🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nhật Bản Qua Lăng Kính Người Việt Đầu Thế Kỷ XX - Nguyễn Mạnh Sơn
Ebooks
Nhóm Zalo
NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG
175 Giảng Võ - Hà Nội
ĐT: (84-24) 3851 5380 – (84-24) 3736 6215
Fax: (84-24) 3851 5381; Email: [email protected] Chi nhánh phía Nam
85 Cách mạng Tháng tám, Quận 1, Tp HCM
ĐT: 028.38390970; Fax: 028.39257205
Email: [email protected]
NHẬT BẢN QUA LĂNG KÍNH NGƯỜI VIỆT ĐẦU THẾ KỶ XX
TỪ NGUỒN TƯ LIỆU BÁO CHÍ
(Nguyễn Mạnh Sơn tuyển chọn)
Chịu trách nhiệm xuất bản
VÕ THỊ KIM THANH
Biên tập: Bùi Thị Phương Thúy
Bìa và Trình bày: Minh Thái
Sửa bản in: Học Phong
In 2.000 bản, khổ 16 x 24 cm, tại Công ty TNHH in bao bì Quang Minh.
Địa chỉ văn phòng: 131/26 đường 3 tháng 2, phường 11, quận 10, TP. Hồ Chí Minh.
Ấ
Địa chỉ xưởng: D20/532K, Ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.
Số ĐKXB: 706-2019/CXBIPH/14-43/LĐ.
Quyết định xuất bản số: 552/QĐ-NXBLĐ cấp ngày 10 tháng 5 năm 2019.
ISBN: 978-604-9815-25-6. In xong và nộp lưu chiểu năm 2019.
Lời giới thiệu
K
hác với phần đa người đọc quan tâm đến “thiên triều” hay “mẫu quốc” nhìn về Việt Nam ra sao, cuốn sách này tiếp cận một chủ đề không mới nhưng lại không thật sự
phổ biến khi quan tâm đến cách nhìn của người Việt đối với thế giới mà cụ thể ở đây là Nhật Bản. Cuốn sách này với mong muốn tập hợp các bài viết, tư liệu trên báo chí của người Việt dịch, thuật, khảo cứu về các khía cạnh trong xã hội, lịch sử Nhật Bản để qua đó đi trả lời câu hỏi: Đầu thế kỷ XX, người Việt nghĩ gì, viết gì và quan tâm đến vấn đề gì của Nhật Bản? Đồng thời thông qua việc trả lời câu hỏi đó cũng tự nhiên có rất nhiều câu hỏi nghiễm nhiên được trả lời dù chưa thực sự thỏa đáng hoàn toàn như: Tại sao người Việt quan tâm đến Nhật Bản? Người Việt biết về Nhật Bản thông qua đâu, bằng hình thức nào?
Qua các tài liệu nghiên cứu, mối quan hệ bang giao Việt Nhật có lịch sử từ rất lâu đời, từ thế kỷ VIII thời nhà Đường đô hộ An Nam, có một vị quan nhà Đường gốc Nhật là Abe no Nakamaro sang An Nam làm Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ. Và bẵng đi một khoảng thời gian rất dài, mãi đến cuối thế kỷ XVI trở về sau, sử liệu Nhật, Việt mới bắt đầu ghi chép mối quan hệ giao thiệp giữa hai nước. Có thể nói sử liệu Việt Nam do bị thất tán nhiều thành ra sự ghi chép về mối quan hệ bang giao giữa hai nước thực sự không có quá nhiều, dẫn tới hiện nay việc nghiên cứu mối quan hệ bang giao này chủ yếu dựa vào những sử liệu của Nhật, có thể kể đến một vài tư liệu Nhật Bản đáng chú ý về chủ đề này như An Nam kỷ lược cảo, Thông hàng nhất lãm… Ngược lại, khi nói đến tư liệu thành văn của người Việt viết về Nhật Bản phải mãi tới thế kỷ XIX với cuốn sách Nhật Bản kiến văn lục viết bằng Hán văn của Trương Đăng Quế. Cuốn sách này hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, từng được GS. Kim Vĩnh Kiện
khảo cứu và dịch sang tiếng Nhật, sau này được học giả Ngô Thế Long dịch, đăng trên tạp chí Hán Nôm, và GS. Trần Ích Nguyên (Đài Loan) cũng có những nghiên cứu sâu hơn. Sang đến đầu thế kỷ XX, trước tình hình thế giới có sự biến động lớn, đặc biệt công cuộc Minh Trị duy tân của Nhật Bản chấn động địa cầu đã dẫn đến nhu cầu tìm hiểu về Nhật Bản của Việt Nam cũng nhiều hơn, các cuộc Đông du được diễn ra tiêu biểu như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… và thông qua các nguồn tư liệu sách báo từ Trung Quốc, từ Pháp viết về Nhật Bản, người Việt cũng bắt đầu có những mối quan tâm nhiều hơn và sâu hơn đến Nhật, điều đó được thể hiện qua nguồn tư liệu trên báo chí hồi đầu thế kỷ XX của Việt Nam viết về những vấn đề có liên quan đến Nhật khá nhiều. Với mong muốn hiểu hơn về xu hướng cũng như nội dung các lĩnh vực người Việt quan tâm đến Nhật Bản hồi đầu thế kỷ XX qua tư liệu báo chí, cuốn sách này đã được ra đời.
Nhật Bản qua lăng kính người Việt đầu thế kỷ XX từ nguồn tư liệu báo chí là một đề tài chúng tôi quan tâm từ lâu. Cuốn sách này chủ yếu tập hợp các tư liệu liên quan đến Nhật được đăng trên báo chí (tạp chí, tập san, nhật báo…) tiếng Việt trong khả năng chúng tôi có cơ hội được tiếp cận (như Đăng cổ tùng báo, Nam
Phong tạp chí, Tạp chí Trí Tri, Tri Tân, Ngày Nay, Hà Thành Ngọ báo, Phụ nữ tân văn, Trung Bắc tân văn, Sông Hương, Sài Gòn…). Chủ yếu tuyển chọn những bài viết tiêu biểu, xoay quanh một vấn đề liên quan tới một lĩnh vực, cá nhân cụ thể nào đó của Nhật Bản, còn những mẩu tin vắn liên quan đến chính trị, quân sự, quốc phòng hay một số bài liên quan đến chính trị, quan hệ Nhật Trung, Nhật Nga… chúng tôi không tuyển chọn vào sách. Các bài viết được chúng tôi sắp xếp theo trình tự thời gian, được bắt đầu từ năm 1919 và kết thúc ở năm 1940.
Nhìn tổng thể các bài viết được tuyển chọn trong sách, chúng tôi nhận thấy có một vài vấn đề đáng chú ý cần phải khảo cứu và tìm hiểu kỹ càng hơn:
- Hầu hết các bài khảo cứu, dịch, thuật… đều được được dịch từ tiếng Pháp, tiếng Trung; có bài ghi rõ nguồn dịch nhưng cũng có bài không ghi nguồn dịch, lược dịch từ đâu, tuy nhiên khi đọc sâu vào nội dung mỗi bài, người đọc có thể dễ dàng nhận ra được. Hoặc cũng có bài viết ngôn ngữ gốc là tiếng Anh, sau đó được dịch ra tiếng Tàu, rồi ta lại dịch từ tiếng Tàu sang tiếng Việt.
- Có khi tạp chí này sử dụng bài của tạp chí khác, hoặc có một bài nhưng được đăng trên nhiều tờ khác nhau. Điển hình nhất có thể kể đến bài diễn thuyết “Dân tộc Nhật Bản” (Les Japonais - Etude Ethnographique) của Nguyễn Văn Hiếu là Giáo học trường Sư phạm Hà Nội. Được đăng trên Tạp chí Nam Phong, số 81 (tháng Ba, 1924), và số 82 (tháng Tư, 1924). Đồng thời được đăng trên Bulletin de la Société d’enseignement mutuel du Tonkin (Tập san của Hội Trí Tri), trên Tome V, No. 2 (Avril-Juin 1924); Tome V, No. 3 (Juillet-Septembre 1924); Tome V, No. 4 (Octobre Décembre 1924).
- Kể từ sau cuộc Minh Trị duy tân thành công, người Việt đã có mối quan tâm đến Nhật Bản nhiều hơn, điều đó cũng được thể hiện qua các bài viết về Nhật Bản được đăng trên báo chí hồi đầu thế kỷ XX. Hầu hết các bài viết dù khảo cứu, dịch thuật… bất kỳ vấn đề gì, thì dung lượng dành cho thời kỳ Minh Trị duy tân vẫn là nhiều nhất, thậm chí có những bài chuyên bàn về vấn đề tài chính hay hiến pháp thời kỳ Duy tân. Ngoài những lời ca tụng có cánh dành cho công cuộc duy tân của Nhật Bản thì đi sâu vào từng vấn đề cụ thể các tác giả người Việt cũng có sự phê phán, chê trách một vài vấn đề trong thực tiễn quá trình triển khai Duy tân của Nhật Bản. Thậm chí còn từ những lỗi lầm, những vấn đề đáng phê phán đó mà kêu gọi và chỉ ra cho độc giả nhằm khuyên răn nên tránh đi vào những vết xe đổ Nhật đã gặp phải.
- Chủ đề các bài viết được tuyển chọn trong sách thuộc mọi lĩnh vực, của nhiều học giả có tên tuổi như Phạm Quỳnh, Nguyễn
Hữu Tiến, Phan Khôi… trong đó có thể dễ dàng nhận thấy số lượng các bài viết trên Nam Phong tạp chí là áp đảo hơn cả.
Có thể nói, ngoài tư liệu thư tịch, sách vở thì nguồn tư liệu báo chí ít nhiều cũng mang một giá trị nhất định, là kho tư liệu và thông tin không thể thiếu đối với các nhà nghiên cứu. Cuốn sách này chỉ như một nét điểm xuyết nhẹ vào nguồn tư liệu báo chí mênh mông có đề cập các vấn đề liên quan đến Nhật Bản mà chúng tôi còn chưa có cơ hội tiếp cận hết, nhằm phác họa một cách khái lược hình ảnh Nhật Bản dưới lăng kính người Việt đầu thế kỷ XX.
Trong quá trình tuyển chọn các bài viết, chúng tôi có sử dụng một vài thao tác biên tập thông thường, giúp người đọc hiện nay dễ tiếp cận cũng như phù hợp với quy chuẩn chính tả hiện hành như bỏ dấu gạch ngang giữa các từ ghép, sửa chính tả một số từ, có bổ sung phần cước chú nghĩa của một số từ hiếm gặp và ít thông dụng, các cước chú nếu không có chữ [nguyên chú] thì đều là của chúng tôi. Chúng tôi cũng có tra cứu và chú thích cách đọc Romaji tên các địa danh, nhân danh… theo tiếng Nhật để bạn đọc dễ tra cứu, cũng có khi là sự đính chính những điểm mà theo thiển ý của chúng tôi là sự nhầm lẫn của tác giả, người dịch và mọi phần bổ sung của chúng tôi đều nằm trong ngoặc vuông [ ].
Những bài được tuyển chọn trong sách này đều dựa trên thiển ý cá nhân của chúng tôi, chúng tôi vẫn biết rằng giữa một rừng tư liệu mênh mông, sẽ còn rất nhiều bài viết thú vị, nổi bật khác về Nhật Bản trong các báo, tạp chí, tập san mà chúng tôi chưa có
may mắn được tiếp cận, rất hy vọng được quý độc giả chỉ điểm, để giúp bức tranh về Nhật Bản qua lăng kính người Việt đầu thế kỷ XX được hoàn thiện hơn. Và mặc dù đã rất nỗ lực nhưng cuốn sách hẳn sẽ còn những thiếu sót không đáng có, rất mong các bậc thức giả hoan hỉ chỉ chính để chúng tôi có thể chỉnh sửa và hoàn thiện hơn.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/10/2018
Khảo về học chế của nhật bản
Thượng Chi
Tạp chí Nam Phong, số 27 (tháng Chín, 1919), tr. 202-223. S
ự học trong nước ta ngày nay đương vào buổi thay cũ đổi mới, có nhiều vấn đề khó khăn, chưa biết giải quyết thế nào cho thỏa
đáng. Những nhà lưu tâm về việc giáo dục cần phải tham khảo học chế các nước cho biết điều hay nên bắt chước, điều dở khỏi mắc lầm. Trong các nước duy có nước Nhật Bản là cái tình thế cũng hơi giống như nước ta: nước ấy cũng là một nước cũ đã từng chịu văn hóa của Tàu mà từ ngày giao thông với Âu châu phải đổi theo hình thức văn minh mới. Về đường giáo dục cũng như về đường chánh trị, đường xã hội, v.v... tất đã từng trải những sự khó khăn như nước ta ngày nay mà đã qua được trót lọt. Vậy thời ta lại càng nên xét xem nước ấy đã dùng những phương pháp gì để cải lương sự học trong nước cho được kết quả như ngày nay. Nay tra cứu các sách về Nhật Bản, trích lục và dịch thuật những đoạn nói về cách sửa sang sắp đặt việc học, họp lại làm một bài khảo cứu như sau này, tưởng cũng có ích cho học giới nước ta giữa lúc còn đương thay đổi mà chưa thành cơ sở vững vàng vậy.
T.C
* * *
Gốc văn hóa ngày nay là sự giáo dục cưỡng bách (instruction obligatoire). Muốn biết trình độ văn minh một nước thấp hay cao, thời cứ xét ngay cái trình độ học thức của người dân trong nước ấy cao hay thấp làm tỉ lệ vậy. Người Nhật Bản về đời Minh Trị (ère Meiji) muốn đặt cho nước mình vào bậc đại liệt cường trong thế giới, thế tất phải chú trọng về đường giáo dục trước
nhất; lại còn một lẽ nữa, là muốn thâu nhập vào trong nước cái văn minh mới của Âu châu, để truyền bá những cái tư tưởng cải cách duy tân vào trong dân gian hãy còn theo lề lối cũ; như vậy thời sự giáo dục lại là một cái lợi khí không gì bằng vậy.
Nay ta nghiên cứu xem công cuộc giáo dục của người Nhật Bản thế nào, trước xét về tinh thần tôn chỉ, sau xét về cách tổ chức sắp đặt ra làm sao.
I
Cái mục đích thứ nhất của chánh phủ duy tân Nhật Bản là muốn ban bố cho toàn thể quốc dân một cái giáo dục như nhau, khiến cho người dân trong nước hết thảy được bằng đẳng, dù là đàn ông hay đàn bà, người giàu hay người nghèo, người hèn hay người sang cũng vậy.
Không phải rằng cựu triều trước có nhãng bỏ việc giáo dục: “Mạc phủ”1 (le Bakufu) cùng các bậc “đại danh”2 (les daimyo) vẫn hết sức dạy cho các hàng võ sĩ (les samurai) biết những văn chương, lịch sử, triết học, khoa học Tàu; rồi sau cho học cả văn chương, lịch sử Nhật Bản nữa. Cứ thực ra thời kẻ võ sĩ nào cũng là có học thức cả.
1 Mạc phủ, là chính phủ của các tướng quân (shôgun) trước khi Nhật Bản duy tân chiếm mất cả quyền của nhà vua, cũng như chúa Trịnh chiếm mất quyền vua Lê ở nước ta khi xưa. [Nguyên chú]
2 Đại danh, là các nhà quý tộc, có thái ấp gọi là từng phiên. [Nguyên chú]
Về sự giáo dục trong bàn dân, thời các nhà làm sách tây mỗi người xét một khác. Những người không được biết rõ dân Nhật Bản thì tưởng rằng người bàn dân man muội dốt nát cả; nhưng mà những nhà du lịch có ý xem xét kỹ thời nhận rằng về trước
đời Duy tân người Nhật Bản hầu hết biết đọc biết viết cả. Có lẽ những người sau đó nói phải hơn; nhưng mà nói quyết hẳn rằng sự giáo dục ở nước Nhật Bản đời bấy giờ đã phát đạt thời cũng là quá, việc giáo dục ấy nhà nước không có trông nom đến, hồi bằng đầu lại có ý phản đối nữa; vì cứ phép ra thời duy có hàng “võ sĩ” mới được học, và vì có học mới được có quyền cai trị dân. Nhưng ngoài các trường công, trong dân gian còn có vô số những trường tư gọi là “tự viện” (terakoya1) của các thày tu, thày thuốc, cùng những kẻ dật sĩ gọi là “lãng nhân” (rônin) mở ra để dạy học.
1 Âm Hán Việt là Tự tử ốc.
Cái mục đích thứ nhì của chánh phủ duy tân Nhật Bản là muốn thâu nhập cái văn minh của Thái Tây vào khắp các hạng người trong nước cùng ban bố khắp mọi nơi những khoa học mới ngày nay, cầu cho nước nhà để phát đạt cải lương.
Về phương diện đó thời chánh phủ duy tân chẳng qua cũng là nối theo cái công nghiệp của cựu triều mà thôi; tự cuối thế kỷ thứ 18, đầu thế kỷ thứ 19, người Nhật Bản đã học những khoa
giải phẫu (anatomie), y học (médecine), bác vật (histoire naturelle), địa dư (géographie), học tiếng Hòa Lan, rồi tự năm 1840 học cả tiếng Anh nữa. Đến sau khi ông thủy tướng nước Mĩ Perry đỗ tàu ở Nhật Bản, thời Mạc phủ mới tìm cách tổ chức sự học ấy cho thành rường mối. Song về cựu triều thời các khoa học của Thái Tây ấy là chỉ để dạy riêng cho các hàng “võ sĩ” (samurai) mà thôi; Mạc phủ không chịu cho phép các trường tư dạy cho con dân học.
Tự khi chánh phủ mới dựng lên thời cái khuynh hướng khác hẳn: muốn cho dân gian bỏ cũ theo mới, bỏ những thói hủ lậu cho chóng kịp thời, muốn lấy cái chánh sách cấp tiến mà thay
vào cái chánh sách rụt rè do dự của Mạc phủ trước, lấy rằng trong bao nhiêu lâu mình kém người những gì thời bây giờ phải kíp theo đòi cho được bằng người mới nghe, phải đem cái tinh thần cũ của Á châu mà dung hòa với cái tinh thần mới của Âu châu vậy. Vậy muốn nghiệm xem sự dung hòa ấy kết quả thế nào, không gì bằng đem thi hành trong việc giáo dục, và giáo dục là kiêm cả trí dục cùng đức dục vậy.
Vì trong ý các nhà chủ trương việc học ở nước Nhật Bản hồi bấy giờ sự giáo dục trong quốc dân phải kiêm cả trí dục cùng đức dục, hai đằng không thể rời nhau được. Lấy những người tuổi đã lớn, trí đã thành, học đã rộng, mà chỉ chuyên trị về đường trí dục thời sự học ấy cũng không có ảnh hưởng gì đến tâm tính cho mấy; nhưng trẻ con thời không thế được, trẻ con tập luyện trí thức tất có ảnh hưởng đến tâm tính, đường trí dục với đường đức dục có cái mật thiết quan hệ, không rời nhau bao giờ; muốn phân ly đàng nọ với đàng kia, muốn dạy cho trẻ con những khoa học có ích cho đường trí thức mà không quan hệ gì đến cách ăn ở, thời không thể sao được; ví có làm thế được cũng chỉ đủ gây cho bọn thanh niên cái bụng hoài nghi, giáo dục mà làm cho người ta hoài nghi thôi không gì hại bằng. Vả lại, nhất là trong dân gian, những cha mẹ thường hay không chăm đến sự đức dục của con cái, phó mặc cả cho ông thày cái trách nhiệm vừa dạy học vừa sửa nết cho bọn trẻ con: người ta ở vào thời đại này mấy người được nhàn hạ, vả ở những nước sự giáo dục đã cưỡng bách thời trẻ con mới lớn lên nhà nước chẳng đã bắt buộc bố mẹ phải cho vào nhà trường ngay ru? Sau nữa, ngày nay ở nước nào cũng vậy, những vấn đề có quan hệ đến quốc gia, đến gia đình, đến xã hội, hằng ngày thường luận bàn công bố trong các báo, các sách, các tranh vẽ, dùng cái lối quảng cáo rất khéo và rất mạnh ngày nay để ban khắp đi mọi nơi, tựu trung có nhiều điều rất là phương hại cho sự đức dục của bọn thanh niên. Trong những lý thuyết truyền bá ra như vậy, có lắm điều mà quốc gia có trách nhiệm phải bài trừ đi, không nên để cho nhiễm vào trí non nớt của bọn thiếu niên, vì quốc gia đã nhận trách rèn luyện tri thức cho bọn đó thời thế tất1 là phải trông nom đến đường
đức dục nữa. Ngoại giả, còn các lý thuyết khác thời phải kén chọn xem cái nào có thích hợp hẵng nên ban bố ra.
1 Nhất định phải như vậy.
Chánh phủ Nhật Bản thật đã thâm hiểu lẽ đó, nên chính vua lấy mình là dòng dõi Thiên hoàng, chúa tể trong nước, xuống dụ định cái tôn chỉ giáo dục cho cả quốc dân phải theo.
