🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những ngã rẽ nghề nghiệp
Ebooks
Nhóm Zalo
Nhung-nga-re-nghe-nghiep-outline-24.09
Mục lục
1. Lời giới thiệu
2. Chương 1: Người chạy nước rút, người đi lang thang và người không đi theo hàng lối
3. Chương 2: Điều mà nền kinh tế cần, điều mà nhà tuyển dụng mong muốn
4. Chương 3: Những lợi ích của việc đi đường vòng 5. Chương 4: Vì sao vị trí trường đại học lại là một vấn đề? 6. Chương 5: Kiến thức thực tế cho một công việc
7. Chương 6: Học cách khởi đầu
8. Chương 7: Thiết kế lại tấm bằng cử nhân
9. Chương 8: Giáo dục, được truyền tải vừa đúng thời điểm 10. Chương 9: Nhà tuyển dụng tuyển người như thế nào? 11. Chương 10: Kể câu chuyện về sự nghiệp của bạn 12. Phụ lục: Kết quả khảo sát
LỜI GIỚI THIỆU
Không lâu trước đây, bằng đại học được coi là tấm vé để đảm bảo cho chúng ta tìm được công việc ổn định ngay sau khi ra trường, tiếp đó là một sự nghiệp thành công. Những mối lo âu của các bậc phụ huynh và sinh viên chủ yếu bị hạn chế bởi những vấn đề khác như: làm thế nào để được nhận vào trường, tìm cách trả học phí, chọn đúng ngành học, v.v..
Hiếm khi sinh viên quan tâm đến việc môi trường đại học có thể không cung cấp cho họ kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống sót trong thế giới công sở. Tấm bằng đại học là yếu tố để những nhà tuyển dụng lao động dễ dàng nhận biết tiềm năng và kỷ luật của ứng viên - những tín hiệu mà sức mạnh của nó tỷ lệ thuận với danh tiếng của ngôi trường được ghi trên bản tóm tắt lý lịch.
Tuy nhiên, ngày nay có rất nhiều tạp âm xuất hiện làm nhiễu tín hiệu đó. Việc ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân khiến các nhà tuyển dụng ngày càng ít tin tưởng rằng đây là kim chỉ nam cho sự sẵn sàng làm việc. Kết quả là một sinh viên năm cuối đại học không còn có định hướng sự nghiệp rõ ràng như những thế hệ trước kia.
Rất dễ để đổ lỗi cho sự phục hồi kinh tế không mấy sáng sủa trên thế giới trong những năm qua khiến cho sinh viên phải cạnh tranh khốc liệt để tìm được một công việc ưng ý. Tuy nhiên, hoàn cảnh
của những người trẻ ngày nay không bị hạn chế bởi một thời điểm duy nhất của chu kỳ kinh tế, mà đó là kết quả của sự chuyển đổi dài hạn trong lực lượng lao động toàn cầu, điều đang gây ra ảnh hưởng to lớn đối với những thanh niên ở độ tuổi 20 còn thiếu kinh nghiệm làm việc.
Thời gian gần đây, tình trạng thất nghiệp của thế hệ trẻ đã tăng lên mức độ chưa từng có trong bốn thập kỷ qua, với tỷ lệ đáng báo động 9% trong lực lượng sinh viên mới tốt nghiệp đại học dưới 25
tuổi. Với những sinh viên tìm được việc, mức lương trung bình với tấm bằng cử nhân đã giảm 10% trong những năm đầu của thế kỷ này.
Đáng lo ngại hơn cả là việc gần một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được công việc xứng đáng, có nghĩa là những công việc của họ thường không yêu cầu bằng cử nhân. “Giờ đây, việc có
được tấm bằng đại học mang lại ít cơ hội kiếm được những công việc quản lý hoặc liên quan đến công nghệ với mức lương cao, nhưng lại mang đến nhiều cơ hội đánh bại những người lao động có học vấn thấp khi xin các công việc như pha chế, hành chính văn phòng.” là kết luận từ một báo cáo của ba nhà kinh tế học nổi tiếng năm 2014. Nghiên cứu đó cũng chỉ ra rằng nhu cầu tuyển dụng những lao động có học thức ở tầm đại học đã giảm dần vì cuộc cách mạng công nghệ ngày càng hoàn thiện. Nói cách khác, hiện tượng những sinh viên tốt nghiệp đại học làm việc ở Starbucks, nhà hàng hay quán bia giờ không phải hiếm nữa. Và điều đó cho thấy rằng tình trạng này có thể là một sự bình thường mới: một tấm bằng đại học là cần thiết để tìm được bất kỳ công việc nào, chứ không chỉ là một công việc lương cao và đòi hỏi kỹ năng nhiều nữa.
Vào năm 2013, không lâu sau khi tôi xuất bản cuốn sách viết về tương lai của giáo dục bậc cao có tên là College (Un) bound (tạm dịch: Đại học (không) hạn chế), tôi đã gặp nhiều sinh viên mới tốt nghiệp và đang bỡ ngỡ với sự nghiệp của mình. Khi tôi đi đến các nơi để nói chuyện về viễn cảnh đại học trong tương lai, không ít sinh viên đã kể cho tôi nghe về việc họ đã chuyển từ chương trình thực tập này sang chương trình thực tập khác mà không tìm được công việc toàn thời gian như thế nào. Những bậc phụ huynh hỏi tôi rằng con cái họ – những người đã tốt nghiệp đại học mà không tìm được một công việc toàn thời gian – đã làm gì sai. Những chuyên viên tư vấn giáo dục phân vân rằng liệu họ nên đưa cho sinh viên của mình những lời khuyên gì về việc học đại học.
Ai cũng muốn biết liệu có con đường nào khác dẫn đến một cuộc sống thành công hay không, ngoài con đường mà hầu hết các thanh thiếu niên được gợi ý: Tốt nghiệp trung học, đi học đại học và tìm
một công việc. Nếu trường đại học đang trải qua vô số thay đổi lớn lao, vậy thế hệ trẻ có thể đi theo những con đường mới nào để chuẩn bị cho sự nghiệp và tìm được những công việc quan trọng đầu tiên trong cuộc đời?
Trong cuốn sách bạn đang cầm trên tay, tôi đã thực hiện một hành trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này. Người trẻ phải làm gì để định vị con đường từ trung học đến đại học và bước vào nền kinh tế ngày càng nhiều nguy cơ? Họ cần có những kinh nghiệm nào để thành công trong thị trường lao động? Những kỹ năng nào được chứng tỏ là hữu ích nhất? Và quan trọng nhất: Tại sao có những người thành công trong khi người khác khác lại không?
Để tìm kiếm câu trả lời, tôi đã tham gia một chuyến đi bằng tàu hỏa với 24 sinh viên mới tốt nghiệp đại học, những người đã tự đặt ra cho mình những câu hỏi như vậy.
Mặt trời giữa tháng 8 đang lặn dần khi chuyến tàu Amtrak’s Capitol Limited bắt đầu khởi hành từ ga Chicago’s Union. Trong vòng vài phút, chuyến tàu hướng về phía Đông đã đi qua hầu hết những kho xưởng được rào kín của Gary, Indiana. Ở phía sau con tàu, tại toa ăn với mái vòm bằng kính kiểu thập niên 1950 kêu lọc xọc, tôi đang ngồi cùng một nhóm sinh viên mới tốt nghiệp đại học, chìm đắm trong khung cảnh hoàng hôn cuối ngày.
“Đây là trụ sở của Tổng công ty Thép Mỹ! Nhà máy thép lớn nhất thế giới trước đây.” Ai đó ở cuối khoang hô to.
Một vài hành khách ngước lên nhìn di tích còn lại từ thế hệ ông bà họ, những người đã làm việc khi nền kinh tế Mỹ chủ yếu dựa vào các nhà máy và khi con đường sự nghiệp vẫn còn đơn giản: tốt nghiệp trung học hoặc đại học; tìm được một công việc với những cơ hội thăng tiến, các chương trình đào tạo và chế độ lương hưu; làm việc trong 30 năm và nghỉ hưu.
Nhóm sinh viên mà tôi đi cùng, hầu hết sinh ra vào cuối những năm 1980, là một phần của lực lượng lao động phức tạp và phân tán hơn với nhiều con đường chồng chéo lên nhau. Trong khi ông bà và
thậm chí là cha mẹ họ sở hữu những tấm bản đồ với các cột mốc rõ ràng cho con đường sự nghiệp của mình, thì thế hệ này lại đối mặt với đại dương vô định khi phải tự vẽ hải đồ cho hơn 30 năm tiếp theo trong cuộc đời mình.
Đây là ngày thứ tám của dự án Millennial Trains Project (Những chuyến tàu của thanh niên thế kỷ XXI), một chuyến đi bằng tàu hỏa xuyên đất nước cho 24 thanh niên ở độ tuổi ngoài 20, mỗi người sẽ phải thuyết trình một dự án thực tế và khả thi trong hành trình từ San Francisco đến Washington D.C. Tại những điểm dừng chân vào ban ngày trong suốt chặng đường - Denver, Omaha, Chicago, họ tiến hành các nghiên cứu tại cộng đồng địa phương. Vào ban đêm, họ sẽ tham gia những buổi trò chuyện cùng các diễn giả khách mời.
Hãy nghĩ về nó như một tuần học đại học đầy căng thẳng, hầu như không ngủ nhưng rất thú vị của một nhóm người trẻ đang cố gắng tìm hiểu xem họ muốn sống cuộc sống như thế nào.
Khi màn đêm dần buông trên những nông trại vùng Indiana và bữa tối được bày ra, Cameron Hardesty và Jessica Straus đi qua chỗ tôi ngồi để vào trong khoang tàu chật hẹp. Đôi bạn 26 tuổi, thích kể chuyện phiếm này nói với tôi rằng họ đã tốt nghiệp từ năm 2007 với ngành ngôn ngữ Anh của Cao đẳng Davidson, ngôi trường giáo dục đại cương được đánh giá cao nằm ở phía Bắc thành phố Charlotte, bang Bắc Carolina.
Davidson là một ngôi trường nhỏ tự lấy làm kiêu hãnh vì có thể cung cấp cho sinh viên kỹ năng đại cương, nhưng đó không phải là nơi đào tạo những kỹ năng chuyên môn. Ví dụ, bạn không thể học chuyên sâu về lĩnh vực quản lý thể thao, vật lý trị liệu hay thiết kế trò chơi điện tử ở Davidson. Tôi đã hỏi Cameron và Jessica xem họ nghĩ gì về những trải nghiệm trước khi tốt nghiệp của mình.
“Nơi đó không hề trang bị cho tôi hành trang vào đời,” Jessica nói có phần bất mãn.
Mặc dù có những kỷ niệm đáng nhớ với Davidson vì cô ấy có cơ hội theo đuổi mơ ước của mình – học tập tại Cambridge, làm việc trong
một triển lãm nghệ thuật ở Barcelona, nhưng Jessica nói rằng những khóa học không khuyến khích cô chuyển đổi những điều học được thành những kỹ năng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm bây giờ. “’Ở Davidson ‘‘chỉ cần khám phá’ là đủ,” cô ấy nói.
Dĩ nhiên, sự khám phá từng là bản chất của môi trường đại học: cung cấp thông tin cho thanh niên trước ngưỡng cửa trưởng thành. Tuy nhiên ngày nay, với chi phí học đại học lên tới 240.000 đô-la cho bốn năm học tại một ngôi trường như Davidson, những sinh viên (và phụ huynh) thực sự đang tìm kiếm một bộ kỹ năng chuyên môn giúp họ tìm được công việc sau khi tốt nghiệp. Họ vẫn muốn tiếp nhận chương trình giáo dục đại cương (tư duy phê phán, kỹ năng viết, kỹ năng giao tiếp và lập luận phân tích…), miễn là những điều đó không đến từ bên ngoài trường học, kinh nghiệm thực hành, những chương trình thực tập cụ thể.
Sự khám phá trong trường đại học bây giờ chỉ như một phần trong toàn bộ những trải nghiệm, và phần đó đang thu hẹp lại. Một vài tháng, thậm chí là vài tuần sau khi bắt đầu đến trường, những sinh viên mới sẽ chọn một hoặc hai chuyên ngành, thêm một ngành phụ, và bắt đầu đăng ký các chương trình thực tập để tìm được công việc tốt nhất sau khi tốt nghiệp.
Tôi lên chuyến tàu của Capitol Limited để diễn thuyết về tương lai của giáo dục bậc cao. Bây giờ đã gần đến nửa đêm, và hai người ngồi cùng ghế với tôi dường như đã lấy lại năng lượng và sự hào hứng sau một khoảng thời gian mệt mỏi. Họ nhận ra họ đang ngồi cùng một nhóm người tương đối có đặc quyền. Họ được ngồi trên
chuyến tàu này vì mỗi người đã gây được quỹ 5.000 đô-la – vốn được coi như một yêu cầu bắt buộc của quy trình đăng ký đầy cạnh tranh. Giống như Cameron và Jessica, nhiều người trong số họ đã tốt nghiệp từ những trường đại học xuất sắc.
Họ thông minh và tham vọng, và đó là điều khiến tôi lo lắng: Nếu ngay cả những sinh viên mới tốt nghiệp này cũng phải vật lộn thì những người không có nền tảng tốt thì sao?
Cuộc đối thoại của chúng tôi chuyển sang chủ đề giá trị của tấm bằng cử nhân trong thời kỳ mà tất cả những người họ biết đều có. Cameron và Jessica kể cho tôi về người bạn đang làm công việc tay trái là trợ lý cao cấp tại thành phố New York.
“Bằng đại học bây giờ đang phổ biến như bằng tốt nghiệp trung học,” Cameron đánh giá.
Cô ấy là một phần của thế hệ đi theo con đường mà họ được khuyên là “dẫn đến công việc và sự nghiệp vững chắc”. Họ vượt qua tất cả những thử thách cần thiết: thể hiện xuất sắc trong lớp dự bị đại học ở trường trung học, đạt được điểm cao trong kỳ thi SAT, và quan trọng nhất: chiến thắng sự may rủi của kỳ thi tuyển để được vào ngôi trường mong muốn. Sau khi được vào đó, họ tiếp tục đánh bóng lý lịch cá nhân bằng những điều mà họ cho rằng là điểm sáng đúng đắn: bằng kép, nhiều chương trình thực tập và một loạt các hoạt động ngoại khóa.
Tuy nhiên, họ cũng là thế hệ được nuôi dưỡng bởi các bậc phụ huynh luôn quan tâm sâu sắc đến những sự việc và trải nghiệm của con mình, những người lên lịch trình đến từng phút cho mọi khoảng thời gian rảnh của con. Rồi họ bước vào trường đại học với một đội ngũ chuyên gia tư vấn về mọi mặt, từ việc chọn những lớp học giúp họ tốt nghiệp đúng kỳ cho đến việc thương lượng các vấn đề với bạn cùng phòng.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi các nhà tuyển dụng phàn nàn rằng những sinh viên mới tốt nghiệp gần đây không có khả năng tự đưa ra quyết định trong công việc. Với rất nhiều người ở độ tuổi 20, cuộc đời khi đó giống như một ván cờ, mục đích là họ sẽ nhanh chóng kết thúc trò chơi và chơi được càng nhiều ván càng tốt.
Tất nhiên, chỉ có một số ít giải thưởng lớn sẵn có. Hầu hết những người ở độ tuổi 201 không tìm được công việc mơ ước sau khi tốt nghiệp. Nhiều người vẫn đang trong tình trạng lênh đênh và gặp phải những trở ngại trong quá trình chuyển tiếp sự nghiệp. Mới chỉ ba ngày trước, khi chuyến tàu dừng chân tại Denver, Jessica được biết rằng mình vừa bị sa thải khỏi một công ty khởi nghiệp ở New
York. Cô ấy mới làm việc ở đó được bảy tháng. Giờ đây, cô ấy lại là một thành phần trong bản thống kê “Những thanh niên thất nghiệp ở độ tuổi 20”.
1 Lưu ý: trong sách tác giả thường đề cập đến những người ở độ tuổi 20, ý chỉ những người trong khoảng 20-29 tuổi.
Tôi bắt đầu viết cuốn sách này vào một đêm tháng 8, khi đi từ Chicago đến Pittsburgh. Suốt những tháng tiếp theo, khi tìm kiếm dữ liệu cho cuốn sách, tôi phát hiện ra rằng nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đại học đang lướt qua tuổi 20 mà không có một kế hoạch nào trong tay.
1/4 số người ở độ tuổi 20 đang làm một công việc không lương đơn giản chỉ để thể hiện rằng họ có kinh nghiệm làm việc, và chỉ 1/10 số người coi công việc hiện tại là sự nghiệp của mình. Những sinh viên mới tốt nghiệp gần đây đang bắt đầu sự nghiệp của họ muộn hơn
và trì hoãn những dấu mốc truyền thống của tuổi trưởng thành: hoàn thành chương trình học, rời khỏi gia đình, kết hôn và sinh con.
Kết quả khảo sát được tiến hành đối với 750 thanh niên chỉ ra rằng 2/3 trong số họ không lập tức bắt đầu bất kỳ chương trình giáo dục sau trung học nào. Đối mặt với tình trạng thất nghiệp hoặc làm những công việc tạm thời với mức lương thấp trong nền kinh tế mà những công việc tạm thời ngày càng phổ biến và các công ty có xu hướng tuyển dụng những lao động tự do ngắn hạn, nhiều người trẻ trở về nhà sau thời gian học đại học, sống trong tầng hầm ngôi nhà của cha mẹ, chấp nhận bị gọi là “thế hệ boomerang2”.
2 Tên gọi dành cho thế hệ trẻ ở các nước phương Tây, những người quay trở lại sống cùng cha mẹ họ sau một khoảng thời gian sống tự lập – như những chiếc boomerang được ném đi sẽ trở lại nơi bắt đầu.
Nếu bạn là một phụ huynh đang chờ đợi con mình tốt nghiệp đại học để không phải hỗ trợ tài chính cho chúng nữa, thì hãy suy nghĩ lại. Có thể bạn đã lớn lên trong những năm 1970 và 1980, khi
những sinh viên tốt nghiệp đại học thường sẽ đạt được sự độc lập về tài chính khi bước sang tuổi 26. Ngày nay, những sinh viên tốt nghiệp đại học thường không chạm được đến dấu mốc đó cho đến sinh nhật tuổi 30.
Thế hệ thanh thiếu niên ngày nay gặp phải nhiều rào cản trên con đường hoàn thiện cuộc sống sau khi tốt nghiệp trung học và đại học, và hơn lúc nào hết, họ cần phải quản lý tiến trình dẫn đến sự nghiệp của mình.
Cuốn sách này sẽ giúp bạn có một khởi đầu đúng đắn trên hành trình đó. Tuy nhiên cuốn sách này không đưa ra một con đường hay một vài vành đai cho những thanh niên ở độ tuổi 20. Cuốn sách viết về cách chúng ta thay đổi suy nghĩ về cuộc sống sau đại học, về hành trình dẫn đến một sự nghiệp thành công – một hành trình không theo đường thẳng, nhưng mang tính cá nhân và độc nhất.
Trong những chương tiếp sau đây, tôi sẽ miêu tả một chuỗi những phương thức tiếp cận để theo dõi và các chương trình để khám phá những điều sẽ giúp bạn đứng vững trên đôi chân của mình sau khi tốt nghiệp đại học.
Số liệu thống kê việc làm của những sinh viên mới tốt nghiệp thực sự đáng lo ngại (thậm chí là đáng sợ), nhưng tôi sẽ phác thảo trong chương 1 chặng đường của tuổi trưởng thành và một sự nghiệp kéo dài đến vài thập kỷ. Ngày nay, 1/3 số trẻ em được sinh ra có thể đón sinh nhật lần thứ 100 của mình. Điều đó cho thấy chúng ta ngày càng sống lâu hơn và làm việc dài hơn.
Hãy tưởng tượng tiến trình trong cuộc đời của bạn, với thời điểm sinh ra ở phía bên trái và thời điểm qua đời ở phía bên phải: những dấu mốc sự nghiệp của chúng ta chuyển dần sang bên phải – chúng ta bắt đầu muộn hơn và kết thúc muộn hơn. Sự dịch chuyển đó cho phép những người trẻ tuổi kéo dài khoảng thời gian thanh thiếu niên và tuổi 20 để khám phá những sự lựa chọn cho sự nghiệp và đầu tư vào bản thân để chuẩn bị tốt hơn cho công việc.
Có một xu hướng khá rõ ràng rằng thời kỳ tìm việc và sự nghiệp đang kéo dài hơn, nhưng thật đáng buồn là hệ thống giáo dục của thế kỷ XX lại không đồng bộ với nền kinh tế của thế kỷ XXI, vốn đòi hỏi những lao động có nhiều kiến thức và sự linh hoạt.
Trong tương lai, chúng ta sẽ không còn bắt đầu chương trình giáo dục đại học ở tuổi 18 và kết thúc ở tuổi 22 nữa. Thay vào đó, đại học sẽ là nền tảng khởi đầu cho quá trình học tập trọn đời mà chúng ta sẽ thực hiện khi cần học hỏi và đào tạo thêm để thăng tiến trong công việc hoặc thay đổi sự nghiệp. Các chương trình giáo dục sẽ thiên về hướng “đúng lúc” hơn là “chỉ một lần”. Và nó sẽ được cung cấp theo nhiều hình thức hơn – những trường đại học truyền thống như ngày nay, cũng như những đơn vị giáo dục cung cấp các khóa học ngắn hạn và dài hạn.
Việc được nhận vào một trường đại học hàng đầu rồi gia nhập thị trường lao động không còn là đủ nữa. Bạn có một vài thời điểm để phát hiện ra điều này, nhưng để định vị những con đường mới và đường nhánh trên đó, bạn cần một kế hoạch để kết nối tài năng và hứng thú của bản thân.
Để giúp bạn lập ra kế hoạch đó, trọng tâm của cuốn sách là một hướng dẫn, được cấu trúc xoay quanh những dấu mốc từ tuổi thanh thiếu niên cho đến tuổi trưởng thành: con đường đến đại học, trải nghiệm trong trường đại học, và dĩ nhiên, những năm đầu tiên quan trọng sau khi tốt nghiệp.
Cuốn sách liệt kê những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng ngày nay đang tìm kiếm và mô tả biết bao nhiêu thanh thiếu niên vẫn còn đang nghỉ ngơi giữa sự chuyển tiếp vội vàng từ giai đoạn trung học sang đại học. Cuốn sách khám phá lý do vì sao vị trí của ngôi trường đại học mà bạn theo học lại ảnh hưởng nhiều đến việc tích lũy những trải nghiệm thực tế mà bạn cần để tìm được công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp. Cuốn sách cũng mô tả việc bắt đầu cuộc sống sau đại học và hỗ trợ sinh viên với những kỹ năng cần thiết cho công việc.
Phần cuối cùng của cuốn sách sẽ phác thảo tương lai của nghề nghiệp, các công ty sẽ tuyển dụng như thế nào, và làm sao để những sinh viên tương lai có thể chuyển đổi kinh nghiệm và kỹ năng của họ thành một câu chuyện liền mạch về sự thành công một cách tốt hơn.
Khi đang bắt đầu phần báo cáo của cuốn sách này, tôi đọc được một nghiên cứu từ Đại học Oxford, nói rằng trong tương lai, gần một nửa số công việc ở Mỹ có nguy cơ bị thay thế bởi sự tự động hóa và trí thông minh nhân tạo. Tất nhiên, lịch sử cho thấy những dự đoán đó có phần được cường điệu hóa. Câu chuyện của thế kỷ XX là xu thế tự động hóa gia tăng và những công việc tốt hơn được trả lương cao hơn. Hai nhà kinh tế học của Harvard là Claudia Goldin và Lawrence Katz phát hiện ra rằng trong cuộc đua trường kỳ giữa hai lĩnh vực giáo dục và công nghệ, công nghệ luôn giành chiến thắng.
