🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Đỉnh Cao Chỉ Huy – Cuộc Chiến Vì Nền Kinh Tế Thế Giới Ebooks Nhóm Zalo NHỮNG ĐỈNH CAO CHỈ HUY Thông tin sách: Tên sách: NHỮNG ĐỈNH CAO CHỈ HUY: Cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới Tên gốc: THE COMMANDING HEIGHTS: The Battle for the World Economy Tác giả: Daniel Yergin, Joseph Stanislaw Dịch giả: Nhóm Phạm Quang Diệu Số hóa bởi ABBYY FineReader 11 Hiệu đính và đóng sách bởi Bún và Pegasus_charge Thư viện ebook (tve-4u.org) Thời gian hoàn thành: tháng 1/2015 Bìa 4: “Những đỉnh cao chỉ huy là lời giải thích rõ ràng nhất về vận mệnh của các nền kinh tế và thể chế chính trị từ Thế chiến thứ hai đến nay”. -KENNETH MINOGUE, THE WALL STREET JOURNAL- “Tác giả, người được giải thưởng Pulitzer với tác phẩm Phần thưởng, là chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về nền kinh tế toàn cầu. Ông đã tái hiện rõ nét những rủi ro và cơ hội xuất hiện khi cán cân quyền lực chuyển dịch trên toàn thế giới giữa một bên là các chính phủ và một bên là các thị trường. Cuộc chiến toàn cầu hóa đã và đang là vấn đề trung tâm và nóng bỏng. Những đỉnh cao chỉ huy là cuốn sách thiết yếu để hiểu rõ cuộc chiến xác lập ‘luật chơi mới’ trong thế kỷ XXI này”. “Không cuốn sách nào mô tả toàn diện và sâu sắc về quá trình chuyển đổi kinh tế trên toàn cầu trong hơn nửa thế kỷ qua như tác phẩm này”. -DAVID J. ROTHKOPF, FOREIGN AFFAIRS- “Những đỉnh cao chỉ huy là một tác phẩm đồ sộ… Nó thuật lại một câu chuyện rất hấp dẫn; quan trọng hơn, nó thể hiện một trí tuệ uyên thâm”. -MICHAEL ELLIOTT, NEWSWEEK- “Sự khái quát sâu rộng của tác phẩm Những đỉnh cao chỉ huy thật đáng kinh ngạc; sự lôi cuốn của nó thật không thể cưỡng lại được; và ý nghĩa giáo dục quan trọng của nó là không thể phủ nhận… Đã lâu lắm rồi tôi không đọc một cuốn sách mà tính trí tuệ và sự hấp dẫn lại hòa trộn một cách tài tình như vậy”. -ROBERT HEILBRONER, LOS ANGELES TIMES BOOK REVIEW DANIEL YERGIN là tác giả của tác phẩm Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực (The Prize: The Epic Quest for Oil, Money and Power) và Hòa bình đổ vỡ (Shattered Peace), đồng tác giả trong tác phẩm Tương lai năng lượng (Energy Future) và Nước Nga 2010 (Russia 2010). Ông là Chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu Năng lượng Cambridge. JOSEPH STANISLAW là Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Năng lượng Cambridge. Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com NHỮNG LỜI CA NGỢI CUỐN “NHỮNG ĐỈNH CAO CHỈ HUY” “Một câu chuyện đầy lôi cuốn và hấp dẫn… Cuốn sách này tuyệt vời ở mọi góc độ, tình tiết thú vị và dí dỏm… Các tác giả đã thể hiện sự am hiểu sâu sắc về thị trường, đồng thời nhận thức được những bước thoái trào của nó… Đây là cuốn sách hay chỉ dẫn về tương lai của chủ nghĩa tư bản”. -Tạp chí Economist “Đọc xong cuốn sách cũng giống như xem một vở opera thú vị. Các tác giả đã lần theo dấu vết về cuộc đời của hơn 30 nhân vật khi họ định hình bối cảnh lịch sử kinh tế - chính trị của thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua”. -David R. Henderson, tạp chí Fortune “Yergin và Stanislaw đã mô tả lịch sử kinh tế trong hơn 50 năm qua và làm nổi bật sự song hành của đổi mới công nghệ và thị trường tự do”. -Chris Cragg, tờ Financial Times Energy “Thành công vinh quang của Những đỉnh cao chỉ huy là giải thích những biến đổi sâu sắc của thời đại ngày nay thông qua chiều kích lớn lao của lịch sử”. -Valéry Giscard d’Estaing, cựu Tổng thống Pháp “Những đỉnh cao chỉ huy thể hiện một cách thuyết phục và đầy ấn tượng về những thách thức chủ yếu của thời đại ngày nay và tương lai đối với các chính sách của chính phủ và hoạt động của các công ty”. -Rosabeth Moss Kanter, Trường Đại học Harvard “Đã có một cuộc cách mạng trong tư duy kinh tế xảy ra theo quy trình giống như bất cứ cuộc cách mạng khoa học nào. Cuốn Những đỉnh cao chỉ huy kể về sự thay đổi mà thế giới đang tạo ra. Đây là một chỉ dẫn quan trọng hướng tới nền kinh tế của thế kỷ XXI”. -Lawrence Summers “Những đỉnh cao chỉ huy kể lại những thay đổi quan trọng nhất của thế giới hiện đại một cách đầy lôi cuốn và ấn tượng. Cuốn sách này sẽ là vô giá đối với bạn đọc nhiều nơi trên thế giới”. -Yegor Gaidar, cựu Thủ tướng và là Bộ trưởng Tài chính Nga “Với lối kể chuyện lôi cuốn và hấp dẫn về chiến thắng của lực lượng thị trường, các tác giả đã trình bày một cách chi tiết và có hiệu quả những ý tưởng và sự kiện để tạo ra một cuộc cách mạng kinh tế quan trọng nhất của nửa sau thế kỷ này”. -Gary Becker, giải Nobel Kinh tế, năm 1992 “Với sự rõ ràng và uyên bác, các tác giả đã viết nên một trong những câu chuyện hay nhất về thời đại chúng ta, thời đại đầy những thông tin trái ngược, lệch lạc, méo mó… từ ti vi, máy tính, báo chí và sách. Thành công nhất của Những đỉnh cao chỉ huy là đã làm rõ được bối cảnh phức tạp này”. -Adam Smith, tác giả của cuốn Tiền giấy ---oOo--- Cuốn sách được dịch và xuất bản trong chương trình TỦ SÁCH TINH HOA TRI THỨC THẾ GIỚI với sự hỗ trợ về tài chính của: QUỸ DỊCH THUẬT VIỆT NAM (53 Nguyễn Du, Hà Nội; Tel.: (84-4) 9454 662; Fax (84-4) 9454 660) và TẬP ĐOÀN DỮ LIỆU QUỐC TẾ VIỆT NAM VÀ ĐÔNG DƯƠNG (IDG) (Địa chỉ: 2.6B, Tòa nhà e.Town, 364 Cộng Hòa, Phường 13, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh; Điện thoại (84-8) 812 0061; Fax (84-6) 812 0060) MỤC LỤC LỜI NHÀ XUẤT BẢN. 10 LỜI GIỚI THIỆU. 11 MỞ ĐẦU: TRÊN ĐƯỜNG RANH.. 14 Tại sao phải chuyển đổi?. 15 Sức mạnh của ý tưởng. 18 Tái kết nối quá khứ và tương lai 19 Những thách thức cơ bản. 19 1 BA MƯƠI NĂM HUY HOÀNG.. 21 Hướng tới nền kinh tế hỗn hợp. 22 Nước Anh: Giữ đúng lời hứa. 23 Chinh phục “những đỉnh cao chỉ huy” 25 “Chúng tôi hành động dựa trên thực tiễn” 26 Nước Pháp: “Những đòn bẩy trong quyền chỉ huy” 27 Người bán rượu cognac. 28 Kế hoạch: “Hiện đại hóa hay sự suy tàn” 30 Nước Đức: Những bao thuốc lá Lucky Strike và cám gà. 31 Trường phái Tự do Công giáo và thị trường xã hội 32 Erhard: “Mặc kệ nó” 33 Sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Đức. 34 Nước Ý: Các công ty hàng đầu quốc gia. 35 “Sự xâm lấn” của John Maynard Keynes. 36 Thương mại và sức mạnh quốc gia. 39 “Chúng ta chưa bao giờ có một cuộc sống tốt như vậy” 40 2 TAI ƯƠNG TỪ SỰ ĐỒ SỘ.. 42 Xuất hiện điều chỉnh. 43 Luật sư của công chúng. 44 Chuẩn mực, “không quá đơn giản” 45 Chính sách Kinh tế Xã hội mới: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy có gì chắc chắn hơn” 45 “Nhà tiên tri của công cuộc điều chỉnh” 47 Sự xâm nhập của học thuyết Keynes. 49 Toàn dụng nhân công. 49 Điều chỉnh và cải tổ. 51 Chính thể tự do cuối cùng. 52 Tình trạng bất ổn và lạm phát 56 3 LỜI THỀ ĐỊNH MỆNH.. 58 Xây dựng đất nước. 58 Khám phá của Nehru. 59 “Máy kéo và những cỗ máy khổng lồ” 60 “Ý tưởng về kế hoạch hóa” 62 Permit Raj (Chế độ Cấp phép) 63 “Chương trình vì một thế giới tốt đẹp hơn”: Các nhà kinh tế học phát triển. 64 “Ngân hàng” 67 Sự phát triển của công ty nhà nước. 68 “Xu hướng thay đổi” 69 “Đầu tiên phải là quốc gia độc lập về chính trị” 70 Các ủy ban thị trường: công cụ quản lý. 72 Đập Volta: Cao trào của chủ nghĩa xã hội châu Phi 72 “Chủ nghĩa Thế giới thứ ba” 74 Tạm biệt Coca Cola. 75 Hồi kết của một ý tưởng. 76 4 VỊ THẦY TU MẤT TRÍ 78 “Người bạn chính trị thân thiết nhất của tôi” 78 “Ngài Bộ trưởng Tư duy” 79 “Chỗ quay xe” 80 “Sự chuyển biến” của Keith Joseph. 81 Cuộc chiến của giới lãnh đạo. 83 “Không có thời gian để quanh co” 84 “Hôm nay không có tàu” 86 “Bây giờ là thời điểm cho một cuộc chiến thực sự” 87 Phe “Ướt” đấu phe “Khô” 89 “Người phụ nữ kiên định” 91 Cuộc chiến tranh Falklands: “Những sự kiện bất ngờ” 92 Trận chiến quyết liệt 93 Sự ra đời của tư nhân hóa. 94 Nhưng phải làm thế nào?. 96 Một chương trình lớn hơn nhiều. 97 “Một phần của một thể chế” 99 “Luôn luôn với niềm tin” 101 5 KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN.. 103 Khủng hoảng niềm tin. 104 Khủng hoảng nợ và thập kỷ bị đánh mất 106 Các công ty hàng đầu quốc gia. 108 Sao Đỏ đang chìm.. 111 Sự nổi lên của các ngôi sao châu Á. 112 New Zealand: “Chẳng có nền kinh tế nào cả” 113 Friedrich von Hayek và “Cuộc chiến giữa các tư tưởng” 113 Con đường tới chủ nghĩa nông nô. 115 Trường phái Chicago. 116 Sự tôn trọng bất đắc dĩ 119 Sự xuất hiện của các Thị trường mới nổi 120 Hội nhập Tài chính. 123 6 HƠN CẢ THẦN KỲ.. 125 Nhật Bản: “Tôi sẽ tăng găp đôi thu nhập” 127 Tam giác thép: “Hệ thống 1955” 129 Một hành động tự sát đối với giới quan chức. 131 Thập kỷ thất bại 132 Triều Tiên: Lợi và hại của những lựa chọn. 133 Đài Loan: Chủ nghĩa tư bản Khổng giáo. 139 Các chuyên gia siêu đẳng. 141 Singapore: Nhà nước - Nhà đầu tư liên doanh. 143 Malaysia: Những người con của đất 146 Công ty châu Á. 149 Kết thúc giai đoạn thần kỳ?. 153 “Thích ứng với thế giới” 157 7 MÈO ĐEN, MÈO TRẮNG.. 159 “Bắt chuột” 160 Bắt đầu cải cách. 162 “Chim trong lồng” 163 Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc. 165 Cải cách và cố thủ. 166 Quảng trường Thiên An Môn. 167 Nam tiến: Chiến dịch cuối cùng của Đặng Tiểu Bình. 168 Hai nền kinh tế. 169 “Con hổ mới” 170 “Một quốc gia, hai chế độ” 171 Phá lệ. 173 Trung Quốc và nền kinh tế thế giới 175 Trung Quốc thích ứng với hoàn cảnh mới 175 8 SAU CHẾ ĐỘ CẤP PHÉP.. 180 “Lên tới đỉnh của chủ nghĩa Mác” 181 Một triều đại 182 Khủng hoảng. 183 Không có khả năng về các con số. 184 Thức giấc. 185 “Một chủ nghĩa tư bản vô dụng” 186 “Một vai trò rất khác biệt” 187 Buổi xế chiều của Chế độ Cấp phép. 189 Dựa trên những bộ não tốt nhất 190 Tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ. 192 9 TUÂN THEO LUẬT CHƠI 194 Liệu pháp sốc: Sắc lệnh 21060. 194 Quy luật Sự phụ thuộc. 196 Thập kỷ tổn thất 197 Sự đồng thuận mới: “Chúng ta đã đòi hỏi quá nhiều” 198 Những nhà kỹ thuật ứng dụng. 199 Chile: Một hình mẫu mập mờ. 200 Nghịch lý của Argentina. 202 Con trai người đan chổi 204 Quá trình tư nhân hóa. 205 Peru: Nhà nông học và nhà văn. 208 Cú sốc Fujimori 211 Nền kinh tế thị trường “mang bộ mặt người” 213 Brazil: Những kẻ phụ thuộc đã biến lạm phát thành kẻ sát nhân. 214 Mexico: Sự truyền bá quyền lực. 216 “Chúng ta phải thay đổi nhiều thứ” 220 Khám phá lại nhà nước. 222 10 CHIẾC VÉ TỚI KINH TẾ THỊ TRƯỜNG.. 225 Cuộc khủng hoảng của Ba Lan: Sự bắt đầu của điểm kết thúc. 226 Cú điện thoại 227 “Ludwig Erhard của tôi” 228 Cách mạng thị trường. 229 “Đừng nhìn lên trên” 230 Hai người Václav. 231 Nền kinh tế chỉ huy của Liên Xô. 232 Đám cưới của sâu và rắn. 234 Tạo lập thị trường. 235 Thời kỳ quá độ có trật tự?. 238 Cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ hơn. 239 Cách mạng - hay chỉ là một cuộc cải cách triệt để?. 240 Tất cả mọi thứ - Càng nhanh càng tốt 240 Yếu tố then chốt: Hình thành sở hữu tư nhân. 242 Chiếc vé đi tới nền kinh tế tự do. 244 Những người cộng sản đang thắng thế. 246 Tư hữu hóa những đỉnh cao chỉ huy. 246 “Ngày mai tôi vẫn làm như vậy” 247 Nước Nga vỡ nợ. 248 “Sản phẩm thành công của nền giáo dục Xô Viết” 250 Không thể trở lại 253 Chấm dứt thời kỳ cô lập. 254 11 LỜI CAM KẾT. 255 Sự rút lui kép. 256 Nước Pháp: “Cắt đứt quan hệ với chủ nghĩa tư bản” 257 Ngài Delors và phe cánh tả thứ hai 258 “Người tống tiễn các luồng tiền” 259 Cú lội ngược dòng vĩ đại 259 Những người thuộc phe Xã hội “nổi trội hơn nhà nước” 260 Sự đình trệ và chủ nghĩa bi quan châu Âu. 260 Thị trường chung: Tái xuất châu Âu. 261 Đối diện với lịch sử?. 262 Buba biết rõ nhất?. 263 “Đồng D-mác xuất hiện” 265 Sự cam kết 267 Tư nhân hóa và tái cơ cấu. 268 Những nhà lãnh đạo mới cho một châu Âu mới 270 Cái giá của một nhà nước phúc lợi xã hội 272 Cuộc truy tìm mới của châu Âu. 274 12 CUỘC CÁCH MẠNG BỊ TRÌ HOÃN.. 276 “Không còn nữa một chính phủ cồng kềnh” 277 Người ngoài cuộc. 279 “Bị thực tế chẹn họng” 279 Giám đốc Ngân hàng Trung ương. 282 Hơn cả thuế và chi tiêu. 284 Cuộc Cách mạng bị đình trệ. 288 Từ chiếm lĩnh đến cạnh tranh. 289 Con chó và quả mận. 290 Chi phí biên có cánh. 291 Chuông nguyện hồn ai?. 293 Tiền đi đâu. 295 Điện lực: Sự sụp đổ của “khế ước” 296 “Chúng tôi hiểu được điều đó” 298 Điều chỉnh xã hội: Mở rộng tầm với 300 Bùng nổ các quyền. 302 Tư nhân hóa kiểu Mỹ. 303 Lĩnh vực giáo dục và phúc lợi xã hội 305 “Xưa như nước Mỹ” 306 13 KỶ NGUYÊN TOÀN CẦU HÓA.. 309 Một trật tự mới 311 Suy cho cùng thì toàn cầu hóa là gì?. 312 Thời kỳ toàn cầu hóa đầu tiên là từ bao giờ?. 313 Các dấu hiệu hội nhập. 315 Hàn gắn: Cơ sở của toàn cầu hóa sau chiến tranh. 316 Sau thập kỷ 70: Từ thương mại đến các thị trường vốn. 317 Việc tái hòa nhập của các nền kinh tế đóng. 318 Thời kỳ Toàn cầu hóa lần thứ hai 320 Những vấn đề quan ngại mới 322 Các chính phủ vẫn sẽ tiếp tục tồn tại 322 14 NIỀM TIN TRỞ LẠI 325 Sự đồng thuận mới?. 328 Thế giới liên kết 329 Công ty trong nền kinh tế động. 330 Phán xét các kết quả: Các tiêu chuẩn đánh giá gắt gao. 331 1, Hoàn thành sứ mạng?. 332 2, Đảm bảo công bằng?. 333 3, Bảo vệ môi trường?. 334 4, Đối mặt với vấn đề nhân khẩu học?. 335 5, Gìn giữ bản sắc?. 336 Niềm tin trở lại 337 BẢNG NIÊN ĐẠI 340 NHỮNG CUỘC PHỎNG VẤN. 347 THƯ MỤC CHỌN LỌC. 348 LỜI CẢM ƠN. 363 VỀ CÁC TÁC GIẢ. 366 LỜI NHÀ XUẤT BẢN Командные высоты (tiếng Việt dịch là Những đỉnh cao chỉ huy) là tựa đề một bài diễn văn của V.I. Lê-nin. Lê-nin sử dụng khái niệm này trong báo cáo đọc tại Đại hội lần thứ 4 của Quốc tế Cộng sản để nói về những ngành kinh tế có thể kiểm soát được hiệu quả và hỗ trợ cho các ngành khác. Thực ra đây là một thuật ngữ quân sự chỉ những điểm cao quan trọng mang tính chi phối chiến trường, gọi là cao điểm chiến lược. Lê-nin nói: “Chúng tôi buộc phải đi đường vòng. Chủ nghĩa tư bản nhà nước như chúng tôi đã thiết lập trong nước là một chủ nghĩa tư bản nhà nước đặc biệt. Nó khác với khái niệm thông thường về chủ nghĩa tư bản nhà nước. Chúng tôi nắm tất cả những đỉnh cao chỉ huy”. Phải chăng chủ nghĩa tư bản nhà nước đặc biệt này chính là xuất xứ của khái niệm kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng được Lê-nin gọi thẳng là chủ nghĩa tư bản nhà nước? Chỉ tiếc là sau đó Lê-nin mất nên không rõ lý thuyết và thực tiễn cụ thể của chủ nghĩa tư bản nhà nước đặc biệt này như thế nào, có hoạt động được không? Năm 1998, Daniel Yergin và Joseph Stanislaw đã dùng thuật ngữ Những đỉnh cao chỉ huy làm tiêu đề cho cuốn sách của mình: Commanding Heights: The Battle for the World Economy, mà các bạn đang có bản tiếng Việt trong tay. Chúng tôi xin cám ơn ông Trần Đình Thiên và nhóm dịch của ông Phạm Quang Diệu đã dịch và giới thiệu cho NXB Tri thức cuốn sách rất hấp dẫn này. Trong quá trình chuẩn bị bản thảo, các anh chị Nguyễn Cảnh Bình, Phạm Hồng Tiến, Nguyễn Thu Trang và Phan Huyền Dân đã tham gia bổ sung và hiệu đính bản dịch để cuốn sách có được diện mạo như ngày hôm nay, chúng tôi xin chân thành cám ơn. Chúng tôi cũng đã cố gắng chú giải hầu hết những nhân vật, địa điểm và sự kiện được đề cập trong sách để bạn đọc thuận lợi cho quá trình theo dõi. Những chú thích nào của tác giả, chúng tôi đều ghi rõ đó là của tác giả. Ngoài ra, chúng tôi cũng lược bớt phần Chỉ dẫn và Chú thích các tài liệu tham khảo trong cuốn sách gốc vì quá dày và phức tạp. Những độc giả muốn tìm hiểu kỹ hơn phần này có thể tra cứu sách gốc. Và cuối cùng, do đây là một cuốn sách lớn và đồ sộ với phạm vi trình bày các sự kiện trải rộng trên khắp thế giới trong suốt thế kỷ XX cũng như mức độ phức tạp của cuốn sách, cùng với năng lực và kiến thức còn nhiều hạn chế nên trong quá trình biên tập và hiệu đính cuốn sách này, chúng tôi chắc hẳn không thể tránh khỏi những sai sót. Chúng tôi rất mong nhận được những đóng góp ý kiến và chỉnh sửa của bạn đọc để lần tái bản mới sẽ hoàn chỉnh hơn. Chúng tôi xin chân thành cám ơn Tập đoàn Dữ liệu Quốc Tế Việt Nam và Đông Dương (IDG) đã tài trợ cho việc xuất bản cuốn sách này. Hà Nội, tháng 8/2006 NXB TRI THỨC LỜI GIỚI THIỆU Tại sao phải chuyển sang cơ chế thị trường? Tại sao và như thế nào mà sự chuyển đổi từ kỷ nguyên, trong đó, chính phủ các quốc gia luôn tìm cách nắm giữ và kiểm soát nền kinh tế nhà nước sang kỷ nguyên với những ý tưởng về cạnh tranh, mở cửa, tư nhân hóa và bãi bỏ các phép tắc đã và đang thống trị tư tưởng kinh tế thế giới? Cách đây 8 năm (năm 1998), công trình nghiên cứu Từ thần kỳ tới khủng hoảng - những bài học có ích cho Việt Nam của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Hà Nội về cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Đông Á 1997-1998 đã đưa ra một khuyến cáo gây sự chú ý đặc biệt. Đó là khuyến cáo về “thất bại nhà nước” trong việc điều hành nền kinh tế thị trường, được UNDP coi là nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ của hàng loạt nền kinh tế “thần kỳ” ở Đông Á. Đối với nhiều người trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách ở Việt Nam lúc đó, lời cảnh báo này có phần gây “sốc”. Đơn giản vì nó đưa ra một luận điểm khá mới mẻ so với nhận thức phổ biến trong xã hội, mang tính chuẩn mực giáo khoa nhưng lại khá thiên lệch, quy mọi thứ bất ổn xảy ra trong nền kinh tế thị trường cho cái gọi là “thất bại thị trường”. Công trình nghiên cứu này cho rằng “thất bại nhà nước” vẫn thường xảy ra và gây tai họa to lớn không kém “thất bại thị trường”. Thực ra, câu chuyện “thất bại nhà nước” và “thất bại thị trường” hay mối quan hệ “nhà nước” - “thị trường” không phải chủ đề nghiên cứu mới hay của riêng công trình do UNDP thực hiện. Nó chỉ góp thêm một tiếng nói, rất thiết thực và bổ ích, trực tiếp cho người Việt Nam lúc đó mới “chập chững” bước vào kinh tế thị trường - một thị trường mới mở cửa (mới được mươi năm kể từ khi đổi mới), nhằm làm sáng tỏ thêm một vấn đề có thể coi là “xưa cũ”, một vấn đề đã từng đeo đẳng, giày vò loài người nhiều thế kỷ mãi cho tới tận ngày hôm nay. Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay cũng là một công trình được viết trong nỗi ám ảnh của sự giày vò đó. Nó cũng bàn về vấn đề “nhà nước - thị trường”. Như hàng ngàn cuốn sách khác, nó bàn về một trong những vấn đề lớn nhất, phức tạp nhất, gây nhiều “phiền hà” nhất, do đó, cũng là thú vị nhất của lịch sử phát triển nhân loại. Nhưng dù là bàn về một chủ đề “xưa cũ”, đây vẫn là một cuốn sách đáng đọc vì giá trị xuyên suốt lịch sử vấn đề, vì sự mổ xẻ kỹ càng bản chất vấn đề từ các chiều cạnh khác nhau của nó, đáng đọc vì tính mục đích và tính định hướng tương lai của cuốn sách. Tựa đề cuốn sách: Những đỉnh cao chỉ huy: Cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới - đã bao hàm những giá trị đó. Đọc một cuốn sách có độ dày hơn 800 trang, trong thời đại mà “văn hóa nghe nhìn” đang lấn lướt “văn hóa đọc hiểu”, lại về một chủ đề không mới, quả thật là mạo hiểm. Nhưng khi đã cầm cuốn sách và đọc nó, mọi người sẽ thấy ngay từ trang đầu tiên rằng đó là một sự mạo hiểm đáng giá. Hơn 800 trang là độ dày cần thiết và có thể chấp nhận. Đọc từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng của cuốn sách, điều ta cảm nhận được sẽ là một bức tranh toàn cảnh đủ chân thực, rất phong phú và sinh động về lịch sử phát triển của loài người trong suốt thế kỷ XX, một thế kỷ biến động nhất của lịch sử, được dựng lên xuyên qua một cái trục quan trọng bậc nhất của nó là trục nhà nước - thị trường. Như chính các tác giả viết, cuốn sách có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi lớn của lịch sử hiện đại: “Tại sao phải chuyển sang cơ chế thị trường? Tại sao và như thế nào mà sự chuyển đổi từ kỷ nguyên, trong đó, chính phủ các quốc gia luôn tìm cách nắm giữ và kiểm soát nền kinh tế nhà nước sang kỷ nguyên với những ý tưởng về cạnh tranh, mở cửa, tư nhân hóa và bãi bỏ các phép tắc đã và đang thống trị tư tưởng kinh tế thế giới? Liệu những thay đổi này có phải là không thể đảo ngược? Chúng có phải là một phần của quá trình phát triển và tiến hóa liên tục? Hơn thế nữa kết quả và viễn cảnh chính trị, xã hội, kinh tế của sự thay đổi căn bản này trong mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường là gì?” Giải thích thêm cho việc lựa chọn những câu hỏi đó, cũng là để xác định một cách tiếp cận đến các câu trả lời, các tác giả cho rằng “ranh giới giữa chính phủ và thị trường không thể được phân định dứt khoát bởi một số cuộc hội thảo ôn hòa. Đây là chủ đề của các cuộc chiến lớn nhỏ về trí tuệ và chính trị trong suốt một thế kỷ. Các cuộc chiến nói chung đã tạo nên một trong những vở kịch lớn định hình thế kỷ XX. Ngày nay, mâu thuẫn giữa thị trường và sự kiểm soát của chính phủ đã trở nên sâu rộng đến mức đang làm thay đổi cả thế giới và làm nền cho thế kỷ XXI”. Theo cách tiếp cận như vậy, cuốn sách chính luận này làm một cuộc khảo sát lại lịch sử tiến triển, cũng là sự thăng trầm, của các “đỉnh cao chỉ huy” trong sự giằng co nhà nước - thị trường, giúp nhận diện rõ hơn thực chất lý luận của quá trình này. Chúng ta sẽ tìm thấy qua các chương của cuốn sách những diện mạo khác nhau của nhà nước và thị trường. Đó là những diện mạo khác nhau trong các giai đoạn phát triển của lịch sử, giữa các hệ thống chính trị - xã hội, giữa các châu lục với các nền văn hóa và truyền thống khác nhau, giữa các trường phái khác nhau. Chân dung lịch sử của nhà nước, cũng như của thị trường, được cuốn sách vẽ lại từ nhiều chiều cạnh, góc độ và trong mối tương quan so sánh. Cuốn sách đáng trân trọng vì nó cung cấp một cái nhìn khách quan và công bằng về lịch sử, về một đối tượng có tầm quan trọng sống còn của lịch sử, về một mối quan hệ có một số phận rất thăng trầm, dễ bị phán xét một cách phiến diện, thiên lệch, theo kiểu “giậu đổ bìm leo”. Nhà nước và mối quan hệ nhà nước - thị trường trong đa số trường hợp, cho đến nay vẫn thường là “nạn nhân” của sự phán xét như vậy. Cuốn sách cho người đọc thấy rằng nhờ nắm được “các đỉnh cao chỉ huy”, nhà nước đã từng đóng vai trò rất to lớn trong sự phát triển quốc gia. Vai trò này không chỉ thể hiện ở các nước xã hội chủ nghĩa - kế hoạch hóa tập trung trước đây mà còn đặc biệt rõ ràng trong các nền kinh tế thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, từ các nước phát triển cao nhất cho đến các nước kém phát triển. Các tác giả đã chứng minh không bác bỏ được rằng thậm chí ngay cả ở những nước tư bản phát triển nhất, tức là nơi có nhiều thị trường nhất, thì nhà nước cũng đã từng - và hiện vẫn đang - đóng vai trò to lớn, không chỉ là vai trò quan trọng mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển, trong những giai đoạn lịch sử xác định. Lịch sử các nước Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, của các nền kinh tế thần kỳ Đông Á, của Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, và của rất nhiều nước khác đã xác nhận điều đó. Dựng lại lịch sử, cuốn sách làm một việc là giúp người đọc thấy rõ hơn “bàn tay hữu hình”, tức là nhà nước, quan trọng đến nhường nào đối với loài người, cả trong hệ thống XHCN “cũ” lẫn hệ thống TBCN hiện đang tồn tại. Trong sự biện chứng của lịch sử, các chứng cứ thực tiễn được cuốn sách nêu ra khẳng định một điều: bàn tay vô hình của thị trường chỉ thực sự hữu ích một khi nó kết hợp với bàn tay hữu hình của nhà nước nhằm mục tiêu phục vụ sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Vì những công lao to lớn, nhà nước xứng đáng được nhận những bản tụng ca đẹp nhất. Cuốn sách đã đưa ra nhiều luận cứ, nhiều bằng chứng để chứng minh một cách thuyết phục nhận định đó. Người đọc, dù đứng trên lập trường nào, cũng sẽ cảm nhận được sự công bằng lịch sử của phán xét này. Nhưng xét về bản chất, cuốn sách này được viết ra không phải để ngợi ca nhà nước. Nó không phải là bản tụng ca về nhà nước. Nó mổ xẻ thực tiễn và chứng tỏ rằng bên cạnh những “công lao” to lớn, nhà nước còn phạm không ít sai lầm, gây ra nhiều hậu quả, kể cả những hậu quả làm rung chuyển lịch sử. Sự sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới dựa trên nền tảng cơ chế kế hoạch hóa tập trung hay gần đây hơn, cuộc khủng hoảng của các nền kinh tế “thần kỳ” của Đông Á cách đây một thập niên là những ví dụ điển hình minh chứng cho điều đó. Những sai lầm của nhà nước, như cuốn sách chỉ ra, hiện diện trong tất cả các hệ thống kinh tế, ở khắp các châu lục, trong mọi giai đoạn phát triển và có nguồn gốc lý luận từ các quan niệm khác nhau về vai trò của nhà nước và thị trường. Tất nhiên, kể ra đầy đủ, toàn diện “lỗi lầm” của các loại nhà nước không phải là cách mà các tác giả sử dụng để xóa nhòa các ranh giới, làm mờ đi bản chất của nhà nước. Mục tiêu của cuốn sách là rõ ràng: cần phải chỉ ra thất bại nhà nước mà không bị sự chi phối của các thiên kiến, làm rõ các nguyên nhân lịch sử của chúng để giúp nền kinh tế thị trường vận hành hiệu quả hơn. Thiết nghĩ cuốn sách đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Nhưng cũng cần nói thêm rằng đây là cuốn sách dựng lại chân dung lịch sử để hướng tới tương lai. Đối diện với loài người là một thế giới ngày càng toàn cầu hóa. Trong thế giới đó, không gian thu hẹp lại, thời gian được rút ngắn lại, các hàng rào biên giới hạ thấp, và thế giới trở thành một “ngôi làng”. Khi đó, nền kinh tế thị trường vận hành với nhiều quy tắc mới. Toàn cầu hóa, như các tác giả viết, là một thách thức đối với nhà nước. Vì vậy mà vai trò và chức năng của nhà nước chắc chắn cũng sẽ có những thay đổi mạnh mẽ. Quyền lực nhà nước bị giới hạn trong phạm vi quốc gia có thể sẽ xung đột với quá trình toàn cầu hóa các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Khi đó, câu hỏi đặt ra sẽ là: “những đỉnh cao chỉ huy” mà các nhà nước - quốc gia luôn muốn chiếm lấy để “khống chế” nền kinh tế thị trường liệu có những giá trị nào? Nhà nước sẽ tham gia vào quá trình phát triển mang tính toàn cầu với những công cụ và phương cách nào? Đó là những câu hỏi rất lớn đang đặt ra. Cũng là về nhà nước - thị trường, về “những đỉnh cao chỉ huy” nhưng với nội dung rất mới. Cuốn sách tiếp cận đến các câu hỏi này không chỉ để gợi suy. Nó còn là những câu trả lời. Có thể những câu trả lời hãy còn xa mới đầy đủ và đúng đắn. Song tất cả những gì hiện có trong cuốn sách là rất bổ ích, cả từ góc độ nhận thức luận lẫn phương pháp luận. Đối với Việt Nam chúng ta, một đất nước đã 20 năm đi vào quỹ đạo phát triển kinh tế thị trường và mở cửa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình này, nhiều “đỉnh cao chỉ huy” đã được Nhà nước bàn giao lại cho Thị trường. Nhờ đó, nền kinh tế đã gặt hái được nhiều thành công ngoạn mục. Nhưng dường như quá trình này vẫn chưa hoàn thành. Khuynh hướng muốn “giành lại”,“ôm chặt” lấy các “đỉnh cao chỉ huy” vẫn còn rất mạnh. Trên thực tế, vẫn đang tồn tại tình trạng “thiếu và thừa” nhà nước. Thiếu ở nơi cần, thừa ở nơi đã đủ. Đó là một nghịch lý phát triển mà chúng ta đang chấp nhận và phải trả giá. Tham nhũng, hiệu quả đầu tư thấp, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh chậm được cải thiện, cải cách thị trường bị phanh hãm, v.v… có nguồn gốc từ nghịch lý này. Giờ đây, khi quá trình cải cách thị trường vẫn chưa hoàn thành, nền kinh tế nước ta lại bước vào một giai đoạn phát triển mới về chất: hội nhập sâu hơn và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới. Cơ hội nhiều hơn, lớn hơn. Nhưng rủi ro, thách thức cũng gay gắt và khốc liệt hơn. Số phận của nền kinh tế đang tùy thuộc vào chỗ cái nào trong số đó - cơ hội hay thách thức - sẽ trở thành hiện thực sớm hơn. Chắc chắn trong việc giải quyết vấn đề sinh tử này, Nhà nước sẽ đóng một vai trò lớn chưa từng thấy. Nhưng vai trò đó thực sự là gì? Và bằng cách nào để thực hiện nó đúng đắn? Những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải trong quá trình cải cách hành chính, hay rộng hơn, cải cách nhà nước và hệ thống chính trị, cho thấy rõ mức độ phức tạp của việc trả lời các câu hỏi mà đất nước đang bắt buộc phải trả lời đó. Trong lộ trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó, có thể tin rằng cuốn sách này là một người bạn tốt. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc. Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2006 PGS. TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN VIỆN KINH TẾ VIỆT NAM MỞ ĐẦU: TRÊN ĐƯỜNG RANH Các cuốn sách thường bắt đầu vào những lúc không ngờ. Cuốn sách này phần nào bắt đầu vào một ngày hè tại khu ngoại ô thành phố Matxcơva. Khu chợ trời Izmailovo trải rộng trên một diện tích nhiều hecta thuộc ngoại vi đông bắc thành phố, gần cuối đường xe điện ngầm. Sự thay đổi của khu vực này - từ một khu công viên trưng bày các bức họa và đồ thủ công mỹ nghệ thành một khu chợ rộng lớn - là một trong những dấu hiệu sớm nhất và rõ nhất cho thấy sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế không còn do nhà nước kiểm soát mà thích ứng với nhu cầu của thị trường. Quá khứ và tương lai đồng thời được bày bán ở đây. Những bức tranh sơn dầu vẽ những ngôi làng tuyết phủ trắng và những tượng thánh, đa số không rõ nguồn gốc, lẫn lộn với mớ đồ điện tử Hàn Quốc và đầu máy video rẻ tiền. Các sạp hàng tranh nhau bán những băng đĩa cũ, những bộ y phục cáu bẩn, những kỷ vật thời Nga hoàng và những chiếc khuy áo in hình Lê-nin. Có cả thảm từ Trung Á, kiếm từ Caucasus và những kỷ vật của Bạch vệ thời Nga hoàng lẫn Hồng quân Xô Viết. Khắp nơi tràn ngập matrioshka, những con búp bê gỗ - con này nằm trong con kia, với vô vàn chủng loại - không chỉ kiểu búp bê truyền thống là thôn nữ mà còn những kiểu mô phỏng nhiều nhân vật khác, từ những nhà lãnh đạo Xô Viết và Hoa Kỳ tới các cầu thủ của Harlem Globetrotters.[1]Đồng tiền thanh toán được ưa thích nhất là đồng đô-la - cũng vẫn là cái đồng đô-la mà cách đây chỉ vài năm thôi, nếu ai đang sở hữu nó mà bị bắt gặp thì có thể sẽ phải ngồi tù. Khu chợ này thu hút đủ mọi loại người và trong cái ngày đặc biệt này, có cả ngài Brian Fall, Đại sứ của nước Anh sau này. Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp trong Bộ Ngoại giao, ngài Fall đã đảm trách các vấn đề Xô Viết và Nga trong suốt 30 năm, gợi nhớ về những ngày hoạt động bí mật của George Smiley[2]trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.[3]Trong giai đoạn này, ngài Fall đã nắm giữ nhiều vị trí, như cố vấn cao cấp cho ba đời Bộ trưởng Ngoại giao hay Cao ủy nước Anh tại Canada. Tuy nhiên, lúc này, ngài Fall đến Izmailovo với vợ và con gái không vì mục đích ngoại giao mà để đi mua sắm như mọi người. Họ đang tìm mua một bức họa cảnh làng quê gợi nhớ về hình ảnh của một nước Nga truyền thống. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, ngài Fall phải dừng lại để tự nhắc mình là những thay đổi sâu sắc trong nước Nga hiện đại đang thực sự xảy ra. Tất cả các sạp hàng tại Izmailovo phải đối mặt với sự thay đổi đó. Khu chợ là hình ảnh thu nhỏ của một xã hội tan tác và lộn xộn nhưng đang hồi phục. Xã hội này đang trải qua một sự chuyển đổi mạnh hơn và nhanh hơn bất cứ người Nga nào có thể hiểu, nó đang trải qua một cuộc cách mạng mà họ chưa từng biết và hẳn là không được chuẩn bị trước. Và ngài Fall nói như thế chúng ta sẽ tìm thấy một lối thoát: “Nếu như Liên bang Xô Viết sụp đổ vào thập kỷ 60 hoặc 70[4]thì sẽ dễ hơn nhiều cho người Nga”. Tại sao vậy? “Bởi vì đó là lúc sự can thiệp của chính phủ đang thống trị ở phương Tây và việc lập kế hoạch quốc gia cũng như sở hữu nhà nước là phương thức tiến hành trong thời kỳ đó. Điều này sẽ khiến nước Nga dễ dàng hơn trong việc duy trì hoạt động của công ty nhà nước khổng lồ và không ngừng bơm tiền cho các doanh nghiệp này, bất chấp mức lỗ lớn đến đâu. Và tiếp đó, việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường sẽ không quá khốc liệt và gian nan đến vậy”. Những quan sát của ông đã làm nổi bật những thay đổi thật bất ngờ và rõ nét trong suy nghĩ về mối quan hệ thích hợp giữa nhà nước và thị trường trên toàn thế giới kể từ những năm 70. Những tư tưởng mang tính ước lệ, thậm chí đã từng thống trị và được coi là đúng đắn trong thời kỳ đó giờ đây bị chỉ trích khắp nơi, và trong một số trường hợp không còn được tin tưởng và bị ruồng bỏ. Những tư tưởng bị coi như đang trên bờ phá sản, hoặc thậm chí đã phá sản, vốn chỉ được thảo luận trong một số ít hội thảo, thì nay đã trở thành các vấn đề trung tâm. Kết quả là hầu hết các nền kinh tế đang được sắp xếp lại, trong một vài trường hợp, tiến trình này diễn ra triệt để hơn với ảnh hưởng quyết liệt và sâu rộng. Trên toàn thế giới, các nhà xã hội chủ nghĩa đang đi theo đường lối chủ nghĩa tư bản, các chính phủ bán hạ giá các doanh nghiệp đã từng được quốc hữu hóa trước đây và các quốc gia đang tìm cách lôi kéo các công ty đa quốc gia mà họ vừa mới trục xuất chỉ hai thập kỷ trước. Chủ nghĩa Mác và sự kiểm soát nhà nước đang bị thay thế bởi sự đề cao hành vi doanh nhân,[5]số lượng thị trường chứng khoán đang tăng mạnh và những nhà quản lý các quỹ tương hỗ[6]trở nên nổi tiếng. Ngày nay, các chính trị gia cánh tả thừa nhận rằng các chính phủ không còn kham nổi hình thức nhà nước phúc lợi mở rộng và những đảng viên đảng Tự do Mỹ nhận ra rằng có thêm sự kiểm soát của chính phủ không hẳn là giải pháp cho mọi vấn đề. Nhiều người đang buộc phải xem xét và đánh giá lại các giả thiết của họ. Những thay đổi này đang mở ra những triển vọng và cơ hội mới trên khắp thế giới. Nhưng với nhiều người, sự chuyển đổi cũng đang gây ra những mối lo âu và tình trạng bấp bênh mới. Họ sợ rằng chính phủ sẽ không còn che chở cho họ trong lúc họ ngày càng bị cuốn chặt vào nền kinh tế toàn cầu với các đường biên giữa các quốc gia đang dần mờ đi. Họ cũng tỏ ra lo lắng về cái giá mà mỗi tác nhân trên thị trường phải trả. Các cú sốc và biến động trên thị trường vốn quốc tế, ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông Nam Á vào năm 1997 và một năm sau đó lan sang châu Mỹ La-tinh và Nga, đã và đang biến nỗi lo của họ thành những câu hỏi cơ bản về mối nguy hiểm và thậm chí là cả tính hợp pháp của thị trường. Khi toàn cầu hóa tập hợp các quốc gia vào mạng lưới thương mại và thông tin của nó, triển vọng của thị trường và mối quan ngại về những rủi ro do thị trường mang lại dường như song hành với nhau. Khi các nhà lãnh đạo chính phủ ngồi lại với nhau ở Seattle, Genoa hay Qatar,[7]để đặt ra luật chơi cho một nền kinh tế thị trường toàn cầu, họ đã phải đối mặt với những cuộc biểu tình rất mạnh mẽ từ phía những người phản đối thuộc đủ mọi tầng lớp. Thời kỳ phát triển mạnh mẽ kéo dài suốt thập kỷ 90 được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của nền kinh kế Mỹ trong 10 năm liên tiếp đã chấm dứt, và người ta lo ngại sẽ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hay thậm chí còn tồi tệ hơn nữa. Tiếp đến là sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi nhóm khủng bố tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York và Lầu Năm Góc tại Washington D.C.; mức độ thiệt hại và biểu tượng sức mạnh của những mục tiêu trên đã phần nào thể hiện mặt trái của sự phụ thuộc lẫn nhau và của quá trình hội nhập. Sự mất lòng tin đã làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế trên toàn cầu, tạo áp lực lên mọi chính phủ, mọi quốc gia. Tuy nhiên, qua những rối loạn trên, cùng với sự chuyển sang thị trường mở và liên kết toàn bộ xã hội, một “xã hội công dân” toàn cầu đang đấu tranh để ra đời. Nhưng hình thái của loại hình xã hội này vẫn chưa được xác định và còn phải bàn nhiều. Tất cả những lập luận trên cần phải được đặt trong hoàn cảnh thực tế. Khoảng thời gian một trăm năm đã đưa chúng ta từ kỷ nguyên thương mại quốc tế vĩ đại cuối cùng tới một kỷ nguyên mới, khắc nghiệt và đầy hoang mang ngày nay. Cuộc chiến phân biệt ranh giới giữa vai trò của thị trường và nhà nước đã và đang thúc đẩy tiến trình này và tiếp tục định hình những kết cục sắp tới. Tại sao phải chuyển đổi? Tại sao lại phải chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường? Tại sao và như thế nào mà sự chuyển đổi từ kỷ nguyên, trong đó chính phủ các quốc gia luôn tìm cách nắm giữ và kiểm soát nền kinh tế nước mình sang kỷ nguyên với những ý tưởng về cạnh tranh, mở cửa, tư nhân hóa và bãi bỏ các phép tắc đã và đang thống trị tư tưởng kinh tế thế giới? Câu hỏi này lại tiếp tục làm nảy sinh những câu hỏi khác: Liệu những thay đổi này có phải là không thể đảo ngược? Chúng có phải là một phần của quá trình phát triển và tiến hóa liên tục? Những kết quả và viễn cảnh về chính trị, xã hội, kinh tế của sự thay đổi căn bản này trong mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường là gì? Đó là những câu hỏi cơ bản mà cuốn sách này sẽ trả lời. Chắc chắn rằng ranh giới giữa chính phủ và thị trường chưa bao giờ được giải quyết chỉ bởi vài cuộc hội thảo ôn hòa. Đây là chủ đề của các cuộc chiến lớn về trí tuệ và chính trị cũng như những cuộc đụng độ liên tiếp trong suốt thế kỷ. Các cuộc chiến nói chung đã tạo nên một trong những vở kịch vô danh định hình diện mạo thế kỷ XX. Ngày nay, mâu thuẫn giữa thị trường và sự kiểm soát của chính phủ đã trở nên sâu rộng đến mức đang làm thay đổi cả thế giới, và là động lực cho bức tranh của thế kỷ XXI. Ranh giới này không những xác định đường biên giới giữa các quốc gia mà còn phân chia vai trò trong nội bộ mỗi quốc gia đó. Trách nhiệm và lĩnh vực nào trong nền kinh tế thuộc về nhà nước và kiểu bảo hộ nào mà nhà nước có thể dành cho công dân của mình? Đâu là lĩnh vực mà khối tư nhân không được phép hoạt động và đâu là trách nhiệm của từng cá nhân? Ranh giới này cũng không rõ ràng và không được xác định chính xác, luôn thay đổi và thường là mơ hồ. Tuy nhiên, phần lớn thời gian trong thế kỷ XX này, nhà nước luôn chiếm ưu thế và đang ngày càng mở rộng tầm kiểm soát tới tận những lĩnh vực trước đây do thị trường điều tiết. Sự thắng thế này được thúc đẩy bởi các cuộc cách mạng và hai cuộc Thế chiến, bởi cuộc Đại Khủng hoảng, cùng những tham vọng của các nhà chính trị và chính phủ các quốc gia. Điều này còn do nhu cầu của công chúng ở những nước công nghiệp dân chủ về chế độ an ninh tốt hơn. Nó cũng xuất phát từ nhu cầu phát triển cũng như sự bức thiết cần phải cải thiện đời sống ở những nước đang phát triển, và do cần có pháp luật và sự công bằng. Đằng sau tất cả những lập luận này là lời cáo buộc rằng các thị trường đã đi quá xa, rằng chúng có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào, có quá nhiều nhu cầu và dịch vụ mà chúng không thể đáp ứng được và những rủi ro và chi phí về con người và xã hội quá lớn, cũng như khả năng bị lợi dụng quá lớn. Kết quả của những thay đổi lớn diễn ra trong nửa đầu thế kỷ XX là các chính phủ đã mở rộng những nghĩa vụ và trách nhiệm hiện có tới tận người dân và đề ra các nghĩa vụ, trách nhiệm mới. “Tri thức chính phủ” - tri thức tập thể của một số lãnh đạo trung ương - được coi trọng hơn “tri thức thị trường” - tri thức phân tán của những nhà sản xuất và người tiêu dùng trên thị trường. Ở một thái cực, Liên