🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Như Ý - Đặng Thị Thanh Hương Ebooks Nhóm Zalo Đặng Thị Thanh Hương Như Ý    Mẹ nằm trong bóng tối, lắng nghe sự sống đạp trong cơ thể. Con bắt đầu khẳng định sự tồn tại của mình. Mẹ không thể ở lại căn nhà này. Bà ngoại không bao giờ chấp nhận con.    Mẹ trở dậy, bật công tắc đèn, xếp quần áo vào chiếc túi nhỏ. Mẹ đã ra khỏi nhà như thế. Căn nhà mà suốt quãng đời thơ ấu, mẹ chưa được nghe một lời nói ngọt ngào của bà.    Hai tuổi, mẹ từ biệt ông về sống với bà. Ngôi nhà bà nhìn ra phía hồ Tây. Gió khoáng đạt an ủi nỗi cô đơn của mẹ những ngày dài bị nhốt trong nhà. Mẹ lấy đồ chơi xếp khắp sàn, tưởng tượng ra một gia đình có đủ cha và mẹ. Một chị gái hoặc ông anh biết nhường nhịn. Ông, bà là hai con búp bê tóc quăn, vẻ già nua hơn những con khác. Nhưng hai con búp bê này không thích nhau, chúng thường im lặng quay mặt mỗi con về một hướng, dù mẹ có sắp xếp thế nào đi nữa. Cùng gia đình búp bê, mẹ dần lớn lên trong bốn bức tường trên gác hai. Cửa sổ nhìn về phía hồ Tây. Những con thuyền giống như lũ vịt đang bơi. Hồ Tây sao mà mênh mông thế, mẹ nghĩ, như chân trời không sao đến được.    Bà ngoại hay nói: "Tao căm ghét thằng bố mày!". Lúc tức giận, bà gào: "Giời ơi thằng Hiếu nó làm vỡ nát đời tôi...!". "Thằng Hiếu" là ông ngoại con đấy. Lúc đó mẹ còn không hiểu đời bà nó như thế nào mà có thể vỡ nát. Mãi sau này mẹ hiểu na ná rằng đời là cái gì đó to lớn lắm. Có hình khối, biết đi đứng, suy nghĩ, nó nằm bên trong những đường cong gợi cảm trên cơ thể. Nếu chẳng may quen biết một thằng đàn ông không ra gì, coi như nát đời con gái. Bà ngoại đánh vỡ cuộc đời với ông ngoại để phôi thai ra mẹ.   Một người đàn ông bước vào ngôi nhà. Mẹ bị tống xuống ngủ cùng lũ búp bê trên sàn. Mẹ nằm giữa gia đình búp bê, nghĩ những điều không có trong ký ức để quên tiếng kêu kọt kẹt của chiếc giường sắp mọt. Người đàn ông ít khi ra khỏi nhà. Ông ta ở cùng với mẹ lúc bà đi làm. Mẹ lấm lét nhìn lũ chó cảnh ông ta tha về. Lũ chó dần đông lên che lấp mẹ. Búp bê bố bị chó cắn nát. Mẹ mách bà: "Chó cắn vỡ đời búp bê của con rồi...". Gã đàn ông cười khùng khục: "Ôi giời, mẹ mày dạy mày thành đàn bà sớm quá nhỉ?". "Anh câm cái mồm của anh đi" - Bà quát. Mẹ không dám khóc to, chui vào góc nhà rên ư ử. Vài tháng sau, gã đàn ông bỏ đi, lấy hết số tiền bà ngoại cất trong tủ. Gã bỏ lại lũ chó đang lây nhau ghẻ, lông rụng đầy nhà. Bà về nhìn mẹ không nói nửa lời. Lần đầu tiên mẹ thấy bà dịu dàng ôm mẹ vào lòng. Tay vuốt những lọn tóc rối của mẹ và nước mắt bà chảy tràn.    ***   Con đã hình thành và lớn dần lên. Mẹ nhìn thấy hai bầu vú căng cứng. Những vết nám trên mặt và sợi gân xanh trên cổ. Mẹ xách túi đến nhà dì Hoa. Dì Hoa là em họ đằng ông ngoại. Dì bảo: "Chị cứ ở đây. Em sẽ chăm sóc cháu". Mẹ dọn dẹp căn phòng bên cạnh, lau sạch sàn và mua một tấm đệm dày. Con mẹ sẽ không phải nằm trên sàn gỗ như mẹ. Mọi người trong cơ quan nhìn mẹ xì xào. Bà cửa hàng trưởng gọi mẹ lên: "Cô có thai hả? Sao chưa báo cáo tổ chức?". Mẹ run