Tuy nhiên lần này, sự việc dường như đã khác. Những người trẻ tuổi đang làm mọi điều theo định hướng của cha mẹ và các chuyên gia tư vấn, và họ vẫn thất bại khi tìm những công việc phù hợp với mình. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thanh niên ở độ tuổi 20 đang thành công trong việc lập bản đồ của riêng mình để định vị thế giới khó lường ngày nay theo một cách rất khác so với thế hệ của chúng tôi hai thập kỷ trước. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp các bạn xua tan nỗi lo lắng về cuộc sống sau đại học.
Dành cho Hadley, Rory và Heather, nguồn cảm hứng cho những câu chuyện của tôi
Chương 1NGƯỜI CHẠY NƯỚC RÚT, NGƯỜI ĐI LANG THANG VÀ NGƯỜI KHÔNG ĐI THEO HÀNG LỐI
Stanley Hall lớn lên trong một ngôi làng nhỏ nằm ở Ashfield, Massachusetts, gần ngọn đồi thấp dưới chân dãy núi Berkshire. Đến tuổi 18, cậu rời gia đình để đến học ở Williams College, cách nhà khoảng 35 dặm, với mục tiêu sẽ “làm một điều gì đó và trở thành điều gì đó trong thế giới này”. Cha mẹ Stanley là nông dân. Mẹ cậu, bà Abigail, muốn con trai mình trở thành một bộ trưởng, nhưng Stanley không chắc chắn lắm về kế hoạch đó. Stanley có suy nghĩ khác về trường đại học; cậu coi tấm bằng cho bốn năm học như một nghi lễ cho sự dịch chuyển – một cơ hội để cậu theo đuổi đam mê và khám phá.
Mặc dù Stanley có thành tích học tập xuất sắc ở Williams – được bình chọn là người thông minh nhất lớp – cha mẹ cậu cho rằng những năm đại học của Stanley có chút thất thường. Khi tốt nghiệp đại học, cậu nói với mẹ rằng không nghĩ mình đạt được “những yêu cầu để trở thành mục sư”. Dù vậy, cậu ấy vẫn chuyển đến New York và ghi danh vào một trường dòng.
Thành phố lớn này thu hút chàng trai trẻ, và nhịp sống ở đó đã thuyết phục Stanley từ bỏ việc học tôn giáo để lấy được một tấm bằng, ở tuổi 25, sau khi xoay sở được một khoản vay, cậu ấy chuyển đến Đức để theo ngành Triết học. Khi ở đó, Stanley đã đi du lịch khắp mọi nơi, thăm thú những nhà hát, quán rượu và sàn nhảy ở Berlin.
“Chính xác là con đang làm gì ở đó vậy?” Cha Stanley hỏi một cách nghiêm khắc.
Cậu ấy bổ sung thêm ngành Sinh học và Vật lý vào con đường học thuật của mình, sau đó nói với cha mẹ rằng đang nghĩ về việc học lấy bằng tiến sĩ Triết học. Mẹ cậu đã hỏi về lợi ích của tấm bằng tiến sĩ.
“Tiến sĩ Triết học là cái gì vậy?” Bà hỏi.
Cha mẹ Stanley muốn cậu ấy quay về nhà và làm một công việc thực sự, và thậm chí Stanley cũng phân vân điều gì sẽ đến tiếp sau. Cậu ấy có cảm giác rằng mình đang để mặc tuổi 20 trôi qua.
“Con đã 25 tuổi và chưa làm được gì cho bản thân, con hầu như không thử để biết rằng mình có thể làm điều gì đó và ở đâu đó,” cậu ấy nói với cha mẹ mình. Nhưng cậu ấy vẫn tiếp tục học tập và khám phá nước Đức thêm một vài năm nữa. Sau đó, Stanley rơi vào tình trạng rỗng túi, nợ nần và chẳng có bằng cấp giá trị nào cả, vì vậy cậu ấy đành trở về Mỹ sau khi cha mẹ từ chối hỗ trợ tài chính. Lúc đó, cậu 27 tuổi.
CON ĐƯỜNG KÉO DÀI MÃI MÃI ĐẾN TUỔI TRƯỞNG THÀNH
Câu chuyện của Stanley Hall cũng giống như câu chuyện của nhiều người trẻ ngày nay. Họ rời khỏi gia đình và đi học đại học, chống cự lại áp lực từ phía cha mẹ về việc chọn một ngành học để phục vụ cho công việc sau này, và rồi lướt qua những năm tháng sau khi tốt nghiệp, thường là rơi vào tình trạng thiếu tiền hoặc thiếu kế hoạch thực tế. Nhưng đây là sự khác biệt: Stanley lớn lên ở một nước Mỹ hoàn toàn khác – nước Mỹ của những năm 1800.
Chúng ta nghĩ rằng việc cất cánh mất nhiều thời gian này là một tình trạng khá mới đối với những bậc cha mẹ, nhưng không. Có một điều chắc chắn là thời gian biểu tiến đến tuổi trưởng thành bây giờ kéo dài hơn bao giờ hết và ảnh hưởng đến mọi người nhiều hơn, nhưng ngay cả tại thời điểm bước sang thế kỷ XX, khi nền kinh tế cung cấp ít sự lựa chọn nghề nghiệp hơn cho những người như Hall và số ít người có bằng đại học, những người trẻ vẫn lang thang không mục đích trong suốt những năm tháng của tuổi 20.
Cuối cùng thì Hall cũng bắt đầu sự nghiệp của mình – anh đã kiếm được một tấm bằng cấp cao, dạy học ở trường Cao đẳng Antioch và Đại học Harvard, kết hôn ở tuổi 30 và trở thành chủ tịch của trường Đại học Clark ở Massachusetts. Trong khi làm việc ở Clark, anh ấy đã phát triển niềm đam mê của mình. Anh ấy đã sáng lập nên Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, và đầu những năm 1900, anh ấy đã viết một cuốn sách có tầm ảnh hưởng, trong đó đặt ra một thời kỳ mới trong cuộc đời mà anh ấy gọi là “thời thanh niên”.
Hall đã miêu tả thời kỳ chuyển tiếp từ thời thơ ấu đến thời thanh niên (từ tuổi 14 đến tuổi 24) là một thời kỳ “đầy bão tố và căng thẳng”. Quá trình công nghiệp hóa và tự động hóa, cùng với những điều luật về lao động trẻ em có ý nghĩa rằng thanh thiếu niên sẽ không còn phải làm việc trong các nhà máy hoặc nông trại nữa. Và sự phát triển của hệ thống trung học ở Mỹ yêu cầu trẻ em phải tích lũy nhiều kiến thức hơn trước khi bắt đầu tham gia vào lực lượng lao động.
Trên thực tế, giai đoạn thanh niên trong thời kỳ những năm đầu 1900 ngắn hơn rất nhiều so với sự miêu tả của Hall. Những nhà tuyển dụng lao động không đòi hỏi các thiếu niên phải học đại học, vì vậy họ có thể tìm được một công việc toàn thời gian ổn định sau khi tốt nghiệp trung học, rồi sau đó nhanh chóng kết hôn và sinh con. Và vào khoảng giữa thế kỷ trước, thị trường nghề nghiệp bắt đầu yêu cầu các thanh niên trẻ phải có bằng đại học. Thời gian biểu đến tuổi trưởng thành kéo dài đến giữa độ tuổi 20, mặc dù nó vẫn ngắn hơn so với chuẩn mực ngày nay.
Sau Thế chiến II, đạo luật G.I. Bill đã cho phép những cựu chiến binh, hầu hết là nam giới, được đi học đại học miễn phí, và thị trường lao động phát triển mạnh mẽ sau chiến tranh đã nhanh chóng chấp nhận họ. Họ kết hôn, mua nhà ở những khu ngoại ô mới và sinh con, đạt được những dấu mốc quan trọng đó trong những năm tháng của độ tuổi 20. Giai đoạn 1950-1960, tỷ lệ nam giới 19-24 tuổi sống cùng cha mẹ giảm đi một nửa.
Thời đại sau Thế chiến II đã gắn vào trong trí não của chúng ta một tư tưởng còn tồn tại đến ngày nay: thiếu niên tốt nghiệp trung học,
lấy bằng đại học, kiếm được một công việc và rời khỏi ngôi nhà họ ở thời thơ ấu – mọi việc đều được thực hiện trước tuổi 22 hoặc tầm tuổi đó. Nhưng những năm 1950 hóa ra lại là một thời kỳ bất thường trong thời gian biểu đến tuổi trưởng thành kéo dài gần cả thế kỷ. Thế chiến II đã buộc nhiều thanh niên phải có trách nhiệm, phải trưởng thành trước khi thực sự trở thành người lớn; đạo luật G.I. Bill (cho phép binh lính Mỹ sau Thế chiến II được đi học và hưởng những lợi ích khác) khiến việc đi học đại học trở nên rẻ và dễ dàng hơn; và các công ty cũng nhanh chóng tuyển dụng những cựu chiến binh đã được đào tạo đại học, vì lúc này nước Mỹ chỉ phải đối mặt với rất ít sự cạnh tranh từ các quốc gia đang phục hồi sau chiến tranh.
Tuy nhiên, đến những năm 1960, xu hướng nhanh chóng bắt đầu tuổi trưởng thành đã kết thúc, và đến những năm 1970, rất nhiều thanh niên ở độ tuổi 20 bắt đầu về sống với cha mẹ. Nói cách khác, “thế hệ boomerang” đã tồn tại từ 40 năm trước đây, chỉ là số lượng khi đó ít hơn thôi.
Sự khác biệt giữa khi đó và bây giờ là ngành sản xuất ngày đó vẫn là nền tảng của nền kinh tế Mỹ. Trong năm 1970, công việc trong nhà máy chiếm 25% lượng công việc trên toàn nước Mỹ (so với 10% ngày nay). Kể cả trong tình trạng tồi tệ của nền kinh tế những năm 1970, tấm bằng đại học vẫn không phải là yếu tố cần thiết với sự thành công về mặt tài chính, cho phép hầu hết những người trẻ có nhiều hơn một con đường để kiếm được các công việc tầm trung ổn định. Ở thời điểm đó, giá trị về mặt tiền lương của tấm bằng đại học (mức lương của một người với tấm bằng đại học chênh lệch bao nhiêu phần trăm so với một người tốt nghiệp trung học) là dưới 40%. Vào năm 1976, tờ Newsweek phát hành một câu chuyện ở trang bìa với câu hỏi “Ai cần đại học?” cùng một tấm ảnh chụp hai sinh viên tốt nghiệp đại học mặc đồ và đội mũ cử nhân, đang cầm búa và xẻng, ngụ ý rằng có đến “27% lực lượng lao động là những người được ‘đào tạo quá mức’ cho công việc họ làm”.
Nhưng những năm 1970 đánh dấu giai đoạn cuối cùng khi phần lớn dân số không cần đến tấm bằng đại học. Cuộc khủng hoảng kinh tế
đầu thập kỷ 80 đã giết chết hoạt động sản xuất tại nước Mỹ, và cuộc cách mạng công nghệ ở thập kỷ sau đó đã đặt ra yêu cầu bắt buộc đối với việc giáo dục sau trung học. Lợi ích kinh tế từ Thế chiến II cuối cùng đã kết thúc. Sự ưu đãi về lương cho những người tốt nghiệp đại học bắt đầu tăng lên, và sau năm 1983, nó chuyển thành một chuyến tàu mất kiểm soát. Năm 1983, sự ưu đãi về lương là 42%. Hiện nay, con số đó là hơn 80%.
Sự dịch chuyển trong giáo dục trung học đầu những năm 1900 (điều mang đến giai đoạn mới trong cuộc đời những thanh niên) đã trở thành sự dịch chuyển với quy mô toàn cầu trong giáo dục đại học vào cuối thế kỷ XX. Đại học không trở nên có quá nhiều giá trị như vậy, nhưng thực tế nhiều công nhân mất việc khiến những tấm bằng tốt nghiệp trung học trở nên ít có giá trị hơn. Nền kinh tế tri thức yêu cầu trình độ học vấn cao hơn, và người trẻ cần dành nhiều thời gian hơn giữa giai đoạn thanh niên và trưởng thành để đạt được sự giáo dục đó. Bắt đầu từ năm 1980, ba thập kỷ tiếp sau đó chứng kiến một sự tăng vọt đáng kể trong số lượng sinh viên ghi danh học đại học (cả sinh viên chưa tốt nghiệp và đã tốt nghiệp), dẫn đến sự trì hoãn trong việc bước qua ngưỡng tuổi trưởng thành, từ việc kết hôn đến mua nhà, và mãi mãi thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về sự chuyển dịch có thể dự đoán được từ giáo dục đến lực lượng lao động.
BA CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SỰ NGHIỆP
Ngày nay, những người ở cuối độ tuổi thiếu niên hoặc những năm đầu của độ tuổi 20 dường như không còn phù hợp với định nghĩa truyền thống về thanh niên hoặc thiếu niên. Họ đang sống trong giai đoạn giữa hai giai đoạn đó.
Vào những năm 1990, Jeffrey Jensen Arnett, một giáo sư tâm lý học ở Đại học Missouri, đã phỏng vấn những người trẻ trên khắp đất nước và khẳng định rằng, những đối tượng phỏng vấn của ông cảm thấy họ trưởng thành và chưa hẳn trưởng thành gần như cùng một lúc. Điều này đưa Arnett đến kết luận rằng giai đoạn giữa của tuổi 18 và tuổi 25 là giai đoạn đặc biệt, phân chia giữa tuổi thanh niên và tuổi trưởng thành trẻ. Vào năm 2000, ông ấy xuất bản một nghiên
cứu hình thành một định nghĩa mới cho giai đoạn này, gọi là “chớm tuổi trưởng thành”.
“Những người chớm tuổi trưởng thành thường khám phá rất nhiều hướng đi trong tình yêu, công việc và quan điểm về thế giới,” Arnett viết. “Chớm tuổi trưởng thành là giai đoạn cuộc đời khi những hướng đi khác nhau đều khả thi, khi tương lai gần như chưa được quyết định một cách chắc chắn, khi phạm vi khám phá độc lập của những khả năng trong cuộc sống đối với hầu hết mọi người lớn hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong cuộc đời.”
Cách nói “những người chớm tuổi trưởng thành” ngay lập tức được ghi vào từ điển văn hóa, đặc biệt là cho những bậc phụ huynh đang cố gắng tìm ra lý do vì sao con cái họ đang vật lộn với việc bắt đầu
tuổi trưởng thành. Cụm từ này đã được trích dẫn hàng ngàn lần trên các phương tiện truyền thông và trong các tài liệu học thuật. Arnett đã viết một vài cuốn sách về chủ đề này và trở thành một diễn giả được săn đón bởi những nhà giáo dục và lãnh đạo đoàn thể - những người đang muốn tìm hiểu về những người trẻ tuổi, cụ thể là những người đạt đến tuổi trưởng thành vào đầu thế kỷ XXI.
Cho đến khi tôi có cơ hội gặp Arnett vào năm 2014, ông ấy đã chuyển đến Đại học Clark, chính là ngôi trường ở Massachusetts, nơi mà Stanley Hall làm chủ tịch những năm 1900. 14 năm sau khi Arnett đưa ra thuật ngữ này, tôi rất tò mò muốn được nghe xem liệu hành trình đến tuổi trưởng thành có đang kéo dài hơn đối với những người chớm tuổi trưởng thành trong thập kỷ đó hay không. “Chắc chắn rồi,” ông ấy nói với tôi. Arnett nói rằng ông đã thận trọng tránh sử dụng các thuật ngữ chung chung để miêu tả những việc mà những người ở giai đoạn cuối tuổi thiếu niên và đầu độ tuổi 20 đang trải qua, “bởi vì những thay đổi đang xảy ra là những thay đổi cấu trúc vĩnh viễn diễn ra trên quy mô toàn cầu.”
Con đường gập ghềnh đến tuổi trưởng thành ngày nay đã trở nên bình thường với hầu hết mọi đứa trẻ, và xảy ra bất chấp tình hình kinh tế. Tuy nhiên, thực tế khốc liệt này không hoàn toàn khiến cho những người chớm tuổi trưởng thành nản lòng. Trên thực tế, họ chấp nhận điều đó như một phần của cuộc đời. Trong nghiên cứu
của mình, Arnett phát hiện ra rằng những người chớm tuổi trưởng thành vô cùng lạc quan. Trong cuộc khảo sát năm 2012 (giai đoạn giữa của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu) của Đại học Clark, gần 90% số người 18-29 tuổi được hỏi nói rằng họ tự tin về việc cuối cùng họ sẽ đạt được điều mình muốn trong cuộc đời, 83% khác nói rằng họ tin tưởng “điều gì cũng có thể”. Sự lạc quan này khiến họ cảm thấy mình có thể dành thời gian để tìm kiếm sự nghiệp phù hợp mà không cần hoài nghi về thế giới hay lo lắng về việc chu cấp cho gia đình.
Tuy nhiên, khi nói đến chủ đề về giáo dục sau trung học, những người chớm tuổi trưởng thành và những người mới bước vào tuổi trưởng thành dường như do dự nhiều hơn. Họ chắc chắn muốn được học lên cao hơn nhưng không chắc chắn lắm về việc làm thế nào để chi trả khoản đó. Gần 60% những người 25-39 tuổi tham gia vào khảo sát của Arnett năm 2014 (một nhóm đối tượng ông ấy gọi là “những người đã trưởng thành”) nói rằng họ ước gì mình đã học cao hơn nữa để có thể thăng tiến trong sự nghiệp, 70% khác thì hy vọng có thể đi học lại một lúc nào đó, mặc dù 40% trong số họ không đạt được bằng cấp họ cần vì thiếu tiền.
Arnett nói với tôi rằng đối với những người chớm tuổi trưởng thành ngày nay, giáo dục đại học (không chỉ là đi học mà là thực sự đạt được tấm bằng đại học) là yếu tố lớn nhất quyết định việc liệu những người ở độ tuổi 20 có thể bắt đầu một sự nghiệp bền vững hay không. Chắc chắn không chỉ có mình ông ấy nghĩ như vậy. Trong thập kỷ trước, điểm số của các môn kinh tế học, xã hội học và tâm lý học đã mô tả vai trò quan trọng của bằng đại học trong những con đường khác biệt mà người trưởng thành chọn sau này.
Điều đó vẫn đúng cho đến bây giờ. Nhưng ngày nay, chỉ có bằng đại học là không đủ để phân biệt người thành công với người đang lang thang vô định trong cuộc đời. Nếu không thì những người mới tốt nghiệp bây giờ đã không đứng trong nhóm người thất nghiệp hoặc làm những công việc không yêu cầu bằng đại học. Trong khi một số bằng cấp cao hơn trung học vẫn được coi là nền tảng cho một cuộc sống và sự nghiệp thành công, thì ngày nay, những trải
nghiệm đúng tuổi, thực tiễn trong những năm cuối của độ tuổi thiếu niên và những năm đầu của độ tuổi 20 (đặc biệt là những chương trình học việc, thực tập) rõ ràng mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc chuyển tiếp từ đại học lên sự nghiệp.
Những người chớm tuổi trưởng thành ngày nay thực hiện sự chuyển tiếp đó theo một trong ba cách: họ có thể là người chạy nước rút, người đi lang thang, hoặc Người không đi theo hàng lối trong cuộc đua đến tuổi trưởng thành.
NGƯỜI CHẠY NƯỚC RÚT:
Sự đầu tư vào vốn con người được đền đáp
Theo bản tính tự nhiên của mình, những người chạy nước rút nhanh chóng bắt đầu ngay từ khi bước ra khỏi cổng trường đại học. Một số người có những công việc hoàn hảo đang xếp hàng chờ, và một số khác tập trung vào mục đích của họ, chuyển qua các công việc khác nhau để leo lên những nấc thang trong sự nghiệp. Nhưng không chỉ có tốc độ định nghĩa về nhóm người này. Một số người chậm nhưng có phương pháp, lắp ráp từng mảnh để tạo nên một sự nghiệp thành công sớm, hầu hết bằng việc đi học đại học hoặc một trường đào tạo chuyên nghiệp và đầu tư nhiều hơn vào vốn con người trước khi tham gia thị trường lao động. Những người khác tích lũy kinh nghiệm phù hợp qua các chương trình thực tập hoặc sau đại học, những điều tạo nên điểm sáng trong bản lý lịch để họ có thể sẵn sàng nắm lấy cơ hội khi nó xuất hiện.
Trong khi đa số mọi người nghĩ rằng đây là cách mà hầu hết những sinh viên tốt nghiệp bắt đầu sự nghiệp, thì thực tế chỉ có 1/3 số người ở độ tuổi 20 là những người chạy nước rút (dữ liệu dựa trên một cuộc khảo sát với sự tham gia của 752 người trong độ tuổi 24- 27, tham khảo kết quả tổng hợp trong phần phụ lục). Họ không được xác định bởi một nhóm các phẩm chất, nhưng nhiều người tôi đã gặp và những người tham gia vào cuộc khảo sát có một số điểm chung: họ có một công việc khi còn học trung học (cho dù với mức lương tối thiểu) và hiểu về sắc thái cũng như những yêu cầu cơ bản của nơi làm việc (ví dụ như có mặt đúng giờ). Họ chọn một chuyên
ngành học từ sớm và rơi vào tình trạng bế tắc. Việc đó cho phép họ dành thời gian cho những hoạt động ngoài giờ học, ví dụ như các dự án nghiên cứu hoặc chương trình thực tập (79% tham gia ít nhất một chương trình thực tập trong thời gian học đại học).
Họ cũng có ít hoặc không có khoản nợ tín dụng dành cho sinh viên nào, điều đó cho phép họ được tự do chọn lựa những cơ hội công việc không bị ràng buộc bởi khoản nợ phải trả (33% có khoản nợ dưới 10.000 đô-la). Dù họ theo học một ngôi trường danh tiếng hay một ngôi trường không-được-chọn-lọc lắm, hầu hết trong số họ đều được gia đình sẵn sàng hỗ trợ (nhiều người là về mặt tài chính, một số khác là những lời động viên đơn giản) khi họ có thể đứng trên đôi chân của mình ở những năm đầu độ tuổi 20.
Lily Cua là một người chạy nước rút điển hình. Trước khi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính ở Đại học Georgetown, cô ấy nhận được một vị trí đáng mơ ước với tư cách là tư vấn viên ở PricewaterhouseCoopers. Giống như nhiều công việc ngày nay, công việc đó xuất hiện từ một kỳ thực tập mùa hè ở công ty. Cô ấy đã ứng tuyển vào chương trình thực tập từ những năm đầu đại học như một cách để luyện tập kỹ năng phỏng vấn. Người tuyển dụng (cũng từng là sinh viên tại Georgetown) đã rất ấn tượng với khả năng nói một chút tiếng Trung Quốc và điểm số cao của cô ấy. Anh ấy nói rằng đó là những dấu hiệu cho thấy Lily sẵn sàng nhận những công việc có yêu cầu cao. “Họ thật sự muốn một ai đó có hứng thú với việc học hỏi và làm việc chăm chỉ,” cô ấy nhớ lại. Cho đến cuối kỳ thực tập mùa hè đó, tức 10 tháng trước khi tốt nghiệp, Lily nhận được lời mời làm việc toàn thời gian. “Làm việc ở đó không phải ước mơ của tôi,” cô ấy thú nhận. Nhưng cô ấy đã nhận lời đề nghị vì biết rằng nó sẽ mang lại cho cô ấy một con đường để bắt đầu.
Lily không coi đó là sự nghiệp mà là một phương tiện để bắt đầu tuổi 20 của mình. Đó là cách mà nhiều sinh viên đại học năm cuối nhìn nhận về vị trí tư vấn. Nó giống như việc đi học mà được trả lương. Và đôi chút liên quan đến một công ty tư vấn lớn sẽ giúp hồ sơ của bạn có giá trị hơn, cùng với một điểm cộng là cung cấp cho
những sinh viên mới tốt nghiệp những mối quan hệ đồng nghiệp trong các giai đoạn khác nhau của sự nghiệp.