bang Xô Viết, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và các nước cộng sản khác đã tìm cách kìm nén sự phát triển của trí tuệ thị trường và sở hữu tư nhân, thay vào đó là kế hoạch hóa và sở hữu nhà nước. Nhà nước biết tất cả. Ở nhiều nước công nghiệp phương Tây và phần lớn các nước đang phát triển thì mô hình được áp dụng là “nền kinh tế hỗn hợp”, trong đó nhà nước thể hiện tri thức của mình và giữ vai trò quyết định nhưng không hoàn toàn loại bỏ cơ chế thị trường. Nhà nước có thể tái cơ cấu, hiện đại hóa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhà nước cũng có thể đảm bảo sự công bằng, tạo cơ hội và mang lại một cuộc sống tươm tất. Để có thể đạt được những điều trên, chính phủ của nhiều quốc gia đã tìm cách thâu tóm và kiểm soát những ngành quan trọng trong nền kinh tế - “những đỉnh cao chỉ huy”. Thuật ngữ này đưa chúng ta trở lại thời điểm cách đây ba phần tư thế kỷ. Vào tháng 11 năm 1922, sau nửa thập kỷ lãnh đạo phe bonsevich tới thắng lợi, Vladimir Ilyich Lê-nin, lúc đó sức khỏe đã yếu, đang chuẩn bị dự Hội nghị lần thứ tư của Quốc tế Cộng sản tổ chức tại St. Petersburg, sau này là Petrograd. Đó là lần xuất hiện cuối cùng của Lê-nin trước công chúng. Một năm trước đó, trong giai đoạn giữa cuộc khủng hoảng kinh tế cho tới khi thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn nhất, Lê-nin đã bắt đầu tiến hành Chính sách Kinh tế Mới, cho phép sự quay trở lại của tiểu thương và nông nghiệp tư nhân. Lúc đó những chiến sĩ cộng sản đã công kích Lê-nin vì thỏa hiệp với tư bản và bán rẻ cuộc cách mạng. Mặc dù sức khỏe không tốt, Lê-nin đã mỉa mai chua chát bảo vệ cho chương trình của mình. Ông tuyên bố, mặc dù chính sách trên cho phép thị trường hoạt động nhưng nhà nước vẫn nắm giữ “những đỉnh cao chỉ huy”, những yếu tố quan trọng nhất của nền kinh tế. Lê-nin đảm bảo với tất cả những người còn nghi ngờ rằng đó mới là điều quan trọng. Tất cả những điều này diễn ra trước cả thời kỳ tập thể hóa, chủ nghĩa Stalin và việc loại bỏ hoàn toàn khu vực tư nhân ở Liên bang Xô Viết. Những năm giữa hai cuộc chiến tranh sau đó, qua những người theo học thuyết Fabian[8]và Công đảng Anh, thuật ngữ trên đã tìm được đường đến với nước Anh và sau đó được Jawaharlal Nehru[9]và Đảng Quốc đại áp dụng ở Ấn Độ và lan tới nhiều nơi trên thế giới. Cho dù thuật ngữ này có được áp dụng hay không thì mục tiêu chỉ là một: đảm bảo quyền kiểm soát của nhà nước ở những khu vực chiến lược trong nền kinh tế quốc gia, những ngành công nghiệp và công ty chủ chốt. Ở Hoa Kỳ, chính phủ kiểm soát những ngành kinh tế quan trọng không qua quyền sở hữu mà qua các quy chế kinh tế, dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa tư bản có thể điều chỉnh rất đặc trưng của Mỹ. Nói chung, sự phát triển quyền kiểm soát của nhà nước dường như không thể tránh được. Những năm sau Thế chiến thứ hai, chỉ nhà nước mới có thể bố trí các nguồn lực cần thiết để tái thiết đất nước đã bị chiến tranh tàn phá. Thập kỷ 60 dường như đã minh chứng rằng các chính phủ có thể điều hành nền kinh tế có hiệu quả, và thực tế là rất tốt. Đầu thập kỷ 70, nền kinh tế hỗn hợp gần như không có đối thủ và vai trò của nhà nước tiếp tục được mở rộng. Thậm chí tại Hoa Kỳ, chính quyền của Tổng thống Richard Nixon đã tìm cách thực thi một chương trình rộng lớn để kiểm soát tiền lương và giá cả. Tuy nhiên đến những năm 90, chính nhà nước đã rút lui. Hệ thống xã hội chủ nghĩa không những đã thất bại mà còn biến mất hẳn khỏi nơi trước đây đã từng là Liên bang Xô Viết, và ít nhất với tư cách là một hệ thống kinh tế, ở Trung Quốc, chủ nghĩa xã hội cũng bị gác sang một bên. Ở phương Tây, các chính phủ cũng giảm bớt sự kiểm soát và các trách nhiệm. Thay cho thuật ngữ “sự thất bại của thị trường”, tâm điểm chính bây giờ là “sự thất bại của nhà nước” - những khó khăn cố hữu nảy sinh khi nhà nước trở nên quá lớn, quá tham vọng và luôn tìm cách trở thành người chơi chính, chứ không phải trọng tài trong nền kinh tế. Paul Volcker, người đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát khi còn là người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã giải thích nguyên nhân gây ra sự thay đổi trên bằng lối diễn đạt rất đơn giản: “Nhà nước đã quá tự cao”. Ngày nay, để ứng phó với tình hình chi phí kiểm soát quá cao mà kém hiệu quả, nhà nước đã tiến hành một bước cơ bản thông qua cuộc mua bán lớn nhất trong lịch sử thế giới: tư nhân hóa. Những tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đô-la đã được bán cho tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài hoặc trôi nổi trên các thị trường chứng khoán - từ các nhà máy luyện thép, công ty điện thoại, nhà máy điện cho tới các công ty hàng không, tập đoàn khách sạn và thậm chí cả các hộp đêm. Trong một quá trình có ảnh hưởng sâu rộng đang diễn ra, các chính phủ cũng nới lỏng dần các quy định. Ở Hoa Kỳ, điều này có nghĩa là đảo lộn và lập lại cơ cấu điều tiết đã và đang tác động tới hầu hết mọi khía cạnh của đời sống. Ở nhiều nước khác, điều này lại chỉ có nghĩa là lần đầu tiên tạo lập các quy luật của trò chơi kinh tế mà không phải dựa vào sở hữu nhà nước ở quy mô lớn. Ở mọi nơi, mục tiêu đều là tránh sự kiểm soát của nhà nước thay thế vai trò của thị trường và hướng tới sử dụng cạnh tranh trên thị trường như một công cụ hữu hiệu hơn nhằm đảm bảo lợi ích chung. Sự chuyển đổi này cũng không phải là dấu hiệu chấm dứt vai trò của nhà nước. Ở nhiều quốc gia, hàng năm các chính phủ vẫn tiếp tục chi tiêu phần lớn thu nhập quốc dân như những năm trước. Ở các nước công nghiệp, nguyên nhân nằm ở chi phí xã hội bao gồm các khoản trợ cấp xã hội, và hầu như ở mọi nơi, nhà nước vẫn là chỗ dựa cuối cùng cho hàng loạt các nhu cầu xã hội. Tuy vậy, quy mô của chính phủ và nghĩa vụ của nhà nước trong nền kinh tế nhất định phải giảm xuống. Trên thế giới, nhà nước đã bắt đầu bớt lập kế hoạch, bớt sở hữu và bớt điều tiết hơn, thay vào đó cho phép mở rộng phạm vi tác động của thị trường. Tuy nhiên, những thách thức đối với sự dịch chuyển này cũng nảy sinh nhiều hơn. Sự rút lui dần của nhà nước khỏi “những đỉnh cao chỉ huy” đã đánh dấu sự khác biệt lớn giữa thế kỷ XX và XXI. Quá trình này đã mở cửa nhiều quốc gia, trước đây vẫn đóng kín với thương mại và đầu tư, đẩy mạnh sự phát triển và tính hiệu quả của kinh tế toàn cầu. Sự phát triển của thị trường vốn và việc giảm bớt các trở ngại đối với thương mại đầu tư đã gắn kết các thị trường với nhau hơn và cũng thúc đẩy dòng lưu chuyển tư tưởng tự do hơn. Sự xuất hiện của các thị trường mới nổi đã tạo nên sự năng động và nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế thế giới. Các công ty tầm cỡ quốc gia đang tự chuyển mình thành những công ty tầm cỡ thế giới và dù có ít hay nhiều kinh nghiệm trên thương trường quốc tế, các công ty này đều đang vội vàng xây dựng chiến lược toàn cầu. Song song và hỗ trợ rất nhiều cho quá trình này là một cuộc cách mạng công nghệ với những kết quả quan trọng nhưng cũng rất thất thường. Công nghệ thông tin - qua hệ thống máy tính - tạo ra một thế giới liên kết với nhau bằng cách tăng cường thông tin liên lạc, hợp tác, hội nhập và tiếp xúc với tốc độ và quy mô thay đổi mạnh mẽ vượt ngoài phạm vi kiểm soát của bất kỳ một quốc gia riêng lẻ nào. Các mối liên kết đang tăng cường làm cho các đường biên giới quốc gia ngày càng bị thủng “lỗ chỗ” và xét về một số hình thức kiểm soát thì các đường biên này ngày càng trở nên ít tác dụng. Sức mạnh của ý tưởng Đằng sau tất cả những điều đó là một cuộc chuyển biến căn bản về tư tưởng. Vào năm 1936, trong cuốn Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ, nhà kinh tế người Anh kiệt xuất John Maynard Keynes đã viết rằng tư tưởng còn có “sức mạnh hơn cả những gì người ta thường nghĩ. Thực sự, thế giới này được điều khiển chẳng bởi cái gì khác ngoài tư tưởng. Những kẻ điên rồ nắm quyền lực trong tay, tưởng như nghe thấy tiếng nói từ không trung, nhưng lại đang chắt lọc cuồng mộng của họ từ một cây bút tầm thường nào đấy mấy năm về trước […] Nhưng sớm hay muộn thì chính những tư tưởng chứ không phải những quyền lợi được hưởng, mới là điều nguy hiểm theo cả nghĩa tốt lẫn xấu”. [10] Việc định nghĩa lại một cách toàn diện khái niệm nhà nước và thị trường trong hai thập kỷ qua một lần nữa đã thể hiện chân lý của Keynes về sức mạnh to lớn của tư tưởng bởi vì những khái niệm và quan điểm đã bị gạt ra khỏi dòng chính thống thì giờ đây đang được nhanh chóng coi là trung tâm và có tác động đến các nền kinh tế trên toàn thế giới. Thậm chí chính Keynes cũng đã trở thành minh chứng cho tuyên ngôn của mình. Khi London bị ném bom trong Thế chiến thứ hai, ông đã thu xếp cho một nhà kinh tế Áo di cư - Friedrich von Hayek - tạm thời trú chân tại một Trường Đại học ở Cambridge. Đó là một cử chỉ hào hiệp. Khi đó, Keynes đã là nhà kinh tế hàng đầu của thời đại còn Hayek là một nhà phê bình ít người biết đến. Trong những năm hậu chiến, học thuyết chính phủ điều hành nền kinh tế của Keynes tỏ ra không thể lung lay. Nhưng nửa thế kỷ sau, chính Keynes là người bị hạ bệ và Hayek, người bảo vệ mạnh mẽ cho thuyết thị trường tự do, đã thắng thế. “Những nhà kinh tế học mới” theo thuyết Keynes tốt nghiệp trường Harvard có thể đã thống trị trong nhiệm kỳ của Tổng thống Kennedy và Tổng thống Johnson vào những năm 60, nhưng những năm 90 đến trường phái thị trường tự do của Đại học Chicago đã tác động đến toàn thế giới. Nhưng nếu các nhà kinh tế và nhà tư tưởng khác có các tư tưởng thì những chính trị gia lại là người thực hiện các tư tưởng đó, mà một trong những bài học sâu sắc nhất từ việc chuyển đổi tư tưởng nói trên chính là tầm quan trọng của các nhà lãnh đạo và việc lãnh đạo. Keith Joseph,[11]người tự cho là “Bộ trưởng tư duy” của Anh, và học trò của ông là Margaret Thatcher dường như đang bắt tay vào một dự án viển vông khi họ bắt đầu phá bỏ nền kinh tế hỗn hợp của Anh. Không những họ đã giành được thắng lợi mà còn gây ảnh hưởng đến một phần lớn của thế giới. Đó là một cuộc cách mạng duy nhất mà Đặng Tiểu Bình trong khi vẫn trung thành với chủ nghĩa Mác, đã kiên quyết buộc Trung Quốc, đất nước lớn nhất thế giới, phải hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Còn ở Mỹ, chiến thắng của Ronald Reagan năm 1980 đã buộc Đảng Dân chủ phải định nghĩa lại chính mình. Tên gọi của chặng đường đi tới thị trường cần phải sáng rõ. Đối với người Mỹ, cuộc chiến toàn cầu giữa nhà nước và thị trường có thể là khó hiểu, vì “chủ nghĩa tự do” lại chống lại “chủ nghĩa tự do”. Ở Hoa Kỳ, khái niệm chủ nghĩa tự do nói đến hành động theo đuổi đường lối tăng cường sự liên quan và trách nhiệm của nhà nước trong nền kinh tế của các chính trị gia và những người theo chủ nghĩa can thiệp. Nhưng ở các nước khác trên thế giới, từ chủ nghĩa tự do lại có ý nghĩa hoàn toàn ngược lại - nó được những người theo chủ nghĩa tự do ở Mỹ gọi là chủ nghĩa bảo thủ. Chủ nghĩa tự do ở phần còn lại của thế giới ủng hộ việc giảm bớt vai trò của nhà nước, tối đa hóa tự do cá nhân và tự do kinh tế với nền tảng là thị trường và phân quyền trong việc ra quyết định. Đã có nhiều nhà tư tưởng như John Locke,[12]Adam Smith[13]và John Stuart Mill[14]tính đến điều này. Họ đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của quyền sở hữu và thấy rằng vai trò của chính phủ là hỗ trợ và đảm bảo sự công bằng trong xã hội dân sự. Do đó, trong cuốn sách này, khi từ chủ nghĩa tự do được đề cập đến bên ngoài nước Mỹ, dù là ở Liên bang Xô Viết cũ hay châu Mỹ La-tinh hay đâu đó, thì nó mang nghĩa là ít vai trò của nhà nước hơn.[15] Tái kết nối quá khứ và tương lai Việc khẳng định lại thuật ngữ chủ nghĩa tự do truyền thống đã dẫn đến một sự hồi sinh - mà trên thực tế là một sự tái kết - vì thời hoàng kim của chủ nghĩa này diễn ra vào cuối thế kỷ XIX. Thực ra, thế giới ở buổi bình minh của thế kỷ XXI cũng giống như thời kỳ cuối thế kỷ XIX - là một thế giới có nhiều cơ hội làm ăn và rất ít rào cản đối với thương mại và du lịch. Sau đó, cũng giống như hiện nay, những công nghệ mới đã thúc đẩy sự thay đổi. Hai cuộc cách mạng công nghệ trong thế kỷ XIX đã phá vỡ hoàn toàn ranh giới tự nhiên của gió và nước, những yếu tố quy định thương mại từ những ngày đầu của nền văn minh nhân loại. Ngay từ đầu thế kỷ XIX, động cơ hơi nước đã khiến cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng xe lửa và tàu biển an toàn hơn, nhanh hơn và tiện lợi hơn bất cứ một phương tiện nào khác. Ngay từ năm 1819, con tàu Savannah của Mỹ đã sử dụng động cơ hơi nước để vượt Đại Tây Dương. Giữa thế kỷ XIX, hơi nước đã bắt đầu hoàn toàn thay thế sức gió. Khi đường dây điện tín đầu tiên được đặt xuyên qua Đại Tây Dương, sau ba lần kết nối thất bại, cuối cùng các thị trường đã được nối liền. Sự phát triển của những công nghệ này đã đem đến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại thế giới. Hơn nữa, chúng cũng đem lại cơ hội cho đầu tư tư nhân. Các nguồn vốn của châu Âu được đổ vào việc xây dựng đường sắt ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi và châu Á, đổ vào các hầm mỏ, đồn điền mà chúng kết nối với các cảng biển. Với nguồn vốn quá nhiều từ nước Anh dành cho sự phát triển đường sắt của Mỹ, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã trở thành thị trường mới nổi mạnh nhất thế kỷ XIX. Trong cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và giai đoạn sau Thế chiến thứ nhất, nền kinh tế thế giới trải qua một kỷ nguyên hòa bình và phát triển, kỷ nguyên này đã được nhớ đến như một thời hoàng kim. Những thách thức cơ bản Điều gì đã khiến cho chủ nghĩa tự do truyền thống quay lại? Giáo lý trước đó về vai trò của nhà nước như là người hiện đại hóa nền kinh tế đã bị đổ vỡ cùng với quyền sở hữu và sự can thiệp của nhà nước do chi phí quá cao và những hậu quả không ngờ. Gánh nặng tài chính đã vượt quá khả năng chịu đựng của nhà nước: nợ nần và thâm hụt ngân sách quá lớn. Lạm phát trở thành căn bệnh kinh niên và cố hữu. Khi khoảng cách giữa dự định và thực tế tăng lên, niềm tin biến thành sự hoài nghi. Sự thất bại của Liên bang Xô Viết - một ví dụ điển hình về kế hoạch hóa tập trung - đã làm mất niềm tin vào mọi hình thái chủ nghĩa nhà nước, trong khi đó, sự thịnh vượng của các nền kinh tế Đông Á đã hướng tới một sự cân bằng khác giữa nhà nước - thị trường và khẳng định tầm quan trọng của việc tham gia nền kinh tế toàn cầu. Liệu sự thắng thế của thị trường có kéo dài không? Hay vai trò của nhà nước sẽ một lần nữa được mở rộng? Chúng tôi tin rằng, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào cách giải đáp các câu hỏi chủ chốt sau: Liệu các nền kinh tế thị trường có tạo ra sản phẩm dưới dạng tăng trưởng kinh tế, việc làm, mức sống cao hơn hay không, và các nền kinh tế này định hình hệ thống phúc lợi xã hội như thế nào? Liệu những thành quả trên có được xem là công bằng, hợp lý? Điều gì sẽ xảy ra đối với bản sắc dân tộc trong nền kinh tế quốc tế mới? Liệu công chúng có thể chắc chắn rằng môi trường sẽ được bảo vệ không? Và liệu những nền kinh tế thị trường có thể đối phó được với cái giá phải trả về nhân khẩu – tỷ lệ của lớp trẻ tăng lên ở các nước đang phát triển và lớp già ở các nước công nghiệp? Những câu hỏi trên và các chủ đề chúng đặt ra sẽ là một phần không thể tách rời trong những trang tiếp theo của cuốn sách này. Cuốn sách này được trình bày theo một trật tự như thế nào? Ba chương đầu sẽ trình bày phương cách nhà nước nắm quyền kiểm soát các ngành kinh tế quan trọng - vị thế tưởng như không thể lung lay trong thập kỷ 70 — ở châu Âu, Mỹ và các nước đang phát triển. Chương 4 sẽ mô tả cuộc phản công đầu tiên, cuộc cách mạng kinh tế dưới thời Thatcher ở Anh vào những năm 80. Chương 5 sẽ mô tả các thế lực đã khiến cho thế giới thay đổi quan điểm về cán cân giữa nhà nước và thị trường trong thập kỷ 80 và 90. Chương 6 đến 8 sẽ tập trung vào châu Á - sự năng động của các nước Đông Á và các thế lực làm biến đổi những nền kinh tế này kể từ sau giai đoạn phát triển thần kỳ, sự chuyển đổi từ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kiểu cũ sang chủ nghĩa tư bản trong khoảng thời gian 20 năm ở Trung Quốc, và nỗ lực loại bỏ Chế độ Cấp phép - “Permit Raj” - và định hướng nền kinh tế Ấn Độ hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Những nỗ lực của châu Mỹ La-tinh nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc sẽ là chủ đề của chương 9. Chương 10 sẽ giải thích nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Nga và các quốc gia Đông Âu trên con đường tiến tới kinh tế thị trường và sự hội nhập chật vật vào thế giới sau thời kỳ cộng sản. Những nỗ lực của châu Âu trong việc tạo nên một thị trường chung và giảm dần vai trò của nhà nước - tiến tới nhà nước phúc lợi - là chủ đề của chương 11. Chương 12 sẽ xem xét nước Mỹ trong khuôn khổ một quá trình tổng thể về sự thay đổi mang tính toàn cầu, tìm hiểu tác động của tài chính lành mạnh trong một chính phủ mở rộng và những xu hướng đối lập trong điều chỉnh kinh tế và những giá trị xã hội. Cuối cùng, chương 13 và 14 sẽ đề cập đến vấn đề toàn cầu hóa – những cơ hội và thách thức trong một nền kinh tế toàn cầu mới là gì? Thực tế, toàn cầu hóa là cái gì? Làm thế nào mà cả một thời kỳ “đỉnh cao chỉ huy” kéo dài cả trăm năm đã dẫn chúng ta tới một thị trường toàn cầu? Các quốc gia và cộng đồng quốc gia sẽ phải đối mặt như thế nào với những thách thức do tự do hóa thương mại và hội nhập tài chính quy mô lớn mang lại? Liệu cùng một lúc chúng ta có thể có được những lợi ích về mặt chính trị do một nhà nước dân chủ mang lại và những lợi ích về mặt kinh tế do thị trường toàn cầu mang lại, khi mà dường như thị trường lúc này đang lấn át nhà nước? Rốt cuộc ai sẽ nắm được “những đỉnh cao chỉ huy”? Đó chính là câu chuyện của chúng ta, câu chuyện về những cá nhân, những tư tưởng, xung đột, những bước ngoặt quyết định đã làm biến chuyển các nền kinh tế và số phận các quốc gia trong nửa sau của thế kỷ XX. Phạm vi của câu chuyện đã tự đặt ra quy tắc của nó. Chỉ riêng về nước Mỹ hay bất cứ một khu vực, một quốc gia nào đấy cũng đã có vô số thứ có thể viết; nhưng ở đây, chúng ta chỉ mô tả tất cả trên một bức tranh rộng lớn hơn - đó là những trận chiến hỗn loạn tranh giành “những đỉnh cao chỉ huy”, lợi ích và hậu quả, cùng viễn cảnh trong thế kỷ tới. Nhưng chúng ta hãy bắt đầu với một cuộc hội thảo ôn hòa mà thực tế là tập trung vào những ranh giới chính trị truyền thống. Thời gian diễn ra là năm 1945. Địa điểm là Berlin. 