một chỗ mà không ai với tới được. Ông cũng chẳng bao
giờ phải tìm ra những lý lẽ và những hình mẫu cho lời nói của mình. Nói chuyện với dân xứ này, ông nêu gương dân xứ bên cạnh. Ở những tổng mà người ta hẹp lòng đối với kẻ túng bấn, ông nói: “Hãy xem người Briançon. Họ cho người nghèo, đàn bà góa, trẻ mồ côi quyền được cắt cỏ ở các đồng cỏ của họ trước mọi người khác ba ngày. Nhà cửa có bị đổ nát thì họ cất giùm lại cho, không lấy tiền. Vì thế, xứ ấy là một xứ được Chúa ban ân. Suốt một thế kỷ, một trăm năm nay, không hề có lấy một kẻ giết người”. Ở những làng chỉ biết có đồng tiền và hạt thóc, ông nói: “Hãy xem người Embrun. Vào ngày mùa, người nào có con trai tại ngũ, con gái bận công việc Nhà Nước ở trên tỉnh, mà lại đau ốm hoặc gặp khó khăn, thì cha xứ đem ra nói với con chiên vào lúc giảng kinh. Thế là, chủ nhật, xem lễ xong, hết thảy dân làng, đàn ông, đàn bà, trẻ con kéo đến ruộng con người đáng thương nọ, gặt hái hộ và mang cả thóc lẫn rơm rạ về tận nhà”. Gặp những gia đình chia rẽ vì chuyện tiền bạc và gia tài, ông bảo: “Hãy trông dân vùng núi Devoluy, một vùng hoang dại đến nỗi năm mươi năm không nghe họa mi hót một lần. Thế mà, bố chết, con trai liền đi tứ phương tìm kế sinh nhai, còn của cải thì nhường lại cho con gái để con gái dễ kiếm chồng”. Ở các tổng ưa kiện tụng, có nhiều tá điền suy sụp vì chạy theo các thứ đơn từ, ông nói: “Hãy xem nông dân thung lũng Queyras, họ rất thuần hậu. Họ có ba nghìn người ở đó. Trời! Cứ như một nước Cộng Hòa nho nhỏ. Họ chẳng hề biết đến thẩm phán, mõ tòa là gì. Mọi việc, xã trưởng làm tất. Ông phân bổ thuế khóa từng nhà theo lương tâm mình, giải quyết không các vụ tranh chấp, chia hộ gia tài không lấy công, xử án không lấy án phí và mọi người nghe theo vì ông ta là một người công minh sống giữa những con người chất phác”. Đến những làng không thấy có thầy học, ông cũng kể đến dân vùng Queyras: “Bà con có biết họ làm như thế nào không? Thường một xóm mươi lăm nóc nhà thì không nuôi nổi một thầy học, cho nên họ có những thầy giáo do cả xứ đài thọ, các thầy giáo đó đi hết xóm này đến xóm nọ, một tuần nơi này, mươi
ngày nơi kia, đến đâu dạy đó. Các ông giáo hay đến các phiên chợ, tôi gặp họ ở đấy. Thấy họ dắt bút lông ngỗng trên băng mũ thì nhận ra ngay. Ai chỉ dạy đọc thì một lông, ai dạy đọc dạy tính thì hai lông, ai dạy đọc dạy tính dạy cả La Tinh nữa thì ba lông. Những vị đó là những nhà đại thông thái. Còn dốt nát thì xấu hổ biết bao nhiêu! Bà con ta nên làm như người Queyras”.
Ông nói chuyện như vậy, nghiêm túc và chân tình, thiếu ví dụ sống thì dùng ngụ ngôn, đi thẳng vào đích, ít lời mà nhiều hình ảnh: Đó là lối hùng biện của Chúa Jésus Christ, đầy tin tưởng và sức thuyết phục.
IV
NÓI SAO LÀM VẬY
Ông nói chuyện thân mật và vui vẻ. Sống với hai bà già suốt đời ở cạnh ông, ông khéo chọn lối ăn nói cho vừa tầm họ. Khi ông cười, cái cười của ông hồn nhiên như của một cậu học sinh. Bà Magloire thích gọi ông là Ông Lớn. Một hôm ông đang ngồi trên ghế, đứng dậy ra chỗ ngăn tủ tìm một quyển sách. Sách để ở tận ngăn trên. Ông vốn thấp bé nên không với tới. Ông gọi bà Magloire bảo: “Bà mang cho tôi cái ghế. Tôi tuy “lớn” nhưng vẫn không lớn tới tấm ván kia".
Ông có một bà họ xa, bà Bá Tước Lô. Bà này không bao giờ bỏ lỡ dịp đem khoe khoang trước mặt ông những cái mà bà gọi là những “ngưỡng vọng” của ba cậu công tử con bà ta. Bà ta có những ông chú bà bác đã già lắm, lại vô tự, gia tài, tước lộc, về sau thể tất về tay ba người con bà. Cậu út rồi sẽ được hưởng đến mười vạn quan lợi tức của một bà cô; cậu thứ hai rồi sẽ được ấm phong tước công của ông bác; cậu cả rồi sẽ được kế chân quốc lão của ông nội. Ông Giám Mục thường vẫn ngồi lặng yên nghe câu chuyện bà ta, coi đó là một cái tật vô hại của các bà hay khoe con. Duy có một lần, trong khi bà ta đang kể đi kể lại tỉ mỉ những chuyện kế tự và những “ngưỡng vọng” đó, thì ông Giám Mục trông có vẻ thẫn thờ hơn mọi bận. Bà ta hơi bực mình, ngừng lại hỏi:
— Kìa ông anh. Ông đang nghĩ đi đâu thế?
— Tôi đang nghĩ đến một câu sách cũng hơi kỳ, hình như trong sách của Thánh Augustins, như thế này: “Hãy đặt ngưỡng vọng của ta vào người nào mà ta không thừa kế gì cả”.
Một lần khác, ông nhận được tờ cáo phó của một nhà quý tộc trong xứ, trong đó kê đặc cả một trang giấy những chức tước của người đã khuất, lại còn la liệt những phẩm hàm chức tước của bọn con cháu họ hàng nữa. Ông bảo: “Cái chết thế mà khỏe lạ! Mang nhẹ nhàng cả một mớ nặng chức tước. Kể người đời cũng tài thật, lợi dụng đến cả cái thây ma để khoe khoang hợm hĩnh". Đôi khi ông có những lời giễu cợt nhẹ nhàng mà có ý nghĩa sâu sắc. Mùa chay năm nọ có ông phó xứ trẻ tuổi lên tỉnh giảng thuyết ở Nhà Thờ Lớn về lòng từ thiện. Ông ấy giảng giải khá hùng hồn. Nội dung bài giảng là lòng từ thiện. Ông tả cảnh địa ngục thật ghê rợn và tô điểm thiên đường thành cảnh êm đẹp ai cũng thèm ước và ông khuyên người giàu nên bố thí cho kẻ nghèo để được lên thiên đường, khỏi phải xuống địa ngục. Trong bọn người nghe có một nhà phú thương tên là Géborand, đã nghỉ kinh doanh, song vẫn còn cho vay lãi nặng, trước đây chỉ chuyên dệt các loại len, dạ mà kiếm được dăm chục vạn. Cả đời hắn chẳng bố thí cho ai bao giờ. Từ hôm nghe giảng, chủ nhật nào cũng thấy hắn ném một xu cho mấy bà lão ăn mày ở cửa nhà thờ, một xu mà đến sáu người phải chia nhau. Một hôm thấy lão ta đang làm phúc kiểu đó, ông mỉm cười bảo cô em: “Kìa cô xem, ông Géborand đang mua một xu thiên đường đấy!"
Trong công việc từ thiện không bao giờ ông nản chí. Người ta có khăng khăng từ chối, ông cũng tìm được lời hay, bắt người ta phải suy nghĩ. Lần nọ ông khuyến quyên trong một phòng khách ở tỉnh. Một tay quý tộc đã già, vừa giàu lại vừa kiệt, Hầu Tước Champtercier, hôm ấy có mặt ở đấy. Hắn ta vào loại nhân vật kỳ lạ mà một thời người ta đã thấy xuất hiện, vừa có đầu óc Bảo Hoàng hơn vua, vừa có tư tưởng phóng khoáng hơn cả Voltaire.[10] Khi đến gần Hầu Tước, ông Giám Mục kéo tay hắn: “Hầu Tước ạ, ngài phải
cho tôi cái gì mới được”. Hắn quay lại, trả lời nhạt nhẽo: “Thưa Đức Cha, tôi đã có kẻ nghèo của tôi”. Ông Giám Mục nói: “Thì hãy cho tôi những kẻ nghèo đó!”
Một hôm ở giáo đường, ông giảng đạo như sau:
“Các giáo hữu, các bạn thân mến! Hiện nay ở nước Pháp có một triệu ba mươi hai vạn cái nhà nông dân chỉ có ba cửa, một triệu tám trăm mươi bảy ngàn nhà có hai cửa, một cửa ra vào, một cửa sổ và còn ba mươi tư vạn sáu ngàn túp lều chỉ có một cửa là chỗ ra vào thôi. Cái đó là do một thứ mà người ta gọi là thuế cửa. Bắt những gia đình nghèo từ già đến trẻ phải chui rúc trong những ngôi nhà ấy thì tránh sao khỏi làm mồi cho sốt rét và bệnh tật. Than ôi! Thượng Đế đã cho người ta không khí để thở thì luật pháp lại bắt họ phải mua. Tôi không kết án luật pháp, tôi chỉ tạ ơn Chúa.
Trong hạt Isère, hạt Var, trong hai xứ Thượng, Hạ Alpes, nông dân không có đến cả cái xe cút kít, họ phải cõng phân ra ruộng. Họ không có nến, họ phải thắp bằng những que nhựa và những khúc dây thừng nhúng vào đầu nhựa. Khắp miền núi xứ Dauphiné đều thế cả. Họ phải làm bánh ăn dự trữ sáu tháng. Họ đốt lò bánh bằng phân bò phơi khô. Mùa đông, họ dùng rìu bổ bánh, ngâm vào nước một ngày một đêm mới ăn được. Hỡi các giáo hữu! Hãy mở lòng nhân! Hãy xem chung quanh các bạn người ta khổ như thế nào”.
Vốn sinh ở Provençal, ông rất dễ làm quen với các thổ âm Miền Nam. Khi cần ông có thể nói: «Eh bé! Moussu, sès sagé?» như người Languedoc Hạ, «Onté anaras passa» như người Hạ Alpes, cũng như «Puerte un bouen moutou embe un bouen froumage grase» như người ở Dauphiné Thượng. Điều đó làm dân chúng thích và giúp ông gần gũi mọi người khá nhiều. Vào nhà tranh vách đất hay lên chỗ núi non, ông cũng tự nhiên thoải mái như ở nhà mình. Nói những điều cao cả nhất ông cũng nói được bằng những lời lẽ thông tục nhất. Nói năng như mọi người nên cũng đi được vào lòng tất cả.
