🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Người Cùng Thời
Ebooks
Nhóm Zalo
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI
nhiều tác giả
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
4 NHIỀU TÁC GIẢ
Ảnh bìa 1 (Từ trên xuống, từ phải qua):
1. Đặng Văn Ngữ; 2. Hoài Thanh; 3. Cao Xuân Huy; 4. Cao Ngọc Anh; 5. Nguyễn Khắc Viện; 6. Hồ Đắc Di; 7. Đặng Thai Mai; 8. Trần Văn Giàu; 9. Đỗ Xuân Hợp; 10. Hoàng Tụy; 11. Tôn Thất Tùng; 12. Nguyễn Tài Cẩn; 13. Trần Huy Liệu; 14. Nguyễn Khánh Toàn; 15. Chế Lan Viên; 16. Nguyễn Đổng Chi; 17. Nguyễn Xiển; 18. Nguyễn Tài Thu; 19. Lê Khả Kế; 20. Lê Tâm; 21. Nguyễn Minh Châu; 22. Hải Triều; 23. Đặng Văn Chung; 24. Nguyễn Từ Chi; 25. Lê Bá Thảo
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 5
LỜI GIỚI THIỆU
Trên diện bài khá rộng thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ, văn hóa và văn chương - học thuật của Tạp chí Tia Sáng ngót 10 năm nay, có loạt bài viết về Chân dung, tôi rất ham đọc và mong đọc. Cũng như trên không ít tờ báo khác, Chân dung là loại bài rất đáng được chú ý, bởi một nhân vật nào đó được chọn viết thường phải là nhân vật có vấn đề cho người đọc suy ngẫm, hoặc có ý nghĩa nêu gương. Họ thuộc số người có những thành tựu và phẩm chất ưu trội, không phải chỉ do tài năng thiên bẩm, mà còn là do ý chí, nghị lực và khổ công rèn luyện, rất xứng đáng được kính trọng và ngưỡng mộ. Đó là Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Đặng Thai Mai, Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Xuân Hãn... Là Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Hoài Thanh, Nguyễn Khắc Viện, Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Nguyễn Tài Thu... Là Hải Triều, Phạm Huy Thông, Nguyễn Đổng Chi... Là Lê Khả Kế, Lê Bá Thảo, Nguyễn Từ Chi, Thái Bá Vân, Trương Chính, Vương Hồng Sển...
Nhiều người trong danh sách trên đã được tôn vinh bởi các Huân chương, các Giải thưởng rất cao. Viết về họ là lẽ tự nhiên. Một số
6 NHIỀU TÁC GIẢ
người sự tôn vinh có ít hơn, hoặc còn chưa có. Nhưng viết về họ cũng là cần thiết, bởi không phải không có ở họ những điều đáng suy ngẫm trên các đóng góp mà họ để lại cho đời. Và qua họ mà có một cầu nối đến với chúng ta, những con người bình thường, nhưng cũng có được như họ cái ý nguyện sống hết mình với nghề, và sự coi trọng các giá trị của tri thức và nhân cách.
Đọc các chân dung trong tập sách này tôi càng có dịp hình dung rõ hơn: Thế nào là vẻ đẹp của trí tuệ. Nhưng trí tuệ, để được gọi là trí tuệ sáng láng, nó cần phải gắn bó thiết cốt với tình cảm, với tâm hồn. Không một lao động miệt mài nào mà không ẩn chứa và lấp lánh ở bề sâu con tim cái tình con người, với nhân quần, với đất nước - một đất nước phải chịu đựng quá lâu những thử thách của chiến tranh và đói nghèo như nước chúng ta.
GS Phong Lê
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 7
PHẠM VĂN ĐỒNG
KHOA HỌC NÂNG
CON NGƯỜI TA LÊN!
l HOÀNG TỤY
Phạm Văn Đồng (1906-2000)
Sinh ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), ông là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1929, ông được cử vào Kỳ bộ Nam kỳ, rồi Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Tháng 7.1929, ông bị đế quốc Pháp kết án 10 năm tù đày ra Côn Đảo. Năm 1936, ra tù ông tiếp tục hoạt động bí mật. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là trưởng phái đoàn VNDCCH tại Hội nghị Fontainebleau (Pháp). Năm 1954, ông là trưởng phái đoàn Chính phủ dự Hội nghị Genève về Đông Dương. Từ năm 1955, ông là Thủ tướng Chính phủ và từ năm 1981 đến 1987 làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội ĐCSVN, ông được bầu làm Cố vấn BCH TW. Ông là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng và có nhiều cống hiến quan trọng cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Ông để lại những tác phẩm có giá trị như Hồ Chủ tịch, hình ảnh dân tộc; Tổ quốc ta, nhân dân ta và người nghệ sĩ v.v...
8 NHIỀU TÁC GIẢ Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi còn nhớ mãi những ngày
gian khổ xây dựng và phát triển giáo dục ở miền Nam Trung Bộ mấy năm đầu kháng chiến chống Pháp, khi anh Phạm Văn Đồng làm đại diện Trung ương lãnh đạo cuộc kháng chiến ở vùng này.
Hồi ấy, sau khi Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang,... bị địch chiếm, vùng tự do còn lại ở miền Nam Trung Bộ từ Quảng Nam đến Phú Yên thường xuyên bị máy bay và có khi cả tàu chiến địch bắn phá, ném bom. Thỉnh thoảng địch còn cho bộ binh từ biển đổ bộ vào càn quét nhiều ngày đêm. Trong tình hình chiến sự căng thẳng như thế, vừa phải tập trung sức bảo vệ vùng tự do, vừa phải lo đời sống cho dân và bộ đội, còn ai có tâm trí nghĩ đến học hành. Thế mà kỳ diệu thay, suốt mấy năm dưới sự lãnh đạo của anh, nhà trường ở đây vẫn không ngừng phát triển. Chẳng những không một lớp học nào nghỉ, mà nhiều lớp học mới, trường học mới được mở thêm. Đầu năm 1947, trường Trung học Lê Khiết ra đời ở Quảng Ngãi, thu hút học sinh từ Quảng Nam đến Phú Yên, dần dần phát triển vượt cả quy mô trường trung học thời thực dân ở Quy Nhơn. Tôi còn nhớ buổi lễ bế giảng năm học 1946-1947 ở Chợ Chùa, anh đến thăm trường, nói chuyện và dự buổi tối văn nghệ với học sinh và giáo viên, động viên thầy, trò dù khó khăn vẫn phải cố gắng dạy và học nghiêm chỉnh. Rồi hàng năm, ít nhất vào dịp Quốc Khánh, bao giờ anh cũng gặp gỡ và ân cần thăm hỏi giáo viên. Có lúc tình hình chiến sự hết sức nghiêm trọng, tin tức ngoài Bắc đưa vào cho biết địch đang mở cuộc tấn công quy mô lên Việt Bắc hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến, còn ngay ở liên khu nhà sự uy hiếp nặng nề của địch đối với vùng tự do của ta cũng làm nhiều người lo lắng. Vậy mà ngay giữa lúc ấy các hoạt động giáo dục vẫn không hề bị rối loạn. Nghe nói mỗi lần
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 9
xuống kiểm tra, đôn đốc các địa phương chuẩn bị chiến đấu, anh vẫn không quên nhắc nhở và động viên các cấp chính quyền cố gắng duy trì giáo dục dù có khó khăn. Không chỉ thế, nhận thấy trình độ văn hoá thấp kém của cán bộ trở ngại cho công tác cách mạng và kháng chiến, anh còn quyết định mở thêm một trường trung học nữa (đặt tên là trung học bình dân), và kiên quyết điều động cán bộ các cấp, các ngành ở khắp liên khu thu xếp công việc, luân phiên nhau tập trung về học gấp rút chương trình trung học trong vài năm. Ngày nay, một chủ trương như thế cũng đâu phải dễ làm, huống chi vào thời ấy, số thầy giáo có trình độ tú tài cả liên khu rất hiếm, lại thêm chiến sự liên miên, chỉ lo chống giặc, giữ đất và bảo vệ cuộc sống của dân cũng đã vô cùng khó nhọc. Trong hoàn cảnh ấy giá có chủ trương nghỉ học để đánh giặc thì nhiều người cũng cho là đương nhiên. Thế mà anh vẫn cho mở trường, hơn nữa còn đòi hỏi cán bộ tạm gác công việc chưa thật cấp bách để đi học, thì quả thật phải có tầm nhìn xa và tính quyết đoán cao, chẳng những tin chắc ở lợi ích của việc học, mà còn phải đủ can đảm để thực hiện một chủ trương nhìn bề ngoài có thể cho là chưa thật cần thiết. Sau này những ai từng sống ở Liên khu 5 thời kỳ ấy đều thấy rõ chính nhờ một phần quan trọng ở giáo dục được phát triển tốt ngay từ mấy năm đầu mà vùng tự do này đã giữ được sinh hoạt ổn định suốt cả cuộc kháng chiến. Hai trường trung học Lê Khiết và trung học bình dân, được thành lập do sáng kiến và dưới sự bảo trợ trực tiếp của anh, đã góp phần thiết thực nâng cao dân trí và đào tạo cán bộ, trở thành biểu tượng niềm tin vào sức mạnh giải phóng của giáo dục ở một miền đất từ xưa vốn nghèo khổ và thiếu học. Có lẽ hiếm thấy một trường trung học nào thời kháng chiến đã có nhiều giáo viên và học sinh
10 NHIỀU TÁC GIẢ
sau này trở thành văn nghệ sĩ, nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng cả nước như ngôi trường Lê Khiết khiêm tốn này. Điểm lại việc học ở Liên khu 5 thời ấy và nhớ lại những lúc được nghe anh trực tiếp thuyết phục cán bộ chăm lo sự nghiệp giáo dục ngay trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt và gian khổ gấp nhiều lần hiện nay, tôi thầm nghĩ nếu ở đâu và thời kỳ nào cũng có những nhà lãnh đạo lo nghĩ tới việc học một cách thiết thực và tâm huyết như anh thì may mắn biết bao cho tiền đồ của đất nước, nhất là trong kỷ nguyên kinh tế tri thức này.
Trên cương vị người đứng đầu chính phủ suốt một thời gian dài, anh thường có nhiều dịp phát biểu về công tác giáo dục. Ôn lại tất cả những ý kiến đó của anh, và nhớ lại những điều tốt đẹp anh muốn làm cho giáo dục, tôi tin rằng nếu mọi ý tưởng của anh đều được thực hiện nghiêm chỉnh như thời anh lãnh đạo Liên khu 5 thì giáo dục của ta chắc đã tránh được biết bao khó khăn, vấp váp vừa qua. Có người trách anh, từ thập kỷ bảy mươi về sau, biết mà không làm được hay thậm chí có lúc nhân nhượng với những quan niệm ấu trĩ lệch lạc, nhưng riêng tôi đã từng vui buồn gắn bó với giáo dục từ nhiều năm, tôi quá hiểu không dễ gì đấu tranh với những xu hướng thiển cận, hẹp hòi một thời đã xa mà đến tận giờ vẫn còn tồn tại dai dẳng, tuy màu sắc đã đổi khác. Thời ấy, với cách hiểu lệch lạc chính trị là thống soái, các vấn đề “chuyên” với “hồng”, “trí” với “đức”, “chuyên môn” với “chính trị” thường bị đối lập máy móc giả tạo, mà hậu quả tai hại là không ít tài năng bị vùi dập. Những hạn chế lịch sử như vậy, dù ở vị trí của anh cũng đâu dễ cưỡng lại. Hơn nữa, ở một phương diện nào đó, sự ấu trĩ phải chăng vẫn còn dễ chấp nhận hơn những quan niệm cực đoan theo chiều ngược lại mà có lúc có vẻ đang thắng thế. Cho
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 11
nên càng suy nghĩ tôi càng biết ơn và cảm phục một nhà lãnh đạo ngay từ thời đó đã sáng suốt nhìn rõ bản chất vấn đề và đã trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ một số người làm khoa học gặp khó khăn do những quan niệm hẹp hòi mà cứ tưởng là cách mạng kia. Âu cũng là một an ủi lớn, vì không có anh tình hình có thể còn phức tạp hơn; riêng tôi chắc cũng khó có cơ hội hôm nay yên tĩnh ngồi viết những giòng này để tưởng niệm anh.
Phải nghe những lời tâm sự thiết tha của anh mấy năm trước lúc mất: “Cuối đời tôi chỉ tập trung lo nghĩ hai chuyện: tư tưởng Hồ Chí Minh và giáo dục” mới thấu được nỗi lòng tha thiết của anh. Vào thời gian này anh đã tăng cường gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người về giáo dục trong nước và xu thế chung trên thế giới. Tuy tuổi đã cao, anh vẫn bỏ nhiều thì giờ và công sức đi đến các trường, dự các buổi giảng của giáo viên để hiểu rõ thực trạng trước khi viết loạt bài về giáo dục là những lời nhắn gửi thân yêu cuối cùng của anh với nhà trường chúng ta. Nhiều lần được cùng anh trao đổi ý kiến về giáo dục, tôi nhận thấy ở anh một tấm lòng ưu ái hiếm thấy đối với thầy giáo và học sinh, và một nỗi day dứt thật cảm động ở một người tự biết không còn ở lại với đời bao lâu nữa mà vẫn dồn sức suy nghĩ đóng góp vào sự nghiệp có tầm quan trọng then chốt đối với tương lai đất nước. Có lần tôi đến thăm anh, khi chia tay, anh nắm tay tôi nghẹn ngào mấy tiếng bất ngờ: “Tôi buồn lắm, buồn vô cùng!”. Tôi hiểu anh đang nghĩ đến những việc sai lầm, những con người hư hỏng đang làm tổn hại sự nghiệp cách mạng. Biết bao nhiêu việc anh còn muốn làm cho dân, cho nước quá mà lực bất tòng tâm. Khi tôi nêu ý kiến cần cấp bách chấn hưng và cải cách giáo dục để một ngày không xa nó trở lại là bông hoa của chế độ như thời trước, chấm dứt cảnh đau lòng nhà trường sa đọa
12 NHIỀU TÁC GIẢ
thành nơi mua bán chữ, dạy thêm, luyện thi cấp tốc đủ kiểu để đối phó với các kỳ thi tốn kém và lạc hậu, thì anh đồng tình ngay, nhưng trên mặt lộ rõ một nỗi buồn mênh mông đến mức tôi cảm thấy ân hận như đã chạm tới một chỗ đau sâu kín.
Giáo dục và khoa học chỉ là hai mặt của một vấn đề, cho nên anh quan tâm đến giáo dục bao nhiêu thì lo lắng bấy nhiêu cho khoa học. Còn nhớ năm 1968, vài ngày sau Tết Mậu Thân, giữa lúc cuộc tổng công kích ở miền Nam đang ở đỉnh cao, tôi được cử báo cáo phần toán học trong một buổi họp của Chính phủ về phương hướng phát triển khoa học, sau khi đoàn khoa học kỹ thuật của ta sang Liên Xô tham khảo ý kiến của bạn. Tưởng là nói về một ngành chuyên môn hẹp, trong giờ phút trọng đại cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới, chắc chỉ được Thủ tướng dành cho mấy phút đã là quý, không ngờ anh đã rất chăm chú nghe và còn nhiệt thành nêu lên nhiều ý kiến cụ thể, đòi hỏi các ngành khoa học phải phát triển mạnh mẽ để chuẩn bị xây dựng đất nước thống nhất. Anh thật lãng mạn, và chúng tôi cũng lãng mạn theo anh - sự lãng mạn giống như thời đầu kháng chiến chống Pháp vừa đánh giặc vừa mở trường ở vùng tự do, và giữa những năm 60 gửi hàng vạn thanh niên đi du học ở nước ngoài dù miền Bắc phải đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại đang leo thang từng ngày. Chính nhờ sự lãng mạn đó mà cuộc chiến đấu của chúng ta để giành độc lập thống nhất không chỉ có dũng cảm mà còn có trí tuệ, và trong thời gian tương đối ngắn, nhiều ngành khoa học của ta đã tiến lên một vị trí đáng tự hào so với các nước xung quanh - một vị trí mà tiếc thay, những năm tiếp theo, vì sự lãnh đạo bất cập, chúng ta đã không còn giữ nổi.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 13
Mỗi lần có dịp ôn lại kinh nghiệm phát triển toán học Việt Nam mấy chục năm qua, chúng tôi thường nhắc tới anh và hai người nữa: anh Tạ Quang Bửu và anh Lê Văn Thiêm, mỗi người trên cương vị của mình đã có ảnh hưởng lớn lao đối với sự xây dựng ngành khoa học này trên đất nước ta. Có thể khẳng định nếu thiếu đi một trong ba vị ấy có lẽ chúng ta còn phải chờ đợi vài thập kỷ sau chiến tranh mới có thể xây dựng được một nền toán học như ta đã có hồi cuối thập kỷ 70. Riêng phần tôi, có một điều tôi rất tha thiết và anh cũng rất ủng hộ nhưng chúng tôi chưa làm được nhiều như mong muốn, đó là việc ứng dụng toán học. Nhớ khi chúng tôi tìm cách đưa các phương pháp vận trù học, Pert, toán kinh tế, khoa học hệ thống vào các ngành, thì anh rất nhiệt tình cổ xuý, nhờ đó lãnh đạo các cấp dần dần cũng hưởng ứng theo. Nhiều học giả nước ngoài lúc bấy giờ rất ngạc nhiên khi được biết qua bài viết của một ký giả Pháp đăng trên báo Le Monde, rằng vận trù học đang được áp dụng ở Việt Nam, kể cả Pert là công cụ toán học phục vụ quản lý vừa mới được phát minh ở Mỹ trong quá trình chế tạo tên lửa Polaris cách đó chỉ ba, bốn năm. Đó là thời kỳ vai trò Thủ tướng thể hiện rất rõ và cũng là thời kỳ hoàng kim của giáo dục, khoa học, trong đó có toán học. Thật đáng tiếc, lúc việc ứng dụng toán học có điều kiện khách quan để phát triển thì khó khăn đã ập tới và anh cũng không còn đủ sức để ủng hộ chúng tôi có hiệu quả. Hồi ấy, ngay một việc đơn giản như liên lạc thư từ giữa ta với các nước quá chậm chạp và trắc trở, lần nào bạn bè nước ngoài gặp anh cũng phàn nàn; hoặc như việc cử một nhà khoa học xứng đáng làm viện trưởng một viện khoa học, ... mà đến Thủ tướng cũng không giúp khai thông được, nhiều người lấy làm lạ. Nhân một buổi được anh tiếp trước khi tôi lên đường đi hội nghị ở
14 NHIỀU TÁC GIẢ
Canada năm 1979, tôi có đề cập chuyện cải tiến quản lý. Vừa lúc ấy Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương (năm 1979) mới họp xong, có những quyết định chuyển hướng quan trọng đánh dấu sự đổi mới tư duy của lãnh đạo, nên anh bảo tôi nói lại với bạn bè: kỳ này chúng ta quyết tâm chuyển mạnh. Thế là theo lời anh dặn, tôi lên đường đi Canada với niềm lạc quan tin tưởng để truyền lại tin vui ấy cho bạn bè và những ai thiết tha với Việt Nam. Vậy mà rồi tôi đã gặp khó khăn do chuyện ấy, đến lần đi Pháp sau đó, lại phải vất vả nhờ đến anh mới gỡ ra được. Nỗi buồn của anh là biết nhiều việc cần làm mà không còn sức để thực hiện, thấy trước nguy kịch mà không thể làm gì có hiệu quả để ngăn chặn.