“Tôi muốn học hỏi,” Lily nói với tôi, “tôi muốn có được những kỹ năng mà mình chưa có khi rời khỏi trường đại học. Tôi muốn làm việc với những người thật sự thông minh. Tôi muốn được hướng dẫn bởi ai đó quan tâm đến tôi.”
Tôi gặp Lyli ở 1776 - một vườn ươm doanh nghiệp ở Washington D.C hỗ trợ những công ty khởi nghiệp. Nơi này làm việc với 210 đơn vị khởi nghiệp, và được vận hành bởi những người chạy nước rút như Lily. Sau hai năm làm việc cho PricewaterhouseCoopers, cô ấy rời công ty và bắt đầu khởi nghiệp với một người quen từ thời đại học. Công ty đó đã gây được quỹ hơn 400.000 đô-la cho một thị trường giao dịch trực tuyến, cho phép những nhà tuyển dụng cung cấp nhiều sự lựa chọn với những thù lao và lợi ích cho người lao động. Lily nói rằng quyết định rời khỏi một công ty nằm trong danh sách Fortune 500 khi đó “thật sự ám ảnh”, nhưng giống như hầu hết những người chạy nước rút, cô ấy nhận ra rằng những năm tháng của độ tuổi 20 là thời gian xứng đáng nhất để chấp nhận rủi ro và thử nghiệm những điều mới mẻ. Một vài trong số họ đã có tài sản thế chấp, bạn đời hoặc con cái, vì vậy cái giá của sự thất bại là khá thấp, và những phần thưởng tiềm năng thì cao hơn rất nhiều. Nếu sự lựa chọn của họ không hiệu quả, họ có thể dễ dàng bắt đầu lại.
Điều đó giúp những người chạy nước rút không cảm thấy sợ hãi với việc thường xuyên thay đổi công việc trong những năm tháng của độ tuổi 20. Một người Mỹ trung bình làm tám công việc trong khoảng thời gian từ 18 đến 29 tuổi. Với một sinh viên tốt nghiệp đại học bình thường, họ phải mất bốn năm để tìm được một công việc mà họ sẽ làm trong 5 năm sau đó hoặc tương tự. Nhảy việc thường được coi là sự thiếu cam kết hoặc thiếu định hướng, nhưng nếu họ nhảy việc để thăng tiến trong sự nghiệp và thử thách những công việc khác nhau thì sẽ không bị coi là như vậy.
Trên thực tế, chuyển việc trong những năm tuổi 20 sẽ tăng cường cơ hội tìm được công việc lương cao và khiến bạn hài lòng trong những thập kỷ sau đó. Henry Siu gọi đó là “mua sắm việc làm” để
tìm được sự phù hợp hơn. Siu, phó giáo sư của Trường Kinh Tế Vancouver thuộc Đại học British Columbia, là thành viên của nhóm các nhà kinh tế học đã nghiên cứu dữ liệu thất nghiệp của nước Mỹ trong hơn 30 năm. Trong nghiên cứu vào năm 2014, các nhà kinh tế học đã phát hiện ra rằng sự di động của một người trong những năm tuổi 20 càng lớn thì sau này họ càng kiếm được nhiều tiền hơn, khi mà họ ít có khả năng thay đổi hoặc không thể dễ dàng từ bỏ những kỹ năng đã học hỏi được.
“Các trường đại học nên trang bị cho sinh viên khả năng linh hoạt nghề nghiệp,” Siu nói, “có nghĩa là họ có thể làm những nghề nghiệp khác nhau ngay từ khi còn trẻ.” Những người ở độ tuổi 20 thường hay thay đổi việc làm. Theo lời Siu, sự khác biệt bây giờ là 1/3 trong số họ thường xuyên thay đổi nghề nghiệp, một tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với thế hệ trước.
Ông cho rằng: “Chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng phức tạp với nhiều sự lựa chọn về nghề nghiệp,” nhiều hơn bất kỳ ai có thể khám phá khi còn học đại học. Vì vậy, thử làm những nghề nghiệp khác nhau giờ đã trở thành một phần cuộc sống của những người ở độ tuổi 20, và đó cũng là lý do vì sao họ cần một con đường dài hơn để đến tuổi trưởng thành.
Thật không may, ngày càng có nhiều người chớm tuổi trưởng thành thiếu sự linh hoạt về tài chính để thay đổi công việc hoặc chấp nhận những vị trí lương thấp dù nó có thể là khởi đầu cho một sự nghiệp tuyệt vời. Vấn đề của họ là gì? Đó là những khoản vay sinh viên.
Trong số những người phải xoay xở tài chính cho việc học đại học bằng những khoản vay, trung bình các sinh viên trong một lớp học tốt nghiệp năm 2014 rời đi với khoản nợ 33.000 đô-la. Sáu tháng sau, những sinh viên đã tốt nghiệp đó nhận được thư thông báo thanh toán đầu tiên, trung bình là 380 đô-la, với 120 lần thanh toán tương tự trong tương lai. Con số này dường như không phải quá lớn, nhưng khi nó chiếm 15% lương mà một sinh viên mới tốt nghiệp nhận được, nó sẽ ảnh hưởng đến những quyết định sự nghiệp mà họ đưa ra khi mới bắt đầu. Không phải sự phù hợp, hạnh phúc hay thăng tiến trong sự nghiệp, mà chính tiền lương mới là
yếu tố quyết định trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Ví dụ, những khoản nợ khiến những chương trình thực tập không lương có thể mang đến một công việc xuất sắc bị gạt sang một bên, hoặc sống trong một thành phố đắt đỏ với thị trường lao động năng động có thể mang đến các lựa chọn việc làm cho những người ở độ tuổi 20.
Một người bạn làm việc tại một nhà xuất bản lớn của New York kể với tôi rằng, mức lương dành cho những người mới tốt nghiệp ở đó khó có thể vượt quá 40.000 đô-la, trong khi New York là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Cô ấy kể rằng, hầu hết trong số họ phải xin thêm cha mẹ chi phí sinh hoạt. Tình trạng này khá phổ biến. Khoảng một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2011 tiết lộ rằng họ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ, bao gồm cả những người đã có một công việc toàn thời gian. Khoảng 60% sinh viên đại học cần vay tiền cho chi phí học đại học. Khi lựa chọn trường đại học, bạn cần phải so sánh kỹ càng khoản nợ trung bình sau khi tốt nghiệp; bởi lẽ một khoản vay lớn có thể ảnh hưởng đến những quyết định công việc trong phần còn lại của cuộc đời bạn.
Ảnh hưởng của những khoản nợ sinh viên đối với các quyết định trong sự nghiệp ngày càng lớn. Năm 1989, chỉ 17% số người ở độ tuổi 20 có những khoản nợ sinh viên; trong khi ngày nay là 42%. Công ty thăm dò ý kiến Gallup (đơn vị đo lường lợi ích theo năm tiêu chí, bao gồm tài chính, thể chất và mục đích trong cuộc đời) đã phát hiện ra rằng: “Càng có nhiều khoản nợ sinh viên, bạn sẽ càng khó có thể sống hạnh phúc.”
Busteed không mấy ngạc nhiên khi tôi nói với anh ấy rằng hầu hết những người trẻ tuổi tôi gặp ở 1776 không có một khoản nợ sinh viên nào. Dựa theo số liệu điều tra của Gallup, hầu hết những doanh nhân đều có khoản nợ sinh viên dưới 10.000 đô-la. Một khoản nợ lớn hơn con số này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định khởi nghiệp. Xem xét thực tế rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tạo ra việc làm nhanh hơn những doanh nghiệp giải thể thành những doanh nghiệp mới, nếu chúng ta có ít người chớm tuổi trưởng thành sẵn sàng nắm lấy cơ hội cho những ý tưởng kinh
doanh vì họ phải trả các khoản nợ sinh viên, điều đó sẽ chỉ khiến những sinh viên với tấm bằng đại học khó khăn hơn khi tìm việc.
NGƯỜI ĐI LANG THANG: NHỮNG BƯỚC ĐI CÀ NHẮC ĐẾN MỘT SỰ NGHIỆP
Valerie Lapointe là một trong những sinh viên tốt nghiệp đại học đang cố gắng tìm việc làm. Khi tôi gặp cô ấy ở Washington D.C một vài tuần trước lễ Giáng sinh, cô ấy đang ôn thi GRE. Công cuộc tìm việc của cô ấy đã phải trì hoãn, và cô ấy đã quyết định làm một việc mà nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học gần đây đã làm khi họ thấy bế tắc: quay lại trường học để lấy một tấm bằng khác.
Bằng thạc sĩ đã nhanh chóng trở thành hình thức bằng cử nhân mới. Vào năm 2013, có khoảng 760.000 tấm bằng thạc sĩ được trao, một con số tăng 250 lần so với năm 1980 và đang tăng với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của những người học lấy bằng cử nhân. Gần 30% sinh viên mới tốt nghiệp đại học quay trở lại trường trong vòng hai năm sau khi lấy bằng cử nhân (mặc dù việc đăng ký học đang trở nên đơn giản hơn, như chúng ta sẽ thấy trong Chương 8). Đối với họ, trường đại học giống như nơi làm việc vì nó mang lại cho họ mô hình và định hướng.
Khi chúng tôi nhấm nháp cà phê, Valerie nói một cách châm biếm về sự liên quan giữa hoàn cảnh của chúng tôi. Xét cho cùng, các quán cà phê đã trở thành biểu tượng cho những Người đi lang thang qua tuổi 20 của họ. Nhân viên pha chế ở Starbucks với tấm bằng đại học là một ví dụ điển hình của những người làm việc không đúng với bằng cấp của họ. Và ngày nay, quán cà phê là nơi phổ biến cho những người trẻ gặp mặt khi họ tìm kiếm công việc theo các dự án tự do.
“Tôi đã rải đơn xin việc ở khắp nơi,” Valerie nói. “Khi thất nghiệp, bạn có thể nộp hồ sơ ứng tuyển cả ngày.” Cô ấy so sánh công cuộc tìm việc với việc hẹn hò. “Bạn trông thật tuyệt trên những trang giấy, họ phỏng vấn bạn, nhưng rồi họ chẳng bao giờ gọi lại cho bạn. Bạn sẽ quen với việc bị từ chối.”
Valerie 25 tuổi, có mái tóc vàng dài ngang vai và một nụ cười lanh lợi. Cô ấy lớn lên ở vùng ngoại ô giàu có phía bắc Virginia. Valerie tốt nghiệp một trường trung học danh tiếng với số điểm trung bình 3.9 vào năm 2008 - một năm được đánh dấu bởi sự bùng nổ số
lượng người đủ 18 tuổi trên khắp đất nước (vì vậy có rất nhiều sự cạnh tranh để vào được trường đại học cô ấy chọn) cùng với một trong những sự khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ (có nghĩa là rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp sẽ thất nghiệp).
“Tôi không biết tôi muốn làm gì với cuộc đời mình khi đi học đại học,” Valerie nói với tôi.
Tôi đã hỏi cô ấy vì sao không trì hoãn việc đi học đại học, dành thời gian để khám phá những điều bản thân thấy hứng thú trước khi tham gia một chương trình học nào đó.
“Câu hỏi về việc tôi có đi học đại học hay không chưa bao giờ xuất hiện trong suy nghĩ của cha mẹ tôi, câu hỏi sẽ chỉ là ở đâu,” cô ấy nói. “Điều đó đã xảy ra với cha mẹ tôi, vậy tại sao lại không xảy ra với tôi?”
Tôi đã nghe những câu chuyện tương tự từ nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đại học gần đây, những người mà cha mẹ họ cũng đã trải qua giáo dục đại học: sự kỳ vọng rằng trường đại học (đặc biệt là những trường đào tạo chương trình bốn năm) là con đường duy nhất sau trung học, những con đường vòng khác (ví dụ như một năm nghỉ ngơi để tìm kiếm sự hứng thú của bản thân hay khám phá những chuyên ngành bằng việc tham gia các khóa học tại trường cao đẳng địa phương) là không thể chấp nhận.
Valerie đã đi theo con đường chính tắc. Thay vì chờ đợi danh sách trúng tuyển của Đại học James Madison, cô ấy đã chuyển đến Đại học Mary Washington, một trường công nằm ở trung nam Virginia, cách không xa thủ phủ bang ở Richmond. Vẫn chưa chắc chắn về
chuyên ngành của mình, lịch học của Valerie được lấp đầy bởi những khóa học đại cương trong hai năm đầu tiên. Rồi cô ấy tham gia một lớp học báo chí với một cựu nhà báo của tạp chí Phố Wall, và cô ấy bị thu hút.
Tuy nhiên, Đại học Mary Washington lại không có chuyên ngành báo chí. Vì vậy, Valerie đã tìm kiếm những khóa học viết và tham gia vào nhóm làm báo sinh viên. Valerie đã suy nghĩ về việc chuyển đến ngôi trường khác có chuyên ngành báo chí, nhưng cô ấy đang phải hoàn thành bằng cử nhân trong ba năm và tiết kiệm tiền. “Đã quá muộn khi tôi nhận ra điều đó,” cô ấy nói.
Đã quá muộn để cô ấy tham gia vào nhóm “Những người chạy nước rút”.
Thay vào đó, Valerie lùi lại cùng với nhóm Những người sở hữu bằng đại học. Cô ấy trở thành một Người đi lang thang, một phần trong số ngày càng nhiều những người trẻ đang lướt qua tuổi 20 và dậm chân tại chỗ suốt nhiều năm sau khi tốt nghiệp đại học.
Đó không phải là sự thiếu động lực hay chăm chỉ. Họ chắc chắn là không “lười biếng” hay “tự phụ” như những tiêu đề hay nói về họ như vậy. Ở tuổi 18, họ không chắc chắn về việc mình muốn làm trong cuộc đời. Vì vậy, họ để mặc bản thân cho cha mẹ và chuyên gia tư vấn định hướng, kỳ vọng rằng sẽ xây dựng nên con người trưởng thành của mình ở đó. Việc đầu tiên là qua trường đại học: chọn một chuyên ngành, tìm một chương trình thực tập, tham gia các khóa học theo đúng thứ tự để tốt nghiệp đúng thời hạn. Mặc dù vậy, hầu hết sinh viên không bắt kịp được tốc độ đó.
1/4 số sinh viên năm nhất thay đổi chuyên ngành của họ vào cuối năm học đầu tiên, và một nửa số sinh viên năm nhất nói rằng họ có kế hoạch thay đổi chuyên ngành. Thay đổi chuyên ngành không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ rơi vào nhóm Những người đi lang thang, đặc biệt nếu bạn hiểu rõ về điều mình muốn làm. Tuy nhiên, chỉ có một nửa số sinh viên hoàn thành chương trình cử nhân trong vòng bốn năm, huống chi là tham gia các khóa thực tập, giữ những vị trí lãnh đạo trong các hoạt động ở trường, hay thực hiện các dự án nghiên cứu mà các nhà tuyển dụng hàng đầu tìm kiếm ngày nay. Vì vậy, Những người lang thang có một sự khởi đầu muộn hơn trước cả khi họ tham gia vào thị trường lao động. Trong số 1,7 triệu sinh viên tốt nghiệp năm 2014, có một nửa không tìm được công việc toàn thời gian trong vòng sáu tháng sau khi tốt nghiệp.
Valerie đã làm công việc trông trẻ và sống cùng gia đình để tiết kiệm tiền. Cho đến khi bắt đầu nghiêm túc tìm kiếm một công việc đúng chuyên ngành của mình (một năm rưỡi sau khi tốt nghiệp) thì cô ấy lại phải tiếp tục cạnh tranh với lứa sinh viên tốt nghiệp tiếp theo. Valerie đã chi tiền để tham gia một chương trình thực tập mùa hè với công việc quan hệ công chúng tại một viện nghiên cứu, với hy vọng rằng công việc này sẽ đưa cô ấy đến một cơ hội nghề nghiệp triển vọng hơn. Nó đã không diễn ra như vậy. Cô ấy tham gia vào một chuyến du lịch dài ngày bằng ô tô đến Los Angeles cùng một người bạn, trước khi quay về Washington và làm công việc tiếp viên hàng không. Cô ấy đã tìm được một công việc tại một công ty sản xuất video nhưng bị sa thải ba tháng sau đó. Kể từ đó, Valerie làm qua một loạt công việc mang tính thời vụ như trông trẻ hoặc các công ty dịch vụ tạm thời.
“Tôi biết là sẽ khó khăn, nhưng không nghĩ là khó khăn đến vậy,” cô ấy nói với tôi. Tham gia vào mạng xã hội Facebook đôi khi khiến cô ấy cảm thấy tụt hậu hơn nữa, khi những người bạn chia sẻ những điểm sáng trong cuộc sống hằng ngày của họ. “Tôi thật sự tin tưởng rằng khi 25 tuổi, tôi sẽ có nhiều thứ hơn trong cuộc sống của mình.”
Có hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học giống như Valerie – họ đạt được tấm bằng đại học nhưng gặp phải nhiều khó khăn trên con đường đến tuổi trưởng thành. Nhiều người bị chệch hướng ngay sau khi tốt nghiệp. Họ chấp nhận bất kỳ công việc được trả lương nào vì áp lực tài chính, hoặc quay trở về nhà vì nghĩa vụ gia đình. Một vài người không biết làm thế nào để bắt đầu một sự nghiệp và bỏ qua những chương trình thực tập hoặc công việc ý nghĩa, vì họ thấy đó là những công việc thấp kém hoặc họ không thể xoay sở với mức lương tầm thường đó (trong một số chương trình thực tập, thậm chí họ sẽ không được trả đồng lương nào). Và giống như Valerie, một số người quay lại trường học và dấn sâu hơn vào những khoản nợ. Trong một nghiên cứu, tổng số nợ của những sinh viên không làm việc khi học tiếp chương trình sau đại học cao gấp ba lần, từ 22.000 đến 76.000 đô-la. Tương lai tươi sáng đối với nhiều người trong số họ trong ngày đầu tiên bước chân vào trường đại học dần vượt ra khỏi tầm với, tất cả chỉ diễn ra trong vài năm.
Nhưng đó không phải là sự mất mát với những Người đi lang thang. Một khảo sát của tôi cho thấy 32% số người trẻ tuổi là những Người đi lang thang, mặc dù một số người sẽ đi lang thang nhiều hơn những người khác. Nhìn chung, họ có xu hướng theo học các trường công lập, nơi mà họ ít có sự chắc chắn về chuyên ngành của mình khi bắt đầu. 85% trong số họ làm công việc không liên quan đến chuyên ngành sau khi tốt nghiệp.
Một số Người đi lang thang thực sự có một kế hoạch. Nhân viên pha chế ở Starbucks có thể tiết kiệm để học lên sau đại học hoặc chăm sóc cha mẹ ốm đau trong một thời gian ngắn. “Điều quan trọng là phải hiểu một cách rõ ràng về nơi bạn muốn đến, biết được rằng bạn có thể thay đổi con đường đi đến đó,” Andy Chan, người phụ trách dịch vụ nghề nghiệp ở Đại học Wake Forest, nói.
Điều mà nhóm Người đi lang thang nên lo lắng nhất là con đường họ sẽ chọn để đến nơi họ muốn trong cuộc đời sẽ loanh quanh như thế nào. Tuổi 20 được coi là “buổi tổng duyệt” cho phần còn lại của cuộc đời. Kéo dài sự không ổn định trong khoảng thời gian này sẽ chỉ dẫn đến những vấn đề hóc búa trong tương lai. Có lẽ vấn đề quan trọng nhất là phần lớn sự tăng lương của người lao động thường diễn ra trong 10 năm đầu khi đi làm. Cụ thể đối với nam giới, 3/4 sự tăng lương của họ xảy ra chỉ trong 10 năm đầu tiên này.
Tốt nghiệp đại học trong thời kỳ kinh kế suy thoái (như tình hình nước Mỹ năm 2008) càng tạo thêm nhiều áp lực cho những người ở độ tuổi 20. Lisa Kahn, nhà kinh tế học ở Đại học Yale phát hiện ra rằng khi sinh viên tốt nghiệp trong một nền kinh tế suy thoái, họ sẽ có mức thu nhập thấp hơn đến 14-23 năm sau trong cuộc đời. Ví dụ, lứa sinh viên tốt nghiệp ngay sau cuộc khủng hoảng năm 2008 bây giờ đang có mức thu nhập ít hơn 1/3 so với những sinh viên tốt nghiệp một vài năm trước đó. “Những sinh viên mới tốt nghiệp cũng không tìm chọn các cơ hội nghề nghiệp nhiều trong thời kỳ kinh tế yếu kém,” Kahn nói, “và việc tìm chọn các công việc là cách họ kiếm được mức lương tốt hơn trong những năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp.”
Sự thụt lùi về mức lương ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc đời của những sinh viên mới tốt nghiệp, từ khả năng mua một căn nhà đến xu hướng sở hữu những khoản vay tín dụng lớn. “Công việc đầu tiên của những sinh viên mới tốt nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp và nguồn thu nhập tương lai của họ. Mọi người không thể thu hẹp khoảng cách tiền lương bằng cách lên dần các cấp bậc trong công ty. Khi họ có thể leo dần lên thì những người ở cấp cao hơn cũng có thể làm như vậy,” theo quan sát của Austan Goolsbee, cựu chủ tịch Ủy ban Tư vấn Kinh tế dưới quyền Tổng thống Obama và là giáo sư kinh tế học ở Đại học Chicago. Những Người lang thang lướt qua độ tuổi 20 của họ càng lâu thì đường chạy của họ càng dài và càng khó để bắt kịp. Và những người chưa từng tìm kiếm một con đường nhánh trong độ tuổi 20 cuối cùng sẽ rơi vào nhóm còn lại: Người không đi theo hàng lối.
NGƯỜI KHÔNG ĐI THEO HÀNG LỐI ĐANG LƯỚT QUA TUỔI 20 CỦA HỌ
Vào một buổi tối chớm thu mát mẻ, tôi đang ở Portland, Oregon, và còn một vài giờ rảnh rang trước chuyến bay đêm trở về Washington D.C. Ngày chủ nhật trước đó, tạp chí The New York Times đã xuất bản một câu chuyện nói rằng thành phố đã trở thành một nơi mà “những người trẻ tìm đến để nghỉ hưu”, một cụm từ đầy tính trào phúng, bắt nguồn từ chương trình truyền hình Portlandia.
Bài báo nói rằng mặc dù không tìm kiếm những công việc được trả lương tốt, nhưng những người ở độ tuổi 20 này vẫn thấy hứng thú với không gian núi non gần thành phố, những mùa đông êm dịu, tiếng tăm bên ngoài và tính cách độc lập. Trong một vài phương diện, Portland đã trở thành cục nam châm với những Người không đi theo hàng lối – những người dành độ tuổi 20 của mình để tìm kiếm những gì họ đáng phải làm. Tôi đã đến đây để tìm hiểu vì sao họ lại mất nhiều thời gian đến vậy.
Ở khu vực tập trung công nghiệp phía đông Portland, tôi đã gặp Josh Mabry. Vóc dáng cao lớn, tóc cắt sát đầu phong cách quân đội và cẳng tay đầy những hình xăm, Josh chuẩn bị bước sang tuổi 30. Cậu là một Người không đi theo hàng lối điển hình. Sau một thập kỷ
làm những công việc không có tương lai và sự bắt đầu sai lầm ở một loạt trường đại học, Josh nói với tôi rằng cuối cùng thì cậu ấy đã ổn định với một công việc mà mình thực sự chú tâm: nghề mộc. Josh luôn thích làm những công việc bằng đôi tay của mình. Ông và bố của cậu ấy cũng từng là thợ mộc, nhưng cậu ấy đã học lớp làm mộc cuối cùng từ năm lớp bảy. Khi học trung học, chuyên viên tư vấn hướng nghiệp đã đề nghị cậu ấy đi theo ý tưởng học đại học.