sợ: "Cháu và anh ấy đang chuẩn bị nói với gia đình". "Nhanh lên đấy, kẻo vài hôm bụng lùm lùm lên thì tôi cũng ê mặt!". Dì Hoa bảo: "Để em in cho vài cái thiếp báo hỷ. Chị cứ nói cưới ở quê, thế là xong!". Mẹ ra chợ mua một cân chè Thái Nguyên, túi mứt sen và tút thuốc lá Vina. Mẹ ngồi nhúm từng gói nilon nhỏ, ghim lại cho chắc và xếp thành từng phần. Buổi ra mắt cơ quan, dì Hoa nhờ người bạn trai đưa mẹ đi. Bác Hùng - bạn dì Hoa - nói: "Lãm bận đột xuất, gia đình cử tôi đến báo cáo với các chị ". Lễ vu quy của mẹ bố trí như vậy. Không mặc áo cô dâu, không có xe hoa và không cả chú rể. Mẹ chỉ muốn khẳng định sự tồn tại của con trên cuộc đời này.    Đêm đó, dì Hoa khóc: "Cái thằng thật tồi tệ, chị để đấy em sẽ trị cho nó một trận!". Mẹ không khóc. Chỉ nghĩ về người đàn ông đã giúp mẹ có được con như nghĩ về một ân nhân. Mẹ chẳng có gì suốt một thời thơ ấu. Không niềm vui, không nỗi buồn. Mẹ sống lầm lũi. Vì thế việc có con là hạnh phúc ngoài tưởng tượng.    ***   Lãm đến với mẹ ân cần và dịu dàng. Mẹ chưa quen thân một người đàn ông nào, nên những món quà của Lãm làm mẹ cảm động. Mẹ bảo Lãm sau vài ngày quen nhau: "Anh làm vỡ đời em đi". Lãm tròn xoe mắt. Mãi tới lúc nhìn thấy tấm ga trải giường dây những giọt máu hồng, anh ta mới kinh ngạc quỳ xuống và hôn lên mắt mẹ. Mẹ không khóc cũng không cảm thấy đau đớn. Mẹ thấy bằng lòng. Sao bà ngoại có vẻ cay đắng khi nói về điều này? Trở dậy mặc quần áo, mẹ lặng lẽ đạp xe ra về. Lãm còn tìm mẹ nhiều lần nữa. Mẹ biết đón đợi những ngọt ngào của ham muốn. Mẹ bị tắt kinh, hai tháng, mẹ hay nôn khan và chóng mặt. Mẹ tìm Lãm: "Hình như em có thai". Lãm cười khùng khục (tiếng cười sao giống gã đàn ông ngày xưa bà mang về nhà đến thế!): "Rất đơn giản, mai anh đưa đi". Hôm sau Lãm đến đèo mẹ bằng chiếc xe to tướng. Lãm đưa mẹ vào căn phòng bé tí, trắng toát. Bà bác sĩ già, mặt đầy nếp nhăn lôi thốc mẹ lên bàn. Giật phăng cái váy hồng của Lãm mua tặng, bà đặt tay lên bụng mẹ kêu toáng lên: "Ba tháng rồi, to quá không làm được". Lãm ấn vào tay mụ tập tiền dày: "Bà cứ lo đi, không sao đâu!". Bà ta nguýt Lãm: "Nguy hiểm lắm. Phải chi thêm đấy!". Không kịp để bà ta nói thêm, mẹ nhảy phắt xuống. Mặc vội váy, mẹ giơ tay tát thật mạnh vào bộ mặt nhung nhúc thịt của Lãm rồi bỏ chạy. Đó là hành động kiên quyết và dữ dội đầu tiên của đời mẹ. Mẹ chưa tát ai bao giờ. Rồi mẹ chạy dọc qua bao phố xá. Chạy như điên với nỗi hoảng sợ Lãm sẽ đuổi kịp và lôi mẹ về căn phòng kinh khủng kia.    ***   Năm năm bà ngoại đem về ba người đàn ông. Mỗi người ở với bà chừng ba, bốn tháng rồi ra đi sau khi vơ vét của bà những đồng tiền cuối cùng. Chỉ còn những con chó suốt ngày sủa ăng ẳng, ỉa đái đầy sàn, lông bay vương vãi khắp nhà. Mẹ thấy yêu lũ chó. Tan học về, mẹ đùa với chúng. Lăn lộn và la hét trong bốn bức tường. Ông ngoại vẫn đến đứng dưới phố nhìn lên. Thấy mẹ là ông yên tâm ra về. Bà ngoại thường xuyên vắng nhà. Mẹ biết nấu cơm, tắm rửa và giặt giũ lấy lúc bảy tuổi. Niêu cơm bé như chơi đồ hàng với nhúm muối vừng. Mẹ tằn tiện