Tuy vậy, đối với hạng thượng lưu cũng như đối với dân chúng ông vẫn là một. Ông không bao giờ buộc tội một cách vội vã mà không tính đến hoàn cảnh xung quanh. Ông nói: “Phải xét xem tội lỗi đã đi tới bằng con đường nào". Vì vui vẻ tự cho mình là nguyên tội nhân, ông không thể nghĩ đến một kiểu dốc cheo leo nào của chủ nghĩa khắc nghiệt và không cau mày nhăn mặt như những ông thiện, ông ác, ông chỉ lớn tiếng truyền bá một học thuyết có thể tóm tắt như sau:
“Con người ta có thể xác, nó vừa là gánh nặng vừa là nguồn quyến rũ. Con người kéo lê thể xác nhưng cũng chiều nể nó. Phải trông coi, uốn nắn, trấn áp, cùng kế lắm mới nghe theo nó. Nghe theo như vậy cũng còn có thể có tội; nhưng làm được như thế thì tội cũng nhẹ. Ngã, nhưng là ngã quỳ thì còn có thể chuyển sang cầu nguyện.
Thành thánh thì ngoại lệ; thành người chính trực là quy tắc. Lầm lạc, sa ngã, phạm tội cũng được, nhưng phải là người chính trực. Càng ít tội lỗi càng tốt, đó là luật của người. Không tội lỗi nào cả, đó là mơ ước của thiên thần. Đã thuộc trái đất này thì thoát sao khỏi tội lỗi. Tội lỗi cũng như luật hấp dẫn, chi phối mọi người.”
Có lúc ông thấy mọi người gào thét dữ tợn và phẫn nộ quá nhanh: “Ồ! Ồ! - Ông vừa cười vừa nói - rõ ràng đấy là một tội ác lớn mà mọi người đều mắc phải. Đó chính là những kẻ đạo đức giả bị kinh động nên vội vàng phản kháng để che thân". Đối với đàn bà và dân nghèo là những kẻ chịu nhiều áp bức xã hội nhất, ông rất độ lượng. Ông bảo: “Tội lỗi của đàn bà, của con trẻ, của kẻ tôi tớ, của người yếu hèn, của đám nghèo khổ và dốt nát, chính là tội lỗi của những bậc làm chồng, làm cha, làm chú, những kẻ quyền thế, những người giàu có và có học thức”.
Ông lại nói:
“Phải cố gắng dạy cho người không biết, càng nhiều điều càng hay. Xã hội mà không thực hiện được giáo dục không mất tiền là xã hội có lỗi. Nó phải chịu trách nhiệm về tình trạng tăm tối do nó sản
sinh. Con người tối tăm mới gây ra tội lỗi. Cho nên kẻ có tội không phải là người đã lầm lỗi mà chính là kẻ đã gây nên tối tăm”. Ông đã có một lối xét đoán sự việc theo cách riêng của mình, khá lạnh lùng như thế đấy. Tôi ngờ là ông đã học ở sách Phúc Âm. Một hôm ông được nghe kể ở phòng khách một trường hợp đã thẩm cứu và sắp đem xử. Có một người đàn ông khốn khổ, vì thương người bạn tình của mình và đứa con mà chị đã có với anh ta, và cũng quẫn quá, nên làm bạc giả. Thuở ấy luật pháp còn xử những người làm bạc giả vào tội tử hình. Người đàn bà vừa mang đi tiêu thụ đồng bạc giả đầu tiên do người yêu làm ra thì bị bắt. Tóm chị nhưng cũng chỉ có tang chứng đối với chị mà thôi. Chỉ khi nào chị ta xưng thú thì người yêu của chị mới mắc vòng pháp luật. Chị chối. Người tra gạn. Chị cũng một mực chối cãi. Bấy giờ viên biện lý nghĩ ra được một kế. Hắn bày đặt một câu chuyện phụ tình và khéo nhặt nhạnh chắp nối một ít mẩu thư từ đưa ra khiến cho người đàn bà khốn nạn kia tưởng mình bị người yêu dối lừa thật. Nổi cơn ghen cùng cực, chị ta khai hết, thú hết với đủ mọi chứng cứ. Vì thế mà người đàn ông bị bắt và nay mai sẽ bị đem ra xử ở Aix cùng với đồng lõa. Người ta thuật chuyện và trầm trồ khen ngợi viên biện lý có tài vận dụng lòng ghen tuông để phục vụ công lý. Ông Giám Mục im lặng ngồi nghe, cuối cùng mới hỏi:
— Người ta đem xử người đàn ông và người đàn bà ấy ở đâu? — Ở Tòa Đại Hình.
Ông hỏi thêm:
— Thế còn viên biện lý thì xử ở đâu?
Ở Digne xảy ra một việc bi thảm. Một người bị xử tử hình vì can tội sát nhân. Người bất hạnh ấy không hẳn là người có học mà cũng không hẳn dốt nát, hắn ta từng làm trò ở chợ và làm thầy ký viết thuê. Vụ án làm thành phố khá bận tâm. Trước ngày hành hình, cha tuyên úy nhà ngục bị ốm. Cần một cha cố để giúp đỡ tội nhân trong những phút cuối cùng. Người ta chạy tìm cha xứ. Ông này hình như
từ chối: “Việc đó liên quan gì đến tôi. Tôi cần gì cái việc khổ sai đó và cái tên xiếc khỉ ấy! Tôi, tôi cũng ốm đây. Với lại, chỗ tôi không phải ở đấy”.
Người ta đem câu trả lời ấy thuật lại với ông Giám Mục, ông nói: “Ngài cha xứ nói đúng. Không phải chỗ của ngài đâu, của tôi đấy”. Lập tức ông tới nhà ngục, xuống buồng giam của “tên xiếc khỉ”, ông gọi tên người ấy, cầm tay hắn và nói chuyện. Cả ngày lẫn đêm ông ở cạnh hắn, quên ăn quên ngủ, chỉ cầu xin Chúa cứu vớt linh hồn cho người bị tội và cầu xin người bị tội tự lo cứu vớt lấy linh hồn mình. Ông nói hắn nghe những chân lý tốt đẹp nhất mà cũng là giản dị nhất. Như một người cha, một người anh, một người bạn; còn Giám Mục là chỉ để ban phúc mà thôi. Ông dạy hắn đủ điều, đem lại cho hắn vừa lòng tin vừa sự an ủi. Trước hắn nghĩ chết tuyệt vọng. Cái chết đối với hắn như một vực sâu; run rẩy trước cái bờ u thẳm ấy, hắn lùi lại kinh hoàng. Hắn không tối tăm quá để đến nỗi tuyệt đối dửng dưng. Bản án làm chấn động sâu xa, chừng như đã xô vỡ từng chỗ chung quanh hắn cái bức tường ngăn cách chúng ta với cõi bí mật của mọi vật mà chúng ta gọi là cuộc sống. Từ những lỗ thủng tai hại ấy, hắn không ngớt nhìn ra thế giới này và chỉ thấy toàn bóng tối. Ông Giám Mục đã đem lại cho hắn ánh sáng.
Hôm sau, lúc người ta đến tìm nạn nhân, ông Giám Mục có mặt và đi theo hắn. Quần chúng thấy ông mặc áo choàng tím, đeo thánh giá Giám Mục, đi bên cạnh người khốn khổ bị trói. Ông cùng hắn bước lên xe bò, ông cùng hắn bước chân lên máy chém. Hôm qua hắn âu sầu rũ rượi hết sức mà hôm nay thì mặt mày lại rạng rỡ. Hắn cảm thấy linh hồn được trở về với Chúa và hắn hy vọng ở Chúa. Ông ôm hôn hắn và lúc lưỡi dao sắp rơi, ông bảo: “Kẻ bị loài người giết chết, Chúa Trời sẽ cho sống lại; kẻ bị anh em xua đuổi sẽ gặp lại được Cha. Cầu nguyện đi, tin đi và bước vào cuộc hằng sống! Đức Chúa Cha đang ở đó”. Khi ông bước từ máy chém xuống, trong mắt ông có cái gì làm cho mọi người phải tránh ra, đứng ngay ngắn lại. Không
biết cái gì đáng kính phục hơn cả, da mặt trắng bệch hay vẻ người trong sáng! Trở về ngôi nhà tầm thường mà ông gọi là lâu đài của mình, ông nói với bà em: “Tôi vừa làm lễ một cách long trọng”.
Việc cao cả thường là việc ít được người hiểu, cho nên trong thành phố có kẻ bình luận hành động của ông Giám Mục, lại cho rằng ông ấy đóng kịch thôi. Thực ra đó chỉ là câu chuyện phòng khách. Còn dân chúng thì vốn không có ác ý nghi ngờ các hành vi thiêng liêng, họ lấy làm cảm kích và hết sức kính phục. Về phần ông Giám Mục, nhìn thấy máy chém làm ông xúc cảm đột ngột, khiến ông khá lâu mới hồi tỉnh được.
Đúng là cái máy chém, khi nó đã ở đó, dựng lên và đứng sững, thì nó có cái gì ám ảnh người ta thật. Thường người ta có thể có chút gì bàng quan với tử hình, chẳng có ý kiến gì, phải cũng được mà không cũng được, chừng nào chưa thấy tận mắt một cái máy chém. Nhưng nếu đã gặp rồi thì xúc động thật là mãnh liệt, phải quyết định dứt khoát đứng về phía này hay phía kia. Kẻ thì ca ngợi như De Maistre; người thì nguyền rủa như Beccaria. Máy chém là sự kết tụ của luật pháp, là sự trừng trị; nó không trung lập và không cho phép ai trung lập. Ai thấy nó đều lên một cơn run bí ẩn nhất. Mọi vấn đề xã hội đều dựng lên bao nhiêu dấu hỏi chung quanh lưỡi dao của nó. Máy chém là một ảo tưởng. Máy chém không phải là một giá gỗ, máy chém không phải là một cỗ máy, máy chém không phải là một thứ máy móc cứng đờ bằng gỗ, sắt và dây. Hình như nó là loại sinh vật có một cái gì như một sáng kiến đen tối. Hình như cái giá gỗ ấy biết nhìn, cái cỗ máy ấy biết nghe, cái máy móc ấy biết hiểu, các thứ gỗ, sắt, dây ấy đều có ý chí. Trong cơn ác mộng do sự có mặt của nó gieo vào tâm hồn con người, máy chém hiện ra dữ tợn, tự nhúng tay vào công việc nó làm. Nó là đồng lõa với đao phủ; nó ăn người; nó nuốt thịt sống, nó uống máu tươi. Máy chém như một loài quái vật do thẩm phán và thợ mộc dựng lên, một bóng ma sống một cách đáng sợ bằng những cái chết nó tạo ra.