“Tôi đã nghĩ về việc học tâm lý học, nhưng tôi thấy trường học thật nhàm chán,” Josh nói, một điệp khúc tôi đã nghe từ rất nhiều Người không đi theo hàng lối. Thay vào đó, cậu ấy đã đi làm cho một nhóm thợ xây dựng vào mùa hè sau khi tốt nghiệp trung học. “Tôi thật sự thích công việc đó, hoàn thành một dự án và nhìn nó hoàn thiện,” cậu ấy nói. Vào cuối mùa hè năm đó, Josh đi theo một người bạn gái đến Eugene. Không thể tìm được một công việc xây dựng, cậu ấy ghi danh học lớp thiết kế đồ họa ở Đại học Cộng đồng Lane. Josh rơi vào cảnh tiệc tùng ở đó. Một vài năm sau, cậu ấy đã quay trở lại Portland để làm công việc pha chế đồ uống nhằm chi trả các khoản chi phí.
“Khi đó, tôi đã lướt qua cuộc đời mình,” Josh nói với tôi.
Điều đó đã định hình phần lớn cuộc đời cậu ấy trong 10 năm tiếp theo. Josh đã thử học hai trường đại học cộng đồng khác trong vùng, theo nghề hàn và lâm học. “Tôi muốn có những kỹ năng chứ không phải là một tờ giấy,” Josh nói. Cậu ấy đã bỏ học hai lần. Cậu ấy rời đến Trung Mỹ trong tám tháng, làm công việc pha chế tạm thời. Và rồi ở tuổi 29, cậu ấy nhìn thấy tờ rơi của một đơn vị địa phương cung cấp những lớp học làm mộc, kỹ nghệ sắt và bọc mặt đồ gỗ. Cậu ấy đăng ký lớp học kỹ nghệ sắt và tiếp theo đó là lớp học làm mộc. Cuối cùng Josh đã tìm thấy niềm đam mê của mình. Cậu ấy bắt đầu làm những đồ đạc đơn giản bằng gỗ và những sản phẩm nghệ thuật nhỏ. Hiện giờ, cậu ấy đã lập một trang web và bán những sản phẩm của mình trên kênh trực tuyến.
“Tôi hiểu rằng đến tuổi 30 mình cần phải tìm ra một điều gì đó cho bản thân,” Josh nói, “và cuối cùng thì tôi đã tìm ra một con đường cho mình.”
Những Người không đi theo hàng lối cần nhiều thời gian để tìm ra con đường sự nghiệp của mình vì nhiều người trong số họ phải vật lộn để tìm ra những sự lựa chọn khả thi sau khi tốt nghiệp trung học để trưởng thành và khám phá sự nghiệp, hơn là việc chỉ đi học đại học. Và nếu đi học đại học, hầu hết họ phải vật lộn để hoàn thành, thậm chí rất nhiều người không hoàn thành được. Cuộc khảo sát của tôi phát hiện ra rằng khoảng 1/3 những người trong độ tuổi 20 là những Người không đi theo hàng lối. Gần 40% trong số họ nghỉ sau khi tốt nghiệp trung học vì những lý không liên quan đến học hành (không phải là năm nghỉ gián đoạn, chúng ta sẽ khám phá trong Chương 3). Những người chậm chạp nhất trong số những Người không đi theo hàng lối đã thất bại trong việc tìm việc sau khi tốt nghiệp đại học. Chỉ có 1/4 trong số họ tham gia chương trình thực tập trong thời gian đi học.
Khi nền kinh tế ngày nay đòi hỏi nhiều hơn một tấm bằng trung học, nếu bạn là một người trẻ 18 tuổi không có động lực đi học đại học, không sẵn sàng về mặt tri thức hay tài chính, sẽ có khá ít những lựa chọn thay thế cho bạn. Bạn có thể ở nhà, kiếm một công việc (thường không phải công việc tốt lắm), hoặc tham gia quân đội (sự lựa chọn bất đắc dĩ với nhiều người). Không có gì ngạc nhiên khi 95% những học sinh năm cuối trung học nói rằng họ có kế hoạch học đại học, và gần 70% trong số họ làm việc đó vào mùa thu sau khi tốt nghiệp trung học. Họ quyết định đi học đơn giản là vì họ không còn việc gì để làm nữa. Trường đại học như một nhà kho cho đến khi họ sẵn sàng cho tuổi trưởng thành.
Tất nhiên, giáo viên và chuyên gia tư vấn hướng nghiệp - những người thúc giục học sinh đi học đại học hiếm khi biết được điều gì xảy ra với hầu hết các sinh viên sau khi tốt nghiệp. Họ có thể không muốn biết. Đó không phải là tin tức tốt. Nhiều sinh viên bỏ dở chương trình học (thường là sau một vài kỳ học đầu tiên). Có khoảng 12,5 triệu người ở độ tuổi 20 đạt được một số tín chỉ đại học và không có bằng tốt nghiệp. Thực tế là những người ở độ tuổi 20 chiếm số lượng lớn nhất trong số 31 triệu người trong tuổi trưởng thành ở nước Mỹ rời trường đại học mà không có tấm bằng nào. Theo nhiều cách, những người trẻ tuổi này không giàu có về mặt tài
chính hơn những học sinh tốt nghiệp trung học không có ý định đi học đại học. Xét cho cùng, những nhà tuyển dụng không nói rằng họ cần “một số trường đại học”. Họ cần một tấm bằng.
Sự sụp đổ của ngành sản xuất những năm 1980 đã để lại cho nước Mỹ một-con-đường-đi-đến-đại-học-phù-hợp-cho-tất-cả, thứ mà những nhà giáo dục liên tục tạo áp lực lên các học sinh từ khi còn nhỏ. Sự dịch chuyển đại-học-cho-tất-cả-mọi-người không phải là cách-điều-trị-cho-tất-cả những ai chưa bao giờ tốt nghiệp với một tấm bằng. Nhưng trong nền văn hóa với sự cạnh tranh khốc liệt của chúng ta, các bậc phụ huynh gần như không thể xác định được khi nào con cái mình nên học đại học.
Thực tế rằng tuổi thọ của thế hệ mới ngày nay kéo dài hơn có nghĩa là chúng ta có thể vẽ nên con đường mới dẫn đến tuổi trưởng thành, mở ra những cơ hội theo những hướng khác nhau so với cách chúng ta làm trong thế kỷ trước. Chúng ta không nên coi trường đại học như một địa điểm mà chúng ta chỉ đến đó một lần trong đời ở tuổi 18. Tuy nhiên với nhiều thanh thiếu niên, đó chính xác là những gì họ đã được lập trình. Kết quả là: tìm ra một con đường dẫn đến một sự nghiệp trọn vẹn và một cuộc sống ý nghĩa đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với trước đây.
ĐIỀU GÌ SẼ TRỞ THÀNH “TRUNG ĐIỂM RỘNG NHẤT”?
Con đường mang tên “từ đại học đến sự nghiệp” đã khơi mào cho một sự gia tăng đột biến số lượng sinh viên ghi danh học đại học trong hai thập kỷ vừa qua. Số lượng sinh viên trên toàn nước Mỹ đã tăng thêm 8 triệu kể từ năm 1980, theo như số liệu của Trung tâm Quốc gia về Thống kê Giáo dục Mỹ.
Tuy nhiên, số sinh viên đó không được phân chia đồng đều với số lượng hàng ngàn trường cao đẳng và đại học trên toàn quốc. Những trường đại học ưu tú nhất – Harvard, Stanford, hay Amherst – ngày nay vẫn giữ nguyên quy mô so với vài thập kỷ trước. Nhu cầu đạt được một vị trí trong trường tăng cao, khiến việc đó trở nên khó khăn hơn (một số người sẽ nói là “không thể”) đối với hầu hết các sinh viên ứng tuyển. Kể cả những trường đại học công lập như
Đại học bang Michigan ở Ann Arbor, Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, Đại học bang Virginia hay Đại học bang California ở Berkeley, vẫn chưa tăng số lượng tuyển sinh để bắt kịp với nhu cầu. Phần nào đó, sự gia tăng số lượng học sinh tốt nghiệp trung học đi học đại học ở các trường công nhóm 2 và trường cộng đồng đã chậm lại.
Đại học bang Oregon là ví dụ điển hình về những trường đại học kỳ vọng rằng họ sẽ làm được nhiều hơn với ít ngân sách hơn. Số lượng sinh viên ghi danh vào trường đã tăng gấp đôi so với năm 2000. Trước khi gặp Josh Mabry ở Portland, tôi đã đến vùng quê Corvallis, và dành một ngày ở trường Đại học bang Oregon. Ở đó, giáo sư Rick Settersten đang dạy một lớp học tư duy phản biện cho vài chục sinh viên, hầu hết là những sinh viên năm cuối.
Cuộc hội thoại trong buổi học đã dẫn đến một cuộc thảo luận về tương lai của bản thân họ, những điều họ muốn làm tiếp theo trong cuộc đời. Nhiều sinh viên nói họ muốn học tiếp lên bậc cao hơn. Settersten đặt ra câu hỏi bao nhiêu trong số họ hiểu về những giáo sư giảng dạy đủ nhiều để đề nghị một lá thư giới thiệu. Chỉ lác đác một vài cánh tay giơ lên. Settersen nói với sự phân vân rằng, tại sao hầu hết sinh viên không đến gặp anh ấy trong giờ làm việc, dù đó là một cách dễ dàng để thiết lập mối quan hệ 1-1 với một giáo sư đôi khi phải dạy hàng trăm sinh viên trong một kỳ học. “Việc khiến tôi bất ngờ là họ nói: ‘Trước giờ chẳng có ai nói với em điều này cả.’ Dù là những sinh viên năm cuối nhưng họ không biết làm thế nào để định vị tổ chức.” Settersen kể với tôi sau đó.
Settersen có một gương mặt trẻ với một đôi kính màu nâu. Quá trình nghiên cứu học thuật của anh ấy tập trung vào câu hỏi: trở thành người trưởng thành ngày nay có ý nghĩa như thế nào. Không giống như nhiều bậc phụ huynh và những nhà phê bình, Settersen không lo lắng nhiều về việc con đường đến tuổi trưởng thành sẽ kéo dài thêm bao lâu, anh ấy đưa ra lý lẽ rằng thời gian biểu để trở thành người trưởng thành ngày nay đang trở nên từ từ và thay đổi nhiều hơn so với 50 năm trước đây. Những dấu mốc truyền thống như kết hôn hay sinh con ngày nay đã trở thành cực điểm đánh dấu
việc trở thành một người trưởng thành, chứ không phải là bắt đầu quãng thời gian đó.
Trên tờ Washington Post năm 2014, Settersten đánh giá rằng: “Việc trì hoãn của những sự chuyển tiếp này đã mang lại sự tự do cho những năm đầu tuổi trưởng thành, đến mức mà những người trẻ ngày nay thực ra sống độc lập nhiều hơn, chứ không phải ít hơn.” Tôi đã hỏi rằng liệu anh ấy có lo ngại về về những sinh viên đang mơ hồ kia không? “Chắc chắn rồi,” anh ấy nói, “khi tôi nghĩ về cuộc sống của người trưởng thành, một trong những điều đã xác nhận là nó không thể dự đoán được.”
Vấn đề là những năm gần đây, các trường đại học đang nỗ lực khiến những trải nghiệm trong bốn năm trở nên “dễ dự đoán” hơn, bằng cách thêm vào một loạt những dịch vụ tư vấn cho sinh viên, để gần như làm hết mọi việc cho họ, để đảm bảo rằng họ tốt nghiệp đúng thời hạn và giành được một công việc sau đó. Mặc dù những chương trình này có thể hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp, nhưng chúng lại ngăn cản họ thiết lập sự linh hoạt cần thiết để quản lý sự rủi ro và thành công trong những nghề nghiệp hoặc cuộc sống không thể dự đoán trước.
“Trong trường đại học, có những điều bạn được dạy và có những điều bạn tự học được,” Settersten nói với tôi. “Có rất nhiều điều chung quy lại không xảy ra trong lớp học. Đó là việc định vị cuộc sống và xây dựng các mối quan hệ.” Tuy nhiên, chỉ có một nửa số sinh viên năm cuối đại học nói rằng họ thường xuyên nói chuyện với các thành viên trong khoa giảng dạy về kế hoạch sự nghiệp của mình (theo Khảo sát về Sự gắn kết của Sinh viên, một cuộc điều tra hằng năm dành cho sinh viên năm nhất và năm cuối của Mỹ).
Những sinh viên tốt nghiệp bắt đầu một cách chậm rãi và kéo dài thời gian đầu của sự nghiệp thường là những người không nghiêm túc trong việc học tập. Họ tránh học những môn khó nhằn và tập trung vào hoàn cảnh xã hội hơn là học thuật. Năm 2011, hai nhà xã hội học Richard Arum và Josipa Roksa đã xuất bản cuốn sách Academically Adrift: Limited Learning on College Campus (tạm dịch: Sự trôi dạt về mặt học thuật: Sự học hỏi hạn chế trong trường đại
học), miêu tả rằng trên thực tế sinh viên đã học được những gì trong trường đại học. Kết quả thật đáng thất vọng, ít nhất là đối với những sinh viên và phụ huynh đã thế chấp cả cuộc đời để chi trả cho việc học đại học. Hai nhà xã hội học đã phát hiện ra rằng 45% trong số 1.600 sinh viên tại một nhóm đa dạng gồm 25 trường đại học và cao đẳng không tích lũy được gì trong kỹ năng viết, lý luận phức hợp và tư duy phản biện trong hai năm đầu đại học. Sau bốn năm, kết quả cũng chẳng khả quan hơn: 36% không cải thiện được kỹ năng nào.
Trong số những sinh viên không học hỏi được nhiều từ trường đại học, điều gì sẽ xảy ra sau khi họ tốt nghiệp? Arum và Roksa đã nghiên cứu gần 1.000 sinh viên trong số đó hai năm sau khi thực hiện cuốn sách tiếp nối, Aspiring Adults Adrift (tạm dịch: Sự trôi dạt của những người trưởng thành khao khát). Điều họ tìm ra cũng đáng thất vọng như kết quả của cuốn sách đầu tiên, nhưng không quá ngạc nhiên. Những sinh viên có kết quả học tập yếu kém tại trường đại học có nhiều khả năng thất nghiệp hơn, họ thường bế tắc và thậm chí là bị sa thải khỏi những công việc không đòi hỏi nhiều kỹ năng.
Arum nói rằng: “Sự lựa chọn quan trọng nhất mà sinh viên có thể đưa ra là liệu họ có đang trải qua quãng thời gian học đại học theo con đường xã hội, hay đang đầu tư sự tập trung vào con đường học tập.”
Có quá nhiều sinh viên (kể cả những người cuối cùng trở thành những Người chạy nước rút) coi đại học như một kỳ nghỉ kéo dài bốn năm. Những sinh viên đại học năm 1961 dành 24 tiếng mỗi tuần ngoài thời gian trên lớp để học tập. Đến năm 2003, con số đó giảm xuống còn 14 tiếng.
Giống như Jeffrey Jensen Arnet, Arum và Roksa đã tìm thấy hy vọng và lạc quan từ những sinh viên mới tốt nghiệp gần đây bất chấp hoàn cảnh cuộc sống của họ. 2/3 trong số đó đã nói rằng cuộc đời của họ sẽ tốt hơn cuộc đời của cha mẹ họ, mặc dù họ không biết được điều gì sẽ xảy ra. Đối với một vài sinh viên (hầu hết là
những Người chạy nước rút), việc miệt mài bước trên con đường đó để đến với một cuộc sống tốt đẹp hơn không phải là vấn đề.
“Vẫn có những sinh viên ngoại lệ,” Arum gật gù, “chỉ là không có nhiều.” Bên cạnh đó, ông ấy còn quan tâm về trung điểm rộng nhất: những Người lang thang. “Hệ thống này không hoạt động với số lượng lớn sinh viên và tôi rất lo lắng về khả năng thành công sau này của họ.”
Lịch trình đến tuổi trưởng thành kéo dài hơn đã không còn là điều bất thường nữa. Việc những người ở cuối độ tuổi thiếu niên và đầu độ tuổi 20 sẽ sử dụng thời gian đó như thế nào để tích lũy các kỹ năng mà nền kinh tế cần và nhà tuyển dụng mong muốn, sẽ quyết định xem họ sẽ trở thành Người chạy nước rút, Người lang thang, hay Người không đi theo hàng lối trong 10 năm sự nghiệp đầu tiên của họ.
Chương 2ĐIỀU MÀ NỀN KINH TẾ CẦN, ĐIỀU MÀ NHÀ TUYỂN DỤNG MONG MUỐN
Trung tâm nghiên cứu Almaden của IBM nằm trên đỉnh của một vùng đất thanh bình, chưa được phát triển và rộng 700 mẫu nhìn xuống Thung lũng Silicon. Công trình rộng 540.000 mét vuông này được khánh thành vào năm 1986, buổi đầu của thời kỳ phát triển máy tính cá nhân khi IBM là một gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ, rất nhiều năm trước khi xã hội mới chỉ có những hiểu biết mơ hồ về Google và Facebook, và hàng thập kỷ trước khi chúng ta bắt đầu hình dung về công nghệ của những chiếc điện thoại như iPhone và dịch vụ nghe nhạc trực tuyến.
Trung tâm này đã thuê hàng trăm nhà nghiên cứu và nhà khoa học hàng đầu, những người đã mang đến các phát kiến mà hầu hết chúng ta chưa hoàn toàn hiểu được nhưng chắc chắn sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn: sự kết nối internet đầu tiên vào năm 1988, thuật toán khai phá dữ liệu đầu tiên vào năm 1994, và ổ đĩa nhỏ nhất thế giới vào năm 1998.
Để đến được trung tâm nghiên cứu này, sau khi rời đường cao tốc, chúng ta phải đi vào một con đường hai làn nhỏ và nhiều gió, cho tới khi đến một cánh cửa nhỏ nằm trên đỉnh. Chỉ có một tấm biển nhỏ với logo đặc trưng của IBM để báo hiệu rằng bạn đã đến Almaden: một tòa nhà màu xanh lá cây hiện đại, ít tầng với một tầm nhìn ngoạn mục chiêm ngưỡng toàn cảnh thung lũng quanh đó.
Tôi đến thăm Almaden vào một ngày cuối tháng 3 để gặp Jim Spohrer, nhà khoa học máy tính đang lãnh đạo chương trình hợp tác với các trường đại học của IBM. Một phần công việc của Spohrer là đảm bảo rằng các trường đại học đang dạy cho sinh viên những kỹ năng mà IBM cần khi tuyển dụng và thu hút các sinh viên
tài năng đến làm việc tại công ty. IBM tuyển dụng hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, vì vậy những điều mà công ty tìm kiếm từ các nhân viên tiềm năng còn quan trọng hơn nhiều.
Khi đến văn phòng của Spohrer, anh ấy nói với tôi rằng khi trung tâm nghiên cứu Almaden được mở cửa, IBM đã tuyển dụng những ứng viên với năng lực gần như là chuyên gia trong một lĩnh vực. Ví dụ, họ có thể viết mã lập trình máy tính một cách thành thạo. Sau đó IBM đào tạo nhân viên của họ theo “cách IBM”. Mặc dù IBM vẫn chi 600 triệu đô-la mỗi năm cho việc đào tạo, nhưng tình hình công ty và thế giới đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với những năm 1980. Các chương trình đào tạo của IBM là không đủ.
“IBM hoạt động trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp – công nghệ nano, điện toán lượng tử, nghiên cứu hệ thống, mô phỏng các ngành công nghiệp, mô phỏng các thành phố,” Spohrer giải thích. Những chuyên gia trong một lĩnh vực không thể mang lại điều gì đột phá trong môi trường làm việc hiện đại này. Spohrer gọi họ là “những người định hình chữ I”. Ngày nay, các nhà tuyển dụng cần những con người tài năng khác: họ muốn “những người định hình chữ T”.
Ý tưởng về những người định hình chữ T xuất hiện lần đầu tiên vào đầu những năm 1990, với ý nghĩa là một người có rất nhiều tài năng và kiến thức. Nét gạch dọc của chữ T thể hiện sự am hiểu sâu rộng của một người về một lĩnh vực khái quát (ví dụ là lịch sử) cũng như một lĩnh vực công nghiệp (có thể là năng lượng hoặc chăm sóc sức khỏe). Nét gạch ngang của chữ T thể hiện khả năng làm việc được trong một môi trường có nhiều lĩnh vực phức tạp một cách dễ dàng
và tự tin. Ngày nay, nhu cầu về khả năng này lớn hơn rất nhiều so với hai thập kỷ trước vì thế giới đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều về mặt công nghệ.
“Bạn chỉ có thể đi theo định hình chữ I ở IBM – đó là hạn chế về sự nghiệp,” Spohrer nói, “những cá nhân chúng tôi muốn làm việc cùng là những người định hình chữ T.” Ví dụ với một nhiệm vụ như phát hiện sự gian lận thẻ tín dụng. Việc này đòi hỏi kỹ năng trong các lĩnh vực toán học, luật, tài chính, công nghệ, tâm lý học và khoa học
chính trị. “Chúng tôi muốn những cá nhân có sự hiểu biết tất cả mọi lĩnh vực và trở thành một phần của đội ngũ,” Spohrer nói thêm.
Tôi hỏi Spohrer rằng anh ấy có thường xuyên gặp được những sinh viên mới tốt nghiệp với định hình chữ T: vừa có hiểu biết sâu sắc trong một lĩnh vực chuyên môn, vừa có khả năng tư duy rên nhiều lĩnh vực khác nhau không. Anh ấy lắc đầu: “Sự thật là chúng ta nên mua lại một công ty khởi nghiệp, hoặc tuyển dụng những người từ một công ty khởi nghiệp vừa thất bại, hơn là tuyển dụng những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học.” Spohrer giải thích rằng những người từng trải qua quá trình khởi nghiệp sở hữu nhiều kiến thức và kỹ năng làm việc trong các nhóm nhỏ, tìm kiếm khách hàng và giải quyết vấn đề. Họ chủ động và kiên trì (điều mà một vài người gọi là “tính bạo dạn, gan góc”) để tiếp tục đi lên đối diện với nghịch cảnh. Và họ nhận thực được sự cần thiết phải nhanh chóng làm lại từ thất bại và rút ra bài học từ đó.
“Ở trường học, mọi việc chỉ xoay quanh kết quả học tập cá nhân,” Spohrer nói, “bạn nên hiểu điều đó ngay từ ban đầu, vì chúng tôi sẽ kiểm tra bạn. Nhất là khi xảy ra sự cố, bạn thường có thói quen đổ lỗi cho những thành viên khác trong nhóm. Cá nhân tôi ít hứng thú với những thành quả to lớn. Thông thường, mọi người học được nhiều điều không phải từ thành công, mà là từ những sai lầm.”
Tuy nhiên, để trở thành một cá nhân với định hình chữ T, bạn không thể chỉ dừng lại ở kiến thức sâu và rộng. Nó đòi hỏi bạn phải có sự cân bằng và lanh lợi trong việc lựa chọn từ một tổ hợp những kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Những sinh viên chưa tốt nghiệp đại học cần phải trau dồi các kỹ năng cần thiết cho định hình chữ T để chuẩn bị bước vào nền kinh tế mà họ sẽ phải đối diện sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, quá nhiều sinh viên đang phụ thuộc vào những năm tháng đại học để nhồi nhét những kinh nghiệm sẽ định hình bản thân họ trong tương lai. Họ thư giãn và chờ đợi các giáo sư giảng bài. Họ tham gia vào hoạt động ở trường nhưng đó thường là những hoạt động không quan trọng, vì vậy họ thiếu sự gắn kết với những hoạt động mang lại các kỹ năng rất cần thiết trong thị trường việc làm. Họ thất bại trong việc
nuôi dưỡng mối quan hệ với các giáo sư hoặc nhân viên trong trường, những người có thể cho họ lời khuyên, hoặc hướng dẫn cho họ. Và họ lưỡng lự khi theo đuổi những trải nghiệm (dù là nghiên cứu, du học hay thực tập) – giúp họ tìm ra đam mê và trang bị cho họ những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng ngày nay mong muốn.