1 BA MƯƠI NĂM HUY HOÀNG Nền kinh tế hỗn hợp ở châu Âu Cuộc họp cuối cùng của các nhà lãnh đạo phe Đồng minh diễn ra vào tháng 7 năm 1945 tại một địa điểm từng là cung điện của Hoàng đế nước Đức thuộc Potsdam, ngoại ô Berlin. Mục tiêu của cuộc họp này là lên kế hoạch cho những hành động cuối cùng của Thế chiến thứ hai và chuẩn bị cho hòa bình. Trong số họ có một nhà lãnh đạo chưa từng trải - tân Tổng thống Mỹ Harry Truman - người mới kế nhiệm Franklin Roosevelt chưa đầy ba tháng. Người thứ hai là nhà độc tài Xô Viết Joseph Stalin - Bác Joe, như phía Đồng minh vẫn gọi do bản tính rất dễ cáu kỉnh của ông. Phải nhiều năm sau thì người ta mới biết đến những hậu quả đầy đủ về con người do sự độc tài và các trại tù chính trị của ông. Vào lúc đó, mô hình kế hoạch hóa tập trung Xô Viết với những kế hoạch 5 năm và công cuộc công nghiệp hóa quy mô lớn đã có ảnh hưởng mạnh và kéo dài trong nhiều thập kỷ. Người thứ ba là Winston Churchill, một nhà chiến lược lớn và một nhà lãnh đạo kiên định, người mà với quyết định quả cảm của mình trong bối cảnh nước Anh hoàn toàn bị cô lập, đã trở thành biểu tượng của quyết tâm chống phát-xít. Thực sự ông đã là một vị anh hùng trong lịch sử; thực khó có thể nói đến thắng lợi của phe Đồng minh mà không nói đến Churchill trong những giờ khắc tăm tối nhất thời kỳ 1940-1941. Những nhiệm vụ đặt ra cho Hội nghị Potsdam rất khó khăn và chương trình nghị sự của Hội nghị đầy kín những vấn đề gay go căng thẳng như thời điểm Liên bang Xô Viết tham gia cuộc chiến chống Nhật Bản, cơ chế tạm chiếm nước Đức, bồi thường thiệt hại chiến tranh và dĩ nhiên là cả vấn đề biên giới. Ngoài ra còn có một vài vấn đề khác. Trong thời điểm diễn ra Hội nghị, khi biết thông tin về cuộc thử bom hạt nhân thành công tại sa mạc bang New Mexico, Truman đã giả bộ tình cờ đến gần Stalin và cho biết nước Mỹ đã có một vũ khí mới. “Vũ khí này rất mạnh”, Truman nói. Stalin đáp: “Tốt thôi, tôi hy vọng nước Mỹ có thể sử dụng vũ khí này”. Thông tin của Truman chẳng làm nhà độc tài Xô Viết ngạc nhiên, ông ta đã biết trước về vũ khí mới của Mỹ qua những tin tức tình báo. Sau chín ngày đấu tranh ngoại giao là giai đoạn tạm nghỉ - một thứ nghi lễ dường như kỳ lạ của chủ nghĩa dân chủ tư sản đối với Stalin - đó là một cuộc bầu cử, trong trường hợp này là cuộc bầu cử ở nước Anh nhằm thay thế chính phủ đã điều hành nước Anh từ tháng 5 năm 1940. Churchill rời Potsdam ngày 25 tháng 7. Mặc dù gặp ác mộng thấy mình chết trước đó nhưng Churchill vẫn rất tự tin rằng Đảng Bảo thủ của ông sẽ chiến thắng với đa số phiếu và rằng ông sẽ sớm quay lại để tiếp tục tranh luận với Stalin. Thế nhưng do cử tri nước Anh lo sợ nạn thất nghiệp và suy thoái kinh tế lại xảy ra như những năm 30 nên kết quả là Công đảng lại thắng lớn. Với Churchill, người đã lãnh đạo nước Anh qua thời kỳ tồi tệ của chiến tranh, sự thất bại này là một nỗi nhục nhã lớn. “Thật bẽ mặt” - đó là cách Churchill mô tả kết quả cuộc bầu cử. Một vài tuần sau, vợ ông an ủi ông về kết quả của cuộc bầu cử: “Trong cái rủi lại có cái may”. Churchill trả lời: “Giờ thì có lẽ là may mắn lớn”. Nước Anh không còn được lãnh đạo bởi nhân vật kiệt xuất từng được mệnh danh là người hùng vĩ đại của lịch sử chính trị hiện đại - hậu duệ của Bá tước Marlborough, chỉ huy kỵ binh và anh hùng trong cuộc chiến tranh Boer,[16]tay hảo hán và chủ nhân, người có phong cách riêng, người bảo vệ đất nước đã trở thành nhà cải cách tự do của vương quốc Anh. Ông đã thất bại trước Clement Attlee, người bị thôi thúc bởi cảnh khốn cùng và sự tuyệt vọng của những người dân đang sống trong các khu ổ chuột trên nước Anh và bị ảnh hưởng bởi cái mà ông gọi là “đạo lý Cơ Đốc giáo”, đã dành 14 năm đầu trong sự nghiệp của mình để trở thành nhà hoạt động xã hội vùng cực Đông London. Sự tương phản giữa Attlee và Churchill rất lớn. Thủ tướng Attlee, được một người cùng thời mô tả là “rất dịu dàng và ít nói”, đã rất tự hào là không đọc báo, cố gắng giữ cho các bài tóm lược tin tức trong 10 phút hoặc ít hơn (chấm dứt bằng câu “chẳng có gì” hoặc “với tôi ý tưởng này thật điên rồ”), và lúc nào cũng cố dùng càng ít từ càng tốt. Về sau này ông được hỏi là: “Liệu ông có cho rằng ông là người theo thuyết bất khả tri hay không?” Ông đã trả lời là: “Tôi không biết”. Và khi được hỏi là: “Liệu có tồn tại thế giới bên kia hay không”, thì ông đáp: “Có thể”. Và chính Attlee, chứ không phải Churchill, đã trở lại Potsdam. Mặc dầu Attlee là một nhân vật thuộc phe xã hội, nhưng hầu như không có thay đổi gì trong thành phần đoàn đại biểu Anh, cũng như trong chính sách của nước Anh. Ngay cả những nhân viên phục vụ thủ tướng cũng được giữ nguyên. Vì biết là Attlee không có người phục vụ, Churchill đã cho ông mượn người của mình. Tất cả những điều đó làm Stalin bối rối, và đã nghĩ là hẳn có một sự thỏa thuận từ đầu nào đó giữa Churchill và Attlee. Sau cùng, V.M. Molotov, Bộ trưởng Ngoại giao của Stalin, đã gợi ra với Attlee là hẳn Churchill đã “ấn định” kết quả bầu cử. Tại Potsdam, Attlee đã chẳng lấy gì làm bực mình khi nhà lãnh đạo công đoàn Ernest Bevin, Ngoại trưởng mới của ông, dường như đã đứng ra nói từ đầu chí cuối trong khi Attlee ngồi yên lặng, nhả khói xì gà và gật đầu. Ông giải thích: “Bạn đừng có nuôi một con chó mà bạn lại tự sủa lấy, và Ernie là một con chó rất tốt”. Khi chiến thắng của cuộc Thế chiến thứ hai tới gần, Attlee và những đảng viên Công đảng - một sự pha trộn giữa giới trí thức Oxford, lãnh đạo công đoàn và thợ mỏ - đã đánh trúng vào tình cảm của toàn bộ cử tri, trong khi Churchill lại không làm được điều đó. Và những chương trình mà Attlee và đảng của ông hứa hẹn thực hiện đại diện cho một kỷ nguyên mới, trong đó các chính phủ - hay nhà nước - tìm cách nắm giữ và điều khiển “những đỉnh cao chỉ huy” trong nền kinh tế. Điều này trước hết xảy ra ở các nước công nghiệp, dưới cái tên sự tái thiết, tăng trưởng kinh tế, việc làm đầy đủ và sự công bằng. Tiếp sau là ở các nước đang phát triển, dưới cái tên sự tiến bộ, xây dựng tổ quốc và chống chủ nghĩa đế quốc. Công đảng thiết lập và hợp pháp hóa mô hình kinh tế hỗn hợp, được đặc trưng bởi sự can thiệp mạnh và trực tiếp của chính phủ vào nền kinh tế cùng với chính sách nhà nước phúc lợi ngày càng mở rộng. Can thiệp của chính phủ có thể thông qua quản lý tài khóa hoặc khu vực doanh nghiệp nhà nước - khu vực này cùng tồn tại song song với khu vực tư nhân. Mô hình này đã tồn tại trong bốn thập kỷ. Các nỗ lực của Công đảng đã đánh dấu sự bắt đầu một trào lưu kinh tế và chính trị lan ra khắp thế giới cho tới khi đạt đến đỉnh cao vào những năm 70. Hướng tới nền kinh tế hỗn hợp Khắp Tây Âu, có nhiều động lực cùng tạo ra sự đồng thuận về một nền kinh tế hỗn hợp. Thiệt hại thứ nhất hiển hiện trước mắt mọi người là sự tàn phá ghê gớm và cảnh cùng cực do chiến tranh gây ra. Sự tàn phá này đã nhanh chóng tạo ra một cuộc khủng hoảng với quy mô chưa từng có; trong lịch sử chưa bao giờ có những biến cố lớn như vậy. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Henry Stimson đã ghi lại trong nhật ký của mình: “Khung cảnh tồi tệ hơn bất cứ những gì có thể xảy ra trên thế giới”. Hàng chục triệu người thiếu lương thực trầm trọng, nhiều người có nguy cơ chết vì đói. Cuộc khủng hoảng có thể đo được bằng thiệt hại về mặt con người – số người chết và bị thương, người tàn tật, sự ly tán của các gia đình. Cuộc khủng hoảng cũng được thể hiện bằng những thiệt hại vật chất – nhà cửa và các nhà máy bị san bằng thành các đống gạch vụn, công nghiệp và giao thông không thể hoạt động. Nhưng vẫn còn một sự thiệt hại nữa khó thấy hơn: máy móc xuống cấp, lực lượng lao động của châu Âu kiệt sức, bệnh tật, rối loạn; những kỹ năng kỹ thuật mất hết. Thời tiết khắc nghiệt mà đỉnh điểm là vào mùa đông Siberia 1947 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Cần phải làm gì đó và phải thật nhanh. Đời sống đã quá cùng cực. Nếu không sớm có câu trả lời cho tình huống này thì chủ nghĩa cộng sản có thể sẽ lan khắp lục địa châu Âu. Không có một khu vực tư nhân nào có thể huy động vốn, tư liệu sản xuất và những năng lực cần thiết để có thể tái thiết và phục hồi khi thương mại và thanh toán quốc tế hoàn toàn đổ vỡ. Nhà nước phải đảm nhận nhiệm vụ này và lấp đầy chỗ trống. Có thể nói nhà nước là nhà quán quân trong việc tổ chức và phục hồi kinh tế. Ngoài ra không còn ai khác. Các chính sách về chương trình của nền kinh tế hỗn hợp cũng nảy sinh từ những kinh nghiệm của những thập kỷ trước. Trước hết, đó là cuộc Đại Suy thoái những năm 30 và biểu hiện nhức nhối nhất chính là nạn thất nghiệp trầm trọng. Với thực tế nền kinh tế thế giới ngày nay, người ta sẽ không thể lý giải được những gì đã xảy ra trong suốt bốn thập kỷ tiếp đó nếu không hiểu rằng thất nghiệp là vấn đề cơ cấu trọng tâm mà tất cả các chính sách đều phải nhằm giải quyết. Trong thập kỷ 20, hệ thống thị trường đã tỏ ra kém hiệu quả ở nhiều nước và trong thập kỷ 30, hệ thống này đã thất bại hàng loạt. Vì thế không có gì đảm bảo rằng hệ thống này lại không thất bại thêm một lần nữa. Nhà nước, do vậy, đã đảm nhiệm một vai trò to lớn hơn nhiều nhằm tạo việc làm đầy đủ, diệt trừ tận gốc nguyên nhân gây ra khủng hoảng, điều chỉnh và ổn định hoạt động kinh tế, và đảm bảo rằng chiến tranh sẽ không gây ra sự suy thoái khiến cho những lời hứa hẹn, những lý tưởng và sự hy sinh trong cuộc chiến vừa kết thúc trở nên vô nghĩa. Khi chiến tranh kết thúc, ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới, chủ nghĩa tư bản đối với dân chúng đã mất uy tín đến mức ngày nay chúng ta không thể tưởng tượng được. Chủ nghĩa tư bản dường như là thứ chủ nghĩa nhu nhược, không thích hợp, bất lực và người ta không thể mong đợi rằng nó sẽ mang lại sự phát triển kinh tế và một cuộc sống khấm khá hơn. “Ở châu Âu không ai còn tin vào nền kinh tế kiểu Mỹ - tức là chỉ có các công ty tư nhân”, nhà sử học người Anh A.J.P. Taylor[17]lúc đó đã viết như vậy. Hầu như chẳng còn ai tin vào nền kinh tế kiểu Mỹ ngoại trừ những người ảo tưởng như những người ủng hộ vua James II[18]ở Anh sau năm 1688. Về mặt đạo đức, chủ nghĩa tư bản thật đáng phê phán vì nó thể hiện lòng tham lam, làm tăng sự bất bình đẳng, không đáp ứng được nhu cầu của công dân và đối với nhiều người, chủ nghĩa tư bản phải chịu trách nhiệm trong việc gây ra cuộc chiến tranh thế giới. Một yếu tố khác cũng có ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi trên. Đối với thế giới phương Tây, Liên bang Xô Viết đã tạo được thanh thế và sự kính nể về mặt kinh tế mà ngày nay khó có thể đạt lại được. Những kế hoạch năm năm trong phát triển công nghiệp, nền kinh tế “chỉ huy và kiểm soát”, sự tuyên bố không có thất nghiệp được coi là lời giải cho nạn thất nghiệp và sự thất bại của chủ nghĩa tư bản trong những năm 30. Mô hình kinh tế Xô Viết càng có uy tín hơn nữa khi đã chiến thắng cỗ máy chiến tranh Đức Quốc Xã. Tất cả mọi thứ đã tạo ra cho chủ nghĩa xã hội một cái tên đẹp đẽ. Sự kính nể và khâm phục không những xuất phát từ phần còn lại của châu Âu mà còn từ phe ôn hòa và thậm chí từ phe bảo thủ. Sự khốn khổ và tính tàn bạo của chế độ Stalin lúc đó vẫn chưa rõ ràng hoặc chưa được xem xét nghiêm túc. Tính giới hạn và cứng nhắc của hệ thống kế hoạch hóa tập trung - và xét cho cùng yếu điểm cơ bản sống còn của hệ thống này là không thể đổi mới - phải mất hàng thập kỷ nữa mới chứng minh được. Mặc dù luôn ủng hộ “thử nghiệm” Xô Viết nhưng nhà sử học E.H. Carr[19]đã quá cường điệu khi ông viết năm 1947: “Chắc chắn nếu chúng ta đều là những nhà hoạch định chính sách thì dù có nhận thức được hay không, kết quả này chủ yếu là do ảnh hưởng từ thực tiễn của Liên bang Xô Viết và những thành tựu mà nó đạt được”. Nó đã thách thức và ám ảnh những người thuộc phe dân chủ xã hội, phe ôn hòa và phe bảo thủ; ảnh hưởng của nó đến toàn bộ giới chính trị là điều không thể phủ nhận được. Nước Anh: Giữ đúng lời hứa Đối với Công đảng của Anh, giải quyết nỗi ám ảnh của nạn thất nghiệp là điểm khởi đầu, hay gần như là lý do để tồn tại. Rốt cuộc họ cũng muốn thực hiện lời hứa của Thủ tướng David Lloyd George hồi cuối Thế chiến thứ nhất: “Các anh hùng sẽ có nhà ở”, một lời hứa đã không được thực hiện trong những năm cay đắng giữa hai cuộc thế chiến. Diễn ra trong những năm 20 và thậm chí tồi tệ hơn trong những năm 30 là nạn thất nghiệp tràn lan và các thử thách cam go, sự đối đầu giữa chủ và thợ, sự phân biệt giai cấp mà do đó những người có khả năng và được đào tạo (họ muốn được đào tạo) từ chối cơ hội và lên án những người tiếp tục đầu tư. Khi những đảng viên Công đảng nhận ra điều này thì nước Anh đã là một quốc gia mà các nhà tư bản chắc chắn đã thất bại, họ không chịu đầu tư và không hề có động cơ đổi mới. Thay vào đó, các nhà kinh doanh cứng nhắc và tầm thường này lại chỉ lo tích lũy lợi nhuận, trốn tránh việc áp dụng công nghệ mới, kỳ thị sự đổi mới và sa thải nhân công. Những nhà kinh doanh như vậy không thể là những người làm hồi sinh nền kinh tế được. Phản ứng của những đảng viên Công đảng trước tình hình xã hội và nạn thất nghiệp trong những năm 30 thực ra chính là cực điểm của cao trào giải phóng trí thức đã hình thành từ nhiều thập kỷ trước của thế kỷ XIX, nhằm xóa bỏ cảnh đói nghèo và những khu nhà ổ chuột do quá trình công nghiệp hóa gây ra, khắc phục hậu quả của các cuộc khủng hoảng cũng như những thất bại trong chu kỳ kinh doanh. Chính những điều này đã khiến Clement Attlee khởi nghiệp ở vùng cực Đông London thay cho làm việc trong văn phòng luật sư của cha. Ám ảnh bởi những cảnh khốn cùng, cũng giống như Attlee, rất nhiều người, ở những mức độ khác nhau, đều theo đuổi mục tiêu cải cách và công bằng xã hội, tìm kiếm tính hiệu quả, và luôn tin tưởng vào trách nhiệm của chính phủ đối với công dân, cũng như đưa nước Anh theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Trong số đó, nhiều quan điểm đã được đề xướng bởi những người theo học thuyết Fabian, một học thuyết ra đời vào cuối thế kỷ XIX bởi nhiều học giả trong đó có Beatrice, Sidney Webb[20]và George Bernard Shaw.[21] Cộng đồng trí thức có ảnh hưởng lớn này mưu tính thay thế “sự tranh giành vì lợi ích cá nhân” bằng “sự thịnh vượng chung”, hay theo lời của Shaw, đó là từng bước hướng tới “chủ nghĩa tập thể” và giai đoạn đầu của “chủ nghĩa xã hội”. Biện pháp của họ là tiến hành cải cách từng bước chứ không phải bằng một cuộc cách mạng. Trong những năm 30, những nhà xã hội Anh nhìn ra thế giới và nhận thấy các chính phủ khác cũng đang lâm vào hoàn cảnh như họ. Một số nước hướng về mô hình kinh tế được coi là chủ nghĩa tích cực lạc quan, mang tính thực nghiệm, gắn liền với những cải cách theo chủ nghĩa can thiệp của Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt và Chính sách Kinh tế Xã hội mới. Một số nước khác lại bị lôi cuốn bởi Liên bang Xô Viết và những gì được coi là “bản anh hùng ca” đầy thành tích của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế tập trung, điều này dường như đã khiến Liên bang Xô Viết trở thành một ngoại lệ trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Một số người trong giới trí thức Anh, đi đầu là vợ chồng Webb, đã ôm ấp ảo tưởng về chủ nghĩa cộng sản Xô Viết quá lâu. So với giới công đoàn, mô hình Xô Viết thường có ảnh hưởng lớn đến giới trí thức hơn. Những lãnh đạo công đoàn như Ernest Bevin[22]đã phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa cộng sản do những xung đột của họ với phe Cộng sản về quyền kiểm soát phong trào liên đoàn Anh, và họ đã tỏ ra là những người phản đối kiên quyết nhất đối với chủ nghĩa bành trướng của Xô Viết sau Thế chiến thứ hai. Bản thân chiến tranh cũng đã mở rộng phạm vi hoạt động kinh tế của nhà nước. Sự quản lý nền kinh tế của nước Anh trong Thế chiến thứ hai là bằng chứng tích cực nhất cho thấy nhà nước có thể làm được gì và chứng minh được những lợi ích của việc kế hoạch hóa. Trên thực tế, nhà nước đã tiếp quản và điều hành nền kinh tế với quy mô lớn và hiệu quả hơn nhiều so với những năm 30 khi nhà nước chưa nắm quyền, nhà nước có thể thu được mức sản lượng cao hơn từ chính những máy móc thuộc nhà sở hữu của những nhà tư bản trước khi chiến tranh xảy ra. Hơn nữa, người dân đã nương tựa vào nhau và cùng chia sẻ những khó khăn trong thời đoạn “căng thẳng của cuộc chiến tranh toàn diện” (tức là cuộc Thế chiến thứ hai theo cách sống của người Anh, điều này đã biến việc phát triển nền kinh tế quốc gia trở thành sự nghiệp chung chứ không phải là vũ đài đấu tranh giai cấp. Tại Anh trong giai đoạn này, kể cả hoàng gia cũng phải có sổ lương thực. Tất cả những tình huống lịch sử trên đã dẫn tới sự phế bỏ học thuyết kinh tế của Adam Smith, chính sách tự do kinh doanh và học thuyết kinh tế theo chủ nghĩa tự do truyền thống của thế kỷ XIX. Từ những năm đầu trong thời kỳ hậu chiến, đã có những hoài nghi về học thuyết kinh tế của Adam Smith khi ông cho rằng việc theo đuổi lợi ích của mỗi cá nhân cộng lại sẽ làm tăng lợi ích của “tất cả” mọi người trong xã hội. Điều này không đúng, bởi hậu quả cuối cùng đó là sự bất công và bất bình đẳng, và rất ít người có thể được lợi từ sự giàu có của những người khác. Bản thân khái niệm lợi nhuận đã là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Theo Attlee, khi đề cập đến vấn đề này thì niềm tin cho rằng lợi nhuận cá nhân là động cơ phát triển kinh tế chỉ là “ảo tưởng và không có cơ sở thực tế nào”. Những nhà chính trị Công đảng giành được quyền lực trong những ngày tháng cuối cùng của Thế chiến thứ hai đã quyết tâm xây dựng cái gọi là “Tân Jerusalem”. Để làm được điều này, họ sẽ phải ôn lại những bài học của lịch sử và thay đổi vai trò của nhà nước. Được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm và thể chế thời chiến, nhà nước sẽ là người bảo vệ, là đối tác của nhân dân và sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo cuộc sống của nhân dân ở mức tốt hơn nhiều so với thời kỳ tiền chiến. Hơn nữa, Công đảng cũng đã có kế hoạch hành động và điều này đã được thể hiện trong bản “Báo cáo Beveridge”, do một ủy ban được chính phủ thành lập trong Thế chiến thứ hai dưới sự lãnh đạo của William Beveridge, một quan chức đã có thời từng là hiệu trưởng Trường Kinh tế London. Bản báo cáo đã đưa ra các chương trình xã hội để tiêu diệt “năm gã khổng lồ”: túng thiếu, bệnh tật, ngu dốt, nghèo khổ, ăn không ngồi rồi (ví dụ như thất nghiệp). Báo cáo này đã được công bố và trở thành một tác phẩm bán chạy nhất. (Thậm chí hai bài bình luận về bản báo cáo này, cả hai đều được đóng dấu TÀI LIỆU MẬT, đã được tìm thấy ở boong-ke của Hitler khi chiến tranh kết thúc). Báo cáo đã có tác động sâu rộng trên phạm vi toàn cầu, vĩnh viễn thay đổi cách nghĩ của không chỉ riêng nước Anh, mà còn của toàn bộ các nước công nghiệp về nghĩa vụ của nhà nước đối với phúc lợi xã hội. Để thực hiện những đề xuất trong “Báo cáo Beveridge”, Chính phủ Anh thuộc Công đảng thiết lập hệ thống y tế miễn phí thông qua việc thành lập Cơ quan Y tế Quốc gia, xây dựng hệ thống hưu trí mới, cải thiện vấn đề giáo dục và nhà ở, tìm cách thực hiện lời cam kết toàn dụng nhân công. Tất cả những công việc trên đều nhằm xây dựng một nhà nước mà những đảng viên Công đảng vẫn thường gọi là nhà nước phúc lợi xã hội và họ rất tự hào khi thực hiện điều này. Thuật ngữ nhà nước phúc lợi xã hội đã xuất hiện - ví dụ như được Tổng Giám mục xứ York sử dụng năm 1941 - với ý nghĩa hoàn toàn trái ngược với thuật ngữ nhà nước tập quyền của các nhà độc tài châu Âu lục địa. Đúng vậy, chính tại châu Âu lục địa, lần đầu tiên đã xuất hiện bảo hộ quốc gia về hưu trí và sức khỏe - chính sách do Thủ tướng Đức Otto von Bismarck đưa ra ngay từ những năm 1880. Ở Anh, chính phủ thuộc Đảng Tự do khi tiến hành cải tổ năm 1906 cũng đã đưa ra chương trình Bảo hiểm thất nghiệp, sức khỏe và hưu trí. Những bước khởi đầu này của cái gọi là “nhà nước cứu hộ” còn rất khiêm tốn. Ngược lại, tính toàn diện của chương trình cải tổ của Công đảng năm 1945 đã biến nước Anh từ một nhà nước đúng ra là “nhà nước cứu hộ” thành nhà nước phúc lợi xã hội đầu tiên. Chinh phục “những đỉnh cao chỉ huy” Năm 1918, Công đảng đã thông qua một cương lĩnh trong đó có một điều khoản mà sau này trở thành “Điều IV” nổi tiếng mà theo Sidney Webb là kêu gọi sự “sở hữu chung các phương tiện sản xuất, phân phối và trao đổi”. Nhưng câu trên có ý nghĩa thế nào trên thực tế? Câu trả lời đã xuất hiện trong Thế chiến thứ hai. Một buổi tối năm 1944, Will Cannon - công nhân hưu trí ngành đường sắt được động viên trở lại làm việc ở khu nối các toa xe chở hàng – ngẫu nhiên có mặt tại một cuộc họp công đoàn địa phương ở Reading gần London. Trong cuộc họp, ông quyết định đề xuất một cuộc vận động kêu gọi quốc hữu hóa và đã được công đoàn địa phương này chấp nhận. Cuộc vận động đã gây được sự chú ý trên toàn quốc và Công đảng cuối cùng cũng đã thông qua vào tháng 12 năm 1944 và cuộc vận động của Will Cannon đã gây được tiếng vang trên toàn cầu. Tháng 7 năm 1945, Công đảng lên nắm quyền cam kết sẽ quốc hữu hóa và quyết tâm chinh phục “những đỉnh cao chỉ huy” của nền kinh tế, thuật ngữ này đã được Lê-nin sử dụng giữa những năm 30. Trong quá trình chinh phục “những đỉnh cao chỉ huy” sau Thế chiến thứ hai, Công đảng đã quốc hữu hóa ngành than vốn đang hoạt động rất chắp vá rời rạc, nhưng cung cấp tới 90% nhu cầu năng lượng của nước Anh. Công đảng cũng tiến hành biện pháp tương tự với các ngành luyện kim, đường sắt, các ngành công ích và viễn thông quốc tế. Hoạt động này trước đây cũng đã có một số tiền lệ, chính Winston Churchill năm 1911 là Bộ trưởng Hải quân đã mua cổ phiếu chính phủ nắm quyền kiểm soát một công ty mà sau này trở thành Công ty Dầu khí Anh quốc (BP) nhằm đảm bảo nguồn cung cấp dầu cho Hải quân Hoàng gia. Lý do cơ bản của Churchill trong sự việc này là an ninh, sức mạnh quân sự và cuộc chạy đua vũ trang thủy quân với nước Đức. Căn nguyên của công cuộc quốc hữu hóa trong thập kỷ 40 khá khác biệt. Cũng như các doanh nghiệp tư nhân, những ngành công nghiệp này thiếu vốn đầu tư, kém hiệu quả và thiếu quy mô.