Vì thế ấn tượng của nó ở trong tâm trí ông Giám Mục thật là ghê rợn và sâu xa. Hôm sau ngày hành hình và nhiều hôm sau đó nữa, ông như thất thần. Dáng thanh tĩnh gần như mãnh liệt của phút giây bi thảm đã biến mất; bóng ma của công lý xã hội ám ảnh người ông. Con người mà thường ngày đi hành đạo với vẻ bằng lòng rạng rỡ trên mặt, lần này hình như có ân hận. Có lúc, ông tự nói với mình và lúng túng thì thầm từng tràng độc thoại ảo não. Đây là một trong những độc thoại ấy bà em đã nghe được một buổi tối và ghi lại: “Ta không ngờ việc ấy lại ghê rợn đến thế. Để hết tâm trí vào luật lệ của Chúa đến mức không còn nhìn thấy luật lệ của người đời nữa thì thật là sai lầm. Cái chết chỉ thuộc quyền Chúa. Quyền gì mà loài người động chạm đến cái việc không một ai được biết ấy?” Với thời gian những cảm tưởng ấy mờ dần và chắc rồi phai hẳn. Tuy vậy, người ta vẫn để ý thấy ông Giám Mục, từ đó, tránh đi qua chỗ pháp trường.
Nhà có người ốm và người hấp hối thì lúc nào cho mời ông Myriel cũng được. Ông biết đó là nhiệm vụ và công việc quan trọng nhất của ông. Gia đình nào vợ góa con côi thì không cần mời, ông cũng đến. Ông khéo ngồi im lặng hàng giờ bên người chồng mất vợ, hay bên người mẹ vừa mới chết con. Ông khéo biết lúc nào nên im lặng và cũng biết lúc nào cần phải nói. Ông an ủi người ta mới tài tình làm sao! Ông không tìm cách làm cho người ta quên đau thương mà làm cho người ta hy vọng, vì hy vọng khiến cho đau thương trở nên cao cả và đáng kính. Ông thường nói: “Đối với người quá cố, khéo chẳng lại thành ra bất kính. Đừng có nghĩ đến cái thể chất đang thối nát mà hãy nhìn trực thị trời xanh, ở đấy có ánh hào quang lấp lánh của người đã khuất”. Ông biết rằng đức tin là lành, nên ông thường nêu gương nhẫn nại để an ủi người thất vọng và ông tìm cách biến sự đau khổ tuyệt vọng hướng về mộ địa, thành sự đau khổ tin tưởng nhìn lên trời cao.
V
ĐỨC CHA BIENVENU DÙNG ÁO LÂU QUÁ
Đời tư của ông Myriel cũng cùng chung một số nguyên tắc như đời công. Với kẻ được xem gần thì cái nghèo tự nguyện trong cuộc sống của ông Giám Mục thành Digne là một cảnh tượng trang trọng và đáng yêu. Như người già và phần lớn những người hay suy tưởng, ông ít ngủ, nhưng lại ngủ say. Buổi sáng ông tĩnh tọa một giờ rồi đi làm lễ, hoặc ở Nhà Thờ Lớn hoặc ở phòng nguyện trong nhà. Lễ xong, ông ăn sáng một cái bánh mì bằng bột tiểu mạch nhúng trong sữa bò nhà. Sau đó ông bắt đầu làm việc.
Làm Giám Mục bận rộn thật. Thường xuyên ông phải tiếp vị bí thư của Tòa Giám Mục, thường là một chức sắc và hầu như ngày nào cũng phải gặp các cha xứ. Ông còn phải kiểm tra công việc các hội, phân phát các đặc ân này nọ, xem xét cả một thư viện nhà chung, nào sách xem lễ, nào sách bổn, sách kinh… rồi thảo các thư từ hành đạo, chuẩn y các bài thuyết pháp, giải hòa các vụ xích mích giữa cha xứ và xã trưởng, rồi còn một mớ thư từ giao dịch về phần đạo, về phần đời, một bên là Nhà Nước, một bên là Tòa Thánh, thôi thì trăm công nghìn việc. Thì giờ còn lại ngoài những công việc bề bộn ấy và những buổi lễ, những giờ đọc kinh, dành cho kẻ khó, người ốm đau, sầu muộn, còn thừa ông dùng vào lao động. Khi thì ông cuốc đất
trong vườn nhà, khi thì ông đọc và viết. Hai công việc nhưng ông chỉ dùng một tên gọi: Làm vườn. “Trí óc cũng là một cái vườn”, ông nói. Đến trưa, ông ăn cơm. Bữa trưa cũng giống như bữa sáng. Quãng hai giờ chiều, hôm trời tốt, ông ra khỏi nhà, dạo xem phong cảnh thôn dã hoặc phố phường, nhiều lúc ghé thăm các túp lều tranh. Ông đi một mình suy nghĩ trầm ngâm, mắt nhìn xuống, tay chống gậy dài, trên mình chiếc áo lụa lót bông ấm, màu tím, dưới chân đôi giày thô với bít tất tím và trên đầu chiếc mũ dệt có ba góc để thòng xuống ba quả găng vàng viền hạt cườm.
Chỗ nào ông có mặt cũng vui như hội. Có thể nói ông đi qua ở đâu là đem theo đó một cái gì ấm áp và sáng sủa. Trẻ con, người già dắt nhau ra tận cửa đón ông Giám Mục cũng như đón ánh mặt trời. Ông ban phúc cho mọi người và mọi người cầu phúc cho ông. Bất kỳ ai có cần việc gì, người ta đều chỉ đến nhà ông. Chốc chốc ông dừng chân, hỏi chuyện các em bé, mỉm cười với các bà mẹ. Trong túi hễ còn tiền thì ông đến thăm kẻ khó; không còn đồng nào thì ông đến thăm các nhà giàu. Mấy cái áo thụng ông giữ dùng rất lâu nhưng lại không muốn người ngoài trông thấy điều đó, nên ra phố ông không bao giờ mặc gì khác ngoài cái áo lụa lót bông màu tím. Cái đó cũng có chút bất tiện cho ông lúc mùa hè.
Buổi tối, tám giờ rưỡi thì ông ăn cơm tối với bà em, bà Magloire đứng đằng sau phục vụ cho cả hai. Bữa ăn cực kỳ thanh đạm. Tuy vậy, nếu ông Giám Mục giữ một cha xứ lại dùng cơm tối thì bà Magloire nhân cơ hội đó dọn cho Đức Cha một món cá sông tuyệt vời hay một món thịt rừng đặc biệt. Bất kỳ cha xứ nào cũng là một cớ ăn tươm; ông Giám Mục biết nhưng để mặc. Những ngoại lệ ấy trừ ra, bữa cơm thường chỉ có rau củ và canh nấu với tí mỡ. Do đó hàng phố người ta bảo: “Khi ông Giám Mục không ăn cơm cha xứ, thì ông ăn cơm người khổ tu". Ăn tối xong, ông chuyện trò với cô Baptistine và bà Magloire độ nửa tiếng, xong ông về buồng mình và lại viết, khi thì trên giấy rời khi thì ở rìa một trang sách nào đó. Ông là người hay
chữ và ít nhiều thông thái. Ông còn để lại năm sáu bản thảo khá lạ, trong đó có một thiên biện luận về đoạn Sáng Thế: Ban sơ tinh thần Chúa bồng bềnh trên mặt nước. Ông đối chiếu với ba bản khác: Bản tiếng Ả Rập thì viết: Bốn phương gió Chúa thổi; bản Flavius Josèphe thì chép: Một ngọn gió từ Chúa đến, thổi qua mặt nước. Trong một thiên biện luận khác, ông nhận xét về các công trình thần học của Hugo, Giám Mục ở Ptolémaïs, ông chú cố của kẻ viết sách này và ông chứng minh nhiều tiểu phẩm khác nhau xuất bản thế kỷ trước, dưới bút danh Barleycourt, là của vị Giám Mục này viết.
Có khi đang đọc sách, bất cứ là sách gì, bỗng dưng ông trầm tư rồi tỉnh lại để ghi vài dòng ngay vào trang sách đó. Những dòng này thường chẳng liên quan gì đến cuốn sách. Trước mắt chúng tôi có một đoạn ghi chép ở rìa cuốn sách nhan đề: “Thư tín của ngài Giecmanh trao đổi với các tướng Clinton, Cornwallis và các đô đốc của trạm Châu Mỹ". “Ở Versailles, hỏi ông Poinçot, hàng sách và ở Paris, hỏi ông Pissot, hàng sách, bến Augustins".
Đoạn ghi chép đó như sau:
«“Ôi Đấng đang tồn tại:
Người của nhà thờ gọi Người là quyền lực vô thượng, người Macchabées xưng Người là tạo hóa, Luận thư cho người Éphésiens lại gọi Người là Tự Do, Baruch gọi Người là Vô Biên, Thánh Ca gọi Người là Đạo Đức và Chân Lý, Thánh Jean gọi Người là Ánh Sáng, các Vua gọi Người là Chúa Thượng, thiên Di Cư xưng Người là Cứu Thế, người Lévitique xưng Người là Thánh Nhân, Esdras xưng Người là Chính Trực, sự sáng tạo gọi Người là Chúa Trời, người đời gọi Người là Cha. Nhưng Salomon thì gọi Người là Thương Xót và đó là tên đẹp nhất trong mọi tên của Người”.»
Đến chín giờ tối hai bà già cáo lui và lên buồng riêng trên gác, chỉ còn một mình ông Giám Mục ở dưới nhà.
Đến đây cần cho mọi người có một ý niệm chính xác về chỗ ở của ông Giám Mục.
VI
ÔNG MYRIEL GIAO NHÀ CHO AI GIỮ
Chúng tôi đã giới thiệu nhà ông Giám Mục ở có một tầng dưới và một tầng gác. Nhà dưới ngăn làm ba, trên gác có ba phòng và trên nữa là gác xép. Sau nhà là một mảnh vườn nhỏ mấy thước. Hai người đàn bà ở tầng trên. Ông ở tầng dưới. Phòng ngoài trông ra phố là buồng ăn; phòng thứ nhì là buồng ngủ; phòng thứ ba là phòng nguyện. Ở phòng nguyện muốn ra ngoài phải qua buồng ngủ và từ buồng ngủ muốn ra ngoài phải qua buồng ăn. Trong phòng nguyện có một ngăn đóng kín, kê một chiếc giường phòng khi có khách. Mỗi lần các cha xứ ở địa phương ra tỉnh có việc, ông Giám Mục vẫn mời vào ngủ ở đó.