Lời chỉ dụ ấy thuộc về ngày 30 Octobre 1890, trường nào cũng có một bản sao treo giữa học đường, gặp ngày hội tiết thời đem ra bình cho cả học trò nghe, tức coi như một bản kinh thường khóa của cái tôn giáo mới là đạo Quốc gia (catéchisme de la nouvelle religion d’Etat), các tôn giáo khác thời trong các trường công trường tư không được phép dạy. Lời chỉ dụ lược dịch như sau này:
“Hoàng triều ta là dòng giống Thiên hoàng, kể từ đứng thủy tổ cho đến các liệt thánh nối dõi từ bấy đến này đã đặt cơ sở cho nước ta vững vàng bền chặt như bàn thạch Thái Sơn và gây trồng những tính hay đức tốt để lưu truyền mãi mãi đến muôn đời. Con dân ta đời ấy sang đời khác vẫn giữ một lòng trung thành hiếu đễ, hòa thuận kính nhường, thật đã giúp cho nòi giống ta được miên viễn1 vô cùng. Nay trong việc giáo dục con dân ta, có mấy điều cốt yếu phải theo như sau này.
1 Dài lâu, xa mãi.
Phải hiếu với cha mẹ, phải thuận với anh em, phải hòa trong đạo vợ chồng, phải tín trong đường bè bạn; xử mình phải tiết kiệm,
tiếp người phải lễ nhường, đối với ai cũng phải một lòng từ thiện. Phải chuyên học hành cho chăm chỉ, giữ chức nghiệp cho cần cù; phải mở mang trí tuệ cho sáng suốt, rèn đúc tình tính cho kiện toàn; phải chú ý về việc xã hội, để bụng về đường công ích; phải vâng theo hiến pháp trong nước, tuân lời luật lệ nhà vua; lâm thời phải biết lấy hết can đảm mà đem hiến mình cho nước, gia công hiệu lực giúp cho ta bảo tồn cùng phát huy cái thanh danh thế lực của cái Tổ quốc muôn đời này, dài bền như Trời cùng Đất vậy.
Con dân ta giữ được trọn đạo như thế thời không những đối với ta đã đáng bậc bày tôi có nghĩa, mà đối với công nghiệp tổ tôn đời trước cũng ngõ hầu tỏ rạng vẻ vang được hơn lên vậy.
Những lời huấn dụ như trên kia thực là của các Liệt thánh ta tự đời trước di truyền lại để cho ta cùng con dân ta đều phải theo, đã từng qua đời ấy sang đời khác vẫn lồng lộng vằng vặc không bao giờ mờ. Vậy ta vững lòng trông mong rằng ta cùng con dân ta từ nay về sau không thuở nào dám nhãng bỏ và quên sai vậy”.
Lại trong lời chỉ dụ số 215 năm 1890, điều thứ 1 có nói rằng:
“Các trường tiểu học đặt ra là cốt dạy cho con trẻ biết tu thân ái quốc, cùng truyền thụ cho những điều tri thức phổ thông có ích lợi cho người ta ở đời, và cũng chăm về đường thể dục cho con trẻ nữa.”
Lại tờ châu tri số 11 năm 1891, giải thích lời chỉ dụ trên kia, cũng dặn các thày giáo tiểu học như thế này:
“Cái mục đích tối cao của sự giáo dục là đoàn luyện tính chất người ta cho thiên về đường đạo đức, vậy thời trong khi dạy học trẻ con phải chú ý nhất về những điều có ích lợi cho đường tu thân ái quốc.”
Xét như thế thời biết rằng thuộc về cái vấn đề giáo dục thật đã thấy dung hòa được rõ ba cái tinh thần nó gây dựng ra nước
Nhật Bản ngày nay: thứ nhất là cái quốc hồn cũ chung đúc cả vào một lòng thờ vua, mà vua thời lấy sự giữ gìn trật tự trong xã hội làm nghĩa vụ; thứ nhì là cái tinh thần mới của văn minh ngày nay, cái tinh thần ấy xuất hiện ngay ở lời vua nói, nói là nói chung cho cả bàn dân nghe, không phân biệt đẳng cấp nào, và nói với dân như nói với người giúp đỡ công việc nước cho mình; thứ ba là cái chí quyết muốn thâu nhập vào trong nước mình những cái hay của các nước khác đã từng trải, bỏ hẳn cái chánh sách bế quan mà theo lấy cái chánh sách giao thông với vạn quốc. Lại xét cái quan niệm về Quốc gia theo tư tưởng ngày nay cũng hợp lẽ lắm: là lấy quốc gia có cái trách nhiệm phải giáo dục người dân. Nhà nước giữ chuyên quyền về sơ đẳng giáo dục, lại giữ quyền kiểm đốc những trường trung đẳng cao đẳng nào không phải của nhà nước đặt, lại dùng những phương pháp rất thận trọng, rất chánh đáng để dạy dỗ người dân, là chủ ý đoàn luyện lấy một quốc dân cho hợp cách, gây lấy một giống người tinh thần thể chất đều kiện toàn, để không những là gây nên những tay làm ruộng, làm thợ, làm công tốt, mà lại trở nên những người con thảo, cha hiền, dân trung thành, quân lính tốt, một lòng thờ nước thờ vua.
II
Ấy cái tôn chỉ sự giáo dục ở Nhật Bản như vậy. Nay ta xét xem chánh phủ Nhật Bản tổ chức việc học trong nước thế nào cho thực hành được cái tôn chỉ ấy.
Sự tổ chức ấy có hai cái đặc sắc như sau này: thứ nhất là ở trên có quyền trung ương rất mạnh làm chủ não, thứ nhì là ở dưới các địa phương được tự do hành động.
Quyền trung ương là “Bộ Giáo dục và Mĩ thuật” (Ministère de l’Instruction publique et des Beaux-Arts, tức là bộ Học, Nhật Bản gọi là “Văn bộ tỉnh”) đặt tháng Bảy năm 1871, rồi sau canh cải mấy lần. Quan Học bộ đầu nhất là ông Ōki Takato [Đại Mộc Kiều Nhậm], nhưng người sửa sang sắp đặt có công hơn cả là ông
Kido [tức Kido Takayoshi]. Học bộ chia ra hai sảnh (directions): một là sảnh cao đẳng giáo dục, kiêm coi cả các trường trung đẳng; hai là sảnh sơ đẳng giáo dục. Quan Bộ trưởng có một hội đồng để giúp việc, gọi là “Học chánh Cao đẳng Hội nghị” (Conseil supérieur de l’Instruction publique), hội đồng ấy đặt năm 1896, sửa lại năm 1898. Hội viên là những ông đốc các trường lớn, các sở bác vật quán, những ông giám đốc cùng trưởng giáo các trường Đại học, mấy ông quan to ở bộ Học, mấy ông võ quan đại biểu của hai bộ Lục quân, Hải quân; những hạng đó là quyền được dự vào Hội nghị. Còn những hội viên vốn không có quyền dự Hội nghị thời do quan Bộ trưởng cử, chớ không có lệ bầu; nhưng lệ thời phải có hai người đại biểu của các ông đốc trường trung học, hai người đại biểu của các ông đốc trường sư phạm, v.v… thời những người ấy là do các ông đốc tiến cử lên một cái sổ mười người, rồi quan Bộ trưởng chọn lấy hai người trong số ấy.
Đó là cơ quan của quyền trung ương. Nhưng nay thuộc ngay dưới quyền trung ương thời chỉ có mấy hạng trường lớn như sau này: bốn trường Đại học, ba trường Cao đẳng sư phạm, tám trường “Cao đẳng”, trường Cao đẳng thương học, trường Cao đẳng công nghệ, v.v... trường Âm nhạc (Conservatoire), trường Mĩ thuật, trường dạy tiếng ngoại quốc; còn thời hết thảy các trường tiểu học, trung học, các trường thực nghiệp, các trường tiểu học sư phạm, là thuộc về các quận huyện, các xã thôn phải quản trị và chịu kinh phí. Bộ Học chỉ giữ cái quyền giám sát mà thôi, quyền giám sát ấy đã có đặt quan riêng.
* * *
Nay ta hẵng xét trước nhất về bậc sơ đẳng giáo dục.
Nhà nước tuy về sau trao quyền sơ đẳng giáo dục cho các địa phương, mà lúc đầu cũng là do nhà nước sáng lập ra. Nhà nước đã xướng ra cái nghĩa “cưỡng bách giáo dục”, trong điều lệ năm 1871, định cho trẻ con từ 6 đến 13 tuổi, rồi sau đổi lại từ 6 đến
14 tuổi; nhưng muốn thực hành cái chương trình ấy thời vừa thiếu tiền, vừa thiếu thày, vừa thiếu trường.
Thời kỳ thứ nhất là hồi cha mẹ học trò còn phải nộp tiền học, và nhà nước phải giúp tiền cho các địa phương để lập trường (hồi tự năm 1873 đến 1881), bấy giờ tuy có trường tư giúp thêm vào mà cũng không đủ chỗ cho học trò học. Việc dạy con gái thời hầu như nhãng bỏ hẳn. Năm 1874 có 21.068 nhà trường, vừa trường công vừa trường tư, dạy 1.303.300 con trai và 421.807 con gái; đến năm 1884 thời thấy vụt tiến bộ lên mau lắm: 29.233 nhà trường, 97.316 thầy giáo, 2.219.375 học trò con trai, 1.013.851 học trò con gái. Nhưng mà làm mau quá, gặp hồi tài chính quẫn bách (crise financière) năm 1883-1885, nhà nước cùng các địa phương phải giảm bớt các khoản chi phí về việc học đi: đến năm 1887 thì chỉ còn có 25.522 nhà trường, 56.836 thày giáo, 1.912.524 học trò con trai và 800.287 học trò con gái mà thôi; tổng số trẻ con trong nước từ 6 đến 14 tuổi là 6.740.929, mà theo học các nhà trường chỉ có 3.033.116, tức là 100 đứa chỉ có 45 đứa có học; sự học bị đình đốn lại như vậy, nhưng chỉ nhất thời mà thôi, sau hồi kinh tế khủng hoảng thì việc mở trường dạy học lại thịnh hành hơn trước1.
Thời kỳ thứ nhì là khởi tự tờ chỉ dụ số 215 năm 1890. Điều 20 trong chỉ dụ ấy nói rằng: “Bao nhiêu con trẻ tự 6 tuổi đến 14 tuổi phải có mặt ở nhà trường.” Điều thứ 24 thì định rằng các quan chủ quận (préfets) phải định cách thức thế nào để bắt các nhà phải cho con đi học, hoặc muốn dạy con ở nhà thời phải theo những thể thức gì. Lời nghị định của các quan chủ quận phải có quan Học bộ tổng trưởng chuẩn nhận mới được. Điều thứ 44 thì bắt các cha mẹ hoặc người thay cha mẹ phải nộp tiền học cho con; nhưng sắc lệnh năm 1893 chuẩn miễn cho những tỉnh thành cùng thôn xã nào có đủ tiền kinh phí thời không phải bắt bố mẹ học trò nộp tiền học nữa. Tự bấy giờ thời sơ đẳng giáo dục mỗi ngày một tiến bộ lên mau lắm; tự năm 1899 đã thấy trong nước được 27.001 trường sơ đẳng, 88.682 thầy giáo, và số học trò lại tăng lên nhiều lắm: 2.672.617 con trai, 1.630.432 con gái.
Đến năm 1900, nhân có tiền bồi khoản Tàu, chánh phủ trích ra 10 triệu viên (yen)2 để làm tiền tư bản cho việc học; tự đó thời sơ đẳng giáo dục mới thật là không mất tiền, tuy chưa được khắp cả bậc sơ đẳng, cũng được trọn một bậc tầm thường sơ đẳng (vì sơ đẳng giáo dục ở Nhật Bản chia ra hai bậc, một bậc gọi là tầm thường tiểu học và một bậc gọi là cao đẳng tiểu học). Sự kết quả thật là tốt đẹp lắm. Năm 1899 số các trường sơ đẳng là 27.001, đến năm 1906 tăng lên 27.421; số thầy giáo trước 88.682 sau tăng lên 110.062; số học trò con trai trước 2.672.647 sau tăng lên 2.981.136, học trò con gái trước 1.630.432 sau tăng lên 2.369.868. Đến năm 1907 thời tổng số các trẻ con vừa trai vừa gái đi học các trường sơ đẳng là hơn 5 triệu rưỡi; trong số những con trẻ không đi học được thời phần nhiều là trẻ đau ốm và tàn tật. Tự mười lăm hai mươi năm nay thời ở nước Nhật Bản cái luật về sự cưỡng bách giáo dục đã thi hành được hoàn toàn, có lẽ hơn cả nhiều nước bên Âu châu. Song được như vậy phần nhiều là bởi trí dân thông hiểu hơn là bởi phép nước bắt buộc. Trẻ con nhà ai đã đến tuổi đi học thời nhà trường tự biên tên vào sổ, hễ lính cảnh sát gặp thấy lêu lổng ngoài phố thời bắt phải đến nhà trường, hay là đi học mà trốn đi chơi thời đem về cho cha mẹ trừng trị. Nhưng mà những hình phạt trong luật định để răn những cha mẹ trễ biếng không cho con đi học thời cũng nhẹ mà không mấy khi phải dùng đến.
1 Trước năm 1887 là tính gồm cả những trẻ con có biên tên học với trẻ con đi học thật; cả nhà cho biên con vào sổ nhà trường mà không cho đi học thật. [Nguyên chú]
2 Viên là tiền Nhật Bản, giá kém đồng bạc của ta một ít. [Nguyên chú] * * *
Chánh phủ đã gây dựng ra nền quốc dân giáo dục, lại hết sức tổ chức cho thành. Hồi đầu thời phần nhiều là bắt chước theo thể thức của nước Hoa Kỳ: có mấy người Mĩ như ông Scott, G. Verbeck, David Murray, giúp trong việc sắp đặt. Ông David Murray làm cố vấn quan (conseiller) cho bộ Học luôn tự năm 1875 đến năm 1897. Tự đấy thời các quan Học bộ Nhật có ý muốn tự lập, không chuyên chủ bắt chước ngoài nữa, có phỏng theo nước ngoài thời chỉ theo một nước Đức mà thôi.
Việc tổ chức trước nhất là phải luyện lấy một đoàn sơ đẳng giáo viên. Mấy trường sư phạm đầu dựng năm 1872; năm 1874 thời đã có 52 trường, đến năm 1899 sụt xuống 49, năm 1907 thì tăng lên 67 trường; số thày giáo là 1.112 (trong số có 132 người thày giáo đàn bà), và số học trò là 18.828 (trong số có 4.752 nữ học sinh). Hết thảy các trường sư phạm đó là thuộc về các quận huyện phải quản lý, chỉ trừ có mấy trường cao đẳng sư phạm ở Tokyo (Đông Kinh) và Hiroshima (Quảng Đảo) để dạy những giáo viên các trường sư phạm thường là thuộc về bộ Học quản lý mà thôi. Mỗi trường sư phạm lại có phụ thuộc một trường tiểu học để cho các hậu bổ giáo viên tập dạy học. Những công văn trọng yếu về sự tổ chức các trường sư phạm là chỉ dụ tổ chức 1886 và 1892, sắc lệnh số 217 năm 1891, nghị định số 349 năm 1897. Hạn học trong các trường sư phạm là đàn ông bốn năm, đàn bà ba năm.
Các hậu bổ giáo viên tốt nghiệp trường sư phạm phải hạch mới được ký bổ (agrégés) vào ngạch sơ đẳng giáo viên (nghị định năm 1890, điều thứ 54). Hoặc không có học trò tốt nghiệp trường sư phạm, thời các quan chủ quận cũng có thể lấy người ngoài hạch đậu mà cho ký bổ. Sơ đẳng giáo viên đàn ông phải ít ra là 20 tuổi, và đàn bà ít ra là 18 tuổi (chỉ dụ số 19 năm 1891); đàn ông phải làm tờ giao kết mười năm và đàn bà năm năm.
Những trường có nhiều thày giáo, quan chủ quận chọn lấy một người làm trưởng giáo (tức là làm đốc trường).
* * *
Cách tổ chức các trường tiểu học là làm lần lần, không có thành ngay một lúc.
Trong thời kỳ thứ nhất (1868-1871), chánh phủ đổi dần các trường tư thục ra trường công.
Trong thời kỳ thứ nhì (1871-1880), thời trong địa hạt chia ra từng “học khu” (sections scolaires), mỗi một học khu phải dựng một nhà trường, kinh phí nhà nước phụ cấp cho ít nhiều (1871- 1879); hồi ấy các trường tư cũng còn nhiều lắm. Đến năm 1879 thời mỗi một xã phải có một nhà trường, nhưng đến năm 1880 lại trở về lối “học khu” cũ; kịp đến khoảng 1883-1885 nhân tài chính quẫn bách, mọi việc sắp đặt phải đình đốn cả lại.
Đến năm 1888, tuyên bố luật về các thị tỉnh (loi municipale) là bắt đầu thời kỳ thứ ba là hồi sơ đẳng giáo dục mới thật tổ chức được hoàn toàn, theo sắc lệnh số 215 và luật số 89 năm 1890. Điều thứ 25 trong sắc lệnh định rằng mỗi tỉnh thành, mỗi xã thôn phải đặt có đủ trường học để các trẻ con đến tuổi đi học có chỗ mà học; mấy xã thôn họp lại làm một, có một hội đồng hàng xã chung, cũng coi như là một xã. Các xã thôn khác có thể xin chánh phủ cho phép họp nhau lập trường chung, hoặc một trường, hoặc nhiều trường, tùy số con trẻ đi học (điều thứ 28 trong sắc lệnh). Quan chủ quận bổ mỗi huyện mấy chức “thị học” (inspecteurs) để kiểm soát các trường sơ đẳng; các xã có thể đặt hội đồng riêng coi về việc học trong hàng xã. Mỗi quận (département) có hội đồng riêng coi về việc thi. Trường tiểu học ai muốn mở riêng cũng được, coi là tư thục, nhưng nếu trái luật lệ thời quan Học bộ có thể truyền cho quan chủ quận bắt bãi trường được. Nhưng các tư thục xét ra cũng không còn mấy; tổng số các tiểu giáo viên trong nước là 109.000 người mà thày giáo tư thục chỉ có độ 1.000 người mà thôi.
Những trẻ con nhỏ tuổi lắm, chưa theo kịp các lớp sơ đẳng tiểu học thời có đặt ra những “ấu trĩ viên” (écoles maternelles) theo lối Đức (Kindergarten). Ấu trĩ viên lập ra trước nhất năm 1876; đến cuối năm 1897, thời cả thảy có 222 sở (166 sở công và 62 sở riêng), nuôi 19.727 đứa trẻ con; đến năm 1905-1906 thời có 313 sở, 835 người đàn bà coi trẻ và 28.676 đứa trẻ. Những đàn bà coi trẻ (conductrices) ở các “ấu trĩ viên” thời mỗi sở đã có đặt lớp riêng để luyện tập.
* * *
Nhà nước đã tổ chức các trường học lại phải nghị định chương trình học.
Hạn học cho trẻ con từ 6 đến 14 tuổi thì thoạt tiên định là ít phải bốn năm, rồi đến năm 1909 thì tăng lên sáu năm.
Sơ đẳng giáo dục chia ra làm hai bậc - hồi đầu lại chia ra làm ba - nhưng hai bậc thường họp trong một trường (nghị định năm 1886 và 1890).
Bậc thứ nhất gọi là “tầm thường tiểu học”, học không mất tiền và trẻ con nào cũng phải theo, hạn học là bốn năm. Trường nào cũng phải dạy luân lý, Hòa văn (tiếng Nhật), Hán tự (chừng 2.000 chữ cả thảy), toán học và thể thao; còn địa dư, lịch sử Nhật Bản, học vẽ, học hát, học các thủ công, học may vá cho con gái, thời được tùy tiện đâu dạy được thời dạy.
Bậc thứ nhì là cao đẳng tiểu học, hạn bốn năm, hai năm đầu thì trẻ con nào cũng phải học và học không mất tiền, hai năm sau thì được tùy ý và học phải trả tiền. Bậc đó phải dạy những thứ như sau này: luân lý, Hòa văn, Hán tự (chừng 3.000 chữ, ngoài 2.000 chữ đã học trước rồi), toán học, lịch sử Nhật Bản, địa dư, các điều tầm thường về cách trí, học vẽ, học ca xướng, thể thao, may vá cho con gái; ngoại giả có thể dạy thêm các điều tầm
thường về kỷ hà học1 (géométrie), dạy các thủ công, nghề canh nông, nghề buôn bán, các tiếng ngoại quốc nhất là tiếng Anh.
III
Trung đẳng giáo dục thời hồi đầu dễ đặt hơn là sơ đẳng giáo dục, bởi vì số học trò vừa ít lại vừa là học trò phải trả tiền, vả thể thức sự học có giống như lối cũ ít nhiều; còn các tiếng ngoại quốc, lịch sử cùng các khoa học Thái Tây, thời có thể mướn các thày giáo Tây được. Nhưng đến sau trong nước mỗi ngày một tiến bộ lên mau lắm, bậc trung học khó lòng phát đạt cho kịp: các thày giáo ngoại quốc thời loại dần đi mà thày giáo Nhật thời chưa có trường, chưa có thày luyện tập đủ.
Những trường sư phạm để mà luyện tập các giáo viên cho trung học và cho các trường tiểu học sư phạm, tức là các trường cao đẳng sư phạm, sẽ nói sau này. Nhưng những trường cao đẳng ấy còn ít lắm, chưa luyện tập được đủ thày giáo cho các trường trung học; muốn bổ sự khuyết hám2 ấy bèn lập ra năm nhà học viện (instituts) phụ thuộc vào các trường cao đẳng và năm 1895 đặt ra một khóa thi riêng, hễ ai thi đậu được văn bằng thời có thể bổ vào dạy các trường trung học; lại định bất cứ học trò tốt nghiệp trường cao đẳng nào của nhà nước cũng có tư cách bổ làm giáo viên các trường trung học được.
