🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nguồn Gốc Loài Người Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI G.N. Machusin Nhà xuất bản Mir, Maxcova, 1982 Người dịch : Phạm Thái Xuyên dịch sang tiếng Việt có bổ sung và sửa chữa Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1986 Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Mục lục Tiểu sử tác giả Lời nói đầu Mở đầu Tìm kiếm tổ tiên Côbi-Fora Luxi ở Sađa Lêtôlin Mai và những hắc tinh tinh khác... Lò urani trong vườn Êđem Kết quả đầu tiên và vấn đề mới Theo các định luật di truyền "Sức mạnh của bầu trời" Điều kiện chủ yếu Tổ tiên đến với chúng ta https://thuviensach.vn TIỂU SỬ TÁC GIẢ Machusin Ghêran Nhicôlaêvich là cán bộ khoa học lâu năm của Viện khảo cổ thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô. Lúc 14 tuổi, ông đã tham gia chiến đấu chống phát xít Đức. Từ thủy thủ tập sự trở thành chỉ huy lái tàu quét mìn tại Hạm đội phương Bắc. Đã được tặng thưởng 10 huân chương và huy chương chiến đấu. Sau chiến tranh ông trở thành nhà khảo cổ học và năm 1964 ông bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Năm 1985 luận án tiến sĩ của ông được chấp nhận để chuẩn bị bảo vệ. Hơn 30 năm tiến hành khai quật ông đã phát hiện ra di chỉ thời đại đồ đá cũ trước ở Uran – Mưxovaia và hơn 300 di vật thuộc kỷ đồ đá. Cuốn sách này trình bày luận điểm do ông đề xướng vào những năm 60. Theo luận điểm đó đột biến do dị thường phóng xạ ở vùng Đông Phi vào cuối kỷ pliôxen đã làm xuất hiện cách đi thẳng, tăng thể tích não và các đột biến khác trong cơ thể tổ tiên con người. Và để tồn tại được tổ tiên con người đã phải chuyển sang lao động có hệ thống. Tác giả đã viết các cuốn "Môn khảo cổ học ở trường phổ thông" (M. 1964), "Nôi lịch sử" (M. 1972), "Mêzôlit Nam Uran" (M. 1976), "Vành đai ngọc bích Uran" (M. 1977), "Eneôlit Nam Uran" (M. 1982), "Ba triệu năm trước công nguyên" (M. 1986), sách giáo khoa cho sinh viên "Địa phương học lịch sử" (1975 và 1980) và gần 140 bài báo khoa học. https://thuviensach.vn LỜI NÓI ĐẦU Đọc cuốn sách "Nguồn gốc loài người" của G. N. Machusin sẽ thấy rất thú vị. Ngôn ngữ sống động, tài liệu khoa học đa dạng, những quan niệm khác thường đối với vấn đề nguồn gốc con người - tất cả những điều đó đã đủ lý thú rồi. Cuốn sách được viết theo truyền thống diễn đạt dễ hiểu đối với khoa học phổ cập, nó mang lại một cách chính xác cho đông đảo bạn đọc những chứng cứ và những giả thuyết khoa học. Trong lịch sử nguồn gốc con người vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ. Thời gian chuyển biến từ động vật đến các tổ tiên con người được chú ý đến nhiều. Một loài động vật khởi đầu đã tạo ra hai nhánh phát triển. Một nhánh - tổ tiên con người, người vượn và họ người (Hominidae) [1] , nhánh song song thứ hai - vượn gôrila (Gorilla gorilla), hắc tinh tinh (Antropopithecus troglodytes), và v.v... Tổ tiên con người là một loài đã bị mất tung tích, không để lại dấu vết, - đỉnh cao của tiến hóa thuần túy sinh học đã trở thành nguồn cội của người xã hội tương lai nhờ có được những tính chất mới đặc biệt trong di truyền. Tổ tiên con người đã trải qua những biến đổi sinh học căn bản, trước hết, những biến đổi ấy gắn liền với sự xuất hiện những dạng thức phản ánh mới. Dựng lại quá trình xuất xứ của con người nghĩa là nói về hai giai đoạn bước ngoặt chủ yếu nhất trên nền tảng của quá trình đó. Giai đoạn thứ nhất - xuất hiện tổ tiên xa xôi mà trong não đã chớm nở những yếu tố của quá trình phản ánh mới, mà sau này do ảnh hưởng của lao động, dẫn đến phát sinh tri thức. Có lẽ, sự kiện đó đã xảy ra gần 20 triệu năm trước đây. Mối liên hệ của tổ tiên con người với giới động vật có ý nghĩa to lớn; đồng thời, sự tiến hóa của họ người cũng bắt đầu từ đó. Giai đoạn thứ hai - xuất hiện người thông minh, Homo sapiens. Sự kiện này xảy ra tất cả chỉ vào khoảng 40 nghìn năm trước đây. Những điều kiện và những yếu tố tiến hóa từ tổ tiên là động vật đến người hiện đại đã biến đổi rõ rệt. Quá trình tiến hóa ấy bao gồm tính liên tục và những bước nhảy vọt, tính ngẫu nhiên và tính tất yếu, nó gắn liền với lối thoát dần dần của con người ra khỏi sự thống trị của tiến hóa sinh học theo mức độ ngày càng tăng tính đặc thù của dạng thức vận động vật chất có tính chất xã hội. Dạng thức này trở thành sức mạnh quyết định sự phát triển của con người. Thế nhưng, như thế nào mà do ảnh hưởng của những nguyên nhân ấy, một trong số các loài động vật đã tạo nên nguồn gốc của tổ tiên con người, và do https://thuviensach.vn đó mở ra lịch sử chưa từng có hình thành người thông minh ? Có thể gọi giai đoạn khi những tổ tiên đầu tiên của con người vẫn còn ở trong phạm vi của tiến hóa sinh học, bằng cách nào đó bắt đầu vận động tiến tới hình thành những dạng đầu tiên của đời sống xã hội, là giai đoạn tổ tiên con người. Có lẽ, tổ tiên con người vẫn sống trên cây và giống vượn người nhiều hơn là giống với người. Tại sao sự tiến hóa lại bắt đầu từ ramapitec và kết thúc khi người thông minh xuất hiện. Câu trả lời thông thường cho câu hỏi đó là : sự xuất hiện tổ tiên con người không phải là bước nhảy vọt trong quá trình tiến hóa của sự sống. Người ta cho rằng họ người đã xuất hiện như một phản ứng với áp lực chọn lọc kéo dài đã tác động chủ yếu thông qua những biến đổi trong tập tính gắn liền với những biến đổi trong môi trường sống. Phần lớn các nhà khoa học cho rằng con người là kết quả phát triển dần dần của một tổ hợp các đặc tính vốn có ở tổ tiên là động vật của con người, những đặc tính đó là tâm lý, cảm xúc, cảm giác quần hệ, khả năng trao đổi thông tin, và v.v... S. Đacuyn, P. Cropôtkin, E. Maer, Ph. Đôpgianxki đã viết về điều đó. Họ cho rằng dường như sự tiến hóa của họ người đã diễn ra về chất cũng giống như đã diễn ra ở tổ tiên là động vật của họ này. Trong trường hợp này, không tính đến sự xuất hiện bước nhảy vọt dưới dạng các đặc tính có thể biến đổi một cách căn bản khả năng tiến hóa, hướng sự tiến hóa theo con người dẫn đến xuất hiện người thông minh. Giả thiết rằng vì những tổ tiên động vật của con người rơi vào môi trường sống mới, và điều đó chính là bước nhảy vọt dẫn đến sự tiến hóa đặc biệt của những tổ tiên là động vật của con người. Quả thật, vào thời gian xuất hiện tổ tiên con người, những biến đổi của khí hậu trên Trái đất đã làm cho những cánh rừng rộng lớn bị thay thế bằng những savan [2] trống trải kể cả những miền khô hạn dưới dạng bán sa mạc. Tổ tiên con người (sau khi đã tách ra từ nhóm đriôpitec) lúc ấy vẫn còn sống trên cây, bây giờ buộc phải tiến ra những khoảng trống lộ thiên. Hình như điều đó tạo ra những điều kiện thuận lợi cho dáng đi thẳng và nhờ săn bắt đã tăng thêm số lượng thịt trong thức ăn. Có thể, đó chỉ là mô tả thực tế tiến trình hình thức của các sự kiện. Thế nhưng ramapitec đã xuất hiện ngay khi đriôpitec còn sống trên cây trong rừng. Tại sao cũng những biến đổi nghiêm trọng như thế trong môi trường sống, sự tiến hóa theo hướng dẫn đến người thông minh chỉ đụng chạm tới một loài động vật mà không đụng chạm tới những động vật gần gũi khác? Đã có đủ bằng cớ hiển nhiên chứng minh rằng việc sử dụng công cụ ở mức tối thiểu, sự hợp thành quần xã để kiếm thức ăn, kỹ năng khi hình thành tập tính, là bản tính của vượn. Một câu hỏi nảy sinh : tại sao trong những điều kiện ấy, những loài vượn khác lại không chuyển sang đi hai chân? Điều đã biết rõ là một khu vực sống [3] mới rộng lớn xuất hiện sẽ kéo theo hiện https://thuviensach.vn tượng song hành trong tiến hóa của các loài. Khi môi trường sống ở nửa thứ hai của kỷ thứ ba biến đổi, chỉ có một loài sinh học biến đổi theo cách đặc biệt, và điều đó cho phép con cháu của loài ấy trở thành tổ tiên có triển vọng nhất của người thông minh, sự kiện đó được các nhà khoa học nghiên cứu như một vấn đề quan trọng nhất trong quá trình hình thành con người. Lần đầu tiên con người thoát ra khỏi giới động vật là nhờ có khả năng nhận thức bản thân mình như một đơn vị tách biệt hẳn thế giới còn lại, đó là kết quả của một loại hình đặc biệt xử lý thông tin. Phải chăng khả năng đó là hệ quả bình thường trong tiến hóa của động vật? Nếu như thế thì sự nhận thức cần phải trở thành vốn riêng không những chỉ cho con người. Nếu mà con người chỉ giản đơn vượt hơn các loại khác về sự phát triển thì lúc ấy phải có những sinh vật hoặc là gần với người, hoặc là phản ánh trong hành vi của mình toàn bộ những bước chuyển tiếp từ giới động vật đến con người. Không có chuyện đó ! Hoạt động nhận thức tách biệt con người với động vật một trời một vực. Rõ ràng rằng sự xuất hiện dạng thức không bình thường như thế, như tổ tiên con người, đã dựa vào một hiện tượng sinh học duy nhất nào đó. Trên nền tảng khả năng xuất hiện tổ tiên con người, có sự cải biến sinh học đặc biệt về thông tin di truyền của đriôpitec, sự cải biến đó là cơ sở để phát triển loại hình vận động mới của vật chất. Toàn bộ những điều đó chứng minh cho giả thuyết giữa con người và giới động vật phải có một giai đoạn của tổ tiên con người - một sinh thể là sản phẩm của tiến hóa sinh học, thoát thai từ giới động vật bởi quá trình phát triển lịch sử tự nhiên của dạng thức vận động vật chất về mặt sinh học. Hơn nữa, tổ tiên con người có bản tính sinh học mới về chất của một đặc tính duy nhất tuyệt đối ; bản tính đó không có ở tất cả các loài động vật còn lại. Bản tính đó quan trọng tới mức nó tạo ra bước ngoặt trong lịch sử sự sống trên Trái Đất - bước ngoặt trở thành điểm nguyên khai đối với sự phát triển những cơ sở sinh học đã xuất hiện khi hình thành người thông minh. Tính duy nhất của sự xuất hiện tổ tiên con người, tính không lặp lại của sự kiện đó trong lịch sử sự sống buộc phải thừa nhận sự xuất hiện đó là bất ngờ và đột nhiên. Bất cứ hiện tượng nào cũng là sự thống nhất biện chứng của tính tất yếu và tính ngẫu nhiên. Tính ngẫu nhiên - sản phẩm có tính quy luật và không tránh khỏi của những yếu tố quyết định chủ yếu, không có nghĩa là nó có thể xảy ra hoặc không có thể xảy ra. Trong định nghĩa triết học này, sự xuất hiện tổ tiên con người được xem xét như tính ngẫu nhiên trong quá trình tiến hóa hữu cơ. Sự chuyển tiếp từ dạng thức vận động sinh học sang vận https://thuviensach.vn động xã hội - đó là sự chuyển tiếp đến một lĩnh vực mới về chất. F. Ănghen viết: "Tính ngẫu nhiên lật nhào quan niệm đã tồn tại cho đến nay về tính tất yếu". Sự việc cũng diễn ra như vậy đối với sự xuất hiện tổ tiên con người. Sau khi xuất hiện bằng con đường cải biến đột biến và chọn lọc, tổ tiên con người dựa vào các quá trình lao động, đã bước lên con đường tiến hóa có hướng. Con đường ấy - được đề nghị gọi là con đường tiến hóa hòa hợp, đã kéo theo một loạt các giai đoạn biến đổi về tâm lý và những đặc điểm thể chất để hoàn thiện sự hình thành người hiện đại. Ý nghĩa của tiến hóa hòa hợp là sự cải biến nối tiếp nhau những cơ sở sinh học của tổ tiên con người dưới ảnh hưởng của những yêu cầu xã hội. G. N. Machusin đã xác định một cách đúng đắn tính chất phức tạp và quan trọng của vấn đề, và đã đưa ra một giả thuyết độc đáo. Theo giả thuyết này, những cải biến di truyền ở tổ tiên con người do kết quả đột biến đã phụ thuộc rất nhiều vào ảnh hưởng của bức xạ được tăng cường ở một trong những thời kỳ của sự tiến hóa này. Tác giả lưu ý bạn đọc rằng những biến đổi sinh học cỡ lớn ở tổ tiên con người đã diễn ra ở thời kỳ pliôxen, theo thời gian, trùng hợp với những sự kiện không bình thường trong lịch sử Trái Đất. Trên Trái Đất lúc ấy cùng chung sống những tổ tiên chung của tổ tiên con người và vượn hiện đại. Ở Đông Phi, trên lãnh thổ mà những tổ tiên chung ấy chiếm lĩnh, sự vận động mạnh mẽ của vỏ Trái Đất đã diễn ra. Những đứt gãy có dạng những đường nứt sâu dài hàng nghìn kilomet đã xuất hiện trên vỏ Trái Đất. Đồng thời, những quá trình phún xuất của núi lửa, tần số và cường độ động đất gia tăng đột ngột. Những lò urani thiên nhiên xuất hiện, chúng hoạt động như những nguồn năng lượng hạt nhân thiên nhiên và v.v... Theo quan điểm của tác giả, trong những điều kiện ấy, điều chủ yếu là nền phóng xạ đã gia tăng trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Và chỉ trong một thời kỳ nhất định, sự tiến hóa của tổ tiên con người đã chịu đựng tác động của một yếu tố gây đột biến mạnh mẽ. G. N. Machusin chỉ ra rằng vào thời kỳ xuất hiện con người, trên lãnh thổ quê hương đầu tiên của con người đã xảy ra nhiều sự kiện có tính chất không bình thường. Ngoài hiện tượng phóng xạ được gia tăng, đã quan sát thấy núi lửa hoạt động mãnh liệt, động đất ở khắp nơi, và v.v... Tất cả những sự kiện đó đã tạo điều kiện gia tăng cả tần số đột biến cũng như cả đối với chọn lọc tự nhiên. Còn về vai trò của những đột biến lớn trong nguồn gốc con người, tuy còn hơi cứng nhắc, nhưng vấn đề đó cũng đã được thảo luận trong cuốn sách. M.E. Lôba- sep (1967) đã viết: "Có thể, sự xuất hiện con người với hai bán cầu vỏ đại não phát triển, tư thế thân thể thẳng đứng, tín hiệu ngôn ngữ rời rạc, là hệ quả https://thuviensach.vn của những đột biến lớn. Đối với thiên nhiên, người thông minh "không bình thường" tới mức như một con gà nuôi đẻ 365 trứng một năm thay cho 10-15 trứng, hoặc một bò sữa kỷ lục cho 16 nghìn kilogam sữa một năm thay cho 600-700 kg". G. N. Machusin không tán thành quan điểm coi những đột biến như thế qui định sự xuất hiện con người. Tác giả nhấn mạnh rất đúng rằng sự hình thành tổ tiên con người không bị các đột biến bắt buộc mà là do những yêu cầu xã hội được đáp ứng trong lao động có mục đích quyết định; chỉ bằng con đường ấy, sự phát sinh xã hội mới có thể quyết định hướng tiến hóa sinh học của họ người. Tất nhiên, không phải toàn bộ các vấn đề trong cuốn sách đều đã hiển nhiên. Những luận điểm riêng biệt được dẫn ra có thể là quá khẳng định, những luận điểm khác - lại đơn giản hóa. Thế nhưng, trong cuốn sách khá ngắn gọn về nội dung này, những luận điểm ấy đã được giải thích. Tôi xin giới thiệu với bạn đọc cuốn sách thú vị này, và ở một số phần, thậm chí nó là một cuốn sách hấp dẫn. Người đọc cuốn sách này sẽ có thêm nhiều kiến thức. Viện sĩ N. P. ĐUBININ ___ [1] Họ người thuộc bộ linh trưởng (Primates), bao gồm người hóa thạch và người hiện đại. ND. [2] Savan - từ tiếng Tây Ban Nha : sabana - những vùng bình nguyên rộng lớn ở nhiệt đới (châu Phi, Nam Mỹ), chỉ có cây thảo, chủ yếu là hòa thảo, thỉnh thoảng có những cây bụi có gai và những cụm cây thấp. ND. [3] Khu vực sống (sinh cảnh) - từ gốc chữ Hy Lạp : biotopos - một vùng là môi trường sống của động vật được đặc trưng bằng những điều kiện sống tương đối ổn định (đầm lầy, savan,...). ND. https://thuviensach.vn MỞ ĐẦU Thân thể con người - một cơ thể được cấu tạo phức tạp. Trong cơ thể có đủ các bộ phận mà nhờ chúng, có thể suy nghĩ, nói năng, đi lại bằng hai chân, chế tạo ra những đồ vật khác nhau bằng hai tay, sử dụng được ưu thế thị giác có hình khối, màu sắc. Trong thiên nhiên, không có một loài sinh vật nào khác mà lại có trách nhiệm với sự tồn tại của mình không những về sự thích nghi thể chất với môi trường sống, mà còn đối với cả những thành tựu trong trình độ phát triển về vật chất. Tôi là ai? Không có một người biết suy nghĩ nào mà lại không đặt ra câu hỏi đó cho bản thân mình, dù chỉ một lần. Tại sao tôi có tầm vóc cao lớn như thế này, màu mắt như thế này, tính cách như thế này? Bố tôi không cao lắm, mẹ - thấp người, ông nội và bà nội - cũng thế. Màu mắt của bố mẹ, ông bà tôi đều khác tôi. Cũng có thể tôi giống với cụ tổ theo truyền thuyết - một trưởng đội côdắc, sống vào thế kỷ XVI, là người sáng lập nên cái làng quê thân yêu mà một nửa làng cũng mang tên họ như tôi ? Các câu hỏi ngày càng đi sâu mãi, đi sâu mãi vào quá khứ… Ngày xưa, các vị tổ tiên của tôi không nhiều lắm. Một nghìn năm trước đây, trên hành tinh này, họ còn ít hơn cả số dân trên đất nước chúng ta hiện nay. Còn nếu đi xa hơn nữa về quá khứ cách đây hai triệu năm, thì hình dạng tổ tiên của tôi sẽ biến đổi đi. Họ không có hình dạng con người, ý thức của họ còn mơ hồ. Còn tiếng nói, nếu họ nói được, - cũng là tiếng nói nguyên thủy. Quần áo, nếu họ có, - là những bộ da lông chưa qua chế biến. Cũng có thể là họ chưa biết dùng lửa, họ ăn những con thằn lằn, những con rắn còn sống nguyên... Đấy, những tổ tiên của tôi. Tôi là ai? Tôi - tất cả những người như họ, bởi vì một câu trả lời đúng đắn sẽ phải dựa vào sự di truyền và tiến hóa. Và câu trả lời ấy sẽ giúp tôi hình dung ra họ hàng thân thuộc của tôi với toàn thể loài người, với tất cả các sinh vật sống. Nếu tôi tìm được câu trả lời, thì có thể tôi nhận ra tại sao tôi có được bộ óc lớn mà nhờ nó tôi có thể viết sách, xây dựng các thành phố, bay vào vũ trụ, mà cái chính là biết nói và suy ngẫm về nguồn cội của mình. Đã có một thời gian mà tổ tiên của tôi không biết một chút gì về những chuyện đó. Họ vẫn chưa phải là những con người và họ giống những con vượn hiện nay. Một nơi nào đó, trong tận cùng cội nguồn tộc phả của tôi, "ở một giống vượn xa tất cả những giống còn lại về trí thông minh và sự thích ứng" [1] đã sinh ra một sinh vật biết liên kết thế giới con người hiển nhiên https://thuviensach.vn với giới động vật hiển nhiên. Nhiệm vụ của cuốn sách này là ở chỗ cố gắng làm sáng tỏ sinh vật ấy xuất hiện như thế nào, cố gắng xác định những yếu tố nào đã gây nên sự biến đổi vượn "bốn tay" thành tổ tiên đi thẳng của con người. Ngắn gọn hơn là nhận thức được tôi trở thành một con người như tôi như thế nào. Những người sống trước tôi đã cố gắng giải đoán bí mật về nguồn gốc của mình. Có thể là đã lâu lắm rồi, từ ngày đầu tiên tồn tại của mình, vấn đề tộc phả của con người đã dày vò con người. Vô vàn huyền thoại còn lưu truyền đến chúng ta, dưới dạng những chuyện cổ tích dân gian Nga, cũng như dưới dạng những truyền thuyết thần thoại của các dân tộc khác, có chủ đề cố gắng giải thích đất nước và con người đã xuất hiện như thế nào. Tất cả những huyền thoại ấy đều tuyệt đẹp và thú vị nhưng tuyệt đối ... không đáng tin cậy. Cuối cùng, chỉ vào thời đại chúng ta mới hoàn thiện được các phương pháp cho phép bắt tay vào giải quyết những vấn đề về nguồn gốc con người một cách khoa học. Chỉ có bây giờ các nhà khoa học mới có thể chinh phục lại một cách chính xác đến cả những chi tiết về cuộc sống của tổ tiên xa xưa của chúng ta theo những dấu vết tưởng như là không đáng kể. Những phương pháp mới nhất phục chế quá khứ cho phép tái hiện chân dung chính xác của các tổ tiên. Độ chính xác và độ tin cậy của những phục chế ấy đã được kiểm tra. Kiểm tra như thế nào? Đây là một ví dụ. Tội phạm đến khéo che đậy những dấu vết của mình tới mức sau đó mấy năm, khi công nhân xây dựng đào hào để đặt đường ống dẫn, mới phát hiện ra hài cốt của người bị giết. Thoạt tiên, không ai có thể nghi ngờ rằng người chết mà công nhân xây dựng tìm thấy hài cốt là nạn nhân của một hành động giết người dã man. "Chó sói, chắc thế", - các dự thẩm nêu ra giả thuyết sau khi phát hiện ra những vết thủng nằm ngang ở xương người bị giết. Ban giám định đã xác định được ở xương đúng là có những vết răng của một con thú cỡ lớn. Bộ xương không có sọ dường như cũng khẳng định giả thuyết những con thú ăn thịt đã tấn công nạn nhân. Những con thú cũng có thể gặm mất toàn bộ sọ. Có lẽ mọi việc đã rõ và người ta đã chuẩn bị nộp hồ sơ vào lưu trữ, thì đột nhiên công nhân xây dựng bỗng thấy chiếc sọ, và những giả thuyết trước đó bị bác bỏ. Rõ ràng đây là một vụ giết người. Trên xương sọ thấy rõ một vết lõm, dấu vết của một đòn mạnh đánh từ phía sau. Có nghĩa là đó không phải do chó sói mà là một tội ác. https://thuviensach.vn Hung thủ không để lại bất cứ dấu vết gì. Thậm chí tên người bị giết cũng không biết, người bị giết quê quán ở đâu, xuất hiện trong rừng như thế nào. Phải chăng ở đây chính là chỗ người ấy bị giết, hay là người ấy đã bị giết ở một nơi khác nào đó, mà ở đây chỉ là nơi giấu xác. Vụ án còn phức tạp thêm lên ở chỗ chiếc sọ và bộ xương người đã được tìm thấy ở ngoại ô một thành phố lớn. Vì vậy, cũng có thể xác chết đã bị chặt ra thành từng đoạn, và việc chuyên chở từng đoạn xác chết có thể kín đáo hơn. Tìm hung thủ khi không có bất cứ dấu vết nào và cũng không biết cả tên người bị giết là điều không thể làm được. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau đó đã tìm ra hung thủ. Khi thảo luận các giả thuyết khác nhau, đã tưởng đó là một vấn đề không có hy vọng, thì một trong số các cộng tác viên của ban điều tra hình sự chợt nhớ lại rằng mình đã đọc ở đâu đó có một phương pháp phục chế mặt người theo xương sọ của họ do các nhà khảo cổ học nghiên cứu ra. Một dự thẩm đã đến Maxcơva. Ở Viện khảo cổ học thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, người ta khuyên người dự thẩm đến gặp tiến sĩ sử học M. M. Gheraximôp. "Và đừng nghĩ thế, không, không và không, - giáo sư trả lời. - Đồng chí không biết là tôi bận đến như thế nào : cần phải đến những chỗ khai quật ở Xibêri, phải xử lý tài liệu ở Malta. Và sau đó tôi phải phục chế các chân dung hoàn toàn không phải là để bắt hung thủ. Tôi chú ý đến bộ mặt thật của người cổ xưa chứ không phải của người hiện đại. Chúng tôi cần làm sáng tỏ một cách chi tiết những sai khác của những dạng người đã mất tung tích (pitêcantrôp, nêanđectan) [2] với người hiện đại, hay như người ta gọi "người thông minh thông minh". Còn những tội phạm, về hình dáng bên ngoài, cũng là những người như tôi với đồng chí. Ở đây có cái gì là thú vị đối với khoa học?". "Nhưng, thưa giáo sư, xin giáo sư hãy nghĩ xem, - người dự thẩm nói, - nếu được giáo sư giúp đỡ mà chúng tôi tìm thấy hung thủ, thì đó là một bằng chứng có sức thuyết phục biết chừng nào về tính chính xác của những phục chế làm theo phương pháp của giáo sư". "Vâng, nhưng đồng chí cần độ chính xác mà chúng tôi không cần đến, - M. M . Gheraximôp trả lời. - Đồng chí muốn có độ chính xác của một tấm ảnh chụp để căn cứ vào tấm ảnh ấy mà tìm ra tên của người bị giết. Đối với chúng tôi thì điều quan trọng là chỉ phục chế những đặc điểm về hình dạng của người cổ xưa". "Thưa giáo sư, tôi tin rằng việc phục chế theo phương pháp của giáo sư sẽ có https://thuviensach.vn được một tấm ảnh đối chứng", - người dự thẩm không nhượng bộ. Và cuối cùng, người dự thẩm đã thuyết phục được nhà khoa học. Kết quả phục chế tạo hình đã xác lập được rằng người bị giết là một chú bé 12-13 tuổi... Căn cứ vào xương sọ, đã nặn ra tượng của người chết bằng bột nặn plastilin. Người ta đã chụp ảnh bức tượng từ nhiều phía khác nhau. Người dự thẩm trộn lẫn những tấm ảnh chụp được với ba mươi tấm ảnh của các chú bé khác cùng tuổi. Người ta phân phát số ảnh ấy cho các nhân viên công an để đưa cho nhân dân ở những làng xóm gần đấy xem. Chẳng bao lâu, những người dân ở một trong số những làng ngoại ô cách không xa địa điểm tìm thấy xác chết, căn cứ vào các tấm ảnh, đã nhận ra chú bé sống ở làng ấy và đã mất tích mấy năm trước đây. Người ta nghi rằng chú bé đã trốn đi và đi du lịch ở đâu đó, hoặc là đi lang thang lêu lổng. Đã biết được tên người bị giết và địa chỉ bố mẹ của người ấy. Người ta đưa cho ông bố chú bé bị giết 37 tấm ảnh chụp các chú bé. Không hề do dự, ông bố đã chọn ra 7 tấm ảnh trong số đó vì lập tức đã nhận ra con trai của mình... Như vậy, hình pháp học đã giúp cho việc khẳng định độ chính xác của phương pháp tái hiện hình dạng con người cổ xưa và những tổ tiên của họ. Đã chứng minh một cách không chối cãi được rằng việc phục chế chân dung con người theo phương pháp của Gheraximôp (1964), - đó không chỉ đơn giản là các kiểu khái quát hóa người cổ xưa mà còn là những bức chân dung chính xác của những tổ tiên người hiện đại đã từ lâu mất tung tích. Căn cứ vào chân dung như vậy của từng tổ tiên một, có lẽ, có thể nhận ra những người bà con... Đi loanh quanh trong rừng ngoại thành và khi suy ngẫm về trường hợp mà M. M. Gheraximôp kể cho tôi nghe, tôi chú ý đến những chiếc lông tơ màu trắng, như một lớp tuyết phủ lên ngã tư đường nhựa nhỏ. Đặc biệt thú vị khi nhìn những chiếc lông ấy rơi xuống mặt nước. Những "bông tuyết" trắng của cây dương như một tấm chăn mỏng bằng lông tơ phủ lên mặt nước phẳng lặng. Khi đi chơi trong rừng, trên đồng cỏ vào mùa hoa nở, chắc các bạn cũng đã chú ý đến những vũng nước có một lớp màu vàng nhạt phủ lên, các bạn cũng đã trông thấy khi một trận gió thổi trên cánh đồng màu gỉ sắt, một cột khói màu xanh nhạt đã bốc lên như thế nào. Đó là giới thực vật vung vãi những mầm sống tương lai với khối lượng khổng lồ. Mỗi đóa hoa tạo ra hàng nghìn, hàng chục nghìn bào tử và phấn hoa. Việc nghiên cứu phấn hoa thời cổ xưa giúp cho các nhà khoa học tái dựng cảnh quan của quá khứ, lập lại được lịch sử khí hậu và thậm chí xác định phỏng chừng thời gian tìm được di https://thuviensach.vn cốt cũng như đồ dùng của con người. Và không chỉ là phấn hoa mà cả xương động vật cũng có khả năng giúp cho các nhà khảo cổ xác định niên đại của những vật tìm được. Trong suốt quãng thời gian hàng nghìn, hàng triệu và hàng trăm triệu năm, một số loài động vật và thực vật đã bị những loài động vật và thực vật khác thay thế, còn những di tích của chúng được tích lũy lại trong đất. Trình tự thay đổi động vật và thực vật được xác định khá chính xác (bằng phương pháp sinh địa tầng học). Nhưng ở những địa điểm này hay khác, một số động vật bị tuyệt chủng sớm hơn những động vật khác, hoặc ngược lại, chúng đã sống lâu hơn so với ở những địa điểm khác. Vì vậy thước đo thời gian dựa vào sự tiến hóa của chúng không cho phép định niên đại một cách chính xác những vật tìm được. Năm 1949, giáo sư U. F. Libi ở trường đại học tổng hợp Sicagô đã đề nghị một phương pháp xác định niên đại những đối tượng cổ xưa theo mức phóng xạ của các di tích hữu cơ. Do phát minh này, năm 1960, ông đã được nhận giải thưởng Nobel. Trên cơ sở của phương pháp Libi, người ta đã hoàn thiện những phương pháp khác tương tự như các phương pháp xác định niên đại. Cơ sở của những phương pháp này là trong tự nhiên thường xuyên diễn ra sự tích tụ hoặc phân rã các chất đồng vị của các chất khác nhau. Ví dụ, trong cơ thể sống và trong khí quyển có một lượng như nhau cacbon (14C) phóng xạ. Khi cơ thể đó chết đi thì sự xâm nhập của cacbon vào cơ thể cũng ngừng lại. Trong cơ thể động vật hoặc thực vật đã chết, cacbon phóng xạ bắt đầu phân rã. Đã xác định được rằng sau 5730 năm, số lượng của nó chỉ còn lại một nửa (bán rã). Vật tìm được càng cổ xưa bao nhiêu thì lượng cacbon trong nó càng ít bấy nhiêu, còn ít đi bao nhiêu thì máy đo đặc biệt sẽ "thông báo". Bây giờ, tuổi của các di tích hữu cơ được xác định đủ chính xác. Hàng nghìn di tích đã được xác định niên đại bằng cách ấy. Trong thiên nhiên, không chỉ có cacbon phóng xạ thường xuyên phân rã, mà còn cả các nguyên tố khác nữa. Cũng đã biết tốc độ bán rã của chúng. Khi xác định số lượng nguyên tố phóng xạ này hay khác trong các vỏ sò, hến, trong san hô, trong các trầm tích biển hoặc núi lửa, có thể biết được khá chính xác bao nhiêu năm đã trôi qua kể từ khi những di tích hóa thạch này hay khác, hoặc công cụ của người đã bị chìm xuống đáy biển, hoặc bị tro vùi lấp và bị dung nham của núi lửa phủ kín. Ví dụ, từ 1 kg urani (238U), trong những điều kiện nhất định, sau 100 triệu năm, sẽ thải ra 13 g chì và 2 g hêli. Sau 2 tỷ năm, trong đá nguyên khai chứa 1 kg urani, sẽ tích tụ lại 225 g chì và 35 g hêli, còn urani chỉ còn lại 0,5 kg. Sau khi đã xác định được số lượng urani và hêli trong mẫu đá bằng các máy https://thuviensach.vn đo có thể tính ra được tuổi của mẫu ấy. Chu kỳ bán rã của kali (40K) - 1,31 tỷ năm, nghĩa là sau 1,31 tỷ năm kể từ khi kali cùng với dung nham núi lửa chảy tràn lên bề mặt một địa điểm này hay khác, trong mẫu dung nham, số lượng kali chỉ còn lại một nửa, thế nhưng sẽ có cùng chừng ấy can xi (40Ca) và acgon (40Ar) được tạo thành. Như vậy, nếu xác định số lượng các hợp phần trong mẫu dung nham thì có thể biết được chính xác tuổi của bản thân dung nham ấy. Còn nếu như dưới lớp dung nham lại có di cốt của người bị chết do phún xuất cùng với nhà ở và đồ dùng của người ấy, thì tuổi của người chết, nhà cửa và đồ dùng, cũng tương ứng với lớp dung nham. Phương pháp xác định niên đại phổ biến nhất trong số các phương pháp dùng đồng vị phóng xạ - là phương pháp dùng cacbon phóng xạ và kali acgon. Ngoài ra, còn dùng các phương pháp xác định niên đại theo đồng vị của protoactini (231Pa - chu kỳ bán rã 32 nghìn năm), thôri (230Th - 75 nghìn năm), urani (234U - 0,25 triệu năm), clo (36Cl - 0,3 triệu năm), berili (10Be - 2,5 triệu năm), hêli (4He - 4,5 tỷ năm), và v.v... Người ta còn xác định thời gian theo cường độ bức xạ Mặt Trời (phương pháp vật lý thiên văn), theo các dẫn liệu địa chất từ, và v.v... Các nhà địa lý học, địa chất học, dân tộc học, di truyền học, động vật học, đều tích cực quan tâm đến việc nghiên cứu các vật tìm được cổ xưa ; toán học tính toán và nhiều phương pháp khác nữa cũng được sử dụng. Trong khoảng 15 - 20 năm gần đây, khi sử dụng những thành tựu của khoa học thế giới và những phương pháp mới về khai quật, phục chế và xác định niên đại, các nhà khảo cổ đã có được những phát hiện quan trọng nhất, đặc biệt là trong việc nghiên cứu thời đại đồ đá - thời kỳ đầu tiên trong lịch sử loài người. Thời đại đồ đá không những chỉ là thời đại cổ xưa nhất, mà còn là thời đại dài nhất trong lịch sử. Toàn bộ lịch sử văn tự, bắt đầu từ Sumer và Ai Cập cổ đại, chỉ kéo dài trên 5 nghìn năm một chút. Nếu cho lịch sử văn tự của loài người là một ngày, thì thời đại đồ đá so với một ngày ấy, đã kéo dài 522 ngày (gần một năm rưỡi!). Trong lịch sử thời đại đồ đá người ta chia ra thành ba thời đại : 1) paleolit [3] (thời đại đồ đá cũ) ; 2) mezolit (thời đại đồ đá giữa) ; 3) neolit (thời đại đồ đá mới). Thời đại đồ đá cũ còn được chia ra thành một số giai đoạn (hoặc "văn hóa"). Thời đại đồ đá cũ sớm (dưới) - Ônđuvai : từ khi xuất hiện những con người đầu tiên và kéo dài khoảng 1 - 0,7 triệu năm trước đây. https://thuviensach.vn - Asen : 700 - 100 nghìn năm trước đây. - Muschiê (thời đại đồ đá cũ giữa?) : 100 - 35 nghìn năm trước đây. - Thời đại đồ đá cũ muộn (trên) : 35 - 11 nghìn năm trước công nguyên. Việc sử dụng những phương pháp mới để nghiên cứu thời đại đồ đá, và đặc biệt là trong những năm thứ 60 - 70 ở châu Phi, đã đóng góp thêm nhiều điều không bình thường tới mức lập tức gây nên nhiều cuộc tranh cãi đủ loại, nhiều tin đồn đại, nhiều cuộc thảo luận, mặc dù mới 15 - 20 năm trước đây, không chỉ trong công chúng đông đảo, mà ngay cả trong số các chuyên gia - các nhà nhân chủng học và các nhà khảo cổ học, không hề có điều gì không rõ ràng đối với những vấn đề về nguồn gốc con người. Mọi người đều xuất phát từ giả thuyết cho rằng nguồn gốc loài người (quá trình phát sinh loài người) bắt đầu từ lúc một con vượn nào đó, một cách ngẫu nhiên, đã dùng tay cầm lấy hòn đá hay cái gậy. Do đó, bây giờ do hai tay đã cầm nắm, con vượn ấy không thể đi bằng bốn chân và đã chuyển sang đi thẳng. Vì vậy, cấu tạo cơ thể con người đã biến đổi. Khi làm việc bằng tay, con người đã rèn luyện đôi tay đến mức ngón tay cái phát triển, và bàn tay biến đổi đi. Do sự "suy ngẫm về công việc", khối lượng não người tăng lên, và toàn bộ những đặc điểm đó được di truyền lại. Hình dạng bên ngoài của con người đã biến đổi một cách dần dần và chậm chạp như thế đó, và con người ngày càng tách xa khỏi vượn, tiến gần đến với chúng ta. Điều cốt yếu làm cơ sở cho giả thuyết này là - những biến đổi tập nhiễm có lợi về cấu tạo cơ thể trong quá trình lao động, dường như được di truyền lại, tích lũy lại dần dần và dẫn đến sự "biến đổi" con người thành loài hiện đại. (Người ta cho rằng, lần đầu tiên con người xuất hiện ở châu Á không sớm hơn 500-800 nghìn năm trước đây). Còn về những nguyên nhân biến đổi vượn thành người thì trong Đại bách khoa toàn thư Liên Xô (1956) chỉ ra rằng cần phải xem xét "sự tiến hóa như một quá trình thích nghi của cơ thể với môi trường chung quanh... Những dấu hiệu khác biệt của con người như một loài sinh học, chung qui chỉ là đi bằng hai chân gắn liền với việc giải phóng đôi tay khỏi chức năng đi lại và tiến tới phát triển đại não. Cả hai đặc điểm ấy, không còn nghi ngờ gì nữa, nằm trong mối liên hệ trực tiếp với hoạt động lao động...". "Yếu tố then chốt biến đổi vượn thành người là bước chuyển từ ăn thức ăn thực vật sang ăn thịt (tôi nhấn mạnh - G. N.), do điều kiện sống xấu kém đi ở https://thuviensach.vn thời kỳ băng hà... so với kỷ thứ ba ấm áp". Người ta đã nghĩ như vậy. Nhưng vào đầu những năm thứ 60 của thế kỷ chúng ta, các nhà khảo cổ học đã bị chấn động bởi những phát hiện của L. Liki ở châu Phi. Chính những phát hiện ấy đã bác bỏ phần lớn điều mà chúng ta đã quen cho là bất di bất dịch. Chính những phát hiện ấy đã chỉ ra rằng lần đầu tiên, con người xuất hiện ở châu Phi chứ không phải ở châu Á, không phải là 800 nghìn năm trước đây, mà là hơn hai triệu năm về trước. Cũng trong thời gian ấy Đ. Huđôn đã xác định được rằng con người còn có "kẻ cạnh tranh" trong việc chế tạo công cụ - hắc tinh tinh. Cũng chính bà đã phát hiện ra vượn biết săn bắt và ăn thịt. Như vậy, giả thuyết về thức ăn bằng thịt như một "yếu tố then chốt" đã bị nghi ngờ. Còn điều chủ yếu mà những phát hiện mới đã chứng tỏ là cách đi thẳng, tăng thể tích não và những biến đổi khác trong cấu tạo cơ thể con người đã xuất hiện không phải do kết quả hoạt động lao động như người ta vẫn nghĩ về điều đó, mà đã xuất hiện trước khi có hoạt động lao động mấy triệu năm... Đã xác lập được rằng trong môi trường địa lý, những biến đổi quan trọng nhất đã diễn ra không trùng vào thời điểm con người tách ra khỏi giới động vật, mà đã diễn ra muộn hơn mấy triệu năm. Thế là những biến đổi đó không có cách nào ảnh hưởng đến những con vượn người. Không có một con vượn nào trong số đó biến thành người. Như vậy, những biến đổi của khí hậu và giới thực vật không hề có một vai trò quan trọng nào cả trong quá trình phát sinh loài người. Đặc biệt, có một điều không hiểu được là con người đã xuất hiện một cách khá "đột nhiên" và ngay lúc đầu không có cái gì khác (về mặt sinh học) với tổ tiên của mình. (Chỉ có lao động mới phân tách được con người với tổ tiên con người). Hơn nữa, cả tổ tiên và cả con cháu đã cùng tồn tại trong một thời gian dài. Sau đó, tổ tiên (ôstralôpitec châu Phi) đã bị tuyệt chủng, còn con người tiếp tục sống. Nếu như đã bằng cách "đột nhiên" và đã "cùng tồn tại", thì điều đó có nghĩa là không có sự tiến hóa dần dần về biến đổi cấu tạo tổ tiên con người và con người như người ta đã dự đoán điều đó cho đến nay. Cũng vào những năm ấy, các nhà nhân chủng học nhận thấy những trường hợp mà sau này trong lịch sử con người cũng đã có là một số loài người này bị một số loài người khác thay thế không phải bằng cách dần dần và nhịp nhàng, mà bằng cách đột nhiên (ví dụ, sự thay thế người nêanđectan bằng người loài hiện đại (Gheraximôp, 1964)). https://thuviensach.vn Hóa ra là khoa học về tính di truyền và biến dị - di truyền học, có thể bảo vệ được những quan niệm đã trở nên ổn định. Nhưng các nhà di truyền học lại còn làm cho chúng ta nản lòng hơn. "Để hiểu được mối tương quan về mặt xã hội và sinh học trong con người, - N. P. Đubinin viết (1972), - thì một nguyên tắc quan trọng nhất mà cho tới bây giờ vẫn chưa được nhận thức đầy đủ, là những kết quả của hoạt động xã hội-lao động, như các định luật di truyền đã chứng minh, không được ghi lại trong các gen, chúng không trở thành chủ thể của tiến hóa sinh học... Gen nằm trong các phân tử axit nuclêic là vật thể mang vật chất di truyền sinh học". Hình 1 . Sự tiến hóa của linh trưởng theo dẫn liệu miễn dịch học . Như vậy, toàn bộ những điều quen thuộc đã bị đổ vỡ, còn những cái mới thì hoàn toàn không hiểu được. Phần lớn các nhà nhân chủng học và khảo cổ học đã quyết định "chờ đợi". Còn một số người nào đó đã công khai tỏ ra không tin những "sự kiện giật gân" ở châu Phi, và đặc biệt không tin vào R. Đact, người đầu tiên đã phát hiện ra tổ tiên con người (dòng ôstralôpitec). Những lời diễu cợt về các phát hiện của ông đã tới tấp dội vào ông. Như nhà nhân chủng học Liên Xô nổi tiếng V. P. Alecxêep (1969) đã kể lại, thậm chỉ ở nước Anh vốn dè dặt và kiểu cách "trên các báo đã xuất hiện những bức tranh châm biếm Đact, đã in những bài thơ trào phúng về những vật tìm được của ông, và thậm chí còn nhạo báng ông trên các bục sân khấu". Thế nhưng, những cuộc khai quật ở châu Phi ngày càng đưa đến nhiều dẫn liệu khẳng định rằng R. Đact và L. Liki đã đúng, còn những quan niệm của chúng ta cần được hiệu chỉnh về căn bản. Bây giờ, tuổi của con người được xác định là 2,6 triệu năm. Càng ngày càng có nhiều nhà khoa học đến châu Phi để "bác bỏ sự kiện giật gân của L. Liki", thì chính bản thân họ lại tìm được những tài liệu khẳng định những phát hiện của ông. Như nhà khảo cổ học Liên Xô V. M. Maxxon đã diễn đạt, số lượng những vật tìm được trong khảo cổ học đã lớn lên như một dòng thác. Những đoàn khảo sát quốc tế đã được tổ chức để tiến hành các cuộc khai quật ở châu Phi. Kết quả công tác của những đoàn ấy đã xác định một cách dứt khoát rằng tất cả những phát hiện của R. Đact, L. Liki và Đ. Huđôn là hoàn toàn đáng tin cậy. Gần như tất cả các nhà khoa học-nhân chủng học nổi tiếng nhất đã tham gia những cuộc khai quật và đều thấy rõ Liki đã đúng. Nhưng một số nhà khoa học lại im lặng. Trong lúc đó, báo chí, đài phát thanh và vô tuyến truyền hình ngày càng thông báo thường xuyên hơn về những phát hiện mới, về những chuyến đi của các nhà khoa học khác nhau đến châu Phi, về những bằng chứng tuyệt vời đã thu được nhờ vật lý nguyên https://thuviensach.vn tử. Và trong công chúng rộng rãi, khi không có sự giải thích tỉ mỉ theo quan điểm duy vật những phát hiện mới, và thực chất là những phát hiện gây nên những ấn tượng mạnh mẽ, thì những tin đồn đại và những phỏng đoán đủ mọi kiểu sẽ trở thành phổ biến. Đã xuất hiện những bộ phim khoa học giả hiệu, khéo léo "chứng minh" rằng dường như tất cả những điều đó là công việc do những bàn tay của "những người từ vũ trụ đến". Nếu như kim tự tháp là do "những người từ nơi khác đến" làm ra, thì ắt hẳn họ cũng "đã đưa" con người đến, - những lập luận như vậy đã phổ biến rộng rãi, và tất nhiên chỉ có bọn phản động là có lợi. Các giáo sĩ cũng không bỏ lỡ cơ hội. Lợi dụng sự im lặng của một số chuyên gia, họ đã mở cuộc tấn công quyết liệt. Trong các tạp chí thần học đã xuất hiện những bài báo về "khủng hoảng của khoa học", "về nguồn gốc con người", và v.v..., và v.v... Thêm vào đó, trong những bài báo ấy đều có dẫn chứng những phát hiện khoa học (nhưng sự kiện đã bị xuyên tạc một cách khéo léo), và đã nói một cách tỉ mỉ rằng họ không giải thích được những lý thuyết đã được thừa nhận trong khoa học, và cuối cùng là kết luận "khoa học đang ở trong ngõ cụt, chỉ có nhà thờ, tôn giáo là đúng đắn. Muôn sự tại Trời". Thậm chí, bản thân giáo hoàng La Mã Pi XII (1950) cũng đã phát biểu ý kiến bằng một bản thông cáo đặc biệt của giáo hoàng (cho những người theo đạo) "Humani Generis" - "Nguồn gốc con người". Trong bản thông cáo này, giáo hoàng La Mã cam đoan rằng những phát hiện mới khẳng định "thượng đế sáng tạo ra con người"... Xuất phát từ những quan niệm như trước đây của chúng ta thì khó mà giải thích được những phát hiện mới. Điều đó cũng không có gì lạ, bởi vì nhìn chung, những quan niệm ấy cũng không khác biệt gì mấy so với quan điểm của nhà khai hóa J. B. Lamac ở thế kỷ XVIII, mà khoa học hiện đại hoàn toàn bác bỏ những quan niệm đó. Việc truyền những tính trạng "tập nhiễm có lợi" theo con đường di truyền đã không được khẳng định một cách khoa học. Trong di truyền có những cơ chế hoàn toàn khác. Là một trong số những học trò của M. M. Gheraximôp, tôi đã không dao động khi thừa nhận tính chính xác trong những phát hiện của L. Liki ở châu Phi, và lập tức tôi hiểu rằng cần phải tìm kiếm những giải thích cho tất cả các vấn đề. Sau khi được biết những phát hiện của L. Liki và Đ. Huđôn ít lâu, tôi đã được đọc các công trình của nhà khoa học nổi tiếng N. P. Đubinin "Di truyền học phóng xạ" (1962), "Di truyền học phân tử và tác động của https://thuviensach.vn bức xạ đối với tính di truyền" (1963), và v.v… Những công trình đó đã làm đảo lộn tất cả những quan niệm của tôi. Hơn nữa, những câu trả lời đã bắt đầu xuất hiện đối với tất cả các vấn đề còn chưa rõ ràng. Điều đó như một điểm sáng bùng lên đột ngột. Có lẽ, những công trình đầy tài năng của các nhà khoa học cỡ lớn có thuộc tính làm nảy sinh một khối lượng lớn những ý tưởng ở người đọc những công trình ấy. Đã trở nên rõ ràng là cần phải tìm câu trả lời cho tất cả những "kỳ lạ" về hình thức trong sự biến đổi sinh học của tổ tiên con người, và sự biến đổi tổ tiên con người thành con người, trong các định luật di truyền học, trong lý luận đột biến. Ngay từ năm 1966, tôi đã phát biểu trong một hội nghị chuyên đề về phương pháp luận ở Viện khảo cổ học, về những phát hiện mới, còn năm 1968, - ở Hội nghị toàn liên bang về các vấn đề nguồn gốc loài người (Moscow News, 6-4-1968). Mặc dù những bài phát biểu của tôi (1974) rất ngắn gọn (đó chỉ là những sơ thảo đầu tiên để làm việc), nhưng các báo và tạp chí đã chú ý đến những bài phát biểu ấy [4] . Việc giải thích rộng rãi những giả thuyết của tôi đã tới mức buộc tôi phải lập tức trình bày giả thuyết công tác trước công chúng rộng rãi, mặc dù vẫn còn nhiều vần đề nghi vấn và thiếu sót. Thực chất về quan niệm của tôi đối với các vấn đề nguồn gốc loài người, đã được trình bày rất rõ trong tạp chí "Người cộng sản" (1976, No. 10) (Liên Xô). ("Ngoài việc xác định rõ thêm bằng khoa học hiện đại... những biến đổi khí hậu nhiều lần trên Trái Đất... trong những năm gần đây đã thu được một khối lượng lớn các dẫn liệu mới đặc trưng cho những điều kiện sinh thái, mà trong những điều kiện ấy đã nảy sinh và diễn ra quá trình phát sinh loài người. Đã biết rõ là trong suốt 4,5 triệu năm gần đây, ít nhất, đã có bốn lần thay đổi các cực từ của Trái Đất. Những đứt gãy của vỏ Trái Đất ở Đông Phi và Nam Phi cách đây gần 3-5 triệu năm đã làm lộ rõ những lối thoát ra cho các mỏ quặng urani, đã làm tăng đột ngột phông (nền) phóng xạ của môi trường... của vượn người. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kết hợp những yếu tố ấy đã tạo điều kiện cho các quá trình đột biến mạnh mẽ... Một trong những con đường chủ yếu để cấu tạo lại về mặt sinh học một cách căn bản, có lẽ là sự tái tổ hợp vốn gen. Di truyền học hiện đại đã ghi nhận được sự giảm có tính quy luật số lượng thể nhiễm sắc trong quá trình tiến hóa của linh trưởng và họ người - từ 54 - 78 ở vượn bậc thấp đến 48 - ở vượn người bậc cao và 46 - ở người. Giả thuyết đã trình bày về sự dính kết các thể nhiễm sắc và về sự tăng cường, như vậy, về những yếu tố xác định sự phát triển của bộ não và hệ thần kinh". Tác giả hiểu rằng không phải mọi người đều đồng ý với những vấn đề được viết ra trong cuốn sách này. Những người ủng hộ quan điểm của Lamac có https://thuviensach.vn thể sẽ phẫn nộ vì việc dùng di truyền học vào vấn đề nguồn gốc loài người. Đến lượt mình, các nhà di truyền học sẽ trách cứ về việc sử dụng có phần tùy tiện thuật ngữ của họ, và đã làm đơn giản hóa các quá trình phức tạp trong tế bào và nhân tê bào. Các nhà nhân chủng học sẽ nêu ra một cách hợp lý là chỉ có thể dùng chữ La Tinh để viết tên các loài, và sẽ không thể dung thứ được nếu dịch các thuật ngữ ra tiếng Nga. Các nhà vật lý học sẽ than phiền, ở đây, những hiện tượng hạt nhân phức tạp không được nêu rõ đặc điểm một cách đầy đủ về mặt nghề nghiệp. Các nhà địa chất học sẽ gợi ý là các đứt gãy - đó không phải chỉ là những rãnh nứt đơn giản ở vỏ Trái Đất, mà là một quá trình kiến tạo phức tạp. Thế còn các đồng nghiệp - các nhà khảo cổ học có thể nhạo báng rằng việc trình bày thời đại đồ đá sớm là không có hệ thống mà là trình bày từng mẩu một, như vậy đã không mô tả được tất cả các di tích của thời đại ấy, và không dẫn ra được tất cả các phức hợp, v.v… và v.v... Và tất cả những điều đó sẽ là hợp lý và đúng đắn. Thế nhưng, hiện nay không thể dùng sức mạnh của một trong số các khoa học để giải quyết trọn vẹn những vấn đề phức tạp và khó khăn về nguồn gốc loài người được. Cần phải có một phương pháp tổng hợp đối với những vấn đề ấy và cần có sự tham gia của các chuyên gia ở các lĩnh vực tri thức khác nhau (không phải chỉ là các nhà khảo cổ học, nhân chủng học vẫn làm việc như cho tới hiện nay). Và nếu như cuốn sách này lôi cuốn được sự chú ý của các chuyên gia khác nhau đối với những vần đề quan trọng và phức tạp này, thì tác giả cho rằng nhiệm vụ của mình đã được hoàn thành, bởi vì tuyệt nhiên, tác giả không có tham vọng giải quyết vấn đề nguồn gốc loài người, nhiệm vụ của tác giả đơn giản hơn : vạch rõ những khó khăn và đề ra một số hướng giải quyết những khó khăn đó mà điều chủ yếu là đưa ra những nguyên cớ để thảo luận rộng rãi. Cuốn sách dành cho đông đảo bạn đọc, nhưng để bạn đọc dù có rút ra kết luận gì đi nữa sau khi đọc xong thì những vấn đề sau đây vẫn là bất di bất dịch: 1) tất cả những phát hiện khoa học mới nhất được giải thích một cách đơn giản hơn, rõ ràng hơn và chủ yếu là xác thực hơn nhờ những quan điểm duy vật mà không cần đến sự bịa đặt "thần thánh" nào cả ; 2) lao động đã đóng vai trò quyết định trong nguồn gốc con người. Có thể rất ngạc nhiên về sự sáng suốt thiên tài của F. Ănghen - người phát hiện ra quy luật ấy hơn một trăm năm trước đây, khi vẫn chưa biết gì về tổ tiên của chúng ta - dòng ôstralôpitec, chưa biết gì về tuổi tác của loài người, chưa biết những định luật di truyền. Và hơn nữa, luận điểm ấy đã được những phát hiện mới nhất khẳng định một cách tuyệt vời. ___ https://thuviensach.vn [1] C. Mac và F. Ănghen. Tác phẩm, tập 20, trang 491. [2] Con người - theo phân loại sinh học thuộc bộ thứ 16 - bộ linh trưởng, lớp có vú (có xương sống). Theo bảng phân loại của H. Simpsơn (Simpson, 1955 ; Napier..., 1967), bộ linh trưởng (Primates) gồm các bộ phụ Lumuroidea (nửa vượn) và Anthropoidea (vượn bậc cao). Bộ phụ Anthropoidea chia ra thành các tổng họ (trên họ) Platyrthini (mũi rộng), mũi hẹp và Hominoidea. Đến lượt mình, Hominoidea bao gồm các họ : parapitec, pôngit và hôminit (Hominidae). Các họ phụ (dưới họ) gibbôn, đriôpitec và pôngin (gôrila, hắc tinh tinh (Pan), đười ươi (Pongo)) thuộc họ pôngit. Anstralopithecus, Pithecantropus và người (Homo) thuộc họ Hominidae. Người hiện đại được gọi là Homo sapiens sapiens ; tiền bối của người hiện đại là Homo sapiens neanderthalus, hoặc gọi đơn giản là nêanđectan. [3] Các thuật ngữ "paleolit", "mezolit", "neolit" bắt nguồn từ những từ Hy Lạp ghép lại : "palaies" - cổ xưa, "mezos" - ở giữa, trung gian, "neos" - mới và "litos" - thuộc về đá. Những tên gọi "Ônđuvai", "Asen" ("Asơn"), "Muschiê" và những tên gọi khác nữa đều theo tên địa điểm khai quật đầu tiên các di chỉ thuộc thời kỳ (giai đoạn) này hay khác. [4] Tác giả lược kê một số báo, tạp chí, đã đăng lại bình luận về những bài phát biểu nói trên của tác giả. Ở Việt Nam, số báo và tạp chí ấy rất ít phổ biến, chúng tôi tạm lược bỏ. ND. https://thuviensach.vn TÌM KIẾM