Ngôi nhà ngang nhỏ trong góc vườn, trước dùng làm kho thuốc cho Nhà Thương, nay sửa thành bếp và buồng chứa rượu. Lại còn có chuồng bò nguyên là bếp của Nhà Thương trước kia. Ông Giám Mục nuôi được hai con bò cái, mỗi ngày vắt sữa được ít hay nhiều, ông đều xẻ ra một nửa đưa sang bên Nhà Thương cho bệnh nhân. Ông bảo: “Đây là phần tô của tôi nộp”.
Phòng ngủ của ông có phần quá rộng, mùa rét khó mà đốt lò sưởi cho đủ ấm. Ở Digne củi đắt lắm, nên ông nghĩ ra một cách là ngăn bớt chuồng bò thành một gian có vách bằng gỗ ván che kín. Hôm nào lạnh quá, ông xuống ở đó và gọi đó là “phòng khách mùa đông".
Trong “phòng khách” ấy cũng như trong buồng ăn, đồ đạc chỉ có chiếc bàn vuông gỗ tạp và bốn chiếc ghế độn rơm. Buồng ăn còn có thêm chiếc tủ bát đĩa đã cũ sơn màu hồng nhạt. Phòng nguyện cũng có cái tủ như thế phủ những khăn trắng và diềm dentelle giả, tạm coi được, ông dùng làm án thờ.
Các bà nhà giàu đến xưng tội và các bà từ thiện trong thành phố đã nhiều lần chung tiền nhau đưa Đức Cha sắm một bộ bàn thờ mới cho phòng nguyện, nhưng lần nào nhận tiền ông cũng đem làm phúc cho kẻ nghèo tất cả. Rồi ông bảo: “Cái bàn thờ đẹp nhất là linh hồn kẻ khốn khổ được cứu giúp đang cảm tạ Chúa”.
Trong phòng nguyện có hai cái ghế nguyện độn rơm và bên phòng ngủ cũng có cái ghế bành độn rơm. Nhỡ khi phải tiếp một lúc bảy tám người khách, ông Tỉnh Trưởng hay tướng chỉ huy khu, hoặc ban tham mưu của trung đoàn trú phòng hay một số học sinh tiểu chủng viện thì lại phải xuống chuồng bò lấy ghế ở “phòng khách mùa đông”, vào phòng nguyện lấy ghế nguyện và vào cả phòng ngủ lấy chiếc ghế bành. Làm thế cũng có được đến mười một ghế cho khách ngồi. Có điều mỗi lần có khách đến thêm lại phải khuân rỗng một phòng. Có khi cả chủ và khách đến những mười hai người, tình thế thực là khó xử. Để khỏi lúng túng, nếu nhằm mùa rét thì ông đến đứng trước lò sưởi, còn mùa hè thì ông mời khách ra vườn dạo một vòng. Trong buồng ngăn dành để khách ngủ, cũng còn một chiếc ghế nữa đấy, nhưng nó đã lòi cả rơm và chỉ còn có ba chân, phải để tựa vào tường mới ngồi được. Còn chiếc ghế tựa lớn bằng gỗ, xưa vốn thiếp vàng và bọc vải hoa, ở phòng cô Baptistine, thì vì cầu thang hẹp quá không đi lọt, trước phải đưa nó lên qua cửa sổ, nên không thể mỗi lúc cần đến lại khuân lên khuân xuống.
Cô Baptistine chỉ mong ước làm thế nào sắm được cho ông anh một bộ bàn ghế tiếp khách bằng gỗ đào hoa tâm có bành tựa dáng cổ ngỗng và bọc bằng nhung vàng hoa tròn, có đủ cả tràng kỷ. Nhưng bộ đồ như thế giá ít nhất cũng năm trăm francs, mà suốt năm
năm trời cô chỉ dành dụm được có bốn mươi hai francs mười xu, nên cuối cùng phải bỏ qua chuyện đó. Thôi cũng đành vậy, vì ở đời dễ mấy ai đã được như nguyện? Buồng ngủ của ông Giám Mục thì không có gì dễ hình dung hơn! Một cái cửa sổ lớn trông ra vườn. Ngay chỗ cửa sổ là giường ngủ, một thứ giường sắt của Nhà Thương, trên có diềm màn bằng vải xanh. Trong bóng tối chiếc giường, sau một tấm màn, có vài thứ đồ dùng quen để trang điểm, nhìn đến còn biết được những thói quen làm dáng của con người thanh lịch trước kia. Hai cửa thông, một cái gần lò sưởi đi sang phòng nguyện, một cái gần tủ sách sang buồng ăn. Tủ sách là một chiếc tủ kính chứa đầy sách. Lò sưởi bằng gỗ sơn giả đá hoa chẳng mấy khi đốt lửa, trong lò sưởi một đôi giá đỡ củi bằng sắt trang hoàng bằng đôi lọ viền hoa và xoi con lươn, xưa kia từng dát bạc, theo cách làm sang của các Tòa Giám Mục; phía trên, ở chỗ thường đặt gương soi, một cây thánh giá bằng đồng, lớp bạc mạ ngoài đã bong gần hết, gắn vào một miếng nhung đen đã sờn trong một khung gỗ sơn màu đã bạc. Gần cửa sổ lớn một chiếc bàn rộng với lọ mực, cất giấy má lộn xộn và nhiều cuốn sách dày cộp. Trước bàn, chiếc ghế bành độn rơm. Bên giường, một chiếc ghế cầu kinh mượn của phòng nguyện. Hai bức chân dung đóng khung bầu dục treo trên vách ở hai bên giường. Cứ theo dòng chữ vàng nhỏ chua trên nền vải bên cạnh hình vẽ thì các bức chân dung này một là của Tu Viện Trưởng Chaliot, Giám Mục ở Saint Claude, còn cái kia là của Tu Viện Trưởng Tourteau, Giám Mục dự khuyết ở Agde, Viện Trưởng ở Grand Champ, dòng Cîteaux ở địa phận Chartres. Ông Giám Mục tiếp thu buồng này của các bệnh nhân Nhà Thương, đã thấy sẵn các bức chân dung ấy ở đây và cứ để nguyên chỗ cũ. Họ là nhà tu hành, chắc cũng là những ân nhân đã tư trợ Nhà Thương, vậy thì có hai lý do để ông giữ nguyên các bức chân dung ấy. Tất cả những gì ông có thể biết về hai nhân vật ấy là họ đều do nhà vua cử về nhậm chức vụ của mình vào cùng một ngày, ngày 27 tháng 4 năm 1785. Nhân bà
Magloire hạ các bức vẽ ấy để lau bụi, ông Giám Mục mới đọc được các chi tiết đặc biệt ấy ghi bằng một thứ mực trắng tráng trên một vuông giấy con lâu ngày đã ngả màu vàng, dán chặt bằng bốn mẩu xi sau lưng bức chân dung của Viện Trưởng Grand Champ.
Ở cửa sổ, một bức màn xưa bằng len to sợi lâu năm đã thành quá cũ nát, nhưng để đỡ phải thay tấm mới tốn tiền, bà Magloire buộc lòng phải khâu mấy đường dài ngay chính giữa. Đường khâu lại hình chữ thập. Ông Giám Mục hay chỉ mọi người xem. “Cái này hay quá!", ông nói. Từ dưới lên trên, buồng nào cũng quét vôi trắng như kiểu Nhà Thương và trại lính. Tuy vậy, những năm gần đây, bà Magloire lại tìm ra, dưới lớp giấy quét vôi, những bức tranh sơn trang trí cho phòng cô Baptistine, - tìm ra như thế nào thì về sau sẽ rõ. Nhà này vốn là câu lạc bộ của bọn tư sản trước khi thành Nhà Thương, do đó mới có sự trang trí như vậy.
Các buồng lát gạch đỏ, tuần nào cũng cọ rửa. Trước các giường có những thảm rơm bện. Nói chung, trong nhà thờ có hai tay người đàn bà nên chỗ nào cũng sạch như chùi. Chỉ có mỗi lối xa hoa ấy là ông Giám Mục cho phép thôi. Ông nói: “Như vậy không thiệt cho kẻ nghèo đồng nào”. Tuy nhiên cũng biết là ông Giám Mục còn giữ được trong số của cải xưa một bộ đồ ăn sáu người bằng bạc và chiếc môi xúp lớn. Hàng ngày bà Magloire sung sướng ngắm bộ đồ bạc choáng lộn trên chiếc khăn bàn lớn bằng vải trắng. Ở đây định tả ông hệt như ở ngoài, nên phải thêm rằng đã nhiều lần ông thú thật: “Duy có thói quen dùng đồ bạc mà ăn là ta khó chừa”. Nói đến bộ đồ bạc ấy thì phải kể thêm đôi cây đèn đúc đặc bằng bạc là của thừa tự của một bà cô để lại. Đôi cây đèn ấy thường xuyên có cắm hai cây nến sáp và bày trên lò sưởi trong phòng ông. Hôm nào có khách ăn cơm, bà Magloire thắp đôi nến và mang bày ra bàn ăn. Trong phòng ngủ của ông Giám Mục, ngay chỗ đầu giường có một cái ô tường nhỏ, mỗi tối bà Magloire đem bộ đồ ăn và chiếc môi cất vào đó. Ô tường có khóa, nhưng chẳng bao giờ cất chìa khóa đi cả.
Mảnh vườn vì có những ngôi nhà nói trên dựng không đẹp mắt lắm nên cũng mất cả vẻ mỹ thuật. Vườn có lối đi ngang dọc hình chữ thập, giữa có bể cạn. Chung quanh có lối đi vòng theo bức tường vôi. Giữa các lối đi là bốn khoảnh đất vuông chung quanh trồng hàng giậu xanh. Ba khoảnh bà Magloire trồng rau, khoảnh thứ tư ông Giám Mục trồng hoa. Đây đó lại còn có một vài cây ăn quả.
Có lần bà Magloire bảo ông một cách tinh nghịch:
— Thưa Đức Ông, cái gì Đức Ông cũng tính cho thật có lợi, thế mà vuông đất này thì phí quá! Thà để kiếm mớ rau còn hơn là những bó hoa.