1 Hình học.
2 Khiếm khuyết, không hoàn mĩ, khiến người ta cảm thấy tiếc nuối.
Các trường trung học tổ chức theo những sắc lệnh cùng pháp luật năm 1872 và 1879 về việc giáo dục, điều lệ năm 1881 và 1884, chỉ dụ năm 1886 và 1899 và luật năm 1894.
Mỗi quận ít ra phải có một trường trung học, tự quản lý lấy. Huyện nào, xã nào, hoặc người riêng ai muốn lập trường trung học, nhà nước cũng cho phép.
Học trò trung học phải ít ra là 12 tuổi, và phải có chứng thư nhận rằng đã học trọn ít ra là hai năm cao đẳng tiểu học. Học khóa là năm năm. Phần nhiều học trò thời trả tiền học; cũng có học trò được ăn lương.
Chương trình các trường trung học định theo lời sắc lệnh thứ 14 năm 1886, phải dạy những thứ như sau này; Hán tự (chừng 15.000 chữ), luân lý, Hòa văn, Cổ văn Tàu, tiếng ngoại quốc, lịch sử, địa dư, số học, bác vật học, vật lý học, hóa học, tự học (học viết chữ Tàu chữ Nhật), họa học, thể thao; ngoại giả có thể dạy thêm ca xướng (chant) và ký bạ (comptabilité).
Năm 1879 có 784 trường trung học, 1.691 giáo viên và 37.281 học trò; năm 1887, sau hồi tài chính quẫn bạch chỉ còn có 48 nhà trường, 561 thày giáo và 10.477 học trò mà thôi; đến khoảng 1905-1906 thời có 169 trường (trong số có 43 trường riêng), 5.081 thày giáo và 104.558 học trò.
Luật năm 1886 chia các trường trung học ra làm năm học khu (académies).
* * *
Đó là những trường trung học cho con trai: lại có trường trung học cho con gái nữa, Nhật Bản gọi là “cao đẳng nữ học hiệu” (Kōtōjogakkō); đây ta không dùng tên ấy, sợ lẫn với các trường cao đẳng sau này. Sau một thời kỳ thí nghiệm mấy năm (1872- 1886), mãi đến năm 1886 mới có nghị định bộ Học tổ chức các trường trung học cho con gái, rồi kế đến điều lệ năm 1895 và sắc lệnh số 31 tháng Mười năm 1898 về sự cao đẳng giáo dục các con gái. Học trò ít ra phải 12 tuổi và học khóa hạn năm năm. Chương trình dạy Hán tự luân lý, Hòa văn, Anh văn, lịch sử, địa dư, số học, bác vật học, đồ họa học, tự học, âm nhạc học, thể
ọ ậ ọ ọ ọ ự ọ ạ ọ
thao học, dạy may vá thêu thùa, dạy quản trị công việc trong một nhà.
Năm 1905-1906 có 99 nhà trường trung học con gái (trong số có 11 trường riêng), 1.543 thày giáo và 31.574 học trò; đến năm 1907, được 113 nhà trường và hơn 35.000 học trò.
IV
Chánh phủ Nhật Bản hiểu rằng trong nước chỉ có một bậc sơ đẳng giáo dục không đủ, mà trung đẳng giáo dục truyền bá rộng ra quá thời chỉ gây nên những người dở dang, không biết an phận, không đường sinh lý, chỉ ham vào làm những công việc nhà nước, hoặc không có việc làm thời dùng những cách mạo hiểm, phương ngại trật tự trong xã hội. Mà nước Nhật Bản cần nhất là chỉ cần những tay làm ruộng, đi buôn, mở công nghệ, đi tàu bể cho thật nhiều. Cho nên tự hơn hai mươi năm nay, chánh phủ các quận huyện, các xã thôn, đều hết sức khoáng trương1 sự thực nghiệp giáo dục.
Mấy trường thực nghiệp mở ra đầu tiên là Trường Công học thương học của bộ Học lập năm 1873 giao cho người Anh dạy, trường Nông học Lâm học của bộ Nông lập; mấy trường đó rồi đến năm 1895 sáp nhập vào trường Đại học Tokyo (Đông Kinh). Trường nông học Sapporo ở Hokkaidō (Bắc Hải đạo)2 của bộ Nội vụ lập ra, nay sáp nhập vào trường Đại học Sendai (Tiên Đài), có rừng ruộng to lắm dùng để thí nghiệm to về nghề canh nông và nghề thực dân (colonisation); học khóa bốn năm, thực nghiệm hai năm.
1 Mở rộng, bành trướng.
2 Các tên người tên đất Nhật Bản, những tên nào tra được chữ nho thì chua âm ra bên cạnh, để tiện cho những người đã có đọc qua sách Tàu; còn muốn đọc cho đúng thì nên theo âm Nhật Bản, cũng dễ đọc, không khó gì. [Nguyên chú]
Các trường thực nghiệp mới thời tổ chức theo những luật lệ năm 1893, luật số 21 năm 1894, sắc lệnh số 29 năm 1899, chia ra làm hai hạng; hạng thứ nhất là các trường công học (géniecivil), nông học, thương học, thương thuyền học (marine marchande), thủy sản học (aquiculture), toàn là những trường cho người lớn học; một hạng là những trường “bổ túc thực nghiệp học” (écoles complémentaires professionnelles) và trường “đồ đệ” (écoles des apprentis), lập theo nghị định của bộ Học số 20 năm 1899.
Những trường thực nghiệp cho người lớn thì đối chiếu với các trường trung học và chỉ thuần dạy nghề mà thôi; những trường cao đẳng thực nghiệp thời ngang với các trường cao đẳng (écoles supérieures) sẽ nói sau này, và vừa dạy nghề vừa dạy chữ.
Các trường nông nghiệp thời đặt theo luật lệ năm 1883, 1894, 1899 (nghị định số thứ 9); ngoài những trường chuyên về nghề nông, lại còn những trường dưỡng tàm học1 (sériciculture), lâm học (sylviculture), thú y học (art vétérinaire). Có hai trường cao đẳng nông lâm ở Morioka (Thịnh Cương) và ở Kagoshima [Lộc Nhi Đảo].
1 Nghề trồng dâu nuôi tằm.
Các trường công nghệ thời đặt theo nghị định bộ Học số thứ 8 năm 1899. Có chia ra mấy ban to như sau này: Kiến trúc (construction), luyện kim (métallurgie), hải quân chế tạo (constructions navales), điện học (électricité), khoáng học (mines), nghề làm nhà, nghề nhuộm, nghề nung (céramique), nghề sơn (laques), v.v… Có sáu trường gọi là trường “cao đẳng công nghệ”. Trường to nhất là trường Tokyo (Đông Kinh) lập năm 1881, sửa lại năm 1886, 1887 và 1890; những trường khác thì ở Osaka (Đại Bản) lập năm 1886, Kyoto (Kinh Đô) lập năm 1887, Nagoya (Danh Cổ Ốc), Kumamoto (Hùng Bản) và Sendai (Tiên Đài).
Trường thương nghiệp thứ nhất lăm năm 1875 ở Tokyo (Đông Kinh), sửa lại năm 1884 và năm 1899 (nghị định số 10 của bộ Học). Năm 1885, hợp trường của hội Thương nghiệp và trường dạy tiếng ngoại quốc ở Tokyo làm trường Cao đẳng thương nghiệp. Hạn học ba năm. Trong các món dạy có khoa “đạo đức trong nghề buôn” (moralité commerciale), khoa lý luận và thực hành về nghề buôn, các khoa học ứng dụn (sciences appliquées), lịch sử, địa dư về công nghệ và thương nghiệp, tài chính học (finances), thống kế học (statistique), kinh tế học, dân luật và thương luật, các tiếng ngoại quốc, v.v… Còn mấy trường cao đẳng thương nghiệp khác nữa ở Kobe (Thần Hộ), Nagasaki (Trường kỳ) và Yamaguchi (Sơn Khẩu).
Các trường thương nghiệp thời cái lập ra trước nhất thuộc bộ Giao thông quản lý; thể thức các trường ấy mãi đến năm 1899 bộ Học mới nghị định. Các trường ấy thường chia ra làm hai ban: Một ban dạy về đi bể (navigation), một ban dạy về máy móc. Chỉ có một trường cao đẳng thương thuyền thuộc về bộ Giao thông.
Trường cao đẳng thủy sản (école supérieure d’aquiculture), người riêng lập năm 1889, năm 1893 chánh phủ cấp tiền, đến năm 1897 dựng làm trường công của nhà nước.
Năm 1887, trong nước Nhật Bản có cả thảy 167 trường kỹ nghệ, 467 thày giáo và 6.864 học trò; năm 1901 tăng lên 288 trường, và 25.000 học trò; năm 1903 đến 846 trường, năm 1905 đến 1.945 trường; đến năm 1906 tới 3.017 trường, 3.972 thày giáo và 160.862 học trò.
Sang năm 1907 thời thống kế về các trường kỹ nghệ như sau này: 4.523 trường, 4.662 thày giáo, 217.887 học trò; tính cả các trường chuyên môn thời được: 4.565 trường, 5.963 thày giáo, 238.808 học trò; trong số ấy ước chừng 42.000 học trò thuộc về các trường thực nghiệp, 4.500 thuộc về các trường đồ đệ (trường trẻ con tập nghề) và 171.000 thuộc về các trường bổ túc (écoles complémentaires). Nay chia ra các nghề thời số học trò như sau này: nông nghiệp = 165.000 người, thương nghiệp = 29.000 người, công nghệ = 12.000 người, v.v…; số nhà trường như sau này: công học = 30 trường, nông học = 11 trường, thương học = 66 trường, thương thuyền = 8 trường, trường đồ đệ = 58 trường, trường bổ túc về công = 154, về nông = 3.785, về thủy sản = 103, về thương nghiệp = 107, về thương thuyền = 1. Giáo viên các trường cao đẳng kỹ nghệ là những người tốt nghiệp đại học ra; giáo viên các trường kỹ nghệ thường là tốt nghiệp ở những học viện phụ thuộc vào các trường cao đẳng Thương học, cao đẳng Công học ở Tokyo. Cũng nhiều khi chọn các giáo viên ở chân những học trò tốt nghiệp các trường kỹ nghệ của nhà nước, cùng những người thi đậu.
Có thể nói nước Nhật Bản ngày nay là nước sự thực nghiệp giáo dục đã tổ chức được hoàn toàn hơn cả các nước trong thế giới.
Ngoại giả lại có những trường riêng để dạy những người câm điếc, người mù lòa, như nhà học viên của thành phố Kyoto (lập năm 1878), thành phố Tokyo (lập năm 1880); năm 1907 số các trường ấy cả thảy là 30 sở, có 150 thày giáo và 1.244 học trò.
V
Trên các trường trung học, dưới các trường Đại học, có một hạng trường học gọi là trường cao đẳng, riêng cho nước Nhật Bản; mục đích các trường đó là tập luyện những học sinh sắp lên Đại học trong ba năm cho thông các tiếng Âu châu, vừa ôn lại những món học cũ và dự bị những khoa học mới. Học trò các trường cao đẳng ấy phải có bằng tốt nghiệp trung học mới được, trong khi học phải thi bốn lần: một lần thi vào học, hai lần thi cuối năm và một lần thi tốt nghiệp, đỗ thời có văn bằng.
Những học trò dự bị vào văn khoa và luật khoa ở Đại học phải học hai thứ tiếng Âu châu, chọn trong ba thứ tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp; học trò dự bị vào y khoa thời phải học tiếng Đức và được chọn tiếng Anh hay tiếng Pháp; còn học trò dự bị vào các khoa khác (lý học, công học, dược học) phải học tiếng Anh và được chọn tiếng Đức hay tiếng Pháp.
Các ban văn học thời dạy lịch sử và địa dư vạn quốc, triết học, pháp luật học, kinh tế học, cổ văn Tàu và Nhật; các ban lý học thời dạy số học, vật lý học, bác vật học. Ban nào cũng dạy một ít chữ la-tinh (La Mã) và dạy Hán tự (ban lý học chừng 30.000 chữ, ban văn học từ 40.000 đến 50.000 chữ). Trường cao đẳng không có ban về y học và công học, những học trò chuyên về hai khoa ấy thời vào ngay đại học.
Các trường cao đẳng tổ chức theo luật lệ năm 1886 và 1894. Hiện nay có bảy trường ở Tokyo, Sendai, Kyoto, Kanazawa [Kim Trạch], Kumamoto, Okayama [Cương Sơn] và Kagoshima, năm 1908 có 272 thày giáo Nhật, 22 thày giáo ngoại quốc và 4.888 học trò, đều phải trả tiền cả.
Có mấy trường chuyên môn ở Chiba [Thiên Diệp], Sendai, Okayama, Kanazawa và Nagasaki [Trường Kỳ] để dạy về y học cho những học trò không muốn qua Đại học; mỗi trường chuyên môn đó lại có phụ thêm những trường cao đẳng để cho học trò học dự bị. Năm 1908, các trường cao đẳng ấy có 116
thày giáo, toàn người Nhật cả, và 2.693 học trò, trong số có 141 người được ăn lương.
* * *
Có một trường cao đẳng gọi là “Học tập viện” (Gakushuin) thuộc về bộ Hoàng tộc (Ministère de la famille impériale), năm trước quan Đại tướng Nogi (Nãi Mộc) làm Giám đốc, lập tự năm 1877 để dạy con các nhà quý tộc; con nhà thường cũng được một vài nhà đặc cách vào học đấy. Trường ấy từ khi lập đã sửa đổi nhiều lần, hiện nay chia ra hai ban, một ban con trai và một ban con gái, kiêm cả tiểu học, trung học, cao đẳng học, lại có một khoa dạy luật, dạy ngoại giao nữa. Năm 1908, ban con trai có 89 thày giáo (3 người ngoại quốc) và 531 học trò; ban con gái có 36 thày giáo đàn ông, 24 thày giáo đàn bà (trong số có 1 người đàn bà ngoại quốc) và 618 học trò.
VI
Ở Nhật Bản có ba trường cao đẳng sư phạm để luyện tập những giáo viên cho trung học và cho các trường tiểu học sư phạm. Hai trường ở Tokyo. Trường sư phạm đàn ông sửa đi sửa lại mãi, sau
đặt theo nghị định số 11 năm 1894, chia ra hai ban: một ban văn học có những lớp dạy về giáo dục học, về cổ văn Tàu và Nhật, về tiếng Anh, về lịch sử và địa dư; một ban lý học có hai lớp: một lớp số học và vật lý học, một lớp bác vật học. Trường sư phạm đàn bà, tổ chức năm 1875, 1876, sửa lại năm 1889 và 1890, có ba ban: văn học, lý học và mĩ thuật. Lại có một trường cao đẳng sư phạm đàn ông nữa lập ở Hiroshima năm 1902. Ba trường ấy học khóa đều là ba năm cả. Mỗi trường sư phạm đàn ông có một trường trung học phụ thuộc và trường sư phạm đàn bà có một trường cao đẳng nữ học phụ thuộc, để cho các giáo viên tập luyện và thực hành phép dạy học.
* * *
Bậc học cao hơn nhất thời có các trường Đại học, trường “Ngoại quốc ngữ ngôn học hiệu” ở Tokyo, dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Tàu, tiếng Mông Cổ, tiếng Tây Tạng, tiếng Cao Ly; trường “Âm nhạc học hiệu” (Conservatoire de musique) lập năm 1887, và trường “Mĩ thuật học hiệu” (Ecole des Beaux Arts), đều ở Tokyo.
Nay ta xét về các trường Đại học (Universités). Tự thế kỷ thứ 17, Mạc phủ đã lập một trường đại học ở Edo (Giang Hộ), sau lại đặt nhiều trường khác phụ thuộc vào thêm, chuyên trị về nho học cũ. Tự khi người Mĩ Perry đỗ tàu vào Nhật Bản thời Mạc phủ đã
có ý muốn mở rộng trường Đại học ấy ra mà đặt ở Edo năm 1856 một trường dạy tiếng và dạy các khoa học Thái Tây, năm 1858 một trường dạy thuốc và lại lập ở Nagasaki (Trường Kỳ) năm 1861 một trường dạy thuốc, năm 1863 một trường dạy tiếng.
Bốn năm trước khi Mạc phủ đổ, ở Edo có đặt một tòa gọi tên là “Man thư điều tra sở” (Banshotorishirabejo = sở tra xét về các sách man di, tức là trường học tiếng Âu châu). Sau chánh phủ duy tân đổi tên là “Cải chánh sở” (Kaiseijo), nghĩa là sở nghiên cứu về cách cải lương chánh thể trong nước, dạy tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức. Trường ấy rồi đến năm 1872 người Mĩ sửa đổi lại, đặt tên là “Đệ nhất Đại học hiệu” (Daiichidaigaku). Năm 1873, Hoàng đế làm lễ khánh thành trường “Cải chánh học hiệu” (Kaiseigakkō), thày giáo toàn người ngoại quốc cả, thày giáo các khoa lý học là người Pháp. Đến năm 1876 trường ấy thành trường Đại học Tokyo, đến năm 1887 thì đổi tên là “Đế quốc Đại học” (Teikoku Daigaku = Université impériale); lần lượt năm 1877 sáp nhập trường thuốc, năm 1885 thì sáp nhập hết cả các trường thực nghiệp lớn đã kể ở trước kia.
Trường Đại học Kyoto (Kinh Đô) lập năm 1897, trường Đại học Đông Bắc (tức là Sendai = Tiên Đài) lập năm 1907; gần đây lại mới lập một trường Đại học mới nữa ở Fukuoka (Phúc Cương), ở đấy từ trước đã có một khoa y học thuộc về Kyoto.
Sắc lệnh số thứ 3 năm 1887, điều thứ 2 nói rằng các trường Đại học đều có một “viện nghiên cứu” (école des hautes études) và các “khoa” ( facultés), trong viện nghiên cứu thời cứu xét cho thâm về các học thuật; ở các khoa thời vừa dạy lý học, vừa dạy ứng dụng. Điều thứ 3 nói rằng học trò nào thi đậu tốt nghiệp thời được văn bằng. Điều thứ 4 nói rằng những học trò có chức “sĩ” (licenciés), hoặc có sức học ngang bằng chức ấy, thời được vào viện nghiên cứu, khi thi tốt nghiệp đậu thì được văn bằng.
Các “khoa” ở trường Đại học có: Luật khoa, y khoa, công khoa, văn khoa, lý khoa và nông khoa. Trường Đại học Kyoto không có nông khoa, trường Đại học Sendai thì tổ chức mới được tiềm tiệm xong. Ở Tokyo luật khoa chia ra hai ban (luật học và chánh trị học); y khoa cũng chia ra hai ban (y học và dược học); lý khoa chia ra tám ban (số học, thiên văn học, thuần túy vật lý học (physique pure), ứng dụng vật lý học (physique appliquée), hóa học, động vật học, thực vật học, địa chất học); công khoa chia ra chín ban (công trình (constructions), cơ khí, thủy quân chế tạo, quân dụng khí giới, điện học, kiến trúc, ứng dụng hóa học, đạn dược, khoáng học và luyện kim); nông khoa chia ra bốn ban (nông học, hóa học ứng dụng về nông nghiệp, lâm học, thú y). Văn khoa khi xưa chia làm chín ban (triết học, văn học Nhật Bản, văn học Tàu, lịch sử Nhật Bản, lịch sử thế giới, từ nguyên học (linguistique), văn học Anh, văn học Đức, văn học Pháp); bây giờ chỉ chia ra có ba ban mà thôi (triết học, văn học, lịch sử). Mỗi khoa lại chia ra các “chuyên khoa” (chaires), như luật khoa ở trường Đại học Tokyo có 30 “chuyên khoa”: luật La Mã, luật Anh, luật Pháp, luật Đức, pháp luật triết học (philosophie du droit), thống kế học, tài chánh học, chánh trị học cùng lịch sử về chánh trị, v.v…; y khoa có 18 “chuyên khoa”: hóa học ứng dụng về nghề thuốc (chimie médicale), vệ sinh, bệnh thần kinh (maladies mentales) v.v…; công khoa có 29 “chuyên khoa”, như hóa học ứng dụng về công nghệ (chimie industrielle), học về sức để kháng của các kim loại (chaire derésistance des métaux) v.v…; văn khoa có 21 chuyên khoa, như ngữ ngôn văn học các nước Âu châu, xã hội học, giáo dục học, mĩ học v.v…; lý khoa có 22
“chuyên khoa” như nhân loại học (anthropologie), địa chấn học (sismologie = học về động đất) v.v...; nông khoa có 23 “chuyên khoa” như sinh vật học về các giống súc (biologie des animaux domestiques), thiên thời học và vật lý học ứng dụng về nông nghiệp (meteorology et physique agricoles), địa chất học ứng dụng về nông nghiệp, v.v… Trường Đại học Tokyo có một nhà thư viện, mấy nhà bệnh viện, một tòa sử quán (comité d’historiographes), một thiên văn đài, một sở quan nghiệm về địa chấn học (observatoire sismologique), một vườn thực vật, một sở thực nghiệm về hải để học (laboratoire océanographique = xét học các vật dưới đáy bể). Năm 1908, trường Đại học Tokyo có 275 thực thụ cũng lĩnh khóa giáo viên (professeurs et chargés de cours) người Nhật Bản, 15 người ngoại quốc, và 5.282 học trò, trong số có 193 người được ăn lương; - trường Đại học Tokyo có 166 giáo viên Nhật Bản, 4 giáo viên ngoại quốc và 1.507 học trò, trong số có 67 người được ăn lương; trường Đại học Đông Bắc (Sendai) có 52 giáo viên (1 người ngoại quốc) và 611 học trò (4 người ăn lương).