Bạn thật sự không thể đổ lỗi cho họ. Tính đến thời điểm này trên chặng đường học hành của họ, trường học được quản lý để phục vụ họ, đặc biệt trong kỷ nguyên không-có-trẻ-em-nào-bị-bỏ-lại-phía sau, khi các trường cấp một và cấp hai khai thác cụ thể những chỉ dẫn chương trình học và giáo viên tập trung hướng dẫn học sinh làm những bài kiểm tra được chuẩn hóa. Sự xuất hiện của những bậc phụ huynh quan tâm đến mọi vấn đề của con mình với suy nghĩ “con của tôi không thể làm gì sai” đã làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến việc những chuẩn mực (và theo đó là kết quả) bị hạ thấp xuống.
Vấn đề là: trường đại học không cung cấp những lớp học, chuyên ngành hay hoạt động được thiết kế dành riêng cho việc xây dựng một cá nhân với định hình chữ T. Vì vậy, các sinh viên đại học phải tự định hướng cho mình – hành động độc lập, xây dựng nguồn tài nguyên cho bản thân và nhanh chóng tích lũy những trải nghiệm trong và ngoài lớp học để chuẩn bị tốt hơn cho môi trường làm việc ngày càng phát triển trong tương lai. Họ cần phải nhận ra rằng việc học tập trong trường học đã được định hướng bởi cha mẹ, thầy cô và những chuyên gia tư vấn, và họ cần phải thay đổi để trở thành những sinh viên chủ động khám phá và tìm hiểu điều gì tiếp theo sẽ dành cho mình. Sinh viên phải tự định hướng việc học tập của mình, không chỉ trong những năm học đại học mà cho cả những năm còn lại của cuộc đời nữa.
NHỮNG KỸ NĂNG CẦN THIẾT ĐỂ NHANH CHÓNG BẮT TAY VÀO CÔNG VIỆCSAU KHI TỐT NGHIỆP
Để tìm hiểu những kinh nghiệm và kỹ năng mà các nhà tuyển dụng mong muốn, tôi đã đến Burning Glass Technologies, một công ty có trụ sở ở Boston, hoạt động trong lĩnh vực phân tích dữ liệu theo thời
gian thực. Burning Glass Technologies được thành lập năm 1999, thời kỳ mở đầu của kỷ nguyên Big Data (Dữ liệu lớn), khi những chiếc máy tính siêu nhanh bắt đầu cho phép các nhà khoa học nhanh chóng tổng hợp một lượng khổng lồ các thông tin kỹ thuật số để khám phá một cách chi tiết về con người và thói quen của họ. Burning Glass tập trung vào những từ khóa ẩn trong các quảng cáo tuyển dụng. Nó bắt đầu bằng việc khai thác nội dung của 10 triệu quảng cáo tuyển dụng trực tuyến để tìm ra những kỹ năng cụ thể mà các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
Giám đốc điều hành của công ty là Matthew Sigelman, một người tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard, có dáng người mảnh khảnh, vẻ ngoài trẻ trung dù đã hơn 40 tuổi, tự miêu tả bản thân là “người đam mê dữ liệu”. Những quảng cáo tuyển dụng rõ ràng không miêu tả tất cả các kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn. Thay vào đó, họ là một thiết bị quét để tìm ra những kỹ năng một công ty cần mà có thể chưa tìm thấy đủ ở nhiều ứng viên. Ví dụ, quảng cáo tuyển dụng cho vị trí luật sư không nói rằng ứng viên cần phải có bằng luật và bằng luật sư. Bất kỳ ai ứng tuyển vào công việc luật sư bắt buộc phải có những khả năng đó. Tuy nhiên, một người đọc cẩn thận sẽ phát hiện ra rằng các quảng cáo tuyển dụng cung cấp cái nhìn sâu sắc nhất vào mong muốn của người tuyển dụng và những kỹ năng đang được yêu cầu nhiều nhất tại nơi làm việc ngày nay. Một sinh viên có hứng thú với một công việc trong một lĩnh vực cụ thể hoặc ở một công ty nhất định nên bắt đầu đọc những danh sách công việc đó để tìm được điều mà họ đang tìm kiếm.
Burning Glass đã phân tích những yêu cầu được liệt kê trong 20 triệu quảng cáo tuyển dụng của tất cả các ngành trong năm 2014, sau đó biên soạn danh sách “những kỹ năng cơ sở” được yêu cầu nhiều nhất. Sigelman miêu tả đó mới chỉ là những kỹ năng cần và đủ để các ứng viên bước được vào công ty tuyển dụng. Phân tích này phát hiện ra rằng số lượng những kỹ năng cơ sở thực ra tương đối hạn chế: 25 kỹ năng xuất hiện trong ¾ số quảng cáo tuyển dụng, bất kể đó là ngành nào.
Gần như mọi quảng cáo tuyển dụng đều bao gồm các kỹ năng hàng đầu về giao tiếp, viết lách và tổ chức. Ví dụ, viết lách là một kỹ năng quan trọng kể cả với ngành công nghệ thông tin hay chăm sóc sức khỏe. Những kỹ năng khác thường được yêu cầu trong các ngành khác nhau là sự tổng hợp của các kỹ năng mềm (dịch vụ khách hàng, giải quyết vấn đề, lập kế hoạch và sự định hướng cụ thể) cũng như các kỹ năng cứng cụ thể khác (Microsoft Excel và Word). Điểm cốt yếu là: kể cả bạn đã tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh, hãy tham gia lớp học trực tuyến nào đó hoặc hỏi một người bạn để tìm hiểu và học cách thao tác bảng tính.
Sigelman lưu ý rằng các kỹ năng mềm – thuật ngữ dùng để nói đến cách con người gây dựng mối quan hệ tốt với nhau, giao tiếp và làm việc theo nhóm – thường ít xuất hiện hơn rất nhiều so với các kỹ năng kỹ thuật. “Điều này phản ánh thực tế rằng sinh viên đang bước vào thị trường lao động mà không trang bị sẵn sàng những kỹ năng này,” Sigelman đánh giá.
Việc những nhà tuyển dụng phải liệt kê tất cả các kỹ năng mềm đó chỉ ra một nỗi lo lắng ẩn chứa của những nhà tuyển dụng: tấm bằng cử nhân có lẽ là dấu hiệu mạnh mẽ nhất thể hiện sự sẵn sàng bước vào thị trường nghề nghiệp của một ai đó, nhưng nó đang trở nên ngày càng ít đáng tin cậy hơn trước, một phần là vì nó không chỉ ra được liệu các sinh viên có biết về những kỹ năng mềm hay không. Tấm bằng hầu như chỉ thể hiện họ có khả năng hoàn thành một nhiệm vụ.
Phân tích của Burning Glass khá thuyết phục, nhưng nó chỉ thể hiện được một mặt của phương trình tuyển dụng. Nó không nói cho chúng ta biết điều gì về những người cuối cùng sẽ được tuyển dụng cho bất kỳ công việc nào mà nó phân tích. Sở hữu những kỹ năng được liệt kê trong quảng cáo tuyển dụng có vai trò quan trọng ở phương diện: nó giúp hồ sơ cá nhân của bạn vượt qua chương trình phần mềm quét tự động mà ngày càng nhiều công ty sử dụng để quét các đơn ứng tuyển kỹ thuật số. Nếu đâu đó trên hồ sơ cá nhân, thư xin việc hay câu trả lời cho một câu hỏi của bạn không
chứa những từ ngữ mà chiếc máy tính đang tìm kiếm, nó có thể sẽ loại bỏ đơn đăng ký của bạn.
Nhưng robot không thể tuyển dụng con người. Cuối cùng thì những ứng viên lọt vào vòng cuối sẽ được phỏng vấn bởi con người thực, một quy trình chứa đầy những quyết định can đảm và các thành kiến ẩn giấu. Những công ty có thể nói trên quảng cáo tuyển dụng rằng họ muốn tìm kiếm ứng viên với những kỹ năng nhất định, nhưng rồi lại tuyển một người chẳng có những kỹ năng đó. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể lý giải được kết quả, nhưng việc theo dõi quảng cáo tuyển dụng như một công thức để bước qua được cánh cửa công ty cũng chẳng khác gì việc sử dụng đề cương khóa học như hướng dẫn để đạt được điểm A.
Trên thực tế vẫn tồn tại một sự bất nhất rất lớn giữa những điều nhà tuyển dụng nói trên các phương tiện truyền thông và cách họ thực sự tuyển dụng. Có một vấn đề đó là những con người khác nhau trong quy trình tuyển dụng của một công ty có những mục tiêu khác nhau về điều họ tìm kiếm từ các sinh viên mới tốt nghiệp. Thông thường, giám đốc điều hành và trưởng bộ phận nhân sự tìm kiếm những phẩm chất nền tảng có thể giúp các nhân viên mới được tuyển dụng phát triển sự nghiệp của họ. Trong khi đó, quản lý trực tiếp của một vị trí thường mong muốn tuyển dụng người nào có những kỹ năng để hoàn thành công việc hiện tại.
Trong một hội thảo cách đây vài năm, tôi đã nghe A. G. Lafley, CEO mới nghỉ hưu của Procter & Gamble, miêu tả về giá trị của tấm bằng đại học đại cương (bản thân ông ấy từng tốt nghiệp trường đào tạo giáo dục đại cương Hamilton College, và cũng từng muốn trở thành
giáo sư trong lĩnh vực lịch sử thời kỳ Trung cổ và Phục hưng). Và rồi trong quá trình viết cuốn sách này, tôi đã gặp một nhà tuyển dụng cho Procter & Gamble, anh ấy đã nhắc tôi rằng mặc dù Lafley có sự đồng cảm với các trường đào tạo giáo dục đại cương, nhưng với tư cách là lãnh đạo cấp cao, ông ấy lại không tuyển một sinh viên mới tốt nghiệp nào. Nhà tuyển dụng đó nói với tôi rằng mặc dù Procter & Gamble là một trong số ít công ty hiện còn đầu tư vào chương trình đào tạo cho nhân viên, nhưng “họ vẫn kỳ vọng rằng
các nhân viên mới có thể nhanh chóng bắt tay vào công việc, và những trường đào tạo giáo dục đại cương dường như chỉ chuẩn bị cho sinh viên học lên tiếp sau đại học.” Nhà tuyển dụng mà tôi gặp thường ưu tiên các sinh viên tốt nghiệp trường kỹ thuật và kinh doanh từ những đại học công lập lớn, anh ta nêu ra hai cái tên hàng đầu trong danh sách là Đại học Purdue và Đại học Indiana.
Những nhà tuyển dụng doanh nghiệp là đối tượng điều khiển việc tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp ngày nay. Khi nghe họ giới thiệu về công ty mình trong những buổi thuyết trình tại trường đại học và chứng kiến cuộc phỏng vấn với những sinh viên trong tâm trạng lo lắng, tôi luôn có cùng một câu hỏi: Các sinh viên cần nhận được những chương trình giáo dục như thế nào để nhận được một công việc sau khi tốt nghiệp? Tôi nhận ra rằng không có một câu trả lời rõ ràng nào cho câu hỏi này. Những bài báo viết về các công việc của tương lai có thể chỉ được viết ra với mục đích thu hút sự chú ý của độc giả, nhưng không ai có thể dự đoán được một cách chính xác liệu công việc trong mọi lĩnh vực sẽ ra sao trong 5, 10 hay 20 năm nữa.
Khi tôi phỏng vấn các nhà tuyển dụng cho những công ty lớn và nhỏ, từ những nhà doanh nghiệp đáng chú ý như Facebook hay eBay, cho đến những ông lớn tham gia vào các hội chợ nghề nghiệp ở trường đại học, như công ty đầu tư Vanguard hay Enterprise Rent-A-Car, sẽ có một vài chủ đề xuất hiện với nội dung không chỉ là một danh sách các kỹ năng cụ thể hoặc một tấm bằng từ một trường đại học nổi tiếng. Những nhà tuyển dụng đang ngày càng bỏ qua bằng cấp và bản ghi chép các kỹ năng mà họ tin tưởng là tín hiệu thành công của những nhân viên mới. Nếu là một sinh viên mới tốt nghiệp đang hy vọng có bước khởi đầu thuận lợi, bạn sẽ phải thể hiện rằng mình đã tích lũy được những kỹ năng thường có phần trùng nhau này: sự tò mò, sự sáng tạo, sự bền bỉ, sự nhận thức kỹ thuật số, tư duy bối cảnh và sự khiêm tốn.
1. Tò mò, đặt ra những câu hỏi, và hãy học hỏi trong cả cuộc đời
Giống như hầu hết những đứa trẻ khác, hai cô con gái sáu tuổi và bốn tuổi của tôi không ngừng đưa ra những câu hỏi. Tại sao không có đèn tín hiệu yêu cầu dừng lại trên đường cao tốc? Thủ đô của phía bên kia thế giới là gì (chúng tôi đang sống ở Washington D.C.)? Tại sao mùa hè luôn có bão? Trung bình, một đứa trẻ ở tuổi mẫu giáo hỏi cha mẹ chúng khoảng 100 câu mỗi ngày. Tại sao thế này, tại sao thế kia, v.v.. Ngay cả trong giấc ngủ tôi cũng nghe thấy những câu hỏi của chúng. Nhưng rồi chúng dần đặt ra ít câu hỏi hơn, và cho đến lúc lên cấp hai, chúng gần như không hỏi gì nữa. Đó là một điều đáng tiếc.
Đã từ rất lâu, những nhà giáo dục và tâm lý học trẻ em thắc mắc về lý do tại sao trẻ em lại mất đi sở thích đặt ra câu hỏi, và họ thường đi đến cùng một kết luận: trường học. Ở trường học, học sinh được
tuyên dương cho việc đưa ra câu trả lời đúng, chứ không phải khi đặt ra câu hỏi. Cho đến khi cấp hai, sự ảnh hưởng của bạn bè lại chiếm ưu thế. Nhiều đứa trẻ cảm thấy xấu hổ với bạn bè khi đưa ra những câu hỏi ngốc nghếch hoặc câu trả lời sai. Những đứa trẻ nhỏ hơn thì chưa có những nỗi lo lắng đó, và chúng có rất nhiều thời gian ở những năm tiểu học để rèn luyện trí tò mò của mình (ít nhất là cho đến khi sự ám ảnh về các kỳ thi xuất hiện).
Năm con gái lớn của tôi bắt đầu lớp mầm non, trường của con bé mới hoàn thiện một dự án xây dựng lớn. Có rất nhiều hộp đóng đồ còn sót lại sau khi chuyển sang khuôn viên mới. Thay vì vứt những cái hộp đó vào thùng rác, họ lại để chúng trong một căn phòng, và lớp của con gái tôi được thả vào chơi trong đó. Lũ trẻ đã dựng lên pháo đài. Chúng tạo nên một thị trấn. Chúng xây dựng một ngôi trường. Đó là điều thích thú nhất đối với con bé trong tuần, thậm chí là trong tháng. Con bé không thể ngừng nói về những thứ có thể được lắp ghép từ những thùng đóng đồ đó.
Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu một lớp học với những sinh viên năm cuối đại học được đặt vào trong căn phòng với những chiếc hộp đó. Họ sẽ đưa ra những câu hỏi, tất nhiên rồi, nhưng sẽ là những câu hỏi về quy trình hơn là những điều có thể tạo nên được: Bài tập ở đây là gì? Chúng em có phải làm theo nhóm không?
Chúng em sẽ chọn nhóm như thế nào? Khi nào chúng em phải hoàn thành? Chúng em sẽ được chấm điểm như thế nào?
Cho đến khi tốt nghiệp đại học, rất nhiều điều sinh viên học cần được hướng dẫn bởi giáo trình của giáo viên hoặc những yêu cầu tốt nghiệp. Nhưng sau khi tốt nghiệp và cho đến hết cuộc đời, họ phải tự định hướng việc học tập của mình. Chúng ta quyết định những kỹ năng gì mình còn thiếu, tích lũy thông tin ở đâu, và làm thế nào để ứng dụng kiến thức học hành vào cuộc sống hằng ngày. Thật không may, cho đến khi tốt nghiệp đại học, bộ não của họ đã được nối cứng với nhịp điệu của cuộc sống hằng ngày với chín tháng theo lịch học tập ở trường. Họ có xu hướng nghĩ về công việc như những lớp học kéo dài 45 phút và năm môn trong mỗi kỳ học 15 tuần, xen giữa là những kỳ nghỉ. Theo kết quả một cuộc khảo sát, những sinh viên đại học chỉ sử dụng 1/4 thời gian trong tuần cho mục đích học tập – đến lớp học, tự học, hoặc làm một công việc – và dành khoảng một nửa thời gian trong tuần cho việc kết giao và giải trí.
Không có gì ngạc nhiên khi trong 10 năm vừa qua, các trường đại học ở Mỹ đã chi hàng trăm triệu đô-la để xây dựng những trung tâm giải trí hoành tráng trong khuôn viên trường với các bức tường mô phỏng hoạt động leo núi, bởi lẽ sinh viên đến những nơi này thường xuyên như đến lớp học. Thứ Sáu trở thành “ngày nghỉ của sinh viên”, rất nhiều trường sắp xếp ít lớp học vào thứ Sáu hơn những ngày khác, một cách hiệu quả để đào tạo sinh viên về khái niệm tuần làm việc bốn ngày.
Tuy nhiên thế giới công sở không được cấu trúc, với những sự ưu tiên và quyết định cạnh tranh cần được đưa ra ngay lập tức. “Mọi người biết cách tham gia một khóa học như thế nào, nhưng họ phải biết cách học như thế nào,” John Leutner, trưởng bộ phận đào tạo toàn cầu của Xerox nói với tôi. Ở Xerox, những nhân viên trẻ thường yêu cầu những khóa học phát triển chuyên môn về quản lý thời gian vì khi còn học đại học, họ có người giúp đỡ để đặt ra những sự ưu tiên. Đại học là môi trường dựa vào các nhiệm vụ: tham gia kỳ thi, hoàn thành bài tập, tham dự buổi gặp mặt câu lạc
bộ, đi thực hành. Trong khi đó, chốn công sở là nơi tập hợp những hoạt động không có lịch trình.
Những sinh viên mới tốt nghiệp mà thành công trong sự nghiệp là những người rất linh hoạt trong cách học tập. “Họ có ý tưởng và hành động dựa trên đó,” Tim Brown, giám đốc điều hành của IDEO nói, “có khả năng hoàn thành mọi việc là năng lực khá quan trọng.”
Có thể bạn chưa từng nghe đến IDEO. Đó không phải là một thương hiệu gia đình, nhưng nó có thứ hạng ngang với Apple, Google và Facebook với tư cách là một trong những nhà tuyển dụng đáng chú ý nhất ở Thung lũng Silicon. Mỗi năm, có khoảng 20.000 người ứng tuyển vào 150 vị trí tại công ty. Với những cơ hội mỏng manh như vậy, tôi hỏi Brown xem anh ấy tìm kiếm điều gì khi tuyển những nhân viên mới. “Những cá nhân với định hình Pie,” anh ấy nói. Hãy nghĩ về khái niệm đó như một sự biến đổi của định hình chữ T, với phương diện được thêm vào là “sự sáng tạo”.
IDEO là một công ty tư vấn được phát triển bởi sự sáng tạo. Trong khi gốc rễ của công ty là mảng thiết kế công nghiệp (họ đã chịu trách nhiệm sản xuất con chuột máy tính Apple đầu tiên), nhưng ngày nay họ cũng đã trở nên nổi tiếng về việc thiết kế những trải nghiệm khách hàng. Những công ty từ Holiday Inn đến Kaiser Permanente đã tìm đến IDEO với hy vọng tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ đột phá. Ví dụ, họ tạo ra khái niệm đằng sau chương trình Keep the Change (Giữ lại tiền thừa) của ngân hàng Mỹ, chương trình khuyến khích khách hàng tiết kiệm bằng cách làm tròn số tiền chi tiêu thẻ ghi nợ lên giá trị đô-la gần nhất và chuyển đổi khoản chênh lệch sang tài khoản tiết kiệm.
Điều làm cho IDEO trở nên khác biệt so với những công ty tư vấn khác là dải trải nghiệm mà họ mang đến cho mỗi nhiệm vụ. Đội ngũ của họ bao gồm nhà nhân loại học, thiết kế đồ họa, kỹ sư và tâm lý học. Tôi đã hỏi Brown rằng liệu ngành học của ứng viên có ảnh hưởng gì khi tuyển dụng không. “Không, trừ khi đó là một sự kết hợp bất bình thường,” anh ấy nói, “ví dụ như lịch sử và kiến trúc.” Quan trọng nhất là anh ấy tìm kiếm một tư tưởng sáng tạo, đam mê
và thấu cảm thực sự. Brow nói: “Tôi muốn sự đa dạng về kinh nghiệm đã rèn luyện trí não của họ trong trường đại học.”
Từ Thung lũng Silicon xuôi về bờ biển California là một mảng quan trọng khác của nền kinh tế phát triển dựa trên sự sáng tạo, nhưng ngày nay hiếm khi tìm thấy thứ hạng của nó trong quan điểm của những sinh viên tốt nghiệp đại học: ngành công nghiệp giải trí. Một vài năm trước đây, tôi được mời đến một buổi gặp mặt với những đại diện cấp cao của mảng giải trí từ Netflix, Disney, ABC, Warner Bros và một số khác ở Soho House – câu lạc bộ tư nhân hạng sang ở Tây Hollywood.
Buổi gặp mặt được thực hiện bởi Tổ chức Công nghiệp Giải trí, bộ phận từ thiện của ngành công nghiệp phim ảnh và truyền hình từng sản xuất chiến dịch nổi tiếng “Hãy đứng dậy vì bệnh ung thư”. Tổ chức này muốn xây dựng một chiến dịch tương tự cho ngành giáo dục. Những thành viên trong tổ chức lo lắng về tình trạng của hệ thống giáo dục Mỹ: có quá nhiều học sinh đang theo đuổi những khóa học nghiêm ngặt ở trung học và có quá nhiều sinh viên bỏ học đại học. Quan trọng hơn cả, các trường học đã biến học sinh thành những người được đào tạo để làm bài kiểm tra, nhưng không có khả năng tìm ra câu trả lời cho những vấn đề chưa được hình dung đến. “Nền công nghiệp này đang thay đổi nhanh đến nỗi chúng ta không thể phụ thuộc vào những điều sinh viên đã biết,” một lãnh đạo cấp cao nói với các thành viên. “Chúng ta cần những con người sáng tạo, hiếu kỳ, những bộ não tự động đặt ra câu hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Điều chúng ta cần là những cá nhân ham học hỏi.”
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp giải trí đã trở thành một trong những ngành kiên cường nhất trong thời kỳ kinh tế không mấy sáng sủa. Năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã bóp nghẹt hầu hết các hoạt động kinh tế, thì nền sản xuất phim, sách và trò chơi điện tử năm đó vẫn tăng khoảng bốn lần.