Ông trả lời:
— Bà Magloire, bà lầm rồi! Cái đẹp cũng có ích như cái có ích khác. - Im một lát, ông lại thêm - Có lẽ còn có ích hơn. Mảnh đất gồm chừng ba bốn luống, nhưng ông Giám Mục cũng bận rộn với nó như với sách vở của mình. Ông sẵn sàng ra đấy một vài giờ, hết cắt lại cào rồi từng quãng lại chọc lỗ, tra hạt. Ông không đủ thù ghét sâu bọ như một người làm vườn mong muốn. Nói cho đúng, ông chẳng có tham vọng gì về khoa thực vật. Ông không biết nhóm nọ, thuyết kia, ông cũng không hề nghĩ đến việc phải quyết định theo Tournefort hay theo phương pháp tự nhiên. Ông không đứng về phía những thông nang để chống phía những tử diệp, mà cũng không đứng về phe Jussieu để chống Linné. Ông chẳng nghiên cứu gì cây cỏ, ông chỉ thích hoa. Ông rất kính trọng người thông thái, ông còn kính trọng kẻ ngu dốt nhiều hơn và trong khi luôn thủ lễ với hai đối tượng ấy, mỗi chiều hè ông lại tưới các luống cây của mình với cái thùng tưới sắt tây sơn màu xanh.
Trong nhà ông không hề có cái cửa nào có khóa. Cửa phòng ăn thông ngay ra trước nhà thờ, ngày xưa vẫn chằng chịt then sắt, khóa sắt như cửa nhà tù. Ông Giám Mục sai tháo hết những then khóa sắt ấy đi. Từ đó, ngày đêm chỉ cài bằng chiếc cựa gà. Ai qua đường bất cứ vào giờ nào, muốn vào, cứ đẩy cửa ra là được. Lúc mới đến ở,
hai người đàn bà cứ lo ngay ngáy về cái cửa lúc nào cũng bỏ ngỏ ấy. Nhưng ông Giám Mục bảo: “Nếu các bà thích vậy thì cứ đặt lấy then sắt vào cửa buồng của các bà”. Hai bà đành phải tin tưởng như ông, hay ít ra cũng làm ra vẻ tin tưởng như ông. Duy có bà Magloire đôi khi còn hốt hoảng. Về phần ông Giám Mục thì ý nghĩ của ông đã diễn tả hay ít nhất cũng ghi rõ trong ba dòng chữ chính tay ông viết bên rìa một trang Thánh Kinh: “Chỉ khác nhau tí này thôi; cửa nhà thầy thuốc thì không bao giờ được đóng, còn ở cửa nhà tu hành thì bao giờ cũng phải để ngỏ”. Trong một cuốn sách khác nhau đề là Triết Lý Y Học, ông có ghi: “Ta chẳng phải là người thầy thuốc như họ sao? Ta cũng có những người khách bệnh đấy chứ. Trước hết là khách của họ mà họ gọi là những người ốm đau; sau nữa là khách riêng của ta mà ta gọi là “Những Người Khốn Khổ”. Ở chỗ khác ông lại còn viết: “Đừng nên hỏi tên họ kẻ đến xin ngủ nhờ nhà ta, phần nhiều kẻ lúng túng về cái tên của mình mới cần có chỗ trọ”.
Một hôm có một cha xứ đáng kính, không nhớ rõ là cha ở Couloubroux hay cha ở Pompierry, chắc là do bà Magloire xui, đánh bạo hỏi ông Giám Mục rằng để nhà cửa bỏ ngỏ cho ngày đêm ai muốn vào thì vào như thế, Đức Cha có chắc là không phần nào bất cẩn không và Đức Cha không sợ nhà cửa toang toàng như vậy có thể xảy ra sự không may sao? Ông Giám Mục để tay lên vai của cha xứ rồi nghiêm trang và khoan từ mà nói: “Nhà mà Chúa chẳng giữ cho mình, thì mình có muốn giữ kín bao nhiêu cũng hoài công”.[11] Xong ông nói sang chuyện khác.
Ông nói một cách khá thích thú: “Có sự dũng cảm của nhà tu hành cũng như có sự dũng cảm của người chỉ huy kỵ binh”. Có điều, ông nói thêm, “sự dũng cảm của ta phải lặng lẽ”.
VII
CRAVATTE
Tới đây tự nhiên phải dành chỗ cho một sự việc không thể nào bỏ qua được vì đó là một trong các sự việc tốt nhất để hiểu ông Giám Mục là người như thế nào.
Bọn cướp của Gaspard Bès trước đây thường quấy nhiễu các hẻm núi rừng Ollioules. Sau khi chúng bị tiêu diệt, một trong các tay đầu mục, Cravatte, lẩn tránh vào núi. Y cùng một số lâu la, dư đảng của Gaspard Bès, ẩn náu một thời gian tại quận Nice, rồi tràn sang vùng Piémont và đột nhiên lại xuất hiện ở địa phận nước Pháp, phía Barcelonnette. Người ta thấy y ở Jauziers rồi ở Tuiles. Y ẩn nấp trong hang hốc trên núi Joug De l’Aigle và từ đó mò xuống xóm làng theo các vực Ubaye và Ubayette. Có lần dám tiến tận Embrun và đang đêm xông vào nhà thờ vơ sạch đồ lễ. Cả vùng tàn hại vì những mẻ trộm cướp của y. Cảnh binh được giao trách nhiệm lùng bắt, nhưng vô hiệu. Lần nào y cũng trốn thoát, cũng có lúc y chống cự mãnh liệt. Rõ là một tên khốn kiếp táo tợn. Đương cơn kinh hoàng đó thì ông Giám Mục tới. Ông đi hành hạt. Đến Chastelar, ông xã trưởng tới tìm ông và đề nghị ông trở lui. Lý do là Cravatte đang chiếm cứ vùng núi đến tận Arche và quá nữa. Đi sẽ nguy hiểm cho dù có hộ tống. Vì như thế có thể phải hy sinh một cách vô ích ba bốn người sen đầm bất hạnh.
— Do đó - ông Giám Mục nói - tôi định không lấy người hộ tống. — Đức Cha lại nghĩ thế à? - Ông xã trưởng kêu lên.
— Tôi nghĩ thế lắm, cho nên tôi nhất định không lấy sen đầm và một giờ nữa thì tôi đi.
— Đi?
— Đi.
— Một mình?
— Một mình.
— Thưa Đức Cha, Đức Cha đừng làm như vậy.
— Trên núi - ông Giám Mục tiếp lời - có một xóm nhỏ chỉ bấy nhiêu, mà đã ba năm tôi chưa đến thăm. Những người chăn dê hiền lành và lương thiện ấy, họ là những người bạn tốt của tôi. Cứ ba mươi con dê họ chăn thì họ chỉ có một. Họ tết những chiếc thừng bằng len đủ màu trông rất xinh, họ véo von nhiều điệu dân ca miền núi với những ống sáo lỗ nhỏ xíu. Thỉnh thoảng họ cũng cần nghe nói tới Chúa. Vậy mà một ông Giám Mục yếu bóng vía thì họ sẽ cho là thế nào? Tôi mà không đi thì họ còn coi ra gì?
— Nhưng mà, thưa Đức Cha, có cướp! Sợ Đức Cha gặp cướp. — À này - ông nói - tôi vừa nghĩ đến đấy. Ông nói có lý. Tôi có thể gặp họ lắm. Họ nữa, họ nhất định cũng cần nghe nói tới Chúa. — Thưa Đức Cha, nhưng mà chúng là một lũ cướp! Một bầy chó sói!
— Ông xã trưởng ạ, có lẽ chính vì bầy thú ấy mà Chúa Jésus Christ cho tôi đi làm kẻ chăn. Ai biết đâu đường nẻo của Đấng Cứu Thế?
— Thưa Đức Cha, chúng sẽ cướp hết đồ đạc của Đức Cha. — Tôi chẳng có gì.
— Chúng giết Đức Cha mất.
— Giết một ông cha cố vừa đi vừa niệm kinh? Chà chà! Để làm gì mới được chứ?
— Lạy Chúa! Rủi Đức Cha gặp chúng thật!
— Tôi sẽ xin họ làm phúc cho kẻ khó của tôi.
— Đức Cha đừng đi, xin Đức Cha, nguy đến tính mệnh mất. — Thưa ông xã trưởng, dứt khoát chỉ có thế thôi à! Tôi có mặt trên thế gian này không phải để gìn giữ tính mệnh mình mà để chăn giữ các linh hồn.
Đành phải để mặc ông. Ông ra đi, chỉ có một em bé tình nguyện đi theo dẫn đường. Cái việc ông khư khư đòi đi ấy đồn đại khắp xứ làm người ta vô cùng hoảng sợ. Ông không muốn cho bà nào theo cả, bà em cũng không, bà Magloire cũng không. Ông cưỡi con la đi suốt qua núi không gặp một ai và đến với những người chăn dê “bạn tốt” của ông một cách bình an. Ông ở lại với họ nửa tháng, giảng đạo, xức dầu thánh cho người hấp hối, dạy chữ, nói chuyện đạo lý.
Hôm ông sắp từ biệt xứ này, ông quyết định tổ chức một buổi lễ Ngợi Chúa với nghi thức Giám Mục chủ lễ. Ông ngỏ ý với cụ xứ. Nhưng làm thế nào? Chẳng có đồ lễ của Tòa Giám. Chỉ có thể đem cho ông dùng một bộ đồ lễ mà xứ nghèo nàn có với mấy chiếc áo choàng lụa đã sờn đính tua vàng giả. “Không sao! - Ông nói - Cụ xứ ạ! Đến giờ giảng chúng ta cứ báo tin về buổi lễ đi. Mọi việc rồi sẽ đâu vào đấy".
Người ta lùng ở các nhà thờ xung quanh vùng. Tất cả các thứ sang trọng ở xứ đạo nghèo này nhập lại cũng không lọc ra được một bộ lễ phục coi được cho một thầy hát thánh ca ở Nhà Thờ Lớn, đừng nói cho một vị Giám Mục. Đương lúng túng như vậy thì hai người đi ngựa lạ mặt mang đến cho ông Giám Mục một hòm to, đặt ở nhà cha xứ rồi đi ngay. Mở hòm ra thì thấy trong đựng một áo choàng bằng dạ vàng, một chiếc mũ lễ nạm kim cương, một thánh giá Tổng Giám Mục, một chiếc gậy thánh tuyệt đẹp, tất cả phẩm phục mất trộm một tháng trước ở kho nhà thờ Đức Bà Embrun. Trong hòm có một mảnh giấy đề mấy chữ: “Cravatte gửi Đức Cha Bienvenu".
— Tôi đã nói là mọi việc sẽ đâu vào đấy mà! - Ông nhắc. Xong lại thêm - người bằng lòng cái áo chẽn cụ xứ thì Chúa lại gửi đến cái áo
choàng Tổng Giám Mục.
— Thưa Đức Cha - cụ xứ lắc đầu, mỉm cười nói nhỏ - Chúa, hay quỷ sứ.
Ông Giám Mục nhìn thẳng vào cha xứ, nói lại giọng nghiêm nghị: — Chúa!