Trong bao nhiêu năm làm khoa học tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai câu nói của anh ở Hội trường Ba Đình năm nào, ngay giữa lúc các nhà trường ở Hà Nội bắt đầu kế hoạch sơ tán để tránh các cuộc oanh tạc của địch: “Khoa học nâng con người ta lên.” Xin ngàn lần cảm ơn anh.
H.T
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 15
HẢI TRIỀU
KIỆN TƯỚNG CỦA
NỀN VĂN HÓA MỚI
l PHONG LÊ
Hải Triều (1908-1954)
Tên thật là Nguyễn Khoa Văn, sinh tại làng An Cựu (Huế). Ông tham gia Đảng Tân Việt năm 1927 và sau đó (1930), trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, được phái vào hoạt động ở Sài Gòn, tham gia Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1931, ông bị bắt, đến tháng 7.1932 được thả tự do. Ra tù, ông tiếp tục bí mật hoạt động cách mạng, đồng thời viết bài trên các báo hợp pháp để truyền bá chủ nghĩa Mác và quan điểm của Đảng Cộng sản về nghệ thuật vị nhân sinh. Tháng 8.1940 ông bị bắt đưa đi an trí tại Phong Điền (Thừa Thiên) đến tháng 3.1945 mới được thả. Ông tham gia tổng khởi nghĩa ở Huế, sau làm giám đốc Sở Tuyên truyền Liên khu IV, Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Những tác phẩm nổi tiếng của ông là Duy tâm hay duy vật (1935), Văn sĩ và xã hội (1937), Về văn học và nghệ thuật (tuyển những bài viết của ông xuất bản năm 1965)... Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
16 NHIỀU TÁC GIẢ Tất cả mọi nội dung được Hải Triều đề cập, từ các vấn đề lý
luận chung của triết học, của văn hóa và văn học nghệ thuật cho đến sự bình luận về một tác giả hoặc tác phẩm cụ thể đều được tác giả soi chiếu từ một góc độ mới, để có thể qua đó nhận dạng về ông như một chiến sĩ văn hóa trước khi nói đến một nhà văn hóa.
Sinh năm 1908, mất năm 1954, toàn bộ sự nghiệp lý luận và phê bình văn học của Hải Triều nằm trọn trong thời kỳ chuẩn bị cho việc xây dựng những nền tảng Mácxít Lêninít của nền văn học mới-văn học vô sản-văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Mười năm sôi nổi của Hải Triều vào những năm 30 gắn với hai cuộc tranh luận lớn; Duy tâm và Duy vật, Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh, cũng là mười năm phát triển lên độ cao của nền văn học Việt Nam trước nhu cầu và xu thế hiện đại hóa.
Nếu nhìn nhận hai hiện tượng mới của đời sống văn hóa, một là những thành tựu của quá trình hiện đại hóa văn hóa, và hai là quá trình hướng văn học vào các nhiệm vụ chính trị bức thiết của dân tộc mà chỗ dựa tin cậy là chủ nghĩa Mác Lênin, hai hiện tượng như là sự giải quyết hai yêu cầu lớn cùng đặt ra cho dân tộc và văn hóa dân tộc nửa đầu thế kỷ thì mới thấy công của Hải Triều là lớn. Và sự nghiệp lý luận, báo chí của Hải Triều trong những năm 30 là một sự nghiệp nhằm xây dựng nền móng cho nền văn nghệ mới, một nền văn nghệ trực tiếp hướng vào các tầng lớp người lao khổ và trực tiếp phục vụ cho công cuộc cách mạng.
Những tranh luận học thuật, nhất là những cuộc đấu tranh tư tưởng nhằm vào các mục tiêu chính trị, một cách trực tiếp, và trong bầu không khí căng thẳng của thời cuộc, thường có ý vị gay
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 17
gắt, và theo cách nói của Lênin, quả khó tránh những “đòn thừa”. Trên chiến tuyến phân đôi hồi 1935-1939, giữa một bên là Thiếu Sơn, Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Thiều Quang... và một bên là Hải Triều, Hải Khánh, Hải Vân, Hồ Xanh, Lâm Mộng Quang, Bùi Công Trừng... dường như ít có điểm gặp nhau, cho đến khi kết thúc cuộc luận chiến, vào năm 1938, họ vẫn còn xa nhau. Ngay khi tưởng là có điểm gặp nhau như cùng khen Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan thì cách khen và nội dung khen giữa hai phái cũng là khác nhau. Phái vị nhân sinh quả là rất quyết liệt và rạch ròi trong phân tuyến. Thái độ đó có cơ sở giải thích trong bối cảnh và khí hậu chính trị những năm 30, thời kỳ Mặt trận Bình dân, thời kỳ cả một thế hệ các chiến sĩ cách mạng và văn hóa cách mạng cùng nồng nhiệt trong một bầu máu nóng, một chí hướng vươn tới lý tưởng xã hội chủ nghĩa và thế giới đại đồng. Thời kỳ của sự quán triệt ý thức giai cấp và tinh thần quốc tế vô sản như trong bài thơ của Dưỡng Lĩnh:
Đội quân Quốc tế ngọn cờ hồng
Vô sản là ta, ta tấn công
Diệt lũ Frăng-cô mà cướp lấy
Madrid thành ấy của ta chung
Thời kỳ đến cả một tên tuổi lớn như Nguyễn ái Quốc vẫn bị “Ban chấp hành Quốc tế cộng sản và Ban chấp hành Trung ương Đảng ta nhất trí với nhận định của Quốc tế phê phán là có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, hữu khuynh cải lương. Chính cương vắn tắt của cách mạng nước ta do Người khởi thảo được trình bày ở Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, ngày 3 tháng 2 năm 1930 và
18 NHIỀU TÁC GIẢ
tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam bị bác bỏ. Sau khi thoát khỏi nhà tù của đế quốc Anh, năm 1934, Người trở lại Liên Xô nhưng không được trao công tác gì” (1).
Dĩ nhiên khí hậu tư tưởng trên cũng chiếm lĩnh toàn bộ tư duy lý luận một thời, trong đó có Hải Triều, với nét đặc trưng là sự quyết liệt và triệt để trong tư thế phê phán, từ cách hiểu hai chữ “văn học” của bậc tiền bối Phan Bội Châu: “Cụ Sào Nam giải thích hai chữ văn học thế là sai lắm!”. Cho đến chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên... Chủ nghĩa Tam dân cùng với học thuyết Khổng giáo, Phật giáo và Triết học Mác, như Trần Dân Tiên sau này cho thấy từng được Nguyễn ái Quốc trong thời thanh niên sôi nổi của mình mong mỏi tiếp thu vì có “ưu điểm” là “Chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta” (2).
Lý luận về đấu tranh giai cấp hình dung một thế giới chia đôi, và do vậy thế giới văn học cũng chia đôi, như cách Hải Triều trình bày. Trong sự chia đôi này, phần tích cực, tiến bộ, cách mạng là thuộc về văn học “tả thực xã hội”. “Bên cái nền văn học thần bí, dâm ô của giai cấp phú hào đã bắt đầu gây dựng lên một nền văn học mới của giai cấp vô sản. Nền văn học này quyết nhiên là một nền văn học cách mạng. Cái hình thức của nó khuynh hướng hẳn về tả thực mà cái nội dung của nó là về xã hội” (3).
(1) Hoàng Tùng: Bác Hồ với chữ “Đức”, Sách Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, KHXH, tr234 (2) Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Bản dịch Trung văn của Trương Niệm Thức; Nxb Tam Liên, Thượng Hải 6-1949, tr 91. Bản dịch tiếng Việt của Phan Văn Các. (3) Văn học và chủ nghĩa duy vật, sách Về văn học-nghệ thuật; in lần thứ 3, Nxb Văn học, 1983; tr98.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 19
Chúng ta hoan nghênh nhiệt tình của nhà lý luận cổ vũ cho một nền văn học mới của giai cấp vô sản và phục vụ cho giai cấp vô sản, ở thời điểm bấy giờ. Nhưng cách phân đôi rạch ròi thế giới văn học theo tiêu chí giai cấp như trên là có phần đơn giản, không sao bao quát được đầy đủ diện mạo đời sống văn chương. Một cách nhìn, một thái độ rộng rãi, khoan dung chỉ có thể có khi cuộc sống đi trọn quá trình của nó và làm hiện rõ cùng lúc hai nhu cầu lớn của đất nước: cách mạng và canh tân (đổi mới), giải phóng và phát triển. Hải Triều cùng các đồng chí của ông chưa thể vươn tới cái nhìn đó trong bối cảnh đương thời. Điều cần ghi nhận ở đây là bầu nhiệt huyết của ông, là tư thế chiến đấu của ông cho sự thắng lợi của một tư tưởng mới trong buổi đầu thâm nhập vào Việt Nam đã có ngay khả năng đáp ứng cho nhu cầu chính trị cấp bách của thời cuộc. Thời của sự triệt để trong ý thức giai cấp, của nhiệt tình truyền bá tư tưởng xã hội chủ nghĩa và ý thức quốc tế vô sản trong thể nghiệm đầu tiên đầy sức hấp dẫn. Ông khó tránh những “đòn thừa” của một chiến binh sôi nổi, và cố nhiên cũng chưa thể đòi hỏi ở ông sự già dặn của một triết gia, một chuyên gia về triết học hoặc lý luận nghệ thuật.
Nhưng trên nhiệt tình triển khai lý luận văn nghệ Mácxít, trên ý thức cổ vũ cho văn học tả thực xã hội trong nước và văn học xã hội chủ nghĩa thế giới... vẫn có những phần đất nhất định cho Hải Triều đi vào các yêu cầu nghệ thuật của nền văn học mới và của thế giới văn chương nói chung. ở tư cách nhà lý luận văn chương tả thực xã hội thì đây quả là phần đất Hải Triều đã thật sự có những đóng góp, chắc chắn còn có ý nghĩa bền lâu đối với sự phát triển của văn học mới, như một bộ phận của văn học nhân loại trên con đường phát triển theo
20 NHIỀU TÁC GIẢ
chiều hướng của chủ nghĩa hiện thực: “Một nhà văn khuynh hướng về chủ nghĩa tả thực xã hội chỉ nên phụng sự sự thật, chứ không nên buộc sự thật phải phụng sự mình (...) Tôi nghĩ một thiên tiểu thuyết hay cũng giống như cái điệu đàn đã thoát tiếng tơ mà nhà văn sĩ, biết trọng nghệ thuật chắc không bao giờ lại đi bắt chước thằng cha nhắc tuồng vọt ra ngồi chòm ngỏm giữa sân khấu”.
Đọc lại Hải Triều hôm nay quả không khó khăn trong việc nhận ra những mặt còn chưa đầy đủ, hoặc còn sơ hở trong các lĩnh vực triết học duy vật và lý luận nghệ thuật tả thực xã hội mà Hải Triều chủ trương, nhằm bảo vệ, cổ vũ cho việc xây dựng một nền nghệ thuật mới của giai cấp vô sản, của cách mạng xã hội chủ nghĩa, theo tấm gương Liên Xô và Cách mạng tháng Mười lúc này còn đang tỏa ánh hào quang. Nhưng việc nhận lại những mặt còn sơ hở, hoặc để ngỏ của lý luận không hề làm giảm nhẹ niềm ngưỡng mộ của chúng ta đối với Hải Triều, người chiến sĩ tiên phong trên lĩnh vực văn hóa, người xây nền móng cho nền văn học Việt Nam từ những năm 30. Đó là thời kỳ mà những yêu cầu về chính trị đặt ra cho dân tộc phải chiếm vị trí hàng đầu. Dẫu bàn về văn hóa, văn học, nghệ thuật, hoặc bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội và tinh thần cũng không được phép xa rời đời sống chính trị, và các yêu cầu của chính trị. Chính ở sự nhạy cảm đó mà tất cả mọi nội dung được Hải Triều đề cập, từ các vấn đề lý luận chung của triết học, của văn hóa và văn học nghệ thuật cho đến sự bình luận về một tác giả hoặc tác phẩm cụ thể đều được tác giả soi chiếu từ một góc độ mới, để có thể qua đó nhận dạng về ông như một chiến sĩ văn hóa trước khi nói đến một nhà văn hóa, một tư thế chính trị hóa văn hóa trước khi nói đến văn hóa hóa chính trị. Từ nhận thức
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 21
trên, có thể nói đến một Hải Triều, ánh lửa Hải Triều trong sự tỏa sáng của nhiệt tình và trí tuệ.
“Đời tôi chiến đấu cho nghệ thuật và văn chương cách mạng”- đó là lời trong chúc thư Hải Triều viết trước khi mất, ngày 6 tháng 8 năm 1954. Lời di chúc gần như là sự tóm tắt đầy đủ toàn bộ ý thức và tâm huyết Hải Triều, toàn bộ sự nghiệp Hải Triều. Nhưng ở nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa Mác xít tiên phong chỉ mới bước vào tuổi 46 này vẫn còn một bí mật gì đó cần được soi nhìn cho rõ thêm, và bí mật đó tôi đã may mắn và sung sướng tìm được trong một tiểu luận của Xuân Diệu, viết năm 1962, tám năm sau ngày Hải Triều mất: “Năm 1953, đang kháng chiến, dưới một khu rừng ở Nghệ An, ban đêm, trong một hội nghị tổng kết phát động giảm tô, giữa hàng ngàn cán bộ tụ về, gặp mấy phút nghỉ, Hải Triều, lúc đó còn sống, đã kéo tay tôi lại sát gần mình mà nói: “Cần phải làm thơ tình yêu!”. Tôi coi Hải Triều như một anh lớn của tôi trong cách mạng, tôi rất nhớ câu nói đêm ấy của anh” (1)
Trên gợi mở về sự cần thiết của thơ tình trong bối cảnh đấu tranh cách mạng không ngừng nghỉ của đất nước, tôi muốn khai thông điều bí mật ở Hải Triều nơi câu nói với Xuân Diệu, trước ngày Hải Triều mất chỉ một năm.
P.L
(1) Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương..., sách trên; tr102. Công việc làm thơ, Nxb Văn học, H; 1984, tr64.
22 NHIỀU TÁC GIẢ
HOÀNG XUÂN HÃN
NGƯỜI TRÍ THỨC
MẪU MỰC
l PHƯƠNG LỰU
Hoàng Xuân Hãn (1908-1996)
Sinh tại thôn Yên Phúc, làng Yên Hồ, huyện La Sơn (Hà Tĩnh). Từ năm 1928, ông du học tại Pháp, chuyên học về Toán ở Lycée Saint Louis (Paris), thời gian này ông bắt đầu biên soạn quyển sách nổi tiếng Danh từ khoa học. Năm 1936 trở về nước, ông dạy Trung học Đệ nhị cấp ở trường Bưởi và là một trong những người sáng lập Hội Truyền bá Quốc ngữ. Sau năm 1945, ông đã xây dựng chương trình giáo dục bằng chữ Quốc ngữ cho các trường trung học, rồi áp dụng việc học và thi tú tài đầu tiên bằng tiếng Việt, mà sau này chúng ta quen gọi là “Chương trình trung học Hoàng Xuân Hãn”. Từ năm 1950, ông định cư ở Pháp và tiếp tục nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu rất có giá trị như Lý Thường Kiệt, La Sơn Phu Tử, Chinh phụ ngâm bị khảo, Lịch và lịch Việt Nam v.v... Sau khi mất tại Pháp, ông được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 23 Tấm gương thực học, học sâu, học suốt đời của cụ, đức trung
thực vằng vặc, cống hiến đích thực và đồ sộ vào nền quốc học hiện đại, sự chăm xới dìu dắt hết lòng đối với nhiều thế hệ nối tiếp của cụ như một ngọn đuốc tiếp truyền những tinh hoa của trí thức dân tộc.
Thành kính bày tỏ đôi dòng cảm nghĩ về cụ Hoàng Xuân Hãn, tôi tự nhủ thêm với mình, đã trung thực, lại phải hết sức thật lòng ngay từ câu đầu tiên. Đó là tôi vốn đã từng cảm thấy xa lạ với cụ. Còn nhớ thuở thiếu niên ở trường trung học kháng chiến (Lê Khiết) ở vùng tự do Liên khu V quê nhà, qua một số thầy giáo vốn là sinh viên cũ ở Hà Nội, tôi lần lượt biết được Hoàng Xuân Hãn, là thạc sĩ, là tác giả của Danh từ khoa học, là Trưởng ban chính trị phái đoàn chính phủ ta tại Hội nghị Đà Lạt năm 1946..., tôi vô cùng kính phục. Một cái gì đó thật cao xa, lồng lộng nhưng sáng ngời về tấm gương của một bậc học rộng tài cao đi vào con đường cứu nước, đã gieo vào lòng con trẻ! Nhưng cũng có lẽ chính vì thế, khi được tin cụ ở lại trong thành, “trùm chăn”, rồi lại sang Paris cư trú, thì mặc dù chưa dám suy đến một cái gì đối ngược, nhưng tôi cảm thấy khó hiểu, xa lạ.
Thế rồi từ 1960 về giảng dạy ở Thủ đô, trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt, thỉnh thoảng, tôi vẫn biết được những hoạt động yêu nước của Hoàng Xuân Hãn, sự chuyên tâm nghiên cứu đối với lịch sử văn hóa nước nhà. Hình ảnh cao đẹp của Hoàng Xuân Hãn dần dần trở lại trong lòng tôi, một thanh niên đang hiểu biết thêm dần những chuyện phức tạp trong cõi đời này. Hết sức quý trọng cụ, không cảm thấy có gì là lạ nữa, nhưng vẫn còn thấy xa.