[23]Là các công ty đã được quốc hữu hóa, những doanh nghiệp này sẽ huy động các nguồn lực và áp dụng công nghệ mới, sẽ hoạt động có hiệu quả hơn, đảm bảo đạt được những mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế và tăng trưởng, việc làm, công bằng và bình đẳng. Những công ty này sẽ là động cơ của toàn bộ nền kinh tế, đưa nền kinh tế tiến lên hiện đại hóa và tái phân phối thu nhập tốt hơn. Công cuộc hiện đại hóa được tiến hành nhanh chóng bởi Herbert Morrison, một bộ trưởng thuộc Công đảng, người đã mài giũa chuyên môn của mình trong thập kỷ 30 bằng việc thống nhất hai ngành xe buýt và xe điện ngầm ở thành phố London. Nhưng chính xác là quốc hữu hóa được tiến hành như thế nào? Sau một số cuộc tranh luận, người Anh đã từ bỏ “Mô hình Bưu điện” - tức là các doanh nghiệp được quốc hữu hóa dưới dạng các phòng ban và các cơ quan trực thuộc các bộ. Thay vì điều đó, họ chọn một công ty lớn của nhà nước - mô hình này đã được áp dụng cho BBC - và sau này trở nên nổi tiếng khắp thế giới với cái tên “tổng công ty nhà nước”. Chính phủ sẽ chỉ định một ban điều hành các hoạt động của công ty. Morrison giải thích: “Những công ty này sẽ là các ‘tổng công ty’ và là những doanh nghiệp được quan tâm nhiều nhất; các công ty này sẽ thuê những nhân viên có kiến thức và kỹ năng cần thiết và chỉ cho họ một lối đi”. Nhưng các tổng công ty nhà nước sẽ phối hợp với nhau như thế nào để thực hiện kế hoạch hành động của Công đảng? Câu trả lời là tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch. Thuật ngữ này đã được sử dụng rộng khắp trong cương lĩnh tranh cử của Công đảng năm 1945; và ít nhất thì ban đầu, nỗ lực của Công đảng trong việc chinh phục “những đỉnh cao chỉ huy” chủ yếu sẽ xoay quanh khái niệm kế hoạch hóa như là chìa khóa hứa hẹn đối với quốc hữu hóa. Như Attlee nói, quốc hữu hóa cũng là một chiến lược to lớn và mới mẻ “đại diện cho những quy tắc xã hội chủ nghĩa của chúng tôi trong việc đặt phúc lợi xã hội quốc gia lên ưu tiên hàng đầu”. Cuối cùng, khoảng 20% lực lượng lao động toàn quốc đã có việc làm trong các ngành nghề mới được quốc hữu hóa. Nhưng cũng chính những ngành công nghiệp này tạo nên phần lớn những “khu vực chiến lược” mà theo đó nền kinh tế quốc gia được xây dựng. Tuy nhiên, cũng có một số hạn chế, ví dụ như chính phủ sẽ và có thể đi xa đến đâu. Sự uyển chuyển trong chính sách bị hạn chế vào thời điểm kết thúc chiến tranh do thực tế nghiệt ngã là xét trên mọi mục tiêu thì nước Anh đã thất bại. Cán cân thanh toán của nước Anh rơi vào tình trạng thảm hại do chính phủ đã chi tiêu một lượng lớn tài sản quốc gia để tiêu diệt phát-xít và do mất đi quá nhiều những thu nhập vô hình từ các nguồn lợi do đầu tư tại nước ngoài đem lại. Tình cảnh cùng cực của nước Anh đã trở nên rõ rệt vào năm 1946 khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện bắt đầu. Giờ đây, phá sản đi kèm với một mùa đông khắc nghiệt và sự đổ vỡ hoàn toàn về thương mại và thanh toán quốc tế. Ngay cả thang máy của Bộ Tài chính cũng không hoạt động được do bị cắt điện. “Chúng tôi hành động dựa trên thực tiễn” Cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên gay gắt hơn bởi Chiến tranh Lạnh đã thực sự chấm dứt mọi chiến dịch nhằm nắm giữ hơn nữa những công cụ đỉnh cao chỉ huy. Công đảng cũng đành bó tay, do đó hầu hết những điều Công đảng cam kết đã không bao giờ được tiến hành. Bất chấp các cuộc tranh luận về mục tiêu cao cả của “kế hoạch hóa”, không có một hoạt động đáng kể nào được thực hiện trên thực tế và thực ra, kế hoạch hóa đã bị loại bỏ. Ernest Bevin, người đã từng góp phần điều khiển nền kinh tế chỉ huy nước Anh trong chiến tranh đã gạt bỏ cam kết kế hoạch hóa của nước Pháp thời hậu chiến bằng một cái phẩy tay: “Chúng ta không làm như thế ở đất nước này, chúng ta sẽ không có kế hoạch, chúng ta sẽ thực hiện mọi việc dựa trên thực tiễn”. Năm 1947, sự thay đổi này đã được tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành khi Attlee chuyển giao quyền kiểm soát các ngành đã được quốc hữu hóa từ Herbert Morrison sang cho ngài Stafford Cripps.[24]Mặc dầu Cripps là một nhà quản lý khá hiệu quả và thực dụng, việc ông tự cho mình là đúng đã khiến Churchill khó chịu mà nói: “Lạy Chúa, vẫn còn có Thượng đế đấy chứ”. Cripps cũng là một người kiên định và có tiếng nói trong việc ủng hộ một đường lối ôn hòa hơn và việc ông nắm giữ vị trí số một đã cho thấy sự chấm dứt những nỗ lực nhằm kế hoạch hóa nền kinh tế nước Anh. Tuy nhiên, những công việc khó khăn trong cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn. Chính sách phân phối lương thực vẫn được áp dụng cho đến tận năm 1954. Trẻ em khi sinh ra thì cha mẹ phải đăng ký là người ăn chay để có quyền xin trứng nuôi con. Thịt thỏ là thứ thịt duy nhất không bị kiểm soát. Thậm chí bánh kẹo cũng bị hạn chế cho tới năm 1953. Tuy nhiên, dù có khó khăn, chính phủ của Attlee cũng vẫn phân phối được hàng hóa tới người tiêu dùng. Công dân Anh đã có được một chính phủ phúc lợi xã hội, một chính phủ đã đem lại cho họ những lợi ích tốt hơn về y tế và giáo dục, khiến họ yên tâm hơn khi đối mặt với những khó khăn về bệnh tật, bất lợi, rủi ro và tuổi già. Và tên khổng lồ số một - kẻ hơn ai hết đã khiến cho những đảng viên Công đảng phải tham chiến - đã bị tiêu diệt. Tỷ lệ thất nghiệp ở Anh trong những năm 30 ở khoảng 12%; cuối những năm 40, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 1,3%. Nước Anh đã thành công trong việc thay thế chế độ bản vị vàng, nền tảng của những lý thuyết chính thống và chính sách của những năm 20 và 30, bằng “chuẩn mực toàn dụng nhân công”. Nền kinh tế không còn được đánh giá bằng tỷ giá đồng bảng so với vàng mà bằng số việc làm có thể được tạo ra cho những người sẵn sàng làm việc. Những đảng viên Công đảng tự gọi mình là những người xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đó là một nhánh của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Anh xuất phát từ một nhà không tưởng thế kỷ XIX là Robert Owen chứ không phải Karl Mác. Trong lễ nhậm chức, Attlee đã định nghĩa như sau: “Đó là một nền kinh tế hỗn hợp hướng tới chủ nghĩa xã hội… Với mục tiêu thịnh vượng, mọi người đều có việc làm, đảm bảo an ninh xã hội đòi hỏi sự chuyển đổi sang sở hữu công cộng, một số ngành kinh tế chủ yếu nhất định và đòi hỏi sự kiểm soát có kế hoạch những lợi ích chung của nhiều hoạt động kinh tế khác”. Và nền “kinh tế hỗn hợp” này, cùng với nhà nước phúc lợi xã hội, đã trở thành cơ sở của giải pháp hậu chiến hay còn gọi là Thỏa ước Attlee. Tuy nhiên, dù mang tên gọi gì chăng nữa thì mô hình này cũng đã có tác động sâu rộng trên toàn thế giới trong bốn thập kỷ tiếp theo. Nước Pháp: “Những đòn bẩy trong quyền chỉ huy” Ở Pháp, sự mở rộng vai trò của nhà nước ở mức độ rất lớn cũng là do những thảm họa của chiến tranh. Nước Pháp chưa phải trải qua chiến thắng hay chiến bại mà đúng hơn là chứng kiến sự đổ vỡ, hổ thẹn, thỏa hiệp và chống cự. Thoát khỏi chiến tranh, nước Pháp đã tập trung vào việc đổi mới và khôi phục lại tính hợp pháp của mình. Trật tự cũ của nền Cộng hòa Đệ tam không thể nào được lập lại; nền cộng hòa này đã sụp đổ. Khi chiến tranh kết thúc, ở Pháp cũng như Anh, hệ thống tư bản chủ nghĩa đều bị coi như đã “mục nát”. Hệ thống này gắn liền với sự lạc hậu, thiển cận, chậm tiến bởi những thâm hụt trong đầu tư và một sự “đóng băng của tinh thần tư bản”. Kẻ tội đồ chính là những tập đoàn gia đình cứng nhắc và các doanh nhân ù lì, thiếu tinh thần kinh doanh, chỉ lo bảo vệ bản thân khỏi sự cạnh tranh, bảo toàn vị trí của gia đình và không dám mạo hiểm. Thực tế, hệ thống tư bản này đã hoàn toàn không được tín nhiệm vào thời điểm chuẩn bị diễn ra Thế chiến thứ hai. Năm 1939, tuổi trung bình của hệ thống máy móc nước Pháp cao hơn 4 lần so với nước Mỹ và 3 lần so với nước Anh, trong khi năng suất của Pháp chỉ bằng 1/3 của Mỹ và 1/2 của Anh. Mức sống không được cải thiện gì so với thời điểm trước Thế chiến thứ nhất; thu nhập đầu người năm 1939 cũng chỉ bằng năm 1913. Những kinh nghiệm của Thế chiến thứ hai đã bộc lộ rõ những điểm yếu của chủ nghĩa tư bản trên ba phương diện: sự lạc hậu về kinh tế của Pháp chính là nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém về quân đội và chính trị của nước này; hệ thống cũ không đủ khả năng đáp ứng những nhu cầu cơ bản của công cuộc tái thiết đất nước; và một phần đáng kể trong thương mại của Pháp đã bị phá hỏng bởi sự thỏa hiệp của những người đứng đầu đất nước này với chủ nghĩa phát-xít và chế độ bù nhìn Vichy. Với một loạt những vấn đề chính trị trên, nước Pháp đã thống nhất là cần phải mở rộng vai trò của nhà nước để đối phó với những yếu kém rõ ràng của hệ thống thị trường. Năm 1945, tướng Charles de Gaulle, người đứng đầu chính phủ lâm thời, đã tuyên bố: “Nhà nước cần phải nắm giữ đòn bẩy trong quyền chỉ huy”. Đây là điều rất khác so với những tư tưởng thịnh hành trước chiến tranh. Ông đã nói với những người thuộc tầng lớp quý tộc rằng họ bị thải hồi vì không đủ năng lực. Đó là một nước Pháp mới, mạnh mẽ về kinh tế, được xây dựng dựa trên một nền kinh tế với ba khu vực: khu vực tư nhân, khu vực tư nhân có sự kiểm soát của nhà nước và khu vực đã được quốc hữu hóa. Việc quốc hữu hóa đáp ứng được nhiều mục tiêu: nó thúc đẩy hoạt động đầu tư, hiện đại hóa và đổi mới công nghệ; quốc hữu hóa cũng giải quyết được vấn đề độc quyền, củng cố và hợp lý hóa các ngành kinh tế vốn còn đang dở dang, một số ngành có thể nói là quá manh mún (nước Pháp có 1.730 doanh nghiệp tham gia vào việc sản xuất, truyền tải và phân phối điện; 970 doanh nghiệp khác tham gia một phần vào ngành này). Nhà nước có thể trừng phạt những người đã thỏa hiệp với kẻ thù bằng cách tước quyền sở hữu các doanh nghiệp của họ và biến chúng thành sở hữu “toàn dân”. Quốc hữu hóa cũng có thể đảm nhiệm một nhiệm vụ quan trọng khác là kết nạp các tổ chức công đoàn bị chi phối bởi chủ nghĩa cộng sản trong quá trình tái thiết đất nước mà không gạt các tổ chức này sang một bên để gây nên xung đột. Trước đó, công cuộc quốc hữu hóa cũng đã có một số tiền lệ. Ví dụ, trong những năm 20, Pháp đã thành lập công ty dầu khí quốc gia, Compagnie Français des Pétroles, để bảo vệ và nâng cao lợi ích của nước Pháp và công ty này trở thành “sức mạnh công nghiệp trong hoạt động của chính phủ”. Đó là một loại công ty mà người ta sẽ gọi là “các công ty hàng đầu quốc gia” - các công ty này, có thể thuộc sở hữu nhà nước hay liên quan mật thiết đến nhà nước, sẽ đại diện cho lợi ích quốc gia trên thị trường nội địa và trong cạnh tranh quốc tế - và thường là nhận được nhiều ưu đãi từ phía nhà nước. Việc quốc hữu hóa ngành đường sắt năm 1937 cũng là một cứu cánh cho ngành công nghiệp đã trở nên quá tồi tệ này. Tuy nhiên, nhìn chung, việc quốc hữu hóa và vai trò tích cực của nhà nước không phải là một phần của truyền thống Pháp. Điều này đã thay đổi cùng với sự xuất hiện của phong trào Giải phóng Tự do (Libération). Thông qua những đạo luật về quốc hữu hóa năm 1945 và 1946, Chính phủ Pháp đã kiên quyết nắm giữ sự kiểm soát vĩ mô, kiểm soát các ngành ngân hàng, điện, khí và than. Chính phủ cũng tiến hành quốc hữu hóa như một biện pháp trừng phạt đối với các công ty đã giao thiệp với chế độ phát-xít, trong số đó có Renault và một số công ty truyền thông đại chúng quan trọng. Khi kết thúc làn sóng quốc hữu hóa này, nền kinh tế Pháp đã được biến đổi. Nhưng cũng nhanh không kém như khi được tiến hành, quá trình quốc hữu hóa đột ngột tạm dừng năm 1947. Mô hình quản lý hỗn hợp được áp dụng ở Pháp đã giúp cho những người cộng sản ở cấp quản lý có được ảnh hưởng bất thường tới những ngành vừa được quốc hữu hóa; chính sự nhiệt tâm quá đáng trong việc theo đuổi các chương trình riêng của họ đã dẫn đến một phản ứng gay gắt. Những cải cách luật pháp và sự thay đổi đồng minh chính trị cuối cùng đã tước quyền kiểm soát khỏi tay những người cộng sản, tuy nhiên vẫn còn chút dư vị cho việc tiếp tục quốc hữu hóa. Những người cộng sản đã rời bỏ Chính phủ Liên minh tháng 5 năm 1947 vào thời điểm bắt đầu cuộc Chiến tranh Lạnh, và theo yêu cầu của Matxcơva, đã công kích Chính phủ Pháp bằng hàng loạt các cuộc bãi công có quy mô lớn. Năm 1950, Chủ tịch Đảng Cộng sản, người đã từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp trong giai đoạn quốc hữu hóa đã công khai sự chống đối của mình. Ông tuyên bố quốc hữu hóa là “một vũ khí tư bản”, là chỗ dựa của nhà nước tư bản và chống lại làn sóng cộng sản. Tuy nhiên, khi đã định hình, nền kinh tế Pháp cũng trở thành nền kinh tế hỗn hợp. Chính phủ đã nắm giữ phần chủ yếu trong một số ngành quan trọng nhất của nền kinh tế, trong những ngành đã quá mục ruỗng với kiểu kinh doanh truyền thống trước chiến tranh. Người bán rượu cognac Phản ứng đối với sự thách thức của công cuộc tái thiẽt nền kinh tế cũng có thể được tìm thấy trong một hình thức khác của việc mở rộng quyền lực nhà nước đối với nền kinh tế - “kế hoạch hóa”, đó là việc tiến hành các kế hoạch kinh tế của chính phủ. Và kế hoạch hóa đã trở thành nét đặc trưng của nước Pháp thời hậu chiến. Quá trình này, bao gồm sự tập trung, ưu tiên và định hướng, được gọi là kế hoạch hóa chỉ thị với việc lập kế hoạch mang tính định hướng và cứng nhắc cao, để phân biệt với hệ thống kế hoạch hóa Xô Viết. Đó là một trường phái trung dung giữa thị trường tự do và chủ nghĩa xã hội. Một chủ ngân hàng tư bản chủ nghĩa nhưng ủng hộ xã hội chủ nghĩa đã đưa ra giải pháp làm thế nào để kế hoạch hóa thích ứng theo một trường phái trung dung như vậy. Tên ông là Jean Monnet,[25]và mặc dù ông chưa bao giờ giữ những chức vụ cao cấp nhưng ông là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong suốt thời kỳ hậu chiến. Ông được nhớ đến như là “Người cha của châu Âu” - người sáng lập và thúc đẩy sự phát triển của Cộng đồng Chung châu Âu ngày nay. Nhưng trước tiên, ông là người vạch ra kế hoạch đưa nền kinh tế Pháp thoát khỏi thế bí và tiến vào kỷ nguyên hiện đại. Monnet là một người mà khi cần, có thể sẽ cư xử như một nông dân Pháp bướng bỉnh đi mua hay bán một con bò sữa. Ông bị sai khiến bởi rượu, mà thực ra là bởi chủ nghĩa quốc tế của mình. Sinh ra trong một gia đình chuyên sản xuất rượu cognac, ông đã rời trường học năm 16 tuổi đi khắp thế giới để bán rượu - từ các trang trại xa tít trên những thảo nguyên miền Tây Canada cho đến các làng mạc dọc bờ sông Nil ở Ai Cập. Người ta nói rằng kết quả của những chuyến đi này là ông có được vốn từ vựng tiếng Anh dồi dào hơn cả tiếng Pháp. Trong một chuyến đi tới Canada, từ Medicine Hat tới Moose Jaw và ở Calgary,[26]ông đã tìm ra chính mình trong khi tìm kiếm một con ngựa và một cỗ xe độc mã. Ông hỏi thăm một người lạ địa chỉ một chuồng ngựa gần nhất. Người ấy trả lời: “Thế thì lấy ngựa của tôi, khi dùng xong thì buộc lại nó ở đây”. Sau này, Monnet nói đó chính là bước đầu tiên của ông đến với các nguồn lực quốc tế. Trong suốt Thế chiến thứ nhất, ông đã đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực tổ chức hậu cần cho phe Đồng minh. Ông cũng bắt đầu xây dựng một mạng lưới quan hệ hữu nghị đặc biệt trên cả hai bờ Đại Tây Dương mà sau này rất có ích. Ví dụ, tại Hội nghị Versailles, ông đã gặp luật sư John Foster Dulles (sau này là Ngoại trưởng Mỹ). Ông đã duy trì mối quan hệ này vì “ở Mỹ sẽ chẳng làm được gì đáng kể nếu thiếu các luật sư”, Monnet giải thích. Năm 1919, khi mới 31 tuổi, ông được chỉ định làm Phó Tổng thư ký Hội Quốc liên mới thành lập. Sau hai năm chán nản, ông đã rút lui và quay lại với công việc kinh doanh của gia đình, giải quyết các khó khăn tài chính, rồi sau đó lại từ bỏ kinh doanh rượu cognac để đến với nghiệp vụ ngân hàng quốc tế. Những mối quan hệ của Monnet quả thực rất sâu rộng và đã được vận dụng quá tốt đến nỗi ngày nay ông vẫn còn được nhớ đến như là cha đẻ của hình thức làm việc theo mạng lưới. Tuy nhiên, chính vấn đề tình cảm đã thể hiện được sự phối hợp các đặc tính có một không hai của ông: sự thông minh, ý chí, kiên định quan hệ và sáng tạo. Năm 1929, Monnet phải lòng một phụ nữ Ý trong một mối tình tuyệt vọng, đó là nữ họa sĩ tên là Silvia di Bondini. Bà không những là một tín đồ Thiên chúa mộ đạo mà còn đã có chồng và một con gái. Dù ở đâu thì việc ly dị và giành quyền chăm sóc con cũng đều thất bại. Ngay cả thành phố Reno, bang Nevada cũng không giúp gì được cho họ. Monnet phải mất 5 năm mới tìm ra giải pháp. Năm 1934, lúc đang về nước trên chuyến tàu xuyên Siberi sau khi đã hoàn thành một nhiệm vụ có liên quan đến ngành ngân hàng ở Trung Quốc, Monnet đã xuống tàu ở Matxcơva, nơi người yêu của ông đang đợi. Với quan hệ của mình, trong vài ngày, Monnet đã thay đổi quốc tịch của Silvia di Bondini thành quốc tịch Xô Viết và bà lập tức ly dị chồng. Ngay lập tức, họ tổ chức lễ cưới ở Matxcơva. Để bà vợ mới sống tại đây, Monnet nhanh chóng bắt tàu đi Paris, New York, sau đó quay lại Thượng Hải để tiếp tục công việc tổ chức lại hệ thống đường sắt Trung Quốc. Ông không phải là một người đàn ông chịu đứng im một chỗ, nhưng cuộc hôn nhân này cũng kéo dài 45 năm. Trong Thế chiến thứ hai, một lần nữa Monnet lại làm việc với cường độ cao nhất, với tư cách là một điều phối viên tái thiết và hậu cần của chính phủ Pháp lưu vong, đồng thời là kênh liên lạc kinh tế với nước Mỹ. Ông sắp xếp luồng chu chuyển những nguồn cung cấp tài chính và hàng hóa khẩn cấp và hỗ trợ chính sách kinh tế chung giữa các Đồng minh. Ông dễ dàng tiếp xúc với cố vấn thân cận của Roosevelt (thậm chí sau này de Gaulle nghi ngờ ông là gián điệp