Theo như Bob Iger, CEO của Walt Disney nói: “Nhưng kể cả khi Hollywood phải phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ để sản xuất và truyền tải phim ảnh, sự hiếu kỳ cuối cùng đã thúc đẩy sự phát triển trong việc xây dựng những sản phẩm sáng tạo.” Iger nói với nhà
sản xuất phim Brian Grazer trong một cuộc đối thoại tự do tại Hội thảo Toàn cầu Milken ở Los Angeles: “Nếu bạn không tìm kiếm để học hỏi, bạn sẽ không thử nghiệm những điều mới mẻ. Tôi không nghĩ ngày nay bạn có thể hoạt động kinh doanh trong một thị trường vô cùng năng động mà không có sự hiếu kỳ.” Khi phỏng vấn các ứng viên, Iger hỏi họ về những cuốn sách họ đã đọc, những bộ phim họ đã xem, hoặc nơi họ đã đi du lịch gần đây. “Tôi cố gắng quấy rầy họ để xác định mức độ tò mò của họ,” anh ấy nói
Tuy nhiên xin đừng hiểu nhầm. Ngành công nghiệp sáng tạo ở California không phải là nơi duy nhất tìm kiếm những bộ óc tò mò. Adam Bryant phụ trách chuyên mục Góc Công sở của Thời báo New York, trong đó anh ấy viết về những cuộc phỏng vấn với các lãnh đạo cấp cao về sự lãnh đạo và sự quản lý. Chủ đề về sự nhanh nhạy trong học tập xuất hiện trong câu trả lời của khá nhiều lãnh đạo đến từ nghiều ngành nghề khác nhau. Trong một lần phỏng vấn Marla Malcolm Beck, CEO của Bluemercury, một đơn vị bán lẻ chuyên về dịch vụ spa và sản phẩm làm đẹp, cô ấy đã nói với Bryant rằng cô ấy hạn chế thời gian phỏng vấn của mình từ 7-10 phút và tìm kiếm ba điều: kỹ năng, ý chí và sự phù hợp. “Ý chí ở đây nói đến sự ham thích,” cô ấy nói, “vì vậy tôi sẽ hỏi: ‘Bạn muốn làm gì trong 5-10 năm nữa?’ Điều đó nói cho tôi biết khá nhiều điều về nguyện vọng và sự sáng tạo của họ. Nếu bạn ham muốn đạt được một vị trí nào đó, điều đó có nghĩa là bạn muốn học hỏi. Và nếu ham học hỏi, bạn có thể làm bất kỳ việc gì.”
2. Trau dồi chuyên môn, chấp nhận rủi ro, và học về ý nghĩa của sự gan dạ bền bỉ
Nếu thường xem các chương trình thể thao sinh viên trên truyền hình, có thể bạn đã nhìn thấy quảng cáo của Enterprise Rent-A-Car với hình ảnh những sinh viên xuất hiện phía sau quầy thu ngân của một vị trí Enterprise gần đó. Enterprise – nơi hằng năm tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp cho vị trí quản lý cấp thấp nhiều hơn so với các công ty khác ở nước Mỹ – thích tuyển dụng những vận động viên sinh viên vì họ tin tưởng rằng các vận động viên biết cách làm việc theo nhóm và có thể đảm nhiệm nhiều công việc một lúc.
“Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều kỹ năng có thể được chuyển đổi ở các vận động viên,” Marie Artim, phó chủ tịch bộ phận thu hút nhân tài ở Enterprise, nói với tôi như vậy.
Enterprise không phải là công ty duy nhất có định hướng đó. Khi các nhà tuyển dụng tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy một người nào đó đã sẵn sàng cho một công việc, hơn cả việc đạt được tấm bằng đại học như một yêu cầu cơ bản, thì việc tham gia vào những hoạt động thể thao trong thời đại học được nhiều công ty xem là một dấu hiệu rõ ràng của sự cam kết và nỗ lực – hai điều mà thế hệ sinh viên mới tốt nghiệp ngày nay đều thiếu. Lý thuyết dài 10.000 giờ được miêu tả bởi Malcolm Gladwell trong cuốn sách của ông mang tên Outliers(Những kẻ xuất chúng3) – rằng chúng ta mất khoảng 10.000 giờ luyện tập để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực. Những vận động viên luyện tập mọi lúc không kể ngày đêm, kể cả khi họ cảm thấy không muốn luyện tập, và bắt buộc phải có sự nỗ lực để chiến thắng. Đó đều là những đức tính quan trọng để làm việc. Tuy nhiên, các vận động viên còn có những trải nghiệm khác mà các nhà tuyển dụng coi là cần thiết cho sự thành công ở chốn công sở: đã có lúc họ phải nhận những lời quở trách từ huấn luyện viên vì sự thể hiện kém cỏi và họ đã vượt qua sự thất bại.
3 Cuốn sách đã được AlphaBooks mua bản quyền và xuất bản năm 2017.
“Họ có ý chí chiến thắng. Đó là điều tất cả mọi người cần để chiến thắng” là ý kiến của Sarah Brubacher, trưởng ban chương trình hợp tác đại học của eBay, nơi đã tổ chức một kỳ thực tập đặc biệt cho những cựu vận động viên Olympic.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là những nhà tuyển dụng chỉ hứng thú với việc tuyển những người có đam mê. Những phẩm chất được đánh giá cao của vận động viên rõ ràng có thể ứng dụng với các hoạt động sinh viên khác. Những nhà tuyển dụng nói với tôi rằng họ cũng coi trọng các nhạc sỹ, người thiết kế trò chơi và nhà văn tương tự như vậy. Sự chi tiết của hoạt động không có ảnh
hưởng nhiều như thời gian đầu tư vào việc theo đuổi và sự tinh thông nhiệm vụ đó.
“Chúng tôi thấy rằng họ có niềm đam mê, và thể hiện sự thành thạo và chuyên sâu vào một lĩnh vực,” Adam Ward nói, anh là trưởng bộ phận tuyển dụng tại Pinterest, công ty cung cấp dịch vụ lưu niệm trực tuyến nổi tiếng. Lời khuyên tôi nhận được từ Ward và những nhà tuyển dụng khác là phải đi sâu vào chứ không nên chỉ lướt qua một cách chung chung những điều mà nhà tư vấn định hướng thuyết giáo khi họ khuyến khích sinh viên học những điều rộng và bao quát.
Vấn đề là những sinh viên học theo kiểu “rộng và bao quát” đó thường không tập trung vào một dung nào đó trong thời gian dài. Có vẻ họ tham gia các hoạt động chỉ để thể hiện mình đã tham gia thay vì thể hiện một sự gắn kết, đam mê và cống hiến bền bỉ, điều mà những nhà tuyển dụng tìm kiếm. Hồ sơ cá nhân của họ được phủ đầy bởi những điều mà những người tuyển dụng gọi là “các câu lạc bộ đăng ký thành viên”. Những sinh viên học theo kiểu bao quát thường giữ vai trò kiểm soát chung công việc. Trong khi những người “biết nhiều điều nhưng không giỏi bất kỳ điều gì” có giá trị trong thời đại trước, thì ngày nay họ đang thiếu đi các kỹ năng cần thiết để hoàn thiện nét sổ dọc trong định hình chữ T.
Sinh viên càng dành nhiều thời gian để thành thạo một kỹ năng hay một công việc nào đó, họ sẽ càng dễ gặp phải thất bại. Các nhà tuyển dụng nhiều lần nói với tôi rằng những sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không có đủ kinh nghiệm rút ra từ những sự thất bại hoặc thử thách cam go, đặc biệt là trong công việc. Nhiều người trong số họ chưa từng đi làm trong thời trung học, làm việc ở quầy gọi món của McDonald’s hay gấp quần áo ở cửa hàng thời trang giống như những thế hệ trước, và họ không có kỹ năng ưu tiên công việc và xoay sở với những khách hàng khó tính, trong khi công việc thì rất hối hả.
“Đội ngũ nhân viên tốt nhất của chúng tôi là những người biết giải quyết vấn đề và có khả năng kết nối tất cả mọi điều họ biết lại với nhau – dịch vụ khách hàng, sự thấu cảm, kỹ năng thuyết phục, kỹ
năng lãnh đạo, sự linh hoạt và đạo đức làm việc,” Marie Artim ở Enterprise nói với tôi. “Họ có thể suy nghĩ một cách chủ động.”
Enterprise có 200 người phụ trách tuyển dụng tại trường đại học, những người tích cực tuyển nhân viên mới từ 800 trường đại học mỗi năm. Họ phải nỗ lực hơn rất nhiều so với các công ty khác có cùng quy mô trong việc thu hút ứng viên tiềm năng từ các trường
đại học. Xét cho cùng, ít người đi học đại học với mơ ước rằng mình sẽ làm việc tại một công ty cho thuê xe.
Bất chấp điều đó, Enterprise vẫn nhận thấy những sinh viên mới tốt nghiệp ngày nay còn thiếu sót các kỹ năng cơ bản, ví dụ như giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định và khả năng đưa ra ưu tiên công việc. Tình trạng này xảy ra rất nhiều: những nhân viên mới tốt nghiệp đại học chờ đợi người khác nói cho mình việc cần làm với nỗi sợ hãi rằng mình sẽ đưa ra quyết định sai lầm. “Đây là thế hệ đã được ‘lên giáo trình’ cho cả cuộc đời,” Artim nói. “Những quyết định được đưa ra cho họ, vì vậy chúng ta khó mà tìm được ai đó có thể hành động dứt khoát và đưa ra quyết định.”
Những sinh viên mới tốt nghiệp không thể tạo ra sự thay đổi quyết liệt vào ngày đầu tiên sau khi tốt nghiệp và bắt đầu chấp nhận rủi ro hoặc học cách đứng lên từ thất bại. Đây là những hành động chúng ta học dần theo thời gian, và với tư cách là cha của hai đứa trẻ, tôi cho rằng nền văn hóa và giáo dục của chúng ta đã khiến cho bọn trẻ sợ hãi về sự thất bại ngay từ khi chúng mới tập đi. Giống như nhiều bậc phụ huynh khác, vợ tôi và tôi luôn tự hỏi rằng liệu chúng ta đã tạo dựng đủ sự linh hoạt cho con cái hay chưa. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đứng cùng những phụ huynh khác trên một sân chơi địa phương, trông coi những đứa con của mình và sẵn sàng chộp lấy nếu một trong số chúng tụt xuống cuối chiếc cầu trượt.
“Những đứa trẻ được sinh ra với bản năng chấp nhận rủi ro khi chơi các trò chơi vì trong lịch sử, học cách đàm phán rủi ro là một điều quan trọng để sống sót,” Hanna Rosin viết trong bài viết tháng 4 năm 2014 trên tờ Atlantic. Nhưng nếu chúng không bao giờ trải qua quy trình đó, sự sợ hãi sẽ trở thành nỗi ám ảnh. Câu chuyện với tiêu đề “Những đứa trẻ được bảo vệ quá mức” đã làm nổi bật sự phát
triển của sân chơi địa phương như một ví dụ trong cuộc sống hằng ngày của trẻ em ngày nay, nơi chúng luôn được theo dõi, và kết quả là chúng không bao giờ tìm thấy cơ hội để chấp nhận rủi ro và rút ra bài học từ thất bại.
Điều không may là mong muốn bảo vệ con cái của chúng ta và việc lấp đầy những khoảnh khắc trong lịch trình của chúng bằng những hoạt động đã được sắp xếp dường như chỉ trở nên tồi tệ hơn khi chúng trưởng thành. Và điều đó vẫn không dừng lại ở môi trường đại học. Chúng chọn bạn cùng phòng trước khi chuyển đến ký túc xá. Chúng sống trong những phòng ngủ tập thể dạng căn hộ, đảm bảo rằng chúng không phải chia sẻ phòng hoặc phòng tắm với ai khác. Những giáo sư được khuyến khích đưa ra “lời cảnh cáo dứt khoát” hoặc thông báo trước đến sinh viên rằng những vật liệu hướng dẫn có lẽ sẽ khơi gợi lên phản ứng cảm xúc của chúng. Và một số trường đại học đã xây dựng hệ thống quản lý điện tử với mục đích khuyến khích sinh viên chọn chuyên ngành hoặc khóa học mà họ cảm thấy mình sẽ có thể thành công (chúng ta sẽ đọc thêm về những hệ thống này trong Chương 7).
Trường đại học đã trở thành một khu vực rộng lớn, không có sự nguy hiểm. “Rất nhiều sinh viên từng đến hỏi tôi về phương hướng giải quyết cho một vấn đề,” trưởng khoa tại một trường đại học kể cho tôi. “Còn bây giờ, chúng chỉ muốn nhận được câu trả lời.”
Lớp học ở trường đại học càng củng cố thông điệp rằng sự thất bại là không thể chấp nhận được. Ví dụ, sinh viên chưa bao giờ tiếp xúc với quy trình phản hồi được coi là tiêu chuẩn trong hầu hết các công việc ngày nay. Hãy suy nghĩ về điều này: nhân viên không triển khai một dự án một cách độc lập và chỉ nộp cho sếp một lần duy nhất khi kết thúc dự án để nhận được phản hồi. Có những thay đổi trước sau và nhiều thất bại trong cả một quá trình. Thậm chí những nhà văn xuất sắc cũng phải bỏ đi một vài bản nháp. Tuy nhiên trong lớp học ở trường đại học, mục tiêu duy nhất của sinh viên là sản phẩm cuối cùng, có thể là một kỳ thi hoặc một bài tập cuối kỳ, tất cả đều được hoàn thành với một sự nỗ lực để đạt được điểm A. Và đó cũng chính xác là điều mà nhiều sinh viên nhận được. Điểm A là
điểm số được đưa ra nhiều nhất tại các trường đại học trên toàn quốc, chiếm 43% tổng số các điểm số. (Vào năm 1988, điểm A chỉ chiếm chưa đến 1/3.) Không có gì ngạc nhiên khi sinh viên ngày nay trở nên tê liệt với viễn cảnh của thất bại – bởi lẽ hầu hết họ chưa bao giờ trải qua điều đó.
Khi các nhà tuyển dụng phỏng vấn sinh viên đại học, họ cố gắng tìm kiếm những ứng viên đã vượt qua nhiều thử thách và rút ra bài học từ thất bại. Một số nhà tuyển dụng còn cộng thêm điểm cho những ứng viên mà câu chuyện cá nhân của họ thể hiện được rằng họ có tham vọng hoặc ý chí quyết tâm mạnh mẽ.
Hãy gọi đó là “sự bền bỉ” (grit) – thuật ngữ được Angela Duckworth, một giáo sư tâm lý học ở trường Đại học Pennsylvania sử dụng. Nghiên cứu của bà đã phát hiện ra rằng những người thành công nhất là những người không chỉ có ý thức kỷ luật tự giác, mà còn có quyết tâm cao độ trong việc hoàn thành nhiệm vụ, bất kể những khó khăn. Đó chính là sự “đam mê sâu sắc” mà Adam Ward ở Pinterest nói với tôi khi kể về điều mà anh tìm kiếm ở các nhân viên.
Để đo lường sự bền bỉ, Duckworth đã phát triển một bài kiểm tra với 12 câu hỏi đơn giản chỉ mất năm phút để hoàn thành. Nó rất chính xác và ngày càng được sử dụng nhiều bởi các doanh nghiệp và quân đội trong việc đánh giá ứng viên (tra trên Google với từ khóa “grit scale” để tìm hiểu thêm). Khi Duckworth đưa bài kiểm tra này cho 1.200 học viên mới gia nhập trường sĩ quan ở West Point trong khóa đào tạo mùa hè khắc nghiệt, lãnh đạo trường nhận thấy rằng bài kiểm tra này có giá trị dự báo xem học viên nào nhiều khả năng sẽ thành công trong tương lai.
Bây giờ, thử thách dành cho sinh viên (đặc biệt là những đứa trẻ được bảo vệ quá mức từ những gia đình tham vọng và giàu có) là tìm ra những trải nghiệm giúp chúng tiếp xúc với những hoàn cảnh không mấy thuận lợi, những nơi giúp chúng rút ra bài học từ thất bại. Bạn sẽ không còn cho rằng điều đó sẽ đến bằng cách rời bỏ trường đại học. Thật không may, những bài học có giá trị nhất về việc chấp nhận rủi ro và rút ra bài học từ thất bại thường đến trong
những ngày cuối cùng của thời đại học, thông qua những bài phát biểu tốt nghiệp, khi mà đã quá muộn.
3. Mỗi công việc đều là một công việc kỹ thuật
Ở lớp học nằm trong một góc của Đại học Pennsyvalnia, Kevin Winters, phó chủ tịch của Ceasars Entertainment, đang nói chuyện về môi trường làm việc của một tập đoàn kinh doanh các hoạt động đánh bạc và giải trí.
Đó là một đêm mùa thu trời mưa tầm tã, và công ty đang chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn vào hôm sau với các sinh viên Đại học Pennsyvalnia, để tuyển dụng nhân viên mới cho bộ phận phân tích gồm 160 người ở Las Vegas, những người nghiên cứu hành vi khách hàng cho ban marketing. Công việc này bao gồm phân tích những bộ dữ liệu phức tạp để đạt được một mục đích đơn giản: quyết định xem điều gì sẽ khích lệ nhóm khách hàng tiềm năng nhất của Ceasar chi nhiều tiền hơn.
Với một bài thuyết trình thể hiện trên PowerPoint, Winters đã nói với một nhóm 15 sinh viên rằng, công ty sẽ tuyển dụng khoảng 24 người mỗi năm cho bộ phận phân tích từ 20 trường đại học hàng đầu. Trong quá khứ, Ceasars tuyển dụng nhân viên cho vị trí marketing là những người có nền tảng và đam mê với ngành dịch vụ nhà hàng-khách sạn. Bây giờ, những công việc này hầu hết liên quan đến số liệu và yêu cầu một bộ kỹ năng hoàn toàn mới. Những người học chuyên ngành marketing nhưng không có khả năng phân tích số liệu thì sẽ không đạt yêu cầu công việc.
“Các bạn sẽ được làm việc với những người thông minh nhất,” Winters nói với nhóm sinh viên, “bất kể chuyên ngành của các bạn là gì”.
Mặc dù vậy, tôi đoán rằng những sinh viên đã và chưa tốt nghiệp ngồi trong căn phòng đó hầu hết đều học chuyên ngành kinh doanh. Nhưng một cuộc khảo sát nhanh tiết lộ rằng một nửa trong số sinh viên thực ra là học chuyên ngành nhân văn. “Điều tuyệt vời của một tấm bằng tiếng Anh là bạn có thể làm bất kỳ điều gì nếu bạn có khả
năng phân tích đi kèm với kỹ năng viết và giao tiếp,” một sinh viên tên là Monica nói với tôi.
Thực tế là, thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự phát triển của lĩnh vực “nhân văn học kỹ thuật số” - sự kết hợp của nhân văn học cổ điển và khoa học máy tính. Điều này đã mở ra những cơ hội việc
làm và nghề nghiệp cho các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành hiển thị dữ liệu, kết nối kỹ thuật số và tổ hợp trực tuyến. Điều tương tự cũng đúng với ngành báo chí, nơi mà những phóng viên có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ để khám phá và minh họa những câu chuyện với các số liệu thống kê có cơ sở luôn được các tổ chức tìm kiếm. Và những ngành nghề khác cũng nhanh chóng đi theo xu thế đó. Những kỹ năng theo định hướng dữ liệu trong rất nhiều ngành nghề khác nhau chính là tương lai.
Hãy gọi đó là “môn học đại cương thời kỳ mới”, khi mà sự nhận thức kỹ thuật số trở nên quan trọng như khả năng hùng biện, viết và tư duy phản biện. Không còn nghi ngờ gì khi các trường đào tạo giáo dục đại cương đang mở thêm chuyên ngành khoa học máy tính. Việc chỉ biết sử dụng máy tính đã không còn được coi là đủ tốt nữa.
Hiểu về ngôn ngữ lập trình các ứng dụng trên điện thoại hoặc nền tảng của trí thông minh nhân tạo hiện được nhiều nhà tuyển dụng coi là những kỹ năng nền tảng cơ bản. Học cách lập trình rất giống như việc học một ngôn ngữ thứ hai trong thế kỷ XX: bạn không đủ
thành thạo ngôn ngữ đó để sinh sống ở đất nước đó, nhưng bạn có thể tự xoay sở khi đến đó du lịch.
“Quan trọng hơn là cung cấp cho người học những kỹ năng và công cụ về mã hóa,” Carol Smith, người quản lý chương trình Summer of Code (Mùa hè Mã hóa) của Google, phát biểu với tạp chí Wired. “Nó
cung cấp cho họ những kỹ năng tư duy phản biện quan trọng, dù cho họ có nghiên cứu sâu về khoa học máy tính hay không.”
Tổ chức Khoa học Quốc gia (National Science Foundation) ước tính rằng có khoảng 1,4 triệu công việc trong tương lai sẽ yêu cầu kỹ năng máy tính. Nhưng có ít hơn 1/4 số học sinh trung học tham gia
các lớp học mã hóa và chỉ có 10% số trường trung học tổ chức những khóa học máy tính ở trình độ đại học.
“Tất cả các công ty lớn ngày nay đã chuyển đổi thành những công ty công nghệ,” Brian Firzgerald nói. Ông là người đứng đầu Diễn đàn Kinh doanh-Giáo dục Cấp cao, một tổ chức kết nối những lãnh đạo cấp cao từ các doanh nghiệp và trường đại học, vì vậy ông có thể sớm nhận được thông tin nếu có sự lệch pha giữa những điều nền kinh tế cần và những điều mà hệ thống giáo dục đang tạo ra. “Ngay cả những công việc không liên quan đến công nghệ cũng là những công việc công nghệ,” Firzgerald nói với tôi.
Hơn một thập kỷ trước, khi các giao dịch tài chính trở nên phức tạp và cạnh tranh hơn, lĩnh vực ngân hàng là ngành công nghiệp đầu tiên nhận ra rằng sự hiểu biết công nghệ rất quan trọng với tất cả nhân viên. Các ngân hàng có khả năng thu hút sinh viên tốt nghiệp với những chuyên ngành STEM (Science – Khoa học, Technology – Công nghệ, Engineering – Kỹ sư, và Math – Toán học) từ các ngành khác bằng những lời đề nghị hấp dẫn về lương bổng, điều đó khiến các công ty khác phải tranh giành nhân tài trong số những người còn lại.
Firzgerald nói với tôi rằng ngày nay đang có một nhu cầu lớn liên quan đến tri thức chuyên môn trong mảng an ninh mạng. Và một lần nữa, các công ty đang tìm kiếm những nhân viên từ nhiều chuyên môn khác nhau, những người mà Firzgerald gọi là có-nhận-thức-về máy-tính. “Nếu đang làm việc trong bộ phận bán hàng hoặc bộ phận truyền thông ở Northrop Grumman, bạn phải hiểu những điều căn bản của an ninh không gian mạng, kể cả đó không phải là công việc hằng ngày của bạn,” Firzgerald nói.
Thế hệ những người học đại học và tham gia vào lực lượng lao động ngày nay thường được gọi là những “công dân thời đại công nghệ” vì họ đã được tiếp xúc với công nghệ từ khi còn rất nhỏ. Nhưng mối quan hệ của họ ở một trạng thái rất bị động: bật thiết bị lên và sử dụng nó. Nhận thức về kỹ thuật số không có nghĩa là biến mọi người thành những người sành sỏi máy tính. Đó là việc chuyển đổi mối quan hệ với công nghệ từ bị động sang chủ động – đặc biệt
là kiến thức về cơ chế hoạt động đằng sau những cỗ máy, chứ không chỉ dừng ở việc những cỗ máy đó là cái gì.
4. Học cách đối phó với sự mơ hồ
Ba tháng sau khi tốt nghiệp đại học và tham gia một nghiên cứu về báo chí tại Arizona Republic, tôi đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên cho vị trí nhà báo toàn thời gian. Đó là công việc ở Wilmington, Bắc Carolina. Tổng biên tập của tờ báo đã đón tôi ở sân bay, và sau bữa ăn trưa gọn nhẹ, ông ấy thả tôi xuống phố Front, một con phố lớn mang tính lịch sử chạy dọc bờ sông Cape Fear. Ông ấy bảo tôi đi tìm một câu chuyện.
Đó là một buổi chiều thứ Sáu cuối tháng 8, tôi phải viết câu chuyện đó và báo cáo trước 5 giờ chiều. Tôi chưa từng đến Wilmington, và chẳng biết ai trong thị trấn này. Tôi không có xe ô tô. Tất cả những
gì tôi có là một tập giấy để ghi chép và một chiếc bút mà vị tổng biên tập đã rất tốt bụng đưa cho tôi. Trong vài giờ sau đó, tôi lang thang qua những con đường, nói chuyện với những người chủ kinh doanh, người dân địa phương và các vị khách du lịch.