Song quả là ngày càng có một điều lạ này, chí ít riêng trong lòng tôi, là trong mấy chục năm qua, sau khi giang sơn đã thu về một mối,
24 NHIỀU TÁC GIẢ
chúng ta bắt tay vào xây dựng lại đất nước, trí thức càng trở nên cần thiết bao nhiêu, sự ngụy trang và lạm phát trí thức càng ngoạn mục bấy nhiêu, thì hình ảnh Hoàng Xuân Hãn ngày càng trở nên gần gũi. Sự thực thì cụ vẫn tha phương, cư trú nơi phương trời mà tôi chưa từng được đặt chân đến, để rồi trong cõi nhân sinh này, luôn tiếc hận chưa dịp nào được bái kiến. Nhưng tấm gương thực học, học sâu, học suốt đời của cụ, đức trung thực vằng vặc, cống hiến đích thực và đồ sộ vào nền quốc học hiện đại, sự chăm xới dìu dắt hết lòng đối với nhiều thế hệ nối tiếp của cụ như một ngọn đuốc tiếp truyền những tinh hoa của trí thức dân tộc. Tất cả những điều đó, hiển nhiên là hết sức quý giá, ngời sáng, nhưng cũng có thể giảm giá, nếu chúng ta ngày càng không biết được thêm rằng còn có một Hoàng Xuân Hãn với một tấm lòng son duy báo nước. Tôi nghĩ đó là một chân lý nền tảng, cần phải nhấn mạnh trước tiên, cho dù, cũng là vì nhân thể, tôi phải tự giải tỏa trước cho chính mình một đôi điều chưa hẳn là ngộ nhận, nhưng rõ ràng là chưa hiểu thấu trong buổi thiếu thời.
*
* *
Thú thật là trong lòng tôi, ngay bây giờ, vẫn không thôi một niềm mong ước giả định. Giá mà Hoàng Xuân Hãn lên căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, hoặc trở về vùng tự do Liên khu IV quê nhà! Giá mà Hoàng Xuân Hãn đã từng đứng đầu ngành giáo dục hoặc ngành khoa học xã hội, để trực tiếp góp phần xứng đáng vào việc xây đắp nền móng của nền khoa giáo trong lòng Tổ quốc, nhất là trong giai đoạn trước mắt. Nhưng trong niềm tiếc mong vô bờ ấy, ngày tôi càng nhận ra rằng, trên con đường tự chọn, như một nghịch lý, là chính trong
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 25
hoàn cảnh éo le đầy khó khăn và nguy hiểm, và không phải lúc nào cũng xử thế đúng đắn ấy, bằng những việc làm âm thầm lặng lẽ, Hoàng Xuân Hãn lại có điều kiện thử thách, để bộc lộ rõ một tấm lòng sắt son với đất nước, với dân tộc. Trong những ngày tháng còn lưu lại trong Thủ đô bị tạm chiếm, Hoàng Xuân Hãn đâu có “trùm chăn”, dù hai chữ này vốn đã gột sạch cái nghĩa cộng tác với đối phương. Hiệu tân dược số 67 phố Tràng Thi dạo nọ, đã từng là nơi liên lạc giữa nhóm “trí thức trùm chăn” với chính phủ kháng chiến, nơi đã từng diễn ra những cuộc chuyển giao thư từ, tài liệu giữa đồng chí Phạm Văn Đồng với GS. Hoàng Xuân Hãn. Cho nên có gì lạ, đâu có chút ngẫu nhiên là trong những năm tháng ấy, cụ đã dồn sức viết công trình Lý Thường Kiệt (2 tập, Nxb Sông Nhị, H.1949-1950) với lời đề tặng “Tất cả những người hy sinh cho Tổ quốc”. Có thể thấy tuy khác về cảnh ngộ, nhưng không khác mấy ở một tấm lòng, một lòng dạ yêu nước thiết tha mà vốn đã được hun đúc từ lâu. Ngay trước Cách mạng tháng Tám, trong lúc trò chuyện với tướng Mordant trong phái đoàn De Gaulle ở Đông Dương, Hoàng Xuân Hãn đã nói thẳng rằng muốn cộng tác thật sự thì Pháp phải học tập Anh, hãy trao trả độc lập cho Việt Nam. Rồi trong những năm tháng dằng dặc sống ở Paris, vừa đi đầu trong phong trào Việt kiều yêu nước, cụ vừa dốc bao nhiêu tâm huyết cho nền văn hiến dân tộc, như ai nấy đều biết. Và mãi cuối đời trong thư chúc tết Bính Tý vừa qua gửi đến người bạn cố tri, cố vấn Phạm Văn Đồng, chúng ta có thể đọc được những dòng này:
“Chúng ta là những kẻ tủi nhục cho nước khi trẻ, mà may mắn hơn nhiều bạn, còn sống đến ngày nay, nhận thấy đất nước thống nhất độc lập. Nhưng lại sợ rằng lớp trẻ hiện nay là sinh lực của nước, sẽ chóng quên tủi nhục xưa và công lao những người như các anh...
26 NHIỀU TÁC GIẢ
Về mặt kinh tế, sự mở cửa cho ngoại quốc đầu tư là một sự dĩ nhiên để dân mình có việc làm, học kỹ thuật, học quản lý, kiến thiết hạ tầng cơ sở, nâng dần đời sống, và nhờ đó báo đáp ít nhiều công lao lãnh đạo và nhân dân. Nhưng các anh chắc cũng đồng ý với tôi rằng thà chịu thiệt thòi chút ít bấy giờ, chứ để nợ lớn lâu dài về sau cho con cháu, đến mức không bao giờ trả hết lãi”...
Có thể trích dẫn nhiều nữa, bởi vì tôi cứ ngẫm nghĩ mãi những dòng tâm huyết trao đổi giữa đôi bạn cố tri chiến sĩ-nhân sĩ, và trong đầu hiện ra hình ảnh một cụ già chốn Lam Hồng, cuối đời, đến ngày gần đất xa trời ở chốn tha phương gió tuyết, chắc chắn là đã dõi theo lắm, thấu hiểu lắm tình hình đất nước, mới bày tỏ được nỗi niềm ưu quốc, ưu dân với tầm nhìn xa trông rộng đến thế. Mãi mãi sắt son một tấm lòng Hoàng Xuân Hãn với dân với nước.
Trí thức trước hết là của dân tộc, nhưng đồng thời cũng là của nhân loại, mà cái đức tính cốt nhất của kẻ sĩ cổ kim đông tây vốn được kết lại trong mấy chữ trung thực, trí thức (probité, intellectuelle). Có nhiều minh chứng tuyệt vời cho Hoàng Xuân Hãn về mặt này, mà sau đây chỉ là một thí dụ.
Năm 1944, thi sĩ Đông Hồ gửi cho Hội Khai Trí Tiến Đức bản Nôm cổ quý hiếm về tác phẩm Song Tinh bất dạ. Mặc dù rất khổ công trong việc sao chép lại phiên âm ra chữ quốc ngữ, rồi trải mấy thập niên biển động ba đào, chỉ riêng công cất giữ cũng đáng rất mực biểu dương, nhưng cuối cùng Hoàng Xuân Hãn đã gửi về nước giành quyền công bố cho nữ sĩ Mộng Tuyết, tức bà quả phụ Đông Hồ (Truyện Song Tinh, Nxb Văn học, H.1987). Cái chiều dài hơn 40 năm lịch sử này, vô hình chung như một cuộc diễu binh hùng vĩ mà bất tận của đức tính trung thực và vị tha của Hoàng Xuân Hãn. Và chỉ riêng một việc
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 27
này thôi, cũng đủ bổ đôi những cái gọi là công trình, tác phẩm, luận án, sách báo ra làm đôi. Một bên là những sản phẩm tuy giá trị cũng có cao, có thấp, nhưng đúng là con đẻ tinh thần đích thực của người sản xuất, biết trân trọng và ghi nhận công lao của người đi trước, với phần lịch sử vấn đề, tài liệu tham khảo, ghi chú xuất xứ rõ ràng rành mạch, có phê bình, phản bác ai cũng trước hết phải tái hiện chính xác toàn diện ý kiến của họ. Và cũng chỉ ca ngợi khẳng định những giá trị đích thực, bất kể đó là của ai. Còn bên kia là sự xáo xào, đạo văn, cưỡng chiếm thành tựu của lớp trẻ, hoặc cướp công của người quá cố, đầu cơ tư liệu, hóa danh kẻ khác để ca ngợi chính mình, rất tài nghệ trong việc biến cái ngu dốt của chính mình thành sự phê phán cái gọi là “bảo thủ” của kẻ khác bằng cách cắt xén, xuyên tạc bôi nhọ, man khai trí tuệ, pha lãng chất xám, kéo bè, kéo cánh được ô dù che chắn để móc tiền nhà nước, định nghĩa lại “chủ biên” bằng tư cách cai đầu dài, biến ông Tây bà Tầu thành chính mình bằng lối dịch xuôi khá hồn nhiên..., thật không kể xiết. Tôi nói hình ảnh Hoàng Xuân Hãn sao trở nên gần gũi, thật ra chủ yếu vì nó quá cần thiết dùng làm tấm gương “chiếu yêu” cho hiện trạng.
Trở lên là nói trí thức trước hết phải là một con người chân chính, một công dân trung với nước hiếu với dân, nếu không thì sẽ trở nên lực lượng phản tiến hóa, hoặc phá hoại ghê gớm. Nhưng trí thức còn phải là trí thức, vừa “trí” vừa “thức”, nghĩa là phải hiểu biết sâu rộng mà chắc chắn. Muốn thế phải thực học, học một cách căn cơ “học nữa, học mãi”, học suốt đời. Hoàng Xuân Hãn vốn thông minh, học giỏi, luôn luôn nhất, nhì lớp ở Collège Vinh, làm hiệu trưởng Le Breton phải kiêng nể. Ra Hà Nội 1926, chỉ trong vòng một năm, Hoàng Xuân Hãn đã tự chuẩn bị với tư cách thí sinh tự do để thi “tú tài tây” phần
28 NHIỀU TÁC GIẢ
thứ nhất (đáng lẽ theo chương trình lớp lang phải hai năm). Năm 1927 Hoàng Xuân Hãn thuộc trong số những người đầu tiên ở miền Trung đậu khoa cử mới. Các bậc cựu học như Tiến sĩ Phạm Liệu, Hoàng Giáp, Nguyễn Khắc Niệm, đồng thời là các vị Tổng đốc, án sát đương nhiệm đã phải làm câu đối chúc mừng:
“Hồng Lam chung dục tự cổ đa tài, diệm đạo tân khoa quy cựu phiệt. Âu á văn minh, chí kim đồng hóa, giao thương xích xí dẫn thanh niên” (Hồng Lam nung đúc, tử trước nhiều tài, vui nói tân khoa về cựu tộc. Âu á văn minh, đến nay đồng hóa, hãy đem cờ đỏ dẫn thanh niên).
Những năm du học ở Pháp, khởi đầu từ trường Lycée Saint Louis ở Paris, có lẽ để học dự bị, và đến năm 1930, ông thi đỗ vào một số trường đại học ở Paris, trong đó có Ecole Normale Supérieure, mà dự tuyển đều phải là những tú tài xuất sắc, và nếu được làm sinh viên ở đó thì vinh dự suốt đời, đến mức dù về sau có giành được học hàm học vị cao nhất cũng chả cần lôi ra chưng diện mãi, mà chỉ cần ghi “Cựu sinh viên ENS” là quá đủ cho người đời kiêng nể rồi. Rất tiếc, Hoàng Xuân Hãn lại chọn trường Polytechnique, tiếp theo là trường Ponts et Chaussées, và học hết chương trình kỹ sư cầu cống. Nhưng vì không theo làng Tây, mà để tìm được việc làm, được phép với tư cách người bản xứ, cuối cùng Hoàng Xuân Hãn phải thi lấy bằng cử nhân và thạc sĩ Toán trong hai năm 1935, 1936 và về dạy trưởng Bưởi, mãi đến lúc Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Lúc ấy trách cụ mơ hồ vì tham gia Nội các Trần Trọng Kim thì quá dễ. Nhưng trong đây có lẩn quất một lô-gic tự nhiên, mà nếu chịu khó nghiền ngẫm sẽ bổ ích hơn nhiều. Đó là với chức vụ Bộ trưởng Giáo dục tất nhiên có nhiều
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 29
việc phải làm, nhưng then chốt nhất là phải làm cho mọi người học giỏi. Muốn thế chí ít bản thân vốn đã phải học giỏi, thực học, thông minh, chăm chỉ, để trở thành nhà khoa học hoặc nhà giáo đích thực trước khi đứng đầu nền Quốc học hiện đại của đất nước, nếu không thì dứt khoát sẽ làm lây lan sự ngu dốt cho nhiều thế hệ!
Sau bốn tháng đảm trách chức vụ quan phương cao nhất trong đời mình, cụ mới tròn 37 tuổi, và từ bấy đến nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua, đã làm được biết bao nhiêu việc cho đất nước. Nhưng cụ vẫn tiếp tục học thêm, mở rộng ra, mà sau này chúng ta mới biết dần như năm 1956, vào lúc sắp đến tuổi “tri thiên mệnh” rồi, mà cụ vẫn học chương trình của kỹ sư năng lượng nguyên tử, để từ đó có thể đưa ra phương trình để tính năng lượng của một lò nguyên tử và sự biến chuyển của nó với thời gian, rất có tác dụng trong việc sử dụng chất Uranium thiên nhiên. Tướng Pháp Emmanuel Hublot, vốn là bạn học cũ những năm 30, đã ca ngợi Hoàng Xuân Hãn là “nhà bách khoa theo nghĩa đen của từ này”.
Nhưng đó mới chỉ là nói việc học trong trường lớp với những bằng cấp thực chất. Còn chuyện tự học của Hoàng Xuân Hãn thì kinh khủng hơn nhiều. Vốn là một nhà khoa học tự nhiên, và cũng có đóng góp không ít về mặt này, nhưng hình như cống hiến của cụ cho nền khoa học xã hội, nền Quốc học lớn hơn nhiều. Tất nhiên ở đây, phải có lòng yêu tha thiết đối với truyền thống văn hóa dân tộc, nhưng phải hiểu biết, hiểu biết sâu sắc một tri thức công cụ là ngữ văn Hán Nôm, thì không thể nói có trường lớp nào cả. Tất nhiên không thể quên ơn dạy dỗ chữ thánh hiền của cha ông ở quê nhà thuở thiếu thời, thậm chí cũng không nên quên khen chương trình giáo dục thuộc địa mà
30 NHIỀU TÁC GIẢ
còn biết đưa những giờ “Caractères Chinois” vào ngay chương trình cao đẳng tiểu học (cấp II). Nhưng bấy nhiêu đó chưa thấm tháp vào đâu! Chắc chắn phần lớn là do tự học, mà Cụ đã đạt đến một trình độ Hán Nôm cực kỳ uyên bác như đã thể hiện trong nhiều công trình biên khảo. Hơn thế nữa, cũng nên biết thêm, sau khi trở lại Pháp đầu những năm 50, Cụ đã được Thư viện Quốc gia Pháp mời làm thư mục cho kho sách Hán Nôm đã nằm im lặng đó hơn 100 năm rồi. Tiếp theo, Cụ còn được thư viện tòa thánh Vatican mời làm công việc tương tự, nhưng là đối với số sách cổ hơn nhiều do các giáo sĩ mang về từ những thế kỷ trước... Đặc biệt trong nhiều năm, Hoàng Xuân Hãn vẫn còn được mời làm Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm của Trung tâm khoa học Quốc gia Pháp...
Một người đỗ bằng cấp cao như tiến sĩ quốc gia, cũng chỉ tốn vài ba thập niên đèn sách, nhưng những người tự học suốt đời thì phải tính cho họ mỗi năm mỗi lớp, bể học của họ là vô cùng tận. Tất nhiên dù được học hay tự học, cũng phải là trên cái nền thực học! Leo cao trên những nấc thang học vấn, cũng như trèo lên những mỏm đá cao, phải bám chặt từ những bước thấp nhất. Còn như lối học ngang tắt, bổ túc vá víu, rồi kẻ cả cậy thế hay luồn lụy, cố giật lấy mảnh bằng, để đủ thủ tục làm quan, thì vẫn dốt suốt đời. Những điều trên giải thích tại sao, thời thực dân, chắc là không có “hữu nghị” chút nào, chỉ đào tạo nhỏ giọt cho ta một số người có bằng cấp cao, dăm ba tiến sĩ, trên dưới chục vị thạc sĩ (là đến cử nhân, tú tài cũng đâu có nhiều), ấy thế nhưng với một số lượng ít ỏi như vậy, nhưng họ đánh dấu một giai đoạn phát triển của khoa học nước nhà. Là bởi vì, dù là bằng cấp thấp như tú tài, nhưng học rất thực chất, chắc chắn, tạo những nền móng vững chãi cho sự tự học suốt đời của họ, đến thế hệ sau cũng không phải dễ vượt qua được.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 31
Cho hay, nếu nhiều mà đúng thực chất thì còn gì quý bằng, nhưng nếu chưa đủ sức đào tạo và nuôi dưỡng nó, thì thà “ít mà tinh”. Con đường thực học của Hoàng Xuân Hãn, minh chứng hùng hồn cho chân lý đó. *
* *
Trí thức hiểu biết sâu rộng để làm gì, là một câu hỏi vô duyên. Nhưng khốn nỗi, cái chân lý “ăn tằm nhả tơ” này nhiều người cố tình quên lãng. Họ tìm mọi đường, kể cả những thói bất lương, để giật lấy mảnh bằng để trang hoàng cho dễ bước vào giới quan trường, hàm vị đầy người, nhưng người ta rất lúng túng không biết họ để lại công trình gì cho hậu thế? Nếu có thì phần lớn cũng chỉ là những thứ nhạt nhẽo, nhếch nhác. Trái lại, Hoàng Xuân Hãn đã nuôi chí bền và sâu: “Tôi bền gắng công giải phóng trí thức và văn hóa đồng bào ra khỏi cái khuôn chật hẹp, ươn hèn của con người bị ràng buộc. Thời Pháp thuộc, tôi đã dự bị nền Trung và Đại học tương lai bằng cách lập phương pháp và khởi công đặt Danh từ khoa học” (Đại đoàn kết số 23/1996, tr2). Danh từ khoa học ra đời năm 1942, đến năm 1943 thì được giải thưởng của Hội khuyến học Nam Kỳ. Chúng ta thường rất tự hào rằng sau Cách mạng tháng Tám tiếng Việt đã được dùng giảng dạy ngay trong bậc đại học, nhưng dễ thường còn chưa biết hoặc không biết, nó vốn đã được đặt cơ sở từ trước trong công trình Danh từ khoa học này, song Hồ Chủ tịch thì biết rất rõ! Sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập độ một tuần, trong khi tiếp Đoàn đại biểu Bộ Giáo dục, về việc dạy đại học bằng tiếng Việt, chính lúc đầu Bác còn e hơi vội vàng chăng, nhưng khi nghe các ông Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum nói rõ về Danh từ khoa học, thì Bác đã liền chấp thuận.