Mỗi trường Đại học có một hội nghị, mỗi khoa cử một ông trưởng giáo (doyen) và một giáo viên, do các giáo viên khác tiến lên quan Học bộ bổ nhiệm. Hội nghị ấy mỗi khi có việc gì thời họp, quan Giám đốc Đại học (recteur) làm chủ Hội (điều thứ 6 sắc lệnh năm 1887).
Các trường Đại học đã được quyền tự trị về tài chính (autonomie financière) tự khi tuyên bổ luật năm 1907, theo luật đó thời trường Đại học Tokyo phải lập dần lấy một khoản tư bản chừng 30 triệu viên, trường Đại học Kyoto thì chừng 20 triệu viên.
Học trò tốt nghiệp các trường Cao đẳng thì được vào Đại học ngay, không phải thi. Học trò ngoài thời phải thi làm một lượt cả bốn khóa thi của các trường cao đẳng. Vào trường Đại học Tokyo khó lắm, nhưng học trò thích trường ấy hơn các trường đại học khác: người nào thi đậu rồi thường phải đợi đến một năm hay là hơn một năm mới được vào học.
Học khóa ở Đại học Tokyo thời về luật khoa và y khoa là bốn năm và về các khoa khác ba năm. Lý khoa và văn khoa ít người ham học, phần nhiều học trò xin vào luật khoa, y khoa, nông khoa, công khoa. Viện nghiên cứu nói trong sắc lệnh năm 1887 thì không có độc lập: học trò tốt nghiệp các khoa mà muốn xin vào đấy thời chuyên trị về môn nào lại phải theo tập những khoa dạy về môn ấy.
Ở Nhật Bản trường nào cũng có cấp bằng tốt nghiệp. Trong khoảng năm 1905-1906 các trường tiểu học cấp 1.077.221 cái bằng; các trường sư phạm 7.628 cái; các trường trung học con trai 14.454 cái; các trường trung học con gái 7.897 cái; các trường kỹ nghệ 26.819 cái. Ở Nhật Bản không có bậc thi như thi tú tài tây (baccalauréat).
Các trường Đại học cũng cấp bằng tốt nghiệp (năm 1905-1906 trường Tokyo cấp 808 cái, trường Kyoto cấp 139 cái). Học trò nào đã học tốt nghiệp một khoa mà hạch lọt thời được bằng “học sĩ” (ngang bằng chức cử nhân tây); người nào tốt nghiệp rồi theo tập ở viện nghiên cứu ít ra là năm năm và có làm “luận văn” (thèse) trúng cách thì được bằng “bác sĩ” (hakushi hay hakase), tức như tiến sĩ. Bằng bác sĩ về khoa nào thì do các ông bác sĩ trong khoa ấy thương nghị rồi bỏ vé, hễ ưng ban cho ai thì trình quan Học bộ ban cho người ấy, đó là một cái danh dự chứng thư, chớ không phải là chức phẩm gì. Sắc lệnh số 13 năm 1887 cùng nghị định của bộ Học số thứ 4 năm ấy, đặt ra chức bác sĩ, lại đặt cả chức “đại bác sĩ” (dai hakase) nữa, nhưng chức này không ban cho ai bao giờ; có người bàn lấy chức đại bác sĩ thay vào chức bác sĩ để làm một chức danh dự, mà lấy chức bác sĩ đặt ra một hạng giống như hạng tiến sĩ (doctorat) của Âu châu.
Năm 1905-1906, trường Đại học Tokyo có ban 88 cái bằng về viện nghiên cứu, 168 cái bằng về luật khoa, 182 cái bằng về y khoa, 145 cái về công khoa, 82 cái về văn khoa, 18 cái về lý khoa, 125 cái về nông khoa.
VII
Nhật Bản có một hội Hàn lâm gọi là “Bác học viện” lập năm 1879 để tưởng lệ1 những người có giá trị về văn học, khoa học, mĩ thuật. Viện đó đặt theo sắc lệnh số 264 năm 1890, có 40 vĩnh viễn hội viên (members à vie), 15 người Hoàng đế chọn, 25 người các hội viên bàu; ngày nay thời có 60 vĩnh viễn hội viên, đều do các hội viên tiến cử để Hoàng đế chọn.
1 Khen thưởng khích lệ.
Còn các học viện khác thời có “Hội Trắc địa học” (Comité de Géodésie) lập tháng 4 năm 1898, hội “Địa chấn học” (Comité de Sismologie) lập năm 1892, sở “Thiên thời học” (Observatoire météorologique) ở Tokyo lập năm 1875, sửa lại năm 1894.
Năm 1907 thống kế ở Nhật Bản có 127 nhà thư viện vừa công vừa tư mở cho thiên hạ đọc sách, có 1.464.717 quyển sách, trong số có 93.555 quyển bằng tiếng Âu châu. Nhà Đế quốc thư viện (khác với nhà thư viện riêng của Hoàng đế ở trong cung) lập năm 1906, đặt thành nhà riêng, năm 1907 có cả thảy 244.483 quyển sách, sách Tàu và sách Nhật 194.500 quyển, sách tây 49.983 quyển.
Thư viện của trường Đại học Tokyo năm 1905-1906 có 380.892 quyển, sách Tàu và sách Nhật 217.515 quyển, sách tây 163.377 quyển; thư viện trường Đại học Kyoto thời có 147.374 quyển. Những thư viện ấy để riêng cho học sinh và giáo viên.
Ngoài các thư viện còn có những nhà bác vật quán (musées). Lớn nhất là nhà “Thượng Dã Bác vật quán” (Musée d’Ueno), chia ta từng khu về bác vật học, về mĩ thuật, về kỹ nghệ, về lịch sử và khảo cổ học, khu sau ấy vừa nhiều tài liệu và vừa trần thiết1
khéo. Bác vật quán ở Nara (Nãi Lương) và Kyoto (Kinh Đô) thời có nhiều những tranh và đồ trạm cổ về Phật giáo. Ở Tokyo có một nhà Quân sự bác vật quán (Musée militaire). Nhà nước cùng các đoàn thể cũng gia công sưu tập những vật có ích lợi cho các khoa học, như lập nhà “Giáo dục bác vật quán” (Musée pédagogique), nhà “Thương phẩm trần liệt quán” (Musée commercial) lập ở Tokyo năm 1896, có phụ thêm một nhà để giữ các bằng chế tạo (brevets d’invention); lại còn những bác vật quán ở Sapporo (lập năm 1893), Osaka (1900), Kobe (1903), Nagasaki (1896), các nhà ấy là của các thành phố, còn nhiều nhà khác nữa là của những hội riêng.
1 Bày biện sắp đặt.
Số dự toán về việc giáo dục ở Nhật Bản khó lượng cho đúng được, vì phần nhiều kinh phí về việc học là thuộc về các quận huyện, các xã thôn chịu cả.
Như sổ dự toán của bộ Học năm 1908-1909 là 6 triệu 20 vạn viên (yen) về phần chi tiêu thường, và 1 triệu 70 vạn viên về phần chi tiêu đặc biệt.
Số chi xuất về các trường công trong năm 1903-1904 tới ngót 44 triệu rưỡi viên, trong năm 1904-1905 tới 35 triệu, trong số ấy riêng về các trường tiểu học là 24 triệu rưỡi. Số thâu nhập thời trong năm 1903-1904 không được hơn 8 triệu.
Luật thứ 8 năm 1899 trích số 10 triệu viên trong tiền bồi khoản của nước Tàu để làm cái tư bản riêng cho việc giáo dục; tư bản ấy đến năm 1904-1905 đã tăng thêm được một nửa triệu nữa. Tiền gốc không được bao giờ đụng đến, duy có tiền lãi thì để cho các hội học vay mà lập thêm hoặc mở rộng các trường.
Mấy năm gần đây có mấy công ty lớn tư cấp tiền cho các trường Đại học cũng nhiều lắm; năm 1906, công ty Furukawa (Cổ Xuyên) xuất 650.000 viên để lập một công khoa ở trường Đại học Fukuoka (Phúc Cương), 250.000 viên để giúp cho lý khoa ở trường Đại học Sendai (Tiên Đài), 140.000 viên để giúp cho nông khoa ở trường Đại học Sapporo. Ông Yakusawa là chủ mỏ than ở Kyushu (Cửu Chân) cấp 3 triệu viên cho trường Đại học Fukuoka (Phúc Cương).
Lương bổng của các quan giáo chức đại để thấp lắm: như chức giám đốc các trường Đại học mỗi năm được 3.500 đến 4.000 viên; các thực thụ giáo viên thời được tự 800 đến 1.600 viên, các lĩnh khóa giáo viên được tự 300 đến 800 viên (ngoại giả mỗi chuyên khoa (chaire) lại có một khoản phụ cấp tự 400 đến 1.200 viên một năm). Lương bổng của các giáo viên tiểu học lại thấp hơn nữa; thày giáo ước được 15 viên một tháng, cô giáo lớp dưới được 12 viên, lớp trên được tới 14, 20 viên; người nào dạy giỏi có thưởng, nhưng thưởng không bao giờ được hơn 24 viên một năm. Luật năm 1900 đặt tiền cấp dưỡng cho những giáo viên làm việc đã lâu. Các giáo viên về nghỉ hoặc khi chết thời vợ hay con được lĩnh tiền hưu bổng.
Ở Nhật Bản sự giáo dục ở các trường riêng xưa nay vẫn thịnh lắm; về cựu triều thời suốt trong dân gian chỉ có trường tư thục mà thôi; về đầu tân triều các trường tư thục cũng giúp cho chánh phủ trong việc dạy dân nhiều lắm; trong số những trường tư thục ấy có nhiều trường của các nhà dòng Âu Mĩ. Tự khi chánh phủ đã tổ chức việc học tiệm xong, thời cố bãi các trường tư lập làm trường công; về bậc sơ đẳng giáo dục thời bãi đã gần hết. Đến bậc trung học thời các trường tư còn giữ được cả một phần to, vì trong năm 1905-1906 cả thảy có 269 trường trung học con trai mà trường tư được 43 cái, có 99 trường trung học con gái mà trường tư được 12 cái.
Nhưng nhất là về bậc cao đẳng giáo dục, người riêng mới có phần nhiều.
Có hai hội lớn của người riêng lập ra để giúp mở mang việc giáo dục: một hội gọi là “Học hiệu tổng hội” (Société générale des écoles) lập năm 1878, một hội gọi là “Giáo dục hội” (Ligue pour l’éducation) lập năm 1880. Ông Fukuzawa Yukichi năm 1865 lập trường “Khánh Ứng nghĩa thục” (Keiogijuku), dạy học cả ba bậc sơ đẳng, trung đẳng, cao đẳng; năm 1890 lại lập thêm một trường Đại học có bốn khoa: luật học, chánh trị, kinh tế, văn học. Từ khi lập đến giờ, trường “Khánh Ứng” đã ban được hơn 5.000 cái bằng tốt nghiệp và hiện nay có 1.053 học trò.
Trường Đại học Waseda (Tảo Đạo Điền) là của ông Bá tước Okuma (Đại Ôi bá) mở ra năm 1882; mới lấy tên Đại học từ năm 1902. Trường ấy dạy luật học, kinh tế chánh trị học, văn học, thương học, cổ điển Tàu (humanités chinoises). Các giáo viên ở Tảo Đạo Điền có mấy ông này là có tiếng hơn cả: ông Amano Tameyuki (Thiên Dã bác sĩ, sinh năm 1859 [1861]), có soạn một bộ Kinh tế học hay lắm; ông Ukita Kazutami (Phù Điền bác sĩ, sinh năm 1854 [1859]), theo đạo Thiên Chúa, chuyên trị về triết học, lịch sử và giáo dục.
Còn nhiều trường học riêng nữa cũng đặt tên là Đại học, như trường Trung ương Đại học (Université centrale) ở Tokyo dạy luật (lập năm 1885), trường Đại học Hosei cũng dạy luật (1889), trường Đại học Meiji (Minh Trị) dạy luật học và văn học (1881); trường Đại học Nippon (Nhật Bản) cũng dạy về các khoa đó (1890); sau nữa còn hai trường Đại học của hai thiền tôn Tendai (1897) và Jōdo (1887) chuyên trị về Phật học.
Lại còn có một trường Đại học riêng cho đàn bà của ông Naruse Jinzō lập tháng Tư năm 1901, cho đến năm 1906 đã ban được 386 cái bằng tốt nghiệp.
VIII
Coi như trên đó thời biết rằng nước Nhật Bản đã chăm chút về đường giáo dục lắm lắm. Nay ta xét xem cái kết quả được những
gì.
Thuộc về bậc sơ đẳng giáo dục thời cái kết quả thật đã tốt đẹp lắm.
Cứ xét trong số những lính tuyển mấy năm sau này mỗi năm có bao nhiêu người không biết chữ thời cũng đủ biết.
Năm 1906 cái tỉ lệ là 8,3%; đến năm 1908 thì đã rút xuống 5,8%; mà phải biết rằng luật cưỡng bách giáo dục mới bắt đầu thi hành nghiêm từ năm 1900 mà thôi.
Chẳng bao lâu nữa mà suốt trong nước không còn người đàn ông nào là không biết chữ, và gần đây sự nữ học đã mở mang lắm thời cũng không mấy nỗi mà số đàn bà không biết chữ cũng bớt dần đi.
Thương nghiệp mỗi ngày một phát đạt, kỹ nghệ mỗi ngày một mở mang, sách xuất bản bằng chữ Nhật, chữ Tàu, chữ Âu châu mỗi ngày một nhiều lên, khoa học phát minh cũng lắm, mấy bộ luật mới thi hành trong nước sắp đặt thật đã hoàn bị; những sự tiến bộ như vậy kể sao cho xiết, đủ chứng rằng không những bậc tiểu học, mà bậc trung học đại học ở Nhật Bản cũng kết quả được nhiều và tốt đẹp là dường nào; người Nhật Bản có công về đường giáo dục thật đã hoạch lợi được nhiều, có lẽ tự mình cũng không ngờ trong có bấy nhiêu năm mà phát đạt được mau như vậy.
Bởi thế mà nước Nhật Bản gần đây đã nghiễm nhiên thành như một cái trường học lớn cho cả đất Á châu này: người Tàu xưa kia làm thày người Nhật, nay đã đổi ngôi sang làm học trò: năm 1903 có 591 học sinh Tàu ở Nhật Bản, sau trận Nhật Nga năm 1905 tăng lên 8.620, đến năm 1907 tới 12.000. Ấn Độ, Xiêm La, Phi Luật Tân cũng phái học trò sang du học Nhật Bản.
* * *
Ta bàn về sự giáo dục ở nước Nhật Bản, tưởng cũng nên nói qua vài lời về những nhân tài của sự giáo dục ấy đã gây nên, mà từ nay lại giúp cho sự giáo dục ấy ngày một vẻ vang, tốt đẹp thêm lên.
Người Nhật Bản tới nay học thành tài hơn cả là về y khoa cùng các khoa có quan hệ về y học. Vả cổ lai người Nhật Bản vẫn có ý thiên trọng về y học. Nghề thuốc vẫn coi là nghề sang trọng, bậc võ sĩ không được làm nghề gì mà duy nghề thuốc được làm, và người bình dân làm nghề thuốc cũng được trọng gần như bậc võ sĩ. Sau nữa, bọn thày thuốc ở Nhật Bản là bọn theo tân học trước nhất, hồi đầu đã nhiều người bị hi sinh vì muốn theo học mới. Cho nên các nhà y học Nhật ngày nay thật là kế tục cái nghiệp cũ vẻ vang của những bậc tiền bối về thế kỷ thứ 17, 18 vậy.
Nhà bác học Nhật có tiếng lừng lẫy hơn nhất là ông Kitasato Shibasaburō1 (Hạ Tá [?] bác sĩ) sinh ở Kumamoto (Hùng Bản) năm 1856. Ông chuyên trị về vi trùng học (microbiologie). Ông có dạy học ở trường Đại học Tokyo ít lâu, hiện nay làm giám đốc sở thí nghiệm về thuốc tiêm máu (Laboratoire de serum sanguin). Ông vốn là học trò ông bác sĩ Koch2 người Đức, ông theo học ở Berlin từ năm 1885 đến năm 1891. Ông nghiên cứu về hai bệnh diphtérie và tetanus (sài uốn ván), tìm thấy nguyên do bệnh, năm 1889 trước nhất ông tìm cách nuôi sống được con trùng bệnh “uốn ván”, con trùng ấy ông bác sĩ Nicolaier [Arthur Nicolaier] đã hình trạng được ra từ năm 1884; rồi ông chứng rõ rằng bệnh ấy là chỉ do trùng ấy mà ra; năm 1894, ông nghiên
cứu bệnh dịch hạch (peste) ở Hương Cảng (Hong Kong), cùng với ông bác sĩ Aoyama3 (Thanh Sơn) phát minh được con vi trùng bệnh ấy, từ đó gọi là “vi trùng Hạ tá” (bacilli de Kitasato). Bác sĩ Aoyama dạy học ở trường Đại học Tokyo, hồi ấy nhân nghiên cứu về bệnh dịch hạch mà suýt nữa bị mắc bệnh ấy.
1 Âm Hán Việt là Bắc Lý Sài Tam Lang.
2 Heinrich Hermann Robert Koch (1843-1910) người Đức, được trao giải Nobel Y học năm 1905.
3 Tức Aoyama Tanemichi (Thanh Sơn Dận Thông) (1859-1917) là bác sĩ chuyên nội khoa.
Các nhà y học khác có tiếng cũng dạy ở Đại học Tokyo thì có bác sĩ Dohi Keizō [Thổ Phì Khánh Tàng] chuyên trị về bệnh bì phu1. Bác sĩ Hamada Gentatsu [Tân Điền Huyền Đạt] chuyên trị bệnh đàn bà (gynécologie); Bác sĩ Koganei Seiriō [?] chuyên trị về bệnh
thần kinh; Bác sĩ Kōmoto Jūjirō [Hà Bản Trọng Thứ Lang] chuyên trị về nhãn khoa (ophtalmologie); bác sĩ Ogata Masanori [Tự Phương Chính Quy] nghiên cứu về các bệnh trạng, học trò nhà y học Đức Virchow2, v.v...
Ở khoa Lý học trường Đại học Tokyo thì ông Fujisawa Rikitarō [Đằng Trạch Lợi Hỉ Thái Lang] dạy về số học; ông Terao Hisashi [Tự Vĩ Thọ], giám đốc nhà Thiên văn đài Tokyo, dạy về thiên văn học; ông Omori Fusakichi [Đại Lâm Phòng Cát] dạy về địa chấn học; ông Watase Shōzaburō [Độ Lại Trang Tam Lang] dạy về động vật học; ông Tsuboi Shōgorō [Bình Tỉnh Chính Ngũ Lang] dạy về nhân loại học. Ông Hiroi Isamu [Quảng Tỉnh Dũng] dạy về công khoa.
Về triết học thì có ông Inoue Tetsujirō [Tỉnh Thượng Triết Thứ Lang] có soạn một bộ Phật tổ truyện ký3 (Vie de Bouddha); ông Motora Yūjirō [Nguyên Lương Dũng Thứ Lang], lấy sinh lý học làm gốc cho tâm lý học, v.v...
1 Bệnh về da.
2 Rudolf Virchow (1821-1902) được xem là cha đẻ của bệnh lý hiện đại.
3 Nguyên là Thích Ca Mâu Ni truyện 釈迦牟尼伝, Bunmeido xuất bản, tháng 11 năm 1902.
Ông Takakusu Junjirō [Cao Nam Thuận Thứ Lang] và ông Nanjō Fumio [Nanjō Bunyuu - Nam Điều Văn Hùng] thì chuyên trị về tiếng “Phạn ngữ” (sanscrit) và nghiên cứu các kinh Phật cùng các sách Ấn Độ.
Về luật khoa thời có ông Hozumi Yatsuka [Huệ Tích Bát Thúc], dạy về luật hành chánh (droil administratif); ông Ichiki Kitokurō [Nhất Mộc Hỉ Đức Lang] chuyên trị về hiến pháp; ông Takahashi Sakue [Cao Kiều Tác Vệ] có soạn nhiều sách về luật quốc tế (droit international). Ông Tomizu Hirondo [Hộ Thủy Khoan Nhân] là một tay lãnh tụ trong đảng quốc gia (parti nationaliste), hồi Nhật Nga chiến tranh phản đối không chịu nhận hòa ước Portsmouth.
Lại có bốn anh em họ Mitsukuri cùng dạy học ở Đại học Tokyo: Ông Kikuchi Dairoku [Cúc Trì Đại Lệ] dạy số học; ông Mitsukuri Kakichi [Cơ Tác Giai Cát] dạy về triết học các khoa bác vật (philosophie des sciences naturelles); ông Mitsukuri Rinshō [Cơ Tác Lân Tường] dạy luật học; ông Mitsukuri Gempachi [Cơ Tác Nguyên Bát] dạy lịch sử học.