Khi ông trở về Chastelar cũng như suốt dọc đường người ta nghe nói đến điều kỳ lạ, đổ ra xem. Đến nhà cha xứ, ông gặp cô Baptistine và bà Magloire đang chờ ở đấy. Ông bảo cô em:
— Nào tôi nói có đúng không? Người thầy tu nghèo đến với dân nghèo miền núi, lúc đi tay không, lúc về đầy túi. Tôi ra đi đem theo chỉ có lòng tin ở Chúa, lúc ra về tôi mang cả kho của cho một nhà thờ.
Buổi tối trước khi đi ngủ, ông còn nói:
— Không nên sợ kẻ trộm cướp, kẻ giết người bao giờ. Có nguy hiểm thì đó là cái nguy hiểm bên ngoài, nhỏ nhặt. Chúng ta phải biết tự mình sợ mình. Thành kiến là trộm cướp đó, tật xấu là giết người đó. Những mối nguy lớn đều ở trong ta. Sá gì cái đe dọa tính mệnh tài sản ta! Chỉ nên nghĩ đến cái uy hiếp linh hồn ta mà thôi.
Sau đó ông quay sang phía bà em:
— Cô ạ, đã là người tu hành thì không bao giờ còn đề phòng đối với đồng loại. Đồng loại làm gì là có Chúa cho phép. Chỉ nên biết cầu Chúa khi nghĩ rằng có tai biến đang đến với ta. Hãy cầu Chúa, không phải cho ta, mà cho đồng loại khỏi mắc tội nhân trường hợp ta.
Nói cho đúng, những sự biến coi như rất hiếm trong cuộc đời ông Giám Mục. Chúng tôi chỉ kể những cái mình biết được, còn bình thường thì ông sống theo nề nếp là giờ nào việc ấy. Một giờ trong ngày cũng giống một tháng trong năm, chẳng khác gì.
Riêng “kho của” của nhà thờ Embrun về sau ra sao, nếu có ai hỏi, chúng tôi sẽ lúng túng hết sức. Bao nhiêu là của đẹp, khá hấp dẫn “cuốn đi” cho người khốn khổ thì rất tốt. Và nó cũng đã bị “cuốn đi” rồi kia mà. Sự tình kể cũng đã xong một nửa; chỉ còn đổi hướng “đi”
và cho nó đi nốt, mấy bước nữa về phía kẻ nghèo. Tuy nhiên, sự việc ra sao, chúng tôi chẳng dám nói chắc. Chỉ có điều là trong giấy má của ông Giám Mục thấy có ghi mấy chữ hơi khó hiểu, có lẽ có liên quan đến việc này, xem chữ nghĩa thì như sau: “Vấn đề là phải xem cái đó nên đưa về nhà thờ hay về Nhà Thương".
VIII
TRIẾT LÝ SAU BỮA ĂN
Ông Thượng Nghị Sĩ nói đến trên kia là một người thông minh, linh lợi. Ông đã bước đi trên đường đời với một nguyên tắc cứng rắn là không thèm để ý đến những trở lực có khi vấp phải mà người ta gọi là lương tâm, công lý, bổn phận, lời thề danh dự. Ông đã đi thẳng đến đích, không một lần nào chệch khỏi con đường thăng quan, tiến lộc. Ông ta nguyên là một biện lý, say sưa với sự hanh thông, tính tình cũng không đến nỗi nào, được thì giúp ích chút đỉnh cho con, cho rể, cho bà con, cả cho bạn bè nữa. Quả là ông đã khéo chọn phía tốt của cuộc đời, các dịp may, các dịp hiếm có. Còn lại ông coi như là ngu ngốc cả. Tính ông ta hóm, hiểu biết sách vở đủ để tin mình là đồ đệ của Épicure, kỳ thật chỉ là một sản phẩm của Pigault Lebrun. Ông sẵn sàng chế giễu một cách ý vị những cái gì vô biên, vĩnh viễn, những “chuyện hão huyền của ông cụ già Giám Mục”. Có lúc, ông đem ra cười cợt với một vẻ tin tưởng dễ thương, trước mặt chính ông Myriel để ông này nghe.
Trong một dịp lễ nửa công, nửa tư gì đó, Bá Tước… (ông Thượng Nghị Sĩ) và ông Myriel phải dùng cơm ở nhà ông Tỉnh Trưởng. Đến lúc tráng miệng, ông Thượng Nghị Sĩ vui miệng, mặc dù vẫn giữ đúng tư thế, nói to:
— Hay quá, ông Giám Mục à, ta nói chuyện đi. Thượng Nghị Sĩ và Giám Mục nhìn nhau khó mà không chớp mắt. Ông với tôi như hai thầy bói. Tôi có một điều muốn thú thật với ông. Tôi có triết lý riêng của tôi.
— Ông nói đúng - ông Giám Mục đáp lại. - Người ta vừa nằm vừa triết lý. Ông đang nằm trên đệm tía đó, thưa ông Thượng Nghị Sĩ. Được khuyến khích, ông Thượng Nghị Sĩ tiếp:
— Xin nói chuyện thật tình.
— Thật bụng nữa - ông Giám Mục nói.
— Tôi xin nói với ông - ông Thượng Nghị Sĩ nói lại - rằng Hầu Tước Argens, Pyrrhon, Hobbes và Naigeon không phải là những thứ tầm phơ. Trong tủ sách nhà tôi có đủ các triết gia tôi thích, đều gáy mạ vàng cả.
— Cũng như ông vậy, ông Bá Tước ạ - ông Giám Mục ngắt lời. Ông Thượng Nghị Sĩ nói tiếp:
— Tôi ghét Diderot, ông ta là một nhà duy ý, một tay cao đàm, một người Cách Mạng, xét kỹ là có tin Chúa và sùng đạo hơn Voltaire. Voltaire thì chế nhạo Needham và như thế là sai lầm, vì những con lươn của Needham chứng minh rằng Chúa chẳng có ích lợi gì hết. Một giọt dấm đổ vào một thìa bột, tức là Sáng Thế rồi chứ gì nữa. Giả dụ cái giọt to hơn và cái thìa lớn hơn, thì chúng ta có thế gian. Con người, chỉ là con lươn. Thế thì cần gì có Chúa vĩnh viễn? Thưa ông Giám Mục, giả thuyết Jéhovah chán lắm. Chẳng qua nó chỉ tạo ra được những bộ xương rỗng tuếch. Đả đảo cái tất cả cao siêu, nó chỉ làm rầy người ta! Muôn năm cái số không vì nó để cho người ta được yên tĩnh! Từ ông đến tôi và để nói thật hết, với lại để được xưng tội với vị cha linh hồn như lẽ thường, tôi thú thật với ông là tôi có lương tri. Tôi không mê cái ông Jésus Christ nhà ông lúc nào cũng khuyên khổ hạnh và hy sinh. Đúng là khuyên thằng khố rách phải hà tiện. Khổ hạnh! Tại sao lại phải khổ hạnh? Hy sinh! Hy sinh cho cái gì? Tôi chưa hề thấy con chó sói nào chịu hy sinh cho hạnh phúc của
con sói khác. Hãy sống theo luật tự nhiên vậy. Chúng ta là vật thượng đẳng, chúng ta có nền triết lý thượng đẳng. Ở trên cao mà làm gì, nếu không nhìn được xa hơn sống mũi kẻ khác? Chúng ta nên sống vui vẻ. Sống là tất cả. Còn cái chuyện người ta có một tương lai khác, ở chỗ khác, ở trên cao kia, hay ở dưới ấy, đâu đấy, tôi cóc tin tí nào. Ối dào! Người ta căn dặn tôi hy sinh và khổ hạnh, tôi phải chú ý mọi việc tôi làm, tôi phải nát óc vì cái thiện cái ác, vì cái đúng cái sai, cái nên cái không nên. Vì sao? Bởi vì tôi phải trả lời về hành vi của tôi. Lúc nào? Sau khi tôi chết. Thật là hão huyền! Tôi chết rồi, có thánh mà chộp được tôi. Thử bảo một bóng bàn tay vốc lấy một vốc tro xem. Nói hẳn cái có thật, chúng tôi là những kẻ hiểu đời, chúng tôi đã từng biết chuyện đời, không có gì là thiện là ác cả; chỉ có sự sống. Chúng ta phải tìm cái có thật. Phải đào sâu, tìm đến cùng chứ! Phải biết đánh hơi chân lý, bới đất lên và chộp lấy. Có thế mới thật là vui thích. Và bấy giờ tha hồ mà khoe tài, đắc chí. Tôi vốn là một người dứt khoát. Thưa ông Giám Mục, vấn đề bất tử của con người là một chuyện phỉnh trẻ con. Ôi chao! Lời hứa hấp dẫn làm sao! Anh cứ tin tưởng. Số ông Adam thật là may! Bây giờ là linh hồn, mai kia là thiên thần, có cánh màu xanh ở xương vai. Nào, ông giúp tôi với, có phải Tertullien nói rằng những kẻ hưởng phúc đời đời sẽ chu du từ hành tinh này sang hành tinh khác không? Vâng, cứ coi là thế. Người ta sẽ trở thành châu chấu giữa các vì sao. Và, người ta gặp Chúa Trời. Chà chà chà! Tất cả các thứ thiên đường ấy đều nhảm nhí tuốt. Chúa Trời là một trò đùa khổng lồ. Nhất định là tôi không nói cái đó trên tờ Người Huấn Luyện đâu, nhưng trong bạn bè thì chúng tôi cứ rỉ tai nhau. Inter Pocula hy sinh cuộc sống trần tục để cầu thiên đường thì chẳng khác nào thả mồi bắt bóng. Để cho vô biên lừa phỉnh, dại gì! Tôi không gì cả. Tên tôi là Bá Tước Hư Vô, Thượng Nghị Sĩ. Trước khi tôi sinh, có tôi không? Không. Sau khi tôi chết đi, còn tôi không? Không. Tôi là gì? Một nhúm bụi dính nhau trong một cơ thể. Tôi làm gì trên trái đất này? Tùy tôi chọn. Chịu đau
khổ hoặc hưởng thụ. Chịu khổ sẽ đưa tôi đến đâu? Đến hư vô. Nhưng tôi đã chịu khổ. Còn hưởng thụ thì sẽ đưa đến đâu? Cũng đến hư vô. Nhưng tôi đã được hưởng thụ. Tôi đã chọn rồi đấy. Ở đời hoặc phải ăn hoặc phải bị ăn. Tôi thì tôi ăn. Làm trâu tốt hơn làm cỏ. Cái đạo đức của tôi là thế. Còn sau nữa nước chảy thuyền trôi, cửa mồ rộng mở, điện Panthéon[12] cho tất cả chúng ta. Tất cả đều rơi tõm xuống cái hố huyệt lớn. Thế là chấm dứt. Finis. Thanh toán hoàn toàn. Đây là bắt đầu chỗ tiêu tan. Chết là hết, tôi nói đúng như thế. Ở chỗ này mà có kẻ còn muốn nói với tôi một điều gì, chỉ nghĩ đến điều đó thôi tôi đã thấy buồn cười. Chuyện bịa của vú em. Ngáo ộp cho trẻ con, Jéhovah cho người lớn. Không, mai sau của chúng ta thuộc về đêm tối. Đằng sau ngôi mộ chỉ còn có những hư vô ngang nhau. Anh đã là Sardanapale, anh đã là Vincent De Paul, cái đó cũng thành con số không như nhau.[13] Đó là cái có thật. Vậy thì hãy sống, sống trên hết. Hãy dùng lấy cái tôi khi nó còn trong tay anh. Nói thật, tôi xin thưa với ông, ông Giám Mục ạ, rằng tôi có triết lý của tôi và triết gia của tôi. Tôi không bị mê hoặc bởi những lời nói nhảm nhí. Cố nhiên, rồi cũng phải có gì cho kẻ ở dưới, những người chân đất, những người mài dao, những kẻ khốn khổ. Người ta tọng cho họ nuốt những thần thoại, những ảo tưởng, nào linh hồn bất tử, nào thiên đường, các vì sao. Họ cứ mà nhai các thứ ấy, cứ mà phết lên mẩu bánh không. Kẻ không có gì cả thì đã có Chúa Trời. Đúng đó là phần ít ỏi nhất. Tôi không ngăn trở điều đó, nhưng tôi giữ cho ông Naigeon. Chúa Trời là cái rất tốt cho dân chúng.