32 NHIỀU TÁC GIẢ
Danh từ khoa học, dù sao cũng thiên về khoa học tự nhiên, còn sự đóng góp về khoa học xã hội và nhân văn, mà trước hết là công sưu tầm, bảo quản tư liệu, thì chúng ta làm sao quên được hình ảnh một Hoàng Xuân Hãn đi khắp phố phường Hà Nội để “nỗ lực cứu vớt những sách tàn giấy cũ” trong đó có những vật báu của dân tộc như “Thủ thư của vua Quang Trung gửi La Sơn phu tử”... mà đối với thư tịch cổ, sưu tầm rồi, còn phải nhân bản để lưu trữ, chưa nói đến việc phiên âm, chú thích. Như tác phẩm Song tinh bất dạ nói trên, theo lời em gái của Cụ là bà Hoàng Thị Cúc kể lại: “Anh Hãn tôi rước ông đồ Thiển từ quê ra, nuôi ăn ở trong nhà hàng năm, khoản đãi như một môn khách, chỉ để chuyên làm mỗi việc sao chép lại bản Song Tinh bằng chữ Nôm đó mà thôi” (Văn nghệ trẻ số 10/1996). Chỉ trên cơ sở việc cẩn trọng về tư liệu như vậy, Hoàng Xuân Hãn mới tiến hành những công trình biên khảo của mình. Thời kỳ Hà Nội, ngoài công trình Lý Thường Kiệt nói trên ra, còn có thể kể Đại Nam quốc sử diễn ca (1949), Hà thành thất thủ và Hoàng Diệu (1950), Mai đỉnh mộng ký và Thi văn Việt Nam (1951). Một số công trình có lẽ khởi thảo ở Hà Nội, nhưng công bố ở Paris, có thể kể La Sơn phu tử (1952), Chinh phụ ngâm bi khải (1953). Trong những năm tháng dài sống ở Paris, cụ đã hoàn thành khối lượng đồ sộ những công trình như: Bích câu kỳ ngộ, Hoàng hậu ỷ Lan, Văn các tổ Trúc Lâm, Thiền Tông bản hạnh, Thân thế Hồ Xuân Hương, Những chuyện tiếp sứ thanh đời Lê, Lê Quý Đôn đi sứ Thanh, Lê Quýnh giữ tóc ngồi tù ở Bắc Kinh, Những lời thề của Lê Lợi, Nhóm chống Tây Sơn, Nguyễn Công Trứ về hưu, Văn nôm Phật giáo và đặc biệt là Lịch và lịch Việt Nam.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 33
Hiển nhiên vấn đề không phải là khối lượng nhiều, mà là hàm lượng chất xám của chính tác giả trong đó. Cũng hiển nhiên khoa học là một quá trình tiệm cận, không phải lúc nào Hoàng Xuân Hãn cũng có thể nói tiếng nói cuối cùng. Vấn đề là trong bối cảnh học thuật của từng nơi, từng lúc, phải đưa ra những luận cứ đầy đủ, và luận chứng chặt chẽ đến mức tối đa có thể được, để cho dù còn sai sót, vẫn rất bổ ích cho người đi sau. Còn lối bình tán vô căn cứ, lập luận linh tinh, rồi lại dán nhãn hiệu nọ, đeo chiêu bài kia, nhiều lắm chỉ tự bộc lộ sự ngu dốt mà thôi. Đặc biệt nói đổi mới trong khoa học là thừa, nhiều lắm chỉ có nghĩa với loại giả khoa học mà thôi. Bởi vì khoa học đích thực, bao giờ cũng phải mới mẻ, tất nhiên giá trị cao hay thấp là tuỳ từng trường hợp cụ thể. Cụ Hoàng Xuân Hãn nói:
“Tôi cho rằng từ xa xưa, dân tộc Việt Nam, đặc biệt là người trí thức Việt Nam đã đổi mới rồi... Nhà xuất bản Văn học các ông đã nhanh bước trước nhiều nhà xuất bản trong nước, làm một việc đổi mới bằng con đường đi tìm cái cũ (di sản văn hóa) trong quá khứ, trong các nguồn tri thức lưu lạc ở nước ngoài” (Văn nghệ trẻ số 10/1996).
Cũng chính là bằng con đường như vậy, mà Hoàng Xuân Hãn đã để lại cho đời một di sản đồ sộ tương đương với một Phân viện Hàn lâm quốc học vậy.
Cuối cùng, trí thức không những góp phần mở mang dân trí bằng những công trình khoa học đích thực, mà còn trực tiếp bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Gần 10 năm dạy chuyên khoa Toán Lý ở trường Bưởi, chàng thanh niên trí thức Hoàng Xuân Hãn đã góp phần gieo nhiều hạt giống về tư duy khoa học hiện đại, để sau này ra hoa kết
34 NHIỀU TÁC GIẢ
quả. Rồi những năm đầu thứ 40, Cụ còn nhiệt tình truyền đạt một ít kiến thức Cao học cho sinh viên các năm trên thuộc các ngành Toán Lý, Công chính, Kiến trúc... Hóa ra mầm mống đào tạo Cao học ở ta đã có từ đây. Và trong mấy tháng làm Bộ trưởng Giáo dục trong Nội các Trần Trọng Kim, Cụ giành phần lớn tâm huyết cho chương trình bậc Trung học “có tính cách hoàn toàn quốc gia Việt Nam”, mà việc thiết lập Ban chuyên khoa cổ văn là một biểu hiện. Rất tiếc tư duy Trung học về sau, đã tỏ ra một bước lùi về mặt này.
Rồi cái vốn tự học đã đem lại cho Cụ nhiều thành tựu lớn lao, mặc dù không thông qua trường lớp, nhưng Cụ vẫn tìm cách truyền lại cho thế hệ sau. Và về mặt này, nếu Cụ đã từng “học nhi bất yếm” thì cũng “giáo như bất quyện”. Tiến sĩ Tạ Trọng Hiệp có kể lại rằng vào cuối năm 1953. Cụ có giúp cho mươi bạn trẻ học thêm chữ Hán, nhưng sau vài tuần, chỉ còn lại mỗi anh thôi, thế mà Cụ vẫn nhiệt tình dạy cho. Và chỉ sau 6 tháng, Cụ đã khuyến khích anh học luôn chữ Nôm. Nhiệt tình mà lại có phương pháp. Không nói lý luận rối rắm, Cụ bắt anh dò dẫm đọc từng câu trong bản Kiều chữ Nôm, chỗ nào bí Cụ mới giải thích, và mở rộng ra luôn những trường hợp tương tự. Phương pháp suy cho cùng cũng là sự kết tinh từ kiến thức sâu rộng. Phải biết mười mới dạy được một. Giáo sư Trần Văn Khê có kể lại rằng “Thầy giảng cho một một chữ mà gợi cho tôi cả một hướng nghiên cứu”, như có lần thầy gợi ý: “Anh thử xem nhạc ả rập có ảnh hưởng chi đến nhạc Việt Nam chăng”. Chính nhờ đó, mà ông Khê đã chứng minh được nguyên nhân vì sao nước ta không có sa mạc, mà lại có “điệu sa mạc” rất giống với “Maqam Sika” của Ả Rập, và “Dastgâh Seegâh” của Ba Tư...
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 35
Cụ Hoàng Xuân Hãn quả là bậc thầy của nhiều thế hệ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước trong thế kỷ này. Riêng tôi là kẻ hậu sinh xa xôi, đành phải tự rút ra những bài học từ bậc thầy của những thầy mình để tự răn thêm vậy. Đó là lòng yêu nước thương nòi, đức tính trung thực vị tha, ý chí mới có thực tài, quyết tâm sáng tạo đích thực trong khoa học và ý thức bồi dưỡng tài năng cho đất nước... Đây là những nội hàm phong phú mà sống động của khái niệm “người trí thức” mà cụ Hoàng Xuân Hãn đã tự định nghĩa bằng những hành động lặng lẽ trong suốt cuộc đời gần bao trùm thế kỷ của mình. Nó đã và sẽ có tác dụng phân biệt trí thực và thức giả, và buộc phải rà soát lại công việc xây dựng đội ngũ trí thức hiện đại cho Tổ quốc Việt Nam có mấy ngàn năm văn hiến của chúng ta.
P.L
36 NHIỀU TÁC GIẢ
trần đại nghĩa
ông trở về
l PHẠM HỒNG
Trần Đại Nghĩa (1913-1997)
Tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh tại xã Xuân Hiệp, huyện
Tam Bình (Vĩnh Long). Vào cuối tháng 9.1935, ông du học tại Pháp. Ông thi đậu vào trường Quốc gia cầu cống, đồng thời thời còn học thêm ở các trường đại học, cao đẳng khác nữa. Chính trong thời gian này, ông đã chuyên tâm nghiên cứu về việc chế tạo vũ khí. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí. Năm 1946, ông theo Bác Hồ trở về nước để phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Với cương vị là Cục trưởng Cục Quân giới của QĐNDVN, ông đã có công lớn trong việc cùng cán bộ quân giới chế tạo các loại súng Bazooka, SKZ (viết tắt ba chữ: “súng không giật”, SS (súng của bộ đội rừng Sác), FT (phá tường), đạn bay, AT (Anti - tank)... Từ năm 1966 ông được bầu là Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và được Nhà nước trao giữ nhiều trọng trách khác như Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (1977), Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam (1983) v.v... Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí của GS Trần Đại Nghĩa đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 37 Ông đã trở về với bùn lầy, lau sậy, và những rừng già nóng ẩm của Việt Nam.
Ông trở về nước, như một nghịch lý, lại như định mệnh. Có giàu sang như ở Pháp, ở Đức thì đó cũng chẳng phải là quê hương ông. Chỉ trong nháy mắt,ông quyết định ngay việc trở về với một lời thưa “Dạ!”.
Ông rời nước ra đi năm xưa chí tại trời cao khoa học. Và ông đã trở thành một con đại bàng của thế giới công nghệ thời thế chiến thứ hai. Cuối những năm 30, ông đã nghiên cứu đến những sản phẩm bứt mạnh khỏi sức hút của Trái đất. Ông là kỹ sư trong ngành chế tạo máy bay của nước Đức. Những chiếc máy bay cường kích Messerschmitt từng gầm thét trên khắp các bầu trời châu Âu. Bom bay V1, V2 cũng nằm trong sự thách thức trí tuệ của ông.
Nước Đức của Hitler bại trận. Nước Pháp giang tay rước ông về Paris, vào ngành hàng không của Pháp.
Như duyên nợ ba sinh, năm 1946 Cụ Hồ sang Paris và gặp ông - Chú về cùng tôi giúp dân, giúp nước nhé!
- Dạ!
Tiếng “dạ” Nam Bộ ấy, nhẹ nhàng, thân thiết, cẩn trọng. Và ông xếp vali, chào Paris, thành phố nhiều ánh sáng cùng những nẻo khuất tối. Tôi mường tượng ông đã thản nhiên vứt cuốn sổ lương qua cửa sổ, thả nó trôi luôn theo dòng sông Seine. Lương ông lúc bấy giờ là một khoản tiền rất lớn, so với mức sống của tất cả mọi người công dân Pháp. Chính phủ Pháp đã mua tài năng của ông với cái giá 10.000 đô la/tháng (5500Franc) lúc bấy giờ tương đương 22 lạng vàng.
38 NHIỀU TÁC GIẢ
Ông là người si mê khoa học. Si mê đến thế thì có thể quên tất cả sự đời. Nhưng ông là ông. Ngồi trong cái phòng thí nghiệm hiện đại của Paris, đáy lòng ông vẫn còn xanh cây lúa dưới chân bùn, và dìu dặt những Lý con sáo, Lý quạ kêu...
Được đánh giá như một ông hoàng của khoa học kỹ thuật mũi nhọn, nước Pháp khôn khéo nào có bao giờ dám động nhẹ đến cái nguồn gốc “an-nam” dân thuộc địa của ông đâu.
Nhưng Cụ Hồ đã gặp ông, ông đã gặp Cụ Hồ. Thế là hết cho thực dân Pháp.
“Dạ!”, và ông thu xếp va li. Một vali đầy ứ sách. Và mấy tấn sách khoa học còn lại, ông đóng hòm gửi ngay trên chiếc chiến hạm Dumont Durville của hải quân Pháp. Chiếc Dumont Durville ấy sẽ đưa Cụ Hồ (và ông) từ Pháp trở về cái nước An-nam có tên mới: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Chính quyền Pháp, hải quan Pháp, tình báo Pháp không lạ gì cái khối sách ông đóng thùng đưa xuống khoang tàu chiến ấy. Nhưng vào thời bấy giờ, theo kế hoạch chiến lược của nhiều tướng tài nước Pháp, việc đánh chiếm Việt Nam cũng chỉ cần một đến hai năm. Vì vậy, chắc có quan chức Pháp nghĩ rằng: khối sách khoa học đó có đưa về Hà Nội, thì chẳng mấy chốc cũng sẽ chuyển vào cái thư viện mà Pháp lập lại ở Đông Dương thôi. Đằng nào cũng chỉ mất một công chuyên chở.
Ai hay, tất cả khối trí tuệ phương Tây in thành chữ nghĩa đó đã theo ông lên rừng Việt Bắc, chiến khu của kháng chiến Việt Nam. Vào rừng, ăn cơm với măng, ông đã chiêu tập môn sinh đi thu thập gang vụn, sắt vụn, đi cưa bom lấy thuốc. Ông giảng cho môn sinh:
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 39
Việt Nam phải có cách đánh của Việt Nam. Việt Nam cần có vũ khí hợp hoàn cảnh Việt Nam...
Thế là Bazooca, SKZ... Trần Đại Nghĩa ra đời. Những lô cốt của phòng tuyến thực dân nổ tung.
Ông có lẽ là người trí thức Việt Nam duy nhất mà khi còn sống, đã được Cụ Hồ viết bài báo khen đến cái chí, cái tâm cùng với sự nghiệp anh hùng.
SỐNG CÙNG THUỐC SÚNG
Có lúc tôi muốn vẽ một bức tranh: một người ngồi trên một thùng thuốc súng, hút thuốc lá, nét mặt trầm ngâm đăm chiêu, nhưng sao nó không nổ tung, may quá!
Không phải chuyện tưởng tượng. Đó là cảnh hiện thực về một nhà khoa học lớn Việt Nam, thời đầu kháng chiến.
Năm 1947, mặt trận Hà Nội vỡ. Tất cả Thủ đô cách mạng trẻ phải rời bỏ cả phố phường, lên rừng Việt Bắc lập Thủ đô kháng chiến. Lúc bấy giờ, tại một làng nhỏ ở huyện Ứng Hòa (Hà Đông) vừa hạ trại “Viện nghiên cứu khoa học” của giáo sư Trần Đại Nghĩa. “Viện” nằm phía sau trường tiểu học của huyện. Tiếng súng nổ trên Hà Nội còn dội về nghe rõ, nên làm sao có được một trụ sở đàng hoàng. Giáo sư Viện trưởng Trần Đại Nghĩa được bố trí làm việc và nghiên cứu trong một gian buồng nhỏ độ 9 mét vuông, ánh sáng lờ mờ, vì chốn “thâm nghiêm” này phải đóng cửa để giữ bí mật. Trong buồng, kê được một giường sắt cá nhân, một bàn to và hai ghế, là vừa chật. Dưới gầm giường là mấy bao tải thuốc nổ vàng (axit picrit, trinitrophenon), dưới bàn là mấy bao tải thuốc
40 NHIỀU TÁC GIẢ
“con bài” (thuốc phóng), góc buồng là một thùng thuốc đen (thuốc pháo rất dễ cháy). Trên bàn để lẫn cùng dầu hỏa là đạn bazooka đã nhồi thuốc và chưa nhồi thuốc, mồi nổ, hạt nổ v.v... Ông Trần Đại Nghĩa lại hay hút thuốc lúc làm việc. Các sinh viên giúp việc mỗi lần vào “labo” của thầy đều rờn rợn lạnh người. May mà thùng thuốc súng đó không nổ tung!
Năm 1947 là một bước ngoặt lịch sử. Lực lượng kháng chiến phải rút bỏ tất cả mọi thành phố trên đất nước. Không còn đèn điện, máy móc, không còn ô tô, nhà lầu. Quân ta chỉ có mã tấu, súng trường. Ta đã cưỡi lên lưng con hổ kháng chiến. Kháng chiến ngoái đầu lại bảo: phải làm bằng được những khẩu súng và đầu đạn bắn vỡ được lô cốt, bắn, bắn cháy được xe tăng Pháp, nếu không thì... Gánh nặng đó đè lên vai giáo sư và những đồng đội của ông.
KHÔNG Có Gì, đó là tình trạng của công nghiệp sản xuất vũ khí ở Việt Nam thời đó, Không có máy móc, không có công nghệ (dân nô lệ trăm năm đâu được dòm ngó đến ngành vũ khí). Khó hơn hết cả là không có ai quanh ông vốn là kỹ sư cả. Ông Trần Đại Nghĩa cô đơn chẳng khác gì Robinson trên hoang đảo. Ông vốn là kỹ sư trong nhà máy chế tạo máy bay Masserchmidt của Đức, tối tân nhất thế giới thời bấy giờ. Nhưng may thay đám học trò “dốt nát về vũ khí” lại yêu nước và ham học. Thầy trò đã cùng nhau mò mẫm trong cái thùng thuốc nổ 9 mét vuông đó.
Chiến tranh kéo dài ba đời. Hàng trăm viện sĩ hàn lâm tiềm ẩn, hàng trăm nghệ sĩ tiềm ẩn của dân tộc đã ngã xuống cùng hàng triệu người dân và chiến sĩ vô danh. Thực may, cái thùng thuốc nổ Trần Đại Nghĩa không nổ tung. Sau hai cái tết, súng SKZ Việt Nam
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 41
khởi xướng từ thuở đó đã ra đời, đạn Bazooka Việt Nam đã ra đời. Việt Nam tự mình đã luyện được mẻ thép điện hồ quang đầu tiên, dù rằng tất cả mẻ thép đó chỉ đủ để đúc một cái cuốc chim!
Ông Trần Đại Nghĩa được tôn vinh là anh hùng, và gần đây nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, tất cả đồng chí, đồng đội của ông trong cái Nhà Nghiên Cứu Kỹ Thuật thuở ấy-đến nay tròn 50 năm (1947-1997), đã trở thành giáo sư, tiến sĩ, viện trưởng nhiều viện.
P. H
42 NHIỀU TÁC GIẢ
ĐẶNG VĂN NGỮ
CHA TÔI
l ĐĂNG NHẬT MINH
ĐẶNG VĂN NGỮ (1910-1967)
Sinh tại làng An Cựu (Huế). Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, năm 1941 ông được cử sang Nhật nghiên cứu thêm ở Viện Vi trùng - Ký sinh học tại Tokyo (Nhật Bản).
Năm 1949, ông trở về nước tham gia kháng chiến. Thời gian này, tại chiến khu Việt Bắc, ông đã nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng sinh, nước lọc Penicilin - kịp thời phục vụ cho thương bệnh binh trên các chiến trường, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau năm 1954, ông được Chính phủ giao xây dựng ngành ký sinh trùng ở Đại học Y Hà Nội, đồng thời xây dựng Viện nghiên cứu sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng. Qua đó, ông sẽ xây dựng kế hoạch tiêu diệt bệnh sốt rét rất có hiệu quả.