Cuối cùng tôi đã tìm ra một câu chuyện – đó là một chiến dịch du lịch mà chính quyền bang đã đảm trách và hoàn thành nó đúng hạn dù toàn bang vừa phải trải qua một cơn bão xoáy. Tuy nhiên như lời tổng biên tập nói với tôi sau đó, bản thân bài báo không phải là bài kiểm tra. Ông ấy chỉ muốn biết tôi sẽ làm gì trong một hoàn cảnh không mấy quen thuộc. Những ứng viên khác thường trở nên hoảng hốt và cố hỏi ông ấy một bài tập cụ thể, hoặc tìm ra cách để hoàn thành công việc. Ông ấy muốn nhân viên của mình có thể đối diện với những hoàn cảnh không được biết trước một cách thường xuyên.
Khi trí tuệ nhân tạo ngày càng khiến nhiều công việc trở nên lỗi thời, sự thành công trong tương lai sẽ thuộc về những người có khả năng chịu đựng sự mơ hồ trong công việc. Tuy nhiên, quá nhiều sinh viên mới tốt nghiệp gần đây tiếp cận những bản mô tả công việc như thể họ đang đọc các đề cương thời đại học – coi đó là công thức để thành công trong sự nghiệp. Họ kỳ vọng những nhiệm
vụ được định nghĩa rõ ràng, cụ thể, như thể họ đang chuẩn bị cho một kỳ thi đại học.
“Sự xuất sắc trong công việc được thể hiện ở việc bạn sẵn sàng làm những điều bạn không được yêu cầu làm. Thế hệ ngày nay không cảm thấy thoải mái với việc tìm ra những điều mình cần phải làm,” theo lời Mary Egan, cựu phó chủ tịch cấp cao mảng chiến lược và phát triển doanh nghiệp của Starbucks.
Tôi gặp Egan trong một chương trình dành cho sinh viên mới tốt nghiệp đang tìm kiếm sự giúp đỡ để bắt đầu sự nghiệp của mình. Cô ấy khuyến khích những sinh viên mới tốt nghiệp tìm ra những điều khác, chứ không chỉ những điều được liệt kê trên bản mô tả công việc, đặc biệt là những công việc nhỏ nhặt chiếm phần lớn thời gian của sếp của họ. “Nếu bạn làm được càng nhiều việc để giảm tải khối lượng công việc và khiến sếp bạn trở nên rảnh rỗi hơn, bạn sẽ càng trở nên có giá trị đối với tổ chức,” Egan nói. Tuy nhiên, cô ấy cũng nói với họ về việc phải biết giới hạn của mình: có quá nhiều người ở độ tuổi 20 tin rằng họ nên là những người điều hành công ty hoặc xứng đáng được thăng chức chỉ sau ba tháng đi làm (tôi sẽ nói nhiều hơn về sự khiêm tốn ở đoạn sau).
Giống như những “kỹ năng thế kỷ XXI” khác mà các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm, khả năng chịu đựng sự mơ hồ thường được phát triển từ giai đoạn đầu của cuộc đời. Lời phản hồi mà trẻ em nhận được từ người lớn và giáo viên có ảnh hưởng to lớn lên khả năng giải quyết sự bất định của chúng. Carol Dweck, giáo sư tâm lý học của Đại học Standford đã phát hiện ra rằng khen ngợi trẻ em về sự thông minh của chúng (thay vì sự kiên trì) thường dẫn đến tình trạng chúng sẽ từ bỏ khi đối diện với những điều chúng chưa từng gặp phải. Theo ý kiến của Dweck, sẽ tốt hơn nếu khen trẻ về sự kiên trì. Con người thường thể hiện tốt hơn khi họ tập trung vào những điều có thể kiểm soát, chứ không phải là những điều họ không thể.
“‘Chăm chỉ làm việc’ là điều giúp cho công việc được hoàn thành,” Dweck nói. “Những sinh viên thành công không nhất thiết phải là những người được tuyển dụng với những điểm số hoàn hảo. Đó là
những người yêu thích công việc của mình và có nhiệt huyết làm việc.”
Dweck đã thực hiện một vài nghiên cứu trong những năm qua và nhận thấy rằng con người sẽ làm việc tốt hơn nếu họ coi sự thông minh là một yếu tố linh hoạt và không phải được ấn định ngay từ khi sinh ra. Những người mà cô ấy gọi là có “tư tưởng phát triển” luôn coi những thử thách là cơ hội để mở rộng kỹ năng. Nhưng những người thường xuyên được tán dương về sự thông minh sẽ chết cứng trong những hoàn cảnh lạ lẫm khi họ không biết được câu trả lời và thường trói buộc bản thân vào việc phải cố gắng đạt được sự hoàn hảo.
Khi tham gia cuộc phỏng vấn cho công việc nhà báo ở Bắc Carolina, tôi không biết ngành báo chí sẽ phát triển như thế nào trong những thập kỷ tiếp theo. Kể cả như vậy, bộ kỹ năng mà ngành báo đã cung cấp cho tôi (đặc biệt là sự tích cực tìm kiếm một câu chuyện mỗi ngày, khả năng phát hiện những mô hình xu hướng, và kết hợp các ý tưởng rời rạc) vẫn giữ nguyên giá trị dù tôi có làm công việc gì. Tất nhiên, bạn không cần theo học chuyên ngành báo chí hoặc trở thành một nhà báo để tích lũy bộ kinh nghiệm đó, nhưng chúng có vai trò quan trọng trong việc định vị nơi làm việc tương lai với rất nhiều sự bất định.
Khả năng đối phó với sự bất định trong công việc yêu cầu con người phải suy nghĩ theo hoàn cảnh, để mang đến điều mà tôi gọi là “chuỗi kết nối” nhằm lấp đầy những khoảng trống nằm giữa những ý tưởng. Đó là một “ứng dụng tuyệt hảo” tại chốn công sở ngày nay. Chúng ta có thể đi theo sự tò mò của bản thân và khám phá, học hỏi từ những người bạn để tạo nên sự kết nối này. Kiến thức không chỉ nằm trong bộ não của bạn, mà còn được phân phối xuyên suốt mạng lưới xã hội của chúng ta.
Tuy nhiên những mạng lưới này không chỉ là mạng lưới ảo – chẳng hạn như Facebook, Twitter, Snapchat, hay LinkedIn, nhiều sự kết nối kiến thức tốt nhất diễn ra trong những cuộc hội thoại trực tiếp. Với tư cách là người biên tập Chronicle of Higher Education (Ký sự niên đại của giáo dục bậc cao), tôi phát hiện ra rằng các thực tập
sinh và nhà báo trẻ thường phụ thuộc quá nhiều vào email hoặc Facebook cho những báo cáo của họ, thay vì cầm điện thoại lên hoặc ra ngoài để nói chuyện với những con người thực. Quản lý trong những ngành công nghiệp khác cũng nói với tôi điều tương tự:
cần phải có nhiều hơn sự tương tác với con người trong một ngày, nhất là trong thời đại mọi người luôn cắm mặt vào điện thoại như bây giờ.
“Nghệ thuật đối thoại vẫn là một công cụ học hỏi hiệu quả,” John Leutner ở Xerox khẳng định.
Trong những cuộc phỏng vấn, các nhà tuyển dụng đang cố gắng đo lường tốt hơn về cách những ứng viên học hỏi và thích nghi với hoàn cảnh mới. Ví dụ như Google, một trong những nơi khó khăn nhất trên thế giới để những sinh viên mới tốt nghiệp tìm được một công việc. Cho đến năm 2010, công ty yêu cầu tất cả các ứng viên tiềm năng phải nộp điểm thi SAT, điểm thi đầu vào đại học (nếu có), và bảng điểm đại học. “Đó là một yêu cầu kỳ cục. Liệu chúng ta có thể nhìn thấy giá trị gì chỉ từ một khía cạnh của một con người, thông thường là trong những năm đầu cuộc đời?” Laszlo Bock, phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng nhân sự tại Google (một chức danh màu mè cho vị trí trưởng bộ phận nguồn nhân lực), đã nói với tôi như vậy.
Câu trả lời là không gì cả. Google sau đó đã nhận ra rằng nếu điểm số là một chỉ số dự đoán cho khả năng làm việc, nó sẽ bị hạn chế trong 2-3 năm sau khi tốt nghiệp. Vì vậy công ty đã thôi không đòi hỏi điểm thi, trừ khi ứng viên là một người hoàn toàn mới tốt nghiệp. Thay vào đó, Google bắt đầu dựa vào những sự đo lường khác mà họ phát triển để đánh giá khả năng giải quyết các vấn đề nan giải trong cuộc sống thực tế của ứng viên.
Công ty kiểm tra ứng viên bằng cách yêu cầu họ thực hiện một số công việc thực tế họ sẽ phải làm. Đây là một kỹ thuật phổ biến mà các công ty tư vấn thường sử dụng, trong những buổi phỏng vấn bao gồm các bài tập giải quyết tình huống. Sau khi chỉ được cung
cấp một vài thông tin (như cách mà tổng biên tập thả tôi xuống giữa thành phố để tìm kiếm một câu chuyện), các ứng viên sẽ được yêu
cầu đưa ra lời khuyên cho những công ty đang gặp khó khăn. Google cũng phát triển một bài kiểm tra về khả năng nhận thức bao quát, một bài kiểm tra IQ đơn giản.
Bock nói: “Khả năng nhận thức bao gồm cả khả năng học hỏi. Sự kết hợp giữa trí thông minh và khả năng học hỏi giúp con người thành công trong hầu hết mọi công việc.”
5. Hãy khiêm tốn và học hỏi từ bạn bè và người hướng dẫn của mình
Đó là ngày đầu tiên trong kỳ thực tập tại một công ty sản xuất ngũ cốc lớn. Một thực tập sinh nói với sếp rằng mình vừa sáng tạo ra một loại ngũ cốc mới, hoàn thiện cùng một thiết kế hộp và công thức. Bỏ qua những dự án nhập dữ liệu nhàm chán đã được giao trong mùa hè, cô sinh viên đại học đáng mến này muốn biết khi nào mình có thể thuyết trình ý tưởng lên những lãnh đạo cấp cao. “Càng sớm càng tốt,” cô ấy nói với sếp.
Đó là câu chuyện được kể bởi Bruce Tulgan trong cuốn Not Everyone Gets a Trophy: How to Manage Generation Y (tạm dịch: Không phải ai cũng được trao thưởng: Làm thế nào để quản lý thế hệ Y), và nó giống như câu chuyện tôi được nghe về việc quản lý các sinh viên mới tốt nghiệp. Những nhà tuyển dụng đều có những lời phàn nàn giống nhau về các nhân viên mới: họ quá thiếu kiên nhẫn với sự nghiệp và suy nghĩ không thực tế về vai trò của mình trong công ty.
Một người bạn làm quản lý của một công ty truyền thông lớn kể với tôi về những sinh viên mới tốt nghiệp đã dám ứng tuyển vào những vị trí cấp cao sau chưa đầy một năm làm việc và rồi họ vô cùng sửng sốt khi không nhận được sự thăng tiến – điều chỉ dành cho những ai đã có 10-20 năm kinh nghiệm. Tất nhiên, từ rất lâu người lớn đã cằn nhằn về “những đứa trẻ ngày nay”, tuy nhiên mối quan tâm mà tôi nghe được đến từ nhiều người ở vị trí quản lý, kể cả những người đã tuyển dụng các sinh viên mới tốt nghiệp suốt hàng thập kỷ.
Lãnh đạo cao cấp của một công ty công nghệ đã kể với tôi về một sinh viên mới tốt nghiệp, đã yêu cầu một cơ hội để phát triển sản phẩm mới. Khi công ty đề xuất “cuộc thi phát triển phần mềm” với
một chủ đề cụ thể, nhân viên này đã đề xuất được làm việc về những ý tưởng kinh doanh khác và muốn được đảm bảo rằng cô ấy có quyền quyết định bất kỳ điều gì. “Chúng tôi nói đó là tài sản trí tuệ của công ty, và cô ấy nói điều đó là không công bằng,” anh ấy kể lại. “Đó là tất cả những điều chúng tôi có thể làm được cho cô ấy.”
Những sinh viên mới tốt nghiệp gần đây tự tạo cho mình một điều kiện là tránh sự thất bại hoặc không làm những công việc bán thời gian khi học trung học mà họ phải làm việc với những người có độ
tuổi và quan điểm khác nhau, vì vậy họ thường đi làm sau khi tốt nghiệp đại học với sự tự tin lớn hơn rất nhiều so với thế hệ trước đây – một số người có thể được gọi là tự phụ.
Tuy nhiên, sự nhận thức xã hội không chỉ dừng lại ở việc biết được vai trò của mình trong tổ chức, nó còn bao gồm những kỹ năng quan trọng như giao tiếp (nói và viết), khả năng giải quyết phản hồi tiêu cực, nói trước đám đông, và quan trọng hơn cả là tương tác ở mức độ cơ bản với đồng nghiệp và khách hàng mà không liên quan đến hình thức nhắn tin. Các nhà tuyển dụng chia sẻ với tôi rất nhiều email mà họ nhận được từ những ứng viên với giọng điệu thiếu trịnh trọng một cách không bình thường (“Chào Joe…”), và trong một vài trường hợp là không thể hiểu nổi.
Để giúp đỡ những sinh viên mới tốt nghiệp chuyển tiếp vào thế giới công sở, rất nhiều công ty đã nhận ra họ cần phải đưa thêm cơ hội đào tạo vào những khóa học định hướng. Thị trường trực tuyến khổng lồ eBay là một trong số đó. Công ty tổ chức chương trình định hướng thực tế trong một tuần, tại đó các sinh viên mới tốt nghiệp làm việc theo nhóm để đưa ra những ý tưởng kinh doanh nhằm giúp các sản phẩm của công ty trở nên hấp dẫn với những người trẻ thế kỷ XXI. Công ty cũng đưa ra những khóa học về việc quản lý thương hiệu cá nhân của bạn (vì những sinh viên mới tốt nghiệp thường không đặt ra mục tiêu cho bản thân), cung cấp một phần thuyết trình thuyết phục (thường họ không nói đến những
điểm quan trọng đủ nhanh), quản lý lịch trình (cũng chính là quản lý thời gian), và tổng kết kết quả làm việc.
Sarah Brubacher của eBay nói với tôi rằng những sinh viên trưởng thành trong hệ thống điểm từ A đến F thường không thể đạt được điểm 3 trên thang điểm 1 đến 5 trong một bản tổng kết. “Điều đó có nghĩa là họ đã đạt được sự kỳ vọng,” Brubacher nói. “Nếu bạn đang đạt được sự kỳ vọng, điều đó có nghĩa là bạn đang làm tốt công việc của mình, nhưng với những sinh viên tham vọng, họ coi đó chẳng khác một điểm C.”
VÌ SAO NHỮNG NHÀ TUYỂN DỤNG KHÔNG CẢM THẤY HÀI LÒNG?
Trong một cuộc khảo sát, các nhà tuyển dụng nói rằng sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay đang thiếu đi năng lực bao quát mà họ tìm kiếm trong một nền kinh tế thay đổi nhanh chóng. Vẫn còn tồn tại một sự thiếu liên kết lớn giữa cách sinh viên nói về sự sẵn sàng của họ và những điều nhà tuyển dụng thực sự nghĩ về họ.
Các khảo sát năm 2015 về các sinh viên sắp tốt nghiệp và những nhà tuyển dụng cho thấy, trong số gần 20 kỹ năng, các nhà tuyển dụng đánh giá sinh viên thấp hơn đáng kể so với sự tự đánh giá về bản thân của những sinh viên. Ví dụ, trong khi 57% số sinh viên nói rằng họ là những người sáng tạo và cải tiến, thì chỉ có 25% nhà tuyển dụng đồng ý.
Một khoảng cách lớn cũng tồn tại giữa các lãnh đạo trường đại học và những lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp về chủ đề “sự sẵn sàng cho một công việc của các sinh viên mới tốt nghiệp ngày nay”. Gần như tất cả giám đốc điều hành của các trường đại học tham gia vào khảo sát của Gallup năm 2014 nói rằng họ tự tin là đã chuẩn bị cho những sinh viên đủ kỹ năng và kiến thức để thành công nơi công sở. Đối với họ, vấn đề chủ yếu là nhu cầu – không có đủ công việc dành cho những sinh viên mới tốt nghiệp. Đối với những nhà tuyển dụng, vấn đề là về nguồn cung – các trường đại học có thể cung cấp đủ số lượng sinh viên tốt nghiệp, nhưng lại không đủ những sinh viên có các kỹ năng cần thiết. Chỉ có 11% lãnh đạo
doanh nghiệp nói rằng trường đại học đã chuẩn bị cho sinh viên của mình đủ tài nguyên để thành công trong công việc.
Bài kiểm tra đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học dường như đã hỗ trợ cho quan điểm của những nhà tuyển dụng. Một bài kiểm tra dành cho 32.000 sinh viên tại 169 trường đại học và cao đẳng năm 2015 đã cho thấy rằng 40% sinh viên năm cuối không đủ khả năng lập luận phức hợp cần thiết trong môi trường công sở ngày nay. Bài “Kiểm tra khả năng học tập của sinh viên + (CLA +)”, được dành cho sinh viên năm nhất và năm cuối, đo lường sự tiến bộ trong thời gian học đại học trên các phương diện tư duy phản biện, viết, giao tiếp và lập luận phân tích. Những kết quả từ bài kiểm tra đó cho thấy sự khác biệt rất nhỏ giữa những sinh viên tốt nghiệp trường đại học công lập và những người tốt nghiệp trường đại học tư.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ưu tú nhất đạt kết quả tốt hơn bất kỳ ai trong bài kiểm tra dành cho sinh viên năm cuối, nhưng sự tiến bộ mà họ đạt được so với bài kiểm tra năm đầu đại học thực ra lại ít hơn so với những sinh viên tốt nghiệp từ những ngôi trường ít danh tiếng hơn. Sự khác biệt lớn trong kết quả phụ thuộc vào chuyên ngành: những sinh viên học toán và khoa học đạt điểm cao hơn nhiều so với bạn bè học những chuyên ngành hỗ trợ và dịch vụ (ví dụ như nghiệp vụ xã hội), hoặc ngành kinh doanh (chuyên ngành đại học phổ biến nhất).
Những bài kiểm tra đánh giá và khảo sát đó nên được thực hiện với vai trò báo động cho sinh viên – bạn có thể nghĩ rằng mình đã sẵn sàng để bắt đầu sự nghiệp với một tấm bằng đại học, đặc biệt là với một sinh viên tốt nghiệp một ngôi trường danh giá, nhưng rất nhiều nhà tuyển dụng có suy nghĩ ngược lại. Có một điều đang trở nên rõ ràng, đó là các sinh viên tốt nghiệp đại học thành công nhất trong sự nghiệp là những người sở hữu nhiều kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn (ngoài môi trường lớp học và những kênh thông tin phổ biến ở trường đại học), và đôi khi những kỹ năng đó không mất thời gian quá bốn năm đại học để đạt được. Thực tế là, nếu bạn không chắc chắn về điều mình muốn làm hoặc còn thiếu nhiều kỹ
năng được liệt kê ở trên, có lẽ cách tốt nhất để bắt đầu thời kỳ trưởng thành là giảm tốc độ băng chuyền mà bạn đang đi trên quãng đường đại học. Hãy dành thời gian tạm dừng việc học trước khi bạn bắt đầu đến trường đại học, hoặc những dành những năm đại học để tìm ra sự hứng thú của mình, khám phá những lựa chọn nghề nghiệp và phát triển các kỹ năng cần thiết để thành công trong công việc.
Chương 3NHỮNG LỢI ÍCH CỦA VIỆC ĐI ĐƯỜNG VÒNG
Vào mùa hè sau khi tốt nghiệp trung học, tôi đã làm việc tại chi nhánh địa phương của AAA. Công việc của tôi là sản xuất những “triptiks” cho thành viên của AAA – những hướng dẫn mang tính cá nhân để đến được một điểm đích cụ thể, được gói gọn trong một cuốn sổ gáy xoắn cho phép lái xe có thể lật giở một trang giấy sau mỗi 50 dặm và đi theo những con đường đã được đánh dấu. Những cuốn sổ đó luôn bao gồm bản đồ các bang trong trường hợp lái xe muốn khám phá điều gì đó mới mẻ hoặc có thể khám phá một con đường mới dẫn đến điểm đích. Việc này được thực hiện trước khi GPS trong xe hơi và điện thoại thông minh được phát triển – những ứng dụng khiến cho triptiks và những tấm bản đồ nhiều nếp gấp trở nên lỗi thời. Bây giờ, những chiếc máy tính vô danh cho chúng ta biết đường đi và chúng ta đều chạy theo cùng một con đường nhanh nhất để đi từ điểm A đến điểm B. Mọi người hiếm khi dám đi chệch hướng và tìm kiếm những con đường khác, dù có thể sẽ thú vị hơn.
Điều này cũng đúng với những người chớm tuổi trưởng thành trên con đường từ trung học đến đại học để bắt đầu sự nghiệp. Họ đi theo một con đường đã được lập sẵn và đã được nhiều người thực hiện, ba tháng sau khi tốt nghiệp trung học và cứ vậy đi theo nhau, bởi họ không biết phải làm gì nữa.
Họ thường chọn một chuyên ngành trước cả khi tham gia lớp học đầu tiên tại trường đại học. “Chuyên ngành của bạn là gì” là câu hỏi thứ hai mà những người trẻ 18 tuổi được hỏi, ngay sau khi trả lời câu hỏi “Bạn sẽ học đại học ở đâu?” Không có gì phải thắc mắc khi có quá nhiều thanh thiếu niên nghĩ rằng việc chọn một chuyên ngành học chính là quyết định nghề nghiệp của cuộc đời mình (dù hoàn toàn không phải là như vậy).
Định hướng này đã khiến nhiều thanh thiếu niên chọn lựa nghề nghiệp dựa trên những điều thân thuộc với họ, chứ không nhất thiết là điều mà họ đam mê. Nếu hàng xóm, cha mẹ, hoặc cha mẹ của bạn bè là bác sỹ, luật sư và giáo viên, nhiều khả năng họ sẽ chọn một trong những nghề nghiệp đó. Với nhiều công việc chỉ tập trung ở một số vùng miền (ví dụ, phần lớn những công việc liên quan đến công nghệ tập trung ở miền duyên hải), rất nhiều sinh viên không có cơ hội tiếp xúc với những công việc mà họ cảm thấy hứng thú.
Cần phải có một cách hiệu quả hơn để giúp đỡ thanh thiếu niên định vị con đường đến với trường đại học, sự nghiệp, và cuối cùng là một cuộc sống có mục đích.
Trên thực tế, cuộc diễu hành hàng thập kỷ đến mục tiêu đại-học cho-tất-cả-mọi-người tuổi 18 đã đóng lại (thay vì mở ra) những sự lựa chọn cho những người ở độ tuổi 20. Vào những năm 1970, một thanh thiếu niên có nhiều lựa chọn sau khi tốt nghiệp trung học: kiếm một công việc lương cao ngay lập tức, đăng ký tham gia quân đội, tìm kiếm một khóa học việc hoặc đi học đại học. Một thanh thiếu niên ngày nay thực sự chỉ có hai lựa chọn: quân đội hoặc đại học. Có ít hơn 1% công dân Mỹ phục vụ trong quân đội, vì vậy hầu hết thanh thiếu niên sẽ đi học đại học ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Trong những năm đầu thập kỷ 1970, chưa đến một nửa sinh viên Mỹ tốt nghiệp trung học đi học đại học vào mùa thu ngay sau đó. Ngày nay, con số đó là gần 66%.