Ông Giám Mục vỗ tay:
— Nói như thế mới là nói! - Ông reo lên - Quý hóa biết bao, thật là tuyệt diệu cái duy vật ấy! Chả phải ai muốn là có được đâu. À! Có nó thì không bao giờ còn bị lừa nữa, không còn khờ dại mà để bị đày biệt xứ như Caton, bị ném đá như Étienne, càng không để bị thiêu sống như Jeanne D'Arc. Kẻ nào tạo được cho mình cái duy vật quý hóa ấy sẽ lấy làm vui thấy mình chẳng chịu trách nhiệm về cái gì cả.
Mình có thể nuốt tươi tất thảy không chút băn khoăn, những chức vụ, những nghề ăn không ngồi rồi, những tước vị, những quyền hành tóm được chính đáng hay không chính đáng, những cách nói lời rồi lại ăn lời để hốt bạc, những sự phản bội bổ ích, những sự đầu hàng ý vị của lương tâm. Và cuối cùng thì bước xuống mồ sau khi dạ dày đã tiêu sạch mọi thứ. Thật là thú vị! Những điều đó, không phải là tôi nói ông đâu, ông Thượng Nghị Sĩ ạ. Tuy nhiên, tôi không thể nào mà không khen ngợi ông. Các ngài quyền cao chức cả, chính miệng các ngài nói ra, các ngài có triết lý riêng của mình và cho mình, một thứ triết lý hay ho, tế nhị, chỉ riêng người giàu sang mới hiểu nổi và dùng để nấu món gì cũng được, nhất là để nêm tiêu muối cho các khoái lạc ở đời thì càng tuyệt. Cái triết lý ấy lấy từ đáy sâu và có những nhà thám hiểm đặc biệt moi móc lên. Nhưng các ngài cũng có lòng từ thiện, các ngài không đến nỗi cho là xấu cái việc dân chúng lấy việc tin vào Chúa làm triết lý của mình, giông giống như món ngỗng hầm hạt dẻ là món gà nhồi nấm của người nghèo.
IX
CÔ EM TẢ ÔNG ANH
Để mọi người có một ý niệm về cuộc sống gia đình của ông Giám Mục và cách hai bà phụ nữ đem mọi hành động, mọi ý nghĩ, cả mọi bản năng phụ nữ rất hay giật thót của mình, phục tùng những thói quen và những ý định của ông Giám Mục, mà không cần ông phải mất công nói ra lời, chúng tôi thấy không gì tốt hơn là sao lại đây bức thư của cô Baptistine gửi cho bà Tử Tước Boischevron, người bạn từ thời thơ ấu của mình. Bức thư ấy hiện chúng tôi đang giữ.
«“Digne, 16 tháng 12 năm 18…
Bà chị kính mến, không ngày nào chúng tôi không nhắc đến bà chị. Cái đó kể ra đã thành thói quen, nhưng cũng có một lý do nữa. Bà chị cứ tưởng tượng dùm cho là bà Magloire trong khi chùi rửa, quét bụi trần nhà và cái bức vách, lại có những phát hiện đấy. Hai buồng chúng tôi đều phất giấy cũ quét vôi trắng, giá như ở trong một lâu đài như của bà chị chắc cũng không đến nỗi làm cho nó xấu đi. Bà Magloire đã xé tất cả chỗ giấy. Bên dưới có nhiều thứ. Các phòng khách của tôi, ở đấy chẳng có bàn ghế gì, chúng tôi dùng để phơi quần áo vừa ngâm xong, cao năm thước và rộng trên năm thước, có trần xưa kia quét sơn, dát vàng với
nhiều xà ngang như ở nhà bà chị. Hồi nhà này còn là Nhà Thương, chung quanh phòng đều lót vải. Có cả những bức chạm gỗ thời bà cụ nội chúng ta. Nhưng chính là phải xem buồng của tôi kia. Bà Magloire đã tìm thấy dễ thường dưới mười lớp giấy dán chồng nhau, nhiều bức tranh sơn, không đẹp lắm nhưng coi được. Có bức hình Minerve phong kỵ sĩ cho Télémaque, có bức cũng hình Télémaque trong vườn cây. Tôi quên mất tên. Cái nơi các bà người La Mã cũng đến trong một đêm. Tôi nói gì với bà chị nữa nhỉ? Tôi có đủ những đàn ông, đàn bà La Mã (chỗ này có một chữ không đọc được) và một đám tùy tùng. Bà Magloire đã lau rửa sạch sẽ các thứ ấy và mùa hè này bà ấy sẽ chữa lại đôi chỗ hư hỏng tí chút, rồi sơn lại một loạt, thế là cái buồng của tôi trở thành một nhà bảo tàng thật sự. Bà ấy cũng tìm được trong một xó kho thóc hai cái bàn chân quỳ kiểu xưa. Thợ họ đòi hai écu sáu francs mới sơn lại, nhưng tốt hơn là để tiền ấy cho kẻ nghèo; với lại cái bàn ấy trông cũng xấu xí, tôi thích một cái bàn tròn bằng gỗ đào hoa tâm hơn.
Tôi thấy mình luôn được sung sướng. Ông anh tôi tốt quá. Ông đem tất cả cho kẻ khó và người ốm đau. Vì thế chúng tôi khá lúng túng. Xứ này mùa đông lại gay gắt mà cũng phải làm một cái gì cho những kẻ thiếu thốn. Chúng tôi chỉ còn vừa đủ tiền củi sưởi và dầu đèn. Bà chị thấy không? Như thế cũng rất dễ chịu!
Ông anh tôi lại có cái thói quen riêng. Lúc chuyện trò, ông nói rằng một ông Giám Mục phải như thế mới được. Bà chị cứ hình dung cho là nhà chẳng bao giờ đóng cửa. Muốn vào thì cứ vào và một bước là ở ngay trong buồng ông ấy. Ông chả sợ gì cả. Ban đêm cũng vậy. Ông cho đó là dũng cảm riêng của ông. Ông không muốn tôi sợ giùm cho ông, mà cũng không muốn cho bà Magloire phải sợ. Ông xông pha
mọi thứ nguy hiểm nhưng lại không muốn chúng tôi có vẻ để ý đến. Cũng phải biết cái lối của ông ấy là thế.
Trời mưa ông cũng đi, gặp nước ông cũng lội, mùa đông ông vẫn đi xa. Ông chẳng sợ gì đêm tối, đường xá không an toàn ông cũng mặc; ông cũng chẳng ngại gì đụng đầu với những tên vô lại.
Năm ngoái, ông đi một mình đến một vùng trộm cướp. Ông không muốn đem chúng tôi theo. Ông vắng biệt những nửa tháng. Lúc ông trở về, hóa ra chẳng có chuyện gì xảy ra cả, người ta tưởng ông chết thì ông lại rất khỏe mạnh. Ông nói: “Người ta đã cướp bóc tôi như thế này đây!” Và ông mở chiếc hòm đựng đầy các bảo vật của nhà thờ Embrun, mà bọn cướp đã tặng ông. Lần ấy, trên đường về, chẳng là tôi cùng một số bạn bè của ông đã đi hai dặm để đón ông, tôi không kìm mình được nên có cằn nhằn ông một chút, nhưng đã chú ý chỉ nói lúc chiếc xe kêu lạch cạch để không một ai nghe thấy.
Thời gian đầu tôi tự bảo: “Không có nguy hiểm gì làm ông chùn bước, ông này tợn thật”. Bây giờ thì rồi tôi cũng quen đi. Bà Magloire có định cản trở ông thì tôi ra hiệu bảo bà ấy dừng. Mặc ông muốn xông pha nguy hiểm thì ông cứ làm. Phần tôi, tôi kéo bà Magloire đi, rồi tôi về buồng mình, tôi cầu nguyện cho ông và tôi thiếp đi. Tôi vẫn yên tâm, vì tôi biết rằng nếu có tai biến gì xảy ra cho ông thì đời tôi cũng chấm dứt. Tôi sẽ đi về với Chúa cùng ông anh và Đức Giám Mục của tôi. Bà Magloire thì có vất vả hơn mới làm quen được với cái mà bà gọi là sự bất cẩn của ông. Nhưng bây giờ thì đã thành nếp rồi. Hai chúng tôi cùng cầu kinh, cùng sợ với nhau và cùng nhau ngủ thiếp đi. Quỷ có vào nhà thì cũng mặc xác nó muốn làm gì thì làm. Nói cho cùng, chúng tôi còn sợ cái gì trong nhà này? Luôn luôn chúng tôi đã có một người nào đó
bên cạnh và người đó lại là người có quyền lực nhất. Quỷ có thể tạt qua, còn kẻ ở thường trực lại là Chúa. Như vậy đối với tôi là đủ. Bây giờ ông anh tôi cũng chẳng cần nói với tôi một tiếng nào. Ông không nói tôi cũng hiểu và chúng tôi phó mình cho Thượng Đế. Đó là cách cư xử của một con người có cái vĩ đại trong đầu óc.