Từ năm 1965, ông đi vào chiến trường. Dưới bom đạn đất lửa Vĩnh Linh, ông đã nghiên cứu thành công loại vắc-xin phòng chống bệnh sốt rét phục vụ cho bộ đội Khu 5, Tây Nguyên và các mặt trận khác. Ông hy sinh tại chiến trường Vĩnh Linh vì bom của giặc Mỹ.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 43 Cha tôi ra đi cách đây đã 30 năm. Thời gian càng làm cho chúng
tôi nhận thấy rõ hơn mọi chiều sâu xa nhất của sự mất mát lớn lao này. Không chỉ đối với chúng tôi, con cháu trong gia đình, mà còn đối với nền Y học trong đó có sự nghiệp phòng chống sốt rét mà cha tôi đã dồn hết trí tuệ và tâm huyết trong những năm cuối đời.
Hình ảnh cuối cùng mà tôi còn giữ lại trong ký ức về cha tôi đó là một buổi chiều, giáp Tết Đinh Mùi, cách đây đã 30 năm, trước khi lên đường đi vào Nam, cha tôi hẹn đến thăm bố vợ tôi, luật sư Nguyễn Quế. Sau một bữa cơm đạm bạc với gia đình, cha tôi chia tay với tất cả mọi người rồi bế cháu Tân, đứa cháu đích tôn duy nhất từ gác hai xuống đến tận cửa xe com-măng -ca trước khi trao lại cho tôi. Rồi cha tôi bước lên xe, ngồi vào ghế trước. Chiếc xe rồ máy chuyển bánh... Tôi nhìn hút theo hai chiếc đèn đỏ sau xe cho đến khi chiếc xe đi khuất vào phố đêm.
Tôi không có linh cảm rằng đó là cuộc chia tay cuối cùng với cha mình. Cha tôi thường hay đi công tác xa về các tỉnh để chỉ đạo công cuộc chống sốt rét. Những cuộc ra đi như vậy đã thành quá quen thuộc đối với gia đình chúng tôi. Nhưng hai tháng sau đó, tôi và em gái tôi được bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, hồi đó là Bộ trưởng Bộ Y tế báo tin: Cha tôi đã hy sinh trong một trận bom B52 vào hồi 2 giờ trưa, ngày 1 tháng 4 năm 1967 tại chiến khu Trị Thiên-Huế. Tôi không còn nhớ đã đón nhận cái tin sửng sốt kia như thế nào. Chỉ biết rằng kể từ giây phút đó cho đến nay đã 30 năm, tôi vẫn còn bàng hoàng nghe văng vẳng bên tai câu nói sau cùng của bác Thạch: Các cháu hãy can đảm, bình tĩnh để đón nhận cái tin đau đớn này...
Sau đó, bác Thạch cũng ra đi. Trước khi đi bác có nói với tôi: Khi Ba cháu còn sống, bác đã không hiểu hết Ba cháu. Không lâu sau thì
44 NHIỀU TÁC GIẢ
bác Thạch cũng mất tại chiến trường Nam Bộ. Nhớ lại những ngày đó, tôi cứ nghĩ mãi về câu nói của bác Thạch. Quả thật, chúng tôi, con cái trong nhà, đôi khi cũng còn chưa hiểu hết về người cha thân yêu của mình. Hơn nữa cha tôi lại là người rất ít bộc lộ ra ngoài những tình cảm sâu kín. Ông chỉ cho chúng tôi hiểu mọi điều bằng chính cuộc sống của mình.
Mẹ chúng tôi mất trước ngày Hòa bình lập lại ở miền Bắc có mấy ngày. Cha tôi đã chôn cất mẹ tôi ngay cạnh cửa phòng bào chế Penicilline ở Việt Bắc, rồi về tiếp quản Hà Nội. Lúc đó cha tôi mới 44 tuổi. Ông ở vậy cho tới khi qua đời ở tuổi 57. Chúng tôi hiểu rằng suốt 13 năm ấy hình ảnh mẹ chúng tôi là không có gì thay thế được và lòng thương con của ông là không ai có thể san sẻ được. Tôi nhớ lúc còn nhỏ ở với mẹ và hai em ở Huế trong thời gian cha tôi du học ở Nhật Bản. Có lần cha tôi gửi về cho mẹ tôi một bức ảnh chụp ông đang ngồi bên bàn làm việc trong ký túc xá. Trên bàn ngoài sách vở còn có một bức tượng nhỏ một phụ nữ Nhật Bản mặc kimônô còn cha tôi thì đang nhìn chăm chú vào bức ảnh mẹ tôi đặt ngay trước mặt. Mẹ tôi cảm động nhận ra trong bức ảnh đó một lời nhắn gửi âm thầm rằng dù ở nơi xa cách, bận rộn với bao công việc đèn sách, ở một xứ sở có những người phụ nữ dịu dàng và quyến rũ thì tất cả tình cảm của cha tôi vẫn giành trọn vẹn cho người vợ thân yêu của mình. Những ngày được chung sống bên nhau của cha mẹ tôi thật ngắn ngủi. Sau khi cưới nhau được 5 năm, có lẽ đó là thời kỳ hạnh phúc nhất, cha tôi đã phải đưa mẹ và ba anh em chúng tôi từ Hà Nội về Huế, gửi cho ông bà nội chúng tôi, để lên đường sang Nhật nghiên cứu về nấm. Suốt 8 năm dài mẹ tôi đã phải hi sinh tất cả vì sự nghiệp khoa học của chồng. Cho đến năm 1949, cha tôi về nước tham gia kháng chiến, mẹ tôi và
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 45
ba anh em chúng tôi đã làm một cuộc trường chinh suốt 3 tháng trời, đi bộ từ Huế, ra Khu 4 rồi lên Việt Bắc (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) để sum họp với cha tôi. Nhưng cuộc hội ngộ ấy kéo dài vẻn vẹn chưa đầy 4 năm thì mẹ tôi qua đời.
Những năm sau hòa bình lập lại, công cuộc tiêu diệt sốt rét trên miền Bắc là công việc chiếm nhiều sức lực và trí tuệ nhất của cha tôi. Đó là lẽ sống và cũng là niềm say mê lớn nhất của cha tôi trong những ngày khi không còn mẹ tôi ở bên cạnh nữa. Tôi nhớ có lần cha tôi bỏ ra một ngày chủ nhật ngồi viết truyện thiếu nhi để giáo dục về việc phòng chống sốt rét, rồi đọc cho tôi nghe. Một truyện ngắn giản dị, có nhân vật là hai ông cháu. Có lẽ đó là truyện ngắn duy nhất mà ông viết trong đời. Tôi kể lại kỷ niệm đó để muốn nói rằng cha tôi cùng các cộng sự của mình đã làm tất cả những gì có thể làm, chỉ vì một mục tiêu duy nhất là tiêu diệt sốt rét và ông đã làm được thành công điều đó trên miền Bắc nước ta trong một thời gian dài.
Năm 1991 tôi có dịp đến Nhật Bản. Theo sự giới thiệu của giáo sư Nguyễn Lân Dũng tôi liên lạc được với bà Seino, người trước kia có một thời gian làm phụ tá cho cha tôi tại Phòng thí nghiệm Trường đại học Y khoa ở Tokyo. Bà đón tôi như người thân trong gia đình rồi đưa tôi thăm lại những nơi mà cha tôi đã sống và làm việc. Tại Đông Kinh học xá, nơi các sinh viên nước ngoài cư ngụ, người ta cho tôi biết địa chỉ của một người Việt Nam trước kia từng chung sống với cha tôi trong cùng một ký túc xá hiện còn sống ở Nhật Bản. Đó là kỹ sư Lê Văn Quý ở thành phố Atami cách Tokyo hơn 100 cây số. Tôi đến thăm bác Quý và được biết thêm về cha tôi trong quãng thời gian lưu học tại Nhật.
46 NHIỀU TÁC GIẢ
Bác Quý trân trọng cho tôi xem một tấm bằng lồng trong khung kính treo trang trọng trên bức tường giữa nhà rồi nói: Đây là tấm bằng của thành phố Tokyo tặng bác, cuối năm 1945. Ba cháu cũng có một tấm bằng như thế này. Hồi chiến tranh Tokyo bị ném bom dữ lắm. Ba cháu đã tập hợp các sinh viên Việt Nam và ngoại quốc ở Đông Kinh học xá lập thành các đội cứu thương để cứu chữa cho nhân dân trong khu phố. Ba cháu hướng dẫn nghiệp vụ cấp cứu và đã chữa cho biết bao trường hợp, đặc biệt trong việc chữa bỏng giỏi lắm. Sau đó tòa Thị chính Tokyo đã tặng cho mỗi người trong đội cứu thương một tấm bằng để ghi công. ấn tượng bao trùm nhất của bác Quý về cha tôi là suốt ngày ông chỉ học, miệt mài nghiên cứu, ngoài ra không hề quan tâm đến chuyện gì khác. Nhưng khi nước nhà giành được Độc lập thì cha tôi là người luôn theo dõi tin tức về cuộc kháng chiến ở trong nước để thông tin cho anh chị em lưu học sinh Việt Nam. Cha tôi là Chủ tịch đầu tiên của Hội người Việt Nam tại Nhật Bản. Chính ngọn lửa của lòng yêu nước ấy đã thôi thúc cha tôi từ giã nước Nhật để trở về với công cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Bà Seino còn liên hệ cho tôi được gặp giáo sư Tomio Takeuchi, Giám đốc Viện Hóa Vi Sinh Tokyo (Institute of Microbial Chemistry). Trên đường đi tới Viện, bà Seino cho biết giáo sư Tomio là một nhà bác học nổi tiếng ở Nhật, người Nhật thường gọi những bác học như ông là những người bất tử, có nghĩa là những người được mời làm việc cho đến hết đời, không về hưu. Giáo sư Tomio hẹn tiếp tôi trong 30 phút vì ông rất bận. Ông nói với tôi: “Tôi có làm việc cùng cha anh tại Trường Đại học Y khoa Tokyo trong một thời gian. Cha anh lúc đó là đàn anh của tôi. Trên các công trình nghiên cứu, các bài đăng báo chúng tôi đều viết chung và tên cha anh bao giờ cũng đứng trước tên tôi.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 47
Con đường khoa học của cha anh lúc bấy giờ đang bắt đầu rộng mở nhất là sau khi ông phát hiện thành công lần đầu tiên ở Nhật một giống nấm có khả năng tiết ra chất kháng sinh Penicilline mạnh. Rồi nước Nhật bại trận. Công cuộc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. Tôi biết người Mỹ đã nhiều lần đến tìm gặp cha anh để mời làm việc. Nhưng cha anh đã từ chối để trở về nước”. Giáo sư cho người đem ra những tập san y học cũ chỉ cho tôi xem những bài viết của cha tôi và ông cùng đứng tên chung. Chia tay giáo sư Tomio trở về, tôi thầm nghĩ: Nếu ngày đó cha tôi ở lại Nhật để tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, hẳn ông sẽ trở thành một nhà bác học lớn như giáo sư Tomio, hẳn ông sẽ có những đóng góp có giá trị cho nền y học của nhân loại; nhưng ông sẽ không được chia sẻ những vinh quang cũng như những khổ đau của đất nước mình, dân tộc mình. Trong con người của cha tôi, niềm say mê khoa học và lòng yêu nước là những phẩm chất không thể tách rời.
Thật vậy, cha tôi đã chia sẻ đến tận cùng số phận của đất nước, của nhân dân mình cho đến khi ông ngã xuống trên rừng Trường Sơn dưới trận mưa bom B52 như bất cứ một người lính nào ngã xuống trên suốt dải đất này vì sự nghiệp cao cả và thiêng liêng của Tổ quốc.
Đ.N.M
48 NHIỀU TÁC GIẢ
nguyễn khắc viện
ÔNG GIÀ ĐUổi THEO
QUY LUẬT
l PHẠM HỒNG
Nguyễn Khắc Viện (1913-1997)
Sinh tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, năm 1937 ông tiếp tục du học ở Pháp. Chẳng may, năm 1942, ông bị lao, bệnh kéo dài trong gần mười năm, ông phải lên bàn mổ bảy lần, cắt hẳn lá phổi bên phải, 1/3 lá phổi bên trái và 8 xương sườn. Chính trong thời gian nầy, ông đã tranh thủ tự học thêm nhiều ngoại ngữ và trở thành người thông tuệ. Ra khỏi bệnh viện, ông hoạt động trong phong trào đấu tranh của công nhân Việt kiều và bị chính quyền Pháp trục xuất về nước năm 1963. Ngoài cương vị Tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam và tạp chí Études Vietnamiennes, giám đốc NXB Ngoại văn... ông còn là tác giả của nhiều tập sách viết về văn hóa Việt Nam và y học rất có giá trị. Năm 1991, ông được Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trao giải thưởng Grand prix de la Francophonie - vì đã sử dụng tiếng Pháp trong giao lưu văn hóa. Một trong những đóng góp lớn của ông đối với nền y học nước nhà là đã hệ thống hóa phương pháp dưỡng sinh qua các cách thở, luyện võ... Ngoài ra, ông còn là người sáng lập Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em hoạt động rất có hiệu quả.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 49 Tôi được biết ông già từ lúc ông về nước, thời chiến. Hơn ba
mươi năm, con người “đứng tuổi” ấy vẫn lặng lẽ, chưa bao giờ nghe ông cười thành tiếng. Ông già-học thức rộng-đó là với cái thước thường dùng để đo các vị giáo sư, tiến sĩ. Ông già thường đang ngẫm một cái gì đó, ghi tắt một cái gì đó, và nói nhỏ nhẹ về một ý nghĩa mà thường có sức nặng làm người nghe bồn chồn.
Với ông già, chúng tôi là lớp trẻ ồn ào, tất bật. Ông già im lặng nhiều hơn nói. Ông dè xẻn từng hơi thở. Có lúc tôi ngắm thân hình mảnh manh của ông như ngắm một pho tượng lạ. Khí trời là của tạo hóa cho không, mọi sinh vật đều thừa hưởng nó. Nhưng với ông thì nào có được bao nhiêu.
Thời ở bên nước Pháp còn nghèo khốn vì chiến tranh, người ta đã cắt đi của ông một buồng phổi, rồi lại cắt nốt nửa buồng phổi còn sót. Cắt là để cho xong chuyện mà chết. Đáng lẽ ông đã chết cách đây gần sáu mươi năm. Nhưng ông lại muốn sống, tha thiết sống. Chết khi còn trẻ, chết vô dụng trên đất khách quê người thì còn gì mà nói. Qui luật của sự sống là đấu tranh. Ông già bác sĩ đó đã tập sống giữa vòng vây của cái chết. Ông luyện thở. Trong khi với mọi người, thở hít khí trời là động tác tự nhiên như cười, như nói. Ông thì tập thở, thở đều, thở nhẹ, bền bỉ nửa thế kỷ, dù rằng mỗi hơi thở của ông không đủ sức nâng lên cái lồng ngực lép.
Vỏn vẹn mấy trăm phân khối vuông khí trời quí giá đó, ông đã phân phối cho bộ phận nào trong cơ thể? Qua những công trình đa dạng mà nhà bác học đó để lại cho ta, thì rõ ràng khí của trời đất là ông ưu tiên dành cho những hồng cầu trong bộ não của mình. Ông còn sống. Sống để quan sát, suy ngẫm, phát hiện.
50 NHIỀU TÁC GIẢ
Sau mươi năm ăm ắp ấy, sau ngày cắt phổi, ông sống là đấu tranh cho khuôn mặt người Việt ở nước ngoài, sống là đào sâu vỉa quặng văn hóa Việt Nam, xuất ra thị trường văn minh thế giới.
Tiếp chuyện với ông là được bàn từ trò chơi đá cầu ngoài vỉa hè đến Chinh phụ ngâm trong khuê các. Là từ chuyện tâm lý trẻ con đến hoạt động vận hành quốc gia.
Ông đã đấu tranh với cái cơ thể tàn phế của mình để sống. Ông đã đấu tranh cho cái đúng, cái đẹp của Việt Nam để sống. Ông ra sức nắm lấy qui luật của sự tồn tại để tin rằng ông không thể chết được, ông không dễ gì chết được.
Ông già hiếm hoi đó, trước khi ra đi, có để lại một lời trối trăng, đã cho in lên các báo, lời trối trăng làm tôi bần thần một dạo. Ông nói rằng: đến cái ngày đó, cái lúc mà cơ thể của ông tự nó không còn sức sống nữa, thì xin mọi người để yên cho ông đi; đừng can thiệp, đừng hà hơi, đứng đem cái nhân tạo thay cho qui luật.
Ông đã đi thực.
Tôi cảm thấy cuộc đời cụ là một chuỗi khát vọng đuổi bắt lấy qui luật, bắt nó phục vụ mình. Những qui luật của sự sống và sự đời cũng có lúc như nheo mắt nhìn cái bất lực cuối cùng của ông mà bảo: ông ơi, sức người là có hạn, qui luật là muôn đời.
Ông già đó đã đấu tranh cho sự sống, hết sức bền bỉ. Và đến lúc cảm thấy đành chịu, phải thua, thì cũng thua thanh thản, thua qui luật. Ông đã nhìn thẳng vào các mặt của qui luật và qui luật cũng đã nể trọng ông.
P.H
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 51
ĐẶNG THAI MAI
MỘT NHÂN CÁCH
l NGUYỄN THẠCH GIANG
Đặng Thai Mai (1902-1984)
Sinh tại Nghệ An. Năm 1925, ông vào học trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương tại Hà Nội và năm 1928, ông dạy ở trường Quốc học (Huế). Sau đó, ông ra Hà Nội hoạt động báo chí và là một trong những người sáng lập Hội Truyền bá Quốc ngữ. Ông cũng là người tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ngay sau Cách mạng tháng Tám cho đến sau này, ông đã giữ nhiều trọng trách như Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1945-1949), Hiệu trưởng kiêm chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1957), Viện trưởng Viện Văn học (1959-1977) v.v... Các tác phẩm văn học của ông để lại phong phú và đa dạng như Văn học khái luận, Thơ văn cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hóa phục hưng, Trên đường học tập và nghiên cứu...
52 NHIỀU TÁC GIẢ Trong điếu văn vĩnh biệt bác Đặng Thai Mai, anh Cù Huy Cận
đọc có đoạn: “Anh là một cuốn bách khoa từ điển về văn học, nghệ thuật, về văn hóa, văn minh đông tây kim cổ. Anh là người của nhiều nền văn hóa, văn minh ấy, trước hết là nền văn hóa, văn minh Việt Nam. Tôi xin phép thêm rằng, bác Mai là người có đạo đức lớn do truyền thống của gia đình, của dân tộc cộng lại hun tạo nên. Xa thì thấy cái danh của bác cao lồng lộng, khó bắt gặp, còn gần thì cái đức của bác gắn bó thân thương”.