TỔ TIÊN Tháng 7 năm 1925, thế giới đã bị chấn động bởi một vụ án giật gân. Ở một thành phố không lớn của nước Mỹ, thành phố Đaitơn, những nhóm người bị kích động tụ tập lại ở trước cửa tòa án. Trên ống tay áo của họ đeo những băng chữ, nhiều người cầm khẩu hiệu trong tay. Công tố viên U. Braian - nguyên là bộ trưởng ngoại giao của Mỹ, đã nhiều lần là ứng cử viên tổng thống... Kể từ ngày ấy, đã hơn một nửa thế kỷ trôi qua, nhưng vụ án ở Đaitơn thì vẫn không quên đi được. Nó đã đi vào lịch sử. Và cũng không có gì ngạc nhiên, bởi vì về thực chất, người ta đã kết tội một học thuyết khoa học, mà cho đến nay thế giới vẫn gọi học thuyết ấy là học thuyết thiên tài. Đó chính là chủ nghĩa Đacuyn. Nguyên cứ để dẫn đến vụ kiện là thầy giáo Đ. Skôp đã dạy học thuyết tiến hóa của S. Đacuyn trong một trường phổ thông địa phương. Trong việc này, những người sáng lập thành phố và cả bang ấy đã tìm ra hình pháp. Vào ngày mở phiên tòa, trên quảng trường trước tòa án đã chật cứng những đám người cuồng loạn theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc với những chiếc băng tay : "Chúng tôi không phải là những con vượn và không tự biến mình thành vượn!" … Tòa án đã bác bỏ yêu cầu bào chữa bằng cách mời các nhà khoa học tới dự với tư cách là những người làm chứng, và đã kết án Đ. Skôp chịu phạt rất nặng sau khi quyết định cấm không cho giảng dạy chủ nghĩa Đacuyn trong các trường phổ thông. Và gần như trong suốt 40 năm, chủ nghĩa Đacuyn đã không còn hình bóng trong chương trình phổ thông của nước Mỹ. Những sự kiện ấy đã đi vào lịch sử như một "vụ án con vượn". Nếu như từ vụ án đó, đi ngược lại thời gian 65 năm nữa, thì có thể thấy rõ tình trạng căng thẳng khủng khiếp khi thảo luận các vấn đề về nguồn gốc con người. Nỗi khủng khiếp đó không chỉ bao trùm lên những người dân thường mà còn bao trùm lên cả những người có học vấn và ngay cả các nhà khoa học. Ví dụ, trong một cuộc họp của Hội liên hiệp khoa học ở Britơn năm 1860, giáo chủ Vinbecfo, là nhà toán học theo trình độ học vấn, đã đọc một bài phát biểu dài chống lại học thuyết tiến hóa, và đã kết thúc bài phát biểu bằng một câu hỏi đối với T. Hecxli - một người theo chủ nghĩa Đacuyn nổi tiếng : "Tôi muốn hỏi ông, phải chăng ông thật sự cho rằng tổ tiên của ông là con vượn? Mà nếu đúng như vậy thì tôi rất thích thú muốn được biết, kể từ con vượn, Ngài Hecxli đã xuất thân từ phía nào, từ phía ông nội hay bà nội?". https://thuviensach.vn Đối với câu hỏi đó, Hecxli đã trả lời: "Con người không có lý do gì để hổ thẹn khi tổ tiên của con người là con vượn. Tôi sẽ hổ thẹn khi có nguồn gốc từ một con người vội vã, ba hoa. Khi không thỏa mãn với kết quả đáng nghi ngờ về hoạt động của chính bản thân mình, con người ấy đã can thiệp vào những cuộc tranh luận khoa học mà không hề có bất cứ một ý niệm nào về những cuộc tranh luận ấy, mà chỉ nhằm làm lu mờ những cuộc tranh luận khoa học bằng lời văn khoa trương rỗng tuếch của mình, đánh lạc sự chú ý của người nghe ra khỏi vấn đề thực tế của cuộc tranh luận bằng những lời hoa mỹ lạc hướng và bằng những lời kêu gọi khéo léo đối với những thiên kiến tôn giáo"... Tại sao một vấn đề lý luận hết sức quan trọng như vậy, như vấn đề nguồn gốc con người, cho đến nay vẫn gây ra những cuộc tranh luận khốc liệt? Cội nguồn tranh luận về sự phát sinh loài người đã đi sâu vào lòng thời gian xa xưa. Trong nhiều nghìn năm nay, loài người đã cố gắng giải đoán bí mật về nguồn gốc của mình. Nguyện vọng nồng nhiệt của con người đi tìm nguồn gốc của mình mạnh tới mức mà sự tưởng tượng của con người đã sản sinh ra những chuyện thần thoại kỳ quặc và hấp dẫn. Mọi loại tôn giáo trên thế giới đã được xây dựng nên trong ham muốn hiểu biết ấy, trong những bức tranh viễn tưởng mà con người cố thử giải thích nguồn gốc của mình. "Từ tôn giáo, F. Ănghen viết, - xuất phát từ religare, mà ý nghĩa đầu tiên của từ này - mối liên hệ" [1] . Những người tư tế của các tôn giáo cổ đại cũng đã cố gắng ghép nối tất cả những mẫu tri thức về thế giới, về con người, vào một hệ thống duy nhất nào đó; trong hệ thống này, những chỗ thiếu tri thức được bổ sung bằng tưởng tượng, hơn nữa, những tưởng tượng này thường là đẹp đẽ và nên thơ : "Thuở ban đầu, toàn bộ khoảng không trên thế giới chứa đầy nước của một đại dương vĩ đại không có đầu cũng không có cuối. Không có ai tạo dựng ra nó cả, nó vĩnh viễn tồn tại... Trong lòng sâu thẳm của đại dương vĩ đại ấy có nữ thần Nammu hùng mạnh ẩn thân - người mẹ đầu tiên của tất cả những gì đang tồn tại. Cũng không ai biết một ngọn núi khổng lồ có hình bán cầu đã xuất hiện khi nào trong bụng bà mẹ... Trên đỉnh ngọn núi ấy, một trong những vị thần cổ xưa nhất, người cha đầu tiên An đã sống; còn ở phía dưới, nữ thần Ki nằm trên một cái đĩa bằng phẳng trôi nổi trên đại dương trường tồn. Sau cuộc kết hôn của An và Ki, thần Enlin đã ra đời... Tiếp sau Enlin, cặp vợ chồng đầu tiên ấy đã sinh ra con đàn cháu đống. Bảy vị thần nam nữ bề https://thuviensach.vn trên sáng suốt nhất, hùng mạnh nhất, đã cai quản toàn bộ thế giới và định ra số phận của vũ trụ. Không có ý chí của những vị thần ấy thì bản thân Enlin cũng không điều khiển nổi tứ đại, ngũ hành [2] , và cũng không thiết lập được trật tự thế giới... Những vị thần có cấp bậc thấp nhất trong gia đình của các vị thần là các anunaki, gọi theo tên người cha An của mình. Họ thực hiện những mệnh lệnh của các vị thần vĩ đại một cách vô điều kiện; nhưng bản thân họ lại không có quyền điều hành một cách độc lập... Gia đình của các vị thần ngày càng đâm chồi nảy lộc... Và các vị thần đã phải cầu xin sự giúp đỡ của Enki anh mình (em ruột Enlin), để Enki tìm ra phương pháp tăng gấp bội số lượng thức ăn và nước uống. Enki đã bước ra khỏi vực thẳm cùng với nữ thần lòng đất Ninmac, và theo sau họ là cả một đám đông những người thợ đồ gốm hùng dũng, họ đem theo cả những nắm đất sét. Nhiều vị thần nam nữ tụ tập lại để xem việc làm tinh xảo của Enki anh minh và của bà mẹ thần Ninmac. Enki đã tổ chức một lễ tiệc dành cho các vị khách của mình. Bản thân Enki và Ninmac uống quá nhiều rượu vang, khi đang loạng choạng do say sưa, mệt mỏi, họ bắt đầu nhào đất sét. Ninmac bắt đầu nặn người đầu tiên, nhưng tay của vị nữ thần bị run, do đó kỹ năng chưa đủ và hình người bằng đất sét không được như ý. Đó là thân hình người phụ nữ bất thụ, không có khả năng sinh con đẻ cái. Enki đưa mắt nhìn vị nữ thần và thốt lên: "Không sao, cứ để cho người đàn bà ấy sống, và sẽ tìm được công việc cho người ấy... Ở trong nhà dành cho phụ nữ". Ninmac lại dùng đất sét nặn một người khác, và lại không đạt. Đó là một người không có giới tính, không phải đàn ông, mà cũng chẳng phải đàn bà. Enki nhìn vào tượng đất và quyết định số phận của nó: "Đây là hoạn quan ở triều đình"… Enki... quyết định tự mình bắt tay vào việc. Enki dùng đất sét nặn ra một thân hình mới, nhưng nó lại còn tồi tệ hơn những thân hình đã được nặn ra trước đó. Đó là một người yếu đuối, còi cọc và không có trí khôn... Do tác phẩm của mình không đạt, Enki điên tiết lên bóp nát tượng đất và lại nhào nó vào nắm đất sét. Rồi Enki bắt tay vào việc, lao động chậm hơn, cẩn thận hơn. Đến lần này Enki đã thành công, đã nặn ra những người đàn ông, đàn bà đều khỏe mạnh, thông minh và giống hệt với các vị thần. Chỉ có điều là họ bị tước mất quyền bất tử, họ phải an phận thủ thường, quy thuận phục dịch cho gia đình vĩ đại của các thần nam, thần nữ". Những câu chuyện thần thoại ở Sumer, khoảng III-IV nghìn năm trước công nguyên, là một trong những câu chuyện thần thoại cổ xưa nhất trên Trái Đất, đã thuật lại nguồn gốc con người như thế đó. "Thoạt tiên chỉ có Haốt, sau đó Haốt sinh ra Gêa - nữ thần Trái Đất, và nữ thần Trái Đất sinh ra Bầu Trời - sao Thiên Vương, và từ cuộc hôn phối của https://thuviensach.vn họ, các thần khổng lồ Titan đã được sinh ra... Và cuộc chiến đấu giữa những vị thần ấy với nhau đã bắt đầu, Crôn đã chiến thằng (Cromos - "thời gian"); nhưng vị thần này lại sợ con cái nổi lên chống lại mình, lật đổ mình, như chính Crôn đã lật đổ cha mình là Sao Thiên Vương. Crôn quyết định tự giải thoát mình ra khỏi con cái bằng cách nuốt chúng đi. Nhưng người mẹ - nữ thần Gêa, đã che dấu đứa con cuối cùng sau khi cho Crôn nuốt một hòn đá dài thay thế cho đứa con. Đứa con đó có tên là Zép. Zép được nuôi dưỡng bằng sừng của một con dê cái có phép màu nhiệm - nữ thần Aman. Khi Zép đã trưởng thành, liền lật đổ Crôn, giam các vị thần khổng lồ Titan vào lòng Trái Đất, giải thoát cho các anh chị em của mình ra khỏi bụng Crôn... Các vị thần chuyển sang ở núi Ôlempơ (Thần Sơn), và con người được sinh ra từ các vị thần ấy" - những câu chuyện thần thoại Cổ Hy Lạp đã nói như vậy về cội nguồn của thế giới và con người. "Trong buổi hoang sơ, chúa trời đã sáng tạo ra Bầu Trời và Trái Đất. Trái Đất không có hình dạng, hoang vắng và vĩnh viễn chìm đắm trong bóng tối. Khắp mọi nơi chỉ có nước phủ đầy, phía trên nước chỉ có thần linh... Sang ngày thứ năm, chúa trời mới ban sự sống cho những con quái vật ở biển và tất cả những con vật khác có nhiều sức sống ở trong nước, và cho cả chim bay liệng trên mặt đất. Chúa trời đã cầu phúc cho chúng sau khi nói : hãy sinh sôi, nảy nở, hãy lấp đầy biển cả cũng như không khí. Sang ngày thứ sáu, chúa trời sáng tạo ra gia súc, các loài bò sát và tất cả các động vật khác biết đi lại trên mặt đất. Và cuối cùng mới sáng tạo ra con người theo hình dạng tương tự với bản thân mình, để con người thống trị toàn bộ Trái Đất, thống trị muôn loài đã sinh ra và lớn lên trên Trái Đất" - kinh thánh đã nói như vậy. "Ban đầu biển cả bao phủ Trái Đất, ở trên sườn những rặng đá nhô lên khỏi mặt nước, ngoài những anh hùng "vĩnh cữu", đã có các "rela manerini" (hay là "inapatua" - những nhóm sinh vật yêu đuối, các ngón tay, ngón chân và răng còn dính chặt lại với nhau, tai và mắt còn bị khép kín). Những "ấu trùng" người giống như thịt sống đã sống ở trong nước. Sau khi Trái Đất đã khô ráo đi, ông tổ "thằn lằn" tôtem mới từ phương bắc tới, dùng dao đá tách từng phôi người ra, rạch thủng tai, mắt, mồm, mũi, các ngón tay chân cho những người ấy... dạy cho cách lấy lửa bằng cách cọ xát, dạy nấu ăn, cho họ giáo mác, đầu mâu, lao, cấp cho mỗi người một suringa (thần hộ mệnh) của mình, chia loài người ra thành các bộ tộc, các hạng bậc kết hôn" - những chuyện thần thoại ở nước Áo đã nói như vậy. Còn có thể dẫn ra rất nhiều thí dụ về những chuyện thần thoại này khác giải https://thuviensach.vn thích nguồn gốc con người như thế nào. Dễ dàng nhận thấy rằng tất cả những chuyện ấy đều thống nhất với nhau về nghệ thuật và đôi khi là sự hưng phấn đẹp đẽ của trí tưởng tượng và... hoàn toàn không đúng đắn. Những chuyện thần thoại ấy phản ánh lòng ham mê không thể nào kìm hãm được của con người muốn nhận thức lịch sử của mình. Những người cùng thời với chúng ta cũng đang vươn tới nhận thức ấy. Nhưng khác với người cổ đại, con người hiện đại biết sử dụng những sự kiện khoa học đích xác cho phép giải đoán bí mật đã chi phối tư tưởng của con người trong nhiều nghìn năm nay. Những cuộc khai quật của các nhà khảo cổ ở thế kỷ XVIII - XIX đã đánh một đòn đầu tiên vào các quan niệm tôn giáo. Thậm chí bây giờ, theo sự thừa nhận của các nhà khoa học tư sản, không còn có ai thật sự tin rằng thế giới đã được tạo nên trong vòng sáu ngày. Thế mà 200 - 300 năm trước đây, niềm tin vào sự hiển nhiên ở bức tranh về sự sáng tạo theo kinh thánh là độc tôn và phổ biến. Chỉ có các chi tiết là được giải thích thêm. Ví dụ, vào năm 1650, tổng giám mục Ailen là J. Usê, dựa vào kinh thánh, đã "tính ra được" một cách cặn kẽ tuổi của Trái Đất. Theo các tính toán của vị tổng giám mục này, buổi sáng sáng tạo là vào năm 4004 trước ngày thiên chúa giáng sinh (lễ Nôen). Những người khác theo thuyết giáo quyền đã "giải thích rõ thêm" ngày tháng: "con người đã được sáng tạo ra vào ngày 23 tháng 10 lúc 9 giờ sáng". Ai có thể tranh cãi với những người ấy? Không có ai cả, tất nhiên là thế. Lúc bấy giờ chưa có khoa học hiện đại, chưa có khoa học du hành vũ trụ, khoa học khảo cổ vẫn chưa được hình thành. Nhưng vào thế kỷ XVII, một số người do ham thích đã bắt đầu để ý đến những vật tìm được ngẫu nhiên ở dưới đất và đã góp nhặt chúng lại. Trong thế kỷ XVII, một người Pháp tên là Isac đê la Peire đã bắt đầu nghiên cứu bộ sưu tập những hòn đá bị đẽo một cách "kỳ lạ" do ông thu nhặt được ở một làng quê tại Pháp. Trong cuốn sách do ông công bố một cách vội vàng, đã nêu ra giả thuyết những hòn đá ấy do những người nguyên thủy sống vào thời trước Ađam chế tạo ra. Tai họa đã đến với cuốn sách, và số phận điển hình dành cho nó ở thời đó là : năm 1655, cuốn sách bị thiêu hủy. Còn tác giả thì gặp may - ông bị bỏ tù. Cũng có thể còn xảy ra tồi tệ hơn. Lúc bây giờ, thường thì người ta đốt sách đồng thời đốt luôn tác giả của nó. Nhưng cũng như trước đây, vẫn tiếp tục tìm thấy những hòn đá bị đẽo một cách "kỳ lạ". Thêm vào đó là những chiếc xương được "hình thành" không phải là thiên tạo. Một số trong những chiếc xương ấy có kích thước khổng lồ, rõ ràng chúng không phải là xương của bất cứ động vật nào hiện đang sống. Trước đó, người ta cũng đã tìm được những chiếc xương lớn. Khi https://thuviensach.vn không biết chúng là xương của loài vật nào, người ta thêu dệt nên những chuyện thần thoại về người khổng lồ và dường như những di cốt ấy là của người khổng lồ. Người Hy Lạp cổ đại, khi nhận nhầm xương voi mamut (Elephas primigenius) và xương của những động vật hóa thạch khác là hài cốt của người khổng lồ và của các anh hùng, đôi khi họ đã xây dựng lăng tẩm trên những bộ xương ấy để đền đáp lại bằng tấm lòng tôn kính. Mãi về sau này, vào thời trung cổ, nhà thờ đã chứng minh rằng những chiếc xương ấy - di cốt của những người "cổ lỗ" đầu tiên, của chính những người mà thượng đế sáng tạo nên bằng tay mình. Ở Viên, trong nhà thờ thờ thánh Stêfan, cho đến nay, vẫn trưng bày xương voi mamut như những di cốt người khổng lồ theo kinh thánh. Còn một số người trong số những người trông coi nhà thờ, thậm chí đã "tính ra được" tầm vóc của những người khổng lồ ấy. Ví dụ, theo ý kiến của họ, Ađam có chiều cao 39 m 86 cm 41 mm, và bà Eva - 36 m 6 cm 29 mm. Nhưng cũng chính ở thế kỷ XVII, khi giải thích rõ thêm giờ phút sáng tạo ra thế giới, và đã tính ra được chiều cao của Ađam và Eva, một số người có tâm trạng hoài nghi bắt đầu suy nghĩ rằng ngày xưa một số lượng khổng lồ các sinh vật đã sống chen chúc trên Trái Đất và sau đó chúng đã bị tuyệt chủng. Cùng với xương cốt của những động vật đã bị tuyệt chủng, người ta tìm thấy các di cốt của người và những công cụ bằng đá. Thế nhưng, phần lớn các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghi ngờ công cụ bằng đá - đó chính là những công cụ thật sự. Người đầu tiên cố thử hệ thống hóa những công cụ bằng đá, là một sĩ quan hải quân người Pháp, tên là Jac Busê đê Pect. Đó là một người có bản tính. Ông bắt đầu phục vụ trong quân đội rất sớm (năm 14 tuổi). Sau đó ông đi du lịch nhiều và viết nhiều. Đến tuổi 50, ông quay về với khảo cổ học. Cùng với hai bạn đồng nghiệp, ông đã tìm thấy rìu đá trong cùng một lớp với răng của voi hóa thạch. Cũng ở chỗ ấy, ông phát hiện được một số lượng lớn những vật phẩm đa dạng được chế tạo từ các loại đá khác nhau. Một số vật phẩm trong số đó giống như những chiếc rìu. Năm 1838 và 1839, ông trưng bày bộ sưu tập của mình trước hai "hội khoa học" Pháp. Những người có mặt đều tỏ ra lãnh đạm. Đê Pect dùng tiền của mình cho công bố bản mô tả những vật tìm được trong một bộ sách năm tập. Nhưng trong nhiều năm, những cuốn sách ấy đã không được đếm xỉa tới. Cuối cùng, Pect yêu cầu cử một ủy ban có uy tín từ Pari đến để thẩm tra những phát hiện của ông. Nhưng ủy ban ấy đã không đến. Lúc ấy, ông giới thiệu bộ sưu tập công cụ cổ xưa cho nhà bảo tàng Pari, thế nhưng, ngay đến câu trả lời, ông cũng không nhận được. https://thuviensach.vn Không ít những khó khăn như thế và những khó khăn khác nữa đã diễn ra trên con đường của những người khám phá đầu tiên. Khó khăn chủ yếu trong số những khó khăn ấy là không có phương pháp nghiên cứu khoa học, chính điều này đã làm nảy sinh những nghi vấn đủ mọi kiểu và thậm chí cả việc kết tội ghê rợn đối với các nhà khoa học. Người ta đã kể một chuyện giễu cợt như thế này. Có một phụ nữ gặp một người giống như nông dân đang ngồi đập đá bên vệ đường. Người nông dân đã trả lời câu hỏi ông ấy làm cái gì đấy, như thế này : "Tôi chế tạo những công cụ tiền sử cho ngài đê Pect". Và cũng ở ngay trên đất Pháp, vào thời gian đầu của những năm thứ 50 của thế kỷ XIX, ở ngoại ô Xen-Asen, trong một năm người ta đã đào được 800 cái "rìu", còn trong vòng 25 năm khai quật, số lượng rìu tìm được là gần 20 nghìn. Sau đó, không còn ai có thể buộc tội đê Pect là giả mạo nữa. Ở những nước khác, người ta cũng đã đào được ở những độ sâu lớn các loại công cụ bằng silic cùng với xương động vật hóa thạch. Những bộ xương và công cụ tìm được ở những độ sâu khác nhau trong những lớp đất rất dày là cát, sét và các loại đất đá khác, chứng minh rằng chúng có tuổi khác nhau. Lẽ đương nhiên, những xương và công cụ nằm ở lớp đất sâu hơn thì sẽ cổ xưa hơn những xương và công cụ nằm ở những lớp đất phía trên. Nhà địa chất học V. Xmit đã thử tính tất cả các lớp. Chỉ riêng ở nước Anh đã có tới 32 lớp. Năm 1859, một ủy ban có uy tín của nước Anh, chứ không phải của nước Pháp, đã đến địa điểm khai quật của đê Pect. Trong số các thành viên của ủy ban có nhà địa chất học nổi tiếng S. Laien và nhà khảo cổ học Đ. Evan. Họ đã xem xét những chỗ có các vật tìm được của đê Pect và họ tự tiến hành khai quật. Chân lý cổ xưa có câu - không có nhà tiên tri trong tổ quốc của mình - một lần nữa đã được khẳng định. Kết luận của ủy ban là nhất trí : Busê đê Pect đã đúng. Dòng thác các sự kiện đã lớn lên. Cần phải nghiên cứu chúng. Và S. Laien đã cố gắng giải quyết nhiệm vụ ấy. Ông viết cuốn sách "Cơ sở địa chất học" mà vào thời bây giờ là khá mạnh dạn. Trong một cuốn sách khác - "Thời cổ đại của con người" (1864), S. Laien chứng minh những hòn đá được chế tạo thô sơ là những công cụ của người cổ xưa. Thời cổ đại của những hòn đá ấy được khẳng định bởi thế nằm ở độ sâu lớn và bởi những động vật hóa thạch mà xương của chúng đã được tìm thấy cùng với công cụ và xương người; nếu bây giờ, các lực của tự nhiên gây nên gió, các dòng chảy, hoạt động của núi lửa, sự sản sinh ra các tinh thể và hình thành núi, thì cũng chính những lực ấy đã tạo nên những lớp đất sét, cát và những trầm tích khác. https://thuviensach.vn Những ý tưởng của Laien đã kích động Đacuyn. Sau này, ông đã công khai thừa nhận "địa chất học là ưu thế vĩ đại trong các phương pháp của ông đối với công việc"... Lúc bấy giờ, Đacuyn đã có thời gian để suy ngẫm: ông đang ở trên chiếc tàu Bigơn đi vòng quanh thế giới. Hai mươi ba năm trôi qua, và S. Đacuyn đã công bố công trình "Nguồn gốc các loài bằng con đường chọn lọc tự nhiên, hay là sự bảo tồn những giống có điều kiện thuận lợi trong cuộc đấu tranh giành sự sống". Trong cuốn sách này ông đã dùng một khối lượng khổng lồ các sự kiện để luận chứng cho những quan điểm của mình. Thật ra, ông viết hãy còn ít về con người, mà chỉ cho phép mình nhận xét rằng lý thuyết mà ông đưa ra có thể soi sáng vấn đề nguồn gốc và lịch sử của con người. Năm 1861 ở Pháp đã xuất bản cuốn sách của E. Lactê "Những nghiên cứu mới đối với vấn đề về sự tồn tại của con người và các động vật hóa thạch cỡ lớn đặc trưng cho thời đại địa chất cuối cùng". Lactê ủng hộ Busê đê Pect và khẳng định công cụ bằng đá và vật phẩm bằng xương có hình tượng động vật bị tuyệt chủng chạm trổ trên chúng là của những người đã sống cùng thời với những động vật ấy. Năm 1863, T. Hecxli công bố cuốn sách "Vị trí của con người trong tự nhiên", trong cuốn sách này, lần đầu tiên, ông đặt cơ sở khoa học cho quan điểm về sự giống nhau giữa người với vượn, đặc biệt là giống hắc tinh tinh và vượn gôrila. Ông xác định những sinh vật ấy là những họ hàng gần gũi nhất của con người. Năm 1871, Đacuyn cho công bố tác phẩm cơ bản "Nguồn gốc con người và sự chọn lọc giới tính". Đáng tiếc là nhiều người, trong số đó có cả những nhà khoa học, lại khẳng định rằng Đacuyn và Hecxli chứng minh nguồn gốc con người là từ những con vượn như hiện nay. Nhiều ý kiến lại vang lên : nếu như thừa nhận học thuyết tiến hóa của Đacuyn thì có nghĩa là đồng ý rằng hắc tinh tinh hoặc gôrila là tổ tiên của chúng ta. Mối ác cảm đối với quan niệm về họ hàng trực tiếp với vượn đã được phổ biến rộng rãi, sự tầm thường hóa tư tưởng chủ đạo đã kìm hãm việc thừa nhận học thuyết tiến hóa. Ngoài ra, lúc ấy vẫn còn chưa hiểu rõ cơ chế của tính di truyền và biến dị. Và mặc dù vào năm 1865, nhà khoa học Tiệp Khắc G. Menđen công bố công trình về những định luật truyền các tính trạng di truyền do ông phát hiện ra, nhưng công trình đó cũng không ai để ý đến. Cũng vào những năm ấy, một ý kiến khác, ý kiến "thiếu một mắt xích" https://thuviensach.vn (missing link), lại nảy sinh, trong nhiều năm nó đã dày vò các nhà khảo cổ và nhân chủng học. Lại bắt đầu tìm kiếm các sinh vật hóa thạch là khâu trung gian giữa vượn và người. Nhưng kỹ thuật thì lúc ấy một phần những mắt xích như vậy đã được biết rõ. Ngay vào năm 1856 ở Đức, trong thung lũng Nêanđectan gần Điuxenđo, đã phát hiện được một chỏm sọ, một mẩu xương vai và một số di cốt các chi của người hóa thạch, do đó con người này đã có tên nêanđectan (theo địa điểm tìm thấy đầu tiên như đã được thừa nhận trong khảo cổ học). Thật ra, những mẩu xương ấy đã được tìm thấy không phải vào lúc tiến hành những cuộc khai quật khoa học, mà là ngẫu nhiên - khi làm sạch một cái hang nhỏ, một số công nhân đã tìm thấy chúng trong một lớp đất sét sâu hai mét. Hơn nữa, người ta đã phát hiện chúng vào lúc chúng đã bị đưa vào bãi thải cùng với đất sét. Một số người quả quyết rằng đó là những di cốt của một con gấu ở hang. Nhưng Funrốt, một giáo viên địa phương, đã xác định một cách chắc chắn - đó là xương người. Khi xét đoán chỏm sọ, khác với người hiện đại, người nêanđectan có cung trên lông mày phát triển mạnh, trán dô, hộp sọ dẹt ở phía trước và dô ra ở phía sau. R. Virkhôp, một nhà khoa học nổi tiếng (là bác sĩ và là nhà nhân chủng học) đã "nghiên cứu" những chiếc xương ở Nêanđectan và tuyên bố rằng tất cả những đặc điểm này là kết quả của bệnh lý bẩm sinh (do bệnh giang mai, nghiện rượu, và v.v...) và không thể nào là "cổ xưa" như các nhà nghiên cứu khác (đáng tiếc là lại ít nổi tiếng hơn) đã phán đoán về điều đó. Và Virkhôp lại không đơn độc. Một trong số các chuyên viên giám định đã gọi người nêanđectan là một người Hà Lan già, chuyên viên giám định thứ hai gọi đó là người Ken [3] , chuyên viên giám định thứ ba cho đó là người man rợ hoặc người mắc chứng đần, và khẳng định sẽ không bao giờ tìm thấy một vật mẫu như vậy nữa. Uy tín của Virkhôp và của những người ủng hộ ông đã hoàn toàn đủ để cho những vật đã tìm được cực kỳ quan trọng như vậy ở thung lũng Nêanđectan bị lãng quên gần 30 năm, cho tới khi cùng một lúc tìm được hai bộ xương nêanđectan trong những cuộc khai quật ở hang Spi thuộc Bỉ. Đã gặp những di cốt họ người ở đây và sớm hơn nữa, song lúc đó người ta không nhận ra chúng. Bây giờ người ta đã tìm thấy xương người ở trong cùng một lớp với xương của tê giác có lông, của voi mamut và của những động vật có vú hóa thạch khác cùng với những hòn đá bị đẽo một cách "kỳ lạ" - chính là những hòn đá mà đê Pect cho là công cụ của người cổ đại. Bây giờ, những vật tìm được ấy đã được làm sạch một cách cẩn thận. Người https://thuviensach.vn ta tách đất ra thành những lớp không lớn theo đường nằm ngang, hết lớp nọ đến lớp kia. Người ta ghi nhận các di tích hóa thạch cùng với vật chứng để không còn nghi ngờ rằng cả xương người, cả công cụ và cả xương của động vật đã bị tuyệt chủng, có liên quan chặt chẽ với nhau, hoặc ít nhất chúng có cùng một tuổi. Phương pháp của một khoa học mới đã hình thành - tiền sử học hoặc khảo cổ học sơ khai, như sau này người ta đã gọi như vậy. Nhưng vấn đề không phải là ở tên gọi. Điều quan trọng là khoa học đó đã chứng minh được quyền tồn tại của mình. Khảo cổ học sơ khai, mà cách đây không lâu còn bị nguyền rủa công khai, đã được các đại diện có tài năng nhất của nhà thờ nghiên cứu. Đặc biệt được ca ngợi là linh mục G. Brêin. Cuối thế kỷ XIX đã có một loạt các phát hiện, và phát hiện đầu tiên trong số đó - trên hòn đảo Giava xa xôi. Bây giờ trên sông Bengavan Sôlô (Sông Lớn), ở giữa xóm Trinin, có một cái bia kỷ niệm nhỏ bằng đá với dòng chữ: "P. E. 175 m. ONO. 1891 - 1893". Bạn cứ hỏi bất cứ người dân nào thì dòng chữ bí ẩn ấy rõ nghĩa ngay. Dòng chữ ấy có nghĩa "Pithecanthropus erectus (nghĩa là người vượn đi thẳng) đã được tìm thấy cách 175 m về hướng đông bắc-đông, năm 1891-1893". Chính ở nơi đây, bác sỹ quân y Evgeni Đuyboa đã tìm thấy chỏm sọ, xương đùi, răng của người còn cổ xưa hơn cả nêanđectan. Cùng với di cốt của pitêcantrôp, cũng trong lớp đất ấy có cả xương voi, tê giác, hà mã, heo vòi, sơn dương, khỉ macac. Năm 1894, Đuyboa công bố bài báo "Pithecanthropus erectus, dạng chuyển tiếp kiểu người Giava". Nhưng năm 1895, trong một cuộc họp đặc biệt của các hội nhân chủng học, dân tộc học và lịch sử sơ khai ở Beclin, chủ tịch danh dự (cũng vẫn là Virkhôp) đã quyết đoán tuyên bố : "Tất cả những điều mà Đuyboa nói đều không phải là bằng chứng. Đó chỉ đơn giản là vượn gibôn khổng lồ, và chỉ có thế". Nhưng Đuyboa có những người ủng hộ - thu thập quá nhiều những vật tìm được "kỳ lạ" ấy để cho chúng bị bác bỏ một cách đơn giản như vậy hay sao. (Thật ra, Đuyboa đã từ bỏ quan điểm của mình). Nhưng vào đầu thế kỷ XX, đã chứng minh được một cách hiển nhiên rằng lịch sử của con người không phải bắt đầu vào năm 4004 trước công nguyên và thậm chí không phải vào năm 5199 trước công nguyên như giáo hoàng Grigori VII đã tính ra, mà ít nhất là 100 hoặc 400 nghìn năm trước đây. Năm 1918-1923, nhà địa chất học Thụy Điển G . Anđecsơn tiến hành khai quật ở thị trấn Chu Khẩu Điếm, cách Bắc Kinh 40 km về phía đông nam. Đầu tiên ông tìm được những mẩu thạch anh đã được đẽo, và sau đó, cùng với xương của động vật, ông đã phát hiện được răng người. Một chuyên gia https://thuviensach.vn về sọ hóa thạch người Canađa là Đ. Blêc cũng tham gia vào cuộc tìm kiếm. Sau hai mùa (1927-1929) đã đào bới, sàng lọc, nghiên cứu gần 4 nghìn mét khối đất, người giúp việc của Blêc là Pen Ven Trun đã tìm thấy xương sọ. Sinantrôp [4] (Pithecanthropus pekinensis) - người hóa thạch đã có tên như vậy, sọ của người này được tìm thấy ở thị trấn Chu Khẩu Điếm (hay là ở trên đồi Xương Rồng). Năm 1930, lại tìm thấy ở đây những di cốt của một chiếc sọ nữa và ngoài ra còn phát hiện được những mảnh silic giống như công cụ bằng đá và tro ở các đống lửa. Đ. Blêc làm việc không biết mệt mỏi, thậm chí làm việc cả ban đêm... Có một lần vào buổi sáng sớm (1934), khi đến nơi làm việc, người thư ký bắt gặp Blêc đã chết cứng. Blêc đang ngồi sau một chiếc bàn viết và cầm trong tay sọ Sinantrôp... Những cuộc khai quật vẫn được tiếp tục. Năm 1938, ở thị trấn Chu Khẩu Điếm, người ta đã lôi ra từ trong một cái hang những bộ di cốt của khoảng không ít hơn 38 - 40 người. Tuổi của những vật tìm được - 350-400 nghìn năm. Năm 1937, nhà nhân chủng học người Đức R. Fôn Kênigxvan đã phát hiện được chiếc sọ pitêcantrôp Giava. Năm 1939, khi so sánh pitêcantrôp Giava với sinantrôp, R. Kenigxvan và F. Veiđenrêc đã đi đến kết luận hai dạng ấy đều là pitêcantrôp. Bây giờ chúng ta nhớ lại những vật tìm được ở Đức vào năm 1907. Khi ấy, cách thành phố Haiđenbec 17 km, phía dưới làng Maer, trong mỏ cát, ở độ sâu 20 m, người ta tìm thấy hàm dưới rộng bản, nặng, không có phần lồi ở dưới cằm, cùng với răng người có kích thước lớn lạ thường. Đó là xương hàm vượn với răng người - xương hàm pitêcantrôp... Nhưng tất cả những phát hiện đã có ở châu Âu và châu Á đã bị lu mờ đi so với những phát hiện trong vòng hai mươi năm mới đây ở châu Phi. Ngay S. Đacuyn cũng đã chỉ ra rằng châu Phi là quê hương đầu tiên của con người. Những di cốt của tổ tiên hóa thạch của con người đã được biết đến khá lâu ở châu Phi. Năm 1924, từ thị trấn Taung (Cộng hòa Nam Phi), người ta đã đưa một chiếc sọ đến cho giáo sư R. Đact ở trường đại học tổng hợp Iôhanesbua. Đact phải mất hơn hai tháng mới tách được đá vôi đã bị đóng cứng ở phần trước sọ và ở hố mắt ra. Thật kỳ lạ, di cốt của người đã được tìm thấy ở đồng cỏ preri thuộc Nam Phi, cách xa rừng thưa và rừng rậm. Ở đây, theo ý kiến của các chuyên gia, khí hậu không thuận lợi đã không hề thay đổi, ít nhất là trong suốt 70 triệu năm (từ cuối kỷ phấn trắng - kỷ Creta). Chiếc sọ ở Taung thật không bình thường. Mặc dù nó là một chiếc sọ của một đứa trẻ (người ta gọi nó là - "bêbi ở Taung"). Khối lượng não [5] khá https://thuviensach.vn lớn - 520 cm3, trong khi đó khối lượng não của hắc tinh tinh trưởng thành chỉ có 320 - 480 cm3. Sọ hẹp và cao, chứ không phải thấp, dẹt và rộng như ở vượn. Cung trên lông mày gần như không nổi rõ. Răng khá giống với răng người. Hình 2 . Sự biến thiên khối lượng sọ và sự biến dịch chỏm sọ và lỗ chẩm. Cao nguyên khô hạn mà người vượn đã sống bị tách biệt với sông Zambêzi bởi một vùng đất trống trải và rộng lớn. Về phía tây, từ Đại Tây Dương đến Rôđêzia là sa mạc Calakhari, còn ở giữa Rôđêzia với rặng núi con Rồng là savan trải rộng ra. Nhất định địa thế tự nhiên ấy ngăn trở bất cứ những con vượn nào có đời sống nửa trên cây, nửa dưới đất như gôrila và hắc tinh tinh, di chuyển từ phía nam lên. Nhưng chỉ có "bêbi ở Taung" và những bà con của đứa trẻ này là không bị ngăn trở. Tại sao? Vẫn chưa rõ. Đact gọi hóa thạch mới là ôstralôpitec (Australopithecus), nghĩa là vượn phương nam, và ông nêu ra giả thuyết là vấn đề này có liên quan đến cái mắt xích giữa vượn bậc cao và người sơ khai. Thế nhưng, theo cách diễn đạt của chính bản thân Đact thì ông "không có khả năng thuyết phục bất cứ ai tin rằng bêbi là tổ tiên". Vấn đề là ở chỗ trong suốt 12 năm trời, vật tìm được là duy nhất - cho mãi tới tận năm 1936, vẫn không tìm được một cái gì đó giống như vậy. Năm 1936, ở Stecfôntêin (cũng không xa Iôhanesbua), khi nổ mìn trong hang, R. Brum đã phát hiện được những mảnh sọ của ôstralôpitec, và chúng có một số nét độc đáo. Năm 1938, cũng ở chỗ đó (ở Crômđrai), người ta tìm thấy những mảnh sọ của một dạng ôstralôpitec mới, mà Brum tách ra thành một loại hình đặc biệt - plêziantrôp "parantrôp, nặng nề" (theo chữ Hy Lạp - "họ hàng của con người"). Brum cho in bản báo cáo tổng kết về những vật tìm được ấy ở Luân Đôn, trong một bài báo có tên "Không còn mắt xích thiếu nữa !". Ngay sau đó, ở Crômđrai, người ta đã phát hiện được phần dưới cẳng tay phải và một số xương tay trái, còn ở Stecfôntêin - xương đùi của ôstralôpitec. Đã xác định được tuổi của ôstralôpitec này - đó là một ôstralôpitec không lớn, đi thẳng, hệ răng rất gần hệ răng của sinantrôp. Các chuyên gia đã đi đến kết luận là ôstralôpitec "ở mức độ đáng kể, đã chuyển từ dùng hoa quả và thực vật sang dùng thức ăn bằng thịt". Người ta đã thừa nhận ý kiến của Đact, thậm chí kể cả những người phản đối ông. https://thuviensach.vn Năm 1947, ở Stecfôntêin, Brum đã tìm thấy những di tích của hai chiếc sọ - một thanh niên và một trẻ em, còn năm 1948, vụ nổ mìn định kỳ đã hất tung lên một sọ phụ nữ gần như nguyên vẹn. Dần dần, đã có được bộ sưu tập gồm 200 chiếc răng, năm sọ nguyên vẹn và 8 sọ không nguyên vẹn của dòng ôstralôpitec. Và ở mọi nơi đều thấy hài cốt của ôstralôpitec cùng với hài cốt của vượn babuin (Papio cynocephalus) có sọ bị dập vỡ. Đact đã khảo sát 42 sọ babuin tìm được ở Nam Phi và phát hiện 27 sọ trong số đó có dấu vết của những đòn đánh từ phía trước, còn 6 chiếc sọ - có dấu vết của những đòn đánh từ phía sau. Ôstralôpitec đã dùng cái gì để đục thủng sọ? Sau khi nghiên cứu hơn 7 nghìn chiếc xương tìm được ở Macapangat (Cộng hòa Nam Phi), Đact đi đến kết luận : ôstralôpitec đã chế tạo ra những công cụ đa dạng bằng xương của động vật. Hoàn toàn có khả năng là ôstralôpitec chỉ đơn giản dùng những chiếc xương chưa qua chế tạo để làm công cụ : ít nhất, 7 nghìn chiếc xương là của 400 động vật. Trong số đó : 39 sơn dương cuđu (Strepsiceros strepsiceros), 100 linh dương, 20 lợn rừng, 4 ngựa hóa thạch, 6 hươu cao cổ, 5 tê giác và hà mã và 45 babuin. Ngoài ra ôstralopitec đã săn bắt nhím, rùa và cua. Hiện nay đã tìm thấy những bộ xương nguyên vẹn, mấy chục chiếc sọ, các xương chi, xương chậu và hàng nghìn răng của dòng ôstralôpitec. Đã hình thành một quan niệm rõ ràng về hình dạng của những vượn người hóa thạch. Ôstralôpitec có dáng đi thẳng, dùng công cụ bằng xương (thật ra vẫn chưa có bằng chứng có sức thuyết phục là ôstralôpitec đã chế tạo ra công cụ) và (điều quan trọng) là ăn thức ăn bằng thịt. Còn thức ăn bằng thịt, như F. Ănghen đã viết, có vai trò đáng kể trong tiến hóa của con người. Lúc đầu, người ta xác định niên đại của ôstralôpitec là 1 triệu năm, còn sau này là 5 - 6 triệu năm. Dòng ôstralôpitec - những tổ tiên có khả năng nhất của con người. Sau khi thừa nhận điều đó, phần lớn các nhà khoa học đã đi đến kết luận, những tổ tiên này biến đổi dần dần và chuyển hóa thành pitêcantrôp, đến lượt mình, pitêcantrôp lại chuyển hóa thành nêanđectan, và v.v... Điều chủ yếu là tất cả những biến đổi ấy và sự chuyển hóa của một loài này thành loài khác đã được thực hiện một cách chậm chạp và dần dần. Người ta đã hình dung như vậy. Nhưng cách đây tương đối không lâu, thế giới lại kinh ngạc vì một phát hiện thú vị, một phát hiện còn quan trọng hơn so với tất cả những phát hiện trước đó - phát hiện của một công dân nước Anh là L. Liki, phát hiện này buộc phải xem xét sự tiến hóa của con người theo một cách khác. Luis Liki sinh năm 1903 ở Kênia trong một gia đình truyền giáo. Năm 13 tuổi ông đã khá thành thạo ngôn ngữ và phong tục của nhân dân Kikui và thậm chí đã được nhận là thành viên của một bộ tộc của họ sau khi đã đổi tên https://thuviensach.vn là Xưn Iastrêba. Những người bạn Kikui đã dạy cho ông tất cả những kỹ xảo săn bắt bằng cung và làm quen với tập tính của các loài thú. Sau khi tốt nghiệp trường đại học tổng hợp Kembriđ ở Anh, Liki quay trở về châu Phi và quyết định hiến dâng đời mình cho khảo cổ học sơ khai. Năm 1931, ông tổ chức một cuộc khảo sát ở hẻm vực Ônđuvai (Olduvai). Những cuộc khai quật ở khe núi ấy vẫn được tiếp tục cho đến tận ngày nay. Những phát hiện của Liki ở Ônđuvai trội hơn hẳn những phát hiện trước đây. Hẻm vực này nằm ở khoảng giữa đường từ núi Kilimanđjarô (ngọn núi cao nhất ở châu Phi) đến hồ Victoria (một cái hồ nước ngọt gần như lớn nhất thế giới). Hẻm vực xẻ ngang qua thảo nguyên Xerengeti nóng như thiêu như đốt dưới ánh nắng Mặt Trời. Ở đây, dân cư thưa thớt, chủ yếu là những người Kikui du mục nuôi bò. Các lớp đất ở Ônđuvai có nhiều điều lý thú. Một mặt, những di cốt của động vật cổ xưa nằm tuần tự từ lớp nọ đến lớp kia, tạo nên khái niệm về lịch sử thiên nhiên ở châu Phi, mặt khác, cũng chính những lớp đất ấy cho phép theo dõi được bức tranh tiến hóa của con người. Năm 1931 (8 tháng sau khi đến Ônđuvai), Liki đã tìm được những công cụ bằng đá đầu tiên. Nhưng những hài cốt đầu tiên của tổ tiên con người thì mãi đến năm 1959 mới phát hiện được. Luis và vợ của ông là Mêri đã làm việc ở Ônđuvai 28 năm ròng rã. Họ không có đủ tiền để chi dùng cho công việc mà họ yêu thích. L. Liki chỉ có thể đi đến chỗ khai quật vào thời gian nghỉ phép. Thế nhưng, khó khăn và túng thiếu không đe dọa nổi các nhà nghiên cứu. Lòng kiên định và dũng cảm đã đưa đến thành công. Một việc đã giúp ích nữa là trong những năm ấy, các phương pháp xác định tuổi bằng phóng xạ đã được hoàn thiện. Đặc biệt là phương pháp kali-acgon đã tỏ ra có triển vọng ở Ônđuvai. Hẻm vực xẻ sâu 100-130 m vào hệ tầng trầm tích hồ luân phiên nhau với các lớp giữa là tro núi lửa và đá túp, còn các loại đá núi lửa thì dễ dàng xác định tuổi theo phương pháp kali-acgon. Nói cho đúng ra, những phát hiện của Liki nổi tiếng đến như vậy là nhờ phương pháp xác định niên đại bằng các chất đồng vị phóng xạ. Vào ngày đáng ghi nhớ - ngày 17 tháng 7, bản thân Liki lại thấy người khó chịu, nên Mêri phải đi để hướng dẫn khai quật. Chính Mêri có vinh hạnh tìm thấy xương (trước hết là một chiếc răng) của vượn người hóa thạch đầu tiên ở Ônđuvai. Thật thú vị là chúng đã được tìm thấy ở ngay chỗ mà vào năm 1931 Liki tìm thấy công cụ. Phải mất tới 19 ngày để đào lên gần như toàn bộ https://thuviensach.vn một cái sọ nằm ở dưới một triền đá mà ở đó đã tìm thấy răng. Thật ra, cái sọ ấy đã bị vỡ vụn ra thành 400 mảnh. Nhưng chắp nối các mảnh lại thành một vật nguyên vẹn - công việc quen làm đối với các nhà khảo cổ và nhân chủng học. Về kích thước chiếc sọ này bé hơn sọ gôrila và người hiện đại, nhưng đường nét ở mặt thì giống với người. Dáng đi của thân hình có chiếc sọ này là dáng đi thẳng, tuổi địa chất - không dưới một triệu năm. Liki gọi vật tìm được là zinzantrôp (Zinjanthropus) nghĩa là người Đông Phi ("zinj" theo tiếng Ả rập có nghĩa "Đông Phi"). Liki cho rằng đã tìm thấy thêm một tổ tiên nữa của con người. "Tuổi" của zinzantrôp được xác định bằng phương pháp kali-acgon, thật bất ngờ là rất lớn - 1 triệu 750 nghìn năm. Mùa hè năm 1960, trong một hang sâu ở Ônđuvai, lại có thêm một phát hiện mới. Mêri và con trai của hai vợ chồng Liki là Jônatan đã phát hiện cùng một chỗ với xương của một con hổ răng nanh đã bị tuyệt chủng từ lâu : một bàn chân, xương gót, xương đòn, xương hàm và những mảnh sọ của một dạng mới mà từ trước tới nay chưa hề biết. Xương hàm là của một trẻ em 11-12 tuổi. Xương hàm này được tìm thấy ở một lớp sâu hơn và do đó, cổ xưa hơn. Vì vậy, Liki gọi dạng mới tìm được là prêzinzantrôp, nghĩa là tổ tiên của zinzantrôp. Thoạt tiên, các nghiên cứu đã tạo ra một bức tranh kỳ lạ : prêzinzantrôp lại tỏ ra gần gũi với người hơn so với "zinzantrôp". Trước hết, hãy chú ý đến cái tay. Theo ý kiến của tiến sĩ J. Nape (Napier J,..., 1967), người đã nghiên cứu cái tay ấy, "bàn tay tìm thấy ở Ônđuvai" đã khá mạnh và nắm chặt, và "chủ của bàn tay ấy hoàn toàn có thể sử dụng công cụ". Bàn chân, không còn nghi ngờ gì nữa, hoàn toàn thích nghi với cách đi thẳng. Thật ra, khối lượng sọ nhỏ hơn so với pitêcantrôp (935 cm3) và sinantrôp (1030 cm3), nó chỉ có 680 cm3. Nhưng khi so sánh với khối lượng sọ "bêbi ở Taung" (520 cm3) và khối lượng sọ zinzantrôp (530 cm3) thì prêzinzantrôp lại chiếm ưu thế. Bây giờ đã biết được mấy chục cá thể hóa thạch này. Những người nghiên cứu hóa thạch đó là L. Liki, J. Nape và F. Tôbaias (Leakey L. ..., 1964) đã đặt cho nó một cái tên loài mới - Homo habilis, nghĩa là người "khéo léo". Cùng với di cốt của người "khéo léo" còn tìm thấy những công cụ bằng đá cổ xưa nhất. Homo habilis đi bằng hai chân, cao 120-140cm. Hàm trên và hàm dưới nhỏ hơn so với ôstralôpitec bôixây (zinj), nhưng hầu như không khác với hàm của pitêcantrôp và của người hiện đại. Bàn tay của người "khéo léo" có khả năng cầm nắm với lực khá lớn. Các đốt ngón tay rộng và xương ống tay lớn đã chứng minh cho điều đó (Khơrixanphôva, 1967). Về mặt hình thái, Homo https://thuviensach.vn habilis kề giáp chặt chẽ với dòng ôstralôpitec. Một số nhà nghiên cứu (Iakimôp, 1976; Côtretcôva, 1969) không tách Homo habilis ra khỏi dòng ôstralôpitec. Những nhà nghiên cứu khác gộp người "khéo léo" với pitêcantrôp, sinantrôp và atlantrôp vào một loài - Homo erectus (người đi thẳng). Những phát hiện gây chấn động ở Ônđuvai vẫn còn tiếp tục diễn ra ngay cả sau năm 1960. Sau khi L. Liki qua đời, Mêri Liki vẫn chỉ đạo các cuộc khai quật. Ở đây trong vòng 15 năm vừa qua đã tìm được những chiếc sọ mới, công cụ và xương của người cổ xưa nhất thuộc dòng ôstralôpitec, và v.v... (Ivanôva, 1965; Machusin, 1972; Urưxon, 1976 ; Clark, 1977). Những cuộc khai quật ở Ônđuvai đã trở thành một xí nghiệp khoa học quốc tế. Các nhà khảo cổ học, nhân chủng học, địa chất học từ nhiều nước trên thế giới đã đến đó. Sự hoài nghi mà những thông báo của L. Liki lúc đầu gặp phải, đã trở thành sự thừa nhận hoàn toàn những phát hiện của ông. Thậm chí, những người chống lại kiên trì nhất những phát hiện ở châu Phi và những người ủng hộ "quê hương đầu tiên ở châu Á" cũng đồng ý rằng "những quan sát và các kết luận được rút ra từ dẫn liệu ở hẻm vực Ônđuvai và cũng như ở Kênia và Êtiôpi đã được thẩm tra và ở mức độ lớn, được khoa học thế giới tán thành (Borickôpxki, 1980)." Cái hồ (hoặc dòng nước) đã tồn tại ở địa điểm mà ngày nay là hẻm vực ở Ônđuvai, khoảng 2 triệu năm trước đây, đã lôi cuốn các loài động vật khác nhau và kể cả người nữa đến bên bờ của nó. Ở nhiều chỗ, những di tích lều trại săn bắt vẫn giữ nguyên trong vị trí như những người sơ khai đã để lại: những chiếc xương gãy vỡ của động vật, những mảnh tước (những mảnh đá bị văng ra khi chế tạo công cụ) và bản thân các công cụ. Tất cả những thứ ấy đều nằm trên "mặt phẳng cổ đại" trong tình trạng nguyên vẹn. Thật ra, những "mặt phẳng cổ đại" ("khu vực ở"), trong hàng triệu năm, đã bị chôn sâu xuống dưới những lớp tro dày, những lớp dung nham, đất sét, trầm tích ở hồ, và v.v... Nếu nhìn chúng từ phía trên xuống dưới (xem sơ đồ) thì trước tiên sẽ gặp những công cụ thuộc thời đại đồ đá cũ muộn. Phía dưới là một lớp dày 45 m có các công cụ Asen (Lớp IV). Phía dưới nữa - một lớp dày 15 m, ở đây, những công cụ như vậy ít gặp hơn (Lớp III). Dưới lớp này, một lớp dày 30m (Lớp II), ở phía trên Lớp II vẫn còn gặp công cụ Asen, còn ở phía dưới - chỉ có công cụ Ônđuvai (nghĩa là giống như những công cụ đã tìm được cùng với các di cốt Homo habilis). Và cuối cùng, lớp dưới cùng - Lớp I có chiều dày đến 40 m. Chính ở đây đã phát hiện được di cốt của dòng ôstralôpitec-zinzantrôp và người "khéo léo" và cùng với những di cốt ấy là công cụ cổ xưa nhất của con người, được gọi là công cụ Ônđuvai. Tuổi của https://thuviensach.vn những vật tìm được đó, theo phương pháp kali-acgon - 1,75 - 1,85 triệu năm. Ở phần trên của Lớp II, cùng với công cụ Asen, đã tìm thấy các di cốt được gọi là pitêcantrôp Ônđuvai, giống các di cốt ở Giava. Năm 1964, Lê Crô Clac (Le Cros Clark, 1967) đề nghị gọi tất cả pitêcantrôp và sinantrôp bằng một thuật ngữ - Homo erectus. Phần lớn các nhà nghiên cứu đã thừa nhận tên gọi ấy. Trong sách báo ở Liên Xô, ngoài ra, đối với tất cả những người cổ xưa nhất, đôi lúc vẫn dùng thuật ngữ "arxantrôp" (hoặc là arxeantrôp). Hình 3 . Các lớp ở Ônđuvai. Những phát hiện ở Ônđuvai đã làm cho lịch sử loài người cổ xưa hơn ít nhất là 2,5 lần. Nhưng những phát hiện ấy không phải là duy nhất ở châu Phi. Ngay khi L. Liki còn sống, con trai của ông là Risac Liki, đã có một phát hiện xuất sắc ở một địa điểm cách xa Ônđuvai, gần sông Ômô. Sau những phát hiện của R. Liki, người ta đã nhớ lại con sông Ômô và hồ Ruđônfơ, nơi con sông đó đổ vào, vì rằng cũng ở chỗ đó, ở phía tây nam Êtiôpi, vào năm 1902, người ta đã tìm thấy xương của động vật hóa thạch giống như những chiếc xương đã gặp ở Ônđuvai. Năm 1933, nhà nhân chủng học nổi tiếng người Pháp là C. Arambua, trong khi đi du lịch ở Ômô đã sưu tầm được 4 tấn xương động vật hóa thạch. Vào những năm thứ 60, chính ông đã đề nghị cử một đoàn khảo sát tới đó để tìm kiếm di cốt tổ tiên con người. Ngoài ra, sự sắp xếp các lớp cổ xưa ở thung lũng Ômô giống một cách lạ thường với sự sắp xếp của chúng ở Ônđuvai. Về mặt địa chất, miền Ômô cũng thuộc khu vực có những đứt gãy khổng lồ của vỏ Trái Đất ở Đông Phi - kéo dài suốt châu Phi từ bắc đến nam, được ghi dấu bằng những chuỗi hồ, và được viền quanh bằng những vách đứng khổng lồ. Có một thời gian nào đó, dưới đáy rãnh nứt ấy có nhiều ao hồ và sông ngòi, nhưng bây giờ chúng đã khô cạn đi. Chỉ có vùng Ômô là còn lại một con sông : nó bắt nguồn từ vùng cao nguyên Êtiôpi và đổ vào hồ Ruđônfơ ở biên giới phía bắc Kênia. Hẻm vực Ônđuvai cũng có sông chảy qua, nhưng bây giờ ở đó không còn lấy một con suối nhỏ nào. Ngoài ra không còn gì nữa trừ đá tảng, không khí bị thiêu đốt và những hóa thạch. Ở Ômô còn nóng gay gắt hơn. Ở đây còn một con sông nhưng nó đang cạn dần. Hồ Ruđônfơ (mặc dù bây giờ chiều dài của nó còn đáng kể - 300 km) cũng đã bị nhỏ hẹp lại nhiều, và mức nước của nó đang tiếp tục giảm xuống. Những đứt gãy Đông Phi được phủ đầy những chóp hình nón và miệng núi lửa. Đây là một miền không được yên tĩnh của địa cầu. Những lớp tro núi lửa dày đã phủ lên di cốt người cổ xưa và những tổ tiên của họ. Nhưng nếu ở https://thuviensach.vn Ônđuvai tro núi lửa tạo thành những vỉa dày hàng chục mét và kéo dài suốt cả một thời kỳ khoảng 200 nghìn năm (Lớp I) - cách chúng ta gần hai triệu năm, thì ở Ômô đó là những vỉa có chiều dày 600m. Các lớp ở Ômô còn chứa đựng di tích của hệ thực vật và động vật ở những thời đại khá dài. Hơn nữa, trong khi tìm kiếm ở những lớp cổ xưa không nhất thiết phải xuống tới độ sâu 600 m. Trong mấy triệu năm qua các lớp đã trồi hẳn lên và sắp xếp ngay gần mặt đất. Có thể đi trên những lớp đó như đi trên những chiếc xương sườn của một bộ xương khổng lồ. Một trong số những lớp cổ xưa nhất có tuổi hơn 4 triệu năm. Việc nghiên cứu chi tiết vùng Ômô đã được bắt đầu từ năm 1966, đến năm 1967, một đoàn khảo sát quốc tế đặc biệt đã đến đó. Đoàn này cùng với một số nhóm do các nhà khoa học nổi tiếng lãnh đạo như C. Arambua, I. Kopan, R. Liki, và v.v... Tháng 9 năm 1973, ở Nairôbi đã khai mạc hội nghị đầu tiên của đoàn khảo sát quốc tế. Ba mươi tám người đã đọc báo cáo, những người tham gia khác gửi các bài báo của mình đến. Năm 1976, đã công bố một tập sách có 50 bản báo cáo và các bài báo tổng kết những kết quả công tác đầu tiên ở sông Ômô và hồ Ruđônfơ (Earliest Man..., 1976). Ngay lúc mới bắt đầu công tác ở sông Ômô người ta đã tìm thấy di cốt của họ người : sọ, hàng trăm chiếc răng, các chi dưới và chi trên, và v.v… Tuổi của một số vật tìm được trong số đó là gần 4 triệu năm. Một phần số xương là di cốt của zinzantrôp (ôstralôpitec bôi xây). Hơn nữa ở đây, những di cốt zinj nằm ở các lớp từ 3,7 triệu đến 1,8 triệu năm, nghĩa là người đồng hương có thân hình nặng nề (hay là tổ tiên?) của con người, đã sống ở thung lũng Ômô gần 2 triệu năm. Trong vỉa có tuổi 3 triệu năm, F. Hôuen đã tìm được 19 chiếc răng và xương đùi của ôstralôpitec "thanh mảnh" hơn và rất giống với "bêbi ở Taung" và người "khéo léo". R. Liki còn có những phát hiện lý thú hơn ở bờ phía đông hồ Ruđônfơ. Nhưng phát hiện của R. Liki trên hồ Ruđônfơ (Tucan) thuộc khu vực Côbi Fora đã gây nên nhiều cuộc tranh luận. ___ [1] C. Mác và F. Ănghen. Tác phẩm, tập 21, trang 293. [2] Theo các nhà triết học duy vật thời xưa : tứ đại là : lửa, nước, khí, đất ; ngũ hành là: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. ND. [3] Người Ken - một nhóm người đã sống ở Tây âu trước đây. ND. [4] Sinantrôp - dịch ra là người Trung Quốc (từ chữ China - Trung Quốc, antrop - người). [5] Đại não của người hiện đại chứa 11 tỷ tế bào thần kinh. Tất cả chúng đều https://thuviensach.vn xuất hiện vào thời điểm khi được sinh ra. Trong quá trình sống, không có một tế bào nào trong số đó lại phân chia và không thể thay thế được. Nhưng khối lượng não tăng lên theo tuổi (não của trẻ mới sinh nặng trung bình 340 g, sáu tháng tuổi - 750 g, một năm - 970 g, hai năm - 1150 g, ba năm - 1200 g, chín năm - 1300 g, hai mươi năm - 1400 g (Đubinin, 1977, 1980). https://thuviensach.vn CÔBI-FORA Trong thời niên thiếu, chính con trai của vợ chồng Luis và Mêri Liki là Risac Liki đã tuyên bố là cậu ta đã chán ngấy khảo cổ học và nhân chủng học, cậu ta sẽ không học ngành nào cả. Risac đã trở thành người đi săn chuyên nghiệp và đã sống mấy năm trong rừng rậm. Thời gian đó, Luis Liki đã chuẩn bị xong cho cuộc khảo sát quốc tế đầu tiên của "những người săn tìm vật cổ" ở Êtiôpi. Người ta đã thuyết phục ông tham gia cuộc khảo sát đó - cuộc khảo sát của những nhà khoa học nổi tiếng nhất - C. Arambua, I. Côpen từ Pháp đến, Clac Hauen từ Mỹ đến và của nhiều nhà khoa học khác nữa. Nhưng ngay trước khi lên đường thì ông lại bị ốm. Các bác sĩ cấm không cho ông tham gia đoàn khảo sát. Luis gọi con trai đến và yêu cầu tạm thời thay ông làm việc ở Ômô. Cực chẳng đã, Risac lên đường đi Êtiôpi. Lúc đầu, Risac không gặp may. Ở Ômô, trong khu vực mà Risac đặt chân đến, không có những lớp cổ xưa để có thể tìm thấy tổ tiên. Risac làm việc một mùa ở Ômô và bắt đầu suy tính. Nếu buộc phải quay về với khảo cổ học thì tốt hơn cả là phải tìm cho mình một vị trí độc lập. Không có bằng cấp mà làm việc trong cùng một đoàn khảo sát với những giáo sư có tước vị như Arambua, Côpen hoặc Hauen, thì có nghĩa là lúc nào cũng phải phụ thuộc vào họ. Nếu Risac có một phát hiện nào đó thì mọi người sẽ cho rằng các giáo sư đã phát hiện ra. Risac quyết định chọn cho mình một địa điểm khác. Risac ước tính và đi theo các tuyến đường đi săn của mình trước đây một cách chính xác hơn. Risac lấy chiếc máy bay lên thẳng mà đoàn thám hiểm đã thuê chung và bay quay trở lại Kênia. Risac lượn quanh bờ phía đông hồ Tucan và dừng lại lơ lửng trên không, nơi mà phía dưới là những vách đá dựng đứng trải dài ra và đã bị xói mòn - những vách đá dựng đứng ấy có vẻ hứa hẹn. Sau khi đỗ máy bay xuống, Risac đã ở trong một cảnh quan có niên đại ba triệu năm. Xương động vật hóa thạch ngổn ngang chung quanh. Tuy không phải chuyên nghiệp, Risac cũng phải ngạc nhiên. Risac bay trở lại Ômô và công bố cho mọi người biết rằng Risac rời bỏ đoàn khảo sát. Từ đó, Risac tiến hành những nghiên cứu của riêng mình, trong xứ sở của mình. Trước người cha nóng tính, đó là một quyết định dũng cảm đối với người thanh niên 23 tuổi. Cuộc đột kích bằng máy bay lên thẳng là một hành động trinh sát táo bạo https://thuviensach.vn nhằm truy tìm những vật cổ xưa. Risac Liki thành lập một đội khảo sát gồm những người có chuyên môn và dựng một cái trại cố định ở Côbi-Fora - ở mũi đất thuộc bờ phía đông và lấn sâu vào hồ Tucan. Những vật tìm được của Risac đã tạo nên những ấn tượng gây chấn động toàn thế giới. Thế Risac Liki đã tìm thấy cái gì ở Côbi-Fora? Những phát hiện của Risac Liki đã biến người đi săn trong rừng rậm không ai biết đến thành một trong những nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Chính phủ Kênia ủy thác cho Risac lãnh đạo tất cả các cuộc khai quật trong nước. Hội địa lý học quốc gia đã cấp cho Risac những khoản tiền như đã cấp cho người bố của Risac. Hàng triệu người đã đọc những bài báo của Risac. Báo "Sự thật" Liên Xô và những báo chí khác đã đăng lại những bài phỏng vấn Risac. Đến được Côbi-Fora quả là không đơn giản. Con đường từ Nairôbi, chạy qua sa mạc, qua những vùng đất muối (sôlônsăc), sau đó vượt qua những khối đá núi lửa sắc như những chiếc rìu băm cắt lớp xe ôtô. Có một tấm ảnh thơ mộng chụp Risac Liki đang cưỡi trên lưng lạc đà. Tuy nhiên, tốt hơn cả là dùng xe Len-Rôve (xe chạy mọi địa hình) hoặc máy bay lên thẳng hạng nhẹ để vượt qua sa mạc và những vách đá. Risac Liki đã đi bằng máy bay nhiều hơn để đến thẳng hồ. Hồ Tucan dài 300 km, nhưng đã có thời kỳ chiều dài của nó nước tràn ngập bờ hồ, nhận chìm cả sinh vật và nơi ở của những người đi săn sơ khai. Di cốt của những sinh vật bị ngập nước đã bị bùn phủ kín. Sau đó nước hồ rút đi. Sự sống lại trở lại ở những nơi trước kia bị ngập nước, và sự kiện này đã xảy ra nhiều lần. Nhiều lớp bùn đã được hình thành và không dễ dàng nghiên cứu những lớp bùn ấy. Nhiều nhà địa chất đã làm việc ở Côbi-Fora. Mỗi người soạn ra biểu đồ của mình về mức nước lên xuống của hồ. Những lớp cổ xưa được xác định niên đại khi thì 3 triệu, khi thì 1 triệu năm. Một cặp "lớp có nhãn hiệu" của đá túp núi lửa được tách ra. Có thể xác định niên đại của chúng theo đồng vị phóng xạ. Một trong hai lớp đó do nhà nữ địa chất học ở Trường đại học tổng hợp Ien là Kây Beresma phát hiện ra. Lớp này được đặt tên theo những chữ cái đầu trong tên gọi của nhà nữ địa chất ấy - KBS. Đó là lớp quan trọng nhất. Vì rằng ở trên cũng như ở dưới lớp này, đặc biệt có nhiều xương hóa thạch và công cụ cổ xưa, và thậm chí có cả di cốt của chính con người. Những cuộc tranh cãi kéo dài hàng chục năm về niên đại của lớp KBS đã lôi cuốn các nhà khoa học của nhiều nước, và chỉ chấm dứt vào năm 1982 tại hội nghị ở Maxcơva. Risac Liki tập trung sự chú ý chủ yếu của mình để nghiên cứu những vật tìm https://thuviensach.vn được ở lớp KBS. Ở đây đã tìm thấy những công cụ cổ xưa nhất. Risac Liki thành lập một đội khảo sát gồm những người Kênia địa phương và huấn luyện cho họ biết cách tìm những chiếc xương và công cụ cổ xưa nhất. Đội khảo sát gồm những người Kênia này đã phát hiện ra nhiều di chỉ, nhiều địa điểm có những chiếc xương cổ xưa nhất ở Côbi-Fora. Một trong số những người Kênia ấy là Kamaia Kimxy, bây giờ đã trở thành một trong số những chuyên gia thực địa giỏi nhất về xương hóa thạch của họ người ở châu Phi. Gần như cùng một lúc đã tìm thấy xương của họ người ở bốn địa điểm. Một số người tìm thấy những chiếc xương ấy ở ngay lối đi vào trại, những người khác - cách trại 10 dặm, một số khác nữa - cách trại 20 dặm, nhóm thứ tư - phong phú nhất - cách trại 25 dặm chếch về phía bắc. Nhưng khó mà xác định được di chỉ nào cổ xưa hơn, di chỉ nào có tuổi ít hơn. Xương của ôstralôpitec (rôbustus) thường gặp rất nhiều. Cũng đã tìm thấy những mẫu xương nhỏ và Risac Liki cho rằng đó là di cốt của "người khéo léo". Ông hy vọng mình không chỉ củng cố thêm những phát hiện của cha mình mà còn sẽ chứng minh được "người khéo léo" là một loài riêng biệt, cũng như xác định được loài này đã tồn tại bao nhiêu lâu. Ở Côbi-Fora có những điều kiện tốt để làm việc đó. Các lớp ở đây phong phú hơn ở Ônđuvai, đi sâu vào lòng thời gian hơn, những di cốt của người và động vật hóa thạch cũng nhiều hơn. Năm 1972, Risac Liki đã có một phát hiện gây chấn động hơn tất cả các phát hiện khác. Dưới lớp đá túp, Liki đã tìm thấy một chiếc sọ người khác thường. Ông xác định niên đại chiếc sọ ấy là 2,9 triệu năm vì rằng chiếc sọ ấy nằm dưới lớp KBS, mà lớp này - những người nước Anh đã xác định niên đại theo đồng vị phóng xạ là 2,6 triệu năm. - Ông gọi tên người mới như thế nào ? Người ta hỏi ông trong cuộc phỏng vấn. - Tôi gọi là Người. Tôi không đặt cho người mới này một cái tên đặc biệt vì rằng đó không phải là ngành chuyên môn của tôi. Đối với tôi, chỉ có hai giống thuộc họ người trên hồ Tucan - một giống tôi gọi là ôstralôpitec - tất cả đều là rôbustus. Những người còn lại - đều là người. Nghĩa là Risac Liki đã xếp cả "bêbi từ Taung" và tổ tiên của Zinzanthropus vào cùng một loài - loài người. Vật mới tìm được này đã ghi vào bảng thống kê với số liệu KMN- EP-1470. Người ta còn gọi nó theo địa điểm tìm thấy - Đông Ruđônfơ. Vì Risac không https://thuviensach.vn đặt tên cho người hóa thạch, nên vật tìm được này của ông đi vào khoa học thế giới với số hiệu No.1470. Đó là một trong những vật hóa thạch tuyệt vời nhất tìm được trong thế kỷ. Tất cả các nhà khoa học thế giới đều gọi nó như vậy. Nếu một người nào đó nói đến số hiệu 1470, thì bất kỳ nhà khảo cổ, nhà nhân chủng học nào trên thế giới đều hiểu người ấy nói về cái gì. Căn cứ vào chiếc sọ mà đoán định thì đó là con người với nghĩa đầy đủ của từ đó. Sọ của người này cao hơn, thanh mảnh hơn và tròn hơn so với những chiếc sọ thuộc dòng ôstralôpitec. Điều tuyệt diệu là thể tích sọ - 775 cm3. Đó là một con số khẳng định, vì khác với những chiếc sọ Ônđuvai, chiếc sọ này hoàn toàn nguyên vẹn. Vợ của Risac là Miv, đã buộc phải giải quyết không ít những việc nan giải trước khi gắn kết từ hàng trăm mẩu xương bé tý thành chiếc sọ. Vật tìm được mang số 1470 làm cho mọi người choáng váng trừ Luis Liki. Ông rất mãn nguyện vì vật tìm được này. Nó khẳng định chính cái điều mà ông mơ ước từ lâu : loài người đã xuất hiện từ lâu, từ rất xa xưa, và bằng cớ cho điều đó đã được tìm thấy. Đó là một trong số không nhiều những thời điểm tươi sáng trong cuộc đời của Luis. Ông già rồi và lại bị ốm trầm trọng, trách nhiệm nặng nề luôn dày vò ông. Sự phát hiện của con trai - một thành công rực rỡ đối với Luis Liki. Và sự kiện đó đã xảy ra vào chính năm 1972, năm ông qua đời. Cái chết đã đến với ông khi mà người con trai ông - Risac Liki, đã đạt đến đỉnh quang vinh, hoàn tất sự nghiệp của bố. Những dạng "người khéo léo" khác ở Ônđuvai có tuổi từ 1,5 - 1,8 triệu năm. Thể tích sọ - 640 cm3. Ở đây, sọ có bước nhảy vọt khổng lồ, đến 775 cm3, còn tính theo tuổi thì nó sớm hơn đến 1 triệu năm. Cây phả hệ của con người là một đường cong? ! Rôbustus không phải là tổ tiên con người, đó là điều không còn nghi ngờ gì nữa, Những chiếc sọ cổ xưa nhất của rôbustus ở Ômô chỉ có 2 triệu năm tuổi. Ở Côbi-Fora cũng tìm thấy sọ của rôbustus, nhưng chỉ có tuổi 2 triệu năm. Nếu tuổi của chiếc sọ 1470 được xác định chính xác, thì hóa ra là nó còn sớm hơn Zinj (Đông Phi) đến 3/4 triệu năm nữa ! Risac Liki đã tuyên bố không có ai trong số những người hóa thạch tìm được là tổ tiên của chiếc sọ 1470. Và tất cả các lý thuyết tiến hóa đều không đúng. Mới cách đây không lâu, người ta còn cho rằng ôstalôpitec châu Phi - "bêbi từ Taung" là tổ tiên, đến bây giờ quan niệm ấy đã bị chôn vùi như những quan niệm khác. Mọi việc đều do niên đại xác định. Tuổi của "africanus" ở Nam Phi vẫn chưa xác định được, mặc dù phần lớn các nhà khoa học cho https://thuviensach.vn rằng "africanus" đã sống vào khoảng thời gian từ 2 đến 2,5 triệu năm trước đây. Còn 1470 là 2,9 triệu năm. Nghĩa là "africanus" không có thể là tổ tiên của 1470. Cổ xưa hơn 1470 thì chỉ có hai vật tìm được của họ người ở Bắc Kênia - xương tay ở Kanapôi - 4 triệu năm, và một mẩu xương hàm cùng với răng ở Lôtêghem - 5,5 triệu năm. Cả hai vật tìm được này chỉ là hai mẩu bé nhỏ. Căn cứ vào chúng, không thể nói được bất cứ vấn đề gì, ngoài vấn đề sau đây : hình như chúng cũng thuộc họ người, phải chăng những dạng ấy là tổ tiên, những anh em họ hoặc là thuộc dòng ôstralôpitec bôixây. Vẫn chưa rõ. Như vậy, con người đã trở nên cổ xưa cũng như tổ tiên của mình. Căn cứ vào nhiều dấu hiệu, các dạng ôstralôpitec rôbustus và bôixây là nguyên thủy hơn cả. Cũng không thể hiểu gì hơn về những dạng này. Bây giờ đã biết rõ "người khéo léo". Ảnh hưởng của "người khéo léo" bỗng nhiên tăng lên. Dù cho Risac Liki không đặt một cái tên đặc biệt cho 1470 - "Tôi chỉ muốn gọi là "Homo", ông đã nhắc đi nhắc lại điều đó. Tuy nhiên, cũng không khó khăn gì liên hệ 1470 với địa vị "thống trị" của những "người khéo léo" ở Ônđuvai. Tuổi của dạng người này được kéo dài thêm một triệu năm nữa. Bây giờ nhiều người đã thừa nhận "người khéo léo" là một loài riêng biệt. Tuy nhiên không phải mọi người đều đồng ý như vậy. Lôring Brây ở Trường đại học tổng hợp Misigân là người nêu ý kiến phản đối có tính nguyên tắc nhất. Ông đã nhiều năm ròng xây dựng nhánh trực tiếp cho cây phả hệ của con người. Ông giải thích những sai khác cá thể ở những chiếc sọ - những biến thể trong nội bộ loài, cũng giống như những cá nhân khác nhau trong loài người hiện đại. Như vậy, chỉ có những cá thể khác nhau về niên đại : ở một số cá thể có sọ lớn hơn, ở số khác - nhỏ hơn. Nhưng tất cả những cá thể ấy đều thuộc một loài. Trong nhiều năm, Brây và những người kế tục ông đã mô hình hóa cây tộc hệ của con người dưới dạng một nhánh trực tiếp: ôstralôpitec - người đi thẳng - người hiện đại. Điều đó có nghĩa là ông thống nhất tất cả ôstralôpitec cùng với "người khéo 1éo" vào một loài. Sơ đồ của Brây hấp dẫn ở chỗ là nó đơn giản. Nhưng cùng với sự phát hiện ra 1470 thì không thể sắp xếp những dạng ấy ở cùng một mức độ. Những dạng ấy có tuổi khác nhau. Lúc đó, Brây chỉ tách rôbustus ra thành một loài riêng biệt, nhưng cũng như trước đây, ông thống nhất "người khéo léo" và "africannus" vào một loài. Risac Liki xem xét vấn đề theo cách khác. Cho đến nay, ông vẫn không thừa https://thuviensach.vn nhận là đã có "dạng châu Phi" thuộc ôstralôpitec ở Nam Phi. Ông gọi tất cả những dạng đó, cả "Bêbi ở Taung", cả "người khéo léo", cả 1470 - "người", còn tất cả rôbustus là ôstralôpitec. Như vậy, cả Brây, cả Risac Liki đều gộp chung "người khéo léo" và "Bêbi ở Taung" (africanus và habilis) vào một loài, vào một "rọ". Nhưng Liki và Brây đã dán những chiếc nhãn khác nhau cho chiếc rọ ấy. Tựu trung, các cuộc tranh luận đều dẫn đến một vấn đề đã có từ lâu đời : loài là gì ? Thường thì người ta xếp một nhóm động vật hay thực vật bị cách ly lâu dài với những nhóm động vật hay thực vật khác, vào một loài, vì sự cách biệt đó, ở nhóm này đã hình thành những sai khác di truyền trong cơ thể. Sự cách biệt có thể là tự nhiên - sa mạc hoặc đại dương đã phân tách hai quần thể mà trước đây trong một khoảng thời gian nào đó chỉ là một quần thể. Sự cách biệt cũng có thể là do tập tính : ví dụ, chó không chung đụng với mèo là không phải chỉ do chúng không có ý định làm việc đó, mà còn do những sai khác lớn về di truyền giữa chúng, nên không thể sinh con đẻ cái. Ngựa và lừa là những loài gần gũi nhau hơn so với mèo và chó. Nhưng khi giao phối với nhau, chúng sinh ra con la. Nhưng bản thân con la lại bất thụ. Lôring Brây đã xác định những sai khác giữa ôstralôpitec africanus với "người khéo léo" và đã không tìm được những sai khác tới mức phải dán những chiếc nhãn của những loài khác nhau cho những dạng người ấy. Sự hoài nghi không chỉ do sự xác định loài của những vật tìm được gây nên, mà cả niên đại của chúng nữa. Với niên đại 2,9 triệu năm của chiếc sọ 1470 không phải là chuyện đơn giản. Mặc dù đã nhận được niên đại đó từ phòng thí nghiệm của Fise và Mule ở Luân Đôn theo phương pháp đồng vị phóng xạ. Điều đó đã làm cho 1470 trở thành một trong số những dạng cổ xưa nhất. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà khoa học đều đồng ý với niên đại đó. Ví dụ, trong cuộc hội nghị năm 1974 về nguồn gốc con người ở Viện khảo cổ học Liên Xô, nhà nhân chủng học nổi tiếng V. P. Alecxêep đã nói về chiếc sọ 1470: - Tôi không nghĩ rằng 1470 lại có 2,9 triệu năm tuổi và lại có dạng người đến thế. Có thể có sai sót về niên đại khi dán nhãn. - Nhưng chiếc sọ này lại nằm ở phía dưới lớp đá túp thuộc lớp KBS kia mà. Lớp đá túp có 2,6 triệu năm tuổi. Niên đại này đã được xác định theo phương pháp kali-acgon, - các đồng nghiệp không tán thành. https://thuviensach.vn - Ở đây có một cái gì đấy nhầm lẫn về niên đại. Chúng ta hãy nhìn về một phía khác trong thời gian hai triệu năm. Ở đó không có cái gì cả ngoài những chiếc sọ ít phát triển giống như thuộc dòng ôstralôpitec nguyên thủy với những chiếc răng lý thú. Khi chúng ta đi sâu vào lòng thời gian một triệu năm nữa, thì bỗng nhiên nảy ra 1470. Chiếc sọ này hiện đại tới mức dựng tóc gáy. - Ông cho rằng niên đại được xác định sai ? - Tác giả cuốn sách này hỏi. - Chắc là thế. Thật ra, địa tầng ở Côbi-Fora hết sức phức tạp và rất khó giải thích. Các lớp rất mỏng và do đó dễ dàng bị hủy hoại. Các lớp đá núi lửa xen vào giữa rất ngắn. Chúng bị gián đoạn, tan vỡ và xáo trộn. Nhiều chỗ khó mà gắn kết lớp này với lớp khác. Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là xương của động vật hóa thạch nằm cả ở phía trên và cả phía dưới lớp đá túp của lớp KBS (2,6 triệu năm), nhưng ở Ômô chúng lại nằm ở những lớp trẻ hơn. Về mặt lý luận thì sinh vật ở hai địa điểm ấy phải giống hệt nhau vì chúng ở cách nhau chỉ có 50 dặm. Và nhiều động vật trong số đó như voi chẳng hạn, có thể tự do đi từ Ômô đến Côbi-Fora và ngược lại. Khí hậu ở cả hai địa điểm này là như nhau. Khi xem xét những bộ sưu tập ở Côbi-Fora, Clac Hauen đã đưa ra nhận xét với Bazin Kuc - chuyên gia nghiên cứu nhóm lợn. - Lợn ở Côbi-Fora không giống với lợn của chúng ta cũng cùng thời kỳ đó. Những con lợn này trông có vẻ trẻ hơn. Bazin Kuc chú ý đến những con lợn ở phía đông hồ Ruđônfơ. Ông đã nghiên cứu một cách chi tiết sự tiến hóa của lợn trong vòng 2 triệu năm. Ông làm việc chủ yếu ở Ômô, nơi mà niên đại được xác định một cách có cơ sở hơn cả. Ông so sánh lợn ở Ômô và những vật tìm được ở những địa điểm khác thuộc hệ đứt gãy châu Phi với lợn ở Ônđuvai, ở Sađa và v.v... Toàn bộ sự việc đó nói lên rằng những động vật ấy có cùng một lịch sử. Sự tiến hóa của lợn, trên một lãnh thổ rộng lớn, đều giống nhau ở khắp mọi nơi, trừ vùng hồ Tucan. Ở đó có tới 800 nghìn năm cổ xưa hơn. Ở đó đã có những giống lợn cổ xưa như mêzôsêrus. Những động vật này phân bố rộng rãi ở Đông Phi 2 triệu năm trước đây. Nhưng ở KBS thuộc hồ Tucan, chúng lại được xác định niên đại là 3 triệu năm. Các nhà nghiên cứu muốn thay đổi quan điểm của Risac Liki. Nhưng Risac Liki vẫn giữ ý kiến của mình. Năm 1982 Đại hội quốc tế đã được ấn định ở Maxcơva. Khi chuẩn bị cho đại hội, nhà địa chất học người Anh là Viliam Bisôp mời các nhà khoa học đến họp ở Luân Đôn. Cuộc đấu chọi đầu tiên đã chín muồi. Glin Azec - nhà khảo https://thuviensach.vn cổ học Nam Phi nổi tiếng, người giúp việc cho Risac Liki trong các cuộc khảo sát ở hồ Tucan, đã đến cuộc họp với khí thế như ông đã tuyên bố : "dùng gươm để bảo vệ con người thoát khỏi những con 1ợn". Ông quyết định tấn công Bazin Kuc. Kuc thắt chiếc caravát có dòng chữ MSP. Trong năm ấy những chiếc caravát như vậy được bán rộng rãi ở Mỹ. Azec nói rằng những chữ ấy có nghĩa : "Đàn ông - kẻ ăn bám lợn" [1] . Nhưng khi Bazin Kuc bắt đầu đọc bản báo cáo thì mọi người đã quên hẳn những câu chuyện vui đùa. Kuc tuyên bố rằng cần phải kiểm tra lại niên đại của Fise và Mule bằng cách so sánh động vật ở Ômô và ở Tucan. Nếu ở khắp mọi nơi, mêzôsêrus được xác định niên đại chỉ là 2 triệu năm, thì ở Côbi-Fora chúng không thể có 3 triệu năm tuổi. Risac Liki không nói một lời nào cả. Còn Glin Azec lao vào cuộc tranh luận… Ông nói rằng ông tin niên đại ở hồ Tucan là đúng, sự không giống nhau giữa Ômô và Tucan chỉ có nghĩa là có sự sai khác tự nhiên ở hai địa điểm đó. Chính Jôn Haris trước đây cũng nói như vậy. Sau khi nghe Azec nói xong, Kuc đứng lên, chỉ vào những chữ ở chiếc caravat rồi nói : "Ông cho rằng ông đã biết những chữ MSP có nghĩa là gì, nhưng ông chưa biết đâu. Những chữ này có nghĩa là : "Mêzôsêrus có quyền nghiêm ngặt" [2] . Chuỗi cười vang lên kết thúc lời đáp lại của ông. Azec không bác bỏ được những chứng cớ của Kuc. Hầu như mọi người (trừ nhóm của Risac Liki) đều đi đến kết luận cần phải xem xét lại niên đại của lớp đá túp thuộc lớp KBS. Jôn Haris thuyết phục Tim Oat nghiên cứu lại toàn bộ tài liệu ở Côbi-Fora để củng cố thêm niên đại của lớp đá túp thuộc lớp KBS. Tim Oat nhận lời giúp ông. Hai người cùng nhau nghiên cứu một cách chi tiết những con lợn ở Tucan. Haris đã thất vọng. Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng Kuc đúng và niên đại ở Côbi-Fora là sai. Nhưng Risac Liki không lùi bước. Risac Liki quyết định triệu tập cuộc họp ở Côbi-Fora để mọi người thảo luận lại một lần nữa. Glin Azec và Kây Berensma đều có mặt. Ian Finlate - nhà địa chất học chính của Risac Liki cũng bay từ Luân Đôn tới. Mọi người chú ý nghe thông báo của Jôn Haris và Tim Oat về sự xác định niên đại của lợn cổ xưa. Sau đó bắt đầu thảo luận, Ian Filate bảo vệ niên đại cũ và khẳng định rằng niên đại đó là chính xác, những người khác ủng hộ ông. Đã có được một quyết định đưa ra một hệ thống giải mã mới đối với https://thuviensach.vn những vật tìm được. Người ta đánh số lại tất cả các di chỉ theo một hệ thống nhất. Bây giờ lại còn khó khăn hơn khi muốn biết thông tin đến từ nơi nào - so với lớp đá túp thuộc lớp KBS. Tim Oat và Jôn Haris gửi một bài báo nói về những nghi vấn trong việc xác định niên đại ở Côbi-Fora cho tạp chí "Tự nhiên" (Nature), ở Luân Đôn. Nhưng người ta trả lại bài báo cho họ với lý do không thể đưa in. Tim Oat nói rằng đó là sự bóp nghẹt ý kiến. Ông nhớ lại cũng chính tạp chí đó đã giữ lại những bài báo của Rôbec Brum như thế nào khi Rôbec Brum lên tiếng bảo vệ "Bêbi ở Taung" của Đact. Ông nói họ cũng là những vật hy sinh của chế độ bóp nghẹt ý kiến, cũng như Rôbec Brum cách đây 40 năm. Mãi đến tháng giêng năm 1977, bài báo của họ mới được công bố tại Saen ở Mỹ. Sau sự kiện đó, Tim Oat không bao giờ còn nhận được giấy mời trở lại làm việc ở Tucan nữa. Risac Liki không chờ đợi một cách bình thản khi người ta còn chưa phân phát hết sơ đồ xác định niên đại của ông. Ông yêu cầu phòng thí nghiệm ở Anh, bằng đồng vị phóng xạ (của Fise và Mule) xác định lại niên đại của lớp KBS theo phương pháp kali-acgon. Người ta đã phân tích và nhận được niên đại 2,4 triệu năm trước đây, chứ không phải là 2,6 triệu năm như lần đầu tiên đã xác định. Đó là bước đầu tiên theo hướng đúng đắn. Nhưng là bước ngắn ngủi tới mức mà những người ủng hộ Kuc vẫn cảm thấy cần phải có những niên đại mới. Họ rất vui mừng khi Tupe Secling - nghiên cứu sinh của Trường đại học tổng hợp Califocni, đưa từ thực địa về những mẫu đá tup của lớp KBS, lấy ở hồ Tucan. Tupe Secling giao những mẫu đó cho phòng thí nghiệm của Kutis - người mở đầu cho phương pháp xác định niên đại theo kali-acgon đối với các trầm tích pliôxen và pleixtôxen. Kutis đã phân tích các mẫu của Secling. Một mẫu trong số đó có niên đại 1,8 triệu năm, mẫu khác - 1,6 triệu năm. Những niên đại ấy gần như trùng với những niên đại mà các chuyên gia nghiên cứu lợn hóa thạch đã giả định đối với lớp KBS. Họ phấn khởi vì những niên đại mới. Những niên đại mới này làm cho Risac Liki bối rối. Trong bài tổng quan về họ người ở Tucan mà ông đã viết vào năm 1978 cho "Saentific American", ông ghi nhận sự không trùng hợp giữa những niên đại của Fise - Mule với những niên đại của Kutis, nhưng R. Liki không chỉ rõ ông bằng lòng với niên đại nào hơn cả. Tuy nhiên, những niên đại ấy đã chứng minh chiếc sọ 1470 không thể cổ xưa hơn 2 triệu năm trước đây. Năm 1982, tại đại hội địa chất học ở Maxcơva, niên đại 1,87 triệu năm được https://thuviensach.vn thừa nhận là đúng và chính xác. Ngay cả G. Azec cũng thừa nhận như vậy. Vấn đề là ở chỗ nào ? Tại sao các niên đại lại khác biệt nhau đến 700 nghìn năm? Toàn bộ vấn đề là ở độ tinh khiết của các mẫu. Kutis và nhóm của ông ở Beckli đã thận trọng nghiên cứu mẫu dưới kính hiển vi. Họ thấy trong lớp đá túp thuộc KBS không có nhiều hạt có nguồn gốc cổ xưa hơn. Họ đã kiếm cách vứt bỏ những vật cổ xưa gây bẩn trước khi phân tích mẫu. Các kết quả khớp nhau một cách hiển nhiên : tất cả các kết quả tập trung thành nhóm khoảng 1,8 triệu năm. Lúc đó họ tin vào hai vật liệu khác nhau trong mẫu : tinh thể đá bồ tát (fenspat) và đá bọt thủy tinh. Cả hai loại đều được kiểm tra bằng máy đếm nguyên tử theo phương pháp kali-acgon. Cả hai đều cho niên đại như nhau. Tháng 8 năm 1982, tại hội nghị ở Maxcơva, những kết quả phân tích mới về Côbi-Fora theo đồng vị phóng xạ đã được báo cáo. Hóa ra là niên đại đầu tiên 2,6 triệu năm là sai lầm. Tuổi lớp đá túp thuộc lớp KBS khoảng 1,87 triệu năm. Côbi-Fora cũng có tuổi giống như những di chỉ ở Ônđuvai. Chiếc sọ 1470 không cổ xưa hơn "người khéo léo" Ônđuvai. Những nghi vấn của các nhà khoa học Liên Xô tỏ ra là chính xác. Nghĩa là con người đã "trẻ lại" cả một triệu năm? Và con người sống không phải 3 mà chỉ là 2 triệu năm như Luis Luki đã xác lập điều đó ngay từ buổi đầu của những năm thứ 60 ? Không phải thế. Người ta chưa kịp dừng các cuộc đấu chọi vì Côbi-Fora, thì đã tìm thấy những di chỉ mới, mà lần này không phải ở Đông Phi, mà ở Êtiôpi. Di chỉ Hôn cùng với những công cụ bằng đá có tuổi 3 triệu năm đã được tìm thấy ở đó. Cũng ở đó đã phát hiện ra những tổ tiên mới của con người có tuổi gần 4 triệu năm. Tất cả những điều đó đã được nói tới tại hội nghị ở Maxcơva vào năm 1982. Con người đã không muốn trẻ lại! Nhà cổ nhân chủng học trẻ tuổi Đônan Jôhansơn đã tìm thấy di cốt mới của tổ tiên con người ở khu vực Sađa. Ở đó đã tìm thấy cả một bộ xương nguyên vẹn của Luxi... ___ [1] Trong nguyên bán tiếng Nga: MSP - khớp với những chữ cái đầu trong câu giải thích hài hước của Kuc (đã dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nga). ND. [2] Trong nguyên bản tiếng Nga: MSP - cũng khớp với những chữ đầu trong câu giải thích hài hước thứ hai của Kuc (đã dịch từ tiếng Anh sang tiếng https://thuviensach.vn Nga). ND. https://thuviensach.vn LUXI Ở XAĐA Sau khi đã kiếm đủ tiền cho cuộc khảo sát ở miền Bắc Êtiôpi, Jôhansơn đến dự hội nghị năm 1974 về hồ Ruđônfơ để thuyết phục các chuyên gia cùng đi với mình đến Sađa. Ông kể lại trong một cuốn sách lý thú của mình [1] : "- Tôi nói về Sađa với tất cả lòng nhiệt tình mà tôi có thể có ở hội nghị về Ruđônfơ. Có mặt một tá các nhà khoa học có danh tiếng lớn về pliôxen và pleixtôxen. Tôi hy vọng rằng một số nhà khoa học ấy sẽ hợp tác với tôi. Tuy nhiên cũng không dễ dàng để có được sự thỏa thuận của họ. Họ lịch sự nghe những mô tả đẹp đẽ của tôi về các trầm tích được cấu tạo từ những hóa thạch có số lượng và chất lượng siêu việt, và những tiên đoán của tôi là có thể tìm thấy những tổ tiên nào ở đó. Họ nghe tôi, bởi vì tôi là người của Hauen. Tôi đã làm việc với Hauen ba mùa ngoài thực địa và tiếp thu được những chỉ dẫn quý báu của ông. Nhưng bản thân tôi chưa bao giờ phụ trách một đoàn khảo sát. Cái gì bảo đảm rằng tôi có thể làm được việc đó? Trong nhóm của tôi sẽ có các cộng tác viên với "tầm cỡ" nào? Những quan sát của tôi về địa tầng đã được tin cậy như thế nào ? Phải chăng tôi có thể tin được rằng Êtiôpi sẽ cho phép đi tìm những di chỉ trong đất nước của họ? Sự xác định niên đại đối với những di chỉ của tôi chính xác đến chừng mức nào? Nhưng nói chung, tôi có thể tìm lại được những di chỉ ấy một lần nữa không? Thế còn các nhân viên phòng thí nghiệm? Có những người ấy không và họ có làm đúng hạn tất cả những bản vẽ và những phân tích cần thiết không? Hay là lại buộc phải thuyết phục họ hàng chục năm ròng để họ làm xong tất cả mọi việc cần thiết, khi mà bản thân một người nào đó trong số nhân viên ở Viện bảo tàng chưa nhớ ra là dù sao cũng cần phải làm một cái gì đó cho đoàn khảo sát? Tất cả những điều đó là những vấn đề quan trọng. Chúng có thể làm hỏng mọi việc. Điều bất hạnh to lớn đối với nhà khảo cổ và nhà nhân chủng đang bận bịu là rơi vào một cuộc khảo sát như vậy, hoặc rơi vào một tình trạng phải hứng chịu thất bại do không chú ý đầy đủ, do thiếu vật liệu, do những người tổ chức thiếu kiên quyết. Và tồi tệ hơn cả là những vật tìm được thiếu độ tin cậy. Tôi hết sức cần sự giúp đỡ của một nửa tá chuyên gia của châu Phi. Nhưng để có được sự giúp đỡ ấy chỉ trong trường hợp tôi giành được sự tín nhiệm của họ ở hội nghị về Ruđônfơ (Tucan) năm 1974. Khi thuyết phục các nhà khoa học, tôi có hứa dành cho họ một đống xương https://thuviensach.vn động vật hóa thạch, và họ có thể tin được về niên đại. Tôi giải thích các trầm tích ở Sađa có thể so sánh được với những tầng dưới ở Ômô, nhưng có nhiều vật hóa thạch hơn và chúng có thể bổ sung cho sơ đồ ở Ômô. Tôi ép buộc Alan Jentri ở viện bảo tàng Britan, - một chuyên gia về sơn dương (Antilope) khi hứa dành cho Jentri vô khối sơn dương tuyệt vời. Tôi nói với Jôn Haris về hươu cao cổ, với Bazin Kuc về lợn. Tôi đã đạt được một điều là các nhà khoa học đã bắt đầu chú ý đến chắc là sẽ tới đó". Đối với vật tìm được lý thú nhất ở Sađa, Jôhansơn đã kể lại như thế này: "Buổi sáng ngày 30-11-1974 ấy, như lệ thường trong đoàn khảo sát, tôi tỉnh dậy vào lúc rạng đông. Tôi đang ở Êtiôpi, trong lán trại trên bờ con sông Avas đục ngầu thuộc khu vực được gọi là Sađa, cách Ađis Abêba khoảng 100 dặm về phía tây bắc. Tôi là người lãnh đạo một nhóm các nhà khoa học đi tìm những vật hóa thạch. Tôi nằm lại trong lều của mình mấy phút, chăm chú nhìn tấm vải bạt ở phía trên. Lúc đầu nó có màu đen, sau đó nó nhanh chóng biến thành màu lục khi những tia sáng Mặt Trời phóng qua đường viền của những ngọn đồi ở phía đông. Trời tương đối lạnh nhưng không quá 28oC. Còn không khí thì không thể so sánh với cái gì được, mùi tinh khiết ban mai của sa mạc phảng phất thêm chút mùi vị của thức ăn đang nấu. Một số người trong những bộ lạc ở Afa, đang làm việc trong đoàn khảo sát, đem theo cả gia đình nữa. Họ dựng lên ở đây những túp lều có dạng như những chiếc nhà gạch, bằng những chiếc chiếu bện cỏ trên mảnh đất bỏ không cách trại chính hàng trăm acđơ [2] . Những người phụ nữ Afa trở dậy trước lúc rạng đông. Họ chăm sóc những con lạc đà, dê, và bình thản nói chuyện với nhau. Đối với phần lớn người Mỹ trong trại, đó là khoảng thời gian tốt nhất trong ngày. Những vách đá và những hộc đá tảng, dồn chất ngổn ngang lên phong cảnh, đã trút bỏ trong suốt một đêm toàn bộ cái nóng bức và bây giờ không còn cảm thấy chúng như những cục than nóng bỏng khi bạn dẫm chân lên nữa. Tôm Grây cùng ngồi uống cà phê với tôi. Tôm Grây là nghiên cứu sinh. Anh đến Sađa để nghiên cứu động vật và thực vật hóa thạch, tái dựng chính xác trong chừng mực có thể được, những dạng và những mối quan hệ lẫn nhau khi chúng đã sống ở đây vào những thời kỳ khác nhau trong quá khứ xa xăm với khí hậu của thời kỳ đó. Còn mục đích của riêng tôi - lý do của cuộc khảo sát - những dạng người hóa thạch : xương những tổ tiên đã bị diệt vong của https://thuviensach.vn con người và những họ hàng gần gũi của con người. Tôi quan tâm đến những tài liệu về sự tiến hóa của con người. Nhưng tôi hiểu rằng cần phải làm sáng tỏ thêm những con người mà chúng tôi có thể tìm thấy di cốt của họ, bằng những công việc của các chuyên gia như Tôm Grây. - Thế hôm nay chúng ta làm gì ? - Tôi hỏi. Tôm nói rằng anh ta sẽ đánh dấu vị trí của các hóa thạch lên bản đồ. - Khi nào cậu đi dán nhãn cho vị trí 162 ? - Tôi không hoàn toàn hình dung một cách chính xác là 162 nằm ở đâu? Anh ta nói. - Thế thì mình sẽ chỉ cho cậu. Sáng hôm ấy tôi không định đi với Tôm Grây, tôi cần phải ở lại trại nhưng tôi đã không ở lại. Theo linh tính, tôi cảm thấy có bước nhảy vọt mạnh, nó thôi thúc tôi đi với Tôm. Tôi ghi cho mình trong nhật ký : "Tháng 11 ngày 30 năm 1974. Vị trí 162 - cùng với Tôm Grây cho đến bữa ăn trưa. Cảm giác tốt". Là một chuyên gia nghiên cứu những tổ tiên hóa thạch của con người, tôi mê tín quá mức. Phần lớn, trong công tác của mình, chúng tôi lệ thuộc vào vận may rủi, vào sự thành đạt, và vì vậy chúng tôi đã mê tín. Đã có những nhà cổ nhân chủng học, trong suốt cả cuộc đời đã không hề tìm thấy một người hóa thạch nào. Tôi là một trong những người gặp may nhất. Tổng cộng, đó mới chỉ là mùa thực địa thứ ba của tôi ở Sađa, mà tôi đã tìm thấy mấy người hóa thạch. Chính vì thế mà tôi đã viết : "Cảm giác tốt" trong nhật ký của mình. Buổi sáng, khi tôi thức dậy, tôi cảm thấy hôm nay là một trong những ngày mà số phận đem lại hạnh phúc cho tôi. Một trong những ngày có thể xảy ra một điều kỳ lạ. Thế nhưng, phần lớn của buổi sáng đã không đem lại cái gì cả. Tôm Grây và tôi ngồi vào xe Len-Rôve khảo sát có bốn chỗ ngồi, và di chuyển chậm chạp đến vị trí 162. Đó là một trong hàng trăm vị trí đã được đánh dấu để nghiên cứu chi tiết về địa chất của các hóa thạch. Mặc dù vị trí này cách trại chỉ có bốn dặm, nhưng do mặt đất không bằng phẳng nên nửa giờ sau chúng tôi mới tới nơi. Khi đến nơi thì cái nóng bức đã bắt đầu tăng lên". Sađa là xứ sở sa mạc, chỉ có những hộc đá trần trụi và sỏi, cát, những di cốt hóa thạch gần như nằm ngang trên mặt đất. Sađa - trung tâm của sa mạc Afa, https://thuviensach.vn là đáy hồ cổ xưa, bây giờ đã khô kiệt và chất đầy những lớp trầm tích. Các lớp trầm tích này đã giữ gìn lịch sử những sự kiện địa chất trong dĩ vãng. Ở đây có thể theo dõi được bụi và tro núi lửa từ bầu trời rơi xuống cách hàng triệu năm trước đây ; có thể theo dõi được những lớp chất bẩn và bùn bị rửa trôi từ những ngọn núi cách đó rất xa, rồi lại đến những lớp bụi núi lửa, rồi lại đến những lớp bùn, và v.v… Những sự kiện ấy thể hiện ra như những lớp xếp trong mẫu bánh nướng, như trong khe xói của một con sông trẻ mà cách đây chưa lâu đã chảy qua lòng hồ này. Ở Sađa rất ít mưa, nhưng vào mùa mưa, thì những trận mưa rào tràn ngập cả ngày lẫn đêm và trút nước xuống suốt 6 tháng. Vì không có thực vật che phủ, đất trần trụi nên không giữ được nước mưa. Nước ào ào cuốn theo đất đổ vào khe suối, phá vỡ vách suối và cuốn đi ngày càng nhiều những di tích hóa thạch trên mặt đất. Nhưng chúng ta hãy quay lại với câu chuyện của Jôhansơn. "Tôm Grây và tôi kéo chiếc xe Len-Rôve lên sườn dốc của một trong những khe suối như vậy. Chúng tôi cố gắng đặt xe sao cho cái túi vải gai đựng nước ở trong bóng râm. Tôm Grây ghi vị trí vào bản đồ. Sau đó chúng tôi bắt đầu đi và quan sát sườn khe. Chúng tôi chậm rãi đi dọc theo sườn khe và tìm xương hóa thạch. Một số người tìm được khá nhiều xương hóa thạch. Những người khác thì hoàn toàn tuyệt vọng. Điều này đòi hỏi phải có thực tế, phải rèn luyện đôi mắt để có thể chỉ thấy được cái gì đã phải thấy. Những người tìm kiếm giỏi nhất là những người ở Afa. Lúc nào họ cũng chăm chú nhìn dọc theo các vách đá và trên cát. Cuộc sống của họ phụ thuộc vào việc đó. Họ lập tức nhận ra bất cứ một cái gì đó không bình thường. Bằng cái nhìn có trình độ chuyên môn, chỉ cần lướt nhanh trên tất cả những hòn đá cuội, những tảng đá, họ nhận ra ngay một vài vật mà người chưa quen với sa mạc không nhận ra được. Tôm và tôi đã tìm kiếm trong vài giờ đồng hồ. Hãy còn lâu mới đến trưa mà nhiệt độ đã vào khoảng 43oC. Chúng tôi tìm được không nhiều : mấy cái răng ngựa Hipparion đã tuyệt chủng, một phần chiếc sọ lợn đã bị tuyệt chủng, vài chiếc răng hàm của sơn dương, mấy mảnh xương hàm vượn. Với tất cả những thứ đó, chúng tôi đã có được những sưu tập lớn, nhưng Tôm có ý định bổ sung cho bộ sưu tập. - Tôi thu nhặt đã đủ rồi đấy, - Tôm nói. - Khi nào chúng ta quay về ? https://thuviensach.vn - Ngay bây giờ. Nhưng chỉ quay về bằng con đường này và trên đường về chúng ta sẽ quan sát đáy của khe suối nhỏ bé này. Khe suối lờ mờ nằm khuất sau rẻo đất nhô cao, nơi chúng tôi làm việc vào buổi sáng hôm ấy. Ít nhất, những cộng tác viên khác đã hai lần nghiên cứu rất cặn kẽ con suối này và họ không tìm được cái gì lý thú cả. Thế nhưng, khi nhận thức được "hạnh phúc" trong tầm tay, tôi quyết định làm một đường vòng chung kết nho nhỏ. Thực tế, trong khe suối không có xương. Nhưng khi chúng tôi vừa mới quay lưng bỏ đi, tôi nhận ra một cái gì đó nằm trên sườn dốc. - Đây là mẩu xương tay người, - tôi nói. - Không thể thế được. Mẩu xương nhỏ thế kia mà. Chỉ có vượn thuộc giống nào đó mới có những mẩu xương như vậy, - Tôm Grây trả lời. Chúng tôi quỳ xuống xem xét mẩu xương. - Quả thật rất nhỏ, - Tôm Grây lại lên tiếng. - Người. - Tôi lắc đầu. - Tại sao ông lại tin như vậy? - Cậu ta hỏi. - Mẫu này ở bên phải tay kia của anh ấy. Nó cũng của người. - Trời ơi !-Tôm Grây bật kêu lên. Anh ta nhặt mẫu xương lên. Đó là mặt trái của xương sọ. Một phần xương đùi nằm cách đó mấy fut [3] . - Xương đùi! Trời ơi! - Một lần nữa cậu ta kêu lên. Chúng tôi đứng dậy và lại nhìn thấy những mẫu xương khác trên sườn dốc: một cặp đốt xương sống, một phần xương chậu - tất cả đều của cùng một người. Một ý nghĩ không tưởng tượng được, không thể có được thoáng qua trong óc tôi. - Lẽ nào chúng lại tụ tập lại một chỗ? Có thể chúng là những phần của cùng một bộ xương nguyên thủy nhất. Nhưng một bộ xương như vậy thì chưa hề có ai tìm được. Không có ở đâu cả. - Ông hãy nhìn lại đây, - Tôm Grây nói. - Xương sườn. https://thuviensach.vn - Một cá thể?! - Tôi không thể tin được điều này, - tôi nói. - Quả thật tôi không thể tin được điều này. - Trời ơi! Tốt hơn cả là ông phải tin điều này! - Tim Grây hét lên. - Cái đó ở đây. Đi chệch quá về bên phải, lại đây! Giọng nói của anh ta trở nên rên rỉ. Tôi đến chỗ anh ấy. Chúng tôi bắt đầu nhảy nhót trong cái nóng bức trên 43oC. Không còn một cảm giác gì rõ rệt cả, chúng tôi ôm lấy nhau, người đẫm mồ hôi nằm lăn trên những hòn cuội nóng bỏng, lại nhảy cẫng lên. Chúng tôi chăm chú tìm những mẫu xương nhỏ bé màu nâu mà bây giờ, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng là những phấn của một bộ xương hoàn chỉnh đang nằm chung quanh chúng tôi. - Chúng mình không được nhảy nhót loanh quanh nữa, - cuối cùng, tôi nói. Chúng mình có thể dẫm vào một cái gì đó. Ôi! Chúng mình phải tin. - Lạy trời! Lẽ nào ông không tin? - Tôi nghĩ không thể thế được, chúng mình đã tìm được hai chân trái. Có thể ở đây có một số cá thể, chúng bị lẫn lộn. Nào, chúng mình hay bình tĩnh lại cho đến khi trở về, cho đến khi tin chắc một cách tuyệt đối chính xác rằng tất cả chúng đều khớp với nhau. Chúng tôi thu được vài mẫu xương hàm, ghi nhớ chính xác địa điểm, ngồi vào Len-Rôve có lớp sơn đã bị rộp, rồi quay về trại. Trên đường về, chúng tôi đón thêm hai nhà địa chất của đoàn khảo sát đang cầm mẫu đá đi xuống: - Có một cái gì đó to lớn? - Tôm Grây kìm lòng nói với họ. - Một chút to lớn. - Một chút to lớn lắm. - Yên đi, - tôi nói. Nhưng còn cách trại một phần tư dặm thì Tôm Grây không thể yên lặng được nữa. Anh ta đạp vào chiếc còi ở xe làm nó phát ra những tín hiệu dài triệu tập các nhà khoa học đang tắm dưới sông. - Chúng tôi tìm thấy cái gì này! - Anh ta thét lên, - Ôi! Trời ơi, chúng tôi kiếm được cái này! Chúng ta đã có cả một Tác Phẩm. https://thuviensach.vn Sau bữa ăn trưa, cả trại lại kéo ra khe suối. Sau khi phân chia thành các khu vực, chúng tôi thu nhặt được vô khối mẫu vật. Việc đó chiếm trọn cả ba tuần lễ. Khi mọi việc đã hoàn tất thì chúng tôi đã có mấy trăm mẫu xương, chiếm khoảng 60% của bộ xương nguyên vẹn của một cá thể. Không có một cái xương nào trùng lặp cả. Tất cả những vật tìm được đã ghi vào bản liệt kê với số liệu MAD 228-I. Nhưng phải chăng tất cả những mảnh xương ấy là của một cá thể. Căn cứ vào sự nghiên cứu sơ bộ, cũng khó mà nói. Chưa có ai tìm được bất cứ một cái gì tương tự như vậy cả. Cả trại phấn khởi hò reo. Trong đêm đầu tiên, không ai chịu đi ngủ cả. Jôhansơn kể tiếp: "Chúng tôi nói chuyện và lại nói chuyện. Uống hết đợt bia này lại đến đợt bia khác. Trong trại có băng ghi âm với bài hát của nhóm Bit (The Beatles) - "Luxi bằng kim cương trên bầu trời". Và chính bài hát đó quây lấy cả bầu trời ban đêm, chúng tôi hát đi hát lại bài hát đó nhiều lần, rồi lại hát nữa, hát nữa. Đó là một đêm không thể nào quên được. Tôi không nhớ một cái gì hơn đêm ấy. Người hóa thạch mới có tên là Luxi, và cái tên ấy được biết đến từ lúc đó, mặc dù số hiệu theo luật của Luxi trong bộ sưu tập ở Sađa là MAD 288-I. - Luxi? - Bất kỳ ai lần đầu tiên trông thấy xương hóa thạch đều hỏi tôi câu đó. Lúc nào tôi cũng giải thích: - Đúng, cô ấy là một phụ nữ… Và bài hát này của nhóm Bit. Chúng tôi vui sướng đến tận chín tầng mây. Ông cần hiểu đó là vì chúng tôi đã tìm thấy cô ta. Lúc đó lại một câu hỏi khác tiếp theo: - Làm thế nào ông biết cô ấy là phụ nữ? - Theo xương chậu của cô ấy. Chúng tôi đã tìm thấy xương chậu và xương cùng của cô ta. Xương chậu ở phụ nữ mở rộng hơn ở nam giới, để có thể đẻ được một đứa trẻ đầu to. Câu hỏi tiếp: - Cô ấy là một cá thể họ người? - Đúng, đúng. Cô ấy đi thẳng. Cô ấy đi lại cũng tốt như chúng ta vậy. - Những cá thể thuộc họ người đều đi thẳng? - Đúng. - Đó chính là điều sai khác chủ yếu của những cá thể họ người? https://thuviensach.vn Không dễ mà trả lời câu hỏi này, vì chúng ta vẫn còn chưa biết một cách chính xác những con người đầu tiên xuất hiện vào lúc nào. Tại sao và từ đâu những con người ấy xuất hiện. Các nhà khoa học nói như thế này - người là vượn đi thẳng. Homo - giống người. Homonidae - họ người. Bất kỳ cá thể nào trong số vượn người mà đi thẳng - đều thuộc họ người. Tất cả mọi người đều thuộc họ người, nhưng không phải tất cả các cá thể họ người đều là người [4] . Tạm thời gác những câu chuyện khó khăn ấy lại, chúng ta sẽ tổng kết những vật tìm được ở Sađa. Ở Sađa, không chỉ tìm thấy Luxi. Trong ba năm đầu tiên khai quật ở đó, đã tìm được 350 xương cá thể họ người - khớp gối, hàm, di cốt của cả một gia đình họ người ở di chỉ 333. Nhìn chung, đó là di cốt của một nhóm gồm đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ. Mỗi cá thể đều có những đặc điểm của mình. Điều đó tạo ra khả năng nghiên cứu sự biến dạng của tổ tiên. Tập hợp lại, chúng tạo thành một bộ sưu tập có tầm cỡ khá tốt. Bộ sưu tập này không hơn bộ sưu tập ở Nam Phi, nhưng lại vượt xa về chất lượng. Ở đây có cả một bộ xương đại diện nhất, tất cả những di cốt còn lại được bảo tồn tốt hơn rất nhiều, và cái chủ yếu - bộ sưu tập di cốt các tổ tiên được xác định niên đại chính xác, mà điều đó lại không có ở các bộ sưu tập Nam Phi. Đã tìm thấy di cốt của ôstralôpitec châu Phi, của "người khéo léo", và của những tổ tiên khác. Tóm lại, đó là bộ sưu tập không có bạn đồng hành. Về thời gian cổ xưa như vậy, thì người ta vẫn chưa tìm được ở nơi nào khác trên Trái Đất - hơn ba triệu năm tuổi. Những vật tìm được ở Ômô cũng được xác định niên đại đúng như vậy, nhưng chúng rất tản mát. Sọ 1470 của Risac Liki, lúc đầu được xác định niên đại 2,9 triệu năm, nhưng tại hội nghị Maxcơva 1982, đã dứt khoát xếp vào tuổi khoảng 2 triệu năm. Tất nhiên, Luxi chiếm vị trí số một trong số những hóa thạch cổ xưa ở Sađa. Đầu của Luxi không lớn hơn nhiều so với quả bóng gậy lớn. Chiều cao cũng không lớn - khoảng 107cm. Mặc dù Luxi đã hoàn toàn trưởng thành. Căn cứ vào những chiếc răng khôn của Luxi, có thể thấy được điều đó. Những chiếc răng khôn này đã mọc ra hoàn toàn trước khi Luxi chết mấy năm. Jôhansơn giả thiết rằng Luxi đã chết vào khoảng 25-30 tuổi. Những dấu hiệu của bệnh viêm khớp, hoặc của một bệnh xương nào đó đã xuất hiện ở Luxi, sự biến dạng các đốt xương sống đã chứng minh cho điều đó. Nếu Luxi sống lâu hơn nữa thì chứng bệnh ấy sẽ làm cho cô ta rất lo ngại. https://thuviensach.vn Sự nguyên vẹn, sự bảo toàn tốt đến kỳ lạ đối với bộ xương của cô ta, có liên quan đến việc cô ta chết một cách bình yên. Xương của Luxi không có vết răng của thú ăn thịt. Những chiếc xương ấy chưa bị nhai gặm, hoặc chưa bị dập vỡ như thường có nếu Luxi bị sư tử hoặc hổ răng kiếm giết chết. Đầu của Luxi không bị tách rời ra theo một hướng, còn chân - theo hướng khác, như linh cẩu vằn có thể làm như thế đối với xương của Luxi. Luxi đã chết vì ngã vào cát của hồ (hoặc của dòng chảy) mà chúng đã biến mất từ lâu. Khó mà nói rằng do bệnh tật hay chỉ do ngã một cách ngẫu nhiên. Điều quan trọng là thú dữ không tìm thấy Luxi sau khi Luxi chết, và Luxi không bị chúng ăn mất. Bộ xương của Luxi không bị quấy nhiễu. Cát, bùn đã chậm chạp phủ lên Luxi, chôn cất cô ngày càng sâu hơn, sâu hơn nữa. Sau đó, dưới áp lực của các thớ tầng kế tiếp nhau, cát trở nên rắn lại như đá tảng. Luxi trầm lặng nằm trong ngôi mộ đá của cô từ triệu năm này sang triệu năm khác cho tới khi các trận mưa ở Sađa, một lần nữa, lại đưa cô lên trần thế. Điều này quả là điều kỳ diệu. Luxi lộ ra trên mặt đất chưa lâu lắm, có lẽ mới một vài năm thôi. Năm năm trước đấy Luxi hãy còn bị vùi lấp. Nhưng nếu để năm năm nữa trôi qua thì Luxi có lẽ đã bị hủy hoại. Phần trước sọ đã bị mất, nước đã cuốn đi. Vì thế không thể đo chính xác được kích thước sọ của Luxi. Nhưng bộ xương của Luxi là vật tìm thấy hiếm có. Trước khi tìm thấy Luxi thì bộ xương của người nêanđectan là cổ xưa nhất. Nó có 75 nghìn năm tuổi. Chỉ tìm thấy những di cốt khác của họ người và lại là những mảnh nhỏ. Dựa vào chúng, tất cả những gì có thể phục chế đều tươm tất theo từng mẫu xương nhỏ bé - răng lấy từ đây, mẫu xương hàm - từ chỗ kia, một cái sọ nguyên vẹn - lấy từ chỗ nào đó, cộng thêm xương chân từ một địa điểm thứ tư nào đó nữa. Các nhà khoa học gom góp chúng lại, họ biết những chiếc xương ấy cũng khá rõ ràng như tôi biết cái tay của mình vậy. Nhưng khi các bạn chuẩn bị một phục chế như vậy thì điều có thể xảy ra là những mẫu xương ấy lại là của vài tá cá thể đã sống cách xa nhau hàng trăm kilômet, và vẫn có thể tách biệt nhau theo thời gian hàng trăm nghìn năm - chúng lẫn lộn với nhau. Tất nhiên, với một phục chẽ như vậy, lúc nào cũng phải suy nghĩ: "Thế con người thực tế là như thế nào?". Luxi có tất cả. Ở đây không cần phải phỏng đoán. Các bạn không cần phải tưởng tượng ra xương tay mà các bạn đang thiếu. Lần đầu tiên, các bạn trông thấy ai nhiều tuổi hơn người nêanđectan. - Nhiều hơn bao nhiêu? https://thuviensach.vn Nêanđectan có 75 nghìn năm tuổi, Luxi - gần 3,5 triệu năm. Đó là bộ xương cổ nhất, đầy đủ nhất và được bảo tồn tốt của tổ tiên đi thẳng của con người. Chưa bao giờ tìm được một bộ xương như vậy. Trong vấn đề này, giá trị của Luxi là: tính toàn vẹn và tuổi của Luxi. Những điều đó làm cho cô ta trở thành duy nhất trong lịch sử những bộ sưu tập hóa thạch của họ người. - Nhưng dù sao đi nữa thì cô ta là ai? Là tổ tiên? Là con người? Tại sao cô ta đã xuất hiện? Jôhansơn và Oat cho rằng Luxi và những người bà con của cô ta - những cá thể họ người ở Afa, chính là những tổ tiên thực thụ của "người khéo léo" và của con người nói chung. Những người khác cho rằng "Bêbi ở Taung" và bà con của "Bêbi ở Taung" không có gì khác so với cả người Afa, cả "người khéo léo". Đó là những vấn đề phức tạp, sẽ bàn sau. Bộ xương ở Sađa là vật tìm được gây chấn động mạnh. Nhưng có lẽ những phát hiện trên lớp tro ở Lêtôlin cũng không kém phần lý thú. Phát hiện này, một lần nữa, đưa chúng ta quay lại Đông Phi, và lại một lần nữa buộc chúng ta phải nhớ đến gia đình Liki. ___ [1] Cuốn sách của Jôhansơn được xuất bản ở Mỹ năm 1982 có tên: D. Johanson and M. Edey, Lucy. The Beginnings of Humankind. N. - Y., 1982. Những ví dụ ở đây và tiếp sau lấy từ cuốn sách ấy. Bản dịch (từ tiếng Anh ra tiếng Nga - ND) là của tác giả. [2] Acđơ - đơn vị đo chiều dài Anh, bằng 91,44cm. ND. [3] Fut - đơn vị đo lường Anh, bằng 30,5 cm. ND. [4] Xuất phát từ những quan điểm khác nhau, và do đó các nhà khoa học khác nhau sắp xếp những di cốt người hóa thạch vào những loài khác nhau. Vì vậy, trong bản dịch này, các thuật ngữ "cá thể" ghép với từ "người" đều có nguồn gốc từ thuật ngữ (La Tinh). Homo - người (giống người), bao hàm những cá thể thuộc họ người (người hóa thạch, và người hiện đại). Cũng trong bản dịch này, thuật ngữ "loài" áp dụng cho họ người, được các tác giả khác nhau dùng trong những điều kiện cụ thể nào đó của tác giả đó, về mặt sinh học, thuật ngữ "loài", "dạng", "kiểu"… chưa hoàn toàn thống nhất nghiêm ngặt, và đang được bàn cãi. ND. https://thuviensach.vn LÊTÔLIN Lêtôlin cách Ônđuvai 60 kilômet về phía nam. Khác với Ômô, Afa, Côbi Fora, khí hậu ở đây trong suốt 5-10 triệu năm gần đây hầu như không thay đổi. Ở đây lúc nào cũng là một khu vực có ao hồ phong phú, đầy rẫy chim thú. Rừng nhiệt đới rậm rạp bao quanh khu vực ấy. Và hiện nay ở đó vẫn còn mấy cái hồ và nhiều cây cỏ. Khu vực ấy còn phong phú bởi cả những vật tìm được cổ xưa. Sự phân tích bằng đồng vị phóng xạ kali-acgon chỉ ra rằng ở đây có nhiều tầng lớp trong khoảng thời gian 3 và 4 triệu năm trước. Từ khá lâu, người ta đã tìm di cốt của con người ở đây trong suốt mấy chục năm nay. Năm 1935, Luis Liki cố gắng tìm nhưng đã ra về với hai bàn tay trắng. Ông không biết rằng những chiếc răng mà ông đã gửi cho viện bảo tàng Britan và được thừa nhận là răng vượn, chính là răng cửa của tổ tiên con người. Đó là phát hiện đầu tiên về một ôstralôpitec trưởng thành và cùng thời với "Bêbi ở Taung". Tuy nhiên, những chiếc răng không được nhận biết ấy đã nằm ở viện bảo tàng cho mãi đến năm 1979, tới lúc mà lần đầu tiên, Pête Anđrep và Tim Oat đưa chúng ra ánh sáng. Còn Luis Liki không biết rằng trong tay ông là một cá thể trưởng thành cổ xưa nhất của họ người. Lúc đó ông đã bỏ rơi Lêtôlin và chuyển sang Ônduvai. Năm 1938-1939, một người Đức tên là Kôn-Laxen đến thăm Lêtôlin, đã tìm thấy ở đây một đống mảnh vỏ xương hàm trên và mấy chiếc răng trong xương hàm trên. Nhưng lúc đó không có ai nghĩ rằng đó là di cốt của họ người. Còn nếu ai nói ra ý đó thì bị coi là ý nghĩ của người bị bệnh tâm thần phân liệt. Trong những năm thứ 70, sau Ônđuvai, Ômô, Côbi-Fora, tình hình đã khác đi. Năm 1974, Mêri Liki quyết định đến Lêtôlin để tìm kiếm dấu vết của người hóa thạch. Đầu tiên, một trong những chuyên viên giám định thực địa giỏi nhất của Risac Liki là Kamôi Kimây, được cử đến để thăm dò. Kimây đào đến những lớp trầm tích cổ xưa và phát hiện ra lớp có hóa thạch của họ người. Và lúc ấy Mêri Liki tự mình dẫn một đoàn khảo sát đến đó. Trong những năm 1975-1976, Mêri Liki cũng với những người giúp việc của bà, đã tìm được 42 chiếc răng của họ người, ở một số răng còn giữ được cả những mảnh xương hàm. Ở một chiếc xương hàm dưới (L-4) còn giữ được 9 chiếc răng. Nhưng vào cuối những năm thứ 70 thì cũng khó mà làm cho mọi người ngạc nhiên về di cốt của tổ tiên con người. Ở Sađa đã tìm được một bộ https://thuviensach.vn xương hầu như nguyên vẹn của Luxi. Nhưng ở Lêtôlin thì đã phát hiện ra dấu in vết chân của tổ tiên mà chưa ở nơi nào có cả. Lêtôlin đã trội hẳn lên so với tất cả các di chỉ trên thế giới bởi những dấu in vết chân ấy. Cho đến bây giờ cũng chưa có ai có thể hình dung được chúng lại có thể được bảo tồn lâu đến thế, hơn 3 triệu năm! Gần Lêtôlin có núi lửa Zađimen. Hiện nay nó vẫn tồn tại. Trong suốt bốn triệu năm, Zađimen phún xuất theo chu kỳ. Có một lần nó đã rắc cả một đám mây tro như trát phấn cho cảnh quan chung quanh một lớp không mỏng hơn 1 cm. Sau đó, sự phún xuất ngừng lại. Tất nhiên, lớp tro đã phủ trùm lên tất cả ấy không dễ chịu gì đối với chim thú. Nhưng có lẽ nó cũng không khuấy đảo nhiều lắm cuộc sống của chúng vì chúng vẫn ở lại đó. Tiếp sau đám mây tro là mưa, tro bị thấm ướt và trở nên giống như ximăng vừa mới trải ra chưa lâu trên đường vậy. Trên lớp tro ướt ấy, cũng như trên ximăng ướt, vết chân của tất cả những ai đã dẫm lên khi đi qua đều được ghi dấu lại một cách rõ rệt, kể cả động vật : hươu cao cổ, sơn dương, voi, thỏ, tê giác, lợn. Có cả những dấu vết của chim, đà điểu và thậm chí của cả động vật đa túc (Myriapođa) nhỏ bé nữa. Mặt trời nóng bỏng ở Lêtôlin nhanh chóng sấy khô lớp tro ẩm ướt. Lớp tro rắn lại, giữ nguyên dấu vết đã in đầy trên bề mặt của nó. Sau đó, Zađimen lại "bắt đầu nói chuyện" lần thứ hai. Một đám mây tro khác lại rơi xuống đất, phủ trùm lên lớp thứ nhất và lại ghi lại dấu vết. Nhiều lần đã xảy ra như vậy trong thời gian không lâu hơn 1 tháng. Kết quả là hình thành một lớp đá túp núi lửa có chiều dày khoảng 20 cm. Vì Zađimen phun tro ra theo chu kỳ, tro cũng theo chu kỳ mà rắn lại do những trận mưa không lớn thường kèm sau khi có phún xuất núi lửa. Vì thế, lớp đá tup trở nên giống như những chiếc bánh rán có 15- 20 lớp mỏng. Một số trong những lớp ấy, cách đây không lâu, đã lộ ra trên mặt đất sau khi những lớp trầm tích phía trên bị phá hủy. Chúng giống như một lớp đất cỏ màu xám có bề mặt không bằng phẳng. Năm 1976, có một lần sau bữa cơm trưa, những người vui nhộn nhất trong số cộng tác viên trong đoàn của Mêri Liki, đã tiêu khiển bằng cách dùng những mẫu phân voi ném nhau. Trò chơi ấy cũng không nhã nhặn gì, nhưng thanh niên lại cần chơi đùa như thế nào đó cho giãn xương giãn cốt, sau khi làm việc ở các điểm khai quật. Một trong số những người tham gia trò chơi là Anđrây Hin, nhà cổ sinh học ở viện bảo tàng quốc gia Kênia. Anđrây Hin thụp người xuống sau một cái gò để tránh một cục phân voi đang bay đến. Anđrây Hin tìm một cái gì đó để ném trả và lặng người đi... Hin phát hiện ra https://thuviensach.vn một cái gì đó ở lòng suối đã khô cạn, trên lớp tro cổ xưa. Một trong số những chỗ trũng xuống trên lớp tro tỏ ra là không bình thường. Hin bắt đầu xem xét và thấy rằng đó là dấu vết của một con vật. Mọi người đều nghi ngờ vật tìm được của Hin. Nhưng ngay sau đó, ở một địa điểm khác, người ta cũng phát hiện được dấu vết của động vật. Sự kiện ấy đã không được chú ý đến đặc biệt. Nhưng trong năm 1977 tiếp đó, con trai của Mêri Liki là Filip đã tìm thấy rất nhiều dấu vết của voi. Cả Pête Jôn - một cộng tác viên của đoàn khảo sát, cũng tìm thấy những dấu vết như vậy. Người ta bắt đầu nghiên cứu những dấu vết ấy và nhận thấy một số dấu in chân dáng ngờ là giống dấu in chân người. Đến năm sau, thế giới mới biết đến những dấu in chân ấy. Năm 1978, Mêri Liki đến Mỹ và thông báo những dấu in chân trong một loạt các cuộc họp báo và phỏng vấn. Nhiều người tỏ ra không tin. - Những dấu vết chóng tàn lụi như dấu in chân ấy lại có thể giữ được lâu đến thế? Nhưng Mêri Liki lại tin vào những dấu in chân ấy của họ người. Bà nói tiếp rằng người đi thẳng rất giỏi, có thể chỉ lê chân nhẹ nhàng. Bà cũng thông báo ở Lêtôlin có thể có cả những dấu in của những vượn người đi bằng khớp chi. Bà cho rằng ở Lêtôlin có những vũng nước lớn mà chim và thú đã từng tập trung lại chung quanh chúng. Thậm chí bà đã trông thấy những dấu in chân của những con vật trong cơn hoảng loạn. Bà giả thiết rằng sự phún xuất của núi lửa đã làm cho những con vật ấy sợ hãi. Những phát hiện ấy làm cho mọi người náo động. Mêri Liki công bố rằng mùa thực địa tiếp sau ở Lêtôlin sẽ dành cho việc nghiên cứu các dấu in chân. Bà đã mời một nữ chuyên viên Mỹ nổi tiếng về các dấu in là Luza Rôbinsơn đến Lêtôlin. Khi Mêri Liki và Luza Rôbinsơn đến được Lêtôlin thì ba người khách là Pête Jôn, Paun Aben và Risac Hai đã đợi họ ở đó. Tất cả họ đều không tin những điều mà Mêri Liki đã nói về các dấu in chân ở trên tro. Risac Hai nghiên cứu dấu in của vượn người đi bằng khớp chi và xác định đó là dấu vết của những con vượn babuin cỡ lớn đã bị tuyệt chủng, để lại. Còn Jôn tuyên bố rằng những cơn hoảng loạn trong các bầy động vật là không có, vì rằng trong cơn hoảng loạn thì chim phải bay đi, nhưng ở đây chúng vẫn tiếp tục chạy trên tro, và điều đó được thấy rõ theo những chỗ mà dấu vết của chúng giao cắt nhau. R. Hai không tìm được chứng cớ là ở đó đã có những vũng nước. https://thuviensach.vn Tất cả những bất đồng ấy gây ra các cuộc tranh cãi trong trại khá nhiều đêm. Đặc biệt sôi nổi là họ đã tranh luận về dấu vết của họ người. Mọi người nghi ngờ những dấu vết ấy. Nhưng, Paun Aben - người suốt ngày nghiên cứu những dấu vết ấy, lại tuyên bố đó là dấu in chân người. Oat và Jôn lúc đầu tỏ ra nghi ngờ, nhưng bây giờ lại đồng ý với Aben. Họ đề nghị lập tức tiến hành khai quật ở vùng có dấu vết. Nhưng Luza Rôbinsơn, chuyên gia về dấu in chân, lại tuyên bố rằng tất cả những gì được coi là dấu in chân người thì đó chỉ là dấu vết của động vật móng guốc. Luza nói với Mêri Liki rằng tiếp tục nghiên cứu dấu in chân thì chỉ tiêu phí thời gian một cách vô ích. Nhưng nam giới lại chống lại. Mêri Liki đã chán ngấy tất cả những cuộc tranh cãi ấy. Bà tuyên bố sẽ không có những cuộc khai quật ở nơi có dấu in chân nữa. Đến bây giờ Jôn đã bị thuyết phục rằng những dấu in đó là của họ người, nên đã tiếp tục yêu cầu bà cho phép khai quật. - Những cuộc khai quật rất nhỏ bé - đó là tất cả những gì chúng tôi yêu cầu - Jôn nói. Mêri Liki vẫn không nao núng. Luza Rôbinsơn, cứ như mọi khi, quyết đoán tuyên bố: - Nếu tiếp tục khai quật thì chỉ để một chuyên gia làm việc đó. Luza chỉ vào Đibô, người có trình độ chuyên môn về khảo cổ. Đibô đã đáp ứng được lòng hy vọng. Sang ngày hôm sau, Đibô trở về trại và thông báo là mình đã tìm thấy dấu vết không chỉ của một mà là của hai người. Chân của một người rất lớn. Ông gang tay - chừng 30 cm. - Những người châu Phi ấy lúc nào cũng phóng đại, - Mêri nói. Nhưng dù sao thì bà cũng đã đến xem xét, - Có dấu vết. Bây giờ thì cả Tim Oat cũng được phép bắt đầu khai quật. Hướng của những dấu in chân chứng minh rằng những người đã để lại dấu vết cách nhau từng quãng ngắn ấy, đang đi về hướng bắc. Nhiệm vụ được thu gọn lại là làm hiện rõ bề mặt lớp tro có dấu vết ấy nhưng không được để nó bị hủy hoại. Đó là việc không dễ dàng. Vì trên lớp tro có hàng tá những lớp mỏng hoặc nhiều hơn nữa. Làm sạch những lớp có chiều dày 1-2 cm là khó khăn. Tim Oat có đặc tính đặc biệt kiên nhẫn và bền bỉ lạ thường. Ông tìm thấy một dấu in và sau đó lại tìm thấy một dấu in nữa. Ông đổ dần từng tý nước một vào đấy để cho lớp đá tup không bị khô đi. Ông lại cho thêm https://thuviensach.vn nước vào dấu in ngày càng nhiều hơn nữa. Ông chậm rãi làm sạch những lớp đá tup mỏng manh từng milimet một và phát hiện ra một lớp mà trên đó có những dấu in chân. Những dấu in chân của hai cá thể họ người lộ ra ngày càng rõ hơn. Tim Oat đã thu hút sự chú ý của cả trại. Những cộng tác viên khác đã cùng làm việc với ông và đã làm sạch được hơn 50 dấu in chân với chiều dài gần 30 m. Mối quan tâm đến những dấu in chân đã sống lại trong tâm trí Luza Rôbinsơn. Luza khẳng định - ở đây đúng là dấu in chân của hai cá thể họ người; có lẽ họ cùng đi với nhau: một (có dấu in hơi to hơn) là đàn ông, còn cá thể kia là phụ nữ và có lẽ đang mang thai. Xét đoán theo những dấu in chân thì những cá thể họ người ấy đi thẳng, cách đây khá lâu, ít nhất là một triệu năm. Khó mà chứng minh được rằng hai cá thể ấy, một là đàn ông và một là phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, không còn nghi ngờ rằng những cá thể họ người ở Lêtôlin đã đi thẳng từ lâu. Lớp đá tup mà trên đó dấu vết đã được in lại có tuổi 3,7 triệu năm. Quá 30 mét, dấu vết biến mất vì bị tro phủ lên. Những cuộc khai quật các dấu in chân phải dừng lại vì mùa đã hết. Năm 1979, Rônôm Clac tiếp tục khai quật và lại bắt gặp dấu in chân. Tim Oat đã tích cực tham gia vào các cuộc khai quật ở Lêtôlin. Những cuộc tranh cãi của ông với Luza Rôbinsơn về cách diễn giải những dấu in chân đã dẫn tới chỗ, cũng như trước đây ở hồ Tucan, người ta không bao giờ mời ông đến Lêtôlin nữa. Người ta không thích những người phê bình. Tất nhiên, có thể tìm thấy những dấu in nhiều hơn nếu chúng được xử lý một cách hết sức thận trọng và chu đáo. Chúng đặc biệt giòn và chỉ một sai sót nhỏ bé nhất trong khai quật cũng có thể hủy hoại chúng hoàn toàn. Chúng không bền chắc như những chiếc xương hóa thạch của động vật hóa thạch. Dấu in chân - đó chỉ là một khoảng không, chỉ có hình dạng trên một cái nền tương đối mềm và dễ bị hủy hoại. Nếu cái nền này được phát hiện một cách cẩu thả thì nó sẽ bị vỡ nát và dấu in chân biến mất. Như vậy, do kết quả của những liên kết kỳ quặc, khó tin là có thật, của các sự kiện mà những dấu in chân các tổ tiên đã đến được với chúng ta... Zađimen đã phun ra một loại tro đặc biệt. Mưa rơi xuống hầu như ngay sau khi tro rơi xuống. Các cá thể họ người đi qua vào thời gian trống giữa các https://thuviensach.vn trận mưa. Mặt trời xuất hiện và nhanh chóng sấy khô những dấu in chân của họ. Sau đó, Zađimen lại phun một lần nữa và chúng lại bị tro phủ kín trước khi bị một trận mưa khác rửa trôi chúng đi. Và tất cả những điều đó chỉ xảy ra trong vòng mấy ngày. Núi lửa đã điều độ hóa sự hoạt động của mình với những cơn mưa. Nếu vụ nổ của núi lửa không trùng vào thời điểm trước trận mưa, thì dấu in không thể bảo tồn được. Nếu sự kiện ấy xảy ra một tháng hoặc trước nữa trong mùa khô thì tro không giữ dấu in lại được. Chúng bị phá hủy không thể cứu vãn được, cũng như những dấu in chân trên cát khô ở bãi tắm biển bị hủy hoại hiện nay. Nếu sự kiện đó xảy ra muộn hơn - vào mùa có mưa lớn, thì chúng cũng bị rửa trôi. Sự kiện này phải xảy ra đúng vào đầu mùa mưa, khi đó những dấu in chân được thấm ướt không thường xuyên trên bề mặt, xen kẽ với Mặt Trời nóng bỏng. Sự quy tụ khó tin là có thực ấy của các tình huống ở Lêtôlin đã bảo tồn được những dấu in chân của tổ tiên chúng ta. Điều đó xảy ra như một sự kiện huyền diệu. Cũng như bộ xương của Luxi ở Sađa đã chứng minh, điều đó khẳng định rằng hơn 3 triệu năm trước đây tổ tiên của con người đã hoàn toàn đi thẳng. Điều đó cũng đã được chứng minh ở Sađa - theo hình dạng xương chân và bàn chân. Ở Lêtôlin, nơi mà di cốt hóa thạch được bảo tồn kém hơn (chỉ là những chiếc răng, những mẫu xương hàm và v.v…), nếu không phát hiện ra dấu in chân trên lớp đá túp, thì không thể nào biết được tổ tiên của chúng ta đã đi như thế nào. Các chuyên gia đồng thanh lên tiếng: - Sai lầm không thể có được, chúng giống một cách chính xác dấu in chân người hiện đại. Nếu ngày nay, để những dấu in như vậy trên bờ biển Đen và sau bốn năm, người nào đó hỏi là của ai, thì bất cứ người nào cũng trả lời mà không hề nghi ngờ là có người đã đi lại ở đây. Không ai có thể tách biệt chúng với hàng trăm dấu in khác của chân người trên bờ biển. Hình dạng bên ngoài của dấu in cũng giống hệt như vậy. Ở đây, gót chân cũng được hình thành như gót chân người hiện đại, có vòm rõ rệt và nửa bàn chân trước gót cũng khá rõ. Ngón chân cái cũng được xếp thẳng hàng chứ không quặt về một phía như ở vượn người. Tất nhiên, có thể tìm được những sai khác nhỏ bé trong dấu in chân người hiện đại và người ở Lêtôlin. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, họ cũng đi thẳng như chúng ta và không lê bước theo người như điều đó đã được nhiều nhà khoa học khẳng định trong một thời gian rất dài. https://thuviensach.vn Ðầu tiên, bộ xương của Luxi ở Sađa đã nói với các nhà khoa học về sự đi thắng, còn bây giờ - những dấu in chân ở Lêtôlin. Tất cả những điều đó còn chưa quen thuộc. Đã đến lúc cần dẫn ra một số kết quả. Không tìm thấy công cụ bằng đá kể cả ở Lêtôlin, kể cả ở Afa. Nhưng chúng được phát hiện cùng với các di cốt của chính những cá thể họ người ở Ômô và hồ Ruđônfơ. Đồng vị phóng xạ kali và acgon xác định được người "khéo léo" đã sử dụng những công cụ ấy trong thời kỳ từ 2,1 đến 1,9 triệu năm trước đây. Những công cụ như vậy đã được phát hiện ở trên bờ phía đông hồ Ruđônfơ, và ở đây, tuổi của chúng lâu đời hơn tuổi của những công cụ Ônđuvai (di chỉ Côbi-Fora) đến 3/4 triệu năm. Tuổi các di cốt thuộc một dạng người không khác người "khéo léo" lại còn lâu đời hơn nữa - hơn 3 triệu năm. Đầu tiên, người ta hình dung đó chỉ là ngẫu nhiên, di cốt của dạng này được tìm thấy ở những lớp cổ xưa hơn và không có công cụ, bởi vì cho đến nay vẫn có quan niệm bất di bất dịch: tổ tiên dạng người của con người chỉ thay đổi hình dạng của mình nhờ sử dụng công cụ. Thế nhưng, những vật tìm thấy lại chứng minh một điều khác: đầu tiên, tổ tiên con người đã có hình dạng "người" và sau đó mới bắt đầu sử dụng công cụ. Hóa ra là khoảng cách giữa thời gian hình thành con người về mặt sinh học và sự xuất hiện những công cụ bằng đá đã bị rút ngắn lại, khi tìm thấy được công cụ mà những tổ tiên con người có hình dạng vượn đã sử dụng chúng. Nhưng những phát hiện mới lại chứng minh ngược lại: "quá trình người hóa" của những tổ tiên có hình dạng vượn đã được bắt đầu sớm hơn nhiều so với những vật tìm được đầu tiên ở châu Phi đã chứng minh. Năm 1965, ở phần tận cùng phía nam hồ Ruđônfơ, tại Canapôi, đã tìm thấy một phần xương vai, không khác gì xương người "khéo léo", người ta xác định tuổi của chiếc xương này là 4,5 triệu năm. Năm 1967, ở Lôtêghem phía tây hồ Ruđônfơ, đoàn khảo sát dưới sự lãnh đạo của B. Patecsơn phát hiện được di cốt ôstralôpitec "đi thẳng", tuổi của những di cốt này là 5,5 triệu năm, còn tại thị trấn Ngônô ở Kênia - di cốt người có niên đại 9 triệu năm (kêniapitec). Hóa ra là sự hình thành con người về mặt sinh học đã bắt đầu từ mấy triệu năm trước khi con người bắt đầu chế tạo công cụ bằng đá, nghĩa là biết lao động. Thật kỳ lạ, những chiếc xương đầu tiên thuộc họ người hóa thạch kiểu kêniapitec được tìm thấy không phải ở châu Phi mà là ở miền Bắc Ấn Độ https://thuviensach.vn trong dãy núi Sivalic. Để tỏ lòng kính trọng vị anh hùng thần thoại Ấn Độ tên là Rama, người ta gọi dạng ấy là ramapitec (Ramapithecus). Tiếc rằng những vật tìm được ở Sivalic được xác định niên đại quá kém, bởi vì những chỗ ấy không có tro núi lửa để cho phép dùng phương pháp kali-acgon. Tuy nhiên, khi so sánh sự hóa đá của các động vật khác tìm thấy cùng với các di cốt của ramapitec với những hóa đá tìm thấy ở những địa điểm khác, một số nhà khoa học cho rằng ramapitec đã sống không ít hơn 10-12 triệu năm trước đây. L. Liki cũng tìm thấy di cốt của ramapitec (kêniapitec) ở châu Phi, tại Foct Tecnan thuộc Kênia. Ở đây, những di cốt ấy nằm dưới lớp tro núi lửa và được xác định niên đại bằng phương pháp kali-acgon là 14 triệu năm. Cũng đã tìm thấy di cốt ramapitec ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và ở Hungari. Tuổi của những di cốt ấy từ 7-9 triệu năm. Những người tìm thấy những chiếc xương ấy đã gọi tên khác nhau, nhưng nhiều nhà khoa học xếp chúng vào nhóm ramapitec. Vì vậy, một số nhà nghiên cứu định đưa quê hương đầu tiên của con người vào đại lục Âu-Á. Nhưng dù sao thì hiện nay những di cốt cổ xưa nhất của ramapitec đã được tìm thấy ở châu Phi. Ít nhất, những di cốt ấy cũng cổ xưa hơn những di cốt ở Ấn Độ là 2 triệu năm. Phần lớn các nhà khoa học giả thiết rằng ramapitec đã từ châu Phi xâm nhập vào Ấn Độ và châu Âu. Nhiều nhà nghiên cứu [1] cho rằng ramapitec là tổ tiên "đi thẳng" của con người ; hiện nay vẫn chưa tìm thấy một chiếc sọ nguyên vẹn nào của ramapitec và kể cả những phần quan trọng khác thuộc bộ xương của ramapitec, mà theo những dẫn liệu ấy có thể phán đoán một cách đáng tin cậy về điều đó. Chỉ có những chiếc răng và những mảnh xương hàm. (Mới chỉ có răng và hàm của loài "đi thẳng"). Năm 1980, ở Ai Cập, còn tìm được di cốt của những dạng còn cổ xưa hơn nữa - êgiptôpitec. Tuổi của dạng này hầu như gấp đôi ramapitec - gần 30 triệu năm. Răng giống với răng người nhiều hơn so với răng vượn, nhưng kể cả egiptôpitec và những dạng khác cổ xưa hơn nữa, tài liệu vẫn còn hơi ít. Khi tính đến tất cả những điều ấy, chắc gì đã có lợi khi lắp ráp những dạng ấy vào những sơ đồ lớn. Hiện nay chỉ có thể tin chắc khi dựa vào ôstralôpitec đã được nghiên cứu kỹ. Tất nhiên có thể giả thiết rằng họ người đã tách khỏi họ vượn gần 14 (hoặc thậm chí 20) triệu năm trước đây, nhưng điều đáng tin cậy đã biết thì chỉ gần 4-6 triệu năm trước đây, ít nhất, họ người cũng đã tự phân tách ra thành hai ba loài khác nhau, trong số đó chỉ có một loài sống được - đó là loài người, còn những loài khác (zinjparantrôp, ôstralôpitec châu Phi, rôbustus, và v.v…) đã bị tuyệt chủng ít nhất là gần một triệu năm về trước. https://thuviensach.vn Hình 4 . Địa điểm phân bố họ người ở Đông Phi. Hình 5 . Các di chỉ và những địa điểm phân bố trên hồ Ruđônfơ. Hình 6 . Những địa điểm phân bố chủ yếu của họ người và những di chỉ cổ xưa nhất của con người. Bây giờ, với kết quả của những phát hiện ấy, cây phả hệ của con người có hình dạng như thế nào ? Một bản liệt kê các loài đã làm lộ rõ tính phức tạp to lớn khi lập hệ tộc. Trong cuốn sách "Mắt xích thiếu" (1977), M. Iđi đã thử hệ thống hóa các quan điểm đối với tộc phả của con người và thể hiện nó dưới dạng mà khoa học hiện đại đã hình dung ra. Ông đã buộc phải, thứ nhất là vẽ một số tộc phả chứ không phải một, bởi vì những quan điểm của các nhà khoa học khác nhau đối với chúng lại khác nhau một cách căn bản, thứ hai là ông phải loại bỏ niên đại ở các sơ đồ ấy, bởi vì những người soạn thảo ra chúng - những nhà khoa học đáng kính, đã không thể có cùng một ý kiến thống nhất đối với vấn đề loài này hay loài khác đã xuất hiện khi nào và đã tồn tại bao lâu (ví dụ, ramapitec). Vì vậy, trong tất cả các sơ đồ chỉ ghi thời đại địa chất (xem các sơ đồ). Năm 1959, nhà phân chủng học người Anh là U. Lê Giô Clac đã biên soạn ra cây phả hệ đầu tiên. Theo sơ đồ của ông, ở một chỗ nào đó vào cuối ôligôxen - đầu miôxen, đã diễn ra sự phân tách dòng duy nhất của tổng họ Hominoidea ra thành mấy nhánh. Một nhánh trong số đó đã tạo ra mấy loài vượn người đã bị tuyệt chủng và vượn người hiện đại, một nhánh khác - đriôpitec đã bị tuyệt chủng và vượn người hiện đại - gôrila, hắc tinh tinh, đười ươi. Vào giữa miôxen, từ một thân duy nhất, lại tách ra dòng ôstralôpitec, ôstralôpitec là nguồn gốc của pitêcantrôp, còn từ pitêcantrôp - người hiện đại, song song với người hiện đại lại tách ra hai dòng cụt - người nêanđectan và người rôđêzi. Theo tộc phả do J. Nape soạn thảo năm 1971, tất cả các loài đều xuất phát từ êgiptôpitec, trong miôxen, êgiptôpitec chia ra thành các prôcônxun - đriôpitec (nguồn gốc của hắc tinh tinh và gôrila hiện đại) và ramapitec. Từ ramapitec, xuất phát dòng người "khéo léo" - người đi thẳng - người hiện đại, và hai dòng phụ - ôstralôpitec (châu Phi) và parantrôp (ôstralôpitec bôixây). Cây phả hệ do F. Tôbaias soạn thảo vào năm 1965, bắt đầu từ tổ tiên chung - ôstralôpitec tổ tiên, từ đây phát triển thành ôstralôpitec bôixây và ôstralôpitec châu Phi. Cả hai loại này đều bị tuyệt chủng, cùng lúc đó, phần https://thuviensach.vn còn lại của tổ tiên chung (dòng ôstralôpitec) chuyển hóa kế tiếp nhau thành người "khéo léo" (Homo habilis), người đi thẳng (Homo erectus), nêanđectan (Homo nêanđectalus) và người hiện đại (Homo sapiens). L. Brây xem xét sự tiến hóa của họ người một cách giản đơn như sau: theo phả hệ do ông soạn ra vào năm 1971 thì từ êgiptôpitec đến người hiện đại chỉ có một dòng. (Ông liên kết tất cả các dòng ôstralôpitec vào một dạng). Cây phả hệ thứ năm phản ánh những quan điểm của L. Liki. Ở đây prôcônxun được đưa vào dòng chủ yếu (theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, prôcônxun gần với gôrila hơn là gần với họ người), và ông cho rằng prôcônxun là tổ tiên của kêniapitec (ramapitec). Liki chỉ thừa nhận có một ôstralôpitec đó là ôstralôpitec bôixây có thân hình siêu nặng nề. Ông gọi ôstralôpitec châu Phi là người "khéo léo", dòng người "khéo léo" tiến thẳng đến người hiện đại với tất cả những nhánh cụt có thể có, qua pitêcantrôp Giava đến nêanđectan. Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã bắt đầu dùng một sơ đồ tổng quát hơn. Theo sơ đồ này, vào khoảng giữa 3 và 2 triệu năm trước đây, từ tổ tiên chung ôstralôpitec châu Phi (thanh mảnh) tách ra một nhánh cụt ôstralôpitec rôbustus và Homo habilis - Homo erectus - Homo sapiens (Urưnxon, 1980). Thế nhưng, năm 1979, các nhà nhân chủng học người Mỹ là J . Jôhansơn và T. Oat đã đưa ra một sơ đồ mới về phả hệ con người. Căn cứ vào những vật tìm được của mình ở Êtiôpi, họ đã tách ra một loài tổ tiên mới của con người - ôstralôpitec afa (Australôpithecus afarensis). Họ cũng đưa cả những vật tìm được của M. Liki ở cánh rừng Lêtôlin vào loài này. Theo ý kiến của Jôhansơn và Oat, các dạng ở Lêtôlin và Afa giống nhau lạ thường. Và cả hai nhóm ấy đều thuộc cùng một loài ôstralôpitec afa. Họ cho rằng đó là loài xuất phát, là chỗ khởi đầu cho cả dòng ôstralôpitec muộn hơn (cả thanh mảnh và nặng nề), cho cả dòng tiến hóa dẫn đến người thông minh, qua người "khéo léo", người đi thẳng và v.v… Thế nhưng lại có ý kiến phản đối sơ đồ ấy. Ví dụ, nhà nhân chủng học Liên Xô M. Urưxon (1980) viết: "Thứ nhất, xuất hiện câu hỏi, phải chăng có thể gộp lại các dạng không có liên lạc với nhau về mặt lãnh thổ nhiều đến như thế (phần đông bắc Êtiôpi và Tanzania) và cả về niên đại (ít nhất, những vật tìm được ở Lêtôlin cổ xưa hơn 0,5 triệu năm so với ở Afa). Thứ hai, không rõ rằng phải chăng sự khác nhau của các dạng ở Afa và Lêtôlin so với các dạng đã biết của dòng ôstralôpitec thanh mảnh lại lớn tới mức cần phải lập ra một loài mới tách biệt Australopithecus africanus không chỉ về hình thái mà cả về phát sinh chủng loại". https://thuviensach.vn Không nên ngạc nhiên trước tình trạng không thống nhất ý kiến về hệ phả con người. Tất cả chỉ mới 20 năm trước đây, mọi người đều thừa nhận rằng người cổ xưa nhất là pitêcantrôp xương của người này đã tìm thấy trên đảo Giava và đã sống gần 800 nghìn năm trước đây. Thậm chí, trong "Bách khoa toàn thư lịch sử" (tập I, 1961, trang 637) của Liên Xô xuất bản cách đây tương đối chưa lâu đã viết: "Những người cổ xưa nhất đã xuất hiện vào đầu thời đại nhân sinh, nghĩa là gần 1 triệu năm trước đây… Họ đã sống 500-600 nghìn năm đầu tiên... quê hương đầu tiên của loài người ở Đông Nam Á, Nam Á và Tiền Á và ở những miền Đông Bắc châu Phi". Những phát hiện trong vòng 10-15 năm gần đây chỉ ra rằng những quan niệm đã trở nên ổn định về nguồn gốc con người cần phải xem xét lại về căn bản. Đã xác định được người vượn cổ xưa nhất biết chế tạo công cụ nguyên thủy thô sơ, biết săn bắt những động vật cỡ lớn, đã tách ra khỏi giới động vật không phải là gần 1 triệu năm trước đây, mà là hơn 2,6 triệu năm trước đây. Người cổ xưa nhất không phải là pitêcantrôp Giava, mà là Homo habilis Đông Phi, bởi vì pitêcantrôp Giava thuộc thời kỳ phát triển muộn hơn của con người và phản ánh mức độ phát triển cao hơn về sinh học. Còn về ranh giới giữa người Homo habilis với vượn (ôstralôpitec), thì như nhà giải phẫu thần kinh người Pháp là J. Antôni và nhà nhân chủng học Liên Xô M.I. Urưxon đã viết, về mặt hình thái là đồng nhất, mặc dù có những khác biệt một cách căn bản với vượn người hiện đại. Tiêu chuẩn đáng tin cậy duy nhất tách người "khéo léo" ra khỏi ôstralôpitec là dấu vết hoạt động lao động dưới dạng công cụ lao động. V. P. Iakimôp (1976) và V. I. Côtretkôva (1969) cho rằng ranh giới như vậy giữa hai nhóm đó là "Rubico não" [2] trong giới hạn 700-800 cm3. Nhưng một nhà nhân chủng học Liên Xô nổi tiếng khác - A. A. Đubôp (1973) lại nhấn mạnh một cách xác đáng rằng điều quyết định không phải chỉ là sự có mặt và số lượng những tính trạng giống với con người, mà là ở mức độ nào chúng gắn liền với đặc điểm quan trọng nhất - hoạt động lao động. Hình 7 , Hình 8 , Hình 9 . Những địa điểm phân bố di cốt họ người, niên đại của những di cốt ấy và sơ đồ tiến hóa. Hình 10 . Những vùng cư trú của vượn người hiện đại. Như vậy, việc xem xét những vật tìm được mới nhất chứng minh rằng trong quá trình chuyển biến từ dòng ôstralôpitec đến con người, có thể thấy dường như có sự bùng phát về hình thành hình dạng. Một ấn tượng được tạo ra là trước khi "đẻ ra" con người, sau khi ngủ mê mệt trong nhiều triệu năm, thiên https://thuviensach.vn nhiên bỗng bừng tỉnh và bắt đầu sáng tạo ra một khối lượng lớn các dạng khác nhau, mà thậm chí các nhà nghiên cứu cũng không biết sắp xếp chúng vào chỗ nào - vào tổ tiên con người hay vào những dòng nhánh cụt. Nhiều tổ tiên trong số những tổ tiên ấy đã cùng tồn tại với con cháu - với con người. Cái nôi của con người là ở Đông Phi và Nam Phi. Những di cốt hóa thạch của tổ tiên con người không có ở Tây Phi và vùng Xích đạo châu Phi. Những bà con gần gũi của con người - hắc tinh tinh và gôrila, đã cư trú (và cho đến nay vẫn cư trú) ở đây. Về mặt sinh học, tổ tiên con người đã được hình thành rất lâu trước khi bắt đầu lao động. Không ít hơn 1,5-2 triệu năm trước khi có các công cụ bằng đá đầu tiên, tổ tiên con người đã đi thẳng, khối lượng não lớn hơn so với vượn ngày nay, tay đã trở nên thuận tiện để dùng công cụ, và v.v... Đồng thời với người "khéo léo" đã tồn tại những dạng khác nhau của họ người hóa thạch (ôstralôpitec : châu Phi - thanh mảnh, siêu nặng nề - bôixây và nặng nề - robustus, và v.v. .). "Tổ tiên" (ôstralôpitec) và "con cháu" (người "khéo léo") cùng tồn tại trong một thời gian dài, sau đó ôstalôpitec bị tuyệt chủng, còn con người tiếp tục sống và phát triển. Về mặt sinh học, con người và tổ tiên con người là như nhau vì vậy việc chế tạo và sử dụng công cụ lao động - đó là khác biệt căn bản, chủ yếu và duy nhất giữa người sơ khai với tổ tiên con người - dòng ôstralôpitec. Thế nhưng, những dẫn liệu gần đây nhất chỉ ra rằng vượn cũng biết sử dụng và thậm chí chế tạo ra công cụ. Chúng ta sẽ xem xét những quan điểm mới nhất về các loài linh trưởng. ___ [1] Không phải tất cả. Ví dụ, nhà nghiên cứu bộ linh trưởng người Mỹ là L. Grinfinđ không xếp chúng vào họ người mà vào đeiôpitec. (Prirôđa. 1981. No. 3) [2] Ranh giới không thể vượt qua được. ND. https://thuviensach.vn MAI VÀ NHỮNG HẮC TINH TINH KHÁC… 20 năm sau… "Từ phía sau vang lên những tiếng chân bước: hắc tinh tinh đã đến gần lắm rồi, tôi cảm thấy được điều đó do tiếng thở nặng nhọc của nó ở phía sau lưng tôi. Bỗng một tiếng hộc lớn vang lên, tiếng cành cây gãy răng rắc, và một cái gì đó đập rất đau vào đầu tôi. Tôi nhổm dậy, quay mặt về phía con vật - con đực. Nó đứng đó và dường như sẵn sàng lao vào tôi vào bất cứ giây phút nào. Nhưng thay vào điều đó, nó bỗng nhiên quay lưng lại và từ từ bỏ đi. Con cái cùng với mấy đứa con của nó từ trên cây trườn xuống không một tiếng động rồi đi theo con đực. Mấy giây sau đó - mọi vật chung quanh lại hoang vắng. Tôi đã trải qua một niềm vui to lớn - tôi đã tiếp xúc được với hắc tinh tinh hoang dại!" Mới đây, câu chuyện đó và cả những câu chuyện khác của nhà nữ nghiên cứu trẻ tuổi J. Guđôn (1974) đã được đăng trên nhiều trang báo và tạp chí của nhiều nước trên thế giới. Nhưng cái gì đã gây nên sự quan tâm như vậy? Mà tại sao lại không phải là nổi kinh hoàng mà lại là "một niềm vui to lớn" mà nhà nữ nghiên cứu ấy đã trải qua khi bị một con dã thú tấn công? Vấn đề là ở chỗ cho đến những năm gần đây, người ta biết rất ít về đời sống của hắc tinh tinh và những loại vượn khác sống trong những điều kiện tự nhiên. Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho tin tức không có được, đó là cuộc tấn công của nhà thờ chống lại linh trưởng, nghĩa là chống lại vượn. Linh trưởng (Primates) hoặc là primas, dịch từ tiếng La tinh, đều có nghĩa là - "thứ nhất". Từ thời trung cổ người ta phong chức tước như thế cho những người tu hành cao cấp của nhà thờ - tổng giám mục, hồng y giáo chủ, và v.v..., còn từ thế kỷ XVIII, trong sinh học, người ta đặt tên linh trưởng cho một bộ động vật có vú bậc cao, bao gồm vượn và người. Những người bảo vệ giáo hội đã tiến hành một cuộc đấu tranh khốc liệt với những con vượn. Bản thân chữ từ "vượn" bắt nguồn từ chữ A Rập "abu zina", nghĩa là "người cha của sự dâm đãng". Trong bản tổng hợp về động vật học thời trung cổ "Fiziologus", vượn được biểu thị như "Figura Diaboli" (thân hình quỷ sứ). Thậm chí còn gợi đến "quỷ sống" - người ta cho rằng "người cha của sự dâm đãng" là một tội lỗi khủng khiếp. Nghiên cứu những con vượn lại càng nguy hiểm hơn nữa. Thường thì người ta thiêu hủy những cuốn sách viết về vượn, https://thuviensach.vn và đôi khi thiêu luôn cả tác giả và người đọc. Người ta thay thế những hình vẽ vượn trên các bức tranh bằng những hình vẽ người hoặc những động vật khác. Người ta bối rối về sự giống nhau bề ngoài của vượn với người. Về sau, T. Hecxli (1864) đã xác lập rằng cần phải xem xét con người như một động vật có vú, gần gũi với vượn, đặc biệt là về hình thái người. Từ đó các nhà khoa học bắt đầu so sánh một cách chi tiết cấu tạo cơ thể người và vượn. Theo kết luận của nhà khoa học vĩ đại người Nga I. I. Mesnhikôp (1903), sự khác biệt giữa não người và não vượn người không rõ rệt bằng sự khác biệt giữa não vượn bậc thấp và não vượn bậc cao. Khi viện dẫn nhà giải phẫu người Đức Viđechem, I. I. Mesnhikôp đã chỉ ra "mười lăm cơ quan ở người đã có một bước tiến đáng kể so với vượn người: các chi dưới thích nghi tốt với tư thế thẳng đứng của thân thể và với bước đi dài; sự phát triển về bề rộng của xương chậu và xương cùng, cũng như sự mở rộng hốc xương chậu nhỏ ở phụ nữ, sự uốn gập phần thắt lưng của cột xương sống; sự phát triển cơ bắp của phần sau và bắp chân; tách biệt một số cơ mặt; mũi; một số đường dẫn của đại não và tủy sống, thùy chẩm của các bán cầu đại não; sự phát triển mạnh lớp vỏ các bán cầu đại não, và cuối cùng là sự tách biệt rất lớn các cơ thanh quản tạo ra khả năng phát từng âm rời… và 17 cơ quan suy thoái, hoặc nhiều hoặc ít, có khả năng không hoàn thành trọn vẹn theo hướng sinh lý của mình (trong số đó có sự đơn giản hóa các cơ chi dưới, đôi xương sườn số 11 và 12, các ngón chân, ruột thừa và v.v...). Ngoài ra, ông còn đếm được không ít hơn 107 cơ quan thô sơ không thực hiện nổi bất cứ vai trò gì (xương cụt - di tích của đuôi; đôi xương sườn thứ 13 ở người trưởng thành; các cơ tai, ruột thừa, và v.v…)". Sự giống nhau về cấu tạo giải phẫu của người và vượn người chứng minh tính chất họ hàng của người và vượn người. Như đã biết, linh trưởng và người đều có cùng những tổ tiên chung. Giáo hội khẳng định rằng tất cả các loài đã được sáng tạo nên một cách riêng rẽ và giữa chúng không có và không thể có bất cứ một cái gì là họ hàng cả. Con người - "vòng hoa sáng tạo" - đã được tạo dựng, mà theo ý kiến của giáo hội là theo một mẫu giống với bản thân chúa. Còn ở đây là một con vượn đê mạt. Phải tiêu diệt tất cả những sự nhắc nhở đến nó để cho người có tín ngưỡng không bị bối rối. Vì lẽ nó sống ở những đất nước "hoang dã" - ở châu Phi và châu Á, không thể đi đến được. Và con vượn người đã biến mất khỏi sách báo gần một nghìn rưỡi năm. Tài liệu của các nhà khoa học cổ đại đã bị lãng quên, không có ai thu góp những dẫn liệu mới. Mới chỉ có 20 năm trước đây, trong các xuất bản phẩm khoa https://thuviensach.vn học ở nước ngoài đã có những câu chuyện kỳ quái nhất về con vượn. Sự lãng quên còn tăng thêm nữa bởi vì, ví dụ, hắc tinh tinh sống trong rừng rậm châu Phi, khó ai có thể tới được. Chúng rất dè dặt và không cho ai đến gần chúng. Một trong số các nhà khoa học - G. Ninxen, cách đây không lâu, đã cố thử quan sát hắc tinh tinh. Ông đã sống hai tháng rưỡi trong rừng rậm ở Ghinê, ông đã thấy được quá ít, bởi vì những con vượn ấy không cho phép ông lại gần chúng. Điều đó cũng không đáng ngạc nhiên bởi vì gần 20 năm trước đây có một tin đã được lan truyền là một nữ công dân nước Anh J. Guđôn đã cùng với mẹ chuyển đến ở trong rừng rậm nhiệt đới để quan sát cuộc sống của hắc tinh tinh, nhiều người đã dự đoán Guđôn sẽ không làm nên chuyện. Đến khi trên báo chí xuất hiện các thông báo về những kết quả đầu tiên của Guđôn về quan sát vượn (Guđôn-Lavic, 1974) thì chẳng khác gì như một quả bom bùng nổ. Một làn sóng các phóng viên và các nhà khoa học đã đổ xô đến hồ Tanganica. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản (Jtani J. and Suzuki, 1967) cũng tổ chức ngay tại đấy ở châu Phi một trung tâm quan sát của mình. Những bộ phim của Guđôn-Lavic về hắc tinh tinh đã lan tràn khắp thế giới. Những bộ phim ấy đã được chiếu nhiều lần trên màn ảnh vô tuyến truyền hình của chúng ta. Từ nhỏ, Guđôn đã yêu thích động vật. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Guđôn làm nghề phục vụ bàn ăn và dành dụm tiền cho chuyến đi châu Phi. Sau khi đến Kênia và được biết nhà khảo cổ học nổi tiếng Luis Liki đang làm việc ở nhà bảo tàng Nairôbi, Guđôn đã cố gắng để được vào làm việc với ông. Người ta đã nhận Guđôn giúp việc cho thư ký của bảo tàng. Sau đó vợ của Liki là Mêri đề nghị cô gái cùng đi với mình đến chỗ khai quật ở hẻm vực Ônđuvai. Sau khi đã học được cách phân tích các tài liệu khảo cổ trong bảo tàng, Guđôn trở thành người giúp việc không đến nỗi tồi trong các cuộc khai quật trên sa mạc nóng như thiêu đốt. Một lần vào buổi tối sau khi làm việc, Luis Liki đã kể cho cô nghe về hắc tinh tinh hiện sống ở khu vực Hômbê Strim gần hồ Tanganica, và về sự cần thiết phải nghiên cứu tập tính của chúng trong điều kiện tự nhiên. J. Guđôn (1974) đã kể lại câu chuyện đáng ghi nhớ ấy, câu chuyện đã đột nhiên làm biến đổi cuộc đời của Guđôn: "Tôi cho rằng ông đã nói đùa vì sau khi ngưng lại một chút, ông đề nghị tôi nhận việc ấy. Và mặc dù đó là một việc mà tôi đã mơ ước, song tôi vẫn chưa được chuẩn bị về nghề nghiệp để tiến hành những quan sát khoa học về tập tính của động vật... Song Luis đã làm cho tôi tin rằng đối với việc đó thì hoàn toàn không nhất thiết phải có trình độ đại học tổng hợp, thậm chí, trình độ đó trong một số mặt lại là một yếu tố không thuận lợi. Ông muốn chọn https://thuviensach.vn một người không có định kiến, không liên quan đến lý thuyết này hay khác, một người chấp nhận việc nghiên cứu như vậy chỉ vì lòng tin yêu chân lý… Liki đã nói về lòng kiên nhẫn đặc biệt, về sự bền bỉ dẻo dai và sự hy sinh quên mình, mà con người cần phải có khi đã quyết tâm cống hiến cuộc đời mình cho việc nghiên cứu nhóm động vật ấy. Chỉ có một nhà khoa học - Liki tiếp tục nói, - đã cố thử theo dõi tập tính của hắc tinh tinh trong tự nhiên. Ông đã ở trong rừng rậm Ghinê hai tháng rưỡi, nhưng thời hạn ấy quá ít để thực hiện một nghiên cứu nghiêm túc". Và đúng như vậy, hai năm đầy khó khăn trong cuộc đời đã trôi qua giữa những vách đá dựng đứng và trong rừng rậm không thể nào đi lại được ở Hômbê Strim, trước khi hắc tinh tinh cho phép nhà nữ nghiên cứu đến gần với một khoảng cách như vậy để có thể quan sát chúng. Và chỉ sau bốn năm, Guđôn mới có thể tiến hành nghiên cứu tỷ mỷ đời sống của vượn trong điều kiện tự nhiên. L. Liki đã giải thích tại sao ông lại đặc biệt quan tâm đến thói quen của nhóm hắc tinh tinh sống trên bờ hồ: những di cốt của người tiền sử mà người ta thường tìm thấy hơn cả chính là ở trên bờ hồ, và nhà khoa học đã phán đoán rằng nghiên cứu tập tính của vượn trong điều kiện gần như vậy sẽ trợ giúp cho sự hiểu biết những đặc điểm về cách sống của các tổ tiên xa xôi của chúng ta… Thế nhưng, quan sát hắc tinh tinh đâu chỉ giản đơn như vậy: "Hơn nửa năm trời, tôi đã cố gắng làm cho hắc tinh tinh vượt qua được sự sợ hãi bản năng vốn có của nó trước con người, mà con người đã buộc động vật phải chạy biến đi khi mình xuất hiện". Trong suốt năm tháng trời sau đó, hắc tinh tinh đã gặp gỡ Guđôn ở trong rừng một cách thù địch. Có một lần, một con hắc tinh tinh đực đã dùng gậy đập vào đầu Guđôn. Những sự tấn công của hắc tinh tinh đã không làm cho nhà nữ nghiên cứu can đảm phải khiếp sợ. Những năm tháng lại qua đi, mối quan hệ với động vật đã trở nên bình ổn. Guđôn kết bạn với một số hắc tinh tinh và đã để ra hàng nghìn giờ bên cạnh chúng, lúc thì cho chúng chuối, lúc thì chơi đùa với các con của chúng, lúc thì chỉ quan sát cuộc sống của vượn. Những quan sát ấy đã đóng góp cho khoa học nhiều điều mới lạ và bất ngờ. Bây giờ đã rõ rằng vượn biết xây dựng cho mình những "chỗ ở" độc đáo để trú đêm, chính xác hơn là xây dựng tổ để ngủ. Đôi khi chúng đan các cành cây vào nhau để làm tổ khá phức tạp. Lúc nào tổ cũng được giữ sạch sẽ. Ban https://thuviensach.vn đêm vượn tiểu tiện và đại tiện ra bên ngoài thành tổ. Khi thời tiết xấu chúng xây tổ cả ban ngày để ẩn náu trong đó. Điều thú vị là Guđôn thậm chí đã thấy một hiện tượng gì đó đại loại như "múa mưa", do những con đực lớn nhảy múa. Ấn tượng mạnh mẽ đã xuất hiện ở những nơi mà chúng ta không ngờ tới. Cho đến bây giờ người ta cho rằng tất cả các loài vượn chỉ ăn thức ăn thực vật. Chỉ có con người, loài đầu tiên trong bộ linh trưởng, đã biết săn bắt và ăn thịt. Người ta phỏng đoán rằng sự săn bắt và thức ăn bằng thịt đã giữ vai trò quan trọng trong quá trình người hóa ở vượn. Nhưng có một lần J. Guđôn đã trông thấy một con vượn đang sờ mó một cái gì đó màu hồng đỏ, và hai con hắc tinh tinh khác đang làm những cử chỉ cầu xin. Yêu cầu của chúng đã được thoả mãn - mỗi con nhận được một mẫu gì đó màu đỏ nhạt. Sau này Guđôn đã nhìn thấy - "mẩu gì đó" chính là một miếng thịt lợn cỏ. Những con hắc tinh tinh ăn chay đã ăn thịt - không còn ai nghi ngờ điều đó nữa! Dần dần mới phát hiện ra rằng chúng thường săn bắt lợn rừng, con non của vượn babuin (Papio cynocephalus), hay vượn nhỏ sống trên cây. Hắc tinh tinh tổ chức săn bắt theo đúng như đã quy định: một số theo sát con mồi, một số khác chặn đường thoát, những con mạnh bạo hơn - tấn công. Một điều còn thú vị hơn là khi chia mồi, những con đầu đàn hung dữ nhất đã "nài xin" thịt một cách nhẫn nhục của con đã "săn được", lần đầu tiên chúng đã quên mất địa vị "cao cả" của chúng. Rõ ràng rằng ở đây có một cái gì đó dành cho con vượn săn được thịt tất cả quyền hành đối với sự phân chia của nó. Còn một điều gây nên ấn tượng mạnh nhất là vượn không những có thể sử dụng mà còn có thể chế tạo công cụ. Ở Libêri, J. Biti đã thấy những con hắc tinh tinh hoang dại sống tự do đập vỡ những quả hồ đào như thế nào: "Nó cầm lấy hòn đá và đập vào quả hồ đào sau khi đặt quả hồ đào lên một hòn đá phẳng khác". B. Mecfin đã quan sát một số hắc tinh tinh lấy mật trong tổ ong đất như thế nào: "Một con vượn cầm một nhánh cây dài chọc vào lỗ tổ ong và rút nhánh cây đã dính đầy mật ra. Tổ ong chỉ có một lỗ và mặc dù phần lớn trường hợp, những con vượn ấy chọc nhánh cây vào lỗ tổ ong theo trật tự lần lượt, nhưng cũng nổ ra những xích mích, những con đã liếm sạch mật của mình lại cố gắng chiếm lấy những nhánh cây vừa mới nhúng vào mật" (Saller, 1968). J. Guđôn đã xác định được rằng hắc tinh tinh dùng những chiếc gậy lớn làm đòn bẫy để mở rộng lỗ tổ ong đất, và cũng còn dùng để mở những hòm đựng chuối (ở trạm cho ăn). Một con vượn đã dùng một cái que nhỏ để làm tăm, https://thuviensach.vn một con khác dùng cọng rơm ngoái vào mũi. Sau khi chọc một chiếc gậy vào một khúc gỗ đã mục nát và rút gậy ra, chúng ngửi đầu gậy, nếu ngửi thấy mùi ấu trùng của côn trùng thì ngay tức khắc chúng đập vỡ khúc gỗ ra và ăn ấu trùng. Nhờ có gậy, vượn còn bắt được cả kiến - "xafari" - đốt rất đau. Để tránh kiến đốt, hắc tinh tinh dùng một tay bám vào cành cây treo người lên, còn tay kia cầm gậy chọc vào tổ kiến để câu kiến ra theo gậy. Nếu như chúng không thể kề miệng vào một vũng nước đọng trong hốc cây thì chúng nhai dập mấy chiếc lá để tạo thành một nắm bã xốp, nhờ nắm bã xốp này chúng lấy được nước hoặc lấy sạch những mẩu não còn sót lại trong sọ khỉ đầu chó (Papio). Chúng dùng lá cây chùi sạch những vết bẩn, những mẩu thức ăn nhầy nhụa còn bám lại. Chúng còn dùng lá cây để đắp lên những vết thương chảy máu. Ngay vào những năm thứ 30, những nghiên cứu của các nhà khoa học Liên Xô đã xác định được khả năng của hắc tinh tinh sử dụng được những công cụ khác nhau. Ví dụ, để lấy được chuối treo trên cao, chúng đã chồng những chiếc hòm lên nhau, rồi trèo lên cái giá vừa mới tạo ra đó để lấy thức ăn. Những năm sau chiến tranh, các nghiên cứu về linh trưởng vẫn được tiếp tục (Lađưghina-Kotx, 1959; Nextrukh, 1960; Tikh, 1970; Khơructôp, 1968; Fabri, 1973). Những quan sát của J. Guđôn đã khẳng định rằng hắc tinh tinh biết sử dụng công cụ. Guđôn đã mấy lần quan sát được hắc tinh tinh ném đá vào vượn babuin và gậy gộc vào cọp gấm. Có một lần Guđôn đã thấy hắc tinh tinh chế tạo công cụ như thế nào. Lần đầu tiên Guđôn bắt gặp một con đực mà Guđôn gọi tên nó là Đêvit, chế tạo công cụ. Ngồi xổm cạnh một cái gò đất sét đỏ là một tổ mối, nó thận trọng chọc một cọng cỏ dài vào một trong số những lỗ hở của tổ mối. Sau đó nó rút cọng cỏ ra và dùng môi nhặt sạch một cái gì đó ở cọng cỏ. Guđôn bắt đầu quan sát. Chẳng mấy chốc Đêvit quay lại tổ mối nhưng đã có Hôliap cùng đi. Chúng đã lao động gần hai giờ đồng hồ. "Trong thời gian ấy, tôi trông thấy nhiều chi tiết thú vị: chúng dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ đào rộng những chiếc lỗ vừa mới lại bịt kín lại như thế nào, chúng cắn đứt phần cuối cọng cỏ bị gãy như thế nào, hoặc chúng dùng đầu kia của cọng cỏ đang còn nguyên vẹn. Nếu cọng cỏ quá rộng, hắc tinh tinh "thu nhỏ" cọng cỏ lại từ hai bên bằng cách bẻ gập hai mép lại. Có một lần Hôliap đi ra xa tổ mối khoảng chừng 15 m để tìm công cụ thích hợp. Không ít khi cả hai con đực cùng một lúc bẻ ba bốn cọng cỏ để bên cạnh tổ mối và chúng dùng vào lúc thuận tiện. https://thuviensach.vn Nhưng có lẽ điều lý thú nhất là chúng đã chọn những cành cây bé hoặc dây leo, đặt vào lòng bàn tay và nắm chặt lại, tuốt hết lá đi để sử dụng cho thích hợp. Có thể cho điều đó là một ví dụ đầu tiên cung cấp tài liệu chứng tỏ động vật hoang dại không chỉ đơn giản là sử dụng đồ vật làm công cụ, mà thực ra đã biến đổi đồ vật ấy cho phù hợp với sự cần thiết của mình, điều đó đã thể hiện mầm móng chế tạo công cụ". Guđôn đã ghi nhận được một cách đích thực trường hợp không bình thường về việc vượn sử dụng công cụ. Một con hắc tinh tinh còn nhỏ tuổi mà Guđôn gọi tên là Mai, có địa vị thấp nhất trong đàn và thường bị những con đực trưởng thành đánh mắng. Mai quyết định "mở lối ngoi lên" cho mình bằng những chiếc biđông (hộp) rỗng đựng dầu hỏa xếp chung quanh lều bạt của Guđôn. Có một lần khi cả đàn tập trung ở một bãi trống trong rừng, những con vượn vui thú vạch lông tìm kiếm lẫn cho nhau, Mai vớ lấy hai hộp đựng dầu rỗng chạy ra chỗ trống và ném chúng vào những bà con của mình. Những con đực khỏe mạnh nhe răng ra để dọa, nhưng Mai vẫn không thôi và tiếp tục làm ầm lên bằng những chiếc hộp đựng dầu rỗng. Những con đầu đàn không muốn chú ý đến con hắc tinh tinh ít tuổi đang nổi khùng, nhưng những chiếc hộp rỗng ấy kêu rầm lên một cách đáng sợ làm cho cả đàn buộc phải bỏ đi. Dần dần, bầy vượn lại trở lại bãi trống và làm những dấu hiệu để cho Mai yên lòng, và thận trọng vuốt ve Mai để biểu thị sự phục tùng của mình. Lần sau, Mai đã tìm cách lấy một lúc ba hộp đựng dầu và cầm cả ba hộp ấy xông vào những người bà con của mình. Việc ấy đã xảy ra mấy lần. Sau đó, Mai đã củng cố được vị trí của mình đến mức không có một con đực to lớn nào còn cả gan cướp thức ăn của nó hoặc đuổi nó ra khỏi chỗ an toàn. Thật ra, nó còn phải chiến thắng cả con đầu đàn Hôliap, và sau đó nó đã trở thành con đầu đàn. Thời gian "cầm quyền" của Mai kéo dài sáu năm. Sau đó nó nhường lại vị trí của mình cho một con đực đặc biệt hung hăng là Hămfli. Thế nhưng sự hùng cường của Hămfli không phải là vĩnh cửu. Hai năm sau, con trai của Flô là Figan, tuy không có sức mạnh hoặc không có thân hình to lớn, nhưng nó lại sáng dạ, nhanh trí, đã chiếm cấp bậc cao nhất của nấc thang đằng cấp trong quần xã, nó biết vận dụng sự ủng hộ của anh trai mình là Faben. Figan đã giữ vững quy chế đó trong suốt bảy năm trời. Quyền "bất khả xâm phạm" về thân thể và cấp bậc cao trong đẳng cấp cũng không phá vỡ được những mối quan hệ họ hàng. "Có thể thường quan sát được Figan chơi đùa với các cháu nhỏ của mình là Frây và Frôt như thế nào. https://thuviensach.vn