Chức giám đốc trường Đại học Tokyo thì có ông Katō Hiroyuki [Gia Đằng Hoằng Chi] (năm 1900 được phong nam tước), phản đối đảng dân chủ và theo lý thuyết của luật học Thụy Sỹ Bluntschli1; ông Hamao Arata [Tân Vĩ Tân], làm tự năm 1893 đến năm 1897, rồi lại tái nhiệm năm 1905; ông Yamakawa Kenjirō [Sơn Xuyên Kiện Thứ Lang], năm 1905 nhân việc nhiễu động về hòa ước Portsmouth xin từ chức, ông trưởng giáo Nông khoa Matsui Naokichi [Tùng Tỉnh Trực Cát] thay, được ít lâu cũng lại từ chức nốt, đến ông Hamao thay. Giám đốc trường Đại học Kyoto là ông Kinoshita Hiroji [Mộc Hạ Quảng Thứ].
1 Johann Caspar Bluntschli (1808-1881), chính trị gia, nghiên cứu luật học người Thụy Sỹ.
Nhờ có những bậc thông thái danh vọng như vậy chủ trương cho việc học trong nước, nên nước Nhật Bản ngày nay càng ngày lại càng thêm nhiều những tay bác học có tài; về khoa nào môn nào người Nhật Bản cũng đã từng làm nên sự nghiệp đích đáng, và thí nghiệm hoặc phát minh được nhiều sự mới lạ, như ông Takahashi làm cho thóc mọc mầm được ở một nơi không có dưỡng khí.
* * *
Trường Mĩ thuật thời theo cái triết trung chủ nghĩa (éclectisme), và vừa dạy các nghệ thuật cũ của Nhật Bản, vừa dạy các nghệ thuật mới của Âu châu.
Trong các nhà mĩ thuật có tiếng về lối cổ truyền thời có ông Araki Kanpo [Hoang Mộc Khoan Mẫu] thuộc về phái Shijô [?]; Ông Hashimot Gahō [Kiều Bản Nhã Bang] năm 1899 bỏ trường Ueno của chánh phủ để lập riêng trường Yanaka; ông Kawabata Gyokushō [Xuyên Đoan Ngọc Chương], vẽ theo lối Nam Tôn
(école méridionale) của cổ họa Tàu (tức là lối vẽ thủy mặc của ông Vương Ma Cật). Trong những nhà mĩ thuật theo lối mới thì có ông Asai Chū [Tiên Tỉnh Trung] dạy ở trường mĩ thuật Tokyo, chuyên vẽ phong cảnh (paysagiste).
Trong các tay chạm và đúc kim loại (sculpteurs et fondeurs en métal) thời có ông Takamura Kō’un [Cao Thôn Quang Vân], là người đã đúc tượng ông Saigō [Tây Hương Long Thịnh], có tiếng nhất về những đồ chạm bằng gỗ và bằng ngà, muốn dung hóa kiểu Tây với kiểu Nhật; ông Motoyama [Motoyama Hakuun - Bản Sơn Bạch Vân] bỏ dạy học để đúc hình những bậc vĩ nhân đời Minh Trị; ông Okazaki Sessei [Cương Kỳ Tuyết Thanh] thời theo lối đúc Nhật Bản; ông Naganuma Shukei [Naganuma Moriyoshi? - Trường Thiều Thủ Kính] thời dạy lối đúc đồng mới Âu châu; ông Namikawa Sōsuke [Đào Xuyên Tổng Trợ] là tay làm đồ đồng tráng men (cloisonné) có tiếng, hiện tòng sự trong cung vua, cùng với ông Suzuki Chōkichi [Linh Mộc Trường Cát] cũng là tay đúc đồng có tiếng, đã đúc ra cái đỉnh có hình con công hiện bày ở nhà Bác vật quán nước Anh ở Luân Đôn (British Museum).
Ở Nhật Bản cũng như ở các nước khác, có nhiều người phản đối phép mĩ thuật dạy ở các trường nhà nước. Trong bọn những nhà mĩ thuật độc lập ấy thời thuộc về lối cổ có ông Ogata Gekkō [Vĩ Hình Nguyệt Canh] có tài về lối vẽ ukiyoe (phù thế họa) và ông Mizuno Toshikata [Thủy Dã Niên Phương] muốn dung hòa lối ukiyoe (phù thế họa) với lối yosai; về lối kim thời có ông Ōhashi Suiseki có mấy bức vẽ hổ được thưởng mề đay vàng ở Hội đấu xảo Paris và Saint Louis; và ông Kuroda Kiyoteru [Hắc Điền Thanh Huy] có học qua ở Paris và thường vẽ những tranh đàn bà không áo xiêm, người Nhật Bản lấy làm phạm phong hóa.
IX
Phần trí dục trong sự giáo dục của nhà nước thời kết quả đã được tốt đẹp như vậy; nay xét đến kết quả về phần đức dục thời
khi khó phán đoán hơn. Vả lại phần đức dục ở nhà trường ấy chẳng qua cũng là một cái “nguyên tố” làm ra phong hóa trong xã hội mà thôi; kể ra còn nhiều “nguyên tố” khác nữa không thuộc về phạm vi giáo dục của nhà nước, như sự cảm hóa của gia đình, của xã hội, như các báo chí, các sách vở, như tình thế về nội chính ngoại giao, bấy nhiêu cái còn có quan hệ đến phong hóa nhiều.
Vậy nay ta xét về sự đức dục là xét trong phạm vi giáo dục của nhà nước chủ trương, chớ không phải là phán đoán cả về phong hóa nước Nhật Bản. Muốn xét cho tường ta nên phân biệt bậc tiểu học riêng ra với hai bậc trung học và cao đẳng.
Sự giáo dục ở trường tiểu học là cưỡng bách, trẻ con nào cũng phải theo, theo không mất tiền, và về đường tôn giáo thì giữ trung lập không thiên về đạo nào, thế mà cũng có người phản đối không ưng, cũng lấy những lý như bọn phản đối bên Âu châu mà bác. Song vua là chúa tể trong nước, là cha mẹ thần dân, tất có cái quyền được dạy dỗ cho dân, như vậy thời ở nhà trường tuy không dạy riêng đạo gì mà dạy cái đạo làm dân phải thờ vua yêu nước, phải lấy chữ hiếu làm cái bổn phận thứ nhất ở đời, tưởng sự giáo dục ấy chắc không ai bẻ được vậy. Nhưng tuy không dám bẻ điều ấy mà bác rằng vì sự đức dục đem cả ra chốn học đường, mà trong gia đình luân lý có hư hỏng.
Ông Kurimoto Joun [Lật Bản Sừ Tuyết] là một nhà văn sĩ có tiếng ở Nhật Bản vào đầu đời Minh Trị, đã sáng lập ra báo Hōchi Shimbun [Báo Tri tân văn], có một bài luận đã lâu nói rằng:
“Trong nước ngày nay học đường lâm lập1; kẻ sang người hèn ai nấy đều biết đọc biết viết. Nhưng cha mẹ bây giờ trừ thuở bú mớm, ngoài ra không nhìn đến con cái nữa. Cha mẹ không phải dạy con, vì nhà nước đã dạy thay cho rồi!... Cha mẹ không nhìn đến con thời con thành ra lười biếng lêu lổng… Thành ra rút lại ngày nay không bằng đời Mạc phủ… Chánh phủ có trách nhiệm phải trông nom việc giáo dục cũng như việc hình phạt, cái đó đã
cố nhiên rồi… Nhưng cha mẹ mặc cả cho chánh phủ, không chăm dạy dỗ cho con thời thà cho con vào nhà bần phạp cứu tế (asile des pauvres) còn hơn…”
1 Lâm lập: mọc lên nhiều như rừng.
Lời bài bác ấy chắc cũng có một phần thật, nhưng mà luân lý trong gia đình hư hỏng, có phải hẳn lỗi tại lập nhiều trường không? Thiết tưởng là tại thời thế ngày nay như thế; tại con trẻ bây giờ phải tự lực tìm kiếm nghệ nghiệp mà lập thân, không thể nhà nào cứ giữ nghiệp nấy như xưa được; tại ngày nay ai cũng tin ở lẽ tiến hóa, không nhất nhất theo thói cũ được, vả như ở nước Nhật Bản thời xã hội biến cách nhiều quá, cha mẹ bây giờ như bỡ ngỡ không biết phương hướng nào mà chỉ bảo cho con theo, thành ra phải đành để cho bọn thanh niên tìm lấy đường lối mà theo thời tùy thế lập thân lấy cho thích hợp.
Bởi vậy nên tuy có người bác như thế, ta cũng có thể bình tình mà phán đoán rằng sự quốc dân giáo dục ở nước Nhật Bản thật là có ích lợi cho dân được nhiều lắm; nhờ có giáo dục mà dân bỏ được những hủ tục từ đời phong kiến, bỏ được cái lòng tây riêng nó cách biệt người phiên nọ quận kia, bỏ được những thói mê tín từ đời thượng cổ; nhờ có giáo dục mà người Nhật mới nên có tư cách người đời nay; nhờ có giáo dục mà dẹp yên được những mối nội loạn, thống nhất được nhân tâm trong nước, lấy thờ vua thờ nước làm tinh thần, làm chủ nghĩa. Nước Nhật sở dĩ đánh được nước Tàu năm 1894, đánh được nước Nga năm 1904, phần nhiều là công của thày giáo trường sơ đẳng vậy.
Lòng tôn quân ái quốc ấy, học sinh Trung học Đại học lại càng nhiệt thành lắm, nhưng nhiệt thành quá gây nên một cái “quốc gia chủ nghĩa” kiêu căng mà lại có ý bài ngoại, coi như những việc bạo động năm 1905 thì đủ biết.
Nhưng đó mới là một cái hại nhỏ của sự cao đẳng giáo dục. Còn có một cái hại nữa, những người kiến thức trong nước nhận thấy đã lâu lắm rồi. Như ông Masujima đã từng nói:
“Nước Nhật ta rồi sẽ có một đảng xã hội (parti socialiste) họp những bọn thanh niên hay mơ tưởng mà không có kinh lịch, học rộng thật nhưng mà hình như học nhiều quá, đem ra ứng dụng ở đời không được, vừa hại mình vừa hại nước.”
Tình trạng ấy, đến tòa nội các Saionji [Saionji Kinmochi - Tây Viên Tự Công Vọng] có tiếng là rất khoan dung mà cũng phải lấy làm sợ. Ngày 9 tháng Sáu năm 1906, quan bộ Học là ông Makino Nobuaki (Mục Dã Thân Hiển) đã phải ban tờ châu tri cho các giáo chức như sau này:
“Bổn phận của kẻ học trò là phải cho bền chí, lấy một cái mục đích nhất định mà ra sức cần cù kỳ cho đạt tới mà thành nên sự kết quả xứng đáng, lẽ đó tưởng ai cũng đã hiểu rõ vậy… Thế mà nhận thấy trong bọn học sinh con trai con gái thường thường như có cái ý chán nản ngã lòng, hoặc hoang toàng phóng túng. Nhiều người hoặc là chơi bời xa xỉ, hoặc là tư tưởng viển vông, có khi phóng đãng hình hài, phản bội luân lý, đến táng thất cả bụng liêm sỉ… Những thói xấu ấy nên trừng trị cho nghiêm, kẻo sinh hại lớn. Ngày nay có nhiều cái triệu chứng rằng trong xã hội không trọng thành thực, và bọn thanh niên con trai con gái không giữ được theo đường chính. Lỗi ấy cũng tại những sách vở cùng tranh vẽ xuất bản gần đây, đem những cái lý tưởng quá kích, cùng những lời chênh lệch, giọng thở than mà nhiễm vào tai mắt bọn thiếu niên, mới thành ra hại luân thường như vậy. Nay phải nên tìm cách mà cấm tiệt những sách vở cùng tranh vẽ ấy không được lưu hành trong các học đường, cũng không được lưu hành cả ngoài dân gian nữa. Lại có những kẻ đem cái xã hội chủ nghĩa mà truyền bá cho thày giáo cùng học trò để xui giục họ làm xằng. Không gì hại bằng để cho những cái tà thuyết ấy lưu truyền ra, phá hoại mất cả lòng ái quốc tôn quân, điên đảo mất cả trật tự trong xã hội, mà nhiễm vào những nơi học giới để
phá đổ cái nền quốc dân giáo dục trong nước ta… Các giáo chức nên bàn với cha mẹ học trò mà lập kế trừ cho tiệt những cái mầm ác ấy trong óc non nớt bọn thanh niên, để đoàn luyện cho trí não được kiện toàn; có thế thời sự giáo dục mới nên kết quả hay được.”
Song vì thường nhận1 trong bọn học sinh các trường hay có những tật xấu như thế mà đổ lỗi tại cho giáo dục của nhà nước thì thật là không phải lắm. Xã hội nào đến một trình độ nào cũng có cái hay cái dở, cái lợi cái hại: ham tiền, ham chơi, hiếu thắng, không biết tôn trọng những lề lối cũ, thường đến phép luân lý thường cũng không cho vào đâu, đó là cái kết quả xấu của trình độ xã hội ngày nay, nhưng xã hội ngày nay còn có nhiều cái kết quả khác tốt hơn để bù lại vậy.
1 Thường nhận: nhận thức thông thường.
Nay còn một khoản sau này nữa ta nên nghiên cứu, là sự vệ sinh của học trò.
Đại để thời sức khỏe của học trò tiểu học thường là tốt hơn cả. Nhưng mà học trò cao đẳng thời không được thế.
Học trò cao đẳng ở Nhật Bản học nhiều và học khó nhọc lắm. Năm 1905-1906 người ta đã tính trong số 6.443 người học sinh tốt nghiệp ở Đại học Tokyo ra, trước sau đã chết mất 427 người, nghĩa là có trong 26 năm mà cái tỉ lệ số chết là 7,55%.
Cái tình cảnh khốn nạn ấy còn có nhiều nguyên nhân khác nữa.
Thứ nhất là những học sinh thường nhà nghèo lắm, nhất là bọn học sinh thuộc về hạng võ sĩ cũ. Bọn võ sĩ từ ngày duy tân đến giờ bị sa sút, nay cố sức khởi lại nghiệp cũ. Năm 1902 học trò
g ị y ạ g ệp ọ con nhà bình dân có 1.047 người được vào các trường cao đẳng, mà hạng võ sĩ có đến 543 người, đến lúc thi vào Đại học Tokyo thì bình dân được 228 người mà võ sĩ được 219 người. Có thể nói mỗi một con nhà võ sĩ học đến bậc đó là đã từng phải chịu khốn khó không biết bao nhiêu, không những người đi học phải khắc khổ để lệ1, mà cả nhà cả họ, cha mẹ anh em chị em phải làm lụng khổ sở, dành dụm chắt bóp, khó nhọc ngày đêm để kiếm nuôi cho người đi học ra công mà nối lấy nghiệp nhà.
1 Để lệ: đến rơi nước mắt.
Lại học phí cũng mỗi năm một tăng lên. Chắc là sánh với bên Tây thời cũng chưa lấy gì làm cao lắm, vì người ta đã tính ra một người học trò đi học từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học cho tới được bằng học sĩ, cả thảy tiêu phí mất ước chừng ba nghìn viên mà thôi; nhưng phải biết rằng nước Nhật Bản không được giàu có như các nước Âu châu, món tiền ấy kể cũng đã là to lắm rồi. Vả lại học sinh thường thường không phải là những con nhà giàu có lắm.
Cứ coi mấy số liệt sau này thời biết sự kinh phí trung bình của một người học sinh Nhật Bản là bao nhiêu.
Trường “Khánh Ứng nghĩa thục” (Keiōgijuku) là một trường đại học riêng, trình độ học cũng như các trường đại học nhà nước. Tiền học phí của mỗi người học sinh trong một năm, 11 tháng kể ra các khoản như sau này:
Tiền học 36 viên
Tiền ngủ 38,50 viên
Tiền vặt trong lớp học 3 viên
Tiền học thể thao 3 viên
Tiền cơm 66 viên
Tiền sách 60 viên
Tổng 206,50 viên
Xưa nay người Nhật Bản vẫn lấy sự học làm cái của báu đệ nhất ở đời, cho nên người dân có cái tục hay giúp đỡ những kẻ hàn sĩ phải tự lực kiếm ăn mà đi học. Dẫu nhà không giàu có lắm mà thường thường trong nhà bao giờ cũng cho trọ một vài người học trò, nuôi cho ăn, sắm cho mặc, giúp đỡ cho sự cần dùng để có thể chuyên học được; trong nhà có việc văn tự hay là công việc gì thì người học trò làm giúp lại.
Trong nước lại có nhiều hội (ước được hơn một trăm) đặt ra để giúp cho học trò nghèo. Những hội đó phần nhiều là của các nhà “đại danh” (daimyo) cũ lập ra để giúp cho con cháu những hạng võ sĩ của nhà mình khi xưa có đường học hành mà tiến đạt. Mấy hội to nhất là hội của ông công tước Mōri Motoakira [Mao Lợi Nguyên Chiêu] đất Chōshū [Trường Châu], có tiền tư bản hơn 700.000 viên, và hội của hai ông công tước Shimazu đất Satsuma. Những hội đó cho học sinh vay mỗi tháng tự 5 viên đến 10 viên, khi học đã thành, có chức nghiệp rồi, sẽ trả dần lại cho hội. Ông tử tước Hotta có đặt một trường trung học ở phiên cũ của mình là đất Sakura, cấp cho trường ấy một cái vốn 100.000 viên. Thế là nước Nhật Bản bây giờ cũng còn sót được mấy thói cũ đời phong kiến vậy.
Học sinh học hành khó nhọc lại còn có một cớ nữa: là sự ganh đua nhau; học trò trường tiểu học thì cố ganh cho lên trung học, học trò trung học thì cố ganh lên cho được đại học, vì chỗ học ít mà học trò nhiều. Năm 1902, 46.570 học trò xin vào trung học mà chỉ có 26.622 người được vào mà thôi; như vậy mà lên đến bậc cao đẳng và đại học còn khó khăn đến thế nào!
Thành ra từ thuở nhỏ đi học, người Nhật Bản đã phải cạnh tranh rồi. Lại thêm học sinh tốt nghiệp ở đại học ra chắc là được bổ dụng ngay, nên cạnh tranh cho lên được bậc ấy lại càng kịch liệt lắm. Năm 1902, trong 1.700 quan tài phán chỉ có 800 người là có tốt nghiệp đại học mà thôi, trong 3.200 quan lại cao chức chỉ có 400 người, trong 43.000 giáo viên trung học chỉ có 300 người, trong 30.000 người làm thuốc chỉ có 600 người là có bằng đại học mà thôi.
Lại thêm chánh phủ thiếu thày giáo: một nước có trong khoảng mấy mươi năm biến cải nhiều như vậy, làm thế nào mà gây dựng kịp được những người đủ tài đủ học để ban bố cái học thuật cho bọn thanh niên. Bởi đó mà kẻ học sinh mới khó đường học hành, phải khắc khổ để lệ lắm, nên thành ra hao tổn khí lực.
Lại còn cớ học Hán tự nữa: mỗi người học sinh lên đến cao đẳng phải thuộc tới 4, 5 vạn chữ, tất phải học đến 8, 10 năm mới được. Mà học chữ hán mất bấy nhiêu công phu, rồi đến sau vào chuyên khoa có dùng gì đến mấy đâu, lại phải học thêm hai ba thứ tiếng Âu châu nữa mới đủ sức mà theo; như tập kỷ yếu của nhà thiên văn đài Tokyo thời chép bằng chữ Pháp; tập kỷ yếu của y khoa trường đại học thì chép bằng chữ Đức (Mittheilungen aus der medizinischen Fakultät); lý khoa và nông khoa thời lại chép kỷ yếu bằng tiếng Anh (Journal of the College of Science, - Bulletin of the College of Agriculture).
Lâu nay đã có người bàn bỏ Hán tự và giả tự (Kana) (hai thứ họp nhau làm thành ra lối văn riêng của Nhật Bản, cũng như lối chữ Nôm của An Nam ta xưa), để thay bằng vần và chữ La Mã: đã có
một Hội đặt ra để xướng suất việc đó, gọi là “La Mã tự hội” (Roma Jikai). Nhưng mà những tiếng nguyên âm Nhật Bản thời dịch ra chữ La Mã mới được, chớ đến những chữ của Nhật Bản mượn ở Hán tự thời khó lắm, vì nhiều chữ trùng âm. Năm 1908, hội có lập một cái tạp chí in toàn bằng chữ La Mã, và xướng lên chỉ dùng hòa âm mà thôi. Song dùng một hòa âm không sao đủ được; tiếng Nhật Bản cũng như tiếng An Nam ta muốn bỏ chữ
Nho mà chỉ dùng quốc âm, thật là vô lý quá và cũng không thể sao được. Nay muốn viết bằng chữ La Mã (tức như chữ quốc ngữ của An Nam ta) thời phải chọn những tiếng nào trùng âm bỏ bớt đi và định nghĩa mỗi chữ cho phân minh để khỏi lầm lẫn; như vậy thời cũng có thể làm được.