Nếu những người chớm tuổi trưởng thành muốn thành công trong thị trường việc làm, họ cần có những môi trường để có thể khám phá một chút trước khi ổn định. Gia đình và trường trung học (với sự quản lý sát sao và lịch trình được theo dõi chặt chẽ) không mang lại cho họ những không gian đó.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu 10.000 học sinh mới tốt nghiệp trung học sẽ dành thời gian nghỉ trước khi học đại học để khám phá nghề nghiệp, công việc, kiếm tiền và học những kỹ năng mới? Điều đó có giúp họ sau này sẽ gắn bó hơn với trường đại học, và sau khi tốt nghiệp sẽ nhanh chóng có được một công việc và một sự nghiệp không? Điều gì sẽ xảy ra nếu những sinh viên đại học dành thời
gian nghỉ trong quá trình học hoặc ngay sau khi tốt nghiệp để hòa mình vào thế giới xung quanh, thử nghiệm một ý tưởng kinh doanh hoặc làm một công việc họ chưa từng làm khi còn học trung học vì quá lo lắng về việc chọn trường đại học phù hợp? Liệu họ có định hướng tốt hơn cho thời kỳ đầu sự nghiệp của mình và tích lũy được những kỹ năng mà nhà tuyển dụng kỳ vọng (nhưng trường đại học lại thất bại trong việc trang bị cho sinh viên)?
Tướng Stanley McChrystal nghĩ như vậy. Ông từng là người chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan và đã tận mắt chứng kiến những lợi ích mà quân đội mang lại cho thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20. Hiện tại ông đang điều hành Dự án Aspen Institute’s Franklin, với mục đích là tạo ra một triệu công việc dịch vụ công dân sự dành cho những thanh niên
McChrystal nói: “Chúng ta cần nhanh chóng tìm ra điều mình sẽ làm. Chúng ta có những sự kỳ vọng mù quáng về việc bắt đầu cuộc sống vì bạn không muốn bị tụt lại phía sau. Cuộc sống không phải là một con đường thẳng.”
NHỮNG LỢI ÍCH CỦA VIỆC DÀNH THỜI GIAN NGHỈ HỌC
Sabrina Skau dự định ngay lập tức theo học đại học vào năm 2007. Nhưng vài tuần trước khi chuẩn bị cho năm đầu tiên tại Đại học Rochester, cô ấy nhận ra mình không thấy hào hứng với việc học đại học như bạn bè. Đối với Sabrina, điều này còn hơn cả sự lo lắng của một thiếu niên bình thường khi phải di chuyển dọc đất nước để học đại học. Đại học Rochester không phải là sự lựa chọn đầu tiên của cô ấy. Sabrina đã kiệt sức sau khi học trung học và có cảm giác cô ấy đi học đại học chỉ vì đó là điều cha mẹ kỳ vọng ở cô ấy.
“Tôi nghĩ đó là điều tiếp theo mà mình phải làm: tốt nghiệp trung học rồi đi học đại học. Cha mẹ chưa bao giờ nói đến việc tôi không cần phải học đại học,” cô ấy nói. Cha mẹ của Sabrina cũng nhận ra rằng cô ấy không hào hứng với sự lựa chọn đó. Họ đã gợi ý về việc dành thời gian nghỉ (quãng nghỉ một năm giữa trung học và đại học) và cô ấy đã nắm lấy cơ hội đó (điều mà Valerie – một Người lang thang được nhắc tới trong Chương 1 chưa bao giờ dám đề cập với cha
mẹ mình). Cha mẹ Sabrina đã tìm đến Holly Bull, một chuyên viên tư vấn có tiếng về quãng nghỉ giữa trung học và đại học, cha của bà đã đóng góp vào việc phổ biến khái niệm dành thời gian nghỉ trước khi học đại học. Bull đã kết nối Sabrina đến một chương trình ở Costa Rica, nơi cô ấy có thể dạy tiếng Anh. Một vài tuần sau đó, thay vì đóng gói đồ đạc đi học đại học ở phía Bắc New York, Sabrina đã bay đến Trung Mỹ.
“Quãng nghỉ là điều quý giá chỉ đến một lần trong đời, cho phép bạn bước ra khỏi con đường vốn có và tự xem lại bản thân mình,” Bull nói. Bà đang diễn thuyết trước một nhóm phụ huynh và học sinh trong một khán phòng tại trường trung học Thomas S. Wooton ở Rockville, ngay gần Washington D.C. Đó là một buổi tối tháng 2 lạnh và nhiều gió, cũng là thời điểm diễn ra mùa tuyển sinh đầy cạnh tranh tại Wooton, nơi mà 95% học sinh tốt nghiệp sẽ học tiếp lên đại học luôn. Dù vậy, khán phòng vẫn chật kín những sinh viên đang tìm kiếm một vài con đường khác.
Tôi đang có mặt tại một triển lãm về quãng nghỉ giữa trung học và đại học, một trong số gần 50 triển lãm được tổ chức tại các trường trung học trên khắp nước Mỹ vào mỗi mùa đông, trong đó hàng chục tổ chức sẽ cung cấp những trải nghiệm, chương trình trong quãng nghỉ với các sinh viên tương lai. Cuộc triển lãm này mang đến diện mạo và cảm giác của một triển lãm truyền thống trong các trường đại học, trừ một việc là ở đây có nhiều phụ huynh hơn. Nhiều người thậm chí còn hoài nghi về việc xuất hiện ở đây. Suy cho cùng, họ đã dành hơn 18 năm để chuẩn bị cho việc con cái mình đi học đại học ngay sau khi tốt nghiệp trung học.
Sau phần nói chuyện của Bull, đám đông di chuyển đến quán ăn tự phục vụ ở tầng dưới, và trên đường xuống cầu thang, tôi nghe thấy những lời nhận xét không mấy tích cực về bài diễn thuyết của Bull. Mặc dù một vài phụ huynh ước rằng họ có cơ hội được trải nghiệm
quãng nghỉ của mình, nhưng hầu như tôi chỉ nghe thấy sự lo lắng trong giọng nói của họ – về chi phí, về việc trì hoãn hoặc từ chối một vị trí trong một trường đại học hàng đầu (“Nhưng còn Standford thì sao?” một ông bố nài nỉ con gái mình), liệu một quãng nghỉ có khiến
những người trẻ ở độ tuổi 18 này tụt lại trong trường đại học, và cuối cùng là tụt lại trong thị trường việc làm không.
Trong quán ăn tự phục vụ, các công ty cung cấp những chương trình trong quãng nghỉ xếp hàng sau những chiếc bàn dài, lần lượt trưng bày những tấm ảnh quảng cáo hoành tráng về những địa điểm mới lạ – hình ảnh những sinh viên giúp đỡ trẻ em ở một đất nước thuộc thế giới thứ ba, hay gần hơn là một chuyến đi chèo thuyền vượt ghềnh thác trên sông Colorado. Tôi có cảm giác như mình đang lạc trong một triển lãm du lịch. Hầu hết các chương trình được giới thiệu trong những triển lãm như thế này thường mang yếu tố du lịch, giống như trải nghiệm dạy tiếng Anh tại Costa Rica của Sabrina. Theo lý thuyết, đưa những đứa trẻ ra khỏi lãnh thổ quen thuộc của gia đình sẽ giúp xây dựng sự linh hoạt. Nó cũng sẽ làm chi phí tăng lên (có thể tới 20.000 đô-la cho sáu tháng), điều mang lại danh tiếng cho quãng nghỉ là câu lạc bộ dành cho những đứa trẻ giàu có đi du lịch bụi khắp châu Âu hoặc làm những công việc từ thiện trong một ngôi làng ở châu Phi.
Sự đặc trưng này bắt nguồn một phần từ nguồn gốc của quãng nghỉ trong Grand Tour từ thế kỷ XVIII, khi những chàng trai Anh với xuất thân danh giá đã du lịch khắp châu Âu để khám phá nghệ thuật, lịch sử và văn hóa. Thậm chí ngày nay, có khoảng 200.000 sinh viên ở Vương quốc Anh quyết định trì hoãn việc học đại học để đi du lịch hoặc làm việc. Không có con số so sánh tương ứng cho nước Mỹ, nhưng theo đánh giá từ những cuộc triển lãm như thế này, ý tưởng này đang ngày càng trở nên phổ biến. Cùng lúc đó, ngày càng nhiều nhà cung cấp chương trình quãng nghỉ đang nỗ lực thu hút sinh viên đến từ những gia đình có mức thu nhập vừa và thấp.
Chắc chắn là những quãng nghỉ rất đắt đỏ, tuy nhiên trong một vài trường hợp, sự đầu tư vào một năm nghỉ sẽ giúp tiết kiệm các khoản chi phí sau này, nếu các sinh viên có định hướng rõ ràng hơn khi họ thực sự đi học đại học. Suy cho cùng, 40% số sinh viên bắt đầu bằng việc theo học chương trình đại học bốn năm đã không lấy được bằng tốt nghiệp sau sáu năm.
Đại học cũng đang mở ra những ý tưởng cho giai đoạn nghỉ học, thậm chí đã xem xét quãng nghỉ như một đặc điểm mặc định của năm nhất – một sinh viên năm nhất dành thời gian ngoài trường đại học để làm việc, khám phá nghề nghiệp, tham gia những lớp học, hoặc du lịch (mặc dù thường sẽ không được tính tín chỉ môn học). Hơn một thập kỷ trước, trưởng phòng tuyển sinh của Đại học Harvard đã viết một bài luận có ảnh hưởng sâu sắc trên tờ The New York Times, khuyến khích những học sinh tốt nghiệp trung học nghỉ học một năm. “Đây là thời điểm để lùi lại và suy nghĩ, để tìm ra những quan điểm về giá trị và mục đích cá nhân, hoặc để tích lũy kinh nghiệm cuộc sống cần thiết trong một môi trường đã được tách biệt và độc lập với những áp lực và kỳ vọng quen thuộc,” William R. Fitzsimmons viết.
Trong nhiều năm qua, những lá thư chấp nhận của Harvard đã kèm theo một lời gợi ý rằng sinh viên “hãy cân nhắc việc dành một khoảng thời gian nghỉ”. Nhưng ở đây, một trưởng khoa của trường đã chủ động ủng hộ ý kiến dành một quãng nghỉ, và điều đó khiến khái niệm này thu hút càng nhiều sự chú ý hơn. Trong một thập kỷ tiếp đó, Harvard đã chứng kiến số lượng sinh viên dành thời gian một năm nghỉ tăng 33%. Hàng chục trường cao đẳng và đại học khác đã bắt đầu quảng cáo sự lựa chọn này trên trang web của họ.
Dù vậy, rất nhiều phụ huynh và học sinh vẫn không thấy thuyết phục rằng quãng nghỉ sẽ mang lại nhiều lợi ích. Các chuyên viên tư vấn định hướng (thường được đánh giá trình độ dựa trên số sinh viên họ tư vấn học đúng trường đại học) hiếm khi đề xuất quãng nghỉ. Các phụ huynh lo lắng rằng con cái họ sẽ đi chệch hướng và từ bỏ việc học đại học.
Một số phụ huynh khen ngợi ý tưởng này nhưng không chắc rằng liệu nó có phù hợp với con cái họ không. Một phụ huynh có con gái đã từng dành quãng nghỉ một năm, nói rằng bà ấy sẽ không bao giờ đề xuất việc đó với những đứa con trai của mình. Trong suy nghĩ của bà ấy, những cậu bé cần được ép vào khuôn khổ nhiều hơn. Đã có rất nhiều nghiên cứu về việc các nam sinh thường đi chậm hơn các nữ sinh về phương diện học hành, vì vậy quãng nghỉ một năm
để trưởng thành hơn và để thùy não trước của họ kết nối hiệu quả hơn với não bộ có thể là điều những cậu bé cần. Nữ giới thường có khả năng bắt đầu và hoàn thành tốt việc học đại học. Khoảng 70% số nữ giới đăng ký học đại học và 46% trong số họ hoàn thành với một tấm bằng, trong khi 62% nam giới đăng ký học thì chỉ có 39% hoàn thành. Nghiên cứu chỉ ra rằng các phụ huynh sẵn sàng để con gái của họ đi học tại những ngôi trường đắt tiền hơn là con trai, bởi lẽ khi nói đến việc học để đạt được một tấm bằng, họ nghĩ rằng đặt cược vào con gái sẽ tốt hơn.
Mỗi năm có khoảng 20% học sinh tốt nghiệp trung học trì hoãn việc học đại học trong một thời gian (một nửa trong số họ là trong một năm). Tuy nhiên, không phải tất cả những kế hoạch nghỉ học đều được tạo ra một cách công bằng. Lý do mà các học sinh tốt nghiệp trung học trì hoãn học đại học ảnh hưởng rất lớn đến việc họ sẽ làm tốt như thế nào trong trường đại học và trong sự nghiệp sau này.
Để quãng nghỉ thực sự có giá trị, nó không thể chỉ đơn giản là một kỳ nghỉ, là một năm dành để ngủ và làm việc bán thời gian tại McDonald’s. Những sinh viên trì hoãn việc học đại học để làm những công việc văn phòng trong một thời gian nhằm cố gắng “tìm được bản thân” thường không làm được điều đó khi họ đến trường đại học. Họ thường nhận điểm số thấp hơn và đối diện với khả năng bị đào thải.
Tuy nhiên những sinh viên dành cả một năm để đi du lịch – đến một đất nước hay một miền đất khác – không chỉ có điểm số cao hơn ở trường đại học, mà còn tốt nghiệp cùng thời gian với những người không trì hoãn việc học.
Nói cách khác, dành quãng nghỉ ngắn (khoảng một năm) với kế hoạch hợp lý sẽ có ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập và không khiến sinh viên bị lạc nhịp khi bắt đầu cuộc sống, điều khiến những phụ huynh lo lắng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau khi trải qua một quãng nghỉ rồi mới đi học đại học, các sinh viên học tập nghiêm túc hơn và không tham gia vào những hành vi rủi ro, như đua xe, nghiện rượu, v.v..
Để quãng nghỉ mang lại giá trị đáng kể cho sự thành công trong việc học đại học, và sau đó là trong thế giới công việc, đó phải là một sự kiện có tác dụng biến đổi, tương đối khác biệt so với tất cả mọi việc
bạn đã từng trải qua trước đây. Nó cần được thiết kế để giúp bạn tích lũy được những kỹ năng và phẩm chất mà trường đại học và những nhà tuyển dụng đang tìm kiếm: sự trưởng thành, sự tự tin, khả năng giải quyết vấn đề, những kỹ năng giao tiếp và sự độc lập.
Theo truyền thống, quãng nghỉ được định nghĩa là khoảng thời gian nghỉ trước khi bắt đầu học đại học, nhưng lợi ích của việc dành thời gian nghỉ thông thường giống với việc bạn sẽ đi học, bạn sẽ đến trường đại học, hoặc bạn sẽ bắt đầu sự nghiệp. Bất kể là khoảng thời gian nào, bạn nên cân nhắc một trong ba cách tiếp cận khi lên kế hoạch cho quãng nghỉ: nó cần phải tạo ra những kinh nghiệm làm việc có ý nghĩa, sự chuẩn bị về mặt học thuật cho việc học đại học, hoặc những chuyến du hành mở ra các cơ hội mới ở những nơi khác trên thế giới.
Hãy xem cụ thể hơn về cách sinh viên định vị ba cách tiếp cận này khi sử dụng quãng nghỉ một năm.
Quãng nghỉ một năm dành cho những chuyến du hành
Abby Falik lớn lên ở Berkeley, California, cách San Francisco một con vịnh. Trong năm cuối trung học, thậm chí là khi đang ứng tuyển vào trường đại học, cô ấy đã nhận ra mình cần có một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Ở tuổi 16, cô ấy đã dành một mùa hè trong một ngôi làng ở Nicaragua, và điều đó đã khơi gợi cho cô ấy mong muốn được học hỏi trong một nền văn hóa khác. Falik đã gọi đến Peace Corps để đăng ký tham gia một dự án ở nước ngoài. “Họ từ chối vì tôi chưa có bằng đại học,” cô ấy kể cho tôi vào buổi sáng chúng tôi gặp nhau tại quán cà phê ở gần văn phòng cô ấy tại Oakland.
Falik đành theo kế hoạch ban đầu của mình và nộp đơn theo học tại Standford. Như những gì cô ấy đã dự đoán, cô ấy đã phải ngồi trong lớp học một cách thiếu kiên nhẫn, nghe giáo viên nói về sự phát triển quốc tế, trong khi điều cô ấy mong mỏi là áp dụng những điều mình đang học. Sau khi hoàn thành năm thứ hai đại học, Falik
xin nghỉ một năm để đến Nicaragua và Brazil nhằm thiết lập một thư viện và làm việc với một đơn vị phi lợi nhuận.
“Đó là khoảng thời gian thử thách nhất và định hình nhất trong cuộc đời tôi,” Falik nói, mặc dù cô ấy không nhận được bất kỳ một tấm bằng học thuật nào cho những trải nghiệm của mình.
Falik cuối cùng đã nhận ra rằng một năm ở nước ngoài của cô ấy diễn ra sai thời điểm trong quá trình học đại học, vì nó đã quá muộn để thay đổi những gì cô ấy đã làm trong hai năm đầu đại học. Điều đúng với Falik có thể cũng đúng với những sinh viên khác đã ra nước ngoài trong thời gian học đại học. Có gần 300.000 sinh viên Mỹ du học nước ngoài mỗi năm. Hầu hết họ làm vậy trong những năm đầu đại học. Falik tự hỏi liệu việc du học nước ngoài có ảnh hưởng lớn hơn đến việc sinh viên tiếp cận trường đại học nếu họ đi trước năm nhất thay vì chờ đợi đến khi việc học sắp hoàn thành không.
Sau khi tốt nghiệp Stanford vào năm 2001 và làm việc cho nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác nhau, Falik dừng lại ở Trường Kinh tế Harvard. Vào năm 2008, khi còn là sinh viên ở đó, Falik đã đạt giải nhất trong cuộc thi hùng biện về những tổ chức xã hội mới. Kế hoạch của cô ấy là: một “năm chuyển tiếp” toàn cầu trước khi học đại học. Một năm sau đó, ý tưởng của Falik đã trở thành hiện thực với Global Citizen Year, một tổ chức phi lợi nhuận mang đến cho những sinh viên tốt nghiệp trung học cơ hội làm việc tại một đất nước đang phát triển trong quãng nghỉ một năm.
Falik đang ở những năm cuối tuổi 30, với mái tóc đen dài ngang vai cùng nụ cười hạnh phúc của một người mới làm mẹ. Cô ấy đã sửa lại khi tôi gọi Global Citizen Year là một “quãng nghỉ”. Đối với cô ấy, phép ẩn dụ là một chiến lược marketing tồi, đặc biệt là với những
phụ huynh ngày nay, những người lo lắng về việc con cái họ sẽ đi chệch hướng trên con đường sự nghiệp. Cô ấy muốn đặt lại tên cho thời gian nghỉ đó là “năm chuyển tiếp” hoặc “năm bắt đầu”, và hy vọng sẽ biến trải nghiệm đó thành một tiêu chuẩn ở Mỹ, chứ không chỉ là một sự ngoại lệ cho một nhóm sinh viên. Trong một thập kỷ
khác, Falik đặt ra mục tiêu sẽ có 10.000 sinh viên đăng ký tham gia Global Citizen Year mỗi năm.
Sự nhiệt huyết của Falik về một năm chuyển tiếp mang tính chất toàn cầu trước khi học đại học thực sự đã có tính lan truyền. Cô ấy đã trở thành đối tác của một số trường đại học. Đại học Tufts đã thêm Global Citizen Year vào như một sự lựa chọn cho các sinh viên mới, những người đã trả 33.000 đô-la để trải nghiệm. Hiệu trưởng ở đó nói với tôi rằng ông ấy có thể hình dung ra tương lai với một nửa số lớp học sẽ đến từ con đường này, mặc dù sinh viên vẫn sẽ phải hoàn thành chương trình bốn năm truyền thống tại khu trường sở của Tufts gần Boston.
Các trường đại học cần một nguồn lợi kinh tế khổng lồ nên họ không thể cắt bỏ chương trình bốn năm học tại trường. Tất nhiên, chính sách đó không giúp ích cho sinh viên. Tôi đã hỏi Falik cần phải làm gì để biến năm chuyển tiếp trở thành năm đầu đại học cho tất cả sinh viên, để họ có thể đạt được tín chỉ cho thời gian nghỉ học, nhờ vậy họ sẽ không cần dành thêm thời gian và tiền bạc vào việc lấy bằng cử nhân nữa. Cô ấy đã nói đến rào cản văn hóa mà tất cả những người khác đã nói với tôi – băng chuyền giáo dục gần như không thể dừng lại.
“Trừ khi chúng ta ngừng suy nghĩ rằng giải pháp tốt nhất là đi học hết trường này đến trường khác, chúng ta sẽ không thể thành công,” cô ấy nói.
Kể cả khi ý tưởng về quãng nghỉ một năm được mở rộng hơn so với ban đầu, việc du hành vẫn là lựa chọn phổ biến nhất đối với các sinh viên đã quyết lựa chọn quãng nghỉ, và nó thực sự có giá trị. Du hành là công cụ học tập mạnh mẽ dành cho những người chớm tuổi trưởng thành. Nó yêu cầu họ phải đặt ra các câu hỏi và kết nối với những người khác để suy nghĩ về những khung cảnh họ đang nhìn thấy, để thích nghi với các ngôn ngữ, văn hóa và ẩm thực mới.
Những nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng các sinh viên đại học dành thời gian để suy nghĩ và kết nối tài liệu học tập với các trải nghiệm, kiến thức tích lũy từ những hoạt động khác trước đây có thể định vị
cuộc sống của mình tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ có 1/4 số sinh viên năm nhất nói rằng trường đại học khuyến khích họ có những suy nghĩ sâu sắc hơn để mang lại cho họ sự phát triển, và con số này cũng chỉ cao hơn một chút trong nhóm sinh viên năm cuối.
“Thanh thiếu niên thường bị kẹt lại trong một cách làm việc nhất định, và bạn không thể làm như vậy khi đi du lịch,” Sabrina, người đã dành quãng nghỉ một năm ở Costa Rica, nói. “Sự việc cứ xảy đến với bạn, bạn phải tìm cách xử lý nó mà không có nhiều sự trợ giúp.”
Gần cuối quãng nghỉ của mình, Sabrina được nhận vào Đại học Brown, nơi mà cô ấy rơi vào danh sách chờ trước đó. Một năm đi xa có lẽ đã khiến cô ấy trở thành ứng viên triển vọng hơn tại Brown. Ít nhất là một năm đã giúp Sabrina hiểu rõ hơn về chuyên ngành của mình (nhân chủng học), cải thiện khả năng tiếng Tây Ban Nha và dạy cho cô ấy cách thư giãn về nơi cô ấy sẽ đi học đại học.
“Tôi đã từng sống nội tâm rất lâu trước khi dành quãng nghỉ một năm,” Sabrina, nói. Hiện tại, cô đang làm việc trong mảng sản xuất phim và tư liệu ở Los Angeles, đồng thời đang học thạc sĩ.
Khi nói chuyện với các sinh viên dành quãng nghỉ của họ cho những chuyến du hành, tôi đã được nghe nhiều câu chuyện giống nhau. Quãng nghỉ đó đã giúp họ quyết định chuyên ngành thực sự muốn theo học (thường không phải là chuyên ngành họ chọn ban đầu). Nó mang lại cho họ quan điểm về vị trí của bản thân trên thế giới, đặc biệt là với sự ám ảnh của họ về kết quả học tập. Và quãng nghỉ cũng khuyến khích họ mạo hiểm hơn.
Ada Rauch, người đã dành cả năm 2012 ở Ấn Độ với quãng nghỉ miễn phí do Princeton cung cấp, đã nói với tôi rằng trước đây cô ấy chưa bao giờ ra khỏi nước Mỹ. Cô ấy đã thấy sợ hãi khi phải xa nhà trong một thời gian dài, nhưng khoảng thời gian làm việc với những dự án dịch vụ và đến lớp học đã giúp cô ấy cảm thấy dễ chịu hơn với rủi ro, chịu đựng được sự mơ hồ và trở nên kiên cường hơn.