của Mỹ). Ông đưa ra câu thành ngữ rằng nước Mỹ nên trở thành “công xưởng của chế độ dân chủ”, điều mà các cố vấn của Roosevelt cảm ơn ông tận đáy lòng. Họ cũng ngay lập tức yêu cầu ông không bao giờ được sử dụng thuật ngữ này nữa để FDR (Franklin D. Roosevelt) có thể giữ thuật ngữ lịch sử này cho bản thân mình. Kế hoạch: “Hiện đại hóa hay sự suy tàn” Monnet hiểu rõ hơn bất cứ một người Pháp nào khác sự tàn phá nghiêm trọng của chiến tranh và những yêu cầu quá lớn trong công cuộc tái thiết nền kinh tế mà nước Pháp có thể phải đối mặt sau này. Đất nước phải nặng gánh với hệ thống máy móc cũ kỹ lạc hậu từ thậm chí hàng thập kỷ trước chiến tranh, và trước mắt, lịch trình kinh tế thời hậu chiến của Pháp bị chi phối bởi cả cuộc khủng hoảng trầm trọng do mất cân đối thanh toán và nhu cầu cơ bản của công cuộc hiện đại hóa. Chính phủ có thể sẽ phải giải quyết vấn đề thứ nhất, và cũng không thể dựa vào khu vực kinh tế tư nhân để giải quyết vấn đề thứ hai. Trong hoàn cảnh đó, Kế hoạch Monnet xuất hiện. Căn nguyên trực tiếp của kế hoạch này chính là cuộc đối thoại giữa Monnet và tướng de Gaulle ở Washington D.C. tháng 8 năm 1945, chỉ một vài tuần sau khi chiến tranh kết thúc. “Ngài nói về sự vĩ đại, to lớn”, Monnet nói,“nhưng ngày nay nước Pháp lại thật nhỏ bé. Sẽ chỉ có duy nhất một sự vĩ đại, đó là khi nước Pháp đủ tầm để đảm bảo điều này… Để đạt được mục đích, chúng ta cần hiện đại hóa - vì lúc này, chúng ta chưa hiện đại. Và điều cốt lõi là nước Pháp cần được đổi mới”. De Gaulle trả lời: “Ngài hoàn toàn đúng”. Quá ấn tượng bởi sức sống và sự thịnh vượng của nước Mỹ mà ông nhìn thấy quanh mình, vị tướng này đã đưa vấn đề trở lại với Monnet: “Ngài có muốn thử không?” Monnet dĩ nhiên đã đồng ý. Trước tiên, ông bắt đầu công việc kinh doanh ở Paris trong một số căn phòng của khách sạn Bristol, đặt các tấm kính dọc theo các bức tường để tạo thêm không gian cho văn phòng. Sau đó, ông chuyển đến một ngôi nhà hiện đại thuộc sở hữu của một người chuyên kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật của Cézanne ở ngay văn phòng của thủ tướng chính phủ. Tại đó, với số lượng nhân viên tối thiểu và những hoạt động hậu trường tối đa, ông đã đưa ra kế hoạch đầu tiên nhằm khôi phục lại đời sống kinh tế bình thường của nước Pháp. Về bản chất, những gì mà Monnet làm là ưu tiên hóa, đặt ra các mục tiêu đầu tư và phân phối các nguồn lực đầu tư theo hướng tập trung vào tái thiết nền kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp cơ bản - những ngành Monnet vạch rõ cần tập trung là những ngành đã quốc hữu hóa: điện lực, than, đường sắt, và cả những ngành không quốc hữu hóa: luyện kim, xi măng và máy nông nghiệp. Đối với Monnet, tầm quan trọng của các mục tiêu không nằm trong việc đạt được một mức đầu tư tối ưu về mặt khoa học mà thay vào đó, cần tạo nên một kế hoạch lạc quan, hướng tới phía trước. Ông muốn rằng hành động phải tạo ra nhiều hành động hơn. Tạo ra đà phát triển sẽ khiến cho nền kinh tế không trở lại tình trạng e sợ việc kinh doanh mạo hiểm như hồi trước chiến tranh và sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Nước Pháp cũng cần phải có kế hoạch để thu hút sự giúp đỡ của nước Mỹ. Thứ trưởng Bộ Kinh tế Mỹ, Will Clayton, một trong những tác giả của Kế hoạch Marshall,[27]đã giải thích cặn kẽ điều này một cách dứt khoát và bí mật, khuyến khích các quan chức Pháp “phải theo các trường phái hoặc là kinh tế tự do, hoặc là kinh tế chỉ huy. Quay lại chủ nghĩa tư bản hoặc hướng tới chủ nghĩa xã hội… Nhưng trong trường hợp nào thì chính phủ cũng phải đưa ra một chính sách rõ ràng nhằm mang lại cho nước Pháp một nền kinh tế có thể đạt được mức chi phí sản xuất của thế giới tính bằng giờ công lao động. Nếu kế hoạch thể hiện được tầm quan trọng, chúng tôi cam kết sẽ giúp đỡ đất nước của các bạn, vì sự thịnh vượng của nước các bạn cần thiết cho hòa bình”. Vì vậy, một kế hoạch khả thi là cần được viện trợ mà cuối cùng cũng đã chảy vào nước Pháp qua Kế hoạch Marshall. Monnet cũng đã thành công trong việc tách chức năng kế hoạch khỏi thói đỏng đảnh của đời sống chính trị nước Pháp. Ông đã tiến hành công việc quản lý nhà nước rất tốt bằng việc thành lập Ủy ban Kế hoạch (Commissariat Général du Plan) là một ủy ban độc lập và chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp với thủ tướng chính phủ. Việc xây dựng kế hoạch cần đến tất cả các kỹ năng lão luyện của Monnet - với tư cách là người lập kế hoạch, điều phối viên, nhà tài chính và người làm việc trên một mạng lưới. Kết quả là một tuyệt tác: một kế hoạch mà nước Pháp có thể đặt hy vọng, một cơ sở mà nước Mỹ có thể dựa vào đó để tiến hành viện trợ, và một cơ chế mà nền kinh tế Pháp có thể nhận được sự ủng hộ và tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế vốn nhiều thập kỷ đã bị mất lòng tin của các nhà tư bản. Tuy nhiên, kết quả cũng có một chút pha trộn. Một số mục tiêu được hoàn thành, một số khác thì không. Năm 1950, chỉ có ngành than là vượt kế hoạch về xây dựng cơ bản và hiện đại hóa. Nước Pháp cũng không hoàn thành các mục tiêu đầu tư tổng thể, mức độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp còn kém xa các nước láng giềng và chương trình đầu tư mạnh mẽ này đã góp phần gây ra lạm phát. Nhưng vào thời điểm quan trọng ấy, chương trình này đã mang lại các quy tắc, định hướng, tầm nhìn, sự tự tin và niềm hy vọng cho một quốc gia lẽ ra sẽ vẫn lún sâu vào vòng nguy hiểm. Chương trình này đã đưa nước Pháp lên con đường đạt được những thành tựu thần kỳ về kinh tế trong những năm 50. Monnet đã rất quan tâm đến các bảng cân đối tài chính ngay từ khi còn là một cậu bé, lúc đó ông hay cùng với bố nghiền ngẫm các tài khoản trong hoạt động kinh doanh rượu mạnh của gia đình; và kế hoạch của ông lại đúng vào thời điểm khi châu Âu bắt đầu những nỗ lực hậu chiến đầu tiên nhằm đưa ra một bảng cân đối tài chính và chương trình tổng thể cho tương lai. Tuy nhiên, Monnet cũng không nhất thiết phải quan tâm đến việc lập kế hoạch tập trung. Một quan chức mà sau đó là Phó Thủ tướng đã nói: “Thật kỳ cục là ông ấy không thích các kế hoạch”. Monnet không căn cứ vào cách này hay cách kia trong việc quốc hữu hóa mà có lẽ ông ta quan tâm hơn đến thị trường, những thị trường lớn và mở đối với những kế hoạch lớn. Nhưng ông đã kiên quyết trong việc thi hành độc quyền nhà nước, cho dù chỉ là tạm thời trong cả hai vấn đề vốn và tín dụng, bởi vì ông không thấy có sự lựa chọn nào tốt hơn. “Hiện đại hóa hay suy tàn” - đó chính là sự lựa chọn của Monnet cùng với những kế hoạch của ông cho nước Pháp. Trong khi tìm cách đảm bảo rằng sự lựa chọn phải là hiện đại hóa, ông đã mở rộng vai trò của chính phủ trong nền kinh tế quốc gia và tạo ra một trong những mô hình đáng tin cậy nhất cho chính vai trò đó và cho việc tiến hành kế hoạch hóa. Người chép tiểu sử của Monnet đã viết: “Và bằng cách đó, ông đã góp phần tạo ra được một sự thống nhất tương đối đằng sau nền kinh tế hỗn hợp” - không chỉ cho Pháp mà cho cả châu Âu. Nước Đức: Những bao thuốc lá Lucky Strike và cám gà Không đâu ở châu Âu, chủ nghĩa tư bản lại bị mất lòng tin như ở bốn khu vực bị tạm chiếm tại Đức do sự đồng lõa của các doanh nghiệp lớn với Hitler. Bọn phát-xít đã tổ chức và điều hành một “nhà nước quân sự” trong đó vẫn cho phép tồn tại kinh tế tư nhân nhưng lại kiểm soát và quản lý kinh tế tư nhân vì những mục đích riêng. Đảng SPD - Đảng Dân chủ Xã hội - là đảng duy nhất chống lại phát-xít từ đầu chí cuối, song đảng này còn có ý định xây dựng một tương lai không có chủ nghĩa tư bản. Tình trạng tồi tệ của cuộc sống thời hậu chiến dường như đã tạo điều kiện cho việc xuất hiện ảo tưởng về chủ nghĩa xã hội. Nước Đức lúc đó là một đất nước bị tàn phá nặng nề và đang phải đối mặt với nạn đói khủng khiếp. Việc kiểm soát và phân phối thực phẩm cũng góp phần đưa nền kinh tế Đức trở thành một nền kinh tế trao đổi với những đoàn người thất thểu đi trên những đoàn tàu cũ nát về vùng nông thôn để đổi bất cứ những đồ gia dụng nào họ còn sở hữu lấy một vài quả trứng hay một túi khoai tây. Chợ đen phát triển đến mức người ta ước tính rằng chỉ một nửa tổng sản lượng hàng hóa nghèo nàn của nước Đức là đi qua các kênh phân phối hợp pháp. Đồng tiền chính thức gần như không có giá trị - chỉ bằng một phần năm trăm giá trị ban đầu. Đồng tiền luân chuyển của nước Đức không phải là đồng mark mà là các hộp thuốc lá Lucky Strike. Tình hình tồi tệ đến mức Đức Tổng Giám mục đạo Thiên chúa xứ Cologne đã nói với những tín đồ ngoan đạo của mình rằng việc ăn cắp thức ăn và than vì mục đích tồn tại là có thể chấp nhận được. Thị trưởng thành phố Cologne, Konrad Adenauter, phải mặc nguyên cả áo khoác để ngủ vì thiếu nguồn cung cấp nhiệt. Lái xe của ông có thể xoay xở khá hơn khi ngủ trong bồn tắm của phòng tắm một bệnh viện, nơi đó ít ra cũng ấm hơn. Rõ ràng là trong những điều kiện như vậy, nước Đức được định hướng là sẽ đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đảng Dân chủ Xã hội lúc đó dưới sự dẫn dắt của Kurt Schumacher, [28]người đã phải sống mười năm trong các trại tập trung của phát-xít, với tám năm ở trại Dachau. Lúc này, ở nước Đức thời hậu chiến, ông và đảng của ông đã cam kết thay thế chế độ tư bản chủ nghĩa bằng việc quốc hữu hóa và kế hoạch hóa tập trung, những chính sách rất giống với những gì Công đảng của Anh đang tiến hành. Dường như đó chính là định hướng mà nước Đức sẽ đi theo. Thậm chí năm 1947, những người Dân chủ cực hữu theo đạo Thiên chúa đã tiến hành một chương trình tuyên bố hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa đã không đáp ứng được những lợi ích quốc gia và xã hội cho người Đức và kêu gọi trong thời gian tới nhà nước phải nắm giữ “những đỉnh cao chỉ huy” và tiến hành kế hoạch hóa tập trung với một mức độ đáng kể. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một năm, nước Đức đã bắt đầu phát triển theo một đường lối kinh tế rất khác biệt. Có rất nhiều nguyên nhân. Sự bành trướng của chế độ Xô Viết đã làm bùng nổ xung đột giữa Đông và Tây, dẫn đến việc chia cắt nước Đức và sự bất tín nhiệm đối với phe cánh tả. Chương trình viện trợ theo Kế hoạch Marshall đã bắt đầu đặt nền móng cho một nền kinh tế châu Âu thống nhất. Và tiếp đó đã có một vấn đề nảy sinh là “cám gà”. Tình hình thực phẩm ở nước Đức thật là tồi tệ. Lượng calo tiêu thụ trung bình một ngày của người Đức chỉ khoảng 1.300 calo và nhiều khi chỉ còn khoảng 800 calo, chỉ bằng một phần tư so với trước chiến tranh. “Chúng tôi không thể hiểu được tại sao các ngài phải đọc Thời báo New York mới biết là người Đức sắp chết đói”, tướng Lucius Clay, Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Đức, đã bực bội gửi điện tín về Washington. “Ở đây khủng hoảng đến nơi rồi”. Tình hình ở Đức cũng một phần là do khủng hoảng lương thực toàn cầu; sản lượng lúa mì của chân Âu năm 1947 chỉ bằng một nửa năm 1938. Để đáp lại, nước Mỹ bắt đầu đổ một lượng lớn thực phẩm viện trợ vào Đức. Tiếp theo, tháng 1 năm 1948, Johannes Semler, Giám đốc Ban Điều hành kinh tế Bizonia (khu vực do liên quân Anh - Mỹ chiếm giữ) đã có một bài phát biểu, trong đó ông phàn nàn rằng phần lớn lượng ngũ cốc người Mỹ gửi tới là ngô chứ không phải lúa mì, mà ông mỉa mai cho rằng đây chỉ là thứ người Đức dùng để làm thức ăn cho gà chứ không phải cho người. Cụm từ ông sử dụng - Hühnerfutter - có nghĩa là “cám gà”. Đó không phải là cách lịch thiệp để mô tả những viện trợ lương thực miễn phí. Điên tiết, tướng Clay đã sa thải Semler. Để thay thế Semler, Clay chọn một nhà kinh tế mập mạp tên là Ludwig Erhard, người từng là Bộ trưởng Bộ Kinh tế của Bavaria một vài tháng sau chiến tranh. Từ chối một vị trí hàn lâm trong những năm dưới thời Hitler do không gia nhập Đảng Quốc xã, ông đã lặng lẽ tiến hành nghiên cứu thị trường ở Nuremberg. Và thật bất ngờ khi giờ đây, ông lại đảm nhận vị trí lãnh đạo nước Đức hướng về một tương lai khác hẳn với những gì đã được giả định thậm chí chỉ một năm trước đó. Trường phái Tự do Công giáo và thị trường xã hội Ludwig Erhard thuộc một nhóm kinh tế tự gọi là nhóm Tự do Công giáo. Một số thành viên của nhóm này tập trung ở Đại học Freiburg nên đôi khi nhóm này cũng được gọi là trường phái Freiburg. Nhóm này gồm những nhân vật như Alfred Müller-Armack,[29] Wilhelm Röpke,[30] Walter Eucken[31]và Alexander Rüstow.[32]Họ thừa nhận các thị trường tự do và cho rằng thảm họa phát-xít là do quá trình các-ten hóa và sự kiểm soát kinh tế của nhà nước lên đến cực điểm. Những người Tự do Công giáo cũng tin rằng họ đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi vô cùng đau đớn: “Tại sao chế độ chuyên chế cực quyền phát-xít lại có thể xuất hiện trên đất nước của Kant,[33]Goethe và Beethoven?” Lời giải thích được tìm thấy ở nửa cuối của thế kỷ XIX khi các các-ten và tư bản độc quyền phát triển ở Đức mà không có sự kiểm soát của nhà nước, dẫn đến sự tập trung ngày càng lớn quyền lực kinh tế và chính trị mà cuối cùng là chế độ chuyên chế cực quyền. Các lực lượng thị trường và một nền kinh tế cạnh tranh chính là tiêu chuẩn của những nhà kinh tế Tự do Công giáo. Trách nhiệm của nhà nước là tạo ra và duy trì một khuôn khổ thúc đẩy cạnh tranh và ngăn chặn sự phát triển của các các-ten. Cạnh tranh là cách tốt nhất ngăn chặn sự tập trung hóa quyền lực, cả công hay tư, do đó tạo ra sự đảm bảo tốt nhất cho tự do chính trị cũng như tạo ra một cơ chế kinh tế tuyệt hảo. Tuy nhiên, tầm nhìn của những nhà kinh tế Tự do Công giáo không đơn giản chỉ là chính sách tự do kinh doanh. Những người “Công giáo” vẫn giữ lại ý thức về thứ tự của họ - “một hệ thống đẳng cấp nhất định hay một ‘hình thái tự nhiên’ của xã hội” - một quan niệm có liên quan tới quan niệm về trật tự tự nhiên thời Trung cổ. Họ tin vào một nhà nước hùng mạnh và một nền tảng đạo đức xã hội vững chắc. Wilhelm Röpke giải thích: “Chúng tôi không muốn có sự hạn chế nào đối với sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường và cơ chế thả nổi tự do giá cả. Chúng tôi cũng không muốn một nền kinh tế hỗn hợp. Chúng tôi cũng hiểu rằng dù chúng tôi theo đuổi một nền kinh tế hoàn toàn tự do dựa trên cạnh tranh thì nền kinh tế này cũng không thể được tự do thả nổi hoàn toàn trong một cơ cấu xã hội, chính trị, đạo đức mục ruỗng, mà cần phải được duy trì và bảo vệ bởi một cơ cấu xã hội, chính trị, đạo đức vững mạnh. Sự công bằng, nhà nước, truyền thống và đạo đức, các giá trị và tiêu chuẩn doanh nghiệp… tất cả đều là một phần trong cơ cấu này, cũng như những chính sách kinh tế, xã hội và tài chính nằm ngoài thị trường cũng góp phần làm cân bằng lợi ích, bảo vệ kẻ yếu, kiềm chế sự thái quá, cắt giảm sự thừa thãi, hạn chế quyền lực, đặt ra quy luật cho cuộc chơi và đảm bảo sự tuân thủ luật chơi. Do đó, đối với các nhà kinh tế thuộc nhóm Tự do Công giáo thì không có mâu thuẫn gì giữa cam kết của họ với thị trường tự do và sự ủng hộ của họ với một mạng lưới an sinh xã hội - một hệ thống hỗ trợ và chia sẻ lợi ích để bảo vệ kẻ yếu. Tất cả những điều này tạo nên cái mà họ gọi là “nền kinh tế thị trường xã hội”. Thuật ngữ này do Alfred Müller Armack, một trong những cố vấn cao cấp của Ludwig Erhard, đưa ra nhằm mô tả mô hình kinh tế của nước Đức trong những năm hậu chiến. Theo mô hình của họ, nhà nước có thể làm được nhiều việc có lợi. Tuy nhiên, điều mà nhà nước không được phép làm là việc can thiệp vào cơ chế thị trường bằng cách cố định giá cả hay kiểm soát sản lượng. Giống như nhiều người Đức khác, những nhà kinh tế Tự do Công giáo cũng nhận ra đó là gốc rễ những rủi ro của nước Đức với nạn lạm phát phi mã sau Thế chiến thứ nhất, điều khiến cho tầng lớp trung lưu ở nước Đức bị cô lập và gần như bị quét sạch, làm suy yếu cơ sở của chế độ dân chủ. Vì vậy, họ đã tận tâm với một đồng tiền ổn định, một sự tận tâm mà sau này hình thành nên Ngân hàng Trung ương Đức: Bundesbank. Erhard: “Mặc kệ nó” Những quy tắc của trường phái Tự do Công giáo đã dẫn đường cho Erhard. “Người dân sẽ thực sự may mắn”, ông viết ngay trong thời gian trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Kinh tế,“nếu chúng ta có thể thực hiện theo một quy trình kinh tế thực sự tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế tự do diễn ra thì chính hoạt động kinh tế này sẽ cho thấy trách nhiệm xã hội của nó thay vì thứ chủ nghĩa hình thức quan liêu đáng ghét đang thịnh hành khắp nơi”. Và giờ đây, chính sự ám chỉ đầy bất hạnh về “cám gà” đã đặt ông vào vị trí thực hiện những nguyên tắc trên và đưa học thuyết của nhóm Tự do Công giáo vào thực tiễn. Các sự kiện lúc đó đã tạo ra hậu thuẫn thuận lợi cho nước Đức. Sự cản trở và tham vọng bành trướng lãnh thổ của Liên bang Xô Viết khiến cho các đồng minh phương Tây phải từ bỏ chế độ hợp tác bốn bên và thay vào đó tạo ra một Tây Đức có thể gắn liền với Tây Âu. Điều này cũng phù hợp với ý thức rằng châu Âu không thể phục hồi với một nước Đức nghèo nàn ở ngay trung tâm của nó: Những vết tích cuối cùng trong Kế hoạch Morgenthau[34]năm 1944 của Hoa Kỳ nhằm “đồng quê hóa” nước Đức đã lùi vào dĩ vãng. Thay vào đó, một nước Đức hồi sinh, với nền công nghiệp trẻ lại, được phát triển để hòa nhập với quốc gia láng giềng thông qua Kế hoạch Marshall. Những sự kiện có ảnh hưởng sâu rộng đã diễn ra vào năm 1948. Người Mỹ và Anh bất ngờ tiến hành một cuộc cải cách tiền tệ đồ sộ thay thế đồng mark cũ mất giá bằng đồng mark Tây Đức mới, hình thành một nền tảng kinh tế mạnh mẽ. Cải cách tiền tệ là cần thiết nếu như các vùng bị tạm chiếm hợp nhất về mặt chính trị. Không hay biết về việc này, Erhard đã rất tức giận khi tướng Clay thông báo cho ông biết khi chỉ còn vài giờ nữa là công việc được tiến hành. Để trả đũa, ông đã đi trước một bước khi thông báo sự kiện này trong buổi diễn thuyết hàng tuần trên sóng radio như thể ông là một người có vai trò chủ chốt. Cũng không kém phần quan trọng là bước tiến tới trật tự kinh tế theo trường phái tự do mà Erhard tiến hành một vài ngày sau đó, nhưng lần này là do chính ông chủ xướng. Nước Đức vẫn bị kìm kẹp bởi một hệ thống đồ sộ những quy tắc về phân phối và kiểm soát giá cả từ thời phát-xít. Lúc này chính là cơ hội để Erhard hoàn toàn lật ngược tình thế đối với tướng Clay. Không thể có sự thay đổi nào trong hệ thống kiểm soát giá cả có thể diễn ra mà không được sự phê chuẩn của phe Đồng minh. Nhưng cũng không cần có sự phê chuẩn nào nếu như hệ thống đó hoàn toàn bị xóa bỏ, đơn giản là vì chẳng ai nghĩ điều này có thể xảy ra. Đó chính là điều Erhard đã làm, đơn giản là trong một đêm xóa bỏ hầu hết sự kiểm soát giá cả mà không cần nói trước với tướng Clay. Nước Đức bất ngờ đã có một nền kinh tế hoạt động trở lại. Chợ đen chợ xám biến mất; hàng hóa lại xuất hiện ở các cửa hàng. Bây giờ đến lượt tướng Clay bối rối. Ông nói: “Ông Erhard, các cố vấn của tôi nói rằng cái mà ông đang làm là một sai lầm tệ hại. Ông nói gì về việc này?” “Thưa tướng quân, cứ kệ nó!” Erhard trả lời. “Các cố vấn của tôi cũng nói như vậy”. Tướng Clay không đồng ý. Những nhà sử học nghiên cứu về thời kỳ hậu chiến của nước Đức đã mô tả cuộc gặp gỡ này là sự kiện có tính chất quyết định nhất trong giai đoạn hậu chiến - sự bắt đầu giai đoạn phát triển kinh tế thần kỳ và nền kinh tế thị trường xã hội. Một vài ngày sau đó, ngày 23 tháng 6, Liên bang Xô Viết dựng lên bức tường Berlin nhằm ngăn cản việc cải cách tiền tệ và chống lại những nỗ lực củng cố ba khu vực do phương Tây tạm chiếm. Họ kiểm soát luôn Berlin, khu vực mặc dầu chỉ vào khoảng 95 dặm trong lãnh thổ của cộng sản, nhưng lại nằm dưới sự kiểm soát bốn bên. Bằng cách cắt đứt tất cả giao thông đường bộ và đường sắt, họ chặn tất cả mọi nguồn cung cấp cho thành phố này đến khi phương Tây phải nhượng bộ trong việc thống nhất tiền tệ và chính trị. Tuy nhiên, những người Xô Viết đã không tính đến nguồn cung cấp khổng lồ bằng đường hàng không mà các đồng minh phương Tây vội vã đổ vào Berlin. Nếu họ can thiệp vào việc này thì có thể cuộc Thế chiến thứ ba đã nổ ra. Sự bao vây cô lập này đã làm tổn hại đến vị thế của Xô Viết do kết quả trái ngược với những gì được dự tính. Tháng 4 năm 1949, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương với sự thành lập NATO được ký kết và việc bao vây cô lập trên chỉ càng làm cho ba khu vực do phương Tây tạm chiếm chuyển đổi nhanh chóng hơn, trở thành một đất nước dân chủ thống nhất mới và thân phương Tây. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đồng minh phương Tây, người Đức công bố Bộ luật Cơ bản, thành lập nước Cộng hòa Liên bang Đức (chính thức được biết đến là Tây Đức) vào ngày 8 tháng 5 năm 1949, bốn năm sau ngày Phát-xít Đức đầu hàng. Người Liên Xô đã hủy bỏ việc phong tỏa khi nhận ra rằng hành động của mình chỉ có lợi cho đối phương. Sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Đức Sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Đức được tạo ra trong bối cảnh chính trị tiềm ẩn nền kinh tế thị trường xã hội. Nhưng bối cảnh đó như thế nào? Điều này phụ thuộc vào kết quả của chiến dịch chạy đua vào Bundestag - tức là Quốc hội mới của CHLB Đức, và sự lựa chọn vị thủ tướng thời hậu chiến đầu tiên. Có vẻ như chiến thắng sẽ thuộc về Kurt Schumacher thuộc Đảng Dân chủ Xã hội với những ý tưởng tương đối khác biệt về phương cách điều hành nền kinh tế. Đọ sức với Schumacher là Konrad Adenauer, một người thuộc phe Tự do Công giáo, từng là Thị trưởng thành phố Cologne từ năm 1917 đến năm 1933. Ông bị chế độ phát-xít thải hồi do không chịu treo cờ phát-xít lên tòa thị chính thành phố nhân dịp Hitler đến thăm Cologne. Trong thời gian phát-xít nắm quyền, có khi ông chăm sóc vườn hoa hồng của mình, có khi lại ngồi tù hoặc sống ẩn dật. Lần cuối ông ngồi tù là năm 1944, sau khi cuộc ám sát Hitler của các quan chức Đức thất bại; đầu tiên ông bị giam ở trại tập trung, sau đó là nhà tù Gestapo. Ông viết cho một người bạn ở Mỹ một ngày sau khi Hitler tự sát: “Nếu như người Mỹ không tiến quân nhanh bất ngờ như vậy thì có lẽ tôi đã bị bọn Gestapo mang đi thủ tiêu rồi”. Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, ông lại làm Thị trưởng của Cologne. Không ai có thể nghi ngờ ông trong việc chống phát-xít; vợ ông đã chết năm 1948 cũng do hậu quả của việc bị giam tại nhà tù Gestapo. Cuộc bầu cử tháng 9 năm 1949 diễn ra hết sức gay go giữa những người đại diện cho “nền kinh tế kế hoạch” và “nền kinh tế thị trường xã hội”. Kết quả là cuộc bầu cử không xác định được người thắng cuộc vì Đảng Dân chủ Xã hội của Schumacher và Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của Adenauer đều giành được 30% số phiếu, số còn lại thuộc về các đảng khác. Như vậy, sự lựa chọn cho chức vụ thủ tướng sẽ được Quốc hội quyết định và sự ủng hộ của Đảng Dân chủ Tự do, một đảng nhỏ theo đường lối thị trường tự do, có ảnh hưởng quan trọng tới kết quả cuối cùng. Đảng này đã ủng hộ Adenauer. Ông đã thắng chỉ bằng một lá phiếu của chính mình. Vị Thủ tướng bảy mươi ba tuổi này phát biểu: “Bác sĩ của tôi nói rằng tôi có thể đảm nhiệm chức vụ này ít nhất là một năm, có thể là hai năm”. Nhưng thực ra, ông đã đảm nhiệm chức vụ này tới mười bốn năm. Vào thời điểm Adenauer nghỉ hưu, Ludwig Erhard là Bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ của ông, chịu trách nhiệm xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội. Kết quả là một sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Đức (Wirtschaftswunder). Chắc chắn là nền kinh tế thị trường xã hội, theo nhiều góc nhìn khác nhau, giống với một nền kinh tế hỗn hợp. Ví dụ, năm 1969, chính phủ sở hữu khoảng trên một phần tư số cổ phiếu của khoảng 650 công ty. Sở hữu nhà nước ở mức độ liên bang và bang có phạm vi khá rộng, bao gồm các hệ thống giao thông, điện thoại, điện tín, bưu điện, mạng lưới phát thanh truyền hình và các dịch vụ công cộng. Sở hữu nhà nước từng phần mở rộng tới cả các hoạt động khai thác than, quặng, luyện kim, đóng tàu và sản xuất. Tuy nhiên, có sự khác nhau căn bản giữa hệ thống chính sách công nghiệp của Đức với Anh và Pháp. Ở Anh và Pháp, nhà nước nắm quyền kiểm soát các ngành kinh tế quan trọng để đảm bảo sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người. Ở Đức, nhà nước tạo ra - và ở một mức độ nào đó là kiểm soát - một mạng lưới các tổ chức xung quanh các ngành kinh tế quan trọng sao cho thị trường có thể hoạt động hiệu quả hơn. Nền kinh tế được điều hành theo một chế độ quản lý tay ba giữa chính phủ, doanh nghiệp và lực lượng lao động. Bản chất độc đáo của hệ thống phối hợp này chính là Ban Quản lý - Betriebsräte – gồm các đại diện từ cả ba khu vực trên. Hệ thống độc đáo này, dưới sự bảo hộ của Adenauer và Erhard, đã đưa nước Đức từ thời kỳ đen tối năm 1947, trong vòng chưa đầy một thập kỷ trở thành trung tâm kinh tế của châu Âu và khẳng định vững chắc vai trò của mình như là đầu tàu phát triển kinh tế của cả châu Âu. Nước Ý: Các công ty hàng đầu quốc gia Sau chiến tranh, đất nước Ý không phát triển kinh tế theo mô hình nền kinh tế hỗn hợp, điều này do ảnh hưởng của chính phủ phát-xít Benito Musolini để lại. Năm 1933, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính phủ phát-xít đã lập ra IRI – Viện Tái thiết Công nghiệp – để giúp các công ty sắp phá sản tiếp tục tồn tại bằng cách mở rộng tín dụng, và trong quá trình đó, nắm luôn quyền sở hữu các công ty đó. Kết quả là IRI không những kiểm soát ba ngân hàng lớn nhất mà còn kiểm soát một phần đáng kể các cơ sở công nghiệp của Ý. Đến năm 1936, giai đoạn đầu của chương trình quốc hữu hóa công nghiệp bất thường nhất của thế giới phương Tây đã hoàn thành. Sau đó, Chính phủ Phát-xít Ý cũng tìm ra được một kế hoạch - đưa IRI vào hoạt động trong một chương trình công nghiệp nhằm tăng cường năng lực sản xuất vũ khí của Ý. Sau chiến tranh, các chính phủ yếu kém kế tiếp nhau không kiểm soát được IRI và những nhà quản lý của IRI điều hành các công ty thành viên theo cách mà họ thích. IRI còn lâu mới có thể là một công cụ quyết định tương lai chứ chưa nói gì đến việc trở thành sự tiếp nối từ một quá khứ huy hoàng. Không có sự kiểm soát trung ương, chính sách công nghiệp chung quy cũng chỉ là một hỗn hợp các chiến lược rời rạc từ các bộ phận riêng rẽ của IRI. Tuy nhiên, thái độ kiên quyết dứt điểm với quá khứ của IRI xuất hiện cùng với một công ty mới thuộc sở hữu nhà nước, Công ty Dầu khí ENI - Ente Nazionale Idrocarburi. Công ty này được thành lập ngay sau chiến tranh từ AGIP, một công ty lọc dầu nhà nước và là một trong những công ty lớn nhất cả nước trong những năm 20. Việc ENI đạt được vị trí người dẫn dắt nền kinh tế Ý là công của Enrico Mattei, cậu con trai ngỗ nghịch của một viên cảnh sát phía bắc nước Ý. Mattei bỏ học từ năm mười bốn tuổi, sau đó đã dẫn dắt một công ty hóa chất và cuối cùng nổi lên như là một người lãnh đạo khởi nghĩa trong chiến tranh. Sau chiến tranh, kỹ năng quản lý và sự khôn ngoan về chính trị đã giúp ông có được vị trí cao nhất ở AGIP và bắt đầu công việc tạo nên một công ty khổng lồ, thống trị ở Ý và cạnh tranh cùng với các công ty dầu khí lớn khác – những công ty mà ông ví với “bảy chị em”. Đến những năm 50, ENI đã là một tập đoàn khổng lồ gồm ba mươi sáu công ty thành viên; hoạt động kinh doanh của tập đoàn này bao gồm từ khai thác dầu khí cho tới kinh doanh khách sạn, xây đường cao tốc và sản xuất xà phòng. Chủ tịch hay giám đốc điều hành của mọi công ty trong tập đoàn là một người duy nhất, Enrico Mattei. Một bản báo cáo của Đại sứ quán Mỹ năm 1954 đã viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế Ý, một thực thể nhà nước đã có được một vị thế độc nhất vô nhị, thực thể này vừa có sức mạnh về tài chính, được dẫn dắt và chịu trách nhiệm với một người duy nhất là lãnh đạo công ty – một con người không có giới hạn trong hoài bão của mình”. Mattei cũng là một người hết sức quyến rũ. Một trong những phụ tá của ông sau này nhớ lại: “Bất cứ ai làm việc với ông đều sẵn sàng nhảy vào lửa vì ông mặc dù thực sự thì họ không thể giải thích được là vì sao”. Điều này có thể giải thích được là biểu tượng của ENI trở nên mạnh mẽ như thế nào. Thực tế, đó chính là hiện thân của một doanh nghiệp nhà nước đầy uy lực – nhà vô địch thời hậu chiến. Enrico Mattei đã diễn tả bối cảnh thời hậu chiến ở Ý: chống chủ nghĩa phát-xít, phục hưng và tái thiết đất nước, và sự nổi lên của một con người mới, người đã tự khẳng định mình mà không cần tới hệ thống IRI cũ kỹ hay những gì còn lại của chế độ phát-xít. Công ty của Enrico Mattei đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái thiết đất nước; cam kết mang về cho nước Ý nghèo khó những tài nguyên thiên nhiên cần thiết. Công ty kêu gọi lòng tự tôn dân tộc còn Mattei biết cách làm thế nào để xây dựng một hình ảnh tốt trong lòng công chúng. Chỉ vài năm sau chiến tranh, ENI đã xây dựng các trạm xăng dầu dọc theo mọi ngả đường và xa lộ nước Ý, những xa lộ này lúc đó đã to hơn, hấp dẫn hơn và tiện lợi hơn so với các xa lộ khác trên thế giới. Thậm chí trên những xa lộ này còn có cả các nhà hàng. Không một ai ở Ý có thể làm những điều mà ENI đã làm. ENl đã trở thành một biểu tượng hùng mạnh như vậy là nhờ sự không thống nhất trong chính phủ dẫn đến sự không nắm giữ những đỉnh cao chỉ huy của nền kinh tế. ENI đã tiếp cận những nguồn tài nguyên của chính phủ và sử dụng chúng để xây dựng nên một công ty dầu khí lớn thứ tám thế giới. Công ty cũng tạo ra nguồn nhân lực và cơ hội cho các thế hệ công dân Ý vốn đã được đào tạo kỹ lưỡng về kỹ thuật và thương mại trở thành những nhân viên dầu khí tầm cỡ thế giới. ENI không những đã cung cấp nhiên liệu cho sự phát triển kinh tế thần kỳ của Ý mà còn là động cơ chính của sự phát triển này. Công ty cũng là một biểu tượng trong công cuộc đẩy lùi chủ nghĩa phát-xít vào quá khứ và định hướng tương lai nước Ý thời hậu chiến. ENI đã trở thành một mô hình kiểu mẫu cho việc các công ty nhà nước có thể làm được những gì - và chính là yếu tố căn bản của sở hữu nhà nước. Nhân tố này có thể được tổng kết trong cụm từ - tăng trưởng và phát triển. “Sự xâm lấn” của John Maynard Keynes Khi giai đoạn tái thiết kết thúc và những dấu hiệu đầu tiên của sự thịnh vượng bắt đầu xuất hiện, việc quản lý nền kinh tế hỗn hợp được dựa trên nền tảng trí tuệ của một học thuyết kinh tế mới đầy sức thuyết phục mới. Học thuyết này không bắt nguồn từ chủ nghĩa xã hội mà từ sản phẩm của một nhà cải cách của chủ nghĩa tư bản, John Maynard Keynes, nhà kinh tế học nổi tiếng nhất thế kỷ XX. Keynes là tác phẩm của kỷ nguyên hậu Victoria và Edward, một thời kỳ được coi là ổn định, thịnh vượng, hòa bình, và nước Anh đang thống trị nền kinh tế thế giới. Keynes thực tế chưa bao giờ mất niềm tin và sự lạc quan vào thời kỳ này. Nhưng sự nghiệp tri thức vì sự ảnh hưởng sâu rộng của ông nảy sinh khi ông nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân những cuộc khủng hoảng, những đổ vỡ bắt đầu với Thế chiến thứ nhất và tiếp tục đến cuộc Đại Khủng hoảng. Là hậu duệ của một hiệp sĩ từng vượt eo biển Manche cùng với đức vua William - Người chinh phục nước Anh, Keynes là con của một nhà kinh tế thuộc Trường Đại học Cambridge. Được đào tạo ở Eton[35]và Cambridge, ngay từ những năm đầu, ông đã thể hiện một trí tuệ vượt trội cùng với sự kiêu ngạo và một tính cách mà đối với một số người là sự kỳ thị thái quá như những thói quen thể hiện đẳng cấp của ông (kể cả chiếc mũ mềm đặc trưng cho một người giao dịch chứng khoán ở London) và niềm kiêu hãnh của ông với tư cách là một thành viên của nhóm mà ông gọi là “những nhà tư sản có giáo dục”, một nhóm pha trộn giữa tính cách nổi loạn về xã hội và tri thức, sự xấu tính, một lối sống của người Bohemian[36]và nhà thẩm mỹ xứ Bloomsbury.[37] Khả năng toán học của ông được bổ sung bởi những kiến thức văn chương đáng kể dù những kiến thức đó có liên quan đến những tư tưởng kinh tế hay là nỗi ám ảnh của ông về quyền lực của các chính khách. Ông coi “việc luôn luôn thận trọng theo dõi” thế giới thực như là một trong những điều kiện cần thiết của một nhà kinh tế giỏi và ông thích nghiền ngẫm các con số thống kê. Ông thường nói rằng những ý tưởng tốt nhất của ông thường có được từ việc nghiên cứu các con số và tìm xem chúng có ý nghĩa như thế nào. Tuy nhiên, ông không thể chịu đựng được việc đùa bỡn với các tư tưởng, do đó, ông luôn tìm cách mở rộng những lý thuyết dù đã được hoàn thiện về mọi mặt và khái quát hóa những chi tiết. Là một cố vấn kinh tế cho đoàn đại biểu nước Anh trong Hội nghị Versailles năm 1919, ông tin rằng nền hòa bình mà Hội Quốc liên đang áp đặt lên nước Đức sẽ làm suy yếu sự phục hồi kinh tế châu Âu và sẽ tiếp tục gây nên những cuộc khủng hoảng mới. Cảm thấy chán ngán, ông từ chức và về nghỉ ở một vùng nông thôn nước Anh, nơi mà chỉ trong vài tuần, ông đã hoàn thành cuốn sách Những hậu quả kinh tế của hòa bình, trong đó ông đưa ra những lời chỉ trích gay gắt. Cuốn sách đã khiến ông trở nên nổi tiếng. Trong những năm 20, ông chủ yếu tập trung vào những vấn đề tiền tệ. Trong một tác phẩm mang tên Những hậu quả kinh tế của Ngài Churchill, ông đã phản đối quyết định của Winston Churchill, lúc đó là Bộ trưởng Tài chính, nhằm đưa nước Anh quay trở lại bản vị vàng với giá trị đồng bảng Anh được đánh giá vượt quá giá trị thực của nó. Trong những năm 20, ông làm việc ở hai nơi: dạy học tại trường King’s College ở Cambridge và tham gia đầu cơ mua bán tiền tệ, hàng hóa và chứng khoán ở London. Ông cũng là thành viên ban quản lý của một số công ty đầu tư, bảo hiểm, và là chủ tịch của một trong số đó. Ông là tay lão luyện trên các thị trường và trong lĩnh vực tâm lý thị trường. Là người quản lý tài chính của trường King’s College trong cuộc Đại Khủng hoảng, ông đã tăng quỹ vốn của trường lên gấp mười lần. Ông cũng thành công trong việc đầu tư và trở nên giàu có dù cho thời kỳ đó nền kinh tế rất khó khăn. Ông không ngần ngại chấp nhận các rủi ro trong kinh doanh. Một người bạn thân của Keynes nói: “Một nhà kinh tế lý thuyết suông sẽ không bao giờ thực sự biết cái gì đã khiến một nhà kinh doanh lựa chọn và tại sao đôi khi anh ta đánh liều trong một dự án đầu tư và tại sao đôi khi anh ta lại thích tiền mặt và khả năng thanh khoản bằng tiền mặt hơn các thứ khác. Maynard Keynes hiểu điều này vì bản thân ông cũng là một người liều lĩnh trong kinh doanh và cảm nhận được bản năng liều lĩnh và tài chính của một nhà kinh doanh”. Keynes cũng từng giải thích: “Cuộc sống kinh doanh luôn luôn là một canh bạc”. Nạn thất nghiệp kinh niên ở nước Anh, tiếp đến là nạn thất nghiệp tràn lan thời kỳ Đại Khủng hoảng đã đổi hướng nghiên cứu của Keynes từ tiền tệ sang thất nghiệp và dẫn ông đến một tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất: Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ, xuất bản năm 1936. Với tác phẩm này, Keynes đã chứng tỏ mình là một nhà kinh tế luôn thận trọng theo dõi diễn biến của nền kinh tế, một nhà toán học tài ba, một người nổi loạn tự tin và một nhà tổng quát hóa. Cuốn sách công kích những học thuyết kinh tế truyền thống mà ông đã được học. Thời kỳ nuôi dưỡng học thuyết kinh tế cổ điển đã bị hủy hoại bởi cuộc Thế chiến thứ nhất, và với Keynes, những sự kiện lịch sử kể từ đó đã chứng tỏ sự không thích hợp của học thuyết cổ điển. Cần thiết phải có một sự tổng hợp mới, đó là điều mà Keynes và các học trò của ông ở Cambridge đang cố gắng đạt được. Cụ thể, ông kết luận rằng học thuyết kinh tế cổ điển đã dựa trên những sai lầm cơ bản. Học thuyết này đã sai lầm khi cho rằng sự cân bằng cung cầu có thể đảm bảo đầy đủ sự toàn dụng nhân công. Ngược lại, theo quan điểm của Keynes, nền kinh tế luôn luôn bất ổn, đầy biến động và cung cầu có thể đạt được một trạng thái cân bằng nhưng không đảm bảo toàn dụng nhân công. Nguyên nhân là sự đầu tư không tương xứng và sự tiết kiệm quá mức cần thiết, cả hai nguyên nhân này đều bắt nguồn từ tâm lý lo sợ sự bất ổn. Cách giải quyết tình trạng này xem ra có vẻ rất đơn giản: thay thế sự thiếu hụt trong đầu tư tư nhân bằng đầu tư công cộng với những nguồn vốn đầu tư được cân nhắc kỹ lưỡng. Chính phủ có thể vay vốn để đầu tư vào những công trình công cộng, việc này lại sẽ tạo ra việc làm và tăng cường sức mua. Việc cố gắng cân bằng ngân sách nhà nước trong thời kỳ suy thoái sẽ chỉ làm mọi việc tồi tệ hơn. Để học thuyết của mình trở nên thuyết phục, Keynes đưa ra hàng loạt công cụ - kế toán thu nhập quốc dân được tiêu chuẩn hóa (công cụ này dẫn đến khái niệm cơ bản về tổng sản phẩm quốc dân), khái niệm về tổng cầu, và số nhân việc làm (người nhận tiền của chính phủ do làm việc trong các công trình công cộng sẽ chi tiêu, do đó tạo thêm việc làm). Những phân tích kinh tế của Keynes đã đặt nền móng cho lý thuyết kinh tế vĩ mô, một lý thuyết xem nền kinh tế như một tổng thể và tập trung vào việc sử dụng các chính sách tài chính của chính phủ - chi tiêu, vay nợ, thuế khóa. Những công cụ này sẽ được sử dụng để đảm bảo cho tổng cầu và từ đó đảm bảo trạng thái toàn dụng nhân công. Kết quả tất yếu là chính phủ có thể giảm bớt chi tiêu trong thời gian phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, khái niệm cuối cùng này thường lại hay bị lãng quên và bỏ qua. Theo Keynes, chính phủ phải có vai trò lớn hơn trong nền kinh tế. Đó là một chính phủ theo kiểu chủ nghĩa tư bản đã được cải tổ, đã được chế ngự - một kiểu chủ nghĩa tư bản kết hợp với chủ nghĩa xã hội. Ông nói về một hình thức xã hội hóa toàn diện về đầu tư ở mức độ nào đó và việc nhà nước đảm nhận một trách nhiệm lớn hơn bao giờ hết trong việc trực tiếp tổ chức đầu tư. Chính sách tài khóa sẽ giúp các nhà quản lý khôn ngoan ổn định nền kinh tế mà không cần phải dùng đến các công cụ kiểm soát trực tiếp. Việc đưa ra các quyết định vẫn thuộc về thị trường phân quyền chứ không phải là các nhà hoạch định chính sách trung ương. Keynes từng nghiên cứu kỹ lưỡng học thuyết tổng quát, vì thế ông tin rằng những cuộc khủng hoảng mới là rất gần ngay cả khi thế giới đã phải vật lộn với cuộc Đại Suy thoái. Một cách cải tổ là phải tập trung quyền lực lại và đó không chỉ là những viễn cảnh của kinh tế vĩ mô mà còn là những hiểm họa của thời kỳ đó, đây chính là nguyên nhân khiến rất nhiều người ủng hộ lập luận này. Một học trò của ông đã giải thích: “Cuối cùng, Keynes cũng đã mang lại một nguồn hy vọng: hy vọng rằng sự thịnh vượng có thể được phục hồi và duy trì mà không cần đến các nhà tù, đao phủ và các hình thức tra tấn dã man”. Và một cuộc khủng hoảng mới đã tới. Với việc Thế chiến thứ hai nổ ra, Keynes tiếp tục nghiên cứu vấn đề làm thế nào để đảm bảo về tài chính cho chiến tranh và phát triển một hệ thống tiền tệ thời hậu chiến. Ông là một trong những người thiết lập ra hệ thống Bretton Woods, từ đó thành lập Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đưa