Vậy thời chắc rằng cũng có ngày chữ Nhật Bản sửa đổi lại được cho tiện dùng, và các điều khó khăn khác ngăn trở việc giáo dục trong nước rồi cũng hết dần đi: nước mỗi ngày một giàu có, xã hội mỗi ngày một vững bền, người Nhật Bản mỗi ngày một thông tỏ các khoa học lý tưởng Thái Tây, sự giáo dục trong nước cũng mỗi ngày một thích hợp với thời thế nhân tình; nước Nhật nhờ đó mà mỗi ngày lại một cường thịnh hơn lên. Ước gì cái công giáo dục của nước Nhật Bản kể trên kia đủ làm gương cho quốc dân An Nam ta: đó là cái hy vọng tối cao của người biên tập bài này.
Hạn mạn du ký
汗漫遊記
(Lời ký của một người đi chơi phiếm)1
Nguyễn Bá Trác
Tạp chí Nam Phong, số 38 (tháng Tám, 1920), tr. 141-144; số 39 (tháng Chín, 1920), tr. 219-232;
số 40 (tháng Mười, 1920), tr. 303-310.
[…]
IV
Tự Hương Cảng sang Nhật Bản
S
ự nghiệp học vấn của người ta quý ở lập chí, mà cũng nhờ ở gặp thời. Vô luận những kẻ thiếu niên lười biếng, có cha mẹ nuôi, có thày bạn dạy, mà không chịu tân cần2
học tập cho thành công, còn những kẻ gia tư bần bạc, cảnh ngộ biến thường, chỉ những chạy ngược chạy xuôi, phụ chí luống công cũng đáng thương đáng tiếc lắm. Tôi từ nhỏ học chữ Hán, 20 tuổi đã thi đỗ. Cũng biết nghề khoa cử, không thích dụng ở thời này; quyết chí cải học chữ Pháp, rủ mấy người đồng chí lập một cái nhà trường tân học gọi là “Duyên Phong học đường”, đón thày dạy chữ Pháp là có ý nhân thời cơ ấy mà mình cũng được thiệp liệp một đôi chút. Sau vì việc nhà triền nhiễu3 không chuyên tâm mà học được; mới theo bạn ra Bắc Thành; cái chủ đích của chúng tôi đi Bắc Thành khi ấy là muốn tìm nơi Pháp
học đã đông người mà theo đòi năm, sáu năm họa may có bước chân vào đường tân học được chăng. Ai ngờ việc du học Bắc Thành lại thêu dệt nên mối hiềm nghi xua đuổi cho tôi ra con người ly hương khứ lý từ đó.
1 Bài này của Nguyễn Bá Trác, chúng tôi chỉ trích những phần ghi chép có liên quan đến Nhật Bản.
2 Chăm chỉ, chịu đựng cực nhọc để làm gì đó.
33Quấy rầy.
Lúc đến Hương Cảng, trong nang thác1 tôi chỉ còn 120 đồng bạc. Vì lòng mộ học nóng quá, không kịp tính gần tính xa, quyết nhiên vào học. Học phí mỗi tháng có 22 đồng, tôi vừa học được mấy tháng thì sự học của tôi cũng theo tiền lưng tôi mà tốt nghiệp.
1 Nang thác: túi đựng.
Nghĩ mình thực là vô duyên với Âu học; khi ra khỏi nhà học, trong lưng chỉ còn 3 chục đồng bạc. Lấy 3 chục đồng bạc này bảo lĩnh làm sao cho cái sinh hoạt mình nơi đất khách? Thôi, đã là cái thân khứ quốc, thì đi đâu mà không phải tha hương. Chi bằng cứ phóng ý ngao du cho đến chỗ sơn cùng thủy tận; dù có trải lưu ly khốn khổ thế nào, cũng là cái thiên nhiên học hiệu của mình đó.
Nghĩ đến đó, tôi liền đi mua vé tàu và sắm sửa đồ hành lý mà đi Thượng Hải. Lúc xuống tàu, trong lưng chỉ còn có 5 hào bạc.
Tàu chạy tự Cảng lên Thượng Hải chỉ năm, sáu ngày, người ta ai cũng mong cho chóng đến nơi, mà tôi mong cho càng lâu, vì tàu đến bến lúc nào là lúc khốn cùng của tôi từ đó.
Tàu chạy đến ngày thứ hai, tôi đang ngồi trên sàn tàu mà hóng mát, đang xem quyển tiểu thuyết (Hoang đảo cô đông) chợt thấy một người Trung Hoa lững thững đến nơi mượn tôi quyển tiểu thuyết mà đọc. Bản tiểu thuyết này nguyên là của tay một người văn sĩ Trung Hoa dịch chữ Anh ra chữ Hán, tả cái tinh thần mạo hiểm của một người Anh lưu ly hải ngoại trong 20 năm. Hay đâu nhân quyển tiểu thuyết này mà giới thiệu cho tôi quen với một người Hoa hữu; lại nhờ quyển tiểu thuyết này mà dắt díu cho tôi được lịch du một nước bên Á Đông. Cho nên tôi lấy làm quý làm chuộng quyển tiểu thuyết này cũng không phải là quá đáng. Tiếc thay! Ba năm về sau, lúc thuyền gặp hiểm sông Ly Giang, thì quyển tiểu tuyết quý báu của tôi đã theo vua thủy về Đông Hải.
Tối hôm ấy, người khách đến trả quyển tiểu thuyết và nói một thôi rất dài, hình như nghị luận gì trong tiểu thuyết mà tôi cứ miệng câm tai điếc không đáp lại một lời. Vì mới bước chân ra ngoài chửa hiểu tiếng Trung Quốc. Trong khi ngôn ngữ bất
thông, tôi vừa tức vừa thẹn; mà khách cứ thản nhiên, không lấy làm lạ. Vì bờ cõi Trung Quốc rộng quá, mỗi tỉnh nói một thứ tiếng; người trong một nước thường không hiểu được nhau. Người kia liền dắt tôi vào trong phòng, lấy bút giấy mà thủ đàm1. Từ bấy giờ hai người mới sinh thú hứng. Người kia biết tôi đi Thượng Hải, nhân bảo tôi rằng: “Các anh ra ngoài cầu học cho rộng kiến thức, thì ở bên các nước Á Đông này còn đi đâu hơn Nhật Bản. Tôi đây cũng là một người đông độ2. Nếu tư phủ3 anh không đủ để tôi giúp cho.” Nói rồi liền đưa tôi đến người chủ tàu mà đổi vé cho đi Nhật. Nhân cái tàu ấy là tàu Anh, ghé vào Thượng Hải xếp hàng rồi đi luôn sang Hoành Tân4. Nghĩ cái hành chỉ người ta biết đâu mà định trước. Hào thay! Cho ta lúc bấy giờ trong lưng chỉ có 5 hào, mà cũng nghiễm nhiên làm khách lịch du một tháng trời trong Tam Đảo5.
ị ộ g g
1 Thủ đàm là nói truyện bằng tay. [Nguyên chú]
2 Đông độ là đi về hướng đông, người Tàu thường thường gọi đi Nhật Bản là đông độ. [Nguyên chú]
3 Tiền của tiêu dùng hàng ngày, giống như cách nói “củi nước” vậy. 4 Hoành Tân là phiên âm Hán Việt của Yokohama.
5 Tam Đảo là tên riêng nước Nhật Bản vì nước ấy có ba hòn đảo. [Nguyên chú]
Tàu từ Hương Cảng đến Hoành Tân phải 12 ngày, hai ngày tàu đậu ở Thượng Hải, khi tàu đến Nhật Bản tôi theo người bạn lên trọ tại nhà lữ quán. Mọi sự tổn phí có bạn tôi chiếu liệu1. Tôi cũng nhân lúc rỗi mà học nói tiếng Trung Hoa. Người bạn tôi là người Hồ Bắc, cho nên tiếng Tàu tôi tập nói tiếng Hồ Bắc trước.
Tôi đi Nhật Bản là vì có người bạn hào hiệp ấy định giúp phí cho mà lưu học. Phàm làm trai có huyết tính chẳng lấy sự nương nhờ người làm khó chịu, song cùng đồ lạc phách như tôi, tất phải nhờ người giúp sức mới tu tiến được; miễn cho sau này thành lập, ấy là chỗ báo đáp đối với tri kỷ vậy. Cái cảm tình cùng ý khí của chúng tôi như thế, ai ngờ cảnh ngộ bên ngoài nó lại run rủi cho ra thế khác. Ôi! Có luân lạc mới nếm mùi thế sự. Khi tôi đã gặp người Hoa hữu ấy không còn muốn có hai người biết mình là người An Nam. Nhân đổi tên họ là Cao, nhận tịch là người Quảng Đông.
Lúc chúng tôi đến Nhật Bản vừa có việc người Triều Tiên là An Trọng công [An Trọng Căn - An Jung-geun] ám sát Y Đằng hầu [Y Đằng Bác Văn - Itō Hirobumi] mới vài tuần trước. Phàm người Triều Tiên đi lại Nhật Bản bị tra xét rất ngặt. Số nhiều người Triều Tiên là họ Cao, cũng như An Nam có họ Nguyễn. Nhân thế
trinh thám theo tôi càng ngặt, đến nỗi đi lại mất cả tự do; mà người Hoa hữu là người bảo hộ tôi cũng bị nhà trọ khu trục2. Một hôm có người trinh thám hỏi lai lịch tôi, bạn tôi nói tôi là người Quảng Đông. Người trinh thám lấy ngay tiếng Quảng Đông mà hỏi tôi. Tôi còn ngớ ngẩn chưa hiểu là nói gì, người bạn tôi biện bác ngay rằng: “Người này quán ở Quảng Đông, mà sinh trưởng ở Siam.” Người trinh thám cho là độn từ3 không tin. Mà người bạn tôi cũng không thể biện bạch sao cho được. Tôi không muốn vì mình mà để lụy đến bạn, đêm hôm ấy viết cái thư để lại rồi lẻn ra mà đi.
1 Lo lắng giúp đỡ.
2 Lùa đuổi đi.
3 Dùng lời lẽ giảo biện để nhằm che giấu sự thật.
Hôm sau, tôi cứ đi vơ vẩn trong các công viên, thấy mấy người trinh thám theo sau mãi. Thực lấy làm gai góc lắm, song biết tránh cũng không được, lại cứ lân la làm quen. Nghề trinh thám Nhật Bản rất là linh hoạt. Tôi thường xem truyện trinh thám, dù chưa trông thấy những cách cải trang mạo hiểm, nay ở Nhật Bản thấy cách thay người đổi lốt coi cũng là thường. Tôi đi với họ, cứ 15 phút đã thấy đổi một người. Trong một ngày, tôi nhận mặt được đến 20 người.
Bấy giờ đang đầu mùa xuân, còn mưa tuyết phơi phới, cái áo dạ mặc ngoài tuyết bám nặng như người lính đeo túi đạn. Gió lạnh buốt tận xương, đi cả ngày, vừa đói vừa lạnh, đứng đâu chân tay run cầm cập, lại là một cái hình tích để cho người nghi. Trời gần tối, tôi gọi một người trinh thám vào ngồi trên cái ghế vườn hoa mà bút đàm1. Người kia bảo tôi rằng: “Hẳn anh là người Triều Tiên. Chính phủ đang dò la các anh riết lắm. Thấy các anh gặp
việc bất bình, tôi cũng muốn giúp đỡ một đôi chút. Anh muốn tránh cho khỏi tai mắt bọn trinh thám, tối hôm nay anh đến ngủ với tôi; tôi sẽ mưu cho một kế thoát họa.” - Tôi nói:
1 Dùng bút để nói chuyện với nhau.
“Các anh lầm. Tôi không phải là người Triều Tiên, chỉ là một người phiêu lưu trong thế giới, mà bây giờ chưa muốn đem quốc tịch kể với các anh, chỉ xin các anh biết rằng: Tôi không phải là người có tội với quý chính phủ.” Tôi viết đến đấy, trông lên, thấy người kia khác nét mặt. Nghĩ ngợi rồi lại bảo tôi rằng: “Nghe nói bên hồ Động Đình có lắm người khảng khái, hẳn anh cũng là nhân vật như thế, có phải thế, ngày mai tôi sẽ bảo.” Tôi nghe nói chưa hiểu là ý gì, cũng không đáp lại. Người ấy lại hỏi tôi trọ ở đâu? Tôi nói: “Tôi mới cùng người bạn tôi đến đây, vì các người trinh thám theo mãi, sợ lụy đến bạn, tôi phải biệt nhau mà đi, mới được nửa ngày, thực chưa có chỗ trọ. Nghe quý quốc đãi người ngoại khách rất văn minh, tôi chắc sau này cũng được hưởng cách văn minh ấy. Nay quý hữu có thể dẫn tôi đến sở cảnh sát được chăng?” Người kia gật đầu, rồi đưa tôi vào sở Đông Kinh Cảnh sát. Lúc vào sở, tôi chào người Cảnh trưởng. Cảnh trưởng lấy bút đàm hỏi tôi là người ở đâu. Tôi khai là người Quảng Đông, rồi lại nói: “Tôi nghe quý quốc là một nước văn minh tiên tiến ở bên Á Đông. Ai đã đọc cận sử của quý quốc cũng muốn đi đến tận nơi mà xem cho có thực chứng. Tôi cũng lấy tư cách là người ngoại khách mà đến đây, thực chưa làm sự gì có phương ngại đến việc trị an của quý quốc. Nếu ngài không muốn dung cho chúng tôi được để dấu chân trong mấy đảo thần tiên này, có lệnh trục khách thì tôi xin phụng mệnh đi ngay, nay bỡ ngỡ mới đến mấy hôm, mọi sự lạ lùng, tiếng tăm không thuộc. Thế mà đi đâu trinh thám cứ theo đó, làm cho bạn hữu không dám chào nhau, quán xá không dám chứa trọ, có đâu các ngài đãi khách du như thế.” Người Cảnh trưởng đáp lại rằng:
“Khách nhận lầm đó mà thôi. Bản chức phái người đi trinh thám là để bảo hộ bình an cho quý khách. Khách tùy ý đi chơi các nơi, ở trọ các nơi. Bản chức sẽ sức cho các phái viên không nhiễu khách nữa.” Nói rồi lại nói: “Ngày mai sẽ có một vị Bối lặc1 ở quý quốc đến đây. Có khi khách cũng nhân cơ hội ấy mà đến đây chăng?” Nguyên trong lúc ấy Trung Quốc chính phủ có phái một vị Thân vương đi lịch du Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản phải dự phòng những việc cử động của Cách mệnh đảng Trung Hoa ở tại Nhật Bản. Vì thế lại nghi cho tôi là một người trong đảng cách mệnh Tàu. Bấy giờ tôi mới nghĩ ra được cái câu “Bên hồ Động Đình” của người trinh thám nói. Ôi! Thiên hạ có người mũ cao áo dài đi lại rung rinh trong đường sá, mà không ai thèm ngó tới; còn kẻ vong mệnh đi lủi thủi một mình, lại khiến cho chính phủ một nước văn minh phải nhọc lòng soi xét. Ở đời xem người như thế cũng là một sự kỳ!
1 Người Mãn Châu gọi Thân vương là Bối-lặc. [Nguyên chú]
Bấy giờ bao nhiêu cái hào hứng lưu học của tôi đã tiêu đi đâu mất cả. Tưởng ly khỏi đất này sớm một ngày nào là được một ngày sung sướng. Chỉ có một nỗi gian nan là lấy đâu làm tiền lộ phí mà đi nơi khác; vả người Hoa hữu thì mình đã cáo biệt rồi. Tôi chợt nghĩ ra một kế: nay họ đã nghi mình là cách đảng, sắp có cử động gì với vị Bối lặc kia; ngày mai Bối lặc đến đây, ta sẽ thiết kế làm cho họ nghi, để họ cho bắt mình mà giải về Trung Quốc, lên Yên Kinh. Như thế sẽ không tốn một đồng tiền mà ra người hành lữ được. Vả Bắc Kinh cũng là nơi mình muốn đến; đến đó sẽ khai rõ quốc tịch, không có lẽ Trung Hoa chính phủ mà lại gia tội cho một người vô tội.
Trong lòng đã định rồi, tôi liền từ Cảnh trưởng mà lui ra. Ra khỏi sở Cảnh sát tôi vào nghỉ một nhà lữ quán. Quán chủ đãi khách cũng tử tế. Cơm tối rồi tôi nhờ người chủ quán chỉ nơi ở
của một người danh nhân xứ Đông Kinh. Vì lúc ở Cảng có người đồng hương đã thuật cho tôi biết tên họ người ấy. Chủ quán cho người đưa tôi đến nơi. Khi đã gặp mặt, tôi nhân thuật hết mọi nỗi khó khăn trong chuyến đi ấy. Người danh nhân kia nói: “Anh ở đây bị trinh thám theo dõi là vì họ nghi anh là người Triều Tiên. Còn cách đảng Trung Hoa thì Chính phủ Nhật Bản không có can thiệp gì đến; anh chớ nghĩ quanh. Tuy nhiên những người xứ anh đến ở đây đã có lệnh khu trục từ năm ngoái, thì anh ở đây cũng chưa yên; chỉ nên ở chơi vài tuần đi xem các nơi rồi liệu mà về Trung Quốc. Có phải lữ phí ít nhiều, tôi sẽ chu cấp cho.” Bảo tôi rồi, nói đến chuyện chính trị trong thế giới. Cùng tôi bút đàm trong mấy giờ đồng hồ, tôi biết là một người trung hậu trưởng giả. Người là một kẻ vị cao vọng trọng, khi đối với kẻ lưu ly vong mệnh càng ra ý ôn tồn. Đêm đã khuya tôi xin lui về khách quán, không còn tính đến cái kế hoạch trước nữa. Hôm sau người danh nhân có phái người đến chiếu liệu cho tôi mọi sự ở nơi khách quán. Tôi được ngao du vài mươi ngày trong xứ Nhật Bản cũng nhờ cái sức giúp đỡ của người ấy.
Phàm người ta muốn đi chơi một chỗ danh đô nào, trước phải hiểu tiếng xứ ấy, sau mới lĩnh lược cái thú hứng được, không thế thì khác gì đi xem chớp ảnh mà thôi. Khi tôi đi lịch du các xứ trong nước Nhật Bản những điều mắt trông thấy, chỉ lấy ý hội bề ngoài, còn phong tục trong xã hội đều mơ màng chưa được thấu rõ. Những sự mà lược ra sau đây, đều là khi đã về Thượng Hải nghe người bạn thuật lại.
Muốn kể những thú lịch du nước Nhật, trước nên lược thuật lịch sử Nhật Bản để độc giả nghe qua.
Quốc danh Nhật Bản. Nhật Bản ở về phía đông châu Á. Tàu đi từ Thượng Hải ước hai ngày thì đến Trường Kỳ 長崎 (Nagasaki) về phía nam Nhật Bản. Trong nước có nhiều cây phù tang, cho nên cũng gọi là nước Phù Tang; lại có tên gọi là nước Đại Hòa.
Hình thế Nhật Bản. Nhật Bản có nhiều hải đảo, hình thế giống như nước Anh, cho nên người ta cũng gọi là đảo quốc. Người Trung Quốc gọi Nhật Bản là Đông Dương.
Thổ địa. Thổ địa Nhật Bản từ trước cũng bằng nước ta. Sau diệt Lưu Cầu, chiếm Đài Loan, hợp cả Tam Hàn (Cao Ly) mới thành ra một nước lớn.
Nhân số. Năm Minh Trị thứ 29, nhân số Nhật Bản có 25 triệu người. Đến nay sinh tụ thật mau, gần có 50 triệu.
Lịch sử. Nhật Bản lập quốc từ trước kỷ nguyên 600 năm, đến nay đã hơn 2570 năm. Vua đầu Nhật Bản là Thần Vũ Thiên hoàng, đóng đô ở Cương Nguyên, gọi nước là Đại Hòa; sau thiên đô ra Nại Lương, đến đời Minh Trị được 122 đời. Hoàng thống một dòng, không hề thay đổi. Năm Minh Trị thứ nhất, thiên đô ra Giang Hộ 江戸 gọi là Đông Kinh, tức là kinh đô bấy giờ.
Cứ lịch sử Nhật Bản có chia ra các thời đại như sau này:
1) Cương Nguyên thời đại 橿原. Từ Thần Vũ Thiên hoàng cho đến đời thứ 42, định đô ở Cương Nguyên.
2) Nại Lương thời đại 奈良. Từ đời thứ 43 vua Nguyên Minh Thiên hoàng cho đến đời thứ 49, định đô ở Nại Lương.
3) Kinh Đô thời đại 京都. Từ đời thứ 50 cho đến đời thứ 121, định đô ở Kinh Đô.
4) Đông Kinh thời đại 東京. Từ đời vua Minh Trị Thiên hoàng năm đầu cho đến ngày nay, đóng đô ở Đông Kinh.
Trong Kinh Đô thời đại lại chia ra làm sáu thời kỳ: 1) Thời kỳ họ Đằng Nguyên 藤原 chuyên chính.
2) Thời kỳ Bình thị 平氏, Nguyên thị 源氏 chuyên chính.
3) Thời kỳ họ Liêm Thương 鎌倉, họ Bắc Điều 北條 chuyên chính. 4) Thời kỳ Nam Bắc phân ly.
5) Thời kỳ Nam Bắc hợp nhất.
6) Thời kỳ Mạc phủ chuyên quyền.