Tôi có thể nhắc lại với các bạn đôi chuyện về đạo lý làm người của bác:
Từ sau 1975, bác Đặng Thai Mai chưa một lần vào Sài Gòn. Đó là chuyện tưởng lạ lùng mà quả thực như vậy. Sinh nhật bác năm 1976, tôi có hỏi bác: Bà con ở Huế, đặc biệt dòng họ cụ Tôn Thất Hân, bà con ở Sài Gòn, như gia đình bác Nguyễn Hiến Lê, Lê Trăng Kiều, bà Mộng Tuyết... có ý mong hai bác vào Nam chơi để họ có dịp hàn huyên thỏa lòng ngưỡng mộ. Bác Mai nói với tôi: Anh Tô cũng đã đôi lần gợi ý sẽ bố trí để mình vào Nam thăm bà con, bạn bè mà cũng là làm công tác trí thức vận cho Đảng. Nhưng mình nghĩ: chẳng lẽ đi một mình. Có ô tô con, có người phục vụ, thì chắc chắn có bà con đi theo. Vào Sài Gòn trong cảnh phồn hoa đô hội đó, mình có thể chắc chắn giữ được, không bị cám dỗ, còn các bà con khác, ai bảo đảm họ giữ được thanh bạch trước những lạng vàng học trò, bà con mang đến biếu? Thôi gần cuối đời rồi giữ cho trọn vẹn”.
Một lần khác bác bảo tôi: “Có anh học trò viết thư ra mời thầy vào làm thủ tục chuyển nhượng biếu thầy một biệt thự để thầy vào Nam ở dưỡng tuổi già. Anh ta viết thư ra, hai lần mình đều
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 53
không trả lời. Lần thứ ba, anh ta tự làm tất cả thủ tục với Sở Nhà đất rồi gửi giấy tờ ra, mình chỉ ký vào nhận nhà mà mình cũng không làm chuyện đó. ở cho lắm bất quá cũng chỉ một phòng là đủ, ôm thêm vào mà làm gì. Cái nợ đấy, chẳng những khổ mà nó làm cho mình chịu cái “aliénation” tầm thường của xã hội. Nguyễn Tuân - người bạn thân của mình, nói đúng: bảo Nguyễn Tuân đi xe máy nổ choáng lộn, thì cái đẹp của Nguyễn Tuân mất, cho nên suốt đời chỉ đi chiếc xe đạp cà tàng, không chuông, không phanh, không cả “garde de boue”.
Thư viện của bác thực ra không quý, nếu nói về tính chất chuyên khoa hoàn chỉnh. Nhưng nó quý ở chỗ nó luôn được đổi mới. Và do đó mà tầm hiểu biết của bác cũng được đổi mới, bắt kịp bước đi của thế giới, hay chí ít cũng mới nhất. ở thư viện của bác, ta có thể gặp hầu hết các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, kể cả Bác Hồ đến trao đổi về quốc gia đại sự, các văn nghệ sĩ đến học hỏi thêm kinh nghiệm, các Việt kiều về nước mến mộ tên tuổi bác mà đến thăm. Còn nữa là các anh chị đến xin bác giải cho những chỗ bí trong văn học thế giới. Và cũng chính căn phòng nhỏ đầy ắp sách Đông Tây kim cổ này đã chứng kiến những phút hào hứng của bác sau những trang sách, từng trang bản thảo của mỗi công trình. Anh Trương Chính cho rằng chỉ có hai tác phẩm bác viết với tư cách nghiên cứu văn học là “Văn thơ Phan Bội Châu” và “Văn học cách mạng đầu thế kỷ XX”. Trên giấy trắng mực đen, thì nói thế cũng phải. Song, đối với bác Mai, công trình lớn nhất, có giá trị hơn cả là công trình cho biết bao môn sinh của mình thành đạt. Có thế mới lĩnh hội hết ý nghĩa cái bắt tay, nụ cười khi thấy sách của học trò gửi đến tặng.
54 NHIỀU TÁC GIẢ
Anh Nguyễn Đình Thi, trong bài Người chăm luống xanh, tặng bác có viết:
Thâu đêm trang sách mở
Chỉ bay tìm ngàn xa
Đến một ngày rợp cờ đỏ
Nhìn nơi sông nước mắt rơi
Từ ấy quên tháng năm trong lửa
Anh chăm những luống xanh
Cho thời đại con người...
Trong những luống xanh này có cả hàng trăm trang bản thảo của các Nhà xuất bản gửi đến xin ý kiến bác về chất lượng. Ai đã thấy những bản nhận xét, góp ý kiến, những trang bác chữa móc nối vòng vèo mới thấy hết công lao sáng tạo thầm lặng vô giá này.
Bác, cùng cả thế hệ của bác qua đi, có một điều giống nhau: bác nào cũng nghèo-nghèo về tiền tài, nhưng giàu-rất giàu về trí tuệ, khác ta bây giờ. Hay phải chăng đó là một công lệ ngàn xưa cụ Khổng đã nói: vĩ nhân bất phú? Xin kể một mẩu chuyện vào dịp sinh nhật bác năm 1978.
Trong đời họa sĩ của mình, anh Văn Cao chỉ vẽ có bốn bức chân dung: chị Văn Cao, bà Thái Thị Sâm, bác Đặng Thai Mai và cuối cùng là ông chủ cà phê Lâm, Chân dung bác Mai vẽ nhân dịp bác 75 tuổi. Năm ấy anh Văn Cao chỉ đưa mừng tranh, năm 1978 này anh chị mới đến nhà riêng mừng thọ bác. Tôi, xe đạp Junior đèo anh Văn Cao đi trước, chị Băng rẽ qua chợ Hôm mua hoa, đợi nhau ở cổng nhà bác rồi cùng vào. Bác Mai hôm đó rất vui, khách khứa không còn ai. Câu chuyện trong căn phòng nhỏ thật đầm ấm. Bức chân dung thật to của bác treo ngay ở phòng khách. Đường nét và màu sắc lột được tinh thần của bác: thanh tao mà như suy ngẫm một điều gì trong những ngày chiều của cuộc đời...
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 55
Rồi câu chuyện xoay quanh hội họa. Bác Mai nhìn tranh, nhẹ nhàng hỏi anh Văn Cao: “Màu sắc của bức tranh nói lên điều gì?”. Văn Cao lơ đãng, không trông tranh, đứng lên xoay người về phía bác Mai mà nói thật nhỏ nhẹ: “Nói lên cái gia cảnh hiện nay của bác cũng như của các cụ ta ngày xưa thôi...” Nói chưa dứt câu, sự đồng cảm đã khiến bác Mai đứng phắt dậy ôm hôn anh Văn Cao rất lâu. Tôi xúc động nhìn giây phút sống thực thiêng liêng ấy của hai người, hai nghệ sĩ đồng chí cao cả. Và, thế là chúng tôi chia tay, cả chủ lẫn khách đều lưu luyến. Tiếc không có máy ảnh nên giây phút quý hiếm qua đi, không ghi lại được. Xin nhắc với với các bạn: bấy giờ là hoàng hôn Noen 1978. Tác giả bức chân dung nói lên cảnh thanh bần của bác, vì bác không bao giờ tách mình ra khỏi nhân dân, khỏi đồng loại đang phải bán từng quả ớt, nắm rau độ nhật, vì bác không bao giờ xử sự trái với đạo lý làm người.
Bác Đặng Thai Mai nghèo, cả một thế hệ của bác cùng nghèo, cho nên nhiều bác sự nghiệp dở dang, vì cái nghèo đã ngốn đi bao nhiêu là vàng ngọc của cuộc sống vào những chuyện lặt vặt không đâu. Tuy nhiên, cả một thế hệ của bác biết yên tâm với thực tại, không xu phụ theo những cái hão huyền, nên người nào học vấn cũng uẩn súc để làm việc cho đời không mệt mỏi. Cảnh tượng bây giờ nhiều khi khác hẳn. Chưa bao giờ có thực trạng chạy theo cái danh như ngày nay diễn ra trong giới có chút chữ nghĩa chúng ta. Mê say cái danh phù phiếm trước mắt, bỏ bê cả sách đèn, cả đạo lý. Đến khi được nó rồi thì thỏa mãn, chỉ còn có một việc chạy in danh thiếp cho đẹp, cho kêu-một trò lỗi thời, lạc lõng trước con mắt các khoa học gia thế giới. N.T.G
56 NHIỀU TÁC GIẢ
tôn thất tùng
NHƯ ÔNG ĐANG
BÀN CHUYỆN HÔM NAY
l VŨ QUẦN PHƯƠNG
Tôn Thất Tùng (1912-1982)
Sinh tại Huế. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, ông được giữ làm bác sĩ nội trú tại bệnh viện Phủ Doãn (nay là bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức). Năm 1939, ông nghiên cứu thành công về cấu trúc các tĩnh mạch trong gan và đưa ra một học thuyết táo bạo: tìm tất cả các mạch máu trong gan, buộc chúng lại rồi sau đó mới cắt gan. Đây là phương pháp mà sau này được gọi là “cắt gan có quy phạm” mà ông là người thực hiện đầu tiên trên thế giới. Khi toàn quốc kháng chiến, ông theo Chính phủ ra vùng tự do giữ chức cố vấn phẫu thuật cho Bộ Quốc phòng kiêm Thứ trưởng Bộ Y tế, đồng thời góp sức xây dựng trường Đại học Y khoa. Sau năm 1954, ông được cử làm Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức, giáo sư trường Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1970, ông công bố nghiên cứu về chất “diệt cỏ” (dioxin) tố cáo chiến tranh hóa học của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Các công trình nghiên cứu khoa học của ông đã được giới y học quốc tế đánh giá rất cao và đã trao tặng cho ông nhiều danh hiệu cao quý.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 57 Đã 16 năm(*), cuộc đời này vắng bóng con người mái tóc bạc
phơ đi dưới vòm lá xanh Hà Nội dáng bước rất thanh niên. Con người ấy lúc sinh thời đã thành nhân vật huyền thoại về tài chữa bệnh, đã được phong Anh hùng lao động, đã là Viện sĩ Viện hàn lâm phẫu thuật của một quốc gia lớn. Và khi tạ thế đám tang ông đã thành nơi giải bày lòng thương cảm và biết ơn của nhân dân đối với người thầy thuốc của mình
Mười sáu năm, đủ một độ lùi thời gian để chiêm ngưỡng tầm vóc kỳ vĩ của ông, tài năng lớn của ông trong lĩnh vực y học. Ông có nhiều sách chẩn đoán và phẫu thuật thần kỳ, cái thần kỳ ấy thường nảy sinh từ những nhận xét nhỏ. Như bàn tay có mùi khai của người có sỏi bàng quang, tư thế cong người của giun chui ống mật, cách nghiêng bàn mổ và vị trí đứng khi bộc lộ lá gan... Những nhận xét nhỏ ấy chính là điểm lóe sáng của các thiên tài, như khi ác-si-mét tìm ra sức đẩy của nước trong buồng tắm và Niu-tơn phát minh định luật sức hút trái đất khi thấy quả táo rơi. Để có cái ánh loé chớp đó lại cần có một sự tích điện thường trực, bền bỉ. Tôn Thất Tùng đã sống như đan hồn mình vào cuộc đời, sống ngay giữa lòng cuộc đời với vẻ sinh động nguyên sơ của nó. Ông không ưa long trọng, cách biệt cao vời. Ông cứ hồn nhiên sống, cách nghĩ cách cảm rất hài hòa với xung quanh. Ông kể lại trận càn của lính Pháp hòng lùng bắt các thầy thuốc ở Việt Bắc 1947: Một toán lính Pháp vào lùng ở làng Bình nhưng vì quá chú ý đến gà vịt nên không tìm được chúng tôi. Ông lại viết trong hồi ký về vài bậc đồng nghiệp, trẻ có, già có, trong chiến dịch Điện Biên Phủ: “Ngủ dậy đã 2 giờ
(*) Bài viết năm 1998.
58 NHIỀU TÁC GIẢ
chiều vẫn cứ nghe thấy tiếng máy bay ở trên cao, anh Quang mở mắt nói: “Nó cũng không bay mấy”, nhưng anh đã ngủ một giấc từ 10 giờ thì quả là nó cũng không bay mấy thật. Cũng như cụ Tụng, cụ cứ nói: “Tôi không ngủ được mấy” nhưng khi nào tôi cũng nghe thấy cụ ngáy râm ran”.
Tài năng lớn của Tôn Thất Tùng còn thể hiện ở tầm nghĩ của ông về nhiều lĩnh vực xã hội. Hôm nay đọc lại những bài báo ông viết từ hai, ba, bốn chục năm trước càng thấm thía sự sâu sắc của ông. Sâu sắc vì trái tim ông nặng nhân tình. Ông sớm nói về vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách con trẻ, ông đòi chỗ chơi cho trẻ con ở thành phố, ông kêu gọi bảo vệ môi trường sống, báo động ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và nước, ông lưu ý với các nhà quản lý rằng nghiên cứu khoa học là một loại lao động phức tạp, tinh vi kết hợp cả chân tay với trí óc, nếu chỉ qua sách vở thì đấy là “triết học” (!). Ông định nghĩa khoa học là cuộc vùng lên không ngừng của trí tuệ con người đối với mọi sự việc. Ông đòi hỏi người làm khoa học phải dũng cảm và chân thực. Có dũng cảm mới dám chân thực và có chân thực mới phát hiện cái mới. Uốn bút, nói theo thì suốt đời chỉ là anh phụ họa và có khi thành kẻ bịp bợm. Ông chê thói quan liêu và cửa quyền của ngành tài chính đối với khoa học. Về giáo dục ngay từ 1974, Tôn Thất Tùng đã có nhận xét: Chúng ta đã nặn cho con em chúng ta học một chương trình quá nhiều chữ và ít việc làm. Phải đến năm 1997 này khi cái học phù phiếm tràn ngập xã hội, chủ nghĩa bằng cấp lan tràn, người ta chạy chọt để thành cử nhân, tiến sĩ, giáo sư thì phát hiện hơn 20 năm trước của ông mới được ngành giáo dục lưu tâm qua Luật giáo dục. Ông nhận xét nhân viên cơ quan vào chiếm một phần nhà cửa của các trường đã
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 59
phá vỡ môi trường thuần khiết của học đường. Đó chỉ là một nhận xét nhỏ lẫn trong bài viết, nhưng ý nghĩa thực tế của nó rất lớn. Trường học, ngôi đền của trí thức đang bị ô nhiễm các thứ chuyện đời. Theo ông, đó là hiện tượng không thể tha thứ được. Trên báo Nhân dân năm 1974 ông vạch mặt bọn đồng cốt đội lốt khoa học để truyền bá mê tín, thủ tiêu suy nghĩ sáng suốt của con người. Những dẫn chứng của ông đủ sức thuyết phục và giữ nguyên ý nghĩa với bây giờ và ông giải thích bằng tiến hóa luật giải phẫu: đó là sự tồn tại trong bộ não người một phần não của quái vật nguyên thuỷ: lo sợ đủ thứ từ phong ba bão táp đến bóng tối ma quỷ. Ông cho rằng văn minh hiện đại không chỉ ở các lâu đài và công trình khoa học mà còn ở sự giáo dục hàng ngày làm xóa đi các ác mộng nguyên thủy xa xăm ấy để con người thôi sợ hãi., Ông đã chứng minh tội ác của kẻ xâm lược dùng khoa học để phá huỷ con người và môi trường sống. Ông đã nghiên cứu rất sớm tác hại của chất độc màu da cam và sớm báo động cho nhân loại. Ngày nay thế giới đã xác nhận điều ông cảnh báo. Ông còn thâm thuý vận dụng ý văn trong Tang thương ngẫu lục và Bình Ngô Đại cáo vào vận hội đất nước. Trong chuyến viếng thăm nước Mỹ sau chiến tranh (1979) ông đã có cái nhìn thấu đáo về tình cảm của nhân dân Mỹ với Việt Nam, ông chân thành khâm phục thành tựu khoa học kỹ thuật Mỹ và có niềm tự hào chính đáng về đường lối y tế Việt Nam, ông cảm thông ruột thịt với bà con di tản. Những tình cảm ấy vào thời điểm 1979 quả là sâu sắc và cao cả,
Tôn Thất Tùng là nhà bác học có trái tim thi sĩ theo nghĩa rộng của từ này, ông giàu mơ mộng và nhiều tình nghĩa. Làm thầy thuốc, đã chứng kiến bao nhiêu nỗi đau từ biệt, nhưng ông vẫn xúc động
60 NHIỀU TÁC GIẢ
lặng người trước lá thơ của một người cha xin ông cứu đứa con bị ung thư gan khi còn quá trẻ, và ông đã thức đêm tra cứu hy vọng một cách chữa với nỗi lòng của người bố thương con. Ông thường giận dữ trong giờ giao ban khi sổ trực ghi sơ sài những triệu chứng theo dõi bệnh. Những gì liên quan đến con người ông đều quan tâm và dạy cho sinh viên điều quan tâm ấy, từ độ cao của một bậc cầu thang đến mùi hôi lúc đi ngang qua toa lét. Có lẽ vì thế ông phát hiện ra nhiều triệu chứng mới mẻ trong chẩn đoán. Giờ giao ban buổi sáng ở bệnh viện do ông chủ trì bao giờ cũng vui, bất ngờ và giàu kiến thức, từ vị chủ nhiệm khoa đến sinh viên năm thứ nhất thứ hai đều thu nhận được một điều gì về chuyên môn, về đời sống, về đạo lý làm người. Ông có làm thơ, thường viết bằng tiếng Pháp. Thơ ông thường liền, dấu vết của cách sáng tác liền hơi, ngôn ngữ trau chuốt những hình ảnh đẹp và dào dạt cảm xúc, những cảm xúc thật, in đậm nét thời sự cuộc sống và một sự lắng xuống của tâm hồn. Cách ông phát hiện chất thơ của đời sống trong thơ, trong văn lan cả vào trong bài giảng của ông, khoa học với ông là một vấn đề của tình cảm.
Năm tháng lùi xa, đọc lại những trang ông viết và những bài người đời viết về ông lại thấy như ông đang bàn bạc chuyện hôm nay. Ngành y học đang lo chữa bệnh cho người nghèo, hãy lắng nghe ông nói (khi tiếp xúc với trang bị y tế hiện đại của các nước giàu): tiền tiêu cho y tế do việc sử dụng rộng rãi những máy móc tinh vi đã tăng lên đến mức không chịu nổi, đến nỗi nước Anh phải bỏ dở một số bệnh viện đang xây và Bộ trưởng y tế Pháp phải ra thanh minh trước quần chúng. Các nước giàu còn vậy, nước ta đang thời kỳ mở cửa xài sang mà nông dân còn nghèo, rất nghèo, trang bị thế nào cho dân ít tiền còn dám đến chữa.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 61
Cùng với những danh y tiền bối Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh... Tôn Thất Tùng đã làm rạng rỡ nền y tế nước nhà bằng những đóng góp khoa học, bằng lý tưởng phục vụ và nhất là bằng phương pháp tư duy sự sáng tạo. Ông là gương mặt tiêu biểu cho trí thức Việt Nam thế kỷ này.