chia cho lũ chó phần ăn hằng bữa. Năm mẹ học cấp hai, bà ngoại bảo: "Hay mày về ở với bố, mẹ đi nước ngoài đây!". Ông ngoại chưa kịp đến đón mẹ thì bà đã đi. Bà vội vàng theo một người đàn ông sang Nga. Mẹ không tiễn bà, cũng không về nhà ông. Mẹ sống một mình. Lũ chó nuôi mẹ bằng những đồng tiền bán giống. Mẹ bỗng thấy ơn người đàn ông kia. Nhờ những con chó của ông ta, mẹ đã sống và thi đỗ vào đại học. Bà về nước, tất cả vốn liếng rơi vào tay tình địch. Mẹ giao lại đàn chó cho bà. Một đời bà ngoại của con tảo tần gom nhặt công sức và tiền bạc cung cúc hết cho nhân tình. Những người đàn ông bám vào bà, rỉa nốt phần đời còn lại. Hơn nhiều lần bà tự đánh vỡ đời mình để rồi quay trở về bốn bức tường nhỏ bé này khi xuân sắc đã phai úa. Ngày nào bà cũng than thở: "Không vì mày thì tao lấy chồng rồi...". "Chẳng có ma nào rước nổi mẹ!". "A, con này láo nhỉ, mày cậy ăn học rồi khinh tao phải không?". Bà khóc hu hu. Khi có con rồi, mẹ mới thấy thương bà vô hạn. Nhưng mẹ phải đi khỏi căn nhà cũ. Con của mẹ cần có bầu không khí trong lành hơn.   Bảy tháng, con đạp mạnh và thường xuyên. Mẹ ngồi hàng giờ đặt tay lên bụng. Có lúc túm được bàn chân bé nhỏ của con dưới làn da. Con giẫy giẫy giật khỏi tay mẹ, xem chừng con có vẻ giận. Mẹ thương quá lại dịu dàng xoa dỗ dành. Phần da bụng và đùi mẹ nứt nẻ sắp thành sẹo. Dì Hoa mua tã lót, quần áo sơ sinh cho con. Dì dặn: "Mảnh cam thảo này em để trong làn, hoà nước đánh tưa lưỡi cho cháu...". Mẹ nhìn những tấm áo, tưởng tượng mắt con, mũi con giống bà sẽ đẹp lắm. Bà ngoại của con rất trắng và cao. Mẹ sẽ cho con một chiếc xe nôi, thật nhiều búp bê con chơi. Nhưng thôi, để mẹ gửi con ở nhà trẻ. Ở đấy, con sẽ có nhiều chúng bạn. Con không cô độc như mẹ. Mẹ đi khám thai, bác sĩ bảo thai thuận, sau Tết là đẻ. Tết đến, dì Hoa về quê. Mẹ ở trong căn nhà hai phòng rộng thênh. Chỉ có con quẫy đạp trong bụng. Chưa ra đời mà con nghịch quá, làm mẹ rất mệt. Mẹ cũng sắm một mâm cơm cúng giao thừa. Phút giao thừa mẹ bưng mâm cơm ra ngoài sân. Trời mưa to quá, chẳng có vẻ gì là tết, mà như một cơn dông đầu hè. Mẹ lẩm nhẩm khấn: "Cầu trời, cầu phật phù hộ độ trì cho con tôi". Con sẽ không khổ như mẹ. Mẹ thề là như vậy. Những tàn hương cuốn tròn, dù mưa vẫn không gãy rời. Mẹ bỗng nhiên tin điều linh ứng ấy như một sự bằng lòng của ông trời. Đĩa xôi vữa ra dưới mưa. Mẹ bê vào cố véo một tý cho vào miệng. Mẹ ăn để củng cố niềm tin tương lai của con.    Cơn đau trở dạ dai dẳng từ sáng sớm đến nửa đêm. Con vẫn không chịu ra. Bác sĩ quyết định mổ. Dì Hoa khóc nhìn mẹ rồi cầm bút ký vào phần dành cho người bảo hộ. Con đã chào đời bằng một nhát rạch ngang bụng mẹ. Vết sẹo còn đến bây giờ sần sùi, trông rất sợ. Con khóc vỡ cả căn phòng bệnh viện. Dì Hoa ghé tai mẹ: "Con gái chị ạ!". Một đứa con gái! Mẹ nhìn thấy con nhăn nheo như một bà cụ, da đỏ au, tóc bết lại. Mẹ ngất đi. Mẹ không biết có ai pha nước cam thảo đánh tưa lưỡi cho con. Ba ngày không có sữa, con khóc khản cả tiếng. Dì Hoa bế con đi bú nhờ. Mọi người bảo: nấu cháo chân giò hầm đu đủ xanh cho cô ấy ăn. Rồi dì Hoa phải đi công tác. Mẹ nằm ôm con ứa nước mắt khi thấy con khóc không thành tiếng. Con ăn bằng sữa bò ngay từ lúc mới chào đời. Một tuần sau, dì Hoa đón hai mẹ con mình bằng xích lô. Dì ôm con ru khẽ: "Sinh ra làm phận má hồng, buồn nhiều vui ít nỗi lòng ai hay...". Mẹ khóc: "Thôi mà dì. Dì đặt tên cho cháu đi". "Tên là Như Ý nhé, cho nó toại nguyện". Con cười toét miệng. Có vẻ con cũng bằng lòng.    ***    Như Ý của mẹ.    Đã hai mươi mốt năm kể từ ngày con chào đời. Hai mươi mốt năm nhọc nhằn khốn khó. Mẹ lần hồi và cô độc đi trong những buổi chiều goá bụa, nâng niu chăm sóc con từng tí. Mẹ không bao giờ dám để con ở nhà một mình, đi làm cũng mang con theo. Khi con lớn, mẹ gửi con học bán trú. Con có bạn bè và có mẹ. Bây giờ con đã là một thiếu nữ xinh đẹp. Con vừa tốt nghiệp đại học, xin được việc làm ở liên doanh nước ngoài. Con nói tiếng Anh thông thạo.    Ngày mai mẹ tiễn con về nhà chồng. Mẹ ngồi xếp quần áo cho con. Mẹ gói thêm tấm áo lọt lòng của con ngày xưa. Con sẽ mặc lại cho con của con. Những tấm áo mang phước lành để ngày ấy mẹ có được con. Bà ngoại không nhìn mặt mẹ tới phút cuối cùng. Mẹ thắp một nén nhang lên bàn thờ bà cúi xin bà tha thứ cho mẹ con mình. Đời đàn bà, nỗi đau khổ và cô đơn thường giống nhau. Mẹ hiểu điều đó nên càng thương bà và thương con. Một đời cô độc của bà cộng với niềm cô đơn của mẹ hơn hai mươi năm qua để cho con bây giờ.   Đám cưới con. Con mặc váy trắng đính những hạt cườm. Vành khăn cuốn trên tóc làm tôn thêm nước da trắng giống bà ngoại. Mắt con ngời rạng niềm hạnh phúc. Con cầm trên tay bó hoa nhỏ điểm ren hồng. Con đến chào mẹ, chút nước mắt ràn mi không mờ đi vui sướng. Mẹ yêu con, con gái của mẹ. Đã có đêm nào trong đời mẹ cầu xin trời được nhìn thấy điều đó trong mắt con. Bây giờ thành sự thật, mẹ an lòng rồi.    Dì Hoa nhường lại cho mẹ ngôi nhà. Dì bảo: "Em phải về quê, anh ấy muốn vậy". Dì Hoa sinh bé gái thứ hai ngày hôm qua. Dì không về dự đám cưới. Con đừng buồn. Ông ngoại đến, ông đã vào tận trong nhà hỏi thăm con. Mẹ chưa bao giờ nói với con về cha, dù bao lần con hỏi. Điều đó có quan trọng gì đâu. Bởi người đàn ông nào cũng vậy thôi. Một giọt vắt từ cơ thể họ hoà trộn trong máu đàn bà chúng ta nảy mầm sự sống. Gieo hạt không mấy khó. Chỉ cần người đàn ông biết cảm nhận sự sống ấy mạnh hơn cái chết để biết chăm bẵm và nâng niu. Người ấy được gọi là cha. Ngày con còn bé, mẹ thấy Lãm nhiều lần đứng dưới lòng đường nhìn lên căn gác của hai mẹ con mình. Vài năm mẹ không thấy Lãm đến nữa. Con không có cha nhưng còn có mẹ. Mẹ gom hai chức năng làm một để yêu con lớn khôn. Nếu lúc nào đó mẹ không đủ sức lấp đầy trống vắng trong con, hãy tha lỗi cho mẹ.    Đêm nay giống như đêm mẹ phát hiện ra sự sống nhỏ nhoi hình thành trong cơ thể. Mẹ nằm trong bóng tối âm u, nghĩ tới con, lần đầu tiên mẹ thấy bình yên tuyệt đối. Tiếng con mọt nghiến vào lòng đêm kẽo kẹt. Mẹ trở dậy lần tìm lại tấm tã lót ngày xưa của con. Hít hà chút hơi hướng con vương vất.    Mẹ khóc.