Không kể những thời đại trước, lược kể từ đời Mạc phủ cho đến thời đại Duy tân. Mạc phủ thời đại là bao nhiêu chính quyền trong nước Nhật Bản đều về tay họ Đức Xuyên 德川. Bắt đầu từ năm Gia Khánh trong khoảng 300 năm, Thiên hoàng chỉ giữ hư vị. Đức Xuyên trị nước giữ cái chủ nghĩa “tỏa cảng” nghĩa là trừ nước Hà Lan và Trung Quốc, nhất thiết không giao thông với một nước nào. Năm Hoằng Hóa thứ nhất, tàu binh nước Hà Lan đến Trường Kỳ, đưa quốc thư nói tình hình các nước Âu châu, xin Nhật hoàng cho vào thông thương các cửa bể. Mạc phủ không cho, lấy nê1 là giữ phép tổ tôn không có thể mà thay đổi được. Đến đời vua Hiếu Minh nhân việc Mạc phủ cho thủy sư nước Mỹ vào cửa Hạ Điền 下田2 và nhân ngoại giao thất bại với Anh Pháp, bấy giờ chí sĩ trong nước đều trách Mạc phủ chuyên quyền để nhục cho nước, mới xướng ra cái nghĩa “tôn Vương nhương Di”. Sau lại nhân việc hạ ngục những người về đảng An Chính3, người trong nước càng tức giận, mới khởi quân đánh Mạc, giết quan Đại lão, phá nhà Sứ quán, hại người ngoại quốc, giết triều thần, chốn Cấm đình đã diễn nên một trường lưu huyết.
1 Nê: cớ, đà.
2 Trước Mạc phủ đã đính 14 khoản thông thương với Anh, Pháp, sau lại hạ lệnh cấm cảng để cho Anh, Pháp có lời trách. Sau lại vì việc Trường Phiên Mao Lợi 長藩毛利 bắn thuyền ngoại quốc để cho Hà, Mỹ, Anh, Pháp bốn nước hợp sức đánh lại, bắt Nhật Bản phải đền binh phí đến 300 vạn đồng bạc. [Nguyên chú]
3 Đời vua Hiếu Minh có mật chỉ cho Thủy Hộ phiên 水戶藩 là Tề Chiêu 齊昭 chủ việc chống lại những nước ngoài. Quan Đại lão là Trực Bật 直弼 xét được, cho là phiên sĩ giúp triều đình mà phá Mạc phủ, bèn bắt Tề Chiêu, giết người đồng đảng, bỏ tù các quan triều, thiên hạ oan uổng gọi là ngục “An Chính” 安政. [Nguyên chú]
Đức Xuyên Khánh Hỉ 慶喜 nhân chạy vào Giang Hộ, thấy tình thế bối rối nguy cấp, hội các Phiên thần ở Nhị Điều thành 二條城, theo lời khuyến của ông An Phòng 安房, mà trả quyền chính cho triều đình, cho yên việc nước. Bấy giờ có nhiều phiên không đồng ý, nhờ có ba phiên: Tát Ma 薩摩, Trường Châu?1 長州 và Thổ Tá 土佐 hết sức tán thành, Khánh Hỉ mới quyết ý từ chức Tướng quân. Một mặt gửi thư cho các đảo phải nghênh tiếp vương sư, hết lòng bảo hộ hoàng thất, một mặt sai ông An Phòng đi đón Tây Hương Long Thịnh 西鄕隆盛 vào Giang Hộ, nộp hết thành trì. Từ bấy giờ trong nước lại yên. Vua M1nh Trị cầm quyền chính cả nước, mà tạo nên cái sự nghiệp duy tân từ đó.
11Nguyên văn là Tràng Môn 長門, có thể tác giả nhầm. Trường Châu phiên là một phiên thuộc Tràng Môn. Ở đây có lẽ phải là Trường Châu [Chōshū] mới chính xác.
Đức Xuyên Khánh Hỉ thực là một nhà ái quốc, một người nghĩa hiệp. Đang lúc ngoại hoạn nguy cấp mà hết lòng vị nước, không kể đến quyền lợi mình là gì; đem chính quyền trong tay trả lại cho triều đình, yên được lòng người, vững được gốc nước, chuyển nguy ra yên, chuyển loạn ra trị, thực đà có công lớn với Nhật Bản. Tuy nhiên, lúc Đức Xuyên chuyên quyền, cũng có một cái chủ nghĩa chính đáng: Thiên hoàng ví như thiên thần phải để ra ngoài xã hội, không giao thiệp với nhân dân, mới là tôn kính. Còn Mạc phủ thay mặt Thiên hoàng mà trị dân, thì nhân dân phải tôn sùng Mạc phủ. Vậy chuyên quyền là bởi lòng vị nước, mà không phải vì tham lộc tham quyền; cho nên lúc quy chính cho triều đình mới được quả quyết như vậy.
Mạc phủ đã lui, vương chính đã lập, mà cả nước còn mơ mơ màng màng, chưa định Quốc thị ra làm sao. Minh Trị năm đầu, Thiên hoàng ngự đền Tử Cực 紫極 đối với thiên địa thần kỳ cùng các quan trăm họ phát thệ tuyên bố năm việc như sau này:
1) Là lập các hội nghị để đem mọi việc ra công luận. 2) Trên dưới một lòng để sửa sang mọi việc.
3) Từ các quan văn võ cho đến thứ dân đều được tỏ cái chí nguyện.
4) Bao nhiêu thói lậu xưa nay phải bỏ cho hết, cứ lấy công đạo làm chuẩn.
5) Cầu tri thức trong cả thế giới, để cơ đồ đế quốc chấn khởi thêm lên.
Những công việc cải cách lớn lao bấy giờ là: 1. Thiên đô ra Đông Kinh; 2. Bỏ phép phong kiến; 3. Đổi phiên trấn ra làm quận huyện; 4. Đổi phục sức; 5. Bãi lễ bái quỵ; 6. Cầu lời nói thẳng; 7. Cổ vũ dư luận. Sự nghiệp duy tân mới trong 2, 3 năm mà chính trị đã thấy dễ coi lắm.
Việc tranh chiến ở Tây Nam: Năm Minh Trị thứ 4 thứ 5, mọi việc đã gần chỉnh đốn; nhân việc đánh nước Triều Tiên mà trong triều nghị luận sinh ra hai phái: Tây Hương Long Thịnh và Hậu Đằng Tượng Thứ Lang 後藤象次郞 về phái chủ chiến; Đại Ôi Trọng Tín 大隈重信 và Y Đằng Bác Văn 伊藤博文 về phái chủ hòa. Cứ tranh trì nhau mãi, rút cục phái chủ hòa được, mà phái chủ chiến phải từ chức cả. Vì đó mới khích ra việc tranh chiến ở Tây Nam. Năm Minh Trị thứ 10, Tây Hương Long Thịnh khởi quân ở cù lao Lộc Nhi 鹿兒. Thế mạnh lắm, Thiên hoàng phái quân cả nước đi tiễu trong tám tháng mới dẹp được. Ấy là một việc đại biến sau lúc duy tân của Nhật Bản.
Xét việc Tây Hương Long Thịnh khởi loạn, dù là việc kháng mệnh với triều đình, song cũng nhờ có loạn ấy, mà xã hội càng đoàn kết, dân trí càng khai thông, càng thúc giục nước nhà lên đường tiến bộ. Vì thế, đến ngày ban bố lập hiến (năm thứ 23) Minh Trị thiên hoàng cho ông rửa tội danh được khai phục lại chức cũ. Nay vào công viên Thượng Dã 上野 thấy tượng đồng nguy nga, thì đủ thấy tấm lòng sùng ái anh hùng của người Nhật Bản.
Hãy đọc câu thơ của Tây Hương Long Thịnh như sau này, thì biết con người có chí khí: 大聲呼酒上高樓,雄氣欲吞五大洲。片丹 心三尺劍, 揮拳先斬佞臣頭。 (Dịch Nôm là: Năm châu ngon lắm ớ bay! Rượu đâu, theo mỗ đem ngay lên lầu. Lòng son ba thước lưu cầu, ra tay trước hãy lấy đầu thằng gian).
Nhật Bản đổi ra chánh thể lập hiến. Khi Tây Nam tranh chiến đã yên, tức là lúc dự bị lập hiến. Từ năm Minh Trị thứ 7, Phó Đảo Chủng Thần 副島種臣 và Bản Viên Thoái Trợ 板垣退助 một bọn năm người đưa thư xin đặt dân tuyển nghị viên. Đến tháng Sáu năm ấy, chánh phủ muốn đặt địa phương quan hội nghị, mà kẻ thức giả trong nước bài bác rằng: Địa phương quan không phải là những người dân bầu cử, thì không làm đại biểu cho dân mà nghị sự được.
Đến ngày mồng 10 tháng Giêng năm thứ 8, Mộc Hộ 木戶, Bản Viên 板垣, Đại Cửu Bảo 大久保, Y Đằng 伊藤 hội thương ở Đại Bản 大阪; mật nghị các phương phép sau sẽ phải thi hành thể nào. Nhân gọi là “Đại Bản hội nghị”. Tháng Ba, sai Mộc Hộ điều tra chính thể. Tháng Tư, đặt Nguyên lão viện. Tháng Sáu lại mở Địa phương quan hội nghị. Hôm ấy, Minh Trị thiên hoàng đem cả văn võ các quan dự hội. Cho những nhà quý tộc, quan lại và bình dân được dự nghe. Tháng Bảy, định phép quốc dân công cử. Cho mở các nhà báo mới, các hội diễn thuyết. Ở Nguyên lão viện lại đặt cuộc điều tra hiến pháp. Cùng tháng ấy đổi sở tài phán các phủ huyện ra làm sở tài phán các địa phương, để việc tư pháp có quyền độc lập.
Năm thứ 10 nhân việc chiến tranh ở Tây Nam, các việc tạm đình, đến năm thứ 11 lại mở hội nghị các địa phương quan, để nghị những quy tắc các phủ huyện, quy tắc về thuế các địa phương, về phép biên chế quận 郡, đinh 町, thôn 村, khu 區, nghị xong đến tháng Bảy năm ấy thì tuyên bố. Năm thứ 12, lập hội đồng các phủ huyện, chỉ giảng cầu những phép địa phương tự trị. Tháng Mười một năm ấy lập ra hội “Ái quốc xã” chỉ phái người đi du thuyết các nơi, để yêu cầu chính phủ phải lập nghị hội; từ bấy giờ mới khởi ra cái phong trào chính đảng. Năm thứ 13, những đảng nhân trong “Ái quốc xã” đưa thư cho quan Thái chính mà xin mở “Quốc hội”. Vì quan Thái chính không nhận thư, lại phát sinh ra hội “Đồng minh” để quyết cầu Quốc hội cho thành lập.
Bấy giờ người ta ngôn luận tự do quá, chính phủ ra sức đè nén, phải đặt ra luật phỉ báng, luật tân văn, quy tắc về cách ngôn luận, và điều lệ việc lập hội. Thế mà cái tư tưởng về đường chính trị của quốc dân ngày càng phát đạt. Nhân việc các quan ở đạo Bắc Hải 北海道 bán đồ đấu giá của nhà nước làm trái phép, mà quốc dân chê trách chính phủ rằng “cương phúc tự dụng”1. Ngày tháng Bảy năm Minh Trị thứ 14, Thiên hoàng đi tuần du về đến bộ Đông Bắc, dọc đường đã nghe ỏi tai những lời dư luận.
Lúc ngự về liền mở điện tiền hội nghị. Thu lại ngay cái chỉ dụ về việc bán đồ đấu giá ở đạo Bắc Hải.
1 Cương phúc tự dụng: là tự tin thái quá, không chịu lắng nghe ý kiến của người khác, cố chấp khăng khăng giữ theo ý mình.
Ngày 12 tháng Mười xuống chỉ dụ hẹn đến năm Minh Trị thứ 23 là kỳ khai quốc hội. Tháng Ba năm thứ 15, Y Đằng Bác Văn đi lịch du Âu Mỹ, để điều tra những hiến pháp của các nước. Năm thứ 16 Y Đằng thảo trình bản Hiến pháp. Năm thứ 18, đổi quan chế ở trong triều đình, đặt tên quan ở các tỉnh. Lấy quan Tổng lý đại thần làm đầu Nội các. Y Đằng Bác Văn làm tổng lý Nội các lần thứ nhất.
Năm thứ 21 đặt viện Khu mật là những quan cố vấn của Thiên hoàng. Đến ngày 11 tháng Hai năm thứ 23 ban bố hiến pháp cho thiên hạ, mà chính Lập hiến của Nhật Bản mới vững chắc từ đó.
Khi Nhật Bản đã ban bố Hiến pháp rồi, trên từ Thiên hoàng dưới cho đến thứ dân đều cùng lòng cùng sức mưu cho việc nước được tiến bộ.
Lòng người đã bền, tài lực đã đủ, lại mong khoáng trương ra bên ngoài. Bấy giờ thực hành cái chính sách đánh Triều Tiên, mà trước đã bài bác của Tây Hương Long Thịnh. Năm Minh Trị thứ 27, 28, nhân việc Triều Tiên mà khai chiến với Trung Quốc, chiếm được đất Đài Loan (Formose). Mười năm nữa, đến năm thứ 37, 38, lại khai chiến với Nga mà tranh được đất tô giới của Nga ở Liêu Đông bán đảo 遼東半島, được con đường thiết lộ từ Trường Xuân 長春 về phía nam, lại chiếm nửa cái cù lao Hoa Thái 樺太1, cầm quyền tôn chủ cả nước Triều Tiên. Từ đấy oai
nước lừng lẫy, trở nên một nước cường thịnh thứ nhất ở trong thế giới.
1 Một hòn đảo ở phía bắc Thái Bình Dương, ở ngay bờ biển phía đông của Nga, và phía bắc đảo Hokkaidō của Nhật.
Xem lịch sử Duy tân của Nhật Bản, thì thấy cái cơ tiến bộ mạnh là dường nào! Được như thế, cũng là vì có Minh Trị thiên hoàng biết người khéo dùng và thần dân trong nước đều hết lòng vì nước. Đương lúc Mạc phủ chuyên quyền, triều đình đối với ngoại quốc chỉ dụng một cái chính sách tỏa cảng. Có ông Y Đằng Bác Văn, ông Tỉnh Thượng Hinh khi đi học ngoại quốc cũng phải trốn tránh khó lòng; người thì giả làm con hầu bám vào lái thuyền, người thì phải trốn xuống sạp thuyền mà xuất dương. Khi về nước cũng được chính phủ tín dụng mà hiển được cái tài mình ra. Lúc Thiên hoàng đã cầm quyền chính, bao nhiêu tân nhân vật đều có thể vị nước lập công để tạo phúc cho đồng bào. Còn nhân dân trong nước, dù đảng phái khác nhau, nghị luận khác nhau, mà đều lấy nước làm mục đích. Kẻ xướng chủ nghĩa này, người giữ chủ nghĩa khác, cũng đều một lòng yêu nước. Kẻ có quyền lực không lấy lộc vị làm tự tư; kẻ không có quyền lực cũng không nhân ghen ghét mà vọng động; cho nên trên dưới một lòng, nước nhà cường thịnh, thực là đáng lắm.
Thời kỳ phá hoại của Nhật Bản. Phàm nước nào đang lúc đổi cũ thay mới, thì phong tục lễ nghĩa trong nước đều có cái phong cảnh khốn nạn. Như Nhật Bản lúc mới duy tân, lòng người nô nức về Âu hóa. Việc chính trị của chính phủ như: Việc ngoại giao, việc quân đội, nhất thiết là bắt chước Âu Mỹ đã đành, còn hình trạng trong xã hội, cũng vị lòng người hí tân yếm cựu mà muốn thay đổi đi hồ hết. Đầy đường những bọn húi đầu mặc đồ tây; thấy ai còn búi tóc còn đeo gươm thì chế báng là phương thủ cựu. Nhất là đảng thiếu niên mới học chữ tây, mới hiểu
tiếng tây, tự lấy mình là bậc thượng lưu trí thức trong nước, hễ thấy người hán học thì bỉ là hủ nho. Chẳng bao lâu những bậc lão thành tiên tiến cũng xô nhau vào Âu phong cả. Người thì xướng ra cái nghĩa “nam nữ bình quyền”; người thì xướng ra cái nghĩa “kết hôn tự do”; có người quyền quý cũng lấy con hát về làm phu nhân; những lúc yến hội cũng hợp đàn ông đàn bà mà bắt chước theo tục nhảy múa. Càn rỡ đến nỗi văn tự ngôn ngữ là côn cán1 trong nước mà cũng toàn ruồng bỏ đi hết như Sâm Hữu Lễ 森有禮, Thượng thư bộ Học dám đề xướng ra cái nghị “lấy chữ Anh làm quốc văn”. Còn đến việc cải lương hí kịch, phá hủy đình chùa, tự lấy mình làm duy tân, không cố kỵ gì đến phải trái. Đến nỗi lễ nghĩa bại hoại, phong hóa lăng di2, đang đời văn minh mà thành ra hắc ám địa ngục.
1 Ý nói cành nhánh, gốc rễ của nước. Yếu tố không thể thiếu, quyết định sự tồn vong và văn minh của một nước.
2 Suy bại, sa sút.
May mà người Nhật Bản cũng sớm biết nghĩ lại, vừa qua cái thời kỳ “xu hướng tân trào” thời lại đến ngay cái thời kỳ “bảo tồn quốc túy”, lại thấy có nơi mở trường Quốc học, Hán học; lại thấy có nơi tu bổ, thần từ phật tự. Nhân thế mà cái tinh thần lập quốc của Nhật Bản không đến nỗi tuyệt diệt. Tuy nhiên, hết mọi sự ở đời không kinh qua một lần phá hoại thì không có một ngày kiến thiết. Những tình trạng phá hoại của Nhật Bản, thực là cái cơ quan để thúc giục sự nghiệp kiến thiết sau này.
Học vấn Nhật Bản. Ngày nay người ta đi lịch du trong thành đô Nhật Bản, thấy học đường san sát, thật là một xứ văn vật. Kể hàng nghìn hàng vạn người học sinh Trung Quốc cũng nhờ đó mà luyện tập thành tài. Mỗi buổi chiều bóng xế thấy những học sinh kéo hàng kết bọn, vui vẻ chơi bời, đều là những bọn thiếu
niên tài tuấn, phong lưu nho nhã, mà lại nghĩ đến mình; mình cũng là một người đồng văn đồng hóa, sao người ta hớn hở như hoa tươi, mà mình tiêu điều như lá rụng? Nếu đem lòng so sánh chẳng càng hổ thẹn lắm ru?
Xét hán học ở Trung Quốc truyền sang Nhật Bản tự đời Tùy Đường, xem hình thức cung điện ở Tây Kinh đều theo kiểu mẫu nhà Đường, thì biết Nhật Bản tiếp lấy văn minh của Trung Quốc từ đấy. Trước Nhật Bản có phái học sinh sang Trung Quốc mà học Phật giáo, thì Nho giáo cũng từ đó mà truyền sang. Vậy biết Nho giáo của Trung Quốc thực nhân Phật giáo mà truyền bá sang các nước, đã chứng ở Nhật Bản, lại chứng ở nước ta, không còn hồ nghi nữa.
Hán học truyền sang Nhật Bản đã có lắm người danh nho như bọn An Bộ 安部1 [阿倍仲麻呂 (A Bội Trọng Ma Lữ) - Abe no Nakamaro], Đằng Nguyên 藤原. So với Hán học nước ta thì họ có hai điều ưu điểm:
1 - là người Nhật Bản phát minh nghĩa lý hán học mà không phải hán học bó buộc. Từ kỷ nguyên Thần Võ 2.300 (cách nay 300 năm) Hán học đã thịnh hành trong nước, có phái “Chu Tử học” 朱子學 do Mạc phủ chủ trương gọi là chính thống; có phái “Dương Minh học” 陽明學 chủ trương là những bọn ông Trung Giang Đằng Thụ (Nakae Tōju), Hùng Trạch Phiên Sơn (Kamarawa Banzan), cùng bọn ông Y Đằng Nhân Trai (Itō Jinsai), Địch Sinh Tồ Lai (Ogyū Sorai)2; mà ông Tồ Lai lại riêng ra một phái nữa, biệt thành một môn hộ, xướng minh nghĩa cổ học. Lại còn phái “Quốc học” là phái học thần giáo của Nhật Bản. Đang thời Đức Xuyên có ông Sơn Kỳ Ám Trai 山崎闇齋 cũng về phái “Chu Tử học”, mà vẫn trọng Quốc học, có đặt ra câu hỏi học trò rằng: “Nếu ngày nay Khổng Mạnh hãy còn, phụng mệnh thiên tử Trung Quốc đem quân vào nước ta, thì ta cũng lấy tử lực mà chống lại”. Xem thế thì biết Nhật Bản thụ giáo Khổng Mạnh mà không thụ trị Trung Quốc. Còn nước ta từ khi có Hán học truyền sang, thậm chí tôn Trung Quốc làm Thiên triều,
xưng Trung Quốc làm Thượng quốc. Cái căn tính những người học vấn trong nước ta đối với bọn Hán học của Nhật Bản hơn kém nhau là dường nào! Vả lại người Nhật Bản theo Hán học mà không nhiễm phải cái độc khoa cử; không kể những nhà đã xướng ra đạo học, đã phát minh lý thuyết, còn những nhà từ chương cũng có vẻ xuất sắc, không làm những văn vô dụng như thơ, phú, tinh nghĩa. Hán văn Nhật Bản có câu ca rằng: “雲耶山耶 吳耶越耶,水天彷彿青一瞥,萬里泊舟天水津”3, thì giọng văn diễm lệ là dường nào! Lại lúc Tây Nam tranh chiến, có câu ca rằng: “衣 至肝袖至腕,腰間秋水鉄可斷,人觸斬人馬觸斬馬,十八結交健兒 社,北客若來何以酬,彈凡 硝藥爲饍饈,客若未饜請以寶刀加渠 頭。”4 thì thấy khảng khái là dường nào! Sánh lại văn chương nước mình mà xem; đã nhiễm cái học khoa cử của Trung Quốc, chỉ biết mấy bộ Phú tắc, Mục canh, Tụy trân, Văn mặc, lấy đấy làm kim khoa ngọc luật, ngoại giả không còn gì hơn. Kỳ thay! Cho cái ảnh hưởng Hán học ở nước ta.
1 An Bộ tức là ông Triều Giám 晁監 (tức Triều Hành 晁衡 giữ chức Bí thư giám).
2 Nguyên văn: Trung Giang 中江, Đằng Thụ 藤樹, Hùng Trạch 熊澤, Phiên Sơn 蕃山, Y Đằng 伊藤, Nhân Trai 仁齋, Địch Sinh 荻生, Tồ Lai 徂徠.4
3 Vân da Sơn da Ngô da Việt da, Thủy thiên phảng phất thanh nhất miết, vạn lý bạc chu thiên thủy tân (tạm dịch: Mây chăng, núi chăng, Ngô chăng, Việt chăng; Nước trời phảng phất sắc xanh một màu, muôn dặm thuyền ghé bến trời nước). Ý nói cảnh sắc đẹp nước, trời hòa một màu xanh biếc.
4 Tạm dịch: “Áo dài đến bụng, tay dài đến cổ tay, đao đeo trên eo đến sắt cũng chặt được, nếu người chạm vào thì chém người, ngựa đụng vào thì trảm ngựa, kết giao khắp nơi kết thành nhóm hùng mạnh. Nếu khách từ phương Bắc tới lấy gì để tiếp đãi, đạn pháo, thuốc nổ chính là món ngon,
nếu khách còn chưa thỏa lòng, vậy thì ta hãy dùng bảo đao để cứa cổ khách”. Đây là bài đồng dao về binh sĩ do Rai Sanyō (1781-1832) soạn.
2 - là người Nhật Bản học chữ Hán, biết dùng chữ Hán để mở mang văn tự trong nước như mượn chữ Hán mà đặt ra cách chữ “Bình giả danh” và “Phiến giả danh”, sau lại tham với chữ Hán, gọi là chữ Hòa văn 和文 dù không tiện bằng Âu văn hay Hán văn, song dùng quen cũng thành ra một thứ Quốc văn. Ngày nay những sách trước thuật bằng chữ Hòa văn cũng thành một thứ văn học đặc biệt. Nước mình có Hán học đã hơn một nghìn năm, cứ giữ hình thức chữ Hán, chưa hề có phát minh ra một thứ văn tự nào để truyền bá cho rộng. Dù có chữ Nôm, cũng là một thứ chữ “bất thành hình”, đến bây giờ mới có thứ chữ “Quốc ngữ” xuất hiện. Bạn Hán học nước ta trừ ra mấy điều luân lý, lễ giáo, thực không phát minh được cái lý thuyết gì để giúp nước nhà lên đường tiến bộ.
Hán học của Nhật Bản đã khác hẳn với nước ta như thế; đến Tây học lại càng khác hơn. Âu học sang Nhật Bản bắt đầu từ khoa Y
học trước. Từ đời Đức Xuyên gọi là “Lan học phái”1. Đến năm Thần Võ thứ 2007, mới có người học chữ Anh; năm Thần Võ thứ 2026, mới sai người lưu học nước Anh cho đến ngày nay trong nước từ bậc trung lưu trở lên, ai cũng phải kiêm thông một thứ tiếng ngoại quốc; nhất là chữ Anh thì nhiều hơn. Xét ra người Nhật vì trí thức loài người mà phải học chữ Âu, còn người nước ta là vì việc sinh hoạt từng người mà phải học chữ Tây, mục đích khác nhau cho nên kết quả cũng khác.
1 Người Nhật khi đầu học thuốc của Hà Lan. [Nguyên chú]
Người Nhật học chữ Âu chuyên về khảo cứu và quan sát. Những người lưu học các nước đều chọn chuyên môn mà học; tốt nghiệp về truyền bố cho người trong nước. Còn kẻ học trường trong nước, cũng chỉ chuyên về “thực nghiệp” không những là học tiếng. Xưa ông Phúc Trạch Dụ Cát 福澤諭吉 là người Nhật Bản học chữ Anh đầu tiên cả, đi thuyền gỗ sang châu Mỹ, học tiếng Anh với một người Quảng Đông. Dịch sách chữ Tây, về nước lập ra trường “Khánh Ứng nghĩa hiệu” 慶應義校 thực có công lớn trong việc duy tân. Sau bao nhiêu nghề nghiệp nông, công, thương, cổ cùng các nghề khác, cũng là nhờ sự học tiếng ngoại quốc.
Một hôm tôi có bút đàm với một người học sĩ Nhật, nói chuyện Âu học. Người ấy nói rằng: “Học chữ ngoại quốc, trước phải định mục đích cho vững. Tự hỏi mình nhân sao mà mình phải học chữ ngoại quốc? Học rồi thì sẽ có cái ích lợi gì? Trước tôi đi học chữ Anh cũng vậy. Vì không có Anh văn thì không đủ tri thức và thực học. Tôi muốn đem tri thức và thực học truyền bá cho người trong nước tôi thì tôi phải mượn chữ Anh làm giới thiệu. Văn tự chỉ là cái khu xác bên ngoài, nếu không học đến tinh thần, dù có văn tự cũng là vô ích”. Ôi! Lời học sĩ nói thực là biết các phương pháp học chữ ngoại quốc vậy. Nước Nhật Bản ngày
nay thật là một nước Âu hóa; chính trị, pháp luật, giáo dục, đều in như Âu Mỹ. Nếu không học ngoại quốc sao được như thế. Nay hãy xem ba điều trọng yếu chính trị, pháp luật và giáo dục của Nhật Bản tổ chức như sau này.
Chính trị nước Nhật Bản. Sau lúc duy tân, chính thể Nhật Bản đổi chuyên chế ra làm lập hiến. Việc chính trị chia ra làm “Địa phương tự trị”, và “Trung ương chính phủ”. Địa phương tự trị là thi hành những việc trong các địa phương; Trung ương chính phủ thời thi hành những việc lớn trong toàn quốc.
Nay nói về chế độ địa phương: Nhật Bản chia nước ra làm ba phủ Đông Kinh, Kinh Đô và Đại Bản, 43 huyện. Phủ huyện lại chia ra quận và thị, nhỏ hơn quận mà đông dân cư gọi là thị; quận, thị, lại chia ra đinh và thôn (đinh là chỗ ở những dân công thương, thôn là chỗ ở những dân làm ruộng). Phủ huyện có đặt quan Tri sự do chính phủ mệnh lệnh. Quận, thị, đinh, thôn đều đặt trưởng do địa phương công cử1. Thị phải lệ thuộc về phủ, huyện, mà quyền cai trị cũng như đinh, thôn. Cho nên phủ, huyện và quận gọi là “Bán tự trị”. Thị, đinh, thôn gọi là “Toàn tự trị”. Trong các thị trưởng, có đặt một người làm Đô chế để thống hạt cả các thị. Chính quyền thì ở trên các quan Tri sự. (Lương bổng quan Tri sự đồng niên chỉ đến 4000 đồng là cùng. Lương bổng Thị trưởng có người đồng niên đến 5000 đồng). Bắc Hải Đạo và Xung Thằng huyện 冲繩縣2 là đất thực dân không có quyền tự trị. Đài Loan đất lĩnh thổ mới, quyền quản trị giao cho một quan Tổng đốc, Nhật hoàng không chế hạn đến.
1 Dân chúng bầu lên.
2 Xung Thằng huyện là đất nước Lưu Cầu, Nhất [Nhật] lấy rồi đổi ra thành một huyện. [Nguyên chú]
Tóm lại xem biểu như sau này:
1) Phủ - Huyện - Quận - Thị - Đinh - Thôn.
2) Bắc Hải Đạo.
3) Xung Thằng huyện.
4) Đài Loan phủ.
Nay nói về trung ương chính phủ.
Trung ương chính phủ chia ra hai bộ phận: lập pháp và hành pháp. Trong bộ hành pháp lại chia ra bộ Hành chính và bộ Tư pháp. Xem biểu sau này:
Xưa ông Mạnh Đức Tư Cưu có xướng ra cái nghĩa “tam quyền đỉnh lập” (Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp). Song kinh phí về bộ Tư pháp cũng do Quốc hội nghị định, thì Tư pháp không thoát ly được quyền Lập pháp, vậy nghĩa “tam quyền” không thích hợp ở thời này, cho nên chính trị Nhật Bản xu hướng cái nghĩa “lưỡng quyền tịnh lập”.
Nhật hoàng là nguyên thủ một nước, có quyền thống trị. Khi có lập một pháp luật gì, Đại thần các bộ tâu lên Nhật hoàng. Nhật hoàng định khai Quốc hội mà nghị. (Quốc hội là hợp cả Quý tộc viện và Chúng nghị viện). Nghị rồi tâu lên Nhật hoàng, ấy là Lập pháp. Nhật hoàng ưng chuẩn mới bố cáo cho các bộ. Các bộ
phụng chỉ thi hành, ấy là Hành pháp. Còn viện Khu mật và viện Nguyên lão là những cơ quan cố vấn của Thiên hoàng; Bộ Tham mưu thuộc ngay với Thiên hoàng, chuyên mưu những việc trị an trong nước. Viện Kiểm tra để xem các việc làm của các bộ. Bộ Cung nội để giữ việc Hoàng thất. Tóm lại như cái biểu sau này:
Quan chế thì chia ra bốn hạng khác nhau: 1. là chức quan “Thân nhậm”, là quan tự Nhật hoàng ban tước vị cho; 2. là quan “Sắc nhậm”, có sắc dụ cho ra làm quan; 3. là quan “Tấu nhậm”, Đại thần các bộ tâu xin cho ra làm quan; 4. là quan “Phán nhậm”, các trưởng quan cử những hàng liêu thuộc ra làm quan. Tóm lại xem biểu như sau này:
1) Thân nhậm;
2) Sắc nhậm nhất nhị đẳng;
3) Tấu nhậm: 3, 4, 5, 6, 7, 8 đẳng;
4) Phán nhậm: 1, 2, 3, 4, 5 đẳng.
Tài chính trong nước chia ra làm ba ngạch: Quốc thuế, địa phương thuế và thị, đinh, thôn phí.
1) Quốc thuế là ngạch thuế do quốc hội định hết mọi người trong nước phải nộp để chi tiêu về việc trong toàn quốc.
2) Địa phương thuế là ngạch thuế do hội viên các phủ huyện định dân trong phủ huyện phải nộp để chi tiêu các việc trong địa phương.
3) Thị, đinh, thôn phí là ngạch thuế do các thị, đinh, thôn công đồng thương nghị thu tiền kinh phí để chi những việc trong thị, đinh, thôn.
Pháp luật nước Nhật Bản. Từ thuở Duy tân về trước chưa phân thế nào là dân luật và hình luật; chỉ chiểu theo 100 chương “Ước pháp” của họ Đức Xuyên là pháp luật nhất định. Cách thẩm án, nặng nhẹ cứ nhờ tay mấy người ngục lại, quen theo câu học thuyết rằng: “Cho dân theo không nên cho dân biết”1 mà trong nước vô luận quan hay dân, không có một người nào là thông hiểu pháp luật. Có người nào hay thóc mách việc luật thì người ta khinh bỉ gọi là “Công sự sư 公事師” cũng như người nước ta gọi là lũ thầy kiện, vưỡn là bọn toa tụng.
1 Ý từ câu “dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi” trong thiên Thái Bá sách Luận ngữ.
Minh Trị năm đầu, dù có cải định ít nhiều, chẳng qua bắt chước những phép của triều Minh Thanh ở Trung Quốc. Đến năm Minh Trị thứ 5, ông Giang Đằng Tân Bình 江藤新平 [Etō Shinpei] làm quan Tư pháp, mới tham dụng luật Thái Tây, mà bỏ mấy cái ngược hình cũ đi, như: đè đá, bêu đầu, v.v… Đặt sở Minh pháp, đón luật sư nước Pháp về dạy người Nhật Bản học luật. Năm thứ 13, bắt chước pháp điển của Nã-phá-luân [Napoléon] nước Pháp, thảo ra hình pháp, trị tội pháp. Năm thứ 18, ông Sơn Điền Hiển Nghĩa 山田顯義 [Yamada Akiyoshi] làm quan Tư pháp, mới đem luật sư nước Pháp biên tập ra Dân pháp, Thương pháp và Tài phán pháp. Lại dùng luật sư nước Đức biên tập Thương luật.
Mãi đến năm 23, các pháp điển đã hoàn thành, mới bố cáo cho dân cả thảy có sáu phép: 1. Dân pháp; 2. Thương pháp; 3. Dân sự tố tụng pháp; 4. Hình sự tố tụng pháp; 5. Hình pháp; 6. Tài phán pháp.
Từ bấy giờ quyền Tư pháp mới được độc lập, không lẫn với quyền hành chính.
Trong quyền Tư pháp có chia ra làm: Sở tài phán các khu, Sở tài phán các địa phương, viện Khống tố và viện Đại thẩm. Sở tài phán các khu thì có quan Phán sự. Sở tài phán địa phương thì có quan Tài phán trưởng. Các viện Khống tố có quan Viện trưởng. Viện đại thẩm cũng có quan Viện trưởng. Mỗi sở Tài phán còn có những chức sự khác như: Kiểm sự, Chấp đạt lại, Đình đinh.
Nhân từ xưa lấy kẻ làm Công sự sư là hèn, đến ngày Duy tân, muốn có người học pháp luật ra làm nghề thày kiện thì ít lắm. Năm Minh Trị thứ 9, mới đổi tên thày kiện là “Đại ngôn nhân”, có đặt ra “Đại ngôn nhân quy tắc”. Từ năm thứ 12 trở đi, mỗi năm một lần thi, có cấp văn bằng. Đến nay cải danh là “Biện hộ sĩ”. Từ bấy giờ kẻ ra làm Biện hộ thật nhiều.
Việc giáo dục của Nhật Bản. Lúc Nhật Bản duy tân, có ban hành phép học. Trước còn trọng về Phổ thông giáo dục; sau giảng cầu
đến Cao đẳng giáo dục và chuyên môn đại học. Trước học bằng chữ Nhật Bản, sau phải dùng chữ ngoại quốc. Vì những danh nghĩa các khoa tân học không lấy chữ Nhật Bản mà dịch cho hết được.
Thuộc về quốc dân giáo dục dùng phép cưỡng bách: con trẻ lên 6 tuổi, vô luận trai hay gái phải cho vào trường Ấu học. Song con trẻ còn nhỏ mà cho ra học ngoài, khác gì như ép trẻ con bú phải ăn thịt, thế tất không tiêu hóa được. Bấy giờ lại đặt ra “Ấu trĩ viên” để dạy những con trẻ chưa vào Ấu học được.
1) Tiểu học Nhật Bản chia ra làm hai ban: từ ban tầm thường đến ban cao đẳng. Con trai con gái trong nước từ 6 tuổi trở lên phải vào học ban tầm thường, tiểu học thì 4, 5 năm tốt nghiệp, vào lớp Cao đẳng tiểu học học từ 2 năm đến 4 năm tốt nghiệp. Ấy là Sơ đẳng phổ thông.
2) Trung học. Trung học 5 năm tốt nghiệp. Lấy những học trò có bằng tiểu học vào học. Mục đích giáo dục cũng như tiểu học, chỉ để dưỡng thành nhân cách cho học trò, chưa thiệp liệp đến chức nghiệp. Ấy là Cao đẳng phổ thông.
3) Cao đẳng nữ học. Trường Cao đẳng nữ học 4 năm tốt nghiệp (tùy xứ ở mà được thêm bớt một năm). Trình độ bằng lớp trung học con trai, cho con gái có bằng Cao đẳng tiểu học vào học.
4) Cao đẳng học hiệu. Cao đẳng học hiệu 3 năm tốt nghiệp. Lấy những học trò có bằng trung học, để dự bị vào trường Đại học.
5) Trường Đại học. Đại học 3 năm hoặc 4 năm tốt nghiệp, chuyên dạy các khoa chuyên môn.
Con trẻ từ năm 6 tuổi vào học cho đến ngày thành công hết 18 hay 19 năm.
Giai cấp học hiệu như sau này: 1. Tiểu học; 2. Trung học; 3. Cao đẳng; 4. Đại học.
Ấ Ấ
6) Ấu trĩ viên. Ấu trĩ viên gọi là “viên” khác với học hiệu, song cũng ở trong các học đường. Cho con trẻ 3 tuổi vào học, đại ý để dưỡng thành tâm ý trí thức cho con trẻ, để làm cơ sở giáo dục về sau. Không cần dạy học dạy viết, chỉ dạy chơi đùa cho chính đáng, dạy hát cho con trẻ kiến văn cử động đều có quan cảm, như thế gọi là bảo dục1, chưa phải là giáo dục. Nhân cận tiếp với cái niên hạn tiểu học, cho nên cũng phụ vào tiểu học, thuộc về Văn bộ quản hạt.
1 Trông nom sức khỏe, nuôi nấng trẻ em.
7) Chuyên môn học hiệu. Trình độ các trường chuyên môn không cao bằng trường Đại học. Vì chủng loại về các chức nghiệp nhiều lắm, trường Đại học không có thể nghiên cứu cho tinh. Trình độ giáo dục của chuyên môn học bằng trường trung học. Học trò phải có sơ đẳng giáo dục mới được vào.
Tại Đông Kinh có trường Mỹ thuật (dạy vẽ tranh, họa đồ, chạm trổ, học sinh 16, 17 tuổi vào học, 3 năm tốt nghiệp); trường Âm nhạc (chia ra 3 bộ: thanh nhạc, khí nhạc và ca nhạc, học trò 16, 17 tuổi vào học. Ở ban dự bị 1 năm, bản ban [ban chính] 3 năm, nghiên cứu lại một năm, cả thảy 5 năm tốt nghiệp). Trường học
tiếng ngoại quốc (chia làm 8 khoa: Trung Quốc, Triều Tiên, Anh, Nga, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, 16, 17 tuổi vào học, trước học chữ quốc ngữ, sau tiếng ngoại quốc, 3 năm tốt nghiệp, dự bị lấy người đi xuất xứ). Trường Y học chuyên môn (trường này còn kém Đại học Y khoa, chuyên dùng ở nhà thương các địa phương, 3 năm tốt nghiệp). Trường Y học, Trường Chế thuốc (đều thuộc về trường công, trình độ kém chuyên môn, 3 năm tốt nghiệp); trường Khánh Ứng nghĩa thục 慶應義熟, trường Tảo Đạo Điền chuyên môn học hiệu 早稻田專門學校 (hai trường này một là của ông Phúc Trạch Dụ Cát, một là của ông Đại Ôi Trọng Tín lập ra,
đều là trường tư, chủ nghĩa để giảng cầu chính trị, pháp luật, kinh tế, quy tắc hoàn toàn lắm, 5 năm tốt nghiệp).
8) Thực nghiệm học hiệu. Thực nghiệm cũng giống như chuyên môn. Trường này chỉ dạy nông, công, thương, Bắc Hải Đạo có trường Trát Quảng Nông học 札幌農學 [Sapporo Nōgaku] và kiêm công học. Đông Kinh có trường Cao đẳng thương nghiệp, trường Cao đẳng công nghiệp và các trường công nghiệp nhỏ, 3, 4 năm tốt nghiệp, dạy những người ra làm thợ thuyền. Đồ đệ học hiệu (Học sinh có bằng tiểu học, 12 tuổi thì vào học 4 năm, mau là 6 tháng tốt nghiệp. Thày giáo trường này là những thợ ban ngày đi làm, tối về dạy học, công tư đều có). Trường Nông học, Thương thuyền học, Thủy sản học, và trường thực nghiệp bổ tập.
9) Sư phạm học đường. Sư phạm có ba thứ: Cao đẳng sư phạm, Nữ tử Cao đẳng sư phạm và Sư phạm.
10) Manh Á học đường. Trường này dạy những người mù người câm trong nước; dạy cho biết phổ thông trí thức và thực nghiệp; như người mù thì dạy âm nhạc, người câm thì dạy chạm trổ. Phép dạy người mù lấy hiệu bằng những cái chấm lồi lên trên tờ giấy; dạy người câm lấy hiệu bằng tay bằng môi.
11) Các thứ học đường khác. Trừ những trường đã kể trên này, còn có “Học tập viện” để dạy những con nhà quý tộc; trường Hoa tộc nữ học, để dạy những con gái nhà quý tộc; Trường Lục quân, Hải quân để luyện tập nhân tài trong hải lục quân; Trường Thương thuyền của bộ Nông thương tự lập; trường Điện tín của bộ Điện tín lập.
Nói tóm lại, trong nước Nhật Bản, không có một người nào là không học vấn; không có một chỗ nào là không có nhà trường. Trong ba cái cù lao nho nhỏ mà có đến hai vạn nhà trường. Những người đã vào trường Đại học, chuyên môn, thực nghiệp, Cao đẳng, đã có tư cách hoàn toàn, cũng là nhờ giáo dục từ