V.Q.P
62 NHIỀU TÁC GIẢ
nguyễn xiển
ĐỒNG HÀNH CÙNG
THẾ KỶ
l VŨ QUẦN PHƯƠNG
Nguyễn Xiển (1907-1997)
Sinh tại thành phố Vinh. Du học tại Pháp cùng khóa với Hoàng Xuân Hãn, ông học cơ điện ở trường Đại học Tổng hợp Toulouse. Năm 1932, tốt nghiệp cử nhân ở mức xuất sắc, ông được nhà trường cho lên Paris làm luận án Tiến sĩ ở Viện Toán học Henri Poincaré, nhưng sau đó, vì hoàn cảnh gia đình ông phải trở về nước, chọn nghề dạy học. Từ năm 1937, ông chuyển sang ngành khí tượng, trở thành một trong những kỹ sư đầu tiên làm việc ở ngành này. Cùng với các trí thức khác, ông sáng lập báo Khoa học và tham gia phong trào truyền bá Quốc ngữ.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ, rồi Bộ trưởng Bộ Cứu tế-Xã hội.
Ông dược coi như là người khai sinh ngành khí tượng- thủy văn ở nước ta. Là Chủ tịch Năm Vật lý địa cầu Việt Nam, ông được Nhà nước Ba Lan tặng Huân chương N. Copernic, huân chương cao nhất trong ngành vũ trụ của Ba Lan. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều huân chương khác.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 63 Cách đây vài năm, một sáng chủ nhật cuối xuân trong căn nhà
riêng nằm khuất phía sau Nhà hát lớn đang sửa chữa, nhà trí thức cao nhiên Nguyễn Xiển ngồi tâm sự chuyện trò với kẻ hậu sinh. Cụ kể chậm rãi, mạch lạc, thấy tôi ghi chép, có chỗ cụ dừng lại nói nhỏ: việc này viết làm gì. Tôi ngẩng lên nhìn cụ. Cụ gần gũi mà xa xôi. Tôi đang được cùng thời với cụ nhưng cụ lại cùng thời với nền khoa cử còn viết bằng bút lông xa thẳm, thuộc lớp khai sơn phá thạch cho nền tân học tự thuở manh nha. Các cụ đã là cội rễ cho cả một thời đại nhưng vẫn tỏa sức xanh lên cành ngọn, gửi bóng mát đồng hành với con cháu trên đường thiên lý hôm nay.
Đã ba, bốn chục năm rồi, dạo ấy đồng bào thường gắn tên ông với chuyện nắng mưa thời tiết: “Hôm nay ông Nguyễn Xiển bảo nắng”, “Ông Nguyễn Xiển nói gió mùa đông bắc mà”. Người ta đặt cả giai thoại trêu ông: “Bà Nguyễn Xiển đi chợ gặp mưa, ướt hết, về lườm ông: Sao bảo hôm nay nắng”. Bản tin thời tiết phát hàng ngày trên đài phát thanh với cách hành văn cố định “Trời nhiều mây... Mưa rải rác... Tầm nhìn xa...” đã thành một yếu tố trong nhịp sống thường nhật của dân ta và tên tuổi ông Nguyễn Xiển trở nên thân thuộc với từng gia đình, từng người dân. Người ta đồng nhất ông với Nha khí tượng thuỷ văn.
Ông là một trong số trí thức ít ỏi của nước ta đầu thế kỷ-Người Nghệ An, xuất thân trong một gia đình nho học, yêu nước, ông học trung học đệ nhất cấp (cấp II) ở trường Quốc học Vinh, sau ra trường Bưởi Hà Nội học. Trường này đào tạo tú tài bản xứ, trường Tây Allbert Sarraut thì đào tạo tú tài Tây-lúc này Hoàng Xuân Hãn đang học ở trường Tây này. Nguyễn Xiển tham gia bãi khóa để tang Phan Chu
64 NHIỀU TÁC GIẢ
Trinh, bị đuổi học (1926). Ông đành tự học, ghi tên thi với tư cách thí sinh tự do ở trường Allbert Sarraut và ông đã đỗ đầu tú tài toán (1928). Được cấp học bổng sang Pháp học đại học ở Toulouse. Tại đây ông đã lập một kỷ lục, chỉ sau một năm học đã thi cử nhân và đỗ xuất sắc-Năm 1932 ông về nước từ chối đường hoạn lộ của triều đình Huế, ông chọn một nghề tự do: dạy học-Ông dạy ở các trường Thăng Long, Hồng Bàng và trường Bưởi, nơi trước kia ông bị đuổi học. Năm 1937 ông bắt đầu vào ngành khí tượng, thay thế cho một kỹ sư người Pháp, từ đấy ông thành người khai sinh ngành khí tượng Việt Nam và ông gắn bó với ngành chuyên môn này suốt đời dù rằng ông còn tham gia nhiều trọng trách trong các lĩnh vực chính trị, xã hội và khoa học khác. Ông là đại biểu Quốc hội bảy khóa liên tục, nhiều khóa là Phó chủ tịch Quốc hội.
Năm 1957, ông đang ở Trung Quốc học về khí tượng. Bữa ấy ông sắp đi Hàng Châu là vùng đất đầy ắp dấu tích văn hóa ông từng khao khát thì được sứ quán ta báo về họp Quốc hội kiểm điểm sai lầm cải cách ruộng đất. Đây cũng là vấn đề canh cánh của lòng ông. Gia đình ông ở Nghệ An, anh em họ hàng ông đều tham gia cách mạng kháng chiến nhưng cũng bị quy là địa chủ. Ruộng đất bị tịch thu còn có cái lẽ của nó. Nhưng ông xót xa khi biết sách vở bị đốt, nhà thờ họ bị phá, một ông lái trâu hăng lên còn đại tiện vào án thư nhà ông. Ông trở về ngay và dự kỳ họp. Sự kiểm điểm sâu sắc của Đảng, Chính phủ. Những giọt nước mắt của Bác Hồ. Một tình cảm cao cả xúc động lòng ông tới bây giờ. Phiên họp Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ, ông được phân công điều khiển. Ông nhớ lần chỉnh huấn cải cách ruộng đất, một cố vấn nước ngoài đã so sánh trí thức với cục phân. Mấy đêm đó
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 65
ông và ông Hồ Đắc Di đều mất ngủ. Pháp lệnh sửa sai của Quốc hội gây cho ông xúc động thấm thía và càng tin vào sự lãnh đạo lấy thực tế làm trọng của Đảng ta. Bản lĩnh tri thức trong ông như được cổ vũ, ông càng dấn thân vào đời sống đấu tranh, mạnh dạn đóng góp trí tuệ với Đảng với Chính phủ.
Cuộc sống ông ôm gần trọn thế kỷ XX vào giai đoạn đất nước lắm biến thiên nhưng trời cứ mỗi ngày lại sáng (nói như ông nhà thơ kỹ sư canh nông Huy Cận). Lòng yêu nước có sẵn từ trong máu từ tổ tông truyền lại, nhưng đường cứu nước ông chỉ nhận ra dần từ ngày gặp Đảng. Ngay sau cách mạng tháng Tám 1945 ông được giao giữ Bộ giao thông công chính. Khi ấy ông cụ Nguyễn Văn Tố vừa nhận bộ cứu tế, cũng khuyên ông gánh vác. Biết sở trường sở đoản của mình ông xin được làm chuyên môn và giới thiệu các ông Trần Đăng Khoa, Đặng Phúc Thông đảm nhiệm Bộ giao thông. Ông ngại công tác quản lý. Nhưng khi được gặp Bác Hồ, ông không nhớ lần đầu tiên ấy Cụ Chủ tịch nước gọi ông bằng gì (chú hay ông) nhưng cái tình của Cụ Hồ thì ông nhớ và ông đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ Cụ giao: Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ. Kháng chiến toàn quốc, chức năng Ủy ban này thay đổi, ông sang làm công tác giáo dục đại học. Ông dạy toán, dạy lý và soạn giáo trình. Những giáo trình đầu tiên soạn trong nhà sàn Việt Bắc dưới đèn dầu in trên giấy dó thô đặt nền móng cho nền đại học Việt Nam. Dạy học cũng là một nghề mà ông ưa thích. Có lẽ phương pháp học nhanh mà giỏi của ông thuở thành niên luôn là kinh nghiệm quý báu cho việc truyền bá, đào tạo. Nhưng nghiệp dĩ đã gắn ông vào ngành khí tượng, cái lĩnh vực dùng kiến thức toán lý của ông hơn tất cả các lĩnh vực ông đã kinh qua.
66 NHIỀU TÁC GIẢ
Năm 1946, vâng lệnh Hồ Chủ tịch ông sáng lập Đảng Xã hội Việt Nam, tập hợp trí thức và công chức tham gia kháng chiến cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và thống nhất nước nhà. Ông liên tục làm Tổng thư ký của Đảng cho tới khi Đảng làm tròn sứ mạng lịch sử và tự giải thể. Khi Ủy ban khoa học Nhà nước được thành lập ông được giao trách nhiệm Phó chủ nhiệm (cùng với các ông Tạ Quang Bửu, Bùi Công Trừng) giúp chủ nhiệm Trường Chinh điều hành công tác này. Ông nhiệt tâm trong việc nâng cao hiểu biết khoa học toàn dân. Nước ta vốn nghèo, trước cách mạng đa số dân còn mù chữ, trình độ hiểu biết khoa học còn rất sơ khai, đời sống càng vì thế mà khổ cực. Ngay từ năm 1942 cùng với các ông Hoàng Xuân Hãn, Đặng Phúc Thông, Nguyễn Duy Thanh, Nguyễn Đình Thụ, ông xuất bản tờ báo Khoa học. Tờ báo đã có tiếng vang lớn. Nhiều bài báo hôm nay còn được nhắc tới. Năm 1960 cũng chính ông cùng các nhà khoa học khác như Đinh Văn Hớn, Đặng Minh Trứ sáng lập tờ Khoa học thường thức, có thời kỳ ông tực tiếp làm chủ nhiệm (1962), tờ báo đến nay đã có 36 thâm niên, nội dung ngày càng rộng, sâu và lượng in cứ tăng mãi. Cũng chính ông, được giao nhiệm vụ lập hội phổ biến khoa học kỹ thuật với mạng lưới rộng khắp, giúp nhiều kiến thức nông nghiệp cho bà con đồng áng. Ông còn là Chủ tịch Ủy ban Vật lý địa cầu Việt Nam và Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Xô vào thời cực thịnh của hội này.
Hồi ấy, những năm tám mươi, mỗi dịp tết Nguyên đán, khoảng mồng sáu mồng bảy tháng giêng ông lại cho triệu tôi tới nói chuyện thơ xuân kim cổ với câu lạc bộ của Đảng Xã hội ở 53 phố Nguyễn Du, Hà Nội. Cử tọa đều là bậc cao nhiên. Tôi được quen biết ở đây nhiều trí thức bậc cha anh: giáo sư Hoàng Minh Giám,
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 67
giáo sư Nguyễn Lân, bác sĩ Nguyễn Văn Tín, dược sĩ Vũ Công Thuyết... Tôi trình bày những suy nghĩ của mình về thơ và đời và nhận được nhiều khích lệ tri kỷ tri âm của các bậc lão thành, khuyên tôi các việc nên làm, các hướng suy nghĩ. Tuy ít được gần ông nhưng những lời ông dặn tôi vẫn nhớ. Tôi vốn thầm cảm phục năng lực học tập thời trẻ của ông, nên tôi tin vào kinh nghiệm ông trao. Năm nào cũng vậy, nói ở Hà Nội xong, ông cũng cho đưa tôi về trò chuyện với các cụ ở Hải Phòng, Nam Định, Đảng Xã hội không có ý định phát triển nên ở các Đảng bộ thành phố đó chỉ còn các vị cao niên, riêng trong sinh hoạt văn nghệ thơ ca còn có một số trí thức ít tuổi (không phải là Đảng viên Xã hội) tới nghe. Tôi có cảm tưởng những cuộc trò chuyện thơ ca ấy làm ấm lòng các lão đồng chí và ấm cả cái không gian trụ sở của Đảng bộ Thành phố. ít lâu sau Đảng Xã hội ngừng hoạt động, các cuộc nói chuyện thơ không còn ở 53 Nguyễn Du, tôi ít được gặp ông nhưng vẫn được biết tin ông. Khi đọc bài báo ông viết tưởng niệm nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn, tạ thế ở Paris ngày 10/3/1996 mới biết ông đỗ tú tài toàn phần cùng khóa với ông Hãn, rồi cả hai lại cùng được cấp học bổng sang Pháp. Hai người cùng làm khoa học cùng nặng lòng dân nước, tuy hoàn cảnh có khác nhau. Bài tưởng niệm bạn nhưng cũng là chiêm nghiệm lại đời mình. Nhiều bâng khuâng nhưng cũng nhiều ấm áp tình đời.
V.Q.P
68 NHIỀU TÁC GIẢ
LÊ VĂN THIÊM
NHÀ TOÁN HỌC
VIỆT NAM
l HÀ HUY KHOÁI
Lê Văn Thiêm (1918-1991)
Sinh tại làng Trung Lễ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Năm 1939, ông du học tại Pháp. Ông là người Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ Quốc gia về Toán (1948) của nước Pháp, cũng là người Việt Nam đầu tiên trở thành giáo sư toán tại một trường đại học ở châu Âu (đại học Zurich, Thụy Sĩ 1949). Sau khi trở về nước, từ năm 1950 ông đã có mặt tại chiến khu Việt Bắc nhận trọng trách thành lập trường Khoa học cơ bản, trường Sư phạm cao cấp và là hiệu trưởng của hai trường này. Ngoài các công trình nghiên cứu về toán học như phát triển thuyết phân phối giá trị của các hàm phân hình đã được công nhận trong và ngoài nước, ông đã đề xuất phương pháp nổ định hướng- góp phần không nhỏ trong việc phục vụ giao thông thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Ông cũng là người sáng lập Viện Toán học và là Viện trưởng đầu tiên của Viện. Hiện nay, tên ông được đặt cho giải toán quốc gia của Việt Nam. Ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập hạng Nhất.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 69 Tên tuổi giáo sư Lê Văn Thiêm có thể gắn với rất nhiều chữ
“đầu tiên”. Ông là người Việt Nam đầu tiên mà vào năm 1941 thi đỗ vào trường L’Ecole Normale Supérieure de Paris, trường hàng đầu của Pháp trong việc đào tạo các nhà khoa học. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận được học vị tiến sĩ quốc gia (học vị cao nhất của Pháp năm 1948), là người Việt Nam đầu tiên trở thành giáo sư toán học ở một trường đại học châu Âu (Zurich, Thụy Sĩ năm 1949). Giáo sư Lê Văn Thiêm là Chủ tịch đầu tiên của Hội toán học Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện toán học Việt Nam, Tổng biên tập đầu tiên của hai tờ báo toán học của Việt Nam (Vietnam Journal of Mathematics và Acta Mathematica Vietnamica).
Có thể còn nhiều cái “đầu tiên” nữa của ông, mà vì ông không bao giờ nói tới nên ta cũng quên đi. Chỉ có một điều không ai quên được, đó là những gì ông để lại cho nền toán học Việt Nam.
Giáo sư Lê Văn Thiêm hình như chưa bao giờ tự nói về mình. Những người khác cũng chỉ viết về ông từ sau khi ông mất, ngày 3 tháng 7 năm 1991. Nhưng cả lúc ông còn sống cũng như khi ông đã ra đi, người ta thường nhắc tên ông trong những câu chuyện hàng ngày, kể cho nhau nghe những giai thoại về ông.
Những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống bao giờ cũng rất giản dị. Thầy Thiêm giản dị như những câu chuyện giản dị nhất của đời thường. Bởi thế, viết về ông thật là khó. Lúc này đây, tôi như thấy ông với nụ cười và ánh mắt thật hiền lành nhưng có pha chút diễu cợt khi thấy tôi định liệt kê những công việc ông đã làm, những chức vụ ông từng đảm nhiệm, như lệ thường khi viết về một vĩ nhân. Không dám trái ý thầy, tôi xin được bắt đầu từ một kỷ niệm.
70 NHIỀU TÁC GIẢ
Đó là năm 1966, khi cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đang ở thời kỳ ác liệt nhất. Các trục giao thông chính, đường bộ, đường sắt bị phá hoại nghiêm trọng. Kênh Nhà Lê (con kênh được đào từ thời Lê, chạy gần song song với quốc lộ 1) được sử dụng để chuyên chở hàng hóa, vũ khí. Lòng kênh đã cạn nhưng không thể dùng một lực lượng quá lớn để nạo vét dưới bom đạn suốt ngày đêm. Giáo sư Lê Văn Thiêm đã đề xuất dùng phương pháp nổ định hướng, tức là dùng mìn nổi dưới lòng kênh, nhưng bố trí sao cho hầu hết đất đá sau khi nổ rơi lên bờ kênh, chứ không phải rơi lại xuống lòng kênh. Ông đã dạy cho chúng tôi lý thuyết nổ định hướng, mà tư tưởng chủ đạo có thể tóm tắt như sau: Khi có một vụ nổ lớn, dưới áp lực quá cao, những vật chất gần tâm nổ chuyển động theo quy luật của “chất lỏng lý tưởng” (không trọng lượng, không nhớt). Có thể mô tả chuyển động này bằng lý thuyết hàm biến số phức, là chuyên ngành toán học mà Giáo sư nghiên cứu từ nhiều năm. Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể “điều khiển” hoàn toàn vụ nổ, tức là sắp xếp sao cho vật chất quanh tâm nổ chuyển động theo một quỹ đạo định sẵn. Chúng tôi, một nhóm gồm bốn sinh viên toán năm thứ ba của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hăm hở lên đường vào Nghệ An để cùng một đơn vị Thanh niên xung phong thực hiện công việc đó. Ai cũng biết là chuyến đi đầy nguy hiểm, nên nhóm chúng tôi được bạn bè và bà con nơi trường sơ tán tiễn đưa khá “long trọng”. Nhưng kỷ niệm mà chúng tôi không bao giờ quên là lúc chuyến xe phía Nam gần chuyển bánh, thầy Thiêm hớt hải đạp xe tới, gọi tôi xuống dặn dò đôi lời và rút túi đưa cho tôi 72 đồng. Hồi đó, 72 đồng lớn lắm, bằng hai phần ba số tiền lương giáo sư mà Thầy vừa nhận xong. Chúng tôi hết sức cảm động vì biết Thầy chỉ giữ cho mình số tiền đủ để sống đến kỳ
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 71
lương sau. Chuyến đi đó để lại nhiều bài học lớn cho đời làm toán của chúng tôi, mà trước hết là bài học về việc đưa những kiến thức ở nhà trường vào phục vụ sản xuất và chiến đấu. Bài học đó, thầy Thiêm dạy cho chúng tôi bằng chính cuộc đời làm toán của Thầy. Từ một chuyên gia hàng đầu trong một lĩnh vực toán học lý thuyết đang được xem là mũi nhọn, Giáo sư Lê Văn Thiêm đã chuyển hẳn sang nghiên cứu những vấn đề toán học đặt ra từ thực tiễn Việt Nam, mà một trong những vấn đề đó chính là nổ định hướng để nạo vét lòng kênh mà tôi vừa nhắc trên đây. Khi học năm thứ tư ở trường, chúng tôi lại cùng được một đơn vị Thanh niên xung phong áp dụng phương pháp này để làm đường chiến lược trong rừng sâu. Giáo sư Lê Văn Thiêm đã biên soạn thành giáo trình hoàn chỉnh để hướng dẫn cho những người không có chuyên môn toán học sử dụng phương pháp đó. Giáo sư Lê Văn Thiêm là người như thế: Ông làm toán không phải vì danh vọng, tiền tài, mà chỉ đơn giản, đó là cách mà ông có thể đóng góp phần mình cho đất nước. Giáo sư không bao giờ nói đến những đóng góp phần mình trong nghiên cứu lý thuyết. Tôi là một trong những học trò trực tiếp của ông từ khi còn là sinh viên năm thứ ba cho đến mãi sau này, nhưng chưa bao giờ tôi được nghe ông kể về những công trình của chính ông. Tôi chỉ biết về những công trình đó khi tôi đi sâu vào nghiên cứu hướng chuyên môn mà ông là một trong những người có công khai phá. Đó là lý thuyết phân phối giá trị các hàm phân hình (hay còn gọi là lý thuyết Nevanlinna, theo tên của người khai sinh ra nó, nhà toán học Phần Lan, đã một thời là Chủ tịch Hội Toán học Quốc tế). Trong nhiều hội nghị gần đây về lịch sử toán học, lý thuyết Nevanlinna được đánh giá là một trong những lý thuyết đẹp nhất của toán học thế kỷ 20. Giáo sư Lê Văn Thiêm chính
72 NHIỀU TÁC GIẢ
là một học trò của Nevanlinna, và ông là người đầu tiên cho lời giải của “bài toán ngược của lý thuyết Nevanlinna”. Công trình của ông không chỉ được quan tâm vì đã chứng minh sự tồn tại nghiệm của bài toán đó, mà còn vì ông đã đưa ra một phương pháp hoàn toàn mới để nghiên cứu vấn đề đặt ra. Trong những công trình khoa học và sách chuyên khảo gần đây trên thế giới, người ta vẫn còn nhắc công trình của ông viết cách đây đúng nửa thế kỷ, và nhắc ông như là một trong những người có công đầu trong việc xây dựng lý thuyết. Tôi bỗng nhớ lại hai câu thơ của cụ Nguyễn Du:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Để đời sau còn nhắc đến mình, khó lắm! Vậy mà giáo sư Lê Văn Thiêm hầu như không quan tâm gì đến điều đó. Sau khi viết vẻn vẹn có năm, sáu công trình (mà về sau trở thành nổi tiếng như đã nói trên), năm 1949, ông từ bỏ chức giáo sư ở trường Đại học Zu rich (Thụy Sĩ) để trở về với Tổ quốc Việt Nam đang kháng chiến. Với ông, điều đó cũng thật là tự nhiên, như người ta cần phải thở hít khí trời. Rời phương Tây, ông đi máy bay về Băng Cốc, rồi từ đó đi bộ về miền bưng biền Đồng Tháp. Từ Nam Bộ, ông phải mất sáu tháng lặn lội trên những con đường rừng mới ra đến chiến khu Việt Bắc. Những điều này tôi chỉ tình cờ được biết khi hỏi vì sao ông lại có thói quen hút liền sáu điếu thuốc lào một lúc, và ông giải thích rằng, vì đi bộ lâu trong rừng buồn quá, chẳng có thú gì hơn!
ở Việt Bắc, giáo sư Lê Văn Thiêm đã cùng với những nhà trí thức hàng đầu như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng nền khoa học và giáo dục đại học của nước Việt Nam mới.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 73
Trong tay họ, hầu như chẳng có cuốn giáo trình bậc đại học nào, ngoài vài cuốn sách mà họ đã cố gắng mang theo mình khi rời nước Pháp. Vậy mà họ, thế hệ trí thức đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm nên một kỳ tích khiến thế giới phải kinh ngạc: ngay sau khi hòa bình lập lại, các trường đại học Việt Nam đều do cán bộ người Việt Nam giảng dạy, và họ dạy tất cả các giáo trình bằng tiếng Việt. Trong công lao chung ấy, giáo sư Lê Văn Thiêm, người Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Khoa học cơ bản và trường Cao đẳng Sư phạm ở chiến khu Việt Bắc đã góp phần không nhỏ.
Chúng tôi, những học trò của ông, luôn tự biết là mình đã có hạnh phúc lớn được học tập và làm việc với ông. Không phải trong thời kỳ lịch sử nào cũng xuất hiện lớp người như ông. Họ thường có mặt ở buổi đầu của cách mạng, khi mà niềm say mê lý tưởng đã dẹp đi những toan tính cá nhân. Có lẽ vì thế mà cho đến tận cuối đời mình, ông vẫn giữ được nụ cười hồn nhiên như trẻ thơ. Những ai đã từng làm quen với ông đều không thể nào quên con người nhân hậu, trung thực đến mức ngây thơ, tin tất cả mọi người như tin chính bản thân mình! Điều đó đã gây cho ông không ít khó khăn khi ông còn sống, nhưng đã làm cho hình ảnh ông để lại trong lòng học trò, đồng nghiệp mãi mãi là hình ảnh về một nhân cách lớn, không chút bụi mờ.
Ngày 29 tháng 3 năm 1998, giới Toán học Việt Nam kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Giáo sư Lê Văn Thiêm... Tôi chợt nhớ lại, khi ông tròn 70 tuổi, Viện Toán học cũng tổ chức một buổi lễ giản dị mừng thọ ông. Vậy mà sau buổi lễ, ông nói với tôi: “Mình không ngờ lại tổ chức to đến thế!” (dù đã đi khắp mọi nơi, ông vẫn xưng ông “ông, mình” với mọi người: đồng nghiệp, học trò và thậm chí với cả vợ con
74 NHIỀU TÁC GIẢ
(theo cách gọi của quê ông, Đức Thọ, Hà Tĩnh). Thế đấy, con người khiêm tốn như ông không thể quen với những vinh dự mà người ta định dành riêng cho ông. Ông cũng không biết rằng, sáu năm sau khi ông mất, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt đầu tiên và Huân chương Độc lập hạng nhất. Là người Thầy của hầu hết các thế hệ những nhà toán học Việt Nam, một trong những người đặt nền móng cho nền giáo dục đại học ở Việt Nam, thế nhưng cho đến cuối đời, giáo sư Lê Văn Thiêm vẫn chưa được phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Dẫu biết rằng ông không lấy thế làm buồn, như đã từng nhiều lần bỏ qua đường công danh của cá nhân ông. chúng tôi, những học trò của ông, vẫn không khỏi cảm thấy như mình có lỗi. H.H.K
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 75
ĐẶNG VĂN CHUNG
NGƯỜI THẦY
NỘI KHOA
l HÀM CHÂU
Đặng Văn Chung (1910-1999)
Được xem như là “ông vua của ngành nội khoa Việt Nam”. Khi còn là sinh viên trường Đại học Y khoa Hà Nội, cùng với giáo sư Blondel, ông đã tham gia nhiều ca mổ xác và đối chiếu thực tế tử thi với chuẩn đoán của bác sĩ để rút ra những bài học bổ ích. Ông đậu Thạc sĩ Y khoa tại Pháp năm 1952. Sau năm 1954, ông được bổ làm phó hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hà Nội rồi Phó chủ tịch Hội đồng KHKT Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam và để lại nhiều công trình nghiên cứu rất có giá trị về nội khoa. Y đức của ông là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ thầy thuốc noi theo. Ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác.
76 NHIỀU TÁC GIẢ
Bức thư của người bạn cũ
Chiếc xe hơi xịch đỗ trước ngôi nhà ba tầng ở một ngõ vắng đầu phố Hai Bà Trưng (Hà Nội). Xuống xe, theo thói quen, bác sĩ Đặng Văn Chung tra chìa vào ổ khóa, mở hòm thư riêng ở cánh cổng sắt. Vừa bước lên thềm, bác sĩ vừa đọc lướt qua những dòng chữ đề ngoài bì thư. Chắc lại là thư của những người bệnh vừa được bác sĩ chữa khỏi gửi đến cảm ơn hay của người quen, bạn bè nhờ giúp chuyện gì đây. Bỗng để ý đến một bì thư không dán tem (hẳn là người chuyển thư không gửi theo đường bưu điện, mà bỏ thẳng vào hòm thư riêng) bác sĩ bóc xem:
“Anh Chung thân mến,
Mấy năm qua, ở ngoài này bọn tôi vẫn hỏi thăm anh luôn đó. Được biết anh chị và các cháu vẫn mạnh giỏi, tôi mừng lắm. Xin báo để anh chị biết: nhà tôi, cháu Bách và tôi đều khỏe. Bọn tôi đang sửa soạn trở về Thủ đô.
Mong anh ở lại, cùng bạn bè chung lòng chung sức xây dựng nền y học Việt Nam. Hẹn gặp anh tại Hà Nội”.
Phải một lúc sau, bác sĩ Chung mới nhận ra chữ ký ở cuối thư. Đúng, đó chính là chữ ký của người bạn cũ: bác sĩ Tôn Thất Tùng! Thời trẻ, hai người đều là bác sĩ nội trú ở trường Đại học Y Hà Nội. Tôn Thất Tùng sinh năm 1912 ở Thanh Hóa, nhưng từ nhỏ đã sống ở Huế, năm 19 tuổi ra Hà Nội học trường Bưởi. Đặng Văn Chung sinh năm 1910, quê ở Sa Đéc, học trường Chasseloup Laubat, Sài Gòn, cùng một khóa với Phạm Quang Lễ (về sau trở thành Anh hùng, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa).
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 77
Cả một lớp bác sĩ, dược sĩ thời ấy-những thanh niên nhiệt huyết như Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Đỗ Xuân Hợp, Phạm Ngọc Thạch, Vũ Văn Cẩn, Hoàng Đình Cẩn, Nguyễn Trinh Cơ, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Đỗ Tất Lợi... sau “cái đêm 19”, đêm kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đều giã từ “Hà Nội vàng son”, lên đường đi Việt Bắc. Nhiều người gia nhập quân đội. Bác sĩ Tôn Thất Tùng, và về sau có thêm các bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Hoàng Tích Trí cùng một số sinh viên y-dược tập hợp lại chung quanh giáo sư Hồ Đắc Di, người thầy thuốc lớp trước, mở Trường Đại học Y giữa rừng sâu Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Bác sĩ Đặng Văn Chung, cũng đã đến Chiêm Hóa, nhưng rồi lại trở vào thành năm 1942, khi quân Pháp nhảy dù xuống Tuyên Quang, vây ráp trường Y.
Năm 1952, ông sang Paris thi lấy bằng thạc sĩ y khoa (1). Bằng cấp có cao hơn, cuộc sống có ô-tô, nhà lầu, nhưng mà sao trong lòng chẳng lúc nào được yên tĩnh, thảnh thơi.
Đêm hôm ấy, bác sĩ Chung cởi mở tâm tình với vợ:
- Tôi đã quyết định ở lại Hà Nội. Dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng ở lại. Mình thấy thế nào?
- Tôi sợ mình không chịu nổi. Vả chăng, mình đã từng đi theo Cụ Hồ lên Việt Bắc, rồi lại trở vào thành, chẳng biết người ta có tin dùng nữa không?
- Trong đời tôi, tôi đã một lần phạm sai lầm. Giờ đây không nên phạm lần thứ hai. Bỏ lỡ thời cơ, rồi sẽ ân hận mãi... Hôm nay, tôi nhận được thư anh Tùng. Đây, mình xem...
(1) Học vị thạc sĩ (agrégé) thời Pháp là học vị cao nhất trong ngành y, khác học vị thạc sĩ (master) hiện nay.
78 NHIỀU TÁC GIẢ
Những ngày cuối tháng 8-1954, nhiều gia đình giàu có ở Hà Nội và cả một số trí thức quen biết bác sĩ Chung lần lượt vào Nam. Để đánh lạc hướng những cặp mắt tò mò dò xét, bác sĩ cho đóng hòm áo quần, sách vở. Nhưng rồi một hôm, ông được “mời” đến phủ thủ hiến cùng với thạc sĩ Vũ Công Hoè và bác sĩ Võ Tấn. Một quan chức vào loại chóp bu của ngụy quyền cố giữ vẻ mặt lễ độ, nói với ba người:
- Nhà cửa dành cho các anh ở trong đó, quốc gia đã lo liệu tươm tất. Các anh nên sửa soạn nhanh nhanh lên một chút! Lúc nào xong, cho chúng tôi biết, sẽ có ngay vé máy bay. Có thể mang theo mỗi người sáu trăm ki-lô hành lý.
Thế là họ đã biết ý định ở lại của ba người và mời lên “cảnh cáo” một cách “tế nhị”! Không hành động gấp, sẽ gặp trắc trở. Ngay tối hôm đó, bác sĩ Chung tìm gặp bác sĩ Phạm Khắc Quảng, bàn cách cùng trốn ra vùng tự do.
Ngày 10-10-1954, phố phường Hà Nội rợp cờ hoa đón đoàn quân chiến thắng trở về. Trường Đại học Y Hà Nội khai giảng năm học đầu tiên sau giải phóng. Giáo sư Hồ Đắc Di là hiệu trưởng của trường. Thạc sĩ Đặng Văn Chung được cử làm phó hiệu trưởng, và cùng nhiều thầy thuốc có tên tuổi khác, được Nhà nước ta phong hàm giáo sư đại học.
Sau cái hôm bị “mời” lên phủ thủ hiến, thạc sĩ Vũ Công Hòe và bác sĩ Võ Tấn cũng đã theo những đường dây khác trốn ra vùng tự do, rồi trở về giảng dạy ở trường Y Hà Nội.
Câu chuyện về người mắc bệnh “háu ăn”
Vừa làm công tác điều trị ở bệnh viện đa khoa lớn nhất miền Bắc, vừa giảng dạy và nghiên cứu khoa học, giáo sư Đặng Văn Chung rất bận.
NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI 79
Sáng hôm ấy, theo lệ thường, giáo sư khoác áo choàng trắng, đeo ống nghe, đi thăm bệnh ở dãy nhà C. Theo lời đề nghị của bác sĩ điều trị, giáo sư dừng lại bên một bệnh nhân “đặc biệt”: một người béo tốt, hồng hào khác hẳn những người bệnh gầy nhom, xanh rớt nằm cùng phòng. Anh ta ngồi xếp bằng trên cái giường sắt, quanh mình bày một nải chuối tiêu đã bẻ mấy quả, một lọ đường, một hộp kẹo mở nắp và một gói bánh quy.
- Sao anh không xếp những thứ lỉnh ca lỉnh kỉnh kia lên cái bàn con đầu giường, mà lại đem bày la liệt trên tấm ra trải giường trắng tinh như thế này cho nó dây bẩn ra?
- Dạ thưa giáo sư, không kịp ạ.
- Không kịp cái gì? Tôi chưa rõ ý anh.
- Dạ lúc em đói bụng ấy mà, với tay ra xa, lấy không kịp ạ. - Thưa giáo sư-người bác sĩ điều trị nói rõ thêm-anh này bị một chứng bệnh rất là kỳ cục. Cứ một lúc lại đòi ăn! Không có ngay lập tức một thứ gì ngòn ngọt cho vào bụng, là y như lên cơn co giật liền, bọt mép cứ sùi ra, như người động kinh. Hàng phố gọi anh ta là... “ông háu ăn”! Đã có lần lên cơn, anh ta đập phá lung tung, người nhà phải đưa vào khoa thần kinh.
Sau khi xem kỹ các kết quả chụp điện quang, xét nghiệm, giáo sư nói với bác sĩ điều trị và anh chị em sinh viên thực tập lúc bấy giờ đang đứng quây tròn chung quanh:
- Đây có lẽ không phải là một ca thần kinh. Tôi ngờ anh này mắc một chứng bệnh mà từ trước đến nay chưa một người thầy thuốc nào phát hiện ra được ở miền Bắc Việt Nam. Và có lẽ, trong toàn Đông Dương. Ta cần kiểm tra thêm.
80 NHIỀU TÁC GIẢ
Thời còn là sinh viên, giáo sư Chung đã đọc một cuốn sách nào đó về bệnh hypoglycémies tumorale, chứng bệnh hạ đường trong máu do u ở tụy. Nhưng ở Đông Dương, theo các tài liệu lưu trữ, chưa người thầy thuốc nào gặp chứng bệnh đó. Có lẽ vì chẩn đoán quá khó, nên bỏ qua mất chăng? Khối u nhỏ chỉ bằng hạt ngô, sờ nắn ở ngoài không có cảm giác gì khác thường, chụp điện quang cũng chẳng thấy.
Cách điều trị tạm thời là cho uống nước đường, nhưng muốn chữa khỏi hẳn thì phải mổ, cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, ở nước ta, chưa ai mổ ca nào như thế.
Giáo sư Chung nhờ người bạn cũ của mình thời sinh viên, nay là nhà phẫu thuật nổi tiếng quốc tế: Giáo sư Tôn Thất Tùng. Rất nể bạn, giáo sư Tùng nhận lời. Đường mổ tụy khá sâu, nhưng khi cho ngón tay vào sờ nắn khúc đuôi của tụy, giáo sư Tùng chẳng thấy khối u đâu cả! Thôi đành khâu lại, “trả” bụng cho người ta! Chẩn đoán nhầm chăng? Không có lẽ. Ông Chung là người thận trọng cơ mà.
Một lần nữa, giáo sư Tùng bóp kỹ khúc đuôi của tụy. Có cái gì cộm lên như hạt ngô thế nhỉ? Thôi, đúng nó đây rồi! ái chà chà! Chẩn đoán thánh thật!
Nhà phẫu thuật thở phào, lách mũi dao cắt bỏ ngay đoạn tụy có khối u.
Người bệnh trở lại bình thường, không còn quá béo tốt như khi mắc bệnh “háu ăn”. Anh lại làm nghề đóng sách.
Ngoài bệnh hạ đường trong máu do u ở tụy, giáo sư Chung còn phát hiện lần đầu tiên ở nước ta nhiều chứng bệnh hiếm thấy khác như: bệnh hút (goutte), bệnh u ở tuyến thượng thận (phéochro mocytome),