hệ thống tỷ giá hối đoái cố định vào hoạt động. Ông cũng quay trở lại với một chủ đề đã ám ảnh ông từ Thế chiến thứ nhất - làm thế nào để chống lại và hạn chế sự khuất phục của nước Anh đối với sức mạnh tài chính của nước Mỹ. Xét cho cùng, ông đã trưởng thành trong thời nước Anh đang thống trị nền kinh tế thế giới. Hiện nay, dù sao ông cũng phải cố gắng điều chỉnh nước Anh trước một thực tế mới, đó là sự phát triển mạnh mẽ của nước Mỹ. Một việc làm khó khăn cuối cùng của ông là đàm phán để nước Mỹ cho Anh vay một khoản tiền nhiều tỷ đô-la Mỹ. Đó là một công việc rất tồi tệ và sự căng thẳng đã giết chết ông. Keynes đã đưa ra lý do cơ bản giải thích cho việc nhà nước phải đảm nhận một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế và tỏ ra tự tin hơn nữa về khả năng can thiệp quản lý hiệu quả của chính phủ. Khi những công trình nghiên cứu của Keynes trở thành học thuyết kinh tế Keynes trong những năm sau Thế chiến thứ hai, sự tự tin từng cổ vũ cha đẻ của những công trình này nay vẫn tiếp tục cổ vũ ông. Bất chấp sự say mê của Keynes đối với tình trạng bất ổn và khả năng suy đoán của ông về thị trường, những nhà kinh tế theo học thuyết Keynes vẫn coi “tri thức chính phủ” trội hơn “tri thức thị trường”. Theo Robert Skidelsky, người viết tiểu sử của Keynes, một thông điệp không được tuyên bố có thể coi là gay gắt nhất về vấn đề này là: “Chính phủ thì khôn ngoan còn thị trường thì thật ngớ ngẩn”. Ở một trong những đoạn nổi tiếng nhất của cuốn Lý thuyết chung, Keynes đã viết: “Quyền lực của những lợi ích bất di bất dịch đã được thổi phồng quá mức so với sự xâm nhập từ từ của tư tưởng”. Tuy nhiên, chẳng có gì là từ từ trong sự xâm lấn của Trường phái kinh tế Keynes hay trong cuộc chinh phục của trường phái này đối với “những đỉnh cao chỉ huy” trong tư tưởng kinh tế. Chỉ vài năm sau khi ông mất, học thuyết kinh tế Keynes đã chiếm được vị trí thống trị trong việc đưa ra các chính sách kinh tế cả ở Anh cũng như Mỹ. Sự ảnh hưởng sâu rộng, hay ít nhất là nhận thức về sự ảnh hưởng của học thuyết này đã được minh chứng bởi một cuốn sách về lịch sử các học thuyết kinh tế xuất bản giữa thập niên 60: “Ở hầu hết các nền kinh tế phương Tây, học thuyết kinh tế Keynes đã đặt nền tảng tri thức cho một hình thức chủ nghĩa tư bản được kiểm soát và hướng về phúc lợi xã hội. Rõ ràng là sự chấp nhận rộng rãi học thuyết của Keynes chính là nguyên nhân tạo nên tỷ lệ việc làm cao ở hầu hết các nước công nghiệp phương Tây kể từ sau Thế chiến thứ hai và làm thay đổi đáng kể quan điểm về vai trò của nhà nước trong đời sống kinh tế”. Sự tự tin của Keynes sẽ sống mãi cùng với học thuyết kinh tế của ông. Thương mại và sức mạnh quốc gia Trong vòng ba thập kỷ sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, sự chấp nhận rộng rãi học thuyết kinh tế Keynes và các quy tắc của nền kinh tế hỗn hợp đã giúp các nước châu Âu xích lại gần nhau hơn cho dù giữa các nước còn có rất nhiều khác biệt. Sự tương đồng giữa các nước cuối cùng cũng được thể hiện qua Liên minh châu Âu ngày nay. Trước hết, Jean Monnet đã nắm bắt được cơ hội để đảm bảo tương lai cho châu Âu thông qua sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Trong Thế chiến thứ hai, ông đã mường tượng ra một đất nước Lotharingia[38]hiện đại - tên được đặt cho một quốc gia nằm ở giữa ba vương quốc được thành lập bởi những người cháu của Charlemagne[39] một nghìn năm trước đó. Nhưng giấc mộng của Monnet không phải là một giấc mộng lịch sử. Đó chính là hệ quả của những vấn đề rất thực tế - cần phải làm gì với nước Đức và làm thế nào để ngăn chặn các cuộc chiến tranh khác ở châu Âu. Câu trả lời bao quát là: hội nhập một nước Đức được hồi sinh và năng suất vào một châu Âu thống nhất. Đất nước Lotharingia chỉ là bước đi đầu tiên. Những vùng chuyên sản xuất than và thép ở khu vực biên giới giữa Đức và Pháp - vùng Alsace Lorraine[40]và Ruhr[41]- vốn là nguồn gốc của các cuộc chiến tranh sẽ được quản lý ở quy mô quốc tế theo Kế hoạch Schuman. Kế hoạch này được đặt theo tên của Ngoại trưởng Pháp Robert Schuman, nhưng thực tế, phần lớn là công của Jean Monnet. Trong bối cảnh đó, kế hoạch này đã khởi đầu một châu Âu mới. Sự khởi đầu này còn được hỗ trợ rất nhiều bởi Kế hoạch Marshall, một kế hoạch nhấn mạnh rằng châu Âu cần phải có một kế hoạch chung để sử dụng các nguồn vốn viện trợ của Mỹ. Kế hoạch Marshall cũng đưa ra các quy tắc về tự do hóa nhằm giảm các rào cản thương mại giữa các nước châu Âu và tạo điều kiện sử dụng viện trợ hiệu quả nhất. Bước đi tiếp theo được tiến hành năm 1957. Do bị thôi thúc bởi những gì Monnet đã tưởng tượng và choáng váng trước những sự kiện đặc biệt xảy ra vào mùa thu năm 1956 - cuộc khủng hoảng kênh đào Suez,[42]sự kiện đã chia rẽ các đồng minh Tây Âu - và việc chính quyền Xô Viết đàn áp cách mạng Hungary - các quốc gia châu Âu đã ký Hiệp ước Rome bắt đầu công cuộc tái thiết châu Âu. Hiệp ước này đã thành lập Thị trường chung châu Âu, hay còn được biết đến với cái tên là Cộng đồng Kinh tế châu Âu - một sự liên kết chưa hề có tiền lệ giữa các nền kinh tế khác nhau, được xây dựng dựa trên ba mối quan hệ ràng buộc: sự đồng thuận trong nền kinh tế hỗn hợp, động cơ giải quyết vấn đề nước Đức và sự đe dọa từ phe Xô Viết. Vì vậy, thậm chí khi các chính phủ Tây Âu đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong nền kinh tế quốc gia thì với việc bắt đầu tiến hành xây dựng một châu Âu thống nhất, họ cũng đã tiến hành những bước đi đầu tiên nhằm giảm sự kiểm soát đối với nền kinh tế bằng việc dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư. Bằng cách tiến hành những công việc này, châu Âu đã trở thành một phần trong một tiến trình lớn hơn, đó là tiến trình cắt giảm các rào cản thương mại và mở rộng thương mại quốc tế, một yếu tố tăng cường sức mạnh quốc gia. Trong Thế chiến thứ hai, các quan chức Anh và Mỹ đã dẫn đầu trong việc tạo dựng nên một hệ thống mới và toàn diện nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế. Họ biết rõ rằng họ muốn thoát khỏi cái gì - đó là hệ thống thương mại đã rạn nứt qua hai cuộc chiến tranh cùng với hàng loạt cản trở như những hàng rào hạn chế khối lượng nhập khẩu, chính sách thuế quan nặng nề, những hiệp định ưu đãi, chính sách bao vây kinh tế, kiểm soát thương mại và những chính sách làm suy yếu các quốc gia láng giềng. Các quan chức này tin tưởng rằng các chính sách bảo hộ thô bạo trên đã góp phần đáng kể vào sự suy thoái toàn cầu, những vấn đề chính trị đi liền với sự suy thoái toàn cầu và những cuộc chiến tranh liên tiếp. Giấc mơ của họ là phục hồi lại hệ thống thương mại tự do của thế kỷ XIX vốn đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Họ đã có một cơ sở để thực hiện giấc mơ của mình - đó là những hiệp định thương mại tương hỗ mà Ngoại trưởng Mỹ Cordell Hull, một người thuộc trường phái tự do truyền thống thế kỷ XIX, đã hết sức bênh vực trong những năm 30. Nhưng ngược lại với hệ thống của Hull, hệ thống mà họ đang điều đình trong thời gian chiến tranh lại dựa trên cơ sở tự do đa phương, có nghĩa là nhiều nước có thể cùng tham gia vào việc loại bỏ các hàng rào thương mại. Hệ thống mới này được thể hiện qua sự xuất hiện của Tổ chức Thương mại Quốc tế (International Trade Organization - ITO), một tổ chức được dựng lên nhằm thiết lập một khuôn khổ chung cho các cuộc đàm phán thương mại đa phương cũng như cơ chế xây dựng và tiến hành các quy định cần thiết. Cùng với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổ chức này có ý nghĩa như cái chân thứ ba trong chiếc kiềng kinh tế ba chân thời hậu chiến. Năm 1947, trong một cuộc hội nghị tại Havana, 57 quốc gia đã kết thúc cuộc đàm phán bằng việc ký một hiệp ước thành lập nên ITO. Tuy nhiên, hóa ra gần như không có quốc gia nào ủng hộ ITO, hầu hết đều chống lại. Năm 1950, một vài tháng sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra thông cáo báo chí tuyên bố khô khan rằng kế hoạch ITO tạm bị đình chỉ. Trong Quốc hội Mỹ, những người theo phe bảo hộ sản xuất trong nước nghĩ rằng họ đã thắng. Một thượng nghị sĩ hân hoan tuyên bố: “Bộ Ngoại giao là người viết cáo phó nhưng tôi là người chịu trách nhiệm chôn cất”. Tuy nhiên, họ đã nhầm. Tổng thống Truman đã cho người tiến hành những điều khoản của một phương sách thay thế, phương sách này là một phần của những cuộc đàm phán thuộc ITO - Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan (GATT). Được theo dõi thông qua các cuộc họp định kỳ, hiệp định này chính là cơ chế cho những cuộc đàm phán đa phương nhằm cắt giảm các hàng rào thương mại và đưa ra các quy định cho thương mại quốc tế. GATT không có được hình thức hay những quyền lực của nó. Tuy nhiên, từ khi có hiệu lực năm 1948, hiệp định này đã trở thành một khuôn khổ qua đó các rào cản đối với thương mại quốc tế - cho dù đó là thương mại về hàng hóa, dịch vụ hay tài chính - đều dần dần bị cắt giảm trong nửa thế kỷ tiếp theo. GATT trở thành một trong những tác nhân quan trọng nhất thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế thời hậu chiến và tạo ra một nền kinh tế toàn cầu vượt qua biên giới các quốc gia, mở đường cho “những đỉnh cao chỉ huy” tiến đến cạnh tranh quốc tế và giảm bớt vai trò của nhà nước. “Chúng ta chưa bao giờ có một cuộc sống tốt như vậy” Tuy nhiên, còn phải mất nhiều năm nữa mới có thể đạt được những điều trên. Vào thời điểm này, có nhiều nguồn lực trực tiếp hơn cho việc thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và việc xây dựng lực lượng vũ trang cùng với cuộc chiến này đã là động cơ chủ yếu thúc đẩy sự tăng trưởng ở các nước công nghiệp. Sự quan ngại của phương Tây về những thành tựu kinh tế và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao ở Liên Xô, về việc liệu Đông Âu hay Tây Âu sẽ chiến thắng trong công cuộc phát triển kinh tế và chiếm được sự trung thành của một bộ phận lớn các quốc gia mà Churchill gọi tên là Thế giới thứ ba, cũng là một yếu tố thúc đẩy phục hồi kinh tế. Việc Liên Xô phóng thành công vệ tinh đầu tiên, Sputnik, vào năm 1957 không chỉ là một cú đánh trời giáng đối với phương Tây; sự kiện này còn khẳng định sức mạnh của nền kinh tế chỉ huy liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, những thành tựu kinh tế của các nước Tây Âu trong những năm sau chiến tranh thật là tuyệt vời. Vào thời điểm kết thúc Thế chiến thứ hai, nền kinh tế hỗn hợp đã mang lại một tiêu chuẩn sống và một lối sống không thể dự đoán, thậm chí không thể tưởng tượng trước được. Thập niên 50 và 60 được biết đến như là thời kỳ vàng son của nhà nước phúc lợi xã hội ở Anh. “Hầu hết công dân nước tôi chưa bao giờ có được một cuộc sống tốt như vậy”, Thủ tướng Harold Macmillan đã trả lời chất vấn trong một chiến dịch chính trị tại một sân bóng đá năm 1957. Và câu nói “Bạn chưa bao giờ có được một cuộc sống tốt như vậy” đã trở thành một khẩu hiệu vận động tranh cử rất đúng đắn. Điều này cũng đúng trên khắp lãnh thổ Tây Âu. Lần đầu tiên, công nhân đã có thể mua những sản phẩm mà họ làm ra. Ở Pháp, sự tấn công và đe dọa của chủ nghĩa xã hội chỉ còn trong ký ức. Thời kỳ này ở Pháp được biết đến là thời kỳ Les Trente Glorieuses - Ba mươi năm Huy hoàng. Nước Đức, có được sức mạnh từ nền kinh tế thị trường xã hội, đã trở thành đất nước của sự phát triển thần kỳ - Wirtschaftswunder - khi nước này hướng tới mục tiêu vì sự thịnh vượng cho tất cả của Ludwig Erhard. Cả hai nền kinh tế Pháp và Đức đều tăng trưởng với tốc độ 5% hoặc 6% một năm, hay thậm chí còn cao hơn. Đến năm 1955, tất cả các nước Tây Âu đã vượt qua mức tổng sản lượng trước chiến tranh. Nạn thất nghiệp, điều khiến cho công chúng mất lòng tin vào chính phủ các nước công nghiệp trước chiến tranh và là nhân tố số một thúc đẩy các chính phủ này hành động, đã bị đẩy lùi. Ở Pháp, tỷ lệ thất nghiệp trong thời kỳ 1945-1969 là 1,3%. Ở Đức, vào năm 1970, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống đến mức hầu như không đáng kể, chỉ còn 0,5%. Sự thành công của các nước công nghiệp châu Âu đã chứng minh cho tư tưởng rằng chính phủ cần phải đảm nhận một vị trí tích cực trong việc giám sát và hướng dẫn nền kinh tế - và trong nhiều trường hợp cần sở hữu một phần nền kinh tế - nhằm mang lại sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Trong sự phát triển kinh tế chưa từng có này, nền kinh tế hỗn hợp đã chứng tỏ là một hệ thống mới đầy tính ưu việt và sẽ còn vươn xa hơn, cao hơn trong thời gian tới. Nhà nước hoặc nắm giữ “những đỉnh cao chỉ huy”, hoặc quản lý các chính sách tài khóa. Chính phủ đã tạo ra và đảm nhận trách nhiệm của một nhà nước phúc lợi xã hội và chính phủ này đã toàn tâm cho việc sửa chữa các khiếm khuyết của thị trường. Tất cả tạo nên một công thức cho sự thành công trong phát triển kinh tế, đẩy lùi những năm tháng tồi tệ giữa hai cuộc chiến tranh và sự tàn phá khủng khiếp trong Thế chiến thứ hai vào dĩ vãng. Thực vậy, cho dù so sánh theo cách nào thì trong thuật ngữ kinh tế, đó là những năm tháng vinh quang. 2 TAI ƯƠNG TỪ SỰ ĐỒ SỘ Chủ nghĩa tư bản tự điều chỉnh kiểu Mỹ Năm 1938, một trùm tư bản chết trên sân ga tàu điện ngầm ở Paris. Người ta gần như không tìm thấy một xu nào trên thi thể ông ta; sau đó, báo chí Mỹ đưa tin rằng ông ta chết như một người nghèo túng. Mặc dù đang trong cảnh thất thế, nhưng thực ra ông ta không phải là người nghèo, rất có thể ông đã bị cướp hết tiền trước khi các nhà chức trách kịp đến. Nhưng câu chuyện sẽ trở nên hấp dẫn hơn nếu nói rằng ông đã chết trong nghèo túng. Đối với bất kỳ người Mỹ nào, Samuel Insull và con đường đi tới những thành công trong kinh doanh cũng như sự xuống dốc thê thảm sau đó của ông là một câu chuyện đầy đủ về sự chao đảo của thị trường chứng khoán trong những năm 20, và sau đó là sự sụp đổ của nó trong những năm 30. Để minh họa cho sự phá sản của chủ nghĩa tư bản, còn gì tốt hơn là hình ảnh về cái chết của một nhân vật như Samuel Insull với chỉ 8 xu trong túi. Với sự thương tiếc và đau đớn, các tờ thời báo đã cho đăng những câu chuyện tương tự. Đã có một thay đổi từ sự bùng nổ của những năm 20, thời mà Insull là hiện thân của khí thế, của khát vọng và tài năng. Sinh năm 1859, Insull từng là nhân viên tổng đài điện thoại ở London ngay từ khi còn là một cậu bé, sau đó là nhân viên tốc ký cho người điều hành các hoạt động của Thomas Edison ở Anh. Dần dần, ông trở thành thư ký riêng của Edison và từ vị trí này, ông đã xâm nhập vào tổ chức của Edison. Khi tổ chức này tan rã, ông trở thành chủ công ty Chicago Edison và đã xây dựng hãng này thành một công ty điện lực đồ sộ. Từ đó, ông trở thành ông vua cai quản một hãng hùng mạnh cung cấp điện năng cho một phần lãnh thổ lớn của nước Mỹ. Insull nổi tiếng vì tính nghiêm khắc và hay nổi nóng (người ta thường gọi ông là Insult Insull - tức là Insull sỉ nhục), nhưng điều này là do ông luôn nỗ lực nhằm tạo dựng một đế chế vĩ đại. Ông đã đưa ra một tầm nhìn quan trọng về tương lai của ngành điện lực: “Mỗi một gia đình, mỗi một nhà máy, mỗi một hệ thống vận tải sẽ nhận được năng lượng từ một nguồn chung vì đây là cách rẻ nhất để sản xuất và phân phối điện năng”. Cơ chế để thực thi ý tưởng này là một mô hình công ty mà ông đã xây dựng - một tổ hợp hình chóp vô cùng rắc rối và phức tạp. Các công ty điều hành của Insull vận hành các nhà máy, phân phối điện và kiểm soát các đồng hồ đo. Các công ty cổ phần của ông, mà phần lớn tài sản là cổ phiếu trong các công ty khác, là nơi các thủ thuật tài chính được thực hiện, tạo nhiều cơ hội cho các hoạt động tài chính. Còn ai khác đã tạo nên ý nghĩa cho tất cả những điều này? Đã có lúc Insull nắm tới 65 chức chủ tịch hội đồng quản trị, 85 chức giám đốc, 11 chức chủ tịch điều hành và “chủ nghĩa Insull” đã được xem như một hình mẫu cho tương lai. Nhưng sự đổ vỡ thị trường chứng khoán và cuộc Đại Khủng hoảng đã làm cho đế chế Insull sụp đổ và giá cổ phiếu trong công ty lớn nhất, công ty Insull Utility Investments đã rớt giá từ hơn 100 đô-la một cổ phiếu năm 1929 xuống chỉ còn hơn 1 đô-la năm 1932. Khi hậu quả xảy ra, người ta cho rằng chính bản thân Insull chưa bao giờ hiểu rõ về đế chế của mình. Dù sao, ông cũng đã nhận ra sự tức giận của các nhà đầu tư vì đã cẩn trọng tự bảo vệ mình suốt ngày đêm với 36 vệ sĩ. Dường như cơn thịnh nộ của các cổ đông đã bị phá sản chưa phải là tất cả, mà tình huống của ông trở nên tồi tệ hơn khi hạt Cook buộc tội ông đã ăn cắp và biển thủ; Insull phải vội vã bỏ trốn sang châu Âu. Bằng cam kết sẽ “mua lại” tập đoàn Insull từ phía Tổng thống Roosevelt, lúc đó vừa mới trúng cử và chưa nhậm chức, Chính phủ Mỹ muốn ông quay về. Thời gian này ông đã qua Pháp và Tổng thống Roosevelt đã đề nghị nhà độc tài Benito Mussolini giúp đỡ trong trường hợp ông quay lại Ý. Tuy nhiên, ngay lúc đó, Insull đã ở Hy Lạp. Sống trong cảnh tha hương, ông không thể hiểu: “Tại sao mình lại không còn được lòng người dân Mỹ? Điều gì mình đã làm mà các chủ ngân hàng và các trùm tư bản khác đã không làm trong quá trình kinh doanh của họ?” Câu trả lời duy nhất từ phía Chính phủ Hy Lạp là trục xuất ông ra khỏi nước này theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ. Không còn nơi nào khác để đến, Insull trở thành người vong quốc, trôi dạt vô vọng trên một chiếc thuyền chở hàng đi khắp vùng biển Địa Trung Hải. Khi tàu ông cập bến Thổ Nhĩ Kỳ để lấy lương thực, ông đã bị bắt và mặc dù chưa có hiệp ước trao trả tội phạm, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tống ông lên một con tàu trả về Mỹ. Ông đã bị xử tại hạt Cook về tội lừa gạt. Nhưng bất chấp những căm thù mãnh liệt, ông đã được tha tội dễ dàng tới mức đáng ngờ vào năm 1934 khi ban hội thẩm chỉ cần đúng 5 phút để nghị án. Nhưng Insull đã chán ngấy nước Mỹ và ông đã sống 4 năm cuối đời ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Đã từng có trong tay hàng trăm triệu đô-la nhưng giờ đây ông mất gần hết, ngay cả quyền sở hữu những chiếc khuy rời trên áo sơ-mi của ông cũng trở thành vấn đề gây kiện tụng. Để tiết kiệm tiền, ở Paris, ông thường đi tàu điện ngầm mặc dù vợ ông đã báo trước rằng điều đó có thể có hại cho bệnh tim của ông. Ngay trước khi chết, Insull đã trở thành một biểu tượng quốc gia cho sự quá độ của chủ nghĩa tư bản, sự ngụy biện và tham lam xuất hiện trước cuộc Đại Khủng hoảng, và dĩ nhiên cho tất cả những gì được coi là sai lầm của các thị trường tự do. Tên của ông chỉ được Tổng thống Roosevelt và những người ủng hộ Chính sách Kinh tế Xã hội mới nhắc đến nhằm mục đích chỉ trích gắt gao. Quá nhiều những khổ đau được coi là do những mưu đồ của Insull và các trùm tư bản khác gây ra, đến mức chủ nghĩa Insull không còn được coi là con đường rộng mở đi đến tương lai ngoài việc là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra cuộc Đại Khủng hoảng. Để xóa sạch những tàn tích và ngăn ngừa những thảm họa mà những Insull khác có thể gây ra trong tương lai, Chính sách Kinh tế Xã hội mới đã bắt tay vào thực hiện một chương trình có ảnh hưởng sâu rộng nhằm thử nghiệm và mở rộng quyền lực của nhà nước trong nền kinh tế. Sở hữu nhà nước cũng là một trong những nội dung của chương trình: Chính quyền thung lũng Tennessee[43]là một thể nghiệm lớn về sở hữu công cộng và kinh tế phát triển; nó đã khai sáng một vùng nghèo khó, bẩn thỉu phía đông nam của đất nước. Nhưng đối với hầu hết các vùng khác, chính phủ sẽ tìm kiếm