Bà chị ạ, tôi đã hỏi ông anh tôi để tìm hiểu về dòng họ Faux mà bà chị có nhờ tôi. Rõ là cái gì ông cũng biết và ông cũng nhớ nhiều kỷ niệm lắm, vì ông luôn vẫn trung thành với nền Quân Chủ. Đúng đó là một thế gia Normande rất xưa trong quận Caen. Cách đây năm trăm năm trong gia đình ấy đã có một vị là Raoul De Faux, một vị là Jean De Faux và một vị là Thomas De Faux, cả ba đều là quý tộc, trong đó có một là lãnh chúa ở Rochefort. Người cuối cùng trong họ là Guy Étienne Alexandre, chỉ huy trung đoàn và cũng giữ chức vụ gì đó trong kỵ binh của Bretagne. Con gái ông này là Marie Louise lấy Adrien Charles De Gramont, con trai Công Tước Louis De Gramont, đại tá vệ binh và chuẩn tướng trong quân đội. Tên họ này có thể viết nhiều cách khác nhau nhưng cũng là Faux cả.
Bà chị quý mến ơi, mong bà chị trình với Đức Khâm Mạng trong hàng thân thích tôn kính của bà chị, nhớ giùm tên chúng tôi trong lời cầu kinh của ngài. Còn cô Sylvanie yêu quý của bà chị, cô ấy đã làm một việc mà không dùng những phút ngắn ngủi cô ấy được gần bà chị mà viết thư cho tôi. Cô ấy sức khỏe, học hành vừa ý bà chị và vẫn yêu tôi luôn luôn. Đó là tất cả những điều tôi mong muốn. Nhờ bà chị mà tôi nhớ đến cô ấy. Tôi lấy làm sung sướng dạo này sức khỏe tôi không đến nỗi tồi lắm, nhưng cứ ngày càng gầy thêm. Đến đây, bút cùn mực cạn, xin từ biệt bà chị. Kính chúc bà chị mọi sự tốt đẹp. Kính chào.
Baptistine
T.B. - Cô em dâu của bà chị vẫn ở đây với gia đình mình. Cậu cháu trai của bà chị kháu lắm. Bà chị chắc không ngờ là cậu ta sắp lên năm nhỉ! Hôm qua cậu ta thấy một con ngựa đi ngang qua, đầu gối quấn bao vải, cậu ta nói: “Con ngựa có cái gì ở đầu gối thế nhỉ?" Cậu bé ngoan quá! Em trai cậu kéo lê một cái chổi cùn quanh phòng như kéo xe và nói: “Nào! Nào!”»
Cứ cái thư này thì thấy rõ hai người đàn bà đã biết khuôn mình theo cách ăn ở của ông Giám Mục với cái biệt tài của phụ nữ, nó giúp họ hiểu người đàn ông hơn cả người đàn ông. Ông Giám Mục có cái vẻ người hiền lành, hồn nhiên, không bao giờ thay đổi, nhưng có lúc lại có những hành động lớn lao táo bạo và hết sức đẹp đẽ mà hình như chính ông cũng không ngờ đến. Hai bà run sợ nhưng cứ để tự nhiên. Cũng có khi bà Magloire thử có đôi lời trách móc trước khi ông làm, nhưng khi ông đang làm và làm xong thì không bao giờ bà có lời nào. Tuyệt nhiên không ai làm rầy ông, khi việc đã bắt đầu, dù chỉ bằng một dấu hiệu. Một đôi lúc, ông chẳng cần nói, có lẽ ông cũng không có ý thức rõ rệt, vì đức giản dị của ông quá hoàn toàn, hai bà cảm thấy một cách mơ hồ rằng ông đang hành động như một Giám Mục chân tu; và như thế hai bà chỉ còn như hai cái bóng đi lại trong nhà. Hai bà phục vụ ông một cách ngoan ngoãn và nếu phục tòng là giấu mặt thì hai bà luôn luôn giấu mặt. Nhờ có một năng khiếu tinh tế rất đáng phục, hai bà biết rằng có những sự săn sóc nào đó lại làm cho người ta khó chịu. Vì vậy mà ngay lúc cảm thấy ông đang lâm nguy, hai bà hiểu rất rõ, không phải chỉ ý nghĩ mà bản chất của ông, nên không còn giữ gìn cho ông nữa mà phó thác cho Chúa.
Với lại cô Baptistine cũng từng nói, như trên đây đã thấy, hễ ông anh bà có mệnh hệ nào thì bà cũng không sống nữa. Bà Magloire thì không nói ra, nhưng bà cũng hiểu như vậy.
X
ÔNG GIÁM MỤC ĐỨNG TRƯỚC MỘT ÁNH SÁNG KHÁC LẠ
Sau bức thư nói trên kia được ít lâu, ông Giám Mục làm một việc, theo dư luận thành phố, còn liều lĩnh hơn việc đi qua vùng núi non của bọn lục lâm nữa.
Ở vùng nông thôn kế cận thành Digne, có một ông già sống đơn độc. Người ấy, xin nói ngay cái tiếng ghê gớm, nguyên là một tay có chân trong Viện Quốc Ước.[14] Tên ông ta là G. Xã hội nhỏ bé thành Digne nói đến G. một cách ghê tởm. Một tay Cách Mạng, các ngài tưởng tượng được chăng? Ngữ ấy sống ở cái thời người ta mày tớ với nhau và gọi nhau là công dân kia, công dân nọ. Có thể nói hắn là một con quái. Chính tay hắn không bỏ phiếu giết vua, nhưng cũng gần như thế. Hắn là một con người ghê gớm. Tại sao, lúc các vị Hoàng Thân chính thống về nước, người ta lại không lôi nó ra tòa án đặc biệt mà xử? Đã đành là không xử tử, vì có chính sách khoan hồng, nhưng ai cấm giáng cho nó một cái án chung thân phát vãng! Cũng phải làm một cái gì để răn người chứ!… Vả lại, hắn là một tên vô thần chủ nghĩa, cũng như cả bè lũ chúng - Bầy ngỗng bàn tán về con kên kên.
Nhưng G. có phải là con kên kên không? Đúng là một con kên kên, nếu như người ta nhìn đến cảnh cô độc cục cằn của hắn. Hắn
không biểu quyết xử tử vua nên không bị đày biệt xứ. Hắn được ở lại nước Pháp. Hắn ở cách thành phố độ bốn mươi lăm phút, xa làng mạc, xa đường cái, trong một nếp thung lũng hẻo lánh, hoang vu. Người ta bảo là ở đấy có một mảnh đồng, giống như một cái ổ, một thứ sào huyệt. Không có láng giềng, cũng chẳng bao giờ có khách tạt qua. Từ khi hắn đến ở đó thì con đường mòn qua lại cũng bị cỏ che lấp. Người ta ghê rợn nói đến chỗ ấy cũng như nói đến cái nhà của một tên đao phủ.
Nhưng ông Giám Mục nghĩ đến hắn và thỉnh thoảng nhìn về phía lùm cây ở chân trời là chỗ thung lũng hắn ở, ông nói: “Ở nơi kia có một linh hồn hiu quạnh”. Và trong thâm tâm ông nghĩ: “Ta cần phải đi thăm hắn”. Phải nhận thấy rằng cái ý ấy lúc đầu có vẻ rất tự nhiên, nhưng lâu dần càng suy nghĩ ông càng thấy kỳ quặc, phi lý, có phần ghê tởm nữa. Bởi vì, nói cho đúng, ông không thoát khỏi cảm tưởng chung của mọi người. Đối với Người Cách Mạng ấy ông muốn xa lánh, nghĩa là ông gần như thù hằn hắn ta, nhưng điều này tự ông không thấy rõ lắm. Ghẻ của con chiên có làm cho người mục đồng xa lánh nó không? Nhưng con chiên này nó thế nào ấy! Ông Giám Mục băn khoăn lắm. Một đôi khi, ông dời bước đi về phía ấy, rồi thình lình ông quay gót.
Thế rồi một hôm, người ta xì xào là chú bé mục đồng giúp việc cho tên sát nhân già kia ra phố mời thầy thuốc, là hắn bị bệnh bại liệt sắp chết, có lẽ không qua được đêm nay. Một đôi người thêm: May mắn làm sao!
Ông Giám Mục lấy gậy, khoác áo dạ ngoài vì chiếc áo thâm của ông quá sờn cũ và gió đêm sắp thổi lạnh, rồi ông ra đi. Trời đã ngã về chiều, mặt trời sắp lặn, ông Giám Mục mới đến nơi bị loại bỏ. Khi nhận ra là đã đến gần miệng ổ, ông không thể giữ cho trống ngực khỏi đánh. Ông bước qua một cái hào, đi hết một hàng giậu, nâng một dàn nho lên vào một khu vườn hoang tàn, mạnh dạn bước mấy
bước và ở cuối vườn, sau một bụi cây rậm, cái hang ổ hiện ra đột ngột.
Đó là một túp lều thấp, nghèo nàn, bé nhỏ mà sạch sẽ, mặt trước có một giàn nho. Trước cửa, trong chiếc ghế xe cũ kỹ, loại ghế nông dân, một ông già tóc bạc đang ngồi mỉm cười với mặt trời. Bên cạnh ông già có một chú mục đồng. Nó đưa cho ông một bát sữa.
Trong lúc ông Giám Mục lặng lẽ nhìn, ông già nói với chú bé: — Cảm ơn chú, ta không cần gì nữa hết.
Ông không cười với mặt trời nữa, quay sang mỉm cười với chú bé. Ông Giám Mục bước tới. Nghe tiếng động, ông già quay lại và mặt ông tỏ vẻ ngạc nhiên, với cái lượng ngạc nhiên còn lại sau một cuộc đời dằng dặc. Ông nói:
— Từ khi tôi về đây đến nay, lần này là lần đầu tiên có người đến nhà tôi. Thưa ông, ông là ai?
Ông Giám Mục đáp:
— Tôi là Bienvenu Myriel.
— Bienvenu Myriel! Tôi đã nghe nói đến tên ấy. Ông có phải là người mà dân chúng gọi là Đức Cha Bienvenu đó chăng? — Chính tôi.
Ông già cười nụ:
— Thế thì ông là Giám Mục của tôi?
— Hình như thế.
— Mời ông vào.
Người Cách Mạng đưa tay, nhưng ông Giám Mục không bắt. Ông chỉ nói:
— Tôi lấy làm sung sướng nhận thấy rằng người ta đã dối tôi. Ông không ốm đau gì thì phải.
— Tôi sắp khỏi rồi. - Ông già nghĩ một tí rồi nói tiếp - Ba tiếng đồng hồ nữa thì tôi chết.
Ông lại nói: